🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nguồn Cội Ebooks Nhóm Zalo DAN BROWN NGUỒN CỘI Origin (2017) Nguyễn Xuân Hồng dịch ROBER LANGDON #5 Mục lục Cám ơn Tưởng nhớ Trích dẫn Thực Tế Dạo đầu CHƯƠNG 1 CHƯƠNG 2 CHƯƠNG 3 CHƯƠNG 4 CHƯƠNG 5 CHƯƠNG 6 CHƯƠNG 7 CHƯƠNG 8 CHƯƠNG 9 CHƯƠNG 10 CHƯƠNG 11 CHƯƠNG 12 CHƯƠNG 13 CHƯƠNG 14 CHƯƠNG 15 CHƯƠNG 16 CHƯƠNG 17 CHƯƠNG 18 CHƯƠNG 19 CHƯƠNG 20 CHƯƠNG 21 CHƯƠNG 22 CHƯƠNG 23 CHƯƠNG 24 CHƯƠNG 25 CHƯƠNG 26 CHƯƠNG 27 CHƯƠNG 28 CHƯƠNG 29 CHƯƠNG 30 CHƯƠNG 31 CHƯƠNG 32 CHƯƠNG 33 CHƯƠNG 34 CHƯƠNG 35 CHƯƠNG 36 CHƯƠNG 37 CHƯƠNG 38 CHƯƠNG 39 CHƯƠNG 40 CHƯƠNG 41 CHƯƠNG 42 CHƯƠNG 43 CHƯƠNG 44 CHƯƠNG 45 CHƯƠNG 46 CHƯƠNG 47 CHƯƠNG 48 CHƯƠNG 49 CHƯƠNG 50 CHƯƠNG 51 CHƯƠNG 52 CHƯƠNG 53 CHƯƠNG 54 CHƯƠNG 55 CHƯƠNG 56 CHƯƠNG 57 CHƯƠNG 58 CHƯƠNG 59 CHƯƠNG 60 CHƯƠNG 61 CHƯƠNG 62 CHƯƠNG 63 CHƯƠNG 64 CHƯƠNG 65 CHƯƠNG 66 CHƯƠNG 67 CHƯƠNG 68 CHƯƠNG 69 CHƯƠNG 70 CHƯƠNG 71 CHƯƠNG 72 CHƯƠNG 73 CHƯƠNG 74 CHƯƠNG 75 CHƯƠNG 76 CHƯƠNG 77 CHƯƠNG 78 CHƯƠNG 79 CHƯƠNG 80 CHƯƠNG 81 CHƯƠNG 82 CHƯƠNG 83 CHƯƠNG 84 CHƯƠNG 85 CHƯƠNG 86 CHƯƠNG 87 CHƯƠNG 88 CHƯƠNG 89 CHƯƠNG 90 CHƯƠNG 91 CHƯƠNG 92 CHƯƠNG 93 CHƯƠNG 94 CHƯƠNG 95 CHƯƠNG 96 CHƯƠNG 97 CHƯƠNG 98 CHƯƠNG 99 CHƯƠNG 100 CHƯƠNG 101 CHƯƠNG 102 CHƯƠNG 103 CHƯƠNG 104 CHƯƠNG 105 Lời kết Lời cảm ơn Cám ơn Kaoaye, Quandeptrai, Caruri đã giúp hoàn thành sách này! Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Để tưởng nhớ mẹ tôi Chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ cuộc sống đã lên kế hoạch, để có cuộc sống đang chờ đợi phía trước. - JOSEPH CAMPBELL THỰC TẾ Tất cả nghệ thuật, kiến trúc, địa điểm, khoa học và tổ chức tôn giáo trong cuốn tiểu thuyết này đều là thật. DẠO ĐẦU Khi đoàn tàu hỏa bánh xe răng cổ xưa bò dần lên đoạn dốc cao chóng mặt, Edmond Kirsch ngắm nghía phần đỉnh núi lởm chởm phía trên đầu. Cách một quãng, tòa tu viện bằng đá đồ sộ được xây đối diện với vách núi dựng đứng, dường như treo lơ lửng trong không trung, như thể được gắn nối một cách kỳ diệu vào phần vách núi thẳng đứng. Tòa tu viện không nhuốm màu thời gian này ở Catalonia, Tây Ban Nha đã phải chịu sức kéo liên tục của trọng trường suốt hơn bốn thế kỷ, nhưng chưa bao giờ chệch khỏi mục đích ban đầu của nó: bảo vệ những cư dân của mình tách biệt khỏi thế giới hiện đại. Mỉa mai thay, giờ họ sẽ là những người đầu tiên biết sự thật, Kirsch nghĩ thầm, tự hỏi không biết họ sẽ phản ứng ra sao. Xét về lịch sử, những kẻ nguy hiểm nhất trên Trái Đất lại là những người của Chúa… đặc biệt khi các vị thần của họ bị đe dọa. Và mình lại sắp phóng một ngọn lao rực lửa vào tổ ong bắp cày. Khi đoàn tàu lên đến đỉnh núi, Kirsch nhìn thấy một bóng người lẻ loi đang đứng đợi anh trên sân ga. Một người đàn ông với khung xương khô đét quấn trong lớp áo chùng màu tía truyền thống và chiếc áo lễ trắng thêu hoa văn của Công giáo, cùng chiếc mũ sọ* trên đầu. Kirsch nhận ngay ra những nét xương xẩu của vị chủ nhà qua những tấm ảnh và cảm thấy lượng adrenaline bất ngờ trào lên. Valdespino đích thân ra đón mình. Giám mục Antonio Valdespino là một nhân vật ghê gớm ở Tây Ban Nha - không chỉ là một người bạn và cố vấn đáng tin cậy của Đức vua, mà ở đất nước này, ngài còn là một trong những người ủng hộ có ảnh hưởng và lớn tiếng nhất cho việc bảo tồn những giá trị Công giáo bảo thủ cùng những chuẩn mực chính trị truyền thống. “Ta chắc anh là Edmond Kirsch phải không?” vị giám mục mở lời khi Kirsch rời khỏi tàu. “Vâng,” Kirsch mỉm cười nói khi chìa tay bắt bàn tay xương xẩu của vị chủ nhà. “Thưa Giám mục Valdespino, tôi muốn cảm ơn Đức cha đã thu xếp cuộc gặp gỡ này.” “Ta đánh giá cao đề nghị của anh.” Giọng vị giám mục mạnh mẽ hơn Kirsch nghĩ - rõ ràng và lanh lảnh, như tiếng chuông ngân. “Thường thì chúng ta đâu có được những người làm khoa học hỏi ý kiến, nhất là người xuất chúng như anh. Mời đi lối này.” Valdespino hướng dẫn Kirsch băng qua sân ga, không khí lành lạnh vùng núi quất vào lớp áo chùng của vị giám mục. “Ta phải thú thực rằng trông anh khác hẳn ta hình dung,” Valdespino nói. “Ta cứ đinh ninh là một nhà khoa học, nhưng anh lại hoàn toàn…” Ông nhìn bộ vest Kiton K50 cùng đôi giày Barker da đà điểu của vị khách với một thoáng coi thường. “‘Dân chơi’, ta tin từ ấy mới đúng nhỉ?” Kirsch mỉm cười hết sức nhã nhặn. Từ ‘Dân chơi’ lỗi thời cả mấy thập kỷ trước rồi còn đâu. “Khi đọc danh sách thành tích của anh,” vị giám mục nói, “ta vẫn không tin hẳn đó là những gì anh làm.” ‘Tôi chuyên về lý thuyết trò chơi và làm mẫu máy tính.” “Vậy là anh làm ra các trò chơi trên máy tính cho trẻ con à?” Kirsch cảm thấy vị giám mục đang vờ ngây ngô nhằm tỏ ra mình kỳ quặc. Kirsch biết thừa, chính xác hơn thì Valdespino là một sinh viên công nghệ cực kỳ thạo tin và vẫn thường cảnh báo những người khác về các hiểm họa của công nghệ. “Không, thưa cha, thực ra thì lý thuyết trò chơi là một lĩnh vực toán học chuyên nghiên cứu các mô thức để đưa ra những dự đoán về tương lai.” “À phải. Ta tin ta đã đọc được rằng mấy năm trước anh từng dự báo về một cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Âu thì phải? Khi chẳng ai chịu lắng nghe, anh đã cứu nguy bằng việc phát minh ra một chương trình máy tính giúp EU thoát chết. Câu trích nổi tiếng của anh là gì nhỉ? ‘Lúc ba mươi ba tuổi, tôi bằng tuổi Đức Kitô khi Ngài hồi sinh.’” Kirsch nhũn nhặn. “Một sự loại suy kém cỏi, thưa Đức cha. Tôi còn trẻ dại.” “Trẻ dại ư?” Vị giám mục cười khùng khục. “Và giờ anh bao nhiêu nhỉ… có lẽ bốn mươi chăng? “Vừa hay ạ.” Vị tu sĩ già mỉm cười trong lúc cơn gió mạnh tiếp tục thổi áo choàng của ông căng phồng. “Chà, thánh nhân thường đãi kẻ khù khờ, nhưng nay điều đó chuyển hết sang đám trẻ - những kẻ chạy theo công nghệ, chỉ căng mắt nhìn mấy cái màn hình video chứ đâu có nhìn vào tâm hồn của chính mình. Ta phải thừa nhận rằng ta chưa bao giờ hình dung mình lại có lý do gặp gỡ một người trẻ tuổi đang rất nỗ lực thế này. Người ta gọi anh là nhà tiên tri cơ đấy. “Với cha thì không phải là gì ghê gớm, thưa Đức cha,” Kirsch trả lời. “Khi tôi đặt vấn đề liệu tôi có thể gặp riêng cha và các đồng đạo của cha, tôi tính mình chỉ có hai mươi phần trăm cơ hội được chấp thuận. “Và đúng như ta vẫn nói với các đồng đạo, người mộ đạo luôn có thể được lợi nhờ lắng nghe những kẻ vô thần. Chính khi nghe giọng nói của quỷ dữ mà chúng ta có thể trân trọng tiếng nói của Chúa hơn.” Vị tu sĩ già mỉm cười. “Dĩ nhiên ta đùa thôi. Thứ lỗi cho cái khiếu hài hước già nua của ta nhé. Thỉnh thoảng, những bộ lọc của ta lại lừa ta.” Nói xong, Giám mục Valdespino làm hiệu về phía trước. “Những người khác đang đợi đấy. Đi lối này nào.” Kirsch nhìn đích đến của họ, một tòa thành đồ sộ bằng đá xám chênh vênh bên rìa vách núi dựng đứng chạy hun hút hàng trăm mét xuống cả mảng chân đồi um tùm cây cối. Choáng váng vì độ cao, Kirsch rời ánh mắt khỏi phía vực sâu và dõi theo vị giám mục men theo lối đi khấp khểnh bên vách núi, chuyển suy nghĩ của mình trở lại cuộc gặp sắp tới. Kirsch đã đề nghị một cuộc tiếp kiến với ba vị thủ lĩnh tôn giáo nổi bật, những người vừa tham dự một hội thảo ở đây. Nghị viện các tôn giáo trên thế giới. Từ năm 1893, cứ vài năm, hàng trăm thủ lĩnh tinh thần từ gần ba mươi tôn giáo trên thế giới lại tụ họp ở một địa điểm khác nhau và dành trọn một tuần tham gia cuộc đối thoại giữa các tín điều. Những người tham gia bao gồm nhiều linh mục Thiên Chúa giáo có ảnh hưởng, các giáo trưởng Do Thái và các giáo sĩ Hồi giáo từ khắp thế giới, cùng với các đạo sư Ấn Độ giáo, các vị tỉ khâu Phật giáo, các tín đồ Kỳ Na giáo, đạo Sikh và các tôn giáo khác. Mục tiêu tự tuyên bố của nghị viện này là “vun đắp tình hòa hợp giữa các tôn giáo trên thế giới, tạo dựng cầu nối giữa các giá trị tinh thần đa dạng, và đề cao sự giao thoa của mọi tín điều.” Một mục đích cao quý, Kirsch nghĩ thầm, mặc dù xem đó là một việc làm chẳng ích gì - một sự kiếm tìm vô nghĩa về những điểm tương ứng ngẫu nhiên trong cả mớ thập cẩm những truyền thuyết, ngụ ngôn và điều hư cấu cổ xưa. Khi Giám mục Valdespino dẫn anh đi dọc con đường, Kirsch đăm đăm nhìn xuống sườn núi với một ý nghĩ đầy mỉa mai. Moses leo lên núi để nhận Thánh Ngôn… còn ta leo lên núi để làm điều ngược lại. Động cơ để Kirsch leo lên ngọn núi này, anh đã tự nhủ, là một nghĩa vụ đạo đức, nhưng anh biết có cả tá tham vọng ngông cuồng tiếp nhiên liệu cho chuyến đi này - anh rất háo hức cảm nhận cái tâm trạng hài lòng ngồi đối diện với các vị tu sĩ và tiên báo về kết cục sắp tới của họ. Các vị đã xong lượt của các vị trong việc định nghĩa chân lý của chúng tôi rồi. “Ta đã xem lý lịch của anh,” vị giám mục đột ngột lên tiếng, mắt liếc nhìn Kirsch. “Ta thấy anh là sản phẩm của Đại học Harvard thì phải?” “Vâng. Bậc cử nhân ạ.” “Ta hiểu. Gần đây, lần đầu tiên ta đọc về lịch sử Harvard, khối sinh viên đầu vào gồm những kẻ vô thần và bất khả tri còn đông hơn cả những người nhận là tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào. Đó quả là một con số thống kê biết nói, Kirsch ạ.” Tôi biết nói gì với ngài đây, Kirsch rất muốn trả lời, sinh viên của chúng tôi ngày càng thông minh. Gió quất mạnh hơn khi họ đến tòa dinh thự cổ kính bằng đá. Bên trong thứ ánh sáng lờ mờ của lối vào tòa nhà, không khí nặng mùi thơm đặc quánh của nhựa nhũ hương* đang cháy. Hai người luồn lách qua cả mê cung hành lang tối om và mắt Kirsch đã tìm cách thích nghi được khi anh bám theo vị chủ nhà khoác áo chùng. Cuối cùng, họ đến một cánh cửa gỗ nhỏ một cách khác thường. Vị giám mục gõ cửa, khom người và bước vào, ra hiệu cho vị khách đi theo. Ngập ngừng, Kirsch bước qua ngưỡng cửa. Anh thấy mình ở trong một gian phòng hình chữ nhật với những bức tường cao được che kín bởi những bộ sách bọc da rất cổ. Lại thêm những kệ sách không có giá đỡ nhô ra khỏi tường như những dẻ xương sườn, rải rác những lò sưởi bằng gang kêu lanh canh hoặc xì xì, tạo cho căn phòng cảm giác kỳ dị như thể nó là sinh vật sống. Kirsch ngước mắt nhìn phần lối đi có chấn song trang trí quây tròn lấy tầng hai và biết ngay mình đang ở đâu. Thư viện Montserrat lừng danh, anh nhận ra, thấy giật mình vì đã được chấp nhận. Căn phòng bất khả xâm phạm này được đồn đại là nơi chứa những văn bản cực hiếm chỉ những tu sĩ dâng trọn đời mình cho Chúa và lánh mình ở đây trên ngọn núi này mới được tiếp cận. “Anh được theo ý mình rồi nhé,” vị giám mục nói. “Đây là không gian riêng tư nhất của bọn ta. Rất ít người ngoài từng vào được đây.” “Quả là một đặc ân to lớn. Xin cảm ơn cha.” Kirsch theo vị giám mục tới một chiếc bàn gỗ lớn, nơi có hai người đàn ông lớn tuổi nữa đang ngồi đợi. Người ngồi bên trái trông như bị thời gian bào mòn, với đôi mắt mỏi mệt và hàm râu trắng rối bù. Ông mặc một bộ vest đen nhàu nhĩ, áo sơ mi trắng và đội mũ phớt mềm. “Đây là Giáo trưởng Yehuda Köves,” vị giám mục nói. “Ông ấy là triết gia Do Thái có tiếng, từng viết rất nhiều về vũ trụ học bí truyền.” Kirsch nhoài người qua bàn và nhã nhặn bắt tay Giáo trưởng Köves. “Hân hạnh được gặp ngài,” Kirsch nói. “Tôi đã đọc sách của ngài về pháp thuật bí truyền. Tôi không dám nói mình hiểu nhưng tôi đã đọc rồi.” Köves gật đầu hòa nhã, lấy khăn tay chấm nhẹ lên cặp mắt ướt nhoèn. “Còn đây,” vị giám mục nói tiếp, ra hiệu về phía người còn lại, “xin giới thiệu với anh ngài allamah* đáng kính Syed al Fadl.” Vị học giả Hồi giáo khả kính đứng lên và cười rất tươi. Ông thấp lùn và to bè, với khuôn mặt vui vẻ dường như rất không hợp với đôi mắt đen nhìn như xoáy của mình. Ông mặc một chiếc áo dài trắng rất khiêm nhường. “Anh Kirsch, tôi đã đọc những phỏng đoán của anh về tương lai của nhân loại. Tôi không dám nói tôi tán thành với những điều ấy, nhưng tôi đã đọc rồi.” Kirsch mỉm cười lịch thiệp và bắt tay người đàn ông. “Và vị khách của chúng ta, Edmond Kirsch,” vị giám mục kết luận, miệng nói với hai vị đạo hữu, “như các ngài biết, là một nhà khoa học máy tính, chuyên gia lý thuyết trò chơi, nhà sáng chế và phần nào là một nhà tiên tri rất được trọng vọng trong thế giới công nghệ. Dựa trên lai lịch của anh ấy, tôi rất bối rối trước đề nghị của anh ấy xin được nói chuyện với ba chúng ta. Do đó, giờ tôi sẽ nhường cho anh Kirsch được giải thích lý do anh ấy đến đây.” Nói xong, Giám mục Valdespino ngồi xuống giữa hai vị đạo hữu, khoanh tay và nhìn Kirsch đầy trông đợi. Cả ba người đàn ông đối diện với anh như trong tòa án, tạo nên một bầu không khí có phần giống một phiên tòa xử dị giáo hơn là một cuộc gặp gỡ thân thiện của các học giả. Giờ Kirsch nhận ra vị giám mục thậm chí còn chưa lấy ghế cho anh. Kirsch cảm thấy bối rối hơn là bị đe dọa khi anh chăm chú nhìn ba ông già trước mặt mình. Ra đây là Chúa Ba ngôi mà mình đề nghị. Ba bậc trí giả. Ngừng một lúc để khẳng định sức ảnh hưởng của mình, Kirsch bước tới bên cửa sổ và nhìn ra khung cảnh đẹp mê hồn phía dưới. Một khoảnh đất đồng cỏ cổ xưa ngập nắng vắt ngang vùng thung lũng sâu, nhường chỗ cho những đỉnh núi lởm chởm của dãy núi Collserola. Xa hơn mấy dặm, đâu đó ngoài Biển Balearic, lúc này một khối mây dông bão đầy hăm dọa đang dồn tụ phía trên đường chân trời. Hợp quá đi, Kirsch thầm nghĩ, cảm nhận rõ tình trạng náo loạn anh sắp gây ra trong căn phòng này và cả thế giới ngoài kia nữa. “Thưa các vị,” anh mở lời, quay phắt lại phía họ. “Tôi tin Giám mục Valdespino đã chuyển tới các vị lời đề nghị giữ bí mật của tôi. Trước khi chúng ta tiếp tục, tôi chỉ muốn nói rõ những gì tôi sắp chia sẻ với quý vị phải được giữ kín hết mức. Nói đơn giản, tôi đề nghị tất cả các vị thề giữ im lặng. Tất cả chúng ta đồng ý chứ?” Cả ba người đàn ông gật đầu ngầm tỏ ý ưng thuận, điều Kirsch có lẽ đã biết thừa rồi. Họ sẽ muốn chôn giấu thông tin này - chứ không phải lan truyền nó. “Tôi ở đây hôm nay,” Kirsch bắt đầu, “vì tôi đã có một phát hiện khoa học mà tôi tin các vị sẽ thấy giật mình. Đó là điều tôi đã theo đuổi nhiều năm, với hy vọng đem lại câu trả lời cho hai câu hỏi cơ bản nhất về nhận thức của loài người chúng ta. Giờ tôi đã thành công, tôi đến gặp riêng các vị vì tôi tin thông tin này sẽ tác động đến niềm tin của cả thế giới một cách sâu sắc, hoàn toàn có thể gây nên một sự thay đổi mà chỉ có thể mô tả như chúng ta sẽ nói là - đổ vỡ. Lúc này, tôi là người duy nhất trên Trái Đất có được thông tin tôi sắp tiết lộ với các vị.” Kirsch thò tay vào túi áo vest của mình và móc ra một chiếc điện thoại thông minh ngoại cỡ - thứ anh đã thiết kế và chế tạo để phục vụ cho những nhu cầu khác thường của riêng mình. Chiếc điện thoại có phần vỏ khảm màu sắc rất rực rỡ và anh mở bung nó ra như một cái ti vi trước mắt ba người đàn ông. Thoắt cái, anh dùng thiết bị đó kết nối với một máy chủ siêu an toàn, nhập mật khẩu gồm bốn mươi bảy mẫu tự của mình và phát trực tiếp một buổi thuyết trình cho họ xem. “Những gì các vị sắp xem,” Kirsch nói, “là đoạn cắt thô một tuyên bố mà tôi hy vọng chia sẻ với cả thế giới - có lẽ trong khoảng một tháng nữa. Nhưng trước khi làm việc đó, tôi muốn tham vấn một vài nhà tư tưởng tôn giáo có ảnh hưởng nhất thế giới, để hiểu cho thấu đáo xem tin tức này sẽ được những người bị nó tác động nhiều nhất tiếp nhận như thế nào.” Vị giám mục thở dài rất to, nghe có vẻ chán ngán hơn là lo lắng. “Phần nói đầu hấp dẫn đấy, Kirsch. Anh nói cứ như thể điều gì đó anh sắp cho chúng ta thấy sẽ lay chuyển nền tảng của các tôn giáo trên thế giới vậy.” Kirsch đưa mắt nhìn khắp thư viện cổ kính chứa toàn những văn tự thiêng liêng. Nó sẽ không lay chuyển nền tảng của các vị đâu. Nó sẽ đập tan những thứ ấy cơ đấy. Kirsch đánh giá mấy người trước mặt anh. Những gì họ không hề biết là trong thời gian chỉ ba ngày nữa, Kirsch đã lên kế hoạch công bố thuyết trình này trong một sự kiện gây chấn động được dàn dựng kỹ càng. Khi anh thực hiện việc đó, người dân trên khắp thế giới sẽ nhận ra rằng những giáo điều của mọi tôn giáo trên thực tế đều có chung một điểm. Chúng đều sai lầm một cách thê thảm. CHƯƠNG 1 Giáo sư Robert Langdon ngước nhìn bức tượng con chó cao tới mười hai mét chầu hẫu ở quảng trường. Bộ lông con vật này là một thảm cỏ và hoa thơm ngát. Tao sẽ cố gắng thích mày, ông nghĩ. Thật sự đấy. Langdon trầm ngâm nhìn con vật thêm một chút rồi tiếp tục đi dọc một lối đi đã tạm ngừng sử dụng, bước xuống cầu thang ngổn ngang với những mặt bậc khấp khểnh dự định gây khó chịu cho vị khách đang bước tới với nhịp đi và tốc độ thông thường của mình. Nhiệm vụ hoàn thành, Langdon quyết định, suýt vấp ngã hai lần trên mấy bậc thang không đều nhau. Dưới chân cầu thang, Langdon nhảy xuống một chỗ dừng, mắt trân trân nhìn một khối to tướng lù lù phía trên. Giờ thì mình nhìn trọn được nó rồi. Một con nhện góa phụ đen sì, dữ tợn xuất hiện trước mặt ông, mấy cái chân mảnh khảnh bằng sắt của nó chống đỡ phần thân hình củ hành ở độ cao chí ít cũng gần bốn mét trong không trung. Phần dưới bụng con nhện lủng lẳng một bọc trứng bằng lưới thép, đựng đầy những quả cầu thủy tinh. “Tên nó là Maman,” một giọng nói vang lên. Langdon hạ ánh mắt và nhìn người đàn ông mảnh khảnh đứng ngay bên dưới con nhện. Người ấy mặc một chiếc áo khoác sherwani* thêu kim tuyến màu đen và có bộ ria kiểu Salvador Dalí* uốn cong rất hài hước. “Tên tôi là Fernando,” anh ta nói tiếp, “và tôi có mặt ở đây để chào đón ông tới thăm bảo tàng.” Người đàn ông nhìn lướt một loạt thẻ ghi tên bày trên chiếc bàn trước mặt anh ta. “Xin cho tôi biết danh tính của ông?” “Vâng. Robert Langdon.” Ánh mắt người đàn ông vụt trở lại. “À, tôi rất xin lỗi! Tôi không nhận ra ngài!” Tôi còn khó nhận ra mình nữa là, Langdon nghĩ, di chuyển cứng ngắc trong chiếc áo gi lê trắng, áo đuôi tôm đen và chiếc nơ trắng. Trông tôi hệt một gã Whiffenpoof*. Cái áo đuôi tôm cổ điển của Langdon đã ngót ba mươi năm, được gìn giữ từ những ngày ông còn là một thành viên Câu lạc bộ Ivy ở Princeton, nhưng nhờ chế độ bơi đều đặn hằng ngày, bộ đồ vẫn khá vừa vặn với ông. Lúc Langdon vội vàng sắp đồ, ông đã vớ nhầm cái túi quần áo treo trong tủ, mà bỏ lại bộ tuxedo quen thuộc của mình. “Giấy mời nói mặc đồ đen và trắng,” Langdon nói. “Tôi tin áo đuôi tôm hoàn toàn phù hợp nhỉ?” “Áo đuôi tôm là trang phục truyền thống mà! Trông ngài rất bảnh!” Người đàn ông bước vội lại và cẩn thận dán một miếng thẻ ghi tên vào ve áo vest của Langdon. “Thật vinh hạnh được gặp ngài,” người đàn ông có bộ ria nói. “Chắc hẳn trước đây, ngài đã từng ghé chỗ chúng tôi rồi?” Langdon chăm chú nhìn xuyên qua mấy cái chân nhện hướng về phía tòa nhà lấp loáng trước mặt họ. “Thực ra, tôi rất ngại khi phải nói rằng tôi chưa có dịp.” “Ôi không!” Người đàn ông vờ ngã bổ chửng. “Ngài không phải là người hâm mộ nghệ thuật hiện đại sao?” Langdon vốn luôn thích thú thử thách của nghệ thuật hiện đại - cơ bản là khám phá xem tại sao một số tác phẩm cụ thể lại được ca ngợi là kiệt tác: những bức tranh màu nhỏ giọt* của Jackson Pollock; tác phẩm vỏ hộp súp Campbell của Andy Warhol; những hình chữ nhật màu đơn giản của Mark Rothko. Tuy nhiên, Langdon thấy thoải mái hơn hẳn khi thảo luận về biểu tượng tôn giáo của Hieronymus Bosch* hoặc phong cách vẽ của Francisco de Goya*. “Tôi là một người ủng hộ chủ nghĩa kinh điển hơn,” Langdon đáp. “Tôi thạo da Vinci hơn là de Kooning.” “Nhưng da Vinci và de Kooning thì cũng đều như nhau mà!” Langdon nhẫn nại mỉm cười. “Vậy thì rõ ràng tôi cần phải học một chút về de Kooning rồi.” “Ồ, ngài tìm đến đúng chỗ rồi đấy!” Người đàn ông vung cánh tay về phía tòa nhà đồ sộ. “Trong bảo tàng này, ngài sẽ tìm thấy một trong những bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại tuyệt vời nhất trên cõi đời này! Tôi rất hy vọng ngài thấy thích.” “Tôi cũng định như vậy,” Langdon trả lời. “Tôi chỉ ao ước biết được tại sao mình lại ở đây.” “Ngài và tất cả những người khác!” Người đàn ông cười vui vẻ, đầu lắc lắc. “Vị chủ nhà của ngài rất kín tiếng về mục đích của sự kiện tối nay. Ngay cả nhân viên bảo tàng cũng không biết đang có việc gì. Bí mật là một nửa sự thú vị - vẫn đang có rất nhiều đồn đoán! Có vài trăm vị khách ở trong kia - nhiều gương mặt rất nổi tiếng - và chưa ai có bất kỳ ý tưởng nào xem chương trình tối nay là gì!” Giờ thì Langdon cười toe toét. Rất ít vị chủ nhà trên thế giới này có gan đến phút cuối cùng mới gửi đi những tờ giấy mời về cơ bản có nội dung: Tối thứ Bảy. Đến chỗ đó. Hãy tin tôi. Và lại càng ít người có thể thuyết phục được hàng trăm nhân vật VIP tạm gác mọi việc và bay tới miền bắc Tây Ban Nha để tham dự sự kiện. Từ dưới bụng con nhện, Langdon bước ra và tiếp tục theo lối đi, mắt ngước lên nhìn một tấm băng rôn đỏ rất lớn căng phồng phía trên. BUỔI TỐI CÙNG EDMOND KIRSCH Chắc chắn Edmond chưa bao giờ thiếu tự tin, Langdon vui vẻ nghĩ. Khoảng hai mươi năm trước, chàng thanh niên Eddie Kirsch là một trong những sinh viên đầu tiên của Langdon tại Đại học Harvard - một anh chàng đam mê máy tính để kiểu tóc như cây chổi lau nhà. Sự ham thích các mật mã của anh đã đưa đẩy anh đến với buổi hội thảo của Langdon dành cho sinh viên năm thứ nhất: Mật mã và ngôn ngữ của các biểu tượng. Trí thông minh tinh tế của Kirsch gây ấn tượng rất sâu sắc cho Langdon và mặc dù cuối cùng Kirsch từ bỏ thế giới ký hiệu học lỗi thời để theo đuổi lời hứa hào nhoáng của ngành máy tính nhưng anh và Langdon đã tạo dựng được một mối quan hệ thầy-trò vẫn luôn duy trì liên lạc suốt hơn hai thập kỷ qua kể từ khi Kirsch tốt nghiệp. Giờ thì chàng sinh viên vượt xa thầy rồi, Langdon nghĩ. Đến vài năm ánh sáng ấy chứ. Đến hôm nay, Edmond Kirsch đã là một chính khách phi đảng phái nổi tiếng thế giới - một nhà khoa học máy tính, người theo thuyết vị lai, nhà sáng chế và doanh nhân tỉ phú. Anh chàng bốn mươi tuổi này là cha đẻ một loạt công nghệ tiên tiến thể hiện những bước nhảy vọt rất lớn trong vô số lĩnh vực khác nhau như người máy học, khoa học não bộ, trí thông minh nhân tạo và công nghệ nano. Những dự đoán chính xác của anh về những đột phá khoa học trong tương lai đã tạo nên một trường bí mật xung quanh người đàn ông này. Langdon ngờ rằng sở trường dự báo kỳ lạ của Edmond bắt nguồn từ kiến thức quảng bác phi thường của anh về thế giới quanh mình. Theo như Langdon còn nhớ được, Edmond là người đam mê và sưu tầm sách không biết đâu mà thỏa mãn - đọc mọi thứ trong tầm mắt. Niềm đam mê của người đàn ông này dành cho sách, cùng khả năng tiếp thu nội dung sách, vượt xa bất kỳ điều gì ông từng chứng kiến. Mấy năm qua, Kirsch sống chủ yếu ở Tây Ban Nha, dành lựa chọn của mình cho một mối tình với nét quyến rũ cổ kính, kiến trúc tiên phong, những quầy rượu gin kỳ dị và thời tiết hoàn hảo của đất nước này. Mỗi năm một lần, khi Kirsch trở lại Cambridge để diễn thuyết tại Phòng Truyền thông Học viện Công nghệ Massachusetts, Langdon đều ăn một bữa với cậu ấy tại một trong những trung tâm ăn chơi hợp thời mới tinh ở Boston mà Langdon chưa bao giờ nghe nói đến. Những cuộc trò chuyện của họ chẳng bao giờ đề cập đến công nghệ, tất cả những gì Kirsch muốn thảo luận với Langdon đều là nghệ thuật. “Thầy là kết nối văn hóa của em, thầy Robert ạ,” Kirsch thường bông đùa. “Vị cử nhân nghệ thuật độc thân của riêng em!” Câu châm chọc khôi hài nhằm vào tình trạng hôn nhân của Langdon càng mang sắc thái mỉa mai vì nó xuất phát từ một anh chàng độc thân vẫn kịch liệt phản bác chế độ hôn nhân một vợ một chồng là “một sự sỉ nhục đối với quá trình tiến hóa” và đã từng chụp hình với vô số siêu mẫu suốt nhiều năm. Nghĩ đến tiếng tăm của Kirsch như là một nhà cải cách trong ngành khoa học máy tính, người ta có thể dễ dàng hình dung anh là một tay đam mê công nghệ kiệm lời. Nhưng thật ra anh lại tạo dựng bản thân như một hình tượng nhạc pop hiện đại gia nhập các giới có tiếng tăm, phục sức theo những phong cách mới nhất, nghe thứ âm nhạc bí ẩn không công khai và sưu tập vô vàn tác phẩm trường phái Ấn tượng và nghệ thuật hiện đại vô giá. Kirsch thường gửi thư điện tử cho Langdon để xin lời khuyên về những tác phẩm nghệ thuật mới mà anh đang cân nhắc cho bộ sưu tập của mình. Và rồi cậu ta sẽ lại làm ngược hẳn lại, Langdon trầm ngâm. Khoảng một năm trước, Kirsch đã khiến Langdon ngạc nhiên khi không hỏi ông về nghệ thuật, mà lại về Chúa - một chủ đề rất lạ lùng với một nhân vật tự nhận là vô thần. Bên đĩa sườn sống chặt nhỏ tại quán Tiger Mama ở Boston, Kirsch đã khai thác bộ não của Langdon về những tín điều cốt lõi của rất nhiều tôn giáo trên thế giới, đặc biệt là những câu chuyện khác nhau của họ về Sáng tạo. Langdon đã nói với cậu ấy kiến thức tổng quan rất đáng tin cậy về các tín điều hiện hành, từ câu chuyện Sáng thế ký mà cả Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo cùng chung nhau, tới cả câu chuyện về thần Brahma của Ấn Độ giáo, chuyện thần Marduk của người Babylonia và những câu chuyện khác. “Tôi rất tò mò. Tại sao một nhân vật vị lai chủ nghĩa lại quan tâm đến quá khứ vậy chứ? Phải chăng điều đó có nghĩa là anh chàng vô thần nổi tiếng của chúng ta cuối cùng đã tìm thấy Chúa?” Langdon hỏi khi họ rời nhà hàng. Edmond cười rất thành thật. “Thầy lại mơ tưởng rồi! Em chỉ đánh giá cuộc cạnh tranh của mình thôi, thầy Robert.” Langdon mỉm cười. Rất đặc trưng. “Chậc, khoa học và tôn giáo không phải là đối thủ cạnh tranh nhau, đó là hai ngôn ngữ khác nhau đang tìm cách kể cùng một câu chuyện. Thế giới này có chỗ cho cả hai.” Sau cuộc gặp gỡ đó, Edmond cắt đứt liên lạc suốt gần một năm trời. Và rồi, rất đột ngột, ba ngày trước, Langdon nhận được một phong bì FedEx kèm vé máy bay, một biên nhận đặt chỗ khách sạn và một thông báo viết tay từ Edmond, hối thúc ông tham dự sự kiện tối nay. Thông báo ghi: Thầy Robert, sẽ vô cùng có ý nghĩa với em nếu thầy có thể tham dự. Hiểu biết sâu sắc của thầy trong cuộc trò chuyện cuối cùng của chúng ta giúp làm nên buổi tối này. Langdon rất bối rối. Cuộc trò chuyện hôm đó dường như chẳng có liên hệ gì dù rất xa xôi với một sự kiện do một nhân vật vị lai chủ nghĩa chủ trì cả. Chiếc phong bì FedEx còn có tấm hình đen trắng hai người đứng mặt đối mặt. Kirsch đã viết một bài thơ ngắn gửi Langdon.❏ Thầy Robert, Khi thầy trực diện gặp em, Không gian trống rỗng mở toang đợi thầy. — Edmond Langdon mỉm cười khi nhìn tấm hình - một sự ám chỉ rất khôn khéo tới một tình huống mà Langdon từng tham gia vài năm trước. Hình bóng một chiếc cốc lễ, hay Chén thánh, lộ ra trong khoảng trống giữa hai khuôn mặt. Giờ Langdon đang đứng bên ngoài bảo tàng này, háo hức muốn biết anh chàng sinh viên cũ của mình định công bố điều gì. Một làn gió nhẹ hất đuôi áo của ông khi ông men theo lối đi bộ bằng xi măng trên bờ sông Nervión uốn khúc, vốn từng là nguồn sống của một thành phố công nghiệp thịnh vượng. Không khí phảng phất mùi đồng hun. Lúc Langdon vòng theo một khúc quanh trên lối đi, rốt cuộc ông cũng cho phép mình ngắm nhìn tòa bảo tàng đồ sộ, lấp lánh. Chỉ mới nhìn khó có thể đánh giá đúng về tòa nhà được. Thay vào đó, ánh mắt của ông lướt tới lướt lui dọc theo toàn bộ chiều dài của những hình khối kéo dài, kỳ quái. Tòa nhà này không chỉ phá bỏ mọi quy tắc, Langdon nghĩ. Nó hoàn toàn phớt lờ chúng. Một địa điểm hoàn hảo cho Edmond. Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, Tây Ban Nha, trông giống thứ gì đó hiện ra từ một hình ảnh ảo giác lạ lẫm - một bức tranh cắt dán xoáy tròn của những hình thù kim loại biến dạng có vẻ tì đỡ vào nhau một cách gần như ngẫu nhiên. Chạy dài ra xa, cái khối những hình thù hỗn độn này được phủ bằng hơn ba mươi nghìn viên gạch ốp titanium sáng lấp lánh như lớp vảy cá, khiến cho tòa nhà mang cảm giác vừa là sinh vật sống vừa xa lạ như ở ngoài hành tinh này, hệt một con thủy quái tương lai nào đó vừa bò lên khỏi mặt nước để sưởi nắng trên bờ sông vậy. Khi lần đầu tiên tòa nhà khai trương vào năm 1997, tờ The New Yorker đã ca ngợi kiến trúc sư của nó, Frank Gehry, là đã thiết kế ra “một con tàu tương lai ngoài sức tưởng tượng có hình thù lượn sóng trong lớp vỏ titanium,” trong khi các nhà phê bình trên khắp thế giới lên tiếng, “Tòa nhà vĩ đại nhất thời đại chúng ta!” “Nét tài hoa từ Sao Thủy!” “Một chiến tích kiến trúc phi thường!” Kể từ khi bảo tàng khai trương, hàng chục tòa nhà “theo xu hướng phi tạo dựng” khác đã mọc lên - Sảnh Hòa nhạc Disney ở Los Angeles, BMW World ở Munich và thậm chí cả tòa thư viện mới tại chính học hiệu của Langdon. Mỗi cái đều mang đặc trưng thiết kế và xây dựng hoàn toàn trái với thông lệ, nhưng Langdon vẫn ngờ rằng không công trình nào trong số đó cạnh tranh được với Bilbao Guggenheim về giá trị gây sốc tuyệt đối của nó. Lúc Langdon tiến lại, phần mặt tiền ốp gạch dường như biến hình theo mỗi bước chân, đem lại một nét đặc trưng mới qua mỗi góc nhìn. Cái ảo giác ấn tượng nhất của bảo tàng lúc này trở nên rõ rệt. Thật ngạc nhiên khi từ góc nhìn này, tòa công trình đồ sộ xuất hiện đúng như đang nổi trên mặt nước, bập bềnh trong một đầm nước mênh mông “vô tận” vỗ sóng vào phần tường ngoài của bảo tàng. Langdon dừng lại một lúc ngỡ ngàng trước cái hiệu ứng ấy và rồi mới bắt đầu vượt đầm nước qua cây cầu bộ hành hết sức giản tiện uốn thành một vòng cung phía trên vùng nước trong vắt. Ông mới chỉ đi được nửa đường thì có âm thanh rít lên rất to khiến ông giật mình. Nó phát ra ngay từ bên dưới chân ông. Ông dừng sững lại đúng lúc một đám hơi nước xoáy tròn bắt đầu cuộn lên từ phía dưới lối đi bộ. Màn sương mù dày đặc ấy bốc lên quanh ông và rồi tỏa ra khắp đầm nước, lan về phía bảo tàng và phủ kín phần chân móng của toàn bộ công trình. Tác phẩm Điêu khắc Sương mù, Langdon nghĩ. Ông đã đọc về công trình này của nghệ sĩ người Nhật Fujiko Nakaya. “Tác phẩm điêu khắc” này mang tính cách mạng ở chỗ nó được kiến tạo bằng phương tiện không khí hữu hình, một màn sương mù hiện hữu và tan đi theo thời gian. Và bởi lẽ các đợt gió thổi cùng điều kiện khí quyển chẳng bao giờ giống nhau giữa ngày này với ngày tiếp theo nên tác phẩm điêu khắc luôn khác biệt mỗi lần nó xuất hiện. Cây cầu ngừng tiếng rít, Langdon nhìn bức tường sương mù lặng lẽ tụ trên khắp đầm nước, cuộn xoáy và lan đi như thể nó có ý nghĩ riêng vậy. Hiệu ứng này vừa thoát tục vừa khiến người ta mất phương hướng. Toàn bộ bảo tàng lúc này như đang lơ lửng trên mặt nước, tọa lạc nhẹ hẫng trên một đám mây - một con tàu ma lạc trên biển. Langdon vừa định đi tiếp thì mặt nước tĩnh lặng bị xé toang bởi một loạt điểm phun trào nho nhỏ. Rất bất ngờ, năm cột lửa cháy bùng bùng từ đầm nước vọt lên không trung, liên tục gầm rít như động cơ tên lửa xuyên thủng bầu không khí thấm đẫm hơi nước và tung những chùm ánh sáng rực rỡ loang khắp lớp gạch ốp titanium của bảo tàng. Thị hiếu kiến trúc của Langdon có xu hướng thiên về những kiểu cách bảo tàng như Louvre hay Prado nhiều hơn, và lúc nhìn màn sương cùng lửa lơ lửng phía trên đầm nước, ông không nghĩ ra được chỗ nào khác phù hợp hơn là chính cái bảo tàng siêu hiện đại này để làm nơi tổ chức một sự kiện được khởi xướng bởi một người yêu nghệ thuật và đổi mới, cũng như hình dung về tương lai một cách rõ ràng đến vậy. Lúc này, khi đi qua màn sương, Langdon chú tâm đến lối vào bảo tàng - một chỗ trống đen ngòm đầy hăm dọa trên tòa công trình không mấy thân thiện. Lúc đến gần ngưỡng cửa, Langdon có cảm giác khó chịu rằng ông đang bước vào miệng một con rồng. CHƯƠNG 2 Đô đốc hải quân Luis Ávila ngồi trên một chiếc ghế đẩu quầy bar bên trong một quán rượu vắng vẻ tại một thành phố xa lạ. Ông ta mệt lử sau chuyến đi và chỉ vừa mới bay đến thành phố này vì một nhiệm vụ đẩy ông ta đi xa cả nghìn dặm đường trong mười hai tiếng đồng hồ. Ông ta nhấp một ngụm nước khoáng pha vị ki nin từ cốc thứ hai của mình và trân trân nhìn dãy chai lọ nhiều màu sắc phía sau quầy bar. Người nào cũng có thể tỉnh táo trong hoang mạc, ông ta suy tưởng, nhưng chỉ kẻ trung kiên mới có thể ngồi trong ốc đảo mà không hề hé môi. Ávila không hề hé môi vì những thứ xấu xa suốt gần một năm. Khi ông ta để mắt đến bóng mình trong quầy bar lắp gương, ông ta mới cho phép bản thân có một khoảnh khắc hiếm hoi hài lòng với hình ảnh đang nhìn lại mình. Ávila là một trong số những người đàn ông Địa Trung Hải may mắn mà tuổi già dường như là một tài sản hơn là một nguy cơ. Trải qua năm tháng, đám râu lởm chởm đen sì cứng quèo của ông ta đã mềm đi thành hàm râu muối tiêu rất lịch lãm, đôi mắt đen bừng bừng nhiệt huyết dịu xuống trạng thái tự tin điềm đạm và nước da bánh mật căng tràn giờ đây thấm đẫm nắng trời và đầy nếp nhăn, tạo cho ông ta khí phái của một người đàn ông vĩnh viễn hướng về phía biển khơi. Thậm chí ở cái tuổi sáu mươi ba, cơ thể ông ta vẫn săn chắc, một thể lực rất ấn tượng được tôn thêm nhờ bộ đồng phục may đo. Lúc này, Ávila đang mặc trọn bộ đồ hải quân màu trắng - một bộ chế phục trông như của vua chúa gồm áo khoác cài chéo màu trắng, huy hiệu cầu vai rộng bản màu đen, rất nhiều huân huy chương công trạng thật oai, áo sơ mi cổ đứng màu trắng hồ cứng, và quần lụa trắng viền. Hạm đội Tây Ban Nha có thể không còn là lực lượng hải quân uy lực nhất trên Trái Đất này nữa, nhưng bọn ta vẫn biết cách ăn vận cho một sĩ quan. Ngài đô đốc không khoác bộ đồng phục này đã nhiều năm rồi - nhưng đây là một buổi tối đặc biệt, và lúc trước, khi ông ta đi qua các con đường của thành phố xa lạ này, ông ta rất thích thú trước những ánh mắt tán thưởng của cánh phụ nữ cũng như sự lảng tránh của cánh đàn ông. Tất cả mọi người đều nể trọng những người sống theo chuẩn mực. “¿Otra tónica?” cô gái xinh xắn phục vụ quầy bar hỏi. Cô độ ba mươi, thân hình thon lẳn và có nụ cười vui vẻ. Ávila lắc đầu. “No, gracias.” Quán rượu này hoàn toàn vắng vẻ và Ávila cảm nhận được ánh mắt đầy ngưỡng mộ của cô gái dành cho mình. Thật tuyệt khi lại được nhìn ngắm. Mình vừa từ vực thẳm trở về. Cái sự kiện khủng khiếp đã hủy hoại cuộc đời Ávila năm năm về trước sẽ mãi lởn vởn trong các hốc tâm trí của ông ta - một khoảnh khắc đinh tai nhức óc duy nhất lúc Trái Đất bật tung và nuốt chửng ông ta. Nhà thờ chính tòa Seville. Buổi sáng Phục sinh. Ánh Mặt trời vùng Andalusia tuôn trào qua lớp kính màu, hắt những mảng màu sắc muôn hình vạn trạng rực rỡ khắp không gian nội thất đá của nhà thờ. Cây đàn ống ồ ồ giai điệu tụng ca hân hoan trong khi cả nghìn tín đồ kỷ niệm phép mầu hồi sinh. Ávila quỳ ngay chỗ rào chắn sát ban thờ, tim căng tràn cảm xúc biết ơn. Sau một đời phục vụ trên biển khơi, ông ta may mắn nhận món quà lớn nhất từ Chúa - một mái ấm gia đình. Cười rất tươi, Ávila ngoảnh lại liếc nhìn cô vợ trẻ, María, lúc này vẫn đang ngồi trên ghế dài, bụng chửa to nên không thể đi bộ hết chiều dài lối đi chính giữa hai hàng ghế. Bên cạnh nàng, cậu con trai ba tuổi của họ, Pepe, rối rít vẫy vẫy cha nó. Ávila nháy mắt với cậu bé và María mỉm cười trìu mến với chồng. Cảm ơn người, Thiên Chúa, Ávila nghĩ lúc quay lại phía hàng rào để đón ly rượu lễ. Một lát sau, một tiếng nổ đinh tai nhức óc xé qua ngôi nhà thờ cổ kính. Chỉ trong một chớp sáng lóe lên, toàn bộ thế giới của ông ta bùng lên thành lửa đỏ. Sóng hơi xô mạnh Ávila vào hàng rào ngăn ban thờ, người ông ta bị đè bởi cả đống ngồn ngộn nóng rát toàn những mảnh vỡ và các bộ phận cơ thể người. Lúc Ávila tỉnh lại, ông ta không tài nào thở nổi trong khói đặc quánh, và nhất thời, ông ta không có ý niệm gì về việc mình đang ở đâu hay chuyện gì vừa xảy ra. Thế rồi, át tiếng ong ong trong tai, ông ta nghe thấy những tiếng kêu thét đau đớn. Ávila gượng đứng lên, hãi hùng nhận ra mình đang ở đâu. Ông ta tự nhủ đây chỉ là một giấc mơ khủng khiếp. Ông ta lảo đảo đi ngược trở lại qua tòa nhà thờ mù mịt khói leo qua những nạn nhân bị thương đang rên rỉ, tuyệt vọng loạng choạng tiến về khu vực áng chừng là nơi vợ và con trai mình vẫn đang mỉm cười chỉ một lúc trước đó. Chẳng còn gì ở đó. Không ghế. Không người. Chỉ có những mảnh vỡ máu me trên nền đá ám đen. Rất may cái ký ức kinh khủng ấy bị đánh tan bởi tiếng chuông chói tai của cánh cửa quầy bar. Ávila vớ lấy cốc tónica của mình và hớp nhanh một ngụm, lắc đầu xua đi cái cảnh tượng đen tối như ông ta vẫn buộc phải làm vậy rất nhiều lần trước đó. Cánh cửa quầy bar bung mở, Ávila ngoảnh nhìn hai người đàn ông lực lưỡng ngả nghiêng bước vào. Họ đang ư ử lạc điệu một bài chiến ca Ireland và khoác trên người những chiếc áo nịt len chơi bóng đá màu lục căng ra để che mấy cái bụng. Rõ ràng, trận đấu chiều nay diễn tiến theo chiều hướng của đội khách Ireland. Ta sẽ lấy đó làm ám hiệu cho mình, Ávila nghĩ rồi đứng lên. Ông ta gọi tính tiền, nhưng cô gái phục vụ nháy mắt và phẩy tay. Ávila cảm ơn nàng và quay đi. “Ôi trời ơi!” một trong hai người mới đến ré lên, trân trân nhìn bộ đồng phục trang trọng của Ávila. “Đúng là Đức vua Tây Ban Nha!” Cả hai người cùng phá lên cười, lảo đảo tiến lại phía ông ta. Ávila cố bước vòng qua họ và bỏ đi, nhưng gã đàn ông to con hơn thô bạo túm lấy cánh tay ông ta và kéo ông ta trở lại một chiếc ghế đẩu quầy bar. “Khoan đã nào, Đức ngài! Chúng tôi đã đi cả chặng đường tới Tây Ban Nha, chúng tôi phải làm một vại với Đức vua chứ!” Ávila nhìn bàn tay dơ dáy của gã đàn ông đặt trên ống tay áo mới là của mình. “Buông ra đi,” ông ta nói khẽ. “Tôi cần phải đi.” “Không được… ngài cần ở lại uống bia, ông bạn.” Gã đàn ông siết chặt nắm tay trong khi bạn của gã bắt đầu dùng một ngón tay bẩn thỉu hẩy hẩy những chiếc huy chương trên ngực áo Ávila. “Trông có vẻ ngài là một anh hùng đây, ông già.” Gã đàn ông giật mạnh một trong những chiếc huy chương danh giá nhất của Ávila. “Một cái quyền trượng trung cổ à? Vậy thì lão hiệp sĩ trong bộ giáp bóng bẩy đây à?!” Gã cười hô hố. Tha thứ, Ávila tự nhắc mình. Ông ta đã từng gặp vô khối gã đàn ông như đám này - những sinh linh thống khổ, đầu óc giản đơn, chẳng bao giờ vì cái gì cả, những con người mù quáng lạm dụng các quyền tự do mà những người khác tranh đấu để dành cho họ. “Thực ra thì,” Ávila nhẹ nhàng trả lời, “cái quyền trượng là biểu tượng cho Đơn vị Đặc nhiệm của Hải quân Tây Ban Nha.” “Đặc nhiệm à?” Gã đàn ông vờ run rẩy sợ hãi. “Ấn tượng đây. Thế còn cái biểu tượng kia?” Gã chỉ vào tay phải Ávila. Ávila liếc xuống bàn tay mình. Ở chính giữa phần thịt mềm hằn lên một hình xăm màu đen - một biểu tượng có từ thế kỷ XIV.❏ Dấu hiệu này là giấy thông hành của ta, Ávila nghĩ, mắt nhìn biểu tượng. Dù ta sẽ không cần đến nó. “Bỏ qua đi,” gã lưu manh nói, cuối cùng cũng buông cánh tay Ávila và hướng sự chú ý tới cô gái phục vụ. “Cô em xinh xắn đây” gã nói. “Em là gái Tây Ban Nha một trăm phần trăm à?” “Phải”, Cô gái hòa nhã trả lời. “Em không có một chút Ireland trong người sao?” “Không.” “Em có thích một chút không?” Gã đàn ông cười ngặt nghẽo đầy kích động và đấm mạnh lên quầy bar. “Để cô ấy yên đi,” Ávila ra lệnh. Gã đàn ông xoay người, trừng trừng nhìn ông ta. Gã lưu manh thứ hai xỉa mạnh vào ngực Ávila “Lão đang dạy chúng tôi làm gì đấy à?” Ávila hít một hơi thật sâu, cảm thấy mỏi mệt sau chuyến đi dài ngày hôm nay và ông ta làm hiệu về phía quầy bar. “Các quý ông hãy ngồi xuống nào. Tôi sẽ đãi các anh bia.” Mình rất vui vì ông ấy ở lại, cô gái phục vụ thầm nghĩ. Mặc dù nàng có thể tự lo cho mình nhưng chứng kiến cái cách viên sĩ quan này bình tĩnh xử lý hai gã cục súc kia khiến cho nàng thấy rất phục và hy vọng ông ta có thể ở lại cho tới lúc đóng cửa. Viên sĩ quan gọi hai bia và một cốc nước khoáng nữa cho mình rồi ngồi xuống đúng chỗ cũ bên quầy bar. Hai gã cổ động viên bóng đá du côn ngồi hai bên ông ta. “Nước khoáng à?” một gã chế giễu. “Tôi cứ nghĩ chúng ta đang uống cùng nhau cơ đấy.” Viên sĩ quan mỉm cười mỏi mệt nhìn cô gái phục vụ và uống hết cốc nước của mình. “Tôi e rằng mình có cuộc hẹn,” viên sĩ quan đứng lên nói. “Nhưng cứ thưởng thức bia của các anh đi.” Lúc ông ta đứng lên, cả hai gã đàn ông, như đã diễn tập trước, cùng đập bàn tay thô ráp của họ lên vai ông ta và ấn ông ta ngồi xuống ghế. Một thoáng tức giận vụt qua ánh mắt viên sĩ quan và rồi tan biến. “Kìa ông già, tôi không nghĩ ông muốn để chúng tôi một mình ở lại đây cùng với bạn gái của ông đâu.” Gã du côn nhìn cô gái và làm động tác tởm lợm gì đó bằng lưỡi. Viên sĩ quan ngồi yên lặng một lúc lâu, và rồi thọc tay vào túi áo khoác. Cả hai gã tóm lấy ông ta. “Ấy này! Lão làm gì thế?!” Rất chậm rãi, viên sĩ quan rút ra một chiếc điện thoại di động và nói gì đó với hai gã bằng tiếng Tây Ban Nha. Họ trân trối nhìn ông ta không hiểu gì cả và ông ta chuyển sang tiếng Anh. “Tôi xin lỗi, chỉ là tôi cần gọi cho vợ và bảo mụ ấy tôi sẽ về muộn thôi mà. Xem ra tôi sẽ ở đây một lúc rồi.” “Giờ là lão nói đấy nhé, ông bạn!” gã to con hơn nói, nốc cạn vại bia và nện mạnh cốc xuống quầy. Thêm vại nữa! Trong khi cô gái phục vụ rót đầy cốc cho hai gã du côn, cô nhìn qua gương thấy viên sĩ quan bấm vài phím trên điện thoại rồi áp máy vào tai. Cuộc gọi thông và ông ta nói nhanh bằng tiếng Tây Ban Nha. “Le llamo desde el bar Molly Malone,” viên sĩ quan nói, đọc rõ tên quán rượu và địa chỉ trên miếng lót cốc trước mặt. “Calle Particular de Estraunza, ocho.” Ông ta đợi một lúc rồi tiếp tục. “Necesitamos ayuda inmediatamente. Hay dos hombres heridos.” Rồi ông ta tắt máy. ¿Dos hombres heridos? Mạch đập của cô gái rộn lên. Hai người bị thương ư? Cô chưa kịp phân tích nghĩa câu nói của ông ta thì thấy một bóng trắng loáng lên và viên sĩ quan xoay sang phải, táng mạnh cùi chỏ lên trúng mũi gã to con kèm tiếng lạo xạo rợn người. Gương mặt gã đàn ông chuyển đỏ và gã ngã ngửa. Gã đàn ông thứ hai chưa kịp phản ứng thì viên sĩ quan lại xoay người, lần này sang bên trái, cùi chỏ kia thúc mạnh vào khí quản gã đàn ông khiến gã ngã nhào khỏi ghế. Cô gái phục vụ sững sờ, trân trối nhìn hai gã đàn ông trên sàn, một đang rú lên đau đớn, gã kia thở hổn hển và ôm chặt lấy họng. Viên sĩ quan chậm rãi đứng lên. Với vẻ bình tĩnh kỳ lạ, ông ta móc ví và đặt tờ một trăm euro lên quầy. “Cho tôi xin lỗi,” ông ta nói bằng tiếng Tây Ban Nha. “Cảnh sát sẽ đến đây ngay để giúp cô.” Rồi ông ta quay người và bỏ đi. Bên ngoài, Đô đốc Ávila hít lấy không khí buổi đêm và bước đi dọc theo Trung tâm mua sắm Mazarredo về phía bờ sông. Tiếng còi cảnh sát tiến lại gần, ông ta lẩn vào chỗ tối để nhà chức trách đi qua. Còn công việc quan trọng phải làm và tối nay Ávila không thể lo thêm những chuyện phức tạp nữa. Nhiếp chính vương đã nêu rõ nhiệm vụ tối nay. Với Ávila, tiếp nhận mệnh lệnh từ Nhiếp chính vương là việc hết sức bình thản. Không cần quyết định. Không có tội. Chỉ hành động. Sau cả một sự nghiệp chuyên đưa ra các lệnh chỉ huy, quả là nhẹ nhàng khi nhường lại bánh lái và để những người khác chèo lái con tàu này. Trong cuộc chiến này, ta là một người bộ binh. Chỉ vài ngày trước, Nhiếp chính vương cho ông ta biết một bí mật đáng ngại đến mức Ávila thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dâng trọn bản thân cho sự nghiệp này. Tính chất tàn bạo của nhiệm vụ tối qua vẫn còn ám ảnh ông ta, nhưng ông ta biết những hành động của mình sẽ được tha thứ. Sự đoan chính tồn tại dưới nhiều hình thức. Và sẽ còn nhiều người chết trước khi đêm nay kết thúc. Lúc Ávila xuất hiện tại một quảng trường bên bờ sông, ông ta ngước mắt nhìn cái công trình đồ sộ trước mặt. Đó là một khối nhấp nhô các hình dạng vô lý được ốp bằng gạch kim loại - như thể cả hai nghìn năm tiến bộ về kiến trúc đã bị vứt qua cửa sổ để có được sự hỗn độn hoàn toàn. Có người gọi đây là một bảo tàng. Ta gọi nó là một thứ quái dị. Cố tập trung suy nghĩ, Ávila băng qua quảng trường, vòng vèo qua một loạt tượng điêu khắc rất kỳ quái đặt bên ngoài Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao. Lúc tiến tới gần tòa nhà, ông ta nhìn thấy hàng chục vị khách đang hòa với nhau trong những bộ trang phục đen và trắng đẹp nhất của họ. Những đám vô thần tụ tập với nhau. Nhưng tối nay sẽ không như bất kỳ ai trong bọn họ hình dung. Ông ta nắn thẳng lại chiếc mũ đô đốc và vuốt phẳng áo khoác, củng cố tinh thần mình cho nhiệm vụ đang nằm phía trước. Tối nay là một phần của một nhiệm vụ còn lớn hơn nhiều - một cuộc thập tự chinh của sự chân chính. Khi Ávila băng qua khoảng sân tiến về phía lối vào bảo tàng, ông ta nhẹ nhàng chạm tay vào chuỗi hạt trong túi mình. CHƯƠNG 3 Tiền sảnh bảo tàng có cảm giác như một nhà thờ chính tòa trong tương lai. Lúc Langdon bước vào trong, ánh mắt ông lập tức hướng lên trời, leo theo một dãy cột đồ sộ màu trắng chạy dọc một vách kính cao ngất, cao hơn sáu mươi mét lên đến tận vòm trần, nơi những chiếc đèn rọi halogen tỏa ra thứ ánh sáng trắng tinh khiết. Treo lơ lửng trong không trung là một mạng lưới lối đi hẹp và ban công giăng ngang khoảng không, lác đác trên đó là những vị khách mặc đồ đen và trắng di chuyển ra vào các phòng trưng bày trên gác và đứng bên những ô cửa sổ trên cao, chiêm ngưỡng đầm nước phía dưới. Gần đó, một chiếc thang máy bằng kính lặng lẽ trượt dọc theo tường, đáp xuống mặt đất để đón thêm khách khứa. Trông không giống bảo tàng nào Langdon từng tới xem. Ngay cả âm thanh cũng có cảm giác rất lạ lẫm. Thay vì truyền thống tôn trọng sự yên tĩnh bằng khâu hoàn thiện triệt âm, nơi này lại náo nhiệt với những giọng nói lầm rầm vang vọng dội lại từ đá và kính. Với Langdon, cái cảm giác quen thuộc duy nhất là dư vị khô khốc ở cuống lưỡi mình, không khí bảo tàng trên khắp thế giới đều như nhau - được lọc rất kỹ tất cả các hạt cùng các chất ô xy hóa và sau đó được làm ẩm bằng nước ion hóa tới độ ẩm bốn mươi lăm phần trăm. Langdon đi qua một loạt chốt an ninh chặt chẽ đến ngạc nhiên, nhận ra có rất nhiều bảo vệ có vũ trang và cuối cùng đứng bên một chiếc bàn làm thủ tục khác. Một thiếu nữ trao cho ông chiếc tai nghe. “Audioguía?” Langdon mỉm cười. “Không, cảm ơn cô.” Nhưng khi ông lại gần chiếc bàn, cô gái chặn ông lại, chuyển sang nói tiếng Anh cực chuẩn. “Xin lỗi, thưa ngài, nhưng vị chủ nhà của chúng ta tối nay, ngài Edmond Kirsch, đã yêu cầu tất cả mọi người đều phải đeo tai nghe. Việc đó là một phần trong trải nghiệm tối nay.” “Ồ, dĩ nhiên rồi, vậy tôi sẽ lấy một chiếc.” Langdon với lấy một chiếc tai nghe, nhưng cô gái xua tay, đối chiếu thẻ ghi tên ông với bản danh sách quan khách dài dằng dặc, rồi trao cho ông một chiếc tai nghe có số hiệu khớp với tên của ông. “Hành trình tối nay được thiết kế riêng cho từng vị khách một.” Thật sao? Langdon nhìn quanh. Có đến cả mấy trăm khách khứa. Langdon nhìn chiếc tai nghe, không có gì hơn ngoài một cái vòng kim loại thanh thoát với mấy miếng mút nhỏ xíu ở mỗi đầu. Có lẽ nhìn thấy vẻ mặt bối rối của ông, cô gái bước tới để hỗ trợ. “Đây là đồ rất mới,” cô nói, giúp ông đeo thiết bị lên. “Mấy miếng mút biến năng không để nhét vào bên trong tai ngài, mà đặt lên mặt ngài cơ.” Cô chỉnh cái vòng ra phía sau đầu ông và đặt mấy miếng mút kẹp nhẹ lên mặt ông, ngay phía trên xương hàm và dưới thái dương. “Nhưng làm cách nào…” “Công nghệ truyền dẫn xương. Các thiết bị biến năng đưa âm thanh trực tiếp vào xương hàm của ngài, cho phép âm thanh vào thẳng ốc tai ngài. Tôi đã thử rồi, và thật sự rất tuyệt vời – giống như có giọng nói ngay trong đầu ngài vậy. Hơn nữa, nó giúp tai ngài được tự do để nghe các cuộc trò chuyện bên ngoài.” “Rất thông minh.” “Công nghệ này do ngài Kirsch phát minh hơn 10 năm trước. Giờ nó khá sẵn trong rất nhiều thương hiệu tai nghe tiêu dùng.” Mình hy vọng Ludwig van Beethoven bỏ qua, Langdon nghĩ bụng, cảm thấy khá chắc chắn rằng người sáng chế nguyên khai ra công nghệ truyền dẫn xương chính là nhà soạn nhạc thế kỷ XVIII, mà do bị điếc nên đã phát hiện ra ông có thể gắn một cần kim loại vào đàn dương cầm của mình và cắn chặt lấy nó trong lúc chơi đàn, giúp ông nghe được rất rõ ràng thông qua độ rung động ở xương hàm. “Chúng tôi hy vọng ngài thích trải nghiệm chuyến tham quan của mình,” cô gái nói. “Ngài có khoảng một giờ trước màn thuyết trình để khám phá bảo tàng. Hướng dẫn âm thanh của ngài sẽ thông báo với ngài khi đến giờ lên gác tới thính phòng.” “Cảm ơn cô. Tôi có cần lưu ý gì để…” “Không ạ, thiết bị này tự kích hoạt. Chuyến tham quan có hướng dẫn của ngài sẽ bắt đầu ngay khi ngài di chuyển.” “À vâng, dĩ nhiên rồi,” Langdon mỉm cười nói. Ông bỏ ra ngoài, băng qua tiền sảnh, tiến về phía mấy vị khách đứng rải rác, tất cả đều đang đợi thang máy và đeo chiếc tai nghe giống hệt dính chặt lấy xương hàm. Chỉ mới đi được nửa tiền sảnh, ông nghe thấy một giọng nam vang lên trong đầu. “Chúc một buổi tối tốt lành và xin chào mừng tới bảo tàng Guggenheim ở Bilbao.” Langdon biết đó là chiếc tai nghe của mình, nhưng ông vẫn dừng lại một chút và nhìn về phía sau. Hiệu ứng thật đáng kinh ngạc - đúng hệt như cô gái đã mô tả - giống như có một người ngay bên trong đầu bạn vậy. “Gửi lời chào mừng chân thành nhất tới ngài, thưa Giáo sư Langdon.” Giọng nói rất thân thiện và nhẹ nhàng, bằng chất giọng Anh lịch sự. “Tên tôi là Winston và tôi rất vinh hạnh được làm hướng dẫn viên của ngài tôi hôm nay.” Họ mượn ai ghi âm giọng này nhỉ - Hugh Grant* à? “Tối nay,” giọng nói vui vẻ tiếp tục, “ngài có thể thoải mái phiêu du tùy ý, tới bất kỳ chỗ nào ngài thích và tôi sẽ cố gắng cung cấp thông tin cho ngài liên quan đến những gì ngài sẽ xem. Rõ ràng, ngoài một nhân vật kể chuyện vui tính, những đoạn ghi âm riêng cho từng người và công nghệ truyền dẫn xương, mỗi chiếc tai nghe đều được trang bị GPS để nhận biết chính xác vị trí mà vị khách đang đứng trong bảo tàng và nhờ đó xác định được nội dung dẫn giải cần đưa ra. “Thưa ngài,” giọng nói tiếp tục, “tôi nhận ra rằng là một giáo sư nghệ thuật, ngài là một trong những vị khách hiểu biết hơn hẳn, và vì thế có lẽ ngài sẽ ít cần thông tin của tôi. Tệ hơn nữa, rất có thể ngài sẽ hoàn toàn không đồng ý với phân tích của tôi về một số tác phẩm nhất định!” Giọng nói phát ra tiếng cười ngượng nghịu. Nghiêm túc đấy à? Ai viết phần lời này không biết? Phải thừa nhận là giọng điệu vui vẻ và cách phục vụ riêng từng người là một điểm rất hấp dẫn, nhưng Langdon không hình dung nổi mức độ công sức phải bỏ ra để thiết kế riêng hàng trăm chiếc tai nghe. Thật mừng, lúc này giọng nói im bặt, như thể nó đã mệt lử vì phần trò chuyện chào mừng đã được lập trình trước. Langdon nhìn qua tiền sảnh tới một tấm băng rôn đỏ rất lớn nữa treo phía trên đám đông. EDMOND KIRSCH TỐI NAY CHÚNG TA TIẾN TỚI Edmond định tuyên bố chuyện quái gì không biết? Langdon hướng ánh mắt về phía khu cầu thang máy, nơi một đám khách khứa đang nói chuyện phiếm, trong đó có hai nhà sáng lập nổi tiếng của hai công ty Internet toàn cầu, một diễn viên Ấn Độ có tiếng và mấy vị khách VIP ăn vận rất bảnh mà Langdon cảm thấy có lẽ ông nên biết nhưng lại không hề biết. Cảm thấy mình vừa không thích vừa thiếu sự chuẩn bị để trò chuyện về các chủ đề truyền thông xã hội và Bollywood, Langdon di chuyển theo hướng ngược lại, vẩn vơ tiến về phía một tác phẩm nghệ thuật hiện đại khá lớn đứng dựa vào bức tường phía xa. Tác phẩm nép mình trong một hốc tối và gồm chín chiếc băng chuyền hẹp nổi lên từ các rãnh trên sàn nhà rồi chạy hướng lên trên, mất hút vào những khe hở trên trần. Tác phẩm này trông giống chín lối đi bộ đang chuyển động, chạy trên một mặt phẳng dựng đứng. Mỗi băng chuyền đều mang một thông điệp được chiếu sáng, cuộn ngược lên trời. Ta cầu nguyện thật to… Ta ngửi thấy ngươi trên da thịt mình… Ta gọi tên ngươi. Nhưng lúc Langdon lại gần hơn, ông nhận ra rằng những băng chuyền đang chuyển động kia thực tế vẫn đứng yên; cái ảo giác chuyển động có được là nhờ “lớp da” ánh đèn LED nhỏ xíu bố trí trên mỗi thanh rầm dựng đứng. Các bóng đèn sáng lên theo một trình tự rất nhanh để tạo thành các từ ngữ hiện trên nền nhà, rồi chạy ngược lên thanh rầm và biến mất trên trần nhà. Ta gào thét… Có máu… Chẳng ai nói với ta. Langdon bước tới và vòng quanh những thanh rầm dựng đứng, để cảm nhận toàn bộ. “Đây là một tác phẩm rất kích thích,” anh chàng hướng dẫn viên âm thanh đột ngột lên tiếng trở lại. “Nó được gọi là Tác phẩm lắp đặt cho Bilbao và do nghệ sĩ nghệ thuật ý tưởng Jenny Holzer sáng tạo ra. Nó gồm chín bảng hiệu đèn LED, mỗi bảng cao đến hơn mười hai mét, truyền phát những trích dẫn bằng tiếng Basque*, Tây Ban Nha và tiếng Anh - tất cả đều liên quan đến những điều đáng sợ về bệnh AIDS và nỗi đau đớn mà những người bị vứt bỏ phải chịu đựng. Langdon phải thừa nhận hiệu ứng này rất có sức mê hoặc và có phần thương tâm. “Có lẽ trước đây ngài đã từng thấy tác phẩm của Jenny Holzer phải không?” Langdon cảm thấy như bị thôi miên bởi nội dung chạy ngược lên trên. Ta chôn vùi đầu ta… Ta chôn vùi đầu ngươi… Ta chôn vùi ngươi. “Ngài Langdon?” giọng nói trong đầu ông vang lên. “Ngài có nghe tôi nói không? Tai nghe của ngài có hoạt động không?” Langdon sực tỉnh khỏi dòng suy nghĩ. “Tôi xin lỗi… sao cơ? Xin chào?” “Vâng, xin chào,” giọng nói trả lời. “Tôi tin chúng ta đã chào hỏi nhau rồi nhỉ? Tôi chỉ kiểm tra xem liệu ngài có nghe thấy tôi không thôi?” “Tôi… tôi xin lỗi,” Langdon ấp úng, xoay đi khỏi màn trình diễn và phóng nhìn qua tiền sảnh. “Tôi cứ nghĩ anh chỉ là một phần ghi âm thôi! Tôi không nhận ra mình có hẳn một người hướng dẫn thật trên đường dây.” Langdon hình dung ra một căn phòng vuông vức với một đội quân quản trị viên trang bị toàn tai nghe và những cuốn danh mục bảo tàng. “Không sao, thưa ngài. Tôi sẽ là hướng dẫn viên riêng của ngài trong buổi tối này. Tai nghe của ngài có microphone gắn trên đó đấy. Chương trình này có mục đích như một trải nghiệm tương tác trong đó ngài và tôi có thể trò chuyện về nghệ thuật.” Giờ Langdon hiểu rằng những vị khách khác cũng đang nói qua tai nghe của họ. Ngay cả những người đi thành đôi có vẻ cũng đã bị tách nhau một chút, và đang trao đổi với nhau vẻ mặt đầy kinh ngạc khi họ tiếp tục những cuộc trò chuyện riêng tư với những hướng dẫn viên riêng của mình. “Mọi khách khứa ở đây đều có hướng dẫn viên riêng à?” “Vâng, thưa ngài. Tối nay, chúng tôi hướng dẫn riêng cho ba trăm mười tám vị khách.” “Thật đáng nể.” “Chà, ngài biết đấy, Edmond Kirsch là người vô cùng đam mê nghệ thuật và công nghệ. Ông ấy thiết kế riêng hệ thống này cho các bảo tàng, với hy vọng thay thế cho các tour theo nhóm mà ông ấy rất ghét. Với cách này, từng vị khách đều có thể thưởng thức hành trình riêng, di chuyển theo tốc độ của riêng mình, đặt câu hỏi mà họ có thể thấy lúng túng nếu nêu ra khi đi theo nhóm. Nó thật sự thân tình và chuyên tâm hơn rất nhiều.” “Không có ý tỏ ra lạc hậu, nhưng tại sao lại không dẫn riêng từng người chúng tôi đi một lượt?” “Rất có lý,” người đàn ông trả lời. “Thêm các hướng dẫn viên riêng cho một sự kiện bảo tàng thực sự sẽ tăng gấp đôi số người tại hiện trường và cần thiết phải giảm một nửa số lượng khách khứa. Hơn nữa, tạp âm của tất cả các hướng dẫn viên diễn thuyết cùng một lúc sẽ rất gây phân tâm. Ý tưởng ở đây là làm cho phần thảo luận thành một trải nghiệm liền mạch. Một trong những mục tiêu của nghệ thuật, như ông Kirsch vẫn luôn nói, là thúc đẩy đối thoại.” “Tôi hoàn toàn đồng ý,” Langdon đáp, “và đó là lý do mọi người thường tới thăm các bảo tàng cùng người yêu hoặc bạn bè. Những chiếc tai nghe này có thể được coi là góp phần làm mọi người xa cách.” “Chà,” chất giọng người Anh trả lời, “nếu ngài đi cùng người yêu hoặc bạn bè, ngài có thể chỉ định cho tất cả mọi người loại tai nghe chỉ với một hướng dẫn viên duy nhất và thưởng thức màn thảo luận nhóm. Phần mềm thật sự khá tiên tiến.” “Có vẻ anh có câu trả lời cho mọi việc.” “Thực tế, đó là công việc của tôi mà.” Hướng dẫn viên bật ra tiếng cười lóng ngóng và đột ngột chuyển đề tài. “Bây giờ, thưa Giáo sư, nếu ngài đi qua tiền sảnh về phía cửa sổ, ngài sẽ thấy bức tranh lớn nhất của bảo tàng.” Lúc Langdon bắt đầu bước qua tiền sảnh, ông đi qua một cặp đôi khoảng ba mươi tuổi trông rất gợi cảm cùng đội mũ lưỡi trai chơi bóng chày màu trắng giống nhau. Phần trước cả hai cái mũ, thay vì trang trí một biểu trưng công ty, lại là một biểu tượng gây ngạc nhiên.❏ Đó là một biểu tượng Langdon biết rất rõ, nhưng ông chưa bao giờ thấy nó trên mũ lưỡi trai cả. Những năm gần đây, chữ cái A cách điệu rất nhiều này trở thành một biểu tượng phổ biến cho một trong những nhóm người gia tăng nhanh nhất và có tiếng nói ngày càng tăng trên hành tinh này - những người vô thần - những người bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ hơn mỗi ngày nhằm phản đối những gì họ xem là những hiểm họa của niềm tin tôn giáo. Những người vô thần giờ đã có mũ lưỡi trai riêng của họ rồi ư? Khi quan sát tập hợp toàn những thiên tài đam mê công nghệ láo nháo quanh mình, Langdon tự nhủ rằng nhiều người trong số những bộ óc trẻ trung giỏi phân tích này có lẽ rất bài tôn giáo, giống như Edmond vậy. Cử tọa tối nay đích xác không phải là “đám đông sân nhà” với một giáo sư biểu tượng tôn giáo. CHƯƠNG 4 ɇ ConspiracyNet.com TIN NÓNG Cập nhật: Có thể xem “Top 10 bản tin truyền thông trong ngày” của ConspiracyNet bằng cách bấm vào đây. Chúng tôi cũng có một bản tin rất mới vừa được công bố! EDMOND KIRSCH TUYÊN BỐ GÂY NGẠC NHIÊN? Tối nay, những ông lớn công nghệ đổ về Bilbao, Tây Ban Nha, để tham dự một sự kiện VIP do nhà vị lai chủ nghĩa Edmond Kirsch chủ trì tại Bảo tàng Guggenheim. An ninh thắt chặt nghiêm ngặt và khách khứa không được thông báo mục đích của sự kiện, nhưng ConspiracyNet đã nhận được một mẩu tin từ một nguồn bên trong gợi ý rằng Edmond Kirsch sắp phát biểu và có kế hoạch gây ngạc nhiên cho khách khứa của mình bằng một tuyên bố khoa học lớn. ConspiracyNet sẽ tiếp tục theo dõi câu chuyện này và cung cấp tin tức ngay khi chúng tôi nhận được. CHƯƠNG 5 Giáo đường Do Thái lớn nhất châu Âu nằm tại Budapest trên Phố Dohány. Được xây dựng theo phong cách Moor với cặp tháp nhọn đồ sộ, giáo đường có đủ chỗ cho hơn ba nghìn tín đồ - với những hàng ghế dài dưới nhà cho nam giới và các ghế băng trên ban công cho phụ nữ. Ngoài vườn, có một hố chôn tập thể là nơi mai táng xác của những người Do Thái Hungary đã chết trong những sự kiện kinh khủng thời Đức Quốc xã chiếm đóng. Nơi này được đánh dấu bằng một Cây Sự sống - một tác phẩm điêu khắc bằng kim loại mô tả một cây liễu rủ với mỗi nhành lá có khắc tên một nạn nhân. Khi có gió thổi, những nhành lá kim loại lanh canh va vào nhau, vang lên thứ tiếng vọng rất kỳ quái phía trên vùng đất thánh thiêng. Suốt hơn ba thập niên, vị thủ lĩnh tinh thần của Đại Giáo đường là học giả giáo luật kiêm thầy bí thuật rất xuất chúng - Giáo trưởng Yehuda Köves - người mà, mặc dù tuổi tác đã cao và sức khỏe yếu, vẫn là một thành viên tích cực của cộng đồng Do Thái ở cả Hungary và trên thế giới. Lúc mặt trời lặn bên kia dòng Danube, Giáo trưởng Köves rời giáo đường. Ông băng qua các gian hàng và “những quầy rượu đổ nát” bí ẩn của Phố Dohány trên đường trở về nhà mình chỗ Quảng trường Marcius 15, chỉ cách Cầu Elisabeth một tầm ném đá, công trình kết nối hai thành phố cổ Buda và Pest, được chính thức hợp nhất năm 1873. Kỳ lễ Quá hải đang đến rất gần - bình thường đây vẫn là một trong những khoảng thời gian vui vẻ nhất trong năm của Köves – thế nhưng, kể từ lúc từ Nghị viện các Tôn giáo Thế giới trở về tuần trước, ông chỉ cảm thấy một sự lo lắng vô tận. Ước gì ta không bao giờ tham dự. Buổi gặp gỡ đặc biệt với Giám mục Valdespino, Allamah Syed al-Fadl và nhà vị lai chủ nghĩa Edmond Kirsch đã ám ảnh suy nghĩ của Köves suốt ba ngày liền. Giờ đây, lúc Köves về đến nhà, ông sải bước thẳng ra khu vườn trong sân và mở khóa căn házikó - căn nhà gỗ nhỏ dùng làm điện thờ và phòng làm việc riêng của ông. Căn nhà gỗ là một gian phòng duy nhất với những giá sách cao võng xuống dưới sức nặng của những bộ sách tôn giáo. Köves sải bước tới bên bàn làm việc và ngồi xuống, cau mày nhìn mớ lộn xộn trước mặt. Nếu có bất kỳ ai nhìn thấy bàn của ta trong tuần này, họ sẽ nghĩ ta mất trí. La liệt khắp mặt bàn, có đến nửa tá văn bản tôn giáo khó hiểu mở toang, có gắn những miếng dán ghi chú. Đằng sau đó, cũng mở toang trên những chiếc giá gỗ, là ba tập sách nặng trịch - các bản tiếng Do Thái, tiếng Aramaic*, và cả bản tiếng Anh của bộ Ngũ thư* - tập nào cũng mở vào đúng một cuốn. Sáng thế ký. Lúc mở đầu… Dĩ nhiên, bằng trí nhớ, Köves có thể trích dẫn Sáng thế ký bằng cả ba thứ ngôn ngữ; ông càng có khả năng đọc những dẫn giải học thuật về kinh điển Zohar hay còn gọi là luận thuyết vũ trụ học bí truyền cao cấp. Với một học giả có năng lực như Köves thì nghiên cứu Sáng thế ký chẳng khác gì Einstein quay lại nghiên cứu số học bậc tiểu học. Tuy nhiên, đó lại chính là những gì ngài giáo trưởng thực hiện trong tuần này, và tập giấy ghi chép trên bàn ông xem ra đã nhằng nhịt những dòng ghi chú nguệch ngoạc viết vội, lộn xộn đến mức chính Köves cũng khó nhận ra. Trông mình như đã hóa điên mất rồi. Giáo trưởng Köves bắt đầu với Ngũ thư - câu chuyện Sáng thế ký mà cả người Do Thái và người Thiên Chúa giáo cùng chung nhau. Lúc mở đầu Chúa trời tạo ra Thiên đàng và Trái Đất. Tiếp đến, ông chuyển sang những văn bản chỉ dẫn về giáo luật Do Thái, đọc lại những chỗ giải thích của các bậc giáo trưởng về Ma’aseh Bereshit - Công việc Sáng tạo. Sau đó, ông lại nghiên cứu kỹ thuật giảng giải Kinh thánh Do Thái, nghiền ngẫm những dẫn giải của nhiều bậc trí giả khả kính, những người đã cố gắng giải thích những điểm mâu thuẫn dễ thấy trong câu chuyện Sáng tạo truyền thống. Cuối cùng, Köves vùi mình trong khoa học bí truyền của kinh điển Zohar, trong đó vị Chúa trời bất khả tri thể hiện mười sephirot, hay phương diện, khác nhau bố trí dọc theo các mạch nguồn gọi là Cây Sự sống, từ đó trổ ra bốn vũ trụ riêng biệt. Tính chất phức tạp khó hiểu của các tín điều hình thành nên Do Thái giáo vốn lại luôn khiến Köves thấy dễ chịu - một lời nhắc nhở từ Chúa trời rằng ngài không có ý định để nhân loại hiểu tất cả mọi việc. Và lúc này đây, sau khi xem thuyết trình của Edmond Kirsch và suy ngẫm về sự đơn giản và rõ ràng trong những gì Kirsch phát hiện ra, Köves cảm thấy như thể mình đã bỏ ra ba ngày vừa qua chỉ để nghiền ngẫm một mớ những điều mâu thuẫn lỗi thời. Đã có lúc, tất cả những gì ông có thể làm là gạt bỏ những văn bản cổ của mình và đi bộ một quãng dài dọc sông Danube để tập trung suy nghĩ. Cuối cùng, Giáo trưởng Köves cũng bắt đầu chấp nhận một sự thật đau đớn: Thực tế, công trình của Kirsch sẽ có những tác động tai hại cho những sinh linh sùng đạo trên thế giới này. Khám phá của nhà khoa học này trái ngược rõ rệt gần như với tất cả những giáo điều tôn giáo đã từng được xác lập và cái điều ấy lại thể hiện một cách thuyết phục và đơn giản đến xót xa. Ta không thể quên được hình ảnh cuối cùng ấy, Köves nghĩ, nhớ lại phần kết luận kinh khủng trong thuyết trình của Kirsch mà họ đã xem trên chiếc điện thoại quá khổ của Kirsch. Tin tức này sẽ tác động đến mọi con người - không chỉ những người mộ đạo. Giờ đây, bất chấp mọi nghiền ngẫm của ông suốt vài ngày qua, Giáo trưởng Köves vẫn cảm thấy không tiến triển chút nào để biết cần phải làm gì với thông tin mà Kirsch cung cấp. Ông ngờ rằng Valdespino và al-Fadl cũng chẳng thấy gì sáng tỏ hơn. Cả ba người đã liên lạc qua điện thoại hai ngày trước, nhưng cuộc trò chuyện không đem lại kết quả gì. “Các bạn của tôi,” Valdespino mở lời. “Rõ ràng, thuyết trình của anh Kirsch rất đáng ngại… ở nhiều cấp độ. Tôi đã giục anh ta gọi và thảo luận thêm với tôi, nhưng anh ta im bặt. Giờ tôi tin chúng ta phải đưa ra một quyết định.” “Tôi đã có quyết định của mình,” al-Fadl nói. “Chúng ta không thể ngồi yên. Chúng ta cần kiểm soát tình hình này. Ai cũng rõ là Kirsch rất coi thường tôn giáo và anh ta sẽ trình bày phát hiện của mình theo cách gây hại hết mức cho tương lai của niềm tin. Chúng ta phải chủ động thôi. Chúng ta phải đích thân công bố phát hiện của anh ta. Ngay lập tức. Chúng ta phải soi rọi nó bằng thứ ánh sáng phù hợp để làm nhẹ bớt tác động và khiến cho nó bớt hăm dọa các tín đồ trong thế giới tinh thần.” “Tôi nhận ra là chúng ta thảo luận chuyện công bố,” Valdespino nói, “nhưng rất tiếc, tôi không sao hình dung được ta phải trình bày thông tin này mà không gây hăm dọa như thế nào.” Ông thở dài thườn thượt. “Lại còn vấn đề chúng ta đã thề với Kirsch rằng chúng ta sẽ giữ bí mật cho anh ta.” “Phải,” al-Fadl nói, “và tôi cũng thấy mâu thuẫn trong chuyện vi phạm lời thề ấy, nhưng tôi cảm thấy chúng ta phải chọn phưong án bớt tệ hại hơn và hành động nhân danh điều tốt đẹp hơn. Tất cả chúng ta đều bị công kích – Hồi giáo, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, mọi tôn giáo - và cứ nghĩ đến những tín điều của chúng ta đều đồng quy trên những chân lý cơ bản mà Kirsch đang hủy hoại, chúng ta có nghĩa vụ nói ra vấn đề này theo cách không làm tổn hại các cộng đồng của mình.” “Tôi e rằng không có cách nào làm được vậy,” Valdespino nói. “Nếu chúng ta có ý định công bố cái tin của Kirsch thì cách khả dĩ duy nhất là tạo ra nghi ngờ đối với phát hiện của anh ta – khiến anh ta mất uy tín trước khi anh ta có thể tiết lộ thông điệp của mình.” “Edmond Kirsch ư?” al-Fadl băn khoăn. “Một nhà khoa học xuất chúng chưa bao giờ sai lầm về bất kỳ chuyện gì ư? Tất cả chúng ta đều có mặt trong cuộc gặp với Kirsch phải không? Phần thuyết trình của anh ta rất thuyết phục.” Valdespino làu bàu. “Cũng chẳng thuyết phục hơn những thuyết trình của Galileo, Bruno hay Copernicus lúc sinh thời đâu. Các tôn giáo trước đây đều từng gặp khó khăn rồi. Lần này chỉ là khoa học đập cửa chúng ta một lần nữa thôi mà.” “Nhưng lại ở một mức độ sâu hơn rất nhiều so với những phát hiện về vật lý và thiên văn!” al-Fadl kêu lên. “Kirsch đang thách thức điều cốt lõi - cái gốc rễ căn bản của mọi thứ chúng ta tin tưởng! Ngài có thể dẫn lại lịch sử tùy ý ngài, nhưng xin chớ quên, bất chấp những nỗ lực rất lớn của Vatican của ngài nhằm bắt những người như Galileo im lặng, rốt cuộc khoa học của ông ấy vẫn thắng thế. Và rồi Kirsch cũng sẽ vậy. Chẳng có cách nào ngăn được chuyện này xảy ra đâu.” Một sự im lặng hoàn toàn. “Quan điểm của tôi về chuyện này rất đơn giản,” Valdespino nói. “Tôi ước gì Edmond Kirsch không có phát hiện này. Tôi sợ rằng chúng ta chưa sẵn sàng xử lý những phát hiện của anh ta. Và ưu tiên mạnh mẽ của tôi là thông tin này không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng ban ngày.” Ông ngừng lại. “Đồng thời, tôi tin rằng những sự kiện trên thế giới của chúng ta đều diễn ra theo ý Chúa. Có lẽ bằng cách cầu nguyện, Chúa sẽ nói chuyện với Kirsch và thuyết phục anh ta cân nhắc lại chuyện công bố phát hiện của mình.” Al-Fadl giễu cợt thấy rõ. “Tôi không nghĩ Kirsch là hạng người có khả năng nghe được tiếng nói của Chúa đâu.” “Có lẽ là không,” Valdespino nói. “Nhưng phép mầu vẫn xảy ra hằng ngày mà.” Al-Fadl nôn nóng vặn lại. “Bằng tất cả sự kính trọng, trừ phi ngài cầu nguyện rằng Chúa đánh chết Kirsch trước khi anh ta có thể công bố…” “Thưa các ngài!” Köves xen vào, cố gắng làm giảm sự căng thẳng đang tăng lên. “Quyết định của chúng ta không cần vội vàng. Chúng ta không cần phải đạt được đồng thuận trong tối nay. Kirsch nói còn một tháng nữa mới công bố mà. Tôi xin gợi ý rằng chúng ta hãy tự suy ngẫm kỹ chuyện này và bàn bạc lại sau vài ngày nữa được không? Có lẽ phương pháp phù hợp sẽ tự hé lộ trong khi nghiền ngẫm. “Ý kiến rất sáng suốt,” Valdespino đáp lời. “Chúng ta không nên chờ đợi quá lâu,” al-Fadl cảnh báo. “Chúng ta sẽ bàn bạc lại qua điện thoại sau hai ngày nữa nhé.” “Đồng ý,” Valdespino nói. “Khi đó chúng ta có thể đưa ra quyết định cuối cùng của mình.” Đó là hai ngày trước, và lúc này, buổi tối cho cuộc trò chuyện tiếp theo của họ đã đến. Một mình trong phòng làm việc của mình, Giáo trưởng Köves càng thêm bồn chồn. Cuộc gọi theo hẹn vào tối nay lúc này chỉ còn ngót mươi phút nữa là đến. Cuối cùng, điện thoại đổ chuông và Köves vồ lấy nó. “Chào ngài, Giáo trưởng,” Giám mục Valdespino nói, nghe đầy lo lắng. “Tôi xin lỗi vì trễ hẹn.” Ông ngừng lại. “Tôi e rằng ngài Allamah al-Fadl sẽ không tham gia cuộc gọi này với chúng ta.” “Ồ?” Köves ngạc nhiên nói. “Mọi chuyện vẫn ổn chứ?” “Tôi không rõ. Tôi đã cố gắng liên lạc với ông ấy cả ngày rồi, nhưng có vẻ như ngài allamah đã… biến mất. Không một đồng đạo nào của ông ấy biết ông ấy ở đâu.” Köves cảm thấy lạnh toát. “Việc đó đáng lo đấy.” “Tôi cũng cho là thế. Tôi hy vọng ông ấy không sao. Rất tiếc là tôi có thêm tin tức.” Vị giám mục ngừng lại, giọng ông càng u ám hơn. “Tôi vừa được biết rằng Edmond Kirsch sắp tổ chức một sự kiện để chia sẻ phát hiện của mình với thế giới… vào tối nay.” “Tối nay sao?!” Köves hỏi lại. “Anh ta nói sẽ là một tháng nữa cơ mà!” “Phải” Valdespino nói. “Anh ta đã nói dối.” CHƯƠNG 6 Giọng nói thân thiện của Winston lại vang lên trong chiếc tai nghe của Langdon. “Thẳng trước mặt ngài, thưa Giáo sư, ngài sẽ thấy bức tranh lớn nhất trong bộ sưu tập của chúng tôi, mặc dù hầu hết quan khách không nhận ra nó.” Langdon phóng mắt nhìn qua tiền sảnh bảo tàng nhưng chẳng thấy gì ngoài một vách kính nhìn thẳng xuống đầm nước. “Tôi rất tiếc, tôi nghĩ mình có thể cũng nằm trong nhóm đa số ở đây. Tôi chẳng hề thấy bức tranh đâu cả.” “Chà, nó được trưng bày rất khác thông lệ,” Winston bật cười nói. “Bức vẽ không được treo trên tường, mà ngay trên sàn nhà.” Đáng lẽ mình phải đoán ra chứ, Langdon nghĩ, hạ ánh mắt và di chuyển về phía trước cho tới khi anh nhìn thấy bức vẽ hình chữ nhật trải dài trên nền đá dưới chân mình. Bức tranh khổng lồ chỉ gồm một màu duy nhất, cả một trường đơn sắc màu xanh nước biển thẫm - và người xem đứng quanh rìa của nó, đăm đăm nhìn xuống như thể đang nhìn xoáy xuống một cái ao nhỏ. “Bức tranh này cỡ năm trăm năm mươi bảy mét vuông,” - Winston cung cấp. Langdon nhận ra nó rộng gấp mười lần kích thước căn hộ đầu tiên của mình ở Cambridge. “Nó là tác phẩm của Yves Klein và được trìu mến biết đến với tên gọi Bể bơi.” Langdon phải thừa nhận rằng cái sắc màu xanh dương lôi cuốn này tạo cho ông cảm giác ông có thể lao mình thẳng xuống bức tranh. “Klein sáng chế ra màu này,” Winston nói tiếp. “Nó được gọi là màu Xanh dương Klein Quốc tế và ông ấy tuyên bố rằng chiều sâu của bức vẽ gợi lên tính vô hình và vô tận trong hình ảnh không tưởng của ông ấy về thế giới.” Langdon cảm thấy lúc này Winston đang đọc kịch bản. “Klein nổi tiếng nhất với những bức vẽ màu xanh dương, nhưng ông ấy cũng nổi tiếng với một bức ảnh dựng trông rất đáng sợ gọi là Nhảy vào khoảng trống, từng gây hoảng loạn khi được hé lộ năm 1960.” Langdon từng xem bức Nhảy vào khoảng trống tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York. Bức ảnh hơi gây hoang mang khi mô tả một người đàn ông ăn mặc rất bảnh bao đang lao mình khỏi một tòa nhà cao tầng và sắp rơi xuống vỉa hè. Thực tế, đó là hình ảnh dựng - được sáng tác rất xuất sắc và chỉnh sửa cực khéo bằng một lưỡi dao cạo, rất lâu trước khi ra đời phần mềm Photoshop. “Thêm nữa,” Winston nói. “Klein cũng sáng tác tác phẩm âm nhạc Monotone-Silence (Sự im lặng đều đều), trong đó một dàn nhạc giao hưởng từng biểu diễn chỉ với một hợp âm Rê trưởng duy nhất trong trọn vẹn hai mươi phút.” “Và mọi người vẫn nghe à?” “Cả nghìn người nghe. Mà một hợp âm chỉ là màn đầu. Trong màn thứ hai, dàn nhạc ngồi bất động và trình diễn ‘sự im lặng thuần túy’ suốt hai mươi phút.” “Anh đang đùa phải không?” “Không, tôi hết sức nghiêm túc. Nếu nói bênh vực thì màn trình diễn có lẽ không buồn chán như nghe qua vậy đâu; sân khấu còn có ba người phụ nữ khỏa thân, người thấm đẫm sơn màu lam, lăn lộn trên những tấm toan khổng lồ.” Mặc dù Langdon dành phần lớn sự nghiệp của mình nghiên cứu về nghệ thuật, nhưng ông vẫn thấy băn khoăn chuyện mình chưa bao giờ biết rõ cách thưởng thức những đề xướng mang tính tiên phong của thế giới nghệ thuật. Sức hấp dẫn của nghệ thuật hiện đại vẫn là một bí ẩn với ông. “Tôi không có ý xem thường, anh Winston, nhưng tôi phải nói với anh rằng tôi thường thấy khó nhận biết được khi nào thì một thứ là ‘nghệ thuật hiện đại’ và khi nào thì một thứ lại hoàn toàn là dị hợm.” Câu trả lời của Winston nghe thật vô cảm. “Ôi dào, thường đó là một câu hỏi, phải không ạ? Trong thế giới nghệ thuật cổ điển của ngài các tác phẩm được tôn sùng nhờ kỹ năng thực hiện của nghệ sĩ - tức là, người đó đặt cây bút lên toan hay chiếc đục lên đá khéo léo đến mức nào. Thế nhưng, trong nghệ thuật hiện đại, các kiệt tác thường thiên về ý tưởng hơn là thực hiện. Chẳng hạn, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng soạn được một bản giao hưởng dài bốn mươi phút chẳng có gì ngoài một hợp âm và sự im lặng, nhưng chỉ có Yves Klein mới là người có ý tưởng.” “Cũng đúng.” “Dĩ nhiên rồi, Điêu khắc Sương mù ngoài kia là một ví dụ hoàn hảo về nghệ thuật khái niệm. Nghệ sĩ có một ý tưởng - cho những đường ống đục lỗ chạy bên dưới cầu và thổi sương mù trên mặt đầm - nhưng quá trình sáng tạo tác phẩm lại được thực hiện bởi những người thợ ống nước địa phương.” Winston ngừng lại. “Mặc dù tôi dành cho nghệ sĩ điểm số rất cao vì đã sử dụng phương tiện của bà ấy như một mật mã.” “Sương mù là một mật mã sao?” “Đúng thế. Một tặng vật bí ẩn gửi tới kiến trúc sư của bảo tàng.” “Frank Gehry à?” “Frank O. Gehry,” Winston đính chính. “Phải.” Lúc Langdon di chuyển về phía cửa sổ, Winston nói, “Từ chỗ này ngài có góc nhìn con nhện rất đẹp. Ngài đã thấy Maman trên đường đi vào rồi chứ?” Langdon phóng ánh mắt ra ngoài cửa sổ, qua đầm nước, về phía bức tượng con nhện đen to tướng trên quảng trường. “Vâng. Khó mà không nhìn thấy nó được.” “Qua giọng điệu của ngài tôi cảm thấy ngài không phải là thích nó nhỉ?” “Tôi đang cố gắng đây.” Langdon ngừng lại. “Là một người ủng hộ nghệ thuật kinh điển, ở đây tôi có phần lơ ngơ như cá rời nước vậy.” “Hay lắm,” Winston nói. “Tôi cứ hình dung rằng ngài cũng như tất cả mọi người sẽ đánh giá cao Maman. Nó là một ví dụ hoàn hảo cho quan niệm cổ điển về đối lập tương cận*. Thực tế, có thể ngài muốn sử dụng nó trong lớp học khi ngài dạy về khái niệm này lần tới.” Langdon nhìn con nhện, chẳng thấy gì như vậy cả. Khi đến lúc phải dạy về nghệ thuật đối lập tương cận, Langdon thích thứ gì đó truyền thống hơn một chút. “Tôi nghĩ tôi sẽ trung thành với tác phẩm David.” “Vâng, Michelangelo là chuẩn mực vàng rồi,” Winston bật cười nói, “quá xuất sắc khi tạo dáng cho David ở một tư thế bất đối xứng rất nữ tính, tay ngẫu nhiên cầm một chiếc ná cao su mềm oặt, càng thể hiện khả năng dễ bị tổn thương của phái nữ. Và đôi mắt David toát ra vẻ cương quyết có khả năng giết người, những sợi gân và mạch máu của anh ta phình lên trong trạng thái đề phòng gã Goliath sát nhân. Tác phẩm thanh nhã mà vẫn rất chết chóc.” Langdon rất ấn tượng với phần mô tả trên và thầm ước sinh viên của chính ông cũng có sự hiểu biết rành rẽ về kiệt tác của Michelangelo như vậy. “Maman cũng không khác David,” Winston nói. “Một sự đối lập tương cận táo bạo không kém giữa các nguyên lý mẫu đối chọi nhau. Về bản chất, con nhện đen là một sinh vật đáng sợ - một kẻ săn mồi chuyên bắt các nạn nhân bằng mạng lưới của nó rồi giết thịt. Mặc dù nguy hiểm chết người, nó vẫn được khắc họa ở đây với một bọc trứng đang phát triển, sắp nở, khiến cho nó vừa là kẻ săn mồi vừa là sinh vật tổ - phần thân khỏe khoắn tọa lạc trên đỉnh những chiếc chân mảnh khảnh đến khó tin, thể hiện cả sự mạnh mẽ lẫn sự mỏng manh. Có thể gọi Maman là một David thời hiện đại, nếu ngài muốn.” “Không đời nào,” Langdon mỉm cười trả lời, “nhưng tôi phải thừa nhận phân tích của anh khiến tôi có chất liệu để suy ngẫm.” “Tốt quá, vậy thì để tôi giới thiệu với ngài tác phẩm cuối cùng. Thật tình cờ nó lại là nguyên bản của Edmond Kirsch.” “Thật sao? Tôi chưa hề biết Edmond lại là một nghệ sĩ.” Winston cười to. “Tôi sẽ để ngài tự đánh giá.” Langdon để Winston hướng dẫn ông đi qua các ô cửa sổ tới một hốc tường rộng rãi bên trong có một nhóm quan khách tụ tập trước một mảng bùn khô rất lớn treo trên tường. Mới nhìn, mảng đất sét cứng đanh ấy gợi cho Langdon nhớ tới một chương trình trưng bày hóa thạch của bảo tàng. Nhưng chỗ bùn này không hề có hóa thạch. Thay vào đó, nó có những vết khắc rất thô tương tự như dấu vết một đứa trẻ có thể vạch ra bằng một cái que trên nền xi măng ẩm. Đám đông trông có vẻ chẳng lấy gì làm ấn tượng. “Edmond thực hiện cái này à?” một người phụ nữ mặc đồ da chồn với cặp môi bơm căng Botox càu nhàu. “Tôi không hiểu gì cả.” Người thầy trong Langdon không nhịn được lên tiếng. “Thực tế thì khá tài tình,” ông ngắt lời. “Cho đến giờ, nó là tác phẩm ưa thích của tôi trong cả bảo tàng này.” Người phụ nữ xoay người, mắt nhìn ông với vẻ xem thường. “Ồ thật sao? Vậy hãy khai sáng cho tôi đi nào.” Rất hân hạnh. Langdon bước tới chỗ đám dấu vết hằn khắc một cách thô bạo vào bề mặt đất sét.❏ “Chà, trước hết,” Langdon nói, “Edmond khắc tác phẩm này trên đất sét như một sự kính trọng dành cho thứ ngôn ngữ viết sớm nhất của nhân loại, chữ hình nêm.” Người phụ nữ chớp mắt, vẻ không lấy gì làm chắc. “Ba vết hằn sâu ở giữa,” Langdon nói tiếp, “là cách đánh vần từ ‘cá’ trong tiếng Assyria. Nó được gọi là chữ tượng hình. Nếu bà nhìn kỹ, bà có thể hình dung cái miệng há to của con cá hướng về bên phải, cũng như những cái vảy tam giác trên thân mình nó.” Cả nhóm người đều nghiêng đầu ngoẹo cổ, ngắm nghía lại tác phẩm. “Và nếu quý vị nhìn từ đây,” Langdon vừa nói vừa chỉ vào một loạt vết lõm bên trái con cá, “quý vị có thể thấy rằng Edmond in những dấu chân trên bùn đằng sau con cá, thể hiện cho bước tiến hóa lịch sử của cá lên đất liền.” Những cái đầu bắt đầu gật gù tán thưởng. “Và cuối cùng,” Langdon nói, “cái dấu hoa thị bất đối xứng bên phải - cái biểu tượng mà dường như con cá sắp nuốt lấy - là một trong những biểu tượng về Chúa cổ xưa nhất lịch sử. Người phụ nữ môi Botox quay lại và quắc mắt nhìn ông. “Một con cá định ăn Chúa à?” “Rõ ràng là vậy. Đó là một phiên bản mang tính bông đùa loài cá của Darwin - tiến hóa ăn tôn giáo.” Langdon hờ hững nhún vai với nhóm người. “Như tôi nói, khá tài tình.” Lúc Langdon rời đi, ông vẫn nghe thấy đám đông rì rầm phía sau và Winston bật lên tiếng cười. “Rất thú vị, thưa Giáo sư! Edmond sẽ rất biết ơn bài giảng ngẫu hứng của ngài. Không có nhiều người giải mã được tác phẩm đó đâu.” “Ôi dào,” Langdon nói, “thực tế thì đó là công việc của tôi mà.” “Vâng, và giờ tôi có thể hiểu tại sao ngài Kirsch lại đề nghị tôi xem ngài như một vị khách siêu đặc biệt. Thực tế, ông ấy dặn tôi chỉ cho ngài xem thứ gì đó mà không vị khách nào khác được trải nghiệm tối nay.” “Ồ? Đó là thứ gì thế?” “Bên phải các cửa sổ chính, ngài có thấy một hành lang có rào cách ly không?” Langdon ngó sang bên phải mình. “Tôi thấy rồi.” “Tốt rồi. Mời theo chỉ dẫn của tôi.” Langdon ngập ngừng làm theo những hướng dẫn từng bước của Winston. Ông bước tới lối vào hành lang và sau khi kiểm tra kỹ rằng không có ai theo dõi, ông thận trọng nép vào phía sau những cây cột thẳng đứng và lẩn nhanh theo hành lang khuất bóng hẳn. Lúc này, đã bỏ lại đám đông ở tiền sảnh phía sau, Langdon đi khoảng chín mét tới một cánh cửa kim loại có một bàn phím bấm số. “Hãy nhập sáu chữ số này,” Winston nói và thông báo cho Langdon dãy số. Langdon nhập mã, cánh cửa có tiếng lách cách. “Tốt rồi, thưa Giáo sư, xin mời vào.” Langdon đứng một lúc, không dám chắc chuyện gì sắp tới. Sau khi trấn tĩnh lại, ông đẩy cửa mở ra. Không gian phía sau gần như tối om. “Tôi sẽ bật đèn cho ngài,” Winston nói. “Xin hãy bước vào và đóng cửa lại.” Langdon nhích vào bên trong, căng mắt ra nhìn trong bóng tối. Ông đóng cánh cửa lại phía sau mình, tiếng khóa lạch xạch vang lên. Dần dần, thứ ánh sáng dìu dịu bắt đầu sáng lên quanh rìa căn phòng, để lộ ra một không gian như hang núi khó hình dung nổi – một gian phòng rộng hơ rộng hoác - như một khoang chứa máy bay dành cho cả một phi đội phản lực cỡ lớn. “Chính xác là ba nghìn một trăm năm mươi tám mét vuông,” Winston nói. Gian phòng này hoàn toàn nuốt chửng khu tiền sảnh. Khi các ngọn đèn tiếp tục sáng dần lên thêm, Langdon nhìn thấy một nhóm những hình thù rất lớn nằm trên sàn - bảy hoặc tám bóng đen tối thui - như những con khủng long đang gặm cỏ trong đêm. “Tôi đang thấy cái thứ quái quỷ gì thế này?” Langdon hỏi. “Nó có tên gọi là Vật chất thời gian.” Giọng nói vui vẻ của Winston vang lên trong tai nghe của Langdon. “Đây là tác phẩm nghệ thuật nặng nhất của bảo tàng. Gần chín trăm tấn.” Langdon vẫn đang cố xác định phương hướng. “Và tại sao riêng tôi lại ở đây?” “Như tôi đã nói, ngài Kirsch dặn tôi chỉ cho ngài xem những thứ đáng kinh ngạc này.” Các bóng đèn dần sáng rõ, nhấn chìm không gian rộng lớn trong thứ ánh sáng dìu dịu và Langdon chỉ có thể trân trối nhìn khung cảnh trước mắt mình đầy sững sờ. Mình vừa bước vào một vũ trụ song song. CHƯƠNG 7 Đô đốc Luis Ávila đến khu vực kiểm tra an ninh của bảo tàng và liếc nhìn đồng hồ để bảo đảm rằng mình vẫn đúng lịch trình. Hoàn hảo. Ông ta chìa Giấy Căn cước Quốc gia của mình cho các nhân viên rà quét theo danh sách khách mời. Trong thoáng chốc, mạch đập của Ávila rộn lên khi không tìm thấy tên của ông ta trong danh sách. Cuối cùng, họ cũng tìm thấy ở cuối cùng - một trường hợp bổ sung phút cuối - và Ávila được phép vào. Đúng y như Nhiếp chính vương đã hứa với mình. Bằng cách nào ông ấy làm được việc này, Ávila không biết được. Nghe nói danh sách khách mời tối nay rất sít sao. Ông ta tiếp tục đi tới chỗ máy dò kim loại, nơi ông ta móc điện thoại di động và đặt lên khay. Sau đó, với sự cẩn trọng cực kỳ, ông ta lấy một chuỗi tràng hạt bằng kim loại nặng khác thường từ trong túi áo khoác của mình ra và đặt lên trên chiếc điện thoại. Nhẹ nhàng thôi, ông ta tự nhủ. Rất nhẹ thôi. Người cảnh vệ rà quét ông ta bằng thiết bị dò kim loại và mang cái khay đồ cá nhân sang mé bên kia. “Que rosario tan bonito,” người cảnh vệ nói, trầm trồ trước chuỗi hạt kim loại, gồm một sợi xích hạt chắc chắn và một cây thập giá tròn cạnh rất dày dặn. “Gracias,” Ávila trả lời. Đích thân ta chế tạo nó đấy. Ávila đi qua máy dò không gặp sự cố gì. Sang phía bên kia, ông ta lấy lại điện thoại và chuỗi hạt, nhẹ nhàng cất lại vào túi trước khi tiến tới khu vực kiểm tra an ninh thứ hai, nơi ông ta được trao cho một chiếc tai nghe âm thanh khác thường. Ta không cần tour tham quan bằng âm thanh, ông ta nghĩ. Ta có việc phải làm. Lúc băng qua tiền sảnh, ông ta kín đáo vứt chiếc tai nghe vào một cái thùng rác. Tim ông ta đập thình thịch lúc ông ta nhìn khắp tòa nhà, tìm một chỗ riêng tư để liên hệ với Nhiếp chính vương và cho ông ấy biết ông ta đã vào bên trong an toàn. Vì Chúa, đất nước và Đức vua, ông ta nghĩ. Nhưng chủ yếu vì Chúa. Thời điểm đó, ở khu vực hẻo lánh xa xôi nhất của vùng sa mạc dãi ánh trăng bên ngoài Dubai, vị allamah khả kính bảy mươi tám tuổi, Syed al-Fadl đang vô cùng đau đớn khi bò qua lớp cát sâu. Ông không thể đi xa hơn được nữa. Da al-Fadl phồng rộp và bỏng rát, cổ họng ông đau đến mức ông gần như không thể hít nổi một hơi. Những trận gió đầy cát đã khiến ông mù lòa từ nhiều giờ trước và ông vẫn bò tiếp. Đã có lúc, ông nghĩ mình nghe thấy tiếng rền rĩ xa xa của những chiếc xe mui trần bánh to, nhưng có lẽ đó chỉ là tiếng gió hú. Niềm tin của al-Fadl rằng Thượng đế sẽ cứu ông đã qua đi từ lâu. Đám kền kền không còn lượn vòng tròn nữa, chúng đang đi theo sau ông. Cái gã Tây Ban Nha cao lớn chặn cướp chiếc xe của al-Fadl đêm qua chẳng hé răng lấy một lời khi hắn lái xe của vị allamah vào sâu trong sa mạc mênh mông này. Sau một tiếng chạy xe, gã Tây Ban Nha ấy dừng lại và ra lệnh cho al-Fadl ra khỏi xe, rồi bỏ mặc ông trong bóng tối mà không hề có thức ăn hay nước uống. Kẻ bắt cóc al-Fadl không hề đưa ra dấu hiệu nhận diện hay lời giải thích nào cho hành động của hắn. Manh mối khả dĩ duy nhất al-Fadl thoáng thấy là một cái vết rất lạ trên bàn tay phải của hắn - một biểu tượng ông không nhận ra được.❏ Trong nhiều giờ, al-Fadl lê bước qua cát và kêu cứu một cách vô vọng. Giờ đây, khi vị tu sĩ bị mất nước nghiêm trọng, gục ngã trong thứ cát ngột ngạt và cảm thấy tim mình kiệt quệ, ông vẫn tự vấn cái câu hỏi mà ông đã đặt ra suốt nhiều giờ. Kẻ nào lại có thể muốn mình chết chứ? Đầy kinh hoảng, ông nhận ra một câu trả lời hợp lý duy nhất. CHƯƠNG 8 Ánh mắt Robert Langdon bị cuốn từ khối hình đồ sộ này sang khối tiếp theo. Mỗi khối đều là một tấm thép sừng sững được cuộn lại rất khéo và rồi đặt đứng chênh vênh bằng rìa cạnh của nó, tự giữ thăng bằng để tạo thành một bức tường không hề có sự chống đỡ. Những bức tường uốn cong này cao tới ngót nghét bốn mét rưỡi và được uốn vặn thành những hình thù khác nhau - một dải ruy băng lượn sóng, một vòng tròn mở, một cuộn thép để lỏng. “Vật chất thời gian,” Winston nhắc lại. “Và nghệ sĩ là Richard Serra. Cách ông ấy sử dụng những bức tường không hề được chống đỡ bằng thứ phương tiện nặng nề như vậy tạo ảo giác về sự thiếu vững chãi. Nhưng thực tế, những thứ này rất vững. Ngài thử hình dung một tờ tiền đô la mà ngài cuộn tròn quanh một chiếc bút chì, khi ngài tháo bút chì ra, đồng tiền được cuộn lại của ngài có thể đứng khá ổn trên rìa cạnh của nó, được chống đỡ bằng chính dạng hình học của nó.” Langdon dừng bước và trân trân nhìn cái vòng tròn khổng lồ bên cạnh mình. Kim loại đã bị ô xy hóa, tạo cho nó thứ màu đồng cháy và một lượng hữu cơ thô. Tác phẩm này toát lên cả sức mạnh rất lớn lẫn cảm giác thăng bằng rất tinh tế. “Thưa Giáo sư, ngài có nhận thấy hình thù đầu tiên này lại không hoàn toàn kín không?” Langdon tiếp tục đi quanh hình tròn và thấy rằng hai đầu của bức tường không gặp nhau, như thể một đứa trẻ đã cố vẽ một vòng tròn nhưng thiếu nét vậy. “Cách kết nối được làm lệch tạo ra một lối đi thu hút du khách tiến vào bên trong để khám phá không gian âm tính.” Trừ phi vị khách đó tình cờ lại sợ cảm giác bị nhốt kín, Langdon nghĩ, chân bước nhanh hơn. “Tương tự,” Winston nói, “trước mặt ngài, ngài thấy ba dải ruy băng thép uốn khúc, chạy theo một đội hình song song tương đối, đủ gần nhau để hình thành hai đường hầm lượn sóng dài hơn ba mươi mét. Nó được gọi là Con rắn, và các vị khách trẻ của chúng tôi rất thích chạy qua đó. Thực tế, hai vị khách đứng ở hai đầu đối diện có thể khẽ thì thầm và vẫn nghe rõ được tiếng nhau, như thể họ đang đối diện nhau vậy.” “Ấn tượng đây, anh Winston, nhưng anh làm ơn giải thích xem tại sao Edmond lại đề nghị anh cho tôi xem gian triển lãm này đi.” Cậu ta biết mình đâu có thích thứ này. Winston trả lời. “Tác phẩm cụ thể mà ông ấy đề nghị tôi chỉ cho ngài xem có tên là Đường xoắn ốc và nó ngay phía trước ở góc bên phải. Ngài thấy nó không?” Langdon nheo mắt nhìn về phía xa. Cái thứ trông như cách xa đến nửa dặm kia ấy hả? “Vâng, tôi thấy rồi.” “Tuyệt lắm, chúng ta đi tới đó chứ?” Langdon đưa ánh mắt thăm dò một lượt không gian mênh mông rồi tiến tới đường xoắn ốc ở phía xa trong khi Winston tiếp tục nói. “Thưa Giáo sư, tôi nghe nói Edmond Kirsch là người rất ngưỡng mộ công việc của ngài - đặc biệt là những tư tưởng của ngài về sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các truyền thống tôn giáo xuyên suốt lịch sử và những tiến hóa của các truyền thống ấy như phản ánh trong nghệ thuật. Bằng nhiều cách thức, lĩnh vực lý thuyết trò chơi và tin học dự báo của Edmond khá tương đồng - phân tích sự lớn mạnh của các hệ thống khác nhau và dự đoán xem chúng sẽ phát triển như thế nào theo thời gian.” “Chậc, rõ ràng cậu ấy rất thạo rồi. Nói cho cùng thì người ta gọi cậu ấy là Nostradamus* thời hiện đại cơ mà.” “Vâng. Mặc dù cách so sánh ấy hơi xúc phạm, nếu ngài có hỏi tôi.” “Sao anh phải nói như vậy chứ?” Langdon vặn lại. “Nostradamus là nhà tiên tri nổi tiếng nhất mọi thời đại đấy.” “Tôi không có ý phản đối, thưa Giáo sư, nhưng Nostradamus viết gần một nghìn bài thơ tứ tuyệt lời lẽ dễ dãi mà, hơn bốn thế kỷ qua, được hưởng lợi từ những cách hiểu đầy sáng tạo của những kẻ mê tín luôn tìm cách nghĩ ra ý nghĩa ở những chỗ chẳng có nghĩa gì cả tất cả mọi chuyện từ Thế chiến Thứ hai đến cái chết của Công nương Diana hay vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới. Quá ư ngớ ngẩn. Ngược lại, Edmond Kirsch công bố một số lượng rất hạn chế những dự đoán rất cụ thể nhưng đều trở thành sự thật trong một thời gian rất ngắn ngủi - tin học đám mây, xe hơi không người lái, con chip xử lý vận hành chỉ cần năm nguyên tử. Ngài Kirsch không phải Nostradamus.” Mình sai rồi, Langdon nghĩ. Người ta nói Edmond Kirsch tạo ra lòng trung thành rất ghê gớm trong những người làm việc cùng cậu ấy và rõ ràng Winston là một trong những đệ tử nhiệt thành của Kirsch. “Vậy ngài có thích chuyến tham quan của tôi không?” Winston hỏi, đổi chủ đề khác. “Rất thích. Edmond thật đáng nổi danh vì đã tạo ra công nghệ hướng dẫn tham quan từ xa quá hoàn hảo này.” “Vâng, hệ thống này là giấc mơ của Edmond suốt nhiều năm và ông ấy đã dành ra một số lượng thời gian và tiền bạc không thể tính được để bí mật phát triển hệ thống ấy.” “Thật sao? Công nghệ này xem ra cũng không phức tạp lắm. Tôi phải thừa nhận rằng lúc đầu tôi có phần hoài nghi, nhưng anh vừa thuyết phục được tôi - quả là một cuộc trò chuyện thú vị.” “Ngài nói vậy thật là rộng bụng, mặc dù tôi hy vọng lúc này tôi không làm hỏng mọi chuyện bằng việc thừa nhận sự thật. Tôi e là tôi đã không hoàn toàn thành thực với ngài.” “Sao cơ?” “Trước hết, tên thật của tôi không phải là Winston. Mà là Art.” Langdon bật cười. “Một hướng dẫn viên bảo tàng tên là Art à? Chà chà, tôi không trách anh dùng một cái tên giả đâu. Rất hân hạnh được biết anh, Art.” “Hơn nữa, khi ngài hỏi tôi tại sao tôi lại không đích thân bách bộ cùng ngài, tôi đã cho ngài câu trả lời chính xác về việc ngài Kirsch muốn duy trì các nhóm nhỏ. Nhưng câu trả lời đó chưa hoàn chỉnh. Còn một lý do nữa khiến chúng ta nói chuyện qua tai nghe chứ không phải trực diện.” Anh ta ngừng lại. “Thực tế, tôi không có khả năng di chuyển về mặt vật lý.” “Ồ… tôi xin lỗi.” Langdon hình dung ra Art đang ngồi trên một chiếc xe lăn trong một tổng đài điện thoại và cảm thấy tiếc là Art sẽ nhận thức được việc phải giải thích tình trạng của bản thân. “Không cần phải cảm thấy thương hại cho tôi đâu. Tôi quả quyết với ngài rằng chân cẳng trông sẽ rất kỳ lạ với tôi đấy. Tôi không hoàn toàn trông như ngài hình dung đâu.” Bước chân Langdon chậm lại. “Ý anh là sao?” “Cái tên ‘Art’ không hẳn là một cái tên vì nó là một cụm viết tắt. ‘Art’ là rút gọn của từ ‘artificial’ (nhân tạo) mặc dù ngài Kirsch thích từ ‘synthetic’ hơn.” Giọng nói dừng lại một lúc. “Sự thật của vấn đề, thưa Giáo sư, là buổi tối nay ngài đang tương tác với một hướng dẫn viên nhân tạo. Một dạng máy tính.” Langdon nhìn quanh, vẻ ngờ vực. “Đây có phải là một trò đùa vui không?” “Không hề, thưa Giáo sư. Tôi rất nghiêm túc. Edmond Kirsch đã mất một thập kỷ và gần một tỷ đô la cho lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, và tối nay ngài là một trong những người đầu tiên trải nghiệm kết quả sức lao động của ông ấy. Toàn bộ chuyến tham quan của ngài được thực hiện bởi một hướng dẫn viên nhân tạo. Tôi không phải con người.” Langdon không chấp nhận nổi chuyện này dù chỉ một giây. Cách diễn đạt và ngữ pháp của người kia rất hoàn hảo và ngoại trừ tiếng cười hơi vụng về, anh ta là một diễn giả lịch thiệp như bất kỳ ai Langdon từng gặp. Hơn nữa, cuộc trò chuyện vui vẻ của họ tối nay bao quát rất nhiều chủ đề và đủ sắc thái. Mình đang bị theo dõi, giờ Langdon nhận ra như vậy, đưa mắt rà khắp các bức tường để dò các máy quay video giấu kín. Ông nghi ngờ mình đã vô thức tham gia vào một tác phẩm lạ lẫm của “nghệ thuật trải nghiệm” - một kịch bản được dàn dựng rất khéo từ những điều vô lý. Họ biến mình thành một con chuột trong mê cung. “Tôi không thấy dễ chịu lắm với chuyện này,” Langdon tuyên bố, giọng ông vang rền khắp gian trưng bày vắng vẻ. “Tôi rất xin lỗi,” Winston nói. “Điều đó hoàn toàn hiểu được. Tôi phỏng chừng rằng có thể ngài thấy khó tiếp nhận được tin này. Tôi hình dung được đó là lý do tại sao Edmond lại đề nghị tôi đưa ngài vào đây trong một không gian riêng tư, tránh khỏi mọi người khác. Thông tin này không được tiết lộ cho những vị khách khác của ông ấy.” Mắt Langdon nhìn thật kỹ không gian lờ mờ để xem liệu còn ai khác ở đó không. “Đương nhiên như ngài biết,” giọng nói tiếp tục, nghe không hề bối rối trước sự khó chịu của Langdon, “bộ não người là một hệ thống nhị phân - các khớp thần kinh hoặc kích thích hoặc không - chúng bật hoặc tắt, giống như bộ chuyển mạch của máy tính. Bộ não có hơn một trăm nghìn tỉ bộ chuyển mạch, có nghĩa là làm ra một bộ não không hẳn là vấn đề công nghệ mà là vấn đề về quy mô.” Langdon chẳng nghe mấy. Ông lại bước đi, tập trung chú ý đến một tấm biển “Exit” (Lối thoát) có mũi tên chỉ về đầu kia của phòng trưng bày. “Thưa Giáo sư, tôi nhận ra chất người trong giọng nói của tôi khó nhận ra là do máy móc tạo ra, nhưng thực tế lời nói là bộ phận quá dễ. Thậm chí một thiết bị sách điện tử chín mươi chín đô la cũng làm được công việc khá ổn là bắt chước giọng nói người. Edmond đã phát minh ra cả tỷ.” Langdon dừng bước. “Nếu anh là máy tính, hãy nói với tôi chuyện này. Chỉ số trung bình Công nghiệp Dow Jones ở mức nào lúc đóng cửa ngày 24 tháng 8 năm 1974?” “Đó là ngày thứ Bảy,” giọng nói trả lời tức thì. “Cho nên thị trường không mở cửa.” Langdon cảm thấy ớn lạnh. Ông đã chọn một mốc thời gian đánh lừa. Một trong những hiệu ứng phụ từ trí nhớ rành rẽ của ông là việc những ngày tháng cứ khắc ghi mãi mãi trong tâm trí ông. Ngày thứ Bảy đó là sinh nhật người bạn thân nhất của ông, và Langdon vẫn nhớ bữa tiệc bên bể bơi buổi chiều đó. Helena Wooley mặc một bộ áo tắm màu xanh dương. “Tuy nhiên,” giọng nói bổ sung ngay, “vào ngày hôm trước, thứ Sáu, 23 tháng 8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở 686,80, giảm 17,83 điểm vì mất 2,53 phần trăm.” Langdon nhất thời không nói lên lời. “Tôi rất vui được chờ đợi,” giọng nói vang lên, “nếu như ngài muốn kiểm tra dữ liệu trên điện thoại thông minh của mình. Mặc dù tôi không có lựa chọn nào ngoài việc mỉa mai sự việc đó.” “Nhưng… tôi không…” “Thử thách với trí thông minh nhân tạo,” giọng nói tiếp tục, sắc thái Anh nhẹ lúc này dường như là lạ hơn lúc trước, “không phải là truy cập dữ liệu mau lẹ, vốn thật sự khá đơn giản, mà là khả năng nhận thức được dữ liệu được kết nối và đan kết như thế nào - điều tôi tin ngài rất xuất chúng, phải không nhỉ? Mối quan hệ qua lại của các ý tưởng ư? Đây là một trong những lý do ngài Kirsch muốn kiểm tra năng lực của tôi với riêng ngài.” “Một bài kiểm tra à?” Langdon hỏi. “Với… tôi sao?” “Không hẳn.” Lại tiếng cười vụng về vang lên. “Một bài kiểm tra với tôi. Để xem liệu tôi có thể thuyết phục được ngài tôi là con người không.” “Một phép thử Turing.” “Chính xác.” Phép thử Turing, Langdon nhớ ra, là một thử thách được chuyên gia giải mã Alan Turing* đề xuất nhằm đánh giá khả năng của một cỗ máy có thể ứng xử theo cách thức không khác biệt với ứng xử của một con người, về cơ bản, một người đánh giá nghe một cuộc đối thoại giữa một cỗ máy và một con người, và nếu người đánh giá không thể phân biệt được bên nào là con người thì phép thử Turing được xem là thành công. Thử thách chuẩn của Turing đã thành công năm 2014 tại Hiệp hội Hoàng gia ở London. Kể từ đó công nghệ trí thông minh nhân tạo đã tiến bộ với một tốc độ chóng mặt. “Cho đến giờ trong buổi tối nay,” giọng nói tiếp tục, “không một vị khách nào của chúng tôi nghi ngờ gì cả. Tất cả đều có một quãng thời gian tuyệt vời.” “Khoan đã, tất cả mọi người ở đây tối nay đều đang nói chuyện với máy tính à?!” “Về mặt kỹ thuật, tất cả đều đang nói chuyện với tôi. Tôi có thể phân thân rất dễ dàng. Ngài đang nghe giọng nói mặc định của tôi - giọng nói mà Edmond ưa thích - nhưng những người khác thì đang nghe các giọng hoặc ngôn ngữ khác. Dựa trên tiểu sử của ngài là một nam giới học thuật người Mỹ, tôi chọn chất giọng Anh quốc nam mặc định của mình cho ngài. Tôi đoán rằng như thế sẽ tạo ra sự tự tin lớn hơn là một giọng nữ trẻ kéo dài kiểu miền nam chẳng hạn.” Có phải cái thứ này vừa nói mình là một kẻ sô vanh không nhỉ? Langdon nhớ ra một đoạn ghi âm rất thịnh hành từng được lưu hành trên mạng vài năm trước: Ông trưởng ban Michael Scherer của tạp chí Time được một người máy tiếp thị qua điện thoại gọi điện và người máy giống người đến mức Scherer đã đăng tải đoạn ghi âm cuộc gọi lên mạng để tất cả mọi người cùng nghe. Chuyện đó nhiều năm trước rồi, Langdon nhận ra vậy. Langdon biết rằng Kirsch đeo đuổi trí thông minh nhân tạo đã nhiều năm, thỉnh thoảng lại xuất hiện trên bìa các tạp chí ca ngợi những đột phá khác nhau. Rõ ràng, hậu duệ “Winston” của Kirsch chính là đại diện cho trình độ tân tiến hiện tại của cậu ấy. “Tôi nhận ra toàn bộ việc này diễn ra rất mau chóng,” giọng nói tiếp tục, “nhưng ngài Kirsch có yêu cầu rằng tôi cho ngài xem đường xoắn ốc này ở đúng chỗ lúc này ngài đang đứng. Ông ấy đề nghị rằng ngài hãy vui lòng bước vào trong đường xoắn ốc và tiếp tục đi hết đến phần trung tâm.” Langdon ngó vào cái lối đi uốn cong chật hẹp và cảm thấy các cơ của mình cứng lại. Có khi đây là ý tưởng của Edmond về một trò tinh nghịch thời đại học chăng? “Anh có thể nói cho tôi biết trong đây có gì không? Tôi vốn không phải người chuộng những không gian chật hẹp lắm.” “Rất thú vị, tôi không biết chi tiết đó về ngài.” “Tâm lý sợ không gian tù túng không phải là chuyện tôi đưa vào lý lịch trên mạng của mình.” Langdon sực tỉnh, vẫn không thể hình dung được mình đang nói chuyện với một cỗ máy. “Ngài không cần thiết phải sợ. Không gian ở trung tâm đường xoắn ốc khá rộng rãi và ngài Kirsch đặc biệt có yêu cầu rằng ngài hãy xem xét phần trung tâm. Tuy nhiên, trước khi ngài bước vào, Edmond có đề nghị rằng ngài hãy gỡ tai nghe và đặt lên sàn ở phía ngoài đây.” Langdon ngập ngừng nhìn khối cấu trúc lù lù. “Anh sẽ không đi cùng với tôi à?” “Hẳn nhiên là không rồi.” “Anh biết đấy, toàn bộ việc này rất lạ lùng, và tôi không hoàn toàn…” “Thưa Giáo sư, nghĩ đến chuyện Edmond đưa ngài đi cả chặng đường tới sự kiện này thì dường như ngài đi bộ một quãng ngắn vào trong tác phẩm nghệ thuật này là một đề nghị rất nhỏ nhoi. Trẻ con vẫn làm việc đó hằng ngày và sống khỏe mà.” Langdon chưa bao giờ bị một cỗ máy trách cứ cả, nếu thực tế thứ này đúng là như vậy, những lời nhận xét gay gắt có tác dụng như mong muốn liền. Ông gỡ tai nghe và thận trọng đặt lên sàn, giờ quay mặt đối diện với lối vào đường xoắn ốc. Những vách tường cao hình thành một đường hẻm rất hẹp uốn cong hút tầm nhìn, biến mất trong bóng tối. “Chẳng vấn đề gì cả,” ông tự nói với mình Langdon hít một hơi thật sâu và sải bước vào trong. Lối đi uốn cong mãi, xa hơn ông hình dung, ngoằn ngoèo sâu hơn và chẳng mấy chốc Langdon không còn biết mình đã xoay vòng bao nhiêu lần rồi. Với mỗi vòng xoay thuận chiều kim đồng hồ, lối đi lại trở nên hẹp hơn, và đôi vai rộng của Langdon lúc này gần như cọ sát vào vách. Thở đi, Robert. Các tấm kim loại đặt xiên có cảm giác như chúng có thể đổ sập vào trong bất kỳ lúc nào và đè bẹp ông bên dưới hàng tấn thép. Tại sao mình lại làm chuyện này nhỉ? Ngay trước lúc Langdon định quay lại và đi ngược ra thì lối đi đột ngột kết thúc, để ông xuất hiện trong một không gian mở rộng rãi. Đúng như đã hứa, một căn phòng lớn hơn ông mong đợi. Langdon bước nhanh khỏi đường hầm ra khoảng trống, thở hắt ra trong lúc xem xét mặt sàn trơ trụi và những bức tường kim loại cao, lại cảm thấy băn khoăn không biết đây có phải là một màn chơi xỏ tinh vi của đám sinh viên đại học không. Một cánh cửa lạch xạch đâu đó bên ngoài, và những tiếng chân bước nhanh nhẹn vang lên phía ngoài những bức tường cao. Có ai đó vừa bước vào phòng trưng bày, đi qua cánh cửa gần đó mà Langdon đã thấy. Tiếng bước chân tiến lại đường xoắn ốc và sau đó bắt đầu đi vòng sang phía Langdon, càng lúc càng rõ hơn sau mỗi khúc ngoặt. Có ai đó đang bước vào cái đường ống kia. Langdon tựa lưng và đối diện lối ra trong khi tiếng bước chân tiếp tục đi lượn vòng, tiến lại gần hơn. Tiếng lách cách ngắt âm rõ hơn cho tới khi một người đàn ông đột ngột xuất hiện từ trong đường hầm. Anh ta thấp lùn và mảnh dẻ với làn da xanh xao, đôi mắt rực sáng và một mớ tóc đen buông tự nhiên. Langdon trân trân nhìn người đàn ông một lúc lâu và cuối cùng mới cho phép mình nở nụ cười ngoác đến mang tai. “Edmond Kirsch vĩ đại lúc nào cũng có màn xuất hiện long trọng.” “Có mỗi cơ hội duy nhất để gây ấn tượng lần đầu thôi mà thầy,” Kirsch niềm nở đáp lời. “Em rất nhớ thầy, thầy Robert. Cảm ơn thầy đã đến.” Hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau. Khi Langdon vỗ vỗ lên lưng người bạn cũ, ông cảm thấy Kirsch gầy hơn hẳn. “Em giảm cân đấy,” Langdon nói. “Em ăn chay mà,” Kirsch đáp. “Còn dễ dàng hơn là phép tinh lược.” Langdon bật cười. “Chà, thật vui được gặp em. Và, lúc nào cũng vậy, em khiến tôi cảm thấy mình ăn mặc quá diện.” “Ai cơ, em à?” Kirsch liếc nhìn xuống chiếc quần bò đen lẳng nhẳng cùng áo phông cổ chữ V trắng và chiếc áo khoác ngắn tay chun của mình. “Thế này là sang rồi.” “Dép xỏ ngón màu trắng là sang à?” “Dép xỏ ngón ạ?! Đôi này là hàng Ferragamo Guineas đấy.” “Và tôi đoán chúng còn đắt hơn toàn bộ phục trang của tôi ấy chứ.” Edmond bước lại và kiểm tra nhãn hiệu trên chiếc áo khoác cổ điển của Langdon. “Thật ra,” anh nói, mỉm cười ấm áp, “đây là chiếc áo đuôi tôm rất đẹp. Vừa vặn lắm.” “Tôi phải nói với em, Edmond ạ, anh bạn nhân tạo Winston của em… rất đáng ngại.” Kirsch cười toét. “Phi thường phải không ạ? Thầy không thể tin nổi những gì em đã hoàn thành trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo trong năm nay đâu - những bước nhảy vọt ngoạn mục. Em đã phát triển một số công nghệ độc quyền mới giúp máy móc giải quyết vấn đề và tự kiểm soát theo những cách thức hoàn toàn mới. Winston là một dự án đang triển khai, nhưng nó tiến bộ hằng ngày.” Langdon nhận thấy những nếp nhăn hằn sâu xuất hiện quanh đôi mắt trẻ con của Edmond sau một năm qua. Anh chàng này trông rất mỏi mệt. “Edmond, em có ngại nói cho tôi biết tại sao em lại đưa tôi đến đây không?” “Tới Bilbao ạ? Hay là vào đường xoắn ốc Richard Serra?” “Chúng ta bắt đầu từ đường xoắn ốc đi,” Langdon nói. “Em biết tôi sợ không gian tù túng mà.” “Chính xác. Tối nay là nhằm đẩy mọi người ra khỏi vùng dễ chịu của họ,” anh nói kèm nụ cười đầy tự mãn. “Vẫn luôn là đặc trưng của em.” “Hơn nữa,” Kirsch nói thêm, “em cần nói với thầy và em không muốn bị trông thấy trước buổi diễn.” “Bởi lẽ các ngôi sao nhạc rock không bao giờ trà trộn với khách mời trước buổi hòa nhạc à?” “Chính xác!” Kirsch đáp lại vẻ bông lơn. “Các ngôi sao nhạc rock xuất hiện một cách kỳ diệu trên sân khấu trong màn khói mù mịt.” Phía trên đầu, các bóng đèn đột ngột dịu xuống rồi bật lên. Kirsch kéo ống tay áo và nhìn đồng hồ. Rồi anh liếc Langdon, vẻ mặt đột nhiên trở nên nghiêm trọng. “Thầy Robert, chúng ta không có nhiều thời gian. Tối nay là một thời điểm khác thường với em. Thực tế, nó sẽ là một thời điểm quan trọng cho toàn thể nhân loại.” Langdon bỗng cảm thấy phải đề phòng. “Gần đây, em có một phát hiện khoa học,” Edmond nói. “Đó là một đột phá sẽ có ý nghĩa ảnh hưởng rất sâu rộng. Gần như không ai trên thế giới này biết về nó, và tối nay - không lâu nữa - em sẽ trực tiếp phát biểu với cả thế giới và công bố những gì em đã tìm ra.” “Tôi không biết chắc phải nói gì,” Langdon đáp. “Việc này nghe chấn động quá nhỉ.” Edmond hạ giọng, và tiếng anh trở nên căng thẳng khác thường. “Trước khi em công khai thông tin này, thầy Robert, em cần lời khuyên của thầy”. Anh ngừng lại. “Em sợ rằng mạng sống của em có thể tùy thuộc vào điều đó.”