🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Yêu Của Bube Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn NGƯỜI YÊU CỦA BUBE ---❊ ❖ ❊--- Nguyên tác: La Ragazza di Bube Tác giả: Carlo Cassola Dịch thuật: Thanh Gương Nhà xuất bản Trẻ - 2016 ebook©vctvegroup https://thuviensach.vn LỜI NHÀ XUẤT BẢN Tiểu thuyết Người yêu của Bube (La ragazza di Bube) ngay khi ra mắt độc giả vào năm 1960 đã gây một tiếng vang lớn trong làng văn học Ý, và đoạt giải thưởng văn học Premio Strega, một trong những giải thưởng văn học lớn của Ý. Tiểu thuyết được nhà văn Carlo Cassola (1917-1987) viết trong khoảng những năm 1958-1959 dựa trên một câu chuyện có thật xảy ra ngay sau khi cuộc kháng chiến giải phóng nước Ý khỏi ách phát xít của Mussolini và Hitler vừa chấm dứt (1945). Câu chuyện lấy bối cảnh làng Val d’Elsa ở vùng Toscana thuộc miền Trung nước Ý, tại thời điểm Thế chiến thứ hai vừa kết thúc. Các nhân vật trong truyện còn đang sống trong dư âm của bầu không khí hào hùng và cũng đầy đam mê tuổi trẻ, của cuộc kháng chiến chống phát xít Ý và Đức. Bube, một chiến sĩ du kích cộng sản chống phát xít, từ chiến khu trở về và đến thăm gia đình người đồng chí đã hy sinh trong Người yêu của Bube kháng chiến. Anh gặp Mara, em gái của người đồng chí, và hai người yêu nhau. Giữa lúc tình yêu của Bube và Mara vừa chớm nở với tất cả những khao khát và say đắm của tình yêu đầu đời thì một biến cố đã xảy ra: trong một cuộc xô xát, khi tay cảnh sát trưởng bắn chết một đồng chí trong nhóm, Bube và một người bạn khác đã bắn chết hắn và con trai hắn. Đột nhiên, đôi tình nhân đứng trước một thử thách lớn của tình yêu: Bube phải chạy trốn sang Pháp để tránh bị truy lùng, trong khi Mara ở lại quê nhà vắng bặt tin anh. Đêm trước khi Bube lên đường chạy trốn ra khỏi nước Ý, anh và Mara đã lần đầu thực sự yêu nhau với những tình cảm trong trắng và hồn nhiên của những người lần đầu biết yêu. https://thuviensach.vn Nổi bật trong truyện là hình tượng “người yêu của Bube.” Sách đã khắc họa rất sinh động quá trình biến đổi của Mara: trước những sóng gió bão táp của cuộc đời, từ một cô gái mới lớn mười sáu tuổi quê mùa và hồn nhiên, rất thông minh sắc sảo nhưng cũng rất trẻ con, Mara dần trở thành một người phụ nữ đầm tính, sâu sắc và tự chủ ở tuổi hai mươi lăm. Lúc đầu, Mara chỉ chấp nhận Bube để có bạn trai đem khoe với bạn bè, cô đồng ý sang ra mắt gia đình Bube cũng để được ra tỉnh mua giày cao gót và túi xách. Nhưng rồi tình yêu đến và cô đã dần trưởng thành. Một chi tiết gây xúc động: đêm trước khi Bube ra đi, Mara đã từ chối nhận số tiền anh cho cô mua túi xách, để anh đem theo phòng thân. Sau đó là những tháng năm đằng đẵng cô chờ đợi người yêu trong bặt vô âm tín, khi tuổi xuân dần qua đi. Trong thời gian cô đơn chờ đợi, Mara quen với Stefano, một anh công nhân, cũng là đảng viên cộng sản, có nhân cách đáng quý, và trong lòng cô cũng không khỏi xao động, và hai người yêu nhau. Xung đột lên đến đỉnh điểm trong chính nội tâm của Mara, đó là sự đấu tranh giữa một tình cảm đã có lúc muốn buông xuôi để chạy theo một tương lai có chồng con yên ấm với Stefano và một lý trí mách bảo rằng cô là điểm tựa duy nhất cho Bube, rằng anh chịu đựng được vì nghĩ rằng ở quê nhà vẫn còn cô chờ đợi mình. Nhưng chính ngay lúc ấy, nút thắt đã được gỡ khi Bube bị bắt và sau đó bị tuyên án mười bốn năm tù. Tại thời điểm bước ngoặt đó, Mara đã quyết định cuộc đời mình phải ở bên cạnh Bube, nhất là trong tình cảnh khó khăn về mặt tinh thần của anh lúc đó. Mara xem đó là một “bổn phận,” một giá trị đạo đức mà cô không thể từ chối. Mara cắt đứt quan hệ tình cảm với Stefano, và tiếp tục chờ đợi mười bốn năm, thăm nuôi Bube và chờ ngày anh mãn hạn tù để cùng nhau xây dựng tương lai. Thoạt đầu tác giả đã lồng nhân vật Bube trong nhiều bối cảnh quan trọng, nhưng càng đọc, qua các biến cố dẫn dắt mạch truyện, người ta sẽ nhận thấy tác giả đã dần đưa Mara lên thành nhân vật chính và Bube chỉ còn là một điều kiện tác động lên các quyết định của Mara. Dù có bản tính nông nổi, thiếu suy nghĩ thấu đáo, dễ bị khích động đi dến các hành động thô bạo vũ lực, nhưng Bube cũng thể hiện một nhân cách đáng quý, sống https://thuviensach.vn hết mình trong tình yêu, và luôn thể hiện thái độ nâng niu, tôn trọng, giữ gìn cho người yêu. Trong tiểu thuyết còn có một đoạn tả rất rõ về tình cảm nhân bản của Bube với cha xứ Ciolfi - vốn là một tay phát Người yêu của Bube xít, nhưng chiếm được những tình cảm ấu thơ của Bube. Bube đã cố tình làm lơ như không thấy cha xứ Ciolfi, và cũng chính Bube sau đó đã phải đứng ra tìm cách bảo vệ cha xứ khi ông này bị người dân trong làng phát hiện và đòi hành hung. Tuy nhiên, chính Bube cuối cùng lại phải hành hung cha xứ trước áp lực của người dân căm thù phát xít. Điều này cho thấy Bube cũng chưa thoát khỏi tâm thức của thời chiến và đã sử dụng vũ lực để giải quyết các xung đột. Những suy nghĩ của Bube phần nào phản ánh sự giận dữ, thất vọng của những người cộng sản Ý khi cảm thấy bị phản bội: họ đã chiến đấu, hy sinh xương máu nhưng cuối cùng cũng không làm được cách mạng như họ mong muốn, và chính quyền lại thuộc về tay những lực lượng bảo thủ hữu khuynh, thậm chí thân phát xít hay cựu phát xít được hưởng ân xá. Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh nước Ý sau Thế chiến thứ hai, mô tả những người cộng sản Ý, theo cái nhìn và quan điểm riêng của tác giả. Để rộng đường tham khảo của bạn đọc, Nhà xuất bản Trẻ xin giới thiệu đến các bạn tiểu thuyết Người yêu của Bube. https://thuviensach.vn PHẦN I https://thuviensach.vn CHƯƠNG 1 Mara ngồi ngáp lên ngáp xuống. Chỉ tại thằng em trai mà bây giờ cô phải chịu cực hình ngồi nhà. Đôi khi cô tính cứ bỏ mặc mà đi chơi. Chắc chắn là thằng Vinicio sẽ la ầm lên, và đến chiều nó sẽ méc lại với mẹ; nhưng lúc đó cô nàng vẫn có thể chối hết mọi chuyện. Và rồi sau đó cô sẽ nện cho nó một trận. Ý tưởng bỏ đi chơi hấp dẫn đến độ cô muốn làm ngay. Nhưng rồi cô đứng lại, ngập ngừng ngắm mình trong chiếc gương bầu dục của cánh cửa tủ. Cô đưa hai tay luồn dưới mái tóc để xem thử hình dáng mình sẽ ra sao nếu cô có mái tóc phồng lên. Tấm kiếng bị bể một miếng theo chiều ngang nên không hiện đủ cả khuôn mặt cô. Vài phút sau, cô bỏ xuống bếp. Thằng em chạy theo phía sau, la lên: “Đi đâu vậy?” “Tao ở đây nè. Đồ ôn dịch.” “Không, chị muốn ra ngoài,” thằng em rền rĩ. Nó rất sợ phải ở nhà một mình. “Tao không đi đâu cả. Tao ở đây nè.” Cô nàng bước đến bên cửa sổ. Cửa sổ nhìn ra một khoảng đất trống giữa các dãy nhà. Phía cuối khoảng đất trống dẫn vào một con ngõ nhỏ, và con ngõ đâm ra con đường cái của làng. Mauro đang ngồi trên bậc thềm của căn nhà đối diện. “Ê! Hôm nay không đi làm hả?” Mara dò hỏi. https://thuviensach.vn Mauro không thèm trả lời. Hắn đứng lên một cách mệt nhọc và băng ngang qua khoảng đất trống. Lưng quần trệ xuống hai bên hông xương xẩu khiến lâu lâu hắn lại phải lấy tay kéo quần lên. “Ra ngoài chơi đi,” hắn nói với cô nàng. “Không được, tao phải trông chừng thằng Vinicio.” “Thế thì cho tao vào nhà vậy.” “Cũng không được.” “Sao vậy?” “Má tao không muốn mày vào nhà khi tao chỉ có một mình,” cô nàng trả lời không suy nghĩ để rồi một thoáng sau là cô nhận ra mình lỡ lời. Trên mặt của Mauro hiện ra một nụ cười ranh mãnh. “Tao biết má mày đi đâu rồi. Bà ấy đi mót lúa mì.” “Không,” Mara chối. “Bà ấy đi loanh quanh đâu đây và về sắp về liền đấy.” Mauro cười khúc khích. “Đi mót lúa mì,” hắn lặp lại. “Thế này chắc chắn đến sẩm tối mới về. Vậy thì cho tao vào nhà đi.” “Không, không được.” “Nhưng tao vẫn cứ vào.” “Sao được. Tao đã cài then bên trong rồi.” Thực ra nếu muốn, Mauro cũng có thể thử đẩy cánh cửa để thấy là nó chỉ khép hờ. Nhưng hắn không làm; và Mara hể hả với mưu chước của mình. “Làm ơn cho tao vào đi,” hắn năn nỉ. “Mày thèm vào lắm phải không?” cô ta trêu chọc hắn. Mauro lặng thinh. Hắn có khuôn mặt dài, quai hàm nhô ra; phía trên mép mọc một hàng ria mịn đen dày, nhưng hai gò má và dưới cằm thì nhẵn thín không có một sợi râu. Đầu tóc thì lúc nào cũng rối bù. “Mày sợ à?” “Sợ cái gì?” cô nàng cảm thấy bị tự ái. “Sợ tao.” Và nụ cười khoái trá càng nở to hơn trên gương mặt của hắn. https://thuviensach.vn “Tao mà sợ mày ấy à?” “Thế thì mở cửa cho tao vào đi.” “Không.” Và cô ta cười mỉa hắn. “Được rồi, thế thì mày phải chịu bó gối ngồi nhà trong khi tao đi chơi đây,” một lúc sau Mauro đáp lại. “Thì ăn nhằm gì tao.” “Tao đến nhà Annita đây.” “Thì đi đi.” “Tao dám cá là mày sẽ tức lắm.” “Tội cho thằng khùng.” Mauro lấy giọng như người từng trải. “Đàn bà chúng mày lúc nào cũng làm ra vẻ bất cần… nhưng bên trong thì tức bầm gan.” “Này thử nói xem… vì sao mà tao phải tức mình?” “Tại vì Annita cướp mất người yêu của mày.” “Mày là người yêu của tao á?” Mara bật cười lớn. “Này, đối với tao… mày chẳng là cái quái gì cả. Nếu rủi mày có biến mất thì tao cũng chẳng hay.” “Thế còn tao, mày nghĩ là tao ngó ngàng đến mày à?” “Thế thì sao không đi cho khuất mắt tao?” “Khuất đi đâu?” “Khuất khỏi cửa sổ nhà tao. Nếu mày không ngó ngàng gì đến tao thì sao mày cứ lẩn quẩn ở đây?” “Tao muốn ở đâu thì tùy tao.” Hắn lục túi moi ra một mẩu thuốc lá, rồi một que diêm, và hắn quẹt que diêm vô tường để bật lửa. Và để tỏ ra hắn đứng đấy không phải vì cô, hắn quay lưng về phía cô; lập tức Mara với mình ra cửa sổ và giật tóc hắn. “Ái da! Khốn kiếp. Mày kéo tóc đau quá. Sao không để tao vô nhà đi?” “Tao đã nói lý do.” https://thuviensach.vn “Có ai thấy đâu.” “Sao mày cứ muốn vào nhà?” “Để nói chuyện.” “Đứng đây nói chuyện cũng được rồi.” “Tao có chuyện phải nói với mày. Một điều bí mật.” “Thì nói đi.” Hắn làm ra vẻ thành thực: “Tao hứa không đụng đến mày.” “À, và tao phải ngu đến độ tin vào các lời hứa của mày!” Cô nàng nổi cáu: “Mày đã thề là sẽ không nói chuyện với con Annita nữa; ấy vậy mà hôm nọ tao thấy mày và nó nói chuyện với nhau.” “Tại vì mày chẳng thèm chiều tao cái gì cả,” Mauro đáp lại. “Còn con ấy thì nó chiều mày hả? Sướng nhé, đi với con ấy thì tha hồ mà sướng. Cái con lác mắt ấy,” và cô ta cười. Rồi cô nói thấp giọng: “Mày biết ba tao nói gì không? Đàn bà nhà ấy… toàn là hạng lúc nào cũng sẵn sàng kéo váy lên.” Và lại cười. Trong khi đó hắn vẫn làm mặt nghiêm. “Cho tao vào nhà đi,” hắn cứng đầu lặp lại. “Không.” “Chỉ một phút thôi.” Mara nhìn hắn giễu cợt. Cô nàng thích khiêu khích hắn bằng lời nói, để rồi cho hắn ngậm tăm. Hắn bỗng ngừng năn nỉ; kéo quần lên và nói với bộ điệu hờ hững: “Đừng lên mặt làm cao với tao; tao thừa biết mày đã làm mấy chuyện đó rồi….” “Nói nhỏ một chút, khốn nạn.” “Có đúng là mày đã làm mấy chuyện đó rồi phải không?” hắn nhỏ giọng lặp lại. “Hồi nào? Sao tao chẳng nhớ nữa.” “Đồ ba xạo. Hồi năm ngoái, cũng cỡ mùa này….” “Mày mới là đồ ba xạo.” https://thuviensach.vn “Này, tao nhắc cho mày nhớ nơi xảy ra: ở phía dưới lò gạch nướng bánh mì *. Hay mày vẫn còn muốn chối?” “Tao chối, ừ, tao chối phăng đấy.” “Mày là thứ vừa láo vừa hèn.” “Mày mới là đứa nói láo và là thằng hèn. Tao không bao giờ kéo váy lên, nếu đấy là chuyện mày muốn biết.” “Thế còn chuyện mày cởi nút quần tao,” hắn cãi lại. Mara không thèm nói chuyện nữa, thậm chí cũng không thèm nhìn hắn. “Đồ đâu không chết đi cho khuất mắt,” cô ta thầm nghĩ một cách tức giận. Hồi tuần trước, hắn có ra đồng với bà cô và một chị nông dân khác, và chị này đạp phải mìn, thế là thân xác tiêu tan. Bà cô cũng bị thương, nhẹ thôi, chả thế mà đã xuất viện rồi. Còn Mauro, đến trầy trụa cũng không có. 1* Ở nông thôn Ý, mỗi làng có một cái lò gạch cả làng xài chung. Các gia đình trong làng ra đó đốt củi để nướng bánh mì (hay các thứ bánh khác), vì ở nông thôn, nhất là vào những thập niên 1930-50, không phải lúc nào cũng có bánh mì phân phối đến từng nhà. Bây giờ nhiều nơi vẫn còn giữ lại lò làm bánh, chủ yếu để tái tạo lại cảnh xưa mỗi khi trong làng có lễ lạt. “Mình sẵn sàng trả bất cứ giá nào để chính hắn đạp trúng mìn,” Mara thầm nghĩ. Cả đám gồm cô ta, Annita và Mauro, cùng lớn lên với nhau trên cái sân này; thực ra thì có cả những đứa trẻ láng giềng khác, nhưng bộ ba bọn này không bao giờ rời nhau. Và cả ba cũng đã từng làm những chuyện bậy bạ (và chính chúng gọi như thế: “chuyện bậy bạ”). Annita lúc ấy cũng đã là một đứa không biết xấu hổ, cặp với bất cứ thằng đực rựa nào, trong khi Mara chỉ cặp với Mauro. Thực ra thì cũng có lần cô cặp với một thằng khác, nhưng thực ra chỉ để chọc tức Mauro mà thôi, Nhưng đó là những trò trẻ con, chẳng có gì đáng để ý; con gái đứa nào cũng làm thế. Không, có thể con Liliana thì không. Nhưng tại con này khờ, tối ngày chỉ chạy theo nắm váy mẹ. Ngặt nỗi là từ năm ngoái, cả cô nàng lẫn Mauro, chẳng đứa nào còn trẻ con nữa. Trước đây hắn chẳng bao giờ để mắt đến cô, thế rồi bỗng dưng https://thuviensach.vn hắn bắt đầu cứ loanh quanh bám theo cô và hễ có dịp là thò tay sờ mó, lúc thì sờ phía trước, lúc thì mó phía sau; và Mara thì cứ tha hồ mà bạt tai hắn. Đúng là một trò đùa vô tội vạ, bởi vì khi hắn bị phấn khích thì người như mụ ra chẳng còn biết chống đỡ: cứ câm miệng đưa mặt ra lãnh bạt tai. Cô vả mạnh vào mặt đến độ để lại các dấu ngón tay trên má hắn. Nhưng một buổi chiều, cô ta bị mẹ đánh đòn, và thế là cô bỏ ra ngồi khóc ở dưới lò bánh. Lúc ấy thì Mauro xuất hiện, và hắn đến vỗ về an ủi cô ta; rồi hắn bắt đầu vuốt ve, mà vuốt ve… đúng như kiểu của mấy người yêu nhau… “Cũng vì trời tối thui nên mình chẳng nhìn ra nó; chứ không thì đố mà ôm được mình,” vì cô rất ghét hắn. Thế rồi đến một lúc, cô cũng chẳng biết chuyện gì đã xảy ra… Chắc chắn là cũng chẳng xảy ra chuyện gì cả; nhưng hắn thì kể từ hôm đó cứ lúc nào cũng đi khoe khoang. “Với mày tao chẳng làm chuyện gì cả,” cô nói với hắn. Mauro cười khúc khích: “Nhưng tao chắc là với tao mày đã làm cái gì đó.” “Thiên hạ chẳng ai hay biết gì cả. Mà nếu mày có đi rêu rao thì tao cũng nói là mày chỉ là thằng ba xạo.” “Thiên hạ tin cánh con trai tụi tao, chẳng ai thèm đi tin đám con gái.” “Chẳng ai tin một thằng ba xạo như mày.” “Này… tao thề là sẽ không đả động lại chuyện này, nhưng mày cho tao vào nhà bây giờ đi, năm phút thôi.” “Thế mày thề cái gì?” “Tao thề có Đức Mẹ. Không, coi đây, tao thề có Nữ thánh Lucia là tao sẽ bị mù nếu tao không giữ lời thề.” “Đấy… đầu mày chỉ toàn là sạn,” Mara bất ngờ nói. Cô ta cười vào mặt hắn xong rồi rút người thật nhanh về phía sau. Nhưng cô vẫn ở bên cạnh cửa sổ lắng tai nghe. “Mara,” hắn kêu lên. “Mara, này… mày chạy đâu rồi?” Mara cố nén cười. https://thuviensach.vn “Mara, nghe tao này.” Hắn năn nỉ, kêu van một hồi nữa, rồi Mara nghe tiếng chân hắn bỏ đi. *** Trưa hôm sau, Mara lại đứng bên cửa sổ của nhà bếp. Cô nàng nhìn về phía cuối con hẻm, đoạn mà người ta có thể nhìn thấy con đường vô làng, với hy vọng sẽ có một chiếc xe Mỹ nào đó chạy qua. Những ngày đầu tiên khi lính Mỹ xuất hiện thật là vui. Cả đám lính Mỹ đóng dưới phía nhà xứ: xe nhà binh đậu rải rác khắp vườn ô-liu, thậm chí có đoạn họ san phẳng hết để lấy sân đá banh. Chiều tối đến thì lính Mỹ lang thang khắp nơi trong làng, họ gõ cửa khắp mọi nhà để hỏi rượu và đổi bằng thuốc lá hay đồ hộp. Họ còn cho cô mấy thỏi sô-cô-la, kẹo và bánh bích-quy. Họ gọi Mara “Cô em, cô em xinh đẹp.” Nhưng cô sợ quá và bỏ chạy. Rồi bỗng dưng một hôm họ đồng loạt bỏ đi; rồi những người lính khác đến, nhưng cũng chỉ đóng quân lại có hai ngày; rồi từ đó thi thoảng chỉ có một vài chiếc xe chạy ngang qua, thế thôi. Bỗng một lúc văng vẳng tiếng động cơ xe hơi. Tiếng máy nhọc nhằn của một chiếc xe đang leo lên con dốc ngắn nhưng thẳng đứng dẫn vào làng. Mara chăm chú đưa ánh mắt về hướng có tiếng động cơ xe với hy vọng đấy là một chiếc xe nhà binh Mỹ. Nhưng không phải xe của lính Mỹ. Đấy là một chiếc cam-nhông của dân thường, nhỏ bé và xộc xệch; trên thùng xe chất một cái gường, một tấm nệm, một cái tủ đầu giường nhỏ, một mớ ghế cùng với những đồ vật lỉnh kỉnh khác. Trên thùng xe còn có một thanh niên, và anh ta phóng xuống đất trước khi xe ngừng bánh. Anh ta đeo trên vai một cái ba-lô, trên cổ quấn một chiếc khăn màu đỏ. Dù rằng một người du kích kháng chiến không gây chú ý bằng một anh lính Mỹ, nhưng Mara vẫn đứng im ngắm nghía anh ta. Cô thấy anh ta nói điều gì đó với người lái xe. Rồi chiếc cam-nhông chuyển bánh. Anh thanh niên đưa mắt rảo nhìn chung quanh, cứ như không biết phải đi về hướng nào. Anh ta hỏi một cô bé gái điều gì đó, và cô bé vừa trả https://thuviensach.vn lời vừa đưa tay chỉ về phía nhà Mara. Anh thanh niên đi thẳng đến chỗ cô và ngừng ngay dưới cửa sổ: “Đây là nhà của ông Castellucci phải không?” “Phải,” Mara trả lời. “Nhưng bây giờ ông không có ở nhà.” Anh thanh niên lại lộ vẻ lưỡng lự, cắn móng tay trong khi Mara quan sát anh ta. Dáng người anh ta hơi gầy, da nâu nâu, tóc mềm mại và có hàng ria mép. “Bác đi đâu rồi?” anh ta bất chợt hỏi. “Ở làng Colle,” Mara đáp. “Mà có về không?” “Ai biết được. Có hôm thì về, có hôm thì ngủ lại Colle.” “Biết thế thì mình đã xuống xe ở làng Colle,” anh thanh niên nói, như tự nói với mình. “Mà cô là ai? Con gái của Castellucci à?” Mara gật đầu. “Không có ai ở nhà cả hả?” Mara ra dấu không có ai. “Tôi là đồng chí của Sante,” anh thanh niên chợt nói. Mara không đáp lại tiếng nào. Thường thì cô rất khó chịu khi nghe ai nhắc đến tên người anh đã mất. “Thôi, bây giờ đã đến đây rồi, tôi đành chờ Castellucci vậy,” anh ta bất thình lình nói. Mara rời khỏi chỗ cửa sổ, nhưng không ra cửa đón anh ta. Anh thanh niên bước vào nhà, leo hai bậc thang dẫn về phía nhà bếp, anh ta tháo ba-lô trên vai và để nó dựa vào vách tường. Anh ta đảo mắt nhìn chung quanh một cách do dự rồi bất ngờ hỏi: “Còn má cô có nhà không?” “Không,” Mara đáp, và vẫn chăm chú quan sát anh thanh niên. Anh ta trông rất trẻ, râu cằm đã được cạo sạch sẽ. Nhưng đồng thời anh ta cũng có dáng vẻ nghiêm trang như một người đàn ông đứng tuổi. Áo quần anh ta có https://thuviensach.vn vẻ tơi tả: một cái túi áo bị sứt chỉ, trên ống quần có một chỗ rách để lộ ra cái đầu gối. Anh thanh niên cũng đưa mắt nhìn chỗ rách của chiếc quần: “Cô có kim chỉ không? Ít ra trong khi ngồi đợi, tôi sẽ khâu lại chỗ này.” Rồi anh ta nói thêm: “Thật là đáng hổ thẹn khi trở về nhà với áo quần như vầy.” Mara leo lên phòng ở tầng trên. Thằng Vinicio đang nằm ngủ, nửa người lộ ra khỏi tấm ra giường, mặt đỏ au đẫm mồ hôi. Mara lôi từ trong ngăn kéo tủ đầu giường ra một cuộn chỉ đen và một mảnh vải trên đó có ghim một hàng kim; cô ta đứng soi mình trước gương một lúc, rồi trở xuống tầng dưới. Anh thanh niên đã cởi áo khoác ngoài ra. Chỉ còn lại chiếc áo sơ-mi, trông anh ta càng ốm hơn. Hai cánh tay áo được vén lên để lộ ra đôi cánh tay mảnh khảnh không có những bắp thịt cuồn cuộn. Không nói tiếng nào, Mara chìa cánh tay ra như bảo anh thanh niên đưa cho cô chiếc áo khoác. Anh thanh niên tỏ vẻ bối rối. “Mà tôi cũng có thể tự khâu lấy… Hồi ở chiến khu chúng tôi cũng đã học cách khâu vá.” Miệng nói thế nhưng anh ta vẫn đưa áo, và Mara cầm áo bước đến bên cửa sổ và bắt đầu khâu lại cái túi. “Không, chỗ này không cần,” anh thanh niên hô hoán lên, gần như không muốn bị chạm đến người. Mara cười thầm: anh chàng này đúng là nhút nhát. Cô ra hiệu cho anh ta ngồi yên và cô quỳ xuống cạnh bên: “Đừng lo, tôi sẽ không đâm kim trúng anh đâu,” cô nói vì thấy anh thanh niên tự động giựt chân lại. “Tôi nào có sợ gì đâu,” anh thanh niên đáp một cách nghiêm nghị. Một lát sau Mara vừa đứng lên vừa nói: “Xong rồi đấy.” Và cô ra hiệu cho anh ta đứng lên. Trong một thoáng hai người đứng giáp mặt nhau, cô nàng thì nhìn thẳng vào mặt anh chàng một cách bình https://thuviensach.vn thản, thậm chí có hơi táo tợn, còn anh chàng thì chẳng biết phải đưa ánh mắt đi đâu. Cũng như những lần trước, anh thanh niên phá tan sự bối rối bằng lối nói bất ngờ: “Sante vẫn thường hay kể với tôi về cô. Mà tôi cứ ngỡ… tôi tưởng… nhưng xem ra cô chẳng giống anh ta bao nhiêu.” “Bởi vì tụi tôi cũng không hẳn là anh em ruột thịt,” Mara trả lời. “Cái gì?” Một lần nữa Mara suýt bật cười, nhưng cô nén lại: “Tụi tôi là anh em cùng mẹ khác cha,” cô giải thích. Anh thanh niên “à” lên một tiếng rồi lấy tay gãi trán. Anh ta ngồi lại xuống ghế và để bớt bối rối, anh lấy ngón tay gõ gõ lên mặt bàn. Anh ta lại còn huýt sáo nữa, nhưng một cách rất vụng về: vừa phùng má vừa trề môi quá lố. Bất ngờ anh ta ngừng huýt sáo: “Tôi với Sante như là anh em ruột thịt với nhau,” anh ta nói. “Mà gia đình cô biết tin ấy như thế nào?” “Qua một anh nông dân ở vùng đâu trong đó,” Mara trả lời. Cô kể với vẻ miễn cưỡng. Cô nhớ lại cái cảnh hôm ấy… mọi người ở trong nhà… bà mẹ thì vừa la khóc vừa đổ tội cho ông bố rằng tại ông ta mà Sante mới có ý tưởng đi theo kháng chiến. Còn riêng phần mình thì cô ta chẳng cảm thấy buồn bã chi cả, thậm chí còn thấy sướng bởi vì từ hôm đó cô có thể dùng phòng của Sante, thay vì phải ngủ ở dưới bếp. Ông bố về đến nhà trước bà mẹ. “Má bây đâu rồi?” ông hất hàm hỏi. “Má đi mót lúa,” Mara trả lời. Và thấy ông bố đang sắp sửa bước lên phòng trên, cô vội nói: “Có người này…” cô xích qua một bên và lấy tay chỉ anh thanh niên. Ông bố đứng lại nhìn anh thanh niên trân trân. “Tôi là đồng chí của Sante,” anh thanh niên tự giới thiệu. “A,” ông bố la lên. “Hân hạnh quá chú em… Qua đây rất vui….” Ông bố như không nói nên lời. https://thuviensach.vn “Thế còn má bây đâu?” ông bố quay sang phía cô con gái, lặp lại câu hỏi. “Con đã nói má đi mót lúa.” “À nhớ rồi.” Rồi như thoáng nhớ ra điều gì đó: “Còn thằng Vinicio? Vẫn còn nóng đầu hả? Này bật đèn lên chứ, tối om chẳng thấy gì cả.” “Chưa có điện, ba,” Mara trả lời. “À.” Ông bố quay sang anh thanh niên: “Cứ tự nhiên. Cứ coi như đây là nhà của chú em nghe. Thế ra chú em đây ở cùng với thằng Sante….” “Vâng, lúc ở Montespertoli,” anh thanh niên đáp. “À.” Ông bố đưa tay vuốt gương mặt đen đầy râu ria. “Thế chú em cũng là người ở vùng này hả?” “Dạ, ở Volterra,” người thanh niên đáp. “Cháu đang trên đường về nhà. Đúng ra cháu có thể về đến nhà nội chiều hôm nay; nhưng cháu nghĩ, nhân dịp chạy ngang qua đây thì dừng lại ghé qua nhà của…” “Tốt, cháu làm thế là tốt. Bác rất vui biết mặt cháu. Nhà này coi như là nhà của cháu. Đối với bác, bè bạn đồng chí của thằng Sante cũng như con cháu trong nhà. Bây giờ mình đợi má mấy đứa nhỏ về thì ăn cơm, rồi cháu có thể đi nghỉ. Này, cậu này tối nay ngủ ở phòng của thằng Sante,” ông bố quay sang Mara nói tiếp, “còn mày chạy qua ngủ nhờ bên nhà dì.” “Cháu không dám làm phiền,” anh thanh niên nhanh nhảu. “Cháu có thể nằm tạm ở nhà bếp cũng được. Cháu quen nằm đất rồi,” anh ta vừa nói tiếp vừa nhoẻn miệng cười. “Không được, không được,” ông bố la lên. “Bác đã nói rồi, cứ coi đây như nhà của cháu. Cháu ở bao lâu cũng được. À này, mà cháu tên gì?” “Cappellini Arturo. Nhưng mọi người vẫn gọi cháu là Bube.” “Nhưng hồi kháng chiến, biệt danh của cháu là gì?” “Người báo thù,” anh thanh niên trả lời. “À, đúng rồi. Bác cũng có nghe nói đến biệt danh này, thằng Sante có nói với bác… Người báo thù, đúng rồi.” https://thuviensach.vn Ông bố lặp lại như để tự thuyết phục mình rằng ông cũng từng biết cái biệt danh ấy. Bà mẹ về đến nhà. Anh thanh niên lập tức đứng lên. Tất cả mọi người đều im lặng một đỗi. “Má sấp nhỏ, chú em đây là bạn đồng chí của thằng con mình đấy,” ông bố lên tiếng. Người đàn bà nhìn anh thanh niên với vẻ vô cảm, rồi bà ta leo cầu thang dẫn lên tầng trên và biến mất. “Thôi,” ông bố lắc đầu. “Cháu cũng thông cảm,” ông ta quay sang nói với anh thanh niên. “Đối với một bà mẹ thì chuyện đó là một cú sốc rất lớn. Ngay chính cả đối với bác cũng thế. Nhưng biết sao? Đàn ông chúng mình còn biết suy nghĩ.” “Đối với mọi người là một cú sốc lớn,” anh thanh niên nói. “Cháu coi Sante như anh em ruột thịt trong nhà.” “Ừ,” ông bố gật gù. “Tiếc là trong các cuộc cách mạng, trong chiến tranh, không phải ai cũng có thể đi cho hết đoạn đường… Mỗi cuộc đấu tranh đều có hy sinh.” “A… có điện rồi,” Mara la lên. Từ cửa sổ bên kia cô thấy nhà đối diện đã bật đèn. Cô với tay mò mẫm tìm công-tắc điện. Căn phòng sáng lên một cách yếu ớt. “Ồ, bây giờ mới thấy rõ mặt,” ông bố hồ hởi. “Trời ơi, trông cháu trẻ hơn là bác tưởng. Bao nhiêu rồi?” “Dạ mười chín.” “Kém hơn thằng Sante của bác một tuổi,” ông bố nhận xét. Mara chạy đến mở cửa gạc-măng-rê *lôi ra bình rượu và hai cái ly, và cô đặt tất cả lên bàn. Ông bố rót rượu tràn ly, rồi ông ta cầm lấy một ly đưa cho anh thanh niên. “Xin chúc sức khỏe bác,” anh ta vừa nói vừa hớp từng ngụm rượu nhỏ. https://thuviensach.vn “Chúc sức khỏe cháu, người đồng chí,” ông bố đáp lại. 2* Garde à manger (tiếng Pháp): còn gọi là chạn để thức ăn. Ông ta ực một hơi cạn ly và lập tức rót thêm ly khác cho mình. “Cháu cũng là đồng chí, có phải không?” “Bác không thấy à?” anh thanh niên nói, mặt có vẻ hơi hờn dỗi. “Cháu gia nhập Đảng kể từ lúc vừa mới được thành lập. Bác có thấy cái này không?” anh thanh niên vừa nói vừa chỉ một cái sẹo ngay trên trán. “Vết thương do bọn khốn kiếp đã đập cháu, hồi tranh cử năm 1924 *…” *** Mara ngồi trên ghế đẩu đợi nước nóng để rửa chén bát. Lúc nào rửa chén bát, lau chùi bếp núc cũng là việc của cô, bởi vì lúc này hễ nhúng tay vô nước là bà mẹ ngã bệnh ngay. Nhưng chiều hôm đó, bà mẹ cũng chẳng ăn cơm mà đi ngủ thẳng. Bube và ông bố ngồi lại bên bàn ăn nói chuyện và uống rượu. Thật ra thì chỉ có mình ông bố nói và uống; rồi đến một lúc, cũng như vẫn thường hay xảy ra trong những tình huống như thế này, câu chuyện ông đang nói bỗng ngừng giữa chừng; mắt ông nhắm lại, đầu gục xuống ngực. Chỉ một thoáng là nghe tiếng ông ngáy. Anh thanh niên quay sang nhìn Mara, vẻ chưng hửng. “Ba tôi nói tràng giang đại hải, nghe nhức cả đầu,” Mara trả lời, nhoẻn miệng cười. 3* Bầu cử Quốc hội Ý ngày 06/04/1924. Kết quả bầu cử đã đưa đảng phát xít của Benito Mussolini chính thức lên cầm quyền, mở đầu cho hai thập niên của chế độ phát xít ở Ý (1924-1943). “Ông ấy đang nói những chuyện về Đảng,” anh thanh niên đáp một cách nghiêm nghị. “Và anh cảm thấy thích thú khi ngồi nghe mấy chuyện đó?” Mặt anh thanh niên lộ vẻ ngạc nhiên. Sau một hồi anh ta nói, giọng lên mặt: https://thuviensach.vn “Chuyện chính trị chắc chắn không phải là chuyện dành cho đàn bà,” rồi đưa tay đấm ngực để tăng sức nặng cho tuyên bố của mình: “Đấy là chuyện của cánh đàn ông chúng tôi.” Rồi anh ta đứng lên, đến mở chiếc ba-lô và thò tay vào lục lọi tìm cái gì đó. Một lúc sau Mara nhìn thấy anh ta cầm một khẩu súng lục. “Anh làm gì vậy?” cô la lên vẻ sợ hãi. “Làm ơn bỏ súng xuống ngay đi.” Bube mỉm cười: “Đừng sợ, súng không có đạn.” Anh đưa mắt nhìn khẩu súng với vẻ khoái trá: “Khẩu súng này, cô thấy chứ? Nó đã thanh toán nhiều món nợ. Mà chưa hết đâu.” Rồi anh ta cao giọng: “Bộ thiên hạ không biết sao? Biệt danh “Người báo thù” đâu phải tự nhiên trên trời rơi xuống?” Mara bắt đầu rửa chén đĩa. Cô liếc nhìn thấy anh thanh niên lại tiếp tục lục lọi tìm kiếm cái gì đó trong ba-lô. Sau cùng anh ta lôi ra một tấm vải màu vàng: “Này, tôi tặng cho cô đấy,” và nói thêm, “vải dù đấy nhé. Lụa đấy.” Mara nhanh nhảu chùi tay vào miếng tạp dề đầy dầu mỡ để lau khô tay. Đúng là lụa, và miếng vải cũng lớn đến độ có thể may được một cái áo. “Cô thích không?” “Thích là cái chắc.” Anh thanh niên lộ vẻ hài lòng. “Ối trời,” anh ta vươn vai. “Chịu hết thấu. Tôi lội từ sáng đến giờ.” “Thế thì sao không đi ngủ đi?” “Tôi ở đây chơi với cô cho đến khi cô xong hết mọi chuyện. Hay thế này, cô rửa chén đĩa rồi đưa đây để tôi lau khô, như thế mình xong sớm hơn.” Mara thỉnh thoảng liếc mắt nhìn anh ta: bộ điệu trang nghiêm trong khi lau ly chén làm cô tức cười. Sau khi rửa chén đĩa xong, cô nàng tháo chiếc tạp dề ra và đẩy mạnh ông bố một cái khiến ông này giựt mình tỉnh giấc, mắt mở ra lộ vẻ ngạc nhiên. “Chuyện gì vậy?” ông ta hỏi. “Có chuyện là phải đi ngủ. Đi ngủ cho giã rượu.” Và cô ta cất tiếng cười. Rồi quay sang Bube: “Thôi, chào anh; và cám ơn về món quà.” https://thuviensach.vn “Không có chi, không có chi…” anh ta lập bập. Bỗng nhiên anh ta đổi giọng: “Tôi có đến hai tấm vải… một tấm tôi mang về cho cô em của tôi, tấm kia tôi muốn tặng cho cô em của Sante.” *** Một bóng đen xuất hiện ở cửa sổ: “À, bà đấy hả? Tui ra ngay đây.” Hôm nay trăng tròn, các bóng đen hiện ra vằng vặc. Từ đây người ta có thể phân biệt rất rõ phía thung lũng bên dưới, và xa xa là đường viền của những ngọn đồi. Tiếng dế kêu nghe rõ mồn một. Bỗng tiếng hú khàn đục của một con cú ăn đêm cất lên làm Mara nhảy nhổm. Cánh cửa chỉ khép hờ: bên trong là Liliana, mặc áo ngủ, tay cầm cây đèn cầy bước ra. Mara hỏi, “Sao thế? Bộ cúp điện rồi à?” “Bộ bà không nhớ là giờ này thì họ cúp điện sao?” “Bộ khuya lắm rồi hả?” “Ừ. Tôi cứ tưởng là bà không đến nữa.” Căn phòng của Liliana nhỏ xíu, trần nhà hễ mưa thì bị dột. Nhưng bù lại có đủ thứ: một cái tủ nhỏ đầu giường, một cái tủ đựng áo quần. Mara nghĩ đến căn phòng của mình mà đâm ra bực, chỉ có mỗi một cái tủ nhỏ nằm trong góc phòng. Khi cả hai lên giường nằm, Liliana hỏi nhỏ: “Chàng thanh niên ấy là ai thế?” “Một người bạn của Sante.” “Người ở đâu? Ở làng Colle hả?” “Không, ở Volterra,” Mara đáp. Sự tò mò của cô em họ làm Mara nghi là cô này nghi ngờ gì đó trong đầu. Lập tức Mara muốn khơi thêm những nỗi ngờ vực của cô em họ: “Này, anh chàng phải về nhà, đã chín tháng qua anh ta chưa thấy mặt gia đình đấy; nhưng trước đó, anh ta muốn ghé qua nhà chị.” https://thuviensach.vn “Bộ anh ta phải đưa cái gì đó của Sante hả?” “Không. Đồ của Sante thì người nông dân lúc trước đã mang đến đủ hết rồi. Anh chàng muốn ghé vì anh ta có một món quà cho chị.” Liliana có vẻ thấp thỏm. “Mà tại sao cứ để đèn cầy cháy thế này? Tắt đi. Mình vẫn có thể nói chuyện trong bóng tối.” Trong bóng tối dễ nói dối hơn. Sau khi tắt đèn cầy, Liliana nằm im lặng một đỗi, rồi bắt đầu trăn qua trở lại, và sau cùng cất tiếng hỏi: “Quà gì thế?” “Một tấm lụa, để may áo. Ngày mai chị cho em xem.” “Mà bà quen anh ta từ khi nào?” Mara thoáng có ý nghĩ bịa chuyện. Nhưng cô nàng cũng thừa biết là Liliana sẽ dò hỏi bà mẹ, do đó cô nói: “Không, chị chẳng quen gì anh ấy cả. Nhưng anh ấy thì biết chị: anh ấy có thấy hình của chị.” Điều này cũng đúng thôi, bởi vì Sante lúc ra đi có mang theo một bức ảnh gia đình, trong đó có cả cô, chỉ có điều trong bức ảnh ấy cô chỉ là một cô bé con. “Thế nào? Biết nhau qua ảnh à?” Bây giờ thì Liliana không cần che giấu sự tò mò của mình; và Mara phải kể rõ ngọn ngành mọi chuyện. Nghĩa là Sante mang theo người một bức ảnh của cô: “Biết không, bức ảnh mà chị chụp hồi năm nọ đấy.” Rồi Sante đem ảnh ra cho Bube xem và Bube giữ lại bức ảnh. Có lần Sante ghé qua nhà, Mara đòi lại bức ảnh nhưng Sante thú thật là đã đưa bức ảnh cho anh bạn mất rồi. “Chị bực lắm, em biết đấy… Chị không muốn ảnh của chị nằm trong túi của bất cứ một thanh niên nào.” Liliana nín thở. Sau cùng cô ta nói: “Thế rồi… sao?” “Sao cái gì?” https://thuviensach.vn “Anh ta nói gì khi biết mặt bà?” “Anh ta nói là trông chị y như trong ảnh. Thậm chí còn đẹp hơn trong ảnh. Nhưng chị thì em biết đấy, chị đối xử rất tệ với anh ta. Chị bảo là anh ta không có quyền giữ ảnh của chị, bởi vì giữa anh ta và chị chẳng có gì cả và thậm chí hai bên trước đây cũng không hề quen biết nhau. Em biết anh ta trả lời ra sao không? “Cô ơi, kể từ khi thấy cô trong ảnh lúc nào tôi cũng nghĩ đến cô,” rồi anh ta tặng cho chị tấm vải, nhưng chị chẳng muốn nhận.” “Nhưng rồi bà cũng đã nhận,” Liliana nhanh nhảu nói. “Đâu phải ngay lập tức đâu. Sau khi cơm nước xong xuôi, anh ta nhắc lại chuyện này. Anh ta bảo là nếu chị không nhận món quà thì anh ta sẽ đau khổ đến… chết mất. Thế thì chị biết phải làm sao? Chị đành phải nhận vậy.” “Theo tui, bà làm như thế là không được.” “Vì sao?” “Bởi vì như thế là bà đã tự trói mình.” “Làm gì có chuyện ấy. Chị chẳng hề nói chữ nào để anh ta có thể nghĩ như thế.” “Đúng ra bà nên suy đi nghĩ lại, trước khi có gì đó với một người mà bà chỉ mới biết mặt hôm nay.” “Mà nào có ai muốn gì đâu? Chị thì em biết đấy, đâu phải chỉ có mỗi anh chàng này đeo đuổi đâu. Nhưng thôi, đủ rồi, trễ lắm rồi, ngủ đi thôi,” và cô ta xoay lưng lại. Liliana không dám hó hé, nhưng cô ta trăn trở đổi thế nằm cả chục lần. “Đấy… tức cành hông rồi đấy nhé,” Mara thầm nghĩ một cách hể hả, và từ từ buông người chìm vào giấc ngủ. https://thuviensach.vn CHƯƠNG 2 Một tháng sau Bube xuất hiện trở lại. Sáng hôm đó nhà Mara đang làm bánh mì: Mara giúp mẹ bỏ bánh vào lò, xong cô trở về nhà. Đến trước cửa nhà thì cô gặp Bube đứng đấy với vẻ mặt đăm chiêu như thường lệ. “Chào cô,” anh ta mở lời chào. Và ngay sau đó hỏi về ông bố. “Ba tôi sang làng Colle rồi.” Mặt Bube thoáng vẻ thất vọng: “Tôi có chuyện cần nói với bác… Chiều nay ông về nhà chứ?” “Chắc thế.” “Vấn đề là tôi không thể đợi ông đến chiều.” Và anh ta giải thích rằng anh ta nhờ một người bạn chở xe gắn máy đến đây, và người bạn sau đó đi tiếp: “Chúng tôi có hẹn là anh ta sẽ trở lại đón tôi sau bữa trưa.” Cả hai bước vào nhà. Bube vẫn mặc bộ đồ màu xanh dương như lần trước, nhưng đã được giặt ủi thẳng thớm. Anh ta có cái gì đó khang khác trên gương mặt, trong bộ điệu… “Sao anh cạo hàng ria mép đi?” “Hả? À… à… đúng thế,” và cười. “Đấy là thói quen hồi sống trong chiến khu,” anh ta nói tiếp. “Thời trong chiến khu, tụi tôi đứa nào cũng để ria mép, thậm chí có đứa còn để cả râu quay nón.” “Không có ria mép trông anh khá hơn.” “À…” Bube thốt lên, vẻ không được thuyết phục lắm. Cả hai im lặng một đỗi. Rồi Mara bỗng như sực nhớ ra điều gì: “Để tôi vô lấy cái áo anh xem. Tôi mặc áo vừa lắm.” “Áo nào?” https://thuviensach.vn “Cái áo tôi may bằng tấm vải anh tặng đó.” Và cô nàng chạy nhanh vào phòng. Nhanh như chớp cô ta cởi bộ đồ đang mặc ra, mặc vào một cái váy và cái áo sơ-mi, cô ta đưa tay buộc lại tóc bằng một băng vải màu xanh da trời. Anh thanh niên đang hút thuốc. Anh ta ngắm nghía cô, nhưng không nói tiếng nào. “Anh thấy tôi thế nào?” “Được lắm,” Bube trả lời cộc lốc. Mara ngồi xuống chiếc ghế đẩu. Đúng ra thì cô ta cảm thấy đói, nhưng cô ngại ngồi ăn trước mặt anh ta. Anh ta đến đây để làm gì mà sao cứ ngồi thừ ra không nói gì cả? Cô nàng tìm cách bắt chuyện. “Mọi người nhà anh… khỏe cả chứ?” “Vâng,” Bube đáp. “Mẹ tôi cũng không mấy khỏe. Cũng bởi mấy chuyện hồi đó làm bà lo khiếp vía. Cái bọn ác ôn kia đã bắt giam bà một tháng, cũng chỉ vì bà không chịu khai tôi đang ở đâu.” “Thế còn người yêu của anh?” Mara ướm thử. “Tôi nào đã có người yêu,” Bube trả lời nghiêm nghị. “Người yêu chính thức gia đình đều biết thì chắc không có… nhưng một cô bạn nào đó thì chắc là anh cũng có. Thanh niên nào mà chẳng có bạn gái.” “Tôi không có thì giờ để nghĩ đến những chuyện như thế,” Bube trả lời. “Giờ này năm ngoái tôi đang còn nằm trong chiến khu.” “Thế nhưng giờ thì anh cũng đã trở về nhà khá lâu rồi còn gì.” “Đúng đấy, nhưng cô thử nghĩ xem, ngày thì tôi phải đi làm, chiều đến thì tôi phải qua bên chi bộ. Tôi không rảnh được tí nào, ngay cả chủ nhật cũng vậy.” “Thế nhưng hôm nay anh rảnh đây nè.” “À, hôm nay… Cũng từ lâu tôi có ý muốn ghé thăm cô,” anh ta nói bất thình lình. Nhưng trông như anh ta có vẻ hơi ngại với chính câu nói của mình: “Ý tôi muốn nói, em gái của Sante… Tôi không thể nào quên những https://thuviensach.vn đồng chí đã ngã xuống,” anh ta nói cao giọng. “Tôi không như thiên hạ, bây giờ chẳng mấy ai để ý đến những chuyện này.” Nhưng cô nàng cũng đã chẳng còn lắng nghe anh ta nói gì nữa: cô đã biết được điều cô muốn biết, thế là đủ rồi. Cô cảm thấy trong lòng rạo rực phấn khởi. Thế này thì con Liliana cũng không còn có thể chối cãi rằng chính anh chàng đã cảm cô ngay từ buổi ban đầu. “Mara! Mày chạy đi đâu rồi?” tiếng bà mẹ đến xem cô con gái đang làm gì. Sau đó cả hai cùng đi đến tiệm tạp hóa. Thực ra chỉ là cái cớ để Mara cho hàng xóm thấy là cô đang đi cùng với một chàng trai người khác làng. May mắn thay, vừa bước ra khỏi tiệm tạp hóa là cô ta gặp cô em họ. “Đi đâu đấy,” cô lên tiếng hỏi cô em họ. “Về nhà,” Liliana trả lời. Cô ta có vẻ bực bội, cố tình làm lơ như không thấy Bube lúc ấy đang dừng lại cách hai cô vài bước. “Có đúng là ba của bà đã ở bên Colle luôn rồi phải không?” “Không,” Mara trả lời. “Ông đi đi về về bằng xe đạp.” “Tui nghe đồn là ông ấy đã qua ở hẳn luôn bên ấy.” “Toàn chuyện đồn nhảm,” Mara cự lại mãnh liệt. Cô cảm thấy là trong các câu hỏi của Liliana có hàm chứa ác ý. Đúng là trước đây cũng đã có lần ông bố bỏ gia đình để đi sống với một người đàn bà khác. “Thế ông ta qua làng Colle để làm gì?” Liliana vẫn tiếp tục vặn vẹo. “Ông làm việc cho đảng cộng sản,” Mara trả lời. “Nhưng đấy không phải là một việc làm.” “Nhưng chị thấy ông ấy lãnh tiền, thế thì đấy là công việc.” “Nhưng đâu phải giống như việc của ba tui.” “Vì sao? Chẳng lẽ thợ hồ là nghề hơn những nghề khác à?” “Ít ra, với thợ hồ công việc không hề thiếu. Còn ba của bà có lúc thất nghiệp cả năm trời. Nhưng ba tui cũng chẳng còn làm thợ hồ.” “Thế thì làm gì?” https://thuviensach.vn “Ông ấy làm đốc công,” Liliana trả lời. Mara không biết phải trả miếng như thế nào, bởi vì cô cũng không hiểu rõ đốc công là làm gì. “Biết không, sắp tới ông ta phải bắt đầu một việc ở Colle, lần này ông sẽ dắt Mauro theo.” “Mauro?” Mara cười mỉa mai. “Đúng ngay cái thằng siêng năng chăm chỉ.” “Siêng hay không siêng thì trước sau gì cũng phải bắt đầu thôi. Biết không, chính mẹ hắn đã đến năn nỉ ba tui cho hắn làm việc đấy.” “Thế ba em đã thành ông gì rồi mà có thể kiếm việc cho người khác? Chủ nhân hãng xưởng à?” “Đốc công, tui đã chẳng nói là ông ấy làm đốc công sao? Mà bà có biết đốc công là gì không?” “Chắc chắn là chị biết chứ,” Mara vội vã đáp trả. “Thế thì sao bà lại tỏ vẻ ngạc nhiên vì ba tui tìm ra việc cho người khác? Thậm chí ba tui cũng có thể nhận ba bà vào làm việc đấy.” Rồi cô ta còn bồi thêm, “Dĩ nhiên là ba bà phải bỏ uống rượu đi mới được.” “Ba chị chẳng cần ba em tìm việc cho; ba chị đã có việc làm rồi, chị đã chẳng mới vừa nói đấy hay sao?” Cô em họ tiếp tục cứng đầu, “Chuyện chính trị ấy không phải là một công việc. Thôi, bây giờ tui phải đi đây.” “Đi đâu? Đợi một chút.” “Không, tui có chuyện phải làm ở nhà, vả lại tui thấy bà đang có bầu bạn đấy.” “Ừ. Chị có bầu bạn đấy. Coi bộ em bực dữ hả?” Liliana đỏ mặt: “Cớ gì mà tui phải bực chứ?” “Người đẹp ơi, chị đi guốc trong bụng người đẹp mà.” “Tui không hiểu bà muốn nói gì. Thôi chào, tui đi đây.” Nhưng Mara đã kéo cánh tay cô ta lại: “Em muốn làm cho chị thấy là em chẳng thèm biết là có một chàng thanh niên đi với chị… trong khi chẳng ma nào thèm đi chung với em.” https://thuviensach.vn “Nếu vì lý do này thì bà chị nhỏ lầm to rồi đấy: nếu muốn tui có thể có đến cả chục anh. Chứ tui không phải hạng như bà, vừa thấy người là chụp lấy ngay.” “Nhưng anh ta đâu phải hạng người mà chị vừa mới nhìn thấy đâu.” “Nhưng bà chỉ mới gặp anh ta lần này là lần thứ hai. Thôi thì cứ như người ta hay nói: nếu bà chị chịu thì thiên hạ cũng vui lây. Chào bà chị thân yêu; chúc vui vẻ yêu đời nhé.” “Chào, đồ khó chịu.” Nhưng Liliana giả vờ không nghe thấy và lạnh lùng bỏ đi. Trong suốt thời gian hai cô gái đang đấu khẩu với nhau, Bube luôn đứng cách một khoảng, và khi anh ta nghe hai cô nói về mình thì anh ta càng tránh ra xa hơn. Mara bắt đầu nói xấu đủ thứ về cô em họ với anh ta. “Cái con chằn lửa ấy hơn tôi đến một tuổi đấy nhưng chẳng có ma nào thèm để ý đến nó. Chính vì thế mà nó ghen tức đến chết thôi. Anh có thấy bản mặt của nó khi nó gặp chúng mình không?” Chàng thanh niên càng thêm lúng túng. Nhưng may là chuông nhà thờ điểm mười hai giờ đã cắt ngang Mara. “Trời ơi, trễ quá rồi; phải về nhà thôi.” Bube tỏ vẻ lo lắng: “Để tôi chạy qua chỗ đó xem họ có nấu ăn không,” anh ta vừa nói vừa chỉ cửa tiệm tạp hóa. Nhưng Mara đáp lại rằng bây giờ thì ở nhà cũng đã chuẩn bị cơm nước cho cả anh ta rồi; và Bube, sau mấy câu từ chối lấy lệ, cũng đồng ý về nhà Mara. Bữa ăn chìm trong im lặng. Bube là người có vẻ lúng túng nhất, nhưng cả Mara cũng thế, cô không được tự nhiên khi phải nói chuyện trước mặt bà mẹ. Còn bà mẹ thì chỉ mở miệng nói chuyện với Bube một lần duy nhất, đó là khi bà ta hỏi rằng ở Volterra có bán muối không. Bube trả lời là có, và anh ta hứa sẽ mang đến cho bà một gói muối. https://thuviensach.vn Kể từ lúc đó, bà mẹ có vẻ lịch sự hơn với anh ta, và sau khi xong bữa ăn, thấy anh ta ngáp lên ngáp xuống, bà bảo anh ta cứ lên giường nằm nghỉ. Mara ở lại trong bếp một mình để lo dọn rửa chén bát, rồi sau đó chẳng biết làm gì, cô ngồi cắn móng tay. Bình thường thì sau khi dọn rửa chén bát xong xuôi cô biến khỏi nhà: khoảng sau bữa trưa là những lúc cô ta rảnh rỗi nhất. Nhưng hôm nay vì có Bube ở nhà nên cô chẳng muốn bỏ đi ra ngoài. Bube? Cô ta không thích cái tên đó lắm. “Mình gọi anh ta là Arturo,” và cô ta bật cười vì nhớ hôm cô và Mauro nói tầm phào về chuyện tên: “Tao sẽ đặt cho hắn một cái tên. Cái tên… Bruno chẳng hạn. Tên Bruno cũng xứng với hắn lắm đấy chứ, vì tóc hắn nâu thực sự. Chớ lắm đứa tóc vàng thế mà lại xưng là Bruno*. Thí dụ như tao đây, nếu có ai mà gọi tao là Bruna thì tao giận ngay.” Mara có thói quen hay mơ mộng viển vông, và nhiều khi tự ngồi nói lảm nhảm một mình. Nhất là những chiều đông lạnh, ngồi thu mình trên gác xép phía trên lò sưởi, biết bao chuyện hiện ra trong đầu cô. Nhiều khi cô nghĩ mình sinh ra bạc phước, trong một gia đình như gia đình của cô, ông bố thì lười biếng và thậm chí có lần còn đi tù. Bà mẹ thì chỉ thương có mỗi ông anh là Sante. Rồi cô lại đâm ra ghen tỵ với Liliana, ít ra con ấy là con một nên cả cha mẹ đều để tâm đến. Nhưng gần đây cô ta cũng chẳng thấy còn ghen tỵ bao nhiêu với Liliana, mà cũng chẳng còn ghen tỵ với bất cứ đứa con gái nào trong làng. Cô cảm thấy mình bắt đầu trổ mã, ngày càng đẹp ra, dù rằng tóc của cô vẫn còn khô cứng, kết thành từng chùm trên đầu, và cũng chẳng có phương cách nào để chải gọn mớ tóc ấy. Có họa chăng là cô hơi tiếc mình không có thân hình đẫy đà. Cô vẫn hay ghé qua nhà của Liliana vì ở bên đó có một tấm kiếng lớn và cô có thể soi trọn thân mình: nhiều lúc cô đứng ngắm nghía mình cả nửa tiếng đồng hồ để tìm xem bộ ngực của mình có lớn thêm được tí nào không, để xem hai bên mé hông có nở ra hay không. Và mỗi lần như thế, tùy tấm gương phản chiếu thế nào mà cô có thể trở nên tươi tắn hay buồn bã. https://thuviensach.vn 4* Bruno, tiếng Ý có nghĩa là màu nâu. Thường những người tóc nâu thì thiên hạ hay gán cho biệt danh Bruno (nam) hoặc Bruna (nữ). Có khi cô vừa đi vừa đánh hông, giống như các nữ tài tử điện ảnh trong những phim mà lâu lâu cô mới có dịp được xem trong rạp chiếu bóng ở bên làng Colle. Còn nếu cô từ ngoài đồng về với cái thúng gì đó trên đầu thì thể nào cô cũng tìm cách đi đường vòng quanh làng trước khi về đến nhà: bởi vì theo ý cô thì cái thúng nặng đội trên đầu càng làm tăng thêm vẻ yểu điệu của thân hình. Áo quần luộm thuộm nói chung cũng chẳng làm cô quan tâm lắm; nhưng điều mà cô mong muốn nhất là sắm được một đôi giày cao gót. Có lần cô vừa mới mang thử đôi giày của Liliana thì bà mẹ của Liliana bắt gặp, thế là bà ta la toáng cả lên: “Ai bảo mày đưa cho nó thế?” bà ta hét con gái. “Đồ ai nấy giữ… bộ mày không biết sao? ” “Nhưng cháu cũng chỉ mới thử một chút để xem ra sao thôi,” Mara tìm cách chống chế. Nhưng bà dì đã nạt ngang: “Mày có biết là mình không thuộc hạng có thể mang giày cao gót không. Con Liliana nó khác mày, nó có thể mơ ước một tay đốc công, hay một tay quản gia trang trại, còn mày cao lắm cũng chỉ với tới được một thằng thợ ăn lương công nhật. Và nếu được như thế thì cũng là may lắm rồi… chứ mấy ai thèm làm sui với một gia đình như nhà mày? ” “Gia đình cháu chẳng thua gì những gia đình khác,” Mara đáp trả. “À… mày làm như thiên hạ không biết rằng mẹ của mày thời con gái đã mang bầu với thằng đã có vợ! Còn bố mày thì ăn cắp để rồi bị bắt bỏ tù!” Nhưng Mara nhất quyết không chịu thua: “Tôi chẳng cần biết thiên hạ nói gì về bố mẹ tôi. Thanh niên mấy ai ngồi đó mà xem dòng dõi gia đình, họ chỉ chú ý đến người con gái. Và nói cho dì biết nghe, tôi hơn con gái dì cả chục lần.” Và cô ta nhún vai bỏ ra đi. Cô rất tự tin vào những gì trời phú: cô tin vào sắc đẹp và sự tinh ranh của mình… Mà sao anh ta ngủ lắm thế. Anh ta bảo là người bạn sẽ quay trở lại ngay sau bữa trưa, vậy thì cũng chẳng có bao nhiêu thời giờ để nói chuyện với https://thuviensach.vn nhau, trong khi có rất nhiều điều để nói với nhau! Đúng ra thì anh ta mới là người có nhiều điều phải nói. “Chắc phải lên đánh thức anh ta thôi.” Cô gõ cửa nhè nhẹ; chẳng có tiếng trả lời. Cô ngập ngừng một chút rồi khẽ xô cánh cửa. Căn phòng chìm ngập trong bóng tối, bởi vì Bube đã khép các cánh cửa sổ. Lần lần mắt cô quen với bóng tối và bắt đầu nhìn thấy mọi vật: hai chiếc giày được tháo ra để cạnh nhau trên nền nhà, chiếc áo khoác được máng lên thành ghế. Cô bước gần đến mép giường. Bube nằm ngửa, một cánh tay gấp lại, cánh tay kia duỗi thẳng. Trông anh ta thật đẹp trai, mớ tóc sẫm màu, trán hơi nhíu lại, đôi môi mở hờ hững. Mara thoáng muốn hôn anh ta một cái, thậm chí cô muốn đến nằm bên cạnh anh chàng và ôm anh ta thật chặt. Cô ta xúc động đến độ hai mắt thấy mọi thứ như bị phủ một lớp sương mù… Bubu bất ngờ giật mình tỉnh giấc. Anh chàng nằm bất động vài giây; rồi bất chợt ngồi nhổm lên: “Có chuyện gì thế?” anh ta hỏi. Anh nhìn Mara trừng trừng; sau đó thì anh ta nhận ra cô và ý thức được mình đang ở đâu, anh ta nhăn trán và cười với cô. Hai người im lặng nhìn nhau, và Mara hy vọng anh chàng sẽ dang tay kéo cô về phía mình và hôn cô. Nhưng gương mặt của Bube trở lại vẻ nghiêm trang bình thường: “Tôi ngủ nhiều quá hả? Chắc cũng trễ lắm rồi,” và anh ta vội vàng giơ tay xem đồng hồ. “Ba giờ rưỡi rồi; anh bạn tôi chắc cũng đã đến rồi.” Anh ta bước nhanh ra khỏi giường, đến mở các cánh cửa sổ, móc trong túi ra một chiếc lược và soi gương chải đầu. Trên chiếc tủ nhỏ kê ở góc phòng có tấm ảnh khổ bưu thiếp của Mara chụp hồi năm ngoái ở làng Colle: một trong những lần ít ỏi mà cô dám chi xài bằng chính đồng tiền cô kiếm được hồi đi hái ô-liu. Bube cầm tấm ảnh lên ngắm nghía không nói tiếng nào, rồi đặt tấm ảnh lại chỗ cũ, anh mặc áo khoác vào và bước ra khỏi phòng. Mara thất vọng theo anh chàng xuống nhà bếp. https://thuviensach.vn “Anh ta đã phải có mặt ở đây rồi,” Bube lặp lại. “Hay là có chuyện gì xảy ra với anh ta rồi?” Bube nghiêng người về phía cửa trông ra con lộ: “Tôi đã dặn kỹ anh ta là phải đón tôi ở đâu rồi mà,” rồi anh ta quay về hướng cô một đỗi. “Chẳng lẽ anh ta đợi lâu quá nên đã bỏ đi rồi,” anh ta nói thêm. “Tôi chẳng nghe có tiếng xe gắn máy nào chạy qua cả,” Mara trả lời. Bube bước trở lại mấy bậc thềm rồi đến ngồi trên băng ghế, bật lửa hút thuốc. Thời gian càng trôi qua anh ta càng tỏ vẻ sốt ruột; anh ta đứng lên, rồi ngồi xuống; và điều này cũng làm Mara bực tức đến độ chỉ muốn anh chàng cút đi cho khuất mắt. “À… đây rồi,” Bube vừa bật đứng lên vừa la. Có tiếng động cơ xe gắn máy xa xa; lúc được lúc mất; rồi tiếng động cơ nghe thật gần. Bube chạy đến phía cửa sổ và la lên: “Tôi ra ngay đây.” “Xin chào cô,” anh ta quay sang nói với Mara. Lúc đến cửa, anh ta quay lại: “Cô cho tôi gởi lời thăm ba cô. Cô nhắn dùm là tôi rất tiếc không gặp được ông.” Mara làm thinh không đáp lại tiếng nào. Và sau đó cô chạy đến bên cửa sổ chỉ cốt để xem người bạn của Bube ra sao. *** Bube giữ đúng lời hứa với mẹ của Mara. Vài ngày sau, Carlino cầm gói muối đến nhà. Carlino làm lái buôn nông sản ở Volterra, do đó ông ta cũng rất thường khi có dịp ghé ngang qua Monteguidi. Carlino là một người đàn ông bảnh trai, cao lớn đẫy đà, tóc màu nâu dợn sóng, râu mép xoắn, cặp mắt trong sáng. Dù hè hay đông lúc nào ông ta cũng mặc một chiếc áo vải bông thô, đầu đội một chiếc nón màu xanh đậm có một chiếc lông chim trĩ vắt ngang qua băng nón. Hôm đó có bà mẹ ở nhà, Carlino giao cho bà gói muối, uống ly rượu do bà rót ra mời; và nhân lúc bà mẹ xoay lưng đi, ông ta rút trong túi ra một bức thư được gấp làm đôi và đưa cho Mara. Mara cầm thư chạy ngay ra bồ lúa sau nhà. Sự xúc động làm tay cô run rẩy trong khi mở thư; và cùng lúc cô cũng thấy mắc cười. https://thuviensach.vn Lá thư dài khoảng nửa trang giấy: “Mara thân mến, tôi nhờ người mang thư này chuyển cho mẹ cô gói muối và ít hàng này thăm cô. Tôi hy vọng sẽ sớm có dịp trở lại để gặp cô và gia đình cô. Nếu không có gì phiền, tôi rất mong nhận được một tấm ảnh của cô. Chào cô. Bube.” Sau khi trầm ngâm một đỗi, Mara chạy ra tiệm tạp hóa mua một tờ giấy và một bao thư. Cô lấy viết và bình mực trong tủ ở nhà bếp và bắt đầu viết thư trên cái tủ nhỏ trong phòng ngủ của cô: “Bube thân mến, cám ơn anh có nhã ý gởi lời hỏi thăm tôi. Tôi và gia đình vẫn mạnh khỏe như thường, và tôi cũng mong anh và gia đình anh cũng thế. Nếu anh muốn nhận được ảnh của tôi thì anh phải gởi cho tôi một tấm ảnh của anh trước. Chào anh. Mara.” Cô dán thư lại rồi chạy đi tìm Carlino. Cô tìm được Carlino đang đứng trước tiệm tạp hóa nói chuyện với mấy người trong làng. Vừa thấy Carlino hướng ánh mắt về phía mình, Mara vội ra dấu. Ông ta tỏ vẻ hiểu ý Mara, nhưng vẫn tiếp tục đứng nói chuyện với mấy người trong làng. Sau cùng ông ta chào mọi người rồi rảo bước đi về con đường nhỏ nằm bên cạnh tiệm tạp hóa. Mara sau đó cũng bước theo phía sau, làm bộ như vô tình đi cùng con đường. Tới một đoạn cô ta thấy Carlino dừng lại đi tiểu bên một bụi cây; cô đợi cho ông ta tiểu xong thì vội chạy nhanh đến bên cạnh và đưa cho ông ta bức thư của cô. Một tuần lễ sau, vẫn thông qua ông đưa thư lần trước, cô ta nhận được một lá thư khác của Bube. Lần này ông đưa thư không dám đến tận nhà cô mà huýt sáo ra hiệu từ dưới sân. Cô vừa bước ra khỏi nhà thì ông ta lập tức rẽ về phía bên kia góc đường. Mara chạy theo đến bên ông ta nhận bức thư, và khi cô ta sửa soạn bước đi thì ông ta nói: “Bube bảo tôi đợi thư trả lời.” Mara chạy vội lên phòng của mình, mở bao thư, nhưng bên trong chẳng có lá thư nào, chỉ có tấm ảnh của anh chàng ăn vận theo kiểu du kích kháng chiến: khăn quàng cổ và khẩu súng lục đeo lủng lẳng bên hông. Phía sau tấm ảnh ghi: “Gởi đến Mara, Bube.” Mara so sánh với tấm ảnh của cô, rõ https://thuviensach.vn ràng không thể bì được, tấm ảnh của Bube đã nhỏ lại còn bị mờ, trong khi tấm ảnh của cô được thợ chụp tại phòng ảnh đàng hoàng, thêm nữa là trong hình cô rất đẹp, làn da sáng bóng và mái tóc dợn sóng. Thậm chí có người còn bảo rằng trong tấm ảnh ấy, cô hiện ra cứ như là Đức Mẹ. Sau cùng cô quyết định tặng tấm ảnh đó của mình, dẫu sao cô cũng còn một bản khác. Nhưng cô không viết gì phía sau ảnh cả. “Nếu mọi chuyện tiếp tục như thế này thì chắc cần phải tính lại,” Carlino nói. “Đối với Bube tôi sẵn sàng giúp… và cả với cô cũng thế. Nhưng có lẽ cần phải tìm một chỗ kín đáo để gặp nhau.” Mara suy nghĩ một đỗi: “Phía sau nhà,” cô ta nói. “Phía dưới lò bánh mì, chỗ ấy yên tâm không ai thấy.” “Thế thì thế này, cô nghe nè; ngày thứ ba tôi sẽ ghé qua, cỡ khoảng giờ này; cô phải đứng bên cửa sổ để ý. Nếu cô thấy tôi đi ngang qua có nghĩa là tôi sẽ đợi cô ở lò bánh mì.” Thứ ba tuần sau, đúng như đã dự tính, hai người gặp nhau như đã hẹn. Họ trao thư. Người đàn ông lúc này thấy đang ở nơi kín đáo không ai dòm ngó, thế là ông ta có vẻ không muốn cô vội vàng bỏ đi. “Này, đợi một tí! Cô có cả tuần lễ để tha hồ mà đọc thư. Cô có cả thời giờ để học thuộc lòng cả bức thư.” Mara tìm cách bỏ đi; ông ta níu cánh tay cô lại: “Sao mà cô bỏ chạy thế? Tôi đâu có ăn thịt cô đâu mà sợ.” Mara dừng lại trước ánh mắt cầu khẩn và giọng nói nhẹ nhàng của ông ta. “Tôi muốn hỏi cô là… cô quen Bube lâu chưa?” “Đâu khoảng… hai tháng.” “Và cô không lo sợ gì khi kết thân với hắn?” và ông ta cười nhẹ: “Tôi dám cá là cả Volterra chẳng có cô gái nào dám cả gan kết thân với Bube.” Mara nhún vai: “Tôi chẳng sợ gì cả.” Rồi cô nhìn ông ta bằng ánh mắt châm chọc: “Mà tại sao mà ông lại nói với tôi mấy chuyện này?” “Tôi chỉ lo cho cô thôi, cô em ơi” và ông ta đưa tay vuốt nhẹ má cô. “Đừng đụng đến tôi.” https://thuviensach.vn “Cô hiểu lầm tôi rồi… cô không biết tôi là người đã có gia đình rồi hay sao? Và con gái của tôi cũng đồng trang lứa với cô đấy. Vả lại, tôi cũng chẳng dám cả gan phiền nhiễu người yêu của Bube. Brrr….” Ông ta làm ra điệu bộ sợ hãi, cứ như chỉ mỗi cái tên Bube cũng đủ làm ông ta khiếp vía. Một tuần trôi qua, rồi hai tuần trôi qua, mà Carlino thì biệt vô tăm tích. Cho đến một buổi sáng, cô nghe tiếng huýt sáo. Lúc ấy cô đang mặc có mỗi cái váy lót và đang lau chùi nhà bếp. Cô vội vã mặc áo quần rồi phóng nhanh ra lò bánh mì. Nhưng không có Carlino ở đó mà là Bube. “À… anh đấy à.” “Vâng, tôi đến với Carlino.” “Thế sao anh không vào nhà?” “Tôi muốn gặp cô nói chuyện trước.” “Thế thì… nói đi.” “Trước tiên tôi muốn báo cho cô hay là tôi sẽ sang bên San Donato.” “Ở đâu?” “San Donato. Gần Firenze.” “Sao vậy?” “À… bởi vì ở Volterra tôi thấy không hạp. Cô thử coi, tuần trước có tay cảnh sát trưởng đòi bắt bỏ tù tôi, nhưng bị thiên hạ phản đối nên sau cùng hắn đành phải thả tôi ra.” “Thế vì sao họ muốn bỏ tù anh?” “Chẳng có gì cả. Chẳng qua tại tôi đập một tay phát xít.” Và Bube bất ngờ nói thêm: “Thế là tôi quyết định quay trở lại San Donato, ở đó có nhiều đồng chí.” Mara đâm ra ngờ vực: “Chớ chẳng phải ở đó có cô nào sao?” Bube tỏ vẻ ngạc nhiên: “Cô nói gì thế? Ở đó tôi có quen cô nào đâu. Trước tôi ở ngay trong thành phố cũng chỉ được hai ngày thôi, rồi sau đó lính Mỹ đến.” “Hừm.” Mara có vẻ không được thuyết phục lắm. https://thuviensach.vn “Carlino đưa tôi đến làng Colle, từ đó tôi sẽ tìm cách đi đến Firenze, rồi từ Firenze tôi sẽ sang San Donato… Mà cô có nghe tôi nói không?” “Tôi có điếc đâu,” Mara xẵng giọng. “Bây giờ làm thế nào? Tôi cần phải gặp ba cô. Bác đi đâu rồi? Bên làng Colle hả?” Mara gật đầu. “Được rồi, tôi sẽ đến tìm ông ở trụ sở của chi bộ,” Bube quyết định. Mara đâm ra nghi ngờ: “Mà tại sao anh phải gặp ba tôi?” “Để nói về chuyện hai đứa mình, chứ còn chuyện gì nữa?” “Vì sao cần phải nói?” “Sao? Vì sao cần hả? Tôi không thích làm chuyện mờ ám. Bên gia đình tôi thì tôi đã nói rồi, bây giờ phải nói với bên gia đình cô.” “Làm gì có chuyện đó,” Mara trả lời. Cô vốn quen với cách hành xử trong làng là mấy anh thanh niên cứ ăn nằm với mấy cô có khi đến cả mấy năm trước khi chính thức đính hôn. Thêm vào đó, cô cũng không muốn bố mẹ can dự vào chuyện riêng của cô. “Thế cô muốn mình cứ tiếp tục như thế này, viết thư cho nhau rồi gặp nhau lén lút sao?” “Thế thì đã sao?” “Tôi không muốn lừa dối gia đình cô,” Bube tuyên bố. “Sante là người bạn thân nhất của tôi… nếu anh ấy còn sống thì chắc chắn anh là người tôi sẽ thưa chuyện trước nhất.” “Ú phà…” Mara đâm ra mất kiên nhẫn. Thậm chí cô còn tính chia tay với anh ta; cô tính bảo anh ta trả lại cô tấm ảnh, và tất cả các thư từ cô viết, bởi vì cô cảm thấy chán không muốn tiếp tục với anh ta. “Này, tôi không có nhiều thì giờ: Carlino đang đợi tôi, tôi phải đi ngay bây giờ.” “Tốt. Thế thì đi đi, chạy ngay đi,” Mara mỉa mai. “Ừ, chắc phải thế.” Anh ta không hiểu sự mỉa mai của Mara. “Thôi… chào cô.” “Chào.” https://thuviensach.vn Anh ta đứng im lưỡng lự: “Tụi mình cũng phải hôn nhau chứ? Cô biết đấy, có khi mình sẽ phải lâu lắm mới gặp lại nhau.” Mara không đáp lại tiếng nào, và anh chàng không ôm lấy cô ta mà chỉ nghiêng người và chạm môi mình lên môi cô ta một thoáng. “Chào,” anh ta nói. “Kiểu gì thế này,” Mara thầm nghĩ. “Đính hôn. Thằng cha này điên rồi.” Cô bực Bube đến độ cả ngày hôm ấy cô không thèm nghĩ đến anh chàng, hình ảnh của anh ta bị cô cố tình lãng quên. Chiều hôm ấy ông bố về nhà trễ, mấy người trong nhà đã cơm nước xong xuôi và thu xếp cho thằng Vinicio đi ngủ rồi. “Chào cả nhà,” ông bố vui vẻ. Rồi quay sang Mara: “Giỏi lắm, con gái rượu của ba giỏi lắm.” Mara đã quên hẳn chuyện Bube cho nên cô ngỡ ông bố khen mình về chuyện rượu ngon. “Được rồi, dọn đồ ăn ra đi.” Ông ta ngồi lên băng ghế, rót cho mình nửa ly rượu rồi đánh ực một hơi. Rồi ông ta xoa hai tay, nhìn Mara trong khi cô đang múc đồ ăn ra tộ: “Thế… con gái cưng… con nghĩ thế nào? Chắc con hài lòng chứ? Ba cũng rất hài lòng. Ừ, ba rất hài lòng,” và ông ta lên giọng với bộ điệu như muốn trịnh trọng tuyên bố một điều gì đó: “Tôi rất hài lòng vì con gái tôi đã đính hôn với một người vừa là đồng chí vừa là bạn của thằng Sante đã khuất.” “Khốn khổ, cái tay ngu xuẩn ấy đã đi nói với ông già,” nhưng Mara chưa kịp nói gì thì bà mẹ đã xô mạnh cô: “Con gái của ông làm gì hả?” “Làm gì? Nó không nói gì với bà cả à? Nó đã đính hôn với Bube. Đúng ra là Bube đã đến để xin phép tôi, và tôi đã đồng ý, bởi vì tôi rất quý nó - một thanh niên lương thiện, một đồng chí, và bởi vì nó và Sante…” “Để yên cho Sante. Đúng ra ông cũng không được nhắc đến tên của nó.” Bà mẹ chống hai tay lên mặt bàn và nghiêng người về phía ông chồng, nhìn ông ta với vẻ oán giận: “Mara là con gái của ông, nếu muốn nó có thể đính https://thuviensach.vn hôn với đầu trâu mặt ngựa nào cũng được. Nhưng không được mang ai vào nhà này. Biết không?” Bà ta quay sang hét vào mặt Mara: “Mày mang nó ra đồng ra ruộng, mang xuống mương xuống ao gì thì tùy mày, nhưng trong nhà này thì không. Tao không muốn nhìn thấy bản mặt của nó, cái bản mặt của dân du thủ du thực!” Mara lặng im nhìn chằm chặp xuống nền nhà, rồi cô ngước mắt lên nhìn bà mẹ đang bắt đầu dọn dẹp nhà bếp sau cơn nóng giận. Cô ta muốn nói điều gì đó, nhưng không nói nên lời. Bất ngờ cô bỏ chạy lên phòng của mình, lăn ra giường, úp mặt vào gối và bật khóc nức nở. https://thuviensach.vn CHƯƠNG 3 Suốt mùa đông, lúc bằng cách này khi bằng cách khác, Bube gởi đâu chừng hai hay ba bức thư (có một bức thư do chính ông bố của Mara mang từ làng Colle về). Sau đó, khi bưu điện bắt đầu hoạt động bình thường trở lại thì Bube bắt đầu gởi thư đều đặn mỗi tuần một lần. Thực ra thì cũng chẳng phải đúng là những bức thư, hay ít nhất cũng không phải như Mara tưởng tượng như thư của những người yêu nhau viết cho nhau. Và cô cũng không thích mỗi khi Bube bàn đến chuyện cưới hỏi. Có một lần Bube đích thân đến thăm cô, lần đó nhân dịp có lễ carnival *; nhưng anh ta cũng chỉ ở lại khoảng vài tiếng đồng hồ, và cả buổi không làm gì khác hơn là nói chuyện chính trị với ông bố. Vào thời điểm đó cũng có một anh thanh niên đeo đuổi tán tỉnh cô, dân làm ruộng, và cô quen anh ta nhân một dịp lễ khiêu vũ được tổ chức trong một nhà kho chứa lúa. 5* Lễ hội hóa trang, thường được tổ chức hằng năm vào khoảng tháng hai ở các quốc gia Công giáo. Nổi tiếng nhất là lễ hội carnival ở Brazil, người ta tổ chức thi hóa trang và tuần hành với những xe hoa rực rỡ qua các đường phố, hay ở thành phố nước Venice (Ý) nơi thiên hạ đeo những mặt nạ rất cầu kỳ và ăn vận y phục theo lối cổ xưa. Bởi vậy Mara cũng ít khi nghĩ về Bube. Cô ta chỉ thích mỗi cái là được khoe với các bạn gái, nhất là với cô em bạn dì, rằng cô có người yêu ở làng khác; nhưng cô chẳng cảm nhận nỗi nhớ nhung da diết vì vắng bóng Bube. Tấm hình Bube tặng bị cô vứt vào một xó và chẳng khi nào thèm lấy lên ngắm. Cô cũng rất bực mình mỗi khi ông bố hỏi cô về Bube. Còn bà mẹ thì sau cái buổi la lối thịnh nộ chiều hôm ấy không bao giờ nói gì nữa về chuyện của hai người. https://thuviensach.vn Một buổi trưa cô đang ở dưới vườn thì thằng em trai hớt ha hớt hải chạy tới gọi cô: “Mara! Về nhà nhanh lên! Có Bube!” nó hét to từ xa. Mara rất bực là bây giờ ai cũng xem như cô có bổn phận phải chào đón vị hôn phu. Cô chẳng thèm trả lời thằng Vinicio, và tiếp tục làm việc trong vườn rau cải. “Mau lên, còn ngồi đó đợi cái gì vậy?” Càng thấy cô chị kề cà Vinicio càng như bị kiến cắn. Sau cùng nó la lên: “Tui đã xong chuyện báo tin, chị không về có gì thì ráng mà chịu.” Và nó chạy trở về nhà. Sau khi xong xuôi hết công việc, Mara xuống suối rửa chân. Rồi cô ngồi dưới ánh nắng phơi cho chân khô, sau cùng cô mới mang giày vào. Đó là một đôi giày mỏng nhẹ duy nhất mà cô có: bằng vải bố đã bị hoen ố và sứt cả các đường may; đế giày bằng cao su và bốc mùi. Cô từ từ, khoan thai bước trở về nhà, và khi vào đến sân thì cô dừng lại. Bube đang đứng đấy hút thuốc: anh ta quăng mẩu thuốc lá đi và đến gần cô. Mara quay mặt đi cho nên nụ hôn của Bube chỉ chạm vào thái dương cô. “Em khỏe không?” Bube cất tiếng hỏi, rồi nói thêm: “Chắc là em không ngờ anh đến hôm nay.” “Không. Tôi không đợi anh. Tưởng anh chết mất xác rồi chứ.” “Sao thế? Tại anh không viết thư phải không?” Mara nhún vai. “Anh có vô số chuyện phải làm,” Bube chống chế. “Ngày nào cũng phải theo xe cam-nhông đi làm xa, cả đến chủ nhật cũng thế. Này, tụi anh làm việc cật lực… Nhưng cũng nhờ vậy mà tụi mình có được một số tiền để dành đấy.” Anh ta ráng cố gắng gợi chuyện để nói; nhưng rồi chẳng biết nói gì thêm. Còn Mara thì cố tình im lặng. “Thôi mình vô nhà chứ?” sau cùng Bube nói. Hai người bước vô bếp, Vinicio lẽo đẽo theo sau, mắt dán chặt vào Bube. Anh chàng hôm nay vẫn mặc bộ đồ màu xanh dương như mọi khi, bộ đồ bây giờ trông có vẻ còn tệ hơn lần đầu anh ta đến. Mara nhận thấy có một vết dầu mỡ trên áo khoác, và một vết khác trên quần. https://thuviensach.vn Lai quần bị sờn và phía sau lưng áo khoác lủng lẳng một mảnh vải lót bị rách. Sau cùng cô không nhịn được: “Anh ăn mặc trông cứ như ăn mày.” “Hả?” Bube cau mày. “À, bộ đồ sờn cũ quá rồi… Nhưng trong va-li anh có hai mảnh vải. Ở Volterra anh sẽ đem đi may. Anh đã để dành được gần hai chục ngàn lire đấy.” “Thế thì anh cũng có thể mang cho tui một món quà chứ,” Mara nhanh nhảu nói. “Anh cũng có tính,” Bube đáp. “Nhưng khổ nỗi là anh phải lên đường bất ngờ….” Rồi gương mặt anh ta thoáng nét lo âu: “Có ai đến đây tìm anh không?” “Ai phải đến đây để tìm anh?” “Chẳng có ai cả… Anh chỉ hỏi vậy thôi.” Anh ta ngồi lên băng ghế, và mắt nhìn bất động về phía trước. Mara đứng dựa lưng vào vách tường. “Anh có ghé qua bên làng Colle để tìm gặp ba em,” Bube bất ngờ lên tiếng. “Nhưng bác không có ở đó… Anh cần phải nói với bác về một chuyện xảy ra cho anh hôm qua.” “Thế anh tới đây làm gì, nếu anh phải nói chuyện với ba tôi? Anh không biết là giờ này ông ấy không bao giờ có mặt ở nhà sao?” “Thôi thì coi như anh sẽ gặp bác khi nào ông về nhà. Từ giờ đến sáng mai anh có thể ở lại đây. Anh chỉ ghé tạm qua đây thôi,” và sau một đỗi anh ta tiếp: “Anh quyết định trở về Volterra.” “Bộ San Donato không hạp với anh hả?” Mara nói giọng mỉa mai. “Không phải là không hạp… Công việc ở hợp tác xã cũng đang tiến triển tốt, tụi anh kiếm được khá nhiều tiền. Dù rằng tay cảnh sát trưởng lúc nào cũng muốn phá đám.” Sau một đỗi anh ta nói thêm: “Mà em có biết là hắn ta còn ra lệnh tịch thu chiếc xe cam-nhông của bọn anh không?” “Coi bộ anh với mấy tay cảnh sát trưởng lúc nào cũng có chuyện hả,” Mara vừa cười vừa nói. “Dĩ nhiên là phải có chuyện thôi, đám ấy toàn là dân phát xít cả. Tay cảnh sát trưởng này thậm chí còn bảo là hắn đã từng theo kháng chiến… https://thuviensach.vn Hắn và thằng con trai của hắn, có thể tưởng tượng nổi không? Vậy mà khi tụi anh kéo đến để phản đối chuyện hắn ra lệnh tịch thu xe cam-nhông, em biết hắn treo cái gì trên tường không? Hình vua Vittorio. Đấy, tên cảnh sát trưởng Cècora làm kháng chiến quân kiểu ấy đấy.” “Cảnh sát trưởng mù à?” “Không, Cècora *, tên hắn đấy. Ấy, sao lại cười?” “Tôi cười vì nghe lầm là cảnh sát trưởng mù. Mù thì làm sao mà đi bắt được ăn trộm,” và cô lại phá lên cười. “Bây giờ thì đúng là hắn chẳng còn bắt được ai cả, đáng đời.” Bube đứng lên và bắt đầu đi dạo quanh phòng: “Từ lâu rồi hắn cứ đi kiếm chuyện với bọn anh, cái thằng khốn kiếp ấy. Lúc thì vin vào cớ này lúc thì lấy cớ nọ. Tháng rồi, như anh đã kể đấy, thậm chí hắn còn ra lệnh tịch thu xe cam nhông của bọn anh. Rồi hôm qua lại có thêm tên cha cố xứ đạo… Mà em có đang nghe anh kể không đấy?” 6* Ở đây có đoạn chơi chữ dựa trên tiếng Ý: vị cảnh sát trưởng có họ là Cècora, còn trong tiếng Ý từ vựng “cieco” có nghĩa là mù lòa. “Thì tôi đang nghe đây.” “Thế này, hôm qua anh cũng chẳng biết có lễ gì đó trong nhà thờ, hình như là lễ Thăng thiêng. Lúc đó anh đi cùng với Ivan và Umberto, hai đồng chí; Umberto thì trước đó đi ngang đón người yêu; đi cùng với cô ta có thêm một cô bạn gái.” “À,” Mara thốt lên, và bây giờ thì cô bắt đầu chú tâm đến câu chuyện. “Mấy cô gái thì muốn vào dự thánh lễ, còn tụi anh thì muốn đi theo các cô. Nhưng tay cha cố lại cản không cho bọn anh vào nhà thờ, hắn bảo tại vì bọn anh đang vận quần ngắn.” “Hả?” Mara phá ra cười. “Đúng ra phần anh thì lúc ấy ăn vận như bây giờ nè, nhưng Ivan và Umberto thì đang vận quần ngắn… Nhưng đó chỉ là cái cớ mà tay cha cố nặn ra thôi, thực ra hắn không muốn cho bọn anh vào nhà thờ bởi vì bọn https://thuviensach.vn anh là dân kháng chiến. Và chính Umberto đã nói thẳng vào mặt hắn: khi bọn phát xít cầm theo cờ xí đến thì cha cho bọn đó vào; thế thì phải cho bọn quàng khăn đỏ này vào. Nhưng tay cha cố cứng đầu nhất định không chịu. Thằng cảnh sát trưởng, đứng ở cửa sổ của trại lính phía bên kia nhà thờ, thấy hết mọi chuyện, thế là hắn chạy xuống để tiếp tay với tay cha cố. Bọn anh đã tìm đủ cách để giải thích điều hơn lẽ thiệt… nhưng sau đó bọn anh thấy là vô ích; thế là bọn anh dồn hắn vào chân tường, bởi vì bọn anh không thể chấp nhận được sự hống hách của hắn. Thế là sanh ra cớ sự.” “Mà cớ sự gì? Anh kể chuyện không đầu không đuôi chẳng ai hiểu gì hết.” “Tay cảnh sát trưởng rút súng ra và bắt đầu bắn loạn xạ. Thế là Umberto ngã xuống. Nhưng rồi bọn anh cũng đã trả thù,” Bube vội vã nói thêm. “Trước tiên bọn anh giết tay cảnh sát trưởng, rồi sau đó đến phiên thằng con trai của hắn. Anh ta ngừng lại một chút: “Chính anh đã giết thằng con. Không biết hắn từ đâu chạy đến và khi thấy ông bố bị giết thì hắn bắt đầu gào thét inh ỏi… Rồi khi hắn chợt nhận thấy là anh đang chĩa súng về phía hắn, thế là hắn ù té chạy trốn. Nhưng anh nhất quyết không để hắn chạy thoát. Anh chạy đuổi theo, và khi anh sắp sửa tóm được hắn thì hắn chạy vào một tòa nhà. Anh rượt theo hắn lên mấy tầng lầu, và khi lên đến tầng cuối thì anh cho hắn một phát súng ngay đầu. Bube vừa nói vừa nhìn Vinicio đang ngồi trên sàn nhà say mê theo dõi câu chuyện “Phải biết, Bube này chưa bắn trật bao giờ đâu nghe. Với cái này trong tay thì chưa bao giờ trật một phát” anh ta vừa lớn giọng vừa vỗ vỗ vào túi quần phía sau. Trong khi đó bên ngoài nhà thờ, em phải thấy cảnh tượng phía bên ngoài nhà thờ, tội cho cô ấy, cô người yêu của Umberto, cô vừa ôm xác cậu ta vừa gào khóc thảm thiết, vừa lặp đi lặp lại rằng không thể xảy ra như thế này được. Bọn anh phải lôi cô ấy đi.” Bube ngồi trở lại, và châm một điếu thuốc lá. “Em biết chưa, chính vì chuyện này mà anh cần phải nói chuyện với ba em.” *** https://thuviensach.vn Như thường lệ từ phía dưới lò bánh mì bốc lên mùi hôi của những chuồng thỏ và những lồng bồ câu, nhưng không phải vì mùi hôi này mà Mara ngưng tìm kiếm và bỏ chạy đi thật nhanh. Bất ngờ cô có cảm giác sợ hãi như có con gì đó lẩn trốn dưới lò. Một con tắc kè, một con kỳ nhông, hay tệ hơn là một con rắn độc: chính ba cô đã giết một con rắn độc hồi mấy năm trước. Bây giờ trời đã chạng vạng tối. Phía dưới thung lũng, hàng dương cũng không còn rõ nét, giờ chỉ còn là một vệt màu nhạt giữa màu tối sẫm của các cánh đồng. Xa xa là những đoạn dợn sóng lên xuống của mặt đất, chỗ thì như đồi trọc, chỗ thì rừng chồi bao phủ; một vài ánh đèn chiếu lờ mờ. Thường thì giờ đó Mara vẫn hay tiếp tục long nhong cho đến khi trời thực sự tối thì cô mới cảm thấy cần trở vô nhà. Tới trước quảng trường thì cô gặp Mauro tay dắt xe đạp. “Chuyện gì vậy?” “Xe bể bánh sau,” Mauro đáp lại. “Sao không vá?” “À… thế mà nghĩ không ra. Trời tối om chẳng thấy gì cả, vả lại tao cũng chẳng muốn vá.” “Tao chạy ra lò bánh để tìm con mèo; mày biết đấy, hễ gần đẻ là nó chạy trốn dưới gầm lò bánh. Tao xê dịch tất cả mấy cái thùng dưới lò nhưng chẳng thấy nó đâu cả.” “Có gì khó, mày chỉ cần gọi, nếu có thì nó ra thôi.” “Không dễ vậy đâu. Mèo nó lạ lắm. Khi nào đẻ, nó không muốn có ai chung quanh cả. Và chúng nó cũng có lý, bởi vì mèo con đẻ ra con nào thì bị thiên hạ giết con nấy, tội cho mấy con vật.” “Bắt buộc phải thế,” Mauro nói. “Nếu không thì mèo lúc nhúc khắp nơi. Thôi tao về nhà để kêu đám đàn bà con gái dọn cơm chiều: đi bộ cả khúc đường nên đói quá….” Vừa nghe có tiếng cửa mở, ông bố ngưng nói, và khi thấy là cô con gái, ông ta bắt đầu nói trở lại: “Ở Volterra, tốt, ở đó cháu sẽ yên tâm hơn là ở https://thuviensach.vn đây. Sáng sớm mai lấy xe đạp của bác, rồi đạp về phía làng Colle. Buổi chiều thì tiếp tục đi về Volterra.” “Cháu nghĩ thế này,” Bube nói. “Sẵn dịp này, cháu cũng muốn đưa Mara về ra mắt gia đình bên cháu.” “Mara hả? À, được thôi. Thú thiệt bác cũng muốn đi, bác cũng rất muốn biết mặt gia đình cháu. Nhưng khổ nỗi lúc này bác không thể vắng mặt được. Ngày mai bác có một cuộc họp ở đây, rồi ngày mốt thì họp ở Cavallano. Cháu biết đấy, cần phải tổ chức các cuộc đấu tranh của tá điền, và phải làm ngay bây giờ, trước khi bước vào mùa gặt. Đám chủ điền hoặc phải nhượng bộ, hoặc chẳng gặt hái gì cả.” Và thế là ông bắt đầu nói về cuộc đấu tranh của tá điền; ông chỉ ngưng nói khi nghe tiếng chân lệt xệt từ bên ngoài cửa, và lần này là bà vợ. “Đồng ý nghe, đừng cho bà ấy biết chuyện gì cả nghe.” Người đàn bà chào qua loa Bube, rồi bà ta bắt đầu lo nấu nướng. Nửa tiếng sau cả nhà đã ngồi vào bàn ăn. Họ ăn súp bắp cải, và ông bố dạy Bube ăn súp với rượu như ông ta thường ăn. “Ở đây có gì ăn nấy. Súp bắp cải ăn với bánh mì nhúng rượu. Dân nghèo ăn như thế thôi. Con trai bác đã được bác dạy từ nhỏ: đây là khẩu phần của giới tư sản có tiền có bạc, còn kia là của giới lao động đầu tắt mặt tối. Tư sản thì có thịt thà, đủ thứ của ngon vật lạ; còn lao động thì chỉ có súp, một dĩa rau… Hiểu chưa?” Rồi trong bữa ăn, cũng như mọi khi, lúc rượu đã bắt đầu ngấm thì ông bắt đầu ăn nói lung tung, chuyện nọ xọ chuyện kia: “Sáng mai cháu cứ lấy xe đạp mà đi rồi để lại chi bộ. Chiều tụi bây sang bên Volterra. Má sấp nhỏ, ngày mai Mara đi với Bube sang Volterra… nó đưa con nhỏ qua đó ra mắt gia đình.” Bà mẹ không nói tiếng nào; và hình như bà cũng chẳng nghe ông bố nói. “Bác sẵn sàng giao con gái bác cho cháu,” ông bố tuyên bố thế, và cũng chẳng ai biết là ý ông muốn nói giao con gái cho Bube để đưa cô sang Volterra, hay là giao để làm vợ, giao cả đời. “Bác sẵn sàng giao cho cháu bởi bác biết cháu là đứa đứng đắn, bởi cháu là một đồng chí…” và ông bắt https://thuviensach.vn đầu báng bổ: “Nói có trời chứng giám, nếu bây mà như những thằng khác, đời nào bác giao nó cho bây, dù bây có dinh cao cửa rộng như của bà bá tước. Bác không phải hạng người lúc nào cũng tính chuyện vụ lợi trên đầu con gái mình. Chẳng hạn như cái thằng em khốn nạn của bác đấy. Bác chẳng ngồi đó mà mơ con gái mình phải kiếm được một tấm chồng thế này thế kia. Không, nhất định là không. Thề có Đức Mẹ! Con gái bác phải lấy một người như bác, một người thợ thuyền. Bác nói thiệt nghe: ngay chính trong đảng bác cũng chỉ muốn thấy dân thợ thuyền mà thôi. Bác biết, có nhiều đồng chí bảo rằng đảng cũng cần phải có những thành phần trí thức. Nhưng thú thiệt… hạng người cả đời lúc nào tay chân cũng sạch sẽ, hạng người mà từ xa hàng cây số cũng thấy là chúng chưa hề bao giờ rớ đến cái cuốc… hạng đó không tin được. Chúng bảo là chúng đứng về phe ta chẳng qua tại bây giờ chúng nó sợ. Nhưng giá mà đọc được ý tưởng trong đầu chúng nó thì sẽ biết chúng nó là hạng người gì.” Rồi ông ta vỗ vào cánh tay của Bube: “Cháu có biết Marx nói gì không? Chuyên chính vô sản. Đấy Marx nói thế đấy. Nghĩa là thằng nào không phải là thợ thuyền lao động thì chẳng có quyền gì cả. Thợ thuyền phải nắm quyền, còn bọn tư sản ấy hả? Càng bắn bỏ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Lần này phải thế, không thương tiếc: ngay trong làng này có đứa còn cần phải trả nợ máu. Cái đám đầu lâu hồi đó lúc nào cũng vận áo đen *… bác còn nhớ rõ mặt chúng nó mà, nào đã quên đâu. Chính mấy thằng đó đã làm bác sôi máu trào gan cả hai chục năm qua *. Chúng nó lúc nào cũng có công ăn việc làm, còn bác thì cứ trắng tay. À rồi còn thằng Carlino, cái thằng cùng bên làng cháu đấy. Thằng này trước chuyên đi nện thiên hạ vô tội vạ. Sau này hắn có chường mặt ra và bác đã đến ngay trước mặt hắn nói thẳng cho hắn biết hắn là hạng người gì. Thế cháu biết hắn trả lời thế nào không? Hắn bảo hắn là người của ủy ban, rồi hắn còn lôi ra cho bác coi giấy tờ hẳn hoi. Không, những chuyện như thế là không được, cháu có hiểu không, đồng chí? Không thể ký giấy bừa cho bọn như thế. Hồi đó tụi mình có nói, khi thời cơ thì cần phải nhổ cỏ đến tận gốc rễ. Chứ có đâu chỉ cần vợ chúng, con chúng đến khóc lóc van xin là tha. Cứ như là hễ có vợ có con là phải tha thứ hết hai mươi năm https://thuviensach.vn tội ác! Bác cứ nói hoài trong đảng: lúc đó có thời cơ để ra tay, nhưng đảng cứ để mất thì giờ bàn đi bàn lại. Lúc đó bác đã đưa ra đề nghị: lôi chừng ba hay bốn thằng trong đám đó vô rừng, xả một tràng đạn vào lưng chúng, xong chuyện. Nhưng cháu biết đấy… chuyện dây nhợ trong làng: à thằng này là anh em chú bác với đứa kia, còn thằng kia anh rể với đứa nọ….” 7* Ý nói quân phục của phát xít Ý. 8* Ý nói hai thập niên của chế độ phát xít của Mussolini (1922-1943). Càng nói câu chuyện của ông bố càng trở nên lung tung không đầu không đuôi… cho đến lúc ông ta cúi đầu xuống ngủ gục. Bà mẹ thì đã vô phòng ngủ với Vinicio, còn Mara thì đang lau chùi bếp núc. “Có lẽ tụi mình cũng phải đi ngủ thôi. Sáng mai phải thức dậy sớm,” Bube nói. Ý tưởng sang làng Colle rồi qua Volterra cũng làm cô thinh thích; đối với người vốn không mấy khi có dịp đi đây đi đó như cô thì đấy cũng là một điều mới lạ hấp dẫn. Nhưng điều làm cô bực là Bube bàn tính mấy chuyện đó mà chẳng hỏi qua ý cô trước lấy một câu; bởi vậy nên cô trả lời: “Anh ấy à, qua làng Colle thì chịu khó đi một mình. Cả đến Volterra cũng một mình à nghe.” “Thế này là thế nào?” Bube sửng sốt. “Tụi mình đã quyết định….” “Tụi mình? Tụi mình nào? Anh và ba tôi đã quyết định thì có; còn tôi, anh ơi, tôi có phải là con hầu của anh đâu? Đừng có hòng tôi lẽo đẽo theo anh đến tận Volterra.” “Nhưng anh muốn giới thiệu em với gia đình anh mà.” “Tưởng chuyện gì…” “Rồi anh còn tính mua tặng em một món quà ngay sáng mai khi mình sang đến Colle.” “Nếu muốn thì anh cũng đã có thể mua quà cho tôi ngay hôm nay. Anh đã chẳng ở bên làng Colle sáng nay hay sao?” “Nhưng sáng nay anh vội quá. Vả lại anh cũng chẳng biết em thích cái gì.” https://thuviensach.vn Bất ngờ Mara thay đổi thái độ: “Thế anh mua cho tôi một đôi giày được không?” “Một đôi giày? Chắc chắn rồi. Anh có một mớ tiền trong người. Em cứ cho anh biết em muốn cái gì.” “Một đôi giày cao gót.” “Giày cao gót, được thôi. Nhưng nếu thế thì bắt buộc em phải đi với anh thôi, bởi vì làm sao mua giày mà không đo chân?” Một đỗi sau tất cả mọi người đều đi ngủ. Như thường lệ, Bube chiếm giường của Mara, và cô phải mang tấm nệm rơm xuống ngủ dưới bếp, bởi vì ông bố đã dặn là không nên qua ngủ bên nhà của Liliana, để tránh chuyện hàng xóm biết sự hiện diện của Bube. Nằm trên tấm nệm rơm, đắp lên người cái mền cũ, Mara bắt đầu suy nghĩ. Đến Colle thì chắc chắn là cô ta đến thôi, cũng bởi chuyện đôi giày. Cô ta tưởng tượng ra gương mặt của Liliana lúc thấy cô mang giày cao gót. Nhưng còn Volterra thì thực ra cô chẳng muốn đi: lý do là vì cô chẳng muốn làm vừa lòng Bube. “Nếu anh ta không chịu đạp xe đưa mình trở về nhà thì mình đi bộ cũng được; đã bao lần mình đi bộ từ đó về nhà rồi.” Ông bố thì ngay từ đầu đã đồng ý để cô đi với Bube sang bên Volterra. Bà mẹ thì ngược lại, chẳng nói tiếng nào. Bất chợt Mara nghĩ: “Má chẳng nói tiếng nào chẳng qua vì bả bất cần, bả có vẻ còn mừng nếu mình sang bên đó, thậm chí bả còn muốn mình đừng trở về nhà.” Và chính điều này đã khiến cô quyết định sẽ đi Volterra với Bube. https://thuviensach.vn PHẦN II https://thuviensach.vn CHƯƠNG 4 Cửa sổ nhà bếp không có cánh cửa che nắng nên trời vừa hửng sáng là Mara đã giật mình thức giấc. Trên trần nhà ám khói đen hiện lên một vệt sáng; tiếng gà gáy văng vẳng. Bỗng cô chợt nhớ ngày hôm nay khác với những ngày thường; cô quăng tấm mền qua một bên rồi vùng đứng lên. Cô mở cửa kiếng rồi đẩy mạnh cánh cửa sổ ra. Ngôi nhà bên kia đường phủ một cái bóng dài lên nền của khu đất trống phía trước, cửa cái và cửa sổ của các nhà chung quanh đều còn đóng kín. Mara rót nước vô thau, rồi cô cởi áo qua đầu. Vì quá vội nên cô quên cởi khuy áo bên hông nên cái áo không lọt qua đầu được, cô ráng kéo thật mạnh: có tiếng vải bị xé rách đâu đó. Nhưng mà ăn thua gì, vì cô nghĩ mình sẽ mặc chiếc váy xếp li và cái áo sơ-mi vàng. Cô còn đang lau mình thì cánh cửa phòng bật mở và Bube xuất hiện. “Ô ô… xin lỗi, xin lỗi,” anh vừa nói vừa bước lùi ra ngoài. “Tôi tưởng là cô đã mặc đồ xong xuôi hết rồi.” “Tôi đang mặc váy lót,” Mara trả lời. “Thôi, cứ vô đi… Cũng chẳng có chuyện gì đâu nếu anh thấy tôi mặc váy lót.” Bube nghe thế nên bước trở vô phòng, nhưng ánh mắt ngó chỗ khác. “Nếu muốn rửa mặt thì nước ở trong bình đó. Ồ, đẹp thật.” Nước sóng sánh trong bình phản chiếu ánh nắng lung linh. Trên trần nhà vệt sáng cũng biến mất kể từ lúc cô mở cửa sổ. Trong khi Bube đang rửa mặt thì Mara đi vào phòng của mình, cô thay áo quần, chải đầu và cột tóc bằng một dây ruy-băng hồng. Một lọn tóc không chịu nằm yên, cứ chình ình ngay trên trán của cô trông cứ như cái mào gà; Mara thử chải đầu và cột tóc lại lần nữa, nhưng xem ra càng tệ hơn. Bube thì cũng chẳng hơn gì cô, tóc anh ta cũng hệt như của cô: thẳng https://thuviensach.vn băng và mọc dựng đứng tua tủa, dù có chải cách mấy tóc cũng không chịu nằm yên. “Coi bộ nồi nào úp vung nấy,” Mara vừa nghĩ đến mấy sợi tóc vừa cười. Sau cùng cô thu gom tất cả đồ đạc cần dùng cho chuyến đi: hai cái khăn tay, một cái quần lót, một túi đựng bạc cắc có chút đỉnh tiền lẻ trong đó, bàn chải đánh răng, tuýp kem đánh răng, năm hay sáu cái ruy-băng: chỉ có thứ này là cô có nhiều, nhưng chúng cũng đã bị phai màu, lợt lạt. Cô dồn hết mọi thứ vào trong một bọc vải, rồi cô mở va-li của Bube ra nhét bọc vải vào đó. “Bube, Bubino*.” Anh chàng xuất hiện ở cánh cửa, thoáng ngạc nhiên và có vẻ hơi bực vì bị kêu réo kiểu như thế. “Tất cả đồ đạc của anh chỉ có thế này à?” “Ừ. Rồi sao?” “Thế thì anh cũng nghèo mạt rệp,” Mara vừa nói vừa cười. “À, ừ, anh cũng chẳng có quần áo gì nhiều,” Bube thú nhận. Cả cái va-li cũng chẳng khá gì: trầy trụa rách rưới, đến cái quai xách cũng phải cột lại vào cái móc bằng mấy sợi dây thừng. Mara cố tình lấy tay chỉ mấy sợi dây thừng khiến Bube đâm bực và anh ta cự nự là đừng để mất thì giờ. “Thôi lo đánh thức ba em dậy đi.” “Vì sao?” “Mình cũng phải chào bác trước khi đi chứ. Chẳng lẽ không chào à?” “Vẽ chuyện. Đúng ra….” Nhưng cô bỏ lửng câu nói. Đúng ra cô muốn chào bà mẹ. Lúc nãy cô nghe tiếng động của mẹ xuống cầu thang và đi ra ngoài. Bà mẹ lúc nào cũng dậy sớm. Cô tìm thấy mẹ đang phơi quần áo lên sợi dây cột từ cái móc trên tường nhà ra đến một cái cột nằm giữa vườn. 9* Khi gọi nhau một cách âu yếm hoặc đùa cợt thân tình, người Ý thường thay nguyên âm chót của tên cúng cơm bằng chữ “-ino” (nếu là đàn ông) https://thuviensach.vn hoặc “-ina” (nếu là phụ nữ). Do đó Bubino là cách gọi Bube một cách âu yếm, có thể hiểu như “Bube yêu quý của em”. “Má, con đi đây.” Bà mẹ có vẻ như không hiểu cô con gái muốn nói gì. “Con đi khoảng bốn năm ngày.” Sau cùng bà mẹ cũng phơi hết mớ quần áo. Bà nhìn cô con gái: “Nếu cả ba mày cũng chẳng lo ngại gì khi để mày đi với thằng đó….” “Con đi ra mắt gia đình anh ấy,” Mara chống chế. Bà mẹ nhún vai. Bà cúi xuống cái thúng và lấy thêm một mớ áo quần để máng lên dây phơi đồ. “Má muốn con phụ một tay không?” Mara hỏi. “Không, không. Đi đi, đi đi,” bà nói gần như hét. Mara còn đứng tần ngần độ chừng một phút, chẳng biết làm gì; sau cùng cô nói: “Thôi, chào má, con đi.” Cô bước đến bên cạnh bà mẹ và hôn bà. Bà mẹ đứng yên để cô hôn, nhưng không hôn đáp lại và cũng không chào cô con gái lấy một tiếng. Bube đã sẵn sàng với va-li và xe đạp bên cạnh. Mara leo lên ngồi trên sườn ngang của xe. “Em chỉ phải lo giữ yên cái va-li trên ghi-đông,” Bube nói. “Không, không phải thế, phải để ngang cái va-li.” Rồi anh ta leo lên yên xe và đạp một cú mạnh: chiếc xe đạp chao đảo, nhưng anh ta cũng đã nhanh chóng giữ lại được thăng bằng với những cú đạp mạnh mẽ tiếp theo. Xe băng qua con hẻm, rồi sau đó là ra đường cái; trên đường chỉ có độc một người bộ hành, một người đàn ông, nhưng ở đằng xa, còn họ thì lại đi về hướng ngược lại. Thế là mọi chuyện tốt đẹp như dự tính: chẳng ai thấy hai người. Con đường bắt đầu xuống dốc, và chiếc xe đạp được trớn lao đi. Đến một khúc quanh, Mara la lên sợ hãi, nhưng giọng nói nghiêm nghị của Bube từ phía sau vai giúp cô hoàn hồn: “Chỉ cần em đừng lắc cái ghi-đông, không té đâu mà lo.” Tới một khúc quanh khác, lần này anh cẩn thận hơn. https://thuviensach.vn Đến đây thì bắt đầu hết dốc xuống, trước mặt hai người hiện ra một con đường thẳng tắp, một bên là một cánh đồng khô nứt, bên kia ngược lại là một cánh đồng cỏ xanh rì bởi vì có những con lạch chảy ngoằn ngoèo quanh co. “Hơi lành lạnh, phải không?” Mara quay mặt lại nói. Bubu, vẫn với vẻ mặt nghiêm nghị bình thường, khẽ gật đầu. “Coi chừng, có một cái xe hơi,” Mara quay đầu nhìn ra phía trước và la lên. “Thấy rồi, đừng lo.” Chiếc xe hơi chạy xuống dốc giữa hai hàng cây dẻ rồi lao vào con đường thẳng tắp, sau xe bụi bay mù mịt. Khi xe chạy ngang qua, Mara vui vẻ la lên: “Chào,” rồi cô vội quay mặt đi. “Em biết người lái xe à?” một lúc sau Bube hỏi. Mara đáp: “Không” “Thế thì chào họ làm gì?” “Chào thế thôi, chẳng làm gì cả.” Ngồi trên xe đạp chạy vù vù khiến cô cảm thấy muốn cười nói huyên thuyên. Trong lòng cô tan biến hết những ưu phiền ban nãy, khi bà mẹ tỏ ra hờ hững với cô lúc cô chào bà ra đi. Con đường bắt đầu lên dốc giữa hai hàng cây dẻ. Mara với tay lên cao bứt một chiếc lá. “Yên, đừng động đậy,” Bube đe cô. “Nếu em động đậy mạnh như thế thì té hết cả hai bây giờ.” Tới khúc quanh thứ nhất, Bube phải nhấc mông lên khỏi yên xe để lấy sức đạp. Anh ta thở hổn hển. “Anh đừ rồi hả?” Mara hỏi. Qua hơi thở dồn dập Bube trả lời không. “Anh có muốn em xuống xe không?” Lần này Bube cũng không đủ sức trả lời, hai chân nhấn mạnh lên bàn đạp. Mara quay lại nhìn anh ta: mặt nhăn nhó, mắt gần như nhắm nghiền, người tháo mồ hôi; nhìn là biết anh ta đang cật lực ra sức để không mất mặt https://thuviensach.vn với cô. “Anh khỏe thật,” cô động viên; còn anh ta thì nhếch miệng méo xẹo, chắc là muốn cười. Sau cùng rồi hai người cũng lên được đến đỉnh dốc. Chiếc xe đạp vẫn trôi đi chầm chậm bằng tốc độ người đi bộ, bởi vì Bube cũng đã hết hơi nên ngừng đạp. “Than ôi, tội cho Bubino của tôi quá,” Mara nói một cách âu yếm. Cảnh vật trước mắt bây giờ khác hẳn: đất đai cằn cỗi sỏi đá, không một bóng cây, đâu đó là những khóm đậu chổi nở đầy hoa. Sau khi vượt thêm một đoạn dốc thẳng tắp không cao lắm, trước mặt hai người hiện ra thung lũng Valdelsa. Mara bật reo lên sung sướng. Mặt trời cũng chỉ mới lấp lánh ở phía chân trời và quang cảnh cũng còn ít nhiều bị sương mù bao phủ. Người ta chỉ thấy đỉnh của mấy ngọn đồi phía trước nhô lên, bởi vì thung lũng phía dưới vẫn còn bị đám sương mù vật vờ che khuất. Dòng sông uốn lượn hắt lên một tia sáng phản chiếu ánh bình minh. “Tụi mình sắp tới nơi rồi!” Mara hồ hởi hét lên. Đúng ra thì cô cũng đã đến làng Colle nhiều lần rồi, lúc thì bằng xe đạp, khi thì cuốc bộ; nhưng đặc biệt chuyến đi lần này mang một chút hơi hướm phiêu lưu. Họ qua mặt một chiếc xe bò, rồi sau đó đến hai cô thôn nữ đi hàng một kẻ trước người sau bên lề đường đầy cỏ, người nào cũng đội thúng trên đầu và tay thì xách giày; rồi sau đó họ gặp ba người đàn ông đi dềnh dàng giữa đường nói chuyện ầm ĩ. “Hôm nay có họp chợ ở Colle không?” Mara la lên. Và điều này cũng làm cô cảm thấy vui vẻ. Họ đi gần đến cuối đoạn dốc. Làng Colle còn nằm khuất sau gò lộ, bây giờ chỉ mới ẩn hiện một vài ngôi nhà, và con đường trực chỉ đến một cái cổng thành cổ kiên cố. Nhưng hai người không đi thẳng mà rẽ qua tay trái, đi vào một con đường hai bên trồng cây tiêu huyền, càng lúc càng lọt sâu vào giữa một khe núi và một con rạch thoát nước, bên kia con rạch nhô lên một dãy nhà với những cửa sổ bé tí, giăng phơi đầy áo quần, một cảnh tượng khô cằn ảm đạm. Họ chạy vòng theo một vòng xuyến lớn, sau cùng https://thuviensach.vn con đường dẫn đến khu phía dưới của thị trấn, chung quanh là những vòm nhà, các kho nông cụ, những ống khói nho nhỏ, mặt đất thì phủ đầy mảnh sành, gạch vụn, cỏ mọc lởm chởm đầy bụi bặm. Mặt đường gập ghềnh và người đi đường càng lúc càng nhiều khiến Bube phải đạp xe chậm lại và nhấn chuông liên tục. Sau cùng hai người cũng đến được quảng trường ngay trung tâm thị trấn, và Mara thở phào nhẹ nhõm bởi vì cô cũng bắt đầu cảm thấy ê người. “Anh chạy đi gửi xe đạp ở chi bộ, em đứng đây giữ va-li đợi anh.” Dù Bube đi khá lâu mới trở lại nhưng Mara cũng không cảm thấy nhàm chán: quang cảnh đông đúc người qua kẻ lại phần lớn là dân từ các làng quê đổ xô đến để họp chợ, bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cô không cảm thấy chán. Một người đàn ông đi ngang qua va vào người cô, một người khác đi giật lùi về phía sau vấp phải cái va-li, anh ta bật miệng nguyền rủa, nhưng khi thấy Mara thì chuyển sang mỉm cười: “Sém chút nữa là tôi té nhào đầu rồi người đẹp.” Cô cảm thấy thích thú với câu tán dương ấy. Bube trở lại: “Chi bộ vẫn còn đóng cửa, anh phải gởi xe đạp ngoài chỗ để xe.” Rồi anh nắm lấy cánh tay cô: “Bây giờ mình đi kiếm cái gì ăn điểm tâm đi.” Họ đến quán cà phê, cái quán thượng hạng ở Colle, chỗ này Mara cũng chỉ mới ghé đôi lần mà thôi. Các bàn đều làm bằng sắt, mặt bàn là một tấm đá cẩm thạch tròn; quầy cà phê làm bằng gỗ có chạm trổ. “Em có muốn ngồi không?” Bube hỏi, “hay uống đứng?”*. Mara suy nghĩ một lúc: “Tốt hơn là cứ uống đứng.” Cô nói thế vì thấy phía sau quầy cà phê có một tấm kiếng bị nám đen. 10* Ở Ý có thông lệ là trong quán cà phê nếu uống đứng ngay cạnh quầy thì giá rẻ hơn là ngồi ở các bàn, vì ở bàn có tính thêm tiền phục vụ. “Em uống gì? Cappucino? ” “Cho hai ly cappucino,” Bube gọi thức uống với giọng hách dịch. Rồi anh ta chỉ những cái bánh sừng trâu và bánh ngọt để trong những cái khay bằng giấy carton nằm trong tủ kiếng và nói: https://thuviensach.vn “Trong khi chờ cappuccino, em thích ăn bánh gì thì cứ lấy.” Mara tìm cách kéo cánh cửa kiếng qua một bên, nhưng không mở được vì cô kéo ngược chiều. Bube vội kéo giúp cô. “Cứ lấy cái bánh nào em muốn.” Mara không dám lấy bánh ngọt vì cô sợ phấn đường làm bẩn áo quần; thế là cô chọn cái bánh sừng trâu. Người chung quanh đông vô kể làm cô cũng thấy hơi e dè, nhưng đồng thời cũng tạo ra cảm giác thích thú khiến cô muốn bật cười thật to; và nhất là đang có Bube bên cạnh, cô cũng không sợ bị chê quê mùa, bởi vì trông anh có vẻ quen cách đi đứng. Anh đến quầy trả tiền và xin gởi cái va-li; trở lại với cái hóa đơn trong tay, anh đặt hóa đơn lên quầy cà phê, rồi để lên đó một đồng bạc cắc. “Cám ơn ông,” người bồi vừa nói vừa đặt hai cái tách nghi ngút khói trước mặt hai người. “Bube.” “Gì thế?” “Anh thật đáng yêu.” “Nho nhỏ một tí, thiên hạ nghe hết.” “Thì đã sao?” Nhưng thực ra cô cũng biết là phải tránh không để thiên hạ nghe khi nói những câu yêu đương. Vấn đề là câu nói của cô không phải là một câu nói yêu đương, mà chỉ là một câu nói biểu lộ sự mãn nguyện. Hai người ra khỏi quán cà phê, đi dọc theo các dãy phố của khu thị tứ. “Thế bây giờ làm gì?” Bube hỏi. “Mình đi ra chợ đi.” “Để làm gì?” “Trước hết là để xem chợ; rồi anh chẳng hứa là mua giày cho em hay sao?” “À… đôi giày, nhưng đâu phải mua ngoài chợ, phải vào trong tiệm đàng hoàng. Ngoài chợ họ chỉ bán hàng xoàng xĩnh.” Mara cả đời chỉ biết mua sắm ngoài chợ, cho nên nghe Bube nói thế cô tỏ vẻ kinh ngạc ra mặt, tuy nhiên, cô vẫn muốn đi xem chợ. https://thuviensach.vn Chợ họp ngay trên một quảng trường vuông vức, hai cạnh là hai dãy nhà lụp xụp, một cạnh khác nối với một khu đất trống đầy mảnh sành, gạch vụn, cạnh còn lại nằm sát mặt tiền của một tòa nhà xưa với những cái lỗ tròn thay cho cửa sổ. Bube miễn cưỡng theo Mara đi vào giữa các sạp chợ, giữa đám đông người mua kẻ bán lẫn dân tò mò rảnh công rỗi việc; nhưng cô nàng cứ ôm lấy cánh tay của anh lôi đi, miệng nói: “Em lúc nào cũng thích đi xem chợ.” “Ở đây ăn nhằm gì,” Bube trả lời. “Ở Volterra còn hơn gấp mười lần.” “Volterra thế nào? Lớn hơn Colle là?” “Dĩ nhiên. Lớn hơn nhiều lắm. Volterra là một thành phố.” Hai người ngừng lại trước một sạp vải. Tay bán hàng, một thanh niên to con lớn xác tóc nâu, vận áo sơ-mi kẻ ca-rô đỏ xanh, vừa rao đến khản cả giọng vừa lấy một mảnh vải rồi vò nát trong tay, dí trước mũi mọi người bắt họ xem, rồi quăng mảnh vải qua một bên để lấy một mảnh khác. “Mời cô em xinh xắn xem đây, đây đây, cô em xích lại gần đây, làm ơn đến gần đây. Hàng thượng hạng đó nghe, thứ đồ từ hồi trước chiến tranh đấy; đây bà thử sờ xem… mời cô, cô cứ vò nó, vò mạnh thế nào cũng được… đấy cô em xem tôi có nói sai không… vải không có một nếp nhăn….” Mara cầm lấy mảnh vải, làm bộ như đang xem xét; nhưng Bube đã kéo tay cô lôi đi: “Đi thôi.” “Gì vậy?” Mara vừa miễn cưỡng bước đi vừa hỏi, trong khi tiếng rao của tay bán vải vẫn còn vọng theo hai người. “Anh không thích có người xưng hô quá thân mật với em.” “Tại vì hắn gọi em là cô em xinh xắn hả? Nhưng ai hắn cũng gọi là xinh xắn, là người đẹp cả.” Và cô bật cười: “Thậm chí đến cả mấy cô xấu xí hắn vẫn gọi người đẹp.” Và cô lại cười. “Bộ anh ghen à?” “Không… Nhưng anh không thích kiểu mua bán như thế.” https://thuviensach.vn “Anh cứ ngồi đó mà cân đo từng chữ, giá mà anh biết đám thanh niên trai trẻ chúng nó xưng hô với tụi em đến cỡ nào.” “Ừ thì cứ bảo chúng nó xưng hô cho anh nghe một lần đi, rồi em sẽ thấy chúng nó chừa đến già.” “À… Làm thế nào để chúng nó chừa đến già?” cô hỏi khiêu khích. “Cái tay bán vải đó, anh thấy hắn to xác đến chừng nào không? Bắp thịt cuồn cuộn ra đấy.” Và cô khẽ bóp chặt cánh tay của Bube: “Còn anh, tội cho Bubino, có đủ sức đâu….” “Ấy thế mà ngược lại, ai cũng sợ anh.” “Em thì không. Em không sợ,” Mara đáp trả; nhưng thấy mặt của Bube vẫn cứ hằm hằm nên cô nói: “Giỡn một chút mà; chẳng lẽ anh không biết thế nào là đùa giỡn à?” “Anh chẳng đùa giỡn gì cả. Anh chưa bao giờ đùa giỡn,” Bube nói to giọng. “Em biết, em biết. Nhưng ngược lại anh nên ráng tránh trầm trọng hóa mọi chuyện. Nếu không… như anh thấy đấy, chuyện không lành sẽ xảy ra cho chính anh.” “Chuyện gì không lành?” “Thì cái vụ tay cảnh sát trưởng… và thằng con của hắn đấy.” “A, tưởng chuyện gì. Chuyện đó thì từ từ tụi này sẽ giải quyết ổn thỏa ngay ấy mà. Đảng sẽ đứng ra lo hết.” “Ừ, nhưng trước mắt anh phải lo chạy trốn.” Bube bị chạm tự ái: “Anh chẳng trốn tránh gì cả. Sau khi xảy ra chuyện đó, anh còn đi lang thang cả ngày ở đấy, tụi này còn mang xác của đồng chí đến Trụ sở nhân dân để làm đám tang, trong lúc mấy tay hiến binh trốn chui trốn nhủi trong trại, chúng nó sợ.” Hai người bước ra khỏi đám đông ở chợ và quay trở lại quảng trường chính. Các cửa tiệm sang nhất đều tập trung dọc theo các dãy phố của khu thị tứ này. “Trước hết là chuyện mua giày cho em,” Bube quyết định. https://thuviensach.vn Một cái tủ kiếng ba tầng chưng đủ các loại giày. Nhưng Mara đã lập tức để ý đến một đôi giày bằng da có chấm vàng chấm nâu. “Nhìn xem, Bube! Anh có thích đôi giày ấy không?” “Giày thì phải chính em thích mới được, chứ anh thích hay không thì ăn nhằm gì,” Bube nghiêm giọng đáp lại. “Nhưng, anh cũng phải thích một tí chứ? Bộ anh không thích thấy em ăn diện xinh đẹp sao?” “Anh thích em vì em là em….” “Dù cho tóc tai em như thế này hả?” Mara cố tình lẳng lơ. “Nó cứ thẳng cứng như bàn chải,” và cô cười. Bube ngắm nhìn tóc của Mara, cứ như lần đầu anh ta mới nhận ra như thế: “Đúng, tóc em trông cứ như tóc anh. Thôi được rồi, mình vô tiệm đi,” anh ta sốt ruột. Người bán hàng là một cô gái tóc nâu, mặc một cái áo tạp dề màu đen bóng bó sát người, môi tô son hình trái tim. Mara mở lời: “Tôi muốn một đôi giày cao gót.” “Cô muốn giày như thế nào?” “Kiểu như mấy đôi bày ngoài kia.” “Đôi nào? Có nhiều kiểu bày ở tủ kiếng,” cô bán hàng hỏi lại. Cả hai bước ra ngoài phía tủ kiếng, và Mara chỉ vào đôi giày mà cô thích. “À, đôi giày da rắn,” cô bán hàng nói. “Da rắn à?” Mara tỏ vẻ ngạc nhiên. Và cô cũng tính bỏ qua đôi giày ấy, nhưng cô bán hàng đã nhanh nhẹn trở vào trong tiệm và lôi hộp đựng giày xuống. Mara ngượng ngùng tháo đôi giày sút chỉ và hôi hám của mình ra để thử đôi giày mới đẹp bóng loáng, với gót giày vừa cao vừa nhọn. “Em thấy vừa chân không?” Bube hỏi. “Vừa thật là vừa.” “Thế thì anh mua. Bao nhiêu đấy?” https://thuviensach.vn “Một ngàn hai trăm,” cô bán hàng trả lời. Bube trả tiền không do dự. “Cô có muốn mang luôn đôi giày mới không?” cô bán hàng hỏi. “Vâng,” Mara trả lời, và cô đang tính bước ra khỏi tiệm thì người bán hàng kêu cô lại để đưa hộp giày trong đó có đôi giày cũ. “Hy vọng rằng đây không phải là rắn độc,” Mara vừa nói vừa cười. “Nhưng giá anh để em trả giá; em không trả quá một ngàn.” “Bộ em điên à? Ở mấy cái sạp ngoài chợ thì còn trả giá, chứ ở trong tiệm đâu có được.” Hai cái gót giày gõ lốp cốp khô khan lên mặt lộ lát gạch. Mara vừa nhìn mũi giày bóng loáng vừa liếc mắt vào các tấm kiếng ở các cửa tiệm để soi bóng mình đi ngang qua. Đúng là với giày cao gót thì dáng vẻ cô khác hẳn. Trước tiên là trông cô cao hơn: chẳng hạn như trước đây thì cô chỉ đứng đến vai Bube, còn bây giờ thì cô cao đến tận tai anh ta. Dù rằng cô không thể dừng lại để soi mình thật kỹ trong kiếng, nhưng cô tin chắc là với đôi giày cao gót mới, những đường cong của thân hình cô càng thêm rõ nét. “Trời ơi… phải đem cái xe đạp gởi bên chi bộ,” Bube bật la lên. “Nếu không làm ngay thì lát nữa quên khuấy mất.” “Anh đi đi,” Mara nói. “Thế còn em?” “Em đi vòng vòng quanh đây đợi.” Bube hơi thoáng lưỡng lự: “Nhưng em không được đi đâu xa nghe, nếu không hai đứa lạc nhau đấy.” “Đừng lo.” “Anh quay trở lại ngay lập tức,” Bube lặp lại. Mara bước trở vô khu thị tứ của trung tâm thị trấn. Cô dừng lại trước cửa kiếng của một cửa tiệm. “Ô… lại gặp nhau ở đây.” Mara quay lại. Té ra là Mauro, mặc đồ bảo hộ lao động, trên trán dính một vài vết vữa, áo sơ-mi bỏ ra ngoài quần. “Làm gì ở Colle thế này?” https://thuviensach.vn “Chẳng làm gì cả. Tao đi với người yêu của tao.” “À… thế thì đúng là mày đã có bồ rồi.” “Đúng quá đi chứ,” Mara trả lời một cách bực dọc. Maura quan sát cô: “Mày hôm nay ăn diện ghê nhỉ… lại có cả giày cao gót.” “Thấy thế nào, có đẹp không?” Mara hãnh diện. “Quà của người yêu tao đấy.” “Bồ của mày chắc là giàu lắm?” “Ờ… giàu thì không giàu, nói chung… đồng lương hậu hĩ. Mày biết không, chỉ cần hỏi một tiếng là anh ta mua tặng tao ngay lập tức.” “Thế thì mày phải đánh đổi lại bằng cái gì? Như tao đây, nếu mà người yêu tao hỏi xin quà thì tao sẽ nói ngay: quà có ngay em ơi, nhưng trước tiên anh muốn một điều….” “Điều gì?” “Còn làm bộ ngây thơ nữa. Mày biết tỏng điều gì rồi. Thôi, tao có việc phải đi. Khốn khổ công việc…” Mauro nói với giọng than vãn. Mara tiếp tục đi lòng vòng. Cô có cảm giác là bọn đàn ông đều chăm chú nhìn cô với vẻ ngưỡng mộ. Cô lại ngừng trước một cửa kiếng khác. Lần này cũng có một thanh niên ngừng lại gần đấy. “Rõ khổ,” Mara thầm nghĩ. Đàn ông chiêm ngưỡng cô thì được, cô càng thích thôi, nhưng cô không ưa họ lẽo đẽo theo sau cô, đôi khi làm cô phát sợ. Mara thở phào nhẹ nhõm khi thấy Bube xuất hiện; cô bước nhanh về phía anh. Cái gót cao của đôi giày bắt đầu làm cô mỏi chân: vả lại trời bắt đầu nóng và chung quanh cũng chẳng còn gì đáng coi nữa. Hai người đến ngồi trên một băng ghế xi măng trong cái công viên nhỏ bé nằm giữa quảng trường. “Mấy giờ rồi?” “Mười một giờ rưỡi,” Bube trả lời. “Chán quá. Em chỉ trông đến mười hai giờ.” https://thuviensach.vn “Để làm gì?” “Để đi ăn.” “Em đói rồi hả?” “Không. Không hẳn vì đói, nhưng em chỉ muốn vô ngồi trong quán ăn.” “Thế thì mình đến chỗ anh ăn hôm qua đi,” Bube nói. Năm phút sau Mara nói: “Cứ ngồi đây mãi chán quá. Làm gì đi cho đỡ chán.” “Hồi nãy em than mỏi chân mà. Được rồi, hay là mình trở lại quán cà phê đi.” Vô tới quán, hai người phải khó khăn lắm mới tìm được một cái bàn trống, bởi vì lúc ấy có chuyến xe đò vừa từ Firenze đến, và đông đảo hành khách bước xuống, tay xách nách mang hành lý vô quán cà phê ngồi. Hai người kêu nước ngọt. Mara thì muốn ăn một cái bánh ngọt, nhưng Bube bảo giờ này mà ăn bánh ngọt thì lỡ bữa, chút nữa ăn cơm không ngon. “Chỉ còn non một tiếng nữa là đi ăn rồi.” “Ăn gì mà trễ vậy?” Mara cự nự. “Mình đã chẳng nói là mười hai giờ đi ăn hay sao?” “Ở quán ăn nên tránh đến quá sớm, trông quê lắm.” Mara vừa uống nước ngọt vừa tò mò đảo mắt nhìn chung quanh. “Bubino, trông tên kia có cái bụng phệ to tướng kìa.” “Nói nhỏ một tí, lỡ hắn nghe thấy….” “Trông mụ kia với cái nón trên đầu… Chẳng khác gì con quạ phải không?” Bube tán thành “À, đúng thế.” “Coi tay cha xứ kia kìa, áo dòng dính đầy dầu mỡ. Anh quay đầu lại, lão ta ở ngay sau lưng anh đấy.” Bube quay đầu lại để nhìn vị linh mục, và lập tức anh ta tỏ vẻ bồn chồn ra mặt: “Anh biết tay cha xứ đó. Mong là ông ta không nhìn thấy anh, nếu không…” và đảo mắt nhìn vị linh mục một cách kín đáo. “Thôi uống lè lẹ rồi mình đi.” https://thuviensach.vn “Sao thế? Tụi mình vừa mới đến mà.” “Anh đã nói rồi, anh không muốn tay cha xứ đó thấy anh.” “Vì sao?” “Vì ông ta biết anh. Ông ta là cha giáo xứ chỗ anh ở, hồi nhỏ anh còn làm phụ lễ cho ông ta.” Mara bật cười: ”Chắc lúc ấy trông anh ngộ lắm, vận đồ phụ lễ.” Bube đâm bực: “Chẳng có gì đáng cười cả. Lúc còn nhỏ nào có ai ý thức được chuyện mình làm, ở nhà kêu đi thì đi thôi. Chứ lúc đó anh có biết gì đâu, có biết cha xứ là hạng người gì đâu.” Bube ngừng lại trầm ngâm một lúc: “Mà cái tay cha xứ này, ông ta biết nhiều trò để chiêu dụ con nít, khi thì bánh kẹo, lúc thì quà, ông ta còn bày trò cho đám con nít chơi phía sau nhà cha xứ… thậm chí đôi khi còn vén áo dòng lên để đá banh với đám trẻ con. Cha xứ như kiểu đó, có vẻ rất thân thiện, gần gũi. Có người còn đồn là đôi khi ông ta cũng uống rượu đến xỉn. “À, nếu thế thì ở bên Monteguidi của tụi này, cha xứ lúc nào cũng xỉn. Anh có biết là có hôm ông ta nói gì với ba em không? Ông ta bảo: “Tụi mình hai đứa tư tưởng thì khác nhau, nhưng còn rượu….” “Nhưng tay cha xứ này đâu phải chỉ có mỗi cái màn xỉn đâu,” Bube tiếp: “Ông ta cũng làm những trò bỉ ổi….” “Tất cả các cha xứ… cha nào cũng bỉ ổi cả,” Mara hùng hồn tuyên bố. “Rồi lại còn thêm phát xít nữa chứ.” “À, tay này là phát xít thì nếu có thấy anh ông ta cũng chẳng đến gặp anh đâu mà lo.” “Lúc ông ta biết anh thì anh còn nhỏ. Trông xem ông ta đang làm gì,” Bube nói. “Chẳng làm gì cả. Chỉ lo nhìn gái,” và cô ta bật cười: “Đấy, có cô gái ngồi ở quầy tính tiền đấy. Ông ta nhìn cô ta thiếu điều muốn rớt tròng mắt. Đồ không biết thẹn… Mà ông ta đã già khú cù đế rồi.” Đến khoảng mười hai giờ rưỡi, Bube đứng lên nói: https://thuviensach.vn “Thôi, bây giờ mình đi ăn được rồi đấy.” *** Quán ăn nằm dưới một tầng hầm. Vừa xuống được mấy nấc thang thì Bube đứng khựng lại: trong phòng ăn dài và hẹp chẳng có cái bàn nào trống cả. “Làm sao bây giờ,” Bube lưỡng lự, và Mara sắp sửa lên tiếng trách Bube đã không chịu đến quán ăn sớm hơn thì người bồi bàn chạy đến mời hai người vô: “Xin mời ông bà vào.” Cả hai đi theo sau người bồi xuyên qua hành lang giữa hai dãy bàn ăn. “Ông bà có thể ngồi ở bàn đó,” người bồi đưa tay chỉ một cái bàn chỉ có một thực khách ngồi ăn: một thanh niên tay áo xắn lên đang ngồi ăn spaghetti. Anh thanh niên ngẩng đầu lên, vẻ mặt thoáng ngạc nhiên, nuốt vội miếng ăn: “Ồ… chào Bube,” anh ta vừa nói vừa đứng lên. “Memmo,” Bube la lên. “Cậu làm gì ở Colle thế này?” “Tớ đến vì việc làm,” anh thanh niên trả lời, đưa mắt nhìn Mara. “À giới thiệu với cậu, đây là vị vị hôn thê của tớ,” Bube nói. “Rất hân hạnh được biết cô.” Mara không đáp lại tiếng nào. “Em có muốn đi vệ sinh không?” Bube lấy tay chỉ, “Ở chỗ cánh cửa đó.” Nhà vệ sinh nhỏ xíu chật hẹp như một cái tủ, ánh sáng hắt xuống từ một cái cửa sổ bé tí trên cao. Mara khép cửa lại, nhưng cô không cài được then, “Làm sao bây giờ?” Nhưng Mara mắc tiểu quá, sau cùng cô cũng ngồi xuống, với hy vọng là lúc ấy chẳng có ai bước vô. Bây giờ thì mắt cô bắt đầu quen với cảnh tranh tối tranh sáng của nhà vệ sinh, ở một góc phòng có một cái bồn rửa tay bé tí. Cái vòi nước được cột chặt bằng một sợi dây, nhưng nước vẫn nhỏ giọt. Phía trên bồn có một cái kệ kiếng, trên đó có để một cái lược răng gãy gần hết. Mara ngắm mình trong gương: trông cô thảm lắm, tóc thì lọn đứng lọn nằm rối bời. “Tưởng em ngủ luôn trong đó,” Bube trách khi cô trở lại bàn ăn. https://thuviensach.vn “Em phải chải lại đầu,” cô ta nói. “Mấy cái rễ tre này đây…” và cô cười. Sau vài phút, cô lấy lại được vẻ tự nhiên trước anh bạn của Bube, dù nhìn qua cũng biết là anh này thuộc thành phần xã hội cao hơn họ. Đấy là một thanh niên khá đẹp trai, mái tóc mềm mại lượn sóng, gương mặt tròn có vẻ hơi mũm mĩm, thân thể cường tráng. “Anh đang đợi em ra để gọi món ăn,” Bube nói, và cất cao giọng gọi: “Bồi bàn.” “Tôi đến ngay đây,” người bồi bàn đáp lại. “Ráng chịu khó đợi một chút,” anh thanh niên vừa mỉm cười vừa nói. “Tôi ngồi ở đây đã trên dưới bốn mươi lăm phút rồi đấy, và tôi cũng chỉ mới có món nhất *…” Bube khẽ gõ nhịp ngón tay lên bàn, gương mặt như đang suy nghĩ điều gì lung lắm. Bất thình lình như chợt tỉnh, anh nói lớn giọng: “Bồi bàn có đến hay không thì bảo… Nếu không thì tụi này đi kiếm quán khác.” 11* Trong bữa ăn, thói quen ẩm thực Ý chia đồ ăn ra làm hai món chính: món nhất tức là các đĩa mì Ý (spaghetti), hay cơm (nấu theo kiểu Ý) trộn với nước sốt. Sau đó thì đến món nhì là các đĩa thịt hay cá, ăn với rau và bánh mì. Anh bồi vừa phục vụ bàn gần đấy vừa trả lời: “Có muốn thân này cũng chẳng xẻ được làm tư. Một lúc sau anh bồi bước đến bên cạnh họ: “Còn ông, món nhì thì ông muốn ăn gì?” “Một miếng thịt cốt-lết,” anh thanh niên trả lời. “Có thực đơn không?” Bube hỏi. “Có… nhưng chẳng biết bây giờ lạc đâu rồi,” anh bồi vừa đảo mắt nhìn quanh phòng ăn vừa nói. “Nhưng không sao, để tôi đọc cho, trước mắt thì mì sợi mỏng đã hết rồi, chỉ còn spaghetti, nếu không thì mì ống nhỏ luộc với nước súp…” “Em ăn gì?” “Spaghetti,” Mara vừa đáp vừa ra dấu. “Tôi muốn một tô spaghetti như thế này này.” https://thuviensach.vn “Hai phần spaghetti.” “Rượu?” Anh bồi hỏi. “Ừ rượu, rượu vang đỏ. À này… có nước khoáng không?” Sau khi đã gọi thức ăn xong xuôi, Bube quay sang anh bạn: “Nào, Memmo, khỏe không? Ở bên Volterra có gì mới không?” “Chẳng có gì… bình thường thôi,” Memmo đáp. “Thư ký chi bộ vẫn là Baba? Còn Lidori làm gì? À cả “Hộp kẹo” nữa?” Mara bật phá lên cười. “Cười gì vậy?” Bube đột ngột quay sang. “Ở bên Volterra mấy anh tên họ nghe buồn cười quá.” “Đó đâu phải là tên họ, đó là biệt danh,” Bube đáp lại một cách nghiêm nghị. Một lúc sau Memmo hỏi: “Thế bây giờ cậu trở lại Volterra luôn đấy à?” “Còn tùy. Tớ chưa quyết định gì cả.” “Chắc chắn là anh ấy sẽ không trở lại San Donato,” Mara xen vào. “Vì sao?” “Bởi vì ở đó người ta sẽ bắt nhốt anh ấy ngay,” và Mara bật cười. Bube tỏ vẻ không quan tâm đến những gì Mara nói: “Thời trước, hồi còn phát xít, tôi còn phải đương đầu với nhiều chuyện lớn hơn….” Và Bube quay sang nói thêm với người bạn: “Này, đừng để tâm đến những gì cô ấy nói.” Mara còn tính châm chọc khiêu khích Bube thêm, nhưng anh bồi đã mang spaghetti và thịt cốt-lết đến. Bây giờ thì khách đã thưa dần và anh bồi cũng không còn tất bật như trước, và sau khi mang hũ phô-mai bào đến, anh ta dừng lại bên cạnh bàn của họ. Anh bồi hướng về phía Memmo, cứ như đấy là một khách quen lâu và đáng kính, và nói: “Đến cả nước sốt cà cũng không còn, ở đây mỗi khi có họp chợ là thế: người gọi đầu này, kẻ réo đầu kia…” “Ừ. Như hồi thứ bảy tuần trước cũng vậy” “Đấy, đúng đấy,” anh bồi la lên. “Đúng đấy, tôi trông ông quen lắm… Tôi đã gặp ông rồi phải không?” https://thuviensach.vn “Tôi mới tới đây hôm qua,” Bube đáp. “Hèn gì. Tôi trông mặt quen quen” Rồi anh bồi lại quay sang Memmo: “Còn ông, chắc ông làm nghề tiếp thị?” “Không,” Memmo đáp lại. “À… tại tôi thấy ông có mang cái cặp,” anh bồi bàn giải thích. Rồi anh ta nói thêm: “Hồi trước quán này khác, toàn dân tiếp thị, còn bây giờ, gặp khách nào thì chịu khách đó. Phần lớn họ là nông dân lên tỉnh.” Anh bồi nghiêng người về phía Memmo như để thổ lộ chuyện đại trọng: “Bây giờ thì chính đám ấy nắm trong tay cái này đây,” vừa nói anh ta vừa lấy ngón tay làm dấu hiệu tiền bạc. Bỗng anh ta bật đứng lên: “Quý vị còn muốn ăn tiếp gì nữa không?” hắn quay sang hỏi Bube. Bube nuốt vội miếng ăn trong miệng: “Còn món gì nữa? Nhưng phải là thứ nấu sẵn ăn liền mới được. Bởi vì tôi không có nhiều thì giờ.” “Thì một miếng cốt-lết như ông này đi?” “Cốt-lết được không em?” Bube vừa hỏi Mara vừa ra lệnh, “Hai miếng cốt-lết.” “Có chuyện gì mà anh nói là gấp vậy?” Mara đợi anh bồi đi rồi mới hỏi: “Trước sau gì mãi đến chiều xe đò mới qua.” “Nhưng anh không thích ngồi đợi đến chiều,” Bube nói “Ăn xong mình ra con lộ dẫn đến Volterra để xem có quá giang được không.” “Em thì ngược lại, em muốn ở lại bên Colle này thêm một chút.” Bube quạu quọ: “Em phải làm như anh nói.” “Anh đừng tưởng bắt nạt được tôi.” Bube nổi nóng thực sự: “May là mình đang ở nơi công cộng. Chứ không thì cô đã ăn bạt tai rồi.” “Rồi bộ anh tưởng là tôi ngồi yên đó ăn bạt tai hả?” Mara ăn miếng trả miếng, và cô còn cười khinh khỉnh vào mặt anh. https://thuviensach.vn “Thực ra thì cũng không phải là dở…” bất ngờ Memmo chen vô, “cái ý ra con lộ dẫn đến Volterra. Tệ lắm thì ở ngoài đó mình cũng có thể tìm chỗ nào đó ngả lưng làm một giấc. Từ sáng đến giờ tôi chưa nghỉ được một phút.” Bây giờ thì quán ăn gần như không còn ai. Bube và Mara ăn cốt-lết; rồi để cho bữa ăn thêm thịnh soạn, Bube hỏi xem Mara có muốn ăn phô-mai không. “Thôi đủ rồi. Em no quá rồi. Chẳng nhét gì vô thêm được nữa đâu.” “Đến cả trái cây em cũng không muốn à?” Bube hỏi thêm. “Trái cây đầy ở nhà, có đâu đến quán để ăn trái cây.” “Bồi, tính tiền,” Bube gọi lớn. “À quên, mình gọi thêm cà phê nữa chứ?” Memmo lắc đầu: “Cái đó thì ra bar uống ngon hơn.” Họ quay trở lại quán cà phê lúc sáng. Cha xứ vẫn còn ở đó, đầu nghiêng qua một bên vai, cổ áo dòng được tháo nút, tay nắm một cái khăn tay. Lúc họ vừa bước vô quán thì cha xứ tỉnh giấc một chút xíu, ông ta mở mắt ra rồi nhắm lại ngay. Cái đầu lại tiếp tục nghiêng qua một bên vai. “Coi kìa…” Memmo nói khẽ. “Có cha Ciolfi.” “Tớ có thấy sáng nay,” Bube trả lời. “Hình như ông ta theo chuyến xe đò từ Firenze sang đây.” “Hừm…” Memmo lẩm bẩm. “Tốt hơn là ông ta nên trở về Firenze. Không khí ở Volterra chẳng có gì tốt lành cho ông ta đâu. Ở đó mấy hôm nay thiên hạ đập bọn theo phát xít nhiều lắm. Thiên hạ sẽ đợi ông ta ở bến xe đò… Thiệt tình tớ không hiểu nổi, đúng là liều lĩnh. Bây giờ chiến tranh hết rồi, bọn này quay về Volterra cứ như là không hề xảy ra chuyện gì cả…” Memmo vừa nói vừa nhìn cha xứ. “Cũng phải nói là trông ông ta thê thảm thật.” “Thiệt ra thì xưa nay lúc nào ông ta cũng ốm nhom như thế thôi,” Bube quan sát cha xứ. “Nhưng bây giờ trông ông ta hốc hác quá. Da dẻ trông tệ quá. Điệu này chắc là có bệnh rồi.” https://thuviensach.vn Uống cà phê xong, Bube đi thẳng đến quầy tiền để xin lấy lại cái va-li. Nhưng hình như họ đã dời va-li đi đâu rồi… thế là Bube phải chạy biến mất theo sau một anh bồi. “Thế là cô cũng thành dân Volterra,” Memmo mở lời. “Tôi ấy hả? Đâu có…” “Nhưng nếu cô là vị vị hôn thê của Bube… Đúng ra thì hai người cũng còn quá trẻ để tính chuyện lấy nhau. Xin lỗi, cô năm nay bao nhiêu tuổi?” “Mười sáu,” Mara trả lời. “Đúng như tôi đoán.” “Đúng ra mình có thể nâng lên thành mười tám,” Mara hơi khó chịu thầm nghĩ. Bởi vì cô không muốn anh bạn của Bube coi cô như con nít. “Cô đã bao giờ đến Volterra chưa?” “Chưa lần nào,” Mara nhanh nhảu trả lời. “Người ta chỉ đến Volterra nếu có bà con kỳ quặc hay bị bỏ tù,” và cô cười to. Memmo lặng thinh không nói tiếng nào. https://thuviensach.vn CHƯƠNG 5 Giật mình tỉnh giấc, Mara gắng gượng nhớ lại mọi chuyện: có lẽ cô nằm mơ. Tàn lá trên cao của mấy cây dương bị gió lay động liên tục; và chính những tiếng động của tàn lá đã khiến cô mơ thấy mình đang ở trong vườn rau cải, gần suối nước. Bube, lúc nãy nằm ngủ gối đầu lên bụng cô, bây giờ đã đi đâu mất. Mara ngồi nhổm dậy. Memmo cũng đang ngồi gần đấy và đang nhìn cô. “Hắn đang ngó chân mình đây,” Mara thầm nghĩ, và cô vội kéo vạt váy xuống. Thực ra cũng chẳng phải vì ngượng ngùng hay e thẹn, cô chỉ muốn trêu tức anh ta thôi. Rồi cô đứng lên, trong khi vẫn tìm cách không để lộ đôi chân ra, phủi cái váy, gỡ cọng cỏ dính vào đấy. “Cô đã làm được một giấc rồi hả?” Memmo hỏi. “Ừ, thế bộ anh không ngủ à?” “Mấy con kiến khó chịu quá.” Cô cười gượng gạo, “Chúng nó cứ bò lên chân.” Bube bất ngờ xuất hiện sau lùm cây. “Chẳng có xe nào chạy ngang qua hả?” Memmo hỏi. “Xe hả? Chẳng có ma nào chạy qua cả. Điệu này đến bảy giờ tối tụi mình sẽ vẫn còn ở đây.” “Thế thì mình kéo nhau ra bờ sông đi. Ít ra ở đó có nắng ấm.” Họ giấu đồ đạc trong một bụi rậm, rồi lội theo một con đường nhỏ bùn lầy, họ đi xuyên qua khu đất có những hàng cây cao. Lòng sông rất rộng, nhưng hầu như khô cạn. https://thuviensach.vn “Sao em không đổi giày?” Bube trách. “Coi đấy, dính toàn là bùn.” Mara nhanh nhảu đáp trả: “Giày cũ có còn đâu.” Và cô bật cười, “Em bỏ quên nó ở quán cà phê rồi.” “Thế lại còn cười.” “Dẫu sao thì cũng vừa cũ vừa rách nát cả rồi.” “Nhưng giá còn đôi giày cũ, bây giờ có tiện hơn không?” “Đây này, coi em nè.” Mara tháo đôi giày cao gót ra và lội chân không ra bãi sông đất bùn. Nhưng bãi sông khô ran nên bùn không dính vào chân. Tới giữa sông, một luồng nước nhỏ róc rách chảy qua mấy hòn đá cuội. Bube cũng tháo giày lội chân không ra sông. Còn Memmo thì vẫn rón rén với đôi giày, cố tìm cách băng qua sông. Dòng nước thực ra cũng chỉ rộng chưa tới hai thước, do đó bọn họ nhảy qua một cách dễ dàng. Bây giờ ba người đứng trên một bãi đá sỏi, đây đó rải rác những hòn đá mịn có sọc trắng. “Đấy,” Bube hồ hởi nói, “Bây giờ tụi mình có thể nằm đây tắm nắng, cứ như là đang ở trên bãi biển.” Vừa nói anh ta vừa cởi áo sơ-mi và áo thun ra. “À… thế còn em?” Mara vừa cười vừa nói “Chẳng lẽ em khỏa thân ra à?” Và cô xích lại gần Bube nói khe khẽ, “Giá như không có hắn… em cũng có thể làm vậy…” Bube nhìn cô, vẻ mặt có hơi bối rối, nhưng anh chàng nghiêm mặt lại ngay: “Em thì tắm nắng… mặt và hai tay. Em tắm nắng như vậy được rồi.” Nhưng Mara vẫn tiếp tục phàn nàn: “Mà tại sao anh cứ đòi lôi hắn theo hai đứa mình chi vậy? Nếu không thì tụi mình tự do tha hồ làm gì cũng được.” “Anh lôi hắn theo vì anh có lý riêng của anh. Memmo nằm trong Ủy ban giải phóng. Anh muốn bàn với hắn về vụ ở San Donato.” “Này, nói thật đi: anh làm bộ như chuyện đó không có gì quan trọng. Nhưng thực ra bên trong anh cũng đang lo sốt vó.” “Có gì mà sốt vó…” “Thế thì sao anh lại muốn nói với hắn chuyện đó?” https://thuviensach.vn “Chẳng vì gì cả. Chỉ muốn nghe xem hắn có ý kiến gì không.” “Được rồi, nói ngay với hắn xong rồi tống cổ hắn đi cho khuất mắt. Anh có muốn tôi nói không? Mặt hắn trông chẳng đáng ưa tí nào.” “Nói nhỏ nhỏ một chút, hắn có thể nghe được…” “Nếu hắn nghe được càng tốt.” “Này Mara, nghe này…” nhưng cô nàng đã thấy một con cua đang bò ngang trên mấy hòn sỏi. “Bubino. Xem kìa! Chụp nó ngay đi không nó chui vô hang mất.” “Nhưng bắt nó để làm gì?” “Nói thật đi: anh không dám phải không.” Nhưng Bube vốn không chịu được khi bị bóng gió là thiếu can đảm: “Anh đã từng làm nhiều chuyện, nếu không can đảm thì đã không làm rồi. Nói cho em biết, can đảm anh có thừa.” “Ấy vậy mà anh sợ không dám dụng đến con cua.” “Đừng ở đó mà nói ba láp ba xàm.” “Vậy thì thử bắt con cua xem.” “Anh làm gì thì tùy anh.” Anh ta quay sang cô với vẻ mặt hăm dọa, “Này, ráng nhớ là trong hai đứa mình, người ra lệnh là anh, em chỉ vâng lệnh mà thôi.” Nhưng Mara bật cười vào mặt anh ta. “Coi chừng, ăn đòn đấy.” “Anh định dọa ai với hai cánh tay khẳng khiu ấy?” Mara trêu tức anh ta. Bất chợt Bube lấy tay vỗ vỗ vào chỗ hơi phồng lên phía sau lưng quần: “Với cái này thì đứa nào cũng phải sợ tôi.” Memmo ngồi im theo dõi câu chuyện, rồi anh ta bước đến gần Bube: “Coi chừng đấy, mang theo súng trong người nguy hiểm lắm. Nếu mà bị bắt, dám ăn một tháng tù như không. Nhất là những người từng theo kháng chiến, lúc nào chúng cũng dòm chừng họ.” Bube im lặng không trả lời, trông có vẻ lơ đãng. Sau một hồi anh nói: “Này, Memmo, bên Volterra vẫn còn tay cảnh sát trưởng đó chứ?” https://thuviensach.vn “Ừ,” Memmo đáp. “Tụi này đã nhiều lần lên tiếng phản đối, nhưng vẫn không đủ sức để đẩy hắn đi. Sao? Cậu lo về cái vụ lần ấy…” “Không phải chuyện đó. Tớ lo về một vụ xảy ra ở San Donato.” Và Bube bắt đầu kể. Mara ngồi trên dốc bờ sông, hai chân thòng xuống nước. Trong khi Bube đang kể chuyện, cô chăm chú nhìn Memmo để dò xem phản ứng. Khi Bube kể đến đoạn bọn họ đấu lý với tay cha xứ: bọn phát xít được mang cờ xí vào nhà thờ thì tụi này đeo khăn quàng đỏ cũng phải được vào, Memmo ra dấu đồng tình: “Các cậu trả lời đúng đấy.” Nhưng khi vừa nghe đến đoạn có người chết, Memmo thay đổi sắc mặt. Memmo im lặng một hơi. Sau cùng nói: “Chuyện này khá phức tạp đấy. Giá như chúng ta nắm chính quyền thì chuyện sẽ được dàn xếp ổn cả; nhưng vấn đề là chúng nó vẫn nắm quyền. Bọn Anh và bọn Mỹ.” “Theo ý cậu, tớ phải làm gì bây giờ?” “Theo ý tớ trước mắt cậu cần phải lánh mặt đi một thời gian. Tuy nhiên khi đến Volterra cậu sẽ nghe coi Baba, Lidori có ý kiến thế nào. Nghe tớ dặn nè: đừng kể chuyện này cho ai nghe cả, ngay đến người trong gia đình cũng không. Trong những trường hợp như thế này, càng ít người biết chuyện càng tốt.” Và sau cùng Memmo nói một câu mà Mara nghe rất lạ: “Và nhất là đừng có nói với ai là cậu đã kể cho tớ nghe chuyện này. Kể cả với Baba và Lidori….” *** Memmo bỏ đi trở ngược lại phía con lộ, nhưng lúc đó một cái xe bò lăn ra đến giữa lòng sông để lấy sỏi. Mara tỏ vẻ khó chịu: “Đúng là chẳng có cách nào để hai đứa ở một mình.” Rồi cô nhìn Bube: “Mà coi bộ anh cũng chẳng tha thiết mấy.” “Tha thiết cái gì?” “Anh cũng chẳng thiết ngồi một mình với em.” Hai người đang ngồi dựa lưng vào một tảng đá; cô nàng khẽ luồn cánh tay mình dưới cánh tay của Bube: “Nếu anh không thích em, thế thì anh cặp với em làm gì?” https://thuviensach.vn “Sao mà cứ nói toàn chuyện vớ vẩn thế? Em biết chắc là anh thích em mà.” “Thế thì nhìn em đây.” Bube làm theo lệnh cô. “Và bây giờ hôn em một cái.” “Em điên à? Chung quanh có người….” “Nhưng họ chẳng để ý đến mình đâu!” Mara sốt ruột la lên. Rồi cô rút cánh tay mình về: “Anh muốn làm gì thì làm, tôi chắc chắn chẳng ngồi đây mà năn nỉ anh.” Cô đứng lên: “Ngược lại, anh biết tôi làm gì không? Tôi trở lên đường cái.” Cô nhảy ngang qua dòng nước rồi bước về phía bờ sông. Bube lủi thủi đi theo, nhưng rồi anh phải dừng lại để mang vớ và xỏ giày vào. “Đợi anh với.” Anh ta la lên, nhưng Mara cũng chẳng thèm quay mặt lại. Memmo thì đã ra đến bên bờ lộ. Mara thì vẫn còn ở bên bãi cỏ phía dưới lộ, cô đang tìm cách gỡ bùn dính vào đôi giày, lúc đầu thì với mấy cái lá cây, rồi sau đó đến một cái gậy nhỏ. Nhưng bùn vẫn không chịu văng ra. Bube lên đến nơi và thấy cô đang chăm chú lo gỡ bùn: “Trời ơi trông thảm thế này.” “Biết làm sao hơn, ở đó toàn là bùn. Này, chính anh đề nghị ra bờ sông đấy nhé.” “Nhưng giá em không quên đôi giày cũ… Bây giờ khi về đến nhà anh, anh lại phải giới thiệu em trong khi em ăn mặc với đôi giày thê thảm thế này.” “Thì ăn nhằm gì anh?” “Anh không muốn mất mặt vì em.” “Này, nghe này: chính anh muốn đưa tôi qua bên Volterra; tôi chẳng cần phải đi lẩn trốn ai cả. Bởi vậy làm ơn đừng bày đặt chuyện, nếu không tôi bỏ anh lại đây và quay về nhà.” Bube không đáp lại lời nào. Anh bật lửa hút thuốc rồi nói: “Thôi, mình lên lộ đi.” Nhưng trước khi đi, anh ta mở va-li ra nhét khẩu súng lục vô đó. https://thuviensach.vn “Mấy giờ rồi?” anh ta hỏi Memmo. “Bảy giờ mười.” “Thế sao chưa thấy xe đò qua? Tớ đợi mãi phát chán,” anh ta nói. “Tội quá, cứ từ từ,” Mara nói, giọng khiêu khích. “Đã sáu tháng rồi anh chưa về nhà, thế thì nếu có gấp gáp cũng đúng thôi, phải không?” “Xe đò đây rồi,” Memmo reo lên. Chiếc xe đò xuất hiện ở phía cuối con đường. Lúc xe đến gần, người ta thấy gần bên chỗ tài xế đã có người đứng lố nhố. “Thế này thì chẳng đào đâu ra được chỗ ngồi,” Bube than vãn. “Lỗi tại anh cả,” Mara nói. “Bởi chính anh đòi ra ngoài này, chứ giá mình lên xe lúc còn ở trong thị trấn thì chắc đã có chỗ ngồi rồi.” “Anh hy vọng tìm được xe để quá giang,” Bube ráng chống chế. Anh ta giơ tay lên vẫy xe. Nhưng thực ra thì xe đò cũng đã bắt đầu giảm tốc độ từ trước rồi. Trước khi xe kịp ngừng, một người đàn bà thò đầu ra cửa sổ và la lên: “Bube! Bube! May là có cậu! Có cha xứ Ciolfi trên xe nè!” *** Mara và Bube leo lên xe phía cửa trước, ở đó năm sáu người đang đứng vội xê dịch để có chỗ cho hai người đứng. Bube vừa mới xếp xong cái va-li thì một người đàn bà, vẫn là người đàn bà đã gọi anh từ cửa sổ xe, thò tay vừa kéo Bube vừa nói: “Trúng ngay cậu, Bube. Bây giờ sẽ có người tẩn hắn một trận đã đời, lão cha xứ đấy.” Nói xong chị ta nhìn quanh một cách thích thú. Nhưng những hành khách trên xe chẳng ai thèm ngó chị ta, và họ cũng tránh ánh mắt của nhau. “Chạy đi,” anh bán vé nói với tài xế. Chiếc xe đò lăn bánh. Anh bán vé quay sang Bube: “Vui lòng mua vé.” “Vâng,” Bube đáp. “Bao nhiêu?” “Hai vé, chín chục lire.” https://thuviensach.vn Bube móc túi lấy ra một tờ một ngàn lire. Trong khi anh bán vé đang ngồi đếm tiền thối lại thì bất ngờ người đàn bà lại lên tiếng, giọng thật to: “Xe vừa đến Volterra thì tụi nó sẽ thịt mày đấy. Bube sẽ thịt mày đến nơi đến chốn.” “Bình tĩnh, bình tĩnh…” anh bán vé vừa trả lời vừa đếm tiền thối. Bất ngờ người đàn bà la lên: “Khốn nạn cái thằng cha xứ. Đồ lưu manh hèn hạ.” Và hình như chị ta bị chính những lời nói của mình kích động, thế là chị đứng lên và tìm cách nhào ra hành lang giữa hai hàng ghế. Nhưng anh bán vé đã nhanh chóng kịp thời kéo chị ta lại. “Khốn nạn,” chị ta hét lên một cách điên dại. “Những oan hồn chết oan chết ức sẽ ám ảnh lương tâm của mày, mày với cái đám lâu la của mày. Tôi có đứa cháu, con của chị tôi, cũng bị chúng nó giết chết. Thằng Naldini Silvano đó, ai mà không biết nó, thằng nhỏ mới có mười chín tuổi. Cũng tại mày, đồ khốn kiếp,” và chị ta lại tiếp tục tìm cách vùng vẫy, nhưng anh bán vé vẫn kìm chị ta lại: “Này bà chị, trên xe đò này, tôi không muốn xảy ra chuyện gì cả.” “Đồ lưu manh côn đồ,” chị đàn bà vẫn tiếp tục thóa mạ. “Thôi, đủ rồi, hiểu chưa?” anh bán vé tìm cách dọa dẫm. “Không được la lối om sòm nữa. Ông có bà con gì với chị này không?” anh bán vé quay sang hỏi Bube. “Không,” Bube đáp. “Thôi ông ráng bảo chị ấy bình tĩnh lại đi. Bằng không tôi sẽ cho ngừng xe và đuổi chị ấy xuống thôi.” Và không nhìn vào bất cứ ai, anh ta tiếp: “Khi nào xuống xe rồi thì ai muốn làm gì thì làm, nhưng trên xe đò, nếu xảy ra chuyện gì thì tôi cũng bị vạ lây.” “Thôi, chị bình tĩnh lại đi,” Bube quay sang nói với người đàn bà. Chị ta nhìn Bube, ánh mắt long lanh, và quay sang nắm lấy tay Bube. Thế là Bube bị bắt buộc phải du hành trong tư thế cực kỳ bất tiện, người phải khom khom cúi xuống phía người đàn bà, trong khi chị ta vẫn không chịu buông tay của Bube ra và cứ tiếp tục trừng trừng nhìn anh ta với ánh mắt vừa thiết tha vừa cầu khẩn. Nhìn cảnh tượng đó, Mara chỉ muốn bật https://thuviensach.vn cười. Cô muốn đùa với Bube: “Anh chinh phục đàn bà hay thiệt, Bubino.” Bởi vì người đàn bà thân hình đồ sộ, đầu tóc rối bù, cặp má hồng đỏ bóng loáng: chỉ mới nhìn chị ta thôi cũng đủ thấy gớm ghiếc. Phía sau xe bắt đầu có tiếng bàn cãi. Mara nghe rõ giọng của Memmo: “Lỗi là tại ông ta, ai biểu ông ta quay về đây làm chi.” Bây giờ thì chị đàn bà nói nho nhỏ điều gì đó với Bube, giọng nói thấp nhưng có vẻ sôi nổi, và chị ta vẫn cứ tiếp tục nhìn Bube chằm chặp với ánh mắt rực lửa nóng nảy. “Mụ này chắc điên,” Mara nghĩ thầm thế. Bỗng dưng chị ta ngưng nói và bắt đầu khóc. Khóc một cách nghẹn ngào tức tưởi, mặt mày nhăn nhó méo xệch trông cứ như đang bị cơn đau nào đó trong người hành hạ. Bube tìm cách vỗ về chị ta: “Này chị. Chúng ta ai cũng có mất mát cả. Người anh của vị vị hôn thê của tôi, cũng đi kháng chiến như tôi, cũng bị bọn Đức giết.” Người đàn bà ngừng nhăn nhó; nhìn Mara chăm chăm; rồi khẽ cười. “Bây giờ bà ta lại cầm đến tay mình,” Mara thầm nghĩ. Ngược lại chị ta quay sang đứa bé trai ngồi cạnh: “Đứng lên,” chị ta nói, “nhường chỗ cho cô kia.” Thế là Mara có chỗ ngồi cạnh người đàn bà. Để tránh bị chị ta bắt chuyện, cô làm bộ chú ý ngó ra bên ngoài cửa sổ xe. Bầu trời dày đặc và âm u bắt đầu trùm lên toàn bộ đồng ruộng, lên cả các cánh đồng dốc trên sườn đồi, lên cả các khu rừng chồi, cho đến tận sát lề đường quốc lộ, với những lùm cây tối đen nằm trơ trọi. Con đường chạy dọc theo khu rừng chồi bắt đầu lên dốc. Chiếc xe đò chạy ì ạch chậm như người đi bộ. Con đê nhô lên, những tàn cây hình thù to lớn hiện ra phía xa tận chân trời, nơi còn giữ được một chút ánh sáng mặt trời. “Trời ơi, xe sao mà chậm như vầy,” người đàn bà than vãn với giọng đơn điệu. Rồi chị ta quay sang hỏi thằng bé: “Mày ngủ gục hả?” và chị ta vỗ thật mạnh vào cái đùi trần của thằng nhỏ. “Chị cứ cho cháu nó ngồi lại đây đi,” Mara nói. https://thuviensach.vn “Ý, đâu có được. Vả lại cũng sắp đến nơi rồi.” Xe leo lên đến đỉnh dốc: phía bên trái hiện ra vô số ánh đèn. Xe đò bắt đầu lao nhanh xuống dốc, và nhìn từ khung cửa sổ xe, các ánh đèn như bay nhảy chao đảo. “Volterra đấy hả?” Mara vừa hỏi vừa chỉ các ánh đèn. “Ừ, Volterra. Không biết chị tôi có ra đón hay không,” và chị ta nói thêm, như tự nói một mình “Thằng bé này cũng đâu phải con tôi. Tôi không có đứa con nào cả. Nhưng thằng này và thằng anh nó, thằng Silvano đấy, tôi coi chúng như con mình.” Và giọng nói lại bắt đầu nghẹn ngào đứt quãng: “Như con… Rồi thằng Silvano của tôi bị chúng giết mất!” Bất chợt chị ta lớn giọng: “Lão cha xứ sẽ thấy ở Volterra thiên hạ đón lão ra sao.” Rồi chị ta quay về phía sau xe: “Bộ mày cứ tưởng bở hả? Cứ tưởng là ở đó vẫn còn đám côn đồ bè bạn của mày làm vua làm chúa hả? Khốn cho tụi mày, bây giờ quyền hành trong tay nhân dân rồi.” “Tôi có hãm hại ai bao giờ đâu,” một giọng nói cất lên trong bầu không khí im lặng. “À, mày không hãm hại ai cả phải không? Đứa nào cũng nói thế, chẳng hãm hại ai. Hóa ra chúng tao tự hãm hại chúng tao à?” Rồi chị ta la lên: “Thế mấy đứa thanh niên đó? Ai giết chúng nó. Trả lời đi. Đồ sát nhân.” “Tôi không phải là đồ sát nhân,” ông cha xứ la lên. “Tôi….” Nhưng ở cuối xe dậy lên tiếng ồn ào la ó nên chẳng ai còn biết ông cha xứ nói gì. “Nhưng mày chẳng đã cặp tay đi chung với bọn đã giết con cháu tụi tao đấy sao? Giết cả con của chị tao.” Bà ta bắt đầu nức nở “Chị tao bây giờ trông khốn khổ thê thảm… cũng tại mày cả… thằng cha xứ ghê tởm gớm ghiếc!” Mara sửng sốt quay sang nhìn người đàn bà hai tay bưng mặt, toàn thân run rẩy: “Thằng con của chị tao,” bà ta rên rỉ, “mười chín tuổi, chỉ mới mười chín tuổi đầu….” https://thuviensach.vn “Bube, lại đây chút xíu,” tiếng Memmo gọi. “Em trông chừng bà ấy,” Bube quay sang nói với Mara. Người đàn bà đã ngưng khóc nhưng vẫn còn cúi gằm mặt xuống đất. Mara khẽ đặt một bàn tay lên vai bà ta. Không phải cô làm cho có lệ, mà bởi vì bỗng dưng cô thấy tội nghiệp cho cái lưng đồ sộ đổ về phía trước, cái đầu gục xuống che khuất gương mặt. Nghe có người chạm mình, người đàn bè khẽ rùng mình, nhưng vẫn ngồi im bất động. Mara khẽ lên tiếng: “Thôi ráng can đảm lên chị ơi.” Người đàn bà ngẩng đầu lên, quay về phía cô ta, trên mặt gần như nở một nụ cười. Rồi có lẽ chị ta nhớ ra là Mara cũng có một người anh bị giết: “Thế thì cũng tội nghiệp cho cô. Tội nghiệp cho cả gia đình cô. Ai cũng biết khổ đến chừng nào khi trong một gia đình xảy ra điều bất hạnh như thế… một đứa con còn trẻ măng đã chết…” Gương mặt chị ta đỏ ửng và đầy nước mắt, một vài sợi tóc dính vào má. Nhưng bây giờ Mara không còn cảm giác gớm ghiếc nữa, thậm chí cô như muốn ôm lấy chị ta để vuốt ve vỗ về. “Thôi, chị lau nước mắt đi,” Mara nói nhẹ nhàng. Người đàn bà làm theo lời cô nói, vừa nhìn cô vừa nhoẻn miệng cười. Bất ngờ một ánh sáng thật mạnh hắt vào người Mara. Cô nhìn ra ngoài cửa sổ xe: đó là ánh sáng của một cột đèn đường, rồi tiếp theo là ánh sáng của một ngọn đèn đường khác gắn trên một bờ tường; rồi xe đò chạy vào một con đường hai bên là hai dãy nhà nối liền nhau, với những cửa sổ be bé, trên bệ cửa sổ là nồi niêu xoong chảo và các chậu hoa. “San Lazzero,” người bán vé hô lên. “Có ai xuống San Lazzero không?” Đã có ba hay bốn người đang sửa soạn tiến gần đến cửa xe để xuống. Bube trở lại chỗ của Mara và nói: “Đúng ra tụi mình cũng phải xuống đây.” “Thế sao mình không xuống?” “Tại vì anh có chuyện cần phải giải quyết trước.” https://thuviensach.vn Memmo xuất hiện sau lưng Bube: “Tụi này phải giải lão cha xứ vô khám trước đã.” Và Memmo cũng quay sang nói với chị đàn bà: “Có tôi và Bube sẽ lo hết. Quan trọng nhất là đừng để xảy ra chuyện không hay. Ở đây vẫn còn bọn Anh và bọn Mỹ cầm quyền, cần phải tránh để chúng có cớ can thiệp vô. Bà có hiểu không? Chúng tôi hiểu được sự đau khổ to lớn của bà và thông cảm được nỗi oán hờn chính đáng của bà; nhưng, tôi lặp lại, Ủy ban Giải phóng Quốc gia * muốn tránh tối đa những việc không hay để tránh cho chính phủ quân sự đồng minh nhào vô can thiệp.” Chị đàn bà nhìn Memo với vẻ mặt đờ đẫn. Có lẽ chị ta chẳng hiểu bao nhiêu về những điều Memmo vừa nói với chị ta. Xe đò dừng lại; một số hành khách xuống xe; cánh cửa xe khép lại. Nhưng ngay lập tức có người nào đó ở bên ngoài đập ầm ầm một cách thô bạo để mở cho được cánh cửa; một tay thanh niên mặt nhợt nhạt ốm o, gần như còn là một thằng con nít mới lớn, nhảy lên bệ xe. Lập tức Bube nhào đến phía hắn: “Mày muốn gì? Xuống xe.” “Để tôi coi có ai trên xe.” “Xuống, tao biểu xuống.” Nhưng tay thanh niên đã kịp thấy cái mà hắn muốn thấy, bởi vậy hắn quay ra ngoài cửa xe la lên một cách đắc thắng: “Tụi bây ơi, có lão cha xứ Ciolfi nè!” Bube lợi dụng lúc ấy xô hắn một cái thật mạnh khiến hắn mất thăng bằng và để tránh ngã hắn đành phải nhảy xuống đất. Bube vội vàng nắm lấy tay cửa để kéo về phía mình, nhưng đám ở dưới đã chặn lại. Mara đứng lên để nhìn cho rõ hơn, cô thấy bốn hay năm thanh niên ở dưới đường.” 12* Ủy ban Giải phóng Quốc gia (tiếng Ý là “Comitato Nazionale di Liberazione” 1943-1947) là một tổ chức kháng chiến được thành lập ngay sau khi chính quyền phát xít Mussolini bị sụp đổ và Ý tuyên bố giải giới quân đội. Mục đích của Ủy ban là quy tụ tất cả các lực lượng chống phát xít để cùng với phe đồng minh giải phóng Ý ra khỏi sự xâm lăng của Đức Quốc xã ở Ý (vì sau khi chế độ phát xít Ý bị sụp đổ và quân đội Ý bị giải giới, Ý không còn là đồng minh của Đức trong phe trục). https://thuviensach.vn