🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Tị Nạn
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Mục lục
Những Người Đàn Bà Mắt Đen: Kẻ Thứ Ba:
Vụ Ghép Tạng:
I'D Love You To Want Me:
Người Mỹ:
Một Ai Đó Khác Ngoài Bạn: Tổ Quốc:
Cảm Tạ:
https://thuviensach.vn
NGƯỜI TỊ NẠN
Việt Thanh Nguyễn
www.dtv-ebook.com
Dịch Giả: Phạm Viêm Phương
Những Người Đàn Bà Mắt Đen
Những truyện trong bản gốc cuốn The Refugeesđược công bố lần đầu trên những ấn phẩm sau: “Black-Eyed Women” trên tờ Epoch, 64.2; “The Other Man” (với tựa “A Correct Life”), trên Best New American Voices 2007; “War Years” (với tựa “The War Years”) trên TriQuarterly, 135/136; “The Transplant” (với tựa “Arthur Arellano”), trên Narrative, số mùa Xuân 2010; “I’d Love You to Want Me” (với tựa “The Other Woman”), trên Gulf Coast, 20.1; “The Americans” trên Chicago Tribune, số tháng Mười hai 2010; “Someone Else Besides You” trên Narrative, số mùa Đông 2008; “Fatherland” trên Narrative, số mùa Xuân 2011.
Tặng những người tị nạn, ở bất cứ đâu
Tôi viết sách này cho những hồn ma vốn là nhóm duy nhất ở với thời gian bởi vì họ ở ngoài thời gian.
Roberto Bolaño, Antwerp
Những thứ ám ảnh bạn không phải là những ký ức của bạn Không phải những điều bạn đã viết ra
Mà là những điều bạn đã quên, bạn phải quên
Những điều bạn phải tiếp tục quên suốt cả đời mình.
James Fenton, A German Requiem
https://thuviensach.vn
Những người đàn bà mắt đen Tiếng tăm đến đột ngột, thường là thứ mà người bình thường không mong nó đến với mình, chẳng hạn như bị bắt cóc và cầm tù nhiều năm, chịu nhục nhã trong một vụ bê bối tình dục, hoặc sống sót qua một biến cố thảm khốc. Những người ấy cần người chấp bút, giúp ghi lại câu chuyện của mình, và người đại diện họ có thể thi thoảng vớ được tên tôi. “May quá, tên tuổi của mày không được nhắc đến,” má tôi nói thế. Khi tôi trả lời rằng tôi sẽ không phiền nếu được nhắc đến trong lời cảm ơn ở các cuốn sách, bà nói, “Ðể tao kể mày nghe một chuyện.” Có thể đây là lần đầu tiên tôi nghe câu chuyện này, nhưng không phải lần cuối cùng. “Hồi kia ở xứ mình,” bà nói tiếp, “có một tay phóng viên lên tiếng chỉ trích chính phủ tra tấn tù nhân. Thế là chính phủ cho hắn nếm đúng cái thứ mà hắn tố cáo chính phủ đã làm. Họ bỏ tù hắn và hắn bị mất tích. Ðó là chuyện xảy ra cho mấy đứa ghi tên mình dưới bài viết nào đó.”
Vào thời điểm Victor Devoto chọn tôi, tôi đã chấp nhận vai trò của một tác giả viết thuê không có tên trên bìa sách. Ðại diện xuất bản đưa cho ông xem một cuốn mà tôi đã viết, tác giả danh nghĩa của cuốn này là cha của một cậu trai từng bắn và giết nhiều người trong trường của cậu ấy. “Tôi thấu hiểu cảm giác tội lỗi của người cha,” Victor nói với tôi. Ông là người sống sót duy nhất trong một vụ rơi máy bay, một trăm bảy mươi ba người đã thiệt mạng, trong đó có cả vợ và các con của ông. Ông xuất hiện trong các chương trình trò chuyện trên truyền hình, nhưng chỉ là cái xác không hơn không kém. Một giọng nói đều đều nhỏ nhẹ, đôi mắt mỗi khi ngước lên, dường như còn giữ mãi hình bóng của đoàn người than khóc. Chủ nhà xuất bản bảo phải gấp rút hoàn tất câu chuyện khi khán giả còn nhớ thảm kịch đó, và đây là mối bận tâm của tôi vào ngày mà người anh quá cố hiện về với tôi.
Má đánh thức tôi dậy khi ngoài trời còn tối om, nói, “Ðừng sợ.”
Cửa phòng đang mở, ánh đèn từ hành lang làm tôi chói mắt. “Sao con phải sợ?”
https://thuviensach.vn
Khi bà nhắc đến tên anh, tôi không nghĩ tới anh ngay. Anh mất đã lâu. Tôi nhắm mắt lại và nói con đâu quen ai có tên đó, nhưng bà vẫn kiên trì. “Nó về đây thăm nhà mình,” bà nói, kéo cái mền tôi đang đắp và lay giật cho đến khi tôi mắt nhắm mắt mở, ngồi nhổm dậy. Bà đã sáu mươi ba, đôi khi hơi lẫn, nên khi bà dẫn tôi ra phòng khách và bật khóc, tôi không ngạc nhiên mấy. “Nó ở ngay đây,” bà quỳ xuống bên chiếc ghế bành bọc vải hoa và rờ mặt thảm. “Còn ướt nè.” Bà bò tới cửa trước trong bộ đồ ngủ vải bông, theo dấu vết đó. Khi tôi chạm vào mặt thảm, thấy còn ẩm ướt. Trong thoáng chốc tôi giật thót người tin thật, sự im lặng của ngôi nhà lúc bốn giờ sáng làm tôi lo ngại. Rồi tôi nghe thấy tiếng mưa rơi trên máng xối, và nỗi sợ đang siết cổ tôi dần nới lỏng ra. Má tôi chắc đã mở cửa, bị mắc mưa nên quay trở vào. Tôi ngồi xuống bên cạnh khi bà nép sát cửa, tay đặt trên nắm đấm, “Má cứ hay tưởng tượng chuyện bóng gió!”
“Tao biết tao nhìn thấy gì chứ.” Gạt tay tôi khỏi vai, bà đứng dậy, sự giận dữ lấp lánh trong đôi mắt tối thẫm của bà. “Nó lướt đi. Nó nói chuyện. Nó muốn gặp mày.”
“Vậy anh ấy đâu hả má? Con có thấy ai đâu?”
“Dĩ nhiên mày không thấy.” Bà thở dài, cứ như tôi là đứa không hiểu được điều hiển nhiên. “Nó là hồn ma mà?”
Từ hồi ba mất cách đây mấy năm, má con tôi sống nương tựa vào nhau. Cả hai cùng mê câu chữ, nhưng tôi thích sự im lặng trong việc viết lách còn bà lại thích nói. Bà thường xuyên kể cho tôi nghe những lời đồn và những câu chuyện, loại chuyện duy nhất tôi thích là về cha tôi hồi ông còn là một người mà tôi không biết, trẻ và hạnh phúc. Rồi đến những chuyện kinh hoàng kiểu như chuyện về anh phóng viên, với bài học rút ra là cuộc đời cũng giống như đám cảnh sát, thích lâu lâu lại đánh đập dằn mặt con người ta. Sau cùng là loại chuyện ma ưa thích của bà, thứ đó bà biết nhiều, một số là chuyện chính bà đã gặp.
https://thuviensach.vn
“Dì Sáu mày bị bệnh tim mất hồi bảy mươi sáu tuổi,” má nói với tôi một, hai, hay có thể ba lần, lặp lại là thói quen của bà. Tôi chẳng bao giờ tin những chuyện bà kể. “Dì sống ở Vũng Tàu còn nhà mình ở Nha Trang. Tao đang dọn cơm ra bàn thì thấy dì Sáu mày mặc đồ ngủ ngồi đó. Mái tóc dài muối tiêu của dì ấy thường được bó thành búi bữa đó xổ ra phủ xuống vai rồi che luôn mặt. Tao thiếu điều làm rớt mớ chén dĩa. Khi tao hỏi dì ấy làm gì đó, dì ấy chỉ mỉm cười, đứng dậy, hun tao, rồi xoay tao về phía nhà bếp. Khi tao quay lại dòm thì dì ấy biến mất tiêu. Ðó là hồn của dì ấy. Dượng mày xác nhận lúc tao gọi điện. Dì mới mất ngay sáng đó.”
Dì Sáu ra đi thanh thản, theo má tôi kể, hồn của dì chỉ đi lòng vòng ở nhà và bên gia đình để từ biệt thôi. Má tôi lặp lại câu chuyện về dì khi má con tôi ngồi ở bàn ăn vào buổi sáng mà bà nói đã thấy anh tôi. Tôi đã pha một ấm trà xanh và đo thân nhiệt cho bà mặc dầu bà phản đối, kết quả là nhiệt độ bình thường như bà đã tiên đoán. Vẩy vẩy nhiệt kế về phía tôi, bà nói chắc anh tôi biến mất vì mệt. Dù sao thì anh ấy cũng vừa vượt qua cuộc hành trình dài băng Thái Bình Dương.
“Sao anh ấy tới đây được?”
“Nó bơi.” Bà nhìn tôi với ánh mắt tội nghiệp. “Bởi vậy nên nó mới ướt.” “Ảnh bơi giỏi lắm đó,” tôi đùa cho bà vui. “Má thấy ảnh làm sao?” “Y như hồi xưa.”
“Hăm lăm năm rồi. Ảnh không thay đổi gì hết sao?”
“Người ta lúc nào cũng y như lúc mình thấy lần cuối.”
Tôi nhớ anh ấy trông ra sao vào lần cuối đó, nó khiến mọi ý nghĩ cợt nhã trong tôi chợt tan biến. Vẻ sửng sốt trên mặt anh, đôi mắt mở to, mảnh ván vỡ ra từ sàn tàu ép vào ngực anh – tôi không muốn thấy lại hình ảnh ấy nữa, và vờ như đang nhìn thứ gì hoặc ai đó khác. Sau khi má đi làm, tôi cố
https://thuviensach.vn
ngủ lại nhưng không được. Mỗi khi nhắm mắt thì anh ấy lại nhìn tôi đăm đăm. Lúc này tôi mới nhận ra đã mấy tháng rồi mình không nhớ tới anh. Từ lâu tôi đã cố quên anh ấy, nhưng chỉ cần ngang qua một góc rẽ nào trong cuộc đời này hoặc trong tâm trí là tôi đâm sầm ngay vào anh, người bạn thân nhất của tôi. Trong chừng mực còn nhớ được, tôi vẫn nghe thấy tiếng anh đang gọi ở ngoài ngôi nhà của chúng tôi. Ðó là tín hiệu để theo bước anh qua những đường ngang ngõ dọc trong làng, qua những vườn xoài vườn mít, lách tránh những cây dừa gãy đổ và hố bom để ra đến con rạch và cánh đồng. Hồi đó, đấy là một tuổi thơ bình thường.
Nhưng giờ nhìn lại, tôi thấy rằng tụi tôi đã trải qua tuổi trẻ tại một xứ sở bị ma ám. Ba tôi bị động viên, và cả nhà sợ rằng ông có thể chẳng bao giờ trở về nữa. Trước khi đi, ông đã đào một chỗ tránh bom kế bên nhà, một hầm trú ẩn đắp bao cát với nóc kết bằng cây gỗ. Mặc dù nó nóng và ngộp, ngập mùi đất và lúc nhúc sâu bọ, nhưng lúc nhỏ tụi tôi vẫn xuống đó chơi. Khi lớn hơn, tụi tôi chui xuống hầm để học và kể đủ chuyện. Tôi là đứa học giỏi nhất trường, đủ xuất sắc để ông thầy dạy thêm cho tôi tiếng Anh sau giờ học, những bài tôi cho anh học chung. Bù lại, anh ấy kể tôi nghe những chuyện hoang đường, chuyện dân gian và dăm ba lời đồn đại. Khi máy bay gào rú trên trời và tụi tôi với má rúm vào nhau trong hầm, anh thì thầm kể chuyện ma vào tai tôi để tôi tạm quên. Có điều, anh ấy nhấn mạnh, nó không phải chuyện ma. Ðó là chuyện có thật theo những nguồn đáng tin cậy, từ những bà già xưa nhai trầu và nhổ nước cốt trầu trong khi ngồi chồm hổm trong chợ, coi ngó mấy lò than hay mấy rổ hàng. Những cư dân kiên trì ở lại mảnh đất của chúng tôi, theo lời họ kể, có cả nửa thân trên của một trung úy Ðại Hàn, bị mìn tống bay lên mấy nhánh cây cao su; một gã Mỹ da đen bị lột da đầu nổi lềnh bềnh dưới một con rạch không xa chỗ chiếc trực thăng rơi, đôi mắt và khối bán nguyệt của bộ óc gã lộ ra, lấp lánh trên mặt nước; một binh nhì Nhật bị chặt đầu mò mẫm trong những bụi khoai mì để tìm lại cái đầu. Những kẻ xâm lăng đó đến để chiếm mảnh đất của chúng tôi và chẳng thể trở về quê nhà được nữa, mấy bà già kể, cười khùng khục và phô hàm răng nhuộm đen, hoặc như anh tôi kể lại thế. Trong
https://thuviensach.vn
bóng tối, tôi hào hứng đến run người như tận tai nghe thấy tiếng những người đàn bà mắt đen, và tôi nghĩ có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ kể được những câu chuyện như thế.
Vậy có trớ trêu không khi tôi kiếm sống bằng nghề viết thuê? Tôi tự chất vấn mình khi nằm trên giường vào buổi trưa, nhưng các bà mắt đen và răng đen đó nghe được tôi. Mày gọi thứ mày có đây là cuộc sống sao? Răng của họ kêu lạch cạch khi họ cười tôi. Tôi kéo mền đắp lên tới mũi, theo kiểu tôi quen làm trong những năm đầu trên đất Mỹ, vì sợ những sinh vật không chỉ lẩn lút ở hành lang mà còn lang thang xung quanh nhà. Ba má luôn nhìn qua màn cửa phòng khách trước khi đáp lại bất kỳ tiếng gõ cửa nào, vì ngại những đồng bào trẻ tuổi của mình, những cậu trai đã biết về bạo lực do lớn lên trong thời chiến. “Ðừng mở cửa cho người lạ,” má cảnh báo tôi, một, hai, ba lần. “Mình đâu muốn kết thúc giống gia đình bị chĩa súng trói lại. Tụi nó dí thuốc lá vào thằng bé sơ sinh cho đến khi bà mẹ khai ra chỗ giấu tiền.” Thời thanh niên Mỹ của tôi bị nhồi đầy những câu chuyện khốn nạn như thế, tất cả làm bằng chứng cho những điều má tôi nói, rằng chúng tôi không thuộc về nơi này. Trong một xứ sở mà tài sản định giá trị mọi thứ, chúng tôi chẳng có của cải gì ngoài những câu chuyện.
Khi tiếng gõ cửa đánh thức tôi dậy, ngoài trời còn tối đen. Ðồng hồ của tôi chỉ 6 giờ 35 tối. Tiếng gõ lại vang lên, nhẹ nhàng, dò dẫm. Tự nhiên tôi biết ngay đó là ai. Tôi đã khóa cửa phòng ngủ để phòng chuyện này, và bây giờ tôi kéo mền trùm cả đầu, tim tôi đập thình thịch. Tôi muốn anh ấy biến đi, nhưng khi anh ấy vặn lạch cạch nắm đấm cửa, tôi biết mình không thể làm gì khác ngoài việc bò dậy. Những sợi lông tơ trên người tôi đều dựng đứng cả lên trong khi tôi nhìn theo nắm đấm cửa run run dưới sức mạnh của tay anh. Tôi tự nhủ rằng anh ấy đã hy sinh mạng sống vì tôi, điều tối thiểu tôi có thể làm là mở cửa ra.
Anh trương phình và nhợt nhạt, tóc mượt như lông chim, nước da tối, mặc quần đùi đen và áo thun xám tả tơi, chân tay khẳng khiu. Lần cuối cùng
https://thuviensach.vn
trong mắt tôi, anh ấy cao hơn tôi một cái đầu, bây giờ tình hình đôi bên đảo ngược. Khi anh gọi tên tôi, giọng anh khản và bực bội, chẳng hề giống giọng nam cao thanh niên của anh. Tuy nhiên, đôi mắt anh vẫn vậy, soi mói, cũng như đôi môi, hơi hở ra, luôn chuẩn bị nói. Một vết bầm tím với quầng đen ánh lên ở thái dương bên trái của anh, nhưng vết máu mà tôi còn nhớ đã biến mất, bị rửa trôi, tôi nghĩ vậy, vì nước mặn và bão tố. Cho dù trời không mưa, anh vẫn ướt sũng. Tôi có thể ngửi thấy mùi biển ở anh, và tệ hơn, tôi ngửi được con thuyền, nồng nặc với mùi mồ hôi và chất thải của người.
Tôi run rẩy khi anh gọi tên mình, nhưng đây là hồn ma của một người tôi yêu thương và không bao giờ làm hại, loại hồn ma, như má tôi từng nói, sẽ không bao giờ làm hại tôi. “Vào đi,” tôi nói, với tôi đây có vẻ là điều dũng cảm nhất mà tôi nói ra được. Không nhúc nhích, anh nhìn tấm thảm mà anh đang nhỏ nước xuống đó. Khi mang cho anh một cái áo thun và quần đùi sạch, cùng với chiếc khăn, anh nhìn tôi chờ đợi cho tới khi tôi quay người đi để anh thay quần áo. Bộ đồ đó là thứ chật nhất của tôi nhưng vẫn là quá rộng với anh ấy, cái quần đùi dài tới đầu gối, áo thun thì thùng thình. Tôi ra hiệu cho anh vào, và lần này anh nghe lời, ngồi trên chiếc giường nhăn nhúm của tôi. Anh tránh không nhìn vào mắt tôi, có vẻ như anh sợ tôi nhiều hơn tôi sợ anh. Tuy anh vẫn mười lăm tuổi nhưng tôi đã băm tám, không còn là đứa con gái nghịch phá ngoại hạng, ngại nói chuyện trừ khi có mục đích rõ rệt, như lúc tôi phỏng vấn Victor. Việc làm nghề viết thuê, dù chỉ là hạng ba hay hạng tư, thì những phép xã giao cơ bản tôi vẫn dư sức thực hiện. Nhưng người ta biết nói gì với một hồn ma, ngoài việc hỏi tại sao họ có mặt ở đây? Tôi sợ câu trả lời, nên chỉ nói, “Sao giờ anh mới tới?”
Anh nhìn những ngón chân với bộ móng để trần của tôi. Có lẽ anh đoán được tôi không giỏi gần trẻ con. Việc làm một người mẹ là quá sức đối với tôi, cũng như những mối quan hệ kéo dài hơn một đêm.
“Anh đã phải bơi. Phải mất rất lâu mới vượt được xa như thế, phải không?”
https://thuviensach.vn
“Ừ.” Miệng anh vẫn hở ra, cứ như anh muốn nói thêm nhưng không chắc chắn phải nói gì hoặc nói như thế nào. Có lẽ lần hiện hồn này là hệ quả đầu tiên của thứ mà má tôi coi là bản chất không tự nhiên của tôi, độc thân và không con cái. Có lẽ anh không phải là sản phẩm từ trí tưởng tượng của tôi mà là một triệu chứng của điều gì sai hỏng, như chứng ung thư đã giết ba tôi. Ông cũng có một cái chết lành, theo má tôi, ngay tại nhà và bên cạnh người thân của mình, không giống chuyện xảy đến với con trai ông và, suýt nữa, xảy đến với cả tôi. Nỗi hoảng loạn bốc lên từ cái giếng sâu không đáy mà tôi đã đậy kín bằng bê tông, và tôi chợt thấy nhẹ nhõm khi nghe tiếng cửa trước mở ra. “Má chắc muốn gặp anh đấy,” tôi nói. “Ðợi đây đi. Em quay lại liền.”
Khi trở lại, chúng tôi chỉ thấy bộ đồ sũng nước của anh và cái khăn ướt. Má cầm cái áo thun xám lên, y như cái áo anh đã mặc trên chiếc thuyền màu xanh có vẽ hai con mắt đỏ đó.
“Bây giờ mày biết rồi đó,” má tôi nói. “Ðừng bao giờ quay lưng lại với một hồn ma.”
Cái quần đùi đen và áo thun xám bốc mùi nước biển và bết nặng không chỉ vì ngấm nước. Khi tôi cầm chúng vào bếp, sức nặng của mớ quần áo trên tay tôi là sức nặng của bằng chứng. Tôi đã thấy anh ấy mặc bộ này hàng chục lần. Tôi còn nhớ lúc cái quần đùi ban đầu không phải đen vì cáu bẩn mà có màu xanh dương, lúc cái áo thun không phải màu xám và tả tơi mà còn màu trắng và sạch sẽ. “Giờ mày tin chưa?” má nói, giở nắp đậy máy giặt lên. Tôi ngần ngừ. Có người nói niềm tin cháy bỏng bên trong họ, nhưng niềm tin mới tìm được này lại lạnh buốt đối với tôi. “Dạ,” tôi nói. “Con tin.”
Máy giặt kêu rầm rì ở phía sau khi má con tôi ngồi ăn tối trong nhà bếp, không khí đẫm mùi đại hồi và gừng. “Ðó là lý do mà nó phải mất nhiều thời gian như vậy,” má tôi vừa nói vừa thổi chén xúp nóng. Không có gì làm giảm cảm giác ngon miệng hay làm sứt mẻ được cái bao tử gang thép
https://thuviensach.vn
của bà, kể cả những biến cố trên cái thuyền đó hay chuyện con trai bà hiện về. “Nó bơi nguyên quãng đường đó mà.”
“Dì Sáu sống cách xa mấy trăm cây số mà má còn gặp trong cùng một ngày mà.”
“Hồn người ta đâu có sống theo luật của mình. Mỗi hồn mỗi khác. Hồn tốt, hồn xấu, hồn sướng, hồn buồn. Hồn của người chết lúc già, lúc trẻ, lúc còn nhỏ. Mày tưởng hồn của mấy đứa con nít cư xử y như hồn cỡ ông ngoại mày sao?”
Tôi chẳng biết gì về các hồn ma. Tôi không tin các hồn ma và những người khác tôi quen biết cũng không tin ngoại trừ má tôi với Victor, bản thân ông này cũng có vẻ ma quái, nỗi buồn đau chưa bao giờ vơi khiến ông trắng nhợt và gần như mờ đục, màu sắc duy nhất của ông là từ một mảng tóc đỏ rậm không chải. Ngay với ông, cái thế giới bên kia đã xuất hiện hai lần, một lần qua điện thoại và một lần trong phòng khách của mình. Không có gì được động vào kể từ ngày gia đình ông lên đường ra phi trường, kể cả mớ bụi buồn bã cũng không. Tôi ngờ rằng các cửa sổ cũng không được mở ra kể từ ngày đó, cứ như ông muốn bảo tồn cái không khí bị rút cạn kiệt mà vợ và các con đã hít thở trước khi họ phải chịu cái chết dữ, xa nhà đến thế. “Người chết đi tiếp,” ông nói khi cuộn người trên ghế bành, hai tay khép giữa hai đùi, “Nhưng người sống, chúng ta chỉ ở đây.”
Những lời đó mở đầu chương cuối cùng của cuốn hồi ký, chương mà tôi viết khi má đã đi ngủ và tôi chui xuống tầng hầm sáng sủa, được chiếu rọi bằng những ống đèn huỳnh quang. Tôi viết một câu, rồi dừng lại chờ nghe một tiếng gõ cửa hay những bước chân trên cầu thang. Nhịp điệu xuyên đêm của tôi đã thành nếp, một vài dòng rồi tới một quãng chờ đợi điều gì đó vốn không xảy ra, ngày hôm sau lại giống y vậy. Phần kết cho hồi ký của Victor hiện rõ khi má tôi từ tiệm làm móng trở về với những túi mua sắm ở khu Phố Tàu, một túi đầy đồ tạp phẩm, túi kia có đồ lót, một bộ đồ ngủ, quần jean xanh, một áo khoác jean, một lô vớ, găng tay đan, một nón
https://thuviensach.vn
kết bóng chày. Sau khi chất những thứ đó kế bộ quần áo đã được phơi khô và ủi phẳng của anh ấy, bà nói, “Nó đâu có lang thang giữa trời lạnh ngoài kia với mấy đồ mày đưa cho nó được, cứ như dân vô gia cư hay nhập cư lậu.” Khi tôi nói mình không nghĩ được như thế, bà khịt mũi, bực bội vì tôi không biết đến nhu cầu của các hồn ma. Mãi đến lúc ăn tối xong bà mới vui vẻ trở lại. Tâm trạng của bà đã khá hơn vì tôi không rút xuống tầng hầm như mọi khi mà ở lại cùng xem một trong mớ phim tình cảm bà đã mướn về, bộ phim nhiều tập về những người Hàn Quốc xinh xắn bị vướng vào đống chuyện tình rối rắm. “Nếu không có chiến tranh,” đêm đó bà nói, vẻ đăm chiêu của bà kéo tôi lại gần hơn, “mình chắc giống Hàn Quốc ngày nay. Sài Gòn sẽ là Seoul, ba tụi bay còn sống, mày có chồng có con, còn tao là bà nội trợ nghỉ hưu, chứ đâu phải thợ làm móng.” Bà để tô hạt dưa lên đùi, tóc quấn đầy những ống cuộn uốn tóc. “Tao có thể suốt ngày đi thăm bạn bè hay có bạn bè tới thăm, tới chừng tao chết, cả trăm người tới dự đám tang. Còn giờ có hai chục người tới đây viếng là hạnh phúc rồi, còn mày phải lo mọi chuyện. Chuyện đó làm tao sợ hơn bất cứ chuyện gì khác. Mày đâu có nhớ bỏ rác ra hay thanh toán các hóa đơn, thậm chí còn không ra ngoài mua đồ ăn dự trữ nữa.”
“Con sẽ nhớ chăm sóc hương hồn má.”
“Chừng nào mày cho viếng? Chừng nào làm đám giỗ tao? Mày sẽ khấn gì?”
“Ghi lại giùm con đi,” tôi nói. “Má muốn con khấn gì?”
“Thằng anh mày chắc nó biết làm,” bà nói. “Con trai thì nhờ cậy có nhiêu đó.”
Vụ này tôi chẳng biết trả lời sao.
Ðến mười một giờ mà anh ấy vẫn không hiện ra, má tôi đi ngủ. Tôi lại xuống tầng hầm và cố viết. Viết tức là bước vào sương mù, mò mẫm tìm
https://thuviensach.vn
một con đường từ thế giới này tới thế giới huyền ảo của chữ nghĩa, một con đường mà không phải hôm nào cũng dễ dàng tìm thấy. Trong lúc tôi loạng choạng qua cõi xám xịt thì trên vai tôi xuất hiện một câu hỏi cứ như một con vẹt lẩn khuất trên đó, tra hỏi tôi xem tôi sống và anh ấy chết ra sao. Tôi trẻ hơn và yếu hơn, nhưng người mà chúng tôi chôn cất lại là anh ấy, để anh ấy trôi xuống biển không một tấm khăn liệm hay một lời từ miệng tôi. Tiếng khóc than của má và tiếng sụt sịt của ba ùa về, nhưng không tiếng nào nhấn chìm được sự im lặng của tôi. Bây giờ nói ra vài lời mới là phải đạo, gọi anh ấy về như anh ấy hẳn đã trông đợi, nhưng tôi không tìm ra những lời lẽ đó. Ngay khi tôi nghĩ sắp qua một đêm nữa mà anh ấy không hiện về thì nghe tiếng gõ trên đầu cầu thang. Mình tin, tôi tự nhắc mình. Tôi tin rằng anh ấy không bao giờ làm hại tôi.
“Ðừng gõ,” tôi nói khi mở cửa. “Ðây cũng là nhà anh mà.”
Anh chỉ nhìn tôi, và chúng tôi rơi vào một khoảng im lặng lúng túng. Rồi anh nói, “Cám ơn nghen.” Giọng của anh giờ đã mạnh hơn, gần như the thé bằng mức tôi còn nhớ, và lần này anh không nhìn lảng đi. Anh vẫn còn mặc áo thun và quần đùi của tôi, nhưng khi cho anh xem mớ quần áo mà má mua, anh ấy nói, “Tao đâu cần mấy thứ này.”
“Anh vẫn mặc thứ em cho anh mà.”
Anh im lặng một hồi lâu tới nỗi tôi nghĩ anh không nghe tôi nói. “Bọn tao mặc vì người sống,” sau cùng anh nói. “Không phải vì bọn tao.” Tôi dẫn anh đến sofa. “Ý anh là mấy hồn ma hả?”
Anh ngồi xuống bên cạnh tôi, ngẫm nghĩ câu hỏi trước khi trả lời. “Mình vẫn biết là có ma mà,” anh nói.
“Em có nghi ngờ của em.” Tôi cầm tay anh. “Sao anh trở lại?”
https://thuviensach.vn
Cái nhìn của anh mất thoải mái. Anh không hề chớp mắt.
“Tao không trở lại,” anh ấy nói. “Tao đến đây.”
“Anh vẫn chưa rời thế giới này hả?”
Anh gật đầu.
“Tại sao chưa?”
Anh lại im lặng. Sau cùng anh nói, “Thế mày nghĩ tại sao?” Tôi nhìn ra chỗ khác. “Em đã cố quên.”
“Mà chưa được?”
“Không được.”
Tôi không quên được chiếc thuyền xanh dương không tên gọi của chúng tôi và nó cũng không quên tôi, đôi mắt đỏ vẽ hai bên mũi thuyền không bao giờ thôi nhìn xuống tôi. Sau bốn ngày yên ổn trên một vùng biển lặng dưới bầu trời xanh và những đêm trong trẻo, cuối cùng những hòn đảo cũng hiện ra, như một đường khâu đen trên chân trời tuốt đằng xa. Lúc này một con thuyền khác xuất hiện ở xa xa, tiến về phía chúng tôi. Nó đi nhanh còn chúng tôi quá chậm, chở nặng hơn trăm người trên một con thuyền đánh cá vốn dự trù chỉ đủ cho một toán ngư dân và một lượng cá thu ướp lạnh. Anh Hai dẫn tôi vào phòng máy chật chội với động cơ đang khò khè và lấy dao nhíp cắt mái tóc dài của tôi thành mái tóc con trai ngắn củn lởm chởm mà đến giờ tôi vẫn để. “Ðừng nói gì hết,” anh dặn. Anh mười lăm còn tôi mười ba. “Mày vẫn nói giọng con gái. Bây giờ cởi áo ra.”
Tôi luôn làm theo lời anh, nhưng lần này có hơi mắc cỡ, dù anh hầu như không nhìn tới tôi khi rạch áo tôi thành nhiều mảnh. Anh quấn bộ ngực còn chưa ra hình dáng của tôi bằng mớ vải đó, rồi cởi áo sơ mi của anh ra mặc
https://thuviensach.vn
vào cho tôi và cài kín nút lại, trên người anh chỉ còn cái áo thun bèo nhèo. Rồi anh bôi dầu máy lên mặt tôi và chúng tôi rúm vào bóng tối cho đến khi đám cướp biển bước tới. Những người này cũng là dân chài, cũng rám đen và gân guốc giống cha anh chúng tôi, ngoại trừ việc họ mang mã tấu và súng tiểu liên. Họ lấy vàng, đồng hồ và đồ trang sức của chúng tôi. Rồi họ bắt con gái và phụ nữ trẻ, cả chục người, bắn chết một người cha và một ông chồng dám phản đối. Mọi người câm bặt ngoại trừ những kẻ bị lôi đi, gào thét và khóc lóc. Tôi không quen ai trong số họ, mấy cô ở các làng khác, và điều đó làm tôi đỡ áy náy hơn trong khi nép sát vào cánh tay anh và cầu nguyện cho mình không bị bắt đi. Chỉ đến khi đứa con gái cuối cùng đã bị ném sang tàu của bọn cướp biển và những tên cướp biển cũng leo theo họ trở lại thuyền, tôi mới thở lại được.
Tên cuối cùng rời thuyền nhìn lướt qua tôi. Hắn cỡ tuổi ba tôi, mũi hắn bằng cái móng heo cháy nắng, mùi của hắn là mớ trộn lộn của mùi mồ hôi và ruột cá. Tên cướp nhỏ thó này, nói được ít nhiều tiếng Việt, bước tới gần và nâng cằm tôi lên. “Mày đẹp trai lắm,” hắn nói. Sau khi anh tôi đâm hắn bằng cái dao nhíp, cả ba chúng tôi đứng đó kinh ngạc, tất cả nhìn vào lưỡi dao, mũi nhọn đầy máu, một giây im lặng vỡ toang khi tên nhỏ thó đó rú lên vì đau đớn, kéo khẩu súng máy lên, và dộng cái báng thật mạnh vào đầu anh tôi. Tiếng vỡ vụn – tôi vẫn còn nghe thấy. Anh ấy ngã xuống với sức nặng của một xác chết, máu trào ra từ trán anh, hàm và thái dương của anh đập xuống sàn gỗ với âm thanh kinh người đến nay còn vang trong ký ức của tôi.
Tôi rờ chỗ bầm đó. “Có đau không?”
“Hết rồi. Mày còn đau không?”
Một lần nữa tôi giả như suy nghĩ về một câu hỏi mà tôi đã biết câu trả lời. “Còn,” sau cùng tôi nói. Khi tên nhỏ thó đó quăng tôi lên sàn tàu, cú ngã làm bầm phía ót của tôi. Khi xé áo tôi ra, hắn làm tôi tứa máu vì những móng tay sắc cạnh của hắn. Khi tôi quay mặt đi và nhìn thấy má với ba tôi
https://thuviensach.vn
gào lên, màng nhĩ tôi như vỡ tung, vì tôi chẳng nghe được gì nữa. Ngay cả khi gào lên tôi cũng không nghe được tiếng mình, cho dù tôi cảm thấy miệng mình há ra và ngậm lại. Thế giới bị khóa miệng, theo kiểu nó sẽ bị bịt mãi sau đó với má tôi, ba tôi và tôi, không ai trong chúng tôi thốt ra một tiếng nào về chuyện này. Sự im lặng của họ và của chính tôi sẽ cứa đi cứa lại vào tôi. Nhưng cái làm tôi đau đớn nhất không nằm trong những điều đó, không phải sức nặng của tên đàn ông trên người tôi. Mà nó là ánh sáng chiếu vào đôi mắt đen tối của tôi khi tôi nhìn lên bầu trời và thấy đầu thuốc lá cháy âm ỉ của Thượng đế, lơ lửng giữa trời trong giây phút trước khi nó bị dí vào da tôi.
Từ đó tôi lẩn tránh ban ngày và ánh nắng. Ngay anh ấy cũng nhận ra, chìa cánh tay anh ra so với cánh tay tôi để cho thấy tôi trắng hơn anh. Chúng tôi đã từng làm thế trong hầm trú ẩn, xòe bàn tay mình ra trước mặt để xem trong bóng tối có nhìn thấy nó không. Chúng tôi muốn biết mình vẫn còn ở đó, bụi đất phủ đầy người sau mỗi tiếng nổ, ký ức về máy bay Mỹ gầm rú trên đầu khiến tôi run rẩy. Lần đầu chúng tôi nghe tiếng máy bay như thế, anh đã thì thào vào tai tôi bảo đừng lo lắng. Ðó chỉ là những Con ma thôi. [2]
“Anh biết hồi đó em thích cái gì nhất không?” Anh lắc đầu, chúng tôi ngồi trên sofa trong văn phòng tầng hầm của tôi, ở đây vào tháng Mười một ấm hơn phòng khách. “Anh em mình có thể ra ngoài sau trận giội bom, anh nắm tay em khi mình đứng hấp háy mắt trong ánh nắng. Ðiều em yêu thích là sau cảnh tối đen của hầm trú ẩn thì có ánh sáng như thế. Và sau mọi sấm sét ầm vang là im lặng như thế.”
Anh gật đầu, không nháy mắt, ngồi co mình trên sofa giống tôi, đầu gối hai đứa tôi chạm nhau. Con vẹt nép trên vai tôi, đậu ngủ ở đó từ khi gia đình tôi thả anh xuống biển, và tôi chợt nhận ra rằng cứ để nó nói là cách duy nhất để đuổi nó đi.
“Kể em nghe đi,” nó nói. “Tại sao em sống còn anh chết?”
https://thuviensach.vn
Anh ấy nhìn tôi với đôi mắt vốn sẽ không bao giờ khô héo dù chúng vẫn mở thao láo. Má tôi sai rồi. Anh ấy đã thay đổi, bằng chứng là đôi mắt đó, được giữ gìn trong nước biển lâu đến mức chúng sẽ mở to mãi mãi.
“Mày cũng chết rồi,” anh nói. “Có điều mày không biết thôi.”
Tôi nhớ lại lần nói chuyện với Victor. Ðêm nọ lúc mười một giờ, một câu hỏi chợt hiện ra với tôi cấp bách đến độ tôi gọi điện cho ông, biết chắc rằng ông còn thức. “Phải, tôi tin có ma,” ông nói, không ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi. Tôi có thể thấy ông ngồi cuộn mình trên ghế, cái đầu rực lên trên thân thể như tượng sáp, cứ như ông được thắp sáng bằng ký ức về vụ tai nạn máy bay vốn đã cướp đi sinh mạng của cả gia đình ông. Khi tôi hỏi liệu ông có bao giờ thấy ma chưa, ông trả lời, “Thấy hoài. Khi tôi nhắm mắt, vợ con tôi hiện ra giống như họ còn sống. Khi mở mắt, tôi sẽ thấy họ thoáng hiện nơi khóe mắt. Họ vụt đi và biến mất trước khi tôi kịp nhìn. Nhưng tôi vẫn ngửi thấy họ, mùi nước hoa của vợ tôi khi cô ấy đi ngang qua, dầu gội trên mái tóc của đứa con gái, mồ hôi trong những cái áo Jersey [3]của con trai tôi. Và tôi có thể chạm vào họ, con trai tôi lướt bàn tay nó trên bàn tay tôi, vợ tôi thở vào cổ tôi theo kiểu cô ấy thường làm trên giường, con gái tôi bấu vào đầu gối tôi. Và sau cùng, tôi còn nghe được hồn ma nữa. Vợ tôi dặn kiểm tra lại chìa khóa trước khi rời nhà. Con gái nhắc đừng để cháy bánh mì nướng. Con trai muốn tôi gom lá khô để nó nhảy vào đó. Họ còn hát bài chúc mừng sinh nhật cho tôi nữa.”
Sinh nhật của Victor là vào hai tuần trước, và cảnh bữa đó mà tôi tưởng tượng – ông ngồi trong bóng tối, mắt nhắm lại, lắng nghe những âm vang của những buổi sinh nhật đã qua – trở thành phần mở đầu cho hồi ký của ông.
“Ông không sợ ma sao?” Tôi hỏi.
Trong nín lặng, nghe rõ cả tiếng nhiễu sóng rin rít.
https://thuviensach.vn
“Cô đâu có sợ những thứ cô tin,” ông nói.
Tôi cũng viết điều này trong hồi ký cho ông, tuy tôi không hiểu hết ý nghĩa của nó.
Giờ tôi đã hiểu. Thân thể tôi siết cứng lại khi tôi khóc thổn thức không xấu hổ và không sợ hãi. Anh tôi nhìn tôi tò mò khi tôi khóc cho anh và cho tôi, cho biết bao năm chúng tôi có thể sống cùng nhau mà không được, cho mọi lời lẽ không bao giờ được nói ra giữa má tôi, ba tôi, với tôi. Phần lớn nhất, tôi khóc cho những đứa con gái khác vốn đã biến mất và không bao giờ trở lại, trong đó có tôi.
Vài tháng sau đó cuốn hồi ký của Victor được xuất bản và bán khá chạy. Nó cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình. Tên tuổi tôi không hề xuất hiện trong đó, nhưng danh tiếng nhỏ bé của tôi lớn hơn được một chút trong giới viết thuê. Ðại diện của tôi gọi điện đề nghị tôi viết một hồi ký khác với điều kiện hậu hĩ hơn, câu chuyện về người lính mất hết tay chân khi cố gỡ một trái mìn. Tôi từ chối. Tôi đang viết một cuốn tự truyện cho mình.
“Tập truyện ma hả?” giọng bà ấy lộ vẻ tán thành. “Tôi bán được đó. Người ta khoái cảm giác hoảng sợ.”
Tôi không nói với bà rằng tôi không mong muốn làm kinh hãi người sống. Không phải hồn ma nào cũng muốn trả thù và gây thương tổn. Những con ma của tôi thuộc loại lặng lẽ và rụt rè giống như anh tôi, cũng như những hồn ma buồn rầu hiện về trong những câu chuyện của má tôi. Chính má tôi, chuyên gia về ma, đã bảo rằng anh tôi sẽ không trở lại. Anh ấy đã biến mất khi tôi quay lưng lại phía anh, thò tay lấy hộp khăn giấy. Chỉ còn lại một chỗ lõm trên sofa chỗ anh đã ngồi, chạm vào thấy lạnh. Tôi lên lầu để đánh thức bà, và sau khi đặt ấm nước pha trà lên bếp, bà ngồi xuống bàn với tôi để nghe chuyện anh Hai ghé thăm. Sau khi đã khóc thương anh ấy biết bao năm, bây giờ bà không khóc nữa.
https://thuviensach.vn
“Mày biết là nó đi luôn rồi, phải không? Nó về và nói hết những điều muốn nói rồi.”
Ấm nước bắt đầu rung lách cách và phì hơi.
“Má,” tôi nói. “Con chưa nói hết những điều con muốn nói.”
Và má tôi, người không hề rời mắt khỏi tôi khi ở trên boong của cái thuyền ấy, giờ lại nhìn lảng đi. Trong mọi câu chuyện ma mà bà biết, có một chuyện mà bà không muốn kể, một loại bầu bạn mà bà không muốn giữ. Họ đang ở đó trong bếp với chúng tôi, hồn ma của những người tị nạn và hồn ma của những tay cướp biển, hồn ma của con thuyền nhìn chúng tôi bằng hai con mắt không bao giờ khép lại, kể cả hồn ma của đứa con gái vốn là tôi trước đây, nhóm hồn ma duy nhất mà má tôi sợ.
“Kể chuyện gì đi má,” tôi nói. “Con nghe nè.”
Bà dễ dàng tìm ra một chuyện, như tôi biết bà sẽ làm. “Hồi trước có cái bà kia,” bà nói, “rất thương chồng, ổng đi lính rồi biến mất khi làm một nhiệm vụ trong vùng địch chiếm. Người ta đưa giấy báo tử, bả không chịu tin. Chiến tranh kết thúc và bả thoát được sang xứ sở mới này, rồi tái hôn sau mấy chục năm. Bả hạnh phúc cho đến ngày ông chồng trước từ cõi chết trở về, được thả khỏi trại tù nơi ổng là một tù nhân bí mật chịu án gần ba chục năm”. Má tôi cho tôi coi một bài viết cắt từ báo ra để làm bằng chứng, với một bức ảnh chụp bà ấy với người chồng trước, gặp lại nhau ở phi trường mấy năm trước. Cái nhìn của họ không gặp nhau. Họ trông rụt rè, kém thoải mái, lẻ loi, đứng giữa những bạn bè và phóng viên vốn không thấy được hai hồn ma cũng có mặt tại buổi gặp gỡ nản lòng đó, những cái bóng bản ngã nhòe nhoẹt trước đây của họ.
“Mấy chuyện như vầy xảy ra hoài,” má tôi nói, rót cho tôi một tách trà xanh. Trò chuyện thế này sẽ là nghi thức mới hàng đêm của má con tôi,
https://thuviensach.vn
một bà già, và một người đang dần có tuổi. “Sao mày lại đi viết những thứ chuyện tao kể?”
“Thì phải có người viết lại chớ,” tôi nói, xấp giấy đặt trong lòng, bút thủ sẵn.
“Ðúng là mấy nhà văn.” Bà lắc đầu, nhưng tôi nghĩ bà hài lòng. “Ít nhất mày cũng không bịa đặt ra mọi chuyện như mọi khi.”
Ðôi khi đây chính là cách thức mà các câu chuyện đến với tôi, thông qua bà. “Ðể tao kể mày nghe chuyện này,” bà thường nói thế, một lần, hai lần, hoặc có lẽ ba lần. Tuy vậy chuyện thường xảy ra là tôi truy tìm các hồn ma, một việc tôi có thể làm mà không rời khỏi nhà. Do họ lui tới xứ sở chúng ta, nên chúng ta cũng qua lại xứ sở của họ. Họ là những tạo vật xanh xao, sợ chúng ta nhiều hơn chúng ta sợ họ. Bởi thế nên hiếm khi thấy được những cái bóng đó, và do đó chúng ta phải lùng kiếm họ. Những tấm bùa trên bàn của tôi, một cái quần đùi tả tơi, một áo thun rách nát, sạch và khô ráo, được ủi phẳng phiu, nhắc tôi nhớ rằng má tôi đúng. Những câu chuyện chỉ là thứ chúng ta chế ra, không hơn. Chúng ta tìm kiếm chúng trong một thế giới bên cạnh thế giới của chúng ta, rồi để chúng ở đây cho người ta nhận thấy, mớ áo quần do những hồn ma bỏ lại.
Chú thích:
[2] Con ma, tức Phantom, cũng là tên của một loại chiến đấu cơ, còn được gọi là F-4, được dùng rộng rãi trong chiến tranh Việt Nam. (ND)
[3]Jersey: một loại áo thể thao mặc khi chơi bóng chuyền, bóng rổ. (BT)
https://thuviensach.vn
NGƯỜI TỊ NẠN
Việt Thanh Nguyễn
www.dtv-ebook.com
Dịch Giả: Phạm Viêm Phương
Kẻ Thứ Ba
Kế hoạch của Liêm là lặng lẽ đi qua đám đông chờ đợi sau khi rời máy bay, nhưng cậu lại thấy mình ngần ngừ ở cổng, bồn chồn lướt nhìn những khuôn mặt lạ. Một tay cậu cầm túi xách thể thao, tay kia nắm chặt mẫu đơn nhận từ Lindemulder, người đàn bà đeo kính gọng sừng ở văn phòng tị nạn. Khi tiễn cậu lên đường ở phi trường San Diego, bà nói rằng người bảo trợ, ông Parrish Coyne, sẽ chờ cậu ở San Francisco. Chuyến bay ấy mới là cuộc du hành thứ nhì của cậu theo đường hàng không, và cậu đã trải qua nó với việc hết vò nát rồi vuốt thẳng một cái túi bánh quy rỗng ruột, cho đến khi người ngồi cạnh hỏi rằng cậu có thể vui lòng đừng làm thế nữa không. Phép xã giao Mỹ làm cậu rối trí, vì người Mỹ đôi khi có thể rất lịch sự, nhưng lúc khác lại khá thô bạo, xô đẩy vượt qua cậu như họ đang làm lúc này khi vội vã xuống khỏi phi cơ. Áp lực kéo dài trong lỗ tai còn làm cậu bối rối hơn nữa, khiến cậu khó mà hiểu kịp thứ tiếng Anh bị méo đi qua hệ thống loa phóng thanh. Cậu đang tự hỏi xem mình có bỏ sót điều gì quan trọng không thì nhận ra người đàn ông hẳn là Parrish Coyne, đứng ở phía sau đám đông và đang giơ lên một tấm bảng với chữ MR. LIEM được in ngay ngắn bằng mực đỏ. Hình ảnh này gần như khiến Liêm chìm trong cảm giác nhẹ nhõm và biết ơn, vì trước đây chưa từng có ai gọi cậu là “mister”.
Parrish Coyne khoảng độ trung niên và, ngoại trừ mái tóc hoa râm cột đuôi ngựa, trông rất chỉn chu, đôi mắt sâu xanh lơ, sống mũi thẳng, thanh mảnh. Ông đội mũ phớt màu nâu và mặc một áo khoác da đen, không cài nút để lộ một cái bụng bề thế. Liêm rụt rè tiến về phía ông ta, nhưng trước khi Liêm kịp mở miệng, ông đã phát âm tên cậu hai lần. “Li-am, chắc vậy phải
https://thuviensach.vn
không?” Parrish nói với giọng Anh khi ông siết tay Liêm và phát âm sai tên cậu, với hai âm tiết thay vì một. “Li-am, phải không?”
“Phải,” Liêm nói, phỏng đoán rằng ai cũng nhận ra vẻ ngoại quốc của cậu. “Tôi đây.” Cậu định chỉnh lại cách phát âm của ông ấy, nhưng chưa kịp làm thế, Parrish đã bất ngờ ôm lấy cậu, khiến cậu phải miễn cưỡng vỗ vỗ vào lưng ông, biết rõ những người khác đang nhìn họ và thắc mắc, rõ ràng thế, về mối quan hệ của họ. Rồi Parrish bước lui lại và nắm chặt vai cậu, nhìn cậu chăm chú đến nỗi khiến cậu ngượng, vì cậu không quen trở thành đối tượng bị xem xét kỹ lưỡng như thế.
“Nói thật,” sau cùng Parrish phát biểu, “Tôi không ngờ trông cậu đẹp như vậy.”
“Vậy sao?” Liêm chỉ mỉm cười và không nói gì thêm. Cậu không chắc là mình nghe chính xác, nhưng cậu đã học được cách im lặng chờ thời trong những tình huống như thế này, chỉ dựa vào những từ đơn âm cho đến khi cuộc đối thoại làm mọi thứ sáng rõ hơn.
“Thôi đi,” chàng thanh niên đứng cạnh Parrish nói, cũng với giọng Anh. “Ông đang làm cậu ấy lúng túng đó.” Ðến lúc đó áp lực trong tai Liêm đột nhiên biến mất, và những âm thanh bức bối của nhà ga lại trở nên to và rõ như bình thường.
“Ðây là Marcus Chan,” Parrish nói, “Bạn tốt của tôi.”
Nhìn Marcus có vẻ vào khoảng hăm mấy, lớn hơn Liêm chỉ vài tuổi, cậu vừa tròn mười tám mùa hè này. Nếu nụ cười của Marcus có vẻ hơi khinh khỉnh khi chìa tay ra thì Liêm cũng khó mà trách anh ta được, vì so với Marcus, cậu thiếu sót nghiêm trọng về mọi mặt. Ngay cả hàm răng của cậu cũng ố vàng thấy rõ so với màu trắng của hàm răng Marcus. Với dáng người thẳng và cái đầu hơi ngửa ra sau, Marcus có tư thế của một người đang chờ hưởng một di sản, trong khi ý thức về món nợ của Liêm khiến
https://thuviensach.vn
cậu vừa đi vừa nhìn xuống, cứ như đang tìm bạc cắc. Vì thấp hơn cả Marcus lẫn Parrish nên cậu buộc phải ngước lên khi nói, “Thật vui khi được gặp ông.” Chỉ do bồn chồn, tay Marcus vẫn nắm tay cậu, cậu nói thêm, “San Francisco số một.”
“Thật dễ thương,” Marcus nhẹ nhàng buông tay cậu ra. “Thế cái nào là số hai?”
“Thôi nào.” Parrish nhíu mày. “Sao không phụ một tay và xách giùm cái túi của Li-am đi?”
Marcus mang túi xách và đi theo sau, Parrish nắm khuỷu tay Liêm dẫn cậu ra khỏi nhà ga. “Có vẻ quá ngợp với cậu,” Parrish nói, vung tay như muốn ám chỉ các đám đông, cả cái nhà ga, và chắc hẳn là toàn San Francisco. “Tôi chỉ có thể tưởng tượng nơi này có vẻ lạ lùng đến thế nào. Từ Anh qua đây là cả một cú sốc văn hóa với tôi.”
Liêm liếc nhìn Marcus qua vai mình. “Anh cũng từ Anh qua hả?” “Hồng Kông,” Marcus đáp. “Cậu có thể coi tôi là dân Anh danh dự.”
“Dù thế nào,” Parrish nói, siết nhẹ khuỷu tay Liêm và cúi đầu xuống để nói riêng vào tai cậu, “cậu chắc phải có một thời gian đã đời ở đó.”
“Không, không tuyệt lắm đâu.” Liêm nói với vẻ thờ ơ, tuy rằng viễn cảnh phải kể lại câu chuyện của mình một lần nữa khiến cậu khiếp đảm. Trong bốn tháng kể từ khi rời khỏi Sài Gòn, cậu đã bị hỏi đi hỏi lại về câu chuyện của mình, bởi các lính thủy, dân thủy quân lục chiến, và nhân viên xã hội, những câu hỏi của họ dần trở nên quá dễ tiên đoán. Vụ đó ra sao? Cậu cảm thấy thế nào? Như thế không buồnquá sao? Ðôi khi cậu nói với những kẻ tò mò rằng những gì đã xảy ra là cả một câu chuyện dài, nhưng điều đó chỉ thôi thúc họ muốn được nghe kể ngắn gọn hơn. Cậu kể lại chính phiên bản được biên tập này khi Marcus lái xe xuyên qua tòa nhà đậu xe, ra đường lộ, và vào xa lộ. Tự vào vai của một thanh niên tị nạn vô danh, cậu kể lại vở
https://thuviensach.vn
kịch cuộc đời mình, bắt đầu từ việc rời khỏi nhà cha mẹ ở Long Xuyên mùa hè trước, tiếp tục với công việc trong một nơi được gọi là phòng trà ở Sài Gòn, và cuối cùng là đoạn gây cấn nhất – khi chiến tranh kết thúc. Ngay cả phiên bản ngắn gọn này cũng làm cậu mệt, và khi kể chuyện cậu tì trán vào cửa sổ, nhìn dòng xe lưu thông trật tự trên xa lộ mênh mông.
“Thế là,” cậu nói. “Bây giờ tôi ở đây.”
Ở ghế trước của chiếc xe bốn chỗ, Parrish thở dài. “Cuộc chiến đó không chỉ là một bi kịch,” ông ta nói, “mà là một trò hề.” Marcus ậm ừ trong cổ họng, có thể để thể hiện sự tán đồng, trước khi anh ta vặn âm lượng của máy thu thanh lên vài nấc. Một phụ nữ đang tuôn ra một tràng tán dương cho một nhãn hiệu dầu chùi bóng đồ nội thất, thứ gì đó làm bóng loáng mà không cần chà láng. “Cậu sẽ thấy thời tiết ở đây lạnh và ảm đạm, cho dù mới tháng Chín,” Marcus nói. “Vào mùa đông trời sẽ mưa. Không hẳn là gió mùa, nhưng cậu sẽ quen dần.” Khi lái xe, anh ta chỉ những địa điểm nổi bật hai bên đường, những điều đáng nhớ nhất đối với Liêm là sân vận động Candlestick Park với những bức tường bề thế, và mặt nước lăn tăn gợn sóng như vân đá hoa cương ở khu vịnh. Rồi, khi dòng xe cộ từ một xa lộ khác hòa vào xa lộ họ đang chạy và xe giảm tốc độ, Parrish giảm âm lượng của máy thu thanh và nói, “Có mấy điều cậu cần biết về Marcus và tôi.”
Một chiếc xe 12 chỗ màu trắng lướt tới phía bên phải chắn tầm nhìn ra vịnh của Liêm. Cậu quay mặt khỏi cửa sổ để nhìn vào mắt Parrish. “Sao?”
“Tụi tôi là một cặp,” Parrish thông báo. Qua khóe mắt, Liêm thấy chiếc xe 12 chỗ lướt dần tới trước, vượt qua vết ẩm đang thu nhỏ dần do trán cậu để lại trên mặt kính cửa sổ. “Theo nghĩa lãng mạn,” Parrish nói thêm. Liêm xác định rằng “theo nghĩa lãng mạn” hẳn là một thành ngữ, loại mà bà Lindemulder nói người Mỹ thường dùng, kiểu như “mày làm tao bể bụng quá” và “nó làm tao tức ói máu.” Trong đặc ngữ tiếng Anh, một cặp nam theo nghĩa lãng mạn hẳn chỉ có nghĩa là bạn rất thân, và cậu mỉm cười lịch
https://thuviensach.vn
sự cho đến khi thấy Marcus nhìn mình qua kính chiếu hậu, ánh nhìn ấy khiến ruột gan cậu đột nhiên lo lắng cồn cào.
“Ôkê,” Liêm nói. “Chà.”
“Hy vọng cậu không quá sốc.”
“Không, không.” Lông tơ trên hai cánh tay và ở sau gáy cậu dựng đứng như đã xảy ra trước đây mỗi khi một cậu trai khác, cố tình hoặc do ngẫu nhiên, cọ lướt qua khuỷu tay, đôi khi là đầu gối của cậu khi hai đứa nắm tay nhau tản bộ hoặc ngồi quàng vai nhau trên băng ghế công viên, nhìn xe cộ và mấy đứa con gái đi qua. “Tôi là dân phóng khoáng mà.”
“Vậy tôi hy vọng cậu sẽ ở với tụi tôi.”
“Và đầu óc cởi mở nữa,” cậu nói thêm. Thực tình cậu chẳng có nơi nương náu nào khác ngoài lòng hiếu khách của Parrish, giống như chuyện cậu chẳng có chỗ nào khác để đi vào cuối ngày ở Sài Gòn ngoài một căn phòng chật cứng những cậu trai và đàn ông độc thân, thao thức trên những tấm chiếu cói khi họ cố ngủ mà phải hít thở thứ không khí bị ẩm vì mùi của những cơ thể lao động quá sức. “Ðừng lo.”
“Tốt,” Marcus nói, lại tăng âm lượng lên, theo cái kiểu mà một trong những cậu trai sẽ làm vào khoảng nửa đêm, với chiếc radio bỏ túi, khi mọi người đều biết nhưng thường không nói rằng không thể ngủ được. Lúc đó mắt Liêm đã nhắm lại, nhưng cậu không thể không thấy khuôn mặt của những anh chàng mà cậu ngẫu nhiên biết hoặc đã quan sát thấy trong phòng trà, kể cả khuôn mặt của những bạn cùng phòng của cậu. Trong bóng tối, cậu nghe tiếng sột soạt của lớp mùng khi những kẻ khác cũng đang thủ dâm. Sáng hôm sau, mọi người nhìn nhau trống rỗng, và chẳng ai nói về chuyện xảy ra đêm hôm trước, cứ như nó là một hành động tàn bạo trong rừng sâu nên chôn chặt.
https://thuviensach.vn
Cậu nghĩ cậu đã quên những đêm đó, sau cùng đã chạy thoát được chúng, nhưng bây giờ cậu tự hỏi liệu bằng chứng có còn tồn tại trên những đường chỉ tay của cậu không. Cậu bực bội chà hai tay vào quần jean khi xe chạy qua một khu dân cư với những lề đường nhộn nhịp, đầy những con người qua lại thuộc nhiều màu da. Họ phần lớn là người da trắng và người Mễ, cùng với một số dân da đen và rải rác bóng người Tàu, không ai trong bọn họ nhìn tới hai lần vào các ký hiệu trên khung kính cửa hàng hay những hình, những chữ nguệch ngoạc trên tường, được viết bằng một ngôn ngữ mà cậu chưa từng gặp trước đây: PELUQUERÍA, CHUY ES MARICÓN, RITMO LATINO, DENTISTA, IGLESIA DE CRISTO, VIVA LA RAZA! [4].
Sau khi rẽ vào một con phố với hai dãy xe hơi đậu chen chúc nối đuôi nhau, Marcus quay ngoặt xe chúi mũi xuống một con đường dốc dẫn vào một ngôi nhà hai tầng, ngay trên cánh cửa đỏ rực, thật lạ, có treo bức ảnh Mẹ Maria đồng trinh. “Tới nhà rồi,” Parrish nói. Sau này Liêm biết được rằng Parrish là người theo đạo Công giáo nhưng không sùng đạo, rằng nơi họ sống là quận Mission, và kiểu kiến trúc của ngôi nhà được gọi là thời Victoria, nhưng hôm nay cậu chỉ chú ý tới màu sơn của nó.
“Tím à?” Cậu nói, trước nay chưa từng thấy cái nhà nào sơn kiểu này.
Parrish cười khùng khục và mở cửa. “Gần như vậy,” ông ta nói. “Nó là hoa cà.”
Bà Lindemulder đã siết chặt vai Liêm ở phi trường San Diego và cảnh báo cậu rằng ở San Francisco người ta thường rất độc đáo, một ẩn ý mà lúc đó cậu không hiểu. Từng ngày một trong suốt mấy tuần đầu ở nhà Parrish, Liêm muốn gọi điện cho bà Lindemulder và bảo bà rằng bà đã phạm một sai lầm to lớn, nhưng tính hào phóng của Parrish khiến cậu xấu hổ và ngăn không cho cậu làm thế. Thay vào đó, cậu đứng trước gương mỗi sáng và tự nhủ rằng không có ai để sợ cả ngoại trừ chính cậu. Cậu đã thầm nói chính điều đó năm ngoái, vào cuối mùa hè 1974, khi cậu giã biệt cha mẹ ở bến xe
https://thuviensach.vn
đò Long Xuyên. Cậu không phàn nàn chuyện bị phái đi Sài Gòn một mình, cách nhà cậu mấy tiếng ngồi xe về phía bắc, nơi cậu sẽ là dây cứu sinh của gia đình. Là con trai lớn, cậu có trách nhiệm, và cậu đã quen lao động, đã làm thế từ khi rời trường ở tuổi mười hai để đi đánh giày cho lính Mỹ.
Cậu biết họ từ hồi tám tuổi, khi cậu bắt đầu moi móc trong những bãi rác của họ để tìm ống lon và thùng các tông, những tờ Playboybèo nhèo, và những lon khẩu phần cá nhân chưa khui. Ðám lính Mỹ dạy cậu những điều căn bản về tiếng Anh, đủ cho cậu tìm một công việc ở Sài Gòn nhiều năm sau đó, lau sàn của một phòng trà trên đường Tự Do [5] nơi các thiếu nữ cầm cố bản thân lấy đô la. Với sự kiên trì, cậu chà nhẵn hai bài học ở bãi rác và động đĩ thành một thứ tiếng Anh xài được hơn, đủ ngon lành cho cậu hiểu được tin đồn truyền từ phóng viên nước ngoài này sang phóng viên khác vào mùa xuân 1975, sáu tháng trước. Họ đồn rằng hàng ngàn người sẽ bị tàn sát nếu thành phố này rơi vào tay quân Bắc Việt.
Vào tháng Tư, khi đạn súng cối và đại bác bắt đầu nổ ở ngoại ô thành phố, tin đồn đó có vẻ sắp trở thành sự thật. Tuy cậu không dự tính đấm đá, xô đẩy và cào cấu tìm đường leo lên một chiếc sà lan đường sông, nhưng cậu lại thấy mình làm như thế một sáng kia sau khi chứng kiến một khối khói đen phủ trên phi trường, cháy rực ở chân trời, được thắp sáng bằng đạn pháo kích của phe địch. Một tháng sau cậu ở Trại Pendleton, San Diego, chờ bảo lãnh. Cậu với những người tị nạn khác được một khu trục hạm thuộc Hạm đội Bảy cứu ở Biển Ðông, đưa tới một trại tạm thời của Thủy quân lục chiến ở đảo Guam, và rồi được chuyển tới California. Khi nằm trên giường cá nhân và nghe tiếng con nít chơi trốn tìm trên những lối đi giữa các lều trại, cậu cố quên những người cố bấu vào không khí khi họ té xuống sông, một số người bị đánh gục trong cuộc chen lấn, một số khác bị những tên lính tuyệt vọng bắn vào lưng giành đường tháo chạy. Cậu cố quên điều cậu đã khám phá ra, rằng mạng sống của người khác trở nên nhỏ nhoi biết bao đối với mình khi chính mạng sống của mình cũng đang bị đe dọa.
https://thuviensach.vn
Trong lá thư cậu gởi về cho ba má ngay sau khi tới ở nhà Parrish, cậu không hề nhắc tới chuyện nào trong số những chuyện này. Ðó là lá thư thứ hai cậu gởi về nhà. Hồi tháng Sáu, ở Trại Pendleton, cậu đã gởi lá thư thứ nhất của mình qua văn phòng tái định cư. Trong cả hai thư, vì nghĩ rằng không thư nào được chuyển đi mà chính quyền không mở ra đọc, nên cậu chỉ viết về nơi cậu sống và cách liên lạc với cậu. Cậu sợ sẽ gây nguy hiểm cho gia đình nếu để lộ ra họ là bà con của kẻ đã bỏ trốn, và cậu còn sợ hơn rằng thư có thể chẳng bao giờ đến nơi. Thời điểm duy nhất cậu không nghĩ tới số phận của gia đình là trong vài giây khi cậu vừa thức dậy, trên một cái giường ấm áp dưới ba lớp mền, nhớ tới những giấc mơ trong đó cậu nói được tiếng Anh hoàn hảo. Rồi cậu mở mắt để nhìn thấy một ánh xanh nhạt len qua những cửa sổ mù sương, ánh sáng chập chờn mờ nhạt và u ám nhắc cậu nhớ về nơi cậu đang ở, trong một thành phố xa xôi, một chốn xa lạ, nơi ánh sáng cũng khác hẳn với ánh sáng chói chang miền nhiệt đới mà cậu vẫn biết lâu nay.
Khi đi xuống dưới nhà, cậu thường thấy Parrish và Marcus ăn sáng và bàn bạc tin tức địa phương, chuyện chính trị thế giới, hoặc bộ phim mới nhất. Họ hay cãi vã vặt vãnh, thường với vẻ đùa giỡn, về việc có nên bầu cho Jimmy Carter hoặc Gerald Ford, hoặc chuyện kẻ muốn ám sát Ford, một phụ nữ San Francisco, phải bị chung thân hay tử hình.
Khi họ bắt đầu tranh luận ra trò trước mặt cậu, cậu hiểu mình đang trở thành một phần của gia đình họ. Ðôi khi các cuộc tranh cãi có vẻ chẳng vì lý do nào cả, như những gì đã xảy ra vào một sáng tháng Mười nọ sau khi Parrish hỏi về ngày giờ những kỳ thi cuối khóa của Marcus. “Sao ông không đi thi hộ tôi luôn đi?”
Marcus nạt vậy rồi lừng lững ra khỏi nhà bếp. Parrish chờ đến khi Marcus lên hết cầu thang rồi mới nghiêng về phía Liêm và nói, “Ðó là những số hai khủng khiếp. Năm thứ nhì là gai góc nhất.”
https://thuviensach.vn
“Ô, vậy sao?” Liêm gật đầu cho dù cậu, một lần nữa, không chắc hiểu hết điều Parrish muốn nói. “Tôi thấy hai người quát tháo nhau nhiều lần rồi.”
“Tuy cậu ta lớn tuổi hơn cậu, nhưng không chín chắn bằng cậu,” Parrish nói. Ông khuấy ly cà phê, cái muỗng chạy theo hình số tám thay vì hình tròn. “Cậu ta chưa hề thấy những chuyện mà cậu hay tôi đã thấy. Dĩ nhiên, hồi bằng tuổi cậu ta, tôi cũng hư hỏng và cũng hơi lười biếng nữa. Nhưng giờ khá hơn rồi. Tổ tiên tôi kiếm tiền bằng những phương cách mà bây giờ tôi thấy xấu hổ, nhưng chẳng có lý do gì khiến tôi không tận dụng tiền bạc của mình. Phải không?”
“Không sao?”
“Không,” Parrish nói. Liêm hiểu cậu là một trong những cách tận dụng tiền bạc mà Parrish kiếm được trong hai thập niên làm kế toán doanh nghiệp, một công việc mà ông đã từ bỏ vài năm trước để tham gia hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy Parrish không để Liêm trả tiền thuê nhà, nhưng cậu cũng tìm được một công việc. Một tuần sau khi tới đây, cậu lang thang vào khu thương mại cho đến khi tình cờ đi ngang một tiệm bán rượu ở giữa khu Tenderloin, ngay góc đường Taylor và Turk. Dòng chữ “Cần phụ việc” được viết nguệch ngoạc bằng xà bông trên khung kính mặt tiền kế dòng chữ “Se Hable Español. [6] ” Cuốn sách cậu nhét trong túi, Everyday Dialogues in English, không đề cập đến tình huống đối thoại với hai người đi dạo quanh góc đường ngay ngoài cửa tiệm, nên cậu chẳng nói gì khi lướt qua ả làng chơi có mụn trứng cá ở khe ngực đang run lẩy bẩy vì lạnh, ả này thoáng nhìn cậu rồi bỏ qua, và một gã đàn ông mặc đồ phụ nữ với cánh tay lông lá, dừng mắt nơi cậu lâu hơn.
Ca của cậu từ tám giờ sáng tới tám giờ tối, sáu ngày mỗi tuần, ngày nghỉ của cậu là thứ Năm. Cậu lau sàn và chất hàng lên kệ, lau nhà vệ sinh và chùi cửa kính, coi máy ghi tiền và rồi lặp lại trình tự đó. Lúc không có chuyện làm, cậu đọc cuốn sách đó, hy vọng tìm được chỉ dẫn về cách nói chuyện với Marcus và Parrish, nhưng chẳng thu được lợi ích gì nhiều từ
https://thuviensach.vn
những chương như “Juan Gonzalez viếng New York City và phải hỏi thăm đường” hoặc “Một người Anh và một người Mỹ xem một trận cầu.” Ðến cuối ca, cậu kéo hai túi rác tới một thùng rác to tướng ở cuối con hẻm nơi những kẻ có lai lịch đáng ngờ đái và ói khi trời tối, chúng đôi khi còn làm những việc ấy khi màn đêm còn chưa kịp buông. Sau đó dù cọ rửa hai bàn tay thế nào, cậu vẫn cảm thấy chúng chưa thật sạch. Thứ dầu mỡ và rác mà cậu xử lý đã len sâu vào những vết chai đến độ cậu tưởng tượng rằng mình vĩnh viễn để lại dấu tay ở khắp nơi.
Ðến lúc cậu về tới ngôi nhà kiểu Victoria, Parrish với Marcus đã ăn tối xong, và cậu ăn phần còn lại trong bếp trong khi họ xem tivi. Xong xuôi, cậu rút lên lầu, cậu tắm cho sạch mồ hôi trong ngày và cố không nghĩ tới thân thể trắng nhợt và gầy mảnh của Marcus. Dòng nước nóng bất tận giúp cậu mềm mỏng và bình thản hơn, và chính trong trạng thái tinh thần thư giãn này mà một tối nọ sau khi mở cửa phòng tắm, chỉ quấn một cái khăn, cậu đụng Marcus đang đi dọc hành lang. Họ đối mặt nhau trong im lặng rồi cả hai bước tránh sang cùng một bên. Rồi họ lại cùng bước trở qua bên kia, những bàn chân xê dịch lúng túng đến độ tiếng cười trong bộ phim hài tình huống mà Parrish đang xem dưới nhà, đứng trên chiếu nghỉ cầu thang còn nghe rõ, có vẻ như nhắm vào họ.
“Xin lỗi,” sau cùng Liêm nói, lưng cậu ướt mồ hôi vì sức nóng do tắm lâu. “Tôi qua được không?”
Marcus nhún vai, ánh mắt anh ta hấp háy lần nữa trên thân thể Liêm trước khi hơi cúi đầu xuống, theo một kiểu đùa giỡn, và nói, “Vâng, mời cậu.”
Liêm đi nhanh qua Marcus và vào phòng mình. Ngay khi đóng cửa lại, cậu dựa vào đó, tai ép vào mặt gỗ, nhưng một tràng cười rộ lên trong bộ phim vang từ dưới nhà khiến cậu không nghe được tiếng chân Marcus nhỏ dần dọc hành lang.
https://thuviensach.vn
Vào một sáng thứ Năm u ám giữa tháng Mười, Marcus và Liêm đưa Parrish ra phi trường. Ông ta sẽ dự một hội nghị về mối đe dọa của năng lượng hạt nhân đối với môi trường vào cuối tuần ở Washington. Khi gió quất vào cửa sổ xe, Parrish giải thích chính quyền chôn plutonium và uranium đã khai thác trong sa mạc như thế nào, rồi đầu độc đất đai và đe dọa sự sống bao thiên niên kỷ ra sao. “Và phần lớn những mạng sống khốn khổ ở đó,” Parrish nói. “Hãy nghĩ về vụ đó tựa như một bãi mìn khổng lồ trong sân sau nhà mình.” Marcus gõ đầu ngón tay trên vòng tay lái khi điều khiển xe, nhưng Parrish không có vẻ gì nhận ra. Tại lề đường ở phi trường, vali đặt dưới chân, ông ta hôn tạm biệt Marcus và ôm Liêm. “Tối Chúa nhật gặp lại,” Parrish nói trước khi đóng cửa xe sau khi Liêm chui vào. Liêm đang vẫy tay qua cửa sổ, và Parrish vẫy tay đáp trả thì Marcus rồ ga cho xe hòa vào dòng giao thông mà không buồn liếc nhìn lại.
“Chừng nào ông ta mới thôi cố cứu thế giới đây?” Marcus hỏi. “Vụ này riết rồi vớ vẩn quá.”
Liêm cài dây an toàn. “Nhưng Parrish là người tốt đấy chứ.”
“Có một lý do khiến các vị thánh phải bị chết vì đạo. Chẳng ai chịu được họ.”
Họ ngồi trong im lặng suốt mười lăm phút, cho đến khi về gần trung tâm thành phố. Ở đó, hình ảnh một chiếc xe tải của lò bánh mì từ đường Army chạy vào xa lộ khiến Liêm hỏi, “Anh có đói không? Tôi thì đói rồi.”
“Ðừng có nói tôi thìđói rồi, cứ nói tôi đói rồi thôi. Cậu phải học cách nói tắt nếu muốn nói như dân bản ngữ.”
“Tôi đói rồi. Còn anh?”
Nhà hàng trong khu Phố Tàu mà Marcus chọn nằm trên đường Jackson và rộng gần bằng một sàn nhảy, với những cây cột bằng gỗ anh đào sẫm và đèn lồng đỏ có núm tua treo lòng thòng trên trần nhà. Ngay cả vào một
https://thuviensach.vn
sáng thứ Năm nó cũng ồn ào và náo nhiệt, những nữ tiếp viên mặc áo khoác dài đẩy những chiếc xe theo lối đi trong khi tiếp viên nam đeo nơ cổ lẹ làng đi từ bàn này sang bàn khác, trên tay cầm phiếu tính tiền và bình trà. Họ ngồi bên một cửa sổ nhìn ra đường Jackson, hình ảnh những đám đông dân Á châu khiến Liêm dễ chịu. Khi một dãy xe đẩy tay lăn qua, Marcus chọn hoặc từ chối các món mời chào trên đó một cách thành thạo, gọi món bằng tiếng Quảng Ðông và giải thích bằng tiếng Anh khi đủ thứ món điểm tâm được chất trước mặt họ trong một kiểu trưng bày ê hề đến phát ngán, trong đó có xíu mại, bánh bao thịt heo băm hành lá, cải làn cọng dài, và thịt heo quay chặt nhỏ với lớp da quét nước đường ngả màu hạt dưa. “Parrish không rớ tới mấy thứ này đâu,” Marcus nói với vẻ hài lòng khi nhìn Liêm cạp lớp da chân gà, chỉ để lại những khúc xương mỏng mảnh.
Sau khi bồi bàn dọn sạch đĩa, họ ngồi im lặng với ấm trà hoa cúc bằng thiếc đặt giữa hai người. Liêm rê đáy tách trà theo một đường tròn quanh vết ố dầu mỡ trên mặt khăn bàn trước khi hỏi Marcus về gia đình anh, một điều Marcus chưa bao giờ nói tới trước mặt cậu. Về Marcus, Liêm chỉ biết rằng anh đã sống ở Hồng Kông đến năm mười tám, rằng anh ghi danh học quản trị kinh doanh ở trường đại học của bang tại San Francisco nhưng hầu như không hề tới đó, và anh luyện tập ở phòng tập thể hình mỗi ngày. Cha anh, Marcus vừa nói vừa khịt mũi, là quản trị viên điều hành của một công ty cao su, ông ấy cho anh du học, hy vọng sau cùng anh sẽ trở về tiếp tay điều hành doanh nghiệp. Nhưng ba năm trước, một tình nhân cũ đầy thù oán đã gởi cho cha anh một trong những lá thư tình của Marcus, với những bức ảnh candid [7] nhét kèm theo. “Những bức ảnh rất candid,” Marcus nói u ám. Sau đó, cha anh từ anh, và bây giờ Parrish bao chi phí sinh hoạt cho anh. “Cậu nghĩ ra được chuyện gì tồi tệ hơn không?” Marcus kết luận.
Liêm không chắc Marcus đang nói tới chuyện phản bội của người bạn tình, chuyện kế hoạch của cha anh, hay tiền bạc của Parrish. Cậu thực sự chỉ muốn biết chữ “candid” đó nghĩa là gì, nhưng Marcus chỉ nhấm nháp tách trà, không có vẻ chờ đợi một câu trả lời, nên Liêm đành nói về gia đình
https://thuviensach.vn
mình, gồm toàn nông dân, bán hàng rong, và lính quân dịch. Chẳng có ai từng đi đâu xa khỏi Long Xuyên, trừ khi bị bắt lính. Liêm là kẻ thám hiểm đầu tiên của gia đình, và có lẽ đó là lý do khiến ba má cậu bồn chồn đến thế khi ra bến xe đò Long Xuyên, một trong vài khoảnh khắc của quá khứ mà cậu còn nhớ được rõ rệt. Khoảnh đất thiếu bóng râm, chỗ tráng xi măng chỗ không, đầy những hành khách sẵn sàng lên xe, ôm những thùng giấy buộc dây và trông chừng những heo với gà của họ, quanh quẩn trong những lồng bằng dây kẽm. Khi hơi nóng bốc lên từng đợt, mùi mồ hôi người và phân súc vật, dày đặc thêm vì bụi, cũng bốc theo.
“Ba má nuôi con đàng hoàng,” ba cậu nói, không nhìn được vào mắt cậu bằng đôi mắt xám xanh, mờ đi vì bị cườm của ông. “Ba biết ở thành phố con cũng không bậy bạ.”
“Không đâu ba,” Liêm hứa. “Ba cứ tin con.” Cậu nghe tiếng tài xế la hét thúc hành khách lên xe trong khi má cậu vuốt ve cánh tay cậu và vỗ vào ngực cậu, cứ như đang lục soát gì đó, trước khi bà nhét một xấp giấy bạc mỏng mảnh vào túi cậu. “Ráng giữ gìn nghe,” bà nói. Quanh miệng bà, những nếp nhăn sâu giống như những mũi khâu kết hai môi bà lại. “Má hết lo cho con được nữa rồi.” Cậu không nói cậu yêu bà, hay yêu ba cậu, trước khi ra đi. Cậu bị phân tâm do quá sốt ruột muốn lên xe ngay, vì nếu không chiếm được ghế cậu sẽ phải đứng chen vai ở lối đi, nếu không thì phải liều mạng ngồi trên mui xe suốt quãng đường tới Sài Gòn.
“Làm sao cậu biết cái gì sẽ xảy ra?” Marcus chồm tới trước. “Cậu đâu phải thầy bói. Mà dù sao, tất cả đã vào quá khứ rồi. Cậu đâu thể sống mãi trong đó. Bây giờ cách tốt nhất để giúp họ là cậu tự giúp mình.”
“Dà,” cậu nói, cho dù cậu thấy đây là lối suy nghĩ sặc mùi Mỹ. “Vấn đề là, cậu muốn là cái gì?”
“Là gì?”
https://thuviensach.vn
“Trong tương lai. Cậu muốn làm gì với đời mình?”
Chưa từng có ai hỏi Liêm một câu như vậy, và Liêm hiếm khi tự hỏi mình câu đó. Cậu hài lòng với công việc tại cửa tiệm bán rượu, nhất là khi so sánh số phận của cậu với số phận của bạn bè tại quê nhà. Những đứa nhỏ, giống cậu, đã trở thành đứa quét dọn quán rượu hoặc giúp việc nhà cho người Mỹ, trong khi những đứa lớn hơn, may mắn trốn được quân dịch, trở thành kẻ trộm hay ma cô hay đầy tớ cho dân nhà giàu. Mấy đứa kém may mắn thì bị bắt lính, và những đứa kém may mắn nhất không còn về nhà nữa, hoặc nếu có về, cũng trở thành ăn xin bày những đoạn chân tay cụt trên lề đường.
Marcus đang nhìn cậu chờ đợi. Ý nghĩ bảo rằng cậu muốn thành bác sĩ hay luật sư hay cảnh sát thì quá buồn cười, nhưng khao khát trở thành ngon lành trong mắt Marcus, và có lẽ trong mắt chính cậu, cứ bấu lấy cậu.
“Tôi muốn là đứa tốt,” sau cùng cậu nói.
“Ðược,” Marcus liếc nhìn phiếu tính tiền. “Ai mà không muốn vậy.”
Ngày hôm sau ở tiệm bán rượu, Liêm đếm từng giây qua những tiếng quét chổi và tiếng reo của máy tính tiền, ca làm việc của cậu có vẻ không chịu kết thúc trong khi mới hôm qua cậu còn mong ngày sẽ kéo dài mãi. Sau khi cậu giật phiếu tính tiền khỏi tay Marcus và chi trả cho bữa điểm tâm, họ đã cùng nhau rảo qua những tiệm bán đồ mỹ nghệ lạ mắt của Phố Tàu, chạy xe tới đảo Treasure để ngắm cầu Golden Gate, rồi kết thúc vào lúc hoàng hôn ở một rạp hát trên đường Market, trong đó họ ngồi đầu gối chạm nhau để xem phim One Flew over the Cuckoo’s Nest. Sau đó, khi ăn sushi ở một nhà hàng Nhật trên đường Sutter trong khu Phố Nhật, chẳng ai nhắc tới vụ tiếp xúc ấy – thay vào đó họ nói chuyện về Jack Nicholson, Liêm chưa từng xem phim nào của tay này, và Tây Âu, nơi Liêm chưa từng đến, và các loại sushi, thứ mà Liêm chưa từng ăn trước đây. Tóm lại, mọi câu chuyện đều do Marcus nói, và điều đó cũng tốt với Liêm.
https://thuviensach.vn
Nói chuyện với Marcus thì dễ, vì Liêm chỉ phải nêu câu hỏi. Tuy nhiên, Marcus hiếm khi hỏi cậu điều gì, và trong những lúc Liêm không còn những câu hỏi, sự im lặng ngự trị, và tiếng rì rầm của xe cộ hay tiếng trò chuyện của những thực khách khác trở nên nổi bật một cách khó chịu. Cả hai đều không nói tới Parrish, thậm chí cũng không nhắc gì khi họ về tới căn nhà Victoria và Marcus khui một trong những chai vang đỏ của Parrish, một chai loại Pinot đen mang nhãn Napa Valley. Do chưa từng uống rượu trước đó nên sáng hôm sau khi thức dậy, Liêm cảm tưởng như cái dụng cụ khui rượu hình ruột gà đã xoáy vào trán cậu. Cậu gần như không bò nổi ra khỏi giường và vào phòng tắm, trong đó, khi đánh răng, cậu mơ hồ nhớ hình ảnh Marcus dìu cậu lên cầu thang và đưa cậu vào giường. Không thấy bóng dáng anh ta đâu trước khi đi làm, cậu cho rằng Marcus còn ngủ say.
Ðến tối khi trở về căn nhà Victoria, cậu thấy Marcus đang xem tivi trong phòng khách, mặc áo choàng tắm và mái tóc rối bù. “Bữa nay có thư gởi cho cậu đó,” Marcus nói, tắt tivi bằng bộ điều khiển từ xa. Trên bàn cà phê là một phong thư màu xanh nhàu nát ghi bằng một nét chữ không thể nhầm lẫn, ngòi bút đè mạnh đến độ gần như đâm thủng lớp phong bì mỏng. Ba của Liêm trả lời cho lá thư thứ nhất của cậu, thư được gởi cho cậu ở Trại Pendleton và được chuyển tiếp tới văn phòng tái định cư ở San Diego.
“Cậu không định bóc thư sao?” Marcus nói.
“Không,” cậu lẩm bẩm. “Tôi không nghĩ thế.” Cậu vuốt phong thư giữa mấy ngón tay, không giải thích được cậu e sợ việc thư được gởi đến cũng như trông đợi nó đến như thế nào. Một khi mở thư, cuộc sống của cậu sẽ lại thay đổi, và có lẽ cậu muốn nó cứ y nguyên như thế. Gom hết ý chí, cậu đặt lá thư trên bàn cà phê và ngồi xuống cạnh Marcus trên sofa, ở đó họ cùng nhìn phong bì xanh ấy cứ như nó là một lá thư nặc danh được luồn dưới cánh cửa vào nhà một người đàn ông ngoại tình.
“Họ nghĩ mình nhiễm một chứng bệnh Tây phương,” Marcus nói. “Hay như ba tôi nói vậy.”
https://thuviensach.vn
“Mình hả?” Liêm nói.
“Ðừng nghĩ rằng tôi không biết.”
Liêm cứ nhìn lá thư, chắc chắn rằng ba cậu không viết gì hơn điều cần nói: hãy kiếm tiền và gởi về nhà, giữ mình và sống tử tế. Thông điệp sẽ được nhấn mạnh một lần và rồi một lần nữa, buộc cậu phải đoán ra bất cứ điều gì quá nguy hiểm không thể nói ra bằng vốn từ vựng tối thiểu của ba cậu. Nhưng trong khi ba cậu chưa bao giờ cố tìm ra từ ngữ mới, Liêm thì ngược lại. Cậu ngước lên nhìn Marcus và hỏi một câu mà cậu muốn hỏi từ hôm qua.
“ Candidnghĩa là gì?”
“ Candidà?” Marcus nói. “A, phải. Chộp lén. Nó nghĩa là bị ghi lại bất ngờ, như vào một bức ảnh hay đoạn phim, lúc có ai đó chụp hình cậu mà cậu không nhìn họ. Chữ đó cũng nói về ai đó phơi bày ruột gan. Người nào lương thiện và thẳng thắn.[8]
Liêm hít một hơi dài. “Tôi muốn là người chộp lén.”
“Tôi thích sự thẳng thắn.”
“Ðừng nói nữa,” Liêm nói, đặt tay lên đầu gối Marcus.
Sau đó, cậu cảm thấy mọi chuyện có vẻ diễn biến không tốt đẹp. Thứ nhất, không một món quần áo nào của họ tuột ra êm xuôi như cậu trông đợi, bởi vì bỗng dưng các nút áo và dây kéo nhỏ hơn mức cậu thường biết, và các ngón tay của cậu lại lớn. Cậu có vẻ lóng ngóng và lỗi nhịp. Ðôi khi trong sự nồng nhiệt cậu hành động quá nhanh, và để cứu vãn cho điều đó, hoặc bởi vì bối rối, cậu lại tiến hành quá chậm, đẩy chúng tới chỗ lạc nhịp và khiến cậu phải liên tục xin lỗi vì cái cùi chỏ chỗ này, hoặc cái đầu gối chỗ kia, cho đến khi Marcus nói, “Lạy Chúa, thôi cái trò xin lỗi đi và chỉ hưởng thụ thôi.” Nên cậu cố hết sức thả lỏng và buông trôi bản thân vào trải
https://thuviensach.vn
nghiệm này. Sau đó, cánh tay cậu vòng ôm qua người Marcus, mắt hướng vào lưng anh ta. Liêm không ngạc nhiên với việc cậu chỉ nhớ được chút ít. Thói quen lãng quên của cậu đã ăn quá sâu, cứ như cậu đi qua đời mình triền miên như đi giật lùi qua một sa mạc, quét đi dấu chân mình, chỉ để lại cho cậu những ký ức rời rạc của đôi môi thô ráp ép vào môi cậu, và cảm giác dễ chịu từ sức nặng cường tráng của một người đàn ông.
“Tôi yêu anh,” cậu nói.
Marcus không lăn người lại hoặc quay nhìn ra sau, không đáp lại “Tôi yêu cậu”, và quả thực, chẳng nói gì cả. Tiếng tích tắc từ cái đồng hồ tủ cổ xưa của Parrish mỗi giây lại vang to hơn, và đến lúc tiếng mưa lộp độp trên mái nhà nghe đã rõ thì Liêm đang mò mẫm lóng ngóng với đồ lót của cậu.
“Cậu không thong thả được một chút sao?” Marcus nói, trở mình và gác một chân qua người Liêm. “Cậu không nghĩ mình đang diễn thái quá hả?”
“Không,” Liêm đáp, cố sức đẩy, nhưng không được, cái chân Marcus, từng mài mòn qua bao tiếng đồng hồ trên máy đi bộ và khung đạp tạ. “Tôi phải đi tắm đây, làm ơn lấy cái giò ra.”
“Cậu chỉ bị bất ngờ thôi. Sớm muộn gì cậu cũng nhận ra tình yêu chỉ là một hành động phản xạ ở một số người trong chúng ta.” Marcus vuốt bàn tay Liêm. “Một tuần sau nữa cậu thậm chí không hiểu tại sao cậu nói với tôi như thế.”
“Ðược rồi,” cậu nói, không chắc mình có muốn tin Marcus hay không. “Chắc chắn vậy.”
“Cậu biết còn có gì khác trong tương lai của cậu không?” “Ðừng… đừng cho tôi hay.”
https://thuviensach.vn
“Một năm nữa cậu sẽ là người nghe những gã khác bảo rằng họ yêu cậu,” Marcus nói. “Họ sẽ nói cậu quá đẹp trai không nên sống một mình.”
Marcus kéo cậu lại gần hơn và, trong khi mưa tiếp tục rơi, họ cứ ôm nhau. Bên ngoài một chiếc xe bắt đầu nhấn còi từng đợt, một âm thanh mà bây giờ Liêm hiểu nó có nghĩa rằng ai đó đậu xe kè theo xe khác, nên đã choán hết con đường hẹp trước nhà. Rồi tất cả yên lặng ngoại trừ tiếng đồng hồ, và cậu nghĩ Marcus chắc đã thiếp ngủ cho đến khi anh ta cựa mình và hỏi, “Cậu tính không đọc thư hả?”
Cậu đã quên bẵng lá thư, nhưng lúc này do Marcus nhắc tới, cậu cảm thấy nó ánh lên trong phòng khách đã sụp tối, còn giữ trên mặt giấy của nó vết mồ hôi dầu do ba cậu chạm vào, và có lẽ của cả má cậu nữa, lá thư ấy là món duy nhất cậu sở hữu mà nó thực sự đáng kể.
“Tôi không đời nào đọc cho anh nghe đâu.”
“Tôi sẽ không đời nàođọc cho anh nghe đâu. Ðó là thì tương lai.” “Tôi sẽ không đời nào đọc cho anh nghe lá thư đó.”
“Giờ thì cậu nhỏ nhặt rồi. Vậy thì đừng đọc cho tôi nghe.” “Nhưng tôi sẽ cho anh biết tôi sẽ viết gì.”
“Nếu như cậu muốn thôi,” Marcus nói, ngáp dài.
Cho đến lúc đó, Liêm không hề nghĩ cậu sẽ viết gì cho ba má cậu một khi thư của họ tới tay cậu. Nên cậu ứng biến, trước hết giọng trong thư sẽ quan trọng như nội dung như thế nào. Thư của cậu, anh ta nói, sẽ là một tường thuật từ một thành phố lạ lùng, một thành phố có cái tên Tây Ban Nha, nổi tiếng với những đường cáp treo, đảo Alcatraz, và cầu Golden Gate. Cậu có thể gởi kèm mấy tấm bưu thiếp về những thắng cảnh du lịch, và cậu có thể tả cậu vui thích thế nào khi sống trong một thành phố lớn nơi mà những cư
https://thuviensach.vn
dân không phải gốc Á châu cũng biết Tết Trung thu. Khi những đám người đông nghẹt trong khu Phố Tàu chào mừng Tết âm lịch, cậu cũng ở đó, ném pháo vào chân một con sư tử đang múa, hy vọng gia đình cậu cũng đang làm vậy. Tiếng lào xào của xác pháo dưới chân sẽ nhắc cậu nhớ tuổi thơ ở quê nhà, và lá thư cậu sắp viết sẽ nhắc cậu nhớ tới những lúc gia đình quây quần quanh ba cậu khi ông to giọng đọc, một lá thư nhân dịp nào đó từ một người bà con xa. Cuối thư Liêm có thể bảo ba má cậu đừng lo cho cậu, bởi vì, cậu sẽ viết, con đang làm việc cật lực để kiếm tiền, con còn kết bạn nữa. Và tụi con sống trong một ngôi nhà màu hoa cà.
Cậu nghe nhịp thở lên xuống đều đặn của Marcus, và, e rằng Marcus đang chìm vào giấc ngủ, cậu không thể kềm chế mình đừng hỏi câu hỏi mà cậu muốn nêu ra từ bữa trước. “Nói tôi nghe coi,” cậu nói. Mắt Marcus nhấp nháy và mở ra. “Tôi có tốt không?”
Một làn mưa bụi vỗ vào cửa sổ, âm thanh của tối thứ Sáu vào một ngày mưa. “Có đấy,” Marcus nói, nhắm mắt lại. “Cậu rất tốt.”
Ít nhất, cậu có thể viết thư về nhà đến cỡ này.
Sau khi Marcus đã ngủ, Liêm chuồi khỏi giường và vào phòng tắm, trong đó cậu đứng dưới vòi nước nóng một hồi lâu tới nỗi cậu gần như ngất xỉu vì sức nóng và hơi nước. Cậu đã mặc quần dài và đang chải đầu thì nghe điện thoại reo trong phòng khách.
“Tôi chỉ muốn xem hai cậu thế nào,” Parrish nói, lớn giọng và vui vẻ, cứ như ông đang la cà uống rượu ngoài phố.
“Tốt thôi,” Liêm nói, nhìn lá thư trên bàn cà phê. “Không có gì đặc biệt.” Cậu không thích nói chuyện qua điện thoại, ở đó ngôn ngữ thân thể chẳng giúp cậu diễn tả cho người khác hiểu, và cậu giữ cho câu chuyện ngắn gọn. Parrish không có vẻ gì phiền lòng, và chúc ngủ ngon cũng ồn ào như khi nói xin chào.
https://thuviensach.vn
Liêm ngồi xuống sofa và cẩn thận bóc lá thư. Khi cậu mở lá thư bằng giấy pơ-luya mờ đục trong ánh đèn, cậu lại nhận ra nét chữ của ba cậu, lóng ngóng và nhiều nét vòng móc, cậu đọc từng chữ cũng vất vả như khi ba cậu viết nó ra vậy.
Ngày 20 tháng 9 năm 1975
Con yêu,
Ba má nhận được thư con hôm qua. Mọi người đều mừng khi biết con còn sống và khỏe mạnh. Cả nhà cũng khỏe. Hè này, mấy chú mấy cậu với anh em bà con được học cải tạo với mấy lính ngụy binh nhì khác. Ðảng khoan hồng cho tội lỗi của họ. Mấy chú mấy cậu mày rất biết ơn, họ hiến nhà cho cách mạng. Cuộc sống nhà mình bây giờ vui lắm vì mấy chú mấy cậu với mấy anh em bà con của con, cùng vợ con của họ đều tới sống trong nhà mình. Cán bộ biểu nhà mình là mọi người sẽ xóa bỏ quá khứ và xây dựng lại tổ quốc vinh quang!
Khi rảnh, con cho ba má biết tin tức ở Mỹ. Chắc nó còn tội lỗi hơn Sài Gòn luôn, nên hãy nhớ những lời cán bộ nói. Người cách mạng phải sống đời văn minh, lành mạnh, đúng đắn! Ở nhà ai cũng thường nghĩ về con. Má con rất nhớ con, và nói bả thương con. Ba cũng vậy.
Ba của con
Sau khi đọc lá thư lần nữa, cậu gấp nó lại, nhét trở vào phong bì, và để nó nằm trơ trên bàn cà phê. Bồn chồn, cậu đứng dậy và bước tới khung cửa sổ lồi nhìn xuống con phố và lề đường, không bóng người vào giờ khuya thế này. Ánh đèn trong phòng đã biến kính cửa sổ thành tấm gương, chồng hình ảnh của cậu lên khung cảnh bên ngoài. Khi cậu giơ tay lên, ảnh phản chiếu của cậu cũng giơ tay, khi cậu chạm vào mặt mình, ảnh của cậu cũng làm vậy, và khi cậu rờ theo nét cong của má và đường quai hàm, thế là, ảnh
https://thuviensach.vn
trong gương cũng làm như vậy. Rồi, sao cậu không nhận ra mình? Và tại sao cậu lại nhìn xuyên qua chính mình ra con phố tối đen bên ngoài?
Những giọt mưa trên mặt kính điểm lốm đốm trên bóng của khuôn mặt cậu. Cậu chờ bên cửa sổ nước chảy lòng ròng trong vài phút cho đến khi thấy một dấu hiệu của sự sống, hai người đàn ông rảo bước dọc con phố, vai họ thỉnh thoảng cọ vào nhau và những bàn tay thọc sâu trong túi áo khoác. Ðầu họ, cúi thấp trước làn mưa bụi, hơi nghiêng vào nhau khi người này lắng nghe người kia nói. Có lúc cậu đã nghĩ hai người có thể chỉ là bạn bè. Bây giờ cậu thấy họ rất có thể là tình nhân.
Khi họ đi qua ngọn đèn đường, một trong hai người nói gì đó khiến người kia bật cười, đầu người đó ngửa ra sau nên khuôn mặt rất bình thường của ông ta được soi sáng trong một giây. Ðôi mắt của ông ta hướng tới Liêm trong khoảnh khắc đó, và Liêm, nhận ra rằng từ dưới phố người ta có thể thấy rõ cậu, và tự hỏi mình đã tạo ra hình vóc kiểu nào, ngực trần và hai tay chống nạnh, tóc vuốt ngược ra sau. Ðột nhiên người đàn ông ấy giơ tay lên, như để nói xin chào. Khi người bạn kia cũng ngẩng nhìn lên cửa sổ, Liêm vẫy tay lại, và trong một giây lát chỉ có ba người bọn họ, chia sẻ một mối nối kết thoáng qua. Rồi hai người kia đi tiếp, và rất lâu sau khi họ đã biến vào bóng tối, cậu vẫn đứng đó với bàn tay tì vào cửa sổ, tự hỏi liệu có ai, sau những rèm và màn cửa, đang quan sát họ chăng.
Chú thích:
[4] (Chữ Tây Ban Nha) peluquería: tiệm hớt tóc; Chuy es Maricón: Giêsu là pêđê; ritmo latino: nhịp điệu Latinh; dentista: nha sĩ; Iglesia de Cristo: Giáo hội Chúa Giêsu; Viva La Raza: La Raza muôn năm. (ND)
[5] Ðường Ðồng Khởi ở TP. Hồ Chí Minh ngày nay. (BT) [6] (Chữ Tây Ban Nha) Ở đây nói tiếng Tây Ban Nha. (ND)
https://thuviensach.vn
[7] Candid photography: loại ảnh chụp mà nhân vật trong ảnh không biết được khoảnh khắc mình bị hay được chụp. Còn gọi đây là ảnh đời thường vì sự tự nhiên của đời sống được thể hiện trọn vẹn. (BT)
[8] Tác giả dùng chữ candidvốn có hai nghĩa trên (1) (ảnh chụp) bất ngờ, lén, bộc lộ chân tướng; và (2) trung thực. (ND)
https://thuviensach.vn
NGƯỜI TỊ NẠN
Việt Thanh Nguyễn
www.dtv-ebook.com
Dịch Giả: Phạm Viêm Phương
Vụ Ghép Tạng
Nhiều chuyện bất ngờ đã xảy đến cho Arthur Arellano, và việc cải biến nhà xe khiêm tốn của ông thành nhà kho, chất đầy những hộp chồng lên những thùng các tông đựng hàng giả, hoàn toàn không phải là chuyện đáng ngạc nhiên nhất. Ðược ghi trên các thùng là những cái tên như Chanel, Versace, và Givenchy, những hãng thiết kế các xa xỉ phẩm nằm ngoài tầm với của Arthur và vợ ông, Norma. Sự có mặt của chúng làm Arthur bồn chồn, và như thế là trong cả tuần lễ sau khi Louis Vũ chuyển mớ của cải ngoài dự kiến này tới chỗ vợ chồng Arellano, Arthur rơi vào cảnh lặng lẽ ra khỏi căn nhà thuê của mình vào những giờ giấc bất thường, rón rén đi dọc theo con đường dẫn lát sỏi qua chiếc Chevy Nova của mình, và mở cửa nhà xe để ngẫm nghĩ về mớ hàng hóa mà bây giờ mình đang sống cùng.
Ngay cả trong bóng đêm, Arthur cũng cưỡng lại sự thôi thúc muốn nhét túi một chiếc ví da hiệu Prada hoặc một cặp nút cổ tay áo hiệu Yves Saint Laurent, dù rằng mỗi khi kết thúc những cú điện thoại, Louis đều nói, “Cứ lấy tự nhiên.” Nhưng Arthur không lấy tự nhiên được, vì ông lo lắng với một cảm giác dai dẳng về tội lỗi và một nỗi sợ hãi trước pháp luật, những bối rối mà Louis cảm thấy trong suốt bữa trưa hàng tuần của họ tại Brodard’s, nơi mà, với sự giới thiệu của Louis, Arthur ngày càng có cảm tình đặc biệt đối với thức ăn Việt. Theo Louis, Brodard’s là điển hình tuyệt nhất của kiểu nấu nướng như thế tại Little Saigon[link=#_ftn9] [9] [/link]thuộc Quận Cam. Khi Arthur ăn món đầu tiên trong lần gần đây nhất họ ghé quán đó, một món rau trộn mọng nước với bò tái xắt mỏng như tờ giấy và ướp chanh với sả, một món na ná với món gỏi ceviche mà ông
https://thuviensach.vn
thích, ông tự hỏi món này ở Việt Nam có mùi vị thế nào. Louis thường diễn giải các món ở Brodard’s thì đậm đà hơn so với món đó tại chính quê nhà, nhưng khi bồi bàn dọn sạch đĩa, Louis đổi đề tài ngay: Tại sao việc làm ăn của hắn có lợi hơn là gây hại.
“Nó giống như người đẹp với kẻ xấu,” Louis nói. “Người đẹp không thể để lộ ra rằng họ cần những người xấu hơn họ. Nhưng không có người xấu thì người đẹp trông sẽ không còn đẹp nữa. Tôi nói đúng không? Ðồng ý là tôi đúng đi.”
Arthur nhìn món kế tiếp mà bồi bàn đang đặt xuống bàn, sáu con bồ câu non được bày hấp dẫn trên một lớp rau diếp. “Tôi nghĩ cậu đúng đấy,” Arthur nói, với hiểu biết về chủ nghĩa tư bản giỏi lắm cũng chỉ ở mức sơ sài. “Mấy con này coi ngon dữ.”
“Bài học rút ra từ câu chuyện là thế này,” Louis nói, chọn một con bồ câu cho mình. “Càng có nhiều đồ giả thì những người không đủ tiền mua đồ thiệt lại càng thích. Và người ta càng mua đồ giả thì đồ thiệt lại càng có giá trị. Bên nào cũng thắng.”
“Vậy là cậu nhìn mọi chuyện theo kiểu đó,” Arthur nói, cầm cái chân mỏng mảnh của con bồ câu nhấc lên. “Nhưng cậu không thấy là cậu chỉ nói những điều cậu muốn nghe sao?”
“Dĩ nhiên tôi đang nói với chính mình những điều tôi muốn nghe!”, Louis lắc đầu với vẻ giả vờ bực bội, mắt mở to sau cặp kính Dolce & Gabbana. “Tụi mình ai cũng tự nói những điều mình muốn nghe hết. Vấn đề là thế này, Arthur: Ông có muốn nghe những điều tôi đang tự nói với chính mình không?”
Quả thực Arthur muốn nghe những câu hỏi tu từ mà Louis nêu ra trong mấy tháng qua. Chẳng hạn, Louis có nói, xem cặp mắt kính của hắn đi, được làm trong chính cái xưởng chế tạo gọng mắt kính D & G thiệt, nhưng
https://thuviensach.vn
làm ngoài giờ, với những công nhân ma mà công việc lao động trong bóng tối của họ đem lại một sản phẩm với giá rẻ hơn mức bình thường hai trăm đô. Với những người có túi tiền eo hẹp, bộ cái quyền sở hữu một phong cách Ý nào đó không quan trọng hơn bất kỳ khoản lỗ nào đó của Dolce & Gabbana sao? Hay, Louis nói, nghĩ về nhãn hàng Montblanc đi. Arthur chưa bao giờ nghĩ tới Montblanc và không biết đó là một hãng sản xuất bút cho đến khi được Louis nói cho biết. Bộ nó khốn khổ hơn những công nhân của nó ở thị trấn Văn Cảng, Trung Quốc, Louis nói, nếu đám công nhân đó không làm được hàng nhái theo những bản gốc đắt đỏ sao? Tuy Arthur chẳng biết Văn Cảng ra sao, nhưng ông cũng mường tượng ra một hình ảnh mờ nhòe của Trung Quốc xa lạ, tóc đen, mắt hí, và lanh lợi, ít nhiều giống với Louis.
“Tôi đang nghe điều cậu nói đây,” Arthur nói, nhìn Louis ăn con bồ câu kẹp giữa hai ngón cái và hai ngón trỏ, còn hai ngón út của hắn chỉ lên trên và ra phía ngoài. “Nếu không đồ của cậu đâu có nằm trong nhà xe của tôi.”
“Hy vọng rằng ông đang lắng nghe chứ không nghe suông,” Louis nói. “Tiền thì phải kiếm, Arthur à. Thật nhiều tiền nữa kìa.”
Nhưng với tất cả câu chuyện của Louis về lợi nhuận, Arthur và Norma đã từ chối khoản hoa hồng mười phần trăm mà Louis đề nghị. Cho Louis mượn nhà xe là một cử chỉ thể hiện sự cảm thông khi Arthur nhìn thấy hình ảnh căn hộ của hắn, một cái ổ chỉ có một phòng ngủ kiêm luôn nhà kho. Ðó cũng là cách mà Arthur trả ơn cho bố Louis, người đã cứu mạng Arthur năm ngoái, tuy chỉ tình cờ. Khi Louis gặm con bồ câu, Arthur một lần nữa lại xúc động với ký ức về Men Vũ, một người mà ông chưa hề gặp.
“Cứ để đống thùng đó của cậu trong nhà xe của tụi tôi,” Arthur nói. “Như tôi đã nói, đó là món quà của tụi tôi.”
Trước khi Louis kịp trả lời, điện thoại di động của Arthur kêu u u. Tin nhắn là của Norma: Lấy đồ giặt khô về. Sau khi Louis chồm qua để đọc mẩu tin
https://thuviensach.vn
nhắn, hắn thọc vào vai Arthur và nói, “Ông cũng nên mua ít hoa cho Norma”. Arthur định hỏi nên mua loại hoa nào về cho vợ cùng với mớ quần áo, nhưng bồi bàn đã bưng ra chuối đốt rượu, món tráng miệng ưa thích của Arthur, khiến ông quên bẵng việc đó. Mặc dù suốt buổi chiều ông cứ có cảm giác quẩn quanh rằng ông cần phải làm việc gì đó, nhưng không nhớ được đó là việc gì. Bây giờ, trong tâm trí ông chỉ nhìn thấy người bồi bàn châm lửa cái ve rượu rum to bằng cái đê khâu và trút món rượu bốc cháy ấy vào mớ chuối, một cảnh tượng luôn hấp dẫn ông.
Ðiều bất ngờ nhất xảy đến cho Arthur Arellano, và căn nguyên đẩy đưa ông đến với Louis Vũ, là vấn đề với lá gan của ông, một bộ phận cơ thể mà Arthur rất ít nghĩ tới so với cái mũi, hoặc ngón cái của mình, hay thậm chí bàn tay phải, toàn những thứ mà không có chúng ông vẫn sống được, dù sẽ không thoải mái cho lắm. Khi lá gan của ông bắt đầu bước vào giai đoạn cuối chừng mười tám tháng trước, Arthur không hề có sự chuẩn bị về mọi mặt ngoại trừ việc mua bảo hiểm sức khỏe, nhờ lòng tốt của Martin, đứa em trai và cũng là người thuê ông làm việc. Chế độ bảo hiểm này chi trả cho việc thăm khám của bác sĩ P. K. Viswanathan. Ông này giải thích rằng lá gan của Arthur là nạn nhân ngẫu nhiên của một chứng bệnh mà Arthur chỉ hiểu được những phần riêng biệt của nó: viêm gan, tự động, miễn dịch. Xoay xoay trên ghế ngồi trong khi trò chuyện, ông bác sĩ nói, “Viêm gan tự miễn nghĩa là cơ thể của ông không còn nhận ra lá gan của ông là một bộ phận của nó nữa. Khi đó, cơ thể ông tự động thải bỏ lá gan của ông”.
“Cơ thể tôi làm vậy được sao?”
“Cơ thể ông là một cơ quan phức tạp, ông Arellano ạ.” Ông bác sĩ thôi xoay xoay ghế và nghiêng người về phía trước, hai cùi chỏ chống xuống tấm lót để viết trên mặt bàn. “Nó có thể làm được bất cứ việc gì nó muốn.”
Arthur rời phòng khám của bác sĩ Viswanathan, lòng tin chắc cái chết đang chực chờ mình. Người ta cần nhiều bộ phận cơ thể hơn số có sẵn, và Arthur chưa bao giờ giành được bất cứ thứ gì có giá trị trong cuộc đời mình. Ông
https://thuviensach.vn
là kẻ thua cuộc mãn tính trong mọi vụ cá cược lớn nhỏ, từ những vòng đua ngựa ở Santa Anita tới bài Pai Gow [10] tại những bàn trả-tiền-chơi-liền trong khu Commerce Casino. Ðỉnh điểm trong sự nghiệp cờ bạc của ông là việc mất luôn căn nhà trệt biệt lập màu hồng ở Huntington Beach, cách bờ biển mấy dặm, trong đó ông với Norma đã đầu tư mười bảy năm trả góp thế chấp. Sau khi ngân hàng lấy căn nhà trệt đó vào năm thứ hăm chín của cuộc hôn nhân giữa hai người, Norma rời bỏ ông để sống với một đứa con gái của họ còn Arthur dọn tới nhà của Martin ở Irvine. Chính tại bệnh viện đại học ở đó, không lâu sau, ông biết được bệnh tình của mình, điều này giải thích cho các vấn đề ông đang gặp phải – đau khớp, mệt mỏi, ngứa và phát ban ngoài da, buồn nôn và ói mửa, mất cảm giác thèm ăn, tất cả những thứ mà Arthur nghĩ là do sự căng thẳng của các món nợ cờ bạc trong mấy năm vừa qua – chỉ là những triệu chứng của một sự mục ruỗng sâu hơn nhiều. Nhưng trong các dấu hiệu này, điều làm Norma chú ý khi bà đến thăm ông ở nhà Martin sau cuộc chẩn đoán là chứng vàng da, sắc vàng lấn dần trên da của ông khiến bà phải kêu lên, “Sao ông không giữ gìn sức khỏe vậy, Art?”
Trong thời gian ngồi ở phòng khách đầy nắng của Martin, Arthur đã hạ mình hai lần, lần thứ nhất là việc nắm tay Norma và, bất ngờ, bật khóc, và lần thứ nhì là việc thú nhận bán non hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của ông. Norma không hỏi ông tiêu tiền thế nào, và Arthur không đủ can đảm để nói với bà về Pechanga, sòng bạc của dân Mỹ bản địa ở Temecula – nơi ông đã mất bảy ngày trong đời, cùng với tất cả tiền bạc. Norma im lặng một lúc lâu, nhưng khi bà ngồi xuống, ông biết rằng bà đã chấp nhận giúp ông trong lúc bệnh tật. Khi bà đặt một bàn tay lên đầu gối ông, tay kia lên má, ông cũng hiểu rằng bệnh viêm gan tự miễn là cách Chúa kín đáo đưa họ về lại bên nhau. Ðây là mối phúc mà ông có thể tìm thấy trong cái vẫn được coi là họa, nỗi sợ hãi cứ bắt ông thức bao đêm, nhìn đăm đăm vào bóng tối và tự hỏi rồi điều gì sẽ đến. Ðó là lần đầu tiên ông thấy lo sợ cho sinh mạng của mình.
https://thuviensach.vn
Cơ hội duy nhất giúp ông sống sót là cấy ghép. Ông mơ màng về chuyện đó theo kiểu ông thường mơ mộng tới việc trúng số, tưởng tượng ông sẽ trở thành một con người mới như thế nào, một người tử tế hơn, đáng tin cậy hơn, làm việc siêng năng hơn, một mẫu người khiến Norma tự hào. Khi nghĩ đến lá gan – một bộ phận có thể cứu mạng mình, tất nhiên ông cũng muốn biết kẻ sẽ hiến gan cho mình là ai. Trong thời gian chờ đợi tin tức về một lá gan, ông với Norma tranh luận xem họ có nên hỏi xin lai lịch của người hiến tạng không. Ðôi khi, bác sĩ Viswanathan giải thích, người hiến tạng hoặc gia đình của họ cũng công khai danh tính của mình. Tuy nhiên, sau cùng, Arthur và Norma quyết định cứ để y học hiện đại giữ nguyên cái vẻ bí ẩn và kỳ diệu của nó. Vậy nên không phải do lựa chọn mà do tình cờ, họ đã khám phá được nguồn gốc của lá gan, một năm sau cuộc phẫu thuật, khi Arellano trở lại làm kế toán cho Martin tại công ty Arellano & Sons, dịch vụ xây dựng vườn cảnh do Arturo, cha của Arthur, được mọi người biết dưới tên Big Art, sáng lập. Sự thật được tiết lộ qua một phong bì lớn giấy cứng gởi từ bệnh viện, bỏ trong thùng thư của ngôi nhà kiểu nông thôn Tây Ban Nha mà Arthur và Norma thuê lại của Martin với mức chiết khấu đáng kể. Bên trong phong bì là bản khảo sát về chất lượng cuộc sống với tên người hiến tạng in cạnh tên của Arthur, có lẽ do một lỗi nào đó trong máy tính của bệnh viện mà họ và vài chục người khác cuối cùng đã phát hiện ra khi vụ tai tiếng này xuất hiện trên mặt báo. Khi nhìn thấy tên mình, Arthur cảm thấy một cơn rúng động chạy qua lá gan. Ban đầu ông nghĩ là mình bị ảo tưởng, nhưng khi ông chuyển bản khảo sát cho Norma, bà cũng thấy cái tên đó.
“Có thể là người Hàn Quốc chăng? Giống nhà Park?” Bà hỏi, ám chỉ cửa hàng giặt khô mà họ quen ghé. Ông bà Park, di dân từ Incheon qua ngả Buenos Aires nói được tiếng Tây Ban Nha giỏi hơn nhà Arellano của ông bà. “Nếu không phải Hàn Quốc, có lẽ đó là người Nhật.”
Về phần mình, Arthur chẳng biết gì cả. Ông rất vất vả trong việc phân biệt quốc tịch của những cái tên Á châu. Ông cũng khổ sở vì một chứng loạn thị
https://thuviensach.vn
có liên quan, và rất phổ biến, điều khiến ông thấy mọi người Á châu đều giống nhau. Trong lần đầu gặp vợ chồng nhà Park, ông không biết họ là người Hàn Quốc hay người Nhật Bản. Thay vào đó, ông trở lại với sự lựa chọn mặc nhiên của mình khi chạm mặt một vấn đề rắc rối quanh việc nhận diện lai lịch của người Á châu. “Có nhiều người Hoa quanh đây lắm,” Arthur nói. “Tôi dám chắc ông này là người Hoa.”
Thực tế, Men Vũ là người Việt Nam, góa vợ và đã có cháu, chết trong một vụ xe tông rồi bỏ chạy, chuyện mà Norma biết được qua dò tìm trên mạng. Khi đối diện với người thật và tên thật, Arthur miễn cưỡng kết luận rằng ông không thể tiếp tục vờ như không biết nguồn gốc lá gan hiện đang ở trong cơ thể mình. Chừng nào người hiến tạng vẫn trong tình trạng ẩn danh, Arthur sẽ không cảm thấy mắc nợ người đó theo bất cứ kiểu nào. Nhưng bây giờ, khi đã vô tình biết được, Arthur nghĩ cần phải đi tìm ai đó, bất kỳ ai, có quan hệ với Men Vũ để ông có thể nói lời cám ơn vì đã cứu mạng ông. Việc tìm ra người đó phức tạp hơn Arthur tưởng, vì ông không có số điện thoại của Men Vũ. Ông đã phải gọi cho mọi số điện thoại được đăng ký tên Vũ ở Quận Cam, và có đến hàng trăm số như thế. Trong đó có những người không nói được tiếng Anh, có người gác máy ngay câu đầu tiên, và có những người còn thốt ra những câu bất nhã bằng một thứ tiếng xa lạ, sau cùng Arthur tìm được Louis Vũ, anh này lắng nghe mà không ngắt lời rồi nói, giọng chỉ hơi nặng một chút, “Tôi là người ông đang tìm đây, ông Arellano.”
Louis phát âm tên riêng của mình thành “Louie,” mà như hắn diễn tả, “theo kiểu Pháp,” và để gặp được nhau, hắn cho ông một địa chỉ cách chỗ ông chừng mười phút, ở Fountain Valley, khu ngoại ô dễ chịu với những căn nhà xây đồng loạt, chung cư, và những dãy căn hộ trải dài mà Arthur luôn ngưỡng mộ với khẩu hiệu thẳng thắn và khiêm tốn của nó, vốn là hiện thân cho những gì Arthur muốn có cho mình, Norma, và con cái của họ. Những chữ đơn sơ ấy được in trên khối đá đặt trên một giải phân cách ở ngoại vi
https://thuviensach.vn
thành phố, chào đón Arthur, Norma, và những ai tiến vào Fountain Valley với lời hứa hẹn: “Một nơi dễ chịu để sống”.
Chỉ khi vào đến phòng khách nhà mình tối hôm đó sau một buổi chiều mệt mỏi với việc cân đối sổ sách ở văn phòng Arellano & Sons thì Arthur mới nhớ ra điều ông đã quên, ngay khi Norma mở khóa cửa trước. Ông tắt chương trình truyền hình tường thuật Giải vô địch xì phé, và khi giải thích rằng ông đã quên bẵng việc chạy xuống tiệm giặt Park Avenue Dry Cleaning, ông nhận ra vẻ không vui của bà qua kiểu bà thốt ra “hmmm” mà không nhìn vào mắt ông, âm thanh ấy rung rung đâu đó sâu trong họng bà. Bà cũng “hmmm” khi ông hỏi bà nấu bữa tối món gì, rồi lại phát ra âm đó khi ông hỏi bà bữa tối mai có gì trong khi bà rửa chén đĩa. Sau cùng, chỉ đến khi ông vuốt lưng bà trên giường, khi đèn đã tắt, thì bà mới nói ra cái gì đó khác.
“Ðể tôi nói cho ông rõ vài điều nghe, Arthur.” Cái gối mà bà úp mặt vào đó chẹn bớt tiếng nói của bà. “Ðừng động vào tôi, và đừng tới gần tôi quá.”
“Nhưng…”
“Trong đời mình, nếu ông nghĩ tới tôi chỉ trong một lát thôi thì có chết không? Nếu ông làm cái gì đó cho tôi thì có chết không, chỉ để biết ông cảm thấy việc đó ra sao thôi?”
“Ðó là do lá gan,” ông nói, một lý do bào chữa rất tốt cho ông trong năm qua. “Tôi vẫn đang cố quen với nó.”
“Không, không phải vậy đâu. Ông đã hoàn toàn bình phục và khỏe mạnh như thường. Ðó mới là vấn đề.” Bà vẫn quay lưng về phía ông, và nhịp thở của bà nặng nhọc, giống kiểu thở khi bà leo lên nhiều hơn hai tầng lầu. “Art, ông năm mươi mà cư xử cứ như mười lăm tuổi. Bây giờ thì ông ngủ đi và để tôi yên.”
https://thuviensach.vn
Arthur kê cằm lên vai Norma và thì thào, “Không phải chính bà nói rằng mình phải nói chuyện với nhau nhiều hơn sao?”
“Arthur Arellano.” Norma hất cằm ông ra. “Hoặc ông ngủ ngoài phòng khách, hoặc là tôi.”
Nhưng thân thể trung niên của Arthur không còn hợp với sofa, và sau một đêm khổ sở, sáng hôm sau Arthur phải gọi điện cho đứa em xin tá túc. Trả lời điện thoại là Elvira Catalina Franco, quản gia người Guatemala của em trai ông, bà này chào hỏi ông theo kiểu đã được Carla, vợ của Martin, dạy dỗ: “Nhà của Arellano đây, tôi giúp được gì không?”. Nhưng khi đứa em trai lên tiếng chào trong máy, Arthur nhận ra ông không thể hạ mình năn nỉ được nữa, vì ông có thể tưởng tượng ra cái nhìn, ánh mắt, đôi má, và đôi môi không tán đồng dúm lại bên cái mũi, bị siết chặt lại với nhau bằng những bắp thịt như sợi dải rút trên mặt Martin.
“Anh gọi chỉ để chào buổi sáng thôi,” Arthur nói, tránh ánh mắt của Norma khi bà bước vào bếp. “Chào buổi sáng nghe.”
Martin thở dài. “Ðây không còn là thời trung học nữa, Artie. Anh quá già để gọi điện giỡn chơi rồi.”
Ngay cả khi Martin đã gác máy, Arthur vẫn vờ như đang tiếp tục câu chuyện, vì Norma đang làm như không có ai trong căn bếp này khi bà nướng hai lát bánh mì, rót cho mình một tách cà phê Yuban, đọc tựa đề trên tờ Register, và cười khùng khục theo tay dẫn chương trình nhạc của đài KDAY. Arthur loanh quanh trong góc, cảm thấy mình chỉ là một bóng ma, đã chết, chỉ được Norma thừa nhận khi bà lướt qua chỗ ông rồi đi ra cửa, nói vọng lại, “Nhớ uống thuốc đó.”
Ông tìm thấy những chai thuốc màu cam mờ đục và một ly nước lọc ở chỗ thường lệ, xếp trên bàn phấn trong phòng ngủ. Ðầu tiên ông uống thuốc lợi tiểu, nhấp nước trong ly và thở dài. Ông ghét phải uống hầu hết mớ thuốc
https://thuviensach.vn
này, tuy rằng viên thứ nhì, để giảm huyết áp, là cực kỳ cần thiết, cũng như viên thứ ba, thuốc ức chế phản ứng miễn dịch vốn giúp cơ thể già lão của ông sống hòa bình với một lá gan thuộc độ tuổi còn lớn hơn. Bác sĩ Viswanathan có nói rằng luôn có nguy cơ thải loại, và cảm giác khó chịu sinh ra từ đó cứ đè nặng Arthur. Ðó như một lời nhắc nhở hàng ngày về thứ xa lạ trong người ông. Cảm giác ấy cứ lặp đi lặp lại đến bốn lần qua từng viên thuốc mà ông uống, ngay cả viên thuốc thứ tư và là viên cuối cùng mà ông ít nhiều hứng thú, thuốc chống trầm cảm. Nó hữu hiệu trong việc bào nhẵn những mép cạnh cảm xúc thô ráp của ông, nhưng nó không đủ làm ông thỏa mãn như những loại thuốc giảm đau mà ông uống trong mấy tháng ngay sau cuộc cấy ghép. Những biến chứng của căn bệnh viêm gan tự miễn khiến da ông trở nên sần sùi như bông vải khi sờ vào. Thuốc chống trầm cảm chỉ phục hồi trong ông một cảm giác về tình trạng bình thường, và Arthur luôn tự hỏi vì sao ông phải cần một viên thuốc như thế?
Cách cư xử của Martin buổi sáng hôm đó trong văn phòng khẳng định với Arthur rằng ông đã sáng suốt khi không nhờ nó giúp đỡ. Văn phòng nằm trong nhà dành cho khách của Martin, một căn nhà trệt cách biệt với nhà chính bằng một hồ bơi được làm sạch bởi một thiết bị tự động trông giống con cá đuối, giúp giữ cho nước có màu xanh như ngọc. Arthur vừa bật máy vi tính và bắt đầu ngẫm nghĩ về cuộc chơi xì dách buổi sáng của ông thì Martin bước vào, ngồi lên mép bàn của Arthur bày đầy những đống biên nhận và hóa đơn chưa vô sổ, và bắt đầu kể lể chi tiết về kỳ nghỉ của gia đình cậu ta ở khu Lake Arrowhead cuối tuần đó. “Chơi môtô nước,” Martin nói. “Bữa sáng trễ có sâm banh. Thịt bò thăn. Những hoàng hôn đỏ hồng.” Ít nhất, đó là điều Arthur nghe được, văn phòng này ảnh hưởng tới thính lực của ông, với mọi thứ từ mấy kẹp giấy bằng đồng tới những giá gắn đèn kiểu art deco đều nhắc ông cái em trai ông sở hữu mà ông không có, công ty Arellano & Sons, được Big Art cho một mình Martin thừa kế khi Arthur lộ rõ những thói quen xấu trước bố ông.
“Còn cuối tuần của anh ra sao?” Martin hỏi. “Anh với chị Norma thế nào?”
https://thuviensach.vn
“Tụi anh bình thường.” Arthur ngắm nghía màn hình vi tính, trong đó ông có cơ hội tăng gấp đôi tiền đặt trên một đôi mười. “Bọn anh ổn cả.”
“Em chỉ chợt nghĩ là nên hỏi thôi.” Khi Martin xoay cái đồng hồ bạch kim trên cổ tay, Arthur thấy những vệt đất đen dưới móng tay của cậu em. Arthur nghi Martin cố tình để bụi đất ở đó để chứng tỏ cậu ta dám ra ngoài với nhóm thợ tạo phong cảnh để xén vài hàng giậu mỗi tuần một lần, một dấu hiệu khác của tính thánh thiện vốn khiến Martin giao phó, hay có lẽ là hành hạ, Arthur với công việc kế toán. “Anh biết không, Norma nói với cô thợ làm móng chân, cô này kể với Elaine, cô đó lại nói cho má cô ấy, bà này nói với em. Em đâu có đi tìm biết chuyện này, Artie. Em chỉ nghe được nó vì nó sờ sờ ra đó.”
“Anh rất quý sự quan tâm của em.” Arthur tăng gấp đôi tiền cược và rút được một con già với một con xì, một kiểu vận may vốn chưa từng xảy ra khi ông chơi xì dách ở sòng bài. “Nhưng có thể cô thợ làm móng nói một điều gì khác với Elaine, cô này nói gì đó hơi khác đi với Carla, cô ấy lại nói gì đó hơi khác đi nữa với em, tới khi em nghe được thì điều gì đó đã khác xa so với mọi chuyện thực tế.”
Martin thở dài, ho, và liếc nhìn đồng hồ. “Mình là anh em mà, Arthur,” cậu ta nói, nhổm lên khỏi cái bàn, nó kêu cọt kẹt nhẹ nhõm. Ðến cửa, Martin ngừng lại, như để nói gì khác nữa, rồi bỏ đi, sự thiếu vắng trọng lượng đáng kể của cậu thật rõ, một mảnh cắt tưởng tượng mà thân thể của Arthur có thể khớp vào đó. Theo bác sĩ Viswanathan, người hiến tạng có thể có kích cỡ và trọng lượng tương tự như Arthur, và từ đó, trước khi biết được về Men Vũ và gặp gỡ Louis, Arthur đã mường tượng rằng người hiến tạng cũng giống ông ở nhiều mặt khác nữa: trung niên và tóc ngả bạc, có dòng dõi Mexico mà chỉ còn nhớ được mơ hồ qua lời truyền miệng của các ông bà xa xưa với những khuôn mặt giống những bức tượng trên đảo Easter, dễ rơi vào những cám dỗ của những tiệc tự phục vụ bảy-đô-la ăn-thả-ga của người Hoa và thứ bánh rán phủ đường nhân mứt mâm xôi, một chân dung phác
https://thuviensach.vn
họa cũng hợp với Martin. Liệu Martin có cho Arthur một bộ phận dư của cậu ta không? Một quả thận, chẳng hạn, hay chút tủy? Liệu Arthur có cho Martin những món đó không? Những câu hỏi cứ quấy rối Arthur suốt ngày, và rồi tối đó trong căn hộ của Louis, ông đã có câu trả lời thành thật nhất mà ông có thể dành cho người bạn.
“Tôi nghĩ vậy,” Arthur nói. “Có thể, tôi nghĩ mình thực sự có thể.”
Những lóng xương, mẩu vụn và lá rau héo còn lại sau bữa tối của họ nằm trên cái bàn nhỏ trong những hộp xốp, được thảy trước cửa nhà Louis mỗi tối bởi cậu con mới lớn của một bà góa lo việc nấu ăn cho cỡ hai chục tay độc thân. Bà ta dùng một dàn lò bốn miệng bếp trong căn bếp của mình để chế biến những món mà Louis nói là những tuyệt phẩm nhỏ, cá trê kho tộ thơm lừng, gà tơ xào xả ớt, một đĩa trứng chiên với nấm và hành lá, rau muống xào tỏi, mọi thứ được chấm vào một chén nước mắm đậm đà vốn là món cốt tủy của nghệ thuật nấu nướng Việt Nam, một thứ ủ chắt từ cá có màu của buổi bình minh được điểm vài lát ớt xắt. Khi no nê, Louis thở dài khoái trá và nói, “Giống như bị trúng đạn vậy. Không ai thực sự biết mình sẽ làm gì cho đến khi đạn bay ra.”
“Thực đó, tôi có thể,” Arthur nói. “Cho dù tôi không chịu nổi nó, nhưng nó vẫn là em tôi.”
“Khi ông không phải làm việc đó thì nói dễ ợt.”
Quả vậy, Arthur chưa bao giờ làm được. Sau khi ông anh dũng thông báo với bác sĩ Viswanathan rằng ông cũng muốn hiến tạng, bác sĩ đã giải thích ông phải sử dụng cyclosporine (thuốc ức chế miễn dịch) và corticosteroid (thuốc giảm viêm) như thế nào để giữ cơ thể ông đừng thải loại lá gan, và chính những thứ thuốc ấy đã hủy hoại cơ thể của ông nên không thể hiến tạng được. Arthur hài lòng, cảm thấy rằng quyết định hiến tạng của ông, trước khi được cho biết ông không thể hiến được, đã cho ông một chỗ bấu nhỏ xíu trên mặt bằng đạo đức cao, một thứ bất động sản mà Louis nói là
https://thuviensach.vn
không thể mua được. Louis biết giá trị của bất động sản, vì hắn sở hữu hai căn nhà và một căn hộ cao cấp ở Perris, khu ngoại ô không đắt lắm ở những lô đất miệt phía đông của khu Inland Empire mà hắn thích gọi là Paris khác. Ðến lúc này Louis vẫn đang làm việc nhà, xem một chương trình truyền hình về cách gia tăng giá trị bán lại nhà cửa bằng những ý tưởng tân trang đơn giản và không tốn kém, bao gồm mua sắm ở cửa hàng đồ cũ, lục lọi thùng rác, và săn lùng đồ quý trên rầm thượng.
“Tôi thích thứ gạch dán sàn mà người ta dùng trong nhà bếp,” Louis nói. “Từ chỗ này, ông thậm chí không dám nói nó không phải đá hoa thứ thiệt.”
“Sao cậu không sống trong một căn nhà nào đó mà cậu đã mua?” Arthur hỏi. Căn hộ của Louis còn ảm đạm hơn hồi trước. Khi mớ tồn kho đã tống đi, những món nội thất không xứng với nhau bị phơi bày hoàn toàn, cũng như các bức tường, từng có màu trắng nay ngả xám. “Cậu phải hưởng thụ chất lượng cuộc sống. Ðó là điều tôi học được năm nay.”
“Thì tôi đang hưởng thụ chất lượng cuộc sống của tôi mà.” Louis nằm dài người ra trên sofa, từ lưng ghế này lát nữa sẽ kéo ra một cái giường đôi cho Arthur. “Tôi đang nghĩ về chuyện các khách thuê nhà trả thế chấp cho tôi như thế nào và tôi thu lợi ra sao từ mấy căn nhà đó trong vòng vài năm. Tôi đang nghĩ làm sao kiểm soát thị trường dành cho hàng hóa tốt-hơn-hàng thật, vốn là thị trường lớn hơn cả thị trường của những thứ mà hầu hết người ta không có tiền để mua.”
Arthur nhận ra đây là điều khác biệt giữa bọn họ. Arthur nghĩ tới những việc ông đã làm, việc đang làm, hoặc việc lẽ ra phải làm, nhưng Louis chỉ nghĩ tới việc hắn có thể làm. Ví dụ, thay vì chấp nhận gọi là “giả” hay “nhái”, Louis lại thích gọi là “tốt hơn hàng thật”. Nhưng, hắn luôn nhấn mạnh, hàng của hắn thực sự tốt hơn, theo cái nghĩa là rẻ, rẻ hơn rất nhiều. Hắn thích nói, tại sao phải sở hữu những mặt hàng chánh gốc trong khi cũng với giá tiền đó bạn có thể sở hữu một chục, hai chục, thậm chí vài chục món tốt hơn đồ thật của mặt hàng đó?
https://thuviensach.vn
“Không hoàn toàn chỉ là chuyện tiền bạc đâu, Louis à,” Arthur nói. “Còn về một cô vợ thì sao? Hay một gia đình?”
“Ý ông muốn nói tình yêu hả?” Louis chỉ vào chiếc nhẫn vàng trên ngón tay Arthur. “Ông dám nói điều đó làm ông hạnh phúc không, Arthur?”
“Nếu mọi chuyện giữa tôi với Norma không êm xuôi thì đó không phải lỗi ở tình yêu.”
“Tôi đã thử với tình yêu,” Louis nói, cứ như đó là một loại phô mai Pháp mềm, nặng mùi. “Thế cũng được thôi, nhưng vấn đề là ở đối phương. Cô ấy có cách suy nghĩ của cô ấy. Mình đâu thể nói giống nhau về mọi thứ được.”
Arthur nhìn Louis để tìm một dấu hiệu mỉa mai, nhưng cái nhíu mày nhẹ trên mặt Louis cho thấy hắn ta suy nghĩ nghiêm túc. “Nói tôi nghe về cô bồ đi,” Arthur nói, “Hay là không chỉ một cô?”
“Chuyện cũ rồi, Arthur.” Louis phác một cử chỉ qua vai một cách thờ ơ. “Và tôi không bao giờ nghĩ về quá khứ. Mỗi sáng thức dậy tôi là một con người mới.”
Arthur đã từng cố khiến Louis nói về chính hắn, nhưng không thành công, và do đó ông đổi đề tài. “Cám ơn đã cho tôi ngủ nhờ,” Arthur nói, “Tôi quý điều đó lắm.”
“Ông là bạn tôi mà,” Louis đáp.
Arthur hiểu câu nói này có nghĩa rằng ông là bạn duy nhất của Louis, vì Louis chưa bao giờ đề cập tới ai khác. “Cậu cũng là bạn tôi.” Arthur nói, đưa cảm xúc hết mức có thể vào những lời đó. Trong một thoáng, hai người nhìn vào mắt nhau và mỉm cười với nhau. Rồi, trước khi mọi thứ trở nên sượng sùng, Arthur xin phép đi tắm.
https://thuviensach.vn
Vào sáng hôm sau, chuyện máy tính văn phòng bị liệt, khiến công lao làm sổ sách cả tuần qua của Arthur đổ sông đổ bể, đem đến cho ông một ý niệm mơ hồ đầu tiên về một ngày không chút điềm lành. Mặc cho Arthur xoay xở, đến cuối ngày, cái máy tính vẫn tê cứng. Arthur chán nản chui vào chiếc Chevy Nova, vặn ổ khóa khởi động, và chẳng nghe thấy gì hết ngoài tiếng rin rít của máy, khiến ông phải nhờ Rubén đẩy xe để nổ máy. Rubén là anh thợ tạo cảnh của Arellano & Sons vốn đang làm tại nhà Martin và từng thú nhận với Martin rằng anh ta là dân nhập cư lậu – theo Arthur biết, trong số những người thợ làm vườn của Martin, không chỉ riêng Rubén là dân nhập cư lậu. Ðến lúc Arthur đậu xe ngoài nhà để vào lấy đồ lót sạch và dao cạo râu trước khi đến nhà Louis, ông vẫn tự hỏi sẽ còn có chuyện gì xảy ra nữa. Norma đang ở trong bếp, nấu một suất ăn đóng gói sẵn bằng lò vi ba, và khi thấy ông, bà chỉ tay về xấp giấy ghi chép bên cạnh điện thoại, bảo, “Có người gọi điện cho ông đó.”
Arthur thấy nhẹ nhõm khi có việc để làm thay vì chạy tới chạy lui lẩn khuất trong chính ngôi nhà của mình. Người gọi điện có tên là Minh Vũ, và khi quay số đó Arthur tự hỏi phải chăng đây là một trong nhiều người mà ông đã gọi điện suốt mấy tháng qua. Tuy hồi đó ông không nhận ra những âm giọng mà ông nghe được là từ người Việt, nhưng lúc này Arthur có thể nhận ra âm giọng đó khá rõ ràng khi Minh Vũ trả lời điện thoại, cho dù tiếng Anh của anh ta hoàn toàn dễ hiểu khi anh ta nói, “Tôi nghĩ ông quen biết cha tôi.”
“Vậy sao?”
“Ông ấy tên là Men Vũ.”
“Ồ, vậy chắc là anh em với Louis!” Arthur nói. “Anh ta không hề nói với tôi là có anh em tên Minh.”
Trong khoảng lặng ngắn ngủi trên điện thoại, Arthur nghe được tiếng phụ nữ vỗ về một đứa bé đang la khóc. Rồi Minh Vũ nói, “Louis là ai?”
https://thuviensach.vn
Cuộc trò chuyện kéo dài thêm sáu phút. Sau khi gác máy với bàn tay run run, Arthur cho Norma biết Men Vũ có tám người con, chứ không phải bốn, không ai trong đó có tên Louis. Một người trong số đó – Minh – đã nhận được thư xin lỗi của bệnh viện sau khi họ vô tình để lộ lai lịch của cha anh ta cho người nhận tạng biết. Bảy người lạ đã thừa hưởng không chỉ lá gan mà còn cả da, giáp mạc, dây chằng, tụy tạng, phổi, và tim của ông ta, và bảy người lạ ấy bây giờ đã biết tên của người cha. Vì trong mấy tháng qua kể từ sau lời xin lỗi của bệnh viện, gia tộc Vũ đã thảo luận về việc có nên liên lạc với bảy người lạ này không, và mãi cho đến giờ họ mới đồng ý làm thế. Ban đầu, Arthur không biết nên tin Louis hay Minh Vũ, anh này đã cảm thấy bị sỉ nhục khi Arthur nói, “Làm sao tôi biết anh có phải là Minh Vũ như anh nói không?”. Nhưng Arthur bắt đầu thấy tin, không chút ngần ngừ, khi Minh Vũ cho ông một số điện thoại, một địa chỉ, và một lời mời tới thăm nhà của cha anh ta ở Stanton, nơi đó, anh ta nói, Arthur sẽ thấy những ảnh chụp, hồ sơ bệnh án, phim X quang, và tro. Sau khi đã giữ bình thản trong khoảng thời gian cần thiết để nói cho Norma chuyện này, Arthur đột nhiên thấy muốn uống một ly. Ông tìm được chai Wild Turkey cuối cùng mà ông từng mua, được giấu trong ngăn bên dưới bồn rửa chén, còn được một nửa và không ai đụng tới từ khi ông được chẩn đoán bệnh.
“Ô, Chúa ơi.” Hớp đầu tiên khiến ông chảy nước mắt. “Mình không tin chuyện này đang xảy ra.”
“Mình phải tới đó, Art,” Norma nói, phần ăn tối của bà bị bỏ quên trong lò vi ba. “Louis phải nói cho mình biết chuyện gì đang xảy ra.”
“Không, chuyện này tùy ở cậu ta với tôi.” Rượu đã đốt hết những mép rìa của nỗi hoảng loạn trong ông, và Arthur ực thêm một ít nữa thẳng từ trong chai. “Chỉ hai đứa tôi thôi.”
“Ông là đồ ngốc.” Norma phát âm rõ từng chữ, dữ dội như con người bà trong cả năm chờ đợi. “Nếu hắn ta nổi máu bạo lực thì sao? Mình thậm chí không biết hắn có khả năng làm gì… hắn đã nói láo chúng ta bao lâu nay.
https://thuviensach.vn
Mình không biết hắn muốn gì ở mình. Thậm chí mình không biết hắn là ai.”
Nhưng Arthur không nghe bà, hớp rượu thứ ba chạy như một sợi dây điện từ cổ họng tới ruột rồi xuống tới mấy ngón chân của ông, khiến ông đứng bật dậy và ra khỏi cửa tới chiếc Chevy Nova, bỏ ngoài tai những lời nài nỉ của Norma. Ông sắp vặn chìa khóa khởi động máy thì lá gan co thắt rộn bên trong ông, bằng cỡ bào thai trong ba tháng đầu, mãi mãi được trông đợi nhưng không bao giờ ra đời, kêu gọi sự thừa nhận, nhớ ơn, và yêu thương của ông theo cái kiểu nó liên tục làm thế trong những tuần ngay sau cuộc giải phẫu, khiến ông ngạt thở với đòi hỏi của nó đến độ ông phải hạ kính cửa sổ xuống và hổn hển hớp không khí. Trên cao, mặt trăng đang chiếu qua một lỗ thủng trong màn mây, một bầu ánh sáng trắng tròn vành vạnh nhắc Arthur nhớ điều đầu tiên ông nhìn thấy khi tỉnh dậy sau phẫu thuật, một quả cầu chói sáng trôi nổi trong bóng tối mà ông mơ hồ hiểu đó là đèn hiệu của nước trời, cho ông biết rằng ông đã về với Chúa. Khối cầu lớn dần, phần rìa của nó trở nên nhòe nhoẹt cho đến khi nó là một sắc trắng chiếm trọn tầm nhìn của ông, một lớp màn mà phía sau nó có món gì như kim loại kêu lách cách và ai đó lầm bầm những lời không nghe rõ. Ai đó nhắc tên ông, một người, và không phải, như ông nghĩ ban đầu, Thiên Chúa, vì Arthur còn sống, một thực tế ông biết qua cảm giác đau như mũi giáo thọc qua sườn của ông, ghim chặt ông xuống giường, cũng như qua giọng nói mà ông nhận ra là của Norma, đang gọi ông trở lại nơi ông từng ở đó.
Khi nghe Arthur hổn hển kể lại cuộc trò chuyện với Minh Vũ, Louis không có vẻ gì muốn tiếp tục đóng vai là con trai của người đã cứu mạng Arthur. Thay vì thế, Louis chỉ thở dài và nhún vai. Hắn đang quỳ gối, sắp xếp một lô hàng mới nhận, những cái thùng được đẩy tới sát tường của phòng khách và được dán nhãn Donna Karan, Calvin Klein, và Vera Wang. Khi Arthur gieo người xuống sofa, Louis đứng dậy và giơ hai tay làm động tác đầu
https://thuviensach.vn
hàng. “Tôi nghĩ sau cùng mọi chuyện đã phơi bày, phải không?” Hắn nói. “Tôi xin lỗi, Arthur. Tôi không cố ý làm ông tổn thương.”
Arthur nhắm mắt lại và chà xát thái dương. Bên cạnh cảm giác quặn đau tựa có đồ khui rượu đang vặn trong ruột, một cơn nhức đầu như đang đục đẽo một đường rãnh trong sọ ông. Bây giờ thì đã rõ tại sao Louis luôn tránh né việc viếng thăm phần mộ của Men Vũ. Tuy Louis đổ lỗi chuyện này là do xung khắc máu mủ giữa hắn với cha hắn, nhưng lý do thực sự là chẳng có máu mủ gì cả.
“Nếu cậu không phải là Louis Vũ,” Arthur nói, “Vậy cậu là ai?” “Ai nói tôi không phải Louis Vũ?”
“Cậu chỉ bịa ra khi tôi gọi điện,” Arthur nói. “Louis Vuitton là thần tượng của cậu. Còn Vũ là cái họ Việt Nam rất phổ biến.”
“Louis Vũ là tên thật của tôi,” Louis nói. “Và tôi là người Hoa.” “Ồ!” Arthur há hốc miệng thở. “Tôi biết thế! Tôi biết cậu là người Hoa!”
“Nhưng tôi sinh ra ở Việt Nam, và tôi chưa từng tới Trung Quốc.” Louis ngồi xuống cạnh Arthur trên sofa. “Tôi chỉ nói được một ít tiếng Trung Quốc. Vậy chuyện đó biến tôi thành cái gì? Người Hoa hay người Việt? Cả hai? Hay không phải người nào cả?”
“Tôi không biết, và tôi không quan tâm.” Arthur rên lên và xoa thái dương. “Tại sao? Tại sao cậu làm thế này?”
“Thử đứng vào tình cảnh của tôi đi, Arthur.” Louis ngồi dựa ra và bắt tréo chân, chân hắn mang đôi giày nhái hiệu Fendi. “Tôi nhận một cú điện hỏi rằng tôi có bà con gì với một người cùng họ với tôi không. Hầu hết những người trong tình huống của tôi sẽ nói không. Nhưng đâu phải ngày nào cũng gặp được cú điện thoại như của ông, và khi nhận được, tôi phải xem
https://thuviensach.vn
nó đưa mình tới đâu. Nên tôi cứ theo đó mà chơi. Tôi vượt lên trước như vậy đó.”
“Tôi muốn cậu đưa đồ của cậu ra khỏi nhà xe của tôi.” Áp lực trong đầu Arthur và cọc nhọn trong ruột ông đang hành dữ dội. “Tối nay.”
Louis lắc đầu rầu rĩ. “Tôi e rằng không được, Arthur à.”
“Ý cậu là sao, e rằng không được hả?”
“Ðừng hiểu sai ý tôi, Arthur. Ðây là chuyện làm ăn, đâu phải vấn đề cá nhân, đúng chưa? Mặt khác, tôi rất thích ông. Chúng ta đã rất vui với nhau mà. Chúng ta là bạn, đúng không nào?”
“Chúng ta không phải bạn,” Arthur nói, giọng ông lạc đi vì ông thực tình đã xem Louis là bạn.
“Mình không phải bạn sao?” Louis có vẻ bị tổn thương thật, môi dưới của hắn run run. “Vì một chuyện đại loại thế này? Thôi nào, Arthur!”
“Lấy đồ ra khỏi nhà xe của tôi tối nay, thế thôi.”
“Nhưng tôi biết tống nó đi đâu?” Môi Louis thôi run run, vẻ u ám từ từ hiện trên khuôn mặt hắn, kéo hai khóe miệng và hàng lông mày xuống. “Không, tôi e rằng những thứ này phải ở đây. Và làm ơn đừng nghĩ tới chuyện gọi cảnh sát. Ông thật khó mà giải thích tại sao nhà xe của ông có đầy những món hàng nhái Miu Miu với Burberry.”
“Vậy tôi sẽ tự dọn đồ của cậu ra khỏi nhà xe,” Arthur kêu lên. “Tôi sẽ đưa nó ra sa mạc và để đó.”
“Nếu tôi là ông, Arthur, tôi sẽ suy nghĩ cẩn thận khi đụng vào đồ đạc của tôi.”
“Cậu sẽ làm gì với chuyện đó?”
https://thuviensach.vn
“Ông nắm được thóp tôi đấy.” Louis ngắm nghía mấy đầu ngón tay. “Nhưng tôi cũng nắm được thóp của em ông, phải không?”
“Cái gì?”
“Thôi nào, Arthur!” Tiếng la của Louis làm Arthur giật mình, ông chưa bao giờ nghe Louis cao giọng hoặc thấy hắn chồm tới trước, như lúc này, và bật ngón tay tanh tách sát mặt Arthur. “Tỉnh dậy đi! Em của ông trả lương thấp cho ai để cắt cỏ và xén hàng rào cho hắn?”
Sự tù mù đè nặng lên Arthur, nhấn ông lún sâu hơn xuống sofa khi ông nhớ tới Rubén, Gustavo, Vicente, Alberto, và mọi công nhân khác của Arellano & Sons mà em ông không hề tra hỏi gì, miễn là họ xuất trình được thẻ bảo hiểm xã hội và giấy phép lái xe, hoặc đồ thiệt hoặc đồ làm giả đủ tốt để bị nhầm là đồ thiệt. Những loại giấy tờ giả ấy thật dễ kiếm, như Louis ngày nọ đã cho Arthur thấy, bày ra trên cái bàn nhỏ năm giấy phép lái xe, mỗi cái đều có ảnh Louis nhưng với một cái tên khác. Arthur đưa hai tay ôm mặt khi tưởng tượng đến một cuộc bố ráp ở công ty Arellano & Sons, sau đó là những vụ bắt giữ và trục xuất, với sự hổ thẹn cho Martin và bôi bác thanh danh của Big Art.
“Tôi nghĩ đã đến giờ ông về nhà rồi, Arthur,” Louis nói, dựa vào góc của hắn trên sofa. Giọng hắn mệt mỏi, và mặt hắn tái nhợt. “Tại sao ông không đơn giản là về nhà?”
Ánh đèn trong phòng ngủ còn sáng khi Arthur chạy xe lên đường dẫn, tuy toàn bộ ngôi nhà tối đen. Ông e ngại những điều Norma có thể nói, nên ông lần lữa việc mở cửa nhà xe, phòng khi phép lạ mà ông cầu xin trên đường lái xe về đã xảy ra thực. Nó không xảy ra. Những thùng hàng vẫn còn đó, vàng nhợt nhạt trong ánh trăng và chất đống theo tường tới trần nhà, ra tới sát bên đường dẫn cho xe. Louis đã chiếm trọn từng tấc vuông của nhà kho cho mớ bút máy với thân bút bằng nhựa dẻo, những chiếc kính râm không ngăn được tia tử ngoại, những đồng hồ chỉ chạy đúng giờ trong một ngày,
https://thuviensach.vn
những chiếc áo khoác thiết kế riêng mà không có lớp vải lót, những quần dài với đường viền bung ra dễ dàng, những đĩa phim lậu được quay lén trong rạp hát, phiên bản phần mềm Windows chép lậu hoàn hảo đến mức còn kèm những lỗi của nguyên bản, những viên thuốc giả có thể hoặc không thể giúp trị bệnh, có thể hoặc không thể gây hại… Một nhà xe đầy nhóc những món được làm ra bởi những người ông không bao giờ biết được nhưng lại cảm thấy có dính líu theo cách nào đó, nhất là khi ông tưởng tượng những nơi chốn mờ ám từ đó chúng có thể trút ra.
Chào đón Arthur ngang tầm mắt là những nhãn hiệu Gucci, Jimmy Choo, và Hedi Slimane, những tên gọi đẹp đẽ và ngoại lai được viết trên những cái hộp bằng bút nỉ xanh. Arthur và Norma đã mong ước được sở hữu những món đồ hiệu đó khi thấy chúng ở cửa hàng bách hóa Bloomingdale’s và khi đi dạo ngắm hàng hóa tại những tiệm ở phố Rodeo Drive, nhưng khi các nhân viên bán hàng không buồn nhìn tới họ, họ hiểu rằng chính họ không được chào đón.
“Arthur Arellano!”
Arthur quay lại. Norma đứng ở cửa sau trong chiếc áo choàng tắm mòn xơ xác, đi chân trần. “Ðể tôi giải thích,” Arthur nói, giơ hai tay ra đầy hy vọng. Nhưng khi Norma khoanh tay lại trước ngực và nhướng lông mày, ông thấy chính mình như bà lúc đó nhìn thấy, chẳng đưa ra được điều gì ngoài hai bàn tay trắng.
I'd Love You to Want Me [11]
Chú thích:
[9]Little Saigon: khu vực có nhiều người Việt sinh sống nhất ở nước ngoài. (BT)
[10]Pai Gow ( bài cửu, nghĩa đen là tạo thành chín điểm): loại cờ domino Trung Quốc gồm 32 quân. (ND)
https://thuviensach.vn
[11]] I’d love you to want me(Anh thích em muốn anh): tên bài hát nổi tiếng những năm 1970. (BT)
https://thuviensach.vn
NGƯỜI TỊ NẠN
Việt Thanh Nguyễn
www.dtv-ebook.com
Dịch Giả: Phạm Viêm Phương
I'D Love You To Want Me
Lần đầu tiên giáo sư gọi không đúng tên của bà Khanh là ở một tiệc cưới, dịp sinh hoạt đông đúc mà họ thường tham dự, phần lớn là do nghĩa vụ. Khi cô dâu và chú rể tiến tới bàn của họ, bà Khanh nhận thấy giáo sư đang đọc lại lời chúc mừng và tên của đôi tân hôn vốn họ chưa từng gặp, được ông ghi sẵn trong hai lòng bàn tay. Nghiêng người tới gần để người ta nghe được tiếng nói của mình giữa tiếng trò chuyện của bốn trăm khách mời và tiếng ầm ĩ của ban nhạc, bà thấy chồng mình tỏa mùi của những cuốn sách bìa giấy tả tơi và tấm thảm mòn xơ xác. Nó là một mùi mốc dễ chịu, mùi làm bà liên tưởng tới những tiệm sách cũ.
“Ðừng lo lắng,” bà nói. “Anh đã như vậy cả ngàn lần rồi mà.”
“Vậy sao?” Giáo sư chà bàn tay vào quần. “Có vẻ anh không nhớ được.” Lớp da sáng của ông mỏng như giấy và đầy những đường mạch máu xanh. Từ đường ngôi rõ ràng trên mái tóc bạc cho tới ánh sáng bóng trên đôi giày nâu, ông vẫn là con người từng dạy nhiều sinh viên đến độ không còn đếm được nữa. Trong hai phút mà đôi tân hôn ghé lại bàn, ông không lỡ một nhịp, gọi đôi ấy bằng đúng tên và tặng cho họ những điều chúc tốt lành mà người ta vẫn mong đợi ở ông trong vai trò của người lớn tuổi nhất trong bàn mười người này. Nhưng trong khi chú rể vuốt cổ của áo khoác kiểu Nehru và cô dâu kéo nhón lớp váy của chiếc đầm may thắt dưới ngực, bà Khanh chỉ có thể nhớ lại buổi tối chẩn đoán được bệnh, khi giáo sư làm bà hoảng sợ: ông bật khóc lần đầu tiên trong bốn thập niên chung sống. Chỉ
https://thuviensach.vn
đến lúc cặp tân hôn rời đi bà mới thấy thư thái, thở ra lâu hết mức cho phép của tấm áo dài nhung bó sát.
“Má cô dâu nói với em rằng hai đứa nó hưởng tuần trăng mật đầu tiên ở Paris.” Bà múc một càng tôm hùm vào đĩa của giáo sư. “Tuần thứ nhì chúng đến vùng biển Riviera.”
“Vậy sao?” Tôm hùm rang me là món ưa thích của giáo sư Khanh, nhưng tối nay ông nghi ngại nhìn cái càng tôm đang chĩa vào mình. “Người Pháp gọi Vũng Tàu là gì vậy nhỉ?”
“Cap Saint Jacques.”
“Mình có một thời gian thật vui ở đó. Phải không?
“Lúc đó anh mới bắt đầu nói chuyện với em.”
“Ai mà không bối rối khi ở gần em,” giáo sư lầm bầm. Bốn mươi năm trước, khi bà mười chín và ông băm ba, họ hưởng tuần trăng mật tại một khách sạn ven biển ở đó. Chính trên ban công căn phòng của họ, dưới vầng trăng tròn, sáng, nghe tiếng những người Pháp ca hát và la hét bên bãi biển, giáo sư đột nhiên bắt đầu nói chuyện. “Tưởng tượng đi!”, giọng đầy mê hoặc khi ông khởi sự nói về thể tích Thái Bình Dương tương đương thể tích mặt trăng như thế nào. Khi xong chuyện đó, ông nói tiếp về loài cá lạ ở những khe biển sâu và về bí ẩn không giải thích được của những con sóng sát thủ. Nếu sau một lát bà không theo kịp những điều ông nói, thì cũng chẳng quan trọng gì, vì lúc đó thanh âm giọng nói của ông đã làm bà xiêu lòng, với sự an toàn trong âm điệu chừng mực của nó y như lần đầu tiên, khi bà nghe trộm từ dưới bếp của gia đình trong lúc ông giải thích cho cha bà về luận án của ông nghiên cứu về nhiệt động lực học của dòng hải lưu Kuroshio.
Bây giờ những ký ức của giáo sư dần lẻn rời xa ông, và đi theo chúng là những câu văn dài mà ông từng ưa thích. Khi ban nhạc chuyển qua bài I’d
https://thuviensach.vn
Love You to Want Me, ông nới lỏng cà vạt thắt theo kiểu Windsor và nói, “Nhớ bài này không?”
“Có gì trong đó?”
“Tụi mình nghe nó hoài. Trước khi mấy con mình ra đời.”
Bài hát chưa có mặt khi bà mang thai lần đầu, nhưng bà Khanh nói, “Ðúng rồi.”
“Mình nhảy đi.” Giáo sư chồm tới sát hơn, gác một cánh tay trên lưng ghế của bà. Một dấu ngón tay in mờ mờ trên một tròng kính của ông. “Em luôn nhất quyết mình phải nhảy khi nghe bài này mà, Yến.”
“Ồ?” Bà Khanh nhấp chậm rãi ly nước của mình, che giấu nỗi ngạc nhiên khi được kêu bằng tên của người khác. “Mình từng nhảy hồi nào?”
Giáo sư không trả lời, vì đoạn điệp khúc hợp ca cất cao đã khiến ông đứng dậy. Khi ông bước tới sàn nhảy lát gỗ, bà Khanh nắm vạt sau của chiếc áo khoác xám có sọc mảnh của ông. “Thôi đi!” bà nói, kéo mạnh tay. “Ngồi xuống đi!”
Với một cái nhìn tổn thương hướng vào bà, giáo sư nghe lời. Bà Khanh biết rõ những khách khác trong bàn đang nhìn họ. Bà giữ cho mình hết sức bình thản, không nhớ ra bất kỳ phụ nữ nào tên Yến. Có lẽ Yến là một người quen cũ mà giáo sư chưa bao giờ thấy cần nhắc đến, hoặc là bà ngoại mà bà Khanh chưa bao giờ được gặp và bà cũng không nhớ được tên, hoặc là một cô giáo tiểu học mà ông từng có lúc say mê. Bà Khanh đã sẵn sàng cho nhiều chuyện, nhưng không hề sẵn sàng cho những người chưa quen biết hiện ra từ tâm trí của giáo sư.
“Bản nhạc sắp hết rồi,” giáo sư nói.
“Mình sẽ nhảy khi về nhà. Em hứa đó.”
https://thuviensach.vn
Bất chấp bệnh trạng của mình, hoặc có lẽ chính vì bệnh trạng của mình, giáo sư nhất quyết cầm lái khi về. Bà Khanh căng thẳng khi nhìn ông xử lý chiếc xe, nhưng ông lái với cung cách cẩn thận và chậm rãi thường lệ. Ông im lặng cho đến khi rẽ trái ở đường Golden West thay vì rẽ phải, cú rẽ nhầm của ông đưa họ ngang qua trường đại học cộng đồng nơi ông đã nhận quyết định về hưu mùa xuân rồi. Sau khi đến Mỹ, ông không tìm được việc làm trong ngành hải dương học và đã ổn định với việc dạy tiếng Việt. Trong hai mươi năm qua, ông đã giảng dạy dưới dàn ánh sáng huỳnh quang cho những sinh viên chán nản. Khi bà Khanh tự hỏi phải chăng một trong những sinh viên ấy có thể là Yến, bà cảm thấy một cơn nhói đau mà ban đầu bà nghĩ là do ợ chua. Ðến khi nghĩ lại bà mới nhận ra đó là máu ghen tuông.
Giáo sư bất ngờ đạp thắng dừng xe lại. Bà Khanh kềm người với một tay chống vào bảng điều khiển trước mặt và chờ ông gọi mình bằng cái tên đó lần nữa, nhưng giáo sư không nhắc gì đến Yến. Thay vào đó, ông cho xe trở đầu theo hình chữ U, và khi họ chạy về nhà, ông hỏi bằng giọng trách móc, “Sao em không nói mình đã rẽ sai đường?” Nhìn tất cả đèn giao thông trên con đường phía trước đổi màu xanh cứ như theo hiệu lệnh, bà Khanh nhận ra rằng bà không có sẵn câu trả lời cho câu hỏi của ông.
Sáng hôm sau, bà Khanh đang ở bên bếp lò chuẩn bị bữa giữa buổi cho con trai lớn sắp ghé chơi thì giáo sư bước vào bếp, vừa tắm và cạo râu xong. Ông ngồi xuống ghế bên quầy bếp, mở tờ báo ra, và bắt đầu đọc cho bà nghe từng bài báo. Mãi đến khi ông đọc xong bà mới bắt đầu kể cho ông nghe những chuyện tối qua. Ông yêu cầu bà cho ông biết những lúc ông cư xử không giống như ông lúc bình thường, và bà kể tới chỗ ông định lao lên sàn nhảy thì đôi vai rũ chùng xuống của ông khiến bà dừng lại.
“Ổn thôi mà,” bà nói, cảnh giác. “Nó đâu phải lỗi của anh.”
“Nhưng em thấy anh trên sàn nhảy ở tuổi này được không?” Giáo sư cuộn tờ báo lại và gõ vào quầy bếp để nhấn mạnh. “Và đang trong tình trạng như
https://thuviensach.vn
vầy nữa?”
Móc một sổ tay nhỏ màu xanh từ túi áo, giáo sư rút lui ra sân trong, ở đó ông đang ghi lại những lỗi lầm của mình thì Vinh đến. Vừa kết thúc ca đêm tại nhà thương của quận, con trai họ mặc bộ quần áo xanh suôn rộng của y tá nhưng chẳng che được mấy vóc dáng thân thể của cậu ta. Giá mà nó ghé thăm ba má đều như ghé phòng tập thể hình, bà Khanh nghĩ. Cạnh bàn tay của bà chắc nhét vừa vào khe giữa ngực của cậu con trai, và đùi bà không lớn bằng bắp tay cậu. Một tay cậu cặp một tấm bảng cồng kềnh bọc giấy nâu và để tựa nó vào hàng rào mắt cáo sau lưng cha cậu.
Giáo sư nhét sổ tay vào túi áo và chỉ cây bút vào gói giấy. “Bất ngờ gì đây?” ông hỏi. Khi bà Khanh dọn ra món trứng phủ thịt xông khói, Vinh lột lớp giấy gói để bày ra một bức tranh trong một khung to bản phủ màu vàng gợi tới châu Âu thế kỷ mười chín. “Nó tốn của con hết một trăm đô ở đường Ðồng Khởi đó,” cậu nói. Cậu vừa có kỳ nghỉ ở Sài Gòn tháng trước. “Mấy phòng trưng bày ở đó nhái được đủ thứ, nhưng đóng khung tranh ở đây thì dễ hơn.”
Giáo sư chồm tới để liếc nhìn bức tranh. “Có một thời con đường đó được gọi là Tự Do,” ông nói với vẻ tiếc nuối. “Còn trước nữa là Rue Catinat.”
“Con hy vọng ba nhớ,” Vinh nói, ngồi xuống bên má cậu ở cái bàn ngoài sân. Bà Khanh nhận ra được chủ đề của bức tranh là một phụ nữ, nhưng bà ta có mắt trái màu xanh lá và mắt phải màu đỏ, điều đó cũng không hề kỳ quái bằng cái kiểu họa sĩ vẽ thân mình và cánh tay của bà ta phẳng bẹt, khiến bà ta trông không giống một người thật lắm mà giống một hình nhân bằng giấy của trẻ con hơn, vốn được cắt ra và dán vào một cái ghế ba chiều. “Có một nghiên cứu mới cho thấy tranh Picasso có thể kích thích những người như ba.”
“Vậy sao?” Giáo sư lau kính bằng tấm khăn ăn. Ðằng sau ông là khung cảnh mà bây giờ bà Khanh đã quen thuộc, một đường dẫn lên cao tốc qua
https://thuviensach.vn
phía trên sân sau nhà họ mà Vinh có thể theo đó chạy về nhà ở Los Angeles, cách ở Westminster này chừng một giờ xe chạy về phía bắc. Mấy con trai của bà thường dùng hết những buổi chiều cho việc đoán nhãn hiệu và kiểu của những xe hơi chạy qua, cứ như chúng là những nhà điểu học đang phân biệt sẻ Bắc Mỹ với sẻ thường vậy. Nhưng ngày đó đã lâu lắm rồi, bà nghĩ, và Vinh bây giờ là người đưa tin được đám còn lại trong sáu đứa con của bà sai phái tới.
“Tụi con nghĩ má nên nghỉ làm ở thư viện đi, má,” cậu nói, tay cầm sẵn dao và nĩa. “Mỗi tháng tụi con có thể gởi tiền về thanh toán mọi chi phí. Má có thể thuê người làm để giúp má mọi việc. Rồi cả người làm vườn nữa.”
Bà Khanh chưa bao giờ cần giúp đỡ trong vườn vốn được bà tự thiết kế. Một bãi cỏ xanh chạy thành hình móng ngựa tách một vòng những cây hồng vàng khỏi trung tâm khu vườn, ở đó những cây ngò xanh nhạt, húng quế có lá giống mũi tên, và ớt Thái Lan mọc sum suê trên những luống bà dọn sẵn cho chúng. Bà nêm món trứng bọc thịt bằng ba nhúm tiêu, và khi chắc chắn rằng mình có thể tiết chế được sự bực bội, bà nói, “Má thích làm vườn.”
“Dân làm vườn người Mễ rẻ rề má ơi. Với lại, má sẽ muốn càng nhiều người giúp việc càng tốt. Má phải sẵn sàng cho những điều tệ nhất.”
“Ba má gặp nhiều chuyện tệ hơn tụi bay mà,” giáo sư cắt ngang. “Ba má sẵn sàng cho mọi chuyện.”
“Và má chưa đủ già để về hưu,” bà Khanh nói thêm.
“Xin ba má hợp lý chút.” Nghe Vinh nói không còn giống cậu bé mới lớn từng khiến ba má không hiểu được, khi lẻn ra khỏi nhà buổi tối để gặp bạn gái là cô bé người Mỹ sơn móng tay màu đen và nhuộm tóc tím rịm. Giáo sư cứu chữa tình trạng này bằng cách đóng đinh cửa sổ cứng ngắc, một vấn đề mà Vinh giải quyết bằng cách bỏ nhà đi bụi ngay sau khi tốt nghiệp
https://thuviensach.vn
trường trung học Bolsa Grande. “Con đang yêu,” Vinh đã gào lên với má qua điện thoại từ Las Vegas. “Nhưng má không hiểu gì về chuyện đó, phải không?” Ðôi khi bà Khanh hối tiếc về việc nói cho cậu biết rằng ông ngoại cậu đã dàn xếp chuyện hôn nhân của bà.
“Má đâu cần số tiền từ công việc đó,” Vinh nói. “Nhưng ba cần có má ở nhà.”
Bà Khanh đẩy đĩa sang một bên, món trứng hầu như chưa động tới. Bà sẽ không nghe lời khuyên của ai đó có cuộc hôn nhân kéo dài không quá ba năm. “Nó không phải chuyện kiếm tiền, Kevin à.”
Vinh thở dài, vì má cậu chỉ gọi tên Mỹ của cậu khi bà giận cậu. “Có lẽ má nên giúp ba,” cậu nói, chỉ vào ngực áo thun của ông, bị dơ vì một vệt nước xốt.
“Coi nè,” giáo sư nói, lấy mấy ngón tay quệt vào vết ố. “Chỉ vì con làm ba bực.” Vinh lại thở dài, nhưng bà Khanh không chịu nhìn cậu khi bà chấm một cái khăn ăn vào ly nước của bà. Bà tự hỏi nó còn nhớ lần họ trốn khỏi Vũng Tàu trên một ghe đánh cá ọp ẹp, bị quá tải với năm anh chị em nó và sáu chục người lạ, ba năm sau khi chiến tranh kết thúc không. Sau ngày thứ tư lênh đênh trên biển, nó với những đứa bé còn lại, bạc cả người vì nắng, đang khóc đòi nước, dù chẳng có gì cho chúng uống ngoài nước biển. Tuy vậy, bà đã rửa mặt và chải tóc cho chúng mỗi sáng, dùng nước biển và nước miếng. Bà đang dạy chúng rằng sự đúng mực bao giờ cũng quan trọng, và nỗi sợ của má chúng nó không lớn đến độ ngăn không cho bà yêu thương chúng.
“Ðừng lo,” bà nói. “Vết ố sẽ hết thôi.” Khi chồm tới để chùi lên áo giáo sư, bà Khanh mới nhìn rõ bức tranh. Bà không thích cả bức tranh lẫn cái khung vàng mạ. Nó quá huê dạng so với thị hiếu thưởng ngoạn của bà, và có vẻ quá cổ lỗ so với bức tranh. Sự thiếu hài hòa giữa cái khung và bức tranh chỉ nhấn mạnh thêm đặc điểm gây bối rối nhất của bức tranh, cái kiểu đôi mắt
https://thuviensach.vn
của người phụ nữ nhìn ra từ cùng một bên của khuôn mặt. Hình ảnh đôi mắt đó khiến bà Khanh khó chịu đến nỗi cuối ngày hôm đó, sau khi Vinh đã về, bà chuyển bức tranh vào thư phòng của giáo sư, trong đó bà để nó úp mặt vào tường.
Chẳng bao lâu sau lần đứa con trai ghé thăm, giáo sư bắt đầu ngưng đi lễ ngày Chúa nhật. Bà Khanh cũng ở nhà, và dần dần họ ngày càng ít gặp gỡ bạn bè. Những lần hiếm hoi bà rời nhà là để đi mua sắm hoặc
tới thư viện Garden Grove, nơi những thủ thư đồng nghiệp của bà chẳng biết gì về bệnh tình của giáo sư. Bà thích thú với công việc bán thời gian này, đặt mua và phân loại bộ sưu tập đồ sộ về sách và phim Việt Nam được mua để phục vụ những cư dân của khu Little Saigon
gần đó, những người, nếu họ đến thư viện để hỏi, đều được chỉ dẫn tới cái ghế ngồi cao của bà sau quầy cho mượn sách. Khi trả lời những câu hỏi đó, bà Khanh luôn cảm thấy sự hài lòng vốn khiến công việc của bà
trở nên có giá trị, niềm vui khi có người cần đến mình, cho dù chỉ trong thoáng chốc.
Khi ca làm việc kết thúc vào buổi trưa và bà thu dọn đồ của mình để ra về, bà luôn làm thế với một cảm giác sợ hãi khiến bà thấy hổ thẹn. Bà khỏa lấp nỗi hổ thẹn này bằng cách tạm biệt các thủ thư khác vui vẻ hơn, và bằng cách chuẩn bị nhà cửa cho những trường hợp khẩn cấp một cách nhiệt tình, cứ như bà có thể trì hoãn điều tất yếu thông
qua lao động chăm chỉ. Bà đánh dấu hướng đi từ giường tới phòng tắm bằng băng keo màu vàng dạ quang, để giáo sư không lạc hướng vào ban đêm, và trên bức tường đối diện phòng vệ sinh, bà dán một bảng nhỏ ngang tầm mắt ghi chữ Nhớ Giật Nước. Bà soạn một loạt những danh sách mà khi được đặt một cách có chiến lược khắp nhà, chúng sẽ nhắc giáo sư trình tự khi mặc quần áo, những món cần bỏ vào túi trước khi rời nhà, và giờ giấc trong ngày ông phải dùng bữa. Nhưng chính giáo sư lại là người thuê thợ để gắn những song sắt vào các cửa sổ. “Em sẽ không muốn anh lẻn ra ngoài ban đêm đâu,” giáo sư nói với
https://thuviensach.vn
vẻ cam chịu, tì trán vào những song sắt. “Và anh cũng không muốn thế.”
Với bà Khanh, vấn đề cấp thiết hơn ở đây là chuyện giáo sư về nhà như một kẻ lạ. Trong khi chồng bà chưa từng là người lãng mạn, kẻ lạ này một lần đi dạo buổi chiều nọ trở về lại nhất định cầm theo một đóa
hoa hồng trong một ống nhựa dẻo. Trước đây ông chưa bao giờ mua bất cứ loại hoa nào, mà thích làm bà ngạc nhiên với những món quà lâu bền hơn, như những cuốn sách mà thỉnh thoảng ông tặng bà, về
những đề tài như đắc nhân tâm, hoặc cách chuẩn bị hồ sơ thuế thu nhập. Có lần ông khiến bà ngạc nhiên khi tặng bà tác phẩm hư cấu, tập truyện ngắn của một tác giả mà bà chưa từng nghe tên trước đó.
Ngay cả cố gắng đó cũng hơi trật mục tiêu, vì bà thích tiểu thuyết hơn. Bà chưa bao giờ đọc quá những trang tựa đề của những món quà do ông tặng, thỏa mãn với việc nhìn thấy tên mình được viết bằng nét chữ thanh tú của ông bên dưới tên tác giả. Nhưng nếu giáo sư dành cả đời mình để luyện thư pháp, ông đã chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện tặng bông hồng, và khi cúi đầu trao cho bà đóa hoa, ông nhìn có vẻ như đang bị một cơn co thắt bao tử.
“Cái này cho ai?” bà hỏi.
“Còn có ai khác ở đây?” Giáo sư lắc lắc bông hồng để nhấn mạnh, và một cánh hoa, mép đã ngả nâu, rụng xuống. “Tặng em đó.”
“Ðẹp quá.” Bà miễn cưỡng đón lấy cánh hồng. “Anh kiếm được ở đâu vậy?”
“Chỗ ông Esteban. Ông ấy cố gạ anh mua cam nữa, nhưng anh nói mình có cam rồi.”
“Thế em là ai?” bà hỏi. “Em tên gì?”
Ông liếc nhìn bà. “Dĩ nhiên là Yến rồi.”
https://thuviensach.vn
“Dĩ nhiên.” Cắn môi, bà kềm ước muốn ngắt nụ hồng khỏi cành. Bà chưng cành hoa trong một cái bình trên bàn ăn chiều lòng giáo sư, nhưng lúc bà dọn bữa ăn ra khoảng một giờ sau, ông đã quên rằng ông đã mua nó. Khi nhấm nháp con tôm sú cháy, được nướng bằng que xiên, với đậu hũ ánh lên trong nước tương đen, ông lại nói chuyện sôi nổi về bưu thiếp mà họ nhận được chiều hôm đó từ đứa con gái lớn, đang làm cho American Express ở Munich. Bà Khanh ngắm nghía hình chụp quảng trường Marienplatz trước khi lật mặt sau để đọc to mấy dòng thư ở đó, vốn nói về sự vắng bóng kỳ lạ của lũ bồ câu.
“Mình thường nhớ mãi những chuyện nho nhỏ khi du lịch,” giáo sư nhận xét, hít hà với món thứ ba, canh khổ qua. Con cái họ chẳng bao giờ thấy món này ngon, nhưng nó gợi cho giáo sư và bà Khanh nhớ lại tuổi thơ của họ.
“Chẳng hạn như cái gì?”
“Như giá thuốc lá chẳng hạn,” giáo sư nói. “Khi anh trở lại Sài Gòn lúc học xong, anh không mua được loại thuốc Gaulois hàng ngày nữa. Giá nhập cảng quá cao.”
Bà tựa tấm bưu thiếp vào bình hoa, nơi nó sẽ trở thành một vật nhắc nhớ đến những kế hoạch mà họ từng vạch ra cho việc du lịch đến mọi thành phố lớn trên thế giới sau khi về hưu. Loại phương tiện vận tải duy nhất mà bà Khanh gạt bỏ là tàu vượt đại dương. Mặt nước rộng mở mênh mông khơi dậy nỗi sợ chết đuối, một chứng ám ảnh mạnh đến nỗi bà không tắm trong bồn nữa, và ngay cả khi tắm vòi sen bà cũng quay lưng về phía dòng nước phun xuống.
“Tại sao em mua nó?” giáo sư hỏi.
“Bưu thiếp hả?”
“Không, hoa hồng kìa.”
https://thuviensach.vn
“Em đâu có mua.” Bà Khanh cẩn thận lựa chọn từ ngữ, không muốn gây bối rối cho giáo sư quá mức, thế nhưng vẫn muốn ông biết việc ông đã làm. “Anh mua mà.”
“Anh hả?” Giáo sư ngạc nhiên. “Em chắc không?”
“Hoàn toàn chắc chắn,” bà nói, ngạc nhiên khi nghe có sự hài lòng trong giọng của mình.
Giáo sư không nhận thấy. Ông chỉ thở dài và rút sổ tay màu xanh trong túi áo ra. “Hy vọng việc này không tái diễn,” ông lẩm bẩm.
“Em không nghĩ nó sẽ tái diễn.” Bà Khanh đứng dậy thu dọn tô đĩa. Bà hy vọng khuôn mặt mình không lộ vẻ giận dữ. Bà đang bưng bốn cái đĩa, cái liễn đựng canh, và cả hai cái ly của họ, tại ngưỡng cửa phòng bếp, bỗng dưng mớ tô đĩa lắc lư trở nên nặng quá sức. Âm thanh của những món đồ bạc kêu lảng cảng trên nền gạch và tiếng đồ sứ vỡ tan khiến giáo sư la lên trong phòng ăn. “Gì vậy?” ông kêu.
Bà Khanh nhìn những mảnh vỡ của cái liễn dưới chân mình. Ba khúc khổ qua nhồi thịt chưa ăn nằm đẫm nước giữa những mảnh vỡ. “Không có gì đâu,” bà nói. “Em sẽ dọn.”
Rồi tối đó sau khi ông ngủ thiếp, bà vào thư phòng của ông, trong đó bức tranh bà đặt tựa vào bàn bây giờ đã được quay mặt ra. Bà thở dài. Nếu ông cứ quay mặt bức tranh ra thế này, ít nhất bà cũng phải cho nó
vào cái khung nào đó hiện đại và phù hợp hơn. Bà ngồi vào bàn của ông, hai bên là những kệ sách chứa mấy trăm cuốn tiếng Việt, Pháp, và Anh. Tham vọng của ông là sở hữu nhiều sách hơn khả năng đọc, một khát vọng được thôi thúc bởi việc đã phải bỏ lại toàn bộ sách của ông khi họ rời khỏi Việt Nam. Mấy chục cuốn sách bìa giấy bỏ bừa trên bàn của ông, và bà phải gạt chúng qua một bên để tìm cuốn sổ mà ông ghi lại những lần lú lẫn trong mấy tháng qua. Ông đã cho muối vào cà
https://thuviensach.vn
phê và rắc đường vào chén canh của mình, khi một người tiếp thị qua điện thoại gọi tới, ông đã đồng ý đặt mua năm năm tờ Guns & Ammovà tờ Cosmopolitan; và một ngày nọ ông nhét ví vào ngăn đá trong tủ lạnh, tạo ra nghĩa mới cho cụm từ “tiền mặt cứng, lạnh” hoặc theo kiểu ông nói đùa với bà khi bà tìm thấy nó. Nhưng không có chỗ nào nhắc tới Yến, và sau một phút lưỡng lự, bên dưới dòng ghi gần đây nhất của ông, bà Khanh soạn ra đoạn sau: “Hôm nay tôi đã gọi vợ tôi bằng tên Yến,” bà viết thế. Bà bắt chước nét bay bướm trong lối viết của ông một cách hết sức cẩn thận, giả như việc bà làm là vì lợi ích của giáo sư. “Lỗi lầm này không được tái diễn.”
Sáng hôm sau, giáo sư giơ tách cà phê ra và nói, “Ðưa giùm anh lọ đường, Yến.” Ngày kế tiếp, khi bà tỉa tóc cho ông trong phòng tắm, ông hỏi, “Tối nay tivi có gì vậy, Yến?” Vì ông cứ gọi bà bằng tên của người khác nhiều lần suốt trong những tuần kế tiếp, câu hỏi người phụ nữ ấy là ai chiếm trọn thời gian của bà. Có lẽ Yến là một đam mê thoáng qua lúc nhỏ, hoặc một bạn sinh viên trong những năm sau đại học ở Marseille, hoặc thậm chí là một bà vợ khác ở Sài Gòn, một bà mà ông ghé thăm trên đường từ trường đại học về nhà, trong những giờ đằng đẵng vào chiều tối khi ông bảo bà rằng ông đang ở văn phòng trong viện đại học, sửa bài thi cho sinh viên. Bà ghi lại mọi sự cố về nhầm lẫn tên gọi này vào các sổ của ông, nhưng sáng hôm sau ông đọc những dòng giả mạo của bà mà không có phản ứng gì, và không lâu sau đó có thể lại gọi bà là Yến, cho đến khi bà nghĩ bà có thể bật khóc nếu nghe thấy cái tên đó lần nữa.
Người phụ nữ ấy rất có thể là một hình ảnh tưởng tượng mà trí óc lan man của giáo sư tìm thấy, hoặc như bà tự nhủ khi nhìn thấy ông ở truồng, quỳ trong bồn tắm và điên cuồng chà cọ quần dài và quần lót dưới tia nước nóng. Trừng mắt liếc qua vai, giáo sư la lên, “Ra đi!” Bà bật lui lại, vội vàng đóng sầm cửa buồng tắm. Trước đây chưa bao giờ giáo sư mất kiểm soát như vậy, hoặc lớn tiếng với bà, ông cũng không
https://thuviensach.vn
hề như thế ngay cả trong những ngày đầu sau khi chuyển tới phía nam California, khi họ dùng bữa bằng tem thực phẩm, nhận trợ cấp thuê nhà, và mặc quần áo cũ do giáo dân nhà thờ St. Albans gởi tặng. Ðó là tình yêu thực sự, bà nghĩ, khi không tặng hoa hồng mà đi làm mỗi ngày và không hề than thở về việc dạy tiếng Việt cho những người được gọi là học viên ngôn ngữ di sản, những sinh viên là di dân và người tị nạn vốn đã rành thứ tiếng này nhưng đơn giản chỉ muốn điểm cao.
Ngay cả trong thời kỳ kinh hoàng nhất của đời bà, khi họ lạc hướng giữa cõi trời biển xanh ngát mênh mông, sóng cuộn không ngừng về phía đường chân trời, giáo sư cũng không hề cao giọng. Ðến buổi tối
ngày thứ năm, âm thanh duy nhất ngoài tiếng sóng vỗ vào thân tàu là tiếng trẻ con rên rỉ và người lớn cầu khấn Chúa, Phật, và ông bà tổ tiên của họ. Giáo sư không cầu nguyện. Thay vì thế, ông đứng ở mũi tàu cứ như đang ở trên bục giảng, mấy đứa con rúc vào nhau dưới chân ông để tìm che chở trước làn gió đêm, và ông nói bừa với chúng. “Ngay cả ban ngày mấy con cũng không thấy được,” ông nói, “nhưng dòng hải lưu đang đẩy tàu mình sẽ chảy thẳng tới Philippines, theo kiểu nó vẫn chảy từ khai thiên lập địa.” Ông lặp lại câu chuyện này thường xuyên tới nỗi ngay cả bà cũng tin theo, cho đến buổi chiều của ngày thứ bảy, khi họ thấy, ở xa xa, một dải đất đầy đá của một bờ biển xa lạ. Bám trên đó là những căn chòi của một làng chài, cứ như làm bằng cành cây và cỏ tranh, nép giữa lưa thưa rừng đước. Nhìn thấy đất liền, bà đã ngã vào vòng tay của ông, xô nghiêng cả cặp mắt kính của ông, và khóc thoải mái lần đầu tiên trước mặt những đứa con đang ngạc nhiên của bà. Bà bị chìm hoàn toàn vào nỗi ngây ngất do biết rằng tất cả họ sẽ được sống, đến nỗi bà buột miệng “Em yêu anh.” Ðó là điều bà chưa bao giờ nói trước mặt người khác và gần như chưa từng nói trong chỗ riêng tư, và giáo sư, bối rối vì tiếng khúc khích của mấy đứa con, chỉ biết mỉm cười và chỉnh lại gọng kính. Nỗi bối rối của
https://thuviensach.vn
ông chỉ tăng thêm khi họ cặp vào vùng đất liền mà dân địa phương cho họ biết là bờ biển phía đông Malaysia.
Vì lý do nào đó, giáo sư không nói về thời điểm trên biển này, tuy ông nhắc tới rất nhiều chuyện khác mà họ đã cùng nhau làm trong quá khứ, trong đó có những sự việc mà bà không nhớ gì cả. Càng nghe ông nói, bà càng sợ trí nhớ của mình đang mất dần đi. Có lẽ họ thực sự đã ăn kem có mùi sầu riêng trên hàng hiên nhà ở một đồn điền trà trên cao nguyên miền Trung, ngồi dựa trên ghế mây. Và liệu có thể họ đã cho hươu trong sở thú Sài Gòn ăn măng tre không? Hoặc đã cùng nhau đuổi được một kẻ móc túi, một người tị nạn ghẻ lở từ vùng quê bị bom đạn tàn phá lẻn đến bên họ trong chợ Bến Thành?
Khi những ngày mùa xuân kéo dài dần thành mùa hè, bà ngày càng ít trả lời điện thoại, sau cùng tắt hẳn chuông để giáo sư khỏi trả lời luôn. Bà sợ rằng nếu có ai xưng tên bà, ông có thể hỏi, “Ai vậy?”. Ðáng lo hơn nữa là viễn cảnh trong đó ông nói với bạn bè hoặc con cái về Yến. Khi con gái bà từ Munich gọi về, bà nói, “Ba mày không khỏe lắm,” nhưng để các chi tiết ở tình trạng mơ hồ. Bà nói chuyện cởi mở hơn với Vinh, hiểu rằng mọi điều bà nói cậu sẽ viết thư điện tử kể lại cho mấy đứa kia. Nhưng mỗi khi cậu để lại lời nhắn, bà đều nghe được tiếng xèo trên chảo mỡ, hoặc tiếng huyên thuyên của kênh tin tức, hoặc tiếng còi xe tin tin. Cậu chỉ gọi cho bà bằng điện thoại di động khi cậu đang làm việc gì khác. Bà thừa nhận tuy rất yêu con trai, nhưng bà cũng rất ít thích nó, một thú nhận khiến bà kém vui với bản thân cho đến ngày bà gọi lại cậu và cậu ta hỏi, “Má quyết định chưa? Má có nghỉ việc không?”
“Ðừng bắt má nói lần nữa.” Bà cuốn sợi dây điện thoại chặt vào ngón trỏ. “Má không bao giờ bỏ việc đâu.”
Sau khi gác máy, bà trở lại với công việc thay khăn trải giường mà giáo sư đái dầm tối hôm trước. Ðầu bà nhức bưng bưng vì thiếu ngủ, lưng
https://thuviensach.vn
bà ê ẩm vì công việc nhà, và cổ bà cứng nhắc vì lo nghĩ. Ðến giờ lên giường, bà không ngủ được, nghe giáo sư nói về cảnh những cơn gió mistral đẩy ông thế nào từ bên này sang bên kia những con đường nhỏ ngoằn ngoèo ở Le Panier, nơi ông sống ở một căn hộ tầng hầm trong những năm học ở Marseille, hoặc về âm thanh mê hoặc của mấy trăm cây bút cào trên giấy khi sinh viên làm bài thi. Khi ông nói, bà ngắm ánh sáng mờ mờ trong phòng ngủ của họ, hắt vào từ những bóng đèn đường bên ngoài, và nhớ lại trăng trên Biển Ðông sáng đến độ ngay cả nửa đêm bà vẫn còn thấy được nét sợ hãi trên mặt mấy đứa con. Bà đang đếm những chiếc xe chạy qua bên ngoài, lặng chờ nghe những âm thanh của động cơ và hy vọng ngủ được thì giáo sư chạm vào bàn tay bà trong bóng tối. “Nếu nhắm mắt lại,” ông nói nhẹ nhàng, “Em có thể nghe được âm thanh của biển.”
Bà Khanh nhắm mắt lại.
Tháng Chín đến rồi đi. Tháng Mười trôi qua và đến mùa gió Santa Ana, xô từ núi về phía đông cộng hưởng với sức mạnh của dòng giao thông trên đường cao tốc, làm dập những thân cây cói giấy mà bà trồng trong mấy chậu sứ bên cạnh hàng rào mắt cáo. Bà không còn để giáo sư đi dạo một mình vào buổi chiều nữa, mà thay vào đó bà lặng lẽ theo sau ông một khoảng độ năm ba mét, giữ chặt nón trước những cơn gió. Nếu gió Santa Ana dịu lại, họ cùng đọc sách ở sân trong. Trong mấy tháng qua, giáo sư có thói quen đọc lớn tiếng, và chậm. Mỗi ngày ông có vẻ đọc càng lớn tiếng hơn, và chậm hơn, cho đến buổi chiều tháng Mười một đó ông ngưng giữa câu lâu đến độ quãng im lặng kéo bà Khanh ra khỏi sức hút của cuốn tiểu thuyết diễm tình mới nhất của Quỳnh Dao.
“Có chuyện gì vậy?” Bà hỏi, gập cuốn sách của mình lại.
“Anh đã cố đọc câu này cả năm phút,” giáo sư nói, nhìn vào trang sách. Khi ông nhìn lên, bà thấy mắt ông rướm lệ. “Anh đang mất trí,
https://thuviensach.vn
phải không?”
Từ đó, bà đọc cho ông nghe mỗi khi rảnh rỗi, từ những sách về các đề tài hàn lâm mà bà chẳng chút quan tâm. Bà dừng lại bất cứ lúc nào ông bắt đầu kể lại một ký ức – nỗi bồn chồn của ông khi gặp cha của
bà lần đầu, trong khi bà chờ trong bếp để được giới thiệu ra mắt, vào ngày đám cưới của họ, khi ông gần như ngất xỉu vì nóng và cái cà vạt quá siết, hoặc cái ngày họ trở lại Sài Gòn ba năm trước và thăm lại ngôi nhà cũ của họ trên đường Phan Thanh Giản mà ban đầu họ không tìm ra bởi vì con đường được đổi tên thành Ðiện Biên Phủ. Sài Gòn cũng bị đổi tên sau khi đổi chủ, nhưng họ không sao gọi nó là Thành phố Hồ Chí Minh được. Cả người tài xế taxi đưa họ từ khách sạn tới ngôi nhà đó cũng không gọi được, cho dù anh ta quá trẻ không thể nhớ được một thời khi thành phố này chính thức là Sài Gòn.
Họ đậu xe cách ngôi nhà cũ của họ hai căn, và ngồi trong xe để tránh những cán bộ từ miền Bắc đã dọn vào đó ở sau khi chính quyền mới tiếp quản. Bà và giáo sư gần như bị chìm trong nỗi buồn và giận dữ,
nổi xung lên khi họ tự hỏi những kẻ lạ kia là ai mà coi sóc ngôi nhà của họ quá tệ như vậy. Ngọn đèn lẻ loi trong con hẻm soi sáng những giọt nước mắt của gỉ sét chảy thành vệt trên bức tường, bị mưa trong mùa
đẩy trôi xuống từ lưới sắt trên sân thượng. Khi cần gạt nước của chiếc taxi kêu cọt kẹt trên mặt kính chắn gió, một thợ đấm bóp về khuya đạp xe ngang qua, thông báo công việc của anh ta bằng cách lắc một cái chai thủy tinh đựng sỏi. [12]
“Em bảo anh rằng đó là âm thanh cô đơn nhất trên đời,” giáo sư nói.
Trước khi ông bắt đầu nói chuyện, bà đang đọc cho ông nghe một cuốn tiểu sử của De Gaulle, và ngón tay bà vẫn chỉ vào chữ cuối cùng vừa đọc. Bà không thích nghĩ về ngôi nhà đã mất của họ, và bà không nhớ mình từng nói điều gì như thế. “Mấy cái gạt nước hay chai thủy tinh?” bà hỏi.
https://thuviensach.vn