🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Thầy
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Tên sách: Người Thầy– Hồi ức của một nhà giáo Mỹ Nguyên bản tiếng Anh: Teacher Man – A Memoir. Tác giả: Frank McCourt
Người dịch: Lê Chu Cầu
NXB: Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn
Ngày xuất bản: 06/2008
Số trang: 334
Kích thước: 13.5x20.7 cm
Giá bìa: 65.000 VNĐ
Người gõ: picicrazy
Tạo ebook: lilypham
Ngày hoàn thành: 1/10/2010
https://thuviensach.vn
Giới thiệu chung
Gần một thập kỷ trước, ở tuổi sáu mươi, Frank McCourt trở thành ngôi sao bất đắc dĩ khi xuất hiện trên văn đàn với Angela’s Ashes, quyển hồi ký giành giải thưởng Pulitzer kể về thời thơ ấu của ông ở Limerick, Ireland. Sau đó đến ‘Tis, tự thuật vô cùng thú vị về những năm đầu tiên ông sống tại thành phố New York.
Giờ đây là quyển sách từ lâu được mong đợi của McCourt, giải thích vì sao mà sự nghiệp dạy học ba mươi năm quyết định màn hai đời ông với tư cách một nhà văn. Người Thầy cũng là lời tỏ lòng kính trọng khẩn thiết gửi đến các thầy cô giáo ở khắp mọi nơi. Bằng văn phòng táo bạo và sinh động làm nổi bật tài hóm hỉnh đôi khi hơi bất kính cùng bản tính thành thật lay động lòng người, McCourt đã ghi lại mọi gian truân, thành tựu và không ít bất ngờ ông đối diện tại các trường trung học công quanh địa phận thành phố New York. Phương pháp của ông không gì ngoài lối cổ truyền – McCourt tạo được ảnh hưởng lâu dài lên học sinh thông qua những bài luận phát huy tối đa trí tưởng tượng (ông đề ra cho cả lớp viết Thư Adam hoặc Eve xin lỗi Chúa Trời) hát các cách nấu ăn và những chuyến đi thực tế.
McCourt đấu tranh tìm phương pháp giảng dạy tối ưu trong lớp học, dành buổi tối uống rượu với các nhà văn, và mơ đến một ngày trải câu chuyện của chính mình lên trang giấy. Người Thầy cho thấy McCourt đã phát triển khả năng vô song ấy khi kể một câu chuyện lớn, năm ngày một tuần, năm tiết một ngày, giành được sự chú ý và tôn trọng của lớp thanh thiếu niên ngỗ ngược, lãnh đạm đang tuổi trưởng thành. Cuộc hôn nhân sóng gió, nỗ lực lấy bằng thạc sĩ ở Trinity College bất thành, bị sa thải liên miên vì thói quen phản ứng trước cấp trên, mỉa mai thay lại đưa McCourt đến với một trong những trường trung học uy tín nhất toàn New York, trường Trung học Stuyvestant, nơi cuối cùng ông cũng tìm thấy một vị trí, một tiếng nói cho mình, "Sự gan góc bền chí", ông nói, "tuy không hấp dẫn như khát vọng hoặc tài năng hoặc vẻ quyến rũ, song vẫn là thứ duy nhất đã giúp tôi vượt qua bao ngày đêm."
https://thuviensach.vn
Với McCourt, tự thân việc kể chuyện là khởi nguồn cứu rỗi, và ở Người Thầy, hành trình đi đến cứu chuộc, cũng như sự nghiệp văn chương là một cuộc phiêu lưu hồ hởi.
Năm 1976, ông được phong danh hiệu Nhà giáo của Năm, danh hiệu cao quý của một nhà giáo Mỹ.
Frank McCourt sinh năm 1930 tại Brooklyn, New York, trong một gia đình cả bố lẫn mẹ đều là di dân Ireland; ông lớn lên tại Limerick, Ireland, quay trở lại Mỹ năm 1949. Trong suốt ba mươi năm ông đã giảng dạy tại nhiều trường trung học ở New York. Cuốn sách đầu tay của ông, Angela's Ashes, giành giải thưởng Pulitzer, Giải thưởng của giới phê bình sách toàn quốc (National Book Critics Circle Award), và Giải thưởng sách của tờ Thời báo L.A. (L.A. Times Book Award). Ông hiện sống với vợ, Ellen, tại New York và Connecticut.
"Từ những con phố Ireland nghèo khổ đến những lớp trung học của thành phố New York, Frank McCourt đã đổi khu vườn gian khó này lấy khu vườn gian khó khác, nhưng luôn luôn là con mắt hài hước, trái tim biết cảm thông và cái tài của một người kể chuyện bậc thầy. Người Thầy chính là một tiếng kêu từ trong cơ man chướng ngại vật của giáo dục công, là tài liệu cần phải đọc không chỉ cho tất cả các thầy cô giáo mà cho bất kỳ ai từng đặt chân vào một trường trung học. Thật may, sẽ không có bài kiểm tra nào hết."
- Billy Collins, tác giả "Vấn đề về Thơ: và những bài thơ khác" "Vẫn lối hóm hỉnh sâu cay ấy, giọng trữ tình ấy, và khiếu văn đối thoại rõ rành ở đây... Cái mất của nghề dạy học thành cái được trọn vẹn của công chúng đọc".
- Kirkus Reviews
"Một cuốn sách cũng nên là tài liệu đọc bắt buộc cho mọi giáo viên ở Mỹ."
- Publishers Weekly
"... Ông đã miêu tả một người thầy mà tất cả chúng ta đều ước ao có được."
- Ron Charles, The Washington Post
https://thuviensach.vn
"Trân trọng giới thiệu: Một hành trình khám phá cho các học sinh và thầy cô giáo và, trên hết, cho tất cả những ai đọc cuốn sách tuyệt vời này. Người Thầy can hệ tới tất cả chúng ta."
- Mark Bay, Library Journal
Mục lục
Lời cảm tạ
Lời mở đầu
PHẦN 1 - CON ĐƯỜNG VẠN DẶM ĐỂ TRỞ THÀNH NHÀ GIÁO 1
2
3
4
5
6
7
8
PHẦN II - CHỈ LOÀI LỪA MỚI ĂN CÂY KẾ
9
10
11
PHẦN III - SINH HOẠT SỐNG ĐỘNG - ĐẾN VỚI PHÒNG HỌC SỐ 205
12
https://thuviensach.vn
13 14 15 16 17 18
https://thuviensach.vn
FRANK MCCOURT
NGƯỜI THẦY
HỒI ỨC CỦA MỘT NHÀ GIÁO MỸ
Tặng những thế hệ tiếp nối của Gia tộc McCourt:
Siobhan (con gái của Malachy) cùng các con Fiona và Mảk Malachy ở Bali (con trai của Malachy)
Nina (con gái riêng của vợ Malachy)
Mary Elizabeth (con gái của Michael) và con gái Sophia Angela (con gái của Michael)
Canor (con trai của Malachy) và con gái Gillian
Cormac (con trai của Malachy) và con gái Adrianna
Maggie (con gái của Frank) và các con Chiara, Frankie và Jack Allison (con gái của Alphie)
Mikey (con trai của Michael)
Katie (con gái của Michael)
Hãy ca lên bài ca của các cháu, hãy nhảy vũ điệu của các cháu, hãy kể lại câu chuyện của chính đời mình.
https://thuviensach.vn
Lời cảm tạ
Xin cảm tạ American Academy ở Rome đã tạo điều kiện cho tôi được hoan hỉ nghiên cứu suốt ba tháng trong một khung cảnh huy hoàng. Cảm tạ bà Pam Carter của khách sạn Savoy ở London đã thu xếp cho tôi ở dãy phòng quay mặt ra sông và chu tất mọi chuyện suốt ba tháng tôi tạm trú.
Cảm tạ Molly Friedrich, người đại diện của tôi, về những lời khích lệ vào những ngày tôi nản lòng thối chí.
Với bà Nan Grahm, người phụ trách biên tập, thì tôi phải gióng trống thổi kèn lên thôi. Tôi viết ra, đặt hàng chữ này cạnh hàng chữ khác, rồi kinh ngạc đứng xem bà đẽo chỗ này gọt chỗ kia, cho đến khi thành hình một quyển sách.
Và gửi tình yêu đến mình, Ellen, người vợ tuyệt vời, luôn hân hoan và tươi tắn, bao giờ cũng sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu sắp tới, bao giờ cũng dịu dàng ân cần.
https://thuviensach.vn
Lời mở đầu
Giá như tôi được biết chút gì về Sigmund Freud và Phân tâm học thì hẳn tôi đã tìm thấy nguồn gốc của mọi nỗi khốn khổ của mình từ tuổi thơ bất hạnh ở Ireland. Tuổi thơ bất hạnh ấy đã lấy đi ở tôi ý thức tự trọng, làm bộc phát những cơn than vãn thương thân trách phận, làm tê liệt những cảm xúc của tôi, khiến tôi thành một con người kỳ cục, đố kỵ và không tôn trọng quyền lực, khiến tôi phát triển chậm lại, làm què quặt quan hệ của tôi với người khác phái, cản trở tôi thăng tiến trong cuộc đời và đã biến tôi thành kẻ hầu như không thích ứng được với xã hội loài người. Làm sao mà tôi trở thành một ông thầy và kiên trì đảm đương công việc này mới là chuyện lạ, và tôi phải tự cho mình điểm tối đa vì rằng đã trụ vững được bấy nhiêu năm ấy trong những lớp học ở New York. Nên có huân chương cho những ai đã sống trải qua tuổi thơ bất hạnh mà vẫn trở thành nhà giáo, và tôi đáng được đứng đầu danh sách nhận huân chương, mặc cho những hệ quả không hay có thể sẽ chồng chất.
Tôi có quyền đổ lỗi. Tuổi thơ đâu có tự nhiên bất hạnh. Bất hạnh là do người ta gây ra. Có những thế lực đen tối. Nếu tôi có đổ lỗi thì cũng trong tinh thần khoan dung thôi. Bởi thế, tôi tha thứ cho những người sau đây: Giáo hoàng Pius XII; dân tộc Anh nói chung và vua George VI nói riêng; Hồng y MacRory, người đã cai trị Ireland thời tôi còn nhỏ; Giám mục giáo xứ Limerick, kẻ nhìn đâu cũng toàn thấy tội lỗi; Eamonn De Valera – nguyên thủ tướng (Taoiseach) và tổng thống Ireland. De Valera là một tay người Gaelic lai Tây Ban Nha cuồng tín (món hành Tây Ban Nha trong nồi thịt hầm Ireland) đã chỉ thị cho giáo chức trên khắp nước Ireland làm sao dần cho tiếng Anh mẹ đẻ ngấm vào sọ chúng tôi[1] và tính hiếu kỳ tự nhiên tuyệt nọc. Ông ta bắt chúng tôi trải qua không biết bao nhiêu giờ khắc khốn khổ. Ông ta chẳng thèm quan tâm đến những vết bầm tím mà ngọn roi của thầy giáo đã để lại trên những phần khác nhau của thân thể còn non yếu của
https://thuviensach.vn
chúng tôi. Tôi cũng tha thứ luôn cho vị linh mục đã tống cổ tôi khỏi phòng xưng tội, khi tôi thú tội thủ dâm và lén lấy mấy đồng cắc từ ví tiền của mẹ tôi. Ông phán tôi không hề tỏ tinh thần gì là thành tâm sám hối, nhất là về tội dâm dục. Tuy ông nói trúng phóc, nhưng vì không chịu giải tội cho tôi nên ông đã đẩy tôi vào đại họa bởi giả thử tôi bị xe tải cán chết ngay trước cổng nhà thờ thì ông sẽ phải chịu trách nhiệm chuyện linh hồn tôi phải chui xuống địa ngục đời đời kiếp kiếp. Tôi tha thứ luôn cho vô số những ông thầy khắc nghiệt đã túm tóc tôi lôi tôi khỏi ghế ngồi, và cho tôi ăn đòn đều đặn bằng thước, dây da hay roi khi tôi ấp a ấp úng những câu trả lời về giáo lý, hay không chia nhẩm nổi 937 cho 739. Bố mẹ tôi và những người lớn khác đều bảo vì thương tôi nên mới cho roi cho vọt. Tôi tha thứ cho họ tội đạo đức giả thấu trời này và tự hỏi nay họ đang ở đâu? Thiên đường chăng? Hay địa ngục? Hay lò luyện tội (chẳng rõ ngày nay nó có còn không nữa)?
Thậm chí tôi còn tự tha lỗi cho chính mình, song mỗi khi hồi tưởng lại nhiều quãng đời đã qua, tôi vẫn ta thán. Mi đúng là đồ con lừa! Sao mà nhút nhát! Toàn chuyện xuẩn ngốc! Hết do dự ngại ngần lại đến vụng về nhầm lẫn.
Thế rồi tôi thử nhìn kỹ lại. Suốt thời thơ ấu và niên thiếu tôi tự vấn lương tâm và thấy mình triền miên ở trong tình trạng phạm tội gì đó. Đấy chính là sự rèn luyện, tẩy não, thích ứng, dẹp bỏ mọi tự mãn, đặc biệt trong cái tầng lớp đầy rẫy tội lỗi này.
Nay tôi nghĩ quãng thời gian đó đã đem lại cho tôi ít nhất một phẩm tính: sự gan góc bền chí. Tuy không hấp dẫn như khát vọng hoặc tài năng hoặc trí tuệ hoặc vẻ quyến rũ, song vẫn là thứ duy nhất đã giúp tôi vượt qua bao ngày bao đêm.
F.Scott Fitzgerald đã từng nói rằng đời người ở Mỹ không có màn hai. Chẳng qua ông đã không sống đủ lâu đấy thôi. Điều ông nói không đúng trong trường hợp của tôi.
Suốt ba mươi năm tôi dạy trung học ở thành phố New York không một ai quan tâm đến tôi mảy may, ngoài các học trò của tôi. Đối với thế giới bên ngoài ngôi trường tôi vô hình. Thế rồi tôi viết một quyển sách về thời niên
https://thuviensach.vn
tôi hiếu, tức thì trở thành một tay mick[2]nổi tiếng. Lúc ấy tôi mong quyển sách này sẽ giúp cho lũ con cháu McCourt hiểu rõ hơn về dòng họ của chúng. Lúc ấy tôi chỉ mong bán được vài trăm quyển và biết đâu tôi sẽ được các câu lạc bộ đọc sách mời đến thảo luận. Đùng một cái nó lọt vào danh sách best-seller và được dịch sang ba mươi thứ tiếng, tôi sửng sốt. Quyển sách đó chính là màn hai của đời tôi.
Trong làng văn thì tôi là loại hoa nở muộn, một ma mới, một tay non nớt mới nhập hội. Quyển đầu tiên của tôi, Angela’s Ashes[3], xuất bản năm 1996 khi tôi đã 66 tuổi, quyển thứ hai, Tis, năm 1999 khi tôi 69 tuổi. Vào tuổi đó mà còn cầm vững được cây bút thì quả là kỳ diệu. Những người bạn mới của tôi (sau này mới quen nhờ có sách lọt vào bảng xếp hạng best seller) đã có tác phẩm xuất bản từ tuổi đôi mươi. Những anh bạn mới lớn.
Vậy, điều gì khiến ông nấn ná mãi?
Tôi còn đang dạy học, đó là lý do khiến tôi nấn ná mãi. Không phải ở trường cao đẳng hay đại học, nơi ta thừa thì giờ trên đời để viết lách hay phân tâm nghĩ chuyện khác, mà ở bốn trường trung học công lập khác nhau của thành phố New York. (Tôi đã đọc nhiều chuyện về cuộc đời những vị giáo sư đại học hình như mắc bận vì những chuyện ngoại tình và giành giật ghế giảng dạy đến nỗi người ta thắc mắc không biết họ nhét số giờ dạy ít ỏi của mình vào đâu). Khi ta phải dạy năm lớp trung học một ngày, năm ngày một tuần, thì thật khó còn đầu óc để tối về thanh thản thêu dệt những áng văn bất tử. Sau một ngày đứng năm lớp thì đầu óc chỉ đầy những tiếng huyên náo của lớp học thôi.
Tôi không hề kỳ vọng Angela’s Ashes sẽ lôi cuốn được sự chú ý nào, thế nhưng khi nó trúng vào danh sách best-seller thì tôi trở thành cục cưng của giới truyền thông. Tôi được chụp hình hàng trăm lần. Tôi là hàng mới già lão, chất giọng Ireland. Tôi được phỏng vấn cho hàng tá xuất bản phẩm. Tôi gặp các thống đốc, thị trưởng, diễn viên. Tôi gặp Tổng thống Bush cha và thống đốc bang Texas con trai ông[4]. Tôi gặp Tổng thống Clinton và phu nhân Hillary Rodham Clinton. Tôi gặp Gregory Peck. Tôi diện kiến Giáo
https://thuviensach.vn
hoàng và hôn chiếc nhẫn của ngài. Bà Sarah, công tước xứ York, đã phỏng vấn tôi. Bà bảo rằng tôi là người đoạt giải Pulitzer đầu tiên bà phỏng vấn. Tôi đáp rằng bà là nữ công tước đầu tiên tôi được làm quen. Bà “ồ” lên, rồi hỏi người quay phim: Có cảnh đó không đấy? Có cảnh đó không đấy? Tôi được đề cử vào danh sách giải Grammy cho loại sách-nghe[5] và tí nữa thì được gặp Elton John. Người ta nhìn tôi với đôi mắt khác xưa. A, hóa ra ông viết quyển ấy đấy, họ nói, Thưa ông McCourt, xin mời ông đi lối này, hay Chẳng hay ông cần gì không, bất cứ thứ gì? Một bà trong quán cà phê nheo mắt nói: “Tôi đã thấy ông trên ti vi. Hẳn ông phải là một nhân vật quan trọng. Ông tên gì nhỉ? Cho tôi xin chữ ký được không?” Tôi được lắng nghe. Tôi được yêu cầu phát biểu quan điểm về Ireland, về bệnh viêm kết mạc, bệnh nghiện rượu, về răng lợi, về giáo dục, tôn giáo, về những âu lo sợ hãi của thanh thiếu niên, về William Butler Yeats[6], về văn học nói chung. Mùa hè này ông đang đọc những quyển gì? Năm nay ông đã đọc những quyển nào rồi? Họ hỏi về giáo lý, viết lách, nạn đói. Tôi thuyết trình trước những cuộc hội họp của nha sĩ, luật sư, bác sĩ nhãn khoa và, tất nhiên rồi, giới giáo chức. Tôi chu du khắp thế giới, làm một người Ireland, một thầy giáo, một chuyên gia về mọi sự bất hạnh và khốn cùng, một ngọn đèn hy vọng cho những công dân cao tuổi ở khắp nơi lúc nào cũng chỉ muốn kể chuyện đời mình.
Angela’s Ashes được dựng thành phim. Ở Mỹ anh muốn viết gì thì viết, nhưng cái chính vẫn là Phim. Anh có thể viết cả quyển niên giám điện thoại vùng Manhattan, nhưng người ta vẫn sẽ hỏi: Thế à, bao giờ dựng thành phim?
Giả sử tôi chưa hoàn thành quyển Angela’s Ashes thì hẳn tôi đã chết trong lúc khẩn cầu: Lạy Chúa, một năm nữa, chỉ một năm nữa thôi vì đó là quyển sách duy nhất con muốn hoàn thành trong đời – ý là quãng đời còn lại. Tôi thật không dám mơ nó sẽ nằm trong danh sách best-seller. Tôi chỉ mong nó sẽ chễm chệ trên giá sách trong khi tôi kín đáo núp trong hiệu sách và theo dõi những phụ nữ xinh đẹp lần giở từng trang sách rồi thỉnh thoảng nhỏ đôi giọt lệ. Rồi dĩ nhiên, họ sẽ mua quyển sách, mang về nhà, nằm dài
https://thuviensach.vn
trên đi văng, vừa đọc câu chuyện của tôi vừa uống trà hay nhấp ly Sherry hảo hạng. Rồi họ sẽ đặt mua cho tất cả bạn bè của họ.
Trong quyển ‘Tis tôi viết về cuộc sống của tôi trên đất Mỹ và việc tôi trở thành thầy giáo như thế nào. Sau khi sách được xuất bản, tôi cứ mãi bứt rứt rằng đã viết quá ít về chuyện dạy học. Ở Mỹ thì giới bác sĩ, luật sư, tướng tá, diễn viên, ngôi sao truyền hình và chính trị gia được thiên hạ trầm trồ và trả tiền hậu hĩnh. Giới giáo chức thì đừng hòng. Dạy học là “con sen” trong mọi nghề nghiệp. Thầy giáo phải đi cửa dành cho người làm hoặc cửa hậu. Người ta chúc mừng họ vì họ TTTG (thừa thãi thì giờ). Người ta nói về họ với vẻ kẻ cả, rồi sau đó vỗ về. À vâng, hồi bé tôi có một cô giáo dạy tiếng Anh, cô Smith; cô đã thật sự khơi gợi được cảm hứng trong tôi. Tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên cô Smith già quý hóa. Cô thường bảo rằng trong bốn mươi năm dạy học, nếu cô thật sự đánh thức được lòng yêu văn chương trong tâm hồn một đứa học trò thôi thì cũng đủ mãn nguyện rồi. Cô có thể thỏa dạ nhắm mắt. Sau đó không lâu, cô giáo Anh văn giàu lòng say mê này héo hắt dần, sống nốt tuổi già bóng xế nhờ số tiền hưu nhỏ mọn và mơ đến một đứa trẻ mà biết đâu cô đã khơi gợi được cảm hứng. Cô ơi, hãy cứ tiếp tục mơ đi. Thiên hạ chẳng ai vinh danh cô cả.
Thử tưởng tượng, ta bước vào lớp, đứng một lúc, chờ lớp học yên lặng, nhìn đám học trò mở tập vở và bấm bút lách cách, rồi ta nói cho chúng biết tên ta, viết cả lên bảng, rồi bắt đầu buổi học.
Trên bàn giáo viên, ta có giáo trình tiếng Anh của trường. Ta sẽ giảng về chính tả, từ vựng, văn phạm, tập đọc, tập làm văn, văn học. Ta chỉ mong cho sớm đến giờ giảng văn. Lúc ấy sẽ có thảo luận sôi nổi về thơ, kịch, tiểu luận, tiểu thuyết, truyện ngắn. Một trăm bảy mươi cánh tay học trò giơ cao và rồi chúng sẽ tranh nhau kêu: Em, thưa thầy McCourt, em, em muốn phát biểu.
Ta mong đợi chúng sẽ nói gì đó. Ta không muốn chúng chỉ ngồi trố mắt nhìn ngơ ngẩn trong khi ta cố gắng làm cho buổi học được sinh động. Ta sẽ say sưa với những tên tuổi của nền văn học Anh và Mỹ. Những giờ ta có với Carlyle và Arnold, Emerson và Thoreau mới thú vị làm sao. Với Shelley, Keats, Byron, nhất là “bạn già” Walt Whitman thì khỏi phải
https://thuviensach.vn
nói. Lũ học trò sẽ không biết chán những trường phái lãng mạn, nổi loạn và phản kháng ấy. Mà ta cũng vui lây, vì trong thâm tâm và trong những giấc mơ, ta vốn là kẻ lãng mạn cuồng nhiệt. Ta thấy chính mình đứng trên chiến lũy.
Các hiệu trưởng và những nhân vật có quyền hành khác đi ngoài hành lang sẽ nghe thấy tiếng hò reo phấn khích trong lớp học của ta. Họ sẽ sửng sốt ghé nhìn qua ô cửa để thấy bao cánh tay giơ cao, thấy nét hăm hở và phấn khích trên khuôn mặt những cô cậu này – những thợ thiếc, thợ điện, thợ thẩm mỹ, thợ mộc, thợ cơ khí, tốc ký viên, thợ máy tương lai.
Ta sẽ được đề nghị khen thưởng danh hiệu Nhà Giáo Của Năm, Nhà Giáo Của Thế Kỷ. Ta sẽ được mời tới Washington. Tổng thống Eisenhower[7] sẽ bắt tay ta. Báo chí sẽ hỏi ý kiến ta, một nhà giáo bình thường, về nền giáo dục. Sẽ là tin giật gân: một thầy giáo được hỏi ý kiến về nền giáo dục. Wow. Ta sẽ xuất hiện trên truyền hình.
Truyền hình.
Hãy thử hình dung: một thầy giáo trên truyền hình.
Người ta sẽ đưa ta bay tới Hollywood, nơi ta sẽ là ngôi sao trong những bộ phim về cuộc đời mình. Xuất thân xoàng xĩnh, tuổi thơ bất hạnh, khó khăn với Giáo hội (mà ta đã can đảm chống chọi), những hình ảnh của ta cô đơn trong góc phòng, bên ánh nến đọc Chaucer, Shakespeare, Austen, Dickens. Ta ở đó trong góc phòng, hấp háy đôi mắt kèm nhèm khốn khổ, kiên gan đọc cho đến khi mẹ ta dẹp nến đi, bảo ta nếu không chấm dứt thì sẽ có ngày lòi mắt khỏi tròng. Ta nài nỉ xin lại cây nến, ta chỉ còn một trăm trang Dombey và Con trai thôi mà, nhưng mẹ bảo: Không, mẹ không muốn rồi đây phải dắt con đi quanh Limerick mà nghe thiên hạ hỏi tại sao con mù khi mới năm ngoái con còn chơi đá bóng mắt mũi như ai.
Ta nói vâng với mẹ, vì ta biết bài ca:
Tình thương của mẹ là phúc lành
Dù bạn lưu lạc nơi đâu.
Hãy trân trọng mẹ khi bạn còn có mẹ
Bởi bạn sẽ trống vắng biết bao khi mẹ xa rồi.
https://thuviensach.vn
Hơn nữa, ta không bao giờ có thể cãi lại một bà mẹ trong phim, được một trong những diễn viên Ireland kỳ cựu như Sarah Allgood hay Una O’Connor thủ vai, miệng lưỡi và khuôn mặt đầy đau khổ. Mẹ ruột ta cũng có thể trông cũng thương cảm ghê gớm vậy, nhưng không gì bằng xem trên màn ảnh lớn đen trắng hay màu.
Tài tử Clark Gable có thể thủ vai bố ta được đấy, ngoại trừ a) ông ta có lẽ sẽ không phát âm nổi đúng giọng Bắc Ireland của bố ta và b) sẽ là xuống cấp tệ mạt cho ông ta so với Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió), là bộ phim – ta còn nhớ - bị cấm chiếu ở Ireland, nghe nói vậy, vì cảnh Rhett Butler bế cô vợ Scarlett lên cầu thang, mang vào giường, đã khiến các nhà kiểm duyệt phim ở Dublin nổi giận, tống ngay bộ phim này vào danh sách cấm. Không, ta cần một người khác thủ vai ông bố, vì các nhà kiểm duyệt phim Ireland soi mói từng li từng tí. Ta sẽ thất vọng không cùng, nếu nhỡ ra người dân ở Limerick, bản quán của ta, và những vùng khác của nước Ireland bị mất dịp xem câu chuyện về thời niên thiếu bất hạnh và niềm vinh quang sau này của ta, một nhà giáo đồng thời là ngôi sao màn ảnh.
Nhưng như thế vẫn chưa phải là hết. Chuyện chính sẽ là cuối cùng ta dám từ chối tiếng gọi cám dỗ của Hollywood ra sao, sau bao đêm được đãi đằng yến tiệc, dụ dỗ lên giường với những nữ minh tinh màn bạc, đã thành danh hoặc còn đang tập sự, ta khám phá ra cuộc sống của họ tẻ nhạt như thế nào. Họ đã thổ lộ tâm can với ta bên gối lụa ra sao, còn ta – do lương tâm cắn rứt – đã lắng nghe như thế nào, trong khi họ bày tỏ tấm tình hâm mộ dành cho ta, vì rằng ta tận tụy với học trò nên đã trở thành một thần tượng của Hollywood, rằng họ, những ngôi sao mê hồn – đã thành danh hoặc còn đang tập sự - ân hận biết bao đã lầm đường lạc lối chọn cuộc sống rỗng tuếch ở Hollywood, trong khi, nếu từ bỏ hết thì ngày ngày họ có thể toàn tâm toàn ý vào việc dạy dỗ những thợ thủ công, nhà buôn và thư ký tốc ký tương lai của nước Mỹ. Hẳn đẹp biết bao nhiêu, họ sẽ bảo, được sáng sáng thức dậy, sung sướng nhảy xuống giường, biết phía trước ta đằng đẵng một ngày mới để làm nhiệm vụ Chúa giao là chăm lo cho thanh thiếu niên Mỹ; hài lòng với tiền lương ít ỏi, sự tưởng thưởng thật sự là ánh sáng long lanh đầy biết ơn trong những cặp mắt hăm hở của đám học trò, khi chúng mang
https://thuviensach.vn
đến cho ta món quà từ các vị phụ huynh tuyệt vời chan chứa ân tình của chúng bánh ngọt, bánh mì, mì sợi nhà làm hoặc thỉnh thoảng một chai vang từ mảnh vườn nho nhỏ của một gia đình Ý, những món quà của cha mẹ một trăm bảy mươi học trò trường Trung học Hướng nghiệp và Kỹ thuật McKee, vùng Staten Island của thành phố New York.
https://thuviensach.vn
PHẦN 1 - CON ĐƯỜNG VẠN DẶM ĐỂ TRỞ THÀNH NHÀ GIÁO
https://thuviensach.vn
1
Chúng đến kia rồi.
Mà tôi chưa sẵn sàng.
Tôi sẵn sàng tn được chứ?
Tôi là thầy giáo mới, còn đang tập sự mà.
Ngay ngày đầu tiên trong đời thầy giáo của mình, suýt nữa tôi bị sa thải vì ăn chiếc bánh mì kẹp của một cậu học sinh trung học. Ngày thứ hai tí nữa tôi bị sa thải vì nói đến khả năng kết bạn với cừu. Ngoài ra chẳng có gì đặc biệt đáng nhớ trong ba mươi năm tôi dạy các lớp trung học ở thành phố New York. Tôi vẫn thường ngờ vự không biết mình có ở đúng chỗ hay không. Cuối cùng tôi tự hỏi làm sao mình đã trụ nổi lâu nhường ấy.
Đó là tháng Ba năm 1958. Tôi ngồi trên bục giảng trong một phòng học còn vắng hoe của trường Trung học Hướng nghiệp và Kỹ thuật McKee vùng Staten Island, thành phố New York. Tôi tẩn mẩn nghịch mấy thứ đồ nghề mới của mình: năm tập kẹp giấy màu vàng, mỗi tập cho một lớp; một cuộn dây chun bở rạn, một tập giấy kẻ dòng nâu nâu từ thời Thế chiến, lem nhem vết những thứ đã tạo ra nó; một miếng bọt lau bảng cũ mèm; một xấp thẻ màu trắng tôi sẽ lần lượt nhét vào các khe trong cuốn Sổ Điểm danh màu đỏ trầy xước để giúp tôi nhớ tên hơn một trăm sáu mươi em, trai và gái, của năm lớp khác nhau, ngày ngày ngồi thành hàng lối trước mặt mình. Trên thẻ này tôi sẽ ghi điểm chuyên cần, đi muộn của chúng và đánh những dấu nhỏ khi các cô cậu bé làm điều sai quấy. Người ta dặn tôi dùng bút đỏ ghi những việc sai quấy này, nhưng nhà trường không cấp phát, thành ra bây giờ tôi phải làm đơn xin hoặc tự bỏ tiền ra mua, vì bút đỏ dùng ghi những việc sai quấy là vũ khí mạnh nhất của thầy giáo. Ngoài ra tôi còn phải mua đủ thứ nữa. Nước Mỹ thời Eisenhower có phồn vinh, nhưng sự phồn vinh này không nhỏ giọt xuống tới các trường học, tới những ông thầy mới vào nghề cần học cụ cho việc giảng dạy thì lại càng không. Hiệu phó phụ trách hành chính có công văn nhắc nhở mọi giáo viên về tình trạng tài
https://thuviensach.vn
chính khó khăn của thành phố và khuyến cáo tiết kiệm trong việc sử dụng học cụ. Sáng hôm ấy tôi phải quyết định. Chỉ một phút nữa thôi tiếng chuông sẽ rung lên. Chúng sẽ ùa vào lớp và chúng sẽ nói gì khi thấy tôi ngồi thừ trên bục nhỉ? Này, xem kìa. Ông ấy trốn tránh. Chúng thạo bắt thóp thầy giáo lắm. Ngồi thừ trên bục nghĩa là anh sợ, hoặc lười. Anh dùng bục giảng làm hàng rào chắn. Tốt nhất là anh hãy ra ngoài kia và đứng trước mặt chúng. Hãy đón nhận hậu quả. Tỏ ra là đấng nam nhi. Chỉ một sai sót trong ngày đầu sẽ phải mất nhiều tháng ròng mới vớt vát lại nổi.
Đám trẻ đang vào lớp kia đều độ choai choai, mười sáu tuổi, từ vườn trẻ tới giờ là mười một năm. Các thầy đến rồi các thầy đi, đủ loại già, trẻ, nghiêm, hiền. Lũ trẻ quan sát, săm soi, đánh giá. Chúng hiểu ngôn ngữ của cơ thể, sắc thái giọng nói, thái độ của anh nói chung. Chúng chẳng cần phải ngồi ì ra trong phòng vệ sinh hay căng tin bàn tán về những điều này. Chúng chỉ tiếp thu qua mười một năm, rồi truyền lại cho những thế hệ sau. Coi chừng cô Boyd đấy, chúng kháo nhau. Coi chừng bài làm ở nhà, cha nội, coi chừng bài làm ở nhà, cô sửa lỗi đấy nhé. Cô chấm bài đấy! Cô không có chồng, thành ra chẳng có việc gì khác để làm. Cố tìm thầy cô có gia đình với con cái mà ghi tên học, họ không còn thì giờ để mà ngồi ì ra chấm bài hay đọc sách. Nếu cô Boyd thường xuyên nằm ngửa ra thì cô sẽ không cho nhiều bài làm đến thế đâu. Cô toàn ngồi nhà với con mèo, nghe nhạc cổ điển và chấm bài, làm tình làm tội bọn mình. Cô không giống mấy thầy cô khác. Họ cho mình cả đống bài làm, rồi ngoặc một cái coi như xong, chẳng buồn liếc mắt. Mình có cóp cả trang Kinh thánh cũng vẫn được họ phê “Giỏi”. Cô Boyd thì không thế. Ngay từ đầu cô đã bắt thóp được mình rồi. Charlie này, cô xin lỗi, em tự làm bài này ư? Mình sẽ phải thú thật, không, không phải mình tự làm; cha nội ơi, thế là chết mất ngáp.
Đến lớp sớm thế này là sai lầm, vì ta có quá nhiều thì giờ để ngẫm nghĩ về những chuyện sẽ phải đối mặt. Gan trời ở đâu ra, khiến tôi tự thị rằng đủ bản lĩnh trị đám choai choai Mỹ? Tại ngu xuẩn. Gan ở đấy mà ra chứ đâu. Đang là kỷ nguyên Ensenhower và báo chí tường trình về nỗi buồn chán to lớn của thanh thiếu niên Mỹ. Chúng là “Những đứa con lạc loài của những đứa con lạc loài của Thế hệ lạc loài”. Phim ảnh, ca nhạc, sách vở kể cho
https://thuviensach.vn
chúng ta về nỗi buồn chán của chúng: Kẻ nổi loạn vô cớ, Học đường-Chốn rừng xanh, Chuyện khu phố phía Tây, Bắt trẻ đồng xanh[8]. Chúng đưa ra những tuyên ngôn làm ta tuyệt vọng. Cuộc đời vô nghĩa. Người lớn rặt một đám bề ngoài giả dối. Thế thì sống để làm gì? Chúng chẳng có gì để chờ mong, chẳng có nổi một cuộc chiến ranh chúng dự phần để tàn sát đám thổ dân những xứ sở xa xôi, rồi đeo huân chương khập khiễng đi diễu hành trên đại lộ Broadway dưới mưa hoa giấy cho đàn bà con gái chiêm ngưỡng. Chẳng ích gì nếu chúng than thở với các ông bố mới vừa tham chiến xong, hay với các bà mẹ đã phải làm thân chinh phụ suốt thời gian chồng chiến đấu nơi xa. Các ông bố nói, Này, câm miệng đi. Đừng quấy rầy tao. Mông tao găm cả đống mảnh đạn đây này, tao không rỗi hơi cho cái trò than van chê bai của mày, trong khi bụng mày no phưỡn ra, tủ áo quần thì nhồi đầy ắp. Chúa ạ, bằng tuổi mày tao đã phải nai lưng lao lực ở bãi đồng nát, rồi làm phu khuân vác bến tàu để có thể gửi con lừa đần độn là mày vào trường học. Lo nặn lô mụn trứng cá chết tiệt của mày đi và làm ơn để yên cho tao đọc báo.
Bọn thiếu niên buồn chán đến mức chỉ còn cách lập thành băng đảng đánh nhau với các băng đảng khác, không phải kiểu ẩu đả như trong các bộ phim dựng những mối tình bất hạnh, có đệm nhạc ai oán làm nền, mà đả thương trí mạng trong tiếng gào thét chửi rủa, bọn gốc Ý, bọn Mỹ da đen, bọn gốc Ireland, Puerto Rico đâm chém hay phang nhau bằng dao, xích, gậy bóng bầu dục trong Central Park và Prospect Park và cỏ ở đây nhuốm máu của chúng, máu thì luôn đỏ bất kể gốc gác từ đâu. Rồi giả sử có giết chóc thì công luận liền phẫn nộ và lên án, rằng nếu nhà trường và thầy cô làm đúng phận sự thì sẽ không xảy ra những chuyện kinh hoàng kia. Có những nhà ái quốc còn tuyên bố, Nếu lũ trẻ này thừa thì giờ và sức lực để choảng nhau, sao không gửi chúng ra nước ngoài để đánh bọn Cộng sản khốn kiếp, nhân thể giải quyết vấn nạn này một lần cho dứt điểm luôn?
Trường hướng nghiệp bị lắm người khinh rẻ, xem là bãi rác cho bọn học sinh không đủ trình độ để vào trường trung học bình thường. Đúng là kênh kiệu rởm. Công luận chẳng cần biết rằng có hàng nghìn thanh niên thiết tha
https://thuviensach.vn
trở thành thợ cơ khí ô tô, thợ làm đẹp, thợ máy, thợ điện, thợ thiếc và thợ mộc. Những thanh niên này không muốn bận tâm rối trí về cuộc Cải cách Tôn giáo[9], về cuộc Chiến tranh năm 1812[10], về Walt Whitman, về thú thưởng thức nghệ thuật, hay đời sống tình dục của loài ruồi giấm.
Nhưng được thôi, cha nội ơi, nếu ép thì chúng tôi sẽ học mà. Chúng tôi sẽ ngồi nghe giảng những chuyện chẳng hề liên quan gì tới cuộc sống của mình. Chúng tôi sẽ làm việc trong phân xưởng của nhà trường là nơi chúng tôi học biết về thế giới hiện thực, chúng tôi sẽ cố đúng mực với thầy cô, để biến khỏi đây sau bốn năm. Thoát nợ!
Lũ chúng đấy. cánh cửa lớp bật mạnh vào tấm nẹp để phấn chạy suốt bên dưới bảng, làm bụi phấn bay mù. Vào lớp là cả một vấn đề to tát. Sao chúng không thể đi vào lớp một cách bình thường, chào thầy cô rồi ngồi vào chỗ? Không. Phải xô đẩy chen lấn cơ. Một đứa làm bộ lên giọng đe dọa “Ê, liệu hồn đấy” thì liền có đứa khác đáp “Sao nào?”. Chúng chửi nhau, phớt lờ hồi chuông thứ nhì, chúng nấn ná mãi mới chịu ngồi xuống cho. Được đấy, cưng. Coi kìa, có ông thầy mới trên kia kìa, thầy mới thì biết mẹ gì. Sao? Chuông reo à? Thầy à? Lính mới tò te. Lão nào thế? Cần quái gì biết! Chúng nói chõ qua lớp, vươn người trên những chiếc ghế mà với chúng là quá nhỏ, duỗi dài chân, rồi cười toáng lên khi có ai vấp phải. Chúng nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ, ngó nghiêng lá cờ Mỹ phía trên đầu tôi hay những bức chân dung mà cô Mudd, nay đã về hưu, treo trên tường, chân dung của Emerson, Threau, Whitman, Emily Dickinson và Ernest Hemingway – ông ta đến đây bằng cách nào nhỉ? Đó là hình bìa tạp chí Life; đâu đâu cũng thấy tấm hình này. Chúng dùng dao vạch lên mặt bàn tên tắt của mình, hay những tuyên ngôn tình yêu qua trái tim với mũi tên xuyên qua, bên cạnh những vết vạch của các bậc cha anh từ nhiều năm trước. Vài mặt bàn cũ bị khoét sâu đến nỗi nhìn thấy cả đầu gối chúng qua những lỗ hổng mà xưa kia vốn là những trái tim và họ tên. Những đôi trai gái ngồi bên nhau, tay nắm tay, vừa thủ thỉ vừa nhìn sâu vào mắt nhau, trong lúc ba thằng con trai tựa lưng vào tủ vừa cất giọng trầm, nam trung và nam cao hát
https://thuviensach.vn
nghêu ngao, trời đất ơi, vừa búng tay, cho thiên hạ thấy chúng là những kẻ choai choai đang biết yêu.
Mỗi ngày năm lần chúng ùa vào lớp như thế. Năm lớp, mỗi lớp từ ba mươi đến ba mươi lăm học sinh. Choai choai cả ư? Ở Ireland, chúng tôi thấy chúng trên phim Mỹ, luôn buồn rầu và cáu kỉnh, toàn lái xe đi lòng vòng, nên thắc mắc sao chúng lại buồn rầu và cáu kỉnh như vậy nhỉ. Chúng được nuôi ăn no, mặc đẹp, có tiền túi, vậy mà vẫn láo xược với mẹ cha. Ở Ireland bấy giờ không có thứ choai choai này, ít nhất trong thế giới của tôi. Ta là trẻ con. Ta đi học tới năm mười bốn tuổi. Hỗn láo với mẹ cha sẽ bị ăn dây lưng vào mồm văng tới tận cuối phòng ấy chứ. Ta lớn lên, làm thợ, lấy vợ, chiều thứ Sáu quất một chầu bia rồi tối hôm ấy cưỡi vợ để chị chàng vừa đập bầu xong lại phải mang bầu mới. Sau vài năm ta sẽ di cư sang Anh, đi cày ở những công trình xây dựng hay đăng lính vào quân đội Hoàng gia, chiến đấu bảo vệ Đế chế.
Chuyện với chiếc bánh mì kẹp là do một cậu tên Petey hỏi, Có đứa nào muốn lấy miếng bánh mì kẹp pho mát này không?
Mày giỡn à? Má mày hẳn phải ghét mày thậm tệ nên mới làm chiếc bánh mì kẹp thế này cho mày mang đi.
Petey ném cái túi giấy nâu đựng chiếc bánh mì kẹp vào đứa vừa châm chọc tên Andy, cả lớp ồ lên cười. Đánh nhau đi, đánh nhau đi, chúng gào lên. Đánh nhau đi, đánh nhau đi. Túi giấy rơi xuống đất, giữa tấm bảng và hàng ghế đầu, nơi Andy ngồi.
Tôi bước ra từ sau bàn viết, lần đầu tiên trong đời thầy giáo của mình tôi lên tiếng: Này. Bốn năm đào tạo ở Đại học New York mà tôi chẳng biết nói gì hơn một tiếng “này”.
Tôi lặp lại lần nữa: Này.
Chúng phớt lờ tôi. Chúng đang mải khích hai con gà chọi đánh nhau để câu giờ, hầu làm tôi quên chuyện dạy. Tôi lại gần Petey nói câu đầu tiên với tư cách ông thầy: Thôi ném bánh mì ngay. Petey và cả lớp sửng sốt. Ông thầy này, một lính mới, vừa cản một đám sắp sửa đánh nhau ra trò. Thầy cô mới thường bo bo thủ phận hoặc cho mời ngay hiệu trưởng hay hiệu phó, mà ai cũng biết còn lâu các vị này mới thèm tới. Nghĩa là trong khi chờ đợi
https://thuviensach.vn
chúng cứ tha hồ đấm nhau. Với lại, chúng biết làm gì với một ông thầy bảo chúng đừng ném bánh mì nữa, trong khi bánh đã bị ném rồi còn đâu? Từ cuối phòng Benny gọi với lên: Thầy ơi, nó đã ném rùi mà. Bảo nó đừng ném nữa làm gì. Béng chình ình trên sành đấy thôi.
Cả lớp cười ngất. Thật không còn gì trên đời ngớ ngẩn hơn một ông thầy bảo ta đừng làm gì đó, sau khi ta đã làm phéng đi rồi. Một đứa che miệng nói, Ngu qwá, tôi thừa biết nó ám chỉ tôi. Tôi chỉ muốn tống nó văng khỏi ghế ngồi, nhưng như thế sẽ chấm hết sự nghiệp nhà giáo của tôi. Với lại, bàn tay che miệng kia thật lớn quá đỗi, và cái bàn thì quá nhỏ so với thân thể của nó.
Một đứa nào đó nói: Ê, Benny, bộ mày luật sư à? rồi cả lớp lại cười ồ. Đúng thế, đúng thế, chúng nói, rồi chờ xem phản ứng của tôi. Xem tay thầy giáo mới này sẽ làm gì?
Các giáo sư về sư phạm ở Đại học New York chưa hề dạy chúng tôi cách giải quyết tình huống ném bánh mì. Họ giảng về lý thuyết và triết lý của giáo dục, về các mệnh lệnh đạo đức và luân lý, về sự tất yếu phải giải quyết đứa trẻ tổng thể, một cấu trúc hình thức, xin vui lòng, về những nhu cầu cảm thấy được của đứa trẻ, nhưng không hề giảng về những tình huống khó xử trong lớp học.
Tôi có nên gọi: Này, Petey, lại đây nhặt bánh lên, kẻo biết tay tôi? Tôi có nên tự tay nhặt vất vào thùng rác để bày tỏ sự khinh bỉ những kẻ ném bánh mì kẹp trong khi khắp thế giới hàng triệu người đang đói khổ?
Chúng phải hiểu tôi là sếp ở đây, rằng tôi khó chơi, rằng tôi không chấp nhận chuyện tầm bậy nào của chúng.
Chiếc bánh mì kẹp, gói bằng giấy sáp, nằm ló khỏi bao phân nửa, mùi thơm báo cho tôi biết còn nhiều thứ nữa chứ không chỉ pho mát thôi. Tôi nhặt nó lên, tuột giấy gói. Không phải thứ bánh mì kẹp thông thường với thịt giữa hai lát bánh mì trắng vô vị kiểu Mỹ. Chiếc bánh mì này dày và nâu[11], do một bà mẹ gốc Ý ở Brooklyn nướng, bánh đủ chắc để kẹp nhiều lát pho mát béo ngậy, lớp lớp cà chua, hành, tiêu, điểm thêm vài giọt dầu ô liu và nước sốt ngon mềm lưỡi.
https://thuviensach.vn
Tôi ăn chiếc bánh mì kẹp ấy.
Đó là hành xử đầu tiên của tôi trong lớp. Cái miệng đầy bánh của tôi thu hút sự chú ý của cả lớp. Chúng trố mắt nhìn tôi, ba mươi bốn học sinh trai gái, sàn sàn mười sáu. Tôi có thể thấy nét thán phục nơi những đôi mắt, lần đầu tiên trong đời chúng một ông thầy đã nhặt bánh mì từ nền nhà lên rồi điềm nhiêm ăn trước cả lớp. Thầy bánh mì kẹp. Thuở nhỏ ở Ireland chúng tôi từng hâm mộ một ông thầy ngày nào cũng gọt táo ăn, rồi thưởng cho những đứa học trò giỏi dây vỏ táo dài ngoằng. Còn lũ học sinh của tôi ở đây chăm chú nhìn dầu ô liu nhỏ từ cằm tôi xuống chiếc ca vát hai đôla mua ở hiệu Ông-Klein-ở-góc-phố.
Cậu Petey nói: Ây, thầy ơi, bánh mì thầy xực là của em đấy. Cả lớp liền bảo: Im mồm. Mày không thấy thầy đang ăn sao? Tôi liếm mấy ngón tay, “ừm” một tiếng, rồi vo tròn bao lẫn giấy sáp
búng vào sọt rác. Cả lớp hoan hô. Chúng nói: Wow, cực kỳ, chu cha. Thấy chưa. Thầy xực bánh mì. Thầy ném trúng sọt rác. Wow.
Dạy học là vậy ư? Đúng thế, Wow. Tôi thấy mình chẳng khác một người hùng. Tôi đã ăn miếng bánh. Tôi đã ném trúng sọt rác. Tôi cảm thấy sẽ làm được mọi chuyện với lớp học này. Tôi nghĩ tôi đã nắm được chúng trong tay. Quá tuyệt, ngoại trừ tôi không biết tiếp theo phải làm gì. Tôi đến đây để dạy học và tự hỏi làm cách nào chuyển từ tình huống bánh mì kẹp sang viết chính tả, văn phạm, tập làm văn hoặc bất cứ gì khác liên quan đến môn Anh văn tôi sắp dạy.
Lũ học trò của tôi cười cho đến khi thấy khuôn mặt ông hiệu trưởng hiện ra nơi khung cửa. Cặp lông mày sâu róm nhướng lên giữa trán làm thành một câu hỏi. Ông mở cửa rồi làm hiệu gọi tôi ra. Ta trao đổi một chút được chứ, thầy McCourt.
Petey thì thầm: Ê, thầy ơi. Đừng lo chuyện bánh mì. Đằng nào em cũng không muốn ăn mà.
Lũ học trò nói: Đúng thế, đúng thế, theo cái lối cho thấy chúng đứng về phía tôi, nếu tôi gặp rắc rối với ông hiệu trưởng, kinh nghiệm đầu tiên của tôi về tình đoàn kết thầy-trò. Trong giờ học bọn chúng có thể mánh khóe và
https://thuviensach.vn
kêu ca này nọ, nhưng khi hiệu trưởng hay ai khác vừa xuất hiện là có ngay một liên minh tức thì, một chiến tuyến chặt chẽ.
Ở bên ngoài hành lang, ông hiệu trưởng nói, thầy McCourt này, tôi chắc thầy hiểu không thể có chuyện thầy giáo đứng ăn trưa vào lúc chín giờ sáng trong lớp được, trước toàn thể học sinh nam nữ thế này. Giờ dạy đầu tiên của thầy mà thầy lại chọn bắt đầu bằng việc ăn chiếc bánh mì kẹp là sao? Như thế liệu có hợp lẽ không, anh bạn trẻ? Tập cho bọn trẻ nghĩ sai lệch không phải là cái lệ ở đây. Thầy hiểu chứ, hả? Thầy thử tưởng tượng xem trường ta sẽ gặp những chuyện gì nếu thầy cô cứ bỏ bê mọi chuyện, ăn bữa trưa ngay trong lớp, hơn nữa mới sáng ra, còn trong giờ điểm tâm. Chúng tôi đã gặp đủ chuyện bực mình với các em lén ăn vặt trong lớp sáng khiến gián diếc với bao loài gặm nhấm bò vào. Rồi chúng tôi phải tốn công sức đuổi sóc ra khỏi các phòng học ấy, chưa nói tới chuột bọ. Nếu chúng tôi không lưu tâm thì lũ học sinh, và cả một số thầy cô, đồng nghiệp của thầy, bạn trẻ ạ, sẽ biến ngôi trường này thành một cái căng tin khổng lồ ngay.
Tôi những muốn nói rõ sự thật về ổ bánh mì kẹp và cách tôi xử lý tình huống tốt đẹp thế nào, nhưng biết đâu như thế chẳng sẽ kết thúc sự nghiệp mô phạm của tôi. Tôi muốn nói rằng: Thầy ạ, đó không phải bữa trưa của tôi. Đó là của một em đã ném một em khác, tôi nhặt lên vì chân ướt chân ráo tới đây, sự việc lại xảy ra trong lớp của tôi mà ở đại học người ta không dạy chúng tôi gì hết về bánh mì, ném bánh hay giải quyết bánh mì bị ném. Tôi biết tôi đã ăn ổ bánh mì kẹp ấy, nhưng tôi làm thế vì không biết nên làm gì khác, hoặc cũng để cho học sinh một bài học: chớ nên phung phí, và để chúng biết ai là người có trách nhiệm ở đây, hoặc, lạy Chúa, cũng có thể vì tôi đói thật, tôi hứa sẽ không bao giờ tái phạm vì tôi đâu muốn mất một chỗ làm ngon lành, song thầy phải nhìn nhận là lớp tôi hoàn toàn trật tự. Nếu đó chính là cách đúng đắn để thu hút sự chú ý của học sinh một trường hướng nghiệp, có lẽ thầy nên đặt mua cả núi bánh mì kẹp pho mát cho bốn lớp học khác nhau mà tôi sẽ đứng lớp ngày hôm nay.
Nhưng tôi không nói gì hết.
Ông hiệu trưởng nói ông ta tới đây là để giúp đỡ tôi, vì: Hà hà, xem ra tôi sẽ cần nhiều hỗ trợ. Ông bảo, tôi công nhận, thầy gây được sự chú ý của
https://thuviensach.vn
cả lớp. Được! Nhưng thầy hãy thử em có thể làm cách nào khác ít ấn tượng hơn không. Thầy thử dạy học xem nào. Thầy được nhận vào đây vì việc ấy đấy, bạn trẻ ạ. Để dạy học. Bây giờ thầy phải bù lại thời gian đã mất. Chỉ thế thôi. Không ăn trong lớp. Thầy cô hay học trò cũng vậy.
Tôi đáp: Thưa thầy, vâng, rồi ông phẩy tay ra hiệu cho tôi quay vào lớp. Thầy hiệu trưởng nói sao? Lũ học trò hỏi.
Thầy ấy bảo tôi không nên ăn trưa trong lớp vào lúc chín giờ sáng. Thầy đâu có ăn trưa.
Thầy biết, nhưng thầy hiệu trưởng thấy thầy ăn bánh mì kẹp nên bảo thầy chớ làm thế nữa.
Chu cha, thật bất công quá.
Petey nói, Em sẽ kể với mẹ em thầy thích bánh mì mẹ em làm. Em sẽ kể thầy gặp bao chuyện bực mình vì bánh của mẹ em.
Được thôi, Petey, nhưng đừng có kể em ném bánh đấy nhé. Không, không. Mẹ em giết em mất. Mẹ em là người đảo Sicily[12] mà. Dân Sicily động tí là nổi giận ngay.
Petey, hãy thưa với mẹ rằng thầy chưa từng được ăn ổ bánh mì kẹp nào ngon đến thế.
OK.
Mea culpa[13].
Thay vì giảng bài, tôi lại đi kể chuyện.
Gì cũng được, miễn sao chúng yên lặng và ngồi tại chỗ.
Chúng nghĩ tôi đang dạy.
Tôi nghĩ tôi đang dạy.
Thật ra tôi đang học.
Vậy mà anh tự xưng là thầy giáo ư?
Tôi nào có tự xưng là gì đâu. Tôi hơn một ông thầy nhiều chứ. Nhưng cũng không bằng. Trong một lớp trung học anh thủ đủ mọi vai, là ông đội xếp, thầy rabbi[14], là cái vai cho học sinh gục đầu vào khóc, nhà mô phạm nghiêm khắc, ca sĩ, học giả xoàng, thầy ký, trọng tài, gã hề, ông cố vấn,
https://thuviensach.vn
người giám sát ăn mặc, người soát vé xe, người biện hộ, triết gia, kẻ đồng lõa, vũ công clacket, chính trị gia, bác sĩ trị liệu, gã điên, cảnh sát giao thông, mục sư, mẹ-cha-anh-chị-cô-chú, nhân viên kế toán, nhà phê bình, nhà tâm lý, chiếc phao cấp cứu.
Trong căng tin của giáo viên, các bậc kỳ cựu đã cảnh báo tôi. Con trai này, đừng kể cho chúng gì hết về bản thân. Chúa ơi, chúng là lũ trẻ ranh chết tiệt. Còn anh là thầy. Anh có quyền giữ kín đời tư của mình. Anh biết luật chơi quá rồi, phải không? Bọn nhóc đáng ghét đó ma giáo lắm. Chúng không phải, tôi nhắc lại không phải, là bạn của anh. Chúng đánh hơi được khi anh định dạy văn phạm hay thứ gì khác tới nơi tới chốn, và chúng sẽ làm anh lạc hướng cho mà xem, cưng ơi. Hãy cảnh giác. Chúng kinh nghiệm chuyện này đã mười một, mười hai năm rồi, chúng hiểu nằm lòng tất cả các thầy cô. Anh chỉ mới vừa nghĩ tới văn phạm hay chính tả là chúng biết liền, chúng liền giơ những tay bé nhỏ và làm ra vẻ rất quan tâm, hỏi hồi nhỏ anh chơi trò gì hay ai là nhân vật anh chuộng nhất trong trò chơi World Series vớ vẩn. Đấy đấy. Rồi anh sẽ mắc lỡm cho mà xem. Anh sẽ huyên thuyên mở hết lòng mình, rồi chúng về nhà mà vẫn chưa viết nổi một câu ra hồn, song lại kể cho bố mẹ về cuộc sống của anh. Không phải chúng quan tâm đâu. Chúng sẽ tiêu hóa những chuyện ấy, nhưng còn anh? Anh sẽ chẳng bao giờ thu lại được những mẩu đời anh từ đầu óc bé tí của chúng. Đời anh đấy, cha nội ơi. Là tất cả những gì anh có. Đừng kể gì cho chúng hết.
Những lời khuyên kia thật phí hoài. Tôi tự mò mẫm học kiểu thử sai, và tự trả giá. Tôi đã phải tự nghiệm ra phương cách riêng để vừa làm người vừa làm thầy, đấy chính là nỗ lực của tôi suốt ba mươi năm cả trong lẫn ngoài những lớp học ở New York. Các học trò tôi đâu biết rằng người đàn ông đứng trước mặt chúng kia đang thoát xác khỏi lớp vỏ bọc của những câu chuyện Ireland lẫn giáo lý Cơ đốc, và rải những mẩu vỏ bọc ấy khắp mọi nơi.
Cuộc đời tôi đã cứu cuộc đời tôi. Vào ngày thứ hai ở McKee, một cậu học sinh đã hỏi tôi một câu dẫn tôi về quá khứ và vạch đường cho tôi dạy suốt ba mươi năm sau đó. Tôi đã bị đẩy về quá khứ, chất liệu của đời tôi. Joey Santos kêu: Ô, thầy ơi…
https://thuviensach.vn
Em không được kêu như thế. Phải giơ tay xin phép đã.
Dạ dạ, Joey đáp, nhưng…
Chúng có cái lối nói “Dạ dạ” để anh hiểu rằng chúng tha thứ cho anh đấy thôi. Bằng cái “Dạ dạ” ấy chúng nói với anh: Bọn em đang cố kiên nhẫn đấy, cho thầy một cơ hội đấy, ôi trời ạ, vì thầy chỉ là một thầy giáo mới.
Joey giơ tay. Ô, thầy ơi…
Gọi tôi là thầy McCourt.
Dạ. OK. Thế thầy dân Ê cốt hay sao ạ?
Joey là cái loa của lớp này. Lớp nào cũng có một cái loa – ngoài đứa hay mách lẻo, đứa làm hề, đứa đạo đức, đứa hoa khôi, đứa tình nguyện làm mọi việc, đứa nhà quê, đứa thông thái, cậu ấm bám váy mẹ, đứa thần bí, đứa ẻo lả, đứa si tình, đứa chê bai, đứa xuẩn ngốc, đứa cuồng tín tôn giáo nhìn đâu cũng chỉ thấy tội lỗi, đứa hay nghĩ ngợi ủ ê ngồi tận cuối lớp đăm đăm nhìn mặt bàn, đứa vui tính, đứa thánh thiện thấy điều thiện ở mọi tạo vật. Cái loa có nhiệm vụ đặt câu hỏi, bất cứ câu gì hòng lái thầy cô khỏi bài học nhàm chán. Tôi tuy là thầy giáo mới thật, nhưng không mắc lừa trò câu giờ của cậu Joey này. Trò này giống nhau trên toàn thế giới. Ở Ireland chính tôi cũng đã chơi thế rồi. Tôi từng là cái loa trong lớp ở Leamy’s National School. Thầy giáo viết một bài đại số hay chia động từ trên bảng, đám bạn liền thì thào: McCourt, hỏi bừa đi. Đánh lạc hướng ông thầy khỏi ba cái bài vớ vẩn ấy. Hỏi đi, hỏi đi.
Tôi liền hỏi: Thưa thầy, hồi xưa người Ireland có môn đại số không ạ? Thầy O’Halloran vốn thích tôi, cậu bé ngoan ngoãn, chép bài sạch sẽ, luôn lễ phép và vâng lời. Thầy sẽ buông phấn, rồi qua cách thầy ngồi vào bàn, thủng thẳng mãi mới nói khiến ta thấy được thầy vui sướng biết bao được thoát khỏi bài đại số và cú pháp tiếng Ireland. Các em ạ, thầy nói, các em hoàn toàn có quyền tự hào về ông cha mình. Trước người Hy Lạp, thậm chí trước cả người Ai Cập, cha ông các em trên mảnh đất yêu dấu này đã biết cách thu tia sáng mặt trời giữa mùa đông lạnh lẽo, hướng chúng vào những căn phòng tối om trong đôi khoảnh khắc vàng ngọc. Họ biết được
https://thuviensach.vn
quỹ đạo của các thiên thể, nghĩa là vượt xa môn đại số, phép tính vi phân, các em ạ, vượt xa, xa lắc.
Thỉnh thoảng, vào những ngày xuân ấm áp, thầy ngủ gật trên ghế. Thế là cả bốn mươi đứa chúng tôi ngồi im phăng phắc, chờ thầy thức dậy, không dám bỏ về dù có quá giờ tan trường.
Không. Tôi không phải dân Ê cốt. Tôi là dân Ireland, Irish ấy. Joey thành khẩn nhìn tôi. Ồ, thế ạ? Irish là gì ạ?
Irish là bất kể thứ gì từ nước Ireland mà ra.
Như kiểu thánh Patrick, phải không ạ?
Ừm, không, không hẳn. Thế là dẫn tới mục kể chuyện về thánh Patrick, khiến chúng tôi lạc ra khỏi bài học tiếng Anh n-h-à-m c-h-á-n, và dẫn tới những câu hỏi tiếp nữa.
Thầy ơi, ở bên Ireland đấy mọi người nói tiếng Anh chứ ạ? Thầy chơi môn thể thao nào?
Có phải ở Ireland chỉ toàn người Thiên Chúa giáo không ạ? Đừng để chúng nắm quyền trong lớp học. Phải đương đầu với chúng. Phải tỏ cho chúng biết ai làm chủ trong lớp. Kiên quyết hay là chết. Đừng để thối rinh. Hãy bảo chúng. Các em mở tập ra. Tới giờ viết chính tả. Trùi ui, thầy ơi, chu cha, đừng mà. Chính tả. Chính tả. Chính tả. Bắt buộc sao thầy? Chúng rên ri: Chính tả mãi c-h-á-n q-u-á. Chúng làm bộ đập trán lên bàn, vùi mặt vào hai cánh tay đang khoanh lại. Chúng xin đi vệ sinh. Em phải đi. Mót lắm rồi. Chu cha, chúng em cứ tưởng thầy dễ thương, trẻ tính lắm. Tại sao mọi thầy cô môn tiếng Anh đều làm cái việc chán ngắt vậy không biết? Cứ những bài chính tả ấy, những bài từ vựng ấy, những thứ thối tha ấy, em xin lỗi. Thầy không thể kể cho chúng em thêm nữa về Ireland sao?
Ô, thầy ơi… Lại vẫn anh chàng Joey. Cái loa câu giờ.
Joey, tôi đã nói tên tôi là McCourt, McCourt, McCourt.
Dạ dạ. Vậy, thầy ơi, ở Ireland thầy có đi chơi với con gái không? Không, vớ vẩn. Cừu. Chúng tôi đi chơi với cừu. Các em nghĩ chúng tôi đi chơi với gì chứ?
https://thuviensach.vn
Lớp học ồ lên. Chúng cười, vỗ ngực, huých nhau, giật cùi chỏ, giả vờ ngã lăn xuống sàn. Ông thầy này. Chu cha, nhộn đáo để. Đi chơi với cừu. Bà con ơi, nhốt cừu vào chuồng nhé.
Xin lỗi. Bây giờ các em mở tập ra. Chúng ta phải làm cho xong bài chính tả.
Chúng cười ngặt nghẽo. Trong bài có cừu không ạ? Chu cha. Câu trả lời ta đây khôn ngoan của tôi là một sai lầm. Rồi sẽ rắc rối. Mấy cậu có biệt danh “đạo đức, thánh thiện và chê bai” chắc chắn sẽ mách: Mẹ ơi, bố ơi, thầy hiệu trưởng ơi, bố mẹ với thầy hiệu trưởng thử đoán xem hôm nay thầy giáo đã nói gì. Toàn những chuyện bẩn thỉu về cừu. Tôi không được chuẩn bị tư tưởng, hay được đào luyện sẵn cho tình huống như thế này. Thế này đâu liên quan chút nào đến văn học Anh, văn phạm hay tập làm văn. Bao giờ tôi mới đủ sức mạnh để hùng dũng vào lớp, lập tức thu hút sự chú ý của chúng, rồi giảng bài ngay? Trong trường này có những lớp học sinh yên lặng chăm chỉ, ở đó các giáo viên cầm trịch trong tay. Gặp nhau trong căng tin, mấy đồng nghiệp đàn anh bảo tôi: Này, cần ít nhất năm năm đấy.
Hôm sau ông hiệu trưởng mời tôi tới văn phòng. Ông ngồi sau bàn giấy, vừa nói vào điện thoại vừa hút thuốc lá. Ông lặp đi lặp lại. Tôi xin lỗi. Chuyện đó không xảy ra nữa. Tôi sẽ nói chuyện với đương sự. Thầy giáo mới mà, tôi rất tiếc.
Ông đặt điện thoại xuống. Cừu. Chuyện cừu là chuyện gì vậy? Cừu ư?
Tôi hổng biết nên sử lý thầy thế nào đây. Người ta phàn nàn rằng thầy đã nói “chết tiệt” trong lớp. Tôi biết thầy mới từ một nước nông nghiệp chân ướt chân ráo xuống tàu[15] đến đây, nên còn lạ nước lạ cái, nhưng thầy cũng phải có đầu óc bình thường chứ.
Thưa thầy, không. Không phải mới chân ướt chân ráo xuống tàu. Tôi đã ở trên đất nước này tám năm rưỡi, kể cả hai năm trong quân ngũ, chưa tính những năm còn bé ở Brooklyn.
https://thuviensach.vn
Được lắm, thế thì xem nào. Đầu tiên là ổ bánh mì kẹp, bây giờ là cừu. Cái điện thoại quỷ quái réo tới tấp. Các phụ huynh giận sôi tiết. Tôi phải lo bảo vệ thân tôi. Thầy mới ở đây có hai ngày mà cả hai ngày đều có chuyện. Sao lại thế được? Xin lỗi phải nói rằng thầy có vẻ giải quyết tình huống hơi kém. Vì lý do quái quỷ nào mà thầy phải kể cho lũ trẻ về cừu chứ?
Tôi rất tiếc. Chúng cứ hỏi tôi liên tục, khiến tôi bực mình. Chúng chỉ muốn tìm cách khiến tôi quên bài chính tả.
Thì sao?
Tôi nghĩ lúc ấy nói về cừu có vẻ vui vui thôi.
À há, ra thế. Thầy đứng đó trước lớp cổ xúy cho thú tính. Mười ba phụ huynh học sinh đòi sa thải thầy đấy. Staten Island này chỉ toàn những người đàng hoàng cư trú.
Tôi chỉ đùa thôi mà.
Không được, anh bạn trẻ ạ. Ở đây không đùa được. Đùa cũng phải tùy nơi tùy lúc. Mỗi lời thầy nói trong lớp chúng đều coi trọng. Thầy là thầy giáo cơ mà. Thầy bảo từng đi chơi với cừu, học sinh liền tin thầy từng lời một. Chúng đâu biết gì về thói quen giao cấu của người Ireland.
Tôi xin lỗi.
Lần này tôi bỏ qua. Tôi sẽ cho các bậc phụ huynh kia biết rằng thầy chỉ là người Ireland di cư mới xuống tàu.
Nhưng tôi sinh ra ở đây.
Thầy có thể ngậm miệng mà nghe một lúc được không, trong lúc tôi cố tìm cách cứu thầy, hả? Lần này tôi bỏ qua. Tôi sẽ không ghi một từ nào vào lý lịch của thầy. Thầy đâu biết một từ ghi trong lý lịch sẽ nghiêm trọng đến mức nào. Nếu thầy muốn thăng tiến trong hệ thống tổ chức ở đây – hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên chủ nhiệm – thì một từ này sẽ mãi mãi cản trở thầy. Nó sẽ là bước khởi đầu trong quá trình tuột dốc lâu dài của thầy.
Thưa ông, tôi không muốn được làm hiệu trưởng. Tôi chỉ muốn dạy học. Phải, phải. Ai cũng đều nói thế cả. Nhưng rồi thầy sẽ đổi ý. Lũ nhóc sẽ khiến thầy bạc tóc trước tuổi ba mươi cho mà xem.
Rõ ràng tôi sinh ra không phải để trở thành một trong những ông thầy gạt phăng mọi thắc mắc, yêu cầu, phàn nàn để giảng dạy theo đúng giáo án
https://thuviensach.vn
đã được soạn công phu. Giảng dạy kiểu ấy khiến tôi nhớ lại ngôi trường ở Limerick, ở đó giáo án làm vua, lũ học trò chúng tôi chẳng là gì cả. Ngay hồi đó tôi đã mơ tưởng một thứ trường học mà thầy cô là người hướng dẫn và cố vấn dày kinh nghiệm, chứ không phải giám thị nghiêm khắc. Tôi không có được phương pháp giảng dạy riêng nào, ngoại trừ việc tôi không ưa những viên chức quan liêu, những kẻ quyền cao chức trọng, thoát khỏi lớp học chỉ để rồi sau đó quay lại làm tình làm tội những kẻ còn lại trong lớp – cả học trò lẫn thầy cô. Tôi chưa bao giờ muốn điền những tờ đơn của họ, tuân thủ những quy định của họ, thực hiện chuyện kiểm tra của họ, tha thứ chuyện họ rình mò và thích ứng theo lịch giảng dạy họ đặt ra.
Phải chi có một ông thầy hiệu trưởng bảo: Lớp học này là của thầy đấy, thầy McCourt ạ, thầy muốn làm gì xin cứ tự nhiên, có lẽ tôi sẽ bảo học sinh, Dẹp ghế đi các em. Hãy nằm xuống nền. Ngủ đi.
Gì ạ?
Tôi bảo, Các em ngủ đi.
Tại sao?
Các em hãy vừa nằm xuống nền vừa tự mình suy nghĩ lấy đi. Chúng sẽ nằm xuống nền, một vài đứa sẽ thiu thiu ngủ. Sẽ có tiếng cười khúc khích khi một cậu bé sán đến gần một cô bé. Những đứa ngủ sẽ ngáy ngon ơ. Tôi cũng sẽ nằm dài xuống cạnh chúng và hỏi em nào biết hát ru. Chắc chắn một cô bé cất tiếng hát và những đứa kia sẽ hát theo. Có thể một cậu bé sẽ hỏi: Chu cha, nếu thầy hiệu trưởng bước vào đây thì sao nhỉ. Ừ. Bài hát ru tiếp tục, như tiếng thì thầm lan quanh phòng. Thầy McCourt ơi, bao giờ mình dậy? Những đứa kia liền bảo, suỵt, im đi mày, và người hỏi liền lặng im. Chuông reo. Chúng lần lượt đứng dậy. Chúng bước ra khỏi lớp, thấy dễ chịu và lấy làm ngạc nhiên. Xin đừng hỏi tại sao tôi cho cả lớp học như thế. Cái cần vận động là tâm hồn.
https://thuviensach.vn
2
Nếu anh có mặt tại một trong những lớp học của tôi ở trường McKee hồi đó hẳn anh sẽ thấy một người đàn ông gầy gò, trạc ba mươi tuổi, mái tóc đen rối bời, mắt luôn đỏ kè vì viêm kinh niên, răng xấu, mặt mũi hãm tài giống như hình chụp những kẻ di dân khi mới đặt chân lên Ellis Island hay quân móc túi vừa bị thộp cổ.
Mặt mũi hãm tài có lý do cả đấy:
Tôi sinh ra ở New York rồi bị đưa trở về Ireland lúc chưa đầy bốn tuổi. Tôi có ba anh em. Bố tôi – một người nghiện rượu, ngông cuồng, yêu nước nồng nàn, sẵn sàng xả thân vì đất nước Ireland – đã bỏ chúng tôi khi tôi chưa đầy mười một tuổi. Một đứa em gái chết khi mới chào đời, hai đứa em trai song sinh cũng chết, sau bố mẹ tôi lại sinh được hai trai nữa. Mẹ tôi phải đi xin thức ăn, áo quần và than để nấu nước pha trà. Hàng xóm láng giềng khuyên mẹ gửi chúng tôi, tôi và các em trai, vào trại mồ côi. Không, không, không đời nào. Làm thế thì nhục nhã quá. Bà kiên trì cầm cự. Chúng tôi lớn lên. Tôi với các em trai bỏ học năm mười bốn tuổi, đi làm, mơ tới nước Mỹ, rồi lần lượt theo nhau vượt đại dương. Mẹ tôi theo sang với cậu con út, mơ được sống hạnh phúc cho đến ngày nhắm mắt. Ai chẳng mơ như thế khi đặt chân lên đất Mỹ, song mẹ tôi chưa từng được hưởng một giây phút hạnh phúc nào kể từ đó.
Ở New York tôi làm đủ thứ việc cả tạm bợ lẫn nặng nhọc, cho tới khi gia nhập Quân đội Liên bang. Sau hai năm ở Đức, nhờ GI Bill[16] nên tôi được vào học trường đại học để trở thành nhà giáo. Trường đại học có lớp về văn học và viết văn. Có những tiết học về phương pháp sư phạm do các giáo sư không rành mô phạm giảng dạy.
Thưa thầy McCourt, thế nào là trưởng thành ở, thầy biết đấy, Ireland ấy ạ?
https://thuviensach.vn
Tôi hai mươi bảy tuổi, một anh giáo mới ra trường, lặn ngụp trong quá khứ của mình để làm hài lòng đám Mỹ choai choai này, để chúng chịu ngồi yên trên ghế. Tôi thật không ngờ dĩ vãng của mình lại sẽ hữu ích như vậy. Sao lại có người quan tâm tới cuộc đời khốn khổ của tôi thế nhỉ? Rồi tôi hiểu rằng đó chính là điều bố tôi đã làm khi ông ngồi bên lò sưởi kể chuyện cho lũ con. Ông kể về “seanachie” là những người đi lang thang khắp xứ Ireland, kể hàng trăm câu chuyện họ thuộc lòng. Người nghe mời họ đến sưởi ấm bên đống lửa, mời họ cùng chia sẻ đồ ăn thức uống và ngồi hàng giờ liền nghe họ hát kể những câu chuyện tưởng như bất tận, rồi đưa họ tấm chăn hay chiếc bao tải để đắp khi ngả lưng trên ổ rơm trong một xó nhà. Nếu chàng hát rong kia cần chút tình cho ấm lòng thì có khi cô con gái lỡ thì trong nhà cũng đảm đương được đấy.
Tôi tự cằn nhằn mình: Mi lo kể chuyện trong khi lẽ ra mi phải dạy học. Tôi dạy học đấy chứ. Kể chuyện cũng là dạy học.
Kể chuyện chỉ phí thì giờ.
Tôi biết làm thế nào. Tôi không giỏi giảng bài.
Ông là một tên bịp bợm. Ông lừa gạt con cái chúng tôi.
Chúng nó hình như không nghĩ như quý vị đâu.
Lũ trẻ dại ấy nào đã hiểu gì.
Tôi là thầy giáo ở một trường học Mỹ đang kể cho học trò nghe về thời tôi cắp sách đến trường ở Ireland. Đó là cách tập cho chúng dễ bảo hơn, phòng hờ sau này tôi phải dạy thứ gì khó nhá, dẫu ít khả năng xảy ra.
Hồi ở Ireland có lần thầy giáo của tôi chế nhạo rằng trông tôi như thứ bị mèo tha vào lớp. Cả lớp cười ồ. Thầy nhe những chiếc răng ngựa vàng khè, họng thầy khò khè cục đờm. Lũ bạn trong lớp xem thế là cười nhạo, nên cười phụ họa khiến tôi căm ghét chúng hết sức. Tôi cũng ghét luôn cả thầy, vì biết rằng suốt mấy ngày sắp tới, tôi sẽ nổi danh khắp sân trường là đồ mèo tha. Giả sử thầy đem một đứa nào khác ra bình phẩm thì hẳn tôi cũng sẽ cười hùa theo thôi, vì tôi cũng vô cùng hèn nhát, y như đứa ngồi cạnh, rất sợ ăn roi.
Trong lớp tôi có một cậu không cười hùa theo những đứa khác, tên là Billy Campbell. Khi cả lớp cười thì Billy chỉ nhìn đăm đăm về phía trước,
https://thuviensach.vn
còn thầy ngó Billy trân trân, chờ cậu ta làm như chúng bạn. Chúng tôi chờ xem thầy lôi cổ Billy ra, nhưng ông không làm thế bao giờ. Tôi cho rằng thầy khâm phục tính độc lập của Billy. Tôi cũng khâm phục, và ước gì mình can cường giống cậu ta. Nhưng tôi chẳng bao giờ được như thế.
Đám trẻ trong trường ở Ireland chế nhạo thứ khẩu âm Mỹ tôi quen từ thời ở New York. Nào phải hễ tôi rời đi là vứt bỏ được cách phát âm của nơi nào đấy đâu, nên khi chúng chế nhạo cách phát âm của tôi thì tôi đành cứ đứng đực ra, không biết nên làm gì, nghĩ gì, hay cảm thấy gì mãi đến khi bị xô đẩy thì tôi mới hiểu chúng muốn chọc cho tôi điên tiết lên. Lúc ấy tôi sẽ phải đối đầu với bốn mươi đứa nhóc đầu đường xó chợ Limerick, chứ không bỏ chạy được, nếu bỏ chạy thì coi như mạt đời tôi sẽ bị mang tiếng là thằng hèn, chuyên bám gấu váy mẹ. Chúng gọi tôi là dân băng đảng hay mọi da đỏ, thế là tôi nhào vào đánh rồi đánh cho đến khi đứa nào đấy đấm vào mũi tôi và máu sặc ra loang dầy áo, để rồi tôi bị mẹ mắng cho một trận tơi bời. Mẹ sẽ bật dậy từ chiếc ghế bên lò sưởi, cốc đàu tôi một cái đau thấu óc vì tội dám đánh nhau. Đừng hoài công giải thích cho mẹ rằng sở dĩ tôi đổ máu chỉ vì muốn bảo vệ cách phát âm Mỹ của mình và sở dĩ tôi phát âm như thế cũng tại mẹ trước nhất. Không, mẹ sẽ nói bây giờ mẹ phải đun nước giặt chiếc áo loang máu của tôi rồi hong bên lò sưởi, mong kịp khô để sáng mai tôi còn có áo mặc đi học. Mẹ không đả động gì tới khẩu âm Mỹ đã khiến tôi bị chế nhạo lúc thoạt đầu. Song không sao, vì ơn Chúa, chỉ sau vài tháng cách phát âm này sẽ biến mất để thay khẩu âm Limerick khiến ai ai cũng hài lòng, trừ ông bố của tôi.
Chính bởi vì bố mà những chuyện điêu đứng của tôi không có hồi kết. hẳn ai cũng nghĩ rằng khẩu âm đặc sệt Limerick của tôi ở cái tuổi lên bốn ấy sẽ khiến bọn trẻ không hành hạ tôi nữa, nhưng không, chúng quay sang nhại khẩu âm Bắc Ireland của bố tôi, bảo rằng bố tôi đúng là dân Tin lành[17], thành ra tôi phải bênh vực bố và lại về nhà với chiếc áo loang lổ máu và mẹ tôi ca cẩm rằng chỉ cần giặt thêm một lần nữa là chiếc áo sẽ rã thành từng mảng trong tay bà mất thôi. Song khổ nhất là đến sáng hôm sau mẹ vẫn chưa làm sao cho áo khô hẳn, tôi phải mặc áo ẩm đi học. Tan trường
https://thuviensach.vn
về, mũi tôi nghẹt cứng và cả người tôi run rẩy vì ẩm, lần này là tại mồ hôi. Mẹ tôi than khóc rối cả lên vì đã nhẫn tâm với tôi, để tôi đi học mặc chiếc áo ẩm xì ấy, chiếc áo ngày một hồng thẫm hơn sau bao trận huyết chiến. Mẹ đặt tôi lên giường, vùi kỹ tôi dưới bao lớp áo măng tô cũ với cả tấm chăn từ chính giường của bà, kỳ cho đến lúc tôi hết run, rồi trong mơ mơ màng màng tôi nghe mẹ than thở với bố rằng gia đình tôi rời khỏi Brooklyn nhằm ngày xấu nên lũ con mới bị hành hạ trong các sân trường ở Limerick.
Sau hai ngày bệt trên giường tôi trở lại trường trong chiếc áo bây giờ phơn phớt hồng. Đám trẻ bảo màu hồng dành cho hạng con gái ẻo lả, tôi có phải con gái không đấy?
Billy Campbell liền sửng cồ với thằng lớn con nhất đám kia. Đừng có chọc ghẹo thằng Mẽo nữa, Bill nói.
A, thằng lớn con đáp. Đứa nào dám cấm tao chứ?
Tao đấy, Billy nói. Thế là thằng kia đành lỉnh ra tận phía bên kia sân trường mà chơi. Billy thông cảm hoàn cảnh của tôi, vì bố anh là người Dublin[18] nên thỉnh thoảng anh cũng bị bọn kia chọc ghẹo.
Tôi kể những mẩu chuyện về Billy, vì tôi thán phục cái lối anh dũng cảm. Một trong những học trò của tôi ở McKee giơ tay rồi bảo rằng tôi thán phục Billy là phải thôi, nhưng chẳng phải vì khẩu âm Mỹ của tôi mà tôi đã chọi với cả đsam, thành ra tôi cũng đáng tự hào chứ? Tôi đáp: Không, tôi chỉ làm những gì buộc phải làm vì trong ngôi trường Ireland ấy ai cũng chế nhạo và chèn ép tôi cả, vậy nhưng cậu học sinh Mckee mười lăm tuổi vẫn khăng khăng: Thầy có quyền tự hào, miễn đừng quá lố, vì sẽ thành khoác lác. Ok, tôi đáp, tôi tự hào vì đã chống trả nhưng tôi không được dũng cảm như Billy, bởi anh đã hành động không phải vì bản thân mà vì người khác. Anh chẳng nợ nần gì tôi, vậy mà vẫn bênh vực tôi, thành ra tôi mong một ngày nào đó cũng sẽ được cái lối dũng cảm như anh.
Học trò hỏi thăm về gia đình tôi. Từng mảng quá khứ liền lần lượt hiện ra trong đầu tôi. Tôi nhận ra mình đang khám phá chính mình và tôi kể câu chuyện này giống như mẹ tôi đã từng kể với bà hàng xóm.
https://thuviensach.vn
Em đang đẩy chiếc xe trẻ con chở thằng cháu Malachy[19], lúc ấy còn nhỏ xíu, chưa đầy hai tuổi. Cu Frank chạy lót tót cạnh em. Trước cửa hiệu Todd trên đường O’Connell, một chiếc xe màu đen dài ngoằng dừng trên vỉa hè, rồi một bà sang trọng mặc áo lông, đeo đầy nữ trang bước xuống. Chẳng phải bà ta nhìn vào chiếc xe trẻ con, lại còn hỏi mua cháu Malachy liền tại chỗ đấy thôi. Chị có thể hình dung rằng em hoảng vía thế nào: một bà muốn mua cháu Malachy tóc vàng óng, má đỏ hây hây và những chiếc răng bé tí dễ thương trắng như ngọc trai. Cháu nằm trong xe, thật đáng yêu hết sức, phải xa cháu thì em đến đứng tim mà chết mất. Với lại, nhà em sẽ bảo sao nếu em về nhà, nói rằng đã bán con rồi? Thành ra em đáp: Tôi không bán! Bà nọ trông mới buồn bã làm sao, khiến em cũng mủi lòng.
Lớn lên, nghe chuyện này cả trăm lần, tôi mới nói với mẹ rằng lẽ ra mẹ nên bán em Malachy, vì những người còn lại sẽ được ăn nhiều hơn. Mẹ đáp: Ấy, mẹ bảo muốn bán con đấy chứ, nhưng bà nọ không chịu mua.
Đám nữ sinh nói: Ối giời, thưa thầy McCourt, mẹ thầy không nên nói thế với thầy chứ. Ai lại đi bảo muốn bán con bao giờ. Thầy đâu xấu xí gì lắm.
Đám con trai nói: Ờ, thầy cũng đâu được như tài tử Clark Gable. Thưa thầy McCourt, chúng em đùa thôi mà.
Mea culpa.
Năm tôi sáu tuổi, ông thầy ở Ireland bảo tôi là một đứa hư đốn. Mày là một thằng rất hư đốn. Ông bảo hết thảy lũ con trai trong lớp đều rất hư đốn. Ông lưu ý chúng tôi về từ “rất” mà ông chỉ dùng trong những trường hợp đặc biệt như lần này. Nếu chúng tôi dám dùng từ này trả lời câu hỏi hay tập làm văn thì ông sẽ cạo cho bằng thích. Còn lần này thì là quá đúng. Để thấy chúng tôi hư đốn nhường nào. Ông chưa từng gặp một mớ hổ lốn đến thế; ông tự hỏi dạy đám hư đốn, óc bã đậu như chúng tôi để làm gì. Đầu óc chúng tôi chứa toàn những thứ nhảm nhí của Mỹ từ rạp xi nê Lyric. Chúng tôi phải cúi đầu, đấm ngực mà rằng Mea culpa, mea culpa, mea maxima culpa.[20]Tôi cứ tưởng thế là xin lỗi, cho tới khi ông viết trên bảng “Mea culpa. Lỗi tại tôi”. Ông bảo rằng người ta sinh ra đã mang sẵn Tội Tổ
https://thuviensach.vn
tông[21], được làm phép rửa tội là coi như lại trong trắng. Nhưng với lũ chúng tôi thì có cả sông nước thánh kia cũng là rõ ràng là phí hoài. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt ti hí nham hiểm của chúng tôi đủ thấy bằng chứng về tính xảo quyệt của cả bọn.
Bổn phận của ông là chuẩn bị cho Lễ Xưng tội đầu tiên và Lễ ban Thánh thể[22] đầu tiên của chúng tôi, nhằm cứu rỗi những linh hồn không xứng đáng của chúng tôi. Ông hướng dẫn chúng tôi Tự vấn Lương tâm. Chúng tôi phải tự soi mình, rà xét cảnh vật trong lòng của chúng tôi. Chúng tôi sinh ra mang sẵn Tội Tổ tông, cái vết nhơ nhầy nhụa kinh tởm này làm vẩn đục tâm hồn trong trắng của chúng tôi. Rửa tội là khôi phục cho nó trở lại trong trắng. Nhưng nay chúng tôi đã lớn hơn rồi thì tội lỗi càng lộ rõ, như những chỗ viêm tấy, những khối u. Chúng tôi cần phải lôi những thứ dòi bọ khóc than giãy giụa kinh tởm này ra trước ánh sáng rực rỡ của Chúa Trời. Phải Tự vấn Lương tâm, các nhóc con ạ, rồi thì sám hối Mea culpa. Thuốc nhuận tràng hạng nhất đấy, các nhóc con ạ. Công hiệu hơn một liều thuốc tẩy nhiều.
Ngày ngày chúng tôi thực hành Tự vấn Lương tâm rồi xưng tội trước ông và cả lớp. Ông ngồi bên bàn gật gù chẳng nói chẳng rằng, mân mê chiếc roi mảnh dùng để dẹp cho chúng tôi được ân huệ. Chúng tôi thú hết Bảy Tội Trọng: Kiêu ngạo, Gian tham, Ham muốn, Giận dữ, Tham ăn, Ganh ghét, Lười biếng. Ông giơ cây roi bảo Madigan hãy xưng đã phạm trọng tội Ganh ghét như thế nào. Trọng tội chúng tôi ưa xưng nhất là Tham ăn, khi ông chỉ roi vào Paddy Clohessy bảo cậu ta: Paddy Clohessy, tội Tham ăn, thì cậu Paddy này kể ra một bữa ăn khiến ai cũng thèm rỏ rãi: thủ lợn với khoai tây, bắp cải, mù tạt, chiêu thêm hàng lít nước ngọt cho dễ nuốt, sau đó là kem, bánh quy với trà pha thật nhiều đường sữa, rồi nếu muốn thì nghỉ một lúc để sau đó ăn tợn hơn nữa, bà mẹ chẳng hề băn khoăn việc con mình ăn khỏe thế, vì nhà có đủ cho mọi người, trong bếp còn nữa cơ mà.
Ông bảo: Clohessy, trò đúng là một nhà thơ có biệt tài về vòm khẩu cái. Chẳng đứa nào biết vòm khẩu cái nghĩa là gì. Ba đứa chúng tôi bèn tới hỏi
https://thuviensach.vn
cô thủ thư ở thư viện Andrew Carnegie gần đó, xin được tra tìm trong quyển từ điển dày cộm cạnh bàn của cô. Cô hỏi: Các em muốn biết nghĩa chữ vòm khẩu cái để làm gì? Chúng tôi trả lời rằng cậu Paddy Clohessy là một nhà thơ trong lĩnh vực này thì cô tra từ điển rồi bảo rằng ông thầy của chúng tôi hẳn phải điên khùng. Paddy không chịu. Nó hỏi vòm khẩu cái là gì, cô đáp là trung tâm vị giác thì cu cậu tỏ vẻ rất hài lòng, luôn miệng tặc lưỡi. Ra tới ngoài đường Paddy vẫn còn tặc lưỡi mãi cho tới khi Billy Campbell yêu cầu thôi đi, vì nghe cậu ta tặc lưỡi mãi sinh đói bụng.
Chúng tôi thú nhận đã phạm hết cả Mười Điều răn của Chúa. Giá sử tôi thú nhận đã ngoại tình hay thèm muốn vợ người hàng xóm thì thầy sẽ biết ngay là tôi chỉ toàn nói bừa mà chẳng hiểu gì cả: Đừng cố nặn ra, con ạ, rồi chuyển sang kẻ xưng tội kế tiếp.
Sau Lễ ban Thánh thể đầu tiên, chúng tôi lại tiếp tục Tự vấn Lương tâm cho lễ ban phước tiếp theo: Lễ Kiên tín. Ông cố đạo, tên là Cha White, bảo rằng Tự vấn Lương tâm và xưng tội sẽ giúp chúng tôi thoát hỏa ngục. Chúng tôi thắc mắc về ông vì nghe một đứa bảo rằng ông có muốn trở thành linh mục gì đâu. Ông bị mẹ ép vào học trong chủng viện đấy chứ. Chúng tôi không tin cậu kia, song cậu ta khoe rằng có quen một trong những cô phục vụ ở tư gia ông linh mục. Cô này kể rằng ông linh mục tối nào cũng say khướt rồi nói với những linh mục khác rằng hồi nhỏ ông chỉ mơ lớn lên sẽ lái xe buýt tuyến Limerick và Galway, nhưng bà mẹ không chịu. Quả là khôi hài khi được một người, do mẹ bắt buộc mà thành linh mục, thẩm tra. Tôi tự hỏi khi cử hành lễ trước bàn thờ ông có nghĩ tới giấc mơ làm tài xế xe buýt không. Nghĩ tới một linh mục say khướt cũng hài hước lắm, vì ai cũng biết họ không được phép. Thấy một chiếc xe buýt chạy qua, tôi thường hình dung ông ngồi trên đó mỉm cười hài lòng, không bị cổ áo linh mục làm cho nghẹt thở.
Quen tự vấn lương tâm rồi thì không dễ bỏ, nhất là với một đứa con trai Ireland theo đạo Thiên Chúa. Làm điều xấu, rồi lục vấn lương tâm, rồi thấy tội lỗi, thế là day dứt. Mọi chuyện đều là tội lỗi, hoặc không tội lỗi, chắc ta sẽ mang trong đầu ý tưởng đó suốt đời. Rồi ta lớn lên, xa dần Giáo hội, Mea
https://thuviensach.vn
culpa chỉ còn là tiếng thì thầm trong quá khứ. Nó vẫn còn đó, nhưng giờ ta đã lớn hơn và không còn dễ sợ hãi như trước kia.
Khi được tha tội linh hồn ta bề ngoài trắng lóa tinh khôi, song tội lỗi sinh ra những cái nhọt nung mủ hôi hám. Ta cố tự cứu bằng Mea culpa, cụm từ Latin duy nhất có ý nghĩa nào đấy với ta hay với Chúa.
Nếu được quay về năm hai mươi bảy tuổi, năm đầu tiên trong đời thầy giáo, tôi sẽ đãi mình một khoanh thịt bò với khoai tây rán và một ly bia nâu nặng. Tôi sẽ ra sức lên lớp cho tôi. Lạy Chúa, này nhóc, thẳng người lên. Rụt hai cái vai xương xẩu lại. Đừng lí nhí như thế. Nói to và rõ vào. Đừng khiếp nhược như thế. Ở trường này ai nấu sung sướng được tuân lệnh. Anh tập tọng làm nhà giáo, không dễ ăn đâu nhé. Ta biết chứ. Ta từng mà. Anh làm cảnh sát xem ra dễ hơn đấy. Ít ra anh cũng có khẩu cung hay dùi cui để tự vệ. Còn thầy giáo chẳng có gì hết ngoài cái miệng. Nếu anh không học mà yêu lấy nghề thì đời anh sẽ khốn khổ thôi.
Phải chi có ai đó bảo tôi: Này, anh Mac kia ơi, ba mươi năm ròng đời anh rồi sẽ chẳng có gì khác ngoài trường lớp, trường lớp, trường lớp, học trò, học trò, học trò, bài làm, bài làm, bài làm, đọc rồi sửa, đọc rồi sửa, cả núi bài làm cao nghệu, ở trường, ở nhà, suốt ngày suốt đêm chỉ toàn đọc với đoc, nào truyện, nào thơ, nào nhật ký, nào thư tuyệt mệnh, thư xin phép, nào kịch, nào tiểu luận, thậm chí tiểu thuyết, nghĩa là bài làm của hàng nghìn – hàng nghìn nhé – thanh thiếu niên New York trong bấy nhiêu năm, của vài trăm công nhân viên nam nữ, và anh sẽ không đời nào có thì giờ đọc Graham Greene hay Dashiell Hammett, F. Scott Fitzgerald hay P.G. Wodehouse quen thuộc hoặc Jonathan Swift, người anh yêu thích. Anh sẽ phát mù vì phải đọc bài tập của toàn những Joey với Sandra, Tony với Michelle – những tâm sự lê thê, những đam mê, những ngất ngây nho nhỏ. Hàng núi bài vở của bọn nhóc đấy, Mac ạ. Nếu mở hộp sọ anh ra hẳn sẽ thấy hàng nghìn đứa choai choai bò lổm ngổm trong bộ não của anh. Hàng năm, cứ mỗi độ tháng Sáu là chúng tốt nghiệp, trưởng thành, đi làm và thăng tiến. Rồi đến lượt chúng có con có cái, anh Mac ạ, những đứa bé này một ngày đso lại sẽ đến học tiếng Anh với anh; anh sẽ lại bắt đầu một khóa học mới và những Joey và Sandra, những Tony và Michelle ngồi trước mặt
https://thuviensach.vn
anh; anh sẽ muốn biết: chẳng lẽ tất cả chỉ có thế này ư? Anh nên nhớ: nếu đó là thế giới của anh thì anh là một đứa trong bọn chúng, một đứa choai choai. Anh sống trong hai thế giới. Ngày này qua ngày khác anh sống với chúng, nhưng Mac ạ, anh sẽ không bao giờ biết được điều đó tác động gì tới đầu óc của anh. Mãi mãi là một cậu choai choai. Cứ đến tháng Sáu là lại: Tạm biệt thầy, rất vui được học thầy, tháng Chín này em gái của em sẽ tới học thầy. Nhưng Mac ạ, còn một điều khác nữa. Trong lớp học nào cũng luôn thường xuyên xảy ra những chuyện này chuyện nọ. Chúng buộc anh phải sẵn sàng phản ứng. Anh sẽ hớn hở. Anh sẽ không bao giờ già đi, song hiềm một nỗi đầu óc anh có thể sẽ mãi mãi là của một đứa choai choai. Cái ấy mới thật là vấn đề, Mac ạ. Anh quen ăn nói với lũ trẻ ở tầm của chúng rồi, nên khi vào quán bar làm ly bia, anh quên mất cách trò chuyện với bạn bè, khiến họ trố mắt nhìn anh. Họ nhìn anh như thể anh mới đến từ một hành tinh lạ, và họ có lý. Ngày này qua ngày khác trong lớp học có nghĩa là anh ở trong một thế giới khác đấy, Mac ạ.
Thế, thưa thầy, thầy đến đất Mỹ như thế nào cơ ạ?
Tôi kể cho chúng biết về buổi đầu tôi đến đất Mỹ năm mười chín tuổi; không có chút gì ở tôi, trên người tôi, trong đầu óc tôi hay trong chiếc vali cho thấy là ít năm sau, mỗi ngày tôi sẽ đương đầu với năm lớp học sinh choai choai New York.
Thầy giáo ư? Tôi chẳng bao giờ dám mơ có thể thăng tiến cfao đến thê trong thế giới này.
Ngoài quyển sách trong vali, mọi thứ tôi mặc trên người hay mang từ tàu xuống đều là hàng cũ mua lại. Ngay cả trong đầu óc tôi cũng toàn là những thứ học lại qua người khác: giáo lý, lịch sử đau thương của nước Ireland, những lời than vãn dài dòng về nỗi thống khổ và tinh thần tử vì đạo[23] mà các cha cố, thầy cô và bố mẹ nhồi nhét vào đầu đám trẻ chúng tôi, vì họ chẳng biết làm gì hay hớm hơn.
Bộ comlê nâu tôi mặc là mua lại của tiệm cầm đồ Parker Tọc mạch trên đường Parnell ở Limerick. Mẹ tôi đã phải mặc cả đấy. Lão Tọc mạch đòi
https://thuviensach.vn
bốn đồng bảng Anh cho bộ comlê, mẹ hỏi: Ông định bịp tôi hay sao đây, ông Parker?
Đâu có, tôi không bịp bà đâu, lão ta đáp. Bộ comlê này người anh em họ với Bá tước Dunraven từng mặc đấy, mọi thứ dân quý tộc mặc rồi đều cao giá mà.
Mẹ tôi đáp, cho dù chính Bá tước Dunraven đã mặc bộ áo này thì bà cũng mặc kệ, thử hỏi lão ta và cả tông chi họ hàng nhà lão với bao nhiêu lâu đài thành quách cùng đội quân kẻ hầu người hạ đã làm được gì cho nước Ireland, còn chưa hề đoái hoài đến những thống khổ của người dân nữa chứ. Bà chỉ chịu trả ba bảng thôi, không thêm một xu.
Lão Tọc mạch lớn tiếng bảo tiệm cầm đồ không phải là nơi để ca ngợi lòng ái quốc ái quần, mẹ tôi liền đốp ngay rằng nếu lòng ái quốc là một món hàng trưng bày trên quầy kia được, hẳn lão sẽ đánh bóng rồi bán cho người nghèo với giá cắt cổ. Lạy Đức Mẹ, lão nói, bà ơi. Trước giờ bà đâu có thế này. Bà có chuyện gì vậy?
Chuyện xảy ra cho bà cũng tương tự trận đánh cuối cùng của Custer[24], đây là cơ may cuối cùng của bà. Frank, con trai bà, sắp đi Mỹ và bà không thể để con bà lên đường như thế kia được, áo của người này tặng, quần của người nọ cho, trang nhã một thời thật đấy, nhưng đã tã cả rồi. rồi bà mới cho thấy bà khôn khéo đến chừng nào. Bà chỉ còn một ít tiền thôi, nhưng nếu ông Parker chịu thêm một đôi giày, hai cái áo, hai đôi vớ và chiếc ca vát xanh lục tuyệt đẹp với chiếc thụ cầm vàng thì bà sẽ không bao giờ quên ơn. Chẳng bao lâu nữa Frank sẽ gửi đôla từ Mỹ về cho bà, rồi khi bà cần nồi niêu, xoong chảo và đồng hồ báo thức bà sẽ nghĩ ngay tới hiệu Lão Tọc mạch. Thật vậy, bà đã thấy trong cửa hiệu của lão có đến nửa tá hàng bà nhất định phải sắm khi nào tiền đôla ào về.
Nosey đâu phải loại ngớ ngẩn. Sau nhiều năm đứng sau quầy hàng lão đủ khôn để biết tẩy khách hàng. Lão cũng biết, mẹ tôi chân chất, không thích mang nợ. Lão bảo rất trân trọng bà là khách hàng tương lai, và bản thân lão cũng không muốn cậu nhỏ kia phải lôi thôi lếch thếch mà đặt chân
https://thuviensach.vn
lên đất Mỹ. Bọn mẽo sẽ nghĩ sao chứ? Thành ra nếu bà chịu trả một bảng nữa, thôi – bớt một shilling cũng được, thì bà sẽ có thêm những món ấy. Mẹ tôi bảo rằng lão thật tốt bụng, lão sẽ có được một chiếc giường trên thiên đường, và bà sẽ không bao giờ quên ơn, thật đáng ngạc nhiên khi thấy họ trân trọng nhau đến thế trong lời qua tiếng lại. Dân nghèo ở Limerick đâu ích gì cho người làm nghề cầm đồ, nhưng không có bọn họ thì biết chạy vạy ở đâu?
Lão Tọc mạch không có vali. Lão bảo với mẹ tôi rằng khách hàng của lão hiếm khi du lịch vòng quanh thế giới, rồi lão cười ngất. Lão bảo: Xin chào, các vị khách viễn du thế giới. Mẹ tôi nhìn tôi như muốn bảo: Con nhìn lão cho kỹ, chẳng phải ngày nào cũng thấy lão cười đâu.
Feathery Burke ở Irishtown có bán vali. Hắn bán đủ loại, hàng cũ, dùng rồi, nhồi bông, vô tích sự hay chỉ còn để cho mồi lửa. A, có chứ, hắn có mọi thứ cho chàng trai trẻ sắp đi Mỹ, xin Chúa phù hộ cậu ta, rồi gửi tiền về cho bà mẹ già nghèo túng.
Tôi chưa già, mẹ tôi nói, ông chớ nên thêm mắm thêm muối. Cái vali đó bao nhiêu tiền?
Thưa bà, tôi biếu không bà với giá hai bảng, vì tôi không muốn làm kỳ đà cản mũi cậu đây trên đường đi tìm vận may trên đất Mỹ. Mẹ tôi bảo rằng bà thà lấy giấy gói hàng bọc đồ đạc của tôi rồi chằng dây lại để tôi cứ thế mang theo tới New York còn hơn là trả hai bảng cho cái mớ giấy bồi tã néo bằng nước bọt và kinh cầu ấy.
Feathery nom sửng sốt. Đám đàn bà đến từ những xó xỉnh của vùng Limerick ít có thái độ sát sạt như thế. Người ta quen thấy họ nể nang lớp người khá giả hơn mình chứ không chơi chòi, vượt thân phận, và chính tôi cũng ngạc nhiên khi thấy thái độ gây gổ của bà.
Mẹ tôi thắng, bảo thẳng Feathery rằng hắn đòi như thế thật đúng là ăn cướp trắng trợn. Sống dưới ách đô hộ của bọn Anh còn khá hơn. Nếu hắn không chịu bớt thì bà sẽ tới tiệm của ông Nosey Parker biết điều. Feathery liền nhượng bộ.
Lạy Chúa Cả trên trời! Bà ạ, may mà tôi không con không cái, chứ nếu ngày nào cũng gặp khách hàng như bà thì chúng đến phải đứng một xó
https://thuviensach.vn
khóc than vì đói mất.
Mẹ tôi bảo: Tội nghiệp ông và những đứa con mà ông không có. Bà gấp áo quần xếp vào vali rồi bà sẽ xách tất về nhà để tôi chạy đi mua quyển sách. Rồi mẹ tôi vừa đi lên đường Parnell vừa phì phèo thuốc lá. Hôm ấy mẹ bước mạnh bạo, như thể những áo quần kia, chiếc vali kia và sự đi xa của tôi sẽ mở được những cánh cửa nào đấy.
Tôi đi tới Hiệu sách O’Mahony để mua quyển sách đầu tiên trong đời, quyển sách tôi sẽ mang trong vali sang Mỹ.
Đó là quyển Tổng tập William Shakespeare[25] do Shakespeare Head Press, Oldhams Press Ltd. và Basil Blackwood ấn hành, năm MCMXLVII (1947). Nó đây, bìa nhàu nát, đã bung khỏi sách, nhờ dán băng keo nên chưa lỏng hẳn. Một quyển sách đã được đọc đi đọc lại nhiều lần, chi chít ghi chú. Có những đoạn tôi gạch dưới vì một lúc nào đó thấy quan trọng, song nay xem lại tôi không hiểu nó quan trọng ở chỗ nào. Bên lề sách là những chú thích, lời bình ca ngợi thiên tài của Shakespeare với đầy những dấu chấm than diễn tả lòng thán phục hay hoang mang của tôi. Trên mặt bìa trong tôi viết “Ô, phải chi điều này cô đọng thành xương thịt, v…v…” cho thấy hồi đó tôi là một thanh niên u sầu.
Năm tôi mười ba, mười bốn tuổi, tôi thường nghe kịch Shakespeare truyền thanh qua radio của bà Purcell, người hàng xóm mù lòa của chúng tôi. Bà bảo rằng Shakespeare là một người Ireland xấu hổ về gốc gác của mình. Một tối chúng tôi đang nghe vở Julius Caesar[26] thì bị cháy cầu chì, tôi hết sức muốn biết số phận Brutus[27] và Mark Antony[28] sẽ ra sao nên tôi mới đi tới hiệu sách O’Mahony để đọc hết câu chuyện. Một gã bán hàng kênh kiệu hỏi tôi có định mua quyển này không, tôi trả lời rằng còn phải cân nhắc song trước hết tôi phải biết tất cả các nhân vật kết thúc thế nào đã, đặc biệt là Brutus, nhân vật tôi ưa nhất. Gã nọ liền giật phăng quyển sách tôi đang cầm, bảo tôi hãy quên Brutus đi, đây không phải thư viện, yêu cầu tôi vui lòng ra khỏi hiệu sách. Tôi đỏ mặt vì xấu hổ, quay trở ra phố, vừa đi vừa tự hỏi tại sao con người ta không thôi làm tình làm tội nhau đi. Ngay từ
https://thuviensach.vn
khi còn nhỏ, tám hay chín tuổi, tôi đã tự hỏi tại sao con người ta thôi không làm tình làm tội nhau đi, và tôi vẫn còn tự hỏi từ đó đến nay. Quyển sách giá 19 shilling, bằng một nửa tuần lương. Phải chi tôi có thể dõng dạc bảo rằng tôi mua vì hết sức hâm mộ Shakespeare. Song không phải thế. Tôi buộc phải mua vì đã xem một phim có chàng lính Mỹ đóng trên nước Anh, mở miệng ra toàn dẫn Shakespeare khiến đám con gái mê như điếu đổ. Với lại, chỉ cần làm ra vẻ đọc Shakespeare là mọi người sẽ nể anh tức thì. Tôi tự nhủ học thuộc lòng mấy đoạn dài ắt con gái New York sẽ lác mắt. Tôi thuộc khúc “Hỡi bạn hữu, dân La mã, đồng bào” rồi đấy chứ, song khi đem ra tán một nàng ở Limerick thì nàng trân trân nhìn tôi như thể tôi mọc sừng trên trán.
Đi trên đường O’Connell tôi hết sức muốn mở gói giấy bọc để thiên hạ thấy quyển Shakespeare kẹp dưới nách, nhưng không dám. Đi qua rạp hát nhỏ, nơi tôi từng xem một gánh hát rong diễn vở Hamlet, tôi nhớ đã tủi thân biết mấy vì mình cũng khốn khổ y như Hamlet vậy. Cuối buổi trình diễn tối ấy, Hamlet đích thân ra sân khấu thưa cùng khán giả rằng ông ta và cả gánh hát cảm kích biết bao được chúng tôi tới xem, rằng ông ta – ông ta và gánh hát – rất mệt, rằng họ tri ơn sự ủng hộ của chúng tôi qua chút ít tiền bạc mà chúng tôi có thể bỏ vào chiếc hộp thiếc đặt ở cửa ra vào. Vở kịch làm tôi cực kỳ xúc động, vì rất nhiều phần đã nói về tôi và cuộc đời ảm đạm của tôi, nên tôi đã bỏ vào hộp sáu xu. Tôi còn ước giá đã nhét thêm một mảnh giấy cho Hamlet biết tôi là ai, cuộc đời đau khổ của tôi có thật chứ không chỉ là kịch.
Hôm sau tôi tới khách sạn Hanratty để đưa một bức điện tín, thấy cả gánh kịch Hamlet ở đó, chè chén ca hát ở quầy, trong khi anh chàng phục vụ của khách sạn tối mắt tối mũi chạy tới chạy lui chất hành lý của họ lên xe. Hamlet ta ngồi một mình ở cuối quầy tợp ly Whisky. Không rõ mình lấy can đảm từ đâu song tôi đã lên tiếng chào ông ta. Dẫu sao thì cả ông lẫn tôi đều bị các bà mẹ lừa dối, đau khổ ghê gớm. Thế giới sẽ không bao giờ được nỗi khổ của tôi, nên tôi ganh tị việc ông tối nào cũng thổ lộ được nỗi khổ của mình. Chào ông, tôi nói, còn ông đăm đăm nhìn tôi qua đôi mắt đen dưới cặp mày đen trên khuôn mặt trắng. Ông thuộc lòng Shakespeare,
https://thuviensach.vn
nhưng giờ đây ông cứ giữ rịt trong đầu khiến mặt tôi đỏ như gấc, chân này vấp chân kia.
Xấu hổ quá, tôi cắm đầu cắm cổ đạp xe trên đường O’Connell. Rồi tôi nhớ lại sáu xu đã bỏ vào hộp thiếc, tiền để họ ca hát và uống Whisky ở quầy khách sạn Hanratty. Tôi thật muốn quay lại, chất vấn gánh hát và riêng Hamlet, nói cho họ biết tôi nghĩ gì về họ, về sự mệt nhọc họ bịa đặt rồi cái kiểu uống mềm môi với đồng tiền của những người nghèo khó.
Thôi thí cho họ sáu xu ấy. Vì nếu tôi quay lại, họ chắc chắn sẽ phun những lời nào đấy của Shakespeare lên đầu tôi, còn Hamlet sẽ lại đăm đăm nhìn tôi với đôi mắt đen lạnh lùng. Tôi sẽ chẳng biết đường nào đối đáp, còn nếu cố tình trừng trừng nhìn lại với đôi mắt đỏ kè thì chỉ tổ nom hết sức ngu xuẩn thôi.
Lũ học trò của tôi bảo rằng bỏ ra những ngần ấy tiền cho một quyển sách của Shakespeare là dại, không phải xấu miệng, nhưng nếu thầy nhất định lòe người khác, sao thầy không vào thư viện chép lại mọi trích dẫn. Với lại, phải khá ngớ ngẩn thì thầy mới lóa mắt trước một tay diễn viên, chỉ vì gã đã trích dẫn nhà thơ già chẳng ai đọc nổi này. Thỉnh thoảng truyền hình vẫn chiếu kịch của cụ Shakespeare đấy, nhưng chẳng ai hiểu câu nào thì chiếu làm gì chứ? Tiền cho quyển sách lẽ ra thầy nên để mua gì đấy hay hơn, như giày hay một chiếc áo khoác đẹp, hoặc, thầy biết đấy, mời một cô gái đi xi nê.
Có mấy nữ sinh bảo rằng tôi định lấy le với thiên hạ bằng Shakespeare là rất ngầu, dù người ta sẽ chẳng hiểu tôi nói gì hết. Tại sao ông Shakespeare này cứ phải viết một thứ văn cổ lỗ sĩ chẳng ai hiểu nổi? Tại sao?
Tôi chẳng biết nên trả lời thế nào. Chúng cứ hỏi tới: Tại sao? Tôi bị dồn vào ngõ bí, mà cũng chỉ biết đáp rằng mình không rõ. Nếu chúng chịu khó chờ thì tôi sẽ cố tìm hiểu tại sao. Chúng đưa mắt nhìn nhau. Thầy cũng không biết nốt. Sao thế được nhỉ? Có thật không? Wow. Làm sao ông ấy thành thầy giáo được nhỉ?
Này, thầy ơi, thầy còn nhiều chuyện nữa không?
Hết rồi. Hết rồi. Hết rồi.
https://thuviensach.vn
Thầy cứ toàn hết, hết, hết.
Chấm dứt. Không còn chuyện gì nữa. Đây là giờ Anh văn. Đã có phụ huynh than phiền rồi đấy.
Ôi trời. Thầy McCourt ơi, thầy có từng đi lính chưa? Thầy có từng đánh nhau bên Triều Tiên không?
Tôi chả bao giờ nghĩ ngợi mấy về đời mình, song thỉnh thoảng tôi kể lể than van một ít cho chúng nghe: chuyện nghiện rượu của bố tôi, chuyện những năm tháng trong khu ổ chuột ở Limerick – khi tôi mơ tới nước Mỹ, chuyện học môn giáo lý, chuyện những ngày buồn thảm ở New York. Tôi ngạc nhiên khi đám choai choai ở New York này cứ đòi nghe thêm nữa.
https://thuviensach.vn
3
Tôi bảo chúng rằng sau hai năm trong quân ngũ, đạo luật GI đã giúp tôi được gà gật bốn năm tại trường Đại học New York. Tôi đi làm buổi tối để kiếm thêm vào số học bổng của Nhà nước. Tôi có thể học nửa buổi tối, nhưng tôi quyết chí ra trường để còn đem tấm bằng và mớ kiến thức bậc đại học lòe đời và đàn bà con gái. Tôi là chuyên gia bịa lý do lý trấu bào chữa cho việc nộp bài trễ hạn và bỏ thi. Tôi lải nhải về những bất hạnh của đời mình với các vị giáo sư đầy kiên nhẫn, ra sức rầu rĩ. Khẩu âm Ireland quả là được việc. Tôi sống giữa hy vọng và tuyệt vọng.
Các cô thủ thư thú Các cô thủ thư thúc vào sườn tôi khi tôi ngáy khò khò sau chồng sách. Một cô còn bảo tuyệt đối cấm ngủ gật. Cô thân ái bảo rằng ngoài công viên Washington Square có thừa ghế dài để tôi nằm ngủ cho đến khi cảnh sát tới. Tôi cám ơn, nói rằng xưa nay tôi luôn khâm phục các cô thủ thư không chỉ vì họ rành hệ thống phân loại thập phân của Dewey[29], mà còn vì họ luôn sẵn sàng giúp đỡ trên những lãnh vực khác trong đời thường hàng ngày.
Vị giáo sư về mô phạm kia của Đại học New York đã cảnh báo chúng tôi về đời nhà giáo tương lai. Ông bảo rằng ấn tượng đầu tiên là cực kỳ quan trọng. Ông bảo: cung cách anh xuất hiện và chào hỏi học trò trong lớp học đầu tiên có thể quyết định cả cuộc đời nhà giáo của anh. Cả cuộc đời nhà giáo của anh. Học trò chiếu tướng anh. Anh quan sát học trò. Anh đụng chạm với đám choai choai Mỹ - là giống nguy hiểm, và chúng sẽ không thương xót anh đâu. Chúng bắt mạch anh rồi quyết định sẽ làm gì anh. Anh tưởng anh nắm quyền ư? Hãy nghĩ lại đi. Giống như tên lửa tầm nhiệt[30], chúng truy kích anh theo thứ bản năng nguyên thủy. Nhiệm vụ của lớp trẻ là gạt bỏ lớp già, để chiếm chỗ trên hành tinh này. Anh biết chứ nhỉ? Người cổ Hy Lạp đã biết thế rồi. Hãy đọc người cổ Hy Lạp đi.
https://thuviensach.vn
Vị giáo sư ấy dạy rằng trước khi học trò vào lớp, anh phải quyết định mình sẽ ở chỗ nào – “tư thế và vị trí” – và mình sẽ là ai – “nhân dạng và hình ảnh”. Tôi đâu ngờ dạy học lại có thể phức tạp nhường ấy. Ông bảo: Đơn giản là anh không thể dạy nếu không biết phải hiện diện chỗ nào. Lớp học sẽ là bãi chiến trường hoặc sân chơi của anh. Anh phải biết mình là ai. Hãy ghi nhớ lời Pope: “Hãy tự biết mình, chứ đừng tìm hiểu Chúa làm gì/Khoa học thật sự của con người là chính con người”. Ngày dạy học đầu tiên anh phải đứng ở cửa lớp, tỏ cho học trò thấy rằng anh vui mừng được gặp chúng. Tôi nói là đứng nhé. Nhà viết kịch nào cũng sẽ bảo anh rằng: Khi diễn viên ngồi xuống thì vở kịch sẽ lắng xuống luôn. Nước cờ tuyệt diệu nhất là anh phải chứng tỏ mình có mặt, và phải là ngoài hành lang. Tôi nói là ngoài hành lang nhé. Đấy chính là giang sơn của anh, đứng ngoài đó, anh sẽ được xem là người thầy có bản lĩnh, gan góc, sẵn sàng đối đầu với đám học trò quỷ sứ. Lớp học đúng là một đám quỷ sứ thật. Còn anh là nhà giáo chiến sĩ. Người ta mơ hồ về điều này. Giang sơn của anh cũng giống như tinh hoa anh phát tiết, nó theo anh khắp nơi khắp chốn, ngoài hành lang, trong khoang cầu thang và, chắc chắn, trong lớp học. Chớ để chúng xâm lấn giang sơn của anh. Không bao giờ. Cần ghi nhớ điều này: thầy giáo mà ngồi hay đứng ở bàn của mình, về cơ bản, đều thiếu tự tin, nên đổi nghề khác.
Tôi thích cách ông nói từ “assuredly” – “chắc chắn” – lần đầu tiên tôi được nghe có người dùng, ngoài trong loại truyện thời nữ hoàng Victoria. Tôi tự hứa khi thành nhà giáo mình cũng sẽ dùng loại từ này. Âm của nó vang lên nghe thật quan trọng khiến mọi người đều ngồi cả xuống chăm chú theo dõi.
Tôi nghĩ quả là tuyệt vời cung cách ta đứng đó, trên cái bục nhỏ, cạnh bàn của mình trước cả lớp, thao thao bất tuyệt cả tiếng đồng hồ trong lúc học sinh ghi ghi chép chép, rồi nếu mình hơi đẹp trai hoặc có vẻ gì cá tính thì đám nữ sinh sẽ tranh nhau để sau buổi học được gặp mình trong văn phòng hay ở đâu đó. Hồi đó tôi tưởng tượng như vậy đấy.
Vị giáo sư bảo rằng ông đã nghiên cứu, không chính thức, về thái độ của đám học sinh choai choai ở các trường trung học, và nếu chúng tôi là những
https://thuviensach.vn
thầy cô quan sát sắc bén, hẳn sẽ nhận thấy những thời khắc hiện tượng nào đấy ngay trước khi chuông reo vào lớp. Chúng tôi hẳn sẽ nhận thấy thân nhiệt đám choai choai tăng lên, huyết áp rần rật, tiết ra đủ Adrenalin[31] để làm chạy một chiếc tàu chiến. Ông mỉm cười và ta thấy ông thú vị với ví von của mình. Chúng tôi cười nịnh vì các giáo sư có quyền hành mà. Ông bảo rằng thầy giáo phải chú ý xem học sinh có mặt như thế nào. Ông bảo: rất nhiều chuyện – tôi nhắc lại: rất nhiều chuyện – tùy thuộc vào cách chúng vào lớp. Hãy quan sát cách vào lớp của chúng. Chúng đi thong thả, khệnh khạng, lê giày lệt bệt, xô đẩy, đùa giỡn hay vênh váo. Anh, chính anh đấy, có thể nghĩ bước vào lớp thì có gì đâu, nhưng với một đứa choai choai có khi lại là tất cả. Vào một căn phòng là ta chuyển từ môi trường này sang môi trường khác, với một đứa choai choai việc đó có thể gây chấn thương về tinh thần. Biết đâu có rồng rình rập, hay những chuyện chúng thường ngày khiếp sợ, từ bọ chét tới mụn trứng cá.
Tôi chẳng hiểu giáo sư nói gì, nhưng rất ấn tượng. Toi không bao giờ nghĩ rằng khi bước vào một căn phòng lại có nhiều điều phải chú ý đến thế. Tôi cứ ngỡ chuyện dạy học đơn giản là nói cho học trò điều ta biết, rồi cho chúng làm bài kiểm tra và chấm điểm. Nay tôi được học biết làm một người thầy phức tạp biết bao, và tôi khâm phục vị giáo sư này vì ông am tường mọi chuyện.
Anh bạn sinh viên bên cạnh thì thầm với tôi: Lão này phét lác quá chừng. Lão cả đời chưa từng dạy một trường trung học nào. Anh chàng tên là Seymour. Anh chàng đội một miếng khăn chụp đầu[32], thành ra đâu có gì lạ anh chàng thỉnh thoảng lại buông ra một nhận xét sáng suốt[33], nhưng cũng có thể anh chàng chỉ muốn khoe khoang với cô nàng tóc hung ngồi hàng trước. Khi nàng ngoái lại, mỉm cười trước nhận xét của Seymour tôi có thể thấy là nàng đẹp. Chính tôi cũng ước được khoe khoang trước nàng, nhưng tôi khó mà biết phải nói gì, trong khi Seymour luôn có ý kiến về mọi chuyện. Nàng tóc hung bảo Seymour rằng nếu anh chàng biết rõ thế thì nên nói to lên.
https://thuviensach.vn
Trời đất ơi, đâu có được, Seymour đáp. Ông ấy sẽ đá đít tôi ngay. Nàng mỉm cười với anh chàng, rồi khi nàng mỉm cười với tôi thì chẳng khác nào tôi bay bổng khỏi ghế ngồi. Nàng bảo tên nàng là June rồi nàng giơ tay.
Cô muốn hỏi?
Thưa thầy, thầy đã dạy bao nhiêu trường trung học rồi ạ?
Ờ, tôi đã tham dự những buổi lên lớp ở chục trường trung học trong nhiều năm.
Nhưng thầy có từng dạy ở trường trung học nào chưa ạ?
Cô tên gì?
June Somers ạ.
Như vừa nói, tôi đã từng đi kèm và quan sát cả chục ứng viên muốn thành nhà giáo.
Thưa thầy, cha em là một giáo viên trung học, cha em bảo nếu chính mình chưa từng dạy học thì mình chẳng biết thế nào là dạy ở trường trung học.
Giáo sư bảo ông không hiểu nàng định suy ra chuyện gì. Nàng làm mất thì giờ của cả lớp này, còn nếu nàng muốn tiếp tục thảo luận thì nàng cứ xin bà chữ ký của ông cho một giờ gặp trong văn phòng.
Nàng đứng lên, quàng xắc lên vai. Không, nàng sẽ không xin giờ gặp và nàng không hiểu được vì sao ông không thể trả lời ngay điều nàng hỏi về kinh nghiệm dạy học của tôi.
Thế là đủ rồi, cô Somers ạ.
Nàng quay người nhìn Seymour, lướt nhìn tôi rồi đi ra cửa. Ông giáo sư trố mắt nhìn theo, đánh rơi cả cục phấn trong tay. Khi ông nhặt phấn lên thì nàng đã ra khỏi phòng.
Ông sẽ có biện pháp gì với cô nàng June Somers đây?
Không gì hết. Ông bảo rằng sắp hết giờ học, ông sẽ gặp chúng tôi vào tuần tới, rồi cầm cặp ra khỏi phòng. Seymour bảo rằng June Somers đã tự gây cho mình phiền toái. Phiền toái lắm. Anh chàng bảo: Mình khuyên bạn một điều. Đừng bao giờ gây chuyện với các giáo sư. Bạn không thắng được đâu. Không bao giờ.
https://thuviensach.vn
Tuần sau anh chàng hỏi tôi: Bạn thấy chưa? Jesus!
Tôi nghĩ một người đội miếng vải chụp đầu như Seymour đâu được tự tiện réo tên Jesus[34]như thế. Anh chàng sẽ nghĩ sao nếu tôi coi cái tên Yahweh[35] hay ch-a như một lời nguyền và không ngớt tống vào tai anh chàng? Nhưng tôi không nói gì hết, ngại bị anh chàng cười nhạo.
Anh chàng bảo: nàng June với giáo sư kia là một cặp đấy thôi. Tớ thấy họ trong một quán cà phê trên đường Macdougal, cứ như một đôi bồ câu thắm thiết, uống cà phê mà tay nắm tay, mắt nhìn mắt. Trời ạ. Tớ đoán rằng họ mới vừa đấu hót một lúc trong văn phòng của ông ta và linh tinh.
Miệng tôi khô ran. Tôi tưởng tượng một ngày nào đó tình cờ gặp June trên đường phố, lúc ấy tôi không ngập ngọng nữa và chúng tôi sẽ cùng nhau vào rạp xem phim. Tôi sẽ chọn một phim ngoại quốc có phụ đề cho nàng thấy tôi sành đời biết bao, nàng sẽ thán phục tôi và để cho tôi hôn trong bóng tối, khiến hai đứa hụt cả chục phụ đề, chẳng còn biết phim diễn tiến ra sao. Sẽ chẳng còn gì phải tiếc nuối, vì chúng tôi có thừa chuyện để nói với nhau trong một quán Ý ấm cúng, nến lung linh và tóc nàng óng ánh phản chiếu, và ai biết được sẽ còn những gì, vì tôi chỉ dám mơ tới đó thôi. Tôi tưởng mình là cái thớ gì mới được chứ? Sao tôi dám mơ rằng nàng nhìn tôi, dù chỉ một giây?
Tôi lảng vảng ở những quán cà phê trên đường Macdougal, hy vọng nàng thấy tôi và mỉm cười, tôi mỉm cười lại, thản nhiên nhấm nháp ly cà phê khiến nàng ấn tượng nhìn tôi lần nữa. Tôi sẽ sắp đặt thế nào đó để nàng nhìn thấy bìa quyển sách của tôi, quyển nào đấy của Nietzsche hoặc Schopenhauer, nàng sẽ tự hỏi lòng sao lại phí thì giờ với ông giáo sư kia, trong khi nàng có thể bầu bạn với gã Ireland nhạy cảm say mê triết học Đức này. Nàng sẽ xin lỗi rồi trên đường tới phòng vệ sinh nữ nàng bỏ trên bàn tôi một mảnh giấy ghi số điện thoại của nàng.
Nàng đã làm đúng như thế hôm tôi gặp nàng trong quán cà phê Figaro. Khi nàng rời khỏi bàn thì ông giáo sư nhìn theo vẻ sở hữu đầy hãnh diện, khiến tôi chỉ muốn tông ông ngã lăn quay. Rồi ông liế về phía tôi, rõ ràng ông thậm chí không nhận ra tôi là một trong những sinh viên lớp ông.
https://thuviensach.vn
Ông gọi thanh toán, rồi trong khi cô chạy bàn đứng chắn tầm mắt của ông, June đã kịp bỏ lên bàn tôi mảnh giấy kia. Tôi chờ cho họ đi khỏi rồi mới đọc. “Frank, mai gọi cho mình nhé”. Nàng dùng son môi viết số điện thoại.
Chúa ơi. Nàng nhận ra tôi, tôi, một gã phu bến tàu muốn trở thành nhà giáo, còn ông kia, trời ạ, là một giáo sư. Vậy mà nàng biết tên tôi. Tôi choáng váng vì hạnh phúc. Tên tôi đó, trên một tấm khăn ăn bằng giấy, viết với thỏi son từng ve vuốt môi nàng, tôi biết mình sẽ mãi mãi giữ gìn tấm khăn này. Tôi sẽ xuống mồ cùng với nó.
Tôi gọi cho nàng, nàng hỏi tôi nên đi uống với nhau ở đâu cho thoải mái.
Quán Chumley’s.
OK.
Tôi cần phải làm gì? Nên ngồi thế nào? Nên nói những gì? Tôi được người con gái đẹp nhất Manhattan hẹn đi uống, người có lẽ đêm nào cũng ngủ với ông giáo sư nọ. Tôi thật chẳng khác một kẻ bị đóng định trên thánh giá, khi nghĩ tới chuyện nàng ngủ với ông ta. Đàn ông trong quán Chumley’s nhìn tôi ghen tị, và tôi biết họ nghĩ gì. Thằng cha khốn khổ ngồi với cô gái đẹp kia, người phụ nữ khác thường kia, con người làm mê mẩn kia, là ai vậy? Ờ, có thể gã là anh ruột hay anh họ cô nàng. Không, ngay điều này cũng khó đúng lắm. Tôi trông đâu đủ sạch mắt, không đáng làm anh họ đời thứ ba hay thứ tư của nàng.
Nàng gọi một ly. Norm đi vắng, nàng nói. Mỗi tuần ông dạy học hai ngày ở Vermont. Em đoán là tay Seymour lắm mồm chắc chắn đã kể với anh rồi.
Đâu có.
Thế à, vậy anh đến đây làm gì?
Em… em rủ anh tới mà.
Anh nghĩ thế nào về mình?
Sao cơ?
Câu hỏi đơn giản mà. Anh nghĩ thế nào về mình?
Anh không biết. Anh…
https://thuviensach.vn
Nàng nhìn tôi vẻ hờn trách. Anh gọi điện thoại khi người ta bảo anh gọi. Anh tới khi người ta bảo anh tới, vậy mà không biết phải nghĩ thế nào về mình. Trời ạ, hãy nói điều gì tốt về anh xem nào. Nói đi.
Máu tôi xông lên đầu. Tôi phải nói gì đấy, kẻo nhỡ nàng đứng dậy bỏ đi mất.
Một tay bốc xếp hàng ở bến tầu có lần bảo tôi là một gã mick nhỏ con ương ngạnh.
Thôi được. Với nhận xét này và thêm mười xu nữa thì anh có thể đi được hai trạm xe điện ngầm đấy. Anh là thứ hết cứu nổi. Nhìn là biết ngay. Norm ưa những thứ hết cứu nổi.
Tôi buột miệng đáp: Tôi chẳng cần biết Norm ưa cái quái gì. Ôi, lạy Chúa. Giờ thì nhất định nàng sẽ đứng dậy bỏ đi. Nhưng không. Nàng cười rũ rượi đến nỗi suýt sặc rượu vang. Từ lúc ấy trở đi mọi sự khác hẳn. Nàng mỉm cười với tôi, mỉm cười không ngừng. Tôi sướng đến muốn bay bổng.
Nàng vươn tay qua bàn, đặt lên tay tôi, tim tôi rộn lên như một con thú điên trong lồng ngực. Thôi, mình đi anh.
Chúng tôi đi bộ về căn hộ của nàng trên đường Barrow. Vào đó rồi, nàng quay lại hôn tôi. Nàng xoay tròn đầu khiến lưỡi nàng vòng theo chiều kim đồng hồ trong miệng tôi, tôi thầm nghĩ, lạy Chúa, con đâu xứng đáng. Sao Chúa không cho con được biết về điều này trước khi con hai mươi sáu tuổi?
Nàng bảo tôi là một gã lực điền khỏe mạnh có vẻ thèm khát tình cảm. Tôi khó chịu việc nàng gọi tôi là lực điền – lạy Chúa, chẳng gì tôi cũng đã đọc dăm ba quyển sách, từng dòng chữ của E.Laurie Long, P.G. Wodehouse, Mark Twain, E.Phillips Oppenheim, Edgar Wallace và ông già Dickens rất quen thuộc – và chuyện chúng tôi làm đây rõ ràng hơn hẳn phô trương tình cảm, theo tôi thấy. Nhưng tôi không nói gì hết, vì tôi không có kinh nghiệm về những chuyện như thế này. Nàng hỏi tôi thích ăn Monkfish không, tôi đáp rằng không trả lời được vì chưa từng nghe nói tới thứ cá này. Nàng bảo vấn đề là nấu thế nào thôi. Bí quyết của nàng là hành tím. Không phải ai cũng đồng ý, nhưng nàng thấy hành tím rất hợp. Đây là loại cá thịt
https://thuviensach.vn
trắng rất ngon, nấu với vang trắng hảo hạng là hợp nhất. Đừng dùng thứ vang để nấu thường, phải loại ngon cơ. Norm cũng có lần nấu món cá này, nhưng hỏng hết, vì đã dùng một thứ rượu vớ vẩn[36] nào đó từ California, khiến cá dai như đế giày. Cái lão đáng thương này rành chuyện văn chương và dạy học chứ không chẳng biết gì về vang hay cá.
Thật lạ lùng khi ngồi với một người đàn bà hai tay áp lên má anh và bảo rằng anh cần tự tin hơn. Nàng bảo bố em từ Liverpool[37] di dân sang đây, ông đã uống rượu đến chết vì sợ cái thế giới này. Ông nói rằng ước gì là người Công giáo để ông có thể vào tu viện và không còn bao giờ phải nhìn thấy con người nữa. Mẹ em cố khuyến khích ông thấy được điều gì đó tích cực của mình. Nhưng ông không làm nổi, nên đã uống tới chết. Anh có uống rượu không đấy?
Không nhiều.
Cẩn thận đấy. Anh là người Ireland.
Bố em có nhiều người Ireland[38] đâu.
Không, nhưng ông có khác gì đâu. Ở Liverpool ai cũng gọi là người Ireland cả. Thôi, bây giờ mình làm món Monkfish.
Nàng đưa tôi một chiếc Kimono. Áo sạch đấy. Anh vào phòng ngủ mà thay. Nếu nó hợp với một anh chàng Samurai thì cũng hợp với một gã mick nhỏ con cứng đầu như anh, dù anh chẳng cứng đầu gì lắm.
Nàng thay một chiếc áo khoác màu bạc. Chiếc áo như cuộc sống riêng của nó. Lúc thì nó sát vào người, lúc lại phồng lên khiến nàng có thể cử động thoải mái. Tôi thích nó bó sát nàng hơn, vì nó làm cho tôi sinh động hẳn dưới lớp áo Kimono.
Nàng hỏi tôi thích vang trắng không, tôi bảo có, vì tôi dần hiểu ra rằng “có, đúng, phải” là cách trả lời tốt nhất cho mọi câu hỏi, ít nhất là với June. Tôi nói “thích” món Monkfish, măng tây và cặp nến lung linh cắm trên bàn. Tôi bảo rằng thích cách nàng nâng ly rượu vang cụng ly tôi kêu coong một tiếng. Tôi bảo nàng đây là bữa tối ngon nhất tôi từng được thưởng thức trong đời. Tôi còn muốn nói rằng mình như thể đang trên thiên đường,
https://thuviensach.vn
nhưng e quá cường điệu, biết đâu sẽ khiến nàng nhìn tôi bằng đôi mắt khác lạ làm hỏng cả buổi tối này, rồi hỏng đến cuộc đời tôi.
Lão Norm không hề được đả động tới nữa trong sáu đêm liền tiếp theo buổi tối có món Monkfish, ngoại trừ mười hai bông hồng tươi thắm trong chiếc bình trong phòng ngủ của nàng với những lời chào yêu thương của Norm trên danh thiếp. Tôi uống thêm rượu để có đủ can đảm hỏi: Thế quái nào mà em lại có thể nằm với anh trên giường trước những đóa hồng tươi thắm của Norm? nhưng tôi đã không hỏi. Tôi không đủ tiền mua nổi hoa hồng nên đã mua cẩm chướng. Nàng cắm trong một chiếc bình thủy tinh lớn, đặt cạnh bình hoa hồng. Bì sao được. Hoa cẩm chướng của tôi trông nhỏ mọn hẳn cạnh mấy bông hồng, nên tôi đành moi hết mấy đôla còn lại mua tặng nàng một tá đóa hồng. nàng ngửi rồi bảo: Ồ, đẹp quá. Tôi chẳng biết nói gì, vì tôi đâu có trồng, chỉ mua thôi. Những bông hồng của Norm trong bình thủy tinh đã hơi héo rồi, khiến tôi sướng rên khi hình dung hoa hồng của tôi sẽ thế chỗ hoa hồng của lão, nhưng điều June làm đã khiến tôi bị tổn thương ghê gớm chưa từng thấy.
Từ chiếc ghế đang ngồi trong bếp tôi thấy việc nàng đang làm trong phòng ngủ: lấy từng bông hồng của tôi khẽ khàng cắm vào đám hồng của Norm, ngay chính giữa và chung quanh, lùi lại, ngắm nghía rồi lấy những đóa hoa tươi của tôi đỡ hoa héo của Norm đang oặt đi, vuốt ve hoa của tôi và của lão, rồi mỉm cười như thế hồng nào cũng đáng quý như nhau.
Chắc chắn nàng biết tôi quan sát nàng. Nàng quay lại mỉm cười với tôi đang ngồi đau khổ đến muốn gào lên trong bếp. Đẹp quá, nàng lặp lại. Rõ ràng nàng muốn nói về cả hai mươi bốn bông hồng chứ không chỉ một tá của tôi. Tôi thật rất muốn lớn tiếng trách móc nàng rồi lao ra khỏi căn hộ như một gã đàn ông thật sự.
Nhưng tôi không làm gì hết. Tôi ở lại. Nàng làm món sườn heo nhồi ăn với táo nghiền và khoai tây nghiền. Cứ như ăn giấy bồi. Chúng tôi lên giường mà tôi cứ nghĩ mãi tới những bông hồng của tôi và cung cách nàng cắm lẫn lộn với hoa của lão, cái lão phải gió ở Vermont. Nàng bảo rằng tôi không thật khỏe, tôi chỉ muốn nói để nàng biết rằng ước gì tôi chết mất tiêu
https://thuviensach.vn
rồi. Okay, nàng nói. Mình phải từ từ quen nhau. Cần giữ cho mối quan hệ được tươi mới.
Phải chăng đó là cách nàng giữ cho nó tươi mới? Mánh khóe với cả hai gã đàn ông một lượt và cắm hoa của họ trong cùng một bình? Gần cuối khóa học mùa Xuân ấy tôi gặp Seymour trên quảng trường Washington. Thế nào? anh chàng hỏi và cười như thể biết chuyện gì đấy. Cô em June quyến rũ khỏe chứ?
Tôi lắp bắp, đổi hết chân này lại chân kia. Anh chàng nói: Đừng nên buồn. Nàng đối với tớ cũng y như vậy, nhưng nàng chỉ xỏ mũi tớ được hai tuần thôi. Rồi tớ thấu rõ tim đen của nàng nên đã bảo nàng rằng đừng có hòng.
Tim đen gì?
Nàng làm những chuyện ấy toàn vì lão Norm hết. Nàng dụ dỗ tớ, dụ dỗ bạn và chỉ Chúa mới biết còn những ai, rồi nàng kể tuốt tuột mọi chuyện cho lão Norm của nàng.
Nhưng lão đi Vermont mà?
Vermont à, còn lâu! Bạn vừa ra khỏi căn hộ của nàng là lão tới ngay để nghe nàng báo cáo không sót một chi tiết nhỏ nào.
Sao bạn biết?
Lão nói với tớ mà. Lão khoái tớ. Lão kể với nàng về tớ, nàng kể với lão về bạn; nàng với lão biết rằng tớ sẽ kể với bạn về họ. Họ thừa thì giờ mà. Họ nói về bạn, rằng bạn cóc biết gì hết thảy.
Tôi bỏ đi, anh chàng gọi với theo: Lần nào cũng thế, bồ tèo ạ, lần nào cũng thế cả.
Tôi trầy trật đậu được kỳ thi lấy bằng sư phạm. Môn nào tôi cũng trầy trật qua khỏi .Cần 65 điểm để đậu, tôi được 69 điểm. Điểm then chốt có lẽ nhờ lượng hải hà của một ông chủ nhiệm môn tiếng Anh trường Trung học Eastern District ở Brooklyn chấm bài thử dạy học của tôi mà phúc đức làm sao tôi biết được chút ít thơ phản chiếu thời Thế chến thứ nhất. Có lần một ông giáo sư nghiện rượu ở Đại học New York thân mật bảo tôi rằng tôi là một sinh viên học chiếu lệ. Tôi cảm thấy bị xúc phạm, tới lúc suy ngẫm lại, phải công nhận ông nói đúng. Quả thật tôi sống cầm chừng về mọi mặt,
https://thuviensach.vn
nhưng tôi hứa một ngày nào đó tôi sẽ cố công, sẽ nỗ lực phấn đấu để làm nên gì đấy – theo truyền thống Mỹ tốt đẹp xưa nay.
Chúng tôi ngồi trên ghế ngoài hành lang trường Trung học Hướng nghiệp Brooklyn chờ thi vấn đáp, điền đơn, ký giấy thề trung thành với Hợp Chủng Quốc, cam đoan rằng hiện nay và trước kia chưa từng là đảng viên đảng Cộng sản.
Tôi đã thấy nàng từ lâu trước khi nàng ngồi xuống cạnh tôi. Nàng chít chiếc khăn màu xanh lục, đeo kính râm, khi nàng bỏ khăn ra, mái tóc màu hung của nàng óng ánh. Tôi nhớ nàng muốn chết nhưng làm lơ chứ không quay nhìn, không để nàng toại nguyện.
Chào anh Frank.
Nếu tôi là một nhân vật trong tiểu thuyết hay phim hẳn tôi sẽ đứng dậy bỏ đi. Kiêu ngạo mà. Nàng chào lần nữa. Nàng bảo: Trông anh mệt mỏi. Tôi cấm cẳn đáp để nàng thấy rằng tôi chẳng có lý do gì để lịch sự sau những gì nàng đối xử với tôi. Tôi chẳng mệt mỏi gì hết, tôi nói. Nhưng rồi những ngón tay nàng ve vuốt khuôn mặt tôi.
Nhân vật trong tiểu thuyết hay phim kia hẳn sẽ quay đầu đi cho nàng thấy hắn chưa quên, hắn không mềm lòng chỉ bởi hai câu chào hỏi và mấy ngón tay. Nàng mỉm cười, vuốt má tôi lần nữa.
Mọi người ở hành lang đều đưa mắt nhìn nàng, tôi chắc chắn họ tự hỏi không hiểu nàng âm mưu gì với tôi: Nàng thật lộng lẫy, còn tôi nào đáng gì cho cam. Họ nhìn bàn tay nàng ấp trên bàn tay tôi.
Anh có khỏe không?
Khỏe, tôi đằng hắng. Tôi nhìn bàn tay nàng rồi hình dung nó vuốt ve cơ thể lão Norm ra sao.
Nàng hỏi anh hồi hộp vì thi cử à?
Tôi lại cấm cẳn đáp không, chẳng hồi hộp gì hết.
Anh sẽ thành một thầy giáo hỏi.
Tôi cóc cần.
Anh không cần à? Thế anh thi làm gì?
Vì không biết làm gì khác.
https://thuviensach.vn
Ô! Nàng bảo nàng thi lấy bằng sư phạm rồi làm cô giáo một năm, sau đó viết một quyển sách về chuyện dạy học. Đó là gợi ý của Norm. Norm, chuyên gia vĩ đại. Lão bảo việc giáo dục ở Mỹ cực kỳ bê bối và một quyển sách lột trần sự thật của kẻ trong ngành thì sẽ thành best-seller ngay. Làm cô giáo một hai năm, rồi phơi bày thực trạng đáng sợ của các trường học là em sẽ có ngay cuốn sách bán chạy như tôm tươi.
Người ta xướng tên tôi vào phòng thi. Nàng nói: Lát nữa mình đi uống cà phê nhé?
Nếu còn chút tự hào hay tự trọng ắt tôi sẽ trả lời không rồi quay đi, đằng này tôi nói OK rồi vào phòng thi với trái tim đập tựa trống chầu. Tôi chào ba vị giám khảo, nhưng họ đã được tập luyện để không nhìn thí sinh sư phạm. Ông ngồi giữa nói anh có hai phút để đọc bài thơ trên bàn trước mặt anh. Sau đó yêu cầu anh bình giải và cho chúng tôi biết anh sẽ giảng bài này trong một lớp trung học như thế nào.
Tựa của bài thơ diễn tả chính xác tâm trạng tôi trong buổi thi này: “Ước Gì Tôi Quên Được Tôi Là Tôi”.
Ông đầu hói bên phải hỏi tôi có biết bài thơ thuộc thể gì không. Thưa có. Vâng. Đó là một bài sonata.
Hả, bài gì?
Ô, xin lỗi. Một bài sonnet[39]. Mười bốn hàng.
Thế còn nhịp điệu?
À… à… abbaabbacdcdc.
Họ nhìn nhau còn tôi không biết mình đoán đúng hay sai.
Của tác giả nào?
A… em nghĩ là của Shakespeare. Không phải, không, của Wordsworth ạ.
Cả hai đều không phải, anh bạn trẻ ạ. Của Santayana.
Ông đầu hói nhìn tôi chòng chọc như thể tôi đã xúc phạm cá nhân ông. Santayana, ông nói, Santayana, còn tôi thiếu điều độn thổ vì sự ngu dốt của mình.
https://thuviensach.vn
Họ nhăn nhó nhìn tôi, còn tôi thật muốn thưa rằng đặt câu hỏi về Santayana là bất công và không ổn, vì ông này không có trong một quyển giáo khoa hay hợp tuyển văn học nào tôi từng đọc trong bốn năm học lơ mơ ở trường Đại học New York. Họ không hỏi, song tôi tự động cho biết điều duy nhất tôi học được của Santayana là: nếu ta không chịu học từ lịch sử thì nhất định chúng ta sẽ vấp lại những sai lầm cũ. Xem ra điều này chẳng gây được ấn tượng gì nơi họ, kể cả khi tôi bảo rằng tôi biết cả tên của Santayana là George.
Thôi được, ông ngồi giữa nói. Anh sẽ giảng cho học trò bài thơ này như thế nào?
Tôi lảm nhảm. Dạ… em nghĩ… em nghĩ… bài thơ một phần nói về sự tự sát và về nỗi chán chường của Santayana và em sẽ nói về James Dean[40], vì thiếu niên khâm phục anh ta, về khả năng James Dean có thể đã tự tử ra sao khi lái chiếc xe thể thao, rồi em sẽ nhắc đến câu Hamlet độc thoại khi tự sát “Hiện hữu hay không hiện hữu” rồi để các em học sinh nói về cảm nghĩ của chúng đối với việc tự tử, nếu có.
Ông bên phải hỏi: Anh sẽ làm gì để củng cố thêm?
Thưa, em không hiểu ý thày. Củng cố nghĩa là gì?
Ông ta nhướng cặp lông mày nhìn các đồng nghiệp như cố nhẫn nại. Ông nói: Củng cố nghĩa là một hoạt động làm phong phú thêm, nối tiếp theo bài học, đại thể như đọc thêm, ra bài tập để những điều học được thấm sâu vào đầu óc học sinh. Anh không thể dạy vào hư không. Một thầy giáo giỏi luôn liên hệ bài giảng với cuộc sống thực tế ngoài đời. Anh hiểu chứ?
Ô. Tôi thấy tuyệt vọng. Tôi lắp bắp, em sẽ ra bài tập cho học trò viết một bức thư tuyệt mệnh dài 150 từ. Đó sẽ là phương cách tốt để khuyến khích chúng suy nghĩ về cuộc đời, vì Samuel Johnson từng nói: Không gì rèn giũa tinh thần tuyệt diệu hơn viễn cảnh ngày mai bị treo cổ.
Ông ngồi giữa bực tức. Sao?
Ông bên phải lắc đầu. Chúng ta không bàn về Samuel Johnson ở đây. Ông bên trái xì một tiếng. Thư tuyệt mệnh à? Anh chớ có làm những chuyện ấy. Anh nghe tôi nói không? Anh dạy những đầu óc non nớt mà.
https://thuviensach.vn
Chúa ơi! Thôi, anh ra được rồi.
Tôi nói cám ơn, nhưng liệu ích gì nữa? Tiêu đời rồi, chắc chắn thế. Rõ ràng họ không ưa tôi, vì tôi dốt Santayana và việc củng cố, và tôi chắc chắn cái ý tưởng về thư tuyệt mệnh là giọt nước cuối cùng làm trào ly nước đầy. Họ là chủ nhiệm ban ngành ở các trường trung học hoặc giữ những vị trí quan trọng nào khác và tôi không ưa họ, như tôi không ưa một kẻ có quyền quyết định về tôi, chẳng hạn như những ông sếp, giám mục, giáo sư, giám viên thuế vụ, nghĩa là những kẻ có địa vị cao hơn tôi nói chung. Ngay cả là như vậy, tôi tự hỏi sao những con người như ba vị giám khảo này lại thô lỗ đến độ làm cho tôi cảm thấy mình tầm thường hẳn. Nếu ngồi ở vị trí của họ tôi sẽ cố giúp thí sinh hết sức hồi hộp. Nếu lớp trẻ muốn thành thầy cô thì cần động viên họ chứ đừng làm họ khiếp bởi những giám khảo cho rằng Santayana là cái rốn của vũ trụ.
Lúc đó tôi nghĩ thế, bởi tại tôi chưa biết lề thói trên thế gian này. Tôi không biết rằng những kẻ trên cao kia phải tự bảo vệ trước đám bên dưới này. Tôi không biết rằng người lớn tuổi phải tự bảo vệ trước đám trẻ là những kẻ muốn gạt họ ra khỏi mặt đất này.
Khi tôi ra khỏi phòng thi, nàng đã chờ ở hành lang, vừa buộc khăn dưới cằm vừa nói: Thế nào, đơn giản chứ nhỉ.
Còn lâu mới đơn giản. Họ hỏi anh về Santayana.
Thật à? Norm ngưỡng mộ Santayana lắm.
Chẳng lẽ cô nàng này không biết chút tế nhị nào ư? Cứ phải làm tôi mất vui nguyên ngày vì Norm và lão Santayana khốn kiếp kia ư? Anh quan tâm tới Norm làm quái gì. Cả Santayana nữa.
Ơ kìa. Sao hùng hồn thế. Anh chàng Ireland của em nổi cơn thịnh nộ rồi ư?
Tôi những muốn dằn ngực lại cho qua cơn giận. Nhưng tôi đã để mặc nàng đứng đấy, thậm chí cứ tiếp tục đi khi nàng gọi theo, Frank, anh Frank, mình nói chuyện nghiêm chỉnh được mà.
Tôi đi qua cầu Brooklyn, miệng không ngừng lẩm bẩm, Mình nói chuyện nghiêm chỉnh được mà, suốt cho tới quán McSorley’s trên đường East Seventh. Ý nàng muốn nói gì?
https://thuviensach.vn
Tôi uống hết ly bia này đến ly khác, ăn dồi gan với bánh mì hành giòn, tiểu ồ ồ vào bồn tiểu khổng lồ của quán McSorley’s, gọi cho June từ máy điện thoại công cộng, cúp ngay khi nghe tiếng Norm trả lời, rồi thấy tự thương thân nên muốn gọi lại cho Norm, thách hắn xuống lề đường đấu tay đôi một trận, thấy khinh ghét mình và chửi mình là thằng ngu, cho tới khi thiếp đi say túy lúy.
Hôm sau, váng vất vì say và buồn khổ, tôi đi tới trường Trung học Quận Eastern ở Brooklyn để thi dạy thử, chướng ngại cuối cùng trước khi được bổ làm thầy giáo. Lẽ ra tôi phải đến đó sớm hơn một giờ, nhưng vì lên nhầm xe điện ngầm nên đến muộn nửa tiếng. Ông thầy chủ nghiệm ban Anh văn bảo tôi đến lần khác cũng được, nhưng tôi muốn xong luôn cho rồi, nhất là từ khi biết mình đằng nào cũng trượt.
Ông chủ nhiệm đưa tôi mấy tờ giấy ghi đề tài để tôi dạy thử: Thơ Chiến Tranh. Những bài thơ này tôi thuộc nằm lòng, bài “Điều ấy có quan trọng không?” của Siegfried Sassoon và bài “Bài ngợi ca tuổi trẻ bị đọa đày” của Wilfred Owen.
Dạy học ở New York ta phải giữ một trình tự định sẵn. Trước hết, phải xác định mục tiêu. Rồi phải động viên cả lớp vì, ai cũng biết, đám học trò này không muốn học gì cả.
Tôi động viên lớp này bằng cách kể về người chồng của cô tôi. Trong Thế chiến thứ nhất chú trúng phải hơi ngạt, rồi khi giải ngũ về nhà chú không tìm được việc làm nào khác hơn là xúc than, than cốc và than cám trong Nhà máy Hơi ngạt Limerick. Cả lớp cười, ông chủ nhiệm bộ môn cũng nhếch mép cười, một dấu hiệu tốt.
Bình giảng bài thơ thôi thì chưa đủ. Cần phải “động não” học trò, lôi cuốn chúng vào nội dung bài giảng. Phải khêu gợi chúng. Từ này là của ban giám hiệu. Phải đặt những câu hỏi mấu chốt để khuyến khích học trò tham gia. Một thầy giáo giỏi phải đặt được nhiều câu hỏi mấu chốt khiến học sinh hứng thú nhao nhao bốn mươi lăm phút luôn.
Một đôi em nói về chiến tranh và những người thân sống sót qua Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Triền Tiên. Chúng nói thật là bất công khi một số người trở về không còn mặt mũi và chân cẳng gì ráo. Cụt một tay chưa
https://thuviensach.vn
khổ lắm, vì vẫn còn một tay. Cụt cả hai tay thì quá là cay đắng vì phải có người đút cho ăn. Mất cả gương mặt lại là chuyện khác nữa. Người ta chỉ có một gương mặt, nếu bị mất đi thì tiêu đời rồi, cưng ơi. Một nữ học sinh có vóc dáng khả ái mặc áo cánh hồng thêu ren nói chị cô cưới một gã bị thương gần Bình Nhưỡng, gã này cụt hết cả hai tay, không còn được lấy một mẩu để gắn tay giả. Cô chị phải đút cho chồng, cạo râu, làm đủ mọi thứ, mà anh chồng lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện sex. Sex, sex, sex, còn hoàn toàn không nghĩ đến gì khác nữa cả, khiến cô chị kiệt sức.
Ông chủ nhiệm bộ môn ngồi cuối lớp gọi “Helen” bằng giọng răn đe, song em vẫn nói với cả lớp: Nhưng mà, đúng như thế. Các bạn có thích không nếu phải tắn rửa, đút ăn cho ai đấy và mỗi ngày phải ngủ với anh ta ba lần? Vài nam sinh cười khúc khích, nhưng nghiêm chỉnh lại ngay khi Helen nói: Tớ rất buồn. Chuyện chị tớ với anh Roger khiến tớ buồn lắm, vì chị tớ nói chị chịu không nổi nữa. Có lẽ chị sẽ bỏ anh ấy, nhưng rồi anh sẽ phải vào ở trong bệnh xá cựu chiến binh. Anh ấy nói nếu đến nông nỗi ấy thì anh sẽ tự tử. Rồi em quay qua nói với ông chủ nhiệm. Em xin lỗi những gì đã nói về chuyện sex, song đúng đã xảy ra như vậy, chứ em thật không muốn bất kính.
Tôi hết sức thán phục Helen về sự chín chắn, bạo dạn và bộ ngực tuyệt vời của em đến nỗi không tiếp tục buổi dạy thử được. Tôi nghĩ mình sẽ không phàn nàn nếu bị cụt tay cụt chân miễn suốt ngày được cô em chăm sóc, tắm rửa, lau khô và mát xa cho tôi. Tất nhiên, thầy giáo không được có những ý nghĩ như thế, nhưng tôi biết làm sao được khi mình đang hai mươi bảy tuổi mà có ai đấy đẹp như Helen ngồi trước mặt đề cập tới tình dục và lại nom thế kia.
Một nam sinh không chịu bỏ qua chuyện này. Em bảo chị của Helen chớ có lo anh chồng sẽ làm liều, vì điều đó không thể nào được khi người ta không còn tay nữa. Không còn tay thì người ta không còn cách nào tự tử được.
Hai nam sinh nói người ta không thể sống được khi không có mặt mũi, chân cẳng khi mới hai mươi mốt tuổi. Đúng vậy, chắc chắn rồi, lúc nào anh cũng có thể đặt làm chân giả được, nhưng không đời nào có nổi khuôn mặt
https://thuviensach.vn
giả, với lại ai còn chịu đi chơi với anh nữa chứ? Thế là hết, sẽ chẳng bao giờ có con có cái hay gì đấy được. Mẹ ruột cũng không muốn thấy anh nữa, anh sẽ phải xơi một thứ đồ ăn bằng ống hút. Đau khổ biết rằng mình không còn bao giờ dám soi gương trong phòng tắm nữa vì sợ cái mình thấy hoặc không thấy, một khi mặt mũi không còn nữa. Các bạn hình dung xem bà mẹ khốn khổ cảm thấy gì khi đành phải vứt máy cạo râu với kem cạo râu của con trai ruột mình đi, vì biết rằng anh sẽ không bao giờ dùng tới nữa. Không bao giờ nữa. Hơn nữa bà không thể vào phòng anh mà bảo: Con ơi, nay con không cần dùng đến dao cạo râu nữa nên mẹ vứt đi vì nhà mình càng ngày càng nhiều thứ lỉnh kỉnh. Các bạn có hình dung được tâm trạng anh không, khi ngồi đó không mặt mũi, và bà mẹ ruột của anh cho anh hiểu, chẳng ít thì nhiều, rằng đời anh thế là xong? Những chuyện như thế người ta chỉ có thể đối xử với kẻ mình không ưa, ta không thể nào nghĩ được rằng bà mẹ không ưa con trai ruột thịt của mình, cho dù anh không còn mặt. Nói thật, bất kể ta gặp bất hạnh gì thì người mẹ vẫn nên mãi mãi thương yêu và hỗ trợ ta. Nếu không thì hóa ra ta đang ở thế giới nào và cuộc sống còn chút ý nghĩa nào đây?
Vài em nam sinh trong lớp mong khi trưởng thành cũng sẽ có một cuộc chiến tranh để thế hệ chúng có thể qua bên ấy[41] trả đũa. Một em khác nói: Vớ vẩn, còn lâu mới trả đũa được, các em khác liền la ó khiến em này phải im miệng. Em tên Richard, các em kia nói cả trường biết em là tay Cộng sản cỡ nào. Ông chủ nhiệm ghi chép, hẳn là ghi rằng: Tôi đã không kiểm soát nổi lớp học vì đã để nhiều em nói cùng lúc. Tôi thấy tuyệt vọng. Tôi cao giọng hỏi: Có em nào xem phim về lính Đức tựa đề Mặt trận phía Tây không có gì lạ[42] chưa? Chưa, chúng chưa hề xem, tại sao chúng lại phải phí tiền xem phim về bọn Đức sau những gì bọn Đức đã gây ra cho lính Mỹ? Đồ cải chua[43] chó chết.
Trong các em có bao nhiêu em gốc Ý? Nửa lớp.
Phải chăng các em cũng chưa hề xem một phim Ý nào, vì Ý đã đánh lại Mỹ trong Thế chiến thứ hai?
https://thuviensach.vn
Không, việc này không liên quan gì đến cuộc chiến tranh ấy. Chúng không thích xem những phim này vì phụ đề đổi nhanh quá theo không kịp câu chuyện, nhất là khi phim có cảnh tuyết mà phụ đề màu trắng thì thế quái nào mà đọc nổi? Nhiều phim Ý lại thường có cảnh tuyết rơi với chó đái vào tường, vả lại chúng chán cảnh người Ý cứ đứng hoài trên đường phố chờ có chuyện gì đấy xảy ra[44].
Sở Giáo dục quy định rằng cuối mỗi tiết học phải tóm tắt rồi cho bài tập về nhà làm hoặc bài đọc bổ túc, đại khái một kiểu kết luận, nhưng tôi quên bẵng, rồi khi chuông reo vẫn còn hai cậu đang ranh cãi, một cậu bênh vực tài tử John Wayne, cậu kia bảo rằng diễn viên này chỉ xạo, chứ chưa hề vào lính. Tôi cố nhét tất cả vào một bản tóm tắt thật quy mô, nhưng cuộc trao đổi tản mạn dần. Tôi bảo chúng, Cám ơn các em, nhưng chẳng ai lắng nghe, ông chủ nhiệm vừa gãi trán vừa ghi chú.
Trên đường ra xe điện ngầm tôi tự trách mình. Mất công để được gì? Thầy giáo cái đếch gì. Lẽ ra tôi nên ở lại trong quân ngũ với lũ chó. Hay tốt hơn tiếp tục làm phu bốc dỡ bến tàu hoặc nhà kho, tha hồ nhấc lên, ném xuống, chửi thề, ăn bánh mì kẹp dày tổ bố, uống bia và săn gái làng chơi. Như thế ít ra tôi được chung đụng với những kẻ như mình, trong giai tầng của mình chứ không tự bốc mình lên, thật đấy. Lẽ ra tôi nên nghe lời những ông cố đạo và những bậc khả kính ở Ireland, họ đã răn đe chúng tôi chớ tự cao tự đại, hãy cam phận, trên thiên đường đã sẵn giường cho những trái tim dễ bảo, những tâm hồn nhịn nhục.
Anh McCourt, anh McCourt, chờ tôi với.
Tiếng ông chủ nhiệm bộ môn gọi tôi cách vài khối nhà. Chờ tôi với. Tôi đi ngược lại phía ông. Mặt ông vui vẻ. Tôi nghĩ hẳn ông muốn an ủi mình đây: Kém quá, anh bạn ơi.
Ông thở không ra hơi. Nghe này, đúng ra tôi không được phép tiết lộ với anh, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng ít tuần nữa anh sẽ nhận được kết quả kỳ thi. Anh có những yếu tố để trở thành một thầy giáo giỏi. Ý tôi là, Chúa ơi, quả đúng anh biết về Sassoon và Owen. Anh biết không, hết một nửa thí sinh vào dạy thử không phân biệt được Emerson và Mickey Spillane. Cho
https://thuviensach.vn
nên khi có kết quả rồi và anh muốn tìm một chỗ dạy thì cứ gọi cho tôi nhé? Ok?
Ôi, vâng vâng, chắc chắn rồi, tôi sẽ gọi. Cám ơn ông.
Tôi nhảy múa dọc con phố, bước đi lâng lâng. Chim chóc thiếp chiếp ríu rít trên thềm ga xe điện ngầm. Mọi người nhìn tôi, mỉm cười trân trọng. Họ có thể thấy tôi là một con người có triển vọng thành nhà giáo. Nghĩa là tôi không đến nỗi ngu. Chúa ơi. Chúa ơi. Gia đình con sẽ nói ra sao đây? Một thầy giáo! Tin này sẽ truyền khắp Limerick. Ông biết tin về Frankie McCourt chưa? Lạy Chúa Jesus, hắn thành thầy giáo mãi bên Mỹ cơ đấy. Hồi mới đi hắn là gì nhỉ? Chẳng gì hết. Chính thế đấy. Một gã ăn mày khốn khổ, trông như thứ bị mèo tha. Tôi sẽ gọi cho June. Nói với nàng rằng tôi đã được mời dạy học. Ở một trường trung học. Không được cao cấp như giáo sư Norm, nhưng dẫu sao… Tôi bỏ đồng mười xu vào máy. Tiền rơi ta. Tôi gác máy. Gọi cho nàng có nghĩa là tôi cần phải có nàng với cái bồn tắm hay món cá Monkfish nấu với vang trắng. Xe điện ầm ầm chạy vào bến. Tôi muốn nói với mọi người, ngồi cũng như đứng, rằng tôi được mời dạy học. Họ sẽ mỉm cười ngước nhìn lên từ trang báo đang đọc dở. Không, không gọi cho June. Hãy cứ để mặc nàng với lão June ù ù cạc cạc về rượu vang, lại còn làm hỏng món Monkfish, cái lão Norm đồi bại đã không biết đối xử với June như nàng xứng đáng. Không, tôi sẽ tới Kho Cảng phía Nam Manhattan, làm cho tới khi nhận được tấm bằng sư phạm. Tấm bằng dạy học của tôi. Tôi thật muốn cầm nó vẫy vẫy từ trên nóc Tòa nhà Empire State[45].
Khi tôi gọi điện tới trường hỏi về chân thầy giáo nọ thì người ta trả lời rằng rất tiếc, ông thầy chủ nhiệm vui tính đã qua đời, rất tiếc trường không cần người, rồi chúc tôi may mắn khi tìm việc làm. Ai cũng bảo rằng một khi tôi có được bằng sư phạm thì tìm chỗ dạy dễ như bỡn. Có ai thèm tranh giành cái việc tầm thường ấy đâu? Làm việc nhiều giờ, lương ít, mà ai thèm cám ơn anh đã chăm lo cho đám nhóc tì Mỹ? Chính đó là lý do khiến đất nước này kêu gào tìm thầy giáo.
https://thuviensach.vn
Hết trường này đến trường khác trả lời tôi: Chúng tôi rất tiếc, vì giọng phát âm của ông là vấn đề phiền toái. Ông biết đấy, trẻ con vốn thích bắt chước, như thế thì trẻ con toàn trường sẽ nói giọng Ireland mất thôi. Các bậc phụ huynh sẽ nghĩ sao nếu con họ về nhà nói đại loại giống như Barry Fitzgeralt? Hẳn là ông thông cảm cho quan điểm của chúng tôi chứ? Các ông hiệu phó thắc mắc làm sao tôi có được bằng sư phạm với cái giọng Ireland như thế. Chẳng lẽ Sở Giáo dục không còn đòi hỏi tiêu chuẩn gì nữa hay sao?
Tôi đâm tuyệt vọng. Trong giấc mơ vĩ đại của nước Mỹ không có chỗ cho tôi. Tôi quay về với bến cảng, ở đó tôi thấy thoải mái hơn.
https://thuviensach.vn
4
Ê, thầy McCourt, thầy đã bao giờ làm việc thật sự chưa, không phải dạy học, mà là, thầy hiểu ý chứ, lao động thật sự cơ?
Em nói đùa ư? Chẳng lẽ dạy học không phải là lao động? Em thử nhìn quanh lớp học này rồi tự hỏi mình xem có muốn mỗi ngày đứng trên đây trước các em không. Chính các em đấy. Dạy học còn mệt hơn làm việc ở bến tàu hay các nhà kho nữa cơ. Bao nhiêu em có người thân làm việc ở khu cảng nào?
Một nửa lớp, chủ yếu dân Ý, vài em dân Ireland.
Trước khi dạy trường này, tôi nói, tôi đã làm việc ở các cảng Manhattan, Hoboken và Brooklyn. Một em thưa bố em có biết tôi ở Hoboken. Tôi bảo chúng: Sau khi tốt nghiệp đại học tôi thi lấy bằng sư phạm, nhưng tôi không nghĩ mình sinh ra để làm thầy giáo. Tôi chẳng biết gì hết về thanh thiếu niên Mỹ. Tôi không biết phải dạy các em điều gì. Làm việc ở bến cảng dễ dàng hơn. Xe tải lùi vào bục. Rồi chúng tôi vung cây móc. Kéo, nâng, lôi, đẩy. Xếp lên bệ. Xe cần trục chạy tới, nâng hàng lên, gài số lùi, chất hàng vào nhà kho rồi trở ra bục. Lao động bằng chân tay còn đầu óc được nghỉ một ngày. Làm việc từ tám giờ đến trưa, nghỉ trưa ăn miếng bánh mì kẹp dài ngoằng thêm một quart[46] bia, sau đó lại đổ mồ hôi từ một giờ đến năm giờ rồi về nhà, ăn chiều xong đi xem phim, rồi làm vài ba ly bia ở một quán bar trên Third Avenue.
Quen rồi thì làm không khác người máy. Ta không thua kém người khỏe nhất trên bục, vóc ta lớn hay nhỏ không thành vấn đề. Ta quỳ xuống để giảm sức nặng trên lưng. Nếu ta quên sẽ có người la toáng nhắc Chúa ơi, xương sống anh bằng cao su chắc? Ta học cách sử dụng cây móc tùy theo kiện hàng nặng nhẹ: hộp, bao, thùng, đồ đạc hay những bộ phận máy móc khổng lồ bôi mỡ. Một bao đậu hay hạt tiêu có cách ngang bướng riêng của nó. Nó có thể thay đổi nhiều hình dạng thế này rồi thế kia, ta phải làm sao
https://thuviensach.vn
thích ứng. Ta ước lượng độ lớn nhỏ, hình dạng và trọng lượng khối hàng rồi biết ngay phải nâng và hất lên lưng như thế nào. Ta học cách cư xử với tài xế và phụ lái của họ. Tài xế nào kiêm chủ xe thì dễ chịu hơn. Họ không lệ thuộc ai, tự ấn định nhịp độ bốc dỡ. Các tài xế làm thuê thường xuyên thúc hối, nhanh lên cha nội, dỡ đồ xuống đi, nào, tôi không rảnh cả ngày đâu. Đám phụ lái thì luôn cau có, bất kể làm việc cho tài xế xe nào. Họ làm trò để nắn gân ta, loại bỏ, nhất là khi họ nghĩ ta mới chân ướt chân ráo từ tàu xuống. Nếu ta làm việc sát cạnh cầu tàu hay trên bục, họ thình lình buông cái bao tải hay thùng phía họ ra mạnh đến nỗi tay ta trật khỏi khớp như chơi và ta sẽ học được rằng phải tránh xa mọi thứ bờ, rìa, cạnh. Rồi họ cười, nhạo giọng Ireland: Tớ xin lỗi, paddy, hay, Chúc cậu một buổi sáng tuyệt vời. Không bao giờ được than thở được với sếp những chuyện ấy cả. Sếp sẽ chỉ nói: Chuyện gì, nhóc? Cậu không biết đùa hả? Than thở chỉ tổ rầy rà thêm thôi. Tài xế xe tải hay tay phụ lái mà nghe được thì ta sẽ bị hất văng khỏi bục hay thậm chí cầu tàu ngay – vô ý thức. Một anh chàng bốc vác to con mới từ Mayo đã điên tiết vì bị ai đó nhét một cái đuôi chột vào ổ bánh mì kẹp, anh ta dọa sẽ giết kẻ nào táo gan phá mình, liền bị - do vô ý – đẩy ngã xuống sông Hudson ngầu bọt, mọi người cười ồ lên rồi mới ném dây kéo anh ta lên, váng nước sông rỏ tong tỏng. Khi anh ta biết cười trước những trò đùa nhả như thế thì họ mới để anh ta yên. Ta không thể làm việc ở bến tàu mà mặt mũi lúc nào cũng dài thượt. Sau một thời gian họ không phá ta nữa, họ kháo nhau rằng ta biết chịu đựng. Eddie Lynch, sếp sòng bục dỡ hàng, gọi tôi là gã mick nhỏ bé kiên cường, điều này ý nghĩa với tôi hơn cả cái ngày tôi được thăng chức hạ sĩ trong quân đội Mỹ, vì tôi biết mình chẳng kiên cường đến thế, chỉ là tuyệt vọng.
Tôi bảo đám học trò của tôi rằng tôi không mấy tự tin về nghề sư phạm nên đã nghĩ sẽ suốt đời làm việc ở Kho Cảng, con cá to trong cái hồ nhỏ. Có thể các sếp sòng sẽ ấn tượng trước tấm bằng tốt nghiệp đại học của tôi họ thăng tôi làm kiểm tra viên, rồi cho tôi chân văn phòng là nơi nhất định tôi sẽ tiến thân. Tôi có thể trở thành sếp của ban kiểm tra. Tôi biết nhân viên các văn phòng của kho và các văn phòng nói chung làm việc như thế
https://thuviensach.vn
nào. Họ ngáp dài ngáp ngắn chuyển giấy tờ từ chỗ này qua chỗ kia, nhìn qua cửa sổ xem chúng tôi làm quần quật như nô lệ trên bục dỡ hàng. Tôi không hé một lời với đám học trò về cô nàng Helena trực điện thoại không chỉ mời anh bánh Doughnut[47] ở một góc khuất nào đấy sau nhà kho. Tôi cũng đã toan tò tí với nàng nhưng Eddie bảo tôi cậu chỉ hơi léng phéng thôi là cậu sẽ vào nằm trong nhà thương St. Vincent với con chim ướt đẫm ngay.
Khi không còn làm việc trên bến tàu nữa thì tôi thấy thiếu vắng lối sống mà ở đó người ta nói thẳng điều mình nghĩ, ai cười mặc ai. Không giống các vị giáo sư đại học chỉ bảo ta: Về mặt này thì đúng, mặt khác thì không, khiến ta chẳng biết phải nghĩ thế nào. Trong khi ta cần phải biết các vị ấy nghĩ sao, để còn trả bài khi thi cử. Ở các nhà kho người ta tha hồ chớt nhả lăng mạ nhau, cho đến lúc ai đó quá trớn thì cây móc sẽ thay cho lời nói. Có chuyện gì nhận ra ngay thôi. Khi những tiếng cười nhạt đi, chỉ còn nhếch mép, là có tay lớn miệng nào đó đã quá tọc mạch hoặc chướng tai, lúc ấy sẽ đến lượt cái móc hay quả đấm thay cho lời nói.
Khi xảy ra ẩu đả trên cầu tàu hay bục bốc dỡ thì công việc dừng ngay. Eddie bảo tôi người ta mệt mỏi vì cứ phải khuân, kéo và chất hàng, bấy nhiêu việc khốn nạn đó năm này qua năm khác là lý do khiến họ chửi bới nhau, khích bác nhau, thiếu điều choảng nhau thật sự. Họ phải làm gì đấy để phá tan sự nhàm chán thường nhật và những giờ dài câm lặng. Tôi bảo ông ta tôi chả ngán làm việc cả ngày không nói một lời, ông ta đáp: Phải, nhưng cậu khác. Cậu mới chỉ ở đây một năm rưỡi thôi. Cứ thử làm mười lăm năm xem, miệng cậu cũng sẽ mấp máy thôi. Có vài cậu ở đây từng chiến đấu ở Normandie[48]và Thái Bình Dương, bây giờ họ thành gì? Những con lừa. Những con lừa từng có trái tim tím đỏ. Cuối cùng thành những con lừa đáng thương hại. Họ uống say mèm ở trên đường Hudson rồi khoe khoác những tấm huân chương, dù chẳng ai thèm biết đến mấy thứ vớ vẩn ấy. Họ bảo rằng họ nai lưng làm cho con cho cái, con cái, con cái. Cho lũ nhóc có cuộc sống khấm khá hơn. Lạy Chúa! Tao mừng vì chưa lập gia đình.
https://thuviensach.vn
Nếu không có Eddie thì những trận đánh nhau hẳn là nghiêm trọng hơn nhiều. Ông ta có tai mắt khắp nơi, đánh hơi được trong gió rằng sắp có chuyện lộn xộn. Khi hai anh chàng sắp ra tay thì Eddie xen và giữa với cái bụng to như cái trống, bảo họ làm ơn xéo khỏi bục bốc dỡ của ông ta, ra đường mà choảng nhau. Họ chẳng bao giờ làm theo mà thầm cám ơn đã có được cớ để không phải dùng đến nắm đấm, nhất là cái móc. Nắm đấm thì còn đỡ hay tránh được chứ cái móc thì đâu biết nó giáng xuống từ hướng nào. Tuy họ vẫn còn gầm gừ, xỉa xói nhau nhưng cơn giận đã xẹp, thời điểm đã qua, khi tức đã tàn, lũ chúng tôi đã chúi đầu lo làm việc lại, mà đánh nhau cái nỗi gì khi không có người xem để biết ta đây anh chị cỡ nào?
Helena rời văn phòng ra xem choảng nhau, xong rồi, nàng thì thầm gì đấy vào tai kẻ chiến thắng, rủ gã vào một góc tối trong nhà kho để cùng nàng bù khú một lúc.
Có vài tên khốn nạn, Edide nói, chỉ làm bộ gây gổ để sau đó được Helena đoái hoài, nếu có lúc nào đó ông ta bắt gặp tôi hú hí với nàng sau một trận ẩu đả thì ông ta sẽ đã tôi văng xuống sông. Ông ta nói thế vì có lần choảng nhau – hay suýt choảng – với tay tài xế Dominic béo, một tay nghe nói là nguy hiểm vì người ta đồn hắn quan hệ như thế thì chẳng dại gì làm tài xế, gẫy lưng như bỡn vì bốc dỡ hàng. Tuy vậy tất cả chúng tôi vẫn tin có lẽ Dominic quen biết những kẻ có quan hệ, hoặc từng quan hệ, với băng đảng, thành ra làm việc chung với hắn chỉ có lợi thôi. Nhưng có thể nào làm việc chung được với một kẻ cứ châm chọc mình: Sao thế, paddy? Câm à? Một thằng đần đã ngủ với mẹ mày à?
Ai cũng biết dù trên bến cảng hay bục bốc dỡ hay bất cứ đâu, anh cũng đều không thể chấp nhận được chuyện ai đó sỉ nhục mẹ anh. Trẻ con đã biết điều này ngay từ khi bập bẹ. Có thể anh không ưa mẹ anh, nhưng đó là chuyện của anh. Người ta muốn nói gì về anh cũng được, nhưng sỉ nhục mẹ anh là quá đáng và nếu anh nhịn thì sẽ bị mọi người coi thường. Lúc ấy, nếu anh cần người phụ nâng một món hafnt trên bục dỡ hay trên bến tàu sẽ chẳng ai thèm giúp. Anh trở thành con số không. Giờ ăn trưa, người ta không thèm cả chia bánh mì kẹp dồi gan với anh. Khi anh đi lang thang quanh bến cảng hay những kho hàng, thấy một gã nào đó ngồi ăn lủi thủi
https://thuviensach.vn
một mình là biết ngay gã đó bị ngập phân tới tận cổ rồi, đó là kẻ đã chịu bị người ta sỉ nhục mẹ hoặc từng có lần phá cuộc đình công hỏng. Sau một năm người ta có thể tha thứ cho kẻ phá cuộc đình công, nhưng không đời nào tha thứ cho kẻ chịu để mẹ mình bị sỉ nhục.
Tôi trả đũa Dominic bằng một câu chửi học được trong quân đội. Ê, Dominic, thằng đần béo phị, lần chót mày thấy con chim của mày khi nào mà làm sao mày biết rằng nó ở đấy thật?
Hắn quay người tống tôi văng khỏi bục dỡ hàng bằng cái nắm tay béo phị. Ngã xuống giường, tôi cáu tiết, vọt trở lên bục, vồ móc vào hắn. Hắn cười nhếch mép cười như muốn nói: Thằng nhóc khốn nạn kia, mày chết rồi, và khi tôi lao tới, hắn dùng lòng bàn tay đẩy vào mặt tôi làm tôi lại ngã lăn xuống đường. Lòng bàn tay là món nhục nhã nhất khi đánh nhau. Bị ăn nắm đấm là chuyện danh dự ngay thẳng. Các nhà quyền Anh vẫn đấm đấy. Nhưng bị cả lòng bàn tay vào mặ có nghĩa mình còn dưới mức bị coi thường, thà hai mắt bị ăn đòn tím bầm còn hơn dưới mức bị coi khinh. Mắt tím bầm rồi sẽ hết, chứ thế kia thì nhục suốt đời.
Rồi hắn luôn miệng nhục mạ tôi. Khi tôi bám vào lề bục để đứng lên thì hắn đạp lên tay tôi, nhổ lên đầu tôi, khiến tôi nổi điên, tôi vung móc trúng bắp chân hắn, kéo cho đến lúc hắn gào lên: Đồ nhóc tì khốn nạn. Tao chảy máu chân là mày chết.
Không thấy máu chảy. Cái móc của tôi trượt khỏi lớp da ủng lao động dày cộp của hắn, nhưng tôi vẫn chực vung hòng móc vào da thịt hắn, cho tới khi Eddie chạy ào xuống bậc tam cấp lôi tôi ra. Đưa móc đây. Mày đúng là một thằng 5 điên rồ. Mày mà thành kẻ thù của Dominic thì mày sẽ trở thành đống phân trên đường cho mà xem.
Ông ta ra lệnh cho tôi: Vào trong thay quần áo đi, rồi ra cửa sau, về nhà đi, đừng chường mặt tới đây nữa.
Tôi bị sa thải à?
Không, bố khỉ, không. Bọn tao đâu thể nào sa thải mỗi đứa gây chuyện ở đây được nhưng mày bị trừ nửa ngày công, đền cho Dominic. Nhưng tại sao tôi lại phải mất tiền cho Dominic? Hắn gây sự mà.
https://thuviensach.vn
Dominic đem công ăn việc làm cho bọn tao, còn mày chỉ làm qua ngày. Mày tốt nghiệp đại học rồi thì nó vẫn tiếp tục chở hàng đến đây. Mày còn sống là may lắm đấy, nhóc ạ, mang mấy chỗ sưng đó về nhà đi. Và ngẫm nghĩ cho kỹ vào.
Trên đường ra về tôi ngoái nhìn xem Helena có đó không, quả thật nàng đứng đó với nụ cười lại-đây-anh quyến rũ, nhưng Eddie cũng đứng đó luôn và tôi hiểu rằng dưới đôi mắt nghiêm khắc của ông ta thì chẳng mong gì được chui vào góc tối nào đấy với nàng.
Một ngày nào đó, khi đến lượt tôi ngồi xe trục, tôi sẽ trả thù tên Dominic béo. Tôi sẽ tống ga, gí dồ béo phị kia vào tường đến nát bét, nghe nó kêu gào. Đó là giấc mơ của tôi.
Nhưng chuyện này không bao giờ xảy ra, bởi lẽ mọi chuyện giữa tôi và hắn thay đổi hẳn vào cái ngày hắn áp xe tải vào bục dỡ hàng rồi gọi với từ buồng lái: Ê, Eddie, bữa nay ai dỡ hàng đây?
Durkin.
Không được. Đừng cắt Durkin làm với tôi. Cắt cho tôi tay mick to mồm với cái móc ấy.
Dominic, anh điên à? Thôi đi.
Không đâu. Cứ cắt cho tôi tay to mồm ấy.
Eddie hỏi tôi có làm được không. Nếu tôi không muốn thì không nhất thiết phải làm. Ông ta bảo Dominic không phải sếp ở đây. Tôi bảo với thằng béo phị nào tôi cũng chơi được hết, Eddie bảo tôi thôi đi. Chúa ạ, hãy giữ mồm giữ miệng. Tao sẽ không cứu mày lần nữa đâu dấy. Thôi, bắt tay vào việc đi, và nhớ giữ mồm giữ miệng.
Dominic đứng trên bục dỡ, không cười. Hắn nói công việc này béo bở, toàn những thùng rượu Whisky Ireland, biết đâu chẳng có một thùng bị rơi dọc đường. Có thể vỡ một hai chai, song phần còn lại tụi mình giữ, nhất định sẽ xử lý gọn. Thoáng một nụ cười ngập ngừng vội vã, nhưng tôi quá ngượng nên không cười lại. Làm sao con người này có thể cười được sau khi đã đẩy cả lòng bàn tay vào mặt tôi thay vì dùng nắm đấm?
Chúa ạ, cậu đúng là một tay mick hãm tài, hắn nói.
https://thuviensach.vn
Tôi thật muốn gọi hắn là đồ wop[49], nhưng không muốn xơi lòng bàn tay của hắn lần nữa.
Hắn vui vẻ nói như thể giữa chúng tôi không xảy ra chuyện gì cả. Điều này khiến tôi thắc mắc, vì khi tôi cãi cọ hay đánh nhau với ai thì tôi luôn không thèm nhìn mặt người ấy một thời gian dài. Trong lúc chúng tôi bốc dỡ những thùng Whisky hắn kể lể bằng giọng bình thường rằng vợ hắn là người Ireland, đã chết vì bệnh lao.
Cậu hình dung nổi không? Vì cái bệnh lao chết tiệt. Mụ đầu bếp bần tiện, ả vợ đầu của tớ ấy, giống như tất tật dân Ireland thôi. Đừng động lòng, chú nhóc. Đừng nhìn tớ như thế. Nhưng cô ả hát hay phải biết! Cả opera nữa cơ. Hiện nay tớ có một cô vợ Ý. Chẳng có lấy một nốt nhạc trong đầu, nhưng nấu ăn thì khỏi chê!
Hắn đăm đăm nhìn tôi. Cô ả nấu khéo quá. Nên tớ mới béo phì không nhìn thấy cả đầu gối mình thế này.
Tôi mỉm cười, hắn liền gọi Eddie. Này, đồ cà chớn. Ông nợ tôi mười đô nhé. Tôi đã làm cậu lỏi mick này cười rồi đấy.
Dỡ và chất hàng vào kho xong là đến lúc vô ý làm rơi một thùng, vỡ mấy chai rồi cùng với những tài xế xe tải và phụ bốc xếp khác ngồi trên những bao hạt tiêu trong phòng xông khói, thanh toán phần còn lại trong thùng, không để rơi phí một giọt nào.
Eddie là mẫu người mà ta muốn có cho vai trò ông bố. Ông luôn giải thích cặn kẽ cho tôi khi chúng tôi ngồi nghỉ giữa hai đợt bốc dỡ hàng. Mỗi khi ông giải thích tôi lại ngạc nhiên vì mình không biết những chuyện ấy từ trước. Chẳng gì tôi cũng là thằng sinh viên thế mà ông biết nhiều hơn tôi và tôi kính trọng ông hơn bất kỳ giáo sư nào.
Cuộc đời là một ngõ cụt. Ông phải săn sóc ông bố bị suy nhược thần kinh nặng sau Thế chiến thứ nhất. Eddie có thể đưa bố vào ở trong khu cư xá cựu chiến binh được, song ông bảo rằng những nơi ấy là địa ngục. Khi Eddie đi làm thì có một bà đến lo cho ông cụ chuyện ăn uống cũng như tắm rửa. Chiều về, Eddie đẩy ông cụ trên xe lăn ra công viên rồi về nhà mở ti vi xem tin tức. Cuộc sống của Eddie là như thế đấy. Ông không phàn nàn. Ông
https://thuviensach.vn
chỉ bảo rằng ông luôn mơ có con có cái nhưng có lẽ là không được. Ông bố không minh mẫn nữa nhưng còn khỏe. Ông cụ sẽ còn thọ lâu và Eddie sẽ chẳng bao giờ có được căn hộ cho riêng mình để tính chuyện lập gia đình.
Ông hút thuốc liên tục trên bục, ăn những tảng bánh mì khổng lồ kẹp thịt viên, chiêu hàng ly cối đầy sữa sôcôla cho bánh dễ trôi. Một ngày nọ thuốc lá đã làm ông ho sặc sụa khi ông đang lớn tiếng bảo Dominic béo lùi xe cho thẳng vào sát bục, Mày lái xe như con đĩa ngựa vùng Hoboken, tiếng ho lẫn với tiếng cười rồi Eddie tắc thở gục ngay trên bục, miệng vẫn ngậm điếu thuốc. Dominic béo ngồi trong buồng lái của chiếc xe tải vừa lùi xe vừa chửi thề cho đến lúc thấy Eddie mặt mày trắng nhợt, khò khè ngáp hơi. Khi Dominic béo nhảy từ buồng lái xuống bục thì Eddie đã chết, rồi thay vì cúi xuống nói với người chết như ta thấy trong phim thì Dominic béo đã lùi ra, lạch bạch bước xuống tam cấp, lên xe tải, vừa khóc rống lên như một con cá voi khổng lồ rồi lái xe đi luôn, quên cả món hàng phải giao.
Tôi đứng bên Eddie cho tới khi xe cấp cứu chở ông đi. Helena từ văn phòng bước ra nói rằng tôi trông thiểu não quá, an ủi tôi như thể Eddie là cha tôi. Tôi bảo cô rằng tôi xấu hổ vì người ta mới chở Eddie đi khỏi mà tôi đã nghĩ tới việc nộp đơn xin thế chỗ của ông. Tôi bảo làm như thế được chứ, nhỉ? Tôi có bằng đại học mà. Cô bảo ông sếp sẽ nhận tôi ngay. Ông ấy sẽ hãnh diện khoe rằng trên toàn khu cảng duy nhất Kho Cảng có một kiểm sát viên, sếp sòng bục dỡ hàng tốt nghiệp đại học. Cô bảo cứ ngồi vào bàn giấy của Eddie cho quen rồi viết một tờ đơn gửi sếp rằng anh muốn xin cái chân ấy.
Trên bàn là tấm bìa kẹp hồ sơ của Eddie, vẫn còn kẹp miếng giấy giao hàng của Dominic béo. Một cây bút đỏ được buộc với tấm bìa. Một chiếc ly cao đựng cà phê đen vơi một nửa trên bàn. Chiếc ly mang tên EDDIE. Tôi nghĩ rằng mình cũng phải có một cái ly như thế mang tên FRANK. Helena chắc chắn biết mua thứ ly này ở đâu. Nghĩ có nàng phụ giúp cho tôi cảm giác được an ủi. Nàng hỏi: Anh còn chờ gì nữa? Viết đơn đi. Tôi nhìn ly cà phê của Eddie lần nữa. Tôi nhìn ra bục bốc dỡ nơi ông đã gục chết để rồi không lòng dạ nào viết nổi tờ đơn. Helena bảo rằng đó là cơ hội của đời tôi. Tôi sẽ được 100 đôla một tuần, trời ạ, thay vì 77 đôla bèo như hiện nay.
https://thuviensach.vn
Không, tôi sẽ chẳng bao giờ thay được chỗ của Eddie trên bục dỡ, lòng dạ tôi, trái tim tôi không được bao dung như Eddie. Helena nói OK, OK, anh đúng. Đại học mà làm gì khi ta chỉ đứng trên bục dỡ, kiểm kê những bao hạt tiêu? Người học hành dang dở làm cũng được, em không có ý xúc phạm Eddie đâu. Anh muốn thành một Eddie mới ư? Bỏ cả đời để kiểm hàng với Dominic béo ư? Anh cứ đi làm thầy giáo thôi, cưng ạ. Mới nở mày nở mặt được.
Do tách cà phê và sự thúc đẩy của Helena mà tôi đã chào vĩnh biệt bến cảng để vào lớp học hay ấy là lương tri đã bảo tôi, Thôi đừng ỡm ờ nữa, dạy học đi, cha nội?
Khi tôi kể những chuyện trên bến cảng thì các em học sinh nhìn tôi bằng đôi mắt khác. Một em nói rằng em thấy hơi lạ khi có một ông thầy ngồi trên bục giảng từng lao động như mọi người bình thường chứ không chân ướt chân ráo từ đại học và nói toàn những chuyện trong sách vở. Trước đây em đã nghĩ hẳn em cũng sẽ thích làm việc ở bến tàu, được nhiều tiền làm thêm giờ, lại thỉnh thoảng bán chác những món hàng hư hại mà thu nhập thêm, nhưng bố em bảo sẽ đánh em nát đít, ha ha, mà trong gia đình gốc Ý con cái không dám cãi cha mẹ. Bố em bảo, nếu ông người Ireland này thành thầy giáo nổi thì con cũng làm được, Romy ạ. Hãy quên ước mơ làm phụ bến tàu đi. Có thể con sẽ kiếm bộn tiền đấy, nhưng phỏng ích gì nếu con không thể duỗi thẳng lưng?
https://thuviensach.vn
5
Sau khi nghỉ dạy một thời gian, có lần tôi nguệch ngoạc làm một con tính trên mấy mảnh giấy, kết quả thật ấn tượng. Ở thành phố New York tôi đã dạy năm trường trgung học khác nhau và một trường cao đẳng: trường Trung học Hướng nghiệp và Kỹ thuật McKee ở Staten Island, trường Trung học Kỹ nghệ Thời trang ở Manhattan, trường Trung học Seward Park ở Manhattan, trường Trung học Stuyvesant ở Manhattan, lớp buổi tối tại trường Trung học Washington Irving ở Manhattan và trường Cao đẳng Cộng đồng New York ở Brooklyn. Tôi đã dạy cả ban ngày lẫn buổi tối và mùa hè. Con tính của tôi cho thấy có khoảng mười hai nghìn cậu trai và cô gái, những người đàn ông và những phụ nữ, đã ngồi trước mặt tôi nghe giảng, ngâm thơ, động viên, nói huyên thuyên, ca hát, diễn thuyết, kể lể, thuyết giáo và im miệng. Tôi nghĩ đến mười hai nghìn học sinh này và tự hỏi đã làm gì được cho họ. Rồi lại nghĩ về những gì họ đã làm được cho tôi.
Con tính cho thấy ít nhất tôi đã lên lớp ba mươi ba nghìn giờ. Ba mươi ba nghìn giờ trong ba mươi năm: ngày, đêm và cả mùa hè. Ở trường đại học người ta có thể cứ dùng mãi một giáo án cũ mèm đã ố
vàng[50]. Ở một trường trung học công lập sẽ chẳng bao giờ như thế được. Thiếu niên Mỹ là những chuyên gia lật tẩy thầy giáo. Nếu anh định bịp chúng thì chúng sẽ làm anh khốn nạn ngay.
Thế ạ, ô, thưa thầy, ở Ireland còn những chuyện gì nữa ạ? Lúc này thầy không thể kể chuyện được. Ta phải làm xong bài tập từ vựng trong sách giáo khoa đã. Các em mở trang 72.
Ôi giời, thầy ơi, thầy vẫn kể ở những lớp khác đấy thôi. Thầy không thể kể cho chúng em một chút xíu sao?
OK, chút xíu thôi nhé. Hồi nhỏ ở Limerick thầy chẳng bao giờ dám mơ có ngày sẽ thành thầy giáo ở New York. Bọn thầy nghèo mà. Ra thế ạ. Chúng em nghe nói là hồi đó thầy không có nổi tủ lạnh.
https://thuviensach.vn
Đúng thế, cả giấy đi tiêu cũng không có.
Sao ạ? Không có giấy đi tiêu? Ai mà chẳng có giấy đi tiêu. Thậm chí bên Trung Hoa người ta chết đói mà vẫn có giấy đi tieu. Cả ở châu Phi nữa. Chúng nghĩ tôi nói quá và chúng không thích như thế. Ngay cả những chuyện về sự khốn cùng cũng phải có giới hạn.
Chẳng lẽ thầy muốn chúng em tin là xong rồi thầy cứ thế đứng lên, kéo quần, không chùi gì hết ư?
Nancy Castigliano giơ tay xin nói. Thưa thầy McCourt, em xin lỗi. Sắp đến giờ nghỉ ăn trưa nên em không muốn nghe chuyện về những người không có giấy đi tiêu.
OK, Nancy, ta đọc tiếp.
Việc ngày ngày đứng trước hàng chục thiếu niên sẽ đưa anh về với thực tại. Ngày ngày vào lúc 8 giờ sáng chúng chẳng buồn quan tâm anh có khỏe không. Anh nghĩ tới một ngày dài trước mặt: năm lớp học, với những một trăm bảy mươi lăm thiếu niên Mỹ; tâm tính bất thường, đói, si tình, sợ hãi, hứng tình, sôi nổi, khiêu khích. Chạy đâu cho thoát. Chúng ngồi đó còn anh đứng đây với chứng nhức đầu, với bệnh yếu tiêu hóa, với dư âm cuộc cãi vã với vợ, với người yêu, với chủ nhà, với cậu quý tử quá quắt muốn trở thành Elvis[51] và chẳng thèm trân trọng những gì anh làm cho. Tối hôm qua anh ngủ không được. Cặp của anh vẫn còn đầy bài làm viết nguệch ngoạc của một trăm bảy mươi lăm học trò, cái gọi là bài luận của chúng. Thưa thầy, thây sửa bài của em chưa ạ? Nào phải chúng quan tâm gì đâu. Chúng đâu định sẽ làm luận suốt cả quãng đời còn lại. Người ta chỉ phải làm những thứ bài tập như thế trong những lớp học nhàm chán này thôi. Chúng nhìn anh. Anh không thể trốn được. Chúng đợi. Bữa nay học gì ạ, thưa thầy? Học làm đoạn văn ạ? À há. Này, các bạn, bữa nay mình học làm đoạn văn, cấu trúc, chủ đề và vân vân. Em nôn nóng để chiều nay về kể cho mẹ em. Mẹ em luôn hỏi bữa nay ở lớp học gì. Đoạn văn, thưa mẹ. Thầy giáo dạy làm đoạn văn. Mẹ em sẽ bảo hay lắm, hay lắm rồi lại quay ra xem bộ phim ướt át nhiều kỳ trên ti vi.
https://thuviensach.vn
Chúng đến trường từ gara ôtô, từ thế giới thật ngoài kia, nơi chúng biết tháo rời mọi thứ từ xe Volkswagen đến xe Cadillac rồi ráp lại, thế mà ông thầy ở đây lải nhải mãi chuyện làm đoạn văn. Chúa ạ. Ở gara ôtô người ta không cần đến đoạn văn.
Nếu anh quát tháo hay ngắt lời thì sẽ hỏng hết. Chúng bị cha mẹ quát tháo và ngắt lời mãi hoài rồi, nói chung cả trong trường học nữa. Nếu chúng chống lại bằng cách im như thóc thì coi như anh tiêu với cái lớp này. Sắc diện chúng thay đổi, mắt chúng thờ ơ. Anh bảo chúng giở tập vở ra. Chúng giương mắt nhìn anh. Chúng câu giờ. Vââng ạ, chúng sẽ giở tập vở. Vâng, thưa thầy, chúng em đang giở tập vở đây nhưng phải từ từ cẩn thận kẻo có gì rơi vãi. Anh bảo chúng chép những gì viết trên bảng. Chúng giương mắt nhìn anh. À há, hừm, đứa này nói với đứa kia. Thầy bảo mình phải chép lại những gì viết trên bảng. Xem kìa. Thầy viết gì đấy trên bảng và mình phải chép lại. Chúng lắc đầu như cảnh phim quay chậm. Anh hỏi: Có thắc mắc gì không? Rồi nhìn quanh cả lớp toàn thấy những khuôn mặt ngây thơ vô tội. Anh đứng đó chờ. Chúng biết đó là bốn mươi lăm phút thách thức, anh đấu với chúng, ba mươi tư thiếu niên New York, những thợ cơ khí và thợ thủ công tương lai của nước Mỹ.
Anh cũng chỉ là một thầy giáo thôi, cha nội, vậy anh phải làm gì đây? Trừng trừng nhìn lại cả lớp hay sao? Đánh hông cả lớp hay sao? Phải chấp nhận thôi, chàng trai. Chúng bắt thóp được anh, lỗi tại anh đấy, anh bạn ơi. Lẽ ra anh phải nói với chúng như thế. Tâm trạng buồn vui của anh, bệnh nhức đầu của anh, nỗi lo lắng của anh chúng coi như không có. Chúng có chuyện của chúng, và một trong những chuyện ấy chính là anh.
Anh giáo ơi, hãy thận trọng. Đừng tự biến anh thành vấn đề của chúng. Chúng sẽ hạ anh ngay.
Mưa làm thay đổi bầu không khí trong trường, át cho mọi thứ trở nên câm lặng. Mấy học sinh lớp đầu tiên lặng lẽ vào phòng. Có một đôi đứa chào thầy. Chúng rũ nước mưa trên áo khoác. Chúng đang trong cơn mê. Chúng ngồi và chờ. Không đứa nào nói gì. Không đứa nào đòi đi ra ngoài. Không càu nhàu, không khiêu khích, không cãi cọ. Mưa là ảo thuật. Mưa là chúa. Anh giáo ơi, hãy thích nghi đi. Cứ thong thả. Nói khẽ. Đừng có nghĩ
https://thuviensach.vn
tới giờ Anh văn nữa. Quên điểm danh đi. Đó là bầu không khí trong nhà sa uddasm tang. Bữa nay không có tít báo nào thô bỉ, không có tin khủng khiếp nào từ Việt Nam. Ngoài hành lang có tiếng chân và tiếng cười của một thầy giáo. Mưa tạt trên kính cửa sổ. Ngồi vào bàn của anh đi, để mặc thời giờ trôi qua. Một nữ sinh giơ tay. Em nói. À, thưa thầy McCourt, thầy đã yêu bao giờ chưa ạ? Anh mới chân ướt chân ráo vào nghề nhưng anh biết thừa rằng khi học trò hỏi những câu như thế này là chúng đang nghĩ tới chính chúng đấy. Anh trả lời rằng: Có.
Cô ấy đoạn tuyệt hay là thầy ạ?
Cả hai.
Ô, thế ạ? Thầy muốn nói alf thầy đã từng hơn một lần yêu? Đúng.
Wow.
Một nam sinh giơ tay. Sao các thầy giáo không thể đối xử với chúng em như với con người ạ?
Anh không biết tại sao. Chà, cha nội ơi, nếu không biết thì cứ nói với chúng rằng: Thầy không biết. Hãy kể chúng nghe về trường học bên Ireland. Anh đi học với nỗi khiếp sợ. Anh đã thù ghét đi học và mơ chóng đủ mười bốn tuổi để đi kiếm việc. Anh chưa từng nhớ tới thời đi học của mình kiểu thế này, chưa từng nói về nó. Anh mong mưa đừng bao giờ tạnh. Học trò ngồi yên tại ghế. Không ai phải nhắc chúng treo áo khoác ngoài. Chúng nghe anh như thể mới vừa phát hiện ra anh.
Cứ nên mưa mỗi ngày.
Hoặc là có những ngày xuân, áo ấm to nặng được cởi ra và mỗi lớp học là một khung hình gồm toàn những ngực và bắp tay. Những cơn gió tây hiu hiu len qua cửa sổ, hôn nhẹ lên má thầy giáo với học trò, gửi những nụ cười đi từ bàn này tới bàn kia, từ hàng ghế này đến hàng ghế kia cho đến lúc cả phòng học rạng rỡ. Tiếng bồ câu gù, tiếng chim sẻ chiêm chiếp như bảo chúng tôi hãy vui lên, mùa hè đang tới. Lũ bồ câu trơ trẽn phủ nhau trên bệ cửa sổ, chẳng buồn đếm xỉa tới tuổi trẻ rạo rực trong lớp học, thật còn lôi cuốn hơn bài giảng tuyệt vời nhất của ông thầy xuất sắc nhất trên thế gian này.
https://thuviensach.vn