🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ngườ Sao Hỏa
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
MỤC LỤC
CHƯƠNG 1 CHƯƠNG 2 CHƯƠNG 3 CHƯƠNG 4 CHƯƠNG 5 CHƯƠNG 6 CHƯƠNG 7 CHƯƠNG 8 CHƯƠNG 9 CHƯƠNG 10 CHƯƠNG 11
CHƯƠNG 12 CHƯƠNG 13 CHƯƠNG 14 CHƯƠNG 15 CHƯƠNG 16 CHƯƠNG 17 CHƯƠNG 18 CHƯƠNG 19 CHƯƠNG 20 CHƯƠNG 21 CHƯƠNG 22 CHƯƠNG 23 CHƯƠNG 24 CHƯƠNG 25 CHƯƠNG 26
https://thuviensach.vn
CHƯƠNG 1
Nhật Trình: SOL 6
Thế là chết mẹ tôi rồi.
Đó là ý kiến sau khi đã được cân nhắc của tôi.
Chết mẹ tôi rồi.
Sáu ngày sau sự bắt đầu của thứ đáng lý ra là hai tháng tuyệt vời nhất cuộc đời tôi, đã trở thành cơn ác mộng.
Tôi không biết ai sẽ đọc những dòng này. Tôi đoán một ngày nào đó sẽ có người tìm thấy nó. Nhưng đó có thể là một trăm năm sau.
Ghi vào sổ sách nhé… tôi đã không chết vào ngày Sol 6. Đương nhiên những người còn lại trong phi hành đoàn thì nghĩ rằng tôi đã đi đời và tôi không thể trách họ. Có lẽ sẽ có một ngày để cả nước thương tiếc tôi, và trang Wikipedia sẽ viết lại “Mark Watney là người duy nhất đã chết trên Sao Hỏa.”
Và đó sẽ đúng sự thật, có lẽ vậy. Vì tôi chết chắc ở đây. Chỉ là không vào ngày Sol 6 như mọi người đã tưởng.
Để xem… tôi nên bắt đầu từ đâu?
Chương trình Ares. Nhân loại vươn tới Sao Hỏa để lần đầu tiên đưa được con người đến một hành tinh khác và mở rộng tầm hiểu biết cho loài người blah blah blah. Phi hành đoàn Ares 1 hoàn thành việc họ phải làm và trở về như những vị anh hùng. Họ được những cuộc diễu hành và danh tiếng và tình yêu từ cả thế giới.
https://thuviensach.vn
Ares 2 cũng làm y chang, ở một vị trí khác trên Sao Hỏa. Họ được một cái bắt tay mạnh mẽ và một tách cà phê nóng khi về nhà.
Ares 3. Hà. Đó là phi vụ bay của tôi. À, thực chất thì không phải của tôi. Chỉ huy Lewis là người chịu trách nhiệm. Tôi chỉ là một trong những phi hành gia của cô. Thật ra, tôi là thành viên đứng thứ hạng cuối cùng trong đoàn. Tôi chỉ có thể “chỉ huy” phi vụ bay này nếu như tôi là người duy nhất còn sống sót.
Bạn biết gì không? Tôi là chỉ huy.
Tôi tự hỏi quyển nhật trình này có được tìm thấy trước khi những người còn lại trong đoàn chết vì tuổi già? Tôi đoán chừng họ sẽ an toàn trở về Trái Đất. Này, các cậu, nếu các cậu đang đọc những dòng này: Đó không phải là lỗi của các cậu. Các cậu đã làm điều các cậu phải làm. Nếu ở vị trí các cậu thì mình cũng làm y vậy thôi. Mình không trách các cậu, và mình mừng là các cậu đã sống sót.
Tôi nghĩ tôi nên giải thích phi vụ bay Sao Hỏa hoạt động ra sao, cho bất cứ người thường nào có thể đọc nhật trình này. Chúng tôi đến quỹ đạo trái đấy theo cách thông thường, theo một con tàu bình thường đến Hermes. Tất cả những phi vụ bay Ares đều dùng Hermes để đi đến và rời khỏi Sao Hỏa. Nó rất là to và ngốn mất nhiều tiền nên NASA chỉ chế tạo một chiếc duy nhất thôi.
Khi đến Hermes, có thêm bốn phi vụ không người lái đem nhiên liệu và đồ dự trữ lên đó trong khi chúng tôi chuẩn bì cho hành trình của mình. Một khi mọi thứ đã sẵn sàng, chúng tôi bắt đầu đi đến Sao Hỏa. Nhưng không nhanh lắm đâu. Những ngày tháng dùng nhiên liệu hóa học hạng nặng để đốt và kiểu bay bắn xuyên quỹ đạo vào Sao Hỏa đã xưa rồi Diễm.
Hermes sử dụng động cơ ion. Chúng ném các hạt Argon (a-gon) về phía sau của con tàu với tốc độ cực nhanh để đổi về chút xíu xiu gia tốc. Được
https://thuviensach.vn
cái là, chúng không dùng quá nhiều khối lượng phản ứng, nên chỉ với ít Argon (và một lò phản ứng nguyên tử để cung cấp điện cho mọi thứ) chúng ta đã có thể tiếp tục tăng tốc cho đến khi tới nơi. Bạn sẽ thấy kinh ngạc nếu biết chúng ta có thể đi nhanh thế nào chỉ với chút gia tốc nho nhỏ trong suốt khoảng thời gian dài.
Tôi có thể kể lể dài dòng cho bạn hay những chuyện vui chúng tôi đã cùng trải qua trong chuyến đi, nhưng tôi sẽ không làm thế. Chúng tôi đã có thời gian vui thú, nhưng tôi không có hứng sống lại những giây phút ấy vào lúc này. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi đã đến Sao Hỏa sau 124 ngày mà không phải bóp cổ lẫn nhau.
Từ chỗ đó, chúng tôi lấy chiếc MDV (Mars Descent Vehicle – phương tiện hạ cánh xuống Sao Hỏa) để đổ bộ xuống bề mặt. Chiếc MDV đơn thuần là một cái lon lớn với những thiết bị đẩy ánh sáng và có gắn vài chiếc dù. Mục đích duy nhất của nó là để đưa sáu người vào quỹ đạo Sao Hỏa mà không giết chết người nào.
Và bây giờ chúng ta nói đến những mánh lới thực sự trong việc thám hiểm Sao Hỏa: Đem hết mấy thứ lặt vặt lên đó trước.
Tổng cộng là 14 phi vụ bay không người lái đã đem tất cả những thứ chúng tôi cần cho những hoạt động trên bề mặt. Họ cố hết sức để những con tàu tiếp tế hạ cánh ở cùng một vùng, và họ làm điều đó khá tốt. Đồ dự trữ không mong manh như con người và chúng có khả năng chịu va chạm rất mạnh xuống mặt đất. Nhưng chúng cũng có khuynh hướng rất hay bật nảy lên khắp nơi.
Theo lẽ tự nhiên, họ không đưa chúng tôi vào Sao Hỏa cho đến khi họ xác nhận tất cả nguồn dữ trữ đã đến bề mặt và những thùng chứa không bị vỡ ra. Từ đầu đến cuối, bao gồm cả những phi vụ bay cung cấp lương thực, một chuyến du hành lên Sao Hỏa kéo dài chừng 3 năm. Trên thực tế,
https://thuviensach.vn
chuyến tiếp tế lương thực cho Ares 3 đã trên đường đến Sao Hỏa ngay khi khi phi hành đoàn Ares 2 vẫn còn trên đường trở về.
Thứ quan trọng nhất trong việc đem đồ lên đó trước, đương nhiên, là chiếc MAV. Chiếc “Mars Ascent Vehicle” (phương tiện cất cánh từ Sao Hỏa). Đó là phương tiện để chúng tôi trở về Hermes sau khi hoàn thành những nhiệm vụ trên bề mặt. Chiếc MAV được hạ-cánh-nhẹ-nhàng (ngược lại với mấy cú hạ cánh nẩy như bong bóng dành cho những vật dụng khác). Dĩ nhiên, chúng giữ liên lạc liên tục với Houston, và nếu có vấn đề gì, chúng tôi sẽ bay vượt qua Sao Hỏa và trở về Trái Đất mà không hạ cánh lấy một lần.
Chiếc MAV rất là hay. Hóa ra, thông qua một chuỗi những phản ứng hóa học tinh diệu với bầu khí quyển Sao Hỏa, từ mỗi kí lô hydrogen (hydrô) được mang đến Sao Hỏa, bạn có thể tạo ra 13 kí lô nhiên liệu. Tuy nhiên, đó là một quá trình chậm rãi. Phải mất đến 24 tháng mới có thể đổ đầy nhiên liệu vào thùng. Do dó họ đã đưa nó đi rất sớm trước khi chúng tôi đến đây.
Bạn có thể tưởng tượng tôi thất vọng thế nào khi phát hiện chiến MAV đã biến mất.
Một chuỗi sự kiện điên rồ đã dẫn đến việc tôi suýt chết. Rồi một chuỗi sự kiện còn điên rồ hơn dẫn đến việc tôi sống sót.
Phi vụ bay được thiết kể để có thể chịu được một cơn bão cát với sức gió tận 150km/giờ. Nên cũng dễ hiểu khi Houston thấy lo lắng khi chúng tôi bị một cơn gió với vận tốc 175km/giờ quất một phát. Tất cả chúng tôi mặc bộ đồ phi hành của mình vào và tụm lại với nhau ở giữa căn Hab, để phòng khi bị mất áp suất. Nhưng căn Hab không phải là vấn đề.
Chiếc MAV là một con tàu không gian. Nó có nhiều bộ phận tinh xảo. Nó có thể chịu những cơn bão đến độ nào đó nhưng chỉ là nó không thể bị bão cát đánh vào mãi được. Sau một giờ rưỡi chịu trận những cơn gió
https://thuviensach.vn
không dứt, NASA ra lệnh hủy nhiệm vụ. Không ai muốn ngừng một phi vụ một tháng chỉ mới sau sáu ngày nhưng nếu chiếc MAV chịu thêm sự trừng phạt nào nữa thì tất cả chúng tôi đều bị mắc kẹt ở đây.
Chúng tôi phải đi ra ngoài trong cơn bão từ chỗ căn Hab đến chiếc MAV. Chuyện đó khá là mạo hiểm, nhưng chúng tôi có sự chọn lựa nào khác chứ?
Mọi người đều đến nơi trừ tôi.
Đĩa liên lạc chính của chúng tôi, dùng để gửi tín hiệu từ Hab đến Hermes, hoạt động như một cái dù bay, đã bị dỡ khỏi bệ đỡ của nó và bị thổi bay theo dòng xoáy. Trên đường bay, nó đâm sầm vào mạng ăng ten thu tầm. Rồi một trong những khúc ăng ten dài mỏng bay thẳng mũi đâm vào người tôi. Nó xuyên thủng qua bộ đồ của tôi ngọt sớt như đạn bắn vào bơ sữa và tôi cảm nhận được cơn đau đớn nhất cuộc đời mình như thể nó đã xé toạc một bên người tôi. Tôi nhớ mang máng bỗng dưng cơn gió bị đánh bật ra khỏi người tôi (thật ra là bị hút ra khỏi người tôi) và đôi tai tôi ù lên đau đớn khi áp lực trong bộ đồ của tôi giảm dần xì hết ra ngoài.
Điều cuối cùng tôi nhớ là đã nhìn thấy Johanssen tuyệt vọng với theo hướng của tôi.
Tôi thức dậy nhờ tiếng báo động oxygen (ôxy) trong bộ đồ. Tiếp bíp bíp đều đặn đáng ghét cuối cùng cũng kéo tôi tỉnh lại từ khao khát mãnh liệt sâu sắc rằng xin được chết mẹ nó cho rồi.
Cơn bão đã dịu đi; tôi đang nằm sấp, gần như bị chôn vùi trong cát. Khi tôi chếnh choáng đứng lên, tôi tự hỏi vì sao tôi chưa chết, chết nữa, chết mãi cho rồi.
Khúc ăng ten có đủ lực để chọc xuyên thủng bộ đồ và bên hông tôi, nhưng nó bị khung chậu của tôi chặn lại. Cho nên chỉ có một cái lỗ trên bộ đồ (và đương nhiên một cái lỗ trên người tôi).
https://thuviensach.vn
Tôi đã bị đánh bật ra khá xa về phía sau và lăn xuống một ngọn đồi dốc. Bằng cách nào đó mặt tôi tiếp đất, nhờ đó khúc ăng ten phải nằm vào một góc chếch sắc đến độ đưa một lực xoáy rất lớn vào cái lỗ trên áo. Nó tạo thành một miếng xi mong manh.
Rồi, một dòng máu tuôn trào từ vết thương của tôi nhiễu xuống cái lỗ. Khi máu đến chỗ rách, lượng nước trong máu nhanh chóng bốc hơi do dòng khí lưu thông và áp suất thấp, để lại một đống cặn dư. Thêm máu rỉ rả chảy ra và chúng được khử nước còn lại cặn. Cuối cùng, máu đóng lại những khe hở quanh cái lỗ và giảm sự rò rĩ xuống đủ cho bộ đồ trung hòa trở lại.
Bộ đồ du hành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó. Khi thấy áp suất bị giảm, nó liên tục đổ đầy khí nitrogen (nitơ) từ thùng dự trữ của tôi để dung hòa. Một khi lỗ rỉ có thể tự cầm cự được, nó chỉ phải chầm chậm nhỏ giọt không khí mới để bù vào lượng khí đã mất.
Sau một hồi, hệ thống hấp thụ khí CO2 (carbon dioxide, cácbon điôxít) trong bộ áo đã bị dùng hết. Đó thật sự chính là nhân tố giới hạn của sự cấp dưỡng nguồn sống. Không phải lượng ôxy bạn mang theo mà là lượng CO2 bạn có thể bỏ đi. Trong căn Hab, chúng tôi có máy tạo ôxy, một thiết bị lớn có khả năng lọc ôxy từ khí cácbon điôxít. Nhưng bộ đồ du hành phải có di động được, nên họ dùng quá trình hấp thụ hóa học đơn giản với đầu lọc có thể thay thế khi dùng hết. Tôi đã ngủ lâu đến nỗi những bộ lọc của tôi trở nên vô dụng.
Bộ đồ nhận ra ngay vấn đề này và chuyển vào trạng thái khẩn cấp mà đám kỹ sư gọi đó là “thay máu”. Không có cách nào để tách CO2, bộ đồ tự tiện mở lỗ thông cho khí thoát ra khí quyển Sao Hỏa, rồi lấp đầy lại bằng khí nitơ. Với lỗ thủng và quá trình thay máu, khí nitơ cạn đi nhanh chóng. Chỉ còn lại bình ôxy của tôi.
Nên nó làm hành động duy nhất nó biết để giúp cho tôi được sống. Nó bắt đầu lấp đầy áo bằng khí ôxy nguyên chất. Lúc này đây tôi phải chịu rủi
https://thuviensach.vn
ro có thể chết vì ngộ độc ôxy, vì lượng ôxy thừa mứa này đe dọa sẽ đốt cháy hệ thần kinh, phổi và mắt tôi. Một cái chết trớ trêu cho một người có bộ áo du hành rò rỉ: quá nhiều ôxy.
Cứ mỗi bước trong các quá trình trên đều đã có báo động kêu bim bíp, hết báo nguy rồi đến cảnh báo. Nhưng chính báo động nhiều ôxy là thứ đã đánh thức tôi.
Lượng kiến thức bao gồm trong những huấn luyện cho một chuyến du hành không gian thật đáng kinh ngạc. Khi còn ở Trái Đất tôi đã dành cả tuần lễ chỉ để luyện tập những tình huống khẩn cấp khi áo du hành gặp trục trặc. Tôi biết phải làm gì.
Cẩn thận với đến bên hông mũ áo, tôi lấy bộ đồ nghề sửa lỗ thủng. Nó chẳng khác gì mấy với một ống phểu có van ở đầu nhỏ, và có một loại nhựa dính không thể tin được ở đầu to. Nó hoạt động khi bạn mở van và để đầu to lên trên lỗ thủng. Khí có thể thoát ra khỏi van, và không can thiệp vào chuyện nhựa dán lỗ kín lại. Rồi bạn đóng van lại thế là bạn đã dán được chỗ thủng.
Cái khó là phải lấy chiếc ăng ten ra cho khỏi choáng chỗ. Tôi kéo nó ra thật nhanh trong khả năng của mình, người tôi co rúm vì áp suất bị giảm bất ngờ làm tôi chóng mặt và bên hông tôi thét gào trong đau đớn.
Tôi lấy bộ đồ nghề và dán lỗ thủng kín lại. Nó giữ kín được. Nhưng bộ đồ lại lấp đầy lượng khí bị mất bằng cách thêm ôxy vào nữa. Kiểm tra thiết bị trên tay áo, tôi thấy bộ áo hiện đã có 85% là khí ôxy. Để tham khảo, khí quyển Trái đất chừng 21%. Tôi sẽ không sao, miễn là tôi đừng ở trong tình trạng này quá lâu.
Tôi loạng choạng đi lên đồi trở về căn Hab. Khi nhấp nhô bước lên đến đình, tôi thấy một thứ khiến tôi vui mừng khôn tả và một thứ khiến tôi buồn da diết: Căn Hab vẫn nguyên vẹn (Yay!) và chiếc MAV đã đi rồi (boo!).
https://thuviensach.vn
Ngay lúc đó tôi biết mình đã tàn đời. Nhưng tôi không muốn chết ngay trên bề mặt này. Tôi khập khiễng về căn Hab và lần mò tìm cái khóa khí. Ngay khi nó được trung hòa, tôi ném cái mũ của mình ra.
Bước vào căn Hab, tôi cởi bộ đồ phi hành và lần đầu được xem xét rõ ràng vết thương của mình. Nó cần được khâu lại. May thay, tất cả bọn tôi đều được huấn luyện những thủ thuật y tế cơ bản, và vật dụng y tế được trang bị trong căn Hab thật quá xuất sắc. Một mũi tiêm nhanh để gây tê, lau chùi sạch sẽ, chín mũi khâu, thế là xong. Tôi sẽ uống thuốc kháng sinh vài tuần, nhưng ngoài chuyện đó ra thì tôi sẽ ổn thôi.
Tôi biết đó là vô vọng, nhưng tôi vẫn cố khởi động thiết bị liên lạc. Không có tín hiệu, đương nhiên rồi. Đĩa vệ tinh chính đã tách rời, nhớ không nào? Và nó còn đem theo cả khúc ăng ten thu tín hiệu nữa. Căn Hab có hệ thống liên lạc phụ thứ hai và thứ ba, nhưng chúng chỉ để liên lạc với chiếc MAV, và nó lại phải dùng một hệ thống mạnh hơn thì mới chuyển tải thông tin đến Hermes được. Cái nữa là, cách đó chỉ thực hiện được khi chiếc MAV vẫn còn đây.
Tôi không có cách nào để liên lạc được với Hermes. Không sớm thì muộn, tôi sẽ có thể tìm ra chiếc đĩa vệ tinh đâu đó trên bề mặt, nhưng cũng sẽ mất đến mấy tuần tôi mới có thể xoay sở tìm cách để sửa chữa nó, và khi ấy đã quá muộn. Trong tình trạng hủy phi vụ, Hermes sẽ rời khỏi quỹ đạo trong vòng 24 giờ. Do những động lực quanh quỹ đạo, cuộc hành trình sẽ an toàn và ngắn hơn nếu bạn đi sớm hơn, thế nên tại sao phải chờ chỉ để kéo dài hành trình mà chẳng có lý do chính đáng nào ?
Khi kiểm tra bộ đồ của mình, tôi thấy khúc ăng ten đã quét thủng máy tính giám sát hoạt động sinh học của tôi. Khi ở trên EVA (Extravehicular activity – hoạt động thám hiểm bên ngoài bằng xe), tất cả những bộ đồ của cả đoàn đều được nối mạng để chúng tôi có thể thấy trạng thái của nhau. Những người còn lại trong phi hành đoàn đã thấy áp suất trong áo tôi tụt
https://thuviensach.vn
xuống gần con số không, kế đó là những tín hiệu sinh học hoàn toàn không còn. Thêm vào cảnh tôi lăn cù mèo xuống đồi với một ngọn giáo xuyên thủng vào người giữa cơn bão cát… Vâng. Họ nghĩ rằng tôi đã chết. Làm sao mà lại không nghĩ thế cơ chứ?
Họ có lẽ còn có một thảo luận ngắn ngủi tìm cách lấy xác tôi về, nhưng quy định đã rõ ràng. Trong trường hợp một phi hành gia chết trên sao Hỏa, anh ta sẽ ở lại trên sao Hỏa. Để xác lại đó sẽ giảm trọng lượng của chiếc MAV trong chuyến khứ hồi. Có nghĩa là có thêm nhiên liệu cũng như tăng thêm giới hạn sai sót được phép trong cú xuất phát trở về. Chẳng có lý do gì mà bỏ chuyện đó vì những tình cảm ủy mị.
Tình hình là vậy đó. Tôi mắc kẹt trên sao Hỏa. Tôi không có cách nào liên lạc được với Hermes hoặc Trái đất. Ai cũng nghĩ tôi đã chết. Tôi ở trong căn Hab được thiết kế để dùng đến 31 ngày.
Nếu máy tạo ôxy bị hỏng, tôi sẽ chết ngộp. Nếu máy lọc nước bị hỏng, tôi sẽ chết khát. Nếu căn Hab thủng lỗ, chỉ là tôi sẽ nổ tung mà thôi. Nếu không có cái nào trong ba trường hợp đó xảy ra, rồi tôi cũng sẽ hết thức ăn và đói đến chết.
Vâng, thế đấy. Tôi chết mẹ tôi rồi.
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
CHƯƠNG 2
Nhật trình: Sol 7
Ok, tôi đã có một giấc ngủ ngon, và mọi chuyện dường như không vô vọng như ngày hôm qua.
Hôm nay tôi đếm lại hết số lượng đồ đạc, và làm một đợt kiểm tra EVA toàn diện chóng vánh cho các thiết bị bên ngoài. Tình hình của tôi như sau:
Phi vụ đổ bộ đáng lý được thực hiện trong 31 ngày. Để dư thừa ra, lượng cung cấp trong các tàu thăm dò có đủ lương thực cho cả đoàn đến 56 ngày. Theo cách này nếu một trong hai tàu thăm dò gặp vấn đề, chúng tôi vẫn có đủ thức ăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Mới bắt đầu phi vụ sáu ngày thôi thì mọi chuyện trời ơi đất hỡi xảy ra, vậy là còn đủ lương thực cho sáu người trong 50 ngày. Tôi chỉ còn mình ên, thế nên mớ thức ăn ấy sẽ đủ để nuôi tôi 300 ngày. Và đó là nếu như tôi không hạn chế bớt khẩu phần của mình. Vậy nên tôi cũng có kha khá thời gian.
Căn Hab chống đỡ cơn bão mà chẳng hề hấn gì. Còn bên ngoài, mọi chuyện chẳng phải màu hồng. Tôi không tìm thấy đĩa vệ tinh, có lẽ nó bị thổi bay xa mấy cây số rồi.
Đương nhiên, chiếc MAV cũng mất tăm. Các bạn phi hành đoàn của tôi đã đem nó về Hermes. Nhưng nửa phần còn lại (bộ phận hạ cánh) vẫn còn đó. Chẳng lý do gì phải đem nó theo khi trọng lượng chính là kẻ thù. Nó bao gồm thiết bị hạ cánh, máy năng lượng, và bất cứ thứ gì NASA đã quyết định rằng chúng chẳng cần thiết cho chuyến bay về quỹ đạo.
Chiếc MDV nằm nghiêng người sóng soài và có một lỗ thủng trên thân nó. Trông như thể cơn bão đã lột sạch cái nắp đậy khỏi chiếc dù dự trữ
https://thuviensach.vn
(chúng tôi đã không cần dùng đến nó lúc hạ cánh). Một khi chiếc dù bị bật ra nó lôi chiếc MDV đi xềnh xệch tứ tung, đập nó vào từng hòn đá một trong khu vực. Chả phải MDV hữu dụng gì với tôi cả. Máy bắn của nó còn chẳng đủ khả năng để tự nâng trọng lực của mình lên. Nhưng nó có thể có một số bộ phận quý giá. Có thể vẫn còn dùng được.
Cả hai chiếc rover1đều gần như bị chôn vùi dưới cát, nhưng ngoài chuyện đó ra thì chúng vẫn ổn cả. Xi dán áp suất của chúng đều nguyên vẹn. Hợp lý thôi. Quy trình hoạt động định rằng khi bị bão đánh đến thì phải dừng mọi máy móc lại cho đến khi cơn bão đi qua. Chúng được chế tạo để chống chọi mọi hình phạt. Tôi sẽ có thể đào chúng lên trong vòng một hai ngày làm việc.
Tôi đã mất liên lạc với các đài khí tượng nằm cách căn Hab một cây số ở bốn phương hướng. Chúng có thể vẫn hoạt động bình thường hay không thì tôi cũng không biết nữa. Hệ thống liên lạc của căn Hab lúc này quá yếu có lẽ tín hiệu của chúng chẳng đi xa nổi một cây số.
Giàn pin năng lượng mặt trời bị cát bao phủ, thế nên chúng trở nên vô dụng.2 Nhưng sau khi tôi phủi bụi sạch sẽ, hiệu suất của chúng trở về trạng thái trăm phần trăm. Bất cứ chuyện gì tôi rồi sẽ phải làm thì tôi sẽ có tràn trề năng lượng để làm. 200 mét vuông pin năng lượng mặt trời, và pin năng lượng hydrô đủ để dự trữ. Tôi chỉ phải làm mỗi việc là phủi bụi chúng vài ngày một lần.
Mọi thứ bên trong vẫn tuyệt vời, nhờ thiết kế chắc chắn của căn Hab.
Tôi cho chạy chẩn đoán trên máy chế ôxy. Hai lần. Nó hoàn hảo. Nếu có chuyện gì xảy ra với nó, tôi có một chiếc máy thay thế tôi có thể dùng trong thời gian ngắn. Nhưng nó được dùng cho tình huống khẩn cấp trong lúc sửa chửa máy chính mà thôi. Nó chỉ hấp thụ CO2 giống cách bộ đồ phi hành thực hiện. Nó có công suất 5 ngày để hoàn toàn vô hiệu hóa bộ lọc, tức 30
https://thuviensach.vn
ngày cho tôi (chỉ một người hít thở, thay vì sáu). Thế nên cũng có chút bảo hiểm ở đấy.
Máy cải tạo nguồn nước cũng hoạt động bình thường. Tin xấu là chẳng có chiếc máy phòng bị nào. Nếu nó ngừng hoạt động, tôi sẽ phải uống lượng nước dự trữ, và trong khoảng thời gian đó tôi phải chế ra một cái máy chưng cất ban sơ để đun sôi nước tiểu. Còn nữa, tôi sẽ mất mỗi ngày nửa lít nước để thở cho đến khi độ ẩm trong căn Hab đạt đến mức tối đa và đọng lại trên tất cả các bề mặt. Rồi tôi sẽ phải liếm mấy bức tường. Yay. Dù sao đi nữa, lúc này đây, chẳng có vấn đề gì với chiếc máy cải tạo nguồn nước.
Thế đấy. Thức ăn, nước uống, chỗ ở tất cả đều được thu xếp chu đáo. Tôi sẽ bắt đầu hạn chế khẩu phần ăn ngay lúc này. Mỗi bữa ăn đã rất ít rồi, nhưng tôi nghĩ mình có thể ăn ¾ khẩu phần cho mỗi bữa mà vẫn không sao. Nó sẽ biến mớ lương thực trị giá 300 ngày của tôi thành 400. Lục lọi trong khu y tế, tôi thấy có lọ vitamin to đùng. Có đủ vitamin cho vài năm. Nên tôi không lo về vấn đề dinh dưỡng (dù vậy tôi vẫn sẽ đói chết khi hết thức ăn, dù tôi có uống bao nhiêu vitamin đi chăng nữa).
Khu y tế có thuốc morphine (thuốc giảm đau) cho trường hợp khẩn cấp. Và đủ cho một liều chết người. Nói cho bạn biết, tôi sẽ không chết dần chết mòn trong cơn đói. Nếu phải đến mức đó, tôi thà chọn con đường dễ đi.
Mọi người tham gia phi vụ đều phải có hai chuyên môn. Tôi là nhà thực vật học kiêm kỹ sư cơ khí. Cơ bản là, tôi là anh sửa-tuốt của phi vụ và chơi với cây cỏ. Khâu kỹ sư cơ khí có lẽ sẽ cứu mạng tôi nếu thứ gì đó hư hỏng.
Tôi đã căng óc nghĩ mãi làm cách nào để sống sót trận này. Cũng không hoàn toàn vô vọng. Sẽ có con người trở lại sao Hỏa trong bốn năm tới khi Ares 4 đến (với giả định rằng họ không hủy cả chương trình do những hệ lụy từ “cái chết” của tôi).
https://thuviensach.vn
Ares 4 sẽ đáp xuống Miệng núi lửa Schiaparelli (Schiaparelli Crater), cách khoảng 3,200 km từ vị trí của tôi tại Đồng trũng Acidalia (Acidalia Planitia) này. Chẳng cách nào để tôi một mình đi đến đó được. Nhưng nếu tôi có thể liên lạc, tôi có thể sẽ được cứu hộ. Không chắc họ sẽ xoay xở thế nào với nguồn lực có sẵn trong tầm tay, nhưng NASA có rất nhiều người thông minh.
Cho nên đó là nhiệm vụ của tôi lúc này. Tìm cách liên lạc với Trái đất. Nếu tôi không làm được chuyện đó, thì phải tìm cách liên lạc với Hermes khi nó trở lại trong vòng 4 năm với phi hành đoàn Ares 4.
Đương nhiên, tôi chẳng có kế hoạch sống sót cho 4 năm trong khi chỉ có 1 năm lương thực. Nhưng lo từng chuyện một đây thôi. Lúc này đây, tôi ăn no và có một mục đích: “Sửa cái radio mắc dịch.”
Nhật trình: Sol 10
À, tôi đã làm ba chuyến EVA và chẳng tìm thấy chút dấu vết nào của chiếc đĩa liên lạc.
Tôi đào một chiếc rover lên và có chuyến chạy long nhong khá tốt đẹp, nhưng sau vài ngày lang thang tôi nghĩ đã đến lúc nên bỏ cuộc. Cơn bão có lẽ đã thổi bay chiếc đĩa và xóa hết những dấu lôi kéo hay vết va chạm có thể làm dấu dẫn đường. Có lẽ cũng đã chôn lấp nó luôn.
Tôi dành phần lớn ngày hôm nay ở ngoài với những gì còn lại của giàn hệ thống liên lạc. Nó quả thật là một cảnh tượng đáng thương. Kiểu này thì chẳng thà tôi la hét về hướng Trái đất vì những chuyện tốt đẹp mà cái đồ quỷ ấy đã ban tặng tôi.
Tôi có thể lắp ráp một chiếc đĩa sơ đẳng từ đống kim loại tôi tìm thấy xung quanh căn cứ, nhưng cái tôi làm đây chẳng phải mấy bộ đàm a lô á lô. Liên lạc từ sao Hỏa về Trái đất là chuyện lớn, và nó đòi hỏi những thiết bị
https://thuviensach.vn
cực kỳ chuyên dụng. Tôi sẽ không thể làm chơi chơi cái gì đó từ mớ giấy thiếc và sing gum.
Tôi cần hạn chế những chuyến EVA của tôi cũng như hạn chế lương thực. Mấy đầu lọc CO2 không thể tái dụng (làm sạch) được. Một khi chúng đã bão hòa, là chúng đã hết đời. Nhiệm vụ cho phép một chuyến EVA kéo dài 4 tiếng cho mỗi phi hành gia mỗi ngày. May thay, đầu lọc CO2 nhẹ và nhỏ nên NASA hào phóng gửi nhiều hơn số lượng chúng tôi cần. Nói ra thì, tôi có chừng 1500 giờ để dùng đầu lọc CO2. Nhưng hết mớ đó, thì mấy chuyến EVA của tôi phải thực hiện bằng cách thay mẫu không khí. 1500 giờ nghe có vẻ nhiều, nhưng tôi đang đối diện với khả năng ở lại đây ít nhất 4 năm nếu tôi còn có bất kỳ hy vọng được cứu nào đó, với ít nhất vài giờ đồng hồ mỗi tuần phải dành ra để ra ngoài phủi bụi giàn pin năng lượng mặt trời. Đại khái vậy. Không EVA khi không cần thiết.
Còn có tin khác, tôi bắt đầu nghĩ ra ý tưởng về mặt lương thực. Cuối cùng thì nền tảng thực vật học của tôi cũng có thể phát huy tác dụng.
Tại sao lại đem một nhà thực vật học lên sao Hỏa? Xét cho cùng, nó nổi tiếng là chẳng có thứ gì mọc nổi ở đấy. À thì, chuyện là họ muốn tìm hiểu mọi thứ mọc được đến đâu trong lực hút của sao Hỏa, và để xem, có bất cứ thứ gì, chúng ta có thể làm được với đất sao Hỏa. Câu trả lời ngắn gọn là: rất nhiều thứ… hầu như thế. Đất sao Hỏa có những vật chất cơ bản cần thiết để cây cỏ mọc được, nhưng có rất nhiều thứ trong đất của Trái đất mà đất sao Hỏa không có, ngay cả khi nó được đem về trong không khí của Trái đất và tưới nhiều nước vào. Hoạt động vi khuẩn, những dinh dưỡng nhất định được động vật cung cấp, vân vân. Chẳng thứ nào trong số đó xảy ra trên sao Hỏa. Một trong những nghĩa vụ của tôi trong phi vụ này là xem xét làm sao cho cây cỏ mọc trên này, trong nhiều kết hợp đa dạng của đất Trái đất hoặc đất sao Hỏa và cả không khí nữa.
Đó là lý do vì sao tôi có một số lượng đất Trái đất nho nhỏ và một mớ hạt giống bên mình.
https://thuviensach.vn
Tuy nhiên, tôi không thể quá phấn khích. Nó chỉ chừng lượng đất bạn bỏ vào cái chậu hoa nhỏ treo bên cửa sổ thôi, và những hạt giống tôi có chỉ là vài loại cỏ và dương xỉ. Chúng là những thứ chịu được sự khắc nghiệt và dễ trồng nhất trên địa cầu, nên NASA chọn chúng để làm vật thử nghiệm.
Cho nên tôi có hai vấn đề: không đủ đất, và không có giống cây nào ăn được để trồng trong đó.
Nhưng tôi là nhà thực vật học, mẹ kiếp nó chứ. Tôi phải có khả năng tìm cách làm được điều đó. Nếu không thì, tôi sẽ là nhà thực vật học rất là đói bụng trong vòng một năm.
Nhật trình: Sol 11
Tôi tự hỏi đội bóng Cubs mùa này chơi thế nào nhỉ.
Nhật trình: Sol 14
Tôi lấy bằng Cử nhân tại Đại học Chicago. Hơn nửa số người học ngành thực vật học là đám hippy nghĩ rằng họ có thể trở về thế giới tự nhiên. Bằng cách nào đó có thể nuôi 7 tỉ người ăn no chỉ bằng cách lượm nhặt nguyên thủy. Họ dành phần lớn thời gian của mình tìm cách nào hiệu quả hơn để trồng cần sa. Tôi chẳng thích họ. Tôi luôn theo đuổi ngành ấy vì khoa học, chứ chẳng vì Một Trật Tự Thế Giới Mới khỉ khô nào cả.
Khi họ làm mấy đống phân trộn và cố gắng bảo toàn từng ounce (1 ounce = 28,35 gam) một những vật thể sống, tôi cười vào mũi họ. “Coi cái bọn hippy ngớ ngẩn này!” Tôi sẽ giễu cợt. “Nhìn mấy cố gắng đáng thương hại của họ để mô hình hóa hệ sinh thái toàn cầu trong vườn sau nhà đây này.”
Đương nhiên giờ đây tôi làm chính cái công việc ấy. Tôi tích cóp tất cả những vật chất sinh học tôi có thể tìm được. Mỗi khi tôi ăn xong một bữa,
https://thuviensach.vn
tất cả những thứ dư thừa đều được bỏ vào chậu phân trộn. Về phần những vật liệu sinh học khác…
Căn Hab có mấy cái toa lét rất tinh vi. Phân thường được hút chân không cho khô, rồi tích tụ lại trong bao dán kín để bỏ ra ngoài bề mặt.
Không còn chuyện đó nữa!
Thật sự là, tôi còn làm một chuyến EVA để tìm lại những bao phân thải ra từ trước khi phi hành đoàn rời khỏi đây. Vì đã hoàn toàn bị sấy khô, mớ phân này chẳng còn chút vi khuẩn nào nữa, nhưng nó vẫn có những phức hợp đạm và có thể dùng làm phân bón hữu dụng. Thêm nước và vi khuẩn còn hoạt tính sẽ giúp nhanh chóng phát triển lại, thay thế toàn bộ dân số bị giết trong Toa Lét Diệt Vong.
Tôi tìm thấy một cái thùng lớn và đổ ít nước vào đó, rồi thêm mớ phân khô. Rồi từ đó đến giờ, tôi đã thêm vào cả phân của mình nữa. Chúng càng hôi thúi thì mọi việc diễn ra càng thành công hơn. Đó chính là các vi khuẩn đang hoạt động!
Một khi tôi đem đất sao Hỏa vào trong đây, tôi có thể trộn chúng với phân và trải chúng ra thêm. Rồi tôi có thể rắc đất Trái đất phía trên. Có lẽ bạn không nghĩ đó là một bước quan trọng, nhưng nó là thế. Có hàng tá giống loài vi khuẩn sống trong đất Trái đất, và chúng rất cần thiết cho sự sinh trưởng của cây cỏ. Chúng sẽ lan ra và sinh sôi nảy nở như… à, như một sự nhiễm khuẩn…
Trong vòng một tuần, đất sao Hỏa sẽ sẵn sàng cho cây nảy mầm trong đó. Nhưng tôi sẽ chưa trồng gì đâu. Tôi sẽ trải nó ra một khu rộng gấp đôi. Nó sẽ tự “nhiễm trùng” vùng đất sao Hỏa mới. Sau một tuần nữa, tôi lại nhân đôi tiếp. Cứ thế tiếp tục. Dĩ nhiên, trong suốt thời gian đó, tôi vẫn sẽ thêm phân bón vào đống thành quả này.
https://thuviensach.vn
Cái hậu môn của tôi hoạt động không kém gì cái não của tôi để giúp tôi sống sót.
Đây chẳng phải ý tưởng mới mẻ mà tôi vừa nghĩ ra. Người ta đã dự đoán làm cách nào để chế tạo đất trồng trọt từ đất sao Hỏa cả mấy thập kỷ nay rồi. Tôi chỉ đem chúng ra thử nghiệm lần đầu tiên mà thôi.
Tôi tìm trong mớ lương thực dự trữ và kiếm ra đủ thứ hầm bà lằng tôi có thể trồng. Đậu Hà Lan chẳng hạn. Nhiều đậu đũa nữa. Tôi còn tìm thấy vài củ khoai tây. Nếu “bất cứ” cái nào trong đám bọn chúng còn có thể nảy mầm sau những thử thách chúng đã trải qua thì thật tuyệt. Với lượng vitamin dự trữ gần như vô hạn, tôi chỉ cần có bất cứ loại calories nào là đủ để sống còn.
Diện tích sàn căn Hab chừng 92 mét vuông. Tôi dự định cống hiến tất cả cho công cuộc này. Tôi không ngại đi trên đất cát. Chuyện này mất nhiều công sức, nhưng tôi cần phải phủ đầy hết sàn nhà một lớp đất chừng 10 cm. Có nghĩa là tôi phải vận chuyển 9,2 mét khối đất sao Hỏa vào căn Hab. Mỗi đợt vận chuyển tôi có thể đem chừng 1/10 mét khối đất qua cửa khóa khí, và thu gom đủ số đó sẽ là công việc khó nhọc đến gãy lưng mất thôi. Nhưng đến cuối cùng, nếu mọi thứ theo kế hoạch, tôi sẽ có 92 mét vuông đất dùng để trồng trọt được.
Á à ố yeah tôi là nhà thực vật học! Hãy kinh hãi quyền năng thực vật học của ta!
Nhật trình: Sol 15
Ối ồi ôi! Công việc nặng nhọc đến gãy lưng!
Tôi dành 12 tiếng đồng hồ hôm nay cho mấy chuyến EVA để mang đất vào căn Hab. Tôi chỉ xoay xở để đem được một góc nhỏ của gian chính, có
https://thuviensach.vn
lẽ chừng 5 mét vuông. Với tốc độ này phải mất vài tuần tôi mới đem hết đống đất vào được. Nhưng này, thời gian là thứ duy nhất tôi có.
Những chuyến EVA đầu thật không hiệu quả; tôi lấp đầy mấy thùng chứa nhỏ rồi đem chúng vào cửa khóa khí. Rồi tôi khôn lên chút và chỉ đem một thùng lớn đến ngay cửa khóa khí rồi lấp mấy thùng nhỏ cho đến chúng đầy ngập. Cách đó giúp cho công đoạn này nhanh hơn nhiều vì đi qua khu cửa khóa khí cũng mất hết 10 phút.
Khắp người tôi mỏi dứ dừ. Và mấy cái xẻng tôi có chỉ để dùng để lấy mẫu thử nghiệm chứ không phải để đào xới dữ dội kiểu này. Cái lưng đau chết tôi đi được. Tôi lục tung mớ đồ y tế và tìm được vài viên Vicodin (thuốc giảm đau). Tôi mới uống chúng chừng 10 phút trước. Chắc sắp sửa có hiệu lực đến nơi.
Dù sao đi nữa, thấy mọi việc có tiến triển thật dễ chịu. Đã đến lúc cho đám vi khuẩn hoạt động trong mớ khoáng chất này rồi. Sau bữa trưa. Hôm nay không hạn chế khẩu phần xuống ¾. Tôi đã cật đủ công để được một bữa ăn toàn phần.
Nhật trình: Sol 16
Một rắc rối tôi chưa nghĩ đến: Nước.
Hóa ra khi sống trên bề mặt sao Hỏa vài triệu năm thì tất cả lượng nước trong đất bị loại bỏ hoàn toàn. Bằng thạc sỹ thực vật học của tôi khiến tôi đoan chắc rằng cây cỏ cần đất ướt để mọc. Chưa kể đến đám vi khuẩn cần phải sống trong ấy trước.
May thay, tôi có nước. Nhưng không nhiều như tôi muốn. Để sống được, đất cần 40 lít nước cho mỗi mét khối. Kế hoạch tổng thể của tôi có 9,2 mét khối. Do đó tôi sẽ cần 368 lít nước để chăm chúng.
https://thuviensach.vn
Căn Hab có máy tái tạo nguồn nước xuất sắc. Kỹ thuật tốt nhất của Trái đất. Nên NASA kết luật “vì sao lại đem cả đống nước lên đó? Chỉ đem đủ cho tình huống khẩn cấp thôi.” Con người cần 3 lít nước mỗi ngày để sống thoải mái. Họ cho chúng tôi mỗi người 50 lít nước. Tổng cộng có 300 lít nước trong căn Hab.
Xem ra tôi sẽ không thể phủ hết bề mặt căn Hab với đống đất màu mỡ được. Tôi chấp nhật dành hết số nước ấy cho việc này, chỉ chừa lại 50 lít dùng khi nguy cấp. Đó có nghĩa là tôi có thể vun xới 62,5 mét vuông đất với độ sâu 10 phân. Chừng 2/3 diện tích sàn căn Hab. Nó phải vậy thôi. Dù sao thì, bây giờ tôi chỉ có một mẩu 5 mét cỏn con phủ đất.
Sau giai đoạn đó, mọi thứ trở nên tởm lợm. Tôi dành ba giờ đồng hồ rải phân khắp mặt cát sao Hỏa. Ít ra tôi đã không phải làm chuyện đó chính đôi tay mình.
Tôi trải đống cát vào một góc của căn Hab, dày chừng 10cm. Tôi chèn vài tấm mền và mấy bộ đồng phục của những người đồng đội đã rời khỏi của mình để dùng làm rìa cho chậu trồng (phần chu vi còn lại được làm từ đường vòng của bức tường căn Hab). Rồi tôi hiến tế 20 lít nước quý giá cho các vị thần đất.
Năm mét vuông cũng vừa vặn với đống phân bón tôi có sẵn. Tôi đổ hết thùng phân của mình vào đống đất và gần như ói mửa vì mùi hôi thúi của nó.
Cái hương thơm nồng nàn này cũng sẽ nán lại đây thật lâu. Mà tôi cũng chẳng thể mở cửa sổ. Nhưng, rồi sẽ quen dần thôi. Tôi dùng xẻng để trộn đất và phân lại với nhau, rồi dàn chúng ra bằng phẳng lại. Xong tôi rắc đất Trái đất lên trên cùng. Vi khuẩn à, làm việc đi. Tao trông chờ vào chúng mày đấy.
https://thuviensach.vn
Còn một tin tức khác, hôm nay là lễ Tạ ơn. Gia đình tôi sẽ tụ họp ở Chicago cho bữa tiệc thường lệ tại nhà ba mẹ tôi. Tôi đoán là họ sẽ chẳng có chuyện vui vẻ gì, với việc tôi vừa qua đời 11 ngày trước. Ôi mẹ nó, có lẽ họ sẽ tụ tập lại cho chuyện ma chay của tôi.
Tôi tự hỏi họ sẽ biết được chuyện gì thật sự đã xảy ra không.
Nhật trình: Sol 22
Wow. Mọi chuyện thật sự có tiến triển.
Tôi đem hết đống cát vào và mọi thứ đã sẵn sang. Giờ thì 2/3 gian chính chỉ toàn đất là đất. Và hôm nay tôi thực hiện việc nhân đôi số lượng đất. Đã một tuần rồi, và đống đất sao Hỏa trước kia nay đã trở nên màu mỡ tuyệt diệu. Chỉ cần nhân đôi số đất thêm hai lần nữa là tôi sẽ phủ hết cánh đồng này.
Tất cả những công việc này rất có ích cho nhuệ khí của tôi. Nó cho tôi việc gì đó để làm. Nhưng sau khi mọi chuyện ổn định hơn một tí, và khi ăn bữa tối ngồi nghe bộ sưu tầm nhạc Beatles của Johanssen, tôi lại thấy ủ rũ.
Theo tính toán, chuyện này sẽ không giúp tôi thoát nạn chết đói.
Cú đặc cược tốt nhất của tôi để tạo calories là khoai tây. Chúng sinh trưởng nhanh chóng và có lượng calories khá hợp lý (770 calo/kg). Tôi rất chắc chắn những củ khoai tôi có sẽ nảy mầm. Vấn đề là tôi không thể trồng đủ số được. Trong 62 mét vuông, tôi có thể trồng chừng 150 kg khoai tây trong vòng 400 ngày (thời gian tôi có trước khi ăn hết lương thực dự trữ). Tổng cộng tất cả những 115.500 calories, trung bình cầm cự được bằng 288 calories mỗi ngày. Với trọng lượng và chiều cao của tôi, nếu chịu nhịn một chút, tôi cần 1500 calories một ngày.
Chả bõ dính răng.
https://thuviensach.vn
Thế ra là tôi không thể sống nhờ vào đất làng mãi mãi được. Nhưng tôi có thể kéo dài cuộc đời mình. Mớ khoai tây này sẽ cho tôi sống thêm 76 ngày nữa.
Khoai tây sẽ tiếp tục sinh trưởng, nên trong 76 ngày ấy, tôi có thể trồng thêm 22.000 calories khoai tây, đủ để duy trì cái mạng tôi thêm 15 ngày. Sau đó, thật hơi vô ích nếu cứ tiếp tục đi hướng này. Nói ra hết thì nó giúp tôi có thêm 90 ngày.
Cho nên bây giờ tôi sẽ bắt đầu chết đói vào ngày Sol 490 thay vì Sol 400. Có tiến triển, nhưng không phải là bất cứ hy vọng sống còn nào đến Sol 1412 khi Ares 4 đáp xuống.
Đó chỉ chừng một ngàn ngày cần lượng lương thực mà tôi không có. Và tôi chẳng có phương án nào để kiếm ra nó.
Cứt thật.
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
CHƯƠNG 3
Nhật trình: Sol 25
Có còn nhớ mấy câu hỏi toán cũ rích trong lớp Đại số hay không? Khi nước chảy vào một cái thùng theo một vận tốc nào đó và chảy ra theo một vận tốc khác và bạn phải tính xem khi nào thì thùng sẽ trống trơ? À thì, khái niệm ấy có tính then chốt trong dự án “Mark Watney không chết” mà tôi đang thực hiện.
Tôi cần tạo ra calories. Và tôi cần một lượng đủ để sinh tồn bốn năm ròng. Tôi cho là nếu mình không được Ares 4 cứu thì đằng nào cũng chết. Cho nên đó là mục tiêu của tôi: bốn năm.
Tôi có rất nhiều vitamin đủ loại; gấp đôi số lượng tôi cần. Và trong mỗi bọc thức ăn thì có gấp năm lần lượng chất đạm, nên cẩn thận hạn chế khẩu phần đã đủ lượng đạm tôi cần trong bốn năm. Các chất dinh dưỡng nói chung cho tôi coi như được đảm bảo rồi. Tôi chỉ cần calories.
Tôi cần 1500 calories mỗi ngày. Tôi có 400 ngày lương thực để bắt đầu. Vậy tôi cần tạo ra bao nhiêu calories mỗi ngày trong suốt quãng thời gian này để sống tổng cộng cho 1400 ngày (thời điểm Ares 4 sẽ đến)?
Để tôi giúp bạn làm bài tính. Câu trả lời là số 1000 hoành tráng. Tôi cần tạo ra 1000 calories mỗi ngày với công việc đồng áng của mình để sinh tồn cho tới khi Ares 4 đến đây. Thật ra, nhiều hơn vậy một chút, vì ngay bây giờ đã là Sol 25 rồi và tôi vẫn chưa trồng khỉ gì cả.
Với thửa ruộng 62 mét vuông của mình, tôi sẽ có thể tạo ra chừng 288 calories mỗi ngày. Tôi cần tăng nó lên đến số 1000. Tôi cần một sản lượng gấp bốn lần kế hoạch hiện tại của mình để sống sót.
https://thuviensach.vn
Tôi cần nhiều diện tích bề mặt hơn cho việc trồng trọt, và tôi cần nước để làm ướt đất cát. Nên ta hãy giải quyết từng vấn đề một.
Thật sự thì tôi có thể tạo ra được bao nhiêu đất trồng trọt?
Có cả thảy 92 mét vuông trong căn Hab. Cho là tôi có thể dùng hết chúng đi.
Còn nữa, có năm chiếc giường tầng không ai sử dụng. Cho là tôi có thể đổ đất lên đó nữa đi. Mỗi chiếc 2 mét vuông, vậy tôi có thêm 10 mét vuông. Thế là chúng ta có đến 102 rồi.
Căn Hab có ba bàn lab, mỗi bàn 2 mét vuông. Tôi muốn giữ lại một bàn để làm việc của mình, còn lại hai bàn cho công cuộc. Đó là thêm bốn mét vuông, đưa con số tổng cộng lên 106.
Tôi có hai chiếc rover sao Hỏa. Chúng có xi dán áp suất, giúp những người bên trong lái xe dễ dàng, không cần áo phi hành gia, khi họ dành nhiều thời gian khảo sát bề mặt. Chúng quá nhỏ hẹp để trồng trọt, và dù sao thì tôi cũng muốn có thể lái chúng đi lòng vòng. Nhưng cả hai chiếc rover đều có lều bật khẩn cấp.
Có quá nhiều vấn đề nếu dùng lều bật cho đất trồng trọt, nhưng mỗi chiếc lều đều có 10 mét vuông dưới sàn. Cho là tôi có thể vượt qua những vấn đề ấy, chúng cho tôi thêm được 20 mét vuông, đưa số lượng đất trồng của tôi lên 126. 126 mét vuông đất có thể dùng để trồng trọt. Đó là một số lượng có thể dùng được. Gần như không đủ nước để làm ẩm đống đất ấy, nhưng như tôi đã nói, từng việc một thôi.
Chuyện kế tiếp cần cân nhắc là tôi có thể trồng khoai tây với hiệu suất ra sao. Tôi ước tính sản lượng của mình dựa theo công nghiệp khoai tây dưới Trái đất. Nhưng nông dân trồng khoai tây không gặp phải một cuộc đua
https://thuviensach.vn
sống còn tuyệt vọng như tôi đây. Tôi có thể nào đạt được sản lượng cao hơn không?
Trước tiên là, tôi có thể chú ý nhiều hơn đến từng cây một. Tôi có thể tỉa chúng và giữ cho chúng khỏe mạnh và không làm phiền lẫn nhau. Còn nữa, khi nhánh cây có mầm hoa của chúng trồi lên bề mặt, tôi có thể trồng chúng sâu hơn phía bên dưới mặt đất, rồi trồng một cây non hơn phía trên nó. Đối với những nông dân khoai tây bình thường, chuyện này chẳng đáng làm vì họ trồng nói đúng theo nghĩa đen là cả triệu cây khoai tây.
Hơn nữa, trồng trọt kiểu này là hủy diệt đất đai. Nông dân nào mà làm thế chỉ có mà biến đất của mình thành bãi cát bụi trong vòng 12 năm. Việc này chẳng phải thứ lâu dài được. Nhưng ai thèm quan tâm làm quái gì chứ? Tôi chỉ cần sống sót bốn năm thôi.
Tôi ước chừng mình có thể tăng 50% sản lượng với phương thức này. Và với 126 mét vuông đất trồng (chỉ vừa hơn gấp đôi số 62 mét vuông mà tôi có) thì nó sẽ có thu hoạch chừng 900 calories mỗi ngày.
Đó là một tiến triển thật sự. Tôi vẫn sẽ có nguy cơ bị đói, nhưng nó đưa tôi vào phạm vi của sự sống sót. Tôi có thể chờ đến ngày ấy bằng cách thiếu ăn nhưng không đến nỗi phải chết. Tôi có thể giảm lượng calories của mình bằng cách giảm thiểu lao động chân tay. Tôi có thể chỉnh nhiệt độ căn Hab cao hơn bình thường, có nghĩa là cơ thể tôi sẽ tiêu ít năng lượng hơn để duy trì nhiệt độ của nó. Tôi có thể cắt một tay mình và ăn nó, tăng lượng calories quý giá và giảm lượng calories tổng thể mà tôi cần.
Không, không phải thật đâu.
Cho nên hãy cho là tôi có thể dọn ra cho đủ ngần ấy đất trồng. Nghe có vẻ hợp lý chứ. Thế tôi lấy nước đâu ra? Từ 62 tăng lên đến 162 mét vuông đất trồng với độ dày 10 cm, tôi cần thêm 6.4 mét khối đất (được xúc đất nữa rồi, ầy!) và chúng sẽ cần hơn 250 lít nước.
https://thuviensach.vn
50 lít nước tôi có là để cho tôi uống nếu lỡ máy tái tạo nước bị hỏng. Vậy thì tôi thiếu hụt 250 lít của mục tiêu 250 lít nước của mình.
Bleh. Thôi tôi đi ngủ.
Nhật trình: Sol 26
Hôm qua là một ngày mệt gãy cả lưng nhưng cũng rất hiệu quả.
Tôi thấy chán nản việc suy nghĩ, nên thay vì cố tìm cách xem lấy đâu ra 250 lít nước, tôi lao động chân tay một chút. Tôi cần đem thêm cả đống đất chết tiệt vào căn Hab, ngay cả khi chúng khô khan và vô dụng trong lúc này.
Tôi đem được một mét khối vào thì đã mệt rã rời.
Rồi, một cơn bão bụi nho nhỏ ghé thăm chừng một giờ và phủ bề mặt pin năng lượng mặt trời với đống rác rến. Nên tôi phải mặc lại áo phi hành vào và làm “thêm” một chuyến EVA. Tôi ở trong tâm trạng bức bối suốt thời gian đó. Quét một cái sân lớn đầy những giàn pin năng lượng mặt trời vừa chán ngắt vừa đòi hỏi nhiều về mặt thể lực. Nhưng một khi công việc hoàn thành, tôi trở lại Ngôi Hab Trên Thảo Nguyên của mình.
Cũng vừa đến lúc nhân đôi số đất, nên tôi thấy thôi thì cứ làm hết cho xong. Mất thêm một giờ. Thêm một lần nhân đôi nữa số đất dùng được sẽ sẵn sàng rồi.
Thêm nữa, tôi thấy rằng đã đến lúc gieo hạt. Tôi nhân đôi đủ để mình có thể chừa ra một góc nho nhỏ. Tôi có 12 củ khoai tây để trồng.
Tôi đúng là thằng khốn may mắn vì chúng không bị ướp lạnh và làm khô hoặc bị đóng gói. Vì sao NASA lại gửi 12 củ khoai tây nguyên vẹn, để
https://thuviensach.vn
trong tủ lạnh chứ không đông đá chúng? Và vì sao gửi chúng cùng chuyến với chúng tôi trong thùng hàng có áp suất thay vì gửi riêng trong sọt cùng những vật dữ trữ cho căn Hab? Bởi vì lễ Tạ Ơn sẽ xảy ra trong thời điểm chúng tôi làm nhiệm vụ trên bề mặt, và đám bác sĩ tâm lý ở NASA nghĩ rằng nấu một bữa ăn chung là chuyện tốt. Không phải chỉ ăn thôi, mà còn phải nấu nữa. Có lẽ có logic nào trong đó, nhưng ai thèm quan tâm chứ?
Tôi cắt củ khoai thành 4 miếng, đảm bảo rằng mỗi miếng phải có ít nhất 2 mắt. Mắt khoai là nơi chúng nảy mầm. Tôi cho chúng ngồi chơi xơi nước vài giờ đồng hồ để chúng cứng lại, rồi tôi trồng chúng, cách khoảng rộng rãi, trong góc. Ơn Trời thương giúp, khoai nhỏ chúng mày ơi. Cuộc đời của tao trông chờ vào mày.
Bình thường, phải mất 90 ngày để có được khoai lớn hết cỡ. Nhưng tôi không thể chờ đợi lâu vậy. Tôi cần cắt hết đống khoai từ vụ mùa này để gieo trồng trong phần đất ruộng còn lại.
Bằng cách chỉnh căn Hab đến mức nhiệt độ dễ chịu ở 25,5 C, đám cây này sẽ mọc nhanh hơn. Còn nữa, đèn đuốc bên trong sẽ cung cấp rất nhiều “ánh sáng mặt trời” và tôi sẽ đảm bảo để chúng có nhiều nước (khi tôi tìm ra chỗ để lấy nước). Sẽ chẳng có thời tiết tồi tệ, hay ký sinh trùng làm phiền chúng, hay đám cỏ dại tranh giành đất và các chất dinh dưỡng với chúng. Với tất cả mọi thứ thuận lợi, chúng sẽ mọc những thân củ khỏe mạnh có thể mọc thành cây mới trong vòng 40 ngày.
Tôi kết luận làm anh Nông dân Mark nhiêu đó là đủ trong một ngày rồi.
Một bữa ăn toàn phần cho tối nay. Tôi xứng đáng được. Cộng thêm chuyện tôi đã đốt cả mớ calories và tôi muốn thu hồi chúng lại.
Tôi lục lọi đồ đạc của Chỉ huy Lewis cho đến khi tìm thấy thẻ nhớ cá nhân của cô ấy. Mỗi người đều được đem theo bất cứ món giải trí kỹ thuật
https://thuviensach.vn
số nào họ muốn, và tôi chán ngấy chuyện nghe mấy album Beatles của Johanssen quá rồi. Đến lúc xem coi Lewis có gì nào.
Mấy chương trình TV dở ẹc. Đó là thứ cô ấy có. Hàng hà sa số không thể đếm nỗi toàn tập các chương trình TV từ đời nảo đời nào.
Thôi. Ăn mày thì không được lựa chọn. “Three’s Company” vậy.
Nhật trình: Sol 29
Trong mấy ngày vừa qua, tôi đem hết đống đất cát mình cần vào trong. Tôi sửa sang cho mấy chiếc bàn và giường tầng để chúng có thể chịu đựng trọng lượng của đất, và tôi còn đem đất vào đó nữa. Vẫn không có nước để giúp chúng sống được, nhưng tôi có vài sáng kiến. Sáng kiến thật sự tồi tệ, nhưng chúng vẫn là sáng kiến.
Thành tựu lớn nhất trong ngày là dựng mấy chiếc lều bật lên.
Vấn đề với những chiếc lều bật của con rover này là chúng không được thiết kế để sử dụng thường xuyên.
Cách dùng thông thường là bạn bật lều lên, chui vào, và đợi cứu hộ. Cửa khóa khí chẳng qua chỉ là mấy cái van và hai cánh cửa. Làm cân bằng lượng khí với bên cửa của vị trí của bạn, chui vào, rồi làm cân bằng lượng khí với cửa bên kia, chui ra. Điều này có nghĩa rằng bạn sẽ mất rất nhiều khí cho mỗi lần sử dụng. Và tôi cần ra vào ít nhất một lần một ngày. Thể tích toàn bộ của mỗi chiếc lều đều rất nhỏ, cho nên tôi không thể nào để mất khí thoát ra từ chúng được.
Tôi dành cả mấy giờ đồng hồ cố tìm cách làm thế nào gắn liền cửa khóa khí của căn lều với cái bên căn Hab. Tôi có ba cửa khóa khí bên căn Hab. Tôi chấp nhận dùng hai cái để nối với lều bật. Nếu được vậy thì thật tuyệt.
https://thuviensach.vn
Phần đau đầu chính là cửa khóa khí của lều bật có thể được gắn với những cửa khóa khí khác! Có thể có người bị thương trong ấy, hoặc không đủ đồ phi hành. Bạn cần có khả năng đưa mọi người ra ngoài mà không để họ bị phơi thân ra giữa bầu khí quyển của sao Hỏa.
Nhưng những chiếc lều bật này được thiết kể để phi hành đoàn dùng những chiếc rover đến đón bạn. Cửa khóa khí của căn Hab to hơn rất nhiều và hoàn toàn khác hẳn cửa khóa khí trên xe rover. Nếu bạn suy nghĩ một chút, bạn sẽ thấy thật sự không có lý do gì để phải nối lều bật vào căn Hab cả.
Trừ khi bạn bị mắc kẹt lại trên sao Hỏa và ai cũng nghĩ bạn đã đi đời nhà ma và bạn đang chiến đấu đến tuyệt vọng với thời gian và môi trường để tìm cách sống tồn. Nhưng, trừ tình huống gay go này thì chẳng có lý do nào cả.
Thế nên, cuối cùng thì tôi đành chịu trận. Tôi sẽ mất một lượng khí mỗi khi tôi ra vào lều bật. Tin tốt là mỗi căn lều đều có ống van để truyền khí từ bên ngoài, và bạn có thể cung cấp khí cho chiếc rover bằng cách nối một ống khí vào đó. Nó cũng chỉ là một cái ống dẫn có khả năng cân bằng lượng khí trong rover và lều bật mà thôi.
Căn Hab và xe rover đều dùng cùng một chuẩn van, nên tôi có thể nối chúng trực tiếp với nhau. Nó sẽ tự động làm đầy nguồn khí bị thoát ra mỗi khi tôi ra vào (cái này đám NASA gọi nó là luồng ra và luồng vào).
NASA chẳng xuề xòa với mấy chiếc lều khẩn cấp này đâu nhé. Ngay lúc tôi bấm nút báo động trong chiếc rover, lập tức có một tiếng vút chói tai bắn ra từ chiếc lều đang tự bung ra, gắn liền vào cửa khóa khí của rover. Chỉ mất chừng hai giây.
Tôi đóng cửa khóa khí bên phía chiếc rover và thế là tôi sẽ ở bên trong một căn lều cô lập, dễ chịu. Thiết lập vòi khí để cân bằng cũng không đáng
https://thuviensach.vn
kể gì (một lần duy nhất tôi dùng các thiết bị theo đúng hướng dẫn sử dụng). Rồi sau vài chuyến ra vào cửa khóa khí (lượng khí bị mất đi lập tức được căn Hab cân bằng lại), tôi đem đống đất cát vào trong.
Tôi lập lại trình tự y chang cho chiếc lều kia. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ dễ dàng.
Thở dài… nước.
Thời trung học, tôi rất hay chơi trò Dungeons & Dragons3. (Có lẽ bạn không đoán ra nhà thực vật học kiêm kỹ sư cơ khí này cũng khá là một mọt nerd trong thời trung học, nhưng thật sự tôi thế đó). Trong trò chơi, tôi đóng vai một Giáo sĩ. Một trong những ma thuật tôi có thể làm phép là “Tạo nước”. Lúc nào tôi cũng nghĩ đó là lời chú ngu xuẩn, vì chẳng bao giờ có dịp dùng nó. Ôi giờ thì tôi muốn đánh đổi mọi thứ chỉ để được dùng lời chú đó trong đời thực đây này.
Nhưng thôi. Đó là vấn đề của ngày mai.
Còn đêm nay, tôi phải xem tiếp “Three’s Company.” Hôm qua dừng lại giữa chừng ở tập ông Roper nhìn thấy cái gì ấy và ông ấy hiểu nhầm và làm ầm ĩ cả lên.
Nhật trình: Sol 30
Tôi có một kế hoạch nguy hiểm đến là ngu ngốc để lấy lượng nước mình cần. Tôi nói “nguy hiểm” thật đấy nhá. Nhưng tôi không có nhiều chọn lựa. Tôi đã hết ý tưởng và trong vài ngày sắp tới tôi phải nhân đôi số lượng đất của mình. Khi làm việc nhân đôi lần cuối, tức là khi phải nhân đôi số đất cát tôi mới đem vào. Nếu tôi không tưới nước cho chúng ẩm ướt trước, chúng sẽ chết ngay thôi.
https://thuviensach.vn
Trên sao Hỏa này chẳng có nhiều nước. Ở hai cực có băng, nhưng xa xôi quá. Nếu tôi muốn có nước tôi phải tạo chúng ra từ các nguyên tố cơ bản. May thay, tôi biết công thức: Lấy hydrô. Thêm ôxy. Đốt.
Để giải quyết chúng từng cái một thôi nào. Bắt đầu với ôxy.
Tôi có kha khá lượng O2 dự trữ, nhưng không đủ để tạo ra 250 lít nước. Hai thùng áp suất cao ở cuối căn Hab là tất cả lượng dự trữ của tôi (đương nhiên tính cả không khí trong căn Hab nữa). Mỗi thùng chứ 25 lít O2 lỏng. Căn Hab chỉ dùng chúng khi khẩn cấp; chúng có máy lọc ôxy để trung hòa bầu không khí. Thùng O2 được đặt ở đây là để cung cấp nguồn khí cho mấy bộ đồ phi hành gia và con rover.
Dù thế nào thì, lượng ôxy dự trữ cũng chỉ đủ để tạo ra 100 lít nước (50 lít O2 tạo ra một 100 lít phân tử mà mỗi phân tử có một nguyên tố O). Vậy có nghĩa là tôi không thể có chuyến EVA nào, và không có gì dự trữ phòng hờ. Và nó chỉ tạo ra một nửa lượng nước tôi cần. Chuyện này miễn bàn đi.
Nhưng tìm kiếm ôxy trên sao Hỏa dễ dàng hơn bạn nghĩ. Khí quyển ở đây có đến 98% là CO2. Và tôi tình cờ có được một cái máy mà lẽ sống duy nhất của nó là giải phóng ôxy từ CO2. Yay máy lọc ôxy!
Một vấn đề thôi: Khí quyển rất mỏng. Chỉ bằng 1/90 áp suất của Trái đất. Nên rất khó mà thu gom chúng lại. Đem khí từ bên ngoài vào trong gần như là chuyện không thể. Mục đích của căn Hab là giữ không cho những chuyện như thế xảy ra. Lượng khí cỏn con từ khí quyển sao Hỏa lọt vào được khi tôi dùng cửa khóa khí thì thật nực cười.
Và đây là lúc máy năng lượng của chiếc MAV phát huy tác dụng.
Các đồng đội của tôi đã đem chiếc MAV đi từ mấy tuần trước. Nhưng phần dưới của nó vẫn còn lại đây. NASA không có thói quen vứt rác rến không cần thiết vào quỹ đạo. Họ để lại thiết bị hạ cánh, đường băng đi vào,
https://thuviensach.vn
và máy tạo năng lượng. Còn nhớ MAV tạo năng lượng nhờ sự trợ giúp của khí quyển sao Hỏa ra sao không? Bước một là thu gom CO2 và trữ chúng trong thùng áp suất cao. Khi tôi kết nối nó vào nguồn điện của căn Hab, nó sẽ cho tôi nửa lít CO2 lỏng mỗi giờ, vô hạn định. Sau 5 ngày là nó sẽ tạo được 125 lít CO2, tức có thể tạo 120 lít O2 sau khi tôi cho nó đi qua máy lọc ôxy.
Nhiêu đó vừa đủ để tạo ra 250 lít nước. Thế nên tôi có kế hoạch để lấy ôxy rồi.
Hydrô thì khó khăn hơn một chút.
Tôi cân nhắc xem có nên cướp bóc từ đống pin năng lượng hydrô, nhưng tôi cần số pin đó để duy trì điện đuốc buổi tối. Nếu không có chúng thì nhiệt độ sẽ lạnh lắm. Tôi có thể mặc thêm áo vào, nhưng cái lạnh sẽ giết chết đám cây trồng của tôi. Dù sao thì mỗi cục pin chỉ có một lượng H2 nho nhỏ thôi. Chúng chẳng đáng phải hy sinh nhiều thứ hữu dụng như thế chỉ để đổi lại chút lợi ích tí ti. Một thứ duy nhất tôi có lợi thế đó là năng lượng không phải là vấn đề. Tôi không muốn từ bỏ chuyện đó.
Vậy nên tôi phải đi đường khác.
Tôi thường hay nói về chiếc MAV. Nhưng giờ tôi muốn nói về chiếc MDV.
Trong suốt 23 phút kinh hãi nhất đời mình, bốn người đồng đội và tôi cố gắng không tè cả ra quần khi Martinez điều khiển chiếc MDV đáp xuống bề mặt. Cảm giác đó giống như ở trong chiếc máy sấy khô quay mòng mòng.
Trước hết, chúng tôi giảm độ cao từ Hermes, và giảm vận tốc quỹ đạo để có thể bắt đầu rơi một cách đường hoàng. Mọi chuyện suôn sẻ cho đến khi chúng tôi đi vào khí quyển. Nếu bạn nghĩ những nhiễu loạn trên không khi
https://thuviensach.vn
đi bằng máy bay phản lực với vận tốc 720 km/giờ là gay go, thử tưởng tượng khi đi với vận tốc 28.000 km/giờ xem nào.
Những chiếc dù tự động bật ra trong nhiều chặng để giúp làm chậm lại giai đoạn hạ cánh của chúng tôi, rồi Martinez tự lái tàu để đưa chúng tôi đáp đất, dùng thiết bị đẩy lực để chầm chậm đi xuống và điều khiển con tàu di chuyển theo chiều ngang. Cậu ấy được huấn luyện thao tác này suốt mấy năm ròng, và thực hiện chúng xuất sắc phi thường. Cậu vượt cả mọi sự mong đợi hợp lý về việc đáp tàu, đưa chúng tôi đến vị trí cách đích đến chỉ vỏn vẹn chín mét. Cậu này đã hoàn toàn làm chủ việc hạ cánh này.
Cảm ơn, Martinez! Có lẽ cậu vừa cứu sống mình đây!
Không phải vì cú hạ cánh hoàn hảo, nhưng vì cậu ấy đã để lại rất nhiều năng lượng. Hàng trăm lít Hydrazine chưa dùng đến. Mỗi phân tử hydrazine có bốn nguyên tử hydrô. Cho nên mỗi lít hydrazine đủ để tạo ra *hai* lít nước.
Hôm nay tôi làm một chuyến EVA ngắn ngủi để kiểm tra. Chiếc MDV còn 292 lít năng lượng trong thùng chứa. Đủ để tạo gần 600 lít nước! Thật rất nhiều hơn so với lượng tôi cần!
Chỉ một hạn chế thôi: Giải phóng hydrô khỏi hydrazine thì… à là… hỏa tiễn hoạt động như thế đó. Nó rất là, rất là nóng. Và nguy hiểm nữa. Nếu tôi làm việc này trong khí quyển đầy ôxy, sức nóng và đám hydrô mới thoát ra sẽ nổ tung. Khi ấy sẽ có rất nhiều H2O, nhưng tôi sẽ ngủm mất tiêu chứ không còn ở đó mà dùng chúng được.
Xem xét tận gốc rễ thì hydrazine khá đơn giản. Người Đức từng dùng chúng thời xửa xưa trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai cho năng lượng máy bay chiến đấu có gắn tên lửa (và thỉnh thoảng dùng chúng để tự thổi bay đầu mình đi).
https://thuviensach.vn
Bạn chỉ cần làm mỗi việc là cho chúng chạy qua một chất xúc tác (thứ này thì tôi có thể chiết ra từ động cơ của chiếc MDV) và nó sẽ chuyển hóa nitơ thành hydrô. Tôi sẽ không bắt bạn làm bài tập hóa ở đây, nhưng kết quả cuối cùng 5 phân tử hydrazine sẽ trở thành 5 phân tử N2 vô hại và 10 phân tử H2 đáng yêu. Trong suốt quá trình, nó sẽ trải qua bước trung gian là trở thành dung dịch ammonia. Hóa học, như bản chất chó chết của nó, sẽ đảm bảo có vài phân tử ammonia không phản ứng với hydrazine, và cứ thế mà ở lại làm ammonia thôi. Bạn thích mùi hương ammonia chứ? Thôi thì nó cũng sẽ trở nên thịnh hành trong sự tồn tại đang ngày càng tối tăm của tôi.
Hóa học đang về phía phe tôi. Câu hỏi bây giờ là làm thế nào để thật sự chuỗi phản ứng này diễn ra chậm chạp và làm thế nào để thu hồi số hydrô? Câu trả lời là: Tôi không biết.
Tôi cho rằng mình sẽ nghĩ ra điều gì đó. Hoặc chết.
Dù sao đi nữa, chuyện quan trọng hơn hết: Đơn giản là tôi không thể chịu đựng chuyện Cindy thay thế Chrissie. “Three’s Company” sẽ không bao giờ trở lại như ban đầu được nửa. Chỉ thời gian mới có câu trả lời.
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
CHƯƠNG 4
Nhật trình: Sol 32
Và rồi tôi gặp phải cả đống rắc rối với dự án nước của mình.
Ý tưởng của tôi là tạo ra 600 lít nước (do bị hạn chế bởi lượng hydrô tôi có thể lọc từ chất hydrazine N2H4). Có nghĩa là tôi sẽ cần 300 lít ôxy lỏng.
Tôi có thể dễ dàng chế tạo ôxy. Mất chừng 20 giờ để máy tạo năng lượng của chiếc MAV lấp khí CO2 đầy thùng chứa kích cỡ 10L. Máy lọc ôxy có thể chuyển hóa chúng thành O2, rồi máy điều chỉnh khí quyển sẽ thấy lượng O2 trong căn Hab quá cao và tự động hút chúng ra và trữ lại trong thùng chứa O2. Thùng chứa sẽ đầy, thế rồi tôi sẽ phải chuyển O2 qua thùng chứa bên chiếc rover và thậm chí là dùng cả thùng chứa khí của bộ đồ phi hành gia nếu cần.
Nhưng tôi không thể chế tạo chúng nhanh chóng được. Với tốc độ ½ lít CO2 một giờ, mất chừng 25 ngày mới có đủ lượng ôxy tôi cần. Khoảng thời gian đó chậm hơn tôi muốn.
Tôi cân nhắc chuyện dùng một trong những chiếc rover như một thùng chứa. Chắc chắn nó đủ lớn, nhưng nó không được thiết kế để chịu đựng áp suất lớn vậy. Nó được làm để chứa (bạn đoán thử xem) 1 atm (đơn vị áp suất atmosphere). Tôi cần mấy cái thùng có thể chịu đựng áp suất gấp 50 lần hạn mức đó. Tôi chắc rằng chiếc rover sẽ nổ tung.
Cách tốt nhất để dự trữ thành phần tạo nước chính là tạo chúng thành nước. Cho nên đó là điều tôi sẽ làm.
Khái niệm nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực hiện nó sẽ là điều nguy hiểm khôn tả.
https://thuviensach.vn
Mỗi 20 giờ, tôi sẽ có 10 lít CO2 nhờ vào máy năng lượng của chiếc MAV. Tôi sẽ dẫn cho nó thoát khí vào căn Hab bằng cách thức cực kỳ khoa học: gỡ thùng chứa từ thanh chống hạ cánh của chiếc MAV, đem nó vào căn Hab, mở van cho đến khi khí thoát ra hết.
Máy lọc ôxy sẽ chuyển hóa chúng thành ôxy theo tốc độ riêng của nó.
Rồi, tôi sẽ cho chất hydrazine thoát ra, RẤT TỪ TỪ THÔI, hòa với chất xúc tác iridium, để chuyển hóa nó thành N2 và H2. Tôi sẽ dẫn cho khí hydrô đi trực tiếp vào một khu vực nho nhỏ và đốt chúng.
Bạn thấy đó, kế họach này tạo nhiều cơ hội cho tôi được chết trong một vụ nổ đổ lửa.
Trước hết, hydrazine là chất chết người nghiêm trọng. Nếu tôi mắc phải sai lầm nào, sẽ chẳng còn gì ngoài “Miệng núi lửa Tưởng niệm Mark Watney” ngay vị trí căn Hab đang đứng.
Cho là tôi không phá hỏng việc với mớ hydrazine, thì vẫn còn chuyện đốt hydrô. Tôi sẽ nhóm một ngọn lửa. Trong căn Hab. Có chủ ý.
Nếu bạn hỏi bất kỳ kỹ sư nào của NASA tình huống nào là tồi tệ nhất cho căn Hab, họ đều sẽ trả lời “cháy lửa”. Nếu bạn hỏi kết quả là gì, họ sẽ nói “chết cháy.”
Nhưng nếu tôi thành công, nó sẽ liên tục tạo ra nước mà không cần trữ hydrô hay ôxy. Nó sẽ hòa trong không khí với vai trò độ ẩm, nhưng máy tái tạo nước có thể thu nó về.
Tôi thậm chí còn không cần phải kết nối đầu hydrazine với đầu CO2 của máy năng lượng một cách hoàn hảo gì cả. Trong căn Hab có rất nhiều ôxy, và càng nhiều hơn trong nguồn dự trữ. Tôi chỉ cần phải chắc chắn để không tạo ra quá nhiều nước đến nỗi dùng hết lượng O2 của mình.
https://thuviensach.vn
Tôi nối máy năng lượng của chiếc MAV vào nguồn điện của căn Hab. May sao chúng cùng điện áp với nhau. Chúng cứ thế mà bình bịch chạy, thu về CO2 cho tôi.
Nửa khẩu phần cho bữa tối. Hôm nay thành tựu của tôi chỉ có mỗi việc nghĩ ra một kế hoạch miễn đừng tự giết mình, và chuyện đó chẳng tốn nhiều năng lượng lắm.
Tối nay tôi sẽ xem hết phần cuối của bộ “Three’s Company.” Tôi thích ông Furley hơn người nhà Ropers.
Nhật trình: Sol 33
Đây có thể là nhật trình cuối cùng của tôi.
Từ ngày Sol 6 là tôi đã biết có xác suất cao rằng mình sẽ chết ở đây. Nhưng tôi ước chừng đó sẽ là khi tôi hết thức ăn. Tôi không nghĩ sẽ toi đời sớm như thế này.
Tôi sắp sửa cho hệ thống hydrazine hoạt động.
Phi vụ của chúng tôi được chuẩn bị với hiểu biết rõ ràng rằng bất cứ thứ gì cũng cần bảo trì, cho nên tôi có rất nhiều đồ nghề. Ngay cả khi mặc áo phi hành, tôi cũng có thể mò mẫm vượt qua cửa vào của chiếc MDV và lấy ra sáu thùng hydrazine. Tôi để chúng trong khu râm mát của chiếc rover để chúng khỏi bị nóng lên quá mức. Gần căn Hab có nhiều bóng râm và nhiệt độ mát mẻ hơn, nhưng kệ mẹ nó chứ. Nếu chúng phải nổ tung, thì chúng có thể nổ tung trong chiếc rover, chứ không phải trong nhà tôi.
Rồi tôi táy máy lấy mở ra được hộp phản ứng. Cũng mất khá nhiều công sức và tôi phải làm vỡ cái đồ quỷ sứ ấy ra làm hai, nhưng rồi tôi cũng lấy được nó ra. May cho tôi là tôi không cần một phản ứng năng lượng đúng
https://thuviensach.vn
nghĩa. Thật ra, tôi thật sự, rất rất rất không muốn có một phản ưng năng lượng đúng nghĩa.
Tôi đem hết đống hydrazine và hộp phản ứng vào trong. Tôi thoáng cân nhắc chỉ nên dùng từng thùng một để giảm rủi ro. Nhưng mấy bài tính toán viết trên miếng khăn giấy nhắc tôi nhớ rằng chỉ cần một thùng thôi cũng đủ nổ tanh bành căn Hab, vậy thì sao lại không đem hết chúng vô?
Mấy thùng này có van thoát khí bằng tay. Tôi không chắc 100% chúng dùng để làm gì. Rõ ràng họ chẳng có dự định gì cho chúng tôi dùng đến chúng. Tôi nghĩ chúng dùng để nhả bớt áp suất trong vô vàn các quá trình kiểm tra chất lượng suốt thời gian chúng được chế tạo và trước khi được đổ đầy nhiên liệu vào. Dù lý do là gì đi nữa, tôi cũng có van để dùng. Và chỉ cần một cái chìa vặn đai ốc là mở được ngay.
Tôi cho lượng nước dư thoát ra từ ống của máy tái tạo nước. Với vài con đinh ốc tháo ra từ bộ đồng phục (Xin lỗi nhé, Johanssen), tôi gắn nó vào van cho chiều ra. Hydrazine là chất lỏng, cho nên tôi chỉ việc dẫn nó đến hộp phản ứng (bây giờ nói đúng hơn là “cái tô phản ứng”).
Trong khi đó, máy năng lượng của chiếc MAV vẫn hoạt động, tôi đã đem vào một thùng CO2, cho nó thoát khí, và đem nó trở ra để đổ đầy lại.
Chẳng còn lý do nào để trì hoãn nữa. Đã đến giờ làm nước.
Nếu bạn tìm thấy những phần thi thể cháy đen thui trong căn Hab, điều đó có nghĩa là tôi đã làm sai chỗ nào đó. Tôi copy quyển nhật trình này vào cả hai chiếc rover để nó có cơ hội sống sót cao hơn.
Xem mọi chuyện thành công cốc đây.
Nhật trình: Sol 33 (2)
https://thuviensach.vn
Ôi này, tôi chưa chết.
Điều tôi làm đầu tiên là mặc vào phần áo lót bên trong cho bộ đồ EVA của mình. Không phải phần lộm cộm bên ngoài, chỉ phần áo bên mặc bên dưới lớp áo ngoài mà thôi, bao gồm cả bao tay và bao chân. Rồi tôi lấy mặt nạ ôxy từ đống vật dụng y khoa và vài chiếc kính bảo hộ trong thùng đồ nghề hóa học của Vogel. Hầu như cả cơ thể tôi đều được bảo vệ và tôi sẽ hít thở từ không khí trong lon.
Vì sao? Vì hydrazine rất độc hại. Nếu tôi hít quá nhiều phổi tôi sẽ gặp rắc rối to. Nếu tôi để nó dính vào da, tôi sẽ bị bỏng hóa học cho đến hết cuộc đời. Tôi chẳng dại gì mà thử.
Tôi mở van cho đến khi một dòng hydrazine nho nhỏ nhểu ra. Tôi để một giọt rơi vào tô iridium.
Nó xèo xèo một cách vô vị rồi biến mất.
Nhưng này, đó là điều tôi muốn. Tôi đang giải thoát đám hydrô và nitơ. Yay!
Một thứ tôi có rất nhiều là bao bị. Nó chẳng khác mấy bao rác dùng trong bếp là mấy, mặc dù tôi chắc rằng nó ngốn mất chừng $50.000 chỉ vì NASA thôi.
Ngoài việc làm chỉ huy của chúng tôi, Lewis còn là nhà địa chất. Cô định sẽ thu thập những mẫu đá và sỏi từ khắp vùng hoạt động (trong bán kính 10 km). Giới hạn trọng lượng kiểm soát khối lượng cô thật sự có thể mang theo, nên cô định thu thập trước, rồi phân loại 50 kg thú vị nhất để đem về. Đống bao bị này dùng để trữ và đánh dấu những mẫu vật ấy. Vài bao nhỏ hơn bao nhựa hiệu Ziploc, còn vài bao khác thì to như bao đựng rác hay lá khô hiệu Hefty.
https://thuviensach.vn
Ngoài ra, tôi còn có băng keo đa dụng (duct tape). Loại thường thôi, như bạn có thể mua ở mấy tiệm bán đồ ngũ kim. Hóa ra ngay cả NASA cũng chẳng thể cải tiến băng keo đa dụng được.
Tôi cắt vài bao cỡ Hefty và dán chúng lại để làm cái lều sơ sài. Thật sự nó đúng hơn chỉ là một cái bao to đùng. Tôi có thể phủ trùm cả cái bàn nơi thiết bị Hydrazine của nhà khoa học điên được dàn dựng. Tôi để vài thứ lặt vặt trên bàn để giữ cho phần bao nhựa không rơi vào tô iridium. Ơn trời, mấy bao này trong suốt, nên tôi có thể nhìn thấy mọi thứ đang diễn ra.
Tiếp theo, tôi hiến tế một bộ áo phi hành gia cho công cuộc. Tôi cần một vòi khí. Xét cho cùng, tôi có dư áo phi hành. Bảy áo tất cả; mỗi phi hành gia được một bộ và dư ra một bộ. Cho nên tôi không ngại chuyện phải sát hại một trong số chúng nó.
Tôi cắt một lỗ phía trên cùng của bao nhựa và dùng băng keo đa dụng dán vòi vào đó. Xi dán tuyệt chứ, tôi nghĩ vậy.
Dùng vài sợi chỉ từ quần áo của Johansen, tôi treo đầu vòi kia lên tuốt đỉnh căn Hab bằng hai con ren góc (để giữ cho chúng xa khỏi lối ra của vòi). Bây giờ tôi có một ống khói be bé. Cái vòi có đường kính chừng bên ngoài 1 cm. Hy vọng độ mở rộng bên trong cũng tốt.
Hydrô sẽ nóng sau chuỗi phản ứng, và nó sẽ muốn bay lên trên. Cho nên tôi sẽ để nó bay lên từ ống khói, và đốt nó khi nó đi ra.
Rồi tôi phải phát minh ra lửa.
NASA bỏ nhiều công sức để đảm bảo không thứ gì trong này có thể cháy được. Tất cả mọi thứ đều làm bằng kim loại hoặc nhựa chống cháy và các bộ đồng phục đều là vật liệu tổng hợp. Tôi cần thứ gì đó có thể giữ lửa, một loại ánh sáng hoa tiêu nào đó. Tôi không có kỹ năng đẩy đủ lượng H2 bồi vào ngọn lửa mà không tự giết mình. Ranh giới ở đây quá mong manh.
https://thuviensach.vn
Sau khi lục lọi vật dụng cá nhân của mọi người (này, nếu họ muốn quyền riêng tư, thì họ đã không nên bỏ tôi lại một mình trên sao Hỏa với đống đồ đạc của họ) tôi tìm thấy câu trả lời của mình.
Martinez là một con chiên ngoan đạo. Tôi đã biết điều đó. Nhưng cái tôi không biết là cậu đem theo một thánh giá gỗ nhỏ. Tôi chắc rằng NASA đã làm ầm ĩ với cậu về chuyện này, nhưng tôi cũng biết Martinez là một tên khốn cứng đầu cứng cổ.
Tôi dùng một cái kìm và một chìa vít để bào món vật thiêng liêng của cậu thành những mảnh gỗ vụn. Tôi kết luận rằng nếu có Thiên Chúa, Ngài sẽ không thấy phiền lòng sau khi cân nhắc hoàn cảnh mà tôi đang mắc phải.
Phá hủy biểu tượng tôn giáo duy nhất làm cho tôi dễ dàng bị tổn thương bởi đám Ma cà rồng sao Hỏa. Tôi phải đánh liều thôi.
Có rất nhiều dây điện và pin để phát lửa. Nhưng bạn không thể làm gỗ bắt lửa chỉ bằng tia lửa điện. Nên tôi tìm vài vòng vỏ cây cọ cây dừa trong vùng, rồi thêm vài nhánh cây và cọ sát chúng vào nhau cho đến khi đủ ma sát để…
Không, không phải vậy. Tôi mở lỗ thông khí ôxy nguyên chất vào nhánh gỗ và bắt lửa. Đồ chết dẫm này phát sáng như một que diêm.
Với ngọn đuốc mini trong tay, tôi bắt đầu một dòng chảy hydrazine chầm chậm. Nó xì xèo trên chất iridium rồi biến mất. Chẳng mấy chốc tôi có ngọn lửa ngắn ngủi vọt ra từ ống khói.
Điều chính yếu tôi thật sự để tâm chính là nhiệt độ. Hydrazine phân hủy tỏa nhiệt cực cao. Nên tôi chỉ làm từng chút một, liên tục quan sát số đo từ nhiệt kế mà tôi đã đính vào hộp iridium.
Điểm cốt yếu là, quy trình này thành công!
https://thuviensach.vn
Mỗi thùng hydrazine chứa hơn 50 lít một tí, nhiêu đó đủ để tạo ra 100 lít nước. Tôi bị giới hạn bởi lượng sản xuất ôxy của mình, nhưng bây giờ tôi thật kích động làm sao, tôi sẵn sàng dùng nửa lượng dự trữ của mình. Nói ngắn gọn, tôi sẽ dừng lại khi thùng chứa đầy phân nửa, và khi đó tôi sẽ có 50 lít nước!
Nhật trình: Sol 34
Ôi quá trình đó mất quá nhiều thời gian. Tôi đã làm việc suốt cả đêm với mớ hydrazine. Nhưng cũng đã xong việc.
Tôi đã có thể hoàn thành sớm hơn, nhưng tôi cho rằng cẩn thận là tốt nhất khi nhóm lửa vào đống năng lượng hỏa tiễn trong một không gian bị đóng kín.
Eo ôi cái chỗ này cứ như rừng nhiệt đới ấy, tôi nói bạn biết.
Gần 30 độ C trong này, và ẩm ướt như địa ngục ấy. Tôi vừa tống cả mớ nhiệt và 50 lít nước vô bầu không khí.
Trong quá trình này, căn Hab phải làm mẹ của một đứa trẻ chập chững bừa bãi. Nó đã thay thế lượng ôxy tôi dùng rồi, và máy tái tạo nước cố giữ độ ẩm thấp xuống mức ôn hòa. Nhưng chẳng có gì để xử lý mớ nhiệt lượng này. Thật ra không có máy điều hòa trong căn Hab. Sao Hỏa lạnh. Bỏ bớt hơi nóng không phải là thứ chúng tôi đã nghĩ mình sẽ phải đối mặt.
Bây giờ tôi đã quen với việc máy còi báo động lúc nào cũng kêu inh ỏi. Kèng báo lửa cuối cùng cũng im mồm, vì giờ thì không còn lửa cháy nữa. Chuông báo hiệu lượng ôxy xuống thấp cũng sớm sẽ dừng lại thôi. Còi báo độ ẩm quá cao sẽ phải mất thêm ít thời gian. Máy tái tạo nước hôm nay đã có đủ việc được phân công.
https://thuviensach.vn
Trong chốc lát, lại có thêm một kèng báo hiệu khác. Thùng chứa trong máy tái tạo nước đã đầy. Ôi chao! Đó mới là loại rắc rối mà tôi muốn có!
Còn nhớ bộ đồ phi hành mà tôi cố ý phá hoại hôm qua không? Tôi treo nó trên giá và khệ nệ khiêng vài xô nước từ máy tái tạo nước đến chỗ nó. Nó có thể chứa 1 atm khí trong đó. Như vậy nó cũng có thể chứa vài xô nước.
Mèn ơi tôi mệt. Thức suốt cả đêm rồi đã đến giờ đi ngủ. Nhưng tôi sẽ đi vào vùng đất mơ màng trong tâm trạng tốt nhất từ hồi Sol 6 đến giờ.
Mọi chuyện đều thuận lợi cho tôi. Thật ra, mọi chuyện thật tuyệt vời! Cuối cùng thì tôi cũng có cơ hội sống sót!
Nhật trình: Sol 37
Tiêu mẹ đời tôi và tôi sẽ chết mất!
Ok, bình tĩnh lại đã. Tôi chắc mình sẽ vượt qua được vụ này.
Tôi đang viết nhật trình này cho bạn, nhà khảo cổ sao Hỏa tương lai thân mến, từ Rover 2. Bạn sẽ tự hỏi vì sao ngay lúc này đây tôi không ở trong căn Hab. Vì tôi đã bỏ trốn trong cơn hoảng sợ, đó là lý do! Và tôi không chắc việc tiếp theo cần làm là cái con mẹ gì nữa.
Có lẽ tôi nên giải thích chuyện gì đã xảy ra. Nếu đây là nhật trình cuối cùng của tôi, ít ra bạn cũng biết lý do.
Mấy ngày vừa qua, tôi đã vui vẻ tạo nước. Mọi chuyện đều thông đồng bén giọt. (Thấy tôi ghi gì không? “bén giọt”)
Tôi còn nâng cấp máy nén năng của chiếc MAV. Cũng rất kỹ thuật nhé (tôi tăng dòng điện áp đến máy bơm lên). Thế nên giờ tôi tạo nước càng
https://thuviensach.vn
nhanh hơn nữa.
Sau lần thu hoạch đầu với 50 lít, tôi quyết định an phận chút và chỉ tạo nước theo tốc độ nhận O2 của mình. Tôi không muốn xuống còn ít hơn 25 lít khí dự trữ. Nên khi nó xuống quá thấp, tôi ngừng việc chơi hydrazine đến khi lượng O2 được đong đầy trên hẳn mức 25 lít.
Ghi chú quan trọng: Khi tôi nói tôi tạo 50 lít nước, đó chỉ là một giả định. Tôi đã không lấy về được 50 lít nước. Khối đất tôi đem vào căn Hab cực kì khô cằn và chúng tham lam hút lấy hút để rất nhiều độ ẩm. Dù sao đó cũng là chỗ tôi muốn đống nước này quy về, nên tôi cũng không lo lắng, và tôi không ngạc nhiên khi máy tái tạo nước chẳng thu về số lượng nước gần mức 50 lít gì cả.
Tôi có được 10 lít CO2 mỗi 15 giờ đồng hồ sau khi “tân trang” máy bơm. Tôi đã thực hiện quy trình này bốn lần. Bài tính của mình cho tôi biết, bao gồm cả 50 lít nước thu hoạch ban đầu, đáng lý tôi nên có 130 lít thêm vào hệ thống nữa.
À thì bài toán của tôi là thằng gian dối chết tiệt!
Tôi chỉ thu thêm 70 lít về máy điều hòa nước và trong áo phi hành kiêm thùng nước. Có rất nhiều nước cô đọng lại trên tường và trên mái vòm, và đất cũng hấp thụ một phần không nhỏ. Nhưng cộng đi cộng lại cũng chẳng thể là 60 lít nước mất tích. Có chỗ nào sai bét rồi.
Đó là khi tôi chú ý thấy thùng O2 kia.
Căn Hab có hai thùng dự trữ O2. Mỗi thùng nằm ở một đầu của tòa kiến trúc, vì lý do an toàn. Căn Hab có thể tự quyết định coi nó muốn dùng từ thùng nào bất cứ khi nào nó muốn. Thì ra từ đó đến giờ nó đổ đầy vào không khí từ Thùng 1. Nhưng khi tôi thêm O2 vào hệ thống (thông qua máy
https://thuviensach.vn
lọc ôxy), căn Hab chia đều lượng khí với cả hai thùng. Thùng 2 đã từ từ có thêm ôxy.
Đó không phải là vấn đề, chúng chỉ làm việc của mình thôi. Nhưng điều đó có nghĩa rằng tôi đã có thêm O2 trong thời gian qua. Tức là tôi đã không tiêu thụ chúng nhanh như tôi tưởng.
Ban đầu, tôi nghĩ “Yay! Có thêm ôxy! Giờ thì mình có thể tạo nước nhanh hơn!” Nhưng một ý nghĩ càng đáng ngại hơn nảy ra trong đầu tôi.
Theo lý luận logic của tôi này: Tôi có thêm O2. Nhưng lượng khí tôi đem từ bên ngoài vào vẫn không đổi. Nên cách duy nhất để “có thêm” chính là nhờ sử dụng ít hơn tôi nghĩ. Nhưng tôi đã làm phản ứng hydrazine với giả định rằng tôi sẽ dùng hết lượng khí ấy.
Cách giải thích duy nhất có thể là tôi đã không đốt hết lượng hydrô thải ra.
Giờ nghĩ lại, quá rõ ràng rồi. Nhưng tôi đã không hề nhận ra rằng một vài nguyên tử hydrô sẽ không bị đốt đi. Chúng bay qua ngọn lửa, và chu du đâu đó. Mẹ kíp, Jim ơi, ta chỉ là nhà thực vật học chứ không phải nhà hóa học!
Hóa học thật lộn xộn, thế nên có mớ hydrô chưa bị đốt bay lang thang trong không khí. Xung quanh tôi. Lẫn trong đám ôxy. Chỉ… nhởn nhơ đó. Chờ cho một tia lửa lập lòe để nó có thể làm nổ tung căn Hab khốn kiếp này ra!
Một khi tôi đã hiểu ra, và bình tâm trở lại, tôi lấy bao cỡ Ziploc và huơ huơ nó trong không trung một tí, rồi đóng kín nó lại.
Sau đó, tôi làm chuyến EVA nhanh chóng đến con rover, nơi chúng tôi có một máy phân tích khí quyển. Nitơ: 22%. Ôxy: 9%. Hydrô: 64%.
https://thuviensach.vn
Từ lúc đó đến giờ tôi ẩn nấp trong chiếc rover.
Giờ thì nó là Làng Hydrô trong căn Hab.
Tôi rất may mắn là nó chưa bùm một cái. Ngay cả một luồng điện tĩnh phóng ra cũng có thể dẫn đến “Ôi trời nhân loại ơi!”
Cho nên, tôi ở đây trong Rover 2. Nhiều lắm thì, tôi có thể ở đây chừng một hai ngày, trước khi máy lọc CO2 từ chiếc rover và áo phi hành của tôi hết hạn. Tôi có ngần ấy thời gian để tìm cách giải quyết vụ này.
Căn Hab giờ là một trái bom.
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
CHƯƠNG 5
Nhật trình: Sol 38
Tôi vẫn còn trốn chui trốn nhủi trong chiếc rover, nhưng tôi đã có nhiều thời gian suy nghĩ. Và tôi biết làm cách nào để giải quyết mớ hydrô.
Tôi nghĩ đến máy điều hòa khí quyển. Nó để tâm đến chuyện có thứ gì trong không khí và cân bằng chúng. Đó là cách mà lượng O2 dư ra do tôi nhập vào đã được cho vào thùng trữ. Vấn đề là, nó không được chế tạo ra để hút hydrô ra khỏi bầu không khí.
Máy điều hòa dùng kỹ thuật đóng băng – tách biệt để phân chia các loại khí. Khi chúng quyết rằng có quá nhiều ôxy, chúng sẽ bắt đầu thu không khí vào thùng và hạ nhiệt độ xuống còn 90 độ Kelvin. Ở nhiệt độ đó ôxy chuyển hóa thành chất lỏng, nhưng để nitơ vẫn tồn tại ở dạng khí (nhiệt độ cô đọng: 77 K). Rồi nó trữ lượng O2.
Nhưng tôi không thể làm vậy với hydrô, vì hydrô cần nhiệt độ dưới 21 K để chuyển hóa thành thể lỏng. Và máy điều hòa không thể đưa nhiệt độ xuống thấp đến thế. Ngõ cụt.
Giải pháp là đây:
Hydrô thì nguy hiểm vì nó có thể nổ. Nhưng nó chỉ có thể nổ nếu có khí ôxy xung quanh. Hydrô mà không có ôxy thì vô hại. Còn máy điều hòa thì chỉ để dùng hút ôxy khỏi không khí.
Có bốn khóa liên động để ngăn ngừa máy điều hòa khiến cho lượng ôxy trong căn Hab xuống mức quá thấp. Nhưng chúng được thiết kế để hoạt động tránh sai lầm về mặt kỹ thuật, chứ không phải những chiêu trò cố tình phá hoại (Muah ha ha!).
https://thuviensach.vn
Nói ngắn gọn, tôi có thể gạt máy điều hòa hút hết ôxy ra khỏi căn Hab. Rồi tôi mặc áo phi hành (để có thể thở được) và làm bất cứ gì trong đó mà không sợ bị nổ banh xác. Yay!
Tôi sẽ dùng một thùng O2 để phun vài dòng ôxy ngăn ngắn vào đám hydrô, và tạo ra tia lửa nhỏ bằng vợi sợi dây điện và một cục pin. Chúng sẽ khiến hydrô bắt lửa, nhưng chỉ đến khi chút ôxy đó bị đốt hết mà thôi.
Tôi sẽ cứ tiếp tục làm thế, với những tia lửa có chủ ý, cho đến khi đốt hết đám hydrô.
Chỉ một khuyết điểm nhỏ xíu trong kế hoạch này: nó sẽ giết hết đám đất của tôi.
Đất chỉ là đất sống khi có vi sinh vật phát triển trong đó. Nếu tôi loại bỏ hết khí ôxy, bọn vi sinh vật sẽ chết hết. Và tôi chẳng có sẵn 100 tỉ bộ đồ du hành để mà dùng.
Dù sao cũng chỉ là một nửa giải pháp mà thôi.
Đã đến lúc nghỉ ngơi sau khi suy nghĩ quá nhiều rồi.
Chỉ huy Lewis là người cuối cùng dùng chiếc rover này. Cô đã lên kế hoạch để dùng nó lần nữa vào ngày Sol 7, nhưng thay vì vậy cô lại đi về nhà. Túi đựng đồ du hành cá nhân của cô vẫn còn ở phía sau. Moi móc lục lọi, tôi tìm thấy một thanh protein và chiếc USB, có lẽ có đầy nhạc để nghe cho đoạn đường lái xe.
Đến giờ ăn rồi và để xem coi Chỉ huy Lewis đã đem theo nhạc gì.
Nhật trình: Sol 38 (2)
Disco. Quỷ tha ma bắt nhà ngươi, Lewis.
https://thuviensach.vn
Nhật trình: Sol 39
Này tôi nghĩ là tôi đã nghiệm ra.
Vi sinh vật trong đất quen với thời tiết mùa đông. Chúng ít hoạt động hơn, và đòi hỏi ít ôxy để sống sót hơn. Tôi có thể hạ nhiệt căn Hab xuống còn 1 độ C, và chúng sẽ gần như là ngủ đông. Chuyện như thế này lúc nào chả xảy ra dưới Trái đất. Chúng có thể sống sót vài ngày bằng cách này. Nếu bạn đang tự hỏi làm cách nào vi sinh vật có thể sống một thời gian dài trong cái lạnh dưới Trái đất, câu trả lời là chúng không sống sót. Vi sinh vật tuốt dưới lòng đất ở nơi ấm áp hơn sinh sôi nảy nở và trồi lên phía trên để thay thế đám đã chết cóng.
Chúng vẫn cần một lượng ôxy, nhưng không nhiều. Tôi nghĩ chừng 1% lượng khí là đủ. Nhiêu đó vừa đủ chút khí cho chúng thở nhưng không đủ để giữ một ngọn lửa bùng cháy. Và như thế bọn hydrô sẽ không nổ tanh bành.
Nhưng chuyện này dẫn đến một vấn đề khác. Đám cây khoai tây sẽ không thích kế hoạch này.
Chúng không nề hà chuyện thiếu ôxy nhưng cái lạnh sẽ giết chết chúng. Nên tôi phải bỏ chúng vào chậu (thật ra là bỏ vào bao bị) và chuyển chúng vào trong rover. Chúng vẫn chưa đâm chồi, cho nên chúng cũng chẳng cần đến ánh sáng.
Thật phiền phức bất ngờ khi phải tìm cách giữ cho máy sưởi trong rover hoạt động khi chẳng có người trong đó. Nhưng tôi đã tìm ra cách. Xét cho cùng, tôi chẳng có gì ngoài thời gian.
Vậy đó, đó là kế hoạch. Trước tiên, bỏ cây khoai tây vô bao và đem chúng sang rover (đảm bảo chắc chắn để máy sưởi vẫn mở). Rồi hạ nhiệt
https://thuviensach.vn
căn Hab xuống còn 1 độ C. Rồi giảm lượng O2 xuống còn 1%. Rồi đốt hết hydrô với một cục pin, vài sợi dây điện và một thùng O2.
Yeah. Nghe như là một ý tưởng tuyệt vời và không có cơ hội nào cho một thất bại thê thảm.
Nhân tiện, đó là lời mỉa mai thôi.
Thôi, tôi đi làm đây.
Nhật trình: Sol 40
Mọi chuyện đã không thành công 100%.
Người ta nói chẳng kế hoạch nào thực hiện lần đầu mà thành công. Tôi phải đồng ý với điều đó. Chuyện là vầy:
Tôi vận hết can đảm để trở về căn Hab. Khi đến đó, tôi cảm thấy tự tin hơn một tí. Mọi thứ vẫn ở chỗ cũ lúc tôi rời khỏi (Tôi đã trông mong cái gì chứ? Mấy người sao Hỏa hôi của ăn cắp đồ đạc của tôi?)
Phải mất một thời gian dài để căn Hab hạ nhiệt, nên tôi bắt đầu chỉnh nhiệt độ xuống 1 C ngay lập tức.
Tôi bọc hết mấy cây khoai tây, và sẵn tiện kiểm tra chúng một thể. Chúng đã mọc rễ rất tươi tốt và chuẩn bị đâm chồi. Một chuyện tôi chưa tính tới là làm cách nào để đem chúng từ căn Hab vào chiếc rover.
Câu trả lời khá dễ dàng. Tôi bỏ chúng vào hết trong áo phi hành của Martinez. Rồi tôi lôi xềnh xệch chúng đi với mình đến chiếc rover nơi tôi thiết lập một vườn ương tạm thời.
Sau khi chắc chắn máy sưởi vẫn hoạt động, tôi trở về căn Hab.
https://thuviensach.vn
Lúc tôi về đến, nó đã lành lạnh rồi. Đã xuống còn 5 độ C. Run lẩy bẩy và nhìn thấy hơi thở mình cô đọng trước mặt, tôi trùm thêm vài lớp quần áo. May sao tôi không to con lắm. Quần áo của Martinez vừa vặn trên lớp quần áo của tôi, và của Vogel vừa vặn trên lớp quần áo của Martinez. Đám quần áo rác rưởi này đượng may để mặc trong môi trường có nhiệt độ trung hòa. Ngay cả khi mặc ba lớp, tôi vẫn thấy lạnh. Tôi leo lên giường tầng của mình trùm mền cho ấm người hơn.
Khi nhiệt độ xuống còn 1 C, tôi đợi thêm một giờ nữa, chỉ để đám vi sinh vật trong đất kịp nhật tin nhắn rằng đã đến giờ sống chậm lại rồi đấy.
Trục trặc tiếp theo tôi gặp phải là máy điều hòa. Mặc sự tự tin vênh váo của mình, tôi chẳng thể nào láu cá hơn nó được. Nó thật sự không muốn hút quá nhiều O2 khỏi không khí. Mức thấp nhất tôi có thể khiến nó chịu làm là đến 15%. Sau mức đó thì nó thẳng thừng từ chối chuyện hạ thấp hơn nữa, và chẳng việc nào tôi làm khiến nó thay đổi ý định. Tôi có cả đống kế hoạch để xâm nhập và lập trình nó lại. Nhưng quy trình an toàn hóa ra đều được viết bằng ROM (read-only memory, bộ nhớ chỉ đọc).
Tôi không thể trách nó. Mục đính của nó là phòng ngừa việc không khí trở nên độc chết người. Chẳng ai ở NASA lại nghĩ “Này, hãy cho phép nó được thiếu ôxy đến mức tai hại đi để đảm bảo mọi người đều lăn quay ra chết!”
Cho nên tôi phải dùng một kế hoạch thô sơ hơn.
Loại ống thoát khi khi máy điều hòa dùng để lấy mẫu khí khác với loại khi dùng để tách khí. Khí được đóng băng – tách biệt đi vào một ống thoát khí lớn ở bộ máy chính. Nhưng nó lại lấy mẫu khí từ chín ống thoát khí nhỏ dẫn về bộ máy chính. Bằng cách này nó có thể lấy được mẫu khí trung bình chuẩn hơn từ khắp căn Hab, và ngăn ngừa một mẩu khí không cân bằng ở vùng nào đó làm lệch đi kết quả.
https://thuviensach.vn
Tôi dán kín tám ống vào của khí, để lại duy nhất một ống còn hoạt động mà thôi. Rồi tôi dán miệng bao Hefty trên lỗ cổ áo của một bộ đồ du hành (lần này là của Johanssen). Ở đầu kia của bao, tôi đục một lỗ thủng nhỏ và dán nối nó vào ống vào còn lại.
Rồi tôi dùng khí O2 nguyên chất từ thùng O2 để thổi phồng bao lên. “Trời đất quỷ thần ơi!” chiếc máy điều hòa nghĩ, “tốt hơn hết mình nên hút đám O2 này vào ngay!”
Hữu hiệu vô cùng!
Rốt cuộc tôi quyết định không mặc đồ du hành nữa. Áp suất không khí sẽ không sao cả. Tôi chỉ cần mỗi ôxy. Nên tôi lấp một lon O2 từ khu vật liệu y tế dự trữ. Cách này, tôi sẽ có nhiều tự do trong chuyển động của mình. Nó còn có cả một sợi thun để tôi cột lon O2 lên mặt mình!
Mặc dù tôi vẫn cần bộ đồ du hành để theo dõi mức ôxy thật sự trong căn Hab (Máy vi tính chính của căn Hab khăng khăng rằng mức ôxy là 100%). Đương nhiên, mỗi bộ đồ du hành đều biết cách tự theo dõi lượng khí bên trong người nó.
Để xem… Áo của Martinez thì trong xe rover. Áo của Johanssen thì đang lừa gạt máy điều hòa. Áo của Lewis thì làm nhiệm vụ thùng chứa nước. Tôi không muốn làm hỏng áo của mình (này, chúng được đặt may cho vừa thân tôi đấy!). Thế nên tôi chỉ còn ba bộ áo phi hành để dùng.
Tôi lấy bộ áo của Vogel, tháo mũ bảo hộ ra và khởi động bộ cảm ứng bên trong. Một khi lượng ôxy giảm xuống còn 12% tôi đeo mặt nạ để thở vào. Tôi giám sát nó giảm càng lúc càng thấp. Khi nó chỉ còn 1% tôi tắt nguồn điện của máy điều hòa.
Tôi có lẽ không có khả năng lập trình máy điều hòa lại, nhưng tôi có thể cho thằng mắc dịch ấy im lìm hoàn toàn.
https://thuviensach.vn
Căn Hab có đèn pin khẩn cấp ở nhiều vị trí để phòng khi mất điện trong tình trạng nguy kịch. Tôi tháo rời bóng đèn L.E.D ra khỏi một chiếc đèn pin và để hai sợi dây điện tua tủa lại rất gần nhau. Rồi tôi bật nó lên và có được một tia lửa điện nhỏ.
Tôi lấy một lon O2 từ bộ áo của Voguel, nối dây đai vào hai đầu và treo nó lủng lẳng trên vai. Xong tôi ống truyền khí với thùng khí và dùng ngón cái gấp ống lại. Tôi bật một dòng O2 cho nó chầm chậm chảy ra; chỉ một dòng nhỏ thôi vừa đủ mạnh nhưng không thể áp đảo nếp gấp của ống dẫn trên tay tôi.
Đứng trên bàn với một tia điện trên tay này và vòi ôxy trên tay kia, tôi với lên để thử.
Và ôi mẹ cha tổ sư nhà nó, làm được rồi! Thổi khí O2 qua tia lửa, tôi bật đèn pin lên và một luồng lửa tuyệt diệu bắn ra từ vòi. Đương nhiên, còi báo cháy vang lên. Nhưng gần đây tôi nghe thấy nó quá nhiều lần đến nỗi giờ tôi gần như chẳng để ý đến nó nữa.
Tôi làm lại lần nữa. Rồi lần nữa. Những tia lửa ngắn ngủi. Chẳng lòe loẹt chút nào. Tôi rất vui khi có thể làm từ từ.
Tôi phấn chấn hẳn lên! Đây là kế hoạch số 1 từ trước đến giờ! Tôi không chỉ đốt bớt hydrô, mà còn tạo ra thêm nước nữa!
Mọi chuyện diễn ra hoàn hảo hơn cả tưởng tượng cho đến giây phút vụ nổ xảy ra.
Đang vui vẻ đốt hydrô, chớp mắt cái tôi đã nằm ễnh người ở đầu kia căn Hab còn đồ đạc rơi rụng tứ tung. Tôi loạng choạng đứng lên và nhìn thấy căn Hab đang trong tình trạng hỗn độn.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi là “Lỗ tai mình đau chết điếng được!”
https://thuviensach.vn
Rồi tôi nghĩ “mình chóng mặt,” và té xuống, đầu gối đập xuống sàn. Tiếp theo tôi thấy nằm sóng soài. Tôi chóng mặt đến thế đấy. Tôi dùng cả hai tay để mò mẫm đầu mình, xem coi có vết thương trên đầu nào không, tôi hoàn toàn không muốn có một vết thương nào ở đó cả. Dường như không có gì hỏng hóc cả.
Nhưng nhờ cảm nhận toàn phần đầu và mặt mới lộ ra vấn đề thật sự. Mặt nạ ôxy của tôi đã bị xé toạc trong vụ nổ. Tôi đang thở khí nitơ nguyên chất.
Sàn nhà phủ đầy đồ đạc lắt nhắt bay về từ khắp mọi phía trong căn Hab. Chẳng có hy vọng tìm được thùng O2 khẩn cấp. Chẳng có hy vọng tìm thấy được thứ gì trong đống lộn xộn này trước khi tôi rơi vào tình trạng bất tỉnh.
Rồi tôi thấy bộ đồ của Lewis treo ngay vị trí của nó. Nó chẳng nhúc nhích tí gì trong vụ nổ. Nó quá nặng vì có 70 lít nước trong đó.
Lao về hướng ấy, tôi nhanh chóng vặn khí O2 lên và chui đầu vào lỗ nơi cổ áo (tôi đã tháo mũ bảo hộ từ lâu để có thể dễ dàng lấy nước). Tôi thở một chút đến khi cơn chóng mặt tan biến dần đi, rôi hít một hơi thật sâu rồi nín thở.
Vẫn nín thở, tôi nhìn sang chỗ bộ đồ du hành và bao Hefty nơi tôi dùng để gạt máy điều hòa. Tin xấu là tôi chưa hề tháo gỡ chúng ra. Tin tốt là vụ nổ đã thổi bay chúng đi. Tám trong chín ống vào vẫn còn bị bao bọc lại, nhưng ống này ít ra vẫn nói sự thật.
Tôi chếnh choáng đi đến chỗ máy điều hòa, rồi bật nó lên lại.
Sau hai giây khởi động (nó được thiết kế để khởi động nhanh vì lý do gì thì quá rõ ràng rồi), ngay lập tức nó liền nhận biết ngay vấn đề.
Tiếng kèng lanh lảnh báo hiệu lượng ôxy thấp vang điếc tai khắp căn Hab khi máy điều hòa đổ ôxy nguyên chất vào không khí với tốc độ nhanh nhất mà an toàn nhất trong khả năng của nó. Tách ôxy khỏi không khí vừa
https://thuviensach.vn
khó vừa mất thời gian, nhưng thêm chúng vào thì dễ dàng như chơi, đơn giản chỉ cần mở cái van là xong.
Tôi leo qua đống đổ nát để trở về bên áo phi hành của Lewis và chui đầu vào đó để hít thêm nguồn không khí trong lành. Sau ba phút, máy điều hòa đã đưa lượng ôxy trong căn Hab về tiêu chuẩn ban đầu.
Lần đầu tiên tôi để ý thấy quần áo mình bị cháy đến thế nào. Đúng là dịp tốt khi mặc đến ba lớp áo. Đa số phần bị hư hỏng nằm ngay trên tay áo. Lớp ngoài cùng cháy rụi hết cả rồi. Lớp giữa cháy sém và vài chỗ gần như không còn mảnh nào. Lớp trong cùng, bộ đồng phục của tôi, vẫn còn khá tôi. Xem ra tôi lại may mắn thêm lần nữa.
Ngoài ra, nhìn về hướng máy tính chủ của căn Hab, tôi thấy nhiệt độ tăng lên 15 C. Xem ra thứ gì đó rất nóng và rất dễ nổ đã xảy ra, nhưng tôi không chắc là thứ gì. Và xảy ra như thế nào.
Đó là tình trạng của tôi ngay lúc này. Phân vân tự hỏi chuyện quái quỷ gì đã xảy ra.
Làm hết đống công việc này và trải qua vụ nổ te tua khiến tôi kiệt quệ cả người. Ngày mai tôi phải làm cả triệu kiểm tra thiết bị và cố tìm hiểu xem cái gì bị nổ, bây giờ tôi chỉ muốn đi ngủ.
Tối nay tôi lại ở trong con rover. Ngay cả khi đám hydrô đã đi hết, tôi vẫn miễn cưỡng không muốn ở chơi trong căn Hab với cái lịch sử nổ bừa bãi không lý do của nó. Hơn nữa, tôi không chắc rằng không hề có lỗ rò rỉ đâu đó.
Lần này, tôi đem theo một bữa ăn đàng hoàng, và thứ gì ngoại trừ loại nhạc disco để nghe.
Nhật trình: Sol 41
https://thuviensach.vn
Tôi dành cả ngày chạy chương trình chẩn đoán cho tất cả mọi hệ thống trong căn Hab. Việc này thật tẻ ngắt, nhưng sự sống tồn của tôi lệ thuộc vào mấy cái máy này, nên đó là việc phải làm. Tôi chỉ có thể giả định rằng vụ nổ đã không để lại hư hỏng lâu dài nào.
Tôi chạy chương trình kiểm tra quan trọng trước. Chương trình đầu tiên là để kiểm tra tính nguyên vẹn của vải bạt của căn Hab. Tôi cảm thấy rất tự tin rằng nó vẫn còn tốt, vì tôi đã ngủ mấy tiếng trong chiếc rover và khi quay trở lại căn Hab, áp suất bên trong vẫn bình thường. Máy tính báo cáo không có sự thay đổi áp suất nào trong suốt quãng thời gian đó, ngoài những dao động nhỏ vì sự thay đổi nhiệt độ.
Rồi tôi kiểm tra máy lọc ôxy. Nếu nó ngưng hoạt động và tôi không thể sửa chửa nó, đời tôi sẽ đi tong. Không vấn đề gì.
Rồi đến máy điều hòa không khí. Cũng không vấn đề gì.
Máy sưởi, giàn pin năng lượng chính, thùng dự trữ O2 và N2, máy tái tạo nước, cả ba cửa khóa khí, hệ thống đèn đuốc, máy tính chủ… cứ thế mà tiếp tục, tôi càng lúc càng cảm thấy yên tâm hơn vì mỗi hệ thống đều vẫn trong trạng thái hoạt động hoàn hảo.
Phải khen thưởng NASA chỗ này. Họ đã không hề làm ăn xuề xòa khi chế tạo những thứ ấy.
Sau đó đến phần quan trọng… kiểm tra đất. Tôi lấy vài mẫu đất từ khắp căn Hab (có còn nhớ, bây giờ sàn căn Hab phủ đầy đất rồi) làm thành vài slide (bản kính mẫu vật).
Tôi đem chúng sang chỗ kính hiển vi và kiểm tra bọn vi sinh vật yêu dấu của mình. Tôi thở phào nhẹ nhỏm khi thấy chúng vẫn khỏe mạnh, hoạt động và đang nhởn nhơ làm mấy trò vi sinh vật của chúng.
https://thuviensach.vn
Xong tôi dọn dẹp hết đống lộn xộn. Và tôi có rất nhiều thời gian để suy nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra.
Vậy thì chuyện gì đã xảy ra? À, tôi có một giả thuyết.
Theo máy tính chủ, trong suốt thời gian xảy vụ nổ, áp suất bên trong tăng vọt lên 1.4 atm, và chưa đến một giây thì nhiệt độ tăng lên 15 C. Nhưng áp suất nhanh chóng rút xuống còn 1 atm. Điều này hợp lý nếu máy điều hòa không khí được bật lên, nhưng tôi đã tắt nguồn điện của nó rồi.
Nhiệt độ vẫn ở nguyên 15 C một hồi lâu sau đó, thế nên những giản nỡ do nhiệt đáng lý vẫn còn đó. Nhưng áp suất lại giảm xuống, thế thì những áp suất dư ra đi đâu mất? Tăng nhiệt độ và giữ nguyên số lượng nguyên tử bên trong thì áp suất cũng phải thường trực mà tăng. Nhưng nó lại không xảy ra như vậy.
Tôi nhanh chóng nhận ra câu trả lời. Hydrô (thứ duy nhất có sẵn để đốt) kết hợp với ôxy (do đó dẫn đến sự tự bốc cháy) và trở thành nước. Nước đặc hơn khí cả ngàn lần. Nên trong khi nhiệt lượng làm tăng áp suất, thì sự chuyển hóa hydrô và ôxy thành nước lại làm giảm áp suất xuống.
Câu hỏi trị giá triệu đô: Vậy ôxy đến từ nơi quỷ quái nào chứ? Cả kế hoạch là để giớ hạn lượng ôxy và phòng tránh xảy ra cháy nổ. Và nó đã hoạt động như thế một hồi lâu cho đến khi vụ nổ xảy ra.
Tôi nghĩ mình có câu trả lời. Rốt cuộc thì là do đầu óc bã đậu lú lẩn của tôi. Còn nhớ lúc tôi quyết định không mặc áo phi hành không? Quyết định đó xém chút giết chết tôi.
Thùng O2 y tế hòa trộn ôxy nguyên chất với không khí xung quanh, rồi cung cấp nó cho bạn thông qua mặt nạ. Chiếc mặt nạ trên mặt bạn được dây thun cột quanh cổ bạn. Đó chẳng phải là xi kín khí gì cả.
https://thuviensach.vn
Tôi biết bạn đang nghĩ gì. Chiếc mặt nạ rỉ ôxy ra ngoài. Nhưng không. Tôi đã thở ôxy. Khi tôi hít vào, tôi tạo ra một xi gần như kín mít khi hút khí vào mặt mình.
Vấn đề ở chỗ thở ra. Bạn có biết khi hít bình thường thì bạn hấp thụ bao nhiêu ôxy trong không khí hay không? Tôi cũng không biết, nhưng đó không phải là 100%. Với mỗi hơi hít vào, tôi thu vào ôxy, phổi tôi lấy một chút để xài, rồi tôi thở chúng ra trong không gian bên trong căn Hab. Mỗi lần tôi thở ra, tôi thêm khí vào trong hệ thống.
Chỉ là tôi không nhận ra điều đó. Nhưng đáng lý tôi phải hiểu. Nếu phổi bạn dùng hết lượng ôxy, thì hô hấp nhân tạo từ miệng này sang miệng kia không có tác dụng. Tôi thật là thằng ngốc khi không nghĩ đến điều đó! Và sự củ chuối của mình xém nữa là giết chết tôi!
Tôi thật sự phải cẩn thận hơn.
Cũng may là tôi đã đốt gần hết hydrô trước khi vụ nổ xảy ra. Nếu không thì mọi thứ đã kết thúc. Như tình trạng lúc đó, vụ nổ không đủ mạnh để lật tung căn Hab. Nhưng nó cũng đủ để gần như xuyên thủng màng nhĩ tôi.
Tối qua máy tái tạo nước làm niệm vụ của nó và thu về thêm 50 lít nước. Trước khi hydrô trở thành trọng điểm của đời tôi, vấn đề khi ấy của tôi là thiết hụt 60 lít nước. Giờ đây 50 lít trong số ấy nằm trong áo phi hành của Lewis, và từ đây trở đi tôi gọi nó là “Bể Chứa” (nguyên văn: The Cistern) vì nghe tên này có vẻ hay ho hơn. 10 lít nước còn lại đã thấm vào đất cát khô cằn.
Hôm nay có nhiều hoạt động tay chân. Tôi đã làm đủ để đáng được một bữa ăn toàn phần. Và để ăn mừng đêm đầu tiên trở về căn Hab, tôi thư giãn và xem vài chương trình truyền hình dở bà cố của thế kỷ 20, cảm ơn nhà tài trợ Chỉ huy Lewis.
https://thuviensach.vn
“The Dukes of Hazzard” à? Xem thử thế nào.
Nhật trình: Sol 42
Hôm nay tôi ngủ nướng. Tôi đáng được mà. Sau bốn đêm ngủ vật vờ trong rover, tôi cảm thấy giường tầng của mình là chiếc giường lông êm ái, mềm mại tươi đẹp lạ lùng nhất từng được tạo ra.
Mà thôi này, tôi lê mông ra khỏi giường và dọn dẹp cho xong mớ lộn xộn sau vụ nổ.
Hôm nay tôi chuyển mấy cây khoai tây của mình vào trong. Cũng vừa đúng lúc. Chúng đang đâm chồi. Trông chúng thật vui vẻ và khỏe khoắn. Đây chẳng phải hóa học, hay y học, hay vi sinh vật học, hay phân tích dinh dưỡng, hay động lực học về các vụ nổ, hay mấy thứ ba xàm ba láp gần đây tôi đã thực hành, đây là thực vật học. Tôi chắc chắn ít ra mình có thể trồng vài ngọn cây cọng cỏ mà không gây họa.
Tôi có nhiều thời gian rảnh tay rảnh chân. Mất 10 tiếng để đổ đầy mỗi thùng CO2. Chỉ mất 20 phút để giảm lượng hydrazine và đốt hydrô. Tôi sẽ dành hết thời gian còn lại để xem TV vậy.
Và có nghiêm túc không đây… Rõ ràng Đại tướng Lee có thể chạy thoát chiếc xe tuần tra của cảnh sát. Tại sao Roscoe không cứ thế mà đến nông trại của Duke và bắt bọn chúng khi chúng không có ở trong xe?
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
CHƯƠNG 6
Venkat trở về văn phòng của mình, vất cặp táp xuống sàn, rồi ngồi sụp xuống ghế da. Ông dành một vài giây phút nhìn ra khung cảnh Trung Tâm Không Gian Johnson ngoài cửa sổ.
Liếc về màn hình máy tính, ông để ý thấy 47 email chưa đọc đang khẩn nài sự lưu tâm của ông. Chúng có thể chờ được. Hôm nay là một ngày buồn bã. Hôm nay là lễ tưởng niệm cho Mark Watney.
Ngài Tổng thống đã đọc một bài diễn văn, ca ngợi sự dũng cảm và hy sinh của anh, và cả phản ứng nhanh chóng của Chỉ huy Lewis để đưa cả đoàn an toàn rời khỏi đó. Chỉ huy Lewis và đoàn phi hành sống sót, thông qua hệ thống liên lạc đường dài từ Hermes, đã đọc bài điếu văn của mình cho người đồng đội đã ra đi vào không gian sâu thẳm. Còn họ vẫn phải chịu đựng mười tháng còn lại của cuộc hành trình.
Cả Giám đốc cũng có một bài diễn văn, ông nhắc mọi người nhớ rằng du hành không gian là một việc vô cùng nguy hiểm, và chúng ta cũng không chùn bước trước những nghịch cảnh như thế nào.
Trong thời gian chuẩn bị cho buổi lễ, họ hỏi Venkat có muốn làm một bài diễn văn không. Ông đã từ chối. Để làm gì cơ chứ? Watney đã chết rồi. Những lời nói đẹp đẽ của Giám đốc Phi vụ sao Hỏa cũng chẳng thể đem anh trở về.
“Ông ok chứ, Venk?” một giọng nói vọng vào từ cửa.
Venkat xoay người lại. “Có lẽ vậy,” ông đáp.
“Ông đã có thể làm một bài diễn văn mà.”
“Tôi không muốn. Anh biết rồi mà.”
https://thuviensach.vn
“Ừ, tôi biết. Tôi cũng không muốn. Nhưng tôi là giám đốc của NASA. Người ta trông đợi điều đó ở tôi. Ông chắc là ông ok chứ?”
“Ừ, tôi sẽ ổn thôi.”
“Được,” Teddy bước vào và nói. “Vậy hãy trở lại làm việc đi.”
“Được thôi,” Venkat nhún vai. “Ta bắt đầu với việc ông cho phép tôi có thời gian dùng vệ tinh đi.”
Teddy thở dài dựa vào tường. “Lại là chuyện này.”
“Đúng thế,” Venkat nói. “Lại là chuyện này. Có vấn đề gì chứ?” “Ok, giải thích lại tôi nghe. Chính xác là, anh muốn cái gì?”
Venkat nghiêng người về phía trước. “Ares 3 là một thất bại, nhưng chúng ta có thể vớt vát được gì đó. Chúng ta được cấp quỹ cho năm phi vụ Ares. Tôi nghĩ chúng ta có thể xin Quốc hội cấp quỹ cho chuyến thứ sáu.”
“Tôi không biết nữa, Venk à…”
“Đơn giản thôi, Teddy,” Venkat tiếp tục. “Họ rút khỏi đấy sau sáu sol. Vật dụng gần như đủ cho cả một phi vụ vẫn còn trên đó. Chỉ tốn một phần nhỏ kinh phí cho một phi vụ bình thường. Thường thì phải mất 14 chuyến chuyển trước vật dụng lên chuẩn bị cho một nơi hạ cánh. Chúng ta có thể chỉ cần gửi những thứ còn thiếu trong vòng ba chuyến. Không chừng chỉ hai chuyến nữa là.”
“Venk, khu vực ấy bị một trận bão cát 175km/giờ đổ vào. Tình trạng của nó thật sự tệ hại.”
“Bởi vậy tôi mới muốn xem hình,” Venkat giải thích. “Tôi chỉ cần chụp vài pô ở khu vực. Chúng ta có thể biết được rất nhiều từ đó.”
https://thuviensach.vn
“Như là gì chứ? Ông nghĩ chúng ta sẽ gửi người lên sao Hỏa mà không có đảm bảo rằng mọi thứ hoạt động hoàn hảo ư?”
“Mọi thứ chẳng cần phải hoàn hảo gì cả,” Venkat đáp vội. “Cái gì bị hỏng thì chúng ta gửi đồ thay thế cái đó. Thứ duy nhất chúng ta cần nó hoạt động là chiếc MAV. Và đằng nào thì chúng ta cũng phải gửi chiếc mới lên đó.”
“Làm sao mà chúng ta có thể từ những hình ảnh mà biết được cái nào bị hỏng chứ?”
“Đó chỉ là bước đầu. Họ rút về vì gió là mối đe dọa cho chiếc MAV, nhưng căn Hab có thể chịu đựng nhiều khắc nghiệt hơn thế. Có lẽ nó vẫn còn nguyên vẹn.
Và sẽ rất rõ ràng nữa. Nếu nó đã bị xì, nó sẽ hoàn toàn sụp xuống. Nhưng nếu nó vẫn đứng vững đàng hoàng, thì mọi thứ bên trong sẽ hoạt động tốt thôi. Và mấy con rovers rất chắc chắn. Tụi nó có thể chịu đựng mấy cơn bão cát thần sao Hỏa ban cho. Chỉ cho tôi xem thử đi, Teddy, tôi chỉ muốn thế thôi.”
Teddy nhìn xuống, “Ông không phải người duy nhất muốn dùng vệ tinh, ông biết rồi đó. Chúng ta có mấy nhiệm vụ đem đồ dự trữ cho Ares 4 sắp tới. Chúng ta phải tập trung vào khu Miệng núi lửa Schiaparelli.”
“Tôi không hiểu, Teddy. Có vấn đề gì ở đây chứ?” Venkat hỏi. “Tôi đang nói chuyện sẽ kiếm về cho chúng ta thêm một nhiệm vụ. Chúng ta có 12 vệ tinh bay quanh quỹ đạo sao Hỏa, tôi chắc anh có thể chia bớt một hoặc hai hoặc vài giờ sử dụng cho tôi chứ. Tôi có thể cho anh biết khoảng thời gian nào thì mỗi chiếc vệ tinh sẽ ở đúng góc độ có thể chụp hình khu Ares 3…”
“Vấn đề không phải ở chỗ thời gian dùng vệ tinh, Venk à,” Teddy ngắt lời.
https://thuviensach.vn
Venkat cứng người. “Thế thì… nhưng… cái gì…”
Teddy cúi đầu. “Chúng ta là một tổ chức thuộc phạm vi công cộng. Chẳng có chuyện nào bí mật hoặc thông tin nào an toàn ở đây cả.”
“Thế thì sao?”
“Bất cứ hình ảnh nào chúng ta chụp cũng sẽ trực tiếp được công khai cho công chúng.”
“Nói lại: thế thì sao?”
“Thi thể của Mark Watney sẽ nằm trong vòng hai mươi mét cách căn Hab. Có thể phân nửa bị cát chôn vùi, nhưng vẫn có thể thấy được, và với một khúc ăng ten liên lạc chỉa thẳng ra từ ngực cậu ấy. Bất cứ hình ảnh nào chúng ta chụp cũng sẽ phơi bày cả ra.”
Venkat nhìn đăm đăm. Rồi liếc một cái. “Đây là lý do anh từ chối yêu cầu chụp hình của tôi suốt hai tháng qua?”
“Venk à, thôi nào…”
“Có thật không đây, Teddy?” ông nói. “Anh sợ gặp rắc rối về mặt PR?”
“Cơn nghiện của đám truyền thông với cái chết của Watney cuối cùng cũng bắt đầu suy giảm,” Teddy nói với giọng ngang ngang. “Hết tin xấu này đến tin xấu khác suốt hai tháng qua. Lễ tưởng niệm hôm nay đã cho mọi người một cái kết, và đám truyền thông có thể đi săn tìm những tin tức khác. Điều mà chúng ta không muốn làm chính là đào bới mọi chuyện lên lại nữa.”
“Vậy chúng ta làm gì đây? Anh ta sẽ không phân hủy đâu. Anh ta sẽ cứ nằm đó đến thiên thu ấy.”
https://thuviensach.vn
“Không đến thiên thu đâu,” Teddy nói. “Trong vòng một năm, xác cậu ấy sẽ bị cát bao phủ dưới cát do những hoạt động bình thường của thời tiết thôi.”
“Một năm?” Venka đứng lên nói. “Chuyện đó thật điên khùng. Chúng ta không thể đợi một năm.”
“Tại sao không? Ares 5 còn đến năm năm nữa mới phóng. Còn nhiều thời gian chứ.”
Venkat hít một hơi sâu và suy nghĩ một lúc.
“Ok, xem xét cách này,” ông nói. “Sự thông cảm với gia đình Watney hiện nay rất cao. Ares 6 có thể đem xác về. Chúng ta không nói rằng đó là mục đíchcủa nhiệm vụ, nhưng chúng ta có thể làm rõ rằng việc đó nằm trong nhiệm vụ. Nếu chúng ta trình bày theo hướng ấy, chúng ta sẽ được Quốc hội ủng hộ hơn. Nhưng sẽ không thế đâu nếu chúng ta đợi một năm. Sau một năm, người ta chẳng còn quan tâm nữa đâu.”
Teddy vân vê cằm. “Hừmm…”
Mindy nhìn lên trần nhà. Cô chẳng có mấy việc để làm. Ca 3 giờ sáng thật chán ngắt. Chỉ có dòng chảy không ngừng của cà phê giúp cô tỉnh thức.
Theo dõi tình trạng vệ tinh bay vòng sao Hỏa nghe có vẻ là một triển vọng nghề nghiệp khi cô nhận lời chuyển về đây. Nhưng mấy chiếc vệ tinh ấy thường tự chúng có thể lo cho bản thân. Rồi công việc của cô hóa ra là gửi email khi mấy tấm hình được chụp xong.
“Bằng Thạc sĩ Kỹ sư Cơ khí,” cô gầm gừ với mình. “Và mình đang làm việc trong một phòng chụp ảnh suốt đêm.”
Cô nhâm nhi cà phê.
https://thuviensach.vn
Màn hình nhấp nháy báo một bộ hình ảnh mới đã sẵn sàng để gửi đi. Cô kiểm tra thông tin trên bộ hồ sơ. Venkat Kapoor.
Đăng xong thông tin trực tiếp vào server nội bộ, cô viết một email cho Tiến sĩ Kapoor. Khi điền thông tin vĩ tuyến và kinh tuyến của hình ảnh, cô nhận ra những con số ấy.
“31,2o Bắc, 28,5o Tây… Đồng trũng Acidalia… Ares 3?” Cảm thấy tò mò, cô liền mở ảnh đầu của bộ hình gồm 17 bức.
Như cô nghi ngờ, đó là khu Ares 3. Cô có nghe nói họ sẽ thu thập hình ảnh của nó. Trong lòng hơi thấy xấu hổ, nhưng cô vẫn dò tìm trong bức ảnh xem có dấu hiệu nào chỉ ra xác của Mark Watney. Sau một phút tìm kiếm mà chẳng có kết quả gì, cô vừa thấy nhẹ nhõm vừa thấy thất vọng.
Cô rà xem tiếp những bức ảnh còn lại. Căn Hab vẫn nguyên vẹn; Tiến sĩ Kapoor sẽ thấy vui khi nhìn thấy nó.
Cô đưa tách cà phê lên miệng, rồi chợt cứng người.
“Ừm…” cô lầm bầm. “Ô…”
Cô nhanh tay mở trang web nội bộ của NASA, dò tìm đến trang có thông tin chi tiết về của phi vụ Ares. Sau khi xem qua một thoáng, cô nhấc điện thoại lên.
“Này, đây là Mindy Park ở SatCon. Tôi cần xem nhật trình của Ares 3, tôi có thể tìm thấy nó ở đâu?... Ừ… ừ… Ok… Cám ơn.”
Sau khi dành thêm chút thời gian xem web nội bộ, cô ngã lưng dựa vào ghế. Cô không còn cần đến thứ cà phê để giúp mình tỉnh táo nữa.
https://thuviensach.vn
Cô nhấc điện thoại lên lần nữa, “Chào, Bảo vệ hả? Tôi Mindy Park ở bên SatCon đây. Tôi cần số điện thoại khẩn cấp của Tiến sĩ Venkat Kapoor… Vâng, Giám đốc Phi vụ sao Hỏa… Vâng đây là trường hợp khẩn cấp.”
Mindy đang ngồi thấp thỏm trên ghế mình thì Venkat lê bước vào. “Cô là Mindy Park à?” Ông hỏi, trông ông có phần hơi khó chịu.
“Vâng,” giọng cô run rẩy đáp. “Xin lỗi đã lôi ông vào đây.” “Tôi cho là cô có lý do chính đáng. Sao?”
“Ừm,” cô nhìn xuống nói. “Ừm, nó là. À đây. Đây là những hình ảnh ông đã yêu cầu. Ừm. Đến đây xem này.”
Ông kéo chiếc ghế đến bàn làm việc của cô rồi ngồi xuống. “Đây có phải là vì xác của Watney không? Có phải vì vậy cô hoảng hết cả lên không?”
“Ừm, không ạ,” cô nói. “Ừm. Đây… ừm.” Cô chỉ lên màn hình.
Venkat xem xét bức hình. “Xem ra căn Hab vẫn còn nguyên vẹn. Đó là tin tốt. Giàn pin mặt trời vẫn còn tốt. Rovers cũng ok nữa. Đĩa [liên lạc] chính không còn đó nữa. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên đây. Tình huống khẩn cấp là gì thế hả?”
“Ừm,” cô nói, ngón tay chạm màn hình. “Đó.”
Venkat nghiêng người đến gần để xem. Chỉ có căn Hab, bên cạnh mấy chiếc rover là hai vòng tròn trắng nằm trên cát. “Hừm. Nhìn như vải bạt của căn Hab. Có lẽ rốt cuộc thì căn Hab cũng không phải không có hề hấn gì? Tôi đoán là có vài mảnh vải bị xé rách bươm và…”
“Ừm,” cô ngắt lời. “Nhìn chúng giống căn lều bật.”
Venkat nhìn kĩ lại. “Hừm. Có lẽ cô đúng đấy.”
https://thuviensach.vn
“Làm sao mà chúng tự bật lên?” Mindy hỏi.
Venkat nhún vai. “Chỉ huy Lewis có lẽ đã ra lệnh cho bật chúng trong lúc di tản. Cũng không phải ý tồi. Có chỗ trú khẩn cấp sẵn trong trường hợp chiếc MAV không hoạt động và căn Hab bị rách.”
“Vâng, ừm,” Mindy nói và mở một văn bản trên máy tính của mình. “Đây là toàn bộ nhật trình từ Sol 1 đến 6. Từ lúc MDV chạm đất cho đến khi MAV cất cánh khẩn cấp.”
“Ok, thì sao?”
“Tôi đã đọc hết. Vài lần. Họ chưa hề mở lều bật.” Giọng cô vỡ òa trong những chữ cuối cùng.
“Ừ, thì…” Venkat bối rối nói. “Rõ ràng họ đã bật lều, nhưng chuyện ấy lại không được ghi chép vào nhật trình.”
“Họ kích hoạt hai lều bật khẩn cấp và không nói với ai cả sao?”
“Hừm. Chuyện này chẳng hợp lý chút nào, không hợp lý. Có lẽ cơn bão đã phá hư mấy chiếc rovers và lều tự động bật lên.”
“Ừm,” Mindy lắp bắp, “thế nên sau khi tự động bật lên từ rover, chúng nó tự gỡ mình ra khỏi rover rồi sắp hàng cách nhau 20 mét?
Venkat nhìn lại bức hình. “Thì rõ ràng là cách nào đó chúng đã được kích hoạt.”
“Tại sao pin năng lượng lại vẫn sạch sẽ?” Mindy nói, nước mắt bắt đầu tuôn. “Đã có cơn bão lớn. Tại sao cát lại không phủ khắp bề mặt chúng chứ?”
https://thuviensach.vn
“Một cơn gió mạnh đủ để phủi hết nó đi?” Venkat nói, không chắc chắn lắm.
“Tôi có nói tôi không hề tìm thấy xác anh Watney không?” Cô sụt sùi nói.
Venkat trừng mắt nhìn chăm chăm vào bức hình. “Ồ…” ông trầm giọng nói. “Ôi trời ơi…”
Mindy lấy tay che mặt và khóc thút thít.
“Con mẹ nó!” Bà Giám đốc Quan hệ Truyền thông Annie Montrose rủa. “Anh có phải đang đùa với tôi không!”
Teddy vò trán mình. “Chúng ta có chắc chắn bao nhiêu phần về chuyện này đây?”
“Gần như 100%,” Venkat nói.
“Mẹ nó” Annie nói.
“Chửi cũng chẳng lợi ích gì, Annie à,” Teddy nói.
“Anh có biết cấp độ của cơn bão tai quái này sẽ thế nào không?” Cô nạt lại.
“Từng việc một thôi,” Teddy nói. “Venk, sao ông chắc cậu ấy còn sống?”
“Trước hết là, không có xác.” Venkat giải thích. “Rồi nữa, lều bật được dựng lên. Pin mặt trời sạch bụi. Nhân tiện, anh có thể cảm ơn cô Mindy Park đã để ý thấy mấy chi tiết này.”
“Nhưng,” Venkat nói tiếp, “xác cậu ấy có thể bị cơn bão từ ngày Sol 6 vùi lấp. Mấy căn lều bật có thể tự động kích hoạt và gió có thể đã thổi chúng bay vòng vòng. Một cơn gió bão 30km/giờ trong thời gian sau ngày
https://thuviensach.vn
đó cũng đã đủ mạnh để phủi sạch pin mặt trời nhưng không đủ để sức để thổi cát đi. Không có khả năng cao, nhưng vẫn có thể được.”
“Thế nên tôi dành mấy tiếng đồng hồ vừa rồi kiểm tra mọi thứ tôi có thể. Chỉ huy Lewis có hai chuyến dùng Rover 2. Chuyến thứ hai vào ngày Sol 5. Theo nhật trình, sau khi trở về, cô gắm nó vào căn Hab để sạc điện. Và sau đó nó không được dùng nữa, 13 tiếng sau thì họ rút khỏi đó.”
Ông đẩy tấm hình qua bên kia bàn cho Teddy.
“Đây là một trong những bức hình chụp tối qua. Ông thấy đó, Rover 2 quay mặt hướng đi khỏi căn Hab. Ổ sạc ở phía mũi, và dây cáp thì không đủ dài để nối đến đó.”
Teddy nhăn mặt. “Cô ấy hẳn đã đậu nó quay mặt về hướng căn Hab, nếu không thì không thể nào gắm điện vào được,” ông nói. “Nó đã được di chuyển từ ngày Sol 5.”
“Đúng,” Venkat nói, đẩy một bức hình khác sang chỗ Teddy. “Nhưng đây mới là chứng cứ thật. Ông có thể thấy chiếc MDV dưới góc phải bức hình. Nó đã bị tháo rời ra. Tôi chắc chắn họ sẽ không làm vậy mà không báo cáo lại với chúng ta.”
“Và dẫn chứng đanh thép nhất là ngay bên phải bức hình,” Venkat chỉ. “Chỗ giàn chống hạ cánh của MAV ấy. Trông có vẻ như máy năng lượng đã bị tháo gỡ sạch sẽ, và trong lúc gỡ bỏ nó thì đã làm hỏng tan hoang giàn chống. Chuyện đó chẳng thể nào xảy ra trước khi cất cách. Nếu vậy thì nó sẽ gây nguy hiểm cho MAV đủ để Lewis cấm cất cánh.”
“Này,” Annie nhảy vào. “Sao không nói với Lewis? Chúng ta đi đến CAPCOM và trực tiếp hỏi cô ấy chuyện quỷ này cho ra nhẽ đi.”
Venkat nhìn ra hiệu với Teddy. Sau một hồi, Teddy thở dài.
https://thuviensach.vn
“Bởi vì,” anh nói. “Nếu Watney thật sự còn sống, chúng ta không muốn phi hành đoàn Ares 3 biết chuyện này.”
“Cái gì!?” Annie nói. “Sao anh lại có thể không nói với họ chứ?”
“Họ còn mười tháng nữa trong chuyến khứ hồi về nhà,” Teddy giải thích. “Du hành không gian thật nguy hiểm. Họ phải cảnh giác cao độ và không bị xao nhãng. Họ buồn vì mất một người đồng đội, nhưng họ sẽ phát rồ lên nếu họ biết là mình đã bỏ rơi cậu ta lúc còn sống.”
Annie nhìn Venkat. “Ông đồng tình chuyện này chứ?”
“Chuyện con nít cũng hiểu mà,” Venkat nói. “Hãy để họ đối mặt với những tổn thương về mặt cảm xúc lúc họ không bay lòng vòng trên phi thuyền.”
“Vụ này sẽ là sự kiện được nói đến nhiều nhất kể từ Apollo 11,” Annie nói. “Làm thế nào mà chúng ta có thể giấu không cho họ biết được?”
Teddy nhún vai. “Dễ thôi. Chúng ta nắm hết mọi liên lạc với họ.”
“Mẹ nó,” Annie vừa nói vừa mở máy tính. “Khi nào thì anh muốn công khai?”
“Đó là do cô quyết định,” anh nói.
“Ừm,” Annie nói, “chúng ta có thể giữ những tấm hình này trong vòng 24 giờ, sau đó chúng ta bắt buộc phải công khai chúng. Chúng ta có thể đưa ra lời bình kèm theo. Chúng ta không muốn mọi người tự phát hiện ra. Khi đó chúng ta sẽ trông như một lũ chết dẫm.”
“Ok,” Teddy đồng ý, “viết một bài phát biểu đi.”
“Chuyện này thật quá bê bối,” cô nói.
https://thuviensach.vn
“Tiếp theo chúng ta sẽ làm gì?” Teddy hỏi Venkat.
“Bước thứ nhất là liên lạc,” Venkat trả lời. “Từ mấy tấm hình, rõ ràng là giàn liên lạc đã bị hỏng. Chúng ta phải tìm cách khác để nói chuyện. Một khi nói chuyện được, chúng ta có thể đánh giá tình hình và lên kế hoạch.”
“Được rồi,” Teddy nói. “Bắt đầu ngay đi. Ông muốn dùng ai trong bộ này thì cứ dùng. Muốn làm thêm giờ bao nhiêu thì cứ làm. Tìm cách nói chuyện với cậu ấy. Giờ việc này là nhiệm vụ duy nhất của ông.”
“Đã rõ.”
“Annie, phải đảm bảo không ai biết gì về việc này đến khi chúng ta đưa ra thông báo.”
“Được thôi,” Annie nói. “Còn ai biết nữa?”
“Chỉ ba chúng ta và Mindy Park bên SatCon,” Venkat nói. “Để tôi nói chuyện với cô ấy,” Annie nói.
Teddy đứng dậy và mở điện thoại di động. “Tôi đi Chicago. Trong ngày sẽ trở về.”
“Tại sao?” Annie hỏi.
“Đó là nơi bố mẹ cậu Watney sống,” Teddy nói. “Tôi nợ họ một lời giải thích trực tiếp trước khi tin tức nổ ầm ĩ trên báo đài.”
“Họ sẽ vui khi nghe tin con trai mình còn sống,” Annie nói.
“Đúng, cậu ấy còn sống,” Teddy nói. “Nhưng nếu tôi tính toán đúng, cậu ấy sắp đói đến chết trước khi chúng ta có thể giúp cậu ấy. Tôi không mong đợi có cuộc trò chuyện này.”
“Mẹ nó,” Annie nói, giọng trầm ngâm.
https://thuviensach.vn
“Không gì? Không gì cả à?” Venkat lầm bầm. “Hai anh có đùa không? Hai anh có 20 chuyên gia làm việc suốt 12 tiếng đồng hồ. Chúng ta có hệ thống mạng liên lạc trị giá vài tỷ đô. Thế mà anh không thể tìm ra bất cứ cách nào để nói chuyện với cậu ta?”
Hai người đàn ông ngồi bồn chồn trên ghế trong văn phòng của Venkat. “Cậu ấy chẳng có radio,” Chuck nói.
“Thật ra,” Morris nói, “cậu ấy có radio, nhưng không có đĩa phát và thu sóng.”
“Vấn đề là,” Chuck nói tiếp, “khi không có đĩa thì tín hiệu phải cực mạnh…”
“Như là, phải mạnh đến độ nóng chảy chim bồ câu…” Morris tiếp lời. “… thì cậu ấy mới nhận được.” Chuck kết câu.
“Chúng tôi đã cân nhắc dùng vệ tinh sao Hỏa,” Morris nói. “Chúng gần hơn nhiều. Nhưng tính toán không khớp. Ngay cả với con SuperSurveyor 3 là con có bộ phận truyền tín hiệu mạnh nhất thì nó cũng phải mạnh gấp 14 lần nữa…”
“17 lần,” Chuck nói.
“14 lần,” Morris cãi lại.
“Không, 17 lần. Cậu quên mất dòng điện tối thiểu cần để máy nhiệt giữ…”
“Này hai cậu,” Venkat ngắt lời họ. “Tôi đã hiểu vấn đề.”
“Xin lỗi.”
https://thuviensach.vn
“Xin lỗi.”
“Xin lỗi nếu tôi hơi càu nhàu,” Venkat nói. “Tối qua tôi chỉ ngủ chừng 2 giờ thôi.”
“Không sao ạ,” Morris nói.
“Hoàn toàn thông cảm được,” Chuck nói.
“Ok,” Venkat nói. “Giải thích tôi nghe làm thế nào một cơn bão duy nhất lại có thể xóa bỏ khả năng liên lạc của chúng ta với Ares 3.”
“Thất bại về mặt tưởng tượng,” Chuck nói.
“Hoàn toàn không nghĩ chuyện đó có thể xảy ra,” Morris đồng ý.
“Thế một phi vụ Ares thì có bao nhiêu hệ thống liên lạc dự phòng?” Venkat nói.
“Bốn,” Chuck đáp.
“Ba,” Morris nói.
“Không, bốn.” Chuck chỉnh lưng.
“Ông ấy nói hệ thống dự phòng,” Morris khăng khăng. “Đó có nghĩa là không bao gồm hệ thống chính.”
“À, đúng. Ba.”
“Vậy là có bốn hệ thống tất cả,” Venkat nói. “Giải thích xem sao chúng ta lại mất cả bốn.”
https://thuviensach.vn