🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nghiên Cứu Lịch Sử Nhân Loại
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Table of Contents
LỜI NÓI ĐẦU
LỜI NGƯỜI BIÊN TẬP
CHƯƠNG 1 GIỚI THIỆU
I. NGHIÊN CỨU VỀ LỊCH SỬ
II. NGHIÊN CỨU SO SÁNH CÁC NỀN VĂN MINH
III. KHẢ NĂNG SO SÁNH GIỮA CÁC XÃ HỘI
CHƯƠNG 2 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CÁC NỀN VĂN MINH IV. CÂU HỎI CHƯA CÓ LỜI ĐÁP
V. THÁCH THỨC VÀ TRẢ LỜI
VI. ƯU ĐIỂM CỦA NGHỊCH CẢNH[24]
VII. THÁCH THỨC CỦA MÔI TRƯỜNG SỐNG
VIII. PHƯƠNG SÁCH ÔN HÒA
CHƯƠNG 3 QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CÁC NỀN VĂN MINH IX. NHỮNG NỀN VĂN MINH BỊ GIAM HÃM
X. BẢN CHẤT QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CÁC NỀN VĂN MINH
XI. PHÂN TÍCH QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
XII. KHÁC BIỆT NẢY SINH TỪ SỰ PHÁT TRIỂN
CHƯƠNG 4 QUÁ TRÌNH SUY TÀN CỦA CÁC NỀN VĂN MINH XIII. BẢN CHẤT VẤN ĐỀ
XIV. NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỊNH MỆNH
XV. SỰ MẤT KIỂM SOÁT ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG
XVI. THẤT BẠI TRONG QUÁ TRÌNH TỰ XÁC ĐỊNH CHƯƠNG 5 SỰ TAN RÃ CỦA CÁC NỀN VĂN MINH XVII. BẢN CHẤT CỦA SỰ TAN RÃ
XVIII. CHIA RẼ TRONG XÃ HỘI
XIX. SỰ PHÂN HÓA TRONG TÂM HỒN
XX. MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC XÃ HỘI ĐANG PHÂN RÃ VÀ CÁC CÁ NHÂN
https://thuviensach.vn
XXI. NHỊP ĐIỆU CỦA QUÁ TRÌNH PHÂN RÃ XXII. CHUẨN HÓA QUÁ TRÌNH PHÂN RÃ
https://thuviensach.vn
NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ NHÂN LOẠI
Thông tin sách:
Tên sách: NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ NHÂN LOẠI Tựa gốc: A Study of History, Abridgement of Vols 1-6 Tác giả: Arnold Joseph Toynbee
Biên tập: David Churchill Somervell
Biên dịch: Việt Thư
Số trang: 575
Xuất bản: 2008
NXB Văn hóa thông tin
Khổ 16x24cm
NghienCuuLichSuNhanLoai1.00
Số hóa bởi ABBYY FineReader 12
Thực hiện bởi Happiness Project (Bi, Bơ, Bún, tamchec) Thư viện ebook (tve-4u.org)
Thời gian hoàn thành: 20/11/2015
Happiness Project #15
https://thuviensach.vn
Lời người làm ebook
Có thể xem đây là bản tóm tắt 6 tập đầu của bộ A Study of History của A.J Toynbee (1889-1975) do D.C Somervell (1885-1965) thực hiện. Đối với những ai thèm khát đọc về các nền văn minh nhân loại thì một công trình khảo cứu 12 tập của một vị giáo sư ngành Lịch sử quốc tế (International History) của London School of Economics quả là choáng ngợp khi ông so sánh, đối chiếu hầu hết các nền văn minh lớn của nhân loại về sự ra đời, phát triển và suy tàn của chúng. Nhưng với đa phần các độc giả phổ thông thì 12 tập là một khối lượng đồ sộ và (đôi khi là) ngao ngán. Somervell xuất hiện như một vị cứu tinh, khi ông cần mẫn lượm lặt trong 6 tập đầu của công trình những điểm chính yếu phù hợp với đối tượng độc giả phổ thông, nhưng vẫn giữ nguyên được hầu hết sự thú vị khi độc giả được di chuyển xuyên không gian, xuyên thời gian qua sự so sánh liên tục những nền văn minh ở nhiều vị trí và tại nhiều thời điểm trong lịch sử nhân loại, từ đó rút ra những kết luận súc tích, ấn tượng và đôi khi ngoài dự đoán.
Hơn nữa, đọc cuốn sách này, độc giả có thể thấy “cực đã” vì những bài học đơn giản mà ai cũng có thể rút ra từ cuộc sống nay lại được chứng minh rành rọt qua rất nhiều sự kiện lịch sử tương đồng (chẳng hạn như chuyện “càng khó khăn thì người ta càng nỗ lực vươn lên” được thể hiện rõ trong lịch sử như thế nào…).
Một điểm thú vị khác (đồng thời cũng là lưu ý nhỏ) khi đọc một cuốn sách mà nội dung của nó được viết cách nay 80-90 năm là thời gian ấy đủ dài cho nhiều sự kiện diễn ra bổ trợ cho một số lý lẽ của tác giả, song cũng nhiều sự kiện khác lại đặt một số lý lẽ vào vòng nghi vấn cần suy xét lại. Hãy cứ đọc và chiêm nghiệm.
https://thuviensach.vn
Sau đây là biểu thời gian xuất bản các tập sách của bộ A Study of History để bạn đọc tham khảo:
1934: Tập 1 Introduction, The Geneses of Civilizations; Tập 2 The Geneses of Civilizations; Tập 3 The Growths of Civilizations 1939: Tập 4 The Breakdowns of Civilizations; Tập 5 The Disintegrations of Civilizations; Tập 6 The Disintegrations of Civilizations 1946: A Study of History, Abridgement of Vols 1-6, cùng với D.C Somervell
1954: Tập 7 Universal States; Universal Churches; Tập 8 Heroic Ages; Contacts between Civilizations in Space; Tập 9 Contacts between Civilizations in Time; Law and Freedom in History; The Prospects of the Western Civilization; Tập 10 The Inspirations of Historians; A Note on Chronology
1957: A Study of History, Abridgement of Vols 7-10, cùng với D.C Somervell
1959: Tập 11 Historical Atlas and Gazetteer, cùng với Edward D. Myers 1960: Nghiên cứu lịch sử nhân loại (A Study of History, Abridgement of Vols 1-9 in one volume), cùng với D.C Somervell
1961: Tập 12 Reconsiderations
1972: A Study of History, new one-volume abridgement, with new material and revisions and, for the first time, illustrations, cùng với Jane Caplan
Bún (11/2015)
https://thuviensach.vn
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU
LỜI NGƯỜI BIÊN TẬP
CHƯƠNG 1 GIỚI THIỆU
I. NGHIÊN CỨU VỀ LỊCH SỬ
II. NGHIÊN CỨU SO SÁNH CÁC NỀN VĂN MINH
III. KHẢ NĂNG SO SÁNH GIỮA CÁC XÃ HỘI
(1) CÁC NỀN VĂN MINH VÀ XÃ HỘI NGUYÊN THỦY
(2) QUAN ĐIỂM SAI LẦM VỀ “TÍNH DUY NHẤT CỦA NỀN VĂN MINH” (3) THỜI ĐIỂM SO SÁNH GIỮA CÁC NỀN VĂN MINH
(4) LỊCH SỬ, KHOA HỌC VÀ VĂN CHƯƠNG
CHƯƠNG 2 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CÁC NỀN VĂN MINH
IV. CÂU HỎI CHƯA CÓ LỜI ĐÁP
(1) ĐẶT VẤN ĐỀ
(2) CHỦNG TỘC
(3) MÔI TRƯỜNG
V. THÁCH THỨC VÀ TRẢ LỜI
(1) MANH MỐI THẦN THOẠI
(2) ÁP DỤNG THẦN THOẠI GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
VI. ƯU ĐIỂM CỦA NGHỊCH CẢNH
VII. THÁCH THỨC CỦA MÔI TRƯỜNG SỐNG
(1) SỰ KÍCH THÍCH CỦA NHỮNG XỨ SỞ KHÓ KHĂN
(2) SỰ KÍCH THÍCH CỦA VÙNG ĐẤT MỚI
(3) TÁC ĐỘNG CỦA TAI ƯƠNG
(4) NHÂN TỐ KÍCH THÍCH CỦA ÁP LỰC
https://thuviensach.vn
(5) NHÂN TỐ KÍCH THÍCH CỦA SỰ TRỪNG PHẠT
VIII. PHƯƠNG SÁCH ÔN HÒA
(1) ĐỦ VÀ DƯ
(2) SO SÁNH GIỮA BA GIỚI HẠN
(3) HAI NỀN VĂN MINH YỂU MỆNH
(4) TÁC ĐỘNG CỦA HỒI GIÁO LÊN CÁC HỆ PHÁI CƠ ĐỐC GIÁO
CHƯƠNG 3 QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CÁC NỀN VĂN MINH IX. NHỮNG NỀN VĂN MINH BỊ GIAM HÃM
(1) NGƯỜI POLYNESIA, NGƯỜI ESKIMO VÀ NGƯỜI DU MỤC
(2) NGƯỜI OSMANLI
(3) NGƯỜI SPARTA
(4) CÁC ĐẶC ĐIỂM CHUNG
X. BẢN CHẤT QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CÁC NỀN VĂN MINH
(1) HAI DẤU VẾT SAI LẦM
(2) TIẾN TRÌNH TỰ KHẲNG ĐỊNH
XI. PHÂN TÍCH QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
(1) XÃ HỘI VÀ CÁ THỂ
(2) SỰ “THOÁI LUI VÀ TRỞ LẠI” CỦA CÁ NHÂN SÁNG TẠO
(3) SỰ “THOÁI LUI VÀ TRỞ LẠI” CỦA CÁC THIỂU SỐ SÁNG TẠO
XII. KHÁC BIỆT NẢY SINH TỪ SỰ PHÁT TRIỂN
CHƯƠNG 4 QUÁ TRÌNH SUY TÀN CỦA CÁC NỀN VĂN MINH
XIII. BẢN CHẤT VẤN ĐỀ
XIV. NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỊNH MỆNH
XV. SỰ MẤT KIỂM SOÁT ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG
(1) MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN
https://thuviensach.vn
(2) MÔI TRƯỜNG CON NGƯỜI
(3) MỘT KẾT LUẬN PHỦ ĐỊNH
XVI. THẤT BẠI TRONG QUÁ TRÌNH TỰ XÁC ĐỊNH (1) CƠ CHẾ CỦA SỰ MÔ PHỎNG
(2) BÌNH CŨ RƯỢU MỚI
(3) TÀI MÔ PHỎNG SÁNG TẠO: TÔN SÙNG CÁI TÔI PHÙ DU
(4) TÀI MÔ PHỎNG SÁNG TẠO: TÔN SÙNG THỂ CHẾ YỂU MỆNH
(5) TÀI MÔ PHỎNG SÁNG TẠO: TÔN SÙNG KỸ THUẬT SỚM LỤI TÀN (6) SỰ TỰ SÁT CỦA CHỦ NGHĨA QUÂN PHIỆT
(7) SAY MEN CHIẾN THẮNG
CHƯƠNG 5 SỰ TAN RÃ CỦA CÁC NỀN VĂN MINH
XVII. BẢN CHẤT CỦA SỰ TAN RÃ
(1) NGHIÊN CỨU TỔNG QUÁT
(2) PHÂN HÓA VÀ PHỤC SINH
XVIII. CHIA RẼ TRONG XÃ HỘI
(1) THIỂU SỐ THỐNG TRỊ
(2) TẦNG LỚP BỊ TRỊ QUỐC NỘI
(3) TẦNG LỚP BỊ TRỊ QUỐC NỘI CỦA THẾ GIỚI PHƯƠNG TÂY
(4) TẦNG LỚP BỊ TRỊ NGOẠI QUỐC
(5) TẦNG LỚP BỊ TRỊ BÊN NGOÀI CỦA THẾ GIỚI PHƯƠNG TÂY
(6) NHỮNG ẢNH HƯỞNG NGOẠI LAI VÀ BẢN XỨ
XIX. SỰ PHÂN HÓA TRONG TÂM HỒN
(1) NHỮNG CON ĐƯỜNG LỰA CHỌN VỀ CÁCH ỨNG XỬ, CẢM XÚC, VÀ LỐI SỐNG
(2) BUÔNG THẢ VÀ TỰ CHỦ
(3) ĐÀO THOÁT VÀ TỬ VÌ ĐẠO
https://thuviensach.vn
(4) CẢM GIÁC CUỐN TRÔI VÀ MẶC CẢM TỘI LỖI
(5) CẢM GIÁC LẪN LỘN
(6) CẢM GIÁC NHẤT QUÁN
(7) CHỦ NGHĨA HOÀI CỔ
(8) CHỦ NGHĨA VỊ LAI
(9) TÍNH TỰ SIÊU NGHIỆM CỦA CHỦ NGHĨA VỊ LAI
(10) SỰ TỰ CÔ LẬP VÀ PHÉP BIẾN HÌNH
(11) PHÉP TÁI SINH
XX. MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC XÃ HỘI ĐANG PHÂN RÃ VÀ CÁC CÁ NHÂN
(1) THIÊN TÀI SÁNG TẠO TRONG VAI TRÒ CỨU TINH
(2) CỨU TINH MANG GƯƠM
(3) CỨU TINH VỚI CỖ MÁY THỜI GIAN
(4) NHÀ HIỀN TRIẾT DƯỚI MẶT NẠ MỘT VỊ VUA
(5) THƯỢNG ĐẾ HIỆN THÂN TRONG MỘT CON NGƯỜI
XXI. NHỊP ĐIỆU CỦA QUÁ TRÌNH PHÂN RÃ XXII. CHUẨN HÓA QUÁ TRÌNH PHÂN RÃ
https://thuviensach.vn
LỜI NÓI ĐẦU
Ông D.C Somervell sẽ giải thích lý do vì sao ông quyết định tóm lược sáu tập đầu bộ sách của tôi trong lời nói đầu của ông ở những trang tiếp theo. Nhưng từ lúc chưa biết những lý do đó, một số câu hỏi đã được gửi đến cho tôi, nhiều nhất từ Hoa Kỳ, mong muốn có chăng một bản tóm lược về những phần tôi đã viết sẽ được phát hành trong thời gian tới trước khi tôi cho xuất bản phần còn lại của công trình vì mọi dự định ban đầu tính đến giờ đã bị trì hoãn quá lâu bởi chiến tranh. Yêu cầu này vô cùng bức thiết, song tôi chưa tìm được cách giải quyết vì quá bận rộn với công tác thời chiến. Cứ như thế cho tới khi ông Somervell thông báo với tôi qua thư rằng một bản tóm lược, do ông thực hiện, đã được hoàn tất. Thế là vấn đề được giải quyết theo cách mỹ mãn nhất.
Khi tôi cầm trên tay bản thảo của ông Somervell, thì đã hơn bốn năm trôi qua kể từ khi các tập IV đến VI và hơn chín năm từ khi các tập I đến III được phát hành. Tôi cho rằng, một khi tác phẩm nào còn đang trong quá trình thực hiện thì hoạt động phát hành sẽ làm tác phẩm ấy thêm gắn bó với cuộc sống của người sáng tạo. Song ở đây, cuộc chiến tranh 1939-1945, cùng với những thay đổi về hoàn cảnh và công việc mà nó đem lại, đã làm cản trở mối liên hệ quý báu ấy (các tập IV đến VI được xuất bản chỉ 21 ngày trước khi cuộc chiến nổ ra). Sự trì hoãn sẽ tiếp tục nếu không có bản tóm lược này. Tôi đã nghiên cứu bản thảo của ông Somervell, và mặc dù ông đã rất khéo léo giữ lại những từ ngữ và ý tưởng của chính tôi, song tôi vẫn đọc nó như thể một cuốn sách mới do người khác viết. Tôi đã bổ sung và chỉnh sửa lại văn phong ở một vài chỗ (với sự đồng ý mà tôi cho là rất rộng lượng của ông Somervell). Nhưng tôi không đối chiếu bản tóm lược này với bản gốc từng dòng một, đồng thời quyết định không thêm vào những đoạn mà ông Somervell đã lược bỏ, vì tôi tin rằng bản thân tác giả
https://thuviensach.vn
khó có thể là người nhận xét khách quan về những phần nào là cần thiết hay không cần thiết trong tác phẩm của mình.
Người tóm lược khéo léo luôn cung cấp cho tác giả một sự hỗ trợ quý báu mà tác giả không thể tự mình thực hiện được, và tôi tin chắc rằng độc giả đã từng đọc qua cuốn sách gốc khi đọc ấn bản này sẽ đồng ý điều đó. Khả năng văn chương của ông Somervell quả thực rất tài tình bởi ông đã thành công trong việc giữ được luận điểm của cuốn sách, trình bày phần lớn nội dung của nó bằng những từ ngữ nguyên bản, đồng thời tóm gọn sáu tập sách xuống chỉ còn một. Nếu tự đặt ra nhiệm vụ này cho bản thân mình, chính tôi cũng không thể hoàn thành được nó.
Tôi cảm thấy rất vinh dự khi cuốn sách được Nhà xuất bản Đại học Oxford phát hành đầy đủ. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn cô V.M Boulter, người thực hiện phần danh mục cho cuốn sách này cũng như các tập I đến III và IV đến VI trước đó.
ARNOLD J. TOYNBEE
1946
https://thuviensach.vn
LỜI NGƯỜI BIÊN TẬP
Cuốn Nghiên cứu lịch sử nhân loại của ông Toynbee trình bày một luận điểm đơn nhất và liền lạc về bản chất và mô hình lí tưởng của lịch sử nhân loại, kể từ khi hình thức xã hội gọi là nền văn minh lần đầu tiên xuất hiện. Luận điểm đó được minh họa, và trong giới hạn cho phép, được “chứng minh” tại mọi giai đoạn bằng những ví dụ sinh động rút ra từ toàn bộ chiều dài lịch sử nhân loại vốn đã được các nhà sử học thời nay ghi nhận. Một số ví dụ minh họa được phân tích hết sức chi tiết. Nhiệm vụ của người biên tập, cũng là bản chất và tôn chỉ của cuốn sách (chính là bản tóm lược) này, về cơ bản rất đơn giản, đó là duy trì nguyên vẹn luận điểm của tác giả dù chỉ trong một phát biểu vắn tắt, giảm bớt một số ví dụ nhất định, và giản lược, với tỉ lệ lớn hơn rất nhiều, các chi tiết được trình bày bên trong những ví dụ ấy.
Tôi mạo muội nghĩ rằng tập sách này giới thiệu một cách đầy đủ về quan điểm triết học lịch sử của ông Toynbee không kém gì sáu tập đã xuất bản trong công trình vẫn chưa hoàn tất của ông. Nếu không thì chắc chắn là ông Toynbee đã không tán thành việc phát hành nó. Nhưng tôi không dám cho rằng nó có thể thay thế cho tác phẩm gốc hoàn chỉnh. Về cơ bản, nó có thể là một sự thay thế chấp nhận được; nhưng để hài lòng thì chắc chắn là không, bởi lẽ phần lớn sức thu hút của ấn bản gốc tập trung ở sự phong phú trong các ví dụ minh họa. Người ta sẽ cảm thấy rằng chỉ có tác phẩm gốc đầy đủ mới xứng đáng với tầm cỡ của đề tài mà nó trình bày. Dẫu đã sử dụng rất nhiều câu và đoạn văn giống như bản gốc sao cho cân đối với bản tóm lược, nhưng tôi luôn cho rằng độc giả sẽ thấy bản gốc hấp dẫn hơn rất nhiều.
Toàn bộ bản thảo của tôi đã được ông Toynbee đọc kỹ và những đoạn thêm vào nói trên cùng toàn bộ phần còn lại đã được ông chấp thuận. Điều
https://thuviensach.vn
này không nhất thiết phải nêu ra ở đây hoặc ở các chú thích cuối trang trong tập sách. Tôi đề cập đến chúng đơn thuần vì một độc giả kỹ tính khi so sánh tập sách này với ấn bản gốc sẽ cảm thấy rằng, công việc biên tập như một trò chơi không tuân theo một thứ luật nghiêm ngặt nào cả. Cũng có một hoặc hai chỗ được thêm vào một vài câu, do ông Toynbee hoặc bản thân tôi, nhằm đề cập tới những sự kiện đã diễn ra kể từ khi ấn bản gốc được phát hành. Nhưng về tổng thể, khi xem ba tập đầu được phát hành vào năm 1933 và ba tập còn lại được phát hành vào năm 1939, tôi cảm thấy thật kỳ diệu vì mình chỉ phải tốn rất ít công sức cho một công trình đồ sộ đáng ngưỡng phục của A.J Toynbee. Điều đó càng nói lên giá trị nội dung được trình bày với một phương pháp tiếp cận khoa học để lý giải các sự kiện lịch sử một cách rõ ràng và cụ thể.
D.C SOMERVELL
https://thuviensach.vn
CHƯƠNG 1
GIỚI THIỆU
I. NGHIÊN CỨU VỀ LỊCH SỬ
Các nhà sử học thường tập trung minh họa nhiều hơn là hiệu chỉnh lại cho đúng những định nghĩa về xã hội loài người mà trong đó họ đang sống và làm việc. Sự phát triển mạnh mẽ của nhiều nước trong vài thế kỷ qua, cụ thể hơn là trong vài thập niên gần đây khiến họ lựa chọn các quốc gia như là một lĩnh vực của bộ môn nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên, không thể sử dụng một quốc gia hoặc hình thái quốc gia nào ở châu Âu để có thể giải thích tường tận bản chất lịch sử. Có chăng là đế quốc Anh. Nếu đế quốc Anh (trước đây là vương quốc Anh) không được coi là một bối cảnh nghiên cứu lịch sử lý tưởng, thì chúng ta có thể tự tin kết luận rằng, không một quốc gia hiện đại nào khác ở châu Âu đáp ứng được những yêu cầu đó.
Nhưng liệu lịch sử nước Anh có dễ hiểu hay không nếu chúng ta chỉ tìm hiểu một mình nó? Chúng ta có thể biết được lịch sử nội bộ của nước Anh từ những quan hệ của nó với các nước khác hay không? Nếu có, phải chăng những quan hệ đối ngoại này chỉ mang tầm quan trọng thứ yếu? Và trong khi phân tích những yếu tố nêu trên, liệu chúng ta có kết luận được rằng những tác động bên ngoài lên nước Anh nhẹ nhàng hơn ảnh hưởng của nước Anh đối với phần còn lại của thế giới? Nếu tất cả những câu trả lời trên đều là khẳng định, thì có lẽ chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, mặc dù sẽ không thể hiểu được lịch sử của các nước khác nếu bỏ qua mối quan hệ với Anh quốc, song ở một chừng mực nào đó, ta có thể hiểu được lịch sử nước Anh mà không cần xét đến mối quan hệ giữa nó với phần còn lại của thế giới. Cách tốt nhất để tiếp cận những vấn đề trên là lội ngược dòng lịch sử của nước Anh và nhớ lại những cột mốc chính. Theo thứ tự ngược dòng thời gian, chúng ta có những cột mốc sau:
https://thuviensach.vn
(a) Quá trình hình thành nền kinh tế công nghiệp (từ một phần tư cuối của thế kỷ 18);
(b) Quá trình hình thành chính phủ Lập hiến không chuyên chế (từ một phần tư cuối thế kỷ 17);
(c) Cuộc bành trướng lãnh thổ vượt đại dương (bắt đầu từ những năm đầu của nửa cuối thế kỷ 16 với những tên cướp biển và dần phát triển thành nền ngoại thương toàn cầu, sự chiếm hữu các thuộc địa nhiệt đới và sự thành lập một cộng đồng nói tiếng Anh mới ở những quốc gia ôn đới hải ngoại);
(d) Phong trào Cải cách (từ phần tư thứ hai của thế kỷ 16); (e) Thời kỳ Phục hưng, bao gồm mọi đổi thay về kinh tế, chính trị cũng như khoa học - nghệ thuật của cuộc vận động lịch sử này (từ phần tư cuối của thế kỷ 15);
(f) Sự thành lập chế độ phong kiến (từ thế kỷ 15);
(g) Cuộc cải đạo của người Anh từ tôn giáo của thời kỳ Anh hùng sang Cơ Đốc giáo phương Tây (từ cuối thế kỷ thứ 6).
Cái nhìn ngược dòng lịch sử Anh quốc cho thấy, càng lùi xa về quá khứ chúng ta càng ít tìm thấy bằng chứng về sự cô lập. Cuộc cải đạo ở thế kỷ thứ 6 - khởi điểm của tất cả những gì sẽ được viết trong lịch sử nước Anh - chính là sự tương phản với tính chất cô lập đã nói ở trên, vì đó là sự hợp nhất nửa tá cộng đồng người man di (người chưa được khai hóa và cải đạo - theo quan niệm bấy giờ) thành một xã hội Tây phương mới mẻ. Mầm mống của chế độ phong kiến được Vinogradoff minh chứng hùng hồn rằng đã đâm chồi trên mảnh đất Anh quốc màu mỡ từ trước cuộc chinh phạt của người Norman. Mặc dù vậy, sự phát triển này thực ra được hỗ trợ bởi một nhân tố bên ngoài, đó là những cuộc xâm lược của người Đan Mạch. Những cuộc xâm lược này là một phần của cái gọi là thời kỳ Völkerwanderung của người Scandinavia. Nó đồng thời là nguyên nhân hình thành chế độ phong kiến Pháp, và cuộc chinh phạt của người Norman rõ ràng đã đẩy nhanh sự ra đời của chế độ phong kiến châu Âu. Đến thời kỳ Phục hưng, phải thừa nhận rằng cả văn hóa lẫn chính trị của nước Anh đều
https://thuviensach.vn
đón nhận luồng sinh khí từ vùng Bắc Ý. Nếu chính thể chuyên chế và quân chủ không được vun trồng trong một phạm vi hẹp, tựa như gieo hạt trong một vườn ươm, và rồi sụp đổ trong khoảng từ năm 1275 tới 1475, thì chủ nghĩa nhân văn của Bắc Ý sẽ chẳng bao giờ bén rễ được ra ngoài khu vực phía bắc dãy Alps từ khoảng năm 1475 trở đi. Phong trào cải cách, một lần nữa không phải là một sự kiện trọng đại riêng của nước Anh, mà là xu thế chung của khu vực Tây Bắc Âu đấu tranh tách khỏi miền Nam, để vùng Tây Địa Trung Hải khỏi bị chìm vào diệt vong và quên lãng. Trong thời kỳ cải cách, Anh quốc không khởi xướng cũng không tham gia vào cuộc tranh đua giữa các nước châu Âu bên bờ Đại Tây Dương để được chiến lợi phẩm là những thế giới mới bên kia đại dương. Nó giành được phần thưởng nói trên với tư cách là một kẻ đến sau tương đối muộn đấu tranh với các “ông lớn” đi trước.
Còn lại hai cột mốc cuối cùng cần xem xét: sự hình thành hệ thống nghị viện và xã hội công nghiệp - những thứ thường được coi là đã trưởng thành trên chính mảnh đất Anh rồi sau đó mới phổ biến ra phần còn lại của thế giới. Nhưng các chuyên gia sử học không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.
Về hệ thống nghị viện, ngài Acton đã nói: “Lịch sử của một quốc gia nói chung phụ thuộc vào hoạt động của một số lực lượng, các lực lượng này không xuất phát từ quốc gia đó mà từ những căn nguyên rộng lớn hơn. Sự xuất hiện của chế độ quân chủ hiện đại ở Pháp là một phần của xu thế đã xảy ra tương tự tại Anh. Những người Bourbon và Stuart đều tuân theo một quy luật như nhau dù nhận được những kết quả khác nhau”, Nói cách khác, hệ thống nghị viện - kết quả nội bộ của Anh quốc - là sản phẩm của một lực lượng hoạt động không chỉ ở nước Anh mà đồng thời ở cả Anh và Pháp.
Về quá trình hình thành cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Anh, khó có thể trích dẫn lời của chuyên gia nào xác đáng hơn ông bà Hammond. Trong lời giới thiệu của cuốn Sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại, họ đưa ra quan điểm rằng, nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho cuộc
https://thuviensach.vn
cách mạng công nghiệp xuất hiện ở Anh quốc chứ không phải nơi nào khác trên thế giới đó là: địa vị tổng hợp của nước Anh trên thế giới vào thế kỷ 18, bao gồm vị trí địa lý của nó so với Đại Tây Dương và vị thế chính trị của nó trong cán cân quyền lực ở châu Âu. Vì vậy, có vẻ như lịch sử nước Anh chưa bao giờ và gần như chắc chắn sẽ không bao giờ là một “môi trường lý tưởng để nghiên cứu lịch sử”, nếu ta chỉ khảo sát nó một cách cô lập. Và nếu điều đó đúng với đế quốc Anh, chắc chắn nó cũng phải đúng với bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu.
Mặc dù kết quả là phủ định, song sự phân tích vắn tắt về lịch sử Anh quốc đã gợi cho chúng ta một manh mối. Những cột mốc mà chúng ta đã thảo luận khi đi ngược dòng lịch sử nước Anh chính là những chương có thật của sử học, nhưng những chương này đồng thời cũng là lịch sử của một hình thái xã hội chung mà đế quốc Anh chỉ là một phần trong đó, và những gì mà Anh quốc đã trải nghiệm đều có sự tham dự của các quốc gia khác. Cái gọi là “môi trường lý tưởng” thực ra đã trở thành một mô hình xã hội được cấu thành bởi nhiều cộng đồng các chủng tộc được đại diện không chỉ bởi bản thân đế quốc Anh mà còn có các nước Pháp và Tây Ban Nha, Hà Lan, các nước vùng Scandinavia, v.v… Câu trích dẫn của ngài Acton đã cho thấy mối quan hệ đó và cho ta một cái nhìn toàn cảnh.
Những lực lượng tác động không xuất phát từ dân tộc mà từ những căn nguyên rộng lớn hơn có mối liên hệ với nhau. Chúng sẽ không “dễ dàng để nghiên cứu” tí nào nếu ta chỉ xét riêng mà không có một cái nhìn toàn cảnh về tác động của chúng trong toàn xã hội. Những thành phần khác nhau chịu ảnh hưởng khác nhau từ các lực lượng, cho dù các lực lượng này có cùng một nguyên nhân tương đồng, bởi chúng sẽ đóng góp và tác động trở lại các lực lượng xuất phát từ nguyên nhân tương đồng đó theo cách khác nhau. Chúng ta có thể nói rằng, một xã hội phải đương đầu với nhiều vấn đề trong tiến trình phát triển của nó, thành công hay không là nhờ vào việc mỗi thành viên của nó tự mình giải quyết những vấn đề đó theo cách tốt nhất có thể. Sự xuất hiện của mỗi vấn đề là một thử thách phải chịu đựng, một thách thức phải vượt qua, và qua chuỗi thử thách này các thành
https://thuviensach.vn
viên trong xã hội dần định hình được sự khác biệt giữa chúng với các thành viên khác. Cuối cùng, ta sẽ không thể thấu hiểu ý nghĩa bất kỳ hành vi nào của một thành viên cụ thể dưới một thử thách cụ thể nếu không tính đến hành vi tương tự hoặc không tương tự của các thành viên khác, cũng như nếu không coi những thử thách liên tiếp ấy là một chuỗi sự kiện trong tiến trình phát triển của toàn bộ xã hội.
Phương pháp lý giải các sự kiện lịch sử này có lẽ sẽ rõ ràng hơn với một ví dụ cụ thể, xuất phát từ lịch sử của các quốc gia - đô thị Hy Lạp cổ trong vòng bốn thế kỷ từ năm 725-325 trước CN.
Không lâu sau thời điểm khởi đầu thời kỳ này, tất cả thành viên trong rất nhiều đô thị nói trên đều phải đối mặt với áp lực dân số đè nặng lên sinh kế. Phương tiện mưu sinh của người Hy Lạp cổ lúc bấy giờ hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào việc trồng trọt một số sản phẩm nông nghiệp để tiêu thụ trong gia đình. Khi cơn khủng hoảng lương thực xảy ra, chính quyền các thành phố khác nhau đã chống chọi với nó theo những cách khác nhau.
Một số thành phố, như Corinth và Chalcis, cắt giảm dân số dư thừa bằng cách chiếm đóng những khu vực canh tác nông nghiệp ở hải ngoại như đảo Sicily, miền Nam nước Ý, đảo Thrace và những nơi khác làm thuộc địa. Do đó, có thể nói những vùng thuộc địa của Hy Lạp cổ được thành lập đơn giản là nhằm mở rộng vùng lãnh thổ địa lý của xã hội Hy Lạp cổ mà vẫn không thay đổi đặc tính của nó. Ngược lại, một số cộng đồng khác chọn giải pháp thay đổi cách sống của họ.
Ví dụ như Sparta, đã thỏa mãn cơn khát đất của các công dân bằng cách tấn công và chinh phạt những người láng giềng Hy Lạp gần nhất. Kết quả là Sparta chỉ giành được thêm đất đai với cái giá phải trả là những cuộc chiến tranh dai dẳng với các nước lân cận. Để tránh những cuộc chiến tranh liên miên ấy, chính quyền Sparta buộc phải quân sự hóa đời sống của người dân từ trên xuống dưới, bằng cách thành lập và thích nghi với những tổ chức đồng minh nguyên thủy, thường là với một số cộng đồng Hy Lạp gần đó, trong khi tại những khu vực khác, hình thức liên minh này đang dần biến mất.
https://thuviensach.vn
Athens lại giải quyết vấn đề dân số theo một cách khác. Nó không chỉ tiến hành chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp mà còn khai sinh ra nền sản xuất hàng hóa để xuất khẩu và sau đó phát triển các cơ quan chính trị để chia sẻ quyền lực chính trị một cách công bằng cho các tầng lớp mới nảy sinh từ những cải cách kinh tế này.
Nói cách khác, chính quyền Athens đã ngăn chặn một cuộc cách mạng xã hội bằng cách thực hiện thành công một cuộc cách mạng kinh tế và chính trị. Khám phá ra giải pháp cho vấn đề khủng hoảng lương thực đang diễn ra trên diện rộng ấy, người Athens đã tình cờ mở ra một con đường mới cấp tiến cho toàn bộ xã hội Hy Lạp cổ. Đó chính là lý do vì sao Pericles, khi nói về Athens giàu có của mình đã khẳng định rằng nó là “tấm gương giáo dục cho toàn Hy Lạp”.
Với cách nhìn tổng thể đang được bàn đến ở đây, ta không chọn Athens, Sparta, Corinth hay Chalcis, mà là toàn bộ xã hội Hy Lạp cổ làm trọng tâm, để có thể đồng thời hiểu được ý nghĩa của lịch sử các cộng đồng tồn tại trong thời kỳ từ 725-325 trước CN cũng như của sự chuyển tiếp từ thời kỳ này sang thời kỳ tiếp theo. Những câu hỏi nêu ra ở đây sẽ chẳng có lời giải đáp dễ dàng nào nếu chúng ta tìm kiếm đáp án qua việc nghiên cứu cô lập lịch sử của người Chalcis, người Corinth, người Sparta hay người Athens. Từ quan điểm này, chúng ta thấy có thể xem như lịch sử của người Chalcis và người Corinth diễn biến theo một lôgic bình thường trong khi người Sparta và người Athens đã không đi theo lối mòn đó mà bước sang con đường khác. Không thể giải thích ngã rẽ này bắt đầu từ đâu, và các sử gia cố gắng lý giải bằng cách gợi ý rằng người Sparta và Athens vốn đã khác với những người Hy Lạp cổ khác nhờ sở hữu những phẩm chất bẩm sinh đặc biệt tư buổi bình minh của lịch sử Hy Lạp cổ.
Điều này cũng tương đương với việc giải thích sự phát triển của người Sparta và Athens bằng cách thừa nhận rằng chẳng có sự phát triển nào cả và rằng hai cộng đồng người Hy Lạp cổ đó vốn vẫn đặc biệt từ đầu tới cuối câu chuyện. Tuy nhiên, giả thuyết đó mâu thuẫn với thực tế lịch sử đã được chứng minh. Hãy lấy ví dụ về thành phố Sparta, những cuộc khai quật do
https://thuviensach.vn
Trường Khảo cổ Anh quốc tiến hành tại Athens đã cung cấp bằng chứng rất thuyết phục rằng đến tận giữa thế kỷ thứ 6 trước CN, cuộc sống của người Sparta vẫn không có gì khác biệt so với các cộng đồng người Hy Lạp khác. Những điểm đặc biệt của Athens cũng vậy, khi nó giao tiếp với toàn bộ thế giới Hy Lạp cổ trong thời kỳ được mệnh danh là Hy Lạp cổ đại (trái với Sparta, đã được chứng minh là lâm vào ngõ cụt), nó vẫn giống như phần đông cộng đồng Hy Lạp khác, nguyên do này chỉ có thể hiểu được từ cái nhìn tổng thể mà thôi. Ta cũng có điểm khác biệt tương tự giữa Venice, Milan, Genoa và những thành phố khác ở vùng Bắc Ý trong thời kỳ Trung cổ và sự khác biệt giữa Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, đế quốc Anh và những quốc gia khác ở phương Tây trong thời kỳ gần đây hơn. Để hiểu được các thành phần, đầu tiên chúng ta phải tập trung chú ý vào tổng thể, vì chính cái tổng thể này là môi trường để ta dễ dàng nghiên cứu. Thế nhưng khái niệm “tổng thể” - thứ hình thành nên các môi trường nghiên cứu lý tưởng này là gì? Và làm thế nào để khám phá ra những biên giới không gian và thời gian của chúng? Ta hãy quay trở lại với bảng tóm tắt các cột mốc quan trọng trong lịch sử Anh quốc, và xem thử khái niệm tổng thể nào sẽ được thành lập để cấu thành “môi trường lý tưởng” mà lịch sử nước Anh là một phần trong đó.
Nếu bắt đầu với cột mốc gần đây nhất - đó là sự hình thành xã hội công nghiệp, chúng ta thấy rằng không gian địa lý của “môi trường nghiên cứu lý tưởng” có thể phỏng đoán là toàn cầu. Để giải thích cuộc Cách mạng công nghiệp ở nước Anh, chúng ta phải quan tâm đến những điều kiện kinh tế không chỉ ở Tây Âu mà cả ở châu Phi nhiệt đới, châu Mỹ, Nga, Ấn Độ và vùng Viễn Đông. Tuy nhiên, khi chúng ta quay trở lại với hệ thống nghị viện và những sự kiện trước đó, và đi từ kinh tế đến chính trị, thì phạm vi của chúng ta đã thu hẹp lại. “Quy luật” mà “người Bourbon lẫn người Stuart đều tuân theo” (theo lối của ngài Acton) ở Pháp và Anh không có ảnh hưởng gì lên người Romanov ở Nga, người Osmanli ở Thổ Nhĩ Kỳ, người Timurid ở Hindustan, người Mãn Thanh ở Trung Hoa hoặc người Tokugawa ở Nhật Bản… Lịch sử chính trị của những quốc gia này không
https://thuviensach.vn
thể giải thích theo lối tương tự. Đến đây chúng ta gặp phải một giới hạn, “quy luật” mà “người Bourbon lẫn người Stuart đều tuân theo” có ảnh hưởng trải rộng qua các nước thuộc khu vực Tây Âu và cả những cộng đồng thuộc địa mới bên kia đại dương của thực dân Tây Âu, nhưng nó không vươn tới được khu vực ở biên giới phía tây của nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Phía đông của ranh giới này vào lúc đó tuân theo các quy luật chính trị khác và có những kết quả khác.
Nếu trở lui đến những cột mốc đầu tiên của lịch sử Anh quốc trong danh sách trên, chúng ta sẽ thấy sự bành trướng vượt đại dương không chỉ giới hạn trong phạm vi các nước Tây Âu mà gần như diễn ra với toàn bộ các nước nằm trên bờ Đại Tây Dương. Trong khi nghiên cứu lịch sử thời kỳ Cải cách và thời Phục hưng, chúng ta có thể bỏ qua sự phát triển tôn giáo và văn hóa ở Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Chế độ phong kiến Tây Âu không có quan hệ tương tác với những hiện tượng phong kiến được phát hiện ở các cộng đồng Byzantine và Hồi giáo đương thời.
Cuối cùng, cuộc cải đạo của người Anh sang Cơ Đốc giáo Tây phương công nhận chúng ta là một xã hội, đồng thời phải trả giá là loại bỏ khả năng của chúng ta gia nhập các xã hội khác. Cho tới Đại hội tôn giáo ở Whitby năm 664, người Anh vẫn có thể cải đạo thành “Cơ Đốc giáo Viễn Tây” thuộc “vành đai Celtic”. Thậm chí người Anh đã có thể gia nhập cùng với những người xứ Wales và Ái Nhĩ Lan để thành lập một giáo hội Cơ Đốc mới bên ngoài giáo hội Rome, giáo hội này thực chất giống như một alter orbis - thế giới của người Nestoria trên vành đai Viễn Đông của Cơ Đốc giáo. Điều này là một sai lầm theo như lời truyền dạy của thánh Augustine. Sau này, khi các nước Ả Rập Hồi giáo xuất hiện trên bờ Đại Tây Dương, các hệ phái Cơ Đốc giáo Viễn Tây của đảo quốc sương mù có thể đã bị chia cắt hoàn toàn như Cơ Đốc giáo ở Abyssinia hoặc Trung Á với những hệ phái đồng đạo với họ trên lục địa châu Âu. Hoặc cũng có thể họ đã bị cải đạo thành Hồi giáo, như tình cảnh của nhiều người Monophysite và Nestoria khi vùng Trung Đông chịu sự thống trị của người Ả Rập. Những giả thuyết lựa chọn này có thể bị phủ định như những điều không tưởng,
https://thuviensach.vn
nhưng sự suy ngẫm về chúng nhắc chúng ta nhớ rằng, mặc dù cuộc cải đạo năm 597 đã biến chúng ta thành một phần của xã hội Cơ Đốc giáo Tây phương, song nó không biến chúng ta thành một chủng tộc khác mà chỉ vạch ra một đường phân tuyến chia rẽ sâu sắc giữa chúng ta, những người Cơ Đốc giáo phương Tây với những tín đồ của các cộng đồng tôn giáo khác.
Sự xem xét lần thứ hai về các cột mốc trong lịch sử Anh quốc đã cung cấp cho chúng ta phương tiện để xác định các điển hình không gian, tại nhiều thời điểm khác nhau của xã hội trong đó có đế quốc Anh, và đâu là “môi trường lý tưởng để nghiên cứu lịch sử” như những gì liên quan đến đế quốc Anh. Khi tiếp cận những mẫu điển hình này, chúng ta sẽ phải phân biệt những điểm khác biệt hiển nhiên của đời sống xã hội - kinh tế, chính trị và văn hóa, vì rõ ràng là sự mở rộng không gian xã hội có những khác biệt rõ rệt với những gì chúng ta đang tập trung chú ý. Ngày nay, trên lĩnh vực kinh tế xã hội, đế quốc Anh, rõ ràng có ảnh hưởng rất lớn trên thế giới. Về lĩnh vực chính trị, một lần nữa điều đó gần như hiển nhiên. Tuy nhiên, khi chuyển sang lĩnh vực văn hóa thì sự bành trướng của đế quốc Anh nhỏ hơn rất nhiều. Về cơ bản, nó bị giới hạn ở các quốc gia của những người theo Thiên Chúa giáo và đạo Tin Lành ở Tây Âu, Mỹ và Nam Hải. Bất chấp những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài như văn học Nga, tranh vẽ Trung Hoa, tôn giáo Ấn Độ đối với xã hội chúng ta, và bất chấp ảnh hưởng văn hóa mạnh mẽ hơn nhiều của xã hội chúng ta lên các cộng đồng khác, chẳng hạn như Cơ Đốc giáo Chính thống và Cơ Đốc giáo phương Đông, Hồi giáo, Ấn giáo và những người ở vùng Viễn Đông, rõ ràng là tất cả họ vẫn ở bên ngoài cái thế giới mà chúng ta đang thuộc về.
Nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về những thời đại trước, chúng ta sẽ thấy rằng, ở cả ba lĩnh vực, giới hạn địa lý của xã hội mà chúng ta đang phân tích từ từ bị thu hẹp lại. Điển hình vào năm 1675, mặc dù sự thu hẹp có thể không rõ rệt lắm trên lĩnh vực kinh tế (ít nhất nếu chúng ta tự giới hạn mình khỏi tầm mở rộng của nền thương mại và bỏ qua số lượng và nội dung của nó), song các đường ranh giới của lĩnh vực chính trị co lại cho tới khi
https://thuviensach.vn
chúng gần trùng khớp với những đường ranh giới của lĩnh vực văn hóa ngày nay. Ví dụ năm 1475, những vùng hải ngoại biến mất ở cả ba lĩnh vực, và ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, các đường ranh giới cũng thu hẹp cho tới khi gần trùng khớp với những đường ranh giới của lĩnh vực văn hóa, giờ đây bị giới hạn ở Tây và Trung Âu - ngoại trừ một chuỗi các căn cứ quân sự sau đó đã sụp đổ rất nhanh trên các bờ đông biển Địa Trung Hải. Khảo sát năm 775, các đường ranh giới vẫn tiếp tục bị thu hẹp trên cả ba lĩnh vực. Vào thời điểm đó, lãnh địa của chúng ta gần như bị giới hạn trong khu vực của Charlemagne cùng với “những thể chế kế thừa” từ Đế chế La Mã ở Anh. Bên ngoài phạm vi này, gần như toàn bộ vùng bán đảo Iberian thời kỳ đó thuộc về lãnh thổ của Caliphate Ả Rập Hồi giáo, Bắc và Đông-Bắc Âu rơi vào tay những người man di chưa cải đạo, bìa phía Tây Bắc của đảo quốc Anh bị chiếm hữu bởi những người Cơ Đốc giáo “Viễn Tây”, và vùng Nam Ý nằm dưới quyền thống trị của người Byzantine.
Ta hãy gọi xã hội mà chúng ta vẫn đang nghiên cứu về giới hạn không gian là cộng đồng Cơ Đốc Tây phương, và ngay khi chúng ta cố gắng hình dung để tìm cho nó một cái tên, thì hình ảnh và tên của các bản sao từ xã hội này trong thế giới đương thời cũng cần phải được xem xét cùng với nó, đặc biệt khi chúng ta chú ý đến lĩnh vực văn hóa. Ở lĩnh vực văn hóa này, chúng ta có thể phân biệt không nhầm lẫn sự hiện diện của thế giới ngày nay với ít nhất là bốn cộng đồng khác đang tồn tại với cùng hình thái xã hội như chúng ta:
(I) Xã hội Cơ Đốc Chính thống ở Đông Nam Âu và Nga;
(II) Xã hội Hồi giáo tập trung trong khu vực sa mạc trải dài theo đường chéo qua Bắc Phi và vùng Trung Đông từ Đại Tây Dương tới phía ngoài Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc;
(III) Xã hội Ấn giáo ở vùng bán lục địa nhiệt đới của Ấn Độ; (IV) Xã hội Viễn Đông trong những khu vực cận nhiệt đới và ôn đới nằm giữa vùng sa mạc và Thái Bình Dương.
Nếu khảo sát kỹ hơn, chúng ta còn có thể nhận thấy hai nhóm tàn tích của các cộng đồng tương tự nay đã không còn. Nhóm thứ nhất bao gồm
https://thuviensach.vn
những người Cơ Đốc giáo Monophysite ở Armenia, Mesopotamia, Ai Cập và Abyssinia, cùng với những người Cơ Đốc giáo Nestoria ở Kurdistan và những người cựu Nestoria ở Malabar, cũng như các tín đồ Do Thái giáo và người theo đạo Parsee; nhóm thứ hai bao gồm các tín đồ Phật giáo Lạt ma Đại thừa ở Tây Tạng và Mông Cổ cùng với Phật giáo Tiểu thừa ở Ceylon, Burma, Siam và Campuchia, cùng với các tín đồ đạo Jain ở Ấn Độ.
Một điều thú vị cần lưu ý là khi trở về với điển hình năm 775 trước CN, chúng ta phát hiện ra rằng, số lượng và đặc điểm nhận diện của các cộng đồng trên bản đồ thế giới lúc đó gần như tương đồng với ngày nay. Về căn bản, bản đồ thế giới của các cộng đồng này đã không thay đổi kể từ lần xuất hiện đầu tiên của xã hội phương Tây. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, xã hội phương Tây đã dồn các đối thủ đương thời của nó vào chân tường và phong tỏa chúng bằng uy thế kinh tế và chính trị, nhưng nó vẫn chưa thể buộc chúng đầu hàng về mặt văn hóa. Dù phải chịu sức ép nặng nề, nhưng chúng vẫn giữ được linh hồn của mình.
Kết thúc luận điểm này, chúng ta có thể kết luận như sau: cần phân biệt rõ ràng giữa hai mối quan hệ: mối quan hệ giữa các cộng đồng trong cùng một xã hội và những mối quan hệ giữa các xã hội với nhau.
Và giờ đây, sau khi khảo sát sự bành trướng của xã hội Tây phương về không gian, chúng ta cần phải xem xét sự bành trướng của nó về mặt thời gian. Lần này chúng ta gặp phải thực tế là không thể biết trước tương lai của nó, thực tế ấy đã hạn chế rất nhiều lượng kiến thức về xã hội phương Tây, hay về bất kỳ một xã hội nào khác đang tồn tại mà nghiên cứu của chúng ta có thể phải khảo sát. Do đó, chúng ta đành phải tự hài lòng với việc tìm hiểu điểm khởi đầu của xã hội Tây phương này.
Khi lãnh thổ của Charlemagne bị chia xẻ giữa ba người cháu trai của ông sau hiệp ước Verdun năm 843, Lothaire - người cháu lớn nhất - đã được quyền sở hữu hai thủ phủ Aachen và Rome và ở giữa, nối liền hai phần lãnh thổ này, Lothaire được chia một vùng đất băng ngang qua bề mặt Tây Âu từ cửa sông Tiber và sông Po đến cửa sông Rhine. Lãnh thổ của Lothaire vẫn được coi là một trong những khu vực có vị trí địa lý và quá
https://thuviensach.vn
trình lịch sử đáng quan tâm nhất. Ba anh em Carolingian đã đúng khi tin rằng đó là vùng đất có tầm quan trọng đặc biệt của châu Âu chúng ta, bởi dẫu tương lai có thế nào chăng nữa, nó cũng đã có một quá khứ hào hùng ở sau lưng.
Cả Lothaire và ông nội của ông đều cai trị từ Aachen tới Rome với danh hiệu Hoàng đế La Mã, và bức tường trải dài từ Rome băng qua dãy Alps tới Aachen (và tiếp tục kéo dài từ Aachen băng qua eo biển đến Bức tường La Mã) đã từng là một trong những bức tường thành thiết yếu của Đế chế La Mã. Bằng cách xây dựng một con đường thông thương với tây bắc từ Rome băng qua dãy Alps, thiết lập một biên giới quân sự trên bờ tây sông Rhine, và che chắn sườn bên trái của đường biên giới đó bằng cách thôn tính vùng phía Nam nước Anh, người La Mã đã chia cắt mũi phía tây của phần lục địa châu Âu bên kia dãy Alps và sáp nhập nó vào một đế chế gần như tiếp giáp với thung lũng Địa Trung Hải, ngoại trừ trong phần tư thế kỷ này. Do vậy, đường biên giới bao quanh lãnh thổ của Lothaire đã gia nhập vào cấu trúc địa lý của Đế chế La Mã từ trước thời Lothaire cũng như của xã hội Tây phương sau đó, nhưng chức năng của đường biên giới này đối với Đế chế La Mã và xã hội Tây phương về sau là không giống nhau. Thời Đế chế La Mã, nó là đường biên giới, còn sau này với chúng ta, nó là nền tảng của cuộc bành trướng không chỉ về hai phía mà theo mọi hướng. Trong suốt giấc ngủ dài của hai khoảng thời gian này, (khoảng 375-675 CN), nghĩa là giữa sự suy tàn của Đế chế La Mã và xã hội Tây phương chúng ta dần dần hình thành, một chiếc xương sườn của xã hội cũ đã được tách ra và nhào nặn thành cột sống của sinh vật mới cùng chủng loài.
Rõ ràng là, trong khi tìm hiểu xã hội phương Tây từ sau năm 775, chúng ta bắt đầu thấy nó phô bày một điều khác hơn những khái niệm của chính bản thân nó - đó là khái niệm về Đế chế La Mã và xã hội của đế chế đó. Nó cũng cho ta thấy rằng, bất kỳ yếu tố nào mà chúng ta có thể lần theo dấu vết, từ lịch sử Tây phương đến lịch sử xã hội cổ xưa đó cũng có thể mang những chức năng khác nhau trong hai sự kết hợp khác nhau này.
https://thuviensach.vn
Vùng lãnh thổ của Lothaire trở thành nền tảng của xã hội phương Tây là do Thiên Chúa giáo khi tiến về phía biên giới La Mã, đã gặp phải áp lực của người man di đến từ “vùng đất hoang”, và dần dần khai sinh ra một xã hội mới. Do đó, trong quá trình lần theo gốc rễ của nó trong quá khứ, dựa vào quan điểm này, một sử gia phương Tây tập trung chú ý vào lịch sử Thiên Chúa giáo và của người man di. Ông ta nhận thấy có thể đi theo dấu vết cả hai dòng lịch sử này cho đến tận các cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị trong hai thế kỷ cuối trước CN, khi xã hội Hy Lạp - La Mã cổ đại bị sụp đổ do chấn động khủng khiếp từ cuộc chiến Hannibal. Vì sao đế quốc La Mã vươn cánh tay dài của nó về hướng tây bắc và thâu tóm góc phía tây của phần châu Âu bên kia dãy Alps? Vì nó đã bị dẫn dắt về hướng đó do cuộc đấu tranh một mất một còn với Carthage. Vì sao sau khi đã vượt dãy Alps nó dừng lại ở sông Rhine? Vì đến thời kỳ Augustus, sức sống của nó đã kiệt quệ sau hai thế kỷ chiến tranh và đảo chính. Vì sao người man di cuối cùng đã tràn qua biên giới? Bởi vì, khi sự cách biệt giữa một xã hội văn minh và một xã hội kém văn minh hơn ngừng lại, và cán cân thăng bằng không ổn định mà nghiêng về một bên, thì thời gian sẽ ưu ái cho xã hội hoang sơ hơn. Vì sao, khi người man di tràn qua biên giới, họ lại chạm trán với giáo hội ở phía bên kia? Có hai nguyên nhân: Về mặt vật chất, do các cuộc cách mạng về kinh tế và xã hội theo sau chiến tranh Hannibal đã đem về vô số nô lệ phương Đông để làm việc ở những khu vực bị tàn phá của phương Tây, và cuộc di cư bất đắc dĩ của các lao động phương Đông này đã kéo theo một quá trình thâm nhập ôn hòa của các tôn giáo Đông phương vào xã hội Hy Lạp - La Mã. Về mặt tinh thần, là do các tôn giáo này với lời hứa của họ về một sự cứu rỗi cá nhân ở một “thế giới khác”, đã tìm thấy những vùng đất bỏ hoang để gieo trồng trong tâm hồn của một “tầng lớp thống trị” vốn đã thất bại trong “thế giới trần thế”, hòng mong cứu vãn vận mệnh của xã hội Hy Lạp - La Mã.
Trái lại, đối với một nhà nghiên cứu lịch sử Hy Lạp - La Mã, cả những người Cơ Đốc giáo lẫn người man di đều hiện diện như những sinh vật của một thế giới cặn bã - được gọi là “giai cấp bị trị”![1]- trong và ngoài xã hội
https://thuviensach.vn
Hy Lạp - La Mã (hoặc có thể sử dụng một khái niệm rộng hơn là Hy Lạp cổ). Ông ta sẽ chỉ ra rằng những bậc thầy về văn hóa Hy Lạp cổ, trước và kể cả Marcus Aurelius, gần như đều bỏ qua sự hiện diện của họ. Ông ta sẽ chẩn đoán cả Giáo hội Cơ Đốc giáo lẫn những binh đoàn người man di là những cơn bạo bệnh chỉ xuất hiện trong cơ thể của xã hội Hy Lạp cổ sau khi tình trạng sức khỏe của nó đã bị bào mòn dần do cuộc chiến Hannibal.
Cuộc điều tra này cho phép chúng ta vẽ ra một kết luận tích cực về sự bành trướng ngược thời gian của xã hội Tây phương. Cuộc đời của xã hội đó, mặc dù dài hơn bất kỳ một quốc gia riêng lẻ nào thuộc về nó, nhưng cũng không tồn tại lâu hơn thời gian tồn tại của các chủng tộc đại diện cho nó. Khi lần theo dòng lịch sử, trở về khởi thủy của nó, chúng ta sẽ chạm tới giai đoạn cuối cùng của một xã hội khác, mà khởi thủy của xã hội này rõ ràng là nằm xa hơn nhiều trong quá khứ. Tính liên tục của lịch sử - một cụm từ có thể chấp nhận được sử dụng - không phải là tính liên tục như cuộc đời của một cá thể đơn lẻ. Nó là sự liên tục cấu thành bởi những vòng đời của các thế hệ nối tiếp nhau, và mối quan hệ giữa xã hội Tây phương chúng ta với xã hội Hy Lạp cổ có thể so sánh (tuy hơi khập khiễng) như mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ.
Nếu luận điểm về đề tài này được chấp nhận thì chúng ta sẽ đồng ý rằng, “môi trường lý tưởng” để nghiên cứu lịch sử không phải là một hình thái dân tộc, cũng không phải là toàn bộ nhân loại, đó là một nhóm nhất định của nhân loại mà chúng ta gọi là một xã hội. Chúng ta đã phát hiện năm hình thái xã hội như vậy vẫn tồn tại cho tới ngày nay, cùng với những bằng chứng lịch sử vụn vặt của các xã hội đã bị diệt vong và biến mất. Và trong khi khám phá các hoàn cảnh khai sinh một trong những xã hội còn tồn tại đến ngày nay (chính là xã hội của chúng ta), chúng ta đã đặt chân lên nấm mồ của một xã hội rất đáng chú ý khác mà giữa nó với xã hội của chúng ta tồn tại một mối quan hệ cha con; trong đó xã hội của chúng ta đóng vai trò là “con”. Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ cố gắng lập ra một danh sách hoàn chỉnh các xã hội theo kiểu nêu trên được biết là đã từng tồn tại trên hành tinh này và trình bày mối quan hệ giữa chúng với nhau.
https://thuviensach.vn
II. NGHIÊN CỨU SO SÁNH CÁC NỀN VĂN MINH Chúng ta đã phát hiện rằng xã hội (hay nền văn minh) phương Tây là hậu duệ của một xã hội tiền đề. Phương pháp hiển nhiên để theo đuổi cuộc tìm kiếm những xã hội tương đồng xa hơn sẽ là xem xét ví dụ những xã hội khác đang cùng tồn tại, đó là cộng đồng Cơ Đốc giáo Chính thống, cộng đồng Hồi giáo, cộng đồng Ấn giáo và cộng đồng Viễn Đông, và xem thử liệu chúng ta có thể phát hiện ra “cha mẹ” của những xã hội đó hay không. Nhưng trước khi tiến hành cuộc tìm kiếm này, chúng ta phải làm rõ mình đang tìm kiếm điều gì, nói cách khác, đâu là những dấu hiệu của mối quan hệ trực hệ mà chúng ta có thể chấp nhận làm chứng cứ vững chắc. Và thực ra thì chúng ta tìm thấy những dấu hiệu nào của một mối quan hệ tương tự như giữa xã hội của chúng ta với xã hội Hy Lạp cổ? Hiện tượng đầu tiên là một nhà nước trung ương (tức Đế chế La Mã) đã hợp nhất toàn bộ xã hội Hy Lạp cổ thành một cộng đồng chính trị đơn nhất trong giai đoạn cuối của lịch sử xã hội này. Sự kiện này rất đáng quan tâm, vì nó đối nghịch rõ rệt với hiện tượng vô số chính quyền địa phương của Hy Lạp cổ đại đã bị phân chia trước khi Đế chế La Mã xuất hiện, và nó cũng đối nghịch rõ rệt không kém với việc vô số quốc gia của xã hội phương Tây được phân chia cho tới nay. Tiến xa hơn nữa, chúng ta thấy rằng ngay trước Đế chế La Mã là một thời kỳ loạn lạc, kéo dài (ngược chiều thời gian) ít nhất là tới cuộc chiến Hannibal. Trong thời kỳ này, xã hội Hy Lạp cổ không còn phát triển mà suy tàn rõ rệt, sự hình thành Đế chế La Mã đã ngăn chặn sự suy tàn đó trong một thời gian. Nhưng khoảng thời gian đó cuối cùng cũng đã chứng minh rõ ràng rằng, đó là triệu chứng của một căn bệnh nan у đang hủy hoại xã hội Hy Lạp cổ cũng như Đế chế La Mã. Một lần nữa, sự sụp đổ của Đế chế La Mã được tiếp nối bởi một khoảng dừng, hay một thời kỳ quá độ giữa thời điểm biến mất của xã hội Hy Lạp cổ và sự xuất hiện của xã hội Tây phương.
Khoảng dừng này được lấp đầy với các hoạt động của hai tổ chức: Giáo hội Cơ Đốc giáo, được thành lập trong và tồn tại qua thời Đế chế La
https://thuviensach.vn
Mã, và một số triều đại kế thừa sớm nở tối tàn mọc lên từ những vùng lãnh thổ cũ của Đế chế trong thời kỳ gọi là Völkerwanderung của những người man di đến từ “vùng đất hoang” phía bên kia các đường biên giới của đế chế. Chúng ta đã từng mô tả hai lực lượng này là giai cấp bị trị trong nước và giai cấp bị trị nước ngoài của xã hội Hy Lạp cổ. Mặc dù khác nhau về mọi mặt, song họ giống nhau ở chỗ phải chịu sự khinh rẻ từ tầng lớp thống trị của xã hội Hy Lạp cổ, những tầng lớp thống trị của xã hội cũ đã mất phương hướng và mất quyền lãnh đạo. Sự thật là, Đế chế La Mã sụp đổ còn Giáo hội thì tồn tại, chỉ vì Giáo hội cho đi quyền lãnh đạo để nhận về lòng trung thành trong khi Đế chế La Mã đánh mất cả hai mặt nói trên. Vì thế mà Giáo hội, một thành viên “sống sót” từ một xã hội bị diệt vong, đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng cho một xã hội mới ra đời.
Vậy đâu là vai trò của những nhân tố khác trong mối quan hệ trực hệ của xã hội chúng ta trong giai đoạn quá độ, bắt nguồn từ thời kỳ Völkerwanderung, thời kỳ mà những kẻ bị trị ngoại bang tràn xuống từ phía bên kia đường biên giới của xã hội cũ - bao gồm người German và người Slav từ khu vực rừng Bắc Âu, người Sarmatia và người rợ Hung nô từ thảo nguyên Á-Âu, người Saracen từ bán đảo Ả Rập, người Berber từ dãy Atlas và sa mạc Sahara - những chính quyền thừa kế sớm nở tối tàn đã cùng Giáo hội chia sẻ sân khấu lịch sử trong suốt thời kỳ quá độ hay còn gọi là thời kỳ Anh hùng? So với Giáo hội, sự đóng góp của họ mang tính tiêu cực và không đáng kể. Hầu như tất cả họ đều bị tiêu diệt bằng bạo lực trước khi thời kỳ quá độ kết thúc. Người Vandal và Ostrogoth bị đánh bại hoàn toàn trong những cuộc phản công của Đế chế La Mã đang suy tàn. Lan bùng lên cuối cùng của ngọn lửa La Mã cũng đủ để thiêu cháy tất cả những chú thiêu thân đáng thương này. Những nhóm khác bị tiêu diệt trong những trận chiến huynh đệ tương tàn: chẳng hạn như người Visigoth, nhận đòn đầu tiên từ người Frank và đòn kết liễu từ người Ả Rập. Số ít còn tồn tại trong cuộc đấu tranh sinh tồn giữa các xã hội này dần dần bị thoái hóa và sống vất vưởng cho tới khi bị dập tắt bởi các lực lượng chính trị mới sở hữu sức mạnh không thể thiếu. Do đó mà các vương triều Merovingian và Lombard
https://thuviensach.vn
đã bị lực lượng mà sẽ là “kiến trúc sư” kiến tạo ra Đế chế Charlemagne, quét sạch. Chỉ có hai trong số “chính quyền thừa kế” của Đế chế La Mã cho thấy có các hâu duệ trực hệ trong số những quốc gia thuộc Âu châu hiện đại, đó là chính quyền Austrasia Frank do Charlemagne sáng lập và chính quyền Wessex của Alfred.
Do vậy mà thời kỳ Völkerwanderung và các sản phẩm sớm nở tối tàn của nó, giống như Giáo hội và Đế chế La Mã, đều là dấu hiệu của mối quan hệ trực hệ giữa xã hội Tây phương và xã hội Hy Lạp cổ, nhưng giống như Đế chế La Mã và khác với Giáo hội, chúng chỉ là các dấu hiệu và không hơn gì thế. Khi chuyển từ nghiên cứu về dấu hiệu sang nghiên cứu về căn nguyên, chúng ta sẽ thấy rằng, trong khi Giáo hội thuộc về cả tương lai lẫn quá khứ, thì các thể chế thừa kế của người man di, cũng như Đế chế La Mã, hoàn toàn thuộc về quá khứ. Sự sinh sôi của chúng đơn thuần là hệ quả của sự sụp đổ Đế chế La Mã, và sự sụp đổ đó là dấu hiệu cảnh báo hiển nhiên cho sự sụp đổ của chính bản thân chúng.
Việc đánh giá thấp đóng góp của người man di đối với xã hội Tây phương của chúng ta chắc hẳn gây sốc cho các nhà sử học phương Tây của thế hệ trước (chẳng hạn như Freeman), những người luôn coi tổ chức chính quyền Lập hiến là sự phát triển từ một số tổ chức tự trị nhất định mà họ cho rằng các bộ lạc của người Teuton đã mang theo từ “vùng đất hoang”. Nhưng các tổ chức Teuton nguyên thủy này, nếu chúng có tồn tại, cũng chỉ là các tổ chức sơ khai mang đặc tính của người nguyên thủy hầu như mọi nơi và mọi lúc, và thực tế là họ đã không tồn tại qua thời kỳ Völkerwanderung. Lãnh đạo của các đạo quân người man di là những nhà thám hiểm quân sự và bản chất của các thể chế kế thừa, cũng như bản thân Đế chế La Mã vào thời của nó, là chuyên quyền cứng rắn tôi luyện bởi chiến tranh. Chế độ chuyên quyền cuối cùng của họ đã bị dập tắt từ nhiều thế kỷ trước, khi một hình thái xã hội mới ra đời và dần dần sản sinh ra cái mà chúng ta gọi là tổ chức nghị viện.
Hiện tượng nhiều sử gia có khuynh hướng đánh giá cao quá mức vai trò của người rợ đối với đời sống xã hội Tây phương chúng ta có thể được
https://thuviensach.vn
xem là một phần tàn dư của niềm tin sai lầm rằng, tiến bộ xã hội được giải thích bằng sự hiện diện những giá trị bẩm sinh cố hữu của tổ tiên. Một phép đối chiếu sai lầm bắt nguồn từ các hiện tượng đã được ngành khoa học tự nhiên làm sáng tỏ đã dẫn dắt các nhà sử học phương Tây thế hệ trước hình dung các chủng tộc như là “nguyên tố” hóa học, và hôn nhân khác chủng tộc như là “phản ứng hóa học” giải phóng năng lượng tiềm tàng đồng thời sinh ra bọt khí và tạo thay đổi ở những nơi mà trước kia vẫn bất động và đình trệ. Các nhà sử học đã tự lừa dối mình khi cho rằng chính “sự pha trộn của dòng máu mới” - như họ mô tả một cách ẩn dụ về ảnh hưởng của chủng tộc trong cuộc xâm lược của người rợ - có thể giải thích cho sự xuất hiện mãi về sau này của sự sống và sự lớn mạnh đã cấu thành lịch sử của xã hội Tây phương. Lý thuyết này cho rằng người man di là “những chủng tộc thuần khiết” của đoàn người chinh phạt, dòng máu đó vẫn tiếp tục được sản sinh và khiến cho thân xác các hậu duệ của họ trở nên cao quý.
Sự thực, người rợ không phải là tác giả sáng tạo ra bản thể tinh thần của chúng ta. Họ đã lợi dụng cơn hấp hối của xã hội Hy Lạp cổ, nhưng thậm chí họ không thể giành lấy vai trò lịch sử là người tung ra đòn kết liễu nó. Họ xuất hiện trong bối cảnh xã hội Hy Lạp cổ đang phải chịu những vết thương chí tử mà nó tự gây ra cho mình trong thời kỳ loạn lạc trước đó hàng thế kỷ. Họ chỉ thuần túy như giống kền kền hoặc là các loài ăn xác chết khác mà thôi. Thời kỳ Anh hùng của họ là đoạn kết của lịch sử Hy Lạp cổ, chứ không phải chương mở đầu lịch sử của chúng ta.
Như vậy, có ba nhân tố đáng lưu ý trong quá trình chuyển đổi từ xã hội Hy Lạp cổ sang xã hội Tây phương mới, đó là: hình thái chính quyền trung ương như là chương cuối của xã hội cũ, giáo hội phát triển trong lòng xã hội cũ và nuôi dưỡng sự phát triển của xã hội mới và những cuộc xâm lăng hỗn loạn trong thời kỳ Anh hùng của người rợ. Trong số các nhân tố này thì nhân tố thứ hai có tầm quan trọng lớn nhất, trong khi nhân tố thứ ba có tầm quan trọng nhỏ nhất.
Một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan hệ trực hệ giữa xã hội Hy Lạp cổ và xã hội Tây phương đáng được lưu ý trước khi chúng ta chuyển sang
https://thuviensach.vn
khám phá những xã hội tiền đề khác, đó là sự chuyển dời của cái nôi hoặc ngôi nhà nguyên thủy của xã hội mới từ ngôi nhà nguyên thủy của xã hội tiền đề của nó. Chúng ta thấy rằng đường biên giới của xã hội cũ, như trong ví dụ chúng ta phân tích, đã trở thành trung tâm của xã hội mới và chúng ta phải chuẩn bị cho những sự chuyển dời tương tự trong những trường hợp khác.
Xã hội Cơ Đốc Chính thống. Nghiên cứu về khởi thủy của xã hội này sẽ không bổ sung vào danh sách của chúng ta những mẫu chủng tộc mới, vì nó rõ ràng là anh em song sinh của xã hội Tây phương, và là con của xã hội Hy Lạp cổ, sự chuyển dời địa lý của nó diễn ra về hướng Đông Bắc, thay vì hướng Tây Bắc. Với cái nôi hay ngôi nhà nguyên thủy nằm ở vùng Anatolia của người Byzantine, nó đã chịu tù túng trong nhiều thế kỷ do sự bành trướng của đối thủ là xã hội Hồi giáo. Sau cùng, nó cũng tìm được hướng phát triển an toàn về phía bắc và phía đông qua Nga và Siberia, lấn vào bên hông của thế giới Hồi giáo và vươn tới vùng Viễn Đông.
Sự phân chia riêng biệt xã hội Cơ Đốc Tây phương và xã hội Cơ Đốc Chính thống được cho rằng có nguồn gốc từ sự ly giáo với tiền thân chung của chúng, đó là Giáo hội Thiên Chúa giáo. Nó phân ly thành hai bản thể, Giáo hội Thiên Chúa La Mã và Giáo hội Thiên Chúa Chính thống. Cuộc ly giáo mất tới hơn ba thế kỷ mới hoàn tất, bắt đầu với cuộc tranh luận bài trừ mê tín dị đoan vào thế kỷ thứ 8 và kết thúc bằng sự đoạn tuyệt với quan điểm thần học vào năm 1054. Trong thời gian đó, giáo hội của các xã hội đang phân kỳ rất nhanh này đi theo những quan điểm chính trị đối nghịch. Giáo hội Thiên Chúa ở phương Tây được tập trung dưới quyền lực độc lập của chế độ Giáo hoàng trung cổ, trong khi Giáo hội Thiên Chúa Chính thống trở thành một bộ phận ngoan ngoãn của chính quyền Byzantine.
Các xã hội Iran, Ả Rập và xã hội Syria cổ. Xã hội vẫn đang tiếp tục tồn tại mà chúng ta phải phân tích là cộng đồng Hồi giáo. Khi rà soát bối cảnh của xã hội này, chúng ta nhận thấy có một chính quyền trung ương, một tôn giáo phổ quát và một thời kỳ Völkerwanderung, tuy chúng không giống hệt với bối cảnh chung của các cộng đồng Cơ Đốc Tây phương và
https://thuviensach.vn
Cơ Đốc Chính thống, nhưng cũng hiển nhiên tương tự. Chính quyền trung ương của xã hội Hồi giáo là “vương triều Abbasid của Baghdad”.[2] Giáo hội tối cao ở đây, dĩ nhiên là Hồi giáo. Thời kỳ Völkerwanderung đã tràn qua lãnh thổ Caliphate, khi vùng đất này bị giày xéo bởi các bộ lạc du mục Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ ở thảo nguyên Á-Âu, các bộ lạc người Berber ở Bắc Phi và các bộ lạc Ả Rập ở bán đảo Ả Rập. Giai đoạn quá độ xuất phát từ thời kỳ Völkerwanderung này kéo dài khoảng ba thế kỷ, từ năm 975 tới năm 1275 trước CN. Và điểm kết thúc thời kỳ này cũng được coi là điểm khởi đầu của xã hội Hồi giáo như chúng ta thấy trong thế giới ngày nay.
Cho tới giờ thì mọi thứ đều rõ ràng, nhưng cuộc tìm kiếm xa hơn khiến chúng ta phải đối diện với những vấn đề phức tạp. Thứ nhất, xã hội tiền đề của xã hội Hồi giáo (vẫn chưa xác định được danh tính) đã được chứng minh không phải là “cha” của một “đứa con” duy nhất, mà là hai “đứa con” song sinh, và điều này rất giống với xã hội Hy Lạp cổ. Tuy nhiên, trong khi xã hội Cơ Đốc Tây phương và Cơ Đốc Chính thống đã chung sống bên cạnh nhau qua hơn 1000 năm, thì kết cục của cặp anh em song sinh này lại hoàn toàn khác. Nghĩa là, một trong hai đứa con của xã hội mà chúng ta đang đi tìm danh tính đã nuốt chửng và sát nhập người anh em của nó. Chúng ta sẽ gọi hai xã hội Hồi giáo song sinh này là cộng đồng Iran và cộng đồng Ả Rập. Điểm khác biệt giữa hai đứa con của xã hội chưa định danh mà chúng ta đang tìm kiếm không giống như trường hợp ly giáo giữa các con của xã hội Hy Lạp cổ. Đó không phải là vấn đề tôn giáo, vì mặc dù Hồi giáo cũng chia thành chi nhánh là người Sunni và người Shi’i như Giáo hội Cơ Đốc giáo chia thành Giáo hội Thiên Chúa và Chính thống, song sự ly giáo này trong đạo Hồi không xảy ra đồng thời với bất kỳ giai đoạn nào của sự phân ly giữa các cộng đồng Hồi giáo Iran và Hồi giáo Ả Rập - mặc dù cuộc ly giáo cuối cùng đã phá vỡ xã hội Hồi giáo Iran khi phân nhánh Shi’i chiếm ưu thế ở Ba Tư trong phần tư đầu của thế kỷ 16 sau CN. Bằng cách đó, nhánh Hồi giáo của người Shi’i đã tự khẳng định mình tại vùng trung tâm của xã hội Hồi giáo Iran (trải dài từ đông sang tây, từ
https://thuviensach.vn
Afghanistan tới Anatolia), để cho nhánh Hồi giáo Sunni chiếm ưu thế ở hai bên của thế giới Iran, cũng như các nước Ả Rập ở phía nam và phía tây. Khi so sánh cặp anh em song sinh của Hồi giáo với cặp anh em song sinh của xã hội Thiên Chúa giáo, chúng ta sẽ thấy rằng, xã hội Hồi giáo chiếm ưu thế ở khu vực gọi là Ba Tư-Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Iran mang điểm tương đồng chắc chắn với xã hội Tây phương, trong khi xã hội Hồi giáo nắm giữ khu vực Ả Rập còn lại mang đặc điểm tương đồng với xã hội Cơ Đốc Chính thống. Ví dụ, linh hồn của vương triều Caliphate được Mamluk dựng lên ở Cairo trong thế kỷ 13 sau CN nhắc chúng ta nhớ tới hậu duệ của Đế chế La Mã được Leo - vua xứ Syria dựng lên ở Constantinople trong thế kỷ thứ 8. Bộ máy chính trị của Mamluk, cũng như Leo, có kích thước tương đối nhỏ gọn, hiệu quả và bền vững. Nó trái ngược với Đế chế Timur ở khu vực Iran láng giềng - mang hình dáng rộng lớn, mơ hồ, sớm nở tối tàn, xuất hiện và biến mất giống như đế chế Charlemagne ở phương Tây. Thêm một điểm tương đồng nữa, ấy là ngôn ngữ cổ làm phương tiện truyền bá văn hóa trong khu vực Ả Rập là tiếng Ả Rập, cũng chính là ngôn ngữ của “vương triều Abbasid của Baghdad”. Còn trong khu vực Iran, nền văn minh mới đã tạo ra phương tiện truyền bá mới cho riêng nó, đó là tiếng Ba Tư - thứ ngôn ngữ được hình thành bằng cách ghép nối từ tiếng Ả Rập, giống như tiếng Latinh đã được hình thành bằng cách ghép nối theo tiếng Hy Lạp. Điểm tương đồng cuối cùng, ấy là cuộc chinh phạt và thôn tính xã hội Hồi giáo vùng Ả Rập của xã hội Hồi giáo khu vực Iran diễn ra trong thế kỷ 16 tìm thấy hình ảnh đồng dạng của chính mình từ sự xâm lược của cộng đồng Cơ Đốc Tây phương chống lại cộng đồng Cơ Đốc Chính thống trong các cuộc Thập tự chinh. Cuộc xâm lược này lên đến cực điểm vào năm 1204, trong lần Thập tự chinh thứ tư đánh Constantinople, khi mà tưởng chừng như xã hội Cơ Đốc Chính thống sẽ bị chiếm đóng và thôn tính hoàn toàn bởi người anh em của nó - như định mệnh đã xảy đến với xã hội Ả Rập ba thế kỷ sau, khi lực lượng của Mamluk đè bẹp “vương triều Abbasid của Cairo” được thành lập bởi Ottoman Padishah Selīm I vào năm 1517.
https://thuviensach.vn
Giờ đây chúng ta phải xét đến một câu hỏi, đâu là dấu ấn cuối cùng của xã hội chưa định danh trong đó “vương triều Abbasid của Baghdad” đã đóng vai trò cuối cùng trên vũ đài chính trị, tương tự như vai trò của Đế chế La Mã trong xã hội Hy Lạp cổ? Nếu lần ngược dòng lịch sử kể từ “vương triều Abbasid”, liệu chúng ta có tìm thấy hiện tượng tương đồng với thời kỳ loạn lạc mà chúng ta đã phát hiện là giai đoạn áp chót của xã hội Hy Lạp cổ hay không?
Câu trả lời là không. Sau “vương triều Abbasid của Baghdad”, chúng ta thấy có vương triều Umayyad của Damascus. Bên cạnh đó, ta thấy 1000 năm xâm nhập của xã hội Hy Lạp cổ bắt đầu với sự nghiệp của Alexander ở Macedon trong nửa cuối thế kỷ thứ tư trước CN, tiếp theo là nền quân chủ Hy Lạp Seleucia ở Syria, chiến dịch của người Pompey và cuộc chinh phạt của người La Mã, và chỉ kết thúc với cuộc phục thù Đông phương của các chiến sĩ Hồi giáo cổ đại trong thế kỷ thứ 7 sau CN. Các cuộc chinh phạt của người Ả Rập Hồi giáo cổ xưa có vẻ như để đáp lại, theo nhịp điệu của lịch sử, những cuộc chinh phạt của Alexander. Chúng cũng thay đổi bộ mặt thế giới trong vòng khoảng 6-7 năm, nhưng thay vì đổi mới, chúng lại biến nó trở lại thành một thứ tương tự như tình trạng trước kia. Giống như cuộc chinh phạt của người Macedon, bằng cách lật đổ Đế chế Achaemenid (còn gọi là Đế chế Ba Tư của Cyrus và những người thừa kế), nó đã chuẩn bị một mảnh đất màu mỡ cho hạt giống của xã hội Hy Lạp cổ, cuộc chinh phạt của người Ả Rập cũng mở đường cho người Umayyad, và sau họ là người Abbasid, tái lập một chính quyền trung ương tương đương với Đế chế Achaemenid.
Nếu đặt bản đồ của cả hai đế chế chồng lên nhau, chúng ta sẽ cảm thấy ấn tượng trước sự tương đồng của các đường nét tương ứng giữa chúng. Sự tương đồng không chỉ về mặt địa lý mà còn mở rộng đến phương pháp cai trị và thậm chí đến những hiện tượng đặc biệt hơn của xã hội và đời sống tâm linh. Chúng ta có thể minh họa chức năng lịch sử của vương triều Abbasid bằng cách mô tả nó như một sự tái hợp và nối tiếp Đế chế Achaemenid - sự tái hợp của một cơ cấu chính trị đã bị phá hủy do tác động
https://thuviensach.vn
của lực lượng bên ngoài và sự tiếp nối một giai đoạn của đời sống xã hội đã bị ngắt quãng bởi cuộc xâm lược của ngoại bang. Vương triều Abbasid được coi là sự tiếp nối của chính quyền trung ương vốn là giai đoạn tồn tại cuối cùng của xã hội vẫn chưa được định danh của chúng ta, và như vậy cuộc tìm kiếm phải ngược dòng lịch sử xa hơn hàng nghìn năm nữa.
Giờ đây chúng ta phải xem xét đến tiền đề trực tiếp của Đế chế Achaemenid trong cuộc tìm kiếm hiện tượng mà chúng ta đã không tìm thấy ở tiền đề của Vương triều Abbasid: đó là thời kỳ loạn lạc tương tự như thời kỳ trong lịch sử Hy Lạp cổ ngay trước khi thành lập Đế chế La Mã.
Điểm tương đồng giữa sự thành lập Đế chế Achaemenid và Đế chế La Mã là quá rõ ràng. Khác biệt chính về mặt chi tiết là chính quyền trung ương của Hy Lạp cổ trưởng thành từ chính quyền đã từng là tác nhân chính gây sụp đổ trong thời kỳ loạn lạc trước đó, trong khi ở sự thành lập Đế chế Achaemenid, vai trò phá hủy và tái xây dựng Rome là của các chính quyền khác nhau. Vai trò phá hủy do chính quyền Assyria đảm nhận, nhưng ngay khi Assyria cố gắng hoàn tất vai trò này bằng cách khai sinh một chính quyền trung ương trong xã hội mà nó vừa lật đổ, thì đã tự hủy diệt mình do chủ nghĩa quân phiệt quá độ của nó. Ngay trước cảnh hùng tráng cuối cùng, nhân vật chính đột ngột ngã quỵ (610 trước CN), và vai trò của nó bất đắc dĩ được trao cho một diễn viên từ trước đến nay vẫn chỉ đóng vai phụ. Người Achaemenid thu hoạch những gì mà người Assyria đã gieo trồng, tuy vậy sự đổi vai này vẫn không làm thay đổi đặc điểm của vở kịch.
Như vậy, sau khi nhận diện được thời kỳ loạn lạc, giờ đây chúng ta ít nhất đã có thể định danh xã hội đang tìm kiếm. Có thể khẳng định rằng đó không phải là xã hội của người Assyria. Người Assyria, cũng như người Macedon ở cảnh sau của vở kịch lịch sử trường thiên này, đóng vai trò những kẻ xâm nhập đến rồi lại đi. Với xã hội chưa định danh này, khi nó được thống nhất dưới Đế chế Achaemenid, chúng ta có thể dò theo tiến trình loại bỏ các thành phần văn hóa ngoại lai do người Assyria đem lại qua quá trình thay thế từng bước ngôn ngữ Akkadian và chữ viết hình nêm bằng ngôn ngữ Aramaic (tiếng Syria) và mẫu tự Alphabet.
https://thuviensach.vn
Bản thân người Assyria, trong những ngày cuối cùng của mình, họ cũng dùng mẫu tự Alphabet của ngôn ngữ Aramaic để viết trên giấy da như một hình thức bổ sung cho mẫu tự hình nêm khắc trên gỗ hoặc đá truyền thống của dân tộc. Khi họ sử dụng mẫu tự Aramaic, ta có thể ước đoán rằng họ đã sử dụng ngôn ngữ Aramaic. Dù sao thì sau khi chính quyền Assyria sụp đổ và tiếp theo đó là Đế chế Babylon (còn gọi là đế chế của Nebuchadnezzar) yểu mệnh, chữ viết và ngôn ngữ Aramaic vẫn tiếp tục lan rộng cho tới thế kỷ cuối trước CN, khi ngôn ngữ Akkadian và chữ viết hình nêm bị mai một hoàn toàn trên lãnh thổ Mesopotamia quê hương của họ.
Cũng có thể phát hiện sự thay đổi tương ứng trong lịch sử ngôn ngữ Iran, vốn xuất phát từ thứ ngôn ngữ khó hiểu và ít được biết đến của “người Mede và người Ba Tư”, những người thống trị Đế chế Achaemenid. Phải đối mặt với việc ghi chép bằng một ngôn ngữ (tiếng Iran hay tiếng Ba Tư cổ) không có mẫu tự viết của riêng nó, người Ba Tư đã chấp nhận chữ viết hình nêm để khắc lên đá và chữ Aramaic để ghi chép lên giấy da, nhưng cuối cùng chỉ có chữ viết Aramaic tồn tại làm phương tiện chuyển tải của ngôn ngữ Ba Tư.
Thật ra lúc bấy giờ có hai yếu tố văn hóa, một đến từ Syria và một từ Iran, đang tự khẳng định mình và đồng thời ngày càng liên kết gần gũi hơn với nhau. Từ giai đoạn cuối của thời kỳ loạn lạc, trước khi thành lập Đế chế Achaemenid, khi những người Aramaea bị khuất phục bắt đầu quyến rũ những kẻ chiến thắng Assyria, quá trình này đã diễn ra liên tục. Nếu muốn xem xét bối cảnh sớm hơn của nó, chúng ta có thể nhìn vào tấm gương tôn giáo để hiểu được rằng, làm thế nào mà thời kỳ loạn lạc đã truyền sinh khí cho Zarathustra, giáo phái Iran, và các giáo phái của người Do Thái đương thời. Về mặt tổng thể, các nhân tố của người Aramaea hoặc Syria so với người Iran có thể được coi là có ảnh hưởng sâu rộng hơn. Nếu quan sát sau thời kỳ loạn lạc, ta sẽ thấy nhân tố người Iran nhạt dần và lờ mờ hiện lên hình ảnh xã hội Syria - trong thời kì cai trị của vua Solomon và vua Hiram cùng thời - đã phát kiến ra Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương cùng với bảng mẫu tự Alphabet. Đến đây, cuối cùng chúng ta cũng đã xác định được xã
https://thuviensach.vn
hội sau này sẽ khai sinh ra hai xã hội Hồi giáo song sinh (rồi sau đó lại hợp nhất làm một), và gọi nó là xã hội Syria cổ.
Khi đã phát hiện ra định danh này, chúng ta hãy khảo sát lại Hồi giáo - tôn giáo phổ biến mà xã hội Syria đã tồn tại dựa trên nó và rồi phân chia thành hai xã hội Iran và Ả Rập. Giờ đây chúng ta có thể nhận thấy một sự khác biệt thú vị giữa quá trình phát triển Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Chúng ta đã biết rằng mầm mống của lực lượng kiến tạo ra Thiên Chúa giáo không nằm trong xã hội Hy Lạp cổ, mà có nguồn gốc từ bên ngoài. Ngược lại, mầm mống của Hồi giáo lại không đến từ bên ngoài, mà sinh ra từ trong nội tại của xã hội Syria. Người sáng lập ra Hồi giáo, tiên tri Muhammad, đã lấy cảm hứng chủ yếu từ Do Thái giáo - một tôn giáo mới của xã hội Syria, lớn thứ hai sau tôn giáo Nestoria - một hình thức của Thiên Chúa giáo trong đó nhân tố Syria đã khôi phục ưu thế của nó so với xã hội Hy Lạp cổ. Dĩ nhiên một tổ chức vĩ đại như giáo hội tối cao không bao giờ “có mầm mống đơn thuần” từ một xã hội đơn nhất. Trong trường hợp Cơ Đốc giáo, chúng ta nhận thấy các yếu tố của xã hội Hy Lạp cổ phát triển từ các tôn giáo thần bí và triết lý Hy Lạp cổ. Tương tự, nhưng ố quy mô rộng hơn nhiều, chúng ta có thể phát hiện ra ảnh hưởng của xã hội Hy Lạp cổ đối với Hồi giáo. Tuy nhiên, nói về tổng thể, Cơ Đốc giáo là một giáo hội trung ương bắt nguồn từ một mầm mống ngoại lai, trong khi Hồi giáo bắt nguồn từ một mầm mống nội tại.
Cuối cùng, chúng ta có thể đo đạc mức độ dịch chuyển của “ngôi nhà nguyên thủy” của các xã hội Iran và Ả Rập từ ngôi nhà nguyên thủy của xã hội Syria tiền đề. Ranh giới cơ bản của xã hội Hồi giáo Iran, từ Anatolia đến Ấn Độ, cho thấy một sự dịch chuyển to lớn. Ngược lại, quê hương của xã hội Hồi giáo Ả Rập ở Syria và Ai Cập bao phủ toàn bộ vùng lãnh thổ của xã hội Syria có độ dịch chuyển tương đối nhỏ.
Xã hội Ấn Độ cổ. Xã hội đang tồn tại mà chúng ta phải phân tích tiếp theo là xã hội Ấn giáo. Một lần nữa, chúng ta lại nhận thấy từ nền móng của nó những dấu hiệu tiêu biểu cho biết sự tồn tại của một xã hội tiền đề ở phía trước trên trục thời gian. Chính quyền trung ương trong trường hợp
https://thuviensach.vn
này là Đế chế Gupta (khoảng từ 375-475 trước CN). Tôn giáo chung là Ấn giáo, giành được quyền lực tối cao ở Ấn Độ trong thời Gupta sau khi hất cẳng và thay thế Phật giáo - vốn chiếm ưu thế trong khoảng 7 thế kỷ trên tiểu lục địa vốn là cái nôi của cả hai tôn giáo này. Thời kỳ Völkerwanderung đã tàn phá Đế chế Gupta với cuộc xâm lăng của “rợ Hung nô” đến từ vùng thảo nguyên Á-Âu, cũng là những người đồng thời đã tấn công Đế chế La Mã. Thời kỳ quá độ, do hoạt động của những yếu tố trên gây ra cộng với thời gian sống của những chính quyền kế thừa của Đế chế Gupta, nằm trong khoảng từ năm 475-775 trước CN. Sau đó là khởi điểm của xã hội Ấn Độ tồn tại đến ngày nay. Trường phái Sankara - cha đẻ của triết lý Ấn Độ - hưng thịnh vào khoảng năm 800.
Khi lùi xa hơn về quá khứ để tìm kiếm xã hội cổ xưa - tiền đề của xã hội Ấn giáo - chúng ta sẽ thấy trên bình diện nhỏ hơn cùng một hiện tượng đã phức tạp hóa cuộc tìm kiếm xã hội Syria của chúng ta ở trên, đó là cuộc thâm nhập của xã hội Hy Lạp cổ. Nó không bắt đầu từ chiến dịch Alexander, vốn không để lại hệ quả nào lâu dài lên nền văn hóa Ấn Độ, mà bắt nguồn từ cuộc xâm lược của Demetrius, vị vua Hy Lạp của Bactria, khoảng 183-182 trước CN, và kết thúc bằng sự sụp đổ của chính quyền địa phương cuối cùng theo kiểu Hy Lạp cổ vào năm 390, có thể coi gần như chính xác là thời điểm thành lập Đế chế Gupta.
Lần theo dấu vết của lộ trình giống như khi đi tìm xã hội Syria ở Tây Nam Á, để tìm ra ở Ấn Độ một chính quyền trung ương tiền Hy Lạp cổ, mà Đế chế Gupta có thể coi là sự nối lại của nó. Chúng ta tìm thấy Đế chế của người Maurya, do Chandragupta thành lập vào năm 323 trước CN, phát triển cực thịnh dưới vương triều của Hoàng đế Açoka trong thế kỷ tiếp theo và lụi tàn trong tay tên cướp ngôi Pushyamitra vào năm 185 trước CN. Sau đế chế này, chúng ta tìm thấy một thời kỳ loạn lạc với những cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các thủ lĩnh địa phương. Sự kiện nổi bật trong thời kì này là cuộc đời của Đức Phật Siddhartha Gautama. Cuộc đời và quan điểm sống của Ngài là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy xã hội đương thời lúc ấy đang trải qua một thời kỳ tồi tệ. Bằng chứng này được củng cố
https://thuviensach.vn
bởi cuộc đời và quan điểm của một người sống cùng thời với Ngài - Mahavira - người sáng lập đạo Jain, và bởi nhiều người khác nữa, những người đã quay lưng với cuộc đời trần thế để tìm tới một thế giới khác thông qua hình thức tu hành khổ hạnh. Cuối cùng, sau thời kỳ rối ren này, chúng ta có thể tìm thấy một thời kỳ lớn mạnh đã được ghi lại trong kinh Vệ Đà. Và như vậy, chúng ta đã nhận diện được xã hội tiền đề của xã hội Ấn giáo, ta hãy gọi nó là xã hội Ấn Độ cổ. Ngôi nhà nguyên thủy của xã hội Ấn Độ nằm trong các thung lũng Indus và thượng lưu sông Ganges, rồi từ đó bành trướng ra khắp tiểu lục địa. Vị trí địa lý của nó sau đó gần như đồng nhất với xã hội hậu duệ sau này.
Xã hội Trung Quốc cổ đại. Chỉ còn lại một xã hội hiện đang tồn tại nữa cần phải nghiên cứu, vốn có quê hương ở miền Viễn Đông. Chính quyền trung ương của xã hội này là một đế chế, được thành lập vào năm 221 trước CN, với các triều đại thừa kế là nhà Tần và nhà Hán. Tôn giáo chung là phái Đại thừa, một biến thể của Phật giáo đã du nhập vào vương triều Hán và trở thành người nuôi dưỡng xã hội phương Đông hiện nay. Sau khi chính quyền trung ương sụp đổ, thời kỳ Völkerwanderung gây ra bởi các bộ lạc du mục ở thảo nguyên Á-Âu, những kẻ đã xâm lược lãnh thổ của vương triều Hán vào khoảng năm 300, mặc dù bản thân vương triều Hán thực ra đã nhường chỗ cho một thời kỳ quá độ từ hơn 100 năm trước.
Khi chuyển sang khảo sát các tiền đề của vương triều Hán, chúng ta thấy dấu hiệu rõ ràng của một thời kỳ loạn lạc, lịch sử Trung Quốc gọi là thời Chiến Quốc, kéo dài hai thế kỷ rưỡi sau cái chết của Khổng Phu Tử vào năm 479 trước CN. Hai dấu hiệu của thời kỳ này, đó là đường lối chính trị tự sát và xuất hiện một tầng lớp trí thức hướng về triết lý thực tế. Nó nhắc chúng ta nhớ đến một thời kỳ trong lịch sử Hy Lạp cổ giữa thời Zeno - người thành lập chủ nghĩa Khắc kỷ - và trận chiến Actium, giai đoạn này đã chấm dứt thời kỳ loạn lạc trong lịch sử Hy Lạp cổ. Hơn nữa, trong trường hợp này, những thế kỷ cuối của thời kỳ loạn lạc chỉ là đỉnh điểm của một sự phá hoại tổ chức đã diễn ra từ trước đó. Ngọn lửa của chủ nghĩa quân phiệt đã bùng lên từ trước thời của Khổng Tử và vẫn cháy khi ông
https://thuviensach.vn
định ra tiêu chuẩn của người quân tử là “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Sự thông thái thế tục của vị triết gia này và một ẩn sĩ nổi tiếng thế giới khác cùng thời với ông - Lão Tử - là những bằng chứng cho thấy cả hai ông đều nhận ra rằng, thời hoàng kim đã ở sau lưng xã hội mà họ đang sống. Chúng ta sẽ đặt tên gì cho cái xã hội mà Khổng Tử vẫn hoài niệm với lòng tôn kính, còn Lão Tử thì quay lưng lại như Cơ Đốc giáo rời khỏi thành phố Chết? Có lẽ ta nên gọi nó là xã hội Trung Quốc cổ đại.
Tông phái Đại thừa - thứ tôn giáo chung mà thông qua nó xã hội Trung Quốc cổ đại sinh ra xã hội Viễn Đông ngày nay - tương tự như Giáo hội Cơ Đốc giáo và khác với Hồi giáo và Ấn Độ giáo, bởi mầm mống của nó không nằm bên trong xã hội của nó mà đến từ nơi khác. Đại thừa bắt nguồn từ lãnh thổ xã hội Ấn Độ cổ và là sản phẩm của các vị vua Hy Lạp của Bactria và những người thừa kế “bán Hy Lạp” của họ, người Kushan. Chắc chắn rằng nó đã cắm rễ trong các vùng lãnh thổ của người Kushan ở thung lũng Tarim, nơi người Kushan đã kế thừa vương triều Tiền Hán, trước khi những lãnh thổ này bị tái chinh phạt và thôn tính bởi vương triều Hậu Hán. Thông qua cánh cửa này, Đại thừa đã thâm nhập vào xã hội Trung Quốc cổ đại và sau đó được giai cấp bị trị của xã hội này chấp nhận do nhu cầu của riêng nó.
Ngôi nhà nguyên thủy của xã hội Trung Quốc cổ đại là lưu vực sông Hoàng Hà, từ đó nó bành trướng tới lưu vực sông Dương Tử. Lưu vực của cả hai con sông này đều nằm trong khu vực ngôi nhà nguyên thủy của xã hội phương Đông, vốn bành trướng theo hướng tây nam dọc theo bờ biển Trung Hoa và cả hướng đông bắc tới Triều Tiên và Nhật Bản.
“Di tích”. Những gì từ trước đến giờ chúng ta thu nhặt được từ những tàn tích tìm thấy trong các xã hội đang tồn tại, và cho rằng chúng thuộc về một xã hội đã lụi làn, thì đó gọi là “di tích”. Do Thái giáo và giáo phái Parsee là những di tích của xã hội Syria cổ trước cuộc thâm nhập xã hội Hy Lạp cổ vào thế giới Syria. Cơ Đốc giáo Monophysite và Nestoria là di tích hình thành từ sự phản ứng của xã hội Syria trước cuộc thâm nhập của nền văn minh Hy Lạp cổ, kế thừa và thế chỗ những cuộc phản kháng chống lại
https://thuviensach.vn
xã hội Hy Lạp cổ với thứ tôn giáo ban đầu của người Syria. Những tín đồ theo đạo Jain ở Ấn Độ và các Phật tử phái Tiểu thừa ở Ceylon, Burma, Siam[3] và Campuchia là di tích của xã hội Ấn Độ cổ trong giai đoạn Đế chế Maurya, trước cuộc thâm nhập của xã hội Hy Lạp cổ vào thế giới Ấn Độ. Các Phật tử phái Lạt ma Đại thừa ở Tây Tạng và Mông Cổ tương tự như những tín đồ Nestoria. Họ đại diện cho một phản ứng bất thành của biến thể Phật giáo Đại thừa từ hình thức ban đầu của xã hội Ấn Độ thành hình thái mới - được nhào nặn dưới ảnh hưởng của các xã hội Hy Lạp cổ và Syria cổ - và cuối cùng đã được xã hội Trung Quốc cổ đại chấp nhận.
Không có di tích nào trong số này cung cấp cho chúng ta dấu vết để bổ sung thêm vào danh sách các xã hội, nhưng những cuộc nghiên cứu vẫn chưa hoàn chỉnh. Chúng ta có thể lùi xa hơn nữa về quá khứ và tìm “cha mẹ” của một số xã hội mà chúng ta đã nhận diện.
Xã hội Minoan. Trong nền móng xã hội Hy Lạp cổ có tồn tại những dấu hiệu chắc chắn của một xã hội cổ xưa đã tồn tại trước nó. Chính quyền trung ương của xã hội này là một đế chế mà mọi hoạt động của nó liên quan chặt chẽ đến biển, được bảo vệ dưới sự chỉ huy của biển Aegean từ một căn cứ ở đảo Crete. Nó để lại một cái tên bằng tiếng Hy Lạp cổ là thalassocracy (quyền lực của biển) của Minos và những dấu tích trong tầng cao nhất của bề mặt trái đất, ấy là các lâu đài được khai quật gần đây ở Cnossus và Phaedrus. Thời kỳ Völkerwanderung sau chính quyền trung ương này có thể tìm thấy trong những ghi chép chính thức đương thời của các vương triều thứ 18, 19 và 20 của Ai Cập, mặc dù nó đã bị thay đổi ít nhiều do sự lãng mạn hóa của thi ca, chẳng hạn như trong những tuyệt tác Hy Lạp cổ xưa nhất là Iliad và Odyssey. Điều này chắc chắn, không ít thì nhiều, sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều hơn những thực trạng lịch sử.
Thời kỳ Völkerwanderung này dường như bắt đầu với cuộc thâm nhập của người man di Achaea và những tộc người đại loại - từ vùng nội địa châu Âu của Aegean, những kẻ đã bành trướng hướng ra biển cả và vượt qua quyền lực của biển Crete. Chứng cứ khảo cổ học về “công trình” của họ là sự phá hủy các lâu đài Crete vào thời kỳ mà các nhà khảo cổ học gọi
https://thuviensach.vn
là “cuối Minoan đệ nhị”. Đỉnh điểm của thời kỳ này là khi dòng thác người Aegean, sau những chiến thắng liên tiếp, đập tan Đế chế Khatti (Hittite) ở Anatolia và tấn công, nhưng không tiêu diệt được “đế chế mới” của Ai Cập. Các học giả xếp thời điểm hủy diệt Cnossus vào khoảng năm 1400 trước CN, và các bản ghi chép của người Ai Cập cho phép chúng ta xác định thời kỳ “dòng thác người” đổ bộ xảy ra trong khoảng năm 1230 tới 1190 trước CN. Từ đó chúng ta có thể coi giai đoạn từ năm 1425-1125 trước CN là giai đoạn thuộc về thời kỳ quá độ này.
Khi lần theo dấu vết lịch sử của xã hội cổ xưa này, chúng ta gặp phải trở ngại do không thể đọc được chữ viết Crete, nhưng những chứng cứ khảo cổ gợi ý rằng có một nền văn minh vật chất đã trưởng thành ở đảo Crete, đột nhiên sinh sôi nảy nở băng ngang lãnh thổ Aegean tới Argolid ở thế kỷ thứ 7 trước CN, và từ đó dần dần bành trướng ra các phần khác của lục địa Hy Lạp trong hai thế kỷ kế tiếp. Ngoài ra còn có bằng chứng về sự tồn tại của nền văn minh Crete kéo dài ngược về tận thời Đồ đá mới. Chúng ta có thể gọi xã hội này là Minoan.
Nhưng liệu chúng ta có thỏa mãn với việc coi mối quan hệ giữa xã hội Minoan và Hy Lạp cổ giống như giữa xã hội Hy Lạp cổ với xã hội phương Tây, hay các xã hội có quan hệ trực hệ khác mà chúng ta đã nhận diện? Trong những trường hợp này, sợi dây liên kết giữa hai xã hội là một thứ tôn giáo chung, tạo bởi giai cấp bị trị của xã hội cũ và sau đó như một cái kén hình thành xã hội mới. Nhưng chẳng có gì mang bóng dáng xã hội Minoan trong các vị thần Olympus - hình tượng cốt lõi của đa thần giáo Hy Lạp cổ. Thuyết đa thần này có hình thức kinh điển là sử thi Homer, và ở đây, chúng ta thấy những vị thần do người man di tưởng tượng ra đã được truyền vào thế giới Minoan trong thời kỳ Völkerwanderung, khi họ hủy diệt nó.
Zeus - vị thần chiến tranh của người Achaea - ngự trị trên đỉnh Olympus với tư cách là kẻ đoạt ngôi báu của người tiền nhiệm Cronos bằng sức mạnh. Ông ta đã phân chia chiến lợi phẩm của vũ trụ, trao nước và mặt đất cho các anh trai là Poseidon và Hades, và giữ lại bầu trời cho riêng mình. Thuyết đa thần này là của người Achaea và đã thâm nhập dần vào thế
https://thuviensach.vn
giới Minoan. Chúng ta không thấy được một dấu vết nào của tôn giáo Minoan thậm chí ở những vị thần bị phế truất, vì thần Cronos và các Titan cũng giống như Zeus và nhóm chiến binh là các vị thần của ông ta, đều là sản phẩm của đa thần giáo Hy Lạp cổ. Chúng ta nên nhớ lại rằng, tôn giáo đã bị phần lớn người man di Teuton từ bỏ trước khi họ bắt đầu những cuộc đột kích của mình vào Đế chế La Mã, thứ tôn giáo được duy trì và sàng lọc bởi những người họ hàng của họ trong vùng Scandinavia - bị những người này từ bỏ trong thời kỳ Völkerwanderung (cuộc đột kích của “người phương Bắc”) của chính họ vào năm hoặc sáu thế kỷ sau. Nếu có một hình thức giáo hội trung ương tồn tại trong xã hội Minoan tại thời điểm người man di Teuton tràn qua, nó phải có đặc điểm tôn giáo khác với đa thần giáo Olympus, cũng giống như đặc điểm tín ngưỡng của Cơ Đốc giáo khác với Odin và Thor.
Một thứ như vậy liệu có tồn tại hay không? Có những dấu hiệu mờ nhạt cho thấy là có trong lời phán xét của học giả vĩ đại nhất về chủ đề này: “Đến đây, ta đã có thể đọc được các chứng cứ về tín ngưỡng của người Crete cổ; ta nhận thấy dường như đó không chỉ là một thứ cốt lõi tâm linh phổ biến, mà vài điều ở các tín đồ của nó 2000 năm sau như một định mệnh sẽ được chuyển sang cho các tín đồ của những tôn giáo kế thừa ở Đông phương, người Iran, người Cơ Đốc giáo và người Hồi giáo. Nó bao hàm một tinh thần giáo điều cốt lõi của tín ngưỡng, và khác xa với quan điểm tôn giáo của thời Hy Lạp cổ… Nếu so sánh tổng thể nó với tôn giáo của người Hy Lạp cổ, có thể nói rằng nó có nhiều tính tâm linh hơn, hoặc từ một khía cạnh khác, nó mang nhiều dấu ấn cá nhân hơn. Trong “Chiếc nhẫn của Nestor”, nơi những biểu tượng của sự hồi sinh được nhìn thấy giống trên đầu nàng với hình dạng con nhộng và bướm, nàng (vị nữ thần) rõ ràng có khả năng ban tặng cuộc sống ở thế giới bên kia cho những tín đồ, nàng ở rất gần những tín đồ của mình. … Nàng canh giữ những đứa con của mình ngay cả ở thế giới bên kia… Tôn giáo Hy Lạp cũng có
https://thuviensach.vn
những câu chuyện thần thoại của nó, song chư thần ở cả hai phái tính, dù có nhiều hay ít quyền năng, cũng không bao giờ tham gia vào một mối quan hệ cá nhân gần gũi như được chỉ ra trong tín ngưỡng thời Minoan. Sự chia rẽ của họ, được đánh dấu bằng các mối thù giữa các gia đình và thị tộc, cũng dễ nhận thấy như sự đa dạng về hình dáng và tính cách của họ. Trái lại, trong thế giới Minoan, nhân vật được coi là nữ thần tối cao thường xuyên tái xuất hiện. … Kết luận chung là chúng ta đang thấy sự hiện diện của một tôn giáo “đơn thần” (chỉ thờ một vị thần) lớn, trong đó vị nữ thần giữ địa vị tối cao”.[4]
Đồng thời cũng có một chứng cứ về điều này trong truyền thống của Hy Lạp cổ. Người Hy Lạp duy trì huyền thoại về một thần “Zeus” ở đảo Crete thực sự không phải là thần Zeus ở Olympus. Vị thần Zeus của người Crete này không phải là lãnh đạo của một nhóm chiến binh vốn ngay từ đầu đã trưởng thành “đầy lông đủ cánh” và chiếm đoạt vương quốc của mình bằng sức mạnh. Vị thần này xuất hiện trong hình hài một đứa trẻ sơ sinh. Có lẽ ngài được đồng nhất với đứa trẻ thể hiện trong nghệ thuật Minoan được Thánh Mẫu ôm ấp một cách tôn kính. Và ngài không chỉ được sinh ra - ngài còn mất đi! Phải chăng sự khởi sinh và chấm dứt của ngài đã được tái hiện trong sự sinh ra và mất đi của Dionysus, Thượng đế của người Thrace và vị thần tối cao trong huyền thoại Eleusis? Phải chăng những câu chuyện huyền thoại Hy Lạp cổ, giống như chuyện phù thủy ở Âu châu hiện đại, là phần còn sót lại của tôn giáo thuộc một xã hội đã hoàn toàn biến mất?
Giả sử người Cơ Đốc giáo không chống chọi nổi với người Viking - người đã sụp đổ dưới quyền lực của người Cơ Đốc và thất bại trong việc cải đạo người Viking theo tín ngưỡng của mình - chúng ta có thể tưởng tượng ra tầng lớp dưới đáy xã hội đã lập ra một xã hội mới trong đó tôn giáo thịnh hành là tín ngưỡng của người Aesir. Chúng ta có thể tưởng tượng ra xã hội mới này, khi nó phát triển thì gặp thất bại trong việc kết hợp với tôn giáo của những người man di Scandinavia và tìm kiếm sự đáp ứng
https://thuviensach.vn
của đời sống tâm linh trên mảnh đất mà xã hội mới còn bỏ trống. Trong sự nghèo nàn của đời sống tinh thần đó, tàn dư của một tôn giáo cũ, thay vì bị quét sạch như xã hội Tây phương của chúng ta đã quét sạch thuật phù thủy khi nó dám thách thức Giáo hội, có thể lại được tái khám phá như một báu vật bị chôn giấu. Và một số thần thánh cũ có thể đáp ứng nhu cầu của thời đại bằng một kết hợp ngoại lai giữa nghi thức Cơ Đốc giáo chiếm ưu thế với những nghi lễ của người man di có nguồn gốc từ người Finn hoặc người Magyar.
Dựa trên đặc điểm tương đồng này, chúng ta có thể tái lập cơ cấu lịch sử tôn giáo của thế giới Hy Lạp cổ như sau: sự phục hưng các huyền thoại cổ xưa về Eleusis và sự phát minh thuyết thần bí - theo Nilsson là một tôn giáo tự biện, được tạo ra bởi một vị thánh mộ đạo - từ sự kết hợp giữa các nghi lễ Dionysus của người Thrace và các huyền thoại Minoan về sự sinh ra và mất đi của thần Zeus của người Crete. Rõ ràng là cả huyền thoại cổ xưa của người Eleusis lẫn thuyết thần bí đều cung cấp cho xã hội Hy Lạp cổ đại một thứ dưỡng chất tinh thần mà nó cần nhưng không thể tìm được trong tín ngưỡng đa thần giáo Olympus, một thuyết tâm linh của “thế giới khác” như chúng ta đã từng mong tìm thấy ở thời kỳ loạn lạc. Thuyết tâm linh do giai cấp bị trị trong nước tạo ra và cuộc chống đối của họ với giáo hội trung ương như một điều tất yếu.
Dựa trên những điểm tương đồng này, phải chăng ta sẽ không ngạc nhiên nếu nhận thấy trong các huyền thoại và thuyết huyền bí có tồn tại linh hồn của tôn giáo chung của Minoan. Dù cho sự suy đoán này có đúng sự thật (và điều này bị nghi vấn trong phần sau của cuốn sách khi phân tích nguồn gốc thuyết huyền bí)[5]thì nó cũng khó mà đảm bảo cho chúng ta coi xã hội Hy Lạp cổ là một hậu duệ thật sự của xã hội trước đó. Lý do nào đã khiến giáo hội này phải trỗi dậy từ đống tro tàn để rồi bị diệt vong? Và ai là người kết liễu nó nếu không phải là những người rợ đã tàn phá thế giới Minoan? Khi tiếp thu thuyết đa thần từ những người Achaea hiếu sát, “những kẻ cướp thành thị”, xã hội Hy Lạp cổ đã tuyên bố thừa nhận họ là “cha mẹ” của nó. Nó không thể tự mình thừa kế xã hội Minoan nếu không
https://thuviensach.vn
bắt chước theo tội ác đẫm máu của người Achaea và tự tuyên bố mình là một kẻ “giết cha”.
Nếu giờ đây quay lại với nền móng của xã hội Syria, chúng ta sẽ thấy rằng những gì mình đã tìm thấy ở nền móng của xã hội Hy Lạp cổ, một chính quyền trung ương và một thời kỳ Völkerwanderung, cũng giống với những gì đã xảy ra trong những chương cuối của lịch sử Minoan. Cơn chấn động cuối cùng do thời kỳ Völkerwanderung hậu Minoan gây ra là dòng thác những người du mục tìm kiếm mái nhà mới của họ, tình trạng hỗn loạn gây ra do sự thúc đẩy của làn sóng người man di phương bắc cuối cùng, còn gọi là người Doria. Bị đẩy lùi khỏi Ai Cập, một số kẻ tị nạn này ở lại trên bờ biển đông bắc của Đế chế Ai Cập và trở nên quen thuộc với chúng ta với tên gọi “kẻ địch Philistin” trong kinh Cựu ước. Tại đây những “kẻ địch” tị nạn đến từ thế giới Minoan này chạm trán với các bộ lạc người Do Thái cổ vốn từ “vùng đất hoang” ở xứ Ả Rập đã trôi giạt tới các vùng thuộc địa Syria của Ai Cập. Xa hơn nữa về phía bắc, dãy núi của Lebanon vạch ra một giới hạn đối với các bộ lạc du mục Aramaea và đã che chở cho người Phoenicia ở bờ biển vốn đã thoát được ảnh hưởng của kẻ địch trong kinh Cựu ước. Từ những yếu tố này, một xã hội mới - xã hội Syria cổ, đã hình thành khi cơn chấn động giảm bớt.
Cho tới giờ, xã hội Syria cổ có mối liên hệ với bất kỳ thành viên cũ nào của các chủng tộc có liên quan tới xã hội Minoan, nó cũng giống như mối quan hệ giữa xã hội Hy Lạp cổ với xã hội Minoan - không hơn không kém. Một di sản mà xã hội Syria thừa hưởng từ xã hội Minoan có thể là bảng mẫu tự Alphabet (nhưng điều này không chắc chắn), một di sản khác có thể là việc thử nghiệm những chuyến đi biển đường dài.
Ban đầu, thật ngạc nhiên khi thấy xã hội Syria cổ có nguồn gốc từ xã hội Minoan. Người ta vốn chờ đợi một khám phá chứng tỏ chính quyền trung ương của xã hội Syria là “đế chế mới” của Ai Cập và rằng đơn thần giáo của người Do Thái là phục sinh của đơn thần giáo Ikhnaton, nhưng các chứng cứ thực tế chống lại quan điểm này. Không có bất kỳ bằng chứng nào gợi ra khả năng thừa kế của xã hội Syria đối với các xã hội mà đại diện
https://thuviensach.vn
tiêu biểu là Đế chế Khatti (Hittite) ở Anatolia, vương triều Sumer ở Ur, các vương triều Amorite kế thừa nó ở Babylon, những xã hội mà chúng ta sẽ tiến hành phân tích ngay sau đây.
Xã hội Sumer. Khi khảo sát bối cảnh của xã hội Ấn Độ cổ, điều đầu tiên thu hút sự chú ý của chúng ta là tôn giáo Vệ Đà. Giống như tín ngưỡng đa thần giáo Olympus, nhiều chúng cứ cho thấy nó nảy sinh từ những người man di trong quá trình diễn ra thời kỳ Völkerwanderung, đồng thời không cho thấy dấu hiệu nào của một tôn giáo đã được tạo ra trong thời kỳ rối ren bởi giai cấp bị trị của xã hội đang suy tàn.
Trong trường hợp này, người man di là những người Arya xuất hiện ở Tây Bắc Ấn từ buổi bình minh của lịch sử Ấn Độ, cũng như từ buổi bình minh của lịch sử Hy Lạp cổ người Achaea đã xuất hiện ở Aegea. Dựa trên sự tương đồng với mối quan hệ đã phát hiện ra giữa xã hội Hy Lạp cổ và xã hội Minoan, chúng ta mong đợi sẽ khám phá ra trong bối cảnh của xã hội Ấn Độ cổ một chính quyền trung ương với “vùng đất hoang” nằm ở phía bên kia các đường biên giới của nó. Ở đó tổ tiên của người Arya sinh sống như một giai cấp bị trị bên ngoài cho tới khi chính quyền trung ương sụp đổ tạo điều kiện cho họ xâm nhập. Có thể nhận diện chính quyền trung ương đó và định vị “vùng đất hoang” được không? Có lẽ chúng ta sẽ nhận được câu trả lời cho hai câu hỏi này bằng cách đặt ra hai câu hỏi khác: Người Arya tìm được đường vào Ấn Độ từ khi nào? Và có ai trong số họ, vốn khởi đầu từ cùng một điểm, kết thúc ở một đích đến khác không?
Người Arya nói một thứ tiếng thuộc hệ ngôn ngữ Ấn-Âu. Sự phân bố lịch sử của nhóm ngôn ngữ này - một nhóm ở Âu châu và nhóm khác ở Ấn Độ và Iran - cho thấy người Arya chắc chắn phải xâm nhập vào Ấn Độ từ thảo nguyên Á-Âu, theo những con đường mà sau này rất nhiều người kế thừa họ đã đi theo bởi những kẻ xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ, Mahmud xứ Ghaznah vào thế kỷ 11 và Babur, người thành lập Đế chế Mughal (Mông Cổ), vào thế kỷ 16 của thời đại chúng ta. Khi nghiên cứu sự phân tán của người Thổ, chúng ta thấy rằng một vài trong số họ tiến xuống hướng đông - nam đến Ấn Độ và một số khác tiến về hướng tây - nam đến Anatolia và
https://thuviensach.vn
Syria. Chẳng hạn, cùng thời với Mahmud xứ Ghaznah, người Thổ Saljuq đã khởi xướng cuộc chiến tranh chống lại cuộc Thập tự chinh của xã hội Tây phương. Các ghi chép của Ai Cập cổ đã cung cấp bằng chứng chứng minh rằng trong giai đoạn từ 2000-1500 trước CN, người Arya đã đột phá qua thảo nguyên Á-Âu, ở góc mà người Thổ sẽ đột phá qua 3000 năm sau, điều đó tiên đoán bước chân của người Thổ trong cuộc phân hóa tiếp theo của họ. Trong khi một số người Thổ, như chúng ta biết được từ những tài liệu của người Ấn Độ, xâm nhập vào Ấn Độ, thì số khác tàn phá Iran, Iraq, Syria và cuối cùng là Ai Cập, nơi họ đã thành lập trong thế kỷ 17 trước CN một chế độ cai trị của các tư lệnh quân đội người man di mà lịch sử Ai Cập gọi là Hyksos.
Vậy đâu là nguyên nhân gây ra thời kỳ Völkerwanderung của người Arya? Chúng ta có thể trả lời bằng cách đặt câu hỏi: Đâu là nguyên nhân gây ra thời kỳ Völkerwanderung của người Thổ? Theo ghi chép lịch sử: Đó là sự sụp đổ của vương triều Abbasid và người Thổ phân tán theo cả hai hướng vì tử thi của Đế chế Abbasid đã làm mồi cho tất cả bộ lạc bên trong lãnh thổ của nó lẫn những vùng thuộc địa xa xôi ở thung lũng Indus.
Giải thích này có gợi cho chúng ta một manh mối nào của cuộc phân ly tương ứng của người Arya không? Câu trả lời là có, vì khi nhìn vào bản đồ chính trị của khu vực Tây-Nam Á giai đoạn 2000-1900 trước CN, chúng ta thấy nó bị khống chế bởi một chính quyền trung ương, giống như vương triều Baghdad, được cai trị từ một thủ phủ ở Iraq, và lãnh thổ của nó trải dài theo cùng các hướng từ cùng một tâm điểm (với Đế chế Abbasid).
Chính quyền trung ương này là Đế chế Sumer và Akkad được thành lập vào khoảng năm 2298 trước CN bởi người Sumer Ur-Engur ở Ur và được Amorite Hammurabi khôi phục vào khoảng năm 1947 trước CN. Sự tan rã của đế chế sau khi Hammurabi qua đời đã dẫn tới thời kỳ Völkerwanderung của người Arya. Không có bằng chứng trực tiếp nào chứng minh rằng Đế chế Sumer và Akkad kéo dài tới Ấn Độ, nhưng khả năng này được gợi ra từ những kết quả khai quật gần đây trong thung lũng Indus. Đó là một nền văn hóa (có niên đại từ khoảng năm 3250 tới khoảng
https://thuviensach.vn
năm 2750 trước CN, dựa trên hai vị trí được khảo sát đầu tiên) có mối quan hệ rất gần gũi với nền văn hóa của người Sumer ở Iraq.
Chúng ta có thể nhận diện xã hội mà trong đó Đế chế Sumer và Akkad đóng vai trò chính quyền trung ương hay không? Phân tích các tiền đề của đế chế này, chúng ta tìm thấy bằng chứng về một thời kỳ loạn lạc trong đó nhà quân sự Sargon người Akkad, xứ Agade, là một biểu tượng đáng chú ý. Lùi xa hơn nữa, chúng ta thấy một thời kỳ phát triển hưng thịnh và sáng tạo mà những gì khai quật được ở Ur trong thời gian gần đây đã minh chứng. Chúng ta không biết là thời kỳ này kéo dài bao nhiêu ngược dòng thời gian trong (hay vượt qua) thiên niên kỷ thứ tư trước CN. Xã hội đã nhận diện này có thể gọi là xã hội Sumer.
Các xã hội Hittite và Babylon. Sau khi nhận diện được xã hội Sumer, chúng ta có thể tiếp tục nhận diện hai xã hội khác bằng phương pháp khảo sát, lần này không phải từ xã hội mới đến xã hội cũ mà theo thứ tự ngược lại.
Nền văn minh Sumer trải dài đến phía đông bán đảo Anatolia, sau này gọi là Cappadocia. Những tấm thẻ đất sét, rất ấn tượng vì trên đó có khắc các tài liệu buôn bán giao dịch bằng chữ viết hình nêm, đã được các nhà khảo cổ tìm thấy ở Cappadocia, là chứng cứ chứng minh điều này. Sau khi Hammurabi qua đời, lúc chính quyền trung ương của xã hội Sumer sụp đổ, các vùng lãnh thổ Cappadocia của nó bị những người man di đến từ phía tây bắc chiếm đóng. Vào khoảng năm 1750 trước CN – Vua Mursil I xứ Khatti - người cai trị chính quyền thừa kế trong phần tư thế kỷ này, đã tấn công và đánh bại Babylon. Kẻ xâm lược rút về mang theo chiến lợi phẩm và những người man di khác - người Kassite đến từ Iran - thành lập một thế lực ở Iraq tồn tại trong vòng sáu thế kỷ. Đế chế Khatti trở thành hạt nhân của một xã hội Hittite mà những kiến thức rời rạc của chúng ta về nó chủ yếu có được từ những ghi chép của người Ai Cập, theo đó người Hittite thường xuyên ở trong tình trạng chiến tranh sau khi Thothmes III (1480- 1450 trước CN) mở rộng quyền cai trị người Ai Cập đến Syria. Sự suy tàn của Đế chế Hittite diễn ra cùng thời kỳ Völkerwanderung đã hủy diệt Đế
https://thuviensach.vn
chế Crete như đã trình bày ở trên. Người Hittite có vẻ như đã thừa hưởng hệ thống tiên đoán của người Sumer, nhưng họ có một tôn giáo của riêng mình và cũng có một loại chữ viết tượng hình trong đó người ta đã ghi nhận được ít nhất là năm loại ngôn ngữ Hittite khác nhau.
Một xã hội khác, cũng có liên quan đến xã hội Sumer, được khám phá qua những ghi chép của người Ai Cập ở thế kỷ 15 trước CN, trong khu vực quê hương của xã hội Sumer. Đó là Babylon, nơi mà các thế lực Kassite, Assyria và Elam đã đóng đô vào thế kỷ 12 trước CN. Các tổ chức của xã hội hậu sinh trên nền tảng xã hội Sumer này, trong mọi khía cạnh hầu như đều rất giống với các tiền đề của chính xã hội Sumer, do đó khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng nó là một xã hội phân biệt hay là một chương kết của xã hội Sumer.
Tuy nhiên, thận trọng vẫn hơn và chúng ta sẽ gọi nó là xã hội Babylon. Trong giai đoạn cuối của mình, kéo dài suốt thế kỷ thứ 7 trước CN, xã hội này phải chịu đựng những tổn thất trầm trọng trong một cuộc chiến kéo dài hàng trăm năm ngay bên trong trái tim nó, giữa người Babylon và lực lượng quân sự của người Assyria. Xã hội Babylon tồn tại được thêm 70 năm sau khi Assyria sụp đổ và cuối cùng bị Đế chế Achaemenid của Cyrus nuốt chửng. Giai đoạn 70 năm này bao gồm cả triều đại của Nebuchadnezzar và “nhà tù Babylon” của người Do Thái, những người coi Cyrus là một thiên đường giải thoát.
Xã hội Ai Cập cổ. Xã hội rất đáng chú ý này nổi lên từ vùng thung lũng hạ lưu sông Nile trong suốt thiên niên kỷ thứ tư trước CN, cho đến thế kỷ thứ 5 thì lụi tàn sau khi đã tồn tại, từ đầu tới cuối, ít nhất là lâu gấp ba lần xã hội phương Tây của chúng ta tính đến nay. Nó không có “cha mẹ” và cũng không có “con” nối dõi; không có xã hội nào đang tồn tại hiện nay có thể khẳng định là hậu duệ của nó. Tất cả vinh quang của nó nằm ở sự bất tử đã được tìm kiếm và tìm thấy trong đá. Rất có thể các kim tự tháp - những nhân chứng bất động đã chứng kiến sự hiện diện của những người kiến tạo ra chúng trong gần 5000 năm - sẽ tồn tại hàng trăm nghìn năm nữa. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng có thể tồn tại lâu hơn con người và trong
https://thuviensach.vn
một thế giới chẳng còn ai đọc được thông điệp của chúng, chúng sẽ tiếp tục tự hào: “Ta đã tồn tại từ trước thời Abraham”.
Tuy nhiên, những lăng mộ hình chóp hùng vĩ này không chỉ là biểu tượng lịch sử của xã hội Ai Cập cổ. Chúng ta còn nói rằng, xã hội này tồn tại trong khoảng 4000 năm, nhưng phân nửa thời kỳ đó xã hội Ai Cập cổ đã không còn sức sống nữa, đến nỗi có thể coi nó chỉ là một sinh thể đã chết nhưng chưa bị chôn vùi. Hơn phân nửa lịch sử xã hội Ai Cập cổ là một phần kết quá dài.
Nếu lần theo dấu vết lịch sử của xã hội cổ này, chúng ta sẽ thấy rằng hơn một phần tư cuộc đời của nó là một giai đoạn phát triển hưng thịnh. Nguyên nhân thúc đẩy sự hình thành nền văn minh Ai Cập cổ đại dưới uy quyền dữ dội của thiên nhiên khắc nghiệt - đó là việc khai quang, tháo nước và trồng trọt trên vùng rừng đầm lầy nguyên thủy, vùng thung lũng hạ lưu và khu vực tam giác sông Nile. Thế giới Ai Cập cổ sau đó đã bộc lộ sự hợp nhất sớm sủa về mặt chính trị vào cuối giai đoạn có tên gọi là thời kỳ Tiền Triều, và đạt tới đỉnh cao của nó trong thời kỳ hoàng kim rực rỡ của vương triều thứ tư. Vương triều này đánh dấu cái gọi là đỉnh cao thành tựu của xã hội Ai Cập cổ, đó là sự phối hợp sức lao động của con người trong những công trình khổng lồ, từ việc cải tạo đầm lầy cho tới các công trình xây dựng kim tự tháp. Nó cũng đạt tới đỉnh cao trong chính trị và nghệ thuật. Ngay cả trong lĩnh vực tôn giáo, nơi kiến thức thường bị coi là nguồn gốc tai họa, những thứ gọi là “văn tự kim tự tháp” vẫn xác nhận rằng thời kỳ này cũng đã chứng kiến sức sáng tạo, xung đột và là thời kỳ đầu của sự giao thoa giữa hai hoạt động tôn giáo - đó là việc thờ thần Mặt trời và thần Osiris - sau này sẽ phát triển khi xã hội Ai Cập cổ bước vào thời kỳ suy tàn.
Thời kỳ hưng thịnh rồi cũng trôi qua, và thời kỳ suy tàn bắt đầu bằng giai đoạn quá độ kể từ vương triều thứ 5 tới thứ 6, vào khoảng năm 2424 trước CN. Tại thời điểm này, chúng ta nhận thấy những dấu hiệu quen thuộc của thời kỳ suy tàn với thứ tự quen thuộc đã xuất hiện trong lịch sử của các xã hội khác. Sự phân ly của vương triều Ai Cập cổ thống nhất thành nhiều chính quyền nhỏ cấp địa phương thường xuyên tranh giành lẫn
https://thuviensach.vn
nhau mang nhãn hiệu không thể nhầm lẫn của thời kỳ loạn lạc. Nó được tiếp nối, vào khoảng năm 2070 trước CN, bằng một chính quyền trung ương thành lập bởi vương triều địa phương ở Thebes và được thống nhất bởi vương triều thứ 12, vào khoảng năm 2000-1788 trước CN. Sau vương triều thứ 12, chính quyền trung ương sụp đổ, và thời kỳ quá độ tất yếu này đã đưa tới thời kỳ Völkerwanderung của xã hội Ai Cập cổ đại với cuộc xâm lược của người Hyksos.
Có vẻ như đây là điểm kết thúc của xã hội này. Nếu tuân theo thứ tự thường lệ của cuộc khảo sát và lần ngược dòng lịch sử kể từ thế kỷ thứ năm sau CN, chúng ta đã có thể dừng lại ở đây và nói: “Giờ đây chúng ta đã lần theo lịch sử Ai Cập cổ, từ những dấu chân cuối cùng của nó ở thế kỷ thứ năm, ngược lên 21 thế kỷ, và gặp một thời kỳ Völkerwanderung theo sau một chính quyền trung ương. Như vậy chúng ta đã tìm về tới ngọn nguồn của xã hội Ai Cập cổ và coi giai đoạn diễn ra trước khởi điểm này là một xã hội cổ tiền đề mà chúng ta sẽ gọi là ‘Xã hội sông Nile’”.
Tuy nhiên cần phải bác bỏ quan điểm này, bởi lẽ, nếu giờ đây nối lại cuộc khảo sát theo chiều thuận, chúng ta sẽ không thể tìm thấy một xã hội mới mà là một thứ hoàn toàn khác. “Chính quyền thừa kế” của người rợ bị lật đổ; người Hyksos bị trục xuất; và chính quyền trung ương với thủ phủ đặt tại Thebes được khôi phục, hoàn toàn có chủ ý.
Sự phục hồi này, theo quan điểm hiện nay của chúng ta, là hiện tượng đáng kể duy nhất trong lịch sử Ai Cập cổ (ngoại trừ cuộc cách mạng thất bại từ trong trứng nước của Ikhnaton) diễn ra giữa thế kỷ thứ 16 trước CN và thế kỷ thứ 5. Thời gian tồn tại của chính quyền trung ương, mà đã liên tiếp bị lật đổ rồi tái thành lập, lấp đầy toàn bộ hai thiên niên kỷ mà không có một xã hội mới nào hết. Nếu nghiên cứu lịch sử tôn giáo của xã hội Ai Cập cổ, chúng ta cũng sẽ thấy rằng sau thời kỳ quá độ, có một tôn giáo chiếm ưu thế thừa kế từ tầng lớp thống trị trong thời kỳ suy tàn trước đó. Dù vậy, nó không dễ dàng chiếm được ưu thế mà không trải qua một cuộc đấu tranh nào, và đầu tiên nó đã bảo vệ vững vàng địa vị của mình bằng
https://thuviensach.vn
cách lập ra một tôn giáo phổ quát trong giai đoạn suy tàn trước đó bởi tầng lớp bị trị trong nước của xã hội Ai Cập cổ từ tôn giáo Osiris. Tín ngưỡng Osiris đến từ vùng tam giác sông Nile, không phải từ vùng thượng Ai Cập, nơi đã hình thành lịch sử chính trị của xã hội Ai Cập cổ. Dòng chảy chính trong lịch sử tôn giáo Ai Cập cổ là cuộc tranh đấu giữa một vị thần sống trên trần gian và thế lực tự nhiên dưới lòng đất với thần mặt trời trên thiên đường, cuộc tranh đấu này biểu hiện qua việc linh hồn của cây cối luân phiên xuất hiện trên mặt đất và biến mất dưới lòng đất. Cuộc xung đột thần thánh này đã kết hợp với cuộc xung đột chính trị và xã hội giữa hai bộ phận dân chúng ở những nơi mà hai tín ngưỡng này phát triển, như là sự thể hiện thần học. Bộ phận thờ cúng thần mặt trời - thần Re - được diễn tả qua hình tượng các Pharaoh, được điều khiển bởi giới tu sĩ ở Heliopolis, trong khi tín ngưỡng thờ thần Osiris là một tôn giáo bình dân. Đây là cuộc xung đột giữa tôn giáo tối cao và tôn giáo bình dân vốn có sức lôi cuốn những tín đồ riêng lẻ.
Điểm khác biệt cốt yếu giữa hai tôn giáo trong hình thức nguyên thủy của chúng là sự không tương đồng trong viễn cảnh sau khi chết của các tín đồ mà chúng đề ra. Thần Osiris cai trị vô số linh hồn đã chết trong thế giới bóng tối ở dưới lòng đất. Còn Re thu nhận những tín đồ của mình sau khi chết và ban cho họ sự sống trên bầu trời. Nhưng sự phong thánh này chỉ dành tặng cho những ai có thể trả giá, một cái giá cao ngất tăng đều đặn, cho tới khi sự bất tử của mặt trời gần như chỉ dành riêng cho Pharaoh và các thành viên trong hoàng gia với những gì nhà vua đã đóng góp. Các đại kim tự tháp là những lăng mộ được xây trong nỗ lực bảo vệ sự bất tử của cá nhân đó bằng một kiến trúc hùng vĩ.
Trong khi đó, tôn giáo Osiris chiếm lĩnh mặt đất. Hình thức bất tử mà nó ban phát có lẽ quá rẻ so với việc định cư ở thiên đường trên trời của thần Re, nhưng đó chẳng qua cũng là thứ tôn giáo để vỗ về số đông quần chúng nhìn về phía trước dưới sự áp bức và đè nén, và xoa dịu rằng họ phải chịu đựng áp bức bất công trong cuộc đời này để đảm bảo niềm hạnh phúc bất diệt cho các chủ nhân của mình. Xã hội Ai Cập cổ đã phân chia thành tầng
https://thuviensach.vn
lớp thống trị và giai cấp bị trị trong nước. Phải đối mặt với nguy cơ tín ngưỡng Osiris ngày càng trở nên phổ biến, tầng lớp tu sĩ ở Heliopolis cố gắng biến Osiris thành vô dụng bằng cách cho thần gia nhập tín ngưỡng thần mặt trời, nhưng trong quá trình này, Osiris đã nhận được nhiều hơn rất nhiều so với những gì mà thần phải mất. Khi gia nhập vào giáo phái thờ mặt trời của Pharaoh, thần đã đồng thời giành được tôn giáo thờ thần Mặt trời cho số đông quần chúng lao khổ của mình. Kết quả của việc kết hợp tôn giáo này là “Cẩm nang của cõi Chết” - “cuốn sách hướng dẫn mọi người đến với sự bất tử” đã thống trị đời sống tôn giáo của xã hội Ai Cập cổ qua hai thiên niên kỷ “kết thúc” của nó. Ý tưởng thần Re đòi hỏi đạo đức thay vì phải xây kim tự tháp, còn thần Osiris giữ vai trò như một vị “phán quan” của thế giới dưới lòng đất, khiến dân Ai Cập tin rằng, cái chết chính là quà tặng của các vị thần chỉ ban thưởng cho những ai sống xứng đáng.
Như vậy, dưới chính quyền trung ương của xã hội Ai Cập cổ, chúng ta đã thấy những nét đặc trưng của tôn giáo chung được tạo ra bởi giai cấp bị trị trong nước. Tương lai của tín ngưỡng Osiris này sẽ ra sao nếu chính quyền trung ương Ai Cập cổ không được khôi phục? Liệu nó có thể trở thành cái nôi nuôi dưỡng một xã hội mới? Đầu tiên, chúng ta mong rằng nó sẽ chinh phục người Hyksos, như Giáo hội Cơ Đốc đã quyến rũ được người man di cải đạo. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra; lòng căm thù của người Hyksos đổ lên thứ tôn giáo đã chết của tầng lớp thống trị, và kết quả là tín ngưỡng Osiris bị xuyên tạc và suy thoái. Sự bất tử một lần nữa lại được đem bán, mặc dù cái giá không còn là các kim tự tháp nữa mà chỉ là một ít văn tự trên một cuộn giấy cói. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng, trong công việc kinh doanh này, cũng như những sản phẩm đại trà khác, một món hàng giá rẻ thu được một lợi nhuận nhỏ nhưng bán chạy sẽ đem lại cho nhà sản xuất lợi nhuận nhiều nhất. Do đó, cuộc “phục hồi” ở thế kỷ thứ 16 trước CN không chỉ là sự khôi phục chính quyền trung ương; nó là sự pha trộn những tế bào sống của giáo hội Osiris với những tế bào chết của xã hội Ai
https://thuviensach.vn
Cập cổ đang hấp hối thành một quần thể đơn nhất - một dạng tái thiết xã hội đã tạm chết trong hai thiên niên kỷ để cuối cùng sống lại. Chứng cứ xác thực nhất chứng minh rằng xã hội Ai Cập cổ được hồi sinh này là sự thất bại hoàn toàn của thế lực đã cố gắng vực nó dậy từ cõi chết. Lần này là một con người, Pharaoh Ikhnaton, người có công tái tạo tôn giáo đã bị vô hiệu hóa bởi tín ngưỡng Osiris của giai cấp bị trị trong suốt các thế kỷ của thời kỳ loạn lạc kéo dài. Ikhnaton đã tạo ra một khái niệm mới về thần thánh và con người, cuộc sống và thiên nhiên, và trình bày nó trong một nền nghệ thuật và thi ca mới; nhưng cái xã hội đã chết vẫn không thể nhờ đó mà phục sinh. Thất bại của ông minh chứng rằng chúng ta đúng khi coi hiện tượng xã hội trong lịch sử Ai Cập cổ từ thế kỷ thứ 16 trước CN trở đi chỉ là đoạn kết của xã hội Ai Cập cổ thay vì là lịch sử từ khi thai nghén đến lúc diệt vong của một xã hội mới. Các xã hội Andes, Yucatec, Mexic và Maya. Trước khi các nhà thực dân Tây Ban Nha đặt chân tới, châu Mỹ đã sản sinh ra bốn xã hội kể trên. Xã hội Andes ở Peru đã thành lập được một chính quyền trung ương, đó là Đế chế Inca, trước khi bị Pizarro tiêu diệt vào năm 1530. Xã hội Mexic cũng đã gần đạt tới trình độ tương tự, chính quyền trung ương đã hình thành là Đế chế Aztec. Vào thời điểm xảy ra cuộc viễn chinh của Cortez, chính quyền thành phố Tlaxcala là thế lực độc lập duy nhất còn sót lại, và người Tlaxcala cuối cùng cũng quy phục Cortez. Xã hội Yucatec ở khu vực bán đảo Yucatan đã bị xã hội Mexic dần thu phục từ 400 năm trước, song chúng đều là hậu duệ của một xã hội cổ xưa hơn - xã hội Maya - đạt tới một trình độ văn minh và nhân văn cao hơn các xã hội kế thừa nó. Nhưng nó tuột dốc không phanh và kết thúc một cách đầy bí ẩn trong thế kỷ thứ 7 sau CN, để lại chứng cứ về sự tồn tại của mình qua quần thể di tích đổ nát của những thành phố đẹp tuyệt vời trong những khu rừng mưa ở Yucatan. Xã hội này xuất sắc trong lĩnh vực thiên văn học, nó đã lập được một hệ thống niên đại chính xác đến mức đáng ngạc nhiên. Những nghi lễ tôn giáo khủng khiếp được Cortez khám phá ở Mexico dường như là phiên bản vô cùng man rợ từ tôn giáo cũ của người Maya.
https://thuviensach.vn
Như vậy các cuộc nghiên cứu đã giúp chúng ta điểm danh 19 xã hội, đa số chúng có mối quan hệ tiền đề hoặc thừa kế với một hoặc nhiều xã hội khác: đó là các xã hội Tây phương Chính thống, Iran, Ả Rập (hai xã hội Iran và Ả Rập hiện nay đã hợp nhất thành xã hội Hồi giáo), Ấn giáo, phương Đông, Hy Lạp cổ, Syria cổ, Ấn Độ cổ, Trung Quốc cổ, Minoan, Sumer, Hittite, Babylon, Ai Cập cổ, Andes, Mexic, Yucatec và Maya. Chúng ta đồng thời cũng nêu lên nghi vấn về sự hiện diện riêng biệt của xã hội Babylon bên cạnh xã hội Sumer Ả Rập Hittite, Babylon, Ai Cập cổ, Andes, Mexic, Yucatec và Maya… (Hai xã hội này hiện hữu sự chia cắt một phần Babylon từ Sumer, và một số cặp khác cũng có thể được coi là những xã hội đơn nhất với một “đoạn kết” tương tự như xã hội Ai Cập cổ. Nhưng chúng ta sẽ tôn trọng đặc tính cá thể của chúng cho tới khi nào có những bằng chứng thuyết phục để thay đổi điều đó. Thực ra chúng ta cũng có thể chia xã hội Cơ Đốc Chính thống thành một xã hội Chính thống Byzantine và một xã hội Chính thống Nga, và xã hội phương Đông thành một xã hội Trung Hoa và một xã hội Triều Tiên - Nhật Bản. Như vậy tổng số của chúng ta sẽ tăng lên 21. Song những lý lẽ để giải thích và bảo vệ phương pháp của chúng ta sẽ phải để dành cho phần tiếp theo.
https://thuviensach.vn
III. KHẢ NĂNG SO SÁNH GIỮA CÁC XÃ HỘI
(1) CÁC NỀN VĂN MINH VÀ XÃ HỘI NGUYÊN THỦY Nếu tiến hành so sánh có hệ thống 21 xã hội, vốn là mục đích của cuốn sách này, chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải những ý kiến phản đối. Ý kiến đầu tiên và đơn giản nhất phản bác vấn đề mà chúng ta đề xuất đó là: “Các xã hội nay không có đặc điểm chung nào ngoài việc tất cả chúng đều là môi trường nghiên cứu lịch sử, thậm chí đặc điểm này cũng quá mơ hồ và chung chung nên có thể không tính đến cũng được”.
Câu trả lời, những xã hội là “môi trường nghiên cứu lịch sử” là một chủng loại trong đó 21 hình mẫu tiêu biểu của chúng ta cấu thành một hình thái cụ thể. Các xã hội thuộc về hình thái này thường được gọi là nền văn minh (hay xã hội văn minh), để phân biệt với các xã hội nguyên thủy cũng là “môi trường nghiên cứu lịch sử” tạo thành một hình thái khác trong cùng chủng loại. Do đó, 21 xã hội của chúng ta cần phải có một điểm đặc trưng tương đồng cụ thể vì chúng đều nằm trong tiến trình của nền văn minh.
Một điểm khác biệt nữa giữa hai hình thái rất dễ nhận ra. Số nền văn minh đã biết là rất nhỏ. Còn số xã hội nguyên thủy đã biết lớn hơn rất nhiều. Vào năm 1915, ba nhà khảo cổ Tây phương đã bắt tay vào thực hiện một cuộc nghiên cứu so sánh các xã hội nguyên thủy. Họ đã tự đặt ra giới hạn là chỉ nghiên cứu những xã hội có nguồn thông tin tương đối đầy đủ, tính ra vào khoảng 650, đa số chúng đều không còn tồn tại đến ngày nay. Không thể nào đưa ra số lượng các xã hội nguyên thủy đã hình thành rồi suy tàn từ khi loài người xuất hiện vào khoảng 300 nghìn năm trước, nhưng rõ ràng là số lượng của các xã hội nguyên thủy so với những nền văn minh lớn hơn rất nhiều.
Gần như cân bằng với sự áp đảo về số lượng nói trên là sự vượt trội của các nền văn minh so với xã hội nguyên thủy về mặt kích thước cá thể. Các xã hội nguyên thủy đều có “tuổi thọ” tương đối ngắn, và bị giới hạn trong những khu vực địa lý tương đối nhỏ hẹp đồng thời bao gồm số lượng người tương đối nhỏ. Có thể nói rằng, nếu có thể tiến hành một cuộc điều
https://thuviensach.vn
tra số thành viên của năm nền văn minh còn tồn tại đến ngày nay, qua vài thế kỷ ngắn ngủi mà chúng đã tồn tại, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi cộng đồng riêng lẻ trong số năm nền văn minh đó đã bao gồm nhiều người hơn tổng dân số của tất cả xã hội nguyên thủy kể từ buổi bình minh của nhân loại. Tuy nhiên, chúng ta đang nghiên cứu không phải là cá thể mà là xã hội, và chân lý quan trọng đối với mục đích của chúng ta là số xã hội đã từng tồn tại trong tiến trình văn minh hóa được biết đến ngày nay là khá nhỏ.
(2) QUAN ĐIỂM SAI LẦM VỀ “TÍNH DUY NHẤT CỦA NỀN VĂN MINH”
Quan điểm thứ hai bác bỏ khả năng so sánh 21 nền văn minh của chúng ta trái ngược với quan điểm thứ nhất. “Không có tới 21 hình mẫu đại diện cho một hình thái xã hội như vậy mà chỉ có một nền văn minh duy nhất - nền văn minh của chúng ta”.
Luận điểm về tính duy nhất của nền văn minh này là một điều sai lầm do các nhà sử học Tây phương đã bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội của họ. Điểm hiểu lầm nằm ở chỗ, trong thời kỳ cận đại, nền văn minh Tây phương của chúng ta đã giăng tấm lưới kinh tế ra khắp thế giới, và nền kinh tế này thống nhất trên nền tảng xã hội Tây phương, kéo theo sự thống nhất về chính trị. Mặc dù các cuộc chinh phạt của quân đội và các quốc gia phương Tây chưa bao giờ bao quát và trọn vẹn bằng những cuộc chinh phục của công nghiệp và công nghệ của nó, nhưng sự thực là tất cả hình thái nhà nước trên thế giới đương thời đều là một phần trong hệ thống chính trị đơn nhất của xã hội Tây phương nguyên thủy.
Đây là những sự thực đáng chú ý, nhưng nếu coi chúng là chứng cứ thể hiện sự đơn nhất của nền văn minh thì quả là thiển cận. Mặc dù các bản đồ kinh tế và chính trị ngày nay đều đã được Tây phương hóa, song bản đồ văn hóa về căn bản vẫn còn nguyên như từ trước khi xã hội Tây phương của chúng ta bắt đầu cuộc chinh phục thế giới về mặt kinh tế và chính trị. Ở lĩnh vực văn hóa, bất cứ ai biết quan sát đều có thể thấy rằng những nét đặc trưng của bốn nền văn minh ngoài phương Tây vẫn còn rất rõ rệt. Nhưng
https://thuviensach.vn
nhiều người không có được tầm nhìn đó; và quan điểm của họ được minh họa qua việc sử dụng từ “thổ dân” (“natives” trong tiếng Anh) và những từ tương đương trong các ngôn ngữ Tây phương khác là để ám chỉ những người dân của các nền văn minh đó.
Khi gọi những người thuộc các nền văn minh khác là “thổ dân”, chúng ta cũng đồng thời đã hoàn toàn gạt bỏ màu sắc văn hóa của họ. Chúng ta coi họ như những động vật hoang dã tràn ngập các vùng đồng quê, và chúng ta khảo sát họ như một phần của hệ động thực vật địa phương chứ không phải như những con người có cảm xúc như chính chúng ta. Do vẫn nghĩ về họ là những “thổ dân”, nên chúng ta cho rằng mình có thể tiêu diệt họ hoặc, theo kiểu cách hiện đại hơn, “khai hóa” cho họ và tin tưởng một cách lương thiện là chúng ta đang cải thiện nòi giống của họ, nhưng sự thực là chúng ta chưa hề tìm hiểu họ.
Tuy nhiên, bên cạnh ảo tưởng về những thành công trên phạm vi toàn cầu của nền văn minh phương Tây xét theo phương diện vật chất, quan điểm sai lầm về “sự duy nhất của lịch sử”, vốn cho rằng chỉ có duy nhất một dòng chảy của nền văn minh duy nhất, đó là nền văn minh của chúng ta, và rằng tất cả những nền văn minh khác hoặc là phụ lưu của nó hoặc là đã biến mất trong sa mạc. Quan điểm này có thể được quy về ba nguồn gốc: ảo tưởng vị kỷ (tự cho mình là trung tâm của thế giới), ảo tưởng về một “Viễn Đông không thay đổi”, và ảo tưởng về quá trình chuyển biến lịch sử diễn ra trên một đường thẳng.
Đối với ảo tưởng vị kỷ, đây là một hiện tượng rất tự nhiên, bởi người phương Tây chúng ta không phải là những nạn nhân duy nhất của nó. Người Do Thái đã trải qua ảo tưởng rằng họ không phải là một trong những mà là “dân tộc duy nhất được lựa chọn”. Những gì chúng ta gọi là “thổ dân” thì họ gọi là “kẻ ngoại đạo” (“gentile”), còn người Hy Lạp cổ gọi là “người man di” (hay “người rợ” - “barbarian”). Nhưng ví dụ điển hình nhất của ảo tưởng vị kỷ có lẽ là bức quốc thư viết vào năm 1793 được vị hoàng đế minh triết của Trung Hoa, Càn Long, gửi cho một công sứ người Anh để chuyển cho vua ông ta, vua George III:
https://thuviensach.vn
“Ngài đường đường là một vị Hoàng đế, sống phía bên kia ranh giới của nhiều đại dương; ấy vậy mà bị thôi thúc bởi thèm muốn thấp kém muốn chia phần lợi tức từ nền văn minh của chúng ta, ngài đã gửi đi một công sứ kính cẩn mang theo thông điệp của mình… Ta đã đọc kỹ thông điệp của ngài; những đề nghị nghiêm chỉnh được bộc lộ một cách khiêm tốn đáng kính là điều rất đáng khen ngợi…
Với thỉnh cầu về việc gửi một thần dân của ngài sang làm con tin trong hoàng cung của ta và để điều khiển nền thương mại giữa nước ngài với Trung Hoa, nó trái với tất cả lề lối của vương triều ta và không thể chấp nhận. … Mặc dù ngài khẳng định rằng lòng kính trọng đối với thiên triều khiến ngài mong muốn thu nạp nền văn minh của chúng ta, song các nghi thức và luật lệ của chúng ta hoàn toàn khác với các nghi thức và luật lệ của các ngài, cho nên, dù công sứ của ngài có thể thu thập được những kiến thức căn bản về nền văn minh của chúng ta chăng nữa, ngài cũng sẽ không thể gieo cấy các tập quán và phong tục của chúng ta lên mảnh đất xa xôi của ngài. Vì lẽ đó, cho dù vị công sứ của ngài có tài giỏi đến đâu, ngài cũng sẽ không thu được điều gì.
Cai trị một thế giới rộng lớn, ta chỉ có một mục tiêu duy nhất, đó là duy trì một chế độ cai trị tuyệt đối và hoàn thành các phận sự đối với quốc gia. Những cống phẩm kỳ lạ và đắt giá không làm ta quan tâm. Nếu ta ra lệnh chấp nhận những cổng vật do ngài gửi đến, hỡi hoàng đế, thì đó chỉ là vì lòng kính trọng đối với tinh thần đã thôi thúc ngài gửi chúng từ nghìn dặm xa xôi đến đây. Uy nghi của vương triều ta đã thu phục mọi quốc gia trên thiên hạ, và vua chúa của mọi nước đều hiến dâng những cống phẩm đắt giá theo đường bộ hoặc đường hàng hải. Như sứ giả của ngài có thể tận mắt chứng kiến, chúng ta có tất cả mọi thứ. Ta không coi trọng những vật kỳ lạ hay khéo léo và không có nhu cầu sử dụng những máy móc của nước ngài”.[6]
https://thuviensach.vn
Một thế kỷ sau bức thông điệp này, lòng kiêu hãnh của những người kế vị Càn Long đã phải sụp đổ. Đó là kết cục mà ai cũng có thể đoán được của sự kiêu ngạo.
Ảo tưởng về “Viễn Đông không thay đổi” rõ ràng cũng rất phổ biến mà ta không cần phải nghiên cứu sâu rộng để tìm kiếm nguyên nhân. Có thể nó dựa trên thực tế là “phương Đông”, từ này hàm nghĩa mọi nơi từ Ai Cập tới Trung Hoa, đã từng có thời vượt trước phương Tây rất xa và giờ đây, có vẻ như đã bị tụt lại phía sau cũng xa không kém; do đó, trong khi chúng ta tiến lên phía trước thì hẳn là nó phải dậm chân tại chỗ. Cụ thể hơn, chúng ta phải nhớ rằng đối với những người Tây phương bình thường thì hiểu biết duy nhất về lịch sử cổ đại “Viễn Đông” được gói gọn trong những câu chuyện kể trong kinh Cựu ước. Khi những nhà thám hiểm phương Tây được chứng kiến, giữa sự kinh ngạc và niềm vui sướng, rằng đời sống hiện nay ở biên giới Transjordanian của sa mạc Ả Rập hoàn toàn giống hệt với mô tả đời sống của tổ tiên họ trong cuốn kinh Cội nguồn, thì có vẻ như đặc điểm không thay đổi của phương Đông đã được chứng minh. Nhưng những gì mà các nhà thám hiểm đó đã gặp không phải là “Viễn Đông không thay đổi” mà chỉ là thảo nguyên Ả Rập không thay đổi. Trên thảo nguyên, môi trường vật lý khó có thể là một nhân tố thúc đẩy sự phát triển của con người vì khả năng tự thích ứng của họ bị giới hạn trong một phạm vi rất nhỏ hẹp. Điều này xảy đến với tất cả những ai ở mọi thời đại đã can đảm chọn lối sống khắc nghiệt và khó thay đổi trên sa mạc. Để kết luận “Viễn Đông không thay đổi” thì những bằng chứng như vừa nêu là quá vụn vặt. Trong thế giới phương Tây cũng có, chẳng hạn như vùng thung lũng Alpine, vốn không bị những du khách hiện đại động chạm tới, ở đó các cư dân vẫn sinh sống giống hệt như tổ tiên họ từ thời Abraham. Như vậy, chẳng lẽ chúng ta cũng có thể suy ra từ luận điểm này một “phương Tây không thay đổi” hay sao?
Ảo tưởng về tiến trình lịch sử diễn ra theo một đường thẳng là ví dụ cho thấy xu hướng đơn giản hóa quá mức vấn đề mà con người thường thể hiện trong mọi suy nghĩ của mình. Những sử gia của chúng ta sắp xếp các
https://thuviensach.vn
thời kỳ thành một chuỗi đơn nhất từ đầu này tới đầu kia, tạo thành “chuỗi thời kỳ”, như các đoạn thân tre xen giữa các đốt vậy. Trên “cây tre” mà các sử gia hiện đại được kế thừa ấy chỉ có hai đoạn - “cổ” và “hiện đại”, mặc dù không tương ứng chính xác với kinh Cựu ước và kinh Tân ước hoặc sự phân biệt thời điểm trước và sau CN. Sự phân chia giai đoạn lịch sử này là một di sản xuất phát từ quan điểm của giai cấp bị trị thời xã hội Hy Lạp cổ, thể hiện tư tưởng bất hòa của nó với giai cấp thống trị bằng cách tạo ra một hình ảnh đối lập hoàn toàn giữa hệ thống tôn giáo cổ của Hy Lạp với Giáo hội Cơ Đốc giáo, (họ dễ dàng được tha thứ hơn nhiều so với chúng ta, vì tầm hiểu biết giới hạn của họ). Đó là lý do phát sinh ảo tưởng vị kỷ trong việc chuyển đổi một trong 21 xã hội của chúng ta thành một xã hội khác.[7]
Theo thời gian, các nhà sử học của chúng ta phát hiện ra rằng sẽ thuận tiện hơn cho việc sử dụng kính viễn vọng của họ để ngắm nhìn lịch sử bằng cách bổ sung thêm một giai đoạn thứ ba, mà họ gọi là “thời trung cổ”, vì họ chen nó vào giữa hai thời kỳ kia. Nhưng trong khi sự phân chia giữa “cổ điển” và “hiện đại” đại diện cho sự phân chia giữa lịch sử Hy Lạp cổ và lịch sử Tây phương, thì sự phân chia giữa “trung cổ” với “hiện đại” chỉ đại diện cho sự chuyển đổi giữa một giai đoạn của lịch sử Tây phương sang một giai đoạn khác. Công thức “cổ điển + trung cổ + hiện đại” là không đúng; mà phải là “Hy Lạp cổ + Tây phương (trung cổ + hiện đại)”. Vả lại nếu chúng ta đã công nhận chia một giai đoạn của lịch sử Tây phương thành một “thời kỳ” riêng biệt thì tại sao không làm điều tương tự với những giai đoạn khác? Không có gì đảm bảo cho sự phân chia thêm một giai đoạn bắt đầu từ khoảng năm 1075 tới khoảng năm 1475 là đúng cả, và có nhiều lý do để cho rằng gần đây chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới khởi đầu vào khoảng năm 1875. Như vậy chúng ta có:
Tây phương I: Giai đoạn mông muội, 675-1075.
Tây phương II: Giai đoạn trung đại, 1075-1475.
Tây phương III: Hiện đại, 1475-1875.
Tây phương IV: Hậu-hiện đại, 1875-?
https://thuviensach.vn
Nhưng chúng ta đã lạc hướng, vì rằng sự cân bằng giữa lịch sử Hy Lạp cổ và lịch sử Tây phương “cổ điển và hiện đại” (nếu bạn thích) chỉ thể hiện tư tưởng hẹp hòi cục bộ và sự thiển cận mà thôi. Điều đó giống như một nhà địa lý cho xuất bản cuốn sách nhan đề “Địa lý thế giới” nhưng trong đó chỉ toàn phân tích mọi chi tiết về vùng lòng chảo Địa trung hải và châu Âu.
Ngoài ra còn có một khái niệm rất khác về tính đơn nhất của lịch sử tồn tại đồng thời với các ảo tưởng phổ biến đã được trình bày từ nãy tới giờ, đối lập với luận điểm của cuốn sách này. Ở đây chúng ta chạm trán với một sản phẩm của lý thuyết nhân chủng học hiện đại: Ấy là thuyết “truyền bá” được nhắc tới trong cuốn Người Ai Cập cổ và nguồn gốc của nền văn minh của G. Elliot Smith và cuốn Các con của thần Mặt trời: Một nghiên cứu về lịch sử cổ đại của nền văn minh của W.H Perry. Các tác giả này tin vào “tính đơn nhất của nền văn minh” theo một lý lẽ đặc biệt: Không phải chuyện ngày hôm qua hay ngày mai được thực hiện nhờ sự truyền bá trên phạm vi toàn cầu của nền văn minh Tây phương độc nhất và duy nhất, mà chính là những gì đã được thực hiện hàng nghìn năm trước bởi sự truyền bá của nền văn minh Ai Cập cổ - là một trong vài nền văn minh đã chết và không có hậu duệ nào. Họ tin rằng xã hội Ai Cập cổ là thể hiện độc nhất và duy nhất của một nền văn minh được tạo ra một cách độc lập, mà không có sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Tất cả những hình thức nền văn minh khác đều bắt nguồn từ Ai Cập, bao gồm cả các cộng đồng ở châu Mỹ, vì ảnh hưởng của nền văn minh Ai Cập cổ được cho là vươn tới tận Hawaii và đảo Đông.
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận sự thực rằng “truyền bá” là phương pháp nền tảng của nhiều công nghệ, khả năng, tổ chức và ý tưởng, từ bảng mẫu tự Alphabet cho tới chiếc máy may Singer, đều có sự giao tiếp giữa xã hội này với xã hội khác. Trong xã hội chúng ta hiện nay sự truyền bá giải thích cho việc có mặt của trà phương Đông, cà phê Ả Rập, cacao Trung Mỹ, cao su nguyên liệu ở vùng Amazon, thói quen hút thuốc lá ở Trung Mỹ, thói quen đếm theo hệ thập nhị phân của người Sumer, mà bằng chứng là đồng shilling của chúng ta, hệ số Ả Rập mà lúc đầu có lẽ đến từ Ấn Độ v.v… Thế nhưng, thực tế là súng trường trở nên phổ biến trên thế giới
https://thuviensach.vn
thông qua sự truyền bá từ nơi nó đã được phát minh ra, không phải là chứng cứ để chứng minh rằng cung nỏ cũng đạt được tính rộng rãi theo kiểu tương tự. Cũng không phải là vì ngành luyện thép bành trướng ra khắp thế giới từ Manchester mà kết luận rằng công nghệ luyện kim cũng phải được quy về một điểm khởi nguồn duy nhất như thế. Trong trường hợp này chứng cứ của chúng ta phải được chứng minh theo cách hoàn toàn khác.
Bất chấp những quan điểm sai lạc của chủ nghĩa vật chất hiện đại, phải hiểu rằng các nền văn minh không được xây dựng trên những viên gạch vật chất, từ máy may, thuốc lá, súng trường, ngay cả các bảng mẫu tự và bảng cửu chương cũng không. Xuất khẩu một công nghệ của phương Tây ra nước ngoài là việc làm dễ nhất trên đời. Nhưng đem một bài thơ hoặc một vị thánh nào đó đến một nơi xa lạ sẽ gặp khó khăn hơn rất, rất nhiều lần khi muốn nhóm lên trong tâm hồn của một xã hội “ngoài phương Tây” ngọn lửa tâm linh khác với những gì đang soi sáng tâm hồn nó. Mặc dù vẫn tôn trọng đóng góp của sự truyền bá, song cần phải nhấn mạnh vai trò của sáng tạo nguyên thủy trong lịch sử nhân loại, và chúng ta phải tự nhắc nhở mình rằng tia lửa hoặc mầm mống của sáng tạo nguyên thủy có thể bùng phát thành ngọn lửa hoặc nảy mầm thành một cành hoa trong bất kỳ hình thái nào của đời sống xã hội. Ít ra, chúng ta có thể trút trách nhiệm lên vai những người theo thuyết truyền bá xã hội phòng trường hợp có một câu hỏi mở được đặt ra: liệu phương pháp truyền bá có được coi là nhân tố quyết định của một thành tựu cụ thể nào đó của con người hay không.
Freeman viết vào năm 1873:
“Khó có thể nghi ngờ rằng nhiều khám phá quan trọng nhất của cuộc sống văn minh đã được lặp lại nhiều lần, tại những thời điểm và các quốc gia khác nhau, vì nhiều quốc gia khác nhau đạt tới những mức phát triển cụ thể của xã hội khi lần đầu tiên người ta cần tới những phát minh đó. Vì vậy mà công nghệ in ấn đã được phát minh độc lập ở Trung Hoa và trong thời trung cổ ở châu Âu; và người ta tin rằng một tiến trình tương tự đã được vận dụng cho nhiều mục đích khác ở La Mã cổ đại, mặc dù không ai
https://thuviensach.vn
thực hiện bước đi quan trọng là áp dụng tiến trình quen thuộc vẫn được sử dụng cho nhiều mục đích nhỏ đó vào việc in sách. Có thể tin rằng, những gì đã xảy ra với in ấn cũng đã xảy ra với chữ viết, và chúng ta có thể lấy một ví dụ khác từ một nghệ thuật hoàn toàn khác. Thật vậy, từ việc so sánh những công trình kiến trúc cổ còn sót lại ở Ai Cập, Hy Lạp, Ý, các đảo thuộc địa Anh và những thành phố đổ nát ở Trung Mỹ, chúng ta thấy rằng những phát minh khung cửa và mái vòm tuyệt vời đã được thực hiện không chỉ một lần trong lịch sử nghệ thuật của nhân loại. Chúng ta cũng không nghi ngờ việc nhiều nghệ thuật đơn giản và thiết yếu của đời sống văn minh - sử dụng máy xay, cung nỏ, thuyền bè và thuần hóa ngựa hoang - đã được phát hiện nhiều lần ở nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau. … Với chính trị, cũng không có sự khác biệt nào. Một tổ chức chính trị giống nhau thường xuất hiện cách nhau rất xa, đơn giản vì hoàn cảnh đòi hỏi sự hiện diện của chúng xuất hiện ở những thời điểm và địa điểm cách nhau rất xa”.[8]
Một nhà nhân chủng học hiện đại cũng phát biểu ý kiến giống như vậy:
“Những điểm tương đồng trong ý tưởng và thói quen của con người chủ yếu là do sự tương tự trong cấu trúc bộ não con người và kết quả tự nhiên của quá trình tư duy của họ, dù họ ở những nơi khác nhau. Trong một trạng thái nào đó của lịch sử nhân loại, sự phát triển tính cách và trí tuệ của con người là như nhau, nên chắc chắn tinh thần của họ phải có những đặc tính, năng lực và phương pháp hoạt động chung trên toàn thế giới. … Tính tương đồng trong hoạt động của não bộ này được thấy ở thế kỉ 19 qua trí tuệ của Darwin và Russell Wallace, khi làm việc trên cùng một dữ liệu giống nhau, đã đồng thời đưa ra thuyết Tiến hóa; và nó còn được chứng minh qua việc có nhiều sở hữu chung đối với cùng một phát minh hoặc khám phá vào thời đó. Sự hoạt
https://thuviensach.vn
động tương tự nhau trong quá trình tư duy chung của nòi giống - dữ liệu càng rời rạc, năng lực càng sơ đẳng, thì kết quả càng mơ hồ - giải thích sự xuất hiện của các tín ngưỡng và tổ chức như tín ngưỡng Totem, chế độ ngoại hôn, và nhiều nghi lễ tẩy uế khác ở hầu hết những cộng đồng người sống riêng biệt trên khắp địa cầu”.[9]
(3) THỜI ĐIỂM SO SÁNH GIỮA CÁC NỀN VĂN MINH Đến giờ, chúng ta đã giải đáp hai ý kiến trái ngược nhưng đều phản bác kế hoạch nghiên cứu so sánh của chúng ta: Một ý kiến cho rằng 21 xã hội của chúng ta không có đặc tính nào chung để được coi là “môi trường nghiên cứu lịch sử”; quan điểm còn lại cho rằng “tính đơn nhất của nền văn minh” làm giảm thiểu số lượng nền văn minh xuống chỉ còn có một. Những người chỉ trích này, ngay cả nếu họ bị thuyết phục bởi phần phản biện của chúng ta, có lẽ sẽ vẫn phản đối khả năng so sánh 21 xã hội với nhau vì chúng không cùng thời đại. Bảy trong số chúng hiện vẫn còn tồn tại; 14 xã hội khác đã lụi tàn và trong số này có ít nhất ba xã hội - Ai Cập cổ, Sumer và Minoan - trải dài tới tận “buổi bình minh của lịch sử”. Ba xã hội đó, có thể cả những xã hội khác nữa, đều có niên đại riêng biệt so với các nền văn minh còn tồn tại do sự kéo dài “thời điểm lịch sử”.
Câu trả lời là: Những thời đại đó có liên quan với nhau và một thời kỳ chưa tới 6000 năm - tính từ thời điểm xuất hiện những nền văn minh cổ xưa nhất từng được biết cho tới xã hội hiện nay của chúng ta cần phải được xác định, vì mục đích của chúng ta là nghiên cứu trên trục thời gian tương đối - là giới hạn về chiều dài thời gian của bản thân các nền văn minh. Giờ đây, trong khi nghiên cứu những mối quan hệ giữa các nền văn minh với nhau theo thời gian, số thế hệ thừa kế cao nhất mà chúng ta gặp qua mọi nền văn minh là ba, và trong mọi trường hợp, ba thế hệ này đều có nhiều hơn khoảng thời gian 6000 năm của chúng ta, vì hình thái cuối cùng của nó là một nền văn minh hiện nay vẫn còn đang tồn tại.
https://thuviensach.vn
Thực tế là trong cuộc nghiên cứu về các nền văn minh của mình, chúng ta đã không phát hiện ra trường hợp nào có số thế hệ kế thừa cao hơn ba, có nghĩa là hình thái này còn rất trẻ trên trục thời gian của riêng nó. Hơn nữa, tuổi tuyệt đối của nó tính đến ngày nay là rất ngắn so với những hình thái “anh chị” của nó ở các xã hội nguyên thủy, vốn cùng tuổi với bản thân loài người đã tồn tại trong 300 nghìn năm, theo ước đoán trung bình. Nhắc tới điều này không phải để phát biểu rằng một số nền văn minh kéo dài đến tận “buổi bình minh của lịch sử”, bởi lẽ cái mà chúng ta gọi là “lịch sử” chẳng qua chỉ là lịch sử của nhân loại trong một xã hội “văn minh”, nhưng nếu hiểu nghĩa từ “lịch sử” là toàn bộ thời gian sống của loài người trên trái đất, chúng ta sẽ thấy giai đoạn sản sinh ra các nền văn minh, tính từ khi bắt đầu lịch sử loài người, chỉ chiếm có 2% thời gian, nghĩa là 1/50 tuổi thọ của nhân loại. Như vậy, các nền văn minh của chúng ta có thể được công nhận một cách thích đáng là “cùng thời” với nhau.
Một lần nữa, những người chỉ trích, cho dù đã bỏ qua ý kiến phản bác của họ về mặt thời gian, có thể lại từ chối khả năng so sánh giữa các nền văn minh do nhiều sự khác biệt giữa chúng về trình độ phát triển. Chẳng phải đa số những thứ được gọi là nền văn minh đó đều gần như kém phát triển, hay đúng hơn là “thiếu văn minh”, cho nên việc xác minh sự tồn tại song song giữa chúng với các nền văn minh “thực thụ” (lẽ dĩ nhiên là như nền văn minh của chúng ta) đơn thuần là phí công vô ích hay sao? Ta nên nhớ rằng trình độ phát triển, cũng như thời gian, chỉ là một khái niệm tương đối; vì toàn bộ 21 xã hội của chúng ta, nếu so sánh với các xã hội nguyên thủy, đều được coi là tiến bộ vượt bậc; nhưng tất cả chúng, nếu so sánh với bất kỳ một tiêu chuẩn lý tưởng nào đó, sẽ bị coi là tụt hậu quá xa và chẳng có xã hội nào có thể nói là phát triển hơn những xã hội khác.
Như vậy, về mặt lý thuyết, chúng ta vẫn bảo lưu ý kiến rằng 21 xã hội của chúng ta cần được xem là hiển nhiên cùng thời đại và bình đẳng. Và những người chỉ trích cuối cùng, ngay cả khi giả sử rằng họ đã chịu lắng nghe chúng ta giải thích từ nãy tới giờ, vẫn có thể tuyên bố rằng lịch sử của các nền văn minh chẳng có gì khác hơn là những chuỗi sự kiện
https://thuviensach.vn
lịch sử; mà mọi sự kiện lịch sử là độc nhất về bản chất; và rằng lịch sử không thể tự lặp lại.
Câu trả lời là, mặc dù mọi sự kiện, cũng như mọi cá thể, đều là độc nhất và do đó không thể so sánh, nhưng nó cũng có thể là một thành viên trong tầng lớp của mình theo một phương diện nào đó, và vì vậy vẫn có thể được so sánh với những thành viên khác thuộc cùng tầng lớp ấy. Không có hai cơ thể sống nào, dù là động vật hay cây cỏ, giống hệt nhau một cách chính xác, nhưng nếu như vậy làm sao con người chúng ta đã có thể lập ra các ngành khoa học như sinh lý học, sinh vật học, thực vật học, động vật học, và dân tộc học… trên cơ sở nghiên cứu so sánh? Trí tuệ của con người lại càng rắc rối và đa dạng, nhưng chúng ta thừa nhận quyền tồn tại và tự sử dụng của tâm lý. Tuy nhiên, điểm gây ra nhiều bất đồng hơn hết là mức độ phát triển của thành tựu các nền văn minh tính đến ngày nay. Chúng ta thừa nhận một cuộc nghiên cứu so sánh về các xã hội nguyên thủy dưới danh hiệu của nhân chủng học. Mục đích là làm cho xã hội hiện nay của chúng ta “văn minh”, điều mà nhân chủng học đang thực hiện đối với các xã hội nguyên thủy.
Nhưng vị trí của xã hội chúng ta sẽ được xác định rõ ràng hơn trong phần cuối của chương này.
(4) LỊCH SỬ, KHOA HỌC VÀ VĂN CHƯƠNG
Có ba phương pháp khác nhau để xem xét và trình bày suy nghĩ của chúng ta, và qua đó thể hiện những hiện tượng trong đời sống nhân loại. Phương pháp đầu tiên là xác minh và ghi chép các hiện tượng “thực tế”; phương pháp thứ hai là giải thích, thông qua một nghiên cứu so sánh các hiện tượng “thực tế” đã được xác minh, để rút ra những “quy luật” chung; và phương pháp thứ ba là tái tạo các sự vật, hiện tượng thông qua nghệ thuật dưới hình thức “văn chương”. Ta có thể gọi chung phương pháp xác minh và ghi chép lại các hiện tượng thực tế là phương pháp lịch sử, phạm vi nghiên cứu của phương pháp này là những hiện tượng xã hội của các nền văn minh; phương pháp giải thích và rút ra các quy luật chung là phương
https://thuviensach.vn
pháp khoa học, và trong quá trình nghiên cứu đời sống nhân loại, ngành khoa học chủ chốt là nhân chủng học, phạm vi nghiên cứu của phương pháp này là hiện tượng xã hội của các xã hội nguyên thủy; và cuối cùng, văn học là phương pháp của kịch nghệ và tiểu thuyết, phạm vi của nó là mối quan hệ cá nhân của các nhân vật. Tất cả, về cơ bản, đều được tìm thấy trong những công trình của Aristotle.
Tuy nhiên, sự phân bố của ba phương pháp này giữa ba bộ phận nghiên cứu lại ít chặt chẽ hơn ta tưởng. Ví dụ như phương pháp lịch sử, nó không ghi chép lại tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống nhân loại mà chừa lại những sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội của các xã hội nguyên thủy, từ đó nhân chủng học mới xác định được các “quy luật” của nó; và nó trao cho sinh vật học các sự vật hiện tượng về đời sống của các cá thể - mặc dù gần như tất cả đời sống của các cá thể đều đáng quan tâm và đủ quan trọng để được ghi chép, không phải trong xã hội nguyên thủy, mà là ở một trong những xã hội khác trong tiến trình văn minh vốn vẫn thường được coi là thuộc địa hạt của phương pháp lịch sử. Do đó lịch sử chỉ đề cập một số chứ không phải toàn bộ những sự vật hiện tượng thực tế trong đời sống nhân loại; và mặt khác, bên cạnh việc ghi chép lại các sự vật hiện tượng, phương pháp lịch sử cũng phải cầu viện đến khả năng hư cấu và sử dụng các quy luật.
Phương pháp lịch sử, cũng giống như kịch nghệ và tiểu thuyết, vốn phát triển từ thần thoại, một hình thức nguyên thủy của sự lĩnh hội và biểu đạt mà trong đó - cũng như trong những câu chuyện cổ tích kể cho trẻ con hoặc trong những giấc mơ của người lớn - ranh giới giữa thực tế và hư cấu không được xác định. Ví dụ như vở Iliad, bất cứ ai bắt đầu đọc nó như một tài liệu lịch sử sẽ thấy nó chứa đầy những chi tiết hư cấu, nhưng ngược lại, bất cứ ai chủ tâm đọc nó như một tác phẩm hư cấu sẽ thấy nó chứa đầy lịch sử. Tất cả tài liệu lịch sử đều tương đồng với Iliad về điểm này, nghĩa là chúng không thể hoàn toàn loại bỏ yếu tố hư cấu. Sự chọn lọc, sắp xếp và yếu tố thực tế đơn thuần là một phương pháp thuộc về lĩnh vực hư cấu, và quan điểm phổ biến cho rằng không sử gia nào có thể được coi là “vĩ đại”
https://thuviensach.vn
nếu bản thân ông ta không phải là một nghệ sĩ vĩ đại; rằng Gibbons và Macaulays là các sử gia vĩ đại hơn so với các “sử gia khô khan” - những người cố gắng tránh những điểm thiếu xác thực được các đồng nghiệp giàu trí tưởng tượng của họ tạo ra, cái tên này được ngài Walter Scott đặt ra, bản thân ông cũng được coi là một sử gia vĩ đại nhờ một số tiểu thuyết hơn là bất kỳ tác phẩm lịch sử nào của mình. Dù sao chăng nữa cũng khó mà viết được hai dòng truyện lịch sử liền lạc mà không đưa ra những nhân vật và khái niệm hư cấu như “nước Anh”, “nước Pháp”, “Đảng Bảo thủ”, “Giáo hội”, “báo chí” hoặc “quan điểm chung”. Thucydides[10] viết kịch về những nhân vật “lịch sử” bằng cách đặt những lời thoại hư cấu vào miệng họ, nhưng phương pháp trực luận của ông, mặc dù thuyết phục hơn, song thực sự không mang nhiều tính hư cấu hơn so với phương pháp gián luận nặng nề, trong đó những kịch tác gia hiện đại đưa ra những hình ảnh giả tạo của họ để thể hiện quan điểm chung.
Bên cạnh đó, lịch sử cũng đã phục vụ cho một số ngành khoa học phụ thuộc chuyên công thức hóa những quy luật chung không chỉ về các xã hội nguyên thủy mà về tất cả các nền văn minh: chẳng hạn như ngành kinh tế, chính trị và xã hội học.
Dù không cần thiết phải đưa vào lý lẽ của mình, nhưng chúng ta có thể chứng minh rằng, lịch sử không “thuần khiết” khi sử dụng những phương pháp kết hợp với khoa học và văn chương, thì khoa học và văn chương cũng không đời nào tự trói buộc với những gì được coi là phương pháp của riêng chúng. Tất cả ngành khoa học đều trải qua một giai đoạn mà việc xác minh và ghi chép thực tế là hoạt động khởi đầu tích cực duy nhất, và ngành nhân chủng học chỉ vừa mới hình thành từ giai đoạn đó. Cuối cùng, nếu kịch nghệ và tiểu thuyết không phải là sự trình bày một cách hư cấu, mà hoàn toàn là hư cấu và không gì ngoài những mối quan hệ cá nhân hư cấu, thì sản phẩm của chúng, thay vì được Aristotle nhận xét là “chân thật và giàu tính triết lý hơn cả lịch sử”, sẽ chỉ toàn những hình ảnh tưởng tượng vô lý và không thể chấp nhận. Khi gọi tác phẩm văn học là tác phẩm hư cấu, chúng ta chỉ muốn nói rằng các nhân vật trong tác phẩm đó không thể
https://thuviensach.vn
được đồng nhất với bất kỳ người nào đã từng sống trong lịch sử, cũng như không có mối liên hệ nào về các sự kiện cụ thể. Sự thực là, chúng ta muốn nói rằng tác phẩm đó có một sự hư cấu mang tính chất cá nhân; và nếu chúng ta không nói rằng nền tảng của nó được sáng tác dựa trên những sự kiện lịch sử xã hội có thật thì chỉ vì điều này có vẻ như đã quá hiển nhiên mà thôi. Thật vậy, chúng ta thừa nhận rằng lời ngợi khen vinh dự nhất dành tặng cho một tác phẩm hư cấu là nó “chân thật như cuộc sống”, và rằng “tác giả thể hiện một kiến thức uyên thâm về bản chất cuộc sống con người”. Cụ thể hơn: Nếu tác phẩm hư cấu về một gia đình thợ dệt len ở Yorkshire, chúng ta có thể khen ngợi tác giả bằng cách tán dương rằng, những gì ông viết cho thấy ông hiểu biết về những thị trấn ở vùng West Riding rõ như lòng bàn tay.
Tuy vậy, sự phân biệt của Aristotle giữa phương pháp lịch sử, khoa học và hư cấu vẫn giữ nguyên tính hợp lý theo một định hướng chung, và có lẽ lý do sẽ xuất hiện nếu chúng ta phân tích những phương pháp này một lần nữa, vì ta sẽ phát hiện ra rằng chúng phân biệt với nhau trong sự tương đồng khi xử lý những “dữ liệu” với số lượng khác nhau. Phương pháp xác minh và ghi chép các hiện tượng thực tế chỉ thích hợp với một môi trường nghiên cứu có ít dữ liệu. Phương pháp giải thích và lập công thức các quy luật có thể được áp dụng và tỏ ra cần thiết trong những môi trường có quá nhiều dữ liệu hiện diện nhưng không nhiều dữ liệu để khảo sát. Hình thức sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật được gọi là hư cấu là phương pháp duy nhất có thể sử dụng khi lượng dữ liệu là vô số. Ở đây, giữa ba phương pháp, chúng ta thấy một sự khác biệt về bản chất theo định lượng. Các phương pháp khác nhau ở tính hữu dụng của chúng trong việc xử lý những số lượng dữ liệu khác nhau. Liệu chúng ta có thể phát hiện ra một khác biệt tương ứng ở các lĩnh vực riêng biệt trong ba cuộc nghiên cứu của chúng ta không?
Để bắt đầu nghiên cứu về những mối quan hệ cá nhân - vốn thuộc về địa hạt văn chương - chúng ta nhận thấy ngay rằng rất ít nhân vật có những mối quan hệ thực tế cá nhân đủ thú vị và quan trọng để tiểu sử của họ trở
https://thuviensach.vn
thành đề tài và cảm hứng văn chương. Ngoài những ngoại lệ hiếm hoi này, nghiên cứu về đời sống của con người trong những mối quan hệ cá nhân phải đối mặt với vô số trường hợp tương tự. Ghi chép toàn diện về chúng là điều không thể. Bất cứ công thức nào thể hiện những “quy luật” của chúng đều quá tầm thường hoặc thô thiển. Trong hoàn cảnh đó, không thể truyền bá dữ liệu đáng kể trừ khi có một hình thức khác để chuyển tải cái vô hạn bằng cái hữu hạn, và hình thức đó chính là hư cấu văn chương.
Giờ đây, khi đã phát hiện ra về mặt số lượng có ít nhất một cách diễn giải trong khi nghiên cứu những mối quan hệ cá nhân, thì phương pháp hư cấu thường được sử dụng là phương pháp công thức hóa quy luật trong khi nghiên cứu những xã hội nguyên thủy và phương pháp tìm kiếm thực tế khi nghiên cứu về các nền văn minh.
Điều đầu tiên cần đề cập là, cả hai phương pháp nghiên cứu này đều xem như có mục đích nhắm tới các mối quan hệ của con người, song không phải là những mối quan hệ quen thuộc hay cá nhân xảy đến trong kinh nghiệm trực tiếp của mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Nó nhắm đến mối quan hệ xã hội của con người - vốn vượt ra ngoài phạm vi những mối quan hệ cá nhân xa nhất, và những mối quan hệ phi cá nhân này được duy trì thông qua các cơ chế xã hội gọi là tổ chức. Nếu không có các tổ chức thì xã hội sẽ không thể tồn tại. Thật vậy, bản thân các xã hội chẳng qua là những tổ chức ở trạng thái cao nhất. Nghiên cứu về xã hội hay nghiên cứu về mối quan hệ của các tổ chức trong xã hội đó là như nhau.
Chúng ta lại có thể thấy rằng, số lượng dữ liệu mà các cuộc nghiên cứu phải xử lý về mối quan hệ giữa các tổ chức xã hội của con người là nhỏ hơn rất nhiều so với số lượng các mối quan hệ cá nhân. Chúng ta có thể phân tích xa hơn là số lượng mối quan hệ giữa các tổ chức xã hội được ghi chép có liên quan tới việc nghiên cứu các xã hội nguyên thủy sẽ lớn hơn rất nhiều so với số lượng những mối quan hệ liên quan đến việc nghiên cứu những xã hội văn minh, vì số lượng các xã hội nguyên thủy đã biết lên tới hơn 650, trong khi cuộc nghiên cứu về các xã hội nằm trong tiến trình văn minh cho phép chúng ta nhận diện được không quá 21 xã hội. Bây giờ con
https://thuviensach.vn
số 650 mẫu, mặc dù kém rất xa số cần thiết để áp dụng phương pháp hư cấu, song thích hợp để các nhà nghiên cứu khởi đầu bằng việc lập công thức các quy luật. Trái lại, nghiên cứu về một hiện tượng chỉ có một hai chục mẫu thì không thể áp dụng phương pháp nào khác hơn là liệt kê thực tế; và như chúng ta đã thấy, đây chính là trường hợp mà ta phải sử dụng phương pháp lịch sử.
Lúc đầu, dường như là một nghịch lý khi quả quyết rằng, các nhà nghiên cứu có trong tay một số lượng dữ liệu rất nhỏ khi khảo sát các nền văn minh, trong khi các nhà sử học hiện đại của chúng ta phàn nàn rằng họ bị chìm ngập trong nguồn vô tận các dữ liệu. Nhưng thực tế là các sự vật, hiện tượng ở cấp bậc cao nhất - “môi trường nghiên cứu “ - các đơn vị so sánh được của lịch sử - có số lượng quá ít để áp dụng phương pháp khoa học, giải thích và công thức hóa các quy luật. Dù vậy, trong hoàn cảnh này, chúng ta đành chấp nhận những khó khăn thử thách đó và kết quả của những nỗ lực ấy sẽ được thể hiện trong phần còn lại của cuốn sách này.
https://thuviensach.vn
CHƯƠNG 2
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CÁC NỀN VĂN MINH
IV. CÂU HỎI CHƯA CÓ LỜI ĐÁP
(1) ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngay khi tiếp cận vấn đề nguyên nhân và quá trình hình thành các xã hội văn minh, chúng ta nhận thấy danh sách 21 xã hội nói trên được chia thành hai nhóm. Trong số đó, 15 xã hội là hậu duệ của các xã hội tiền đề thuộc cùng chủng loại với nó, trong đó có những xã hội hậu duệ gần gũi với xã hội tiền đề của nó đến mức việc phân tách chúng biệt lập với nhau có thể gây tranh cãi. Ngược lại, một vài xã hội có mối quan hệ trực hệ rất lỏng lẻo khiến cho ý nghĩa ẩn dụ trong khái niệm “trực hệ” có thể khiến chúng ta đi lạc đường. Nhưng hãy bỏ qua chuyện này. Trên dưới 15 xã hội nói trên lập thành một nhóm phân biệt với 6 xã hội hình thành trực tiếp từ đời sống nguyên thủy còn lại như chúng ta đã thấy. Sự hình thành 6 xã hội này chính là tâm điểm chú ý của chúng ta hiện nay. Đó là các xã hội Ai Cập cổ, Sumer, Minoan, Sinic, Maya và Andean.
Vậy điểm khác biệt cơ bản giữa xã hội nguyên thủy và xã hội tiến hóa hơn là gì? Đó không phải là chuyện có hay không sự hiện diện của các tổ chức xã hội - vốn là phương tiện chuyển tải các mối quan hệ phi cá nhân giữa các cá thể, từ đó hình thành nên xã hội - bởi lẽ ngay cả những xã hội nguyên thủy nhỏ bé nhất cũng được xây dựng trên một nền tảng rộng lớn hơn so với phạm vi nhỏ hẹp của những mối ràng buộc cá nhân trực tiếp của một cá thể. Tổ chức là biểu tượng của tất cả xã hội và do đó là biểu tượng chung của cả xã hội nguyên thủy và xã hội tiến hóa hơn. Xã hội nguyên thủy có các tổ chức của chúng - đó là tôn giáo mang đặc trưng của nền nông nghiệp một vụ mùa; tín ngưỡng totem và chế độ ngoại hôn; những
https://thuviensach.vn
điều cấm kỵ, kết nạp và phân chia thứ bậc theo tuổi; ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời thành lập các nhóm phân biệt theo giới tính. Một số tổ chức này chắc chắn là phức tạp và có thể tinh vi chẳng kém gì những đặc điểm của các xã hội văn minh.
Cũng không phải nền văn minh phân biệt với xã hội nguyên thủy bởi sự phân công lao động, vì chúng ta cũng có thể thấy ít nhất đã có những hình thức sơ đẳng của phân công lao động trong đời sống xã hội nguyên thủy. Các vị vua, phù thủy, thợ rèn hay người hát rong đều là các “chuyên gia” trong lĩnh vực của mình - mặc dù thực tế là Hephaestus - thần thợ rèn trong thần thoại Hy Lạp - bị què chân; và Homer - thi sĩ trong thần thoại Hy Lạp - bị mù, ngụ ý rằng sự chuyên môn hóa trong xã hội nguyên thủy là điều bất bình thường và có khuynh hướng giới hạn ở những người thiểu năng về một phương diện nào đó.
Một khác biệt cơ bản giữa nền văn minh với xã hội nguyên thủy theo như chúng ta đã biết (nhắc lại điều này rất quan trọng) là sự “ngụy trang” và “mô phỏng”. Bắt chước là đặc tính chung của tất cả đời sống xã hội, hoạt động của nó được tìm thấy ở cả xã hội nguyên thủy lẫn xã hội văn minh, trong mọi hoạt động xã hội, chẳng hạn như việc bắt chước kiểu cách của các minh tinh điện ảnh. Tuy nhiên, nó hoạt động theo nhiều hướng khác nhau trong hai hình thái xã hội. Ở xã hội nguyên thủy, như chúng ta đã biết, hành động bắt chước hướng về thế hệ đi trước và các tổ tiên đã qua đời. Những người đang đứng - tuy ta không nhìn thấy được họ - nhưng có thể cảm nhận được, sau lưng họ là những người cao tuổi tiếp trợ cho uy tín của họ. Do đó, trong xã hội nguyên thủy, sự ngụy trang hướng về quá khứ, các phép tắc và tập quán xã hội vẫn không thay đổi. Trái lại, trong xã hội thuộc tiến trình văn minh, sự bắt chước hướng về những cá nhân sáng tạo nắm quyền cai trị đối với những người thấp hơn, do họ là người khai phá. Trong những xã hội như vậy, “cái bánh tập quán” như Walter Bagehot gọi trong cuốn Tự nhiên và chính trị của ông, đã bị phá vỡ và xã hội rơi vào trạng thái vận động không ngừng để thay đổi và phát triển.
https://thuviensach.vn
Nhưng nếu tự hỏi mình rằng điểm khác biệt này giữa xã hội nguyên thủy và xã hội phát triển cao hơn có tính chất lâu dài và căn bản hay không, thì chúng ta phải đưa ra câu trả lời phủ định. Lý do là, nếu chúng ta chỉ biết đến xã hội nguyên thủy trong một điều kiện cố định, ấy là bởi ta chỉ biết đến chúng từ sự quan sát trực tiếp diễn ra trong những giai đoạn lịch sử cuối cùng của chúng mà thôi. Tuy nhiên, dù bị những kết quả quan sát trực tiếp đánh lừa, vẫn có những lý do thuyết phục chúng ta tin rằng trong lịch sử xã hội nguyên thủy phải tồn tại những giai đoạn tiền đề, trong đó những xã hội này vận động nhiều hơn bất cứ một xã hội “văn minh” nào đã từng vận động. Chúng ta đã từng phát biểu rằng, xã hội nguyên thủy có tuổi thọ ngang với nhân loại, nhưng giờ phải nói lại cho đúng là chúng còn lớn tuổi hơn nhân loại. Lối sống xã hội và có tổ chức xã hội còn được tìm thấy ở một số loài động vật có vú khác chứ không phải chỉ ở con người, và rõ ràng là những loài này không thể tiến hóa thành người trừ khi chúng sống trong một môi trường xã hội. Bước tiến hóa từ người tiền sử thành người hiện đại vốn đã được hoàn tất này, diễn ra trong các xã hội nguyên thủy, trong những hoàn cảnh mà chúng ta không có tài liệu ghi chép lại. Đó là một biến đổi sâu sắc, một bước phát triển vĩ đại, hơn bất kỳ tiến trình nào khác mà loài người đã đạt được dưới các nền văn minh.
Xã hội nguyên thủy, như chúng ta đã biết nhờ vào sự quan sát trực tiếp, có thể ví như những người đang nằm ngủ vùi trên sườn của một ngọn núi, với một vách núi bên dưới và một vách núi bên trên chắn ngang; còn các nền văn minh có thể ví với bạn bè của những người ngủ say nọ vừa tỉnh giấc và bắt đầu leo lên bề mặt của vách núi phía trên; trong khi đó, chúng ta đóng vai trò là những người quan sát có tầm nhìn bị giới hạn bởi sườn núi và mép dưới của vách đá phía trên, và chỉ thấy một số người vượt lên trên đỉnh trong khi những thành viên khác vì lý do nào đó phải ở bên dưới. Lúc đầu có thể chúng ta có khuynh hướng phân tách hoàn toàn hai nhóm, tôn vinh những người leo lên là các vận động viên và coi những người còn nằm lại trên sườn núi là những kẻ thất bại; nhưng nghĩ kỹ lại, chúng ta thấy rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu tạm thời “treo” lại phán xét đó.
https://thuviensach.vn
Cuối cùng thì những người ngủ vùi kia cũng không thể nằm mãi được; vì họ vốn không được sinh ra trên sườn núi này, và chẳng có sức lực của một ai ngoại trừ chính họ có thể kéo họ lên khoảng bằng phẳng trên bề mặt của vách đá bên dưới. Mặt khác, các bạn của họ lúc bấy giờ cũng chỉ mới vừa rời khỏi sườn núi này và bắt đầu leo lên vách núi phía trên; vì không nhìn thấy được sườn núi phía trên, nên chúng ta không thể biết cuộc đua tiếp theo sẽ lên cao đến đâu hoặc gian khổ đến mức nào. Chúng ta chỉ biết rằng họ không thể dừng lại nghỉ trước khi tới sườn núi kế tiếp, dù cho nó nằm ở đâu. Vì thế, cho dù có thể đánh giá sức mạnh và kỹ thuật cũng như ý chí của từng vận động viên tại thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn không thể quả quyết rằng liệu có ai trong số họ leo lên được tới sườn núi bên trên, vốn là mục tiêu nỗ lực trước mắt của họ hay không. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là, một số người trong bọn họ sẽ không bao giờ lên được tới đó. Và chúng ta có thể thấy điều này, cứ mỗi vận động viên đang hăng hái leo lên thì có hai người (đại diện cho những nền văn minh đã suy tàn) rơi ngược trở xuống sườn núi và bỏ cuộc.
Chúng ta đã thất bại trong việc phát hiện đối tượng trực tiếp cho cuộc tìm kiếm của mình, đó là điểm khác biệt lâu dài và cơ bản giữa xã hội nguyên thủy và nền văn minh, nhưng tình cờ chúng ta lại thấy một chút ánh sáng le lói ở cuối đường hầm, có thể giúp ích cho mục tiêu quan trọng nhất của cuộc điều tra hiện nay: Đó là quá trình hình thành tự nhiên các nền văn minh. Khởi đầu với việc theo dõi quá trình từ xã hội nguyên thủy sang nền văn minh, chúng ta đã phát hiện ra rằng điểm cốt lõi của quá trình này là sự chuyển hóa từ trạng thái thụ động sang trạng thái hoạt động tích cực. Công thức nói trên cũng được áp dụng cho quá trình hình thành các nền văn minh thông qua sự ly khai của giai cấp bị trị trong nước khỏi tầng lớp thống trị của nền văn minh tồn tại trước đó vốn đã đánh mất khả năng lãnh đạo. Những tầng lớp thống trị như vậy theo định nghĩa là thụ động; vì khi ta nói rằng lực lượng sáng tạo của một nền văn minh đang phát triển đã thoái hóa hoặc bị bào mòn thành tầng lớp thống trị của một nền văn minh đang suy tàn chẳng qua chỉ là một cách khác để nói rằng xã hội đó đã từ trạng thái
https://thuviensach.vn
năng động rơi vào trạng thái thụ động. Trái ngược với trạng thái thụ động này, sự ly khai của giai cấp bị trị là một phản ứng tích cực; và nhờ có phát hiện này chúng ta có thể thấy rằng, trong quá trình ly khai của giai cấp bị trị khỏi tầng lớp thống trị, một nền văn minh mới đã hình thành thông qua sự chuyển hóa xã hội từ trạng thái thụ động sang năng động, giống như quá trình tiến hóa đã sinh ra một nền văn minh từ một xã hội nguyên thủy. Sự hình thành tất cả các nền văn minh - dù có hay không có quan hệ với nhau - đều có thể được mô tả như phát biểu của Tướng Smuts: “Nhân loại một lần nữa đang vận động”.
Nhịp điệu thay đổi qua lại giữa hai trạng thái thụ động và năng động, giữa vận động rồi dừng lại rồi lại vận động, đã được lưu ý bởi nhiều nhà quan sát trong nhiều thời đại khác nhau như một yếu tố then chốt trong sự vận động tự nhiên của vũ trụ. Trong những hình ảnh tưởng tượng của mình, các nhà hiền triết của xã hội Trung Quốc cổ đại đã mô tả sự thay thế lẫn nhau này dưới khái niệm Âm và Dương, Âm là trạng thái thụ động còn Dương là trạng thái năng động. Đặc tính Âm của người Trung Quốc cổ đại đại diện cho mây đen che khuất mặt trời, trong khi đặc tính Dương đại diện cho vầng thái dương không bị mây che phủ đang tỏa sáng. Trong công thức của người Trung Hoa, Âm luôn luôn được đề cập trước, theo quan điểm của mình, chúng ta có thể thấy rằng nòi giống của chúng ta, sau khi leo lên tới “sườn núi” của người nguyên thủy 300 nghìn năm về trước, đã nghỉ lại ở đó trong vòng 98% thời gian trước khi bước vào trạng thái năng động - trạng thái Dương của nền văn minh hiện nay. Giờ đây chúng ta phải đi tìm nhân tố tích cực, dù nó là gì chăng nữa, đã thúc đẩy đời sống nhân loại một lần nữa bước vào trạng thái năng động. Và đầu tiên, chúng ta sẽ thám hiểm hai con đường để thấy rằng, hóa ra chúng là những ngõ cụt.
(2) CHỦNG TỘC
Có vẻ như, nhân tố tích cực đã lôi nhân loại ra khỏi trạng thái Âm của các xã hội nguyên thủy vốn đang “ngủ quên trên sườn núi” 6000 năm qua để bước vào trạng thái Dương của các nền văn minh “leo lên vách núi” vốn phải được tìm kiếm ở một số con người đặc biệt hoặc môi trường đặc biệt,
https://thuviensach.vn