🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nghĩ Lớn Để Thành Công Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC LỜI TỰA LỜI GIỚI THIỆU 1. BẠN CÓ NHỮNG TỐ CHẤT CẦN THIẾT ĐỂ THÀNH CÔNG CHƯA? 2. ĐAM MÊ, ĐAM MÊ VÀ ĐAM MÊ 3. BẢN NĂNG CƠ BẢN 4. KIẾN TẠO MAY MẮN 5. NHỮNG MỐI ĐE DỌA 6. HÀNH ĐỘNG TRẢ ĐŨA 7. ĐỘNG LỰC THỰC SỰ 8. ĐỪNG BAO GIỜ LƠ LÀ MỤC TIÊU 9. "ANH YÊU EM, HÃY KÝ TÊN VÀO CÁI NÀY EM NHÉ!" 10. SUY NGHĨ LỚN ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG LỜI TỰA Trong suốt những năm tháng gắn bó với lĩnh vực kinh doanh, có một số người đã để lại cho tôi những ấn tượng không thể nào phai nhạt. Bill Zanker là một trong số đó. Lần đầu tiên gặp Bill, tôi đã nhận thấy anh ấy không chỉ là một người thông minh, có năng lực mà còn là một con người tràn đầy nhiệt huyết. Sự sáng tạo là một trong những yếu tố rất quan trọng để thành công, bất kể công việc của bạn là gì đi chăng nữa. Bill là một người có óc sáng tạo và anh ấy biết cách tận dụng nó để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc. Đó là một nhà tổ chức tài ba. Quan điểm tích cực của anh đã ảnh hưởng cũng như giúp ích cho rất nhiều người. Ngoài ra, anh ấy còn là một người thầy có sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về chuyên môn của mình. Bill cũng là người có niềm đam mê mãnh liệt đối với công việc của mình, và với tôi, đó là một trong những điều kiện tiên quyết để đạt được thành công. Niềm đam mê với công việc của Bill luôn bừng lên trong anh và nhờ đó mà The Learning Annex đã phát triển và lớn mạnh ngoạn mục đến như vậy. Suy nghĩ lớn là một phương châm mà tôi đã theo đuổi từ những ngày còn rất trẻ, và nó đã được chứng minh là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công. Bill cũng cùng chung quan điểm đó với tôi và những thành tựu anh ấy đạt được chính là minh chứng. Việc cùng nhau viết cuốn sách này cũng là một trải nghiệm "cùng nhau thành công" đối với cả hai chúng tôi. Hy vọng rằng bạn sẽ không chỉ thích thú với những thành quả chúng tôi đã đạt được mà còn đúc kết kinh nghiệm cho chính mình từ những điều đó. Donald J. Trump LỜI GIỚI THIỆU VƯƠN ĐẾN SỰ LỚN MẠNH Trước khi tôi gặp Donald Trump, The Learning Annex chỉ là một công ty nhỏ. Nhưng giờ đây, The Learning Annex thực sự là một công ty tầm cỡ vì tôi đã tiếp thu được quan điểm thành công của Donald Trump. Cách đây hai mươi tám năm, khi còn là sinh viên theo học các khóa phim ảnh tại The New School ở thành phố New York, tôi đã phải tự kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Vì vậy năm 1979, mới 26 tuổi, tôi đã khởi nghiệp với The Learning Annex bằng khoản tiền 5.000 đô-la kiếm được từ công việc làm thêm tại quán bar Mitzvah. Ban đầu, tôi chỉ xem The Learning Annex như một trường học dành cho những người hướng dẫn làm dòng phim thể nghiệm chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm của họ với các nhà làm phim tâm huyết. Nhưng người bạn gái của tôi lúc ấy, một giáo viên dạy nghề gốm, đã gợi ý với tôi về việc mở rộng chương trình giảng dạy và xây dựng một ngôi trường có phương pháp học hoàn toàn khác, mục đích giúp các học viên nhanh chóng học hỏi và tiếp thu những điều mà họ không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Và The Learning Annex ra đời. Những ngày đầu, trong trang phục của một chú hề, tôi đứng trên các đường phố ở Manhattan để phát tờ rơi giới thiệu về khóa học. Tôi bảo mọi người hãy gọi điện tới số máy văn phòng in trên tờ rơi và cứ nói rằng có một chú hề bảo họ đăng ký ngay để được giảm 5 đô-la tiền học. Sau đó tôi chạy về văn phòng và trả lời điện thoại. Và thật thú vị khi có rất nhiều người gọi đến kể về chuyện một chú hề dễ thương nói với họ về khoản tiền được giảm khi đăng ký tham gia khóa học. Tôi ghi tên từng học viên theo lớp rồi gửi thư xác nhận cho họ. Khi không còn cuộc gọi đăng ký nào, tôi lại lo tìm giáo viên. Tôi đã thành lập và điều hành The Learning Annex như vậy từ căn hộ thuê 325 đô-la một tháng ở phía Thượng tây Manhattan. The Learning Annex đã thành công và tôi thật sự hài lòng vì điều đó. Tôi đã tìm thấy niềm đam mê của mình và nhận ra rằng tôi là một nhà tổ chức thiên bẩm. Tôi đã thay đổi quan điểm giáo dục rằng chỉ có học, học và học mới đạt được thành công do nhận thấy hình thức "Giáo - Trí" (vừa học vừa giải trí) mang lại hiệu quả hơn. Trong thời đại ngày nay, mọi thứ đều diễn ra rất nhanh. Không ai có thời gian để học tập theo kiểu truyền thống như trước. Sự phát triển của truyền thông và Internet đã tạo ra một thế hệ những con người muốn mọi thứ trở nên nhanh chóng và thú vị hơn. Vì vậy tôi quyết định mời những nhân vật tầm cỡ về dạy học, bởi tôi muốn các giáo viên đứng lớp của mình phải là những người có danh tiếng và uy tín lớn. Sức hút của những tên tuổi nổi tiếng khiến số lượng học viên đăng ký tăng vọt. Ngày càng nhiều người có uy tín sẵn sàng đồng ý lời mời về dạy cho các lớp học của tôi. Cùng với hàng trăm tên tuổi khác, những nhân vật nổi tiếng như Sarah Jessica Parker, Harrison Ford, Richard Simmons, Henry Kissinger, P. Diddy, Suze Orman, Barbara Bush, Larry King, Desmond Tutu, Renee Zellweger, Deepak Chopra và Rudy Giuliani đã làm rạng rỡ cho bục giảng của The Learning Annex. Bạn có thắc mắc làm thế nào mà tôi mời được những ngôi sao này không? Do không có nhiều tiền nên tôi phải thuyết phục những nhân vật nổi tiếng bằng một cách khác không nặng về tiền. Đó là trách nhiệm. Tôi đã nói với họ: "Quý vị đã thành công. Vậy tại sao quý vị không đáp đền xã hội?". Tôi còn nhớ, ông trùm điện ảnh Harvey Weinstein là một người cực kỳ khó thuyết phục. Để có được cái gật đầu đồng ý của Harvey, tôi đã phải ra sức nài nỉ ông: "Vì lòng hảo tâm, xin ngài hãy dành cho các học viên của Learning Annex chỉ một giờ đồng hồ thôi". Và Harvey đã thực sự làm người nghe phải sửng sốt bởi sự hiểu biết sâu sắc cũng như những câu chuyện vô cùng thú vị khi ông kể về cách ông đã gia nhập vào Hollywood qua buổi diễn thuyết trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Quả thực, tiền nong không còn là vấn đề với hầu hết những người có uy tín lớn như vậy. Riêng Donald Trump thì khác. Ông không nghe bất cứ cuộc gọi nào của tôi. Một hôm, tôi gọi đến văn phòng của Trump và được nối máy tới thư ký riêng của ông, cô Norma. Tôi biết mình không thể thu hút sự chú ý của Trump theo cách thường dùng bởi Trump thậm chí chẳng buồn tiếp chuyện tôi. Vì vậy tôi đã làm cách khác để Trump phải chú ý - sử dụng tiền để thu hút sự quan tâm của ông. Đây không phải là cách tôi thường dùng, nhưng vì thực sự muốn gặp được Trump nên tôi quyết định thực hiện. Tôi đã đề nghị một khoản tiền "khổng lồ" đối với mình khi đó: 10.000 đô-la. Thư ký của ông hỏi: "Chỉ thế thôi sao?" và từ chối lời đề nghị của tôi như thể số tiền đó chỉ đáng mua một chai Chianti rẻ tiền. Cô ta còn buông thêm một câu cộc lốc: "Tôi không nghĩ ngài Trump sẽ đồng ý" rồi dập máy. Vẫn không nản lòng, vài ngày sau đó tôi lấy hết can đảm gọi điện lại cho Norma và nói: "Tôi sẽ trả ông Trump 25.000 đô-la". Norma đáp lại: "Không! Ngài Trump không quan tâm đâu". Nghe câu trả lời, tôi đã rất choáng váng. Sau đó, tôi nhận ra mình vẫn còn quá dè dặt. Một tuần sau, tôi mạnh dạn đưa ra đề nghị 100.000 đô-la. Đó là số tiền lớn nhất mà tôi từng đề nghị cho một diễn giả. Nhưng Norma chẳng hề lung lay và đã trả lời không chút do dự: "Không! Ngài Donald sẽ không nhận lời đâu". Tôi ngồi phịch xuống và nghĩ thật kỹ xem tiếp theo mình nên làm gì. Tôi nên từ bỏ ý định mời Donald Trump hay tiếp tục cố gắng? Tôi không biết mình phải làm gì nữa. Rồi tôi nhớ lại lời nói của Tony Robbins: "Nếu muốn thành công, anh phải đẩy mình ra khỏi những giới hạn của bản thân. Anh phải tự tin và đặt mình vào trạng thái tinh thần cao nhất. Và anh phải tự thân vận động vì không ai có thể làm việc này thay anh". Tôi nhất định phải thành công. Bởi với tôi, Donald Trump là Trùm của những ông Trùm. Trong cuộc sống, ai cũng thần tượng một người nào đó và với tôi, Donald chính là một vị anh hùng. Nếu muốn làm việc cùng Trump, tôi phải tự đưa mình lên một tầm cao mới. Tôi căng vai, ưỡn ngực, hít một hơi thật sâu và thu hết toàn bộ sinh lực, sau đó, tôi gọi điện cho Norma ở văn phòng của Donald Trump và đề nghị 1 triệu đô-la cho một giờ diễn thuyết của Donald Trump tại The Learning Annex. Vào thời điểm đó, The Learning Annex chưa bao giờ đạt doanh thu hơn 5,5 triệu đô-la cả năm. Thử nghĩ xem, tôi đề nghị Trump đến 1 triệu đô-la trong khi chỉ kiếm được 5,5 triệu đô-la một năm. Mà họa hoằn lắm tôi mới có một lớp được hơn vài trăm người, thế nên vào thời điểm đó, việc thu lại số tiền lớn như vậy vượt quá khả năng của tôi. Nhưng tôi không còn cách nào khác. Tôi biết mình cần phải làm như vậy. Vì thế, tôi nghe theo sự thúc giục trong lòng và quyết định gọi lại. Vừa nghe tôi nói xong, Norma đáp ngay: "Tuyệt đấy! Tôi sẽ nói lại với ngài Donald về chuyện này". Tôi cúp máy, lao vào phòng tắm và nôn thốc nôn tháo. Đầu óc tôi quay cuồng còn tim đập thình thịch. Tôi vừa làm gì thế này? Nếu mọi chuyện không thành công, tôi có thể mất tất cả. Chỉ trong phút chốc mà tôi đã đặt chân đến một ngưỡng mới trong cuộc đời mình, và chuyện đó không dễ chịu chút nào. Tôi vừa làm một việc rất điên rồ, nhưng cảm giác trong tôi thật tuyệt vời. Chưa đầy một giờ sau, đích thân Donald gọi điện cho tôi. Khi nghe máy, tôi không thể tin rằng mình đang nói chuyện với Donald Trump. Tôi nghĩ có lẽ một người bạn nào đó đang đùa. Nhưng đúng là Donald. Ông nói: "Bill này, tôi thích The Learning Annex và anh đã đưa ra một đề nghị thật dễ chịu. Nhưng tôi muốn biết anh tính sẽ có khoảng bao nhiêu người tham gia sự kiện này?". Lúc đó, hầu hết các lớp học của chúng tôi chỉ có khoảng từ 500 đến 700 người, và lớp đông nhất là một lớp học về tâm linh. Chúng tôi chưa bao giờ vượt khỏi ngưỡng vài trăm học viên cho bất cứ sự kiện nào. Vì thế tôi đã trả lời Trump: "Tôi nghĩ sẽ có 1.000 người". Trong suy nghĩ của tôi, 1.000 người là con số rất lớn. Nhưng Trump lại ra điều kiện: "Tôi sẽ đồng ý nếu anh hứa với tôi sẽ có 10.000 người tham dự". Mười nghìn người! Ngay cả trong những giấc mơ điên rồ nhất của mình, tôi cũng chưa bao giờ tưởng tượng đến con số đó. Nhưng chuyện đã đến nước này nên tôi liều lĩnh trả lời: "Không thành vấn đề. Sẽ có 10.000 người". Trump nói: "Tuyệt lắm! Luật sư của tôi sẽ gửi các giấy tờ cần thiết cho anh". Và thế là mọi việc đã được thỏa thuận xong. Đồng ý với Trump cũng có nghĩa là tôi đã cam kết chắc chắn rằng mình phải thật táo bạo, táo bạo hơn trước đây rất nhiều. Thời khắc đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Donald Trump đã đưa tôi đến một vị trí hoàn toàn mới. Tôi bắt đầu làm những việc mà trước đây chưa từng làm bao giờ. Tôi bắt đầu nghĩ đến một quy mô lớn hơn nhiều. Tôi phải có 10.000 người đến nghe Donald nói chuyện. Quả là một điều không hề đơn giản. Nhưng bạn thử đoán xem điều gì đã xảy ra? Mọi người đều muốn học hỏi Donald và muốn nghe ông nói chuyện, thế nên các bản đăng ký bắt đầu được gửi đến tới tấp. Nhờ thế mà chúng tôi đã tổ chức được Hội thảo Đầu tư The Learning Annex. Khi đó, số người đến tham dự hội thảo còn nhiều hơn cả con số 10.000 mà tôi đã hứa với Trump. Đã có hơn 31.500 người tham dự Hội thảo Đầu tư The Learning Annex đầu tiên của chúng tôi vào năm 2004. Đó là một con số đáng kinh ngạc. Nhờ vậy, tôi dễ dàng trả được khoản thù lao cho Donald Trump. Rõ ràng là Trump biết tôi hoàn toàn có thể làm được điều đó. Về phần tôi, tôi cảm ơn Trump vì đã mang lại cho tôi một thách thức giúp tôi thay đổi tư duy của mình. Kinh nghiệm đã chứng minh cho tôi thấy rõ rằng khi dám nghĩ lớn, nhất định ta sẽ thành công. Kể từ khi tôi gặp được Donald Trump, công ty của tôi tăng trưởng hơn 400% mỗi năm; chuyển từ một công ty nhỏ với doanh thu 5,5 triệu đô-la một năm thành một công ty lớn đạt mức 102 triệu đô-la vào năm ngoái. The Learning Annex đã được tạp chí Inc(1). ghi nhận là một trong những công ty tăng trưởng nhanh nhất trong vòng hai năm qua. Tất cả là nhờ tôi đã học được những nguyên tắc NGHĨ LỚN để THÀNH CÔNG mà bạn sẽ đọc được trong cuốn sách này. Cơ hội làm việc với Donald Trump đã thay đổi hoàn toàn tư duy của tôi. Dù đã từng nghe tới thuật ngữ "nghĩ lớn" nhưng tôi chưa bao giờ thực sự hiểu được. Nghĩ lớn cũng là một phương châm sống của Donald Trump. Tôi học được từ ông rằng để thực sự nghĩ lớn, bạn phải vứt bỏ cảm giác thiếu tự tin. Tôi cũng học được rằng để thành công, bạn không bao giờ được bỏ cuộc. Mọi vấp ngã đều là một nấc thang trên con đường dẫn tới thành công. Donald Trump luôn có suy nghĩ mình sẽ làm được mọi thứ và không bao giờ giới hạn khả năng của bản thân. Hãy là chính mình. Hãy làm những gì mình muốn. Đừng để ai khác điều khiển cuộc sống của bạn. Đừng để người khác chèn ép bạn. Nếu ai đó gây trở ngại cho bạn, đừng chịu khuất phục mà hãy nắm lấy cơ hội để chiến đấu và đánh bại họ. Hãy đề ra những quy tắc của riêng mình và đừng quan tâm xem người khác nghĩ gì. Đó là tất cả những gì mà Donald Trump muốn nhắn nhủ. Qua thái độ và tấm gương của bản thân mình, Donald Trump đã dạy tôi cách thực sự nghĩ lớn. Và giờ đây tôi đang sống một cuộc sống tràn đầy năng lượng, với nhiều mục tiêu quan trọng hơn và thu nhập cũng cao hơn nhiều. Quan điểm mới này giúp tôi tự tin hơn rất nhiều. Tôi không còn lo lắng khi thực hiện các kế hoạch lớn hay mời những nhân vật nổi tiếng đứng lớp, cho dù đó là Warren Buffett, Rupert Murdoch hay thậm chí là Tổng thống Clinton. Tôi không còn sợ bất cứ điều gì nữa. Cả công việc kinh doanh lẫn cuộc sống cá nhân của tôi đều biến đổi nhờ tình bạn với Donald Trump. Tôi sống bản lĩnh và tự tin hơn. Tôi đã trở thành một triệu phú giàu có hơn trước rất nhiều. Tôi coi trọng bản thân hơn và điều đó đã giúp cho cuộc sống cá nhân tôi tốt hơn. Đối với vợ con, tôi là một người chồng, người cha mẫu mực. Vợ tôi thích quan điểm mới của tôi, còn các con tôi rất kính trọng tôi. Cuộc sống của chúng nhờ đó cũng có sự thay đổi. Sau khi thấy đám đông khoảng 50.000 người chen lấn để được vào tham dự buổi hội thảo, con trai tôi - Dylan bắt đầu cảm thấy thích thú hơn với công việc kinh doanh. Còn hai con gái tôi là Ediva và Vera, sau khi nghe Donald Trump diễn thuyết cũng đã sống với nhiều đam mê hơn. Vợ tôi, Debbie, khâm phục sự mạo hiểm của tôi và hết lòng ủng hộ những đầu tư táo bạo của chồng trong kinh doanh. Nếu bạn là chủ một doanh nghiệp thì việc được người bạn đời ủng hộ là điều rất quan trọng. Với tôi, mỗi khi lo lắng, chỉ cần biết vợ mình luôn ở phía sau động viên là tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều. Điều hành một doanh nghiệp khiến bạn phải đối mặt với nhiều rủi ro; đó là một cuộc chiến và trong cuộc chiến này, việc gia đình luôn ở bên cạnh và khuyến khích bạn là điều vô cùng quan trọng. Tôi đã phải làm việc 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần để chuẩn bị cho Hội thảo Đầu tư The Learning Annex đầu tiên vào năm 2004. Bốn giờ sáng hôm diễn ra hội thảo, tôi đến một cửa hàng bán thức ăn phục vụ 24/24, gần trung tâm hội nghị Jacob K. Javits để mua chiếc bánh sinh nhật cho một thành viên trong nhóm. Anh chàng đã bỏ qua sinh nhật mình để chuẩn bị cho buổi hội thảo và đó là điều tối thiểu tôi có thể làm cho cậu ta. Ngay lúc đó, tôi nhận được điện thoại của Harry Javer, người điều hành buổi hội thảo. Anh ta nói: "Anh đến đây ngay đi. Chúng ta đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng. Nhiều dòng người đang chặn hết các cửa ra vào. Trung tâm Javits sẽ phát điên mất. Họ chưa bao giờ thấy nhiều người đến vậy, và vào lúc 4 giờ sáng như thế này!". Năm 2004, khi thực hiện buổi hội thảo lớn đầu tiên đó, chúng tôi không hề nghĩ xem việc mình làm sẽ đi đến đâu. Nếu trước đó chúng tôi nói với ai đó rằng chúng tôi định thu hút hơn 30.000 người trong chương trình đầu tiên này, họ sẽ cho rằng đó là điều hoang tưởng. Bởi vì thực tế là hầu hết các "chuyên gia" đều nói rằng chúng tôi thậm chí sẽ không có nổi 5.000 người. Vì chưa có kinh nghiệm thực hiện các chương trình lớn nên chúng tôi không biết điều gì tốt hay không tốt. Buổi sáng đầu tiên, dòng người đổ đến trung tâm Javits kéo dài đến tám dãy nhà. Chúng tôi đã chi một khoản tiền rất lớn để quảng bá cho sự kiện này. Mọi người đều muốn gặp Donald Trump và tìm hiểu những bí quyết thành công của ông. Việc quảng bá của chúng tôi đã thành công: rất nhiều người đã đến. Ước mơ của một nhà doanh nghiệp đã trở thành sự thật. Tôi đã đánh cược rất lớn và tôi đã thắng. Giờ đây tôi đã trở thành một tín đồ theo những chiến lược NGHĨ LỚN của Donald Trump. Sau cuộc hội thảo đầu tiên, The Learning Annex đã thực hiện thêm nhiều buổi Hội thảo khác với Donald Trump và chúng đều mang lại những kết quả đáng kinh ngạc. Ở San Francisco có hơn 70.000 người tham dự và hai tuần sau đó, tại Los Angeles là 62.500 người. Quả là ngoài sức tưởng tượng. Mọi việc đều diễn ra rất suôn sẻ. Vì thế tôi đã gọi điện cho Trump và ngỏ ý muốn ký hợp đồng với ông để thực hiện thêm 20 chương trình trong năm tới. Trump đã khẳng khái trả lời: "Tuyệt! Nhưng tất cả những người này đến là vì tôi. Tôi muốn tăng thêm tiền". Tôi nói: "Không, thưa ngài Trump. Tôi đã làm việc cật lực và phải thực hiện toàn bộ việc quảng bá. Đó cũng là lý do vì sao chương trình thành công đến vậy". Nhưng Trump đã phản bác: "Vô lý. Đó là nhờ tôi. Bây giờ tôi muốn 1,5 triệu đô-la". Tuy có hơi choáng váng, nhưng sau cùng tôi đã đồng ý, bởi Trump xứng đáng với khoản tiền đó. Ông đang thay đổi cuộc sống không chỉ của tôi mà của cả những người theo học tại The Learning Annex. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ về quan điểm của Trump. Trump biết giá trị của mình và ông yêu cầu người khác phải trả xứng đáng với điều đó. Với Trump, việc diễn thuyết tại The Learning Annex không phải vì tiền bởi ông là người luôn tràn đầy nhiệt huyết trong mọi việc. Trump thích kết giao, giúp đỡ và chia sẻ kiến thức với mọi người. Nếu bạn coi việc quảng cáo, quảng bá sự kiện hay mọi thứ The Learning Annex thực hiện là để nâng cao thương hiệu Trump thì bạn cần biết rằng Donald đã dành phần lớn số tiền hơn 1,5 triệu đô-la cho mỗi lần phát biểu của mình tại The Learning Annex vào hoạt động từ thiện. Donald Trump là một người rất cứng rắn và luôn có những đòi hỏi vô cùng khắt khe. Donald Trump cũng là một ông trùm đô-la. Song thật lạ khi ông lại là người dễ chịu nhất trong số những tên tuổi lớn tôi từng cộng tác. Trump rất chuyên nghiệp và luôn chuẩn bị kỹ lưỡng cho những buổi nói chuyện của mình. Ông cũng luôn mang đến cho tôi và các sinh viên tại The Learning Annex nhiều hơn những gì tôi mong đợi cũng như những gì thuộc trách nhiệm của ông. Trump cũng là một trong những người trung thành nhất mà tôi từng biết. Đối với Donald Trump, lòng trung thành thực sự rất quan trọng và là một phẩm chất tuyệt vời phải có trong công việc. Donald Trump muốn chia sẻ quan điểm về thành công của ông với nhiều người hơn nữa. Ông biết mình cần đền đáp lại xã hội như thế nào. Ông giúp mọi người tiếp cận quan điểm và trải nghiệm của mình theo cách nhẹ nhàng nhất, đó là qua các câu chuyện có thật. Dựa trên những câu chuyện đời thường, cuốn sách này đề cập đến một điều thực sự ý nghĩa - suy nghĩ lớn. Khi đọc, bạn hãy dành chút thời gian suy ngẫm về những câu chuyện đó. Tôi dám chắc rằng, khi một tình huống xảy đến trong cuộc sống của chính bạn, bạn cũng sẽ nhớ tới một trong những câu chuyện của Trump và cách xử trí khôn ngoan của ông. Điều đó sẽ khiến bạn xử lý tình huống theo cách khác hẳn. Và đó chính là lý do vì sao cuốn sách này lại ý nghĩa như vậy. Hãy đọc và suy ngẫm. Tôi đảm bảo cuốn sách này sẽ thay đổi quan điểm cũng như cuộc sống của bạn ngay cả khi bạn chưa kịp nhận ra điều đó. Hãy đọc từng chương một để quan điểm của Trump thấm nhuần và mang lại cho bạn những bài học bổ ích. Hãy làm quen với quan điểm nghĩ lớn của Trump để điều chỉnh cuộc sống của bạn cũng như lấy đó làm động lực để phá bỏ những giới hạn do chính bạn đặt ra cho mình. Trong cuộc sống, bạn luôn có hai lựa chọn: suy nghĩ bình thường hoặc suy nghĩ lớn. Như Trump từng nói: "Một khi đã suy nghĩ, hãy nghĩ lớn. Đó là lựa chọn của bạn. Bất kể trong hoàn cảnh nào cũng không ai có thể ngăn cản bạn nghĩ lớn". Khi đã chọn cách nghĩ lớn và học được cách hành động để thành công, bạn sẽ có động lực để tiếp tục tiến về phía trước, và sự thành đạt sẽ đến với bạn. Đó chính là bí quyết nghĩ lớn để thành công của Donald Trump. Hãy vận dụng điều đó và bạn cũng sẽ trở thành một người thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống. Tôi yêu quý và kính trọng Donald Trump. Trump đã làm thay đổi công việc cũng như cuộc sống riêng của tôi. Tôi mang ơn Trump, thế nên tôi rất vui mừng khi có thể chia sẻ với bạn những điều Trump đã dạy. Tôi đảm bảo rằng những điều đó sẽ tạo nên sự thay đổi trong cuộc sống của bạn cũng như chúng đã từng tạo nên sự khác biệt đối với cuộc sống của tôi và những sinh viên theo học tại The Learning Annex. Cám ơn ngài, Donald, vì đã dạy cho tôi bí quyết NGHĨ LỚN ĐỂ THÀNH CÔNG. Bill Zanker, Chủ tịch - Người sáng lập The Learning Annex 1. BẠN CÓ NHỮNG TỐ CHẤT CẦN THIẾT ĐỂ THÀNH CÔNG CHƯA? Nhiều người thường hỏi tôi: "Anh đã làm thế nào mà giàu có đến vậy?". Cách tôi thực hiện mọi việc đã giúp tôi thành công về mặt tài chính hơn cả những gì tôi từng mong đợi. Tôi có nhiều tiền và cảm nhận niềm vui rõ hơn. Tôi quen biết nhiều nhân vật nổi tiếng, các tỷ phú cũng như những siêu sao trong làng giải trí và thể thao. Thật khó để giải thích nếu chỉ gói gọn trong vài từ, nhưng tôi để ý thấy rằng tất cả những người thành đạt tôi biết đều có những phẩm chất nổi bật qua chính thái độ, hành động, sự kiên trì và niềm đam mê của họ, bên cạnh cả loạt đức tính khác để phân biệt rõ người thành công với người thất bại. Để thành công, bạn phải tách mình ra khỏi 98% phần còn lại của thế giới. Bạn hoàn toàn có thể lọt vào tốp 2% những người đặc biệt mà không hẳn chỉ vì nhanh nhạy, làm việc chăm chỉ hay biết đầu tư một cách khôn ngoan. Có một công thức, một bí quyết thành công đã được những con người trong tốp 2% đó áp dụng và bạn cũng có thể áp dụng để đạt được thành công. Trước hết, bạn phải thực tế. Cách duy nhất để trở nên giàu có là phải có óc thực tế một cách tàn nhẫn. Bạn phải thoát khỏi thế giới của trí tưởng tượng lý tưởng thường thấy trong các tạp chí hay trên truyền hình - những điều không dễ thực hiện trong thực tế. Thực tế luôn khắc nghiệt và khiến con người bị tổn thương. Vì vậy bạn phải trở nên mạnh mẽ như những chiếc móng vuốt của loài mãnh thú và sẵn sàng tham chiến nếu muốn giành chiến thắng. Nhưng hầu hết mọi người không chuẩn bị trước điều này. Bạn phải luôn sẵn sàng đương đầu với những áp lực vô cùng khắc nghiệt, phải suy nghĩ thấu đáo và tư duy sáng tạo khi xử lý những vấn đề quan trọng mà hầu hết mọi người đều e dè. Dĩ nhiên, sẽ không tránh khỏi những kẻ chỉ vì trò vui mà luôn cố tước đoạt hay phá hoại công sức của bạn, khi đó, hãy dũng cảm đương đầu, nhất định chống trả và quyết đánh bại họ. Sẽ không ai dang tay giúp bạn. Bạn phải dựa vào chính mình. Bạn có thể phải nhún nhường nhưng đừng bao giờ khuất phục. Tất cả những con người vĩ đại trong mỗi lĩnh vực như thể thao, tài chính, kinh doanh, nghệ thuật hay các quan chức chính phủ đều sở hữu một số phẩm chất đặc biệt. Vậy bạn có những tố chất cần thiết để nghĩ lớn và thành công chưa? Gần như tất cả các nhà triệu phú và tỷ phú tự mình làm nên thành công như Bill Gates, Oprah Winfrey hay Walt Disney đều có khả năng nghĩ lớn. Vì hơi khó giải thích, nên tôi đã đưa ra bản câu hỏi trắc nghiệm về thành công dưới đây để bạn tự kiểm tra xem mình có những tố chất cần thiết để thành công hay không. Nếu có, bạn có khả năng kiếm được rất nhiều tiền. 1. Trong vòng 5 năm tới, bạn muốn kiếm được bao nhiêu tiền? a. 100.000 đô-la đến 249.000 đô-la. b. 250.000 đô-la đến 499.999 đô-la. c. 500.000 đô-la đến 4.999.999 đô-la. d. 5 triệu đô-la hoặc nhiều hơn. 2. Ước mơ tài chính của bạn là gì? a. Trúng xổ số. b. Có một công việc cùng với các phúc lợi y tế, mức lương 401.000 đô-la và 3 tuần nghỉ lễ. c. Sở hữu ngôi nhà của riêng mình. d. Có khoản thu nhập thụ động không giới hạn từ việc kinh doanh hoặc bất động sản hay những khoản đầu tư khác. 3. Câu nào dưới đây miêu tả đúng nhất về tình hình tài chính hiện tại của bạn? a. Tôi rất hài lòng với mức tài chính hiện nay của mình. b. Tôi khá hài lòng với mức tài chính hiện nay của mình. c. Tôi cảm thấy chưa thỏa mãn nhưng không thất vọng. d. Tôi hoàn toàn không hài lòng với tình hình tài chính hiện nay của mình. Tôi muốn có nhiều hơn nữa. 4. Mỗi ngày bạn dành bao nhiêu thời gian để kiếm tiền? a. Ít hơn nửa tiếng. b. Từ nửa tiếng đến một tiếng. c. Một tiếng đến hai tiếng. d. Hai tiếng hoặc nhiều hơn. 5. Bạn dành bao nhiêu tiền cho các khóa học hoặc đào tạo về tài chính và kinh doanh? a. Dưới 100 đô-la mỗi năm. b. Từ 100 đô-la đến 499 đô-la mỗi năm. c. Từ 500 đô-la đến 1.199 đô-la mỗi năm. d. Hơn 1.200 đô-la mỗi năm. 6. Khi phải đối mặt với một vấn đề khó khăn, bạn thường làm gì? a. Phớt lờ và hy vọng nó sẽ qua nhanh. b. Than thở với bạn bè và gia đình. c. Chuyển rắc rối cho người khác. d. Động não suy nghĩ cho đến khi tìm ra giải pháp sáng tạo. 7. Thái độ của bạn với công việc như thế nào? a. Đó là công việc cực nhọc vất vả. Tôi chán ghét công việc của mình. b. Không cảm thấy phiền lòng với công việc của mình, nhưng tôi vẫn mong sẽ được làm một công việc khác. c. Công việc của tôi khá ổn. Tôi phải làm việc để kiếm tiền. d. Tôi thích làm việc. Công việc của tôi khá thú vị và vui vẻ. 8. Bạn sẽ làm gì nếu bị mất việc hoặc nguồn thu nhập? a. Tiết kiệm tiền bằng cách dọn tới ở cùng gia đình hoặc bạn bè và nhận tiền trợ cấp thất nghiệp. b. Quay về trường học lại. c. Tìm một công việc mới. d. Mở công ty riêng. 9. Câu nào miêu tả đúng nhất về tình trạng thể chất và mức độ tập trung của bạn? a. Tôi chỉ có đủ năng lượng để duy trì sự sống qua ngày. b. Tôi làm việc chăm chỉ được một lát, sau đó kiệt sức và nằm bẹp suốt thời gian còn lại trong ngày. c. Tôi có thể làm việc chăm chỉ trong vòng 8 tiếng. d. Tôi luôn tràn đầy năng lượng và chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi làm những việc mà mình yêu thích. 10. Câu nào miêu tả đúng nhất phản ứng của bạn khi có người nói rằng bạn không thể làm được một việc gì đó? a. Tôi từ bỏ việc đó và ngồi ì ra, cảm thấy thương hại cho bản thân. b. Tôi mất bình tĩnh và nổi cáu. c. Tôi cố gắng lần nữa. d. Tôi lấy đó làm động lực và không chịu từ bỏ cho tới khi đạt được điều mình muốn. 11. Bạn phải đưa ra một quyết định quan trọng và chưa biết làm thế nào. Điều nào dưới đây miêu tả đúng nhất quá trình ra quyết định của bạn? a. Tôi xem ti vi rất nhiều. b. Tôi chia sẻ với tất cả bạn bè để xem họ sẽ làm gì nếu rơi vào hoàn cảnh đó. c. Tôi phân tích tình hình một cách hợp lý và làm những gì đúng đắn nhất. d. Sau khi làm theo đáp án b và c, tôi sẽ tự đưa ra quyết định của mình. 12. Quan điểm của bạn về con người là gì? a. Tôi tin con người nói chung đều tốt và sẽ không có ai dối trá, lừa gạt hoặc tước đoạt của tôi điều gì. b. Xung quanh tôi là những người luôn tôn trọng tôi, ngay cả khi họ không phải là những người tư cách nhất. c. Tôi tuyển chọn những người giỏi nhất và giao cho họ một công việc tốt. d. Tôi tuyển chọn những người giỏi nhất và đối xử với họ một cách chuyên nghiệp, nhưng tôi chỉ xem họ như một bầy diều hâu. 13. Khi một ai đó rắp tâm hại bạn hoặc danh tiếng của bạn, bạn phản ứng thế nào? a. Tôi cảm thấy rất buồn và tự hỏi tại sao họ lại không ưa mình. b. Tôi không bận tâm chuyện đó. Sao cứ phải làm to chuyện lên? c. Tôi trực tiếp gặp và hỏi xem tại sao họ lại làm những điều như vậy. d. Tôi trả đũa họ theo đúng cách họ đã làm với tôi nhưng tồi tệ hơn gấp mười lần. 14. Bạn đang làm việc rất suôn sẻ và mọi thứ dường như đang diễn ra theo đúng mong đợi. Vậy bây giờ bạn sẽ làm gì? a. Dành thời gian đi nghỉ ở đâu đó. b. Không thay đổi gì cả. c. Bắt đầu muốn thử sức trong lĩnh vực kinh doanh hoặc công việc khác. d. Tiếp tục làm việc và đầu tư nhiều hơn vào công việc chính hoặc chuyên môn của mình, đưa nó lên những tầm cao mới. 15. Quan điểm của bạn thế nào về các vấn đề trong hôn nhân? a. Vợ chồng tôi yêu thương nhau, và chúng tôi sẽ không bao giờ ly hôn. b. Tôi tin vợ (chồng) tôi thật sự yêu tôi và dù cho có chia tay thì mọi việc cũng sẽ kết thúc một cách thân thiện. c. Ly hôn là điều có thể, nhưng tôi không muốn nghĩ tới điều đó lúc này. d. Tôi yêu vợ (chồng) tôi, và không muốn chia tay. Nhưng tôi đã kí tên vào bản hợp đồng tiền hôn nhân để bảo vệ phần tài chính của mình trong trường hợp điều đó xảy ra. Bây giờ, bạn hãy tính xem tổng số điểm của mình là bao nhiêu tùy theo đáp án bạn chọn là câu a, câu b, câu c hay câu d. Câu a - 1 điểm, câu b - 2 điểm, câu c - 3 điểm và câu d - 4 điểm. Sau đó hãy đối chiếu với thang điểm dưới đây và xem bạn đạt kết quả thế nào. SỐ ĐIỂM KẾT QUẢ 15-25 Kém. Bạn cần nghiêm túc xem xét lại quan điểm của mình. 26-35 Trung bình. Bạn cần thay đổi quan điểm của mình theo hướng táo bạo hơn. 36-45 Tốt. Bạn có tiềm lực nhưng cần hoàn thiện hơn nữa. 46-60 Tuyệt vời. Bạn có sẵn những tố chất để đứng vào nhóm những người xuất sắc nhất. Hãy phát huy! GIẢI THÍCH CÁC CÂU HỎI: 1. Trong vòng 5 năm tới, bạn muốn kiếm được bao nhiêu tiền? Nếu đã chọn khoản tiền thấp nhất thì tại sao bạn lại chọn như vậy? Bạn có thể chọn bất kỳ số tiền nào bạn muốn từ 100.000 đô-la đến 5 triệu đô-la. Điều đó hoàn toàn do bạn quyết định. Không ai bảo bạn phải chọn số nào cả. Vậy tại sao có người chỉ chọn 100.000 đô la? Mà thực tế thì nhiều người chọn con số này lắm. Họ chọn mức 100.000 đô-la trong khi có khả năng đạt mức 5 triệu đô-la một cách dễ dàng. Việc chọn ít tiền cho thấy sự thiếu tự tin và không có hoài bão. Đừng bắt đầu mọi thứ bằng thái độ thiếu cầu tiến như vậy mà hãy luôn hướng tới đích đến cao nhất. Các vận động viên vĩ đại hay những nhà tỷ phú danh tiếng đều quyết giành chiếc huy chương vàng chứ không phải chiếc huy chương đồng. Nếu trả lời câu hỏi này, tôi sẽ gạch con số 5 triệu đô-la và viết thành 50 triệu đô-la. Đó chính là quan điểm bạn phải có để thành công. 2. Ước mơ tài chính của bạn là gì? Điều bạn ước mơ chính là những gì bạn sẽ làm. Nếu không thể ước mơ những điều lớn lao thì bạn sẽ không bao giờ thực hiện nổi bất cứ điều gì quan trọng trong cuộc sống. Cả mấy tuần đầu ở Manhattan, tôi đã dành thời gian để mơ tưởng về những điều mình sẽ làm với mảnh đất khổng lồ bỏ không ở phía Tây New York. Mảnh đất trước thuộc sở hữu của Công ty Vận Tải Trung Ương Pennsylvania và New York đã phá sản. Sau mười tám tháng tập trung và làm việc miệt mài, tôi đã nắm được quyền sở hữu mảnh đất đó, trị giá 62 triệu đô-la, không thiếu một xu. Và tôi đã nghĩ tới việc xây dựng Trung tâm Javits trên mảnh đất đó. Đấy chính là sức mạnh của những ước mơ lớn lao. Vậy những ước mơ kỳ vĩ nào khiến bạn cảm thấy thích thú và tự hào? Đừng lo lắng xem liệu mình có thể thực hiện được ước mơ hay không. Đó không phải là vấn đề. Ước mơ không lấy đi của bạn bất cứ điều gì. Vì vậy hãy dành thời gian tận hưởng những ước mơ lớn lao của bạn. 3. Câu nào dưới đây miêu tả đúng nhất về tình hình tài chính hiện tại của bạn? Câu hỏi này cho thấy mức độ hài lòng của bạn với tình hình tài chính hiện tại. Những người luôn khao khát thường làm việc chăm chỉ hơn và có động lực thúc đẩy nhiều hơn để tiến bộ nhanh hơn trong cuộc sống. Nếu đã hài lòng với tình hình tài chính hiện tại của mình thì điều gì sẽ trở thành động lực thúc đẩy bạn thực hiện tất cả những điều cần làm để trở nên giàu có và thành công? Bạn phải đặt ra cho mình những mục tiêu ngày càng cao hơn. Bạn phải ước muốn nhiều hơn nếu không sẽ nhanh chóng trượt lại phía sau. 4. Mỗi ngày bạn dành bao nhiêu thời gian để kiếm tiền? Sự giàu có bắt nguồn từ những mục tiêu lớn cùng hành động được duy trì liên tục hướng tới những mục tiêu đó mỗi ngày. Rất nhiều người bắt đầu bằng những mục tiêu lớn lao, nhưng rồi họ bị mất phương hướng sau vài lần gặp rắc rối hoặc trở nên quẫn trí bởi những lo toan thường ngày khác. Để giữ vững mục tiêu, bạn phải dành ít nhất hai giờ mỗi ngày để thực hiện điều đó. Không ai quan tâm tới tiền bạc và thành công của bạn hơn chính bạn. 5. Bạn dành bao nhiêu tiền cho các khóa học hoặc đào tạo về tài chính và kinh doanh? Tài chính và kinh doanh thường được ví như những vùng biển nguy hiểm nơi bầy cá mập hung tợn luôn rình rập và sẵn sàng lao vào xơi tái con mồi là những người còn non kinh nghiệm mới bước chân vào nghề. Trong cuộc chiến này, tri thức chính là bí quyết thành công. Hãy dành những khoản tiền cần thiết để thu nhận thêm tri thức, bởi nhiều người đã lâm vào hoàn cảnh hết sức tồi tệ vì đã không trang bị trước kiến thức cho mình. 6. Khi phải đối mặt với một vấn đề khó khăn, bạn thường làm gì? Những người giàu càng trở nên giàu hơn bởi họ biết giải quyết các vấn đề khó khăn. Bạn phải học cách vượt lên khó khăn. Các giám đốc điều hành của những công ty lớn được trả những khoản tiền khổng lồ bởi họ có thể giải quyết được các vấn đề mà không ai khác có thể làm được. Tuy nhiên, không phải giám đốc điều hành nào cũng xứng đáng với mức thu nhập ngất ngưỡng như vậy. Có người làm rất tốt, ngược lại, cũng có người rất tệ. Hằng ngày tôi thường xuyên đối phó và giải quyết với các vấn đề rắc rối và đó là một trong những việc tôi làm tốt nhất. Vì vậy, nếu muốn đứng vào tốp 2% những người thành đạt, bạn phải thật sự giỏi trong việc tìm ra các giải pháp sáng tạo cho những vấn đề tưởng chừng không thể giải quyết. 7. Thái độ của bạn với công việc như thế nào? Không có cảm giác nào tồi tệ hơn việc bị mắc kẹt vào một công việc mà bạn không thấy hứng thú. Bạn phải yêu thích những gì mình làm. Đó chính là yếu tố quan trọng nhất để làm nên thành công. Nếu không yêu thích những gì mình làm, bạn sẽ không bao giờ vượt qua được gian truân. Ngược lại, một khi yêu thích công việc của mình thì chính niềm hứng thú đó sẽ cân bằng những khó khăn của bạn. Bản thân tôi thích việc thương lượng hợp tác và xây dựng những tòa nhà lớn. Và chính niềm vui mà tôi tìm thấy trong công việc đã giúp tôi vững bước trước mọi khó khăn. 8. Bạn sẽ làm gì nếu bị mất việc hoặc nguồn thu nhập? Đây là thử thách cuối cùng. Nếu tai họa ập tới, bạn có chịu cúi mình và lầm lũi trở về nhà tìm sự che chở của mẹ không? Hay bạn sẽ vực dậy tinh thần và làm điều gì đó để cải thiện tình hình? Thường những người thành công nhất lại là những người hay phải chịu thất bại cay đắng nhất trong cuộc đời. Vì vậy, nếu muốn hướng tới những mục tiêu cao hơn, bạn phải có quyết tâm vượt qua những chông gai không thể tránh khỏi trên con đường đã chọn. Nếu bạn từ bỏ mục tiêu của mình, sẽ không một ai có thể giúp bạn. Bạn phải tự xem xét chính mình, và thái độ của bạn sẽ là bí quyết tồn tại cho cú lội ngược dòng. Hãy xem việc nhà thiết kế giày nổi tiếng Steve Madden đã làm: tuy gặp phải một số rắc rối liên quan đến pháp luật, nhưng với quan điểm thành công không thể bị khuất phục, ông đã cho mọi người thấy một sự trở lại huy hoàng. 9. Câu nào miêu tả đúng nhất về tình trạng thể chất và mức độ tập trung của bạn? Thực sự bạn có nhiều năng lượng hơn bạn nghĩ. Hầu hết mọi người đang làm việc với khoảng 50% khả năng của mình. Bạn có thể làm được hơn thế rất nhiều. Đa phần mọi người tập trung sinh lực cao nhất khi bị rơi vào khủng hoảng hoặc tình huống khẩn cấp. Bản thân tôi như được tiếp thêm sinh lực nhờ tình yêu dành cho công việc mình làm. Đối với tôi, không có gì quan trọng hơn niềm vui thích từ sự thận trọng trong mọi hành động và làm được những việc chưa từng làm trước đó bao giờ. Tôi thích cảm giác hồi hộp khi phải đương đầu với thử thách lớn, rồi sau đó vận dụng tất cả tài năng của mình để biến điều đó trở nên dễ dàng. Niềm say mê cũng chính là lý do tại sao những nhân vật nổi tiếng như Mark Burnett, Jim Cramer hay Arnold Schwarzenegger đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Tất cả những người thành đạt đều là những con người tràn đầy sinh lực và đam mê với công việc mình làm. Vậy, hãy tìm cho mình một niềm đam mê để tiếp thêm sinh lực cho chính mình! 10. Câu nào miêu tả đúng nhất phản ứng của bạn khi có người nói rằng bạn không thể làm được một việc gì đó? Nếu muốn thành công, bạn phải quen dần với việc thường xuyên nghe thấy từ không, và phớt lờ nó đi. Lúc còn bé, khi nghe cha mẹ hay thầy cô nói không, và nếu là một đứa bé ngoan, bạn sẽ vâng lời và dừng ngay việc đang làm. Đó chính là lý do tại sao 98% người trưởng thành có xu hướng dừng mọi hành động của mình như một phản xạ có điều kiện khi nghe thấy ai đó nói không. Những người bỏ cuộc thường chẳng đến được đâu. Và bạn sẽ không thể thành công nếu cứ nghe theo những từ không như thế. Nếu muốn nằm trong tốp 2% những người thành đạt, bạn phải thực tế. Trong thương trường, không mấy ai chỉ bảo hay muốn điều tốt đẹp nhất cho bạn; họ chỉ quan tâm đến chính bản thân họ. Nên khi hầu hết mọi người nói không, điều đó có nghĩa là họ đang cố sớm đạt được mục đích của mình và gạt bạn ra khỏi cuộc chơi. Vì vậy đừng để những lời nói không tùy hứng của bất kỳ ai làm bạn nản lòng. Đừng để bất cứ ai cản đường bạn! 11. Bạn phải đưa ra một quyết định quan trọng và chưa biết làm thế nào. Điều nào dưới đây miêu tả đúng nhất quá trình ra quyết định của bạn? Tôi thực sự tin rằng nếu bạn là người có năng lực, nhanh nhạy và hiểu rõ công việc của mình, bạn sẽ có đủ quyết tâm để vượt qua thời khắc khó khăn đó. Trong một số thương vụ thành công nhất của mình, tôi đã làm ngược lại những gì người khác vẫn nghĩ. Để đến được đỉnh cao trong lịch sử Hollywood, nhà sản xuất truyền hình Mark Burnett đã bắt đầu từ việc bán áo phông trên bờ biển Venice bởi ông luôn theo đuổi thiên hướng về kiểu chương trình truyền hình thực tế có tính hấp dẫn cao với đông đảo người xem. Tất cả chúng ta đều có thiên hướng. Nhưng điều quan trọng là phải biết cách sử dụng chúng. Bạn có thể đạt khả năng học vấn rất cao, nhưng nếu không biết sử dụng thiên hướng, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện và giữ vững thành tích của mình. 12. Quan điểm của bạn về con người là gì? Thế giới là một nơi khắc nghiệt và tàn bạo. Chúng ta cho rằng mình đã trở nên văn minh, nhưng thực sự, đây là một thế giới thảm khốc và con người thật tàn nhẫn. Với vẻ ngoài luôn tỏ ra thân thiện nhưng sâu thẳm trong lòng, con người thường muốn tiêu diệt nhau. Con người có thể trở nên hiểm độc, tàn ác và cố tình tổn hại nhau cốt chỉ vì những trò vui ích kỷ. Vậy nên bạn phải biết cách tự phòng vệ. Loài sư tử chốn rừng già chỉ giết nhau vì bản năng sinh tồn, nhưng loài người lại giết nhau vì trò vui. Ngay cả những người bạn của bạn cũng có thể hãm hại bạn bất kỳ lúc nào nếu điều đó mang lại lợi ích cho họ. Phương châm của tôi là "Thuê những người giỏi nhất nhưng không phó mặc tất cả cho họ". 13. Khi một ai đó rắp tâm hại bạn hoặc bôi nhọ danh tiếng của bạn, bạn phản ứng thế nào? Khi có người cố tình hại bạn, tôi khuyên bạn hãy trả đũa! Tuy xét về mặt đạo đức, đó chưa hẳn là lời khuyên chuẩn mực nhưng lại rất thực tế. Nếu không trả đũa thì bạn đúng là một kẻ khờ! Hãy trả đũa khi có người rắp tâm hại bạn hoặc đổ tiếng xấu cho bạn. Điều đó không có gì là sai trái cả, nó chỉ khiến người khác nhận thức rõ bản lĩnh của bạn mà thôi. Đừng để người khác chèn ép bạn. Hãy luôn đấu tranh và đánh trả. Nếu bạn e ngại không dám phản kháng, mọi người sẽ nghĩ bạn như một kẻ thua cuộc, một "kẻ đáng khinh"! Họ sẽ nghĩ rằng họ có thể đánh gục bạn bằng cách sỉ nhục hay lợi dụng bạn. Đừng để điều đó xảy ra! Hãy luôn đấu tranh và đánh trả. Mọi người sẽ phải e dè và tôn trọng bạn. 14. Bạn đang làm việc rất suôn sẻ và mọi thứ dường như đang diễn ra theo đúng mong đợi. Vậy bây giờ bạn sẽ làm gì? Dù có lên đến đỉnh vinh quang thì bạn cũng không được phép tự mãn. Đừng bao giờ ngừng lại cho dù mọi việc có đang tiến triển tốt đến đâu. "Thời kỳ tốt đẹp" hiện tại mà bạn đang có chính là kết quả của sự cống hiến và làm việc cật lực trước đó của bạn. Những gì bạn làm hôm nay sẽ mang lại kết quả mai sau. Nếu muốn giữ vững vòng quay của thời kỳ tốt đẹp, bạn phải không ngừng gieo trồng những hạt giống của sự cống hiến và làm việc chăm chỉ mỗi ngày! Chỉ cần một phút xao lãng, bạn sẽ nhanh chóng trượt lại phía sau. Thật sự số người được sinh ra để trở nên nổi tiếng là rất ít. Những người này sở hữu một tài năng đặc biệt giúp họ trở nên thành công dễ dàng. Đó có thể là một nhạc sĩ thiên tài, một vận động viên với tài năng thiên bẩm hay một doanh nhân tài ba. Nhưng trong thực tế, đa phần những người thành đạt lại không hề sở hữu tố chất thiên bẩm. Thay vào đó họ đã phải làm việc hăng say, tự mình đặt ra các mục tiêu và không ngừng phấn đấu cho đến khi đạt được chúng. Một vài người như Mozart hay Shakespeare được sinh ra với một tài năng thiên bẩm hiếm có, giúp họ dễ dàng nổi trội hơn nhiều người. Nhưng hầu hết các vĩ nhân khác đều không được trời phú cho tài năng như vậy. Phải mất rất nhiều thời gian để tập trung miệt mài và làm việc chăm chỉ họ mới tới được đỉnh vinh quang mà mình mong muốn. 15. Bạn có quan điểm thế nào về các vấn đề trong hôn nhân? Tới giờ, tôi đã thấy nhiều vụ thương lượng diễn ra không suôn sẻ, các mối quan hệ đối tác không thành công và rất nhiều vụ tranh chấp trong kinh doanh. Việc tranh chấp hay kiện tụng chẳng phải là điều hay ho gì. Càng tệ hơn nếu đó là tranh chấp về tài sản, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Thật kinh khủng khi trước đây bạn từng yêu say đắm họ, nhưng giờ tình yêu ấy không còn nữa, chỉ còn lại sự căm ghét tột cùng, và cái cảm giác đó thậm chí còn kinh khủng hơn rất nhiều so với những tranh chấp thường thấy trong một vụ giao dịch kinh doanh. Khi đã rơi vào tình huống đó, chẳng có gì là xấu xa khi một trong hai người nghĩ tới chuyện ly hôn. Đó quả là địa ngục thực sự, không như bất cứ điều gì khác mà tôi đã từng thấy. Vậy nên một bản hợp đồng tiền hôn nhân để bảo vệ bản thân và quyền lợi về tài sản của bạn là cần thiết. Hôn nhân là bản hợp đồng không giống bất cứ bản hợp đồng nào khác trong cuộc sống. Bạn kết hôn vì tình yêu. Nhưng chữ ký của bạn trong bản đăng ký kết hôn lại liên quan nhiều đến quyền lợi, nghĩa vụ và tài sản của bạn. Vì thế, việc ràng buộc bằng một hợp đồng tiền hôn nhân không có gì là sai trái cả. Nếu tình yêu chết đi, bạn chỉ còn lại người bạn đời đáng ghét cùng bản đăng ký kết hôn; khi đó, bạn sẽ thấy không gì tệ hại hơn nếu người bạn đời của mình vì mục đích cá nhân đầy thủ đoạn mà nhất quyết không đồng ý với những thỏa thuận về phân chia tài sản. Lúc này, cuộc chiến tổng lực mới thực sự diễn ra và trở nên dữ dội hơn bất cứ cuộc chiến pháp lý nào trong kinh doanh bởi nó có thể dễ dàng dẫn tới sự tổn hại nghiêm trọng về cảm xúc và tài sản. Hãy luôn ký kết một bản hợp đồng tiền hôn nhân. Điều đó giúp bạn tránh khỏi những rủi ro đáng tiếc về sau. Tóm lại, bạn đạt được bao nhiêu điểm trong bài trắc nghiệm ngắn này? Hãy đối chiếu kết quả với bảng đánh giá phía trên. Nếu bạn đạt từ 46 đến 60 điểm, thật tuyệt vời ! Bạn nằm trong tốp 2% những người có những tố chất cần thiết để thành công. Nếu chăm chỉ làm việc, bạn có thể thành công hơn cả những người có bằng MBA hoặc chỉ số IQ cao. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy trong suốt cuộc đời mình. Trước đây, tôi từng đến trường Tài chính Wharton để gặp gỡ một số sinh viên xuất sắc. Hiện nay tôi vẫn nghe nhắc đến nhiều người trong số họ, nhưng ngoại trừ vài trường hợp ngoại lệ, còn lại thì họ chẳng mấy thành công trong cuộc sống. Trong khi đó, tôi biết có những người không học tại trường Wharton, chỉ học ở những trường đại học bình thường khác hoặc thậm chí không theo học bất cứ trường đại học nào nhưng họ luôn tập trung vào mục tiêu đã đặt ra và chưa bao giờ bỏ cuộc. Họ làm việc cật lực và yêu thích những việc mình làm. Vậy nên cuối cùng, họ đã thành đạt hơn cả những sinh viên tài năng của trường Wharton. Làm việc siêng năng chính là bí quyết riêng của tôi để thành công về mặt tài chính. Tôi biết nhiều người không có tài năng xuất chúng nhưng họ vẫn giàu có. Và bạn cũng có thể trở nên giàu có như vậy. Các nguyên tắc trong cuốn sách này sẽ giúp được bạn - bất kể trình độ học vấn của bạn thế nào đi nữa. Nếu số điểm của bạn không đạt từ 46 đến 60 thì hãy đọc cuốn sách này ngay bây giờ. Hãy chú ý tới những điều còn đang khuyết trong cuộc sống của mình, và quan trọng nhất là hãy tiếp thu những quan điểm sống được trình bày trong các câu chuyện của tôi. Hãy cảm nhận những gì mà tôi đã cảm nhận và biến những quan điểm của tôi thành của bạn. Và sau đó hãy làm lại bài trắc nghiệm trên. Bạn sẽ thấy điểm số của mình cao hơn nhiều sau khi đã đọc xong quyển sách! CHIA SẺ CỦA ZANKER Với tư cách là Chủ tịch kiêm Người sáng lập The Learning Annex, tôi đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm con người cực kỳ thành đạt, các nhà triệu phú và tỷ phú - những người đã nỗ lực vượt lên chính mình để đạt được những thành quả đáng kinh ngạc trong cuộc sống. Tất cả họ đều sở hữu một phẩm chất hết sức quan trọng: tính kiên trì. Hãy lấy Donald Trump làm ví dụ: ông chính là hiện thân của sự kiên trì. Ông chưa bao giờ bỏ cuộc ngay cả khi rơi vào bước đường cùng. Trong công việc cũng như trong cuộc sống, kiên trì chính là đức tính quan trọng nhất giúp bạn thành công. Đã bao lần bạn cảm thấy như mình không thể làm tiếp công việc này, không thể gọi bất kỳ cuộc gọi nào cũng như không thể gõ cửa từng nhà để thuyết phục họ giúp bạn? Đã bao lần bạn bị từ chối dù biết rằng mình sắp tới đích? Bao lần bạn phải phớt lờ những người muốn mua chuộc bạn bằng tiền, trong khi chính bạn đang cố hết sức để biến những mơ ước của bản thân và gia đình thành hiện thực? Tất cả chúng ta đều từng rơi vào những hoàn cảnh tương tự như vậy. Những trải nghiệm đó quả thật rất khắc nghiệt, nhưng thành quả chúng mang lại thì vô cùng tuyệt vời. Vì vậy đừng bỏ cuộc cho đến khi chúng ta thực hiện được mơ ước của mình. Bản thân tôi đã học được tính bền bỉ từ rất lâu, từ ngày tôi mới bắt tay gây dựng The Learning Annex vào đầu những năm 1980. Lần đó tôi muốn mời Murray Klein, ông chủ cửa hàng ăn Zabar's nổi tiếng ở New York đến thuyết trình về chủ đề "Cách tạo nên một thị trường đồ ăn ngon". Tôi biết người dân New York yêu thích ẩm thực và nhiều người sẽ đổ xô đến tham dự lớp học này. Vả lại cái tên Zabar's vào thời điểm đó (thậm chí cho tới tận bây giờ) vẫn là một cơ sở kinh doanh đồ ăn New York ngon nổi tiếng ở phía Thượng tây. Tôi đã gọi điện và trực tiếp đến gặp Murray Klein. Và theo đúng phong cách rất đặc trưng của người New York, Murray Klein đã chẳng đếm xỉa gì đến tôi cùng lời đề nghị của tôi vì lúc đó ông đang bận quát tháo nhân viên về việc phải lạng cá thành những lát mỏng hơn nữa. (Nếu trước giờ chưa ghé Zabar's lần nào, bạn nên đến một lần cho biết) Murray Klein là một người New York rất điển hình. Rảo bước về nhà trong tâm trạng hụt hẫng vì bị từ chối, tôi bỗng nảy ra một ý tưởng. Sáng hôm sau, tôi gọi điện cho một người bán hoa và yêu cầu họ mỗi ngày hãy chuyển một lượng hoa trị giá 200 đô la đến cửa hàng Zabar's kèm lời nhắn tới Murray Klein: "Xin ngài hãy bớt chút thời gian cho The Learning Annex". Hãy nhớ rằng thời điểm đó là những năm 1980 và với 200 đô-la bạn có thể mua được rất nhiều hoa. Tôi dặn người bán hoa: "Anh cứ tiếp tục chuyển hoa tới đó hàng ngày cho đến khi nào tôi yêu cầu dừng lại mới thôi". Sang ngày thứ chín tôi bắt đầu hoang mang vì đã mất tới 1.800 đô-la mà vẫn chưa thấy Murray Klein đáp lại một lời nào. Nhưng rồi Murray cũng gọi điện cho tôi. Ông nói: "Zanker, phải làm sao để anh dừng ngay trò gửi hoa chết tiệt này? Văn phòng của tôi không còn chỗ trống nào nữa đâu". - Hãy dành cho người dân New York một buổi tối của ông. - Tôi nói. - Tôi thích cái sự liều lĩnh trơ tráo của anh. Thôi được. Và Murray đã khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên khi mang tới lớp học một bữa tiệc thịnh soạn với các món ăn của cửa hàng Zabar's. Điều đó thật tuyệt vời! Mọi người có cơ hội thưởng thức miễn phí tất cả các món ăn của cửa hàng Zabar's trong lúc Murray trò chuyện. Murray quả thật thông minh khi mang tới lớp học nhiều món ăn như vậy bởi vì ngay hôm sau, ai ai cũng bàn tán về bữa tiệc thịnh soạn đó. Còn danh tiếng của Zabar's càng được nhiều người biết đến hơn. Ngày hôm sau, tôi nhận được hoa của Murray cùng một tấm thiệp với lời nhắn: "Zanker, mọi chuyện thật thú vị, nhưng tôi sẽ không bao giờ lặp lại điều đó thêm lần nào nữa đâu nhé!". Kể từ đó, tôi thường sử dụng lại tuyệt chiêu này. Và trên thực tế, vừa mới đây thôi, tôi đã áp dụng cách thức đó để mời Jim Cramer - người dẫn chương trình truyền hình Mad Money. Tôi sẽ kể bạn nghe thêm một câu chuyện khác về sự kiên trì. Năm 2001, khi mua lại The Learning Annex, tôi đã rất muốn mời Robert Kiyosaki, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Rich Dad (Dạy con làm giàu) tới thuyết giảng. Tôi liên tục gọi điện tới văn phòng của Robert nhưng cả ông và người cộng sự Sharon Lechter đều không trả lời. Khi biết tin ông đang diễn thuyết ở Phoenix, tôi đã lập tức rời nhà tại hạt Westchester, New York vào lúc 5 giờ sáng và đón chuyến bay sớm nhất từ sân bay John F. Kennedy để tới Phoenix. Tôi đã kịp tới buổi hội thảo ngày hôm đó và năn nỉ suốt bữa trưa để được gặp Robert nhưng trợ lý của ông chỉ trả lời: "Tôi không thể giúp gì cho ông. Ông cần có lịch hẹn trước". - Tôi lấy đâu ra lịch hẹn khi ông ta không chịu trả lời điện thoại của tôi? - Tôi nói. - Tôi rất lấy làm tiếc. - Cô ta bình thản đáp. Vô cùng bực tức, tôi bắt taxi quay lại sân bay Phoenix. Thật ngớ ngẩn! Nhưng trên chuyến bay quay về New York, tôi đã quyết định sẽ không bỏ cuộc dễ dàng như vậy. Vì thế, hàng ngày, cứ khoảng 11 giờ sáng, tôi lại gọi điện cho Robert và Sharon rồi để lại lời nhắn. Điều đó trở thành một việc phải làm, giống như việc sáng nào bạn cũng phải đánh răng. Suốt ba tháng trời, không sót một ngày nào, tôi kiên trì gọi điện và để lại lời nhắn vào lúc 11 giờ sáng. Cuối cùng, Sharon Lechter cũng gọi lại cho tôi. Cô ta nói: "Tôi sẽ đến New York vào tuần tới. Chúng ta sẽ cùng dùng bữa trưa nhé?". - Thật tuyệt, thưa cô. - Tôi đáp. - Vậy ông muốn chúng ta gặp nhau ở đâu? - Cô ta hỏi. Tôi là một người chỉ chuyên dùng bữa trưa tại bàn làm việc của mình, nhưng ngay lúc đó, nhà hàng đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là Câu lạc bộ số 21, một nhà hàng khá sang trọng ở New York. - Tuyệt lắm. Tôi sẽ gặp ông ở đó. - Cô ta đồng ý. Một tiếng trước cuộc hẹn, tôi có mặt tại nhà hàng và gặp người phụ trách việc hầu bàn. Tôi đưa anh ta 20 đô- la và yêu cầu: "Khi tôi tới đây dùng bữa trưa, anh có thể hỏi tôi là liệu tôi có muốn ngồi chỗ như mọi khi không, được chứ?". Anh ta cầm 20 đô-la và từ chối: "Ồ, không, thưa ông". Tôi lục tìm trong túi áo, lấy ra gần 100 đô-la đưa cho anh ta và nhận được câu trả lời: "Tôi rất hân hạnh được gặp ông vào lúc 1 giờ". Đến 1 giờ, tôi quay lại, vừa đúng lúc Sharon bước vào quán. Người quản lý tôi gặp ban sáng vồn vã chạy lại ôm chầm lấy tôi và hồ hởi nói: "Ngài Zanker, rất vui được gặp ngài". Anh ta đã dẫn chúng tôi tới một chỗ ngồi hết sức lý tưởng và Sharon thực sự ấn tượng về điều đó. Sau bữa trưa hôm đó, tôi đã đạt được thỏa thuận là Robert sẽ có một lần đến thuyết giảng tại The Learning Annex. Tuy nhiên 'chỉ một lần' đó đã trở thành rất nhiều lần khác nữa. Tôi đã phải mất đến sáu tháng chờ đợi, nhưng tôi luôn kiên trì và biết rằng rồi mình sẽ mời được Robert đến diễn thuyết tại The Learning Annex, bởi đối với tôi, tôi không bao giờ nói 'không' trước bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Những người thành đạt mà tôi từng biết chưa bao giờ nói không trước những khó khăn thử thách. Để lên đến đỉnh vinh quang, tất cả họ đều phải chịu đựng và vượt qua những thách thức cam go vốn làm chùn bước rất nhiều người. Để làm được điều đó, họ đã luôn kiên trì. Có thể bạn sẽ rút ra được nhiều điều trong cuốn sách này, song đức tính quan trọng nhất có thể suy ngẫm ngay chính là không bao giờ được từ bỏ mơ ước của mình. Những người thành đạt trong cuộc sống đều mang trong mình một số phẩm chất đặc biệt nào đó để phân biệt họ với 98% số người còn lại. Hành trình để trở nên giàu có và thành công vô cùng khắc nghiệt, chính vì thế con người rất dễ bị tổn thương. Vì vậy bạn phải trở nên mạnh mẽ như những chiếc móng vuốt của loài mãnh thú và sẵn sàng tham chiến nếu muốn giành chiến thắng. Hãy thực hiện một cuộc thử nghiệm để xem bạn có đủ những tố chất cần thiết cho hành trình đi tới thành công không. Hãy tìm hiểu về thực tế cuộc sống của chính bạn để biết cần phải ghi nhớ điều gì. Hãy đọc cuốn sách này và suy ngẫm về những câu chuyện thể hiện quan điểm về sự cần thiết của tính kiên trì. Sau đó, hãy làm lại bài trắc nghiệm phía trên và bạn sẽ thấy sự khác biệt. NHỮNG ĐIỂM CHÍNH Hãy dám nghĩ lớn bởi những điều bạn mơ ước chính là những việc bạn sẽ làm. Nếu muốn kiếm thật nhiều tiền, đừng ngần ngại đặt ra cho mình một mục đích lớn. Hãy luôn mơ ước và khao khát. Trong mọi tình huống, hãy đặt ra cho mình những thử thách và mục tiêu cao hơn để vượt qua và chiến thắng. Hành động mỗi ngày và luôn tập trung vào mục đích chính lâu dài. Không ngừng tiếp thu và nâng cao kiến thức để hiểu rõ việc mình đang làm. Luôn tự tin vào khả năng của mình để tìm ra những giải pháp sáng tạo đối với những vấn đề khó khăn. Say mê công việc của mình. Đừng bao giờ nói "không" trước bất kỳ tình huống khó khăn nào. Luôn giữ vững quyết tâm. Thuê những người giỏi nhất nhưng không phó mặc cho họ. N Trả đũa thích đáng với những kẻ hại mình. Không bao giờ xao nhãng những mục tiêu mình đã đề ra, ngay cả khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Luôn ký kết một bản hợp đồng tiền hôn nhân. Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com 2. ĐAM MÊ, ĐAM MÊ VÀ ĐAM MÊ Bất kể làm công việc gì, nhưng nếu muốn thành công bạn phải có niềm đam mê. Nếu yêu thích những việc mình làm, bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn, nỗ lực nhiều hơn, khả năng giải quyết công việc tốt hơn và sẽ biết tận hưởng cuộc sống hơn. Hiểu rõ và yêu thích những việc mình làm là hai điều vô cùng quan trọng. Trong cuốn sách đầu tay của mình, The Art of the Deal (Nghệ thuật thương lượng), tôi đã viết ở ngay đoạn đầu tiên: "Tôi không thực hiện thương lượng vì tiền. Bởi tôi không những đã có đủ tiền mà còn có nhiều hơn mức tôi cần. Tôi thực hiện thương lượng chỉ vì lòng yêu thích. Với tôi, thương lượng là một nghệ thuật. Nghệ thuật đối với các họa sĩ, thi sĩ là vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp hoặc sáng tác những vần thơ đầy xúc cảm. Còn tôi lại thích tham gia thương lượng, nhất là những cuộc thương lượng quan trọng. Bởi điều đó mang lại cho tôi cảm giác thú vị". Giờ đây, sau 20 năm, tôi vẫn tiếp tục tham gia vào những cuộc thương lượng quan trọng, và chúng vẫn mang lại cho tôi cảm giác thú vị như trước. Những điều tôi viết trong cuốn sách đầu tay đều là sự thật. Tôi tập trung vào niềm đam mê của bản thân và kiếm được rất nhiều tiền. Hiện nay tôi giàu có hơn rất nhiều so với thời điểm khi tôi viết quyển sách đầu tiên. Tôi say mê công việc đến mức đã làm việc như không thể làm tốt hơn thế, và cảm giác đó thật tuyệt vời. Thậm chí có những đêm tôi không tài nào chợp mắt được, chỉ muốn bật dậy và đi làm ngay. Sau khi viết cuốn sách đầu tiên, tôi đã trải qua vài giai đoạn thực sự khó khăn. Đầu những năm 1990, tôi gần như mất tất cả, nhưng rồi tôi đã vượt qua, tiếp tục tồn tại và phát triển lớn mạnh hơn. Công việc kinh doanh bất động sản của tôi trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết và số phận đã mang đến cho tôi nhiều may mắn bất ngờ. Tôi tham gia vào lĩnh vực truyền hình với chương trình truyền hình The Apprentice rất thành công. Ngoài ra, tôi còn sở hữu hai cuộc thi sắc đẹp danh tiếng Hoa Hậu Hoàn Vũ và Hoa Hậu Mỹ được phát sóng trên đài NBC. Các bài diễn thuyết tại The Learning Annex cũng thành công ngoài sức tưởng tượng. Và giờ đây tôi đang chuẩn bị cho đợt phát sóng mới của chương trình The Apprentice và tua Hội thảo Đầu tư The Learning Annex trên toàn quốc. Với tôi, tiền bạc chưa bao giờ là động lực chính để tôi thực hiện những dự án này. Tôi không hề mưu cầu tìm kiếm những dự án đó. Nhưng niềm đam mê trong công việc của tôi lại được nhiều người biết đến. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp chính là người đã tìm đến tôi khi nhận thấy sự say mê của tôi trong công việc hàng ngày hoàn toàn phù hợp với phong cách làm việc của họ. Bạn không thể chỉ ngồi một chỗ để chờ đợi hợp đồng làm ăn hay những cơ hội hay may mắn đến với mình, mà phải làm những việc mình thích một cách say mê, bởi chính điều đó sẽ mang lại cho bạn những điều tốt đẹp khác - có khi là những điều bạn chưa hề nghĩ tới. Nếu mục tiêu duy nhất của tôi là tiền thì hẳn tôi đã bỏ qua rất nhiều công trình quan trọng trong đời mình. Ví dụ, nếu quyết định của tôi chỉ đơn thuần vì tiền, tôi đã không nhận dự án nâng cấp sân băng Wollman ở Công viên quốc gia New York. Sân băng này được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1950 và sau đó được thành phố đóng cửa để nâng cấp vào năm 1980. Thành phố đã chi 20 triệu đô-la cho các đợt nâng cấp trong nhiều năm liền, nhưng đến năm 1986 vẫn chưa hoàn thành được phần nào. Tôi yêu thành phố New York và muốn xây dựng cho người dân nơi đây một khu giải trí ở trung tâm Manhattan, và với kinh nghiệm từng xây dựng những tòa nhà chọc trời trong khoảng thời gian chưa tới hai năm, tôi biết mình có thể dễ dàng cải tạo sân băng này trong vài tháng. Thế là tôi đảm nhận dự án này để tiết kiệm tiền của và thời gian cho thành phố. Động lực thúc đẩy tôi làm việc này xuất phát từ mong muốn đem lại cho người dân thành phố tôi yêu một dịch vụ giải trí, hoàn toàn không phải vì tiền. Tìm kiếm niềm đam mê Thay vì nghĩ cách kiếm tiền, bạn nên nghĩ làm thế nào để mang lại những sản phẩm và dịch vụ có giá trị và hữu ích cho xã hội. Điều gì cần được cải thiện? Việc gì có thể làm theo cách tốt hơn hoặc hiệu quả hơn? Vấn đề nào bạn có thể giải quyết? Bạn có thể đáp ứng những yêu cầu gì? Và quan trọng nhất là bạn sẽ tìm được niềm vui nào trong công việc? Đương nhiên khi làm tốt công việc, bạn sẽ được trả công xứng đáng. Nếu cuộc sống được ví như một trận đấu, thì tiền chính là số bàn thắng bạn ghi được. Tuy nhiên, điều thú vị thực sự không nằm ở tỉ số bàn thắng mà chính là sự hào hứng bạn có được khi ghi bàn theo những cách sáng tạo của riêng mình. Hãy tìm kiếm niềm đam mê khi làm những việc hữu ích cho mọi người và tiền sẽ tự khắc theo đến. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thật sự tôi đã trở thành tỉ phú nhờ học tập triết lý đơn giản này. Nhiều người nghĩ rằng cha tôi đã cho tôi rất nhiều tiền để khởi nghiệp, nhưng thực tế, khi khởi nghiệp tôi gần như không có lấy một xu. Tuy không cho tôi nhiều tiền nhưng cha tôi đã cho tôi một nền giáo dục tốt cùng một công thức đơn giản để kiếm tiền: chăm chỉ làm những công việc mình yêu thích. Đầu những năm 1970, khi tình hình kinh tế thành phố New York rơi vào khủng hoảng, vùng đất ven khu Grand Central Terminal trên Đường số 42 nhanh chóng bị mất giá. Nhiều tòa nhà đã bị tịch thu để thế nợ. Khách sạn cổ Commodore khi đó đang trong tình trạng xuống cấp nặng nề và làm ăn thua lỗ, đã trở thành nơi lui tới thường xuyên của những người vô gia cư. Nếu không ai làm gì sớm để cải thiện tình hình, nơi này sẽ trở thành một khu ổ chuột. Tôi biết mình có thể kiếm được tiền từ khu đất đó, song tôi nghĩ mình chỉ thực hiện chuyện này nếu cảm thấy có thể tạo nên sự khác biệt. Đó là biến một khách sạn xấu xí, ọp ẹp trở thành một nơi đẹp đẽ và thu hút được nhiều khách trọ. Chính nhờ suy nghĩ đó mà tôi đã cải tạo khách sạn Commodore thành một Grand Hyatt tráng lệ, mới mẻ, đồng thời tạo nên sự hồi sinh cho cả vùng. Và tới giờ vẫn vậy, tôi đầu tư tiền để biến những điều mình say mê thành hiện thực chứ không phải để kiếm lời. Thế nên khi làm bất cứ việc gì, thay vì nghĩ tới tiền, bạn hãy đặt ra một sứ mệnh hoặc một mục đích cao cả để có thể mang lại niềm đam mê cho mình. Hãy đứng cao hơn lòng tham vô đáy của những người chỉ biết quan tâm đến tiền. Hãy mở rộng tầm nhìn để thấy được bức tranh toàn cảnh về công việc bạn sẽ làm. Hãy hướng đến những hoạt động có thể đáp ứng được nhu cầu của số đông trong xã hội. Nếu thực sự muốn làm những điều lớn lao trong cuộc sống, bạn phải có niềm đam mê và lòng nhiệt huyết phi thường. Để thành công trong bất cứ công việc gì cũng cần phải có niềm đam mê. Ngay cả một anh gác cửa, một cậu bồi bàn hay một cô lễ tân cũng cần có sự nhiệt tình và thái độ niềm nở khi chào đón khách. Cho dù hiện tại bạn đang làm công việc gì thì cũng hãy làm bằng tất cả nhiệt huyết của mình, rồi điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Bạn sẽ gặp và gây được sự chú ý tới đúng người mình cần. Chỉ cần bạn tìm ra động lực cao quý cho những việc mình làm và cống hiến cho động lực đó bằng tất cả trái tim và tâm hồn bạn. Không có lửa đam mê, cuộc sống sẽ thiếu đi những khoảnh khắc huy hoàng. Đam mê tạo cho bạn sự can trường cần thiết để không bao giờ khuất phục trước khó khăn. Và tôi sẽ không thể có được niềm hân hoan từ Grand Hyatt nếu không thực sự kiên trì, siêng năng và cống hiến hết mình. Qua tất cả mọi thử thách, niềm đam mê biến những thứ xấu xí trở nên đẹp đẽ và hấp dẫn đã thôi thúc tôi bước tiếp và cho tôi cơ hội gặp gỡ nhiều người để chia sẻ cũng như học hỏi kinh nghiệm. Nhưng làm thế nào để tìm thấy niềm đam mê của mình? Bạn hãy thử làm thế này: Trong một lúc, hãy gác tất cả những suy xét lý trí sang một bên và chỉ nghĩ về những điều bạn thực sự muốn làm. Nếu được làm một việc trong đời, bạn muốn làm gì nhất? Điều gì khiến bạn say mê tới mức quên cả khái niệm về thời gian? Công việc nào khiến bạn thích thú đến nỗi sẵn sàng làm không công? Bạn sẽ làm gì trong khoảng thời gian cảm thấy hài lòng nhất với bản thân? Loại công việc nào có thể khiến bạn mải miết với nó mà không màng đến những thứ khác đồng thời mang lại cho bạn những kinh nghiệm tuyệt vời? Nếu có thể trở thành một trong những thần tượng của mình, bạn muốn là ai? Sau đó hãy trở về thực tại. Làm những việc bạn yêu thích có nghĩa là làm những việc trong khả năng của bạn, những việc bạn cảm thấy mình có thể làm tốt. Hãy nghĩ về những ưu điểm của bản thân và tìm ra việc bạn có thể làm tốt nhất. Hãy nghĩ đến những khả năng đặc biệt của chính mình và những việc đã làm mà bạn thấy tự hào nhất. Những kiểu hoạt động nào bạn có thể tham gia một cách tự nhiên và dễ dàng? Hãy nghĩ lớn khi nghĩ về công việc mình yêu thích! Hãy nghĩ đến những thành quả tốt đẹp đáng ngạc nhiên mà bạn sẽ đạt được cùng niềm vui và kết quả nhận được từ công việc bạn đang làm. Khi được làm công việc mình yêu thích thì đó không còn là công việc đơn thuần phải làm mà đã trở thành một hoạt động mang lại cho bạn nguồn năng lượng dồi dào. Hãy nhìn tấm gương Steve Jobs - người đồng sáng lập của Apple và Pixar - một người vô cùng đam mê công nghệ máy tính. Tuy không phải là nhà thiết kế máy tính giỏi nhất nhưng Steve Jobs là người có niềm đam mê tột bậc. Và chính niềm đam mê đó đã khiến Jobs trở thành một trong những nhà cải cách nhiều sáng kiến nhất của thế hệ chúng ta. Hãy hành động - đừng mơ mộng Đam mê quan trọng hơn cả trí thông minh và tài năng. Tôi đã thấy một số người thực sự tài năng nhưng thất bại vì thiếu đam mê. Tôi vẫn gọi họ là "những con người của ý tưởng", và có thể bạn cũng từng gặp những người như vậy. Họ luôn có những ý tưởng mới tuyệt vời và dự định sẽ thực hiện vào một ngày nào đó, nhưng dự định vẫn mãi là dự định, bởi họ chẳng làm gì cả. Với những người này, ý tưởng chỉ xuất hiện và ở yên trong đầu họ, chứ không bao giờ chảy tràn đến tim. Nếu không có tâm huyết thì những ý tưởng đó rồi cũng sẽ sớm tiêu tan. Bản thân các ý tưởng vẫn còn là điều mơ hồ và chưa định hình. Muốn trở nên cụ thể, chắc chắn và thông suốt, các ý tưởng luôn cần tới niềm đam mê thực sự lớn lao của những người đang thai nghén chúng. Vì vậy, hãy nghĩ ra các ý tưởng sáng tạo và truyền vào đó niềm đam mê của bạn càng sớm càng tốt trước khi các ý tưởng trở thành hư vô. Đam mê là yếu tố kỳ diệu giúp bạn có được sự nỗ lực trọn vẹn để thành công. Thực tế, tôi đã thấy nhiều người tài không cao nhưng vẫn đạt được những thành công rực rỡ nhờ niềm đam mê trong mỗi việc họ làm. Phải có đam mê thì bạn mới cạnh tranh và phát triển được trong thế giới này. Tôi đã hiểu được tầm quan trọng của sự đam mê nhờ cha mình. Cha tôi đã dạy tôi mọi thứ liên quan đến xây dựng, nhưng bạn có biết điều tôi thực sự học được từ ông là gì không? Đó là niềm đam mê trong công việc. Cha tôi yêu công việc và ông không ngại làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật. Có lần, cha tôi tiến hành xây dựng một khu chung cư trong khi bên kia đường cũng có một khu nhà tương tự đang được xây dựng. Tuy nhiên, điểm khác biệt là thời gian hoàn thành và chi phí xây dựng công trình của cha tôi ít hơn mà khu nhà lại đẹp hơn khu nhà đối diện rất nhiều. Tôi đã học được từ ông rằng làm việc với niềm đam mê thật sự sẽ khiến ta vô cùng hạnh phúc và không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Nhờ có cha mà tôi đã tìm thấy niềm đam mê trong công việc của mình. Tôi say sưa làm việc đến nỗi mỗi đêm chỉ ngủ từ 3 đến 4 giờ đồng hồ và luôn mong trời mau sáng để được bắt tay vào công việc. Một trong những niềm đam mê mãnh liệt nhất của tôi là thực hiện những vụ thương lượng quan trọng. Tôi thích tham gia và giành chiến thắng trong các cuộc thương lượng. Tôi muốn áp đảo đối thủ và giành những quyền lợi béo bở về mình. Tại sao ư? Vì chẳng có cảm giác nào tuyệt vời hơn thế, thậm chí với tôi, cảm giác đó còn hơn cả ham muốn tình dục dù rằng tôi cũng là người thích tình dục. Khi đạt được mục đích thương lượng của mình, khi cuộc đàm phán diễn ra theo chiều hướng mình mong muốn, bạn sẽ có cảm giác rất tuyệt. Có thể bạn đã nghe nhiều người nói rằng một cuộc đàm phán thành công là khi cả hai bên đều đạt được mục đích của mình. Điều đó thật phi lý. Đàm phán thành công có nghĩa bạn là người chiến thắng, chứ không phải đối phương. Trong các vụ thương lượng, tôi muốn đạt được một chiến thắng tuyệt đối. Đó chính là lý do tại sao tôi có thể thành công trong nhiều cuộc thương lượng quan trọng đến vậy. Một niềm đam mê lớn lao khác của tôi chính là tạo nên những công trình xây dựng tuyệt đẹp, và đó cũng là đam mê dẫn dắt tôi đến thành công như ngày hôm nay. Phát triển xây dựng và bất động sản được coi là lĩnh vực có những yêu cầu rất khắt khe. Lĩnh vực này đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối và không được phép lơ là bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây tổn hại cho rất nhiều người. Bất kỳ sơ suất nào cũng không được chấp nhận. Nhưng tôi yêu thích những thử thách mà một công việc đòi hỏi sự kỹ lưỡng và chính xác mang lại. Tôi nghĩ tôi đã làm tốt được công việc đó bởi tôi thực sự yêu thích nó. Và tôi đã áp dụng "chân lý" này trong mọi việc mình làm. Tôi nhớ ở Tổ chức Trump có một nhân viên luôn thắc mắc không hiểu tại sao chúng tôi phải mất nhiều thời gian đến thế cho việc kiểm tra các công trình đã được hoàn thiện. Dù tên tuổi đã được khẳng định và các công trình do chúng tôi xây dựng đều được nhiều người biết đến và đánh giá cao, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện việc kiểm tra hết sức kỹ lưỡng. Người nhân viên kia đã không hiểu được rằng chúng tôi làm việc đó để luôn đảm bảo rằng các công trình của mình phải đạt tiêu chuẩn tốt nhất và luôn duy trì được những tiêu chuẩn đó. Có thể với người khác đây là điều không cần thiết nhưng với chúng tôi, đó lại là điều vô cùng quan trọng. Tôi thích mua những mảnh đất chưa được ai đầu tư và tự mình biến chúng trở thành cái gì đó thật nguy nga và tráng lệ. Vẻ đẹp và sự tao nhã, bất kể ở một người phụ nữ hay một tác phẩm nghệ thuật, đều là niềm đam mê của tôi. Cái đẹp không phải ở vẻ bề ngoài hay thứ gì đó chỉ để ngắm nhìn. Cái đẹp chính là một sản phẩm mang phong cách và được toát lên từ tận sâu bên trong. Với tôi, niềm đam mê cái đẹp luôn song hành với những thành công đã đạt được. Tôi muốn cả hai. Khi đến văn phòng của mình trong tòa nhà Trump ở thành phố New York, tôi rất thích ngắm nhìn khu đại sảnh tráng lệ mà mình đã tạo nên. Tôi thích chứng kiến đám đông trầm trồ thán phục trước bức tượng cẩm thạch tuyệt vời cùng thác nước nhân tạo đẹp ngoạn mục cao gần 25 mét. Tôi thích chứng kiến sự hưởng ứng mang cảm xúc, sự trầm trồ kinh ngạc và thái độ trân trọng của mọi người trước vẻ đẹp lạ thường của tòa nhà. Cảm giác của tôi và của họ cộng hưởng với nhau. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng tôi thấy gần gũi với họ hơn, bởi đó chính là cảm giác tôi đã từng có khi xây tòa nhà Trump này. Thực sự, chính tôi cũng ngạc nhiên về những công trình sáng tạo của mình khi chứng kiến cảnh tượng khách du lịch náo nức kéo đến thăm tòa nhà Trump, The Trump Taj Mahal ở 40 Phố Wall, thành phố Atlantic hoặc bất cứ công trình xây dựng nào khác mà tôi đã thực hiện. Tôi biết mọi người hưởng ứng niềm đam mê của tôi dành cho cái đẹp và phong cách - điều được thể hiện rất rõ trong những công trình mà tôi đã tạo nên. Phong cách làm thay đổi con người và những người thành công nhất luôn là những người đậm phong cách. Việc tạo ra những tòa nhà đẹp lạ thường thực sự làm tôi cảm thấy phấn khích và trở thành động lực thúc đẩy tôi vượt qua những trở ngại lớn nhất. Vince McMahon, chủ tịch của World Wrestling Entertainment(2), là người đáng giá cả tỉ đô-la. Ông không chỉ yêu thích mà còn làm rất tốt công việc của mình. Khi tới làm việc tại Portland, bang Oregon, tôi đã chứng kiến tận mắt McMahon làm việc và thực sự ngạc nhiên. Tôi gặp Vince tại trận đấu vật thường niên ở Portland. Trận đấu diễn ra trước 30.000 khán giả và khán đài không còn lấy một chỗ trống. Tôi tò mò hỏi: "Vince, có thật là toàn bộ vé đã được bán sạch không?". Ông trả lời rằng toàn bộ vé đã được bán hết từ năm ngoái. Tôi hỏi thêm: "Thế còn sự kiện WrestleMania(3) ở Detroit. Vé đã bán hết chưa?". Ông nói tất cả đã được bán hết chỉ sau 5 giờ đồng hồ mở cửa bán vé. Sau đó tôi biết đã có 82.000 khán giả đến sân vận động Ford Field ở Detroit để theo dõi sự kiện này. Tôi nói: "Anh thật tài giỏi". Vince quản lý hàng trăm nhân viên, kỹ thuật viên và tổ chức rất nhiều sự kiện. Vince thành công trong mọi lĩnh vực mà ông tham gia và tôi phải thừa nhận rằng đây thực sự là một con người tài năng. Vince yêu thích công việc của mình và luôn hiểu rõ những điều ông làm. Đó chính là lý do tại sao Vince có thể làm tốt công việc của mình và thành công đến vậy. Nếu có theo dõi, bạn sẽ biết rằng cuối những năm 1990, gia đình Turner đã cố tiếp quản WWE và đây thực sự là một tai họa. Họ không thể đánh bại được McMahon vì ông hiểu WWE quá rõ. Vì vậy khi nói về thành công, tôi luôn nhấn mạnh rằng bạn phải yêu thích những gì mình làm, và những điều còn lại sẽ tự khắc diễn ra. Vince McMahon cũng như rất nhiều người thành đạt khác mà tôi biết đều đam mê công việc họ đang làm. Nếu yêu thích công việc của mình, bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn và mọi thứ sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Thế nên để thành công, dù trong bất cứ công việc nào, niềm đam mê là điều không thể thiếu. Tôi có một người bạn được sinh ra trong một gia đình khá nghiêm khắc. Cha anh ta là một người hà khắc, tàn nhẫn và hơi khó ưa. Nhưng thật ra, cha anh là một huyền thoại của Phố Wall mà hầu như ai cũng biết tiếng. Ông ta kiếm được rất nhiều tiền. Con trai ông, Stan, là một người tốt tính. Dù là chỗ thân quen với cả hai cha con nhưng tôi vẫn có thiện cảm với người con trai hơn ông cha. Trước kia, khi còn làm việc cùng cha ở Phố Wall, Stan thường xuyên trong tình trạng chán chường. Có lần vợ anh ta gọi điện cho tôi và than thở: "Anh Donald này, chồng tôi đang rất buồn chán và chẳng màng gì đến công việc. Đời sống vợ chồng tôi cũng không mấy tốt đẹp, chẳng có chuyện gì là suôn sẻ". Tôi thắc mắc hỏi lại: "Tại sao chị lại nói với tôi điều đó? Tôi không thể giúp được gì trong chuyện này". Stan đang gặp thất bại trong công việc ở Phố Wall. Thực tình anh chán ghét công việc đó nhưng không dám thay đổi bởi sợ làm cha thất vọng. Stan là thành viên của một câu lạc bộ golf rất có uy tín ở Westchester. Một lần anh ta được bổ nhiệm phụ trách dự án nâng cấp sân golf để khoác cho nó một cái áo mới sang trọng hơn. Stan được chọn không phải do có khả năng làm tốt công việc đó mà đơn giản vì mọi người đều quý mến anh. Khi dự án đi vào hoạt động, Stan đã khiến mọi người vô cùng kinh ngạc. Hàng ngày, anh có mặt ở sân golf từ 5 giờ sáng, háo hức và tỉ mẩn làm việc đến quên cả thời gian. Công trình đã hoàn thành trong vòng 6 tháng so với thời gian dự kiến 1 năm, và thậm chí nó còn đẹp hơn gấp 10 lần so với những gì mọi người mong đợi và lại còn tốn ít chi phí hơn. Tôi nói với anh ta: "Stan, thật không thể tin được đó là anh". Sau đó vợ của Stan đã gọi cho tôi và nói: "Stan thật tuyệt vời. Anh ấy đã thay đổi rất nhiều." Tất cả mọi người, kể cả vợ và con anh ta, đều rất vui mừng. Stan đã làm được một điều phi thường, anh đã thành công trong cương vị là một chủ thầu. Sau khi dự án thành công, để tỏ lòng trân trọng đối với Stan, mọi người đã dành tặng anh một phần thưởng xứng đáng và mời anh một bữa tối sang trọng. Stan đã trở thành một đại anh hùng. Thế nhưng khi trở lại làm việc ở Phố Wall, anh lại bắt đầu chán chường. Khi Stan kể tôi nghe về những thất bại của mình trong công việc, tôi nói: "Stan này, anh đang đi sai đường". Anh ta khổ sở đáp lại: "Tôi không thể làm khác được. Vì cha tôi, tôi phải làm công việc đó". Tôi thẳng thắn nói: "Quả thật anh đang đi sai đường. Anh thích hợp với ngành xây dựng, với các dự án đổi mới hoặc xây dựng các sân golf hơn. Anh phải làm những việc đó. Anh sẽ làm rất tốt và sẽ thành công". Anh ta thở dài: "Tôi không thể". Càng lúc Stan càng trở nên vô cùng chán chường và khổ sở. Thế nhưng cách đây 3 năm, Stan cũng đã cân nhắc và quyết định từ bỏ công việc ở Phố Wall để chuyển sang lĩnh vực xây dựng. Giờ đây, Stan đang làm rất tốt công việc của mình. Tất cả là do anh yêu thích công việc mình đang làm. Tuy số tiền kiếm được không nhiều bằng như khi còn làm ở Phố Wall nhưng Stan cảm thấy hạnh phúc bởi anh yêu thích công việc hiện tại của mình. Giờ đây Stan tự nhận thấy mình là một người thành công. Gặp Stan, tôi luôn thấy anh tươi cười rạng rỡ và tràn đầy sinh lực. Stan đã vui sống trở lại và trở thành một con người khác bởi anh đã can đảm chống lại sự áp đặt truyền thống để được tự làm chủ cuộc sống và thay đổi cuộc đời mình. Khi cuộc sống không diễn ra như mong đợi, hãy mạnh dạn tự hỏi xem liệu công việc bạn đang làm có phải là công việc bạn muốn làm và được dành cho bạn hay không? Hãy quan tâm đến những cảm giác, tham vọng và mục tiêu của chính mình chứ không phải của ai khác. Điều đó có nghĩa là bạn phải giữ vững lập trường trước các ý kiến của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp bởi họ không phải là những người biết được điều gì tốt nhất đối với bạn. Hãy tự quyết định con đường của mình. Hãy làm điều bạn thực sự đam mê và cố gắng bằng tất cả khả năng của mình, bạn sẽ thấy mọi thứ suôn sẻ và tốt hơn rất nhiều. Chịu được áp lực Khả năng chịu được áp lực cũng là một bí quyết không thể thiếu để thành công. Trong cuộc sống, nếu muốn thành công trong bất cứ việc gì, bạn đều phải vượt qua được áp lực. Cho dù mua hay xây một ngôi nhà, bắt đầu khởi nghiệp hay đang bước trên những nấc thang danh vọng của sự nghiệp thì bạn đều cần có khả năng chịu được áp lực lớn. Những người chơi chứng khoán thành công ở Phố Wall hay các bác sĩ, luật sư, vận động viên, chính trị gia, nhà kinh doanh giải trí đều phải sống một cuộc sống đầy áp lực. Vậy họ đã làm thế nào? Làm sao họ sống được một cuộc sống hạnh phúc và thành công trong khi có quá nhiều áp lực như vậy? Riêng tôi, tôi thấy rằng chỉ khi dấn thân vào làm những việc mình thật sự yêu thích thì tôi mới có thể loại bỏ được stress. Tôi cũng hiểu ra rằng việc tập trung tìm ra giải pháp quan trọng hơn nhiều so với việc chỉ chú tâm vào những rắc rối. Nếu dành quá nhiều thời gian và công sức vào việc mổ xẻ vấn đề thì bạn còn đâu tâm trí để tìm giải pháp? Tôi biết nhiều người làm công tác quy hoạch phát triển khi gặp phải một số rắc rối không lường trước được như sự hạn chế về vùng miền, vi phạm luật lệ, có quá nhiều nước ngầm hay sự mất dần tài nguyên thì thường tổ chức các buổi tọa đàm quy mô lớn với thành viên là tất cả các bên có liên quan. Họ mất quá nhiều thời gian để tìm ra đâu là nguyên nhân và ai là người phải chịu trách nhiệm. Sau đó, họ bắt đầu tưởng tượng về những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra như công việc bị chậm trễ, thâm hụt ngân quỹ, các ngân hàng ngừng cấp vốn hoặc thành phố thu lại giấy phép. Thời gian và công sức đó, lẽ ra họ nên dành cho việc tìm giải pháp thì tốt hơn. Khi bắt đầu kinh doanh bất động sản, tôi cũng vấp phải nhiều khó khăn. Tôi không đủ tiền để đầu tư vào những khu đất mình muốn. Tuy nhiên, tôi không để điều đó khiến mình bị phân tâm và gây cản trở công việc; mà ngược lại, tôi tập trung nghĩ cách làm sao để mua những khu đất đó mà không cần đến tiền! Mỗi khi gặp khó khăn, tôi khuyên bạn hãy chấp nhận thực tế để từ đó có những hướng giải quyết tích cực hơn. Thay vì nghĩ "mình đang rất căng thẳng", chúng ta nên tự an ủi bản thân rằng "Chỉ là mình đang mất tập trung một chút thôi"; như vậy, tôi nghĩ chúng ta sẽ thông suốt mọi chuyện một cách nhanh chóng. Trên thực tế, không phải ai cũng được sinh-ra-để-thành-công. Tôi muốn nói với các bạn về cả những điều tích cực cũng như tiêu cực trong công việc. Có một thực tế là không phải người thành đạt nào cũng có khả năng chống chọi với áp lực cao. Tôi không biết lý do tại sao, nhưng rất nhiều người không thể làm được điều đó. Tôi đã gặp rất nhiều người thực sự là những thiên tài: họ có chỉ số IQ rất cao và liên tục đạt điểm A trong quá trình học tập. Họ đều theo học tại những trường danh giá nhất như Harvard, Wharton, nhưng lại không thể vượt qua những áp lực trong công việc và cuộc sống. Một trong những điều khiến tôi hứng thú khi xem thể thao đó là chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, bạn có thể thấy ngay vận động viên nào sẽ đầu hàng hay giải tỏa được áp lực. Đa số họ đều đầu hàng, chỉ có một số vận động viên đỉnh cao có thể khống chế được áp lực. Hãy nhìn Tiger Woods, Derek Jeter hay Tom Brady mà xem. Họ thực sự là những người có khả đối mặt và vượt qua được áp lực cao. Trong thể thao bạn có thể nhanh chóng kiểm nghiệm được khả năng chịu áp lực của mình, nhưng trong việc kinh doanh, điều này đòi hỏi bạn phải mất từ 10 đến 15 năm. Theo tôi, biết được khả năng chịu đựng áp lực của mình là điều hết sức cần thiết. Đối với nhiều người, thành công là khi có được công việc yêu thích, có gia đình, con cái và một cuộc sống đầy đủ. Nhưng riêng với bản thân tôi thì thành công không đơn thuần là vậy. Tôi có rất nhiều bạn học ở trường Wharton(4)và họ đều là những người cực kỳ thông minh. Nhân tiện cũng xin tiết lộ tôi từng là một sinh viên giỏi. Tin hay không tùy bạn, nhưng thực sự tôi học rất giỏi môn toán và các môn khoa học tự nhiên. Nhiều người không tin tôi là một sinh viên giỏi bởi họ không thấy tố chất đó ở tôi. Họ cho rằng tôi thông minh, nhưng không nghĩ rằng tôi chịu học. Nhưng thật sự thì tôi đã như vậy đấy. Tôi vẫn còn giữ liên lạc với một số bạn học cũ. Trong số này có một người thực sự là một thiên tài nhưng anh ta chưa bao giờ thể hiện đúng như điều đó. Anh ta có một công việc rất tốt tại một công ty kiểm toán, nhưng gần đây khi tìm mua nhà, anh ta lại trở nên vô cùng lúng túng. Anh ta gọi điện hỏi tôi: "Anh có nghĩ rằng tôi đang mắc sai lầm không? Tôi không biết sẽ phải làm gì. Tôi đang rất lo. Tôi sẽ mua nhà nhưng tôi nên làm gì bây giờ? Tôi có nên đi vay tiền không?" Anh ta vẫn còn sửng sốt trước thực tế rằng mình phải mua một căn nhà. Sau khi mua nhà xong, người đàn ông thông minh tuyệt vời ấy gọi điện báo với tôi rằng: "Donald, tôi đã mua được nhà. Anh nghĩ tôi có làm đúng không? Tôi đã phải thế chấp để mua. Ôi, lạy Chúa, mọi việc sẽ ổn cả chứ?". Đây là người đàn ông có chỉ số IQ 180, nhưng anh ta không tài nào ngủ được, thậm chí còn không thể ân ái với vợ mình vì quá lo lắng. Tôi nói với anh ta: "Nếu không thể yên giấc bên vợ thì anh mua nhà để làm gì? Mua một ngôi nhà khiến anh khốn khổ đến vậy sao?". Anh ta là người chuyên tư vấn cho người khác cách kiếm tiền. Anh ta là một kế toán viên giỏi và là một thiên tài thực sự. Nhưng như bạn thấy đấy, khi phải quyết định tiêu tiền của chính mình, anh ta lại trở nên vô cùng lúng túng. Sau khi anh ta gọi điện cho tôi khoảng 10 lần, tôi nói: "Jim này, anh thật quá may mắn khi có một công việc tốt như vậy bởi vì có thể anh sẽ chẳng bao giờ tự làm được điều gì cho bản thân". Anh ta cảm thấy bị xúc phạm nhưng đó là sự thật và anh ta đáng bị như vậy. Tôi nói thêm: "Anh không thể tự làm được điều gì cho bản thân bởi vì anh không có đủ khả năng chịu đựng áp lực". Dù gặt hái được nhiều thành công nhưng chính tôi cũng đã phải trải qua những thời kỳ thực sự khó khăn với rất nhiều áp lực, chẳng hạn như khi thị trường bất động sản sụp đổ vào đầu những năm 1990. Thời gian đó tôi mắc nợ hàng tỷ đô-la và lúc nào các ngân hàng cũng theo sát tôi. Điều đó thực sự chẳng thú vị chút nào. Tất cả những người kinh doanh cùng ngành với tôi cũng đều gặp rắc rối lớn. Một số người bạn và cả đối thủ mà tôi cho rằng họ là những người rất cứng rắn và bản lĩnh cũng đã không thể chống cự được trong thời kỳ khó khăn đó. Công việc kinh doanh của hầu hết bọn họ đều bị đổ bể và tất cả bạn bè tôi đều bị phá sản. Bản thân tôi cũng mấp mé bên bờ vực phá sản, nhưng tôi đã không để điều đó xảy ra. Đó là khoảng thời gian chẳng dễ dàng chút nào và tôi không muốn trải qua thêm một lần nào nữa, nhưng xét về mặt nào đó, đó không hẳn là điều quá tệ. Tôi vẫn ngủ ngon và vẫn cố gắng duy trì những gì có thể trong khả năng của mình. Tuy không hề được đào tạo về khả năng chịu đựng áp lực song những kinh nghiệm từ thời kỳ khủng hoảng đó đã cho thấy rằng tôi là người có khả năng chịu được áp lực cao. Trong khi đó, hầu hết những người khác đều nép vào một góc, sợ hãi đưa tay lên miệng và lẩm bẩm: "Mẹ ơi, mẹ ơi, cho con về nhà!". Tôi biết mình có thể đối diện và không chùn bước trước áp lực. Tôi đẩy ngược áp lực đó về phía các ngân hàng và còn buộc họ phải nghe vài lời trách mắng của tôi. Tôi nhận ra đó là vấn đề của họ chứ không phải của tôi. Sao tôi phải quan tâm đến những điều chết tiệt đó chứ? Tôi đã nói với một ngân hàng rằng: "Tôi đã bảo các ông đừng cho tôi vay tiền. Tôi cũng đã nói cái hợp đồng mắc dịch đó không hề tốt đẹp gì. Mà các ông cũng thừa biết là đang tính lãi cho tôi quá cao". Đó là những điều tôi cần phải nói. Tuy chẳng hay ho gì, nhưng ít ra cũng tốt hơn việc phải quỵ lụy họ như những người khác. Các ngân hàng rất sợ bị dính vào kiện cáo. Và đó là lý do tại sao tôi nói rằng khó khăn nào rồi cũng có cách giải quyết. Thật sự thì tình hình kinh doanh của tôi chưa bao giờ be bét tới mức phải phá sản nhưng cũng đủ để đẩy tôi vào những tình cảnh hết sức khốn đốn. May sao tôi lại có mối quan hệ rất tốt với các ngân hàng. Những năm 1980, tôi luôn đối xử rất tốt với các ngân hàng nên khi cuộc khủng hoảng những năm 1990 xảy ra, họ đã không quay lưng lại với tôi trong lúc khó khăn. Có một ngạn ngữ cổ thế này: "Đừng coi thường người khác khi bạn thành công, bởi khi thất bại bạn sẽ gặp lại họ". Câu nói này rất đúng. Tôi biết một câu chuyện thế này về một doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Anh ta là một người khá nổi tiếng và cũng rất ngạo mạn. Anh ta cũng làm xây dựng như tôi nhưng luôn ra vẻ kẻ cả và đối đãi không hề tử tế với các chủ ngân hàng. Thỉnh thoảng tại các bữa tiệc tối, trong lúc nói chuyện với vợ của các chủ ngân hàng anh ta thường phát biểu một cách ngạo mạn: "Không thể tin nổi chồng bà là một chủ ngân hàng. Ông ta không thể nào kiếm được số tiền như tôi đã làm ra". Tôi thì chẳng dại gì phát biểu những câu linh tinh như thế. Đối với các chủ ngân hàng, tôi luôn đề cao họ, kiểu như "Ông là người giỏi nhất". Ngay cả khi công việc kinh doanh của tôi phát đạt còn họ đang gặp khó khăn thì tôi vẫn nói với họ: "Ông là người giỏi nhất". Tại sao phải làm tổn thương những người đó? Về phần người đàn ông kia, anh ta vẫn tiếp tục tỏ ra ngạo mạn như vậy trong vòng 6 hoặc 7 năm. Anh ta đã vay ngân hàng rất nhiều tiền và cũng xây dựng rất nhiều tòa nhà. Khi thị trường bất động sản lao đao, các ngân hàng đã trừng trị anh ta một cách không thương tiếc, mạnh tay hơn rất nhiều so với những gì họ làm đối với tôi. Họ làm vậy bởi vì anh ta quá ngạo mạn và hay tỏ ra coi thường người khác. Một trong số các chủ ngân hàng nói với tôi rằng gã xấu xa, keo kiệt, cứng nhắc và kiêu ngạo này đã phải quỳ gối van khóc như một đứa trẻ, cầu xin họ đừng phát mại tài sản thế chấp của mình. Anh ta đã quỳ gối, đã khóc lóc van xin, nhưng cuối cùng họ vẫn quyết định thẳng tay với anh ta. Và kể từ đó tôi cũng không còn nghe tin tức gì về anh ta cả. Làm những gì khiến bạn thoải mái Đầu những năm 1990, tôi mắc nợ chồng chất. Từ một người giàu có bậc nhất thành phố, tôi gần như chỉ còn lại con số không tròn trĩnh. Một đêm, tôi tới phòng họp nơi các nhân viên kế toán vẫn đang làm việc trong bầu không khí cực kỳ căng thẳng. Mọi người đang phải tập trung làm những việc chẳng dễ chịu chút nào. Chứng kiến không khí làm việc đó, tôi quyết định chúng tôi cần phải chuyển sự tập trung vào việc nào mình cảm thấy hứng thú. Tôi bắt đầu miêu tả cho mọi người kế hoạch về những dự án và các bước phát triển trong tương lai, đồng thời cho họ thấy sau khi hoàn thành, mọi việc sẽ tuyệt vời đến mức nào. Tôi đi vào từng chi tiết của các kế hoạch đó rồi vẽ ra bức tranh thành công rực rỡ trong tương lai. Sau đó, tất cả các nhân viên kế toán của tôi đều thừa nhận rằng họ nghĩ tôi đã rất hoảng sợ và nao núng trước tình cảnh hiện tại. Nhưng không, tôi đã làm điều ngược lại. Và kể từ thời điểm đó, chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của mình; chúng tôi không còn để tâm quá nhiều vào những rắc rối lớn trong hiện tại mà thay vào đó là tập trung hướng vào các dự án vĩ đại trong tương lai để làm việc hiệu quả hơn. Việc chuyển sang làm những công việc yêu thích đã tạo một bước ngoặt lớn đối với tất cả chúng tôi. Thời gian sau đó, tôi vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán mới dù rằng khi đó vị thế của tôi trên thương trường đã có chút lung lay. Đơn giản vì việc đó làm tôi cảm thấy thoải mái và hứng thú. Thực sự khoảng thời gian đó tôi đã nợ rất nhiều tiền nhưng do luôn suy nghĩ theo chiều hướng rất tích cực nên tới giờ, công ty của tôi vẫn liên tục phát triển và thành công hơn bao giờ hết. Bí quyết giúp tôi có thể chống chọi được với áp lực chính là tôi nhận ra rằng cuộc sống vốn dĩ rất mong manh. Tôi đã mất đi ba giám đốc điều hành giỏi nhất trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng ở thành phố Atlantic. Khi những điều tương tự như vậy xảy ra, bạn sẽ thấy cuộc sống này quả thật hết sức mong manh. Tôi có một điền trang tuyệt đẹp ở Florida, chính là câu lạc bộ Mar-a-Lago. Khi có điều kiện, tôi thường mời các cựu chiến binh bị thương trong cuộc chiến Irắc tới đó nghỉ dưỡng. Các nhân viên của tôi nói rằng đối với họ, những người cao quý nhất chính là các cựu chiến binh bị cụt mất chân tay trở về từ cuộc chiến Irắc và tôi rất vui mừng được chào đón họ đến với Mar-a-Lago. Tôi là một thương nhân, và tôi thấy rằng tất cả những thương nhân khôn ngoan thường không đặt vấn đề kinh doanh lên hàng đầu. Kinh doanh chỉ như một trò chơi và tất cả chúng tôi làm việc để mong có những phút giây thư giãn nhất. Nhiều người hỏi tôi: "Ông làm thế nào để đối diện với áp lực? Bằng cách nào ông có được những hợp đồng trị giá hàng tỉ đô-la và rót vốn cho chúng bằng những khoản vay ngân hàng khổng lồ? Tại sao ông vẫn có thể ngủ ngon giấc? Tại sao ông có thể bình tĩnh xuất hiện trên truyền hình trước hàng triệu khán giả như thế?". Sự thật là bấy nhiêu đó không đáng sợ bằng những gì diễn ra ở Irắc hay những đợt sóng thần đã cuốn đi sinh mạng của hàng nghìn người. Hãy nghĩ về thảm kịch ngày 11 tháng 9 với hơn 3.000 người thiệt mạng ở Trung tâm Thương mại Thế giới hay việc mất đi sinh mạng của hơn 300.000 người trong đại họa sóng thần ở châu Á năm 2004, bạn sẽ thấy những điều đó còn khủng khiếp hơn cả trăm lần. Vì vậy, có gì đáng lo khi bạn chỉ phải thuyết trình trước ngài chủ tịch của Citibank lúc 9 giờ sáng? Chỉ cần thông minh và suy nghĩ hài hước một chút, bạn sẽ thấy những vấn đề tưởng chừng rất khủng khiếp kia thực ra không là gì. Sự thật là tôi không để tâm vào bất cứ điều gì khác ngoài việc làm thế nào để thực hiện tốt công việc. Khi về già, tôi sẽ có rất nhiều thời gian để nghĩ về những điều khác; còn bây giờ, điều tôi quan tâm nhất là làm sao để hoàn thành công việc một cách mỹ mãn nhất. Rút kinh nghiệm từ những sai lầm Cuộc sống luôn thăng trầm. Và bạn phải học cách sống cùng điều đó. Tất cả các nhà thương thuyết giỏi, dù đạt được rất nhiều thành công song cũng từng phải nếm trải những thất bại cay đắng. Cuộc sống là vậy, dù đã làm mọi cách để tránh nhưng đôi khi bạn vẫn phải đối mặt với thất bại. Thế nên, thay vì chán nản và tuyệt vọng, tôi đã tự đứng dậy và sống theo một công thức nhỏ mà tôi gọi là "Phương pháp học hỏi". Áp dụng công thức này, tôi không chỉ rút kinh nghiệm và học hỏi từ những thành công mà còn học hỏi được rất nhiều điều từ những khó khăn hay sai lầm đã mắc phải. Cách học tốt nhất là tìm hiểu về thành công và thất bại của những người đi trước trong cùng lĩnh vực. Đây là phương pháp học hỏi tốt nhất, vì rút kinh nghiệm từ sai lầm của người khác bao giờ cũng dễ dàng và nhanh hơn là rút kinh nghiệm từ chính bản thân mình. Ví dụ, bạn không nhất thiết phải trải qua thời kỳ sụp đổ của thị trường bất động sản đầu những năm 1990 giống như tôi thì mới có thể biết được cần phải làm gì trong hoàn cảnh đó. Cuộc sống là vậy. Bạn có thể rút kinh nghiệm từ thất bại của chính bản thân, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn có thể học hỏi kinh nghiệm từ thất bại của người khác. Không bao giờ bỏ cuộc Nếu muốn thành công, bạn không bao giờ được bỏ cuộc. Thực tế, nếu đam mê công việc của mình, bạn sẽ không bao giờ có ý định từ bỏ nó vì bất cứ lý do gì. Sẽ có lúc bạn có cảm giác muốn buông xuôi và nghĩ rằng mình không thể bắt đầu lại. Nhưng đây chính là thời điểm quan trọng nhất, vì lúc này bạn mới bắt đầu hiểu những vấn đề thực sự quan trọng của công việc mình đang làm. Để đạt được mục tiêu của mình, bạn cần phải có sự kiên nhẫn và niềm say mê. Hãy nghĩ lớn, nhưng cũng phải thực tế. Trong cuộc đời tôi, có những mục tiêu mà tôi đã phải kiên nhẫn chờ đợi suốt 30 năm mới có thể đạt được. Hãy xem ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã phải đợi bao nhiêu năm mới mua được "The Wall Street Journal"(5). Rupert Murdoch luôn khao khát và tin rằng mình sẽ có được The Wall Street Journal. Rupert là một thiên tài thực sự. Cuộc sống luôn có trở ngại và sẽ tốt hơn nếu bạn chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt với chúng. Đừng xem đó là những trở ngại mà hãy coi là những thách thức, rồi bạn sẽ thấy mình hoàn toàn có khả năng vượt qua. Quan trọng nhất là bạn phải kiên trì - đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy tiếp tục bước đi trên con đường bạn đã chọn, xác định rõ mục tiêu và không được nản lòng hay lùi bước. Tôi có thể kể cho bạn nghe một vài câu chuyện về những người bạn của tôi, những người vô cùng tài năng và thông minh - có thể nói là những người thông minh nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra - nhưng họ lại không thành công chỉ vì đã chấp nhận bỏ cuộc. Nhưng mặt khác, tôi cũng có những người bạn mà nếu xét về trí thông minh thì họ không hề nổi trội. Nếu phải làm một bài trắc nghiệm về IQ, chắc chắn kết quả của họ sẽ rất kém. Tuy nhiên, hiện tại họ lại nằm trong số những người giàu nhất thế giới, đó là vì con người họ có một tố chất đặc biệt: theo đuổi đến cùng. Một phần nguyên nhân khiến nhiều người hay bỏ cuộc là do họ muốn né tránh những tình cảnh khó khăn như mắc nợ, để tuột mất các hợp đồng béo bở hoặc một khách hàng lâu năm, thậm chí là sợ mất đi sản nghiệp hay người vợ yêu của mình. Nhưng như tôi đã nói ở trên, bạn không được để những nỗi sợ hãi vô lý đó cản đường. Đừng nghĩ đến những tổn thương mà hãy chỉ tập trung tiến lên phía trước như những vận động viên thực thụ vẫn làm. Tôi không thể tin vào tai mình khi nghe Michelle Sorro, một ứng viên cho chương trình The Apprentice ở Los Angeles, nói với tôi rằng cô ta thà đầu hàng và bỏ cuộc còn hơn phải ngồi đối diện với tôi trong phòng họp của ban giám đốc. Tôi thực sự không tin nổi điều đó vì tôi đã quen làm việc với những người mạnh mẽ nhất trong giới kinh doanh, và những con người đó không bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ cuộc. Michelle từng trải qua thời kỳ rất khó khăn khi giữ vai trò quản lý dự án. Những thành viên trong nhóm không ưa Michelle và luôn gây khó dễ cho cô. Michelle đã hoàn toàn thất bại trong việc dẫn dắt nhóm của mình. Tuy nhiên, thay vì kiên trì vượt qua khó khăn, cô ta lại nhanh chóng từ bỏ. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy ai đó dễ dàng ném đi cơ hội để có thể tiến lên một vị trí cao hơn. Có đến hơn 50.000 người xếp hàng để xin tham dự chương trình The Apprentice. Michelle may mắn được chọn nhưng cô ta lại để tuột mất tất cả. Trong cuộc sống, những cơ hội may mắn như thế không nhiều. Tôi luôn giảng đi giảng lại cho các học viên của mình một điều rằng: Nếu muốn thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống, tuyệt đối không bao giờ được bỏ cuộc. Chấp nhận bỏ cuộc đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bao giờ gặt hái được bất cứ thành công nào. Trở lại với câu chuyện của Michelle, để biện minh cho sự thiếu kiên nhẫn của mình, cô ta đã đưa ra một loạt các lý do vô lý rằng những việc cô ấy đang làm ở The Apprentice không phải là những gì mà hai bên đã thỏa thuận hay những gì cô ta đã mong đợi. Michelle chưa bao tưởng tượng rằng sẽ có lúc cô phải ngủ trong một căn lều dưới trời mưa tầm tã. Tôi nói với Michelle: "Đó là cuộc sống. Những người khác còn phải đối mặt với những hoàn cảnh tồi tệ hơn rất nhiều. Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng đẹp như ta mong đợi". Mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu mới và không hề có bất cứ một sự đảm bảo nào. Bạn không thể biết điều gì sẽ xảy đến với mình, cho dù đó là điều tồi tệ thế nào đi nữa. Vậy nên bạn cần phải mạnh mẽ để đối mặt với những khó khăn và không bao giờ được đầu hàng khi chưa tranh đấu tới cùng. Cơ hội không dành cho những người kém cỏi chỉ biết chấp nhận bỏ cuộc. Việc Michelle chấp nhận bỏ cuộc khiến tôi băn khoăn rằng liệu có phải giới trẻ ngày nay đang thiếu nghị lực vươn lên không. Một tài liệu nghiên cứu mới đây cho thấy sinh viên đại học ngày nay luôn cho mình là trung tâm và tự tôn về bản thân hơn bao giờ hết. Những nhà tâm lý học thực hiện nghiên cứu nói trên cho rằng những biểu hiện đó của học sinh, sinh viên là kết quả trực tiếp từ cách nuôi dạy cùng sự giáo dục của gia đình và nhà trường. Ngay từ khi mới lọt lòng, rất nhiều trong số thanh niên này đã lớn lên trong sự tán dương của các bậc cha mẹ rằng con cái họ thật xinh đẹp và giỏi giang. Đây chính là nguyên nhân bùng nổ phong trào tự tôn những năm 1980, 1990 và trở thành mốt thời thượng mà tất cả các ông bố bà mẹ thời đó vẫn làm. Những lời khen thưởng rỗng tuếch sẽ không tốt cho con trẻ. Thật ra, việc để cho con cái biết chúng đặc biệt như thế nào cũng là một điều tốt và nên làm, nhưng đừng quá lạm dụng. Liên tục khen con cái là điều không nên, nhất là khi chúng chỉ làm được những việc cỏn con. Đừng quá dễ dãi với chúng. Hãy dành cho con bạn sự động viên, tán thưởng khi chúng thực sự nỗ lực. Có như vậy chúng mới quý trọng lời khen của cha mẹ. Tôi luôn nói với các con tôi rằng bất cứ điều gì cũng cần phải làm việc chăm chỉ mới có thể có được và rằng tất cả những vật chất xa hoa chúng đang hưởng thụ đều là từ mồ hôi nước mắt của cha chúng mà ra. Tôi cũng dạy các con hiểu rằng nếu muốn chia sẻ thành quả, chúng phải biết cùng nhau gánh vác công việc chung. Hiện giờ Donald Jr., Ivanka và Eric đang cùng làm việc với tôi tại Tổ chức Trump. Các con tôi đang làm ở bộ phận kinh doanh và tôi đang dạy chúng tất cả những gì tôi biết về bất động sản. Tất cả các con tôi đều là những sinh viên xuất sắc và làm việc rất tốt. Tôi thực sự rất hạnh phúc khi có thể bắt đầu làm việc với những đứa con tuyệt vời của mình; tôi biết chúng là những đứa có tài năng thiên bẩm. Nếu quá tán dương con cái của mình thì vô hình trung, bạn đã thổi phồng giá trị thực của chúng. Điều đó khiến con bạn luôn tin chắc rằng chúng sẽ đạt được những điều mình muốn mà không cần phải nỗ lực gì. Điều đó hoàn toàn không đúng. Bởi khi đã trưởng thành, con cái bạn sẽ nhận ra rằng thế giới bên ngoài khó khăn hơn gấp vạn lần so với những gì bạn đã kể cho chúng nghe. Và nếu không đạt được những gì mình mong muốn, chúng sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Mà bỏ cuộc là một thói quen rất khó thay đổi, và thói quen đó chắc chắn sẽ chỉ đưa chúng đến thất bại. Ivanka, con gái tôi được mời tham gia chương trình thực tế Born Rich của MTV. Chương trình này có sự tham dự của Georgina Bloomberg, Luke Weil, Cody Franchetti, Si Newhouse IV, Josiah Horn-blower, Ivanka và một số tên tuổi nổi tiếng khác. Một vài đứa trẻ trong số này thể hiện đúng là những đứa con nhà giàu hư hỏng. Một số khác thì cho rằng của cải chúng có được từ cha mẹ là lẽ tất nhiên và còn có những lời nói bất kính về cha mẹ mình. Tôi không thể tin được điều đó. Cũng may, Ivanka nhà tôi không như vậy. Con bé rất điềm đạm, thông minh và lễ phép khi nói về cuộc sống và gia đình mình. Con bé cũng tỏ ra rất trân trọng những may mắn mà mình được hưởng. Tôi thực sự rất tự hào về đứa con gái bé bỏng Ivanka của mình. Phải chấp nhận sự thật rằng trong cuộc sống có rất nhiều thứ chúng ta không thể làm được. Thật hoang đường khi có ai đó nói với con cái mình rằng chúng có thể làm được mọi thứ chúng muốn; bởi có nhiều điều thực sự là không thể. Tuy nhiên, không ai trong chúng ta muốn làm nản lòng con cái. Thế nên vấn đề là hãy trở thành người lạc quan nhưng phải luôn tỉnh táo để có thể giành thắng lợi trong mọi trận chiến của cuộc sống. Khi nghĩ mình có thể chiến thắng, hãy nỗ lực hết sức và đừng bao giờ bỏ cuộc, nhưng bạn cũng cần phải biết rõ thực lực của bản thân. Mọi người đều nói với tôi rằng tôi có thể thành công trong bất cứ lĩnh vực gì, nhưng điều đó không đúng. Tôi chỉ là một chủ thầu xây dựng và sau này may mắn được xuất hiện trên màn ảnh truyền hình rồi trở thành một nhân vật truyền hình nổi tiếng. Đây là những việc mà tôi có thể làm và đã dồn rất nhiều tâm huyết để có thể hoàn thành tốt. Tuy nhiên, cũng có những việc tôi không thể nào làm nổi. Tôi không thạo về máy vi tính. Tôi biết rằng dù có cố gắng đến mấy thì cũng chẳng làm nên trò trống gì khi tiếp xúc với máy tính. Tôi không đam mê máy tính như những doanh nhân thuộc thời đại công nghệ thông tin khác. Những chiếc máy vi tính không khiến tôi cảm thấy thích thú chút nào. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều thách thức và trở ngại. Chúng ta không thể vượt qua được tất cả thử thách đó, nhưng chúng ta có thể đối mặt và quyết tâm thực hiện bằng được những gì chúng ta cảm thấy hứng thú và tin rằng mình có thể làm được. Đối với bất kỳ dự án nào cũng vậy, tôi sẽ không cho phép bất cứ ai trong tổ chức của mình bỏ cuộc một khi tôi nhận thấy vẫn còn khả năng thành công. Năm 1974, tôi đã mua một mảnh đất để xây dựng tòa nhà Trump Place(6) ở Riverside Drive, phía Thượng tây New York và phải đến tận năm 2008, công trình này mới hoàn thành. Dù mắc kẹt với công trình này hơn 30 năm, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Ra khỏi vùng an toàn Độc giả của tạp chí Business Week đã bình chọn tôi là "Nhà lãnh đạo doanh nghiệp tài ba nhất thế giới". Tôi không biết liệu điều đó có đúng không vì quanh tôi còn có rất nhiều đối thủ đáng gờm. Nhưng dù sao tôi cũng vinh dự khi nhận được danh hiệu này bởi tôi tự hào vì mình có khả năng cạnh tranh cùng sự nỗ lực để vượt qua nhiều người khác. Để đạt được những thành quả ngày càng lớn hơn, bạn phải thường xuyên tự đặt ra thử thách cho chính mình. Và để làm được điều đó, bạn buộc phải bước ra khỏi vùng an toàn hiện tại của mình. Có thể nói New York là nơi diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt nhất trong nhiều lĩnh vực, vì vậy, dù đã trở thành một trong những người kinh doanh bất động sản đình đám nhưng tôi vẫn luôn giữ tinh thần làm việc cao độ và không ngừng cố gắng để có thể hoàn thành mọi việc một cách tốt nhất. Tôi cũng phải chiến đấu với chính bản thân bằng cách tự đặt ra những thử thách cho mình để duy trì đà làm việc. Tôi luôn cố gắng phấn đấu hết mình, bất kể thành công đạt được là nhiều hay ít. Thương hiệu Trump là một ví dụ. Giờ đây, đó là một trong những thương hiệu có giá trị và nổi tiếng nhất thế giới. Thương hiệu này biểu trưng cho những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Khi đi tìm một nhãn hàng vodka để gắn thương hiệu Trump, tôi chỉ tìm loại vodka tốt nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất. Tôi muốn phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng với phong cách thể hiện đúng chất thương hiệu Trump. Và cuối cùng tôi đã tìm ra loại vodka đó. Tôi cũng tiến hành tương tự với các dòng sản phẩm áo sơ mi, cà vạt và com-lê được bán trong các cửa hàng của Macy's và mọi việc đều rất thuận lợi. Tôi luôn tâm niệm phải phân phối những sản phẩm tốt nhất, vì đó là những sản phẩm gắn liền với tên tuổi của tôi. Có người từng hỏi tôi tại sao tôi không bao giờ tự hài lòng với chính mình. Câu trả lời thật đơn giản: tự bằng lòng không phải là tính cách của tôi. Nếu làm thế, tôi đã không phải là Donald Trump. Kinh nghiệm thực tế đã cho tôi thấy điều đó. Nếu ngủ quên trên chiến thắng thì bạn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi ngay lập tức. Vào cuối những năm 1980, tôi những tưởng mình đã thành công và không cần phải làm việc vất vả nữa. Nhưng sau đó, tôi nhanh chóng hiểu ra rằng thế giới này không ngừng thay đổi và nếu cứ đứng yên, bạn sẽ nhanh chóng bị tụt hậu. Tôi thích sống một cuộc sống vượt xa những người bình thường - không phải vì tiền mà vì niềm vui và hạnh phúc khi làm những công việc mình yêu thích. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ niềm khát khao đó. Tôi nhận thấy những người kinh doanh bất động sản không hề có khái niệm nghỉ hưu. Họ không ngừng đàm phán và ký kết các hợp đồng buôn bán ngay cả khi đã ở độ tuổi 80, 90. Và có lẽ niềm say mê công việc chính là lý do khiến họ luôn làm việc không ngừng nghỉ. Hãy hành động Những ước mơ lớn lao chính là động lực thúc đẩy cho thành công của bạn. Bạn sẽ không thể gặt hái được gì nếu không biết mơ ước, nhưng bạn cũng cần phải có đủ ý chí và nghị lực để biến những ước mơ đó trở thành hiện thực. Một khi đã đặt ra mục tiêu, bạn phải tìm kiếm ngay cơ hội để biến chúng thành hiện thực. Nếu bạn do dự, không dám nắm bắt khi cơ hội đến với mình thì chính sự e sợ thất bại đó sẽ trì hoãn thành công của bạn. Hãy vượt qua nỗi sợ hãi này, vì nếu bạn tạo cho mình thói quen trì hoãn thì tất cả các mục tiêu sau này của bạn cũng sẽ trở thành những lời hứa suông không bao giờ được thực hiện. Hãy luôn tự giữ lời hứa với chính mình bằng cách tạo ra thói quen hành động vì những mục tiêu của bản thân. Sau khi xác định được công việc mình yêu thích, bạn phải bắt đầu hành động ngay. Tôi bắt đầu mua bán nhà đất khi còn đang là sinh viên của trường Tài Chính Wharton. Ngay từ bây giờ, bạn nên nhanh chóng bắt tay vào làm công việc mà mình yêu thích theo khả năng của bạn. Tôi tin rằng điều đó sẽ khiến bạn thấy vui vẻ và thoải mái. Bạn cũng nên nghiên cứu sách vở và học hỏi từ những người có kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực. Đừng ngồi đợi tới thời điểm "chín muồi" hay đợi đến khi mình phải thật hoàn hảo. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Hãy bắt đầu ngay lập tức. Bạn sẽ học hỏi và rút kinh nghiệm từ thực tế làm việc nhiều hơn từ bất cứ cách nào khác. Bạn phải học tập, tích lũy kiến thức; bạn phải đi theo đúng ngành nghề mình yêu thích và phải ra thực tế cuộc sống để bắt tay vào hành động. Hãy bước ra thế giới bên ngoài và hoàn thành mục tiêu của chính mình. CHIA SẺ CỦA ZANKER Để làm tốt nhất một công việc nào đó, bạn cần phải có đam mê. Nhưng điều đó không hề dễ dàng vì hầu hết chúng ta đều được nhồi nhét từ nhỏ rằng làm việc là một trách nhiệm chứ không phải là niềm vui. Cha mẹ, thầy cô luôn nói với chúng ta rằng hãy học tập chăm chỉ đi, rồi thời gian còn lại chúng ta sẽ được làm thứ mình yêu thích. Thế nên ta luôn thấy chơi Dodgeball(7)sẽ vui hơn nhiều so với việc học. Rồi khi đến tuổi trưởng thành, bạn sẽ phải lựa chọn nghề nghiệp và hầu hết chúng ta đều không có sự chuẩn bị trước. Chúng ta không thể hình dung công việc sẽ thú vị thế nào bởi vì những gì được dạy khiến chúng ta nghĩ khác. Vì vậy, chúng ta thường tìm việc làm theo ý muốn của cha mẹ hoặc chỉ nhắm vào những công việc có thể mang lại cho ta nguồn thu nhập ngất ngưỡng hay một vị trí cao trong xã hội. Khi đó việc bạn có yêu thích công việc đó hay không cũng không còn quan trọng và không ảnh hưởng gì đến quyết định lựa chọn công việc của bạn nữa. Địa vị và tiền bạc luôn là sự cám dỗ nguy hiểm đối với những người trẻ tuổi khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp. Hầu hết thanh niên đều hướng đến những nghề có thể gây ấn tượng với người khác và đó là những quyết định vô cùng nguy hiểm. Cha tôi là dân nhập cư gốc Ba Lan. Ông là một nhà thiết kế áo vét và áo khoác nữ tại khu may mặc của thành phố New York. Ông thường xin nghỉ việc ở công ty này để đi tìm việc ở công ty khác. Tôi cảm thấy ông rất vui vẻ trong công việc, nhưng nếu vui vẻ thì tại sao ông lại luôn thay đổi chỗ làm như vậy? Lúc còn bé, tôi không tài nào hiểu được điều đó. Nhưng tới giờ tôi đã hiểu, đó là vì cha tôi luôn muốn làm những điều ông yêu thích. Tình yêu với nghề thiết kế đã thôi thúc cha tôi nghỉ việc bất cứ khi nào ông chủ làm hỏng các mẫu thiết kế của ông, thay thế bằng chất liệu rẻ tiền hơn hay làm điều gì đó trái với những nguyên tắc của ông. Niềm đam mê công việc khiến ông có đủ nghị lực để tự trụ vững. Thật điên rồ khi một công nhân làm việc cho một dây chuyền lắp ráp dù rất ghét công việc mình đang làm nhưng lại vô cùng lo lắng về việc bị thất nghiệp. Nếu không thích công việc đó, bạn chẳng cần phải lo lắng và sợ bị mất việc. Mà nếu không phải đang làm những gì mình yêu thích, bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy an tâm trong công việc. Bạn sẽ sống trong nỗi sợ hãi "bị hở sườn". Nhưng khi đã được làm những việc mà mình hứng thú, bạn sẽ có quan điểm "phải thành công" - quan điểm bạn cần phải có để thành công - cho dù có phải thay đổi công việc và không còn được bao bọc trong những điều kiện thuận lợi. Một người bạn của tôi là bác sĩ đã quyết định làm những gì mình muốn khi còn học trung học. Anh ta muốn đi con đường ngắn nhất để đạt được địa vị và danh vọng. Chưa bao giờ anh ta suy nghĩ xem mình có thực sự yêu thích công việc đó hay không. Giờ đây, anh ta thấy hối hận vì sự lựa chọn của mình và luôn than vãn với tôi rằng anh ta ghét công việc đó tới mức nào. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần làm một công việc nào đó có thể đảm bảo về mặt tài chính là được, nhưng thực tế, những người hạnh phúc nhất lại là những người có thể tìm thấy niềm đam mê trong công việc. Tìm được niềm yêu thích trong công việc chính là một sự khởi đầu tốt. Và khi đã tìm thấy công việc mình yêu thích thì có nghĩa bạn đã gần đến được với thành công. Lúc mới khởi nghiệp, tôi đã muốn trở thành một nhà làm phim, nhưng tôi thấy các bài học ở trường thật tẻ nhạt. Vì vậy, tôi đã bắt đầu với The Learning Annex - điều tôi vẫn nghĩ mình làm chỉ để kiếm tiền. Có lúc tôi còn nghĩ rằng đây chỉ là công việc tạm thời để kiếm tiền nhằm phục vụ cho mục đích làm phim của mình. Nhưng rồi tôi sớm nhận ra mình thực sự yêu thích việc học hành. Sẽ thật tuyệt vời nếu suốt quãng đời còn lại tôi vẫn có thể là một sinh viên. Tôi thích học hỏi những điều mới lạ. Bất cứ khi nào bước chân vào hiệu sách, tôi đều bị cuốn hút bởi khu sách sống đẹp và sẽ ở đó hàng giờ liền để xem kỹ tất cả các tựa sách. Tôi cũng đã mời nhiều chuyên gia viết sách sống đẹp đến thuyết giảng ở The Learning Annex. Tôi thấy hứng thú khi được học hỏi từ những người này và tôi biết các khách hàng của tôi cũng vậy. Tôi gắn bó với The Learning Annex bởi làm việc ở đó rất thú vị và việc điều hành tổ chức này chính là công việc tuyệt vời nhất đối với tôi. Điều đó không đơn thuần là công việc mà chính là đam mê của tôi. Tôi luôn có cơ hội học hỏi từ những giáo viên xuất sắc nhất trên thế giới. Tôi tìm kiếm những người có uy tín thực sự và thuyết phục họ tới thuyết giảng cho các sinh viên của The Learning Annex, trong đó có cả tôi. Nó giống như khi bạn khám phá ra một nhà hàng có phong cảnh tuyệt đẹp với thức ăn tuyệt ngon và chia sẻ thông tin đó với bạn bè. Tìm và mời được những giáo viên tuyệt vời trên thế giới đến thuyết giảng cho các sinh viên của The Learning Annex là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi. Tôi có tài trong việc này. Và lúc này thanh thế chỉ là một lợi ích cộng thêm, bởi khi làm bất cứ công việc gì, chỉ cần làm tốt, tự khắc bạn sẽ tạo nên uy tín. Và sự thật là tôi đang kiếm ra hàng đống tiền nhờ vào uy tín của mình. Hãy làm tốt những việc bạn yêu thích rồi tiền sẽ tự chảy vào túi bạn. Điều đó hoàn toàn đúng với tôi và tôi tin chắc rằng nó cũng sẽ đúng với bạn. Tôi từng có một nhân viên rất giỏi nhưng anh ta lại không hề đam mê công việc của mình. Với anh ta, công việc chỉ là một công cụ để kiếm tiền. Và tôi đã sa thải anh ta. Mọi người đều sửng sốt chất vấn tôi: "Sao ông có thể làm như vậy? Anh ta rất thạo việc mà?". Nhưng tôi không muốn có những nhân viên làm việc mà không có đam mê. Tôi tin chắc rồi họ cũng sẽ làm cho công ty sụp đổ. Nếu định làm việc ở The Learning Annex, bạn phải thật sự nhiệt huyết với công việc. Còn nếu chỉ đơn thuần muốn kiếm một việc làm, mời bạn đi nơi khác. Vài năm sau đó, chính người đàn ông bị tôi sa thải đã viết cho tôi một lá thư lời lẽ khá cảm động để cảm ơn tôi vì đã sa thải anh ta. Sau khi bị sa thải, anh ta đi du lịch vòng quanh thế giới và bắt đầu viết về những chuyến đi của mình. Hiện nay, anh ta đã trở thành một nhà văn nổi tiếng, chuyên viết về đề tài du lịch và đã xuất bản một vài cuốn sách. Thậm chí thỉnh thoảng anh ta còn đến The Learning Annex để thuyết giảng về kỹ năng viết. Tôi biết anh ta đã tìm thấy niềm đam mê thực sự và rất thành công với nó. Đừng bao giờ làm bất cứ công việc gì chỉ vì tiền mà hãy bằng tất cả lòng đam mê. Yêu thích công việc mình làm chính là nguồn gốc để gặt hái thành công. Hãy tìm kiếm công việc khiến mình thực sự say mê, khi đó bạn sẽ có nhiệt huyết để vượt qua mọi thử thách, đứng dậy sau thất bại và trụ vững qua những thời kỳ khó khăn nhất. Tuy tiền bạc là thứ không thể thiếu nhưng cũng không phải là tất cả. Hãy tìm cho mình một mục tiêu có giá trị cao quý hơn thay cho tiền bạc. Và để trở thành người chiến thắng trong cuộc sống, bạn phải tìm thấy niềm đam mê, bước ra khỏi những điều kiện thuận lợi hiện tại và bắt tay vào hành động. Hãy học cách vượt qua áp lực, đứng dậy từ những vấp ngã và đừng bao giờ bỏ cuộc. NHỮNG ĐIỂM CHÍNH Tìm kiếm niềm đam mê và tình yêu đối với công việc mình làm. Đừng chỉ vì tiền mà tự ép mình phải làm những công việc bản thân không yêu thích. Tâm huyết và cố gắng hết sức với công việc đang làm, chắc chắn bạn sẽ gặt hái những thành quả tốt đẹp. Đặt ra các mục tiêu nghề nghiệp khác ngoài tiền bạc. Hãy hiểu rằng niềm đam mê sẽ chinh phục mọi nỗi sợ hãi. Biến niềm đam mê của bạn thành những hành động thường xuyên và liên tục. Tìm ra niềm vui trong công việc. Tập trung vào việc tìm ra giải pháp thay vì quan trọng hóa vấn đề. Hãy đối mặt với áp lực bằng cách không để ý đến những suy nghĩ và quan điểm tiêu cực của người khác. Phải biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm, nhưng không được để chúng làm bạn nản lòng. Giữ cho mình một ý chí mạnh mẽ và không bao giờ được bỏ cuộc. Bước ra khỏi hoàn cảnh thuận lợi hiện tại của bản thân. 3. BẢN NĂNG CƠ BẢN Tôi thực sự tin rằng nếu tài giỏi và thông minh, bạn hoàn toàn có thể hành động theo bản năng của mình. Trong một số tình huống cần thiết, bạn cần phải đi ngược lại xu hướng chung. Sự thật là tôi vẫn thường làm ngược lại với những gì mọi người vẫn nghĩ trong một số thương vụ quan trọng. Năm năm đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, tôi và cha tôi đã mua và cải tạo lại những ngôi nhà ở quận Brooklyn và Queens. Nhưng rồi tôi quyết định phát triển bất động sản ở Manhattan, vì theo tôi, trong tương lai Manhattan sẽ trở thành một trung tâm lớn. Cha tôi đã đạt được rất nhiều thành công nhưng không phải ở Manhattan. Mọi người khuyên tôi đừng đầu tư vì cho rằng sẽ không làm được gì ở Manhattan. Thời điểm đó tôi không có nhiều tiền nhưng đã bắt đầu gặt hái được nhiều thành công ở Brooklyn và Queens, nhưng đối với Manhattan thì tôi chưa có bất kỳ mối quan hệ nào ở đây cả. Mùa hè năm 1973, Công ty đường sắt Penn Central đang trên bờ vực phá sản. Trong số các tài sản còn sót lại của Penn Central tại phố 60 và phố 30 phía Tây có khu đất bỏ hoang rộng 100 mẫu ở Manhattan. Khu đất này nhìn ra sông; và ngay từ lúc vừa nhìn thấy khu đất này, tôi đã thấy nó sẽ là một nơi rất có tiềm năng. Thời đó, những vùng lân cận ở khu phía Tây bị coi là những vùng đất nguy hiểm và không một ai tới sinh sống vì nơi đó có những kẻ buôn bán thuốc phiện và các khu nhà tồi tàn dành cho những người vô gia cư. Tuy nhiên, tôi thấy có thể dễ dàng thay đổi thực trạng này. Cách công viên trung tâm vài dãy nhà, có rất nhiều khu nhà cổ bằng đá kết nâu lộng lẫy trên đường số 84 ở phía Tây. Điều đó khiến tôi tin chắc rằng một ngày nào đó mọi người sẽ nhận ra giá trị của khu đất này. Mọi người nói rằng tôi sẽ không thể giành được quyền sở hữu cũng như cải tạo được khu đất này vì không một ai quan tâm tới nó. Cả thành phố đang chìm trong khó khăn, và tình hình cũng không mấy sáng sủa cho những người làm công tác quy hoạch phát triển. Một trong những rắc rối chúng tôi gặp phải là vấn đề về giấy phép; rất ít các khu nhà mới được cấp giấy phép xây dựng. Dù thế nào tôi cũng vẫn kiên quyết thực hiện bởi bản năng luôn mách bảo tôi rằng nơi đây sẽ sớm phát triển thành một trung tâm lớn. Bạn có biết tôi đã phải cố gắng thế nào để không tuột mất cơ hội này không? Tôi đã gặp và ký hợp đồng mua bán với người chịu trách nhiệm thanh lý các tài sản của Công ty đường sắt Penn Central. Tôi xin phê chuẩn về việc phân chia khu vực, đấu tranh với hội đồng nhân dân và còn đến trước cả hội đồng quy hoạch thành phố cũng như hội đồng định giá để thuyết phục, cố giành cho được khu đất đó. Vấn đề còn lại là thời gian. Cũng vào thời gian đó, tôi bắt đầu cho cải tạo khách sạn Commodore thành Grand Hyatt. Hai dự án này đã đem lại cho tôi một thành công ngoài mong đợi. Ngày 29 tháng 7 năm 1974, tôi giành được quyền mua hai khu đất ở phía bờ sông của Công ty đường sắt Penn Central - từ phố 59 đến phố 72 và từ phố 34 đến phố 39 phía tây với giá 62 triệu đô-la - không thiếu một xu. Tất cả là do tôi hành động theo bản năng của mình và không chịu lùi bước. Một thương vụ khác cũng hấp dẫn không kém là việc mua tòa nhà số 40 Phố Wall. Thời điểm năm 1930, tòa nhà này được xem là tòa nhà cao nhất thế giới. Tuy nhiên, năm 1931, nó đã phải nhường lại danh hiệu này cho tòa nhà Chrysler và Empire State, chỉ còn là tòa nhà cao nhất khu thương mại Manhattan. Sau đó nó lại đánh mất vị thế khi Trung tâm Thương mại Thế giới được xây dựng vào năm 1972. Nhưng kể từ ngày Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh sập thì tòa nhà 72 tầng của tôi ở 40 Phố Wall lại trở thành tòa nhà cao nhất khu thương mại Manhattan. Năm 1993, thị trường tuột dốc dữ dội và các hoạt động tài chính của tôi cũng lao đao không kém. Tôi gặp nhiều khó khăn và lẽ ra không nên thực hiện bất cứ một giao dịch nào lúc này. Tuy nhiên tôi đã bỏ ra 1 triệu đô- la để mua tòa nhà ở 40 Phố Wall và sau đó còn phải chi khá nhiều tiền cho chi phí tu sửa. Mọi người đều không hiểu tại sao tôi lại dám hành động như vậy và cho rằng đó là một điều vô cùng xuẩn ngốc. Thế nhưng tôi hoàn toàn có lý do để làm vậy vì mới đây, tôi đã từ chối lời đề nghị bán lại tòa nhà với giá 535 triệu đô-la. Điều đó thật ngạc nhiên phải không? Tôi biết tôi đã mạo hiểm, nhưng sự mạo hiểm đó một phần là do bản năng tôi mách bảo và nó đã đem lại cho tôi một khoản lợi khổng lồ. Khoảng thời gian tôi phải gom góp cho đủ số tiền 1 triệu đô quả thật không hề dễ dàng. Tôi phải đến gặp và đề nghị tới 4, 5 nhà kinh doanh bất động sản giỏi nhất ở New York cùng hợp tác thực hiện thương vụ này nhưng chẳng ai buồn quan tâm và còn cho rằng tôi sẽ thất bại. Các công ty bất động sản lớn đều từ chối lời đề nghị của tôi. Tôi nói: "50 - 50 đi. Tôi sẽ chi nửa triệu đô-la". Với họ, nửa triệu đô-la chỉ là một khoản tiền nhỏ, nhưng tất cả đều từ chối. Chỉ có duy nhất một người tỏ ra thích thú với vụ này là Jerry Speyer, một doanh nhân tầm cỡ về kinh doanh bất động sản của công ty Tishman Speyer. Anh ta đã nói với tôi: "Đó là một mỏ tiền đấy". Và quả thật đó là một mỏ tiền. Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền từ tòa nhà đó. Thế nhưng trước đó hai trong số những người kinh doanh bất động sản mà tôi cố gắng xin hợp tác đã nói với tôi rằng đó là thương vụ tồi tệ nhất mà họ sẽ không bao giờ dính dáng đến. Thật đáng tiếc, bởi tôi nghĩ nếu có khả năng vượt lên để đi ngược lại xu thế và chịu ứng ra nửa triệu đô-la, họ có thể đã kiếm được 270 triệu đô-la hoặc thậm chí nhiều hơn thế. Bất chấp lời bàn ra của mọi người, tôi vẫn mua tòa nhà số 40 Phố Wall. Đó là tòa nhà 72 tầng với tổng diện tích 120 ngàn mét vuông. Chỉ cần cho thuê các gian hàng bán lẻ thôi thì tôi cũng có thể hòa vốn, vậy thì làm sao có thể thất bại chứ? Thực tế khi đó tình hình kinh doanh bất động sản ở khu thương mại Manhattan vô cùng tăm tối và rất ít người có thể nhận thấy giá trị của tòa nhà. Vì vậy tôi đã phải tự mình trang trải 1 triệu đô-la và chấp nhận chịu mọi rủi ro. Tôi thích đi ngược lại xu hướng chung. Tôi thấy việc đi ngược lại xu hướng chung và nghe theo sự mách bảo của bản năng là rất quan trọng - tất nhiên bạn phải tin mình có khả năng. Thực sự thương vụ đó béo bở hơn tôi tưởng nhiều. Tôi đã có được tòa nhà mà không phải trả một khoản tiền nào. Tôi không chấp nhận mức thuế ấn định cho tòa nhà và xin cắt giảm được 4 triệu đô la. Ban đầu, tôi dàn xếp để trả cho thành phố số tiền nhiều hơn số tiền mua tòa nhà. Sau đó, tôi nhận lại tiền thuế, vì thế tôi không những không mất tiền mà còn có lời khi mua tòa nhà này - và ngày nay đó là cả một cơ đồ. Thật kỳ diệu khi ban đầu, dự án này hoàn toàn chỉ là một con số không, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, con số không đó trở thành một gia tài khổng lồ. Bạn phải biết mình đang làm gì. Bạn phải có niềm tin vào bản thân và tin rằng những điều bạn đang làm là đúng. Bạn sẽ gặt hái được những thành công rực rỡ nhất khi đi ngược lại xu hướng chung. Nhiều người thường thuê và trả cho bên tư vấn rất nhiều tiền nhưng đó chỉ là sự lãng phí thời gian và tiền bạc. Thay vào đó, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ lĩnh vực kinh doanh của mình, nắm bắt tất cả các vấn đề, tham khảo ý kiến của người khác và hãy hành động theo bản năng. Mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình những bản năng sống. Điều quan trọng nhất là phải biết cách sử dụng chúng. Có thể bạn có những thành tích học tập thật tuyệt vời, nhưng nếu không phát huy được bản năng của mình, bạn sẽ gặp khó khăn khi muốn vươn đến đỉnh cao và đứng vững ở đó. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người không tin tưởng vào chính bản năng của mình và đa phần đều bỏ qua những linh cảm tự nhiên của bản thân. Không ai có thể giải thích chính xác lý do tồn tại và cơ chế hoạt động của bản năng. Đôi khi chúng ta vẫn có một cảm giác như kiểu bản năng mách bảo về những điều nên hoặc không nên làm cho dù không vì bất cứ lý do thỏa đáng nào. Hầu hết các doanh nhân thành đạt nhất đều biết mình có những bản năng tuyệt vời và nhờ đó họ có thể đưa ra các quyết định sáng suốt, nhưng chính họ cũng không hiểu bản năng đó hoạt động thế nào. Các nhà khoa học cho rằng não bộ có khả năng nắm bắt và ghi nhận lại mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Và tới khi phải đối mặt với một tình huống mới, chúng ta có thể linh cảm và tiên đoán trước kết quả bởi chúng ta đã trải qua những tình huống tương tự như vậy. Tôi đã quen với việc ký kết hợp đồng tới mức tôi có thể thấu hiểu mọi sắc thái trong mỗi giai đoạn của quá trình ký kết. Tôi biết khi nào người ta đang trì hoãn thời gian, không thực sự nghiêm túc hoặc đang làm lãng phí thời gian của tôi. Tôi biết khi nào người ta đang nói dối hay có thể nhận ra những dấu hiệu cho thấy có điều bất ổn với một thương vụ nào đó. Tôi cũng nắm bắt được khi nào đối thủ của mình đang yếu thế và khi nào tôi nên giáng đòn quyết định. Các nhà khoa học cũng cho rằng bản năng tồn tại các tế bào thần kinh có liên kết với cơ quan trực giác của não bộ. Trên thực tế, bằng bản năng của mình, tôi có thể cảm nhận được việc gì là đúng hay sai. Ví dụ, chỉ trong mấy giây gặp gỡ với Mark Burnett - người sáng tạo nên The Apprentice, tôi nhận thấy mình thực sự có cảm tình với ông và tin chắc rằng sẽ thoải mái khi làm việc cùng nhau. Không hiểu vì lý do gì, nhưng tôi thấy Mark Burnett là người hoàn toàn đáng tin tưởng, dù với tư cách một người bình thường hay một chuyên gia. Khi ký hợp đồng với Mark Burnett, tôi hoàn toàn không vì điều gì khác ngoài sự mách bảo của bản năng và một cái bắt tay đầy tin tưởng. Mặt khác, tôi cũng đã gặp nhiều người mà tôi không hề có thiện cảm dù chẳng có bất cứ lý do cụ thể nào. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi đã học được cách tin tưởng vào bản năng của mình và thận trọng với những người khác. Một lần, tôi nhận được một cú điện thoại nói rằng CBS muốn sử dụng sân băng Wollman, một nơi rất tuyệt vời mà tôi đã cho xây dựng và đi vào hoạt động ở công viên trung tâm. Họ muốn tổ chức ghi hình trực tiếp phần kết Survivor ở đó. Tôi không chắc đó là một ý tưởng sáng suốt vì có thể trời sẽ mưa. Khi đó chúng tôi sẽ phải làm gì? Nếu trời mưa, trông tôi sẽ giống một thằng ngốc. Tóc của tôi sẽ bị bết lại, nhưng ít ra mọi người có thể thấy đó là tóc thật. Gần đây một tờ báo nổi tiếng đã cho đăng một bài báo về tôi rằng: "Trump thật tài giỏi. Ông ta thật tuyệt vời. Ông ta làm mọi người kinh ngạc nhưng mớ tóc giả của Trump thì thật kinh khủng". Bài báo đó nói rằng tôi đội tóc giả. Vì thế nếu tình huống đó xảy ra thì cứ coi như đó là cách để tôi đính chính lại thông tin sai lệch của bài báo. Thế là tôi đồng ý và Survivor được khởi quay phần kết tại sân băng Wollman. Khi đó Mark Burnett, người tôi chưa từng gặp mặt, cũng tham dự. Tôi biết ông là người tạo nên Survivor. Chúng tôi gặp mặt và nói chuyện với nhau, và thật ngạc nhiên, ngay lập tức tôi cảm thấy ngưỡng mộ Mark Burnett. Bối cảnh mà những người thực hiện Survivor dựng ở sân băng Wollman là một khu rừng nhiệt đới nhìn ra Manhattan. Nó rất đẹp và họ đã hoàn thành rất tốt công việc của mình. Mark Burnett nói với tôi: "Donald, à không, ngài Trump, tôi muốn có một cuộc hẹn với ngài. Tôi có một ý tưởng". - Ý tưởng gì vậy? - Tôi hỏi. - Tôi muốn làm một chương trình với ngài. - Ồ, tất cả mọi người đều muốn làm chương trình với tôi. Những người khác cũng muốn mời tôi cùng họ thực hiện một chương trình truyền hình thực tế với hàng loạt máy quay theo sát tôi. Điều đó là không thể. Tôi không thể để các máy quay kè kè bên cạnh mình khi đang làm việc. Vì thế tôi đã từ chối lời đề nghị của hầu hết các hãng truyền hình khác. Hôm sau, Burnett đến văn phòng tôi và trao đổi với tôi về chương trình mà ông dự định sẽ thực hiện. Ông nói với tôi về thể thức của The Apprentice, sau khi nghe xong, tôi trả lời: "Thật tuyệt vời vì anh thực sự không lẽo đẽo bám theo tôi mà chỉ quan sát bọn trẻ. Tôi có một phòng họp mà ở đó tôi có thể mặc sức nguyền rủa như một kẻ mất trí. Mà tôi càng điên khùng bao nhiêu thì chương trình càng được xếp hạng cao bấy nhiêu". Và cuối cùng, tôi đã đồng ý: "Được. Tôi thích ý tưởng đó". Chúng tôi bắt tay và trở thành đối tác của nhau, lợi nhuận chia 50 -50. Sau đó, một trong những đại diện lớn nhất của tôi ở Hollywood đã gọi cho tôi và nói: "Tôi nghe nói ngài đã đồng ý làm một chương trình truyền hình thực tế mang tên The Apprentice. Tôi không muốn ngài tham gia chương trình đó. Trước đây lịch sử truyền hình chưa có bất cứ chương trình nào nói về doanh nhân, chưa bao giờ". Tôi đáp lại: "Tôi biết, anh nói đúng. Nhưng tôi đã bắt tay với Burnett!". Lời nói là vàng Một điều vô cùng quan trọng bạn cần nhớ: Khi đã bắt tay hợp tác với ai, bạn phải tôn trọng quyết định của chính mình. Bắt tay với ai đồng nghĩa với việc bạn đang giao kết một hợp đồng với người đó. Đã nói là phải giữ lời. Sau khi bắt tay hợp tác, nếu bạn nuốt lời, sẽ không còn ai tin tưởng bạn. Người đại diện của tôi không hề quan tâm tới điều đó. Anh ta đã gọi điện và nói với Mark Burnett về việc hủy bỏ hợp đồng. Mark gọi điện lại cho tôi và nói: "Người đại diện của ngài đã gọi điện cho tôi và xin hủy thực hiện chương trình The Apprentice". Tôi nói: "Mark, tuy không biết có phải đó là quyết định đúng đắn hay không, nhưng tôi đã bắt tay với anh, tôi sẽ thực hiện ký kết của mình". Người đại diện của tôi cho biết 98% các chương trình này trên ti vi đều thất bại. Dù không hề biết điều đó, nhưng khi gặp Mark, có điều gì đó mách bảo với tôi rằng Mark là một người tốt và công việc này sẽ tiến triển thuận lợi. Và vì đã bắt tay với Mark nên tôi quyết định sẽ thực hiện đến cùng. Sau đó, khi chúng tôi thông báo về chương trình The Apprentice, NBC và các hãng truyền hình khác đều cố giành bằng được quyền phát sóng chương trình. Hãng truyền hình ABC giành chiến thắng, nhưng Michael Eisner đã cố cải biến chương trình theo ý những người trong công ty của anh ta, vì thế chúng tôi quyết định ngừng làm việc với hãng này để hợp tác với NBC, do Jeff Zucker điều hành. Đây là một con người thực sự tuyệt vời và đặc biệt rất yêu thích chương trình này. Khi được trình chiếu, The Apprentice đã lọt vào vị trí số 10 ngay trong tuần đầu tiên phát sóng. Quả là một con số ấn tượng! Sau đó The Apprentice vươn lên đứng ở vị trí số 8, số 5, rồi số 3. Và cuối cùng, vượt qua những đối thủ lớn, những chương trình có tiếng từ trước, The Apprentice đã trở thành chương trình được yêu thích số 1 trên truyền hình trong tuần. Tôi thực sự bất ngờ khi trở thành một ngôi sao truyền hình được nhiều người mến mộ. Bạn có thể tin được điều đó không? Một người kinh doanh bất động sản như tôi đã trở thành một ngôi sao truyền hình? Tôi sẽ không bao giờ quên lần đến tham dự liên hoan nghệ thuật diễn xuất ở trung tâm Lincoln. Tất cả các hãng truyền hình đều đưa tới đây những chương trình để quảng cáo cho một mùa công chiếu mới. Các ngôi sao lớn đều có mặt ở đó: Whoopi Goldberg, Rob Lowe và rất nhiều tên tuổi khác. Tại thời điểm đó, chương trình của tôi không chỉ đứng ở vị trí số 1 mà đã trở thành chương trình mới duy nhất làm về doanh nhân của NBC vẫn tồn tại. Sau khi The Apprentice trở thành chương trình truyền hình số 1, tôi nhận được điện thoại của người đại diện. Anh ta nói rằng: "Ngài Donald. Xin chúc mừng ngài. Ngài đã bước lên vị trí số 1. Tôi muốn đến gặp ngài". - Anh muốn gặp tôi vì việc gì? - Tôi hỏi. Anh ta trả lời: "À, tôi nghĩ là mình được quyền nhận một khoản hoa hồng". Bạn tin nổi điều nực cười này không? Tôi nói với anh ta: "Thật sao, chính anh đã phản đối việc này mà". - Ồ, tôi biết, nhưng thật ra thì tôi đã không thực sự phản đối đâu. - Thế anh nghĩ mình nên nhận bao nhiêu tiền hoa hồng? - Tôi hỏi lại. - Tôi nghĩ 3 triệu đô-la là thích hợp thưa ông. - Anh ta trả lời. - Anh bị sa thải! - Tôi trả lời. Đôi khi bạn thành công là nhờ làm liều Khi hãng truyền hình NBC đồng ý hợp tác thực hiện chương trình The Apprentice, rất ít người nghĩ rằng chương trình sẽ thành công. Khi đó NBC thậm chí còn không có sự lựa chọn nào khác cho mùa công chiếu thứ hai. Lúc đó, tôi chỉ là một kẻ khờ khạo không biết chút gì về truyền hình, và vì thế tôi đã tin chắc là chương trình sẽ thành công. Không bao lâu sau, Zucker, người hiện nay là chủ tịch hội đồng quản trị của NBC Universal, đã phát biểu trong một cuộc họp lớn và tôi sẽ không bao giờ quên những lời nói của ông. Khi đó, Friends đang trong mùa công chiếu cuối cùng, còn The Apprentice là chương trình tiếp nối ngay sau. Zucker đã nói những lời rất đáng cảm kích như thế này: "Donald Trump có thể không có được mái tóc đẹp như Jennifer Aniston, nhưng ông ấy đã giành được tỷ lệ bình chọn rất cao". Tôi chẳng hề bận tâm tới việc ông ấy đã đá động đến mái tóc của tôi, vì những người khác vẫn thường làm vậy, tôi chỉ quan tâm đến việc tôi đã thành công. Thời gian đó, tôi không có người đại diện, cũng không ký kết bất cứ hợp đồng nào, nhưng tôi đã có một chương trình truyền hình thành công rực rỡ. Vì thế hãng NBC rất nóng lòng muốn ký tiếp với tôi một hợp đồng mới. Tôi sẽ phải tự xoay xở lấy, nhưng tôi đã có tất cả danh thiếp của những người tôi cần. Tôi không có bất cứ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực giải trí và truyền hình; nhưng tôi có trong tay những tấm danh thiếp. Cũng khoảng thời gian đó, tôi đọc thấy một bài báo trên tờ New York Post viết rằng mỗi diễn viên chính trong Friends được trả 2 triệu đô-la cho mỗi buổi chiếu trong mùa công chiếu cuối cùng. Họ có 6 diễn viên lúc nào cũng gắn bó với nhau và có lẽ đó là một chiêu bài thông minh giúp mỗi người trong số họ có thể kiếm được 2 triệu đô la cho mỗi buổi chiếu! Khi người của hãng truyền hình NBC đến gặp tôi, họ nói: "Chúng tôi muốn gia hạn hợp đồng với ngài thêm 3 năm nữa". Tôi quyết định phải tỏ ra khó chiều một chút. Tôi nghĩ "chắc hẳn sẽ rất vui đây". "Tôi muốn được trả như những diễn viên trong Friends". Tôi nói và giả bộ đập bàn cái rầm. Họ suy nghĩ một lát rồi trả lời: "Ồ, chúng tôi nghĩ mình có thể làm được điều đó thưa ngài". Song vấn đề là họ nghĩ rằng tôi muốn được trả 2 triệu đô-la cho mỗi buổi chiếu như những ngôi sao trong Friends. Tôi nói: "Không, không, các anh không hiểu ý tôi. Họ có sáu người, còn tôi chỉ có một, vì thế tôi muốn 12 triệu đô-la cho mỗi buổi chiếu của mình". Họ có hơi băn khoăn về lời đề nghị của tôi nhưng cuối cùng chúng tôi đã ký hợp đồng (với số tiền không ít hơn 12 triệu đô-la là bao) và tất cả đều cảm thấy vui vẻ. Công việc của đôi bên diễn ra suôn sẻ và đạt được thành công rực rỡ. Đây là chương trình mà lúc đầu không ai nghĩ sẽ thành công nhưng thực tế đã thành công hơn cả mong đợi. Sở dĩ có được điều đó là vì tôi đã liều lĩnh. Hãy nắm lấy cơ hội và hành động theo bản năng của mình. Nếu bạn nghĩ mình có đủ những tố chất cần thiết để làm nên thành công, hãy liều lĩnh một chút vì thành quả lớn lao nhất sẽ chỉ đến khi bạn biết đi ngược lại xu hướng chung và dám mạo hiểm. Để có thể hành động theo bản năng, bạn cũng cần phải luyện tập. Nhưng quan trọng là bạn phải xác định rằng mình sẽ nghe theo sự mách bảo của bản năng. Bản năng là yếu tố không thể thiếu khi giải quyết các tình huống khó khăn và để làm được theo bản năng, bạn cần phải có sự tập trung cao độ. Điều đó giống như trường hợp một người trượt ván đang phải vượt qua một đoạn dốc hay một nhân viên kế toán đang cố gắng vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ CPA. Trong những tình huống sống còn như vậy, sẽ không đủ thời gian để đánh giá xem vấn đề có hợp lý 100% hay không. Vì như vậy là quá muộn. Với những cuộc chơi có thời gian ngắn và quá nhiều nguyên tắc quan trọng, bạn phải hành động theo bản năng của mình. Sự kết hợp giữa tư duy lô-gic và bản năng sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Khi mua được tòa nhà ở số 40 Phố Wall, tất cả những người quen biết đều khuyên tôi nên biến nó thành một khu chung cư, nhưng tôi không nghĩ vậy. Bản năng mách bảo tôi rằng đó sẽ là một địa điểm lý tưởng cho việc kinh doanh. Tôi tin tưởng vào bản năng của mình, và bạn đã thấy tòa nhà bây giờ là địa điểm hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp lớn làm ăn phát đạt. Tòa nhà đó đã, đang và sẽ sinh lời rất nhiều. Lần đầu tiên khi bắt tay vào xây dựng các sân golf, bản năng của tôi mách bảo rằng đó là một quyết định kinh doanh sáng suốt. Tôi biết nếu kết hợp được những hiểu biết về bất động sản với niềm đam mê dành cho golf, tôi sẽ thành công. Tôi tìm kiếm và dành rất nhiều thời gian để làm việc với các nhà thiết kế sân golf giỏi nhất thế giới. Kết quả thu được thật ngoạn mục bởi vì tôi đã biết kết hợp giữa bản năng và tư duy lô-gic. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là tôi đã tìm được những địa điểm lý tưởng tuyệt vời. Hãy tích cực học cách lắng nghe sự mách bảo của bản năng. Hãy rèn luyện kỹ năng này và thử nghiệm trong các quyết định nho nhỏ. Hãy học cách tin vào bản năng. Nhất định bạn sẽ gặt hái được thành công cả trong công việc lẫn trong cuộc sống. Bản năng một phần nào đó cũng sẽ giúp bạn chọn được người bạn đời phù hợp, người có thể cùng bạn chăm sóc và dạy dỗ con cái. Trong mỗi con người chúng ta đều ẩn giấu những điều mà bản thân không thể nhận biết một cách rõ ràng. Song bằng cách nào đó ta biết chúng tồn tại. Một cảm giác mơ hồ hiện hữu trong ta nhưng lại không thể giải thích được vì sao. Cảm giác này chính là một dấu hiệu khiến chúng ta phải lưu tâm. Bạn có thể nhận biết linh cảm đó là tốt hay xấu. Hãy hành động theo cảm giác nếu bạn có linh cảm tốt đẹp về điều gì đó. Còn nếu là linh cảm xấu thì hãy thận trọng. Bản năng có thể mách bảo bạn nên hay không nên làm gì. Hãy sử dụng chúng một cách hợp lý. Hành động hay chờ đợi Một lần, Andy Grove, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị của Intel, đã nói rằng: "Trước tiên, hãy tập trung nghiên cứu thật kỹ dữ liệu về vấn đề bạn đang quan tâm, rồi sau hãy tin tưởng vào bản năng của bạn". Tôi nghĩ câu nói này diễn tả chính xác nhất phương pháp ra quyết định của tôi: Tôi tập trung hết mức có thể vào việc nghiên cứu các số liệu và sự kiện của một tình huống khó khăn, rồi sử dụng tư duy lô-gic để giải thích các dữ kiện đó. Dựa trên những trải nghiệm của bản thân và những gì đúc kết được từ các tình huống đã xảy ra trước đó, tôi đưa ra các dự đoán. Sau đó tôi hành động theo bản năng của mình. Nếu cần phải đợi vài ngày để có thêm thông tin, tôi sẽ cân nhắc giữa giá trị của việc chờ đợi với ích lợi của việc có thêm thông tin. Trong trường hợp thấy cần phải hành động ngay lập tức để có thể thu được các khoản lợi nhuận hay những lợi ích đáng kể, tôi sẽ không do dự. Còn nếu chờ đợi không gây ảnh hưởng nhiều, tôi sẽ chờ. Hành động đúng thời điểm Bản năng liên quan nhiều đến việc lựa chọn thời điểm. Bạn phải kiên nhẫn chờ đợi đến khi bản năng mách bảo bạn biết lúc nào là thời điểm tốt nhất để hành động. Đôi khi tôi có nghĩ đến việc mua một mảnh đất hay sử dụng một phong cách thiết kế nào đó, nhưng tôi chưa hành động. Rồi bỗng nhiên tôi có cảm giác rằng thời cơ đã đến. Khi bắt đầu xem xét xung quanh, tôi thường nhận thấy nhiều thứ đã đổi khác, hé mở ra một cơ hội mới mà trước kia không hề có. Chính bản năng đã mách bảo tôi về cơ hội mới, và nếu có thể, tôi sẽ hành động nhanh chóng để biến cơ hội đó thành hiện thực. Tôi đã chờ đợi nhiều năm để được thấy những thành quả đó. Điều này có thể rất khó, đặc biệt với những người như tôi, một người không đủ kiên nhẫn chờ cho tới khi công việc hoàn thành theo đúng thời gian đã định. Để đưa ra những quyết định thực sự đúng đắn, bạn phải học cách chờ đợi đến thời điểm thích hợp. Điều này đặc biệt đúng trong việc đàm phán. Tôi rất cẩn thận để không lao mình quá nhanh trong các thương vụ làm ăn, nhất là những thương vụ tôi thực sự muốn có. Tôi không bao giờ đưa danh thiếp của mình ra. Tôi hành động như thể không chắc mình muốn có thương vụ này. Chính hành động không rõ ràng đó khiến đối thủ đưa ra những tranh luận mạnh mẽ hơn và sự việc diễn ra đúng trong tầm kiểm soát của tôi. Điều đó cũng cho tôi thêm thời gian để suy nghĩ và nảy ra những ý tưởng sáng tạo để thương vụ đó có thể kết thúc một cách tốt đẹp hơn so với việc nhanh chóng lao ngay vào hành động. Là người rất yêu thích quần vợt, tôi để ý thấy rằng những tay vợt xuất sắc nhất lại thường không phải là những người khỏe nhất, nhanh nhất hay xông xáo nhất. Trên tất cả, họ là những người có khả năng lựa chọn thời điểm tốt nhất đến mức khó tin. Điều này yêu cầu phải kết hợp thật tốt giữa thần kinh vững vàng với bản năng đã được mài giũa. Hãy nhìn Roger Federer và Peter Sampras, hai tay vợt xuất sắc nhất để thấy họ không chỉ có kỹ thuật điêu luyện mà còn có khả năng nắm bắt thời điểm một cách tuyệt vời. Những tay vợt có được kỹ năng tuyệt vời ấy hầu hết đều là những nhà vô địch. Và nếu đánh mất kỹ năng đó, họ sẽ nhanh chóng vấp ngã. Tôi cũng để ý thấy rằng những diễn viên hài nổi tiếng nhất đều thành công bởi vì họ có một cảm nhận hoàn hảo về thời điểm thích hợp. Tất cả những diễn viên hài đó đều biết cách chọn đúng thời điểm để làm khán giả bật cười. Có thể họ sinh ra đã có khả năng này, nhưng ở mức độ nào đó, khả năng này cũng có thể được phát triển. Tôi đã để ý tòa nhà ở số 40 Phố Wall trong nhiều năm trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tôi cũng không để bất cứ ai biết mình đang quan tâm đến tòa nhà đó. Đầu những năm 1990, khi đã dần vực dậy sau thời kỳ khó khăn, việc mua tòa nhà ở 40 Phố Wall là một trong những thương vụ quan trọng đầu tiên tôi thực hiện trong thời gian này. Tôi thích tòa nhà cổ kính đó từ lâu nhưng chưa tìm thấy thời cơ thích hợp. Chỉ sau một thời gian, khi công việc kinh doanh có nhiều chuyển biến tốt, tôi mới quyết định mua tòa nhà. Bằng cách chờ đợi và cân nhắc, rồi sau đó hành động khi bản năng mách bảo rằng đây là thời điểm thích hợp nhất, tôi không chỉ đã kiếm được rất nhiều tiền từ thương vụ đó mà còn may mắn quen biết một gia đình giàu có và nổi tiếng đến từ Đức, gia đình Hinneberg, và họ đã trở thành những người bạn tuyệt vời của tôi. Những mối quan hệ tốt đẹp có được qua các thương vụ làm ăn là một lợi ích cộng thêm vô cùng tuyệt vời. Khi đưa ra một quyết định, bạn phải vận dụng tất cả năng lực, trí óc, bản năng và khả năng phân tích của mình. Hãy hành động theo bản năng nhưng đừng đánh cược tất cả vào đó. Hãy thận trọng và tìm hiểu tất cả các dữ kiện liên quan bởi luôn luôn có lý do để mọi người chọn đi những con đường khác nhau. Hãy tin tôi, khi bạn khám phá ra điều gì đó mà người khác không quan tâm đến, khi bạn đi ngược lại xu hướng chung, như ví dụ về tòa nhà ở 40 Phố Wall của tôi chẳng hạn; bạn sẽ có được một tòa nhà chọc trời rộng 120 ngàn mét vuông mà không mất gì. Điều đó thật tuyệt phải không? Tôi thích hành động theo bản năng, thích đi ngược lại xu hướng chung, song phải rất thận trọng vì đôi khi điều đó có thể trở nên rắc rối và thậm chí còn là một sai lầm nghiêm trọng. CHIA SẺ CỦA ZANKER Khi khởi nghiệp ở The Learning Annex, tôi đã hành động hoàn toàn theo những gì bản năng mách bảo. Và đến tận bây giờ, tôi vẫn dùng bản năng để lựa chọn các chủ đề cùng những nhà diễn thuyết mà chúng tôi đánh giá cao. Công việc của tôi là phải cố gắng phát hiện những tài năng trước khi bất kỳ ai khác nhận ra họ. Bạn không thể nghe theo những điều người khác nghĩ. Bạn phải suy nghĩ một cách độc lập, nếu không bạn sẽ không bao giờ thành công. Điều này cũng giống các nhà sản xuất điện ảnh hay truyền hình: họ phải biết sở thích hay thị hiếu của khán giả là gì trước khi những người khác có thể nhận ra điều đó. Nếu chỉ làm những việc giống như người khác vẫn làm và không có bản lĩnh để bứt phá và trở nên khác biệt, bạn sẽ chỉ đạt được những điều hết sức bình thường - những điều có vẻ giống với sự thất bại hơn. Vì thế, hãy mạnh dạn làm cho mình trở nên khác biệt, làm cho mình trở thành duy nhất và dám mạo hiểm thực hiện một điều gì đó ngay cả khi bạn chưa hiểu rõ về nó. Năm 1980, tôi đã quyết định làm mọi việc có thể để quảng bá cho Tony Robbins - hiện là tác giả của nhiều đầu sách sống đẹp bán chạy kiêm diễn thuyết gia thuộc hàng bậc thầy - bởi tôi có niềm tin mãnh liệt rằng một ngày nào đó người đàn ông này sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại. Và Tony thực sự là một trong những phát hiện lớn nhất của tôi. Tôi học được rất nhiều điều từ Tony về cách vượt qua nỗi sợ hãi và vươn tới một tầm cao mới trong việc thể hiện khả năng bản thân. Tony làm tôi suy nghĩ khác đi nhiều. Những bài học cũng như nguồn cảm hứng từ Tony chính là cơ sở giúp tôi có đủ quyết tâm theo đuổi con người tiếng tăm như Donald Trump. Tôi đã trả cho Tony rất nhiều tiền bởi chính anh đã dẫn dắt tôi tìm thấy niềm đam mê của mình trong công việc và trong các mối quan hệ. Năm 1981, tôi có cơ hội chứng kiến Deepak Chopra, người đồng sáng lập ra Chopra Center for Well Being, nói chuyện với một nhóm khoảng 30 người ở New York. Khi đó, không người nào biết ông là ai, nhưng ngay lập tức, tôi cảm nhận rằng người đàn ông này sẽ rất thành công. Tôi không biết tại sao, nhưng bản năng mang đến cho tôi một linh cảm đặc biệt về người đàn ông đó. Sau này, Deepak Chopra đã trở thành một trong những bác sĩ tâm lý - thể chất tài năng, nổi tiếng và thành công nhất trong thời đại của chúng ta. Dù rất nhiều người không hề để ý đến bản năng của mình nhưng tôi tin rằng ai cũng có bản năng riêng. Bản năng thực ra chỉ là một phản xạ thông minh trước những tình huống giống với những tình huống chúng ta đã từng trải qua trước đó. Và càng nhiều trải nghiệm, chúng ta sẽ hành động theo bản năng tốt hơn. Điều đó cũng giống như một tay chơi bài chuyên nghiệp, chỉ cần liếc nhanh những quân bài của mình và vẻ mặt của đối thủ là có thể đánh giá tình huống và quyết định bước đi tiếp theo. Chúng ta luôn nhận thấy một linh cảm nhất định về điều mình nên hay không nên làm dù không thể biết chính xác lý do tại sao. Tới năm 2001, The Learning Annex đã hoạt động được trên 20 năm và tôi cũng không còn sở hữu nó nữa. The Learning Annex đã là một thương hiệu cũ; nhưng tôi bắt đầu xem xét lại và cảm thấy The Learning Annex vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Đôi khi trong thâm tâm mình, bạn cảm thấy có thể đẩy một công việc nào đó lên một mức độ cao hơn trong lúc nhìn nhận về nó. Và tôi tin vào bản năng của mình, nhưng vấn đề là những người chủ lúc đó của The Learning Annex muốn bán nó với số tiền vượt quá khả năng của tôi vào thời điểm đó. Tôi đã cố gom góp tiền để mua lại The Learning Annex, nhưng các chủ ngân hàng không quan tâm lắm đến dự án của tôi, thế nên họ không sốt sắng trong việc giải quyết hồ sơ vay của tôi. Nhưng tôi đặc biệt tin tưởng vào bản năng của mình. Vợ tôi cũng nhận thấy niềm đam mê lớn lao của tôi và biết rằng không gì có thể ngăn cản, nên vợ tôi đã ủng hộ tôi. Lần thứ hai tôi thế chấp nhà, rút hết tiền trong thẻ tín dụng, năn nỉ vay mượn bạn bè và các thành viên trong gia đình; nhưng vẫn không đủ. Vì thế, tôi bay tới West Coast để gặp và thuyết phục người chủ của The Learning Annex cho tôi nợ trong một năm. Sáu năm sau, The Learing Annex đã chứng tỏ thành công cho mọi người thấy khi đứng trong danh sách 500 công ty phát triển nhanh nhất theo đánh giá và bình chọn của tạp chí Inc. Tôi đã thắng trong trò cá cược của mình. Bản năng của tôi đã đúng. Sau khi mua lại The Learning Annex, chúng tôi đã tổ chức hàng loạt các lớp học về "bất động sản" và "cách kiếm tiền". Tôi bắt đầu để ý thấy ngày càng có nhiều người tham gia theo học. Điều này có thể hiểu được. Tôi đã từng học trung học, lên đại học, nhưng không ai dạy tôi cách kiếm tiền thế nào. Đó chính là lỗ hổng trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Một trong những điều quan trọng nhất con nguời cần có trong cuộc sống thì chúng ta không được dạy ở trường học; vì thế sinh viên lũ lượt kéo đến các lớp học đó của chúng tôi. Khi số lượng các lớp học này bùng nổ, tôi quyết định tập hợp cả nhóm của mình lại và nói: "Chúng ta hãy tổ chức một hội thảo với những mô hình lớp học thế này và mời những bộ óc tài năng nhất tới thuyết giảng cho sinh viên cách làm giàu trong vòng một tuần lễ". Trước tôi chưa từng có ai làm điều đó. Bản năng mách bảo tôi rằng nếu chúng tôi tổ chức thành công dịp này, thành quả gặt hái được sẽ rất lớn. Nhưng bản năng cũng phải dựa trên những số liệu thực tế mà tôi đã có. Tôi có thể thuê các nhà tư vấn hoặc có trong tay bộ phận kế toán chuyên làm công việc phân tích, nhưng chỉ có tôi mới biết khi nào là thời điểm thích hợp nhất. Nếu bạn thạo việc mình đang làm và có thể phân tích những số liệu một cách khách quan, bản năng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc đưa ra các quyết định đúng đắn. Còn khi bạn không chắc chắn, hãy chờ đợi. Đôi khi thấy có linh cảm về một điều gì, tôi thường tới gặp và hỏi về cảm giác của các đồng nghiệp đối với vấn đề đó. Lúc đó, điều tôi phải làm chỉ là nhìn nhận xem liệu bản năng của các đồng nghiệp có mách bảo họ về chuyện gì đó không ổn hay không. Thậm chí, nhiều lúc không biết điều gì đang khiến mình lo lắng, nhưng chỉ sau vài phút chúng tôi cùng nhau động não là tôi có thể tìm ra vấn đề. Thỉnh thoảng vào buổi sáng, hiệu phó của trường là cô Samantha Del Canto bước vào phòng tôi với cốc cà phê trên tay và kể cho tôi nghe về những vấn đề rắc rối chính cô đang mắc phải. Sau đó, cô ấy hỏi tôi: "Bản năng của anh mách bảo thế nào?" Hoặc cũng có lúc tôi tới văn phòng của Samantha và nói với cô ấy rằng tôi đang có một cảm giác không tốt về một diễn giả mới hay một mảng thị trường nào đó. Cô ấy thường làm tôi yên lòng khi nói: "Zanker, hãy hành động theo bản năng của anh. Nhờ nó mà chúng ta mới có được ngày hôm nay... Hãy tiếp tục lắng nghe nó". Và đó chính là bí quyết... bạn phải nghe theo bản năng của mình mách bảo... chúng ta được sinh ra với những bản năng tự nhiên nhưng lại luôn được dạy là đừng nên nghe theo chúng. Điều đó thật sai lầm... Bản năng là người bạn tốt nhất có thể giúp bạn đưa ra các quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, tôi luôn phân tích những gì diễn ra trong lý trí và tìm hiểu tất cả dữ kiện liên quan trước khi đưa ra các quyết định quan trọng. Nhưng tôi đã quá quen với việc lắng nghe những gì bản năng mách bảo. Nếu chỉ có những suy luận lô-gic nhưng có linh cảm mạnh mẽ tác động, tôi cũng cảm thấy không thoải mái lắm đối với quyết định của mình. Bạn có thể làm cho linh cảm của mình trở nên nhạy bén hơn bằng việc sử dụng và luyện tập như một trò chơi. Nhiều người vẫn thành công với việc sử dụng số liệu và thực tiễn. Điều đó cũng tốt. Nhưng đừng quên lắng nghe bản năng của bạn. Chúng tôi từng có môt luật sư chỉ biết vùi đầu vào phân tích các dữ liệu. Đó là một anh chàng thông minh, nhưng giáo dục đã bào mòn bản năng của anh ta và làm anh ta gần như bị tê liệt. Bây giờ anh ta không còn là luật sư của tôi. Tôi không thể làm việc với anh ta bởi có quá nhiều phân tích. Chẳng hạn như anh ta đưa cho tôi rất nhiều giấy tờ về một vấn đề nào đó, và rồi chết lặng khi tôi hỏi một câu đơn giản: "Thế anh nghĩ sao?". Sau khi đã có tất cả thông tin liên quan tới quyết định sắp đưa ra, bạn hãy thư giãn một chút. Hãy làm việc gì đó không liên quan đến quyết định của bạn. Hãy ngủ trưa, xem tivi hay chạy bộ quanh công viên. Hãy tạm thời dẹp bỏ những quyết định đó ra khỏi tiềm thức của bạn một lát, sau khi cảm thấy thoải mái hơn, hãy tiếp tục. Lúc đó bạn sẽ bản năng hơn nhiều. Hãy phát triển những bản năng thật sự của bạn và hành động theo chúng. Một khi hành động theo bản năng, bạn sẽ đạt được những thành công rực rỡ nhất. Không ai biết hết mọi thứ. Không ai chắc chắn tương lai sẽ mang đến điều gì. Khi thực sự hiểu biết về lĩnh vực của mình, bạn sẽ nắm bắt được những tín hiệu vô hình và những lời mách nước về con người cũng như những sự kiện quanh bạn. Bạn sẽ học được cách lội ngược dòng và có được giác quan thứ sáu. Hãy rèn luyện kỹ năng này và sử dụng nó một cách khôn ngoan, nhất định bạn sẽ rất thành công. Tuy nhiên, bạn phải nghiên cứu tất cả các sự kiện và dùng lý trí để phân tích dữ liệu có liên quan rồi hãy hành động trước mọi tình huống. Đến khi phải quyết định, hãy lắng nghe những gì bản năng bạn mách bảo. NHỮNG ĐIỂM CHÍNH Bạn cần phải có linh cảm thực sự tốt để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Cùng với kinh nghiệm, bạn có thể học được cách hành động theo bản năng. Khi bạn bắt tay ai đó tức là bạn đã ký kết hợp đồng, vì vậy hãy giữ lời hứa. Việc hành động theo bản năng phải phù hợp với những gì đang diễn ra xung quanh quyết định của bạn. Sử dụng bản năng để lựa chọn thời điểm hoàn hảo nhất. Tìm hiểu tất cả các sự kiện, sau đó mới hành động theo bản năng. 4. KIẾN TẠO MAY MẮN Chúng ta cùng bàn về một khái niệm vốn được xem là vô cùng phức tạp - đó sự may mắn. Có những người luôn may mắn hơn những người khác. Ví dụ như một số phụ nữ từ khi sinh ra đã có nhan sắc trời phú. Họ không phải làm gì và hầu như họ có tất cả. Hoặc có nhiều người đạt được thành công trong công việc một cách dễ dàng mà không cần bất kỳ sự nỗ lực nào. Họ là những người may mắn. Trong khi đó, có những người luôn cố gắng hết mình, nhưng mọi thứ lại diễn ra không như ý muốn. Nghe có vẻ như không công bằng, nhưng tôi luôn tin rằng trong cuộc sống có tồn tại một thứ được gọi là may mắn. Thực tế cuộc sống có những người luôn gặp may mắn, trong khi đó thì có người chỉ toàn gặp xui xẻo. Để tôi kể bạn nghe một ví dụ. Billy là một người bạn vô cùng thân thiết của tôi. Anh ấy rất không được may mắn và thường xuyên gặp tai nạn. Không lâu trước đây, tôi gọi điện hỏi thăm anh: "Cậu vẫn khỏe chứ?". - Mình không được ổn lắm. - Billy đáp. - Trời đất, có chuyện chết tiệt gì xảy đến với cậu vậy? - Tôi sốt sắng hỏi. - Tớ bị đau vai. - Cậu bị đau vai? Có chuyện gì vậy? Cậu bị đau do chơi bóng đá à? - Không, tớ gặp tai nạn. Tớ ngã cầu thang và bị chấn thương ở vai. Quả thật là rất đau. Hóa ra anh ấy nói chuyện với tôi khi đang nằm trong bệnh viện. Lúc tôi tới thăm, anh ấy đang nằm rên rỉ trên giường bệnh, cô vợ thì đang khóc sướt mướt còn mọi thứ thì rối tung lên. Tôi động viên anh bạn: "Cậu sẽ sớm bình phục và xuất viện thôi Billy". Ba tuần sau anh ấy ra viện. Nhưng thật trớ trêu, trên đường lái xe về nhà, anh ấy lại gặp tai nạn ô tô. Một chiếc xe tải lớn đâm sầm vào một trong những chiếc cột bê tông bên đường và hất tung mấy chiếc biển hiệu ngang đại lộ Long Island. Một cái biển rơi trúng nóc xe của Billy. Bạn đã nghe thấy một chuyện hài hước như thế chưa? Anh ấy lại phải quay vào bệnh viện. Thế đó, có những người luôn may mắn và ngược lại cũng có nhiều người kém may mắn là vậy. Khoảng mười năm trước, suýt chút nữa là tôi phá sản bởi một thương vụ mà nếu thực hiện, có lẽ giờ đây tôi đang ở trong trại tế bần. Khi đó, tôi rất muốn mua lại một tờ báo. Tôi cảm thấy vô cùng phấn khích khi chuẩn bị cuộc đàm phán vì nghĩ rằng đó là một thương vụ tuyệt vời và tôi sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Tôi còn hồ hởi chia sẻ với mọi người về tương lai đầy hứa hẹn của tờ báo. Mọi việc đáng lý đã diễn ra như dự định; nhưng đúng thời điểm đó một trận cảm cúm nặng đã khiến tôi suy sụp hoàn toàn. Tình trạng của tôi tồi tệ tới mức tôi phải gọi điện và bảo với bên đối tác rằng chúng tôi rất lấy làm tiếc phải hoãn việc ký kết hợp đồng cho đến khi tôi khỏe hơn. Sự việc này thật bất thường bởi tôi chưa bao giờ bị cúm. Và cũng đã mười năm nay, tôi không biết ốm đau là gì. Cuối cùng, ông chủ tờ báo đó gọi điện lại và thông báo với tôi rằng ông ta sẽ bán cho một người khác. Tôi nghĩ mình đã để tuột mất thương vụ ấy. Nhưng bạn biết không, việc đó hóa ra là điều may mắn cho tôi, bởi hiện nay giá trị của tờ báo thấp hơn rất nhiều so với số tiền tôi dự định bỏ ra. Nếu việc ký kết hợp đồng đó được thực hiện, tôi chắc đã mất hẳn cả một gia tài. Trận cúm lần đấy hóa ra là điềm may mắn đã cứu tôi thoát khỏi thảm họa phá sản. Đôi khi, chính sự may mắn đã giúp ta thực hiện mọi việc còn tốt hơn khi ta làm bằng khả năng của mình. Trong hơn hai mươi năm qua, tôi nhận thấy những nhà thương thuyết vĩ đại luôn là những người thực sự thành công. Tuy nhiên, rõ ràng là có một số người luôn gặp may mắn và nhờ thế mà đạt được nhiều thành tựu rực rỡ hơn những người khác. Warren Buffett, Steve Schwarzman, Carl Icahn, Henry Kravis, Terry Lundgren của công ty Macy's, John Mack của Morgan Stanley, Stan O'Neil của Merrill Lynch đều là những minh chứng cho điều đó. Điều này không hẳn là họ thông minh hơn những người khác, mà tôi nghĩ ngoài tài năng thật sự, họ còn là những người luôn gặp may mắn. Kiến tạo may mắn cho bản thân Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh nào đó, ta có thể kiến tạo may mắn cho bản thân bằng nhiều cách. Hãy để ý tay golf nổi tiếng Gary Player, một người có vóc dáng rất nhỏ bé. Cách đây khá lâu, năm 1978, tôi tận mắt chứng kiến Gary giành chức vô địch giải Masters. Trong sự nghiệp của mình, Gary từng giành được chín giải chuyên nghiệp mặc dù vóc dáng nhỏ bé hơn những vận động viên khác rất nhiều. Lợi thế của ông chính là sự chăm chỉ luyện tập. Gary Player thường xuyên luyện tập và nghiên cứu về kỹ thuật vung gậy cũng như đánh trúng lỗ chuẩn xác mà lại đẹp mắt trong khi những anh chàng cao lớn gấp đôi ông thường nằm nhà xem ti vi. Quả thật, Gary là tay golf cần cù nhất mà tôi từng biết. Đó cũng chính là lý do giúp Gary Player ba lần đoạt chức vô địch giải Masters và giành chiến thắng trong rất nhiều cuộc thi đấu khác. Khi ai đó hỏi ông làm thế nào có thể quá may mắn đến vậy, ông mỉm cười đáp rằng: "Càng luyện tập chăm chỉ, tôi càng gặp may mắn". Tôi nghĩ đó là một phát biểu vĩ đại. Gary Player thường bị mọi người gọi là "tí hon". Ông có dáng người nhỏ bé, nhưng luyện tập thì không ai chăm chỉ bằng. Mỗi lần Gary bước tới điểm phát bóng trên sân, các bình luận viên lại gọi ông bằng cái tên "Gary tí hon". Điều đó chẳng hay ho gì, nhưng Gary không hề quan tâm. Ông thường xuyên luyện tập hít đất vào mỗi buổi sáng, rồi dành hàng giờ đồng hồ để tập thể dục. Tôi sẽ không bao giờ quên thời khắc chứng kiến ông giành chiến thắng trong giải Mỹ mở rộng: một cú đánh thép không thể tin được ở lượt đánh thứ năm, trái bóng rơi ngay sát bên cạnh lỗ gôn, lăn xuống, và Gary đã giành chức quán quân trong giải đấu đó. Các bình luận viên đã phải thốt lên: "Gary, không thể tin được, anh ta thật quá may mắn". Ông vẫn từ tốn nói: "Càng luyện tập chăm chỉ, tôi càng gặp may mắn". Tôi thực sự rất thích câu nói này. Gary quả là một người vĩ đại. Để tôi kể cho bạn một câu chuyện về chính cuộc đời mình, giải thích cho quan niệm may mắn thường đến với những người chăm chỉ làm việc hơn. Hãy thật chú ý tới câu chuyện đặc biệt này bởi đó là sự kết hợp giữa niềm đam mê, bản năng và, vâng...cả sự may mắn nữa! Trở lại năm 1991, khi đó, tình hình kinh tế khắp nơi đang chìm trong cảnh lao đao. Công việc kinh doanh của hầu hết mọi người vì thế cũng khốn đốn theo. Cá nhân tôi cũng gặp nhiều chuyện không mấy dễ chịu. Tôi vay nợ hàng tỷ đô-la. Tất nhiên, tôi biết mình là người có khả năng chịu được áp lực lớn, nhưng quả thực lúc đó áp lực đối với tôi là quá lớn. Tôi nợ nhiều ngân hàng hàng tỉ đô-la. Điều đó chẳng vui vẻ gì đâu. Tin tôi đi, chẳng còn ai muốn trở thành Donald Trump khi đã nợ tới hàng tỉ đô-la. Một hôm, khi tôi đang ở trong phòng làm việc, cô thư ký của tôi bước vào nói: "Thưa ngài Trump, tối nay ngài phải tham dự một cuộc hội nghị giữa các chủ ngân hàng". Đó là một buổi gặp gỡ trang trọng mà tôi thường xuyên tham dự, được tổ chức tại khách sạn Waldorf Astoria với 2.000 khách mời là những người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Thông thường, trong các giai đoạn khó khăn, bạn sẽ không có đủ năng lượng, tinh thần hay nhiệt huyết như khi mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp. Thay vì ra ngoài gặp gỡ các chủ ngân hàng, tôi chỉ muốn về nhà và theo dõi bóng đá trên truyền hình. Tôi thấy rất mệt mỏi. Đó quả là một ngày vô cùng tồi tệ; một loạt ngân hàng từ mười lăm bang khác nhau trên nước Mỹ đổ xô tới gặp tôi. Đặc biệt, trong số đó, có một ngân hàng rất khó chơi. Người đàn ông chịu trách nhiệm thu nợ của ngân hàng này là một gã hèn hạ và thô tục. Gã ta muốn tất cả mọi người phải phá sản. Ba mươi bảy nhà kinh doanh bất động sản trong thành phố New York bị đẩy tới bước phá sản chỉ vì gã này một mực thu lại tất cả các khoản vay của họ trong lúc họ đang rơi vào cảnh khốn cùng. Tôi cũng vay ngân hàng đó một khoản tiền nhỏ, khoảng 149 triệu đô-la, và tôi là nhân vật tiếp theo trong danh sách của gã. Thông thường, bạn có thể đàm phán với ngân hàng để gia hạn, nhưng gã xấu xa đó muốn thu lại 100% số tiền cho vay ngay lập tức. Gã ta đúng là một con thú không hơn. Gã rắp tâm tiêu diệt tôi. Tôi thực chẳng muốn đến dùng bữa với các chủ ngân hàng chút nào, bởi lẽ khi bạn nợ tiền của họ, họ sẽ đối đãi với bạn rất trịch thượng và kẻ cả. Và ai lại muốn dùng bữa ở nơi mà kẻ nào trong phòng cũng lăm le muốn hạ gục bạn? Tất cả các chủ ngân hàng tôi đang nợ tiền đều có mặt tại đấy. Đó là một đêm mưa gió và rét mướt. Đương nhiên tôi không thể tới dự buổi gặp gỡ trong chiếc li-mô của mình bởi lái một chiếc xe đắt tiền khi đang nợ hàng tỷ đô-la như thế thì thật trơ tráo. Tôi gần như kiệt sức, và khi thư ký nói tôi phải tới Waldorf-Astoria, tôi đã trả lời: "Tôi không đi". Thế là tôi về nhà. Nhưng khi về tới nhà, tôi đột nhiên đổi ý và tôi muốn đến đó. Tôi khoác vội bộ vét màu đen sang trọng và lên đường. Ngoài đường khi đó không thấy bóng dáng một chiếc taxi nào, vì thế tôi phải đi bộ tới khách sạn dưới trời mưa rét căm căm. Từ Trump Tower, tôi phải qua mười dãy phố mới tới nơi. Khi đến được khách sạn, người tôi đã ướt như chuột lột. Trước đấy, tôi cảm thấy như thể mình đã ở tận cùng của sự mệt mỏi, nhưng tôi vẫn đi bởi đó là công việc. Khi tới nơi, tôi ngồi xuống một chiếc bàn, bên trái tôi là một chủ ngân hàng, một người đàn ông lịch thiệp tên Steven. Tôi cất lời chào: "Chào Steven, anh có khỏe không?". Dĩ nhiên tôi không còn nợ Steven một khoản tiền nào, nên anh ta rất tử tế với tôi. Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều khi bạn không mắc nợ ai. Anh ta lịch thiệp đáp lại: "Chào Donald". Sau đó, tôi quay sang người ngồi bên phải mình và nói: "Xin chào!". Người đàn ông đó lầm bầm điều gì đó và ném cho tôi cái nhìn khinh bỉ. Steven ghé nhỏ vào tai tôi: "Không biết ông ta là ai nhưng tôi nghĩ ông ta không thích anh cho lắm". Quả thực, tôi không biết người đàn ông đó. Ông ta thậm chí còn chẳng cho tôi biết tên ông ta là gì. Ông ta chỉ đơn giản là một kẻ dễ nổi cáu và dữ dằn. Tôi tiếp tục trò chuyện với Steven thêm một lát. Sau đó vài phút, tôi cố gắng bắt chuyện lại với người đàn ông bên phải. Nhưng chẳng ích gì, tôi như đang nói chuyện với bức tường vậy. Hắn ta tỏ rõ thái độ không thích tôi. Không khí trở nên rất căng thẳng. Tôi đang ở cái thế cùng khổ, và tôi ghét bị rơi vào tình cảnh mắc nợ với mọi chủ ngân hàng ở New York như thế này. Gã đó cũng là một chủ ngân hàng và lão ta căm ghét tôi. Tôi nghĩ rằng chắc mình phải nợ ông ta rất nhiều tiền nên mới bị đối xử như vậy. Tôi đã phải khổ sở mất mười lăm phút để cố gắng bắt chuyện với gã khó chịu đó. Steven nhận xét: "Gã đó thật khó ưa", nhưng tôi vẫn tiếp tục cố gắng làm một điều gì đó để thay đổi tình thế với gã khó ưa này. Sau mười lăm phút khổ sở tiếp theo, cuối cùng hắn ta cũng bắt đầu mở miệng nói với tôi vài câu. Rồi chúng tôi cũng dần trở nên thân thiện hơn một chút. Sau cùng, tôi hỏi: "Xin hỏi, ngài đến từ ngân hàng nào vậy?". Sau khi nghe hắn trả lời, tôi ngạc nhiên không thể tin vào tai mình. Tôi thốt lên: "Quỷ thần ơi, vậy ngài tên là gì?". Hắn ta xưng tên và đến bây giờ tôi vẫn thực sự không thể tin nổi vào điều này. Giữa đám đông hơn 2.000 chủ ngân hàng, cuối cùng tôi lại ngồi ngay cạnh một "kẻ giết người hung bạo", người đã khiến nhiều người phải phá sản và hủy hoại cuộc sống họ. Và tôi cũng đang là mục tiêu của "kẻ sát nhân" này. Thật may mắn làm sao! Tôi cũng không chắc đó là sự may mắn tốt lành hay tai hại, nhưng việc đến đây và ngồi ngay cạnh gã này quả là quá ngạc nhiên. Tôi nói: "Ngài là người luôn muốn tiêu diệt tất cả mọi người, và ngài cũng đang muốn nghiền nát cả tôi phải không?". Ông ta đáp lại: "Đúng vậy, chúng tôi sẽ làm vậy". Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện và sau một giờ đồng hồ, tôi đã trở nên khá hòa hợp với ông ta. Ông ta rất yêu phụ nữ và muốn nói chuyện về phái đẹp. Vì thế, tôi cùng ông ta bàn về phụ nữ. Thẳng thắn mà nói, khi bạn nợ ai đó một số tiền nhiều như tôi đang nợ ông ta, bạn sẽ phải tiếp chuyện với họ về bất cứ đề tài nào họ muốn. Trong lúc nói chuyện, tôi nhận thấy bản thân ông ta cũng gặp vấn đề. Ông ta đã đẩy 37 công ty tới bước phá sản. Những người chủ của 37 công ty bất động sản đấy đã nợ ông ta rất nhiều tiền và không có cách nào để trả khoản nợ ngay lập tức. Ông ta là một lão ích kỷ, tàn ác, và là một kẻ khát máu. Tất nhiên, việc đẩy 37 công ty đến chỗ phá sản hẳn đã làm ông ta cảm thấy thỏa mãn hơn, nhưng rõ ràng điều đó cũng không mang lại cho ông ta một đồng nào. Thực tế, ông ta đang mất tiền thì đúng hơn. Các khoản phí tố tụng làm ông ta trở nên sa sút, và rồi toàn bộ gia sản của ông ta cũng đang trôi sạch. Mà kể ra, các vị luật sư cũng "được"; nhờ lòng tham vô đáy của họ mà vị thân chủ này đã muốn kết thúc tất cả việc kiện tụng của mình. Hóa ra, ông chủ ngân hàng này đã được các luật sư "điều chế cho một liều thuốc" riêng làm cho vết thương về tài chính của ngân hàng đó ngày càng trở nên trầm trọng. Các sếp của ông ta trở nên vô cùng tức giận khi thấy ông này đang dành quá nhiều tiền vào việc thuê luật sư thay vì thương thảo, giải quyết các vụ việc để có thể mang lại một món lợi béo bở nào đó. Tôi đã rất may mắn vì có thể nói chuyện với ông ta trong buổi tối hôm đó. Nếu tôi gặp ông ta một năm về trước, chúng tôi hẳn sẽ không thể cùng nhau bàn luận về bất cứ vấn đề gì. Hồi đó, ông ta chẳng có tâm trí để nói chuyện mà chỉ muốn tiêu diệt tất cả những ai nằm trong tầm nhắm của mình. Chúng tôi bắt đầu trở nên cởi mở hơn và đến cuối buổi tối hôm đó, chúng tôi thực sự đã rất vui vẻ. Sau đó, ông ta nói: "Anh biết không, Donald, anh không phải là một gã tồi đâu!". Tôi đáp lại: "Tôi đã nói với ngài rồi mà!". Ông ta nói tiếp: "Thế còn việc này thì sao, việc anh sẽ tới văn phòng làm việc của tôi để thanh toán khoản nợ đó?".