🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nghệ Thuật Tư Duy Chiến Lược - Barry J.Nalebuff
Ebooks
Nhóm Zalo
Nghệ thuật tư duy chiến lược
Barry J.Nalebuff, Avinash K.Dixit
Người dịch: Kim Phúc
Trình bày: NXB Lao Động
Sửa bản in: NXB Lao Động
Thiết kế và thực hiện: NXB Lao Động
NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG
• Địa chỉ: Số 175 Giảng Võ, Phường Cát Linh, Quận Đống Đa, Tp Hà Nội
• Điện thoại: +84 24 385 15380
• Fax: +84 24 385 15381
• Email: [email protected]
• Website: www.nxblaodong.com.vn
Lưu Ý Khi Dùng Ebook Này
Ebook được tạo ra vì mục đích tham khảo thông tin của cá nhân người tạo. Xin phép miễn trừ trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc tranh chấp nào phát sinh từ việc sử dụng sản phẩm ebook này. Người sử dụng phải tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng ebook này.
Mua sách bản quyền để ủng hộ tác giả cũng như nhà xuất bản
Mục lục
Lời nói đầu
Giới thiệu - Con người nên hành xử như thế nào trong xã hội? PHẦN I - 10 CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾN LƯỢC
Chương 1
Chương 2. Giải quyết trò chơi bằng suy luận ngược
Chương 3. Thế lưỡng nan của những người tù và cách giải quyết chúng
Chương 4. Sự cân bằng tuyệt vời
PHẦN II
Chương 5. Lựa chọn và cơ hội
Chương 6. Các động thái chiến lược
Chương 7. Khiến các chiến lược trở nên đáng tin cậy PHẦN III
Chương 8. Diễn giải và thao túng thông tin
Chương 9. Hợp tác và phối hợp
Chương 10. Đấu giá, đấu thầu và những cuộc thi Chương 11. Thương lượng
Chương 12. Bầu cử
Chương 13. Sự khích lệ
Chương 14. Các nghiên cứu tình huống
Đọc thêm
Các bài tập
Chú thích 1
Chú thích 2
LỜI NÓI ĐẦU
C
húng tôi không định viết cuốn sách mới mà chỉ định chỉnh sửa cuốn sách năm 1991 của chúng tôi, Thinking Strategically (Tư duy chiến lược ), nhưng mọi chuyện đã không xảy ra theo hướng đó.
Cảm hứng cho việc viết bản chỉnh sửa bắt nguồn từ nhân vật Pierre Menard của Borges, người đã quyết định viết lại tác phẩm Don Quixote của Cervantes. Sau nhiều nỗ lực, bản sửa đổi của Menard chẳng khác chút nào so với bản gốc. Tuy nhiên, lịch sử và văn học đã tiến một bước dài thêm 300 năm kể từ khi Don Quixote ra đời. Dù ngôn từ của Menard vẫn thế, nhưng hàm ý của ông đã hoàn toàn khác hẳn.
Cuốn sách gốc của chúng tôi không phải là tác phẩm Don Quixote, nên cũng cần thay đổi đôi chỗ trong bản chỉnh sửa. Thực ra, cuốn sách này được viết mới lại gần như toàn bộ. Có những ứng dụng mới, những phát triển mới về lý thuyết và một góc nhìn mới. Có rất nhiều điều mới mẻ đến nỗi chúng tôi đã quyết định chọn cho nó một cái tên mới. Dù từ ngữ có mới, nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên ý nghĩa của cuốn sách. Chúng tôi muốn thay đổi cách bạn nhìn nhận thế giới, giúp bạn Tư duy chiến lược bằng cách giới thiệu các khái niệm và logic của lý thuyết trò chơi.
Giống như Menard, chúng tôi đưa ra một quan điểm mới. Khi viết Tư duy chiến lược , chúng tôi vẫn còn trẻ, với hệ tư tưởng vẫn mang tính cạnh tranh lấy cái tôi làm trung tâm. Sau này, chúng tôi đã nhận thấy rõ rằng sự hợp tác đóng vai trò quan trọng trong các tình huống chiến lược, và một chiến lược tốt phải kết hợp sự cạnh tranh cá nhân với sự hợp tác như thế nào.*
Lời nói đầu của cuốn sách đầu tiên đã bắt đầu bằng câu: “Tư duy chiến lược là nghệ thuật để vượt qua kẻ thù, với nhận thức rằng kẻ thù đang cố gắng làm như vậy với ta.” Bây giờ, chúng tôi sẽ bổ sung rằng: Đó cũng là nghệ thuật tìm kiếm những cách thức hợp tác, ngay cả khi những người khác có động cơ vì quyền lợi của bản thân, chứ không phải vì lòng nhân ái. Đó là nghệ thuật thuyết phục người khác, và thậm chí là chính bản thân bạn, làm những gì bạn nói. Đó là nghệ thuật diễn giải và tiết lộ thông tin. Đó là nghệ thuật đặt mình vào vị trí của người khác để dự đoán và tác động tới những gì họ sẽ làm.
Chúng tôi kỳ vọng Nghệ thuật Tư duy chiến lược sẽ bao gồm quan điểm đã có từ lâu nhưng vẫn còn nguyên giá trị và cả những quan điểm kế thừa nó. Dù đưa thêm vào nhiều câu chuyện thực tế, nhưng mục đích của chúng tôi vẫn là giúp bạn phát triển lối tư duy riêng về những tình huống chiến lược mà bạn sẽ phải đối mặt; đây không phải là cuốn sách có thể đọc ở sân bay, giới thiệu “bảy bước để nắm chắc một chiến lược thành công”. Các tình huống bạn phải đối mặt rất đa dạng và bạn sẽ thành công hơn nhờ nắm được một số nguyên tắc chung cũng như thích ứng với các trò chơi chiến lược đang tham gia.
Các doanh nhân và doanh nghiệp phải phát triển những chiến lược cạnh tranh hiệu quả để tồn tại và tìm kiếm cơ hội hợp tác nhằm mở rộng chiếc bánh thị phần. Các chính trị gia phải đưa ra những chiến lược tranh cử để được bầu chọn và các chiến lược lập pháp để thực hiện sứ mệnh của mình. Các huấn luyện viên bóng bầu dục phải lập kế hoạch để cầu thủ tuân theo trên sân bóng. Các bậc phụ huynh cố gắng khơi gợi những hành vi tốt đẹp ở con trẻ chắc hẳn cũng sẽ trở thành các chiến lược gia nghiệp dư – trẻ em là những đối tượng được hưởng lợi.
Tư duy chiến lược tích cực trong nhiều bối cảnh đa dạng vẫn luôn là một nghệ thuật. Nhưng nền tảng của nó còn bao hàm một số nguyên tắc cơ bản đơn giản – một ngành khoa học về chiến lược đang nổi lên – đó là lý thuyết trò chơi. Kỳ vọng của chúng tôi là các
độc giả với xuất phát điểm và nghề nghiệp khác nhau có thể trở thành các chiến lược gia giỏi hơn nếu họ nắm rõ các nguyên tắc này.
Một số người thắc mắc làm thế nào chúng tôi có thể áp dụng logic và khoa học vào một thế giới mà mọi người đều hành động phi lý. Thường thì, mỗi hành động điên rồ đều ẩn chứa lý do. Thực ra, một số thông tin chi tiết thú vị mới nhất xuất phát từ những tiến bộ gần đây trong lý thuyết trò chơi hành vi, vốn kết hợp tâm lý và định kiến của con người vào tổng thể, từ đó bổ sung thêm yếu tố xã hội vào lý thuyết. Chúng tôi đã kết hợp những hiểu biết này trong các cuộc thảo luận.
Dù còn là một môn khoa học khá mới mẻ – chỉ mới xuất hiện 70 năm trước – nhưng lý thuyết trò chơi vẫn mang lại nhiều kiến thức hữu ích cho các nhà chiến lược thực tế. Giống như tất cả các môn khoa học khác, nó bị phủ trong những biệt ngữ và toán học. Đây là những công cụ nghiên cứu thiết yếu nhưng chúng lại cản trở tất cả mọi người trừ các chuyên gia hiểu được các ý tưởng cơ bản. Động cơ chính của chúng tôi khi viết Tư duy chiến lược là niềm tin vào viễn cảnh: Thay vì theo dõi các tạp chí hàn lâm, bạn không thể bỏ qua lý thuyết trò chơi thú vị và quan trọng này. Những hiểu biết này rất hữu ích trong nhiều mặt – kinh doanh, chính trị, thể thao và các tương tác xã hội hằng ngày. Vì vậy, chúng tôi đã dịch những hiểu biết quan trọng này sang tiếng Anh và thay thế những cuộc tranh luận lý thuyết suông bằng các ví dụ minh họa cùng các tình huống nghiên cứu.
Chúng tôi rất vui mừng khi thấy quan điểm của mình trở thành xu thế chủ đạo. Các môn học về lý thuyết trò chơi nằm trong danh sách các môn tự chọn phổ biến nhất ở Đại học Princeton và Đại học Yale, và hầu hết các trường khác cũng dạy môn này. Lý thuyết trò chơi thâm nhập vào các khóa học chiến lược trong các chương trình MBA và kết quả tìm kiếm về lý thuyết trò chơi trên công cụ Google là hơn 6 triệu trang tin. Bạn sẽ tìm thấy lý thuyết trò chơi trong các câu
chuyện trên báo, các bài diễn văn và các cuộc tranh luận về chính sách công.
Tất nhiên, phần lớn công trạng của sự phát triển này thuộc về những người khác: Đó là Ủy ban Nobel Kinh tế, đã hai lần trao giải cho lý thuyết trò chơi – cho John Harsanyi, John Nash cùng Reinhard Selten vào năm 1994 và cho Robert Aumann cùng Thomas Schelling vào năm 2005**; đó là Sylvia Nasar, người đã viết A Beautiful Mind (tạm dịch: Một tâm hồn đẹp),cuốn tiểu sử bán chạy nhất về John Nash; đó là những người đã thực hiện bộ phim cùng tên; và đó là tất cả những ai đã viết sách nhằm phổ biến chủ đề này. Thậm chí, chúng tôi cũng góp một phần cho sự phát triển của nó. Kể từ khi xuất bản, Tư duy chiến lược đã bán được 250.000 bản. Nó đã được dịch sang rất nhiều ngôn ngữ, trong đó bản dịch tiếng Nhật và tiếng Do Thái được bán chạy nhất.
Chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Tom Schelling. Những tác phẩm của ông về các chiến lược hạt nhân, đặc biệt là The Strategy of Conflict (Chiến lược xung đột) và Arms and Influence (tạm dịch: Vũ khí và ảnh hưởng), vô cùng nổi tiếng. Trên thực tế, Schelling đã tiên phong áp dụng rất nhiều lý thuyết trò chơi vào xung đột hạt nhân. Competitive Strategy (Chiến lược Ccạnh tranh) của Michael Porter cung cấp những bài học về chiến lược kinh doanh dựa trên lý thuyết trò chơi, cũng không kém phần quan trọng và có tầm ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ cung cấp chú thích về các tác phẩm của Schelling, Porter và nhiều tác giả khác trong phần Đọc thêm của cuốn sách này.
Trong cuốn sách này, chúng tôi không giới hạn các ý tưởng vào bất kỳ bối cảnh cụ thể nào. Thay vào đó, chúng tôi cung cấp một loạt minh họa cho từng nguyên tắc cơ bản. Vì vậy, độc giả với những xuất phát điểm khác nhau sẽ tìm thấy một điều gì đó quen thuộc ở đây. Họ cũng sẽ thấy các nguyên tắc giống nhau có liên quan như thế nào đến các chiến lược trong những hoàn cảnh ít quen thuộc hơn; chúng tôi hy vọng điều này sẽ mang lại một cái nhìn mới về nhiều sự kiện trên bản tin thời sự cũng như trong lịch sử. Chúng tôi
cũng chắt lọc từ kinh nghiệm được độc giả chia sẻ, với các minh họa từ văn học, phim ảnh và thể thao. Các nhà khoa học nghiêm túc có thể nghĩ việc này khiến chiến lược trở nên tầm thường, nhưng chúng tôi tin rằng những ví dụ quen thuộc là một phương tiện hiệu quả giúp truyền tải những ý tưởng quan trọng.
Ý tưởng viết một cuốn sách ở mức độ đại chúng hơn so với những cuốn giáo trình đến từ Hal Varian, hiện đang làm việc tại Google và Đại học California, Berkeley. Ông đã cho chúng tôi nhiều ý kiến hữu ích và đưa ra nhận xét về những bản thảo ban đầu. Drake McFeely tại W. W. Norton là một biên tập viên xuất sắc đáp ứng được đòi hỏi cao của cuốn Tư duy chiến lược . Ông đã rất nỗ lực nhằm biến tác phẩm hàn lâm của chúng tôi thành một cuốn sách sinh động. Nhiều độc giả của Tư duy chiến lược đã trao cho chúng tôi sự khích lệ, tư vấn và phê bình, để từ đó giúp chúng tôi viết nên Nghệ thuật tư duy chiến lược . Chúng tôi còn nợ các đồng tác giả của chúng tôi – Ian Ayres, Adam Brandenburger, Robert Pindyck, David Reiley và Susan Skeath lời cảm ơn vì những ý kiến đóng góp hữu ích. Những người khác tiếp tục có ảnh hưởng trong cuốn sách mới này bao gồm David Austen-Smith, Alan Blinder, Peter Grant, Seth Masters, Benjamin Polak, Carl Shapiro, Terry Vaughn và Robert Willig. Jack Repcheck tại W. W. Norton luôn là biên tập viên ủng hộ nhiệt tình, hiểu biết rộng và nắm vững Nghệ thuật Tư duy chiến lược . Các biên tập viên bản thảo, Janet Byrne và Catherine Pichotta, luôn rộng lượng với những lỗi sai. Nếu bạn không tìm thấy một lỗi nào trong cuốn sách, thì đó là nhờ công của họ.
Chúng tôi đặc biệt cảm ơn Andrew St. George, nhà phê bình sách của tờ Financial Times. Khi chọn Tư duy chiến lược là cuốn sách ông thích đọc nhất trong năm 1991, ông nói: “Đó là một chuyến đi đến phòng tập thể dục cho các cơ sở lý luận” (FT Weekend, ngày 7 tháng 8 năm 1991). Câu nói này của ông đã giúp chúng tôi có được ý tưởng đặt tên một số thử thách hấp dẫn mà chúng tôi đem đến cho độc giả trong ấn bản này là “Chuyến đi tới phòng tập thể dục”. Cuối cùng, John Morgan từ Đại học California, Berkeley, đã tạo một động lực mạnh mẽ cho chúng tôi bằng lời đe dọa: “Nếu các ông
không viết bản chỉnh sửa, tôi sẽ viết một cuốn sách khác để cạnh tranh.” Và sau khi chúng tôi đã giúp ông không cần nỗ lực vô ích, ông đã đóng góp cho chúng tôi nhiều ý tưởng và lời gợi ý.
Avinash Dixit
Barry J. Nalebuff
Tháng 10 năm 2007
Giới thiệu
CON NGƯỜI NÊN HÀNH XỬ NHƯ THẾ NÀO TRONG XÃ HỘI?
C
âu trả lời của chúng tôi không liên quan đến đạo đức hoặc nghi thức. Chúng tôi cũng không định cạnh tranh với các triết gia, những nhà truyền giáo hay các bậc phụ huynh. Mặc
dù đề tài của chúng tôi không mấy bóng bẩy nhưng nó lại ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như đến đạo đức và cách hành xử của tất cả chúng ta. Cuốn sách này nói về hành vi chiến lược. Tất cả chúng ta, dù thích hay không, đều là các chiến lược gia. Tốt hơn hết, chúng ta nên là một chiến lược gia giỏi, và cuốn sách này nhằm mục đích giúp bạn nâng cao kỹ năng để khám phá và sử dụng các chiến lược hiệu quả.
Công việc, thậm chí cả đời sống xã hội, là một chuỗi các quyết định liên tiếp. Nên làm nghề gì, làm sao để quản lý một doanh nghiệp, kết hôn với ai, nuôi dạy con cái như thế nào và có nên tranh cử tổng thống hay không chỉ là một số ví dụ về những lựa chọn có tính quyết định như vậy. Yếu tố phổ biến trong các tình huống này là bạn không hành động một mình. Thay vào đó, bạn nên ở bên những người ra quyết định năng nổ khác – những người có lựa chọn cũng đồng điệu với lựa chọn của bạn. Tương tác này có ảnh hưởng quan trọng đến suy nghĩ và hành động của bạn.
Để minh họa cho điểm này, bạn hãy suy nghĩ về sự khác biệt giữa các quyết định của một người thợ mộc và một vị tướng. Khi người thợ mộc định chặt gỗ, anh ta không mong thanh gỗ nảy ngược trở lại phía mình: môi trường của anh ta là trung lập. Nhưng khi vị tướng cố gắng đánh bại quân địch, ông ta phải lường trước và vượt qua sự kháng cự của đối phương. Giống như vị tướng, bạn phải
thừa nhận rằng doanh nghiệp đối thủ, bạn đời tương lai và thậm chí là cả con cái bạn đều có chiến lược. Mục đích của họ thường xung đột với bạn, nhưng cũng có thể trùng khớp. Cuốn sách này nhằm mục đích giúp bạn tư duy chiến lược, sau đó biến tư duy này thành hành động.
Ngành khoa học xã hội nghiên cứu việc ra quyết định chiến lược được gọi là lý thuyết trò chơi. Các trò chơi trong lý thuyết này bao gồm từ cờ vua đến nuôi dạy con cái, từ quần vợt đến tiếp quản công ty, và từ quảng cáo đến kiểm soát vũ khí. Như nhà văn hài hước người Hungary, George Mikes, từng nói: “Người châu Âu lục địa nghĩ cuộc sống là một trò chơi; người Anh thì nghĩ môn cricket mới là một trò chơi.” Chúng tôi cho rằng cả hai đều đúng.
Các trò chơi này đòi hỏi nhiều loại kỹ năng khác nhau. Các kỹ năng cơ bản, chẳng hạn như khả năng ném bóng trong môn bóng rổ, kiến thức luật pháp, hoặc một mặt trắng trong bài poker, là một loại; tư duy chiến lược là một loại khác. Tư duy chiến lược bắt đầu từ các kỹ năng cơ bản và xem xét cách để sử dụng chúng tốt nhất. Hiểu biết về luật pháp giúp bạn xác định chiến lược bảo vệ khách hàng của mình. Biết đội bóng của bạn có thể chuyền bóng hay chạy tốt như thế nào và đội đối thủ có thể phòng ngự trước mỗi lựa chọn của bạn tốt ra sao giúp huấn luyện viên đưa ra chỉ đạo chuyền bóng hay là chạy. Đôi khi, cũng như trong lĩnh vực khai thác mỏ hạt nhân, tư duy chiến lược cũng có nghĩa là biết khi nào không nên chơi.
Khoa học về lý thuyết trò chơi còn rất lâu nữa mới hoàn thiện, và nhiều tư duy chiến lược vẫn còn là một nghệ thuật. Mục đích cuối cùng của chúng tôi là biến bạn trở thành người thực hành môn khoa học này điêu luyện hơn, nhưng điều này đòi hỏi một nền tảng tốt về một số khái niệm và các phương pháp cơ bản của môn khoa học này. Vì vậy, chúng tôi kết hợp hai phương pháp tiếp cận. Chương 1 bắt đầu với các ví dụ về môn khoa học này, cho thấy các vấn đề chiến lược xảy ra như thế nào trong một loạt các quyết định. Chúng tôi chỉ ra một số chiến lược hiệu quả, một số ít hiệu quả hơn và thậm chí cả một số tệ hại mà người chơi trong các trò chơi cuộc
sống thực tế đã sử dụng. Các ví dụ này bắt đầu đưa ra một cơ cấu khái niệm. Trong các Chương 2, 3, 4, chúng tôi xây dựng nền tảng cho môn khoa học này bằng cách sử dụng các ví dụ, mỗi ví dụ được thiết kế để đưa ra một nguyên tắc. Sau đó, chúng tôi chuyển sự chú ý sang các khái niệm và chiến lược cụ thể hơn để giải quyết các tình huống cụ thể – cách kết hợp các nước cờ với nhau khi bất kỳ hành động mang tính hệ thống nào cũng có thể bị người chơi còn lại lợi dụng, cách xoay chuyển trò chơi theo hướng có lợi cho bạn và cách vận dụng thông tin trong tương tác chiến lược. Cuối cùng, chúng tôi đưa ra một số thông tin khái quát về các tình huống chiến lược – thương lượng, các cuộc đấu giá, bỏ phiếu và phác họa các biện pháp khích lệ – nơi bạn có thể thấy các nguyên tắc và chiến lược này được thực thi.
Về bản chất, khoa học và nghệ thuật khác nhau ở chỗ: Khoa học có thể được học một cách có hệ thống và hợp lý, trong khi sự thành thạo về nghệ thuật phải được tích lũy qua ví dụ, kinh nghiệm và thực hành. Phần trình bày của chúng tôi về khoa học cơ bản đưa ra một số nguyên tắc và các quy tắc khái quát – ví dụ, ý tưởng và phương pháp suy diễn ngược được phân tích trong Chương 2; còn khái niệm cân bằng Nash được giới thiệu ở Chương 4. Mặt khác, nghệ thuật tư duy chiến lược, trong tất cả các tình huống khác nhau có thể cần, đòi hỏi bạn phải làm nhiều việc hơn. Mỗi tình huống như vậy sẽ có một số đặc điểm độc đáo mà bạn phải xem xét và kết hợp với các nguyên tắc chung của môn khoa học. Cách duy nhất để nâng cao kỹ năng trong nghệ thuật này là phương pháp quy nạp – bằng cách quan sát nó đã được thực hiện như thế nào trong những tình huống tương tự. Đó chính là mục tiêu của chúng tôi nhằm cải thiện chỉ số IQ chiến lược của bạn: thông qua nhiều ví dụ, bao gồm nghiên cứu tình huống, trong mỗi chương và một tập hợp các nghiên cứu tình huống trong chương cuối.
Các ví dụ từ quen thuộc, tầm thường đến vui nhộn, thường được rút ra từ văn chương, thể thao hoặc phim ảnh – đến sự đối đầu hạt nhân đáng sợ. Những ví dụ trước chỉ là một phương tiện đẹp đẽ và hấp dẫn cho các ý tưởng về lý thuyết trò chơi. Còn với ví dụ cuối
cùng, sẽ có nhiều độc giả cho rằng chủ đề chiến tranh hạt nhân quá khủng khiếp để có thể phân tích tính hợp lý. Nhưng vì cuộc Chiến tranh Lạnh đã kết thúc từ lâu, chúng tôi hy vọng tính logic trong chiến lược của các khía cạnh lý thuyết trò chơi trong cuộc chạy đua vũ trang và khủng hoảng tên lửa Cuba có thể được kiểm chứng khi chúng tách biệt hoàn toàn với nội dung đầy cảm xúc.
Các nghiên cứu tình huống tương tự như những nghiên cứu bạn có thể gặp trong một lớp học kinh doanh. Mỗi trường hợp đưa ra một tập hợp các tình huống cụ thể và yêu cầu bạn áp dụng các nguyên tắc được thảo luận trong chương đó để tìm ra chiến lược đúng đắn cho tình huống. Một số tình huống có kết thúc mở; nhưng đó cũng là một đặc điểm của cuộc sống. Đôi khi không có một giải pháp hoàn toàn đúng, chỉ có những phương thức không hoàn hảo để đối phó với vấn đề. Nỗ lực phân tích kỹ lưỡng từng trường hợp trước khi đọc phần thảo luận của chúng tôi thay vì chỉ đọc cả cuốn sách theo lối đơn thuần sẽ giúp bạn hiểu rõ được các ý tưởng. Nhằm giúp bạn thực hành nhiều hơn, chương cuối cùng sẽ tập hợp các tình huống theo mức độ khó tăng dần.
Đến cuối cuốn sách, chúng tôi hy vọng bạn sẽ trở thành một nhà quản lý, nhà thương thuyết, vận động viên, chính trị gia hay bậc phụ huynh có ảnh hưởng hơn. Chúng tôi xin cảnh báo rằng một số chiến lược hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu này có thể không giúp đối thủ hòa nhã với bạn hơn. Nếu muốn công bằng, hãy cho họ biết về cuốn sách của chúng tôi.
PHẦN I
10 CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾN LƯỢC
CHƯƠNG 1
C
húng tôi bắt đầu với 10 câu chuyện về chiến lược từ những khía cạnh khác nhau của cuộc sống và đưa ra những suy nghĩ sơ bộ về cách chơi tốt nhất. Nhiều người sẽ phải đối
mặt với những vấn đề tương tự trong cuộc sống hằng ngày và sẽ tìm thấy giải pháp đúng đắn sau một vài suy nghĩ hoặc thử và sai. Đối với những người khác, một số câu trả lời có thể gây ngạc nhiên, nhưng sự ngạc nhiên không phải là mục đích chính của các ví dụ. Mục đích của chúng tôi là nhằm cho bạn thấy các tình huống như vậy rất phổ biến, chúng thực chất là một tập hợp chặt chẽ các câu hỏi, và tư duy có phương pháp về chúng có thể sẽ mang lại hiệu quả.
Trong các chương sau, chúng tôi phát triển những hệ thống tư duy này thành các chỉ dẫn chiến lược hiệu quả. Hãy coi các câu chuyện này như món tráng miệng trước khi bạn thưởng thức món chính. Chúng được thiết kế để kích thích vị giác của bạn, chứ không phải để bạn thấy no.
#1. CHỌN MỘT CON SỐ
Dù bạn có tin hay không, chúng tôi sẽ yêu cầu bạn chơi một trò chơi đấu lại chúng tôi. Chúng tôi đã chọn một con số từ 1 đến 100, và mục tiêu của bạn là đoán số. Nếu bạn đoán chính xác ngay lần đầu tiên, chúng tôi sẽ trả cho bạn 100 đô-la.
Thực ra, chúng tôi không hẳn trả cho bạn 100 đô-la. Việc này sẽ rất tốn kém, đặc biệt là vì chúng tôi muốn giúp đỡ bạn trong suốt quá trình. Nhưng, khi bạn chơi trò này, chúng tôi muốn bạn tưởng tượng rằng chúng tôi thực sự sẽ đưa tiền cho bạn, và chúng ta sẽ chơi theo cách như vậy.
Cơ hội để chọn đúng con số ngay lần đầu tiên là khá thấp, chỉ 1/100. Vì vậy, để tăng cơ hội, chúng tôi sẽ cho bạn 5 lần đoán, và sau mỗi lần đoán sai, chúng tôi sẽ cho bạn biết là bạn đã đoán quá cao hay quá thấp. Tất nhiên, câu trả lời đúng và nhanh sẽ đạt phần thưởng lớn hơn. Nếu bạn đoán chính xác vào lần thử thứ hai, bạn sẽ nhận được 80 đô-la. Lần thử thứ ba, tiền thưởng giảm xuống còn 60 đô la, sau đó là 40 đô-la cho lần đoán thứ tư và 20 đô-la nếu bạn đoán đúng vào lần thứ năm. Quá 5 lần, trò chơi kết thúc và bạn không nhận được gì.
Bạn đã sẵn sàng chưa? Chúng tôi đã sẵn sàng. Nếu bạn đang tự hỏi làm thế nào để chơi với một cuốn sách, nó có vẻ vô lý, nhưng không phải là không thể. Bạn có thể truy cập trang web artofstrategy.info và tương tác với trò chơi. Hoặc, chúng tôi có thể dự đoán cách bạn chơi và phản hồi theo đó.
Bạn đoán con số 50 vào lần đầu tiên? Đó là con số dự đoán phổ biến đầu tiên nhưng, hỡi ôi, nó quá cao.
Có thể dự đoán thứ hai của bạn là số 25? Sau 50, đó là con số mà hầu hết mọi người nghĩ đến. Xin lỗi, nó lại quá thấp. Số tiếp theo đối với nhiều người là 37. Chúng tôi lấy làm tiếc nhưng số 37 vẫn quá thấp. Còn số 42? Một lần nữa, quá thấp.
Chúng ta hãy tạm dừng, quay lại và phân tích tình huống. Đây là lần thứ năm bạn đoán và là cơ hội cuối cùng để bạn nhận được tiền từ chúng tôi. Bạn biết con số nằm trong khoảng từ 42 đến dưới 50. Có 7 lựa chọn: 43, 44, 45, 46, 47, 48 và 49. Bạn nghĩ số nào trong 7 con số trên sẽ là số đúng?
Từ khi bắt đầu, bạn đã đoán bằng cách chia con số thành hai phần bằng nhau và chọn số ở giữa. Đây là chiến lược lý tưởng trong trò chơi chọn số ngẫu nhiên.*** Bạn nhận được nhiều thông tin nhất có thể từ mỗi lần đoán và do đó, bạn sẽ càng nhanh càng tốt loại suy ra được con số. Thật vậy, CEO của Microsoft, Steven Ballmer, được cho là đã sử dụng trò chơi này làm câu hỏi để phỏng vấn ứng viên.
Đối với Ballmer, câu trả lời đúng là 50, 25, 37, 42… Ông thích quan sát xem liệu ứng viên có thể tìm ra đáp án một cách hợp lý và hiệu quả nhất không.
Câu trả lời của chúng tôi hơi khác một chút. Trong câu đố của Ballmer, con số được chọn một cách ngẫu nhiên, vì vậy chiến lược của ông “chia con số làm hai và dự đoán” đã đúng. Nhận được nhiều thông tin nhất từ mỗi lần đoán để làm giảm số lần dự đoán, từ đó giúp bạn nhận được nhiều tiền thưởng nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp của chúng tôi, con số không được chọn ngẫu nhiên. Bạn nên nhớ chúng tôi đã nói rằng chúng tôi đang chơi trò này như thể chúng tôi thực sự phải trả tiền cho bạn. Vâng, không ai trả lại chúng tôi số tiền mà giả sử chúng tôi sẽ phải trả cho bạn. Chúng tôi thật cảm kích khi các bạn mua cuốn sách, nhưng chúng tôi thậm chí còn yêu bản thân mình hơn. Chúng tôi thích giữ tiền hơn là trao nó cho bạn. Vì vậy, chúng tôi cố tình chọn một con số bạn sẽ khó đoán. Hãy suy nghĩ một chút – liệu có hợp lý không nếu chúng tôi chọn số 50? Lựa chọn này có thể khiến chúng tôi phải trả rất nhiều tiền.
Bài học chính của lý thuyết trò chơi là đặt mình vào vị trí của người chơi khác. Chúng tôi đặt mình vào vị trí của bạn và dự đoán rằng bạn sẽ đoán số 50, sau đó là 25, rồi tới 37, kế tiếp là 42. Hiểu được cách bạn chơi cho phép chúng tôi giảm đáng kể cơ hội bạn đoán ra con số của chúng tôi và do đó giảm thiểu số tiền chúng tôi lẽ ra phải trả.
Để giải thích tất cả những điều này cho bạn trước khi trò chơi kết thúc, chúng tôi cho bạn một gợi ý lớn. Giờ thì bạn đã hiểu trò chơi, bạn đang có một lần đoán cuối cùng để được nhận 20 đô-la. Bạn chọn số nào? 49?
Xin chúc mừng… chúng tôi, chứ không phải bạn. Bạn đã rơi vào bẫy một lần nữa. Con số chúng tôi chọn là 48. Quả thực, toàn bộ bài hướng dẫn chọn số khó tìm theo quy tắc chia-nửa-số được thiết kế để đánh lừa bạn. Chúng tôi muốn bạn chọn số 49 để con số 48 của
chúng tôi vẫn an toàn. Hãy nhớ rằng mục tiêu của chúng tôi không phải là trả tiền cho bạn.
Để đánh bại chúng tôi trong trò chơi này, bạn phải đi trước một bước. Lẽ ra bạn phải nghĩ: “Họ muốn chúng ta chọn số 49, vì vậy tôi sẽ chọn số 48.” Tất nhiên, nếu chúng tôi nghĩ bạn quá thông minh, lẽ ra chúng tôi đã chọn số 47 hoặc thậm chí là 49.
Điểm mấu chốt của trò chơi này không phải ở chỗ chúng tôi là những giáo sư ích kỷ hay những kẻ lừa đảo láu cá. Mà là, để minh họa một cách rõ ràng nhất có thể những gì tạo nên một trò chơi: Bạn cần phải xem xét các mục tiêu và chiến lược của đối thủ. Khi dự đoán con số được chọn ngẫu nhiên, bạn phải nhận ra con số này không hề ẩn nấp ở đâu cả. Bạn hoàn toàn có thể chia con số thành hai phần rồi chọn ra số tốt nhất có thể. Nhưng nếu đang tham gia trò chơi, bạn phải cân nhắc xem đối thủ sẽ hành động như thế nào và những quyết định đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến chiến lược của bạn.
#2. THẮNG BẰNG CÁCH THUA
Chúng tôi thừa nhận đã xem chương trình truyền hình thực tế Survivor (tạm dịch: Kẻ sống sót). Chúng tôi sẽ không bao giờ sống sót trên hòn đảo nếu tham gia chương trình. Nếu chúng tôi không bị chết đói trước, thì những người khác chắc chắn sẽ tống cổ chúng tôi vì chúng tôi quá thông minh. Đối với chúng tôi, thử thách là cố gắng dự đoán trò chơi sẽ diễn ra như thế nào. Chúng tôi không ngạc nhiên khi người đàn ông béo tròn theo chủ nghĩa khỏa thân, Richard Hatch, láu cá hơn, chơi giỏi hơn và sống lâu hơn các đối thủ để trở thành nhà vô địch đầu tiên của chương trình truyền hình thực tế trên đài CBS và giành được giải thưởng trị giá hàng triệu đô-la. Tài năng của anh ta là hành động có chiến thuật mà không để lộ điều đó.
Mánh khóe khéo léo nhất của Richard xuất hiện trong vòng loại. Chỉ còn ba người trong trò chơi. Hai đối thủ còn lại của Richard là Rudy Boesch 72 tuổi, từng là đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ, và hướng dẫn viên đường sông 23 tuổi, Kelly Wiglesworth. Trong thử
thách cuối cùng, cả ba người phải đứng trên một chiếc cột, với tay chạm vào Bùa an toàn. Người giành chiến thắng sẽ bước vào trận chung kết. Và cũng rất quan trọng, người chiến thắng sẽ được tự chọn đối thủ của mình trong trận chung kết này.
Ấn tượng đầu tiên của bạn có thể đây chỉ là một cuộc thi sức bền. Hãy nghĩ lại đi. Cả ba người chơi đều hiểu rằng Rudy là người đáng gờm nhất trong số họ. Nếu Rudy vào trận chung kết, ông chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Mong muốn lớn nhất của Richard chính là chạm trán Kelly trong trận chung kết.
Hai khả năng có thể xảy ra. Một là Kelly sẽ giành chiến thắng trong trận tranh tài đứng trên cột và chọn Richard. Khả năng còn lại là Richard sẽ thắng và chọn Kelly. Richard có thể tự tin rằng Kelly sẽ chọn anh ta. Cô cũng biết sự nổi tiếng của Rudy. Mong muốn lớn nhất của cô nếu giành chiến thắng là vào chung kết với Richard.
Có vẻ nếu Richard hoặc Kelly chiến thắng thử thách cuối cùng, người này sẽ chọn người kia làm đối thủ của mình. Do đó, Richard cố gắng bám trụ lại trò chơi, ít nhất là cho đến khi Rudy bị loại. Vấn đề duy nhất là Richard và Rudy có quan hệ đồng minh lâu bền. Nếu Richard thắng thử thách và không chọn Rudy, có nghĩa là Rudy (và tất cả bạn bè của Rudy) sẽ đối đầu với Richard, và điều này có thể khiến anh ta thua cuộc. Một trong những điều tồi tệ nhất của Survivor là các thí sinh bị lật đổ sẽ bỏ phiếu để xác định người chiến thắng cuối cùng. Họ phải thật thận trọng trong cách loại các đối thủ.
Theo quan điểm của Richard, thách thức cuối cùng có thể xảy ra theo một trong ba hướng sau:
i. Rudy thắng, sau đó chọn Richard, nhưng khả năng cao là Rudy sẽ thắng trận chung kết.
1. Kelly thắng. Kelly đủ thông minh để biết mong muốn lớn nhất của cô là loại Rudy và đối đầu với Richard.
2. Richard thắng. Nếu anh chọn Rudy để tiếp tục, Rudy sẽ đánh bại anh trong trận chung kết. Nếu anh chọn Kelly, Kelly có thể
đánh bại anh vì Richard sẽ mất sự ủng hộ của Rudy và nhiều người bạn của ông.
So sánh các lựa chọn này, phương án tốt nhất của Richard là chọn thua cuộc. Anh muốn Rudy bị loại, nhưng tốt hơn là để Kelly làm công việc xấu xa này thay anh. Khả năng tốt nhất là Kelly chiến thắng thử thách. Cô đã chiến thắng ba trong số bốn thử thách trước và với công việc hướng dẫn viên ngoài trời, cô đang ở vị thế sẵn sàng nhất trong ba người.
Phần thưởng của việc thua cuộc trong trò chơi là giúp Richard tránh khỏi rắc rối của trò đứng trên cột dưới ánh mặt trời chói chang. Vào giai đoạn đầu cuộc thi, chủ nhà Jeff Probst treo thưởng một lát cam cho bất cứ ai sẵn sàng bỏ cuộc. Richard đã bước xuống khỏi cây cột để nhận lát cam.
Trong suốt cuốn sách, bạn sẽ thấy những phần chú thích phụ này, gồm các thông tin mà chúng tôi gọi là “Chuyến đi tới phòng tập thể dục”. Các chuyến đi này xem xét những yếu tố phức tạp hơn của trò chơi mà chúng tôi đã phân tích. Ví dụ, lẽ ra Richard đã cố gắng chờ xem ai thua cuộc trước. Nếu Kelly thua sớm, Richard có thể thích đánh bại Rudy và chọn Kelly hơn là để Rudy thắng và phải đối đầu với Rudy trong vòng chung kết.
Anh ta cũng có thể đã lo ngại rằng Kelly sẽ đủ thông thái để tính toán như vậy và bỏ cuộc sớm. Các chương tiếp theo sẽ chỉ cho bạn làm thế nào để sử dụng cách tiếp cận có hệ thống hơn nhằm giải quyết một trò chơi. Mục đích cuối cùng là giúp bạn thay đổi cách tiếp cận các tình huống chiến lược, nhận thấy rằng không phải lúc nào bạn cũng có thời gian để phân tích từng lựa chọn khả thi.
Sau 4 giờ và 11 phút, khi thay đổi thế đứng của mình, Rudy đã lóng ngóng, buông Bùa an toàn và thua cuộc. Kelly chọn Richard để tiếp tục trận chung kết. Rudy bỏ phiếu ủng hộ ủng hộ anh, và Richard Hatch đã trở thành nhà vô địch Survivor đầu tiên.
Có vẻ dễ dàng khi xem xét mọi chuyện sau khi nó đã xảy ra. Điều khiến màn chơi của Richard trở nên ấn tượng, đó là anh ta đã có thể dự đoán được tất cả các bước đi khác nhau trước khi chúng xảy ra.**** Trong Chương 2, chúng tôi sẽ cung cấp một số công cụ giúp bạn dự đoán cách trò chơi diễn ra và thậm chí trao cho bạn cơ hội tham gia vào một trò Survivor khác.
#3. BÀN TAY NÓNG*****
Liệu vận động viên có bao giờ có “bàn tay nóng”? Đôi khi có vẻ như vận động viên bóng rổ Yao Ming không thể đưa bóng trật khỏi rổ hoặc cầu thủ Sachin Tendulkar không thể không ghi được tỷ số 100 lần chạy trong môn cricket. Các phóng viên thể thao nhìn thấy chuỗi thành công liên tiếp này và tuyên bố vận động viên có một bàn tay nóng. Tuy nhiên, theo các Giáo sư Tâm lý học Thomas Gilovich, Robert Vallone và Amos Tversky, đây là một ngộ nhận sai lầm về thực tế.1
Họ chỉ ra rằng nếu tung một đồng xu đủ lâu, bạn sẽ thấy các mặt ngửa liên tiếp xuất hiện. Các nhà tâm lý học cho rằng các bình luận viên thể thao, vốn không có nhiều quan điểm sâu sắc để nói, chỉ đang tìm các khuôn mẫu có ý nghĩa tương tự với việc tung sấp ngửa đồng xu thật lâu. Họ đề xuất một bài kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Trong bóng rổ, họ xem xét tất cả các trường hợp người chơi ném bóng trúng rổ và quan sát tỷ lệ người chơi ném bóng trúng rổ ngay lần chơi tiếp theo. Phép tính tương tự được thực hiện cho những lần ném bóng vào rổ ngay sau khi ném trật. Nếu việc ném bóng vào rổ nhiều khả năng xảy ra sau khi ném trúng bóng vào rổ hơn là sau khi ném trật, thì quả thật là có gì đó liên quan đến lý thuyết về bàn tay nóng.
Họ thực hiện bài kiểm tra này với đội bóng rổ Philadelphia 76ers. Các kết quả thu được mâu thuẫn với quan điểm về bàn tay nóng. Khi một người chơi ném trúng bóng vào rổ ở lượt đầu, anh ta ít có khả năng ném trúng vào lượt kế tiếp; khi nỗ lực ném bóng trước đó của anh ta thất bại, nhiều khả năng anh ta sẽ ném trúng lượt kế tiếp. Điều này đúng ngay cả đối với Andrew Toney, vận động viên được biết đến là có thể ném trật bóng sau nhiều lần ném trúng. Điều này có nghĩa là chúng ta nên nói về “bàn tay lóe sáng”, giống như ánh sáng nhấp nháy luân phiên giữa nút bật và tắt?
Lý thuyết trò chơi đưa ra một diễn giải khác. Mặc dù các bằng chứng thống kê không công nhận sự hiện diện của tỷ lệ ném trúng/trượt, nhưng nó không bác bỏ khả năng một cầu thủ giỏi có thể làm nóng trò chơi bằng một cách khác. Sự khác biệt giữa tỷ lệ ném trúng/trượt và bàn tay nóng phát sinh vì sự tương tác giữa các chiến thuật tấn công và phòng thủ. Giả sử Andrew Toney thực sự có một bàn tay nóng thì chắc chắn đối thủ sẽ bắt đầu theo sau và cản trở anh ta. Điều này có thể dễ dàng làm giảm tỷ lệ ném trúng của anh ta.
Đó chưa phải là tất cả. Khi hàng phòng ngự của đối phương tập trung vào Toney, một trong những đồng đội của anh ta sẽ không bị cản trở và có nhiều khả năng ném trúng rổ hơn. Nói cách khác, bàn tay nóng của Toney dẫn đến sự cải thiện về thành tích của cảđội 76ers, mặc dù có thể màn trình diễn cá nhân của Toney sẽ giảm đi. Vì vậy, chúng ta có thể kiểm tra các bàn tay nóng bằng cách tìm kiếm các tỷ lệ ném trúng trong những lần thành công của nhóm.
Các hiện tượng tương tự cũng được quan sát thấy ở nhiều môn thể thao đồng đội khác. Một trung vệ bóng đá kiệt xuất sẽ cải thiện khả năng chuyền bóng của đội và tiền đạo thiện nghệ sẽ giúp ích cho trận đấu đang diễn ra, khi đối thủ bị buộc phải phân bổ nhiều hậu vệ để kèm cặp các ngôi sao này. Trong trận chung kết World Cup năm 1986, ngôi sao người Argentina, Diego Maradona, đã không ghi được bàn thắng nào, nhưng cú sút của anh qua hàng hậu vệ của Tây Đức đã dẫn đến hai bàn thắng cho Argentina. Không thể đánh
giá giá trị của một ngôi sao qua thành tích ghi bàn; đóng góp của anh ta vào thành tích của đội mới là điều quan trọng, và thống kê sự tương trợ sẽ giúp đo lường sự đóng góp này. Trong môn khúc côn cầu trên băng, sự hỗ trợ và điểm số có vai trò tương đương nhau trong bảng xếp hạng thành tích cá nhân.
Vận động viên thậm chí có thể tự hỗ trợ mình khi bàn tay nóng của họ làm nóng bàn tay còn lại. Ngôi sao của Cleveland Cavaliers, LeBron James, ăn và viết bằng tay trái nhưng lại thích ném bóng bằng tay phải (mặc dù tay trái của anh ta còn tốt hơn hầu hết mọi người). Hàng phòng ngự của đối phương biết LeBron thuận tay phải, do đó, họ tập trung vào phòng thủ những cú ném bóng từ tay phải. Nhưng không phải lúc nào họ cũng làm như vậy, vì những cú ném bóng bằng tay trái của LeBron hiệu quả đến nỗi không thể để lơ là.
Điều gì sẽ xảy ra khi LeBron dành thời gian nghỉ ngơi sau mùa giải để cải thiện khả năng ném bóng tay trái của anh ta? Bên phòng thủ phản ứng bằng cách dành nhiều thời gian hơn để kiểm soát các cú ném bóng bằng tay trái này. Kết quả là, tay phải của anh ta thường xuyên không bị kèm cặp. Một cú ném bóng bằng tay trái tốt hơn tạo ra một cú ném bóng bằng tay phải hiệu quả hơn. Trong trường hợp này, bàn tay trái không chỉ biết tay phải đang làm gì, nó còn hỗ trợ tay phải.
Tiến thêm một bước nữa, trong Chương 5, chúng tôi sẽ chỉ ra rằng khi tay trái mạnh hơn, nó thậm chí có thể được sử dụng ít thường xuyên hơn. Nhiều người trong số các bạn sẽ trải nghiệm hiện tượng lạ lùng này khi chơi quần vợt. Nếu tay nghịch của bạn yếu hơn tay thuận, đối thủ sẽ tìm cách tấn công vào tay nghịch. Cuối cùng, kết quả của tất cả việc thực hành dùng tay nghịch này chính là cánh tay này của bạn sẽ được cải thiện. Khi hai tay của bạn cân bằng hơn, đối thủ không còn lợi dụng cánh tay nghịch yếu ớt của bạn được nữa. Họ sẽ chơi cân bằng hơn giữa tay thuận và tay nghịch. Bạn có thể sử dụng tay thuận của mình nhiều hơn; điều này có thể là lợi thế thực sự của việc cải thiện bên tay nghịch của bạn.
#4. DẪN ĐẦU HAY KHÔNG DẪN ĐẦU
Sau bốn lượt đua đầu tiên trong trận chung kết American Cup năm 1983, du thuyền Liberty của Dennis Conner đã dẫn 3-1 trong loạt 7 trận đấu hay nhất. Vào buổi sáng của cuộc đua thứ năm, “những thùng rượu sâm-panh đã được chuyển đến hầm du thuyền Liberty. Và trên khán đài, vợ của các thủy thủ đoàn mặc những chiếc áo và quần soóc màu đỏ-trắng-xanh, sẵn sàng cho việc chụp ảnh sau khi các ông chồng tiếp nối chuỗi thành công của đội Mỹ trong 132 năm.”2 Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như vậy.
Ban đầu, Liberty dẫn trước 37 giây vì thuyền Australia II xuất phát khi chưa có lệnh và phải quay lại vạch xuất phát. Đội trưởng người Úc, John Bertrand, cố gắng đuổi theo bằng cách dong thuyền qua hướng bên trái với hy vọng có thể bắt được gió. Còn Dennis Conner chọn giữ Liberty ở phía bên phải. Quyết định liều lĩnh của Bertrand đã thành công. Cơn gió đã tăng năm cấp theo hướng có lợi cho Australia II và nó đã chiến thắng cuộc đua trong 1 phút 47 giây. Conner bị chỉ trích vì chiến lược thất bại của mình khi đuổi theo đường đua của thuyền Australia II. Ở hai lượt đua sau đó, thuyền Australia II đã thắng chung cuộc.
Cuộc đua thuyền buồm cho ta cơ hội quan sát một sự đảo ngược thú vị của chiến lược “đi theo người dẫn đầu”. Các con thuyền dẫn đầu thường sao chép chiến lược của thuyền kế tiếp. Khi con thuyền theo sau đổi hướng đi, thuyền dẫn đầu cũng vậy. Thuyền dẫn đầu bắt chước thuyền theo sau ngay cả khi thuyền sau đang theo đuổi một chiến lược dở tệ. Tại sao như vậy? Vì trong đua thuyền buồm (không giống như khiêu vũ) không có kết thúc; chỉ có chiến thắng. Nếu bạn giữ vị trí dẫn đầu, cách chắc chắn nhất để luôn dẫn trước là áp dụng chiến thuật “khỉ nhìn thấy, khỉ làm theo”.******
Các nhà phân tích thị trường chứng khoán và các nhà dự báo kinh tế cũng không ngoại lệ với chiến lược bắt chước này. Các nhà dự đoán hàng đầu có xu hướng theo dõi những người theo sau và đưa ra dự đoán tương tự như dự đoán của những người khác. Nếu như
vậy, không chắc là mọi người có thể thay đổi nhận định của họ về khả năng của các nhà dự báo này. Mặt khác, những người mới sẽ sử dụng các chiến lược rủi ro, thường có xu hướng dự đoán hoặc là bùng nổ hoặc là lụi tàn. Thông thường, các dự đoán này đều sai và không bao giờ được nhắc đến nữa, nhưng giờ đây chúng lại được chứng minh là đúng và được nhiều người biết đến.
Các cuộc tranh tài trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cũng cung cấp thêm nhiều bằng chứng. Trên thị trường máy tính cá nhân, Dell được biết đến với khả năng mang công nghệ chuẩn hóa ra thị trường đại chúng hơn là các phát minh mới. Nhiều ý tưởng mới đã đến từ Apple, Sun và các công ty khởi nghiệp khác. Những sáng kiến liều lĩnh là sở trường của họ và có lẽ là cơ hội duy nhất để tăng thị phần. Điều này không chỉ đúng với hàng hóa công nghệ cao. Procter & Gamble, “Dell” của ngành sản xuất tã giấy, đã chạy theo sau cải tiến tã giấy có băng dán được nhiều lần của Kimberly-Clark và lấy lại vị thế dẫn đầu thị trường.
Có hai cách để tiến lên khi đang ở vị trí thứ hai. Bạn có thể bắt chước ngay khi người kia tiết lộ cách tiếp cận của anh ta (như trong đua thuyền buồm) hoặc đợi lâu hơn cho đến khi cách tiếp cận đó tạo ra kết quả thành công hay thất bại (như trong ngành công nghệ). Trong kinh doanh, chờ đợi càng lâu thì càng có lợi vì không giống như thể thao, thông thường người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh không nhận hết mọi phần thưởng. Kết quả là, các thủ lĩnh thị trường sẽ không theo bước những người tiên phong, trừ phi họ cũng tin tưởng vào thành công của những người này.
#5. TÔI ĐỨNG Ở ĐÂY
Khi Giáo hội Công giáo yêu cầu Martin Luther King từ bỏ sự công kích của ông đối với thẩm quyền của các giáo hoàng và giáo hội, ông đã từ chối: “Tôi sẽ không rút lại bất cứ điều gì, vì làm trái với lương tâm là không đúng và cũng không an toàn.” Ông cũng không thỏa hiệp: “Tôi đứng ở đây, tôi không thể làm gì khác.”3 Sự không khoan nhượng của Luther King dựa trên quan điểm về thần học của
ông. Không có chỗ cho sự thỏa hiệp khi đã xác định cái gì là đúng. Sự cứng rắn của ông đem lại những kết quả có sức ảnh hưởng sâu sắc lâu dài; các cuộc tấn công của ông đã dẫn đến công cuộc Cải cách Tin Lành và làm thay đổi đáng kể Giáo hội Công giáo thời Trung cổ.
Tương tự như vậy, Charles de Gaulle đã trở thành một đấu thủ mạnh mẽ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế bằng sức mạnh của sự không khoan nhượng. Như tác giả viết tiểu sử của ông, Don Cook, đã nói: “[de Gaulle] có thể tạo ra sức mạnh cho bản thân bằng sự chính trực, trí tuệ, nhân cách và ý thức về vận mệnh.” Nhưng trên hết, quyền lực của ông chính là “sức mạnh của sự không khoan nhượng”. Trong Thế chiến II, với tư cách là nhà lãnh đạo tự xưng lưu vong của một quốc gia thua cuộc và bị chiếm đóng, ông đã tổ chức một cuộc thương lượng riêng với Roosevelt và Churchill. Trong những năm 1960, câu nói “Không!” ở cương vị Tổng thống đã xoay chuyển một số quyết định của Pháp trong Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC).
Bằng cách nào mà sự không khoan nhượng đã đem lại cho ông sức mạnh thương thuyết như thế? Khi de Gaulle có một vị thế hoàn toàn không thể thay đổi, các bên khác trong cuộc thương lượng chỉ còn hai lựa chọn – chấp nhận hoặc không chấp nhận. Ví dụ, ông đơn độc giữ Anh ngoài EEC, một lần vào năm 1963 và một lần nữa vào năm 1968; các quốc gia khác bị buộc phải chấp nhận sự phủ quyết của de Gaulle hoặc EEC sẽ tan rã. De Gaulle đánh giá kỹ vị trí của mình để đảm bảo đề nghị sẽ được chấp thuận. Nhưng điều đó thường để lại sự chia rẽ lớn hơn (và không công bằng) đối với nước Pháp. Sự không khoan nhượng của de Gaulle đã phủ nhận cơ hội để bên còn lại đưa ra một đề nghị phản hồi có thể chấp nhận được.
Trên thực tế, điều này nói dễ hơn làm, vì hai lý do. Lý do thứ nhất xuất phát từ thực tế rằng quá trình thương thuyết thường đòi hỏi những cân nhắc khác ngoài vấn đề được đặt lên bàn thương lượng ngày hôm đó. Nhận định rằng bạn đã quá tham lam có thể làm người khác không mấy sẵn lòng thương lượng với bạn trong tương
lai. Hoặc, lần sau họ có thể trở nên cứng rắn hơn vì họ sẽ cố gắng khắc phục những tổn thất theo họ cảm nhận. Trên phương diện cá nhân, một thành công không công bằng có thể làm hỏng mối quan hệ kinh doanh, hoặc thậm chí quan hệ cá nhân. Thật vậy, nhà viết tiểu sử David Schönbrun đã chê trách chủ nghĩa yêu nước của de Gaulle: “Trong mối quan hệ giữa con người với con người, những người không yêu thương người khác hiếm khi được yêu thương, những người không sẵn lòng làm bạn rốt cuộc sẽ không có bạn. Việc de Gaulle từ chối tình hữu nghị đã làm tổn thương nước Pháp.”5 Một thỏa hiệp ngắn hạn có thể là chiến lược tốt hơn trong dài hạn.
Lý do thứ hai nằm ở việc đạt được mức độ không khoan nhượng cần thiết. Luther King và de Gaulle đạt được điều này nhờ tính cách của họ, nhưng thành quả này có giá của nó. Tính cách không mềm mỏng không phải là một thứ bạn chỉ cần tắt và bật là được. Dù đôi khi tính cách không khoan nhượng có thể hạ gục đối thủ và buộc họ phải nhượng bộ, nhưng đồng thời nó cũng tiếp tay cho những tổn thất nhỏ dồn nén thành thảm họa lớn.
Ferdinand de Lesseps là một kỹ sư hòa nhã có trình độ với tầm nhìn và quyết tâm phi thường. Ông nổi tiếng vì xây dựng kênh đào Suez trong những điều kiện gần như không tưởng. Ông không nhận ra đó là việc bất khả thi và nhờ vậy đã đạt được thành tựu. Sau đó, ông đã cố gắng sử dụng kỹ thuật tương tự để xây dựng kênh đào Panama. Nỗ lực đã chấm dứt trong thảm họa.*******
Những lớp cát trên sông Nile đã thuận theo ý chí của ông, nhưng cơn sốt rét nhiệt đới thì không. Vấn đề đối với Lesseps là tính cách cứng đầu của ông không thể chấp nhận thất bại ngay cả khi đã thua cuộc.
Làm thế nào có thể đạt được sự không khoan nhượng có chọn lọc? Tuy không tồn tại giải pháp lý tưởng, nhưng có nhiều cách để đạt được và duy trì cam kết; đây là chủ đề của Chương 7.
#6. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC
Cindy Nacson-Schechter muốn giảm cân. Cô biết phải làm gì: ăn ít hơn và tập thể dục nhiều hơn. Cô biết mọi thứ về tháp thực phẩm và số ca-lo trong nước ngọt. Tuy nhiên, không có kết quả nào cả. Cô đã tăng gần 20kg sau khi đứa con thứ hai chào đời và mọi chuyện không dừng lại ở đó.
Đó là lý do tại sao cô chấp nhận lời đề nghị giúp giảm cân của ABC. Vào ngày 9 tháng 12 năm 2005, cô đã tới phòng chụp của một nhiếp ảnh gia ở khu Tây Manhattan và thay trang phục bikini. Cô đã không mặc bikini từ năm 9 tuổi, và đây không phải là lúc để mặc nó một lần nữa.
Khung cảnh giống như hậu trường của buổi chụp ảnh trang phục thể thao dưới nước cho tờ Sports Illustrated. Có ánh sáng và máy ảnh ở khắp nơi, và tất cả những gì cô mặc trên người là một bộ bikini màu xanh lá cây. Các nhà sản xuất đã chu đáo đặt máy sưởi vào một góc để giữ ấm cho cô. Chụp. Cười lên. Chụp. Cười lên. Cô đang nghĩ gì thế? Chụp.
Nếu mọi chuyện diễn ra như cô hy vọng, sẽ không ai nhìn thấy được những hình ảnh này. Hợp đồng mà cô ký với ABC Primetime là họ sẽ hủy những hình ảnh này nếu cô giảm khoảng 7kg trong hai tháng tới. Họ sẽ không giúp cô bằng bất cứ cách nào. Không có huấn luyện viên, không có người hướng dẫn, không có chương trình ăn kiêng đặc biệt. Cô đã biết mình phải làm gì. Tất cả những gì cô cần là thêm một vài động lực và một lý do để bắt đầu ngay hôm nay thay vì ngày mai.
Giờ đây cô đã có thêm động lực. Nếu không giảm được số cân nặng đã hứa, ABC sẽ công khai những hình ảnh và video của cô trên truyền hình vào giờ cao điểm. Cô đã ký vào bản ghi nhớ cho phép họ làm vậy.
Giảm gần 7kg trong hai tháng là một con số an toàn, nhưng không dễ dàng. Có một loạt các bữa tiệc mừng lễ và bữa tối Giáng sinh.
Cô không thể mạo hiểm chờ đợi cho đến năm mới. Cô phải bắt đầu ngay bây giờ.
Cindy biết tất cả về những mối nguy hiểm khi bị thừa cân – tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đau tim và tử vong. Tuy nhiên, điều đó không đủ khiến cô sợ hãi và bắt đầu hành động. Điều làm cô sợ hơn tất thảy mọi thứ trên đời chính là khả năng bạn trai cũ của cô sẽ nhìn thấy cô trong bộ bikini trên sóng truyền hình quốc gia. Chắc chắn, anh ta sẽ xem chương trình. Người bạn thân nhất của cô sẽ nói với anh ta nếu cô thất bại.
Laurie Edwards không thích vẻ ngoài của cô hoặc cảm giác của cô. Công việc pha chế bán thời gian, vây quanh bởi những cô gái tuổi đôi mươi trẻ đẹp không giúp ích gì cho cô. Cô đã cố gắng theo các chương trình Weight Watchers, South Beach, Slim-Fast... Cô đã đi sai hướng và cần điều gì đó để giúp bản thân thay đổi. Khi Laurie nói với các cô bạn về chương trình, họ nghĩ đó là điều ngớ ngẩn nhất mà cô từng làm. Các ống kính chụp được ý nghĩ “Tôi đang làm cái quái gì vậy?” trên khuôn mặt cô và nhiều hơn thế nữa.
Ray cũng cần giảm cân. Anh vừa kết hôn và đang ở độ tuổi 20 nhưng trông như gần 40 tuổi. Khi anh bước đi trên thảm đỏ trong bộ đồ bơi, bức ảnh không đẹp lắm. Chụp. Cười lên. Chụp.
Anh không có cơ hội nào cả. Vợ anh muốn anh giảm cân và sẵn sàng giúp đỡ. Cô đề nghị cùng ăn kiêng với anh. Rồi cô quyết tâm. Cô cũng mặc lên mình một bộ bikini. Tuy không bị thừa cân như Ray, nhưng cô cũng không sẵn sàng để mặc bộ bikini đó.
Thỏa thuận của cô khác với của Cindy. Cô không cần phải tăng cân. Cô thậm chí còn không cần phải giảm cân. Những hình ảnh của cô trong bộ bikini sẽ chỉ được công bố nếu Ray, chồng cô không giảm cân. Đối với Ray, gánh nặng càng cao hơn. Anh sẽ giảm cân hoặc sẽ mất vợ.
Bốn người phụ nữ và một cặp vợ chồng đã cùng nhau phô bày đôi chân trần và nhiều hơn nữa trước ống kính máy ảnh. Những người
tham gia này đã làm gì? Họ không phải là những người mẫu giới thiệu sản phẩm. Các nhà sản xuất ABC đã cẩn thận sàng lọc những người tham gia này. Không ai trong số những người tham gia muốn thấy những bức ảnh này xuất hiện trên truyền hình, và không ai mong đợi nhà sản xuất sẽ làm như vậy.
Những người tham gia đã chơi một trò chơi với bản thân trong tương lai. Bản thân ở hiện tại muốn bản thân trong tương lai ăn kiêng và tập thể dục. Bản thân trong tương lai lại muốn ăn kem và xem ti vi. Hầu hết thời gian, bản thân trong tương lai chiến thắng vì nó được hành động cuối cùng. Bí quyết là phải thay đổi các động lực của bản thân trong tương lai nhằm chuyển đổi hành vi của nó.
Trong thần thoại Hy Lạp, Odysseus muốn nghe những bài hát của những người cá Siren. Chàng biết nếu mình cho phép bản thân trong tương lai lắng nghe họ hát, thì chàng sẽ lái thuyền đâm vào đá. Vì vậy, chàng buộc chặt tay mình – theo nghĩa đen. Chàng đã bắt thủy thủ đoàn buộc hai tay chàng vào cột buồm (trong khi bịt tai của họ). Trong chế độ ăn kiêng, đây được gọi là chiến lược tủ-lạnh rỗng.
Cindy, Laurie và Ray đã tiến thêm một bước nữa. Họ đặt mình trong một ràng buộc mà chỉ có ăn kiêng mới giúp họ thoát khỏi nó. Bạn có thể nghĩ rằng có nhiều lựa chọn thì luôn tốt hơn. Nhưng khi tư duy chiến lược, bạn thường làm tốt hơn nhờ giảm đi các lựa chọn. Thomas Schelling đã mô tả cách Tổng tư lệnh Xenophon người Athens chiến đấu với tư thế lưng tựa vào một khe núi không thể vượt qua. Ông đã tiến lên để quân lính của mình không có lựa chọn rút lui.6 Được tiếp sức mạnh, đội quân của ông đã giành chiến thắng.
Tương tự như vậy, Cortés đã tự làm đắm thuyền khi cập bến Mexico. Quyết định này được thực hiện với sự hỗ trợ của quân đội. Với quân số đông hơn nhiều so với quân địch, 600 người lính của ông đã quyết định đánh bại quân Aztec nếu không họ sẽ bị đánh bại. Người Aztec có thể rút lui vào nội địa, nhưng binh lính của Cortés
không thể bỏ trốn hay rút lui. Bằng cách cho thấy hậu quả của thất bại sẽ càng thêm tồi tệ, Cortés đã tăng cơ hội chiến thắng và thực sự chế ngự được quân địch.********
Những gì giúp ích cho Cortés và Xenophon cũng hữu ích với Cindy, Laurie và Ray. Hai tháng sau, đúng vào dịp Valentine, Cindy giảm được gần 8kg. Ray giảm khoảng 11kg và hai cỡ dây thắt lưng. Dù mối đe dọa là động lực để giúp họ bắt đầu, nhưng một khi đã bắt đầu, họ sẽ hành động vì bản thân. Laurie giảm 7kg cần thiết trong tháng đầu tiên và giảm thêm 6kg nữa trong tháng thứ hai. 13kg mà Laurie đã giảm tương đương hai cỡ trang phục và trên 14% trọng lượng cơ thể của cô. Bạn bè cô không còn nghĩ chương trình của ABC là ý tưởng ngu ngốc nữa.
Ngay lúc này, bạn không cần ngạc nhiên khi biết rằng một người trong chúng tôi đã đứng sau nội dung của chương trình.7 Có lẽ chúng ta nên gọi cuốn sách này là Thinning Strategically (tạm dịch: Chiến lược giảm cân) để bán được nhiều bản hơn. Nhưng không đâu, chúng ta sẽ trở lại nghiên cứu những loại chiến lược này trong Chương 6.
#7. THẾ LƯỠNG NAN CỦA BUFFETT
Trong một chiến dịch thúc đẩy cải cách tài chính, nhà hiền triết của Omaha, Warren Buffett, đã đề xuất tăng giới hạn đóng góp cá nhân từ 1.000 đô-la lên 5.000 đô-la và cấm tất cả các khoản tài trợ khác. Không có tiền của công ty, không có tiền công đoàn, không có tiền mềm. Nghe thì có vẻ tuyệt vời, ngoại trừ việc nó sẽ không bao giờ được thông qua.
Rất khó để thông qua chiến dịch cải cách tài chính vì cơ quan lập pháp có quá nhiều thứ để mất. Lợi thế trong việc gây quỹ lại là thứ bảo hộ cho công việc của họ.********
Làm thế nào để bạn thuyết phục mọi người làm điều gì đó trái với lợi ích bản thân của họ? Hãy đặt họ vào cái được gọi là thế lưỡng nan
của những người tù.******** Theo Buffett:
Giả sử một tỷ phú lập dị (không phải tôi!) đưa ra đề nghị sau: Nếu dự luật bị bãi bỏ, người này – ngài E. B. – sẽ tặng 1 tỷ đô-la theo cách được cho phép (tiền mềm biến mọi thứ trở thành có thể) cho đảng chính trị có nhiều phiếu bầu ủng hộ dự luật nhất. Với cách ứng dụng láu cá này của lý thuyết trò chơi, dự luật sẽ được Quốc hội thông qua, do đó không làm E. B. phải tốn kém gì (chứng tỏ rốt cuộc ông ấy không quá lập dị).8
Hãy xem xét các lựa chọn của bạn dưới vai trò là một nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ. Nếu bạn nghĩ rằng Đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ dự luật và bạn quyết định ngăn cản điều đó, thì nếu thành công, ngài E. B. sẽ chuyển 1 tỷ đô-la cho Đảng Cộng hòa, từ đó trao cho họ các nguồn lực để thống trị trong thập kỷ tiếp theo. Vì vậy, phản đối dự luật mà Đảng Cộng hòa đang ủng hộ là việc làm không có lợi. Hiện tại, nếu Đảng Cộng hòa chống lại dự luật còn bạn lại ủng hộ nó, thì bạn sẽ có cơ hội kiếm được 1 tỷ đô-la.
Do đó, bất chấp Đảng Cộng hòa làm gì, Đảng Dân chủ nên ủng hộ dự luật, tất nhiên là với một logic tương tự áp dụng cho Đảng Cộng hòa – họ cũng nên ủng hộ dự luật bất kể Đảng Dân chủ làm gì. Cuối cùng, cả hai bên đều ủng hộ dự luật này, và đề xuất của vị tỷ phú sẽ được chấp thuận mà không mất đồng nào. Chưa kể, Buffett lưu ý rằng sự hiệu quả của kế hoạch mà ông vạch ra chính là “làm nổi bật sự phi lý của các tuyên bố rằng tiền không ảnh hưởng đến các lá phiếu của Quốc hội”.
Tình huống này được gọi là thế lưỡng nan của những người tù vì cả hai bên đều bị dẫn dắt phải hành động ngược lại với lợi ích chung của họ.******** Trong thế lưỡng nan của những người tù phiên bản cổ điển, cảnh sát đang thẩm vấn riêng hai nghi can. Ai cũng được khuyên nên thú tội trước và được cảnh báo rằng bản án sẽ nghiêm khắc hơn nếu anh ta ngoan cố trong khi người kia thú tội trước. Vì vậy, ai cũng nhận thấy lợi thế khi nhận tội, dù sẽ tốt hơn nếu cả hai người đều giữ im lặng.
Tác phẩm Cold Blood (Máu lạnh) của Truman Capote đã giới thiệu một minh họa sống động. Richard “Dick” Hickock và Perry Edward Smith bị bắt giữ vì tội giết gia đình Clutter một cách tàn độc. Trong khi không có nhân chứng trong vụ án, một kẻ chỉ điểm thuộc nhà tù đã cung cấp tên tuổi của chúng cho cảnh sát. Trong quá trình thẩm vấn, cảnh sát tra khảo từng tên một. Capote đưa chúng ta thâm nhập vào suy nghĩ của Perry:
… rằng đó chỉ là một cách khác để tìm hiểu sự thật từ hắn ta, giống như câu chuyện giả mạo về nhân chứng – “một nhân chứng sống”. Không thể có nhân chứng. Hoặc ý của họ là – Phải chi hắn có thể nói chuyện với Dick! Nhưng hắn và Dick đã bị giam giữ riêng; Dick bị nhốt trong một phòng giam ở tầng khác… Còn Dick? Có lẽ họ cũng làm việc nực cười này với hắn. Dick thông minh, là một nhà diễn thuyết, nhưng không nên tin vào “sự gan dạ” của hắn, hắn rất dễ hoảng loạn… “Và trước khi mày rời khỏi căn nhà, mày đã giết tất cả mọi người ở đó.” Hắn ta sẽ không ngạc nhiên nếu mỗi sinh viên tốt nghiệp Đại học Kansas từng nghe thấy câu nói này. Họ đã phải tra khảo hàng trăm nghi phạm, và chắc hẳn là đã buộc tội hàng chục người; hắn và Dick chỉ là hai người nữa trong số này…
Khi Dick thức dậy trong phòng giam dưới lầu, sau đó, hắn rất nôn nóng được trò chuyện với Perry – để biết được những gì tên khốn đó đã nói với họ.9
Cuối cùng, Dick nhận tội và sau đó là Perry.******** Đó là bản chất của trò chơi.
Vấn đề của hành động tập thể là một biến thể của thế lưỡng nan của những người tù, dù vấn đề này liên quan đến nhiều hơn hai tù nhân. Trong câu chuyện thiếu nhi, đeo chuông cho mèo, họ hàng nhà chuột quyết định rằng cuộc sống của mình sẽ an toàn hơn nhiều nếu mèo được đeo một chiếc chuông quanh cổ. Vấn đề là, ai sẽ mạo hiểm cuộc sống của mình để đeo chuông cho mèo?
Đây là một vấn đề cho cả loài chuột lẫn con người. Làm thế nào để có thể chống lại các đế chế không phổ biến kiểm soát các nhóm dân số lớn trong thời gian dài? Tại sao một kẻ khủng bố đơn độc lại có thể khủng bố một trường học? Trong cả hai trường hợp, việc tháo chạy cùng lúc của người dân đem lại cơ hội thành công rất cao cho họ.
Tuy nhiên, rất khó để truyền thông và phối hợp cho hành động này, và vì đã hiểu rõ sức mạnh của quần chúng, nên những kẻ áp bức sẽ thực hiện những hành động đặc biệt để gây khó dễ. Trong khi người dân phải hành động riêng lẻ và hy vọng động lực này sẽ lan tỏa, câu hỏi đặt ra là: “Ai sẽ là người đầu tiên?” Một nhà lãnh đạo như vậy sẽ phải trả giá đắt – hoặc là gãy mũi hoặc “đi tong” cả đời. Phần thưởng của anh ta có thể là sự vinh quang hoặc lòng biết ơn. Có những người được thuyết phục bằng sự công nhận hoặc danh dự, nhưng phần lớn đều thấy cái giá phải trả còn cao hơn cả lợi ích.
Nếu mỗi người đều hành động vì lợi ích của bản thân, thì kết quả sẽ trở thành một thảm họa cho cả nhóm. Thế lưỡng nan của những người tù có lẽ là trò chơi nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi nhất trong lý thuyết trò chơi, và chúng tôi sẽ trở lại chủ đề này trong Chương 3 để thảo luận về những gì có thể làm được. Chúng tôi cần nhấn mạnh ngay từ đầu rằng chúng tôi không giả định kết quả của một trò chơi sẽ có lợi cho những người tham gia. Nhiều chuyên gia kinh tế, bao gồm cả chúng tôi, đều quảng cáo về lợi thế của thị trường tự do. Lý thuyết đằng sau kết luận này dựa trên hệ thống giá cả điều tiết hành vi cá nhân. Trong hầu hết các tương tác chiến lược, không có bàn tay vô hình nào trong giá cả hướng dẫn người làm bánh, người bán thịt hoặc bất kỳ ai khác. Vì vậy, không có lý do gì để trông đợi kết quả của một trò chơi sẽ có lợi cho người chơi hoặc cho xã hội. Chơi giỏi có thể vẫn chưa đủ – bạn còn phải chắc chắn rằng bạn đang chơi đúng trò.
#8. trộn lẫn các lượt CHƠI
Rõ ràng là Takashi Hashiyama đã gặp rắc rối khi đưa ra quyết định. Cả Sotheby’s và Christie’s đều đưa ra những đề nghị hấp dẫn để trở thành nhà đấu giá cho bộ sưu tập nghệ thuật trị giá 18 triệu đô-la của công ty ông. Thay vì chọn một người trong số họ, ông đề nghị hai người chơi trò Oẳn Tù Xì để xác định người chiến thắng. Vâng, Oẳn Tù Xì. Hòn đá đập vỡ kéo, kéo cắt giấy, và giấy gói hòn đá.
Christie’s đã chọn kéo và Sotheby’s chọn giấy. Kéo cắt giấy, vì vậy Christie’s đã giành được gói thầu và khoản hoa hồng gần 3 triệu đô la. Khi mức cược quá cao, lý thuyết trò chơi có thể giúp gì không?
Điều hiển nhiên là trong loại trò chơi này, người ta không thể đoán trước được. Nếu Sotheby’s biết được Christie’s sẽ ra kéo, thì họ sẽ chọn hòn đá. Dù bạn chọn bất cứ cái nào, luôn có một cái gì đó khác thắng được nó. Do đó, điều quan trọng là bên còn lại không thể dự đoán được nước chơi của bạn.
Để chuẩn bị cho trò Oẳn Tù Xì, Christie’s tìm đến các chuyên gia địa phương, cụ thể là con cái của nhân viên, những người chơi trò này thường xuyên. Theo Alice, cô bé 11 tuổi, “Mọi người đều biết rằng bạn luôn bắt đầu bằng cây kéo.” Người chị sinh đôi của Alice, Flora, cho biết thêm: “Hòn đá là quá hiển nhiên, và kéo thì cắt giấy. Vì họ là người mới bắt đầu chơi, cây kéo chắc chắn là lựa chọn an toàn nhất.”10
Sotheby’s đã sử dụng một chiến thuật khác. Họ nghĩ rằng đây chỉ đơn giản là một trò chơi mang tính may mắn và do đó, không có chỗ cho chiến lược. Tờ giấy cũng tốt như bất cứ lựa chọn nào khác.
Điều thú vị ở đây là cả hai bên đều đúng một nửa. Nếu Sotheby’s chọn chiến lược của mình một cách ngẫu nhiên – với một cơ hội ngang nhau dành cho đá, kéo hoặc giấy – thì bất cứ lựa chọn nào của Christie’s cũng đều tốt như nhau. Mỗi lựa chọn có một phần ba cơ hội để giành chiến thắng, một phần ba cơ hội thua, và một phần ba cơ hội hòa.
Nhưng Christie’s đã không chọn một cách ngẫu nhiên. Vì vậy, Sotheby’s lẽ ra đã có thể làm tốt hơn nếu suy nghĩ về lời khuyên mà Christie’s có thể sẽ nhận được, sau đó, tính toán để chiến thắng. Nếu đúng là mọi người đều biết bạn bắt đầu bằng kéo, Sotheby’s nên bắt đầu với hòn đá yêu thích cũ kỹ của nhân vật hoạt hình Bart Simpson.
Trong bối cảnh đó, cả hai người chơi đã hiểu sai một nửa. Vì Sotheby’s thiếu chiến lược, nên nỗ lực của Christie’s là vô ích. Nhưng nỗ lực của Christie’s có thể đem lại ý nghĩa cho suy nghĩ chiến lược của Sotheby’s.
Trong một lượt chơi duy nhất, không khó để chọn ngẫu nhiên. Nhưng khi các lượt chơi lặp lại, cách tiếp cận này trở nên phức tạp hơn. Trộn lẫn các lượt chơi không có nghĩa là luân chuyển các chiến lược theo cách có thể dự đoán được. Đối thủ của bạn có thể quan sát và lợi dụng bất kỳ khuôn mẫu có hệ thống nào dễ dàng như anh ta có thể lợi dụng sự lặp lại không thay đổi của một chiến lược đơn lẻ. Đó là bất khả đoán, vốn quan trọng khi trộn lẫn.
Hóa ra, hầu hết mọi người đều rơi vào các khuôn mẫu dự đoán được. Bạn có thể tự kiểm tra trực tuyến, nơi các chương trình máy tính có thể tìm ra khuôn mẫu này và chiến thắng bạn.11 Để trộn lẫn các lượt chơi, người chơi thường xoay vòng chiến lược của họ quá nhiều. Điều này dẫn đến thành công bất ngờ của chiến lược “tuyết lở”: đá, đá và đá.
Mọi người cũng bị ảnh hưởng bởi những gì bên kia đã làm lần cuối. Nếu cả Sotheby’s và Christie’s đều mở đầu bằng kéo, sẽ có một trận hòa và một màn tái đấu. Theo Flora, Sotheby’s hy vọng Christie’s sẽ ra hòn đá (để đánh bại cây kéo của họ). Điều đó sẽ dẫn đến việc Sotheby’s ra tờ giấy và do đó, Christie’s nên trung thành với kéo. Tất nhiên, cách tiếp cận mang tính công thức này cũng không thể đúng. Nếu như vậy, Sotheby’s có thể ra hòn đá và giành chiến thắng.
Hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu có sẵn một số công thức nhằm xác định ai sẽ bị Sở Thuế vụ kiểm toán. Trước khi nộp bản khai thuế, bạn có thể áp dụng công thức để xem liệu bạn có bị kiểm toán hay không. Nếu lường trước được cuộc kiểm toán, bạn có thể tìm ra cách để “sửa đổi” bản khai thuế của mình cho đến khi công thức không còn dự đoán được khả năng bị kiểm toán, có thể bạn sẽ làm như vậy. Nếu không thể tránh khỏi bị kiểm toán, bạn sẽ chọn nói sự thật. Kết quả hoàn toàn dự đoán được của Sở Thuế vụ là họ sẽ tìm ra chính xác những người sai phạm. Tất cả những người được kiểm toán có thể dự đoán số phận của họ và được lựa chọn để hành động thành thật, trong khi những người bỏ qua cuộc kiểm toán sẽ chỉ day dứt lương tâm. Khi công thức kiểm toán của Sở Thuế vụ là một cái gì đó mơ hồ, mọi người đều có nguy cơ bị kiểm toán; điều này sẽ tạo thêm động lực cho sự thành thật.
Tầm quan trọng của các chiến lược ngẫu nhiên là một trong những hiểu biết ban đầu của lý thuyết trò chơi. Ý tưởng tuy đơn giản và trực quan nhưng cần được chắt lọc để có ích trong thực tế. Việc một người chơi quần vợt biết rằng anh ta nên pha trộn các cú đánh của mình giữa tay thuận và tay nghịch của đối thủ là chưa đủ. Anh ta cần một số ý tưởng về việc liệu nên tấn công vào phía tay thuận 30% hay 64% thời gian và câu trả lời phụ thuộc vào thế mạnh tương đối của hai bên. Trong Chương 5, chúng ta sẽ phát triển các phương pháp để trả lời những câu hỏi như vậy.
Chúng tôi muốn đưa ra một diễn giải cuối cùng. Kẻ thua cuộc lớn nhất trong trò chơi Oẳn Tù Xì không phải Sotheby’s mà là Hashiyama. Quyết định sử dụng trò Oẳn Tù Xì đã cho mỗi người trong hai nhà đấu giá 50% cơ hội để chiến thắng gói thầu. Thay vì để hai ứng viên đồng ý chia đôi phần hoa hồng, lẽ ra ông ta có thể tổ chức cuộc đấu thầu của riêng mình. Cả hai công ty đều sẵn sàng, thậm chí háo hức, để triển khai việc bán hàng với khoản hoa hồng 12%.******** Bên thắng cuộc sẽ sẵn lòng nhận mức phí thấp nhất. Tôi đang nghe thấy con số 11%? 11% lần một, 11% lần hai…
#9. ĐỪNG BAO GIỜ CHO MỘT TÊN KHỐN MÓN CƯỢC CÔNG BẰNG
Trong bộ phim Guys and Dolls (tạm dịch: Hình nộm và búp bê), con bạc Sky Masterson nhắc đến lời khuyên giá trị này của cha mình:
Vào một ngày tương tự trong chuyến đi của con, sẽ có một người giới thiệu cho con một bộ bài mới cáu, còn nguyên tem. Sau đó, hắn ta sẽ mời chào con đặt cược rằng hắn có thể làm cho quân J Pích nhảy ra khỏi bộ bài mới cáu này và rót lời đường mật vào tai con. Nhưng, con trai à, con đừng nhận vụ đặt cược này bởi, chắc chắn là khi đứng đó, con sẽ bị cuốn theo đôi tai được rót đầy lời đường mật.
Câu chuyện diễn ra khi Nathan Detroit đề nghị Sky Masterson đặt cược vào việc liệu tiệm Mindy bán món bánh phô mai hay bánh hoa quả nhiều hơn. Nathan vừa phát hiện ra câu trả lời (bánh hoa quả) và sẵn sàng đánh cược nếu Sky đặt cược vào bánh phô mai.********
Ví dụ này nghe có vẻ hơi quá. Dĩ nhiên là không ai có thể chấp nhận một vụ cá cược tệ hại như vậy. Nhưng nếu họ chấp nhận thì sao? Hãy nhìn vào thị trường hợp đồng tương lai trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Chicago. Nếu một nhà đầu cơ khác mời chào bạn một hợp đồng tương lai, anh ta sẽ kiếm được tiền nếu bạn thua lỗ.********
Nếu bạn là một nông dân sản xuất đậu nành để bán trong tương lai, thì hợp đồng này có thể đem đến một phương án phòng hộ trượt giá sau này. Tương tự, nếu bạn bán sữa đậu nành, nên bạn cần phải mua đậu nành trong tương lai, hợp đồng này là để bảo hiểm, chứ không phải để đặt cược.
Nhưng khối lượng của các hợp đồng trên sàn giao dịch cho thấy hầu hết những người mua và bán đều là thương nhân, không phải là nông dân và nhà sản xuất. Đối với họ, thỏa thuận là một trò chơi có tổng bằng 0. Khi hai bên đồng ý giao dịch, mỗi người đều nghĩ rằng nó sẽ tạo ra lợi nhuận. Một bên đã nghĩ sai. Đó là bản chất của một
trò chơi có tổng bằng 0. Cả hai bên đều không thể cùng giành chiến thắng.
Đây là một nghịch lý. Làm thế nào mà cả hai bên nghĩ rằng mình có thể thông minh hơn người kia? Một bên đã nghĩ sai. Tại sao bạn lại cho rằng người khác nghĩ sai mà không phải là bạn? Giả sử bạn không có bất kỳ thông tin nội bộ nào. Nếu ai đó sẵn sàng bán cho bạn một hợp đồng tương lai, số tiền bạn kiếm được là số tiền họ mất. Tại sao bạn nghĩ mình thông minh hơn họ? Hãy nhớ rằng sự sốt sắng mời chào của họ đồng nghĩa với việc họ nghĩ rằng họ thông minh hơn bạn.
Trong bài poker, người chơi thường vật lộn với nghịch lý này khi nó liên quan đến tiền đặt cược. Nếu người chơi chỉ đánh cược khi anh ta có một liên kết bài tốt, những người chơi khác sẽ sớm biết được điều này. Để đáp lại khi một người tố bài, hầu hết những người chơi khác sẽ úp bài, và anh ta sẽ không bao giờ vớ bở. Những người đã tố bài thậm chí còn có những liên kết bài mạnh hơn, vì vậy chung cuộc, người chơi tội nghiệp này của chúng ta sẽ chịu thất bại. Để những người khác đồng ý theo cược chống lại một liên kết bài tốt, họ phải nghĩ rằng bạn chỉ có thể đang nói khoác mà thôi. Để thuyết phục họ về khả năng này, việc bạn theo cược thường xuyên sẽ khiến họ cho rằng bạn chắc hẳn phải nói khoác một vài lần trong số đó. Điều này dẫn đến một thế lưỡng nan thú vị. Bạn muốn những người khác úp bài vì những mánh khóe nói khoác của bạn và vì thế bạn sẽ thắng cuộc với những liên kết bài yếu. Nhưng điều này sẽ không dẫn đến những trận thắng đậm. Để thuyết phục người khác tăng tiền cược của họ, bạn cũng cần phải để bị phát hiện rằng bạn đang lừa gạt họ.
Khi những người chơi trở nên tinh vi hơn, thuyết phục người khác đánh cược lớn đối với bạn sẽ ngày càng khó hơn. Hãy xem xét trò chơi cân não với tiền cược cao sau đây giữa Erick Lindgren và Daniel Negreanu, hai đấu thủ bài poker hàng đầu.
… Negreanu nhận thấy đó là một liên kết bài yếu nếu anh ta đã tăng mức cược lên 200.000 [đô-la]. Negreanu cho biết: “Tôi đã đặt cược 270.000 đô-la, vì vậy, tôi còn lại 200.000 đô-la. Erick nhìn qua các lá bài của tôi và nói: ‘Anh còn bao nhiêu tiền?’ Rồi anh ta cược tất cả số còn lại.” Theo quy tắc đặt cược đặc biệt áp dụng cho giải đấu, Negreanu chỉ có 90 giây để quyết định có nên cược hay không, và anh ta phải đối mặt với nguy cơ mất tất cả tiền nếu Lindgren không nói khoác, hoặc úp bài và chịu thua số tiền khổng lồ mà anh ta đã đặt cược.
“Tôi không nghĩ anh ta có thể ngu ngốc như vậy,” Negreanu nói. “Nhưng đó không phải là ngu ngốc mà giống như đi trước một bước. Anh ta hiểu rằng tôi biết anh ta sẽ không làm điều gì đó ngốc nghếch, vì vậy bằng cách làm một điều gì đó thật ngốc nghếch, nó thực sự đã trở thành một màn chơi tuyệt vời.”12
Dù rõ ràng bạn không nên đối đầu với các nhà vô địch bài poker, nhưng khi nào thì bạn nên đánh cược? Danh nhân Groucho Marx nói rằng ông không quan tâm đến bất kỳ câu lạc bộ nào chào mời ông. Với những lý do tương tự, bạn có thể không muốn đặt cược vào những phi vụ được chào mời. Thậm chí, bạn sẽ phải lo lắng khi chiến thắng một cuộc đấu giá. Trên thực tế, việc bạn là người đưa ra mức giá cao nhất ngụ ý rằng những người khác đều nghĩ món hàng đó có giá trị ít hơn mức bạn nghĩ.
Mọi hành động của ai đó đều cho chúng ta biết đôi chút về những thứ mà anh ta biết, và bạn nên sử dụng những suy luận này cùng những gì bạn đã biết để dẫn dắt hành động. Phải đấu giá thế nào để bạn không bị ghét nếu thắng, đó là vấn đề chúng ta sẽ thảo luận trong Chương 10.
Một số quy tắc của trò chơi có thể đặt bạn vào thế bình đẳng hơn. Có một cách cho phép giao dịch với thông tin không đồng đều là để cho bên có ít thông tin hơn chọn bên đặt cược. Nếu Nathan Detroit đã đồng ý đánh cược vào bất cứ điều gì Sky chọn từ trước, thì thông tin nội bộ của Nathan sẽ không giúp được gì. Trên thị trường
chứng khoán, thị trường ngoại hối và các thị trường tài chính khác, người dân được tự do tham gia vào một trong hai bên của vụ đặt cược. Thực tế là, trong một số giao dịch, kể cả trên thị trường chứng khoán London, khi bạn yêu cầu báo giá trên cổ phiếu, nhân viên hoạch định thị trường phải thông báo cả giá mua và bán trước khi biết bạn muốn thực hiện giao dịch nào. Nếu không có sự bảo vệ như vậy, các nhà hoạch định thị trường có thể thu được lợi nhuận từ thông tin cá nhân, và nỗi lo bị lừa của các nhà đầu tư bên ngoài có thể khiến toàn bộ thị trường trì trệ. Sự khác nhau giữa giá mua và giá bán được gọi là chênh lệch giá đặt mua/bán. Trong các thị trường lỏng, sự chênh lệch này không đáng kể, cho thấy các lệnh mua hoặc bán không có nhiều thông tin. Chúng ta sẽ bàn về vai trò của thông tin trong Chương 8.
#10. LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI CÓ THỂ GÂY NGUY HIỂM CHO SỨC KHỎE CỦA BẠN
Một đêm nọ, sau một hội nghị ở Jerusalem, hai nhà kinh tế học người Mỹ – một người trong số đó là đồng tác giả của cuốn sách này – đã gọi một chiếc taxi và chỉ cho người lái xe hướng về khách sạn. Khi thấy chúng tôi là khách du lịch Mỹ, ngay lập tức người lái xe tắt đồng hồ xe; thay vào đó, anh ta khẳng định sự hiếu khách của mình dành cho người Mỹ và hứa hẹn sẽ tính giá rẻ hơn so với đồng hồ. Đương nhiên, chúng tôi đã phần nào hoài nghi về lời hứa này. Tại sao người lạ này lại phải mời gọi chúng tôi trả ít hơn đồng hồ khi chúng tôi sẵn sàng trả mức giá đó? Làm sao chúng tôi có thể biết được mình có bị tính phí quá cao hay không?
Mặt khác, chúng tôi không hứa sẽ trả cho lái xe bất cứ số tiền nào nhiều hơn con số hiển thị trên đồng hồ. Chúng tôi dựa vào lý thuyết trò chơi để phân tích tình huống. Nếu bắt đầu thương lượng và cuộc thương lượng thất bại, chúng tôi sẽ phải tìm một xe taxi khác. Nhưng nếu chờ đến khi tới được khách sạn, vị thế thương lượng của chúng tôi sẽ mạnh hơn nhiều.
Chúng tôi về đến nơi. Người lái xe yêu cầu trả 2.500 shekel Israel (tương đương với khoảng 2,75 đô-la). Ai mà biết mức giá đó có công bằng hay không? Bởi người ta thường mặc cả ở Israel nên Barry đã phản đối và đưa ra mức 2.200 shekel. Người lái xe cảm thấy bị xúc phạm. Anh ta tuyên bố rằng không thể nào đi từ đó đến đây chỉ với mức giá này. Trước khi cuộc thương lượng có thể tiếp tục, anh ta đã tự động khóa tất cả cửa xe và phóng ra đường với tốc độ chóng mặt, vượt cả các đèn giao thông và người đi bộ. Có phải chúng tôi bị bắt cóc ở Beirut không? Không. Anh ta quay trở lại vị trí ban đầu, đuổi chúng tôi ra khỏi xe taxi một cách khiếm nhã và hét lên: “Hãy xem 2.200 shekel sẽ đưa các anh đi xa đến mức nào.”
Chúng tôi tìm thấy một xe taxi khác. Người lái xe này bật đồng hồ trên xe lên, và với 2.200 shekel, chúng tôi đã về đến khách sạn.
Chắc chắn là khoảng thời gian thêm đó không đáng giá 300 shekel nhưng câu chuyện này lại rất đáng giá. Nó minh họa cho sự nguy hiểm của việc thương lượng với những người chưa đọc cuốn sách của chúng tôi. Nói chung, không thể bỏ qua thể diện và tính phi lý. Đôi khi, tốt hơn là được chở đến nơi cần đến khi chuyến đi chỉ tốn có 2 đô-la.
Có một bài học thứ hai trong câu chuyện. Chúng tôi đã không thực sự suy nghĩ đủ sâu xa. Vị thế thương lượng sẽ tốt hơn đến mức nào nếu chúng tôi bắt đầu trả giá sau khi bước ra khỏi xe taxi. (Tất nhiên, để gọi một chiếc taxi, chúng ta nên đảo ngược logic này. Nếu cho người lái xe biết nơi muốn đến trước khi lên xe, tài xế taxi có thể từ chối bạn. Lên xe trước, sau đó nói nơi bạn muốn đi.)
Vài năm sau khi câu chuyện này được xuất bản lần đầu tiên, chúng tôi nhận được bức thư sau:
Kính thưa các vị Giáo sư,
Chắc chắn là các ông không biết tên tôi, nhưng tôi nghĩ các ông sẽ nhớ câu chuyện của tôi. Tôi từng là một sinh viên ở Jerusalem và lái taxi ngoài giờ. Giờ đây, tôi là một chuyên viên tư vấn và tình cờ đọc
được cuốn sách của các ông khi nó được dịch sang tiếng Do Thái. Có lẽ các ông sẽ thấy thú vị khi biết tôi cũng thường kể câu chuyện này cho khách hàng. Vâng, đúng là một đêm khuya ở Jerusalem. Nhưng câu chuyện trong trí nhớ của tôi có một chút khác biệt.
Vừa học vào ban ngày, vừa lái taxi đêm, nên hầu như tôi không có thời gian dành cho người vợ mới cưới. Giải pháp của tôi là để cô ấy ngồi cùng tôi ở ghế trước. Mặc dù cô ấy đã im lặng, nhưng việc các ông bỏ cô ấy ra khỏi câu chuyện chính là một sai lầm lớn.
Đồng hồ của tôi bị hỏng, nhưng các ông dường như không tin tôi. Tôi đã quá mệt mỏi nên không muốn tranh luận. Khi chúng ta đến nơi, tôi đã ra giá 2.500 shekel, một mức giá hợp lý. Tôi thậm chí còn hy vọng các ông sẽ trả cho chẵn 3.000 shekel. Những người Mỹ giàu có thừa khả năng trả thêm 50 xu tiền boa.
Tôi không thể tin được các ông đã cố lừa tôi. Việc các ông từ chối trả một mức giá hợp lý đã xúc phạm tôi trước mặt vợ mình. Tôi nghèo nhưng tôi không hèn.
Người Mỹ nghĩ rằng chúng tôi nên vui lòng nhận bất cứ mẩu bánh nào các ông cung cấp. Còn tôi nghĩ rằng chúng tôi nên dạy cho các ông một bài học trong trò chơi của cuộc sống. Vợ chồng tôi đã kết hôn 20 năm. Chúng tôi vẫn còn bật cười về những người Mỹ ngu ngốc đã tiêu tốn nửa giờ ngồi xe taxi để tiết kiệm 20 xu.
Trân trọng,
(giấu tên)
Sự thật là, chúng tôi chưa bao giờ nhận được một bức thư như vậy. Ý đồ của chúng tôi trong việc viết nó là để minh họa cho một bài học quan trọng trong lý thuyết trò chơi: bạn cần phải hiểu được quan điểm của người chơi khác. Bạn cần phải cân nhắc những gì họ biết, những gì thúc đẩy họ, và thậm chí cách họ nghĩ về bạn. Lời nói ví von của George Bernard Shaw về quy tắc vàng chính là đừng đối xử với người khác theo cách bạn muốn họ đối xử với bạn – thị hiếu của
họ có thể khác biệt. Khi tư duy chiến lược, bạn phải cố gắng rất nhiều để hiểu được quan điểm và hành động của tất cả những người chơi khác trong trò chơi, kể cả những người có thể im lặng.
Điều đó đưa chúng ta đến với quan điểm cuối cùng. Bạn có thể nghĩ bạn đang tham gia một trò chơi, nhưng đó chỉ là một phần của một trò chơi lớn hơn. Luôn tồn tại một trò chơi lớn hơn như thế.
ĐỊNH HÌNH NHỮNG ĐIỀU SẼ XẢY RA
Những ví dụ kể trên đã cho chúng ta thấy những góc nhìn sơ lược về nguyên tắc dẫn dắt các quyết định chiến lược. Chúng ta có thể tóm tắt các nguyên tắc này bằng một vài “bài học” từ những câu chuyện của chúng tôi.
Hãy cân nhắc xem những người chơi khác đang cố gắng đạt được điều gì. Hãy nhớ lại khả năng của Richard Hatch phát triển tất cả các dự định trong tương lai để tìm hiểu xem mình nên làm gì. Câu chuyện của bàn tay nóng nói với chúng ta rằng trong chiến lược, chứ không chỉ trong vật lý, “Luôn có sự phản ứng cho mỗi hành động chúng ta thực hiện.” Chúng ta không sống và hành động trong môi trường không có tác động. Vì vậy, chúng ta không thể giả định khi chúng ta thay đổi hành vi của bản thân, mọi thứ khác vẫn không đổi. Thành công của de Gaulle trong các cuộc thương lượng cho thấy “sự cứng rắn sẽ mang lại thành công”.******** Nhưng tỏ ra cứng rắn không phải lúc nào cũng dễ dàng, đặc biệt là khi bạn phải cứng đầu hơn một đối thủ bướng bỉnh. Đối thủ cứng đầu đó có thể là bạn trong tương lai, đặc biệt là khi liên quan đến ăn kiêng. Việc chiến đấu hoặc ăn kiêng như một lựa chọn cuối cùng sẽ giúp củng cố quyết tâm của bạn.
Cuốn sách Cold Blood và câu chuyện đeo chuông cho mèo mô tả sự khó khăn trong việc đạt được các kết quả đòi hỏi sự phối hợp và hy sinh cá nhân. Trong các cuộc đua công nghệ, cũng như trong các cuộc đua thuyền buồm, những người theo dõi có xu hướng sử dụng
các chiến lược sáng tạo hơn; các nhà lãnh đạo có xu hướng bắt chước những người theo dõi.
Oẳn Tù Xì chỉ ra lợi thế chiến lược của sự không thể đoán trước. Những hành vi như vậy cũng có thể có thêm lợi thế là làm cho cuộc sống thú vị hơn một chút. Chuyến taxi của chúng tôi làm rõ rằng những người chơi khác trong trò chơi là con người chứ không phải máy móc. Sự kiêu căng, bất bình và những cảm xúc khác có thể ảnh hưởng tới quyết định của họ. Khi đặt mình vào vị trí của người khác, bạn phải nương theo hoàn cảnh của họ, chứ không phải của bạn.
Chúng tôi có thể đưa ra nhiều ví dụ hơn và rút ra những bài học từ chúng, nhưng đây không phải là cách tốt nhất để suy nghĩ có phương pháp về các trò chơi chiến lược. Điều đó được thực hiện tốt hơn bằng cách tiếp cận mục tiêu từ một góc độ khác. Chúng tôi tìm hiểu từng nguyên tắc – ví dụ như cam kết, hợp tác và pha trộn. Trong mỗi trường hợp, chúng tôi phân tích các ví dụ tập trung vào vấn đề đó, cho đến khi nguyên tắc trở nên rõ ràng. Sau đó, bạn sẽ có cơ hội áp dụng nguyên tắc đó trong nghiên cứu tình huống ở cuối mỗi chương.
NGHIÊN CỨU TÌNH HUỐNG: ĐA LỰA CHỌN
Chúng tôi nghĩ rằng hầu hết mọi thứ trong cuộc sống là một trò chơi, ngay cả những thứ ban đầu có vẻ không giống một trò chơi. Hãy xem xét câu hỏi sau đây từ GMAT (bài kiểm tra dành cho thí sinh đăng ký học MBA).
Thật không may, vấn đề xử lý bản quyền đã cản trở chúng tôi đưa ra câu hỏi một lần nữa ở đây, nhưng việc này không thể làm chúng tôi dừng lại. Câu nào sau đây là câu trả lời chính xác?
a. 4π inch vuông c. 16 inch vuông e. 32π inch vuông b. 8π inch vuông d.16π inch vuông
Chúng tôi nhận ra bạn đang ở thế bất lợi một chút khi không có câu hỏi. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ bằng cách áp dụng lý thuyết trò chơi, bạn vẫn có thể hiểu được nó.
Thảo luận tình huống
Câu trả lời kỳ lạ trong chuỗi là câu c. Vì nó rất khác so với các câu trả lời khác, chắc chắn là nó không đúng. Thực tế là, các đáp án có inch vuông đều có câu trả lời chứa một số chính phương, chẳng hạn như 4π hoặc 16π.
Đây là một khởi đầu tốt, nó cho thấy những kỹ năng làm bài thi tốt của bạn, nhưng chúng tôi vẫn chưa thực sự bắt đầu sử dụng lý thuyết trò chơi. Hãy nghĩ về việc trò chơi được chơi bởi người viết ra câu hỏi. Mục tiêu của người đó là gì?
Anh ấy hay cô ấy muốn những người hiểu vấn đề chọn được câu trả lời đúng và những người không hiểu chọn sai. Do đó, các câu trả lời sai phải được lựa chọn cẩn thận để hấp dẫn những người không thực sự biết câu trả lời. Ví dụ, để trả lời câu hỏi: Có bao nhiêu foot trong một dặm, câu trả lời “Hươu cao cổ”, hoặc thậm chí là 16π, không có khả năng thu hút bất kỳ người nào.
Quay lại vấn đề, hãy tưởng tượng rằng 16 inch vuông thực sự là câu trả lời đúng. Loại câu hỏi nào có thể có câu trả lời là 16 inch vuông nhưng sẽ dẫn dắt ai đó nghĩ 32π là đúng? Không nhiều câu hỏi như vậy. Mọi người thường không thêm số π để cho vui. “Bạn có thấy chiếc xe mới của tôi không – với 1 gallon xăng, nó có thể chạy được 10π dặm.” Chúng tôi không nghĩ vậy. Do đó, chúng tôi có thể thực sự chọn được đáp án chính xác là 16.
Bây giờ, chúng ta hãy bàn về hai số chính phương hoàn hảo, 4π và 16π. Lúc này, hãy giả sử 16π inch vuông là đáp án chính xác. Vấn đề có thể là diện tích của một hình tròn có bán kính bằng 4 là bao nhiêu? Công thức chính xác cho diện tích của một hình tròn là πr2. Tuy nhiên, người không nhớ được công thức này có thể nhầm lẫn nó với công thức tính chu vi của một đường tròn, 2πr. (Vâng, chúng
tôi biết chu vi được tính bằng inch, không phải inch vuông, nhưng người mắc lỗi này sẽ không nhận ra vấn đề đó).
Lưu ý rằng nếu r = 4, thì 2πr là 8π, và điều này sẽ dẫn người đó đến câu trả lời sai là b. Người này cũng có thể kết hợp và sử dụng công thức 2πr2 rồi tin rằng 32π trong câu e là câu trả lời đúng. Người đó có thể bỏ qua π và chọn số 16 trong câu c, hoặc người đó có thể quên tính bình phương của bán kính và chỉ sử dụng πr để tính diện tích, dẫn đến kết quả 4π trong câu a. Tóm lại, nếu 16π là câu trả lời chính xác, thì chúng ta có thể kể một câu chuyện hợp lý về cách mỗi câu trả lời khác có thể được lựa chọn. Chúng là tất cả các câu trả lời sai phù hợp đối với người thiết kế bài thử nghiệm này.
Sẽ thế nào nếu như 4π là đáp án chính xác (với r = 2)? Bây giờ, hãy suy nghĩ về sai lầm phổ biến nhất là nhầm lẫn giữa chu vi với diện tích. Nếu người tham gia sử dụng sai công thức, 2πr, anh ấy hoặc cô ấy vẫn sẽ có kết quả là 4π, mặc dù với đơn vị không chính xác. Từ quan điểm của một người thiết kế bài thử nghiệm, không gì tồi tệ hơn là cho phép người đó có được câu trả lời đúng vì một lý luận sai. Do đó, 4π sẽ là một câu trả lời cực kỳ chính xác, vì nó sẽ khiến nhiều người không biết họ đang làm gì để có được câu trả lời.
Đến đây, chúng tôi đã trình bày xong. Chúng tôi tin rằng câu trả lời đúng là 16π. Và chúng tôi đã đúng. Bằng cách suy nghĩ về mục đích của người viết bài thử nghiệm, chúng ta có thể thường xuyên chọn đúng câu trả lời, mà không cần đọc câu hỏi.
Giờ thì, chúng tôi không khuyên bạn nên tham dự kỳ thi GMAT và các bài kiểm tra khác mà không đọc câu hỏi. Chúng tôi đánh giá cao rằng nếu bạn đủ thông minh để hiểu logic này, bạn rất có thể sẽ biết công thức tính diện tích của một đường tròn. Nhưng bạn không bao giờ biết được. Sẽ có trường hợp, bạn không biết ý nghĩa của một trong những câu trả lời hoặc thông tin về câu hỏi đã không được đề cập trong khóa học. Trong những trường hợp đó, suy nghĩ về trò chơi thử nghiệm có thể dẫn bạn đến câu trả lời đúng.
Chương 2
GIẢI QUYẾT TRÒ CHƠI BẰNG SUY LUẬN NGƯỢC
ĐẾN LƯỢT CẬU RỒI, CHARLIE BROWN
T
rong một chủ đề thường thấy của cuốn truyện tranh Peanuts (tạm dịch: Đậu phộng), Lucy đặt một quả bóng trên mặt đất và mời Charlie Brown chạy lên đá nó. Vào giây cuối cùng,
Lucy đá quả bóng đi chỗ khác. Charlie Brown tung cú đá hụt, ngã đập lưng xuống đất, và điều này khiến Lucy cảm thấy vui sướng.
Bất cứ ai cũng có thể nói với Charlie rằng cậu bé nên từ chối chơi trò của Lucy. Ngay cả khi Lucy không chơi trò đặc biệt này vào năm ngoái (năm trước và năm trước đó), cậu đã biết tính cách của cô bé như thế nào từ các tình huống khác và có thể đoán được hành động của cô.
Vào thời điểm Charlie quyết định có nên chấp nhận lời mời của Lucy hay không, hành động của cô bé vẫn ở thì tương lai. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Charlie nên xem hành động đó là không chắc sẽ xảy ra. Cậu bé nên biết rằng trong hai kết quả có thể xảy ra – để cậu đá trúng và nhìn thấy cậu ngã xuống – Lucy thích kết quả thứ hai hơn. Vì vậy, cậu nên đoán được rằng đến lúc đó, cô bé sẽ đá quả bóng đi. Xét theo logic, khả năng Lucy để cậu bé đá quả bóng là điều không phù hợp với thực tế. Charlie nên bỏ qua nó, và dự đoán rằng nếu chấp nhận lời mời, chắc chắn cậu bé sẽ bị ngã vì đá trật. Cậu bé nên từ chối lời mời của Lucy.
HAI LOẠI TƯƠNG TÁC CHIẾN LƯỢC
Bản chất của trò chơi chiến lược là sự phụ thuộc lẫn nhau trong các quyết định của người chơi. Những tương tác này phát sinh theo hai cách. Đầu tiên là thứ tự hành động, như trong câu chuyện của Charlie Brown. Những người chơi lần lượt hành động. Khi đến lượt mình, Charlie phải nhìn xa hơn để xem những hành động hiện tại của cậu bé sẽ ảnh hưởng thế nào đến hành động trong tương lai của Lucy và hành động tương lai của chính cậu bé để đáp trả.
Loại tương tác thứ hai là hành động đồng thời, như trong thế lưỡng nan của những người tù ở Chương 1. Người chơi cùng hành động, trong sự thiếu hiểu biết về hành động hiện tại của người khác. Tuy nhiên, mỗi người phải biết rằng có những người chơi tích cực khác, những người sẽ lần lượt có được nhận thức tương tự, và cứ như vậy. Do đó, mỗi người phải tự đặt mình vào vị trí của người khác và cố gắng tính toán kết quả. Hành động tốt nhất của bạn là một phần không thể thiếu trong tính toán tổng thể này.
Khi nhận ra mình đang tham gia một trò chơi chiến lược, bạn phải xác định liệu tương tác này là đồng thời hay tuần tự. Một số trò chơi, chẳng hạn như bóng đá, có yếu tố của cả hai loại hình, trong trường hợp đó, bạn phải chọn chiến lược phù hợp với bối cảnh. Trong chương này, chúng tôi sẽ phát triển một cách sơ bộ các ý tưởng và quy tắc giúp bạn chơi các trò chơi lần lượt cũng như các trò chơi hành động đồng thời. Chúng tôi bắt đầu với những ví dụ thực sự đơn giản, đôi khi còn được phóng tác, chẳng hạn như câu chuyện của Charlie Brown. Điều này là có tính toán; bản thân những câu chuyện không có ý nghĩa quan trọng, và những chiến thuật đúng đắn thường dễ nhìn nhận bằng trực giác đơn giản, cho phép những ý tưởng tiềm ẩn trở nên rõ ràng hơn. Các ví dụ sẽ ngày càng trở nên thực tế và phức tạp hơn trong các nghiên cứu tình huống và các chương sau.
Quy tắc chiến lược đầu tiên
Nguyên tắc chung cho các trò chơi hành động lần lượt là mỗi người chơi phải phán đoán câu trả lời tương lai của những người chơi khác và sử dụng chúng trong việc tính toán câu trả lời hiện tại của riêng
mình. Ý tưởng này rất quan trọng vì nó xứng đáng được giá trị hóa thành một quy tắc cơ bản trong hành vi chiến lược:
QUY TẮC 1: Nhìn về tương lai và suy luận ngược lại
Hãy dự đoán đích đến cuối cùng của những quyết định ban đầu và sử dụng thông tin này để tính toán lựa chọn tốt nhất dành cho bạn.
Trong câu chuyện của Charlie Brown, bất cứ ai (ngoại trừ Charlie Brown) đều có thể làm việc này dễ dàng. Cậu bé chỉ có hai lựa chọn, và một trong hai đã dẫn đến quyết định của Lucy khi chọn giữa hai hành động khả thi. Hầu hết các tình huống chiến lược đều bao gồm một chuỗi dài các quyết định với nhiều lựa chọn thay thế. Cây sơ đồ các lựa chọn trong trò chơi đôi khi có tác dụng như một công cụ trợ giúp trực quan để đưa ra lý luận chính xác trong các trò chơi như vậy. Hãy để chúng tôi chỉ cho bạn cách sử dụng những cây này.
CÂY QUYẾT ĐỊNH VÀ CÂY TRÒ CHƠI
Một chuỗi các quyết định, với sự cần thiết phải nhìn về phía trước và suy diễn lùi, có thể nảy sinh ngay cả đối với một người ra quyết định đơn độc không tham gia vào trò chơi với bất kỳ ai khác. Đơn cử như Robert Frost trong bài thơ về cánh rừng vàng:
Hai con đường rẽ ra trong khu rừng, và tôi thì –
Chọn đi con đường ít người qua lại,
Và đó là khác biệt lớn nhất.1
Chúng ta có thể trình bày điều này dưới dạng biểu đồ.
Đây không phải là điểm kết thúc của lựa chọn. Mỗi con đường có thể lần lượt có thêm ngã rẽ. Bản đồ đường bộ theo đó càng trở nên phức tạp. Đây là một ví dụ từ kinh nghiệm của chúng tôi.
Khách du lịch từ Princeton tới New York có thể đưa ra rất nhiều lựa chọn. Quyết định đầu tiên liên quan đến việc chọn phương thức đi lại: xe buýt, tàu hỏa hoặc ô tô. Những người chọn đi xe hơi sau đó phải chọn giữa cầu Verrazano-Narrows, đường hầm Holland, đường hầm Lincoln và cầu George Washington. Những người đi tàu hỏa phải quyết định có nên chuyển sang tàu PATH ở Newark hay tiếp tục đi đến trạm Penn. Còn ở New York, hành khách đi tàu hỏa và xe buýt phải chọn giữa đi bộ, tàu điện ngầm (địa phương hoặc tàu hỏa tốc), xe buýt hoặc taxi để đến điểm cuối. Những lựa chọn tốt nhất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm giá cả, tốc độ, mật độ giao thông dự kiến, điểm đến cuối cùng ở New York.
Sơ đồ đường đi này mô tả các phương án mà một người có thể chọn tại mỗi điểm nối, trông giống như một cái cây với các nhánh đang nổi lên. Cách áp dụng đúng một sơ đồ hoặc cây đồ thị như vậy là không đi theo tuyến đường nơi có ngã rẽ đầu tiên trông ổn nhất – ví dụ, bạn sẽ chọn lái xe thay vì đi tàu hỏa khi mọi phương tiện khác đều tương đương nhau – và rồi “đi đến đâu hay đến đó”. Thay vào đó, bạn dự đoán những quyết định trong tương lai và dùng chúng để thực hiện các lựa chọn trước đó. Ví dụ, nếu muốn đi đến trung tâm thành phố, chọn tàu PATH sẽ tốt hơn là lái xe vì chuyến tàu này kết nối trực tiếp từ Newark.
Chúng ta có thể chỉ dùng sơ đồ cây để mô tả các lựa chọn trong một trò chơi chiến lược, nhưng có một yếu tố mới xuất hiện trong bức tranh. Một trò chơi có hai hoặc nhiều người chơi. Các điểm phân nhánh khác nhau dọc theo cây có thể là lượt chơi của những người chơi khác nhau để đưa ra quyết định. Người nào đưa ra lựa chọn ở thời điểm sớm hơn sẽ phải nhìn xa, không chỉ về lựa chọn tương lai của chính mình mà còn của người khác. Anh ta phải dự đoán những gì người khác sẽ làm, bằng cách đặt mình vào vị trí của họ và suy nghĩ như cách họ có khả năng nghĩ. Để nhắc nhở bạn về sự khác biệt, chúng tôi sẽ gọi cây sơ đồ thể hiện trình tự quyết định trong một trò chơi chiến lược là cây trò chơi, để dành cây quyết định cho các tình huống chỉ có một người tham gia.
Charlie Brown trong bóng đá và kinh doanh
Câu chuyện của Charlie Brown mở đầu chương này đơn giản một cách vô lý, nhưng bạn có thể làm quen với cây trò chơi bằng cách đưa câu chuyện đó vào trong một bối cảnh cụ thể. Trò chơi bắt đầu khi Lucy đã đưa ra lời mời của mình, và Charlie phải đối mặt với quyết định chấp nhận hay không. Nếu Charlie từ chối, trò chơi kết thúc. Nếu cậu bé chấp nhận, Lucy có hai lựa chọn: để Charlie đá
bóng hoặc tự mình đá bóng ra xa. Chúng tôi sẽ thể hiện điều này bằng cách thêm một ngã ba dọc theo sơ đồ này.
Như chúng tôi đã nói ở trên, Charlie cần dự đoán Lucy sẽ chọn nhánh phía trên. Vì vậy, theo cách nói ẩn dụ, cậu bé nên cắt đi nhánh dưới thể hiện sự lựa chọn của cô bé từ cây quyết định. Bây giờ, nếu cậu bé chọn hành động theo nhánh trên, nó sẽ dẫn đến một cú ngã đau. Vì vậy, lựa chọn tốt hơn là làm theo nhánh dưới. Chúng tôi sẽ hiển thị các lựa chọn này bằng cách làm cho các nhánh trên đậm hơn và đánh dấu chúng bằng đầu mũi tên.
Bạn có đang nghĩ rằng trò chơi này quá vớ vẩn không? Đây là một phiên bản kinh doanh của nó. Hãy tưởng tượng các kịch bản sau đây. Charlie, giờ là một người trưởng thành, đang đi nghỉ mát ở quốc gia vừa được cải cách theo chủ nghĩa Marx – Freedonia. Anh ta đã nói chuyện với một doanh nhân địa phương tên là Fredo. Fredo thao thao bất tuyệt về những cơ hội sinh lợi tuyệt vời mà anh ta có thể phát triển nếu có đủ vốn, và sau đó mời gọi: “Hãy đầu tư 100.000 đô la cho tôi, và trong một năm tôi sẽ biến nó thành 500.000 đô-la, tôi sẽ chia đôi số tiền này cho anh. Như vậy, anh sẽ có gấp đôi số tiền ban đầu trong một năm.” Cơ hội mà Fredo mô tả thực sự hấp dẫn, và anh ta sẵn sàng viết một bản hợp đồng thích hợp theo luật Freedonia. Nhưng bộ luật đó an toàn như thế nào? Nếu cuối năm Fredo bỏ trốn với toàn bộ số tiền, thì Charlie, lúc này đã quay trở lại Mỹ, có thể yêu cầu thi hành hợp đồng tại các tòa án ở Freedonia không? Họ có thể vì danh dự quốc gia mà thiên vị, xử lý quá chậm, hoặc nhận hối lộ từ Fredo. Vì vậy, Charlie đang chơi một trò chơi với Fredo, và cây quyết
định sẽ được thể hiện dưới đây. (Lưu ý rằng nếu Fredo tuân theo hợp đồng, anh ta sẽ trả Charlie 250.000 đô-la, do đó lợi nhuận của Charlie sau khi trừ đi khoản đầu tư ban đầu 100.000 đô-la – là 150.000 đô-la).
Bạn nghĩ Fredo sẽ làm gì? Nếu không có lý do rõ ràng và mạnh mẽ để tin vào lời hứa của anh ta, Charlie nên đoán trước được rằng Fredo sẽ bỏ trốn, cũng như cậu bé Charlie lẽ ra phải biết chắc rằng Lucy sẽ đá quả bóng ra xa. Trên thực tế, cây quyết định của hai trò chơi giống hệt nhau trong tất cả các khía cạnh cần thiết. Nhưng có bao nhiêu người như Charlie đã lập luận về thất bại trong những trò chơi theo hướng như vậy?
Charlie có lý do gì để tin vào lời hứa của Fredo? Có lẽ là vì Fredo có liên quan đến nhiều doanh nghiệp đòi hỏi nguồn tài chính từ Mỹ hoặc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Charlie có thể trả đũa bằng cách hủy hoại danh tiếng của anh ta ở Mỹ hoặc tịch thu hàng hóa của anh ta. Vì vậy, trò chơi này có thể là một phần trong một trò chơi lớn hơn, có lẽ là một tương tác đang diễn ra, nhằm đảm bảo sự trung thực của Fredo. Nhưng trong phiên bản mà chúng tôi đã chỉ ra ở trên, logic của việc suy luận ngược rất rõ ràng.
Chúng tôi muốn sử dụng trò chơi này để đưa ra ba nhận xét. Thứ nhất, các trò chơi khác nhau có thể có các hình thức toán học giống hệt nhau hoặc rất giống nhau (cây hoặc bảng được sử dụng để mô tả trong các chương tiếp theo). Suy luận về chúng bằng cách sử dụng các hình thức như vậy sẽ làm nổi bật những điểm tương đồng và giúp bạn dễ dàng áp dụng kiến thức về trò chơi trong một tình
huống khác. Đây là chức năng quan trọng của “lý thuyết” trong bất kỳ chủ đề nào: nó chắt lọc những điểm tương đồng thiết yếu trong các bối cảnh có vẻ không giống nhau và cho phép chúng ta suy nghĩ về chúng theo cách thống nhất và đơn giản hóa. Nhiều người có ác cảm bản năng với lý thuyết. Nhưng chúng tôi nghĩ đây là một phản ứng sai lầm. Tất nhiên, các lý thuyết đều có những giới hạn của nó. Các bối cảnh và kinh nghiệm cụ thể thường có thể thêm vào hoặc sửa đổi các quy định của lý thuyết theo những cách đáng kể. Nhưng từ bỏ hoàn toàn lý thuyết là từ bỏ một điểm khởi đầu có giá trị cho tư duy, có thể là một điểm mấu chốt để chinh phục vấn đề. Bạn nên làm cho lý thuyết trò chơi trở thành đồng minh, chứ không phải một ông kẹ, trong cách tư duy chiến lược của bạn.
Nhận xét thứ hai chính là Fredo nên nhận ra một Charlie chiến lược sẽ cảnh giác trước lời mời chào và không đầu tư gì cả, làm tan biến cơ hội kiếm được 250.000 đô-la của anh ta. Do đó, Fredo sẽ có động lực mạnh mẽ để làm lời hứa của mình trở nên đáng tin cậy. Là một doanh nhân tự do, anh ta ít có ảnh hưởng đến hệ thống pháp lý yếu kém của Freedonia và không thể làm giảm sự nghi ngờ của nhà đầu tư theo cách đó. Anh ta có thể sử dụng những phương pháp nào khác để thực hiện được ý đồ của mình? Chúng ta sẽ xem xét vấn đề chung về độ tin cậy, và các công cụ để đạt được nó trong Chương 6 và Chương 7.
Nhận xét thứ ba, và có lẽ quan trọng nhất, là sự so sánh những kết quả khác nhau có thể xuất hiện dựa trên các lựa chọn khác nhau mà những người chơi có thể thực hiện. Không phải lúc nào cũng có trường hợp kết quả tốt với người này lại có ý nghĩa kém hơn với người kia. Trường hợp Charlie đầu tư và Fredo tuân thủ hợp đồng sẽ tốt cho cả hai người hơn là trường hợp Charlie không đầu tư. Không giống như trong thể thao hoặc các cuộc tranh tài, trò chơi không cần phải có người chiến thắng và kẻ thua cuộc; trong các thuật ngữ của lý thuyết trò chơi, nó không có tổng bằng 0. Các trò chơi có thể có kết quả hai bên cùng có lợi hoặc hai bên đều chẳng được gì. Thực ra, một số sự kết hợp giữa lợi ích chung (như khi Charlie và Fredo có thể có lợi nếu biết cách bảo đảm Fredo tuân thủ hợp đồng) và xung
đột (như khi Fredo bỏ trốn sau khi Charlie đã đầu tư) có thể cùng tồn tại trong hầu hết các trò chơi trong kinh doanh, chính trị và tương tác xã hội. Điều này khiến việc phân tích các trò chơi trở nên thú vị và đầy thử thách.
Thêm nhiều cây phức tạp
Chúng tôi sẽ chuyển sang chủ đề chính trị trong ví dụ về một cây trò chơi phức tạp hơn một chút. Một hình biếm họa về chính trị Mỹ cho thấy Quốc hội thích những khoản chi tiêu “dùng ngân sách công” và các tổng thống thì luôn cố gắng cắt giảm ngân sách cồng kềnh được Quốc hội thông qua. Tất nhiên, có những điều mà các tổng thống thích và không thích về các khoản chi tiêu đó, họ chỉ muốn cắt giảm những khoản họ không thích. Để làm vậy, họ muốn có quyền hạn để loại bỏ các khoản mục cụ thể khỏi ngân sách hoặc phủ quyết từng phần. Tổng thống Ronald Reagan trong bài diễn văn vào tháng 1 năm 1987 đã hùng hồn nói rằng: “Hãy cho chúng tôi công cụ mà 43 lãnh đạo chính phủ khác đang có – quyền phủ quyết từng phần, để chúng tôi có thể loại bỏ những chính sách lãng phí và mang tính đặc quyền, những thứ sẽ không bao giờ tồn tại đơn lẻ.”
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, có vẻ như việc có quyền tự do phủ quyết các phần của một dự luật chỉ có thể làm tăng quyền lực của tổng thống và không bao giờ mang lại cho ông ta những kết quả tồi tệ hơn. Tuy nhiên, tốt hơn hết là các tổng thống không nên có công cụ này. Vấn đề là sự tồn tại một quyền phủ quyết từng phần sẽ ảnh hưởng đến các chiến lược của Quốc hội trong việc thông qua các dự luật. Một trò chơi đơn giản sẽ cho thấy sự ảnh hưởng lớn đến thế nào.
Để phục vụ mục đích này, chúng tôi sẽ cho bạn biết tình huống năm 1987. Giả sử có hai hạng mục chi tiêu đang được cân nhắc: đổi mới đô thị (U) và hệ thống tên lửa kháng chiến (M). Quốc hội thích mục tiêu đầu tiên và tổng thống thích mục tiêu thứ hai. Nhưng cả hai đều thích cả hai mục tiêu xét trong tình trạng hiện tại. Bảng sau hiển thị xếp hạng của các kịch bản khả thi giữa hai người chơi, trong mỗi trường hợp, 4 là tốt nhất và 1 là tệ nhất.
Cây trò chơi thể hiện tình huống giả định nếu tổng thống không có quyền phủ quyết từng phần được hiển thị ở trang sau. Tổng thống sẽ ký một dự luật có chứa gói U và M, hoặc chỉ có M, nhưng sẽ phủ quyết dự luật chỉ có U. Biết được điều này, Quốc hội đã chọn gói gồm cả hai. Một lần nữa, chúng tôi hiển thị các lựa chọn tại mỗi điểm bằng cách in đậm các nhánh được lựa chọn và thêm vào mũi tên. Lưu ý rằng chúng ta phải làm điều này cho tất cả các điểm mà tổng thống có khả năng lựa chọn, mặc dù vài điểm trong số này được đưa ra tranh luận bởi lựa chọn trước đó của Quốc hội. Lý do là sự lựa chọn thực sự của Quốc hội chịu ảnh hưởng lớn của việc tính toán những gì tổng thống sẽ làm nếu Quốc hội đã có lựa chọn khác; để chứng minh logic này, chúng ta phải thể hiện các hành động của tổng thống trong tất cả các tình huống logic có thể hình dung được.
Phân tích của chúng tôi về trò chơi cho ra một kết quả, trong đó cả hai bên đều có một ưu tiên thứ hai tốt nhất (xếp hạng 3).
Tiếp theo, giả sử tổng thống có quyền phủ quyết từng phần. Trò chơi sẽ thay đổi như sau:
Bây giờ, Quốc hội dự kiến nếu cả hai gói được thông qua, tổng thống sẽ chọn phủ quyết U, chỉ để lại M. Vì vậy, hành động tốt nhất của Quốc hội bây giờ hoặc là chỉ thông qua U để thấy nó bị phủ quyết, hoặc không thông qua phương án nào. Có lẽ, Quốc hội sẽ ưu tiên lựa chọn đầu tiên hơn, nếu nó ghi được điểm chính trị từ sự phủ quyết của tổng thống, nhưng tổng thống cũng có thể cân bằng điểm chính trị bằng việc thể hiện sự chấp hành ngân sách này. Chúng tôi giả sử cả hai lựa chọn bù trừ cho nhau, và Quốc hội không thiên vị lựa chọn nào. Nhưng cả hai lựa chọn cho phép mỗi bên chỉ có kết quả tốt thứ ba (xếp hạng 2). Thậm chí tổng thống còn kém lợi thế hơn vì quyền tự do lựa chọn của mình.2
Trò chơi này minh họa một quan điểm nhận thức tổng quát quan trọng. Đối với các quyết định từ một người, quyền tự do hành động mạnh mẽ hơn không bao giờ gây thiệt hại được. Nhưng trong trò chơi, nó có thể gây thiệt hại vì sự tồn tại của nó có thể ảnh hưởng đến hành động của người chơi. Ngược lại, sự kiểm soát trong hành động sẽ có lợi. Chúng ta sẽ khám phá “lợi thế của cam kết” trong Chương 6 và Chương 7.
Chúng tôi đã áp dụng phương pháp suy luận ngược trong cây trò chơi cho một trò chơi rất nhỏ (Charlie Brown) và mở rộng nó thành một trò chơi phức tạp hơn (quyền phủ quyết từng phần). Nguyên tắc chung vẫn được áp dụng, cho dù trò chơi có phức tạp đến mức nào. Nhưng các cây được vẽ ra cho các trò chơi mà mỗi người chơi có một số lựa chọn có sẵn tại bất kỳ điểm nào, và mỗi người chơi có nhiều lượt chơi, có thể nhanh chóng trở nên quá phức tạp để vẽ hoặc sử dụng. Chẳng hạn, trong cờ vua, 20 nhánh xuất hiện từ gốc – người chơi cầm quân trắng có thể di chuyển 1 trong số 8 quân tốt lên 1 hoặc 2 ô vuông, hoặc di chuyển 1 trong 2 quân xe theo 1 trong 2 cách. Đối với mỗi lựa chọn trong số này, người chơi cầm quân đen có 20 nước, vì vậy, chúng ta đã có đến 400 nhánh khác nhau. Số nhánh xuất hiện từ các giai đoạn sau trong cờ vua có thể lớn hơn. Giải quyết bài toán cờ vua đầy đủ bằng cách sử dụng phương pháp vẽ cây đã vượt quá khả năng của máy tính mạnh nhất hiện nay hoặc có thể được phát triển trong vài thập kỷ tới, do đó, chúng ta cần tìm hiểu các phương pháp phân tích từng phần khác. Chúng tôi sẽ thảo luận về cách các chuyên gia cờ vua giải quyết vấn đề này trong chương sau.
Giữa hai thái cực này tồn tại rất nhiều trò chơi khá phức tạp trong kinh doanh, chính trị và cuộc sống hằng ngày. Cả hai cách tiếp cận đều có thể được sử dụng cho các trò chơi này. Chương trình máy tính có sẵn để vẽ các cây và tính toán các giải pháp.3 Ngoài ra, nhiều trò chơi có độ phức tạp vừa phải có thể được giải quyết bằng logic trong phép phân tích cây, mà không cần phải vẽ cây rõ ràng. Chúng tôi minh họa điều này bằng cách sử dụng một trò chơi đã được chơi trong một chương trình truyền hình về trò chơi, nơi mà mỗi người
chơi cố gắng để “láu cá hơn, chơi giỏi hơn, bám trụ lâu hơn” người khác.
CHIẾN LƯỢC CHO CHƯƠNG TRÌNH SURVIVOR
Chương trình Survivor của đài CBS gồm nhiều trò chơi chiến lược hấp dẫn. Trong tập 6 của Survivor: Thái Lan, hai đội hoặc bộ lạc đã chơi một trò chơi thể hiện minh họa tuyệt vời về tư duy hướng về phía trước cùng suy diễn lùi trong lý thuyết và trong thực tiễn.4 21 lá cờ được cắm trong sân chơi của các bộ lạc, từng người lần lượt lấy cờ. Đến lượt mình, mỗi bộ lạc có thể chọn lấy 1, 2 hoặc 3 lá cờ. Nhóm lấy được lá cờ cuối cùng, cho dù lá cờ đó đứng một mình hoặc nằm trong nhóm 2 hoặc 3 lá cờ, sẽ giành chiến thắng.5 Bộ lạc thua cuộc phải bỏ phiếu loại một trong những thành viên của mình, và sẽ bị giảm sức mạnh trong các vòng thi tiếp theo. Thực ra, mất mát này rất nghiêm trọng và một thành viên của bộ lạc khác đã giành được giải thưởng cuối cùng trị giá 1 triệu đô-la. Do đó, khả năng tìm ra chiến lược đúng đắn cho trò chơi rất có giá trị.
Hai bộ lạc có tên là Sook Jai và Chuay Gahn; Sook Jai là đội đi trước. Họ bắt đầu bằng cách lấy 2 lá cờ và để lại 19 lá. Trước khi đọc tiếp, bạn hãy tạm dừng một phút và suy nghĩ. Nếu ở vị trí của họ, bạn sẽ chọn bao nhiêu lá cờ?
Hãy viết ra lựa chọn của bạn và đọc to lên. Để hiểu rõ hơn về cách chơi và so sánh chiến lược chính xác với cách mà hai bộ lạc đã chơi, chúng ta phải tập trung vào hai sự kiện đáng chú ý. Đầu tiên, mỗi bộ lạc đều có vài phút thảo luận về các trò chơi trước khi bắt đầu. Trong một cuộc thảo luận với Chuay Gahn, Ted Rogers, một trong số các thành viên, và cũng là một chuyên gia viết phần mềm người Mỹ gốc Phi, đã chỉ ra rằng: “Cuối cùng, chúng ta phải để lại cho họ 4 lá cờ.” Điều này đúng: nếu Sook Jai nhìn thấy 4 lá cờ, họ phải lấy 1 hoặc 2 hoặc 3, để Chuay Gahn lấy số còn lại là 3 hoặc 2 hoặc 1 ở lượt tiếp theo và giành chiến thắng. Chuay Gahn đã thực sự khai thác cơ hội này một cách đúng đắn; khi nhìn thấy 6 lá cờ, họ đã lấy 2 lá.
Nhưng ở đây có một sự kiện khác được tiết lộ. Trong lượt đi trước đó, ngay khi Sook Jai quay về sau khi lấy 3 lá cờ trong số 9 lá, một thành viên của họ, Shii Ann, một đấu thủ nhiệt huyết, tự hào về kỹ năng phân tích của mình: “Nếu bây giờ Chuay Gahn lấy 2 lá cờ, chúng ta sẽ thua.” Vì vậy, hành động vừa hoàn thành của Sook Jai sẽ là sai lầm. Lẽ ra họ nên làm gì?
Shii Ann, hoặc một trong những đồng đội Sook Jai của cô, lẽ ra nên suy luận như cách Ted Rogers đã làm nhưng theo logic là để lại cho đối thủ 4 lá cờ ở lượt tiếp theo của họ. Có cách nào đảm bảo được việc sẽ để lại cho bộ lạc kia 4 lá cờ vào lượt tiếp theo? Câu trả lời là để lại cho họ 8 lá cờ ở lượt đi trước. Khi họ lấy 1, 2 hoặc 3 trong số 8 lá cờ, bạn sẽ lấy 3, 2 hoặc 1 vào lượt tiếp theo của mình, để lại cho họ 4 lá cờ như kế hoạch. Vì vậy, Sook Jai lẽ ra nên giành lại ưu thế trước Chuay Gahn và chỉ nên lấy 1 trong số 9 lá cờ. Shii Ann đã tăng tốc kỹ năng phân tích chậm một bước! Ted Rogers có lẽ đã hiểu biết sâu sắc hơn về kỹ năng phân tích. Nhưng có thực là anh ấy đã hiểu?
Vì sao Sook Jai lại đối mặt với 9 lá cờ trong lần di chuyển trước của họ? Bởi vì Chuay Gahn đã lấy 2 từ 11 lá cờ tại lượt đi trước của đội này. Lẽ ra, Ted Rogers nên lý luận xa hơn một bước. Lẽ ra, Chuay Gahn nên lấy 3 lá cờ, để 8 lá lại cho Sook Jai, đưa Sook Jai vào thế thua.
Cách suy luận tương tự có thể được thực hiện ngược thêm nữa. Để giữ lại 8 lá cờ cho bộ lạc còn lại, bạn phải để lại cho họ 12 lá cờ ở lượt đi trước của họ; nghĩa là bạn phải để 16 lá cờ cho họ tại lượt trước trước đó và 20 lá tại lượt trước trước trước đó. Vì vậy, lẽ ra Sook Jai nên bắt đầu trò chơi bằng cách chỉ lấy 1 lá cờ, không phải 2 như họ đã làm. Sau đó, họ có thể cầm chắc phần thắng bằng cách để lại cho đội Chuay Gahn 20 lá, 16 lá… 4 tại các lượt chiến thắng của họ.********
Giờ hãy bàn về lượt đi đầu tiên của Chuay Gahn. Đội đã đối mặt với 19 lá cờ. Nếu họ suy diễn lùi đủ xa, họ sẽ lấy 3 lá cờ, để lại 16 lá cho Sook Jai và đẩy đội này vào con đường thất bại. Bắt đầu từ bất kỳ
điểm nào giữa trò chơi nơi đối thủ đã không chơi chính xác, đội đến lượt chơi có thể giành thế chủ động và chiến thắng. Tuy nhiên, Chuay Gahn cũng đã không chơi hoàn hảo trận này.********
Bảng dưới đây so sánh các nước đi thực tế và chính xác tại mỗi điểm trong trò chơi. (Mục “Không di chuyển” có nghĩa là tất cả các nước đi đều thất bại nếu đối thủ chơi đúng). Bạn có thể thấy rằng hầu như tất cả các lựa chọn đều sai, ngoại trừ lượt đi của Chuay Gahn khi phải đối mặt với 13 lá cờ, và điều đó chắc hẳn là vô tình, vì ở lượt tiếp theo, họ đã đối mặt với 11 lá cờ và lấy 2 lá cờ khi lẽ ra họ cần phải lấy 3 lá.
Trước khi đánh giá các bộ lạc, bạn nên nhận ra phải cần thời gian và kinh nghiệm để học cách chơi những trò chơi đơn giản. Chúng tôi đã chơi trò này giữa các cặp hoặc nhóm sinh viên trong các lớp học và nhận thấy rằng ngay cả sinh viên năm nhất các trường thuộc Ivy League cũng cần 3 hoặc thậm chí 4 lần chơi trước khi rút ra lý luận hoàn chỉnh và chơi chính xác ngay từ lượt đi đầu tiên. (Nhân tiện, bạn đã chọn số nào khi chúng tôi hỏi bạn, và lý luận của bạn là gì?).
Thật tình cờ, có vẻ mọi người học nhanh hơn bằng cách quan sát người khác chơi hơn là tự chơi; có lẽ người quan sát sẽ có góc nhìn rõ ràng hơn khi xem xét toàn bộ trò chơi và suy luận thông suốt hơn người trong cuộc.
CHUYẾN ĐI TỚI PHÒNG TẬP THỂ DỤC SỐ 1
Chúng ta hãy biến trò chơi lá cờ thành một vấn đề nan giải: Bây giờ, bạn có thể giành chiến thắng bằng cách buộc nhóm khác lấy lá cờ cuối cùng. Đó là động thái của bạn và có tất cả 21 lá cờ. Bạn sẽ lấy mấy cái?
Để làm rõ quan niệm của bạn về logic lập luận, chúng tôi xin cung cấp Chuyến đi thứ nhất tới phòng tập thể dục – những câu hỏi giúp bạn có thể thực hành và trau dồi các kỹ năng đang phát triển về tư duy chiến lược. Câu trả lời nằm trong phần Bài tập thể dục ở cuối cuốn sách.
Bây giờ, bạn đang được bài tập này khích lệ, hãy để chúng tôi tiếp tục suy nghĩ về một số vấn đề chung của chiến lược trong toàn bộ trò chơi này.
ĐIỀU GÌ KHIẾN BẠN HOÀN TOÀN CÓ THỂ GIẢI QUYẾT MỘT TRÒ CHƠI BẰNG SUY LUẬN LÙI?
Trò chơi 21 lá cờ có một điểm đặc biệt khiến nó trở thành trò chơi hoàn toàn có thể giải quyết được, đó là việc thiếu vắng sự không chắc chắn dưới bất kỳ hình thức nào: đó có thể là một số yếu tố cơ hội tự nhiên, động cơ và khả năng của người chơi khác hoặc hành động thực tế của họ. Đây có vẻ là một quan điểm đơn giản, nhưng nó cần một số sự diễn giải và làm rõ.
Trước tiên, tại bất cứ thời điểm nào trong trò chơi khi một bộ lạc thực hiện lượt chơi, bộ lạc đó sẽ biết chính xác tình hình ra sao, có bao nhiêu lá cờ còn lại. Trong nhiều trò chơi, có những yếu tố cơ hội
thuần túy tự nhiên xuất hiện hoặc nhờ vào các vị thần xác suất. Ví dụ, trong nhiều trò chơi bài, khi người chơi thực hiện một quyết định, họ không biết chắc liệu người chơi khác đang giữ những quân bài nào, dù các lượt đi trước đây của họ có thể đưa ra cơ sở để suy luận về điều đó. Trong các chương sau, những ví dụ và phân tích của chúng tôi sẽ bao gồm các trò chơi có yếu tố cơ hội tự nhiên này.
Thứ hai, bộ lạc thực hiện lựa chọn cũng biết mục tiêu của bộ lạc còn lại, đó là giành chiến thắng. Và Charlie Brown lẽ ra phải biết Lucy muốn thấy mình ngã. Người chơi nắm rõ kiến thức hoặc mục đích của người chơi khác trong nhiều trò chơi đơn giản và trong các môn thể thao, nhưng điều này chưa chắc đã đúng với những người chơi trong các trò chơi kinh doanh, chính trị và tương tác xã hội. Động cơ trong các trò chơi như vậy là sự kết hợp phức tạp của tính ích kỷ và vị tha, mối quan tâm đến công lý hay sự công bằng, những cân nhắc ngắn hạn và dài hạn… Để tìm ra lựa chọn của những người chơi khác tại các thời điểm trong tương lai của trò chơi, bạn cần phải biết mục tiêu của họ là gì, và trong trường hợp có nhiều mục tiêu, họ sẽ đánh đổi từng mục tiêu như thế nào. Bạn gần như không bao giờ có thể biết chắc chắn và phải dự đoán một cách có kỹ năng. Bạn không được giả định rằng người khác sẽ có cùng sự yêu thích như bạn, hoặc như một “người có lý trí” giả định, mà phải thực sự suy nghĩ về tình hình của họ. Đặt mình vào vị trí của người khác là một công việc khó khăn và thường phức tạp hơn nhiều do có sự liên quan của cảm xúc với mục tiêu và chặng đường theo đuổi mục tiêu đó của chính bạn. Chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về sự không chắc chắn này trong phần sau của chương và ở nhiều đoạn khác trong cuốn sách. Ở đây, chúng tôi chỉ ra rằng sự không chắc chắn về động cơ của những người chơi khác là một vấn đề mà việc tìm kiếm lời khuyên từ một bên thứ ba khách quan – một nhà tư vấn chiến lược – có thể giúp ích.
Cuối cùng, người chơi trong nhiều trò chơi phải đối mặt với sự không chắc chắn về lựa chọn của người chơi khác; điều này đôi khi được gọi là sự không chắc chắn mang tính chiến lược để phân biệt nó với các khía cạnh tự nhiên của cơ hội, chẳng hạn như sự sắp xếp các
thẻ bài hoặc độ nảy của một quả bóng từ một mặt phẳng không đồng đều. Trong 21 lá cờ, không có sự không chắc chắn mang tính chiến lược, bởi mỗi bộ lạc đều nhìn thấy và biết chính xác những gì bộ lạc kia đã làm trước đó. Nhưng trong nhiều trò chơi, người chơi thực hiện hành động của họ cùng lúc hoặc tuần tự liên tục đến nỗi họ không thể nhìn thấy những gì người kia đã làm để phản ứng lại. Một cầu thủ bóng đá đứng trước cú đá phạt phải quyết định nên đá sang bên trái hay bên phải, mà không biết quả bóng sẽ bay theo hướng nào; một xạ thủ giỏi sẽ che đậy ý định của mình cho đến một phần triệu của giây cuối cùng, bởi lúc đó đã quá muộn để đối thủ phản ứng. Điều này cũng đúng đối với kỹ thuật giao bóng và chuyền bóng trong quần vợt và nhiều môn thể thao khác. Mỗi người tham dự trong cuộc đấu giá kín phải tự đưa ra lựa chọn của mình mà không biết những nhà thầu khác đang lựa chọn những gì. Nói cách khác, trong nhiều trò chơi, người chơi thực hiện các hành động của họ đồng thời, và không theo một trình tự định trước. Loại suy luận cần thiết cho việc lựa chọn hành động của một người trong các trò chơi như vậy rất khác biệt, thậm chí khó hơn về một số mặt, với loại suy luận ngược thuần túy trong các trò chơi di chuyển liên tục như trò chơi 21 lá cờ; mỗi người chơi phải nhận thức được thực tế rằng những người khác đang có các lựa chọn có ý thức và lần lượt suy nghĩ về những gì người chơi đó đang nghĩ, cứ như thế. Những trò chơi mà chúng tôi xem xét trong các chương tiếp theo sẽ làm sáng tỏ các cách thức suy luận và giải pháp dành cho các trò chơi hành động đồng thời. Tuy nhiên, trong chương này, chúng tôi chỉ tập trung vào các trò chơi hành động theo trình tự, như ví dụ minh họa từ trò chơi 21 lá cờ và cờ vua, với mức độ phức tạp hơn nhiều.
Mọi người có thực sự giải quyết các trò chơi bằng suy luận ngược?
Suy luận lùi dọc theo cây sơ đồ là cách phân tích và giải quyết hữu hiệu các trò chơi mà người chơi hành động lần lượt. Những người hoàn toàn không làm được hoặc có linh cảm sẽ thất bại đang làm tổn hại đến chính các mục tiêu của họ; họ nên đọc cuốn sách của chúng tôi hoặc thuê một chuyên gia tư vấn chiến lược. Nhưng đó chỉ là
cách sử dụng mang tính tư vấn hoặc tính chuẩn mực của lý thuyết về suy luận ngược. Liệu lý thuyết này có giá trị giải thích như hầu hết các lý thuyết khoa học khác không? Nói cách khác, chúng ta có quan sát kết quả chính xác từ các trò chơi thực tế không? Các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực mới và thú vị như kinh tế học hành vi và lý thuyết trò chơi hành vi đã tiến hành nhiều thí nghiệm cho thấy bằng chứng hỗn hợp.
Có vẻ như những lời chỉ trích gây tổn hại nhất xuất phát từ trò chơi tối hậu thư. Đây là trò chơi thương lượng đơn giản nhất có thể, chỉ có một điều kiện: đồng-ý-hay-không-đồng-ý. Trò chơi tối hậu thư gồm hai người chơi, một “người đề xuất”, gọi là A và một “người phản hồi”, gọi là B, cùng một khoản tiền, giả sử là 100 đô-la. Người chơi A bắt đầu trò chơi bằng cách đề xuất chia 100 đô-la cho hai người. Sau đó, B quyết định có đồng ý với đề xuất của A hay không. Nếu B đồng ý, đề xuất được thực hiện; mỗi người chơi nhận được số tiền A đề xuất và trò chơi kết thúc. Nếu B từ chối, thì không người chơi nào nhận được tiền và trò chơi kết thúc.
CHUYẾN ĐI NHANH TỚI PHÒNG TẬP THỂ DỤC: ĐẢO NGƯỢC TRÒ CHƠI TỐI HẬU THƯ
Trong biến thể của trò chơi tối hậu thư, A đưa ra đề xuất cách chia 100 đô-la cho B. Nếu B đồng ý, số tiền được chia và trò chơi kết thúc. Nhưng nếu B từ chối, A phải quyết định có nên đưa ra đề xuất khác hay không. Mỗi đề xuất tiếp theo từ A cho B phải rộng rãi hơn. Trò chơi kết thúc khi hoặc B đồng ý hoặc A ngừng đưa ra đề xuất. Bạn dự đoán trò chơi này sẽ kết thúc như thế nào? Trong trường hợp này, chúng ta có thể giả sử rằng A sẽ tiếp tục đưa ra đề xuất cho đến khi anh ta đề xuất cho B 99 đô-la và giữ lại 1 đô-la cho chính mình. Như vậy, theo cây logic, B nên nhận được gần hết toàn bộ số tiền. Nếu bạn là B, bạn có từ chối cho đến khi được A đề xuất 99:1 không? Chúng tôi khuyên bạn nên từ chối nó thì hơn.
Hãy tạm dừng một phút và suy nghĩ. Nếu bạn chơi trò này trong vai trò bên A, bạn sẽ đề xuất cách chia số tiền ra sao?
Bây giờ, hãy nghĩ trò chơi này sẽ được chơi như thế nào giữa hai người “lý trí” theo quan điểm của lý thuyết kinh tế thông thường – có nghĩa là, mỗi người chỉ quan tâm đến lợi ích của mình và có thể tính toán hoàn hảo các chiến lược tối ưu để theo đuổi sự quan tâm đó. Người đề xuất (A) sẽ nghĩ như sau: “Cho dù tôi có đề nghị chia số tiền thế nào đi chăng nữa, B chỉ được lựa chọn giữa điều đó và không có gì. (Trò chơi chỉ được chơi một lần, vì vậy, B không có lý do gì để gây khó dễ, hoặc phản hồi “ăn miếng trả miếng” với hành động của A). Vì vậy, B sẽ chấp nhận bất cứ điều gì tôi đưa ra. Tôi có thể thu lợi lớn nhất bằng cách đưa cho B càng ít càng tốt – ví dụ, chỉ 1 xu, nếu đó là mức tối thiểu cho phép theo các quy tắc của trò chơi.” Vì vậy, A sẽ đưa ra mức tối thiểu này và B sẽ chấp nhận.********
Hãy tạm dừng và suy nghĩ một lần nữa. Nếu là B, bạn có chấp nhận 1 xu không?
Nhiều thí nghiệm về trò chơi này đã được tiến hành.6 Thông thường, có khoảng 20 đối tượng được tập hợp lại và được ghép ngẫu nhiên theo cặp. Ở mỗi cặp, vai trò của người đề xuất và người phản hồi sẽ được chỉ định, và họ chỉ được chơi một lần. Các cặp mới sẽ được tạo ngẫu nhiên và trò chơi sẽ được chơi lại. Thông thường, những người chơi không biết họ được ghép cặp với ai trong bất kỳ một màn chơi nào. Vì vậy, người thực hiện thử nghiệm có thể quan sát nhiều lần từ cùng một nhóm trong cùng một lượt chơi, nhưng không có khả năng có mối quan hệ nào được hình thành có thể ảnh hưởng đến hành vi. Trong khuôn khổ chung này, nhiều biến thể của các điều kiện đã được áp dụng, để nghiên cứu ảnh hưởng của chúng đến các kết quả.
Sự phân tâm của chính bạn về việc bạn sẽ hành động như thế nào trong vai trò người đề xuất và người phản hồi có thể khiến bạn tin rằng kết quả của trò chơi này trong thực tế sẽ khác với giả thuyết về lý thuyết ở trên. Đúng là chúng khác nhau, thông thường và kịch tính
như vậy. Số tiền đề nghị trả cho người phản hồi giữa những người đề xuất cũng khác nhau, nhưng 1 xu hoặc 1 đô-la, hoặc trên thực tế là bất cứ con số nào dưới 10% tổng số tiền, là rất hiếm. Đề xuất trung bình (một nửa số người đề xuất ít hơn và một nửa đề xuất nhiều hơn) nằm trong khoảng 40-50%; trong nhiều thử nghiệm, việc chia đôi 50:50 là đề xuất thường gặp nhất. Các đề xuất đưa cho người phản hồi dưới 20% hầu như đều bị từ chối.
TÍNH PHI LÝ SO VỚI TÍNH HỢP LÝ CỦA VIỆC QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC
Tại sao những người đề xuất lại đề nghị trao một phần khá lớn cho người phản hồi? Có ba lý do. Thứ nhất, người đề xuất không suy diễn ngược một cách chính xác. Thứ hai, người đề xuất có thể có động cơ khác ngoài mong muốn ích kỷ thuần túy là sở hữu càng nhiều càng tốt; họ hành động theo chủ nghĩa vị tha hoặc hướng đến sự công bằng. Thứ ba, họ lo sợ người phản hồi có thể sẽ từ chối các đề nghị thấp.
Lý do đầu tiên không thể xảy ra vì logic của suy luận ngược rất đơn giản trong trò chơi này. Trong các tình huống phức tạp hơn, người chơi có thể không thực hiện đầy đủ hoặc chính xác các phép tính cần thiết, đặc biệt nếu họ là những người mới tham gia trò chơi đó, như chúng ta đã thấy trong ví dụ về trò 21 lá cờ. Tuy nhiên, trò chơi tối hậu thư chắc chắn phải đủ đơn giản, ngay cả đối với những người mới chơi. Lời giải thích phải là lý do thứ hai, thứ ba hoặc là sự kết hợp của cả hai.
Kết quả ban đầu từ các thử nghiệm về trò tối hậu thư nghiêng về lý do thứ ba. Trên thực tế, Al Roth và các đồng tác giả đến từ Đại học Harvard nhận thấy rằng, xét trên kiểu ngưỡng từ chối chiếm ưu thế trong nhóm nghiên cứu của họ, những người đề nghị đã lựa chọn các đề xuất của họ nhằm đạt được sự cân bằng tối ưu giữa viễn cảnh có được một phần tiền lớn hơn cho bản thân và nguy cơ bị từ chối. Điều này cho thấy sự hợp lý thông thường đáng chú ý trên một nhóm người đề xuất.
Tuy nhiên, các thử nghiệm tiếp theo nhằm phân biệt khả năng thứ hai và thứ ba đã dẫn đến một ý tưởng khác biệt. Để phân biệt giữa lòng hào phóng và chiến lược, các nhà khoa học đã thực hiện thử nghiệm sử dụng một biến thể gọi là trò chơi độc tài. Ở đây, dù người đề xuất đưa ra đề nghị phân chia tổng số tiền sẵn có như thế nào, người phản hồi cũng không được phép ý kiến. Người đề xuất trong trò chơi độc tài đề nghị những khoản tiền nhỏ hơn đáng kể so với những gì họ đề nghị trong trò chơi tối hậu thư dù chúng vẫn lớn hơn 0. Vì vậy, có thể giải thích rằng hành vi của người đề xuất trong trò chơi tối hậu thư bao gồm cả hai khía cạnh: hào phóng và chiến lược.
Sự hào phóng xuất phát từ lòng vị tha hay mối sự quan tâm đến sự công bằng? Cả hai cách giải thích đều là những khía cạnh khác nhau của cái được gọi là sự quan tâm đến người khác theo quyền ưu tiên của con người. Có một phiên bản khác của thử nghiệm giúp phân biệt hai khả năng này. Trong thiết lập thông thường, sau khi các cặp được hình thành, vai trò của người đề xuất và người phản hồi được chỉ định bởi cơ chế ngẫu nhiên giống như tung đồng xu. Điều này có thể được xây dựng từ quan điểm về sự bình đẳng hoặc công bằng trong tâm trí của người chơi. Để loại bỏ điều này, một phiên bản của trò chơi đã chỉ định vai trò của người chơi bằng cách tổ chức một cuộc thi đầu vào, chẳng hạn như kiểm tra kiến thức tổng quát, và cho người chiến thắng làm người đề xuất. Điều này khiến người đề xuất ý thức được đặc quyền của mình, và thực sự đã dẫn đến các đề nghị thấp hơn trung bình khoảng 10%. Tuy nhiên, những lời đề nghị vẫn còn cách rất xa mức 0, cho thấy những người đề xuất cũng có suy nghĩ vị tha. Hãy nhớ rằng họ không biết danh tính của những người phản hồi, vì vậy, đây phải là cảm giác khái quát về lòng vị tha, chứ không phải là sự quan tâm đến hạnh phúc của một người cụ thể.
Sự khác biệt thứ ba về sở thích cá nhân cũng có thể xảy ra: sự phân chia có thể bị thúc đẩy bởi cảm giác xấu hổ. Jason Dana đến từ Đại học Illinois, Daylian Cain đến từ Trường Quản lý Yale và Robyn Dawes đến từ Đại học Carnegie-Mellon đã thực hiện một thử nghiệm với các phiên bản sau đây của trò chơi nhà độc tài.7 Nhà độc tài được yêu cầu phân chia 10 đô-la. Sau khi phân chia xong, trước khi
số tiền được trao cho bên kia, nhà độc tài nhận được đề nghị sau: Anh có thể nhận được 9 đô-la, còn người kia sẽ không nhận được gì và họ sẽ không bao giờ biết rằng đó là một phần của thử nghiệm này. Hầu hết các nhà độc tài đều chấp nhận đề nghị này. Vì vậy, họ sẽ hy sinh 1 đô-la để đảm bảo rằng người kia không bao giờ biết họ đã tham lam đến mức nào. (Một người vị tha sẽ muốn giữ 9 đô-la và cho đi 1 đô-la để giữ 9 đô-la trong khi người kia không được nhận gì). Ngay cả khi nhà độc tài đưa ra đề xuất 3 đô-la, anh ta sẽ lấy nó đi để bảo đảm người kia không biết. Điều này cũng giống như cái giá phải trả khi băng qua đường nhằm tránh, thay vì chi một khoản tiền nhỏ cho người ăn xin.
Hãy xem xét hai nhận xét về các thử nghiệm này. Thứ nhất, chúng tuân theo phương pháp chuẩn của khoa học: các giả thuyết được kiểm tra bằng cách thiết kế các biến thể kiểm soát thích hợp trong thử nghiệm. Chúng tôi đề cập đến một số biến thể nổi bật của loại này tại đây. (Nhiều biến thể khác được thảo luận trong cuốn sách của Colin Camerer được trích dẫn trong Chương 2, ghi chú số 6.) Thứ hai, trong khoa học xã hội, nhiều nguyên nhân thường cùng tồn tại, mỗi nguyên nhân lại đóng góp một phần vào lời giải thích cho cùng một hiện tượng. Giả thuyết không nhất thiết phải hoàn toàn đúng hoặc sai; chấp nhận một yêu cầu không có nghĩa là phải từ chối tất cả những yêu cầu khác.
Bây giờ, hãy xem xét hành vi của những người phản hồi. Tại sao họ lại từ chối một đề xuất khi biết rằng đề xuất thay thế sau đó thậm chí còn ít hơn? Lý do không thể là để gây tiếng vang như một nhà thương lượng cứng rắn nhằm giúp họ thành công trong những lần chơi tới của trò chơi này hoặc các trò chơi chia số khác. Mỗi cặp sẽ không chơi cùng nhau liên tục, và hành vi trong quá khứ của một người chơi không được ghi lại để những người chơi cùng họ trong tương lai tham khảo. Ngay cả khi có động cơ về danh tiếng, nó phải mang một hình thức sâu sắc hơn: một nguyên tắc chung cho hành động để người phản hồi có thể tuân theo mà không cần suy nghĩ hoặc tính toán rõ ràng trong mỗi trường hợp. Nó phải là một hành động bản năng hay một phản ứng theo cảm xúc. Trường hợp này
quả đúng như vậy. Trong một dòng nghiên cứu thực nghiệm mới – được gọi là kinh tế học thần kinh, hoạt động não của đối tượng được quét bằng cách sử dụng chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) hoặc chụp cắt lớp phát xạ (PET) trong lúc họ đưa ra các quyết định kinh tế khác nhau. Khi các trò chơi tối hậu thư được chơi trong những điều kiện như vậy, người ta thấy não trước của người phản hồi hoạt động nhiều hơn khi đề nghị mà người đề nghị đưa ra ngày càng bất bình đẳng. Vì não trước hoạt động tích cực về cảm xúc, chẳng hạn như tức giận hay ghê tởm, nên kết quả này sẽ giúp giải thích tại sao người chơi thứ hai lại từ chối các đề xuất bất bình đẳng. Ngược lại, phần vỏ não trước trán bên trái sẽ hoạt động tích cực hơn khi đề xuất bất bình đẳng được chấp nhận, cho thấy việc kiểm soát ý thức được thực hiện để cân bằng giữa hành động thể hiện sự ghê tởm của một người và việc nhận được nhiều tiền hơn.8
Nhiều người (đặc biệt là các nhà kinh tế học) cho rằng mặc dù những người phản hồi có thể từ chối các khoản tiền nhỏ thường được đề nghị trong các thử nghiệm thực tế, nhưng trong thế giới thực, nơi số tiền được chia thường lớn hơn rất nhiều, việc từ chối lại rất khó xảy ra. Để kiểm tra điều này, người ta tiến hành các thí nghiệm trò chơi tối hậu thư tại các quốc gia nghèo hơn, nơi các khoản đề xuất có giá trị tương đương vài tháng thu nhập của những người tham gia. Hiếm khi xảy ra trường hợp người tham gia từ chối, dù những khoản đề xuất cũng không lớn hơn là bao. Hậu quả của việc từ chối đối với người đề xuất cũng như người phản hồi trở nên nghiêm trọng hơn, vì vậy, người đề xuất lo sợ bị từ chối sẽ hành động thận trọng hơn.
Dù hành vi có thể được giải thích một phần là vì bản năng, hoóc môn, hoặc cảm xúc, nhưng nó chủ yếu phụ thuộc vào nền văn hóa. Trong các thử nghiệm được thực hiện ở nhiều quốc gia, người ta khám phá ra rằng nhận thức về những yếu tố tạo thành một đề xuất hợp lý biến đổi đến 10% ở các nước, nhưng các tính cách như hung hăng hoặc cứng rắn lại biến đổi ít hơn. Chỉ có một nhóm khác biệt đáng kể so với số còn lại: trong số những người thuộc bộ tộc Machiguenga ở rừng Amazon thuộc Peru, những đề xuất đưa ra có giá trị thấp hơn nhiều (trung bình 26%) nhưng chỉ có một đề xuất bị
từ chối. Các nhà nhân chủng học giải thích rằng bộ tộc Machiguenga sống trong những gia đình ít người, không có kết nối với xã hội, và không có những tiêu chuẩn về chia sẻ. Ngược lại, trong hai nền văn hóa nơi các đề nghị vượt quá mức 50%; người dân ở đây có thông lệ hào phóng tặng tiền khi một người gặp may mắn, điều này làm người nhận cảm thấy có nghĩa vụ phải trả ơn hào phóng hơn nữa trong tương lai. Tiêu chuẩn hoặc thói quen này dường như thể hiện trong suốt cuộc thử nghiệm dù những người chơi không biết họ trao hay nhận từ ai. 9
Sự tiến hóa của chủ nghĩa vị tha và công bằng
Chúng ta nên rút ra điều gì từ những phát hiện của các thử nghiệm này trong trò tối hậu thư, và những trò chơi khác tương tự? Nhiều kết quả khác biệt đáng kể so với những gì chúng ta mong đợi dựa trên lý thuyết suy diễn lùi với giả định rằng mỗi người chơi chỉ quan tâm đến phần thưởng của mình. Trong hai nhận định – phép tính lùi chính xác hay sự ích kỷ – nhận định nào là sai, hay cả hai đều sai? Và ẩn ý ở đây là gì?
Hãy phân tích giả định về suy luận ngược trước. Chúng tôi thấy những người chơi trong chương trình Survivor đã không áp dụng chính xác hoặc tuyệt đối cách suy luận này trong trò chơi 21 lá cờ. Nhưng đó là lần đầu tiên họ chơi trò này, và thậm chí sau đó, cuộc thảo luận của họ đã biểu lộ những suy luận đúng đắn thoáng qua. Trải nghiệm trong lớp học của chúng tôi cho thấy sinh viên tiếp thu được toàn bộ chiến lược sau khi chơi, hoặc quan sát trò chơi, chỉ sau 3 hoặc 4 lần. Nhiều thử nghiệm chắc chắn và gần như cố ý chọn các đối tượng mới bắt đầu chơi, trong đó hành động chơi của họ thường đồng nghĩa với các bước của quá trình nghiên cứu trò chơi. Trong thế giới kinh doanh, chính trị và thể thao chuyên nghiệp, nơi mọi người có kinh nghiệm về các trò chơi mà họ tham gia, chúng ta nên kỳ vọng rằng những người chơi đã tích lũy được nhiều kiến thức hơn và họ thường áp dụng các chiến lược hiệu quả thông qua việc tính toán. Đối với các trò chơi phức tạp hơn, người chơi hiểu về chiến thuật có thể nhờ máy tính hoặc người tư vấn thực hiện các phép
tính; cách làm này vẫn chưa phổ biến nhưng chắc chắn sẽ lan rộng trong tương lai. Do đó, chúng tôi tin rằng suy luận ngược vẫn nên là xuất phát điểm để phân tích và dự đoán kết quả của các trò chơi như vậy.
Chúng tôi tin rằng bài học quan trọng hơn từ nghiên cứu thực nghiệm là bên cạnh những phần thưởng, mọi người có nhiều sự cân nhắc và ưu tiên khác làm ảnh hưởng đến các lựa chọn của họ. Điều này đưa chúng ta vượt qua phạm vi của lý thuyết kinh tế thông thường. Các nhà lý luận trò chơi nên đưa vào các phân tích trò chơi những mối quan tâm của người chơi đối với sự công bằng hay lòng vị tha. “Lý thuyết trò chơi hành vi nên mở rộng tính hợp lý hơn là bỏ qua nó.”10
Đây là điều tốt; hiểu biết tốt hơn về động cơ của mọi người làm phong phú thêm hiểu biết của chúng ta về quyết định kinh tế và tương tác chiến lược.11 Nhưng chúng ta không nên dừng lại ở đó mà nên tiến thêm một bước và suy nghĩ xem tại sao những quan tâm về lòng vị tha, sự công bằng, sự tức giận hoặc ghê tởm khi ai đó vi phạm các quy tắc, có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến con người. Điều này đưa chúng ta đến với lĩnh vực đầu cơ, nhưng tâm lý học tiến hóa cũng đưa ra lời giải thích hợp lý. Các nhóm truyền bá chuẩn mực công bằng và vị tha đến các thành viên sẽ ít xung đột nội bộ hơn các nhóm bao gồm các cá nhân ích kỷ thuần túy. Do đó, họ sẽ thành công hơn khi thực hiện các hành động tập thể, như cung cấp hàng hóa mang lại lợi ích cho cả nhóm, bảo tồn các nguồn tài nguyên chung, nhờ đó họ cũng tốn ít công sức và nguồn lực hơn cho xung đột nội bộ. Kết quả là, họ sẽ làm tốt hơn trong cạnh tranh với những nhóm không có các quy tắc tương tự. Nói cách khác, một số thước đo công bằng và vị tha có thể có giá trị sinh tồn tiến hóa.
Một số bằng chứng sinh học về việc từ chối các đề xuất không công bằng xuất phát từ một thử nghiệm của Terry Burnham.12 Trong trò chơi tối hậu thư của anh, số tiền đề nghị là 40 đô-la và các đối tượng là nam sinh viên tốt nghiệp Harvard. Người đề xuất chỉ có hai lựa chọn: chia 25 đô-la và giữ lại 15 đô-la hoặc chia 5 đô-la và giữ lại 35 đô-la. Trong số những người được đề nghị nhận 5 đô-la, có 20 sinh
viên chấp nhận và 6 người từ chối, không nhận gì về cho mình và người đề xuất. Giờ là điểm mấu chốt: hóa ra 6 người từ chối có mức hoóc-môn testosterone cao hơn 50% so với những người chấp nhận đề nghị.
Trong trường hợp testosterone có liên quan đến địa vị và sự căng thẳng, điều này cho thấy một liên kết di truyền có thể giải thích được lợi thế tiến hóa mà nhà sinh học tiến hóa Robert Trivers gọi là “sự gây hấn cố chấp”.
Ngoài liên kết di truyền tiềm ẩn, xã hội còn có những phương cách không di truyền trong việc kế thừa các tiêu chuẩn, như quá trình giáo dục và xã hội hóa trẻ sơ sinh và trẻ em trong gia đình cũng như trường học. Chúng tôi thấy cha mẹ và giáo viên nói với những trẻ dễ bị tác động về tầm quan trọng của việc quan tâm đến người khác, sự sẻ chia và lòng tốt; một số điều này chắc chắn vẫn còn in dấu trong tâm trí của chúng và ảnh hưởng đến hành vi trong suốt cuộc đời chúng.
Cuối cùng, chúng ta nên chỉ ra rằng sự công bằng và vị tha là có giới hạn. Sự tiến bộ và thành công lâu dài của một xã hội cần sự đổi mới và thay đổi. Điều này lại đòi hỏi chủ nghĩa cá nhân và sự sẵn sàng thách thức các chuẩn mực xã hội cũng như trí tuệ thông thường; trong khi tính ích kỷ thường đi kèm với những đặc điểm này. Chúng ta cần sự cân bằng giữa hành vi xem trọng bản thân và hành vi quan tâm đến người khác.
NHỮNG CÂY CỰC KỲ PHỨC TẠP
Khi đã thu thập được một chút kinh nghiệm về suy luận ngược, bạn sẽ thấy nhiều tình huống chiến lược trong cuộc sống hằng ngày hoặc công việc được áp dụng lên “cây logic” mà không cần phải vẽ và phân tích cây một cách rõ ràng. Nhiều trò chơi khác ở mức độ phức tạp trung bình có thể giải quyết bằng các chương trình phần mềm máy tính được sản xuất ngày càng nhiều cho mục đích này. Nhưng đối với các trò chơi phức tạp như cờ vua, một giải pháp hoàn chỉnh bằng suy luận ngược là hoàn toàn không khả thi.
Về nguyên tắc, cờ vua là trò chơi lý tưởng gồm các bước di chuyển liên tục có thể được giải quyết bằng suy luận ngược.13 Người chơi thay đổi nước đi của họ; tất cả các nước đi trước đây đều được quan sát và không thể thay đổi; vị trí hoặc động cơ của người chơi là chắc chắn. Quy tắc ván cờ hòa khi lặp lại cùng một vị trí nhằm đảm bảo ván cờ sẽ kết thúc chỉ trong một số nước đi hữu hạn. Chúng ta có thể bắt đầu với các nút đầu cuối (hoặc các điểm cuối) và suy luận ngược. Tuy nhiên, thực tiễn và nguyên tắc là hai chuyện khác nhau. Người ta ước tính tổng số các nút trong cờ vua là khoảng 10120, nghĩa là, số 1 với 120 số 0 sau nó. Một siêu máy tính nhanh gấp 1.000 lần máy tính thông thường sẽ cần 10103 năm để kiểm tra tất cả các nút. Chờ đợi điều đó là vô ích; những tiến bộ khả dĩ trong ngành máy tính không thể cải thiện đáng kể các vấn đề. Trong khi chờ đợi, những người chơi cờ vua và các nhà lập trình máy tính cờ vua đã làm gì?
Các chuyên gia về cờ vua đã thành công trong việc mô tả các chiến lược tối ưu gần cuối của trò chơi. Một khi bàn cờ chỉ có số ít quân cờ trên đó, các chuyên gia có thể xem xét điểm kết thúc của ván cờ và xác định bằng suy luận ngược rằng liệu có bên nào nắm chắc phần thắng hoặc bên nào có thể có một trận hòa. Nhưng vào giữa ván cờ, khi còn nhiều quân cờ trên bàn, việc này sẽ khó khăn hơn. Khả năng dự đoán được 5 nước cờ tiếp theo của hai bên, tương đương với số nước cờ một chuyên gia có thể đoán được trong một khoảng thời gian hợp lý, sẽ không thể đơn giản hóa tình huống thành điểm mà từ đây, ta có thể suy ra cái kết của ván cờ.
Giải pháp thực tế là sự kết hợp của phân tích tương lai và đánh giá giá trị. Phân tích tương lai là môn khoa học về lý thuyết trò chơi – nhìn về phía trước và suy luận ngược lại. Đánh giá giá trị là nghệ thuật của người thực hành – đó là khả năng đánh giá giá trị của một vị trí trên bàn cờ từ số lượng và các kết nối với quân cờ mà không cần tìm một giải pháp rõ ràng cho ván cờ từ điểm đó trở đi. Người chơi cờ vua thường ví điều này như là “kiến thức”, nhưng bạn có thể gọi đó là trải nghiệm, bản năng hay nghệ thuật. Những người chơi cờ
vua giỏi nhất thường được phân biệt qua chiều sâu và sự tinh tế trong kiến thức của họ.
Kiến thức có thể được chắt lọc từ việc quan sát nhiều lần chơi và nhiều người chơi, sau đó được viết thành quy tắc. Việc này đã được thực hiện rộng rãi nhất trong các phần mở đầu, đó là 10 hoặc thậm chí 15 lượt đi đầu tiên của một trò chơi. Có vô vàn cuốn sách phân tích các phần mở đầu khác nhau, đồng thời thảo luận về những ưu và nhược điểm tương đối của chúng.
Máy tính sẽ làm gì để phù hợp với bối cảnh này? Từng có lúc, dự án lập trình máy tính để chơi cờ vua được coi là một phần không thể tách rời của khoa học trí tuệ nhân tạo đang nổi lên; mục đích của việc này là thiết kế các máy tính có thể tư duy như con người. Điều này đã không thành công trong nhiều năm. Sau đó, sự chú ý chuyển sang sử dụng máy tính để làm những gì chúng thực hiện tốt nhất, tính toán các con số. Máy tính có thể phán đoán trước nhiều nước đi hơn, và làm việc này nhanh hơn con người.******** Vào cuối những năm 1990, chỉ bằng cách tính toán con số, các máy tính cờ vua chuyên dụng như Fritz và Deep Blue có thể cạnh tranh với các kỳ thủ hàng đầu. Gần đây hơn, máy tính đã được lập trình với một số kiến thức về các vị trí trung bình, được cập nhật bởi một số kỳ thủ giỏi nhất.
Người chơi được đánh giá dựa trên thành tích của họ; các máy tính xếp hạng cao nhất đã đạt được hệ số xếp hạng ngang với hệ số 2.800 của hiện tượng số một thế giới, Garry Kasparov. Vào tháng 11 năm 2003, Kasparov đã thi đấu một trận gồm 4 ván với phiên bản mới nhất của máy tính Fritz, X3D. Kết quả là mỗi bên thắng 1 ván và hòa 2 ván. Vào tháng 7 năm 2005, máy tính đánh cờ Hydra đã vượt qua Michael Adams, kỳ thủ hạng thứ 13 thế giới, thắng 5 ván và hòa 1 ván trong trận đấu gồm 6 ván cờ. Có thể không lâu nữa sẽ diễn ra viễn cảnh hai máy tính đối đầu nhau tranh chức vô địch thế giới.
Bạn nên rút ra điều gì từ trường hợp của cờ vua? Nó cho thấy phương pháp suy luận về bất kỳ trò chơi cực kỳ phức tạp nào mà
bạn có thể phải đối mặt. Bạn nên kết hợp nguyên tắc nhìn về tương lai và suy luận ngược với kinh nghiệm của bản thân, từ đó đánh giá các vị trí trung gian đạt được khi kết thúc quá trình dự đoán tương lai. Thành công sẽ đến từ sự tổng hòa của khoa học về lý thuyết trò chơi và nghệ thuật chơi một trò chơi cụ thể, chứ không phải từ một trong hai yếu tố này.
Ở CẢ HAI VAI TRÒ
Chiến lược chơi cờ vua minh họa cho một tính năng thực tế quan trọng khác của việc nhìn về tương lai và suy luận ngược: bạn phải chơi trò chơi từ góc nhìn của cả hai người. Để tính toán được nước đi tốt nhất của bạn trong một cây logic phức tạp đã khó, việc dự đoán phía bên kia sẽ làm gì thậm chí còn khó hơn.
Nếu bạn thực sự có thể phân tích tất cả các nước đi khả thi và các nước đi đáp trả từ đối thủ, và người chơi còn lại cũng có thể dự đoán như vậy, thì hai người nên thống nhất trước cách chơi. Nhưng một khi phân tích bị giới hạn xung quanh việc xem xét chỉ một số nhánh trên cây, người chơi còn lại có thể thấy điều bạn chưa nhìn ra hoặc bỏ lỡ điều bạn thấy. Dù bằng cách nào đi nữa, thì sau đó đối thủ của bạn có thể sẽ thực hiện một nước đi mà bạn không thể dự đoán được.
Để thực sự nhìn về tương lai và suy luận ngược, bạn phải đoán trước những hành động thực sự của người chơi khác, chứ không phải những gì bạn lẽ ra đã làm ở vị trí của họ. Vấn đề là khi bạn cố gắng đặt mình vào vị trí của người chơi khác, rất khó, thậm chí là không khả thi, để có thể hoàn toàn quên đi vị trí của mình. Bạn đã biết quá nhiều về những gì định làm trong lần hành động tiếp theo của mình và thật khó để quên những thông tin chủ quan đó khi xem xét trò chơi từ quan điểm của người chơi khác. Thật vậy, điều đó giải thích lý do mọi người không chơi cờ vua (hay poker) với chính họ. Bạn chắc chắn không thể lừa gạt hoặc bất ngờ tấn công chính mình.
Không có giải pháp hoàn hảo cho vấn đề này. Khi cố gắng đặt mình vào vị trí của người chơi khác, bạn phải biết những gì họ biết và