🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nghệ Thuật Đánh Cắp Ý Tưởng - Austin Kleon Ebooks Nhóm Zalo Lời giới thiệu – TẠ QUỐC KỲ NAM Khi nhận viết lời giới thiệu cho cuốn sách này, việc đầu tiên tôi làm là Google cách viết lời giới thiệu. B ìa sách đầu tiên tôi thiết kế, bài nói chuyện truyền cảm hứng đầu tiên tôi trình bày, clip quảng cáo đầu tiên tôi thiết kế bối cảnh, hay thậm chí vai diễn nhỏ tôi đóng trong phim… tất cả đều khởi đầu bằng việc tôi xem người khác đã làm thế nào, rồi tìm cách mô phỏng lại với vốn liếng ít ỏi mình có. Hay nói nôm na, tôi tìm cái để “đánh cắp”. Mười năm làm nhiều vai trò trong các công việc sáng tạo, khi hiệu đính và đọc lại cuốn cẩm nang cụ thể và thực tế này, tôi thấy mình trong những lời khuyên và mẹo vặt tác giả đúc kết. Và tôi chắc chắn bạn cũng vậy – ngay cả khi bạn không làm những công việc được dán nhãn sáng tạo hay nghệ thuật. Bạn trồng cây theo cách ai đó đã thử nghiệm, nấu ăn theo công thức học lỏm từ mẹ hay food blogger, chụp và chỉnh màu một bức ảnh hao hao tạp chí du lịch… Vô thức, trái tim ham học hỏi và đôi mắt thích quan sát của chúng ta đã gom nhặt rất nhiều thành quả của những người đi trước để tạo nên gì đó cho mình. “Sáng tạo là gì?”, “ranh giới giữa tìm cảm hứng và đạo nhái?”, “làm sao để làm tốt hơn việc mình đang làm?” và “ý tưởng đến từ đâu?”… Người ta kiếm rất nhiều tiền từ việc trả lời những câu hỏi này qua những khoá học, workshop, sách self-help… Nhưng cuốn sách này sẽ khiến bạn ngưng làm mình mệt mỏi với các câu hỏi sáo mòn ấy và đưa bạn đến bước tiếp theo hiệu quả hơn: bắt đầu “đánh cắp” những điều hay ho như cách những người bạn thần tượng làm nên sự nghiệp của họ, và bạn sẽ làm chuyện ấy tỉnh táo và bài bản – như một nghệ sĩ. “Nghệ thuật là sự đánh cắp.” — Pablo Picasso “Những nhà thơ non trẻ chỉ biết bắt chước; nhà thơ già dặn thì biết đánh cắp; một ngòi bút kém cỏi sẽ làm xấu đi thứ họ lấy, còn ngòi bút sắc sảo sẽ biến nó thành một thứ tốt hơn, hoặc ít nhất cũng đem lại sự khác biệt. Nhà thơ giỏi sẽ tôi luyện thứ gã đã đánh cắp thành một thứ cảm xúc hoàn toàn khác biệt và độc nhất so với nguyên mẫu.” — T. S. Eliot Thằng Tôi năm 19 tuổi – lúc cần lắm vài lời khuyên Mọi lời khuyên đều mang tính tự nhủ M ột trong những lý thuyết của tôi là khi mà ai đó cho bạn một lời khuyên, họ thực ra chỉ đang nói với chính bản thân mình trong quá khứ. Cuốn sách này là lời của tôi nói với một bản thể trước kia của chính mình. Đây là những điều mà tôi đã học và đúc kết được qua hơn một thập kỷ cố gắng tìm tòi cách làm nghệ thuật, nhưng thật hài hước vì khi tôi bắt đầu chia sẻ chúng với mọi người – tôi đã nhận ra rằng chúng không chỉ dành riêng cho nghệ sỹ. Chúng dành cho tất cả. Những ý tưởng này áp dụng cho bất kỳ ai đang cố gắng thêm một chút sáng tạo vào cuộc sống và công việc của mình. (Chắc hẳn câu này miêu tả tất cả chúng ta) Nói cách khác là: Cuốn sách này dành cho bạn Cho dù bạn là ai, dù bạn muốn làm gì. Cùng bắt đầu nào. 1 Đánh cắp như một nghệ sĩ Người nghệ sỹ nhìn thế giới như thế nào? M ọi nghệ sỹ đều được hỏi rằng: “Anh lấy những ý tưởng đó từ đâu vậy?” Người nghệ sỹ trung thực trả lời, “Tôi đánh cắp chúng.” Vậy một người nghệ sỹ nhìn thế giới như thế nào? Đầu tiên, anh ta tìm ra thứ gì đó đáng để “đánh cắp”, sau đó tiếp tục tìm đến thứ tiếp theo. Thật ra tất cả chỉ có vậy. Khi bạn nhìn vào thế giới theo cách này, bạn sẽ không còn lo lắng về thứ gì là “tốt” hay “dở” nữa – mà chỉ còn những thứ đáng để “đánh cắp” và những thứ không đáng “đánh cắp”. Mọi thứ đều sẵn có chờ bạn chộp lấy. Nếu bạn không thấy một thứ đáng để “đánh cắp” ngày hôm nay, rất có thể bạn sẽ thấy nó đáng “đánh cắp” ngày hôm sau, một tháng hay một năm sau đó. “TÔI CHỈ HỌC THỨ NGHỆ THUẬT MÀ TÔI CÓ THỂ ĐÁNH CẮP ĐƯỢC.” – David Bowie Không có gì là nguyên gốc Tiểu thuyết gia Jonathan Lethem từng nói rằng khi mọi người gọi thứ gì đó là “nguyên gốc” thì 9/10 lần là do họ không biết về những tài liệu tham khảo hay nguồn gốc của nó. Một người nghệ sỹ giỏi sẽ hiểu được rằng chẳng có gì xuất phát từ hư vô. Mọi tác phẩm sáng tạo đều được xây dựng trên những gì đã có từ trước. Không có gì là hoàn toàn nguyên gốc cả. Ngay trong Kinh Thánh cũng viết: “Chẳng có gì là mới mẻ dưới ánh mặt trời.” (Trích Ecclesiastes 1:9) Nhiều người thấy buồn bực vì điều này, nhưng nó lại cho tôi hi vọng. Như cách mà nhà văn người Pháp André Gide đã giải thích, “Tất cả những điều cần được nói đều đã được nói lên rồi, nhưng vì chẳng ai lắng nghe cả, nên mọi thứ đều phải được nhắc lại.” Nếu thoát ly khỏi gánh nặng của việc phải cố gắng để trở nên hoàn toàn nguyên bản, chúng ta có thể dừng việc cố gắng tạo nên một thứ gì đó từ không gì cả, và chúng ta có thể đón nhận sự ảnh hưởng thay vì chối bỏ nó. “Sự nguyên bản là gì? Là đạo Nhái chưa bị phát hiện.” – William Ralph Inge Phả hệ của những ý tưởng Mọi ý tưởng mới chỉ là một hỗn hợp hay một bản phối lại của một hay nhiều ý tưởng trước đó. Có một mẹo hay mà nhiều người được dạy trong trường nghệ thuật. Hãy vẽ hai đường thẳng song song trên một tờ giấy: Có bao nhiêu đường ở hình trên? Có đường thứ nhất, đường thứ hai, và rồi lại có một đường màu trắng chạy giữa hai đường bạn đã vẽ nữa. Thấy không? 1 + 1 = 3 Di truyền học là một ví dụ tuyệt vời. Bạn có một người bố và một người mẹ. Bạn sở hữu những đặc điểm của cả hai người, nhưng tổng thể bạn lại được thừa hưởng nhiều hơn phần của bố và mẹ. Bạn là một bản phối lại của bố mẹ và tất cả những thế hệ trước nữa. Cũng giống như việc có một phả hệ gia đình, bạn cũng có phả hệ của những ý tưởng. Bạn không được chọn gia đình mình sinh ra, những chắc chắn rằng bạn được chọn thầy để học và được chọn bạn bè để chơi, cũng như được chọn loại nhạc mình nghe, được chọn cuốn sách nào đó để đọc hay bộ phim nào đó để xem. Bạn thực chất là một hỗn hợp, một bản phối của những gì bạn chọn cho cuộc đời bạn. Bạn là tổng hòa của những ảnh hưởng tác động đến bạn. Nhà thơ người Đức Goethe từng nói, “Chúng ta được định hình bởi những thứ mà ta yêu thích”. “Chúng ta từng là trẻ không cha... nên chúng ta tìm thấy những người cha của mình trên phố và trong trang sử. Chúng ta được chọn những người cha ông để truyền cảm hứng cho thế giới mà ta sẽ tạo cho mình.” – Jay-Z Rác vào, rác ra1 1. “Rác vào, rác ra” là thuật ngữ hay dùng trong IT – có nghĩa là chất lượng đầu vào quyết định chất lượng đầu ra. (Ghi chú của Người hiệu đính) Nghệ sỹ là nhà sưu tầm. Không phải kẻ thu gom tích trữ. Sự khác biệt: Kẻ thu gom tích trữ thu thập một cách không phân biệt, còn nghệ sỹ sưu tầm một cách chọn lọc. Họ chỉ thu thập những gì mà họ thật sự yêu thích mà thôi. Có một học thuyết kinh tế cho rằng nếu bạn lấy bình quân thu nhập của năm người bạn thân nhất của bạn, kết quả sẽ khá sát với thu nhập của chính bạn! Tôi cho rằng “thu nhập” về ý tưởng của chúng ta cũng vậy. Bạn sẽ chỉ đạt đến đẳng cấp ngang với chất lượng của những thứ bạn xếp quanh mình mà thôi. Mẹ tôi từng nói với tôi: “Rác vào, rác ra”. Câu nói đó từng làm tôi phát điên. Nhưng bây giờ tôi hiểu được điều bà muốn nói. Nhiệm vụ của bạn là sưu tầm những ý tưởng chất lượng. Càng thu thập được nhiều ý tưởng hay, bạn càng có nhiều sự lựa chọn cho những ý tưởng sẽ ảnh hưởng tới bạn. “Hãy đánh cắp từ bất kỳ thứ gì có khả năng gây cảm hứng và tiếp thêm năng lượng cho sức tưởng tượng của bạn. Hãy say mê ngấu nghiến những bộ phim cũ và mới, những bài hát, những cuốn sách, bức tranh, những tấm ảnh, bài thơ, những giấc mơ, những cuộc trò chuyện bất chợt, công trình kiến trúc, những cây cầu, biển báo, cây cối, bóng tối và ánh sáng. Hãy chỉ đánh cắp từ những thứ chạm trực tiếp đến tâm hồn bạn. Khi đó, tác phẩm (và bản nhái) của bạn sẽ trở thành chân thực.” —Jim Jarmusch Leo lên cây phả hệ của bạn Họa sỹ Marcel Duchamp từng nói, “Tôi không tin vào nghệ thuật. Tôi tin vào những người nghệ sỹ.” Thực ra thì đây là một cách học tuyệt vời – nếu bạn cố gắng ngấu nghiến toàn bộ lịch sử của môn mà bạn học cùng một lúc, bạn sẽ ngộp và không thể tiếp thu. Thay vào đó, hãy ngẫm nghĩ về một nhà tư tưởng – đó có thể là một tác giả, nghệ sỹ, nhà hoạt động xã hội hay một hình mẫu lý tưởng mà bạn thực sự yêu thích. Bạn hãy tìm hiểu tất cả mọi thứ có thể về họ. Sau đó tìm ra ba người mà nhà tư tưởng đó yêu thích để tiếp tục tìm hiểu. Lặp lại việc này nhiều lần nhất có thể. Leo lên cao nhất có thể ở cây phả hệ mà bạn tạo ra này. Một khi bạn đã xây nên cây phả hệ của mình, hãy bắt đầu nhánh riêng. Việc coi bản thân mình như một phần của một dòng dõi sáng tạo sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cô độc mỗi khi bạn bắt đầu làm ra những sản phẩm của riêng mình. Tôi treo ảnh những nghệ sỹ mình yêu thích trong studio riêng. Họ giống như những bóng ma thân thiện vậy. Tôi gần như có thể cảm thấy họ thúc giục mình tiến lên phía trước mỗi khi tôi cặm cụi trên bàn. Điều tuyệt vời về những bậc thầy đã khuất hoặc ở xa xôi là họ chẳng thể từ chối bạn làm học trò của họ. Bạn có thể học bất kỳ điều gì bạn muốn. Vì họ đã để lại những bài học trong tác phẩm của mình. Tự dạy bản thân Trường học là một thứ. Nhưng giáo dục lại là một thứ khác. Hai thứ này không phải lúc nào cũng trùng nhau. Dù bạn có còn đang đến trường hay không, bạn luôn có nghĩa vụ phải tìm sự học cho mình. Bạn phải tò mò về chính thế giới mà bạn đang sống. Hãy tìm tòi mọi thứ. Lần theo từng tài liệu tham khảo. Hãy đào sâu hơn tất cả những kẻ khác – đó là cách để bạn thành công. Hãy Google mọi thứ. Ý tôi là tất cả mọi thứ. Google những giấc mơ của bạn, Google những vấn đề của bạn. Đừng đặt câu hỏi trước khi bạn Google nó. Vì hoặc là bạn sẽ tìm ra câu trả lời hoặc là bạn sẽ đặt được một câu hỏi hay hơn. “Dù được đến trường hay không, tôi vẫn sẽ luôn học hỏi.” –RZA Hãy luôn luôn đọc. Hãy đến thư viện. Có một thứ ma thuật hiện hữu khi bạn được những cuốn sách bao quanh. Hãy đi lạc trong những chồng sách đó. Đọc những danh mục tham khảo. Cuốn sách bạn đọc đôi khi không quan trọng bằng việc nó sẽ dẫn đến cuốn sách nào tiếp theo. Hãy sưu tầm sách, kể cả khi bạn không có ý định đọc chúng ngay lập tức. Nhà làm phim John Waters từng nói, “Không có gì quan trọng hơn một thư viện chưa được đọc.” Đừng lo về việc nghiên cứu vội. Hãy cứ tìm kiếm đi. Đánh cắp, tích trữ, để dành Mang theo cuốn sổ và cây bút tới mọi nơi bạn đến. Làm quen với việc lấy chúng ra và viết lại những dòng cảm nghĩ và quan sát của bạn. Sao chép những đoạn yêu thích từ những quyển sách bạn đọc. Ghi lại những cuộc hội thoại bạn nghe thấy và ngay cả khi bạn gọi điện thoại. Hãy làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo rằng bạn luôn có một tờ giấy bên mình. Họa sỹ David Hockney từng đặt may những chiếc túi trong áo khoác của ông sao cho chúng đựng vừa cuốn sổ phác họa. Nhạc sỹ Arthur Russell cũng thích mặc những chiếc áo có hai túi trước để ông có thể nhét đầy giấy chép nhạc vào trong. Hãy giữ một bộ sưu tập. Đúng là nó đấy – một tệp giữ những thứ bạn “đánh cắp” được của người khác. Nó có thể là bản điện tử hay dạng thủ công – điều đó không quan trọng, miễn là nó hoạt động tốt. Bạn có thể làm một cuốn album thủ công và cắt, dán vào nó, hoặc bạn có thể chụp lại bằng điện thoại. Mỗi khi bạn thấy thứ gì đó đáng đánh cắp, hãy cho nó vào tệp sưu tầm. Mỗi khi bạn cần chút cảm hứng? Hãy mở tệp sưu tầm ra. Các phóng viên báo chí gọi đây là một “morgue file” (tạm hiểu là: tệp cố liệu). Tôi thậm chí còn thích cái tên này hơn. Tệp cố liệu là nơi bạn lưu giữ những tư liệu sẽ được phục chế trong các tác phẩm của bạn sau này. “Thà cứ lấy những thứ không thuộc về bạn còn hơn để nó bị lãng quên nằm đó chơ vơ.” –Mark Twain 2 Đừng đợi khi biết mình là ai mới bắt đầu Sáng tạo để hiểu mình N ếu mà tôi cứ đợi đến khi tìm ra được mình là ai hay mình là người như thế nào trước khi tôi thực sự “bắt đầu sáng tạo”, thì có lẽ tôi sẽ vẫn đang ngồi đây cố gắng tìm ra chính mình thay vì bắt tay vào việc. Theo kinh nghiệm của tôi, chính trong quá trình sáng tạo và làm việc, chúng ta sẽ tìm ra được mình là ai. Bạn đã sẵn sàng rồi. Bắt tay vào sáng tạo thôi Bạn có thể cảm thấy sợ việc phải bắt đầu. Đó là lẽ tự nhiên. Đó là một thực tế hiện hữu trong những người trí thức. Tên của nó là “hội chứng mạo danh.” Định nghĩa y học của nó là “một hiện tượng tâm lý mà người mắc không có khả năng nhận thức các thành quả mình gặt hái được”. Có nghĩa rằng bạn cảm thấy bản thân chỉ là kẻ giả mạo, rằng bạn chỉ đang làm việc một cách hời hợt hay bạn thật ra cũng chẳng hiểu mình đang làm gì. Đoán xem: Không ai trong chúng ta hiểu cả. Hãy hỏi bất kỳ ai đang thực sự làm công việc sáng tạo và họ sẽ nói cho bạn sự thật là: Họ cũng không biết ý tưởng của mình đến từ đâu, họ chỉ đơn giản là làm công việc của họ, rồi ý tưởng sẽ tự tới. Mỗi ngày. Hãy cứ diễn cho đến khi đạt vai Bạn đã bao giờ nghe thấy từ “dramaturgy – kịch nghệ” chưa? Đó là một cụm từ hoa mỹ mà William Shakespeare viết trong vở “As You Like It” (tạm dịch: Xin tùy ý thích) khoảng 400 năm trước: Cả thế giới là một sân khấu, Với tất cả đàn ông và đàn bà chỉ như những diễn viên; Họ có những màn lùi sau cánh gà và những màn xuất hiện; Và mỗi người trong đó đều có nhiều vai. Nói theo một cách khác thì, Hãy cứ diễn cho đến khi bạn đạt vai. Tôi rất thích câu nói này. Có hai cách để hiểu nó: 1. Hãy cứ giả vờ làm một thứ gì đó cho đến khi bạn trở thành nó – diễn vai đó đến khi bạn thành công, đến khi mọi người nhìn bạn y như cách bạn muốn; hay là 2. Giả vờ như bạn đang làm gì đó cho đến khi bạn thực sự làm gì đó thật. Tôi thích cả hai cách diễn giải này – bạn phải khoác lên bộ cánh cho vai trò mà công việc bạn muốn, không phải cho công việc mà bạn phải làm, và bạn phải bắt đầu làm việc mà bạn muốn được làm. Tôi cũng thích cuốn sách Just Kids của nhạc sỹ Patti Smith. Nó là một câu chuyện kể về hai người bạn cùng có ước mơ làm nghệ sỹ chuyển đến thành phố New York. Bạn có biết họ học cách trở thành nghệ sỹ như thế nào không? “Bạn bắt đầu như một kẻ mạo danh, và cuối cùng thành danh.” -Glenn O’Brien Họ đã giả vờ làm nghệ sỹ. Trong phân cảnh mà tôi yêu thích nhất, chính cái khung cảnh làm nên tiêu đề cuốn sách, Patti Smith và bạn của cô ấy, nhà nhiếp ảnh Robert Mapplethorpe, đã khoác lên những bộ đồ Di-gan Bohemian và đến công viên Quảng trường Washington, nơi mọi người thường tụ tập. Một cặp đôi du khách già nọ đã trố mắt nhìn họ. Người vợ nói với chồng, “Ồ, chụp ảnh họ đi. Tôi nghĩ chắc hẳn họ là những nghệ sỹ.” “Thôi nào,” người chồng nói một cách không đồng tình. “Tụi trẻ con thôi.” Điểm mấu chốt ở đây là: Thế giới là một sàn diễn. Công việc sáng tạo như là một nhà hát vậy. Sân khấu ở đây chính là studio hay bàn làm việc của bạn. Bộ đồ hóa trang chính là bộ cánh của bạn – chiếc quần vẽ tranh, bộ vest lịch lãm hay đơn giản là chiếc mũ khôi hài mà bạn vẫn đội mỗi lúc suy tư. Đạo cụ chính là những vật liệu, dụng cụ hay phương tiện truyền đạt bạn dùng và kịch bản chỉ đơn thuần là thời gian. Một tiếng cho chỗ này, hay một giờ ở đó – chỉ là lượng thời gian đo đạc sẵn để mọi thứ được diễn ra thôi. Hãy cứ diễn đi cho đến khi bạn đạt vai Bắt đầu bắt chước Không một ai sinh ra đã có phong cách hay tiếng nói riêng cả. Chúng ta không vừa chui từ bụng mẹ ra mà đã biết mình là ai. Ngay từ thuở ban đầu, ta đã học bằng cách giả vờ làm theo những người hùng của mình. Chúng ta học bằng cách bắt chước. Chúng ta đang nói về việc thực hành, không phải đạo văn – đạo văn là lấy tác phẩm của người khác và ghi là của mình. Bắt chước là kỹ thuật đảo ngược. Nó giống như việc một người thợ máy tháo tung một chiếc xe ra để xem cách nó hoạt động vậy. Chúng ta học viết bằng cách sao chép các ký tự trong bảng chữ cái. Nhạc sỹ học cách chơi nhạc qua việc thực hành tập luyện các thang âm. Họa sỹ thì học vẽ bằng cách chép lại những kiệt tác. “Hãy bắt chước những gì bạn yêu thích. Bắt chước, bắt chước và bắt chước. Ở cuối bản sao chép ấy bạn sẽ tìm được chính mình” - Yohji Yamamoto Bàn tay con người không có khả năng chép lại được một bản sao hoàn hảo Hãy nhớ rằng: Đến cả ban nhạc The Beatles cũng từng là một ban nhạc hát lại. Paul McCartney từng nói, “Tôi đã bắt chước nhạc của Buddy Holly, Little Richard, Jerry Lee Lewis, Elvis. Chúng tôi đều đã làm vậy.” McCartney và cộng sự của ông Jonh Lennon đã trở thành một trong những nhà sáng tác nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử, nhưng theo như McCartney nhớ lại, họ chỉ bắt đầu sáng tác như một cách “để tránh việc các ban nhạc khác có thể chơi lại bản nhạc của mình.” Như Salvador Dalí đã nói, “ Những người không muốn bắt chước bất kỳ thứ gì, sẽ chẳng tạo nên thứ gì cả.” Đầu tiên, bạn phải tìm ra bạn muốn bắt chước ai. Thứ hai bạn phải tìm ra mình muốn bắt chước thứ gì. Tìm ra người để bắt chước thì rất dễ. Bạn bắt chước những người hùng của mình – những người bạn yêu mến, những người truyền cho bạn cảm hứng, những người bạn muốn trở thành. Nhà sáng tác nhạc Nick Lowe nói rằng, “Bạn bắt đầu bằng cách viết lại catalog của người hùng của bạn.” Và đừng “đánh cắp” từ một trong số họ, hãy “đánh cắp” của tất cả bọn họ. Nhà viết kịch Wilson Mizner từng nói nếu bạn sao chép từ một tác giả, đó là đạo văn, nhưng nếu bạn sao chép từ nhiều người, đó là sự nghiên cứu. Tôi từng nghe nhà làm phim hoạt hình Gary Panter nói rằng, “Nếu bạn chỉ bị ảnh hưởng bởi duy nhất một người, mọi người sẽ nói bạn là “ai đó” tiếp theo, nhưng nếu bạn bắt chước cả trăm người, ai cũng sẽ nói rằng con người bạn thật nguyên gốc!” Chọn thứ để sao chép sẽ khó hơn một chút. Đừng chỉ đánh cắp phong cách, hãy đánh cắp lối suy nghĩ đằng sau phong cách đó. Bạn sẽ không muốn chỉ trông giống người hùng của bạn, bạn muốn nghĩ được giống họ. Lý do để bạn bắt chước người hùng của bạn và phong cách của họ là vì bạn bằng cách nào đó có thể nhìn vào trong tâm trí họ. Đó mới là thứ bạn muốn hướng đến – để thâm nhập cách họ nhìn thế giới. Nếu bạn chỉ đang mô phỏng bề mặt của sự sáng tạo của ai đó mà không hiểu được chúng bắt nguồn từ đâu, sản phẩm của bạn sẽ chẳng là gì hơn ngoài một bản sao rẻ tiền. Bắt chước không phải là cách tán dương “Chúng tôi muốn bạn lấy từ chúng tôi. Chúng tôi muốn trước tiên là bạn tìm cách đánh cắp từ chúng tôi. nhưng vì bạn sẽ không làm được như thế. Bạn sẽ lấy những gì có thể và đưa vào đó tiếng nói của mình và đó chính là cách bạn tìm ra tiếng nói riêng. Đó chính là cách bạn bắt đầu. Và rồi một ngày ai đó cũng sẽ đánh cắp từ bạn.” - Francis Ford Coppola Tại một thời điểm nào đó, bạn sẽ phải chuyển từ việc bắt chước người hùng của bạn sang việc mô phỏng lại họ. Bắt chước là sao chép lại. Còn mô phỏng là đưa sự bắt chước lên một bước xa hơn, chuyển hóa nó thành thứ của riêng mình. “Chẳng có nước đi nào là mới mẻ cả.” Huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant từng thừa nhận rằng toàn bộ những bước di chuyển trên sân của anh đều được mô phỏng qua việc xem những thước phim của những người hùng anh hâm mộ. Nhưng ban đầu, khi Bryant “đánh cắp” rất nhiều những bước di chuyển đó, anh nhận ra rằng mình không thể thực hiện được chúng vì anh không có dáng người giống như những cầu thủ anh đang cố bắt chước. Anh đã phải học cách mô phỏng lại chúng theo cách của chính mình. Conan O’Brien đã nói về cách mà những diễn viên hài cố mô phỏng người hùng của họ nhưng thất bại và cuối cùng hình thành phong cách riêng. Johnny Carson đã cố trở thành Jack Benny nhưng kết cục là trở thành Johnny Carson. David Letterman cũng cố bắt chước Johnny Carson nhưng lại trở thành David Letterman. “Tôi đã đánh cắp tất cả những nước đi từ những cầu thủ vĩ đại này. Tôi chỉ muốn cố làm họ tự hào, những người đi trước tôi, vì tôi đã học được thật nhiều từ họ. Nó đã là phần cốt lõi của bóng rổ rồi. Nó lớn lao hơn tôi nhiều.” -Kobe Bryant Và Conan O’Brien lại cố giống như David Letterman những giờ đây ông trở thành Conan O’Brien. Theo lời ông, ”Chính sự thất bại trong việc trở thành hình mẫu lý tưởng của mình mà cuối cùng sẽ định hình chúng ta và làm ta trở nên đặc biệt.” Tạ ơn Chúa vì điều đó. Một nhược điểm tuyệt vời của loài người là chúng ta không có khả năng tạo ra những bản sao hoàn hảo. Sự thất bại trong việc bắt chước người hùng của mình là lúc ta khám phá ra cái riêng của mình nằm ở đâu. Đó chính là cách chúng ta tiến hóa. Vậy nên: Hãy mô phỏng người hùng của bạn. Đánh giá xem bạn thiếu hụt ở đâu. Có điều gì trong đó khiến bạn khác biệt? Đó chính là thứ mà bạn cần khuếch đại và biến thành của riêng mình. Cuối cùng, chỉ sao chép người hùng của bạn không phải là cách bạn tán dương họ. Chuyện biến tác phẩm của họ thành một thứ của riêng bạn mới là cách bày tỏ sự tôn sùng. Hãy đóng góp cho thế giới thứ mà chỉ bạn mới có thể làm được. 3 Hãy viết cuốn sách mà bạn muốn đọc Viết những gì bạn biết thích B ộ phim Công viên Kỷ Jura công chiếu vào ngày sinh nhật lần thứ 10 của tôi. Tôi đã rất thích nó, ngay phút đầu tiên khi bước ra khỏi rạp tôi đã mong mỏi chờ phần kế tiếp, nên tôi ngồi xuống máy tính ngay ngày hôm sau và tự mình viết ra phần kế. Dưới ngòi bút của tôi, cậu con trai của người quản trò bị con Velociraptor ăn thịt trở lại hòn đảo cùng cháu gái của chủ công viên. Một người thì muốn phá hủy phần còn lại của công viên, còn người kia thì muốn cứu lấy nó. Đương nhiên, hai người họ đem lòng yêu nhau và cuộc phiêu lưu tiếp diễn. Hồi đó tôi chưa biết rằng mình đang viết một thứ mà bây giờ mọi người gọi là fan fiction – truyện hư cấu dựa trên những nhân vật có sẵn. Cậu bé 10 tuổi ấy đã lưu lại câu chuyện của mình vào ổ cứng. Một vài năm sau Công viên Kỷ Jura II cuối cùng cũng được công chiếu. Và nó thật tệ hại. Những phần kế tiếp luôn thật tệ khi chúng ta so sánh với kịch bản trong đầu mình. Câu hỏi mà mọi nhà văn trẻ đều hỏi đó là: “Tôi nên viết gì đây?” Và câu trả lời thường là, “Viết những gì bạn biết ấy.” Lời khuyên này luôn dẫn đến những câu chuyện dở tệ không có một chút thú vị nào. “Cảm hứng viết nhạc của tôi luôn là tạo ra một thứ gì đó chưa tồn tại mà tôi sẽ muốn nghe. Tôi muốn được nghe thứ âm nhạc chưa được làm ra trước đây, bằng cách kết hợp những thứ mà sẽ gợi nên một thứ mới mẻ chưa từng có.” -Brian Eno Chúng ta làm nghệ thuật vì chúng ta yêu nghệ thuật. Chúng ta cảm thấy thích thú với một số công việc vì chúng ta được truyền cảm hứng bởi những người làm việc đó. Toàn bộ những câu chuyện giả tưởng, thực chất đều được tạo ra từ lòng hâm mộ những câu chuyện giả tưởng trước nó. Lời khuyên tốt nhất là đừng viết những gì bạn biết, mà hãy viết những gì bạn thích. Viết kiểu câu chuyện mà bạn thích nhất – viết câu chuyện mà bạn muốn đọc ấy. Những nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho cuộc sống và sự nghiệp của bạn: Mỗi khi bạn cảm thấy lạc lối không biết phải đi bước gì tiếp theo, hãy hỏi bản thân rằng: “Điều gì sẽ làm nên một câu chuyện hay hơn?” Bradford Cox, một thành viên của ban nhạc Deerhunter, kể rằng khi anh ấy còn nhỏ, mạng Internet chưa phổ biến, vì vậy anh ấy phải đợi đến khi bản chính thức được phát hành để nghe album của nhóm nhạc anh yêu thích. Anh đã tự bày ra một trò chơi: Ngồi xuống và thu âm một bản giả mà anh mong muốn album mới kia sẽ nghe giống như vậy. Sau đó, khi album thật ra mắt, anh sẽ so sánh những bài hát mà anh đã viết với những bài hát trên album thật. Và như bạn biết, phần nhiều trong số những bài hát đó sau này đã trở thành nhạc của Deerhunter. Khi yêu mến một tác phẩm nào đó, ta đều cực kỳ muốn có thêm. Chúng ta ngóng chờ những bản kế tiếp. Vậy tại sao không chuyển hóa những khát vọng đó sang việc gì đó năng suất hơn nhỉ? Hãy nghĩ về những tác phẩm bạn yêu thích và những người hùng của sự sáng tạo trong bạn. Họ đã bỏ qua những điều gì? Có thứ gì đó mà họ chưa làm chăng? Điều gì có thể được bổ sung vào để làm cho tác phẩm đó còn tuyệt hơn? Hay chẳng hạn như nếu họ còn đang sống thì họ sẽ sáng tạo ra những thứ gì hôm nay? Nếu tất cả những nhà sáng tạo yêu thích của bạn cùng hợp tác với bạn thì họ sẽ cho ra tác phẩm gì khi có bạn dẫn đầu? Thực hiện điều đó đi Bản tuyên ngôn của chúng ta là: Hãy vẽ bức tranh mà bạn muốn ngắm, hãy mở doanh nghiệp mà bạn muốn điều hành, hãy chơi thứ nhạc mà bạn muốn nghe, viết cuốn sách mà bạn muốn đọc, chế tạo những sản phẩm mà bạn muốn dùng – hãy làm những việc mà bạn muốn được nhìn thấy thành hiện thực. 4 Làm việc thủ công “Chúng ta không biết mình lấy những ý tưởng đó từ đâu. Nhưng chúng ta biết chắc chắn là không lấy chúng ra từ máy tính.” -John Cleese Tránh xa màn hình N hà làm phim hoạt hình yêu thích của tôi, Lynda Barry, từng nói: “Trong thời đại kỹ thuật số, đừng quên sử dụng những chữ số của bạn!” Hai bàn tay của bạn chính là những thiết bị kỹ thuật số nguyên gốc đấy. Hãy dùng chúng đi. Mặc dù tôi yêu chiếc máy tính của mình, tôi lại tin rằng máy tính đã cướp đi của chúng ta cái cảm giác rằng ta đang thực sự tạo nên thứ gì đó. Chúng ta chỉ đang gõ vào bàn phím và click chuột, và đó chính là lý do tại sao thứ được gọi là công việc tri thức nghe thật trừu tượng. Nghệ sỹ Stanley Donwood, người làm toàn bộ bìa cho album cho ban nhạc Radiohead, cho rằng máy tính cô lập chúng ta vì chúng đặt một tấm kính giữa chúng ta và những thứ đang diễn ra. “Bạn sẽ chẳng bao giờ được chạm vào bất kỳ thứ gì bạn đang làm trừ khi bạn in nó ra,” Donwood nói. Hãy cứ nhìn bất kỳ ai đang dùng máy tính mà xem. Họ tĩnh lặng và bất động. Bạn không cần một nghiên cứu khoa học (thứ cũng không có quá nhiều) để biết rằng việc ngồi trước máy tính cả ngày đang dần giết chết cả bạn lẫn công việc của bạn. Chúng ta cần được di chuyển, để cảm thấy rằng ta đang tạo nên thứ gì đó bằng cả cơ thể mình, chứ không chỉ bằng đầu óc. Những thành quả chỉ đến từ trí óc thực ra không tốt chút nào. Hãy nhìn một người nhạc sỹ giỏi chơi một bản nhạc. Nhìn một nhà lãnh đạo vĩ đại trình bày một bài phát biểu. Bạn sẽ hiểu tôi đang nói gì. Bạn cần phải tìm cách đưa cơ thể mình vào công việc bạn làm. Hệ thần kinh của chúng ta không hề hoạt động một chiều – cơ thể cũng có thể chi phối não bộ nhiều như cách não bộ điều khiển được cơ thể vậy. Bạn biết câu nói, “going through the motions” không? Nghĩa bóng của nó là “làm lấy lệ”, làm mà không hứng thú hay nghĩ nó quan trọng. Nhưng nghĩa đen của nó chính là thứ cho thấy sự tuyệt vời của công việc sáng tạo: Nếu chúng ta làm một động tác nào đó, nếu ta gẩy một dây đàn, lật qua lật lại mẩu giấy nhớ trên bàn ở một buổi hội thảo hay bắt đầu nặn đất sét, bộ não sẽ được khởi động cho việc suy nghĩ. Nghệ thuật mà chỉ dùng mỗi cái đầu thì không có gì đặc sắc “Tôi đã nhìn chằm chằm vào cái màn hình phẳng sáng chói của máy tính đủ lâu rồi. Hãy cho bản thân thêm thời gian để làm những việc ngoài đời thực… như trồng một cái cây, đưa chó đi dạo, đọc một cuốn sách hay đi nghe hòa nhạc.” -Edward Tufte Khi tôi còn dự những workshop về viết sáng tạo ở đại học, tất cả những gì chúng tôi viết đều phải được cách dòng đôi và dùng phông chữ Times New Roman. Và bài viết của tôi nhìn thật tệ hại. Viết lách không còn là thứ gì thú vị đối với tôi nữa. Nhà thơ Kay Ryan từng nói, “Ngày xưa, trước những workshop dạy viết lách sáng tạo, một workshop (xưởng làm việc) thường là một tầng hầm, là nơi bạn cưa, đập, khoan hay bào một thứ gì đó.” Nhà văn Brian Kiteley nói ông đã cố gắng biến xưởng làm việc của mình càng đúng với ý nghĩa gốc của nó nhất có thể: “một nơi sáng sủa, thông thoáng, đầy ắp dụng cụ, vật liệu thô ráp và mọi hoạt động đều là thực hành.” Phải đến lúc tôi bắt đầu quay về dùng những thứ dụng cụ thủ công thì công việc sáng tạo mới trở nên thú vị trở lại và những tác phẩm của tôi mới bắt đầu có cải thiện. Khi viết cuốn sách đầu tiên của tôi, Newspaper Blackout1, tôi đã cố thực hành thủ công nhiều nhất có thể trong quá trình sáng tạo. Tất cả những câu thơ trong cuốn sách đó đều được tạo ra bằng một bài báo và một chiếc bút dạ. Quá trình đó gắn kết với hầu hết các giác quan của tôi: thứ cảm giác của báo in trong tay, những dòng chữ dần biến mất dưới từng nét gạch, tiếng rin rít của ngòi bút trên mặt giấy và mùi hương của mực – tựa như một thứ phép màu đang xảy ra vậy. Khi viết những dòng thơ đó, tôi không còn cảm giác như mình đang làm việc mà giống như đang giải trí vậy. 1. Tập thơ được làm bằng cách xóa và ghép câu chữ từ các bài báo – ND. Làm việc trên máy tính sẽ thuận lợi hơn cho việc chỉnh sửa những ý tưởng của bạn, cho việc chau chuốt chúng trước khi “trình làng”, nhưng lại không tốt cho việc tạo ra ý tưởng. Bạn có quá nhiều cơ hội để nhấn nút xóa. Máy tính đánh thức những con người cầu toàn trong mỗi chúng ta – khiến chúng ta chỉnh sửa các ý tưởng kể cả trước khi nghĩ ra chúng. Nhà làm phim hoạt hình Tom Gauld nói rằng ông ấy tránh xa máy tính cho đến khi đã nghĩ xong phần lớn ý tưởng của mình, vì một khi có sự tham gia của máy tính, “mọi thứ đều được đẩy đến con đường trước sau gì cũng xong. Trong khi trong cuốn sổ vẽ của tôi còn đó mọi khả năng vô tận.” Khi tôi kết chuỗi những trang sách của cuốn Newspaper Blackout, tôi đã quét tất cả mọi thứ vào máy tính của mình rồi in ra từng mảnh giấy nhỏ vuông vắn. Sau đó tôi xếp những mảnh giấy đó khắp phòng làm việc của mình thành từng chồng, từng tập một, theo đúng thứ tự mà tôi sẽ lại sao chép chúng lên máy tính một lần nữa. Và đó chính là cách mà cuốn sách đã được soạn thảo – đầu tiên là thủ công, rồi qua bản mềm, rồi lại thủ công, rồi lại bản mềm. Nó giống như một vòng lặp lại thủ công-kỹ thuật số vậy. Giờ đây đó chính là cách mà tôi luôn cố làm mọi việc. Tôi có hai chiếc bàn ở công ty – một chiếc cho việc thủ công, một chiếc làm việc kỹ thuật số. Chiếc bàn “thủ công” chẳng có gì ngoài vài chiếc bút dạ, bút mực, bút chì, giấy, báo và thẻ chỉ mục. Không có dấu vết của điện tử trên chiếc bàn đó. Đây là nơi sinh ra phần lớn tác phẩm của tôi, nơi trải đầy những mẩu tin, những dư lượng và dấu vết của quá trình sáng tạo. (Khác với ổ cứng, giấy tờ chẳng bao giờ bị đơ cả.) Bàn làm việc còn lại của tôi là bàn kỹ thuật số, nơi tôi để máy tính bàn, máy tính xách tay, máy quét và bảng vẽ điện tử. Đây là nơi tôi chỉnh sửa và xuất bản các tác phẩm của mình. Hãy thử làm mà xem: nếu bạn có đủ không gian, hãy bố trí hai bàn làm việc khác nhau, một bàn thủ công và một bàn kỹ thuật số. Đối với bàn làm việc thủ công, hãy loại bỏ toàn bộ đồ điện tử. Hãy bỏ ra 10 đô-la, đến cửa hàng văn phòng phẩm gần nhất và mua một ít giấy, bút cùng giấy nhớ. Khi trở về với bàn làm việc thủ công, hãy tưởng tượng rằng bạn đang trong giờ học lắp ráp. Nguệch ngoạc vài nét trên giấy, cắt chúng ra rồi dán lại. Hãy đứng khi bạn làm những việc đó. Đính mọi thứ lên tường và tìm ra các mô-típ hay lặp lại trong số những ý tưởng thoáng qua. Trải tài liệu của bạn ra khắp nơi và dần dần lọc qua chúng. Một khi đã bắt đầu lên được các ý tưởng, bạn có thể chuyển sang làm việc tại bàn kỹ thuật số và dùng máy tính để triển khai và xuất bản chúng. Mỗi khi bạn cảm thấy bản thân đang hụt đà, hãy trở lại chiếc bàn thủ công và vui đùa. 5 Dự án bên lề và sở thích đều quan trọng “Việc bạn làm khi đang trì hoãn có lẽ là việc mà bạn nên làm suốt đời.” -Jessica Hische Tập trì hoãn một cách năng suất M ột thứ mà tôi đã học được trong sự nghiệp non trẻ của mình là: Những dự án ngoài lề mới là thứ sẽ thăng hoa. Khi tôi nói dự án ngoài lề, ý tôi là những thứ mà bạn tưởng như mình chỉ đang nghịch ngợm hay chỉ làm cho vui. Đó thực sự mới là những thứ chất lượng. Là lúc mà phép màu xuất hiện. Tôi nghĩ rằng bạn nên làm nhiều dự án cùng một lúc vì như thế bạn có thể chủ động đổi phiên từ dự án này sang dự án khác. Khi bạn cảm thấy chán một dự án, hãy chuyển sang làm cái khác, và quay lại với dự án trước khi bạn lại chán dự án này. Hãy trì hoãn một cách năng suất. Hãy dành thời gian để bản thân cảm thấy buồn tẻ. Có lần tôi nghe thấy một đồng nghiệp nói rằng, “Khi tôi bận, tôi như trì trệ đi vậy.” Thật quá đúng. Những nhà sáng tạo cần thời gian dừng lại và không làm gì cả. Tôi nghĩ ra những ý tưởng hay ho nhất khi tôi thấy tẻ ngắt, vì thế nên tôi không bao giờ mang quần áo đi giặt là. Tôi yêu việc tự là quần áo – nó thật quá nhạt nhẽo, và gần như lần nào tôi cũng có thêm ý tưởng hay khi làm việc đó. Khi bạn cạn sức sáng tạo, hãy đi rửa bát. Ra ngoài và đi dạo thật lâu. Nhìn chằm chằm vào một chỗ trên tường lâu nhất mà bạn có thể. Như họa sỹ Maira Kalman nói, “Né tránh công việc là cách tôi tập trung tâm trí.” Dành thời gian để xáo trộn mọi thứ xung quanh. Hãy đi lạc. Lang thang. Bạn không biết được nó sẽ dẫn bạn đến đâu đâu. Đừng gạt bỏ phần nào của con người bạn Nếu bạn có hai hay thậm chí ba đam mê mãnh liệt, đừng nghĩ rằng bạn phải chọn giữa chúng. Đừng gạt bỏ gì cả. Giữ tất cả những đam mê trong cuộc sống của bạn. Đó là điều mà tôi đã học được từ nhà biên kịch Steven Tomlinson. Tomlinson muốn nói rằng nếu bạn yêu thích nhiều thứ, hãy cứ tiếp tục dành thời gian cho nó. “Hãy để những đam mê của bạn hòa quyện vào nhau và điều gì đó sẽ bắt đầu xảy ra thôi.” “Bạn không thể kết nối các điểm trong đời bạn khi nhìn về tương lai; bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại quá khứ mà thôi.” -Steve Jobs Điểm chính yếu ở đây là, bạn có thể gạt bỏ đi một vài đam mê và chỉ tập trung vào một thứ, nhưng sau một thời gian, bạn sẽ dần cảm thấy thật hụt hẫng. Tôi đã bị ám ảnh suốt cả thời thanh xuân của mình với việc sáng tác và chơi nhạc cho một nhóm nhạc nào đó, nhưng khi quyết định rằng tôi cần tập trung vào duy nhất việc viết lách, tôi đã dành nửa thập kỷ gần như không chơi nhạc chút nào. Cảm giác thiếu vắng hụt hẫng đó ngày càng tệ hơn. Hơn một năm trước, tôi quay trở lại chơi trong ban nhạc. Giờ đây, tôi cảm thấy trọn vẹn hơn. Và điều lạ lùng là, thay vì lấn chiếm thời gian của tôi, việc chơi nhạc lại tương thích với việc viết lách và làm cho nó hay hơn – tôi có thể thấy dây thần kinh trong đầu mình được kích thích và những kết nối mới được tạo ra. Hơn nửa số người làm việc cùng tôi là nhạc sỹ (điều này không lấy gì làm lạ ở Austin, Texas), và không phải ai cũng là nhà sáng tạo, khá nhiều trong số họ là chuyên viên quan hệ khách hàng, lập trình viên hoặc những công việc tương tự. Tuy vậy, họ sẽ đều nói với bạn một điều rằng: Âm nhạc giúp công việc của họ thăng hoa. Việc có một sở thích riêng mình rất quan trọng. Một sở thích là một thứ gì đó sáng tạo, chỉ dành riêng cho bạn. Bạn sẽ không cố gắng để làm giàu hay trở nên nổi tiếng nhờ nó, bạn thích nó đơn thuần vì nó làm bạn vui. Sở thích là thứ chỉ cho đi chứ không lấy lại. Nghệ thuật của tôi là để cho thế giới này xem, còn chơi nhạc chỉ dành riêng cho tôi và bạn bè. Chúng tôi gặp nhau mỗi Chủ nhật và cùng nhau tạo ra những âm thanh vui vẻ trong vài giờ. Không một chút áp lực, cũng không lên kế hoạch. Nó giúp hồi sinh ta, như việc đi đến nhà thờ vậy. Vì vậy hãy đừng gạt bỏ phần nào của bản thân bạn cả. Đừng lo nghĩ về một kế hoạch lớn lao hay sự nhất thống trong tầm nhìn của bạn. Cũng đừng lo về sự đồng nhất – vì thứ thống nhất những tác phẩm của bạn chính là việc bạn là người tạo ra nó. Một ngày nào đó bạn sẽ nhìn lại và thấy rằng mọi thứ đều có ý nghĩa của nó. 6 BÍ quyết: Làm ra những sản phẩm tốt và chia sẻ chúng Lúc đầu thì, vô danh là tốt T ôi nhận được e-mail từ rất nhiều người hỏi rằng, “Làm thế nào để tôi được biết đến?” Tôi thông cảm với họ. Luôn có một sự hụt hẫng nào đó ập đến khi bạn mới rời trường đại học. Giảng đường là một nơi tuyệt vời. Giáo sư của bạn được trả lương để quan tâm đến ý tưởng của bạn, những sinh viên cùng lớp thì đang đóng học phí để chú ý đến những sáng kiến của bạn. Và có lẽ không lần nào nữa trong đời bạn sẽ có được một lượng khán giả chăm chú như vậy. Không lâu sau, bạn sẽ nhận ra rằng gần như cả thế giới không nhất thiết cứ phải quan tâm đến những gì bạn nghĩ. Điều này nghe có vẻ khắc nghiệt nhưng nó là sự thật. Như lời nhà văn Steven Pressfield: “Không phải là mọi người xấu tính hay tàn nhẫn đâu, họ chỉ quá bận bịu mà thôi.” Đây thực chất là một điều tốt, vì bạn muốn sự chú ý chỉ sau khi mà bạn đã làm ra được những sản phẩm thực sự chất lượng. Sẽ chẳng có chút áp lực nào nếu không ai biết bạn đang làm gì. Bạn được phép làm những gì bạn muốn. Được thử nghiệm. Làm những thứ đôi khi chỉ vì nó hay ho. Không phải giữ gìn hình ảnh trước ai. Không có những hóa đơn khổng lồ cần phải trả. Không có những mối liên hệ lợi ích. Không có email gửi từ người đại diện của bạn. Và không có những kẻ ăn bám hưởng lợi. Bạn sẽ không bao giờ lấy lại được sự tự do đó một khi người khác bắt đầu chú ý đến bạn, và đặc biệt là khi họ bắt đầu trả tiền cho bạn. Tận tưởng sự vô danh của mình khi bạn còn có nó. Sử dụng nó đi. Công thức không bí mật cho lắm Nếu có tồn tại một công thức bí mật để trở nên nổi tiếng, thì tôi chắc đã đưa cho bạn rồi. Nhưng chỉ có một công thức không được bí mật cho lắm mà tôi biết: Làm những thứ chất lượng và chia sẻ nó với mọi người. Nó là một quá trình gồm hai công đoạn. Bước một, “làm ra thứ chất lượng”, là bước vô cùng khó. Bước này không có lối tắt hay mẹo nào cả. Hãy sáng tạo ra đủ thứ mỗi ngày. Nhận thức được rằng bạn sẽ làm ra những thứ dở tệ trong một khoảng thời gian. Hãy thất bại. Làm tốt hơn trong lần tới. Bước hai, “chia sẻ với mọi người,” bước này thật sự rất khó ở thời điểm khoảng 10 năm trước. Bây giờ thì nó thật dễ dàng: “Hãy đăng nó lên mạng.” Tôi nói với mọi người điều này, và rồi họ hỏi tôi, “Bí mật của mạng Internet là gì? Bước 1: Tò mò về điều gì đó. Bước 2: Rủ những người khác tò mò cùng bạn. Bạn nên tò mò về những thứ mà chẳng ai hiếu kỳ đến cả. Nếu ai ai cũng tò mò về quả táo, hãy hiếu kỳ về quả cam. Bạn càng cởi mở khi chia sẻ về đam mê của mình thì mọi người càng cảm nhận được tác phẩm của bạn một cách gần gũi hơn. Họa sỹ không phải là những nhà ảo thuật. Không có gì nguy hại khi bạn chia sẻ bí mật của mình đâu. Dù bạn có tin hay không, tôi nhận được rất nhiều cảm hứng từ những người như Bob Ross và Martha Stewart. Bạn có nhớ Bob Ross không? Người họa sỹ trên kênh PBS với kiểu tóc afro và những cái cây vui mắt ấy? Bob Ross dạy mọi người cách để vẽ tranh. Ông ấy đã chia sẻ những bí quyết của mình. Martha Stewart thì dạy bạn cách làm cho cuộc sống và căn nhà của bạn trở nên tuyệt vời. Bà ấy cũng đã cho đi những bí mật của mình. Mọi người đều yêu thích việc bạn cho đi những bí quyết của bạn, và đôi khi nếu bạn làm điều đó một cách thật tinh tế, họ thậm chí sẽ còn thưởng cho bạn bằng cách mua những thứ bạn bán nữa. Khi bạn trở nên cởi mở về quá trình làm nghệ thuật của bạn và mời mọi người cùng tham gia, bạn được học hỏi. Tôi đã học hỏi rất nhiều từ những người gửi thơ ca đến trang Newspaper Blackout của tôi. Tôi cũng đã tìm thấy kha khá thứ để đánh cắp nữa. Việc đó có lợi cho cả tôi lẫn họ. Đừng đưa bản thân lên mạng chỉ vì bạn muốn nói gì đó – bạn còn có thể đưa mình lên mạng để tìm nguồn cảm hứng nữa. Mạng Internet có thể là nhiều thứ hơn là một nơi để bạn an tâm đăng tải những ý tưởng đã được chau chuốt của bạn – nó còn có thể làm một lồng ấp nuôi dưỡng cho những ý tưởng chưa hoàn thiện, một cái nôi sinh dưỡng cho những công trình đang phát triển mà bạn chưa bắt tay vào làm. Rất nhiều họa sỹ lo rằng việc lên mạng sẽ làm giảm năng suất sáng tạo của họ, nhưng tôi nhận ra rằng sự hiện diện của bản thân trên mạng là một cú thúc từ sau lưng. Phần lớn các trang web và blog đều trình chiếu những bài đăng theo thứ tự từ mới đến cũ – những bài đăng mới nhất của bạn sẽ là thứ người đọc thấy đầu tiên, vì thế nên chất lượng tác phẩm của bạn được đánh giá theo bài bạn đăng mới nhất. Điều này sẽ giữ cho bạn luôn cảnh giác, luôn luôn nghĩ ngợi về việc mình sẽ đăng gì tiếp theo. Việc có một chiếc bình sẽ cho ta động lực để đổ đầy nó. Bất kỳ khi nào tôi cảm thấy lạc lối trong những năm qua, tôi chỉ cần nhìn ngắm trang web của mình và tự hỏi rằng,” Liệu mình có thể nhét thêm gì vào đây nhỉ?” Hãy học lập trình. Học cách để làm ra một trang web. Tập làm blog, cách dùng Twitter và những trang mạng xã hội khác. Tìm kiếm những người trên Internet có chung sở thích với bạn và kết nối với họ. Hãy chia sẻ với họ. Và bạn không cần thiết phải chia sẻ mọi thứ – thật ra, đôi khi sẽ có lợi hơn cho bạn nếu bạn không chia sẻ tất cả. Hãy chỉ đưa ra một chút ít của những gì bạn đang làm. Chia sẻ một bản vẽ nháp hay những mảnh nhỏ trong quá trình sáng tạo của bạn. Nghĩ về những gì bạn có thể chia sẻ mà sẽ mang lại giá trị cho người khác. “Đừng lo về việc có ai đó đánh cắp ý tưởng của bạn. Ngay cả khi ý tưởng của bạn thật sự hay, bạn cũng còn phải thuyết phục làm sao để người khác tin nữa đấy.” -Howard Aiken Chia sẻ một mẹo vặt bạn khám phá ra khi đang làm việc hay một đường liên kết đến một bài viết hay ho nào đó. Giới thiệu một cuốn sách bạn đang đọc chẳng hạn. Nếu thấy lo lắng về việc cho đi những bí mật của mình, bạn luôn có thể chia sẻ những chi tiết không xâu chuỗi. Ngón tay bạn chính là thứ bấm nút đăng tải, bạn hoàn toàn kiểm soát được mức độ và những gì mình muốn đăng. 7 Vị trí địa lý không còn là rào cản Xây dựng thế giới riêng của bạn T ôi lớn lên trên một cánh đồng ngô ở phía Nam Ohio. Khi còn là một cậu bé, tôi luôn muốn tới một nơi nào đó sôi động hơn. Giờ thì tôi sống ở Austin, Texas. Một nơi khá hiện đại. Vô số nghệ sỹ sống ở khắp nơi. Và bạn biết điều gì không? Tôi phải khẳng định rằng 90% những người thầy và bạn bè đồng trang lứa của tôi không sống ở đây. Họ sống ở khắp mọi nơi. Tôi biết họ qua Internet. Điều đó có nghĩa là phần lớn những tương tác liên quan đến nghệ thuật của tôi đều diễn ra trên Internet. Thay vì một bối cảnh nghệ thuật mang tính địa lý, tôi có bạn bè trên Twitter và bạn đọc từ Google. Bạn không phải dọn đi đâu ngoài chính nơi bạn đang sống để bắt đầu kết nối với thế giới mà bạn muốn. Nếu bạn cảm thấy tắc nghẽn ở đâu đó, nếu bạn quá trẻ, quá già hay quá túng thiếu, hoặc nếu vì một lí do nào đó bạn bị bó buộc vào một chỗ, hãy mở lòng. Có cả cộng đồng ngoài kia mà bạn có thể kết nối. Trong lúc đó, nếu bạn không thấy hứng thú với chính thế giới mà bạn đang sống, bạn có thể tự xây dựng một thế giới cho riêng mình. (Bây giờ hẳn là thời điểm thích hợp để đeo tai nghe vào và bật bài “In My Room” của Beach Boys lên đấy.) Hãy bao quanh bản thân với những quyển sách và những thứ bạn yêu thích. Dán chúng lên tường. Tạo ra thế giới của riêng bạn. Franz Kafka từng viết: “Bạn không cần thiết phải ra khỏi nhà. Hãy ngồi vào bàn và lắng nghe. Thậm chí đừng lắng nghe, hãy cứ chờ đợi. Mà cũng đừng đợi, hãy ngồi im trong đơn độc. Cả thế giới sẽ mở ra trước bạn.” Và Kafka sinh ra một thế kỷ trước khi Internet ra đời! Tất cả những gì bạn cần là một chút không gian và một chút thời gian – một nơi để làm việc, với một khoảng thời gian để làm nó; một chút cô đơn tự thân và một chút giam hãm tạm thời. Nếu điều kiện sống của bạn không cho phép điều đó, đôi khi bạn có thể tìm thấy một chút cô độc trong thiên nhiên. Khi tôi còn bé, mẹ tôi thường kéo tôi đến các trung tâm thương mại. Trước khi bắt đầu mua sắm, bà sẽ đưa tôi đến hiệu sách và mua cho tôi một cuốn sách mà tôi thích. Chúng tôi sẽ cùng nhau đi vào từng cửa hàng và trong khi mẹ mua sắm thì tôi sẽ ngồi đọc sách. Việc này đã kéo dài trong nhiều năm. Còn tôi thì đã đọc rất nhiều sách. Tận hưởng sự giam lỏng Hiện tại tôi có một chiếc ô tô và một chiếc điện thoại. Tôi luôn được kết nối và không bao giờ cảm thấy đơn độc hay bị giam lỏng cả. Chính vì thế, tôi đi xe buýt đến công ty, mặc dù lái xe thì sẽ nhanh hơn 20 phút. Tôi cắt tóc ở những hiệu cắt tóc với khẩu hiệu đến trước thì cắt trước, nơi còn không có Wifi và luôn đông nghẹt với hàng giờ ngồi đợi. Tôi tắt nguồn máy tính khi ra sân bay và tôi thích ghé chơi thư viện. Tôi luôn mang theo mình một cuốn sách, chiếc bút và một cuốn sổ tay, và tôi cũng luôn tận hưởng cái sự đơn độc và giam cầm tạm thời của mình. Ra khỏi nhà “Khoảng cách và sự khác biệt là liều thuốc bổ bí mật của sáng tạo. Khi chúng ta trở về nhà, nhà vẫn là nhà. Nhưng có gì đó trong tâm trí ta đã thay đổi, và điều đó làm thay đổi mọi thứ.” - Jonah Lehrer Nói rằng vị trí địa lý không còn là vấn đề kiểm soát được chúng ta không có nghĩa rằng địa điểm không còn quan trọng nữa. Nơi ta chọn để sống vẫn có sức ảnh hưởng lớn đến công việc mà ta làm. Vào một thời điểm nào đó, khi có thể, bạn phải rời khỏi nhà. Bạn luôn có thể quay lại, nhưng bạn phải rời khỏi nhà ít nhất một lần. Não bộ của bạn cảm thấy quá thoải mái và quen thuộc với khung cảnh hàng ngày. Bạn cần làm nó cảm thấy khó chịu. Bạn cần dành thời gian ở một vùng đất khác, giữa những người làm những việc khác với bạn. Dịch chuyển khiến thế giới trở nên khác lạ, và khi thế giới trông mới mẻ hơn, não bộ sẽ hoạt động nhiều hơn. Khoảng thời gian may mắn được sống ở Ý và Anh khi mới ở tuổi 19, 20 đã thay đổi cuộc đời tôi, nhưng tôi muốn lưu ý rằng văn hóa nước ngoài không nhất thiết phải là từ bên kia đại dương hay một nước khác – vì với phần lớn những người sống ở nơi tôi lớn lên, Texas cũng giống như sao Hỏa vậy. (Tôi đã sống ở đây khá lâu rồi và đôi khi tôi vẫn cảm thấy như đây là sao Hỏa.) Nếu chúng ta cần ra khỏi nhà, chúng ta nên đi đâu? Chúng ta nên chọn sống ở đâu? Có quá nhiều yếu tố phải cân nhắc, và tất cả những yếu tố đó đều phụ thuộc vào khẩu vị của bạn. Bản thân tôi nghĩ rằng thời tiết xấu sẽ tạo điều kiện làm nghệ thuật tốt hơn. Bạn sẽ chẳng muốn ra ngoài, nên bạn sẽ ở trong nhà và làm việc. Cleveland – nơi tôi từng sống, đã giúp tôi hoàn thành được một lượng lớn công việc trong những tháng mùa đông khắc nghiệt. Còn ở Texas hiện tại, tôi làm toàn bộ công việc của mình trong mùa hè nóng nực. (Mùa đông ở Cleveland và mùa hè ở Texas dài tương đương nhau – khoảng nửa năm.) Việc sống quanh những người thú vị rất có ích cho bạn, và họ không nhất thiết phải làm cùng công việc với bạn. Tôi cảm thấy thật hạn hẹp nếu tôi chỉ giao du với bạn viết và nghệ sỹ, vậy nên tôi mừng vì có nhiều nhà làm phim, nhạc sỹ và “mọt công nghệ” sống ở Austin. Và đồ ăn. Đồ ăn nên là những món ngon. Bạn cần phải tìm được một nơi có thể nuôi dưỡng bạn – nuôi dưỡng sức sáng tạo, nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội, tâm linh, và cả nuôi bạn theo nghĩa đen. Kể cả khi bạn đã tìm được một nơi ở mới, bạn vẫn cần ra khỏi nhà hôm nay và cả ngày mai. Và một lúc nào đó, bạn có thể sẽ cần phải di chuyển tiếp. Tin tốt là hiện nay phần lớn những người cùng tầng mây” với bạn sẽ ở nguyên nơi mà bạn đã rời họ – trên mạng Internet. 8 Sống thân thiện (Thế giới này rất nhỏ bé) Tôi ở đây để kết bạn Kết thêm bạn mặc kẻ thù Tôi ở đây với một mục đích duy nhất: kết bạn. Q uy luật vàng này thậm chí còn quý báu hơn trong thế giới siêu liên kết của chúng ta. Một bài học quan trọng: Nếu bạn bàn tán về ai đó trên mạng, họ biết. Ai cũng có tin báo Google gắn với tên họ. Cách tốt nhất để đánh bay kẻ thù của bạn trên mạng ư? Mặc kệ chúng đi. Còn cách tốt nhất để kết bạn trên Internet? Hãy nói về họ bằng những lời tốt đẹp. “Chỉ có duy nhất một nguyên tắc mà tôi biết thôi: hãy là một người tử tế.” -Kurt Vonnegut Hãy đứng cạnh những tài năng “Những người mà tôi kết bạn là những người mà tôi có thể học hỏi được” -Questlove Bạn có nhớ “rác vào, rác ra” không? Bạn sẽ chỉ giỏi như những người mà bạn giao du với thôi. Trong không gian kỹ thuật số, điều này có nghĩa là bạn phải theo dõi những người giỏi nhất trên mạng – những người thông minh hơn, tài giỏi hơn bạn, những người đang thực sự làm nên những điều thú vị. Hãy chú ý đến từng thứ họ đang bàn tán, những gì họ đang làm và những kết nối mà họ đang gây dựng. Harold Ramis, diễn viên và đạo diễn nổi tiếng trong thế hệ của tôi với vai diễn Egon trong phim Ghostbusters, từng chia sẻ về bí quyết thành công của ông: “Tìm người tài năng nhất trong gian phòng mà bạn đang có mặt, và nếu người đó không phải là bạn thì hãy đi đến đứng cạnh và bắt chuyện với họ đi. Hãy cố gắng có ích.” Ramis đã thật may mắn vì người tài năng nhất trong căn phòng đó chính là bạn của ông, Bill Murray. Nếu một lúc nào đó bạn nhận ra rằng mình là người tài năng nhất ở một nơi, bạn cần đi đến một nơi khác. “Đừng kiếm chuyện, hãy đi làm gì đó” Bạn chắc chắn sẽ nhìn thấy rất nhiều thứ ngớ ngẩn ngoài kia và cảm thấy rằng mình cần phải ra tay chỉnh đốn nó. Một lần thấy tôi thức khuya ngồi ôm máy tính, vợ tôi sẵng giọng, “ Đừng kiếm chuyện trên Twitter nữa và hãy đi làm gì đó đi.” Cô ấy nói rất đúng. Nhưng sự giận dữ là một trong những nguồn cảm hứng sáng tạo yêu thích của tôi. Henry Rollins nói rằng anh vừa nóng tính vừa hiếu kỳ, và đó là động lực đưa anh ấy tiến lên. Một vài buổi sáng tôi không tài nào tỉnh ngủ được, tôi nằm ỳ trên giường đọc e-mail và lướt Twitter cho đến khi cáu tiết và có đủ động lực để bật dậy khỏi giường. Nhưng thay vì lãng phí sự tức giận của tôi vào việc than vãn hay trút nó lên mọi người, tôi chuyển hóa nó vào việc viết lách và vẽ vời. Vậy thì cứ nóng giận. Nhưng hãy giữ im lặng và bắt tay vào làm việc đi. “Hãy phàn nàn về cách người khác làm phần mềm bằng cách làm phần mềm.” - Andre Torrez Viết thư hâm mộ Khi còn trẻ, tôi đã viết rất nhiều thư hâm mộ và may mắn được phản hồi từ một vài người hùng của tôi. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng vấn đề với thư hâm mộ là bạn luôn có một thứ áp lực để được người nhận trả lời. Rất nhiều lần chúng ta viết thư hâm mộ chỉ để nhận lại một lời chúc hay một cái gật đầu từ họ. Như một người bạn của tôi, Hugh MacLeod nói: “Cách tốt nhất để nhận được sự công nhận là mặc kệ nó đi.” Nếu bạn thật sự yêu mến tác phẩm của ai đó, bạn sẽ không cần một lời phản hồi từ họ. (Và nếu người mà bạn muốn viết thư cho đã qua đời được hơn trăm năm rồi thì quá xui cho bạn.) Vì vậy, tôi khuyên bạn nên viết những lá thư hâm mộ công khai. Mạng Internet là nơi phù hợp cho việc này. Hãy viết một bài blog về tác phẩm của người mà bạn yêu chuộng và liên kết nó đến trang của họ. Hãy làm gì đó và dâng hiến nó cho người hùng của bạn. Trả lời một câu hỏi của họ, giải quyết một vấn đề mà họ cần, hay đơn giản là góp ý cải thiện tác phẩm của họ và chia sẻ nó trên mạng. Người hùng của bạn có thể sẽ thấy bài viết của bạn, và cũng có thể không. Có thể họ sẽ phản hồi hoặc không. Điều quan trọng ở đây là bạn đã thể hiện sự trân trọng của mình mà không mong chờ đền đáp, và bạn đã tạo ra thành quả từ sự trân trọng đó. Chỉ vé xe mới cần được công nhận thôi “Nghệ thuật hiện đại = tôi đã có thể làm thế + còn bạn thì không làm” Vấn đề với những sản phẩm sáng tạo là: Đôi khi đến lúc mà mọi người nhận ra giá trị thực sự của những thứ bạn làm ra thì, có lẽ a) bạn đã phát ngán về nó rồi, hoặc b) bạn đã qua đời. Bạn không thể cứ đi tìm sự công nhận từ bên ngoài. Một khi bạn đưa tác phẩm của mình ra thế giới, bạn không thể nào kiểm soát được cách mọi người sẽ phản ứng và nhìn nhận nó. Mỉa mai thay, những tác phẩm tốt thường trông rất dễ dàng. Mọi người sẽ nói rằng, “Sao tôi lại không nghĩ ra điều đó nhỉ?” Họ sẽ không bao giờ nhìn nhận được những năm tháng, mồ hôi và nước mắt mà bạn đã bỏ ra cho nó. Không phải ai cũng sẽ hiểu được. Mọi người sẽ hiểu sai về bạn và những gì bạn làm. Họ có thể sẽ còn chế giễu bạn nữa. Vậy nên hãy làm quen với việc bị hiểu sai, bị gạt bỏ hay bị phớt lờ. Mẹo ở đây là hãy cố trở nên quá bận bịu để có thời gian để ý đến chúng. Giữ một tập lời khen Cuộc sống là một thứ công việc đơn độc, nó thường chứa đầy sự ngăn cản và từ chối. Đúng là bạn không cần sự công nhận, nhưng việc ai đó khen ngợi tác phẩm bạn làm vẫn là một cú thúc đẩy mạnh mẽ. Đôi khi, tôi may mắn có được một tác phẩm trở nên nổi tiếng trên mạng, và trong một hoặc hai tuần, tôi chìm ngập trong những lời Tweet và email tốt đẹp từ những người khám phá ra tác phẩm của tôi. Điều đó khá tuyệt. Lâng lâng. Phấn khích. Nhưng tôi luôn biết rằng cảm giác trên đỉnh đó sẽ giảm dần đi, và sau một vài tuần nữa tôi sẽ lại trở về với những ngày đen tối mà tôi muốn từ bỏ, khi tôi tự hỏi tại sao mình vẫn còn bận tâm đến thứ này. Đó là lý do tôi giữ mọi e-mail tốt đẹp mà tôi nhận được vào một thư mục đặc biệt. (Những e-mail gây khó chịu sẽ bị xóa ngay lập tức.) Khi những ngày đen tối đó trở lại và tôi cần một cú thúc đẩy, tôi sẽ mở thư mục đó và đọc qua một vài bức thư. Rồi tôi sẽ trở lại làm việc. Thử mà xem: Thay vì giữ một tệp đầy sự chối bỏ, hãy giữ một tệp của những lời khen ngợi. Hãy tiết chế trong việc sử dụng nó – đừng để bị lạc trong vinh quang của quá khứ – nhưng hãy giữ nó lại phòng khi bạn cần sự nâng đỡ. 9 Trở nên nhàm chán (đó là cách duy nhất để hoàn thành công việc) “Hãy sống bình dị và có trật tự, để bạn có thể táo bạo và nguyên gốc trong tác phẩm của bạn." « — Gustave Flaubert Chăm sóc bản thân T ôi là một chàng trai nhàm chán với một công việc hành chính sống trong một khu phố yên tĩnh với vợ và chú chó. Cái viễn cảnh lãng mạn của thiên tài sáng tạo chơi ma túy và đi khắp nơi, ngủ với tất cả mọi người đã xưa rồi. Nó chỉ dành cho những “siêu nhân” và những người muốn chết sớm thôi. Điểm mấu chốt ở đây là: việc sáng tạo tốn rất nhiều năng lượng. Bạn sẽ không còn năng lượng đó nếu bạn lãng phí nó vào những thứ khác. Tốt nhất hãy cho rằng rằng bạn sẽ còn sống thêm một thời gian nữa. (Chính vì lý do này mà Patti Smith bảo các nghệ sỹ trẻ nên đi khám răng.) Ăn sáng. Chống đẩy. Đi bộ thật lâu. Ngủ thật nhiều. Có một câu trong bài hát của Neil Young: “Thà cháy hết mình còn hơn le lói.” Tôi thì thích cháy chậm lại và được nhìn thấy mình có cháu. Tránh xa nợ nần Hầu hết những người tôi biết đều ghét nghĩ về tiền bạc. Hãy tự giúp mình bằng cách học về tiền bạc ngay khi bạn có thể. Ông nội tôi thường nói với bố tôi, “Con trai, số tiền con làm ra không quan trọng, mà là số tiền con nắm giữ được.” Hãy lập ngân sách cho mình. Sống trong khả năng của bạn. Tự chuẩn bị bữa trưa. Tiết kiệm từng xu một. Hãy tiết kiệm nhiều nhất có thể. Nhận được sự giáo dục bạn cần với giá càng rẻ càng tốt. Nghệ thuật nắm giữ tiền của nằm ở việc nói không với văn hóa tiêu pha. Hãy nói không với đồ ăn bán sẵn, cốc cà phê 4 đô-la hay chiếc máy tính mới cáu cạnh kia trong khi máy đang dùng vẫn hoạt động tốt. Sự thật là ngay cả khi bạn đủ may mắn để kiếm sống bằng công việc mà bạn đam mê, bạn cũng sẽ mất khá lâu để đạt đến mức đó. Cho đến lúc đó, bạn sẽ cần một công việc đem lại thu nhập hằng ngày. Một công việc hằng ngày chu cấp cho bạn đủ tiền bạc, sự kết nối với thế giới và một thói quen sinh hoạt. Giải tỏa được căng thẳng về tài chính cũng có nghĩa là bạn có được tự do trong nghệ thuật. Như nhiếp ảnh gia Bill Cunningham nói: “Nếu bạn không nhận tiền, không ai có thể bắt bạn phải làm gì.” Một công việc hàng ngày đưa bạn đi chung lối với những người khác. Hãy học hỏi từ họ, đánh cắp từ họ. Tôi đã nhận việc ở những nơi tôi nghĩ mình có thể học được những thứ có thể áp dụng vào tác phẩm của mình sau này – công việc thư viện đã dạy tôi cách nghiên cứu, công việc thiết kế web đã dạy tôi cách xây dựng trang web và công việc viết bài quảng cáo đã dạy tôi cách bán được hàng bằng con chữ. Nhược điểm lớn nhất ở một công việc hàng ngày là nó tốn khá nhiều thời gian của bạn, nhưng lại bù đắp cho điều đó bằng cách tạo ra một nhịp sinh hoạt đều đặn mà bạn có thể sắp lịch để theo đuổi việc sáng tạo của mình. Thiết lập và duy trì một nhịp sinh hoạt thậm chí còn quan trọng hơn là có quá nhiều thời gian. Sự trì trệ sẽ giết chết sáng tạo. Bạn phải luôn giữ nhịp điệu. Khi bạn lạc khỏi nhịp điệu đó, bạn sẽ sợ phải quay lại làm việc, bởi bạn biết nó sẽ rất tệ lúc khởi động lại – cho đến khi bạn lấy lại được thời gian biểu cũ. Giải pháp thực sự rất đơn giản: Tìm thời gian mà bạn có thể tranh thủ dành ra và ghép vào nhịp sinh hoạt của mình. Hãy làm việc mỗi ngày, bất kể điều gì. Không nghỉ lễ, không nghỉ ốm. Đừng dừng lại. Bạn sẽ nhận thấy là hệ quả của Định luật Parkinson thường đúng: Công việc sẽ được hoàn thành trong khoảng thời gian cho phép. Chẳng ai nói rằng việc đó sẽ thú vị cả. Nhiều khi bạn sẽ cảm thấy như thể mình đang sống hai cuộc đời vậy. Nhà thơ Philip Larkin nói điều tốt nhất bạn có thể làm là: “hãy thử để mình hoàn toàn phân lập tâm thần – dùng nhân cách này làm nơi tạm lánh khỏi nhân cách kia.” Bí quyết là hãy tìm một công việc trong ngày với mức lương tốt, mà không khiến bạn mệt đến mửa mật, và giúp bạn có đủ năng lượng để sáng tạo trong thời gian rảnh rỗi. Công việc tốt không hẳn là dễ tìm, nhưng luôn có những việc làm như vậy. Làm một cuốn lịch cho mình Một sự nghiệp sẽ được tích lũy từ từ từng chút một từ ngày này qua tháng khác. Viết một trang mỗi ngày nghe có vẻ không nhiều, nhưng làm điều đó suốt 365 ngày thì bạn sẽ có đủ để lấp đầy một cuốn tiểu thuyết. Thu hút thành công một khách hàng có thể là một chiến thắng nhỏ, nhưng vài chục khách hàng có thể làm bạn thăng chức. Một cuốn lịch giúp bạn lập kế hoạch cho công việc, cung cấp cho bạn mục tiêu cụ thể và giúp bạn theo dõi chúng. Diễn viên hài Jerry Seinfeld có một phương pháp lên lịch giúp anh ta bám sát việc viết truyện cười hàng ngày của mình. Jerrry khuyên rằng bạn nên dùng cuốn lịch năm treo tường. Sau đó, chia nhỏ công việc của mình thành nhiều phần nhỏ hàng ngày. Mỗi ngày, khi bạn đã hoàn thành công việc mình đặt ra, hãy đánh một dấu X to lên đó. Thay vì chỉ hoàn thành công việc, giờ đây mục tiêu của bạn là lấp đầy từng ô trống. “Sau một vài ngày bạn sẽ có một chuỗi,” Seinfeld nói. “Chỉ cần tiếp tục duy trì và chuỗi X sẽ dài hơn mỗi ngày. Bạn sẽ thích nhìn ngắm chuỗi đó, đặc biệt là khi bạn đạt đến vài tuần. Nhiệm vụ duy nhất của bạn là không phá vỡ chuỗi đó.” Làm lịch. Điền vào các ô. Đừng phá vỡ chuỗi. Cuốn lịch tôi dùng cho quyển sách đầu tiên của mình Giữ một cuốn sổ hành trình Cũng giống như bạn cần một biểu đồ sự kiện trong tương lai, bạn cũng cần một biểu đồ về các sự kiện trong quá khứ. Một cuốn sổ hành trình không nhất thiết phải là nhật ký, nó chỉ là một cuốn sổ nhỏ mà bạn liệt kê những việc bạn làm hàng ngày. Những dự án bạn đã làm, nơi bạn đi ăn trưa, bộ phim mà bạn xem. Nó dễ dàng hơn nhiều so với việc ghi nhật ký chi tiết và bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ hữu ích của việc ghi chép hàng ngày như thế, đặc biệt là sau một vài năm. Những chi tiết nhỏ sẽ giúp bạn nhớ những chi tiết lớn. Ngày xưa, nhật ký hành trình là nơi để các thủy thủ theo dõi xem họ đã đi được bao xa và đó chính xác là những gì bạn đang làm – theo dõi quãng đường của bạn. “Nếu bạn tự hỏi rằng ‘Điều tuyệt vời nhất đã xảy ra trong hôm nay là gì?’ một sức hồi tưởng sẽ làm tái hiện những sự kiện vui vẻ mà có lẽ bạn bình thường không nhớ đến. Nếu bạn hỏi mình ‘Điều gì đã xảy ra hôm nay?’ có vẻ như bạn sẽ nhớ đến những điều tồi tệ, vì bạn đã phải đối mặt với chúng - có lẽ bạn đã phải vội đi đâu đó hoặc ai đó nói điều gì không hay về bạn - đó chính là những thứ mà bạn sẽ nhớ rõ. Nhưng nếu bạn hỏi mình điều tuyệt nhất là gì, đó sẽ là một ký ức tươi sáng, một biểu cảm hạnh phúc của ai đó hay một đĩa rau trộn thơm ngon.” —Nicholson Baker Vài trang trong cuốn sổ hành trình của tôi Chọn đúng bạn đời Cưới ai là quyết định quan trọng nhất mà bạn sẽ đưa ra trong đời. Và “bạn đời” không chỉ có nghĩa là vợ/chồng của bạn, mà đó còn là người mà bạn kinh doanh cùng, người bạn kết thân, người bạn chọn ở cạnh. Các mối quan hệ vốn đã đủ phức tạp rồi, nhưng những ai kết hôn với một người theo đuổi sự nghiệp sáng tạo mới thực sự là những nhà vô địch. Họ sẽ phải làm người giúp việc, đầu bếp, một diễn giả truyền động lực, một người mẹ và một biên tập viên – tất cả cùng một lúc. Một người đồng hành tuyệt vời sẽ khiến bạn thấy rằng mình có một hậu phương vững chắc. Có người từng cho rằng, “Sống chung với một nghệ sỹ chắc hẳn sẽ khiến ngôi nhà của chúng ta đầy cảm hứng.” Vợ tôi thì nói đùa, “Ồ, đúng thế, giống như sống với Da Vinci vậy.” Cô ấy là người tuyệt nhất. “Cô ấy đã giải cứu tôi. Ngày hôm nay tôi sẽ chơi nhạc trong một quán bít tết nếu không phải nhờ cô ấy. Tôi thậm chí sẽ không được chơi nhạc trong một quán bít tết mà sẽ phải nấu ăn ở đó.” — Tom Waits, về người vợ và cộng tác viên, Kathleen Brennan 10 Sự sáng tạo là phép trừ Lựa chọn thứ cần lọc bỏ T rong thời đại bùng nổ thông tin, những người có thể thăng tiến là những người biết phải bỏ qua việc gì, để có thể tập trung vào những việc quan trọng hơn. Không gì gây tê liệt hơn ý nghĩ rằng mọi khả năng đều khả thi. Cho rằng mình có thể làm được mọi thứ là một suy nghĩ đáng sợ. Cách để vượt qua ranh giới sáng tạo chỉ đơn giản là hãy đặt cho bản thân những sự ràng buộc. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng trong công việc sáng tạo thì sự giới hạn nghĩa là bạn được tự do. Hãy viết một bài hát chỉ trong giờ ăn trưa. Vẽ một bức tranh mà chỉ dùng một màu. Kinh doanh mà không cần vốn khởi nghiệp. Quay một bộ phim chỉ với chiếc iPhone cùng một vài người bạn. Lắp ráp một thiết bị chỉ từ những bộ phận thừa. Đừng lấy cớ để không phải làm việc – hãy làm việc với lượng thời gian, không gian và vốn nguyên liệu mà bạn có trong hiện tại. Những sự gò bó hợp lý sẽ dẫn bạn đến thành quả tốt nhất. Một ví dụ yêu thích của tôi là Dr. Seuss, người đã viết Cat in the Hat (Chàng mèo mang mũ) chỉ với 236 từ khác nhau, vậy nên biên tập viên của ông đã cá rằng ông không thể nào viết được một cuốn sách chỉ bằng 50 từ. Dr. Seuss đã thắng ván cược đó với cuốn Green Eggs and Ham (Trứng xanh, Giăm bông xanh), một trong những cuốn sách cho thiếu nhi bán chạy nhất mọi thời đại. “Nếu cứ tự bảo rằng mình có tất cả thời gian, tiền bạc trên thế giới này, toàn bộ màu sắc trên bảng màu hay bất kỳ thứ gì mình muốn — bạn sẽ giết chết sáng tạo của mình.” - Jack White Nghệ sỹ Saul Steinberg từng nói, “Thứ mà chúng ta nhìn được trong bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào chính là sự đấu tranh của người nghệ sỹ với chính giới hạn họ đặt ra.” Những điều mà người nghệ sỹ loại ra khỏi tác phẩm thường là thứ chất nghệ làm nên sự thú vị của tác phẩm đó. Những thứ được thể hiện tương phản với những thứ được lược bỏ đi. Con người cũng vậy: Điều làm chúng ta thú vị không chỉ là những thứ mà ta đã trải nghiệm mà còn là những điều ta chưa thử qua. Điều này cũng áp dụng trong công việc của bạn: Bạn phải biết đón nhận những giới hạn mình đặt ra và bước tiếp. Vì cuối cùng sự sáng tạo không chỉ là những thứ chúng ta chọn để thể hiện, nó còn là những gì chúng ta chọn để bỏ ra. Vậy nên hãy chọn một cách khôn ngoan. Và chúc vui vẻ. a38 Cuốn sách này được khởi đầu bằng những tấm thẻ chỉ mục, và chúng đây a39 a40 Tôi muốn dành lời cảm ơn đến Vợ tôi, Meghan, người đầu tiên đọc sách của tôi và người đầu tiên cho tất cả Người đại diện của tôi, Ted Weinstein; biên tập viên của tôi, Bruce Tracy, và người thiết kế sách của tôi, Lidija Tomas, cùng tất cả những người tuyệt vời trong nhóm tại Workman. Các bạn đã gây ấn tượng rất mạnh với tôi. •••••••••• Tất cả những người tôi đã “đánh cắp”, bao gồm Lynda Barry, Ed Emberley, Hugh MacLeod, John T. Unger, Jessica Hagy, Kirby Ferguson, Maureen McHugh, Richard Nash, David Shields, Jonathan Lethem, Chris Glass và những người ở wireandtwine.com, những người đã cho phép tôi sử dụng áo phông “Tôi ở đây để kết bạn” của họ. •••••••••• Bố mẹ tôi, Sally và Scott Kleon. •••••••••• Amy Gash, vì con mắt tinh tường của cô ấy. •••••••••• Tất cả những người bạn và gia đình đáng yêu của tôi trực tuyến và ngoại tuyến, những người đã lan truyền bản gốc bài đăng blog trên Internet và gửi cho tôi nhiều nguồn cùng trích dẫn để đem lại cảm hứng. •••••••••• Cuối cùng, cảm ơn trường Đại học Broome Community rất nhiều – không có lời mời đến nói chuyện, có thể tôi sẽ không bao giờ nảy ra ý tưởng này.