🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nghề Tay Trái Hái Ra Tiền - Chris Guillebeau
Ebooks
Nhóm Zalo
Kế hoạch 27 ngày của bạn
TUẦN 1 – LẬP KHO Ý TƯỞNG
C
ông việc làm thêm có nhiều lợi ích, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ một ý tưởng. Tuần đầu tiên này sẽ dạy bạn cách tạo nên những ý tưởng kinh doanh thực sự hiệu quả.
Ngày 1: Dự đoán tương lai
Hành trình từ ý tưởng đến thu nhập bắt nguồn từ câu trả lời cho một câu hỏi quan trọng: 27 ngày tính từ thời điểm này, điều gì sẽ thay đổi trong cuộc sống của bạn?
Ngày 2: Tiền mọc trên cây như thế nào?
Có một vài ý tưởng công việc làm thêm hay hơn những ý tưởng khác. Hãy nghiên cứu ba phẩm chất tạo nên một ý tưởng tuyệt vời và làm sao để tìm được ý tưởng có tiềm năng phát triển nhất.
Ngày 3: Động não, vay mượn hoặc “chôm” ý tưởng
Hãy vận dụng mọi kiến thức mà bạn đã học được về các ý tưởng giàu tiềm năng. Giờ là thời điểm để động não, vay mượn hay “chôm chỉa” ít nhất ba khả năng cho việc làm thêm của bạn.
Ngày 4: Cân nhắc cơ hội và thách thức của từng ý tưởng
Lúc này, bạn đã có một vài ý tưởng trong tay, hãy xem xét kỹ lưỡng hơn để xem ý tưởng nào trong số đó có tiềm năng nhất.
Ngày 5: Dự đoán lợi nhuận trên mặt sau của tờ khăn giấy
Để dự đoán được lợi nhuận từ công việc làm thêm, bạn không cần phải có bằng cấp tài chính hay một siêu máy tính. Bạn chỉ cần một tờ khăn giấy, một cây bút và năng lực đánh giá.
TUẦN 2 – LỰA CHỌN Ý TƯỞNG TỐT NHẤT
Sau khi đã có một vài ý tưởng, bạn cần xác định xem ý tưởng nào là tốt nhất. Hãy học cách xếp hạng và so sánh tất cả những gì mình có trong đầu để tự tin triển khai với khả năng thành công cao nhất.
Ngày 6: Dùng bộ lọc làm thêm để so sánh ý tưởng
Một khi bạn đã bắt đầu suy nghĩ về dự án làm thêm, các ý tưởng sẽ không ngừng tuôn ra. Công cụ này sẽ chỉ cho bạn cách áp dụng logic “động lực cho việc làm thêm” để lựa chọn ý tưởng tốt nhất vào bất cứ lúc nào.
Ngày 7: Trở thành thám tử
Trong lúc bạn tiếp tục với ý tưởng đã chọn, hãy quan sát những gì mà người khác đang làm. Hãy làm tốt hơn thế – hay chí ít là làm khác đi.
Ngày 8: Cuộc hẹn tưởng tượng với khách hàng lý tưởng
Ngoài kia có một người hoàn toàn phù hợp với mô tả về khách hàng tiềm năng của bạn. Bạn có thể học được gì từ người đó?
Ngày 9: Biến ý tưởng thành lời mời chào
Khi đã có một ý tưởng tuyệt vời và một khách hàng lý tưởng, bạn cần biến ý tưởng đó thành một lời mời chào. Trong lời mời chào đó có một lời hứa hẹn, một lời quảng cáo và một mức giá tiền.
Ngày 10: Tạo nên câu chuyện khởi đầu của bản thân
Như một anh hùng trong truyện tranh, công việc làm thêm của bạn cần có một lịch sử. Đừng chỉ đưa ra những thông tin, hãy kể một câu chuyện.
TUẦN 3 – CHUẨN BỊ CẤT CÁNH
Bạn đã xác định được ý tưởng, đã chuyển nó thành lời mời chào và đã biết khách hàng lý tưởng của mình là ai. Trong tuần này, bạn sẽ học cách giúp vị khách hàng lý tưởng đó hiểu lý do tại sao họ không thể sống thiếu sản phẩm của bạn mà không bị sa lầy vào những chi tiết nhỏ nhặt.
Ngày 11: Tập hợp những thứ cơ bản
Khả năng xoay xở tháo vát là phẩm chất có giá trị nhất của một người làm thêm. Hãy chuẩn bị tất cả những gì bạn cần để bắt đầu dự án sớm nhất có thể.
Ngày 12: Quyết định ra giá lời mời chào
Định giá cũng có thể là một thử thách ngay cả với những người làm thêm dạn dày kinh nghiệm. Hãy sử dụng mô hình chi phí cộng thêm và theo hai chỉ dẫn đơn giản để tăng khả năng thành công.
Ngày 13: Tạo giỏ mua hàng cho dự án làm thêm
Dự án làm thêm của bạn có lẽ sẽ cần một số công cụ, nguồn lực và dịch vụ giao hàng. Hãy học cách tìm kiếm, thu thập hoặc tạo ra mọi thứ mà bạn cần trong giỏ hàng của mình.
Ngày 14: Thiết lập một cách để được trả công
Giờ đây, khi đã có nhiều hơn một ý tưởng, bạn đang trên hành trình trở thành một người làm thêm thực sự. Trước khi tiến hành, hãy đảm bảo rằng bạn cũng có một cách khả thi để nhận được tiền công.
Ngày 15: Thiết kế tiến trình công việc đầu tiên
Bạn đã đến gần tuần ra mắt lắm rồi. Bằng việc liệt kê các bước tiếp theo của mình theo trình tự, bạn sẽ tránh được những sai lầm không đáng có và trở nên tự tin hơn.
BƯỚC PHỤ THÊM
Ngày 16: Dành thêm 10% thời gian vào những nhiệm vụ quan trọng nhất
Nhiều người mới tập tành làm thêm thường dễ bị cuốn vào những tiểu tiết không đáng có. Hãy tránh những cái bẫy đó ngay từ đầu và chỉ tập trung sự chú ý của bạn vào hai thứ thôi.
TUẦN 4 – ĐƯA Ý TƯỞNG CỦA BẠN ĐẾN ĐÚNG NGƯỜI
Sau khi đã lập kế hoạch cẩn thận, bạn đã sẵn sàng để đưa dự án làm thêm của mình ra thế giới. Giờ chính là thời điểm thích hợp! Hãy học tất cả những gì bạn cần về marketing, thử nghiệm và xông ra chiến trường trên một cỗ xe tăng.
Ngày 17: Công bố lời mời chào của bạn
Khi nào là thời điểm tốt nhất để giới thiệu lời mời chào của bạn và xem điều gì có thể xảy ra? Thường là trước khi bạn sẵn sàng.
Ngày 18: Bán hàng như nữ hướng đạo sinh
Ngay cả với những sản phẩm, dịch vụ hoàn hảo và một lời mời chào hấp dẫn, thì tiền vẫn không dễ gì từ trên trời rơi xuống. Hãy kết nối với nữ hướng đạo sinh bên trong bạn và bắt đầu bán hàng!
Ngày 19: Nhờ mười người giúp đỡ
Một cây làm chẳng nên non, rất ít người có thể thành công mà không cần đến sự giúp đỡ từ bạn bè hay người ủng hộ. Khi bạn bắt đầu làm thêm, đừng ngại gì mà không nhờ bạn bè, gia đình, thậm chí cả người đưa thư nữa, tham gia cùng với mình.
Ngày 20: Thử, thử nữa, thử mãi
Khi bắt đầu một dự án làm thêm mới, bạn thường không biết hướng tiếp cận nào sẽ hiệu quả nhất. Để tìm ra, hãy thử nhiều hướng và ghi nhận lại kết quả.
Ngày 21: Càn quét các cửa hàng
Có một lý do rất hay giải thích tại sao phần lớn chúng ta lại phá lệ để mua một thứ đang giảm giá. Hãy làm chủ các lợi ích của việc giảm giá, khuyến mãi và các chương trình đặc biệt – rồi khiến chúng kiếm tiền cho bạn.
BƯỚC PHỤ THÊM
Ngày 22: Đóng khung tờ tiền đầu tiên
Hãy nhớ ăn mừng những thành công đầu tiên của bạn. Bạn sẽ còn rất nhiều việc khác phải làm, nhưng những thắng lợi nho nhỏ có thể đem lại niềm vui lớn không ngờ.
TUẦN 5 – XỐC LẠI VÀ HOÀN THIỆN
Dự án làm thêm của bạn đã được trình làng! Chúc mừng – giờ hãy xem bạn có thể làm những gì để nâng cấp nó.
Ngày 23: Theo dõi tiến độ và quyết định những bước đi tiếp theo
Khi bạn tiếp tục tìm hiểu cách khách hàng phản ứng với công việc làm thêm của mình, hãy ghi nhận lại những yếu tố quan trọng nhất – rồi hành động dựa theo đó.
Ngày 24: Phát triển những gì hiệu quả, loại bỏ những gì không cần thiết
Khi công việc làm thêm của bạn phát triển, bạn có vô số lựa chọn để mở rộng. Đừng để bị phân tâm, hãy xác định những gì có hiệu quả để tập trung vào đó nhiều hơn.
Ngày 25: Tìm tiền dưới đá
Nếu mọi chuyện đều ổn thỏa, hãy tính đến việc thêm vào một phiên bản khác để phục vụ khách hàng tốt hơn. Nói cho cùng, nếu thấy 1 triệu đô-la trên đường thì bạn có nhặt không?
Ngày 26: Hãy tống nó ra khỏi đầu
Mọi công việc kinh doanh đều có các hệ thống chủ chốt. Là một người làm thêm, bạn chứa những ý tưởng của mình trong đầu – và đó không phải lúc nào cũng là một lựa chọn khôn ngoan. Để tạo ra những cải thiện rõ rệt (và tiết kiệm được nhiều thời gian) khi bạn mở rộng dự án của mình, hãy hệ thống hóa bất cứ khi nào có thể.
Ngày 27: Trở lại tương lai
Bạn đã đi đến cuối con đường... hay đó mới chỉ là khởi đầu? Hãy quyết định xem liệu có nên chia tay dự án đầu tiên và thử điều gì khác hay tiếp tục phát triển nó, hoặc đơn giản biến nó thành một nguồn thu nhập liên tục.
Con đường làm thêm
K
hi một anh chàng quản lý công ty xây dựng người Anh viết loạt bài đánh giá về bể cá cho một trang web ít người biết tới, anh có chèn thêm mấy đường dẫn tới vài sản phẩm bán
trên Amazon ở cuối bài viết. Anh biết mình sẽ nhận được một khoản hoa hồng nho nhỏ nếu có người vào mua hàng theo đường dẫn cuối bài đánh giá đó, nhưng lại quá bận rộn với công việc chính của mình đến mức quên bẵng đi mất. Vài tuần sau, một tờ séc được gửi đến trị giá 350 đô-la. Bạn gái anh còn không tin đó là sự thật cho đến khi anh chở cô đi ăn nhà hàng với khoản tiền này.
Vào lúc đó, anh hoàn toàn chưa hề hay biết dự án nhỏ vào cuối tuần của mình sẽ trở thành một công việc đem về hàng trăm đô-la. Anh cũng không hề biết rằng nhiều năm sau, cũng chính những đánh giá ấy vẫn tiếp tục đem về cho mình trung bình 700 đô-la một tháng, trong khi anh chẳng phải động tay vào thêm lần nào nữa. Khoản tiền này không đủ để anh được nghỉ hưu sớm, nhưng nó vẫn rất tuyệt vời.
Tương tự, khi một viên chức Chính phủ tại San Diego được nhờ chụp ảnh cưới cho bạn, anh không hề biết rằng đó lại là khởi đầu cho một khoản thu nhập tăng thêm trị giá 3.500 đô-la mỗi tháng. Tuy không muốn làm thợ chụp ảnh cưới toàn thời gian, song việc thỉnh thoảng chụp một bộ ảnh bất cứ khi nào cảm thấy hứng thú đã đem lại cho anh một khoản tiền tiết kiệm và sự bảo đảm. Anh chọn những yêu cầu phù hợp với thời gian của mình và từ chối những cái
còn lại, trong khi vẫn tiếp tục đều đặn nhận lương từ công việc chính.
Khi giám đốc bán hàng của một công ty xăng dầu tại Pennsylvania bắt đầu đăng ảnh lên Pinterest, cô không phải là một người nổi tiếng và cũng chẳng có “mô hình lợi nhuận” nào. Ngoài công việc chính, cô còn là một người mẹ, một giáo viên dạy yoga và cũng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Trong vòng một tháng, cô kiếm được hơn 1.000 đô-la trong sự ngạc nhiên lẫn vui mừng. Sau ba năm, cô thu về hơn 40.000 đô-la chỉ nhờ việc xem và đăng ảnh bất cứ khi nào rảnh rỗi trong một ngày dài đầy bận rộn của mình.
Tất cả những câu chuyện trên hoàn toàn là sự thật, cho thấy con đường của những người làm thêm được xác định là một dự án kiếm tiền ngoài công việc chính. Nói cách khác, đó là một cách để kiếm thêm thu nhập mà không phải hứng chịu rủi ro từ việc dấn thân “chơi tới bến” trong thế giới của những người tự làm chủ.
Tất nhiên với một số người, suy nghĩ nghỉ việc và tự làm chủ là một ý tưởng cực kỳ hấp dẫn. Song với nhiều người khác, ý nghĩ ấy có thể rất đáng sợ. Nói cho cùng, dù bạn đang có một gia đình để chăm sóc hay khoản vay thế chấp phải thanh toán, thì một công việc tạo ra thu nhập ổn định cùng bảo hiểm là thứ mà bạn khó (hay thậm chí là không thể) từ bỏ.
Nhưng sẽ ra sao nếu như bạn có thể đưa ra một ý tưởng hái ra tiền mà chỉ phải đầu tư một chút thời gian, tiền bạc và công sức – và có thể thực hiện nó bên cạnh công việc ổn định của mình? Cuốn sách này sẽ cho bạn thấy cách thực hiện, từng bước hướng dẫn bạn từ việc đưa ra ý tưởng đến thực hiện chỉ trong 27 ngày. Cuốn
sách này dành cho những người bận rộn và thiếu kiên nhẫn. Nó là tấm bản đồ chỉ đường chi tiết cho phép bạn động não, lựa chọn, triển khai và hái ra tiền chỉ trong chưa đầy một tháng.
Nhưng làm thêm không chỉ đơn giản là có thêm tiền đút túi. Trong thời đại ngày nay, không còn nhiều doanh nghiệp giữ chân nhân viên lâu dài, vậy nên công việc làm thêm là cách bảo đảm việc làm mới. Nó cho bạn khả năng ra quyết định. Khi nhận được thu nhập từ nhiều nguồn, bạn không còn phải nơm nớp lo sợ ý kiến của một ông chủ duy nhất nữa.
Nhiều thu nhập hơn cũng có nghĩa là nhiều lựa chọn hơn. Nhiều lựa chọn hơn có nghĩa là tự do hơn.
Trong những trang tiếp theo, bạn sẽ đọc được thêm nhiều câu chuyện như ở trên. Chúng thú vị và có một mục đích lớn hơn thế. Chúng cho bạn thấy rằng, bất cứ ai cũng có thể xây dựng được một con đường tắt dẫn tới tự do bằng cách tăng thu nhập với những kỹ năng vốn có. Bất kể vào ban ngày bạn có làm gì hay bạn có muốn tự coi mình là một “doanh nhân khởi nghiệp” hay không, bạn vẫn cần một công việc làm thêm. Theo đuổi kế hoạch sau đây, bạn sẽ có một công việc như vậy chỉ trong chưa đầy một tháng.
Và câu chuyện của bạn sẽ là gì?
Cây sinh tiền
B
ạn đã bao giờ được nghe rằng tiền không mọc trên cây chưa? Các bậc phụ huynh thường nói vậy với bọn trẻ khi chúng muốn mua tất cả những gì lọt vào tầm mắt. Nhưng họ
chỉ đúng một nửa thôi. Tiền có mọc trên cây – chỉ là bạn phải gieo đúng hạt giống, ở đúng nơi. Trong mỗi chương của cuốn sách này, bạn sẽ được đọc một câu chuyện về ai đó đã tìm thấy cây sinh tiền và khiến nó đơm hoa – chỉ đơn giản bằng việc biến ý tưởng thành hành động. Và bạn cũng sẽ học được cách để phát hiện và mở khóa một quy trình lặp lại mà bạn có thể chỉnh sửa cho phù hợp với chính mình.
Hy vọng rằng bạn sẽ tìm thấy cảm hứng trong những câu chuyện này, và quan trọng hơn thế, hy vọng chúng sẽ truyền cảm hứng cho bạn hành động. Cây sinh tiền đang chờ đợi bạn. Trong 27 ngày nữa, bạn sẽ học được cách để tìm thấy và nuôi dưỡng nó, rồi nhìn nó vươn cao.
Dù bạn không lạ gì những công việc làm thêm hay là lính mới hoàn toàn thì cuốn sách này cũng sẽ giúp bạn bắt đầu và thực hiện một dự án sinh lời trong thời gian ngắn. Tất cả các chi tiết sẽ trải đều trong những trang sắp tới. Nhưng trước tiên, bạn cần nắm rõ những điều sau:
Ai cũng nên có một công việc làm thêm. Ngay cả khi bạn yêu công việc hiện tại thì có nhiều hơn một nguồn thu nhập sẽ cho bạn có thêm tự do và chọn lựa.
Bắt đầu một dự án làm thêm thực ra không khó đến thế. Bạn có thể thực hiện trong chưa đầy một tháng bằng cách làm theo các bài học trong cuốn sách này.
Để thành công trong việc làm thêm, đầu tiên bạn cần hiểu cách tạo ra các ý tưởng hái ra tiền, rồi lựa chọn xem cái nào là tốt nhất tại một thời điểm nhất định. Bạn sẽ học được cả hai kỹ năng này trong nửa đầu cuốn sách.
Công việc làm thêm là hành động! Bạn cần phải tung ra ý tưởng của mình, thường là trước khi cảm thấy hoàn toàn sẵn sàng, rồi xốc lại và hoàn thiện sau khi thấy được kết quả ban đầu. Bạn sẽ học được cách thực hiện điều này ở nửa sau cuốn sách.
Bạn cần gì và không cần gì
C
ó rất ít yêu cầu ban đầu liên quan đến việc làm thêm. Để thành công trong mô hình này, chủ yếu bạn sẽ cần:
• Lối suy nghĩ phù hợp
Đặc biệt là thái độ sẵn sàng học hỏi và trải nghiệm. Ngay cả khi bạn đã là người lão luyện thì một số điều ở đây vẫn có thể mới mẻ với bạn. Để thẩm thấu triệt để những bài học này, hãy sẵn sàng cởi mở đầu óc với một lối suy nghĩ khác.
• Tinh thần sẵn sàng hành động
Ngay cả khi tôi cố gắng viết một cuốn sách thực tế đến mức nào, thì việc chỉ đọc cũng sẽ không giúp được gì nhiều cho bạn. Bạn phải sẵn sàng làm theo hướng dẫn và thử các bài tập. Điều chỉnh một chút cũng không sao – chúng phải đem đến hiệu quả cho bạn – nhưng nếu muốn thành công, bạn không thể bỏ qua tất cả.
Bạn thấy đấy, danh sách những điều bạn cần khá đơn giản. Còn danh sách những điều bạn không cần dài hơn nhiều. Điều này rất quan trọng, bởi nhiều người nghĩ rằng, khả năng kiếm được tiền ngoài công việc chính của mình là bất khả thi. May mắn thay, họ đã sai. Hãy làm rõ ngay từ đầu:
• Bạn không cần nhiều tiền
Hãy cất thẻ tín dụng của bạn đi (ít nhất là những cái có hạn mức cao) và đừng lo lắng về việc phải huy động vốn hay hỏi vay ai. Quy trình mà tôi giới thiệu trong những ngày tới đây, cùng phần lớn các ý tưởng và câu chuyện mà bạn sẽ đọc, đều không đòi hỏi một khoản tiền lớn – thậm chí vài trường hợp còn không cần đến một xu.
• Bạn không cần nhiều thời gian
Nói đúng ra thì bạn vẫn cần dành cho nó chút thời gian, nhưng chỉ nên ở mức tối thiểu. Kế hoạch 27 ngày được thiết kế để có thể thực hiện song song công việc hiện tại của bạn và không cần hơn một giờ mỗi ngày. Nếu bạn muốn thực hiện nhanh hơn hay phát triển dự án lên một mức độ cao hơn, bạn hoàn toàn có thể dành thêm thời gian – nhưng không bắt buộc.
• Bạn không cần phải có bằng cấp kinh doanh hay bất cứ nền tảng giáo dục chuyên môn nào
Phần lớn các trường kinh doanh dạy bạn cách quản lý một công ty – cũng ổn thôi nếu đó là việc chính của bạn. Nhưng khi làm thêm, bạn bắt đầu việc kinh doanh của chính mình chứ không phải cho ai khác. Bạn không cần tấm bằng MBA. Bạn không cần phải dùng những phần mềm hay bảng tính phức tạp. Dự đoán tài chính của bạn có thể được viết ngay ở mặt sau tờ khăn giấy – quả thực, đó chính là những gì bạn sẽ học trong Ngày 5.
• Bạn không cần nhân viên, trợ lý hay đối tác kinh doanh
Đến một lúc nào đó, bạn có thể cần được hỗ trợ, nhưng không phải ngay từ đầu. Mục đích ở đây là tự mình bắt đầu, bằng chính
những kỹ năng và nỗ lực sẵn có.
• Bạn không cần kinh nghiệm để bắt đầu kinh doanh
Bạn không cần phải là một “doanh nhân khởi nghiệp” thì mới có thể bắt đầu một công việc làm thêm. Ngay cả khi không có chút kinh nghiệm nào, với các lời khuyên trong cuốn sách và một chút tháo vát của bản thân, bạn vẫn sẽ dễ dàng đưa dự án làm thêm của mình từ ý tưởng thành lợi nhuận.
Thực tế là, một vài điều kể trên (tiền, thời gian rảnh rỗi hay thậm chí là bằng cấp) thực ra còn có thể gây bất lợi cho kế hoạch của bạn. Nếu có quá nhiều tiền, bạn sẽ tiêu hết nó. Nếu có quá nhiều thời gian, bạn sẽ lãng phí nó. Bất cứ điều gì học được về kinh doanh ở trường cũng có thể làm bạn đi chệch hướng, thậm chí ngăn bạn thực hiện các bước đi đơn giản cần thiết để biến ý tưởng thành hành động. Cuối cùng, vào một lúc nào đó bạn sẽ cần mở rộng đội ngũ, nhưng khi tự mình thực hiện tất cả, bạn sẽ phải bám vào những gì cần thiết nhất. Kế hoạch này sẽ cho bạn thấy cách thức để làm điều đó.
TẠI SAO TÔI VIẾT CUỐN SÁCH NÀY
Tôi đã khởi động và vận hành các dự án làm thêm trong suốt những năm tháng trưởng thành. Thực tế đó là con đường sự nghiệp duy nhất mà tôi biết. Trong hơn 20 năm, tôi đã sống thoải mái qua đủ thứ việc, từ nhập khẩu cà phê đến phát triển trang web. Có giai đoạn tôi đã dành vài năm làm nhân viên cứu trợ ở Tây Phi, rồi theo đuổi (và hoàn thành) mục tiêu ghé thăm mọi quốc gia trên thế giới. Nếu bạn hỏi tôi làm sao để trở thành một nhân viên tốt hơn, tôi
không thể cho bạn lời khuyên. Nhưng nếu bạn muốn biết cách tạo ra một nguồn thu nhập mới, tôi có thể hướng dẫn bạn từng bước qua hành trình này.
Bạn cũng có thể học về con đường làm thêm. Một khi đã nắm được kỹ năng sáng tạo ra ý tưởng, bạn sẽ không quá khó khăn để nghĩ ra ý tưởng mới vào bất cứ lúc nào. Và rồi, khi đã thành thục kỹ năng để biến ý tưởng thành hành động, bạn có thể chuyển đổi chúng thành thu nhập.
Nó giống như thuật giả kim vậy, trừ việc chẳng có ma thuật gì ở đây cả, mà hoàn toàn là thực tế.
Mục đích duy nhất của cuốn sách này là giúp bạn tăng thu nhập và sự bảo đảm, cho bạn nhiều lựa chọn và có thể làm thêm những gì mình mong muốn. Nếu bạn chấp nhận và kiên trì theo đuổi đến cùng, tôi hứa sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp bạn trong hành trình này.
CÁCH SỬ DỤNG KẾ HOẠCH 27 NGÀY
Các kỹ năng làm thêm không được dạy ở trường. Trừ khi đặc biệt may mắn, còn không thì bạn cũng chẳng học được gì nhiều từ bố mẹ mình. Kiến thức ở trường chẳng có gì sai, chỉ có điều nó sẽ không giúp bạn được nhiều trong lĩnh vực này. Cách duy nhất để nắm bắt các kỹ năng làm thêm là bắt tay vào làm.
Một ngày nọ, tôi nói chuyện với một người đang bắt đầu công việc làm thêm đầu tiên của mình. Cô là ví dụ điển hình về kiểu người mà cuốn sách này hướng đến. Cô có một công việc tốt và không hẳn muốn tự mình làm chủ, song cũng muốn phát triển thứ gì đó cho bản thân ngoài giờ làm việc chính. Bởi không biết gì nhiều về việc
bắt đầu kinh doanh, cô theo đuổi thứ nghe có vẻ như một kế hoạch hành động bình thường và đăng ký vào một lớp khởi nghiệp kinh doanh kéo dài tám tuần của một trường đại học địa phương. Không may là khóa học này lại chỉ khiến cô bực mình. “Chỉ 15% những gì tôi được học là có ích, còn lại toàn là những điều không liên quan gì đến mục đích của tôi.”
Hãy coi cuốn sách này là một trường học khác. Thay vì dạy bạn cách viết các kế hoạch kinh doanh phức tạp hay dạy cách đi vay tiền, ngôi trường này sẽ chỉ bạn một quy trình hoàn chỉnh gồm lập kế hoạch và hành động, cô đọng trong một lịch trình 27 ngày.
Thay vì phải có mặt trên lớp vào đúng giờ mỗi ngày, bạn có thể học theo lịch của mình. Dù vậy, bạn nên làm theo kế hoạch tổng quát dưới đây, trong đó tất cả các bước được ghép với nhau thành một dự án làm thêm sinh lời.
Mỗi tuần tập trung vào một chủ đề được chia thành năm bước, ngoài ra có thêm các bước phụ thêm ở Tuần 3 và 4. Bạn đừng quá lo lắng về thời gian cần cho mỗi bước – một số có thể được hoàn thành nhanh chóng, số khác có thể khiến bạn chậm hơn một ngày, điều quan trọng là bạn cần đi theo đúng trình tự.
Dưới đây là mục tiêu cho mỗi tuần:
TUẦN 1: Học cách tạo ra những ý tưởng hái ra tiền.
TUẦN 2: Lựa chọn ý tưởng tốt nhất của bạn (không phải ý tưởng nào cũng tốt như nhau!).
TUẦN 3: Chuẩn bị để chia sẻ ý tưởng tốt nhất của bạn với nhóm người phù hợp.
TUẦN 4: Cho ra mắt – có thể là trước khi bạn sẵn sàng – và theo dõi kết quả của mình.
TUẦN 5: Xốc lại và hoàn thiện.
ĐẾN LƯỢT BẠN: BẮT TAY VÀO VIỆC THÔI!
Đến lúc này, bạn nên xác định xem liệu cuộc sống làm thêm có dành cho mình hay không. Dưới đây là một bài trắc nghiệm nhanh:
Bạn có thích ý tưởng có nhiều hơn một nguồn thu nhập không?
Bạn có sẵn sàng dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để phát triển dự án làm thêm của mình, trong ít nhất là 27 ngày sắp tới?
Nếu câu trả lời cho hai câu hỏi trên là “Có”, kế hoạch này dành cho bạn. Tuy nhiên, có một cảnh báo nhỏ: Trong cuốn sách này, tôi sẽ hướng dẫn cụ thể về những việc bạn phải làm. Tôi đã làm thêm trong hơn 20 năm và làm việc với hàng nghìn người bắt đầu khởi
nghiệp. Tôi biết điều gì hiệu quả và điều gì không. Tôi muốn bạn thành công, không lãng phí thời gian và sức lực. Vì vậy, hãy tin vào quy trình này.
THEO DÕI TIẾN ĐỘ: CÁC CÔNG CỤ MIỄN PHÍ
Cuối cùng, mọi thứ bạn cần để thành công đều ở trong những trang sách này, nhưng tôi cũng tạo thêm vài công cụ nữa cho những ai muốn được giúp đỡ thêm đôi chút để hoàn tất hành trình. Đầu tiên là một công cụ theo dõi nhiệm vụ miễn phí giúp bắt kịp tiến độ. Đôi khi có một lời nhắc nhở trực quan về tình hình công việc sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Thứ hai là một cộng đồng trực tuyến nơi những người làm thêm như bạn có thể tham gia cùng những người cũng đang đối diện với thách thức này. Bạn không phải làm điều này với một nhóm, song nhiều người thấy rằng làm như vậy khá hữu ích.
Cuối cùng, tôi sẽ đăng các tài liệu khác trên mạng, bạn có thể vào trang SideHustleSchool.com để đăng ký và nhận chúng. Cho dù yêu công việc chính của mình hay đang khó chịu với nó, mọi người đều nên có nhiều hơn một nguồn thu nhập. Và bởi bạn là người đưa ra quyết định, nên nó cũng có thể khá thú vị – chỉ có điều không như những kiểu giải trí thông thường, sự thú vị này thực sự đem về cho bạn nhiều tiền. Hãy nhớ rằng, công việc làm thêm là một kiểu bảo đảm việc làm mới. Không có bất lợi nào, còn cơ hội lại là không giới hạn.
Giờ đây, hãy bắt đầu biến ý tưởng của bạn thành hiện thực!
C
Tuần 1
LẬP KHO Ý TƯỞNG
ông việc làm thêm có nhiều ích lợi, nhưng tất cả đều bắt nguồn với một ý tưởng. Tuần đầu tiên sẽ dạy bạn cách tạo nên những ý tưởng kinh doanh thực sự hiệu quả.
C
Ngày 1
DỰ ĐOÁN TƯƠNG LAI
ông việc làm thêm mang đến nhiều lợi ích và không hề có bất lợi. Tất cả bắt đầu với câu trả lời cho một câu hỏi quan trọng: 27 ngày tính từ lúc này, điều khác biệt gì sẽ xảy đến trong cuộc sống của bạn?
Trước khi bắt đầu, có một điều tôi cần nói rõ: Công việc làm thêm không chỉ là vấn đề có thêm tiền đổ vào tài khoản ngân hàng, dù việc đó có ích đến thế nào. Một công việc làm thêm thực sự có thể thay đổi cuộc sống của bạn. Khi bạn tự xây dựng điều gì đó cho chính mình, ngay cả khi vẫn đang tiếp tục công việc hàng ngày, bạn cũng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, quyền lực hơn. Bạn phát triển được sự tự tin. Bạn tạo được sự bảo đảm, cả ở việc tăng thu nhập lẫn mở ra nhiều cơ hội hơn cho bản thân trong tương lai. Vậy nên, ngay từ đầu cuộc hành trình này, hãy suy nghĩ về tương lai. Luôn giả định rằng công việc làm thêm này sẽ thành công. Điều đó có ý nghĩa thế nào với bạn? Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi ra sao? Hãy xem ba mục tiêu phổ biến của việc làm thêm dưới đây, mục tiêu nào là phù hợp nhất với bạn?
Mục tiêu 1: Kiếm thêm tiền để đáp ứng một mục đích cụ thể, có thể là trả nợ, mua một món đồ có giá trị lớn, đi du lịch hoặc chỉ để lập quỹ phòng khi khẩn cấp.
Mục tiêu 2: Tạo ra một nguồn thu nhập bền vững và liên tục sẽ giúp thay đổi chất lượng cuộc sống của bạn.
Mục tiêu 3: Thay thế hoặc vượt qua thu nhập từ công việc chính hiện tại.
Hãy lưu ý rằng, không có mục tiêu nào trên đây là tốt hơn hay tốt nhất. Tùy vào sở thích và cách sống của bạn, có thể mục tiêu 1 là tốt hơn so với 2 hay 3. Ngoài ra, nếu từng làm thêm rồi thì mục tiêu bạn đặt ra vài năm trước có thể đã thay đổi, cũng như cuộc sống của bạn cũng dần thay đổi theo thời gian. Công việc làm thêm linh động và có thể đáp ứng nhiều vai trò khác nhau, ở những thời điểm khác nhau.
Tham khảo những quyết định của người khác dựa trên mục tiêu có thể giúp ích khi bạn đang suy nghĩ về mục tiêu của mình: Mục tiêu 1: Nick muốn trả hết món nợ 2.500 đô-la; tuy không phải quá lớn, nhưng nó khiến anh bận tâm. Chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi sau khi bắt đầu công việc làm thêm đầu tiên là bán lại các trò chơi điện tử kinh điển, anh đã trả hết nợ.
Mục tiêu 2: Bob và Barb, một cặp trung niên ở Philadelphia, đã quyết định cùng nhau làm thêm bằng cách may áo bóng chày. Về lâu dài, công việc này sẽ đem tiền thật về tài khoản của họ hàng tháng– thậm chí còn có thể phát triển hơn nữa – nhưng họ vẫn không coi đấy là nguồn thu nhập chính của mình.
Mục tiêu 3: Sau mười năm làm giáo viên, Michael muốn có một bước chuyển trong cuộc sống, chuyển sang làm việc tự do, tự làm chủ. Do đã quá chán ngán với giá dịch vụ quá cao, anh nảy ra ý tưởng về một công việc làm thêm giúp mọi người giảm đáng kể hóa đơn phải trả. Mỗi ngày, anh thức dậy lúc 4 giờ sáng để thực hiện dự
án trước giờ lên lớp, nhưng nỗ lực bỏ ra là vô cùng xứng đáng: sau một năm, công việc đã phát triển đến mức anh có thể nghỉ dạy và kinh doanh độc lập.
Trên đây là vài mục tiêu lớn, nhưng một số người làm thêm còn có thể vì những mục tiêu cá nhân và cụ thể hơn: lập quỹ du lịch cho bản thân, trải nghiệm một dự án mà họ muốn theo đuổi, hỗ trợ cho một hội từ thiện mà họ tin tưởng hoặc một lý do nào khác. Mục tiêu thực sự là không giới hạn.
Công việc làm thêm giống như một thú vui, duy chỉ có một khác biệt lớn: hầu hết thú vui khiến chúng ta tốn tiền, trong khi việc làm thêm thì giúp chúng ta có tiền. Giống như bạn đang chơi trò kinh doanh, được trả tiền để thử điều gì đó mới mẻ và trau dồi thêm những kỹ năng.
Hãy nghĩ kỹ và lập kế hoạch trước về khoảng thời gian 27 ngày từ bây giờ. Nếu theo kế hoạch này, đó sẽ là thời điểm mà công việc làm thêm của bạn sẵn sàng hoạt động. Cuộc sống của bạn sẽ ra sao? Công việc làm thêm sẽ đưa bạn đến đâu?
C
Ngày 2
TIỀN MỌC TRÊN CÂY NHƯ THẾ NÀO?
ó một số ý tưởng công việc làm thêm tốt hơn những ý tưởng khác. Hãy nghiên cứu ba phẩm chất tạo nên một ý tưởng tuyệt vời và cách làm sao tìm được ý tưởng có tiềm năng phát triển nhất.
Julia Kelly, một nhà thiết kế đồ họa ở San Diego, muốn kiếm thêm tiền. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô tạm thời làm họa sĩ vẽ tranh biếm họa tại một công viên giải trí địa phương. Cô rất có năng khiếu trong việc vẽ phác họa nhanh, và điều này khiến mọi người vui vẻ.
Nhưng bất chấp những kỹ năng sẵn có, công việc bán thời gian trong hè của Julia lại có một khởi đầu không hề dễ dàng: công viên có một quy tắc nghiêm ngặt là họa sĩ không được phác họa trước bằng bút chì, nên ngay từ đầu cô đã phải dùng bút lông không thể tẩy xóa. Nói cách khác là không có nút quay trở lại – không có cách nào để hoàn tác sai lầm hay xóa đi và bắt đầu lại. Việc vẽ trước một đám đông người xem đã đáng sợ nay lại càng đáng sợ hơn khi bạn phải bảo đảm mỗi nét vẽ của mình hoàn hảo từ đầu đến cuối.
Cuộc thử lửa tuy căng thẳng nhưng lại mang đến thành công không ngờ. Sau vài tuần, Julia không còn sợ hãi nữa. Thay vào đó, cô thấy tự tin. Cô thành thạo thêm một kỹ năng mới! Cô được tưởng thưởng bằng nụ cười vui vẻ của những đứa trẻ, cũng như sự biết
ơn của cha mẹ chúng, khi bước đi cùng một kỷ niệm hữu hình dán được lên cánh tủ lạnh hoặc thậm chí là đóng khung treo tường. Nhưng có một vấn đề xuất hiện ở đây: mức lương tối thiểu – thứ Julia nhận được chủ yếu lại chỉ là những nụ cười. Những khuôn mặt hạnh phúc thì tốt đấy, nhưng không đổi được thành tiền. Khi mùa hè kết thúc, Julia muốn tiếp tục vẽ chân dung và tất nhiên cũng muốn kiếm thêm tiền. Đó chính là lúc cô nhận ra mình có thể tự cung cấp dịch vụ. Cô viết thư cho mọi trường học trong vùng, hỏi xem liệu họ có muốn thuê cô đến sự kiện tiếp theo mà họ tổ chức không. Sau lần thử thứ tư, có người phản hồi rằng sẽ có sự kiện diễn ra trong tuần. Liệu cô có thể mang bút đến làm việc vài giờ không?
Julia thực sự đã làm vậy. Sự kiện này tiếp nối sự kiện khác, rồi một sự kiện khác nữa – chẳng bao lâu sau, cô kiếm được khoản thù lao 100 đô-la cho một giờ đồng hồ tham gia sự kiện liên quan đến doanh nghiệp, cao hơn nhiều so với mức từng kiếm được ở công viên giải trí. Đó đã là một thành công to lớn, nhưng Julia chưa dừng lại. Cô nung nấu một ý tưởng lớn hơn, có thể khiến thu nhập của cô thậm chí còn cao hơn nữa.
Với nhiều kinh nghiệm hơn, Julia học được cách vẽ biếm họa kỹ thuật số, một hình thức truyền thông mới vẫn chưa quá phổ biến. Thay vì vẽ bằng bút lông, cô dùng máy tính bảng. Khi vẽ xong, cô có thể in ra và gửi qua email cho khách hàng. Họ thường đăng lên Facebook cho bạn bè cùng xem.
Việc này đem đến cho sản phẩm của Julia sự ấn tượng mà không họa sĩ tự do nào khác trong vùng có được, giúp giá trị thu được từ dịch vụ của cô tăng vọt. Cô bắt đầu tính phí 250 đô-la cho
mỗi giờ, tập trung vào các sự kiện doanh nghiệp có ngân sách lớn cho những trải nghiệm phù hợp. Mức giá cao hơn này là quá sức đối với một số nhà tổ chức sự kiện, nhưng nhiều người khác thì sẵn lòng chấp nhận. Vậy là, giờ đây Julia kiếm được nhiều hơn gấp hai lần rưỡi trong khi vẫn giữ nguyên thời gian làm việc. Cây tiền của Julia mọc lên nhanh chóng.
MỘT SỐ Ý TƯỞNG TỐT HƠN NHỮNG Ý TƯỞNG KHÁC
Sau khi hiểu rằng tiền thực sự mọc được trên cây, bước tiếp theo của bạn là học cách gieo đúng hạt giống. Hạt giống cho cây tiền chính là những ý tưởng tạo ra tiền. Để cây đơm hoa kết trái, bạn cần bỏ công sức để biến những ý tưởng đó thành hành động. Bước đầu tiên của bạn là tìm ra đúng ý tưởng. Tuy rằng ban đầu có thể không rõ ràng, nhưng nếu tìm kỹ, bạn sẽ thấy không thiếu những ý tưởng chuyển được thành tiền đang chờ bạn nắm lấy.
Mọi công việc làm thêm đều bắt đầu bằng một ý tưởng – và để có kết quả tốt nhất, bạn có thể cần nhiều hơn chỉ một. Trước khi chúng ta tiếp tục, bạn hãy lưu ý một điều quan trọng về những ý tưởng làm thêm: không phải tất cả chúng đều như nhau. Thực tế là, khoản lợi nhuận mà mỗi ý tưởng đem lại có thể chênh lệch cực kỳ lớn. Trong trường hợp của Julia, một ý tưởng của cô có giá 8 đô la/giờ, ý tưởng khác đem lại 100 đô-la, và một ý tưởng khác nữa thu được con số “khủng” lên đến 250 đô-la. Chúng ta có thể thấy rõ cách nào là tốt nhất.
Nhưng để tìm được cách làm tốt nhất không hề đơn giản, bởi không phải lúc nào bạn cũng có thể so sánh những ý tưởng tương tự nhau. Tuy nhiên, hầu như mọi ý tưởng làm thêm đáng theo đuổi
đều có ba đặc tính: khả thi, có khả năng sinh lời và có sức thuyết phục.
Ý TƯỞNG CỦA BẠN CÓ KHẢ THI KHÔNG?
Mục tiêu của bạn là bắt đầu một dự án trong khoảng thời gian ngắn để kiếm tiền ngoài thời gian làm công việc chính của mình. Nếu có bất cứ phần nào trong phương trình này không thể hiện rõ ràng ngay lập tức trong ý tưởng mà bạn đang cân nhắc thì đó không phải là một ý tưởng khả thi.
Bắt đầu một dự án/Kiếm được tiền/Trong khoảng thời gian ngắn
Bắt đầu một dự án: Bạn sẽ thực sự làm điều này, chứ không phải là chỉ nghĩ về nó. Khi nghĩ về một ý tưởng, bạn có cảm thấy phấn khích không? Bạn có thể hình dung ra các bước tiếp theo không? Nếu không, hãy từ bỏ ý tưởng đó.
Kiếm được tiền: Hãy nhớ, công việc làm thêm không phải là thú vui. Công việc làm thêm tạo ra thu nhập. Nếu bạn không nhìn thấy một cơ hội rõ ràng để được nhận thù lao, hãy từ bỏ ý tưởng đó.
Trong khoảng thời gian ngắn: Nếu ý tưởng của bạn đòi hỏi phải theo đuổi ba năm mới có thể bắt đầu, hãy từ bỏ ý tưởng đó. Ý tưởng khả thi là ý tưởng mà bạn có thể biến thành hiện thực bằng các kỹ năng, thời gian và nguồn lực mình sẵn có. Nói một cách đơn giản thì một ý tưởng không khả thi thường không đáng để cân nhắc. Kể cả khi không biết hết tất cả các bước đi thì bạn cũng phải nắm được lộ trình hiện thực hóa ý tưởng. Trong trường hợp của Julia, cô thích vẽ tranh biếm họa và giỏi việc đó. Cô có cả kỹ năng
lẫn mong muốn biến ý tưởng thành hành động. Bởi biết rằng các công ty thường thuê họa sĩ vẽ chân dung, cô tự tin rằng ý tưởng của mình là thứ mà người ta sẽ chịu chi tiền. Và cuối cùng, vì sản phẩm không đòi hỏi nhiều công tác chuẩn bị, nên cô cũng biết rằng chỉ cần vài ngày để công việc làm thêm của mình có khởi đầu tốt đẹp.
Ý TƯỞNG CỦA BẠN CÓ KHẢ NĂNG SINH LỜI KHÔNG?
Bạn không tìm kiếm một ý tưởng chỉ đơn thuần nghe có vẻ hay hay, bạn đang tìm kiếm một ý tưởng có khả năng sinh lời. Để bảo đảm bạn hiểu được sự khác biệt, hãy xem xét hai ví dụ sau về hai ý tưởng hoàn toàn khác nhau. Đầu tiên là ý tưởng của một đầu bếp với tình yêu dành cho những món tráng miệng cao cấp:
“Tôi muốn bắt đầu một câu lạc bộ kem-của-tháng mang hương vị thơm ngon, được làm thủ công cho dân văn phòng. Dịch vụ này được tiếp thị đến các giám đốc nhân sự và CEO của các doanh nghiệp nhỏ, như một cách nâng cao tinh thần và đưa nhân viên xích lại gần nhau bằng những trải nghiệm xã hội thường xuyên.”
Trong ví dụ này, thị trường mục tiêu đã được xác định rõ ràng. Chắc chắn phần việc hậu cần về bảo quản và vận chuyển tất cả số kem đó có thể có chút phức tạp, nhưng đáng để khám phá nếu bạn biết cách có được nguyên liệu cũng như xác định được những khách hàng ban đầu của mình là ai. Ít nhất thì ý tưởng này cũng có khả năng sinh lời, và đó là điều bạn muốn.
Và giờ, hãy xem xét ý tưởng thứ hai, từ một sinh viên mới tốt nghiệp đang bắt đầu phấn đấu ở một công ty tư vấn: “Tôi muốn tạo nên một ứng dụng giới thiệu hình thức thanh toán mới cho những người không thích sử dụng thẻ tín dụng hay tiền
mặt.”
Ý tưởng này có thú vị không? Hẳn rồi! Nhưng bạn sẽ bắt đầu xây dựng và tiếp thị nó như thế nào? Đó có thể là một khối lượng công việc khổng lồ và tốn kém, kể cả khi bạn đã có nền tảng công nghệ thông tin lẫn tài chính. Và ngay cả khi có thể dễ dàng xây dựng thì bạn sẽ làm thế nào để khiến nó nổi bật lên giữa tất cả những ứng dụng thanh toán khác đang có mặt trên thị trường? Trong trường hợp tốt nhất thì nó sẽ có một quy mô khổng lồ, đòi hỏi phải cống hiến và cố gắng rất nhiều. Việc làm thêm không phải là như thế.
Có một phép thử nhanh thế này: nếu cảm thấy khó có thể giải thích lợi ích chính trong một hoặc hai câu, bạn nên suy nghĩ lại về ý tưởng này. Nếu lợi ích chính không rõ ràng với các khách hàng tiềm năng, bạn sẽ không thể biến nhiều người trong số đó trở thành khách hàng sẵn sàng chi tiền cho bạn.
Công việc làm thêm sẽ đem tiền về, chứ không phải khiến bạn mất tiền. Nếu bạn không thấy tiềm năng kiếm được tiền từ ý tưởng đó, nhất là trong khoảng thời gian ngắn, có lẽ đó không phải là ý hay.
Ý TƯỞNG CỦA BẠN CÓ SỨC THUYẾT PHỤC KHÔNG?
Còn một yếu tố nữa cần cân nhắc khi bạn động não lựa chọn ý tưởng của mình. Có một ý tưởng tốt là chưa đủ, kể cả khi nó có tiềm năng sinh lời rất cao. Ý tưởng của bạn phải đến đúng thời điểm, có sức thuyết phục đến mức khách hàng khó có thể từ chối.
Mới đây, tôi đến một sự kiện nơi phí đỗ xe là 25 đô-la. Thông thường, phí đỗ xe ở đây là 5 đô-la, nhưng bởi có sự kiện đặc biệt nên đã tăng đến 500% chỉ sau một đêm. Tôi có vui vẻ trả 25 đô-la
cho thứ có giá trị chỉ 5 đô-la không? Không. Nhưng tôi có trả không? Có. Cung và cầu đảm bảo rằng hôm đó chủ bãi xe đang cung cấp một dịch vụ rất thuyết phục.
Đôi khi, bạn sẽ có những ý tưởng chưa sẵn sàng. Không sao cả, bạn có thể giữ lại để dành. Tốt nhất hãy tập trung những nỗ lực hiện tại của bạn vào thứ đang có sức thuyết phục ngay lúc này. Để thành công, bạn cần có đúng ý tưởng, vào đúng thời điểm.
KHÁM PHÁ VÀ THEO ĐUỔI NHỮNG Ý TƯỞNG GIÀU TIỀM NĂNG
Không phải ý tưởng công việc làm thêm nào cũng đáng để theo đuổi, và khả năng tách biệt ý tưởng nhiều tiềm năng với những ý tưởng không ai quan tâm, hoặc ý tưởng chỉ đơn thuần thú vị là một kỹ năng then chốt để bắt đầu công việc làm thêm sinh lời nhanh chóng. Luyện tập một chút, bạn có thể làm được điều này ngay.
Những ý tưởng không ai quan tâm có các đặc điểm sau:
Trừu tượng, khó đơn giản hóa hoặc chuyển đổi thành hành động.
Là điều gì đó mà bạn không biết phải làm như thế nào (hoặc đòi hỏi những kỹ năng mà bạn không có).
Bạn mơ hồ, không có ý tưởng cụ thể về người nào sẽ trả tiền cho nó.
Cần nhiều chi phí bảo dưỡng hoặc đòi hỏi nhiều thời gian mới tạo ra kết quả.
Những ý tưởng giàu tiềm năng có các đặc điểm sau:
Lộ trình biến ý tưởng thành hiện thực đơn giản, có thể mô tả trong một câu.
Là điều gì đó mà bạn biết cách làm, hoặc có thể dễ dàng tìm ra cách làm.
Giải quyết một vấn đề hoặc khiến cho cuộc sống của ai đó trở nên dễ dàng hơn, theo một cách rõ ràng (và người ta sẵn sàng trả tiền cho nó).
Chi phí bảo dưỡng thấp và dễ dàng cung cấp, không cần quá nhiều sự chuẩn bị hay phải làm nhiều việc nối tiếp nhau.
Sẽ mang về thu nhập, không chỉ một lần mà là trên cơ sở định kỳ.
Khi xem xét giữa nhiều lựa chọn khác nhau, bạn hãy bỏ qua những ý tưởng chỉ đơn thuần thú vị. Thay vào đó, hãy chọn những ý tưởng có nhiều tiềm năng!
DANH SÁCH KIỂM TRA Ý TƯỞNG GIÀU TIỀM NĂNG
Có thể mô tả cách biến ý tưởng của mình thành hành động trong một câu không?
Cách để bạn kiếm được tiền với ý tưởng này có rõ ràng không?
Ý tưởng này có giải quyết một vấn đề nào đó cho ai đó không?
Có thể tìm được cách nào khiến ý tưởng này nhanh chóng diễn ra không?
Chi phí bảo dưỡng đòi hỏi cho ý tưởng này có tương đối thấp không?
Có thể được trả tiền nhiều hơn một lần cho ý tưởng này không?
Càng nhận được nhiều câu trả lời “Có” thì ý tưởng của bạn càng nhiều tiềm năng. Còn câu trả lời là “Có” cho tất cả những câu hỏi trên? Thế thì hãy bắt tay vào làm ngay thôi!
Julia, họa sĩ vẽ biếm họa, đã đưa ra một loạt lựa chọn thông minh, từ chỗ làm việc theo hợp đồng ngắn hạn ở công viên giải trí đến một họa sĩ tự do có mức thù lao cao. Bởi bản thân công việc vẽ biếm họa đã là một hình thức nghệ thuật, nên đầu tiên cô học việc tại công viên giải trí để nắm được những điều cần làm. Khi đã có được sự tự tin, cô chuyển từ một nhân viên hợp đồng sang làm việc tự do, khiến thu nhập mỗi giờ tăng từ 8 lên 100 đô-la. Cuối cùng, cái giá này tăng vọt lên thành 250 đô-la khi cô biết đến một hình thức truyền thông mới và bắt đầu cung cấp thứ mà chưa có ai trên thị trường từng cung cấp. Ý tưởng của cô là khả thi, có khả năng sinh lời và có sức thuyết phục.
Tháng 5 năm 2013, Julia nghỉ công việc chính thức và bắt đầu sống nhờ thu nhập từ công việc “phụ thêm” – khi ấy đã đem về hơn 100.000 đô-la mỗi năm, dù cô thường chỉ làm việc trực tiếp tại sự kiện một ngày mỗi tuần.
Hãy nhớ rằng, bạn không cần những ý tưởng thú vị đơn thuần. Bất cứ khi nào có một ý tưởng, hãy cân nhắc xem nó khả thi đến đâu và khả năng sinh lời ở mức nào. Ngoài ra, hãy cân nhắc xem nó có sức thuyết phục hay không – có phải là ý tưởng đúng đắn ngay lúc này hay không?
Nếu bạn chưa có bất kỳ ý tưởng nhiều tiềm năng nào thì cũng đừng lo. Đến cuối bước ngay tiếp theo đây, bạn sẽ có.
Ngày 3
ĐỘNG NÃO, VAY MƯỢN HOẶC “CHÔM” Ý TƯỞNG Ý
tưởng về công việc làm thêm có ở khắp mọi nơi. Hãy sử dụng những kiến thức bạn đã học được về các ý tưởng giàu tiềm năng. Giờ là lúc để động não, vay mượn hoặc “chôm
chỉa” ít nhất ba khả năng cho việc làm thêm của bạn. Dan Khadem là lập trình viên cơ sở dữ liệu cho một bệnh viện ở Colorado. Bởi hết ngày này sang ngày khác phải quét qua hàng núi dữ liệu phức tạp, anh biết cách sắp xếp dữ liệu theo nhiều cách khá tài tình. Một trong những công cụ mà anh thường sử dụng nhất là Microsoft Access, phần mềm được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Access khác một chút so với Microsoft Word hay Excel, vốn được thiết kế thân thiện với người dùng và không đòi hỏi bất kỳ sự đào tạo đặc biệt nào. Bất cứ ai cũng có thể mở Access và bắt đầu, nhưng để thực sự thành thạo được nó đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức mày mò. Nếu không có hướng dẫn, nhiều khả năng bạn sẽ cảm thấy bị choáng ngợp.
Với Dan, việc lập trình cơ sở dữ liệu đến khá tự nhiên. Anh có bằng kỹ sư và đã dành hàng trăm giờ đồng hồ để khám phá mọi ngóc ngách của Access. Anh cũng thích nghi khá tốt với thế giới làm thêm. Kể từ khi tốt nghiệp phổ thông, Dan đã phải tự lo liệu tài chính cho bản thân, dần tích tụ thành khoản vay lên đến 45.000 đô-la. Anh
muốn trả hết số nợ này và để dành cho tuổi già, vậy nên anh bắt đầu theo đuổi vài công việc làm thêm khác nhau. Anh nghe ngóng thị trường bất động sản cho thuê và cuối cùng sở hữu hai căn. Anh thực hiện các khảo sát được trả phí, tham gia các nghiên cứu được trả công bằng cách tận dụng vị trí thuận tiện của nơi làm việc trong bệnh viện, nơi mà khá nhiều nghiên cứu loại này được tiến hành.
Dan biết rằng có rất nhiều người sử dụng Microsoft Access mỗi ngày, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ngoài ra còn có lĩnh vực năng lượng hay công nghiệp môi trường. Vậy nên anh tham gia vào một trang hướng dẫn, nơi mà bất cứ ai với chứng chỉ phù hợp cũng có thể cung cấp dịch vụ dạy kèm cho người học trên toàn thế giới. Bởi có chuyên môn nghiệp vụ nên chẳng mất nhiều thời gian, anh đã có khách hàng đầu tiên cho mình. Dan quyết định thu phí 55 đô-la mỗi giờ học trực tuyến, và 65 đô-la một giờ nếu học trực tiếp.
Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. Dan dạy vài tiếng mỗi tuần, kiếm được trung bình hơn 500 đô-la mỗi tháng, có khi lên tới 1.000 đô-la. Nhưng anh cũng để ý thấy một số học viên tìm đến mình còn có thêm những nhu cầu về cơ sở dữ liệu khác không thể đáp ứng chỉ đơn giản bằng việc dạy kèm. Những người này cần được trợ giúp nhiều hơn, thậm chí là cả một dịch vụ hoàn chỉnh. Ví dụ, một số người cần được giúp đỡ xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, số khác lại cần một hình thức tư vấn chi tiết hơn. Dần dần, hoạt động gia sư trở thành cánh cửa dẫn đến những công việc cấp cao hơn, với chi phí dao động trong khoảng từ 80 đến 125 đô-la mỗi giờ.
Cũng như mọi công việc làm thêm khác, khoản tiền tăng lên thật tuyệt vời, nhưng Dan nhận thấy công việc này còn đem đến nhiều
lợi ích khác nữa. “Tôi thích được gặp gỡ mọi người và xây dựng các mối quan hệ mới,” anh nói. “Mọi người khá dễ chịu, đặc biệt khi họ coi tôi là chuyên gia về thứ mà họ đang cần.” Anh cũng có cơ hội để đa dạng hóa kỹ năng của mình, tích lũy kinh nghiệm với các chức năng lập trình đa dạng hơn nhiều so với những gì vẫn làm hàng ngày – và còn được trả công để thực hiện việc đó.
Dan rõ ràng là một kỹ sư tài năng, giỏi về cơ sở dữ liệu, nhưng ngoài ra còn có một kỹ năng thậm chí còn quan trọng hơn thế: khả năng hình dung và hiện thực hóa các ý tưởng làm thêm. Nói cho cùng, không phải nhân viên nào trong bệnh viện cũng biết cách kiếm 200 đến 300 đô-la mỗi tháng từ việc tham gia vào các nghiên cứu. Không phải kỹ sư máy tính nào cũng thấy được cơ hội kiếm tiền trong việc dạy kèm kỹ năng cơ sở dữ liệu. Và cuối cùng, không phải mọi gia sư trực tuyến đều có thể nhận ra rằng học viên có thể dẫn họ đến những cơ hội tốt hơn từ các dự án theo yêu cầu. Dan đã khôn ngoan nhận ra rằng rất nhiều chuyên gia phải xoay xở với một khối lượng lớn dữ liệu, họ sẵn sàng trả tiền để học cách làm việc nhanh và hiệu quả hơn.
Để thành công trong việc làm thêm, đây là lối suy nghĩ mà bạn cần nắm được.
Ý TƯỞNG CÓ THỂ TRỞ THÀNH TÀI SẢN
Ý tưởng làm thêm luôn hiện diện xung quanh bạn. Rất nhiều trong số những ý tưởng này có thể được chuyển đổi thành tiền. Mục tiêu của việc tạo dựng công việc làm thêm là biến ý tưởng của bạn thành tài sản, thứ có giá trị thực và tạo ra thu nhập theo thời gian. Khi nghĩ về tài sản, bạn có thể liên tưởng đến chứng khoán, cổ
phiếu và các quỹ tương hỗ – tất cả đều là một dạng tài sản, theo nghĩa nếu bạn bỏ công sức đúng cách, chúng có thể được quy đổi ra tiền.
Giờ hãy tưởng tượng việc một người họ hàng giàu có vừa cho bạn một giấy chứng nhận cổ đông đáng giá rất nhiều tiền, ít nhất là trên giấy tờ. Dù vậy, bạn không thể đổi ra tiền thật nếu không có ai chấp nhận mua nó. Ngay cả khi số cổ phiếu đó có thể trị giá đến 1 triệu đô-la đi nữa thì cũng chẳng có nghĩa lý gì. Nếu không có cách nào đổi thành tiền, bạn có nó cũng như không.
Ý tưởng làm thêm cũng như tờ chứng nhận cổ đông đó. Chúng có tiềm năng đem lại giá trị thật – nhưng chỉ khi bạn chuyển đổi được mà thôi. Còn nếu vẫn nằm trong đầu bạn hay trong vài ghi chép vội vàng ở sổ tay, giá trị của chúng vẫn bị giữ lại trong thế giới của tiềm năng. Mục tiêu của bạn – một người muốn làm thêm – là phải mở khóa được tiềm năng đó và bắt đầu chuyển đổi ý tưởng thành lợi nhuận.
GIỜ HÃY CÙNG TẠO RA VÀI Ý TƯỞNG!
Để khởi động lối suy nghĩ giúp bạn tìm thấy các ý tưởng có thể tạo ra tiền, hãy tưởng tượng bạn đang lái xe ngoài phố. Hãy chú ý kỹ đến những thứ xung quanh dọc đường – bạn không thể biết được lúc nào một ý tưởng hay ho sẽ xuất hiện đâu.
Lúc này, điều đầu tiên có thể nhận ra là không phải chỉ có mình bạn di chuyển trên đường. Còn rất nhiều người khác cũng đang lái xe, và họ đang đi đâu? Họ đang đi làm hay đi mua sắm? Tại đây, chúng ta bắt đầu nhận ra một số khả năng.
Đầu tiên, tất cả những người này đều cần đi đến một nơi nào đó. Nếu có xe và sống trong thành phố, bạn có thể đăng ký tham gia dịch vụ đi chung xe và đưa người ta đến nơi họ muốn – kể cả khi bạn chỉ có một tiếng đồng hồ để lòng vòng chở khách trước khi vào giờ làm. Cái hay của việc tham gia dịch vụ này là bạn quyết định được chính xác thời gian làm, và làm trong bao lâu. (Ghi chú: đây không nhất thiết là ý tưởng tốt nhất dành cho bạn, nhưng chúng ta sẽ nói về vấn đề này sau.)
Tiếp đến, hãy để ý những người không lái xe. Một vài người có thể đang dắt chó đi dạo, mang mấy túi quần áo mới giặt khô ngoài tiệm hay túi hàng tạp hóa. Nhiều người trong số này có thể sẵn lòng trả công hậu hĩnh để được giúp đỡ, đồng thời cũng có nhiều dịch vụ thuê ngoài mà bạn có thể tham gia và bắt đầu làm việc ngay hôm nay. Bạn thường có thể tự định mức tiền công, rồi tăng mức ấy lên khi đã bắt đầu được biết đến nhiều hơn. Hoặc bạn cũng có thể tự bắt đầu dịch vụ riêng, đi lòng vòng làm việc lặt vặt và kiếm thêm một, hai khoản thu nữa khi rảnh rỗi.
Bạn còn có thể để ý thấy một nhóm người xếp hàng bên ngoài quán cà phê hay cả một đoàn xe trước tấm bảng hiệu của tiệm rửa xe trọn gói. Tiếp tục đi theo luồng suy nghĩ, bạn hãy tự hỏi mình: “Những người này đang làm gì, và họ đang cần gì?”, nhiều khả năng bạn sẽ nhìn ra một vài cơ hội khác, ví dụ như:
• Giao cà phê cho dân công sở không ở gần các tiệm cà phê. • Mở dịch vụ rửa xe di động gần đường nhánh dẫn vào cao tốc (bao gồm tấm biển: Wifi miễn phí trong khi chờ).
• Mở dịch vụ “tổ chức cuộc sống” giúp những người bận rộn lập kế hoạch trong tuần và trở nên hiệu quả hơn khi chạy việc lặt vặt.
Bắt đầu với ý tưởng nào trong số này cũng đều tốt cả, nhưng nếu nghĩ kỹ hơn, bạn sẽ bắt đầu nhận ra còn có những ý tưởng thậm chí còn tốt hơn và đem về nhiều tiền hơn nữa. Nói cho cùng, công việc làm thêm không nên trở thành một công việc bán thời gian khác. Nó có vai trò giúp cuộc sống của bạn dễ dàng, thay vì khó khăn hơn.
Dưới đây là ví dụ về một công việc làm thêm đã vượt quá mức độ “ý tưởng ban đầu” của việc chạy lòng vòng chở khách hay rửa xe. Một ngày nọ, Steven Peterson – một nhà thiết kế web tại California – đang lái xe đi làm ở khu vực Vịnh San Francisco cùng hàng chục nghìn người khác. Giao thông tại California giờ cao điểm không phải là chuyện đùa, có rất nhiều người liên tục tìm kiếm những lối tắt, những mẹo đi đường hay bất cứ thứ gì có thể giúp cho việc di chuyển của họ nhanh và thoải mái hơn một chút. Ở thời điểm đó, không có một nguồn dữ liệu chuyên nhiệm, đơn nhất nào giúp mọi người thấy được tình hình giao thông và cập nhật được thông tin chính xác, tức thời về các chuyến xe buýt, các đoạn đường đang thi công hay bất cứ thông tin nào khác có liên quan. Bạn có thể đọc toàn bộ câu chuyện này vào Ngày 17, nhưng nói ngắn gọn thì Steven đã tạo nên một nguồn dữ liệu như thế và kiếm được hơn 7.500 đô-la mỗi tháng.
Bạn thấy cách nó hoạt động không? Trong trường hợp này, Steven kết hợp một kỹ năng sẵn có (phát triển web) với một nhu cầu rõ ràng (thông tin giao thông thời gian thực) để phục vụ một thị trường lớn và sôi động (những người lái xe đi làm tại San Francisco). Steven hiện đang dành toàn bộ thời gian cho công việc
này, và nó bắt đầu từ một ý tưởng nảy ra trong một buổi sáng lái xe đi làm.
Giờ thì đến lượt bạn. Hãy thử áp dụng lối suy nghĩ này vào bất cứ nơi nào bạn đi. Mỗi khi bạn gặp một nhóm người nào đó, hãy tự hỏi: Những người này đang cần hay muốn gì? Trong cuộc sống hàng ngày, hãy tự hỏi: Cơ hội kiếm lời nào đang chờ đợi phía trước? Nói cách khác, hãy tìm những cách để biến ý tưởng của bạn thành tài sản giá trị.
NHỮNG KIỂU VIỆC LÀM THÊM KHÁC NHAU
Nhìn chung, việc làm thêm gồm ba loại chính. Bạn có thể bán một sản phẩm (dù là của bạn hay của ai đó), cung cấp một dịch vụ hoặc làm trung gian cho một hoạt động nào đó.
Bán sản phẩm khá đơn giản: bạn làm, mua hay kiếm được thứ gì đó có thể bán lại cho người khác. Các sản phẩm này có thể hữu hình (như cà phê cao cấp cho người sành sỏi) hay vô hình (thông tin giao thông), nói chung là thứ có thể đưa, giao hay chuyển cho người khác bằng cách nào đó. Cung cấp dịch vụ cũng đơn giản như vậy: bạn làm việc gì đó cho ai đó để đổi lấy tiền công. Dù là chạy việc lặt vặt, huấn luyện bán hàng hay giúp làm hồ sơ hoàn thuế, bất cứ khi nào bạn làm việc gì cho người khác nghĩa là bạn đang làm trong lĩnh vực dịch vụ.
Hai nhóm này, bán sản phẩm và cung cấp dịch vụ, đều có một điểm chung: khách hàng. Tất cả những gì bạn sẽ học về xây dựng, tiếp thị lời chào hàng và xây dựng cơ sở khách hàng dài hạn đều liên quan đến nó.
Còn một nhóm việc làm thêm lớn khác nữa không liên quan gì đến việc tạo ra sản phẩm hay dịch vụ – ít nhất là không liên quan trực tiếp.
Một số việc làm thêm sinh lời rất lớn đang nằm ở khâu “giải mã” hay cải tiến những quy trình có sẵn, theo cách có thể mang lại thu nhập mà không tạo ra sản phẩm và không trực tiếp phục vụ bất cứ khách hàng nào. Ví dụ, trong Ngày 25, bạn sẽ được đọc về Trevor, một chuyên viên phân tích của Chính phủ. Anh đã rất thành công nhờ vào việc nắm vững quy trình từ khi hàng nhập kho đến khi giao tận tay khách hàng của Amazon.com. Anh thường mua các món hàng với giá thấp rồi bán lại qua Amazon với mức giá cao hơn. Nói đúng hơn thì anh có khách hàng, bởi thực sự có người mua hàng của anh – nhưng anh không hề biết họ là ai và trong hầu hết các trường hợp thì họ cũng chẳng có chút khái niệm nào về anh.
Kiểu kiếm tiền này tồn tại bởi thị trường hoạt động thiếu hiệu quả. Các món hàng mà Trevor mua (thường là linh kiện máy tính và đồ điện tử) được bán với nhiều mức giá khác nhau, ở những cửa hàng khác nhau. Mục đích của anh là mua thấp, bán cao – ít nhất cũng phải cao hơn một chút so với mức giá đã trả. Nếu không có sự chênh lệch trong mức giá của món hàng mà Trevor đã mua để bán lại, anh sẽ không thể có lời.
Kỹ năng cần thiết để thành công trong kiểu kinh doanh này khác hẳn với kiểu kinh doanh sản phẩm và dịch vụ truyền thống. Trevor không hẳn là chuyên gia về những thứ mà anh bán; anh là chuyên gia trong nghệ thuật mua đi bán lại và trong việc kết nối người bán với người mua. Trevor chẳng thể làm gì nhiều để cải thiện sản phẩm của mình, bởi anh không tạo ra chúng. Anh cũng không thể cung
cấp dịch vụ tốt hơn, bởi anh không thực hiện công việc giao hàng và thậm chí còn không có cả danh sách người mua.
Nhưng thứ mà anh có thể làm – và kiếm thêm tiền – là liên tục cải thiện quy trình nghiên cứu và thành thạo hơn trong việc xác định sản phẩm nào nên mua và bán lại. Khi kinh nghiệm ngày càng nhiều hơn, anh cũng biết được sản phẩm nào đem lại biên lợi nhuận cao nhất cũng như sản phẩm nào bán được nhanh nhất để sau đó tập trung mua đi bán lại những thứ đáp ứng được ít nhất một trong những yếu tố này.
Những cách kiếm tiền như thế xuất hiện rất nhiều xung quanh bạn. Bất cứ nơi đâu tiền bạc được trao đổi, thường sẽ có ít nhất một cơ hội để các cá nhân sáng tạo tìm ra được cách khiến quá trình này trở nên hiệu quả hơn và kiếm lời từ đó.1
Ý TƯỞNG BAN ĐẦU VÀ Ý TƯỞNG NÂNG CAO
Khi học cách suy nghĩ nhiều hơn về các ý tưởng làm thêm, bạn sẽ thấy chúng có sự khác biệt. Một số là các ý tưởng “ban đầu” – tuy rằng không tệ, nhưng có những hạn chế nghiêm trọng. Một số là các ý tưởng “nâng cao” có tiềm năng dài hạn tốt hơn rất nhiều.
Trong chuyến dạo phố tưởng tượng của chúng ta, tôi có đề cập tới việc đi chung xe, về cơ bản là vận hành xe riêng của bạn như một chiếc taxi. Rất nhiều người đã bắt đầu làm thêm bằng cách lái cho Uber, Lyft hay các dịch vụ đi chung xe khác. Khởi đầu này không tệ chút nào; bạn có thể làm việc bất cứ khi nào mình muốn và phần lớn số tiền thu được thuộc về bạn. Dù vậy, nó cũng có một hạn chế rất lớn: bạn chỉ kiếm được tiền khi lái xe, cũng có nghĩa bạn vẫn chỉ đang kiếm tiền công bị giới hạn bởi nhu cầu của thị trường, sự
cạnh tranh của các tài xế khác, và tất nhiên là cả quỹ thời gian rảnh giới hạn của bạn nữa.
Trong cuốn sách mới nhất của tôi, Born for This (tạm dịch: Sinh ra vì điều này), tôi có kể về Harry Campbell, tài xế Uber đã tạo nên một cộng đồng trực tuyến được gọi là “Anh chàng chung xe”. Thay vì lòng vòng chở khách suốt ngày, giờ đây anh còn kiếm tiền từ việc hướng dẫn các tài xế khác và hoạt động như một chuyên gia phân tích về sự bùng nổ của lĩnh vực đi chung xe. Đây chính là ý tưởng nâng cao mà tôi muốn nói đến. Bạn thấy sự khác biệt chứ? Bởi các tài xế mới liên tục đăng ký tham gia, nhu cầu thị trường của Harry gần như vô tận.
Ý tưởng ban đầu: Lái xe cho Uber.
Ý tưởng nâng cao: Huấn luyện các lái xe Uber.
Một ví dụ khác: Từ hồi bắt đầu làm thêm chừng hai thập niên trước, tôi đã tạo danh sách nhiều món hàng khác nhau để bán trên các trang đấu giá trực tuyến. Đầu tiên, tôi liệt kê những món đồ không dùng đến trong nhà. Việc này vui, kiếm được khá, nhưng cũng có một hạn chế lớn thuộc về bản chất vấn đề: chẳng sớm thì muộn tôi cũng sẽ hết thứ để bán!
Sau đó, tôi học cách mua hàng từ nhiều sàn đấu giá rồi bán lại tại các sàn khác, kiếm lợi nhuận dựa vào chênh lệch giữa hai mức giá (giống như cách Trevor đã làm ở ví dụ trên). Ý tưởng này có tính bền vững hơn, bởi kho đồ của tôi liên tục được bổ sung và tôi cũng có cơ hội mua được những thứ khác nhau.
Ý tưởng ban đầu: Bán đồ của chính bạn.
Ý tưởng nâng cao: Mua đồ của người khác, rồi bán lại với giá cao hơn.
Nếu bạn chỉ mới bắt đầu, các ý tưởng ban đầu hoàn toàn ổn. Và nếu mục tiêu của bạn chỉ là kiếm thêm một khoản tiền thôi thì bạn cũng chỉ cần có thế. Nhưng dần dà, bạn sẽ muốn chuyển dịch sự chú ý của mình vào các ý tưởng nâng cao. Nếu bạn đang bị mắc kẹt giữa hai ý tưởng, trong đó có ý tưởng nâng cao, thì đó thường là lựa chọn tốt hơn. Và nếu như bạn không chắc liệu ý tưởng của mình có phải là ý tưởng nâng cao hay không, hãy tự hỏi rằng liệu nó có bất cứ hạn chế về bản chất nào không, ví dụ như số lượng khách hàng bạn có thể phục vụ hay thị trường của bạn có thể tái tạo được. (Tôi sẽ nói thêm về điều này trong Tuần 2).
VẪN KHÔNG CÓ Ý TƯỞNG? HÃY THỬ:
Ý tưởng việc làm thêm có ở khắp nơi, nhưng nếu bạn cần được giúp đỡ, tôi đã soạn ra một danh sách nháp để bạn bắt đầu. Hãy sử dụng chúng như điểm khởi đầu để từ đó có cảm hứng phát triển thêm theo cách riêng, điều chỉnh hay thích ứng chúng theo kỹ năng và hoàn cảnh của bạn, hoặc bạn cũng có thể áp dụng y nguyên.
Bán tranh ảnh, đồ mỹ thuật hay những món thủ công trên trang etsy.com.
Phát triển dịch vụ tư vấn lữ hành để giúp những người bị lỡ chuyến bay.
Cung cấp dịch vụ gia sư trực tuyến trong lĩnh vực chuyên môn của bạn.
Chủ trì một sự kiện networking – giao lưu và mở rộng quan hệ (thu một khoản phí tham gia thấp và tìm nhà tài trợ cung cấp đồ ăn).
Tạo và bán cẩm nang cho khách du lịch đến thành phố hay thị trấn của bạn, hoặc xây dựng một trang web cho du khách, được tài trợ bởi quảng cáo.
Tạo một khóa học trực tuyến (hay trực tiếp) về chủ đề đặc biệt nào đó mà bạn rành rẽ.
Lập blog để đăng một bài học mới về một chủ đề cụ thể mỗi ngày.
Tạo một podcast và bán quyền tài trợ.
Đến các buổi hội chợ hoặc các cửa hàng bán đồ “cũ người mới ta” và mua những món có thể bán lại.
Cung cấp dịch vụ làm tự do đơn giản – làm bất cứ việc gì, từ kiểm tra thông tin cho đến hỗ trợ kỹ thuật hoặc việc gì đó trọn gói.
Trở thành nhà tổ chức cho gia đình, văn phòng, thậm chí là cuộc sống cá nhân.
Quản lý tài khoản mạng xã hội hay PR cho các doanh nghiệp nhỏ.
Mua và bán sách cũ cho sinh viên.
Làm cây bút tự do đưa ra những suy nghĩ hoặc nhận xét về các hoạt động kinh doanh, nghệ thuật hay văn hóa.
Xây dựng một trang web có hệ thống thành viên, tại đây, người dùng sẽ trả phí theo tháng hoặc năm để tiếp cận các thông tin hữu ích về một chủ đề cụ thể nào đó.
Viết và xuất bản một cuốn sách (nếu tôi làm được thì bạn cũng thế!)...
Ghi chú: Nhiều ý tưởng trên đây sẽ không phù hợp với bạn, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những ý tưởng khác phù hợp! Bạn hãy xem hết danh sách và chọn ra những điều có vẻ hứa hẹn. Quan trọng nhất là hãy luôn để ý tìm kiếm các ý tưởng khả thi, có khả năng sinh lời và có tính thuyết phục trong cuộc sống hàng ngày của mình.
ĐẾN LƯỢT BẠN: ĐỘNG NÃO VỀ ÍT NHẤT BA Ý TƯỞNG CHẤT LƯỢNG
Trong chương trước, bạn đã hiểu được rằng, ý tưởng giàu tiềm năng cần phải khả thi, có khả năng sinh lời và có tính thuyết phục. Trong chương này, bạn đã biết được cách tạo ra nhiều ý tưởng khác nhau và cách phân biệt ý tưởng ban đầu với ý tưởng nâng cao. Giờ hãy sử dụng những gì bạn đã được học, động não và liệt kê ra ít nhất ba ý tưởng giàu tiềm năng. Đó có thể là điều gì đó bạn đã suy tính từ lâu, cũng có thể mới xuất hiện khi bạn đọc qua những trang sách này.
Bạn vẫn chưa phải cam kết gì cả mà chỉ mới đưa ý tưởng ra khỏi đầu, vào trang giấy để có thể tiếp tục khám phá nó. Nếu bạn cần trợ giúp thì có thể vay mượn, chỉnh sửa hoặc “chôm” trong danh sách được liệt kê ở trên.
Ý tưởng 1:__________________
Ý tưởng 2:__________________
Ý tưởng 3:__________________
Trong bước tiếp theo, chúng ta sẽ đánh giá từng ý tưởng này để xem cái nào ít bị rào cản nhất để có thể bắt đầu nhanh chóng và cái nào có tiềm năng sinh lời nhiều nhất. Nếu sau này bạn cần quay lại
giai đoạn hình thành ý tưởng thì cũng chẳng sao. Còn bây giờ, đã có được ba ý tưởng trong tay, hãy chuyển sang bước tiếp theo: chọn ra ý tưởng để biến thành tài sản.
Ngày 4
CÂN NHẮC CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA TỪNG Ý
G
TƯỞNG
iờ đây, khi đã có một vài ý tưởng trong tay, hãy xem xét kỹ lưỡng để xem ý tưởng nào trong số đó có tiềm năng nhất. Ban ngày, Joe Maiellano là giám đốc phát triển một trung tâm nghiên cứu ung thư tại Philadelphia. Ông mở một chiến dịch chống lại ung thư, làm phần việc quan trọng giúp các bác sĩ và nhà khoa học tìm cách chữa trị căn bệnh hiểm nghèo. Trong thời gian rảnh, Joe hay la cà với ông bạn Jack của mình. Cả hai có cùng sở thích tìm hiểu về văn hóa cocktail. Mới vài năm trước, họ thậm chí đã cộng tác để hoàn thành công thức rượu gin (mà không cần đến bồn tắm). Một ngày nọ, có lẽ là sau vài ly, họ nảy ra một ý tưởng mà họ cho là tuyệt cú mèo: “Hãy mở một xưởng nấu rượu và bán rượu gin của chúng ta ra thế giới!”
Hỡi ôi, ý tưởng này không thể thành hiện thực! Khi bắt đầu nghiên cứu các quy định và quy trình vận hành một xưởng chưng cất rượu, dù chỉ là một xưởng nhỏ, họ nhận ra rằng tất cả bộ máy quan liêu sẽ tạo nên một thách thức khổng lồ. Các cơ quan quản lý cấp địa phương, cấp bang, cấp liên bang sẽ thay nhau kiểm soát mọi khía cạnh trong việc buôn bán rượu. Trở ngại không phải chỉ đơn thuần về vấn đề giấy tờ: Joe và Jack ước tính chi phí để bắt đầu việc kinh doanh này cần từ 1 đến 3 triệu đô-la.
Thất vọng nhưng không nản chí, Jack nảy ra ý tưởng bán dụng cụ để mọi người có thể tự làm rượu gin ngay tại nhà – dự án đòi hỏi khoản vốn đầu tư ban đầu ít hơn nhiều. Và bởi Jack và Joe không thực sự bán rượu nên số cửa ải phải vượt qua cũng bớt đi, khiến ý tưởng này trở nên khả thi hơn rất nhiều để có thể tiến hành trong một thời gian ngắn.
Hai người bắt đầu bằng việc chuẩn bị 250 “bộ dụng cụ tự nấu rượu gin tại nhà” trong căn hộ 65m2của Joe và hoàn toàn không có bất cứ ý tưởng gì về ai sẽ mua chúng. Nhưng họ dần dà cũng được biết đến nhờ vào bạn bè và gia đình, cũng như vài trang web có lời giới thiệu sản phẩm. Từ đó, việc kinh doanh bắt đầu khởi sắc. Họ cải thiện quy trình, thiết kế lại trang web, hoạt động dự án trong những tối cuối tuần rảnh rỗi. Phần lớn thời gian, họ vẫn tiếp tục công việc chính của mỗi người.
Trong vòng bốn năm, Jack và Joe đã bán được 75.000 bộ dụng cụ. Phần lớn sản phẩm được các cửa hàng bán dụng cụ làm bếp lớn đặt hàng. Tờ New York Times đã đăng một bài nhận xét khá tích cực. Một người bạn nói rằng đã thấy bộ dụng cụ này trong bếp của một nhân vật nổi tiếng. Nhìn chung, việc làm thêm của họ khởi đầu từ đó.
Nói một cách công bằng, không phải mọi thứ đều dễ dàng trong thế giới của rượu gin tự làm. Khi việc làm thêm của họ phát triển thành một việc kinh doanh đích thực, không chỉ các tờ báo và khách hàng vui vẻ nhận thấy thành công này. Một số bắt đầu bắt chước, đưa ra những sản phẩm về cơ bản là y hệt; một số thậm chí còn sao chép cả thương hiệu và bán các bản nhái gần như không có sự khác biệt. Đúng là có khó chịu, tất nhiên rồi, nhưng Jack và Joe
nhận ra đó là một phần của việc tung ra một dự án khả thi, có khả năng sinh lời và có sức thuyết phục.
Nhìn chung, hai người bạn bắt đầu với tình yêu cocktail và theo đuổi một ý tưởng điên rồ không thể hài lòng hơn. Joe vẫn làm công việc chính của mình, nhưng giờ còn có sự bảo đảm từ công việc làm thêm không chỉ tạo ra tiền mà còn cho phép anh làm điều mà mình thích – vẹn cả đôi đường. Mặc dù anh không mở xưởng nấu rượu, nhưng kết quả hóa ra còn tốt hơn nhiều.
LÀM SAO ĐỂ XÁC ĐỊNH CÁC CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Trong câu chuyện về “bộ dụng cụ nấu rượu gin tại nhà”, bạn có thể thấy rõ rằng những thách thứcxuất hiện trong ý tưởng ban đầu là mở một xưởng nấu rượu, cùng với cơ hội mà nó tạo ra. Nếu Joe và Jack tiếp tục bám vào kế hoạch tự sản xuất và bán rượu, họ có thể vẫn có được lợi nhuận tốt – nhưng mất nhiều thời gian công sức hơn và cũng rủi ro hơn rất nhiều. Bởi không có sẵn 3 triệu đô-la trong tay (một thách thức lớn), họ đã khôn ngoan từ bỏ ý tưởng này. Dù vậy, việc động não của họ đã tạo ra một ý tưởng khác tốt hơn (một cơ hội lớn, với ít thách thức hơn) mà họ quyết định theo đuổi.
Các ý tưởng của bạn cũng sẽ có thách thức cùng cơ hội. Bạn có thể không thấy được hết ngay từ đầu – Jack và Joe không hề biết việc mở một xưởng nấu rượu khó khăn thế nào cho đến khi họ bắt đầu nghiên cứu quá trình này – nhưng quan trọng là xác định được chúng càng sớm càng tốt. Nói vậy không có nghĩa là bạn phải từ bỏ ngay lập tức mọi cơ hội đi kèm thách thức, mà thay vào đó, bạn nên cân đo chúng dựa trên tiềm năng tạo ra lợi nhuận. Nhờ đó, bạn không chỉ chọn được ý tưởng tốt nhất để thực hiện, mà còn nhận ra
được những trở ngại phải vượt qua để biến ý tưởng thành hiện thực.
Những nhà sáng lập của “bộ dụng cụ nấu rượu gin tại nhà” đã dùng hai chiến lược đơn giản là động não và nghiên cứu để loại bỏ ý tưởng ban đầu của mình cũng như theo đuổi ý tưởng khác khả thi hơn. Bạn có thể dùng chính những chiến lược ấy để lập kế hoạch cho mình.
ĐỘNG NÃO: Chỉ với một chút logic, bạn có thể phát hiện được ít nhất một vài thách thức và cơ hội thuộc về bản chất trong sản phẩm và dịch vụ của mình. Hãy tự đặt ra câu hỏi: Điều gì là điểm mạnh và điểm yếu đặc trưng của dự án này? Nếu ý tưởng của bạn là bán xe điện nhỏ trên Mặt trăng cho phi hành gia, bạn nên biết ngay rằng ý tưởng đó có một số hạn chế nghiêm trọng: giới phi hành gia là một thị trường rất nhỏ, chi phí sản xuất vô cùng lớn và cũng rất khó để lên Mặt trăng mà mở cửa hàng.
Tương tự, nếu nghĩ về việc ai sẽ là người hưởng lợi từ sản phẩm của bạn và tại sao, các cơ hội nhìn chung cũng sẽ dễ dàng nhận thấy. Joe và Jack cuối cùng chọn sản xuất một thứ mà họ biết rằng nhiều tín đồ cocktail có thể mong muốn. Việc bản thân về căn bản cũng chính là đối tượng khách hàng mục tiêu đã giúp họ khá nhiều, đồng thời họ cũng khôn ngoan khi nhận ra bộ dụng cụ này sẽ là một món quà tuyệt vời. Tuy không hẳn là dễ dàng, những nó rõ ràng là một cơ hội tốt hơn rất nhiều.
NGHIÊN CỨU: Bạn có thể sẽ cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để xác định các thách thức và cơ hội trong ý tưởng của mình, nhưng không nhất thiết phải đến thư viện và dành cả cuối tuần để đánh vật với một chồng sách. Phương thức nghiên cứu của Joe và Jack khá
đơn giản: họ khảo sát xung quanh và tham khảo một số trang web để tìm hiểu các quy định về rượu tại địa phương. Sau khi tập trung hoàn toàn vào ý tưởng mới, việc nghiên cứu của họ chỉ đơn giản là tìm hiểu giá và nghĩ ra một vài ý tưởng sáng tạo để tiếp thị bộ dụng cụ nấu rượu gin của mình.
Dựa trên phán đoán logic của chính mình cùng một chút nghiên cứu, bạn có thể tự hỏi và trả lời những câu hỏi sau:
Bạn sẽ cần những gì để bắt đầu, phí tổn hết bao nhiêu? Có trở ngại tiềm tàng nào khi bạn thực hiện ý tưởng không? Việc bán được sản phẩm đầu tiên sẽ khó đến mức nào? Đã có ai làm điều tương tự trước đây chưa?
Nếu mọi chuyện đều ổn thỏa, viễn cảnh tốt nhất sẽ là gì? Nếu mọi chuyện đều hỏng bét, viễn cảnh xấu nhất sẽ là gì?
Khi bạn rút gọn dần danh sách ý tưởng làm thêm của mình, càng thu được nhiều thông tin, cơ hội để bạn tiếp tục với ý tưởng giàu tiềm năng nhất càng được tăng lên.
HÃY BẮT TAY VÀO VIỆC
Đến lúc này, bạn đã được đọc về nhiều ý tưởng làm thêm khác nhau, bao gồm cả những dự án thực tế lẫn các kịch bản giả định. Hãy xem xét một số ý tưởng tiềm năng khác và thử đánh giá các thách thức cũng như cơ hội của chúng.
Ý TƯỞNG 1: GIÚP THỢ CHỤP ẢNH ĐÁM CƯỚI XỬ LÝ ẢNH.
Thách thức: Đòi hỏi kỹ năng chuyên môn và phải hoạt động liên tục (không thể tự động hóa), có thể mang tính thời vụ. Cơ hội: Nhu cầu thị trường liên tục, các thợ ảnh giỏi nhất không chỉ được đặt kín lịch mà còn được trả hậu hĩnh, đồng nghĩa với có điều kiện để thuê người giúp đỡ.
Ý TƯỞNG 2: PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI TRÔNG NOM THÚ CƯNG TRONG KHU VỰC; NHẬN HOA HỒNG CHO MỖI LẦN ĐẶT LỊCH.
Thách thức: Số lượng chó mèo giới hạn, khó cạnh tranh với lực lượng lao động tuổi “teen”.
Cơ hội: Bạn không tự mình trông thú cưng, bạn là người điều phối. Điều này đồng nghĩa với việc không cần dành nhiều thời gian (cũng không phải dọn phân chó hay dắt chúng đi dạo giữa trời mưa).
Ý TƯỞNG 3: XÂY DỰNG MỘT TÀI KHOẢN CÓ TIẾNG TĂM TRÊN PINTEREST (HAY MẠNG XÃ HỘI TƯƠNG TỰ), KIẾM TIỀN TỪ QUẢNG CÁO VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIỚI THIỆU SẢN PHẨM.
Thách thức: Khó để đạt được ngay một mức độ nổi tiếng nhất định, thành công phụ thuộc một phần vào quy mô của mạng lưới này.
Cơ hội: Có thể làm trực tuyến từ bất cứ đâu, dễ dàng phát triển với sự trợ giúp thuê ngoài sau khi đã trở nên nổi tiếng. Ở bước trước, bạn đã chọn ra được – hoặc mượn từ tôi – ít nhất ba ý tưởng. Dù thế nào đi nữa, bạn cũng hãy dựa trên những gì đã học, lập ra một danh sách ngắn gọn về những thách thức và cơ hội của mỗi ý tưởng, từ đó đánh giá xem đâu sẽ là điểm tốt hay điểm xấu đặc trưng.
Bằng việc hiểu được ý tưởng của mình khó hay dễ thực hiện thế nào, bạn sẽ thấy rõ ý tưởng nào nên cất đi và có thể chọn ý tưởng nào để tiếp tục. Sau đó, chúng ta sẽ chuyển sang xem xét tiềm năng kiếm lời của mỗi ý tưởng. Đừng bỏ qua bước này: lợi nhuận bao giờ cũng tốt!
Ngày 5
DỰ ĐOÁN LỢI NHUẬN TRÊN MẶT SAU TỜ KHĂN GIẤY Đ
ể dự đoán được lợi nhuận làm thêm, bạn không cần phải có bằng cấp tài chính hay khả năng tính toán khoa học. Bạn chỉ cần một tờ khăn giấy, một cây bút và năng lực nhận xét.
Luôn có dịch vụ hoặc ứng dụng kinh tế chia sẻ dành cho mọi thứ ngày nay. Bạn có thể được trả tiền để cho người hàng xóm chưa từng gặp mặt mượn một bộ dụng cụ. Bạn có thể đầu tư vào một dự án huy động vốn cộng đồng từ những người xa lạ ở một lục địa khác. Cũng có nhiều dịch vụ cho thuê xe theo giờ, ngày hoặc tuần cho ai đó cần; nếu bạn có một chiếc xe không cần phải sử dụng mỗi ngày thì đây là một trong những cách dễ nhất để kiếm thêm tiền.
Ở Los Angeles, Tahsir Ahsan đã đưa ý tưởng công việc làm thêm này lên một tầm cao mới. Sau khi tạo tài khoản trên Turo, một trong những dịch vụ kinh tế chia sẻ có chức năng trung gian giữa người cần thuê và chủ xe, anh nhanh chóng nắm được cách tối ưu hóa giá cả và cách để mang về nhiều giao dịch nhất có thể. Trong một khoảng thời gian ngắn, xe của anh được thuê trung bình 29 ngày mỗi tháng – gần như toàn bộ thời gian.
Sau khi trừ đi phí bảo hiểm và các khoản khác, Tahsir kiếm được hơn 1.300 đô-la mỗi tháng, chỉ bằng việc liên lạc với người thuê xe qua email và quản lý việc đón tại sân bay không thường xuyên. Và đó là khi anh quyết định nâng tầm. Vài người trong số chúng ta có
thể sẽ nghĩ đến việc cho thuê thêm một chiếc xe khác, thậm chí là hai nếu tham vọng, nhưng Tahsir quyết định cho thuê hẳn một đội xe –chính xác là 16 chiếc. Ở những lần thuê đầu, anh thường để giá khá thấp để bảo đảm xe sẽ nhanh chóng được thuê và ngay lập tức nhận được những đánh giá tích cực. Sau đó, anh tăng giá dần khi nhu cầu về xe tăng lên.
Anh cũng khéo léo hơn trong việc lựa chọn xe. Dựa trên nghiên cứu riêng, anh nhận thấy rằng cơ hội tốt nhất hoặc là ở mức rẻ tiền hẳn (người thuê muốn xe rẻ nhất có thể) hoặc là cao cấp (những người muốn lái một chiếc xe đẹp hay SUV, để đi chơi cuối tuần hay gây ấn tượng trong một cuộc hẹn). Và theo đó, Tahsir tái cấu trúc dàn xe của mình, chọn một vài chiếc xe đắt tiền và phần lớn xe rẻ hơn. Thực tế là anh đã kiếm được xe “rẻ bèo” trong một đợt ưu đãi khó tin vì nhà sản xuất đã tích trữ quá nhiều mẫu xe Chevrolet Cruze. “Hãy tưởng tượng bạn thuê một chiếc Chevy Cruze 18 đô-la mỗi tháng rồi cho thuê lại nó với giá 35 đô-la mỗi ngày,” anh viết trong một bài đăng trên blog. “Bạn không phải tưởng tượng, bởi đó gần như là điều tôi đang làm.”
Cho thuê 16 chiếc xe có vẻ là khoản đầu tư quá mạo hiểm cho một công việc làm thêm, nhưng Tahsir đã làm phép toán dựa trên kinh nghiệm ban đầu với một chiếc xe và biết nó sẽ đem về lợi nhuận – hoặc ít nhất, anh đã khá tự tin.
PHƯƠNG TRÌNH LỢI NHUẬN
Bí quyết để bắt đầu thu được lợi nhuận từ bất kỳ công việc kinh doanh hay đầu tư nào, cho dù là công việc làm thêm cho thuê xe hơi hay một tập đoàn đa quốc gia thì cũng đều có chung một nguyên tắc
cơ bản: không chi nhiều hơn khoản tiền bạn thu được. Với nguyên tắc này, lợi nhuận dự đoán cho bất kỳ công việc làm thêm nào cũng có thể được tính toán bằng phương trình đơn giản sau đây:
Thu nhập dự đoán - Chi phí dự đoán = Lợi nhuận dự đoán
Tất nhiên, để có được thông tin có tính quyết định “Tôi có thể kiếm được bao nhiêu tiền với ý tưởng này?”, trước tiên bạn phải ước tính được những khoản thu nhập và chi phí đó. Để đưa ra ước tính cho từng yếu tố, bạn cần xác định một vài biến số khác. Như với ví dụ cho thuê xe ở trên, giả sử bạn chỉ cho thuê một chiếc (dự án dễ hơn 15 lần so với cho thuê 16 chiếc). Để ước tính được thu nhập dự kiến, bạn cần đưa ra dự đoán tốt nhất về hai điều:
Giá thuê trung bình mỗi ngày: khoản tiền mà người khác sẽ trả để thuê xe trong một ngày.
Số ngày cho thuê mỗi tháng: bạn sẽ cho thuê xe trong bao nhiêu ngày mỗi tháng.
Thu nhập cho thuê hằng tháng = Giá thuê theo ngày x Số ngày cho thuê
Sau đó, bạn đưa ra dự đoán tốt nhất về những khoản chi phí hàng tháng: tiền thuê, bảo hiểm, bảo trì, hoa hồng cho dịch vụ và mọi khoản chi phí khác. Hãy xem xét một dự đoán cơ bản dựa trên việc cho thuê một chiếc xe duy nhất.
Chi phí hằng tháng = Tiền thuê + Bảo hiểm + Bảo trì + Hoa hồng Công thức lợi nhuận cuối cùng rất đơn giản:
Thu nhập từ cho thuê hằng tháng - Chi phí hằng tháng = Lợi nhuận
Bây giờ, hãy đưa các biến số vào một bảng tính đơn giản. Chờ đã... bảng tính ư? Đúng rồi, nhưng không việc gì phải lo cả. Bạn viết nguệch ngoạc trên mặt sau của tờ khăn giấy cũng được, định dạng bảng tính chỉ để giúp phép toán dễ dàng hơn thôi.2
Dự đoán trên khăn giấy về việc cho thuê một chiếc xe
Trong trường hợp này, bạn có thể dự đoán chắc chắn thu nhập hằng tháng với ít nhất là 300 đô-la. Dù đang bán gì, nếu có thể làm cho phương trình lợi nhuận hiệu quả tức là bạn đã thành công. Thế thôi!
Lưu ý là bạn có thể thay đổi bất cứ biến nào để tác động đến kết quả ròng của lợi nhuận dự đoán. Nếu thu nhập cho thuê theo ngày của bạn là 26,70 đô-la và bạn có thể tăng từ 20 ngày cho thuê mỗi tháng lên 25 ngày, bạn sẽ đột nhiên kiếm được thêm 133,50 đô-la một tháng. Tương tự, nếu có thể tăng thu nhập cho thuê hằng ngày
từ 26,70 đô-la lên 31,70 đô-la, bạn sẽ kiếm thêm được 100 đô-la một tháng ngay cả khi không tăng tổng số ngày cho thuê.
Dự đoán trên khăn giấy tăng thêm năm ngày cho thuê
Trong trường hợp này, chúng ta điều chỉnh số ngày cho thuê, dẫn đến 175 đô-la tăng thêm mỗi tháng.
Dự đoán trên khăn giấy tăng thêm 15% tiền thuê
Trong trường hợp này, bằng cách điều chỉnh giá cho thuê trung bình, lợi nhuận dự đoán của bạn sẽ tăng thêm 100 đô-la mỗi tháng. Có rất nhiều cách để bạn chơi đùa với các ước tính. Hai ví dụ trên giả định rằng chỉ có một biến thay đổi. Tuy nhiên, bạn có thể tăng cả giá cho thuê lẫn số ngày cho thuê mỗi tháng, và bạn sẽ thấy lợi nhuận còn tăng nhiều hơn thế nữa. Thật tuyệt vời! Tuy nhiên, thu nhập của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng bất lợi bởi những khoản phí cao hơn. Có thể là chi phí bảo trì cao hơn dự kiến khiến lợi nhuận giảm đi rõ rệt. Hoặc bạn chỉ cho thuê được 18 thay vì 20 ngày mỗi tháng, điều này ảnh hưởng đến mức trung bình
hằng ngày cũng như tổng số hằng tháng. Trong trường hợp này, bạn có thể sẽ xem xét tăng giá nhẹ hoặc tìm cách khác để cắt giảm chi phí.
Bằng cách dự đoán lợi nhuận và chi phí với phép tính đơn giản như này, bạn có thể đưa ra quyết định cho việc làm thêm của mình một cách tự tin hơn nhiều so với việc chỉ ngồi mà đoán mò.
CÒN NHỮNG GÌ BẠN KHÔNG BIẾT THÌ SAO?
Thường thì phân tích trên mặt sau khăn giấy sẽ không đơn giản như ví dụ ở trên. Ngay cả với đội xe cho thuê đến 16 chiếc, Tahsir vẫn có thể dự tính được doanh thu với độ chính xác cao là bởi có rất ít thông tin bị ẩn. Anh biết tiền thuê xe và bảo hiểm tốn bao nhiêu. Anh cũng ước tính được khá tốt thu nhập hằng tháng dựa trên mức giá cho thuê trung bình mỗi ngày cũng như số ngày trung bình có thể cho thuê trong tháng với mỗi chiếc xe. Nhưng trong trường hợp không có tất cả những thông tin ấy thì sao? Bạn sẽ cần thực hiện
thêm một vài thao tác dù nhàm chán nhưng cần thiết để tìm ra điều gìsẽ khiến công việc làm thêm của mình sinh ra lợi nhuận. Giả sử bạn muốn dạy một lớp học. Chủ đề của lớp học là điều gì đó mà bạn hiểu rõ – quan sát nhận dạng các loài chim hay khoa học tên lửa chẳng hạn. Bạn không chắc mình nên thu chính xác bao nhiêu tiền học phí cho một lớp (vào Ngày 12, bạn sẽ được tìm hiểu về việc chào giá cho đề nghị của mình dựa trên mức thu nhập tối thiểu có thể chấp nhận được), nhưng bạn đang cân nhắc trong khoảng 49 đến 79 đô-la. Bạn của bạn sẽ cho mượn tầng hầm nhà anh ấy làm địa điểm dạy học nên coi như bạn không phải bỏ ra chi phí gì cả.
Để tính ra lợi nhuận tiềm năng cho công việc làm thêm này, bạn cần xem xét đến các yếu tố như học phí mỗi lớp và số người đăng ký tham gia. Công thức như sau:
Học phí x Số người đăng ký = Lợi nhuận dự đoán
Vì giá học phí bao nhiêu hoàn toàn tùy thuộc ở bạn, nên “ẩn số” chính trong trường hợp này là số người đăng ký. Nhưng làm sao ước tính được con số đó? Bởi đã nhận diện được các hạn chế và cơ hội sẵn có của mình, bạn sẽ có thể áng chừng một con số tương đối. Lúc này, hãy chọn mức giá thấp nhất có thể nhưng vẫn đủ để mở lớp dựa trên số học viên tối thiểu mà bạn có thể có. Nếu bạn có nhiều học viên hơn (hoặc tính phí cao hơn) thì thật tuyệt, nhưng hãy lấy số học viên tối thiểu làm cơ sở.
ĐƯA RA MỘT LOẠT DỰ ĐOÁN
Làm thế nào để bạn biết dự đoán của mình là chính xác? Thường thì, bạn sẽ không biết được cho đến khi bắt tay vào việc và xem mọi người phản hồi như thế nào. Vì vậy, trừ khi bạn tự tin rằng có thể dự đoán chính xác cả (a) thu nhập ròng của mình (trừ đi các khoản chi phí) và (b) mình sẽ có bao nhiêu khách hàng, thì đừng chỉ đưa ra một dự đoán duy nhất. Ngoài dự đoán cơ bản ban đầu, bạn hãy làm thêm một dự đoán “lạc quan” dựa trên những kết quả tốt, cũng như một dự đoán “thận trọng” dựa trên những kết quả xấu. Bạn không phải làm nhiều lên gấp ba lần, mà thường chỉ cần thay đổi một biến số thôi là đã có thể có được những dự đoán lạc quan hay thận trọng. Trong ví dụ cho thuê xe, chúng ta có thể chỉ điều chỉnh số ngày cho thuê xe trong tháng.
Dự đoán cơ bản: 25 ngày/tháng
Dự đoán thận trọng: 21 ngày/tháng
Dự đoán lạc quan: 28 ngày/tháng
Tương tự, trong lớp học quan sát nhận dạng chim, dự đoán của bạn sẽ thay đổi dựa trên số lượng học viên, giá tiền mỗi lớp, hoặc cả hai. Hãy sử dụng công thức để xem một loạt kết quả:
Phạm vi giá cả với năm học viên (49 đô-la, 59 đô-la, 79 đô-la)
Trong trường hợp này, chúng ta điều chỉnh học phí của lớp. Số lượng học viên vẫn giữ nguyên, nhưng lợi nhuận của bạn tăng lên vì mỗi học viên trả nhiều hơn.
Học phí cố định với số lượng học viên khác nhau (5, 10, 15)
Trong trường hợp này, chúng ta điều chỉnh số lượng học viên đăng ký học. Lưu ý rằng ngay cả khi giữ nguyên học phí ở mức 49 đô-la, bạn vẫn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn do có nhiều người đăng ký hơn.
Cũng như với những chiếc xe mà Tahsir cho thuê, bạn có thể điều chỉnh nhiều biến số cùng một lúc. Nếu bạn tính giá 59 đô-la
thay vì 49 đô-la và tăng từ năm lên mười học viên, lợi nhuận dự kiến của bạn sẽ tăng từ 245 lên 500 đô-la.
ĐỪNG ĐỢI ĐỂ SAU MỚI TÌM HIỂU CÁCH KIẾM TIỀN TỪ CÔNG VIỆC LÀM THÊM
Có một câu chuyện vui cũ về một quán bar ở Thung lũng Silicon, trung tâm của phong trào khởi nghiệp. Một quán bar mở ra và cực kỳ nổi tiếng – đại loại vậy. Một triệu người bước vào, nhưng không ai mua gì cả. Quán bar này tuyên bố thành công rực rỡ, rồi những người sáng lập “rút” bằng cách bán nó cho một nhóm các nhà đầu tư.
Đây là một minh chứng đắt giá phản ánh một trải nghiệm kinh doanh tồi tệ. Không quan trọng là bao nhiêu người bước vào, điều quan trọng là có bao nhiêu người mua hàng của bạn. Một tổ chức khởi nghiệp được đầu tư thừa mứa có thể kiên định với quy luật cốt lõi của kinh tế học (không chi nhiều hơn số tiền bạn kiếm được), nhưng với một người mới chập chững làm thêm, đây không phải chiến lược hiệu quả.
Công việc làm thêm của bạn nhất định phải có một kế hoạch rõ ràng để kiếm ra tiền. Đừng bỏ qua yêu cầu này và quyết định sẽ “tìm hiểu sau”. Nếu chỉ coi đó như một thú vui thì không thành vấn đề, nhưng với một công việc để bạn kiếm thêm tiền thì không. Nếu ở thời điểm này bạn đang có vài ý tưởng, hãy làm một số phép tính lợi nhuận cho từng ý tưởng ấy. Đừng lo lắng về việc phải chính xác từng chút một, vì mục đích chỉ là để so sánh tiềm năng lợi nhuận của các ý tưởng khác nhau và xem ý tưởng nào đáng theo đuổi hơn. Bất cứ ý tưởng nào không cho thấy lợi nhuận đều nên bỏ qua.
Tiền không phải là tất cả, nhưng đối với một công việc làm thêm thì tiền vô cùng quan trọng!
TÓM TẮT TUẦN 1
Sau khi đã đọc xong các bước của tuần này, bạn nên có trong đầu mình vài ý tưởng tiềm năng về công việc làm thêm. Hãy cân nhắc các hạn chế cùng cơ hội và tính toán lợi nhuận tiềm năng của từng ý tưởng. Nếu bạn chưa có ý tưởng nào, hãy đọc lại năm ngày đầu tiên một lần nữa. Sang Tuần 2, chúng ta sẽ quyết định xem nên biến ý tưởng nào thành hành động, vậy nên chỉ chuyển sang phần tiếp theo khi bạn đã có vài ý tưởng để có thể so sánh và xếp hạng chúng.
TRỌNG ĐIỂM
Tiền mọc trên cây, nhưng bạn phải gieo đúng hạt giống. Hãy bắt đầu chú ý đến cơ hội tiềm tàng ở bất cứ nơi nào bạn đến.
Hãy hiểu rằng không phải tất cả công việc làm thêm đều như nhau. Để có kết quả tốt nhất, ý tưởng của bạn nên khả thi, có khả năng sinh lời và có sức thuyết phục.
Những ý tưởng khởi đầu tuy hay, nhưng đến một thời điểm, bạn sẽ muốn chuyển tiếp sang ý tưởng nâng cao.
Dùng phân tích tài chính mặt sau khăn giấy (hoặc một bảng tính đơn giản) để ước tính lợi nhuận của ý tưởng (hoặc những ý tưởng) của bạn trước khi tiếp tục.
S
Tuần 2
LỰA CHỌN Ý TƯỞNG TỐT NHẤT
au khi đã có nhiều ý tưởng, bạn cần xác định xem ý tưởng nào là tốt nhất. Hãy học cách xếp hạng và so sánh những gì mình có trong đầu để tự tin triển khai với khả năng thành công cao nhất.
Ngày 6
DÙNG BỘ LỌC LÀM THÊM ĐỂ SO SÁNH Ý TƯỞNG
Một khi bạn đã bắt đầu nghĩ về dự án làm thêm, các ý tưởng sẽ tuôn ra không ngừng nghỉ. Công cụ này sẽ chỉ bạn cách áp dụng logic “Tinder cho việc làm thêm” để lựa chọn ý tưởng tốt nhất vào bất cứ lúc nào.
Gần một thế kỷ trước, trường Waldorf đầu tiên được thành lập tại Stuttgart, Đức. Một ý tưởng khác thường vào thời điểm ấy, và phần nào đến tận bây giờ vẫn vậy: phương pháp này nhấn mạnh vai trò của trí tưởng tượng trong học tập và khuyến khích giáo viên nuôi dưỡng khả năng sáng tạo và phân tích. Nhịp độ học tập được điều chỉnh dựa theo các giai đoạn phát triển thay vì những điểm số thông thường trên lớp. Mô hình Waldorf kể từ đó đã lan rộng khắp thế giới, với hàng nghìn trường học hoạt động tại hơn 60 quốc gia.
Meredith Floyd-Preston tự hào là một giáo viên Waldorf tại Oregon, nơi cô đã dành nhiều năm nghiên cứu và phát triển chương trình học hiệu quả nhất cho học sinh của mình. Cô cũng là một người đồng nghiệp đáng tin cậy, đặc biệt là với các giáo viên mới chưa quen hướng tiếp cận khác thường mà phương pháp Waldorf đòi hỏi. Tất cả những nỗ lực này đã dẫn cô đến một kết luận: việc thiết kế các bài giảng riêng cho học sinh rất tốn thời gian! Một trong những yếu tố cốt lõi của phương pháp Waldorf là giáo viên tự chuẩn bị chương trình học thay vì chỉ dạy theo sách giáo khoa – nhưng đối
với các giáo viên bận rộn, việc này có thể cực kỳ tốn thời gian và nhàm chán.
Trong nỗ lực tìm cách làm nhẹ bớt phần việc này, cả cho bản thân lẫn các giáo viên khác, Meredith nhận thấy có một số nguồn tài liệu đang được bán sẵn, nhưng chỉ các trường học mới có thể mua được, còn cá nhân giáo viên thì không. Ngoài ra, phương pháp Waldorf dù ngày càng thịnh hành hơn trong xu hướng giáo dục tại nhà, song các bậc phụ huynh lại thường không được đào tạo như các giáo viên chính thức và càng ít có khả năng tiếp cận tài liệu hơn.
Meredith khi ấy cũng đang tìm kiếm một việc làm thêm. Vốn thường đan len và thiết kế web trong thời gian rảnh rỗi, cô khá giỏi thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ. Đối với cô, việc giúp đỡ các đồng nghiệp và các bậc phụ huynh tự dạy con tại nhà tiết kiệm thời gian đồng thời có được hiệu quả cao hơn không chỉ là một mục tiêu đáng làm mà còn là một mục tiêu có thể sinh lời.
Để xác định được hướng tiếp cận đúng đắn đòi hỏi phải có một số phân tích. Cô đã nghĩ đến việc cung cấp các buổi tư vấn hay huấn luyện, song việc này có vẻ không khả thi. Các giáo viên bận rộn (lý do vì sao họ cần được hỗ trợ) nhưng Meredith cũng bận chẳng kém, trong khi các buổi huấn luyện một kèm một đòi hỏi phải đầu tư rất lớn về thời gian. Cô cũng nghĩ đến việc mở lớp trực tiếp, qua đó hướng dẫn nhiều giáo viên cùng lúc – nhưng tiềm năng sinh lời của phương án này khá thấp, bởi cô chỉ có thể ở một nơi, một thời điểm nhất định. Phương án thứ ba, tạo hướng dẫn xây dựng chương trình học có thể được mua trực tuyến, là lựa chọn hấp dẫn nhất. Các hướng dẫn này khá rẻ, vì thế cô sẽ không kiếm được là bao khi bán lẻ, nhưng nhờ khả năng nhân rộng rất lớn nên thiếu hụt
về biên lợi nhuận được bù đắp bởi số lượng bán ra. Ngoài ra, một khi những hướng dẫn đã được hoàn thiện và đăng tải, hầu như toàn bộ những gì cô kiếm được đều sẽ là lợi nhuận.
Và cô quyết định sẽ làm như thế. Sau khi viết xong hướng dẫn và soạn thảo với định dạng PDF đơn giản, cô đăng lên mạng và âm thầm cho mọi người biết rằng chúng hiện đang được bày bán. Với các phản ứng ban đầu khá thuận lợi, cô bắt đầu nghĩ đến việc tạo ra cả một loạt tài liệu cho việc chuẩn bị, một dự án dù ban đầu đòi hỏi nhiều công sức nhưng sau đó sẽ chỉ toàn lợi ích và cũng không cần làm thêm gì nữa.
Meredith đã tìm được một hướng tiếp cận khả thi, sinh lời và thuyết phục. Vì mỗi năm đều có những giáo viên mới tham gia vào phương pháp Waldorf nên nguồn cung khách hàng gần như là vô tận. Với Meredith, công việc làm thêm này là một sự kết hợp tuyệt vời.
“TINDER CHO CÔNG VIỆC LÀM THÊM”
Thế giới hẹn hò trực tuyến được ước tính thu về 2 tỷ đô-la mỗi năm. Với khoản lợi nhuận lớn như thế, chẳng mấy ngạc nhiên khi các trang hẹn hò thành công nhất thường đầu tư những khoản tiền khổng lồ để điều chỉnh thuật toán “ghép đôi” vô cùng tỉ mỉ. Các trang này đều hiểu rằng, một người bình thường đang tìm kiếm nửa kia – dù là cho suốt cuộc đời hay chỉ một thời gian ngắn ngủi – đều không muốn bị ghép ngẫu nhiên với người mà mình không quan tâm cũng như chẳng quan tâm đến mình. Họ muốn một lựa chọn giới hạn những người có thể sẽ thực sự tốt cho họ. Vậy nên một trang hẹn hò chỉ phát triển khi cung cấp được cho người dùng của mình các
ứng viên lý tưởng, chứ không phải là một danh sách vô tận và không sàng lọc những người xa lạ.
Hay nói cách khác, vấn đề không phải là nhiều lựa chọn hơn, mà là lựa chọn phù hợp hơn.
Vậy làm sao để bạn áp dụng logic “Tinder cho việc làm thêm” vào kế hoạch của mình? Bạn nhìn vào rất nhiều ý tưởng, loại bỏ phần lớn và dây dưa với một số trong đó, và rồi – hy vọng là – sẽ dần ổn định cho một giai đoạn thử nghiệm với ý tưởng hấp dẫn và toàn diện nhất. Trong phần đầu tiên, bạn đã học cách tạo ra ý tưởng. Bây giờ, bạn sẽ học một thuật toán đơn giản có thể dùng để so sánh những ý tưởng và tìm ra sự kết hợp lý tưởng cho mình. May mắn là việc này thường dễ dàng hơn tìm kiếm bạn tâm giao rất nhiều.
BỘ LỌC LÀM THÊM: XẾP HẠNG VÀ SO SÁNH CÁC Ý TƯỞNG NHƯ THẾ NÀO?
Nếu bạn đã biết mình sẽ chọn theo đuổi công việc làm thêm nào trong kế hoạch 27 ngày, thật tuyệt vời! Nhưng bởi yếu tố cốt lõi trong công việc làm thêm là học cách động não và tạo ra nhiều ý tưởng, nên việc học cách so sánh các ý tưởng với nhau để tìm ra cái tuyệt vời nhất là rất đáng giá.
Trong tuần đầu tiên, bạn đã học về tính khả thi, sinh lời và thuyết phục, ba yếu tố cốt lõi cho dự án làm thêm thành công. Đây là một vài tóm tắt giúp bạn nhớ lại:
Tính khả thi: Là khả năng bắt đầu thực hiện ý tưởng trong thời gian ngắn.
Tính sinh lời: Là tiềm năng kiếm được tiền từ ý tưởng, cũng trong thời gian ngắn.
Tính thuyết phục: Đây không chỉ là một ý tưởng tuyệt vời, mà còn là một ý tưởng tuyệt vời vào lúc này.
Để sàng lọc danh sách của chúng ta kỹ hơn nữa, hãy đưa vào thêm hai yếu tố mới:
Tính hiệu quả: Việc này có thể được hoàn thành trong bao lâu? Động lực: Bạn thấy phấn khích ra sao về ý tưởng này? Thời gian rất quan trọng, bởi đó là thứ bạn không có nhiều, vậy
nên bạn sẽ muốn lựa chọn một ý tưởng càng hiệu quả càng tốt. Thứ hai, động lực cũng quan trọng. Dự án làm thêm của bạn ít ra cũng phải đem lại chút niềm vui, đúng hơn thì càng nhiều càng tốt. Bạn chắc chắn không muốn kiệt quệ vì nó. Bạn muốn nó là thứ gì đó đáng trông đợi, chứ không khiến bạn lo sợ hay một thứ nghĩa vụ phải làm.
Để so sánh nhiều ý tưởng, bạn nên áp dụng thang đánh giá Cao, Trung bình, Thấp đối với năm yếu tố ở trên. Việc thực hiện khá đơn giản: dựa trên những thông tin sẵn có, bạn tự đặt câu hỏi xem ý tưởng của mình đạt được mức nào trong mỗi yếu tố, rồi điền vào bảng sau.
Như công cụ tính lợi nhuận ở mặt sau tờ khăn giấy, phân tích này được thực hiện rất nhanh. Bạn có thể phải đoán một chút lúc xếp hạng bởi không phải thông tin nào cũng sẵn có, nhưng không sao cả. Mục đích của việc so sánh nhiều ý tưởng là để xem liệu có người thắng cuộc nào rõ ràng hay không mà thôi. Nếu có một ý tưởng được đánh giá cao hơn hẳn trong phần lớn các yếu tố, đó chính là ý tưởng để bạn thử tiến hành.
Hãy dùng câu chuyện của Meredith để thử xem chính xác bộ lọc làm thêm hoạt động như thế nào. Cô đã xác định được một nhu cầu rõ ràng: giúp các giáo viên Waldorf tiết kiệm thời gian và cải thiện hoạt động giảng dạy. Cộng thêm việc bản thân vốn là một giáo viên Waldorf có tình yêu lâu dài với chương trình, cô thừa khả năng để đáp ứng nhu cầu đó. Nhưng cô sẽ làm như thế nào? Những khả năng được đưa ra bao gồm: huấn luyện cá nhân trực tiếp, lớp học, các tài liệu hướng dẫn về chương trình học (ý tưởng mà cuối cùng cô đã chọn).
Để đơn giản, hãy thử tưởng tượng Meredith đang phân vân giữa các buổi huấn luyện cá nhân trực tiếp với bộ tài liệu hướng dẫn
chương trình học. Bằng việc sử dụng bộ lọc làm thêm, cô có thể nhanh chóng so sánh và phân biệt hai ý tưởng này. Đây là ý tưởng đầu tiên:
Meredith biết mình là người có đủ thẩm quyền trong các chương trình học Waldorf. Cô cũng hiểu rằng giáo viên cần được hỗ trợ, do đó ý tưởng của cô rất có sức thuyết phục. Nhưng khi suy nghĩ về tất cả những việc liên quan trong ý tưởng làm thêm đầu tiên (huấn luyện cá nhân trực tiếp), Meredith nhận ra rằng điều này không thực sự khả thi. Yêu cầu về thời gian của nó rất cao (đòi hỏi phải trực tiếp có mặt để hướng dẫn), trong khi cô đã kín hết lịch. Hơn nữa, tiềm năng sinh lời lại thấp, vì cô chỉ có thể thực hiện được một số buổi giới hạn và cũng không muốn “hét giá” cao với các đồng nghiệp. Việc cô chỉ có thể tiến hành một buổi huấn luyện khiến toàn bộ việc này nhìn chung không tối ưu. Về phần động lực, đây cũng không hẳn là ý tưởng khiến Meredith phấn khích nhất, dù cô chắc chắn có đủ sự nhiệt tình và quyết tâm để thực hiện nó.
Giờ hãy xem xét phân tích tương tự, lần này là với ý tưởng bộ hướng dẫn chương trình học.
Để so sánh nhanh, hãy giả định rằng nhiều yếu tố trong ý tưởng thứ hai cũng không thay đổi gì: cả hai ý tưởng đều thuyết phục như nhau, và đối với chúng, Meredith có cùng động lực như nhau. Tuy nhiên, trong ý tưởng thứ hai, ba yếu tố quan trọng còn lại thì khác hẳn: Bộ hướng dẫn được bán trực tuyến cho bất cứ ai cần đến nên tiềm năng sinh lời sẽ cao hơn, và một khi đã viết xong thì thời gian cần để duy trì chúng cũng ở mức tối thiểu. Điều đó khiến ý tưởng này không chỉ hiệu quả mà còn khả thi hơn đối với yêu cầu về thời gian. Với cả ba yếu tố đạt mức “Cao”, hướng dẫn chương trình học thắng áp đảo.
Bạn cũng có thể tùy chỉnh công cụ bộ lọc làm thêm căn bản theo nhiều cách khác nhau. Một là tập trung vào các yếu tố khả biến nhất định dựa trên những gì bạn coi là quan trọng vào thời điểm đó. Chẳng hạn, nếu lợi nhuận là quan trọng nhất, bạn có thể nhân đôi
giá trị của yếu tố này. Hoặc, để phân tích kỹ lưỡng hơn, bạn có thể đánh giá các yếu tố trên thang điểm từ 1 đến mười thay vì lựa chọn Thấp, Trung bình hoặc Cao. Điều quan trọng ở đây là phải thống nhất để tránh cảnh “so quả táo với trái cam”. Hãy nhớ rằng, mục đích của bạn là để xếp hạng và so sánh các ý tưởng khác nhau, từ đó lựa chọn ý tưởng tốt nhất.
VẪN PHÂN VÂN? HÃY ĐỌC ĐIỀU NÀY:
Nếu giống tôi, đôi khi bạn sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn giữa các ý tưởng cho công việc làm thêm của mình. Tôi muốn thực hiện tất cả! Để tránh bị tê liệt trong việc ra quyết định, hãy nhớ ba quy tắc sau:
Bạn không phải đưa ra một quyết định trọn đời, bạn chỉ đang chọn ra một ý tưởng tốt nhất ở thời điểm đó. Cứ để dành tất cả những ý tưởng còn lại – có khi bạn sẽ quay lại với chúng vào một lúc nào đó sau này.
Bạn có thể giữ lại những ý tưởng dôi ra, nhưng đừng bao giờ để dành ý tưởng tốt nhất. Hãy dùng công cụ chọn lựa để tìm ra đâu là ý tưởng tốt nhất, có nhiều tiềm năng nhất rồi tiến hành nó.
Nếu bạn đã phân tích hết mà vẫn không thể quyết định được thì hãy cứ chọn điều cảm thấy đúng nhất vào lúc này. Có hành động gần như luôn tốt hơn là chẳng làm gì, đặc biệt là trong công việc làm thêm. Ngay cả nếu sau đó có thay đổi quyết định thì bạn vẫn sẽ thu được những kinh nghiệm quý giá và trau dồi được các kỹ năng quan trọng.
Sự tê liệt trong công việc làm thêm thường lại là hậu quả của những ý định tốt. Đừng để bản thân lạc lối hay mắc kẹt tại chỗ – hãy
chọn một ý tưởng và cứ thế tiến lên.
DANH SÁCH KIỂM TRA CUỐI CÙNG CHO Ý TƯỞNG
Đầu óc tràn ngập ý tưởng là điều tốt, nhưng sẽ còn tốt hơn nữa nếu bạn chuyển được ý tưởng tốt nhất của mình thành hiện thực và hái ra tiền. Từ tất cả những gì bạn đã đọc và suy nghĩ cho đến lúc này, hãy lựa chọn ý tưởng tốt nhất. Tạm thời từ bỏ hoặc cất những ý tưởng khác đi. Chúng ta sẽ đi tiếp với lựa chọn tốt nhất có thể!
Bạn đã sẵn sàng để bắt tay vào thực hiện một công việc làm thêm thực sự chưa? Hãy cùng kiểm tra nhanh một lần nữa:
Bạn có một ý tưởng có thể giải thích được bằng ngôn ngữ rất đơn giản không?
Ý tưởng của bạn có khả thi, sinh lời và thuyết phục không? Cách để ý tưởng này tạo ra tiền có rõ ràng không?
Khi nghĩ về ý tưởng này, bạn có cảm thấy phấn khích không?
Lý tưởng nhất là bạn có thể trả lời “Có” với tất cả các câu hỏi trên, hay ít nhất là với hầu hết. Nếu vẫn chưa được như vậy, hãy tiếp tục suy nghĩ và đánh giá các lựa chọn khác nhau. Cơ hội thành công của bạn sẽ cao hơn nhiều nếu bạn xắn tay áo lên và bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình ngay sau khi hoàn thành công đoạn này. Đã đến lúc đưa ý tưởng vào hoạt động.
T
Ngày 7
TRỞ THÀNH THÁM TỬ
rong lúc bạn tiếp tục với ý tưởng đã chọn, hãy quan sát việc mà người khác đang làm. Hãy làm tốt hơn thế – hay chí ít là làm khác đi.
Khi chuyển từ Tây Ban Nha đến Texas, Andrea Hajal đã tìm được tình yêu đích thực nhưng lại phải bỏ lại thú cưng của mình. Hôn phu của cô là người Mỹ; sau khi cùng nhau đi đây đó vài năm, họ quyết định tiến tới hôn nhân và định cư tại Austin. Andrea thích công việc chuyên gia dinh dưỡng của mình, nhưng cô lại thực sự yêu động vật, đặc biệt là chó. Một ngày nọ, khi đang cùng chồng ở một căn hộ cho thuê trong chuyến du lịch đến Canada, cô nảy ra ý tưởng: “Phải chi có một thứ như Airbnb3 dành cho chó nhỉ? Khi đó, chủ nhân sẽ có thể đi du lịch và để chúng lại một nơi tốt hơn là mấy cái cũi?” Một năm sau, cô tình cờ tìm thấy Rover.com – dịch vụ hoạt động tương tự như mong ước của cô, cơ bản là tạo ra một nền tảng để những chủ nhà yêu động vật có thể đem chiếc ổ chó dư của mình ra cho “khách bốn chân” thuê.
Andrea hăm hở tạo tài khoản, quảng cáo nhà của mình là nơi luôn chào đón mọi giống chó. Cô yêu việc chăm sóc chó và cũng đủ khôn khéo trong kinh doanh để nhận ra rằng, giữa hàng tá những chủ nhà yêu chó khác đang cùng cạnh tranh đơn đặt hàng, chỉ mỗi kỹ năng chăm sóc thôi là chưa đủ để giúp cô biến khoản đầu tư này thành một công việc làm thêm thành công. Thế nên, cô bắt đầu tiến