🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cọ Hoang
Ebooks
Nhóm Zalo
Dù muốn dù không thì trong mỗi người chúng ta đều đang nuôi ít nhất là 1 con bò và thậm chí là cả đàn bò. Đó là những con bò: bao biện, viện cớ, đổ lỗi, ỷ lại, mãi tự hào với quá khứ…
Nhiều khi ta nghĩ ta đã làm tốt rồi, học giỏi rồi, xinh đẹp rồi nên cứ dựa vào thành quả đó để ỷ lại, không cố gắng nữa và sa vào bẫy hài lòng với suy nghĩ rằng mình ít nhất đang có cái gì đó: Một học sinh giỏi luôn ỷ lại rằng ta giỏi rồi, không cần cố gắng nữa; một cô giáo từ năm này qua năm khác không chịu thay đổi, cập nhật giáo án của mình vì cho rằng kiến thức trong giáo án đó đã quá chuẩn; cô gái luôn tự hào hớp hồn bạn trai mình ngay từ cái nhìn đầu tiên cứ tự tin rằng mình đủ hoàn hảo để bạn trai yêu mà không bao giờ muốn tự làm mới mình, một nhân viên tự cho rằng ta làm dự án vừa rồi quá thành công và sếp đã thấy được năng lực của ta rồi, ta không cần thể hiện nữa; một nhà văn viết được 1 cuốn sách best-sellers nhưng không chịu đổi mới ngòi bút vì cho rằng ta đã viết hay rồi, cuốn sách của ta được mọi người khen ngợi đó thôi…
Có hàng ngàn, hàng vạn loại bò đang chi phối, hạn chế sức bật của chúng ta nhưng đang được chúng ta bao bọc, bảo vệ trong lớp vỏ mang tên Chỗ Dựa.
Nếu Chỗ Dựa vô hình đó mất đi, ta sẽ sụp đổ???
Nếu bạn vẫn muốn nuôi bò, vẫn muốn “ăn mày quá khứ” thì có lẽ cuốn sách này không dành cho bạn. Cuốn sách này chỉ dành cho những người đang nuôi bò và mong muốn được tiêu diệt con bò của chính mình.
HÃY SỐNG MỘT CUỘC SỐNG KHÔNG-CÓ-BÒ!
“Các tác phẩm và những buổi thuyết trình của TS. Camilo Cruz đã làm thay đổi cuộc đời của nhiều người. Ông đã giúp cho nhiều người phát triển sức mạnh và hướng dẫn họ cải thiện chất lượng cuộc sống”
La Opinion (Los Angeles)
“Tác phẩm này của TS. Cruz đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến đời tôi và khuyến khích tôi thành lập công ty mà ngày nay đang hoạt động tại nhiều quốc gia. Cám ơn ông đã dành thời gian viết những cuốn sách thực sự gây cảm hứng giúp hàng ngàn người đạt được những thành tựu lớn lao nhất đời họ.”
Wenceslao Casares, Nhà sáng lập của Patagon.com
“Với tư cách người điều hành một tập đoàn quốc tế, việc cân bằng cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tôi đọc Ngày xưa có một con bò… đúng lúc cần phải xây dựng một cuộc sống hài hòa hơn. Những kiến thức uyên thâm của TS. Cruz đã giúp tôi loại bỏ những lời biện bạch đang kiềm hãm mình. Ngày nay, tôi sống một cuộc sống lành mạnh hơn, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, và tôi vẫn rất thành công trong sự nghiệp.”
Hannes Hunschofsky, Chủ tịch Tập đoàn Hoerbiger của Châu Mỹ
“Những ý tưởng của Ts. Cruz không chỉ nhắm vào việc làm thế nào để thành công ở Mỹ, mà còn thành công ở bất cứ nơi đâu.”
Don Francisco, Giám Đốc Univision TV
Xin dành tặng cho Shirley, người vợ tuyệt vời của tôi. Bằng tình yêu và sự hỗ trợ vô điều kiện, cô ấy đã biến mọi thứ trở nên dễ dàng.
Xin dành tặng cho các con yêu quí của tôi, Richard, Mark, và Daniel. Trong tất cả các danh hiệu và tước vị mà tôi được trao tặng - giáo sư, doanh nhân, nhà khoa học, tác giả… tôi thích danh hiệu “Bố” nhất.
Camilo Cruz
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
1. Chuyện ngụ ngôn về một con bò
2. Đừng cho rằng mọi con bò đều kêu ụm…bò… ò… 3. Bò nào cũng từng là bê
4. Bò cũng có ba, bảy loại
5. Nguồn gốc: Bò ở đâu ra?
6. Không nên nhận bất cứ con bò nào người ta tặng cho mình! 7. Làm sao để loại bỏ bất kỳ con bò nào
8. Chỉ có một cách để giết một con bò
9. Duy trì một khu vực không có bò
LỜI NÓI ĐẦU
Tôi đã viết về sự thành công trong hơn ba thập niên qua. Thành công là gì? Điều gì làm nên thành công? Vì sao một số người gặt hái thành công mà hầu như không tốn một chút sức lực nào, trong khi những người khác quần quật cả đời vẫn không đạt được?
Kinh nghiệm của tôi với hàng ngàn người thành công trên khắp thế giới cho thấy những người thành công này đều có ít nhất một điểm chung: Họ không bao giờ tìm lý lẽ để phân bua vì sao sự việc lại hóa ra như thế, hoặc phàn nàn đáng lẽ sự việc phải thế này thế khác. Những người thành công chỉ đơn giản nhận lấy trách nhiệm và thực hiện công việc. Dĩ nhiên, không phải lúc nào họ cũng thành công ngay từ lần đầu, nhưng những người thắng cuộc không bao giờ bỏ cuộc. Nếu vấp ngã, họ lập tức đứng lên.
Tôi nhận thấy rằng mặc dù hầu như ai trong chúng ta cũng đều khao khát làm những chuyện to tát, nhưng ta lại thường bằng lòng với vị trí hạng hai. Chúng ta muốn sống một cuộc đời trọn vẹn nhất, nhưng rốt cuộc nhiều người trong chúng ta lại chỉ tồn tại lây lất. Hầu như mọi người đều tìm cho mình một nơi yên lành thoải mái, an phận với một nơi như thế, và chẳng bao lâu sau họ nhận ra rằng tất cả những điều tuyệt vời mà cuộc sống mang lại đều đã xoay lưng ngoảnh mặt với họ. Một trong những bài học mà tôi đã nhận được là: bước đầu tiên nhằm đạt được những kết quả ngoạn mục trong cuộc sống chính là gạt bỏ những lý lẽ biện bạch vốn kiềm hãm không cho chúng ta làm chủ được khả nặng thực sự của mình.
Nhiều cuốn sách hay nhất nói về sự phát triển cá nhân và chuyên môn thường sử dụng các phép ẩn dụ hoặc những mẩu chuyện ngắn để minh họa cho tầm quan trọng của những thái độ và ý tưởng nào đó thiết yếu cho sự thành công. Ngày xưa có một con bò… diễn tả rõ ràng và cụ thể những gì có thể xảy ra nếu cuộc sống của chúng ta bị những lý lẽ biện bạch kiềm chế. Đây chắc chắn là một trong những phép ẩn dụ tốt nhất mà tôi được đọc về cách để hoàn toàn xóa bỏ những thứ tầm thường trong cuộc sống của chúng ta.
Con bò tượng trưng cho mọi lý lẽ biện bạch, mọi thói quen, hay sự bào chữa vốn khiến cho chúng ta không thể sống một cuộc đời trọn vẹn. Câu chuyện được viết ra một cách tuyệt vời này chắc chắn sẽ làm bạn xiêu lòng, và đòi hỏi bạn phải loại bỏ tất cả những sự biện bạch, hay nói như Camilo, “Tiêu diệt những con bò của bạn đi.”
Sự thật là chúng ta đều mang theo bên mình số Bò nhiều hơn số mà chúng ta có thể sẵn sàng thú nhận. Hầu hết chúng ta đều sử dụng những lời biện bạch với hy vọng thuyết phục người khác và thuyết phục chính mình tin rằng sự việc thật ra không tệ như mình thấy. Chúng ta có cả một loạt những lời biện bạch và lý giải vì sao những chuyện cần làm thì chúng ta lại không làm.
Cuốn sách này cho ta một cái nhìn rõ ràng về những gì có thể thực hiện được khi quyết định vất bỏ những lý do và những tín điều khiến cuộc sống trở nên gò bó hơn. Nó cung cấp cho ta một kế hoạch từng bước để sống một cuộc đời với mọi giấc mơ đều có thể dễ dàng được thực hiện.
Camilo được giao sứ mệnh tạo ra sự khác biệt lớn lao trong cuộc đời thông qua những tác phẩm của mình. Ông chia sẻ trí tuệ, tài hoa, và
những hiểu biết sâu sắc hữu ích ngay cho ngời đọc, và trao cho họ khả năng để thực hiện ngay trong ngày hôm nay những phương cách cụ thể làm thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi.
Tôi mong rằng bạn sẽ làm theo yêu cầu của ông và chấm dứt ngay sự dễ dãi trong việc chấp nhận bất cứ cuộc sống nào không thực sự xứng đáng với mình.
Tôi đoán rằng bạn rồi cũng sẽ mê cuốn sách này như tôi, và tin bạn sẽ tạo cho mình cơ hội để sống một cuộc đời không có những thứ tầm thường vặt vãnh, hướng đến cái vĩ đại dành cho những ai dám mơ những giấc mơ lớn.
Mark Victor Hansen
LỜI GIỚI THIỆU
“Ngày xưa có một con bò… là một cuốn sách hay… dành cho người… khác.” Tôi đã từng nghĩ vậy cho đến khi đụng phải những con bò của chính mình. Tôi là một người có năng lực, thành công đúng mực và quy củ một cách khắt khe. Tôi không cần những lời biện bạch để né việc. Cho đến nay, tôi cứ yên chí thuyết phục chính mình và cả những người khác tin rằng những lý do tôi không làm việc này hay việc kia đều có tính logic chặt chẽ. Khi đọc cuốn sách này, tôi nhận ra rằng những lý do đó, không hề có ngoại lệ nào, đều đang che đậy một con bò ở tầng sâu hơn. Đúng vậy, tôi có những con bò ở nhiều tầng. Đằng sau tất cả những con bò trông có vẻ thông thái kia là nỗi lo sợ. Một điều bây giờ tôi mới biết: tôi không muốn nỗi sợ thay tôi quyết định bất cứ chuyện gì. Giờ đây, khi nghe thấy một lời biện bạch, tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo hơn để tìm nỗi sợ hãi và nếu đúng là có nỗi sợ đó, tôi biết mình nên đối mặt với nó - ngay lập tức!
Margaret, Dayton, Ohio
Cũng như các họa sĩ hay nhạc sĩ thường lấy cảm hứng từ tự nhiên và môi trường xung quanh, các tác giả - đặc biệt trong lĩnh vực phát triển cá nhân - lấy cảm hứng từ việc giao tiếp với người khác.
Một lần nọ, nhiều năm về trước, tôi đã có một buổi thuyết trình hoàn toàn căn cứ trên một lời trích dẫn của Albert Einstein mà tôi nghe được trong một buổi ký tặng sách. Theo một nghĩa nào đó, những khối vàng thô này hoạt động như một chất xúc tác khuấy động tinh chất sáng tạo trong nó. Đôi khi tất cả những gì bạn cần chỉ là một từ
hay một ý tưởng, và cả một chương sách sẽ định hình trong đầu bạn.
Tôi luôn rất may mắn vì khi người ta nghe tôi là chuyên gia viết sách về vấn đề phát triển cá nhân, họ thường có khuynh hướng kể cho tôi nghe về những cuốn sách hay các tác giả đã gây xúc động cho họ hay mang lại cho họ nhiều cảm hứng. Những người khác thì kể với tôi về những câu chuyện họ yêu thích, những giai thoại hay kinh nghiệm mà họ tâm đắc. Dĩ nhiên tất cả những điều này là một nguồn ý tưởng vô tận cho công việc của tôi.
Thật ra, vài năm trước trên một chuyến bay từ New York đến Buenos Aires, lần đầu tiên tôi nghe câu chuyện hấp dẫn về con bò có vẻ tầm thường này. Tôi nghe câu chuyện ấy từ một người phụ nữ rất khả ái, mà thật may mắn cô ấy lại ngồi bên cạnh tôi. Những chuyến bay đêm như vậy thường được lên lịch để cất cánh từ sân bay Kennedy ở New York vào khoảng bảy giờ tối, để vào lúc nửa đêm thì bạn dùng xong bữa tối, ăn tráng miệng, xem xong một bộ phim đầu tiên và còn bay thêm cả năm tiếng đồng hồ dài dằng dặc nữa.
Nếu bạn không ngủ được - giống như tôi vậy - hy vọng duy nhất của bạn là có thể trò chuyện với người kế bên để giết thời gian. Thế là tôi đã khai mào cho một cuộc nói chuyện dẫn từ công việc, đến gia đình, rồi đến việc chúng tôi phải đi đây đi đó nhiều như thế nào, và sau màn trao đổi danh thiếp không thể thiếu, chúng tôi bắt đầu với công việc và sở thích chuyên môn. Và rồi trong bối cảnh như thế, trong một cabin cực kỳ tiện nghi của chiếc Boeing 777 hiện đại, trong khi bay trên bầu trời Nam Mỹ vào lúc nửa đêm về sáng, lần
đầu tiên tôi được nghe kể câu chuyện về chú bò tuy bình thường nhưng lại mang tính khai sáng này. Sau đó tôi còn được nghe thêm vài dị bản của câu chuyện. Tất nhiên, những gì bạn sẽ đọc ở đây là sự thuật lại của những sự kiện đó theo cách riêng của tôi. Tôi nên nói trước với bạn rằng, cũng giống như trong phần đầu của mỗi cuốn tiểu thuyết bí ẩn, bất kỳ sự giống nhau nào với người thật việc thật đều chỉ là tính ngẫu nhiên - mặc dù có thể điều đó hoàn toàn là có chủ ý.
Một điều khá thú vị là lần đầu tiên kể lại câu chuyện này trong một cuộc hội thảo, tôi mất không quá hai hoặc ba phút. Nhưng tôi bắt đầu nhận thấy rằng mỗi lần kể sau đó, câu chuyện trở nên ngày càng dài hơn. Điều này có phần giống như một phim truyền hình nhiều tập, trong đó các nhân vật mới lần lượt xuất hiện ở các tập tiếp theo mang đến cho chúng ta những hiểu biết mới, hoặc dạy chúng ta những bài học mới. Đôi khi những cốt truyện phát triển song song nhau sẽ bộc lộ ra và câu chuyện trở nên nhiều tình tiết và kịch tính hơn tôi có thể hình dung.
Trong vài năm qua hẳn là tôi đã chia sẻ câu chuyện này với hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới. Rồi một ngày nọ, một người tham dự buổi diễn thuyết của tôi, một thương nhân từ Salt Lake City, hỏi liệu tôi có thể gửi e-mail cho anh ta câu chuyện này để anh ta gửi cho nhân viên của mình không.
Lần đó, tôi đã mất hai giờ đồng hồ để kể câu chuyện nay đã được phát triển đầy đủ và hoàn chỉnh với năm điểm chính và một danh sách các bài học mà tôi đã học được. Tôi muốn đáp ứng yêu cầu
của người đó, nhưng tôi không thể chỉ ghi qua loa về hình tượng ẩn dụ khá hấp dẫn này.
Vậy nên tôi đã quyết định chép ra giấy toàn bộ câu chuyện bi đát về con bò dứt khoát trong một lần.
Ngày xưa có một con bò… đã được ra đời như thế.
Tôi khám phá ra một cách say sưa và phơi bày ra tất cả những thách thức và cơ hội được thể hiện trong sự ẩn dụ tuyệt vời này. Háo hức muốn biết phản ứng từ độc giả và không thể chờ đợi quá trình xuất bản sách lâu lắc, tôi quyết định đưa ấn bản đầu tiên của cuốn sách này lên mạng dưới dạng e-book bằng tiếng
Tây Ban Nha. Tôi nghĩ rằng đây là cách nhanh nhất để biết được phản ứng của độc giả. Kết quả thật đáng kinh ngạc một cách tuyệt vời. Trong vòng chưa đầy bốn tháng, đã có hơn 250.000 lượt người từ hơn 100 quốc gia tải cuốn sách về.
Tất nhiên ý định ban đầu của tôi không chỉ là cho người ta tải về. Cái tôi muốn là người ta thực sự đọc cuốn sách đó. Vậy nên tôi tiến hành thêm một bước nữa là gửi e-mail cho những người đã tải cuốn sách. Tuy nhiên, tôi không hỏi họ đã đọc cuốn sách đó chưa, vì tôi thừa biết câu trả lời thường là “rồi” ngay cả khi họ chỉ mới đọc lướt qua trang bìa hoặc chỉ đọc sơ. Thay vì thế, tôi hỏi họ đã giải phóng mình ra khỏi bất kỳ “con bò” nào trong cuộc sống của họ chưa. (Tôi biết là lúc này bạn chẳng hiểu tôi nói gì, nhưng bạn sẽ biết ngay thôi.)
Kết quả cũng đáng kinh ngạc như lúc trước. Chỉ trong vòng hai tuần lễ, có hơn 10.000 người cùng chia sẻ câu chuyện thực của đời họ về cách mà cuốn sách đã gây cảm hứng và cho họ thêm sức mạnh để loại bỏ những sự biện bạch và theo đuổi nhưng điều họ thực sự muốn trong cuộc sống. Nhiều người tả lại cách họ đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời mình như là kết quả của việc đương đầu và vĩnh viễn xóa bỏ các hạn chế.
Không chỉ vậy, những độc giả đó muốn kinh nghiệm riêng của họ cũng tạo cảm hứng thúc đầy người khác, vì vậy họ khuyến khích tôi công bố những sự phấn đấu của cá nhân họ. Trong phiên bản này, tôi đưa vào một vài câu chuyện trong số đó và bạn có thể đọc thấy những người khác đã can đảm vượt qua các hạn chế của họ và sống một cuộc sống phi thường như thế nào.
Câu chuyện về con bò kể về cách gạt bỏ những thói hư tật xấu, những sự biện bạch, những thái độ sẽ hạn chế chúng ta, và những niềm tin sai lầm gò bó con người trong sự tầm thường. Tôi vẫn thường cho rằng kẻ thù chính của thành công không phải là sự thất bại, như nhiều người vẫn nghĩ, mà là sự tầm thường là cái tư tưởng cho rằng chúng ta “như thế là tốt rồi”.
Những sự thất bại có thể ví như những viên đá lót chân trên con đường tiến đến một cuộc sống thành công. Chúng cho ta cơ hội để học những bài học quan trọng. Nếu không có những thất bại đó, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra được những thói quen mà mình cần phải thay đổi, hoặc những hành vi mà mình phải sửa chữa để tiến lên. Cần phải có nghịch cảnh để tạo nên thành công.
Mặt khác, sự tầm thường chẳng cho ta bài học nào cả. Chẳng có gì để học hỏi. Thực ra, khi chúng ta yên phận với một cuộc sống làng nhàng, quá trình học hỏi của chúng ta dừng lại vĩnh viễn. Đó là lý do tôi quyết tránh sự tầm thường bằng mọi giá. Tôi biết một số người tránh sự thất bại như người ta tránh bệnh dịch vì họ được dạy là phải biết sợ thất bại. Nhưng tôi tin rằng dành thời gian để xóa bỏ những sự biện bạch và những niềm tin sai lầm nuôi dưỡng sự tầm thường vẫn tốt hơn là chỉ lo ngăn chặn hoặc tránh né bất cứ thất bại nào có thể xảy ra trong cuộc sống của mình.
Câu chuyện ẩn dụ bất chấp thời gian về con bò minh họa cho cả hai tác động của những ý tưởng dường như vô hại đang ẩn náu trong tâm trí chúng ta, cũng giống như những thay đổi sâu sắc mà chúng ta mong đợi một khi đã quyết định gạt bỏ những lời biện bạch.
Tôi có một niềm hy vọng sâu sắc là mỗi độc giả đều tìm thấy cho mình những bài học riêng từ câu chuyện này. Tuy nhiên, nếu đọc đến cuối chuyện mà bạn không phát hiện được con bò nào của mình thì… hừm, đó chính là con bò của bạn!
1. CHUYỆN NGỤ NGÔN VỀ MỘT CON BÒ
Tôi có cảm giác dường như hầu hết những thất bại mà tôi gặp phải đều là kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp từ những hành động của người khác. Lúc nào tôi cũng thấy mình đang trách móc những người khác, tôi trách vợ tôi, trách sếp tôi, trách các cộng sự, hay trách bố mẹ tôi, hay bất kỳ người nào khác vì những thất bại của chính mình. Tới hôm nay, tôi nghĩ, trong một số trường hợp tôi đã đúng. Còn có lẽ trong những tình huống khác, tôi chỉ biện bạch để che đậy những sai lầm và sự thiếu quyết đoán của mình. Tuy nhiên, điều mà câu chuyện về con bò dạy tôi là bất kể có lỗi hay không, những người khác hoàn toàn chẳng liên quan gì cả. Tôi không thể suốt đời cứ nói “Thật tình, tôi muốn thành công lắm chứ, nhưng do sai lầm của anh ta mà tôi phải chịu vậy”, hoặc “Không làm tròn phần việc là lỗi của cô ta chứ”. Tôi cho rằng nhận lấy 100 phần trăm trách nhiệm cho sự thành công của chính mình là một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta ai cũng phải đối mặt. Điều tuyệt vời là một khi đã nhận lấy trách nhiệm về phần mình, bạn không còn phải sống trong sự ray rứt triền miên rằng các thất bại và những nỗi bất hạnh của mình là do lỗi lầm của kẻ khác.
Anthoney, Seatle, Washington
Ngày xửa ngày xưa, có một ông thầy giáo khôn ngoan và giàu kinh nghiệm muốn truyền cho một trong số những học trò của mình các bí quyết để sống một cuộc đời hạnh phúc và thịnh vượng. Vốn biết những khó khăn và rào cản quá nặng nề mà nhiều người gặp phải trên con đường mưu cầu hạnh phúc, ông nghĩ rằng bài học đầu tiên
là nên giải thích cho mọi người hiểu vì sao nhiều người chỉ sống một cuộc đời bình bình và tầm thường.
Xét cho cùng, ông giáo nghĩ, có quá nhiều người, cả nam lẫn nữ dường như không thể vượt qua các trở ngại ngăn cản họ thành công và đành bằng lòng sống một cuộc đời thiếu hụt và khốn khó. Ông giáo biết rằng để một người trẻ tuổi lãnh hội được bài học rất quan trọng này, người đó nên tận mắt chứng kiến chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cho phép sự tầm thường chi phối cuộc đời mình.
Để dạy được những bài học quan trọng này, ông giáo quyết định cùng với người học trò của mình lên đường đi đến một ngôi làng nghèo khổ trong vùng. Cảnh khổ đau và hoang tàn bày ra khắp nơi, và cư dân ở đó có vẻ như đã phó thác cuộc đời mình cho số mệnh.
Ngay khi đến nơi, ông giáo yêu cầu người học trò tìm giúp cho mình một gia đình nghèo nhất trong khu vực. Đó sẽ là nơi họ tạm trú qua đêm.
Đi bộ một lúc thì họ ra đến rìa thị trấn. Và ở đó, giữa mênh mông, hai người dừng chân trước một căn lều nhỏ tồi tàn rệu rã nhất mà họ từng nhìn thấy.
Cái cấu trúc sắp sụp đổ này nằm ở ngoài rìa xa nhất của một nhóm nhỏ vài căn nhà vùng thôn quê. Hiển nhiên là căn lều này thuộc về một gia đình nghèo khó nhất làng. Những bức vách đứng đó như chỉ nhờ vào phép lạ, đe dọa sẽ sụp đổ bất cứ lúc nào. Nước thấm qua cái mái nhà tạm bợ vốn trông chẳng có sức đâu mà che chắn được thứ gì, và đủ mọi thứ rác rưởi được gom góp lại chất dựa vào bức vách của ngôi nhà càng làm tăng thêm vẻ rệu rã.
Chủ nhà, được một chú nhóc con báo động về sự có mặt của hai vị khách lạ, đã bước ra và chào đón họ một cách nhiệt tình.
“Xin chào ông bạn quý”, ông giáo đáp lễ. “Không biết ông có vui lòng cho hai kẻ bộ hành mệt lả này tá túc một đêm ở đây không?”
“Ở đây chật chội lắm, nhưng nếu các vị không ngại gì thì chúng tôi xin mời.”
Khi hai thầy trò bước vào trong, họ thật sự sốc khi nhìn thấy một không gian tí tẹo, không rộng hơn mười lăm thước vuông, là nơi ở của tám con người. Bố, mẹ, bốn đứa con và hai ông bà cụ cố gắng hết sức để nhường mỗi người một chút trong tình trạng tù túng chật hẹp này.
Nhưng thân hình nhếch nhác và gầy gò một cách đau đớn cùng với quần áo rách rưới là bằng chứng rõ ràng của sự thiếu thốn phô bày cuộc sống hằng ngày của họ. Những gương mặt buồn bã và dáng vẻ lòm khòm cho thấy rõ sự bần cùng không chỉ đã chiếm lĩnh cơ thể họ, mà còn ăn sâu vào tâm hồn họ.
Hai vị khách không cưỡng được cái nhìn xung quanh, trong lòng tự hỏi liệu trong cái nơi khốn cùng này còn có thứ gì đáng giá không. Chả có gì!
Nhưng khi bước ra ngoài, họ mới nhận ra mình đã lầm. Thật đáng kinh ngạc vì gia đình này còn có một thứ tài sản bất thường - khá đặc biệt trong hoàn cảnh này. Họ có một con bò.
Con bò thì chẳng có gì đáng nói, nhưng cuộc sống và hoạt động hàng ngày của họ có vẻ như chỉ xoay quanh con vật này. “Cho bò ăn
đi”. “Đừng để nó khát”. “Buộc nó lại cho chắc”. “Đừng quên dẫn nó đi ăn”. “Vắt sữa bò đi!” Vậy đó, ta có thể thấy con bò giữ một vai trò quan trọng trong gia đình này, mặc dù chút sữa ít ỏi do nó cung cấp chỉ đủ để họ sống vật vã qua ngày.
Tuy nhiên, con bò có vẻ phục vụ một mục đích lớn hơn. Nó là thứ duy nhất giữ cho họ khỏi rơi vào đường cùng. Ở một nơi mà mọi thứ đều khan hiếm, việc sở hữu một tài sản có giá trị như vậy đã mang lại cho họ sự ngưỡng mộ, nếu không muốn nói là sự ghen tị, từ những người hàng xóm.
Và ở nơi đó - trong chỗ bẩn thỉu và nháo nhác đó - hai thầy trò đã đặt lưng xuống nghỉ qua đêm.
Sáng hôm sau, trước khi bình minh kịp ló dạng, hai thầy trò lặng lẽ lên đường một cách thận trọng để không đánh thức những người khác.
Người họ trò nhìn lại, như muốn một lần nữa ghi nhận vào tâm khảm khung cảnh tồi tàn đó. Từ trong thâm tâm, anh hoàn toàn không hiểu được vì sao thầy lại dẫn mình đến đây. Tuy nhiên, trước khi ra đến đường cái, ông giáo thì thầm: “Đã đến lúc cho con biết cái gì đã đưa chúng ta đến cái nơi tồi tàn này”.
Trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi của mình, họ đã chứng kiến một cuộc sống hầu như toàn toàn bị ruồng bỏ, nhưng người học trò vẫn chưa hiểu được lý do khiến gia đình đó lại sống cực khổ đến vậy. Vì sao họ lại ra nông nỗi này? Điều gì đã buộc họ phải ở lại đây?
Ông giáo đi chầm chậm về phía con bò đang bị buộc vào một cái cột hàng rào lung lay cách căn nhà chưa đầy hai mươi thước. Khi còn cách con bỏ khoảng một bước chân, ông giáo rút ra một con dao găm mà ông mang theo bên mình. Người học trò cảm thấy hoang mang. Khi ông giáo giơ tay lên, anh như chết điếng khi nhận ra điều thầy mình sắp làm. Anh ta hầu như không tin vào mắt mình khi ông giáo già đưa lưỡi dao cứa ngọt một đường ngang cổ con bò. Vết cắt chí mạng làm cho con vật ngã quị.
“Nhìn xem thầy đã làm gì?”, anh đau đớn hỏi ông giáo bằng một giọng thì thầm vì sợ đánh thức mọi người. “Làm sao thầy lại có thể giết chết con vật tội nghiệp đó chứ? Đây là loại bài học gì mà có thể khiến cho gia đình đó phải lâm vào cảnh suy sụp hoàn toàn? Đây là tất cả những gì họ có. Rồi họ sẽ ra sao?”
Chẳng chút xao động với thái độ đau khổ của người học trò và làm ngơ trước những thắc mắc của anh ta, ông giáo bỏ đi, để lại cảnh tượng hãi hùng phía sau, bàng quan trước thảm cảnh mà gia đình đó sẽ phải đối mặt khi mà họ đã mất đi con bò. Anh học trò bước tiếp theo sau, trong lòng vẫn còn nhiều khúc mắc, và họ tiếp tục lên đường.
Còn cái gia đình đó bị buộc phải đối mặt với một tình trạng bấp bênh, đầy rẫy những khó khăn và khả năng bần cùng hơn nữa.
Trong suốt những ngày sau đó, anh học trò bị ám ảnh không thôi vì ý nghĩ khủng khiếp rằng cả gia đình đó sẽ chết đói hết nếu họ không có con bò. Liệu anh còn có thể rút ra kết luận nào khác từ sự mất mát nguồn sống duy nhất của họ?
Trong nhiều tháng sau, anh lúc nào cũng ray rứt với những ý nghĩ này và với cảnh tượng của buổi sáng đau buồn hôm ấy.
Một năm qua đi và một buổi chiều nọ, ông giáo già gợi ý họ trở lại ngôi làng đó xem thử chuyện gì đã xảy ra với gia đình kia. Chỉ một gợi ý nhỏ về một sự kiện dường như đã đi vào quên lãng nhưng cũng đủ để đánh thức trong lòng người học trò cái ký ức sống động về bài học mà, cho đến tận bây giờ, anh vẫn không thể nào hiểu hết.
Một lần nữa, đầu óc anh học trò lại chìm ngập trong những suy nghĩ về gia đình khốn khổ kia và vai trò mà anh đã tham gia trong phần số của họ. Chuyện gì đã xảy ra với họ? Họ còn sống sót qua cái đòn nặng nề đó không? Họ có bắt đầu nổi một cuộc sống mới không? Liệu mình có thể giáp mặt với họ sau những gì mà thầy đã làm? Mặc cho những ý nghĩ rối beng trong đầu, người học trò bất đắc dĩ nhận lời và miễn cưỡng tham dự chuyến đi có thể làm sáng tỏ sự việc đã khiến anh phải khốn khổ cả năm qua.
Sau nhiều ngày, hai người đến ngôi làng cũ. Họ tìm kiếm căn lều năm trước trong vô vọng. Cảnh vật xung quanh trông vẫn như xưa, nhưng chẳng thấy bóng dáng cái nơi tồi tàn mà họ đã qua đêm ngày ấy đâu cả, thay vào đó là một căn nhà xinh xắn vừa mới được xây dựng trên nền đất cũ. Họ dừng chân và hết nhìn ngược lại nhìn xuôi để biết chắc mình đã đến đúng chỗ.
Người học trò lo ngại rằng cái chết của con bò là một đòn giáng quá mạnh khiến gia đình trơ trụi như họ không thể nào qua nổi. Có lẽ họ đã bị buộc phải bỏ đi và một gia đình khác khá giả hơn đã may mắn làm chủ mảnh đất và dưng nên ngôi nhà mới này. Còn khả năng nào khác đâu chứ? Chắc hẳn sự xấu hổ đã khiến họ phải tha hương.
Trong lúc những ý nghĩ đó đang lẩn quẩn trong đầu, anh học trò cứ lưỡng lự giữa ý muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho gia đình nọ và việc mặc kệ họ để tiếp tục lên đường, né tránh cái việc chẳng thú vị gì là xác minh sự nghi ngờ tồi tệ trong đầu mình. Nhưng cuối cùng anh quyết định khám phá - mình cần phải biết, cho nên anh gõ cửa ngôi nhà và đứng đợi.
Trong chốc lát, một người đàn ông vui vẻ từ trong nhà bước ra. Thoạt tiên anh học trò không nhận ra ông ta. Nhưng rồi anh không thể giấu được vẻ thảng thốt khi nhận ra đó chính là người đã cho họ ngủ trọ năm ngoái. Hiển nhiên cùng là một người, nhưng có cái gì đó rất khác lạ ở con người này. Ông ta mặc quần áo sạch sẽ và chải chuốt gọn gàng. Ông ta có nụ cười trên đôi môi và có sự linh lợi trong đôi mắt. Rõ ràng đã xảy ra một điều gì đó có ý nghĩa to lớn trong đời ông ta.
Người thanh niên gần như không thể tin vào mắt mình. Làm sao lại có thể như thế? Liệu chuyện gì có thể xảy ra chỉ trong thời gian một năm? Anh ta bổ nhào lại chào hỏi người đàn ông nọ và ngay lập tức “truy vấn” ông ta về vận may nào đã đến với ông và gia đình.
“Chỉ năm ngoái, khi chúng tôi ghé qua đây”, anh hỏi, “các ông dường như đang sống trong tình trạng bất hạnh và vô vọng. Hãy cho tôi biết đã xảy ra chuyện gì làm các ông thay đổi nhiều như thế. Điều gì đã khiến các ông gặp hên đến vậy?”
Không đếm xỉa gì đến việc chính hai người khách này đã là thủ phạm giết con bò, người đàn ông mời họ vào nhà và bắt đầu kể câu chuyện ly kỳ của gia đình mình - câu chuyện sẽ làm thay đổi cuộc đời anh bạn trẻ của chúng ta mãi mãi.
Ông chủ nhà kể rằng thật là một sự trùng hợp kỳ lạ, khi ngay cái ngày mà hai thầy trò rời đi, không biết kẻ bất lương nào do ganh ghét với tài sản hiếm có của gia đình ông đã nhẫn tâm cắt cổ con vật tội nghiệp đó.
“Tôi phải thừa nhận rằng”, người đàn ông nói, “phản ứng đầu tiên của chúng tôi là vô cùng tuyệt vọng và đau khổ. Trong suốt một thời gian dài, sữa của con bò đó là nguồn sống duy nhất mà chúng tôi có; cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào nó. Con bò đó là tâm điểm cho sự tồn tại hằng ngày của chúng tôi, nói thật lòng, việc có được con vật ấy tạo cho chúng tôi sự ngưỡng mộ từ hàng xóm.
“Không lâu sau cái ngày bi đát ấy, chúng tôi nhận ra rằng nếu không làm một cái gì đó, chúng tôi chỉ có thể rơi vào tình huống tệ hại hơn. Chúng tôi đã xuống tới đáy cuộc đời khi mất đi con vật ấy. Chúng tôi cũng cần phải ăn và nuôi nấng con cái nữa. Và rồi chúng tôi phát hoang một miếng đất phía sau nhà, gieo vài hạt rau củ quả. Đó là cách mà chúng tôi sống qua ngày trong vài tháng đầu.
“Một thời gian sau, chúng tôi nhận thấy rằng mảnh vườn đó cung cấp nhiều lương thực hơn mức chúng tôi cần. Nếu có thể bán cho những người xung quanh, chúng tôi có thể mua thêm hạt giống, và không lâu sau, chúng tôi không những đủ ăn và còn có thể đem ra chợ bán.
“Và rồi điều đó xảy ra!” người đàn ông hồ hởi nói. “Lần đầu tiên trong đời chúng tôi có tiền mua thực phẩm và quần áo. Và chúng tôi nhận thấy niềm hy vọng cho một cuộc đời mới, một cuộc đời mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ, ngay cả trong mơ, là có thể trở thành hiện thực.
“Chúng tôi xây căn nhà nhỏ này hồi tháng trước. Có vẻ như chuyện mất con bò đã mở mắt cho chúng tôi thấy một cuộc sống khác có triển vọng.”
Anh bạn trẻ lấy làm kinh ngạc khi nghe câu chuyện. Cuối cùng anh cũng nhận ra bài học mà người thầy đáng kính đã muốn dạy cho anh. Đột nhiên mọi thứ trở nên rõ ràng. Cái chết của con bò không hề là dấu chấm hết dành cho họ như anh đã lo sợ, mà đã mở ra một cuộc sống mới với nhiều cơ hội tốt hơn.
Người chủ nhà mời hai thầy trò ở lại qua đêm và họ vui vẻ nhận lời. Sáng hôm sau, họ chào tạm biệt ông chủ và gia đình, tiếp tục cuộc hành trình của mình. Ông giáo, vốn lặng thinh từ bấy đến giờ, hỏi anh học trò, vốn vẫn đang còn kinh ngạc với những gì anh ta được nghe kể và chứng kiến: “Con có nghĩ là gia đình nọ vẫn có thể đạt được những điều mà họ gặt hái trong năm vừa qua nếu như họ vẫn còn con bò đó?”
“Có lẽ không,” người học trò trả lời không do dự.
“Vậy bây giờ con hiểu chưa? Con bò mà họ yêu quý như báu vật chính là sợi dây xích trói buộc cuộc đời họ với đói nghèo khổ cực. Họ đã đinh ninh rằng con bò đó giúp họ khỏi bị suy sụp. Nhưng phải đợi đến khi mất đi sự an toàn giả tạo đó thì họ mới bị buộc phải nhìn sang một hướng mới.”
“Nói cách khác,” anh học trò tiếp lời, “con bò - con vật mà hàng xóm của họ coi như là ơn phước - đã cho họ cái cảm giác mình không phải đang sống trong sự bần cùng, nhưng thực ra cuộc sống của họ rất thảm hại.”
“Đúng là như thế,” ông giáo già lên tiếng. “Đó là điều sẽ xảy ra khi con tin rằng cái thứ ít ỏi mình có được là đã đủ lắm rồi. Chỉ một ý nghĩ đó thôi đã là sợi xích nặng nề ngăn không cho con tìm kiếm những thứ khác tốt hơn. Sự thỏa mãn bắt đầu hủy hoại cuộc đời con. Con chấp nhận các hoàn cảnh của mình dù không hài lòng với chúng. Con biết rằng con không vui sướng với vị trí của mình trong cuộc sống, nhưng con cũng không thấy khốn khổ. Con thất vọng với cuộc sống mà mình được hưởng nhưng sự bất mãn không đủ lớn để con tìm cách làm một cái gì đó với nó. Con có thấy điều đó bi đát thế nào không?
“Khi con có một công việc mà con không thích, cái công việc mà thậm chí chẳng đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu và cũng chẳng mang lại cho con bất cứ sự thỏa mãn cá nhân nào hoặc cho con cuộc đời mà con muốn, thì quyết định bỏ đi và tìm công việc khác là điều dễ dàng. Nhưng khi cái công việc mà con không thích đó giúp con trả được nợ, sống sót, và cũng tận hưởng được một vài tiện nghi nho nhỏ, thì con dễ dàng rơi vào cái bẫy hài lòng với suy nghĩ rằng ít nhất thì mình cũng có được một cái gì đó. Cuối cùng, con biện minh rằng khối người muốn cái công việc đó mà có được đâu.
“Cũng giống như con bò, thái độ đó luôn luôn kiềm hãm con. Nếu không gạt bỏ nó đi, mãi mãi con sẽ không thể thấy được gì khác hơn ngoài những thứ con đã biết lâu nay. Con sẽ trở thành một nạn nhân chung thân của những giới hạn mà con tự đặt ra trong cuộc sống của mình. Điều đó cũng giống như con tự bịt mắt mình ở vạch xuất phát và cầu nguyện cho mình thắng cuộc.”
Người học trò càng nghe càng kinh ngạc. Anh cảm thấy thích thú với những nhận định của thầy mình và bắt đầu hiểu cặn kẽ những vấn đề đó. “Chúng ta ai cũng có những con bò trong đời mình. Chúng ta mang trên mình gánh nặng của những niềm tin sai lầm, những lời biện bạch, những nỗi sợ và những định kiến.
Bi đát thay, tất cả những hạn chế do ta tự áp đặt cho mình đã trói buộc chúng ta vào một cuộc sống tầm thường.”
“Không chỉ có vậy,” ông giáo già tiếp lời, “nhiều người ngoan cố giữ lại cái lý do họ không thể sống cuộc đời mà họ luôn mơ ước. Họ tạo nên những lời bào chữa hầu như rất đáng tin để biện hộ với chính mình và với người khác, và tiếp tục sống với những xáo động nội tâm khi họ nhận ra rằng những lý lẽ đó có thể đánh lừa được người khác chứ không lừa được bản thân mình.”
“Thật là một bài học lớn,” người học trò trầm ngâm nói, đồng thời hướng suy nghĩ về những con bò của mình.
Trên đường về, anh cẩn thận xem xét tất cả những hạn chế mà anh đã vận vào mình trong cuộc đời. Và anh quyết định sẽ loại bỏ tất cả những niềm tin đã trói buộc anh vào một cuộc đời làng nhàng và tầm tường, cũng như đã ngăn cản anh thể hiện tiềm năng thật sự của mình.
Không nghi ngờ gì nữa, anh tự nhủ, ngày hôm đó đã đánh dấu sự bắt đầu một cuộc đời mới, một cuộc đời không có bò.
2. ĐỪNG CHO RẰNG MỌI CON BÒ ĐỀU KÊU ỤM…BÒ… Ò…
Sau vài ngày trì hoãn, tôi quyết định đọc cuốn sách này và cười suốt, vì tôi nhận thấy rằng hâu như mình đã sử dụng tất cả những lời biện bạch được đề cập trong mỗi chương. Ngay tại thời điểm được thốt ra, những lời lẽ đó không có vẻ gì là những định kiến, nhưng đọc thấy nó trên giấy trắng mực đen quả thật đã làm tôi xấu hổ quá chừng. Tôi đã dùng một số những lời biện hộ đó với người khác như là những lời khuyên đáng giá. Đối với tôi, việc trì hoãn luôn luôn là vấn đề lớn. Để che giấu nó, tôi dùng những con bò như “Cẩn tắc vô ưu”, “Đừng mua trâu vẽ bóng”, hay như “Để từ từ tính”. Vấn đề lớn là tôi liên tục trì hoãn những việc nên làm cho đến khi quá muộn. Giờ đây tôi nhận ra rằng chúng ta rất dễ trở thành nô lệ cho những lời biện bạch và những định kiến âm thầm xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Và, những điều này trông không có vẻ gì đáng phải bận tâm, nhưng bây giờ tôi mới nhận ra rằng bọn chúng đều gây ra hậu quả. Tôi phải viết ra giấy ngay lập tức những con bò của mình và quẳng chúng đi không thương tiếc.
Charles, Los Angeles, California
Cũng như những thói quen xấu khác, những con bò có vẻ giống những người bạn đồng hành lặng lẽ. Đó là lý do chúng ít bị nhận dạng và chúng có thể tồn tại mà không bị ai “chiếu tướng”, để rồi mang lại những ảnh hưởng xấu trong suốt cuộc đời chúng ta. Thật ra, ít ai trong chúng ta thừa nhận mình đã kiếm cớ này cớ nọ. Thay vào đó, chúng ta vẫn xem chúng như những sự giải thích đúng đắn, hợp lý cho những tình huống thường là - và thật tiện lợi làm sao - vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta.
Không phải chúng ta “lề mề” mà chúng ta chỉ “trễ một cách đúng điệu”, hoặc hay hơn, chúng ta là nạn nhân của “sự bất ổn khó lường của giao thông”. Bạn đã nhận ra rằng chúng ta dễ dàng lệ thuộc một cách vô thức vào những thói quen xấu này như thế nào chưa?
Những sự biện minh của chúng ta đã trở thành “sự gạn lọc hợp logic”, nỗi lo sợ vô lý trở thành “biện pháp phòng ngừa hợp lý”, và kỳ vọng thấp kém trở thành “một cái nhìn thực tế trong cuộc sống”. Chúng ta phủ nhận việc mình hài lòng ở vị trí thứ hai; chúng ta chỉ cố tỏ ra mình là người thực tế để né tránh sự thất vọng. Chúng ta không bao giờ thừa nhận rằng mình đã cố gắng hợp lý hóa sự tầm thường của bản thân, mà thích xem chúng như việc thiết lập các mức độ khả thi cho những kết quả có thể chấp nhận được.
Đó là lý do nhiều người trong chúng ta khó tin được rằng mình có bất cứ con bò nào trong cuộc sống. Đối với chúng ta, những lời bào chữa của bản thân không có vẻ gì giống như đang tìm cớ chối bỏ trách nhiệm; trái lại chúng chẳng qua chỉ là những lý lẽ tốt. Bạn thấy chưa? Không phải mọi con bò đều rống lên inh ỏi để ta nhận biết chúng, và nhiều con trong số đó cứ âm thầm có mặt mà không ai hay.
Sau khi chia sẻ hình tượng này với bạn đọc khắp nơi trên thế giới và lắng nghe những lời biện minh và những “sự giải bày hợp lý” của họ, tôi đi đến kết luận rằng nhiều người trong chúng ta không sẵn sàng từ bỏ những con bò của mình.
Tất cả những lời giải bày mà chúng ta thường viện ra để khỏi phải thay đổi đều nghe rất lọt tai. Những lời ấy có vẻ bùi tai và tạo cảm
giác chẳng tội tình gì cho lắm. Đó là lý do mà chúng ta phải gạt bỏ chúng đi nếu muốn thành công.
Tôi biết điều này có vẻ khó nghe. Có lẽ bạn sẽ thấy dễ nghe hơn nếu tôi bảo các bạn “thay đổi thái độ”, “chỉnh sửa hành vi” hoặc “điều chỉnh các thói quen xấu” thay vì đòi bạn giết những con bò của mình. Nhưng tôi nhận thấy rằng nếu thật sự muốn thành công trong cuộc sống và thể hiện hết khả năng của bản thân, chúng ta cần phải thành thật một cách tàn nhẫn với chính mình. Và điều này bắt đầu bằng việc gọi tên chính xác các sự việc chứ không phải những cái tên đã được “nói giảm nói tránh” hoặc nghe cho có vẻ êm ái dễ chịu.
Vì vậy, mỗi “con bò” đại diện cho một lời biện minh, một cái cớ, một sự bào chữa, một lời nói dối, sự hợp lý hóa, nỗi sợ, và niềm tin sai lầm đã trói buộc chúng ta vào cuộc sống tầm thường và ngăn cản chúng ta sống thật sự xứng đáng.
Buồn thay, chúng ta thường xuyên có nhiều “bò” hơn số lượng chúng ta muốn nhìn nhận.
Nhìn chung, những con bò của chúng ta thuộc hai nhóm: nhóm các lời biện bạch và nhóm các thái độ hạn chế. Nhóm biện bạch bao gồm những lời bào chữa, những cái cớ, và những lời nói dối đơn thuần. Trong khi đó, nhóm thái độ hạn chế có xu hướng biểu trưng cho những nỗi lo sợ, những sự hợp lý hóa, và các niềm tin sai làm. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận về các thái độ hạn chế, còn bây giờ thì hãy ngó qua những kiểu viện cớ của mình xem sao.
Những sự biện bạch thường được sử dụng để giải thích vì sao chúng ta không làm những gì phải làm hay đáng ra nên làm. Sự khác biệt chính giữa những lời biện giải và các thái độ hạn chế là trong hầu hết trường hợp, thậm chí chúng ta không tin vào những lời biện giải của chính mình. Chúng ta thừa biết những chuyện đó không đúng sự thật tí nào cả. Chẳng qua đó chỉ là một cách dễ dàng để biện bạch cho sự tầm thường của chính mình để giữ “thể diện” cho mình mà thôi.
“Xin lỗi vì tôi đến trễ. Bạn biết không, đường với sá! Đến là kinh!”
Tuy nhiên, điều khiến chúng ta trễ không phải chuyện giao thông mà là chúng ta đã không cố gắng đến đúng giờ; và để che đậy sự khó chịu hoặc tội lỗi, chúng ta đưa ra lời biện bạch. Rõ ràng việc sử dụng những lời biện bạch đã làm cho bạn không thành thật với chính mình và thường không thành thật với người khác.
Những lời biện bạch như vừa rồi đã trở nên dễ được chấp nhận hơn sự thật. Chúng ta đổ lỗi cho giao thông vì chúng ta không muốn thừa nhận rằng đã không thể dứt ra được mười lăm phút cuối cùng của chương trình Tivi ở nhà. Cái đó đâu có hay ho gì, đúng không? Chúng ta cũng không gọi điện thoại lên công ty để nói rằng “Hôm nay tôi xin nghỉ vì tôi đã hứa đưa con bé nhà tôi đi chơi dã ngoại với nhà trường.” Thay vào đó chúng ta xin nghỉ phép “bệnh”.
Nhưng cũng với tất cả những con bò, chúng ta đang phải trả giá cho những lời biện bạch dễ nghe này. Cái giá đó là chúng ta biết mình không có can đảm đối mặt với hậu quả của việc nói ra sự thật.
Tôi Mà Biện Bạch Ư? Đâu Có!
Biện bạch là những con bò phổ biến nhất. Và đó là cách dễ dàng để bào chữa cho sự tầm thường thông qua việc đổ thừa cho một vật thế thần, và nhờ đó lách được trách nhiệm cho những sự việc mà đáng ra thuộc về chúng ta.
Biện bạch là một cách nói “Tôi sai, nhưng đó không thật sự là lỗi của tôi.”
1. “Tôi không thăng tiến trong công việc vì tôi gặp toàn những ông chủ không đếm xỉa đến năng lực của tôi.”
2. “Tôi thi rớt vì giáo viên chẳng cho chúng tôi đủ thời gian ôn bài.”
3. “Cuộc hôn nhân của tôi thất bại vì vợ/chồng tôi chẳng màng đến chuyện hiểu tôi.”
4. “Công ty thất bại không phải lỗi của tôi. Trong bối cảnh kinh tế như thế thì ngay cả công ty lớn cũng còn lao đao.”
Đổ trách nhiệm về một tình huống cho người khác có lẽ dễ hơn là phải đối mặt với nó và tự mình gánh trách nhiệm. Những lời biện bạch như trên cho phép chúng ta chuyền quả bóng trách nhiệm cho người khác. Những tình huống chúng ta tránh né có thể là bị điểm kém, bị từ chối, gặp xung đột, trở nên đơn độc, hoặc bị chỉ trích. Và chẳng có gì sai nếu bạn không muốn lâm vào những tình huống chẳng có gì thú vị như thế. Tuy nhiên, lẩn lút hoặc né tránh thường khiến chúng ta mất cơ hội sửa chữa những khó khăn thực sự mà chúng ta cần giải quyết.
Những lời biện bạch này chỉ giúp chúng ta thoát khỏi trách nhiệm, đặt chúng ta vào vai trò nạn nhân, và trút lỗi sang người khác. Khi nào còn cho rằng đây là lỗi của người khác thì bạn chẳng việc gì phải ra tay cải thiện tình hình. Dù sao, đó đâu phải lỗi của bạn - bạn chỉ là nạn nhân.
Chỉ có ba thứ chúng ta biết chắc về những lời biện bạch.
Thứ nhất nếu bạn thật sự muốn tìm một lời biện bạch, đương nhiên bạn sẽ tìm được. Và một khi đã tìm được, bạn sẽ bám víu vào nó đến cùng. Khi biết rõ là anh cần phải tập thể dục nhiều hơn nữa, và thay đổi chế độ ăn để giải quyết bệnh tiểu đường của mình, Samuel đã tìm ra vô số lời biện bạch. “Nhưng thật không may là tôi không có thời gian.” “Tôi vẫn thường ăn như vậy mà.” “Tôi làm việc khuya nên không thể dậy sớm để đến phòng tập được.” “Nếu chỉ ăn những gì tốt cho sức khỏe, ắt mình chết đói mất thôi.” Anh ta thậm chí tệ đến mức dám nói ra lời biện bạch đáng xấu hổ này: “Chúng ta ai rồi cũng phải chết vì một lý do nào đó, đúng không?” Vấn đề duy nhất của anh ta là không lời biện bạch nào trong số đó giúp kiểm soát được căn bệnh. Tôi hi vọng rằng Samuel sẽ kịp nhận ra vấn đề trước khi quá muộn.
Điều đáng tiếc là nhiều người không nhận ra nó, Tôi nhớ một chủ doanh nghiệp tôi đã từng cộng tác cách đây vài năm. Ông ta hút thuốc như ống khói bễ lò và đã phải chấp nhận thói quen xấu đó như một trong những thứ mà ông ta không thể kiểm soát. Trong lúc hấp hối, ông nói với gia đình: “Ta không thể tin nổi rằng ta đã để cho thói quen tệ hại đó giết mình.”
Điều thứ hai bạn hoàn toàn có thể đoan chắc là một khi bắt đầu dùng đến bất cứ lời biện bạch nào, bạn sẽ tìm được đồng minh. Bạn có thể yên chí như thế. Bất kể những lời biện bạch của bạn vô lý hay giả tạo thế nào, vẫn luôn luôn có ai đó tin bạn và chia sẻ với bạn. Họ sẽ nói: “Tôi hoàn toàn thông cảm với cô, vì tôi đã từng bị y như vậy”.
Cuối cùng, sự thật hai năm rõ mười phía sau những lời biện bạch là chúng chẳng thay đổi được gì cả. Chúng chẳng giải quyết được những vấn đề khó khăn mà chúng ta đang cố tránh né bằng cách vẽ nên những cái cớ êm tai. Cuộc sống vẫn như cũ. Nếu trước đó cuộc sống chỉ ở mức bình bình, thì nó vẫn tiếp tục giữ mức bình bình ấy. Như vậy, sự biện bạch chẳng khác gì chuẩn bị cho sự thất bại. Tệ hơn nữa, cứ mỗi lần viện đến nó là chúng ta tiến thêm một bước tới việc khiến cho nó trở thành một phần trong cuộc sống thực tế của mình.
Shakespeare đã hiểu điều này hơn ai hết và đưa ra nguyên do thực sự để tránh không dùng đến những lời bào chữa, ông nói: “Thường xuyên biện bạch cho một lỗi lẫm chỉ làm cho lỗi lẫm đó thêm trầm trọng hơn”.
Ví dụ nếu bạn thường xuyên dùng đi dùng lại lời biện bạch cũ xì “Tôi chẳng rảnh được chút nào cả” để bào chữa cho việc bạn đã không làm điều cần phải làm, rồi cũng đến lúc bạn sẽ nhận ra rằng mình đã mất quyền làm chủ thời gian và cuộc sống của chính mình. Bạn bắt đầu một cuộc sống đối phó thụ động, nhảy chồm chồm từ chuyện khẩn cấp này sang chuyện vội vã khác, chẳng còn chút thời gian rảnh nào dành cho những việc thật sự có ý nghĩa trong cuộc đời
mình. Mỗi lần bạn đưa ra lời biện bạch, hiệu lực của nó sẽ lớn hơn, và quen thuộc hơn. Cuối cùng đến một lúc nào đó, nó sẽ trở thành hiện thực của bạn. Thật ra những lời biện bạch là con đường dễ nhất để không phải đối mặt với kẻ thù tồi tệ nhất của thành công: sự tầm thường.
Cũng như vậy, lặp đi lặp lại và tái đi tái lại việc xác nhận một số niềm tin và ý kiến nhất định sẽ cản trở chúng ta hành động, và rồi chúng ta sẽ trở nên ù lì lâu dài. Một cách vô thức, chúng ta lặp lại những ý kiến mang những tác động tiêu cực vào cuộc sống của chính mình mà không quan tâm xem trong đó có chút sự thật nào chăng.
Khi có cơ hội nhìn lại và đặt câu hỏi với những tư tưởng, ý kiến này, chúng ta nhận thấy trong số đó có những điều hoàn toàn sai lầm mà vẫn không bị phản đối. Và những ý tưởng khác thì chẳng qua cũng chỉ là những lời bình phẩm thiếu chính xác mà chúng ta đã nghe được từ người khác. Rất nhiều ý tưởng đã trở thành những lời quen thuộc do truyền miệng từ người này đến người kia, nhưng chẳng hơn gì những lời nó dối trá được ngụy trang dưới những lớp sự kiện nào đó tưởng như là thật.
Vì vậy, hãy quên những lời thanh minh thanh nga đi!
Bạn bè của bạn chẳng cần đến chúng đâu, còn kẻ thù cũng chẳng tin.
Người Ta Nói Rằng…
Khi được nhiều người chia sẻ và được lặp đi lặp lại đủ nhiều, những lời biện bạch trở thành thứ được chấp nhận một cách bình thường,
như một dạng lời khuyên uyên bác. Theo thời gian, nó được tạo thành khuôn mẫu và chuyển dạng thành những câu cách ngôn có vẻ sắc sảo và thâm thúy, được cho là đúng và được nhìn nhận như những công thức không thể sai của sự khôn khéo. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều những cách ngôn như thế chẳng qua chỉ là những ý kiến sai lầm kiềm hãm chúng ta tiến lên.
Những câu nói như “Tre già khó uốn” hay như “Ngựa quen đường cũ” đã truyền bá hai ý kiến sai lầm và ngớ ngẩn. Câu thứ nhất hàm nghĩa, và có lẽ muốn chúng ta tin rằng, khi đạt đến một độ tuổi nhất định nào đó, chúng ta không thể học thêm được gì nữa - rõ ràng đây chính là một con bò cho bạn! Câu thứ hai hàm nghĩa có những thói quen hay hành vi mà chúng ta không bao giờ thay đổi được.
Những tư tưởng như vậy không chỉ khiến chúng ta cảm thấy bất lực mà còn bịt mắt chúng ta trước khả năng chúng ta có thể thay đổi, học hỏi và chấp nhận theo hướng tích cực. Chúng ta ngây ngô cho rằng nếu những học giả, những nhà truyền giáp, hay bố mẹ chúng ta thường xuyên lặp lãi những châm ngôn này, ắt hẳn chúng phải đúng, hoặc ít ra chúng cũng phải chưa đựng một khuôn vàng thước ngọc nào đó như một lời khuyên tốt. Thế nhưng, lý do thông thường mà những lời nó này trở nên phổ biến lại nằm ở chỗ chúng chính là những con bò được nhiều người đồng chấp nhận.
Chẳng hạn, hãy đọc qua những thành ngữ nổi tiếng sau đây xem chúng thật sự có giá trị hay chẳng qua chúng cũng chỉ là những lời bao biện phải lúc.
1. Làm ơn mắc oán
2. Ma quen hơn quỉ lạ
3. Có tiền mới đẻ ra tiền
4. Trèo cao té đau
5. Tốt mã rã đám
6. Cẩn tắc vô ưu
Hãy suy nghĩ kỹ hơn về một vài câu thành ngữ trên để đánh giá ý nghĩa thực sự của nó và những gì bạn phải trả giá nếu bạn làm theo. Ví dụ như hãy nghĩ đến sự ngớ ngẩn nếu bạn tin rằng làm việc tốt chẳng những không được thưởng mà còn mang họa vào thân. Đúng thật là triết lý hoài nghi của cuộc sống!
Hay bạn hãy nghĩ xem điều sau đây nghịch lý như thế nào nếu bạn từ chối cơ hội việc làm mới để ở lại với cái công việc mà bạn đã ngán đến tận cổ và bạn cũng chẳng gặt hái được gì chỉ vì bạn nghĩ rằng “Ma quen hơn quỉ lạ”. Ấy vậy mà nhiều người lại chọn làm theo câu châm ngôn này chỉ vì giá trị bề mặt của nó mà không hề biết rằng thông qua sự lựa chọn đó, họ đã chấp nhận thiệt thời hơn rất nhiều so với những gì họ đáng được nhận.
Câu này thì sao: “Có tiền mới đẻ ra tiền”? Hãy đánh giá xem câu châm ngôn này thật sự chính xác đến đâu. Tôi chắc chắn đã nhận thấy điều này từ những “doanh nhân trong tư tưởng”, những người muốn trở thành doanh nhân nhưng lại không làm gì cả mà chỉ biện hộ cho bản thân qua sự trợ giúp của “lời khuyên khôn ngoan” này. Một doanh nhân thật sự sẽ cho bạn biết tư tưởng này hoàn toàn sau lầm. Hết lần này rồi lần khác, sự thành công của những người có chí
lớn đã cho chúng ta thấy rằng cần có tầm nhìn, tâm huyết, và sự kiên trì - chứ không phải tiền bạc - để biến một ý tưởng thành vàng.
Vậy nên trước khi tiếp tục sử dụng những “kinh nghiệm dân gian” này theo quán tính, hãy chắc chắn rằng bạn không ôm riệt lấy những con bò như thế và các con khác nữa vốn không có mục đích nào hơn là khiến bạn chấp nhận và chịu đựng một cuộc sống tầm thường.
3. BÒ NÀO CŨNG TỪNG LÀ BÊ
Ngay từ trước khi chọn nghề phi công, tôi đã rất muốn thử sức trong lĩnh vực mua bán trái phiếu và cổ phiếu. Điều này luôn hấp dẫn tôi. Nhưng rồi hết gia đình lại đến bạn bè cứ nói làm vậy là quá liều và tôi phải khung tới nơi mới tính chuyện từ bỏ công việc và lương bổng ổn định như vậy. Có lẽ tôi đã nghe lời người khác quá lâu rồi, cho nên vào năm ba mươi sáu tuổi, tôi quyết định không sống trong sự sợ hãi của người khác nữa, tôi lấy hết cảm đảm và chuyển nghề.
Giờ đây, tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết và tin rằng đây mới chính là cuộc đời đã định sẵn của mình. Tôi tự mình làm chủ. Lịch làm việc của tôi linh động và tôi là động lực của chính bản thân. Điều này có nghĩa là tôi tự lèo lái để vượt ra khỏi những điều mà người khác nói tôi có thể đạt được. Cảm giác này rất nhẹ nhõm và tôi thấy hào hứng với tương lai hơn bất cứ khi nào.
William, Hallandale Beach, Foridal
Trong chương trước, tôi đã nói là các thái độ hạn chế - dù rất ngớ ngẩn và phi lý - lại đều mang vẻ thực tế quá mức đối với chúng ta. Vậy thì chúng thực tế đến đâu?
Hãy lấy nỗi sợ làm ví dụ. Sợ hãi là một trong những thái độ hạn chế mạnh mẽ nhất. SỢ HÃI - đôi khi được hiểu như từ viết tắt của Bằng Chứng Giả Xuất Hiện Như Thật . Bất cứ điều gì làm chúng ta sợ đều có vẻ như rất thật, và nỗi sợ làm tê liệt chúng ta, khiến chúng ta không thể làm gì hơn là đứng bất động khi thấy nó.
Ví dụ như phát biểu trước đám đông. Sự sợ hãi khi phát biểu trước đám đông đối với một số người là thật đến mức độ nào? Nó thật đến nỗi trong danh sách những nỗi sợ, sợ nói trước đám đông xếp thứ hạng cao hơn hẳn so với sợ chết. Nghe có vẻ kì quặc, nhưng đối với một số người, việc phát biểu trước đám đông tạo ra sự lo âu và sợ hãi nhiều hơn cả viễn cảnh của cái chết.
Bạn cho là tôi phóng đại lên chăng? Cứ thử đây những người này ra trước một đám đông và bắt họ phát biểu vài lời, rồi xem chuyện gì xảy ra nào. Tình trạng tinh thần và thể chất của họ sẽ lập tức biến đổi. Họ bắt đầu vã mồ hôi, tim đập thình thịch, và hai chân nhũn ra cơ hồ muốn sụn. Đó là điều mà một số người cảm thấy khi nghĩ đến chuyện phải phát biểu trước đám đông. Bạn thử nới với họ rằng cái sự sợ hãi đó rất vô lý, và rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra với họ, khi đó bạn sẽ biết được nỗi sợ đó là thật đến mức độ nào.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sợ hãi là một trong những con bò tệ hại nhát. Sợ hãi sẽ kiểm soát thân trí ta, làm tê liệt đầu óc và thân xác chúng ta theo đúng nghĩa của nó. Giải pháp duy nhất là hãy học cách hành động bất chấp nỗi sợ hãi, bất chấp cảm giác rằng mình chưa đủ giỏi, hoặc sự lo lắng bồn chồn mà mình có thể cảm nhận. Hành động là cách chữa trị duy nhất.
Những sự hợp lý hóa - một hình thức khác của thái độ hạn chế - thường được sử dụng một cách tiêu biểu trong nỗ lực thuyết phục người khác và thuyết phục chính mình rằng chuyện không qua tệ như vậy, mặc dù trong thâm tâm, bạn biết rất rõ điều đó tệ hại như thế nào. Rắc rối lớn nhất của sự hợp lý hóa là, nếu đủ thời gian,
chúng ta sẽ dần dần tin rằng nó thật sự đúng, và chúng ta sẽ không có hành động nào để cải thiện tình huống của mình.
Thường thì chúng ta mất quá nhiều thời gian tự vấn vì sao mình lại cứ phải sống trong tình trạng mà mình chẳng hề muốn, chẳng hạn như phải mất cái công việc chán phèo. Thay vì làm điều hiển nhiên - đi tìm việc khác - chúng ta mất thời giờ cố gắng giải thích vì sao ở lại là lựa chọn tốt nhất.
Khi nghĩ đến hậu quả tàn khốc của cái sự hợp lý hóa, tôi nhớ đến một người phụ nữ đã gặp tôi trong một buổi ký tặng sách vì cô ấy muốn tôi giúp cải thiện thái độ của bản thân đối với công việc. “Hãy cho tôi biết vài điều về công việc của chị,” tôi nói.
“Tôi ghét việc mình làm”, đó là những lời đầu tiên cô ấy thốt ra. “Sếp của tôi là người bất cần đạo lý, ông ta không thừa nhận năng lực của tôi và ông ta thẳng như ruột ngựa. Tôi cũng không được làm việc theo chuyên môn của mình.
Tôi đã cố nghĩ theo chiều hướng tích cực nhưng đi làm đã trở nên nặng nề đối với tôi”. Và cô ấy tiếp tục nói một thôi một hồi về những lý do mình không thể bỏ công việc đó.
Cuối cùng, cô ta hỏi tôi có cách nào tích cực hơn trong tình cảnh của mình không. “Nghỉ đi! Tìm việc khác mà làm. Làm cái gì chị cảm thấy thích thì làm”, tôi đáp. Cô ấy sốc nặng. tôi nghĩ đó không phải là câu trả lời mà cô chờ đợi. Thật ra tôi cũng không cho đó là lựa chọn mà cô ta đã từng nghĩ đến. Tôi tiếp tục giải thích cho cô hiểu rằng chúng ta không đặt mục tiêu học cách thích nghi với một công việc chúng ta ghét mà là tìm kiếm và làm những gì chúng ta thích. Cuộc
sống quá ngắn ngủi, chúng ta không có đủ thời gian để làm điều mình ghét. Bạn tôi, Brian Tracy, đã rất đúng khi nói rằng: “Bất cứ khoảng thời gian nào bạn dành cho công việc bạn ghét đều là khoảng thời gian bị lãng phí”.
Thái độ hạn chế cũng thể hiện dưới dạng các niềm tin sai lầm về năng lực của chính mình, về người khác, hoặc về thế giới mà chúng ta sống. Trong phần lớn thời gian, những niềm tin này ngăn cản chúng ta đạt được hoặc nhận ra tiềm năng thật sự của mình.
Isabel, người gần đây từng tham dự một trong các buổi nói chuyện của tôi, đã hơn sáu mươi tuổi. Bà ấy mới di cư sang đây và đang cố tìm việc, nhưng lại có một bộ sưu tập những niềm tin vì sao mình khó kiếm được việc phù hợp chuyên môn của bản thân. “Tôi không có kỹ năng giao tiếp tốt.” “Tôi quá lớn tuổi, và chẳng có công ty nào chịu thuê tôi.” “Chẳng ai muốn thuê một bà lão sáu mươi tuổi nói giọng quê rặt.” Isabel cứ tiếp tục nói và nói mãi về những lý do bà ấy chẳng bao giờ tìm được công việc nào phù hợp, đặc biệt là do tuổi tác. Khi tôi hỏi bà đã xin việc ở đâu thì mới biết được rằng thật ra bà ta chỉ mới nộp có một bộ hồ sơ cho một công ty và bị từ chối.
“Tôi phải làm sao đây, tiến sĩ Cruz?”, bà ta cầu xin một cách khẩn thiết. Linh tính cho tôi biết rằng đây không phải lần đầu tiên Isabel kể câu chuyện này. Thật sự thì bà ta đã kể đi kể lại câu chuyện đó hàng trăm lần rồi, nên tôi bảo: “Trước hết, bà hãy thôi kể lể về những điều như vừa rồi, và sau đó hãy đi nộp đơn và nhận thêm một trăm lần bị từ chối nữa trước khi chúng ta xếp bà vào nhóm hoàn toàn thất bại khi xin việc. Khi nào đạt đủ con số đó, bà hãy trở lại đây và chúng ta sẽ đề ra phương án khác.” Ba tháng sau tôi tình cờ tổ chức một buổi
hội thảo cũng tại thành phố đó, và cũng không để ý là Isabel đã đến tham dự. Vào giờ giải lao, bà ấy đến chỗ tôi và kể: “Hai lần. Tôi chỉ bị từ chối thêm hai lần nữa và rồi tôi đã được nhận công việc tuyệt vời. Tôi làm việc được hai tháng rưỡi và rất hài lòng.” Và quả thật, trông bà ấy thật rạng ngời; tôi có thể nhận thấy bà ấy đã trở thành một con người khác. Dĩ nhiên, đó là điều tất yếu một khi bạn đã giải phóng mình ra khỏi gánh nặng của quá nhiều những con bò trên vai.
Hiển nhiên, như bạn thấy, các con bò có những hình dạng và cách ngụy trang khác nhau khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc tìm thấy và nhận ra bộ mặt thật của chúng. Một số người thích thừa nhận những con bò này như những nghiệp chướng mà số phận đã gán cho họ, những gánh nặng ngoài khả năng kiểm soát của bản thân.
Nhìn chung, mọi ý tưởng nào hạn chế năng lực của bạn và kiểm soát sự việc hoặc dọn đường cho bạn thoái thác trách nhiệm thực hiện công việc thì đó rất có thể là một con bò. Nhưng những con bò này hình thành như thế nào? Cũng giống như những lời nói dối nghiêm trọng thường bắt đầu bằng những lời nói dối vô hại, những con bò trưởng thành và to lớn cũng khởi đầu từ những chú bê con ngây thơ hiền lành.
Một ngày trong cuộc đời của một người bi quan
Sau đây là một ví dụ cho thấy các con bò đã thành hình như thế nào. Một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của thành công là sự bi quan. Những kì vọng thấp và thái độ tiêu cực luôn luôn mang lại thất bại và thất vọng.
Người bi quan sống trong một thế giới tiêu cực và đáng chán, trong khi thế giới lạc quan tràn đầy những điều tích cực và cơ hội. Dĩ nhiên trong thực tế, cả hai loại người này đều sống trong một thế giới chung. Những trải nghiệm khác biệt của họ đơn thuần chỉ là kết quả của những tư tưởng chính trong đầu họ.
Trong một buổi hội thảo của tôi, khi đang nói chuyện với một người cực kỳ tiêu cực, tôi nhận ra một điều và tôi tin đó là điểm xuất phát cho những thái độ tiêu cực của những người bi quan. Đối với những nhận xét tôi đưa ra về cái nhìn ảm đạm của anh ta trong cuộc sống, người bi quan lập tức trả lời hầu như lúc nào cũng với một câu: “Chỉ vì tôi là người thực tế.”
Chắc hẳn bạn cũng đã tình cờ gặp những người sẵn sàng lải nhải cố bào chữa cho các thái độ tiêu cực của họ bằng cách gọi đó là “những kỳ vọng thực tế”. Sự thật là nếu bạn hỏi một người tích cực liệu anh ta có phải là người lạc quan không, chắc chắn câu trả lời bạn nhận được sẽ là “có”. Mặt khác, nếu bạn hỏi người có tính tiêu cực xem anh ta có phải là người bi quan không, thường thì bạn sẽ nghe những câu trả lời đại khái như “tôi không phải người bi quan, mà tôi là người thực tế”.
Làm thế nào mà tính cách “thực tế” lại gây hại cho chúng ta? Điều này thật dễ hiểu. Nếu bạn có thể thừa nhận rằng mình đang trở nên tiêu cực và cay nghiệt thì trong chừng mực nào đó, bạn có thể quyết định thay đổi thái độ của mình. Thậm chí bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ để thay đổi quan điểm của mình về cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng mình thật ra chỉ đang trở nên thực tế, và thực dụng, thì có thể chẳng bao giờ bạn cảm thấy cần phải thay đổi nhãn
quang của mình. Xét cho cùng, bạn đã từng nghe người ta nói rằng để làm người thực tế thì bạn phải có lập luận rõ ràng và nhìn nhận mọi việc đúng bản chất của nó - hoặc ít ra thì đây cũng là quan điểm của người thực tế. Thế nhưng, nếu quan sát kỹ, bạn có thể nhận thấy hầu hết những “người thực tế” có xu hướng là những người bi quan và có những kỳ vọng tiêu cực. Thật ra tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy điều này ngay sau đây!
Đã bao nhiêu lần bạn nói với ai đó là hãy đạt được một mục tiêu nhất định - chẳng hạn như bạn nói với người đó là hãy cố gắng đạt điểm B trong bài thi kế tiếp - và người đó trả lời bạn “Cái gì? Thực tế đi chứ! Tôi tin mình sẽ đạt điểm A cơ.”? Không khi nào có chuyện như thế! Thông thường thì những gì bạn nghe được sẽ giống thế này hơn: “Bạn nghĩ tôi sẽ được điểm B sao? Thực tế đi nào!
Điểm C đã là may lắm rồi.” Điều tôi muốn nói ở đây là kinh nghiệm đã cho tôi biết “những người bi quan” thường có kỳ vọng thấp.
Con bò mang tên “Tôi là người thực tế” không chỉ ngăn cản bạn nhìn thấy sự bi quan của chính mình mà còn tác động như một lăng kính, qua đó bạn nhìn thấy và diễn dịch thế giới xung quanh. Điều này cũng dễ hiểu: Nếu đeo kính đen, mọi thứ bạn nhìn thấy đều tối hơn. Thái độ bi quan cũng giống như cái lăng kính mà qua đó bạn đánh giá thế giới.
Những người bi quan không phải được sinh ra để thành người bi quan. Bi quan được hình thành qua sự ghi nhận hay còn gọi là thái độ có điều kiện mang tính xã hội. Điều này không di truyền mà chúng ta cũng không thể ép nó vào tiềm thức nếu chúng ta không đồng ý và trực tiếp tham dự. Chúng ta tiếp thu sự bi quan và các
cảm xúc tiêu cực khác, và tự động lập trình nó vào trong não bộ của mình.
Những tư tưởng, suy nghĩ bi quan không những ngăn cản bạn theo đuổi ước mơ mà còn từ từ huỷ diệt cuộc sống của bạn. Nó sẽ làm phát sinh những cảm xúc tiêu cực trong lòng bạn, được ghi nhận là hết sức tai hại trong những trạng thái cảm xúc cũng như trong các bệnh tật về thể chất.
Ai cũng biết những căn bệnh như cao huyết áp, rối loạn tiêu hoá, đau nửa đầu, và những căn bệnh khác thường bị xem là do sự căng thẳng và lo âu, thực chất là do những thái độ tiêu cực mà ra. Chẳng hạn như sự thù hận và giận dữ được cho là nguyên nhân làm tăng huyết áp, trong khi sự oán giận và phiền muộn lại làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Rõ ràng sự bi quan có tác động tàn phá to lớn đối với sự mạnh khoẻ về thể xác và tinh thần của bạn.
Bạn có nhận thấy rằng những người nào hay phàn nàn hết việc này đến việc khác thường là những người thường xuyên bị bệnh không? Martin Seligman, giáo sư của trường đại học Pennsylvania, nói rằng những người bi quan có khuynh hướng bị các bệnh truyền nhiễm và bệnh mãn tính nhiều hơn người khác, và hệ thống miễn dịch của họ không hoạt động tốt như của những người tích cực và lạc quan khác. Kết quả nghiên cứu của trường đại học Harvard cho thấy rằng những người trước khi bước sang tuổi 25 đã trở nên bi quan thì khi đến tuổi từ 40 đến 50, họ mắc nhiều bệnh hơn người khác.
Bạn sẽ đạt được những hiệu quả tích cực gì nếu bạn triệt tiêu chủ nghĩa bi quan trong đời mình? Có lẽ bạn sẽ tìm thấy câu trả lời từ một khảo sát của những nhà nghiên cứu của King’s College
Hospital, London. Họ tình cờ phát hiện ra những kết quả đáng kinh ngạc từ một nhóm 57 phụ nữ bị ung thư vú và đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ vú. Cuộc nghiên cứu cho thấy rằng cứ 7 trong số 10 người có điều mà các bác sỹ gọi là “tinh thần đấu tranh” thì sống một cuộc sống bình thường trong 10 năm sau đó. Mặt khác, cứ 4 trong 5 bệnh nhân mà bác sĩ cho rằng đã “tuyệt vọng và chấp nhận điều tồi tệ nhất” thì qua đời chẳng bao lâu sau khi được chẩn đoán.
Vì vậy, bạn có thể nhận thấy rằng sự bi quan không chỉ ảnh hưởng xấu đến trạng thái cảm xúc lành mạnh của chúng ta và ngăn cản ta tạo nên những thay đổi quan trọng, mà nó còn có tiềm năng cướp đi của ta cuộc sống lâu dài và khoẻ mạnh.
Điều đáng mừng là cho dù trong quá khứ, chúng ta đã để cho môi trường và một số người xung quanh gây tác động khiến ta chấp nhận sự tầm thường, giờ đây ta vẫn luôn luôn có thể thay đổi thái độ và xây dựng lại tinh thần để đạt được những thành công trong cuộc sống.
Ngục tù của những niềm tin sai lầm
Không còn nghi ngờ gì nữa, hầu hết những niềm tin làm tê liệt ý chí mà ta chứa trong đầu mình đều đang kiềm hãm khả năng của chúng ta. Những niềm tin này giam hãm chúng ta trong một thế giới mà ở đó chúng ta không thể nhìn thấy tài năng và năng lực của mình. Những niềm tin sai lầm về những gì mà chúng ta làm được hoặc không làm được trong cuộc sống có thể tước đi của chúng ta một trong những quyền tự do lớn nhất: quyền tự do đạt đến toàn bộ năng lực của mình và sử dụng hết năng lực đó.
Nếu bạn bám một cách mù quáng vào suy nghĩ là bạn sẽ không thành công trong cuộc sống vì bạn đã không may mắn được học hành đến nơi đến chốn thì suy nghĩ này chắc chắn sẽ cai quản cuộc đời, hoài bão, quyết định, mục đích và thái độ chung của bạn. Niềm tin này sẽ đóng vai trò như một kịch bản vô thức và dẫn dắt tất cả hành vi của bạn, sẽ đưa ra những kỳ vọng thấp, và phá hoại các kết quả mà bạn đạt được trong cuộc sống. Làm thế nào mà một ý tưởng như vậy lại có thể trở thành một niềm tin sai lầm bám rễ trong tư tưởng của ta? Nó đã hình thành và kiểm soát cuộc sống của ta như thế nào?
Tất cả điều bắt đầu khi ta đưa ra những kết luận sai lầm dựa trên những tiền đề sai lầm mà ta chấp nhận như chân lý. Hãy xem những tiền đề này có ảnh hưởng như thế nào:
Tiền đề thứ nhất: Cha mẹ tôi chưa từng được đi học Tiền đề thứ hai: Cha mẹ tôi chẳng mấy thành công trong cuộc sống
Kết luận: Vì tôi cũng không được đi học, nên có thể tôi cũng sẽ không thành công trong cuộc sống.
Bạn đã nhận thấy những âm hưởng tai hại của kết luận này chưa? Người ta có thể tạo ra những vòng luẩn quẩn có tính phá hoại bằng trí tưởng tượng thông qua những đoạn “tự thoại”.
Nếu ai đó tự nhận thấy rằng họ là người không có năng lực, thế giới xung quanh cũng sẽ đánh giá họ như vậy. Khi họ phản chiếu ra ngoài sự bất tài hiển nhiên của mình cho người khác thấy thì họ
cũng sẽ được đối xử như những người bất tài, điều này xác nhận cái mà họ đã biết. Và họ thất vọng.
Thật ra, cái sự kiện cha mẹ bạn không mấy thành công trong cuộc sống chẳng mấy liên quan đến chuyện học vấn của họ. Hãy nhớ là học có thể cũng có những con bò mà bạn không biết đấy thôi. Và thậm chí nếu như sự thiếu thành công của cha mẹ bạn là kết quả của việc ít được học hành, điều đó cũng chẳng hề có nghĩa là bạn cũng sẽ có cùng kết cuộc. Vậy nên hãy cẩn thận với những đoạn “tự thoại” của mình.
Khi Joseph đến Úc để khởi đầu một cuộc sống mới, mặc dù ở đây nhu cầu tuyển dụng đối với chuyên môn của anh ta không nhiều, cứ nghĩ đến viễn cảnh phải làm bất cứ công việc nào khác với chuyên môn mà mình đã được đào tạo là anh thấy hoảng sợ. Dù sao, anh ta đã phải bỏ ra nhiều năm để học ngành chuyên môn đã chọn cơ mà!
Về mặt chuyên môn, sau một thời gian dài, nỗi sợ đó làm anh ta nhụt chí không muốn kiếm bất cứ ngành nghề nào khác. Hẳn nhiên là anh ta có thích những công việc khác, nhưng gia đình và bạn bè sẽ nghĩ gì khi biết anh ta phải từ bỏ nghề nghiệp của mình?
Mối lo âu của anh ta càng tăng thêm khi nghĩ rằng nếu chuyển sang ngành nghề khác thì công ăn học bao lâu nay chẳng phải phí hoài sao? Nếu chuyển ngành không thành công thì sao? Trong nhiều năm, niềm tin rằng mọi người nên theo đuổi chuyên môn của mình làm tê liệt Joseph, làm cho anh ta không thể quyết định chuyện gì cả. Mãi cho đến khi nhận ra những ảnh hưởng tai hại của thái độ này - dựa trên một tiền đề sai lầm khác - anh ta mới có quyết định dấn tới tạo lập cuộc sống theo hướng khác.
Vào kỷ nguyên của kinh tế thị trường, suy thoái và lực lượng lao động có tính di động cao mang tính toàn cầu như hiện nay, đây là một sự chọn lựa mà ngày càng có nhiều người phải đối mặt. Nhiều người, cũng như Joseph, cảm thấy hoảng sợ khi nghĩ đến việc mình phải chuyển sang làm bất cứ một công việc gì khác với chuyên môn mà mình đã được đào tạo. Sự sợ hãi này là đặc biệt nguy hiểm, mặc dù một số nghiên cứu đã cho thấy rằng nhiều người trong lực lượng lao động sẽ phải chuyển đổi công việc bình quân 7 lần trong đời mình.
May thay, Joseph quyết định chiến thắng nỗi sợ - tiêu diệt con bò của anh ta - và dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Kết quả là không những anh ta tìm thấy đam mê trong nghề nghiệp mới mà còn gặt hái được thành công to lớn trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, và giờ đây anh ta đang tận hưởng cuộc sống với nghề nghiệp mới này hơn bao giờ hết.
Nhiều người sợ những gì mới mẻ hoặc những thứ họ không biết. Đôi khi nỗi sợ những điều còn xa lạ này ngăn cản họ tìm thấy những niềm vui mới thậm chí trong những điều nhỏ nhặt nhất. Chúng ta thường không nếm thử món ăn lạ, hoặc tìm hiểu những nền văn hoá khác, hoặc thử những sở thích khác. “An toàn là trên hết” đã trở thành một lối sống và thu hẹp khả năng tiến bộ của chúng ta, đồng thời tạo ra những nỗi lo sợ phi lý.
“Tốt hơn là chỉ nên bám vào những gì mình biết”, “Coi chừng chữa lợn lành thành lợn què”, hay như câu mà tôi đã đề cập ở trên, “Ma quen hơn quỉ lạ”. Tất cả đều làm chúng ta nản lòng không còn muốn bước ra khỏi khu vực an toàn nhàn hạ của mình nữa. Nhưng sự thật
là tính an toàn và bảo đảm hiển nhiên của những điều đã biết sẽ có thể ngăn cản chúng ta tạo những thay đổi quan trọng trong sự nghiệp, vốn đã quá chậm trễ, hoặc ngăn cản ta rời bỏ những mối quan hệ lừa lọc vì sợ lâm vào những hoàn cảnh còn bi đát hơn thế nữa.
Charles Dubois, Hannes, một giám đốc doanh nghiệp quốc tế, đã viết cho tôi: “Hẳn vậy… điều quan trọng là bất cứ lúc nào cái hiện tại cũng có thể hy sinh để đạt được cái bạn mong muốn. Nghe có vẻ dễ dàng và hiển nhiên, tuy nhiên việc thực hiện điều này trong những tình huống nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống của chúng ta lại thường rất khó khăn. Trong thế giới làm ăn, chúng ta cần phải biết thích nghi với những thử thách mới trong công việc hàng ngày. Cũng như những nhà quản lý khác, tôi nhận thấy những người trong đội ngũ của tôi thường khó chấp nhận sự thay đổi. Ta vẫn nghe họ nói ‘Chúng ta vẫn thường làm vậy mà. Việc gì bây giờ lại thay đổi?”, “Nếu nó không hư thì khỏi sửa”. Nhưng sự thật là nếu chúng ta không chấp nhận thay đổi như một phần của đẳng thức, nếu chúng ta không tiến lên và thích nghi, chúng ta có nguy cơ bị lỗi thời. Khi sẵn sàng loại bỏ những con bò trong tổ chức của mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng hầu hết các nỗi lo sợ đó đều là chuyện dở hơi”.
Bài học là gì? Chúng ta cần đặt ra câu hỏi liệu những nỗi sợ, những âu lo, và những bấp bênh mà chúng ta gặp có phải là kết quả của những niềm tin sai lầm mà chúng ta tạo ra trong cuộc sống. Bạn không nên chấp nhận những hạn chế trước khi tự hỏi liệu đó có thật là hạn chế hay không. Hãy nhớ rằng bạn luôn luôn là những gì bạn tự gán cho mình. Nếu tin mình sẽ thành công, bạn rất có thể sẽ
thành công. Nếu tin mình sẽ thất bại, thật sự bạn đã thất bại rồi. Tất cả tuỳ thuộc vào quyết định của bạn.
Khi bạn nhất định thoả hiệp
Thông thường, nếu chúng ta có thể bênh vực hay bào chữa cho một thói quen xấu hoặc một thái độ kém cỏi của mình, có lẽ chúng ta chẳng cần phải thay đổi nó làm gì. Lý do cũng thật đơn giản. Nếu ta có thể xem chúng là “chuyện đương nhiên” hoặc “ngoài tầm kiểm soát”, thì chẳng cần thiết phải sửa chữa. Chung quy cũng giống như nói “Nếu nó không hư,…”
Người ta viện nhiều lời bào chữa để lý giải cho tình hình sức khoẻ kém của mình, cho các mối quan hệ tệ hại, hoặc cho các kỹ năng nuôi nấng con cái quá sơ sài. Chúng ta khó chịu, nhưng lại chẳng hề làm gì để cải thiện tình hình. Thay vào đó, chúng ta lại đi tìm kiếm lời biện bạch để giải thích vì sao mình không thể làm gì.
“Ước gì tôi có thể chăm chút cho bản thân mình hơn, nhưng tôi bận quá.” “Đi bệnh viện quá tốn tiền.” “Tôi chẳng tin vào các ông bác sĩ.” Có vẻ những lời này đủ trở thành lý do cho những ai muốn khoả lấp tình trạng sức khoẻ èo uột của mình.
Chuyện ai cũng thấy được là chẳng có lời biện bạch nào trong số đó có thể làm tiêu tan hay thuyên giảm bệnh tật cho họ cả.
Những chuyện tương tự như vậy cũng thường xảy ra trong những khía cạnh khác của cuộc sống. Chẳng hạn như lý lẽ sau đây thường được các ông bố, bà mẹ sử dụng để hợp lý hoá vấn đề họ không thể ở bên con cái nhiều hơn: “Tôi mệt lả khi về đến nhà. Ước gì tôi
có thể ở bên con nhiều hơn, nhưng tôi làm việc nhiều cũng chỉ để cho con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hy vọng là tụi nhỏ có thể nhận thấy tôi yêu thương chúng nhiều như thế nào”. Nghe cũng hợp lý đấy chứ?
Vấn đề với hầu hết những con bò là đây. Lý lẽ nghe qua rất đáng tin và hợp lý, đến nỗi chúng ta chẳng cần phải đặt dấu hỏi làm gì.
Đôi khi, trong lúc tôi cố gắng giúp các vị phụ huynh nhìn ra sự sai lầm nằm sau ý tưởng này, họ thường đáp lại tôi với một con bò thậm chí còn to hơn: “Vấn đề không phải là số lượng, mà là chất lượng thời gian tôi ở bên chúng”. Với con bò này thì sao? Hợp lý đến nỗi chúng ta chẳng cần phải ở bên lũ con cái mình thêm lâu làm gì. Dù sao, nếu bạn thật sự chấp nhận điều này, có lẽ bạn dễ dàng tin rằng năm phút mà bạn dành cho con mỗi ngày là một khoảng “thời gian có chất lượng”. Bạn có nhận ra mối nguy hiểm tiềm ẩn ở đây chưa? Sự thật là khoảng thời gian chúng ta dành cho con cái cũng quan trọng như chất lượng của nó. Hơn nữa, nếu phải chọn giữa chất lượng và số lượng, tôi sẽ chọn cái thứ hai.
Có những lĩnh vực mà chất lượng không thôi thì không đủ. Nếu nghi ngờ về điều này, hãy tưởng tượng cảnh bạn đến nhà hàng với một người bạn. Cả hai đều gọi beefsteak. Người phục vụ mang ra cho người kia một miếng thịt rõ to, dày và mềm mại. Còn trên đĩa của bạn thì chỉ bằng khẩu phần của một đứa trẻ. Và khi bạn phàn nàn về sự khác biệt này với người phục vụ - mà chắc chắn là bạn sẽ phàn nàn, anh ta trả lời: “Ồ, thưa ông, lý do rất đơn giản: Miếng thịt dành cho ông có chất lượng cao hơn hẳn”. Có lẽ trong tình huống như
vậy, bạn sẽ là người giải thích cho anh bồi bàn biết là số lượng cũng quan trọng như chất lượng vậy.
Là cha của ba đứa trẻ, và sau khi chia sẻ với những bậc cha mẹ khác, tôi nhận ra rằng bọn trẻ luôn luôn tận dụng mọi khoảng thời gian mà chúng ta sẵn sàng chơi với chúng. Nếu chúng ta vắng mặt, chúng sẽ tìm người chơi khác, hoặc tìm trò khác để giải khuây.
Nếu chúng ta không rảnh giúp con làm bài tập, chúng sẽ tự mày mò. Nếu chúng gặp khó khăn mà chúng ta lại vắng mặt, chúng sẽ tìm đến bất cứ người nào chịu lắng nghe chúng.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: thái độ, lòng tự trọng, và tính cách của bọn trẻ sẽ được định hình theo số lượng và chất lượng thời gian chúng ta dành cho chúng. Bạn có thể lưu lại ảnh hưởng tích cực cho con bạn suốt cuộc đời, hay bạn có thể giữ lại con bò “Tôi không có thì giờ”. Tuỳ bạn.
Hãy sáng tạo và sử dụng nhiều cách khác nhau để tham gia vào các hoạt động của bọn trẻ và giúp bọn trẻ tham gia vào các hoạt động của bạn. Hãy yêu thích những sở thích của chúng. Hãy hỏi han chúng nhiều hơn vào lúc ăn tối cùng nhau. Chơi với chúng một lát trước giờ đi ngủ. Giúp chúng làm bài tập và những việc được trường giao về nhà. Hãy tổ chức các hoạt động cuối tuần để tạo điều kiện gần gũi chúng. Đừng chỉ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của bọn trẻ. Những thứ cao hơn và bên ngoài các nhu cầu tối thiểu mà bạn làm cho chúng sẽ giúp hình thành nhân cách, phát triển các giá trị và những nguyên tắc hướng dẫn chúng đi suốt cuộc đời.
Qua chương này, bạn đã thấy rằng trong cuộc sống chúng ta rất dễ có những con bò. Rất dễ rơi vào cái bẫy biện bạch. Nếu chúng ta “cài đặt” bộ não của mình với những niềm tin sai lầm thì hết cả cuộc đời chúng ta cũng không biết được khả năng của mình. Chúng ta có thể vuột mất những cơ hội thành công khi thừa nhận những tư tưởng hạn hẹp như thế.
Tôi thường tự hỏi bởi cớ gì mà người ta chịu gánh cả gánh nặng trĩu những niềm tin sai lầm như thế suốt đời, thậm chí ngay cả khi mang lên người những gánh nặng đó có nghĩa là từ chối một cuộc sống đầy đủ và vui vẻ. Bám riết vào những thứ làm phương hại đến hạnh phúc của mình thì vô lý quá. Phải, thật là phi lý khi nhiều người vẫn quyết định để những niềm tin sai lầm huỷ hoại sự thành công của họ một cách có ý thức.
Kẻ thù mang tên “trung bình”
Có lần tôi nghe một huấn luyện viên dõng dạc giáo huấn các cầu thủ của mình: “Kẻ thù của Vĩ Đại là Tốt”. Tôi suy nghĩ một lúc và lấy làm kinh ngạc trước sự minh triết ẩn trong lời nói ngắn gọn này. Khi nào chúng ta còn cảm thấy hài lòng với cái Tốt, chúng ta sẽ không bao giờ đạt đến sự Vĩ Đại. Somerset
Maugham, một nhà văn người Anh, đã từng cho rằng: “Ở đời có cái khôi hài là nếu bạn nhất định chỉ chọn cái tốt nhất, thì rất nhiều khả năng bạn sẽ được như ý”. Điều ngược lại cũng đúng. Nếu bạn quyết định sống một cuộc đời trung bình hay tầm thường, bạn cũng sẽ đạt được như vậy.
Trong khi một số người sống ngày này qua tháng nọ mà không hề biết rằng trên lưng mình gắn chặt những con bò đó nhưng lại tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng chúng. Vì sao ư? Vì chúng mang lại cho họ khu vực an toàn mà trong đó, thật không may, sự tầm thường lại rất được hoan nghênh. Cho nên họ sẵn lòng nuôi dương đàn bò của mình vì điều đó cho phép họ giũ bỏ trách nhiệm đối với thành công của chính bản thân và đổ thừa cho số phận không may do một nơi nào khác. Họ có thể biện bạch cho mọi vấn đề, ở mọi nơi và mọi ngày trong tuần.
Nếu thình lình chúng ta chẳng tìm được lời biện bạch hay phân trần nào cho sự tầm thường của mình, chúng ta chỉ còn hai lựa chọn: Thừa nhận 100 phần trăm trách nhiệm về phần mình và bắt đầu thay đổi (thành công!), hoặc thừa nhận rằng chúng ta không thể điều khiển được cuộc đời mình và bỏ cuộc (thất bại!).
Con đường để đi tiếp thế nào đã rõ.
Rủi thay, những con bò lại đưa ra một lựa chọn thứ ba, mà ảnh hưởng của nó lại có sức tàn phá to lớn hơn sức tàn phá của thất bại: đó là sự tầm thường. Nó biến chúng ta thành những người có quyết tâm cao nhưng lại là nạn nhân của số phận nghiệt ngã. Chúng ta muốn trở nên vĩ đại, nhưng lại không thể. Chúng ta muốn đạt được những thành tựu to lớn nhưng cũng không thể. Vì chúng ta không có khả năng đột phá, tài năng, hay may mắn; cho nên chúng ta phải bằng lòng với bất cứ thứ gì mà mình có thể đạt được.
Lựa chọn thứ ba này - sự tầm thường - còn tệ hơn sự thất bại hoàn toàn. Chìm sâu tận đáy của sự thất bại khiến bạn phải nhìn lại các hoàn cảnh của mình và xem xét lại các lựa chọn. Khi bạn đã xuống
đến đáy và nhận ra rằng mình đang ở dưới đáy của vực thẳm cuộc đời, bạn chỉ còn một cách duy nhất: leo lên. Đau khổ cùng cực, thất bại não nề, hay sự suy sụp trầm trọng tạo nên những tình huống hoặc-sống-hoặc-chết buộc chúng ta phải hành động. Nhưng sự tầm thường thì không. Mối nguy hiểm lớn nhất của sự tầm thường là chúng ta vẫn còn chịu được tình trạng đó. Chúng ta có thể sống trong sự lưng chừng và thích nghi với nó.
Tôi muốn chia sẻ với bạn một câu chuyện tôi đã được nghe trước đây, minh hoạ rất tốt quan điểm này.
Một người nọ đến thăm một nông dân già từng là một thợ săn có tiếng. Khi đến nông trại người khách nhìn thấy một trong những con chó săn của người nông dân đang nằm dài ngoài hiên nhà. Con chó có vẻ rất bức bối. Dường như nó đang khó chịu với chuyện gì đó, vì nó cứ sủa và rên rỉ không thôi. Sau vài phút nhìn thấy cảnh tượng này, người khách hỏi người nông dân con vật tội nghiệp đó bị làm sao vậy.
“Cứ mặc con chó già đó đi”, người nông dân trả lời. “Nó cứ như vậy cả mấy năm nay.”
“Vậy anh đã đưa nó đến một bác sĩ thú y hay đã tìm hiểu xem vì sao nó lại như vậy chưa?”, người khách hỏi.
“Việc gì phải thế? Tôi biết thừa nó bị làm sao. Nó làm biếng như khỉ ấy.”
“Nhưng chuyện đó thì mắc mớ gì nó phải rên rỉ?”
“Anh biết không”, người nông dân trả lời, “tình cờ cái chỗ nó nằm có một cây đinh trồi lên. Cây đinh đâm vào chân làm nó ngứa, cho nên lần nào ngồi đó, nó đều sủa váng lên và rên rỉ như vậy đấy.”
Người khách trợn mắt kinh ngạc. “Vậy sao nó không kiếm chỗ khác mà nằm?”
“Ừ,” người nông dân nói, “tôi đoán là cái cây đinh đó đâm nó không đau lắm.”
Thế đấy, chúng ta đã đi vào trọng tâm vấn đề của sự tầm thường: nó có vẻ khó chịu và cũng có lúc gây đau đớn, nhưng nó chưa bao giờ đủ làm cho ta bực mình để khiến chúng ta phải thay đổi.
Bạn có biết người nào đang trong hoàn cảnh đó không? Bạn thì sao? Bạn có cái dằm nào trong chân đã ngăn trở bạn đến một cuộc đời xứng đáng? Nếu có, hãy quyết định ngay và loại bỏ những con bò đã cướp đi của bạn khả năng sống một cuộc đời thật trọng vẹn.
4. BÒ CŨNG CÓ BA, BẢY LOẠI
Cuốn sách này đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn của tôi đối với thế giới. Sau một thời gian dài nhìn lại những gì mình đã làm, tôi nhận thấy lẽ ra mình đã có thể đạt được nhiều hơn nếu không sở hữu những con bò khiến tôi hài lòng với những mục tiêu nhỏ nhoi trong cuộc sống. Mặc dù có nhiều khả năng, tôi lại phí phạm phần lớn đời mình vào những lý giải như “Bố mẹ đã không cung cấp tài chính và ủng hộ tôi đầy đủ, cho nên phải vất vả lắm tôi mới tốt nghiệp”. Khi ra nước ngoài, tôi lại trốn sau những con bò khác: “Thăng tiến ở xứ lạ quê người đâu phải chuyện dễ dàng” hay “ở đây họ không thích người nước ngoài”. Lúc nào tôi cũng cho mình là nạn nhân. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng tôi mới chính là người có thể thay đổi cuộc đời mình. Bài học quan trọng nhất mà tôi đã học được là không có trở ngại nào lớn hơn các giới hạn mình tự đặt ra cho bản thân.
Lillan, Mexico City, Mexico
Ít lâu trước đây, một người bạn lớn lên từ một nông trại ở Pennsylvania đã cho tôi một cái nhìn sinh động và chính xác về việc vì sao một số người không nhận thức được những niềm tin tiêu cực của mình.
Bạn tôi nói: “Ừ, Camilo này, sự thật là những con heo không hề biết rằng tụi nó hôi rình!” (Tôi cho rằng bò cũng thế.) Không cần phải giải thích thêm gì nữa.
Đôi khi, giữa những buổi thuyết giảng của tôi, có người tiến đến chỗ tôi, cười tươi rói và rất tự tin nói với tôi: “Thưa tiến sĩ Cruz, tôi đã suy
nghĩ về những điều ông vừa nói, và tôi nghĩ rằng mình không hề có con bò nào cả”. Khi nào nghe những lời như vậy, tôi đều nghĩ đến câu nói buồn cười của bạn tôi, và tôi cho người ấy vài ý kiến để bảo là họ không vô ý bỏ qua điều chính yếu.
Đây chính là điều tôi muốn diễn giải trong chương này. Tôi muốn cho các bạn xem một số trong những con bò mà nhiều người thường có, với hy vọng bạn nhận ra và tránh xa chúng. Hãy nhớ: không phải tôi chỉ cho các bạn các bạn thấy những con bò này để rồi bạn bỏ chúng vào hành trang của mình đâu nhé! Tôi bảo đảm là bạn có rất nhiều bò kiểu này. Mục đích của tôi là làm cho bạn hiểu rằng có rất nhiều loại bò.
Con bò mang tên “Tôi có sao đâu”
- Tôi có sao đâu. Thiếu gì người còn không được như tôi.
- Tôi ghét công việc tôi dang làm. Nhưng tôi không thể phàn nàn gì... Ít ra thì tôi còn có việc để làm.
- Có thể tôi không phải là người hạnh phúc nhất trong hôn nhân... Nhưng ít ra thì chúng tôi cũng không gấu ó nhau suốt ngày.
- Có lẽ chúng tôi không giàu, nhưng chúng tôi luôn đủ ăn.
- Tôi chỉ đậu sít sao, nhưng ít ra thì cũng không rớt. Có lẽ cũng nên thừa nhận rằng tôi không thông minh như những người khác.
Mối nguy hiểm lớn nhất của những con bò “Tôi có sao đâu” là người ta nghĩ rằng họ KHÔNG SAO và hài lòng với cuộc sống mà không
thấy lý do gì phải cải thiện. Hãy nhớ lại sự thông thái trong lời nói của vị huấn luyện viên nọ. Kẻ thù của Vĩ đại là Tốt.
Việc tìm một lý do để bào chữa cho sự tầm thường của mình đã khiến chúng ta chấp nhận những hoàn cảnh và tình huống mà đúng ra khó lòng được chấp nhận. Đối với Laura, một phụ nữ trong độ tuổi ba mươi, con bò của cô ấy là: “Mặc dù tôi thù ghét công việc của mình, tôi không bỏ được và không dám liều bắt đầu lại từ đầu hoặc tìm việc gì đó tốt hơn.”
Nỗi sợ này giữ cô ở lại với cái công việc tầm thường vốn đe dọa đến sức khoẻ tinh thần và cảm xúc của cô. Sau mười năm làm công việc đó, Laura cảm thấy chán ngấy với nó. “Ý nghĩ rằng phải tiếp tục làm công việc đó đến mãn đời khiến tôi khiếp hãi, nhưng tôi chẳng biết làm gì khác”.
“Khi nhận ra rằng nỗi sợ chính là con bò của mình,” Laura kể, “tôi tin hơn bao giờ hết rằng chính cái công việc này đã trói buộc tôi vào một cuộc sống mà ở đó tôi không sao có thể khám phá những chân trời mới. Tôi cần phải hành động ngay, nếu không tôi có nguy cơ bị kẹt vĩnh viễn vào công việc không có lối thoát này. Thật không dễ quyết định. Tôi ảm thấy bất an, nhưng tôi vẫn quyết định xin nghỉ việc.
“Bây giờ, tôi sống khỏe khoắn hơn hẳn, bình an hơn với chính mình, và tôi đã lấy lại sự tự tin. Những căng thẳng mà tôi phải chịu đựng hầu như đã tan biến.
“Nhưng điều thú vị là tôi đã nhận ra rằng nỗi sợ của mình không có căn cứ. Tôi đã từng được đề nghị những công việc tốt hơn, và đã
thu xếp để nghỉ ngơi một thời gian, một điều mà trước đó tôi đã không dám làm vì sợ túi tiền không kham nổi.”
Câu chuyện của Laura chỉ là một trong những ví dụ cho thấy rằng chỉ một con bò đơn lẻ cũng có thể làm nảy sinh một chuỗi những cảm xúc tiêu cực có thể hủy hoại nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, cái hay là chỉ cần giết một con bò, cô ấy đã có thể mở ra không chỉ một cánh cửa.
Con bò mang tên “Đâu phải tại tôi”
- Suy cho cùng, cũng vì tôi không được học đại học nên tôi mới long đong như thế. Điều tệ hại là bố mẹ tôi đã không nhìn xa trông rộng nên đã không đầu tư cho việc học của tôi.
- Tôi không thành công vì chồng/vợ tôi chả bao giờ ủng hộ bất cứ điều gì tôi làm.
- Nếu mẹ tôi không ly hôn, có lẽ cuộc đời tôi không lao đao đến vậy.
- Nền kinh tế trì trệ là nguyên nhân khiến công ty của tôi không phát triển nổi. Giá như chính phủ có thể hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhiều hơn.
- Tôi chẳng bao giờ gặp được thầy giỏi. Chẳng bao giờ tôi cảm thấy mình được động viên đầy đủ hoặc được khuyến khích để làm bất cứ điều gì trong đời.
Con bò ngáng đường Louis là cái ý tưởng cho rằng anh ta cần sự ủng hộ vô điều kiện của gia đình để phát triển. “Tôi cảm thấy như mình đã dùng cả cuộc đời để làm vừa lòng gia đình và bạn bè,”
Louis kể. “Lần nào sắp tiến hành một công việc mới, tôi đều phải luôn sẵn sàng lắng nghe những lời chỉ trích, những lời tư vấn mà tôi chẳng yêu cầu, và hằng hà sa số những lời khuyên về những gì nên làm.
“Đừng ngốc vậy chứ. Làm sao cậu có thể từ bỏ công việc như vậy để dấn thân vào một cuộc mạo hiểm mới. Đừng vô ơn như vậy chứ. Hãy nghĩ đến những người thất nghiệp ngoài kia. Cậu biết gì về kinh doanh nào? Một công việc tẻ ngắt còn tốt chán so với không có việc làm.
“Tôi luôn muốn lập một công ty riêng, thế nhưng ngoài những lời chỉ trích kia, tôi lại còn luôn ở trong một tình thế có thể trở thành trở ngại lớn nhất đối với tôi. Tôi có một công việc cũng tạm được - con bò chính yếu - mang lại sự ổn định, mức lương-cao-hơn-mức-trung bình, và một ông sếp tốt. Nhưng khát vọng của tôi là quá cao mà công việc đó không thể nào đáp ứng cho tôi được.
“Công việc tàm tạm của tôi cũng chính là con bò lớn nhất, và tôi đã sẵn sàng vất bỏ nó. Tôi lấy hết can đảm và thành lập công ty riêng của mình. Tôi bỏ ngoài tai tất cả những lời chỉ trích nhắm vào tôi.
“Giờ đây, sau sáu tháng, mọi việc đã trở nên tốt đẹp hơn cả sự mong đợi, và khiến cho những người bạn đã từng ngăn cản tôi bắt tay vào cuộc phiêu lưu này nay quay sang khuyên tôi nên tiếp tục. Tôi nghĩ rằng có một số điều mà bạn không bao giờ nhận thấy nếu bạn không sẵn lòng thay đổi.”
Tôi cũng giống như Louis; tôi đã có “một công việc tốt” trước khi gây dựng công ty riêng hơn mười lăm năm trước Bất cứ công việc nào
tôi đã làm trước đó cũng đủ là lý do để tôi không phải lao vào bất cứ cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy nào như việc khởi đầu một công ty riêng, đặc biệt trong lĩnh vực mà vào lúc đó chính tôi cũng không biết rõ. Nhưng trước đó rất lâu, tôi đã hiểu rằng, cũng như con bò trong câu chuyện của chúng ta, một “công việc tốt” đôi khi có thể kiềm hãm chúng ta nếm trải những thành tựu lớn.
Annette, một giáo viên, cũng gặp con bò “đâu phải tại tôi”.
“Thông thường, khi một giáo viên làm những điều gì đó mới mẻ, hoặc muốn cải thiện bản thân, cái cỗ máy “miệng lằn lưỡi mối” bắt đầu khởi động. Bạn sẽ nghe những lời nhận xét từ đồng nghiệp như ‘Bả tưởng bả là ai? Bả muốn lấy le với ai vậy?” Ngay cả khi chỉ có hai người khởi động cỗ máy lời ra tiếng vào này cũng đã đủ làm cho bạn nản lòng không nhấc bước lên nổi. Bạn cũng sẽ xuôi theo chiều gió và tiếp tục với đường xưa lối cũ. Suốt một thời gian dài, tôi nói với mọi người là ở cái trường đó chẳng thể đi đến đâu cả. Tôi trách các đồng nghiệp của mình vì tôi chẳng đạt được gì cả. Rồi một ngày, tôi cảm thấy rất rầu rĩ, không phải vì thái độ của họ, mà vì chính tôi, vì tôi đã để người khác chi phối suy nghĩ và hành động của mình. Tôi tự bảo mình: “Annette, đừng biện minh nữa. Hãy hành động đi!”
Lý do lớn nhất để tiêu diệt con bò “đâu phải tại tôi” là hầu hết những gì xảy ra cho bạn đều do chính bạn tạo ra, nếu bạn thật sự nghiêm túc với vấn đề đó và thành thật với chính mình. Không phải do bố mẹ bạn, hay sếp của bạn, hay nền kinh tế, hay bất cứ ai hoặc thứ gì khác. Chính bạn. Ngay cả những cảm xúc tiêu cực mà chúng ta có thể nếm trải - và thường đổ lỗi cho người khác đã gây ra những cảm xúc ấy - cũng do chính chúng ta tạo ra. Có lẽ, lời nói sau, được cho
là của Eleanor Rooservelt, thể hiện điều này rõ nhất: “Không ai có thể làm cho bạn cảm thấy mình thua kém mà không có sự đồng ý của bạn”.
Cũng giống như vậy, không thể trách rằng lời phê bình của bạn bè là nguyên nhân làm bạn thất bại, chỉ trừ khi bạn đồng ý cho lời phê bình của họ có giá trị cao hơn ý kiến hoặc hình ảnh của chính mình. Trời mưa không thể là nguyên nhân làm hỏng kế hoạch của bạn hoặc làm bạn thấy khó chịu - như người ta thường nghĩ vậy - chỉ trừ khi bạn cho rằng thời tiết là nhân tố quyết định ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn trong ngày hôm đó. Vậy nên, như bạn thấy đấy, luôn luôn là lỗi của chúng ta.
Con bò mang tên “Niềm tin sai lầm”
- Bố tôi nghiện rượu, có lẽ tôi sẽ giống ổng thôi.
- Tôi không muốn làm nhiều tiền, vì tiền nhiều chỉ tố làm hư thân. - Vì tôi không được đi học, có lẽ tôi chẳng làm nên trò trống gì.
- Tôi sẽ không bao giờ mở công ty riêng. Không tưởng tượng nổi những thứ nhức đầu mà sếp tôi phải gánh hàng ngày.
Một lần nữa, những điều trên giống như những con bò nguy hiểm vì một lý do đơn giản: những niềm tin sai lầm là những tuyên bố sai sự thật nhưng vì một lý do nào đó, chúng lại được tin như thật.
Ngay sau sự thành công của bộ phim bom tấn Rocky, Sylvester Stallone được phỏng vấn về một cảnh độc trong phim. Trong cảnh đó, nhân vật Rocky kể:
“Ông già tôi, vốn không phải là người sâu sắc, nói rằng vì tôi không có đầu óc, tôi nên làm việc tay chân.”
Stallone, người viết kịch bản, thú nhận rằng ông cũng thường xuyên nghe những điều tương tự từ cha mình. Ông thường nghe những điều đó từ lúc còn nhỏ và cuối cùng ông bắt đầu tin rằng mình chính là người không có đầu óc và chỉ nên làm việc chân tay. Niềm tin sai lầm này khiến ông không thể nhận ra năng lực thật sự của mình. Cuộc đời của ông bắt đầu thay đổi kể từ khi ông không còn tin vào những điều như vậy nữa và bắt đầu tin vào bản thân.
Điều thú vị là suy nghĩ mới của ông được tiếp sức bằng ảnh hưởng từ người vợ tương lai của ông, bà Adrian. “Mẹ thường nói với tôi điều ngược lại. Mẹ nói vì tôi không to cao, tốt hơn tôi nên sử dụng đầu óc của mình nhiều hơn,” bà kể.
Tin vào bản thân chính là khả năng nhận thấy thế mạnh và tài năng của mình, để rồi xác nhận, thừa nhận và bắt đầu sử dụng những thế mạnh và tài năng đó.
Niềm tin sai lầm có thể khiến chúng ta sống hoài cuộc đời tầm thường nếu không cố gắng vượt lên chính mình. Hiệu ứng của việc giải phóng bản thân ra khỏi những con bò này cũng đủ để bạn nhìn thấy được một thế giới với những cơ hội mới mà bạn không ngờ đến.
Con bò mang tên “Thật mà, đây đâu phải biện bạch”
- Tôi muốn tập thể dục nhiều hơn, nhưng gần nơi tôi ở chẳng có phòng tập nào.
- Ước gì tôi đạt được chỉ tiêu doanh số bán hàng, nhưng tôi nghĩ kế hoạch của công ty chẳng thực tế tí nào. Chúng tôi nên mừng vì ít ra công ty cũng còn làm ăn lây lất.
- Tôi chưa muốn làm chuyện gì mới cho đến khi tôi sẵn sàng một trăm phần trăm.
- Tôi muốn đọc thêm sách nhưng chẳng có thời gian.
- Tôi muốn thử yêu lần nữa, nhưng chỉ khi nào mọi thứ khác trong cuộc sống được giải quyết ổn thỏa đã.
Hãy nhớ rằng bất cứ khi nào bạn thốt ra câu nói “tôi muốn… nhưng…” thì bất cứ thứ gì theo sau chữ nhưng đều có thể là những con bò.
Jonathan tự cho mình là người cầu toàn. Theo quan điểm của riêng tôi, sự cầu toàn là một trong những con bò tệ hại nhất. Một lần nữa, lý do chỉ đơn giản thế này: Đó chính là một con bò, nhưng được ngụy trang dưới lớp vỏ “chất lượng thỏa đáng”. Và khi đó, nó trông có vẻ như một đức tính chứ không thể là một thói xấu.
“Nếu chuyện đó đáng làm, thì phải làm cho đến nơi đến chốn, còn không thì thà đừng làm. Tôi là vậy đó.”
Bạn đã nghe người nào nói như vậy chưa? Làm sao có thể không đồng ý được? Vì điều đó mang đầy tính trách nhiệm, sự tận tụy, và sự cống hiến cao độ để đạt được cái tốt nhất. Vấn đề ở đây là đối với nhiều người trong chúng ta, nó trở thành một lời biện bạch như bất cứ một lời biện bạch nào khác. Nó làm chúng ta tê liệt vì chúng ta cảm thấy như thể mình chưa bao giờ hoàn toàn sẵn sàng. Thật ra
cách duy nhất để làm điều gì đó thật tốt là phải thực hành nhiều và nắm bắt mọi cơ hội để tiến hành việc đó ngay lập tức.
Nói cách khác, lời phát biểu đúng nên là “nếu chuyện đó đáng làm, thì ta nên làm từ bây giờ, dẫu không được tốt, nhưng ta nên làm cho đến lúc thành thục mới thôi.” Cho nên ta phải khởi động càng sớm càng tốt. Và tiến hành với khả năng sẵn có.
Sự cầu toàn của Jonathan nghe giống như sau: “Tôi yêu càu mọi thứ phải đạt chất lượng, đối với hàng hóa tôi mua, với dịch vụ tôi cần, với thái độ và sự thực hiện công việc của những người khác cũng vậy. Và tôi đặc biệt đòi hỏi chính bản thân mình. Tôi luôn đòi hỏi mình đạt đến một tiêu chuẩn cao hơn những người khác.”
“Dĩ nhiên,” anh ta nói với tôi, “tôi mở rộng những đòi hỏi này sang cả vợ con mình. Đã có lúc tôi ép con trai làm bất cứ việc gì cũng phải thật hoàn hảo, đến nỗi tất cả những lời nhận xét của tôi đều là những lời la mắng và chỉ trích. Tôi nhận thấy mình luôn luôn vạch ra những sai sót và khuyết điểm. Dần dần, mối quan hệ của chúng tôi trở nên xấu đi. Con trai tôi đã phải chịu áp lực liên tục. Vô tình, tôi truyền cả con bò tệ hại này sang cho nó khiến nó bắt đầu phát cáu.
“Cuối cùng tôi nhận ra rằng mình không cần đòi hỏi sự cầu toàn từ con cái vì muốn chúng hiểu được tầm quan trọng của sự tuyệt hảo. Và bạn biết không? Giờ đây tôi không đòi hỏi hay chỉ trích nữa, con trai tôi bắt đầu tự mình hiểu rằng nó không bao giờ nên thỏa hiệp với sự tầm thường, và đó chính là bài học tôi muốn dạy con.”
Jim, giám đốc điều hành của một công ty y tế lớn, cũng tự nhận mình là người cầu toàn. Anh ta đã ngạc nhiên phát hiện ra rằng
chính con bò - sự cầu toàn đã hủy hoại sự nghiệp của mình. Với kiến thức căn bản trong kinh doanh, anh ta không hề giao những việc quan trọng cho ai hết, mà tự mình làm tất cả. Anh ta từng nói: “Nếu bạn muốn được việc, hãy tự mình làm lấy”. Thậm chí ngay cả khi giao việc, anh ta cũng quản lý và kiểm soát chặt chẽ đối với mọi quyết định được đưa ra.
Anh ta mang trên mình một con bò khổng lồ của sự cầu toàn, và cảm thấy rất tự hào. Anh ta nhìn nhận nó như huy hiệu của sức mạnh và sự tự lập. Nhân viên của anh ta lại nghĩ khác. Họ gán cho anh ta cái nhãn “ác ôn”, “có cách lãnh đạo kinh khủng,” và không thể gần gũi với người khác”, cũng vì sự thiếu tin tưởng vào khả năng của nhân viên. Vấn đề của anh ta cũng không xa lạ gì trong giới các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp. Con bò cầu toàn dần dà làm tê liệt bất cứ một tập thể nào và cuối cùng hủy hoại toàn bộ doanh nghiệp.
Con bò mang tên “Tôi cảm thấy bất lực”
- Tôi không giỏi những việc như vậy.
- Tôi nghĩ rằng không phải ai cũng có thể thành công.
- Tôi mập là do gene di truyền rồi. Còn có thể làm gì được nữa. - Khó mà bỏ được thói quen xấu từ hồi nhỏ đến giờ.
- Cũng tại tôi hay mắc cỡ. Mà nhà tôi ai cũng vậy.
Hầu hết những hạn chế chúng ta có đều là do những ý tưởng phi lý về khả năng của chính mình.
Lần đầu tiên tôi xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Tây Ban Nha, tôi mang đến độc giả của tôi cơ hội chia sẻ với tôi những con bò mà họ đã xóa bỏ được nhờ đọc cuốn sách này. Tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện của Rodrigo, một anh bạn trẻ ở Argentina đã kể về chiến thắng của cá nhân mình. Có lẽ câu chuyện của anh cũng chẳng lấy gì làm to tát đối với những ai muốn từ bỏ một đam mê hoặc kết thúc một mối quan hệ tủi hổ, nhưng tôi nghĩ rằng đây là hiện tượng chung của nhiều người vẫn hay cho phép con bò “Tôi cảm thấy bất lực” chi phối cuộc đời họ.
Con bò của Rodrigo có tên “Tôi khiêu vũ dở tệ,” anh ấy viết. “Sau khi đọc cuốn sách của ông, tôi nhận ra khả năng khiêu vũ của mình sẽ không bao giờ khá hơn nếu cứ ngồi yên mà không làm gì khác. Tôi quyết định đăng ký một lớp học khiêu vũ. Tôi chọn học điệu salsa, một nhịp điệu hoàn toàn xa lạ với tôi. Lúc đầu, tôi nhảy thật chẳng giống ai. Một thời gian sau tôi mới có thể thả lỏng cơ thể, nhưng khi làm được vậy, cảm giác thật thoải mái. Bây giờ tôi tự nhận thấy mình khiêu vũ khá tốt.”
Đừng thừa nhận bất cứ hạn chế nào mà không tìm hiểu chúng. Có lần, trong khi đang nói chuyện với một nhóm sinh viên về đề tài này, và để kết luận, tôi hỏi một sinh viên có phải anh ta là một cầu thủ ném phạt giỏi không. Cậu ấy trả lời không chút đắn đo: “Dạ không đâu, không phải em. Em không giỏi môn bóng rổ.”
“Em thử chưa?” tôi hỏi.
“Dạ chưa. Chưa bao giờ.”
“Vậy làm sao em biết được em không giỏi? Có khi em lại có năng khiếu với nó nữa. Nhiều khi nó còn dễ hơn em tưởng nhiều.”
Và tất cả bọn họ hiểu ra vấn đề. Bạn không thể giả định là bạn không giỏi thứ gì đó chỉ vì bạn chưa thử qua. Chúng ta chỉ có thể học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm bằng hành động thực tế. Vậy nên nếu bạn muốn loại trừ con bò này, bạn phải hành động.
Khi tôi đang viết về phần này và liên tưởng đến Rodrigo cùng khả năng khiêu vũ của anh ta, và về anh bạn trẻ không giỏi môn bóng rổ, tôi nhìn thấy một thành ngữ, hoàn toàn tình cờ, mà tôi nghĩ rằng nó là gốc rễ của những kỳ vọng thấp như vậy. Câu thành ngữ đó, mặc dù sống sượng, lại cho ta một cái nhìn thấu đáo về tính cách của những người không bao giờ sẵn sàng nắm bắt bất cứ cơ hội nào, mà chỉ để cho con bò “Tôi cảm thấy bất lực” bịt mắt không cho mình nhìn thấy những năng lực thật sự của bản thân. Câu thành ngữ đó là: “Thà im lặng để họ tưởng mình ngu còn hơn nói ra để họ biết mình ngu thật”.
Bi kịch ở đây, dĩ nhiên, là sự giả định ngầm rằng chúng ta chẳng có tài cán gì, rằng có thử thì cũng chẳng được gì, và rằng nếu có làm thử thì cũng chỉ chuốc sự bẽ bàng vào thân. Đó cũng chính là thứ đã khiến Rodrigo bỏ qua nhiều cơ hội cho đến khi anh tự hỏi “Tại sao không thử xem?”
Con bò mang tên “Triết gia”
- Vấn đề không phải thắng hay thua; mà là bạn đã thi đấu như thế nào.
- Nếu Thượng Đế muốn tôi thành công, Người sẽ chỉ cách cho tôi. Vấn đề của tôi là kiên nhẫn đợi.
- Thật không may là tôi không được sinh ra trong bọc điều.
- Thành công không phải do bạn biết cái gì, mà là do bạn quen biết những ai, mà tôi thì chẳng quen ai cả.
- Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa.
Tôi gọi đây là những con bò “triết gia” vì chúng minh họa mức độ chúng ta sẽ đạt tới trong quá trình tìm kiếm những diễn giải đầy vẻ uyên thâm để bảo đảm cho những lời biện bạch của bạn không mang vẻ… biện bạch.
Tôi có một người quen thường hay nói những câu cửa miệng như “Vấn đề không phải bạn biết cái gì, mà là bạn quen biết những ai” để giải thích vì sao trong sự nghiệp, anh ta cứ giậm chân tại chỗ hoài. Không phải vì anh ta không học thêm để bắt kịp xu thế phát triển, cũng không phải vì anh ta không bao giờ tự giác làm bất cứ thứ gì ngoài phạm vi công việc được giao. Đối với anh ta, không được thăng tiến là bởi vì anh ta không phải con ông cháu cha trong công ty.
Đối với Carla, con bò của cô ấy là “Vấn đề không phải thắng hay thua, mà là bạn đã thi đấu như thế nào”, vốn không có vẻ gì là một cách sống tồi. Nếu bạn không xem xét con bò này kỹ lưỡng, bạn sẽ chỉ nhìn thấy ở nó những phẩm chất cao quý. Tuy nhiên, hãy thử phân tích các hậu quả của việc sở hữu con bò này. Làm sao bạn có thẻ chơi hết sức mình nếu bạn cho rằng thắng hay thua cũng chỉ
như nhau? Tôi phải nói rằng trong nhiều buổi hội thảo của tôi, nhiều khán thính giả tỏ ra rất khó chịu với đề tài này. Đối với một số người, cái châm ngôn này đã ăn sâu vào tiềm thức của họ đến nỗi họ tỏ ra khó chịu vì tôi đã quá xem trọng chuyện thắng thua. Thậm chí một số người còn cho rằng chuyện thắng thua đã bị thổi phồng.
Tôi không có ý tỏ ra giáo điều với các bạn về vấn đề này. Điều quan tâm duy nhất của tôi là chúng ta tìm hiểu xem liệu khư khư với những suy nghĩ như vậy là có lợi hay có hại.
Trong một buổi hội thảo đặc biệt, tôi nhớ đã từng hỏi các thính giả lúc đó: “Nếu chuyện thắng thua thực sự không quan trọng với bạn, thì có bao nhiêu người trong số các bạn ở đây không thấy buồn vì mình thua thiệt trong cuộc sống?” Không có một cánh tay nào giơ lên.
Bạn thấy đó, nếu những mất mát của bạn chỉ là thua một ván cờ, thì có lẽ cũng chẳng đáng bận tâm. Nhưng chúng ta không dễ dàng chấp nhận viễn cảnh thất bại khi mục tiêu, mơ ước và hạnh phúc của mình đang bị đe dọa.
Vấn đề lớn nhất của lối suy nghĩ này là một khi bạn bằng lòng với nó trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, bạn cũng sẽ chấp nhận chúng như những nguyên tắc hướng đạo trong những lĩnh vực khác.
Ngoài ra, trước khi bạn quá nhanh nhẩu quyết định chấp nhận một chỉ dẫn mới mẻ nào đó, hãy cân nhắc nguồn gốc của nó. Hãy nghĩ xem ai đã thốt ra câu nói như vậy? Tôi nghĩ người nói điều đó với bạn không phải người đã chiến thắng. Thật sự mà nói, con bò này là
tượng đài siêu lớn tượng trưng cho sự tầm thường. Mặc dù không cố ý, Carla lại trở thành nạn nhân của lối suy nghĩ xoa dịu nỗi đau khi nghĩ đến thắng lợi đạt được chính là ở chỗ bạn đã làm hết sức mình.
“Ý tưởng phi lý này đã cản trở khả năng và ý chí chiến đấu của tôi,” cô ấy nhớ lại. May thay, cô ấy đã có thể xua đuổi con bò đó đi. Bây giờ, nếu chưa đạt được kết quả mong muốn, cô ấy sẽ tìm chỗ sai, thay đổi chiến thuật, tìm sự hỗ trợ, và thử lại lần nữa. Chiến thuật mới của cô ấy là làm bất cứ thứ gì có thẻ cho đến khi đạt được nhiều mục tiêu, tất nhiên là nằm trong khuôn khổ quy tắc và các giá trị đã đề ra. Hoan hô!
Con bò mang tên “Tự huyễn hoặc mình”
- Tôi bỏ thuốc lúc nào mà chẳng được. Chỉ là tôi chưa quyết định bỏ đó thôi.
- Tôi không phải là người để nước đến chân mới nhảy; chỉ là vì khi có áp lực tôi làm việc mới có hiệu quả.
- Tôi chẳng ngại vì mình quá béo. Vả lại tôi có nhiều cái khác để người ta yêu.
- Không phải tôi hay chửi mắng con cái. Chẳng qua thương thì cho roi cho vọt thôi.
- Đâu phải tôi khoái nhậu. Anh đã nghe người ta nói đến việc ăn nhậu để duy trì mối quan hệ xã hội chưa?
Bạn thấy có một mẫu số chung trong tất cả những phát biểu này chứ? Tất cả chúng đều ru ngủ chúng ta để chúng ta tin rằng mình thật sự chẳng có vấn đề gì cần phải thay đổi, có chăng thì cũng chỉ là chuyện nhỏ, hoặc chuyện ngoài tầm tay. Thường chúng ta đưa ra những lời biện bạch này khi không muốn loại bỏ một thói quen xấu, chẳng hạn như tính hay trì hoãn, nghiện thuốc, nhậu nhẹt hoặc tính háu ăn.
Trước đây, tôi từng nhận được một email của Cathy, một phụ nữ trẻ, kể với tôi cách cô ấy chiến thắng tình trạng béo phì của mình. Để tránh phải giải quyết vấn đề tăng cân, cô ấy bịa ra cả một bầy bò để khỏi cảm thấy xấu hổ về chuyện mập ù của mình. “Mình đâu có mập, chỉ hơi mũm mĩm một chút”, “Đó là do di truyền mà”, “Chỉ tại mình to xương”, “Có phải lỗi của mình đâu, trong gia đình mình ai chẳng to con?”.
Bất hạnh thay, không có lời lẽ nào trong số này là thỏa đáng, và cô vẫn cảm thấy khổ sở. Cathy hiểu rằng khi nào còn có người nào hoặc thứ gì đó để cô đổ lỗi cho vấn đề béo phì của mình, cô sẽ không bao giờ có thể giảm cân và lấy lại sự tự tin với vóc dáng thon gọn được. Cuối cùng, cô quyết định hành động.
“Tôi quyết định loại bỏ vĩnh viễn những con bò đó; tôi đi bơi và tập aerobics dưới nước. Tôi ăn uống điều độ hơn, và tôi tin rằng mình sẽ thành công. Tôi cảm thấy khỏe hơn về mặt thể chất và tin sẽ sớm đạt được vóc dáng mình mong muốn”.
Tuyệt vời!
Hãy nhớ rằng tất cả những con bò mà tôi đã nêu ra đều có một điểm chung, đó là chúng trói buộc bạn vào một cuộc sống tầm thường. Việc thủ tiêu những con bò bằng với sự loại bỏ tất cả những câu nói đó ra khỏi vốn từ ngữ của bản thân, và điều này trong tầm tay bạn. Đây là lựa chọn của chính bạn.
5. NGUỒN GỐC: BÒ Ở ĐÂU RA?
Khi còn là một cô bé, tôi rất gầy, nhưng trong tuổi thiếu niên tôi bắt đầu mập ra. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi ngừng theo đuổi các môn thể thao tranh tài và biện bạch là không có thời gian. Tôi bắt đầu nghiện ăn và chỉ sau một thời gian, tôi tăng cân thấy rõ, vì tôi không thể ngừng ăn vặt. Như thể chừng đó còn chưa đủ, sau một thất bại trong quan hệ tình cảm, tôi đầu hàng vô điều kiện, và hoàn toàn không kiểm soát được cân nặng của mình. Tôi đã quen với sức nặng thân thể và bắt đầu chấp nhận hình thể mới. Công việc của tôi vẫn tốt; tôi có bạn mới và bắt đầu tiệc tùng, nhưng thực ra, tôi đang tự dối mình. Tôi biết mình chẳng vui vẻ gì. Một hôm, tôi cảm thấy chán ngán cuộc sống đó và quyết định loại bỏ phần trọng lượng thừa và những lời biện bạch của mình. Tôi điều kiện đi tập thể dục thẩm mỹ năm lần một tuần, và bắt đầu ăn uống điều độ. Trong năm rồi, toi đã xuống được hơn 30 kilogram và duy trì trọng lượng cơ thể ổn định trong ba tháng gần đây. Nhưng điều quan trọng hơn là tôi cảm thấy thoải mái hơn, khỏe mạnh hơn, trẻ trung hơn, hấp dẫn hơn. Và điều làm tôi cảm thấy vui hơn cả là tôi trở thành một ví dụ gợi cảm hứng cho những người khác trong gia đình, bạn bè và cả đồng nghiệp.
Claudia, Lima, Peru
Chúng ta không bao giờ có ý định - hoặc ít ra là tự giác - bỏ cả cuộc đời mình để chăm sóc và nuôi dưỡng những con bò được bố mẹ truyền lại cho chúng ta hay những con bò mình nhặt lấy trong cuộc sống. Chúng ta cũng không sẵn sàng để thích nghi với những thái
độ và hành vi có khả năng hủy hoại thành công của mình chỉ vì muốn chứng minh một quan điểm nào đó là đúng.
Nghe có vẻ phi lý, nhưng đa số lời biện bạch và các thái độ tạo ra sự hạn chế mà chúng ta thừa nhận vốn là kết quả từ những dụng ý tốt. Đằng sau mỗi hành vi, bất kể nó có thể mang tính tự hủy hoại như thế nào, đều chứa đựng một ý định mang tính tích cực. Nói chung, chúng ta không ai lại chấp nhận những thói quen xấu để rồi làm hại đến chính mình. Chúng ta đơn giản chỉ tin rằng chuyện đó nhất định có lợi cho chúng ta theo một khía cạnh nào đó.
“Tôi bỏ thuốc lúc nào mà chẳng được. Vấn đề là tôi chưa muốn bỏ thôi.” Sự bào chữa này chỉ giống như một lối thoát nhằm né tránh vấn đề. Đây là lối thoát dễ dàng cho những người không thể bỏ được thói nghiện, kéo dài hành vi nguy hại của họ, che giấu sự bất lực trước thói nghiện này, và đồng thời để bảo vệ sĩ diện cho mình.
Con bò này cung cấp cho họ nhận thức giả tạo là họ đang chủ động điều khiển mọi việc. Nó che giấu thực tế là chính thói quen xấu đang điều khiển họ. Điều tệ hại nhất là họ có thể mang theo con bò này suốt đời mà không hề làm gì để giải quyết nó.
Cũng giống như con bò này, còn có vô số niềm tin sai lầm khác mà chúng ta vẫn mang theo bên mình mà mục đích duy nhất của chúng là giúp ta tránh cảm giác bất lực. Một trong những con bò thông thường có sức tàn phá lớn nhất có tên
“Tôi không giỏi việc đó”. Bạn không thể tưởng tượng nổi có bao nhiêu người sẵn sàng đưa ra lời biện giải này như một phản ứng tự động trước hầu như bất cứ yêu cầu nào - ở trường học, ở nhà, hay
ở chỗ làm. Hãy xem những câu nói dưới đây có nghe quen tai không nhé:
Christine: James, thầy muốn em thuyết trình năm phút trước lớp với bất cứ chủ đề nào em thích.
James: Thưa thầy, thầy có thể yêu cầu em làm gì cũng được, chỉ cần không phải thuyết trình. Em thuyết trình dở lắm. Vì vốn dĩ em nhát như cáy rồi.
George: Cindy, tôi muốn cô gọi cho khách hàng và thông báo với họ về dòng sản phẩm mới của công ty.
Cindy: Thôi mà, không phải là tôi chứ! Tôi có biết gì về buôn với bán đâu. Chuyện đó đâu phải dành cho tôi.
Amanda: Ok, Carl, anh sẽ chịu trách nhiệm viết báo cáo.
Carl: Chị có đùa không? Tôi có zero khả năng viết lách. Tôi khổ với nó cả đời rồi!
Điều tệ nhất ở đây là hầu hết những người đó đã rất nhanh chóng xác nhận điểm yếu của mình mà chẳng hề biết mình có thật sự yếu kém thế không. Tôi gặp Frank trong một buổi thuyết trình có hơn 5.000 người tham dự.
Trong khi tôi đang chuyện trò ngẫu nhiên với vài người trong số cử tọa trước khi lên sân khấu, Frank thú nhạn với tôi rằng sự nhút nhát
của anh ấy quá nặng đến nỗi trong đời mình, anh chưa bao giờ có thể trình bày suôn sẻ một vấn đề nào đó cho một nhóm có nhiều hơn bốn đến năm người nghe.
Nếu phải làm vậy, anh sẽ ngượng ngập và bất an đến toát mồ hôi; anh ta không thể tập trung được tư tưởng và đôi khi thậm chí không thốt được tiếng nào. Những trường hợp như thế này có phần nào không bình thường, nhưng với những người bị tình trạng này thì đó là cả một cuộc đời bị tra tấn và đau khổ.
Ngay trước khi bước lên bục, tôi hỏi liệu lát nữa đây anh ta có đồng ý giúp tôi một việc không, nhưng tôi không cho anh ta biết đó là việc gì. Anh ta đồng ý mặc dù có phần lưỡng lự. Vậy nên, không nói gì thêm nữa, tôi yêu cầu anh ta lên hàng ghế đầu ngồi. Và rồi, trong buổi thuyết trình, tôi yêu cầu anh ta bước lên sân khấu. Tôi đang trình bày về năng lực thuyết phục, trong phần thực tập bán hàng, tôi yêu cầu anh ta giới thiệu sản phẩm cho toàn bộ khán thính giả.
Có lẽ Frank cảm thấy anh ta đang trải qua cơn ác mộng tệ hại nhất của đời mình. Làm sao tôi có thể gọi anh lên đây sau khi anh đã thú nhận hết với tôi về tính nhút nhát của mình vài phút trước đó? Lúc lên sân khấu, bước chân của anh ta có vẻ hơi run rẩy. Mặc dù anh ta đã chắc chắn với tôi là anh ta rất muốn loại bỏ con bò đó, nhưng tôi ngờ rằng anh ta không muốn ra tay trước mặt 5.000 người lạ như lúc này. Chúng tôi bắt đầu một cách chậm rãi. Lần thử đầu tiên của anh ta còn xa mới được xem là đạt, nói một cách châm chước. Sau khi thực hiện xong, tôi cho anh vài góp ý để giúp cho việc giới thiệu sản phẩm của anh thêm phần nhiệt tình. Anh ấy thử lại lần nữa. Và tôi lưu ý anh vài điều nữa, rồi anh lại thử.
Những gì xảy ra tiếp theo chắc chỉ thua phép màu chút đỉnh mà thôi. Mười phút sau, con người từng hơn 50 năm là nạn nhân của con bò “Tôi mắc cỡ lắm!” bây giờ còn có thể kể chuyện tiếu lâm và làm cho khán giả gào lên và vỗ tay ầm ầm. Chúng tôi gặp lại sau buổi thuyết trình hôm đó và nói chuyện với nhau, lúc này anh ta đã bình tĩnh lại. Điều duy nhất anh ta có thể nói với tôi là: “Tôi không ngờ mình có khiếu trong chuyện này!”.
Vì sao chúng ta lại thừa nhận những niềm tin làm giới hạn khả năng của bản thân mà hầu như không mấy khi dám tự hỏi liệu những niềm tin đó là đúng hay sai? Sao bạn có thể để bị thuyết phục và tin vào những thiếu sót và khuyết điểm của bản thân để rồi sau đó, giống như Frank, mới phát hiện rằng mình đã sai? Sao bạn lại có thể để bị thuyết phục và tin rằng bạn không làm được điều này điều kia trước khi bạn làm thử?
Hãy xem bạn cả tin đối với những lời biện bạch này như thế nào. Ví dụ như bạn học một nghề nghiệp hay một chuyên môn, một phận sự hay một công việc nào đó mà bạn cảm thấy mình làm tốt, bạn thích thú với công việc và phát triển kỹ năng đặc biệt cho lãnh vực đó. Một thời gian sau, bạn tự nhủ: “Chà, đây chính là năng khiếu của mình! Mình thật sự giỏi trong lĩnh vực này!”; một số người còn quá đà hơn nữa, và tuyên bố: “Đây chính là định mệnh của mình!”.
Nếu chỉ vậy thì chẳng có gì đáng nói. Việc phát hiện ra tài năng tự nhiên trong một lĩnh vực nào đó chẳng có gì sai. Rắc rối với quá nhiều người chỉ bắt đầu khi họ đưa ra kết luận sai lầm là họ chỉ có thể giỏi trong một lĩnh vực nào đó, như trong những lời nhận xét trên đây cho thấy.