🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ngân Hàng Đột Phá - Brett King Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC | TABLE OF CONTENTS Lời cảm ơn Phần giới thiệu: Sự hồi sinh và tái thiết của ngành ngân hàng Chương 1: Hướng đi mới trong lĩnh vực tín dụng và cho vay Chương 2: Thời đại của thanh toán nhanh hơn, thông minh hơn Chương 3: Xây dựng thương hiệu mà không cần đến Chương 4: Truyền thông thương hiệu ngân hàng đã thay đổi như thế nào? Chương 5: Thói quen dùng ngân hàng đã thay đổi! Chương 6: Bitcoin – Dấu chấm hết cho tiền mặt? Chương 7: Quản lý và nâng cao tài chính cá nhân Chương 8: Trải nghiệm ngân hàng trong thời đại công nghệ mô phỏng con người Chương 9: Ngân hàng thế hệ mới Chương 10: Những trải nghiệm được khách hàng yêu thích Chương 11: Tiền có thể mua được hạnh phúc! Kết luận: Cải tổ và xây dựng, thay vì phá vỡ Lời cảm ơn Nhờ vào sự hỗ trợ của một số bạn mà tôi mới có thể hoàn thành cuốn sách Ngân hàng đột phá này, cũng như thực hiện tiếp những việc mình đang làm. Đầu tiên, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Rachel Morrissey, người đã giữ cho tôi luôn tỉnh táo và mọi việc diễn ra suôn sẻ, đến Randall và đội ngũ tại Voice America vì đã cho tôi cơ hội thực hiện chương trình Radio Show mà từ đó ý tưởng về cuốn sách này được thành hình. Tiếp đến, xin chân thành cảm ơn những cộng tác viên và đáp viên phỏng vấn tuyệt vời, đã dành thời gian quý báu và hỗ trợ cho cuốn sách này, tất cả họ đều vô cùng kiên nhẫn, trải qua nhiều vòng biên tập và những tình huống phát sinh ngoài dự kiến khác. Tôi xin cảm ơn đội ngũ và những người ủng hộ ở Moven, họ vẫn tiếp tục hỗ trợ nhiệt tình trong suốt hành trình nhiều khó khăn nhưng cũng rất tuyệt vời này; xin cảm ơn cộng đồng bloggers, bạn bè và những người đã ủng hộ tôi, theo dõi chương trình của tôi hằng tuần, chia sẻ trên Twitter, và lan tỏa thông điệp, có thể kể đến Sudu, Jim Marous, Dave Birch, Brad Leimer, Dave Gerbino, Serge Milman, Robert Tercek, Bruce Burke, Duena Blomstrom, Mike King (không có liên hệ họ hàng với tôi), nghệ sĩ thiết kế bìa sách J.P.Nicols (không có chữ h), Ron Shevlin, Deva Annamalai, Jeff Stewart, Matt Dooley, John Owens, Bryan Clagett, Jason Cobb, Adam Edge, Jenni Palocsik, Matt West, Jay Rob, Lydia, và rất nhiều người thường xuyên theo dõi mà tôi chắc chắn không thể kể hết ra đây; xin cảm ơn Uday Goyal, Sean Park, Sim, Pascale, Naoshir, Nadeem, Yann và đội ngũ tại Anthemis, những người chưa bao giờ khiến tôi hết kinh ngạc vì mối quan hệ rộng rãi và sự ủng hộ của họ. Xin cảm ơn Nick Wallwork, Jeremy Chia và đội ngũ tại John Wiley & Sons vì sự hỗ trợ của họ. Xin cảm ơn Jay Kemp, Tanja Markovic, Jules và đội ngũ tại ODE, những người đã hết lòng hỗ trợ nỗ lực của tôi nhằm giữ cho thông điệp cải cách lan truyền mạnh mẽ trong khoảng 100 ngày của năm nay. Và cuối cùng, xin cảm ơn những nhà cải tổ, phát kiến, kỹ sư, doanh nhân, nhà đầu tư và những người đặt niềm tin vào việc thay đổi thế giới ngân hàng từng ngày một. Phần giới thiệu Sự hồi sinh và tái thiết của ngành ngân hàng Đột phá là một khái niệm còn tương đối mới mẻ trong ngành dịch vụ tài chính. Ngoài một vài ngoại lệ như áp lực bãi bỏ quy định trong những năm 1970, ngành ngân hàng không phải là môi trường của những phát minh nhảy vọt hay chuyển biến lớn trong tương quan giữa những bên có liên quan. Tất nhiên, luôn có những trường hợp mua bán sáp nhập, cũng như việc hợp nhất trong ngành thỉnh thoảng cũng xảy ra, nhưng chưa từng có chuyển biến nào mang tính đột phá sâu sắc như những gì chúng ta chứng kiến gần đây, chẳng hạn trong ngành công nghiệp âm nhạc hay xuất bản, hoặc động lực mới trong ngành viễn thông đi cùng với việc chuyển đổi từ điện tín sang điện thoại, và sau đó là từ điện thoại cố định sang di động hiện nay. Giữa đợt khủng hoảng tài chính năm 2009, Paul Volcker, cựu Cục trưởng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, đã lên tiếng chỉ trích ngành công nghiệp tài chính vì tính thiếu đột phá từ trước đến nay của nó: Tôi ước gì có ai đó cho tôi thấy một chứng cứ mỏng manh chỉ ra mối liên hệ giữa cải tiến trong ngành tài chính với lợi ích của nền kinh tế. – Paul Volcker bình luận trên tờ Thời báo Wall Street, bài viết Tương lai của sáng kiến tài chính, ngày 12 tháng 7 năm 2009 Volcker cho rằng phát minh lớn gần đây nhất trong ngành ngân hàng chính là chiếc máy ATM. Volcker có điểm đúng. Nhìn chung, ngành ngân hàng không có thay đổi vật chất thật sự nào trong hàng trăm năm nay. Nhìn bề ngoài thì hình thức hoạt động của các chi nhánh ngân hàng từ thế kỷ XIX cũng không khác mấy so với ngày nay. Dù chúng ta có một vài ý tưởng được gọi là ngân hàng của tương lai, nhưng thực chất cách chúng ta vận hành ngân hàng vẫn hầu như không có gì thay đổi trong suốt mấy trăm năm. Ít nhất đó cũng là thực tế cho đến chục năm trở lại đây, khi mạng Internet phát triển mạnh. Ngày nay, chúng ta chứng kiến nhiều chuyển biến đáng kể trong ngành ngân hàng, hành vi khách hàng và cách thức phân phối sản phẩm và dịch vụ ngân hàng. Chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi ngoạn mục bắt nguồn từ công nghệ như mạng Internet, mạng xã hội và ngân hàng trực tuyến. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây đã khiến niềm tin vào các thương hiệu ngân hàng nói chung sứt mẻ nghiêm trọng, và dù niềm tin này có thể được xây dựng lại trong thời gian tới, đây vẫn là nguyên nhân khiến cách tiếp cận truyền thống trong ngành ngân hàng bị thử thách một cách công khai. Chúng ta có mạng xã hội và sự tham gia của cộng đồng mang đến tính minh bạch trước đây chưa từng có đối với các thảo luận về tính hiệu quả của ngân hàng, dịch vụ hỗ trợ khách hàng và phí ngân hàng. Chúng ta có các mô hình hoạt động ngân hàng, thanh toán, và/hoặc các hình thức gần giống ngân hàng đang nở rộ và thách thức các hình thức truyền thống. Hoàn toàn có khả năng là các ngân hàng, với gánh nặng thủ tục, quy định nghiêm ngặt về an toàn vốn, cơ cấu cũ kĩ và cồng kềnh, cùng nhiều quy ước thâm căn cố đế, có thể gặp vấn đề khi tìm cách thích nghi với những thay đổi mang tính cốt lõi này. Hãy nghĩ đến Kodak, Borders và Blockbuster như những ví dụ về các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác đã phải đầu hàng trước những mô hình hoạt động đột phá hơn, thay đổi trong hành vi khách hàng hoặc chuyển biến công nghệ. Tuy nhiên, một số ngân hàng cũng có thể tồn tại mà không bị ảnh hưởng vì họ có khả năng hướng những nguồn lực có tính quyết định của mình vào việc cải tạo con thuyền lớn. Đó chính là thương hiệu và cách thức vận hành của ngân hàng. Họ có khả năng khoác lớp áo mới từ những trải nghiệm khách hàng sáng tạo và công nghệ tiên tiến lên trên hoạt động cốt lõi cũ, nhờ đó tạo ra hình thức mới mẻ, năng động và nhạy bén. Tuy vậy, hiện nay, khả năng đầu tiên có vẻ áp đảo hơn nhiều, hoàn toàn vì sức ỳ trong ngành ngân hàng đã bám rễ quá sâu trong các quy trình quản lý rủi ro và tuân thủ, kỳ vọng và thực thi các quy định, và hệ thống IT cổ lỗ từ 30-50 năm về trước không cách gì có thể đáp ứng được đòi hỏi của môi trường luôn vận động, kết nối đa chiều mà chúng ta đang sống. Vào tháng 5 năm 2013, khi tôi vừa xây dựng một chương trình phát sóng trên radio(1) đề cập đến những khái niệm và thắc mắc này, tôi đã đề ra mục tiêu phỏng vấn thường xuyên những con người đột phá nhất trong thế giới dịch vụ tài chính, những người thách thức các giới hạn và tìm cách đảo lộn hoàn toàn ngành ngân hàng truyền thống, cùng với những nhà lãnh đạo sáng tạo nhất trong ngành đang nỗ lực tìm cách giữ vững khả năng cạnh tranh của mình. Hai nhóm nhà kiến tạo đột phá này có thể đại diện cho hai mặt khác nhau của cùng một vấn đề, và dù cách tiếp cận của họ có thể khác nhau, nhưng những kinh nghiệm và bài học họ mang lại đều vô cùng lý thú. 1 Chương trình Breaking Banks được phát sóng trên mạng Voice America/World Talk Radio, đài radio trực tuyến nổi tiếng nhất và chương trình phát thanh thông dụng nhất trên Apple iTunes. Cuốn sách này không chỉ đơn thuần là bảng tóm tắt những cuộc phỏng vấn; mà còn thể hiện nhiều phân tích đối với các mô hình kinh doanh đang thành công, các khái niệm, cách tiếp cận và hướng xây dựng từ góc nhìn chiến lược dựa trên công nghệ và những thành tựu – từ góc nhìn về những thành công và cả những thất bại. Quan trọng hơn nữa, chúng ta sẽ phân tích những điều mà các ngân hàng truyền thống có thể học hỏi được từ những nhà kiến tạo trong công cuộc tiên phong cho những dự án hay kế hoạch đột phá, và cả những rủi ro họ có thể gặp phải nếu không chịu lắng nghe và học hỏi. Những cuộc phỏng vấn này đều rất sâu sắc và có khả năng dẫn dắt chúng ta theo những đường hướng mới. Chúng đồng thời cũng cho chúng ta những ví dụ thực tiễn về một số kỹ thuật và mô hình kinh doanh có khả năng tái định hình ngành ngân hàng trong vòng 20-30 năm sắp tới. Những dữ liệu thu thập được xung quanh các bài phỏng vấn và khái niệm này được xây dựng để giúp độc giả hiểu sâu sắc hơn về các mô hình và đưa ra những dẫn chứng thống kê và số liệu bổ trợ cho nhiều chiến lược. Trong những chương sau đây, độc giả sẽ được tiếp cận với nhiều chủ đề bao gồm cho vay P2P, Bitcoin, các loại tiền ảo hay tiền tệ mã hóa, ngân hàng ảo và tài khoản thanh toán ảo đảo ngược hoàn toàn những khái niệm cơ bản nhất về tài khoản ngân hàng, ảnh hưởng của mạng xã hội lên các thương hiệu ngân hàng lớn, những ngân hàng có mức tăng trưởng vượt bậc mà không cần đến hệ thống chi nhánh, các dấu hiệu nhận biết quan trọng nhất đối với sự thay đổi về hành vi người tiêu dùng, hoạt động ngân hàng bền vững, sự vững mạnh tài chính và những công cụ giúp con người tích lũy, làm thế nào mà các chiến dịch marketing biến mất dần trong khi trải nghiệm khách hàng lên ngôi, và bằng cách nào công nghệ có thể trở nên thân thiện, dễ sử dụng và đáp ứng trực tiếp nhu cầu của người dùng cuối. Nói tóm lại, là những năng lực cơ bản mới trong ngành dịch vụ tài chính cá nhân. Tuy nhiên, bí quyết đặc biệt của những cách tiếp cận mới mẻ này lại vẫn nằm ngay trong những cá nhân đang từng ngày dẫn dắt sự thay đổi. Đây không chỉ là việc ứng dụng một công nghệ đột phá hay việc bạn có đưa mạng xã hội hoặc thiết bị di động vào chiến lược giao dịch với khách hàng hay không. Đây là câu chuyện về động lực khiến những nhà sáng tạo này thử nghiệm những điều mới mẻ, về việc họ dự đoán tương lai của ngành này sẽ ra sao. Trong mỗi chương, tôi đối thoại với những nhà tiên phong trong ngành, hỏi xem họ có những dự đoán gì về tình hình ngành ngân hàng trong 5-10 năm tới. Đây là phần tôi thích nhất trong cuộc trò chuyện, bởi lẽ nó có thể cho thấy tiềm năng của những cách tiếp cận đột phá trong ngành ngân hàng, cho vay và tiếp cận khách hàng mà chúng ta đang thử nghiệm hôm nay có thể trở thành bước đột phá lớn trong dài hạn đối với ngành ngân hàng vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Đây là những con người sáng tạo đột phá nhất trong bối cảnh ngân hàng hiện nay. Hãy lắng nghe động lực giúp họ và doanh nghiệp của họ thành công. Hãy lắng nghe nguyên nhân khiến họ khởi đầu những cách tiếp cận mới, thách thức những khuôn sáo cũ. Nhưng hơn cả, hãy tưởng tượng xem những điều này sẽ đưa chúng ta đến đâu. Họ là những nhà tư duy sáng tạo, ý tưởng phá cách và chiến lược gia cải tổ ngành ngân hàng – hoặc thậm chí là đảo ngược ngành ngân hàng. Chương 1 Hướng đi mới trong lĩnh vực tín dụng và cho vay Khủng hoảng tài chính toàn cầu (The Global Financial Crisis) đã dẫn đến sự sụt giảm đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ trong mảng cho vay gia đình tại các nước như Hoa Kỳ hay Vương quốc Anh. Nhưng trong vài tháng trở lại đây, chúng ta đã bắt đầu thấy thị trường cho vay ấm dần lên, gần khôi phục về mức trước khủng hoảng kinh tế. Khi nói đến nghiệp vụ khởi tạo cho vay, những tổ chức cho vay truyền thống ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các dịch vụ và sàn giao dịch trực tuyến vì những hình thức này cung cấp nhiều thông tin và lựa chọn hơn, phương thức cũng linh hoạt hơn. Quy trình mới của các “tân binh” được thiết kế nhằm giảm thiểu cản trở (so với quy trình đăng ký khoản vay của các dịch vụ cho vay truyền thống) nên thời gian phê duyệt khoản vay được rút ngắn tối đa. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, lòng tin vào hệ thống ngân hàng truyền thống đã bị mai một đáng kể, lại thêm việc cho vay vốn đòi hỏi chi phí cao hơn, nên các doanh nghiệp đã quay sang sử dụng ưu thế của các công cụ mới trong thời đại công nghệ để đưa ra những giải pháp mới cho nhóm khách hàng không sử dụng ngân hàng, hoặc nhóm mong tìm một hình thức cho vay minh bạch hơn hay có lợi hơn về mặt chi phí. Cho vay là một dịch vụ đã tồn tại từ rất xa xưa. Trên thực tế, cho vay thậm chí còn xuất hiện cả ngàn năm trước khi tiền tệ chính thức hay hệ thống ngân hàng hoàn thiện xuất hiện. Các phát hiện khảo cổ trong hơn 150 năm qua đã tìm thấy hàng trăm ngàn tấm thẻ có niên đại xa nhất là vào khoảng năm 3000 trước Công nguyên (TCN). Những tấm thẻ này cho thấy bạc và lúa mạch (đôi khi có cả vàng) đã được sử dụng như một dạng tiền tệ chính và được tích trữ như của cải từ xưa. Những nhà buôn ở vùng Lưỡng Hà đã cho vay bằng bạc và lúa mạch, với lãi suất được quy định bằng luật(1) để tránh cho vay nặng lãi. Lãi suất hàng năm của những khoản vay bằng bạc được quy định là 20% và những khoản vay bằng lúa mạch là 33,3%. 1 Bộ luật ana ittisu của người Lưỡng Hà, có niên đại vào khoảng năm 3000 TCN, và bộ luật của Esnunna và Hammurabi, cả hai đều có niên đại 1800 năm TCN, đã đưa ra những quy định về usury và các hoạt động cho vay. (ND – từ đây trở về sau, những chú thích có chữ “ND” là của người dịch, “SGB” là của Saigon Books, những chú thích không đề thêm gì là của tác giả Brett King) Gần 4.000 năm sau, chúng ta vẫn còn sử dụng đúng những nền tảng cơ bản này trong mục đích cho vay: một nguyên tắc, một điều kiện, và một mức lãi suất. Việc tiếp cận với khoản vay ngày nay đã trở nên rẻ tiền và đơn giản. Tín dụng dưới hình thức giải ngân tự động, khoản vay cho sinh viên, khoản vay vào kỳ lương, vay thế chấp và thẻ tín dụng mọc lên như nấm tại các nước phát triển với đa dạng các hình thức. Tín dụng nhỏ và các hệ thống cho vay, được nhiều người biết đến gần đây với những hình thức như Grameen Bank(2) ở Bangladesh, và những mạng xã hội trực tuyến như Kiva.org(3), đã mang lại cơ hội tiếp cận tín dụng rộng rãi hơn cho những cộng đồng trước đây khó tiếp cận với vốn vay. 2 www.grameen-info.org. Grameen Bank ở Bangladesh là tổ chức tài chính vi mô, một hình thức ngân hàng đầu tư giúp hỗ trợ vốn vay cho người nghèo. Grameen Bank từng được trao giải Nobel Kinh tế năm 2006. (ND) 3 Kiva.org. là một tổ chức phi lợi nhuận, cho phép khách hàng cho các doanh nhân gặp khó khăn và sinh viên vay vốn qua mạng Internet, hoạt động tại hơn 80 quốc gia. (ND) Sự phụ thuộc của chúng ta vào tín dụng và cách chúng ta sử dụng tín dụng cũng đã thay đổi trong những năm gần đây. Vào đầu những năm 1980, tỷ lệ nợ trên thu nhập của hộ gia đình Hoa Kỳ là vào khoảng 60%. Đến thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008, tỷ lệ này đã vượt ngưỡng 100%. Trên thực tế, tại đỉnh điểm ngay trước khủng hoảng, tỷ lệ nợ trên thu nhập của hộ gia đình Hoa Kỳ đã bị thổi phồng lên đến mức gần 140%, trong khi tại Anh con số này lên đến gần 170%. Hiện nay, chỉ riêng chi tiêu qua thẻ tín dụng của hộ gia đình Hoa Kỳ đã ở mức bình quân 15.185 USD mỗi hộ, và đây là con số đã giảm so với mức gần 19.000 USD vào giữa năm 2008 (xem hình 1.1). Tin vui (đối với người tiêu dùng) là sau khủng hoảng tài chính, chúng ta đã dùng ít tiền đi vay hơn tại những nước như Hoa Kỳ và Anh. Trên thực tế, chúng ta nhận thấy tỷ lệ tiền vay trên tổng thu nhập của hộ gia đình đã giảm khoảng 20% kể từ khủng hoảng tài chính, khiến cho tỷ lệ này quay trở lại mức của năm 2002. Tin xấu là, vì tỷ lệ nợ xấu tăng vọt trong thời kỳ khủng hoảng nên sự sụt giảm này không đến từ hành vi tiết kiệm thuần túy của người tiêu dùng, mà chủ yếu là do sự gia tăng vũ bão của nợ xấu. Cốt lõi của gánh nặng nợ vay càng lúc càng tăng mà ta đang chứng kiến tại các nền kinh tế phát triển, thực chất là cả một hệ thống được xây dựng trên sự thiếu minh bạch về chi phí thật sự của các khoản vay, cũng như việc bạn không thể nắm bắt rõ được dòng tiền của mình. Hình 1.1. Tỷ lệ % của mức nợ trên tổng thu nhập của hộ gia đình tại Hoa Kỳ và Anh Nguồn: Cục Dự trữ Liên bang, BLS, Văn phòng Thống kê Quốc gia (Anh Quốc). Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, việc sử dụng nợ vay còn thấp; khi đó, tài khoản ngân hàng chỉ là một cuốn sổ tiết kiệm, và không có máy ATM, cũng không có thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ gì cả. Nếu bạn muốn tiêu khoản tiền đó, bạn phải mang sổ tiết kiệm đến chi nhánh ngân hàng, rút tiền mặt, nhờ vậy bạn sẽ thấy rõ ràng việc rút khoản tiền này ảnh hưởng thế nào đến tình hình tài chính của mình, và nhìn chung bạn sẽ không chấp nhận chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn có trong tài khoản. Thấu chi lúc ấy vô cùng hiếm gặp, séc sẽ bị hoàn trả nếu bạn không có đủ tiền trong tài khoản, và hình thức vay vốn thông dụng nhất là thế chấp nhà (chứ không phải thẻ tín dụng). Ngày nay, việc sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ thực sự đã khiến chúng ta ngày càng khó nhận biết được tốc độ chi tiêu của chính mình. Với 68% số hộ gia đình tại Hoa Kỳ mà đồng lương hằng tháng chỉ vừa đủ trang trải đời sống(4) thì đây là một vấn đề lớn. Dù có cố gắng đến mấy để cân đong đo đếm số tiền chi tiêu hằng ngày, phần lớn họ không thể theo dõi chính xác số tiền hiện có trong tài khoản của mình. 4 Theo Khảo sát của Hiệp hội Tiền lương Hoa Kỳ, tháng 9/2012 (xem Jim Forsyth, “Hơn hai phần ba người Mỹ đang sống vừa đủ trang trải bằng lương: Khảo sát”, Reuters News, 19/09/2012). Và kịch bản không thể tránh khỏi là người tiêu dùng, khi đến mua sắm nhu yếu phẩm hằng tuần tại siêu thị, rút ra chiếc thẻ ghi nợ và giao dịch bị từ chối vì họ đã tiêu nhiều hơn số tiền mà họ nghĩ. Hoặc tệ hơn nữa, họ đột nhiên ở vào tình thế thấu chi mà không hề biết cho đến khi họ ra máy ATM và phát hiện tài khoản đã âm đến 300 USD. Chúng ta cần phải thay đổi cách thức sử dụng tín dụng trong cuộc sống. Việc thể hiện các chi phí thực liên quan đến bất kì khoản nợ nào, dù là khoản vay sinh viên, thế chấp tài sản, thẻ tín dụng hoặc những khoản vay y tế ở Hoa Kỳ, sẽ phải đối mặt với yêu cầu ngày càng cao về tính minh bạch, rõ ràng một khi người tiêu dùng có điều kiện nhận biết những chi phí thực tế có liên quan. Cùng lúc đó, phê duyệt tín dụng cũng sẽ trải qua những thay đổi nhanh chóng trong thập kỷ tới khi phần lớn quá trình phê duyệt sẽ diễn ra gần như tức thời – nó sẽ không còn phát sinh dựa vào việc bạn đến chi nhánh ngân hàng điền đơn đăng ký vay nữa, mà sẽ dựa trên tình huống thực và được đánh giá căn cứ vào phương pháp xác định rủi ro xây dựng từ hành vi người tiêu dùng chứ không phải lịch sử tín dụng. KHI ĐIỂM TÍN DỤNG TRỞ NÊN QUAN TRỌNG HƠN RỦI RO THỰC SỰ Vào năm 2010, tôi chuyển đến sống ở Hoa Kỳ, và mặc dù tôi có một hồ sơ thu nhập tốt(5), lịch sử tín dụng hoàn toàn sạch sẽ ngoài nước Mỹ, một tài khoản tiền mặt đầy đủ, một hồ sơ đầu tư mạnh, và các khoản tín dụng hiện tại ở mức tối thiểu, tôi vẫn không thể nào có được hạn mức cơ bản cả tình lẫn tiền. 5 Bạn chỉ cần có thu nhập 300.000 USD mỗi năm, theo công cụ tương tác của tờ New York Times để có thể lọt vào “top 1%” người có thu nhập cao nhất. Vấn đề là hệ thống tài chính Hoa Kỳ đã trở nên quá phụ thuộc vào điểm tín dụng đến nỗi không thể đưa ra những quyết định đánh giá rủi ro mà không tham chiếu số điểm ấy. Trong đầu óc của nhiều người, điểm tín dụng đã trở thành một hình thức trừng phạt đối với những người vay tiền có hành vi không đúng đắn hơn là một công cụ giúp tiếp cận tín dụng(6). Phần lớn điểm tín dụng thường có khoảng trễ(7) từ 30 đến 60 ngày kể từ khi người tiêu dùng có hoạt động tín dụng (thay vì phải dự đoán chính xác khả năng phát sinh nợ xấu như mục tiêu ban đầu của nó), và người tiêu dùng thường nhìn thấy mức điểm tín dụng hoàn toàn khác so với mức mà bên cho vay nhìn thấy(8). 6“Mua sắm tại cửa hàng có thể dẫn đến trừng phạt đối với người đang vay tín dụng”, WNBF News, ngày 19 tháng 8 năm 2009, http://www.wmbfnews.com/story/10671306/store-purchases-could punish-credit-holders. 7 Xem thêm tại FICO http://www.myfico.com/crediteducation/questions/why-scores change.aspx. 8“Vấn đề thật sự của người tiêu dùng đối với Điểm tín dụng”, tạp chí Wall Street Journal, 25/09/2012. Với tiểu sử thu nhập và rủi ro đó, tôi lẽ ra là một trường hợp đi vay rất an toàn cho bất cứ tổ chức cho vay hoặc tín dụng nào, nhưng bởi lẽ tôi chưa có hồ sơ lịch sử tín dụng được xây dựng chi li, tôi đã trở thành một người vô giá trị trong mắt những nhà cho vay – và thế là điều này còn được diễn giải theo hướng tiêu cực, một giả định rằng tôi có vấn đề gì đó, vì tôi lọt vào trường hợp mà thuật ngữ trong ngành gọi là hồ sơ tín dụng mỏng. Nếu một ngân hàng nghiên cứu hành vi của tôi, họ sẽ thấy rằng tôi có khoản tiết kiệm đều đặn hằng tháng, và tôi chi tiêu ít hơn rất nhiều so với số tiền tôi kiếm được, và vì thế khả năng chi trả nợ hiện tại của tôi là rất cao. Hơn thế nữa, thu nhập của tôi tăng dần đều trong vòng bốn đến năm năm trở lại đây, và xu hướng này cho thấy khả năng trả nợ của tôi còn tốt lên nữa. Nhưng những thứ ấy chẳng hề có chút trọng lượng nào. Tính logic của một quyết định tín dụng chặt chẽ dựa trên rủi ro thực đã bị thay thế bằng một quy trình khác – một loại điểm chuẩn không phải là căn cứ tốt để phán đoán rủi ro nếu không có ít nhất hai đến ba năm lịch sử hoặc đầu tư cốt yếu để xây dựng nên mức điểm này. Bây giờ lại có một luận điểm khá hợp lý rằng, trong một cơ chế đòi hỏi sự tiếp cận thực sự và nhanh chóng đến các cơ sở cung cấp dịch vụ tín dụng, có thể là khi ta đang ở cửa hàng để mua hàng hóa, chúng ta cần một hệ thống tự động nào đó có khả năng đánh giá rủi ro. Khi không có hệ thống nào khác, có lẽ điểm tín dụng hoặc các công ty tín dụng là cách tiếp cận tốt nhất mà chúng ta có? Điều này có lẽ là đúng đối với nước Mỹ hồi thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng ngày nay, tổ chức Nghiên cứu Lãi suất công Hoa Kỳ đã báo cáo hệ thống hiện tại đưa ra nhận định tín dụng sai lầm lên đến 79% trường hợp(9). Hơn nữa, hệ thống này vô cùng tốn kém, dẫn đến quản lý nợ xấu kém, và được thiết kế để bảo vệ quyền lợi của người cho vay hơn là mang lại sự tiện lợi cho người đi vay, kể cả khi họ có hồ sơ tín dụng với mức độ rủi ro thấp hoặc trung bình. Cuối cùng thì điểm số tín dụng tốt nhất lại được dành cho những người thường xuyên vay tín dụng, thay vì những người chỉ chọn đi vay khi họ không còn cách nào khác. 9 Báo cáo của tổ chức Nghiên cứu Lãi suất công Hoa Kỳ, “Tổng quan về các tổ chức tín dụng đã lâu không được thực hiện”, Huffington Post, tháng 11/2012. Một phương pháp được chấp nhận để quản lý rủi ro tín dụng nói chung của các tổ chức cho vay hiện nay là tỷ lệ nợ xấu, được miêu tả cụ thể hơn là tỷ lệ thanh lý nợ xấu. Trong thời kỳ Khủng hoảng kinh tế toàn cầu (còn được gọi là Đại khủng hoảng hay GFC), các ngân hàng như Bank of America (BAC) chứng kiến tỷ lệ nợ xấu đối với các khoản vay thế chấp tăng vọt lên mức 24% vào năm 2010(10) và nợ xấu thẻ tín dụng lên đến mức 13,82% vào năm 2009(11). Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu đối với các khoản thế chấp của BAC đã trở về mức bình thường, vào khoảng 6,7%(12), và nợ xấu thẻ tín dụng cũng đã sụt giảm trên toàn nước Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang công bố tỷ lệ nợ xấu đối với các khoản vay thế chấp tài sản/ bất động sản ở mức 2,32% vào quý 1 năm 2013, và 3,8% đối với thẻ tín dụng(13). Lending Club, tổ chức cho vay ngang hàng (peer-to-peer P2P)(14) lớn nhất tại Hoa Kỳ, có tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 3% trong hồ sơ tín dụng của mình, tỷ lệ cực kỳ cạnh tranh so với các đơn vị khác trên thị trường(15). 10 Thống kê năm 2010 của FDIC, trong báo cáo “Tỷ lệ nợ xấu trong các khoản vay của 25 ngân hàng hàng đầu Hoa Kỳ”, JMAC Funding – ấn phẩm The Hard Money Pros, 02/06/2010. 11“Ngân hàng Bank of America né tránh vấn đề nợ thẻ”, Bloomberg, 24/08/2009. 12 “Tỷ lệ nợ xấu trong thế chấp tăng cao trong tháng 6”, tạp chí The Street, tháng 6/2013. 13 “Xử lý nợ xấu ở Cục Dự trữ Liên bang và Chi phí nợ quá hạn trên các khoản vay và cho thuê ở Ngân hàng thương mại, 2013”, Hội đồng quản trị Hệ thống Cục Dự trữ Liên bang, 15/11/2013. 14 Cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P): là cơ chế cho vay trực tiếp và tín chấp, giúp người đi vay uy tín mượn tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua trung gian. Đây là phương thức kết nối người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới cùng với hệ thống công nghệ tiên tiến. (Nguồn: kiemtoanpro.com) (ND). 15 “Tỷ lệ nợ xấu ở Lending Club & Prosper”, LendingMemo.com, 25/07/2013. Hình 1.2. Tổng nợ giải ngân (LendingClub.com) Trong vòng hai, ba năm trở lại đây, cho vay P2P đã cải thiện năng lực tài chính của mình để trở thành một lớp tài sản mới và giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức ổn định đáng nể. Lending Club hiện nay đã có tổng vốn vay vượt mức 3 tỉ USD (xem hình 1.2), thế tức là hơn cả hai lần con số tổng vốn vay 1,2 tỉ USD mà họ công bố vào tháng 1 năm 2013(16). Xem xét thêm việc họ vừa vượt mức 500 triệu USD vốn vay hồi tháng 3 năm 2012 thì đây quả là một đường cong tăng trưởng thành công vượt bậc. Lending Club giữ mức lãi suất trung bình hàng năm vào khoảng 13,34%, so với mức trung bình APR (lãi suất bình quân theo năm) 14,96% đối với thẻ tín dụng(17). Tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2013, Lending Club đã đạt được lợi nhuận bình quân 8,8% đối với các khoản “tiết kiệm” trong vòng 21 tháng hoạt động. Trong cùng khoảng thời gian này, các doanh nghiệp thuộc nhóm S&P 500 đã có 10 quý tăng trưởng âm liên tiếp, và chỉ đạt lợi nhuận trung bình 4,1%. 16 Thống kê của Lending Club. 17 “Lãi suất bình quân theo năm của thẻ tín dụng trung bình toàn quốc (nội bộ Hoa Kỳ), CreditCards.com. Đối với những người có mức độ xếp hạng tín dụng cao như khách hàng của chúng tôi, mô hình định giá dựa trên mức độ rủi ro mà chúng tôi áp dụng thường giúp họ tiết kiệm hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn USD so với thẻ tín dụng của các ngân hàng thông thường, khi họ phải chịu mức lãi suất cao tương đương với bất kì ai khác. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của chúng tôi có được là nhờ những khách hàng vay tín dụng có mức xếp hạng cao nhưng lại phải nhận dịch vụ không tương xứng ở các hình thức truyền thống. – Renaud Laplanche, CEO, Lending Club(18) 18 Banking4Tomorrow.com. Những dịch vụ P2P ở các thị trường khác cũng phát triển mạnh mẽ. Zopa tại Anh tính đến nay đã giải ngân hơn 400 triệu bảng Anh, và thị trường cho vay P2P tại Anh đã đạt mức 800 triệu bảng Anh (bao gồm những tổ chức như Ratesetter và Funding Circle). Nhưng còn thú vị hơn nữa là Zopa đang tăng trưởng với tốc độ ngày càng nhanh, đạt mức 60% so với cùng kỳ năm trước và tốc độ tăng trưởng gần đây đạt 90% so với cùng kỳ trong vòng 2 tháng trở lại đây, với 144 triệu bảng Anh trong hồ sơ tín dụng hiện tại của họ được giải ngân trong vòng 12 tháng trở lại đây(19). Tỷ lệ nợ xấu của Zopa ở mức 0,5% và lãi suất vay trung bình là 6,7%(20), thành tích cao nhất toàn ngành, với tỷ lệ nợ xấu chỉ bằng một nửa so với các ngân hàng hoạt động thành công nhất ở Anh(21). 19 Zopa Anh Quốc. 20 “Bạn có thể tin vào dịch vụ cho vay ngang hàng?”, The Telegraph (Anh Quốc), 03/03/2013. 21 Trong cùng kỳ, một trong những ngân hàng hoạt động tốt nhất tại Anh, HSBC, ghi nhận tỷ lệ nợ xấu là 0,9%, gần gấp đôi tỷ lệ của Zopa (Nguồn: Báo cáo thường niên của HSBC). Cho vay P2P hiện đang chiếm khoảng 3% thị phần cho vay cá nhân ở Anh (xét trên các khoản vay không thế chấp)(22). 22 Xem “Cho vay cá nhân tại Vương quốc Anh”, báo cáo MarketLine, tháng 10/2012. TÁI ĐỊNH VỊ DỊCH VỤ TÍN DỤNG Sau đây là nội dung một cuộc phỏng vấn với Giles Andrews, CEO và nhà đồng sáng lập Zopa. Nó có thể cung cấp những thông tin tuyệt diệu, giúp bạn đọc tìm hiểu sâu hơn các chi tiết nhằm lý giải tại sao mô hình P2P lại thành công vượt trội đến thế so với các phương thức tín dụng và cho vay truyền thống, và tại sao tỷ lệ nợ xấu đối với mô hình này lại chỉ bằng một phần nhỏ so với các ngân hàng lớn tại Anh, đặc biệt là trong trường hợp của Zopa. Brett: Giles, trước tiên hãy nói cho chúng tôi biết một chút về Zopa đi. Zopa là gì? Anh đã khởi đầu tạo dựng Zopa như thế nào? Mục tiêu của Zopa là gì, và hiện giờ anh đã đạt được gì rồi? Giles: Zopa là mô hình dịch vụ cho vay ngang hàng đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi được thành lập vào tháng 3 năm 2005. Cho vay ngang hàng có vẻ là một thuật ngữ khó hiểu, nhưng thật sự những gì chúng tôi làm thì lại rất đơn giản. Chúng tôi kết nối những người có vốn nhàn rỗi với những người có nhu cầu vay vốn. Và như vậy chúng tôi loại bỏ các ngân hàng trung gian, vì vậy cả hai bên đều có lợi. Chúng tôi chỉ có một mục tiêu đơn giản, đó là mang lại hiệu quả cao hơn trong một lĩnh vực tài chính mà chúng tôi nhận thấy đang hoạt động vô cùng kém hiệu quả – bằng cách mang lại giá trị lớn hơn cho người dùng ở cả hai vị thế tiết kiệm và đi vay. Brett: Anh là người đi tiên phong trong lĩnh vực này, vậy điều gì đã khiến anh tin rằng tồn tại nhu cầu đối với một cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt trong dịch vụ cho vay? Giles: Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên hiện lên trong đầu chúng tôi là câu hỏi: “Tại sao người tiêu dùng lại chịu thiệt thòi hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khi tiếp cận những dịch vụ tín dụng?”. Và chúng tôi đã kết luận rằng: Bởi vì có sự hiện diện của một thị trường (được gọi là thị trường trái phiếu), nó loại bỏ các ngân hàng trung gian, mang lại hiệu quả cao hơn và giá trị tốt hơn cho các doanh nghiệp lớn. Các công ty lớn không cần đến ngân hàng để vay tiền; họ chỉ đơn giản là phát hành nợ dưới dạng trái phiếu trên thị trường. Chúng tôi tự hỏi tại sao điều này không được ứng dụng đối với người tiêu dùng thông thường. Dữ liệu đã có sẵn, nhưng mô hình thị trường mở phụ thuộc vào dữ liệu của một bên thứ ba đáng tin cậy, và có rất nhiều dữ liệu người dùng hữu ích cho phép chúng tôi giữ vai trò kết nối. Chúng tôi nghĩ rằng mình có thể sao chép mô hình thị trường mở, nhưng dành cho người tiêu dùng. Brett: Đối với mô hình cho vay anh đã xây dựng, một trong những chủ đề mà chúng ta đã trao đổi trước đây là cách anh đánh giá rủi ro. Một trong những điều luôn khiến tôi kinh ngạc là sự vững mạnh của anh xét trên phương diện quản lý nợ xấu. Các anh là một trong những tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh tốt nhất trên thị trường Anh, nhờ vào việc đánh giá được nợ xấu trong số các khoản nợ không thanh toán được. Giles: Tôi nghĩ là tính từ lần cuối chúng ta gặp nhau đến nay, chúng tôi đã còn hoạt động tốt hơn nữa, Brett ạ. Chúng tôi đang có danh mục cho vay tốt nhất tại Anh. Chúng tôi đã giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới mức 0,8% trong suốt 8 năm qua. Nếu anh đặt nó vào bối cảnh phân tích thường niên thì rủi ro tín dụng thấp dưới mức 0,5% một năm, nhất là xét trên bối cảnh các ngân hàng khác đều ở mức từ 3-5% một năm. Thực tế, chúng tôi hoạt động tốt hơn họ (xét về kiểm soát nợ xấu). Tôi nghĩ một phần của thành công này đến từ việc xây dựng những mô hình tín dụng tại thời điểm mà cả thế giới ngày càng ngập chìm trong nợ nần và nỗi lo lắng thường trực về khả năng chi trả. Tại thời điểm hiện tại, năm 2013, khi chúng ta vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính thì những lợi ích mà chúng tôi đang mang đến cho khách hàng có thể được xem là hiển nhiên, đã rõ ràng. Nhưng vào thời điểm năm 2005, điều này lại không được như vậy – đặc biệt là đối với các ngân hàng lúc đó vẫn đang cho vay dựa trên lịch sử tín dụng của người dùng mà không hề nghi ngờ gì về tính bền vững của các khoản vay. Một phần nữa của thành công nằm ở việc chúng tôi đã may mắn xây dựng một mô hình tín dụng đúng lúc chúng tôi nhận ra một vấn đề đang xuất hiện sờ sờ ra đó. Một phần của thành công chỉ đơn giản là xây dựng mô hình tốt hơn, sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn và dùng một vài dữ liệu thay thế. Chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng phần lớn dữ liệu truyền thống của ngành tín dụng... nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã mua nhiều dữ liệu hơn, và sử dụng chúng thông minh hơn. Chúng tôi cũng đã bắt đầu tận dụng một số nguồn dữ liệu thay thế. – Giles Andrews, CEO, Zopa Vào năm 2005, chúng tôi không thông minh xuất chúng đến mức tiên đoán được khủng hoảng quy mô lớn đã diễn ra 2-3 năm sau đó. Nhưng chúng tôi đã nhận ra được rằng người tiêu dùng đang quá tải bởi nợ nần. Một phần nữa của thành công chỉ đơn giản là xây dựng mô hình tốt hơn, sử dụng tốt hơn các dữ liệu, và bắt đầu dùng đến một số dữ liệu thay thế. Chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng phần lớn dữ liệu truyền thống của ngành tín dụng, bởi nguồn dữ liệu này nhìn chung vẫn giúp dễ dự đoán nhất, nên chúng tôi sử dụng nguồn dữ liệu tương tự với các ngân hàng khác. Nhưng chúng tôi đã mua nhiều dữ liệu hơn, và sử dụng chúng thông minh hơn. Chúng tôi cũng đã bắt đầu tận dụng một số nguồn dữ liệu thay thế. Một lý do khác, đó là với mô hình cho vay ngang hàng, việc biết được mình đang vay tiền từ một người khác dường như khiến họ hành xử tốt hơn trong khuôn khổ vòng tròn ảnh hưởng tương hỗ này. Có bằng chứng cho thấy trong một vài trường hợp, người tiêu dùng ưu tiên chi trả cho các khoản vay từ chúng tôi hơn so với món nợ từ những nơi khác, vì có sự tồn tại của nhiều cá nhân khác ở vị trí chủ nợ. Brett: Một thông tin tâm lý rất thú vị! Như vậy, Giles, về cơ bản thì Zopa có vẻ giống như một mạng xã hội xét trên cách thức vận hành của nó – một cộng đồng những người vay và người cho vay mà anh đã giúp kết nối với nhau. Vậy bản chất của mạng xã hội và xây dựng cộng đồng đã có vai trò ra sao đối với thành công của Zopa, xét từ góc độ kinh doanh? Giles: Và chúng tôi có được một cộng đồng những người cho vay hoạt động tích cực cũng là điểm hết sức quan trọng. Điều này nghe qua có vẻ buồn cười, nhưng cộng đồng này hoạt động thực sự hữu ích, gần như là một loại công cụ chăm sóc khách hàng vậy. Người dùng phản ứng rất tích cực khi biết rằng thông tin họ có được là do những người dùng khác cung cấp, và có phần tích cực hơn so với những thông tin kinh doanh do các doanh nghiệp tự công bố. Ở đây là vấn đề người tiêu dùng đã bị mất niềm tin, rồi họ cảm thấy đã tìm lại được niềm tin khi tìm được điểm đặt chân xác hơn. Và hệ quả là cộng đồng này ngày càng giúp xây dựng niềm tin. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt vời khi có thể biến mối liên kết xã hội của người khác trở thành một “phương tiện” thu hút khách hàng. Dù vậy, chúng tôi chưa thật sự tìm ra bằng chứng cho việc này. Bởi lẽ tôi nhận thấy rằng mọi người thường không muốn nói về tiền bạc trên mạng xã hội; mạng xã hội được gọi tên “xã hội” là có lý do: nó không phải là “mạng kinh doanh”. Brett: Anh muốn nói là họ sẽ không chia sẻ lên Twitter kiểu như: “Ôi thật tuyệt! Tôi vừa đi vay một khoản từ Zopa!”? Giles: Hay “Cái xe bóng lộn đỗ ngoài kia, thật ra tôi phải vay tiền để mua nó đấy”. Không, người đi vay chẳng bao giờ chia sẻ như thế. Những người cho vay thường sẵn sàng chia sẻ hơn vì họ cảm thấy họ đang làm một việc thông minh. Họ cảm thấy hài lòng khi chia sẻ những hiểu biết của mình về vấn đề này và (thật tốt cho chúng tôi) là họ còn hài lòng hơn khi được chia sẻ hiểu biết của mình với người khác. Brett: Kể cả khi một người có được lịch sử tín dụng tốt, có điểm tín dụng cao, làm mọi việc đúng đắn, thì họ cũng khó lòng tiếp cận khoản vay trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn. Giles, liệu các anh có trở thành những chàng bạch mã hoàng tử đến giải cứu ngành tín dụng, thậm chí là thay thế các ngân hàng trong những dịch vụ như cho vay tiêu dùng cá nhân và hợp nhất nợ? Giles: Tôi có thể nghĩ đến hai nguyên nhân khiến chúng tôi không thay thế các ngân hàng. Thứ nhất, Zopa (và tôi cũng nói chung cho tất cả các tổ chức cho vay ngang hàng tại Hoa Kỳ) không phải là những người cho vay cứu cánh cuối cùng. Thường thì chúng tôi không cho vay đối với những người không thể tìm được khoản vay ở nơi nào khác. Thứ hai, chúng tôi cũng sử dụng nguồn dữ liệu như các ngân hàng khác khi đánh giá xem liệu mình có nên cho một người vay tiền hay không, theo một cách thông minh hơn. Nếu bạn có đủ điều kiện để vay vốn, bạn sẽ được vay với chi phí rẻ hơn nhiều. Tôi nghĩ thử thách đối với bất cứ tổ chức cho vay nào là việc sử dụng thông minh các dữ liệu, cũng như việc đánh giá các cá nhân không chỉ dựa trên việc họ có đủ điều kiện để hoàn trả khoản vay hay không, mà còn dựa trên lịch sử trước đây chứng minh được họ có thái độ sẵn sàng hoàn trả. Brett: Các ngân hàng thường rất cẩn trọng trong việc lựa chọn thời điểm họ đưa câu chuyện về lịch sử tín dụng của một người ra xem xét. Giles: Và họ còn có giới hạn về nguồn vốn. Sẽ rất khó để tôi đang ngồi tại London, có thể bình luận chính xác về việc này, nhưng tôi có thể phân tích những vấn đề tổng quan hơn về định hướng của chúng tôi và các tổ chức tương tự như chúng tôi. Khi tập trung vào một phân khúc hẹp của ngành ngân hàng, Zopa và các doanh nghiệp cho vay ngang hàng khác không tìm cách thay thế hoàn toàn các ngân hàng truyền thống; chúng tôi chỉ tìm cách thực hiện một phần trong số các nghiệp vụ ngân hàng, sao cho hiệu quả và tốt hơn. Bằng cách cung cấp các khoản vay cá nhân, với lịch trình thanh toán, chúng tôi có thể tạo ra kết quả ở phía ngược lại, thu hút những người có vốn tiết kiệm. Các khoản vay lại làm nảy sinh những sản phẩm tiết kiệm, vì chúng tôi có thể cung cấp khoản lợi nhuận ổn định trong dài hạn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi có thể dễ dàng phát hành thẻ tín dụng và tài khoản hiện hành, vì chúng tôi không có khả năng tài chính để giữ cán cân lúc trồi lúc sụt, hơn nữa những người cho vay của chúng tôi đòi hỏi lợi nhuận đều đặn và cố định. Nhưng, trong lĩnh vực tiết kiệm và cho vay, chúng tôi có thể giành một thị phần đáng kể từ các ngân hàng. Và tôi nghĩ đó là một dịch vụ trong lĩnh vực ngân hàng mà các ngân hàng cảm thấy phiền hà. Họ thường quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm cốt lõi của mình, những khoản vay thế chấp, tài khoản vãng lai, và có thể là việc cho các tập đoàn lớn vay, hơn là đến những khoản vay nhỏ lẻ cho những người tiêu dùng có nhu cầu mua xe hơi chẳng hạn. Brett: Khi phân tích vấn đề “thay thế ngân hàng”, một trong các khía cạnh anh đã nhắc đến là lãi suất tiết kiệm tăng lên và lãi suất vay vốn giảm xuống. Anh làm điều đó như thế nào với mô hình cho vay truyền thống? Lợi nhuận của anh từ đâu mà ra? Giles: Câu trả lời đơn giản là chúng tôi hoạt động vô cùng hiệu quả. Chúng tôi là một doanh nghiệp trực tuyến hoạt động trực tiếp, không cần chi phí nhân sự hay chi nhánh hoành tráng và tất cả những thứ tương tự. Mô hình kinh doanh này rõ ràng là hiệu quả hơn. Một hướng để suy nghĩ về điều này là việc các ngân hàng có một biên độ, chính là mức chênh lệch giữa tiền lãi họ trả cho người gửi tiết kiệm và chi phí trên số vốn mà họ huy động được. Số tiền họ thu trên người đi vay là phần thu nhập họ kiếm được trên số tiền tiết kiệm. Khoảng cách này ở các ngân hàng tại Anh hiện nay là trên 10%. Đây là khoảng cách lớn nhất từng trước đến nay. Và tôi đoán là tình hình cũng tương tự như vậy tại Hoa Kỳ. Mô hình của chúng tôi thay thế biên độ này của ngân hàng bằng phí của chúng tôi và khoản nợ xấu tồn tại trong chứng từ ghi nợ. Nếu bạn cộng tất cả lại, trong trường hợp của chúng tôi, thì khoảng tương đương với biên độ tại các ngân hàng với chúng tôi chỉ ở mức 3%. 3% thay cho 10% thường thấy ở các ngân hàng. Nhưng vẫn là một món hời đấy chứ. Brett: Và anh cũng có lợi nhuận tốt đấy chứ? Giles: Chúng tôi vẫn thu được lợi nhuận ở mức 3% ấy. Tôi sẽ phân tích ngay sau đây về những gì chúng ta có thể học được từ mô hình P2P và các tổ chức tín dụng ảo như Zopa, Lending Club và Prosper. Nhưng bây giờ, hãy tập trung vào một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với việc đánh giá rủi ro. PHƯƠNG THỨC ĐÁNH GIÁ RỦI RO HOÀN TOÀN MỚI DỰA TRÊN CỘNG ĐỒNG Trong cuốn sách Bank 3.0, tôi đã viết về tâm lý của ngành ngân hàng tại thị trường Hoa Kỳ, thị trường có nhiều ngân hàng tiết kiệm hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Một phần nguyên nhân của thái độ tiếp nhận rộng rãi đối với mô hình ngân hàng cộng đồng là nhận định cho rằng các ngân hàng quy mô lớn (mà ngày nay chúng ta thường gọi là quá lớn đến mức không thể sụp đổ được(23)), về cơ bản chính là các “mô hình ngoại lai” của ngành ngân hàng. 23 Quá lớn đến mức không thể sụp đổ được: tên tiếng Anh là Too Big To Fail (viết tắt: TBTF). – SGB Vào thập niên 30-40 của thế kỷ trước tại Hoa Kỳ chẳng hạn, một làn sóng chỉ trích lan rộng trong ngành đối với “ngân hàng phát triển bằng chi nhánh”, vì mô hình này gắn liền với việc xóa bỏ tính cá nhân và các hoạt động ngân hàng cộng đồng, thay vào đó là cách tiếp cận cứng nhắc thông qua các chi nhánh, đề cao tính hiệu quả, doanh số và số lượng giao dịch. Hệ thống ngân hàng phát triển bằng chi nhánh, được mệnh danh là “hệ thống ngoại lai” này bị xem là “mang nặng tính độc quyền, thiếu dân chủ và thậm chí có hơi hướng độc tài” và “triệt tiêu tính cá nhân”(24). Điều này cũng giải thích lý do chính phủ Hoa Kỳ có số lượng tổ chức tín dụng nhiều hơn rất nhiều so với các nền kinh tế phát triển khác, vì các nhà lập pháp Hoa Kỳ có lịch sử tìm cách công hữu hóa các hình thức hỗ trợ tín dụng cộng đồng và cản trở quá trình độc quyền hóa. – Bank 3.0, Chương 4, “Có thể cứu vãn chi nhánh ngân hàng không?” 24 Tạp chí American Banker, 23/03/1939, trang 2. Trong lịch sử, một trong những thế mạnh thật sự của ngân hàng cộng đồng là năng lực của các nhân viên tín dụng cộng đồng, những người thật sự biết tên riêng của bạn và các thành viên trong gia đình bạn, người có khả năng phân tích định tính về mức độ rủi ro của bạn. Rất khó để cạnh tranh với loại hình ngân hàng đậm tính cá nhân này, nhưng trong thời đại ngày nay, nhìn một cách thực tế thì hình thức dịch vụ và quan hệ khách hàng này trở nên cực kỳ hiếm hoi. Khi các ngân hàng phát triển và các quản lý chi nhánh ngày càng có ít quyền lực, năng lực đánh giá rủi ro được tối ưu hóa, trở thành một bộ thuật toán và quy luật, một mô hình dự đoán rủi ro kiểu “hộp đen”, trong đó mọi quyết định đều hoàn toàn dựa trên bộ dữ liệu, và chỉ cần một vài thao tác ngón tay là chiếc “hộp đen” sẽ đưa ra kết quả: chấp thuận hay từ chối. Chúng ta càng có nhiều dữ liệu và hiểu rõ hơn về hành vi của người tiêu dùng, chúng ta sẽ nhận thấy sự trở lại của loại hình dữ liệu mà một nhân viên tín dụng cộng đồng thường dựa vào một cách bản năng khi cần đưa ra một quyết định tín dụng; có điều, ngày nay các dữ liệu đó sẽ được cập nhật và tích hợp vào một ma trận ra quyết định thông minh hơn. Trên khía cạnh này, dựa vào cộng đồng sẽ là một trong những phương pháp giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro. Nếu bạn bè bạn sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho bạn, điều đó cũng cần được tính đến chứ, đúng không? Đây là một phần của những gì đứng sau phương cách tiếp cận đột phá trong lĩnh vực cho vay mà Lenddo sử dụng, cả trong việc tiếp cận lẫn đánh giá khách hàng mới. Để tìm hiểu sâu hơn, tôi đã nói chuyện với Jeff Stewart, CEO của Lenddo, về cách tiếp cận của họ trong quá trình đánh giá tín dụng và lĩnh vực tài chính vi mô(25). 25 Tài chính vi mô (microfinance): là việc cấp cho các hộ gia đình rất nghèo các khoản vay rất nhỏ (gọi là tín dụng vi mô), nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ. (Nguồn: http://www. microfinance.vn/tai chinh-vi-mo-la-gi/?lang=vi) Brett: Jeff, anh đang đặt trụ sở công ty tại New York (Hoa Kỳ), nhưng phần lớn giao dịch kinh doanh của anh lại diễn ra bên ngoài biên giới Hoa Kỳ. Hãy cho chúng tôi biết thêm một chút về Lenddo: Anh đã bắt đầu khởi nghiệp như thế nào, anh cho vay ở những thị trường nào, và những yếu tố cơ bản của mô hình kinh doanh này là gì? Jeff: Lenddo giúp mọi người khẳng định được bản thân và chứng tỏ được uy tín cá nhân, từ đó họ có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính ở các thị trường mới nổi. Chúng tôi gia nhập thị trường này vì chúng tôi đã xây dựng một vài doanh nghiệp và có nhân viên ở khắp nơi trên thế giới, họ thường đề nghị vay tiền của chúng tôi, nhưng điều này lại dường như không hợp lý vì chúng tôi thường tuyển dụng những người rất có khả năng và chăm chỉ làm việc. Thế mà họ vẫn liên tục hỏi vay chúng tôi. Vì thế, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu vấn đề này và phát hiện ra khoảng 1,2 tỉ người trung lưu sống ở các thị trường mới nổi thường bị các tổ chức tín dụng địa phương đánh giá thấp và không thể tiếp cận vốn. Chúng tôi nhận ra mình có thể giải quyết được vấn đề này. Khi chúng tôi tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi đã nhận ra điều đã khiến thay đổi cuộc sống của chúng tôi, đó chính là khái niệm tài chính vi mô. Điều khiến chúng tôi thật sự chú ý đến tài chính vi mô, dịch vụ tài chính nhắm đến một nhóm đối tượng ở đáy kim tự tháp, chính là mô hình này đã giúp xây dựng được một cộng đồng mà mỗi thành viên đều gây được hành vi trả nợ. Cộng đồng này được lợi từ việc hành vi trả nợ, và toàn bộ quá trình này hiệu quả đến mức đáng ngạc nhiên. Chúng tôi dành phần lớn thời gian trong một năm để phỏng vấn các chuyên gia trong lĩnh vực tín dụng vi mô – các nhà kinh tế học hành vi và các nhà nhân chủng học – để thật sự hiểu được sự kỳ diệu của tín dụng vi mô và tại sao mô hình này lại thành công đến thế. Chúng tôi đã nhận ra rằng mình có thể sao chép lại mô hình này trên mạng. Toàn bộ giả thuyết đằng sau mô hình Lenddo(26) là bạn không chỉ có bạn bè trên Internet; dấu ấn trực tuyến của bạn còn thể hiện một mô hình xã hội thật sự, một mạng lưới quan hệ hiện hữu và có thật. Và cũng như bạn có thể dùng tín dụng vi mô ở đáy của kim tự tháp để tạo ra một môi trường xã hội trong đó bạn có khả năng xây dựng vốn rất hiệu quả, bạn có thể mô phỏng mô hình này cho tầng lớp trung lưu và cho phép họ tiếp cận các dịch vụ tài chính với chi phí thấp hơn nhiều. 26 Xem www.lenddo.com. Brett: Theo tư duy thông thường, nếu tôi là một nhân viên ngân hàng và anh hỏi tôi cảm thấy thế nào về việc cho vay ở các thị trường mới nổi, tôi sẽ cảm thấy khá dè chừng và trả lời: “Ừ thì, người dân có thu nhập thấp, tiền bảo đảm cũng không được bao nhiêu, có lẽ rủi ro khá lớn”. Nhưng, anh có thể chia sẻ gì về cách thức anh xử lý rủi ro và tỷ lệ nợ xấu? Liệu anh có thể tuyên bố rằng anh có mức độ rủi ro thấp và tỷ lệ nợ xấu thấp nhờ vào yếu tố cộng đồng, đặc biệt là cách anh sử dụng thông tin từ các mạng xã hội? Jeff: Chúng tôi có tỷ lệ nợ xấu rất thấp nhờ vào yếu tố cộng đồng, nhưng cũng nhờ vào đối tượng mà chúng tôi cho vay nữa. Đây là những người nắm giữ tương lai của hành tinh này. Đây là thị trường dành cho tầng lớp trung lưu mới nổi. Đây là nơi sản sinh ra phần lớn tài sản trên thế giới. Để dễ dàng xem xét khía cạnh này, hãy nhìn vào Philippines, nơi chúng tôi ra mắt lần đầu tiên hơn hai năm trước, tỷ lệ thất nghiệp đối với các nhân viên gia công các công đoạn kinh doanh từ nước ngoài hoặc các nhân viên tư vấn qua điện thoại là 0%. Bạn hoàn toàn có thể bước ra khỏi chỗ làm và tìm ngay được việc mới ở bên kia đường. Đó là những người có trình độ đại học làm công việc văn phòng. Hãy nghĩ về những người xử lý các đơn yêu cầu bảo hiểm, những người trả lời điện thoại chăm sóc khách hàng cho máy tính Dell. Họ đều có khả năng được tuyển dụng rất cao, và thu nhập của họ đang tăng dần. Một thành viên điển hình của chúng tôi có thu nhập từ 400-450 USD một tháng cho các công việc văn phòng; mức lương này tăng với tỷ lệ phần trăm ở mức hơn hai chữ số trong vòng một, hai năm trở lại đây. Brett: Trung bình anh cung cấp tín dụng ở mức giá trị bao nhiêu? Jeff: Khoản vay trung bình của chúng tôi ở châu Á vào khoảng 450 USD, và tại châu Mỹ Latin là khoảng 650 USD. Brett: Khoản tiền này có vẻ tương ứng với một tháng lương? Jeff: Hoàn toàn chính xác, mặc dù các khoản vay có thời hạn linh động từ 1 tháng đến 6 tháng hoặc 12 tháng. Chúng tôi cho vay khoảng một tháng lương. Brett: Giles, cho phép tôi hỏi anh, khoản vay trung bình mà Zoppa đang cho vay tại Anh là bao nhiêu, để chúng ta có thể so sánh với Lenddo? Giles: Dưới 5.000 bảng Anh một chút. Brett: Thật thú vị. 5.000 bảng Anh cũng có vẻ rất gần với thu nhập hằng tháng của một nhân viên tại Anh. Thật lý thú là có sự tương đồng giữa các thị trường mới nổi ở điểm khoản vay trung bình có giá trị tương đương một tháng lương. Jeff, tỷ lệ khoản vay mà anh cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp ở những thị trường mới nổi là bao nhiêu? Jeff: Các khoản vay của chúng tôi phục vụ cho nhu cầu cá nhân, vì thế, giáo dục là lĩnh vực được sử dụng nhiều nhất. Mua sắm điện thoại thông minh cũng là một phần lớn. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì thường được sử dụng cho các thành viên khác trong gia đình chứ không phải cho bản thân người đi vay, ví dụ như một người chị hoặc người dì nào đó. Nói là thế nhưng những đối tượng mà chúng tôi cho vay cũng rất có tinh thần khởi nghiệp. Nhưng chúng tôi không trực tiếp tiếp cận các doanh nghiệp. Nếu khách hàng mua hàng hóa khi họ ở cùng gia đình tại các vùng quê, sau đó mang hàng hóa về bán cho bạn bè tại thành phố lớn, chúng tôi không đánh giá bản chất việc kinh doanh đó. Chúng tôi đánh giá tính cách của con người. Chúng tôi quay trở lại với cách cho vay từ hàng ngàn năm trước. Việc cho vay phụ thuộc vào tính cách của con người, phụ thuộc vào uy tín của họ trong cộng đồng. Và, đối với tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ, bạn sẽ gặp phải một ngưỡng mà ở đó, đột nhiên, mô hình kinh doanh – hay kế hoạch kinh doanh – không còn quan trọng nữa. Nhưng, như J. P. Morgan đã chỉ ra khi được phỏng vấn: “Cái nào quan trọng hơn, khoản vay dựa trên tài sản hay khoản vay dựa trên thu nhập?”, câu trả lời là dựa vào tính cách của con người. Đối với bất cứ doanh nghiệp nào, tính cách của người đứng sau doanh nghiệp là điều quan trọng, nhưng đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ thì đây là điều quyết định tất cả. Tôi nghĩ anh có thể thấy được sự ảnh hưởng to lớn mà các cộng đồng liên quan tạo ra được đối với quá trình phát triển, không ở đâu khác thể hiện rõ hơn ngoài không gian của các doanh nghiệp nhỏ. Và anh cũng có thể nhận ra điều đó trong mô hình tín dụng vi mô. Brett: Còn ở nước Anh thì sao Giles? Theo kinh nghiệm của anh tại Zopa, có bao nhiêu khách hàng cho vay của các anh đang cố gắng cung cấp vốn và giúp các dự án khởi nghiệp và đang sử dụng Zopa như một nền tảng để gia tăng tài chính? Giles: Những khách hàng cho vay của chúng tôi khá hứng thú trong việc cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, vì thế chúng tôi thường xuyên gửi ra một bảng câu hỏi vì hiện tại họ chỉ cho người tiêu dùng vay thôi; họ đáp lại rằng họ hứng thú với việc cho các doanh nghiệp vay vốn vì họ cho rằng đó là việc đáng làm và có ích. Chúng tôi đang thử nghiệm, thực tế chúng tôi cũng đang làm việc với chính phủ, giống như tổ chức Funding Circle vậy, và chúng tôi chuẩn bị cho ra mắt dự án cho vay vốn đối với các thương nhân cá thể. Chúng tôi vốn dĩ đã có khách hàng đi vay là thương nhân cá thể vay rồi, chỉ là không cho họ vay nếu mục tiêu sử dụng là dùng cho kinh doanh. Hiện tại, chúng tôi đang xét các trường hợp thương nhân cá thể – tất cả mọi đối tượng từ người lau cửa kính, đến chuyên viên làm tóc, cho đến nhân viên pha chế quầy bar,... có đến ba triệu rưỡi thương nhân cá thể như thế ở nước Anh. Và nếu họ đăng ký vay tiêu dùng cá nhân, chúng tôi sẽ xem xét phục vụ họ. Chúng tôi sẽ đánh giá quá trình tự làm chủ của họ cũng y như chúng tôi đánh giá quá trình làm việc của bất cứ ai khác. Tuy nhiên chúng tôi từ chối khoản vay nếu họ nói rằng họ muốn dùng số tiền này để đầu tư vào công việc kinh doanh của họ, vì chúng tôi nhận thấy việc này sẽ làm tăng thêm rủi ro. Tuy nhiên hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị tung ra một sản phẩm mới, phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của các thương nhân cá thể. Lý do chúng tôi sử dụng đối tượng thương nhân cá thể là vì chúng tôi có thể đưa họ vào cùng một mô hình đánh giá tín dụng như đối với các khách hàng cá nhân hiện tại của chúng tôi. Brett: Vấn đề tôi đang thắc mắc với Giles là, tại Anh, anh có lẽ cũng biết đến chương trình của chính phủ “cấp vốn cho vay”, trong đó chính phủ cấp tiền cho các ngân hàng để giải ngân cho các doanh nghiệp nhỏ. Tuy rằng tất nhiên chính phủ rót tiền cho ngân hàng, còn ngân hàng, nói chung, giữ lại số tiền này. Liệu mô hình cho vay ngang hàng có thể đưa ra một kênh trực tiếp hơn cho chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế? Giles: Hoàn toàn có thể. Chính phủ đã tuyên bố rằng nếu chúng tôi áp dụng thành công mô hình này, họ sẽ tiếp tục cấp vốn. Tôi cũng đã được nghe từ những người bạn tại Funding Circle rằng chính phủ vẫn tiếp tục ủng hộ họ. Tôi nhìn thấy trong mắt họ một vẻ chán chường vì họ biết điều gì xảy ra với số vốn họ cấp cho các ngân hàng. Số vốn ấy hiếm khi nào được giải ngân cho các khoản thế chấp mua nhà ở. Hoặc số vốn ấy chỉ ở yên vị, làm đẹp báo cáo tài chính mà thôi. Brett: Jeff, làm thế nào để cộng đồng này tăng tính tiếp cận ở những thị trường như Indonesia hay Philippines, nơi mà tỷ lệ sử dụng Facebook rất cao? Làm cách nào anh vận dụng được sự ủng hộ của cộng đồng trên phương tiện này cho Lenddo? Jeff: Rất đơn giản. Để nhận được một khoản vay, bạn cần phải huy động nhiều người trong cộng đồng đứng ra bảo chứng cho bạn. Chúng tôi đã nhận ra rằng, việc ai sẵn sàng bảo đảm cho bạn trong cộng đồng của bạn và việc bạn thuộc cộng đồng nào đóng một vai trò quan trọng trong việc dự đoán khả năng hoàn vốn. Và trong nhiều trường hợp, một vài người đã từng giúp bạn nhận được vốn vay cũng sẽ cần đến một khoản vay vào lúc nào đó. Cộng đồng cứ thế lớn dần lên. Chúng tôi khởi đầu với chỉ 100 người chúng tôi biết và tin tưởng, và rồi con số đó lên đến hàng ngàn và hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn. Nó cứ lớn lên không ngừng. Brett: Đồng thời cộng đồng mà anh hoạt động cũng là một kênh tìm kiếm khách hàng mới nữa. Jeff: Chính xác! Chúng tôi vừa mới trao đổi với một khách hàng, và anh ta đã nói về việc bạn anh ta không tin rằng anh nhận được tiền từ Internet, và anh chẳng có cách nào thuyết phục được bạn mình đăng ký cả. Mãi cho đến khi những người bạn này có ba hay bốn người bạn khác cũng được nhận vốn vay, họ mới bắt đầu thử. Và vòng quay này lại tiếp tục. Vì đây là một sản phẩm cộng đồng, và bạn cần phải có bạn của mình tham gia để nhận được lợi ích từ nó, chúng tôi tin rằng cộng đồng này sẽ không có dấu hiệu chững lại trong thời gian tới. TRONG TẦM NGẮM: CHO VAY 3.0? Khi xem xét hoạt động cho vay, một lĩnh vực quan trọng đã được Jeff and Giles nhắc đến chính là quá trình đánh giá tín dụng và mô hình kinh doanh sẽ khởi phát, dựa trên các mô hình xử lý dữ liệu mới và cách nhìn nhận khác biệt về rủi ro và cơ hội. Đặc biệt, tôi muốn nhìn xa hơn, có lẽ trong tương lai 5 hay 10 năm tới, để xem xu hướng này sẽ đi về đâu. Brett: Hãy thử nghĩ về tương lai của ngành này, chúng ta đang nói về ngành cho vay, chúng ta có cách nhìn khác về rủi ro, chúng ta có hệ thống cho điểm và đánh giá cũng khác, có vẻ như hiệu quả hơn nhiều, với tỷ lệ nợ xấu thấp, vân vân, rồi chúng ta còn có sự tham gia của cộng đồng, được sử dụng như một kênh tiếp cận khách hàng mới tại các thị trường mới nổi. Giles, anh nghĩ trong vòng 10 năm tới xu hướng này sẽ đi đến đâu, khi chúng ta tiếp tục đưa ra những đột phá trong cách thức người dùng vay vốn, và thậm chí là tiết kiệm tiền, vì đây cũng chính là những phương thức chúng ta đang bàn luận đến? Anh nghĩ tương lai của hình thức kinh doanh này sẽ ra sao và làm thế nào anh có thể tạo ra được một thị trường ngách bên cạnh lĩnh vực ngân hàng, và liệu anh có cho rằng mô hình này sẽ ngày càng có khả năng thực sự thay thế ngân hàng, đặc biệt là khi nó cho phép xóa bỏ khá nhiều trở ngại trong việc vay vốn, và cách thức người tiêu dùng tiếp cận với vốn vay? Giles: Anh đã rất chính xác khi sử dụng thuật ngữ thị trường ngách. Điều khiến mô hình kinh doanh như chúng tôi trở nên vô cùng mạnh mẽ chính là việc chúng tôi tiếp cận một lĩnh vực nhỏ trong ngành ngân hàng và cải tiến nó. Điều này khiến chúng tôi hoạt động hiệu quả hơn nhiều và vận hành với ít trở ngại hơn, như anh nói. Tôi có thể nhận thấy những mô hình kinh doanh như chúng tôi, cho vay ngang hàng, sẽ chiếm lĩnh phần lớn thị trường vay vốn của ngân hàng hiện nay. Tôi thật sự cho là như vậy. Chúng tôi có khả năng chiếm phần lớn thị trường của họ. Tôi nghĩ rằng đây là một ví dụ có thể xảy ra ở bất cứ lĩnh vực nào trong ngành ngân hàng. Có rất nhiều nghiệp vụ chính yếu của ngành ngân hàng không thật sự liên quan đến bất cứ lĩnh vực nào khác, ví dụ như hóa đơn chiết khấu. Bao thanh toán cũng là một ví dụ cho một số các nghiệp vụ ngân hàng không thật sự phụ thuộc vào loại hình dịch vụ ngân hàng nào khác. Những mô hình mới này đều có thể được cải tiến. Các ngân hàng đã vật lộn trong nhiều năm qua vì mô hình kém hiệu quả ở nhiều lĩnh vực của toàn ngành. Những thứ mà anh viết về những thay đổi mang tính đột phá, họ đã vất vả chống lại chúng trong suốt một thời gian dài. Ngân hàng là ngành công nghiệp cuối cùng chưa có sự đột phá, nhưng tôi nghĩ điều đó cuối cùng cũng đang diễn ra. Và chắc chắn nó sẽ diễn ra, không phải bởi vì một mô hình thống nhất sẽ xuất hiện và làm mọi việc tốt hơn; nó sẽ diễn ra nhờ vào rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, năng động, tìm cách cải thiện từng phần nhỏ của ngành. Và các ngân hàng sẽ chẳng còn nhiều lĩnh vực màu mỡ nữa. Ngày nay một chiếc điện thoại di động có lẽ còn có khả năng xử lý cao hơn các tổ chức tín dụng hàng đầu thế giới giữa những năm 1980. – Jeff Stewart, Lenddo Brett: Jeff, anh đã tạo ra một thị trường ngách với Lenddo, vì đây là một thị trường trước đó dường như không tồn tại, hoặc một phân khúc khách hàng trước đó chưa được phục vụ. Theo anh, trong 10 năm tới mô hình này sẽ đi đến đâu, đối với doanh nghiệp của anh nói riêng và ngành cho vay nói chung tại các thị trường mới nổi? Jeff: Tôi đồng tình rằng cục diện hiện nay sẽ thay đổi. Tôi nghĩ anh sẽ sớm chứng kiến cảnh phần mềm, công nghệ và mạng xã hội cơ bản làm biến mất nhu cầu truyền thống về các dịch vụ tài chính. Anh sẽ thấy ngành công nghiệp này tái cấu trúc tương tự như cách Napster tái cấu trúc ngành công nghiệp âm nhạc, hay Skype(27) tái cấu trúc ngành viễn thông; nguyên nhân nằm ở chỗ khả năng xử lý, dữ liệu, cũng như tính kết nối đã hoàn toàn thay đổi động lực thúc đẩy mọi thứ. 27 Skype: một phần mềm cho phép trò chuyện và gọi điện thoại trực tuyến, với nhiều tính năng từ gọi điện thoại, hội nghị thoại đến gọi điện thoại hình ảnh miễn phí và có tính phí, phục vụ cho nhu cầu sử dụng cá nhân và doanh nghiệp. (ND) Anh không cần một bên trung gian lớn đáng tin cậy nữa khi cộng đồng xung quanh anh có thể bảo lãnh cho anh. Và họ có thể làm điều đó với chỉ một cái click chuột. Anh không cần một bộ xử lý trung tâm đặt tại tổng hành dinh của Citibank để xử lý dữ liệu và xác định xem điều gì là hợp lý. Ngày nay một chiếc điện thoại di động có lẽ còn có khả năng xử lý cao hơn các tổ chức tín dụng hàng đầu thế giới vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX. Chúng ta đang ở trong một bối cảnh hoàn toàn mới, và tôi đồng ý rằng mọi việc sẽ thay đổi. Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn đồng tình với nhận định là sẽ xuất hiện hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ. Tôi thật sự nghĩ rằng ngành tài chính cá nhân có quy mô lớn gấp đôi ngành truyền thông trên đất nước này. Và, khi tôi nói đến truyền thông, tôi đang nói đến Facebook và Google và tạp chí và truyền hình. Thị trường tín dụng cá nhân có quy mô lớn hơn tất cả những thứ đó. Brett: Một điều khiến tôi chú ý chính là việc khi nhìn vào một sản phẩm như cho vay cá nhân, anh có thể thấy bản chất của sản phẩm này là một công cụ giúp anh mua xe hơi, mua nhà, hoặc có lẽ là khởi nghiệp. Trước đây các ngân hàng có thể ngăn một người nào đó có ý định thực hiện những việc trên cho đến khi họ trải qua hết những thử thách trong đơn đăng ký và được xác nhận đủ điều kiện vay để thực hiện mục đích của mình. Với các công cụ mà anh đang nói đến, Jeff, quy trình phân tích dữ liệu, khả năng xử lý ở thời gian thực, liệu có thể dẫn đến xu hướng giảm bớt số lần đóng cửa giao dịch, và ảnh hưởng cả xu hướng đánh giá rủi ro nữa, có phải chúng có thể cho phép anh nhận được một khoản vay ngay lập tức – tại thời điểm anh cần vốn – thay vì việc cho vay được thực hiện như một sản phẩm riêng rẽ hoặc có một quy trình đăng ký riêng? Liệu có logic hơn không khi tích hợp các quyết định tài chính vào ngay trong quá trình người tiêu dùng thực hiện những việc họ cần, như khởi nghiệp hay mua nhà? Jeff: Đương nhiên là thế. Tôi nghĩ rằng công nghệ sẽ cho phép chúng ta định lượng mức độ đáng tin cậy của mình (trong thời gian thực) và sử dụng tín dụng và các dịch vụ tài chính khác khi chúng ta cần. Đây là việc làm đúng đắn đối với người tiêu dùng, nhưng lại không đúng với các tổ chức cho vay hiện tại. Giles: Tôi nghĩ Jeff nói hoàn toàn chính xác. Tất cả vì người tiêu dùng. Vì thế, các tổ chức tài chính hiện nay chưa thật sự suy nghĩ về người tiêu dùng; và những doanh nghiệp như chúng tôi lại đặt người tiêu dùng lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi xây dựng trải nghiệm mà người tiêu dùng muốn, và trải nghiệm này có thể dựa trên thời gian thực hay không cũng được. Đó không phải là vấn đề chính. Vấn đề là làm mọi việc vì người dùng. BÀI HỌC RÚT RA Dù Zopa và Lenddo thực tế là hai mô hình kinh doanh hoàn toàn khác nhau, có những chủ đề được lặp lại trong những thông điệp mà chúng ta nghe thấy trong những cuộc phỏng vấn này. Đầu tiên, để hoạt động tốt hơn trong lĩnh vực cho vay, bí quyết là không nhất thiết phải thực hiện theo cách các ngân hàng đang làm. Cả Zopa và Lenddo đều chứng tỏ được rằng họ hoạt động hiệu quả hơn trong lĩnh vực cốt lõi của mình so với các ngân hàng tương đương, và rủi ro nợ xấu của họ nhìn chung là thấp hơn. Dù họ thu lợi nhuận thấp hơn so với các tổ chức tài chính, nhưng vì có cơ cấu chi phí thấp hơn rất nhiều, chi phí tiếp cận khách hàng mới cũng thấp hơn, và mô hình đánh giá rủi ro chính xác hơn, thế nên nếu xét ở thế ngang hàng thì các ngân hàng không thể cạnh tranh với họ. Một thế hệ cho vay mới đang hoạt động tốt hơn, với chi phí thấp hơn và an toàn hơn so với những tổ chức mà theo lý thuyết là đã phát minh ra ngành cho vay thương mại. Thứ hai, cả Zopa và Lenddo đều khởi đầu bằng một vấn đề của người tiêu dùng cần được giải quyết, thay vì khởi đầu bằng doanh nghiệp cho vay mà chúng ta đang có, hoặc sản phẩm nào chúng ta sẽ đưa ra? Vấn đề với ngành cho vay hiện nay, từ cả quy trình đánh giá rủi ro lẫn phương diện chăm sóc khách hàng, là việc cho vay rất cứng nhắc, đặc biệt là quy trình đăng ký vay. Người tiêu dùng nói chung không có trải nghiệm dễ chịu trong suốt quá trình đăng ký tín dụng, nhưng họ cần vốn để hỗ trợ các hoạt động trong cuộc sống, có thể là mua nhà hay mua xe hơi, hoặc trả thẻ tín dụng cho chuyến du lịch nước ngoài. Lenddo đã nhìn thấy một thị trường mới nổi sẽ phát triển lên quy mô hàng trăm tỉ USD trong khoảng một thập kỷ tới, và nhận ra thị trường này còn chưa được phục vụ tại thời điểm hiện tại, cũng như phương pháp đánh giá tín dụng truyền thống cũng sẽ không áp dụng được với đối tượng này. Dữ liệu không có sẵn, nhưng dù có thì các ngân hàng trong giai đoạn này cũng sẽ tránh xa khỏi tầng lớp trung lưu mới nổi ở các thị trường mới nổi. Nếu áp dụng cách tiếp cận truyền thống thì sẽ vô cùng rủi ro – đúng hơn là gần như hoàn toàn phi thực tế. Đến khi thị trường này phát triển đủ để các ngân hàng lớn tham gia, thì các doanh nghiệp như Lenddo sẽ có lợi thế lớn về vận hành – chưa nói đến tính đáng tin cậy của cộng đồng – và lợi thế này gần như không thể bị san bằng nếu các ngân hàng không chi ra hàng triệu USD cho việc xây dựng thương hiệu. Trong trường hợp của Zopa, phần nhiều trong thành công của họ nằm ở dữ liệu. Zopa cũng sử dụng những dữ liệu như các ngân hàng khác, nhưng như Giles nhắc đến trong cuộc phỏng vấn, họ sử dụng nhiều dữ liệu hơn, và phân tích các dữ liệu ấy tốt hơn – đến mức mà tỷ lệ nợ xấu của họ chỉ bằng khoảng một nửa so với HSBC, ngân hàng hoạt động tốt nhất tại thị trường Anh về khía cạnh này trong vài năm trở lại đây. Điều này cho phép Zopa hoạt động với mức lợi nhuận và biên độ 3%, thay vì 10% như các ngân hàng thương mại đang hoạt động hiện nay tại Vương quốc Anh. Nếu bạn là một tổ chức đầu tư như một quỹ hưu trí hoặc nhà bảo hiểm đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh ít rủi ro để đầu tư và nhận được lãi suất cao hơn so với chứng chỉ tiền gửi hay tiền gửi cố định, nhưng lại có mức rủi ro thấp hơn so với thị trường chứng khoán đầy biến động, thì những doanh nghiệp như Zopa có tiềm năng rất tốt, tốt hơn nhiều so với hồ sơ gói cho vay mà các ngân hàng “quá lớn để sụp đổ” (TBTF) đang đưa ra. Một khía cạnh nữa mà chúng ta đã khám phá khi nhìn về 5-10 năm nữa, chính là dịch vụ khách hàng tuyệt vời. Chúng ta đã thấy thời gian phê duyệt tín dụng cho các sản phẩm cho vay được cắt giảm tối đa trong vài thập kỷ trở lại đây. Phê duyệt tín dụng ngay tại cửa hàng có thể được thực hiện ngay lập tức tại nhiều nền kinh tế phát triển, nhưng với sự lan rộng của điện thoại thông minh và máy tính bảng, hoàn toàn có khả năng người tiêu dùng đang đứng cạnh môi giới bán bất động sản, hoặc đứng cạnh một trung tâm bán xe hơi để mặc cả giá tiền một chiếc xe mới, mong muốn nhận được quyết định phê duyệt tín dụng trước ngay tại thời điểm đó, nếu không nói là muốn được giải ngân ngay lập tức. Các ngân hàng thủ cựu xem cho vay như một “sự kiện”, và việc xác định rủi ro cần phải được thực hiện dựa trên tờ đơn đăng ký, họ đơn giản là không thể đáp ứng được nhu cầu trên. Các ngân hàng tự động hóa quy trình này hoàn toàn dựa trên hệ thống điểm tín dụng sẽ thấy tỷ lệ nợ xấu nhanh chóng gia tăng. Chúng ta cần thêm một thứ gì đó – một phương thức thông minh hơn. Đó là lúc Big data (dữ liệu lớn) và phân tích dữ liệu nhập cuộc, đồng thời với tư duy sáng tạo hơn. Lenddo minh họa cho một hệ thống bảo lãnh cộng đồng trong đó bạn không thể tiếp cận vốn vay trừ khi bạn bè bạn sẵn lòng đứng ra bảo đảm cho bạn. Nếu bạn để nợ xấu, việc này sẽ ảnh hưởng đến khả năng bảo đảm của bạn trong tương lai, và đến cả việc tiếp cận tín dụng, vì thế bạn sẽ trở nên cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn những người bạn mà mình sẽ đứng ra bảo đảm. Trong các thị trường mới nổi, loại hệ thống này sẽ hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với việc cố gắng xây dựng đủ dữ liệu để thành lập một hệ thống tính điểm tín dụng FICO(28) chẳng hạn. Cũng giống như việc bạn bè của tôi, những người đều biết một vài người bạn chung sẽ không bao giờ có trả lại 500 USD mà họ vay để sửa xe hơi. 28 FICO là tổ chức cung cấp điểm tín dụng chủ yếu tại Hoa Kỳ, còn được gọi bằng cái tên “Fair Isaac” theo tên của hai nhà sáng lập Bill Fair và Earl Isaac. Các nhà tiên phong trong ngành cho vay, cũng giống như những nhà tiên phong sử dụng công nghệ hoặc tiên phong thay đổi hành vi và thói quen của người tiêu dùng, nhìn chung sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề sau: - Trở ngại trong hệ thống hoặc quy trình hiện tại, ví dụ như thời gian phê duyệt dài, quy trình đăng ký phức tạp và thiếu minh bạch. - Tối ưu mô hình quản lý rủi ro dựa trên cách nhìn nhận mới về rủi ro, bao gồm các mô hình chính xác hơn dựa trên hành vi người tiêu dùng, cho phép nhận định rõ ràng hơn về nguy cơ nợ xấu, thay vì các mô hình dựa phần lớn trên các chỉ số có thời gian trễ như các chỉ số thông dụng hiện nay. Đây sẽ là thị trường có giá trị hàng tỉ USD trong ngành cho vay chỉ trong vài năm tới, nhanh chóng thay thế mô hình chấm điểm tín dụng cũ bằng những dữ liệu mang tính dự đoán chuẩn xác hơn nhiều. Việc đầu tư vào lĩnh vực này ngay bây giờ có thể rất tiềm năng. - Các mô hình tiếp cận người dùng mới có chi phí thấp và dễ nhân rộng hơn, dựa trên sức ảnh hưởng của cộng đồng, những người thân tín và có chi phí thấp hơn. Theo dữ liệu của NYLX (www.nylx. com), chi phí môi giới trung bình ở Hoa Kỳ là vào khoảng 2.480 USD, và những nhà đầu tư thế chấp đang trả chi phí từ 800- 1.200 USD cho mỗi khoản vay để mua thông tin khách hàng tiềm năng(29). Những chi phí tìm kiếm khách hàng mới này có thể được giảm thiểu chỉ còn một nửa so trước đây nhờ vào mô hình kinh doanh hoàn toàn trực tuyến, nhưng đối với các doanh nghiệp như Zopa và Lenddo, chi phí của họ còn thấp hơn như thế nhiều. 29 Xem câu trả lời trên trang Quora tại http://qr.ae/NZy Sm. Vẫn còn một yếu tố khác chưa được khám phá hết, nhưng nó có khả năng trở thành một nhân tố quan trọng, và chúng ta không thấy ở cả Lenddo và Zopa, nhưng tôi cho rằng Lenddo đặc biệt có thể dễ dàng áp dụng phương thức này. Đó chính là việc quản lý rủi ro tốt hơn khi đã tồn tại một khoản vay đang hoạt động. Hãy xem xét nợ xấu trong các khoản vay hiện nay, quy trình truy thu nợ của một người vay không thanh toán tốn khá nhiều chi phí trong khi khả năng thành công lại tương đối thấp. Chi phí chi cho dịch vụ chăm sóc khách hàng leo thang, và cũng tương tự đối với các hoạt động truy thu nợ, và cuối cùng là kiện tụng. Tất cả các chi phí này ảnh hưởng nặng đến mức lợi nhuận, dẫn đến chi phí xử lý nợ xấu không tránh khỏi, như thuật ngữ trong ngành thường gọi. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng có thể sử dụng công nghệ để cảnh báo khách hàng khi họ có khả năng đưa ra một quyết định có thể làm tăng rủi ro nợ xấu, hoặc ngân hàng có thể khuyến cáo khách hàng tránh các quyết định sai lầm dẫn đến tăng rủi ro, thì đây sẽ là biện pháp tốt hơn so với các hình thức xử lý mạnh tay sau khi nợ xấu đã phát sinh – các biện pháp chữa cháy. Chúng ta có thể gọi đây là cách quản lý phòng ngừa rủi ro, chứ không phải hành động trừng phạt. Tiềm năng của việc quản lý rủi ro bằng cách quản lý hoặc tác động thay đổi hành vi khách hàng là một lĩnh vực chúng ta chỉ có thể nghiên cứu thông qua công nghệ và dữ liệu mà chúng ta có ngày nay. Đây hoàn toàn có thể trở thành điểm mấu chốt thay đổi cục diện của toàn ngành cho vay. Một khía cạnh khác của lĩnh vực xử lý dữ liệu là năng lực phê duyệt trước và khả năng đánh giá hoặc dự đoán khi nào một khách hàng có thể cần các dịch vụ tài chính. Khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng, kết hợp với chức năng phê duyệt từ trước, sẽ mang lại lợi ích khổng lồ cho các tổ chức cho vay trong thời gian ngắn sắp tới. Những yếu tố kích hoạt nhu cầu vay vốn – dù là việc bước vào trung tâm mua bán xe hơi, tìm kiếm Google trên điện thoại thông minh của bạn liên quan đến việc mua nhà, hay sinh nhật lần thứ 18 của con gái bạn, dịp tốt nghiệp trung học, và việc con bạn được nhận vào trường đại học danh tiếng – tất cả những dữ liệu này sẽ dẫn đến khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn, thậm chí có lẽ trước khi bản thân họ biết mình cần vay vốn. Các tổ chức cho vay trong tương lai như Zopa và Lenddo có cách tư duy rất khác biệt về thời cơ trong lĩnh vực cho vay cũng như vấn đề quản lý rủi ro, và từ đó họ có thể làm mọi việc nhanh hơn, tốt hơn, với chi phí thấp hơn so với các công ty truyền thống. Họ chắc chắn xứng đáng đứng vào hàng ngũ tinh hoa của Ngân hàng đột phá. Chương 2 Thời đại của thanh toán nhanh hơn, thông minh hơn Từ tấm séc(1) bạn thường được bà gửi tặng vào dịp sinh nhật, đến lương hằng tháng bạn nhận, đến khoản thế chấp hay tiền thuê nhà phải trả hằng tháng, nhiều tiện ích ngân hàng chúng ta đang sử dụng xoay quanh vấn đề thanh toán. Dù đó là thanh toán bằng thẻ ở cửa hàng, thanh toán chuyển khoản, hoặc thanh toán qua điện tín quốc tế, “ngân hàng” thường là nơi chúng ta tìm đến cho những dịch vụ cơ bản như vậy. Tuy nhiên, ngày nay, một cuộc cách mạng thanh toán ảo và trực tuyến đang diễn ra, phần lớn đến từ những tổ chức phi-ngân hàng. 1 Cheques, trong tiếng Anh. Bắt đầu từ sự bùng nổ đã tạo ra thể thức thanh toán chuyển khoản vô cùng đơn giản của PayPal, cho đến sự bành trướng của những doanh nghiệp mới tham gia như Dwolla, Square, Venmo, LevelUp, M-Pesa, AliPay và nhiều doanh nghiệp khác, ngày nay chúng ta có nhiều lựa chọn thanh toán hơn bất cứ ngân hàng nào có thể tưởng tượng ra chỉ mới vài năm trước đây(2). 2 Những cuộc phỏng vấn được trích dẫn ở đây đã phát sóng lần đầu tiên vào ngày 09/05/2013. LỊCH SỬ DẠY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ VỀ THANH TOÁN? Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử ngành thanh toán, chúng ta sẽ thấy ngay từ những ngày đầu tiên của hệ thống giao dịch và trao đổi hàng hóa, các phương thức thanh toán nhìn chung khá đơn giản. Tại châu Âu, tiền giấy được ra mắt lần đầu tiên tại Thụy Điển vào năm 1661, cũng không xa là mấy trong lịch sử. Việc trao đổi dựa trên một giá trị tiền tệ hợp nhất chắc chắn đã được hình thành hoàn chỉnh vào thế kỷ XVIII, nhưng về bản chất đây vẫn là một hệ thống trao đổi giá trị ở mức đơn giản. Sự tiến bộ của điện thoại, và sau đó là máy vi tính, đã cho phép ta gửi tiền mặt từ đầu này đến đầu kia của thế giới, nhưng quá trình này lại quá phức tạp so với phương pháp trao đổi truyền thống dùng tiền giấy hoặc hàng đổi hàng. Việc này đòi hỏi phải có sự tham gia của các bên được tin tưởng, điều này lại càng làm tăng tính phức tạp, tuy vậy, hệ thống phúc lợi hoặc trao đổi giá trị vẫn rất rõ ràng. Nó tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại trước đây không thể vận hành hiệu quả vì khoảng cách địa lý xa xôi mà lại không có công nghệ. Thanh toán bằng séc cũng đòi hỏi phải lập nên một đơn vị có thẩm quyền, nhưng lợi ích của việc có thể gửi một khoản thanh toán được bảo đảm mà chỉ có người nhận mới có thể sử dụng là rất rõ ràng: Lợi ích đã thắng thế so với tính phức tạp tương đối của việc xử lý giấy tờ, gửi séc qua bưu điện, gửi tiền vào tài khoản, cùng nhiều thứ khác. Khi hệ thống thanh toán qua thẻ tín dụng xuất hiện, ý tưởng đằng sau nó là bạn không cần phải mang theo nhiều tiền mặt nhưng vẫn có thể thanh toán ở hầu như mọi nơi. Hệ thống ở hậu trường khá phức tạp, nhưng một khi hệ thống này đã được chuyển từ công nghệ “thủ công”(3) sang máy đầu cuối POS điện tử(4), trải nghiệm của người tiêu dùng đã được đơn giản hóa đủ để thẻ tín dụng nhanh chóng chiếm được sự chấp nhận của người tiêu dùng. 3 Chày đập khớp tay (Knucklebuster) là biệt danh được đặt cho các thiết bị chấp nhận thẻ tín dụng đầu tiên, sử dụng thẻ và giấy than, trước thời kỳ phát triển của các thiết bị đầu cuối sử dụng thẻ tín dụng điện tử. Chiếc máy này đòi hỏi người dùng phải kéo một tay cầm ngang qua tấm thẻ tín dụng để in được số thẻ lên giấy than, và điều này đã khiến rất nhiều nhân viên cửa hàng trầy trụa hết các khớp ngón tay. 4 POS: Point-of-sale, thiết bị đọc thẻ đầu cuối tại điểm bán. Vấn đề nảy sinh là mức độ phức tạp ngày càng tăng lên, do các phương thức thanh toán hiện đại là dựa trên nhu cầu trao đổi ngày càng nhanh cũng như thông tin danh tính vốn dĩ không hề tồn tại trong hệ thống trao đổi tiền mặt trước kia. ĐỘT PHÁ TRONG LĨNH VỰC THANH TOÁN, VÀ XÓA SỔ VIỆC THANH TOÁN Trong đoạn video giới thiệu của Microsoft vào năm 2009(5), một giao dịch thanh toán taxi bằng điện thoại di động được minh họa, trong đó người dùng chỉ cần bước ra khỏi xe mà không cần phải trả tiền mặt, quẹt thẻ hay ấn nút nào cả. Tôi tin rằng đó chính là sự thể hiện chính xác của việc thanh toán trong thế giới hôm nay. Đó là một hệ thống đủ thông minh để nhận diện bạn, nhưng loại trừ được tất cả những trở ngại chúng ta đã thấy chồng chất trong nhiều năm qua – thực tế, hình thức thanh toán này còn ít rắc rối hơn cả tiền mặt, vì bạn không cần phải làm bất cứ một thao tác vật lý nào. 5 Microsoft Showcase 2009: www.microsoft.com/en us/showcase/details.aspx?uuid=cd65d16c-4b22-432b-83a7- ffc37baa17da. Hiện tại, Uber(6) chính là một ví dụ tuyệt vời cho công nghệ như thế. Bạn nhảy lên một chiếc xe hơi Uber, bạn di chuyển, và tại điểm đến bạn nhảy xuống xe, việc thanh toán được thực hiện hoàn toàn tự động thông qua mạng lưới của Uber, hóa đơn sẽ được gửi đến điện thoại của bạn. Việc thanh toán đã diễn ra, nhưng lại có vẻ nó chưa hề diễn ra, như thể nó đã biến mất. 6 Uber là một ứng dụng di động cho phép người dùng đặt, di chuyển và thanh toán cho dịch vụ taxi riêng tại Hoa Kỳ. Các ứng dụng tương tự như Hailo và nhiều ứng dụng khác đã xuất hiện tại các thị trường khác. Hình thức thể hiện cuối cùng của tất cả những công nghệ mà chúng ta thấy lúc này trong lĩnh vực thanh toán không chỉ làm cho việc thanh toán hấp dẫn hơn, mà còn khiến thanh toán trở nên vô hình và không có bất cứ trở ngại nào. Giá trị nổi bật ta có được từ mô hình thanh toán mới này là kiến thức và bối cảnh mới, chứ không đơn giản chỉ là khiến việc thanh toán được thuận lợi hơn. Hãy nghĩ về điều đó như thế này: Việc bạn có thể gọi một cuộc điện thoại từ đầu này đến đầu kia của thế giới được thiết lập nên là dựa trên các thỏa thuận chia sẻ doanh thu giữa các nhà cung cấp trên toàn thế giới, công nghệ truyền dẫn và các chuẩn mực về kỹ thuật, hệ thống sản xuất liên quan đến điện thoại di động, con chip xử lý tín hiệu số và các tháp phát sóng di động, công nghệ chuyển tín hiệu, vân vân. Tuy nhiên, việc gọi điện thoại ngày nay không có gì là phức tạp, chúng ta chỉ cần nhấn nút, thế là điều kỳ diệu xảy ra. Công nghệ, quy trình và hệ thống đều hầu như vô hình; cuộc gọi được thực hiện và chúng ta trả chi phí. Tính phức tạp của quá trình thanh toán ngày càng giống với hình ảnh ẩn dụ núi băng trôi mà chúng ta thường dùng: những trải nghiệm hấp dẫn, thân thiện với khách hàng là phần nổi, tất cả những thứ phức tạp là phần chìm của núi băng. Những tiến bộ chúng ta đạt được trong công nghệ, dù là ở ngành vô tuyến (RFID, NFC, BLE,...), di động, sinh trắc học hoặc những giải pháp tiên tiến khác, đã được vận dụng để mang lại trải nghiệm cho người dùng, xóa bỏ những trở ngại đã tồn tại trong hệ thống suốt 60 năm qua. Những trở ngại này không phải là giá trị; đó chỉ là những công đoạn phức tạp phát sinh từ một hệ thống đang hoàn thiện. Những công ty hiện hành coi trọng những trở ngại này, vì nó bảo vệ họ khỏi các đối thủ cạnh tranh; và xét trên mọi phương diện thì quá trình thanh toán trong quá khứ không phải là một quá trình phức tạp, chúng ta chỉ làm nó phức tạp lên trong vài năm trở lại đây. Điều này phải được thay đổi, hơn nữa phải được thay đổi trong thời gian ngắn sắp tới, và đó chính là chủ đề của các cuộc phỏng vấn sau đây. MẠNG INTERNET ĐANG THAY ĐỔI CUỘC CHƠI Khi nhắc đến thanh toán, có những ý kiến nghi ngờ khá hợp lý về việc séc sẽ bị xóa sổ tại Hoa Kỳ, hay điện thoại di động và thuật toán đám mây liệu có dẫn đến những công nghệ mới đột phá trong lĩnh vực thanh toán không. Trên thực tế, một ấn phẩm tại châu Âu, Future Bank, đã phỏng vấn tôi gần đây, và họ có nhắc đến Frank Abagnale, người có những khám phá lớn đã được vào bộ phim Catch Me If You Can (Hãy bắt tôi nếu có thể), ông đã tuyên bố: “Chừng nào mà chúng ta còn dùng giấy vệ sinh, thì chúng ta còn dùng séc”. Tôi rất tiếc, Frank; tôi phải nói rằng tôi không đồng tình với tuyên bố này. Mặc dù hai phần ba số séc được viết ra trên thế giới ngày nay được phát hành tại Hoa Kỳ, nhưng việc séc đang tuột dốc nhanh chóng là điều rất rõ ràng. Vào năm 2000, có 17 tỉ tấm séc được viết ra hằng năm tại Hoa Kỳ; con số này ngày nay giảm xuống còn khoảng 5 tỉ một năm(7), và đến năm 2018, khi con số này tụt giảm thêm khoảng một nửa, thì tại Hoa Kỳ, số lượng séc được sử dụng cho nhu cầu thanh toán cá nhân sẽ giảm tới 95%. Tôi không nghĩ rằng có bất cứ ai có thể tranh cãi rằng đây không phải là bước chuyển biến lớn. Không có bất cứ một nền kinh tế nào trên thế giới hiện nay lại gia tăng sử dụng séc cả. 7 Theo FDIC – Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang, một cơ quan độc lập của chính quyền liên bang Hoa Kỳ có nhiệm vụ bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng thương mại và các quỹ tiết kiệm. Câu hỏi đặt ra là: “Hình thức nào sẽ nổi lên thay thế cho hệ thống thanh toán mà chúng ta đang sử dụng?”. Dùng tiền mặt, séc và hệ thống ngân hàng truyền thống, liệu điều gì có thể xuất hiện và làm thay đổi cục diện? Liệu những phát kiến mới chúng ta thấy hôm nay có thể xóa sổ hoàn toàn tiền mặt và séc, từ đó tạo ra một môi trường thanh toán hoàn toàn khác? Tôi nghĩ rằng tôi sẽ hỏi những nhà kiến tạo tiên phong nhất trong lĩnh vực thanh toán để nghe nhận xét của họ – Ben Milne, nhà sáng lập của Dwolla. Dwolla đã huy động được 16,5 tỉ USD trong vòng đầu tư thứ 3(8) vào tháng 04 năm 2013(9) và mở rộng hoạt động của mình đến San Francisco. Vào tháng 10 năm 2013, Dwolla tung ra dịch vụ tín dụng của mình cho người tiêu dùng, hợp tác với ADS (Alliance Data Systems – Hệ thống dữ liệu đồng minh). Sản phẩm đầu cuối là sản phẩm tín dụng không dùng thẻ, với nhãn riêng, có thể được sử dụng trong thời gian thực bởi người tiêu dùng khi họ dùng dịch vụ của Dwolla để thanh toán tại một trong những điểm bán tham gia – tại thời điểm sản phẩm này được tung ra thì chỉ có 40 điểm bán như thế(10). Dwolla ngày nay đã có tới 25.000 điểm bán chấp nhận, các tổ chức phi lợi nhuận và các cơ quan chính phủ cũng sử dụng dịch vụ của họ(11), họ có hơn 800 ngân hàng và liên minh tín dụng trong hệ thống nhờ vào việc hợp tác gần đây với mFoundry, và họ có hơn 200.000 người dùng vào năm 2012(12). Dwolla tính phí chỉ 25 cent cho một giao dịch và hoàn toàn miễn phí cho các giao dịch giá trị dưới 10 USD. 8 Vòng đầu tư thứ 3 (Series C): Thông thường, khi các doanh nghiệp khởi nghiệp kêu gọi nhà đầu tư rót vốn cho doanh nghiệp của mình, quá trình gọi vốn diễn ra qua nhiều vòng khác nhau. Các vòng này bao gồm: vòng đầu tư hạt giống (giai đoạn phát triển ý tưởng), vòng đầu tư thứ nhất (Series A – đã có doanh thu và có nhu cầu mở rộng quy mô doanh nghiệp), sau đó là các vòng đầu tư thứ 2 (Series B), thứ 3 (Series C), v.v... (ND) 9 Rebecca Grant, “Dwolla đã huy động được 16.5 triệu USD từ Andreessen Horowitz để thực hiện cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng”, VentureBeat, ngày 30/04/2013, http://venturebeat.com/2013/04/30/dwolla-raises-16-5m-from andreessen-horowitz- to-revolutionize-banking/. 10 Sarah Perez, “Mạng lưới thanh toán Dwolla vượt ra ngoài thanh toán tiền mặt với việc tung ra ‘Dwolla Credit’ cộng tác cùng với ADS”, TechCrunch, 22/10/2013. 11 TechCrunch.com. 12 Andrew Flynn, “COO của Dwolla, Charise Flynn/ Phỏng vấn nhân vật đột phá”, TechFaster, 13/02/2013, www.techfaster.com/dwolla-coo-charise-flynn-entrepreneur interviews/. Brett: Ben, hãy cho chúng tôi biết Dwolla đã ra đời như thế nào và hiện tại doanh nghiệp đang tăng trưởng ra sao? Với chủ đề đột phá trong thanh toán, hãy cùng khám phá những gì đang diễn ra trong lĩnh vực thanh toán. Những điểm khó khăn là gì? Và đâu là bước tiến lớn nhất chúng ta đã đạt được? Để bắt đầu, với những người chưa quen thuộc với doanh nghiệp của anh, anh có thể giải thích Dwolla là gì và nó đã ra đời như thế nào không? Ben: Dwolla là một mạng lưới thanh toán, về cơ bản, nó cho phép bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì có kết nối Internet có thể gửi tiền đến cho bất cứ ai hoặc bất cứ thứ gì cũng có kết nối Internet, trong đó bất cứ ai nhận thanh toán có thể nhận tiền mà không phải trả chi phí quy đổi. Để thực hiện quá trình nghe qua có vẻ đơn giản này, chúng tôi đã tự xây dựng mạng lưới thanh toán riêng của mình, cho phép bất cứ thiết bị nào kết nối với mạng Internet có thể trao đổi tiền, cho bất cứ mục đích gì. Dwolla được hình thành từ công ty cũ của tôi. Tôi đã từng có một công ty sản xuất thương mại điện tử, và tất cả các đơn hàng mà chúng tôi nhận được đều là thông qua trang web. Khi tôi bán công ty này, nó đang thu được khoảng 1,5 triệu USD mỗi năm. Khoản tiền này tương đương với khoảng 55.000 USD một năm chi cho phí thanh toán qua thẻ tín dụng. Bạn có thể thấy là tôi bắt đầu bị ám ảnh một chút bởi chi phí thẻ tín dụng. Tôi bắt đầu tìm kiếm một hệ thống cho phép tôi nhận được thanh toán thông qua website của mình mà không phải trả phí quy đổi, và khi tôi không thể tìm ra một hệ thống như thế, tôi đã quyết định sẽ tự mình xây dựng nó. Brett: Dwolla được xếp vào đủ mọi loại hình thanh toán, từ sự lựa chọn thay thế cho mạng ACH (hệ thống thanh toán séc tại Hoa Kỳ), hệ thống chuyển khoản liên ngân hàng, cho đến hệ thống thanh toán đột phá tại các điểm bán, sẽ thay thế cho Visa, MasterCard, Discover và AmEx. Khi anh vừa bắt đầu gầy dựng Dwolla, liệu anh có một mục tiêu cụ thể cho lĩnh vực mà anh dự định sẽ thay đổi? Hay nó chỉ chủ yếu để giải quyết việc một “người A” có thể chuyển tiền cho “người B” hay “công ty B” một cách dễ dàng hơn? Ben: Một câu hỏi rất hay. Khi chúng tôi bắt đầu, thật sự chúng tôi cũng không suy nghĩ sâu xa đến như thế. Có những nền tảng rất đơn giản từ đó chúng tôi khởi đầu, và những điều đơn giản ấy là “Nhờ vào mạng Internet đã có sẵn, bạn phải có khả năng sử dụng tiền của mình và trao đổi nó với bất cứ ai khác”. Bên cạnh đó, vì tất cả tiền ở đây về cơ bản đều được theo dõi như một loại dữ liệu, việc chuyển tiền lẽ ra không thể tốn kém đến thế. Cuối cùng, chúng tôi đã nhận ra rằng để làm được điều đó, chúng tôi cần phải tạo ra một giải pháp trọn vẹn. Khi công ty chúng tôi bắt đầu tìm hiểu quy mô của ngành này, chúng tôi nhận ra nhiều hạn chế trong hệ thống ACH và những hệ thống tương tự. Triết lý ban đầu của chúng tôi là: “Chúng tôi chỉ muốn giải quyết vấn đề đơn giản này thôi”, và tôi không nghĩ rằng ngay từ đầu tôi hiểu được vấn đề này có thể sâu rộng đến nhường nào. Để giải quyết nó, chúng tôi đã phải tìm ra một giải pháp trọn vẹn từ đầu đến cuối, có thể cho phép chúng tôi trao đổi không chỉ với các tổ chức tài chính, mà còn trao đổi trực tiếp với người tiêu dùng và các nhà phát triển cũng như các điểm bán. Và chúng tôi đã đối mặt với một giải pháp trọn vẹn, tác động đến tất cả mọi thứ, đến tận cốt lõi của các tổ chức tín dụng, nhưng đồng thời lại vẫn tương tác với người tiêu dùng cuối. Chúng tôi chỉ là một nhóm người cùng tin rằng quá trình thanh toán cần phải được cải thiện. – Ben Milne, Dwolla Cuối cùng, tôi cũng không chắc giải pháp này có thể mở rộng đến đâu, nhưng chúng tôi tin rằng mạng Internet phải là một môi trường mở, và ở đâu có Internet, ở đó có chúng tôi. Brett: Hãy kể cho tôi về đội ngũ của anh. Dwolla được hình thành từ những con người như thế nào? Ben: Hiện nay chúng tôi có khoảng 40 nhân viên trải rộng khắp tại Des Moines, Kansas City, Omaha và New York, và chúng tôi đang trên đà mở rộng. Chúng tôi chỉ là một nhóm người cùng tin rằng quá trình thanh toán cần phải được cải thiện, và chúng tôi đã thật sự may mắn khi rất nhiều người đã từng dạy chúng tôi về cơ sở hạ tầng của quá trình thanh toán lại là những người có kết nối chặt với cộng đồng các dịch vụ tài chính tại Des Moines, Iowa và tại Omaha, và nói thật lòng, đó chính là cần câu cơm của họ. Đó là nơi chốn của các dịch vụ tài chính dành cho giới văn phòng. Brett: Tôi đã gặp một vài nhân viên Dwolla, đặc biệt là trong các buổi gặp gỡ tại New York và những thành phố khác, và tôi có thể miêu tả về tất cả những thành viên trong đội ngũ của anh mà tôi đã từng gặp đều là những người vô cùng đam mê những gì anh đang làm, một dấu hiệu tuyệt vời đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp. Làm thế nào anh có thể tạo dựng niềm đam mê này trong đội ngũ, và làm thế nào anh xác định được một người có phù hợp hay không với văn hóa doanh nghiệp của anh? Ben: Những người nhiệt tình và thật sự muốn làm việc sẽ nổi bật. Tôi luôn muốn nghĩ rằng chúng tôi có một văn hóa doanh nghiệp trong đó chúng tôi lớn mạnh là nhờ những con người luôn muốn “bán sản phẩm” và nhờ đảm bảo rằng tất cả mọi người đều hiểu được vấn đề lớn nhất là gì và nhiệm vụ của chúng tôi là giải quyết vấn đề đó, và chúng tôi định nghĩa thành công của mình dựa trên số lượng các thị trường mà chúng tôi có thể phục vụ. Tôi không nghĩ rằng có bất cứ ai trong công ty không nắm rõ thị trường có quy mô lớn như thế nào, tiềm năng lớn như thế nào, hay sẽ khó khăn như thế nào. Bằng cách nêu ra rõ ràng tất cả những điều đó từ đầu, tất cả mọi người sẽ tập trung cao độ và làm việc vô cùng chăm chỉ. Và khi gặt hái thành công, tất cả mọi người đều ăn mừng. Brett: Lúc nãy chúng ta có nhắc đến 40 tỉ USD tiền phí hoán đổi trong hệ thống thẻ thanh toán tại Mỹ nói chung, nhưng, dĩ nhiên quy mô của nền kinh tế trao đổi ngang hàng còn lớn hơn thế nhiều. Mục tiêu của anh đối với lưu lượng tiền anh muốn đưa vào thanh toán thông qua Dwolla là bao nhiêu? Ben: Cách chúng tôi nhìn nhận thị trường một cách toàn diện là xét trên toàn bộ các loại thể, toàn bộ các hệ sinh thái của bên thứ ba như PayPal, cũng như hệ thống séc và chuyển khoản bằng điện tín. Toàn bộ thị trường có quy mô hàng trăm ngàn tỉ USD. Đó là một thị trường lớn một cách kinh khủng, mà mới chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ thôi. Chúng ta không chỉ tính đến các hoạt động phát triển kinh doanh khác nhau giữa các cá nhân với cá nhân, doanh nghiệp với người tiêu dùng và doanh nghiệp với doanh nghiệp, mà còn có cả người tiêu dùng với chính phủ, chính phủ với người tiêu dùng, vân vân. Tất cả những hoạt động trên đều sử dụng nền tảng của hệ thống xương sống đang phục vụ nền kinh tế của chúng ta, trong đó bao gồm ACH và hệ thống Fedwire. Chúng ta có thể lấy đó làm minh chứng cho quy mô của thị trường cũng như tiềm năng của nó. Và điều đó cũng buộc chúng ta phải vô cùng cởi mở đối với những ý tưởng mới trong việc vận dụng hệ thống này. Phần mềm mà chúng tôi dùng để phục vụ chính phủ cũng y hệt như phần mềm mà một người nào đó sử dụng để mua một cốc cà phê. Công nghệ này cởi mở và linh hoạt đến như thế đó. Chúng tôi không thật sự biết làm cách nào để xác định chính xác quy mô thị trường toàn cầu vào lúc này, nhưng chúng tôi cảm thấy tiềm năng tại Hoa Kỳ là quá lớn, không thể bỏ qua. Chúng tôi càng tăng trưởng, chúng tôi lại càng giữ được nhiều tiền trong túi của mọi người và tiền trong lưu thông. Brett: Hiện nay người tiêu dùng làm thế nào để sử dụng Dwolla? Và cách sử dụng sẽ được cải tiến ra sao trong tương lai? Ben: Chúng ta thường gặp những trường hợp điển hình, tức một người làm những việc như mua cà phê, hoặc mua những thứ họ muốn hoặc cần, có thể là mua một chầu bia ở quán bar hoặc tương tự như thế; nhưng mảng dịch vụ đang phát triển nhất đối với chúng tôi là một người dùng nhận được tiền từ một sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ bán. Đặc biệt, các freelancer(13) là những khách hàng lớn của chúng tôi; khi một người cần thanh toán, giả sử là thanh toán cho hàng mấy ngàn người khác ở khắp nơi trên cả nước với một số tiền lớn trong thời gian thật nhanh, chắc chắn họ không hề muốn gửi một tấm séc. Hiện nay, chúng tôi theo dõi và nhận thấy người dùng sử dụng dịch vụ nhiều nhất là vào lúc họ thực sự nhận được một số tiền lớn, rồi họ tìm ra các ngách sử dụng khác và dùng các ngách này. Đôi khi họ đưa trực tiếp số tiền này vào tài khoản ngân hàng, và đôi khi họ chuyển đổi nó. 13 Freelancer: những người làm việc tự do, không chịu sự quản lý hay phụ thuộc vào một đơn vị tổ chức hay một công ty nào và nhận tiền công theo những công việc họ làm cho khách hàng. (ND) Thật đáng kinh ngạc khi bạn bắt đầu nhìn vào các trường hợp như một nhóm các freelancer được thanh toán vài trăm ngàn USD trong một ngày, hay những người đang chiến đấu lẫn nhau trong một giải đấu game trực tuyến mà người thắng cuộc có thể nhận vài trăm USD. Hành vi mua sắm của một người 18 tuổi với một nhà thiết kế đồ họa 35 tuổi sau khi họ nhận được tiền là rất khác nhau; và nhiệm vụ của chúng tôi hiển nhiên là giúp họ tìm ra những cách thức tiêu tiền trong mạng lưới (của Dwolla). Brett: Nghe thật tuyệt! Vậy hãy cho tôi biết những điều thú vị gì sắp đến với Dwolla trong 12 tháng tới? Ben: Chúng tôi phải đảm bảo rằng mình luôn tập trung và khiêm tốn. Chúng tôi nhận ra một thứ nào đó đang làm việc tốt; và khi bạn đang hoạt động trong một thị trường lớn như thế này, điều quan trọng là khi bạn tìm ra một thứ nào đó hoạt động tốt, bạn phải giữ mình không bị chi phối bởi những thứ hào nhoáng mới xuất hiện. Đó là những gì chúng tôi đang tập trung ngay lúc này, nhằm đảm bảo rằng chúng tôi phục vụ người tiêu dùng trong toàn bộ chu trình phát triển của chúng tôi, vận hành những dự án này một cách suôn sẻ, và tiếp tục phát triển công ty với sản phẩm của chúng tôi hiện nay; chúng tôi cần phải thật sự tập trung. LIỆU CHÚNG TA CÓ CẦN CÁC TIÊU CHUẨN CHUNG HAY CÁC NGÂN HÀNG TRONG HỆ THỐNG THANH TOÁN KHÔNG? Năm ngoái Hoa Kỳ đóng góp gần 20% tổng GDP toàn thế giới dù vừa thoát khỏi đợt suy giảm kinh tế lớn nhất của họ, kể từ thời kỳ Đại Khủng hoảng vào những năm 1930(14). Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Nga và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập(15), và Trung Quốc thống trị hoàn toàn thị trường thanh toán hiện nay, nhưng khối lượng thanh toán phi ngân hàng tại Hoa Kỳ dẫn đầu với hơn 50% tổng khối lượng toàn cầu. Đối với thanh toán và giao dịch điện tử toàn cầu, thực tế cũng hoàn toàn tương đồng với khu vực Bắc Mỹ (gồm Canada và Hoa Kỳ) – chiếm đến gần một nửa khối lượng thanh toán toàn cầu trong vài năm trở lại đây(16). Cũng hợp lý nếu nghĩ rằng nguyên nhân của điều này, ít ra là một phần nguyên nhân, là do cơ sở hạ tầng thanh toán và ngân hàng hoàn thiện. 14 Theo tờ The Economist. 15 Cộng đồng các Quốc gia Độc lập là các quốc gia thành viên cũ của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, đã lần lượt tách ra để trở thành các nước độc lập sau khi toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa châu Âu sụp đổ vào năm 1990, hiện gồm 9 thành viên toàn phần. (ND) 16 Xem Báo cáo của IPFA tháng 11/2011. Năm ngoái, báo cáo của Celent đã cho thấy 2/3 số lượng séc được viết trên toàn cầu vẫn là ở Hoa Kỳ. Vào thời kỳ mà toàn thế giới đang tăng tốc hướng về một hình thức thanh toán nhanh chóng hơn, Hoa Kỳ lại củng cố Check21(17) và tìm cách vực dậy một hệ thống đã từng thịnh hành vào những năm 1950. Khi được đưa ra bỏ phiếu gần đây, Ủy ban Ngân hàng Hoa Kỳ đã phủ quyết dự luật Xử lý và thanh toán nhanh (Ex pedited Processing and Settlement – EPS) tại NACHA(18), dự luật này nếu được thông qua sẽ có thể cho ACH cơ hội thực hiện thanh toán trong thời gian thực tại Hoa Kỳ. Vào quý 1 năm 2012, chỉ có hai nước chưa áp dụng chuẩn EMV(19) cho thẻ tín dụng là Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Vào Quý 4 năm 2012, Bắc Triều Tiên áp dụng chuẩn EMV, như vậy Hoa Kỳ trở thành quốc gia cuối cùng trên thế giới, với những tranh cãi xung quanh việc áp dụng EMV dự định vào tháng 10 năm 2015 vẫn còn bị kéo dài giữa các đơn vị bán hàng, nhà phát hành thẻ và cách mạng lưới thẻ. Những điều này không hề giống với một hệ thống cơ sở hạ tầng cấp tiến trong lĩnh vực thanh toán. 17 Check 21 (Check Clearing for the 21st Century Act): một đạo luật Liên bang Hoa Kỳ, có hiệu lực từ năm 2008, cho phép các ngân hàng xử lý séc trực tuyến thay vì phải dựa vào séc giấy. (ND) 18 NACHA là Hiệp hội Quốc gia ACH tại Hoa Kỳ, kiểm soát hệ thống và tiêu chuẩn ACH. ACH (Automated Clearing House) là hệ thống giải ngân và thanh toán được sử dụng trong các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Hoa Kỳ. 19 EMV là tổ chức tiêu chuẩn sử dụng cho Europay, MasterCard và Visa trong các thanh toán liên hệ thống thẻ. Luận điểm phổ biến nhất để bảo vệ cho việc Hoa Kỳ không ủng hộ tiêu chuẩn EMV, ngoài việc các điểm bán, ngân hàng, đơn vị phát hành thẻ và mạng lưới thẻ không thể đồng thuận với nhau về các điều khoản áp dụng, là việc Hoa Kỳ dự định nhảy cóc qua giai đoạn EMV và tiến thẳng lên thanh toán di động. Động thái logic nhất đối với cách tiếp cận này vẫn là việc áp dụng chuẩn EMV có sửa đổi để triển khai các yếu tố bảo mật, chí ít cũng là những biện pháp cục bộ để trang bị lại cho hệ thống Visa và MasterCard để tương thích với điện thoại di động. Nhưng NFC(20), công nghệ truyền dẫn hiện đang được Visa và MasterCard sử dụng trong thanh toán không cần tiếp xúc(21) và thông qua di động, đã gặp nhiều trở ngại tại Hoa Kỳ hơn đa số các thị trường khác. 20 NFC – Near Field Communications: công nghệ kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn trong khoảng cách 4 cm. 21 Giao dịch không cần tiếp xúc: giao dịch thanh toán qua thẻ mà không cần phải trực tiếp quẹt thẻ, mà sử dụng hoàn toàn trên nền tảng di động. (ND) Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán thời gian gần đây đã xem NFC là một thất bại chung, và công nghệ này bị đặt cho biệt danh là “Không dành cho người tiêu dùng”. Dù được Google hậu thuẫn cho công nghệ này với Google Wallet, và được ứng dụng rộng rãi thiết bị di động của nhiều nhà sản xuất, việc sử dụng NFC tại các máy POS ở Hoa Kỳ diễn ra cực kỳ chậm chạp, với nhiều nhà bán lẻ trì hoãn việc đổi mới máy POS của họ trong khi tranh cãi về tác động của Durbin(22) và phí chuyển đổi. Dù thiếu sự ủng hộ tại Hoa Kỳ, các giao dịch không cần tiếp xúc tại châu Âu, Úc, Trung Quốc và ASEAN đang tăng với tốc độ đáng kể. 22 Durbin Amendment: Phụ lục Durbin (trong Điều luật Dodd Frank Tái cấu trúc Wall Street và Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010) đã giảm thu nhập từ phí chuyển đổi của các ngân hàng từ các giao dịch quẹt thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ tại các điểm bán trên nước Mỹ. Các quốc gia như Pháp, Anh, Úc và Ba Lan là các nước có khối lượng giao dịch không tiếp xúc trong khoảng từ 25-80%. Hoa Kỳ, với khối lượng giao dịch không tiếp xúc chỉ chiếm 0,9% tổng khối lượng giao dịch bằng thẻ hiện nay, xem ra thật lép vé. NFC hiện đang được thử nghiệp tại 70 quốc gia trên thế giới, vì thế bất chấp những phê bình từ cộng đồng các chuyên gia thanh toán, dường như đó là xu hướng chắc chắn nhất giúp hệ thống POS hiện hữu có thể tiếp tục tồn tại cùng với sự chuyển đổi thanh toán sang nền tảng di động ngay tại điểm bán. Nếu lý luận của các ngân hàng là họ không áp dụng chuẩn EMV vì công nghệ di động sẽ nhảy cóc qua giai đoạn dùng “CHIP và PIN”(23), thì bạn có quyền kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ chủ động chuẩn hóa quá trình thanh toán qua di động. 23 CHIP và PIN là từ dùng để chỉ các hình thức giao dịch EMV thông dụng được thực hiện tại các điểm POS. Nếu nhìn dưới góc độ của người ngoại đạo, Hoa Kỳ đang nhanh chóng hoàn thành một hệ thống thanh toán khép kín với rất nhiều hoạt động trong nội bộ hệ thống, nhưng cái giá phải trả là tính tương thích với toàn bộ các quốc gia còn lại trên thế giới. Hoa Kỳ đã trở thành một ốc đảo trong thanh toán, và đối với tiêu chuẩn thanh toán séc và thẻ, Hoa Kỳ đang dùng một hệ thống tụt hậu đến cả thập kỷ so với phần còn lại của thế giới. KHI PHÁT KIẾN VÀ THỊ TRƯỜNG TỰ DO LÀ KHÔNG ĐỦ Tại Hoa Kỳ, có hơn 6.000 ngân hàng và ngân hàng cộng đồng, và hơn 7.000 liên minh tín dụng, khiến đất nước này trở thành thị trường phức tạp và đa dạng nhất trong ngành ngân hàng toàn cầu, xét về số lượng. Gần đây, Brad Leimer, người đứng đầu bộ phận Chiến lược trên các kênh trực tuyến tại Mechanics Bank, đã chỉ cho tôi thấy rằng có hơn 500 doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành thanh toán di động(24) chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Đây là nền kinh tế tự do ở mức độ trọn vẹn nhất, một điều mà trong quá khứ đã từng thúc đẩy rất nhiều phát minh đáng kinh ngạc. 24 AngelList.com. PayPal hiển nhiên là một trong những điển hình thành công nhất trong ngành thanh toán toàn cầu hiện nay, với tổng khối lượng thanh toán lên đến 43 tỉ USD chỉ trong quý 3 năm 2013(25), tăng trưởng 25% mỗi năm, nhưng PayPal vẫn chưa thâm nhập được vào thị trường thanh toán tại điểm bán xét trên phương diện thu hút người dùng. Một cách tình cờ, PayPal kỳ vọng đạt được ít nhất 20 tỉ USD thanh toán di động trong năm nay, nên trong khi các hình thức thanh toán nhanh hơn có thể thất bại về ACH tại Hoa Kỳ, PayPal vẫn dẫn dắt thị trường với cơ sở hạ tầng được nâng đỡ bởi nhu cầu của người dùng về khả năng phản ứng trong thời gian thực và hình thức thanh toán trên di động. 25 PayPal Media: www.paypal-media.com/about. Google Wallet và ISIS(26) đã đầu tư gần 1 tỉ USD vào công nghệ ví tiền ảo của họ trong vài năm trở lại đây, nhưng việc thiếu hệ thống thiết bị đầu cuối POS tương thích đã làm chậm nghiêm trọng bước tiến của họ. 26 ISIS Mobile Wallet: ví di động ISIS, sau này đã được đổi tên thành Softcard, là dự án hợp tác giữa 3 mạng di động lớn nhất tại Hoa Kỳ: AT&T, T-Mobile và Verizon để hình thành một nền tảng thanh toán di động. Vào tháng 02/2015, Google đã mua lại quyền sở hữu trí tuệ của Softcard và sát nhập nền tảng này vào dịch vụ Google Wallet. (ND) Clinkle, công ty mới nhất, lính mới trong cuộc chiến thanh toán, đã huy động được 25 triệu USD trong vài tháng vừa qua(27), và trở thành một đối thủ cạnh tranh trước Square, Dwolla, Venmo và nhiều hãng khác. Square đã hoạt động vô cùng thành công trong việc thu hút các điểm bán, nhưng vẫn còn dựa vào công nghệ quẹt thẻ cũ. 27 Billy Gallagher, “Clinkle huy động 25 triệu USD trong vòng huy động vốn toàn người nổi tiếng, để chuẩn bị loại trừ ví tiền thực tế”, TechCrunch, 27/06/2013, http:// techcrunch.com/2013/06/27/clinkleraises-celebrity-filled-25m-round as-it-gears-up- to-eliminate-the-physical-wallet/. Sau đó, chúng ta còn có công nghệ Merchant Customer Exchange (công nghệ trao đổi giữa điểm bán và người dùng) tại Hoa Kỳ, một công nghệ thanh toán trên di động tại cửa hàng, được thiết kế với mục đích đi đường vòng để né tránh những mạng lưới thanh toán thẻ truyền thống như Visa hay MasterCard để giúp các điểm bán giữ lại chi phí chuyển đổi. Và chúng ta còn chưa kể đến những nỗ lực như thanh toán P2P, hoặc công nghệ thanh toán nhờ QR code(28) như LevelUp, Lemon và các hình thức khác cho phép bạn thanh toán bằng điện thoại di động theo những cách mới. 28 QR code: viết tắt của Quick Response code (tạm dịch “Mã phản hồi nhanh”) hay còn gọi là mã vạch ma trận, là dạng mã vạch hai chiều (2D) có thể được đọc bởi một máy đọc mã vạch hay điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch. (ND) Ngoài Square và PayPal, tất cả những phát kiến mới kể trên đều được đo ni đóng giày cho thị trường Hoa Kỳ, và dù điều này rất có lợi cho cư dân Hoa Kỳ, nhưng điều này có nghĩa là phần lớn các ứng dụng này không thể hoạt động bên ngoài nước Mỹ, và vì thế hạn chế khả năng chuyển tiền xuyên biên giới hay mua hàng từ các đối tác nước ngoài. Hàng năm, có gần 70 triệu khách du lịch đến Hoa Kỳ, và trong năm vừa qua có gần 62 triệu khách du lịch Hoa Kỳ ra nước ngoài. Không có bất cứ phát minh mới nào trong ngành thanh toán tại Hoa Kỳ hiện nay có thể đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng này, và cũng không có khả năng ấy trong tương lai gần. Một số người có thể lý luận rằng 130 triệu người tiêu dùng này chắc chắn không thể hiện đủ và rõ ràng nhu cầu của mình, nếu không thì tất cả các nhà bán lẻ, điểm bán và đơn vị phát hành thẻ đã nhảy vào giải quyết vấn đề ngay rồi. Trong khi thị trường tự do có thể sản sinh ra nhiều phát kiến đáng kể, việc áp dụng các tiêu chuẩn cho phép cắt giảm chi phí vận chuyển, tăng tính tương thích với thế giới, giảm thiểu trở ngại trong quá trình thanh toán và tăng tỷ lệ tiếp cận người dùng không thể được coi như một ví dụ đi ngược lại tiến trình phát triển. Đó chính là bối cảnh cho cuộc trò chuyện của tôi với Dave Birch đến từ Consult Hyperion, và Dan Schatt, người tại thời điểm của cuộc phỏng vấn đang lãnh đạo bộ phận Phát kiến Tài chính tại PayPal. Brett: Dave, anh đã tham gia vào nhiều dự án mới thú vị trong lĩnh vực thanh toán khắp nơi trên thế giới. Đội ngũ của anh gồm những người đang sở hữu những kỹ năng cao cấp nhất trên thế giới về lĩnh vực thanh toán điện tử. Anh có thể cho chúng tôi biết thêm một chút về công nghệ đột phá trong lĩnh vực thanh toán điện tử từ người dùng đến người dùng tại M-Pesa, Kenya không? Anh hãy cho chúng tôi biết dự án này khởi đầu như thế nào và hiện đang ở giai đoạn nào? Dave: Chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu về tính khả thi (đối với M-Pesa) trước đây. Tất cả khởi đầu bằng việc một vài bộ óc lỗi lạc tại Vodaphone, Nick Hughes và Susie Lonie, đã có ý tưởng dùng điện thoại di động để chuyển tiền. Suy nghĩ của họ là: “Chúng ta ở một đất nước nơi mà mức độ tăng trưởng sử dụng điện thoại (điện thoại di động thông thường) rất cao, trong khi tỷ lệ tăng trưởng sử dụng dịch vụ ngân hàng lại thấp, và không có các sản phẩm ngân hàng cho các khách hàng bình dân; hãy xem chúng ta có thể làm gì với điện thoại di động!”. Suy nghĩ này đã dẫn từ nghiên cứu ứng dụng và thử nghiệm thành công đến một hệ thống khổng lồ mà anh thấy ngày nay, đó là một điều thật sự tuyệt diệu. Cách thức vận hành của hệ thống này như sau: Khi anh có một chiếc điện thoại cài đặt M-Pesa, về cơ bản anh sẽ có thêm một menu trong điện thoại, với tên gọi “Chuyển tiền”. Nếu tôi muốn chuyển tiền cho anh, tôi sẽ chọn chức năng này trên điện thoại của tôi, và chọn vào “Brett”; tôi gõ số tiền tôi muốn chuyển vào; tôi nhập một mã PIN; tôi nhấn “OK”; và anh sẽ nhận được một tin nhắn qua điện thoại. Có vẻ như tôi vừa nhắn tin một số tiền đến cho anh, nhưng đó không phải là điều đã xảy ra ở hậu trường. Tin nhắn đã đi qua một máy chủ hệ thống, ở đó tiền sẽ được chuyển từ chỗ này sang chỗ khác trong hệ thống tài khoản trung tâm của M Pesa, sau đó, hệ thống gửi một tin nhắn đến cho anh. Nhưng, đối với người dùng thì có vẻ như tiền đã đi từ điện thoại này sang điện thoại khác bằng tin nhắn vậy. Đây là một thành công to lớn, và tôi đoán rằng điều thú vị đối với anh chính là (đây cũng chính là điều mà Ben đã nhắc đến trước đây) nếu anh có một cách đơn giản, thuận tiện, ít tốn kém để chuyển tiền ngay lập tức từ người này qua người khác, thì chắc chắn có một mô hình kinh doanh mới đang đứng đằng sau nó và đã tạo ra những phát kiến mới đáng kinh ngạc. Ngân hàng là một ví dụ kinh điển cho điều này, vì tôi chắc rằng anh vẫn còn nhớ những ngày đầu tiên của M-Pesa, các ngân hàng không hài lòng lắm với nó. Làm thế nào mà một công ty điện thoại(29) lại có thể vận hành hệ thống thanh toán? Họ chống lại nó một cách công khai. Các ngân hàng này đã kiến nghị lên các cơ quan quản lý, vì hệ thống thanh toán này thật sự đã hoạt động thành công! Nó (M-Pesa) đã trở thành kênh phân phối tuyệt vời cho các sản phẩm ngân hàng, những sản phẩm mà nếu không có nó thì đã không thể xuất hiện. Bây giờ thì các ngân hàng đã đưa ra thị trường những sản phẩm dựa trên nền tảng M-Pesa, như sản phẩm tiết kiệm hay bảo hiểm vi mô. Và bây giờ họ thật sự có một thị phần khách hàng hoàn toàn mới. Bài học có thể rút ra được ở đây: thanh toán không hiển nhiên là công việc của ngân hàng (và tôi đồng tình với Ben của Dwolla về vấn đề này), và hoàn toàn có khả năng là trong một vài trường hợp, nếu những người khác có thể vận hành một hệ thống thanh toán rẻ tiền hơn, hiệu quả hơn các ngân hàng, điều này cũng chưa hẳn đã là xấu đối với ngân hàng. Ngược lại, đó có thể rất tốt đối với họ nữa. 29 Telco – viết tắt của “Telecommunications company”, tức “công ty công nghệ viễn thông”. (M-Pesa) đã trở thành kênh phân phối tuyệt vời cho các sản phẩm ngân hàng, mà nếu không có nó thì đã không thể xuất hiện... bây giờ họ thật sự có một thị phần khách hàng hoàn toàn mới. – Dave Birch Brett: Những thông tin rất thú vị về M-Pesa. Trước khi M-Pesa xuất hiện, Kenya là một nền kinh tế hầu như không dựa vào ngân hàng. 80% dân số không hề có tài khoản ngân hàng cơ bản. Ngày nay, báo cáo cho thấy 64% người lớn ở Kenya sử dụng M-Pesa, nên liệu anh có thể nói rằng M-Pesa đã trở thành ngân hàng lớn nhất tại Kenya hiện nay? Dave: Tôi sẽ không nói thế, vì tôi là con mọt sách. Đối với tôi, từ ngân hàng mang một ý nghĩa rất cụ thể. Đó là một lĩnh vực được quản lý riêng biệt. Và tôi nghĩ rằng đây là điều thứ hai tôi muốn đề cập đến. Ngân hàng thực hiện việc cho vay và đi vay – đó là những chức năng của ngân hàng. Chuyển dịch tiền không phải là chức năng của ngân hàng. Điều này đã từng được ngân hàng thực hiện trong quá khứ, nhưng cũng có thể được thực hiện bởi người khác. Brett: Ý anh là những dịch vụ như Western Union chẳng hạn. Dave: Thực ra, không phải ở Hoa Kỳ, vì ở đây, nếu anh nghĩ ra một ý tưởng mới tuyệt vời trong việc thanh toán, anh phải vượt qua tất cả những thử thách về quy định trước khi đưa nó vào sử dụng. Tại những nơi khác (ví dụ như ở châu Âu), cơ sở hạ tầng các quy định đang được sửa đổi sao cho anh có thể tạo ra một hệ thống thanh toán, anh có thể gia nhập Visa hay MasterCard, anh có thể chuyển tiền từ người này sang người khác, mà không cần sử dụng ngân hàng. Họ có nhiều quy định khác nhau cho các loại hình thanh toán: các tổ chức thanh toán thông thường và các tổ chức thanh toán điện tử. Hoa Kỳ sẽ thu được nhiều lợi ích nếu cũng có được cách suy nghĩ tương tự, vì quy định đã trở thành một rào cản to lớn ngăn trở các phát minh trong lĩnh vực này. Tôi không nói rằng điều này chỉ xảy ra riêng ở Hoa Kỳ đâu. Canada cũng là một ví dụ khác. Năm vừa rồi, những người ở Rogers, một công ty công nghệ viễn thông, đã nghĩ ra một vài ý tưởng tiếp cận tuyệt vời và đột phá đối với thanh toán qua di động. Họ muốn tung ra một hệ thống thanh toán qua di động mới, nhưng điều đầu tiên họ cần là giấy phép hoạt động ngân hàng. Họ phải mất vài tháng, và vài triệu USD cùng với vài luật sư để lấy được giấy phép ngân hàng thì mới có thể thực hiện được việc chuyển tiền – thật là điên rồ! Một điều nữa có thể rút ra từ M-Pesa: đây chính là cửa sổ mở ra một cách nhìn mới, khác biệt. Brett: Anh nghĩ điều gì là động cơ chính cho những mô hình thanh toán đột phá mà chúng ta đang có ở hiện tại – Bitcoin, Dwolla, Venmo, hoặc thậm chí về một khía cạnh nào đó là PayPal? Dave: Bitcoin và các hình thức thay thế tiền tệ khác nằm trong một loại hình hoặc hình thức khác, tuy nhiên xét trên phương diện thanh toán nói chung, tất cả đều dựa trên kinh tế học cơ bản. Nếu anh nhìn vào các quốc gia như Na Uy, Phần Lan hay những nước tương tự, hệ thống thanh toán đã “ngốn” khoảng 0,15-0,2% GDP. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ tiêu tốn này lớn hơn rất nhiều. Đó là bởi có quá nhiều trở ngại trong hệ thống tại Hoa Kỳ, và đó cũng là lý do khiến anh thấy có rất nhiều người đang xem xét lĩnh vực này và tìm cách tinh giản nó hoặc tìm ra cách thức vận hành tốt hơn. Dù đó là M-Pesa tại Kenya hay Zopa tại Anh, hay Dwolla tại Hoa Kỳ, anh đều thấy áp lực của việc giảm thiểu trở ngại. Mọi người sẽ nhìn vào đó và nói: “Làm thế nào mà phải mất đến ba ngày để tôi chuyển tiền từ Anh đến Đức thế?”. Cứ như thể chúng ta đang sống ở thời đại chưa có sự xuất hiện của tia laser hay vệ tinh vậy. Thế là mọi người lại nhìn vào đó và nói: “Đợi tí, chúng ta đang sử dụng các hệ thống, cấu trúc và phương thức vận hành xuất hiện từ thời trước khi tồn tại mạng lưới kết nối tất cả mọi người trên toàn cầu! Chúng ta cần phải suy nghĩ lại!”. Điều tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa là việc suy nghĩ lại này không hề là điều xấu đối với các ngân hàng. Thanh toán là một khoản chi phí khổng lồ đối với ngân hàng. Nhiều người cho rằng ngân hàng đang sở hữu một ngành kinh doanh khổng lồ; họ đang kiếm được lợi nhuận khủng khiếp từ việc thanh toán. Nhưng đây cũng là chi phí lớn đối với họ. Nếu việc thanh toán có thể được thực hiện hiệu quả hơn, như trong ví dụ ở Kenya, thì sẽ xuất hiện cơ hội cho nhiều hoạt động ngân hàng phát triển dựa trên những chuyển biến này. Ben: Và bây giờ, chúng ta hãy cùng trò chuyện với Dan Schatt, người lãnh đạo bộ phận Phát kiến Tài chính tại PayPal, để biết góc nhìn của anh về vấn đề này. PayPal hiển nhiên là một công ty nổi tiếng, có hàng trăm triệu người dùng khắp thế giới. Đây là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hàng đầu trên thị trường. Phần lớn chúng ta đều biết câu chuyện này, nhưng để có thêm thông tin nền, hãy kể cho chúng tôi nghe một chút về việc PayPal đã khởi đầu như thế nào và tại sao, và hiện nay các anh đang làm những gì để giữ PayPal luôn đột phá và sáng tạo? Dan: PayPal khởi đầu như một công ty quản lý an ninh và rủi ro, tiếp xúc với lĩnh vực thanh toán, một lĩnh vực trở nên rất cần thiết với sự phát triển ngày càng cao của Internet. Mục tiêu là tìm cách an toàn để hỗ trợ thanh toán giữa những người mua hàng với những người bán hàng khi họ không thể giao dịch trực tiếp với nhau hoặc họ đang giao dịch trực tuyến. Tình hình lúc đó, khi mạng Internet bắt đầu bùng nổ, những hình thức kinh doanh trực tuyến bắt đầu hình thành, và họ không có bất cứ tài sản vật chất nào – họ chỉ có tài sản trực tuyến mà thôi. Nếu bạn vừa bắt đầu kinh doanh và xây dựng website, tìm cách bán hàng qua eBay chẳng hạn, và bạn đến ngân hàng và nói: “Anh có thể bảo lãnh cho tôi để tôi có thể chấp nhận thanh toán điện tử được không?”, chắc chắn không có tổ chức tài chính nào có thể đứng ra bảo lãnh cho các công ty như vậy. Ngành tài chính truyền thống không thể hỗ trợ họ được. Vì thế PayPal ra đời, và ý tưởng đằng sau nó chỉ đơn giản là đến với tất cả những công ty này và cho phép họ chấp nhận thanh toán điện tử trực tuyến – tìm một cách tối ưu để chấp nhận rủi ro của họ. Đó là những gì (PayPal) đã làm, và cuối cùng những người tiêu dùng thanh toán muốn cho các công ty này trực tuyến (họ có tài khoản PayPal) nói chung sẽ kết nối với thẻ tín dụng của họ. Và vì thế, PayPal tạo điều kiện cho ngành ngân hàng thu lợi, bằng cách tạo ra tất cả doanh thu phí chuyển đổi hoàn toàn mới, phát sinh từ một nhánh kinh doanh chưa từng có trước đó. Trước khi có PayPal, mọi người gửi tiền mặt trong phong bì, thanh toán qua Western Union, nhưng những giao dịch này không thật sự an toàn. Không có cách nào để khắc phục điều đó. PayPal đã phát triển để hỗ trợ những người bán trên eBay, và dần dần thoát ra ngoài eBay. Khi PayPal vươn ra toàn cầu, chúng tôi đã kết nối với tất cả các hệ thống giải ngân và thanh toán truyền thống để giúp người tiêu dùng và người bán có thể tương tác với nhau, trong đó tiền được chuyển từ tài khoản ngân hàng của người này tại một quốc gia, đến tài khoản PayPal của một người bán tại một quốc gia khác, và cuối cùng tiền đến được tài khoản ngân hàng của người bán ở quốc gia khác đó. Sự thật là PayPal đã tạo ra một nền tảng mà trên đó tất cả các hệ thống giải ngân và thanh toán riêng lẻ trên toàn thế giới có thể có chung một mẫu số là một địa chỉ email và số điện thoại di động. Cuối cùng điều này dẫn đường cho việc chuyển tiền ngay lập tức trên khắp thế giới với chỉ một địa chỉ email hoặc số điện thoại di động. Brett: Cho nên, nếu hôm nay tôi muốn chuyển cho anh một số tiền thông qua hệ thống ngân hàng, thông thường tôi vẫn phải biết số tài khoản của anh, ngân hàng của anh, tên ngân hàng, có thể là cả swift code(30) hoặc số routing(31), thậm chí đôi khi là địa chỉ của ngân hàng nữa! PayPal đã loại bỏ tất cả những phức tạp và phiền hà này, miễn là anh biết địa chỉ email hoặc số điện thoại di động của một người, anh có thể gửi tiền ngay cho người ấy. 30 Swift code: là mã nhận dạng ngân hàng chuẩn cho một ngân hàng cụ thể. Mỗi ngân hàng sẽ có 1 mã riêng để phân biệt với các ngân hàng khác trên thế giới. (ND) 31 Routing number: số định tuyến ngân hàng và dãy số này bao gồm 9 số. Mỗi ngân hàng có một số routing riêng và không giống nhau. (ND) Dan: Đúng là như thế. Để nói rõ hơn về quá trình lịch sử, các ngân hàng cách đây mới khoảng 30 năm đã chiếm gần 100% thị phần chuyển tiền giữa người dùng với người dùng. Nếu anh có nhu cầu chuyển tiền đi quốc tế, nhiều khả năng anh phải đến một chi nhánh ngân hàng, điền vào đơn đăng ký và có swift code của người nhận, cùng tất cả các thông tin khác. Ngày nay, các ngân hàng tại Hoa Kỳ chỉ nắm giữ khoảng 3-4% thị phần chuyển tiền mà thôi. Người tiêu dùng đã đưa ra sự lựa chọn của mình. Họ muốn một giải pháp ít tốn kém và tiện lợi hơn, khi bạn không cần phải đợi đến một giờ nhất định trong ngày để làm điều gì đó. Các ngân hàng cách đây mới khoảng 30 năm đã chiếm gần 100% thị phần chuyển tiền giữa người dùng với người dùng... Ngày nay, các ngân hàng tại Hoa Kỳ chỉ nắm giữ khoảng 3 đến 4% thị phần chuyển tiền mà thôi. – Dan Schatt, PayPal Brett: Trên phương diện thống kê, anh đã nói về sự thật là PayPal khởi đầu bằng việc hỗ trợ eBay rồi sau đó mở rộng đến nhiều người bán khác. Có bao nhiêu phần trăm giao dịch thông qua PayPal hiện nay là giao dịch trực tiếp đến người bán so với tỷ lệ thanh toán giữa những người tiêu dùng? Dan: Chúng tôi không phân chia các chỉ số như vậy trong hồ sơ của mình, nhưng tôi có thể nói với anh rằng dịch vụ cốt lõi của chúng tôi thật sự đã tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa người mua và người bán. Chúng tôi khởi đầu như một phương thức thanh toán qua email, sau đó phương thức này đã phát triển lan tỏa và tự nhiên, theo đó có người dùng chuyển tiền cho một người dùng khác và người dùng chuyển tiền cho các doanh nghiệp, chúng tôi có cả doanh nghiệp này chuyển tiền cho doanh nghiệp khác dưới hình thức thanh toán qua email. Việc này tự bản thân nó đã sản sinh dòng tiền hàng tỉ USD. Nhưng kể cả với nền tảng như vậy, dịch vụ cốt lõi của chúng tôi ngày nay là cách bạn cảm nhận về trải nghiệm thanh toán thông thường khi sử dụng PayPal, dù bạn có là người bán hay người mua trên eBay, và chúng tôi đang hỗ trợ quá trình thanh toán. Chúng tôi đang hướng đến một thế giới đa kênh, trong đó nếu bạn là doanh nghiệp và bạn có thể truy cập vào mạng Internet – dù là thông qua máy tính bảng, hay màn hình điều khiển, hay máy POS tại cửa hàng, hay bạn có một website kinh doanh trực tuyến – thì ý tưởng ở đây đều là bạn phải có thể thực hiện các thanh toán một cách đơn giản thông suốt qua bất cứ kênh nào hoặc xuyên qua tất cả các kênh trên. Đó chính là định hướng của chúng tôi. Điều này có nghĩa là trong tương lai sẽ không còn sự phân định rõ ràng giữa thanh toán trực tuyến và thanh toán ngoại tuyến nữa. Tất cả các giao dịch thanh toán, thực tế, sẽ là thanh toán trực tuyến. Điều này là đúng với tất cả các doanh nghiệp có kết nối với Internet. Brett: Chỉ còn một phương thức thanh toán điện tử trực tuyến, dù là thông qua điện toán đám mây, điện thoại di động, tại cửa hàng hay tại các website bán hàng. Dan: Đúng thế; chúng tôi hiện đang ở trên đường đi đến đỉnh của một đồ thị hàm sin, vì khi anh nhìn ra toàn cầu, với thị trường hơn 30 nghìn tỉ USD giao dịch giữa người tiêu dùng và người bán lẻ, anh sẽ thấy 85% các giao dịch trên thế giới vẫn là giao dịch tiền mặt. Kể cả tại Hoa Kỳ, nếu anh xem xét trên khía cạnh giao dịch, anh vẫn thấy rằng khoảng 50% giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt. Nguyên nhân là do giao dịch tiền mặt vô cùng đơn giản, và anh phải làm thế nào giảm thiểu tất cả mọi phiền phức ra khỏi hệ thống và khiến nó trở nên cực kỳ hấp dẫn đến mức người tiêu dùng có thể sẵn sàng bỏ qua tiền mặt và bắt đầu giao dịch điện tử. Đó là điều mà chúng tôi đang hướng đến. Chúng tôi nghĩ rằng PayPal đang ở vào một vị thế có thể loại bỏ được những trở ngại đó và đang hướng đến một trải nghiệm thật sự thuyết phục. Brett: Cùng với suy nghĩ đó, anh cho rằng công nghệ của PayPal, ví điện tử và các hình thức thanh toán thuận tiện khác sẽ có thể gây đột phá đến mức độ nào đối với các phương thức thanh toán truyền thống như séc hay cuối cùng là tiền mặt? Dan: Đối với việc gây ảnh hưởng lên séc và tiền mặt, chúng tôi nghĩ ảnh hưởng này sẽ rất quan trọng, vì ở đây có yếu tố thuận tiện vô cùng to lớn. Từ những gì chúng ta thấy được trong lịch sử, người dùng thường hướng về những thứ giúp họ tiết kiệm thời gian, tiền bạc và năng lượng. Khi anh đang mua hàng cho kỳ nghỉ lễ, và anh đang dạo trong cửa hàng đồ chơi, tìm một món quà cho các con, và bạn thấy một hàng dài người xếp hàng ở quầy tính tiền, liệu có tuyệt không nếu anh có thể đơn giản bỏ qua hàng người đó và mua hàng trực tiếp từ trên kệ chỉ bằng cách chụp hình mã vạch trên món hàng và bước ra ngoài? Hoặc thậm chí còn tiện hơn nữa, anh có thể mua món hàng ấy từ trước rồi đến cửa hàng nhận hoặc món hàng được gửi đến tận nhà anh? Hãy nhìn vào cách Amazon đã mang lại những trải nghiệm thật sự hấp dẫn cho người tiêu dùng, trong đó họ còn gợi ý những món hàng mà anh thậm chí còn không biết là anh muốn mua. Anh chỉ cần một cú click chuột để mua hàng. Và anh biết không, những nhà bán lẻ với cửa hàng thực đang phải đối mặt với nguy cơ đến từ những doanh nghiệp như Amazon, nơi có thể cho phép người dùng có được bất cứ món hàng gì họ muốn ngay ngày hôm sau! Họ đã vứt bỏ tất cả phiền phức trở ngại ra khỏi hệ thống, và cuối cùng thì