🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mưu Kế Người Xưa Ebooks Nhóm Zalo Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com MƯU KẾ NGƯỜI XƯA Dương Diên Hồng Phát hành theo thỏa thuận giữa Công ty Văn hóa Hương Trang và tác giả. Nghiêm cấm mọi sự sao chép, trích dịch hoặc in lại mà không có sự cho phép bằng văn bản của chúng tôi. Kích thước: 13*19 cm Số trang: 180 Ngày xuất bản: 3-2012 ĐKKHXB số 102/1348/XB QLXB TNKHXB số: 209/TN/XBTN In ấn và phát hành tại Nhà sách Quang Bình 416 Nguyễn Thị Minh Khai, P5, Q3, TP HCM Việt Nam NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Nguồn sách scan: langtu OCR: tran ngoc anh Sửa lỗi: tran ngoc anh Tạo ebook: rito_1522 Ebook này được thực hiện theo dự án “SỐ HÓA SÁCH CŨ” của diễn đàn TVE-4U.ORG Ngày hoàn thành: 28/11/2015 MỤC LỤC Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com LỜI NÓI ĐẦU THẤT THẬP NHỊ HUYỀN MƯU TAM THẬP LỤC KẾ QUỶ CỐC TỬ - ÔNG TỔ CỦA PHÁI BINH GIA MƯU SĨ Lời nói đầu Con người không có sức mạnh hơn voi, không lặn sâu bằng cá, không bay cao như chim; nhưng con người khuất phục được voi, bắt được cá, bắn được chim. Đó là do con người có trí. Có trí nên mới có khoa học kỹ thuật. Có trí mới sinh ra mưu kế và con người hơn nhau cũng là do nơi mưu kế. Ngày xưa, những kẻ bày mưu định kế cho các bậc vua chúa gọi là mưu sĩ. Trong chiến tranh giữa các nước, mưu sĩ bên nào tài giỏi hơn, bên ấy tất sẽ chiến thắng. Quỷ Cốc Tử[1] cho rằng những thần mưu diệu kế trong thiên hạ cũng không lấy gì làm khó, vì cũng chỉ toàn là do người ta bố trí sắp xếp, bày đặt ra mà thôi. Chỉ cần không ngừng nghiên cứu thực tiễn thì có thể đạt được mục đích của mình. Người đời có 36 kế, Quỷ Cốc Tử đưa ra 72 phép để phá vỡ 36 kế ấy. Người ta gọi 72 phép đó là “Quỷ Cốc đấu pháp tâm thuật”. Con người dù có trăm mưu ngàn kế tài giỏi đến đâu cũng không hơn việc vận dụng “Quỷ Cốc đấu pháp tâm thuật” này. Biên soạn cuốn “Mưu kế người xưa” này, không gì hơn là sưu tầm, giới thiệu cùng bạn đọc 72 mưu lược của Quỷ Cốc Tử, và 36 kế của Trung Hoa, kèm theo với một số dẫn chứng được trích từ các tư liệu cổ. Ai cũng biết và cũng có mưu kế, sự vận dụng mưu kế cao hay thấp là tùy khả năng mỗi người. Tuy nhiên chúng tôi mong rằng cuốn “Mưu kế người xưa” sẽ đóng góp một phần nhỏ những kinh nghiệm quý giá của người xưa để có thể góp phần vào thắng lợi của các bạn. Việc sưu tầm, biên soạn, trích dẫn từ các tư liệu cổ luôn là vấn đề không dễ dàng gì, nên việc thiếu sót tất nhiên không sao tránh khỏi, rất mong quí bậc cao minh lượng thứ. Kính Dương Diên Hồng THẤT THẬP NHỊ HUYỀN MƯU (72 mưu của Quỷ Cốc tiên sinh) 1. Lùi để tiến tới “Người giỏi dùng binh trong thiên hạ xưa nay tất phải biết lượng định quyền biến, phải biết phân biệt nặng nhẹ, mạnh yếu.” Những bậc tướng tài sáng suốt thường không ngại việc chủ động rút lui để tránh né khi quân địch mạnh, tạm lùi lại để chờ thời cơ khác thuận lợi hơn cho việc tấn công. Đó là mưu “lùi để tiến tới”. Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam chói lọi tấm gương sáng những cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược vào thế kỷ thứ 13, đời nhà Trần. Không chỉ là thể hiện lòng yêu nước, quyết chiến đến cùng, mà quân dân ta trong những cuộc kháng chiến này còn bộc lộ rõ những mưu lược sáng suốt đáng cho đời sau học hỏi. Chủ trương đúng đắn nhất của các nhà chỉ huy quân sự trong các cuộc kháng chiến này chính là chủ trương biết “lùi để tiến tới”. Tháng 8 năm 1284, đại quân của nhà Nguyên gồm hàng chục vạn quân do Thoát Hoan chỉ huy kéo sang nước ta để thực hiện ý đồ xâm lược đã từng thất bại một lần trước đó. Chỉ huy quân đội ta lúc bấy giờ là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cùng với sự nhất trí của triều đình nhà Trần, ông đã nhanh chóng nhận ra ngay sức mạnh hùng hổ ban đầu của địch quân và thấy rõ sự bất tương phân về lực lượng so với quân ta. Trong trường hợp này, địch mạnh ta yếu, nếu chủ trương quyết tử ngay rõ ràng là một chủ trương dại dột và chắc chắn phải dẫn đến thảm bại. Vì vậy, Hưng Đạo Vương đã hạ lệnh cho các tướng sĩ phải nghiêm chỉnh chấp hành quân lệnh, vừa đánh vừa lui để bảo tồn lực lượng, không ai được tự ý quyết tử. Quân ta tự biết sự thua kém về lực lượng của mình nên vừa đánh vừa lùi, cuối cùng rút khỏi Thăng Long và lui vào Thanh Hóa. Quân địch ráo riết truy tìmbộ chỉ huy của ta nhưng không kết quả, đành phải rút về đóng ở Thăng Long. Chủ trương sáng suốt của quân ta còn thể hiện một cách cụ thể trong nội dung chiếu lệnh mà vua Trần cho công bố trước khi rút khỏi Thăng Long. Trong đó ghi rõ: “Các quận huyện trong nước khi có giặc đến phải cố sức đánh, nếu sức không chống nổi thì cho được phép tránh vào rừng núi, không được đầu hàng.” Cho phép quân đội của mình được quyền tránh giặc, ngày nay có thể coi là chuyện thường, nhưng vào thời đó quả là một thái độ sáng suốt ít người có được. Ta vẫn biết trong quân lệnh ngày xưa, tướng thua trận trở về đều phải nộp đầu chịu tội, bất kể là thua vì lý do gì. Bởi người ta cho rằng đánh nhau với giặc bao giờ cũng phải liều chết để thắng, kẻ bại trận trở về bị cho là “tham sống sợ chết” và không xứng đáng cầm quân nữa. Ngoài ra, triều đình còn hạ lệnh cho dân chúng cũng rút lui khỏi các vùng bị giặc tiến đánh, thực hiện chủ trương “đồng không nhà trống”, những gì không mang theo được đều phải phá hủy, không để lọt vào tay giặc. Với chủ trương đó, quân giặc không thể cướp lấy lương thực từ trong nhân dân, mà phải sống chủ yếu nhờ vào số lương thực của chúng đưa sang. Ngoài ra, quân dân ta ở các địa phương thường xuyên tập kích, đánh lẻ vào các điểmđóng quân của chúng, làm cho bọn chúng lúc nào cũng phải căng thẳng đề phòng không hề được ngơi nghỉ, và tổn thất quân số dần dần. Những điều đó đều nằm trong dự tính của các nhà chỉ huy quân ta. Hơn thế nữa, với sự khác biệt về khí hậu, phong thổ, quân Nguyên dần dần mắc phải nhiều chứng bệnh thời khí cũng như suy giảm sức khỏe nghiêm trọng. Đến giữa năm 1285 thì sách lược của quân ta đạt đến hiệu quả cao điểm và thời cơ chín mùi cho việc phản công. Ngày 7 tháng 6 năm 1285, đại quân do vua Trần Nhân Tông đích thân chỉ huy từ Thanh Hóa kéo ra đánh tan quân địch ở Trường Yên. Ngày 10 tháng 6, Thoát Hoan rút chạy, đến sông Như Nguyệt (sông Cầu) thì gặp quân của Trần Quốc Toản truy đuổi đến. Giặc hốt hoảng không đánh mà chạy thẳng đến sông Thương, Vạn Kiếp thì lọt ổ phục kích của đại quân Hưng Đạo Vương. Giặc bắt cầu phao qua sông nhưng chưa kịp sang hết thì bị quân ta xông ra đánh. Chúng tranh nhau qua sông làm đứt cầu phao, rơi xuống nước chết đuối rất nhiều. Thoát Hoan tháo chạy thoát thân, đến Vĩnh Bình (Lạng Sơn) lại gặp quân ta phục kích. Hết nước, vị danh tướng này của quân giặc phải chui vào trốn trong ống đồng để quân lính khiêng chạy thoát thân. Quân của Toa Đô và Ô Mã Nhi từ Thanh Hóa kéo ra vì chưa biết tin Thoát Hoan đại bại, lại bị quân ta đón đánh thua một trận tơi bời ở Tây Kết. Toa Đô mất đầu, Ô Mã Nhi thoát thân chạy ra biển. Quân đội xâm lược hùng mạnh của giặc Nguyên giờ đây bị đánh đến tả tơi không còn dám nghĩ đến chuyện kháng cự mà chỉ có chạy và chạy... Số tù binh bị ta bắt giữ lên đến hơn 50.000 người. Nhờ nhận định chính xác tình thế, đánh giá đúng tương quan lực lượng và quyết định đúng đắn sách lược “lùi để tiến tới”, quân dân ta đã làm nên kỳ tích là chiến thắng một quân đội viễn chinh được xem là hùng mạnh hơn mình rất nhiều lần. Tháng 12 năm 1287, quân Nguyên lại tiếp tục thực hiện ý đồ xâm lược lần thứ ba. Chúng chia quân thành ba đạo, từ ba mặt cùng tiến đánh vào nước ta. Ngoài hai mũi tiến công bằng bộ binh và kỵ binh từ Quảng Tây, Vân Nam sang, lần này chúng còn tạo thêm một mũi tiến công bằng thủy binh từ ngoài biển theo sông Bạch Đằng tiến vào. Đạo quân chủ lực, vẫn do Thoát Hoan chỉ huy, tiến vào vùng Lạng Sơn và đạo quân từ Vân Nam theo sông Hồng tiến sang do tướng A Lỗ chỉ huy. Trên cả hai mặt trận này, quân ta theo kế hoạch của Trần Quốc Tuấn vừa chặn đánh để kiềm chế và tiêu hao sinh lực địch, vừa tổ chức rút lui để bảo toàn lực lượng. Thủy binh địch do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp thống lĩnh cùng với đoàn thuyền tải lương do Trương Văn Hổ phụ trách từ Khâm Châu (Quảng Đông) vượt biển tiến về phía cửa sông Bạch Đằng. Thủy binh ta do phó tướng Trần Khánh Dư chỉ huy, chặn đánh ở một số nơi nhưng bị tổn thất phải rút lui. Ô Mã Nhi chủ quan chỉ huy đội chiến thuyền vượt lên trước, theo sông Bạch Đằng tiến nhanh về Vạn Kiếp để hội quân với Thoát Hoan, còn đoàn thuyền tải lương thì tiến vào sau. Trần Khánh Dư liền bố trí quân mai phục ở Vân Đồn (Cẩm Phả, Quảng Ninh) đón đánh tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền tải lương gồm 70 chiếc của địch. Chiến thắng Vân Đồn là một đòn giáng mạnh vào kế hoạch xâm lược của quân Nguyên, làm thất bại ngay từ đầu kế hoạch hậu cần của chúng, dồn quân địch vào những khó khăn không thể khắc phục được về mặt lương thực. Tại Vạn Kiếp, Thoát Hoan dừng quân lại một thời gian để xây dựng vùng này thành một khu quân sự trọng yếu. Một bộ phận binh lực được lệnh ở lại đấy, chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu và lập trại chứa lương thực. Sau đó, Thoát Hoan mới tiến về phía Thăng Long. Quân ta vừa đánh cản địch, vừa tiếp tục rút lui. Cuối tháng 1 năm 1288, quân Nguyên vượt sông Hồng tiến công thành Thăng Long. Triều đình và quân ta lại tạm thời rút khỏi kinh thành, lui dần đến vùng hạ lưu sông Hồng. Thoát Hoan huy động quân thủy, bộ đuổi theo ráo riết, nhưng không làm sao bắt được vua Trần và bộ chỉ huy quân ta. Chúng điên cuồng quật lăng mộ vua Trần Thái Tông, đốt phá làng mạc, tàn sát nhân dân. Nhưng tội ác của giặc càng chất cao thì quân dân ta càng sôi sục chí căm thù và càng siết chặt hàng ngũ dưới lá cờ cứu nước của triều đình. Không tiêu diệt được quân chủ lực của ta, không bắt được bộ máy đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến, chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch đã bắt đầu bị phá sản. Thoát Hoan đành phải trở về Thăng Long, lo củng cố vùng chiếmđóng. Nhưng khắp nơi, nhân dân cất giấu lương thực, thực hiện sách lược “vườn không nhà trống” để bao vây, cô lập quân thù và triệt mất nguồn cướp lương thực của chúng. Chẳng bao lâu, nạn thiếu lương thực trở thành mối đe dọa nghiêmtrọng đời sống của hàng chục vạn quân xâm lược. Trong lúc đó, các đội dân binh có mặt ở mọi nơi phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phân tán của quân đội triều đình, không ngừng tập kích các doanh trại và căn cứ của địch, chặn đánh các cuộc hành quân của chúng. Những hoạt động du kích có hiệu quả của quân dân ta làmcho địch quân bị tiêu hao dần và phạm vi chiếm đóng của chúng cũng bị thu hẹp lại. Do kinh nghiệm thất bại lần trước, Thoát Hoan thấy đại bản doanh của hắn ở Thăng Long đang đứng trước nguy cơ bị bao vây và bị tiến công. Tháng 3 năm 1288, hắn ra lệnh đốt phá kinh thành Thăng Long rồi rút quân về Vạn Kiếp. Nhưng khu căn cứ Vạn Kiếp mà hắn đã tốn hao bao công sức để xây dựng cũng không còn là nơi an toàn của chúng nữa. Lương thiếu, quân số hao hụt, tinh thần binh sĩ rã rời, lại thêm bị quân ta tập kích liên tục, nguy cơ diệt vong ngày càng đến gần. Thoát Hoan lo sợ và tức tối như phát điên, nhưng cũng không tìmđược con đường thoát nào khác ngoài cách sớm rút lui để khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn. Hắn quyết định chia quân làm hai đạo, theo hai đường thủy, bộ rút về nước. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy đạo quân thủy được lệnh rút lui trước bằng đường sông Bạch Đằng. Thoát Hoan tự chỉ huy đạo quân bộ theo đường Lạng Sơn về nước. Nhưng mọi hành động của quân thù dù tính toán tinh khôn đến đâu cũng không thoát khỏi tai mắt của nhân dân và sự xét đoán tinh tường của nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn. Những cạm bẫy lớn, những mạng lưới diệt thù đã được giăng sẵn trên các ngã đường rút lui của chúng. Quân dân ta quyết không cho quân thù trốn thoát, bắt chúng phải đền tội ngay trên đất nước mà chúng đã gây ra biết bao tang tóc, đau thương và tàn phá. Sông Bạch Đằng được Trần Quốc Tuấn chọn làm một trận địa mai phục đại qui mô để chôn vùi đạo quân thủy của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp. Đầu tháng 4 năm 1288, đạo quân thủy của địch bắt đầu rút, trên bờ có kỵ binh đi hộ tống. Quân dân ta phá cầu đường và chặn đánh liên tục, buộc đội kỵ binh phải quay trở lại Vạn Kiếp. Đoàn thuyền của Ô Mã Nhi nối đuôi nhau thận trọng theo sông Đá Bạc tiến ra sông Bạch Đằng. Sáng ngày 9 tháng 4 đoàn thuyền địch bắt đầu tiến vào sông Bạch Đằng. Một đội chiến thuyền của ta được lệnh tiến lên khiêu chiến rồi giả thua rút chạy. Ô Mã Nhi liền ra lệnh đuổi theo. Lúc bấy giờ, nước thủy triều đang xuống. Khi đoàn thuyền địch vừa lọt vào trận địa mai phục thì quân ta bất ngờ tiến công mạnh vào đội hình của địch, dồn chúng về phía bãi cọc đã chôn sẵn dưới đáy sông. Chiến thuyền của địch vừa to vừa nặng, lại đang lao nhanh theo dòng nước nên khi đâm phải những cọc gỗ có bịt sắt, một số bị tan vỡ và bị đánh đắm[2] Ngay lúc quân địch đang rối loạn thì quân thủy, quân bộ của ta từ hai bên bờ đổ ra đánh rất quyết liệt. Quân ta lao những bè lửa đã chuẩn bị sẵn vào đốt cháy thuyền giặc. Đại quân của vua Trần cũng kịp thời đến tiếp ứng. Cuộc chiến đấu xảy ra ác liệt từ mờ sáng đến chiều tối. Với ý chí quyết chiến quyết thắng và tinh thần chiến đấu dũng mãnh, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân thủy của địch. Các tướng giặc như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ..., đều bị bắt sống. Quân ta thu được hơn 400 chiến thuyền và vô số quân giặc bị vùi xác dưới đáy sông Bạch Đằng. Đạo quân bộ của Thoát Hoan rút lui qua vùng Lạng Sơn, tuy không bị tiêu diệt hoàn toàn nhưng cũng không thoát khỏi số phận thất bại thảm hại. Trên đường rút chạy của chúng, quân dân ta đã chiếm lĩnh các địa hình lợi hại, chặn đánh liên tục, những hố bẩy ngựa đã quật ngã vô số kỵ binh địch, từ trong rừng thẳm, núi cao, những mũi tên độc luôn luôn phóng về phía kẻ thù. Biết bao hành động yêu nước cùng với những sáng tạo phong phú của quần chúng đã góp phần quan trọng vào việc tiêu diệt sinh lực địch. Quân Nguyên bị truy kích, tập kích liên tục và bị tổn thương nặng nề, xác giặc nằm rải rác ra trên đoạn đường dài gần trăm dặm. Thoát Hoan phải mở con đường máu mới chạy thoát được về nước. Cuộc xâm lược của quân Nguyên bị đập tan hoàn toàn, quân ta toàn thắng. Một lần nữa, nhờ biết “lùi để tiến tới”, quân dân ta đã đánh tan được một quân đội mạnh hơn mình rất nhiều lần. 2. Hành động bí mật “Đạo âm[3] của thánh hiền, đạo dương của kẻ ngu, đạo của thánh nhân ẩn giấu rất kỹ.” Tướng soái khôn ngoan thường tạo nên những cái giả để mê hoặc đối phương, ngấm ngầm hành động để giáng cho đối phương những đòn bất ngờ trí mạng. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, quan tướng quốc nước Tề là Điền Hòa đemđại tướng là Điền Kỵ và Đoàn Bằng kéo quân thẳng tới phía Nam nước Lỗ. Khi quân Tề và quân Lỗ đóng đồn giáp nhau. Điền Hòa không thấy Ngô Khởi (tướng nước Lỗ) mới mật sai người dò xem Ngô Khởi làm gì, thì thấy Ngô Khởi đang cùng với một người hèn hạ nhất trong đám quân sĩ ấy trải chiếu xuống đất mà ngồi, chia canh cùng ăn. Sứ giả về báo, Điền Hòa cười mà nói rằng: - Tướng có tôn nghiêm thì quân mới sợ, quân có sợ thì mới cố sức đánh. Nay Ngô Khởi hành động như thế, còn dùng quân thế nào được. Ta chẳng lo gì! Điền Hòa lại sai Trương Sửu giả cách sang xin giảng hòa để dò thám xem cách chiến thủ của Ngô Khởi ra làm sao. Ngô Khởi đem quân tinh nhuệ giấu ở phía sau, rồi dàn những quân già yếu ra, lại giả cách cung kính mà tiếp đãi Trương Sửu. Sửu nói: - Tôi nghe đồn tướng quân giết vợ để cầu tướng, có phải thế không? Ngô Khởi giả cách sợ hãi mà đáp rằng: - Tôi dẫu hèn mạt cũng đã học ở cửa Thánh, khi nào dám làm những việc bất nhân tình như vậy! Nội nhân[4]tôi nhân khi mất vì bệnh, lại gặp có việc quân lữ, người ta nghe tin đồn bậy, chứ không phải là thực. Trương Sửu nói: - Nếu tướng quân còn nghĩ đến tình họ Điền thì xin cùng với tướng quân giảng hòa. Ngô Khởi nói: - Tôi đây là thư sinh, có đâu dámchống nhau với họ Điền, nếu cho giảng hòa thì chúng tôi thật mãn nguyện lắm. Ngô Khởi mời Trương Sửu ở lại trong quân, uống rượu vui trong ba ngày rồi mới cho về, tuyệt nhiên không nói gì đến việc binh. Khi Trương sửu sắp đi, Ngô Khởi lại dặn đi dặn lại để nhờ Trương Sửu nói hộ cho việc giảng hòa. Trương Sửu cáo từ lui về. Ngô Khởi tức khắc điều binh khiển tướng, chia làmba toán quân lên đường theo sau. Điền Hòa được tin Trương Sửu về nói, có ý khinh quân Ngô Khởi là già yếu, không lo gì cả. Bỗng nghe tiếng trống vang rền ở ngoài cửa trận, quân Lỗ thình lình kéo đến. Điền Hòa kinh sợ, ngựa không kịp đóng yên, xe không kịp thắng ngựa, quân sĩ đều náo loạn. Điền Kỵ đem bộ binh ra nghênh chiến. Đoàn Bằng truyền cho quân sĩ sửa soạn tiếp ứng. Chẳng ngờ hai toán quân Lỗ do Tiết Liễu và Thân Tướng chỉ huy ở hai bên tả hữu xông vào giáp chiến. Quân Tề thua to, người chết như rạ. Quân Lỗ đuổi mãi đến đất Bình Lục (đất nước Tề) mới trở về. Lỗ Mục Công bằng lòng lắm, cho Ngô Khởi làmThượng Khanh. Điền Hòa trách Trương Sửu về tội làmhỏng việc. Trương Sửu nói: - Tôi chỉ thấy như thế, nào ngờ bị Ngô Khởi đánh lừa. Điền Hòa thở dài mà nói rằng: - Ngô Khởi dùng binh chẳng khác gì Tôn Vũ và Nhương Thư thuở xưa. Nếu nước Lỗ cứ dùng hắn mãi thì nước Tề ta khó yên. Ngô Khởi với Điền Hòa cả hai đều dụng công giấu cái ý thật của mình. Một bên muốn đánh mà giả vờ đi giảng hòa để dò biết tình thế địch quân. Một bên đang chuẩn bị đánh mà giả ý muốn hòa, đã luyện quân dũng mãnh mà giả cách chỉ có quân già yếu. Đều là có mưu lược, mà Ngô Khởi mưu sâu hơn, lại thực hiện khéo léo hơn nên đã chẳng bị Điền Hòa che mắt mà ngược lại còn đánh lừa được Điền Hòa để giành chiến thắng. 3. Chủ động quyền biến “Sự việc quý ở chỗ mình chủ động, nếu để đối phương giành được thế chủ động thì hỏng.” Người chủ động mới dành được thế mạnh. Đôi khi phải chủ động bỏ mối lợi nhỏ để tránh được cái hại lớn; chấp nhận cái hại nhỏ để dành mối lợi lớn. Chủ động thì mới có thời gian cân nhắc, tính toán lợi hại, mới sáng suốt trong mọi quyết định. Do đó sẽ thắng lợi. Trong lịch sử Việt Nam có ghi: “Lý Thường Kiệt chủ động tiến công thành Ung Châu nước Tống”. Đó là một gương sáng về mưu lược “chủ động quyền biến”. Năm 1072, vua Lý Thánh Tông từ trần, thái tử Càn Đức lên nối ngôi mới có 7 tuổi, tức là vua Lý Nhân Tông. Nhà Tống coi đó là một thời cơ tốt, càng xúc tiến mạnh mẽ việc chuẩn bị xâm lược nước ta. Âm mưu xâm lược của quân Tống ngày càng rõ ràng. Bên kia biên giới, những căn cứ xâm lược của kẻ thù mà trung tâm là thành Ung Châu, đang như những mũi dao nhọn chĩa vào thân thể của dân tộc ta. Với cương vị Phụ Quốc Thái úy nắmtất cả binh quyền trong triều, Lý Thường Kiệt là người trực tiếp đảm nhiệm sứ mệnh tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược. Lý Thường Kiệt thấy không thể ngồi yên để quân Tống đến xâm lược mà phải chủ động tiến công trước; đẩy kẻ thù vào thế bị động ngày từ đầu và giành những điều kiện có lợi nhất cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Ông nói: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc.” Quán triệt tư tưởng tiến công để tự vệ, Lý Thường Kiệt chủ trương tổ chức một cuộc tập kích thẳng sang đất Tống nhằm tiêu diệt các căn cứ xâm lược của kẻ thù, rồi nhanh chóng quay về bố trí phòng thủ đất nước. Mục tiêu của cuộc tấn công là các trại ở biên giới của quân Tống, cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu và chủ yếu là thành Ung Châu. Có khoảng từ 6 đến 10 vạn quân được huy động cho cuộc tập kích táo bạo đó. Lực lượng này chia làm hai đạo quân, theo hai đường thủy, bộ tiến công sang đất Tống. Đạo quân bộ gồm quân lính các dân tộc thiểu số, do các tù trưởng chỉ huy. Đạo quân này tập trung sẵn ở một số địa điểm dọc theo đường biên giới phía Đông Bắc, rồi bất ngờ tiến công các trại biên giới của quân Tống. Đạo quân chủ lực do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy, tập trung ở châu Vĩnh An (Móng Cái, Quảng Ninh) dùng thuyền vượt biển đổ bộ lên chiếm lấy Khâm Châu, Liêm Châu rồi cùng phối hợp tiến công thành Ung Châu. Chiến dịch tập kích được Lý Thường Kiệt bố trí một cách chủ động, linh hoạt, thể hiện sâu sắc tư tưởng chỉ đạo chiến lược tích cực, lấy tiến công để tự vệ, lấy chiến tranh ngăn ngừa chiến tranh. Ngày 27 tháng 10 năm 1075, cuộc tiến công của quân ta bắt đầu bằng trận đánh vào trại Cổ Vạn. Đạo quân của các tù trưởng thiểu số chia thành nhiều mũi vượt biên giới tiến đánh các trại quân Tống. Đạo quân chủ lực của Lý Thường Kiệt vượt biển đánh chiếm cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu. Quân ta tiến công bất ngờ, mãnh liệt. Trong khi tiến vào đất Tống, Lý Thường Kiệt lại ra sức tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc. Ông sai yết bảng khắp nơi, tuyên bố cho nhân dân Trung Quốc biết rõ mục đích của cuộc tiến công là để tự vệ; để ngăn chặn âmmưu xâm lược đã được sắp xếp từ lâu của chính quyền nhà Tống chứ không có mục đích phá hại dân thường. Trên các mặt trận, quân Tống bị thất bại liên tiếp. Hai đạo quân ta từ hai hướng hình thành hai gọng kìm tiến lên vây hãm thành Ung Châu. Ung Châu là một thành lũy kiên cố. Quân Tống do tướng Tô Giám chỉ huy lại kiên quyết cố thủ để chờ tiếp viện từ phía Bắc xuống. Cuợc chiến đấu ở thành Ung Châu diễn ra rất gay gắt, quyết liệt. Quân ta khép chặt vòng vây và tiến công dữ dội, trong lúc một bộ phận binh lực theo lệnh Lý Thường Kiệt tiến lên mai phục ở ải Côn Lôn (phía bắc Ung Châu) để ngăn chặn và tiêu diệt viện binh địch. Quả nhiên, triều đình nhà Tống sai Trương Thủ Tiết mang quân cứu viện đến và bị quân ta chặn đánh tan tành vào ngày 11 tháng 2 năm 1076. Sau 42 ngày công phá rất dũng mãnh và mưu trí, ngày 1 tháng 3 năm 1076, quân ta chiếm được thành Ung Châu. Lý Thường Kiệt ra lệnh phá thành trì và lấy đá lấp sông để ngăn chặn sự vận chuyển của địch bằng đường thủy. Ông lại cho quân tiến đến Tân Châu để tiêu hủy các kho tàng lương thực vùng Tả Giang của quân Tống. Mục tiêu của cuộc tập kích đã hoàn thành thắng lợi. Tháng 4 năm 1076 quân ta nhanh chóng rút về nước, trong lúc vua tôi nhà Tống đang bàn bạc cách đối phó và chưa kịp điều đại quân xuống phía Nam. (Trích Lịch sử Việt Nam) 4. Biết trước thời thế “Dự đoán thời thế để quyết định lợi hại, quyền biến.” Một thống soái hoặc tướng lĩnh nắmđược thời thế là điều trọng yếu. Họ phải hành động lặng lẽ một khi hết thảy chưa ai chú ý, đến lúc thời cơ chín mùi thì họ ra tay lập tức làm nên chuyện lớn. Vào năm Kiến An thứ 12 tức là năm Đinh Hợi. Bên Trung Hoa có Khổng Minh vừa 27 tuổi ở tại Long Trung được Lưu Huyền Đức (Lưu Bị) mời ra giúp nước. Ngồi trong lều tranh Khổng Minh phân tích thời thế cho Lưu Bị nghe: - Từ khi Đổng Trác phản nghịch đến nay, hào kiệt thiên hạ đều nổi dậy. Như Tào Tháo, thế còn kém Viên Thiệu mà đánh được Thiệu, thì mới biết có thiên thời mà cũng có cả mưu người nữa. Ngày nay Tháo đã cầm được quân trăm vạn, đem thiên tử ra làm bình phong, thì không có thể nào mà tranh lại được với hắn nữa. Tôn Quyền giữ đất Giang Đông đã trải được ba đời, đất thì hiểm mà dân thì phục, thế thì Giang Đông cũng chỉ dùng mà giúp ta. Duy chỉ còn Kinh Châu, phía Bắc có sông Hán, sông Miện, lại thu hết được lợi các biển Nam. Phía Đông thì giáp với Ngô Hội, phía Tây thì giáp với Ngô Thục, chỗ ấy là đất dụng võ, không phải người chủ giỏi không giữ nổi. Ấy là trời để dành cho tướng quân đó. Tướng quân có ý gì đến đó không? Lại còn Ích Châu, đất thật hiểm trở, ruộng cấy nghìn dặm, quả thật là một cái kho của trời. Cao Tổ ngày xưa cũng nhân nơi ấy mà dựng thành nghiệp đế. Nay Lưu Chương là chủ nước ấy, ngu si hèn yếu, dân nhiều nước giàu mà không biết trị, bao nhiêu kẻ sĩ người hiền trong nước chỉ mong mỏi được vua sáng mà thờ. Tướng quân là dòng dõi nhà vua, tín nghĩa lại tỏ ra bốn biển, biết thu dùng anh hùng, kiệt sĩ, cầu người hiền như kẻ khát nước. Như vậy, nếu mà tướng quân gồm được cả châu Kinh, châu Ích, giữ lấy nơi hiểmtrở. Mé Tây thì hòa với rợ, vỗ yên các nước Di, Việt; ngoài thì kết với Tôn Quyền, trong thì sửa sang chính trị. Đợi khi nào thiên hạ có biến lớn, bấy giờ chỉ sai một thượng tướng đem quân Kinh Châu, tiến sang Uyển Lạc; tướng quân thì thân đem quân Ích Châu ra đất Tân Xuyên, thì chắc thiên hạ thế nào lại không đem giỏ cơm bầu nước đến đón tướng quân? Nếu được như thế thì nghiệp lớn mới nên, nhà Hán mới đứng dậy được. Giả sử mà Lượng (Gia Cát Lượng) có giúp được tướng quân thì đó là cái chủ nghĩa của Lượng đó. Tướng quân thử xét xem. Nói xong, sai đứa trẻ đem một tấm địa đồ treo ra giữa nhà rồi trỏ vào mà bảo Lưu Bị rằng: - Đây là địa đồ 54 Châu ở Tây Xuyên. Tướng quân mà muốn thành nghiệp bá, thì phía Bắc phải nhường cho Tào Tháo chiếm lấy thiên thời, phía Nam phải nhịn cho Tôn Quyền giữ lấy địa lợi. Tướng quân thì phải cố giữ lấy nhân hòa, trước lấy Kinh Châu làm nơi ở, sau lấy Tây Xuyên để dựng cơ nghiệp, cho thành cái thế chân vạc, rồi sau mới toan tính được Trung Nguyên. Lưu Bị nghe nói chấp tay tạ mà rằng: - Nghe lời nói Tiên sinh, Bị thực như được dãi gan mở óc, khác nào được người gạt đám mây đen cho thấy trời xanh. Nhưng Lưu Biểu ở Kinh Châu, Lưu Chương ở Ích Châu cùng là tôn thất nhà Hán. Bị sao nỡ cướp lấy? Khổng Minh nói: - Đêm qua tôi đã xem thiên văn, biết rằng Lưu Biểu cũng không thọ được mấy nổi nửa. Còn Lưu Chương thì không phải chủ lập được cơ nghiệp, về sau cũng thuộc về Tướng quân mà thôi. Lưu Bị nghe nói cúi đầu lạy tạ. Khổng Minh chưa ra khỏi nhà mà biết hết được tình thế thiên hạ chia ba về sau thế nào. Đó là biết trước thời thế vậy. 5. Chiêu hiền đãi sĩ “Dùng mưu kế, không bằng tư, tư không bằng kết, kết sao cho chặt.” Có nhiều cách “kết”. Có nội kết, ngoại kết, sinh kết, tử kết. Trương Lương kết thân với Hạng Bá, đó là nội kết. Trương Nghi, Tô Tần kết giao, ấy là ngoại kết. Lấy đức và ân huệ đãi người, mưu phúc cho dân, mưu lợi cho nước, ấy là sinh kết. Tuyên dương người chết, ủy lạo thân thuộc của người đã hy sinh, ấy là tử kết. Lưu Huyền Đức biết Khổng Minh là bậc kỳ tài trong thiên hạ, nên đã ba lần lặn lội đến Long Trung mời Khổng Minh ra giúp nước. Đi đến lần thứ ba Lưu Huyền Đức mới gặp được Khổng Minh. Huyền Đức nói hết lời thỉnh cầu nhưng Khổng Minh vẫn từ chối. Lưu Huyền Đức (Lưu Bị) năn nỉ mãi: - Như tiên sinh đây là đại trượng phu, trong mình có cái tài yên được dân, thực là cầm ở trong tay cái trách nhiệm việc thiên hạ. Trước nữa là Bị đến kêu nài để tiên sinh giúp cho một người ngu, sau nữa Bị xin tiên sinh trông đến cái khổ ải của trăm họ, mà chịu phiền bỏ chốn rừng rú, nhịn hưởng thanh nhàn mà cứu đời ... Bị tuy rằng tiếng hiền đức kém, nhưng xin tiên sinh chớ nỡ bỏ. Tiên sinh hạ cố mà ra núi dạy bảo thì Bị xin chắp tay cúi đầu mà nghe lời dạy. Khổng Minh vẫn còn từ chối, cứ một niềm: - Lượng tôi lâu nay đã quen tay cày cuốc, nản việc đời lắm, xin để cho tôi ở yên đây. Lưu Bị mời mãi không được, khóc mà rằng: - Tiên sinh không thương lấy Bị đã vậy, còn sinh dân bao nhiêu vạn vạn khổ ải, tiên sinh há chẳng rủ lòng thương đến hay sao? Bị vừa nói vừa chảy hai hàng nước mắt, thấm ướt cả vạt áo. Khổng Minh bây giờ mới tin Lưu Bị thật lòng bèn nói rằng: - Tướng quân đã có bụng không bỏ, thì Lượng chẳng lẽ không đem hết lòng khuyển mã ra mà thờ. Lưu Bị mừng lắm, lập tức gọi Quan Công, Trương Phi vào lạy. Khi đem dâng các đồ lễ vật vàng, lụa đủ thứ, Khổng Minh nhất định không lấy tý gì. Lưu Bị phải van lạy mãi, gọi là tấm lòng thành, không dám cho là đồ lễ đại hiền. Bấy giờ Khổng Minh mới chịu nhận. Đêm hôm ấy cả ba anh em Lưu, Quan, Trương cùng ngủ trong nhà Gia Cát Lượng. Hôm sau Gia Cát Quân đi xa về, Khổng Minh gọi em mà dặn rằng: - Ta chịu ân Lưu hoàng thúc[5] ba lần đã hạ cố, không thể từ chối được. Em phải ở nhà chăm việc cày bừa, không được bỏ hoang đồng ruộng. Đợi bao giờ anh thành công nghiệp, anh lại sẽ về đây ở. Ba anh em Lưu, Quan, Trương từ biệt Gia Cát Quân rồi cùng với Khổng Minh về Tân Giả. Lưu Bị đãi Khổng Minh vào bậc thầy, ăn cùng một bàn, ngủ cùng một chiếu, cả ngày chỉ bàn việc lớn trong thiên hạ. 6. Kích động vua chúa “Tiếp xúc, phán đoán có nhiều cách, hoặc dùng binh, hoặc dùng chính, hoặc dùng hỉ, hoặc dùng nộ... Dùng nộ là kích động.” Người khôn ngoan chẳng những dùng lời lẽ thuyết phục chư hầu, mà còn dùng cách kích động, nói khích vua chúa. Sau khi bỏ Tân Giả, Lưu Bị rút quân về Giang Hạ. Lúc này lực lượng Lưu Bị vẫn còn rất yếu, nên Khổng Minh sang Giang Đông thuyết phục Tôn Quyền khởi binh đánh Tào Tháo. Chu Du thống lĩnh binh quyền Đông Ngô còn lưỡng lự chưa muốn đánh. Khổng Minh cười mà nói rằng: - Thôi này! Tôi có một kế không cần đến khiêng dê gánh rượu, không phải nộp nước, dâng ấn, cũng không cần phải thân sang sông. Chỉ sai một người sứ, một chiếc thuyền nhẹ đưa có hai người sang sông. Tào Tháo được hai người ấy, thì lập tức trăm vạn quân cùng cởi áo giáp, cuốn cờ mà lui trở về. Chu Du mới hỏi: - Dùng hai người nào mà làm cho lui được quân Tào? Khổng Minh nói: - Đất Giang Đông mà bỏ hai người ấy, bất quá như cây to rụng mất một cái lá, kho lớn mất một hạt thóc, thế mà Tào Tháo được hai người ấy, lập tức mừng mà đi. Du hỏi: - Hai người là hai người nào? Khổng Minh nói: - Khi tôi còn ở Long Trung, có nghe đồn Tháo mới dựng một cái đền ở trên sông Chương Hà, gọi là đền Đồng Tước, trang hoàng rất lịch sự, rồi kén những con gái đẹp thiên hạ chứa đầy trong ấy. Tháo vốn đồ hiếu sắc, nghe tin bên Giang Đông có ông Kiều Công, có hai người con gái, con lớn là Đại Kiều, con nhỏ gọi là Tiểu Kiều, hai người cùng nhan sắc đẹp như dáng cá lặn nhạn sa, hoa cười, trăng tỏ. Tháo có thề rằng chỉ nguyện hai điều: một là bình được bốn bể dựng nghiệp Hoàng Đế, hai là lấy được hai chị em nàng Kiều ở Giang Đông, đem vào ở đền Đồng Tước, làmvui tuổi già, thì dầu chết cũng không tiếc đời nữa. Bởi vậy tôi nghĩ rằng nay Tháo dù đem quân trăm vạn, chực úp Giang Namnhưng thực chỉ vì có hai người con gái ấy. Đô đốc sao không tìm Kiều công, đem nghìn vàng mua lấy hai người con gái, sai người tống cho Tào Tháo, thì Tháo mãn nguyện tất lui quân về. Thế cũng là kế Phạm Lãi dâng Tây Thi cho Ngô Vương. Du mới hỏi: - Khổng Minh nói chuyện ấy có gì làmchứng không? Khổng Minh nói: - Con nhỏ Tào Tháo là Tào Thực, tự Tử Kiến, có tài đưa ngọn bút thành văn hay. Tháo có sai Thực làm một bài phú, gọi là phú Đồng Tước Đài. Trong bài phú ấy chỉ nói về nhà Tào lên làm Thiên Tử thì lấy hai nàng Kiều ấy. Du hỏi: - Bài phú ấy ông có nhớ không? Khổng Minh nói: - Tôi yêu bài ấy văn hay lắm, nên cũng thuộc. Du xin đọc cho nghe, Khổng Minh lập tức đọc, thì trong bài có mấy câu này: Lập song đài ư tả hữu hề! Hữu Ngọc Long dữ Kim Phụng Lãm nhị Kiều ư Đông Nam hề! Lạc chiêu tịch chi dữ cộng. (Nghĩa là: Dựng hai đền ở bên tả hữu; có đền Ngọc Long có đền Kim Phụng. Nhốt hai nàng Kiều ở bên nước Đông Ngô, để sớm chiều cùng vui vầy) Chu Du nghe xong bài ấy, đỏ mặt tía tai lên, đứng dậy trỏ tay về Bắc mà mắng rằng: - Thằng giặc Tào này láo quá! Khổng Minh vội vàng ngăn rằng: - Ngày xưa chúa rợ Thuyền Vu nó hay xâm bờ cõi nhà Hán. Thiên Tử còn phải đem công chúa gả cho nó để cầu hòa, nay tiếc làm chi hai người con gái thứ dân. Du nói: - Ông chưa rõ đó thôi. Đại Kiều là vợ của Tôn Bá Phù[6], Tiểu Kiều là vợ Du. Khổng Minh giả vờ giật mình mà nói rằng: - Tôi thật không biết, nói vô tình, xin xá tội cho tôi. Chu Du nói: - Ta thề cùng thằng giặc già, hai người không sống cả đôi. Khổng Minh ngồi trong lều tranh biết khắp việc thiên hạ, sao lại không biết chuyện hai nàng Kiều là vợ của Ngô chúa với Chu Du? Ấy là cái mưu khích tướng mà làm rất khéo đó thôi. Đến nổi Chu Du vốn người cũng đầy mưu trí mà không sao nhận ra được. (Trích Tam quốc chí) 7. Kiên tâm bền chí “Anh hùng có lúc sa cơ, khốn tới cùng ắt biến.” Người có chí lớn thật sự, gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình, có thể chịu đựng, nếm trải những nỗi đau khổ mà người đời không mấy ai chịu nổi. Chí khí như vậy mới có thể làm nên sự nghiệp lớn lao. Câu chuyện trích sau đây cho ta thấy rõ điều ấy: ... Khối buồn đọng mãi không tan, thỉnh thoảng Trương Lương ra ngoài dạo cảnh. Một hôm, bóng chiều vừa xế, khómtrúc bên cầu xào xạc trước ngọn gió lê thê. Trương Lương lửng thửng quanh chân suối, lòng ngổn ngang trăm mối u buồn. Bỗng thấy một ông già đi ngang qua cầu, làm rớt chiếc giày xuống nước, rồi gọi Trương Lương mà nói: - Này tiểu tử, hãy lại đây lượm chiếc giày cho ta. Trương Lương thấy ông lão có dáng tiên phong đạo cốt, biết không phải người thường, liền bước đến, cúi lượmchiếc giày trao cho ông lão rất kính cẩn. Ông lão xỏ chân vào giày rồi lại đánh rơi xuống, bảo Trương Lương nhặt. Cứ thế đến ba lần. Trương Lương vẫn với cử chỉ kính cẩn không hề tỏ ý bất mãn. Ông lão mỉm cười, nhìn Trương Lương nói: - Thằng bé này có thể dạy được đây! Liền chỉ vào gốc cổ thụ gần đó nói: - Năm ngày nữa, ngươi đến gốc cây này, ta sẽ cho một vật quý. Chớ sai hẹn! Trương Lương cúi đầu vâng lời. Năm hôm sau, Trương Lương dậy sớm, y theo lời hẹn đến chỗ gốc cây, thấy ông lão đã ngồi chờ sẵn nơi đó. Ông già nhìn Trương Lương mắng: - Đã hẹn với kẻ trượng phu cớ sao lại đến trễ? Thôi, ta hẹn cho năm ngày nữa, hôm đó phải đến cho sớm. Năm hôm sau, đầu trống canh năm, Trương Lương đã thức dậy ra gốc cây, ngờ đâu ông lão lại cũng ngồi ở đó rồi. Ông lão mắng: - Sao ngươi biếng nhác như thế? Hômnào cũng để ta đợi chờ? Thôi, ta hẹn cho năm ngày nữa. Lần này, Trương Lương không ngủ, suốt đêm ra nơi gốc cây ngồi chờ. Trống canh năm vừa điểm, ông lão lểnh mểnh đến. Trương Lương sụp lạy nói: - Kính thưa tiên sinh có gì chỉ dạy, xin thương tình sai bảo. Ông lão nói: - Ta xem tiểu tử cốt cách thanh kỳ, nếu biết dùng tuổi xanh lo việc học tập, sau này có thể đồ vương định bá được. Nay ta cho ngươi ba quyển binh thư, trong đó đủ kỳ mưu, thần toán, dù Tôn, Ngô phục sinh chưa chắc bì kịp. Ngươi khá nhận lấy học tập, trước vì nước Hàn báo thù, sau vì thiên hạ giúp chân chúa đem lại thái bình, để khỏi phụ tình tri ngộ. Trương Lương tiếp nhận ba quyển sách, quỳ mọp xuống đất tạ ơn, và hỏi: - Tiểu tử muốn biết đại danh của tiên sinh, xin tiên sinh cho phép. Ông lão nói: - Ba năm nữa, nơi phía Đông thành Đại Cốc có cái lăng của một vị đế vương, trong đó có một hòn đá màu vàng[7],tức là ta đó. Trương Lương nghe nói ngạc nhiên ngẩng mặt lên thì ông lão đã đi đâu mất. Trương Lương trở về nhà Hạng Bá mở sách ra xem, thấy đó là bộ “Thái Công Binh Pháp”, ngày đêm cố gắng học tập để đợi thời cơ. (Trích Hán Sở tranh hùng) 8. Uốn ba tấc lưỡi “Lời lẽ khôn khéo, giả dối, lợi hại khôn tả.” Người khôn ngoan giỏi lợi dụng ngôn từ để vẽ ra lâu đài trên cát, kích thích người ta hăng hái hoặc dẫn dụ đối phương mắc lừa. Muốn được vậy, phải tô điểm cho thật khéo và nói năng phải hùng hồn, đầy sức thuyết phục và dẫn dụ. “Bái Công (Lưu Bang) dẫn quân đến cửa Quan Trung thấy bọn Hàn Vinh (tướng nhà Tần) đã đặt quân canh phòng rất cẩn mật, khó vượt qua được, liền hội chư tướng bàn luận. Trương Lương nói: - Quân Tần mạnh lắm, chưa thể đánh ngay được. Tướng Tần tuy cầm quân nhưng cũng rõ được lẽ tồn vong trong thiên hạ. Nay hãy tạm dừng binh lại, sai người lên đỉnh núi cạnh cửa quan cắm cờ đỏ để làm thanh thế, rồi sai Lục Giả, Lịch Tự Cơ sang làm thuyết khách, lấy lẽ phải trái dụ hàng. Đợi cho quân địch chểnh mảng, không phòng bị, ta sẽ thừa cơ tấn công thì mới thắng. Bái công theo lời, cho quân lên núi cắm cờ la liệt, rồi sai Lục Giả và Lịch Tự Cơ sang du thuyết. Lục Giả và Lịch Tự Cơ sang yết kiến Hàn Vinh, Chu Mạnh. Lục Giả nói: - Nay quân Tần vô đạo, trăm họ khổ sở, thiên hạ đua nhau dấy nghĩa. Lòng dân đã muốn tất trời phải theo. Nếu tướng quân biết thương dân, không muốn cho dân lâm vào cảnh binh đao tang tóc, xin mở cửa thành đầu hàng, Bái Công sẽ tâu với vua Nghĩa Đế phong tướng quân làm Vạn hộ hầu thì danh tiếng không mất. Hàn Vinh nói: - Tôi ăn lộc nhà Tần, lẽ nào lại bội nghĩa. Tiên sinh hãy tạm trú nơi nhà tôi, để tôi nghĩ lại đã. Lục Giả nhận lời trở về dinh. Hàn Vinh đem việc ấy bàn với chư tướng. Tướng lĩnh có kẻ bảo hàng, người lại bảo không. Bởi thế Hàn Vinh do dự, bỏ bê việc quân. Hôm sau, Tự Cơ yết kiến Hàn Vinh nói: - Tướng quân đã suy xét kỹ chưa? Hàn Vinh thẩn thờ nói: - Các tướng không cùng một ý, biết làm thế nào? Tự Cơ cười nhạt đáp: - Cảm ơn tướng quân! Cứ như thiện cảm của tướng quân, dẫu tướng quân không hàng, chúa công tôi cũng kính mến. Tôi có đem theo một trăm nén vàng để tạ ơn tướng quân. Hàn Vinh từ chối: - Tôi với Bái Công là đối thủ, lẽ nào lại nhận lễ vật? Tự Cơ nói: - Tướng quân không nhận lễ tức là tướng quân tuyệt tình với chúa công tôi. Sau này chư hầu kéo quân đến lấy thành tất tướng quân không giữ nổi, chừng ấy tướng quân muốn gây ân nghĩa với chúa công tôi cũng khó lắm. Chi bằng hãy tạmnhận cái lễ này để phòng bất trắc về sau, tướng quân nên nghĩ kỹ. Hàn Vinh bấm trán đắn đo một lúc, rồi thuận tình nhận lễ vật. Tự Cơ trở về thuật lại với Bái Công: - Tướng Tần tuy không chịu hàng song lòng lưỡng lự, việc canh phòng không còn nghiêm ngặt nữa. Trương Lương nói: - Thế là cơ hội đã đến! Liền gọi Tiết Ân và Trần Bái đến bảo: - Hai người dẫn vài mươi quân kỵ lẻn vào con đường tắt sau chân núi, đốt lửa sau thành làm kế nghi binh. Ta cùng Phàn Khoái đem đại binh đánh vào mặt thành, chúng sẽ tưởng quân ta chặn hai đầu, tất sợ hãi bỏ thành chạy. Các tướng làm y kế. Quả nhiên quân trong thành hoảng hốt chạy tán loạn. Hàn Vinh từ khi nhận lễ, không nghĩ đến việc đánh giặc nữa, cả ngày chỉ uống rượu làm vui. Khi nghe tiếng quân la ó vang trời, mặt trước và sau lửa cháy đỏ rực, tưởng quân Sở đã vào được thành rồi vội khiến quân mở cửa thành ùa ra thoát chạy. Hàn Vinh chạy đến Lam Điền mới dám đóng quân. Ngày hôm sau, chỉnh đốn quân ngũ kéo đến định quyết chiến. Nhưng Trương Lương đã đoán trước cho hai đạo binh phục sẵn. Hàn Vinh vừa đến nới, bị phục binh nổi dậy, đánh một trận tơi bời, không còn manh giáp, chạy thẳng về Hàm Dương cấp báo. Bái Công kéo binh thẳng đến Bái Thượng, bấy giờ vào mùa Đông, tháng Mười, năm Ất Tỵ. 9. Thoái binh chế binh “Có thuật lui binh, có phép chế binh.” Một người bình tĩnh, thận trọng, luôn làm điều thiện, đức độ cao cả, thì dù một thân một mình đi vào hang ổ đối phương, cũng có thể làm cho đối phương phải kính nể, không dám làm hại. Một người như vậy thì nơi nào cũng là đất sống, không có gì đáng gọi là hiểm nguy. “Hạng Vũ, sau khi chiếm được toàn cõi nước Tần liền chọn ngày lành tháng tốt lên ngôi, xưng hiệu Tây Sở Bá Vương, cai trị 9 quận nước Sở, đóng đô ở Bành Thành, tôn Hoài Vương lên làmNghĩa Đế, dời sang Giang Nam. Tây Sở Bá Vương phong cho Bái Công (Lưu Bang) làm Hán Vương, đóng đô ở Nam Trịnh, cai trị 41 huyện Bái Công lòng bối rối không an. Chư tướng thấy vậy hậm hực nói: - Hán Trung là đất nhà Tần dùng để đày tội nhân, nay Bá Vương phong chúa công vào trấn nơi đó, chẳng khác nào muốn giam lỏng. Ấy là mưu Phạm Tăng muốn hại chúa công đó. Phàn Khoái nổi giận nói: - Phạm Tăng khi chúng ta thái quá. Tôi xin liều chết đem thân chống lại, quyết không nghe lời Bá Vương. Bái Công cũng tỏ ý hằn học: - Công ta rất lớn, diệt nhà Tần, thâu đất Quang Trung, lẽ ra phải được làm vua nước Tần, đóng đô ở Hàm Dương mới đáng, sao bị đày vào nơi lam sơn chướng khí, bốn bề núi non, rừng rậm, chịu sao nổi được. Tiêu Hà vội can: - Làm vua ở Hán Trung tuy xấu nhưng còn hơn mất cả sự nghiệp! Chịu khuất một người mà thu được thiên hạ, đó là gương vua Thang, vua Vũ đời xưa vậy. Xin đại vương cứ vào Hán Trung, tích thảo đồn lương, chiêu hiền đãi sĩ, lấy Ba Thục làm căn cứ, mộ thêm quân. Ngày kia kéo ra đánh Tam Tần, thì làm gì chẳng thu được thiên hạ? Trương Lương cũng nói: - Thục tuy là tội địa nhưng trong có núi non hiểm trở, ngoài có sông ngòi bao quanh, tiến thì có thể chiếm được thiên hạ, lui thì có thể giữ được biên cương. Đó thực là chỗ đất dụng võ. Đại vương nên vui lòng nhận lấy. Nếu tỏ ý bất mãn tất Bá Vương tìm cách ám hại. Hơn nữa Phạm Tăng là kẻ mưu sâu ta không nên chống đối. Hán Vương (Lưu Bang) bùi ngùi nghe theo và nói: - Nếu không có tiên sinh giải bày tôi đã lầm việc lớn. Lịch Tự Cơ nói: - Chúng ta vào Hán Trung có ba điều lợi: Thứ nhất, đất Thục hiểm trở, xa cách Trung Nguyên, không ai rõ được thực hư. Thứ nhì, trong lúc Đại Vương có công bị Bá Vương bạc đãi, tất lòng dân mến chuộng. Thứ ba, chúng ta có đủ thời giờ, hoàn cảnh để tạo lấy thời thế. Có ba điều lợi như thế lo gì không gồm thâu được thiên hạ sau này. Hán Vương mừng rỡ liền chọn ngày lành khởi hành. 10. Liệu địch như thần “Ngồi một chỗ mà nắm biết mọi chuyện trong thiên hạ.” Bậc đại trí có thể thông qua những diễn biến phức tạp, chằng chịt, thông qua các hiện tượng mà nhận biết phương hướng hành động thật sự của đối phương. “Khổng Minh đoán chắc Tào Tháo sẽ thất bại trận Xích Bích nên bố trí mai phục ở các đường rút lui của Tháo. Các tướng ai cũng được Khổng Minh giao nhiệm vụ, chỉ có Quan Vân Trường không thấy Khổng Minh nói động đến câu gì. Vân Trường không sao nhịn được, mới nói to lên rằng: - Tôi từ khi theo anh tôi, đánh dẹp trải bao nhiêu trận mạc, chưa bao giờ tôi phải lùi lại sau. Nay gặp đám giặc to thế này, quân sư không sai gì đến tôi, là ý làm sao?