🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mười Chín Sinh Viên Việt Nam Bị Trục Xuất
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Tên sách : MƯỜI CHÍN SINH-VIÊN VIỆT-NAM BỊ TRỤC-XUẤT Tác giả : LÊ-VĂN-THỬ
Nhà xuất bản : NAM-VIỆT
------------------------
Nguồn sách : tusachtiengviet.com
Đánh máy : ngdatthang
Kiểm tra chính tả : Hoàng Thị Bùi Thu,
Nguyễn Văn Huy, Ngô Thanh Tùng
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 20/08/2019
https://thuviensach.vn
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE 4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ-VĂN-THỬ và nhà xuất bản NAM-VIỆT đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
https://thuviensach.vn
MỤC LỤC
I. Thời-kỳ giáo-huấn được khuyến khích !
II. Phong-trào du-học
III. Những hoạt-động chánh-trị đầu-tiên của du-học-sinh IV. Việt-kiều hoạt-động chánh-trị
1) « Mưa truyền-đơn » tại Paris
2) Đâm bụng để khỏi bị đưa về xứ
3) Giả làm lính-tập để trở qua Pháp
4) Hai chục sinh-viên bị nhốt bót 24 giờ
5) Thanh-niên Việt-Nam xung-đột với thanh-niên Pháp tại Paris 6) Một năm ăn tết chánh-trị
7) Kỷ-niệm ngày chết của cụ Phan
8) Thanh-niên Việt-Nam dự Đại-hội Francfort
9) Phong-trào học « tiếng mẹ đẻ »
10) Một cuộc « cách-mạng » trong tổng-hội học-sanh 11) Sinh-viên bị « bố » ở Paris
12) Biểu tình 1er Mai năm 1930
13) Biểu-tình trước dinh Tổng-thống
V. Mười chín sinh-viên bị giam ở ngục Santé
VI. Bị đưa về Đông-Dương
1) …Xuống đến Marseille
2) Trên đường về Saigon
3) Con tàu giỡn sóng…
4) Cố-hương chập-chờn trước mắt
VII. Chấm dứt cuộc-đời sinh-viên
https://thuviensach.vn
LÊ-VĂN-THỬ
MƯỜI CHÍN SINH-VIÊN VIỆT-NAM BỊ TRỤC-XUẤT
(Tài-liệu về cuộc tranh-đấu của anh em lao-động và sinh-viên V.N. ở Pháp từ 1926 tới 1930)
Nhà Xuất-Bản NAM-VIỆT
151, Đại-lộ la Somme-SAIGON
https://thuviensach.vn
Tác-giả của tập sách này là một người trong số mười chín người bị trục-xuất khỏi nước Pháp năm 1930, sau cuộc biểu-tình trước dinh Tổng thống, để phản-đối vụ xử-tử mười ba vị anh-hùng Yên-bái.
Bằng lời văn giản-dị, tác-giả thuật lại đoạn lịch-sử tranh-đấu của anh em lao-động và học-sinh Việt-Nam ở Pháp từ 1926 đến 1930, những ngày ở khám lớn Paris, và cuộc hành-trình Paris-Saigon của mười chín sinh-viên bị cưỡng-bách hồi-hương.
https://thuviensach.vn
I. Thời-kỳ giáo-huấn được khuyến khích !
Ở vào buổi ban đầu, người Pháp vừa đến chiếm-cứ xứ nầy, họ cần-dùng nhiều người bổn-xứ biết tiếng họ, để giúp vào công-việc cai-trị và khai-thác.
Ông thân tôi là một trong đám thanh-niên, ở vào thời-kỳ ấy, bị làng xóm bắt đi học. Thầy học tôi là ông Huỳnh-văn-Chợ được một nhà giàu ở trong làng mướn đi học thế cho con họ. Họ sợ con họ học tiếng Pháp, biết tiếng Pháp, người Pháp đem về xứ, cha sẽ xa con, con sẽ xa cha.
Sự thật, thầy tôi được đưa sang Pháp học bên ấy, để về làm giáo-sư trung-học. Đi một lượt với thầy tôi, ông giáo-sư Duyên và Bác-sĩ Nguyễn văn-Thinh đều là con nhà nghèo, được học-bổng của chánh-phủ thuộc-địa.
Khoảng thời-gian ấy qua, đến giữa trận giặc 14-18, thiếu-niên Việt Nam, tuy không được như trước, nhưng sự học-hành còn được khuyến khích nhiều. Nào là giấy mực, ngòi viết, thước gạch, bút chì được mỗi tháng phát đủ. Thiếu-niên nghèo học giỏi được cấp học-bổng ở các trường tỉnh. Có
nhiều thiếu-niên nghèo học thành tài trong buổi ấy là nhờ sự giúp-đỡ của chánh-phủ thuộc-địa.
Bởi vậy, họ mang « ơn nặng » của chánh-phủ, sau ra trường được bổ làm quan, họ vẫn một lòng phụng-sự chánh-phủ, gọi là đền ơn đáp nghĩa.
Họ mang ơn cũng phải, đối riêng với họ là cái ơn, nhưng họ đâu có hiểu người ta lúc ấy cần-dùng họ để giữ giềng-mối xứ nầy, đặng chung-cùng với « mẫu-quốc ».
Mãi đến bốn năm năm sau giặc, sự học-hành còn được chăm-nom. Nhưng về sau có một sự thay đổi trong sự dạy-dỗ trẻ em. Chương-trình giáo-huấn đổi khó lại, làm cho thiếu-niên nản-chí, học-trò nghèo theo không nổi nữa, vì đã rớt nhiều lần.
Tới nay trong đám chúng ta có người cũng chưa hiểu cái manh-tâm của nhà cầm-quyền ở thuộc-địa. Họ có biết đâu, trong trận giặc, cán-bộ người Pháp thiếu, người ta đào-tạo một số người Việt trung-thành để thế vào máy
https://thuviensach.vn
cai-trị, và cũng cần-dùng một số khác để cung-cấp cho các cơ-quan thương mại, kỹ-nghệ trong xứ.
Hơn nữa là sau giặc, tiền vốn của tư-bản Pháp đem qua Đông-Dương thật nhiều gấp năm, bảy lần khi trước. Cuộc khai-thác bắt đầu bành-trướng, người ta cần-dùng thanh-niên biết tiếng Pháp để giúp trong công-việc chỉ huy khai-thác.
Cán-bộ bên cai-trị đủ. Công việc khai-thác đã đến cực-điểm của nó rồi, còn khuyến-khích sự học-hành chi nữa ? Bởi vậy, trong tờ trình của ông Toàn-quyền tại-chức Albert Sarraut có bảo phải giữ trình-độ giáo-huấn thanh-niên bổn-xứ không quá mực trung-bình. Nghĩa là đừng cho chúng nó học giỏi. Cái học của thanh-niên bổn-xứ để dùng vào hai công-việc trên thôi.
Hiện nay, nhiều người than-phiền ở trong xứ không đủ nhà chuyên-môn để dùng về việc nọ, việc kia. Làm sao có được ? Chánh-phủ không cần lo đến. Học nghề ở Nam-bộ được hai cái trường. Nhưng hai trường này không phải để đào-tạo nhà chuyên môn, mà thợ chuyên-môn.
Nhiều thanh-niên muốn vào học lại bị cái nạn ra trường phải đi lính ba năm. Người ta bày như thế để cho ít người muốn học.
Từ năm 1925…
Bắt đầu từ năm 1925, người Pháp không cần người Việt biết tiếng họ nữa. Không lẽ bấy lâu lập trường học bây giờ lại dẹp đi.
Số học-trò đông, trường học không mở thêm nữa. Thanh-niên đậu bằng sơ-học phải thi vào trường trung-học. Bài thi thật khó. Một số được vào học, còn bao nhiêu đi kiếm trường ngoài làm sao thì làm.
Cũng từ năm nầy, học-trò nghèo hết phương đeo-đuổi cho thật thành tài. Người ta không giúp-đỡ đủ mọi phương-diện như trước nữa.
Tới khúc lịch-sử nầy, con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa.
https://thuviensach.vn
Một nỗi ra trường trung-học, một số rất ít cha mẹ, cô, bác có tiền cho con đi Hà-Nội học trường lớn, còn bao nhiêu, nếu thi không đậu vào ngạch cai-trị thì ra ngoài tìm việc ở các nhà thương-mại.
Xách đơn chạy ngược chạy xuôi, may ra được việc làm thì lương-bổng không đủ sống.
Tương-lai của thanh-niên Việt-nam ngay từ đây mù mờ. Dòm bạn-tác ra khỏi trường không được sự sanh-sống đảm-bảo thì kẻ còn ngồi trên băng có vui-vẻ gì mà ráng học nữa.
Chắc-chắn vì lẽ ấy mà thanh-niên đổi chí-hướng. Họ thấy viễn-cảnh quan-trường bất-tiện cho bước đường của họ. Thoạt đến phong-trào quốc gia đưa vào tận trong những lớp học êm-đềm, mà bấy lâu là những cái đà để thanh-niên tiến vào cửa quan. Lần đầu trong lịch-sử, học-sanh Việt-Nam
bãi-khóa. Rồi từ cuộc bãi-khóa nầy đến cuộc bãi-khóa khác. Một số học sanh bị sa-thải. Kẻ về nhà lo làm ruộng, kẻ xách đơn đi xin việc ở các hãng buôn, và một số ít trốn tàu sang Pháp.
https://thuviensach.vn
II. Phong-trào du-học
Phong-trào sang Pháp đã có lâu rồi, có từ 1922, do số vốn của tư-bản Pháp đem sang sau trận giặc đầu-tiên của thế-giới. Số vốn ấy, một số người bổ xứ được hưởng.
Họ, thương-gia, thầu-khoán, v.v… Họ bắt đầu giàu. Trong xứ, các ngành tiểu-công phát-đạt. Đông-Dương lại là xứ sản-xuất lúa gạo được ngoại-quốc mua nhiều. Lúa có giá, nhà nông lớn, nhỏ được tiền bạc dồi-dào. Tiền quan sụt giá rất nhiều đối với đồng bạc (một đồng bạc đổi được 25 quan).
Phong-trào du-học rất sôi-nổi, nhất là ở Nam-Bộ. Tiên-khởi con chủ điền, kế đến con của quan lại cao-cấp.
Cũng nhờ sau giặc, tàu bè từ Pháp sang Viễn-Đông mỗi tuần mỗi có. Con đường trước kia xa tít-mù, lúc bây giờ coi gần-gũi. Thư-từ qua lại mau chóng. Một trăm bạc Đông-Dương gởi qua Pháp, học-sanh xài mỗi tháng dư-dả lắm rồi. Tới năm 1924 thì học-sanh Việt-Nam ở Pháp khá đông. Họ ở rải rác các tỉnh như Marseille, Montpellier, Aix, Toulouse, Bordeaux, và một số rất đông trú-ngụ tại kinh-đô nước Pháp.
Năm ấy họ cũng đã có tổ-chức hội-hè để giúp lẫn nhau. Có một ban ở Marseille xuống mỗi chuyến tàu bên nầy qua để rước người đồng-hương mới tới lên bờ và chỉ bảo đường đi nước bước cho họ.
Đến 1925, phong-trào quốc-gia ầm-ỳ nổi dậy. Ban đầu, nhận cuộc tiếp rước cụ Bùi-quang-Chiêu và đám tang cụ Phan-châu-Trinh, học-trò các trường trung-học bãi-khóa để hưởng-ứng dân-chúng ở ngoài, nhưng sự thật bên trong cũng phản-đối những cái ngược-đãi trong trường. Các thanh-niên ấy không còn như xưa mà đã có mòi giác-ngộ về sự học. Họ không còn nghĩ đến các vụ làm quan ngất-ngưởng nữa.
Viễn-cảnh cho họ thấy họ phải làm cái gì khác hơn hủ-tục từ trước đến giờ. Song họ chưa giác-ngộ đầy đủ, và phong-trào quốc-gia còn phôi-thai.
https://thuviensach.vn
Những bọn phú-hào bổn-xứ, tuy làm tiền-phong trong giai-đoạn ấy, nhưng không đủ năng-lực làm hơn sự phản-đối sơ-sơ để giành riêng cho họ một địa-vị.
Sau những cuộc bãi-khóa ở các trường trung-học, thanh-niên Việt-Nam sang Pháp rất nhiều.
Nhà đương-cuộc Đông-Dương lúc bấy giờ không khứng cho thanh-niên bãi-khóa giấy phép sang Pháp. Họ nhào xuống tàu làm bồi, phụ bếp, giặt ủi, để đi cho được. Con nhà giàu đi đại qua bên ấy rồi gởi thư về xin tiền cha mẹ. Con nhà nghèo đánh liều đi qua được đến Pháp sẽ hay.
Năm 1926, học-sanh Việt-Nam ở Pháp đông hơn số học-sanh các thuộc-địa khác.
Các học-sanh nghèo sống một cuộc đời vất-vả, đi làm thợ sơn mài, đứng bán các nhà hàng như Samaritaine, họ không chê nghề nào hết.
https://thuviensach.vn
III. Những hoạt-động chánh-trị đầu-tiên của du học-sinh
Vào khoảng 1925-1926, dân-chúng Pháp hoạt-động chánh-trị gắt-gao. Họ biểu-tình đòi sanh-sống đầy-đủ, lương-bổng cao. Trên các tờ báo cách mạng nhiều bài viết nảy lửa. Phía bên Việt-kiều, Nguyễn-thế-Truyền, một học-sinh đã thành-tài, có vợ người Pháp, xuất-bản tờ VIỆT-NAM-HỒN.
Sau lưng Nguyễn-thế-Truyền có một số lao-động Việt-kiều ở các bến tàu và một số học-sinh giác-ngộ.
Đảng VIỆT-NAM ĐỘC-LẬP thành-lập, số học-sinh theo đảng này rất đông. Trong thời-kỳ ấy mà tờ báo VIỆT-NAM-HỒN của Đảng in bằng chữ nhà in. Báo ấy cũng được gởi về Đông-Dương do anh em lao-động làm tàu tận-tâm dấu-đút dưới « canh » tàu.
Ở đây, mỗi lần có ai được một tờ VIỆT-NAM-HỒN thì họ lấy làm quí.
Vì ở đây không thể viết được những câu văn ấy, hay nói một lời xúc động đến nhà đương-cuộc, nên lén đọc những hàng văn tự-do của đồng-bào ở Pháp viết ra, người ta khoan-khoái trong lòng, bằng uống năm bẩy thang thuốc bổ.
Thời-cuộc nước Pháp rối beng, mỗi ngày đều có thợ-thuyền đình-công, biểu-tình. Học-sinh và lao-động các thuộc-địa khác ở Paris cũng hoạt-động như người Việt-Nam. Mỗi khi mết-ting thì có đại-biểu các xứ thuộc-địa và bảo-hộ lên diễn-đàn để phản-đối chế-độ thực-dân.
Ông Doriot của Đảng Cộng-sản Pháp lúc bấy giờ lo về vấn-đề thuộc địa và dân-tộc nhược-tiểu có triệu-tập các đại-biểu của các xứ để làm giống như một mặt-trận. Họ có riêng phòng giấy tại trụ-sở của Đảng.
Anh Hoàng-ngọc-Bích làm quản-nhiệm tờ báo VIỆT-NAM-HỒN, bị đưa ra tòa về tội đi phát truyền-đơn phiến-loạn. Tòa kêu án sáu tháng tù. Ở khám, anh Bích được tiền giúp và thư-từ, điện-văn an-ủi của lao-động, học sanh khắp nước Pháp.
https://thuviensach.vn
Đồng thời, năm ấy cũng có tại Aix một cuộc đại-hội của học-sanh.
Nguyễn-an-Ninh, sau khóa tù đầu-tiên, được nhà chức-trách Đông Dương cho giấy phép sang Pháp. Ninh qua bên này có đi từng tỉnh để diễn thuyết.
Ở được ít lâu, anh về nước với vợ chồng Nguyễn-thế-Truyền.
Nguyễn-thế-Truyền về nước, công-việc để lại cho một vài anh em, song lúc này Đảng Việt-Nam Độc-lập bị chia sẻ. Một số hội-viên của Đảng gia nhập vào Đảng Cộng-sản Pháp.
Trong số anh em theo Đảng Cộng có anh Nguyễn-văn-Tạo hăng-hái hơn hết, cho nên Đảng cử anh vào Ủy-ban thuộc-địa và cũng có chưn trong ban Trung-ương-chấp-hành của Đảng vào năm 1929.
Đảng Việt-nam Độc-lập qua năm 1926 thì hết hoạt-động, nhường lại cho các anh em Việt-kiều ở Đảng Cộng-sản. Mãi đến năm sau, Tạ-thu-Thâu ở Đông-Dương sang, mới triệu-tập Đại-hội và chỉnh-đốn nội-bộ trở lại.
Song cũng không đặng như trước kia, kế năm 1928, sau khi xảy ra vụ đổ máu tại khu La-tinh, trong tiệm cà-phê Turquetti, thì Đảng nầy bị tòa-án quận Seine ra án giải-tán.
Vụ đổ máu nầy làm chấn-động dư-luận cả châu-thành Paris.
Sở-dĩ xảy ra tại tiệm cà-phê nói trên là hôm ấy một thanh-niên Việt Nam tên Đỗ-đình-Thạch, quê-quán Bắc-bộ, con của một ông quan nào đó, đứng ra tổ-chức một cuộc hội-họp với một thanh-niên Pháp tên De Sèvre, con của một chủ hầm-mỏ cũng ở Bắc-bộ. Mục-đích để kêu gọi thanh-niên Việt-Nam hợp-tác với nước Pháp đặng làm cho xứ-sở được giàu-mạnh. Sau khi diễn-giả thốt những lời vàng ngọc ấy, thì Dương-bạch-Mai phản-đối, kế đèn trong phòng nhóm tắt hết và có tiếng la lên cầu-cứu.
Lính cảnh-sát ở ngoài tràn vào, đèn cháy lại thì De Sèvre nằm trên vũng máu, nhưng may chưa chết, còn Đỗ-đình-Thạch chạy thoát đâu rồi. Cò bót đến nơi không biết ai mà bắt, bèn bắt Dương-bạch-Mai, bởi vì khi nãy, người ta có nghe anh nầy la lên inh-ỏi.
https://thuviensach.vn
Cách hai ngày sau, Dương-bạch-Mai được thả ra, vì xét không có tội. Luôn dịp ấy nhà chức-trách đưa Đảng của Tạ-thu-Thâu ra tòa để giải-tán.
https://thuviensach.vn
IV. Việt-kiều hoạt-động chánh-trị
Bắt đầu từ năm 1928, cứ đến ngày 1er Mai thì các nơi đều gởi đại-biểu về Paris để tham-gia vào cuộc biểu-tình của lao-động.
Người Việt-nam đi riêng một « cột » có biểu-ngữ của họ. Đáng lẽ ngày nầy là ngày lao-động đòi lương cao, bớt giờ làm-việc và thi-hành các luật lao-động, đằng nầy người Việt lại đòi dân-tộc tự-quyết, đả-đảo thực-dân… Thế mà đi đến đâu dân-chúng cũng chú-ý và hoan-nghinh nhiệt-liệt.
Biểu-tình đi tới Place de la République thì lính cảnh-sát, lính cộng-hòa vệ-binh áp vào đánh túi-bụi. Dân-chúng kháng-cự mãnh-liệt, nhưng dầu có kháng-cự đến đâu, tay không cũng không làm xuể số người trên tay có sẵn « ma-trắc ». Họ còn lớp khác cỡi ngựa giựt cương cho ngựa hất người bằng mỏ hay là hất bằng hai chưn trước. Ai rủi bị ngựa hất thì phải té liền.
Thấy cuộc đàn-áp trước mắt, anh em Việt-kiều muốn rút lui, không ngờ anh em lao-động Pháp từ sau chạy lên trước đi kèm hai bên hai lớp người để ủng-hộ cho người mình đi tới.
Khi đi ngang qua chỗ nguy-hiểm ấy, chỉ có anh em lao-động Pháp hai bên bị đòn, Việt-kiều đi giữa bình-an vô-sự.
Ngày 1er Mai, trận giông-tố đã qua khỏi thì ba tuần sau đến cuộc biểu tình tại đất thành Père Lachaise.
Cuộc biểu-tình nầy có mỗi năm, để kỷ-niệm ngày lao-động, lần đầu tiên trên thế-giới, cướp chánh-quyền tại Paris và chỉ giữ được trong vòng 72 ngày ; cuộc cách-mạng bị thất-bại, chánh-phủ Thiers đem vô số người vào đây bắn chết, kế xô xuống một lỗ lớn lấp lại. Lỗ này người ta đào dưới chưn tấm vách, sau nầy tấm vách ấy lấy tên là vách liên-hiệp (Mur des Fédérés).
Dân-chúng biểu-tình không đi ngoài đường mà chỉ sấp hàng ở chung quanh đất thánh rồi vào trong đi vòng-vòng cho đến khi đi ngang qua tấm vách lịch-sử, day mặt vào vách và đưa tay trái đấm lên chào, kế đứng qua một bên cho đoàn khác đến.
https://thuviensach.vn
Đoàn Việt-kiều đi gần tới, tiếng người đàng trước la ầm lên « Người Đông-Dương vạn tuế ! » và nhiều khẩu-hiệu khác.
Lần nầy, trong lúc biểu-tình được bình-an vô-sự, không ai đánh-đập. Nhưng tới phút chót, khi ra khỏi cửa thì có lính đón để bắt Việt-kiều. Một tên lính vừa chụp anh Bùi-Đồng, một bạn đi sau la lên cầu-cứu, anh em lao động Pháp xúm nhau gỡ cho được anh Đồng ra khỏi tay lính. Từ lúc đó, anh em lao-động Pháp, dân Việt-kiều đi giữa, họ sắp hàng đi hai bên. Lính ở ngoài không bắt ai được, với mắc-trắc vào đánh, thì lại có những cánh tay to của đồng-bào họ là lao động Pháp hất trở ra.
Lao-động Pháp chịu đựng như vậy để đưa anh em Việt-kiều xuống tận lỗ xe hầm (métro) mới giải-tán.
1) « Mưa truyền-đơn » tại Paris
Đầu năm 1929, thình-lình ở Paris có tin phóng ra rằng ở Đông-Dương nhà đương-cuộc khám-phá được nhiều đảng bí-mật có dính-líu với Trung Hoa, toan đánh-đuổi người Pháp ra khỏi xứ.
Các báo tư-bản lợi-dụng tin ấy để bán báo cho chạy, đăng tít thiệt lớn và bắt đầu đem địa-dư, lịch-sử, phong-tục Đông-Dương để đăng cho được mỗi ngày một bài.
Tờ báo BẠN DÂN (Ami du Peuple) của nhà tư-bản Coty (chủ hiệu dầu thơm và phấn Coty) kêu gọi chánh-phủ đàn-áp thẳng tay quân phiến-loạn và phải đem lính Lê-dương qua Đông-Dương cho thiệt nhiều. Bài viết về Đông-Dương do một sĩ quan cao-cấp, ông này lòe độc-giả bằng những bài về kinh-tế do tài-liệu của Bộ Thuộc-địa, còn về phong-tục thì rút trong tiểu thuyết của Jean Marquet. Một hôm ông làm tàn nói đến hãng hộp-quẹt Bến Thủy ở Vinh, mà Vinh thì, theo lời ông, giáp ranh Trung-Hoa.
Ngoài những bài báo binh-vực Đông-Dương, tả đảng Pháp còn rải truyền-đơn kêu dân-chúng họp mết-tinh để phản-đối chế-độ thuộc-địa. Mỗi lần hội-họp, các nhà trí-thức có chánh-kiến tự-do như giáo-sư Félicien Chalaye, Marcel Déat (ông nầy trong trận giặc vừa rồi theo phát-xít Đức và
https://thuviensach.vn
gần đây có tin ông bị bắt ở Ý) và các bà Andrée Viollis, Camille Drevet đều có diễn-thuyết.
Những cuộc mết-tinh nói về Đông-Dương thì anh em Việt-kiều đi thật đông. Anh em lao-động, mặc-dầu không hiểu tiếng Pháp nhiều cũng đến dự.
Ở ngoài đường-phố Paris, nhứt là ở xóm La-tinh, truyền-đơn mỗi ngày mỗi rải. Các tiệm cơm, tiệm cà-phê đều có truyền-đơn của sanh-viên viết bằng tiếng Pháp hay là tiếng Việt phản-đối chế-độ thuộc-địa và đòi độc-lập.
2) Đâm bụng để khỏi bị đưa về xứ
Trong số anh em lao-động và Việt-kiều, nhiều anh hăng-hái với phong trào cách-mạng. Mỗi khi anh em sinh-viên in truyền-đơn thì họ đậu tiền trả nhà in. Họ đóng góp một số tiền lớn về các vụ ấn-loát báo LAO-NÔNG. Có một vài anh bị sở lính-kín Pháp để ý cho người theo chân mãi.
Một anh trong đám anh em lao-động, một hôm, nhảy lên diễn-đàn được thính-giả hoan-nghinh kịch-liệt, anh nói được vài tiếng thì anh xuống, thế mà ngày mai nhà đương-cuộc sai lính đến nhà anh bắt để giải về xứ. Không dè hôm sau, hai người lính đem anh ra ga Lyon để đưa xuống Marseille đặng đáp tàu về Đông-Dương, anh nầy giấu được con dao con trong mình, rồi dùng dao ấy đâm vào bụng. Máu ra nhiều, người ta sợ, chở anh lại nhà thương để chữa bịnh kế có anh em sinh-viên tổ-chức đem anh qua trốn ở Bỉ. Anh khỏi phải về xứ.
3) Giả làm lính-tập để trở qua Pháp
Trật một anh, nhà đương-cuộc không chịu bỏ qua vụ đưa người về xứ. Hôm sau, họ lại nhà một anh khác bắt và cũng đem về Sở cảnh-sát để làm giấy tờ đem về xứ. Lần nầy, lính-tráng kỹ-lưỡng hơn. Họ lục-soát trong mình có vật gì nhọn họ lấy hết, không còn một món nào có thể đâm bụng được. Anh kia bị đưa thẳng xuống tàu để về Đông-Dương.
https://thuviensach.vn
Tàu chạy, anh được thong-thả. Tàu tới Singapour anh được lên bờ chơi. Lúc tàu chạy về Saigon, anh lỏn ở lại bên ấy.
Nói cho đúng, anh cũng có ý-định không chịu về xứ. Vả lại anh em Việt-Nam làm dưới tàu ủng-hộ anh, cho nên khi lên bờ Singapour thì có nhà ở, cơm ăn chờ cơ-hội trở qua Pháp.
Chuyến tàu đến bến Saigon, có xe của Sở lính-kín xuống bến để rước « khách hàng » thì người khách ấy đâu mất. Sở lính-kín kêu người Việt ở dưới tàu lên hỏi thì ai cũng bảo không biết gì ráo.
Tàu rời Saigon sang Thượng-Hải, Hoành-Tân kế trở về Pháp. Khi đến Singapour thì anh kia lò-mò xuống tàu trở qua Pháp.
Không giấy, không tờ làm sao đi được ? Nhờ anh em đồng-hương dưới tàu tổ-chức rất ranh-mãnh anh mới được an-toàn sang tới nơi.
Chiếc tầu nầy chở vài trăm lính-tập qua Pháp. Anh em dưới tàu cho thầy đội « công-hoa » « chè-chén » đã-đời, kế xin thầy một bộ-đồ ka-ki của lính để cho anh trốn mặc. Mặc bộ-đồ lính vào, xuống hầm phụ bếp, rửa chén, gọt khoai thì còn ai biết được ai. Vả lại cũng có lính làm phụ ở bếp nữa, lại càng khó cho người ngoài biết được.
Tàu đến bến Marseille, anh bị đưa về xứ nầy, trở lại nước Pháp, bỏ bộ đồ vàng, mặc bộ-đồ nỉ lên xe về Paris, vào ở bồi cho một bà đầm, người Mỹ.
4) Hai chục sinh-viên bị nhốt bót 24 giờ
Anh em sinh-viên thường hay hội-hiệp mỗi tuần để cho tin-tức nhau hay là huấn-luyện chánh-trị. Một buổi chiều thứ bảy, vào khoảng năm giờ, họ tựu-họp tại cà-phê Saint Germain, từng dưới đất, lối hai mươi người. Chưa bàn-cãi một việc gì trong chương trình thì lính ào vô bắt hết đem về bót. Vào bót, ông Cò hỏi tên họ và chỗ ở từng người, kế đem giam vào khám. Đêm ấy, anh em ở khám trửng-giỡn đến sáng không ai nhắm mắt được. Sáng ngày cũng không ai nói động gì đến họ và mãi đến năm giờ chiều mới được thả ra.
https://thuviensach.vn
Trọn hai mươi bốn giờ anh em ở ngoài trông đứng, trông ngồi : đến chiều kẻ ở ngoài, người ở trong gặp được nhau, họ dẫn nhau đi « chè-chén » cho tới khuya mới rời nhau.
5) Thanh-niên Việt-Nam xung-đột với thanh-niên Pháp tại Paris
Từ khi có phong-trào quốc-gia, thanh-niên Việt-Nam hăng hái hoạt động đủ phương-diện.
Thế cho tờ VIỆT-NAM-HỒN ngày trước của Nguyễn-thế-Truyền, tờ CÔNG-NÔNG được xuất-bản bằng chữ đánh máy rọi ra bản kẽm và in bằng máy in. Tờ báo nầy được gởi đi các tỉnh và các bến tàu cho học-sanh và anh em lao-động Việt-Nam đọc.
Ngoài vấn-đề báo-chí, Việt-kiều thường họp « mết-tinh » hay là tham dự cuộc « mết-tinh » của các đảng tả-phái tổ-chức.
Một hôm, có một cuộc « mết-tinh » của thanh-niên xã-hội và thanh niên cộng-sản, để vận-động tuyển-cử hội-đồng kỷ-luật cho trường Đại-học Sorbonne, thanh-niên Việt-Nam được mời đến dự. Một bọn thanh-niên bảo hoàng của Léon Daudet đến phá.
Ban đầu, họ cho đại-diện lên diễn-đàn để tranh-biện, sau họ dùng võ lực đánh một thanh-niên xã-hội té xuống diễn-đàn, thanh-niên Việt-Nam ào lên nắm cổ hết ba đứa trong bọn đánh nhừ-tử, kế ở phía dưới hễ thấy đứa nào ăn mặc « kẻng », đầu đội mủ nỉ nghiêng thì đánh không tha.
Bị đánh một trận kinh-hồn, từ đó về sau các cậu đội mũ nỉ không dám chọc-ghẹo thanh-niên Việt-Nam nữa. Mỗi khi chúng thấy người Việt-Nam, dầu một người một, chúng cũng làm lơ bỏ đi.
Năm nay từ đầu đến cuối đều có xảy ra những vụ xung-đột không lớn thì nhỏ.
6) Một năm ăn tết chánh-trị
https://thuviensach.vn
Cái tết năm nay đặc-biệt hơn hết. Sớm mai mồng một tại nhà một học sinh Việt-nam ở xóm « La-tinh », anh em tụ-họp lại lối vài ba chục người. Chủ nhà rước vào trong, trên bàn sẵn trà tàu, bánh, mứt, như ở bên nhà. Căn phòng bên cạnh có dọn một bàn thờ, nhang đèn nghi-ngút và có tượng cụ Phan-châu-Trinh.
Lạy xong, anh em cùng nhau trở qua căn phòng có bàn bánh mứt để ăn uống và bàn về vận-mạng nước nhà.
Lần này cũng như các lần hội khác, hai bên cộng-sản và quốc-gia kích bác nhau.
Về chánh-trị luôn luôn họ không đồng ý-kiến, song mỗi khi có biểu tình thì họ vẫn đi chung nhau.
7) Kỷ-niệm ngày chết của cụ Phan
Hôm nay nhằm hai mươi ba tháng ba năm 1929, một số Việt-kiều phát giấy mời anh em học-sanh và lao-động Việt-Nam hội-họp tại căn phòng Centre International vào khoảng chín giờ tối để làm lễ mặc-niệm cụ Phan châu-Trinh. Anh em tựu lại có đến vài trăm người, trong số nầy có vài người Pháp và năm bảy người đàn-bà Pháp là vợ của những người Việt ở Paris lâu đời và đã lập-nghiệp tại đây.
Cuộc lễ cử-hành rất long-trọng. Một bàn thờ có chưng dọn theo phong tục Việt-Nam, đủ nhang đèn và bức tượng cụ Phan.
Khi bắt đầu làm lễ, toàn anh em đứng dậy im-lặng một phút đồng-hồ, kế anh Nguyễn-công-Khanh đọc một bài diễn-văn kể lại đời sống cụ Phan với bao-nhiêu sự thống-khổ. Tiếc vì anh Khanh đã ở bên Pháp lâu nên không nói tiếng Việt được rành-rẽ, thành-thử bài diễn-văn của anh phải bằng tiếng Pháp.
Tiếp lời anh Khanh, anh Nguyễn-văn-T… đứng lên nói ít lời cảm-ơn anh em có mặt hôm ấy và nhơn dịp nhắc lại đời cụ Phan. Anh T. không nói
https://thuviensach.vn
gì hơn, song anh nói đây cũng như anh chỉ dịch lại bài anh Khanh khi nẫy mà vì bằng tiếng Pháp có nhiều anh lao-động không hiểu.
Trong dịp nầy một anh lao-động Việt-Nam có tiếng giàu-có ở Paris tên là Nguyễn-hoàng-Minh đứng lên ngỏ lời cùng anh em Việt-kiều. Anh Minh nói to lên : « Anh em ! Hôm nay tôi vui ! Vui là vui thế nào ! Vui là vui thế nầy : Học-sanh và lao-động chúng ta họp lại với nhau ».
Nói bấy nhiêu đó, anh bước xuống chỗ ngồi, người ta vỗ tay như một tràng pháo nổ. Mặc dầu anh không nói được lời gì thêm nữa, song người ta hiểu ý anh muốn tỏ cái mừng của anh vì anh em không còn chia rẽ mầy là lao-động tao là học-sanh, hai đàng khác nhau không nhìn nhau như trước kia.
Trong phòng vừa im-lặng thì một anh lao-động khác đứng lên bắt anh em im-lặng một phút đồng-hồ. Anh em rắc-rắc nghe lời anh ấy, ai cũng đứng lên hai tay xụi trước bụng, kế nghe anh bảo : « Chúng ta im-lặng đây để làm gì ? Sự im-lặng của chúng ta để cầu-chúc cho cụ Phan-châu-Trinh ở dưới suối vàng… mạnh-giỏi ».
Đã ở suối vàng còn được mạnh-giỏi, ai nghe cũng muốn cười song chỗ nghiêm-trang không ai dám nên đứng im ; sau khi anh ngồi xuống mọi người cũng cứ vỗ tay khen-tặng lời anh vừa nói.
Chị vợ « đầm » của anh ngồi bên cạnh không hiểu anh nói gì, nhưng thấy ai nấy vỗ tay chị tưởng anh chồng hùng-biện lắm. Chị khoái chí day qua hôn anh một cái hôn nồng-nàn để khao-thưởng.
Cuộc lễ chấm dứt bằng một bài Vọng-cổ Bạc-Liêu của anh Ng-văn-T… anh này đã « rất ái-quốc » đặt ra tại Paris. Bữa ấy có đờn kiềm hợp-tấu do một tài-tử cũng Bạc-Liêu.
BÀI VỌNG CỔ :
« Buồn lòng non sông cất gánh,
Vùng vẫy bốn bể với năm châu,
Làm cho rõ mặt anh hào,
Tấm thân nào nại giải-dầu,
https://thuviensach.vn
Ai ơi ! nước non một mầu, có biết đeo sầu vì bởi đâu ?
Nước nhà đương cơn nguy-biến,
Hai mươi bốn triệu đồng-bào vùng-vẫy trong chốn lửa than, Ai ơi ! cái thân cẩu mã kiếp con người còn có ra chi ».
8) Thanh-niên Việt-Nam dự Đại-hội Francfort
Mùa hè năm 1929, Thanh-niên thế-giới tổ-chức một Đại-hội tại Francfort (Đức). Đáng lẽ Đại-hội nầy phải tổ-chức tại Paris mới phải, song vì tánh-chất phản-đế mà thời-kỳ ấy nước Pháp đương ở địa-vị thứ nhì trên thế-giới, sau nước Anh về phương-diện bá chủ các sắc dân bán-khai và các nước nhược-tiểu, nên chánh-phủ Pháp không khứng cho tổ-chức trong nước mình một Đại-hội để bài-xích mình.
Nếu Đại-hội tổ-chức tại Paris thì dễ-dàng cho thanh-niên biết mấy, đường giao-thông tiện-lợi, lại ít tốn-kém, hay là ở Bỉ cũng được, nhưng chánh-phủ Bỉ cũng từ-khước luôn. Họ mới xin tới chánh-phủ Đức để tổ chức bên ấy.
Chánh-phủ Đức cho phép liền và còn hứa không làm khó hội-viên một khi họ qua khỏi biên-giới, mặc dầu không đủ giấy tờ.
Đức « làm bảnh » như vậy vì lúc bấy giờ nước Đức không còn thuộc địa và cũng muốn phá Pháp và Anh chơi, nên dung-túng thanh-niên phản-đế, nghĩa là tạo một phong-trào cách-mạng chống đế-quốc ở các thuộc-địa của Anh và Pháp.
Mặc dầu Đại-hội sẽ khai-mạc ở Francfort mà gần ngày ấy người ta được thấy ở Paris một số thanh-niên đông-đảo, nhiều sắc da, tập-trung ở đây để vượt qua biên-giới.
Họ chia ra ba nhóm. Nhóm thứ nhứt lên đường đi miền Bắc để qua nước Bỉ, từ Bỉ họ qua Đức. Nhóm thứ nhì đi qua Luxembourg cũng sang Đức được dễ-dàng, nhóm thứ ba xuống Thụy-Sĩ rồi qua Đức không khó.
https://thuviensach.vn
Đứng trước thanh-niên thế-giới : Ấn, Tàu, Nam-Dương, Triều-Tiên và các bạn da đen, thanh-niên Việt-Nam cũng tỏ ra mình có nhiệt-huyết, giác ngộ quyền-lợi dân-tộc. Bởi vậy, đáp lời hiệu-triệu, thanh-niên Việt-Nam cũng băng ngàn theo họ để dự Đại-hội tại Francfort.
Trong năm ngày, thanh-niên của mỗi xứ đem hết tài-liệu để lên án thực dân, thanh-niên Việt-Nam cũng kết-án thực-dân trước đại-biểu của hai mươi ngoài nước đến dự hội.
9) Phong-trào học « tiếng mẹ đẻ »
Từ trước người ta thường nghe trong giới người du-học ở Pháp có thốt câu : « Tôi quên tiếng Annam vì ở Pháp đã lâu ».
Nhưng từ năm 1929 trở đi, những ai còn nói câu ấy là bọn người vong bổn, họ không nhìn họ là người Việt-Nam, bởi họ không gần-gũi anh em đồng-hương của họ, thành-thử họ không nói tiếng Việt đặng rành. Chí như những anh em nào tưởng đến dân-tộc, tưởng đến thân-phận người mất nước thì không ai được quyền bảo : « Tôi quên tiếng nước nhà ». Anh em trong thời buổi nầy lo tìm học những danh-từ khoa-học, xã-hội, kinh-tế, chánh-trị tiếng Việt.
Anh em nhờ anh bạn Vũ-Liên, một học-sanh lao-động, anh đi làm bút toán ban ngày, ban đêm lại ngồi thơ-viện để học. Anh Vũ-Liên biết chữ Hán nhiều, anh có quyển Pháp-Hoa từ-điển. Anh dịch cho anh em những danh-từ mà anh em kiếm trong tiếng Việt không có.
Một anh khác, ở bên nhà có gởi qua cho một bộ sách kinh-tế, xã-hội, chánh-trị của Đào-duy-Anh. Anh em chăm-chú lắm để tìm danh-từ trong đó. Nhờ vậy mà sau nầy, vào khoảng 1933, anh Nguyễn-văn-Tạo, một học-sanh ở Pháp mới về có thể làm chủ-bút tờ TRUNG-LẬP của ông Trần-thiện-Quí và cũng có một số anh em khác cũng ra làm báo Việt-ngữ được.
10) Một cuộc « cách-mạng » trong tổng-hội học-sanh
https://thuviensach.vn
Hội học-sanh có từ lâu. Đứng ra lập hội nầy là một số sanh-viên quí phái. Cha mẹ họ có thân-thích với các ông Albert Sarraul và ông Outrey.
Sở dĩ họ lập ra để cho họ được cử lên làm chủ-tịch, thư-ký, và họ cũng lấy đó làm một danh-vọng của buổi thiếu-thời. Bởi vậy, mỗi khi có cử ban trị-sự, họ cũng giống như cha và chú họ ở Việt-Nam, tuông tiền ra mua thăm để cho được chức nầy chức nọ.
Mãi đến năm 1927, đã có một số người cấp-tiến hơn lên thay thế. Thế mà qua năm 1929, anh em học-sanh lại thấy bọn người trước còn muốn lợi dụng Tổng-hội nên anh em mới vận-động trong 150 hội-viên tại Paris để lật nhào họ xuống.
Đến ngày Đại-hội. Bên nầy anh em sẵn-sàng đưa ra một sổ, sau khi bàn-cãi trong hai tiếng đồng-hồ về các vụ làm tay sai thực-dân là phản-động thì sổ ấy đắc-cử với một số thăm không thể tưởng-tượng.
Tôi còn nhớ một vài anh được đắc-cử lần ấy : chủ-tịch : Hồ-văn-Ngà, thư-ký : Lê-bá-Cang, v.v…
Bọn quí-phái chỉ còn lại tám đứa đành chịu giao sổ sách cho ban-trị-sứ mới.
Tám tên phản-động nầy từ ấy đến sau ra mặt cổ-động cho nhà Học-xá Đông-Dương.
11) Sinh-viên bị « bố » ở Paris
Một buổi sớm mai tửng-bưng, có lính lại đón cửa mỗi nhà của một số đông học-sinh ở. Anh em vừa ra cửa thì lính dẫn đi về bót nhốt.
Những người bị nhốt không hiểu duyên-cớ gì, hỏi cò bót thì người ta bảo Sở lính kín gọi, riêng họ thì họ cũng không biết gì ráo. Rải-rác ở Paris, bót nào cũng có vài ba học-sinh Việt-Nam mà đông hơn hết là bót quận năm, xóm « La-tinh ».
Giam lại cho đến sáu giờ chiều, ai nấy đều được thả ra mới hay hôm nay Bộ Thuộc-địa làm lễ khánh-thành Đông-Dương Học-xá, họ ngừa trước
https://thuviensach.vn
những cuộc biểu-tình và hô khẩu-hiệu. Thế mà anh cũng cho hay mặc dầu một số đông mà người ta biết tên tuổi bị bắt đi rồi, cũng còn một số anh em khác người ta chưa biết tên nên không bị bắt. Những anh em nầy ở ngoài in truyền-đơn đem tại buổi tiệc, chờ cho những bài diễn-văn đọc xong để tung ra.
Trong vụ nầy có lối năm anh bị bắt đem về bót, nhưng trong vài giờ thì họ được thả ra. Buổi chiều nầy tại xóm « La-tinh » thật náo-nhiệt, song náo nhiệt riêng trong giới người Việt-Nam. Anh em nào có tiền chút đỉnh đậu lại với nhau để đãi anh em bị bắt trọn ngày không cơm nước. Sau khi ăn xong còn dẫn nhau làm một tiệc cà-phê rồi bàn-bạc những chuyện ở bót và những phút ồn-ào sau trận « mưa truyền-đơn » ở Đông-Dương Học-xá.
Còn phía bên bọn quí-phái vào nhà học-xá được biệt-đãi vô cùng. Từ khi xảy ra vụ truyền-đơn thì họ không dám léo-hánh lại xóm « La-tinh ». Hoặc khi có lỡ đi ngang qua thì họ đi thật lẹ và nhiều lúc có vài ba người bạn Pháp của họ « hộ-tống ».
Trong số anh em nhiều người nghèo quá như anh Ng-văn-Đông, đã phải chết. Anh đi làm thư-ký cho nhà hàng Samaritaine, lương-bổng ít-ỏi, chiều lại thấy anh ôm cập vào thư-viện. Anh tận-tụy với văn-hóa cách-mạng mà cũng tận-tụy với anh em trong những giờ phút khốn-đốn.
Anh về đến nước nhà mang theo bịnh lao, có lẽ mắc phải vì cảnh cơ cực trong hồi trú-ngụ ở Paris. Anh chết trước mắt vợ và bà con của anh tại một căn nhà hẹp ở xóm Ba-đe.
Còn biết bao nhiêu chiến-sĩ khác bỏ xương nơi xứ người vì chí-hướng mà không chịu mang lấy tiếng nhơ !
12) Biểu tình 1er Mai năm 1930
Ở Paris, năm nay Cảnh-sát-trưởng là Chiappe ra lịnh cấm biểu-tình và xin lính cộng-hòa, mã-kỵ có lối 15 ngàn ở tỉnh đem về giữ trật-tự ở tại đây.
https://thuviensach.vn
Bên Tổng-công-đoàn cũng ra lịnh đình-công như thường năm, song lúc bấy giờ có đến hai Tổng-công-đoàn. Phía xã-hội không ra lịnh đình-công, chỉ phía bên Cộng-sản đình-công thôi. Nhưng ngày nầy đã thành cái « tục » của thợ-thuyền, họ vẫn đình-công như mọi năm. Xe điện, autobus, xe lửa hầm thì đúng mười giờ, xe tới đâu đều ngừng đó, còn xe taxis thì trong giờ nầy không đi mối, đậu bến.
Châu-thành Paris lúc ấy coi như một người mà các cơ-quan đã tê-liệt.
Học-sanh Việt-Nam hôm nay vào trường cũng theo lời hiệu-triệu của các bạn Pháp, la khẩu-hiệu rồi rút ra khỏi lớp. Lại có một số anh em khác « tản-cư » hồi năm giờ sáng, vì họ sợ như lần trước lính đến dẫn đi. Họ lo trước cũng phải, bởi vì lính có đến kiếm họ và báo hại cứ chờ cho đến mười hai giờ trưa. Còn họ thì phải theo thợ-thuyền Pháp tránh Paris để biểu-tình ở Saint Denis, cách Paris mười cây số ngàn.
Tại đây, cũng như ở Paris, cũng cấm biểu-tình, vừa dụm lại là bị giải tán bằng « ma-trắc ». Trong những giờ phút nầy người ta được thấy tình đoàn-kết giữa lao-động Pháp và Việt-kiều rất chặt-chẽ. Họ che đậy cho mình nhiều « cú » thật đau và vẫn cứ ủng-hộ để đưa vào tiệm cà-phê cho khỏi bị đòn.
13) Biểu-tình trước dinh Tổng-thống
Báo đăng tin bên nhà : Quốc-dân-đảng nổi dậy đánh lấy Yên-Bái, rồi vài ngày Yên-Bái thất-thủ. Kế lại có tin làng Cổ-Am bị tàn phá bằng bom.
Anh em rất xôn-xao và họp nhau lại để bàn-cãi lấy thái-độ.
Trước hết khiển-trách Quốc-dân-đảng « bạo-động non », làm việc không căn-cứ vào thật-tế, để đến nỗi hư-hại một tổ-chức và hy-sinh mạng người vô-ích, sau anh em quyết-nghị phản-đối sự dội bom xuống một làng, tàn-sát người vô-tội.
Quyết-nghị xong bèn thảo điện-văn gởi cho Tổng-thống Pháp là ông Dumergue và Bộ Thuộc-địa để phản-đối ; và cho các anh em ở tỉnh hay
https://thuviensach.vn
đặng cũng làm y như vậy.
Riêng về Đảng Cộng-sản thì báo « Nhơn-loại » phản-đối một bài kêu dư-luận thế-giới phân-chứng.
Ít hôm sau có tin vụ ấy đã đem ra tòa xử. Tòa-án ở Hà-Nội xử rơi mười ba cái đầu. Lần nầy, anh em học-sinh và lao-động triệu-tập một cuộc hội-họp để quyết-định phải làm cách nào cứu được mười ba đồng-bào bị xử-tử. Cuộc hội-họp kéo dài rồi nghị-quyết phải biểu-tình.
Một hôm, vào ngày chúa nhựt, bao nhiêu học-sanh ở trường ra nghỉ, một số đại-biểu ở tỉnh lén họp nhau lại lối sáu chục người tại trụ-sở Tổng hội học-sanh ở đường Guy Lassac (xóm « La-tinh ») một lát đều nhảy lên xe-hơi đi thẳng đến trước dinh Tổng-thống.
Truyền-đơn in sẵn, băng cũng sẵn. Đi đầu anh Huỳnh-văn-Phương và anh Trần-văn-Giàu, anh nầy đại-biểu học-sanh ở Toulouse mới lên tới, hai anh cầm băng, còn bao nhiêu ở sau la khẩu-hiệu « Đả-đảo án tử-hình ».
Đi qua và trở lại có hơn năm vòng mà không ai biết « bọn chệt » làm gì (ở Paris, người ta kêu Việt-kiều là chệt). Chừng một người lính gác ở dinh chạy lại đọc được cái băng mới thò tay giựt và thổi tu-hít cầu-cứu.
Hai anh Phương và Giàu giành cái băng lại. Kéo cưa cho đến khi thấy lính ở bót gần đó chạy tới thật đông thì anh em giải-tán.
Một tốp lên xe đi được là nhờ có một số thợ Pháp đào đất gần bên, chạy tới giải vây cho, còn tốp khác vừa lên xe thì thấy lính đánh anh Lê-văn-Thử, họ mở cửa xe nhảy xuống tiếp-cứu, không dè con đường nầy ở gần bót, lính tràn ra rất đông bắt hết đem về nhốt lại. Chính Thâu, Tạo, Phương và Giàu muốn cứu Thử mà phải bị bắt luôn.
Ai cũng tưởng như các vụ biểu-tình, cò-bót giữ lại vài giờ rồi thả, không dè xe cây lại chở hết về bót chánh và nhốt lại suốt đêm.
Khi vào bót chánh thì đếm lại có hơn mười anh em bị bắt. Trong số đó có một người Pháp làm trạng-sư là Girard Rosenthal là bạn thân của anh em sinh-viên, anh nầy còn nhỏ tuổi cũng đi biểu-tình bữa hôm nay.
https://thuviensach.vn
Về đây anh Girard được thả, nhưng theo « luật » ở bót cũng phải bị đá đít một cái trước khi ra cửa.
Qua ngày hôm sau ai nấy yên-tâm và bảo nhau : chúng hăm-dọa mình giam đủ hai mươi bốn giờ rồi thả, không dè đúng hai mươi bốn giờ, người ta còng hết đem lại Bồi-thẩm lãnh đính-bài về tội phiến-loạn, đem giam tại đề bô chờ sáng đem qua khám-lớn.
Đề-bô, chỗ nầy trong giới du-đãng đặt tên là ba mươi sáu tấm kiến (trente six carreaux) bởi vì cái cửa vô-khám đếm được ba mươi sáu tấm kiến nhỏ.
Tại đây, anh em được ở chung từ bốn người, sáng đêm trò-chuyện và kể cho lần nầy ở cũng lối sáu tháng tù là ít. Nhưng tuổi trẻ đầu xanh ai nấy đều cho cái án tù nầy là danh-dự, trả được một ít nợ-nần cho Tổ quốc.
Tuy vậy, những phút canh khuya hiu-quạnh, nhớ lại mình ở đất người, dòm ra thấy lạ cả, rồi ôn lại cả quãng-đời thiếu-niên ở đất nước nhà, nhớ cha mẹ, anh em, có kẻ nẩy ra ý-nghĩ rủi mình chết trong khám chắc-chắn tấm thân tức-tưởi lắm. Nghĩ vậy, song mệt lắm rồi cũng ngủ.
Sáng ra, xe hơi lại chở vào khám. Đi ngang qua xóm « La-tinh » dòm lỗ nhỏ ngó thấy tiệm cà-phê thèm ngồi đó quá.
Xe đến cửa khám, một mớ người ra rước « chệt » vô. Vừa vô cửa có sẵn một bốp tai và một tiếng chưởi « chệt dơ » (sale chinois) phát cho mỗi người.
Khám cất tám dãy giống như hình ngôi sao tám góc. Chính giữa, phòng giấy như cái tháp hòa-thượng (mả thầy chùa) để tội mới đến xin biên tên vào sổ đoạn-trường.
Sau khi biên tên và gởi bóp, tiền bạc giấy tờ rồi thì được dẫn qua phòng xét. Ở đây phải cổi hết áo quần cho họ xét. Người nào được xét xong cũng chưa được mặc quần áo lại, mà phải chun lòn qua sợi dây treo ngang thật thấp, để họ ở trên dòm kỹ coi có giấu gì ở « đó » không. Họ gặp Việt-Nam vào đây họ cho là Chệt, mà Chệt ở Paris có tù thì chỉ bán á-phiện, ngoài ra
https://thuviensach.vn
không có tội-tình gì khác. Bởi vậy, dòm « địa hạt » ấy thật kỹ, sợ các ông ấy thường hay nhồi cục treo bất-tử ở đấy !
Chui qua dây rồi được đi tắm và được phát khăn lau mặt, áo sơ-mi, áo gối và vải trải giường.
Chỉ còn gặp mặt nhau phút nầy, xong rồi ai về khám nấy. Có anh ở dưới, anh được ở lầu nhì, anh thượng lầu ba, rải rác không ai gặp ai.
https://thuviensach.vn
V. Mười chín sinh-viên bị giam ở ngục Santé
Sau khi chúa ngục đút mình vào khám đóng cửa lại thì mình có cảm tưởng là con chuột bị mắc rọ.
Ở nước Pháp chỉ có khám-lớn Paris mới có chế-độ giam riêng từng người. Cái khám nhỏ nầy bề ngang lối một thước rưỡi, bề dài chừng ba thước. Cái cửa của nó là cái cửa nhỏ giống cái cửa bán giấy của ga xe lửa, phía trong có cái bệ để khi chúa-ngục cho mình ăn hay đưa đồ gì khác vô thì đặt trên cái bệ đó.
Vào một giây phút thì có người đem lại một cái thau rửa mặt, một bình nước lối năm lít, hai cây chổi, một cây quét khám, một cây quét cầu-tiêu và cái ca uống nước.
Trong khám có cái giường, có nệm và gối. Cái giường nầy có bản-lề dính vách tường, hai chưn xếp. Ban ngày phải móc lên, ban đêm mới được để xuống trải thảm ra ngủ. Được nằm trên giường ban ngày là khi nào đau ốm, có giấy thầy thuốc cho phép.
Ngang cái giường có cái bàn nhỏ, một bề năm tấc, bề kia lối một thước. Cái bàn nầy cũng dính vào vách tường, thay vì có hai cái chưn như giường thì người ta thế hai cái móc chỏi xuyên từ chưn tường lên mặt bàn. Cái ghế tròn theo trọn bộ với cái bàn cũng có một sợi dây xích, xích vào vách.
Vào khám lối hơn mười giờ, lo đọc nội-lệ của khám dán trên vách, lớn bằng tấm áp-phích của ứng-cử-viên hội-đồng quản-hạt khi xưa vậy. Muốn nhớ được phải đọc đi đọc lại lối năm lần, nhưng thuộc lòng cũng còn e một lát nữa người ta lại bảo mình làm việc gì mình quên có lẽ bị đòn.
Còn đương dò đi dò lại nội-lệ thì nghe kiểng đổ, kế có người mở cái « cửa bán giấy xe điển » ra, thọt trên bệ một ổ bánh-mì tròn một kílô và một cái ca bằng thiếc trắng đựng một thứ nước vàng tái, trên mặt nước ấy trôi lều-bều hai miếng thịt bằng ngón tay út và dưới đáy có hai miếng khoai tây còn y vỏ.
https://thuviensach.vn
Kéo ghế ra, ngồi lại bàn ăn. Ăn ổ bánh, uống thứ nước vàng tái ấy, nhai hai miếng khoai, nuốt hai cục thịt. Ấy là rồi một bữa ăn của tù Tây.
Ăn xong lại dòm qua nội-lệ coi có nói mình rửa ca không. Đọc lại một bận không thấy nói, mà nói ăn rồi để ca ở « cửa bán giấy xe điển » để có người đi ngang qua mở cửa lượm.
Kiểng đổ mười hai giờ, buồn ngủ quá, song nội-lệ không cho ngủ trưa mà phải ngồi hoặc đi tới đi lui, đi qua đi lại trong cái căn nhà nhỏ.
Bước qua một bước phải bước trở lại, đó là đi ngang, bước tới ba bước phải bước quây trở lại, là đi theo bề dài. Đi như vậy trót nửa giờ rồi lại ngồi. Ngồi một hồi lại đi. Lần nầy tính ăn gian chúa-ngục lại bàn ngồi cúi mặt xuống ngủ, không dè một ông đi ngang qua mở cửa nhỏ dòm vào thấy, ông kêu mình dậy và nhè chưởi « thằng chệt dơ-dáy » (sale chinois) và bảo đừng ngủ.
Vào buổi chiều, một ông chúa-ngục đi ngang qua ghé hỏi có mua gì không ? Theo nội-lệ được phép mua giấy, viết mực, bao thư, cò, những ai có tiền gởi bu-rô.
Mình xin biên mua mực, viết và giấy. Ngày sau người ta đem vô cho thì lại không biết viết gì đây.
Ban đầu ký tên chơi trước đã, sau viết lại cái câu thơ ở tù « Mỗi ngày hai bữa cơm kề cửa. Một bước ra đi có lính hầu », và còn thêm vài câu vọng-cổ Bạc-Liêu mà mình còn nhớ khi ở nhà, nghe dĩa-hát hát.
Đêm đầu trông cho tối để ngủ. Bởi vậy, sáu giờ kiểng đổ là lo làm giường, kế leo lên là ngủ. Đêm nay ngủ bù lại đêm hôm qua ở « đề-bô » không ngủ được. Đêm nay ngủ thật mê, sáng ngày đúng sáu giờ kiểng đổ mà còn không muốn dậy.
Ngày thứ nhì quen thuộc hết lề-luật của nhà tù : quét khám, đùa rác, rửa cầu ; đâu đó xong xui, chờ mở cửa là phải quét rác ra ngoài, thay bình nước.
Làm việc trong năm phút, đỡ buồn được năm phút. Hết cơn đó rồi cũng buồn-xo. Hôm nay cũng như hôm qua, cũng đi qua đi lại, ngồi xuống đứng
https://thuviensach.vn
dậy, viết vài câu « bá láp » trên tờ giấy, khi nghe khám bên cạnh ca hát được thì mình cũng ca hát nghêu-ngao chơi.
Ca vọng-cổ vài câu nghe ra thật chán.
Im lặng một hồi lâu kế ngâm Kiều. Nhớ đoạn nào ngâm đoạn đó. May đâu nhớ câu của Từ-Hải :
« Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì ».
Ngâm đến câu nầy, có hơi đắc-chí và đỡ buồn. Mình cho mình « bảnh », còn cái « tụi » không làm được như mình là giá áo túi cơm, an-ủi được năm, bảy phút đồng-hồ, từ đây hễ vừa muốn buồn-buồn là ngâm câu ấy.
Nhưng chốc-lát nghĩ ra mình trẻ con thiệt, đời còn dài mà chỉ ở tù mới được có năm hôm, biết đâu lần nầy được thả rồi ai rủ làm việc gì nữa không dám. Trong năm ngày liên-tiếp sống cách hiu-quạnh, một buổi chiều có một ông chúa-ngục lại mở cửa kêu mình ra hỏi vậy chớ mình phải chệt không, thì mình trả lời là người Đông-Dương. Ông hỏi phải bán á phiện lậu ở tù không. Mình nói mình đi biểu-tình.
Ông chúa-ngục trề môi, rồi ông cho mình là ngu. Cha mẹ giàu-có, từ đường xa nghìn dặm qua đến mẫu-quốc không lo học-hành sau về xứ được bổ làm ông kia ông nọ. Theo ông chúa-ngục thì nước Pháp để chỗ làm, chờ những nhơn-tài ở Pháp về mà tại sao làm hư đời với một cuộc biểu-tình vô nghĩa-lý.
Mình biết rằng mình ở trong lòng bàn tay ông, mình ráng nghe « lời vàng ngọc » của ông ta và trông ông đi đâu thì đi cho rồi.
Không nghe nói đi nói lại, ông tưởng mình biết lỗi nên không chối-cãi gì ráo, dường như ông hài-lòng, nên móc túi cho mình điếu thuốc và cho lửa đốt, kế « ô-rờ-hoa » đóng cửa lại bỏ đi.
Hôm nay đúng sáu ngày, bồi-thẩm đòi. Xe bít-bùng chở cả thảy ra Tòa. Đương khi chờ đợi thì có sáu ông trạng-sư lại hỏi tên thân-chủ và bảo rằng
https://thuviensach.vn
các anh có người bạn tên gì đó nhờ chúng tôi biện-hộ cho các anh. Sáu ông trạng-sư binh-vực cho mười anh em bị bắt trong cuộc biểu-tình ở dinh Tổng thống do anh em ở ngoài chạy tiền mướn.
Bồi-thẩm kêu vô hết để hỏi. Ai nấy cũng bảo nước Pháp là nước dân chủ, biểu-tình ngoài đường không có cấm, vả lại người Đông-Dương ở Pháp không phải là người ngoại-quốc cho nên cũng hưởng được hiến-pháp như dân Pháp.
Sau khi hỏi xong thì được đem về khám lại và để ở ba ngày nữa, kế có giấy thả.
Khi nghe được thả, mình mừng quá, hứa-hẹn trưa nay được ăn cơm một bữa ở tiệm Bắc-Kinh và tối lại có lẽ anh em đãi mình một tiệc cà-phê ở xóm La-tinh thật là vui-sướng.
https://thuviensach.vn
VI. Bị đưa về Đông-Dương
Không riêng gì ai, khi có giấy kêu thả, mỗi người đều tưởng chốc-lát ra đường rồi sẽ dọc-ngang, sẽ uống một ly cà-phê sữa hay là ly rượu la-ve, sẽ gặp bạn-bè đã cách nhau hơn chín ngày rồi. Chín ngày ở khám « Santé » (khám lớn Paris) phải biết bằng năm, bảy tháng ở ngoài châu-thành.
Khi ra khỏi khám có xe chở về Sở cảnh-sát Paris. Trên xe một người lính hộ-tống nói mí rằng : Mấy anh có lẽ nội buổi chiều nay xuống Marseille, ai có nhơn-tình thì lo từ-giã đi. Lời ấy vừa thốt ra ai nấy đều xám mặt.
Chiếc xe bít-bùng của Sở cảnh-sát chạy như dông như gió, không mấy lâu đã đến bót, đúc đít ngay cửa cho người trên xe xuống. Khi được thả, khi lên xe, ai nấy gặp mặt nhau đều mừng-rỡ đến nỗi quên bọn mình còn đủ hay thiếu.
Bây giờ về đến bót, mà nhứt là nghe nói bị đưa về xứ, thì cái vui khi nãy chạy đâu mất, mà cái buồn đến thật lẹ và biểu-lộ lên trên mặt của tuổi thanh-niên rõ-rệt, bắt mỗi đứa nhìn nhau mới hay còn thiếu một người.
Người ấy là Nguyễn-văn-Tạo bị khép vào tội âm-mưu làm rối cuộc trị an bên trong và bên ngoài của nước Pháp.
Bây giờ nghĩ đến về. Về Đông-Dương có sao hay không, hay là « quan tha, ma bắt ». Ở bên ấy không phải như ở bên nầy, họ gấu-ó lắm, mà nhứt là họ sẽ bảo : bọn mầy bài xích chúng tao bên đó, về đây sẽ coi !
Bảy giờ chiều, ông Cò cho ăn được bữa cơm chót cũng bao nhiêu đó. Ăn rồi có xe-hơi đúc đít cho lên để chở ra ga.
Ở ga có người đón, không phải người mình đón đặng đưa các bạn về nước thôi đâu mà có cả lính-kín đón để giữ trật-tự và không cho ai lại gần mấy hành-khách đặc-biệt nầy hết. Chỉ ở xa-xa ra dấu với nhau thôi.
Một cô gái Pháp nhào lại ôm lấy một anh trong đám, hai ba người lính, chạy lại gỡ ra, nhưng vô phương, cô càng siết chặt và nỉ-non kể-lể sự tình cả
https://thuviensach.vn
năm phút đồng-hồ, nhờ anh em can-thiệp, cô mới buông ra. Anh kia không khóc được, anh vẫn cười, có lẽ anh nghĩ em thì thương anh mà đồng-bào em đuổi-xô anh, chẳng những vậy thôi, mà còn khác giống, khác nòi, có thương nhau cho lắm sự đậm-đà cũng không bằng da vàng mũi xẹp đối với nhau.
Mười giờ xe chạy, trên xe dành riêng cho « hành khách đặc-biệt » ba căn phòng, không ai được vào đó và trong ba căn nầy có mấy chú lính ăn mặc « xây-vinh » ngồi xen để hộ-tống.
Còi rú lên, xe từ-từ chạy, dòm ra ngoài thấy hai bên nhà cửa đèn-đuối sáng-trưng, kế trong giây phút ra khỏi châu-thành, đồng không hiu-quạnh.
Thỉnh-thoảng xe ghé ga, mà mỗi khi xe đến ga nào thì trên xe dòm xuống thấy lính mặc y-phục đứng đầy, đưa râu như cá-chốt ở sông Cà-Mau. Chuyến xe của ông quan to đi thế nào không biết chớ chuyến xe nầy đón đưa thật trọng-thể.
Giờ khuya lắm rồi, nhưng ngổn-ngang trong lòng không ai ngủ được nên mới đem câu chuyện cô gái Pháp khóc hồi chiều ra để bàn-luận chơi. Anh bạn nhân-tình cô gái ấy cũng đương ở chung căn nầy gây với anh em tại sao còn nhắc lại chuyện đã qua, và anh bảo « chặc cua » nó đi, đừng nói lại.
Không dè hồi chiều trước đám đông người, anh làm ra vẻ anh-hùng và cũng nhằm cái phút người ta đưa anh ra xe một cách độc-tài, giận cái lịnh đưa ra xe, giận người ký lịnh ấy, giận lính-tráng, giận luôn người yêu. Thật ra cô gái thật-thà, vô tội kia có dính-dấp gì với cái lịnh, với người ra lịnh hay với người vưng lịnh đưa anh ấy về xứ đâu mà hòng giận.
Giờ nầy anh nghĩ lại tội-nghiệp ; anh biết yêu, anh tiếc cái phút buồn tình của con ly-biệt, nhưng phút ấy đã qua rồi. Anh xin anh em đừng nhắc nó lại.
1) …Xuống đến Marseille
https://thuviensach.vn
Trọn đêm xe chạy, mười giờ sáng mới tới Marseille. Đến ga, lính-tráng sấp hàng hai. Đồ-đạc của « hành-khách đặc-biệt » có người khuân-vác, còn họ thì đi tay không giữa hàng rào lính. Đến cổng ga lại có xe đúc đít chở họ về bót.
Chuyến đi nầy không ai tốn tiền, nhờ xe bót, ngủ ở bót, ăn ở bót, nhưng trong đời nếu tái-diễn mãi như vầy nữa cũng không ham chút nào.
Vào bót, ôi ! đã có hơn một chục ông ở đây rồi. Thì ra có ai đâu lạ, cũng mặt quen không. Cũng một bọn từ đầu đến cuối có nhau trong các vụ ở Paris. Hôm nay kẻ trước thì người sau, con đường nào cũng dẫn về La-Mã. Mấy bác nầy đi xuống trước bằng chuyến xe lửa chở hàng, cho nên từ Paris xuống Marseille ba ngày mới tới. Bởi vậy dòm họ, mặc dầu họ tới hôm qua, ngủ một đêm ở đây rồi mà họ còn bàu-nhàu như gà Nam-Vang chở xe hơi về Saigon bị kẹt giỏ.
Bận nầy mặc sức đi, mạnh ai nấy nói. Cò-bót la hoài không đặng, thét ông cò bảo lính thôi để cho chúng nó nói, trong vài giờ nữa xuống tàu về xứ chúng khỏi nói cò-bót ở Marseille hay làm khó.
Tới giờ ăn cơm, Cò hỏi bây giờ ở đây không đủ bàn ghế, phải ăn món gì cho gọn. Một anh bạn xin Cò cho ăn một món lịch-sử ở Marseille trước khi rời khỏi nước Pháp, món ấy là « bu-da-bết ». Món ăn nầy ở đây cũng đặc-biệt như xứ mình cháo Cần-Thơ, nem Thủ-Đức, vậy.
Cò-bót là toàn « mặt sắt đen sì » thế mà khi nghe nói muốn ăn món lịch-sử ấy cũng động lòng kêu lính ra quán kêu vô mười chín dĩa bu-da-bết.
Giờ nầy dầu nấu không ngon cũng ngon được. Ăn xong sắp-sửa xuống tàu.
Cũng chiếc xe-hơi đúc đít, chở đầy người và va-ly, chạy thẳng xuống bến. Tàu gần chạy, hành-khách đương nhộn-nhàng, phu-vác lăng-xăng, thế mà khi chiếc xe ngừng lại thấy một đám « chệt » trên xe tràn xuống, ai nấy đều đứng sững để dòm.
Người xuống rồi, va-ly còn ngổn-ngang trên xe-hơi, một nhóm phu-vác lại xách hết. Ban đầu anh hem không biết, nói với họ : « chúng ta không có
https://thuviensach.vn
tiền trả đâu ». Họ cười và bảo : « Đây không phải lính vác mướn, đồng-chí cứ an-tâm ». Té ra « Công-đoàn phu-vác » đã có người cho hay mười chín người Đông-Dương bị đuổi, chuyến tàu nầy phải tìm cách giúp-đỡ họ.
Lính gác hai hàng, mười chín người bị đuổi đi giữa, bên ngoài có một đám đông Việt-kiều ngó theo và một bà già kêu lớn : « Các anh về mạnh giỏi ». Rồi bà khóc ré lên.
Bà nầy là bà Năm Xồi. Hai vợ chồng bà qua đây lập-nghiệp có đến ba chục năm rồi. Nghe nói bà ở tử-tế với học-sinh lắm, nhưng có người nói bà có chân trong phòng tình-báo của Bộ Thuộc-địa. Kẻ nói vầy, người nói khác, hôm nay thấy bà khóc, nghĩ ra thì bà Năm cũng có tấm lòng thương người đồng-hương mắc nạn.
Một cái cầu thang đặc-biệt để riêng cho hành-khách đặc biệt. Lên thang còn ngó lại nhóm Việt-kiều chăm chú nhìn theo cho đến khi khuất dạng.
Bước lên tới « boong » tàu, lính lùa hết xuống « canh » để ở dưới.
Một chốc-lát, va-ly xuống tới đủ số. Một anh trong đám phu-vác bắt tay cả anh em, còn mấy anh kia thì đứng xa-xa đưa tay lên chào. Phút chót, anh móc ra xấp giấy bạc trao cho một anh trong đám sinh-viên và bảo rằng : « Số tiền mọn của anh em phu-vác tàu để tặng anh em về đường, xin đừng từ-chối và cứ can-đảm lên ! ».
Đứng trước mối tình nồng-hậu của lao-động Pháp đối với mình, anh em hết sức cảm-động. Khi anh kia chào lần chót để lên khỏi hầm thì mới xúm nhau mở gói tiền ra đếm, thấy có đến năm ngàn quan chẵn, số tiền ấy bấy giờ trị giá năm ngàn đồng bạc Đông-Dương chớ không ít.
Tàu chưa chạy, mười chín hành-khách quý còn ở dưới hầm. Họ lo giành chỗ nằm và sắp-đặt va-ly, thay bộ đồ nỉ, mặc bộ đồ mát vô. Bởi vì đây là Marseille, trong giây phút tàu ra biển là đi về xứ nóng và ở dưới tàu, đi theo hạng « cá kèo » lo gì ai bắt lỗi, không ở… là may rồi.
Tàu chạy, quan tàu kêu lên « boong » hết, để cho một ông Tây nhỏ tuổi kêu tên đếm và ông tự giới-thiệu ông là người của Bộ Thuộc-địa sai hộ-tống mười chín anh em về. Ông căn-dặn ở dưới tàu phải ăn ở cách nào. Khi tàu
https://thuviensach.vn
chạy được thong-thả, khi tàu đến phải chui vào hầm, có lên được chỉ vài ba người đi lấy đồ ăn thôi.
Chiều nay ăn cơm dưới tàu. Người ta phát cho một cái ly uống nước, cái nĩa, con dao và một cái dĩa bằng nhôm. Đồ ngủ thì chỉ có cái mền. Đi lấy đồ ăn thì mỗi năm người có hai cái « lập-là » và một cái thùng đựng rượu.
Bữa ăn hôm nay thật vui. Ăn xong của ai nấy rửa. Đêm nay trời lạnh, mặc dầu mùa hè, nhưng vì Địa-trung-Hải gió nhiều, tàu chuyển-động, mỗi người đều quấn cái mền gòn của tàu phát để lên « boong » nói chuyện chơi và sẵn có một số năm chục lính Pháp sang Đông-Dương, anh em lại làm quen nói qua, nói lại cho đỡ khổ.
Một chuyến tàu mười chín người, trong số đó có vài anh lao-động người Bắc-bộ, hai đứa nhỏ còn học trung-đẳng, còn bao-nhiêu ở trường lớn hết.
Đành rằng mấy đứa nhỏ không biết buồn, vì tuổi nhỏ còn có thể học được và còn ngày giờ, còn mấy anh lớn họ không buồn là vì họ đã biết cái qui-kết của việc họ làm. Hôm nay, nếu có xảy ra những vụ có thể làm gãy gánh công-danh của họ, nghĩ cũng không sao. Tìm con đường khác.
2) Trên đường về Saigon
Phần đông những hành-khách đi tàu, những đêm đầu hay những ngày đầu ngủ không đặng yên, hay ăn không biết ngon. Tàu nhẩy sóng bị nôn ruột, máy chạy nghe ầm-ầm không quen lỗ tai, làm cho con người ngủ khó. Nước sơn tàu có mùi tanh hôi của dầu cá làm nhức đầu và mất đói. Có ngủ được hoặc ăn được ít ra vài ngày sau.
Hoàn-cảnh của mười chín thanh-niên bị chánh-phủ Pháp đưa « tống cổ » về xứ có đặc-biệt hơn. Cả mấy ngày ăn đứng ăn ngồi hoặc ở bót nầy hay bót nọ. Bụng sẵn đói. Cả mấy đêm mấy ngày ngủ không yên giấc. Nên chi buổi chiều xuống được dưới tàu, biết đói gặp một bữa ăn, mặc dầu món ăn không ra gì, song bữa ăn thong-thả và bữa ăn sum-vầy lại có mỗi người một ly rượu chát, thành ăn biết ngon.
https://thuviensach.vn
Đêm nay sau vài câu-chuyện nhảm-nhí để vui cười thì bắt đầu đi ngủ. Tàu lay-chuyển, máy chạy ầm-ì nhưng cũng cứ ngủ ngon như những đêm quá chén, khác hơn hành-khách trên tàu…
Sáng tửng-bưng, lính tây đi lấy cà-phê ở nhà bếp thì người mình cũng chạy theo đi lấy cái thứ « nước bùn » ngọt-ngọt ấy đem về uống. Chia nhau mỗi người được nửa ly, uống vào nó đắng mà ngọt cũng đỡ hơn những ngày ở bót hoặc ở khám Santé.
Con đường về Saigon còn đến hai chục ngày, nếu ở dưới tàu mạnh ai nấy ngồi một xó thì cái sống chán-nản nó kéo bằng mấy năm, bởi vậy, anh em mới tổ-chức những cuộc cờ tướng, những sòng « cắc-tê », ăn thua vuốt mũi, để giết thì giờ. Vài anh em lại thích ngồi một mình để nghĩ-ngợi, kẻ khác thì ham đọc sách tìm những cái góc thanh-tịnh trên cái « boong » tàu chật-hẹp.
Trưa hôm nay, sau bữa ăn, vừa sắp-sửa đi nghỉ trưa thì một anh bạn tàu đem lại cái điển-văn. Giở ra xem mới hay ở Paris sau khi mười chín anh em xuống tàu thì Việt-kiều có tổ-chức một cuộc hội-hiệp, nhơn khi ấy thảo điện văn gởi cho anh em để an-ủi và chúc về đến quê nhà được bình-an vô-sự.
Đọc mấy hàng chữ vắn-tắt, nhiều anh cảm-động đến ứa nước mắt. Từ đây đến chiều lao-xao trên « boong » tàu không ai ngủ được.
Anh nầy nhắc người kia, anh kia nhắc kẻ khác. Mấy hàng chữ làm sôi nổi được những tấm lòng đã nguội-lạnh đối với đời sống ồn-ào ở kinh-đô nước Pháp mà từ hai ngày rày ai nấy đều chăm-chú đến những ngày mai ở quê nhà. Nhắc lại bạn-bè, nhắc lại đời sống ở Paris, khêu-gợi trong trí nhớ của vài anh đã cùng các cô đầm sống chung trong những ngày lưu-lạc. Về phần anh bạn mà bữa chiều ở tại ga Lyon, khi đoàn « thanh-niên đáng ghét » của nước Pháp lên xe để xuống Marseille, được cô gái Pháp ôm khóc đầm đìa, anh đứng dậy phủi đít đi chỗ khác.
Anh cũng không đi xa được, lại đống neo tàu ngồi im-lặng. Ai cũng biết anh ngồi riêng để làm gì và im-lặng chắc-chắn để ôn lại những phút âu-
https://thuviensach.vn
yếm trong những buổi chiều trong-trẻo, anh và cô nọ ngồi cạnh nhau trong góc vườn Luxembourg.
Chiều nay đi lấy đồ ăn về cũng cái món « ragu » đã ăn hôm qua và hồi trưa. Hôm qua là kẻ đói ăn biết ngon, hồi trưa ăn hơi chán, chiều nay thì dòm đến đã bắt rùng mình.
Hỏi ra mới hay hành-khách « cá kèo » ở tàu cũng như lính, mỗi ngày một món một. Món ấy thường là các món ăn dư của hành-khách hạng nhất và hạng nhì, người ta chiên-xào trở lại làm ra món « ragu » cho hạng « bét » ăn. Còn nếu ăn không đặng thì ráng chịu.
Đã xấu số đi tàu hạng tư, ngủ hầm, đi kiếm lấy mà ăn, lại còn cái nhạp bị đuổi thì biết kêu nài với ai bây giờ.
Hôm nay nữa là được ba ngày ở tàu. Từ bữa xuống tàu được ăn ngon có một buổi chiều, kế mỗi bữa ăn ai nấy ăn chút-đỉnh, anh em mới bàn-tính cho tiền người sếp đầu bếp. Sếp đầu bếp là người Pháp, lúc gặp mặt té ra anh nầy sợ-sệt quá, bảo rằng mấy anh « đặc-biệt » ở tàu nầy, nếu tôi muốn cho ăn sướng khỏi cần lấy tiền các anh cũng được, song vì người ta để-ý, tôi về bên tôi sẽ mất sở.
Qua ngày sau thay vì ăn « ragu » khoai tây hay là đậu trắng, anh đầu bếp cho ăn được một bữa ăn thịt « bích-tết cũ » nấu với « nui » và chiều lại cũng « ragu » mà có chút bột « cà-ri » cũng có thể kêu cà-ri được.
Trong bốn ngày tàu rời bến Marseille, ngoài ra hai bữa ăn, thì không biết làm gì. Đánh cờ tướng cũng đã rồi, chơi « cắc-tê » cũng chán. Chiều nay anh Giàu và anh Phương lấy xu làm cầu đá. Đá một hồi chỉ độ mười lăm phút mà lọt xuống biển lối bốn đồng xu rồi.
Cơm chiều xong, có giấy từ trên xuống, ngày mai không ai được lên « boong » vì bốn giờ khuya nay tàu đến bến Port Said.
Tàu đậu bến nầy lối sáu giờ đồng-hồ. Cả mười chín người đều ở dưới hầm thay phiên nhau lại lỗ « húp-lô » dòm lên bờ chơi vài phút, đến buổi ăn, ai ai cũng giành đi lên « boong » để chui vào bếp lấy đồ ăn. Trái lại mấy bữa khác không ai giành đi cả. Hôm nay ai cũng muốn đi mà theo lịnh thì được
https://thuviensach.vn
có hai người đi làm ba lần, mỗi lần nào cũng có lính tây theo sau có mang súng hộ-tống. Muốn cho được lòng hết, anh em lấy sách ra lật số, ai số lớn được đi. Được đi một phiên, hai người nào đã đi rồi đứng riêng để cho hai người khác lật tiếp.
Tại đây phong-thổ không khác Á-đông. Trời nóng-nực, ở trên « boong » còn khó chịu huống chi ở dưới hầm, bởi vậy nên mỗi người cổi hết quần áo mặc có cái « xì-líp » mà còn chịu không muốn nổi.
Mười giờ tàu kéo neo rời bến, tưởng đâu được lên « boong », không dè có lịnh khác ra, tàu vô kinh Suez, kinh nầy chật-hẹp lắm, phải ở lại dưới hầm thêm tám giờ nữa.
Hơn nửa ngày ở hầm phần thì không được tắm, chiều lại tàu ra khỏi kinh nên được trên « boong », sự sung-sướng nầy dầu ai có cây viết linh hoạt cho thế mấy cũng không tả cho cùng được.
Chiều nay tàu ra khỏi kinh Suez, có lịnh trên xuống cho mười chín người Đông-Dương lên khỏi hầm.
Đây là biển Đỏ (Hồng-Hải), mặc dầu có gió thổi mạnh nhưng gió đem lại cái nóng của hai bãi sa-mạc hai bên bờ biển, chớ không phải đem lại cái mát hay cái lạnh như các biển khác. Thật ra ở trên « boong » cũng đỡ nhiều lắm. Nếu còn ở dưới hầm nữa không biết còn phải sống thế nào ?
Chiều nay thật vui, vui-sướng sánh bằng như khi bước chân khỏi khám Santé ở Paris vậy.
Được ăn buổi cơm chiều trên « boong » tàu. Ăn xong anh em gởi đại biểu lên hạng ba mượn cái máy hát của một bạn đồng-hương đem xuống đống neo hát chơi. Ông nầy không lạ với anh em. Ông cũng ở Pháp, cũng quen biết trong đám anh em, hôm nay học thành-tài về xứ. Nhưng từ khi tàu rời bến Marseille đến nay hai bên không nhìn nhau. Bên thì tương-lai tràn trề hy-vọng. Một ông thầy thuốc chuyên-môn chữa bịnh mắt, mà xứ ta chưa được có đến hai ông, còn bên nầy một đám người lỡ-cơ, lỡ-hội, có thể về đến Saigon người ta đưa đến nơi yên-trí không chừng. Hôm nay, vì túng thiếu sự vui, một anh đánh liều bạo gan lên mượn cái máy hát.
https://thuviensach.vn
Ông kia cho mượn, song ông lo-ngại đám phàm-phu tục-tử nầy có thể làm hư máy hát của ông, cho nên ông buộc phải đem lại cái mền lót dưới máy và ông vặn máy, cho hát đâu lối năm dĩa rồi ông khuân đi mất.
Hết đờn, hết hát, cái buồn khi nãy cũng trở lại trong lòng anh em, mà anh em thì không muốn để cho mình buồn, kiếm trò chơi luôn.
Bây giờ phải chơi món gì ? Một anh đề-nghị đánh cờ tướng uống rượu chát. Thường-thường trong giới tao-nhơn mặc-khách ai đánh cờ ăn thì được thưởng rượu. Ở đây lại làm một việc trái lại, ai thua bị uống rượu.
Rượu mỗi ngày còn dư lại nửa « bi-đông », lối hai lít đem ra với một cái ly.
Hai anh có tiếng cờ cao ngồi lại đánh. Ai thua uống một ly đầy còn ở ngoài chia ra hai phe đánh cá, bên nào thua cũng bị chia nhau uống hai ly. Hôm nay tổ trác, anh cờ cao hơn hết lại bị đuổi hai bàn. Anh phải uống hai ly, còn ngoài hàng xáo bên bắt anh ấy đinh-ninh phe mình thắng phải uống hết bốn ly trọn.
Cuộc chơi hôm nay tới đây là mãng, thì mạnh ai nấy đi tìm chỗ ngủ.
Tàu qua biển nầy không ai đủ can-đảm ngủ dưới hầm, thành thử đầu nầy tới đầu kia trên « boong » tàu, mười chín người nằm sắp lớp.
Sáng ngày cũng như mọi bữa đi lấy cà-phê về uống ; kẻ ngồi trên « boong » chịu nóng, thình-lình một anh bạn tàu đem lại một cái điện-văn. Điện-văn nầy của các nhà trí-thức tự-do ở Paris cho hay, sau khi cử đại-biểu lên Bộ Thuộc-địa để can-thiệp cho mười chín người bị đuổi, trên ấy bảo rằng họ sẽ được thả tại Sàigòn.
Tin nầy làm cho anh em vui thật lâu, bởi vì từ hôm được lịnh về xứ không ai tưởng mình về Sàigòn khỏi tội…
Anh em lại nhớ chuyến tàu Athos II, cách hai năm về trước, những anh vô tội về đến bến Nhà-Rồng còn bị đòn và bị giam thay, huống chi bọn nầy đã làm việc tày trời mà khỏi được.
https://thuviensach.vn
Hôm nay vẫn nóng như hôm qua, thỉnh-thoảng lại bị một trận mưa cát, mình-mẩy đầu cổ đầy cát. Nhưng khác hơn hôm qua, cái tin vui làm cho quên được cái nóng trong ngày nầy. Chiều lại một người Việt-Nam làm bồi dưới tàu đem lại cho hai cây xốt-xít và trao lời chào của anh em bồi tàu nầy. Theo lời anh bồi thì sau khi rời bến Marseille, quan tư có kêu họ dặn không được gần bọn du-côn đó, thành thử vì chén cơm mà không dám léo-hánh ra trước « boong » để gặp anh em, sở-dĩ, hôm nay đánh liều ra để gặp là vì thấy tình-cảnh người đồng-hương như vậy cảm-động quá, dầu sao thì sao, đánh bạo đem cho anh em món đồ ăn chơi.
Anh bồi về, anh em đem rượu ra với hai cây xốt-xít, rồi kêu lại hết để làm cái tiệc ăn mừng tin về Saigon bình-an vô-sự.
Chiều hôm nay nữa được hai ngày, còn đến hai ngày nữa tàu mới ra khỏi cái biển lửa nầy. Đêm nay cũng ngủ như đêm hôm qua, ngủ trên « boong » nhưng hôm qua còn ngu không biết lựa trên gió để ngủ. Bên trên gió lính Tây choán, bên nầy mát hơn. Chiều nay khôn đem đồ để trước, đuổi Tây qua bên dưới gió. Đuổi được Tây, một vài anh tỏ vẻ mừng và bảo làm sao thì làm, mặc dầu yếu-ớt hơn, chớ nói về trí lanh-lẹ, xảo-quyệt, ba chú lỗ mũi cao phải thua mấy chú mũi tẹt.
Đi tám ngày đường, bao-nhiêu chuyện chơi có thể chơi được đã hết rồi. Bây giờ tìm-kiếm hoài không biết còn món nào nữa. Còn đương lẩn-quẩn, N.G.H, một sinh-viên trường luật năm thứ ba đề-nghị làm thi. Anh nầy tuy học Pháp-văn nhưng anh cũng không bỏ rơi Việt-văn. Anh nổi tiếng, khi anh còn ở Toulouse chưa đậu tú-tài, trong hai câu đối mà tự anh viết ra và đem lại dán ở đài kỷ-niệm chiến-sĩ trận-vong người Việt-Nam ở thành nầy.
Đề-nghị của anh H. được anh em chấp-thuận, song dòm đi dòm lại không một ai biết làm thi, nếu có làm được chăng nữa thì cũng không hơn bài con cóc.
Một anh đem bài thi bát-cú của mình khi ngồi khám Santé ra đọc làm cho ai nấy cười gần bể bụng. Anh đọc :
« Bốn tường vây-phủ một mình tôi.
https://thuviensach.vn
Chẳng thấy đất trời, thấy lỗ hơi,
Thỉnh-thoảng nghe reo xâu chìa khóa,
Dòm ra thấy mặt chú « trời ơi » (chúa ngục)
Ngày trường vằng-vặc trông mau tối,
Đêm vắng canh dài khó nghỉ-ngơi,
Phải chi sung-sướng xin ở nữa,
Ngặt cực thế nầy hết muốn chơi ».
Dầu không trúng đâu là đâu, nhưng anh ấy cũng được thưởng một xâu « xốt-xít » và một ly rượu chát. Trận cười qua, bây giờ tới phiên anh H. đọc bài thơ của anh (đã mười tám năm qua rồi nếu có lộn chữ nào tôi tưởng anh H. cũng không nên chấp) :
« Linh-đinh mặt biển giữa xa khơi
Thời-cuộc xảy ra nghĩ nực cười,
Rải « trắc » « La say » bay lợp đất.
Thị-oai « Đu-mẹt » ó vang trời
Lỗ đầu chú Phát vì ngơ-ngáo,
Ê đít chàng Cang bởi chậm dời.
Bị đánh, bị xô, còn bị đuổi,
Thù nầy xin nhớ các anh ơi ! »
Rải trắc ở Nghĩa-địa Père Lachaize và biểu-tình thị-oai trước dinh ông Doumergue.
Chú Phát là một anh vừa ở tỉnh lên học trường điện Violet, bữa ấy bị lính đành lỗ đầu.
Chàng Cang là anh Lê-bá-Cang rải truyền-đơn ở Đông-Dương học-xá bị lính bắt đá đít.
3) Con tàu giỡn sóng…
Còn một ngày và một đêm nữa tàu sẽ tới Djibouti. Ngày hôm qua nhờ bức điện-văn của trí-thức Pháp cho hay đã can-thiệp với Bộ Thuộc-địa và ở đây người ta có hứa về đến Sàigòn anh em sẽ được thả cho nên mừng quên
https://thuviensach.vn
nóng-nực. Hôm nay không gặp một việc gì vui, thành-thử ai nấy bơ-ngơ, báo-ngáo, ngồi đứng không yên.
Anh nầy lại gần anh kia thì nghe anh kia bảo dang ra nóng lắm. Bàn cờ tướng chỉ có hai người ngồi đánh không ai thèm léo lại dòm.
Bên kia bọn lính Tây càng bối-rối vì chịu nóng không nổi. Một đứa trong bọn hỏi người Việt-Nam bên xứ các anh nóng bằng ở đây hay không ?
Một anh trả lời : « Xứ chúng tôi trong sáu tháng mỗi năm cũng nóng gần bằng ở đây ». Anh nầy vừa nói vừa cười có ý nhát mấy cậu Tây ngáo nầy chơi. Anh lính bèn hỏi tiếp vậy sao một số người đồng-hương của tôi họ ở được bên ấy, năm nầy qua năm nọ và có người ở trọn đời.
- Anh không hiểu được sao, anh Việt-Nam trả lời, vì lẽ làm tiền được thì họ quên sự nóng-nực.
Câu chuyện vừa đến đây thoạt nghe vài người la lên có nước đá về. Bên người Pháp cũng có người đi lấy nước đá, họ cũng về một lượt với bên nầy. Mỗi người chia nhau một cục bỏ vô ly đổ nước vào uống, uống xong lấy nước để thoa mặt và gội đầu. Hết hồi lạnh tê rồi cũng nóng lại, nóng cho đến chiều tối khi mặt trời chẹn lặn thì nhiệt-độ mới hạ chút đỉnh.
Chiều nay ăn cơm xong, anh em bắt anh Đặng-bá-Lênh, một anh lao động người Bắc ngâm sa-mạc. Anh Lênh chịu, nhưng anh N.Q.H. không chịu muốn ngâm câu nào thì ngâm mà phải lựa câu nào trong Kiều hạp với tình-cảnh của người bị đuổi. Anh Lênh chụp cơ-hội cái điển-văn hôm qua cho hay Bộ Thuộc-địa chịu thả, không còn làm hại nữa, mới cất giọng ngâm :
« Thả ra thời cũng may đời,
Làm ra mang tiếng con người nhỏ-nhen ».
Anh em vỗ tay khen hay, lấy « bi đông » rượu thưởng cho anh một ly và yêu-cầu anh ngâm tiếp.
Uống hết ly rượu, anh Lênh ngầy ngật không tiếp được.
https://thuviensach.vn
Đêm nay phải chơi cho thật khuya trên « boong » để ngủ trễ, vì mai tàu đến bến Djibouti phải bị ở dưới hầm trọn tám tiếng đồng-hồ. Còn đương ồn ào, nhóm ngâm thi, nhóm ca Vọng-cổ thì ở sau một người Tây làm dưới tàu tiến lại gần kêu anh em nói chuyện. Người Tây nầy là đại-biểu công-đoàn bạn tàu của chiếc tàu nầy. Anh đem lời chào thân-ái của công-đoàn và cho anh em hay ở dưới tàu, bạn tàu có cảm-tình với người Đông-Dương lắm cho nên mỗi khi anh em lấy rượu, nước đá họ không cân lường, nhưng anh em không để-ý.
Nói ba đều bốn chuyện, anh không dám ở lâu và trước khi từ giã anh trao cho một cái gói, mở ra mới thấy mười chín trái cam để chia cho mười chín người.
Mãng chơi khuya, đêm nay ngủ mê một giấc tới sáng mới hay tàu đã đến Djibouti rồi.
4) Cố-hương chập-chờn trước mắt
Sáng nầy, tàu đến Colombo. Nghe đâu tàu sẽ đậu lại cho đến chiều mới chạy. Khí-hậu ở đây còn có phần nặng-nề hơn Sàigòn. Ai nghe tàu đậu lâu cũng ngán, ngán vụ ngồi dưới hầm trọn ngày mai, bởi vậy, đêm nay tính chơi cho khuya thật khuya để mai mệt-nhọc xuống hầm ngủ mới được.
Đêm nay một vài anh thuật chuyện đời xưa. Anh Lênh, thuật chuyện lễ ở làng Bưởi. Anh khác kể chuyện đá gà ở Cao-Lãnh. Một nhóm khác xách rượu lên đống neo để thưởng trăng. Mai lại khi mở bừng mắt ra thì thấy Colombo, tàu vô đậu hồi nào không ai hay biết gì ráo. Kế kéo nhau xuống hầm như mấy lần tàu đến bến. Bến nầy như bến Djibouti tàu đậu ngoài khơi, cách bờ lối đôi ba trăm thước.
Anh tây-lai, mặc dầu bị trục-xuất, nhưng anh được lên bờ, anh nhận mua giùm chuối, thơm và các thứ trái cây gì ở bờ có.
Từ khi anh đi, lối tám giờ, anh em trông chờ từ phút, thay phiên nhau dòm lỗ « húp-lô » mỗi khi xà-lúp ở bờ ra tàu. Mãi đến mười giờ ngoài, anh
https://thuviensach.vn
tây-lai về tới, xách lên tàu nào là chuối, thơm và một gói bánh cay thật to tướng.
Bữa này đồ ăn dưới tàu còn dư, đổ xuống biển. Ai nấy đều no-nê với hai thứ trái cây mà có người thèm từ năm bảy năm chưa được ăn.
Vào khoảng bốn giờ, tàu kéo neo rời bến, khi tàu ra được ngoài dòm lại lầu-đài Colombo hơi mù-mù thì mới được lên boong.
Ở đâu mà đông dữ vậy ? Trên boong ngồi chông-ngóc vợ chồng, con cái lối hai mươi người Ấn-Độ sang Singapore. Các bác đây không phải đi du-lịch, mà họ thuộc về hạng lao-động, sang làm mướn ở Singapore.
Từ khoảng đường nầy, mười chín anh du-côn hết thong-thả đá cầu nữa.
Một đêm trăng thanh, gió mát, con tàu lướt mình trên làn sóng nhấp nhô, làm khoan-khoái cho những ai thèm-thuồng sự tự-do hơn những người có sẵn tự-do, bởi vậy, đáng lý phải làm thi thưởng trăng, song dòm lại thì thấy trong đám không ai biết viết văn nước nhà cho rành hết.
Trời êm được hai ngày, qua ngày thứ ba sóng gió ầm-ầm, hỏi ra mới biết khi nào cũng vậy, tàu tới ngoài eo-biển Ma-lắc-ca thì cũng bị sóng.
Đám người Ấn-Độ, mà nhất là đờn-bà và con nít hồi-tiệc, đầy « boong » tàu. Phía bên người Việt-Nam, vài anh cũng chịu không nổi, bỏ ăn, nằm xui cò trên giường hay trên ghế bố.
Đêm nay tàu đến bến Singapore vào khoảng mười giờ, cả đêm lính tàu bị cắt phiên gác trên miệng hầm, nhưng đã quen nhau từ lâu họ cũng dễ-dãi.
Đến bến nầy ở hầm nhiều hơn, hết một đêm và gần hết một ngày. Ở đây tàu cập bến, dòm lỗ húp-lô thấy hủ-tiếu xào của chú Hóc-kiến bán có chai nước mắm tàu, thật ngon quá. Anh tây-lai trước khi lên bờ đi chơi, xách lập là đi mua hủ-tiếu, bánh-bao, xíu-mại cho anh em ăn bữa sớm mai, kế anh đi chợ mua về thịt vịt quay, thịt phá-lấu, đem xuống tàu để trưa ăn cơm.
Bữa nay thứ ra-gu ở tàu lấy về đổ xuống biển cho cá ăn. Con người Á đông đã lọt vào địa-phận Đông-Á, cái thứ ra-gu đối với họ còn giá-trị gì. Cả ngày hôm nay ăn ròng các món ăn trên bờ, ngoài đồ ăn cơm lại có thứ cà-na,
https://thuviensach.vn
cánh-chỉ, còn khoái miệng hơn các món đồ-hộp của Âu-châu. Tàu chạy, còn chỉ ba ngày nữa về đất nước nhà, nhưng trong lòng không yên. Mặc dầu theo điển-văn của Bộ Thuộc-địa có hứa thả, song lời hứa từ xưa đến nay được giữ thì rất ít.
Tàu chạy được hai ngày, anh em không còn hớn-hở như mới bước chơn xuống tàu, hay là những ngày đầu còn chạy trên các địa-phận Âu và Phi.
Buồn hơn hết là bốn anh người Bắc-bộ. Họ bảo các anh về Saigon, nếu có bề gì cũng không bằng chúng tôi về đất ngoài, quan quyền, làng xã không dễ như xứ Nam-kỳ.
https://thuviensach.vn
VII. Chấm dứt cuộc-đời sinh-viên
Còn một đêm nữa tàu sẽ vô cửa Cần-Giờ thì lối bốn giờ khuya được đi ngang hòn Côn-Nôn.
Trời trong-trẻo. Ba bốn hòn núi nằm ngổn-ngang bên trái chiếc tàu. Vào giờ nầy không thấy một ánh-sáng trên các đảo mà chỉ thấy ngọn đèn « pha » dẫn đường tàu biển thôi.
Trên hòn Côn-Nôn ai cũng biết, từ một năm rồi, đã có bao nhiêu nhà cách-mạng được ra hứng gió biển ở đây, không kể trước kia đã có các cụ bị đưa đến yên-trí do các phong-trào Đông-kinh nghĩa-thục và cuộc bạo-động non dưới trào Duy-Tân. Nhưng chắc-chắn trong số mười chín người không ai muốn tưởng một quãng đời trong tuổi xuân-xanh phải có mặt ở đây bao giờ.
Lối tám giờ sáng tàu tới Cap. Người của Sở mật-thám tràn lên tàu. Ông Tây theo hộ-tống từ Marseille kêu hết lên « boong » đếm và kêu tên đủ mười chín người giao cho họ. Mấy ông Tây thanh-tra thì hầm hầm, nhưng không nói một tiếng gì, còn các anh thám-tử Việt-Nam thì tỏ thái-độ nhã
nhặn. Tàu vừa vô sông Saigon, họ cũng để anh em đi thong-thả trên « boong », nhưng họ chàng-ràng lối đó. Tới Nhà-Bè thì có chiếc tàu nhỏ ra đón rước. Chiếc tàu Canada nầy bấy lâu có phận-sự là đón rước các quan to mới đổi từ Pháp qua đây, hay là để cho Thống-đốc đi kinh-lý.
Hôm nay chiếc tàu nầy ra tận Nhà-Bè đón mười chín nạn-nhơn thời cuộc.
Tàu vô đến bến Saigon, cặp tại bến đò Thủ-Thiêm, bấy lâu ở đây cũng là chỗ để các quan to lên bờ, không dè hôm nay bến nầy bị bôi lọ, do một bọn người phiến-loạn bước chân lên đó.
Lần nầy lần chót xe đúc đít và hai hàng lính cảnh-sát cầm ma-trắc, giữ hai bên.
https://thuviensach.vn
Dân-chúng vùng nầy đứng ngó, họ lấy làm lạ, tù thì không phải tù, mà kẻ được tiếp-rước danh-dự thì cũng không, cái gì kỳ vậy ? Tù sao ăn-mặc đồ nỉ, giày đỏ đàng-hoàng, không còng không trói mà có lính giữ trật-tự. Còn người danh-dự sao không ai xách va-ly, họ xách lấy, lại bị chở trên những xe cây… ?
Về bót Catinat, viên cò chánh kêu đứng sắp hàng để nhìn mặt, trong khi ấy thám-tử xét hết va-ly của bọn người nầy.
Viên cò diễn-thuyết cho một hồi và cũng có vài câu hăm thân-mật kế được chở đi lục-hình để thả hết, còn chừa lại hai người.
Một người Bắc là Vũ-Liên, anh nầy có người khai nhúng tay trong vụ gởi đồ quốc-cấm về Đông-Dương.
Còn người Nam là Lê-văn-Thử, trước khi sang Pháp, có chân trong Việt-Nam quốc-dân-đảng.
https://thuviensach.vn
NẾU CÁC BẠN MUỐN :
- Có một quan-niệm sáng-suốt về nhơn-sinh, về xã-hội, về loài người.
- Phân-biệt kinh-tế học của giai-cấp thống-trị với kinh-tế-học của giai cấp bị-trị.
- Có một mớ kiến-thức căn-bản về kinh-tế, nhứt là về kinh-tế tư-bản, và đồng thời vạch rõ con đường tiến-hóa của nhơn-loại.
- Biết và hiểu kinh-tế điều-khiển chánh-trị cách nào, đặng nhận-định thời-cuộc nước nhà, và định-nghĩa danh-từ độc-lập.
Các bạn hãy đọc :
KINH TẾ HỌC YẾU LUẬN
Của BÁCH-VIỆT
TỦ SÁCH « CHÂN TRỜI MỚI », SỐ 8
Đã phát-hành ngày 25-11-49
Nam-Việt xuất-bản
https://thuviensach.vn
Bạn đọc đón coi :
THANH-NIÊN VIỆT-NAM
(NHỮNG TÁC-PHẨM MỚI, SỐ 8)
Các bạn sẽ :
- Hồi-hộp sống lại loạt súng trước tiên mở đầu cho cuộc Nam-bộ kháng-chiến
- Băn-khoăn giùm cho kiếp sống kham-khổ của các chiến-sĩ.
- Say-sưa với những phút oai-hùng của đoàn con đất-nước kiêu-dũng ngoài mặt-trận.
Sẽ đánh dấu :
- Một sức tiến dũng-mãnh.
- Một đức hy-sinh không bờ.
- Một tinh-thần tranh-đấu bất-diệt của thanh-niên nước Việt.
Do ngòi viết linh-hoạt của XUYÊN-SƠN
Nam-Việt xuất-bản
https://thuviensach.vn
Đang in :
PHONG-TRÀO ĐẠI ĐÔNG-DU
(TÀI-LIỆU LỊCH-SỬ, SỐ 3)
Tài-liệu về phong-trào bồng-bột của các nhà ái-quốc Phan-bội-châu, Tăng-bạt-Hổ, Nguyễn-Thuật, v.v… đã gây ra trước đây trên bốn mươi năm.
Đọc PHONG-TRÀO ĐẠI ĐÔNG-DU, các bạn sẽ :
- Có ý-niệm rõ-rệt về đức hy-sanh cao-quí của các nhà ái-quốc.
- Biết những nỗ-lực, những gian-lao trong cả một thời-gian đằng-đẵng của các nhà chí-sĩ mưu-đồ tự-do, độc-lập cho nước nhà.
- Thấy rõ lòng yêu nước tràn-trề của các bậc tiền-bối đã suốt đời cúc cung tận-tụy cho đồng-bào và tổ-quốc.
Nam-Việt xuất-bản
https://thuviensach.vn
Nam-Việt : 11$00 Các nơi : 13$00
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
Table of Contents
I. Thời-kỳ giáo-huấn được khuyến khích !
II. Phong-trào du-học
III. Những hoạt-động chánh-trị đầu-tiên của du-học-sinh IV. Việt-kiều hoạt-động chánh-trị
1) « Mưa truyền-đơn » tại Paris
2) Đâm bụng để khỏi bị đưa về xứ
3) Giả làm lính-tập để trở qua Pháp
4) Hai chục sinh-viên bị nhốt bót 24 giờ
5) Thanh-niên Việt-Nam xung-đột với thanh-niên Pháp tại Paris 6) Một năm ăn tết chánh-trị
7) Kỷ-niệm ngày chết của cụ Phan
8) Thanh-niên Việt-Nam dự Đại-hội Francfort
9) Phong-trào học « tiếng mẹ đẻ »
10) Một cuộc « cách-mạng » trong tổng-hội học-sanh
11) Sinh-viên bị « bố » ở Paris
12) Biểu tình 1er Mai năm 1930
13) Biểu-tình trước dinh Tổng-thống
V. Mười chín sinh-viên bị giam ở ngục Santé
VI. Bị đưa về Đông-Dương
1) …Xuống đến Marseille
2) Trên đường về Saigon
3) Con tàu giỡn sóng…
4) Cố-hương chập-chờn trước mắt
VII. Chấm dứt cuộc-đời sinh-viên
https://thuviensach.vn