🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mùa Đông Phương Tây Và Nỗi Lòng Phương Đông Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn a https://thuviensach.vn Mục lục 1. Nỗi lòng tuyết trắng 2. Vỉa hè và linh hồn thành phố 3. Một ngày trên quê hương 4. Về miền Trung 5. Nửa ngày ở Hà Nội 6. Cây hoa súng và con chim cu 7. Những con chim cuối cùng 8. “…Huế của ta ơi” 9. Người “Quá Khổ” 10. Văn hóa xe buýt công cộng 11. Đi xe buýt mẫu 12. Văn minh xe khách 13. Cạnh tranh bằng văn hóa kinh doanh 14. Bát phở Bắc 15. Mùa Đông Phương Tây và Nỗi Lòng Phương Đông 16. Cuối năm và những người không nhà 17. Góc gió lộng 18. Núi và Biển 19. Rừng thu 20. Thiên nhiên và Con người 21. Thiệp chúc xuân 22. Thông điệp cuối năm 23. Tiếng chim hót buổi sáng 24. Vật và Người 25. Một ngày hội 26. Một ngày trên ba biên giới 27. Bao giờ bắt kịp Thái Lan? 28. A-chang bám càng 29. Cái lễ trong xã hội 30. Chiều cuối tuần 31. Văn minh công nghiệp 32. Tính thực dụng 33. Cố tri tương ngộ https://thuviensach.vn 34. Mùa thu Nam kinh 35. Giã từ Giang Nam 36. Thượng Hải xanh https://thuviensach.vn Nỗi lòng tuyết trắng (Thay lời giới thiệu) HUỲNH NHƯ PHƯƠNG T hời nay, một nhà khoa học say mê văn chương không còn là hiện tượng hiếm thấy trong cuộc sống. Nhưng một nhà khoa học mà yêu văn học đến mức mấy chục năm liền, cùng với thời gian dành cho những công trình nghiên cứu và những cuốn giáo trình, không lúc nào rời khỏi những trang văn và những trang thơ, vẫn đều đặn có mặt trong đời sống văn học và báo chí, thì quả là một hiện tượng hiếm có. Tác giả tập sách này là một người như vậy. Là một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành quản trị hành chính công, chiến lược phát triển kinh tế và nguồn nhân lực, sau nhiều năm sinh sống và làm việc ở Hà Lan, hơn mười năm qua, Trương Quang được mời sang giảng dạy tại các trường đại học ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vientiane, Bangkok, Chiangmai, Thượng Hải… theo chương trình hợp tác đào tạo giảng viên của Thụy Sĩ và Viện Công nghệ châu Á (AIT). Thời gian đó ông thường xuyên cộng tác với một số tờ báo trong nước và đã cho xuất bản một tập thơ có nhan đề Giọt sương lạc loài. Riêng về thể tạp bút, Trương Quang là một cái tên quen thuộc với những đoản văn vừa tinh tế vừa giàu chất suy tưởng. Từ khoảng một thập niên trở lại đây, trí thức người Việt cầm bút ở hải ngoại tham dự vào đời sống văn hóa trong nước cũng không còn là một hiện tượng lạ. Nhưng một trí thức làm việc ở xa Tổ quốc, chỉ thi thoảng về thăm quê hương, mà hầu như lúc nào cũng canh cánh nỗi lòng về những vấn đề của đất nước mình, từ chuyện vỉa hè bới lên đào xuống, chuyện tiếp thị món ăn Việt và xe buýt mẫu cho đến chuyện tổ chức Sea Games và quá trình đô thị hóa, như Trương https://thuviensach.vn Quang, thì không phải nhiều lắm. Đây là một người trí thức ưu thời mẫn thế, không bàng quan đến từng thay đổi nhỏ nhất trong đời sống dân tộc mình. Nhưng quan tâm cũng có nhiều cách. Và sự quan tâm nào thì cũng không thể tách với cái riêng của từng người. Là nhà khoa học, có điều kiện đi đến nhiều nơi, thường xuyên tiếp xúc với thế giới hiện đại, tất nhiên, trong những điều cuốn sách bàn luận, Trương Quang dành ưu tiên để quảng bá tính tiêu chuẩn và tính tổ chức của nền văn minh công nghiệp. Tác giả suy nghĩ về tính thực dụng của người Thái và xem có thể áp dụng nó vào cách quản lý và làm ăn của người Việt mình hay không. Ông trăn trở về việc nâng cao chất lượng phương tiện giao thông và văn hóa công cộng. Ông đưa ra những giải pháp khả thi để thúc đẩy sự cạnh tranh bằng văn hóa kinh doanh. Thậm chí ông còn gợi ý cả việc cải tiến những chuyến xe khách đường dài. Dù vậy, tính chất hiện đại trong những bài tạp bút của Trương Quang không những không che khuất mà còn hòa quyện với chất thơ trong văn ông, thậm chí có thể nói đó là hai mặt của một tờ giấy. Ở đây, chất thơ của thiên nhiên và của hồn người đã tạo thành phong cách của những bài tạp bút. Tôi rất thích những đoạn văn Trương Quang viết về thiên nhiên. Hãy nghe ông tả những bông súng tím trong vườn trường AIT: “Từ một củ nhỏ giấu mình trong lớp bùn dày suốt mùa đông, một hôm nào đó không hẹn trước, một sức sống bứt ra, hối hả đẩy cọng cây xanh qua lớp nước sâu, rồi thở phào dưới ánh mặt trời rạng rỡ. Hoa và lá cùng ngã sóng soài trên mặt nước chan hòa ánh sáng. Thoạt tiên chỉ là một chút màu tím nhạt, e ấp nhú khỏi một chiếc nụ xanh đầy đặn, như đôi môi ngọt của một thiếu nữ mới tập thoa son. Rồi bỗng dưng cái nền màu tím nhạt đó tăng nồng độ, mọng lên những đường cong đậm nét, dưới mặt trời rừng rực sức sống. Những cánh hoa tách ra, mở rộng, phơi bày hết tất cả những góc cạnh cần giấu giếm, trong một động tác dâng hiến hoàn toàn, giữa những tán lá tròn bao quanh như muốn bảo vệ, trông chừng”. Viết về vẻ đẹp và sức quyến rũ của hoa mà như hòa điệu với vẻ đẹp và sức quyến rũ của con người. https://thuviensach.vn Còn đây là những dấu chân chim én trong một mùa đông giá rét châu Âu: “Một tuần trước cuối năm, tuyết bắt đầu rơi. Những bông tuyết trắng phau, nhẹ nhàng đậu trên cây cỏ trong vườn như rải bột. Khắp nơi chỉ một màu trắng nhưng nhức. Lâu lắm mới thấy một “Giáng sinh trắng”. Tôi nhìn ra vườn, trên tấm thảm tuyết bỗng hiện rõ những vết chân chim tách bạch ba chạc. Những con chim én đã dùng chiếc mỏ bé tí, khơi những mẩu bánh mì khô đã bị tuyết phủ kín từ đêm qua. Chúng bước những bước chậm rãi, như quên đi cái lạnh giá mang theo từ những bông tuyết trắng đổ xuống trên đám lông đen tuyền. Những dấu chân chim để lại như chính vết chân tôi, lạc lõng vô cùng trên một vùng đất mông lung, không bến bờ”. Thiên nhiên đã đi vào đời người và mang giữ hình bóng của con người như vậy đó. Thiên nhiên thì gợi cảm, còn những phận người mới là niềm ám ảnh. Những khoảng lặng trong văn Trương Quang khiến người đọc phải dừng lại còn là khi ông kể về nỗi lòng cố tri giữa người khách tha phương với cụ già bán khoai nướng trong một góc sân Trường Đại học Nam Kinh; về “những người đàn bà gồng gánh, chân trần chạy qua những đồi cát cháy bỏng ở Quảng Trị, nơi mà những ngọn cỏ non chưa kịp ngậm sương buổi sớm đã bị mặt trời nung đến khô queo, đến nỗi chỉ cần đụng tay vào là bay tơi tả như bụi tro”; về tiếng ru con u uẩn chứa đầy tâm sự của người thiếu phụ trong một buổi trưa hè xứ Huế. Có một sợi dây liên lạc nào đó thật mảnh mai mà cũng thật bền chặt nối kết tâm hồn tác giả với những con người ấy. “Nói cho cùng, tôi chỉ cách quê hương hơn một giờ bay!”. Nhưng một giờ bay hay hai mươi bốn giờ bay hẳn đâu phải là điều quan trọng, khi mà “quê hương vẫn theo sát tôi trong từng bước chân, mỗi nhịp đập”, như Trương Quang đã viết. 2006 H.N.P. https://thuviensach.vn Vỉa hè và linh hồn thành phố C ho mãi đến tận đầu tháng sáu, cơn hạn “bà Chằn” hàng năm vẫn kéo dài như không muốn dứt giữa những lời bàn tán, lo âu về sự tái diễn của hiện tượng El Nino. Mới sáng sớm mà mặt trời đã đổ xuống từng cơn nóng rát da. Những bóng râm dọc những con đường vốn phủ lá xanh như thu nhỏ lại, dáng nhẫn nhục. Trên đường phố không khí như đặc quánh lại vì khói xe tất bật và bụi bặm, đủ loại tạp âm, khiến người đi đường tưởng như ngộp thở, mặc dù đã che mặt và miệng cẩn thận bằng khẩu trang… Nếu không có chuyện cần phải ra đường hẳn chẳng ai muốn ra khỏi nhà. Đó chính là lúc một câu hỏi thường đến với bạn: “Trước đây thành phố có như thế không?” Chỉ trong vòng vài chục năm nay, thành phố đã “thay da đổi thịt”, nhanh đến nỗi một người tinh mắt cũng khó lòng chỉ ra được cái gì thực sự còn lại của “Sài Gòn năm xưa”(sic). Trên nhiều mặt, thành phố đã phát triển theo “cấp số nhân” (dân số, xây dựng, nhà cửa, quán xá, sản xuất, rác thải, xe cộ…), trong khi phần lớn những điều kiện “hỗ trợ” lại chỉ phát triển theo “cấp số cộng” (đường sá, cầu cống, trường học, khu gia cư, bệnh viện, công viên…) hoặc thậm chí theo “cấp số trừ” (phương tiện chuyên chở công cộng, thái độ tuân thủ luật lệ lưu thông trên đường phố, không khí trong lành, tỉ lệ cây xanh cho mỗi cư dân…). Một trong những cái giá cao nhất phải trả cho cuộc đô thị hóa “tự phát” và “tích cực” trong những năm qua là do thiếu qui hoạch, chuẩn bị và phối hợp đồng bộ, những chương trình “làm đẹp thành phố” đã vô tình làm mất đi một “phần hồn”, vốn đã tạo nên cái dáng vẻ thanh cao và kiều diễm đặc trưng của một thành phố đã từng “đi trước” một quãng rất xa so với nhiều nơi trong khu vực. Nhà văn Mỹ Graham Greene từ trên không trung nhìn xuống “Sài Gòn” trong những năm đầu thập kỷ bốn mươi đã cảm nhận thấy sự https://thuviensach.vn đài các và trang nhã của cái thành phố nhiệt đới cực nam này (ông không thích cái tên gọi “hòn ngọc viễn đông” mấy!). Ông tả về cái ấn tượng đầu tiên khi nhìn qua khung cửa sổ máy bay, chỉ thấy “một màu xanh mênh mông và những mái ngói màu cam xinh xắn ánh lên rộn ràng trong nắng rỡ ràng…”. Khi thật sự “hòa mình trong lòng thành phố”, ông kể đã có những giây phút thư giãn trên sân thượng của khách sạn Continental, ngã người đón gió mát cuốn lên từ phía Cột cờ Thủ Ngữ; hay thú vị hơn, những cuộc dạo cuối chiều nhàn nhã qua các vỉa hè lát đá tảng đều đặn rợp phủ bóng cây… Chẳng thấy nhà văn than phiền hay ca cẩm về cái nóng tháng Tư hầm hập và bụi khói nặng nề gì ráo. Vậy mà cái ông nhà văn khó ưa này (tác giả cuốn “Người Mỹ trầm lặng” – The Quiet American) trước đó đã từng được hoàng gia Thái chiêu đãi trọng thị trong suốt thời gian ở lại Bangkok trị bệnh vì bất ngờ bị… sốt rét ác tính! Chẳng cần phải có trái tim “nhạy cảm” như nhà văn, nhà thơ mới cảm nhận được cái “hồn” mầu nhiệm của thành phố. Những ai đã từng là cư dân của “Sài Gòn - Bến Nghé” cho đến những năm đầu thập kỷ bảy mươi đều có thể chia sẻ những hoài niệm tốt đẹp của Graham Greene về thành phố như thế. Nhiều cư dân kỳ cựu của thành phố vẫn còn nhớ “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, “xác lá me rụng tơi bời trên tóc trên vai” ai kia, đã từng là khung cảnh của những cuộc tình lãng mạn của sinh viên Luật khoa một thời. Rồi những vỉa hè rộng rãi, lát bằng những tảng đá vuông vức, đều đặn mang về từ những ngọn núi xa, ghi dấu những bước chân dạo chơi của bao thế hệ, trên đường Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Pasteur, Lý Tự Trọng… Những vỉa hè đó thường không có dáng vẻ và không khí hối hả, tấp nập tiếng chân, cũng không quá tải, chộn rộn vì những hàng gánh bán buôn và xe cộ tấp cập như ngày nay, khiến khách nhàn du có được những phút thư giãn cuối ngày cần thiết sau những giờ nhọc mệt chuyện “cơm ăn áo mặc” trong ngày. Nắng chiều hơi gay gắt ư? Bạn có thể dừng chân ghé vào quán “Ngôi chùa” (La Pagode), gọi một ly trà nóng, tì cánh tay lên thềm lan can, lắng nghe tiếng nhạc dịu dàng từ khu công viên nhỏ phía trái vọng sang, nơi thường có những buổi trình diễn của nhiều ban nhạc giao hưởng vào mỗi chiều thứ Bảy (nay là Gallery https://thuviensach.vn bán tranh!). Cuộc sống thật bình thường, thanh nhã, nhưng thi vị và lãng mạn biết bao. Tất cả những mẩu đá lót lề đường xinh xắn, những hàng cây tỏa bóng râm xanh mát, những ngôi quán yên ả với nhạc nền vừa đủ nghe, bầu không khí thư giãn, những bước chân thong thả trên vỉa hè, tiếng ve sầu rả rích, tiếng chim hót rộn rã… trải qua nhiều năm tháng đã trở thành “phong cách” linh động, đặc thù của thành phố, như một phần hồn duyên dáng chuyển từ thế hệ cư dân này sang thế hệ khác. Vì thế, đã có người sốt ruột và chẳng mặn mà lắm với những đợt “làm đẹp” vỉa hè thành phố bằng những mẩu gạch “con sâu” và những hàng cau khẳng khiu, vừa “vô hồn” vừa “vô sắc”, khiến bộ mặt vỉa hè thành phố trở nên …“vô duyên”. Nói cho cùng, vỉa hè của thành phố cũng tương tự sắc đẹp của một mỹ nhân, nếu không tô điểm thêm thì cũng đừng nên “bới lên, đào xuống” nhiều lần, tội nghiệp cho cho tấm thân Kiều lắm lắm! 06-2002 https://thuviensach.vn Một ngày trên quê hương T ôi quen một người bạn miền Bắc khá thân. Trong những chuyến ra thăm Hà Nội, tôi và người bạn thường đạp xe qua các khu phố cổ nhỏ, có khi vượt đê Cổ Ngư, lên tận Quảng Bá, nơi tôi đã có lúc lưu lại vài ngày, tập tành làm một anh “tẩm” (từ của dân Hà Nội dùng để chỉ người sống ở thôn quê). Hai chúng tôi cùng mê cái hương thơm thoang thoảng của hoa sữa trong những đêm đầu thu thanh vắng và những khoảng xanh thoáng mát của cỏ, cây và những mặt hồ trầm lắng của Hà Nội. Người bạn trẻ của tôi tốt nghiệp khoa tâm lý từ một viện đại học ở Moscow, về nước làm ở Ủy ban Khoa học xã hội, chuyên về tâm lý trẻ em. Ngoài giờ còn phụ thêm ở Trung tâm trẻ khuyết tật và thực hành trị liệu tâm lý cho trẻ em “có vấn đề” ở Bệnh viện Đống Đa. Tối đến còn đứng lớp Anh ngữ dành riêng cho người lớn tuổi ở Trường Amsterdam, trong khu Giảng Võ. Quần quật suốt ngày với một lịch “kín” như thế, nhưng đời sống của bạn tôi rất chật vật, nếu không nói là rất túng quẫn. Chỉ cơm rau qua ngày, áo quần giản dị, nhà trọ nhếch nhác tạm bợ. Thế mà từ người bạn vẫn toát ra một phong thái lạc quan, tự tin, tự mãn rất hiếm hoi giữa dòng người qua lại đương thời. Tôi chưa từng nghe người bạn trẻ của tôi than phiền bao giờ. Tôi quí và trọng người bạn tôi là vì thế. Chiếc xe đạp của người bạn vốn đã già nua, trở nên quá tải khi phải gánh sức nặng của hai người “trí thức”. Đôi lúc chúng tôi phải dùng chân để thắng những khi phải lách giữa rừng xe cộ hỗn tạp. Có lúc tôi đã cố tìm một dịp để “phục chế” (và nếu có thể “tân trang”) chiếc xe để bảo đảm an toàn tối thiểu cho người sử dụng. Và tôi đã nhân lúc chờ người bạn đang thực hành trị liệu ở Bệnh viện Đống Đa (với thù lao 5.000 đồng cho hai giờ) để thực hiện ý định đó. https://thuviensach.vn Người sửa xe trước cửa bệnh viện trông đã ngoài sáu mươi, hẳn là một hưu viên kiếm tiền độ nhật, dáng thanh nhã, ăn mặc gọn ghẽ. Ông quan sát tôi từ đầu đến chân. Có lẽ thấy tôi mang giày, áo bỏ vào quần tử tế, ông hỏi tôi như muốn diễn tả một điều thương xót cho người đồng cảnh: - Ông làm sao mà đến nỗi phải đi chiếc xe đạp khổ sở như thế này? Khi tôi giải thích cho ông sở hữu chủ của chiếc xe là bạn tôi, người đang phụ trách chữa trị tâm lý ở bệnh viện đối diện, ông không nói gì, làm như chăm chú vào việc sửa chữa bộ thắng. Một lúc sau, vẫn không nhìn lên, ông nói như cho chính mình trong một tiếng thở dài: - Như thế thì nhiều người quả là có tội! Để khỏi chờ đợi, tôi hẹn người sửa xe sẽ trở lại trong vòng một giờ. Tôi thả bộ dọc theo con đường trước bệnh viện, cố tìm một “cái gì” giản tiện cho bữa ăn trưa. Tôi để ý đến một bà cụ với mấy cái bánh chưng bày bán trên một chiếc thùng gỗ nhỏ, dùng như sạp hàng. Chỉ cần một cái đảo mắt là có thể ghi chép đầy đủ toàn bộ “cái gọi là quầy hàng” của bà. Rất giản dị: hai cái bánh chưng bằng lòng bàn tay trẻ con, vài gói hạt bí, mấy gói đậu phụng rang, một ấm nước vối và một ống điếu cho “khách” hút… nhờ (phải mang thuốc theo). Tôi đoán chừng “tổng giá trị” của cả quầy hàng quy ra tiền khoảng chừng 15.000 đồng. Được một điều là mọi thứ đều được xếp đặt ngăn nắp và sạch sẽ, một chuyện khá hiếm hoi ở Hà Nội. Tôi chọn cụ bà là vì thế. Cụ bà mời tôi ngồi trên chiếc đòn con. Tôi “gọi” một cái bánh chưng và một bát nước vối. Bà lặng lẽ ngồi nhìn tôi ăn và lặng lẽ thu nhặt những chiếc lá tôi đặt trên mặt thùng, không xun xoe, không mời đón rộn ràng như điều tôi đã quen ở mọi miền đất nước. Không thấy bà cụ rót nước tôi nhỏ nhẹ nhắc chừng: - Xin cụ bát nước vối. Không vội vàng, bà cụ thản nhiên trả lời: https://thuviensach.vn - “Bác” cứ thong thả xơi bánh. Ăn xong, “em” sẽ mời bác dùng nước. Vừa ăn, vừa uống không tốt cho dạ dày. Tôi nhìn (thật ra phải nói là ngắm) bà cụ, rồi quay mặt ra quãng đường chói nắng, nước mắt tự nhiên ứa ra. Một chút gì vừa ướt, vừa cay, rất riêng tư. Tôi không muốn giải thích sự xúc động đột ngột này (làm sao giải thích được?), nhưng có một điều gì đó khiến tôi không an tâm. Việc một bà cụ ngoài tám mươi dùng “ngôn ngữ xã giao” tôi đọc đâu đó trong những tác phẩm của Ngô Tất Tố (diễn tả một xã hội phong kiến đầu thế kỷ) đã khiến tôi nghi ngờ về bước đi của thời gian, hơn là buồn lòng cho số phận già nua, hẩm hiu của một đời người. Trên dải đất thân yêu của đất nước đang được vực dậy từ muôn vàn những khó khăn, tôi đã gặp vô số những đồng bào như thế. Cứ vậy, thản nhiên, không giành giật, không kêu than. Họ đã đối xử với tôi rất thân thiện, rất chí tình dù không quen biết, hoặc trong buổi sơ giao tình cờ. Tôi biết ơn và quý trọng họ biết mấy! Nếu ai đặt cho tôi câu hỏi: tại sao tôi thiết tha trở về với quê hương, tôi sẽ không có một câu trả lời nào dứt khoát và văn hoa. Nếu đọc những chuyện tầm thường ở trên, chắc họ sẽ hiểu. Đất nước ta đã tồn tại và vươn theo lịch sử với những người bình thường như thế! Amsterdam, tháng 12-1993 https://thuviensach.vn Về miền Trung Q uê hương em nghèo lắm ai ơi! Tôi gặp người đàn bà đó lần thứ hai, hầu như vào cùng một thời điểm và ở cùng một địa điểm như năm ngoái trước chợ Đông Ba (Huế), nơi mà những tàng cây thấp lè tè, dù có quằn người vặn vẹo đến kiệt lực cũng chỉ đủ sức hắt một chút bóng mát xuống mặt đường nhựa cứ như nhảy đựng lên vì phỏng lửa, dù đã vào giữa tháng Tám. Ở khoảng trống đó, những người “trốn nắng” tạm thời thường được “mời” mua vé số. Phải dùng chữ mời mới đủ diễn đạt cái cung cách tuy thiết tha nhưng chừng mực của những người bán vé số ở Huế. Họ không giống những “đồng nghiệp” xông xáo, có lúc rất phiền hà, ở các nơi khác trên toàn quốc. Ở họ toát ra một tác phong “nghiệp dư” rõ ràng như muốn nhắn nhủ người xung quanh: “Này, tôi chỉ bán vé số cầm chừng, tạm thời cho vui thôi nghe”! Lần này, vì nắng chói chang, tôi đội một cái mũ gần phủ hết mặt. Người đàn bà từ mái hiên của chợ Đông Ba bước ra, hướng về phía tôi với một đôi mắt không mở hết vì nắng gay gắt, khiến những điều muốn bộc lộ như bị đẩy thêm thật sâu vào tận cuối đáy mắt. Rõ ràng là cái nhìn đó không phải nhằm để tạo sự thương xót cho chính bản thân bà, khiến bạn động lòng ra tay làm một nghĩa cử, vì tập vé số trước sau vẫn còn nằm nguyên vẹn trong lòng tay nắm chặt. Tôi nghe một tiếng thở dài phát ra từ cặp môi nhăn nheo như khô cháy đi vì những cơn gió Lào dai dẳng: “Đi mô mà nắng nôi rứa?”. Thế ra cái nhìn thương tâm ấy là dành cho tôi, một người ăn mặc khá chu đáo, đang trú nắng an toàn dưới bóng cây! Cái lối chia sẻ tình mẫu tử giữa đường, từ một người không quen, không biết ấy khiến tôi sững sờ. Những hành động tiếp theo đến từ vô thức, nhẹ nhàng xuôi chảy như dòng sông êm ả sau lưng. Tôi mở bàn tay của https://thuviensach.vn bà, lấy ra tập vé số, chọn vài tấm, trả tiền, rồi nhét trở lại vào túi của chiếc áo cánh lụa màu mỡ gà ủi rất kỹ. “Xin biếu bác. Mong bác được may mắn hơn cháu”. Cho đến nay, tôi vẫn cho đó là cách ít xúc phạm nhân cách con người nhất, mặc dầu cuộc “trao đổi” xem ra không sòng phẳng chút nào. Điều phiền là tôi không bao giờ mua vé số vì không tin vào những chuyện “lộc trời cho”. Đồng thời, trong những ngày tìm về nguồn, tôi cũng đã thấm thía sự tôn vinh tuyệt đối về phẩm giá của người miền Trung (và cung cách đài các của các ‘mệ’), cái xứ Huế “đói nhăn răng, nhưng vẫn ngẩng cao đầu” của tôi. Phản ứng của người đàn bà (dĩ nhiên) là dễ hiểu. Cũng với cử chỉ dứt khoát, nhưng khoan hậu của năm ngoái, bà nhất định buộc tôi nhận lại những tấm vé số tương ứng với số tiền tôi đã biếu. Có một chút gì chua xót trong cái nhìn kèm theo cử chỉ từ chối của bà khiến tôi nghẹn lời. Vóc dáng khiêm nhường của người đàn bà vừa di chuyển khỏi vùng bóng cây, chưa kịp nhòa ra trong nắng xế trưa, đã quay trở lại: “Tui nhớ rồi. Anh là người tôi đã gặp năm ngoái”. Và không đợi tôi trả lời, bà lặng lẽ quay đi. Tôi đứng tần ngần nhìn theo bà, nước mắt cứ chực ứa ra, tự nhủ thầm mình đã quá lẩn thẩn. Xứ Huế của tôi vào mùa hè như thế đó: nắng thì thừa mứa mà bóng mát thì hiếm hoi, tựa như điều nghịch lý muôn đời giữa mức gia tăng hào sảng về dân số và độ dè sẻn trong ban phát về tài nguyên thiên nhiên, khiến người miền Trung suốt đời phải loay hoay với cái “vòng kim cô” truyền kiếp, nặng nợ cơm áo thường tình. Mặc kệ số phận bạc bẽo, đa số những con người ở cái nơi “mưa thúi đất, nắng cháy da” đó vẫn trụ lại, không chao đảo giữa những kêu réo, lôi cuốn rầm rộ của “kinh tế thị trường”, với niềm tự hào muôn thuở, chẳng ... “bán đi mà ăn được một bữa!”, như có người vẫn chua cay. Mùa hè năm nay tôi đã đi dọc theo dãy Trường Sơn, qua những “xẻo đất” mỏng, gầy gò như những tấm lưng mong manh của các cô gái miền Trung. Điều làm tôi sững sờ vẫn là sự nghèo khó đến mức đau lòng và cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa tuyệt diệu của những https://thuviensach.vn nơi đã đi qua. Khách đi tàu xuyên Việt không khỏi thương cảm cho những người đàn bà gồng gánh, chân trần chạy qua những đồi cát cháy bỏng ở Quảng Trị, nơi mà những ngọn cỏ non chưa kịp ngậm sương buổi sớm đã bị mặt trời nung đến khô queo, đến nỗi chỉ cần đụng tay vào là bay tơi tả như bụi tro. Những đồi cát bao quanh Đông Hà trắng đến nhức cả mắt, như thể đã được nắng và mưa gạn lọc hết từng chút cặn, chút rác từ khối tinh thể nóng bỏng ấy qua bao nghìn năm. Từ Quảng Bình đến tận Thanh Hóa, đa số vẫn là nhà tranh vách đất, với những vồng sắn, nương khoai, gốc mít... muôn thuở. Nơi đây tôi đã giật mình khi thấy đông đảo trẻ chăn trâu ở lớp tuổi cháu mình, đứng dọc theo đường ray xe lửa ngửa tay xin tiền hoặc nài nỉ bán những trái chanh còm cõi (đặc sản của địa phương!) cho khách đi tàu. Thế nhưng, cũng bên cạnh những điều đau lòng đó, tôi đã tìm thấy những tấm lòng và thiên nhiên tuyệt vời của quê hương miền Trung. Có lẽ điều khiến tôi bàng hoàng nhất là vẻ đẹp kỳ bí của những con sông. Những con sông có những cái tên đẹp (Thạch Hãn, Nhật Lệ…) như trong truyện thần thoại, cứ men theo các triền núi mà đi, dòng nước trong veo, như vắt hết mồ hôi của đất, đá và cây cỏ của những vùng đi qua trên đường hẹn hò trùng phùng với biển. Ngay đến núi cũng muốn chia sẻ tâm tình với con người. Cũng cùng nằm trên một dãy Trường Sơn dài như thân rồng bất tận, nhưng qua khỏi Nghệ An, giáp ranh Thanh Hóa, núi bỗng rướn mình, nổi gai góc, vươn những cánh tay đâm thẳng lên trời cao, như muốn cùng con người phản đối số kiếp thảm thương, lam lũ của mình. Sự thân thiết giữa con người và nguồn sống càng trở nên rõ ràng ở những nơi mà sự nghèo khó hầu như đã đạt đến tột đỉnh. Người nông dân ở Quảng Bình và Hà Tĩnh thường xuyên phải giành giật từng hạt lúa với thiên nhiên tàn bạo, từng giây, từng phút, đến nỗi thường dựng nhà, che mái cùng gia đình sống giữa đồng ruộng, như muốn ôm lấy chân cây lúa mà ngủ, mà nâng niu. Tôi trở lại miền Trung của tôi như một “đứa con hoang tìm về vùng ngực mẹ”. Những con sông, những ngọn núi và những con người khoan hòa và đôn hậu đó (như người mời vé số vô danh ở Huế) đã https://thuviensach.vn thúc giục tôi trở về với quê hương nghèo khó của tôi, đầu ngẩng cao hơn. Tôi mong mọi người đều có được một quê hương để trở về, như tôi! 10-1994 https://thuviensach.vn Nửa ngày ở Hà Nội Sương mai còn đọng trên cành Gánh quà trong sớm biết dành cho ai? Anh Độ, 1954 C uối cùng tôi chỉ ở Hà Nội được nửa ngày. Cô thư ký trẻ bận bịu suốt hai hôm vẫn không thể nào đổi chuyến bay vào buổi sáng. Thấy tôi nhăn nhó, cô giễu: “Chú thuộc loại Việt kiều chân không chạm đất, trả tiền thì theo giá tây, nhưng ưu tiên thì xếp theo danh sách ta.” Sự việc giản dị như thế, có gì phải bực mình. Ít ra, tôi cũng được hưởng nửa ngày thu tuyệt đẹp ở Hà Nội. Tôi đã nhiều lần đến Hà Nội, nhưng chưa lần nào được thưởng thức cái đẹp riêng biệt của mùa thu ở miền Bắc. Lần này đến Hà Nội trời đã vào chiều, một thời khắc mà bình thường, trời đang nhàn nhã nhả một mảng đen nặng nề xuống góc phía Tây, từ từ nén từng làn ráng đỏ muộn màng tan dần ở cuối đường viền chân trời. Chiều cuối thu ở Hà Nội rất lạ. Khung trời như được vén cao hơn, rộng hơn. Cả một vùng không gian bát ngát như được tưới một màu xanh trong suốt như ngọc thạch. Trời xanh, nước xanh và cây cũng xanh biêng biếc. Trong bầu không khí thoang thoảng lan tỏa ra từ mầu xanh mênh mang đó, khách nhàn du bỗng dưng cảm thấy một chút xao xuyến, nôn nao trong lòng. Một chút nhớ, một chút quên, nhập nhằng nhưng rất êm ả. Đi dọc đường Thanh Niên, nhìn ra mặt hồ nhạt nhòa một lớp sương mong manh thoáng hơi lạnh buổi hoàng hôn, người-khách-nửa ngày bỗng thèm một bàn tay mềm ấm, nồng hương thơm ủ lá sen của cốm làng Vòng. Người sẽ đi như trong mơ suốt con đường bao phủ lá xanh phượng vĩ, cắt đôi hai vùng hồ vắng lặng chừng như đã ngủ quên suốt cả mùa thu dài. Ai đã oái ăm dựng lên con đường https://thuviensach.vn đẹp thần kỳ đến thế nhỉ? Chắc ai đó hẳn rất thiên vị, đã dồn hết tất cả tinh túy, trữ tình của thiên nhiên về phía Hồ Tây. Quanh bờ hồ bên kia, phía Ngũ Xã không còn thấy bóng dáng một... cây trúc trắng (!) nào. Những bảng quảng cáo điện quang cắt xé màn đêm thành từng mảng, như một đám khủng long quấn quýt, cấu xé lẫn nhau, làm xốn xang cả mắt và tâm tư của khách dạo như trong những đêm thanh vắng. Trong nửa ngày ở Hà Nội, tôi đã nuốt vội vàng màu xanh giăng tỏa của trời đất đang dần dần thu nhỏ lại của một địa danh vốn rất dư thừa cây cỏ và sông nước. Tôi đã ngửa cổ hít đầy vào hai buồng phổi chút hương thơm váng vất tỏa xuống từ những chùm hoa sữa, vào nửa khuya trên đường Quán Sứ. Đó là một chút mảng xanh, một chút hương thơm còn sót lại sau cuộc lột xác thần sầu, nhanh đến chóng mặt của Hà Nội. Cái làng “cổ truyền” phân chia rạch ròi ba-mươi-sáu-phố-phường trong thoáng chốc bỗng trương phình ra như một anh khổng lồ tham ăn, lại nhẫn tâm dứt tung những “núm vú” đã miệt mài nuôi sống mình suốt hàng ngàn năm. Ngồi ở “nhà thủy tạ” thả mắt nhìn ra phía xa, khách nhàn du không còn mường tượng ra được những mảng rau xanh, những luống hoa màu rực rỡ của Đông Anh, Ngọc Hà, Thanh Trì, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân... Bốn phía chỉ là nhà, nhà và nhà. Những khối bê-tông nặng nề, những “tháp” nhọn đầy màu sắc, quê kệch, lạc điệu và vô hồn, níu tay nhau, đẩy những mảng xanh hài hòa cây-cỏ-sông-nước ra tận những vùng quê tít mù khơi! Suốt đêm đó, tôi không ngủ được trong một niềm tiếc nuối như vừa đánh mất một cái gì đó rất đỗi yêu thương. Chắc chắn là tôi đã không quên ghé qua hồ Hoàn Kiếm, nơi tôi đã ôm ấp một phần đời mơ mộng thuở thiếu thời về một huyền thoại lịch sử và những mối tình lãng mạn đầy đắng cay đầu thế kỷ. Nhưng phải thú thật rằng hồ Thuyền Quang lặng lẽ như một đứa con èo uột xấu số giữa một gia đình đầy dẫy giai nhân, mới chính là nơi tôi gần gũi nhất trong những lần ngắn ngủi ở Hà Nội. Nó nằm gần nơi tôi thường ở trọ. Vào buổi rạng đông, con đường dạo quanh hồ trở nên sinh động với cảnh người tấp nập tập thể dục sáng và những gánh hàng rong sớm. Những người tập thể dục đến từ https://thuviensach.vn những “khu tập thể” bình dân gần đó và những gánh hàng rong đến từ những “núm vú” bao quanh Hà Nội. Thông thường, nếu có thì giờ tôi vẫn nhập chung với những người dậy sớm đó, cùng hít thở không khí trong lành buổi sáng, làm một vài động tác thể dục cho nóng người, rồi dừng lại ở một chị hàng rong, mua một củ khoai, khúc sắn rồi hít hà vừa thổi vừa nhai, như một gã... đói ăn! Cũng cái cảnh sinh hoạt quen thuộc sáng sớm quanh bờ hồ, nhưng vẫn có một cái gì khang khác. Gió thu heo may hay cái dáng vẻ mới của một Hà Nội đang bắt đầu tập tành làm dáng? Tôi tò mò quan sát một người lớn tuổi đang tập dưỡng sinh. Những động tác cắt ra từng chi tiết rời rạc, chậm rãi đến cường điệu. Rất Hà Nội! Và còn gì nữa nhỉ? Những khuôn-mặt-không-đoán-được-tuổi, xanh xao như mang theo cả trời đêm thăm thẳm suốt con đường đê từ làng dẫn ra mấy cửa ô Hà Nội, mệt mỏi bên những thúng xôi hoặc sọt khoai, sắn tầm thường ủ dưới lớp bố gai, đặt sau chiếc xe đạp có quai sắt. Mệt mỏi là phải! Những cô gái làng muộn-màng-tuổi-xuân đó chắc chắn phải thức dậy từ tờ mờ sáng để kịp chuẩn bị cho cái “thương vụ” cỏn con, nhưng đầy truyền thống của mình, rồi còn bươn bả trên chiếc xe đạp cà khổ qua con đường dài ngoằng lồng lộng gió sớm, vào Hà Nội trước bình minh. Tương lai của họ sẽ ra sao trong cuộc thoát xác cao tốc của Hà Nội? Dĩ nhiên tôi không ích kỷ đến nỗi chỉ muốn Hà Nội phải dừng lại trong hoài niệm và mơ tưởng hão huyền. Hà Nội phải lột xác, thay da đổi thịt để xứng đáng với tư thế của một thủ đô. Nhưng Paris, Rome, Budapest, Vienne, Amsterdam ... cũng đã phát triển trong mối hài hòa đầy tính mỹ thuật giữa tân kỳ và cổ truyền. Tôi vốn yếu lòng, chỉ sợ rồi đây mình sẽ trở nên lẩm cẩm, học đòi người xưa ngâm nga đôi ba bài “Thăng Long thành hoài cổ” của bà Huyện Thanh Quan, chỉ làm bận lòng người thêm. Trở về Bangkok, trời tự nhiên trở lạnh. Những sinh viên gốc Bắc nói đùa là tôi đã mang theo một chút hương thu của Hà Nội sang. Có lẽ một chút ưu tư thì đúng hơn! Hà Nội - Bangkok, cuối tháng 10, 1995. https://thuviensach.vn Cây hoa súng và con chim cu G ần một tháng trôi qua, tôi hầu như không làm gì thiết thực hơn là lang thang vào mỗi buổi chiều, tò mò đọc những tên khoa học lạ hoắc của những loại cây trồng đan chéo nhau trong cái quần thể phức tạp, nhưng gọn ghẽ trong campus của Viện Công nghệ châu Á (AIT), ở ngoại ô Bangkok. Chúng như trộn lẫn vào nhau, không phân biệt trong một toàn cảnh bao la, nhưng nếu tách rời, mỗi cây đều giữ được tính đặc thù và tên tuổi riêng biệt. Hòa đồng mà không mất cá tính. Một cái đẹp tập thể không đè bẹp cái dáng vẻ cá thể. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì tôi đã tự hài lòng với những tán cây phượng vĩ, cứ như ai đó lỡ tay làm đổ tung tóe những mảng màu đỏ như máu, chói chang cả một góc quanh cái hồ rộng. Hoa phượng làm tôi nhớ lại một thời học sinh trung học không mấy vui thuở thiếu thời ở một thành phố miền Trung, nhất là những buổi sáng thứ hai, tôi thường được gọi ra đứng trước cột cờ giữa sân, cho trai gái cả trường “ngắm” vì một tội danh tưởng tượng nào đó của ông giám thị. Có lẽ vì thế phượng đỏ gợi nhớ một thời trai trẻ, nhưng không làm tôi chao đảo vì thiếu hẳn một kỷ niệm cháy đỏ như màu của hoa. Cũng trên đoạn đường ngắn đi dạo nhàn nhã thường ngày đó tôi đã bất chợt thấy một cọng hoa súng lẻ loi nhô lên từ mặt nước trong một con rạch nhỏ, thông thường chỉ lèo tèo một vài cọng rau muống dại. Thoạt đầu, chỉ là một cảm giác choáng váng, tựa như dư vị dịu dàng của một nhắp rượu ngọt, rồi bỗng dưng một đoạn văn thuộc lòng của thuở thơ ấu trở về như những nhịp sống thôi thúc, dồn dập. “Hoa súng màu thiên thanh. Duyên nợ của nó với tôi là cả một lịch sử. Thuở còn bé, tôi trông thấy nó ở trước nhà, trong một cái ao thân mật…” Một đoạn văn xuôi giản dị như thế, nhưng được nhồi vào cái đầu của một đứa trẻ thành thị lãng mạn như tôi, đã trở thành https://thuviensach.vn một nỗi ám ảnh triền miên trong suốt những năm tháng dài dằng dặc ở xứ người. Từ hai tuần nay tôi như một kẻ thất tình, chỉ lảng vảng quanh mặt hồ và những con rạch, những nơi có hoa súng trong khuôn viên của Viện. Tôi đã ngắm không biết chán những cánh hoa súng ở những thời điểm khác nhau. Tôi đã bồn chồn đợi nắng lên, chờ đêm xuống, cẩn thận xếp từng cọng lá, nâng lại những cánh hoa. Có khi nửa đêm trở về phòng, vẫn còn thòm thèm, ray rứt vì chưa được ngắm hoa trong một đêm trăng. Trong hai loại hoa súng đang nở rộ trong khuôn viên của Viện, tôi chỉ thích có hoa súng tím sáng, có lẽ vì tính hiếm hoi và dáng thon thả của nó. Hoa súng trắng nở đại trà, thường che phủ cả một khu hồ rộng, dáng tròn trịa, không giữ được niềm thắm thiết, sâu đậm trong tôi. Nó cho tôi có cảm giác thừa mứa của một đêm trình diễn thời trang rầm rộ, nhưng không tìm được hoa hậu để trao vương miện. Hoa súng tím xuất hiện đột ngột, đơn lẻ, khiến người thụ cảm choáng ngợp, bàng hoàng trước vẻ đẹp độc đáo của nó. Một vẻ đẹp được tích lũy của nàng công chúa ngủ quên trong rừng, hai tay ủ một trái tim nồng nàn, khao khát được chia sẻ tình yêu. Chu kỳ trưởng thành của hoa súng cũng tương tự như thế. Từ một củ nhỏ giấu mình trong lớp bùn dày suốt mùa đông, một hôm nào đó không hẹn trước, một sức sống bứt ra, hối hả đẩy cọng cây xanh qua lớp nước sâu, rồi thở phào dưới ánh mặt trời rạng rỡ. Hoa và lá cùng ngã sóng soài trên mặt nước chan hòa ánh nắng. Thoạt tiên chỉ là một chút màu tím nhạt, e ấp nhú khỏi một chiếc nụ xanh đầy đặn, như đôi môi ngọt ngào của một thiếu nữ mới tập thoa son. Rồi bỗng dưng cái nền mầu tím nhạt đó tăng nồng độ, mọng lên những đường cong đậm nét, dưới mặt trời rừng rực sức sống. Những cánh hoa tách ra, mở rộng, phơi bày hết tất cả những góc cạnh cần giấu diếm, trong một động tác dâng hiến hoàn toàn, giữa những táng lá tròn bao quanh như muốn bảo vệ, trông chừng. Có lúc người thưởng ngoạn như nghe thoang thoảng tiếng thì thầm từ dưới nước đưa lên: “em đây, anh ngắm nhìn cho thỏa thích đi!” https://thuviensach.vn Thế nhưng, cuộc phô trương sắc đẹp không kéo dài. Hoa cũng như nết dịu dàng, giữ mình chừng mực, như muốn làm khổ người đời. Hoa chỉ nở rộ, phơi phới cực điểm vào thời khắc nắng còn giao lưu hòa nhã với những giọt sương mai ngọt ngào vương trên những tán lá trong xanh như ngọc thạch. Vào giữa trưa, khi mặt trời tăng sức nóng, những tán lá màu xanh co mình, xích lại gần nhau để tạo một vòng tròn bảo vệ cho những bông hoa tím lạc loài, đang e dè khép từng cánh, cố giấu mình dưới những tia nhìn thô bạo của mặt trời. Cùng thoát thai từ những vùng kênh rạch, ao bùn, nhưng hoa súng không kiêu kỳ và trong trắng như hoa sen, cũng không nhạt nhẽo và dân dã như hoa rau muống. Hoa cũng có nhụy vàng, nhưng không thoang thoảng mùi hương tinh khiết của các loài hoa dùng để cúng kiếng và trưng bày. Hoa súng chỉ đủ sức hấp dẫn người thưởng ngoạn từ một khoảng cách. Có lúc hoa như cô gái dậy thì, vừa thách thức vừa nép mình e ấp. Hoa biết mình đẹp nhưng cũng biết sử dụng cái đẹp của mình một cách vừa phải, chừng mực, khiến lòng người càng ngây ngất, say mê nhưng không đành lòng ngắt hoa, chiếm đoạt cho riêng mình. Tôi đã nhìn, ngắm, nâng niu và ôm ấp những cánh hoa súng trong suốt mùa hoa nở năm nay. Chắc chắn rồi đây tôi sẽ “thất tình”, hụt hẫng trong suốt thời gian chờ mùa hoa súng trở lại. Nhưng đó chỉ là hai loại hoa súng trắng và tím, không phải là thứ hoa súng “màu thiên thanh” huyền hoặc của Thanh Tịnh ở quê nhà. Nỗi ám ảnh lãng mạn thời trai trẻ của tôi vẫn chưa được giải tỏa hoàn toàn. Quê hương vẫn theo sát tôi trong từng bước chân, mỗi nhịp đập. Điều khổ tâm nhất là mấy con chim cu ở Bangkok vẫn không để cho tôi yên. Cứ mỗi sáng sớm và lúc chiều tà chúng lại quây quần gọi nhau róng rả trên những đọt cây quanh nơi tôi ở, khiến tôi thêm não lòng: Chiều chiều ra đứng ngõ sau Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều! Nói cho cùng, tôi chỉ cách quê hương hơn một giờ bay! https://thuviensach.vn AIT, cuối tháng 6-1995 https://thuviensach.vn Những con chim cuối cùng Đ ối với những con chim thành phố, tôi thường có những hoài niệm thật buồn. Đó là một cảm giác không rõ ràng, man mác, giống như bất chợt đọc thấy một mẩu tin về một nhóm dân tộc ít người đang có nguy cơ bị diệt vong ở một góc rừng xa xăm nào đó, nơi họ và tổ tiên đã sinh sống qua hàng ngàn năm. Đọc xong thì xót xa, nhưng tự thấy xấu hổ và bất lực vì mình không làm được gì. Tôi còn nhớ vào dịp trước Tết âm lịch cách đây hai năm, vị giáo sư người Hà Lan của tôi ghé thăm Việt Nam một tuần. Tôi đã đưa ông đi thăm thú khắp nơi để ông ghi vào ống kính những “điều hay, vật lạ” của thành phố. Đến chùa Vĩnh Nghiêm, ông mua một con chim sẻ, điều chỉnh ống kính cẩn thận, rồi nhờ tôi bấm máy khi ông thả con chim lên trời. Ông có vẻ rất thú vị với lời giải thích của cô bé bán chim lém lỉnh về mỹ tục “phóng sinh” nhân hậu của Phật tử. Dĩ nhiên ông không biết là những con chim đó đã bị cắt bớt lông cánh, chỉ có thể được “tự do” bay vài ba thước rồi sẽ rơi xuống đất, để lại bị nhốt vào lồng, đợi tới phiên được một người khách nhân từ khác “phóng sinh”! Tôi đã nhẹ nhàng từ chối, viện cớ là không rành chụp ảnh, nhưng vị giáo sư khả kính đã hiểu ra thâm ý của tôi. Quả thật tôi không muốn tham dự vào cái vòng lẩn quẩn, kéo dài thêm số phận bi thảm của những con chim cuối cùng trong thành phố. Một lần khác, khi tôi ngồi uống cà phê ở cái quán có nuôi nhiều loài chim-hay-hót trong những chiếc lồng xinh xắn, bỗng một tiếng chim hót vang lên lẻ loi nhưng thiết tha, rồi vỡ òa trong nắng sớm. Và từ cành mận ở cuối sân, một cánh chim khác nhẹ nhàng đáp xuống bên cạnh chiếc lồng tre, như một lời đáp ứng nhiệm mầu đến từ nơi nào đó rất xa xôi. “Tín hiệu tình yêu” phát ra từ con chim trong lồng đã đến với người bạn lòng còn được tự do, xóa tan khoảng không https://thuviensach.vn gian phân cách bằng những song chắn nhỏ của chiếc lồng tre. Rồi tiếng hai con chim ríu rít với nhau trong nắng tươi tơm làm xao xuyến lòng người. Tôi đã ngồi im lặng hàng giờ trước ly cà phê lạnh ngắt, ngắm đôi tình nhân trong một hoàn cảnh oái ăm như thế, lòng tự hỏi đó có phải là những con chim hạnh phúc cuối cùng của thành phố không? Có lẽ tôi cũng đã mau chóng quên câu hỏi ngớ ngẩn đó nếu không được tình cờ xem một phim phóng sự ngắn trong một ngày cuối năm vừa rồi, nói về nguy cơ tận diệt của những loài chim trong thành phố ở Anh quốc với những thông số chính xác. Một cuộc điều tra sâu rộng kéo dài cả năm. Theo đó, với tỉ lệ mất đi từ 18-20% số lượng chim/năm cho từng loài chim như hiện nay, chỉ trong vòng năm năm sẽ không còn bóng dáng quen thuộc của các loài chim sẻ, chim sâu, cu đất, sáo, quạ đen trên đường phố hay trong công viên của thành phố nữa. Kết luận của bộ phim đã nổ ra như một quả bom giữa năm vạn dân thành phố và đã lôi kéo mọi người vào một cuộc tranh luận để tìm cách giải quyết tối ưu cho vấn đề sinh thái này. Một loạt giải pháp đã được cư dân bàn cãi, biểu quyết và đã được Viện Bảo vệ động vật Hoàng gia Anh nghiên cứu tính khả thi, sau đó được chính quyền địa phương thi hành triệt để. Nhiều con đường đã được tái qui hoạch cho riêng người đi bộ, không gian xanh và diện tích cây tăng lên, mức tối đa cho tiếng động được qui định, các tổ chim nhân tạo được đặt ở những nơi cần thiết để chim có thể sinh sản an toàn. Các nhà sinh vật học đã không quên những bản nhạc mà các loài chim ưa thích (qua nghiên cứu) để chúng có thể vừa nhàn nhã gặm nhấm những hạt thực phẩm ngon lành được cung cấp từ những chiếc bệ con xinh xắn, vừa thưởng thức những âm thanh réo rắt, trầm bổng của loài người thân thiện. Và chim đã trở về với thành phố như một cuộc trùng phùng của những người bạn tri kỷ. Cái vế thứ hai của một bản nhạc hài hòa “con người và thiên nhiên” tưởng như sắp mai một trong quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa khập khiễng của một thành phố đã được tái lập. Những chiếc tổ chim nhân tạo, những bản nhạc phát thanh https://thuviensach.vn và những chiếc chén nhỏ đựng thực phẩm... đã nâng vị trí của các con chim lên ngang hàng với con người! Cả hai đều được công nhận là thị dân sinh động và khắng khít của một quần thể sinh hoạt đã tồn tại qua nhiều năm tháng thăng trầm của lịch sử. Chim và người đã thả linh hồn vào những góc đường, vỉa hè, chiếc cầu... trong thành phố, khiến những vật vô tri trở nên sống động và mỹ miều hơn. Ly cà phê trên bàn ở cái quán lá xưa đã lạnh ngắt, nhưng hôm nay không còn đôi chim ríu rít đáng yêu đâu nữa. Những con chim sẻ cuối cùng đã rời bỏ thành phố mà đi! 27-2-2001 https://thuviensach.vn “…Huế của ta ơi” ... Em xinh em gái tên là Hương giang Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà ca... Phạm Đình Chương K hông biết tôi có quyền gọi “Huế của ta ơi!” như một bản nhạc véo von đương thời nào đó chăng, mặc dù tôi sinh ra ở Huế và, sau bao nhiêu năm lưu lạc giang hồ, vẫn còn nói đậm một giọng Huế chay. Gia đình chúng tôi dời vào Đà Nẵng bằng đường biển khi tôi chỉ mới bốn tuổi. Trong trí nhớ non trẻ của tôi, Huế cũng mông lung, mơ hồ tựa như sóng biển dập dềnh đưa con thuyền chở gia đình chúng tôi về phía Nam. Nghe nói tôi đã ngủ miệt mài trong suốt cuộc viễn du đầu tiên trong đời. Lên bờ là nắng chan hòa, thiêu rụi những mảnh hoài niệm vụn vặt của một căn nhà vườn ở Huế vẫn cố bám theo tôi vào đến vùng đất mới. Huế được tách ra khỏi đời tôi như thế đó. Một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn như một cánh tay duỗi ra nghịch nước biển Đông đã tách rời hai vùng đất ở eo thắt lưng của miền Trung. Chỉ cách nhau một chân đèo mà phân biệt rạch ròi hai giọng nói. Một bên thì đài các, quan cách đến sốt ruột, một bên thì chân chất đến nặng nề. Khi tôi lên mười tuổi, những buổi chiều nằm dài trên bãi biển Thanh Bình nhìn mông lung về phía Bắc, mắt tôi thường dừng lại rất lâu ở chóp đỉnh núi thường có những cụm mây trắng nõn như bông gòn bao phủ. Dãy núi dài, có màu xanh mơn man làm dịu mắt người, dẫn giòng mơ tưởng của tôi đi rất xa, nhưng không bao giờ chịu dừng lại ở Huế. Đối với tôi, Huế ở đâu đó giữa rặng Trường Sơn trùng trùng xanh thăm thẳm trên cao và vịnh Lăng Cô lặng yên trải dài bên dưới. Cuộc giao hoan chan hòa và đằm thắm của thiên nhiên đã phát sinh ra vô số thắng cảnh mang những cái tên đầy https://thuviensach.vn truyền thuyết như Tiên Sa, Sơn Trà, Liên Chiểu, Hải Vân, Bạch Mã... Chiều chiều, tôi lại lang thang đạp xe ra bãi biển, nằm gối đầu lên tay, thả hồn về phía đỉnh núi cao, mong sẽ một lần tình cờ bắt được một cụm mây trắng trong tay. Những ngày trời trong xanh, tôi thường hay thả tầm mắt xa hơn về phía Bắc, nhưng vẫn chưa bao giờ định ra được Huế nằm ở đâu. Những lần ấy, tôi thường ủ rũ trở về nhà trong tâm trạng của một đứa trẻ côi cút, chưa một lần biết được mặt người mẹ của mình. Từ một ngõ ngách nào nó trong chuỗi mộng mơ của những ngày đầu đời, tôi đã mường tượng nhận ra con người lãng mạn thầm lặng, đầy chất Huế của mình. Trong suốt thời gian chiến tranh, Huế được cắt ra thành nhiều mảnh vụn, rời rạc trong trí nhớ của tôi. Những ngày hè ngắn ngủi không kịp tạo được một hoài niệm gì. Hoặc giả tôi còn quá trẻ con để cùng thao thức với những anh-trai-Huế bàn chuyện “lấp biển vá trời” bên cạnh những ly cà-phê liêu trai của chị em cô Dung trong Thành nội (cô em mặt tròn quành quạnh như trăng rằm tháng Tám!); hoặc giả những vết tích đổ nát của bom đạn và mục rữa của thời gian trên cái hình hài còm cõi nhưng đầy kiêu hãnh của Huế đã làm tê liệt chút tri thức còn lại trong tôi. Tôi vẫn chưa hiểu được tại sao người ta lại quấn khăn tang cho cả cây cối trong vườn và cái gì ở sau tiếng thở dài não nề trong mỗi câu hò, điệu hát ở Huế. Ở vào tuổi dậy thì, tôi hối hả sống, chỉ muốn quên, không muốn nhớ. Tôi biết quá sơ sài về nơi chôn nhau cắt rún của mình, nên khi trở về Huế những năm gần đây, tôi như người ngụp lặn trong cõi đời mơ tưởng hão huyền. Huế có cái gì đó rất thanh khiết khiến tôi phải trầm mình xuống, rũ cho sạch hết những đám bụi trần vương vấn, trước khi hòa hồn mình vào cảnh thiên nhiên vừa u tịch, vừa thanh thoát. Phải như thế mới cảm thông được vẻ đẹp trầm buồn muôn thuở của người và cảnh vật ở Huế. Cuộc giao thoa giữa khách đồng điệu và đất thần kinh phải rất tự nhiên, không gượng ép, tựa như chiếc lá vàng thả mình nương theo gió, chao lượn vài vòng, rồi nhẹ nhàng đáp xuống một mặt hồ im vắng thơm ngát hương sen. Cái cảm giác nhẹ tênh, thống khoái tột đỉnh ấy tôi đã có lần lầm lẫn với sự bất diệt của vũ trụ, khi đứng trên đỉnh Hải Vân muốn dang hai tay thả người xuống vùng vịnh lặng yên bao la bên dưới. https://thuviensach.vn Có lẽ tôi sẽ làm chuyện lẩm cẩm nếu kể hết những cảnh đẹp ở Huế. Huế còn quá nhiều cái đáng để nhìn, để ngắm, kể cả những tấm lòng thành chưa hề suy suyển trong cơn “đại hồng thủy kim tiền” thời đại. Cái đẹp của Huế vốn rất kiêu kỳ, không khêu gợi mời gọi bạn. Nó không chiếm chỗ nằm yên trong võng mô của thị giác mà đi thẳng tuột vào hồn bạn, rồi ôm lấy trái tim khô héo của bạn mà mà vỗ về, tỉ tê tâm sự. Trên suốt một dải giang sơn cẩm tú của quê hương ta, tôi nghĩ chỉ ở Huế gió mới có màu sắc và nước có mang mùi hương. Những ngày đẹp trời, gió từ thượng nguồn sông Hương mang theo sắc hòa chung của trời, mây và nước, thổi một dải màu thiên thanh mỏng lướt thướt qua những tàn cây, tô đậm từng cánh lá óng lên như ngọc dưới nắng ban mai. Lớp sương mù mỏng mỗi sáng sớm phủ trên mặt sông phả một mùi hương thoang thoảng từ loài cỏ thơm giấu mình trong nước và các loại hoa sứ bí ẩn từ “tử cấm thanh” tù túng. Dòng sông Hương như cô con gái kiêu sa, thay đổi màu sắc và dáng điệu theo từng thời khắc của ngày, nhưng bao giờ cũng đẹp kỳ diệu. Nhưng nó chỉ là một nét trong một toàn cảnh hài hòa của Huế. Con sông lặng yên như một tấm thảm xanh thông ra một cửa trời dẫn lên thiên thai, nguồn hứng viết nên bài nhạc bất hủ của cố nhạc sĩ Văn Cao. Người xưa quả rất có mắt khi chọn đầu nguồn dòng sông, nơi hội tụ đầy đủ hồn thiêng trời-sông-núi để xây tháp Linh Mụ, khiến người viếng chùa có cảm giác như đã gần kề cõi Niết bàn. Con sông ấy cũng theo chân người về nhà, chia cái đẹp chan hòa ấy trong những cảnh nhà vườn dân dã ở thành nội hay những hưu viên, phủ chúa ở khu Vĩ Dạ. Những ngôi nhà vườn vuông vắn, um tùm cây ăn trái và cây cảnh, trong đó người và thiên nhiên cùng hít thở chung một vùng trời hạn hẹp, cùng chia sẻ những ngày tháng đầy ứ kỷ niệm riêng tư. Những mảnh vườn thu hết tinh hoa của đất-trời vào một góc, mở cửa (trước, sau, bên hông) bước ra khỏi cửa là tới vườn. Người và cây cỏ ôm ấp lấy nhau như bạn tri âm. Từ đó, tôi hiểu tại sao cây cối cũng có quyền để tang thương tiếc người quá cố, như thân nhân ruột thịt. Tôi có thể chỉ mê Huế đến một mức nào đó thôi, nếu chỉ dừng lại ở sự giao cảm bình thường với cảnh quan. Có lúc tôi tưởng đã hưởng https://thuviensach.vn trọn vẹn những gì còn sót lại ở trên đời, với đỉnh cao là những lần nằm biếng nhác nghe tiếng lá thông trở mình xào xạc trong gió ở hồ Thiên An hay để mình ngập lụt trong đêm trăng-trải-lụa-vàng tuyệt vời ở một quán cà-phê trên tường thành hay bên bờ sông Gia Hội. Cho đến những ngày gần đây tôi vẫn chưa hiểu được cái gì ẩn sau giọng hò u uẩn như tự nuốt lấy lời mình phát ra của những nàng ca kỹ trên sông Hương. Tôi nghĩ sẽ không bao giờ có thể hiểu nổi điều bí ẩn đó nếu không có một chuyện tình cờ xảy ra. Vào một buổi trưa hè, trong lúc đang nằm uể oải phô mặt dưới lưỡi dao cạo của một anh thợ hớt tóc trẻ ở một quán đầu đường, tôi đã rợn người khi chợt nghe một giọng ru con bi ai trỗi lên từ phía bên kia tấm phên tre. Trong gió Lào trăn trở, tiếng ru con của người đàn bà ngân lên dai dẳng, như muốn buộc mọi người phải nghe, phải chia sẻ nỗi khổ tâm của mình. Tôi ghé mắt nhìn qua khe cửa, một mái tóc đen huyền đổ dài theo nhịp chiếc võng đong đưa, che hờ một mảnh ngực trần trắng phau ngần lên trong nắng. Một đứa bé con gầy nhom đã no sữa nằm gối đầu ngủ vùi trên cánh tay phải của người mẹ. Tôi không nhìn thấy mặt người thiếu phụ, nhưng chắc chắn nàng còn trẻ lắm. Rồi tiếng ru con bỗng giãn ra tan loãng vào không khí. Nhìn sang, người thiếu phụ đã ngủ quên, vòng tay ôm chặt lấy đứa bé. Tôi thở dài nhẹ nhõm. Chị ta chỉ tâm sự một chút thôi mà! Anh chồng cũng ghé mắt nhìn qua tấm phên, mặt anh toát ra một vẻ hài lòng, rất thư giãn. Tôi không nghe anh thở dài, như tôi. Có một dạo, Huế đã trở thành phương thuốc chữa trị bệnh ức chế mãn tính hữu hiệu nhất của tôi! Viết tặng các con Trường Sơn và Hoài Hương. Bangkok, tháng 2- 1996 https://thuviensach.vn Người “Quá Khổ” T ôi gặp anh ta rất tình cờ. Một buổi sáng, tôi đụng phải một thanh niên có dáng vẻ sinh viên trước cửa văn phòng. Anh ta chìa cho tôi xem tấm danh thiếp của một người nước ngoài và xin được gặp “nói chuyện thêm” với chủ nhân tấm thiệp; một người chúng tôi không quen biết. Trước đó, anh đã gặp người tiếp tân của dự án, nhưng đã được từ chối khéo vì “không diễn đạt ý tứ rõ ràng” và có vẻ… “hâm”! Bề ngoài, cái gì ở anh ta hình như cũng đều quá khổ, tạo nên một dáng vẻ không bình thường đối với một thanh niên Việt Nam trung bình. Đôi chân lỏng thỏng. Hai tay lòng khòng. Lưng dài lòng khòng. Đặc biệt, cái đầu khá to dồn hết sức nặng xuống cái cần cổ cao, khiến mỗi khi nói, anh phải lúc lắc, dùng nhiều động tác phụ như thể rung cây, chừng như ý tưởng cũng có thể rơi rụng như lá. Tất cả những điểm đó cũng còn có thể xem là bình thường, nếu anh ta không mang một đôi kính tròn úp, kiểu Ray Charles, như hai quả trám đen chụp lên một gương mặt cũng dài quá khổ. Cũng không sao. Cái dáng vẻ khác lạ của anh ta không làm tôi quan tâm. Tôi vốn không tự hạn chế hoặc lựa lọc khi tiếp xúc với mọi người. Điều khiến tôi tò mò là trong lúc lắc lư cái đầu, cố giải thích cho tôi hiểu điều mình muốn, anh đã dùng khá nhiều từ tiếng Anh khá chính xác. Anh ta vốn đang theo học năm thứ hai của một chương trình kỹ sư và đang cảm nhận “có vấn đề” vì không cảm thấy có “thách đố” gì trong chương trình học thường ngày nữa. Anh cho biết là anh quan tâm nhiều hơn về các “nguyên lý của nền kinh tế thị trường” hơn là các định luật vật lý trong giáo trình kỹ thuật và đã đọc hết những sách hiện có ở thư viện trường, vốn rất hạn chế, nhất là sách viết bằng ngoại ngữ. Biết tôi đang giảng về môn quản lý, lại qua chuyển ngữ tiếng Anh, anh ta xin dự thính một vài buổi https://thuviensach.vn giảng… cho biết. Dĩ nhiên là tôi đồng ý. Tạo điều kiện cho một sinh viên hiếu học, muốn triển khai kiến thức ngoài phạm vi ngành học chính là điều đáng khích lệ chứ sao, tôi nghĩ. Vào một buổi sáng trong tuần, nhìn xuống lớp không thấy anh như đã hẹn, tôi hơi thoáng một chút thất vọng, nhưng quên ngay. Lần sau gặp lại anh, tôi mới biết điều anh muốn thật giản dị đối với tôi, nhưng lại là một phiền phức đối với nhiều người. Một người nào đó sau này đã cho tôi biết thêm về điều “tế nhị” đã cản trở anh tham dự lớp học. Các học viên của tôi vốn là giảng viên đại học, không tiện ngồi chung với một sinh viên thường. Hơn nữa, một người rỉ tai tôi: “Anh ta không được bình thường mấy!”. Một chiều cuối tuần, tôi ra đón xe đò ở chân cầu Bình Triệu, đi Biên Hòa tìm chút “mảng xanh” thư giãn nơi đồng nội. Tôi được người lơ xe “vớt” lên từ lề đường và thảy vào lòng xe chật cứng hành khách, thân người nghiêng ngả theo nhịp xe lắc lư, chân hầu như không đụng được tới sàn. Bỗng dưng khối người trước mặt chuyển động, rồi một người khom lưng cố len qua rừng người, kéo tay tôi: “Thầy ngồi vào chỗ của em đây”. Tôi xua tay từ chối ngay, cảm thấy không thể lạm dụng lòng tốt của một ai. Mà ai lại có thể là “học trò” của tôi trên chuyến xe tình cờ này? “Không sao đâu thầy, em đứng được mà. Em quen rồi.” Ôi chao, con người tốt bụng đang nói những lời chí tình ấy lại là anh chàng thanh niên “quá khổ” và “bất bình thường” chưa bao giờ tham dự lớp giảng của tôi một ngày nào cả. Thế nhưng, anh ta đã đứng cạnh tôi trong suốt chuyến xe gian khổ, “thầy thầy, em em” rất thân thiết. Tôi không thể tìm thấy một điều gì “bất bình thường” nơi anh trong suốt chuyến đi. Riêng cái tốc độ suy nghĩ và xếp đặt công việc của anh thì quả thật kinh khiếp. Chỉ trong một thoáng, anh đã “quyết định” thu xếp một lịch tham quan cuối tuần khá “khép kín” cho tôi ở xứ bưởi, quê hương của anh. Ngồi sau chiếc xe đạp cà khổ của anh lấy từ trên mui xuống, trên đường từ bến xe về nhà anh, tôi thản nhiên ngắm cảnh bên đường, như một kẻ nhàn du. Yên tâm vô cùng. Tôi đã ở lại nói chuyện với bố mẹ anh ta khá lâu. Người cha, vốn là một nhà giáo chỉ có một ước vọng thành đạt bình thường về đứa https://thuviensach.vn con út, mà sự xuất chúng từ thuở nhỏ đã phát đi những tín hiệu không tương ứng. Người học sinh liên tục đoạt các giải thưởng toán xuất sắc hàng năm toàn tỉnh và toàn vùng ấy, có lúc đã phải vào điều trị ở bệnh viện tâm thần một thời gian khá dài vì đã dám thách đố sự vững chắc của những thành trì định luật toán học muôn đời. Buổi tối hôm đó, anh ta đến đón tôi rất sớm. Chúng tôi đi một vòng Biên Hòa, ghé thăm hầu hết các thầy giáo cũ, bạn bè thân và ngôi trường cũ của anh. Cái cảm giác là mọi người đã đáp lại sự nhiệt tình của anh một cách chừng mực trong lúc tiếp anh đã khiến tôi chua xót. Gần suốt một đời, tôi chưa từng nghĩ đến hoặc có những hành động thành kính và biết ơn cụ thể đối với các thầy, cô cũ của tôi như anh. Ý nghĩ đó đã theo giày vò tôi trong giấc ngủ đêm ấy. Thật đáng xấu hổ. Bẵng đi một dạo, tôi không gặp anh. Rồi một hôm, tôi vừa xuống xe, anh bỗng dưng xuất hiện lại, như tách ra từ một nhánh cây phượng bên đường, chạy đến chào tôi. Nụ cười thật rạng rỡ trên đôi môi như lớn hơn lên vì cặp mắt kính đen “thách đố”. Mọi người quay lại nhìn chúng tôi vì cái giọng rổn rảng của anh giữa sân trường buổi sáng vẫn còn vắng vẻ. Rồi một người tiến đến bên chúng tôi, ngần ngừ nói thầm trong tai tôi: “Anh này không được bình thường lắm”. Câu cảnh giác phát ra rất nhẹ, nhưng cũng đủ để anh ta đoán được nội dung của nó. Trong một thoáng, mặt anh ta căng ra rồi nhăn nhúm lại. Anh bỏ kính nhìn tôi thẫn thờ, rồi quay đi, đôi chân lòng ngòng đạp lên những đốm trắng ban mai vương vãi. Tôi không gặp anh một lần nào nữa sau ngày hôm ấy. Nghe nói anh ta bỏ ngang chương trình kỹ sư, đi làm hướng dẫn viên du lịch ở “khu phố tây” quanh đường Phạm Ngũ Lão. Tôi mong ở đó, cái vóc dáng và trí não quá khổ của anh sẽ không trở thành một “phiền phức” cho các bạn “tây ba lô”. Dù sao họ cũng đã từng đi, nghe và thấy khắp cả thế giới! 3-1995 https://thuviensach.vn Văn hóa xe buýt công cộng L ần nào về thăm nhà tôi cũng dùng phương tiện xe buýt công cộng để di chuyển trong thành phố. Đó là một loại xe nhỏ màu vàng, vóc dáng và phân bố chỗ ngồi tương tự như xe-lam-ba-bánh cũ, nhưng cửa lên xuống đặt ở bên hông. Xe chạy tuyến Tân Sơn Nhất - Bến Thành, rất tiện lợi cho nhu cầu di chuyển của tôi. Có khi thấy tôi kiên nhẫn đứng chờ xe giữa trưa nắng, nhóm xe ôm và xích lô đạp “đóng chốt” ở góc đường thường tỏ ý không đồng tình lắm với sự lựa chọn “khác người” của tôi. Để đáp lại lời chào mời của họ, tôi thường nhã nhặn cám ơn và kiên tâm đứng ngóng chiếc xe buýt! Dĩ nhiên là tôi không chọn phương thức di chuyển này chỉ vì giá rẻ, mà vì nhiều lý do khác. Trước hết, mặc dù đó chỉ là một chiếc xe nhỏ, nhưng lại là một phương tiện tương đối “an toàn” nhất cho hành khách ngồi trong xe, có thể tránh được những rủi ro thường xảy ra giữa một rừng xe hỗn tạp đủ các loại bốn, ba, hai và một bánh… lên xuống, qua lại như mắc cửi và hình như không theo một qui luật lưu thông nào. Nhưng quan trọng hơn, mỗi lần đi xe buýt tôi tìm lại được cái “bản chất xã hội” của tôi, khi tự hòa mình vào cái “dòng chảy của cuộc sống bình thường” và trao đổi đôi ba câu chuyện bên lề với một vài hành khách cùng chung tuyến đường. Cũng chỉ là những mẩu “chuyện đời thường” cho qua thì giờ thôi, nhưng bao giờ cũng đằm thắm và đầy nhân tính, như thể tách ra từ chính đời sống thân thiết của người đối thoại. Phần lớn hành khách thường xuyên của các chuyến xe buýt này là những hưu viên, người buôn bán nhỏ lẻ tẻ, công nhân lao động cấp thấp, khách từ quê lên thành phố và học sinh nhỏ tuổi. Họ cam phận nhưng tự tin, trung thực và thường bằng lòng với những gì đang có. Một hành khách tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhân chia sẻ với khách đồng hành về tình tình lưu thông phức tạp hiện nay trong thành phố đã gợi cho tôi một khái niệm “phát triển cộng đồng” rất sâu sắc, vừa https://thuviensach.vn giải thích được hiện trạng, vừa đề xuất một giải pháp để cải thiện trong tương lai. Ông nói: “Trẻ con chúng ta ngày nay mỗi bước ra khỏi nhà nhất nhất đều dùng xe máy. Họ không hề biết đến hoặc thử dùng các phương tiện chuyên chở công cộng như thời chúng ta ngày trước. Họ không có “văn hóa xe buýt” như trẻ con khắp nơi trên thế giới”. Trong lúc mọi thành phần của cộng đồng sinh hoạt xã hội, từ quan chức chính quyền tới thứ dân, đều đang tận lực mưu toan tìm kiếm một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề lưu thông nan giải hiện nay, thiết nghĩ nhận xét của vị công dân cao niên đó nghe thật chí lí. Việc phục hồi, giáo dục và quảng bá một “nền văn hóa xe buýt”, nếu được thực hiện kịp thời và đến nơi đến chốn, sẽ tạo tiền đề vững chắc góp phần tích cực vào việc xây dựng và triển khai một giải pháp khả thi, toàn bộ và bền vững cho vấn nạn lưu thông đô thị của hầu hết các thành phố trên toàn quốc. Hầu hết những người tôi đã gặp và thăm dò về kết quả sơ khởi của các “xe buýt mẫu” thử nghiệm trong vài tháng vừa qua ở thành phố thường không mấy tin tưởng vào khả năng thành công của sáng kiến đáng cổ xúy này của chính quyền sở tại, mặc dù giá cả khá phải chăng và bề ngoài các chiếc xe cũng khá tươm tất. Lý do nêu ra thật nhiều, nhưng tựu trung thị dân vẫn không hưởng ứng vì các xe buýt “mẫu” này vẫn không bảo đảm được những yêu cầu căn bản cho người sử dụng về thời gian, an toàn và tiện nghi. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cái “quán tính”, hay nói đúng hơn nền “văn hóa xe gắn máy”, đã ăn quá sâu vào lối sống và cư xử trên đường phố hàng ngày của thị dân của nhiều thế hệ. Người ta vẫn thấy “thoải mái” và “tiện lợi” hơn nhiều trên yên xe máy, vì chỉ cần rẽ trái hay phải là đã có thể “tiếp cận” được với địa chỉ mong muốn nhanh nhất, ngắn và gọn nhất, cho hầu hết mọi hoàn cảnh và mục đích từ mua sắm cho tới giải khát, đón đưa, hẹn hò… Trong một nền “văn hóa xe máy” phổ biến như vậy, dĩ nhiên chuyện khuyến khích thị dân sử dụng xe buýt công cộng sẽ trở thành ảo tưởng nếu không đi kèm với những biện pháp đồng bộ và mạnh mẽ khác. Trước mắt, phải cương quyết thay thế nền “văn hoá xe máy” https://thuviensach.vn bằng nền “văn hóa xe buýt”, bắt đầu từ những trường học, nơi tập trung đào tạo thế hệ tương lai của đất nước. Hầu hết các nước trên thế giới đều hiển nhiên chấp nhận bù lỗ cho các phương tiện chuyên chở công cộng. Học sinh, sinh viên, công nhân và hưu viên (tùy trường hợp) đều được hưởng chế độ trợ cấp di chuyển, nếu dùng phương tiện chuyên chở công cộng. Chẳng hạn ở Mỹ, các chính quyền địa phương cung cấp xe buýt vàng đưa đón học sinh miễn phí từ tiểu học đến cấp 12; ở Hà Lan và Đức, học sinh và sinh viên được cấp thẻ có giá trị sử dụng chung, gồm xe buýt, điện ngầm, xe lửa… trên toàn quốc (tính vào học bổng hàng năm); tất cả những người làm việc có lương và gia đình đông con ở Pháp đều được hưởng phụ cấp hoặc trợ cấp di chuyển công cộng; ở Trung Quốc giá cả các hệ thống chuyên chở công cộng được giữ rất thấp để mọi người đều có thể trả được. Chính nhờ vậy, các thế hệ công dân của xứ người đều bắt đầu làm quen, trưởng thành và sinh hoạt trong một môi trường “văn hóa công cộng”, khiến họ luôn gắn bó với cộng đồng, có khả năng thích ứng với tình thế và tính tự lập cao. Cái vòng lẩn quẩn về tệ nạn lưu thông ở đô thị do quán tính “văn hóa xe máy” sẽ giảm triệt để nếu toàn thể cư dân của thành phố đồng lòng và quyết tâm sử dụng xe buýt công cộng như phương tiện duy nhất được trợ cấp. Hãy thử bắt đầu với bước chuyển biến căn bản đầu tiên là cấp thẻ xe buýt miễn phí cho toàn bộ học sinh, sinh viên, công viên chức; hoặc trợ cấp cho hưu viên và công dân cao tuổi… Sau đó là giải tỏa các bãi đậu xe gắn máy ở các trường học, cạnh trường học, công sở và “tái tổ chức” các điểm giữ xe ở các nơi công cộng và trung tâm thành phố (với giá cao), như một nguồn thu nhập cho ngân sách phát triển của thành phố. Sự chuyển đổi quán tính của một số lượng đông đảo thị dân chắc chắn sẽ tạo một chuyển biến mạnh mẽ và cần thiết để cải thiện cảnh quan, văn hóa và môi trường của thành phố. Ít ra cũng sẽ không còn cảnh các “cậu ấm, cô chiêu” lả người nôn oẹ vì say sóng khi phải ngồi trên tàu thủy, máy bay, xe lửa hay xe hơi… do từ bé chỉ quen di chuyển trên yên xe máy! https://thuviensach.vn 25/5/2002 https://thuviensach.vn Đi xe buýt mẫu S au những cơn mưa rào chợt đến chợt đi vào cuối tháng Mười khiến vạn vật như co lại trong không gian ướt át, buổi sáng cuối tuần ở Sài Gòn đã được tô điểm vài cánh áo ấm mỏng nhiều sắc màu. Đó là khoảng thời gian lý tưởng để đi thử một tuyến đường của dịch vụ xe buýt mẫu vừa được đưa vào sử dụng ở thành phố. Tối hôm trước tôi đã làm “công tác tư tưởng” với các “đối tượng tiềm năng”. Công tác này thật không đơn giản chút nào. Các đối tượng được chọn lựa kỹ càng, từ 5 đến 11 tuổi, thuộc phái nữ và lại là các cháu của tôi. Với một nhóm “khách hàng tiềm năng” có những thuộc tính đồng dạng như vậy, khả năng “chống đối” có thể giảm đi đến mức tối thiểu. Về phương diện vai vế, họ là cháu nên tôi có thể áp đặt dễ dàng, không cần phải biểu quyết, thuyết phục phức tạp theo phương thức đồng thuận . Trong diễn trình chọn lựa, tôi đã cương quyết loại trừ hai đối tượng ra khỏi danh sách, tuy cũng đều là cháu gái. Hai cô vừa tốt nghiệp trung học cơ sở và được tuyển vào những trường tốt ở thành phố. Khi tôi gợi ý nên sử dụng xe buýt để đến trường như một thói quen di chuyển thông thường hàng ngày của giới trẻ khắp nơi trên thế giới, một cô trả lời rằng bố mẹ cô dứt khoát muốn tự mình đưa rước bằng xe gắn máy cho an toàn, đề phòng các tệ đoan xã hội có thể ảnh hưởng đến cô con gái rượu trên tuyến đường dài khoảng hai cây số! Cô kia thì ngại bạn bè bắt gặp, sẽ bị “chọc quê” (sic)! Lý do trước thì còn có thể châm chước, từ từ tìm cách “làm việc” để thuyết phục các bậc phụ huynh thay đổi quan điểm theo kiểu “mưa lâu thấm đất”, nhưng cái lối trả lời đỏng đảnh của cô cháu thứ hai, thì thú thật là tôi chỉ mới nghe lần đầu! Chính vì thế mà cô cũng bị loại khỏi danh sách ngay từ vòng một, không chút đắn đo. https://thuviensach.vn Ba cô cháu gái mầm non choi choi (cả ba đều là fans của ca sĩ Britney Spears và Đan Trường), hứng khởi ngồi nghe tôi “thuyết trình” về “lý do tại sao nên dùng xe buýt công cộng” và thuận tình làm những “con thỏ thử nghiệm” cho tôi, thật ra chỉ vì viễn cảnh sẽ được ăn sáng thả cửa cộng thêm một chầu kem “chất lượng cao” ở cuối chuyến đi thực địa xe buýt. Các cô bé đều là học sinh trường chuyên, thuộc hạng giỏi trở lên, vừa “lém lỉnh” vừa “thực dụng”, có lẽ đã tự hỏi mình “tại sao không?”, chẳng mất mát gì, có khi lại vui. Có thiệt là cho cái ông bác “hâm”, chuyên làm việc “khuyến mãi” không công, lại phải tốn tiền túi! Những cái đầu “tóc ngắn, mắt bồ câu” nghiêng nghiêng dễ thương lắc lư nhẹ theo tiếng nhạc phát ra từ chương trình MTV có vẻ như lắng nghe bài “thuyết trình về những điều lợi của xe buýt”, nhưng ai cũng biết tỏng từ đầu là chẳng có gì lọt vào tai họ. Mười lý do “top ten” ủng hộ “toàn dân đi xe buýt” vì an toàn, tiện lợi, giá rẻ, giảm mức độ ô nhiễm môi trường, tạo nét văn minh đô thị, khuyến khích giao tiếp xã hội, giải quyết công ăn việc làm, tạo những phút thư giãn, tái lập quyền được sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng cho cư dân…v.v... nói chung tương đối còn dễ giải thích; riêng những khái niệm phụ thuộc, nhưng quan trọng khác như “tiện nghi” và “cung cách phục vụ” của dịch vụ xe buýt thì còn phải chứng nghiệm tại hiện trường. Nhóm ba “khách hàng tiềm năng” được hướng dẫn bởi hai “khách quen”, đã có khá nhiều kinh nghiệm về tuyến đường xe buýt Tân Sơn Nhứt - Bến Thành từ thời tiền thân của xe buýt mẫu (không biết những chiếc xe nhỏ màu vàng, mỏng như giấy ấy nay đã trôi giạt về đâu?). Vợ tôi còn có kinh nghiệm thực tiễn vừa được “cập nhật hóa” trước đó chỉ một tuần (thật ra phải được xem đó là một kỳ công vì đã biến bà cụ 80+ của tôi thành “khách hàng” của tuyến xe buýt này), nên đã đưa đoàn vượt qua cái ngã tư đầu tiên ngập ngụa bụi xe một cách an toàn, tiến đến trạm xe buýt gần nhất với hùng khí cao ngất của những người sắp chinh phục đỉnh Phăng-xi-păng! Chúng tôi nhỡ mất một chuyến, nhưng nào có sá gì, còn cả một ngày Chủ nhật thênh thang trước mắt. Không ai thấy tiếc vì trước đó vợ tôi đã gợi ý nên chờ chuyến xe màu đỏ/vàng mang nhãn hiệu https://thuviensach.vn Deawoo, nghe nói được nhập trực tiếp từ Hàn Quốc. Lý do là tuy cùng mang số hiệu 28 và thiết kế theo cùng một mẫu mã, nhưng xe do Công ty Cơ khí Ô tô 1-5 lắp ráp, được sơn màu trắng/xanh lá cây thường rất chóng “nhạt màu theo thời gian” và các bộ phận phụ tùng được sản xuất nội địa bằng nhựa thường (cửa sổ phát hơi lạnh, nút bấm yêu cầu ngừng, loa phóng thanh) rất dễ hỏng, chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa vào sử dụng. Chẳng biết nội tướng của tôi thu thập những tin tức ấy ở đâu, nhưng nếu tò mò quan sát xem ra cũng khá chính xác. Chuyến xe thứ hai trờ tới khoảng 20 phút sau, vẫn còn nằm trong “giới hạn chịu đựng tâm lý”. Cả nhóm nhiệt tình nhảy lên xe. Ba cô “tiềm năng” nhanh chân chiếm hàng ghế còn trống ở cuối xe, nhưng chị bán vé đã vội vàng chạy đến nghiêm mặt, ra hiệu cho các cô dời đi hàng ghế khác. Cô cháu liếng thoắng nhất của tôi (mới 9 tuổi rưỡi đã đeo kính cận dày đến gần mười độ!) hơi bất mãn, ghé tai tôi hỏi lý do. Tôi không thể giải thích thỏa đáng, đành trả lời có lẽ là vì chị ấy e ngại các cháu lên xuống bậc ghế cao dễ vấp ngã gây tai nạn. Hàng ghế cuối ấy thông thường là nơi ưa thích của các thanh thiếu niên mới lớn. Họ thường ngồi thu hai chân lên mặt ghế, gập người ngủ gà ngủ gật, có khi còn dấm dúi hút thuốc, trên các chuyến xe buýt tôi thường thấy, nhưng chẳng có ai để ý hay nhắc nhở. Đó thường là hàng ghế bẩn và chóng hư hại nhất, nhưng được cái là ở vào hàng cuối, chẳng ai thấy. Vì thế mà thường trở thành địa điểm để đặt cái chổi và dụng cụ hốt rác, trông rất mất vệ sinh và kém văn minh. Vài phút sau khi mọi người đã an tọa, chị bán vé tiến đến với xấp vé trên tay. Chúng tôi nhanh chóng trả tiền và được đổi lại bằng những tấm vé có ghi mệnh giá 1.000 đồng nhỏ bằng hai ngón tay. Các khách hàng “tiềm năng” (đều dưới mười tuổi) thích thú ra mặt vì được miễn phí. Tôi cẩn thận giữ vé phòng khi có kiểm soát, nhưng nhìn quanh hầu như chẳng có ai làm chuyện đó. Trên sàn xe vung vãi những xác vé (không bấm lỗ), một cảnh thường thấy ở bất cứ một nơi công cộng nào. Ở https://thuviensach.vn Ở bến thứ hai, một nhóm trai gái trẻ ồn ào tranh nhau lên xe. Thấy không còn nhiều ghế trống, họ vui vẻ ngồi lên…lòng nhau, khiến chị bán vé tỏ ý không vừa lòng. Chị tiến đến một em trong nhóm với xấp vé trên tay. Các cô, cậu nhìn nhau lúng túng, bày tỏ sự vô tư của mình thành tiếng: “Ủa, phải mua vé à?”, “Em tưởng đi xe buýt không tốn tiền”. Đơn giản là các em thấy buồn, cuối tuần rủ nhau lên Sài Gòn “đi lòng vòng” cho vui, thế thôi. Trước đây cũng đã có những ý kiến đề nghị nên giảm giá vé tối đa, hoặc miễn phí cho sinh viên, học sinh để khuyến khích phát triển “nền văn hóa xe buýt”, nhưng cho đến khi nào thành phố có đủ sức bao cấp toàn bộ, thì các bạn vẫn phải mua vé vì tất cả đều trên mười tuổi. Chị bán vé, dù đã được huấn luyện để đối phó với những tình huống bất thường này, cũng không che giấu được sự bực mình và mất kiên nhẫn. Nhìn thấy cô thở dài, mặt ngẩng lên trời, thật sự ngao ngán với những gì mình đang phải đương đầu, tôi ngỏ ý tình nguyện làm “mạnh thường quân” cho các “khách hàng đầu tiên” dùng phương tiện xe buýt với ý nghĩ “trong sáng” là mọi cái gì công cộng đều có thể sử dụng miễn phí. Tiếng cười đùa trở lại hồn nhiên, vô tư và tôi thật sự cảm thấy vui vì đã làm một chuyện nhỏ nêu gương “người tốt, việc tốt” nếu không có lời nhận xét của cô cháu tinh tế của tôi rót vào tai: “Mấy anh chị đó thiệt bất lịch sự, bác trả tiền xe cho họ mà không biết cám ơn!”. Mặt cô bé hếch lên sau câu nói, đầy vẻ tự trọng, đôi mắt lém lỉnh như sáng lên lấp lánh sau hai lớp kính dày cộm. Của đáng tội, trong thời gian gần đây hai danh từ “xin lỗi” và “cám ơn” hầu như đã trở thành một điều khá hiếm hoi trong mối giao tiếp xã hội. Cô cháu của tôi nhờ ngày ngày vẫn cúi gập mình “đi thưa về gửi” trước các bậc trưởng thượng trong nhà, nên có thể được xem như một trong những trường hợp “quí hiếm” còn sót lại. Chiếc xe buýt tiếp tục lộ trình, len lỏi một cách khéo léo qua dòng xe cộ đan xen như mắc cửi trên đường Lê Văn Sỹ, với một tốc khá đều đặn và nhấn còi liên tục. Những hành khách và người đi đường đã thật sự yên tâm, không còn cảnh các “yên hùng” lơ xe bám gờ cửa, đu mình ra ngoài đập lên thành xe ầm ĩ, miệng liên tục gào “dô dô” hay “tới đi…” như những tháng năm trước đây. Không bao lâu xe đã https://thuviensach.vn qua hết con đường Trần Quốc Thảo để quẹo qua Võ Văn Tần. Lòng xe lần lượt lấp đầy khách chọn phương tiện xe buýt để di chuyển vì nhiều lý do khác nhau: người lớn tuổi vì tiện lợi và an toàn; sinh viên/học sinh và công nhân vì giá cả hợp lý; và những “khách hàng đặc biệt” như chúng tôi vì mục đích “bảo vệ mội trường” và góp phần vào việc phục hồi và xây dựng một “nền văn hóa xe buýt”. Cô bán vé, trung tâm điểm của chuyến xe buýt mẫu, vai mang túi xách lớn, áo cánh trắng, váy màu xanh nhạt, hai cẳng chân khẳng khiu, lên xuống cập rập giữa những hàng ghế trên đôi giày cao gót, như sợ lấm bẩn. Khi nghe tiếng chuông yêu cầu dừng ở trạm sắp đến, cô quay lại tỏ vẻ bực mình: “Nghe rồi!”. Tôi và nội tướng vội vàng xua ba “khách hàng tiềm năng” xuống xe, tảng lờ như không nghe tiếng lầu bầu của cô cháu mau mắn đang tập tành học đòi “văn minh xe buýt” của tôi. Được cái là trẻ con hay chóng quên, nhất là sau khi đã được thết đãi một chầu bún bò Huế và mấy ly kem ú hụ ngay sau đó trên phố. Những ai đã đi xe buýt “mẫu” như chúng tôi chắc cũng có những nhận xét chung là Transico đã có những nỗ lực đáng kể để xây dựng những tuyến xe buýt mẫu. Chất lượng phục vụ cũng đã bắt đầu thể hiện, dù vẫn còn rời rạc và chưa đạt chuẩn mực yêu cầu. Đã có cảnh người bán vé đưa tay giúp người lớn tuổi hay tàn tật lên xe, những khuôn mặt và nụ cười thân thiện của nhân viên bán vé đã xuất hiện đó đây, nhưng chưa được nhân rộng trên các tuyến đường và trên tất cả chuyến xe. Còn có nhiều cái phải chấn chỉnh, bổ khuyết và cải thiện từ phía người “sử dụng dịch vụ” (tác phong văn minh nơi công cộng, thói quen xếp hàng, kính già nhường trẻ) và người “cung cấp dịch vụ” (bảng biểu chỉ dẫn rõ ràng, bến chờ xe, bán vé và kiểm soát vé, cung cách phục vụ, đồng phục của nhân viên hợp lý và gọn gàng) để dịch vụ xe buýt và sử dụng phương tiện chuyên chở bằng xe buýt trên đường phố thật sự trở thành một cái nếp hay, một thói quen tốt, trước khi được xã-hội-hóa để tạo một nền tảng bền vững cho “nền văn minh công cộng”. Và có lẽ cách phổ biến nền “văn hóa xe buýt” (vẫn còn phôi thai) hữu hiệu nhất vẫn là cổ xúy và khuyến khích thế hệ tương lai sử dụng xe buýt, chí ít để đi đến trường và trở về nhà trong ngày. https://thuviensach.vn 21-11-2004 https://thuviensach.vn Văn minh xe khách X in mời bạn hãy tưởng tượng thế này: Bạn có chuyện cần phải đi Đà Nẵng gấp bằng xe khách đường dài. Người nhà chở bạn ra bến xe miền Đông, mua vé ở quầy tuyến đi miền Trung và đưa bạn lên tận chỗ ngồi theo đúng số ghế ấn định. Người nhà từ giã bạn đi về. Mọi việc diễn ra một cách chóng vánh và suôn sẻ. Đây là lần đầu tiên bạn dùng phương tiện này cho một chuyến đi xa. Bạn vẫn thường nghe nhiều “chuyện dài xe khách” và những lời ta thán không ngớt về cung cách làm ăn thiếu văn minh và bừa bãi của các hãng xe đò, khiến bạn nghi ngờ về những ấn tượng tốt đẹp bạn đang có. Bạn nhìn xung quanh: lòng xe thoáng đãng và sạch sẽ, khách đồng hành ngả mình trong lòng ghế bình thản chờ đợi. Bạn gật gù “đâu có đến nỗi nào…” Nhưng điều làm bạn ngạc nhiên thật sự là những diễn tiến kế tiếp. Đúng giờ khởi hành đã công bố, một người tuổi trung niên mặc đồng phục kaki màu kem trang nhã bước lên xe, cúi đầu nhã nhặn chào mọi người, rồi ngồi vào tay lái. Một người khác, cùng trang phục, nhưng trẻ hơn, đi dọc các hàng ghế, giúp hành khách điều chỉnh ghế ngồi cho thoải mái và thu dọn lại hành lý xách tay cho gọn gàng. Anh luôn nở nụ cười trên môi và chào hỏi rất thân thiện, cởi mở. Người trung niên ngồi sau tay lái điều chỉnh lại cần âm thanh, rồi bắt đầu nói với một giọng tự tin và rõ ràng: “Chào quí khách! Xin được tự giới thiệu, tôi là Tám Lành, tài xế chính và em Tư Nhỏ, phụ lái, hân hạnh được phục vụ quí khách trên chuyến xe tuyến xuyên miền Trung, mang số hiệu ĐN5 của hãng xe Tiến Lực, từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng. Cuộc hành trình sẽ https://thuviensach.vn kéo dài khoảng 12 tiếng, sẽ lần lượt đi qua các thành phố chính như Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Tuy Hòa, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, trước khi đến Đà Nẵng, dự tính vào khoảng 6 giờ sáng ngày mai. Xe sẽ dừng lại ở Sông Cầu để quí khách dùng cơm tối (có món đặc sản mắm cá thu thịt heo luộc rất độc đáo!). Trong suốt cuộc hành trình, chúng tôi xin phục vụ quí vị nước ngọt và nước khoáng giải khát. Vì an toàn và vệ sinh chung, xin quí khách vui lòng đừng vất rác ra ngoài cửa xe. Tại mỗi ghế ngồi chúng tôi đã để sẵn một bao rác để quí khách sử dụng khi cần thiết. Nhà vệ sinh tự hoại ở phía cuối của xe. Xin quí khách lưu ý, đây là một chuyến xe “không hút thuốc”. Trong trường hợp quí khách có điều gì cần xin quí khách cứ bấm chuông đặt ở trên trần cạnh mỗi hàng ghế, phụ lái sẽ vui lòng phục vụ tại chỗ theo yêu cầu của quí khách. Chúng tôi sẽ mời quí khách thưởng thức hai bộ phim chọn lọc vừa mới trình chiếu tại các rạp trong thành phố. Chúng tôi cam kết sẽ cố gắng đưa quí khách đến nơi an toàn, đúng giờ và thoải mái. Xin cám ơn quí khách đã chọn Tiến Lực và chúc quí khách một chuyến đi như ý.” (Băng bằng tiếng Anh được mở trong trường hợp có khách người nước ngoài). Bạn cho rằng tôi đang nói chuyện viển vông? Nhưng tại sao không nhỉ? Trên các chuyến bay của tất cả các hãng hàng không trên thế giới (kể cả Vietnam Airlines) và các chuyến xe lửa ở Âu châu, cơ trưởng đều tự giới thiệu và thông báo về lộ trình với hành khách trước khi khởi hành. Ở Mỹ, trước khi xe lửa khởi hành và dừng ở sân ga, trưởng toa ở đều đứng chờ sẵn ở thềm mỗi toa xe để chào và phụ khách lên xuống. Trên nhiều chuyến bay, tiếp viên hàng không thường đứng chào khách lên và xuống. Các hãng hàng không làm được, các hãng xe lửa làm được, thì chắc chắn các hãng xe khách đường bộ cũng làm được. Đấy mới https://thuviensach.vn thật sự là văn minh tiến bộ, để “hân hoan khách đến, dùng dằng khách đi”? Chỉ lo xa là nếu “đường bộ” mà văn minh lịch sự như thế thì e rằng “đường hàng không” và “đường sắt” sẽ… ế dài dài! 2/2002 https://thuviensach.vn Cạnh tranh bằng văn hóa kinh doanh T ên thì khó đọc và khó nhớ. Nhãn hiệu thì không được quen biết và truyền tụng như các “siêu sao” cỡ Hanoi Opera Hilton, Sofitel, Daewoo hay Melia. Thang máy thì chạy rì rà như … rùa bò. Quán ăn thì chật hẹp. Địa điểm tuy có thuận lợi, nằm giữa trung tâm thành phố, nhưng nhìn vóc dáng khiêm nhường bên ngoài, khách bàng quan dù có rộng lượng lắm cũng chỉ liệt nó vào loại khách sạn bậc trung. Thế nhưng, khách sạn De Syloia[1] (phát âm là “đờ xin-lô-i-a”) ở Hà Nội đã làm được cái chuyện “lội ngược dòng”, biến những yếu điểm của mình thành ưu thế cạnh tranh (competitive advantage), để trở thành nơi cư trú chọn lựa (place of choice) của nhiều khách ngoại quốc, Việt kiều và vãng lai trung lưu trong nước, trong cuộc bình bầu vừa qua do Saigon Club thực hiện. Lại có chuyện ấy được ư? Bạn nghi ngờ tự hỏi. Hiển nhiên là khách sạn De Syloia không thể cạnh tranh, tồn tại và phát triển bên cạnh các nhãn hiệu “quí tộc” có tầm cỡ quốc tế dựa trên điều kiện vật chất khả hữu và qui mô yếu kém của mình. Trong cuộc tranh thắng không tương nhượng và bất bình đẳng hiện nay, nhất là trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng, một chiến lược doanh nghiệp thành công và bền vững cần triển khai tối đa những yếu tố mềm (soft), đặt trọng tâm vào việc khám phá và thực hiện những phương thức kinh doanh tâm lý hữu hiệu nhằm thu phục và chiếm lĩnh quả tim của khách hàng. Không như cách suy nghĩ thông thường, nó không chú trọng hoàn toàn vào những yếu tố cứng (hard) để tạo sức mạnh áp đảo vật chất, vốn đã trở nên vô hiệu khi tất cả đối thủ cạnh tranh hầu như đều đã đạt tới một mức độ tương đương, tạo cho khách hàng càng ngày càng có nhiều cơ hội chọn lựa. https://thuviensach.vn Cái cốt lõi của những yếu tố mềm mà De Syloia khai thác triệt để là tối ưu hóa mức độ chất lượng dịch vụ thực hiện trong toàn bộ khách sạn. Nếu định nghĩa “chất lượng là sự chú trọng đến từng chi tiết” của sản phẩm, thì ban quản lý và toàn thể nhân viên của cái khách sạn “nhỏ mà khôn” này đã thực hiện khá hoàn hảo và nhờ đó, đã khá thành công. Và chắc chắn họ không thể làm điều đó nếu không tạo được một nếp văn hóa chung (corporate culture) được toàn bộ nhân viên công nhận, chia sẻ và thể hiện trong mỗi công việc lớn, nhỏ hàng ngày qua cách thức trang hoàng nội thất, trang phục của nhân viên, chế biến và chọn lựa thực đơn trong ngày, cung cách phục vụ, lòng tận tâm, thái độ hòa nhã và lịch sự của nhân viên… Khách vãng lai thường xuyên sẽ không có ấn tượng gì đặc biệt nếu De Syloia chỉ cung cấp những “dịch vụ phụ” (extra’s) như ở nhiều khách sạn khác, chẳng hạn lẵng trái cây chào đón của giám đốc, lọ hoa tươi hằng ngày trên bàn phấn hay một thỏi chocolate với lời chúc ngủ ngon trên gối khách mỗi đêm, hay tờ báo nhét qua khe cửa phòng vào sáng sớm. Nhưng nếu những “dịch vụ phụ” này được “cá nhân hóa” theo chi tiết cá nhân của từng khách đã được ghi vào “bộ nhớ” của computer và nhân viên phục vụ sau quầy tiếp tân hay phụ trách mỗi tầng lầu, sẽ trở thành những yếu tố “lấy lòng” khách hàng hữu hiệu nhất. Điều này khó có thể thực hiện được nếu nhân viên phục vụ không tận tâm tận lực và không tin tưởng vào những nguyên tắc cần biểu hiện của nền văn hóa chung, vốn đang rất thiếu vắng ở rất nhiều công ty và tổ chức hiện nay. Nếp “văn hóa chung” đó tuy được thể hiện cụ thể qua những động tác cá nhân riêng rẽ, nhưng lại liên hợp nhịp nhàng với nhau theo một qui trình ấn định chặt chẽ và được tất cả nhân viên thực hiện nhất quán, để cuối cùng có thể đảm bảo được chất lượng dịch vụ của khách sạn dưới mắt khách hàng. Những khách ngoại quốc thường rất vui lòng với lời chào hỏi hòa nhã và thân tình của nhân viên khách sạn mà họ gặp bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, dù người đó là anh phụ bếp, chị phục vụ ở quán ăn, dì góp nhặt đồ giặt ủi, cô thu dọn phòng, chú thợ sửa sự cố kỹ thuật… https://thuviensach.vn Thái độ và cung cách phục vụ tận tâm này đã tạo những ấn tượng thật tốt dù chỉ với những cử chỉ thật nhỏ. Chẳng hạn bất cứ nhân viên nào tình cờ đi qua thang máy đều mau mắn bấm nút gọi cho khách và chờ cho đến khi khách đã vào trong buồng thang máy mới chào từ giã. Dĩ nhiên họ không phải là bell boy chuyên trách phần vụ này, nhưng họ thành tâm tin rằng nếu để khách hàng chờ đợi lâu có thể sẽ ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của khách hàng đối với khách sạn. Và đó là trách nhiệm chung, không phải của riêng ai để khách sạn và nhân viên cùng có thể tồn tại và phát triển. “Cá nhân hóa” khách hàng thể hiện qua sự quan tâm đối với thị hiếu, nhu cầu và đặc tính cá nhân của họ, nhất là trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, cũng là một yếu tố thành công quan trọng khác. Một khách Việt kiều kể lể với bạn thân ở Hà Nội về món “độc chiêu” ốc bươu Hồ Tây nhồi thịt ngày xưa; người bạn hiền chăm chú nghe và tế nhị ghi nhận sự khao khát tìm về hương vị ẩm thực truyền thống của khách phương xa. Vào khoảng xế chiều có người mang lại gửi ở quầy tiếp tân một gà-men món ăn đặc sản này. Dĩ nhiên là món “quà” ốc phải được thưởng thức ngay khi còn nóng, nhưng nó đã không được mang lên phòng như nguyên trạng, mà được bày biện cẩn thận trên khay gọn gàng và thanh nhã, có thêm đĩa rau xanh, vài cọng ớt đỏ thái mỏng… cho đủ hương vị quê nhà. Nhân viên tiếp tân không quên gọi điện thoại lên phòng thông báo về người “biếu” quà và chúc khách “bon appetit”. Nếu bạn là khách, liệu bạn có tỉnh bơ được với những “giá trị cộng thêm” tinh tế này không? Riêng tôi thì không. Sau khi thử nghiệm với nhiều loại khách sạn, từ hạng “siêu sao” cho đến những nhà trọ ở khu phố cổ, tôi đã chọn De Syloia làm nơi dừng chân cho những lần ghé Hà Nội. Trong cái vóc dáng nhỏ bé, khiêm nhường của nó tôi đã tìm lại được bầu không khí thân thiết và được chăm sóc như một người thân. Chỉ cần gửi một điện thư ngắn, tôi có thể an tâm sẽ được dành cho căn phòng ở lầu 4 có chiếc cửa sổ mở ra con hẻm nhỏ yên ắng ở bên kia đường Trần Hưng Đạo nhộn nhịp. Căn phòng đó đã được “cá nhân hóa”, như một khoảng không gian riêng rẽ của tôi. De Syloia được điều hành như một khách sạn gia đình, nhưng không luộm thuộm, đa Ở https://thuviensach.vn đoan và sàm sỡ. Ở đó, hầu như tất cả nhân viên đều nhớ tên tôi và những than phiền nhỏ nhoi nhất đều được giải quyết thỏa đáng và chóng vánh. Cái tên De Syloia đúng là thật khó nhớ và khó đọc, nhưng cũng vì thế mà khó quên. Nghe nói đã có lần nó đã được đổi thành De Sylvia trong một cuốn giới thiệu du lịch ở Mỹ để thêm phần mỹ miều và dễ đọc, nhưng cuối cùng lại cũng trở về với cái tên nguyên thủy của chủ nhân ngôi biệt thự này trong thời Pháp thuộc. Đã là khó quên thì phải trở lại, dù phải trả một giá khá đắt (45US$ cho phòng đơn và 60US$ cho phòng đôi, đã giảm giá vào thời điểm 12-2001). Xin gửi bạn một bí quyết thành công đơn giản: phàm một người đẹp thì thường hay kênh kiệu, nếu bạn có thể cung cấp một sản phẩm với chất lượng bảo đảm được khách hàng công nhận, bạn “có quyền” rao giá cao (premium price), miễn là bạn đặt toàn bộ trái tim của bạn vào nó và luôn giữ lòng trung thành với những nguyên tắc nhất quán của mình. Lòng trung thành của khách hàng không thể mua với bất cứ cám dỗ vật chất nào. Đó là một thái độ thuyết phục và hoàn toàn tự nguyện. Nếu bạn làm được điều đó, khách hàng sẽ không phụ bạn. AIT, 25/09/2002 [1]Địa chỉ: 17A Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: (84-4) 824 5346; fax: (84-4) 824 1083; e-mail: [email protected]; web site: http://www.desyloia.com. Khách sạn có 8 tầng lầu, gồm có 33 phòng, giá công bố hiện nay là 80US$ (đơn) và 90 US$ (đôi) kể cả VAT và điểm tâm buffet. https://thuviensach.vn Bát phở Bắc Ở Hà Nội có ba món “quà sáng” đặc trưng và thịnh hành nhất: phở, bún riêu và bánh cuốn. Tạm thời, chỉ xin bàn về phở. Món phở cầu kỳ, thanh lịch, hợp khẩu vị và thể hiện bản sắc đất Bắc như thế nào mà đến nỗi những tài danh rành ẩm thực trong thế kỷ trước như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng và Tô Hoài… đều hết lời tán tụng. Vậy nên, cứ mỗi lần có dịp đến Hà Nội, người viết đều nhờ học trò cũ, bạn bè và đồng nghiệp đưa đi thưởng thức giáp vòng các tiệm, quán phở “biết tiếng” trên các phố hay tận cùng ngõ ngách của thành phố: từ phở Thìn Bờ Hồ/Lò Đúc, Thể Giao, Trần Hưng Đạo, Lý Quốc Sư, Bát Đàn, Quốc Tử Giám, Nguyễn Du, qua phở Xướng ở ngõ Phất Lộc, phở Hàng Giầy trong khu phố cổ. Có lẽ chỉ còn sót loại phở gánh mà các vị tiền bối đã miêu tả chi li qua từng lớp bánh phở tươi hơi chua mùi bột gạo, miếng thịt thái mỏng đập mềm bằng chiếc dao đặc dụng, nước dùng hầm xương bò trong vắt… nhưng lại không nêu rõ địa chỉ đích xác của “gánh phở trong nhà thương Bạch Mai” và “quán phở Tàu Bay (ông chủ đội mũ pilốt!)” (trong hồi ký Cát bụi chân ai của cụ Tô Hoài), khiến người viết chưa có dịp được nếm mùi nên chưa thể kết luận cụ thể và khách quan về “tính siêu việt” của “món ngon, vật lạ đất Hà thành” này. ở đây chỉ xin ghi lại một vài cảm nhận thô thiển từ một thực khách xa nhà đã lâu, nhưng lại có tật hiếu kỳ. Theo công thức chế biến cổ truyền, nước phở phải được chắt lọc từ một số lượng xương được chọn lựa kỹ càng từ các bộ phận “rường cột” của thân thể con bò, vốn là một gia súc có sức kéo mạnh mẽ, nhưng được nuôi dưỡng tương đối sạch sẽ, thuần cỏ. Một khi chất nước cốt này (được hầm với nước tinh khiết trong nhiều giờ) được góp vào một tổng thể gồm bánh phở (bột gạo), thịt tái chín, trần (hay https://thuviensach.vn nạm gầu), vài lát gừng đập dập, đôi cọng rau ngò, khoanh hành tây mỏng… sẽ cung cấp đầy đủ lượng calorie và vitamin cần thiết đồng thời lại rất an toàn vì đã được nấu nhừ và thanh trùng bằng các loại quả khô và gia vị tươi (như gừng và hành) có tác dụng trị bệnh thời khí. Món phở Bắc cổ truyền lại còn được tăng thêm phần thi vị qua những đoạn văn miêu tả cảnh náo nức quanh một quán phở quen thuộc, những thực khách mặt lộ vẻ hài lòng, xuýt xoa ôm bát phở nóng trong tay, hai cánh mũi giãn ra hít lấy hít để cái chất nước béo ngọt ngào những hương vị hấp dẫn khẩu vị bốc lên từ bát phở trong cái lạnh heo may của buổi sáng chớm Đông. Đừng vội vàng nhé! (như ai đó rành rọt nhắc nhở). Trước tiên, hãy dùng thìa ấn nhẹ những mảng bánh phở xuống dưới mặt nước cốt trong suốt của chiếc bát sứ, gạn một lượng vừa đủ nước dùng vẫn còn nóng bỏng, rồi thận trọng đưa sâu vào trong vòm miệng, đổ từ từ lên lưỡi để cảm nhận hết cái “tinh túy” của chất nước cốt xương tinh khiết cho thấm trên từng kẽ răng, trước khi nước phở mất hương vị nguyên thủy vì trộn với bánh bột gạo trắng chua, mỡ thịt và các loại rau mùi. Một khi lớp nước dùng đầu tiên (phần chính) đã được thực khách lim dim mắt gật gù chuẩn nhận, thì vào lúc cuối, bát phở phải được nâng lên bằng hai tay, dùng miệng húp cho đến hết phần nước dùng còn lại trong bát, sau khi “phần phụ” của bát phở (bánh phở và thịt) đã được ăn hết. Theo chuyện kể, những người “kén phở” khó tính (như cụ Nguyễn) thường bỏ dở bát phở, nếu phần nước dùng không đạt tiêu chuẩn như kỳ vọng. Ngon, bổ và hấp dẫn như vậy thì có ai không cồn cào muốn nếm thử một lần cho biết mùi đời? Điều đáng buồn là nồi nước phở ngày nay không còn xuất phát từ tinh túy của những khúc xương bò theo lối chế biến cổ truyền nữa. Sự lạm dụng mì chính (bột ngọt) tối đa để tăng khẩu vị “bùi, ngậy, béo và ngọt” của nồi nước dùng đã lấy đi tính “đặc vị” từ bát phở Bắc xưa (nếu có) xuất phát từ Nam Định để trở thành trần trụi một món “quà sáng dân dã”, mà chắc chắn nếu các bậc tiền bối còn sống sẽ phải lắc đầu ngao ngán! https://thuviensach.vn Hà Nội, 2005 https://thuviensach.vn Mùa Đông Phương Tây và Nỗi Lòng Phương Đông S uốt cả tuần lễ, hàn thử biểu bất động ở mức mười độ âm. Trời rộng thênh thang, xanh thăm thẳm, không một gợn mây. Thỉnh thoảng chỉ có một chút gió heo hắt thổi qua, nhưng cái lạnh tích lũy từ cuối thu như làm tê cóng từng giọt máu, đã thâm tím, đang cố thoi thóp thở sau những lớp áo quần dày cộm. Trời khô khốc, cóng lạnh đến nỗi có thể nghe từng thớ đất nứt, cựa mình trong đêm. Mùa đông năm nay thật ngặt nghèo cho những ai vốn đã quen với khí hậu nhiệt đới như tôi. Cuối đông là “mùa đoàn tụ gia đình” ở Âu châu. Những lễ lạc truyền thống diễn ra trong tiết đông giá khiến con người dễ xúc cảm về những cảnh đời khổ cực quanh mình. Mặc ấm thì chợt thấy xót xa cho những người không nhà đang co ro dưới một gầm cầu hay một mái hiên lộng gió nào đó. Ăn no thì không đành lòng nhìn cảnh trẻ con-người-lớn đói khát tận ở Phi châu. Người ta mở rộng lòng, tỏ ra hào hiệp hơn, rộng lượng hơn trong những cuộc lạc quyên cứu trợ vào cuối năm, chan hòa “thông điệp bác ái” của mùa giáng sinh. Một thoáng nào đó, con người chợt cảm thấy một chút chua xót: trái tim mình quá nhỏ nhoi mà những cảnh khổ ải trên quả đất thì hầu như vô tận! Tinh thần tương trợ không chỉ liên quan đến con người mà thôi. Khi trời chỉ chớm lạnh, lác đác đã thấy có những người lo xa đem đặt những chiếc lồng nhỏ khá tươm tất, không quên treo những vòng thực phẩm khô ở cuối vườn để những con chim lạc loài có chỗ ăn nghỉ trong suốt mùa đông lạnh giá. Chim đã quanh quẩn với người suốt cả năm, vào mùa tuyết sương cũng không đành lòng xuôi Nam tìm nắng ấm như lũ chim ngỗng trời vùng từ Bắc âu. Chúng bay từng đàn, đen kịt cả một mảng trời. “Cuộc di tản chiến lược” ấy có https://thuviensach.vn khi kéo dài cả ngày. Con người thường theo dõi hiện tượng lạ thường đó với một sự hiếu kỳ, thích thú tột cùng, nhưng trong thâm tâm không gợn một chút thương cảm nào. Vào khoảng đầu thu, trước khi mùa mưa dầm bắt đầu, những con chim én có màu lông đen tuyền bắt đầu xây tổ trên những thanh cột gỗ trong một góc lan can nhỏ của nhà tôi. Chúng làm việc kiên trì và thận trọng, tha từng cọng cây khô kết thành một khối chồng chéo bằng chính nước miếng của mình, dày và gọn ghẽ chỉ vừa một lòng bàn tay. Chúng chỉ mất một ngày trời để làm việc đó, nhưng những chất thải từ người chúng trong suốt “quá trình xây dựng” vung vãi khắp trên mặt đất. Suốt những tháng năm sau, nơi góc nhà êm ả đó không ngớt phát ra tiếng ríu rít của những đám chim con mới ra ràng, đói ăn. Năm nay, khi tôi về lại Hà Lan để nghỉ đông, những chiếc tổ kết hợp bằng những cọng cây/rơm khô và nước miếng vẫn còn đó, nhưng những con chim én không còn ở đó nữa. Khoảng không gian nhỏ mở ra vùng trời bên ngoài đã được che kín bằng một lớp lưới chống muỗi, trông gọn gàng hơn và ấm áp hơn trong cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông năm nay. Một cái tủ và nhiều sách vở của tôi đã được chuyển ra đó, nhưng tôi đã không đọc được một trang sách nào trong suốt những ngày đông giá, lạnh đến nỗi không ai muốn ra đường. Trong nhiều ngày, tôi thấy những con chim én có màu lông đen tuyền chao đảo, lượn qua lượn lại nhiều lần trong mảnh vườn nhỏ dưới lan can của nhà. Chúng không buồn ghé xuống nhặt những mẩu bánh mì khô tôi đã vất ra trên sân. Những con-chim-én nhà khăng khít cả chục năm nay đã giận những con người bạc tình rồi chăng? Cũng trong lần về thăm nhà lần này, tôi được biết cô con gái bé nhỏ của tôi sẽ rời nhà chúng tôi đi ở riêng trong năm mới. Nó phải có cơ hội hiểu đời và hưởng đời, như bao nam thanh nữ tú mới lớn khác cùng độ tuổi, nhưng sao vẫn thấy bàng hoàng, lo âu. Trong những giấc mơ sau đó, tôi vẫn thường thấy con mình chơ vơ ngoài khung cửa, nài nỉ xin được vào căn phòng bé xíu của mình. Có lúc nó biến thành con én có lông màu đen tuyền chao lượn trong khu vườn nhỏ của tôi. Như một cõi đời chơ vơ... https://thuviensach.vn Một tuần trước cuối năm, tuyết bắt đầu rơi. Những bông tuyết trắng phau, nhẹ nhàng đậu trên cây cỏ trong vườn như rải bột. Khắp nơi chỉ một màu trắng nhưng nhức. Lâu lắm mới thấy một “Giáng sinh trắng”. Tôi nhìn ra vườn, trên tấm thảm tuyết bỗng hiện rõ những vết chân chim tách bạch ba chạc. Những con chim én đã dùng chiếc mỏ bé tí, khơi những mẩu bánh mì khô đã bị tuyết phủ kín từ đêm qua. Chúng bước những bước chậm rãi, như quên đi cái lạnh giá mang theo từ những bông tuyết trắng đổ xuống trên đám lông đen tuyền. Những dấu chân chim để lại như chính vết chân tôi, lạc lõng vô cùng trên một vùng đất mông lung, không bến bờ. Trong tiếng nhạc thánh ca êm dịu, tự dưng một niềm thương cảm vô cớ lại dâng lên như một cơn thủy triều bất chợt. Tôi không biết mình thương cảm những con chim én, con gái tôi hay chính cuộc đời tha hương vô định của mình? Blaricum, mùa đông 1996. https://thuviensach.vn Cuối năm và những người không nhà T háng cuối năm ở châu Âu thường là một chuỗi lễ hội để đền bù cho một năm dài làm việc gian khổ. Những cây thông lấp lánh hoa đèn và bóng dáng những ông già Noel trong màu áo đỏ tươi xuất hiện khắp nơi cùng tiếng nhạc rộn rã làm náo nức lòng người chờ đón ngày Giáng sinh và năm mới. Nhìn ở một góc cạnh khác thì người phương Tây ăn mừng những ngày lễ cuối năm trong một điều kiện thời tiết chẳng thuận lợi chút nào. Vào giữa tháng Mười hai, trời thường bắt đầu bằng những cơn mưa dai dẳng, nối tiếp bằng những trận bão, triều cường, mưa đá, sương giá và bão tuyết như muốn vét hết những tai ương còn lại của cả năm giáng xuống trần gian, thách đố lòng kiên trì và lạc quan của con người. Trong cảnh gió mưa vần vũ, mây xám nặng nề thường xuyên bao phủ bầu trời, con người thường chùng lòng xuống, nghĩ đến những khổ đau đời thường, ít nhiều chua xót về thân phận của mình và những người cơ nhỡ khác. Trong tâm trạng không mấy lạc quan đó, yếu tố thời tiết lại trở nên thích hợp để mọi người đóng chặt cửa, nhóm lửa đốt lò sưởi và ”xích lại gần nhau” trong căn phòng ấm áp với những người thân xung quanh. Chính từ các bữa tiệc gia đình và những cốc rượu sưởi ấm đã nảy sinh lòng lạc quan và con người trở nên bao dung, rộng lượng, sẵn sàng chia sẻ hơn. Vì vậy, những cuộc lạc quyên với nhiều mục đích cho mọi nơi trên thế giới thường “được mùa” trong những tháng cuối năm. Những người già cả neo đơn và vô gia cư cũng được cùng chan hòa trong niềm hân hoan cuối năm của đồng loại. https://thuviensach.vn Nước Pháp luôn tỏ ra là quốc gia đi tiên phong trong sáng kiến đem lại sự ấm áp cho người vô gia cư (clochard). Một tuần lễ trước Giáng sinh, 24 tỉnh ở miền bắc, kể cả thủ đô Paris, đã phát lệnh “báo động đỏ” vì một đợt rét kéo dài đưa nhiệt độ xuống 5 -10 độ âm, và như vậy sẽ đe dọa đến cuộc sống của dân vô gia cư, đa số là người cao tuổi trong vùng. Báo chí đưa tin về cái chết vì lạnh cóng của hai clochards trong một cái chuồng ở vùng quê Amiens và trên lề đường ở Saint-Denis càng làm tăng tính khẩn cấp của các biện pháp đối phó. Chính quyền Paris lập tức ra lệnh mở các phòng chờ ở các sân ga tàu điện ngầm suốt đêm, kêu gọi các nhà thờ mở rộng cửa, tăng cường số giường ở các phòng tập thể dục trong nhà, mở các bếp từ thiện... để có thể cung cấp đủ “nơi ấm áp” và bữa cơm nóng cho khoảng 12.000 người vô gia cư và chừng hơn 30.000 người khác đang cư ngụ tạm thời tại các căn nhà bỏ không trong thành phố. Tuy thế, việc thi hành các biện pháp này xem ra không dễ dàng chút nào. Một số clochards không mặn mà lắm với các trung tâm tiếp cư vì ngại gia tài nhỏ nhoi của họ sẽ bị trấn lột, số khác thì không muốn rời con chó hay mèo thân yêu của họ, hoặc ngại những khó khăn do thiếu giấy tờ tùy thân. Ở xứ sở mù sương năm nay xem chừng có phần hơi quá đà trong “chính sách đãi ngộ” dân vô gia cư (homeless). Khu nhà vòm Thiên niên kỷ (Millenium dome), xây dựng với giá 1 tỉ euro và là niềm tự hào của London, được chọn làm “tổ ấm” cho những kẻ không nhà như trong những tác phẩm xã hội não lòng của Charles Dickens. Dân homeless không những được “mời” đến ngụ ở đó một thời gian với “chăn ấm nệm êm” và “cơm canh nóng sốt” mà còn được thưởng thức những chương trình văn nghệ thú vị trong suốt những ngày lễ. Tuy nhiên, phải nói là Hà Lan mới là một trong những quốc gia ở Bắc Âu có một chính sách hỗ trợ người không nhà (dakloos) hữu hiệu và nhất quán nhất. Trên nguyên tắc, tất cả những ai có thể chứng minh được là không có một mái nhà... che trên đầu đều được quĩ xã hội trợ cấp 750 euro/tháng (ngưỡng “đói nghèo” được ấn https://thuviensach.vn định khoảng 700 euro/tháng ở châu Âu). Ngoài ra, họ còn được khuyến khích tạm trú tại các trung tâm tiếp cư (opvangcentrum) với giá “mềm” 2 euro/đêm, bao gồm cả bữa ăn nóng. Tuy vậy, cũng như các “đồng nghiệp” khác ở châu Âu, đa số dân dakloos ở Hà Lan không chọn những nơi được chỉ định này làm “mái che đầu” dù là tạm thời. Khi được hỏi lý do, Dennis (một dakloos 28 tuổi chỉ mới nhập đội ngũ này trong năm nay) cho biết mặc dù điều kiện ở các trung tâm tương đối tốt, song nhiều người ngại phải chia phòng/ba giường với những kẻ chích choác nghiện hút và đồng tính luyến ái. Bị hỏi dồn, anh bật mí được hưởng “chế độ vô gia cư” nhưng chưa từng ở trung tâm một ngày nào! Mỗi ngày anh làm một vòng thăm viếng các thân nhân, giải quyết vấn đề vệ sinh, tắm gội, ở lại ăn bữa cơm nóng để vừa giữ được mối thân tình gia tộc vừa giữ được tình trạng tâm lý ổn định, không bị mặc cảm sống tách khỏi cộng đồng xã hội. Nếu buồn quá thì tối tối lại lai vãng ở các quán rượu, mời cô gái nào đó trông có vẻ cô đơn một ly bia 2,5 euro, nếu may mắn “đụng đèn” có khi còn được nàng mời về nhà giải quyết “vấn đề tâm sự”, và trong trường hợp “mặn mà” hơn thì tạm dừng chân đỡ phải đi lang thang một thời gian. Anh tự hào vỗ vào túi quần phồng lên, hể hả về thành quả do sự khôn ngoan của mình. Tối nay Dennis sẽ ở lại dùng cơm tối với gia đình tôi. Một bữa cơm bình thường, hoàn toàn không trang trọng với những món ăn đặc biệt trên bàn như bất cứ một bữa reveillon[1] nào trên thế giới. Nhưng chẳng sao, cả anh và tôi đều sẽ vui và hài lòng vì cả hai đều có một mái che trên đầu và một bữa cơm nóng gia đình thắm đượm tình đồng loại, như thông điệp nhân ái của mùa Giáng sinh. Amsterdam, 25-12-2004 [1] Tiệc nửa đêm; một dịp để gia đình đoàn tụ, vui đùa sau khi dự lễ Giáng sinh ở nhà thờ về. https://thuviensach.vn Góc gió lộng K hông biết do tình cờ hay là kết quả từ tính chính xác cố hữu của người Đức trong qui hoạch mà Windhoek lại nằm đúng ở trung tâm điểm của Namibia (GNP/đầu người: 3.671 US$), một quốc gia non trẻ ở phía tây nam châu Phi, chỉ mới được khai sinh trong vòng hai thập kỷ trở lại đây. Dù ngẫu nhiên hay cố ý, ở vị trí đặc biệt đó, thủ đô Windhoek dễ dàng vươn tay nối với tất cả 13 tỉnh nằm tản mác dọc ngang trên một diện tích rộng gần gấp ba lần Việt Nam, nhưng dân số chỉ lèo tèo chưa tới 2 triệu người! Chỉ riêng cái tên Windhoek (góc gió lộng) cũng có nhiều bàn cãi. Có người cho rằng nó đã được đọc trại đi từ Winterhoek (góc mùa Đông) có từ thời thuộc địa Đức xa xưa; nhưng cũng có thể hiểu giản dị là nó đã được Jonker Africaner, một thủ lĩnh bộ tộc Nama thuở đó, đặt tên theo cái trang trại nơi ông sinh thành ở Nam Phi vào năm 1840. Trên nhiều bình diện, Windhoek là một thành phố hội đủ những đặc tính thuận lợi để chọn làm thủ đô. Từ hơn một thế kỷ trước, thực dân Đức đã xác định một điểm trung tâm giữa một chuỗi 5 khu dân cư khác (Keetmanshoop, Mariental, Rehoboth, Otjiwarongo và Tsumeb), tất cả đều nằm trên một trục kẻ thẳng ngược từ nam lên bắc, để đặt bản doanh của quân đội viễn chinh Schutztruppe nhằm can thiệp nhanh chóng những cuộc xung đột quyền lực giữa hai bộ tộc Herero và Nama. Từ những tình cờ hay đặt định của lịch sử, Windhoek ngày nay có thể được xem là một trong những thành phố tiêu biểu trên toàn châu lục đen, đã bảo tồn và khai thác một cách hài hòa những di sản của thực dân, để thỏa mãn khát vọng tự do và phát triển sau khi giành lại độc lập từ nước bảo hộ cuối cùng Nam Phi, cách đây vừa đúng 20 năm. https://thuviensach.vn Từ cửa sổ máy bay nhìn xuống, Windhoek như một ốc đảo (oasis) nằm lọt thỏm giữa những dải sa mạc dài như vô tận (Namib dọc theo bờ biển phía tây và Kalahari ở phía đông), được vây bọc bằng những rặng núi trọc nối tiếp, thấp lè tè. Vào giữa tháng 10, vừa bắt đầu vào hè ở vùng nam bán cầu, nhiệt độ tăng lên trên 30oC, cả bầu trời trong xanh toàn bích không một gợn mây, như một chiếc bát úp trong suốt chân trời-đỉnh trời-chân trời khổng lồ bao trùm một vùng đất mênh mông khô cháy, vàng hanh, đã được hong khô từ thuở hồng hoang. Họa hoằn lắm mới thấy một thân cây nhỏ với chút lá xanh trên đầu ngọn cố vươn lên giữa những vùng cỏ cháy khô biểu trưng một nỗ lực tồn tại tuyệt vọng, dù với đôi chút tự hào, của những bộ tộc thổ dân đang dần dần lụi tàn sau những cơn địa chấn thuộc địa và apartheid (kỳ thị chủng tộc) từ Nam Phi trắng. Trong bối cảnh đó,Windhoek nổi lên như một điểm sống giữa một vùng đất chết. Dưới con mắt của khách du lịch thông thường, Windhoek chỉ là một thành phố rất nhỏ với dân số không tới 200.000 người, tuy gọn gàng sạch sẽ (đến độ kinh ngạc), xinh xắn (với những kiến trúc tường vôi vàng nhạt-mái ngói đỏ-cửa sổ cao đỉnh bán nguyệt từ thời thuộc địa và những công viên đầy hoa thắm và nhiều thảm cỏ xanh) và hiện đại (nhà cao tầng-khách sạn-ngân hàng), nhưng khô hanh (khí hậu sa mạc và ít mưa) và vẫn còn dáng dấp hơi quê mùa, dễ gây chán (theo www.world66.com/africa/namibia/windhoek). Nhưng tính hiện đại của Windhoek và những thành phố đang được xây dựng ở vùng biển (đặc biệt là Walvis Bay và Swakopmund) thật sự vượt lên trên những tiêu chuẩn “to đẹp” và “hoành tráng” thông thường, để thực sự tạo một cuộc sống hòa hợp, ổn định, có chất lượng và bền vững cho một tập thể dân số phức tạp về nhiều phương diện (87.5% da đen, 6% da trắng và 6.5% da màu), luôn luôn có nguy cơ xung đột tiềm ẩn về sắc tộc, quyền lực chính trị, xã hội và kinh tế. Trong cái nhìn đó, Windhoek là một tác phẩm gần như tuyệt hảo của các nhà kỹ trị thiết kế đô thị tài ba và các chính trị gia sâu sắc, được cấu kết hài hòa giữa kế thừa và hiện đại, nới rộng và bảo tồn. Đại lộ Độc lập (Independence Avenue) là con đường dài nhất, cắt trung tâm thành phố ra làm hai khu tách biệt: phía bên phải là trung https://thuviensach.vn tâm quyền lực (nhà thờ, tư pháp, lập pháp và hành pháp); đối diện phía bên kia là xã hội dân sự năng động (trung tâm kinh tế thương mại và dân cư). Và quyền lực cũng được phân chia theo thứ bậc rõ ràng theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, thế quyền trên giáo quyền và dân chủ đại nghị. Từ Independence Avenue nhìn lên ngọn đồi thoai thoải bên kia, những vị trí bề thế nhất được dành cho Tòa án Tối cao, Nhà thờ (Christuskirche) và Quốc hội. Bên cạnh tòa nhà đồ sộ vuông vức, gần 100 thước mỗi chiều từ thời thực dân để lại (Tintenpalast), là trụ sở của chính phủ (nơi thủ tướng và nhiều bộ của nội các làm việc, trông thật khiêm nhường, dù với những cột ăng-ten truyền thông hiện đại cao ngất ngưởng. Cách đó chừng một trăm thước là khu Thành cổ (Alte Feste), từng là biểu tượng quyền lực tối thượng của bộ máy cai trị thời thực dân và là nơi đã từng giam giữ hàng ngàn chiến sĩ cách mạng của nhiều thế hệ đấu tranh cho nền tự do và độc lập của vùng Tây Nam châu Phi, nay là Nhà bảo tàng cách mạng của thành phố. Khách tham quan ngỡ ngàng ghi vài dòng ngắn ngủi vào sổ lưu niệm: “Lịch sử được ghi lại rất chính xác và ngắn gọn; di vật được trình bày tuy khiêm nhường mà đầy ý nghĩa; xin chúc mừng!” Còn có cảm nghĩ nào thành thật và chính xác hơn khi được chiêm ngưỡng toàn bộ di sản (hình ảnh và vật dụng cá nhân của các nhà lãnh tụ cách mạng tiền bối và cận đại) của một cuộc chiến đấu trường kỳ và gian nan của nhiều thế hệ được gói ghém, trưng bày chung trong một vài căn phòng nhỏ ở chính cái nơi đã từng là mục tiêu phải triệt phá của nhiều cuộc chiến đấu. Số phòng còn lại (nhiều hơn) được dành để tái hiện lại sinh họat (phương tiện di chuyển, trang phục, trang trí nội thất, nồi niêu, thuốc men, trang phục cô dâu và dạ hội tiêu biểu…) của những gia đình di dân tiên phong đến vùng đất này từ nước Đức xa xôi! Có vẻ như Namibia đã được thừa kế và biết bảo tồn nhiều ưu điểm từ những kẻ đã từng cai trị mình: tổ chức chặt chẽ và kiến hiệu từ Đức (thành phố gọn gàng, tươm tất và sạch sẽ); trật tự và thượng tôn pháp luật từ Anh và Hà Lan (luật pháp nghiêm minh và cụ thể); dân chủ hạ tầng và óc sáng tạo tự do từ Nam Phi (bình đẳng và phát triển sinh hoạt cộng đồng). Có thể thâu tóm tất cả những điều https://thuviensach.vn đó vào tấm bảng lớn treo ở tiền sảnh của tòa nhà Quốc hội, trên đó công bố rõ chương trình nghị sự toàn kỳ hay trong ngày, số dự luật sẽ được bàn cãi trong khóa họp, số bộ luật đã được thông qua, biên bản nội dung các phiên họp khoáng đại của cơ quan dân cử cho công chúng tham khảo. Nhưng đặc biệt nhất là “thành tích” của Quốc hội được công khai hóa bằng con số cụ thể (tổng số ngày họp, số dân biểu hiện diện, số luật được bàn cãi và thông qua…) để cử tri có thể đánh giá năng suất làm việc và nhiệt tình cống hiến của các vị dân cử, hầu quyết định lá phiếu một cách chính xác hơn vào kỳ bầu cử kế tiếp. Khách đi dạo còn đọc thấy những bố cáo của thành phố treo ở các trạm xe buýt, mời cư dân tham gia các buổi họp được tổ chức tuần tự trong tháng ở nhiều địa điểm, để cùng thảo luận về “tương lai của thành phố và của chính bạn và gia đình của bạn”. Với dân số khiêm nhường và một cơ sở hạ tầng được thiết kế gắn chặt với nhu cầu phát triển của thành phố như vậy, Windhoek chưa bao giờ biết đến nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường vì khói xe thải. Thi thoảng mới thấy một chiếc xe gắn máy phân khối lớn từ các trang trại ở ngoại thành lạc vào, với những chuỗi tiếng ồn quá tiêu chuẩn làm xao động sự êm ả thường ngày của thành phố. Ở khu phố xá trung tâm chỉ thấy người đi bộ và những bãi đậu xe rộng thênh thang. Vào giữa trưa, chuông nhà thờ từ trên đồi thả xuống từng tiếng khe khẽ như không muốn khuấy động giấc nồng của vài cư dân còn nằm dài rải rác trên những thảm cỏ dưới những gốc cổ thụ bồ đề trong công viên giữa thành phố. Nhưng ấn tượng nhất đối với khách du lịch đầu tiên đến thủ đô là cái đẹp rực rỡ của những chùm hoa tím Jacaranda, được thả xuống từ những hàng cây có dáng dấp như phượng vĩ, dọc theo con đường dốc dẫn lên tòa nhà Quốc hội. Giữa trời xanh, nắng trong, hoa thắm, tiếng chim kêu rộn ràng và bầu không khí yên vắng của một sáng Chủ nhật, khách nhàn du tưởng như đi lạc trong ngự viên, lâng lâng tiếng nhã nhạc cung đình và những tà áo tím thơ mộng của Huế xưa. Dĩ nhiên Windhoek cũng đang phải đương đầu với những vấn nạn xã hội phát xuất từ nạn thất nghiệp cao (37% với giới trẻ) do làn sóng di dân từ thôn quê và vùng núi ra thành thị vì hiếu kỳ hoặc vì https://thuviensach.vn mưu sinh. Nhưng nhìn chung, Windhoek là một thành phố khá an toàn, ngày cũng như đêm, mặc dù đây đó cũng có trộm cướp, hành khất và kỳ nữ ăn sương trên đại lộ chính khi đêm xuống (phần lớn từ các nước láng giềng Angola, Zimbabwe và Nam Phi sang hành nghề). Việc bảo vệ trật tự công cộng, an toàn tư gia và doanh nghiệp hầu như đều được “xã hội hóa” do các hãng an ninh tư nhân được phép võ trang (Armed Response) phụ trách (tương tự loại hình “Long Hải” ở Việt Nam); bên cạnh đó còn có những thanh niên tự quản trang bị gậy cao su (loại hình dân phòng ở TP Hồ Chí Minh) thường xuyên đi rảo trên những khu phố chính và công viên trung tâm, thay thế hình ảnh của các cảnh sát viên mặc đồng phục thường thấy ở nhiều thành phố trên thế giới, khiến bộ mặt và không khí đường phố bớt căng thẳng và thân thiện hơn. Ngay cả hành khất và kỳ nữ về đêm cũng có phong cách riêng của họ. Cũng như những người bán báo buổi sáng, họ chia nhau mỗi người chiếm ngự một góc phố, có khi chỉ đặt một chiếc ly bằng nhôm (để nghe tiếng đồng xu rớt vào) ở trước mặt, rồi nhắm mắt tĩnh tâm thả hồn theo tiếng nhạc nhà thờ từ chiếc máy thu thanh xách tay; tuyệt đối không thấy họ níu kéo, năn nỉ, ỉ ôi với khách qua đường bao giờ. Vài “cái bang” khác thì “hành nghề” có “bài bản’”hơn. Khách nhàn du đang lúc lim dim mắt tận hưởng một chiều Chủ nhật an nhàn công viên-cỏ xanh-gió lặng, bất chợt có người lân la đến chào hỏi thân thiện. Bạn sẽ được nghe kể, bằng một thứ tiếng Anh khúc triết, “câu chuyện buồn” của một trung niên bị bệnh tâm thần từ miền Bắc, phải tạm rời gia đình vượt quãng đường dài 1.000 cây số, đến thủ đô để chữa bệnh và nay không đủ tiền cho chuyến xe buýt trở về nhà sẽ khởi hành lúc 6 giờ rưỡi chiều (lúc bạn đang tiếp chuyện là 6 giờ!). Khi nghe kể lại câu chuyện này trên đường đến trường, anh tài xế cười ồ thích chí. Té ra khách phương xa không phải là người duy nhất đã mủi lòng vì câu chuyện thương-tâm-rất-người đó. Cuộc xa-nhà-chữa-bệnh của anh vẫn còn kéo dài vô thời hạn và có thể thực sự anh chưa bao giờ bước lên chiếc xe buýt-khởi-hành lúc-sáu-giờ-rưỡi-chiều đó để trở về với vợ con như anh đã kể. Gặp lại anh lần sau, cả hai đều cười xuề xòa, dù có đôi chút ngượng ngập. Anh cố bắt kịp để song hành với tôi, nhưng không “ca bài con cá”, chỉ chào hỏi và chúc “một ngày đẹp trời”! https://thuviensach.vn Vào những buổi sáng trong tuần, hầu như phần lớn dân số của thành phố và khách du lịch đều tập trung vào khu phố buôn bán chính trên đại lộ Independence. Nơi đây, bên cạnh những tòa nhà cao tầng vừa phải của những khách sạn cao cấp (không tự phong lên 5 sao), ngân hàng và bưu điện, là những cửa tiệm nhỏ thường có mái che mưa-nắng, rất đậm nét truyền thống “chính xác, trật tự và gọn ghẽ” đặc trưng của người Đức, thường tập trung vào dịch vụ ăn uống, tour du lịch, mắt kiếng, thuốc tây, kim hoàn và bánh ngọt… Những con đường xung quanh trục đường chính đều biến thành khu phố đi bộ, nơi các sản phẩm thủ công nghệ đặc thù của Namibia (tượng thú rừng bằng gỗ, đồ trang trí bằng xương thú vật hoang dã hay kim loại thô) được bày bán từ sáng đến đầu buổi chiều, dưới nắng chan hòa, chói chang màu đất-vàng-thô-sa-mạc. Sản phẩm thủ công nghệ của Namibia rất đa dạng, tinh xảo, vui mắt, đầy màu sắc, sinh động, hiện thực, giàu chất sáng tạo, và đậm đặc văn hóa bộ lạc-núi-rừng-săn-bắt-hái-lượm-thần-linh-da-đen. Chúng cũng tự nhiên và giản dị, thường lưu lại một cảm thụ sâu lắng trong lòng người mua, tương tự như khi đối diện những cô gái bán hàng bộ tộc Owa Himba da bóng loáng màu đất ba-zan, ngực để trần vểnh lên tràn đầy sinh lực, đứng bán-hàng-mà-như-không muốn-bán-gì, khiến khách phương xa ngần ngừ chẳng muốn rời bước và cũng ngại ngùng không nỡ thâu cái hình ảnh tự nhiên, chân chất ấy vào ống kính để chia sẻ với những đôi mắt của bạn bè dung tục bên nhà! Thông thường người mua và người bán đều thoải mái trao đổi giá cả với nhau, không gay gắt đấu trí như những điểm du lịch thường gặp ở Ai Cập, In-đô-nê-xia và Việt Nam. Những khu phố đi bộ lót đá phẳng, ngắn như vừa đủ để duỗi chân, giữa những hàng cây thấp rợp bóng mát và những chiếc ghế để tạm nghỉ màu xanh lá cây đặt bên cạnh những bức tượng bằng đồng và gỗ mun đen xinh xắn, khiến người mua sắm cảm thấy thong dong thư thái trong mỗi bước đi, trên quãng đường ngắn hướng về những khu buôn bán và siêu thị lớn Town square, Wernhil Park và Post Street Mall nối kết nhau, không để người bộ hành phải chịu cảnh nắng mưa bốn mùa. https://thuviensach.vn Mưa chính là điều quan tâm hàng đầu của Namibia. Là một xứ sở bán sa mạc (semi desert), Namibia không có một con sông hay con suối nào chảy qua ở vùng trung tâm. Nước mưa thiên nhiên lại không nhiều như cát, thường đến thất thường, khiến cư dân phải keo kiệt đến từng giọt như một kỵ sĩ lạc đường giữa sa mạc. Nhiều con đập đã được xây dựng quanh các thành phố chính để hứng và trữ lượng nước mưa hiếm hoi hàng năm chỉ đủ để thỏa mãn một nửa nhu cầu nước gia dụng của cư dân; số còn lại lệ thuộc vào khai thác nguồn nước ngầm (25%) và nước “tái tạo” (25%). Ý niệm cải tạo “nước thải” (sewage water) thành “nước uống được” (potable and drinking water) đã khiến các nước Ả Rập, dù luôn luôn căng thẳng vì thiếu nguồn nước, cũng đành phải quay lưng, đành lòng dựa vào nguồn nước chiết ra từ đại dương, dù tốn kém hơn rất nhiều lần, vì không hợp với nguyên tắc Hồi giáo căn bản ‘halaal’ (mọi thứ phải trong sạch). Nhưng đó lại là lý do để Windhoek Goreangab Operating Company (WIN-GOC) có thể tự hào là nhà máy “tái tạo” nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới, phát sinh từ sự bức bách của nhu cầu (châm ngôn hành động: “necessity is the mother of innovation”), theo lời của vị giám đốc gốc Đức giới thiệu với khách hàng quan tâm đến từ Botswana và Nam Phi (New Era, 14-10-2008). Người Namibian nói chung rất thân thiện, cởi mở và “lành”, khiến khách lạ cảm thấy an toàn và tin cậy khi tiếp xúc sơ khởi với họ. Phần lớn nói rành rẽ tiếng Anh, Afrikaan (ngôn ngữ thường dùng ở Nam Phi do di dân từ Đức và Hà Lan tạo ra) và thổ ngữ (Oshivambo, Herero và Nama). Người Namibia cũng “thuần” hơn các dân tộc khác (thường tuân thủ luật pháp hơn chờ biện pháp cưỡng hành) có thể do ảnh hưởng sâu rộng từ tôn giáo, với hơn 90% dân số là tín đồ thiên chúa giáo; trong số đó 50% là giáo hữu Tin lành, phái Lutheran. Các buổi họp công cộng thường được bắt đầu với một cuộc cầu nguyện chung, mục đích là để gạn lọc bớt những nghi kỵ, hiềm khích và dọn lòng cho sự thân ái, chia sẻ và hợp tác. Cũng như phần lớn sắc dân khác ở lục địa châu Phi, người Namibia thuộc loại dân tộc có thể chất thượng đẳng, thường có dáng cao, https://thuviensach.vn mạnh khỏe và sáng sủa. Đàn bà thì nhỏ thó và săn chắc vì ít dùng các loại “thực phẩm nhanh” (fast foods), rất ít được bày bán trong các tiệm ở thành phố. Có người gắn liền đặc tính nhân chủng này với lối sống tự-cung-tự-cấp của các bộ lạc thổ dân nguyên gốc và mức tiêu thụ thịt khá cao trong khẩu phần hàng ngày của người bản xứ (kể cả người di dân gốc da trắng). Mặc dù thiếu nước để tưới những đồng cỏ xanh cho gia súc, Namibia rất tự hào có tỉ lệ gia súc cao nhất thế giới (2 gia súc/đầu người) và về chất lượng tuyệt hảo (mềm, thơm và có dư vị riêng) của các loại thịt do họ sản xuất, đặc biệt là bò tót, heo mọi, trâu sừng nhọn và gà rừng. Không có cỏ nhân tạo, chúng được thả rông hàng tháng trên núi và những cánh đồng hoang vu để tự tìm nguồn sinh sống và vì thế thịt săn và lượng mỡ rất ít, giảm nguy cơ tăng choresterol trong máu người tiêu thụ. Ngoài sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn nước và nhân lực (nhất là ở cấp cao), Namibia là một xứ sở được thiên nhiên ưu đãi hào phóng, với nhiều nguồn khoáng sản rất phong phú thường chỉ thấy tập trung ở các nước nằm ở phía nam châu Phi (kim cương, đồng, vàng, bạc, sắt, chì, tungsten, lithium, cadmium, muối và uranium) và những tiềm năng mỏ khác chưa khai thác (dầu, than đá và sắt). Nhưng vốn kinh tế quý nhất của Namibia chính là du lịch sinh thái và phiêu lưu, đưa con người đến với những vùng đất sa mạc trinh nguyên, các thôn sóc bán khai còn sót lại và khu thú hoang dã được bảo tồn. Namibia là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã đưa điều khoản về bảo tồn thiên nhiên vào hiến pháp và hơn 14% lãnh thổ được đặt dưới sự bảo vệ khắt khe của lực lượng kiểm lâm. Một cuộc safari-nửa-ngày đi thăm thú hoang dã cận cảnh (game drive) ở một trang trại Okapuka chỉ cách thủ đô Windhoek 30 cây số đã thực sự để lại một ấn tượng khó quên trong lòng người phương xa về thiên nhiên thuần khiết, mênh mông vô hạn và muôn vàn các loại chim chóc, ù lì, nai, sao, hoẵng, linh dương, heo rừng, cá sấu, hươu cao cổ, ngựa vằn, tê giác, báo, bò tót, sư tử… từng đàn nhởn nhơ đi lại trong một vùng đất được bảo tồn rộng 14.000 mẫu tây, đôi khi quá gần gũi tưởng chừng chỉ cần chạm tay là Người-và-Vật có thể phút chốc cùng trở về với thiên nhiên thời man khai. https://thuviensach.vn Buổi sáng cuối cùng trong phòng ăn của khách sạn Kalarari Sands, người phương xa bỗng dưng tìm lại chính mình khi tình cờ bắt gặp hai đôi voi gốm sứ trắng gốc Lái Thiêu trên một bực thềm trong quầy bếp. Voi và Người không trao đổi với nhau một lời nào, nhưng Người tự dưng cảm thấy trong lòng yên tâm và bình an vô cùng. Vậy là mình chẳng phải là người đầu tiên đã đến đây và yêu đất nước và con người này. Quả đất tròn và luôn luôn di chuyển. Và đã có người đến trước ta! Karee naua! Tuhakaene! (Xin tạm biệt và hẹn gặp lại!) Johannesburg, Nam Phi 10-2008 https://thuviensach.vn Núi và Biển T háng sáu trời thường hay mưa, không phải là mùa lýtưởng để đi du lịch. Du khách lại càng không nên lang thang vãn cảnh ở Nepal và Sri Lanka, là hai nơi hiện đang được các hãng du lịch liệt vào danh sách những “điểm nóng”, chẳng phải vì lý do thời tiết, mà vì những cuộc xung đột vũ trang trong nước đang có chiều hướng leo thang. Đành là vậy, nhưng đến khi tò mò thử định vị trên bản đồ Nam Ấn, hình dung Nepal như ghé đầu tựa lên rặng Himalaya trùng điệp và Sri Lanka như một cẳng chân duỗi ra giữa lòng Ấn Độ dương bao la, thì nỗi khát khao được đắm mình trong thiên nhiên đã xua tan những lo âu về “kiếp người tạm bợ” và lòng trở nên thanh thản, sẵn sàng cho cuộc nhàn du tìm về “xứ Phật”. Núi Nói đến Nepal, người ta thường liên tưởng ngay đến đỉnh Everest cao nhất thế giới (8.850m trên mực nước biển), được mệnh danh là “thiên đỉnh thần” với 60 triệu năm tuổi đời! Sau lần chinh phục đầu tiên của Sir Edmund Hillary (người Tân Tây Lan) và Tenzing Norgay (người Nepal bản địa) vào tháng 5, năm 1953 theo đường lên từ phía nam, đã có hàng ngàn người đủ mọi quốc tịch mon men khám phá cái chóp nhọn thần bí của “nữ thần vũ trụ” (theo cách gọi của người Tây Tạng). Tuy nhiên, không phải tất cả những ai có “lòng” đều đạt được sở nguyện. Hơn 120 xác chết đã bị bỏ lại ở nhiều cao độ do kiệt sức, ngộp thở vì thiếu dưỡng khí, bão tuyết và băng lũ. Ngày nay, với những phương tiện leo núi và hỗ trợ hiện đại, việc chinh phục Everest trở nên giản dị và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Bạn có thể chọn một tour ít tham vọng hơn dành cho các nhà leo núi tài tử, tuy cũng xuyên qua vùng Khumbu (nơi ngọn Everest ngự trị), nhưng sẽ trải qua một thời gian “tập huấn” ở một trại trung chuyển https://thuviensach.vn để làm quen dần với địa hình địa vật và môi trường thiếu trọng lực và dưỡng khí, trước khi thực sự bắt đầu cuộc thám hiểm đầy thách đố và gay go. Nhiều thanh niên trai trẻ thời nay thường chọn Kala Pattar (một đỉnh cao khác bên cạnh Everest) để tránh nạn “lưu thông quá tải” ở các tuyến leo chính, nhất là sau tháng 9 mỗi năm khi mùa mưa vừa chấm dứt, mở màn cho một “mùa chinh phục” mới. Thật ra, còn có nhiều l ý do khác nữa khiến du khách chọn loại hình du lịch mạo hiểm này không hài lòng, khi chứng kiến những nhóm leo núi chuyên nghiệp nổi danh trên thế giới phải “trèo cao, mang nặng” qua nhiều khổ nhọc, không phải để “tái chinh phục” Everest, mà để mang xuống hàng trăm tấn rác vứt vung vãi trên những con đường đi lên đỉnh do các đoàn thám hiểm vô trách nhiệm khác để lại. Chúng như những vết bẩn làm ô uế tấm áo choàng trắng thanh tân của vị nữ thần được tôn kính. Nhưng Nepal không chỉ có núi non hùng vĩ mà còn có cả một kho báu nhân văn tích lũy hàng ngàn năm và cực kỳ đa dạng (hàng trăm sắc tộc) có thể làm du khách kinh ngạc, nếu những đe dọa súng đạn tự nguyện dừng lại ở lằn ranh những khu du lịch sinh thái và văn hóa của xứ sở vùng núi này. Hãy nhìn lại thủ đô Kathmandu, nơi mà chỉ một thập kỷ trước đây vẫn còn là nguồn cảm hứng của những khách nhàn du lãng mạn, mong tìm về một cõi bình an trong một thế gian càng ngày càng nhiều tai ương và bất an. Người Nepal truyền khẩu rằng thuở hồng hoang, một vị thần trên đường “ngao du sơn thủy” đã dừng chân trên một vùng hoa lá xanh tươi nhưng ngập sâu trong nước hồ mênh mông. Ông đã dùng siêu lực khai thông nhiều ngõ xuyên qua núi để làm mặt đất khô ráo và khai hoang cho những bộ tộc tiền sử đầu tiên đến cư ngụ. Thung lũng Kathmandu được tạo ra như thế, giữa huyền thoại và những rặng núi trùng điệp bao bọc chung quanh, biêng biếc xanh vào mùa hè và nhạt nhòa trắng vào mùa đông. Kathmandu hội đủ các điều kiện thiên nhiên (sông sâu, núi thẳm và đủ loại kỳ hoa dị thảo) và vật thể quí giá cho một quần thể sinh sống và phát triển bền vững, nếu không vướng vào tai ương xung đột chính trị nội bộ triền miên và nan giải hiện nay. https://thuviensach.vn Khách du lịch đến Nepal trong những tháng gần đây thường được cảnh báo là không nên lộ diện quá và tránh những nơi đông người. Vì thế, ngoài lý do đang là mùa mưa, mối lo về an toàn bản thân đã giữ chân nhiều người ở nhà. Như một vở kịch nhàm chán không được khán giả ưa thích, hằng ngày các cuộc biểu tình chống lại hoàng gia tại vị thường bắt đầu từ 2 đến 6 giờ chiều, làm tắc nghẽn giao thông và đình trệ buôn bán ở khu phố cổ cạnh hoàng cung cũ, vốn là một niềm tự hào dân tộc và điểm thu hút du lịch của Nepal. Khu thương mại Thamel nằm bên cạnh hoàng cung mới trở nên vắng vẻ du khách với mật độ quá tải của đủ loại nhà trọ rẻ tiền, văn phòng du lịch, quán lưu niệm, trà thất và… hành khất! Người bán thì nhiều, kẻ mua thì ít khiến không ai nhiệt tình rao bán, chèo kéo và con đường thường chỉ dành riêng cho người đi bộ nay lại ngang nhiên qua lại đủ loại xe gắn máy, ba gác, taxi, xe lô… phun khói ngập ngụa và ồn ã còi xe. Du khách trở lại Nepal không còn thấy một Kathmandu yêu kiều và e ấp của thuở xưa. Vẫn những bộ áo quần thổ cẩm đầy màu sắc nóng thường thấy ở các sắc dân miền núi, nhưng đường phố Kathmandu năm nay đầy bụi bặm khi trời nắng ráo và nhầy nhụa sau những cơn mưa. Con sông trong và xanh nằm vắt qua thành phố như một nét vẽ nên thơ ngày nào nay đã cạn khô, đầy chất thải và rác rưởi. Những con đường đào xới dang dở khắp nơi vẫn còn nằm chờ sự quan tâm cụ thể của chính phủ, cho đến nay vẫn còn “tạm thời xử lý”. Thung lũng Kathmandu vốn ngập tràn hoa lá xanh tươi, bạt ngàn cây cỏ, cung cấp thừa mứa nước gia dụng và dưỡng khí trong lành chỉ cho chừng 400.000 cư dân, đang phải gồng mình đa mang mỗi ngày hàng ngàn người tỵ nạn an ninh (do các nhóm phiến quân) từ nông thôn đổ về. Và con người lại còn phải “e dè” tìm những khoảng không gian sống hiếm hoi còn lại, bên cạnh những con bò cái (là biểu tượng linh thiêng của Ấn độ giáo) thường thản nhiên nằm giữa đường phố, bàng quan nhìn người và xe cộ tấp nập qua lại. Mặc dù có đến hơn 86% dân số là tín đồ Ấn độ giáo, Nepal lại là nơi khởi nguồn của Phật giáo. Theo Phật sử, thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra ở Lumbini, một nơi cách Kathmandu vào khoảng 250km về https://thuviensach.vn phía tây nam, nhưng ngài lại đạt chánh quả và hoằng dương đạo pháp ở những vùng giáp ranh giữa Nepal-Ấn Độ, trước đây vốn không có đường biên giới rõ rệt. Đâu đâu trên đất nước Nepal cũng thấy chùa chiền, đền miếu, tượng thờ, và tín đồ Ấn-độ giáo cũng hồn nhiên đi chùa cúng bái bên cạnh các Phật tử trong một không khí chan hòa thân ái. Bạn có thể dùng máy bay của hãng hàng không nội địa (chỉ khoảng một giờ bay) để đến chiêm bái vùng đất thiêng và trở về trong ngày. Đặc biệt, bạn có thể viếng các chùa quốc tế, đại diện các giáo hội quốc gia trên thế giới, nhất là đàm đạo với thượng tọa Huyền Diệu, là người sáng lập nên khu chùa độc đáo và đa dạng này, từ một lời khởi niệm riêng với đức Phật. Uy tín của ông ở Nepal cao đến độ, mặc dù là một người tu hành Việt, mới đây ông đã được Ủy ban vận động hòa bình ở Nepal mời đóng vai trò hòa giải giữa các phe phái tranh chấp, trong nỗ lực tìm giải pháp ổn thỏa để chấm dứt cuộc tương tàn cho Nepal. Vì lý do an ninh, phần lớn du khách “trái mùa” như tôi chỉ thu gọn phạm vi tham quan trong nội thành và vùng phụ cận của thủ đô Kathmandu. Một trong những nơi gây ấn tượng sâu đậm nhất là chùa Swayambhunath, tục gọi là…chùa Khỉ! Đó là một ngôi chùa cổ, xây theo lối kiến trúc Tây Tạng có tường cao bao quanh, với một tháp vòm (stupa) đồ sộ, tọa lạc trên một ngọn đồi rộng bao la nhìn xuống thung lũng Kathmandu. Trên những bậc tam cấp dẫn lên chính điện, khách vãn cảnh chùa có thể dừng chân đùa giỡn với hàng trăm con khỉ, quen thuộc và dạn dĩ với con người đến mức đưa khách “tay trong tay” đến tận ngưỡng thiền môn, rồi lưu luyến quay lưng xuống núi. Nếu còn thời gian, bạn còn kịp viếng tượng Phật nằm để mường tượng lại sự tích Phật hóa trên giàn củi trên sông Hằng khoảng 2500 năm về trước hoặc tìm về với không gian trầm mặc trong một thiền viện nằm chót vót trên một ngọn núi yên vắng ở phía bắc thành phố. Mặc dù cuộc xung đột vũ trang hiện nay chưa lan tỏa trên toàn lãnh thổ của Nepal, nhưng rõ ràng đã làm chậm hoặc ngưng hẳn bước phát triển của đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên và hiếu khách này (nhất là các lọai mỏ quặng kim loại, thủy điện và du lịch sinh thái). Trong hơn một thập niên, Nepal vẫn dừng lại ở mức thu nhập https://thuviensach.vn bình quân US$1.400/người dân (so với US$2.150 của Việt Nam trên căn bản sức mua, PPP), gần một nửa dân số thất nghiệp, với một mức độ phát triển con người và chất lượng cuộc sống khá thấp (45.5% người biết đọc và viết, 42% tổng số dân sống dưới mức nghèo đói). Dưới đám mây u ám của nội chiến, Nepal là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Rời Kathmandu, đi qua những con phố nhếch nhác phủ đầy bụi bặm, trái tim của khách du lịch như bị cào xé bởi những cuộn dây kẽm gai giăng dọc theo các trạm kiểm soát quân sự dẫn đến phi trường. Dù gì chăng nữa, con người Nepal vẫn còn đẹp bên trong, như nụ cười móm mém nhăn nheo của một cụ già người sắc tộc trong bộ đồ thổ cẩm hoa hòe rách bươm, mà khách lữ hành phương xa đã thu được vào ống kính vào một sáng nắng trong vừa trở lại, sau một đêm mưa tầm tã. Một kỷ niệm buồn chỉ đáng quên, không nên nhớ! Biển Từ cao độ của một trạm vệ tinh, Sri Lanka (ngoài quốc hiệu công bố chính thức vào năm 1972, còn có các tên Serendib, Ceylon, Teardrop of India, Resplendent Isle, Island of Dharma, Pearl of Orient), như một mảng đất được cắt ra từ lục địa thả bềnh bồng trên trên Ấn Độ dương, còn vương vấn quay đầu nhìn về đất mẹ. Nhìn qua cửa sổ máy bay ở một cao độ gần hơn, khách lữ hành có thể cảm nhận được những luồng gió mát sảng khoái tổng hợp từ cây lá, bầu trời và nước biển xanh, cùng một lúc thốc lên từ hòn đảo có hình viên ngọc bích. Điều oái ăm là tất cả các chuyến bay đến và đi từ đảo quốc này đều bắt đầu từ nửa đêm đến hửng sáng trong ngày! Trên suốt đoạn đường gần 45 km từ phi trường Badanaraike dẫn về thành phố, du khách chỉ thấy những dãy nhà nằm lẩn khuất trong bóng đêm hun hút và những biển quảng cáo không bao giờ ngủ. Sri Lanka giống như một người con gái đẹp kiêu kỳ, chỉ thuận lòng cho khách phương xa nhìn ngắm mình trong vùng hồng quang rạng rỡ lúc mặt trời vừa lên! Nhưng điều mà du khách sẽ thấy đầu tiên khi tỉnh giấc chẳng phải là cảnh núi-sông-biển-gấm-nhung-kỳ-vĩ, mà là những con quạ đen https://thuviensach.vn chao đảo, vần vũ không ngớt trên không. Bạn bực mình về những tiếng kêu chát chúa ồn ã của đàn chim đáng ghét ấy ư? Có khi bạn lại còn phải mở tròn mắt khi người bản xứ tiết lộ rằng lũ chim (vẫn thường được xem là biểu tượng của tai họa trong mắt bạn) này đã được “nhập cảng” để góp phần tích cực vào “công cuộc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp” của thủ đô Colombo! Quả thật, ngoài những lúc bay lượn giỡn cợt ầm ĩ với nhau, đám quạ lông-đen tuyền-và-mỏ-quặp-như-người-Ả Rập tận tình săn lùng lũ chuột cống và rỉa rói những vật hư thối còn sót lại trong những đống rác quanh hồ Beira; một nét duyên dáng của thành phố, có thể sánh với hồ Leman của Genève và Hoàn Kiếm của Hà Nội. Nhìn mặt nước xanh đậm đặc như một viên bích ngọc đang trở màu, du khách quan tâm đến môi trường có thể tự hỏi nếu không có lũ chim đáng ghét nhưng tích cực đó, liệu cái hồ vốn đẹp như một bức tranh cổ điển đó có thể tồn tại được bao lâu. Của đáng tội, dùng chim quạ để làm sạch môi trường à-la-Ski Lankan này xem ra cũng thật lạ đời! Nhìn chung, phần đô thị được phát triển từ các khu gia cư và công sở của thời thuộc địa (lần lượt dưới ảnh hưởng của cựu đế quốc Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh quốc từ thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 20), được gìn giữ khá khang trang và sạch sẽ. Người hướng dẫn viên du lịch cho biết sự khác biệt “sạch, bẩn” giữa các khu trong thủ đô tùy thuộc ở tổ chức thâu gom rác là “công hay tư”. Sự tương phản này trở nên rất rõ rệt nếu du khách tò mò vượt đại lộ Sir Chittampalam A. Gardiner Mawatha, từ khách sạn 5-sao Trans Asia, băng qua nhà ga trung tâm Colombo Fort Railways Station để viếng khu chợ “bản địa” Pettah. Bạn sẽ bước vào một thế giới hoàn toàn khác hẳn: tuy trần trụi, tăm tối, nhưng lại rất “đậm đà bản sắc dân tộc”, đầy đủ hoạt cảnh một ngôi “chợ làng” truyền thống (dù trên một qui mô lớn hơn nhiều lần) có thể thấy ở bất cứ một nơi nào trong vùng Thái Bình Dương. Ở đây, bạn có thể mua đủ loại hàng “thượng vàng hạ cám”, từ cây kim sợi chỉ, đồng sắt vụn, máy móc linh kiện điện tử, giày dép, quần áo, trái cây và gia vị… trong cái mùi vị nồng khét hỗn tạp quen thuộc của một đám đông lao động thân trần kiếm sống, quay cuồng như một cái tổ kiến. Cũng tại đây, bạn có thể tìm thấy những loại quả nhỏ nhít như hành, tỏi, sả, ớt, bí đỏ, chuối… và chiêm nghiệm sự chan hòa trong thói quen ẩm thực và trị bệnh https://thuviensach.vn thường thức xưa và nay của các dân tộc khác biệt, nhưng hình như chung cùng một gốc gác trong vùng Thái Bình Dương. Nhưng cũng chính từ nơi này đã khởi nguồn những mâu thuẫn tiềm ẩn dẫn đến nội chiến giữa nhóm thiểu số Tamil (gốc Ấn) đòi tự trị ở vùng phía Bắc và Đông Bắc đảo quốc (chỉ chiếm 18% tổng số dân) và người bản địa Singhalese (chiếm 74% tổng số dân). Mầm mống căn bản của cuộc tương tranh hiện tại có thể tìm thấy từ một sự thật khó hiểu ở ngay khu chợ Pettah: toàn bộ quyền lực thương mại nằm trong tay thiểu số người Tamil và Hồi giáo, trong khi người bản địa chỉ cung cấp những dịch vụ khuân vác và buôn bán trái cây bình thường trong khu chợ. Có lẽ chính vì thế mà binh lính chính phủ (đa số là người Singhalese) đã không nương tay chút nào đối với “phiến quân Tiger Tamil” trong các cuộc tiểu thanh càn quét khủng bố ở các vùng phía Bắc! Điều thú vị nhất để khám phá vẻ đẹp độc đáo của Colombo là theo một chuyến xe lửa đi dọc bờ biển. Với một vé giá 14 Rupees (1 US$ = 100 R), bạn có thể làm một cuộc hành trình kéo dài một tiếng đồng hồ đến thành phố Kalutara, cách Colombo 42 km về hướng tây nam. Những toa xe được đóng từ Ấn Độ trên đường ray 2 mét, còn đậm nét lạc hậu của một xứ sở khổng lồ lại nặng sức ép nhân mãn, nhưng tương đối sạch sẽ, trật tự và lịch sự, mặc dù đa số hành khách là giới lao động nghèo khó. Như thể được trời đất và thiên nhiên hậu đãi, khách đi tàu được tận hưởng những cơn gió mang hơi nước mát rượi từ biển xanh mênh mông, thổi xuyên suốt những toa tàu đặc quánh hơi người. Con đường sắt chạy song hành với bờ biển, qua các những ghềnh đá cheo leo, có khi đưa con tàu lại gần biển đến nỗi khách có thể đưa tay vọc đùa cùng những đợt sóng lô xô lớp lớp đổ vào bờ. Trong màu xanh miên viễn của biển, trời và những hàng dừa ngút mắt, khách nhàn du dường như không còn nhận thức rõ rệt giữa thực và mộng, bến và bờ. Dân miền biển không cầu kỳ và “hoa hoè, hoa sói” như các dân tộc ở miền núi. Khắp nơi trên đảo quốc, đàn ông thường chỉ quấn một loại “sarong” giản dị, lưng để trần khi ở trong nhà cũng như khi ra ngoài đường. Đàn bà thì ăn mặc có phần kín đáo hơn, nhưng xem ra vẫn còn quá “nhẹ nhàng” so với thiếu nữ đời mới! Chẳng biết trong thời https://thuviensach.vn gian “đi bụi” quanh các đảo ở Thái Bình Dương, Gauguin có vẽ được bức tranh “thuần thiên nhiên” nào cho thiếu nữ Ceylon ngày xưa không? Sri Lanka được xem là “xứ của Phật” với hơn 70% dân số là Phật tử, nhưng mọi tôn giáo hầu như đều đã “sống chung hòa bình”, hài hòa trong suốt bao nhiêu thế kỷ. Bên cạnh những ngôi chùa cổ lớn, vết tích của đợt truyền đạo đầu tiên vào giữa thế kỷ thứ ba trước Thiên chúa giáng sinh từ Ấn Độ, còn có nhan nhản những tháp chuông trắng xóa mang sắc thái nhiệt đới Địa Trung Hải của Bồ Đào Nha và gạch phôi đỏ đậm đặc thù Bắc Âu của Hà Lan và những đỉnh chóp cao vút của vùng sa mạc Trung Đông. Cơ man tượng Phật, thần nhiều tay Bà La Môn, Chúa Jesus và Mẹ Maria đồ sộ, được đựng lên ở nhiều góc đường, làm tăng vẻ trang nghiêm và mộ đạo của dân xứ đảo hồn nhiên và dễ tính này. Khách lữ hành đã có lần ngạc nhiên đến thích thú khi nhìn thấy cộng đồng ngư dân (đa phần là tín đồ công giáo) sống chen chúc và sinh hoạt trong những căn nhà hộp tối tăm và tạm thời dọc theo bờ biển, nhưng phía trước sân bao giờ cũng trang trọng một bệ thờ Chúa hay Đức Mẹ đồng trinh. Phía bên kia đường là địa giới sinh sống của nông dân giữa những rặng dừa, vườn cây trái và ruộng lúa với những căn nhà tuy nhỏ nhưng gọn gàng, ôm quanh những ngôi chùa mái ngói đỏ. Trời vừa vào chiều là thời gian cao điểm của tình yêu trên bãi biển ở Colombo. Dọc theo bãi Galle Face, những cặp tình nhân “tay trong tay” chia nhau những chiếc ghế đá đặt rải rác trên chiều dài chừng một kilômét, ngồi rù rì hàng giờ cùng gió biển trong phương thức “hai-trong-một” rất phổ biến trong giới trẻ hiện đại. Họ thật dễ thương và ý tứ biết bao khi người nữ thường mang theo những chiếc dù màu, chẳng phải để che những tia nắng sỗ sàng xăm xoi vào cuối chiều, mà để giữ những nụ hôn vội vàng và đắm say chỉ dành riêng cho đôi lứa mình! Điều kiện thiên nhiên chắc chắn là tiền đề phát triển về cách sống và đặc tính tâm lý của một dân tộc. Khác hẳn với đất mẹ Ấn Độ, đảo quốc Sri Lanka với những ưu đãi hào phóng của thiên nhiên không hề mang dấu vết của một sức ép sinh tồn nào, ngoại trừ cuộc chiến https://thuviensach.vn tranh nội bộ đang ngày càng mất dần ý nghĩa. Toàn bộ đảo quốc chỉ rộng khoảng 66.000km2 (gấp 110 lần đảo Phú Quốc và nhỏ hơn Việt Nam 5,6 lần), với một dân số chỉ nhỉnh hơn 19 triệu người, Sri Lanka lại vượt hẳn Việt Nam về mức thu nhập bình quân 3.700 US$/người tính theo mãi lực, chủ yếu từ sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng chế biến nông nghiệp như cao su, trà, dừa, thuốc lá, mía, dầu thực vật, gia vị, sữa, trứng… Chỉ quan sát riêng mặt hàng trà trong khu miễn thuế ở phi trường cũng đủ để thấy rõ ràng ưu thế cạnh tranh dựa trên tính chuyên nghiệp của Sri Lanka, qua các mẫu mã đa dạng, chất lượng, chỉ dẫn sử dụng chính xác, phương pháp tiếp thị và xúc tiến nhãn hiệu. Nhưng tiềm năng kinh tế đáng kể và bền vững nhất của Sri Lanka lại chính là du lịch, với khoảng 500.000 lượt du khách và 350 triệu US$ doanh số trong năm 2003 và dự kiến sẽ đạt 600 triệu US$ trong năm 2006. Yếu tố đóng góp hữu hiệu nhất để quảng bá Sri Lanka như một “điểm đến du lịch” l ý tưởng có lẽ là tính hiếu khách, hồn nhiên và thành thật của cư dân đảo. Người viễn khách đã có lần thật sự cảm động khi một nhân viên kiểm soát vé ở ga Colombo Fort Railways Station đã tận tình chỉ dẫn những chi tiết cần thiết để theo chuyến tàu “đi thực tế” dọc bờ biển. Khi biết người viết … không phải là người Nhật, ông lại rút ra từ trong túi những chíếc vé “bao cấp” dành riêng cho nhân viên đường sắt để đưa người bạn “vừa quen biết từ phương xa” qua trạm kiểm tra, cho đến tận cửa toa tàu! Ngồi trên máy bay về lại quê hương, trong tiếng rù rì buồn nản của động cơ như cùng chia sẻ nỗi mệt mỏi của hành khách trong chuyến bay đêm “trái giờ”, người xa xứ tự dưng lại nghĩ đến chuyện Tổng cục Du lịch ở quê nhà vẫn còn loay hoay chưa tìm ra được một câu khẩu hiệu để quảng bá cho “nền kinh tế mũi nhọn đang lên” mà mủi lòng. Nếu không có gì phiền, người xa xứ xin giới thiệu một địa chỉ để gợi nguồn cảm hứng: www.srilankatourism.org. AIT, 2004 https://thuviensach.vn Rừng thu “Je me promène, donc je suis” (Tôi đi dạo, vậy tôi hiện hữu) (Phỏng theo Descartes) Ở những nơi có bốn mùa phân biệt rõ rệt, có lẽ mùa thu đẹp và để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người. Nhưng mùa thu năm nay là thời điểm của đủ loại thiên tai và nhân tai, trầm trọng đến nỗi có người gọi là “tháng mười của những cú sốc” (Shocktober) với hàng loạt những cuộc động đất, bão lụt, bom tự sát, diệt chủng, xung đột tôn giáo, khủng bố… vượt tầm mức thông thường, bao trùm lên tất cả là cuộc suy thoái tài chánh-kinh tế vô tiền khoáng hậu đang lan rộng trên toàn cầu và vẫn chưa thấy dấu hiệu phục hồi. Trong sự hoang mang và tuyệt vọng tìm kiếm một lối thoát cho sự bế tắc chu kỳ của thiên niên kỷ mới, con người cần có thời gian và cơ hội suy tưởng để hiểu mình, hiểu đời và hiểu toàn khối vũ trụ quanh mình hơn, ngõ hầu có thể vượt qua những khó khăn trước mắt và tiếp tục tồn tại. Mùa thu của bầu trời trong xanh và lá vàng rộn rã có thể giúp người ta hồi tưởng những phút giây, ngày tháng; những sát na tuy ngắn ngủi, mà nhẹ nhàng và đầy kỳ diệu của đời người. Thụ cảm mùa thu đã giúp người ta tìm ra phần tinh tế của mình và khơi nguồn suy tưởng mới, để lại nhiều kiệt tác về cảnh sắc (Thu vịnh của Nguyễn Khuyến, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư), về tình yêu (Le lac của Lamartine, Tình thu của Xuân Diệu) và về triết lý chính trị-xã hội (Meditationes de prima philosophia của Descartes, Les confessions và Les rêveries du promeneur solitaire của Jean-Jacques Rousseau). Nhưng đáng kể nhất phải là những cuộc đi dạo (thuờng là đơn độc) của Jean-Jacques Rousseau mà kết quả của những https://thuviensach.vn điều ông ghi nhận đã tạo tiền đề cho những cuộc cải cách giáo dục và chế độ chính trị; cụ thể nhất là cuộc cách mạng Pháp vào năm 1789. Cuộc đời và số phận của Jean-Jacques Rousseau ở Pháp cũng trầm kha, trôi nổi như Tô Đông Pha bên Trung Quốc, mặc dù hai người sống cách nhau gần mười thế kỷ. Điều giống nhau là cả hai đã tìm ra một cách riêng để chôn vùi những khổ lụy của đời mình dưới những đống lá vàng xếp lớp dưới chân trong những cuộc đi dạo. Những cuộc dạo chơi thảnh thơi giữa thiên nhiên đã giúp họ thoát ra ngoài tấm thân mượn tạm, cuộc sống phù du và vượt lên trên những điều bình thường với những bài thơ tuyệt tác được ca tụng như “hành văn, lưu thủy” của Đông Pha hay tư tưởng dẫn đạo qui định lại mối liên hệ giữa con người và xã hội (“Du contrat social ou principles du droit politique”) của Rousseau. Người ta kể rằng, do buồn lòng vì những cáo buộc (đạo đức giả, không trung thực, hèn nhát, đạo văn…), đôi khi quá khích (đốt sách, ném đá) của người đương thời đối với những tư tưởng cải cách mới mẻ trong cuốn Emile (hay Bàn về giáo dục) và Contrat social (Khế ước xã hội) mà Jean-Jacques Rousseau đã lui về sống ẩn dật giữa hồ Bienne trên đảo Saint Pierre và sau đó, trong dinh cơ đồ sộ của bá tước de Girardin, một người ngưỡng mộ văn tài của ông, ở phía bắc Paris và bắt đầu ghi lại những cảm nhận riêng tư của mình trong những cuộc đi dạo hằng ngày kéo dài trong hai năm, từ mùa thu năm 1776 đến hết năm 1778. Cuốn Les rêveries du promeneur solitaire (Những mơ tưởng của người đi dạo đơn độc) ghi lại những suy nghĩ sâu sắc và độc đáo của ông trong mười cuộc dạo, nhưng thật sự chỉ có tám chương được chính ông tự duyệt lại và hệ thống hóa để in thành sách, phần còn lại đành phải dang dở (dù có in, nhưng không được ông hiệu đính lại) vì cuộc ra đi bất ngờ (trong một hoàn cảnh khá bi đát) vào cõi vĩnh hằng của ông vào năm 1778 ở Ermenonville. Dù là “suy tưởng” (meditation) trong trường hợp của Descates và Lamartine, hoặc “mộng tưởng” (rêverie) như Rousseau, chắc chắn là những chiếc lá vàng tươm, khu rừng u tịch, con đường mòn vắng https://thuviensach.vn