🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Một Cách Để Của Cho Con
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : MỘT CÁCH ĐỂ CỦA CHO CON
Tác giả : D.Q.H
Nhà xuất bản : HỌC-GIỚI BẢO-TRỢ TỈNH NAM-ĐỊNH ------------------------
Nguồn sách : Thư viện Quốc gia Việt Nam
Đánh máy : Nguyễn Thị Kiều Tiên
Kiểm tra chính tả : Vũ Minh Anh, Nguyễn Đăng Khoa, Tô Thúy Nga, Cao Ngọc Thùy Ân, Ngô Thanh Tùng
Biên tập chữ Hán – Nôm : Trần Tú Linh
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 27/12/2019
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả D.Q.H và HỌC-GIỚI BẢO-TRỢ TỈNH NAM-ĐỊNH đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
MỘT CÁCH ĐỂ CỦA CHO CON
1) GƯƠNG-PHONG-TỤC
2) NÒI GIỐNG HỌ HÀNG
3) CÁI HẠI NUÔNG CON
4) TRÍ KHÔN LOÀI VẬT
A) Chó nhà hàng trong trại lính
B) Chim gáy
C) Bu-du
D) Sư tử của tên Androclès
E) Chuyện ba con mèo
5) CẢNH HUỐNG CON NGƯỜI TA Ở ĐỜI
6) HAI BÊN Ý HỢP TÂM ĐẦU (Bút sắt và bút lông nói chuyện)
7) THAM THÌ THÂM, CỔ-NHÂN DẠY THẾ (Hai con chim gáy nói chuyện)
8) MỘT BUỔI ĐI CHƠI TỐI HÔM TẾT TRUNG-THU (2 octobre 1925)
9) NGHĨ TIỀN HẬU TÚNG DU TÂY HỒ CỔ KIM KÝ SỰ PHÚ (Độc cảnh tự vận)
10) BỌT BỂ
A) Có mấy thứ bọt bể ?
B) Nghề kiếm bọt bể
C) Bọt bể làm đồ dùng
11) NHÀN ĐÀM (Giấc mộng đêm hè)
A) Voi trâu than thở
B) Chuyện anh hàng thịt quay và anh phu gánh C) Câu truyện dưới giăng
12) CURIEUX PARTAGE
13) UNE ÉPITAPHE ARITHMÉTIQUE ET POÉTIQUE
14) ADMINISTRATION SCOLAIRE : ABSENCE (AUTORISATION) VOIR PERMISSION
15) MỘT BÀI HỌC BÌNH ĐẲNG
16) ĐỐ CHỮ
A) Trong nhà thày ký
B) Trong nhà thày thông (láng giềng) C) Trong nhà thày ký
D) Ngoài cửa nhà thày thông
E) Chiều ở nhà thày ký
17) THƠ
« KHUYÊN BẠN HỌC-SINH »
« THƠ KHUYÊN HỌC »
« SỰ LÀM PHÚC »
« LẠC-THÚ GIA-ĐÌNH »
« KHUYÊN BẠN ĐỪNG BỎ NGHỀ GIÁO HỌC » « TẶNG BẠN VÀO HỌC LỚP SƯ-PHẠM » « GỬI CHO BẠN HỎNG THI »
« TIỄN BẠN » (Tập Kiều)
« ĐÊM MƯA »
« ĐỀ VƯỜN CẢNH »
« LỮ KHỨ SẦU NGÂM »
« CÂY ĐÀN »
« ĐIỀN GIA GIẬT NỮ NGÂM » « THU DẠ CẢM HOÀI »
« BÀI HỌA »
« VÌ ĐÂU NÊN NỖI DỞ DANG » « VĂN ĐÀN » (Mỵ-Châu Trọng-Thủy) « SẨM NHÀ TRÒ »
« THƯ VIẾT TRẢ LỜI BẠN »
« MONG CỐ NHÂN »
« ĐÊM THANH NHỚ BẠN »
VỊNH KỊCH « LỌ-VÀN »
« ĐÊM THU TỰ THÁN »
« MỐI SẦU »
« BÁ-NHA KHÓC CHUNG-TỬ-KỲ » « VỊ-HOÀNG HOÀI CỔ »
« LỮ THỨ ĐÊM BUỒN »
« ĐÊM QUA THẤY »
« LỜI KHUYÊN HỌC TRÒ »
« KHÓC BẠN CHẾT YỂU »
18) ĐỜI NGƯỜI
19) HỌP NHAU THÀNH SỨC KHỎE 20) CON QUẠ VÀ CON CÁO
21) GÁI TRINH CHẾT YỂU
22) TRUYỆN THẦN TIÊN
23) DĨ-VÃNG
24) SỰ LÀM PHÚC
25) THƯ HOÀI
26) TRINH-PHỤ
27) LUÂN-LÝ TIỂU-THYẾT : MỘT NHÀ TRIỆU-PHÚ 28) TIỂU THUYẾT TẦU : ÔNG LÝ-THÁI-BẠCH
院書通普南越
BIBLIOTHÈQUE ANNAMITE DE VULGARISATION MỘT CÁCH ĐỂ CỦA CHO CON
D.Q.H SOẠN
TOUS DROITS RÉSERVÉ
GIÁ : 0$45
HỌC-GIỚI BẢO-TRỢ TỈNH NAM-ĐỊNH XUẤT BẢN
MỘT CÁCH ĐỂ CỦA CHO CON
Muốn cho con cái sau có quyền cao chức trọng, nhà ngói cây mít, ao cả ruộng liền là lẽ thường tình của mọi người. Vị lòng ước ao ấy mà lắm người chắt bóp từng đồng, dè sẻn từng li, ăn nhịn để dành, mong gây dựng cho con cái mai sau. Tuy phải khó nhọc, hoặc dầm nắng dãi mưa, hoặc chân bùn tay lấm, hoặc chèo non vượt biển, mà miễn kiếm được dư dật ít nhiều dành dịn nay tí mai tí, lâu dần thành tiền đống để lại cho con làm vốn liếng là cũng không há răng hở môi phàn nàn chi cả. Có khi thương con quá, đến nỗi không nỡ trái ý, muốn sao cho vậy, không dám bắt học hành, sợ con phải nhọc mà thường nghĩ thầm rằng : ngày nay là buổi kim tiền thiết huyết, nay ta dành dịn có tiền thì nhờ oai đồng bạc dẫu đổi trắng thay đen còn được, huống chưng là lo danh phận cho con, tưởng dễ như dở bàn tay có khó gì. Vả chăng đến khi con ta nhớn khôn lên, sẵn đã có vốn liếng nó làm ruộng đi buôn, làm gì chả đủ được sung-sướng, tội gì bắt nó vùi đầu vào quyển sách suốt ngày cho mệt thân nó. Mà lại lắm người văn hay chữ tốt nhưng vẫn cũng xác như vờ, sơ như rộng thì tội gì ta bắt con ta mỏi óc nhọc xác làm chi.
Ôi ! Thương con đến thế thật không thương phải đường ! Cái lý tưởng để của chìm của nổi cho con còn hơn là cho con ăn học thật là sai lầm lắm lắm. Ta đã thấy bao nhiêu nhà trọc-phú chỉ lắm của nhiều tiền mà óc rỗng tếch, ngu si, dại dột, tròng vào chữ như xem vào tường, hay phải lừa đảo, người bảo phải chả theo, chỉ nghe kẻ nói dối, nên
chẳng bao lâu phải mình trần chôn-chã, chơ thân cụ còn hai bàn tay trắng. Đến bấy giờ tiền hết gạo không lấy gì làm cách sinh nhai, tất phải xoay ra cách lường thầy phản bạn, dối-da gian-tham, nhân cách con người sao cho giữ được, còn nói chi đến sự chia bùi sẻ ngọt, báo đáp sinh thành.
Nước đã đến chân, nhẩy sao cho kịp, vì cha mẹ lo không phải đường, tính chẳng ra lối mà dí đại họa cho con.
Trông người phải ngắm đến ta, ta há chả nên lợi dụng cái nhầm của người mà định liệu cách để của cho con ta sau này thế nào cho phải đường ư. Ta nên nhận biết rằng, thế kỷ ngày nay là thế-kỷ lý luật, khôn được dại thua, hớ hênh thiệt của, vô ý mất tiền, vì lắm kẻ hiểm thâm vô lại, dùng thiên phương bách kế, phép quỉ chước ma để bóc tước anh khờ, anh dốt, chẳng thương chi người dại, không xót gì kẻ ngu. Ngày xưa, người dốt nát đần độn nhưng chịu cằm cụi chũi đụt làm ăn thì còn giữ được của, nhưng ngày nay người dốt nát, kẻ ngu si khó giữ được của mà ăn ; cho nên ta phải lo trước nghĩ sau thế nào cho con ta sau này có thể cạnh tranh với người đời quỷ quyệt.
Đi qua rừng rậm lắm loài ác thú, tất phải có khí giới mấy bảo toàn được tính mệnh ; ở đời quỷ quyệt, tất phải khôn giỏi mới có thể bảo hiểm được thân mình.
Đành rằng cái khôn giỏi là những khí giới mạnh để hộ vệ cho người, nhưng tìm đâu thấy, lấy đâu được ? Xin đáp rằng : sự khôn giỏi hay ẩn núp trong những quyển sách tốt. Thực vậy, những sách tốt là những tiếng của bạn hiền khuyên nhủ êm đềm ta làm những điều hay, dạy dỗ ta ngọt
ngào những nhẽ phải, miễn là ta biết kiên tâm bền chí mà học tập, vui lòng mà tuân theo là được. Thủa xưa, ông Drouot nhà nghèo cảnh khổ, chỉ nhờ có học mà nên khanh tướng, vẻ vang mày mặt rõ ràng mẹ cha ; bà Mạnh-mẫu, mẹ góa con côi, chỉ biết chăm cho con học hành mà được hiển vinh sung sướng, tiếng thơm để lại nghìn thu. Muôn nghìn người khác nhờ có học mà được vinh thân phì gia kể sao cho hết. Thế mới biết cổ-nhân nói : « Để nghìn vàng cho con không bằng dạy con một quyển sách », thật là có lý lắm. Vậy, bất cứ ta muốn sau này cho con làm nghề gì, trước hết ta nên cho học đến nơi đến chốn đã, mà nếu có thể cho học được thì những cách lối tắt đường ngang mong cho chóng được cái danh giá hão huyền, ta chớ nên dùng đến, vì nghề nào cũng vậy, làm ruộng, đi buôn, làm thợ, nếu có học rộng biết nhiều tất có cơ mở mang to tát được. Xem như những nhà nông công thương các nước văn-minh lập nên nghiệp nhớn, có danh tiếng lừng lẫy hoàn cầu, hầu hết là những tay cự phách trong làng nho, xuất thân ra đường thực-nghiệp, chứ những người vô học thức đương sao nổi những việc nhớn được. Nói tóm lại là hễ cho con học được đến nơi đến chốn, tức là để cho con cái của rất chắc chắn vậy.
D.Q.H.
1) GƯƠNG-PHONG-TỤC
Thiên-hạ mỗi nước có một phong-tục, mà trong nước cũng mỗi nơi có mỗi phong-tục. Những nhời ca-dao này tức là cái tinh thần hồn phách của thói tục trong nước hiện ra. Hễ thói tục hay thời có câu ca-dao hay, thói tục dở thì có câu ca-dao dở. Điều hơn nhẽ thiệt, kẻ dại người khôn, không sự gì là không đủ. Cũng là một cái gương cho người trong nước ta soi chung. Không cứ nhớn nhỏ giai gái, ai cũng nên đem cái gương này mà soi vào mình, điều hay thì nghĩ xem mình có được như thế không, điều dở thì xét xem mình có phải như thế không. Hay khen hèn chê, nào ai có búng miệng thiên-hạ. Tốt phô xấu đậy, chửa dễ mà che mắt thế-gian. Nhời ông bà cổ sơ nói, chẳng điều bỏ đi ; thực là một sự khuyên răn rứt thiết cho người ta, không phải là để nghêu ngao cho đỡ buồn mà thôi.
Xưa kia ta chỉ học sách quốc-phong nước Tầu, thì chưa ai chép đến sách này. Từ khi có lối học mới thì ta mới biết cái thói tục của mình là sự cần hơn. Nên cũng đã một vài người có chí, chép nhặt lấy mấy nhời qua ở các miền quê, mà ghi làm quốc-phong của nước mình.
Những sách ấy chép có ba lối : một là chép theo lối quốc-phong nước Tầu mà chia ra từng phủ từng huyện ; hai là theo lời ca mà chia loài mục, như là mục cây cỏ, mục núi sông ; ba là dịch nghĩa nhời ca làm câu thơ chữ nho, mỗi câu bốn năm chữ, như lối thơ quốc-phong nước Tầu. Mỗi sách mỗi lối cũng là có một ý kiến cả.
Đến như sách này, là góp nhặt mọi nhời ca mà suy xét tình ý, xem câu nào ý gì sẽ lựa theo mà chia mục, cả thảy mười mục là ba mươi tám tiết, trước hết lấy sự luân-lý làm đầu, rồi đến các bực người, các giọng nói, nhân tình thế sự, khí đất tiết giời, gần từ trong nhà, xa đến ngoài nước, loài nào mục ấy, làm cho người xem mở sách thấy nghĩa ngay, còn những nhời chưa rõ là tình ý gì, mà nhời nhẽ hay, thì cũng chép phụ xuống cuối sách, gọi là ghi nhớ lấy nhời cổ tích mà thôi.
Sách này là biên chép, không phải là đặt ra, nói hay nói dở là tự nhời người xưa, mà biết dở biết hay, thì ở lòng người xem sách, duy những nhời chua bàn, là người chép sách có phụ thêm ý mình, làm cho rõ nghĩa, song cũng phần nhiều là dẫn nhời phương-ngôn tục-ngữ là điển-tích cho rõ, là nói có sách mách có chứng, không dám tự ý riêng mà nói phải lấy một mình.
Song nhời ca-dao trong một nước có nhẽ còn nhiều, sách này tuy rằng góp nhặt đã kỹ, nhưng mà tai mắt một người đã lấy đâu làm đủ được, vả lại các bài ấy phần nhiều là sao ở miệng người, không phải là có bản sẵn, nên dẫu so xét cũng chưa chắc đã khỏi sự sai nhầm, nếu sau này các ông biết rộng, có ý giúp vào, góp gió làm bão, như gấm thêm hoa, cho cái gương soi chung trong nước một ngày một tỏ, mà tai mắt chúng ta càng trông xa nghe rộng mãi ra, ấy là phần trông mong về những người thông thái.
ĐOÀN-DUY-BÌNH
2) NÒI GIỐNG HỌ HÀNG
« Máu gà lại tẩm xương gà,
Máu người đem tấp xương ta thế nào ».
Người ta hơn các giống vật được cái luân thường. Nếu biết quí loài giữ giống. Máu chảy đến đâu, ruồi bâu đến đấy, nghĩa là cùng huyết mạch thì biết thương nhau. Máu người không tẩm được xương ta, nên máu mủ nhà ta, ta phải quí. Đây tiết đầu bài thứ nhất. Đem nhời này xướng lên trước, cho tỏ sự nòi giống là gốc cương thường.
« Trứng rồng lại nở ra rồng,
Liu-điu lại nở ra dòng liu-điu ».
Người ta nói : con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Xem ra người hay kẻ dở cũng ở nòi giống nhiều. Đây hai chương trên là nói con nhà dòng dõi hay nối nghiệp nhà. Mà chương dưới là nói : nòi nào lại ra giống ấy.
« Con vua thì lại làm vua,
Con nhà thày chùa lại nhặt lá đa.
Con quan thì lại làm quan,
Con nhà kẻ khó đốt than tối ngày ».
Làm quan có mả, kẻ cả có dòng. Lối thường xưa nay vẫn thế, nhưng mà có chí làm nên quan, có gan làm nên giầu. Giời không đóng cửa ai. Nhẽ nào con nhà nghèo hèn cứ phải nhặt lá đốt than mới được.
« Có cha có mẹ thì hơn,
Không cha không mẹ như đờn không dây ».
Con có cha như nhà có nóc, dù khôn dù dại. Lúc ấp vú mẹ thế nào chẳng hơn. Xem chương này thì người ta lúc có cha có mẹ nên liệu mà ăn ở.
« Xin người hiếu-tử gắng khuya,
Kịp thời nuôi nứng cho tuyền đạo con ».
Trẻ cậy cha, già cậy con, người ta ai cũng phải thế. Đạo làm con nên nhớ ơn cha mẹ nuôi mình thủa nhỏ, mà báo dưỡng lại lúc cha mẹ già.
« Công cha bằng núi Thái-sơn,
Công mẹ như nước trong nguồn chảy ra ».
Cha mẹ không kể công mấy con, như mà làm con thì nên biết công cha mẹ. Phàm người ta ăn ở, có gốc thì có ngọn.
Đừng như chuyện mẹ nuôi con bằng giời bằng bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày.
« Gió đưa cây của lý hương,
Xa cha xa mẹ thất thường bữa ăn.
Sầu riêng bữa chả muốn ăn,
Đã mang lấy bát lại rằn xuống mâm ».
Lòng thương người ta, trông xuống thì nhiều, trông lên thì ít, nên phần nhớ cha mẹ, không bằng phần nhớ vợ con. Chương này xa cha mẹ mà nhớ đến quên ăn. Thực là người con có hiếu, những tình cảnh ấy một là con giai đi xa vắng, hai là con gái mới đi làm dâu.
« Con mẹ có thương mẹ đâu,
Để cho chàng rể nàng dâu thương cùng ».
Dâu hiền nên gái, rể hiền nên giai, thế-gian cũng thường có ; nhưng mà con đẻ ra còn chưa thiết thì trách dâu trách rể sao được. Khác gì chuyện anh em khinh trước làng nước khinh sau.
« Sống thì con chẳng cho ăn,
Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi ».
Thói đời lạ nhỉ, sống chẳng cho ăn, chết làm văn tế, sống mặc áo rách, chết chôn áo lành, coi như là trọng cái linh-hồn, mà khinh cái xác thịt. Song xét không phải thế, chỉ là giả nợ miệng, cùng là che mắt đời. Chớ không vị gì người chết, nếu có lòng hiếu kính với cha mẹ, thì đem đồ ăn thức mặc mà phụng dưỡng ngay lúc sống có hơn không.
« Bốn con ngồi bốn chân giường,
Mẹ ơi mẹ hỡi mẹ thương con nào.
Mẹ thương con bé mẹ thay,
Thương thì thương vậy chẳng tầy trưởng-nam ».
Xem như chương này bát máu xẻ làm năm làm bảy, con nào là cha mẹ chẳng thương, như mà các con ở với cha mẹ thế nào, hay là lại như câu : cha chung không ai khóc.
« Đói lòng ăn khế ăn sung,
Trông thấy mẹ chồng mà nuốt chẳng trôi ».
Khế thì chua, sung thì chát, đời người đến sự chua chát thì không còn há gì ; thế mà trông thấy mẹ chồng lại nuốt chẳng trôi, thì tình cảnh càng cay đắng lắm. Chương này có ý oán ức. Không phải như câu : rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn.
« Thật thà cũng thể lái trâu,
Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng ».
Thế-gian con gái nhà này, con dâu nhà khác. Ai cũng có làm nàng dâu, rồi mới lên mẹ chồng. Thế thiên hạ cũng lắm người chướng ác. Lúc làm dâu thì coi mẹ chồng là lông con lợn. Lúc làm mẹ chồng thì đem nàng dâu làm bồ chịu chửi. Làm cho người con giai thương vợ thì ra điều bất hiếu. Chiều mẹ thì mang tiếng bạc tình. Có phải tan cửa nát nhà chỉ vì đàn bà mà ra không.
Xét ra chỉ vì đàn bà ta ít phần học thức. Phần nhiều là lấy thói cay nghiệt mà rỏ giọt cho nhau. Bởi vậy nên đua nhau lấy thói ấy mà làm lợi quyền của đàn bà, mà không ai chịu đổi bỏ.
Thôi như mà con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về. Ngảnh mặt đi con dại, ngảnh mặt lại con khôn. Không nên bắt chước câu : mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng.
Còn như phận làm dâu, thì thế nào cũng là dâu con nhà người. Mẹ chồng dữ thì mẹ chồng chết. Nàng dâu có nết thì nàng dâu chừa. Con người ta ở hiền thì gặp lành. Bắc cầu mà noi không bắc cầu mà lội.
« Chồng rự thì lo,
Mẹ chồng mà rự mổ bò ăn khao ».
Khôn chẳng qua nhẽ, khỏe chẳng qua nhời. Bực này hẳn vững mình biết đường ăn ở. Không phải là tai quái mà bỏ hồ mẹ chồng.
« Cô kia đội áo đi đâu,
Tôi là phận gái làm dâu mới về.
Mẹ chồng ác nghiệt đã ghê,
Tôi ở chẳng được, tôi về nhà tôi ».
Mẹ chồng ác nghiệt đến nỗi nàng dâu phải đội áo ra về, thì cũng sắc tay lắm nhỉ. Như mà chị này cũng vụng, sao không trông người ta mổ bò ăn khao.
« Mấy đời bánh đúc có xương.
Mấy đời dì ghẻ có yêu con chồng.
Mấy đời sấm trước có mưa.
Mấy đời dì ghẻ có ưa con chồng ».
Người ta thường nói máu chảy đến đâu, ruồi bâu đến đấy. Cái ấy là nhẽ tự nhiên. Song ở đời phần nhiều là vì luân-thường mà nên lòng yêu mến. Tức như, bè bạn có phải là máu mủ gì đâu, sao cũng có lắm kẻ thân thiết như ruột thịt. Mẹ gà con vịt, tuy không phải khúc ruột rật ra nhưng mà cha sinh chẳng bằng mẹ dưỡng. Mượn máu còn hơn cháu chồng. Dì ghẻ cứ giữ đạo mẹ mà trông xuống con chồng, thì con chồng cũng phải giữ phận con mà ở lại. Có nhân thì nhân mọc. Chớ nên đem lòng ghẻ lạnh, mà thêm điều dòng nọ thớ kia.
Tuy rằng thế : bánh đúc không xương, cửa miệng vẫn quen trách dì ghẻ. Song phận làm con xẩy mẹ bú dì, cũng phải ở cho người ta thương, thì người ta mới thương được. Chớ có nại cái câu : vợ cái con cột mà muốn ngang thì ngang, muốn ngược thì ngược. Rồi lại trách mẹ ghẻ chẳng đẻ chẳng thương.
3) CÁI HẠI NUÔNG CON
Cha mẹ sinh ra con nuôi nấng chịu hao tổn bao nhiêu công của, vậy ai là người chẳng có lòng thương yêu con cái. Mà thương con, yêu con là cái thường tình của cha mẹ xưa nay vậy. Nhưng mình đã thương yêu con cái, ắt là mình chỉ tâm tâm niệm niệm mong cho con mình chóng nên người, có thế thì mình mới được vui lòng hả dạ. Nhưng ta đã thương yêu con ta thì ta phải liệu cách mà dạy bảo rèn đúc, chớ yêu quá hóa nuông, thành thử mong cho con khá lại hóa hại con !
Ô hay ! Yêu con sao ai lại dám bảo là hại con ? Chắc hẳn độc-giả đã vội ngạc-nhiên mà chất-vấn một câu như thế hẳn ? Thưa rằng : mình yêu con mình thì mình phải để tâm mà chăm chút cho con, tìm thầy tìm bạn cho con học, liệu tư-cách của con mà bồi bổ trông nom, chớ để nay rông mai dài, muốn sao được vậy, rồi thành thử cái dở cái hư mà mình không ngờ nó theo đến lúc nào không biết.
Ôi ! Ký-giả đây đã từng được mục kích bao nhiêu các cậu thiếu-niên nhà cửa cũng phong phú, song chỉ hiềm cha mẹ quá nuông con, hóa cho nên cơ đồ hỏng cả, sự học hành của các cậu lỡ bét, dở dang dang dở, cái cảnh tượng ấy khiến người có tâm cùng thế-đạo đều phải ngậm ngùi mà than thở…
Lại biết bao kẻ vì cha mẹ xưa nay quá chiều hóa ra du thủ du thực, muốn chơi bời ngang dọc thế nào là cứ tùy ý sở thích, rồi du-côn dở, láu cá dở, đạo-đức dở, văn-nhân dở !
Ôi ! Càng nghĩ càng khiếp, càng viết càng ghê, ghê vì một nỗi cái ngộ-điểm trong gia-đình mà những bậc làm cha mẹ không để tâm săn sóc cho con, mà lại quá dưỡng quá nuông con để hóa ra giết con trong những cơ cực ấy. Mà nào con mình hư, có riêng hại một mình nó, một mình mình mà thôi đâu, lại hại lây cho cả quốc-gia nữa vậy. Vì đứa bé kia giá nó sớm được cái giáo-dục hoàn toàn trong gia-đình, ắt nó sẽ là người đủ tư cách ở ngoài xã-hội, rồi nó làm công nọ việc kia, một mai giúp được việc cho nhà cho nước… Thế mà mình nuông con, thành thử để con hư, vậy chẳng phải mình làm hại lây đến cả xã-hội là gì ?
Vậy dám nhắn nhủ các bậc làm cha làm mẹ đã sinh ra con là phải liệu cách chăm nom, chớ nên nuông con quá, rồi mai sau nó không đủ tư-cách làm người thì mình không khỏi đắc-tội với quốc-dân vậy.
ĐỒNG-GIANG MINH-CHÂU
NGUYỄN-VĂN-DƯ
4) TRÍ KHÔN LOÀI VẬT
Nhiều loài vật giúp đỡ ta công này việc khác hoặc để thêm phần lợi ích, hoặc để bớt sự sợ lo cho ta. Lại có nhiều con ăn ở tử tế nhân nghĩa, khôn ngoan mưu trí lạ thường, tưởng nhiều người vô trí thức, vô phẩm hạnh khó sánh bằng được. Mấy bài dịch sau đây đủ chứng minh điều ấy. (Q.S. trích dịch)
A) Chó nhà hàng trong trại lính
« Cậu bé Frilzel kia ơi, con chó này là của cậu đấy à ? » Một ông lính già hỏi tôi thế.
- Thưa ông Schmitt con chó ấy là của người nhà hàng ở trong trại đem đến cho chúng tôi chữa, vì nó đã bị thương.
- À ! phải rồi, hắn là con chó lính, nó tất biết tập.
Con Scipio nghếch mõm lên giời nhìn chúng tôi và ông Schmitt bỏ điếu thuốc ra rồi nói :
- Con chó này ở trong trại, nó giống hệt con chó Michel mà chúng tôi mua ở Silésie là nơi tôi đi tòng chinh trước.
Nói đoạn ông giơ cái điếu lên mà hô rằng :
- Bồng súng lên !
Bỗng nhiên con Scipio đứng dậy hai chân trước bỏ thõng xuống thẳng lên như một người lính thật, thấy vậy tôi lấy làm lạ vô kể.
Ông Schmitt nói nói cười cười :
- Hà ! Hà ! Hà ! Tôi đã biết mà !… Nghe đến câu tiến lên phải cẩn thận nhé !
Vừa dặn xong, mồm đánh trống, chân đi sau con chó, ông hô lên :
- Tiến lên ! Phầm… phầm… phầm… rầm phầm phầm. Ắc đê… Ắc đê !
Con Scipio đi rắn rỏi lạ thường, tai bỏ rủ xuống vai, đuôi vảnh đứng lên giời.
Ông Schmitt lại hô :
- Đứng lại
Thế là con Scipio khoan bước. Thật lạ lùng thay, lòng tôi lấy làm cảm động lắm.
- Đứng yên, được nghỉ !
Nghe thấy ông lính già ấy hô thế là con Scipio bỏ bốn chân xuống.
Ông Schmitt nhìn con chó chằm chằm tưởng như ông nhắc lại cho nó nhớ lúc khi xưa ông còn đang ở trong trại ngũ.
Nghỉ một lát rồi, ông lại nói :
- Phải chính thực là con chó lính rồi vậy, thử xem nó có biết việc nước là gì không, vì nhiều con chó chẳng biết việc nước là chi chi cả…
Vừa buông lời, ông vớ lấy cái gậy dựng ở sau cửa, cầm ngang ra rồi hô lên :
- Nghe thấy tiếng hiệu lệnh phải cho cẩn thận nhé !
Con Scipio đã chực sẵn để thi hành mệnh lệnh.
- Nhảy chào mừng nước Dân-chủ ta nào ! Ông lính già hô lên thế. Con Scipio nhẩy qua cái gậy nhẹn như con hươu vậy.
- Nhẩy lên chào mừng quan tướng Hoche !
Con Scipio nhảy tót ngay qua.
- Nhảy chào mừng vua Đức nào !
Nghe đến tiếng hò này con Scipio cứ điềm nhiên ngồi, ra bộ nhất định không tuân lệnh. Ông Schmitt tủm tỉm cười thầm, mắt lim dim nói rằng :
- Phải nó biết việc nước đó… hề ! hề ! hề ! Nó không muốn nhảy chào mừng vua Đức, thực quả là con chó lính đấy.
Sau hết ông Schmitt giơ tay ra vuốt ve đầu con Scipio thì nó xem ra khoái trí lắm.
Trích dịch sách của M. THÉRÈSE
B) Chim gáy
Trước cửa sổ nhà tôi có nhiều cây cối : những cây đa mọc um tùm tươi tốt, cao ngất giời xanh. Ngồi trong bàn giấy, không phải đi khỏi một bước cũng nhìn thấy hai con chim gáy làm tổ ở giữa một cái cây, hai bên cành vào cái trà trạnh. Tôi thấy cái tổ ấy xây dựng lên dần dần thành như một cái nhà ở, thực chưa từng thấy cái gì bổ ích và thú vui hơn nữa.
Đôi chim này quả đáng làm mẫu mực cho vợ chồng người đời được. Con sống đi kiếm những đồ vật liệu làm tổ. Những vật liệu này toàn là những cành cây khô, nhưng nó không hề gặp sao lấy vậy, không có thế, nó kén chọn từng chiếc. Nó không có lấy những cành mà đã rơi xuống đất cát bùn bẩn thỉu. Đó là những vật uế tạp không đáng dùng để làm tổ cho con ở. Nó lấy tận trên cây, dùng mỏ bẻ từng cành rất cẩn thận rồi đem về cho vợ. Chính con mái làm tổ. Nó làm vào chỗ rất vững bền cẩn thận, không sợ mưa gió phũ phàng làm lay chuyển đi được.
Con cái đẻ được hai trứng trắng phau phau như ngà vậy. Suốt mười lăm hôm trường con mẹ không hề rời ấp trứng một giây phút nào. Con sống bay ngược bay xuôi kiếm mồi cho ăn, có khi nó đưa về mấy hạt thóc gạo, vài cái búp non, chẳng khác gì những chim câu nuôi ở tỉnh ta đi kiếm hạt rơi hột rụng ở trong nhà.
Có điều rất lạ là những con chim này ăn uống đúng giờ tựa như có đồng hồ vậy. Ăn một ngày hai bữa, buổi sáng vào khoảng tám chín giờ ăn lót dạ tí ti, buổi chiều vào khoảng ba bốn giờ thì ăn bữa chính… Nay đến ngày trứng nở, vỏ nất ra, hai con thui thúi nở sinh đẹp đẽ chưa biết gì cả, còn yếu đuối lắm.
Con mẹ lúc này lại càng ra tâm săn sóc không dám rời tổ, sợ con phải rét, vì hơi rét là chết liền. Lấy hơi mình ấp ủ cho con im lặng như tờ. Con sống coi giữ săn sóc cùng, đôi lúc nâng lên đặt xuống nữa. Nó đậu gần ngay ở cành bên cạnh mà thỉnh thoảng nghe thấy tiếng cu cu rên rỉ. Dễ thường đó là tiếng hát nó ru con chăng.
Độ mấy hôm chim con kêu lép nhép, mỏ mở to, cánh đập đập để tập bay bổng sau này. Dần dần khỏe lên bay được, tự kiếm ăn lấy, bay đi không về tổ nữa.
Trích dịch sách của FÉLIX DUQUESNEL
C) Bu-du
Trong những rừng rộng mênh mông ở nhiều xứ nóng có lắm hầu ở. Có giống to bé khác nhau, nhưng nếu chịu nhận kỹ càng cũng thú lắm. Ở lưng chừng giời, trên những cành cây nó không lo sư tử, chẳng sợ hổ báo.
Nó chỉ sợ rắn bò vào lúc đang ngủ sửa thịt thôi.
Những hầu ăn quả và rễ cây, nếu không có thì phải ăn sâu bọ vậy. Nó ăn tham lắm, ăn những cây có nước ngọt và những con nào ở gần bờ bể thì ăn cua, ăn sò. Nhân sò có vỏ hộ vệ che chở, nếu muốn ăn, nó phải đợi khi nào há miệng một tí, nó cầm que nhỏ ngáng lấy rồi ăn thích lắm.
Nhiều con làm ở trên cây những nhà lều toàn bằng cành và lá lấy mây buộc chắc vào cành. Mái nhà hơi chênh chếch, làm khéo lắm, đến nỗi có người hành khách nói rằng phải nhầm là nhà của những người đi săn làm ở. Tổ làm cao để khỏi sợ các ác-thú, thấy cứ hai cái làm gần nhau. Xa xa cũng có tổ ở lỏi ra một nơi, đó là tổ con hầu già, cứ trông lông lốm đốm bạc và mồm rụng hết răng thì đủ biết.
Những hầu đi ở trong rừng cứ theo cành cây, con này đi trước con kia, không phải bước chân xuống đất. Nhưng đôi khi có sông lạch chẹn ngang đường, cả đàn không đi được.
Vả những hầu không biết bơi thì làm như thế nào ? Người ta kể chuyện chúng bắc cầu như thế này :
Một con bám chặt vào cây to bên bờ này, con thứ hai ôm lấy con đầu rồi nắm lấy con thứ ba, con thứ ba nắm lấy con thứ tư cứ thế mãi thành ra cái dây súc xích dài đến sáu bẩy con đeo lủng lẳng trên dòng nước chảy xanh veo.
Con làm cái vòng sau cùng bắt đầu đánh đưa trên không, dần dần mạnh lên cho mãi đến khi bám đến cành cây bên bờ kia mới nghe. Thế là trên dòng sông chảy thành có cầu cả đàn đi vậy. Con đầu làm cái cầu treo ấy bỏ cành ra và cả cầu bám vào con làm vòng sau cùng lắc lư bên bờ sông nọ.
Đó là câu chuyện lạ lùng mà một người hành khách đi qua rừng Nam-Mỹ đã thuật lại.
D) Sư tử của tên Androclès
Khi ở La-Mã (Rome) ai có tội phải bỏ vào cho thú dữ ăn thịt thì là một ngày hội to vậy. Đàn ông, đàn bà phải tội cho báo cọp hay sư tử ăn thì phải bỏ vào giữa một cái rạp cirque rộng mông mênh. Nhiều người có đạo, phải tội cho thú dữ ăn vì không muốn bỏ đạo.
Hôm kia có yết-thị một tên bán mình làm tôi tớ gọi là Androclès phải bỏ vào cho một con đại mãnh-sư Phi-châu ăn thịt. Cho nên dân thành La-Mã nô nức đi xem ngồi chật cả ghế rạp cirque. Nhưng mà con mãnh-sư ấy dẫu thấy tội
nhân bỏ vào mà cũng không xâm phạm đến. Nó khoan bước dừng chân rồi lại gần, dần dần nhìn kỹ tên Androclès tựa
như quen biết tên đó đã lâu. Sau rồi lại gần tận nơi liếm chân và cọ sát hẳn vào người bán mình làm tôi tớ ấy mặt xanh chàm đổ, thân nhường rẽ run.
Lâu hồi tỉnh lại, tên Androclès mới dám nhìn con sư tử và khi đã vững dạ rồi, liền thò tay ra vuốt ve lông mao nó. Trông thấy thế, ai ai cũng lấy làm lạ đều vỗ tay ngợi khen. Vua cho vời tên Androclès lại để tra hỏi cho biết mọi lẽ thì hắn tâu rằng :
- Muôn tâu Thánh-thượng, khi xưa con bán mình làm tôi tớ bên Phi-châu. Chủ con tàn nhẫn con tệ lắm, đến nỗi con phải liều vượt qua xa-mạc mà tẩu thoát. Giời nắng như nung như nấu, con đi lâu lắm mới gặp một cái bóng hang mát. Con vào đó trú ngụ được một lúc thì thấy một con sư tử về lè diệt đến sau con, chân máu me đầm đìa, miệng kêu gầm thét gớm ghê ra chiều đau đớn. Ban đầu con tưởng con không còn chi là đời nữa. Nhưng khi trông thấy ẩn núp ở trong hang nó lại gần ra bộ hiền lành rồi giơ chân hình như kêu van con cứu giúp. Con rút cái gai to cắm sâu vào móng nó và khi nó đỡ đau, liền nằm dìu dìu ngủ tựa vào tay con.
- Chúng con ăn ở với nhau ba năm trường trong ấy. Kiếm được mồi đem về cho con ăn, nó rất tử tế và hẳn hoi mấy con lắm. Nhưng ăn ở hẻo lánh như vậy, con lấy làm buồn bực lắm, nên bỏ hang ra về. Lính nhà vua nhận diện được, dẫn cho chủ con đưa về La-Mã làm tội bỏ vào cho thú dữ ăn thịt. May sao lại gặp được con sư tử này là bạn cố chi thủa trước, nó không quên con…
Mọi người đồng thanh xin xá tội cho Androclès. Vua thấy vậy đoái thương tha cho tội-nhân và cho cả con sư tử. Thường thường thấy đi qua các phố La-Mã dắt con sư-tử thì mọi người đều nói nhao nhao lên rằng :
- Kìa người kia chữa khỏi sư-tử, nọ sư-tử này nuôi người cứu giúp.
Trích dịch sách của CARRÉ
E) Chuyện ba con mèo
Ông tôi có ba con mèo, ba con mèo ấy ông tôi yêu vô cùng kể. Chiều chiều ông tôi về, cả ba con đi thẳng hàng một ra tận đầu phố đón : đuôi ve vẩy, miệng ngao ngao, nhất là khi được vuốt ve lại càng tỏ lòng mừng rỡ hơn nữa.
Xong rồi lại cứ hàng một quay đầu về, đi trước ông tôi cho mãi đến tận nhà. Những con tinh quái này biết rằng cả nhà đợi ông tôi về rồi mới ăn.
Nhưng có một năm kia, lúc đầu mùa đông ông tôi phải mệt. Thầy thuốc bảo phải nằm trong phòng đóng cửa lại, không ai được ra vào để ông tôi tĩnh dưỡng, nên ba con mèo ấy không được gặp. Không biết ông tôi đi đâu vắng nhà, chiều chiều theo như giờ trước cứ đi đón tận đầu phố, đợi một lúc lâu không thấy chủ rồi phải về, ra bộ buồn rầu, đuôi không ve vẩy như trước, nên bà con hàng sóm ai biết cũng lấy làm lạ lùng mà phải ngợi khen.
Một hôm kia có một ông lão ăn mày già đi ra tỉnh. Ông này cũng gần bằng tuổi và giống mặt ông tôi ; tay cầm gậy, râu bạc phơ, áo cũ kỹ nhưng sạch sẽ. Nhân ông lão này đi
qua đó đúng giờ ông tôi thường về nên những con mèo trông thấy mấy nhầm. Thong dong hàng một, đuôi ve vẩy mừng rỡ đến đón ông lão ăn mày chạy đi chạy lại cọ vào chân và ông này vừa giơ tay vuốt ve vào lưng vừa lẩm bẩm nói rằng :
- Chà ! Chà ! Mèo nhà ai quý báu thế này.
Ba con mèo sung sướng lạ thường quay đầu giở về đi trước. Ông lão lấy làm lạ lắm lẽo đẽo theo sau đến tận cửa. Giữa lúc ấy nhà đang ngồi ăn uống. Chúng tôi liền mời ông lão ngồi vào cái ghế ông tôi thường ngồi cho ăn uống tử tế để thỏa lòng lũ mèo kia.
Trông thấy vậy, ông lão vừa ăn vừa nói :
- Quý hóa thay cái tấm lòng người tỉnh này cho mèo đi gọi những kẻ bần nhân cho ăn uống.
Trích dịch sách của PAUL-ARÈNE
5) CẢNH HUỐNG CON NGƯỜI TA Ở ĐỜI
Cõi đời là sông sầu, là bể thảm, người ta sinh ra ở đời tức là dấn mình vào nơi khổ vậy.
Thật thế, từ vua quan cho chí dân gia, ai mới lọt lòng mẹ ra là đã chào đời bằng mấy tiếng khóc oe oe… Ừ, mà ngẫm cho kỹ, nếu đời lại là nơi vui thú thì cậu hài-nhi kia sao không cười mà lại khóc ? Suy thế thì ta đủ rõ, còn chi mà ta phải lý luận cho văn-tự thêm dài dòng. Quả có thế, nói quyết rằng ai đã phải đầy đọa vào cõi trần-gian tức là phải ghé vai mà gánh lấy các điều phiền nhiễu ở đời vậy !
Nhưng chẳng có lẽ ở đời chỉ những thảm cùng sầu, những phiền cùng muộn thì con người ở đời sống làm sao được. Thưa rằng, người ta ở đời cũng có khi vui, khi sướng, nhưng các điều vui ấy mà đem cân đo với những điều phiền thì ít khi thắng được. Vả lại, con người ở đời thọ lắm chỉ được đôi lần 50 tuổi là cùng, rồi hết cái quãng thì giờ 100 năm ấy, ai ai cũng đều về một lối cả. Mà đã không ai thoát ly ra được ngoài cái vòng « Giấc ngủ thiên thu » thì còn lấy chi làm lạc-thú ? Cho nên, các cụ đời xưa ví cuộc đời như một giấc mộng cũng không hẳn là sai. Này thử xem, người ta ở đời cằm cặm cùi cụi lo lắng làm ăn cho nên công nọ nghiệp kia, rút cục rồi cũng đến chết. Vậy dám hỏi, cái chết là cái chi chi và nó có cái mãnh-lực gì mà làm cho trăm nghìn người đều phải vì nó mà âu-sầu thê thảm ? Ai đã là người mà tai nghe cái chết, mắt trông cái chết cũng đều giọt lệ nhủ sa, mặt mày ủ rũ. Ghê thay mà lại ngán thay !
Như trên kia đã nói, cái chết có việc gì mà ghê mà ngán, cái chết tức là đem thân lên nơi Cực-lạc thảnh thơi mãi mãi vô cùng tận ngày xuân, rồi thỉnh thoảng lại quay cổ đoái nhìn bọn người trong trần-thế, nào khóc, nào cười, nào than, nào thở thì bụng bảo dạ rằng :
- Ta đây đã ra thoát khỏi cái bể trầm luân thì mình ta bây giờ thực là thanh thảnh, hạnh-phúc biết bao !
Câu nghĩ ấy thực không sai chút nào cả.
Chính bỉ-nhân đây từng đã bao phen gặp phải những cảnh khóc khóc cười cười, lo lo nghĩ nghĩ, mừng mừng tủi tủi, giận giận hờn hờn, nghĩ đà quá ngán, trong bụng thực đã dửng dưng, lắm lúc chỉ muốn chán đời vì lấy con mắt bạch-nhỡn mà ngắm trò đời thì không khác chi những tấn tuồng trên sân khấu. Này người vai nịnh, này người vai trung, này người tử tế, này kẻ bất lương, diễn tả ra phân minh hết lớp nọ đến lớp kia, rút cục cũng đều là hư vô cả, nghĩ có buồn không ? Chỉ những lâm le muốn vạch lối lên trời mà chất vấn một vài câu cho ra ngành ra ngọn.
Nhưng đương khi nghĩ thế thì trong bụng lại sực nhớ ra rằng, trời sinh ra ta ở cõi đời cốt là bắt ta phải ghé vai mà gánh lấy một cái công việc ở trong cái vũ-trụ rộng rãi mông mênh này.
Vậy thì sầu mà chi, thảm nữa mà chi, hơi đâu mà rước giận mua phiền cho thêm nhọc lòng mệt trí, ta cứ vui làm việc mà tô điểm cho giang-san ta, để một ngày như hoa như gấm, cho dưới trần ai ai cũng rõ mặt biết tên ta, cho danh tiếng của ta lưu truyền trong sử sách. Có thế thì ta
mới hả dạ, mới đáng mặt trượng-phu và mới khỏi phụ lòng trời đã sinh ra ta vậy.
Còn sống với chết, thì ta đã cần nói làm chi, hãy biết cái quãng thì giờ 100 năm trời dành phần cho ta hưởng này thì ta cứ việc nhờ đó mà mở mang sự-nghiệp của ta làm sao cho một ngày một tấn-tới, ngõ hầu cho nhà ta, nước ta có thể cạnh tranh cùng với các nước văn-minh trên thế-giới.
Tới lúc đó, thân ta tuy còn ở nơi trần thế nhưng ta có khác gì trên cõi đời không ?
Vậy bỉ-nhân dám khuyên toàn thể quốc dân ta ai ai cũng nên đem hết hùng-tâm nhuệ-khí của mình ra mà làm hết chức vụ mình cho châu-đáo, trước là ích cho thân mình, sau là ích chung cho cả nước, còn sự sống chết nó huyền-bí lắm, ta không có thể bàn tới được, chỉ có việc vui tàm mà vê tròn quả phúc của mình vì có chân-tu thì tức có thiện
quả, nào có lo gì ?
Đồng bào ai hỡi ! nên cố gắng lắm thay !…
ĐỒNG-GIANG MINH CHÂU
NGUYỄN-VĂN-DƯ
6) HAI BÊN Ý HỢP TÂM ĐẦU (Bút sắt và bút lông nói chuyện)
Cậu bút lông xưa nay vẫn có danh tiếng thanh trang lừng lẫy trong cõi Á-Đông. Nhà thi-lễ những ai vẫn có lòng kính trọng và yêu mến cậu. Đến nay, gặp buổi Á-Âu giao thiệp, người đời ít chuộng.
Cậu ngồi tự nghĩ mà nói rằng :
- Khi sao phong gấm rủ là, giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Cậu đang ngồi năn nỉ cái thân phận, phàn nàn không gặp buổi, bỗng đâu thấy một cậu hình dung tao nhã, áo quần bảnh bao coi ra dáng một người thanh sĩ, cậu bút lông chào mà hỏi rằng :
- Tôi coi cậu cũng dáng một người văn-ủng ⽂甕, cậu ở đâu ta ?
Cậu bút sắt giả nhời rằng :
- Tôi là một người bác-học ở bên Âu-châu, nghe thấy nước Việt-Nam là một nước sùng văn, tôi sang chơi cốt để kết bạn cùng cậu. Giời nay xui khiến, anh em ta lại gặp nhau đây còn gì quí hóa cho bằng.
Cậu bút lông nghe nói có lòng mừng rỡ, thật là bốn bể một nhà, kẻ Tần người Việt nay đà hợp duyên, hai cậu cùng nhau ý hợp tâm đầu, mua vui lại chuốc chén quỳnh giao hoan.
- Thưa cậu ! Tôi ở cõi Đông-Á đã có phần lâu năm, tưởng văn-chương trong vũ-trụ chả ai bằng tôi, danh giá cũng chả ai hơn tôi nữa, mà cái ơn huệ tôi đằm thắm tự cổ dĩ lai chắc là nghìn muôn năm sau tôi giữ được phần quí mến và vinh hiển, lại may đâu gặp cậu sang chơi miền Âu lạc, cõng dắt bọn con tiên cháu rồng, tôi cũng lấy làm mừng riêng cho dân nước lắm ; tưởng là tôi với cậu, cậu với tôi, không ngờ đâu nhân tình thế thái, người đời tham thanh chuộng lạ ra lòng có mới mà nới cũ ngay, nên cái danh giá của tôi ngày một kém đi, thấy khi thầy khi tớ xem thường xem khinh.
- Không phải thế cậu ạ ! Tôi xem sách nho thấy có câu : tri kỷ giả hi 知⼰者希, cậu phải biết thế mới được. Không phải vì tôi sang đây mà làm mất cái giá-trị của cậu đâu, cậu phải biết như cậu trước cũng đem cái văn-minh của nước Tầu mà khai hóa cho con nhà Việt-Nam, tôi bây giờ cũng đem cái văn-minh của châu Âu mà thay đổi cái tính tình cho dân Bách-Việt, là chủ ý ta chỉ muốn đem một tấm văn-minh Âu và một tấm văn-minh Tầu dùm lại mà khai hóa cho dân Bách-Việt ngày được rộng thêm đường giáo-dục, trí-dục và đức-dục, tiến hóa lên một bậc văn-minh lừng lẫy trong cõi Á-đông này thì còn gì quí hóa hơn nữa. Bởi vì người đời không nghĩ một cách sâu xa, tấc lòng vơ vẩn, cho cậu là một người quen thuộc văn-chương cũ càng, nên ra giáng gần chùa gọi bụt đó mà. Thấy tôi là người lạ lùng, văn chương mới mẻ, vả chăng tôi cũng có ít tài riêng khéo lạ, nên ai nấy say mê mùi đó mà chuộng tôi, yêu tôi và quí trọng tôi vô chừng ; như buổi đời biết nghĩ ra một cách bảo
toàn lưỡng đắc 保全兩得 thời san cái lòng quí mến tôi mà thay sang cái lòng khinh dể cậu, quí tôi hai phần ba, quí cậu ba phần năm thì chả mấy chốc nhà Việt-Nam thông thống bước lên bực đại văn-minh đại phú cường ư.
- Ô ! May sao may khéo là may, nếu không gặp cậu đàm luận mấy câu thì lòng tôi vẫn cấm cánh về sự đó.
- Thôi cậu ạ ! Đừng phàn nàn chi mà mệt trí, mà làm trò cười cho thiên-hạ, nay hai ta gặp nhau đây, xin kết bạn tình nghĩa ami, sau này tôi cũng muốn cùng cậu đi sang chơi miền khác để truyền dạy văn-chương của mới cho họ thì chắc cái danh giá của đôi ta sẽ được như cái danh giá của tôi bây giờ.
- Cám ơn cậu ! Được như lời cậu nói chẳng là hoa tàn rồi lại thêm tươi, giăng tàn lại tỏ hơn mười rầm xưa, thì anh em ta chả vẻ vang lắm ru.
Hai cậu đương chuyện vui trong cuộc, nói rồi lại nói, nhời chưa hết nhời, trông ra ác đã ngậm gương non đoài, vội vàng kẻ về thư-viện người rời phòng văn. Ôi thôi ! Tình dài ngày ngắn, cuộc chuyện tan hồi, thềm hoa khách đã dở hài, gia chủ tôi xin tặng mấy chữ để làm ghi :
朋得⻄南⼀⾒亦如⼈可異, ⽂含新舊兩觀不下世同尊 « Bằng đắc tây nam, nhất kiến diệc như nhân khả đị ; Văn hàm tân cựu, lưỡng quan bất hạ thế đồng tôn ».
7) THAM THÌ THÂM, CỔ-NHÂN DẠY THẾ (Hai con chim gáy nói chuyện)
Chim gáy trong lồng hỏi chim gáy ở ngoài rằng : - Anh ở ngoài tìm kiếm có được đủ ăn không ? Chim gáy ở ngoài nói rằng :
- Tôi tìm kiếm cái sâu cái bọ túc dụng hằng ngày cũng chẳng được đủ như anh ở trong ấy, nhưng mỗi năm một mùa vừng hai mùa lúa thì tôi cũng thỏa thuê được cách phong lưu lắm lắm.
Chim gáy trong lồng nói rằng :
- Anh ở ngoài vẫn đủ cách phong lưu, nhưng khi mưa gió có nhiều sự vất vả đến mình ; tôi ở trong này ăn cũng chả phải lo, uống cũng chả phải lo, chỉ ngày gáy hót dăm ba lèo, rồi nhẩy nhót, chơi bời, thong dong rỉa cánh, rỉa lông, vui quanh ngày tháng, thì anh vào trong này ở với tôi, ta kết bạn anh em cùng nhau họa tiếng gáy hót, tôi lèo ba, anh lèo tư thì người chủ nghe tiếng ta họa gáy chẳng có đem lòng tốt mà coi ta, kính trọng ta ru !
Chim gáy ngoài nói :
- Dẫu rằng vào ở với anh thì được ấm no mà ở lồng son, chơi cóng sứ, nhưng phải ra luồn vào cúi mà miếng ăn miếng uống là phải lụy đến người chủ, dẫu rằng lòng muốn bay cao bước bổng cũng chẳng có thể nào được, như tôi ở ngoài này muốn ăn thì ăn, muốn chơi thì chơi, lúc sang miền này, lúc sang miền khác, khi thì xuống đất, khi thì lên
cây, mặc sức bay nhảy, chả ai cấm được cái quyền của tôi, ngăn được cái quyền của tôi, tha hồ là tôi thảnh thơi.
Chim gáy trong lồng nói :
- Dẫu rằng anh ở ngoài có quyền tự do như thế, nhưng khi người ta bày ra trò rò lưới, nhỡ ra anh mắc vào cuộc ấy thì nữa làm sao ? Tôi ngày xưa cũng mắc vào cuộc ấy nên phải thế này.
Chim gáy ở ngoài nói :
- Ôi ! Anh không nhớ câu « Thương cung chi điểu, kiến khúc mộc nhi cao phi ». Tôi thấy anh ở trong lồng mà lòng tôi cũng lấy làm nghĩ ngợi lắm thay, nên tôi cũng phải tỉnh cái thân tôi thì bấy giờ tôi đỡ phải cây cong cành mềm tôi cũng giựt mình, thì có nhẽ tôi không mắc được cuộc ấy anh ạ. Nhưng tôi chỉ sợ cho anh rằng : tuổi ngày một già, tiếng ngày một xấu, gáy hót lui kém dần đi thì người chủ gây nên lòng sơ chán, quá giận sinh càn ; thảng khi giở ra trò thớt miến giao phay, thì khi bấy giờ anh làm sao cho đặng ? Ối anh ôi ! Anh với tôi cũng loài giống lông vẻ tiếng hay mà anh phải người ta nhốt lỏng trong lồng thì tôi cũng lấy làm phiền lòng lắm, nhưng thôi anh biết phận anh chớ đừng rủ tôi vào chi nữa, để thêm bận bịu nhau ra. Tôi ở ngoài này bay liệng so sánh với anh em, nhờ lộc giời đất cũng đủ phong lưu, chả có tham bùi chả gắp chi mà phải bận thân anh ạ ! Tôi phải nhớ câu « Nhân tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong » thì anh đành phận anh, còn tôi mặc ý tôi, chứ anh đừng có ngóng nay gù mai gật tôi nữa, « gù cú
cu !… gù cú cu !… » thôi thôi yên ở trong lồng, đừng nay đưa mai đón cho phiền lòng nhau.
THIÊN-ĐÌNH
NGUYỄN-XUÂN-ÚC
8) MỘT BUỔI ĐI CHƠI TỐI HÔM TẾT TRUNG-THU (2 octobre 1925)
Lúc đó vào khoảng độ bẩy giờ, cơm nước vừa xong, đương ngồi nghĩ quẩn nghĩ quanh, chợt có hai ông bạn đồng sự đến chơi. Hôm nay tết Trung-thu, lại là ngày nghỉ, thế mà bác chẳng đi chơi, lại còn ngồi làm gì đấy ? Nhưng biết đi chơi đâu bây giờ. Ta đi xem các phố xưa nay vẫn có tiếng là đông, là vui : phố Khách, phố hàng Giấy, phố Vải-màn, xem thiên-hạ họ thưởng nguyệt ra sao.
Bèn cùng hai ông bạn dắt tay nhau đi, vừa ra khỏi cửa, quang cảnh cũng đã có khác nhiều. Bóng giăng rằm, ánh đèn điện, tiếng chũng chọe, tiếng thanh-la, còi ô-tô, chuông xe-đạp, bấy nhiêu thứ góp lại, thật cũng có vẻ sầm uất lạ thường, nhưng cũng hơi lóe mắt, đinh tai, nhức óc một chút. Giữa đường, người kéo đi, lũ năm lũ bẩy, đông quá là đông : mươi chị nhà quê, dăm anh thuyền thợ, ba bốn tiểu thư vôi, một vài công tử bột, liệng đi, liệng lại biết mấy mươi vòng, không biết dơ đời, không biết ngượng mắt…
Đi suốt phố nọ sang phố kia, loanh quanh hết cả bấy nhiêu phố mà nào có thấy chi lạ đâu, hết mặt người lại hơi người, cùng xe ngựa kêu gọi ếp tránh ngổn-ngang, còn cỗ bàn thời lưa thưa quá, không thấy bầy la liệt như mấy năm về trước nữa. Qua mấy nhà hàng bánh, hãy còn thấy bán, nào các đĩa hoa quả tinh vi, nào long, ly, quy, phượng, thoảng nghe thấy cô nọ kháo với cô kia :
- Tết năm nay suông lắm, em còn ế đến hơn vạn con thú ấy… chứ hàng chị có chạy không… hay thôi phải rồi, mình hãy còn hủ lậu quá, mình không biết cải lương đấy mà…
Dạo khắp lượt rồi, chẳng có gì thú, bèn cùng chia tay nhau, mỗi người về một ngả. Lững thững một mình vừa đi vừa nghĩ : « Tết Trung-thu ! Tết Trung-thu !… Nếu Tết Trung-thu chỉ là mía, bưởi, hồng, bánh khảo, bánh dẻo, bánh nướng, các đồ chơi bằng giấy bằng sắt tây, các đĩa hoa quả, các con giống nặn bằng bột, ruộm các mùi, với người lại đi xem người, hay đội lốt sư-tử mà múa may quay cuồng, trong các phố suốt mấy giờ đồng hồ, chẳng thô bỉ lắm ru, can chi còn phải có cái tết này làm gì ? Đành rằng người ta phải làm lụng nhiều mà nghỉ ngơi ít, nên đặt ra tết nọ tết kia để giải trí, nhưng không có tết nào tao-nhã hơn ư ? »
Nghĩ đến đó, chợt đi đến nhà ông bạn chuyên nghề vẽ, thấy đương ngồi ăn. Âu ta cũng thử vào xem có cỗ bàn gì không. Chẳng có gì cả, đương ngồi ăn cơm với bát canh rau cải luộc, thấy mình vào bèn chào và nói luôn :
- Bác đến chơi, lỗi cơm bác, mải vẽ bức tranh kia, nên mới ăn tối thế này đấy.
Đó là bức tranh đêm thu bờ sông Nam-Định, trông cũng có vẻ tự-nhiên lắm. Ông ta mặt mày hớn hở tươi cười, mắt vừa nhìn vào tranh, mồm vừa ăn vừa nói :
- Đấy, cỗ tôi chỉ có thế thôi. Người ta ăn tết bằng bánh, chứ tôi chỉ ăn tết bằng tranh của tôi thôi… Cái chỗ bóng
mây, cái ánh giăng dưới nước, mới thần tình làm sao chứ.
Tôi thấy ông ấy vừa ngắm, vừa khen, nhìn không chán mắt, tôi cũng ngẩn người ra, ông ấy tưởng tôi cũng biểu đồng tình thế, bèn bảo tôi rằng :
- Bác cũng phải chịu bức tranh này là đẹp chứ ! Nếu có người biết thưởng dám chắc là bán được tiền lắm đấy nhỉ ?
- Phải giá đem bán cũng được bằng tiền bữa tiệc của bác hôm nay… Ông ta bèn lườm tôi, cho tôi là người chưa hiểu được cái đẹp ấy, và cuốn ngay bức tranh lại không nói gì nữa… Tôi hiểu ý ngay, bèn từ giã ông mà đi chơi.
Đi xem tết Trung-thu, kể cũng đã ngót hai tiếng đồng hồ rồi, đã ngấy mùi Trung-thu, sít nữa chết ngạt về Trung-thu, bèn định đi xuống bến tầu để hô hấp lấy ít không khí trong sạch rồi về nhà nghỉ. Tình cờ đi đến phố Cửa-Trường, có bà lão hỏi ngay mình :
- Chứ thày không đi xem tết Trung thu ư ? Tôi thấy họ kéo nhau đi xem đông lắm.
Bèn trông ra là bà lão độ bốn mươi tuổi, vẫn bán miến cho mình, đương quạt cho thằng bé lên bốn tuổi đương chơi cái đèn xếp và đương cắn cái bánh dẻo. Tôi bèn hỏi :
- Đức bé này con cái ai thế ?
- Khốn nạn, nó cha không có, mẹ nó trước cũng ở gần đây bán cháo, lần hồi mẹ con nuôi nhau, nhưng vừa rồi phải bệnh thương-hàn rồi mất. Họ hàng thân thích, chẳng có một ai, tôi thấy bé dại mà đã mồ côi, nên đem về nuôi nó đấy. Này đây cái bánh nữa, để dành nhé… Thêm nó, tết
Trung-thu này, tôi cũng tốn mất mấy hào, và có nó tết này tôi thấy nó nô đùa vui cười, tôi cũng được hởi dạ lắm.
Nghe đến đó, trong lòng cảm kích quá, không thể nói gì được nữa, bèn từ giã bà lão hàng miến đi ra bờ sông để hóng ít gió mát. Ra đến nơi, trên giăng, dưới nước, thoang thoảng gió qua, trong mình đã khoan khoái dễ chịu, bèn nghĩ lại cuộc đi xem tết Trung-thu vừa rồi : có cái vui thô bỉ, có cái vui tao nhã, có cái vui cao thượng vậy. Biết thưởng cái vui cao thượng, cứ gì ở nơi bàn to cỗ nhớn, mà chính lại ở nơi nhà gianh vách nát ; cho hay đồng bạc trắng dễ đen lòng người mà cái bụng từ bi bác ái thường lại hay sản suất ở nơi nghèo khó cũng nên… Thôi đêm đã khuya, người đã mệt, ta đi về nghỉ, mai còn công việc của ta.
ĐẠT-ĐỨC
9) NGHĨ TIỀN HẬU TÚNG DU TÂY HỒ CỔ KIM KÝ SỰ PHÚ (Độc cảnh tự vận)
Rộng thay Tây-hồ giời bầy thắng cảnh, vui thay Tây-hồ biết bao linh-tích, bãi phượng ẩn bên thành rồng dóng cạnh ; trước miếu Cố-Lê, bên đền Quan Thánh ; nước như gương trong thật là trong, hồ như bể sạch thay thực sạch. Tự đời cổ lấy làm thiên hiểm, diện tiền kia mở đại thành đô, khen ai nay khéo họa địa đồ, não hậu ý thêm từng thành quách. Trên hồ trước tầu rồng tầu phượng, trải mấy triều vua chúa vết còn kia ; quanh hồ nay tầu điện tầu bin, người vạn-quốc chơi bời vui đủ cách. Tưởng xưa tự thủa thiên khai, tự khi địa tịch, trước chửa thiên đô, sau rồi định đỉnh, hậu quỉ núi Nùng, tiền quan huyện Vĩnh, long sa tự Hùng Lĩnh kéo về, hổ thủy cũng Hạc-Trì giáng mạch, so năm hồ bằng độ bàn tay, đọ bảy mẫu chỉ bằng gang nách, gọi Dâm đàm tự thủa Cao-Biền, gọi Đoái-hồ là sau Trịnh tỉnh. Bẩy thú vui thứ nhất Đông-đô, kể sự lợi tiếng năm Đại-tỉnh, bát ngát nhỉnh ba nghìn vuông mẫu, đường thênh thênh trên gọi Thiên-niên, loanh quanh bao mười mấy thôn phường, lối than thán dưới liền Trúc-Bạch, bên tả xuôi sông Nhị-hà, bên hữu ngược nước tên Tô-lịch. Khi sớm dạy vừng đông mới mọc, mây đáy hồ chim liệng loanh quanh ; lúc chiều hôm gương nguyệt vừa treo, sao mặt nước cá ăn tí tách. Canh khuya nọ tinh vân vằng vặc phân minh như bức long-đồ ; lúc chiều hôm sóng gợn làn làn, ngang dọc rõ như văn quy hoạch. Hỏi trong địa diện, đất ở đâu Dực-phượng tên ao, rõ mặt thiên nhan giời để đó Thăng-Long giá kính. Kìa Lý điếu-
đài, nọ Lê cố-trạch, gò đống gần xa, lâu đài liền cách. Cất mặt lên Tam-Đảo đứng bên ; ngửng đầu tưởng Ba Vì ngồi cạnh. Kìa thượng cổ tòa long chinh ngự, trầm hương trấn Bắc hãy còn thơm ; tự trung gian xe ngựa đứt cương, loan già Tây-luông còn dấu bánh ; ngó xem giống long-tu nhà Lý, phi Tần sáu bộ khúc rồng quanh ; lá quỳ như tàn cái nhà Lê, văn võ hai hàng giăng nhạn cánh, hoa san sát như hàng cơ hàng đội, ba nghìn hồng phấn lúc ra quân ; hương xanh rì ngọn thấp ngọn cao, mười vạn tinh-kỳ khi giáp đánh. Kìa dân đó là đền xuân tế, nào voi đi đàn áp lính tiền hô ; những xã kia là chỗ thu từ, đầu ngựa vía tiền phong quân thét tránh. Hỏi rồng đá nghìn năm chầu đó, nước xô kim cổ mấy hồi chuông ; hỡi nghê đồng vạn đại cười ai, sóng lộn phế hưng bao độ khánh. Rồng chẳng rõ, hồ tinh mấy cuộc, lung tung Lê Trịnh cốc cùng boong ; nghê rằng hay nước những triều nào, lủng củng Lý Trần tiu với cảnh. Sự có rõ chỉ ông đào rắn, người to đen đen giống đồng đen ; sự có tường họa chú cưỡi beo, da mát lạnh lạnh như thạch lãnh. Thế thì các anh không biết : giời mở nước An nam, đất khai tổ tích. Nguyên hồ này giời cho ông Rồng bà Tiên, để lưu truyền cho con thần, cháu thánh. Đức Hùng Bàng là con giai nhớn vẫn thả cá thờ ; chú Bàn-Cổ là khách bạn buôn, thường sang tắm cạnh. Đến Thiên-hoàng làm vua nước Bắc, so Động-Đình rằng kém cạnh vui ; đức Long
quân là chúa nhất nước Nam, gọi Lãng-Bạc những từ khi ý mình. Sau Kinh-Dương Nghiêu sai đô-hộ, toan đem về đất Bắc để bầy chơi ; biết Lạc-Hồng giời mở đế vương bài chí hộ cho vua ta ngự hạnh. Tự Hùng-Đức được rùa bạch hạc,
nghe thân gia đi lại với Đường Nghiêu ; đến Hùng-Trang được ngựa tử đài, tìm con gái bỏ đi vào Hương-Tích. Thương quấy đục sai thần ba tuổi ngựa sắt đem rồng lửa đuổi Vũ Đinh ; Tùy lại tranh sai thánh lên năm voi đá róng ngũ lôi trừ Bắc-địch. Góc Lạng Bắc sinh giai tám thước, mắt bốn ngươi vào phá Tần cung ; góc Nam-kỳ sinh gái trượng dư, vú ba thước giữ toà Nam-Lĩnh. Góc Đông đó ai giồng muôn cọc, xua quạ Ngô xô bể y ô ; góc Nam kia ai đánh trận nghìn voi, đuổi chuột dúi chúi hang rúc rích. Triệu hổ tướng đã toan cướp lấy, thấy long mâu mà phải kinh hồn ; Trần hùng binh sau lại lấy về, thấy quy lỗ tự nhiên thất phách. Quân Minh trước cờ sang đỏ khé, giờ chôi ra sông Nhị hãy còn son ; quân Nguyên xưa áo cũng xanh lè, nay chảy xuống Hoàn-Gươm còn lấp lánh. Tính từ thủa vua Kinh, vua Cao, vua Mã góc hồ phơi muôn cốt còn vẫn chưa khô ; lại cộng xem chúa Trưng, chúa Nguyễn, chúa Trần nước hồ xuống sáu đầu còn chật ních. Biết mấy độ ngựa hồ quấy đục, hồ vẫn trong xanh ; tự khi cầm hổ tướng đến nay, hồ khôn di dịch. Đến vua Nguvễn khi ra mở nước, kỉnh hồ này bụng nghĩ quân thân ; bởi vua Lê chính thống họ Hồng dưng hồ ấy để làm gương cho tử tính. Hồ từ đấy giao cho cai trị, hồ đầy sen nhưng cứ để lưu không ; chia phận hồ cho các xã dàn, ăn lợi cá phải cung theo thuế chính. Dân dưới hồ trên, dân bên hồ cạnh. Khi xuân nhật các dân mở hội, vang mặt hồ chuông chống linh đình ; tiết thu nguyên các xã kỳ thần, bóng lợi nước cờ tàn nhấp nhánh. Dân hát đại trà, dân ca đại khánh ; góc nọ leo dây, góc kia bắt trạch. Bài mặt nước, tổ tôm năm điếm, lịnh đổ hồi ù nảy chi
chi ; cờ mặt hồ nam nữ đôi bên, cười lịnh vỡ pháo ran tanh tách. Nào những kẻ văn-nhàn tài-tử, đường cầu duyên vui quá hội Hồng-chu ; nào những người bạch phát, hoàng đầu, đi cầu phúc đông hơn chùa Đế-Thích. Há có phải như chùa Non-Nước, một thiếp với chàng ; há có như ở bến Hàng
Châu, chỉ ông với khách. Nọ kém Tầm-Dương, thua chi Xích-Bích ; kẻ thích gỏi lư, người ưa chả ngạnh, rủ thi khách chèo thuyền vọng nguyệt, sai tùy-nhi chờ tải giăng về, đem ca-nhi bơi chải thưởng hoa, truyền thị nữ đợi xem hoa tách. Giăng chênh chếch đầu non vừa nhó, ngấn nước vàng gieo ; gió hiu hiu mặt nước như tờ, bóng mây hương ánh. Vang mặt hồ giọng thổ giọng kim ; lửng đáy nước tiếng bào tiếng cách. Thuyền thi phú bơi trên sao nữ, điểm tiếng chầu rõ lọt xuyên tâm ; giọng thổng ngâm nghe suốt cung giăng, đổ sênh phách gần theo đại-thạch. Trống thì thùng vừa cửa Nhật-Tân ; đàn lính bính đã bên làng Chếch. Bẻ tay lái quay về trấn Bắc, trông sương hoa như vẻ Cô Tô ; thẳng cánh buồm lại tới đền Tây, nom khói kéo như trôi thành Sích. Suốt đáy nước giăng trong như vắt, hỏi cô Hằng đêm ý bảo sao ; ngát mặt hồ gió quạt như đàn, hẹn gì Thiếu đêm rầm cho chỉnh. Sao phú thi chửa hết ca trù, đã cốc tách đàn sang quỳnh tịch ; nào huỳnh hãm mấy câu thủa trước, nghiêng chén vàng cho ngã thầy Tô, say vui nhớ buổi hôm nay, đổ chuông bạch rõ say cụ Trích. Gối ai đúc mềm mềm cứng cứng, dựa cánh dựa tay ; thuyền lò so lập giập lềnh dềnh, câu say câu tỉnh. Hỏi thăm nghìn trước, chơi như ta hay chơi chẳng như ta ; nhắn nhủ nghìn sau, vui độc thích hay vui đồng ý thích. Rằng lắm kẻ hồ sơn chân thú,
thường đem đàn gửi trí đỉnh non cao ; lại lắm người hồ thủy giả du, mượn câu tuyết giả say tình nước Bích. Nhưng những khách thần tiên thủa trước, cảnh hồ sơn thơ hãi lưu đề ; dạy cho người hồ hải đời sau, tình nhạo thủy bút nên lưu tích. Bây giờ đã hồ sang trống một bóng thỏ tà tà ; nghe truyền lao canh đã sang ba cánh gà phanh phách. Truyền cho thủy-thủ xoay buồm chèo qua lối Yên-hoa, mà bảo ngư-ông thả neo nọc ngủ thuyền Yên-Tĩnh. Đã văng vẳng tiếng chuông Trấn-võ, xui lòng người xoay gối động lương tâm ; nghe xa xa tiếng mõ Nghi-Tàm, khiến bụng khách trong thuyền thâm tự cảnh. Cất mặt lên song bắc chưa hồng ; ngảnh đầu lại phương đông đã bạch. Nào thu xếp túi đàn dịp phách, đem ca-nhi về hãy giấu phố Đồng Xuân ; sai anh em dọn lái dọn thuyền, chú thuyền chủ lại về chờ giai-cảnh.
Ở hồ này thực lắm sự kỳ, nhưng cũng nhớ một vài sự tích. Hỏi ngày trước rừng lim ở đó, vì làm sao mà hóa nước mông mênh, mà khi xưa hang đá như kia, vì làm sao cho nên trầm mịch ? Rừng lim ấy vị ông Khổng-Lộ, nuôi trâu vàng đào phá hóa mông mênh, hang đá kia tại đức Huyền
Thiên, phá hang cáo cho nên trầm mịch. Chuông gọi trâu quăng đâu sòng lại, mãi bây giời hãi bóng cù long ; gươm chém yêu vẫn chấn hồ kia, kìa đức thánh trống trên qui tích. Tả hồ đó nhà thờ nam nữ đêm đêm tắt lửa vẫn cầu kinh ; hữu hồ kia chùa bụt vãi sư tối tối thắp đèn kể hạnh. Củng củng rõ chùa Hoa tiếng mõ, mõ di-đà nay hóa mõ đi men ; thình thình chợ Bưởi tiếng chầy, chầy giã gió nay ra chầy giã sách. Hồ-khẩu đó miếu bà Trưng chúa, sóng thần
trước miếu hãy thiêng liêng ; Xuân-Tảo kia đền đức Thiên vương gió chận bên đền còn hiển hách. Tức cho kẻ làm chùa Nhất-trụ, sợ đế-vương mà chận giữa long thân ; giận cho người khéo đắp đường ngăn kinh thánh trạng, đè ngang phượng cảng. Gia nhà nước rút đi cột ấy thời Đông kinh chẳng kém Bắc-kinh ; như bây giờ mới phá La-Thành mà Hanoi đã gần như Gia-Định. Vậy cho nên : hồ lại ngày vui, hồ thêm ngày thịnh, bên nọ nhà quan, bên kia trại lính, ngọn cờ bay phấp phới rõ tam tài, tiếng trống dậy thình thình vang tứ chính, tòa kinh-thiên vẫn trước hồ kia, tòa Bảo-hộ mới bên sau chạnh. Khen cho kẻ lập tràng Quốc học, mỏ phượng kia bút trạng nước ta ; khen thay người khéo đóng đồn tiền, đầu hổ đó chấn bèn tạc cảnh. Khi tám điểm nghe kèn tầu bác, cá kềnh cá ngạc ngậm hơi tăm ; khuya hai giờ nghe trống đồn tây, trộm cá trộm tôm đâu trốn sạch. Chỗ hát thanh bình, nơi ca an tĩnh. Ngày chủ nhật qua xem Bách-thú, đường ngựa xe thơm nực nước hoa tây, tiệc xuân nguyên vào thưởng bách hoa, người khăn áo ngát hơn hương sạ phách ; sớm thứ bảy ô tô mấy cặp, lai sừ đầm chữ ngũ bắt chân, trưa thứ năm xe ngựa mươi đôi, beng mê tít ngồi đôi dựa cánh. Cũng có ả muốn thiên nhiên đường rộng, chờ giăng lên ngựa mới quay cương ; cũng có em muốn tràng Bưởi đường vui, giục đèn thắp máy liền mở tách. Qua đền thánh ta hãy xuống ngựa, đứng chung lau cho ráo mồ hôi ; sang bên chùa ta hãy dừng xe, ngồi thạch bể cho người khỏe mạnh. Bản nhà đó đủ đồ hạ thưởng, các me khen hơn trong trướng ngoài duy ; thuyền những phòng những tháng xuân chơi, các quan thích quá lan phòng quế
phách. Chiếc trước thuyền thông, chiếc sau thuyền bách ; hễ chạy ngược giai đi giọng Huế, đổ dồn cung bắc cung nam ; hễ chạy xuôi gái hát đồng thanh, đối hết năm cung năm cách. Xoay mũ dọc xỉa mè đè chép, rửa chân thì nu nống nu na ; cắm giáo ngang cốc lặn cò bay, hoa tay vỗ tang tềnh tang tếnh. Nào chè thang, nào cốc tách ; nào nhị tam nào sênh phách, nào đem nguyệt đàn chơi lưu thủy bính bình binh, tay gãi phiếm phừng phưng ; nào quay bầu lý khúc hành vân ý a á giọng luồn sênh tanh tách.
Tiếng khoan gió thoảng, đêm nỉ non du hời tình du ; tiếng nhạc mưa rơi, khuya thấm thoắt tính tình tinh tính. Trong như tiếng hạc bay qua, trước phủ Toàn-quyền ; nhẹ bỗng cánh hồng gió thoảng, trước dinh Học-chánh. Hỏi anh chị khi chơi Bá-xã, nước có trong nhưng có được trong xanh ; rằng lão mấy tôi đi tắm Sầm-sơn, nước cũng mát nhưng không bằng mát lạnh. Mà chỉ thấy tử long vượt bể, tầu đi Tây ai kẻ chơi bời ; lại xa trông phi-phượng đưa thư, binh đánh Đức ai còn mang sách. Vậy sao được vui như hồ ý, mỗi cảnh mỗi hay ; thú sao bằng thú hồ Tây mỗi người mỗi phách. Kẻ lý tỳ bà, kẻ họa ngọc địch ; thuyền nọ ôm cầm, thuyền kia gõ tách. Hễ cách nước tiếng đâu bồng mạc, rằng gái tơ làng Bưởi đỡ tay seo ; nghe trong hoa ai lý thái niên, rằng gái cửi chích sai đêm dệt lĩnh. Cảnh thanh tao thanh rõ thực thanh ; người lịch sự lịch thay thực lịch. Ở trong thành phố, tuy Hoàn-Kiếm cũng nơi linh tích, nhưng tứ bề xe ngựa huyên hoa ; ở ngoài Đại-La tuy Linh-đường những chỗ sạch trong, nhưng bốn mặt quê mùa cục kịch. Vậy sao bằng chỗ khả tiên khả tục, cảnh làm toàn giữa chỗ
phồn hoa ; sao bằng nơi nghi hạ nghi thu, ngoài thành thị trong trang tĩnh mịch. Muốn chè thì chè, rượu thì rượu, hoa xòe ra tùy bác tự do ; muốn chép thì chép, muốn mè thì mè, lá thơm sẵn tùy ông sở thích. Mùi cá ngon chẳng kém giao-trì ; mùi sen ngát thua chi ngọc tỉnh. Khi mát ngồi mà chén gỏi, hỏi gió kia thầu bạc hết bao nguyên ; khi giăng thanh, ngồi uống chè sen, hỏi giăng ý xuất tiền bao chục gánh. Giá sen kia mỗi vụ kể nghìn nghìn ; tiền cá ý mỗi chương dư bách bách. Giá đem tính tự Lê về trước, chẳng tiêu đi lịch đại mấy từng cao, tiền cá kia tự Nguyễn dẫn sau cứ tích lạt muôn đời khôn hạ tính. Há có phải như kho Giang-Thượng, ai dùng cũng được, giăng soi bốn mặt, cánh buồm suông ; há có phải như Tạng-sơn gian, ai lấy cũng là thoảng, năm khoang thuyền chống huếch. Thế mới biết giời khai ao bạc, cho vạn gia xích-tử tắm ân ba ; vậy cho nên mở đất hồ tiền cho vạn thế suông sinh nhờ đức trạch. Đằng đông đó treo gương hồ nguyệt, soi nước non rõ mặt kẻ anh hiền ; đằng nam kia kéo quạt hồ phong, cảnh sơn-thủy đãi riêng người hậu tích. Ta lắm lúc ngày thường rửa mặt trong chín từng nhật nguyệt long lanh ; đêm lắm khi ngồi cạnh rửa tay, trông tám mặt tinh vân lóng lánh. Ngồi ngẫm nghĩ giời không phải một giời trên giời dưới bức đan thanh ai khéo họa đồ ; sực đến nơi người hóa thành hai, người dưới người trên, chanh thủy mạc ai tài chớp ảnh. Giá có bạc thu hồi bán nguyệt để đêm đêm cùng đôi bà nguyệt rượu thơ chơi ; mà có tiền xây cuốn tứ bể, để tối tối vài đứa tiểu-tinh đàn hát mảnh. Chơi hồ ý vui hơn đàn cuốc nước, mảnh giang thư thường giãi bụng người trung ; khen cho ai đặt
tiếng sâm cầm, trăm hoa bật nực cười anh hót nịnh. Chẳng qua là anh bán nước nói hươu, để nước thế thực là dại vích.
Nhân lúc ngày xuân quanh hồ ngâm vịnh ; đứng đằng này trông đằng nọ, nom kinh thành, phượng các long lâu ; đứng đằng đông trông đằng tây, rõ thành phố đường hoa ngõ hạnh. Chợ giấy kia, hàng kể vạn muôn ; thôn dân đó ruộng huyên thuyên mạch. Nọ ông lão câu sương, câu tuyết, đêm ném mồi dử được cung-nga ; nghe mấy cô chao tép chao tôm, đua nhau ví tiếng vang bành trạch. Lại thấy nói cá đi thí vũ, tướt lượt lũ ba, lũ bảy, đầu trống năm đã đầy cả chỗ cầu đông ; lại đồn rằng nhạn kéo sang Nam, cứ từng hàng chữ nhất chữ nhân, hết trống một bay qua về núi Lịch. Ca rằng : vui thay ngoài thành, kín thay sau tỉnh. Kể nuôi dân là mỏ bạc tiền, kể giữ nước, hơn thành đá gạch. Chiểu thuế lệ, biết mấy từng tiền bạc, của nước non chan chứa nội hoàng-thành ; ước chu-vi mấy vạn trượng, bao la hơn nước sủi hào quanh ngoài soác sách. Giá những lúc đông Tề, tây Sở, đỡ quân-vương lo mặc bắc Long-biên, mà những khi cờ trắng, cờ đen, khỏi binh lính gác cửa tây phương tỉnh. Nay hồ ý nam ai là chủ, tậu chỗ này bạc chất mấy tầu binh ? Rằng hồ nay Tây đã thầu rồi, tiền hồ ấy chất năm kho bánh. Nhà nước giờ vẫn cứ báng chương ; ta thầu được ta là chủ lĩnh. Giữa hồ ý làm nhà thủy-tọa, để quanh năm tổ tôm, tổ tép hát chơi vui, mà tuần hồ làm mấy chiếc lâu thuyền, để tháng nực chữ ngũ, chữ ngô nằm mát khểnh, thuê mấy thầy thông ký bạ thư, mộ một đôi nữ-công tuần cảnh. Chơi cũng tục, chẳng chơi cũng tục. Chơi sao để tiếng trong hồ ý như Nhất Chiêu đế tử cháu vua Trần, xưa nước
non nay vẫn nước non, chớ nên quấy đục hồ lên như Tòng Cối lộng thần con chúa Trịnh.
Hanoi ĐỨC-LONG gia-ông phú tập
10) BỌT BỂ
Cái bọt bể (éponge) ta thường thấy người Âu-tây dùng để lau rửa, chính là một loài « sinh-vật » (être vivant) ở dưới nước bể. Những loài sinh-vật ấy thường kết lại thành đám, bám chặt vào những núi đá dưới bể hoặc bám vào những vỏ các loài cua, hến mà sống. Loài ấy lổ chổ những lỗ mà tiếng khoa-học gọi là « osotiole » ; thân nó thì dài mà mềm, có cái đặc tính giăng ra hoặc chun lại được.
Ta cầm một cái « bọt bể » mua ở hàng, tức là ta cầm cái xác một con vật mà ta không biết, song trước khi thành một cái « Bọt bể » bầy bán ở cửa hàng, thứ sinh-vật ấy đã phải trải qua biết bao nhiêu sự chế hóa mới thành một thứ để dùng như thế.
Như vậy thì chắc nhiều người muốn biết cái (lịch-sử) của bọt bể, những nỗi hiểm nghèo của các nhà chuyên-nghệ đi kiếm nó, cùng là cách chế hóa cho nó thành ra đồ dùng như thế nào.
Các nhà bác-học trứ-danh như : Hacekel, Maas Leuckart, Sallos, Delarge, v.v… đều có những bài khảo cứu rất tinh tường về loài sinh-vật ấy là loài đứng ở các bực thang tột cùng trong hàng động-vật mà cũng có một bộ cơ thể hoàn toàn.
A) Có mấy thứ bọt bể ?
Bọt bể có nhiều thứ, song chỉ có hai thứ chính là thứ bọt bể nhỏ thớ thường dùng để rửa và xoa mặt, và thứ bọt bể to thớ dùng để tắm và lau vài thứ máy móc.
Thứ quý nhất là bọt bể ở Syrie mà người ta thường gọi là bọt bể Venise ; thứ này, các nhà quý-phái ở Âu-Mỹ thường dùng đến.
Cũng có thứ mầu vàng sạm, cũng có thứ mầu nâu, song phần nhiều bọt bể người ta gọi là Venise thì mầu nâu cả. Bọt bể ở Zerby, ở Tripolitaine (thứ này hơi to thớ), bọt bể ở Dalmatie cũng đều quý giá cả.
Sự dùng bọt bể trong việc rửa mặt đã có tự lúc cổ-thời ; người ta còn thấy dấu tích của các dân-tộc Ai-Cập, Hy-Lạp và La-Mã.
Xét ra thì sự dùng bọt bể ở nước Pháp mới có vào hồi thế-kỷ thứ 16 mà chắc rằng do họ Médicis truyền sang, vì ở nước Ý, người ta đã biết dùng từ lâu đời rồi.
Về trung-cổ thời-đại, bọt bể chỉ thường dùng để lau những bức họa bằng sơn.
Người Pháp đã thử gây giống bọt bể ở hải-phận nước Pháp trong miền Địa-Trung-Hải, song không thấy có hiệu quả.
Người Ý cũng thực hành việc ấy ở miền hải đảo Caprera thì kết quả hoàn toàn lắm.
Người ta còn định gây bọt bể bằng một cách khác là làm những bể nhân-tạo mà nuôi ; cái ý kiến thì hay mà chắc cũng có hiệu-quả, song không thể đem thực hành được. Vì những người chuyên về nghề đi kiếm bọt bể có cái manh tâm muốn chiếm độc-quyền, bọn ấy sợ rằng sự gây giống nọ mà thành thì có sự cạnh tranh với họ. Bởi cái lòng vị-kỷ
ấy nên họ tìm hết phương kế mà phá đổ cái công cuộc rất ích lợi kia. Hồi ấy vào năm 1867. Thế rồi người ta ngã chí không ai nghĩ gì đến công cuộc ấy nữa.
B) Nghề kiếm bọt bể
Kiếm bọt bể cũng có nhiều cách và nhiều nơi như ở hải phận nước Anh-Cát-Lợi, nước Bồ-Đào-Nha, miền Hải-đảo Hy-Lạp, miền quần-đảo Thổ-Nhĩ-Kỳ, miền Bahania tại Cuba, miền duyên-hải Floride, tại Địa-Trung-hải, tại Thái-Bình dương, tại Ấn-Độ-dương, nhất là miền Tân-Gia-Ba. Những bọt bể ở miền Syrie, Grèce là thứ nhỏ thớ, nhiều người ưa dùng, thì sự sinh trưởng lại rất mạnh vì nước ở miền bể ấy hơi ấm, rất thích hợp với sự sinh trưởng của loài ấy. Miền Aegyna và Hydra ở nước Grèce miền Symi và Calzinnos ở quần-đảo Thổ-Nhĩ-Kỳ không thể nhờ về đó mà làm giầu được, mối lợi ấy thuộc cả vào tay người Anh.
Người nước Anh họp công ti mua các dụng-cụ tối cần, cấp cho các nhà chuyên nghề đi kiếm bọt bể để đem về bán cho họ. Những dụng-cụ ấy giống thứ tiềm-thủy-y « Scaphandra » dùng để làm việc ở dưới đáy bể ; dùng nó mà đi kiếm bọt bể thì được chắc-chắn mà đỡ xẩy ra những sự nguy hiểm, cái đó đã cố nhiên rồi, song nhiều nhà chuyên nghề này nhất định không dùng, chỉ lặn mình không xuống bể mà tìm kiếm bọt bể.
Họ thường phải chịu cái áp-lực rất nặng của nước đè trên mình, bọt bể ở càng sâu bao nhiêu thì cái áp-lực ấy lại càng mạnh chừng ấy. Nghề đi kiếm bọt bể thật là một nghề vất vả, người khỏe mạnh đến đâu mặc lòng, đã làm nghề
này thì không còn sống lâu được, đã thế mà các công ty bảo hiểm cũng không bảo lĩnh gì với họ cả.
Cứ như một nghề đi kiếm bọt bể thì cũng chẳng lợi gì cho lắm, song nhưng mà chuyên nghệ lại nhân nghề ấy mà kiếm thêm được bổng ngoài, vì lắm khi gặp được nhiều miền có rất lắm vật quý. Ngoài việc kiếm bọt bể là việc chính, họ lại thường bắt được từng cành san-hô cùng các bảo vật khác. San-hô và những vật ấy thuộc về họ, người đứng thuê chỉ có quyền lấy bọt bể họ kiếm được mà thôi. Trong một năm phải vài độ không kiếm được, nhất là về khoảng tháng một là mùa bể hay có bão. Tháng chạp, tháng giêng và tháng hai là độ rất tốt cho nghề ấy, vì kiếm bọt bể đã được nhiều mà bể lại không có sóng to hoặc bão, việc kiếm bọt bể trên đây là nói về những cuộc ở Địa-Trung Hải. Còn ở Ấn-Độ-dương một năm cũng có hai độ kiếm như thế.
Những thổ-dân ở các vùng ấy lúc còn bé đã tập nghề này. Cách tập thật gian nan mà nguy hiểm lắm. Các tay tập sự, bơi thuyền ra giữa bể cả, họ buộc một tảng đá lớn vào một sợi dây thừng thật bền và thật dài rồi thả tảng đá ấy xuống bể khơi, đoạn bắt cái thừng ấy mà leo dần xuống bể. Trước còn tụt xuống một mực nơi nông, rồi lại leo lên, sau cứ thế mà leo xuống dần, kỳ cho bao giờ tới tảng đá buộc ở đầu dây bấy giờ mới là tay thiện-nghệ.
Tập như thế là cốt để luyện lấy sức khỏe và sự ngậm hơi nhịn thở là hai cái cốt-tử trong nghề kiếm bọt bể. Đó là không nói đến sự dùng những dụng-cụ tối tân. Bọn đi kiếm bọt bể ở Ấn-Độ-dương chỉ biết tin ở sức khỏe và sự ngậm
hơi nhịn thở của họ, cũng như bọn người ở Hà-Lan lặn bể tìm ngọc-trai. Họ không còn phải là người, thật là loài lưỡng thế « Amphibie » vậy.
Trước lúc dấn mình xuống nước đây là nói những tay « thiện nghệ », họ hút thật nhiều khi giời vào phổi rồi lặn xuống, hoặc đâm đầu xuống trước, hoặc víu vào tảng đá buộc ở đầu thừng. Bị sức nặng của đá chìm, họ tụt xuống nước thật nhanh để mò tìm bọt bể. Những người đâm mình xuống nước mà không đùng đến đá thì phải lấy sức khoẻ trước khi nhảy xuống bể để đủ được sức mà « xuyên » qua cái lớp nước sâu như thể nó đè ở trên mình, cứ nghe nói cũng đủ thấy công việc là nguy hiểm.
Phải để ý về loài cá mập, lẽ tất nhiên là những người ấy chỉ vận một cái khố để cử động dưới nước cho được dễ, không những thế, miệng họ còn ngậm một lưỡi dao găm rất sắc. Lưỡi dao găm ấy có ích cho họ lắm. Một hôm tôi được chứng kiến như sau này :
Một người nghề đi kiếm bọt bể có tiếng là tay giỏi trong thiện nghệ. Người ấy vừa nhảy xuống bể, tôi cũng vừa nhanh mắt trông theo, bỗng nhiên nước bể sùi bọt lên, một đợt sóng nhô cao thì dưới chân sóng có một con cá mập (Requin) rất lớn bơi lại gần người ấy.
Murga (là tên người ấy) trông thấy con cá khổng-lồ ấy, cứ điềm nhiên như không ; khi con cá mập ấy quận mình lại để đớp mồi (loài cá mập chỉ đớp được mồi ở phía cạnh) thì Murga liệng mình một cái rất nhanh, rút mũi dao ngậm
miệng dơ thẳng cánh tay, đâm ngang vào bụng con cá thật
mạnh mà kéo dài vết đâm xuống. Những lớp máu tươi làm đỏ ngầu cả một vùng bể ấy.
Còn Murga không để ý gì đến con cá mập ý vừa đâm chết, lại theo đường lặn xuống bể khơi.
Chuyến ấy vừa được bọt bể lại vừa được con cá mập. Việc xẩy ra như thế cũng là một sự nguy-hiểm mà các nhà chuyên nghề đi kiếm bọt bể thường gặp ở dưới nước khơi.
C) Bọt bể làm đồ dùng
Việc thứ nhất của nhà nghề khi kiếm được bọt bể lên là phải bóc màng nó đi, sau đem ra nước sạch mà vò, rồi theo một phương pháp riêng mà giặt cho bọt bể được trắng ra, đoạn phơi cho khô lại. Khi được nhiều rồi, họ tải thứ hóa hạng quí giá ấy xuống tầu bể để xuất cảng. Luân-Đôn, kinh
đô nước Anh, là một cái thị-trường lớn nhất thế-giới về nghề bán bọt bể.
Về bọt bể, nay xin nói mấy câu nữa :
Nhỏ thớ người ta dùng nó để chùi mặt, to thớ thì dùng để cọ mình trong khi tắm, to thớ hơn nữa thì dùng để cọ xe, cọ tường, lau máy v. v.
Lại xin thêm mấy nhời khuyên nữa, bọt bể dùng để rửa mặt, nguyên là một chất mềm mà cần phải sạch, thường phải dấn nước sôi và giữ cho kỹ, không thế thì nó chính là một cái « tổ chứa vi-trùng ».
Hiện nay « bọt bể thiên tạo » đang bị « bọt bể nhân tạo » cạnh tranh. « Bọt bể nhân tạo » làm bằng nhựa cao su do người Mỹ chế ra, xem đã thấy đắc dụng lắm.
Thực nghiệp lược dịch bài của M. J. Watson trong báo tây TỪ-SƠN trích lục
11) NHÀN ĐÀM (Giấc mộng đêm hè)
Đồng hồ vừa điểm dứt 11 tiếng thì tôi vội thu xếp sách vở đi nghỉ vì mùa viêm-nhiệt, khí trời nồng nực quá nên trong mình đã thấy nhọc lắm.
Đặt mình nằm ước độ nửa giờ mà vẫn chưa thế nào ngủ được, cứ trằn trọc bâng khuâng mãi. Sau chợt thoảng qua một cái thì ra mình đã ngủ mê đi lúc nào rồi !…
Trong khi tôi bâng khuâng đỉnh giáp non thần thì tôi gặp không biết bao nhiêu các cụ tiền-bối trông rõ ra vẻ lão thành đạo-đức, tuấn-kiệt anh-hào cùng quây quần cả chung quanh tôi mà chất-vấn những điều như sau này :
- Này gã thư-sinh kia ! Lại đây chúng ta hỏi : sao đời mày bây giờ đảo điên ghê gớm thế ? Hằng ngày thường xẩy ra những tấn thảm-kịch kinh hồn táng đởm như là : con cãi cha mẹ, vợ chồng li-dị nhau luôn, anh em thì bất hoà bất mục, tôi tớ thì bạc ác vô lương, thói đời điêu bạc, sự thế thảm thương, khiến cho ai ai có lòng ưu thời mẫn thế cũng phải chau mày nghiến răng mà than thở ! Ôi ! đời chúng mày cứ tự phụ là văn-minh ! Ta hãy hỏi văn-minh gì ? Hay là văn-minh rởm, đài các sằng, nhâng nhâng nháo nháo, vô lễ vô phép với cả tổ tiên, thực là làm ô-danh cho cả con nhà Hồng Lạc. Chúng ta đây tốn bao tâm huyết mới gây dựng được cái nền văn vật cho đất Việt-Nam này, mà bọn con cháu vô phúc như chúng bay dám đang tâm làm bại hoại đi. Liệu đấy, chúng bay tội to lắm đấy, chứ chẳng chơi đâu.
Nói đoạn các cụ mắm môi trợn mắt mà la thét hình như giận dữ lắm, làm cho tôi giật mình tỉnh dậy, té ra một giấc chiêm-bao, mồ hôi toát ra như tắm, vội thắp đèn lên cầm bút ghi và thuật lại ra đây để đồng-nhân cộng lãm.
Nam-Định NGUYỄN-VĂN-DƯ
A) Voi trâu than thở
Con trâu miệng thở hồng-hộc, co cẳng cong đuôi chạy tế trên đường vào phía rừng rậm, có ý sợ hãi điều gì. Đang chạy lồng cát tung bụi bốc thì thình lình gặp con voi mắt rươm rướm ướt, miệng mếu xệch xoạc, trâu dừng bước hỏi :
- Trong chốn thâm-sơn là nơi tĩnh mạc, ở ắt được yên thân, cớ sao bác lại nguây nguẩy đi ra mà nét mặt có ý buồn rầu như trong lòng có chan chứa điều u uất, nói ra không được mà nuốt vào không trôi !
Voi lấy vòi gạt nước mắt đáp :
- Non trăm năm nay đệ ăn ở trong chốn sơn-lâm rất là thỏa thuê sung sướng, người ta vẫn đùa bảo đệ là yếm-thế, là đạo-đức, ghét nơi phồn-hoa đô-thị, lấy nơi non xanh nước biếc làm thú tiêu dao ! Mặc ai gắng sức đua chen trong vòng danh lợi ! Than ôi ! Nay kỹ-nghệ của loài người một ngày một tinh thông ; chức quan hàn của loài người một ngày một đa số ! Họ sinh đeo thẻ bài để hãnh diện với bà con, nên bọn thợ ngà thấy nghề bở kéo nhau đi tìm ! Ngô huynh ơi ! đệ cũng vì cái lố-bịch của loài người mà bị cụt một ngà đây, này ngô-huynh ơi !…
Trâu lắc đầu, chép miệng đáp :
- Thế ra tôi mấy bác đồng bệnh tương lân, không biết tôi cùng bác có thâm thù gì cùng loài người không ? mà họ chỉ chăm chăm định hại ta ! Tôi cũng vậy, họ được ân thưởng ăn khao linh đình, cứ tìm tôi mà mổ để thết bà con hàng xóm, kẻo họ sợ « vô vọng bất thành quan ! » Tôi sợ quá toan vào rừng ở ! Vậy lại gặp bác kể nông nỗi nghĩ chán quá !
Voi cười gượng nói theo :
- Chuyến này chỉ bọn ả đầu là tha hồ phát tài thôi !… NGUYỄN-SƠN-TỪ
B) Chuyện anh hàng thịt quay và anh phu gánh (Chuyện giải trí của RABELAIS Tiên-sinh soạn)
Ở kinh-đô Pha-lê, trước cửa hàng thịt quay có anh phu gánh ăn bánh với khói thịt quay rất ngon lành và thú vị lắm.
Anh hàng thịt quay cứ kệ cho anh phu gánh đứng ăn. Nhưng đến khi ăn xong, anh ta chạy ra khóa chặt lấy áo anh kia lại, rồi đòi tiền ăn khói thịt quay.
Anh phu gánh cãi rằng :
- Tao không động đả đến thịt, không có lấy một tí vật gì, thế thì mày còn lôi thôi với tao à ? Và vả chăng khói thịt bay ra ngoài rồi biến mất ! ở thành Pha-lê này tao không nghe thấy ai nói khách bộ-hành lại phải giả tiền khói thịt quay bao giờ cả !
Anh hàng thịt quay nói :
- Tao không có lẽ nuôi không những quân vô dụng bằng khói thịt, này phải giả tiền ngay mau đi, nhược không tao sẽ bắt lấy đòn gánh của mày cho mà xem.
Còn anh phu gánh rút ngay đòn ra để chống cự lại.
Đám cãi nhau hóa ra to, dân ở kinh-thành chạy tơi tả ra xem và ông Giăng-Iơ-Phu, khắp phố ai cũng biết tiếng ông ta, vừa may qua đó.
Anh hàng thịt quay nói :
- Mày có bằng lòng ông Giăng-lơ-Phu sử kiện mày với tao không ?
- Tao rất bằng lòng !
Khi ông Giăng-lơ-Phu nghe rõ đầu đuôi câu chuyện của hai anh kia, liền bảo anh phu gánh đưa vài hào cho ông ta. Anh phu gánh lấy ra một hào ván rồi đưa cho ông Giăng-lơ Phu.
Ông Giăng-lơ-Phu cầm đồng hào để lên tả vai nhắc xem nặng hay nhẹ, đoạn rồi ghé lại gần giữa mắt tay phải, xem hào chữ mới hay nhẵn, sau kiểm mãi luôn luôn trên mặt quầy nghe xem có phải thực bạc không ? Trong khi bấy giờ mọi người đứng nhìn rất im lặng, còn anh hàng thịt quay cứ lăm le chực lấy hào bỏ túi, khiến cho anh phu gánh mặt biến hẳn sắc đi.
Ông Giăng-lơ-Phu làm quan tòa chống gậy, đội mũ, thúng thắng ho vài cái rồi cất tiếng nói lên rằng :
- Tòa sử : Thằng phu kia ăn bánh với khói thịt quay thì đã giả bằng tiếng hào rồi. Tòa đã xử như vậy, người nào
người ấy phải về nhà ngay không được lôi thôi ! NGUYỄN-VĂN-HOAN dịch thuật
*
Lời bàn của dịch giả : Hay thật ! Đứng nhờ ở ngoài lò thịt, ngửi khói thịt ăn bánh mà phải giả tiền ! Cũng lạ đấy chứ ! Nhưng xét ra cho kỹ anh phu gánh kia : mồm ăn bánh, mũi ngửi khói thịt, tuy không ăn thịt nhưng cũng thú vị, thật chẳng khác chi ăn bánh với thịt vậy ! Anh hàng thịt nọ đòi tiền cũng có lý ! Thịt đáng một hào nhưng khói cũng đáng dăm xu ! Mùi thịt khi đang quay thơm bằng mấy lúc quay rồi. Đòi tiền cũng phải !
Cái đám cãi nhau này giá vào người khác xử sao được ? Khen cho ông Giăng-lơ-Phu xử khéo thật ! Ngửi hơi thịt thì giả bằng tiếng hào ! Thế mới phải, thế mới minh ! Vị tất vào đến quan xử đã nổi ! Mà lại nay trát đòi, mai trát đòi, nay đút tiền cho chú lính, mai đút tiền cho thầy đề, kia đút lễ cho quan !…
Ông Giăng-lơ-Phu xử khéo thật !
NGUYỄN-VĂN-HOAN
C) Câu truyện dưới giăng
Tối hôm tết tháng tám vừa rồi, nhân khi thừa nhàn, vội đến chơi nhà ông bạn, định rủ đi với mình xem thiên hạ bầy cỗ cho vui. Khi đến nơi, bác ta ngần ngại và giả lời rằng :
- Tết trung-thu là của trẻ con có gì đâu, thôi cùng tôi lên trên sân thượng này, đôi ta thưởng nguyệt, lại chẳng thú
gấp mấy mươi hay sao ?
Bèn cùng nhau lên gác, ra sân, ngồi chơi uống nước. Bạn rằng :
- Gió mát giăng thanh như thế này, ta biết nói câu chuyện gì bây giờ ?
- Ta lại mang chuyện giăng ra mà nói.
- Nếu lại nói trong giăng có ả Hằng-Nga, trên giăng có chú Cuội ngồi thời cũ rích, hay lại như khoa-học ngày nay, giăng là một vì tinh-tú, xoay vòng quanh quả đất, tự mình không thể sáng được, v.v… thời cũng chẳng có ý vị gì.
- Không, thế này thú lắm và hợp thời lắm. Ta mang ra ôn lại những tình-tứ của người đời những lúc trông giăng. Này như : một đôi tài-tử giai-nhân kia, lúc đêm thanh, chén tạc chén thù rồi, cùng nhau sánh vai, dạo gót lê-viên, trông thấy giăng mà hỏi nhau rằng : « Giăng kia của nhà ai ? », « Giăng của nhà ta, chứ của ai » (Nguyễn khắc Hiếu) thời lúc đó vui sướng biết là bao nhiêu, dẫu có nghìn vàng hồ dễ mà đổi được ư ? Còn ai kia, như đũa lệch đôi, hờn duyên tủi phận, càng trông thấy giăng bao nhiêu, lại càng căm giăng, tức giăng, giận giăng mà phải kêu cùng giăng rằng : « Trêu ngươi chi mấy giăng già, Sao con chỉ thắm mà ra tơ mành… ! » thời cực khổ đến đâu. Nhưng kể ra cũng chưa khổ bằng như ai kia, khi xem hoa nở, khi chờ giăng lên, đương cùng nhau mặn nồng hương lửa, mà phút chốc đã phải phân-ly, chiếc bóng song the, mà trông thấy giăng bao nhiêu mới lại càng chua xót bi-ai cho người ta chứ : « Vừng giăng ai xẻ làm đôi ; Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm
trường… ! » Vợ nam, chồng bắc, như én lạc đàn, cái đoạn khổ thống tình thương ấy kể sao cho xiết, nhưng nếu cay khổ bao nhiêu về nỗi ly-biệt, thời đến lúc đoàn viên lại vui sướng bấy nhiêu. Lúc đó, biết bao nhiêu là nguồn ân, bể ái, dẫu giăng đã cao, canh đã tàn, gà gần gáy sáng mà câu chuyện hàn-huyên còn như chan, như chứa, dễ chừng mà thôi ngay được sao ? Hợp-tan ly-biệt ấy nhẽ tất nhiên là thế, mà thường tình con người ta ở đời thì :
Hoa thơm đương nhị, giăng vòng tròn gương, ai trông thấy mà chẳng thương, chẳng yêu, chẳng chiều, chẳng quí ; chứ giăng tà, hoa rụng, ai người yêu hoa, thương giăng, nào đâu cả : « Hoa tàn mà lại thêm tươi ; Giăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa !… » Đã hay rằng như vậy, song mỗi khi : « Một mình lặng ngắm bóng nga ; Rộn đường gần với nỗi xa bời bời ; Người mà đến thế thì thôi ; Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi ; Người đâu gặp gỡ làm chi ; Trăm năm biết có duyên gì hay không ?… » thời biết cùng ai mà trò chuyện, than-thở khúc-nhôi, biết dám nói cùng ai, dẫu rằng có chết đi chăng nữa, mà ai không biết đến thời cũng đành bỏ quá xuân xanh một đời mà thôi… Ấy giăng có một cái địa-vị to tát trong cuộc tình duyên của bạn thanh-niên đương luẩn quẩn với thất-tình là thế đấy.
- Ngoại thất-tình ra, người ta trông giăng lại không có cảm tưởng khác nữa ư ?
- Có lắm chứ. Ngoài thất-tình ra, người ta trông giăng lại có những tư tưởng thanh cao, như cũng biết thưởng cái đẹp thiên-nhiên của tạo hóa, như núi non, sông nước, mặt giời, khi mọc khi lặn, một tối đêm giăng : « Vừng ngọc thỏ,
in sông vằng vặc, Giữa giang tâm bóng lộn mấy từng !… » Hay là cao xa hơn như : « Giăng đến rằm thì tròn » trong khi quan-niệm đời người biết rằng có ba thời-kỳ : ấu, trưởng, lão. Lúc ngây thơ còn dại chưa biết gì, chứ nhớn khôn lên cũng vẫn mãi thế này rư ? Hay là ở đời người ta không có cái gì là tuyệt-đối cả : « Giăng khoe giăng tỏ hơn đèn ; Làm sao giăng phải chịu luồn đám mây ? » Sau cùng, lại còn uyên-thâm hơn nữa, là đời người có bao nhiêu, ba vạn sáu nghìn ngày, chứ cảnh vật thời thiên-niên bất dịch vậy : « Giăng bao nhiêu tuổi giăng già ; Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non !… » Đấy chị Nguyệt ơi ! Người đời trông thấy chị, ngụ biết bao nhiêu cảm-tình cùng ý tưởng, tùy thời, tùy người, tùy cảnh, chẳng hay chị đứng đây có biết chăng tá ?… Đêm đã khuya, phố đã vắng, hỏi chẳng nói, gọi chẳng thưa, thôi mặc kệ ai cứ việc mà lơ lửng trên không-gian. em xin lỗi bác đi về để khi khác.
NGUYỄN-VĂN-TUYÊN
12) CURIEUX PARTAGE
Un arabe en mourant laissa 17 chameaux, il en léguait la moitié à son fils, le tiers (1/3) à son neveu et le neuvième à son cousin.
Le partage était bien difficile à effectuer ; car le fils devait avoir 8 chameaux (1/2), le neveu 5 (2/3) et le cousin 1 (8/17).
On fit appel au Cadi (juge arabe) qui arriva et, après réflexion, joignit son propre chameau aux 17 du défunt. Cela fait, il donna la moitié au fils, qui obtint de la sorte 9 chameaux ; le tiers au neveu qui en eut 6 et le neuvième au cousin qui en eut 2. Le Cadi reprit alors le sien et chacun s’en fut content.
Ce résultat s'explique si on observe que la somme des fractions et 1/2 et 1/3 et 1/9 est 17/18 ; et que par suite en suivant exactement les instructions du testament, une partie de la succession (1/18) serait restée sans propriétaire.
13) UNE ÉPITAPHE ARITHMÉTIQUE ET POÉTIQUE
Passant, sous cette tombe repose Diophante,
Ces quelques vers tracés par une main savante Vont te faire savoir à quel âge il est mort :
Des ans assez nombreux que lui laissa le sort, Le 6e marqua le temps de son enfance,
Il passa le 12e en son adolescence,
Dans L’âge mur encore un 7e coula,
Puis s’étant marié, sa femme lui donna,
Cinq ans après, un fils qui, du destin sévère,
Recut de jours, hélas, deux fois moins que son père. Et quatre ans, dans les pleurs, celui-ci survécut Dis, si tu sais compter, à quel âge il mourrut ! (EUTROPE)
Si l’on ajoute l’une à l’autre les diverses fractions de la vis Diophante, on trouve : 1/6 + 1/12 + 1/7 + ½ = 75/84 de sa vie.
Les 9/84 de sa vie qui restent représentent les 5 ans de son âge mur et les 4 ans qui précèdent sa mort ; soit en tout 9 ans.
9/84 de sa vie valent donc 9 ans ;
1/84 de sa vie vaut 1 an
et 84/84 de sa vie valent 84 ans.
Diophante vécut 84 ans.
A. MINET ET L. PATIN
14) ADMINISTRATION SCOLAIRE 1 : ABSENCE (AUTORISATION) VOIR PERMISSION
Absences des èlèves : Les élèves ne peuvent s’absenter de l’école que pour des motifs sérieux : maladie, décès d’un des membres de la famille, cérémonie culturelle, difficultés accidentelles dans les communications.
Lorsqu’un enfant s’absente sans permission, il doit être puni à son retour ; si l’absence sans permission se prolonge au delà de 8 jours, l’élève doit être rayé du contrôle. Le fait est signalé dans le rapport trimestriel. Sont rayés également les élèves qui, après les vacances, ne rentrent pas au jour fixé, avec un peu de fermeté, les maîtres pourront obtenir une fréquentation scolaire régulière sans laquelle aucun progrès n’est possible.
En ce qui concerne les motifs invoqués par les élèves, les maîtres doivent tenir compte des circonstances locales pour les accepter ou les rejeter. Il ne peut exister en cette matière de règle absolue, de même que pour la durée des absences.
Néanmoins, il y a lieu dans la majorité des cas de considérer l’absence sans permission comme un acte d’indisciplinaire et d’infliger une punition.
Absences du personnel : Pendant les heures de classe, le maître ne peut, ni s’occuper d’un travail étranger
à ses fonctions, ni s’occuper d’un travail étranger à ses devoirs scolaires. Il lui est interdit de s’absenter de son poste sans y avoir été régulièrement autorisé et sans avoir donné avis aux autorités locales.
Les permissions sont accordées, lorsqu’elles n’excèdent pas 8 jours, par le Chef de la province 2et au delà de 8 jours par le Chef du service de L’Enseignement. Ces deux autorités se communiquent leurs décisions. Toute demande de permission pour raison de santé doit être accompagnée, par tout ou c’est possible, d’un certificat médical délivré par un médecin de l’administration indiquant la nature de la maladie et la durée de L’indisponibilité.
Si aucune pièce justificative n’est fournie à l’appui des demandes de permission pour raisons de famille ou pour convenances personnelles, ces demandes ne pourront être prises en considération que sous réserve de la production par l’intéressé, à l'expiration de sa permission, d’une attestation délivrée par l’autorité compétente (mariage, maladie, décès, etc). Le lieu où l’intéressé compte jouir de sa permission doit toujours être précisé.
La durée des permissions qui peuvent être accordées aux maîtres, non compris les délais de route, s'il y a lieu, est en principe de trois jours à l’occasion de leur mariage et, pour le décès d’un membre de leur famille de 2 à 4 jours suivant degré de parenté. Pour permettre au service de calculer les délais de route, la demande doit indiquer le village où le maître doit se rendre.
Les demandes de permission doivent être tout à fait exceptionnelles et motivées par des raisons impérieuses.
Il est tenu compte de l’assiduité des maîtres dans l’établissement des propositions pour l’avancement.
Les demandes de permission sont adressées par la voie hiérarchique. En cas d’urgence (décès d’un proche parent par exemple) la demande peut être adressée télégraphiquement (avec réponse payée) au Chef du service de l’Enseignement. Les pièces justificatives sont produites au retour.
En cas de maladie, le Chef de service (où l’Inspecteur primaire de la Circonscription) doit être immédiatement avisé. Le maître aura tout intérêt à se présenter à l’Hôpital pour obtenir du Médecin chef le repos qui lui est nécessaire et pour s’y faire soigner.
Accidents : Le maître devra donner tous conseils utiles à ses élèves pour éviter les accidents, interdire les jeux violents ou dangereux, les batailles, les jets de pierres, il devra inviter les élèves à déposer leur porte-plume dès qu’il n’ont plus à écrire, les empêcher de tendre en avant ou en l’air crayon ou porte-plume, etc.
Si un accident se produit en classe ou dans la cour, le maître avisera aussitôt le lý-trưởng, puis fera transporter l’enfant dans sa famille, non sans avoir essayer, dans la mesure de ces moyens, d’atténuer les dangers de l’accident (pose d’attelles en cas de fracture, ligature en cas d’hémorragie, etc).
Le maître devra faire un rapport à son inspecteur si l’accident présente quelque gravité. Il donnera tous renseignements concernant l’élève et indiquera avec précision dans quelles conditions l’accident s’est produit.
Les maîtres ne devront pas oublier que les élèves restent sous leur surveillance pendant la récréation.
Acquisition de locaux : L'Administration du Protectorat pour les écoles subventionnées, les diverses collectivités indigènes pour les autres écoles, peuvent acheter des locaux pour servir de salles de classe, en leur faisant subir, ou non, des modifications. Les directeurs d’écoles signalés ont les locaux convenables dont il pourrait être fait acquisition (joindre plan, indiquer nom du propriétaire, état du local, matériaux entrant dans sa construction, prix demandé, etc).
Il n’est utile de fournir ces renseignements que dans le cas d’insuffisance des locaux occupés.
15) MỘT BÀI HỌC BÌNH ĐẲNG
Tôi có một anh bạn nhà quê rất thân thiết tên gọi Gustin, người khoẻ hơn tôi và nhớn hơn tôi đến ba bốn tuổi. Dù nhớn hơn, khỏe hơn, Gustin vẫn cứ phải theo ý muốn tôi, hình như hắn ta đẻ ra để mà nghe nhời tôi sai vậy. Ấy cái nết hay sai người làm đổi cả bản tính tôi đi. Lắm lúc tôi sai để lấy cái thú bắt phải phục tòng đó thôi.
Mẹ tôi mới định sửa cái tính áp chế khốn nạn ấy của tôi đi.
Mẹ tôi bèn gọi cả đôi đến, rồi dạy cho Gustin một bài phải tự-trọng hơn một chút và tôi phải có bụng công bằng mới được. Hết mắng tôi về cái thói cứ muốn làm thầy suốt đời người ta, mẹ tôi lại bảo rằng : Gustin sinh không phải để phục tòng cái tính oái oăm của tôi đâu, hắn là bằng vai tôi, là bạn tôi, chứ không phải là đầy tớ tôi và mẹ tôi bảo từ giờ mà đi, phải sửa tính nết lại.
Cái thằng mán ấy lại hiểu quá ư là hiểu, hôm sau, khi chúng tôi đi chơi trong rừng về, nó thấy người mỏi mệt, bèn chụt ngay guốc ra và sai tôi xách luôn.
Tôi khi đó mới lên bốn, phải nghe nó ngay. Tôi cứ đi thế về đến nhà, trước mặt mẹ tôi, tay xách lệnh khệnh đôi guốc (mà guốc có nhẹ đâu), còn thằng Gustin thấy tôi phải mang nặng, thở không được, lấy làm đắc chí lắm, mà nó lại chính là đứa trẻ thuần hậu nhất làng đấy. Như vậy, cái bài học lần đầu về lẽ bình đẳng này, chỉ tổ làm chủ xuống đầy tớ, tớ lên chủ thôi.
Nhưng mà bình đẳng có phải dễ hiểu và dễ thực hành thế đâu, đến người nhiều tuổi hơn và có học thức hơn nó, vị tất đã hiểu nổi.
ĐẠT-ĐỨC dịch
*
PHÁP VĂN : UNE LEÇON D’ÉGALITÉ
J’avais pour compagnon inséparable un petit paysan nommé Gustin, plus âgé que moi de trois ou quatre ans et beaucoup plus fort. Malgré cette différence d’âge et de force, Gustin se soumettait à toutes mes volontés, comme s’il eut été né pour m’obéir. Cette habitude de commander me dénaturait. J’ordonnais pour le seul plaisir d’être obéi.
Ma mère résolut de mettre fin à ce despotisme en herbe.
Elle nous fit comparaître tous les deux devant elle pour donner à Gustin une leçon de fierté, et à moi d’équité. Après m’avoir réprimandé sur ma manie de faire perpétuellement le maître, elle nous dit gravement que Gustin n’était pas né pour obéir à mes fantaisies, il était mon égal, mon ami, non mon serviteur ; elle entendait bien que nous changerions entièrement de conduite à l’avenir.
Le barbare ne comprit que trop ; le lendemain, comme nous étions au bois et qu’il se sentait fatigué, il ôta ses sabots et m’ordonna de m’en charger.
J’avais quatre ans, j’obéis. Nous arrivâmes ainsi devant ma mère, moi portant humblement les deux sabots de
Gustin (et ils n’étaient pas légers) et Gustin tout fier de me voir essouflé et rendu sous le faix ; et pourtant c’était le plus honnête, le plus doux garçon du village.
Ainsi cette première leçon d’égalité n’avait fait que changer le maître en serviteur et le serviteur en maître.
Mais l’égalité n’est pas facile à comprendre et à pratiquer même pour de plus âgés et de plus savants que Gustin.
EDGAR QUINET
16) ĐỐ CHỮ
A) Trong nhà thày ký
CÔ KÝ (Mở túi tiền thấy hết) : Tôi hãy còn ở đây mười lăm đồng cơ mà ! Thế là nghĩa làm sao ? Giời ơi ! thôi hôm nay chủ-nhật lại đem đi đố chữ rồi ! Chồng con như thế, tôi cũng đến chết thôi !
CẬU DẦN (5 tuổi đương ngồi trên mình ngựa gỗ) : Ếp ! ếp ! xê ra, không ngựa xéo phải ! ếp, ếp !…
(Thày ký đi làm, trưa về).
CÔ KÝ : Đã lấy mười đồng ở trong túi này đấy à ? THÀY KÝ : Phải.
CÔ KÝ : Tí nữa lại đi đố chữ phải không ?
THÀY KÝ : Phải, tí nữa tôi đi đấy. Số 4 chắc là được, tôi đã nhận mãi, mấy tháng nay rồi. Số ấy thế nào cũng được. Một đồng ăn ba mươi sáu đồng, thế ai dại gì mà không chơi. Thử tính mà xem nếu mang đi mười đồng, ít ra lại không được 360 đồng về à ?
CÔ KÝ : Thôi đi, tôi van cậu, chỉ còn có mười lăm đồng từ giờ đến cuối tháng thôi, nếu mang đi chỉ còn có năm đồng ở nhà ư ?
THÀY KÝ : Sao mợ mày gàn thế ! Còn có năm đồng hay hết có cần gì, chốc nữa tôi sẽ mang về 360 đồng cơ mà…
CÔ KÝ : Nghe làm sao được ! Thế từ giờ đến ba mươi mốt vặn răng ra mà ăn à ?
THÀY KÝ : Gàn quá lắm, không chịu được. Thảo nào ông bà nhạc mình vẫn thường phải bảo rằng, mợ nó ương quá, hễ đã muốn điều gì thời không ai bảo được thôi. Nếu có mất mười đồng mới đem về được 360 đồng chứ ! Nói phải biết nghe chứ !
CÔ KÝ : Có bao nhiêu đem cúng đố chữ hết. Tháng này đã mất năm đồng rồi, chưa kể mười đồng này đấy…
THÀY KÝ : Ấy chính thế !… Đồng bấc ném đi, đồng chì lấy lại. Hôm nay tôi đi lấy về đây… Tôi mang về cả tiền của nhà mười lăm đồng với 315 đồng nữa. Thế là tính minh bạch rõ ràng nhớ !
CÔ KÝ : Chồng con thế thật là giết người !… Lấy phải chồng thế rõ khổ một đời. Bây giờ đầu đã gần hoa dâm rồi đấy… (Nói xong đi ra cửa sang nhà láng giềng).
THÀY KÝ : Bây giờ lại sang kể truyện với hàng xóm rồi đấy…
CẬU DẦN (Cứ mặc kệ, không biết đến, cứ tự-nhiên…) : Ếp ! ếp ! a-loong, ếp ! ếp !…
B) Trong nhà thày thông (láng giềng) THÀY THÔNG : Thế ông ký không nghe bà ư ?
CÔ THÔNG : Người ta thường nói nhà bà, vợ chồng cãi nhau luôn, lúc nào người ta cũng nghe thấy tiếng nói to như cạnh nhà hát họ luyện tập diễn kịch vậy.
CÔ KÝ : Thôi bà còn lạ gì. Nhà tôi thật là tai hại quá. Lúc nào cũng đố chữ. Làm được bao nhiêu đem cúng đố chữ
hết…
CÔ THÔNG : Thế thời tai hại thật !
CÔ KÝ : Không kể tiền mất đi, tháng này chỉ còn có mười lăm đồng từ giờ đến cuối tháng, thế mà lại còn lấy đi mười đồng đố chữ có chết không ?
THÀY THÔNG : Thế thời ông ký nhà bà quá lắm thật ! Tôi phải sang can ông ấy mới được.
CÔ THÔNG : Ông ký nhà bà tệ lắm nhỉ ?
CÔ KÝ : Thế bà bảo còn sung sướng về nỗi gì ! Thật đèn nhà ai, nhà ấy rạng, đoạn trường ai có qua cầu mới hay… Phải, thứ năm, thứ bẩy, tối đi xem hát, xem chớp bóng, hay chủ nhật thong thả, đi chơi chỗ nọ chỗ kia, để giải trí, tôi có dám cấm đâu ?… Nhưng không !… Cứ đố-chữ… Bây giờ hết nhẵn, quần áo rách nát cả mà tiền không có để may, bà tính thế có cực không ?
THÀY THÔNG : Bà không nên để ông ấy lấy mười đồng ấy…
CÔ THÔNG : Phải, không nên.
CÔ KÝ : Bây giờ có giời đòi. Đã nắm được vào trong tay, là tôi chịu đành mất thôi.
THÀY THÔNG : Không được ! Không được ! Phải đòi lại chứ !… Tôi phải sang bảo ông ấy mới được. Làng xóm mới nhau, ta phải can-ngăn đi chứ… (Nói xong đi ra)
C) Trong nhà thày ký