🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mọi Ông Bố Đều Đã Từng Xếp Thứ Nhất
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
Table of Contents
Tác Giả
Bức thư đầu tiên
Kiến trúc sư… đã xây nên châu Mỹ Mọi ông bố đều đã từng xếp thứ nhất Hãy quên tất cả những gì các em đã học! Có làm mới có ăn…
Bài học luận lý
Tôi không ngờ em lại như vậy!…
Sự hối tiếc
Người cha của tám cô gái
Con chưa thể hiểu
Cái xương
Lễ sinh nhật
Tôi đã làm quen với một thần đồng Nhiều giọt nước làm nên biển cả
Chúng tôi bước sang năm mới bình an Con bé cẩu thả
Một câu nói tục
Hãy yêu nước
Cần phải đọc một bài thơ như thế nào? Nhà trường và gia đình
Con cái chúng ta giỏi thật!
Em yêu quý!
Khi nhà có khách
Thật đáng hổ thẹn!
Tình cảm gia đình
Một lời nói dối
Đêm văn nghệ thiếu nhi
https://thuviensach.vn
Cuộc thi truyện do trẻ em viết Có thể rất tuyệt!
Thư của tác giả gửi các em Chú thích
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
TÁC GIẢ
Aziz Nesin, đọc là Azit Nexin hay Azit Nêxin, (tên khai sinh là
Mehmet Nusret; 20 tháng 12 năm 1915 - 6 tháng 7 năm 1995) là một nhà văn châm biếm được ngưỡng mộ ở Thổ Nhĩ Kỳ và là tác giả của hơn 100 cuốn sách. Bút danh Aziz Nesin nguyên là tên cha ông, được ông sử dụng làm bút danh khi bắt đầu sáng tác. Ông đã sử dụng hơn năm mươi bút danh, như "Vedia Nesin", tên người vợ đầu, cho những bài thơ tình được xuất bản trên tạp chí Yedigün.
Ông sinh tại Heybeliada, Istanbul dưới chế độ đế chế Ottoman năm 1915. Sau khi làm viên chức trong vài năm, ông trở thành người biên tập của một loạt tạp chí trào phúng châm biếm nghiêng về chủ nghĩa xã hội . Ông bị tống giam vài lần vì thái độ chính trị của mình.
Aziz Nesin đã đưa ra một bản cáo trạng mạnh mẽ lên án sự áp bức và đối xử hung bạo với dân thường. Ông châm biếm bộ máy quan liêu và phơi bày sự bất công của nền kinh tế qua các tác phẩm được kết hợp giữa màu sắc địa phương và sự thật trần trụi một cách tinh tế. Aziz Nesin được trao tặng nhiều giải thưởng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Bulgaria và Liên bang Xô Viết. Những tác phẩm của ông được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Trong nửa sau cuộc đời mình, ông được cho là tác giả Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất sống hoàn toàn bằng thu nhập từ những cuốn sách của mình.
Năm 1972, ông sáng lập Quỹ Nesin. Mục đích của Quỹ Nesin là mỗi năm đưa 4 trẻ em nghèo vào trụ sở của quỹ để che chở, nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo các em, bắt đầu từ bậc tiểu học cho tới khi các em hoàn thành bậc trung học, một trường dạy nghề hoặc cho tới khi các em có nghề nghiệp ổn định. Aziz Nesin đã tặng miễn phí cho Quỹ Nesin toàn bộ bản quyền tác giả của những tác phẩm của ông tại Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác, bao gồm tất cả những sách đã xuất bản của ông, tất cả các vở kịch được trình diễn,
https://thuviensach.vn
bản quyền tác giả cho những bộ phim, và toàn bộ các tác phẩm của ông được phát hay sử dụng trên đài phát thanh hoặc vô tuyến truyền hình. Aziz Nesin là một nhà hoạt động chính trị. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 1980 do Kenan Evren cầm đầu, toàn bộ đất nước, kể cả giới trí thức, bị đặt dưới sự áp bức nặng nề. Aziz Nesin đã lãnh đạo một số trí thức trong hoạt động chống lại chính phủ quân sự, được biết đến với tên gọi Aydınlar Dilekçesi (Lời thỉnh cầu của trí thức). Ông đã dành trọn những năm cuối đời để chiến đấu chống lại trào lưu chính thống ngu dốt và cuồng tín. Ông đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là quyền được chỉ trích đạo Hồi một cách không thỏa hiệp. Đầu thập niên 1990, ông bắt đầu dịch cuốn tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi của Salman Rushdie với tựa đề Những vần thơ của quỷ Satan. Việc này đã khiến ông trở thành đích nhắm của những tổ chức Hồi giáo cực đoan đang được sự ủng hộ rộng rãi trong quần chúng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày mùng 2 tháng 7 năm 1993, trong lúc dự lễ hội văn hoá Alevi tại trung tâm Anatolian của thành phố Sivas, một đám đông tạo bởi những người Hồi giáo cực đoan đã tụ tập xung quanh khách sạn Madimak - nơi lễ hội đang được tổ chức. Họ kêu gọi một đạo luật Hồi giáo và cái chết dành cho những kẻ ngoại đạo. Sau nhiều giờ bao vây, đám đông đã đốt khách sạn. Khi ngọn lửa đã nhấm chìm những tầng thấp của toà nhà thì xe cứu hoả mới có thể tiếp cận, và Aziz Nesin cùng nhiều vị khác được cứu thoát. Tuy nhiên, 37 người đã thiệt mạng. Sự kiện này được xem như một đòn giáng mạnh vào quyền tự do ngôn luận và quyền con người tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nó đào sâu thêm sự rạn nứt giữa phe tôn giáo và những người có tư tưởng ngoại đạo tại đất nước này.
Ngày mùng 6 tháng 7 năm 1995, ngay sau khi ký tên cho một quyển sách, Aziz Nesin đã qua đời do một cơn đau tim. Thi thể ông được chôn cất tại một nơi bí mật trong khu đất của Quỹ Nesin mà không tổ chức bất kỳ nghi lễ nào, thể theo ước nguyện của ông.
https://thuviensach.vn
BỨC THƯ ĐẦU TIÊN
Ankara 12-11-1963
Bạn Acmét thân mến!
Như chúng mình đã hứa lúc chia tay, tôi bắt đầu thường xuyên viết thư cho bạn đây. Chẳng hiểu sao bạn lại có vẻ không tin tôi. Tôi như còn đang nghe bạn nói: “Này Zeynep, đến Ankara có thêm nhiều bạn mới, bạn sẽ quên ngay chúng mình cho mà xem”.
Bạn thấy đấy, tôi đâu có quên bạn cũ. Tôi đã giữ đúng lời hứa đấy chứ, phải không bạn? Thế là đã hơn một tuần rồi, kể từ hôm chúng tôi từ biệt Istanbun, cả nhà dọn đến chỗ mới ở Ankara… Vì có quá nhiều việc phải phụ giúp ba mẹ, tôi không thể viết thư cho bạn ngay được, thông cảm nhé. Tôi cũng đã xin học tiếp tại trường ở đây rồi. Hôm qua, ba tôi cho biết địa chỉ nhà mới của chúng tôi, thế là tôi vội vàng viết thư ngay cho bạn.
Ai lại muốn từ giã trường lớp cũ đang giữa năm học một cách vội vàng như thế. Riêng tôi đã quen với bạn bè mà chúng mình đã từng học với nhau bốn năm trời. Nhưng, biết làm sao được, vì công việc làm của ba tôi ở Ankara bây giờ cơ mà… Trước đây, đã có lần tôi kể cho bạn, mấy người bạn của ba đã tìm cho ông được một việc làm tốt ở Ankara. Ba tôi cùng những người bạn cũ ấy làm chung một hãng. Hơn nữa chúng tôi còn được ở cùng với họ trong một khu nhà. Như thế, những người bạn tốt của ba tôi không những tìm được việc làm cho ba mà còn kiếm cả nhà cho chúng tôi ở nữa.
Mấy người bạn của ba tôi ở đây cũng có khá nhiều con. Tất cả, lớn bé chúng tôi có gần chục đứa với nhau trong khu nhà này. Có năm đứa học cùng trường với tôi, thậm chí tôi còn có cả một đứa bạn học cùng lớp nữa. Tôi đã kịp làm quen với mấy đứa bạn học cùng lớp. Đối với tôi chuyện này thật dễ dàng, thế mà Mentin, em trai tôi thì lại thật khó. Nó vẫn chưa làm
https://thuviensach.vn
sao quen được với trường mới, bạn mới.
Như chúng ta đã quen nhau thuở nào, hãy viết tất cả những gì xảy ra ở nhà, ở trường, ở xung quanh chúng ta, phải không bạn? Đến ở nhà mới, vào học trường mới, có thêm bạn bè… lúc này có lẽ là những việc duy nhất tôi có thể kể cho bạn thôi. Tôi chưa thấy có gì quan trọng và thú vị hơn.
Gì đi nữa thì tôi cũng đã bắt đầu thấy nhớ bạn bè cũ ở Istanbun. Không biết đến bao giờ chúng ta mới lại được gặp nhau nhỉ?
Tôi tin rằng cả bạn cũng giữ lời hứa và bạn sẽ trả lời tôi ngay. Chào bạn, cho tôi gửi lời chào tất cả bạn cũ, chúc các bạn được nhiều điểm tốt Bạn gái cùng lớp, Zeynep
https://thuviensach.vn
KIẾN TRÚC SƯ… ĐÃ XÂY NÊN CHÂU MỸ
Istanbun 15-11-1963
Zeynep quý mến!
Tôi rất mừng khi nhận được thư bạn. Đúng là tôi đã nghĩ rằng đến trường mới ở Ankara chắc gì bạn còn nhớ đến chúng tôi. Vui biết mấy khi tôi đã sai lầm. Tôi đã đọc thư bạn cho tất cả mọi người cùng nghe. Ai cũng vui mừng và muốn gửi lời thăm bạn, chúc bạn nhiều thắng lợi.
Bây giờ tôi xin giữ lời hứa và kể cho bạn tất cả những gì quan trọng xảy ra ở đây. Khoảng vài ngày sau khi bạn đi khỏi, trong lớp mình đã xảy ra một chuyện không dễ gì quên được. Tôi sẽ kể cho bạn nghe.
Một hôm, vào buổi sáng cô giáo dạy chúng tôi, vẫn cô giáo cũ mà bạn biết ấy, đến báo cho cả lớp sẽ có thanh tra đến trường làm việc. Cô giáo có vẻ rất lo lắng bồn chồn. Việc đó làm chúng tôi đâm sợ hãi: chúng tôi lo lắng hơn cả cô nữa.
Ngày hôm sau tin chi tiết về ông thanh tra được loan báo trong học sinh toàn trường. Chả là ông đi đến các trường xung quanh chúng tôi rồi. Thế là từ hình dáng, tính nết, đến những câu hỏi ông ra để kiểm tra học sinh chúng tôi đều hỏi kỹ bạn bè ở các trường ông thanh tra đã đến. Theo họ thì hầu như ở tất cả các lớp học mà ông thanh tra đến, ông ấy thường nói với các giáo viên: “Bạn hãy ra một đề toán cho học sinh của bạn làm vào vở”. Sau đó các học sinh phải viết mỗi đứa một bài thơ. Ông thường đọc lướt qua một vài quyển vở rồi bắt đầu ra câu hỏi cho học sinh. Những đứa bạn ở các trường nhấn mạnh một chi tiết khá quan trọng là các câu hỏi thường giống y như nhau ở các lớp, cho tất cả các học sinh được kiểm tra. Chỉ có bốn câu hỏi như thế này: “Châu Mỹ được tìm ra năm nào?”, “Em yêu ai nhất?”, “Ai đã chinh phục thành Istanbun?” và “Ai đã xây thành Sulâymaine?”.
Theo lệnh của cô giáo, chúng tôi có thêm một cuốn vở mới. Ngay giờ
https://thuviensach.vn
đầu, cô viết lên bảng một đề toán rất khó, kèm theo lời giải và bảo tất cả chúng tôi:
— Các em hãy chép vào cuốn vở mới toàn bộ đề toán và lời giải này không được thiếu một chữ.
Chúng tôi còn phải chép thêm cả một bài thơ nữa.
Suốt giờ học, cô giáo xem lại công việc của chúng tôi, cô kiểm tra đến cả từng dấu chấm, dấu phẩy xem đã được đặt đúng chỗ chưa. Nếu quyển vở nào có lỗi, dù nhỏ cô đều tự tay chữa lại.
— Các em, khi nào ông thanh tra đến lớp ta, cô sẽ đọc cho các em viết đề toán và bài thơ này đấy nhé. - Cô dịu dàng nói với chúng tôi như vậy. Lúc chúng tôi chép xong thơ và toán, cô lại nói:
— Còn bây giờ các em sẽ học cho thuộc các câu trả lời, khi ông thanh tra hỏi đến em nào, em đó phải trả lời thật nhanh, như một cái máy… Cô giáo viết lên bảng các câu trả lời và chúng tôi bắt đầu học thuộc lòng như cháo. Lớp học biến thành một dàn đồng ca. Cô hỏi:
— Châu Mỹ được tìm ra năm nào?
— Năm 1492 ạ! - Chúng tôi đồng thanh gào lên.
— Em yêu ai nhất?
Câu này cô giáo cho trả lời tự do, mỗi đứa trả lời một cách, nên lớp học trở thành ầm ĩ như chợ. Một số đứa trả lời “Atatuc”[1] số còn lại thì “Mẹ em” hoặc “Cha em”.
— Ai đã chinh phục thành Istanbun? - Cô hỏi tiếp.
— Vua Méchmét vô địch ạ! - Lập túc chúng tôi trả lời.
— Ai đã xây thành Sulâymaine? - Cô giáo chưa nói hết câu hỏi, chúng tôi đã gào tướng lên:
— Kiến trúc sư Sinan ạ…
Cứ như vậy hai ngày liền chúng tôi học các câu hỏi và câu trả lời. Cô giáo còn nhắc nhở chúng tôi:
— Các em hãy cẩn thận đấy, đừng có quên nhé. Hãy học đi học lại ở nhà… cả lúc chơi, lúc ăn, lúc nào cũng học cho thật thuộc lòng vào nhé! Và thế là lúc nào tôi cũng học, cứ lẩm nhẩm cả ngày để khỏi quên các
https://thuviensach.vn
câu trả lời. Tôi đọc trơn tru, câu nọ sau câu kia theo thứ tự cô cho: 1492, vua Méchmét vô địch, kiến trúc sư Sinan, 1492, ba em… Tôi chăm học đến nỗi cả ngày lẩm bẩm đọc các câu trả lời. Có một buổi sáng, mẹ tôi sờ tay lên trán và hỏi:
— Con có bị sốt không thế?
— Dạ, không ạ!
— Sao mà đêm qua, lúc ngủ con la hét “1492, ba em, vua Méchmét, kiến trúc sư Sinan…” làm mẹ sợ quá, cứ tưởng con nóng sốt và nói mê sảng… Cuối cùng thì ông thanh tra cũng đã đến trường tôi, mà ông ấy lại đến lớp tôi đầu tiên, từ sáng sớm mới chết chứ. Tính tôi thì bạn đã biết rồi, tôi đâu có sợ lên bảng đọc bài, nhất là khi chuẩn bị kỹ rồi. Ấy thế mà chẳng hiểu vì sao, hôm đó tôi cứ run lên như bị ma quỷ ám ấy. Có lẽ tôi bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng, mất bình tĩnh thái quá của cô giáo tôi thì phải. Trời, cô ấy mới run làm sao chứ, cô cứ lóng nga lóng ngóng chẳng biết gì… Ông thanh tra bằng giọng hách dịch ra lệnh:
— Cô hãy đọc cho các em viết một bài thơ.
Cô giáo cũng lớn tiếng bảo chúng tôi:
— Các em nghe rõ cả chứ? Ngài thanh tra muốn chúng ta chép một bài thơ vào vở.
Và cô đọc cho chúng tôi bài thơ mà chúng tôi đã chép từ mấy hôm trước. Chúng tôi giả vờ chăm chỉ, cắm cúi viết. Cô giáo đọc xong bài thơ, ông thanh tra liền yêu cầu cho xem một vài quyển, ông rất hài lòng khi thấy các quyển vở không hề có một lỗi nhỏ. Ông lại nói với cô giáo sau khi đã xem kỹ càng từng quyển:
— Cám ơn cô… các em viết rất tốt.
Nhưng ông vẫn còn tiếp tục kiểm tra một số quyển vở khác. Ông hỏi Chengis ngồi ngay bên trái tôi:
— Nào, em hay đưa vở cho tôi xem!
Chengis vội vàng mở vở và đưa ngay cho ông thanh tra. Ông này ngạc nhiên kêu lên:
— Cái gì thế này hả?
— Thưa ngài thanh tra, thơ đấy ạ!
https://thuviensach.vn
— Đây là loại thơ gì hả! - Ông ấy quát.
Tôi liếc mắt sang bên: Chết rồi! Chengis trong khi lúng túng đã mở nhầm trang sách mà nó chép bài toán.
— Thế bài thơ cô giáo đọc cho em chép đâu rồi?
Ông thanh tra nghiêm khắc tìm hiểu vấn đề. Tai họa có thể xảy ra lập tức, nếu như… Chỉ chút xíu nữa là Chengis đã mở trang vở có chép bài thơ ra. May thay cô giáo đã rón rén đến sau ông thanh tra từ lúc nào và ra lệnh tới tấp cho Chengis và nó đã hiểu ra. Nó lắp bắp:
— Thưa… em chưa viết, em chưa viết được ạ…
Cô giáo đang dùng tay ra hiệu cho nó thì bất ngờ ông thanh tra quay lại và ra lệnh:
— Cô hãy đọc cho các em một đề toán!…
Bị bắt quả tang, cô giáo xấu hổ đỏ bừng mặt. Chúng tôi cứ tưởng ông thanh tra sẽ bắt học sinh giải toán trước khi chép thơ. Ai ngờ… do vô tình, ông ấy đã thay đổi thứ tự công việc và thế là Chengis sa bẫy, trở thành nạn nhân khốn khổ của ông thanh tra.
Vì ông ta đã có cuốn vở của Chengis trên tay, nên cô giáo bắt buộc phải đọc cho chúng tôi một đề toán khác dễ hơn nhiều. Bạn đã từng biết sức học của tôi đấy, toán đối với tôi có khó gì đâu, thậm chí nó còn là điểm mạnh của tôi nữa kia. Ấy thế mà, chả hiểu sao tất cả chúng tôi đều hoang mang đến nỗi tôi cũng không hiểu là đề toán đòi hỏi phải làm gì nữa. Ông thanh tra lắc đầu lia lịa khi xem vở giải toán của chúng tôi.
Thật khốn khổ cho cô giáo tôi, lúc đó trông cô thật tội!
Tôi tự nhủ thầm: “Nếu ông thanh tra gọi tôi thì phải biết, tôi sẽ trả lời như máy để đỡ cho cô giáo tôi!”. Cuốn băng ghi âm trong đầu tôi quay không ngừng: “1492, ba tôi, vua Méchmét vô địch, kiến trúc sư Sinan, 1492…”.
Như đọc được ý nghĩ của tôi, ông thanh tra chỉ vào tôi gọi: — Em kia!
Tôi sướng nhảy người lên sẵn sàng trả lời như máy. Về sau nghe các bạn kể lại, đầu tiên ông thanh tra hỏi tôi:
— Em bao nhiêu tuổi?
https://thuviensach.vn
Chẳng kịp nghe xem ông ấy hỏi gì và cũng vì quá hồi hộp, tôi tưởng ông thanh tra hỏi về cái năm người ta đã tìm ra châu Mỹ, tôi liền trả lời thật to: — Thưa ngài 1492 ạ!…
Trợn tròn mắt vì kinh ngạc, ông thanh tra hỏi lại tôi. Còn tôi lại nghĩ là ông ta nghe chưa rõ, tôi bèn nhắc lại to hơn:
— Thưa ngài 1492 ạ.
Ông thanh tra có vẻ ngờ vực hỏi tiếp:
— Thế ai chinh phục thành Istanbun, em nói xem nào?
Tôi không hề có ý nghĩ là ông thanh tra đã đảo lộn trật tự các câu hỏi nên cứ trả lời một cách thuộc lòng:
— Ba em ạ. - Tôi nói dứt khoát.
Ông thanh tra giận dữ dậm chân và hét lên:
— Có đức Ala chứng giám, tôi hỏi em, ai đã chinh phục thành Istanbun cơ mà, thế nào hả cậu bé?
— Thưa ngài, ba em ạ…
— Vậy thì ba em là ai, hả?
— Kiến trúc sư Sinan ạ.
— Chà cậu bé, em có biết em nói những điều ngớ ngẩn như thế nào không? Ta hỏi về ba em thì em lại nói về kiến trúc sư Sinan. Em làm sao thế?
Đến lúc này tôi mới biết là tôi đã nói lung tung lộn xộn. Nhưng vì quá hồi hộp và luống cuống, lại thêm bị ông thanh tra hét, tôi đâm hoảng, các kiến thức trở nên lẫn lộn, không làm sao sắp xếp lại được cho có thứ tự.
— Thế bây giờ em thử nói cho tôi biết xem kiến trúc sư Sinan đã làm gì nào?
— Thưa… ông ấy đã chinh phục thành Istanbun ạ.
— Em bảo ai?
Chợt thấy mình sai tôi vội sửa:
— Kiến trúc sư Sulâymaine ạ.
— Thế ai đã xây thành Sulâymaine hả? - Ông quát.
— Vua Sinan vô địch ạ. - Tôi cũng hét lên.
Tôi cũng lờ mờ nhận ra mình lú lẫn, song khốn thay không dừng lại
https://thuviensach.vn
được nữa. Còn ông thanh tra thì cũng phát cáu lên đến nỗi ông ấy cũng nói lộn luôn:
— Này cậu bé, tại sao chúng ta lại phải vội vã thế làm gì… em phải biết là kiến trúc sư Méchmét đã xây nên châu Mỹ, còn Sinan vô địch đã tìm ra thành Sulâymanie… Như vậy thì thế nào nào?
Học sinh ngồi dưới thấy ngay tình thế nực cười, có mấy đứa không nhịn được, cười phá lên, ông thanh tra cũng biết là mình nhầm lẫn nên vội sửa chữa:
— Có phải là tôi muốn nói rằng: Kiến trúc sư Sulâymanie đã xây thành Sinan, à quên kiến trúc sư Méchmét đã chinh phục… vua vô địch… tôi muốn nói là… là…
Thấy mình càng lầm lẫn tai hại hơn, ông nói:
— Ôi cậu bé này, em làm ta phát điên lên mất!
Điên tiết, ông lắc đầu lắc tai liên hồi rồi hầm hầm bỏ ra khỏi lớp và đóng cửa sầm một cái. Trong lớp không ai còn dám thở mạnh nữa. Một lát sau cô giáo như tỉnh lại nói:
— Khốn khổ cho chúng ta rồi!
Cô chỉ nói có vậy rồi im lạng. Còn tôi thì phân vân không biết cô ấy nói câu đó với ai: Với tôi, với ông thanh tra hay với chính cô ấy. Không thể tả nổi tâm trạng của tôi lúc đó. Mỗi lần nghĩ lại sự việc đã diễn ra, tôi cảm thấy rất xấu hổ. Thật tình tôi chỉ muốn giúp đỡ cô giáo bằng cách trả lời thật nhanh, thật trôi chảy tất cả các câu hỏi, thế mà kết quả lại ra thế đấy!
Bạn thân mến, một lần nữa chúng ta lại giao ước, hãy giữ lời hứa viết cho nhau tất cả những gì xảy ra ở đây và ở chỗ các bạn nhé. Mong thư bạn và chúc bạn nhiều may mắn
Bạn cùng lớp, Acmét
https://thuviensach.vn
MỌI ÔNG BỐ ĐỀU ĐÃ TỪNG XẾP THỨ NHẤT
Ankara 13-11-1963
Acmét thân mến!
Cảm ơn bạn đã trả lời tôi ngay lập tức. Cứ tiếp tục viết những lá thư dài như thế cho tôi nhé. Những dòng thư của bạn làm tôi thích thú quá. Tôi cũng sẽ cố gắng viết thật kỹ cho bạn hay những gì xảy ra ở chỗ chúng tôi, cả ở nhà lẫn ở trường.
Qua thư bạn tôi thấy lại hình ảnh vui nhộn của lớp mình và cô giáo hiền dịu cũ. Tôi hình dung được cảnh bạn lúng túng, khốn khổ khi trả lời ông thanh tra. Thật là buồn cười, tôi đã cười thỏa thích…
Thư này tôi muốn kể qua cho bạn về khu nhà của chúng tôi cùng lũ bạn bè ở đây. Khu nhà tôi ở có bốn tầng lầu, mỗi lầu có hai gia đình sinh sống. Gia đình tôi sống trong căn hộ ở tầng lầu thứ hai. Thư trước tôi đã viết cho bạn là tôi có ba người bạn cùng sống trong khu nhà này với chúng tôi.
Phía sau khu nhà có một cái vườn khá rộng, có nhiều cây to bóng mát, nhưng lại ít được chăm sóc nên có vẻ như một cái rừng nhỏ đối với lũ trẻ con chúng tôi. Buổi chiều sau khi học xong, gần như tất cả trẻ con trong khu nhà đều xuống “cánh rừng” đó chơi. Ở đó đã xảy ra đủ chuyện, từ thân thiện kết bạn kết bè đến cãi vã nhau ở đó. Mấy ngày trước chúng tôi đã cãi lộn kịch liệt trong khu vườn này khi mỗi đứa trong bọn bắt đầu khoe khoang về sự chăm chỉ, thông minh của các ông bố. Đứa nào cũng khẳng định là ba nó tuyệt nhất trên đời. Chẳng có đứa nào chịu rằng ba nó kém hoặc thường thường.
Lúc đầu là lũ trẻ nhỏ cãi nhau. Mentin, em trai tôi đang học lớp ba, ra điều giỏi giang hơn những đứa khác. Nó phùng mang trợn mắt la tướng lên: “Ba tao, ba tao chớ…”. Nó cứ nhất quyết như vậy không chịu thua đứa nào.
https://thuviensach.vn
Đúng thế thật! Khi còn bé, ba tôi đã từng là một học sinh đặc biệt chăm chỉ, bao giờ ba cũng đứng đầu lớp về học tập. Ba tôi vẫn thường nói với chúng tôi.
Cuộc cãi vã đã đến hồi gay cấn nhất. Mentin gào lên:
— Ba tao chăm chỉ hơn ba chúng mày. Lúc đi học ba tao luôn được phần thưởng, bao giờ ba tao cũng được xếp thứ nhất.
Một đứa trạc tuổi nó hất tay, vẻ không tin:
— Này, mày đừng có bịa, làm gì có chuyện đó.
Một đứa khác, con một ông bạn ba tôi cũng nói với giọng của thằng bé kia:
— Ai kể cho mày cái chuyện ngu ngốc thế hả?
Mentin ưỡn ngực, nó định tống cho thằng bé đó một quả đấm trời giáng, may mà chúng tôi kịp can nó. Nó hùng hổ:
— Ba tao nói, chính ba tao nói với tao như vậy. Nếu chúng mày không tin thì về mà hỏi ba chúng mày ấy. Các ông ấy đã từng học cùng lớp, cùng trường với nhau. Ba chúng mày sẽ nói sự thật cho mà biết.
Chúng tôi lớn rồi nên định không dính đến cuộc cãi lộn của bọn nhóc. Nhưng, tự nhiên đứa bạn học cùng lớp tôi ngứa miệng cũng cãi vã cùng lũ nhỏ, nó nói với Mentin:
— Đồ dối trá, ba tao mới là người được xếp thứ nhất…
Lập tức một thằng nhỏ khác nhảy lên như một chú gà chọi và cãi tranh cả phần của em trai tôi:
— Chính chị nói dối thì có! Ba em không bao giờ thèm xếp hai đâu nhé, chỉ luôn xếp thứ nhất thôi. Chị biết chưa?
— Đó mới là một sự dối trá trắng trợn. Chắc ba mày tự huyênh hoang đấy thôi! Chính ba tao mới là người thường xếp đầu lớp trong các năm học…
— Này, chị phải biết là ba em không bao giờ tự khen mình đâu nhé… Tôi nghĩ rằng đã lớn như chúng mình lại cãi lộn với lũ nhóc thì cũng kỳ nên vẫn đứng ngoài cuộc.
Nhưng Mentin đã kéo tôi vào cuộc, bắt tôi làm chứng cho những lời nói của nó:
https://thuviensach.vn
— Có phải thế không chị, em nói đúng đấy chứ? Ba của chúng mình luôn luôn xếp thứ nhất ở lớp nhỉ. Chị nói cho chúng nó xem có thật không. Chị nói đi…
— Tất nhiên là thế rồi! - Tôi dứt khoát đồng ý với cậu em. Lời nói của tôi như đổ dầu vào lửa. Cả lũ ào ào cãi lại tôi. Để cho Mentin yên lặng, tôi lựa lời nhẹ nhàng nói với nó:
— Thôi em ạ, đừng để ý đến chúng nó làm gì… chúng nó muốn nói gì thì nói… Điều đó có gì quan trọng đâu, chị em mình biết rõ sự thật là được rồi!
Một anh chàng lớn nhất trong cả bọn đã học trung học cũng tham gia nhưng lại ra vẻ ta đây.
— Này các em, tất cả các em đều lầm rồi, không phải ba em này, không phải ba em kia, không có ba em nào xếp thứ nhất ở đây đâu… Ba anh mới là người luôn xếp đầu lớp và được giải thưởng đấy. Anh đảm bảo với các em như thế!
Mentin đâu có chịu:
— Anh đừng có khoác lác! - Nó giận dữ kêu lên.
Anh chàng học sinh trung học không tỏ ra giận dữ:
— Thì em cứ hỏi ba em mà xem… biết đâu ông ấy chẳng lại tự khen mình?
— Anh về mà hỏi ba anh ấy, ông già anh tự khen thì có!
Cuộc cãi vã bắt đầu gay go hơn trước. Vất vả lắm tôi mới giữ được cho Mentin khỏi nhảy vào đánh lộn. Tôi nắm chặt tay nó và giữ nó đứng nguyên tại chỗ. Sau cùng tôi phải kéo nó về nhà, leo lên đến thang rồi mà nó còn ngoảnh lại lũ bạn:
— Chúng mày nói láo hết! Ba tao mới là người học giỏi nhất, ba tao xếp thứ nhất!.. - Vừa nói nó vừa khóc.
Vừa về đến nhà, nó đã chạy ngay đến chỗ mẹ tôi và hỏi:
— Mẹ ơi, chúng nó bảo không phải ba học giỏi, đứng nhất lớp mà là ba huênh hoang, khoác lác…
Mẹ tôi chưa hiểu nó nói gì, phát cáu lên và mắng Mentin té tát: — Con nói gì vậy hả? Có im đi không. Sao con lại nói ba con như vậy
https://thuviensach.vn
mẹ thì vả vào miệng bây giờ…
Mentin vội im, nó biết là mẹ tôi rất nghiêm, nó không thể nói bừa được nhưng nó có vẻ hậm hực. Tôi an ủi cho nó yên lòng:
— Sao em vội cáu lên làm gì? Có khi ba không học cùng lớp với ba chúng nó thì sao? Có thể chúng ta chưa rõ việc này…
— Nhưng ba đã bảo là họ học chung lớp với nhau cơ mà… — Tốt nhất là tối nay, lúc ba về, chị em mình hỏi ba xem sao. Như thế có phải hơn không?
— Đúng đấy chị ạ! - Mentin vội đồng ý ngay.
Tôi cũng bắt đầu thấy hơi nghi ngờ, nên cũng sốt ruột xem có đúng thế không?… Tối đến, ăn cơm tôi hỏi ngay xem ba tôi có cùng một lớp với các ông bạn trong nhà này không. Ba tôi trả lời ngay, không để ý đến vấn đề tôi đang quan tâm:
— Đúng rồi, con gái của ba ạ. Cả bốn người bọn ba đều học cùng lớp. Với một chú, ba đã học cùng trong năm, còn với hai chú kia ba đã học cùng các chú trong suốt bốn, năm năm trời…
Sợ mẹ tôi nổi nóng lên, hai đứa chúng tôi không dám hỏi ba nhiều hơn. Hôm sau, đến lớp tôi liền hỏi đứa bạn cùng bàn xem hồi bé ba nó học hành ra sao.
— Ba mình ấy à, hồi còn đi học ba mình học giỏi lắm, ba mình bảo luôn luôn được đứng đầu lớp.
Nó trả lời dứt khoát. Một đứa ngồi bàn sau nghe chúng tôi nói chuyện cũng xen vào:
— Ba tớ cũng thế đấy, khi còn đi học phổ thông bao giờ cũng xếp nhất lớp!
Và còn mấy đứa khác cũng nói theo. Tôi quyết định hỏi tất cả lớp! Chỉ có ba đứa là không biết ba chúng học ra sao, còn lại đứa nào cũng có ba học giỏi được giải nhất về học tập ở trường phổ thông.
Acmét thân mến, nhận được thư này bạn thử hỏi cả ba bạn xem có phải ba bạn cũng đã từng được xếp thứ nhất ở lớp học hay không… Ngay từ giờ tôi đã tin rằng ba bạn cũng học rất giỏi và đã từng được giải về học tập. Không biết tại sao mà tất cả các ông bố đều học giỏi thế, ông nào cũng
https://thuviensach.vn
đứng đầu lớp cả…
Sau vài ngày kể từ khi có cuộc cãi vã trong vườn, cô giáo mời mẹ tôi đến trường và cho hay là dạo này Mentin lơ là học tập, hay chơi bời quên làm bài tập… Buổi tối khi biết được chuyện đó, ba tôi rất giận, ông bắt nó phải ngồi nghiêm chỉnh trước mặt và cho nó một bài học.
— Này, quý tử nhỉ, sao con không chịu học hành cho tốt? Phải học ba ấy chứ, bao giờ con trai cũng phải giống ba nghe! Lúc bé ấy mà, đi học bao giờ ba cũng học giỏi nhất lớp. Không khi nào ba chịu đứng thứ hai sau ai đâu. Con phải biết xấu hổ chứ. Tại sao con không chịu học? Phải chăm chỉ làm bài tập này, đọc thật nhiều sách này, có vậy mới khá được. Đứa nào cũng phải làm theo ba, lấy ba làm gương nghe không?
Khi thấy ba tôi đã bớt giận, tôi đánh liều đến gần và nói rằng: — Thôi mà ba, sẽ có ngày Mentin lớn lên và có một bầy con. Đến lúc đó thế nào nó cũng nói với các con nó rằng lúc bé nó học chăm, học giỏi lắm, luôn đứng đầu lớp cho mà xem…
Mẹ tôi không đợi dứt lời, mắng át đi:
— Này, mày có im miệng đi không, tao thì vả cho rơi răng ra bây giờ. Khi người lớn dạy bảo thì con cái phải im lặng mà nghe, không được cãi… Hiểu chưa?
Tôi lặng im. Cả ba tôi cũng chẳng nói lời nào nữa.
Thế đấy, từ khi đến Ankara chỉ có chuyện này là đáng kể cho bạn nghe thôi.
Thôi nhé, cho tôi gửi lời chào đến tất cả các bạn. Mong bạn có nhiều điểm tốt.
Bạn cũ
Zeynep
https://thuviensach.vn
HÃY QUÊN TẤT CẢ NHỮNG GÌ CÁC EM ĐÃ HỌC!
Istanbun 23-11-1963
Zeynep thân mến!
Tôi rất vui mùng khi nhận được lá thư của bạn viết ngày 19-11. Bây giờ tôi phải báo ngay cho bạn một tin không lấy gì làm vui cho lắm. Cô giáo cũ của chúng ta đã từ biệt chúng tôi rồi. Cô ấy bị chuyển đi dạy ở một tỉnh khác. Đang quen với cô giáo, thậm chí thuộc cả tính tình và cách giảng bài của cô, bây giờ cô phải chuyển đi chúng tôi buồn lắm. Nhiều đứa không cầm được nước mắt lúc chia tay với cô. Ngay cả tôi, suýt nữa cũng bật khóc… Tôi đã cố kìm mình để có thể tiễn biệt cô một cách đàng hoàng, song khi cô đã ra khỏi lớp rồi thì nước mắt tôi cùng trào ra, chảy tràn trên má. Bạn biết không cô giáo bị thuyên chuyển đi nơi khác có lẽ vì hôm ông thanh tra đến thăm, lớp tôi đã có quá nhiều chuyện dở. Sau lần ấy hình như cô giáo có vẻ tránh mặt tôi, không muốn nói chuyện với tôi. Hôm chia tay cô nói với cả lớp rất cảm động. Cô chúc chúng tôi may mắn trong cuộc sống và học tập giỏi.
— Các em, cô hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ được gặp lại nhau. - Cô nói giọng run run.
Lúc đi ngang qua chỗ tôi, cô xoa đầu tôi một cách âu yếm, nhẹ nhàng… Bây giờ chúng tôi có một thầy giáo mới. Ngay giờ đầu vào lớp thầy đã muốn biết người ta dạy dỗ chúng tôi những kiến thức gì. Thầy hỏi và nghe chăm chú, tất cả chúng tôi lần lượt từng đứa một bị thầy gọi lên bảng. Thế nhưng, rất lạ là hình như ông thầy giáo mới này không hề vừa lòng với một câu trả lời nào của chúng tôi.
— Đáng tiếc! Rất đáng tiếc!… Các em không được dạy dỗ cẩn thận lắm… - Ông lắc đầu, lẩm bẩm vẻ không hài lòng chút nào.
https://thuviensach.vn
Bạn biết Đemir nhỉ, niềm tự hào của lớp ta ấy mà, bạn tưởng tượng mà xem, thầy giáo mới cũng không thích các câu trả lời của nó! Còn sau khi tôi trả lời xong, ông ấy kêu lên: “Trời ơi là trời…” rồi ôm đầu vẻ thất vọng. Một lúc sau ông hỏi vẻ giận dữ:
— Sao, các em nói xem, cô giáo trước không dạy các em cái gì à? Các bài học bay đi đâu hết cả rồi? Từng ấy thời giờ các em để làm gì hả? Chúng tôi làm gì ư, chúng tôi học trong sách chứ còn làm gì, chả lẽ sách lại sai? Biết chắc chắn là mình đã trả lời đúng như sách, tôi bèn rụt rò hỏi thầy:
— Thưa thầy… em trả lời đúng không ạ?
— Hừm, em trả lời đúng, chính xác, nhưng… - Dừng lại một chút rồi ông nói tiếp - Nhưng rất hời hợt! Các em khác cũng vậy, các câu trả lời rất hời hợt, nông cạn…
Tôi chả hiểu ra sao nữa và cũng hơi buồn bực. Chỉ có một số đứa hay bị cô giáo cũ cho điểm kém vì lười học là thích thú, mắt chúng sáng lên khi nghe thầy giáo mới chỉ trích cô giáo cũ. Đemir sốt ruột quá, nó đánh bạo hỏi:
— Nhưng thưa thầy, cô giáo cũ của chúng em cũng đã đòi hỏi cả lớp phải luôn chăm chỉ và… học tốt nữa!
Thầy giáo mới có lẽ khá tự phụ, cho mình là giỏi giang lắm, vội trả lời có vẻ mỉa mai:
— Rõ rồi, cái đó ai chả thấy, qua các câu hỏi và câu trả lời “sâu sắc” của các em vừa rồi!
Sau khi đi đi lại lại trên bục một hồi, bỗng ông cất cao giọng nói với chúng tôi:
— Các em, như vậy chúng ta phải quên hết những gì các em đã học cho đến ngày hôm qua. Thầy sẽ dạy lại các em từ đầu tất cả. Các em có hiểu không? Thế là rõ chứ?
Đemir có vẻ chưa rõ, nó giơ cao tay và hỏi:
— Thưa… thưa thầy… như thế là thế nào ạ, chúng em cũng chỉ học bài trong sách giáo khoa thôi mà…
— Nhưng tôi khuyên các em như thế đấy! Các em phải nghe lời tôi và
https://thuviensach.vn
hãy quên hết những điều gì các em đã học, rõ chưa?
Giờ học đầu tiên đối với thầy giáo mới trôi qua như vậy. Ra chơi, lớp tôi chia thành hai phe, một bên bênh cô giáo cũ, bên kia cãi cho thầy giáo mới. Tôi chẳng về phe nào vì phân vân không hiểu tại sao như vậy.
Tôi có kể chuyện xảy ra ở lớp cho một số đứa bên lớp 5B nghe, bọn nó chẳng lạ gì chuyện đó. Hồi đầu năm, lớp chúng cũng có sự thay đổi giáo viên. Và lạ chưa, ông thầy mới đến, ngay giờ học đầu tiên đã yêu cầu học sinh “Các em hãy quên hết những gì đã học…”.
Cố gắng của thầy giáo mới được các học sinh kém và lười biếng đặc biệt ủng hộ. Mỗi khi chúng nó trả lời sai một câu nào đó, câu bào chữa lập tức là “Cô giáo cũ dạy chúng em thế à…”. Lúc đó thầy giáo lại la lên: “Tôi đã bảo các em rồi cơ mà, hãy quên hết những điều các em đã học đi”.
Nói ra thì dễ chứ làm thì đâu có dễ như vậy. Thật là khó có thể quên một lúc tất cả những gì cô giáo cũ đã dạy cho chúng tôi. Có lẽ chỉ có một mình Đemir, cậu bé thông minh chăm chỉ nhất lớp, thành công trong việc quên quái gở này. Có một hôm trong giờ lịch sử, ông hiệu trưởng đã đến dự giờ lớp tôi. Chắc muốn biết chúng tôi học hành ra sao, ông bèn gọi Đemir và kiểm tra tại chỗ:
— Em hãy nói xem thời đại văn minh có nghĩa là gì?
Đemir im lặng không nói gì. Thầy hiệu trưởng hỏi câu khác: — Ai đã sáng chế ra kỹ thuật in? - Đemir tiếp tục im lặng. Ông hiệu trưởng có vẻ ngạc nhiên vì biết Đemir học giỏi nhất lớp. Ông hỏi nó: — Tại sao em không trả lời tôi?
Đemir liếc nhìn thầy giáo mới và trả lời rắn rỏi:
— Thưa thầy hiệu trưởng, em quên rồi ạ…
— Em hãy nói cho tôi biết về sự khám phá ra châu Mỹ.
— Em quên mất rồi ạ…
Ông hiệu trưởng nổi cáu:
— Nếu em đã quên hết rồi thì hãy thử nói xem em biết gì… Hãy nói về một điều gì đó em còn nhớ…
Đemir cố gắng giải thích:
— Thưa, em quên hết rồi ạ. Em cố gắng và cuối cùng đã quên được tất
https://thuviensach.vn
cả những gì mà em đã học từ đầu năm đến nay…
— Vì sao vậy? - Ông hiệu trưởng ngạc nhiên quá hỏi lại.
— Thầy giáo mới yêu cầu chúng em như thế ạ. Thầy giáo đã nói với chúng em: “Hãy quên đi tất cả những gì các em đã học với cô giáo cũ!”. Ông hiệu trưởng chưa tin hẳn, gọi tiếp tôi và hỏi:
— Em hãy nói xem ai đã tìm ra con đường biển để đi đến Ấn Độ! Mặc dù bình thường tôi rất nhớ tên ông này, nhưng lúc đó không hiểu vì sao tôi lại ngây ra như tượng ấy. Đemir nói “Em quên rồi ạ” là do nó cố tình làm vậy, còn tôi thì đúng là không tài nào nhớ ra nữa:
— Thưa thầy em đã quên rồi ạ… - Tôi ấp úng trả lời.
Ông hiệu trưởng nhìn thầy giáo mới một lúc lâu qua cặp kính rồi bỏ đi không nói thêm lời nào. Còn thầy giáo tôi thì tiếp tục giảng bài như chẳng có chuyện gì xảy ra.
— “Chúng ra trở lại thời đại vua Selin, như thế là…”. Ra chơi, mấy đứa bạn bảo tôi và Đemir: “Chúng mày làm thế là đúng, thầy chẳng bảo chúng ta thế là gì”. Nhưng tôi thì rõ ràng là không chú ý, mà quên tên người đó thật.
Chưa hết đâu bạn ơi, tôi còn khổ vì chuyện này. Ít lâu sau ở trường tôi có đêm liên hoan văn nghệ với cha mẹ học sinh. Trong chương trình có tiết mục ngâm thơ của tôi, bài thơ do chính tôi làm. Cô giáo cũ, nhân một bài giảng về khoa học thường thức, đã chỉ cho chúng tôi thấy lợi ích của con cừu: nó cho sữa, cho mỡ, thịt ăn rất ngon, lông làm len, da thuộc làm áo, đóng giày, cả xương cũng có thể bón phân được… Sau bài học đó, tôi cảm hứng viết bài thơ như sau:
Con cừu
Cho mỡ đằng đuôi
Cho sữa ở vú
Có len tuyệt diệu
Để làm áo đông
Sừng làm tay cầm
Thịt ăn ngon, bổ
Da để đóng giày
https://thuviensach.vn
Xương làm phân bón
Con vật hiền lành
Với em xí xọn
Đó là chú cừu
Thật nhiều ích lợi…
Cô giáo cũ rất thích bài thơ của tôi, cô bảo:
— Em cứ mạnh dạn đọc bài thơ này cho các bậc phụ huynh nghe, chắc mọi người thích lắm, nó tự nhiên, ngây thơ, chẳng gò bó gì, rất hợp với lứa tuổi các em.
Sao mà tự hào và hạnh phúc thế, tôi vênh mặt lên. Cả ngày tôi đã học thuộc bài thơ “Con cừu” yêu quý của tôi. Tôi chẳng muốn có một lỗi nhỏ nào lúc ngâm bài thơ đó, cô giáo cũ đã bị thuyên chuyển. Thầy giáo mới khi được biết tôi sẽ ngâm thơ trong đêm hội, vội kiểm tra ngay. Sau khi nghe tôi đọc xong, ông nhăn mặt kêu:
— Thế mà gọi là thơ à? Tôi sẽ cho em một bài thơ để em học cho thuộc và sẽ ngâm trong đêm hội.
Và thầy bắt đầu đọc bài thơ “Đất nước tôi” trong sách tập đọc. Thầy bảo tôi:
— Em phải học thuộc bài thơ này, đọc sao cho trơn tru như cháo chảy nghe không?
Nhưng tôi làm sao còn đủ thì giờ để học cho thuộc một bài thơ vừa dài vừa khó như thế. Chỉ còn có hai ngày và một đêm là đã đến tối văn nghệ rồi. Bạn cứ giở sách ra xem bài thơ ấy đại loại như thế này:
Hây, nông dân trên đồng, ơi những con người cần cù chăm chỉ. Hây, những bông lúa vàng, ơi những vụ mùa bội thu
Hây, đất nước như thơ như mộng, sông dài núi cao
Hây, đất nước ông bà, tổ quốc mẹ cha…
Hây hây!
Bài thơ bắt đầu bằng “Hây” và kết thúc bằng “Hây” này rất khó đọc. Tôi đọc mãi mà vẫn không thuộc được. Sở dĩ tôi phải cố gắng vì sợ thầy giáo mới cho là tôi bướng bỉnh không chịu nghe thầy. Nhưng thời giờ còn quá ít, tôi không làm sao nhồi nhét hết bài thơ đó vào đầu. Đến ngày thứ hai, mới
https://thuviensach.vn
sáng, thầy đã đón tôi ở cửa lớp và bảo:
— Tốt nhất là chúng ta hãy duyệt lại tiết mục trước khi trình diễn. Trước khi lên sân khấu, em nên tập trình bày bài thơ thật diễn cảm. Nào em hãy thử ngâm lên coi.
Tôi nín thở đọc bài thơ một mạch.
— Ồ, không, không thể đọc bài thơ như vậy được!
Tôi ngâm lại bài thư một lần nữa và chú ý diễn cảm.
Nhưng thầy giáo vẫn không vừa ý với cố gắng mới của tôi. — Này em, một bài thơ người ta không thể đọc lầm bầm như hỏi thăm đường đâu. Phải đọc khác kia, thế mới gọi là ngâm thơ! Nghĩa là từng lúc, từng câu phải đọc thật rung cảm, phải thể hiện cái tình của bài thơ, của tác giả nữa chứ. Có lúc phải đọc trầm xuống, có lúc lại phải cao giọng. Có câu phải đọc thì thầm, ngọt ngào… lại có câu phải gào lên như hổ báo trong rừng ấy. Những đoạn anh hùng ca, em hãy chống tay vào hông một cách oai vệ, giơ một tay lên trời. Trong bài thơ này, ở mỗi câu khi kêu gọi “Hây” em phải dậm chân thật mạnh. Thầy sẽ ngâm thử cho em làm mẫu, sau khi hiểu rồi em hãy tự làm lấy.
Thế là thầy giáo mới của tôi đã làm đúng như lời nói. Khi đọc đến “Hây”, ông nhấc một chân lên như chuẩn bị nhảy rồi bất thình lình dậm chân thật nhanh và mạnh gót chân xuống sàn.
— Hãy trông tôi làm đây này. Phải dậm thật mạnh như vậy để khán giả có thể tưởng tượng rằng dưới gót chân em, kẻ thù sẽ bị giày xéo tan nát! Em rõ chưa?
Tôi cố gắng hết sức mình để làm như thầy nói. Nhưng khổ nỗi một tay phải chống hông, tay kia giơ lên cao, rồi chân lại phải dậm cho kêu, thành ra tôi đọc cứ nhầm lẫn lung tung. Bạn nghĩ mà xem, tôi ở trong tình thế khó khăn như thế nào. Nếu tôi được tự do đọc bài thơ theo ý muốn thì làm gì đến nỗi! Lại còn thế này nữa chứ: Tập chán chê đến khi ông thầy đã hơi vừa ý cách đọc thơ của tôi thì lại không vừa ý cách dậm chân xuống sàn. Mỗi lần tôi gào lên “Hây” và dậm chân thì ông ấy lại ra lệnh:
— Nào, mạnh lên, mạnh nữa! Phải làm sao cho sân khấu rung lên để người ta có thể nghe tiếng cơ.
https://thuviensach.vn
Mặc dù tôi đã ráng sức dậm chân, thầy giáo tôi vẫn chưa vừa ý. Cuối cùng ông cáu lên bảo tôi đứng ra xa mà nhìn ông:
— Xem đây này!
Ông la lên “Hây” đồng thời dậm gót xuống sàn mạnh đến nỗi các cửa sổ lớp rung lên như có động đất:
— Đấy, em thấy chưa, phải làm như vậy cơ mà. Khi dậm chân, em phải làm sao cho đất dưới chân mình rung chuyển, hiểu chưa!
Tôi đỏ mặt tía tai, mồ hôi mồ kê toát ra đầy người vì cố gắng quá sức. Sau cùng tôi đánh bạo nói:
— Thưa thầy… thầy nặng gần một trăm ký lô, còn em thì cân nặng chưa tới 30kg, làm sao em dậm mạnh được như thầy ạ?
Thầy giáo không muốn nghe, tôi làm thế nào ỏng cũng không thích. Ông nổi giận thực sự, nhưng rồi lại nén giận và tiếp tục chỉ cho tôi cách thể hiện tình cảm bài thơ. Thầy phải hét lên ngày càng to và dậm chân mỗi lúc một mạnh mẽ hơn. Đến một lúc tự nhiên tôi nghe ông thét lên:
— Ối trời ơi!…
Lúc đầu tôi chưa hiểu có việc gì. Sau đó tôi nhìn xuống thì… Bạn biết không, sàn lớp làm bằng gỗ xấu, đã cũ mà chân thầy lại cứ dậm lên mỗi lúc một mạnh, thế là một chân thầy thụt ngay xuống chỗ đó. Tôi vội vàng nhảy tới phụ giúp thầy. Vất vả lắm tôi mới rút được chân thầy ra khỏi cái lỗ tai hại ấy. Có mấy thầy giáo ở lớp bên nghe tiếng động hốt hoảng chạy đến hỏi: — Sao có việc gì thế?
— Không, không có việc gì đâu!
Thầy giáo tôi nén đau trả lời như không có gì xảy ra cả. Vừa khập khiểng đi ra khỏi lớp thầy còn dặn tôi:
— Em cứ tiếp tục như vậy mà làm. Hãy dậm chân thật mạnh cho sàn sân khấu phải rung lên, nghe chưa?
Thầy đi ra rồi, tôi thấy khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đã chóng cả mặt vì phải gào “Hây” mãi và dậm chân. Với lại còn nhiều thì giờ nữa đâu, chỉ vỏn vẹn có hai tiếng đồng hồ để chuẩn bị nữa thôi!
Tôi đã bỏ bao nhiêu thời giờ để diễn đạt bài thơ “Con cừu” của tôi. Bây giời tôi cố quên bài thơ đó mà không được. Miệng đọc bài thơ “Đất nước
https://thuviensach.vn
em” nhưng óc tôi thì nghĩ đến bài thơ “Con cừu”. Từ ngữ của bài thơ “Con cừu” cứ rập rình ở đầu lưỡi, chỉ chực bật ra. Thật ra thì tôi cũng đã kịp thuộc bài thơ “Đất nước em” rồi đấy, nhưng vì luôn luôn phải để ý đến việc dậm chân xuống sàn, giơ tay lên cao, nên từ ngữ nó chạy đi đau mất ráo cả. Đầu óc cứ loạn lên vì những cái dậm chân liên tục như vậy.
Thế rồi cái giờ phút phải đến cũng đã đến, các bạn gọi tôi rối rít: — Lên sân khấu đi, đến lượt cậu rồi đấy!
Chúng nó đẩy tôi ra giữa sân khấu chan hòa ánh sáng, trước khán giả. Hội trường đông nghẹt các bậc cha mẹ học sinh. Thầy giáo tôi lo lắng đi đi lại lại ở bên cánh gà để nhắc những câu thơ tôi có thể quên.
Tôi cúi đầu chào khán giả một cách trang trọng. Nhưng lạ thay, ngay lúc đó tôi quên khuấy mất câu đầu đề bài thơ cần đọc. Nhưng cũng lúc đó từng lời từng chữ của bài thơ “Con cừu” hiện lên trong óc tôi rõ mồn một. Tôi ngây ra, chẳng còn biết làm gì nửa.
Bạn thử tưởng tượng mà xem, tôi ở trong tình thế khốn khổ như thế nào. Tôi đứng yên lặng trên sân khấu và nhìn khán giả, khán giả cũng im lặng ngắm tôi… cứ như thế đến vài chục giây. May sao thầy giáo tôi nhắc khẽ từ bên cánh gà: “Đất nước em”, tôi vội vã nhắc lại như cái máy “Đất nước em”. Nhưng kêu xong mấy chữ đó, tôi chẳng biết làm gì thêm vì bài thơ đó tự nhiên biến đi đâu mất cả. Chả lẽ lại đứng như tượng trên sân khấu mãi, tôi bèn gào tướng lên một lần nữa:
“Đất nước em” với hy vọng là sẽ nhớ ra thêm một câu nào đó. Nhưng vô hiệu, tôi kêu lên như thế rồi im luôn. Hội trường ào lên một tràng pháo tay như vũ bão. Tôi ngây ra chẳng hiểu vì lẽ gì người ta lại vỗ tay khi tôi gào “Đất nước em”.
Chợt tôi bắt kịp tiếng thì thào nhắc vở của thầy giáo, thế là tôi bắt đầu tuôn ra một tràng “Hây” vô tận. Khổ một nỗi, vì đã gào quá to đến hai lần đầu đề bài thơ nên tôi đã bị mất giọng, đến khi đọc bài thơ thì giọng tôi trở nên khàn khàn như vịt đực, nghe rất lạ tai. Lại có tiếng vỗ lay ầm ầm, lúc này tôi hoàn toàn hoang mang không biết mình đã lạc vào thế giới nào nữa. Tôi đọc thơ lắp ba lắp bắp, run rẩy, câu nọ xọ câu kia. Đến câu “Hây” thứ sáu, thứ bảy gì đó tôi phải nhảy dựng lên như bị bỏng. Bạn biết sao không?
https://thuviensach.vn
Vì tập đi tập lại và dậm chân nhiều quá, có một cái đầu đinh đã nhô lên trong giày của tôi lúc nào chẳng biết. Giờ đây, khi tôi hét lên “Hây” và lấy hết sức mình dậm chân thật mạnh, cái đinh quỷ quái ấy đã đâm thủng gót chân tôi. Ôi trời, thật buốt lên đến tận óc. Tôi như bị một lưỡi dao xẻ thịt ra. Đau quá, tôi quên cả bài thơ đang đọc dở. Khán giả từ nãy đã cười nhiều vì cách đọc bài thơ của tôi, nay lại càng buồn cười điệu bộ khóc dở mếu dở của tôi. Còn tôi thì thực sự khó xử chỉ muốn òa lên khóc. Tôi luôn luôn nhìn về phía cánh gà, để cầu cứu thầy giáo nhắc tiếp đoạn thơ. Thầy giáo biết tình trạng rối trí của tôi, muốn tôi nghe rõ nên bắt đầu đọc to đến nỗi cả hội trường cũng nghe thấy:
— Hây, đất ông bà cha mẹ, nơi chôn rau cắt rốn của ta… Như sắp chết vớ được cọc, tôi vội chụp lấy và đọc tiếp:
— Nơi ấy cha mẹ ta đã sinh ra và… và…
Nhưng rồi tôi lại quên tịt. Hy vọng sẽ nhớ ra các câu tiếp theo, tôi cứ lầm bầm nhắc đi nhắc lại câu thơ đó. Đến chữ “mẹ ta” tôi nhắc hoài đến nỗi chợt nhớ ra cả bài thơ “Con cừu”, tôi đọc khá to đoạn thơ đó để nhớ lại những câu trong bài “Đất nước em”:
Mẹ ta… mẹ ta
Lấy mỡ từ đuôi
Có dòng sữa trắng
Có len mịn màng
Thầy giáo tôi hốt hoảng nhắc to trong cánh gà:
— Hây, giếng mát sông dài, lâu đài thành quách…
Tôi máy móc nhắc lại câu thơ đó và lại đọc tiếp bài thơ “Con cừu” của tôi:
… Lâu đài thành quách
Sừng để làm quai
Thịt ăn rất bổ
Da để làm cặp
Xương bón ruộng đồng.
Hây!!!
Và tôi chạy vội khỏi sân khấu. Hội trường chỉ tí nữa là sụp xuống vì trận
https://thuviensach.vn
vỗ tay bão táp của khán giả. Đến lúc đó tôi vẫn không hiểu vì sao người ta lại vỗ tay. Thầy giáo tôi đón tôi một cách giận dữ.
— Em đã làm trò gì thế hả?
— Làm thế nào được thưa thầy. Em đã cố quên mà không sao quên được những gì em đã học. Em biết làm sao bây giờ…
Suýt nữa thì tôi bật khóc. Thầy giáo im lặng và chúng tôi đi khập khiểng cạnh nhau vì cả hai đều bị đau chân…
Lúc về đến nhà, ba tôi khen rối rít:
— Ái chà chà, cậu cả giỏi thật, mọi người suýt chết vì cười, con ba khá lắm!
Mẹ tôi thêm, vẻ tự hào:
— Trời, mẹ cười giàn giụa nước mắt. Suýt nữa thì mẹ ngất đi vì cười nhiều quá.
Thế là thế nào nhỉ? Thì ra khán giả đâu có ngờ là tôi nhầm lẫn lung tung. Họ nghĩ rằng người ta cố tình làm bài thơ như thế, một kiểu thơ đùa cợt, chọc cười, vậy là tôi trở thành một nghệ sĩ trình bày thơ chọc cười có hạng.
Thế đấy, Zeynep ạ, những ngày vừa qua rất sôi động làm tất cả chúng tôi bận tối mắt. Tưởng khóc dở mếu dở mà lại tức cười, phải không bạn? Thư trước bạn hỏi ba tôi có đứng đầu lớp không. Tiếc là ba tôi không xếp đầu lớp vì ông chẳng bao giờ đi học cả. Nếu có đi học chắc thế nào ba tôi cũng bảo là ông đã đứng thứ nhất như các ông bố khác. Nóng lòng chờ thư bạn. Chúc bạn học tốt.
Bạn cũ, Acmét
https://thuviensach.vn
CÓ LÀM MỚI CÓ ĂN…
Ankara 26-11-1963
Acmét thân mến!
Hãy viết kỹ hết tất cả những gì xảy ra ở chỗ bạn cho tôi như bạn đã viết trong thư trước nhé. Tôi rất thích đọc lá thư ấy của bạn. Tôi đã đọc cho cả một số bạn cùng lớp nghe. Cả lũ đã bò lăn ra mà cười…
Ở đây, thời tiết Ankara đã trở lạnh rồi, vì vậy chúng tôi không còn xuống vườn chơi nữa. Về đến nhà là tôi vội học bài và làm bài tập ngay. Tôi chỉ muốn giúp mẹ tôi chút ít trong công việc nội trợ. Chị tôi có vẻ không khoái những công việc ấy lắm, nhất là rửa chén đĩa và lau chùi nhà cửa. Chị ấy chỉ thích ngồi hàng giờ trong bếp để làm thử các món bánh ngọt do chính chị ấy nghĩ ra. Mẹ tôi lại luôn có ác cảm với ý thích đó của chị tôi. Bởi vì bà phải gánh chịu hậu quả không mấy tốt đẹp của những cuộc thử nghiệm đó. Có khi mẹ tôi phải mất hàng tuần để sắp xếp lại đồ đạc trong bếp. Ôi, chị ấy làm đảo lộn lung tung, mọi thứ cứ nháo nhào hết cả lên, không còn trật tự gì nữa.
Chị tôi đã lớn, tí nữa thì đã đính hôn rồi cơ đấy. Nhưng sau đó ba mẹ và chị tôi suy tính lại và thôi. Chút nữa là ở nhà tôi đã có một cuộc vui, một sự kiện quan trọng biết chừng nào. Thế mà cuộc đính hôn phút chốc đã hỏng chuyện vì một lời nói vô tội vạ của chú em tôi, cậu Mentin ấy.
Nhiều lần, vào các buổi tối, bạn của ba tôi đến nhà chơi hoặc chúng tôi qua chơi bên nhà họ. Những cuộc gặp gỡ thăm viếng diễn ra thường xuyên ít nhất là hai lần trong một tuần. Khi có đủ mặt tất cả mọi người, hết chuyện này đến chuyện kia được nói tới, nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là chuyện ông Zeinel. Ông này thường bị bộ bốn chê bai, nói xấu đủ điều. Chả là ông Zeinel là ông chủ của cả bốn người mà. Mẹ tôi luôn luôn phải gạt đi:
— Gớm, tôi phát ngấy lên vì cái ông Zeinel của nhà các ông đấy. Các
https://thuviensach.vn
ông hãy để cho ông ta yên nào. Không lẽ không còn chuyện gì để nói ư? Nghe mẹ tôi gắt, các ông bèn nói sang chuyện khác. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, câu chuyện xoay về ông Zeinel lúc nào chẳng biết. Nào là ông Zeinel có rất nhiều xưởng máy, rằng ông ta có quá nhiều tiền, thế thì làm sao lại chẳng giàu cho được. Nhưng mà ông ta lại rất dốt nát, đến nỗi cố sức lắm ông ta mới học hết tiểu học. Một ông bạn của ba mình cùng quê với ông Zeinel đã kể rằng:
— Ông ấy lớn hơn tôi cả chục tuổi. Khi ông ta đã học lớp ba rồi tôi mới bắt đầu đi học lớp một. Thế mà tôi với ông ấy lại cùng tốt nghiệp trường tiểu học. Các anh thử tưởng tượng xem ngài Zeinel nhà ta học mấy năm lớp bốn? Ai đời học sinh tiểu học mà râu ria mọc dài chả khác gì mấy ông giáo…
Ông đồng hương của Zeinel còn kể rằng có lần một ông thanh tra đến trường vào lớp đã tưởng lầm Zeinel là thầy giáo, còn thầy giáo của lớp đó là một học sinh. Vì thế ông thanh tra mới bảo ông giáo: “Nào em ngồi xuống đi chứ!” làm ông giáo bị một phen lúng túng…
— Thế đấy, tôi đã bảo các anh mà: óc nó chỉ chứa toàn là đất sét thôi. - Ba tôi thêm vào.
— Còn gì nữa! Có khi còn tồi tệ hơn thế nữa ấy chứ.
Nếu bạn được nghe hết những lời bình phẩm về ông Zeinel nhỉ? Nào là “đó là một trong số những thằng dốt nát hàng trăm năm mới xuất hiện một lần trên trái đất”… Nào là “Một biểu tượng ngu muội của nhân loại”…v.v. và v.v…
Một ông kể rằng cha ông Zeinel đã bảo ông ta: Thôi con ạ, chả cản học làm gì cho uổng công. Thôi thì hãy đi buôn vậy, ba sẽ dạy con cách buôn bán. Zeinel nghe lời cha và chăm chỉ buôn bán đến nỗi suýt nữa ông ta phá tan hết gia tài của cha. Ấy thế mà, giờ đây ông ta lại giàu quá, giàu đến nứt đố đổ vách ra.
Theo lời bình phẩm của mọi người thì ông Zeinel là một người rất lười biếng, rất cẩu thả, luộm thuộm. Nhưng ông ta lại có biệt tài bắt mọi người dưới quyền làm việc. Khốn nạn thay cho các nhà kiến trúc, các kỹ sư, bác sĩ và luật sư làm việc với ông ta! Họ bị bóc lột đến tận xương tủy… Ba tôi cay
https://thuviensach.vn
đắng nói:
— Thế đấy, bọn mình đã học hành đến nơi đến chốn, đã cố gắng hết sức mình để có bằng nọ bằng kia, rồi cũng chẳng đến đâu! Chúng mình đã được gì nào? Hay cả lũ phải cầu cạnh đến tay Zeinel dốt nát ấy để có chỗ làm, có cái ăn…
Về sự dốt nát của ông Zeinel thì… ôi thôi có cả một kho chuyện, chuyện nào cũng buồn cười đến chết được. Có lần ông Zeinel đến Phần Lan với một số giám đốc nhà máy và thư ký riêng của ông ta. Họ đã ở đó khá lâu. Một hôm, lúc gần về ông Zeinel nói với tay thư ký:
— Tôi thích cái nước Thụy Điển này, nó rất đẹp. Nghe đồn là ở Phần Lan cũng thú lắm. Hay chúng ra thử qua Phần Lan ít ngày xem sao đi! Một lần khác khi biết tên nước mà ông đang ở thăm gọi là nước Thụy Sĩ, ông ta rất ngạc nhiên!
— Ồ, thế mà tôi cứ tưởng là chúng ta đang tham quan Ba Lan cơ đấy. Nào, hay là chúng ta thử đi thăm Ba Lan xem sao…
Có một lần, khi mọi người đang say sưa nói chuyện về ông Zeinel như mọi bữa thì Mentin bỗng hỏi chen vào:
— Ba ơi, nếu ông ta dốt nát, vô học và lại lười biếng quá quắt như vậy thì làm sao ông ấy làm giàu được hả ba?
Mẹ tôi liền mắng át đi:
— Này, mày có im miệng đi không, đừng có nói leo vào chuyện của người lớn!
Ba tôi thấy cần nói thêm cho rõ:
— Đầu óc con chưa thể hiểu được một số chuyện của người lớn, con ạ… Chị tôi sẽ đính hôn với con trai ông Zeinel. Lễ đính hôn tuy chưa tiến hành nhưng công việc cũng coi như đã xong.
Tôi không nhớ là bạn đã nhìn thấy chị tôi chưa nhỉ? Chị ấy không giống tôi lắm, hay nói đúng hơn là tôi không giống chị tôi mấy. Chị tôi đẹp lắm. Trong nhà, ba mẹ tôi không nói gì về lễ đính hôn với tôi cả, chị tôi cũng không cho tôi và Mentin biết.
Nhưng bọn tôi biết hết, Mentin còn biết trước cả tôi vì nó rất nhạy cảm với bầu không khí khác thường trong gia đình. Mẹ tôi có vẻ vui lắm, vừa
https://thuviensach.vn
làm vừa hát luôn, còn chị tôi không giấu được sung sướng, ngượng ngập. Niềm vui lộ ra ở mỗi bước đi, giọng nói của chị ấy.
Một hôm Mentin thầm thì vào tai tôi:
— Này chị có biết không, chị ấy lấy chồng đấy!
— Thế thì tốt chứ sao?
— Nhưng mà chị có biết chị ấy lấy ai không nào?
— Chị ấy lấy ai thế, em biết không?
— Lấy con ông Zeinel đấy!
Thấy tôi chẳng nói gì sau cái tin nó cho là giật gân ấy, Mentin nổi cáu: — Chị không biết gì à? Chị ấy lấy con ông Zeinel đấy!
— Thế thì sao? Làm gì mà em phải nổi giận thế?
— Hừ, như vậy là chị cũng về một phe với ba mẹ chứ gì? — Chị không quan tâm đến chuyện này…
Trong nhà, Mentin chơi thân với tôi nhất, thế mà nó cũng giận tôi thật sự.
— Sao mà chị lại không quan tâm được! - Nó hét lên với tôi và bất bình - Chị phải biết là em không muốn thế, không thể thế này được, chị biết không?
Sợ nó càng cáu hơn nên tôi nhịn, nín thinh không nói gì. Lúc đó Mentin lại tiếp, giọng tức tối:
— Thế chị không nghe họ nói nào là cái ông Zeinel con lừa, nào là đồ sức vật và bao nhiêu cái xấu khác của ông ta đó sao? Thế mà họ lại muốn chị ấy lấy con một ông như vậy.
— Chị không thấy có sự liên quan nào giữa bố và con trong chuyện này cả. - Tôi định khuyên giải cho nó bớt giận.
— Thế à… Nhưng chị có biết con ông ấy ra sao không? Cả anh ta cũng không thể học cho xong trung học, mặc dù đã được ông bố bỏ tiền thuê thầy giáo dạy riêng, đã đút lót tiền khắp nơi cho anh ta lên lớp… Những lời nói đó của người lớn là dối trá hay sao nào? Ba và các chú khác chả nói thế hàng ngày là gì?
— Này, chớ để mẹ nghe thấy em nói những lời nói đó. Mẹ sẽ đánh vào đít cho đấy. Người lớn hiểu công việc hơn chị em mình mà em. - Tôi lựa lời
https://thuviensach.vn
khuyên nó.
Nhưng Mentin giận đỏ mặt tía tai và không chịu thôi:
— Đấy, em biết chị rồi mà, chị cũng về phe với họ mà. Em còn tức mình cả với ba nữa cơ…
— Sao vậy, em?
— Còn sao nữa. Mọi người đều nói xấu ông Zeinel đủ chuyện, thế mà tất cả vẫn đi làm cho ông ta, phục vụ ông ta. Tại sao lại như vậy? Nó quay ngoắt người về phía khác và bỏ đi. Rõ ràng cu cậu sợ tôi nhìn thấy nó khóc vì khi nói những câu cuối cùng tôi đã thấy cậu ta rơm rớm nước mắt rồi.
Từ hôm đó, Mentin trở nên khó bảo và rất lỳ lợm. Bắt đầu có bao nhiêu chuyện không tốt trong sổ liên lạc của nó: Nó hỗn láo, nó không làm bài, không học hành gì cả. Ba tôi rất lo lắng, hết khuyên nhủ đến dọa dẫm nó đủ điều. Nhưng vô hiệu, nó vẫn chứng nào tật ấy. Tệ hơn nữa, nó còn bỏ học đi hoang nữa kia. Rồi tụi nó đua đòi, đánh lộn với các trẻ con khác nữa. Sáng ra, mẹ tôi dẫn nó đến trường, thế mà khi mẹ tôi vừa đi khỏi là nó cũng biến luôn.
Khi ba tôi muốn hỏi xem tại sao nó lại đổ đốn ra như vậy thì nó chỉ im lặng, nhất định không nói gì. Tôi cũng thử dùng tình cảm để khuyên giải nó một cách nhẹ nhàng, Mentin liền ngắt lời tôi bằng một giọng rất người lớn, làm tôi đờ ra không nói thêm được câu nào:
— Chị hiểu làm sao được những chuyện đó!…
Mentin đã làm cả nhà không yên. Mẹ tôi khóc lóc, còn ba tôi thì luôn cáu gắt, lo âu.
Một hôm trời tối đã lâu mà vẫn chưa thấy Men tin về, cả nhà phải chia nhau đi các ngả tìm nó. Tìm khắp nơi chẳng thấy nó đâu cả, cả nhà lo lắng, mẹ tôi phát khóc lên. Mấy người bạn của ba tôi cũng chạy đến an ủi mẹ tôi. Mọi người đang nghĩ cách đi tìm kiếm một lần nữa thì cu cậu mò về.
Trong nhà không khí trầm hẳn xuống, rất khó xử. Mấy ông hàng xóm trước đó đã khuyên ba tôi đừng có mắng nó. Tất cả mọi người coi như không có chuyện gì xảy ra. Một lát sau ba tôi gọi Mentin lại và lựa lời khuyên nhủ nó, giọng ba tôi lúc đó sao mà dịu dàng, ngọt lịm:
https://thuviensach.vn
— Này, con trai của ba, nếu không đi học, đến trường không chịu làm bài, chỉ lêu lổng thì chẳng nên người đâu con ạ. Người ta, ai càng chăm chỉ bao nhiêu thì càng no ấm hạnh phúc bấy nhiêu. Ngay từ bé cần chịu khó học hành để có lưng vốn đảm bảo cho tương lai, cuộc sống sau này thêm dễ chịu. Phải cần cù con…
Đó là những lời dạy bảo muôn thuở của ba tôi. Lúc đó mấy chú bạn ba cũng mỗi người một câu nói thêm vào:
— Tay làm hàm nhai con ạ…
— Có làm thì mới có ăn, con ơi…
— Muốn sung sướng thì phải làm việc và chỉ có làm việc mới khác được, con ạ…
Mentin nãy giờ im lặng ra dáng suy nghĩ, chợt ngẩng lên đột ngột hỏi: — Vậy người đi làm được bao nhiêu tiền?
— Con nói sao? Càng làm nhiều thì lương càng nhiều chứ sao nữa. — Thế người thật chăm chỉ có được nhiều tiền bằng ông Zeinel không ba?
Câu hỏi của Mentin làm cho tất cả mọi người im lặng. Ai cũng hiểu nó định nói đến điều gì. Một lúc sau ba tôi mới gắng gượng tiếp tục câu chuyện:
— Thì ba mẹ cũng từng là trẻ con. Tất cả mọi người đều đã là trẻ con mà… Nhưng hồi đó…
Mentin bỗng ngắt lời ba:
— Ai không làm việc thì sẽ có nhiều tiền phải không ba?
Ba tôi phát cáu:
— Thế là thế nào? Vậy ra ba mày nói láo ư?
Mentin khóc òa lên, nó nói qua tiếng nức nở:
— Ba mẹ nói thật đi, chăm chỉ hay lười biếng là tốt? Tại sao mọi người vẫn chê ông Zeinel lười biếng. Chính ba và mấy chú vẫn bảo ông ta ngu thộn, đầu bò đấy thôi. Thế mà ông ta có nhà máy, cửa hàng, công ty… rồi xe hơi nhà lầu nữa… Con ông ấy cũng lại dốt nát, ngu đần không chịu học hành gì cả…
Mentin chợt thôi khóc và gào lạc cả giọng:
https://thuviensach.vn
— Con không đi học nữa đâu. Con chẳng cần học làm gì hết. Con sẽ giàu hơn cả ông Zeinel cho mà xem. Con sẽ bắt mọi người làm việc cho con. Ông Zeinel chả vẫn làm thế là gì…
Rồi nó chạy vào phòng ngủ khóc tức tưởi. Ba tôi lặng người đi, mãi mới nói được:
— Được rồi, được rồi con ạ, mày muốn làm gì thì làm. Nếu mày không muốn đi học nữa thì thôi ba không ép…
Mẹ tôi vào buồng dẫn nó ra rửa mặt. Một ông bạn cũ của ba tôi nhận xét: — Đó là lỗi của chúng ta. Chúng ta đã nói bô bô đủ thứ chuyện trước mặt nó nên mới đến nông nỗi này. Lẽ ra không nên nói những chuyện đó trước mặt trẻ con.
Vợ ông ta ra hiệu cho ông ta bằng mắt về sự có mặt của tôi ở đó. Một ông khác nói tiếp:
— Nhưng mà thằng cháu nó cũng đúng đấy. Chúng ta đã học bao nhiêu năm rồi, kết quả được gì? Có phải tất cả chúng ta đều phải nhờ vả cái lão Zeinel ấy không? Sự thật là như vậy.
Ba mẹ tôi đã biểu rằng Mentin đổ đốn là do cả nhà cứ muốn có cuộc đính hôn giữa chị tôi và con ông Zeinel.
Mọi việc được xem xét và bàn bạc lại. Vài ngày sau ba mẹ tôi chính thức từ chối lời cầu hôn của con ông Zeinel. Rồi chị tôi cũng xin được việc và đi làm. Chị ấy đã chán ngấy sự nhàn rỗi, ở không, suốt ngày ngáp ruồi. Thực ra chị ấy cũng chẳng thiết tha gì với việc đính hôn vừa qua. Lúc này chị ấy lại có vẻ khoan khoái vì vẫn tự do, lại được đi làm.
Sau đó hai ngày Mentin đi học trở lại như cũ. Nó trở nên một học sinh ngoan và chăm chỉ chẳng kém gì trước. Có lẽ nó nhận thấy trách nhiệm đã làm lỡ cuộc đính hôn của chị tôi nên cu cậu cố gắng học tốt hơn và chăm ngoan chăng?
Không khí gia đình trở lại thuận hòa, vui vẻ, nhưng Mentin không còn gần gũi tôi như trước nữa. Nó giận tôi đã không về phe với nó trong chuyện cũ. Thực tình tôi cũng thấy nó đúng. Song tôi làm sao mà có thể làm giống nó được.
Tôi viết thư này cho bạn sau bữa tối. Thư đã dài và tôi cũng đã rất buồn
https://thuviensach.vn
ngủ. Tôi đi ngủ đây. Mai, chủ nhật mẹ tôi hứa cho chúng tôi đi xem múa rối.
Chào tất cả các bạn. Chúc các bạn luôn vui vẻ
Bạn gái, Zeynep
https://thuviensach.vn
BÀI HỌC LUẬN LÝ[2]
Istanbun, 30-11-1963
Bạn Zeynep thân!
Cách đây hai ngày tôi đã nhận được thư bạn. Tôi muốn trả lời bạn ngay lập tức nhưng ngại một nỗi thầy giáo cho nhiều bài tập về nhà quá. Chính vì thế mà mai tôi chưa viết được dòng thư nào cả.
Dần dần bọn tôi có tình cảm với thầy giáo mới. Trong lá thư trước, tôi đã kể cho bạn nghe chuyện chúng tôi trả lời thầy hiệu trưởng khi thầy đến thăm chúng tôi. Sau việc đó tôi tưởng thầy sẽ giận bọn tôi và Demir lắm. Nhưng không phải như vậy. Ngay cả tôi, trong đêm liên hoan đã làm đảo lộn hết cả việc thầy làm, thầy cũng chẳng giận tí nào cả.
Gần đây, thầy giáo tôi có vẻ chú ý nhiều đến các bài học luân lý, đặc biệt là các bài giảng về sự hy sinh, xả thân vì nghĩa cả. Thầy hay kể một vài câu chuyện về các tấm gương trẻ con biết hy sinh quên mình vì một mục đích nào đó. Kể xong, thầy thường đặt câu hỏi để chúng tôi suy nghĩ:
— Các em học được gì qua chuyện này? Chúng ta có thể rút ra kết luận thế nào?
Bạn có biết tại sao thầy lại khoái tôi không? Bởi vì tôi hay phát biểu và tôi rút ra những kết luận đúng theo ý của thầy. Thầy hay khen tôi: — Hoan hô Acmét! Em nói rất đúng.
Sau đó thầy nói với cả lớp:
—Thế đấy các em ạ. Các em cũng luôn luôn có ý thức xả thân vì tổ quốc như em bé trong câu chuyên tôi vừa kể cho các em nghe.
Nhưng có lần, trong lớp tôi đã xảy ra tranh luận. Đó là vì tôi đã chán ngấy cái kiểu rút ra kết luận theo ý thầy. Hôm đó, chẳng hiểu sao tôi lại muốn nói khác đi, tôi muốn nói theo ý riêng của mình.
Đại khái câu chuyện thầy kể cho chúng tôi như sau:
https://thuviensach.vn
“Hồi chiến tranh có một đứa bé con nhà nghèo trạc tuổi bọn mình đã tham gia du kích. Một hôm nó nhận nhiệm vụ canh gác, theo dõi tình hình địch. Nó trèo lên một cây cao giữa cánh đồng để quan sát sự di chuyển quân của địch. Thấy giặc vào làng, em chạy về báo cho chỉ huy du kích, đến giữa đường thì trúng đạn. Mặc dù bị thương nặng, em vẫn gắng về được sở chỉ huy báo cáo tin quan trọng cho quân ta. Em tắt thở trên tay những đồng đội lớn tuổi…”.
Vừa kể xong thầy vội vàng chỉ tôi:
— Nào Acmét, hãy cho cả lớp biết chúng ta học được gì qua câu chuyện này?
— Nhưng thưa thầy, sự việc có xảy ra như trong chuyện không ạ? Hay đó chỉ là câu chuyện sáng tác để chúng em phải rút ra bài học về sự hy sinh, dũng cảm của một gương sáng thiếu nhi ạ?
Thầy giáo tôi bị một cú bất ngờ, ông không ngờ tôi lại hỏi như vậy. Một lát sau ông hỏi tiếp:
— Em bảo sao? Thật hay không thật có gì quan trọng?
— Thưa thầy một câu chuyện thật rất khó có thể xảy ra như vậy được ạ. — Tại sao em nói thế?
— Em không hiểu tại sao việc theo dõi địch là việc quan trọng, người lớn không làm lại để đứa trẻ 10-11 tuổi làm. Và chẳng hiểu sao lại đặt trạm quan sát ở giữa đồng trống để một đứa trẻ bị chết oan uổng… Thầy sốt ruột ngắt lời tôi:
— Tất nhiên, đây chỉ là một câu chuyện sáng tác thôi…
Sau đó thầy hỏi cả lớp:
— Các em cũng suy nghĩ như Acmét cả chứ?
— Không, không ạ?
Tất cả lớp kêu lên. Chengis đứng dậy dõng dạc nói:
— Chúng ta luôn luôn sẵn sàng xả thân vì tổ quốc, phải dũng cảm không sợ hy sinh. Chuyện kể muốn nhắc nhở chúng ta như vậy.
Rồi nó quay nhìn tôi như nhìn một con quái vật.
Chỉ duy nhất có Demir đồng tình với tôi:
— Thưa thầy em cũng thấy như Acmét ạ!…
https://thuviensach.vn
Thầy hỏi cả lớp:
— Theo các em thì tại sao Acmét và Demir lại suy nghĩ khác các em? Lại Chengis to mồm nói:
— Thưa thầy các bạn ấy hay như thế lắm ạ… Ra vẻ ta đây khác người… Ngay lúc đó chuông báo hết giờ vang lên.
Thầy nói:
— Thôi được. Có gì chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận vào giờ học chiều nay. Thật sự tôi thấy rất may đã đến giờ nghỉ. Nếu không thầy mà hỏi nữa tôi sẽ chẳng biết nói sao. Ra chơi, Chengis còn nhái tôi:
— Ái chà, ông bạn định chơi trội đấy!
Selma thì đe dọa:
— Muốn khác người ư? Rồi sẽ chẳng hay ho gì đâu!
Tôi hoang mang, chả lẽ mình chơi trội với chúng bạn thật sao? Nhưng sự thật tôi không tin câu chuyện thầy kể chút nào. Trái lại bọn bạn cùng lớp thì tin lời lắm, vì ảnh hưởng của câu chuyện khá rõ. Bằng chứng là giờ ra chơi, nhiều ngọn cây cao trong sân trường đã bị chiếm làm đài quan sát địch. Bọn bạn tôi thì thi nhau nã súng máy bằng miệng và dùng vở cuốn tròn lại làm ống nhòm ra xa. Tôi thờ ơ ngồi trên ban công xem chúng chơi trò chơi mới ấy một cách say mê. Ở một ngọn cây ngay gần cửa sổ chỗ tôi, Chengis và Huseyin đang cãi vã:
— Để tao trinh sát cho!
— Tao chứ.
— Tao chứ
Tiếng Huseyin to nhất:
— Nhiệm vụ này chỉ huy giao cho tao. Đây là đài quan sát của tao chứ! Chỉ lát sau tôi đã nghe tiếng khóc của nó ở dưới đất chỗ gốc cây. Chúng tôi chạy tới xem thì thấy nó bị thương do ngã từ trên cây xuống. May mà vết thương cũng không nặng lắm và người ta đã băng bó cho nó ngay. Chengis tụt vội từ trên cây xuống, mặt nó xanh như tàu lá. Ai cũng hiểu là hai đứa xô đẩy tranh giành trên cây và Huseyin đã ngã. Nhưng khi thầy giáo hỏi thì Huseyin không nói ai mà nó tự nhận lỗi:
— Thưa, không ai xô em cả ạ, em bị trượt chân ngã đấy.
https://thuviensach.vn
Hành động ấy của Huseyin làm tôi suy nghĩ mãi.
Chiều hôm đó thầy giáo lại nói:
— Nếu sự hy sinh lại có tính chất chủ định cho mọi người biết và khen ngợi hành động đó thì không phải là hy sinh thực sự…
Tôi phân vân, vậy hành động của Huseyin có phải là một sự hy sinh không?
Hôm sau lại một bài giảng về sự hy sinh xả thân vì nghĩa. Thầy giáo kể một câu chuyện đại ý: “Có một đứa trẻ nghèo phải đi ăn cắp để lấy tiền mua thuốc cho mẹ đang bị ốm. Nó bị bắt quả tang khi đang ăn cắp và bị kết tội. Một đứa trẻ khác tự nhận tội về mình để cứu giúp đứa kia”. Câu chuyện khá đơn giản nhưng lại quá vô lý, song tôi không dám nói, chỉ sợ thầy lại cho rằng tôi muốn chơi trội… Nhưng rõ ràng ở đây, người ta đã lẫn lộn giữa cái ngốc nghếch trẻ con và sự hy sinh cao thượng.
Thầy giáo tôi thích thú đề tài này đến mức đã bàn với các giáo viên lớp 5 khác và quyết định mở một cuộc thi viết trong học sinh về sự hy sinh, xả thân vì nghĩa. Cuộc thi phát động sôi nổi làm cả trường phải chú ý. Ở lớp tôi thầy giáo hy vọng ở tôi rất nhiều. Riêng tôi muốn viết một câu chuyện về đề tài này theo ý thích của tôi. Tôi vùi đầu, chăm chỉ viết ba ngày liền mới xong.
Tóm tắt câu chuyện tôi viết như sau:
Một đứa trẻ có em bị bệnh rất nặng. Nó rất thương em nên ngày đêm buồn rầu lo lắng. Chẳng có cách gì hơn vì nghèo không có tiền chạy chữa, nó thường cầu nguyện: “Lạy Trời, Phật đừng giết em con. Hãy giết con đi! Con xin thế mạng cho đứa em bé bỏng của con”. Một đêm trong mơ nó thấy một vị thần hung dữ đến nói với nó: “Nào, hãy theo ta”. Như vậy, lời cầu nguyện của nó đã được chấp thuận. “Trời cho mi thế mạng đứa em. Em mi sẽ được sống”. Nhưng đứa trẻ không muốn chết, nó lạy van kêu nài với ông thần: “Đừng giết con! Con chỉ cầu nguyện như mọi người thôi chứ con đâu có muốn chết. Đừng giết con!”. Trong giấc ngủ nó la thét đến nỗi mẹ nó phải tỉnh giấc dỗ dành nó: “Ôi, con tôi nằm mơ ghê quá. Tại con đạp tung hết chân ra ngoài, bị lạnh nên mơ xấu đấy mà. Con đắp chăn vào ngủ đi”.
Tôi đọc câu chuyện viết xong cho ba, mẹ tôi nghe. Ba tôi rất hay khen
https://thuviensach.vn
ngợi những cố gắng làm văn của tôi, nhưng lần này nghe tôi đọc xong ông nhăn mũi tỏ vẻ không thích thú lắm. Ông chú tôi nghe bài viết cũng chê tôi dở. Chẳng biết tôi có thể hiện được những hiểu biết của mình về sự hy sinh dũng cảm không? Nhưng trong câu chuyện tôi nghĩ ra đã có ý chọc ghẹo những bài học sáo rỗng, không thực tế.
Ngày thi đã đến. Tất cả học sinh lớp bốn và lớp năm tập trung ở trên hội trường lớn. Các thầy cũng có mặt đông đủ, thầy hiệu trưởng làm chủ tịch hội đồng thi. Lớp tôi chọn ra được sáu học sinh dự thi, lớp 5B có năm. Sau khi rút thăm, tôi là học sinh thứ tám lên đọc bài viết của mình. Đọc xong, nhìn qua bàn các thầy các cô ngồi, tôi hiểu rằng bài thi của tôi sẽ không được giải. Nhưng các bạn thì trái lại, chúng nó có vẻ rất thích, tràng vỗ tay trong hội trường kéo dài khá lâu. Khi các bài dự thi đã được đọc hết, hội đồng chấm thi vào họp kín để quyết định trao các giải thưởng. Các thầy giáo đi hết, hội trường bắt đầu náo loạn, nô đùa, chạy nhảy, la hét ầm ỉ cả lên. Nhiều đứa dùng dây thun bắn những viên đạn giấy loạn xạ. Những viên giấy vo tròn, tuy nhỏ mà bắn rất đau. Về chuyện nhắm bắn này tôi không thông thạo lắm. Thậm chí tôi cũng chẳng biết ném một hòn đá trúng đích dù chỉ cách 5-7 mét. Bạn bè vẫn chế giễu tôi là đồ con gái…
Đang thơ thẩn chơi, bất ngờ tôi bị một viên đạn giấy bắn trúng gáy, đau điếng người. Tức điên người, tôi quơ đại một dây thun của đứa bạn cùng đứng bên cạnh và bắn một phát thật mạnh về hướng đã bắn tôi. Ôi thật là một viên trái phá bất hạnh… Đúng lúc đó ban giám khảo tiến vào hội trường, đi đầu là thầy hiệu trưởng đáng kính. Viên giấy của tôi bay thẳng vào trán thầy như một viên đạn thật sự. Nét đau đớn lộ rố trên mặt thầy hiệu trưởng, ông vội đưa tay lên xoa xoa trán. Mắt thầy long lên giận dữ. Thầy giáo của lớp 5B đứng ngay lên bục cảnh cáo chúng tôi, thầy ra lệnh.
— Ai vừa bắn hãy bước ra khỏi chỗ lập tức!
Tôi rất sợ hãi, đang định bước ra thú tội thì thầy giáo lớp tôi đã lên bục đe dọa học sinh:
— Nếu kẻ bắn không nhận lỗi ngay thì tất cả học sinh ở đây sẽ bị phạt. Từ nay đến tối không ai được ra khỏi đây, phải ngồi tại chỗ hết! Cuộc thi thế là hỏng, chả còn ai nhắc đến nó nữa. Tôi đứng dậy buồn rầu
https://thuviensach.vn
thú nhận:
— Thưa thầy chính em đã bắn ạ…
Thầy hiệu trưởng nhìn tôi từ đầu đến chân:
— Không, không phải em bắn…
— Thưa thầy, đúng là em đã bắn đấy ạ.
— Ô, không! Tôi biết đọc ý nghĩ trong mắt người khác. Em không phải là đứa đã bắn viên giấy đó. Kẻ có lỗi nhất định không chịu nhận. Còn em thì sợ các bạn bị phạt oan uổng nên em đã đứng ra nhận hết lỗi về mình có phải không? Em muốn cứu giúp tất cả các bạn chứ gì?
Trong đầu tôi không hề có ý nghĩ đó! Tôi ấp úng:
— Thưa thầy… Em không cố ý… em không muốn thế… em không nhắm vào thầy. Em nhắm vào chỗ khác nhưng em bị trượt tay… Xin thầy tha lỗi cho em ạ.
Thầy hiệu trưởng đi lên bục giảng và bằng một giọng trang trọng rất cảm động, ông nói:
— Này đây, tất cả chúng ta đã chứng kiến tận mất một ví dụ điển hình về sự hy sinh, xả thân vì người khác. Bạn của các em đã nêu một tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm. Mặc dù không hề có lỗi, em ấy đã thú nhận lỗi để bị phạt một mình còn hơn để tất cả các em phải chịu. Hành động đẹp đẽ này đã cho các em một bài học, vì thế, thầy sẽ tha thứ cho tất cả các em. Câu chuyện em ấy viết chưa được hay lắm nhưng hành động của em ấy rất đáng nêu gương. Thay mặt ban giám khảo, thầy tuyên bố em ấy được giải nhất.
Thế đấy, bạn thử nghĩ xem, tôi còn biết làm sao? Mọi sự đã đảo lộn lung tung. Tôi đang ở địa vị một kẻ có tội trở thành tấm gương về sự hy sinh dũng cảm vì người khác. Bạn có tin được không, thật là một câu chuyện ngược đời phải không bạn?
Chẳng biết bạn nghĩ sao, chứ tôi thấy ngày tháng như đứng nguyên tại chỗ vậy. Tôi đã chế ra một cuốn lịch đặc biệt để tính xem đến kỳ thi cuối năm còn bao lâu nữa. Bạn phải biết rằng cũng chẳng còn bao nhiêu ngày nữa đâu!
Chúc bạn khỏe và vui.
https://thuviensach.vn
Bạn, Acmét
https://thuviensach.vn
TÔI KHÔNG NGỜ EM LẠI NHƯ VẬY!…
Ankara 7-12-1963
Acmét!
Tôi rất mừng là bạn đã không để tôi phải buồn vì thiếu tin tức. Đọc thư bạn tôi cười muốn chết luôn, sao chỗ bạn lắm chuyện buồn cười thế. Không biết bạn có phóng đại những chuyện ở đó lên nhiều không đấy? Tôi rất thích cách viết thư của bạn và tôi sẽ cố gắng để viết được như bạn.
Vừa qua ở chỗ chúng tôi trong lớp học cũng xảy ra một chuyện tức cười. Không phải trong giờ học đâu mà trong giờ ra chơi kia, chúng tôi được bữa cười thỏa thích. Nhưng thầy giáo thì lại chẳng vừa lòng chút nào về câu chuyện này. Tôi chả muốn bạn nghĩ rằng tôi bắt chước bạn. Nhưng sự việc nó vậy… Tôi sẽ cố gắng kể đầy đủ những điều đã xảy ra.
Đầu tiên tôi sẽ giới thiệu nhân vật chính của câu chuyện này. Trong số các bạn cùng lớp tôi hiện nay có một đứa tên là Osman, đó là một trong số những học trò giỏi nhất của lớp tôi. Đặc biệt nó rất giỏi về môn toán. Hơn nữa, nó còn là một cậu bé rất ngăn nắp, cẩn thận. Trong cặp của nó có đủ các loại bút chì màu, cái nào cũng được vót nhọn hoắt. Tôi rất ngạc nhiên tại sao Osman giữ được tất cả số bút chì đó không bị gẫy. Bút chì của tôi thì lúc nào cũng bị rơi và khi tôi nhặt lên thì… ôi thôi, đầu chì đã gãy mất rồi. Thỉnh thoảng khi muốn viết gì đó, tôi lại phải gọt chì, chứ làm gì có sẵn. Thế mà tôi lại còn hơn chị tôi, trong cặp chị tôi còn chẳng có chiếc bút chì nào để mà vót nữa kia. Bài tập trong vở của Osman nhìn mà thích mắt. Các phần quan trọng, các công thức, định nghĩa đều được gạch chân hoặc được đóng khung bằng chì màu, cứ như tranh vẽ ấy. Còn chữ của nó thì thật là đẹp, tròn trịa, sạch sẽ như những hạt ngọc vậy. Thầy giáo đã khen ngợi nó nhiều lần và nêu gương đó cho chúng tôi học tập.
Tôi cũng thử bắt chước nó nhưng nào có ra gì. Không biết thầy giáo của
https://thuviensach.vn
bạn thế nào, chứ thầy giáo của tôi, mỗi ngày chúng tôi phải làm một bài kiểm tra, thế rồi hai ngày lại có một bài tập về nhà. Tất cả phải nộp cho thầy xem và cho điểm.
Một hôm, Osman bảo chúng tôi:
— Này các bạn, tôi không tin là thầy giáo chấm hết được các bài làm của chúng ta.
Tôi lập tức phản đối:
— Hừ, thế không chấm thì thầy giáo kiểm tra chúng ta làm gì, hả? Osman bảo vệ ý kiến của nó:
— Tao không tin là thầy chấm bài.
Một đứa bạn khác cũng về phe với tôi:
— Tại sao mày nghĩ là thầy giáo không đọc các bài làm của chúng ta? Osman rất bình tĩnh và trả lời rành rọt:
— Đơn giản thôi, với tao việc này đã rõ như ban ngày. Này nhé chúng ta hãy làm một con tính nhỏ: thầy cho chúng ta mỗi ngày một bài kiểm tra, có đúng không?
— Đúng rồi! - Tôi đồng ý.
— Và cứ hai ngày một bài tập về nhà chứ gì?
— Ừ, đúng đấy! - Tất cả đồng ý với nó.
— Thế lớp ta có bao nhiêu học sinh? Năm mươi hai cả thảy chứ gì? - Osman hỏi chúng tôi bằng giọng kẻ cả.
— Đúng rồi! - Chúng tôi lại đồng ý với nó.
— Vậy thì thầy giáo mỗi ngày phải đọc 52 bài kiểm tra. Nếu kể cả bài tập về nhà, tính trung bình là 25 đi, tổng số là 77 bài phải xem trong một ngày, mà ngày nào cũng vậy nhé. Tớ tự hỏi thầy lấy đâu ra thời gian để đọc hết số đó.
— Cậu nói thế nghĩa là thế nào?
— Thì các cậu cứ tính mà xem! Đọc một bài kiểm tra của chúng mình hết mấy phút. Mà không phải đọc không, còn xem có sai không, rồi có đứa chữ xấu, có đứa còn sai lỗi chính tả nữa v.v….
Thế là theo sự tính toán chi tiết của Osman, thầy giáo phải bỏ ra mỗi ngày hơn 11 giờ đồng hồ để chấm cho xong số bài kiểm tra của lớp tôi.
https://thuviensach.vn
Ngay cả khi thầy bỏ không ngủ, thầy cũng không có đủ thì giờ để làm hết việc. Sau khi nghe Osman giảng giải, cả lũ chúng tôi im lặng không nói được gì.
— Nhưng thầy vẫn chấm bài! - Tôi bướng bỉnh nói.
— Tất nhiên! Tớ có nói không đâu. Nhưng mà thầy chỉ chấm một hai bài đó thôi. Thầy sẽ chọn một số bài bất kỳ để xem cho biết thôi. Còn chủ yếu thầy dựa vào nhận xét của thầy về sức học của học sinh trong lớp để cho điểm…
Sau cuộc tranh luận đó, một đứa bạn gái bảo với tôi:
— Có lẽ Osman nói có lý đấy!
Bạn đó kể rằng nhà nó ở gần nhà thầy giáo. Một hôm, sáng ra khi đi học, thấy có mấy tờ giấy bay trên mặt đường, nó nhặt một tờ giấy ngay dưới chân lên xem thì thấy chính là bài kiểm tra của bạn ấy viết trước một ngày. Các giấy tờ bay ra từ thùng rác nhà thầy giáo. Bạn ấy đưa cho tôi xem bài kiểm tra bị nhàu nát, bẩn thỉu để chứng minh cho lời nói.
Tôi vặn lại ngay:
— Osman không đúng đâu! Sau khi chấm bài xong, bạn bảo thầy không vứt đi thì để làm gì, giữ lại làm kỷ niệm chắc?
Osman ngồi cạnh nói sang:
— Cậu làm thế nào để kiểm tra được?
— Tôi sẽ nói cho các bạn biết sau. - Osman trả lời dứt khoát. Hôm đó, trong bài kiểm tra thầy ra cho chúng tôi một số câu hỏi như sau: “Những người như thế nào được gọi là Đêtêđa, Nisanchi, Bâylêbây, Axêmiôlan[3]. Hãy mô tả chi tiết thời kỳ hưng thịnh của vua Ibơrahim? Ra chơi Osman đã kể cho chúng tôi nghe cậu ta làm bài kiểm tra thế nào. Theo cậu ấy nói thì sau vài dòng đâu trả lời đúng và rất nghiêm chỉnh, cậu ta bắt đầu viết nhăng nhít dưới dạng một bức thư bắt đầu như sau: “Kính thưa chú Ibơrahim bị điên của cháu…”.
Cuối bài kiểm tra cậu bạn ngỗ nghịch của chúng tôi viết:
— Bâylêbây là một làng ở Bôpho.
— Đêtêđa là người không có vở học.
https://thuviensach.vn
— Nisanchi là tên tôi đặt cho Cêtin học lớp tôi. Cậu bạn của chúng tôi mắt hơi lác. Khi đá bóng, muốn nhắm vào khung thành thì nó lại đá chệch ra làm vỡ kính cửa sổ lớp…
— Axêmiôlan cũng là tên hiệu của Riga ở lớp tôi. Cậu này ít thông minh nên chẳng bao giờ được điểm tốt. Có khi những trờ chơi thông thường nó cũng không biết.
Nghe Osman kể, trong sân trường cả lũ đã cười lăn cười bò ra. Riêng tôi không tin là Osman lại dám viết như vậy vào bài để nộp cho thầy. Chắc nó đùa cợt vậy cho vui thôi. Nhưng Osman lại có vẻ lo lắng, bồn chồn. Hình như nó hơi sợ thì phải. Hai ba ngày sau, nó còn có vẻ chẳng yên tâm. Nhưng mãi không thấy thầy giáo nói gì, dần dần nó đã trở lại bình thường.
Theo Osman nói thì trong ngày hôm ấy, tất cả các bài kiểm tra viết nó đều làm theo kiểu đó. Mấy dòng đầu viết nghiêm chỉnh đúng theo sách để thầy có xem qua thì cũng không biết, còn sau đó nó bắt đầu viết nhăng viết cuội…
Hôm qua, ngay giờ đầu tiên, chúng tôi đã được thấy Osman không đùa, mà nó đã làm thật. Nhưng vì thế mà tai họa cũng giáng xuống đầu nó. Thầy giáo đến lớp hơi muộn, nhưng mặt mày có vẻ giận dữ điều gì. Bình thường đầu giờ thầy rất vui vẻ, tính tình dễ dàng thoải mái chứ không như thế. Ông chào lại chúng tôi gắt gỏng như đang mắng chúng tôi vậy. Để cặp xuống bàn xong, ông đi xuống chỗ Osman và ra lệnh:
— Osman! Em lên đây!
Osman đã có vẻ run, nó rón rén theo thầy lên bục giảng, thầy giáo nói với cả lớp giọng nghiêm trang:
— Các em, cách đây vài hôm thầy có cho các em làm một bài kiểm tra về khoa học tự nhiên. Bây giờ bạn Osman của các em sẽ đọc cho cả lớp nghe bài viết của bạn ấy.
Osman chợt đỏ bừng mặt như quả gấc chín. Thầy giáo đưa cho nó tờ giấy và ra lệnh rất gay gắt:
— Đọc đi! Em đọc hết cho tôi! Đọc cả câu hỏi nữa!
Osman lúng túng nhưng đành phải đọc:
— Câu hỏi thứ nhất: “Gió là gì? Gió sinh ra thế nào”.
https://thuviensach.vn
Trả lời: “Một khối không khí được đốt nóng sẽ nở rộng thể tích, trở nên nhẹ hơn và bốc lên cao…”.
Đến đó nó ngừng lại. Thầy giáo nóng nảy bắt nó phải đọc tiếp: — Tiếp tục đi, tôi bảo em đọc tiếp cho hết đi!
Osman đọc giọng không mấy trôi chảy:
—… Không khí bốc lên cao… bốc lên cao… gió… gió.
Nó ngắc ngứ mãi đoạn này không sao đọc tiếp được. Thầy giáo lại quát lên, giận dữ:
— Tiếp đi! Gió làm sao?
Osman ở vào thế cùng rồi.
— Gió thổi ngược chiều sân của đội Galatasaray. Các cầu thủ của đội bóng đá này mặc dù chơi ngược chiều gió, trong hiệp nhất họ đã chơi một trận thật hay. Cuộc chiến đấu để giành lấy bóng đặc biệt sôi nổi ở khu trung tuyến. Đội bóng đá Ankaragu không biết áp dụng chiến thuật bảo vệ khung thành hữu hiệu, đã phải rời sân với tỉ số thua 2 - 1. Hiệp hai, lợi gió hàng tiền đạo đội Galatasaray đã lấn sân đối phương như một cơn lốc. Câu hỏi hai: “Bão là gì?”. Trả lời: “Bão là gió rất mạnh, thổi với vận tốc 20m/giây. Các cầu thủ đội Galatasaray hôm nay đúng là một cơn bão thực sự trên sân vận động Mitharpasa. Tiếc rằng trọng tài đã không điều khiển tốt trận đấu. Ông đã thổi phạt đền 11 mét cho đội Ankaragu trong một pha bóng không được rõ ràng lắm. Chính vì vậy ông đã bị khán giả la ó, huýt sáo phản đối rất dữ dội…”.
Nghe Osman đọc chúng tôi phải cố gắng lắm mới giữ khỏi bật cười. Tuy thế vẫn có mấy đứa khoái quá cười lên hô hố… Osman bắt đầu run rẩy, nó sắp phát khóc lên… Thầy giáo chất vấn nó rất gay gắt.
— Osman, vì sao em lại làm ăn như vậy?
Cậu bé đáng thương mặt quay vào tường, giàn giụa nước mắt im lặng không dám mở miệng!
— Thế mà tôi tưởng em là một trò giỏi đấy! Tôi không ngờ em lại làm như vậy. Thôi, về chỗ!
Thật lòng, tôi mừng thầm là mình đúng và Osman đã được một phen sáng mắt.
https://thuviensach.vn
Nó lại dám qua mặt thầy giáo! Lúc ra chơi, tôi nói với nó vẻ đắc thắng: — Nào thấy chưa, giờ thì cậu bảo sao? Thầy giáo có đọc và chấm hết các bài kiểm tra không?
— Nhưng…
Tối hôm đó một bà bạn cũ của mẹ tôi đến chơi nhà. Đây là lần đầu tiên tôi gặp bác ấy. Sau khi biết tôi học trường nào, lớp mấy, ai dạy… Bác ấy vui vẻ nói:
— A, cháu học ông giáo ấy à. Thế thì thầy giáo cháu là bạn của hai bác. Sau đó bác ấy kể cho mẹ tôi nghe một câu chuyện: “Hôm trước tôi đến chơi nhà thầy giáo cháu. Thấy trên bàn có một đống bài kiểm tra của học sinh, tôi tò mò hỏi: “Anh làm sao có đủ thời giờ đọc hết từng này bài viết của lũ trẻ”. Ông ấy khoe: “Cũng chẳng cần phải đọc hết đâu chị ạ. Tôi có những học sinh rất giỏi. Chị có muốn đọc một bài trong số đó không?”
Nói rồi ông ấy chọn cho tôi một bài trong đống giấy ấy. Đúng là một bài làm trình bày rất đẹp, chữ viết ngay ngắn, sạch sẽ, các chỗ quan trọng đều được gạch bằng bút chì màu. Đề bài hỏi về gió. Khi đọc hết trang giấy tôi rất ngạc nhiên. Học sinh đó bàn về bóng đá giữa đội Galatasaray và Ankaragu như một nhà bình luận sành sỏi đôi lúc lại thêm chuyện gió mây vào. Buồn cười quá không nhịn được, tôi cười phá lên. Ông bạn tơi cũng ngạc nhiên hỏi: “Chị cười gì nhỉ. Có gì đáng cười đâu?”. Tôi không trả lời, đưa lại bài đó để ông đọc. Ái chà chà, ông ấy giận tím mặt lại. Ông lắc đầu:
— Thật không ngờ nó lại làm trò đó. Đây là một trong những học sinh giỏi nhất của tôi đấy!
Rốt cuộc, thế là Osman lại đúng. Tôi cũng không ngờ thầy giáo tôi lại làm như thế. Kể cũng hơi buồn.
Đó, thế là tôi đã kể hết câu chuyện xảy ra ở lớp tôi cho bạn nghe rồi. Trước khi dừng bút, chúc bạn sức khỏe. Mong bạn viết nhiều cho tôi các tin tức về những bạn cũ còn ở Istanbun.
Zeynep
https://thuviensach.vn
SỰ HỐI TIẾC
Istanbun 7-12-1963
Zeynep!
Bạn rất thích những lá thư của tôi, bạn khen tôi để tôi cố viết cho hay, cho thú vị hơn chứ gì? Dù sao tôi cũng xin cảm ơn bạn đã động viên khuyến khích tôi. Nhưng thư trước có lần bạn viết: Thư tôi toàn những chuyện buồn cười. Rất tiếc lần này tôi bắt buộc phải kể những chuyện không vui lắm. Chính thầy giáo đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện này, làm tôi vô cùng cảm động.
Sáng hôm kia, trong giờ tập đọc, thầy gọi Huseyin lên bảng đọc bài. Khi nó đọc đến đoạn nói về sự hối tiếc, thầy giáo đã cho dừng lại để giảng kỹ cho chúng tôi hiểu khái niệm tình cảm này. Sau khi nói khá nhiều thầy hỏi cả lớp:
— Các em đã rõ thế nào là sự hối tiếc chưa?
Tất cả đồng thanh trả lời:
— Thưa thầy, rõ ạ.
Thầy giáo nói tiếp:
— Thế thì bây giờ các em hãy cho thầy một vài ví dụ, nếu các em đã hiểu cả rồi.
Bạn có nhớ Yasa không? Chắc bạn còn nhớ, lúc nào nó chẳng ngồi bàn cuối lớp. Đó là một học sinh chúa trùm nghịch ngầm, lúc thì nó soạn tem chơi, lúc nó vẽ tranh vui quấy phá, trêu chọc mọi người. Thầy giáo chỉ ngay vào nó và hỏi:
— Yasa, trong đời đã bao giờ em phải hối hận lần nào chưa? Yasa đâu có nghe thấy thầy giảng, cho nên chẳng hiểu mô tê gì về sự hối tiếc cả. Nhưng là một đứa cũng khá láu lỉnh, nhanh trí, nó đắn đo suy nghĩ một giây, nếu trả lời có thế nào thầy cũng hỏi tiếp thì gay, nó liền trả lời:
https://thuviensach.vn
— Thưa thầy chưa bao giờ ạ, em chưa gặp chuyện đó.
Thầy giáo vặn lại nó:
— Sao vậy? Chả lẽ trên đời có người chưa bao giờ phải hối hận điều gì hay sao?
Nó vẫn kiên quyết trả lời:
— Riêng em chưa gặp bao giờ ạ!…
Bạn có nhớ Nese không? Cái con bé lắm mồm, lắm miệng và chuyện gì cũng ra vẻ biết hết cả ấy mà. Lúc nào nó cũng ra điều ta đây học giỏi. Nó hay nhìn thẳng vào mắt thầy, đợi thầy gọi lên bảng khi nó thuộc bài. Hôm đó nó ngọ nguậy liên tục cho thầy để ý, rồi giơ tay rõ cao:
— Thưa thầy em ạ, em xin nói ạ…
Thầy giáo thấy và chỉ nó:
— Nào, em nói đi. Có phải em đã từng hối tiếc về một hành động nào đó trong đời, có phải không. Em hãy nói cho các bạn nghe coi. Con bé vội vàng trả lời theo ý thầy:
— Vâng ạ, em đã từng gặp phải chuyện hối tiếc…
— Vậy thì em kể cho mọi người nghe đi…
Nhưng Nese như bị hẫng, chắc nó không ngờ thầy lại bắt nó kể. Để thoát khỏi tình cảnh gian nan đó, nó hỏi lại thầy:
— Em phải kể chuyện nào ạ?
Cả lớp cười ồ. Thật đáng thương cho Nese, chắc nó phải hỏi vậy để có thì giờ bịa ra một chuyện gì đó thôi. Thầy giáo thường ngày khá nghiêm nghị, lúc đó cũng mỉm cười hỏi:
— Sao thế Nese? Chả lẽ em đã nhiều lần phải hối tiếc thế rồi kia à?… Thế thì em hãy kể một chuyện nào đó xem sao.
Cũng như mọi lần. Nese bắt đầu ho khan và nuốt nước miếng liên tục. Sau mỗi câu, thậm chí sau cả mỗi từ nó lại nuốt khan ực một cái. Hôm đó nó nói mãi không hết một câu. Nó bắt đầu câu chuyện đại khái như sau:
— Thưa… chúng ta cần kính trọng người già và yêu mến trẻ con… Nese đã làm cả thầy giáo cũng sốt ruột, không biết nó định kể chuyện gì sau lời khuyên chung chung ấy. Thầy hỏi nó:
— Rồi… sau đó thì sao?
https://thuviensach.vn
Nese tiếp tục rặn ra, khó nhọc từng câu:
— Có một bà mẹ đang dạy dỗ khuyên bảo đứa con đủ thứ trong nhà thì có người đến gõ cửa. Bà ta nhìn ra cửa sổ xem ai thì ra đó chính là bố chồng của bà ta. Người đàn bà bảo con: “Hãy ra mở cửa cho ông nội. Nói với ông là mẹ không có nhà nhé!”. Đứa trẻ liền ra mở cửa rồi nói: “Nội ơi, mẹ con đi chợ rồi!”, ông già bảo đứa cháu: “Cháu vào nói với mẹ, đã muốn nói dối thì đừng ra đứng ở cửa sổ nữa!” rồi ông ta bỏ về…
Sau khi nuốt khan mấy lần nữa, Nese im lặng không nói gì thêm. Thầy giáo hỏi nổ:
— Chuyện xảy ra với em thế à?
Nese đỏ mặt lên:
— Không ạ, đó là em đọc được ở trong sách.
— Thế thì tại sao em lại hối liếc?
— Thưa thầy em đâu có hối tiếc, người đàn bà trong chuyện mới phải hối tiếc vì đã nói dối bố chồng chứ ạ…
Thầy còn gọi mấy học sinh nữa, nhưng chẳng có đứa nào nói được một chuyện gì về sự hối tiếc của bản thân mình. Chúng kể khá nhiều chuyện, nhiều sự việc rất hay, nhưng toàn là chuyện của người khác, giả thiết rằng có sự hối tiếc.
Cuối cùng thầy giáo nói:
— Có lẽ các em chưa thật hiểu thế nào là sự hối tiếc? Một người sẽ cảm thấy hối tiếc khi gặp phải chuyện rất buồn. Người đó sẽ hối tiếc vì hành động của mình đã làm người khác phải gánh chịu hậu quả xấu… Suy nghĩ một lát thầy nói tiếp:
— Thầy sẽ kể cho các em nghe một câu chuyên làm ví dụ, để các em hiểu rõ việc này.
Chúng tôi im lặng lắng nghe thầy, trong lớp không còn một tiếng động nhỏ ngoài tiếng nói của thầy:
— Hồi đó thầy đang học trường trung học. Thầy hiệu trưởng của trường nổi tiếng là người rất nghiêm khắc…
Tôi vểnh tai lên mà nghe, giọng thầy trầm ấm, rất xúc cảm: — Dịp ấy khoảng đầu năm học. Lớp thầy có thêm một học sinh mới từ
https://thuviensach.vn
trường khác chuyển tới. Chúng tôi cũng chưa kịp biết tên của cậu ta là gì. Chỉ kịp để ý là lúc nào cậu ra cũng đút tay trái vào túi quần. Chưa bao giờ chúng tôi thấy cậu ta bỏ cánh tay đó ra ngoài. Chẳng biết vì sao, cậu ta còn rất ít làm quen với các học sinh khác. Vì thế cũng chưa ai có dịp hỏi xem tại sao cậu ta cứ đút tay vào túi quần như vậy. Một hôm trong giờ ra chơi chúng tôi đang vui đùa trên sân trường thì thầy hiệu trưởng đi qua giữa đám học sinh. Chúng tôi chợt thấy thầy gọi cậu bạn mới lại. Cậu bạn vô tình đi qua trước mặt thầy mà tay vẫn bỏ nguyên trong túi quần. Nghe thầy giáo to tiếng với cậu bạn, cả lũ tôi xúm quanh xem sự thể sẽ ra sao. Tôi đã nói là thầy hiệu trưởng rất nghiêm khắc. Lúc đó ông bắt đầu nổi cáu:
— Tại sao em bỏ tay trong túi? Em không biết xấu hổ à?
Cậu bé không trả lời, mặt cúi gằm xuống đất. Học sinh đã quây tròn xung quanh hai thầy trò thành một vòng rộng. Thầy hiệu trưởng quát to hơn:
— Em bỏ tay ngay ra khỏi túi!
Cậu bé đứng im, không nói gì.
— Này, cậu có nghe thấy gì không hả? Tôi nói với cậu đấy, cậu điếc à? Cậu bé run run, lắp bắp:
— Thưa thầy con có nghe thấy ạ…
— Thế tại sao cậu không rút tay ra? Bỏ ngay ra!
Cậu bé chậm chạp ngẩng đầu lên nhìn các bạn xúm đông xúm đỏ xung quanh rồi nhìn thầy hiệu trưởng lưỡng lự… rồi tay cậu vẫn để nguyên trong túi quần. Thầy hiệu trưởng đã phát cáu lên cực độ, ông hét:
— Cậu không muốn bỏ cái thói du côn của cậu đi, có phải không? Tôi bảo lần cuối: rút tay ra!
Cậu bé lắp bắp câu gì đó rồi đứng im như hóa đá.
Tức giận quá, ông hiệu trưởng tát cho nó một cái như trời giáng. Bị mất thăng bằng cậu bé ngã nhào xuống đất. Chúng tôi chết lặng người, không một tiếng động. Lúc đó, ông hiệu trưởng cũng lặng đi. Tay cậu bé bật ra khỏi túi chống xuống đất như một khúc cây. Đó là một cánh tay cụt, đã mất hết cả bàn tay. Chúng tôi chợt hiểu rằng cậu bé xấu hổ về cánh tay cụt. Vì thế nó hay né tránh bạn bè và luôn bỏ tay vào túi.
https://thuviensach.vn
Đột nhiên thầy hiệu trưởng giàn giụa nước mắt. Ông cúi xuống nâng cậu bé dậy và nói với nó bằng giọng thật dịu dàng:
— Trời ơi… Tại sao em không nói cho thầy biết từ đầu!
Sau đó thầy dắt tay nó vào phòng làm việc của mình.
Từ lần xảy ra ấy, chúng tôi không còn gặp lại cậu bé cụt tay ở trường nữa. Về sau chúng tôi được biết thầy hiệu trưởng đã xin lỗi cậu ta và cả gia đình về chuyện đó. Ông còn xin được đỡ đầu nó mãi mãi… Nhưng cậu bé chẳng bao giờ đến trường tôi nữa. Đó là câu chuyện buồn mà thầy đã được chứng kiến tận mắt.
Thầy đã ngừng kể rồi mà tất cả chúng tôi còn yên lặng không ai nói câu nào, mọi người đều bị câu chuyện thu hút.
Chuông báo giờ nghỉ đã reo vang. Trước khi ra khỏi lớp, thầy giáo còn nói với chúng tôi:
— Thầy tin rằng hồi đó ông hiệu trưởng đã phải hối tiếc mãi vì câu chuyện đáng buồn đó. Như thế gọi là sự hối tiếc đấy các em ạ. Một lát sau, chợt Nese nhận xét:
— Nhưng mà này, thầy giáo chúng ta đã kể một câu chuyện hối tiếc của người khác đấy chứ… Chuyện đó có xảy ra với bản thân ông đâu? Đúng thế thật. Thầy giáo cũng đã làm như các bạn tôi thôi, đó là câu chuyện hối tiếc của người khác.
Yasa đã giải thích như thế này:
— Các bạn ơi tôi hiểu rồi… Chẳng có ai nhớ ra sự hối tiếc của riêng mình. Ai cũng chỉ thấy xúc động về sự hối tiếc mà đáng lẽ người khác phải cảm thấy thôi?
Hôm sau đến lớp Demir đã bô bô nói:
— Hôm qua tôi đã hỏi ba rồi, ba tôi nói đại khái như thế này: “Trẻ con chưa thể biết đến sự hối tiếc bởi vì chúng chưa có đủ vốn sống, chúng chưa được chứng kiến nhiều việc trong đời để sau đó chúng phải hối hận. Muốn biết đến sự hối tiếc, trước tiên trẻ con phải lớn lên đã, chúng phải trở thành người lớn, rồi sau đó mới biết thế nào là hối hận…”
Tôi thấy lời giải thích này có vẻ hợp lý. Còn bạn, bạn nghĩ sao? Mỗi chiều đi học về, tôi vội đến hỏi mẹ tôi xem có thư từ gì của bạn
https://thuviensach.vn
không. Tôi hy vọng bạn sẽ luôn trả lời tôi ngay sau khi nhận được thư. Mong bạn có nhiều sức khỏe.
Bạn thân thiết Acmét
https://thuviensach.vn
NGƯỜI CHA CỦA TÁM CÔ GÁI
Ankara 10-12-1963
Acmét!
Tôi đã nhận được thư từ ngày 7-12 của bạn. Tôi cũng rất cảm động về câu chuyện thầy giáo các bạn kể. Trước mắt tôi hiện ra hình ảnh đứa trẻ cụt tay ngã xuống vì cái tát của ông hiệu trưởng. Thật là một cảnh tượng rất đáng buồn.
Bây giờ tôi nói qua một chuyện khác. Tôi có đứa bạn tên gọi Hicmét. Gần đây bạn có thổ lộ với tôi một chuyện bí mật. Thật ra tôi đã suy nghĩ mãi mới viết cho bạn chuyện này. Hicmét không muốn ai trong lớp tôi biết câu chuyện của cậu ta kể cho tôi nghe. Tôi cũng đã giữ mồm giữ miệng chẳng nói với ai lời nào. Nhưng còn bạn, bạn không biết Hicmét. Nên tôi kể chuyện này cho bạn biết, chắc không phải tôi đã phản lời hứa. Có phải không bạn?
Không phải tôi kể chuyện cho vui đâu, cũng chẳng phải để bạn biết thêm một bí mật đời tư cho thỏa trí tò mò. Tôi muốn biết ý kiến của bạn, bạn nghĩ gì về một việc mà tôi suy nghĩ rất lung tung, thậm chí còn lo lắng, chán nản nữa.
Những ngày đầu năm học Hicmét không làm tôi chú ý lắm so với các bạn khác trong lớp. Bởi vì phải nói, đó là một học sinh rất bình thường, lặng lẽ. Đầu tiên ai cũng tưởng nó là con trai. Này nhé, nó mặc giống hệt như những đứa con trai khác, tóc cắt ngắn… Nó rất gầy… Mà cũng chẳng kết bạn với ai. Không có bạn trai, cũng chẳng chơi với con gái… Nó là một đứa kín đáo… Cả cái tên nó cũng không phân biệt được là trai hay gái nốt…
Một hôm trong giờ thể dục thể thao, khi cô giáo chia riêng thành hai nhóm con gái, con trai, Hicmét ở nhóm con gái. Tôi không để đâu hết ngạc
https://thuviensach.vn
nhiên. Từ đó tôi biết nó là con gái và tôi cũng chú ý đến nó nhiều hơn. Mấy hôm rồi, khi đến trường, Hicmét rất buồn. Tôi đã hỏi nó tại sao buồn thế. Lúc đầu nó định không nói. Sau tôi hỏi mãi nó mới thổ lộ: — Mình cũng thấy cần được san sẻ nỗi buồn khổ trong lòng. Nhưng lại sợ nhiều đứa bạn khác biết, không thông cảm, chúng nó cười mình… Tôi đã phải hứa, thậm chí thề danh sự sẽ không để lộ chuyện của nó cho đứa bạn nào trong lớp biết. Lúc đó Hicmét cho mình biết là ở nhà ba, mẹ nó có tới tám đứa con mà toàn là con gái cả…
Tôi bị bất ngờ, bởi vì hôm trước đó tôi thấy Hicmét đến trường với một người anh. Nghe tôi hỏi nó vội giải thích:
— Đó không phải là anh mình đâu, đó là chị mình đấy chứ. Nhưng chị ấy ăn mặc quần áo con trai. Chả ai biết chị ấy là con gái cả. Tôi còn được biết các chị em khác của Hicmét đều mặc quần áo con trai hết.
— Tại sao thế? - Tôi hỏi rất tò mò.
— Bởi vì ba mình muốn thế…
— Nhưng mình chưa hiểu lắm… - Tôi nói với nó.
Hicmét lại phải giải thích cho tôi hiểu: Ba nó rất muốn có một cậu con trai. Khi đứa con đầu lòng chào đời là con gái, ông ta rất buồn. Tất cả hy vọng, ông dồn vào đứa trẻ thứ hai mà ông ta tin sẽ là con trai, không thể khác được. Thậm chí ông còn chọn một cái tên con trai trước khi sinh đứa trẻ. Ông ta nghĩ rằng như thế chắc ông sẽ có con trai… Khi đứa trẻ thứ hai ra đời cũng lại là con gái, có lẽ hy vọng mà không được hoặc vì quá giận, ông chẳng nói chẳng rằng đến mấy ngày liền. Bạn bè khích lệ ông: “Anh còn trẻ mà lo gì. Anh còn có thể có nhiều con nữa!”. “Nhưng nếu chúng toàn là con gái thì sao?…”, ông bực tức nói. Vợ ông có bầu lần thứ ba. Có ai biết rằng đứa trẻ thứ ba sẽ là con gái đâu? Ông ta lại hy vọng, ông lại chọn một cái tên con trai khác… Nhưng không chỉ có thế: Khi vợ ông vào nhà hộ sinh, ông đã mở một tiệc rượu lớn với bạn bè để đợi hoàng tử. Cuộc vui đang sôi nổi thì nhà hộ sinh báo về là ông đã có thêm một cô con gái nữa. Lúc đó ông như phát điên lên. Xấu hổ vì đã nói với khách khứa và bạn bè, ông liền nói dối là ông có con trai. Tối hôm đó ông đã đóng kịch trọn
https://thuviensach.vn
vẹn và vui vẻ với tất cả mọi người… sau đó ông cấm vợ con và người nhà không được hé răng đứa con mới sinh là con gái.
Sau cô con gái thứ ba, ông cho rằng bà vợ không thể sinh con trai được, thế là ông ly dị và lấy ngay một bà vợ khác. Nhưng bà vợ thứ hai không sinh một đứa mà đẻ một lần hai đứa cũng toàn là con gái cả… Cùng ngày đó ông được tin bà vợ cả đã sinh một cậu con trai với người khác. Con người khốn khổ đó tự dày vò mình: “Trời ơi, mình mới ngu làm sao! Mình lại bỏ đi bà vợ cả đúng lúc ấy bắt đầu có thể sinh con trai!”.
Ông ta không muốn tin rằng ông ta là cha của những năm cô con gái, chả có đứa con trai nào? Thật tôi chẳng dám nhìn mặt ai nữa! Ông cằn nhăn và bỏ nhà đi mấy tháng trời. Lúc về ông quyết định bỏ luôn bà vợ thứ hai.
Hicmét kể hết cho tôi nghe câu chuyện của ba nó. Người đàn ông, đã là cha của năm cô gái ấy quyết định bằng bất cứ giá nào cũng phải có một cậu con trai, ông lấy vợ lần thứ ba. Lần này ông cưới một bà góa đã có ba đứa con trai. Có lẽ ông nghĩ rằng một người đàn bà đã sinh toàn con trai thì thế nào cũng có thể cho ông một hoàng tử như ông hằng ao ước.
Ông ta lại hy vọng khi người vợ mới có bầu và ông chọn trước một cái tên con trai nữa. Khi bà vợ vào bệnh viện phụ sản, ông lại mở tiệc rượu đãi bạn bè. Rồi suốt buổi tối ông gọi điện thoại liên tục vào bệnh viện hỏi tin tức. Quá nửa đêm lúc gọi điện xong, mặt ông xám lại vì giận dữ. Nhưng ông vẫn mỉn cười. Bạn bè săn đón hỏi ông:
— Thế nào, con trai hay con gái?
Người đàn ông xoắn ria mép:
— Một hoàng tử chứ, tất nhiên là con trai rồi…
Nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy tay ông run lên vì giận dữ.
Và cô bạn Hicmét của tôi đã ra đời như thế đấy!
Sau cô con gái thứ sáu, kẻ “Cố đấm ăn xôi” ấy lại hướng niềm tin vào đứa con thứ bảy. Nhưng rồi nó cũng chẳng phải là con trai nốt. Rất lâu sau mẹ Hicmét không sinh đẻ gì nữa, suýt nữa ba nó đòi ly dị thì mẹ nó lại mang bầu một lần nữa. Trên đường đưa vợ vào bệnh viện, người đàn ông đe dọa một cách không thương tiếc…
— Nếu lần này bà không sinh cho tôi một đứa con trai thì tốt nhất đừng
https://thuviensach.vn
có về nhà nữa.
Khốn nạn người đàn bà! Trên bàn đẻ bà ta liên tục cầu nguyện đấng tối cao hãy giúp bà: “Cầu Trời khấn Phật, hãy cho con một đứa con trai”. Nhưng vô ích, chẳng có trời nào giúp được bà! Đứa trẻ mới sinh vẫn là con gái. Cái tên Suat mà ba nó đã chọn, dùng cho con trai, con gái đều được cả…
Vừa khóc, người đàn bà vừa kể tình cảnh khốn khổ của mình cho bà giám đốc bệnh viện nghe và yêu cầu báo cho ông chồng bà qua điện thoại rằng ông đã có một cậu con trai hằng mong đợi. Bà giám đốc là người tốt bụng, hiểu ngay sự tình, đã cố gắng giúp bà. Trong điện thoại bà nói giọng vui vẻ:
— Ông có một cậu bé rất khỏe. Chúc ông hạnh phúc.
Ba Hicmét vội vàng chạy đến bệnh viện không kịp thở.
— Tôi muốn thấy con trai tôi!
Và người ta đã bế ra cho ông xem đứa trẻ được bọc kỹ trong tã lót như những đứa trẻ mới sinh khác.
Hicmét đã kể kỹ những chuyện ở nhà sau đó cho tôi nghe hết: — Ba tháng trời, trong nhà mình không khí rất vui vẻ, hòa thuận. Ba mình luôn cưng chiều, nựng bé Suat, kêu nó là “hoàng tử kế nghiệp”. Ông đối xử với mẹ mình như một bà hoàng, mua tặng hết cái này đến cái khác. Ba mình cũng không hay cáu kỉnh giận dữ với chị em mình như trước. Còn mẹ và bọn mình cố gắng không lúc nào để ông thấy bé Suat ở truồng. Mẹ mình chỉ thay đồ cho nó lúc ba không có mặt. Chẳng bao giờ mẹ mình tắm cho nó khi ông có ở nhà. Chúng tôi hiểu rằng thế nào cũng có ngày ông biết được sự thật. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng kéo dài trạng thái vui vẻ trong nhà và hy vọng rằng ba tôi sẽ nghĩ lại, với tuổi già biết đâu ông sẽ thay đổi tính nết?
Lúc vui vẻ ba mình thường bảo: “Cả lũ con gái chúng mày chẳng là gì hết, con trai cưng này của tao mới thật là vàng ngọc, bọn bay phải phục dịch nó, nghe không?”. Rồi tự nhiên ông hứng chí lên: “Nào, để ba tắm cho hoàng tử nhỏ của ba!”. Mẹ mình hoảng quá, vội bế lấy đứa bé và la lên là nó bị cảm lạnh làm sao mà tắm được. Bà nghĩ ra đủ mọi lời nói dối để đánh
https://thuviensach.vn
lừa ba mình, làm cho ba chẳng nghi ngờ gì cả. Nhưng cách đây hai hôm, sự việc không thể nào tránh được đã xảy ra… Lúc đó cả nhà đã đi ngủ, chợt mình choàng tỉnh giấc vì nghe có tiếng ai thét lên. Người đang la hét chính là ba mình, còn mẹ mình thì đang khóc mếu, không biết từ lúc nào ba mình đã thấy Suat không phải là con trai. Giữ đứa em mình trong tay, ông quát mẹ mình: “Các người đã lừa dối tôi. Chúng mày giỡn mặt tao thế hả? Nào, đây mà là con trai à? Con trai mà thế này à?” Em gái tôi cũng thét lên như xé, nghe thật tội. Thật là kinh khủng, chị em mình dúm dụm vào nhau, chết lặng người đi vì sợ hãi quá. Cuối cùng ba mình quẳng Suat vào lòng mẹ mình và quát đuổi đi:
— Đi khỏi nhà tao ngay! Cút hết cả lũ đi… Tất cả bọn bay đã đánh lừa tao, làm tao sạt sự nghiệp vì cái lo ăn hại chúng mày. Cút hết cả đi… Đang đêm ông đuổi cả 9 mẹ con tôi đi thật.
Mẹ mình phải bồng bế em mình và chúng mình đi ngủ nhờ hàng xóm đêm hôm đó.
Kể cho mình nghe câu chuyện thương tâm đó, Hicmét khóc nức nở. Ba nó định ly dị cả với mẹ nó nữa. Tôi đang hình dung sự tức giận của ông bố bị lừa gạt với đàn con đông đảo tám đứa toàn con gái và rất buồn cười, nhưng rồi tôi cũng khóc theo cô bạn đáng thương.
Đi học về tôi vội vàng hồi ngay mẹ tôi:
— Mẹ ơi, mẹ nói cho con nghe ba con có vui khi mẹ sinh chị gái không? Mẹ tôi bằng một giọng dứt khoát:
— Sao con lại hỏi thế? Tất nhiên là ba rất vui…
— Thế khi mẹ sinh con nữa? Ba có vui không?
Mẹ nhìn vào mắt tôi có vẻ đã cáu, bà lên giọng:
— Đừng có nói dại!
— Con hỏi ba có vui khi biết mẹ sinh con là con gái không cơ mà. — À, lúc đó ba muốn có một đứa con trai.
— Thế khi mẹ sinh Mentin sau con, ba rất vui mừng vì có con trai phải không mẹ?
— Đứng rồi, ba mừng lắm và đã mở tiệc lớn để ăn mừng đến hai ngày liền…
https://thuviensach.vn
— Nhưng nếu đứa con thứ ba vẫn là con gái thì sao?
— Sao nghĩa là sao?
— Liệu ba có muốn mẹ sinh em bé nữa để ba có con trai không? — Mẹ tin là ba muốn thế… Nhưng sao con hỏi nhiều về những chuyện đó thế hả? - Mẹ tôi thắc mắc.
— Thì con cũng tò mò muốn biết vậy thôi…
Một cái gì tắc nghẹn trong cổ tôi và tôi bỏ đi.
Câu chuyện của Hicmét kể làm cho tôi có ấn tượng rất sâu sắc. Từ hôm đó tôi luôn phải suy nghĩ: Chẳng lẽ là con gái, lại có nghĩa là gặp điều bất hạnh ngay từ lúc mới sinh ra trên đời? Bạn là con trai có nghĩa là bạn gặp may mắn ngay từ lúc mới sinh?
Tôi muốn biết bạn nghĩ gì về vấn đề này. Bạn có bao giờ thấy tự hào mình là con trai không?
Từ nãy mẹ tôi đã giục tôi: “Tắt đèn, đi ngủ đi con, khuya rồi!”. Đúng là đã quá khuya rồi! Tôi đi ngủ đây. Sáng mai đi học tôi sẽ gửi thư cho bạn.
Chúc bạn mọi điều tốt lành, bạn Acmét ạ.
Zeynep
https://thuviensach.vn
CON CHƯA THỂ HIỂU
Istanbun 14-12-1963
Zeynep!
Sau khi đọc thư bạn tôi đã cười, nhưng rồi một nỗi buồn xâm chiếm ngay lòng tôi. Hoàn cảnh cô bạn gái Hicmét thật đáng thương. Tôi muốn biết việc gì sẽ xảy ra nữa với cô bạn ấy… Mong bạn hãy viết cho tôi rõ tất cả những gì bạn biết về hoàn cảnh sau này của bạn Hicmét nhé.
Nói thật với bạn chưa bao giờ tôi có ý nghĩ rằng may mắn khi sinh ra là con gái hay con trai. Tôi không bao giờ vênh mặt tự bảo vì mình là con trai đâu bạn ạ. Tôi đã hỏi xem ba tôi nghĩ gì về chuyện này. Ba tôi đã nói chuyện với tôi khá lâu mà rất lâu nữa kia… Tóm tắt lại ba tôi nói như sau: Con người trở nên người, không phụ thuộc vào vấn đề trai hay gái.
Sau cuộc nói chuyện đó, tôi thấy cần thiết phải hỏi ba tôi vài câu hỏi: — Vậy ba hãy nói cho con xem ba có muốn trở thành đàn bà không? Ba nhìn thẳng vào tôi một lúc rồi cao giọng nói:
— Làm gì có chuyện đó!
Theo tôi hiểu thì câu hỏi này làm ba tôi cáu chỉ vì một lẽ đơn giản là ông không thích khả năng đó. Cũng câu hỏi y hệt như vậy tôi đã mang hỏi mẹ tôi. Bà đã trả lời ngay, khá nhẹ nhàng nhưng lại kèm theo một tiếng thở dài: — Hừ, nếu mẹ mà là đàn ông được!
Hôm qua cả lớp tôi có đi xem viện bảo tàng, lúc về nhân tiện thầy giáo đang vui vẻ tôi cũng lại đem hỏi thầy câu hỏi đó. Thầy mỉm cười hỏi lại tôi: — Tại sao em lại có những ý nghĩ đó?
Tôi đã kể những điều bạn viết cho thầy giáo nghe:
— Những việc đó không phải của các em!
Thầy đã trả lời ngắn gọn như vậy.
Chính cái này làm cho tôi tức nhất. Người lớn bao giờ cũng nghĩ rằng
https://thuviensach.vn
bọn mình chẳng biết gì cả. Họ cho rằng chúng ta chưa phát triển trí tuệ hoặc còn bé bỏng lắm…
Một hôm được chứng kiến cảnh thằng em tôi hỏi ba tôi một chuyện gì đó mà ba cũng chẳng chú ý, nhưng lại nói nó thế này:
— Con chưa hiểu được, con phải lớn lên cái đã, lúc đó cũng chưa muộn…
Lúc đó em tôi vẫn cố nói:
— Thì ba cứ giải thích xem con có thể hiểu được gì không. Ba tôi lại cho rằng câu nói của em tôi rất buồn cười nên ông nhắc đi nhắc lại cho bạn bè nghe… Tôi cứ thắc mắc mãi: Sao ba tôi lại không cố gắng giải thích cho chúng tôi hiểu mỗi ngày một ít, mà chỉ thích nói với chúng tôi: “Các con chưa thể hiểu được!”. Thế là coi như đã xong, mặc cho chúng tôi không nghĩ ra được tại sao lại như thế.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe một chuyện cách đây ít hôm. Mẹ tôi đi thăm một bà hàng xóm. Ở đó có khá nhiều các bà, các cô. Chắc bạn cũng hiểu ở các chỗ như vậy rất lắm chuyện… Trong số đó một bà có bầu nhưng lại không hề muốn có con một tí nào. Thế là tất cả mọi người có mặt đều nói về chuyện đó và mỗi người một câu mách bảo bà ta các phương pháp để… bạn hiểu rồi chứ? Lúc đó em tôi đang mải mê chơi ở góc nhà với mấy thứ đồ chơi mà nó thích. Nó không nghe mà cũng chẳng để ý gì đến chuyện của các bà làm gì. Tự nhiên có một bà thì thầm: “Này, các chị, đừng nói những chuyện đó trước mặt cháu bé”. Nghe câu đó em tôi bắt đầu để ý đến câu chuyện. Nhưng một bà khác gạt đi: “Thôi đi chị, thằng nhóc tí tẹo thế thì có biết gì mà lo!”. Em tôi bạc lắm, từ đó đỏng tai lên cố nghe và nhớ những chuyện các bà bàn tán. Nó quyết nghe cho hết không bỏ sót một chi tiết nào nữa. Chỉ có điều nó cũng khá láu cá, nó vẫn giả vờ mải mê chơi để các bà yên tâm nói hết mọi chuyện, không phải giữ gìn nữa. Thỉnh thoảng một bà lại nhắc: “Khéo cháu nhỏ nó nghe thấy!”. Nhưng lập tức bà khác lại gạt đi: “Nó chẳng hiểu gì đâu, cháu nó còn nhỏ quá mà!”.
Em tôi chỉ đợi có dịp sẽ cho các bà ấy biết rằng nó đã nghe và hiểu hết cả. Dịp đó đã tới, có một buổi tối chẳng hiểu sao nhà tôi đầy hàng xóm láng giềng đến chơi. Tự nhiên cậu em tôi hỏi một bà bụng to ra vẻ khá ngây thơ:
https://thuviensach.vn
— Thím ơi, có phải thím có bầu không ạ?…
Đầu tiên mọi người im lặng như bị bất ngờ, sau đó mọi người cười ồ lên. Bà hàng xóm không biết nói sao, đành phải trả lời cho qua chuyện: — Đúng rồi cháu bé ạ…
— Rồi thím sẽ sinh em bé chứ? - Ba má tôi đưa mắt nhìn nhau lo ngại. Nhưng em tôi vẫn lờ đi, nó có vẻ kiên quyết cho mọi người thấy được sự hiểu biết của nó trong lĩnh vực đó, nó nói tiếp:
— Thím biết không, cháu đã nghe một cô cũng có bầu mà lại không muốn sinh em bé cơ… - Nó quay đầu về phía mẹ tôi và hỏi - Có phải thế không mẹ?
Khốn khổ cho mẹ tôi, xấu hổ đỏ nhừ cả mạt. Lúc đó tất cả những người đàn ông có mặt đã bắt đầu nói chuyện ra vẻ không để ý đến chuyện của em tôi nữa cho các bà đỡ ngượng. Nhưng em tôi như có quỷ xui khiến không chịu yên, nó lại bắt đầu bô bô nói hết các chuyện mà các bà đã bàn nhau hôm trước.
Đến lúc mẹ tôi không chịu được nữa, mắng em tôi thậm tệ: — Mày có im đi không, thằng mất dạy này!
Nhưng nó đâu có nhịn ngay mà còn nói thêm nữa. Khách khứa làm ra vẻ không chú ý gì đến em tôi nữa. Mẹ tôi cáu tiết túm lấy tay nó và lôi sang phòng khác. Em tôi nói qua nước mắt.
— Mẹ thấy không? Còn ai nói được con chưa biết gì nữa không? Mẹ thấy đấy, con hiểu ra cả mà? Có phải không mẹ?
Mãi sau nó mới thôi khóc, mẹ tôi trở lại phòng khách. Ông khách có bà vợ mang bầu an ủi mẹ tôi:
— Trẻ con ngày nay thật là… trí óc chúng thông minh lắm, chúng hiểu hết cả.
Tôi rón rén đứng lên và chuồn về phòng. Bấy giờ công bằng mà nói, tôi vui vì sự bướng bỉnh của em tôi. Có vậy người lớn mới hiểu ra… Sau hôm đó vài ngày, thầy giáo tôi nói giữa lớp cứ như là đã đọc được những ý nghĩ trong đầu tôi ấy:
— Từ ngày nước Cộng hòa của chúng ta tuyên bố thành lập, phụ nữ đã được bình đẳng như nam giới, không còn một khác biệt nhỏ nào giữa đàn
https://thuviensach.vn
bà và đàn ông nữa. - Thầy giải thích…
Yasa không tin là đã hết tất cả những khác biệt vội hỏi thầy : — Thưa thầy, đúng là không còn sự khác biệt nào cả ạ?
— Không còn…
— Không có một tí tị ti nào thật à?
Thầy giáo đã có vẻ hơi cáu:
— Tôi đã bảo em là không có cơ mà!
Nhưng Yasa vẫn chưa chịu:
— Nhưng thưa thầy ở nước ta chỉ có “Hội bảo vệ quyền lợi của phụ nữ” chứ không có hội nào của đàn ông cả. Mẹ em cũng là hội viên của hội ấy đấy ạ!
Nese cũng nói chen vào, chẳng đâu vào đâu cả:
— Thì cũng có hội “bảo vệ động vật trên đường bị tiêu diệt” đấy thôi!… Trên đường về nhà, cả lũ chúng tôi đã tranh cãi mãi về vấn đề đó. Tối hôm ấy ở nhà sau khi ăn tối, ba tôi lại xem báo như thường lệ. Tôi nhìn qua vai ba thấy một tin đáng chú ý: Đó là quảng cáo của một nhà hàng ăn giải trí có nhiều cô gái đẹp sẽ trình diễn tiết mục vũ thoát y?
— Ba ơi sao đàn ông không trình diễn vũ thoát y, hả ba?
Ba tôi để báo sang bàn, nhìn tôi từ đầu đến chân:
— Con điên rồi đấy à? Làm sao mà đàn ông lại đi múa thoát y được? — Tại sao thầy giáo sáng nay vừa nói với chúng con là không có sự khác biệt nào giữa đàn ông và đàn bà nữa. Nếu không còn khác nhau nữa thì tại sao đàn ông không trình diễn vũ thoát y?
Ba tôi nhìn tôi một lúc lâu rồi nói:
— Đàn ông là đàn ông, còn đàn bà vẫn là đàn bà… Dù sao vẫn có sự khác nhau…
Mẹ tôi nãy giờ vẫn theo dõi ba con tôi một cách im lặng, tự nhiên ngừng khâu chen vào:
— Mà còn là sự khác biệt lớn nữa kia… thậm chí phải nói là rất lớn… Buổi tối đàn ông các anh còn có thể đi chơi đây đó chứ đàn bà đâu có được tự do. Nào là con cái, nhà cửa… bao nhiêu việc đổ hết lên đầu. Thế là giữa ba và mẹ tôi có một cuộc tranh luận khá sôi nổi.
https://thuviensach.vn
Câu hỏi trong thư trước của bạn không những làm cho tôi mà cả các bạn suy nghĩ rất nhiều.
Theo ý tôi, đàn ông cũng như đàn bà mỗi người đều có vị trí, nhiệm vụ khác nhau trong cuộc sống. Trong lịch sử đã từng có rất nhiều phụ nữ nổi tiếng. Nếu chúng ta hỏi họ: “Các bà có cảm thấy tiếc vì đã là phụ nữ không? Các bà có muốn thay đổi vai trò phụ nữ của mình không?” Theo tôi nghĩ đàn ông hay đàn bà, nếu chúng ta tự thấy vừa lòng với bản thân là đủ, không thể khác được.
Chúc các bạn học giỏi và vui vẻ.
Ácmét
https://thuviensach.vn
CÁI XƯƠNG
Istanbun 22-12-1963
Zeynep thân mến
Đã thành lệ, cứ hai, ba ngày tôi lại nhận được thư của bạn. Đến nỗi hàng ngày tôi đều mong ngóng người đưa thư. Đi học về tôi hỏi mẹ luôn: “Mẹ ơi, hôm nay con có thư không mẹ?” Những ngày mà thư không tới tôi lại cảm thấy rất buồn… Cách đây bốn, năm hôm tôi đã bỏ thư cho bạn rồi. Thường thường bỏ thư cho bạn là tôi nhận được thư trả lời. Lần này gần mười ngày đã qua mà tôi chẳng nhận được tin gì của bạn hết. Sao vậy? Tôi lo quá, không biết bạn làm sao rồi, hay bạn bị ốm? Tôi liền viết lá thư này, không đợi thư trả lời của bạn nữa.
Khoảng hai ngày sau khi tôi bỏ thư cho bạn, ở lớp tôi lại xảy ra một chuyện tức cười. Lá thư trước tôi gửi chắc bạn đã nhận được rồi nhỉ? Giá để chậm hơn tôi đã kể luôn chuyện này rồi.
Hôm đó lớp tôi có khách đến dự giờ khoa học thường thức. Đấy là một ông thanh tra, dáng người bệ vệ, đi cùng với thầy hiệu trưởng. Sau khi thầm thì trao đổi khá lâu với thầy giáo lớp tôi, ông hiệu trưởng gọi Ôgút lên bảng cho ông thanh tra hỏi bài. Bạn chưa biết Ôgút đâu. Nó mới chuyển đến lớp ta sau khi bạn đi Ankara. Hồi trước nó học ở một trường nào đó ở quê. Gia đình nó mới chuyển về Istanbun mà. Ngay từ những ngày đâu đến lớp nó đã làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Nó nhanh nhẹn và láu lỉnh, riêng cái khoản leo trèo thì chắc mèo cũng phải thua nó! Chỉ tiếc một nỗi là Ôgút nói lắp ghê gớm (nói cà lăm). Đầu tiên, mấy đứa nghịch ngợm trong lớp rất hay chọc ghẹo cậu ta. Nhưng nó không bao giờ tức giận cả, có lẽ nó đã quen với việc bị trêu chọc rồi. Nó lại còn mỉm cười thân thiện với mấy đứa đang chế giễu nó nữa. Lệ thường khi chọc ghẹo ai mà người ta không phát cáu là ta chán nản và thôi. Lũ bạn tôi ở lớp cũng thế, sau vài lần trêu ghẹo không
https://thuviensach.vn
thấy Ôgút tức là chúng tôi thôi liền. Tôi nghĩ rằng Ôgút là một đứa rất tự tin, vì thế nó mới vui vẻ với mấy đứa nhái tật nói lắp của nó. Một hôm đang trong giờ ra chơi ở sân trường Ôgút thách thức cả đám: — Có bạn nào trèo thi với tôi lên cây không? Thử xem ai leo nhanh nhất nào!
Vì nó nói lắp ghê quá, mãi sau chúng tôi mới hiểu được nó nói gì. Nó đỏ mặt tía tai, nói xong câu đó đã có vẻ mệt rồi. Cả lũ xui tôi trèo cây thi với nó. Nhưng lúc đó tôi không khoái trò leo trèo lắm nên tôi từ chối, về sau tôi thấy rất may là mình đã không tham gia, nếu không tôi đã tự chuốc lấy thảm hại. Chengis hung hăng nhảy vào cuộc, nó còn nói xỏ xiên Ôgút:
— Này anh bạn, cậu cứ lắp ba lắp bắp thế thì đến tối cũng chưa đến gốc cây, nói gì đến leo lên…
Chúng tôi được mẻ cười vỡ bụng vì câu nói đó.
Bạn còn nhớ cây dẻ cao tít trước cửa lớp 5B không? Bọn tôi tổ chức cuộc thi ở cây ấy đấy. Chúng tôi vạch một đường xuất phát cách gốc cây 5m. Ôgút và Chengis đứng trước vạch chuẩn bị. Tôi làm trọng tài ra lệnh cho hai đứa bắt đầu bằng tiếng còi đá bóng. Trong khi Chengis còn đang ôm gốc cây, vất vả nhoài được chút xíu thì Ôgút đã biến mất trong vòm lá xanh của cây dẻ rồi. Chúng tôi nghe tiếng nó léo nhéo ở tít trên ngọn cảy. Nhìn lên tôi thấy Ôgút ngồi vắt vẻo ở một cành chót vót trên ngọn. Nó còn đứng lên ngồi xuống, bỏ cả hai tay đi lại trên cành cây nữa. Nó vừa biểu diễn vừa nói líu la líu lo. Cố gắng lắm chúng tôi mới hiểu được những câu nói cửa nó. Thì ra Ôgút chế giễu lại Chengis đang vất cả leo tận phía dưới:
— Trời ơi, cậu ôm cái cây làm gì mà ghê thế… Cậu thương yêu nó lắm à?… Xem kìa, nó quý cây dẻ mới khiếp chứ!
Chengis đành xấu hổ, chịu nhận mình thua cuộc. Nó không còn đủ can đảm leo tiếp lên cao. Nhanh như sóc, loáng cái Ôgút đã xuống tới đất rồi. Hai tay chống hông, nó thách thức cả bọn:
— Nào, còn cậu nào muốn thi với tớ không?
Không đứa nào dám nhận lời thách đố của nó. Lúc đi học về Ôgút còn biểu diễn cho chúng tôi thêm một tiết mục nữa. Nó đã trèo lên một cái tháp cao tít, trơn tuột, không có mấu gờ gì hết. Cả bọn phục lăn. Từ hôm đó
https://thuviensach.vn
Ôgút chiếm được cảm tình của cả lớp chúng tôi.
Trong lớp Ôgút ngồi cùng bàn với Mina. Con bé ấy tính tình hơi buồn cười, nó đi khoe khắp trường là được ngồi cùng bàn với một tài tử xiếc. Có lần Ôgút bị ốm phải nghỉ học hai ngày, vắng Ôgút, Mina liền cho chúng tôi biết một lô chuyện. Nó vênh mặt hỏi cả lớp:
— Này các bạn biết tại sao Ôgút nói lắp không?
Ai cũng tò mò muốn biết tại sao, chúng tôi hỏi:
— Tại sao thế?
Mina làm bộ bí mật như một nhà trinh thám đã điều tra và biết hết tông tích một tội phạm, hạ thấp giọng cho chúng tôi hay:
— Người nhà Ôgút kể rằng ba nó rất dữ đòn. Từ lúc bé, ba nó đã rất hay đánh nó… Chính vì bị roi vọt nhiều quá nên nó đã sinh tật nói lắp đấy. Cả Ôgút cũng công nhận với tôi thế đấy!
Nói đến đây, Mina phồng mũi lên như tìm ra được một điều gì ghê gớm lắm. Bằng giọng kẻ cả và tự đắc, nó lại hỏi tiếp.
— Thế các cậu có biết tại sao Ôgút trèo cây nhanh và giỏi thế không? — Không, cậu nói đi nào! - Cả bọn vội vã đề nghị, chẳng ai để ý đến thái độ kiêu ngạo của Mina lúc đó.
— Ôgút kể rằng khi ba nó giận định đánh nó nên thường phải chạy bán sống bán chết để khỏi bị ăn đòn. Ba nó đuổi theo sát gót bắt. Khi sắp sửa bị tóm cổ, nó buộc phải trèo vội lên một cái cây nào đó gần nhắt để trốn. Càng về sau nó càng phải leo lên những cái cây thật cao để ba nó khỏi bắt được. Dần dà nó trở thành một đứa bé leo trèo cực kỳ giỏi…
Đấy chính là cái cậu Ôgút bị ông thanh tra gọi lên bảng trong giờ khoa học thường thức. Trên tường ở lớp tôi có treo ba bức tranh vẽ bộ xương, các cơ bắp và bộ máy tiêu hóa của người.
Ôgút vừa lên bảng, ông thanh tra chỉ cho nó một chỗ trên bức tranh vẽ bộ xương người và hỏi:
— Em cho tôi biết đây là cái gì?
Ôgút im như thóc, ông thanh tra hỏi lại:
— Đây là cái xương gì?
Ông ta vẫn không nhận được câu trả lời nào.
https://thuviensach.vn
Mina thấy tình thế có vẻ gay go, lợi dụng lúc mọi người không chú ý, liền nhắc Ôgút:
— Cái xương quai xanh đấy!
Nghe thấy thế, Ôgút liền lắp bắp một hơi:
— Thư… thưa… thưa… cá… cái… xư… xương… qua… qua… quai… xa… xanh. Quai xanh ạ.
Ông thanh tra bình tĩnh chỉ một cơ bắp gần cổ ở bức tranh bên cạnh và hỏi:
— Thế còn cái này là gì?
— Thưa, xương quai xanh ạ!
Ôgút của chúng tôi vẫn một mực khẳng định như vậy. Nó không học bài nên cứ tưởng lần nào mình cũng đã nói sai, sau đó mới là cái xương quai xanh mà Mina đã nhắc nó. Vì thế nên nó cứ nhắc lại hoài tên cái xương đó. Phần vì quá sợ hãi, phần vì nói lắp nên mồ hôi mồ kê nhễ nhại trên mặt và nó lại càng nói lắp hơn.
Trong khi đó ông thanh tra cũng không còn bình tĩnh được nữa. Ông đã cáu đến mức ngay cả ông cũng bị lây cái tật nói lắp của Ôgút. — Đư… đư… ợc… được… rồi! Thế… thế… cò… còn… cái… cái… này?
— Qua… qua… quai… xa… xa… xanh…
Ông thanh tra đã điên lên thực sự, ông ấy gào:
— Trời ơi, cậu bé này, cậu thương chúng tôi với chứ, chả lẽ trong cơ thể con người không còn gì khác ngoài cái xương quai xanh hay sao? Toàn là xương quai xanh cả ư? Thôi cút về chỗ!
Đấy, sự kiện lớp tôi là vậy đấy.
Tôi rất nóng ruột vì không nhận được thư trả lời của bạn. Có phải bạn bị ốm? Bạn trả lời ngay cho tôi nhé. Nếu bạn ốm chúc bạn chóng bình phục. Chúc sức khỏe và học cho giỏi.
Acmét
https://thuviensach.vn
LỄ SINH NHẬT
Ankara 25-12 -1963
Acmét!
Tôi đã nhận được lá thư của bạn đề ngày 14 và 22-12. Cám ơn bạn thật nhiều. Đúng như bạn đã dự đoán, tôi ốm thật nên không trả lời ngay các lá thư của bạn. Tôi ốm cũng không nặng lắm, chỉ bị cảm lạnh sơ sơ thôi, nhưng đau đầu ghê lắm nên phải nằm trên giường, không được đi lại. Bác sĩ cho phép tôi nghỉ học ở nhà, nhưng mẹ tôi cấm đụng đến sách vở, giấy bút. Thế là đành chịu! Mentin cũng bị ốm cùng một lượt với tôi. Hôm nay thấy người khỏe hơn, tôi đã bắt đầu đi học. Lúc tối, khi chuẩn bị viết thư cho bạn thì mẹ tôi lại gọi:
— Zeynep, con có thư này.
Đọc tên bạn trên phong bì, mẹ tôi bảo:
— A, của Acmét đây mà, thật là một đứa bạn tốt. Mẹ thấy nó chẳng để con buồn phiên vì thiếu tin tức.
Xem một hơi hết lá thư của bạn, tôi ngồi xuống cạnh giường Mentin. Nó vẫn còn sốt quá, nhiệt kế cặp cho nó còn chỉ 38°8.
Tôi sẽ kể cho bạn biết vì sao cả hai chị em tôi bị ốm cùng một lúc… chúng tôi đã đến dự lễ mừng sinh nhật của Ataman, đó là đứa bạn học cùng lớp tôi. Trong bữa tối dự lễ sinh nhật ấy, hai chị em tôi đã bị cảm đột ngột. Mà cũng không riêng gì chúng tôi, còn có ba đứa bạn nữa cũng bị ốm sau bữa đó cơ. Tại sao lại thế? Bạn nghe nhé.
Mẹ tôi đã làm quen với mẹ của Ataman trong dịp hai người đi họp hội cha mẹ học sinh ở trường.
Ngày hôm đó mẹ Ataman đã nhiệt tình mời cho bằng được gia đình tôi đến dự lễ sinh nhật của con bà ấy. Bà ta ghi địa chỉ của chúng tôi vào sổ rất cẩn thận và hứa: “Chắc chắn em sẽ cho xe đến đón hai bác!”. Đầu tiên mẹ
https://thuviensach.vn
tôi chỉ đồng ý cho tôi và Mentin đến thôi, nhưng bà ấy cố nài nỉ mãi: “Chúng em đợi cả hai bác đến nữa cơ!”… Cuối cùng mẹ tôi bị bắt buộc nhận lời mời thiết tha ấy.
Ba tôi khi được mẹ tôi cho biết chuyện đã ngạc nhiên: “Chúng ta làm gì trong lễ sinh nhật của một đứa trẻ con hả mình?”. Mẹ tôi phải giải thích là do mẹ Ataman cố mời mọc, chèo kéo khá lâu, rằng: “Người ta nhiệt tình mời mình đến, chối từ mãi cũng không tiện” và rồi mẹ tôi đã hứa cả nhà tôi sẽ đến. Mẹ tôi còn bảo: “Bà ấy đã làm mặt giận mà nói: Nếu cả nhà mình không đến họ sẽ không chịu đâu…”.
Ba, mẹ tôi đã chú ý đến chúng tôi chuẩn bị quà mừng: Tôi mua tặng Ataman một cuốn sách mới, Mentin đem tặng một cây bút viết. Chiều hôm đó họ đưa xe đến đón chúng tôi thật. Trong xe ba tôi mới bắt đầu làm quen với ba của Ataman. Cái xe mới tinh và rất hiện đại ấy là xe riêng của họ…
Có lẽ tôi viết hơi lan man, dài dòng phải không bạn? Nhưng có thế bạn mới hiểu được tại sao tôi lại cảm đột ngột. Thôi chịu khó đọc tiếp nhé. Sự giàu có của gia đình Ataman đập vào mắt ta ngay lập tức. Đó là sự giàu có không bình thường cũng như bạn thấy một người đột nhiên phát phì lên vậy. Tôi nghe mẹ tôi thì thầm vào tai ba: “Ôi thật là những người không có chút thẩm mỹ… Anh nhìn xem, họ sắp xếp đồ đạc kìa, chẳng ra cái kiểu gì?…”.
Riêng tôi nhận thấy rằng ba của Ataman bao giờ cũng bắt đầu mọi câu nói bằng: “Bản thân tôi…” hay “Thưa quý vị…” nghe chán ngấy. Biết làm sao được, dù thế nào đi nữa chúng tôi đã đến nhà người ta rồi!…
Ngồi nhà khá rộng nhưng chật ních người. Thế mà khách khứa vẫn ùn ùn kéo tới. Lũ trẻ con chúng tôi có khoảng 15, 16 đứa cả thẩy. Thế mà người lớn có đến hơn ba chục. Đứa nào cũng có ba mẹ đi kèm, mà nào chúng tôi có còn bé bỏng gì! Thấy lạ, Mentin hỏi mẹ tôi một cách ngạc nhiên:
— Mẹ ơi, hôm nay là ngày sinh của ba anh Ataman phải không mẹ? Thường thường khi Mentin nói một câu không phải ở chỗ đông người, mẹ tôi hay nhéo nó một cái để nó giữ mồm giữ miệng. Lần này thấy cái nhéo tay của mẹ bên sườn, Mentin vội im bặt, nó biết rằng đã hỏi một câu
https://thuviensach.vn
không đúng chỗ.
Nhưng chắc chưa kịp hiểu tại sao câu hỏi của nó lại không đúng. Bất chợt mẹ Ataman đến tiếp chuyện mẹ tôi:
— Nhà chật quá chị ạ, chật chội quá… Người quen, bạn bè quá đông… chị xem, không thể không mời hết. Vì vậy em đã nói với “nhà em” lần sau chúng em sẽ tổ chức lễ sinh nhật cho “cháu nó” ở nhà hàng lớn. Anh ấy đã ưng thuận ngay. Thật đáng yêu quá, “nhà em” bao giờ cũng nghe theo em thế chị ạ…
Khi nói đến chồng, bà ta thường dùng chữ “nhà em” còn khi nói đến Ataman thì “cháu nó”[4]. Chuyện trò một lúc, chợt bà ấy hỏi mẹ tôi: — Nhà em làm tất cả mọi việc mà em muốn. Còn nhà bác thì sao ạ? Mẹ tôi ngây người, chẳng hiểu gì, hỏi lại:
— Nhà tôi là thế nào ạ?
Bà ấy cười rất rộng rãi rồi nhắc lại:
— Là em hỏi bác trai ấy, chồng chị ấy mà. Em hỏi bác nhà có tốt với chị không, có hay nghe lời chị không ý?
Mẹ tôi có lẽ không thích thú chủ đề này lắm nên bà khéo léo lái câu chuyện sang một hướng khác. Mẹ tôi phe phẩy cái khăn tay và nói: — Ở đây hơi nóng nực phải không chị?
— Vâng, vâng… Tại vì chúng em mở hết cỡ các lò sưởi hơi trong nhà ấy mà. Nhà em tốt thì tốt thật đấy nhưng phải cái hay phá của lắm. Đã thế còn mắng em: “Ngày sinh của con mà em cũng tiếc không dám vặn hết cỡ ba cái lò sưởi lên à?”. Cứ làm như em quê lắm ấy, bây giờ thì lại nóng quá. Em còn biết tỏng là ông ấy bắt bồ với hai, ba cô gái trẻ cơ, rồi nhận cho làm thư ký riêng đấy… Đàn ông cả lũ họ như thế, chị ạ!
Mẹ tôi nhíu mày vẻ khó chịu quát tôi và Mentin:
— Các con qua chỗ ba chơi! Sao cứ quấn lấy chân bên mẹ thế hả? Tất cả đàn ông đang tập trung bên phòng khách lớn. Trên bàn đầy ắp thức ăn, đồ uống, trái cây… Ba tôi đang đứng nói chuyện với ba Ataman, thấy hai chị em tôi kéo tới, ông có vẻ không vừa ý:
— Sao các con để mẹ một mình hả?
https://thuviensach.vn
Nghe ba tôi mắng khi vừa đến, Mentin cãi lại:
— Thì chính mẹ bảo chúng con đến chỗ ba mà.
Ông chủ nhà chỉ chúng tôi hỏi:
— Cả hai cháu là con bác đấy ư?
— Vâng chúng là con tôi!
— Đức Ala phù hộ cho các cháu… chúng ta đang nói gì nhỉ? À vâng, bản thân tôi không phải là người tham lam, hám lợi. Nhưng cái bọn đàn bà ấy thì bao giờ cũng thế. Ngay vợ tôi đấy, thói tham lam có một không hai. Để tiết kiệm, bà ấy mua cho đầy tớ ăn toàn đồ hư, đồ cũ. Tôi thì nghĩ khác… Nếu anh dùng gì, hãy cho người làm trong nhà ăn thứ đó. Bản thân tôi không làm sao giải thích cho vợ tôi hiểu cả. Có khi tôi phải giải thích rằng như thế là không nhân đạo, nhưng cũng vô hiệu. Trí óc đàn bà đâu có hiểu rằng bà ấy có thể tiết kiệm được một vài đồng bạc nhưng làm cho bọn người hèn hạ tức giận là chúng nó phá. Con hầu nó thử giả vờ lỡ tay đánh rơi một chồng chén bát quý, đáng giá vài ngàn là anh chết!
Sợ chúng tôi bị ảnh hưởng xấu, ba tôi nóng nảy đuổi chúng tôi đi khỏi phòng đó.
— Đi ra đằng kia, các con! Về ngay chỗ mẹ đi.
Những đứa trẻ khác cũng trong tình cảnh buồn chán không kém, chúng tôi chẳng biết làm gì nên cứ quấn chân người lớn. Một bà than thở: — Thật không đi đâu thoát cái bầy quỷ con này!
Ba tôi có vẻ ngán đến cổ khung cảnh ấy nên bàn với mẹ tôi: — Có lẽ tốt hơn là ta về… Cũng đến giờ rồi.
Mẹ tôi thì thấy chưa phải lúc:
— Chưa được đâu mình ạ, ai lại vừa đến đã về thế, người ta sẽ nghĩ sao? Thôi, hãy ráng chút nữa!
Ngay lúc ấy ba của Ataman tiến đến chỗ ba tôi, tay giơ cao mấy tờ báo vẻ đắc ý:
— Thưa các vị, bản thân tôi lúc nào cũng muốn cứu giúp người nghèo. Ngày lễ mà không phân phát của bố thí sẽ không ra ngày lễ… Thưa các vị, hôm qua tôi đã phân phát của bố thí cho trẻ em nghèo và mồ côi để lấy phước cho cháu. Đấy, bác xem tất cả các báo đã viết về tôi.
https://thuviensach.vn
Về sau lũ trẻ con chúng tôi được gom lại vào một căn phòng. Trên bàn bày la liệt các tặng phẩm dành cho người được mừng, tức là Ataman ấy. Vì trong phòng nóng quá nên người ta phải mở cửa sổ cho thoáng. Nóng nực và ngột ngạt đã làm chúng tôi ra mồ hôi nhễ nhại, ướt cả áo. Lúc mở cửa sổ, tôi và Mentin đứng ngay ngoài hứng luồng không khí lạnh ùa vào nên bị cảm lạnh từ đó.
Muộn lắm ba tôi mới cáo từ để chúng tôi ra về. Ba Ataman rõ ràng là không vừa ý, nhất định chưa cho về:
— Nhưng bác đã nếm tí gì đâu? Bác cũng chưa kịp uống hớp rượu nào cả mà. Các bác hãy ở lại vui với chúng tôi chút nữa!
Ba tôi đã trả lời thẳng thừng là ông còn bận nhiều công việc. Ra đường thấy ba tôi có vẻ bực bội lắm nên mẹ tôi vội tìm lời lẽ nhẹ nhàng cho ba tôi bớt giận:
— Xin lỗi mình, không ngờ sự thể lại như thế. Nghe bà ấy nài nỉ mãi, không hứa cũng không được. Thôi đành vậy, lần sau thì cạch! Hôm sau tôi lên cơn sốt 39°5 còn Mentin 38°8.
Thư trước bạn có hỏi tin tức về Hicmét. Tôi cho bạn hay là cả một tuần nay nó không đến trường. Không biết nó làm sao, tôi lo cho nó quá. Ở lớp tôi, chẳng ai biết nhà nó cả, nếu không, chúng tôi đã đến xem sự thể ra sao rồi. Tôi phải để tin này tận cuối thư vì chúng tôi ai cũng buồn cho nó.
Bạn mau chóng viết thư cho tôi nhé.
Thân mến Zeynep
https://thuviensach.vn
TÔI ĐÃ LÀM QUEN VỚI MỘT THẦN ĐỒNG
Zeynep thân mến!
Tôi chân thành chúc bạn và em Mentin mau chóng phục hồi sức khỏe. Rất vui mừng là mẹ bạn còn nhớ đến tôi.
Bạn đã mô tả thật hay về lễ sinh nhật của Ataman. Dự ngày sinh nhật như thế buồn cười quá nhỉ? Bạn biết không, tôi chưa bao giờ làm lễ sinh nhật của mình đâu nhé. Trong gia đình tôi chưa có cái lệ hay ho ấy! Mà tôi cũng ít có dịp đi dự lễ sinh nhật của người khác.
Một lần, vào kỳ nghỉ hè năm ngoái tôi được mẹ cho đến nhà bà con của ba tôi chơi trong ba ngày. Ở đó có một cô bé hàng xóm tổ chức lễ mừng sinh nhật đã mời chúng tôi đến tham dự. Đấy là ngày sinh nhật duy nhất của người khác mà tôi được biết, nhưng cũng có những việc làm tôi phải nhớ và có lẽ chẳng bao giờ quên.
Hôm đó, có một câu bé ngỗ nghịch, hỗn láo cũng là khách như tôi thôi nhưng đã làm những việc động trời khiến chủ nhà phải một phen khốn đốn. Nó đã nghĩ ra bao nhiêu là trò phá phách làm cho mọi người không thể nào chịu đựng nổi.
Mọi người đang ngồi vui vẻ trong phòng khách, tự nhiên chúng tôi nghe có tiếng kêu cứu. Cả nhà chạy bổ đi tìm, hóa ra tiếng kêu vọng ra từ trong nhà xí. Có ai đó đang đấm cửa từ bên trong và la ầm ĩ. Một bà bị nhốt đang bực tức phát khóc lên:
— Có người đã khóa cửa từ bên ngoài đấy. Hãy mở cửa cho tôi với! Chủ nhà vội vã đi tìm chìa khóa nhưng không thấy đâu cả. Có một ông lùn tịt và béo phì cười khoái chí:
— Tôi có thể đảm bảo với các vị đây là trò nghịch ngợm của thằng cháu nhà tôi… Nó đâu ấy nhỉ?
Mọi người đổ xô đi tìm chẳng thấy cậu con quý tử của ngài béo đâu cả.
https://thuviensach.vn
Còn ông ta thì chẳng tiếc lời khen ngợi cậu con trai:
— Trời ơi, nó thông minh cực kỳ… Cháu nó nhanh như một tia chớp ấy! Suốt ngày nó chẳng ngồi yên một chỗ nào cả. Thằng bé thông minh không tưởng tượng được. Tôi dám chắc với các vị là cháu nó đã khóa cửa nhốt người đàn bà trong nhà xí. Các vị nhớ cho lời tôi. Không thể là ai khác đâu.
Khốn khổ cho cái bà còn bị giam đang sợ hãi đập cửa và kêu cứu một cách tuyệt vọng. Mọi người lo lắng đi tìm chìa khóa hoặc thằng bé hỗn láo. Thế mà ngài béo thì vẫn bình tĩnh làm một bài diễn thuyết dài về sự thông minh xuất thần của đứa con quý hóa nhà ông.
— Ôi, các ngài không thể biết được cháu nó thông minh đến mức nào đâu! Chẳng bao giờ nó phải học hành gì hết. Đến ngày thi, chỉ cần giở sách xem qua một lượt là xong, nó đã biết hết cả rồi. Tôi cũng vậy đấy, hồi bé tôi có cần học hành gì đâu. Thằng bé nhà tôi giống cha như đúc. Bạn bè của nó thì phải học từ tinh mơ sáng đến nửa đêm, còn thằng cháu nhà tôi thì cứ nhởn nhơ, nhàn nhã. Ấy thế mà năm nào nó cũng học giỏi, lên lớp đấy. Tôi chả thích có con suốt ngày gặm sách như mọt… Cần phải thông minh kia, mà trí thông minh thì thằng bé nhà tôi có thừa. Cháu nó…
Mọi người vất vả đi tìm thằng bé “thông minh” đặc biệt ấy. Ông béo tay chắp sau đít, không chút ngượng ngùng, còn ra vẻ khuyên đám đông: — Này, các vị thử tìm ở gầm giường xem. Cháu nó hay trốn xuống đó lắm. Nó thích lẩn vào các xó xỉnh sau khi nghịch ngợm lắm… Chủ nhà nghe theo lời khuyên, cúi xuống tìm dưới gầm giường thì bỗng có một vật gì đó rơi trúng lưng ông ta. Đó là chiếc chìa khóa nhà xí. Có tiếng cười khanh khách và cậu bé “thông minh đặc biệt” nhảy ào từ nóc tủ xuống giường. Thế là ba nó được phen khoái chí:
— Tôi đã bảo mà, các vị thấy chưa? Đúng là nó nhé. Cháu nó lại thông minh đến mức thay đổi cả chỗ nấp mọi khi để đánh lừa ba nó. Thằng bé chả chịu ngồi yên chỗ nào…
Ngày hôm đó, tất cả mọi người đều vất vả, chủ nhà bị một phen nghiêng ngửa, nhà ông đồ đạc lộn phèo, rối tung vì thằng bé “thông minh cực kỳ” của ông béo…
Một việc khác làm tôi khó quên trong dịp nghỉ hè đó là tôi đã vinh dự
https://thuviensach.vn
được làm quen với một thần đồng, nói một cách chính xác hơn là một cậu bé “muốn trở thành thần đồng”.
Có hôm đến chơi nhà người chị họ, tôi đã được giới thiệu để làm quen với một đứa bé cùng tuổi. Đó là một cậu bé gầy gò, ốm nhách, đeo kính trắng và có vẻ trầm tư. Chúng tôi bắt tay nhau xong, theo lẽ thường rất tự nhiên thôi, tôi hỏi tên nó là gì, nó chẳng trả lời gì cả. Tưởng rằng nó bị điếc, tôi hỏi to hơn. Sau khi suy nghĩ khá lâu như đang phải giải một bài toán khó, nó mới nói tên cho tôi biết. Tôi hỏi tiếp nó học lớp mấy, nó vẫn phải nghĩ ngợi một lát rồi mới trả lời. Hình như nó chẳng bao giờ tự nói câu gì cả, hơn nữa sau mỗi câu hỏi của người khác đặt ra cho nó, nó đều như đắm mình vào suy tư, lâu lắm mới trả lời. Ngạc nhiên quá, tôi hỏi người chị họ:
— Cậu bé này bị bệnh thần kinh hả chị?
Chị tôi cười ngất bảo tôi:
— Đâu có, ngược lại ấy chứ! Ba nó bảo đó là một thần đồng của đất nước đấy em ạ!
Một cô hàng xóm là bạn của chị tôi đến chơi cho biết thêm: — Người ta nói cậu bé này sẽ trở thành thiên tài đấy!
— Sao lại có chuyện như thế được! Một người phải cần đến hai phút suy nghĩ mới trả lời anh ta tên là gì mà lại có thể trở thành thiên tài được ư? — Ấy đấy, chính vì là thần đồng, sắp trở thành thiên tài nên phải làm như vậy đấy, em ạ. Ba nó đã dạy nó! “Ngay cả khi người ta hỏi con là gì, con cũng đừng trả lời vội! Phải tập trung trí tuệ, suy nghĩ thật sâu sắc đi rồi hãy trả lời…” chị tôi giải thích cho tôi.
Cô hàng xóm và chị họ tôi thi nhau kể bao nhiêu là chuyện về nhân vật đặc biệt “sắp trở thành thiên tài” ấy. Ba nó nói, đúng ra ông ta đã là thiên tài rồi. Nhưng đã lỡ, nên ông ta quyết trở thành cha của một thiên tài khác. Ông bỏ công nghiên cứu kỹ hết cuộc đời và sự nghiệp của các thiên tài trên trái đất từ trước tới nay. Ông quyết định tạo ra cho nhân loại một thiên tài mới. Một trong những kết luận ông rút ra được sau các cuộc nghiên cứu là cha của đa số các thiên tài đều rất lớn tuổi mới sinh ra họ. Vì thế ông ấy lập gia đình khá muộn, mãi sau tuổi bốn mươi…
— Làm sao tất cả các chị biết tất cả các chuyện đó. Cậu bé dở câm dở
https://thuviensach.vn
điếc này kể cho các chị nghe à? - Tôi thắc mắc, vội hỏi ngay mấy chị đang thao thao bất tuyệt.
— Ồ, sao em lại hỏi thế. Cả khu này thuộc làu câu chuyện đó. Ai mà chẳng biết. Mọi người đang kháo nhau chuyện một thiên tài sắp xuất hiện trong khu cơ mà. Như vậy, đến ngoài bốn mươi tuổi, ông ta mới cưới vợ nhưng đợi mãi chẳng có con. Ông ta muốn bằng bất cứ giá nào cũng phải được làm cha của một thiên tài nên đã già sọm đi trông thấy. Cuối cùng vợ ông cũng có bầu, mang lại cho ông niềm hy vọng. Con người khốn khổ ấy ngày đêm cầu nguyện trời đất cho ông ta một đứa con gầy còm. Vì sao thế? Đơn giản thôi, ông ta bảo đa số các thiên tài đều xuất thân từ những đứa trẻ gầy còm ốm yếu. Cầu nguyện chưa đủ, ông còn bắt vợ kiêng khem đủ thứ bổ béo để khỏi làm cái thai khỏe mạnh, mập mạp. Khi bà vợ ông sinh, đứa trẻ còm nhom đến mức bác sĩ đã dự đoán là nó không thể nào sống nổi. Nhưng cứ như có phép lạ đứa trẻ đã sống và lớn lên. Ông bố quyết định con ông phải trở thành một nhà thơ lớn, thậm chí một nhà thơ kỳ tài, vĩ đại của toàn thế giới cơ. Đọc sách thấy nhiều nhà thơ nổi tiếng thôi bú rất sớm, ông ta cũng bắt đứa con tội nghiệp rời vú mẹ lúc đó mới được gần một tháng. Đến khi đứa bé lên một tuổi bị ngã từ trên nôi xuống, què chân, ông ta đã vui mừng khôn xiết. Bởi vì ông ta biết có một nhà thơ lớn khập khiêng vì bị què từ nhỏ. Sau đó người cha kỳ quặc lại tìm mọi cách cho con lớn chậm, không phát triển chiều cao. Ông ta lý luận rằng các thiên tài hầu hết đều nhỏ con, thấp bé…
Sau khi nghe hết chuyện tôi mới hiểu vì sao cậu bé phải cố suy nghĩ lâu để trả lời người ta tên nó là gì. Thật ra, theo tôi thì cậu ta đâu có suy nghĩ gì mà chỉ làm ra vẻ suy nghĩ mà thôi…
Tôi rất buồn vì được tin cô bạn Hicmét đáng thương không đi học nữa. Khổ thân cô bé, chắc gia đình nó đã xảy ra chuyện gì đó rồi! Hôm qua ở trường tôi người ta đã tiêm chủng bệnh dịch tả cho tất cả học sinh. Hôm nay chúng tôi được ở nhà. Ngay bây giờ tôi sẽ ra bưu điện bỏ thư cho bạn. Sau đó tôi sẽ về học bài, làm bài tập. Thầy giáo cho chúng tôi bao nhiêu bài toán. Cánh tay trái tôi hôm qua tiêm chủng bắt đầu cảm thấy đau rồi. Tôi tạm ngừng bút nhé!
https://thuviensach.vn