🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Minh Triết Trong Ăn Uống Của Phương Đông
Ebooks
Nhóm Zalo
minh_triet
Mục lục
1. Lời giới thiệu (Cho lần tái bản thứ sáu)
2. Lời giới thiệu (Cho lần tái bản thứ năm)
3. Lời giới thiệu (Cho lần tái bản thứ hai)
4. Lời nói đầu
5. CHƯƠNG MỘT: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
6. I. Mở đầu
7. II. Lịch sử sinh vật thực phẩm
8. III. Những tiêu chuẩn của thực phẩm
9. CHƯƠNG HAI: KHOA HỌC THỰC DƯỠNG
10. I. Quan niệm về thực dưỡng
11. II. Những thành phần trong thức ăn cần thiết cho cơ thể 12. III. Khẩu phần ăn hợp lý
13. IV. Phối hợp các món ăn
14. V. Nhu cầu đạm của loài người
15. VI. Tác hại của việc ăn thịt và ích lợi của việc ăn chay 16. VII. Những nghịch lý bất ngờ
17. CHƯƠNG BA: ĂN UỐNG THEO NGUYÊN LÝ ÂM - DƯƠNG 18. I. Tìm hiểu học thuyết âm - dương
19. II. Tầm quan trọng và lợi ích của việc ăn uống theo âm - dương
20. III. Những vấn đề cơ bản trong phép dưỡng sinh của Ohsawa
21. IV. Nên ăn uống như thế nào?
22. CHƯƠNG BỐN: CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG VÀ SỰ BIẾN CẢI CON NGƯỜI
23. I. Chế độ ăn uống và sức khỏe
24. II. Chế độ ăn uống với tuổi thọ
25. III. Chế độ ăn uống và dáng vẻ bề ngoài
26. IV. Chế độ ăn uống và tính tình
27. V. Chế độ ăn uống và giới tính
28. VI. Ăn uống với cuộc sống lứa đôi và tương lai của hậu thế 29. VII. Chế độ ăn uống và số mệnh
30. VIII. Chế độ ăn uống và năng lượng sinh học
31. IX. Vì sao lại có sự biến cải như vậy?
32. CHƯƠNG NĂM: NHỊN ĂN CHỮA BỆNH
33. I. Các phương pháp chữa bệnh bằng nhịn ăn
34. II. Cơ sở khoa học của phương pháp nhịn ăn chữa bệnh 35. III. Những biểu hiện cần chú ý trong khi nhịn ăn
36. IV. Các bước tiến hành một đợt nhịn ăn phòng và chữa bệnh 37. V. Nhận xét và lời bàn
38. CHƯƠNG SÁU: TRIỂN VỌNG CỦA THỰC DƯỠNG 39. PHỤ LỤC
40. 1. Đôi nét về cây lúa và hạt gạo
41. 2. 7 Công thức ăn uống theo phương pháp dưỡng sinh Ohsawa
42. 3. Công thức sữa thảo mộc cho trẻ sơ sinh
43. 4. 6 tiêu chuẩn đánh giá sức khỏe
44. 5. 7 LỜI KHUYÊN CỦA THÁI ẤT CHÂN NHÂN 45. 6. Bột ngọt gây hậu quả nghiêm trọng
46. 7. Rửa ruột
47. 8. Một số cơ sở bán thực phẩm dưỡng sinh và chữa bệnh theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa
Lời giới thiệu (Cho lần tái bản thứ sáu)
Sức khỏe người dân là nguồn lực kinh tế quan trọng của quốc gia. Cổ nhân đã nói “Mỗi con người là biểu hiện những thứ mà người đó ăn vào”. Người Nga có câu ngạn ngữ vô cùng thâm
thúy: “Một đầu bếp giỏi tốt bằng bảy bác sĩ”. Vì thế, hiểu biết để ăn uống đúng, sẽ mang lại không chỉ sức khỏe thể chất, tinh thần, mà còn cả sức khỏe xã hội.
Tác giả Ngô Đức Vượng là nhà khoa học chân chính, lương y giàu kinh nghiệm, đã từng tự chữa cho mình mọi bệnh từ cảm cúm đến ung thư, nên tác phẩm của ông đáp ứng được nhiều yêu cầu:
- Cung cấp kiến thức tổng quát, tư duy thông thái, giúp người đọc có tầm nhìn và sự đánh giá vấn đề sức khỏe một cách sáng suốt, sâu sắc.
- Cung cấp nhiều kinh nghiệm thực tiễn giúp cho việc áp dụng vào cuộc sống một cách cụ thể, tối ưu.
- Cung cấp nhiều tư liệu được hệ thống nên có thể sử dụng như một thư viện tra cứu, khi cần.
Chính vì vậy Minh triết trong Ăn uống của phương Đông của ông là một đóng góp lớn, có giá trị trong lĩnh vực nâng cao sức khỏe và dân trí cho mọi người dân Việt Nam.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 05 năm 2016
NGUYỄN NGỌC KIÊN
VÕ THỊ HỒNG VIỆT
Lời giới thiệu (Cho lần tái bản thứ năm)
Bẩm sinh thể chất không khỏe, nên tôi luôn ý thức tìm hiểu các phương pháp giữ gìn, chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Đọc quyển Minh triết trong Ăn uống của phương Đông, tàng thức sâu thẳm mách bảo tôi: “Đây là những kiến thức khoa học đích thực về dinh dưỡng”, nên coi quyển sách này là cẩm nang chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, và áp dụng ngay việc ăn uống theo Âm - Dương.
Là một phóng viên, tính chất công việc đòi hỏi phải năng động, đi lại nhiều. Thời gian bắt đầu áp dụng theo thực dưỡng cũng là giai đoạn căng thẳng trong khí hậu mùa hè nóng bức của miền Trung.
Nhưng tôi luôn khỏe mạnh, phấn chấn, hoàn thành tốt mọi công việc. Đặc biệt, vài chuyến đi gần đây tôi không còn bị say xe như trước nữa. Xin cảm ơn tác giả và chân thành chia sẻ cùng bạn đọc xa gần.
Đà Nẵng, hè 2014
SONG MINH
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Lời giới thiệu (Cho lần tái bản thứ hai)
Cơ thể được xây đắp bởi đồ ăn thức uống hàng ngày, nguồn năng lượng cho chúng ta hoạt động cũng từ đó. Vì vậy, hiểu biết Minh triết trong Ăn uống của phương Đông là điều vô cùng cần thiết.
Tác giả Ngô Đức Vượng từ lâu đã quan tâm tới vấn đề này. Ông đã ăn chay trường, ăn gạo lứt muối vừng, nhịn ăn chữa bệnh cho chính mình và giúp cho nhiều người thực hành tự chữa bệnh, dưỡng sinh, nâng cao sức khỏe, thu nhiều kết quả tốt đẹp từ trên 20 năm nay.
Với thiện chí đem lại sức khỏe và trị bệnh không dùng thuốc, ít tốn kém, dễ thực hành... cho cộng đồng, tác giả đã viết quyển sách này, nhằm cống hiến cho bạn đọc những lời khuyên quý giá.
Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả để có thêm nguồn thông tin sàng lọc và áp dụng.
Đà Lạt, ngày 02 tháng 04 năm 2009
Dược sĩ, Nhà văn
CHU BÁ NAM
Muối và lửa là hai yếu tố tạo nên sự sai khác căn bản giữa cách ăn uống của con người và các loài vật. Với việc dùng lửa, nghệ thuật nấu nướng ra đời. Từ đó con người tìm thấy sự khoái lạc trong miếng ăn và cũng chính từ đó sự sa đọa, bệnh tật vì ăn uống xuất hiện. Cho nên, vấn đề trước tiên và cốt lõi nhất của phương pháp phòng, chữa bệnh phải là ăn uống hợp lý.
Ăn uống quân bình Âm - Dương chính là thuận theo quy luật của tự nhiên và vũ trụ, sẽ khỏe mạnh, trẻ trung, thông minh, trường thọ... Đạt được trạng thái ấy, chúng ta có thể chấp nhận tất cả những gì xảy đến bằng nụ cười bao dung, thanh thản...
Khi sức khỏe thể chất và tinh thần hoàn hảo, thì khả năng linh cảm hay trí phán đoán sẽ khai mở, tâm linh thăng hoa. Đó lại chính là thành quả của Thiền định.
Do vậy, ăn uống những gì, như thế nào, là tiêu chuẩn đơn giản nhất, quan trọng và chính xác nhất để thẩm định sự hiểu biết, trình độ văn hóa, mức giác ngộ và nhân cách của mỗi con người.
TÁC GIẢ
Lời nói đầu
Triết lý căn bản về ăn uống của phương Đông là “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”, và “Ăn uống phải tuân theo nguyên lý THIÊN - ĐỊA - NHÂN hợp nhất, để chẳng những có thể chất khỏe mạnh, đề kháng tốt với bệnh tật và những hoàn cảnh bất lợi, mà còn khai mở trí phán đoán tối cao, từ đó mở ra cánh cửa của hạnh phúc vĩnh hằng, tự do vô biên, công bằng tuyệt đối. Đó là con đường đưa đến chân lý, giúp con người thực hiện được chân ngã, thể nhập với chân như.” (Ohsawa)
Điều cần nói là, trong khi triết lý của phương Tây đòi hỏi phải có bằng chứng, chứng minh rõ ràng thì các vĩ nhân phương Đông chỉ nói/viết rất ít, không giải thích, mà để người nghe, người đọc phải suy ngẫm, chiêm nghiệm rồi tự “ngộ” ra.
Vì thế rất nhiều người, nhất là những người quen với lối tư duy khoa học thường khó hiểu và khó chấp nhận.
Sức khỏe là điều mà mọi người cũng như mọi tổ chức, quốc gia trên thế giới đều rất quan tâm. Tuy nhiên, phương pháp phòng chống bệnh, giữ gìn, nâng cao sức khỏe ở các trường phái khác nhau có nhiều điểm sai khác, thậm chí hoàn toàn trái ngược. Có lẽ còn phải tốn nhiều thời gian, công sức, giấy mực... mới có thể đi đến thống nhất.
Nhưng, thảo luận để đi tới chân lý là điều vô cùng quan trọng và hết sức cần thiết. Với tinh thần ấy, tác giả đã chẳng quản ngại kiến thức hẹp hòi, suy nghĩ nông cạn... xin mạo muội đóng góp phần nhỏ bé của mình vào việc tìm chân lý trong chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân.
Nhìn chung, trên thế giới, loài người ngày càng có đời sống cao hơn, nhưng càng ngày càng phải đối diện với sự đe dọa của bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nan y. Nên ngày càng có nhiều người quan tâm tìm hiểu các phương pháp phòng chống bệnh hiệu quả.
Vì vậy, cuốn Minh triết trong Ăn uống của phương Đông tái bản lần thứ ba chưa kịp đến với thị trường sách đã tiêu thụ hết trong
thời gian vài tháng tại các câu lạc bộ, và những cuộc hội thảo về dinh dưỡng, sức khỏe... Tái bản lần thứ năm mặc dù đã bị nhiều người photo với số lượng khá lớn để bán kiếm lời bất chính ở một số địa phương trong cả nước(*). Nhưng sách vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều bạn đọc.
(*) Nhiều độc giả cho biết, điển hình là ở Hà Nội có một thanh niên photo khá nhiều sách này, thường lân la ở các cửa hàng ăn chay để gợi ý bán. TP. Hồ Chí Minh, có “nhà thơ” đã ăn cắp nhiều sách này và quảng cáo bán trên mạng. Đức Trọng, Lâm Đồng có cô gái đã đánh lừa nơi tác giả gửi sách để lấy và photo rồi bán rất nhiều v.v... Một số độc giả còn “khoe”: Đọc xong thấy hay quá nên đã photo ra nhiều bản để tặng người thân, bạn bè...
Tác giả đã nhận được rất nhiều ý kiến động viên, khích lệ chân tình và nhu cầu được cung cấp sách của nhiều bạn đọc. Cảm động nhất là nhiều bạn đọc đã gọi điện, gửi thư tâm sự: Sách đã làm thay đổi cuộc đời họ (về nhận thức và thực hành nên sức khỏe tăng lên rõ rệt). Vì vậy, tác giả đã cố gắng chỉnh sửa, bổ sung để tái bản lần thứ sáu này được hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu của bạn đọc xa gần.
Ai cũng thấy ăn uống liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Ông cựu Chủ tịch Tổ chức Y tế Thế giới Erin Miles nói: “Sức khỏe tuy chưa phải là tất cả, nhưng nếu không có sức khỏe thì những thứ còn lại đều mất hết ý nghĩa”.
Nhưng ít người cảm nhận ăn uống liên quan tới tinh thần, sự sống lâu. Càng ít người hơn thông cảm với việc ăn uống ảnh hưởng tới sự phát triển trí não. Rất ít người hiểu rằng ăn uống quyết định sự tiến hóa của con người. Mà bằng chứng hiển nhiên là, vì ăn uống đúng mà người nguyên thủy đã phát triển cả về thể chất và trí não, trở thành sinh loài đứng trên muôn loài, chủ nhân duy nhất của hành tinh.
Đáng buồn thay, con người hiện đại ngày càng sống xa rời tự nhiên, ăn uống không đúng, nên những ưu thế sinh học của loài người đang ngày càng sa sút, mất dần. Đó là sự suy thoái nghiêm trọng, rất cần phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh.
Tái bản lần thứ sáu, sách sẽ được phát hành với số lượng nhiều hơn đáng kể, để phần nào đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và chú
ý nhấn mạnh vai trò của ăn uống đối với sức khỏe thể chất, tinh thần, đặc biệt đối với việc duy trì nòi giống, nâng cao thể chất của các thế hệ tương lai; vạch ra cuộc đấu tranh gay go giữa quan điểm khoa học chân chính với những thế lực bất chính trong kinh doanh thực phẩm và một số lĩnh vực khác, để bạn đọc thấy rõ, cảnh giác.
Mặc dù tác giả đã rất cố gắng nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót. Xin quý bạn đọc lượng thứ và chỉ giáo để sách được hoàn thiện hơn.
Xin chân thành tri ân quý bạn đọc.
TÁC GIẢ
Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa trên thế giới đều có triết lý sống và phong tục tập quán riêng được hình thành dựa trên điều kiện địa lý và lịch sử phát triển của dân tộc ấy, nền văn hóa ấy. Bước vào thế kỷ 21, chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại mà chúng ta có cơ
hội vô cùng thuận lợi được tiếp cận với đa dạng các nền văn hóa như vậy. Qua đó, chúng ta có thể tiếp thu, kế thừa và phát huy biết bao tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trong quá trình giao lưu văn hóa ấy, chúng ta nhận thấy cách ăn uống nói riêng, và lối sống nói chung, đã ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng sức khỏe, cũng như tính cách, cuộc đời của mỗi người.
Quyển sách Minh triết trong Ăn uống của phương Đông do tác giả Ngô Đức Vượng biên soạn cũng là một phần trong dòng chảy văn hóa vĩ đại của nhân loại. Đây là một quyển sách tham khảo, phản ánh hoàn toàn quan điểm, cách tiếp cận và lý giải riêng của tác giả. Để đảm bảo tính khách quan, cũng như tôn trọng tính toàn vẹn của tác phẩm, chúng tôi xin được giới thiệu đầy đủ bản viết đến quý độc giả.
Chúng tôi mong quý độc giả tiếp cận quyển sách này như một tài liệu tham khảo với một tâm thế thông tuệ và tinh thần khai phóng.
- FIRST NEWS – TRÍ VIỆT
Chương mộtNHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Vũ trụ có những định luật vô cùng nghiêm ngặt mà loài người tuyệt đối không được vi phạm.
- Phương châm sống của người Kogi
I Mở đầu
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, ai cũng thấy ăn uống là vấn đề rất quan trọng, thiết yếu trong đời sống. Điều đó đã được phản ánh rất đậm nét trong phương ngôn, ngạn ngữ của dân gian: “Ăn lấy chắc, mặc lấy bền”; “Ăn được ngủ được là tiên”; “Có thực mới vực được đạo”; “Dĩ thực vi tiên”; “Ăn vóc học hay” và điển hình là câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”...
Trong ngôn ngữ Việt Nam, chữ “ăn” luôn được đặt ở vị trí hàng đầu để nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của nó(*). Vì vậy khoa dinh dưỡng học đã hình thành và phát triển rất sớm trong nền văn minh của nước ta cũng như của toàn nhân loại.
(*) Điển hình là các thành ngữ: “Ăn ở”, “ ăn mặc”, “ăn nói”... chữ “ăn” trong ngôn ngữ Việt Nam chỉ đứng sau chữ “làm”.
Ông cha ta đã truyền lại những kinh nghiệm kết hợp các món ăn một cách tài tình nhất dựa trên nguyên tắc của Âm - Dương, ngũ hành, sinh khắc... nhất là món gỏi và nộm, trong đó có đủ vị, vừa ngon lại vừa làm thuốc, cái nọ phối hợp với cái kia để kích thích
những điểm có lợi, ức chế điểm có hại... của nhau. Người Việt Nam đã quen với việc phối hợp các đồ ăn như: thịt gà với lá chanh; thịt lợn với hành củ; thịt chó với riềng mẻ; thịt bò, gà, vịt với gừng; thịt trâu với tỏi...
Đồng thời cũng truyền cho nhau kinh nghiệm nên tránh ăn chung một số thức ăn có thể gây hại như: thịt ba ba với rau sam (đau bụng), thịt gà với kinh giới (phong ngứa), chuối hột với mật hoặc đường (chướng bụng), đậu nành với mật ong (có thể chết), thịt chó với nước chè (gây táo bón nặng, giữ chất độc lại, có thể gây ung thư), trứng ngan (vịt xiêm) với tỏi (rất độc, có thể chết)...
Đã có rất nhiều và gần đây càng nhiều sách viết về cách nấu ăn, làm bánh... theo phương pháp cổ, kim, Đông, Tây, chay, mặn...
Ăn uống là vấn đề rất quan trọng đối với sự sinh trưởng, phát triển, tồn tại và duy trì nòi giống của nhân loại. Nhưng quan niệm về vấn đề này lại rất sai khác, đôi khi trái ngược giữa các trường phái, các quan điểm, các cộng đồng dân cư, thậm chí giữa những cá nhân trong cùng một cộng đồng, một gia đình...
Vì vậy một chuyện vui đã nói: Có hai quyển sách bán chạy nhất trên thị trường là quyển hướng dẫn cách nấu những món ăn ngon và quyển kia nói rằng không nên ăn những món ăn đó.
Đông phương học quan niệm một cách sâu sắc, thâm thúy rằng: Ăn uống là khâu rất quan trọng để thực hiện mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên và vũ trụ, qua đó thực hiện nguyên lý Thiên - Địa - Nhân hợp nhất.
Hippocrates, ông tổ của Y học phương Tây đã nói: “Thức ăn của bạn phải là thuốc của bạn và thuốc của bạn phải là thức ăn của bạn”.
Nhưng nền văn minh vật chất và khoa học hiện tượng đang ngày càng làm phai mờ, sai lệch ý nghĩa sâu sắc của vấn đề tối quan trọng này.
2. TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĂN UỐNG
a. Sự tương phản ngạc nhiên
Ở các nước công nghiệp phát triển, người dân có mức sống rất cao. Nếu quy đổi lượng thịt ra ngũ cốc thì bình quân hàng năm mỗi người dân Mỹ tiêu thụ hơn một tấn lương thực, trong khi ở các nước nghèo, bình quân đầu người chưa đến một trăm kí-lô
gam.
Không những thế, mỗi năm người ta chi nhiều tỷ đô-la cho việc nghiên cứu Y học, bảo hiểm y tế, bệnh viện, thuốc men, đào tạo thầy thuốc... nhưng ở nước Mỹ, quốc gia có nền Y học hiện đại nhất thế giới, thì già nửa dân chúng vẫn rên xiết vì những bệnh kinh niên.
Theo điều tra của Ủy ban Đặc nhiệm Y tế Hoa Kỳ, năm 1963, số người dân nước này chết vì các chứng bệnh như sau: Phong độc 201.000 người (14%); Ung thư 285.000 người (16%); Tim mạch,
được mệnh danh là bệnh “truyền nhiễm hiện đại” khiến 793.000 người tử vong (55%)... Phần lớn người chết đều dưới 65 tuổi. Chỉ còn 15% dân cư chết bình thường và chết vì các bệnh khác. Theo thời gian, tình trạng bệnh tật ngày một leo thang. Thống kê số tử vong trong năm 2001 ở Mỹ như sau: Bệnh tim mạch 863.000 người, ung thư 554.000 người, hô hấp 123.974 người, tiểu đường 71.252 người v.v... Những bà mẹ được chăm sóc rất chu đáo trong thời kỳ thai nghén, nhưng tại các nhà hộ sinh, cứ mười lăm phút lại có một đứa trẻ đần độn ra đời.
Thống kê năm 1960 cho thấy chỉ có 13% dân số Mỹ là thật sự khỏe mạnh. Ngày nay những số liệu trên đã thay đổi nhiều theo chiều hướng xấu hơn.
Mỗi năm, nước Mỹ đã chi hàng trăm triệu đô-la cho việc bào chế thuốc ngủ; hàng chục triệu đô-la cho thuốc uống để thức; đã dùng tới 7 triệu ki-lô-gam thuốc Aspirin để giảm đau; hàng tấn thuốc chữa táo bón; nhiều tấn thuốc uống để ăn cho ngon miệng, ăn được nhiều; thuốc để ăn ít đi, để giảm cân và các loại thuốc kích thích, an thần; thuốc để trị bệnh hay uống thuốc, hoặc chữa các bệnh do thuốc gây ra v.v...
Thuốc nhiều đến nỗi người bệnh không biết uống loại nào và chính các bác sĩ cũng lúng túng trước sự phức tạp do chính ngành Y gây ra. Kỹ nghệ thuốc men khổng lồ, chế ra đủ các loại thuốc tiên tiến... thế mà cứ đến mùa lạnh là già nửa dân số bị ho hen, cảm cúm.
Nền kỹ nghệ phát triển cực thịnh đã “lấn sân” sang lĩnh vực thực phẩm. Thức ăn đều được đóng hộp, đóng chai... đi ngược với quy luật tự nhiên, góp phần làm cho bệnh tật ngày càng tăng, sức khỏe người dân ngày càng kém xa những nước bán khai.
Cùng với đà phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, mức chi phí cho việc bảo vệ sức khỏe ở Mỹ ngày càng nhiều (176 năm trước Đại chiến thế giới thứ hai, trung bình mỗi năm nước này chi cho Y tế 8 triệu đô-la. Hiện nay kinh phí đó đã tới 2,2 nghìn tỷ đô-la/năm nhưng tỷ lệ người bị bệnh mãn tính, chết vì bệnh nan y vẫn ngày một tăng gấp bội.
Khoa học tiến nhanh thật nhưng bệnh tật còn tiến nhanh hơn!
Có thể nói, thời đại ngày nay đang nổi bật lên sự tương phản giữa đời sống vật chất dồi dào với sự suy yếu về thể chất và tinh thần của con người. Các nhà khoa học, tâm linh và tôn giáo đều xác nhận hiện tượng đó là do người ta ăn quá nhiều vì khoái khẩu, dùng nhiều đồ kích thích, coi thường cách ăn uống hợp lý, hợp tự nhiên theo truyền thống và cách nấu nướng, chế biến thức ăn thích hợp...
Trong khi đó, dân chúng ở các nước nghèo, sống đạm bạc nhưng thuận theo thiên nhiên, thậm chí có những bộ lạc dân cư không hề biết đến thuốc men là gì, mà không một ai bị bệnh, mọi người đều sống vui tươi, cường tráng, tuổi thọ rất cao.
Bác sĩ Robert McCarrion, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Ấn Độ, tiến hành thí nghiệm, cho chuột khỏe mạnh ăn theo chế độ dinh dưỡng của ba dân tộc khác nhau như sau:
• Lô thứ nhất, ăn theo thực đơn của bộ tộc Hunza (Pakistan), gồm: bánh mì (làm từ bột ngũ cốc lứt), tương (làm từ đậu), mạch nha, cà rốt, bắp cải sống.
• Lô thứ hai, ăn theo thực đơn của người Ấn Độ, gồm: gạo (xát trắng), đậu, rau nấu chín, các gia vị mà người Ấn ăn hàng ngày.
• Lô thứ ba, ăn theo thực đơn của người Anh, gồm: bánh mì trắng, margarine (bơ thực vật), trà pha đường, thịt hộp, mứt và thạch đông.
Sau 27 tháng, mổ các con vật thí nghiệm để phân tích, so sánh. Kết quả thật ngạc nhiên:
• Lô chuột ăn theo thực đơn của người Hunza hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất kỳ biểu hiện bệnh tật nào.
• Lô chuột ăn theo thực đơn của người Ấn Độ thì hầu hết bị các bệnh: kém mắt, khối u, đau răng, còi cọc, rụng lông, thiếu máu, bệnh ngoài da, bệnh tim, thận, dạ dày, đường ruột...
• Lô chuột ăn theo thực đơn của người Anh thì chẳng những bị tất cả các bệnh như lô ăn theo chế độ của người Ấn mà còn mắc thêm bệnh thần kinh nên thường dữ tợn, lồng lộn cắn xé lẫn nhau.
Nhìn vào thành phần thức ăn, chúng ta thấy: sự sai khác cơ bản giữa lô chuột ăn theo chế độ thức ăn của người Hunza và hai lô kia là lô này ăn ngũ cốc lứt nguyên cám và những thức ăn hoàn toàn tự nhiên khác.
Kết quả nghiên cứu đã khiến mọi người và nhất là giới khoa học sững sờ. Nhiều nhà khoa học đã nhận xét: “Nếu không ỷ lại vào thuốc men, thì con người sẽ sống cuộc đời tiết độ và thuận theo tự nhiên hơn” và “Nếu con người văn minh cứ ăn uống theo chiều
hướng hiện nay, sẽ không tránh khỏi bị hủy diệt chẳng phải vì chiến tranh mà bởi bệnh tật như ung thư, tim mạch, thần kinh...”.
Vì vậy muốn phòng và chữa bệnh thì tốt nhất phải chú ý đến khâu nền tảng nhất là khẩu phần ăn uống.
b. Sự biến dịch không ngừng
Cơ thể sinh vật nói chung, con người nói riêng, là một cấu trúc biến dịch không ngừng. Cơ thể như một thác nước, nhìn bên ngoài lúc nào cũng như dải lụa, nhưng thực ra nước đang chảy mạnh, cơ thể luôn đổi mới với tốc độ kinh hồn. Mỗi giây đồng hồ, trong cơ thể con người diễn ra từ 200.000 đến 1.000.000 phản ứng sinh hóa. Từng giây, từng phút hàng loạt tế bào cũ chết đi, tế bào mới ra đời thay thế:
• Cứ mỗi giây đồng hồ có 2.000.000 hồng cầu già cỗi được thay thế. Vì vậy chỉ trong một tháng là toàn bộ máu trong cơ thể đã hoàn toàn đổi mới.
• Mỗi tháng trung bình người ta đưa vào cơ thể khoảng 60 kg đồ ăn thức uống. Theo tính toán, cứ sau 12 tháng là vật chất trong cơ thể con người đã hoàn toàn đổi mới.
Chính thức ăn đã cung cấp cho sự thay thế, đổi mới ấy. Vì vậy, cổ Đông phương học xem con người nói riêng, mọi sinh loài nói chung như những thực phẩm được biến cải thành, bệnh tật là sự mất quân bình xảy ra trong quá trình biến cải ấy. Thực phẩm cho ta đời sống và sinh lực, nhưng cũng có thể hại ta một cách dễ dàng nếu ta ăn uống sai. Nên mọi bệnh tật về nguyên tắc, đều có thể được chữa lành bằng cách điều chỉnh lại chế độ ăn uống cho hợp lý(*).
(*) Ông cha ta đã tổng kết rất thâm thúy: “Bệnh tòng khẩu nhập”. Bản thân tôi ngày càng nhận thức sâu sắc vai trò của ăn uống đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
Từ đó chúng ta sẽ hiểu bí quyết vì đâu mà ăn uống không đúng, bừa bãi sẽ bị đau ốm, mau già, nhan sắc chóng tàn phai. Ngược lại ăn uống hợp lý, đúng phép Âm - Dương sẽ chữa được mọi bệnh tật, cơ thể khỏe mạnh, trẻ trung, sống lâu... Đó là điều hoàn toàn có lý và dễ hiểu.
Ai cũng biết, con người phải có ăn mới sống, mới có thể suy nghĩ, nói năng, hoạt động, yêu thương, thù hận, gây gổ, cưới vợ lấy chồng, sinh con đẻ cháu v.v... ngược lại không ăn thì không thể tồn tại được. Con người cũng như mọi sinh loài chỉ là thức ăn chuyển hóa thành.
Thánh Kinh của Ấn Độ có ghi: “Từ thực phẩm mà các sinh vật được sinh ra, sinh ra để được nuôi bằng thực phẩm và khi chết đi thì thực phẩm lại lấy chúng để dưỡng nuôi”.
Trong vòng tuần hoàn khép kín: THỨC ĂN - CƠ THỂ - THỨC ĂN, hàm chứa một dòng kiến thức rộng lớn, sâu sắc, ẩn tàng nhiều điều bí ẩn mà khoa học đương đại còn hiểu biết rất ít.
IILịch sử sinh vật thực phẩm
1. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA SINH VẬT THỰC PHẨM
Nghiên cứu lịch sử sinh vật thực phẩm cho thấy: Sinh vật trên trái đất đã trải qua 7 giai đoạn về thực phẩm nối tiếp nhau theo mô hình xoắn ốc đối số, có thể tóm tắt trong sơ đồ dưới đây.
1
CÁC GIAI ĐOẠN CỦA SINH VẬT THỰC DƯỠNG
Sơ đồ cho thấy giai đoạn đầu rất lâu dài, càng về sau càng ngắn lại, nhưng tốc độ tiến hóa của sinh vật thì tăng gấp bội.
Lịch sử sinh vật thực phẩm phản ánh khá rõ trong quá trình phát triển cá thể của động vật nói chung, con người nói riêng: Trứng, tinh trùng sống trong nước phản ánh giai đoạn ăn nước. Thời kỳ bào thai phản ánh giai đoạn sinh vật ăn thức ăn dưới nước. Hai
giai đoạn này ngoài tự nhiên rất lâu dài, nên ở người từ trứng phát triển thành bào thai hoàn chỉnh, trọng lượng tăng lên ba tỷ lần.
Thời kỳ sơ sinh thì bú mẹ, phản ánh giai đoạn ăn thịt. Lớn lên ăn ngũ cốc, phản ánh giai đoạn ăn cốc loại. Hai giai đoạn này ngoài tự nhiên ngắn hơn nhiều so với các giai đoạn trước nên trọng lượng cơ thể từ sơ sinh đến trưởng thành chỉ tăng lên 20 - 30 lần. Nhưng hai giai đoạn này vô cùng quan trọng, diễn ra rất nhiều biến đổi nhanh chóng và to lớn trong cuộc đời.
2. THỨC ĂN VÀ SỰ TIẾN HÓA CỦA LOÀI NGƯỜI a. Các giai đoạn thực phẩm của loài người
Tổ tiên xa xưa của chúng ta là sinh loài ăn thịt nhiều triệu năm, nên trở thành cực Dương. Do bản năng tự điều chỉnh, họ đã tìm những thức ăn Âm và bắt đầu ăn trái cây, thảo mộc sống, từ đó thói quen ăn thịt dần dần mất đi.
Sau thời gian dài ăn trái cây, thảo mộc, cơ thể trở thành quá Âm, nên luôn cảm thấy giá lạnh, loài động vật này đã tìm kiếm những thức ăn Dương hơn và bắt đầu ăn các hạt rắn chắc, chủ yếu là hạt quả hạch và cốc loại.
Thành phần chủ yếu của hạt cốc là hydrat carbon và vỏ cám bao bên ngoài. Hydrat carbon trong thức ăn có tác dụng kích thích sản sinh ra insulin, đến lượt mình insulin làm tăng serotonin trong não, chất này có khả năng củng cố và hoàn thiện trí não. Phần vỏ cám cung cấp đủ những yếu tố xây dựng cơ thể như vitamin, khoáng, protein và các chất có hoạt tính sinh học rất quý khác (xem Phụ lục 1).
Vì thế, cốc loại là thức ăn hoàn hảo nhất, đã thúc đẩy cả trí não lẫn thể chất của tổ tiên chúng ta ngày càng phát triển và hoàn thiện. Điều đó có vai trò quyết định quá trình tiến hóa từ người nguyên thủy thành người hiện đại.
Ai cũng biết từ khi sử dụng công cụ lao động, vượn người đã trở thành tổ tiên của loài người. Nhưng vì sao đến lúc đó sinh loài này mới biết sử dụng công cụ, thì không có tài liệu giáo khoa nào lý giải đến nơi đến chốn.
Chỉ có dựa vào lịch sử thực dưỡng mới giải thích được thỏa đáng vấn đề này như sau:
b. Sau khi ăn cốc loại, tổ tiên loài người mới biết dùng lửa
Từ khi dùng lửa, tổ tiên loài người đã bước lên bậc thang tiến hóa mới, vượt lên trên muôn loài. Nhưng vì sao và từ khi nào, sinh loài này bắt đầu biết dùng lửa? Thì các nhà nhân chủng học chưa lý giải được thỏa đáng.
Chúng ta thử giải thích vấn đề này dưới đây:
• Ăn cốc loại lâu dài đã làm cho trí tuệ của họ phát triển (xem phần trên).
• Lửa thì lúc nào cũng có (từ sấm sét, nham thạch núi lửa, va chạm, cọ xát...), thậm chí càng xa xưa càng có nhiều. Nhưng phải đến khi hội đủ hai yếu tố: trí tuệ phát triển và thời tiết giá lạnh, thì người nguyên thủy mới biết dùng lửa.
• Mặt khác, lửa rất Dương, nên những sinh vật ăn trái cây, rau sống (thịnh Âm) sẽ sợ lửa. (Thực tế cho thấy người nào chuyên ăn trái cây lâu dài, khi ra nắng sẽ bị lóa mắt không chịu được). Còn động vật ăn huyết nhục thì quá Dương nên kỵ lửa. Chỉ có sinh vật nào ăn hạt là loại thức ăn không quá Dương cũng chẳng quá Âm sẽ không sợ và không kỵ lửa.
Chính việc chuyển sang ăn hạt cốc loại đã khiến loài người trở nên biết dùng lửa. Và, chỉ có tổ tiên loài người là sinh loài duy nhất hội đủ điều kiện để dùng lửa. Từ đó họ tiến hóa và trở thành ngươi văn minh ngày nay.
Khi trục quay của trái đất thay đổi, nhiều nơi từ ấm áp trở thành giá lạnh, bắt buộc người nguyên thủy phải di cư đến nơi ấm hơn, hoặc nếu vẫn ở lại chỗ cũ thì phải chuyển sang ăn thịt (Dương hơn). Nhưng từ khi biết cách dùng lửa và muối, vấn đề Dương hóa thức ăn thực vật có thể thực hiện dễ dàng hơn nhờ nấu nướng.
c. Đến thời kỳ cận đại
Có thể dựa vào chế độ ăn uống mà chia loài người thành ba nhóm sau đây:
* Nhóm các dân tộc ăn thịt, trở thành cực Dương, do ăn thịt nên giác quan sắc bén, hoạt động mạnh và có khuynh hướng ràng buộc vào thế giới vật chất, họ dễ dàng trở thành người thực dụng, theo chủ nghĩa vật chất.
Lại ở trong môi trường giá lạnh, phải luôn luôn vật lộn đấu tranh với thời tiết khắc nghiệt nên họ sớm phát triển khoa học kỹ thuật, cộng với giác quan sắc bén nên thích nối dài giác quan: chế ra súng bắn, xe chạy, máy móc, vô tuyến... và thích nghiên cứu tìm hiểu các hành tinh khác. Đó là tổ tiên của các dân tộc Âu, Mỹ ngày nay.
* Nhóm các dân tộc ăn cá, thường có khuynh hướng tương đối bảo thủ. Nhóm này là tổ tiên của người Nhật và người Ý ngày nay.
* Nhóm các dân tộc ăn trái cây và thảo mộc sống, giác quan không sắc bén nên có khuynh hướng đóng kín các cửa sổ lục
căn để soi vào bản thể chân như bên trong. Vì thế cảm xúc tâm linh rất nhạy bén, nên dễ dàng từ bỏ thế giới vật chất, hướng theo tâm linh thần bí.
Sống trong điều kiện tự nhiên ấm áp thuận hòa, không phải vật lộn đấu tranh với thiên nhiên khốc liệt, nên những cư dân nhóm này có cuộc sống thanh bình, êm ả, hiền lành. Chính vì vậy, họ
dễ trở thành mồi ngon cho nhóm người ăn huyết nhục ở phương Bắc có khoa học kỹ thuật phát triển, phương tiện tân tiến cộng với bản chất hiếu động... đã xâm lăng thống trị họ trong những thế kỷ qua.
Điều này đã giải thích vì sao các bức đại trường thành trên hành tinh này đều được các dân tộc ở phương Nam ấm áp xây lên để kháng cự lại quân xâm lược phương Bắc tràn xuống.
d. Đến thời kỳ hiện đại
* Nhóm những người ăn trái cây, do Âm tính quá nên chuyển sang ăn ngũ cốc và thảo mộc nấu chín.
* Còn 2 nhóm người ăn thịt và cá, phát triển, phân hóa thành 3 nhóm sau:
• Nhóm ăn đường, chuyên ăn những thức ăn chế biến từ đường, nên có khuynh hướng trở thành điên loạn, đồng thời họ thích ăn các sản phẩm từ nhiệt đới xa xôi như tiêu, ớt, cà phê, trà, sô-cô la, thuốc lá v.v...
• Nhóm ăn sữa, là những người có tính điềm đạm, dễ chịu, nhưng thiếu tri giác và kém thông minh (xem tiếp Chương 3, mục IV - 4 và 5).
• Nhóm ăn thực phẩm công nghệ, không còn ăn sản phẩm thiên nhiên, mà ăn toàn các sản phẩm do các xí nghiệp, nhà máy sản xuất ra, vì vậy họ không còn là con đẻ của Tạo Hóa nữa, mà là con đẻ của xưởng máy(*)!
(*) Trẻ con ở các nước công nghiệp uống nhiều và rất thích uống sữa, ăn các sản phẩm từ sữa, nhưng không hề biết sữa từ đâu, chúng thường trả lời: “Sữa từ cửa hàng bán sữa”.
Tâm trạng của những người này không cần kiến giải nào cao hơn mà chỉ tự động lăn theo vết xe của công việc hàng ngày như những tên nô lệ của một xã hội khéo tổ chức. Cả đời họ chỉ mong cầu sự yên tĩnh, nhưng chẳng bao giờ có được vì họ chẳng biết gì đến minh triết.
Những người ăn đường, sữa, thực phẩm công nghệ được mệnh danh là người tân tiến của thời đại ngày nay.
e. Đến thời đại mới
Do sự bế tắc của những người tân tiến hiện đại và sự ưu việt của những người ăn cốc loại, thảo mộc. Đồng thời nhờ sự giao lưu giữa các nhóm người ăn thực phẩm khác nhau, một số người nhận thức được tầm quan trọng của thực phẩm, đã trở lại lối ăn cổ truyền là cốc loại, thảo mộc, rồi hình thành nên nhóm người mới, đó là những người của tương lai nhân loại.
Những người này xuất hiện rải rác khắp nơi trên thế giới, họ không có chủ nghĩa, tôn giáo riêng biệt, không hiếu động, rất bình tĩnh từ tốn và có những triết lý mà người hiện đại tân tiến khó có thể hiểu được: Họ nhận thức những gì mình sở hữu là một bộ phận của vũ trụ vô biên; hiểu sâu sắc mọi sự việc, sự vật luôn biến dịch không ngừng... nên không lên án, kết tội người khác.
Từ đó họ không cho rằng vật chất là quan trọng như nhóm người ăn huyết nhục, cũng không cho thế giới tâm linh là quan trọng hơn để coi thường thể xác nhằm đi tìm vĩnh phúc cho tâm hồn như nhóm người ăn trái cây và rau sống, mà thấy thế giới tâm linh và vật chất dung hòa làm một. Họ hiểu và thông cảm với trật tự biến dịch của không trong sắc, của sắc trong không, của Âm trong Dương, của Dương trong Âm và toàn thể vũ trụ biến dịch, chẳng có gì cố định thường trụ, bất biến...
Nương theo triết lý ấy, những người này nhận thấy bệnh tật là hậu quả của sự kiến giải thấp kém, nên hổ thẹn, khi bị đau ốm thì lẳng lặng tìm cách tự chữa bệnh cho mình bằng cách điều chỉnh lại chế độ ăn uống hợp lý, đồng thời khuyên người khác tự chữa bệnh lấy.
IIINhững tiêu chuẩn của thực phẩm
Bằng những quan sát và thực nghiệm khoa học nghiêm túc đã chỉ ra rằng: Thức ăn không những ảnh hưởng đến thể chất mà đến cả tinh thần, cách suy nghĩ của con người. Vì thế, ăn thứ gì con người sẽ tương xứng như vậy. (Phần lược sử sinh vật thực phẩm đã chỉ rõ một phần điều này). Vì vậy, việc hiểu biết những chuẩn mực của thực phẩm ta ăn hàng ngày là điều vô cùng quan trọng, hết sức cần thiết.
Sau khi tìm hiểu, phân tích, tôi rút ra bảy tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của thức ăn như sau:
1. THỨ NHẤT, THỨC ĂN PHẢI PHÙ HỢP VỚI CẤU TẠO VÀ SINH LÝ CỦA CƠ THỂ
Chế độ ăn uống của bất kỳ động vật nào cũng phải thích hợp với cấu tạo và sinh lý cơ thể của chúng. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên quyết định chất lượng của thức ăn, cũng là định luật tự nhiên số một, định luật tối quan trọng trong sinh vật học. Chẳng khác gì một cỗ máy, một động cơ... được chế tạo ra để chạy bằng nhiên liệu nào thì phải cung cấp nhiên liệu đó, nếu không nó sẽ thường xuyên hỏng hóc, hao mòn và chóng trở thành phế thải.
So sánh cấu tạo, sinh lý cơ thể con người với động vật ăn thịt và ăn thực vật, cho thấy: Loài người hoàn toàn phù hợp với thức ăn có nguồn gốc thực vật (xem tiếp Chương 2, mục I - 2 - b).
Vì vậy, thảo mộc là thức ăn chính của loài người. Ai ăn thịt là đã lỗi một nhịp cung đàn trong bản hợp tấu đại quy mô của vũ trụ.
2. THỨ HAI, THỨC ĂN VÀ LỰC VŨ TRỤ
Các đạo sĩ Yoga xưa kia, cũng như nhà bác học lỗi lạc Einstein đã chỉ ra: Toàn bộ vũ trụ biểu hiện bằng các rung động. Rung động của vật chất, của năng lượng và cuối cùng là của ý thức. Cũng như thế giới vật chất nói chung, các loại thực phẩm cũng
tràn ngập những rung động tinh tế với các tần số khác nhau. Những rung động đó ảnh hưởng đến cơ thể và tâm trí người ăn.
Có thể chia thức ăn thành ba loại, tương ứng với ba lực hoạt động trong vũ trụ như sau:
a. Lực tri giác và những thức ăn tri giác
Lực đầu tiên của vũ trụ là tri giác, đó là sự tự tri, tình thương, sự an bình, trong sáng và niềm vui. Khi lực này chiếm ưu thế, cuộc sống sẽ thanh bình, thoải mái, trong sáng, tinh thần dễ dàng đạt tới mức độ cao của ý thức.
Thức ăn tri giác gồm ngũ cốc, hoa quả và rau củ... b. Lực biến dịch và những thức ăn biến dịch
Lực thứ hai của vũ trụ là biến dịch, đó là lực của sự chuyển động hoặc biến đổi không ngừng. Khi lực này chiếm ưu thế trong tâm trí, con người trở nên bị kích động, bồn chồn, thao thức... nên không thể nào bình yên thoải mái, tự tại... được. Kéo dài tình trạng đó tâm trí sẽ xáo trộn, không thể theo đuổi được một công việc tinh thần tế nhị, thâm sâu như tịnh tâm, thiền định.
Thuộc loại này gồm đồ uống có cafein, carbonat, sô-cô-la, đồ gia vị, các sản phẩm lên men và hầu hết các loại tân dược.
c. Lực tĩnh và những thức ăn tĩnh
Đó là lực của sự đần độn, trì trệ, thối rữa và chết chóc. Cái chết sẽ đến nếu hai lực kể trên hoàn toàn suy yếu, chỉ còn lại lực tĩnh chiếm ưu thế. Khi lực này hoạt động trong trí óc, con người sẽ không sáng suốt, uể oải, buồn ngủ, lờ đờ, mụ mẫm, thiếu sinh lực...
Thức ăn tĩnh gồm thịt, cá, hành tỏi, nấm, rượu, thuốc lá, ma túy, thức ăn đã ươn thối...
Người phương Tây tiêu thụ nhiều thức ăn lực tĩnh nên họ ưa dùng các thức ăn đồ uống có lực biến dịch như cafein, carbonat, sô-cô-la... để không bị rơi vào trạng thái lờ đờ, uể oải, thiếu sinh lực do lực tĩnh gây ra. Trong khi đó, người phương Đông chủ yếu
ăn rau, hạt, thuộc lực tri giác. Nếu dùng đồ ăn thức uống thuộc lực biến dịch, sẽ làm cơ thể bất an, náo loạn... rất không tốt.
Cho nên không phải cái gì người khác thấy hay, thấy tốt là mình cũng bắt chước, làm theo, mà phải tìm hiểu kỹ, rồi tỉnh táo, sáng suốt, áp dụng cho riêng mình. Đó mới là tinh thần khoa học (xem tiếp Chương 3).
3. THỨ BA, THỨC ĂN THUẦN KHIẾT VÀ KHÔNG THUẦN KHIẾT
a. Thức ăn thuần khiết
Là thức ăn ở xung quanh có nguồn gốc từ thảo mộc, phù hợp và tuân theo luật Âm - Dương, cung cấp năng lượng cho nhu cầu của cơ thể, nhưng không đầu độc, không tạo ra sự náo loạn, điên khùng, cũng không gây nên sự đam mê về chúng, mà tạo ra sự mềm mại, dẻo dai, trong sạch...
Dưới tác dụng của lực này, thân thể trở nên “trong suốt”, từ đó con người có thể bước lên những bậc thang tiến hóa mới, cao hơn.
b. Thức ăn không thuần khiết
Là thức ăn có nguồn gốc từ động vật và đường tinh luyện, chúng gây ra sự rối loạn, khiến người ăn không được bình an, thanh thản, rồi đam mê về chúng. Lâu dài, thân thể sẽ trở thành bức tường dày đặc, nên chẳng những không thể tiến hóa mà còn bị tụt lùi trở lại.
Như vậy, thức ăn có thể làm cho con người trở nên an lạc, hiền hòa, từ bi... nhưng cũng có thể biến người ăn thành náo loạn, độc ác, bạo hành...
Khoa học đã xác nhận: bạo hành, giết người cũng do nguyên nhân chất độc từ thức ăn tạo ra trong cơ thể. Vì vậy, một số nhà sinh lý học nổi tiếng cho rằng: Tội phạm không phải là tội phạm, mà là bị bệnh. Tội phạm cần được giải phẫu, chỉ cần cắt bỏ đi vài tuyến độc trong cơ thể (mà tuyến độc từ thức ăn tích lũy lại) là hành vi bạo hành sẽ tiêu tan.
Tuy nhiên đó không phải là sự thay đổi nền tảng, tận gốc rễ. Bất lực không phải là bất bạo hành. Gốc rễ của vấn đề là phải thay đổi phẩm chất của thức ăn, chỉ có cách đó mới tránh được chất độc là nguyên nhân dẫn tới bạo hành, tội ác... ở loài người.
Biến đổi toàn bộ thân thể bằng việc thay đổi thức ăn là một thực nghiệm khoa học cực kỳ quan trọng, đã khẳng định rằng bất kỳ cái gì ăn vào đều ảnh hưởng trực tiếp đến thân thể và tính cách
con người. Vì vậy, có thể nói: Con đường để đạt tới những gì được coi là siêu phàm, vĩ đại trong cuộc sống chính là con đường đi qua cơ thể, mà cơ thể là do thức ăn tạo ra. Ăn uống là con đường dẫn tới Tâm linh.
4. THỨ TƯ, THỨC ĂN PHẢI ĐỦ CHẤT
Đủ là không thiếu, cũng không thừa. Vì thiếu sẽ gây ra sự mất quân bình, rối loạn, sinh bệnh, nhưng thừa còn dẫn đến tình trạng nặng nề hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.
Khoa dinh dưỡng học hiện đại cho đến gần đây vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào việc sử dụng các thành phần đạm động vật, mỡ, tinh bột và nhằm tới mục tiêu khoái khẩu mà chưa nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng của khoáng (vi, đa lượng) và vitamin trong khẩu phần ăn. Họ vẫn trong tình trạng chẳng biết như thế nào là đủ và đủ cái gì.
Tiến sĩ J. Wallach (Mỹ), người được tiến cử xét nhận giải thưởng Nobel Y học năm 1991, với công trình nghiên cứu xuất sắc, công bố trong quyển Sự trung thực của xác chết, đã nhấn mạnh vai trò của khoáng và vitamin trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ông chỉ ra:
Thức ăn đồ uống hàng ngày phải cung cấp cho cơ thể 90 chất, trong đó 60 chất khoáng, 16 vitamin, 2 loại: Axít amin đạm và axít amin béo. Nếu không đủ sẽ bị các chứng bệnh liên quan tới việc thiếu dinh dưỡng.
Cụ thể là:
• Thiếu nguyên tố đồng (Cu) da sẽ nhăn nheo, nếp nhăn trên mặt như quả táo khô, da ở hai chi trên, ngực, bụng, cổ... võng xuống, xuất hiện quầng thâm dưới mắt, phình mạch máu nhất là ở khoeo (nhượng) chân.
• Thiếu crom và vanadium sẽ bị bệnh tiểu đường.
• Thiếu thiếc bị hói đầu, nặng có thể bị điếc.
• Thiếu kẽm sẽ ăn không ngon miệng, dẫn đến suy dinh dưỡng.
• Thiếu canxi có thể bị 147 bệnh khác nhau, trong đó đáng kể là ung thư, béo phì, liệt nhẹ dây thần kinh số 7 có thể dẫn đến liệt hoặc méo miệng, loãng xương. Riêng bệnh loãng xương, có tỷ lệ tử vong đứng thứ 10, phí tổn điều trị rất tốn kém, còn là nguyên nhân của các bệnh viêm khớp, thấp khớp, đau lưng...
• Thiếu bor có thể sẽ không sản sinh được oestrogen là hormone sinh dục nữ, gây nhiều rắc rối cho thời kỳ mãn kinh; không sản sinh được testosterol là hormone sinh dục nam, có thể bị điếc, thậm chí liệt dương...
• Thiếu selen thường xuất hiện những đốm màu đỏ trên mặt và lòng bàn tay, dễ bị bệnh tim và ung thư. v.v...
5. THỨ NĂM, TÍNH ÂM DƯƠNG CỦA THỨC ĂN
Hai tính chất vô cùng quan trọng của thực phẩm cần đặc biệt chú ý là Âm và Dương. Nhìn chung, thực phẩm có nguồn gốc động vật (các loại thịt, trứng...) thuộc Dương tính. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật (rau, củ, quả...) nghiêng về Âm tính.
Tốt nhất, nên chọn Dương trong Âm, là các thực vật Dương tính như cà rốt, củ cải, xà lách xoong, rau má, rau cải, bí đỏ, đậu đỏ, củ sen, hạt sen, ngó sen... và chọn Âm trong Dương, chủ yếu là nước bọt của người ăn.
Quân bình về phương diện Âm - Dương là tỷ lệ Âm/Dương = 5/1. Tỷ lệ này nhỏ hơn là nghiêng về Dương tính, lớn hơn là thuộc về Âm tính. Tốt nhất nên chọn những thực phẩm ở gần trục quân bình.
Tuy nhiên, có thể thay đổi tính Âm - Dương trong quá trình nấu nướng để phù hợp với trạng thái cơ thể người ăn, thông qua việc sử dụng bốn yếu tố cơ bản là muối, lửa, nước và áp suất. Nếu cần nâng cao Dương tính của thức ăn thì cho nhiều muối, ít nước, đun kỹ hơn, nhất là dùng nồi áp suất. Ngược lại, cần tăng Âm tính thì cho ít muối, nhiều nước, nấu vừa chín...
6. THỨ SÁU, TÍNH AXÍT, KIỀM CỦA THỨC ĂN
Giá trị dinh dưỡng của thực phẩm còn phụ thuộc vào việc chúng sẽ tạo phản ứng axít hay kiềm trong cơ thể. Đó là một chỉ tiêu rất quan trọng nhưng rất ít người hiểu biết để áp dụng, kể cả các chuyên gia của khoa Điều dưỡng hiện đại ở các bệnh viện.
Cơ thể con người có tính hơi kiềm (pH = 7,35 đến 7,45, tốt nhất là 7,4) trong môi trường như vậy, mọi quá trình sinh hóa diễn ra thuận lợi, các chất thải, cặn bã bị khử và đào thải dễ dàng nhanh chóng, cơ thể sẽ trong sạch, nhanh nhẹn, khỏe mạnh.
Ăn nhiều thức ăn tạo phản ứng axít, cơ thể và máu sẽ có tính axít, từ đó sẽ dẫn đến các hậu quả sau:
• Việc lọc máu của gan, thận, lá lách gặp nhiều khó khăn, phải làm việc quá sức nên suy yếu và dễ bị bệnh.
• Các chất cặn bã dễ kết tủa, bám vào các mô, cơ quan và đặc biệt vào thành mạch máu, chúng lại rất bền vững trong môi trường axít, do vậy khó bị hòa tan để đào thải, sẽ đầu độc, gây trở ngại lớn cho các hoạt động sinh lý của cơ thể.
• Những chất độc, cặn bã không bị đào thải sẽ tập trung ở bắp cơ, khớp xương, thần kinh... gây ra bệnh nhức mỏi, thấp khớp, gút, thần kinh tọa, viêm thần kinh; bám vào thành mạch, làm nặng nề quá trình bơm máu, gây bệnh cao huyết áp, suy tim, đột quỵ... Hoặc tìm đường bài tiết qua da gây mụn trứng cá, lở loét, đinh nhọt; tạo ra hàng loạt bệnh khác như trĩ, phong, tê liệt, hen suyễn, dị ứng, lao... kể cả mất khả năng tình dục...
• Nội môi trường axít là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh khác nhau như: tiểu đường, suy thận, yếu gan, gút, phong thấp, nhức mỏi, kể cả ung thư...
• Axít sẽ kết hợp với các chất khoáng kiềm như canxi, magiê... rồi kết tủa, tạo thành sỏi thận, mật, bàng quang, và gây bệnh loãng xương...
Nguyên nhân của những bệnh trên là do ăn nhiều thức ăn tạo nội môi trường axít, lại ít hoạt động, áp lực tâm lý nặng, các thói quen không tốt, môi trường ô nhiễm...
Nhìn chung, những người có nội môi trường axít sẽ có sức đề kháng kém, dễ mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức các khớp xương, táo bón, béo phì... hay quên, khó tập trung tư tưởng... Y học hiện đại không thể phát hiện ra bệnh gì nên được gộp chung là “yếu mệt”. Loại này chiếm trên 80% dân số. Trong khi những người có nội môi trường tốt (hơi kiềm), cơ thể sẽ sung mãn, khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt. Đạt tiêu chuẩn này chỉ chiếm khoảng 10% dân số.
Phương thức chữa trị các bệnh trên là giảm càng nhiều càng tốt lượng thức ăn tạo phản ứng axít và tăng cường thức ăn tạo phản ứng kiềm.
Sau đây là một số thức ăn, đồ uống thông thường tạo phản ứng axít hay kiềm trong cơ thể con người:
a. Những thức ăn tạo nội môi trường axít
• Các loại thức ăn động vật (thịt, cá, trứng, sữa...). • Các thức ăn nhiều tinh bột, nhất là cốc hạt đã xay xát hết cám.
• Các loại thức ăn có đường, đặc biệt là đường tinh và các sản phẩm của nó như thức uống có đường, kẹo, bánh ngọt, trái cây đóng hộp, mứt v.v...
• Các đồ gia vị, các thức ăn ngâm giấm và giấm.
• Các loại dầu mỡ và tất cả các đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ. • Các loại đậu đỗ kể cả lạc (đậu phộng), trừ đậu nành.
• Các loại khác: trà (chủ yếu là trà búp, còn trà lá già thì tạo nội môi trường kiềm), cà phê, sô-cô-la, rượu, bia, nước cất, hành, tỏi, nấm, thuốc tân dược...
b. Những thức ăn tạo nội môi trường kiềm
• Hầu hết các loại rau có lá xanh, đặc biệt là rau cải.
• Đậu nành là duy nhất trong các loại đậu tạo nội môi trường kiềm và là loại thức ăn tuyệt vời để chữa trị bệnh thừa axít.
• Hạt của các loại quả hạch.
• Dừa, đặc biệt nước dừa, nước cốt dừa rất kiềm, có tác dụng chữa các bệnh do nội môi trường quá axít gây ra.
• Các loại quả mọng nước có tính kiềm cao, nên tác dụng trung hòa axít rất tốt.
• Các loại dâu quả như dâu rừng (phúc bồn tử), dâu tây chín (nếu chưa chín kỹ thì có tính axít).
• Nước chanh tươi có tính axít, nhưng khi vào cơ thể lại tạo phản ứng kiềm, nên được các tiên gia, đạo sĩ, các yogi dùng làm thuốc chữa bệnh rất tốt.
7. THỨ BẢY, NHỊP SINH HỌC
Xuất phát từ quan điểm triết học trung tâm của phương Đông: con người là vũ trụ thu nhỏ; con người và môi trường sống thống nhất với nhau. Một cơ thể khỏe mạnh phải có nhịp sinh học cân bằng và phù hợp với chu kỳ biến đổi của môi trường thiên nhiên.
Do vậy, ăn những thực phẩm thiên nhiên có sẵn ở xung quanh thì nhịp sinh học của chúng và người ăn hòa hợp, thống nhất, nên cơ thể khỏe mạnh. Ngược lại, thức ăn từ những vùng xa xôi sẽ làm cho nhịp sinh học của người ăn bị rối loạn, cơ thể suy yếu, mắc bệnh...
Chính thực phẩm là cầu nối giữa con người với vũ trụ. Vì vậy, mọi hoạt động, nhất là ăn uống phải tuân theo nguyên lý THIÊN - ĐỊA - NHÂN hợp nhất.
Những trình bày trên đây cho thấy thực dưỡng là lĩnh vực khoa học vô cùng tinh vi, phức tạp, nhiệm mầu... có vai trò quyết định chất lượng cuộc sống và sự tiến hóa của loài người. Cần được
đặc biệt chú ý: thức ăn có nguồn gốc động vật, hành tỏi, nấm, rượu... gây trì độn; các loại gia vị, nước giải khát có cafein, carbonat, sô-cô-la... gây náo loạn, bất an...
Ngoài ra, chúng đều tạo nội môi trường axít độc hại, do đó không nên sử dụng. Tuy nhiên, nhiều loại rau củ quả, nhất là các loại quả mọng, tuy tạo nội môi trường kiềm nhưng lại Âm tính. Hoặc đậu đỏ thuộc Dương tính, nhưng lại tạo nội môi trường axít.
Nước dừa và nước cốt dừa rất kiềm, nhưng lại Âm tính. Ngay như đậu nành, có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhưng lại hơi Âm tính v.v...
Vì vậy, ăn uống đòi hỏi phải hiểu biết và thông tuệ. Khi vận dụng phải tìm hiểu nghiêm túc, để nắm thật chắc, rồi áp dụng linh hoạt, sáng tạo, thì kết quả của thực dưỡng mới tốt đẹp. Ăn uống quả là lĩnh vực chẳng thể xem nhẹ được.
Muốn tránh bệnh tật, duy trì và nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và thế hệ tương lai, thì việc hiểu biết sâu sắc về thực phẩm và cách ăn uống phải được coi là nội dung giáo dục quan trọng bậc nhất. Thiết nghĩ môn học “nuôi dưỡng sự sống” cần được toàn thể loài người đề cao, tôn vinh.
Chương haiKHOA HỌC THỰC DƯỠNG
Ăn không đúng thức ăn, chúng ta không còn là “người” với đúng ngữ nghĩa của từ đó.
- A. Caiya, lãnh tụ Tâm linh thế giới
I Quan niệm về thực dưỡng
Thực dưỡng, theo ngữ nghĩa, là cách nuôi sống bằng ăn uống. Mọi trường phái cổ - kim, Đông - Tây đều thống nhất: Ăn uống phải cung cấp đầy đủ nhiên liệu (năng lượng) và nguyên liệu cho sự hoạt động và tái tạo của cơ thể. Nhưng như thế nào là đủ, và ăn những gì cho đủ để nuôi dưỡng cơ thể tốt nhất, thì các quan điểm, trường phái lại không thống nhất, thậm chí trái ngược nhau.
Sau đây là những quan điểm chính:
1. QUAN ĐIỂM CỦA KHOA HỌC PHƯƠNG TÂY a. Thức ăn phải cung cấp đầy đủ calo
Trước kia người ta cho rằng calory là năng lượng duy nhất cần phải cung cấp cho hoạt động của cơ thể và đã ấn định mức năng lượng rất cao (từ 2.300 đến 3.000 calo/người/ngày).
Nhưng quan niệm này đã bị lung lay nghiêm trọng và đảo lộn từ khi M. Ali, người Pakistan, công bố kết quả nghiên cứu chế độ ăn uống của người Hunza, một nhóm dân cư có sức khỏe phi thường, hầu như không bị bệnh, mà khẩu phần ăn hàng ngày của họ chỉ có 1.923 calo.
Quan niệm dinh dưỡng chỉ dựa trên một chỉ tiêu calo đã trở nên lỗi thời, vì calo chỉ là một trong nhiều nhu cầu cần thiết của cơ thể; hơn nữa, năng lượng ấy chẳng phải chỉ duy nhất bằng con đường ăn uống, mà bằng nhiều con đường khác như: hấp thu qua da, qua hơi thở và đặc biệt qua luân xa... nên rất khó xác định chính xác được.
Những bằng chứng sau đây chứng minh điều này: người làm việc ngoài trời nắng và người ở xứ nóng luôn ăn ít hơn so với người trong bóng mát và người ở xứ lạnh. Ai đã khai mở Luân xa và luyện tập tốt sẽ ăn ít đi rõ rệt, nhưng sức khỏe lại sung mãn v.v...
Hơn nữa, ngày nay khoa học đã thấy sự dư thừa calo là nguyên nhân gây ra nhiều hậu quả tai hại, trước tiên là bệnh béo phì, từ
đó đã mở đường cho nhiều bệnh nan y khác như tiểu đường, tim mạch, ung thư... xuất hiện, hoành hành.
Mặt khác, theo các nghiên cứu khoa học đã được công bố, các thức ăn từ hạt có khả năng cung cấp dồi dào calo cho cơ thể hơn các thức ăn động vật.
LƯỢNG CALO TRONG MỘT SỐ THỨC ĂN
(tính trên 100 g nguyên liệu)
2
Từ số liệu ở bảng trên đây, những người đề cao vai trò của thịt và calo chắc sẽ vô cùng ngạc nhiên, nhưng đó là sự thật không thể chối cãi. Cũng từ đó, chúng ta thấy chỉ nên ăn nhiều thức ăn có hàm lượng calo cao như lạc, vừng... vào mùa đông giá lạnh, mà không nên ăn nhiều vào mùa hè nóng bức.
b. Thức ăn phải đủ các thành phần dinh dưỡng
Theo quan niệm này, khoa Dinh dưỡng học Tây phương cho rằng cơ thể có gì phải cung cấp đủ thành phần đó để bù lại cho sự hoạt động tiêu hao. Từ đó người ta đã phân tích và xác lập chỉ tiêu dinh dưỡng cụ thể cho từng loại khẩu phần ăn.
Mới nghe qua thì quan điểm này tỏ ra rất thực tế. Nhưng rất dễ thấy những bằng chứng hiển nhiên như sau: bò thịt có ăn thịt bao giờ đâu mà vẫn có những bắp thịt chắc nịch? Bò sữa đâu được uống sữa, nhưng vẫn sản sinh ra rất nhiều sữa? Con gà đẻ có khi nào được ăn trứng? Có ai bón đường cho cây mía; tưới bơ cho cây bơ; tưới dầu cho cây vừng, cây lạc đâu mà mía vẫn ngọt, bơ vừng/lạc vẫn béo? Các bà mẹ Việt Nam ngày xưa có bao giờ uống sữa, thế mà hầu hết đều đủ, có khi thừa sữa cho con bú? Còn các bà mẹ thời hiện đại có thể uống sữa tùy thích, nhưng hầu hết lại thiếu sữa cho con.
Và với cách lập luận cơ thể có gì phải cung cấp cho nó cái đó, thì có lẽ trong khẩu phần ăn của heo nọc, bò mộng, dê đực, gà trống... phải bổ sung tinh trùng cho chúng? Tinh trùng đó lấy từ đâu nếu chẳng phải từ những thức ăn bình thường hàng ngày.
Mãi đến giữa thế kỷ XX, do hạn chế của khoa Sinh hóa, các nhà khoa học phương Tây đã đi đến kết luận rất sai lầm rằng:
• Protein động vật là thượng hạng, protein thực vật là thứ cấp.
• Lipid là thành phần quan trọng không thể thiếu được trong khẩu phần ăn.
• Hydrat carbon có chủ yếu trong bột, đường. Đường đơn dễ hấp thu và tốt hơn hẳn đường phức và tinh bột. v.v...
Thế là các trang trại chăn nuôi, xí nghiệp, nhà máy thịt hộp, sữa hộp, bánh kẹo... đua nhau mọc lên để tung ra thị trường. Người ta đã lao vào ăn thịt, cá cho có nhiều protein, lipid... đua nhau ăn
đường, bánh ngọt, sữa hộp, bơ, mỡ... đóng hộp để có đủ chất khiến hàng loạt, hàng loạt gia súc gia cầm vô tội phải nối theo nhau, chết gục để được “mai táng” chung trong “nấm mồ” không đáy là dạ dày của loài người.
Thực tế đã cho thấy, ngày càng nhiều người theo lý thuyết dinh dưỡng của phương Tây mắc các bệnh nan y như tim mạch, ung thư, gan, thận, dạ dày, đại tràng, béo phì, tiểu đường, thấp khớp, gút, thần kinh tọa, vô sinh...
Tôi thường nghĩ và nói với nhiều người rằng nếu lý thuyết của khoa Dinh dưỡng phương Tây đúng thì tôi cũng như nhiều người ăn chay, ăn gạo lứt muối vừng đã chết từ lâu rồi. Trái lại, chúng tôi ngày càng hết bệnh cũ, khỏe mạnh, minh mẫn, linh hoạt... hơn lên rất nhiều. Cũng như đời sống rất thấp của người dân ở các nước chậm tiến, nhưng họ rất khỏe mạnh, đã đủ để khẳng định lý thuyết của khoa Dinh dưỡng Tây Âu là xuất phát từ ý nghĩ chủ quan, xuất phát từ lối tư duy cơ khí, thô thiển, coi con người như những cỗ máy, nên hoàn toàn không chính xác, nếu như không muốn nói là rất sai lầm.
Tây y nói chung, khoa Dinh dưỡng học nói riêng đang đứng trước bế tắc nghiêm trọng, họ bắt đầu nhìn sang y học cổ truyền phương Đông để tìm lối thoát và ngày càng nhận thức sâu sắc rằng, cơ thể sinh vật vô cùng huyền diệu: một chiếc lá nhỏ bé, dưới ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời có thể tổng hợp hơi nước, thán khí trong tự nhiên thành tinh bột; các loài động vật chỉ cần ăn cỏ, hạt... có thể tạo lên mọi thành phần như xương, thịt,
máu, các enzyme, hormone... cho cơ thể mình. Đó là điều không có bất kỳ một phòng thí nghiệm tinh vi, hiện đại nào, một nhà máy khổng lồ, tối tân nào... có thể làm được. Cơ thể mọi sinh vật đều tự tổng hợp được các chất cho nhu cầu của mình, ngoại trừ khoáng và hầu hết các vitamin. Vì vậy, cung cấp khoáng và vitamin cho cơ thể là đơn giản, hiệu quả nhất và cũng là thông minh nhất. Đây là điều cho đến nay, phần lớn các bác sĩ Tây y đều chưa hiểu biết tới.
Thực tế này đòi hỏi Y học và mọi người cần nhận thức rõ ràng, sâu sắc về học thuyết Dinh dưỡng chân chính, mới có thể xây dựng được cuộc sống quân bình, khỏe mạnh, vui tươi... cho chính mình và mọi người.
2. QUAN ĐIỂM CỦA CỔ ĐÔNG PHƯƠNG HỌC
Thực dưỡng phương Đông quan niệm:
a. Thứ nhất, mọi sinh vật đều được nuôi dưỡng bằng năng lượng lấy từ vũ trụ, nguồn năng lượng đó tích lũy đầu tiên trong cây xanh (rau, quả, củ, hạt...). Ăn những thực phẩm đó, con người đã gián tiếp thu năng lượng từ mặt trời, là được nuôi dưỡng bằng loại thức ăn còn nguyên vẹn năng lượng cần cho sự sống (khả năng sinh trưởng, phát triển, nảy mầm...).
Thảo mộc đã hút các chất vô cơ để tổng hợp thành thức ăn hữu cơ, đó là một phép lạ về sự diễn tiến nhờ tác dụng tương hỗ của năng lượng thiên nhiên. Phép lạ ấy chưa một phòng thí nghiệm siêu hiện đại nào có thể bắt chước được.
Từ đó cho thấy tất cả chúng ta đều là con của mẹ thảo mộc. Không có thảo mộc, không một động vật nào có thể tồn tại được trên trái đất này. Chúng ta hoàn toàn lệ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào các sản phẩm của thảo mộc.
Thảo mộc là thức ăn thượng đẳng.
Đây là định lý Sinh vật học, cũng là định luật thiên nhiên tối quan trọng thứ nhất, rất cần phải ghi nhớ.
Ăn huyết nhục là thực hiện hai lần diễn tiến ấy: lần đầu ở con vật ăn thực vật, lần thứ hai là con người ăn động vật.
b. Thứ hai: Chế độ ăn uống phải thích hợp với cấu tạo và sinh lý cơ thể. Đây là định lý sinh vật học, cũng là định luật tự nhiên tối quan trọng thứ hai, không thể xem nhẹ được.
Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra: các động vật ăn thịt có khả năng hầu như không giới hạn để giải quyết chất béo bão hòa tạo cholesterol. Trái lại, các động vật ăn thảo mộc không thể có khả năng đó. Tiến hành thí nghiệm: cho những con thỏ mỗi ngày ăn 200 g mỡ, chỉ sau hai tháng, mạch máu của chúng sẽ bị mỡ đóng kín lại và bệnh xơ vữa động mạch hoành hành.
So sánh để tìm hiểu xem con người thuộc loại ăn thức ăn huyết nhục hay cốc loại thảo mộc (bảng dưới đây). Kết quả cho thấy cấu tạo cơ thể con người từ bên trong đến bên ngoài, từ cấu tạo đến sinh lý (nhất là bộ máy tiêu hóa) đều phù hợp với thức ăn thực vật chứ không phải là thức ăn huyết nhục.
Vì vậy, muốn có sức khỏe và hạnh phúc, trong lĩnh vực ăn uống, con người phải luôn ý thức tuân theo hai định luật tối quan trọng trên, tức là tuân theo trật tự của vũ trụ.
3. NHỮNG BẰNG CHỨNG THỰC TẾ
a. Thống kê, điều tra của các tổ chức khoa học và Y tế thế giới đều cho thấy:
SO SÁNH CẤU TẠO CƠ THỂ CỦA ĐỘNG VẬT ĂN THỊT, LOÀI NGƯỜI VÀ ĐỘNG VẬT ĂN THẢO MỘC
3
Từ so sánh trên, có hai điểm rất cần chú ý: a) Dạ dầy của động vật ăn thịt có độ axit rất cao; b) Ruột lại ngắn. Để tiêu hóa nhanh và mau chóng đẩy cặn bã ra khỏi cơ thể nhằm chống hiện tượng lên men thối. Trong khi ở động vật ăn cỏ thì hoàn toàn ngược lại.
b. Những cộng đồng cư dân chỉ ăn thức ăn thực vật luôn luôn có sức khỏe rạng rỡ, tuổi thọ cao
Người Hunza (Pakistan), người Kogi (Columbia), bộ lạc Otomi (Mexico) và một số thổ dân ở châu Á, châu Phi luôn có rất ít, thậm chí hầu như không có ai, bị bệnh, nhiều người sống trên 100 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Trên báo đăng có cụ ông 140 tuổi,
cụ bà ngoài 80 tuổi vẫn lấy vợ/chồng và còn sinh con. (xem thêm Thế nào là Văn hóa sức khỏe, NXB Tri thức 2016, của tác giả, Chương 1, mục II - 1).
c. Ngược lại, các dân tộc chuyên ăn thịt hoặc ăn rất nhiều thịt
Họ luôn có tỷ lệ mắc bệnh rất cao về tim mạch, loãng xương, tiểu đường, suy thận, ung thư, đặc biệt ung thư đường tiêu hóa, tuổi thọ trung bình rất thấp. Điển hình là người Eskimô ở Bắc cực. Do thức ăn chủ yếu là thịt, cá, mỡ nên già đi rất nhanh, mắc nhiều bệnh, tuổi thọ trung bình chỉ 27 tuổi rưỡi.
Người Kirgese sống du mục bằng nghề săn bắn ở miền Đông nước Nga, rất hiếm có người sống đến 40 tuổi.
Nhận xét: Phải chăng những cộng đồng cư dân ăn thực vật là sử dụng thức ăn phù hợp với cấu tạo, sinh lý của cơ thể. Còn những cộng đồng ăn quá nhiều thịt là sử dụng thức ăn không phù hợp với cấu tạo và sinh lý của cơ thể mình, chẳng khác nào họ đã dùng dầu hỏa làm nhiên liệu cho động cơ được chế ra để chạy bằng xăng.
Nước ta trước kia và trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, mức sống rất thấp, thì nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ rất ít người bị bệnh, bệnh nan y càng hiếm thấy. Ngày nay đời sống nâng cao, ăn uống tốt hơn thì nhiều bệnh, nhất là các bệnh nan y ngày một nhiều.
“Ăn là đã lấy đi một phần nào đó của cây xanh huyền diệu để tạo ra mầm sống mới. Nếu con người vì ngu muội hay tự cao tự đại, vô tình hay hữu ý, ăn uống trái với trật tự thiên nhiên chi phối vũ
trụ, thì chính điều đó được gọi là tội tổ tông trong Kinh Thánh vậy.” (Ohsawa)
“Tạo hóa đã hào phóng trao cho mỗi người một cỗ máy tinh vi, phức tạp và hoàn thiện nhất hành tinh này để họ làm chủ. Ai luôn chăm lo bảo quản, sử dụng đúng nhiên liệu mà Tạo hóa đã định khi sinh ra nó thì cỗ máy ấy sẽ hoạt động tốt, tuổi thọ cao. Ngược lại, không chịu chăm sóc bảo quản, không dùng đúng nhiên liệu, cỗ máy luôn hỏng hóc sẽ sớm bị đưa ra bãi tha ma phế thải. Thế là người ấy đã hủy hoại một công trình tuyệt vời của Tạo hóa, tự
hủy hoại chính mình... đó chẳng phải là một trọng tội hay sao.” (Ngô Đức Vượng)
II. NHỮNG THÀNH PHẦN TRONG THỨC ĂN CẦN THIẾT CHO CƠ THỂ
Thức ăn đi vào cơ thể có hai loại tác dụng: cung cấp nhiên liệu cho hoạt động sống và nguyên liệu để bồi đắp xây dựng cơ thể, do vậy có thể chia thực phẩm thành hai loại:
1. NHÓM CÁC THỰC PHẨM CUNG CẤP NHIÊN LIỆU CHO HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ THỂ
Đó là các hydrat carbon, gồm: tinh bột, đường, dầu, mỡ. Những chất này có thể chuyển hóa, thay thế cho nhau để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ bắp, tim, phổi, giữ thân nhiệt và các quá trình chuyển hóa khác của sự sống...
a. Bột và đường
Đường và bột có thành phần giống nhau, nhưng đường do các enzyme của cơ thể chuyển hóa từ tinh bột thành nên phù hợp với sinh lý cơ thể, do vậy ăn tinh bột tốt cho cơ thể hơn ăn đường.
Tinh bột từ gạo xát trắng chỉ còn hydrat carbon rỗng, do các thành phần rất quan trọng khác như protein, vitamin, khoáng, chất xơ... trong cám của hạt gạo nguyên vẹn (lứt) đã bị loại bỏ (xem Phụ lục 2). Nếu ăn gạo xát trắng lâu dài có thể mắc một số bệnh như tê, phù, suy giảm khả năng miễn dịch, đề kháng...
b. Dầu và mỡ
Thành phần hóa học của dầu, mỡ giống nhau, nhưng trong mỡ có nhiều cholesterol gây bệnh tim mạch; trái lại, dầu thực vật không có cholesterol, thậm chí còn chứa chất chống cholesterol. Vì vậy ăn dầu thực vật có thể chữa được bệnh xơ vữa mạch máu. Dầu và mỡ có vai trò hòa tan một số vitamin để cơ thể hấp thu, nếu thiếu, cơ thể sẽ không hấp thu được các vitamin đó, như vitamin A, D, E và K.
Tuy nhiên, nếu ăn nhiều dầu mỡ, sẽ tạo ra nội môi trường axít, từ đó hồng cầu dễ bị vón cục, đưa đến tai biến mạch máu não; làm giảm khả năng tải dưỡng khí của máu đến các mô, cơ quan; lâu
dài sẽ ảnh hưởng xấu tới hoạt động trao đổi chất của hồng cầu, đặc biệt có hại cho não. Mặt khác, ăn nhiều dầu mỡ là nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh tiểu đường. Điều này vốn rất ít người, kể cả các bác sĩ Tây y, biết tới.
2. NHÓM CÁC CHẤT CUNG CẤP NGUYÊN LIỆU XÂY DỰNG CƠ THỂ
Bao gồm protein, vitamin và khoáng, có vai trò nuôi dưỡng xương, thịt, da, lông, tóc, móng... tạo thành các enzyme, hormone và các bộ phận của cơ thể trong quá trình sinh trưởng phát triển, thay thế các tế bào già cỗi, hư hỏng v.v...
a. Protein có vai trò chủ yếu trong việc cấu tạo, nên rất cần thiết cho quá trình sinh trưởng, phát triển, phục hồi cơ thể và là thành phần chính của các hormone, enzyme, kháng thể. Protein từ thực vật tốt hơn nhiều protein động vật (xem tiếp mục V dưới đây).
b. Vitamin là thành phần rất cần thiết để chuyển hóa thức ăn, sinh nhiệt lượng, cấu tạo tế bào mới, và tổng hợp các enzyme, hormone, kháng thể... Thiếu một vitamin nào đó thì sức đề kháng giảm sút nhanh chóng, thiếu lâu dài sẽ sinh bệnh.
Hàm lượng vitamin trong thức ăn rất thấp, nhưng nhu cầu của động vật và con người về vitamin cũng rất ít, thường chỉ từ một vài đến vài chục miligram mỗi loại trong một ngày, tuy nhiên không thể thiếu được.
Nguồn vitamin chủ yếu có trong thức ăn thực vật. Thực vật trồng cấy trong môi trường tự nhiên, thường đáp ứng đủ lượng vitamin cho cơ thể. Trái lại, thức ăn có nguồn gốc động vật không có vitamin, trừ ở gan có vitamin B12.
c. Các chất khoáng, là những thành phần rất cần thiết cho hầu hết các phản ứng sinh hóa trong cơ thể, chúng còn tham gia vào việc cấu tạo xương, cơ, thần kinh, máu, cũng như rất cần cho quá trình dẫn truyền các xung động thần kinh và tiêu hóa... Hiện được biết trên 60 chất khoáng giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng sinh lý bình thường của cơ thể.
Cũng như vitamin, cơ thể chỉ cần một lượng rất ít các nguyên tố khoáng, nhưng không thể thiếu. Nếu thiếu vắng hoặc không đủ
một chất khoáng nào đó, cơ thể sẽ mất điều hòa, sinh bệnh, nhưng nếu thừa có thể lâm vào tình trạng nguy cấp.
Hiện nay, con người ngày càng lâm vào tình trạng ăn nhiều mà vẫn thiếu chất là vì:
• Trước kia, hàng năm đều có lũ lụt, các dòng sông mang phù sa, kèm theo từ 60 đến 72 chất khoáng vi lượng, đa lượng từ thượng nguồn về trải cho các cánh đồng. Vì thế, nông sản có đầy đủ mọi chất khoáng, do vậy đủ vitamin. Con người ăn no là đủ chất rồi.
• Nhưng ngày nay, do hệ thống đê điều hoàn thiện, kiên cố, nên hàng năm nước sông không đem phù sa về trải trên các cánh đồng được nữa, đất canh tác do vậy ngày càng thiếu hụt các chất khoáng.
Vấn đề đang ngày càng trở nên trầm trọng khi hiện tượng “rửa trôi” mỗi năm đã cuốn đi 1% khoáng của đất canh tác. Mặt khác, do nhu cầu đời sống và khoa học kỹ thuật phát triển, ngành nông nghiệp không ngừng tăng vụ, tăng năng suất... càng làm cho đất đai cạn kiệt ngày càng nhanh. Để bù lại, người ta chỉ bón cho cây trồng ba loại khoáng là N, P, K. Do đó nông sản hiện nay luôn “rỗng” về khoáng và vitamin. Vì thế, ngày nay dù ăn thế nào cũng thiếu chất. Đây là đặc điểm nổi bật của thời văn minh.
• Ngay từ năm 1936, trong biên bản họp của Hạ nghị viện Mỹ đã cảnh báo: “Chất lượng nông sản tại các nông trang Mỹ giảm rất nhiều so với trước”.
• Theo dõi trong vòng mười năm (từ 1985 đến 1996) cho thấy hàm lượng khoáng trong nông sản ở Đông Âu giảm từ 30 đến 70%! (bảng ở trang sau).
Các nguyên tố khoáng được chia làm hai nhóm sau: • Nhóm cần ít: sắt, mangan, i-ốt, florua, đồng, kẽm, côban, crôm... • Nhóm cần nhiều: natri, kali, canxi, photpho, magiê, lưu huỳnh...
Trong các chất khoáng thì quan trọng và cần nhiều nhất là natri từ muối ăn.
SỰ GIẢM SÚT VỀ KHOÁNG VÀ VITAMIN CỦA MỘT SỐ NÔNG SẢN Ở CHÂU ÂU TỪ NĂM 1985 ĐẾN 1996
(Tính theo mg/100 g nông sản)
4
Theo Đông y học cổ truyền, muối ăn không độc, đi vào ba kinh: Thận, Tâm, Vị, có tác dụng thanh tâm, lương huyết, nhuận táo, tả hỏa và dẫn các chất vào Kinh Lạc.
Khoa học hiện đại cho rằng muối ăn có vai trò duy trì áp suất thẩm thấu của nội môi trường, về phương diện sinh lý học, thì song song với sự giảm natri trong máu là sự tăng tỷ lệ kali, dẫn đến quân bình của chất đạm bị phá hủy và lượng urê trong máu tăng lên, hậu quả là sức lực cơ bắp giảm sút, thường bị vọp bẻ (chuột rút), khó thở... Do vậy trong thực đơn hàng ngày không thể thiếu muối (natri).
Trớ trêu thay, phương Tây luôn dùng muối tinh, là thứ muối đã loại bỏ hầu hết các thành phần khoáng khác, chỉ còn lại chủ yếu là natri (trên 95%) để bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày, nên chỉ một lượng vừa phải cũng có thể gây rối loạn chức năng sinh lý và các tác hại khác cho cơ thể.
Khoa học và Y khoa hiện đại luôn dùng muối tinh trong thực nghiệm. Từ đó đã đi đến kết luận rất sai lầm rằng ăn mặn làm tăng huyết áp, rất có hại cho thận, tim, thậm chí còn gây ung thư. Một bác sĩ Nhật Bản đã tuyên bố: “Ung thư là do muối ăn trong bếp”.
Từ đó họ kêu gọi giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, hạn chế ăn muối đối với bệnh nhân ung thư, hạn chế tối đa lượng muối đối với bệnh cao huyết áp, suy thận...
Chúng ta hãy tìm hiểu nguyên nhân của những hiện tượng trên:
Mọi người đều biết, tỷ lệ các thành phần khoáng trong máu người rất giống nước biển, mà muối là tinh hoa của biển cả. Hạt muối tự nhiên là một tổ hợp hoàn chỉnh của hơn 20 chất khoáng vi, đa lượng, rất phù hợp với sinh lý cơ thể, đặc biệt đối với tim mạch,
thận và chống ung thư. Vì vậy, nói ăn muối mà bị độc hại là điều hoàn toàn vô lý.
Theo quan điểm truyền thống, muối ăn phải là muối thiên nhiên, ngoài yếu tố chủ yếu là natri còn có trên 20 loại khoáng khác như I, K, Mg, Ca, Fe, Se, Mg, P, S... có tác dụng nâng cao khả năng đào thải độc tố, đẩy mạnh hoạt động trao đổi chất, lọc máu, hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa (đặc biệt giúp tiêu hóa tinh bột được dễ dàng và trọn vẹn), đẩy mạnh quá trình hấp thu và kích thích các tế hào trong cơ thể, làm tăng sức dẻo dai, bền bỉ.
Những người làm việc nặng nhọc, khi bị trúng nắng sẽ xây xẩm mặt mày, chuột rút... nếu cho uống nước muối thì chỉ mươi phút sau sẽ tỉnh táo, bình thường khỏe mạnh trở lại. Những người lao động nặng nhọc, các vận động viên... tốt nhất nên uống thêm muối để bù vào sự mất muối qua mồ hôi...
Mặt khác, không kém phần quan trọng là, muối còn là yếu tố Dương, đem lại sự quân bình Âm - Dương và sức khỏe cho con người. Các võ sĩ, vận động viên Nhật Bản, trong những ngày chuẩn bị thi đấu thường ăn rất mặn (muối vừng với 50% muối) và các thức ăn Dương khác để tăng Dương tính, nâng cao khả năng chịu đựng và phản ứng linh hoạt của cơ thể.
Thiếu muối sẽ sinh ra chán ăn, mệt mỏi, sức đề kháng suy yếu, khả năng miễn dịch giảm sút. Những người ăn chay, do hàm lượng natri trong thực vật thấp hơn trong thịt, nên cần phải bổ sung nhiều muối hơn vào khẩu phần ăn hàng ngày.
Trong khi muối tinh chủ yếu là natri, thiếu vắng các thành phần vô cùng quan trọng khác có thể tương tác, hỗ trợ, kích thích mặt tốt, hạn chế mặt xấu của natri, nên ăn muối tinh sẽ làm thay đổi đột ngột lượng natri trong máu, gây hại cho nội tạng, dẫn đến bệnh tim, thận... Vì thế trong nhiều phần viết và đặc biệt trong những lần thuyết trình, tôi thường nhấn mạnh: Muối tinh là thứ muối méo mó, què quặt không đủ tư cách là muối ăn! Bất cứ lúc nào có cơ hội, tôi luôn chia sẻ với mọi người nên ăn muối hạt hoặc muối hầm, tuyết đối không ăn muối tinh hoặc muối i-ốt.
Những người uống ít nước và ăn hơi mặn (tất nhiên là muối tự nhiên) thì dù có làm việc mệt nhọc hay ở nơi nóng bức cũng
không khát nước, rất ít ra mồ hôi, sức khỏe dẻo dai, sức chịu đựng bền bỉ, khả năng đề kháng bệnh tăng cường...
Bởi vì:
• Thứ nhất, muối rất Dương, nên ngăn cản hầu hết các bệnh từ cảm cúm đến ung thư (đều Âm tính).
• Thứ hai, muối là chất tạo nội môi trường kiềm mạnh nhất, nên giúp tăng cường hoạt động của nội tạng, đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố và chống ung thư rất rõ rệt, đặc biệt là ung thư máu.
Morishita đã trộn thức ăn (cốc loại) với muối cho những con gà con bị bệnh ung thư máu ăn, sau một thời gian nhiều con trong số đó đã hoàn toàn khỏe mạnh trở lại.
Thậm chí, theo Ohsawa, muối còn ảnh hưởng tích cực tới khả năng suy đoán của con người.
Sau đây là một vài điểm cần lưu ý khi sử dụng muối ăn:
• Muối tự nhiên có nhiều tác dụng rất tốt mà muối tinh không thể thay thế được. Mọi “tác hại của muối” mà Tây y đã tổng kết chỉ là do muối tinh và chỉ đúng với muối tinh; một loại muối bị mất tính chất tự nhiên, đã méo mó, què quặt... gây ra mà thôi. Nếu dùng muối thiên nhiên, chẳng những không có ảnh hưởng xấu mà còn có thể phòng và chữa khỏi các bệnh do muối tinh gây ra.
Trớ trêu thay, nước Mỹ có tỷ lệ dân số mắc bệnh tim mạch cao nhất thế giới và là bệnh gây tử vong hàng đầu. Nhưng, với những người giàu có như họ, thì “muối ăn” đương nhiên phải là muối tinh nên chẳng còn nhận biết được sự sai khác về chức năng giữa muối tự nhiên và muối tinh. Vì thế, các nhà Y khoa nước này đã đưa ra chủ trương giảm lượng muối trong khẩu phần ăn để phòng ngừa bệnh tim mạch.(!)
Quan niệm rất sai lầm này đã ảnh hưởng sâu rộng đến Y khoa, Dinh dưỡng học ở nhiều nước, kể cả Việt Nam, nên người ta luôn “kết tội” muối là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe và khuyến khích mọi người ăn nhạt.
Thật là một chủ trương xuất phát từ sự hiểu biết quá nông cạn, phiến diện, sai lầm.
Vì “muối tinh” chỉ là một phần của hạt muối tự nhiên. Mọi kết luận của khoa học và Y khoa về muối đều xuất phát từ một phần của tổ hợp tự nhiên, hoàn thiện đó, nên chỉ là một phần của sự thật. Mà “một nửa của sự thật còn tệ hại hơn cả sự lừa bịp” (Osho).
Các nhà thực dưỡng theo trường phái Ohsawa khuyến khích nên dùng tương miso hoặc tamary lâu năm (ba năm trở lên) thay cho muối. Vì chúng có đủ mọi thành phần của hạt muối tự nhiên, lại có hàm lượng natri cao, tạo nội môi trường kiềm tốt, nhưng vẫn đầy đủ các chất khoáng khác, lại nhiều đạm, đặc biệt vitamin B12 là chất có rất ít trong thực vật. Tương lâu năm còn có chất zyzycobin tác dụng đào thải kim loại nặng trong cơ thể rất hiệu quả. Ngoài ra, đậu tương thuộc loại thực phẩm khó tiêu, nhưng trong tương lâu năm thì các thành phần của hạt đậu đã chuyển hóa triệt để thành các axít amin nên rất bổ và dễ hấp thu.
Vì thế, dùng tương lâu năm thay muối sẽ rất tốt. Bản thân tôi có một thời gian hơn một năm chỉ ăn tương lâu năm tự làm, thay cho muối, nên sức khỏe luôn trong tình trạng sung mãn.
• Nhu cầu muối ăn tùy theo trạng thái của cơ thể. Nhìn chung người ăn nhiều thịt do có nhiều Natri thì chỉ cần 5 đến 10 gam muối mỗi ngày. Người ăn nhiều thảo mộc là loại chứa nhiều Kali (mà Kali bài xuất Natri) nên cần bổ sung nhiều muối hơn (20 đến 30 gam/ngày). Người lao động nặng ra nhiều mồ hôi nên ăn mặn hơn để bù cho lượng muối bị mất...
• Mặt khác, ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, cơ thể có nhu cầu về muối khác nhau: Trẻ con và người già Dương tính cao, nên ăn nhạt hơn; người trưởng thành Âm hơn nên cần ăn mặn để duy trì sự quân bình Âm - Dương của cơ thể.
Chúng ta đã thấy, muối ăn có tầm quan trọng như thế nào đối với sức khỏe và đời sống con người! Vậy mà, xã hội hiện đại đã loại bỏ các chất khoáng khác, khiến hạt muối từ chỗ là tinh hoa của biển cả, một chỉnh thể hoàn thiện, đã trở thành không đủ tư cách là muối ăn. Mọi người lại chỉ ăn thứ muối ấy!
Muối I-ốt hiện nay (gần như là muối tinh trộn thêm I-ốt) đã phổ biến, lan tràn sâu rộng khắp thành thị nông thôn, miền núi xa xôi hẻo lánh để "phòng và chống bệnh bướu cổ". (Xem tiếp dưới đây).
Từ lâu, tôi đã tìm hiểu vấn đề này và thấy:
• Thứ nhất, nếu nghĩ rằng “Toàn dân dùng muối i-ốt”, “Chỉ mua và bán muối i-ốt” như các khẩu hiệu, băng rôn ở khắp nơi, để phòng và chữa bệnh bướu cổ, thì: Hàng nghìn năm trước đây loài người không ăn muối i-ốt, tỷ lệ người mắc bệnh bướu cổ cao hơn hay
thấp hơn ngày nay?
Rất rõ ràng rằng, tỷ lệ ấy trước kia thấp hơn bây giờ nhiều, và thường chỉ có ở miền núi, vùng đồng bằng và ven biển không thấy có! Hiện nay bệnh bướu cổ ở miền núi có tăng, nhưng không đáng kể. Trái lại, ở đồng bằng và ven biển thì bệnh này nhiều lên gấp bội!
Phải chăng hàm lượng i-ốt trong muối tự nhiên (tức là trong nước biển) giảm đi? Sự thật thì, hoàn toàn ngược lại: Nguyên thủy, nước biển là nước ngọt. Hàm lượng các chất khoáng nói chung, i-ốt nói riêng trong nước biển ngày càng tăng theo thời gian do nước mưa bào mòn từ lục địa đưa về. (Nên có người đã nêu phương án tính tuổi trái đất bằng cách xác định lượng muối trong nước biển)! Vì thế, cho rằng bệnh bướu cổ do nguyên nhân thiếu i-ốt là hoàn toàn không đúng!
• Thứ hai, bệnh bướu cổ chủ yếu tập trung ở nữ giới, là những lao động chính trong nông nghiệp. Khám cho những người này, tôi thấy họ thường bị bệnh tim, gan hoặc tỳ, thận, phế (đúng như Đông y học cổ truyền đã tổng kết từ mấy nghìn năm trước đây) mà Tây y với những trang thiết bị hiện đại nhất cũng không thể phát hiện được(*)!
(*) Rất nhiều trường hợp tôi và nhiều lương y khác đã phát hiện ra các bệnh trên. Nhưng đến bệnh viện xét nghiệm bằng các thiết bị hiện đại nhất cũng không thấy. Điền hình là thận, chỉ khi nào suy sụp 90% trở lên thì các thiết bị hiện đại mới “phát hiện” ra! Thế là người bệnh chủ quan, thậm chí còn chê cười chúng tôi, mà không chịu chữa bệnh từ sớm. Mấy năm sau, bệnh nặng lên, không ít người lâm vào tình trạng đã quá muộn, vô phương cứu chữa!
Vì nội tạng suy kiệt nên sự chuyển hóa rối loạn, khả năng hấp thu i-ốt suy giảm, buộc tuyến giáp phải tăng cường hoạt động để bù vào sự thiếu hụt đó (bệnh bướu cổ còn gọi là “cường tuyến giáp”
là thế)! Như vậy, bướu cổ là hiện tượng “tự vệ” tuyệt vời của cơ thể. Tuyến giáp phải tăng cường độ làm việc để duy trì lượng i-ốt, nên nó là ân nhân của ta! Thế mà trong điều trị bệnh bướu cổ người ta lại thường giải phẫu cắt bỏ tuyến giáp(**). Tức là đã giết tươi ân nhân của mình!
(**) Xem tiếp quyển Thế nào là văn hóa sức khỏe của tác giả, NXB Tri thức 2016
Mặt khác, rất dễ thấy là, cùng một chế dộ ăn uống như nhau (trong cùng một gia đình, cùng một cộng đồng cư dân...) nhưng có người bị bướu cổ, nhiều người khác không hề gì! Như vậy, đâu phải do thiếu i-ốt mà là do người bệnh không có khả năng hấp thu i-ốt mà thôi! Rõ ràng là như vậy!
Theo tôi, nguyên nhân là do ngành nông nghiệp ngày nay đã lạm dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân hóa học... trong khi người nông dân không được trang bị những kiến thức tối thiểu và phương tiện đề phòng hữu hiệu, do vậy họ đã bị suy yếu nội tạng, từ đó khả năng hấp thu i-ốt suy giảm(***), bệnh bướu cổ xuất hiện!
(***) Tổng lượng i-ốt trong tuyến giáp khoảng 8 mg, nhiều gấp 60.000 lần so với nồng độ i-ốt ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể. Tây y đã cắt tuyến giáp của người bệnh bướu cổ đê phân tích và thấy hàm lượng i-ốt ở đây giảm sút. Thế là vội vàng kết luận bệnh này là do thiếu i-ốt.
Nguyên nhân sâu xa là như vậy, nhưng Y học hiện đại lại chỉ dựa vào lượng i-ốt trong tuyến giáp của người bệnh giảm đi mà kết luận rằng bệnh là do thiếu I-ốt! Đó là kết luận xuất phát từ nhận thức, tư duy mang nặng tính chất của khoa học hiện tượng! Chỉ dựa vào một phần của sự thật, nên sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng là điều tất nhiên, chẳng thể khác được!
• Thứ ba, cứ cho rằng i-ốt có thể phòng và chữa được bệnh bướu cổ, như quan niệm của y học hiện đại, thì điều gì sẽ xảy ra?
Rõ ràng là, nếu thiếu i-ốt thì mọi người đều bị ảnh hưởng như nhau. Nhưng tại sao tỷ lệ người bị bệnh này ở Việt Nam, theo ước lượng của tôi, khoảng 1/1.000 người? Thế mà lại chủ trương
“Toàn dân dùng muối i-ốt”! Tức là, 999 người không bị bệnh cũng phải ăn theo chế độ của người bệnh! Như vậy, tính khách quan, trung thực, chính xác... ở chỗ nào?
• Thứ tư, vì chủ trương “Toàn dân dùng muối i-ốt”, nên muối tự nhiên bị “bạc đãi” quá đáng: Rất bẩn và nhiều cát, sạn! Khiến nhiều người vì sợ bẩn, sợ sạn mà phải ăn muối i-ốt(*)!
(*) Quê tôi ở Hải Hậu, Nam Định, nên tôi biếỉ rất rõ muối tự nhiên không bao giờ bẩn đến độ như thế! Rõ ràng đó là việc làm rất ác ý: Trộn cát, đất vào muối ăn! Tội tày trời! Ngày nay, rất nhiều người đã nhận thấy vấn đề, chuyển sang dùng muối hạt nên muối tự nhiên không đến nỗi bị làm bẩn đến như thế nữa.
Xưa nay tôi không bao giờ dùng muối tinh và muối i-ốt, mà luôn luôn dùng muối hạt tự nhiên, nếu bị bẩn thì pha bão hòa trong nước, để lắng cặn, rồi lọc qua vải để thu nước muối đậm đặc mà tôi gọi là “muối nước”! Bằng cách này sẽ không bị mất đi tính toàn vẹn của muối tự nhiên mà vẫn tránh được bẩn và sạn!
Nhiều người được tôi hướng dẫn đã rất hào hứng dùng “muối nước”!
Ngày càng có nhiều người nội trợ thấy rất rõ tính không tự nhiên của muối i-ốt: Dùng muối i-ốt để muối dưa thì dưa luôn bị khú! Và thế là trên các bao bì thực phẩm, một số nhà sản xuất còn cẩn thận ghi: “Không sử dụng muối i-ốt”!
Từ những điều trình bày trên đây, cho thấy chủ trương hô hào, vận động toàn dân ăn muối i-ốt là không đúng, cần phải nghiêm túc xem xét lại! Đáng mừng là những vận động, cổ súy dùng muối i-ốt đã ngày càng tự giảm đi nhiều.
3. NƯỚC
Nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống, chiếm trên 70% trọng lương cơ thể và là thành phần chủ yếu của nội môi trường gồm: dịch thể, máu, bạch huyết, nước ở gian bào...
Mọi phản ứng sinh hóa và các quá trình chuyển biến ở cơ thể đều diễn ra trong môi trường nước. Nếu cơ thể thiếu 10% lượng nước thì chức năng sinh lý sẽ rối loạn. Thiếu 15 đến 20% nước
sẽ chết! Vì vậy nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống! Nơi nào không có nước, ở đó chẳng thể có sự sống!
Tuy nhiên, hoàn toàn không phải vì thế mà cố tình thổi phồng vai trò của nước đối với cuộc sống thường ngày. Cái gì cũng vậy, luôn có giới hạn của nó! Tây y (và những trường phái chịu ảnh hưởng) luôn cho rằng uống nước càng nhiều càng tốt! Trong khi Đông y học cổ truyền (và những trường phái chịu ảnh hưởng) lại cho rằng nên uống ít nước, thậm chí càng ít càng tốt!
Cả hai quan điểm trái ngược ấy chưa lý giải một cách thỏa đáng nhu cầu về nước của cơ thể nên tính thuyết phục chưa cao, nhiều người còn băn khoăn, đắn đo trước việc lựa chọn chế độ uống nước thích hợp cho bản thân.
Tôi xin bàn kỹ hơn về vấn đề này:
• Thứ nhất, trong thức ăn hàng ngày, cơm đã chứa trên 70% (bún có thể tới trên 90%), rau trên 80%, canh trên 90% nước. Vì vậy ăn no là đã đủ nước rồi, uống nước chỉ là bổ sung thêm mà thôi!
• Thứ hai, uống nhiều nước sẽ làm loãng máu, từ đó dẫn đến những hậu quả sau:
+ Áp suất thẩm thấu của máu giảm, khiến hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, thực bào... phải sống trong môi trường không thích hợp dẫn đến sức sống và hoạt động giảm sút, nên chóng già, chóng chết. Do vậy sức đề kháng giảm, cơ thể suy nhược!
+ Tim là cơ quan làm việc cần mẫn suốt từ trong bào thai cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, không hề nghỉ ngơi dù một phút! Mỗi phút tim người bình thường đập 70 đến 75 nhịp, mỗi ngày đêm tim bơm đi 7.000 lít máu, một năm bơm 2.555.000 lít, cả cuộc đời (70 tuổi), tim phải bơm đi một lượng máu tới 178.850.000 lít để máu lưu thông liên tục trên 100.000 kilomet trong các mạch máu lớn nhỏ của cơ thể! Một tế bào máu đi từ tim tới đầu ngón chân rồi trở về tim chỉ trong 12 giây! Trong điều kiện bình thường, trái tim đã phải làm việc nặng nhọc như thế!
Nếu uống nhiều nước, máu loãng ra, tim phải đập nhiều hơn để bảo đảm đủ hồng cầu đi nuôi cơ thể, tức là phải đảm nhận thêm nhiệm vụ bơm lượng nước vô ích đi khắp nơi, vì vậy, những
người uống nhiều nước luôn có nhịp tim nhanh hoặc rất nhanh so với bình thường, nên rất hại cho tim!
Hơn thế nữa, máu loãng thì khả năng trao đổi chất với các tế bào, mô, cơ quan... giảm sút! Vì vậy người uống nhiều nước sẽ hay mệt mỏi, sức chịu đựng và khả năng đề kháng suy sụp! Thế mà Y khoa lại khuyến khích mọi người “uống nước nhiều để tăng cường đào thải độc tố”, thì thật là không còn gì để nói nữa!
+ Bình thường lượng nước trong cơ thể được giữ cân bằng qua cảm giác khát khi thiếu và đi tiểu khi thừa. Uống nhiều nước thì thận phải làm việc nhiều hơn để lọc và đào thải nước thừa, do vậy hiển nhiên sẽ làm hại thận! Thậm chí sau khi uống nhiều nước là phải đi tiểu ngay. Đó là tiếng nói của cơ thể: “Tôi không cần nước nữa, xin đừng đưa thêm vào! Đưa nước vào tôi phải tống ra ngay đây này”! Mà tiếng nói của cơ thể thì luôn luôn trung thực và chính xác!
Thế nhưng con người hiện đại tuy rất thính nhạy với tiếng nói của người bên cạnh, của đồng nghiệp, với đài ngoại quốc... nhưng lại hoàn toàn “điếc” trước tiếng gào thét của chính cơ thể mình(*)!
(*) Muốn nghe được tiếng nói của cơ thể mình, đòi hỏi cuộc sống phải trong sạch, đầu óc rỗng lặng, có nghĩa là phải đạt trình độ Tâm thức cao!
• Thứ ba, lập luận có vẻ thuyết phục của Y học hiện đại là: Uống nhiều nước để tạo sự chênh lệch nồng độ nên dễ đào thải chất độc!
Theo tôi lập luận này hoàn toàn sai, vì: Uống nhiều nước thì đi tiểu nhiều, nước tiểu trong, tức là nồng độ chất thải “loãng”; Uống ít, thì đi tiểu ít, nước tiểu đặc, tức là nồng độ chất thải “đặc”. Như vậy, không phải uống nhiều nước thì sự đào thải chất độc sẽ tăng tương ứng!
Bởi vì, khác hẳn với vật chất vô sinh, cơ thể sống có khả năng vận chuyển chất, (hấp thu và đào thải) ngược chiều gradient nồng độ.
Cụ thể là:
+ Tôm, cua, sò, ốc, hến... không thể “gặm” được cục đá vôi, mà chúng chỉ có thể lấy canxi từ nước để xây dựng, bồi đắp cho vỏ của mình lớn lên! Mà hàm lượng canxi trong nước thấp hơn rất nhiều (hàng triệu lần) so với vỏ của chúng!
+ Mồ hôi mặn, mùi nồng hơn máu do nồng độ muối, clo và các chất độc... cao hơn trong máu rất nhiều; hàm lượng urê và các độc tố khác trong nước tiểu cao hơn nhiều trong máu... thế nhưng các chất đó vẫn được đào thải từ máu ra mồ hôi và nước tiểu.
+ Mặt khác, quá trình trao đổi chất của cơ thể (hấp thu và đào thải) không hoàn toàn tuân theo các quy luật của vật chất vô sinh, nên chẳng phải uống nhiều nước thì sự đào thải sẽ tăng tương ứng! Hơn thế nữa, thực tế còn cho thấy, khi cơ thể thừa nước thì quá trình đào thải độc tố còn bị cản trở, trì trệ... rất nhiều!
Vì vậy, nếu cho rằng phải uống nhiều nước để gột sạch cơ thể là cách tư duy mang tính cơ giới đơn thuần, đã coi bộ máy bài tiết với các quản cầu Malpighi cực kỳ tinh tế của cơ thể như các ống thủy tinh và bình bằng sành vậy!
• Thứ tư, lập luận rằng cơ thể có gần 80% nước nên phải uống đủ để bù cho nó! Đó là điều hoàn toàn vô lý, vì: lượng nước trong mọi cơ thể sống luôn tồn tại dưới hai dạng là liên kết (hay cấu trúc) và tự do. Trong đó nước liên kết chiếm phần lớn (trên 80%) thì bền vững, bình thường rất ít thay đổi. Nước tự do chiếm phần nhỏ, (dưới 20%) thay đổi liên tục do ăn uống vào, thoát ra qua mồ hôi, hơi thở, nước tiểu... Uống nước chủ yếu là bổ sung cho lượng nước tự do, nên không cần nhiều! Có thể thấy rõ điều này qua thực tế: lá cây dễ bị héo là do mất nước tự do. Từ trạng thái héo chuyển thành khô sẽ rất lâu vì đuổi lượng nước liên kết ra rất khó!
• Thứ năm, con người từ động vật tiến hóa lên, nhưng các loài vật luôn luôn uống ít nước và đi tiểu cũng rất ít. Các động vật hoang dã còn uống ít hơn thế nữa! Có thể coi đây là tiếng nói của thiên nhiên, mà thiên nhiên thì vô cùng sáng suốt
Nhưng con người ngày càng chủ quan, dựa vào khoa học kỹ thuật, nên đã mất hết khả năng nghe và hiểu “tiếng nói” của ông thầy vĩ đại là thiên nhiên rồi!
(Nghe và hiểu được tiếng nói của thiên nhiên cũng đòi hỏi trình độ Tâm thức cao như nghe tiếng nói của chính cơ thể mình vậy)!
• Thứ sáu, nước thuộc về Âm, uống quá nhiều thì cơ thể trở nên Âm tính thường có những triệu chứng: Mệt mỏi, yếu ớt, tim luôn đập quá nhanh, hay hồi hộp, đau lưng, suy thận, tiểu đêm, chậm
chạp, nhức mỏi, viêm khớp, ra mồ hôi tay chân, béo bệu, dễ bị viêm nhiễm nên thường xuyên cảm cúm, hen suyễn, viêm họng, viêm phế quản, rã rời, đờ đẫn, ngại ngần, thiếu sinh lực, sợ lạnh, lâu nhớ, chóng quên, hay cáu giận vô lý bởi những việc vụn vặt. Nặng hơn nữa thì tính tình đa nghi, nham hiểm, độc ác... Đi khám Tây y sẽ không thể phát hiện ra bệnh gì!
Tôi đã khuyên nhiều người mắc những chứng bệnh như trên cần hạn chế uống nước, chỉ sau một thời gian ngắn họ đã mạnh khỏe, nhanh nhẹn, hoạt bát trở lại...
Trường hợp điển hình là bệnh nhân ở Đà Lạt, cụ bà N. T. X. 70 tuổi bị bệnh suy tim, nhồi máu cơ tim, tràn dịch màng phổi đi cấp cứu và điều trị ở bệnh viện lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Thầy thuốc chỉ định phải uống 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, không kể bơm thẳng thức ăn lỏng vào dạ dày mỗi ngày ba lần để có “đủ nước và đủ chất”.
Sau một tuần, người bệnh mê man bất tỉnh, tim đập trên 180 nhịp/phút, đại tiểu tiện tự động, liên tục suốt ngày đêm, cứ 2 đến 3 phút đi tiểu một lần, 30 phút đến một giờ đại tiện một lần. Số khăn màn thấm nước tiểu cho người bệnh nhiều bằng cả một nhà trẻ! Tính mạng người bệnh như ngàn cân treo sợi tóc! Đã vậy, bất cứ lúc nào bác sĩ phụ trách phòng đến cũng “ân cần nhắc nhở” chỉ một câu: “Phải uống nhiều nước vào nhé! Thiếu nước là nguy hiểm lắm đấy”! Đến nỗi mỗi lần viên bác sĩ trẻ đó đến là tôi lại nhắc: “Cậu ‘nước’ nó đã đến”! Chẳng hiểu suốt mấy năm học ở đại học viên bác sĩ đó học những gì mà chỉ biết nhắc người bệnh mỗi một câu như vậy?
Khi đưa về nhà ở Đà Lạt, tôi trực tiếp điều trị, việc đầu tiên là hạn chế tối đa uống nước, và không bơm thức ăn vào thẳng dạ dày nữa, mà chỉ cho ăn, uống theo nhu cầu của người bệnh. Một tuần sau người bệnh tỉnh lại, nhịp tim giảm dần xuống 150, 120, 100 rồi 90 và chỉ còn dưới 80 nhịp/phút, đại tiểu tiện thưa dần, cơn nguy kịch đã qua, tử thần không rình rập nữa, sự sống trở lại!
Hơn một tháng sau, người bệnh tinh táo, có thể ngồi dậy nói chuyện. Lúc đó bác sĩ chủ nhiệm khoa lên thăm. Anh rất ngạc nhiên(*), nói với tôi: “Thế này là anh chữa tốt hơn bọn em rồi!”. Tôi cười, vỗ vai thân mật bác sĩ đó và nói: “Các cậu làm sai hết cả rồi! Người bệnh suy sụp đến mức ở ranh giới giữa sự sống và cái chết mà cứ bơm thức ăn vào chỉ làm cho lên men thối đầu độc cơ thể! Bơm nước nhiều liên tục chỉ làm cho tim và thận kiệt quệ, nên bệnh ngày càng nặng hơn là điều tất nhiên, phục hồi làm sao được? Ở bệnh viện không thể làm ngược y lệnh nên mình quyết định đưa người bệnh về để chữa, và bây giờ cậu thấy đấy!”.
(*) Vì khi đưa bệnh nhân về, tất cả bác sĩ quen biết và người thân đều đến tiễn với ý nghĩ “vĩnh biệt”, chỉ còn chờ ngày báo tin đám tang!
Bác sĩ tỏ ra rất ngỡ ngàng, bối rối trước lập luận, cách chữa của tôi và sự phục hồi mau chóng đến ngạc nhiên của người bệnh. Còn tôi, tôi cũng ngạc nhiên không kém trước cách chữa bệnh của Y học hiện đại lấy ý nghĩ chủ quan của mình áp đặt lên người bệnh!
Thực tế cho thấy những người khỏe mạnh và sống lâu thường uống ít nước và có khuynh hướng thích ăn thức ăn khô.
Bản thân tôi sau một thời gian uống ít nước, nhiều bệnh cũ đã khỏi hẳn, hoặc giảm đi rất nhiều, không bao giờ phải đi tiểu đêm, hết đau nhức, nhất là phong thấp, chẳng còn ra mồ hôi tay chân, không đau lưng và hay bị cảm cúm như trước nữa. Hãn hữu có bị cảm thì cũng chỉ vài phút đến một giờ là hết chứ không kéo dài hàng tuần hay mười ngày như trước kia. Sức khỏe tăng tiến rõ rệt!
Nhìn về quá khứ chúng ta thấy, các cụ ngày xưa thường uống nước bằng “chén hạt mít”, khi uống thì thong thả, nhâm nhi, thưởng thức hương vị của tách trà. Còn bây giờ, người ta uống bằng ly cối, ly vại, lại uống với nước đá(*), khi uống thì “nốc ừng ực” một hơi dài. Hoặc vừa ăn đồ nóng vừa uống nước lạnh! Xem như vậy đủ thấy cách uống nước ngày nay hoàn toàn ngược với truyền thống. Bệnh tật một phần từ đó mà ra!
(*) Năm 1976, lần đầu tiên vào Sài Gòn, thấy ở đâu, bất cứ lúc nào người ta cũng uống trà đá. Tôi nói đùa: Trà đá là thứ nước giải khát “Thực dân kiểu mới”!
Một số tác giả ở phương Đông còn cho biết: Hạn chế uống nước có thể ngăn chặn được các bệnh do Âm tính như phong thấp, lao, đái đường, ung thư v.v...
Nhưng nếu hạn chế đưa nước vào cơ thể mà lại ăn hoặc uống đồ ngọt thì hiệu quả sẽ giảm đi rất nhiều, vì bản thân đường rất Âm, trong cơ thể, đường sẽ phân giải thành nước và CO2 làm tăng Âm tính một cách ghê gớm.
Ngoài lượng nước trong thức ăn, việc uống thêm nước là tùy theo tình trạng cơ thể (trẻ con và người già Dương tính hơn, cần uống nhiều hơn); tùy thuộc mức độ hoạt động, thực phẩm, thời tiết nơi sống... của mỗi người. Khi khát thực sự thì uống, nhưng nên nhớ muốn uống và cần uống là không giống nhau, “muốn” là nhu cầu của tâm lý, xã hội thì nên hạn chế tối đa; còn “cần” là đòi hỏi của sinh lý thì phải đáp ứng.
Để phân biệt được như thế nào là “cần” hoặc “muốn” uống nước, đòi hỏi phải tập lắng nghe tiếng nói của cơ thể mình một thời gian dài! Nhưng, dù thế nào đi chăng nữa cũng không thể “uống càng nhiều càng tốt” như lời khuyên của các bác sĩ Tây y được!
Những điều trình bày trên dây cho thấy lối tư duy cơ khí đơn thuần của Y học Tây phương đã áp đặt lối suy nghĩ chủ quan hời hợt của mình lên thực tế khách quan vô cùng sinh động là cơ thể con người, đã sai lầm đến mức nào! (xem tiếp mục 4 dưới đây).
4. HẬU HỌA CỦA VIỆC UỐNG QUÁ NHIỀU NƯỚC
Vâng! Đúng thế! Tôi phải dùng từ “hậu họa”, vì thực sự là như vậy!
Trên đây chúng ta đã thấy tai hại của việc uống nước quá nhiều. Không hiểu từ đâu mà y học chính thống lại luôn luôn động viên, khuyến khích, hô hào người dân uống nước nhiều đến thế?
Tôi ngờ rằng, khoa học nói: Mỗi ngày nên “cung cấp” cho cơ thể (kể cả đồ ăn, thức uống) 1,5 lít nước (theo tôi như thế đã là
nhiều)! Thì ngành Y lại nói rằng phải “uống” 1,5 lít nước mỗi ngày là hoàn toàn sai!
Vì quá tin tưởng vào Y học mà vô vàn người dân kể cả các thầy thuốc đã sa vào tình trạng sức khỏe suy sụp nghiêm trọng! Có lẽ chúng ta cần thẳng thắn đưa vấn đề này ra bàn công khai rộng rãi! Vì đã đến lúc chẳng thể đặng đừng được nữa rồi!
Tôi đã tiếp xúc, khám và chữa bệnh cho nhiều người, trong đó có cả bác sĩ, dược sĩ. Hầu hết họ đều trong tình trạng cơ thể quá thừa nước. Hỏi ra, thì ai cũng uống nước theo hướng dẫn của bác sĩ, đài, báo và những người xung quanh!
Nhiều người tâm sự: Tôi thực lòng không thích uống nhiều như thế. Nhưng được hướng dẫn vậy nên cố theo: Sáng dậy uống 1/2 đến 2/3 lít nước. Đến 9, 10 giờ sáng, và sau nghỉ trưa, chiều, tối lại cố uống... cho đủ số lượng nước mà bác sĩ hướng dẫn! Nhiều khi tôi không dám ăn, mà để bụng chứa nước.
Rất nhiều người nói: Nghe theo lời bác sĩ, họ phải cố gắng uống mỗi ngày 2 đến 3 lít nước! Tôi vô cùng kinh ngạc khi nghe một cô gái ở Sóc Trăng nói cô đã uống tới 14, 15 lít nước mỗi ngày!
Không ít người cho biết, bác sĩ khuyên họ phải uống thật nhiều nước để làm sạch cơ thể, hoặc để đẩy sỏi thận, sỏi mật ra, hay để cho bệnh suy thận không bị suy kiệt thêm. Tôi hỏi cắt ngang: “Thế từ ngày uống nhiều nước đến giờ có đẩy được sỏi mật, sỏi
thận ra không? Người có khỏe lên không?”. Tất cả đều ngỡ ngàng, trả lời: “Không! Mà bệnh vẫn cứ ngày một nặng hơn! Nhưng... bác sĩ bảo như thế, không theo thì theo ai?”.
Số khác nói: “Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, của đài, báo, tôi đã cố uống thật nhiều nước suốt năm sáu năm nay... mà vẫn không khỏi các bệnh: Đau nhức, tê bại tay chân, sỏi thận, sỏi mật, viêm xoang, thường xuyên cảm cúm...”. Tôi hỏi cắt ngang: “Thế trước đây năm sáu năm, khi chưa uống nhiều nước thì có bị những bệnh như bây giờ không”? Họ ngừng lại, ngơ ngác, rồi như chợt tỉnh, trả lời: “Không! Chẳng bao giờ lắm bệnh như bây giờ cả!”.
Thật đáng buồn, khi mà thực tế đã cho thấy một cách rõ ràng rằng: lượng nước dư thừa trong cơ thể không những chẳng giúp
ích được gì cho quá trình bài tiết mà ngược lại còn làm giảm khả năng đào thải các chất cặn bã. Thậm chí một vài nghiên cứu còn chỉ ra: Uống nước khi không thiếu thì lượng nước đó sẽ lưu lại trong cơ thể rất lâu, (hàng tháng) từ đó dẫn đến mệt mỏi, thiếu sinh lực, béo bệu! Hơn thế nữa còn buộc tim, thận phải làm việc một cách vô ích gây mệt mỏi và mau chóng suy sụp!
Quan niệm cho rằng uống nhiều nước để đào thải nhanh cặn bã là xuất phát từ cách tư duy mang tính cơ khí, đã đem áp dụng vào con người, một thực thể sống vô cùng tinh vi, cực kỳ phức tạp và hoàn thiện nhất hành tính này! Thật chẳng còn gì để nói nữa!
Không ít người còn tâm sự: “Chẳng những mình uống quá nhiều nước, mà còn bắt các con cũng phải uống nhiều. Hàng sáng tôi 'khoán' cho các con mỗi đứa một chai 1,5 lít nước! Trưa và chiều về, đứa nào không 'tự giác' uống thì bắt phải uống 'bù' trước mặt mình! Nhiều khi tôi tay cầm chai nước, tay cầm roi, quát nạt... bắt các cháu phải uống đủ 'tiêu chuẩn' hàng ngay trước mặt mình”!...
Vì thực trạng ấy mà rất nhiều người, kể cả các cháu nhỏ, có những triệu chứng điển hình của bệnh Âm tính cao; nhiều người còn bị bệnh tim (nhịp tim rất nhanh, thường hồi hộp...) và suy thận, dẫn đến bệnh gan (vì theo Đông y học cổ truyền, thận là mẹ của gan) nên hay cáu giận nhiều khi vô lý... Những phụ nữ quá Âm tính như trên thường khó thụ thai, hoặc sẩy thai, đẻ non, sinh ra những đứa trẻ yểu tướng, yếu đuối hoặc cận thị bẩm sinh rất nặng! Trường hợp điển hình nhất về uống quá nhiều nước là cụ bà bị nhồi máu cơ tim, nêu trên đây.
Tôi thực sự không cực đoan khi nghĩ rằng: Việc uống nước quá nhiều lâu nay đã làm suy thoái sức lực và nòi giống rất rõ rệt! Vì vậy, tôi thành thực và thiết tha khuyên mọi người hãy thương lấy trái tim, hai quả thận đang quá lao lực, mệt mỏi và cả cơ thể của mình bằng cách uống ít nước lại!
Với một số người tôi đã trực tiếp khuyên: “Chẳng có bệnh gì cả, cứ uống nước ít đi là khỏe thôi”! Nhiều người nghe theo, cũng như rất nhiều người sau khi đọc quyển sách này đã uống nước ít đi. Sau một thời gian ngắn, họ gọi điện, biên thư hoặc gặp trực tiếp vui vẻ báo tin: Người nhẹ nhàng, khỏe mạnh hơn nhiều, các triệu chứng trước kia nay đã hết! Trường hợp điển hình là một
thanh niên(*) trước kia uống mỗi ngày 5 lít nước, nặng 105 kg, sau một tháng uống ít nước đã giảm 13 kg, người gọn lại, nhẹ nhàng, nhanh nhẹn và khỏe mạnh hẳn lên!
(*) Cháu Lê Hoài Nam, ở 81 Trần Phú, P. Cái Bè, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, người cao 1,7 mét.
Nhưng không ít người “trung thành với khoa học” đã không tin, thậm chí phản ứng gay gắt. Họ cho rằng tôi chẳng hiểu biết gì cả! Đến nỗi kiến thức phổ thông, đơn giản nhất mà đài, bào, bác sĩ... nói ra rả hàng ngày cũng không biết!
Số khác thì “lịch sự” không nói cho qua chuyện rồi vẫn tiếp tục uống nhiều nước! Họ lập luận: Đài báo nói, bác sĩ khuyên thì làm sao mà sai được!
Với những người như thế, tôi thường nói: “Tôi hiểu rất rõ nguyên nhân và bản thân đã chứng nghiệm, nên thực lòng chia sẻ, khuyên mọi người. Ai nghe theo, khỏi bệnh, mạnh khỏe lên thì tôi cũng chẳng được lợi lộc gì. Ai không nghe theo, cứ uống quá nhiều nước, bệnh nặng lên, suy sụp nhanh chóng... tôi cũng chẳng thiệt hại chi! Đưa ra lời khuyên chân thành là trách nhiệm lương tâm của tôi! Có thực hiện lời khuyên đó hay không là quyền và trách nhiệm cá nhân của mọi người!
Tôi hoàn toàn thông cảm với những người phản đối đó. Và, với tất cả thiện chí, tình thương yêu bất vụ lợi đã được rèn luyện, nuôi dưỡng lâu nay, xin chân thành tặng phần viết này cho những ai chưa tin lời khuyên của tôi, để các bạn có điều kiện suy ngẫm nhiều hơn, trải nghiệm lâu hơn nhằm tự rút ra kết luận cho chính mình. Tôi luôn vui lòng chia sẻ nếu các bạn muốn, và sẵn sàng tranh luận với bất kỳ ai muốn tranh luận về vấn đề này!
Không ít bác sĩ và cả tiến sĩ Y khoa, tiến sĩ Sinh học... sau khi tranh luận với tôi đã thừa nhận tôi đúng, họ sai nên uống ít đi, nhưng có người trong số đó mà tôi biết rất rõ vẫn khuyên bệnh nhân uống nước nhiều. Vì sao vậy? Có trời mới biết!
Cũng chẳng nên trách cứ những người đã phản bác tôi, vì ngay cả những trí thức “cỡ lớn” cũng như thế: Khi nghe tôi giảng trong các lớp dưỡng sinh, ông thầy trước đây dạy tôi ở đại học, lúc ấy là phó giáo sư, tiến sĩ, chủ tịch hội Sinh vật học thành phố Hồ Chí
Minh, mời tôi cùng với mấy người bạn là tiến sĩ Sinh học và tiến sĩ Y khoa tới nhà.
Thầy thân mật pha chút hài hước, mở đầu câu chuyện, nói với tôi: “Hôm nay chúng tớ mời cậu đến chơi, nhân thể ‘hỏi tội’ cậu. Vì sao đài, báo nói suốt ngày phải uống nhiều nước mà cậu lại giảng cần uống ít nước?”.
Tôi vui vẻ, tự tin, trả lời: “Cảm ơn anh! May quá! Được giải thích cho những người như thế này mới ‘sướng cái bụng’! Chứ với người khác, chưa chắc họ đã hiểu hết!”. Rồi cố trình bày cặn kẽ từng điểm một (mục II - 3, trên đây). Không ngờ, cứ nói xong mỗi ý là mọi người lại ngạc nhiên “ừ nhỉ”! Nhiều khi chưa nói hết câu tôi đã nhận được câu "ừ nhỉ" đồng tình!
Khi nói về ý mà Y học cho rằng phải uống nước nhiều nhằm tạo ra sự chênh lệch nồng độ, để đào thải các chất cặn bã, tôi quay về thầy mình và nói: “Chính anh giảng vấn đề này trong chương ‘Vận chuyển chất qua màng tế bào’ cho lớp chúng em”! Thầy gật
đầu xác nhận: “Ừ! Đúng thế nhưng... tớ cũng không để ý thực tế này”!
Sau hồi lâu yên lặng, thầy nói: “Sao vấn đề đó không ai nghĩ ra”? Tôi đáp: “Chẳng phải không ai ‘nghĩ ra’, mà chẳng ai chịu ‘nghĩ’ cả! Những vấn đề đó có khó gì đâu, thậm chí em chưa nói hết câu các anh đã 'ừ nhỉ' ngay rồi dấy thôi!”.
Lại một lúc lâu yên lặng, thầy nói tiếp như chợt nhận ra: “Thế mới biết, nhiều tay viết sách chỉ nói theo người khác, chứ chẳng hiểu quái gỉ cả!”. Tôi gật đầu: “Quả thực có như thế!”.
Từ đó, tôi ngày càng nhận thức sâu sắc và vô cùng trăn trở trước lời nhận xét của Wallack và một số nhà khoa học khác: “Hầu hết những lời khuyên chân chính, đúng đắn về ăn uống và giữ gìn sức khỏe đều trái ngược với kiến thức của các bác sĩ và trái với nền giáo dục đã trao cho mọi người”!
IINhững thành phần trong thức ăn cần thiết cho cơ thể
Thức ăn đi vào cơ thể có hai loại tác dụng: cung cấp nhiên liệu cho hoạt động sống và nguyên liệu để bồi đắp xây dựng cơ thể, do vậy có thể chia thực phẩm thành hai loại:
1. NHÓM CÁC THỰC PHẨM CUNG CẤP NHIÊN LIỆU CHO HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ THỂ
Đó là các hydrat carbon, gồm: tinh bột, đường, dầu, mỡ. Những chất này có thể chuyển hóa, thay thế cho nhau để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ bắp, tim, phổi, giữ thân nhiệt và các quá trình chuyển hóa khác của sự sống...
a. Bột và đường
Đường và bột có thành phần giống nhau, nhưng đường do các enzyme của cơ thể chuyển hóa từ tinh bột thành nên phù hợp với sinh lý cơ thể, do vậy ăn tinh bột tốt cho cơ thể hơn ăn đường.
Tinh bột từ gạo xát trắng chỉ còn hydrat carbon rỗng, do các thành phần rất quan trọng khác như protein, vitamin, khoáng, chất xơ... trong cám của hạt gạo nguyên vẹn (lứt) đã bị loại bỏ (xem Phụ lục 2). Nếu ăn gạo xát trắng lâu dài có thể mắc một số bệnh như tê, phù, suy giảm khả năng miễn dịch, đề kháng...
b. Dầu và mỡ
Thành phần hóa học của dầu, mỡ giống nhau, nhưng trong mỡ có nhiều cholesterol gây bệnh tim mạch; trái lại, dầu thực vật không có cholesterol, thậm chí còn chứa chất chống cholesterol. Vì vậy ăn dầu thực vật có thể chữa được bệnh xơ vữa mạch máu. Dầu và mỡ có vai trò hòa tan một số vitamin để cơ thể hấp thu, nếu thiếu, cơ thể sẽ không hấp thu được các vitamin đó, như vitamin A, D, E và K.
Tuy nhiên, nếu ăn nhiều dầu mỡ, sẽ tạo ra nội môi trường axít, từ đó hồng cầu dễ bị vón cục, đưa đến tai biến mạch máu não; làm
giảm khả năng tải dưỡng khí của máu đến các mô, cơ quan; lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu tới hoạt động trao đổi chất của hồng cầu, đặc biệt có hại cho não. Mặt khác, ăn nhiều dầu mỡ là nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh tiểu đường. Điều này vốn rất ít người, kể cả các bác sĩ Tây y, biết tới.
2. NHÓM CÁC CHẤT CUNG CẤP NGUYÊN LIỆU XÂY DỰNG CƠ THỂ
Bao gồm protein, vitamin và khoáng, có vai trò nuôi dưỡng xương, thịt, da, lông, tóc, móng... tạo thành các enzyme, hormone và các bộ phận của cơ thể trong quá trình sinh trưởng phát triển, thay thế các tế bào già cỗi, hư hỏng v.v...
a. Protein có vai trò chủ yếu trong việc cấu tạo, nên rất cần thiết cho quá trình sinh trưởng, phát triển, phục hồi cơ thể và là thành phần chính của các hormone, enzyme, kháng thể. Protein từ thực vật tốt hơn nhiều protein động vật (xem tiếp mục V dưới đây).
b. Vitamin là thành phần rất cần thiết để chuyển hóa thức ăn, sinh nhiệt lượng, cấu tạo tế bào mới, và tổng hợp các enzyme, hormone, kháng thể... Thiếu một vitamin nào đó thì sức đề kháng giảm sút nhanh chóng, thiếu lâu dài sẽ sinh bệnh.
Hàm lượng vitamin trong thức ăn rất thấp, nhưng nhu cầu của động vật và con người về vitamin cũng rất ít, thường chỉ từ một vài đến vài chục miligram mỗi loại trong một ngày, tuy nhiên không thể thiếu được.
Nguồn vitamin chủ yếu có trong thức ăn thực vật. Thực vật trồng cấy trong môi trường tự nhiên, thường đáp ứng đủ lượng vitamin cho cơ thể. Trái lại, thức ăn có nguồn gốc động vật không có vitamin, trừ ở gan có vitamin B12.
c. Các chất khoáng, là những thành phần rất cần thiết cho hầu hết các phản ứng sinh hóa trong cơ thể, chúng còn tham gia vào việc cấu tạo xương, cơ, thần kinh, máu, cũng như rất cần cho quá trình dẫn truyền các xung động thần kinh và tiêu hóa... Hiện được biết trên 60 chất khoáng giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng sinh lý bình thường của cơ thể.
Cũng như vitamin, cơ thể chỉ cần một lượng rất ít các nguyên tố khoáng, nhưng không thể thiếu. Nếu thiếu vắng hoặc không đủ một chất khoáng nào đó, cơ thể sẽ mất điều hòa, sinh bệnh, nhưng nếu thừa có thể lâm vào tình trạng nguy cấp.
Hiện nay, con người ngày càng lâm vào tình trạng ăn nhiều mà vẫn thiếu chất là vì:
• Trước kia, hàng năm đều có lũ lụt, các dòng sông mang phù sa, kèm theo từ 60 đến 72 chất khoáng vi lượng, đa lượng từ thượng nguồn về trải cho các cánh đồng. Vì thế, nông sản có đầy đủ mọi chất khoáng, do vậy đủ vitamin. Con người ăn no là đủ chất rồi.
• Nhưng ngày nay, do hệ thống đê điều hoàn thiện, kiên cố, nên hàng năm nước sông không đem phù sa về trải trên các cánh đồng được nữa, đất canh tác do vậy ngày càng thiếu hụt các chất khoáng.
Vấn đề đang ngày càng trở nên trầm trọng khi hiện tượng “rửa trôi” mỗi năm đã cuốn đi 1% khoáng của đất canh tác. Mặt khác, do nhu cầu đời sống và khoa học kỹ thuật phát triển, ngành nông nghiệp không ngừng tăng vụ, tăng năng suất... càng làm cho đất đai cạn kiệt ngày càng nhanh. Để bù lại, người ta chỉ bón cho cây trồng ba loại khoáng là N, P, K. Do đó nông sản hiện nay luôn “rỗng” về khoáng và vitamin. Vì thế, ngày nay dù ăn thế nào cũng thiếu chất. Đây là đặc điểm nổi bật của thời văn minh.
• Ngay từ năm 1936, trong biên bản họp của Hạ nghị viện Mỹ đã cảnh báo: “Chất lượng nông sản tại các nông trang Mỹ giảm rất nhiều so với trước”.
• Theo dõi trong vòng mười năm (từ 1985 đến 1996) cho thấy hàm lượng khoáng trong nông sản ở Đông Âu giảm từ 30 đến 70%! (bảng ở trang sau).
Các nguyên tố khoáng được chia làm hai nhóm sau: • Nhóm cần ít: sắt, mangan, i-ốt, florua, đồng, kẽm, côban, crôm... • Nhóm cần nhiều: natri, kali, canxi, photpho, magiê, lưu huỳnh...
Trong các chất khoáng thì quan trọng và cần nhiều nhất là natri từ muối ăn.
SỰ GIẢM SÚT VỀ KHOÁNG VÀ VITAMIN CỦA MỘT SỐ NÔNG SẢN Ở CHÂU ÂU TỪ NĂM 1985 ĐẾN 1996
(Tính theo mg/100 g nông sản)
4
Theo Đông y học cổ truyền, muối ăn không độc, đi vào ba kinh: Thận, Tâm, Vị, có tác dụng thanh tâm, lương huyết, nhuận táo, tả hỏa và dẫn các chất vào Kinh Lạc.
Khoa học hiện đại cho rằng muối ăn có vai trò duy trì áp suất thẩm thấu của nội môi trường, về phương diện sinh lý học, thì song song với sự giảm natri trong máu là sự tăng tỷ lệ kali, dẫn đến quân bình của chất đạm bị phá hủy và lượng urê trong máu tăng lên, hậu quả là sức lực cơ bắp giảm sút, thường bị vọp bẻ (chuột rút), khó thở... Do vậy trong thực đơn hàng ngày không thể thiếu muối (natri).
Trớ trêu thay, phương Tây luôn dùng muối tinh, là thứ muối đã loại bỏ hầu hết các thành phần khoáng khác, chỉ còn lại chủ yếu là natri (trên 95%) để bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày, nên chỉ một lượng vừa phải cũng có thể gây rối loạn chức năng sinh lý và các tác hại khác cho cơ thể.
Khoa học và Y khoa hiện đại luôn dùng muối tinh trong thực nghiệm. Từ đó đã đi đến kết luận rất sai lầm rằng ăn mặn làm tăng huyết áp, rất có hại cho thận, tim, thậm chí còn gây ung thư. Một bác sĩ Nhật Bản đã tuyên bố: “Ung thư là do muối ăn trong bếp”.
Từ đó họ kêu gọi giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, hạn chế ăn muối đối với bệnh nhân ung thư, hạn chế tối đa lượng muối đối với bệnh cao huyết áp, suy thận...
Chúng ta hãy tìm hiểu nguyên nhân của những hiện tượng trên:
Mọi người đều biết, tỷ lệ các thành phần khoáng trong máu người rất giống nước biển, mà muối là tinh hoa của biển cả. Hạt muối tự nhiên là một tổ hợp hoàn chỉnh của hơn 20 chất khoáng vi, đa lượng, rất phù hợp với sinh lý cơ thể, đặc biệt đối với tim mạch,
thận và chống ung thư. Vì vậy, nói ăn muối mà bị độc hại là điều hoàn toàn vô lý.
Theo quan điểm truyền thống, muối ăn phải là muối thiên nhiên, ngoài yếu tố chủ yếu là natri còn có trên 20 loại khoáng khác như I, K, Mg, Ca, Fe, Se, Mg, P, S... có tác dụng nâng cao khả năng đào thải độc tố, đẩy mạnh hoạt động trao đổi chất, lọc máu, hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa (đặc biệt giúp tiêu hóa tinh bột được dễ dàng và trọn vẹn), đẩy mạnh quá trình hấp thu và kích thích các tế hào trong cơ thể, làm tăng sức dẻo dai, bền bỉ.
Những người làm việc nặng nhọc, khi bị trúng nắng sẽ xây xẩm mặt mày, chuột rút... nếu cho uống nước muối thì chỉ mươi phút sau sẽ tỉnh táo, bình thường khỏe mạnh trở lại. Những người lao động nặng nhọc, các vận động viên... tốt nhất nên uống thêm muối để bù vào sự mất muối qua mồ hôi...
Mặt khác, không kém phần quan trọng là, muối còn là yếu tố Dương, đem lại sự quân bình Âm - Dương và sức khỏe cho con người. Các võ sĩ, vận động viên Nhật Bản, trong những ngày chuẩn bị thi đấu thường ăn rất mặn (muối vừng với 50% muối) và các thức ăn Dương khác để tăng Dương tính, nâng cao khả năng chịu đựng và phản ứng linh hoạt của cơ thể.
Thiếu muối sẽ sinh ra chán ăn, mệt mỏi, sức đề kháng suy yếu, khả năng miễn dịch giảm sút. Những người ăn chay, do hàm lượng natri trong thực vật thấp hơn trong thịt, nên cần phải bổ sung nhiều muối hơn vào khẩu phần ăn hàng ngày.
Trong khi muối tinh chủ yếu là natri, thiếu vắng các thành phần vô cùng quan trọng khác có thể tương tác, hỗ trợ, kích thích mặt tốt, hạn chế mặt xấu của natri, nên ăn muối tinh sẽ làm thay đổi đột ngột lượng natri trong máu, gây hại cho nội tạng, dẫn đến bệnh tim, thận... Vì thế trong nhiều phần viết và đặc biệt trong những lần thuyết trình, tôi thường nhấn mạnh: Muối tinh là thứ muối méo mó, què quặt không đủ tư cách là muối ăn! Bất cứ lúc nào có cơ hội, tôi luôn chia sẻ với mọi người nên ăn muối hạt hoặc muối hầm, tuyết đối không ăn muối tinh hoặc muối i-ốt.
Những người uống ít nước và ăn hơi mặn (tất nhiên là muối tự nhiên) thì dù có làm việc mệt nhọc hay ở nơi nóng bức cũng
không khát nước, rất ít ra mồ hôi, sức khỏe dẻo dai, sức chịu đựng bền bỉ, khả năng đề kháng bệnh tăng cường...
Bởi vì:
• Thứ nhất, muối rất Dương, nên ngăn cản hầu hết các bệnh từ cảm cúm đến ung thư (đều Âm tính).
• Thứ hai, muối là chất tạo nội môi trường kiềm mạnh nhất, nên giúp tăng cường hoạt động của nội tạng, đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố và chống ung thư rất rõ rệt, đặc biệt là ung thư máu.
Morishita đã trộn thức ăn (cốc loại) với muối cho những con gà con bị bệnh ung thư máu ăn, sau một thời gian nhiều con trong số đó đã hoàn toàn khỏe mạnh trở lại.
Thậm chí, theo Ohsawa, muối còn ảnh hưởng tích cực tới khả năng suy đoán của con người.
Sau đây là một vài điểm cần lưu ý khi sử dụng muối ăn:
• Muối tự nhiên có nhiều tác dụng rất tốt mà muối tinh không thể thay thế được. Mọi “tác hại của muối” mà Tây y đã tổng kết chỉ là do muối tinh và chỉ đúng với muối tinh; một loại muối bị mất tính chất tự nhiên, đã méo mó, què quặt... gây ra mà thôi. Nếu dùng muối thiên nhiên, chẳng những không có ảnh hưởng xấu mà còn có thể phòng và chữa khỏi các bệnh do muối tinh gây ra.
Trớ trêu thay, nước Mỹ có tỷ lệ dân số mắc bệnh tim mạch cao nhất thế giới và là bệnh gây tử vong hàng đầu. Nhưng, với những người giàu có như họ, thì “muối ăn” đương nhiên phải là muối tinh nên chẳng còn nhận biết được sự sai khác về chức năng giữa muối tự nhiên và muối tinh. Vì thế, các nhà Y khoa nước này đã đưa ra chủ trương giảm lượng muối trong khẩu phần ăn để phòng ngừa bệnh tim mạch.(!)
Quan niệm rất sai lầm này đã ảnh hưởng sâu rộng đến Y khoa, Dinh dưỡng học ở nhiều nước, kể cả Việt Nam, nên người ta luôn “kết tội” muối là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe và khuyến khích mọi người ăn nhạt.
Thật là một chủ trương xuất phát từ sự hiểu biết quá nông cạn, phiến diện, sai lầm.
Vì “muối tinh” chỉ là một phần của hạt muối tự nhiên. Mọi kết luận của khoa học và Y khoa về muối đều xuất phát từ một phần của tổ hợp tự nhiên, hoàn thiện đó, nên chỉ là một phần của sự thật. Mà “một nửa của sự thật còn tệ hại hơn cả sự lừa bịp” (Osho).
Các nhà thực dưỡng theo trường phái Ohsawa khuyến khích nên dùng tương miso hoặc tamary lâu năm (ba năm trở lên) thay cho muối. Vì chúng có đủ mọi thành phần của hạt muối tự nhiên, lại có hàm lượng natri cao, tạo nội môi trường kiềm tốt, nhưng vẫn đầy đủ các chất khoáng khác, lại nhiều đạm, đặc biệt vitamin B12 là chất có rất ít trong thực vật. Tương lâu năm còn có chất zyzycobin tác dụng đào thải kim loại nặng trong cơ thể rất hiệu quả. Ngoài ra, đậu tương thuộc loại thực phẩm khó tiêu, nhưng trong tương lâu năm thì các thành phần của hạt đậu đã chuyển hóa triệt để thành các axít amin nên rất bổ và dễ hấp thu.
Vì thế, dùng tương lâu năm thay muối sẽ rất tốt. Bản thân tôi có một thời gian hơn một năm chỉ ăn tương lâu năm tự làm, thay cho muối, nên sức khỏe luôn trong tình trạng sung mãn.
• Nhu cầu muối ăn tùy theo trạng thái của cơ thể. Nhìn chung người ăn nhiều thịt do có nhiều Natri thì chỉ cần 5 đến 10 gam muối mỗi ngày. Người ăn nhiều thảo mộc là loại chứa nhiều Kali (mà Kali bài xuất Natri) nên cần bổ sung nhiều muối hơn (20 đến 30 gam/ngày). Người lao động nặng ra nhiều mồ hôi nên ăn mặn hơn để bù cho lượng muối bị mất...
• Mặt khác, ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, cơ thể có nhu cầu về muối khác nhau: Trẻ con và người già Dương tính cao, nên ăn nhạt hơn; người trưởng thành Âm hơn nên cần ăn mặn để duy trì sự quân bình Âm - Dương của cơ thể.
Chúng ta đã thấy, muối ăn có tầm quan trọng như thế nào đối với sức khỏe và đời sống con người! Vậy mà, xã hội hiện đại đã loại bỏ các chất khoáng khác, khiến hạt muối từ chỗ là tinh hoa của biển cả, một chỉnh thể hoàn thiện, đã trở thành không đủ tư cách là muối ăn. Mọi người lại chỉ ăn thứ muối ấy!
Muối I-ốt hiện nay (gần như là muối tinh trộn thêm I-ốt) đã phổ biến, lan tràn sâu rộng khắp thành thị nông thôn, miền núi xa xôi hẻo lánh để "phòng và chống bệnh bướu cổ". (Xem tiếp dưới đây).
Từ lâu, tôi đã tìm hiểu vấn đề này và thấy:
• Thứ nhất, nếu nghĩ rằng “Toàn dân dùng muối i-ốt”, “Chỉ mua và bán muối i-ốt” như các khẩu hiệu, băng rôn ở khắp nơi, để phòng và chữa bệnh bướu cổ, thì: Hàng nghìn năm trước đây loài người không ăn muối i-ốt, tỷ lệ người mắc bệnh bướu cổ cao hơn hay
thấp hơn ngày nay?
Rất rõ ràng rằng, tỷ lệ ấy trước kia thấp hơn bây giờ nhiều, và thường chỉ có ở miền núi, vùng đồng bằng và ven biển không thấy có! Hiện nay bệnh bướu cổ ở miền núi có tăng, nhưng không đáng kể. Trái lại, ở đồng bằng và ven biển thì bệnh này nhiều lên gấp bội!
Phải chăng hàm lượng i-ốt trong muối tự nhiên (tức là trong nước biển) giảm đi? Sự thật thì, hoàn toàn ngược lại: Nguyên thủy, nước biển là nước ngọt. Hàm lượng các chất khoáng nói chung, i-ốt nói riêng trong nước biển ngày càng tăng theo thời gian do nước mưa bào mòn từ lục địa đưa về. (Nên có người đã nêu phương án tính tuổi trái đất bằng cách xác định lượng muối trong nước biển)! Vì thế, cho rằng bệnh bướu cổ do nguyên nhân thiếu i-ốt là hoàn toàn không đúng!
• Thứ hai, bệnh bướu cổ chủ yếu tập trung ở nữ giới, là những lao động chính trong nông nghiệp. Khám cho những người này, tôi thấy họ thường bị bệnh tim, gan hoặc tỳ, thận, phế (đúng như Đông y học cổ truyền đã tổng kết từ mấy nghìn năm trước đây) mà Tây y với những trang thiết bị hiện đại nhất cũng không thể phát hiện được(*)!
(*) Rất nhiều trường hợp tôi và nhiều lương y khác đã phát hiện ra các bệnh trên. Nhưng đến bệnh viện xét nghiệm bằng các thiết bị hiện đại nhất cũng không thấy. Điền hình là thận, chỉ khi nào suy sụp 90% trở lên thì các thiết bị hiện đại mới “phát hiện” ra! Thế là người bệnh chủ quan, thậm chí còn chê cười chúng tôi, mà không chịu chữa bệnh từ sớm. Mấy năm sau, bệnh nặng lên, không ít người lâm vào tình trạng đã quá muộn, vô phương cứu chữa!
Vì nội tạng suy kiệt nên sự chuyển hóa rối loạn, khả năng hấp thu i-ốt suy giảm, buộc tuyến giáp phải tăng cường hoạt động để bù vào sự thiếu hụt đó (bệnh bướu cổ còn gọi là “cường tuyến giáp”
là thế)! Như vậy, bướu cổ là hiện tượng “tự vệ” tuyệt vời của cơ thể. Tuyến giáp phải tăng cường độ làm việc để duy trì lượng i-ốt, nên nó là ân nhân của ta! Thế mà trong điều trị bệnh bướu cổ người ta lại thường giải phẫu cắt bỏ tuyến giáp(**). Tức là đã giết tươi ân nhân của mình!
(**) Xem tiếp quyển Thế nào là văn hóa sức khỏe của tác giả, NXB Tri thức 2016
Mặt khác, rất dễ thấy là, cùng một chế dộ ăn uống như nhau (trong cùng một gia đình, cùng một cộng đồng cư dân...) nhưng có người bị bướu cổ, nhiều người khác không hề gì! Như vậy, đâu phải do thiếu i-ốt mà là do người bệnh không có khả năng hấp thu i-ốt mà thôi! Rõ ràng là như vậy!
Theo tôi, nguyên nhân là do ngành nông nghiệp ngày nay đã lạm dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân hóa học... trong khi người nông dân không được trang bị những kiến thức tối thiểu và phương tiện đề phòng hữu hiệu, do vậy họ đã bị suy yếu nội tạng, từ đó khả năng hấp thu i-ốt suy giảm(***), bệnh bướu cổ xuất hiện!
(***) Tổng lượng i-ốt trong tuyến giáp khoảng 8 mg, nhiều gấp 60.000 lần so với nồng độ i-ốt ở bất kỳ nơi nào trong cơ thể. Tây y đã cắt tuyến giáp của người bệnh bướu cổ đê phân tích và thấy hàm lượng i-ốt ở đây giảm sút. Thế là vội vàng kết luận bệnh này là do thiếu i-ốt.
Nguyên nhân sâu xa là như vậy, nhưng Y học hiện đại lại chỉ dựa vào lượng i-ốt trong tuyến giáp của người bệnh giảm đi mà kết luận rằng bệnh là do thiếu I-ốt! Đó là kết luận xuất phát từ nhận thức, tư duy mang nặng tính chất của khoa học hiện tượng! Chỉ dựa vào một phần của sự thật, nên sai lầm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng là điều tất nhiên, chẳng thể khác được!
• Thứ ba, cứ cho rằng i-ốt có thể phòng và chữa được bệnh bướu cổ, như quan niệm của y học hiện đại, thì điều gì sẽ xảy ra?
Rõ ràng là, nếu thiếu i-ốt thì mọi người đều bị ảnh hưởng như nhau. Nhưng tại sao tỷ lệ người bị bệnh này ở Việt Nam, theo ước lượng của tôi, khoảng 1/1.000 người? Thế mà lại chủ trương
“Toàn dân dùng muối i-ốt”! Tức là, 999 người không bị bệnh cũng phải ăn theo chế độ của người bệnh! Như vậy, tính khách quan, trung thực, chính xác... ở chỗ nào?
• Thứ tư, vì chủ trương “Toàn dân dùng muối i-ốt”, nên muối tự nhiên bị “bạc đãi” quá đáng: Rất bẩn và nhiều cát, sạn! Khiến nhiều người vì sợ bẩn, sợ sạn mà phải ăn muối i-ốt(*)!
(*) Quê tôi ở Hải Hậu, Nam Định, nên tôi biếỉ rất rõ muối tự nhiên không bao giờ bẩn đến độ như thế! Rõ ràng đó là việc làm rất ác ý: Trộn cát, đất vào muối ăn! Tội tày trời! Ngày nay, rất nhiều người đã nhận thấy vấn đề, chuyển sang dùng muối hạt nên muối tự nhiên không đến nỗi bị làm bẩn đến như thế nữa.
Xưa nay tôi không bao giờ dùng muối tinh và muối i-ốt, mà luôn luôn dùng muối hạt tự nhiên, nếu bị bẩn thì pha bão hòa trong nước, để lắng cặn, rồi lọc qua vải để thu nước muối đậm đặc mà tôi gọi là “muối nước”! Bằng cách này sẽ không bị mất đi tính toàn vẹn của muối tự nhiên mà vẫn tránh được bẩn và sạn!
Nhiều người được tôi hướng dẫn đã rất hào hứng dùng “muối nước”!
Ngày càng có nhiều người nội trợ thấy rất rõ tính không tự nhiên của muối i-ốt: Dùng muối i-ốt để muối dưa thì dưa luôn bị khú! Và thế là trên các bao bì thực phẩm, một số nhà sản xuất còn cẩn thận ghi: “Không sử dụng muối i-ốt”!
Từ những điều trình bày trên đây, cho thấy chủ trương hô hào, vận động toàn dân ăn muối i-ốt là không đúng, cần phải nghiêm túc xem xét lại! Đáng mừng là những vận động, cổ súy dùng muối i-ốt đã ngày càng tự giảm đi nhiều.
3. NƯỚC
Nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống, chiếm trên 70% trọng lương cơ thể và là thành phần chủ yếu của nội môi trường gồm: dịch thể, máu, bạch huyết, nước ở gian bào...
Mọi phản ứng sinh hóa và các quá trình chuyển biến ở cơ thể đều diễn ra trong môi trường nước. Nếu cơ thể thiếu 10% lượng nước thì chức năng sinh lý sẽ rối loạn. Thiếu 15 đến 20% nước
sẽ chết! Vì vậy nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống! Nơi nào không có nước, ở đó chẳng thể có sự sống!
Tuy nhiên, hoàn toàn không phải vì thế mà cố tình thổi phồng vai trò của nước đối với cuộc sống thường ngày. Cái gì cũng vậy, luôn có giới hạn của nó! Tây y (và những trường phái chịu ảnh hưởng) luôn cho rằng uống nước càng nhiều càng tốt! Trong khi Đông y học cổ truyền (và những trường phái chịu ảnh hưởng) lại cho rằng nên uống ít nước, thậm chí càng ít càng tốt!
Cả hai quan điểm trái ngược ấy chưa lý giải một cách thỏa đáng nhu cầu về nước của cơ thể nên tính thuyết phục chưa cao, nhiều người còn băn khoăn, đắn đo trước việc lựa chọn chế độ uống nước thích hợp cho bản thân.
Tôi xin bàn kỹ hơn về vấn đề này:
• Thứ nhất, trong thức ăn hàng ngày, cơm đã chứa trên 70% (bún có thể tới trên 90%), rau trên 80%, canh trên 90% nước. Vì vậy ăn no là đã đủ nước rồi, uống nước chỉ là bổ sung thêm mà thôi!
• Thứ hai, uống nhiều nước sẽ làm loãng máu, từ đó dẫn đến những hậu quả sau:
+ Áp suất thẩm thấu của máu giảm, khiến hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, thực bào... phải sống trong môi trường không thích hợp dẫn đến sức sống và hoạt động giảm sút, nên chóng già, chóng chết. Do vậy sức đề kháng giảm, cơ thể suy nhược!
+ Tim là cơ quan làm việc cần mẫn suốt từ trong bào thai cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, không hề nghỉ ngơi dù một phút! Mỗi phút tim người bình thường đập 70 đến 75 nhịp, mỗi ngày đêm tim bơm đi 7.000 lít máu, một năm bơm 2.555.000 lít, cả cuộc đời (70 tuổi), tim phải bơm đi một lượng máu tới 178.850.000 lít để máu lưu thông liên tục trên 100.000 kilomet trong các mạch máu lớn nhỏ của cơ thể! Một tế bào máu đi từ tim tới đầu ngón chân rồi trở về tim chỉ trong 12 giây! Trong điều kiện bình thường, trái tim đã phải làm việc nặng nhọc như thế!
Nếu uống nhiều nước, máu loãng ra, tim phải đập nhiều hơn để bảo đảm đủ hồng cầu đi nuôi cơ thể, tức là phải đảm nhận thêm nhiệm vụ bơm lượng nước vô ích đi khắp nơi, vì vậy, những
người uống nhiều nước luôn có nhịp tim nhanh hoặc rất nhanh so với bình thường, nên rất hại cho tim!
Hơn thế nữa, máu loãng thì khả năng trao đổi chất với các tế bào, mô, cơ quan... giảm sút! Vì vậy người uống nhiều nước sẽ hay mệt mỏi, sức chịu đựng và khả năng đề kháng suy sụp! Thế mà Y khoa lại khuyến khích mọi người “uống nước nhiều để tăng cường đào thải độc tố”, thì thật là không còn gì để nói nữa!
+ Bình thường lượng nước trong cơ thể được giữ cân bằng qua cảm giác khát khi thiếu và đi tiểu khi thừa. Uống nhiều nước thì thận phải làm việc nhiều hơn để lọc và đào thải nước thừa, do vậy hiển nhiên sẽ làm hại thận! Thậm chí sau khi uống nhiều nước là phải đi tiểu ngay. Đó là tiếng nói của cơ thể: “Tôi không cần nước nữa, xin đừng đưa thêm vào! Đưa nước vào tôi phải tống ra ngay đây này”! Mà tiếng nói của cơ thể thì luôn luôn trung thực và chính xác!
Thế nhưng con người hiện đại tuy rất thính nhạy với tiếng nói của người bên cạnh, của đồng nghiệp, với đài ngoại quốc... nhưng lại hoàn toàn “điếc” trước tiếng gào thét của chính cơ thể mình(*)!
(*) Muốn nghe được tiếng nói của cơ thể mình, đòi hỏi cuộc sống phải trong sạch, đầu óc rỗng lặng, có nghĩa là phải đạt trình độ Tâm thức cao!
• Thứ ba, lập luận có vẻ thuyết phục của Y học hiện đại là: Uống nhiều nước để tạo sự chênh lệch nồng độ nên dễ đào thải chất độc!
Theo tôi lập luận này hoàn toàn sai, vì: Uống nhiều nước thì đi tiểu nhiều, nước tiểu trong, tức là nồng độ chất thải “loãng”; Uống ít, thì đi tiểu ít, nước tiểu đặc, tức là nồng độ chất thải “đặc”. Như vậy, không phải uống nhiều nước thì sự đào thải chất độc sẽ tăng tương ứng!
Bởi vì, khác hẳn với vật chất vô sinh, cơ thể sống có khả năng vận chuyển chất, (hấp thu và đào thải) ngược chiều gradient nồng độ.
Cụ thể là:
+ Tôm, cua, sò, ốc, hến... không thể “gặm” được cục đá vôi, mà chúng chỉ có thể lấy canxi từ nước để xây dựng, bồi đắp cho vỏ của mình lớn lên! Mà hàm lượng canxi trong nước thấp hơn rất nhiều (hàng triệu lần) so với vỏ của chúng!
+ Mồ hôi mặn, mùi nồng hơn máu do nồng độ muối, clo và các chất độc... cao hơn trong máu rất nhiều; hàm lượng urê và các độc tố khác trong nước tiểu cao hơn nhiều trong máu... thế nhưng các chất đó vẫn được đào thải từ máu ra mồ hôi và nước tiểu.
+ Mặt khác, quá trình trao đổi chất của cơ thể (hấp thu và đào thải) không hoàn toàn tuân theo các quy luật của vật chất vô sinh, nên chẳng phải uống nhiều nước thì sự đào thải sẽ tăng tương ứng! Hơn thế nữa, thực tế còn cho thấy, khi cơ thể thừa nước thì quá trình đào thải độc tố còn bị cản trở, trì trệ... rất nhiều!
Vì vậy, nếu cho rằng phải uống nhiều nước để gột sạch cơ thể là cách tư duy mang tính cơ giới đơn thuần, đã coi bộ máy bài tiết với các quản cầu Malpighi cực kỳ tinh tế của cơ thể như các ống thủy tinh và bình bằng sành vậy!
• Thứ tư, lập luận rằng cơ thể có gần 80% nước nên phải uống đủ để bù cho nó! Đó là điều hoàn toàn vô lý, vì: lượng nước trong mọi cơ thể sống luôn tồn tại dưới hai dạng là liên kết (hay cấu trúc) và tự do. Trong đó nước liên kết chiếm phần lớn (trên 80%) thì bền vững, bình thường rất ít thay đổi. Nước tự do chiếm phần nhỏ, (dưới 20%) thay đổi liên tục do ăn uống vào, thoát ra qua mồ hôi, hơi thở, nước tiểu... Uống nước chủ yếu là bổ sung cho lượng nước tự do, nên không cần nhiều! Có thể thấy rõ điều này qua thực tế: lá cây dễ bị héo là do mất nước tự do. Từ trạng thái héo chuyển thành khô sẽ rất lâu vì đuổi lượng nước liên kết ra rất khó!
• Thứ năm, con người từ động vật tiến hóa lên, nhưng các loài vật luôn luôn uống ít nước và đi tiểu cũng rất ít. Các động vật hoang dã còn uống ít hơn thế nữa! Có thể coi đây là tiếng nói của thiên nhiên, mà thiên nhiên thì vô cùng sáng suốt
Nhưng con người ngày càng chủ quan, dựa vào khoa học kỹ thuật, nên đã mất hết khả năng nghe và hiểu “tiếng nói” của ông thầy vĩ đại là thiên nhiên rồi!
(Nghe và hiểu được tiếng nói của thiên nhiên cũng đòi hỏi trình độ Tâm thức cao như nghe tiếng nói của chính cơ thể mình vậy)!
• Thứ sáu, nước thuộc về Âm, uống quá nhiều thì cơ thể trở nên Âm tính thường có những triệu chứng: Mệt mỏi, yếu ớt, tim luôn đập quá nhanh, hay hồi hộp, đau lưng, suy thận, tiểu đêm, chậm
chạp, nhức mỏi, viêm khớp, ra mồ hôi tay chân, béo bệu, dễ bị viêm nhiễm nên thường xuyên cảm cúm, hen suyễn, viêm họng, viêm phế quản, rã rời, đờ đẫn, ngại ngần, thiếu sinh lực, sợ lạnh, lâu nhớ, chóng quên, hay cáu giận vô lý bởi những việc vụn vặt. Nặng hơn nữa thì tính tình đa nghi, nham hiểm, độc ác... Đi khám Tây y sẽ không thể phát hiện ra bệnh gì!
Tôi đã khuyên nhiều người mắc những chứng bệnh như trên cần hạn chế uống nước, chỉ sau một thời gian ngắn họ đã mạnh khỏe, nhanh nhẹn, hoạt bát trở lại...
Trường hợp điển hình là bệnh nhân ở Đà Lạt, cụ bà N. T. X. 70 tuổi bị bệnh suy tim, nhồi máu cơ tim, tràn dịch màng phổi đi cấp cứu và điều trị ở bệnh viện lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Thầy thuốc chỉ định phải uống 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày, không kể bơm thẳng thức ăn lỏng vào dạ dày mỗi ngày ba lần để có “đủ nước và đủ chất”.
Sau một tuần, người bệnh mê man bất tỉnh, tim đập trên 180 nhịp/phút, đại tiểu tiện tự động, liên tục suốt ngày đêm, cứ 2 đến 3 phút đi tiểu một lần, 30 phút đến một giờ đại tiện một lần. Số khăn màn thấm nước tiểu cho người bệnh nhiều bằng cả một nhà trẻ! Tính mạng người bệnh như ngàn cân treo sợi tóc! Đã vậy, bất cứ lúc nào bác sĩ phụ trách phòng đến cũng “ân cần nhắc nhở” chỉ một câu: “Phải uống nhiều nước vào nhé! Thiếu nước là nguy hiểm lắm đấy”! Đến nỗi mỗi lần viên bác sĩ trẻ đó đến là tôi lại nhắc: “Cậu ‘nước’ nó đã đến”! Chẳng hiểu suốt mấy năm học ở đại học viên bác sĩ đó học những gì mà chỉ biết nhắc người bệnh mỗi một câu như vậy?
Khi đưa về nhà ở Đà Lạt, tôi trực tiếp điều trị, việc đầu tiên là hạn chế tối đa uống nước, và không bơm thức ăn vào thẳng dạ dày nữa, mà chỉ cho ăn, uống theo nhu cầu của người bệnh. Một tuần sau người bệnh tỉnh lại, nhịp tim giảm dần xuống 150, 120, 100 rồi 90 và chỉ còn dưới 80 nhịp/phút, đại tiểu tiện thưa dần, cơn nguy kịch đã qua, tử thần không rình rập nữa, sự sống trở lại!
Hơn một tháng sau, người bệnh tinh táo, có thể ngồi dậy nói chuyện. Lúc đó bác sĩ chủ nhiệm khoa lên thăm. Anh rất ngạc nhiên(*), nói với tôi: “Thế này là anh chữa tốt hơn bọn em rồi!”. Tôi cười, vỗ vai thân mật bác sĩ đó và nói: “Các cậu làm sai hết cả rồi! Người bệnh suy sụp đến mức ở ranh giới giữa sự sống và cái chết mà cứ bơm thức ăn vào chỉ làm cho lên men thối đầu độc cơ thể! Bơm nước nhiều liên tục chỉ làm cho tim và thận kiệt quệ, nên bệnh ngày càng nặng hơn là điều tất nhiên, phục hồi làm sao được? Ở bệnh viện không thể làm ngược y lệnh nên mình quyết định đưa người bệnh về để chữa, và bây giờ cậu thấy đấy!”.
(*) Vì khi đưa bệnh nhân về, tất cả bác sĩ quen biết và người thân đều đến tiễn với ý nghĩ “vĩnh biệt”, chỉ còn chờ ngày báo tin đám tang!
Bác sĩ tỏ ra rất ngỡ ngàng, bối rối trước lập luận, cách chữa của tôi và sự phục hồi mau chóng đến ngạc nhiên của người bệnh. Còn tôi, tôi cũng ngạc nhiên không kém trước cách chữa bệnh của Y học hiện đại lấy ý nghĩ chủ quan của mình áp đặt lên người bệnh!
Thực tế cho thấy những người khỏe mạnh và sống lâu thường uống ít nước và có khuynh hướng thích ăn thức ăn khô.
Bản thân tôi sau một thời gian uống ít nước, nhiều bệnh cũ đã khỏi hẳn, hoặc giảm đi rất nhiều, không bao giờ phải đi tiểu đêm, hết đau nhức, nhất là phong thấp, chẳng còn ra mồ hôi tay chân, không đau lưng và hay bị cảm cúm như trước nữa. Hãn hữu có bị cảm thì cũng chỉ vài phút đến một giờ là hết chứ không kéo dài hàng tuần hay mười ngày như trước kia. Sức khỏe tăng tiến rõ rệt!
Nhìn về quá khứ chúng ta thấy, các cụ ngày xưa thường uống nước bằng “chén hạt mít”, khi uống thì thong thả, nhâm nhi, thưởng thức hương vị của tách trà. Còn bây giờ, người ta uống bằng ly cối, ly vại, lại uống với nước đá(*), khi uống thì “nốc ừng ực” một hơi dài. Hoặc vừa ăn đồ nóng vừa uống nước lạnh! Xem như vậy đủ thấy cách uống nước ngày nay hoàn toàn ngược với truyền thống. Bệnh tật một phần từ đó mà ra!
(*) Năm 1976, lần đầu tiên vào Sài Gòn, thấy ở đâu, bất cứ lúc nào người ta cũng uống trà đá. Tôi nói đùa: Trà đá là thứ nước giải khát “Thực dân kiểu mới”!
Một số tác giả ở phương Đông còn cho biết: Hạn chế uống nước có thể ngăn chặn được các bệnh do Âm tính như phong thấp, lao, đái đường, ung thư v.v...
Nhưng nếu hạn chế đưa nước vào cơ thể mà lại ăn hoặc uống đồ ngọt thì hiệu quả sẽ giảm đi rất nhiều, vì bản thân đường rất Âm, trong cơ thể, đường sẽ phân giải thành nước và CO2 làm tăng Âm tính một cách ghê gớm.
Ngoài lượng nước trong thức ăn, việc uống thêm nước là tùy theo tình trạng cơ thể (trẻ con và người già Dương tính hơn, cần uống nhiều hơn); tùy thuộc mức độ hoạt động, thực phẩm, thời tiết nơi sống... của mỗi người. Khi khát thực sự thì uống, nhưng nên nhớ muốn uống và cần uống là không giống nhau, “muốn” là nhu cầu của tâm lý, xã hội thì nên hạn chế tối đa; còn “cần” là đòi hỏi của sinh lý thì phải đáp ứng.
Để phân biệt được như thế nào là “cần” hoặc “muốn” uống nước, đòi hỏi phải tập lắng nghe tiếng nói của cơ thể mình một thời gian dài! Nhưng, dù thế nào đi chăng nữa cũng không thể “uống càng nhiều càng tốt” như lời khuyên của các bác sĩ Tây y được!
Những điều trình bày trên dây cho thấy lối tư duy cơ khí đơn thuần của Y học Tây phương đã áp đặt lối suy nghĩ chủ quan hời hợt của mình lên thực tế khách quan vô cùng sinh động là cơ thể con người, đã sai lầm đến mức nào! (xem tiếp mục 4 dưới đây).
4. HẬU HỌA CỦA VIỆC UỐNG QUÁ NHIỀU NƯỚC
Vâng! Đúng thế! Tôi phải dùng từ “hậu họa”, vì thực sự là như vậy!
Trên đây chúng ta đã thấy tai hại của việc uống nước quá nhiều. Không hiểu từ đâu mà y học chính thống lại luôn luôn động viên, khuyến khích, hô hào người dân uống nước nhiều đến thế?
Tôi ngờ rằng, khoa học nói: Mỗi ngày nên “cung cấp” cho cơ thể (kể cả đồ ăn, thức uống) 1,5 lít nước (theo tôi như thế đã là
nhiều)! Thì ngành Y lại nói rằng phải “uống” 1,5 lít nước mỗi ngày là hoàn toàn sai!
Vì quá tin tưởng vào Y học mà vô vàn người dân kể cả các thầy thuốc đã sa vào tình trạng sức khỏe suy sụp nghiêm trọng! Có lẽ chúng ta cần thẳng thắn đưa vấn đề này ra bàn công khai rộng rãi! Vì đã đến lúc chẳng thể đặng đừng được nữa rồi!
Tôi đã tiếp xúc, khám và chữa bệnh cho nhiều người, trong đó có cả bác sĩ, dược sĩ. Hầu hết họ đều trong tình trạng cơ thể quá thừa nước. Hỏi ra, thì ai cũng uống nước theo hướng dẫn của bác sĩ, đài, báo và những người xung quanh!
Nhiều người tâm sự: Tôi thực lòng không thích uống nhiều như thế. Nhưng được hướng dẫn vậy nên cố theo: Sáng dậy uống 1/2 đến 2/3 lít nước. Đến 9, 10 giờ sáng, và sau nghỉ trưa, chiều, tối lại cố uống... cho đủ số lượng nước mà bác sĩ hướng dẫn! Nhiều khi tôi không dám ăn, mà để bụng chứa nước.
Rất nhiều người nói: Nghe theo lời bác sĩ, họ phải cố gắng uống mỗi ngày 2 đến 3 lít nước! Tôi vô cùng kinh ngạc khi nghe một cô gái ở Sóc Trăng nói cô đã uống tới 14, 15 lít nước mỗi ngày!
Không ít người cho biết, bác sĩ khuyên họ phải uống thật nhiều nước để làm sạch cơ thể, hoặc để đẩy sỏi thận, sỏi mật ra, hay để cho bệnh suy thận không bị suy kiệt thêm. Tôi hỏi cắt ngang: “Thế từ ngày uống nhiều nước đến giờ có đẩy được sỏi mật, sỏi
thận ra không? Người có khỏe lên không?”. Tất cả đều ngỡ ngàng, trả lời: “Không! Mà bệnh vẫn cứ ngày một nặng hơn! Nhưng... bác sĩ bảo như thế, không theo thì theo ai?”.
Số khác nói: “Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, của đài, báo, tôi đã cố uống thật nhiều nước suốt năm sáu năm nay... mà vẫn không khỏi các bệnh: Đau nhức, tê bại tay chân, sỏi thận, sỏi mật, viêm xoang, thường xuyên cảm cúm...”. Tôi hỏi cắt ngang: “Thế trước đây năm sáu năm, khi chưa uống nhiều nước thì có bị những bệnh như bây giờ không”? Họ ngừng lại, ngơ ngác, rồi như chợt tỉnh, trả lời: “Không! Chẳng bao giờ lắm bệnh như bây giờ cả!”.
Thật đáng buồn, khi mà thực tế đã cho thấy một cách rõ ràng rằng: lượng nước dư thừa trong cơ thể không những chẳng giúp
ích được gì cho quá trình bài tiết mà ngược lại còn làm giảm khả năng đào thải các chất cặn bã. Thậm chí một vài nghiên cứu còn chỉ ra: Uống nước khi không thiếu thì lượng nước đó sẽ lưu lại trong cơ thể rất lâu, (hàng tháng) từ đó dẫn đến mệt mỏi, thiếu sinh lực, béo bệu! Hơn thế nữa còn buộc tim, thận phải làm việc một cách vô ích gây mệt mỏi và mau chóng suy sụp!
Quan niệm cho rằng uống nhiều nước để đào thải nhanh cặn bã là xuất phát từ cách tư duy mang tính cơ khí, đã đem áp dụng vào con người, một thực thể sống vô cùng tinh vi, cực kỳ phức tạp và hoàn thiện nhất hành tính này! Thật chẳng còn gì để nói nữa!
Không ít người còn tâm sự: “Chẳng những mình uống quá nhiều nước, mà còn bắt các con cũng phải uống nhiều. Hàng sáng tôi 'khoán' cho các con mỗi đứa một chai 1,5 lít nước! Trưa và chiều về, đứa nào không 'tự giác' uống thì bắt phải uống 'bù' trước mặt mình! Nhiều khi tôi tay cầm chai nước, tay cầm roi, quát nạt... bắt các cháu phải uống đủ 'tiêu chuẩn' hàng ngay trước mặt mình”!...
Vì thực trạng ấy mà rất nhiều người, kể cả các cháu nhỏ, có những triệu chứng điển hình của bệnh Âm tính cao; nhiều người còn bị bệnh tim (nhịp tim rất nhanh, thường hồi hộp...) và suy thận, dẫn đến bệnh gan (vì theo Đông y học cổ truyền, thận là mẹ của gan) nên hay cáu giận nhiều khi vô lý... Những phụ nữ quá Âm tính như trên thường khó thụ thai, hoặc sẩy thai, đẻ non, sinh ra những đứa trẻ yểu tướng, yếu đuối hoặc cận thị bẩm sinh rất nặng! Trường hợp điển hình nhất về uống quá nhiều nước là cụ bà bị nhồi máu cơ tim, nêu trên đây.
Tôi thực sự không cực đoan khi nghĩ rằng: Việc uống nước quá nhiều lâu nay đã làm suy thoái sức lực và nòi giống rất rõ rệt! Vì vậy, tôi thành thực và thiết tha khuyên mọi người hãy thương lấy trái tim, hai quả thận đang quá lao lực, mệt mỏi và cả cơ thể của mình bằng cách uống ít nước lại!
Với một số người tôi đã trực tiếp khuyên: “Chẳng có bệnh gì cả, cứ uống nước ít đi là khỏe thôi”! Nhiều người nghe theo, cũng như rất nhiều người sau khi đọc quyển sách này đã uống nước ít đi. Sau một thời gian ngắn, họ gọi điện, biên thư hoặc gặp trực tiếp vui vẻ báo tin: Người nhẹ nhàng, khỏe mạnh hơn nhiều, các triệu chứng trước kia nay đã hết! Trường hợp điển hình là một
thanh niên(*) trước kia uống mỗi ngày 5 lít nước, nặng 105 kg, sau một tháng uống ít nước đã giảm 13 kg, người gọn lại, nhẹ nhàng, nhanh nhẹn và khỏe mạnh hẳn lên!
(*) Cháu Lê Hoài Nam, ở 81 Trần Phú, P. Cái Bè, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, người cao 1,7 mét.
Nhưng không ít người “trung thành với khoa học” đã không tin, thậm chí phản ứng gay gắt. Họ cho rằng tôi chẳng hiểu biết gì cả! Đến nỗi kiến thức phổ thông, đơn giản nhất mà đài, bào, bác sĩ... nói ra rả hàng ngày cũng không biết!
Số khác thì “lịch sự” không nói cho qua chuyện rồi vẫn tiếp tục uống nhiều nước! Họ lập luận: Đài báo nói, bác sĩ khuyên thì làm sao mà sai được!
Với những người như thế, tôi thường nói: “Tôi hiểu rất rõ nguyên nhân và bản thân đã chứng nghiệm, nên thực lòng chia sẻ, khuyên mọi người. Ai nghe theo, khỏi bệnh, mạnh khỏe lên thì tôi cũng chẳng được lợi lộc gì. Ai không nghe theo, cứ uống quá nhiều nước, bệnh nặng lên, suy sụp nhanh chóng... tôi cũng chẳng thiệt hại chi! Đưa ra lời khuyên chân thành là trách nhiệm lương tâm của tôi! Có thực hiện lời khuyên đó hay không là quyền và trách nhiệm cá nhân của mọi người!
Tôi hoàn toàn thông cảm với những người phản đối đó. Và, với tất cả thiện chí, tình thương yêu bất vụ lợi đã được rèn luyện, nuôi dưỡng lâu nay, xin chân thành tặng phần viết này cho những ai chưa tin lời khuyên của tôi, để các bạn có điều kiện suy ngẫm nhiều hơn, trải nghiệm lâu hơn nhằm tự rút ra kết luận cho chính mình. Tôi luôn vui lòng chia sẻ nếu các bạn muốn, và sẵn sàng tranh luận với bất kỳ ai muốn tranh luận về vấn đề này!
Không ít bác sĩ và cả tiến sĩ Y khoa, tiến sĩ Sinh học... sau khi tranh luận với tôi đã thừa nhận tôi đúng, họ sai nên uống ít đi, nhưng có người trong số đó mà tôi biết rất rõ vẫn khuyên bệnh nhân uống nước nhiều. Vì sao vậy? Có trời mới biết!
Cũng chẳng nên trách cứ những người đã phản bác tôi, vì ngay cả những trí thức “cỡ lớn” cũng như thế: Khi nghe tôi giảng trong các lớp dưỡng sinh, ông thầy trước đây dạy tôi ở đại học, lúc ấy là phó giáo sư, tiến sĩ, chủ tịch hội Sinh vật học thành phố Hồ Chí
Minh, mời tôi cùng với mấy người bạn là tiến sĩ Sinh học và tiến sĩ Y khoa tới nhà.
Thầy thân mật pha chút hài hước, mở đầu câu chuyện, nói với tôi: “Hôm nay chúng tớ mời cậu đến chơi, nhân thể ‘hỏi tội’ cậu. Vì sao đài, báo nói suốt ngày phải uống nhiều nước mà cậu lại giảng cần uống ít nước?”.
Tôi vui vẻ, tự tin, trả lời: “Cảm ơn anh! May quá! Được giải thích cho những người như thế này mới ‘sướng cái bụng’! Chứ với người khác, chưa chắc họ đã hiểu hết!”. Rồi cố trình bày cặn kẽ từng điểm một (mục II - 3, trên đây). Không ngờ, cứ nói xong mỗi ý là mọi người lại ngạc nhiên “ừ nhỉ”! Nhiều khi chưa nói hết câu tôi đã nhận được câu "ừ nhỉ" đồng tình!
Khi nói về ý mà Y học cho rằng phải uống nước nhiều nhằm tạo ra sự chênh lệch nồng độ, để đào thải các chất cặn bã, tôi quay về thầy mình và nói: “Chính anh giảng vấn đề này trong chương ‘Vận chuyển chất qua màng tế bào’ cho lớp chúng em”! Thầy gật
đầu xác nhận: “Ừ! Đúng thế nhưng... tớ cũng không để ý thực tế này”!
Sau hồi lâu yên lặng, thầy nói: “Sao vấn đề đó không ai nghĩ ra”? Tôi đáp: “Chẳng phải không ai ‘nghĩ ra’, mà chẳng ai chịu ‘nghĩ’ cả! Những vấn đề đó có khó gì đâu, thậm chí em chưa nói hết câu các anh đã 'ừ nhỉ' ngay rồi dấy thôi!”.
Lại một lúc lâu yên lặng, thầy nói tiếp như chợt nhận ra: “Thế mới biết, nhiều tay viết sách chỉ nói theo người khác, chứ chẳng hiểu quái gỉ cả!”. Tôi gật đầu: “Quả thực có như thế!”.
Từ đó, tôi ngày càng nhận thức sâu sắc và vô cùng trăn trở trước lời nhận xét của Wallack và một số nhà khoa học khác: “Hầu hết những lời khuyên chân chính, đúng đắn về ăn uống và giữ gìn sức khỏe đều trái ngược với kiến thức của các bác sĩ và trái với nền giáo dục đã trao cho mọi người”!