🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh
Ebooks
Nhóm Zalo
Phần I - Chương 1
I: NGƯỜI TRỞ VỀ
Cô Chín ngự đồng dệt gấm thêu hoa
Thêu non, thêu nước, cô thêu ra đôi rồng chầu
( Văn Cô Chín )
Đẹp lạ đẹp lùng
Rõ ràng cô Chín trong đền Sòng cô giá lâm
( Văn Cô Chín )
Người đàn ông đã đứng tuổi, mặc bộ quần áo nâu bạc phếch, vai đeo cái đẫy cũng bằng vải nâu trên có những miếng vá bằng vải đen, đang rảo bước trên con đường đá gan gà chạy dọc theo chân một dãy đồi. Những quả đồi thấp như bát úp, cây cối rậm rịt tạo thành một khu rừng tạp xanh tốt. Có những cây cao đầu phủ dây tơ hồng như đội mớ tóc giả màu vàng nuột nà; đám tơ hồng được ánh sáng chiều chiếu vàng, chúng như những cái đầu hãnh điện rung rinh để làm duyên cho khu rừng.
Người đàn ông dáng nôn nóng, hối hả, không giấu được vẻ háo hức, sung sướng khi ngắm cánh rừng và nhất là khi ngắm cái hồ lớn xanh ngắt nằm giữa vòng vây của núi đồi. Cái hồ xanh lục, như một tấm gương trời bao la, thu hình những ngọn đồi, những cánh rừng xung quanh, in bóng cả những cánh chim trời thỉnh thoảng lại xáo xác vỗ cánh bay vút lên từ một đám lau sậy ven hồ; chúng lượn vòng, lặng im không vỗ cánh, nương theo gió mà nghiêng nghiêng đầu, chăm chăm nhìn làn nước xanh như thể muốn tự chiêm ngưỡng cái dáng thon thả và bộ lông màu trắng duyên dáng và tinh khiết thêm cái mào đỏ rực rỡ của mình. Người dân ở đây bảo đó là loài hạc quý chẳng biết có đúng hay không.
Một cô gái chừng mười ba tuổi, váy đen, áo nâu, vấn khăn còn vụng để tóc lõa xõa trước mặt. Cô đi sau người đàn ông, vai quẩy chiếc đòn gánh ở hai đầu là hai chiếc bị rách. Cô gái kêu lên:
- Thầy ơi? Nghỉ lát đã, con mỏi chân lắm rồi.
Người đàn ông tóc hoa râm dừng chân lại, hiền từ nhìn con gái. Hai cha con ngồi bệt xuống vệ cỏ, mắt nhìn ra hồ.
- Đã về đến quê rồi hả thầy? - Cô con gái hỏi.
- Đã hai chục năm rồi, nhưng cảnh chẳng khác xưa mấy tí. Hồ này tên là hồ Huyền vì nước sâu màu đen. Tuy thế nhưng nước trong lắm. Ở phía Tây hồ có con sông, hồ thông với sông. Sang bên kia sông, ngọn núi phía đầu dòng là núi Mẫu, trên đó có đền thiêng. Ngọn núi phía dưới dòng là núi Đùng, Ở đó có nhiều chuyện lạ.
Người cha như hồi tưởng, cố lục tìm trong trí nhớ để kể cho con gái nghe về vùng quê cha đất tổ.
- Thế còn làng mình...
- Nó ở gần cửa sông, đi khỏi cánh rừng này thì đến. Các cụ già có chữ gọi nó là làng Cổ Đình. Còn dân thì vẫn gọi nó là làng Kẻ Đinh.
- Kẻ Đinh là gì hả thầy?
- Ông nội bảo làng này, ngày xưa, toàn con cháu họ Đinh. Có người bảo họ Đinh từ Ninh Bình ra. Thấy nơi đây đất lành chim đậu, nên dừng chân lập làng, lập ấp. Lại cũng có người nói rằng họ Đinh từ phía Hòa Bình xuôi xuống, vậy là gốc Mường. Cổ Đình nằm giữa vùng đồi núi và vùng đồng bằng.
Cô gái ngây thơ mỉm cười:
- Vậy, gia đình ta gốc ở đất Mường.
Người đàn ông sờ tay lên khuôn mặt, ra chiều suy nghĩ. Lúc này, mới nhìn rõ gương mặt của ông ta. Một nửa gương mặt đẹp, một nửa xấu xí. Phía đẹp là phía trái, với con mắt rất sắc; cái mũi vừa phải, thẳng và thanh tú; gò má xương xương khắc khổ; cuối cùng là một nửa đôi môi mỏng, hơi mím lại, chứng tỏ một trí lực bén nhạy và điềm tĩnh quyết đoán. Còn nửa phía phải? Nửa gương mặt ấy ai mới nhìn đều thấy sợ. Nửa gương mặt ấy là một vết sẹo to và đỏ.
Vết sẹo do bị bỏng thì phải. Vết sẹo khi lành đã co kéo làm biến dạng khuôn mặt. Nó kéo khóe môi phải nhếch lên; nó làm cho mi mắt phải không khép lại được, làm cho con mắt ấy luôn luôn mở trừng trừng, thức cũng như ngủ. Hình như người đàn ông cũng ý thức được ý nghĩa của hai nửa mặt của mình nên khi nói chuyện với con, ông luôn ngồi ở chỗ để cho cô bé, khi nhìn ông, luôn chỉ thấy phần bên trái đẹp đẽ của gương mặt mình.
Còn cô con gái, sau khi đã đỡ mệt, cô đứng lên, chạy qua bãi cỏ rộng, ra hồ nước. Cô bé như con nai tơ mới lớn. Tuy rách rưới và có vẻ lam lũ, nhưng dáng cô bé chạy thật là yểu điệu. Đôi tay vung vẩy nhẹ nhàng, đôi chân nhún nhảy kín đáo dịu dàng. Tay trái cô đặt trước bụng giữ tấm áo, thân hình cô đung đưa thật duyên dáng.
Đến hôm nay, người cha mới chú ý đến cái dáng vẻ của cô con gái. Cô bé đã lớn bồng lên từ lúc nào mà ông chẳng hay. Cô đã thành thiếu nữ từ bao giờ mà ông không biết. ông chợt thấy bàng hoàng trong tâm khảm:
"Trời ơi! Sao con bé, khi chạy, lại giống mẹ nó đến thế".
Cô gái đã chạy tới mép nước. Nước xâm xấp ngọn cỏ. Nước từ gót son của cô gái long lanh bắn tóe lên. Cô gái cười với nước. Tiếng cười lanh canh giòn như pha lê.
"Trời ơi! Cả đến tiếng cười của nó nữa! Y hệt giọng cười của mẹ". Cứ như thể cô Thắm, người vợ quá cố của ông đang hiện hình về
ngay trước mắt ông. Cứ như thể ông nghe thấy tiếng hát trong veo của nàng đang lượn lờ trong không trung. ông bắc tay làm loa gọi với theo:
- Con chú ý kẻo sa xuống chỗ nước sâu.
Người đàn ông đó tên là Phác, Hai Phác, con cụ đồ Tiết. Cụ Tiết có hai người con trai: nhớn là Chất, em là Phác.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các cuộc nổi dậy chống Pháp sau thời kỳ Cần Vương vẫn mọc lên như nấm. Ngoài những cuộc khởi nghĩa danh tiếng như Đề Thám, Đốc Ngữ còn có nhiều cuộc khác cũng tự xưng là ông Đốc, ông Đề, ông Đội, v.v... Ở vùng Cổ Đình có người học trò tên là Nghĩa cũng dấy binh phá đồn phủ, nên cũng được dân tôn xưng là ông Đề Nghĩa. Nghe nói lúc còn nhỏ, Nghĩa theo cụ đồ Tiết học chữ thánh hiền. Chất và Phác thuộc lớp em út của Nghĩa. Nghĩa đã ngoài bốn mươi, còn Chất, Phác ở dưới tuổi hai mươi. Là nhà nho lúc nào cũng canh cánh cái nhục mất nước, nên cụ đồ Tiết khi thấy anh học trò lớn dấy binh, liền trao luôn hai đứa con trai của mình đi theo Đề Nghĩa. Quân lính của Đề Nghĩa chưa đến một trăm tay súng, còn lại toàn đao kiếm cả. Họ đánh trận phục kích giặc đi tuần, đột hiện tấn công đồn, dùng chiến thuật thoắt hiện thoắt biến, thường bất ngờ đánh vào những chỗ yếu của địch. Nghĩa quân hoạt động suốt một dải rộng lớn gồm Sơn Tây, Phú Thọ, Hòa Bình, rồi có lúc vào tới cả Thanh Hóa. Cũng có một vài trận thắng giòn giã như trận đánh đồn chợ Sơn, tên quan hai khố xanh tên là Ferray bị nghĩa quân vây bức phải trốn chạy bằng thuyền, rồi phó mặc cho dòng nước sông Đà hung dữ cuốn đi, may mà thoát chết. Đánh nhau suốt
ba năm ròng. Lúc đầu, nghĩa quân còn khỏe, còn hăng, lại luôn thắng trận nên phấn khởi lắm. Nhưng về sau, quân Pháp rút kinh nghiệm, không dàn quân nhỏ lẻ nữa, mà co cụm lại thành đồn lớn, sức nghĩa quân không đủ mạnh để phá. Trong khi ấy, Pháp cho ba tiểu đoàn càn quét săn đuổi. Chạy liên miên, đói khát liên miên sau đó bệnh tật sinh ra. Cuối cùng, nghĩa quân phải rút vào Thanh Hóa. Lúc khởi binh, chừng hai trăm quân; lúc bị bao vây không có lương mà ăn, chỉ còn vài chục người. Ông Đề Nghĩa biết mình khó trụ vững, liền tập hợp những nghĩa sĩ cuối cùng của mình lại và nói rằng:
“Trời đã chẳng giúp chúng ta. Đề Nghĩa này đã hết lòng tận trung với nước, nay đã sức cùng lực kiệt.
Một lạy này, Nghĩa xin gửi tới non sông.
Còn một lạy này, Nghĩa xin gửi tới anh em để tỏ lòng biết ơn những người bạn đã chung lưng đấu cật, sống chết có nhau, cùng trải qua những lúc nằm gai nếm mật.
Ta thẹn vì nỗi tài hèn nên đã để anh em lâm vào bước đường cùng. Nhưng, ta chẳng muốn để anh em cùng ta đi vào chỗ diệt vong.
Hãy nuốt nước mắt. Hãy nuốt mối hận thù vong quốc vào tận đáy lòng. Hãy đi về nơi thôn ổ, hoặc vào chốn thâm sơn cùng cốc, rồi mai danh ẩn tích, mà đợi thời vùng dậy.
Nếu bản thân cũng sức tàn lực kiệt, không làm gì nổi nữa, thì hãy
dạy con, dạy cháu, chớ bao giờ được quên nỗi quốc sỉ này...".
Gần một trăm nghĩa sĩ đã im phăng phắc nghe những lời nói cuối cùng của Đề Nghĩa. Họ đã vâng theo lời chủ tướng, thay hình đổi dạng, chia tay nhau mỗi người mỗi ngả. Họ đã trèo đèo lội suối vào những bản rừng xa xôi chẳng ai đặt chân tới, cũng có người lẩn vào đám dân manh lệ, những kẻ lang thang đói khát mà vào thời đại loạn ấy rất nhiều. Nhờ sự kịp thời của chủ tướng nên phần đông trốn thoát.
Còn Đề Nghĩa, ông bị sốt rét chết trong rừng sâu. Bọn tay sai cắt đầu ông, nộp cho Tây lấy thưởng.
Trong đám tàn quân lưu vong ấy, có mặt hai anh em Chất và Phác. Chất bảo em:
- Anh là con cả, cần phải quanh quẩn gần quê, để còn có thể biết tin tức cha già và báo hiếu cho cha. Còn em là con thứ, lại là người tài hoa, lại nhân tai nạn mà biến đổi khuôn mặt. Vậy, hãy trốn chạy thật xa, thay họ đổi tên, lấy vợ đẻ con, để mai sau lỡ ra anh gặp điều chẳng may, thì còn có em để tiếp nối huyết thống dòng họ Đinh nhà ta.
Chương 2
Người em đi về vùng Sơn Nam, đổi tên là Trịnh Huyền. Chữ Trịnh gần âm với chữ Đinh, chữ Huyền lấy từ cái tên hồ Huyền quê nhà.
Huyền đi theo phường gặt, lạc về một vùng chiêm trũng, đi từ làng này sang làng khác. Làm đủ mọi nghề. Lúc thì làm thợ đá nung vôi; lúc thì làm chân gánh vã thuê; có lúc làm thợ cày, thợ gặt. Mãi vẫn chẳng tìm được chốn đậu chân lâu dài.
Một bận, anh phiêu bạt đến làng Lê Xá. Đó là một hòn đảo xanh um, nằm bơ vơ giữa cánh đồng chiêm bao la, giữa biển nước mênh mông trắng xóa.
* *
*
Trịnh Huyền đến Lê Xá vào một ngày đông. Chợt anh cảm thấy nao nao trong dạ, vì ngôi làng sao vắng lặng đến thế, sao như rầu rĩ đến thế. Chó cũng chẳng buồn sủa, khi anh là người lạ đi qua ngõ. Một chú gà trống choai, dáng rất hăng vì có mấy ả mái tơ đang bới rác dưới chân cây rơm, nó nhảy phóc lên đỉnh đống rơm, vươn cổ hình như đang định khoe tiếng, song chẳng thấy có ai chú ý, cả mấy ả gà mái mỡ màng cũng lỉnh ra gốc khế ngoài vườn. Chú gà choai đã vươn cổ ra nhưng thấy mình lạc điệu quá, nên nó lại rụt cổ về dáng
ngơ ngơ ngác ngác, rồi vội vàng tụt xuống đất lủi thủi chuồn ra sau bếp.
Không khí gì mà lạ vậy? Thấy một bà lão đang bế cháu dưới gốc tre, Huyền lễ phép hỏi:
- Chúng cháu là người lạ nơi khác đến làng ta tìm việc. Chúng cháu đều là người khỏe mạnh tử tế. Việc gì chúng cháu cũng xin làm.
Bà cụ già một tay bế cháu, một tay xua xua:
- Các bác đến nơi khác mà tìm việc. Làng tôi đang có chuyện buồn.
- Dạ xin cụ cứ cho biết rõ. Chẳng hiểu có chuyện gì? May ra chúng cháu giúp được thì sao.
Bà cụ ngồi xuống chiếc ghế con, đặt cháu vào manh chiếu, tìm miếng trầu ở túi rồi đủng đỉnh kể:
- Chả là làng tôi chỉ có một họ: họ Lê. Tối hôm qua bà trưởng Kiên, vợ ông trưởng họ qua đời. Ông trưởng họ là người tài hoa, đánh đàn giỏi lắm. Bạn ông Kiên là ông phó Kèn, thổi kèn đám ma hay lắm. Chẳng may ông phó Kèn chết đã gần năm nay. Thế là chẳng có ai thổi kèn đưa bà Kiên ra đồng cả. Lên làng Thượng cầu cứu thì ông phó Kèn trên ấy lại đi làm ăn xa chưa về. Mà bà trưởng Kiên xưa kia lấy ông Kiên cũng chỉ vì mê tiếng đàn của ông ấy. Bà Kiên vừa hát hay vừa đẹp gái nhất làng. Chẳng lẽ người như bà ấy mà chết đi lại chết thầm không kèn không trống. Chính vì cái nhẽ đó nên
ông trưởng Kiên suốt từ sáng đến giờ cứ nằm sườn sượt bên áo quan bà vợ, chẳng thiết ăn thiết uống gì nữa. Bác tính xem thế có khổ cho cả họ, cả làng chúng tôi không. Làm thì khối chân khối tay ra đấy, nhưng bảo thổi kèn thì ai ai cũng chịu.
Mặt Trịnh Huyền tươi tỉnh hẳn lên:
- Thưa cụ, tưởng chuyện gì chứ chuyện ấy thì cháu làm được. - Thế ra anh biết thổi kèn? Quý hóa quá!
Bà cụ vội bế đứa bé lên, cầm lấy tay Huyền dắt đi:
- Anh đi ngay với tôi đến nhà ông trưởng Kiên. Tôi là chị gái ông ấy đấy. Còn con bé này là cháu ngoại ông Kiên...
Bà cụ gọi tướng lên từ cái ngõ tre:
- Ông Kiên ơi? Thôi dậy đi? Có người giúp được rồi.
Chiếc quan tài kê ở gian giữa căn nhà gỗ. Một ông già râu bạc nằm thượt ở chiếc phản kê ở gian bên cạnh, tay vắt lên trán. Một cô gái và một cậu con trai ngồi xệp xuống đất cạnh chiếc quan tài, tay ôm mặt, ti tỉ khóc:
- Bu ơi là bu ơi!
Bà cụ bảo:
- Thôi, đừng khóc nữa. Có thợ thổi kèn đây rồi.
Ông già Kiên ngồi dậy ra tiếp khách. Ông cụ mời Huyền ngồi lên phản, nhìn anh từ đầu đến chân, ra chiều còn nghi ngờ. Ông hỏi:
- Bác là người vùng nào? Tôi nghe giọng bác không phải người Sơn Nam.
- Dạ, cháu là người xứ Đoài, gia cảnh nghèo túng nên đi lưu lạc kiếm ăn.
Trịnh Huyền nhìn cây đàn nguyệt treo trên vách, rồi lại nhìn vào đôi mắt còn như bán tín bán nghi của ông già. Anh thành thật nói:
- Cháu vốn không phải là người chuyên thổi kèn, nhưng hồi nhỏ vốn tính ham chơi mọi thứ nên đã có lúc đi theo các cụ hội hiếu. Cụ trùm hội bảo cháu hơi dài nên dạy thổi kèn. Nhưng thú thực với cụ là đã lâu lắm rồi cháu không thổi... chắc thổi sẽ còn loạc choạc lắm.
Cụ trưởng Kiên ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi:
- Anh còn nhớ điệu Lâm Khốc chứ?
- Dạ cháu còn nhớ.
- Thế Lưu Thủy, Hành Vân?
- Dạ thưa cụ đám hiếu sao cụ lại nói đến Lưu Thủy, Hành Vân?
- Là thế này, bà lão nhà tôi hơn tôi hai tuổi. Tôi sáu mươi chín, tức là bà ấy bảy mươi mốt. Thất thập cổ lai hy. Thế là thượng thọ rồi. Chết thế, con cháu ngoài việc thương xót tiễn đưa, còn thêm việc chúc thọ bà ấy.
- Dạ, cụ có nói, cháu mới rõ.
- Bây giờ, anh thử hát tôi nghe qua một đoạn Lâm Khốc. Hát bằng lời cũng được.
Trịnh Huyền hắng giọng, rồi cất tiếng:
Thương ôi! Hồn ở nơi nao?
Để cho con cháu kêu gào xót thương
Cụ trưởng Kiên gật gù, vào trong buồng lấy ra chiếc kèn.
- Kèn này là của ông bạn cố tri của tôi: cụ phó Kèn. Anh thử thổi lên mấy tiếng xem sao.
Trịnh Huyền mới đầu thổi còn lúng túng, ngắc ngứ, nhưng chỉ một lát sau ngón tay trên lỗ kèn của anh đã thuần thục. Cụ trưởng Kiên gật đầu tỏ vẻ bằng lòng:
- Bây giờ thì tôi yên tâm rồi. Chắc bỏ đã lâu, thế mà phút chốc đã lấy
được thần thái của tiếng kèn. Bà nó ơi! Bà ra đi tôi đứt từng khúc ruột. Ngày xưa, lúc sinh thời, đi đưa đám ma, bao giờ bà cũng thưởng hậu cho anh thợ kèn những bài khóc chị... khóc em nếu họ thổi kèn khóc thật hay. Bà bỏ tôi ra đi, bỏ con cháu ra đi, thế mà ông phó kèn, bạn cố tri của tôi đã khuất núi rồi. Tôi cứ tự hỏi mình: Ai sẽ thổi kèn để rước hồn bà lên trời. Tôi cứ thấy như mình có lỗi với bà. Nay, như có trời xui đất khiến, anh thợ kèn trẻ tuổi này sẽ thay tôi để khóc để tiễn bà. Than ôi!
Chốc đà mấy chục năm trời
Mà nay đã khuất bóng người ngày xưa.
Nói xong những lời thống thiết, ông già ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ thơ. Chưa bao giờ Trịnh Huyền trông thấy một người đàn ông lớn tuổi lại khóc thảm thiết đến như vậy. Nước mắt lã chã làm ướt cả chòm râu bạc lơ thơ. Cô con gái và anh con trai của ông cụ sụp quỳ xuống đất lạy chiếc áo quan. Hàng xóm láng giềng không biết đã tụ tập đến tự lúc nào đông nghìn nghịt, người nào cũng khăn trắng trên đầu. Thì ra bây giờ mới là lễ phát tang. Một ông cụ rất già đầu tóc bạc phơ dóng lên hồi phèng la - tiếng chiêng đồng rè rè của thứ chiêng đặc trưng đám ma. Tiếng của nó rè rè, khàn khàn, chẳng một chút trong trẻo lánh lót. Ba tiếng phèng la cuối cùng vừa dứt, tiếng kèn của Trịnh Huyền cất tiếp theo ngay. Nó nức nở, nó kêu than, nó vật vã cũng giống như tiếng khóc của đám con cháu họ Lê đang quỳ rạp cả xuống.
Đám ma của người đồng chiêm sao mà thảm thiết. Người đồng cạn
chết đi thân vùi sâu ba thước đất. Còn người đồng chiêm chết đi, thân đã vùi dưới đất, lại còn vùi thêm dưới nước. Trên đồng cạn, ta nhìn còn thấy lô xô những nấm mồ hoang lạnh. Còn ở đồng chiêm, nhìn ra cánh đồng mùa lũ, chỉ thấy nước trắng phẳng lì.
Có ai đã nhìn thấy một đám ma trên cánh đồng chiêm vào mùa mưa tầm tã chưa? Có ai đã trông thấy một đoàn thuyền thúng chở đầy ắp những người khăn trắng như cò, nối đuôi nhau bơi đi trên cánh đồng mênh mông trắng xóa chưa? Có ai đã mục kích những con người sống ngâm da chết ngâm xương, khóc than rầu rĩ, tiễn đưa nhau đến chỗ thiên thu cách biệt chưa?
Ông già râu tóc bạc phơ đứng trên chiếc thuyền nan bị sóng dập dềnh, lúc ông nhô lên cao lúc ông hạ xuống thấp, nhưng ông đứng vẫn rất vững, đánh phèng phèng vẫn chững chạc. Tiếng rè rè của chiếc phèng la kéo dài trên mặt sóng, tưởng như ngân nga không bao giờ dứt. Tiếng trống bùng binh hòa vào tiếng khóc được gió lan truyền đi rất xa. Khúc kèn lâm khốc của Trịnh Huyền lúc này đã hoàn toàn thuần thục. Thỉnh thoảng, Huyền ngừng kèn để tiếng khóc, tiếng trống bùng binh, tiếng phèng la hòa vào nhau than thở kiếp nhân sinh. Rồi, trong cái nền đều đều ấy, đột nhiên tiếng kèn của Huyền lại ré lên. Nó là tiếng nức nở xé lòng, nó là tiếng đứt ruột của ông già đưa tiễn một nửa đời mình, một nửa cõi lòng mình, một nửa hồn mình, trở về cõi âm dương cách biệt.
Đã đến vùng huyệt mộ. Những người đi đào đánh dấu bằng cách cắm vào đấy một cây nứa trên đầu thắt một dải khăn xô. Huyệt mộ nằm ẩn ngầm chìm sâu dưới nước, chẳng ai nhìn thấy, nhưng
những người phu huyệt thì hình như nhìn thấy nó rõ mồn một qua làn nước đỏ phù sa. Họ ra hiệu, hò hét:
- Cho thuyền áo quan tiến lên cạnh huyệt. Đấy, thế đấy! Đầu thuyền nhích sang bên trái một tí. Được rồi!
Cũng như ở đồng cạn, huyệt phải đào đủ sâu ba thước đất. Cái khác là người ta phải chuẩn bị sẵn những hòn đá tảng đủ nặng để dìm chiếc quan tài gỗ đỏ chót cứ chỉ chực nổi phềnh lên mặt nước. Sáu chàng trai lực lưỡng nhảy tùm xuống nước, chất đá lên áo quan, làm cho chiếc quan tài đỏ từ từ chìm vào lòng nước. Tiếng đàn bà, trẻ con khóc thét lên tru tréo: "Ối mẹ ơi!", "Ới em ơi!". Trịnh Huyền phồng mồm đỏ mặt thổi khúc tiễn biệt cho thật lâm ly. Những bà cụ già rắc vàng đỏ ra khắp chung quanh. Những thoi vàng giấy dập dềnh theo sóng rồi được gió đưa đi khắp mặt nước.
Một đằng đá đè, một đằng những chàng trai lại đùng sức vít xuống. Mới đầu còn nhìn thấy cái bóng hồng hồng của chiếc quan tài. Sau đó nó chìm nghỉm mất tăm dưới nước.
- Được rồi? Mấy cậu đứng lên để vít nó chìm xuống đáy.
Mấy ông già nhưng bắp thịt còn săn cũng nhảy xuống, rồi lặn chìm dưới nước để kiểm tra cho thật kỹ lưỡng. Khi ông già đánh phèng phèng ngoi lên mặt nước và ra lệnh:
"Tốt! Cho lấp đất!".
Đám trai tráng được lệnh, liền lặn xuống lấy đất lấp áo quan. Những người dân quê lặn ngụp hàng tiếng mới đắp xong ngôi mộ chìm cho đủ độ cao và đẹp. Ông già đánh phèng phèng lại lặn xuống lần cuối cùng để kiểm tra cho thật yên tâm.
Ông trưởng Kiên quỳ rạp, mặt úp xuống ván thuyền để tiễn đưa vong hồn người vợ đi vào cõi mênh mang, để hẹn hò sẽ gặp lại một cái gì đó rất siêu linh mà không biết ông có còn gặp lại hay không. Đồng thời, ông cũng kính cẩn vái tạ bốn phương, vái tạ bà con đã tiễn đưa vong linh của người đàn bà yêu quý nhất đời ông. Trống đưa tang bùng binh dồn dập. Phèng la đóng một hồi. Tiếng kèn của Trịnh Huyền lại nức nở, nức nở. Tiếng khóc của những người thân lại cất lên lần chót, tiếng khóc thảm thiết mênh mang lan trên cánh đồng nước nổi. Tiếng khóc dập dềnh tỏa đi theo những con sóng, con gió, để biến vào cõi hư vô.
* *
*
Ông trưởng Kiên, sau khi chôn vợ, nằm liền mấy ngày không dậy nổi. Còn Trịnh Huyền, sau cuộc thổi kèn bất đắc dĩ ấy, thấy thương ông già đầy nghĩa tình với vợ. Trịnh Huyền, trong cuộc đời lang bạt, có học được chút ít nghề thuốc. Vả lại người con gái và người con trai của ông cụ lóng ngóng lắm, không biết cách chăm sóc người ốm, nên Trịnh Huyền đành phải ở lại ít hôm thuốc thang cho ông cụ.
Hai người con lóng ngóng là phải vì họ còn rất trẻ. Anh con trai
chừng mười ba, mười bốn. Cô con gái chừng mười tám, lại có một đứa con măng sữa. Họ chưa đủ cứng cáp để đối mặt với nỗi đau buồn to lớn. Ông trưởng Kiên là loại người cứng rắn. Nhưng bên ngoài càng cứng rắn bao nhiêu, thì bên trong người ta càng dễ yếu mềm bấy nhiêu. Loại người ấy, khi gặp nghịch cảnh to lớn, có thể sụp đổ. Và, nếu ông già, vì quá đau buồn, mà ra đi lúc này thì hai người con kia sẽ ra sao.
Ông già Kiên hình như đọc được những ý ấy trong mắt Huyền. Ông nằm dài trên giường và cứ nắm lấy tay anh. Hình như ông cố níu lấy sự sống. Hình như ông muốn nói: "Xin anh đừng bỏ tôi, và ra đi lúc này".
Trịnh Huyền cảm nhận được điều ông già muốn nói nhưng lại không dám nói. Có thể, tiếng kèn tang của anh đã làm cho ông trưởng Kiên hiểu được chút gì về tâm hồn anh chăng. Ở đây, không khí lúc này là tang tóc; còn anh, Trịnh Huyền, anh là sự sống. Một con người nặng tình như ông già này, nhạy cảm như ông già này, nếu để mặc ông một mình trong bầu không khí tang tóc, có thể ông sẽ buông tay, sẽ ngả về miền bóng tối. Ông già đang cần được kéo ngược trở lại về miền sống. Có lẽ sự có mặt của anh, lúc này, đối với ông, là cần thiết. Trong anh, bỗng dâng lên niềm thương cảm. Trịnh Huyền liền vỗ nhè nhẹ lên bàn tay nhăn nheo của ông già:
- Bác cứ yên tâm, cháu sẽ ở lại. Rồi bác sẽ khỏi thôi.
Từ hôm ấy, Trịnh Huyền tự tay đi hái lá, sắc thuốc chữa cho ông già. Cũng phải mất đến nửa tháng cụ trưởng Kiên mới hồi lại được. Cụ
đã húp được bát cháo, đã ăn được lưng cơm nóng sốt. Ông đã lần ra được sân cho gà ăn, và có lúc ra vườn hái quả cà, quả ớt.
Ông già được Trịnh Huyền săn sóc, được nhìn thấy bóng anh đi lại trong nhà; tiếp xúc mãi dần dần bón quen, ông già cứ tưởng anh như người thân. Trịnh Huyền định tạ từ ra đi, song cụ Kiên cố giữ anh lại. Hình như cụ muốn thổ lộ với anh điều gì. Hôm bốn chín ngày, cụ Kiên sai con gái làm mâm cơm cúng vợ. Rất trang trọng, cụ mặc chiếc áo the cũ, đội khăn xếp chỉnh tề, lấy cây đàn nguyệt treo trên vách xuống, đến trước bàn thờ vong bà Kiên kính cẩn nâng cây đàn lên ngang mày khấu đầu lễ. Hai người con ngồi sau lưng ông cũng làm theo. Lúc này ông già so dây và gảy lên khúc nguyệt cầm thánh thót:
Thỉnh mời công chúa Thiên Thai
Giáng sinh hạ giới quyền oai thượng ngàn..
….
Thì ra, cụ trưởng Kiên là một nghệ nhân chầu văn. Ông nức danh khắp vùng Sơn Nam thượng, hạ. Bà trưởng Kiên cũng là một nữ nghệ nhân. ông bà lấy nhau vì tình mà cũng vì tài. Đến lúc ấy, Trình Huyền mới hiểu được, tại sao khi bà Kiên lâm chung, thiếu tiếng kèn tiễn đưa, ông lão lại chẳng nói chẳng rằng, nằm thẳng cẳng vắt tay lên trán, không chịu phát tang. Cái giống tài tình nó như thế đấy. Chữ tình với ông nặng tựa ngàn cân. Đối với ông, tiếng kèn ai oán, khúc lâm khốc bi thương của Trịnh Huyền là một ân nghĩa. Ông dắt
tay chàng trai đến gần bàn thờ vợ, thắp ba nén hương, cứ như thể ông muốn giới thiệu chàng trai với bà vợ. Vẻ mặt ông thật nghiêm cẩn, cái phong độ đánh đàn của ông cũng thật chững chạc vừa thân tình, vừa kính lại vừa thương. Nào ai biết ông nghĩ gì lúc này. Ông đang tâm sự với vong linh bà, hay đang muốn nói điều gì với Trịnh Huyền, hay đó là khúc giao tình giữa những kẻ tri âm. Chắc đêm qua ông đã mơ thấy bà hiện về trong giấc mơ. Cũng có thể là ông đang hồi tưởng lại một kỷ niệm xưa nào đó khi ông bà còn trẻ, lúc ông bà vai đeo túi xách, tay cắp níp đàn. Họ rong ruổi nơi rừng xanh núi đỏ. Rồi tiếng đàn của ông, tiếng hát của bà quyện vào nhau ở những chốn cheo leo nơi chỉ có hùm beo và mây và nước.
Canh khuya nguyệt lặn sao tàn
Chiếc thuyền bán nguyệt khoan khoan chèo vào
Gập ghềnh suối thác đèo cao.
Bà nó ơi! Có còn nhớ không? Có còn nhớ tiếng hát của bà đã làm mê hồn cả bốn phương thiên hạ. Chắc cô Chín đền Sòng, cô Ba Đồng Mỏ khó tính khó chiều đến thế cũng phải hài lòng với giọng hát của bà.
Da ngà mắt phượng long lanh
Hà huê tươi tốt, tóc xanh rườm rà
Nhụy hồng tuyệt điểm màu da.
Ông già đang hát giọng cờn, một điệu hát văn trữ tình, say đắm, đắc ý nhất của ông. Bà lão của ông rất hiếm khi ngồi đồng, tuy nhiên trăm năm cũng có một lần, mà lần nào bà bắc ghế hầu thánh cũng lẫm liệt, oai phong lắm. Hôm ấy, thể nào người đến dự cũng đông nghìn nghịt. Cứ nhớ mãi, khi ông cất lên giọng hát, thì cả tòa điện thờ chợt như có thần hiện, tất cả chợt như lung linh tỏa sáng. Những ngọn nến cứ cố dướn lên để ngọn lửa to hơn, sáng hơn. Khói hương đã mờ ảo hình như càng mờ ảo thêm. Gần cũng chả nhìn rõ mặt nhau, chỉ thấy mờ mờ nhân ảnh. Không gian như say như đắm trong tiếng nhạc dồn dập, trong tiếng bập bùng, bập bùng rất có duyên của tiếng trống cơm. Bà chúa Thiên Thai mặc váy lụa bạch, áo dài lụa bạch, gấu váy, gấu áo cài hoa. Hai tay bà cầm dải lụa xanh. Dải lụa lúc như con rắn, lúc như làn khói bay lượn trong không gian huyền ảo. Đôi mắt phượng long lanh, những ngón tay bà vừa dẻo vừa mềm như những ngón tay búp măng của Phật, lúc lượn dưới cắm, lúc xòe ra như bông sen trước mặt.
Ôi? Bà chúa Thiên Thai! Bây giờ người đi đâu, người đang ở chốn nào?
Ông trưởng Kiên bỗng dưng ngừng tiếng đàn. Ông ngồi lặng đi trước vong linh người vợ, mãi hồi lâu mới lẩm bẩm:
"Hôm nay, tôi đã thành tâm làm trọn ý nguyện với bà rồi đấy".
Từ lãng đãng siêu linh, ông đã quay về cõi thực. Từ chốn mung lung huyền ảo, ông đã thức dậy giữa chốn nhân gian. Từ chỗ xuất thần
mộng mị, ông đã dần dần nhìn rõ cảnh vật chung quanh. Ông kính cẩn cầm chiếc đàn lạy ba lạy rồi dựng nó lên bàn thờ vợ.
Lúc ấy, đã xong nghi lễ, ông trưởng Kiên dắt tay Trịnh Huyền ra ngồi ở thềm nhà. ông nói:
- Cháu hãy nghe bác nói. Lời nói tự đáy lòng. Chỉ mới gặp nhau, mà bác cảm thấy như đã quen cháu từ lâu lắm rồi, từ kiếp nảo kiếp nào chẳng biết. Mới sơ kiến, đã thấy ân tình, cứ ngỡ như gặp được người tri kỷ vong niên. Âu cũng là duyên trời. Bác biết cháu là kẻ lênh đênh, nhưng biết đâu đấy, ngôi nhà của bác sẽ lại chẳng là nơi bến đậu. Khi nghe tiếng kèn của cháu, bác đã chợt nhận ngay ra con người này sẽ là kẻ truyền nhân của ta. Bác chưa nhận ai làm học trò bao giờ, nhưng từ nay bác sẽ truyền nghề đàn cho cháu. Vậy, cháu có bằng lòng hay không?
Không nói một lời, Trịnh Huyền cung kính bái lạy ông già Cụ trưởng Kiên vẫn tiếp lời bằng cái giọng run run. Có lẽ là những lời khó nói:
- Nếu chẳng có gì trở ngại, thì đấy, bác chỉ có một mụn con gái. Nó giống bà lão của ta lắm. Song, hồng nhan bạc mệnh... Cái Thắm, nó đã có một đứa con. Nếu cháu chẳng chê, thì hãy nhận đứa bé làm con. Nếu được như vậy, chắc ở dưới suối vàng, bà lão nhà ta sẽ vô cùng thỏa nguyện.
Câu chuyện tình của anh thổi kèn đám ma là như vậy đó. Ông trưởng Kiên quả có con mắt tinh đời. Ông đã chọn được rể hiền. Và hơn thế nữa, Trịnh Huyền lại còn trở thành người nghệ nhân tài hoa
nhất trong nghề đàn nguyệt, trong nghề hát văn. Một khi Trịnh Huyền đã nhận ôm đàn, thì cuộc hầu bóng ngày hôm đó sẽ hoàn toàn khác hẳn. Bây giờ, có thể nói, tài đàn của Trịnh Huyền còn có phần nhỉnh hơn cả cụ trưởng Kiên tí chút. Yên tâm rồi, cụ Kiên không cầm đàn nữa, cụ chuyển sang đánh trống. Giọng hát của cô Thắm, vợ Trịnh Huyền là thứ giọng hớp hồn người nghe. Khi giọng cô cất lên, đèn nến như lung linh thêm, khăn chầu áo ngự của cô đồng cũng như được dát thêm ánh vàng, ánh bạc. Và tiếng đàn tài tử của Trịnh Huyền, thì như kẻ phụ trợ, biết cầm tay dắt giọng của vợ lên, nâng cánh cho tiếng oanh vàng có chốn nương tựa, khiến cho nó đã bay cao rồi còn bay cao thêm lên đỉnh chót vót. Tiếng đàn, tiếng hát của đôi vợ chồng Trịnh Huyền chẳng mấy chốc đã nổi tiếng khắp vùng.
Có điều đặc biệt: đứa con của Thắm, bé Nhụ, rất quấn quýt Trịnh Huyền. Hôm hai vợ chồng làm lễ bái gia tiên, bé Nhụ hỏi: "Ai đây hở mẹ?". Người mẹ bảo: "Cha con đấy. Cha con đi làm ăn xa, bây giờ mới về với con". Đứa bé mừng rỡ: "Từ rày cha đừng đi xa nữa nhé. Con thích cha luôn ở với con". Chuyện này làm Trịnh Huyền sung sướng. Anh càng ngày càng gắn bó với hai mẹ con Thắm.
Chỉ riêng có một điều làm Huyền không vui. Đó là, mỗi khi Thắm nhìn thấy nửa khuôn mặt bên phải, khuôn mặt có vết sẹo quái quỷ làm con mắt phải cứ mở trừng trừng, là Thắm lại rùng mình. Ngay cả khi vợ chồng ân ái với nhau, Thắm nhìn thấy cái phía quái quỷ ấy trên gương mặt Huyền, lập tức cô như người mất hồn, nhắm mắt lại, nằm trơ ra như cây gỗ. Hỏi thì cô trả lời "em sợ". Huyền phải giải thích:
« Vết sẹo ấy là hậu quả của một trận đánh, ông Đề Nghĩa bị vây hãm trong một căn nhà cháy. Huyền phải xông vào nhà lửa cứu ông ra. Chủ tướng thoát chết, nhưng nửa mặt bên phải của Huyền thì bị hủy hoại ».
Thắm thở dài trả lời chồng:
- Việc làm của mình là trung nghĩa, song em vẫn không tài nào xua đi được nỗi sợ.
Câu nói của Thắm gây một mặc cảm cho Huyền. Từ đó, anh luôn phải giữ ý. Trước mặt vợ, anh luôn phải tìm một góc đứng sao cho cô chỉ nhìn thấy nửa mặt bên trái của anh. Cả những lúc thương yêu nhau, anh cũng không bao giờ quên điều đó. Anh luôn luôn gục đầu vào vai trái của nàng, có như thế mới che được phía mặt phải gớm ghiếc, và mới để lộ ra khuôn mặt trái khả ái của mình.
Ở cùng gia đình cụ trưởng Kiên, Huyền chẳng phàn nàn điều gì, ngoại trừ cái điểm bất tiện nho nhỏ ấy thôi.
Khi Thắm có mang, khi cái bụng cô đã lùm lùm rõ rệt, thì cụ trưởng Kiên lâm bệnh. Ông cụ, trước lúc sang thế giới bên kia, nắm tay con rể, thều thào:
- Thầy đã mãn nguyện rồi. Cái Thắm sắp sinh cháu, thằng Kiến đã lấy vợ. Thầy nhắm mắt xuôi tay được rồi.
Ông cụ tưởng rằng, gia đình đã đến hồi mát mặt, chẳng còn tai họa gì nữa. Ai ngờ lúc Thắm sinh con lại gặp trường hợp đẻ khó. Cả hai mẹ con Thắm đều chết lúc chị lâm bồn. Trịnh Huyền rớt nước mắt than rằng:
- Kiếp nhân sinh là thế này ư?
Trịnh Huyền nghĩ bụng:
« Có lẽ nguyên nhân là do vợ anh sinh ra vào kiếp cầm ca. Vì vậy Huyền chôn theo cây đàn cùng với vợ và thề rằng từ nay sẽ không bao giờ đàn hát nữa ».
Buồn bã, chán nản, anh thu xếp công việc cho Kiến, em vợ, rồi dắt con gái trở về nơi quê cha đất tổ. Anh thở dài nhìn cô bé Nhụ đang hớn hở chạy ở mép nước hồ Huyền. Anh nhắm mắt nhắc lại cái ý nghĩ thầm kín, cái ý nghĩ vừa làm anh vui, lại vừa lo lắng. Anh kêu lên:
- Ôi chao! Sao con bé lại giống mẹ nó thế. Chẳng biết... sau này đời nó ra sao.
Chương 3
Trời về chiều. Cụ Nho Tiết, tóc bạc phơ như một ông tiên, đang ngồi nhâm nhi chén rượu bên thềm nhà. Trước mặt là chiếc mâm gỗ mộc, trên bày một đĩa tép kho, rồi rau, cà, tương và mấy quả ớt chỉ thiên đỏ chót. Đối diện với cụ là một cậu bé trạc mười bốn tuổi. Nó cởi trần, chỉ mặc độc một chiếc quần lửng. Làn da nâu được ánh chiều hắt vào làm bóng lên. Mỗi miếng thằng bé nhai một quả cà, ăn rất nhanh, chỉ một loáng đã xong bát cơm. Cụ Tiết cười, bảo:
- Ông đã dạy cháu bao nhiêu lần rồi, ăn phải có nhai. Từ tốn thôi con ạ.
Nói đoạn, cụ cầm quả ớt đỏ đưa lên miệng, cắn một chút xíu. Ông cụ để cho vị ớt cay xè hăng hăng thấm vào khắp miệng, lan tỏa tới cổ họng; lúc ấy cụ mới nâng chén rượu lên, tợp một hớp nhỏ, để cho vị nồng thơm của nó quyện vào vị ớt, làm cháy bỏng cả tâm hồn, làm tê tái cả đầu lưỡi. Lúc đó, cụ mới chấm đầu đũa vào bát tương, đưa lên miệng mút nhẹ, rồi ngồi trầm ngâm hưởng sự lan tỏa của cái mặn cái cay nồng, cái thơm thoảng đang trộn vào nhau. Khi này, trong mồm cụ, lại là sự ngây ngất dịu dàng, sự giải tỏa cái hăng nồng để đi tới sự hài hòa êm ả, bình lặng của vị giác.
Cụ Nho Tiết vẫn thích uống rượu một mình như thế, thích hưởng thụ sự hòa trộn các mùi vị như thế. Người ta vẫn hỏi về cái ngon của nó ra sao, nhưng cụ chỉ cười không giải thích nổi, hay là cụ không
muốn giải thích cho ai. Song chắc chắn đó là cái thú rất riêng của cụ, cái bí mật rất riêng mà cụ khư khư giữ lấy, mà người đời chỉ còn biết lắc đầu, và cho rằng đó chỉ là cách uống rượu gàn dở. Có những bữa cỗ thịt cá ê hề, người ta mời cụ vẫn đến ăn uống. Ai hỏi: "Có ngon không?", cụ cũng đáp rằng: "Ngon!". Có lẽ chỉ vì cụ trân trọng tấm thịnh tình, sự ân cần quý hóa của nhà chủ. Cụ không bình phẩm cái sự ăn uống, nhưng trong thâm tâm, cụ vẫn thích cách uống rượu của mình hơn. Nhà cửa của cha ông để lại cũng khá đàng hoàng. Nhà ngói cây mít hẳn hoi, nhưng thực ra từ khi ở tù về, sự ăn tiêu của cụ không được du dư cho lắm. Vả lại, cụ là người tiết kiệm, nhưng có thể sự đạm bạc đã giúp cụ tìm ra được cái hoan lạc trong những phẩm vật giản dị mà trời chỉ riêng ban cho cụ được biết.
Tợp hớp rượu xong, cụ ngồi lắng nghe tiếng xào xạc, cót két của rặng tre, cùng với tiếng ríu rít của bầy cò đang bay về đậu trên những ngọn cây nhãn ngoài vườn, rồi cả tiếng rúc rích của đàn chim sẻ trú ngụ trên tán cây mít um tùm trước sân.
Trời bắt đầu chạng vạng. Cu Điều đã ăn xong bữa từ lâu. Nó ra rút rơm cho lũ bò vàng ăn tối. Chỉ còn mình ông cụ vẫn ngồi bên chiếc mâm gỗ. Chợt con chó Vá bỗng sủa nhặng lên ngoài ngõ. Ông cụ Tiết cất tiếng:
- Ơ! Cu Điều! Ra xem có ai.
Thằng Điều dạ thật to rồi chạy ra mở cổng. Một người đàn ông và một cô gái trạc tuổi nó đứng sừng sững hỏi:
- Cháu ơi! Đây có phải là nhà cụ Tiết.
- Vâng ạ?
- Cho bố con tôi xin được gặp cụ đồ.
Thằng Điều lấm lét nhìn cái nửa khuôn mặt kỳ dị của ông khách, rồi ngập ngừng hỏi:
- Ông là ai ạ?
- Bố con tôi từ xa về.
Điều còn đang lưỡng lự thì ông khách đã xăm xâm bước vào sân. Con chó Vá chồm lên sủa, ông khách phải ngồi sụp xuống vớ hòn đất. Điều cầm cái roi tre quát tháo ồn ĩ, con chó vẫn không chịu lùi. Chỉ đến lúc cụ Tiết lên tiếng:
"Vá! Vá! Khách đấy! Vào đi!",
lúc ấy con Vá mới chịu lủi xuống bếp.
Trong nhập nhoạng, Trịnh Huyền bỗng nhìn thấy mớ tóc trắng như cước của ông già đang ngồi uống rượu bên thềm nhà, anh chợt thấy thương cảm và lúng túng. Bỗng như một đứa trẻ, Huyền khoanh tay trước ngực, cúi gập người xuống lễ phép run run nói:
- Con lạy thầy ạ.
- Hả?
- Thưa, con lạy thầy ạ.
- Thầy nào? Ông là ai?
- Thưa, con là Trịnh Huyền.
- Huyền nào?
- À à… Huyền tức là thằng Phác ngày xưa, con của thầy. - Hả?
Ông già tóc trắng chợt đứng bật dậy, run run tìm chiếc kính đeo lên mắt. ông cụ lại gần người khách lạ, đi quanh người anh, nhìn sát mặt anh, ngắm phía mặt kỳ quái bên phải, chơm chớp mắt, rồi ngắm nửa mặt trái ngẫm nghĩ. Cuối cùng, ông vạch hẳn tóc anh lên nhìn cái tai bên trái, nhìn cho thật kỹ rồi bỗng kêu lên:
- Đúng là thằng Phác thật rồi! Đúng là con ta thật rồi. Nhưng sao mặt mũi lại thế này. Ừ... thầy hiểu, thầy hiểu... Con đã trải bao cực khổ… Nhưng sao có sẹo lớn ở mặt thế này? Phác ơi! Ngần ấy năm con lưu lạc phương trời nào? Hai chục năm rồi còn gì. Ta còn cố gắng sống đến hôm nay là vì con đó. Thầy đợi con đến bạc hết tóc...
Người con trai quỳ sụp xuống, ôm lấy chân người cha. Anh khóc rưng rức như một đứa trẻ. Trong khi đó, đứa con trai, đứa con gái, Điều và Nhụ cứ đứng lặng, chôn chân như chết đứng. Ông già tóc trắng dần dần trở lại bình tĩnh. Ông cụ Nho Tiết còn sờ thêm một lần nữa vào cái tai bên trái bị rách của Trịnh Huyền, kết quả của trò nghịch ngợm thời trai trẻ của Phác, như để xác nhận lần chót rằng người này đúng là đứa con lưu lạc của mình, đứa con tưởng đã chết nơi đất khách nay bỗng hiển hiện bằng xương bằng thịt trước mắt ông. Cụ Nho Tiết vẫn đeo cặp kính lúc này mới quay sang nhìn cô bé. Cô lễ phép khoanh tay cúi đầu:
- Cháu lạy ông ạ.
- Cháu là con bố Phác?
- Cháu là con bố Huyền.
- Huyền à? Ông hiểu rồi. Bây giờ bố mày đã thay họ đổi tên. Nhưng nhớ lấy. Bố mày chính tên là Phác.
- Dạ, thưa ông, con nhớ rồi ạ.
Ông già chăm chú nhìn vào gương mặt của đứa cháu. Một khuôn mặt trái xoan, điểm một đôi mắt đen láy, to, dài, hơi xếch một chút. Đôi mắt làm ông già phải ngạc nhiên. Chúng trong veo, mới nhìn vào đã làm ta tin cậy. Nhưng sao con bé mới mười hai, mười ba tuổi, nó đã từng trải gì đâu mà đôi mắt buồn đến vậy. Cụ Nho Tiết khẽ khàng hỏi:
- Tên cháu là gì?
- Cháu là Nhụ.
- Nhụ hay là Nụ? Gì Nhụ?
- Dạ Trịnh Thị Nhụ vì bố cháu là Trịnh Huyền.
- Dạ, thưa thầy...
Anh Huyền định đỡ lời con, nhưng ông già chỉ cười và gạt đi. Cụ Tiết ra chiều ngẫm nghĩ. Rồi một chủ kiến bỗng nảy ra. Cụ quay ra nói với con trai:
- Anh chẳng cần lấy lại tên họ cũ... Có lẽ trời đã xui khiến... Tìm ra lối thoát... Cả khuôn mặt bị bỏng cũng tốt... Thay tên thì thay luôn cả mặt. Con có biết không, khi các con đi theo ông Đề... rồi có tin nghĩa binh tan rã, bọn Tây sục đến nhà mình bắt thầy đi, bỏ tù năm năm. Họ bảo rằng, trước kia thầy đi theo quân cụ Đốc Ngữ, đến lượt các con cũng là những kẻ phiến loạn. Như vậy mầm loạn ở nhà này chưa dứt nên phải bắt thầy. Chú Hiếu khuyên thầy trốn đi song thầy không trốn. Bác cả Lễ thì chạy chọt cho thầy rất hao tiền tốn của nhưng cũng chỉ giữ án được năm năm, không bị tăng án, chứ không thoát được.
- Thế còn anh con thì sao?
- Lúc thầy chưa bị bắt, đêm nó lẻn về thăm thầy. Ta bảo nó: "Nếu mày có hiếu với thầy thì trốn vào xứ Mường lấy vợ đẻ con. Em mày chưa biết sống chết ra sao. Chỉ còn có mày độc nhất. Phải đẻ lấy đứa con trai kẻo ta tuyệt tự". Thằng Chất nghe lời thầy vào tận Mường Lò lấy vợ đẻ được thằng con trai. Nó bị sốt rét nặng. Nó bắt vợ nó mang con về lúc ta đã ra tù. Sau nó sốt rét nặng quá không qua khỏi.
Cụ đẩy đứa cháu trai ra trước mặt Huyền:
- Nó là thằng Điều, giọt máu cuối cùng của ta đấy.
- Con chào chú đi. Chú ruột mày đấy.
- Cháu lạy chú ạ.
- Nhưng thôi chuyện này chỉ riêng nhà ta biết. Cấm lộ ra ngoài. Bởi vì lộ ra, bọn Tây vẫn săn tìm sẽ bắt chú mày tức khắc.
- Thưa thầy, nghĩa là...
- Nghĩa là từ nay anh vẫn là Trịnh Huyền. Đối với làng xóm và các nhà hào lý, anh không phải là Phác, không phải là con trai ta, mà là anh Huyền cháu về đằng tổ ngoại nhà ta. Anh từ Sơn Nam lên. Vì Sơn Nam lụt lội đói khát, anh lên nhờ vả ta là bác anh để kiếm miếng sống nuôi con.
- Dạ thưa thầy...
Ông già không để ý đến sự bối rối của người con, ông nhắc lại một lần nữa những lời đã nói, rồi dặn đi dặn lại:
- Thầy không muốn con phải vào tù như thầy. Việc này vô cùng hệ trọng. Từ nay, anh Huyền phải gọi thầy bằng bác. Thằng Điều, con Nhụ là hai anh em họ ngoại với nhau và họ ngoại xa. Điều bí mật không được hé môi cho bất cứ ai. Thế nào, cả nhà đã rõ chưa?
Dặn dò xong, ông cụ sai con Nhụ, thằng Điều xuống bếp thổi thêm cơm. Chỉ còn hai cha con ngồi ở đầu hè. Ông cụ lúc ấy mới tỉ tê hỏi:
- Thế còn chuyện của anh trong ngần ấy năm ra sao? Vợ đâu mà chỉ mang con về thôi?
- Nhà con qua đời khi sinh nở.
- Thế còn con bé Nhụ? Nó giống mẹ nó à?
- Vâng. Rất giống.
- Ừ… Nó chẳng giống anh tẹo nào.
- Dạ thưa thầy.
- Sao?
- Dạ... Thưa... Nó là con riêng của nhà con. Dạ nhưng con bé quấn
quýt với con lắm.
- Con bé có biết chuyện ấy không?
- Dạ, nó có biết, nhưng vẫn rất quý con. Dạ, con coi con bé như con đẻ.
Ông già thở dài rồi gắt khẽ:
- Thì phải như thế mới đúng chứ. Con là con của thầy mà...
Ông già Tiết lại thừ ra suy nghĩ. Rồi chợt ông nắm lấy tay Huyền như an ủi, lại như mừng rỡ...
- Thầy hiểu con... Thương cho con hơn bốn mươi tuổi rồi vẫn còn lận đận... Nhưng đừng lo. Biết đâu rồi họa lại chuyển thành phúc. Vì, thầy đã nghĩ ra rồi. Điều này hay đấy. Để sau thầy sẽ nói với con.
Trịnh Huyền ngạc nhiên vì ông cụ thay đổi tâm trạng liên tục. Hình như câu chuyện với Huyền đã gợi cho ông một ý hướng nào đó vô cùng quan trọng. Ông gật gù, rít một điếu thuốc lào rồi lẩm bẩm:
- Đúng? Đã thay hình đổi dạng thì phải thay cho triệt để - ông quay sang Huyền nói. - Tôi nhắc lại, từ rày, trước mặt người khác, bất cứ lạ hay quen, anh phải nhất thiết gọi tôi là bác. Anh còn phải nói theo thổ âm người Sơn Nam. Anh nói được chứ?
- Điều ấy con làm được.
- Gặp người họ hàng, gặp người quen thuở xưa, anh cũng phải làm như chưa hề gặp mặt.
- Dạ, có cần phải đến thế không ạ?
- Cần! Anh hiểu chưa. Thay hình đổi dạng, anh đã nhớ chưa. Bọn Tây đồn điền ở đây cũng rất chú ý đến nhà ta. Tôi nghe người ta còn bảo bọn Tây vẫn hỏi đến tung tích anh Chất, anh Phác con tôi. Thế đấy phải tỉ mỉ kẻo lại chui đầu vào rọ. À... khi lưu lạc ở xứ người, anh có học được thứ nghề ngón gì của xứ Sơn Nam không? Cái gì thật đặc biệt chỉ có người Sơn Nam mới giỏi. Trịnh Huyền ngẫm nghĩ mãi mới trả lời:
- Dạ... Có một nghề, nhưng từ khi nhà con qua đời, con đã chôn nó theo xuống mộ của nhà con rồi.
- Nghề gì vậy?
- Nghề đàn nguyệt.
- Nguyệt à? Hát văn phải không? Thế thì bây giờ anh phải moi cây đàn lên.
Trịnh Huyền van lơn:
- Thưa thầy, từ khi vợ con qua đời, con đã có lời thề nguyền trước mộ, rằng từ đấy con sẽ không đụng đến đàn nguyệt nữa.
- Sao lại như vậy?
- Con không muốn con gái con, cháu Nhụ lại bạc mệnh giống như mẹ nó ngày xưa.
Cụ già ngẫm nghĩ hồi lâu, mãi mới nói:
- Nhời nguyền với người đã khuất là hệ trọng. Thầy hiểu. Nhưng còn có việc hệ trọng hơn, đó là việc sống chết của cả nhà ta. Lão Tây Julien mắt mèo, lão Tây đồn điền ở đây khét tiếng cả vùng. Mà thầy thì đã già rồi. Con trở về, thầy rất mừng. Con về, thằng Điều đã có chỗ nương tựa. Nó là giọt máu độc nhất của nhà ta. Dù có xảy ra chuyện gì, con cũng phải che chở, bảo vệ cho bằng được giọt máu ấy.
- Thưa thầy, nếu vì chuyện ấy, thì con phải làm. Con xin vâng theo lời thầy dạy.
- Con đánh đàn ra sao?
- Người thầy dạy đàn chính là bố vợ con. Ông là người đánh đàn nguyệt và hát văn nức tiếng của đất Sơn Nam.
- Thế thì tốt. Vậy, mấy ngày nữa, thầy sẽ sửa cái lễ, mua hoa quả, vàng hương, xin với vợ con cho phép con được giải lời nguyền. Đối với dân làng, ta sẽ nói thác ra rằng, con là người Sơn Nam, theo lời các cụ trong họ, lên đây làm lễ cho bà tổ cô vốn xưa kia trinh đồng ở
đền Mẫu. Và con sẽ đánh đàn nguyệt trên đền Mẫu. Hay! Như thế thì liệu còn ai ở làng mình này còn có thể nghi ngờ rằng con vốn là thằng bé Phác nghịch ngợm ngày xưa.
Phần 2- Chương 1
II: NHỤ VÀ ĐIỀU
Nhụ rất tinh ý; chỉ chừng nửa tháng, cô bé đã biết hết tình hình nơi có thể gọi là gia đình thứ hai của cô. Cô không hỏi, chỉ qua những câu chuyện trao đổi của những người trong nhà rồi cô luận ra mà thôi.
Gia đình họ Đinh là một gia đình bậc trung. Cụ Đinh Công Trung sinh ra ba người con: ông Lễ, ông Tiết, ông Hiếu. Ông Lễ làm quan huyện gì đó nhưng ở xa chẳng thấy về nhà bao giờ. Ông Tiết sinh ra ông Chất và ông Phác (tức ông Huyền bố cô). Ông cụ Tiết đi tù về ốm yếu. Còn ông thứ ba tên là Hiếu, nghe bảo bị mắc chứng điên điên khùng khùng.
Cụ Tiết có vẻ hợp với cô bé Nhụ. Nhụ ít nói, nhưng khi đã nói thì cái giọng ríu ran làm căn nhà bừng lên tươi tắn. Từ khi có cô bé về, ngôi nhà thênh thang của ông con cụ Tiết bỗng ấm hẳn lên.
Khu đất nhà cụ Nho Tiết, hay nói cho đúng hơn là cái trang trại nhỏ ấy thật đẹp. Nó không rộng lắm, chỉ khoảng chừng hai mẫu đất chạy dài suất từ chân lên quá lưng chừng đồi. Ngọn đồi không cao lắm, nhưng dân ở đây vẫn tiện mồm gọi là núi. Đất quay mặt ra con đường chính của làng, cây cối mọc um tùm xanh tốt nên khu vườn có dáng một khu rừng. Chục gốc trám, chục gốc mít, rất nhiều sấu, rồi cả thị, nhãn, hồng, ổi, na, bưởi... Rất nhiều loại cây, trồng theo
từng vạt riêng. Khu vườn tạp nhưng có duyên, mùa nào thức nấy. Người cháu tên là Tuấn, con ông Lễ ở Hà Nội về bảo:
- Vườn của chú thật là đẹp, thật thích mắt nhưng chẳng ra mấy tiền bạc. Chú phải chặt hết đi trồng toàn giống bưởi Đoan Hùng thì mới nhiều lợi. Tuấn thấy trong vườn có cây bưởi Đoan Hùng cho quả vừa ngọt, vừa thơm nên mới đưa ra ý kiến ấy. Cụ Tiết cười:
- Chú có định làm giàu đâu. Chú giống ông, chỉ thích cây nên trồng như thế. Thực ra cũng khối tiền đấy. Cũng đủ nuôi chú và cháu Điều.
- Cháu hiểu ông chú của cháu chứ. - Tuấn cười.
- Ấy, chú cũng định trồng thêm năm gốc bưởi Đoan Hùng để tết đến, có quà ngon biếu họ hàng và chỗ thân thiết.
Tuấn là họa sĩ. tính nết thoáng, cười giòn:
- Đó là cháu nói về cách sinh lợi nhiều, chứ thực ra cháu rất mê cái vườn của chú. Nếu trồng toàn một thứ cây, đối với con mắt cháu, sẽ là không đẹp. Còn như vườn của chú lúc này, theo cháu, nó đẹp nhất trần gian. Kìa... chú thử nhìn bụi nhót ở góc tường hoa kia. Lá của nó um tùm tự nhiên màu xanh xanh, trắng trắng. Cái màu trắng như quét nhũ, óng ánh trong nắng. Lại lấp ló những quả màu đỏ chót... Thích thật! Thích thật...
Nghỉ một lát, Tuấn lại tiếp tục những ý nghĩ chỉ nghiêng về cái đẹp
của mình:
- Chả là cháu chỉ muốn ướm thử xem ý của chú thế nào thôi; chứ thực ra cháu chỉ cầu mong chú cứ giữ nguyên cái vườn mãi như thế này. Giữ nguyên mãi mãi chú ạ... để cho cháu mỗi lần về thăm chú, còn được ngắm cảnh, còn được vẽ vời, bôi màu lên giấy chứ.
Mỗi lần nghĩ đến chuyện ấy, cụ đồ Tiết lại như có chút bùi ngùi. Mỗi người yêu khu vườn này theo một cách riêng. Cháu Tuấn yêu, vì nó là họa sĩ. Còn cụ Tiết, cụ yêu nó vì những kỷ niệm. Cây mít xù xì đầu nhà kia chắc đã gần trăm tuổi. Nghe nói nó được ông nội của cụ trồng, do vậy, nó đã cỗi, ra ít quả. Thân nó to và thẳng, nhiều người dạm mua để xẻ ván. Được tiền đấy nhưng cụ không bán. Còn phần đông các cây đang ra trái hiện nay đều do cụ thân sinh đã trồng. Cụ Đinh Công Trung là một lão nông tri điền. Chính cụ là người tạo thành khu vườn xum xuê như ngày nay. Cụ gây dựng khu vườn với ước muốn nó sẽ cung cấp đầy đủ cho mọi nhu cầu của gia đình. Cụ để hẳn ra một vùng đất trồng toàn tre bương. Cụ bảo để có đủ vật liệu mà dựng nhà, sửa chữa nhà. Đấy còn là nơi gọi chim cò về làm tổ, để hàng ngày được nghe tiếng líu lo của con chích chòe, con sáo sậu, để hằng đêm được nín lặng thầm dõi theo tiếng xáo xác hoặc rủ rỉ của lũ cò trên ngọn tre cao. Có tiếng chim, vườn mới thực là vườn và nhà mới thực là nhà. Tiếng chim cứ tưởng như rất bâng quơ chẳng có ý nghĩa, nhưng thực ra nó làm cho lòng người ấm áp đáo để. Ở chỗ chân đồi nơi thấp nhất, là một vạt ruộng chừng hai sào, cụ trồng đỗ, trồng ngô, khoai. Cạnh đó là cái ao nhỏ để thả bè rau muống. Cách ao một quãng là giếng nước, thành xây bằng gạch đá ong, nước trong veo. Bên giếng làm một nhà tắm lộ thiên; chung
quanh trồng những bụi mây mọc rất dày, lá mây xanh mướt lá nọ đan vào lá kia kín mít. Đó là nơi để đám đàn bà con gái thỏa thuê với nước. Ngày xưa, bà Tiết và cô Loan, cô Mùi vẫn ríu rít nói cười giòn tan sau bức rào xanh kỳ thú của tòa nhà tắm thiên nhiên độc đáo ấy. Đến bây giờ, có những buổi chiều, cụ Tiết vẫn ngồi ở thềm nhà nhìn xuống cái buồng tắm màu xanh ấy, tưởng chừng như vẫn còn nghe thấy tiếng cười pha lê ấy của cô con gái và tiếng mắng yêu con khẽ khàng mà ấm áp của bà Tiết, ông già nghĩ tiếng của vợ ông như tiếng con chim câu gù, chẳng hiểu có đúng không nhưng ông Tiết vẫn thích ví von như thế.
Căn nhà chính năm gian nhìn xuống chân đồi, quay mặt hướng Tây. Thầy địa lý xem dương trạch bảo cụ cố ngày xưa phải làm như vậy. "Cái thế đất nó bắt phải thế mới thuận, mới hợp. Và có như vậy gia đình mới hưng thịnh". - ông thầy địa lý nói quả quyết như đinh đóng cột.
Quả là khi làm xong, vận khí nhà cụ Tiết sáng hẳn lên, trông thấy ngay. Mấy năm sau, Đinh Công Lễ và Đinh Công Tiết đi thi. Lễ đỗ cử nhân được bổ đi tri huyện, còn Tiết đỗ nhị trường vào tam trường thì trượt. Lão Cửu Nhậm lúc đó chưa làm tiên chỉ bảo rằng nhà họ Đinh huynh đệ đồng khoa. Tiết bị trượt đã tức liền nói:
- Xin ông đừng mỉa mai tôi. Đỗ nhị trường sao gọi là đỗ được.
- Cũng là đỗ chứ. Đỗ nhị trường, người ta chẳng gọi là ông Nhị đó sao?
- Nhị hay tam thì làm gì. Xin ông cứ gọi tôi là anh khóa Tiết cho nó tiện.
Khóa Tiết, Cửu Nhậm vốn đồng môn. Nhậm vẫn bị Tiết chê dốt nên họ hay châm chọc nhau như vậy. Mấy năm sau, Tiết đi theo cụ Đốc Ngữ. Phong trào khởi nghĩa của Đốc Ngữ bị tan. Cũng may, lúc thoái trào Đốc Ngữ thì Tiết bị sốt rét về nhà dưỡng bệnh nên không bị Tây bắt. Cũng có kẻ xấu bụng tố cáo, nhưng nhờ có cử Lễ lo lót, chạy chọt nên Tiết vẫn không việc gì. Sau đợt ấy, Tiết mở lớp dạy con em trong làng nên dân gọi là ông đồ Tiết.
Mấy năm sau, tới lúc anh em Chất, Phác đi theo quân Đề Nghĩa rồi biệt tăm biệt tích, lúc bấy giờ người Pháp mới bắt cụ Tiết, nhưng cũng chỉ phải tù mất vài năm. Ông cử Lễ ngẩng mặt lên trời mà than:
- Hình ngục nan đào! Tử vi của chú Tiết là thế. Chỉ thoát một lần, nhưng lần thứ hai cũng không thể thoát.
Cụ Đinh Công Trung thương con trai, ngã bệnh chết. Rồi bà Tiết thương chồng tù tội, nhớ mong hai đứa con trai bỏ làng biệt xứ, nên cũng héo hon mà qua đời.
Khi ông Tiết hết hạn tù, ông Hiếu điên điên rồ rồ bỏ ra chùa ở, ông cử Lễ nhường hẳn ngôi nhà gia tiên để lại cho em trai. Phần nào cũng do lòng tốt của ông, song phần nào cũng do ông sợ cái hướng nhà. Nghe nói có lão đồ Mốc, thầy địa lý khét tiếng cả vùng, phán rằng mộ phần nhà họ Đinh đều tốt cả, chỉ riêng dương trạch không
ổn. Khí không tụ mà lại tán, sợ rằng phú quý tài lộc không dài lâu đến đời con, đời cháu, rồi thậm chí có người sa hình ngục. Cử Lễ ngẫm nghĩ thấy lão Mốc nói nhiều điều đúng, nhất là khi nghĩ đến cái chết của ông bố và cô em dâu sau khi ông Tiết bị tù. Còn Tiết sau khi đi tù về, ông lặng lẽ nói:
- Bác nhường cho thì em xin nhận. Em xin giữ gìn trông nom của gia tiên, sao cho nó vượng lên. Riêng em, dù ngôi nhà của cha chúng ta có dữ thế nào, em cũng không cần. Bởi vì bản thân em đã đi tù. Vợ cũng đã chết. Hai con thì lưu lạc chân trời góc biển nào cũng chẳng ai hay. Đứa con gái lớn số phận chẳng ra gì. Chỉ còn mụn con gái út, bác đã lo cho rồi. Thế cho nên em không sợ. Và biết đâu đấy... bởi vì vật cực tắc phản mà (vật đi hết đường sẽ quay trở lại).
Cái lý lẽ của ông em trai có vẻ cùn, bất cần. Điều ấy làm ông cử Lễ áy náy. ông bảo em:
- Hay là ta bán quách nó đi, tậu cho chú khu đất khác.
- Không được. Của gia tiên không nên bán... Vả lại... em hiểu rồi. Bác áy náy vì sợ mang tiếng là đùn đẩy cái phần xấu, phần không may về cho thằng em hứng chịu chứ gì. Em nói thật với bác: Em không tin rằng số phận lại tiếp tục đẩy em tới chỗ tuyệt diệt.
Ông đồ Tiết không tin vào sự tuyệt tình của số phận. Ông vật lộn với nó, và trước mắt, ông phải làm cho cái trang trại của mình được hưng thịnh lên. Mặc dù đi tù về ốm yếu, ông vẫn hàng ngày cặm cụi vun xới khu vườn, chặt tỉa những cây già cỗi sâu bệnh, trồng thêm
những cây mới. Thằng cháu Điều, tuy nhỏ tuổi, nhưng hăng hái cũng chẳng kém gì ông. Hai ông cháu lần hồi sống cùng vườn cây. Nhìn thằng cháu lớn lên từng tháng, từng năm, điều ấy cũng tiếp sức cho ông rất nhiều. Bây giờ, khu vườn đã hồi sinh hoàn toàn. Nó lại càng thêm sức sống khi hai bố con Huyền và Nhụ trở về.
Sớm nay, cụ đồ Tiết dẫn Nhụ đi thăm khu trại. Ông già rất yêu quý cô cháu gái. Bà cụ Tiết chết rồi. Cô con gái lớn, cô Mùi, tuy không chết cụ cũng coi là chết. Cô Loan, khi cụ mắc tù tội, được ông cử Lễ nuôi nấng, gả chồng cho lấy người làm nghề giáo học ở Hà Nội. Ba người đàn bà đi khỏi trang trại. Cái nhà tắm thiên nhiên xanh ngắt của cụ ở dưới chân đồi hầu như bỏ hoang, bởi vì thằng Điều không thích tắm nhà tắm, nó thích vùng vẫy bơi lội trên sông hoặc ngoài hồ Huyền. Những cây mây nơi nhà tắm bỏ hoang, được dịp tha hồ mọc bừa bãi. Cái nhà tắm xanh càng trở nên um tùm. Những ngọn mây như những con rồng vươn lên trời mà nhảy múa. Thấy có cô cháu gái, cụ Tiết lặng lẽ ra sửa sang, buộc bịu cho cái nhà tắm được gọn gàng. Nhụ trông thấy cái nhà tắm xanh, mắt sáng lên thích thú. Và ông lão lại được sung sướng, khi tiếng cười như pha lê của Nhụ lại cất lên ở đó, lúc cô dội làn nước mát lạnh lên đầu. Tiếng cười lanh canh từ cái buồng tắm thiên nhiên, từ cái vách lá mây xanh ngắt ấy vang lên, chợt làm hiện lại hình ảnh của người vợ, của những người con gái, những hình ảnh ấm áp của một gia đình mà ông cứ tưởng rằng sẽ không bao giờ gặp lại. Cô cháu gái đã lấp đầy chỗ trống tình cảm trong trái tim ông, chỗ trống mà một con người cứng rắn như ông sẽ không khi nào chịu bộc lộ, thú nhận vì lòng kiêu hãnh.
Kìa, cô cháu gái đang đứng ở góc sân, dưới gốc cây thị thơm ngát.
Cô cúi đầu, xõa tóc, rồi nắm lấy chân tóc ở sát đỉnh đầu mà quay vun vút cho nước văng đã tạo thành một đám mưa bụi mát rượi bay cả vào thềm hè.
Tối hôm ấy có trăng. Nhụ mắc võng dưới cây thị, đưa võng kẽo kẹt mà hát rằng:
Cô rong chơi mười tám cửa ngàn
Ba mươi sáu động sơn trang các tòa...
Lúc đó, ông già ngồi uống nước với Trịnh Huyền. Cụ Tiết ngẫm nghĩ rất lâu rồi bảo con trai:
- Tôi có câu chuyện này, chả biết đã nên nói với anh chưa. - Dạ, xin thầy cứ nói.
- À mà thôi, để sau hãy hay.
- Vâng ạ, lúc nào tiện thầy nói cũng được.
- Ừ… Mà... vì... con bé ngoan đáo để.
- Thầy bảo ngoan thế nào ạ.
- Thì... con cái Nhụ chứ còn ai. Con bé ngoan lắm.
Ông già nhắc lại câu nói. Nhìn gương mặt vui vẻ của cha, Trịnh Huyền cũng thấy vui lây. Anh cũng thật không ngờ đứa con gái của anh lại làm cho cha anh hài lòng như vậy. Anh chợt thấy việc trở về làng của mình là rất đúng.
Đứa cháu gái hầu hạ ông khéo lắm. Sáng sớm nào cũng đúng như chiếc đồng hồ, khi con chim dẻ quạt đen nhánh bắt đầu xòe đuôi vừa nhảy vừa hót ở bụi trúc vàng đầu nhà là Nhụ mang lên ấm nước để ông pha trà: Cũng như mọi nhà nho khác, ông Tiết thích uống trà buổi sớm, nhưng trước đây, cảnh nhà ly tán, hết tai họa này đến tai họa khác đổ xuống đầu, nên hầu như ông già đã quên mất cái thú vui ấy. Nó chỉ trở lại khi cha con Trịnh Huyền về nhà. Ông già không nói ra, nhưng trong bụng rất cám ơn cha con Huyền. Bởi vì, bằng những hành động nhỏ nhoi, họ đã nhắc lại cho ông niềm vui sống gần như bị đánh mất trong ông.
Uống trà xong, cụ Nho Tiết dắt cháu gái ra khu nuôi ong. Cụ nho quý những đàn ong của mình vô cùng. Trước đây, không một ai được bén mảng đến khu nuôi ong. Hình như trước cũng có một người được phép, nhưng người ấy đi rồi. Bây giờ, tự tay cụ chăm sóc lấy. Cụ không muốn theo lối cổ truyền nuôi ong bằng đõ như người miền núi. Cậu cháu Tuấn nhờ một người bạn học canh nông dạy cụ nuôi ong theo kiểu mới bằng thùng đóng hình hộp, rồi gài cầu vào bên trong cho ong làm tổ. Hôm ấy ông cụ bảo Nhụ:
- Xem ra cháu nuôi ong được đấy.
- Nuôi ong khó lắm phải không ông?
- Cũng khó mà cũng dễ.
- Cháu sợ ong đốt lắm.
Ông tươi cười nhìn cháu:
- Người nuôi ong phải biết kiên nhẫn, lặng lẽ và dịu dàng. Người nóng nảy, thô lậu khó có thể nuôi ong. Ong rất ưa sự khẽ khàng, mềm mại. Đến với ong phải giống như người mẹ đến với con mình. Âu yếm, ấm áp. Ong cũng có thể cảm nhận được bàn tay nào yêu thương chúng, không muốn làm hại chúng. Ong cũng thích người có da thịt thơm tho. Sở dĩ ông không cho người khác đến nơi đây, bởi vì họ vụng về và thô thiển. Họ chưa đến đã nghĩ đến ăn mật. Hơn nữa, mùi khác lạ cũng làm ong sợ. Loài ong cũng biết đánh hơi. Có đàn ong rất sợ mùi mồ hôi dầu. Người có mùi này chỉ đứng cạnh, chưa kịp làm gì, đàn ong đã nhốn nháo như sôi lên, chỉ chực bay ra đốt kẻ địch.
Cô bé Nhụ ngây người, nghe ông kể về ong. Cô được phép núp sau lưng cụ Tiết đi vào khu nuôi ong. Năm thùng ong được đặt dưới những gốc nhãn, chung quanh một cái lều nhỏ. Những cây nhãn cổ thụ tỏa bóng che mát cả một vùng. Dần dà Nhụ đã dám từ sau lưng đi ra đứng cạnh ông già. Những con ong bay vù vù quanh người cô bé. Ông bảo:
- Đừng sợ, chàng đang tìm hiểu xem cháu là người thế nào. Cứ bình tĩnh, đừng hốt hoảng.
Mấy con ong sáp lại, đậu trên má Nhụ. Ông cụ lại nói:
- Mặc chúng? Đừng cử động mạnh. Ví dụ có con nào đốt cũng phải cắn răng mà chịu. Vả lại, loài ong ruồi không hung dữ. Chỉ khi nào thấy bị tấn công nó mới đốt lại để tự vệ…
Đi theo cụ Tiết vài hôm, Nhụ bắt đầu quen những đàn ong. Cô học dần dần để trở thành một trợ thủ đắc lực cho ông trong nghề nuôi ong.
Mới đầu, cụ Tiết nuôi ong để chữa bệnh. Ở tù ra, người cụ chỉ còn da bọc xương. Người ta bảo cụ mắc lao. Cụ đã uống mật ong liên tục ngày hai lần. Rồi còn dùng cả tắc kè sấy khô tán bột, lúc ăn trộn một thìa với mật ong. Ong thì nuôi. Tắc kè thì cu Điều lần mò bẫy trong rừng. Chẳng mất tiền thuốc mà sức khỏe của cụ Tiết cũng dần hồi phục.
Lúc này, khỏe rồi, cụ đồ vẫn say mê nuôi ong; bởi vì ở đây gần rừng nhiều hoa, hơn nữa ngoài chuyện bổ dưỡng, nó còn là một nghề, một mối lợi. Trong gian buồng đầu hồi, nơi cụ ở, lúc nào cũng thấy phảng phất hương mật ong.
Cuối xuân đầu hạ, hoa núi ê hề, trong rừng có hàng trăm thứ hoa đua nở. Những cây nhãn rừng, rồi dâu da rừng đơm hoa trắng xóa. Những cây mai vàng khắp tán lá trổ hoa vàng ối làm sáng cả những góc rừng. Ở đây có cả khu rừng sấu, hoa ngà ti li nhưng rất quyến rũ ong vì hương của nó ngon ngọt; khi ngồi dưới khu rừng sấu mát
rượi, ngửi mùi hương của nó, đến con người còn bị quyến rũ. Ngoài ra, ở những vạt đất thoáng ven suối, còn có bao nhiêu loài hoa dại: những bông hoa tím không tên, những bụi mẫu đơn đỏ rực, những bông hoa vông vang to như những cánh bướm vàng rung rinh, những bông hoa loa kèn trắng nõn nà... Bướm cũng nhiều vô kể. Chúng cũng cần mẫn chẳng kém gì ong. Hết vờn trên mặt đất, lại bay vút lên cao, nơi có những giò phong lan rực rỡ. Thiên đường hoa!
Vào mùa hoa như vậy, lũ ong thợ dậy rất sớm. Chúng rung cánh bay qua trảng cỏ trống đầy hoa dại để tới những khu rừng rậm rịt bên kia sông. Nhụ cũng dậy khi lũ gà trống gáy dồn. Cô ra chuồng gà nhặt trứng, sau đó đi một vòng quanh vườn xem có dấu vết gì của lũ cầy cáo hay không. Tiếp đó, cô đến chỗ nuôi ong.
Mùa này mật mau đầy tổ. Lũ ong hầu như đã vào rừng hết cả, chưa kịp về. Tổ ong vắng vẻ. Chỉ thấy lưa thưa dăm chú ong thợ đậu ngoài cửa. Hai ông cháu bắt tay vào việc. Họ mở nắp thùng ong mà họ đã thăm dò từ mấy hôm trước. Các cầu ong đã đầy và bít nắp. Cụ Tiết dùng một lưỡi dao thật mỏng, sắc như dao cạo, khéo léo cắt những tầng ong nhiều mật, để lại những tảng còn đang xây dở dang, để lại cả những tầng có nhộng con. Cụ lấy được bốn tầng đầy mật, cắt chúng thành những miếng nhỏ. Sau đó, lấy một chiếc chậu sạch và khô, đặt mấy chiếc đũa dài lên miệng chậu, rồi đặt những miếng tổ ong lên đũa ngáng. Nhụ bê chậu đặt ra giữa sân, chỗ dãi nắng. Cùng lúc ấy, mặt trời đã lên cao tới đầu ngọn tre. Mấy con gà trống trong chuồng trông thấy Nhụ cứ cục cục như van xin cô cho ra. Nhụ quay lại, cười:
- Hôm nay lấp mật. Bị nhốt hiểu không.
Đến trưa, lúc mặt trời đứng bóng, sáp bịt miệng lỗ tổ ong chảy ra, mật theo lỗ tổ ong đã mở rơi xuống đáy chậu từng giọt. Mật trong chậu màu vàng nhạt, trong như hổ phách. Cụ Tiết bảo đó là mật thượng hạng dùng để chữa bệnh. Khi mật không chảy nữa, Nhụ mang những miếng tầng ong xếp vào nồi, đem lên bếp đun nhỏ lửa, sau đó mang ra lấy tay bóp nhẹ. Nước mật thứ hai theo kẽ ngón tay của Nhụ chảy vào liễn. Nước mật này màu nâu trông như mật mía thơm phức. Cụ Tiết bảo Nhụ đi chợ mua bánh đa quết mật nước hai này vào rồi cả nhà đến tối ngồi ở hiên vừa ăn bánh đa, vừa uống nước chè tươi, vừa ngắm trăng non. Ôi chao? Những quãng ngày này với Nhụ, với Điều, với cụ Tiết, cả với bố Huyền nữa, sao mà đẹp thế.
Phần II
Chương 2
Nhụ thường xuyên bên cụ Tiết, còn Điều lại luôn bám dính theo chú Trịnh Huyền. Có ông chú, cậu cháu khoái vô cùng. Khoái vì từ nay không phải làm việc một mình. Khoái vì ông chú là người từng trải, biết nhiều chuyện, biết làm nhiều việc. Làm nghề nông cũng giỏi mà đánh đàn cũng hay. Nghe lời cụ đồ, ông Huyền đã sắm một cây đàn nguyệt, tối về ngồi ở thềm nhà nhấn nhá. Tiếng đàn mềm mại uốn lượn thật tài tình. Điều ngồi sau lưng chú nghe tiếng đàn cứ ngẫm nghĩ: "Quái lạ? Bàn tay ấy gặt lúa cứ rào rào, toáng một cái đã xong sào lúa. Tưởng rằng những ngón tay của ông phải to bè, cứng quèo, ấy thế mà lúc này mình cứ tưởng như những ngón tay ông thật là thon thả mềm mại". Điều bảo ông:
- Chú Huyền dạy cháu đánh đàn với nhé.
- Cháu nghe có thấy thích không đã?
- Rất thích.
- Rất cơ à? Thế thì được, nhưng phải dần dần.
- Dần dần là thế nào?
- Đầu tiên phải học hát cho thật đúng. Sau rồi nghe. Nghe và hát cho
thật nhuyễn. Điệu hát thấm vào người lúc nào không hay. Lúc ấy mới học đàn thì mau lắm.
- Vậy chú dạy cháu hát đi.
- Không.
- Sao lại thế
- Cháu lạy cái Nhụ làm thầy. Nó sẽ dạy cho. Nhụ hát rất hay đấy. - Không! Cháu không lạy cái Nhụ làm thầy đâu.
Ông Huyền cười to:
- Thế thì chịu. Giọng chú là giọng thuốc lào. Làm sao dạy cháu được.
Nhà cụ đồ chỉ có chừng mẫu ruộng. Trước kia, chỉ có mình cu Điều, sức vóc mới choai choai, lại chưa có kinh nghiệm đồng áng, nên làm không hết việc. Bây giờ có ông Huyền giỏi giang, nhà lại có bò nên công việc nhanh lắm. Cày bừa, đập đất, trồng ngô xong, còn khối ngày nông nhàn.
Bữa ấy rỗi rãi, chú Huyền và cháu Điều sang bên kia sông đi cắt tranh về lợp lại chuồng bò. Bề ngoài, tiếng là cháu Điều hướng dẫn chú Huyền, nhưng thực ra thì ngược lại. Chú bảo:
- Chú cháu mình chịu khó đi xa một chút. Vùng núi Đùng cỏ tranh tốt hơn. Cỏ tranh ở đó đài hơn.
- Hóa ra chú vẫn còn nhớ nhiều thứ nhỉ.
- Nhớ chứ. Ngày xưa chú vẫn vào cắt ở đấy...
Điều ra chuồng bò dắt con bò loang và con sừng hươu ra khỏi chuồng. Cậu nói:
- Có chuyện qua sông là khác ngày xưa.
- Khác thế nào? Mà sao lấy tranh lại dắt bò đi?
Thằng bé không trả lời. Chỉ khi ra đến bờ sông thằng bé mới nói:
- Ngày xưa, hồi của chú, đồn điền "Mắt Mèo" mới lập, chưa có lệ nộp tiền qua sông. Từ khi lão Julien làm chủ đồn điền, ông ta đặt ra lệ ai bơi đò qua sông phải nộp tiền. Ở đây có hai bến đò. Lão Julien cho cai thầu đò. Chủ đò bắt chẹt 2 xu một chuyến. Dân làm đò tự chở, lão Julien vẫn bắt nộp 1 xu một ngày. Ai không nộp, không cho sang sông. Dân kêu quan, quan bảo đất hai bên bờ sông nhà nước đã cấp cho Tây, thuộc quyền của đồn điền. Vì vậy nhà nào có bò, qua sông bằng bò để trốn tiền đò.
- Hóa ra là vậy!
Hai chú cháu cởi quần áo. Chú mặc chiếc quần đùi, còn cháu cởi
truồng. Một tay giơ cái nón đụng quần áo lên trời, một tay nắm đuôi bò, họ bơi theo con vật qua sông. Hai con vật hiền từ nghển cổ lên khỏi mặt nước, bơi xuôi dòng, chéo qua sông. Nước sông chảy xiết, lại thuận theo dòng nước nên họ qua sông rất dễ dàng. Được tắm nước mát, lại không mất sức, hai con bò lên đến bờ lắc đầu rũ lông rồi nhắm hòn núi Đùng tiến bước.
Nhìn ngọn núi cao, Điều hỏi chú:
- Sao lại núi Đùng chú nhỉ?
- Đó là câu chuyện ông Đùng bà Đà, dân ở đây ai chả biết. Mà cháu chưa biết sao?
- Cháu biết chứ. Nhưng bọn trẻ vẫn hay thích nhắc lại câu chuyện. - Cậu bé choai choai vừa nói vừa cười, rồi cậu thêm. - Cháu nghe nói hội Đùng vui lắm phải không? Chú đã được dự lần nào chưa?
- Chỉ mới một lần lúc chú mới lớn. Các cụ bảo hội làng mình tốn kém lắm, nên mười năm mới có một lần. Mấy chục năm nay làng mình mất mùa luôn nên đã lâu lắm không mở hội.
- Tốn kém đến thế nào mà lại không mở nhỉ?
- Tiếng là một hội nhưng thành ba hội. Bên kia sông mở hội ở đình làng. Bên này sông, ở đầu dòng mở hội trên núi Mẫu; ở cuối dòng nước mở hội ở núi Đùng...
Điều vẫn háo hức muốn biết thêm nhiều điều về ngày hội, những điều mà cậu không thể mở miệng hỏi ông nội, vì hỏi có thể bị mắng. Còn ông Huyền, ông lại tranh thủ nắm tình hình xóm làng, tình hình về những người ngày xưa.
- Ông Cửu Nhậm lên chức tiên chỉ từ bao lâu rồi?
- Mới được năm năm.
- Ông quản Boong là người thế nào?
- Ông này hay đến đánh cờ với ông. Ông chẳng tiếp, ông ta cũng cứ đến.
- Cháu có biết bà Váy bây giờ ra sao?
- Bà Váy nào nhỉ? Cháu chẳng thấy bà nào tên là Váy.
- À, các cụ ngày xưa hay đặt tên xấu xí cho dễ nuôi. Còn sau này, lên ông nọ bà kia, người ta đổi tên cho đẹp cho sang cả rồi.
- Chú có biết ông Cỏn xóm Cửa Đình không?
- À lý Cỏn phải không?
- Vâng, ông ấy có những ba vợ, bây giờ giàu lắm.
- Thế hử?
Câu chuyện bỗng làm cho ông Huyền như lạc vào quá khứ. Nhưng chẳng biết ông đang nghĩ gì. Vui hay buồn. Chỉ thấy mặt ông kín như bưng. Có con chiền chiện ở đồi sim chợt bay bổng lên trời cao. Nó bay cao tít trời xanh, tới mức chả nhìn thấy bóng nó nữa. Chỉ còn nghe thấy tiếng hót ríu ran của nó ở trên đầu. ông Huyền che mắt nhìn lên trời và cười với tiếng chim. Thấy ông chú lại vui vẻ dễ tính, Điều lại tiếp tục những câu hỏi về hội hè ngày xưa, những câu hỏi mà nó không thể đặt ra với ông nó được.
- Chú ơi! Thế "trải ổ" là gì trong hội?
- À cháu chú muốn biết "trải ổ" là cháu đã lớn rồi đấy.
Điều đỏ mặt. Nhưng chú Huyền không trêu lâu. Chú chỉ hiền hòa nói rằng:
- Đó là cái lệ làng rất đặc biệt ở Kẻ Đinh. Ai ai cũng tò mò muốn biết cái lệ đó. Nhưng chẳng có ai cần giải thích bao giờ. Khi ngày hội đến, tự dưng từng người đều biết - nhất là đám trai trẻ.
Điều vẫn hiếu kỳ:
- Cháu muốn biết ngay từ bây giờ.
- Nôn nóng làm gì hở cháu. Có cái lệ làng đặc biệt như vậy thì hội làng càng thêm hấp dẫn, thú vị chứ sao.
Hai chú cháu nói chuyện suất dọc đường thành thử đã đến núi Đùng tự lúc nào mà họ chẳng hay. Họ leo lên đến gần đỉnh mới gặp một vạt cỏ tranh rất tốt. Điều quấn thừng quanh sừng bò, rồi thả cho hai con vật tự do gặm cỏ. Cỏ tranh cao lút đầu người. Hai chú cháu không nói chuyện nữa. Họ chuyên chú cắt nên chỉ một lát đã được hai gánh cỏ tranh dài sườn sượt.
Hai chú cháu mồ hôi đầm đìa rủ nhau lên đỉnh núi Đùng nghỉ chân. Mặt trời đã lên cao, nhưng đỉnh núi mát rượi. Ở đó gió rất rộng và đặc biệt có năm cây thị như năm cái lọng che, quanh năm tỏa bóng, làm chỗ nghỉ chân cho những người đi rừng. Họ lên tới nơi đã thấy hai người đàn bà đi lấy củi về ngồi nghỉ ở đó.
Hai người đàn bà thấy bộ mặt quái gở nửa người nửa ma quỷ của Huyền, chắc lấy làm lạ, nên thỉnh thoảng cứ lấm lét nhìn. Thằng Điều thấy người đàn bà có chiếc ống bương đựng nước dựng ở gốc cây thị thì sáng mắt lên, nói liến thoắng:
- Cháu chào bà Ba? Ôi may quá! Cháu quên mang nước uống. Cho cháu xin một ngụm nhé.
Người được gọi là bà Ba là một người đàn bà có sắc đẹp lồ lộ ai trông cũng thấy ngay. Một cái đẹp của sức sống. Một cái đẹp của da thịt mỡ màng. Người đàn bà ấy trắng lắm. Có vẻ làm việc đồng áng giỏi mà da mặt vẫn trắng bóc. Con mắt đen lóng lánh. Đôi lông mày nằm ngang như hai nét mực tàu vẽ trên khuôn mặt tròn vành vạnh. Mớ tóc vấn khăn trên đầu cũng đen mượt. Ở bà ta, những chỗ nào da thịt hở ra cũng thấy ngồn ngộn ngọt ngào. Bà ta ăn vận xuềnh
xoàng. Cái váy đen, cái áo nâu đã bạc lưng, cái yếm nhuộm vỏ đa màu hồng nhạt. Thấy Trịnh Huyền từ lúc mới gặp cứ nhìn chằm chằm, bà Ba ngượng ngừng cúi đầu xuống. Người đàn bà đi cùng, lại cho ta một hình ảnh trái ngược hẳn. Chị ta gày guộc, da thịt sắt lại, quần áo ra chừng lam lũ? Chị ta bảo:
- Chị Ba này, ăn một miếng trầu, rồi chị em ta về kẻo nắng.
Thằng Điều uống nước ừng ực. Nước từ cái ống bương chảy ra đổ cả xuống cằm, xuống cổ áo. Thỏa mãn cơn khát xong, nó càng nói liến thoắng như khướu:
- Bà Ba lòng dạ như tiên như Phật - Biết được con khát sắp chết nên dành cho con nước uống. Nước mưa ở bể nhà bà ngon ngọt thật. Như nước cam lồ của Phật.
Bà Ba vừa nhai trầu vừa mắng nó:
- Mày lém vừa vừa chứ. Đưa ống nước cho ông ấy uống.
Trịnh Huyền chỉ từ tốn uống một ngụm nước rồi trả lại cái ống bương và nhân tiện bắt chuyện với người đàn bà:
- Thằng cháu tôi nó lém thế, nhưng nó tinh đấy, đúng là nước mưa hứng ở cây cau cho chảy vào chum nên mới ngọt và thơm.
Người đàn bà chợt sững lại, nhìn vào mặt Trịnh Huyền. Nhưng cũng lúc ấy, Huyền nghiêng mặt đi chỉ để cho bà ta nhìn thấy nửa khuôn
mặt sứt sẹo của mình. Bà ta ngập ngừng hỏi:
- Thế ông phân biệt được nước mưa hứng ở mái và nước mưa hứng ở cây cau sao?
- Biết chứ. Mái ngói cũ có nhiều rêu mốc, nước mưa sẽ ngai ngái. Phải để lâu ngày mới hết mùi. Còn nước mưa cây cau lại khác. Nó là mùi lá, mùi hoa. Thật đấy! Có lúc nó thơm mùi hoa cau...
Người đàn bà nhìn kỹ vào vết sẹo hồng hồng trên má Trịnh Huyền, rồi lại nhìn thấy con mắt phía má ấy cứ mở trừng trừng không biết khép lại, bà nhắm mắt, hình như hơi rùng mình nói buồn buồn:
- Ngày xưa, cũng có người tinh mồm biết phân biệt nước mưa như ông... Còn tôi, uống nước nào cũng thế. Chịu không phân biệt nổi... Mà này... hình như... Nhìn ông tôi cứ thấy ngờ ngợ.
- Sao... hả bà...
Thằng Điều rất tinh ranh, xen vào:
- Quên! Cháu chưa trình với bà Ba. Đây là chú Huyền cháu. Họ đằng bà cụ tổ ngoại, Ở Nam lên. Dưới ấy lụt lội, mất mùa liên miên. Nhà cháu neo người nên ông cháu cho gọi chú ấy lên, vừa để giúp đỡ ông cháu, vừa để bảo ban cháu làm ăn.
- À ra thế...
- Còn bà Ba là bà ba của ông lý Cỏn, hôm nọ ông Lý có đến nhà mình đấy.
Khi hai chị em bà Ba đứng dậy đi về, Trịnh Huyền không kịp xoay người, nên bà Ba đã thoáng trông thấy cái nửa mặt còn lành lặn của ông. Chỉ thoáng thôi nhưng cũng đủ cho người đàn bà nhíu mày lại. Và khi đã bước chân đi rồi, bà ta còn ngoái nhìn lại lần nữa, nhưng Trịnh Huyền đã kịp giấu khéo cái nửa mặt lành lặn ấy đi. Hai người đàn bà đã khuất sau những lùm cây ở chân núi mà ông Trịnh Huyền vẫn cứ nhìn theo con đường mòn. Cháu Điều gọi: "Chú ơi! Chú ơi!". Ông Huyền giật mình, chợt tỉnh khỏi những dòng suy nghĩ. Cậu cháu tinh quái hỏi:
- Chú ạ, có phải bà Ba là cô Váy ngày xưa không?
Người chú cười:
- Cháu bảo làng Đình không có ai tên là Váy cơ mà.
Khoảng mười lăm, mười sáu năm về trước, cô Váy là bạn thời chăn trâu cắt cỏ của Huyền, tuy anh nhiều tuổi hơn. Cô Váy mặt tròn như cái đĩa. Nhà nghèo mà da lúc nào cũng trắng muốt. Cô mũm mĩm. Tính tình hồn nhiên như trẻ thơ. Vì nhà nghèo, lại là con gái, lại bé, nên cô luôn bị đám mục đồng bắt nạt. Anh Phác (tức là Huyền sau này) lớn nhất hội đã che chở cho cô. Do vậy, lúc nào Váy cũng bám lấy anh Phác như cái đuôi, đuổi cũng vẫn theo. Mãi rồi cũng thành quen, hai người cứ bám dính lấy nhau như đôi chim cu. Mới đầu Phác ngượng, nhưng khi Váy 13 tuổi, đôi vú đã thây lẩy, thì vắng
Váy Phác lại thấy nhớ. Dân làng bảo: "Cái Váy phải lòng thằng Phác từ lúc lên mười".
Vậy nên khi lớn lên, cái đôi ấy "trải ổ" cho nhau, dân làng chẳng lấy làm lạ. Thằng Điều hỏi ông Huyền "trải ổ" là gì, ông Huyền không giảng. Bởi vì lớn lên khắc biết. Ngày hội sẽ giải nghĩa cho. Đám rước làng Đình cũng giải nghĩa cho. Rồi trăng sáng vằng vặc cũng là sự cắt nghĩa không lời.
Mùa trăng, mùa "trải ổ" năm ấy, trong cái ổ rơm thơm phức, Phác lần đầu tiên trông thấy đôi mắt đẫm trăng vừa long lanh vừa háo hức của Váy. Cô gái mũm mĩm ấy có được ai dạy bảo gì đâu. Sao mà cô đằm thắm đến thế, sao mà cô đàn bà đến thế, sao mà cô ngọt ngào đến thế. Trăng khuya, sương khuya xóa nhoà mọi ranh giới. Trăng mùa "trải ổ" trùm tấm áo khoác hoan lạc lên trên người họ, dạy cho họ vũ điệu tình yêu. Rồ dại và cuồng điên, họ tan biến trong nhau, để đến lúc khi an bình trở lại, Huyền mới biết tai mình đã chảy máu. Thần hoan lạc hay chính cô Váy, đã cắn rách tai Huyền mà đến lúc này họ mới biết. Váy rúc rích cười, lấy thuốc lào rịt vào vành tai người yêu. Và một câu chuyện nói dối hoang đường đã xảy ra. Anh chàng Phác đã bảo bố là mình bị ngã từ trên cây táo xuống, cái gai táo rất to đã móc vào tai, làm rách vành tai. Câu chuyện hoang đường ấy vẫn được ông cụ Tiết tin cho đến tận bây giờ.
Hồi tưởng, rồi lại tự trách mình: "Tại sao ta lại nói tới chuyện nước mưa cây cau với Váy nhỉ. Khi còn trẻ, ta đã nói chuyện ấy với cô ta rồi thì phải. Có thể câu chuyện đó làm Váy nghi ngờ. Và nếu mọi người biết thì sao? Chồng cô ta biết thì sao? Nghe nói, lý Cỏn,
chồng của Váy hay ghen lại có quyền: Và theo như cha ta nói, việc giấu biệt tung tích của ta là cần thiết...".
Cháu Điều rất tinh. Hình như nó đoán ngay được ý nghĩ của Trịnh Huyền trên gương mặt ưu tư của ông:
- Chú đừng lo. Bà Váy không thể nhận được ra chú đâu Cháu tin là thế.
- Bà ta, khi đi rồi, vẫn còn ngoái lại.
- Ngoái lại không phải vì nhận ra chú, mà vì... vì khuôn mặt đáng sợ. - Đáng sợ ư?
- Chú thử nghĩ xem, có khuôn mặt nào lại nửa là người, nửa là... - Là quỷ chứ gì.
- Cháu nói thật, chú chớ có giận. Ai đời vết sẹo thì căng bóng, dúm dó, đo đỏ. Con mắt thì, đêm cũng như ngày, luôn mở to thao láo. Ngay cả khi con mắt kia đã nhắm lại rồi, nó vẫn cứ mở. Ai biết rằng nó đã ngủ hay đang thức. Và cái khóe miệng nữa chứ, lúc nào cũng xếch lên như cười như chế giễu. Cháu nói thật, ai trông thấy mặt của chú cũng bị khiếp đảm ngay, cũng không dám nhìn thẳng vào. Vì vậy còn tâm trí nào mà nhớ lại. Bà Ba Váy cũng vậy. Bà ấy không nhận ra đâu. Cháu cam đoan. Bà ấy sợ thì đúng hơn.
- Bà ấy sợ ư? - Trịnh Huyền nhắc lại câu nói của cháu, và ông đứng dậy, bên phía mặt hiền hòa của ông, ta thấy một thoáng buồn.
Phần II
Chương 3
Trước kia, một mình Điều phải chăn năm con bò, hai con bò vàng, một con bò loang, một con bò đen và một chú bê con. Hai con vàng và con loang là ba con cái. Con đen là con đực. Lũ bò rất hiền, chăn chúng thật nhàn. Chỉ riêng con đực, chăn nó quá mệt. Chú bò đen này hăng lắm. Hai chiếc sừng của nó nhọn hoắt, đâm thẳng ra phía trước như hai con dao găm. Nó vạm vỡ, cao lớn, to gấp rưỡi những con bò thường. Khi đuổi theo những con khác, Bò Đen hùng dũng phi nước đại, đầu lao ra phía trước. Ba con bò cái, một con tên là Sừng Hươu, con thứ hai có tên Bò Loang, con thứ ba Điều gọi nó là Sừng Khoằm. Con bê là con của Sừng Hươu và Bò Đen, nhưng nó giống mẹ, lông toàn màu vàng. Bò Đen tuy đã có ba vợ, song vẫn chưa thỏa mãn. Nó vẫn còn dư sức để đi trăng hoa ngoài đàn. Hình như các cô bò cái trong làng đều thích nó. Cứ thoáng thấy cái bóng cao lớn của nó từ xa, các cô đã cất cao giọng chào mời. Thế là Bò Đen bỗng lồng lên, phi theo tiếng gọi. Giữ nó mệt như thế đấy, vì vậy lúc nào cu Điều cũng phải để mắt tới nó.
Còn bây giờ, đi chăn bò đã có thêm cái Nhụ, đi chăn đã có đôi, Điều chợt thấy như người cất được gánh nặng, chợt thấy nhẹ bỗng hẳn. Cái Nhụ thật chu đáo. Gặp hôm trời nóng nực, trước khi đi, bao giờ, Nhụ cũng ra bể, múc gần đầy chiếc ấm da lươn nước mưa.
Cái bể nước mưa của cụ Tiết cũng khá đặc biệt. Trịnh Huyền giỏi
phân biệt được nước mưa cây cau với nước mưa mái ngói, điều ấy nhờ cụ đồ Tiết truyền dạy. Cụ Tiết nghiện trà và pha trà bao giờ cũng bằng thứ nước mưa ở bể nhà cụ. Cái bể nước mưa không to. Nước ở đó chỉ dùng để pha trà. Chung quanh bốn góc bể, trồng bốn cây cau mập mạp, thứ cau liên phòng ra hoa tứ thời. Bốn cây cau, tàu loe giữa trời, như bốn cái phễu ngửa lên hứng nước trời; thứ nước tinh khiết từ rừng, từ suối bốc lên, rồi rơi xuống bốn cái tán lá xanh tươi đó, rồi theo cuống phễu tức là bốn thân cây chảy xuống đến ngang tầm miệng bể, thì gập bốn tàu cau buộc ngang thân cây ngăn lại, rót nước vào bể. Bốn cây cau đó luôn được cụ Tiết kiểm soát. Hễ động có con chim sẻ nào tha rác định làm tổ ở những bẹ cau, lập tức cu Điều phải như con mèo trèo lên ngay, để phá tổ, không cho phép chim đẻ con tại đó. Bởi vì, nước từ tổ chim sẻ chảy xuống bể, thì nước bể coi như tạp, ô uế, không thể pha trà được nữa.
Cu Điều thấy ông bảo nước mưa ở cái bể rất ngon, rất quý. Nó chỉ nghe thế thôi chứ không biết ngon là thế nào. Tuy nhiên, hễ ông sai lên phá tổ chim sẻ, cu Điều thi hành ngay tắp lự, rất tích cực để bảo vệ sự tinh khiết của nước. Chỉ đến khi hàng ngày Nhụ lấy cái ấm da lươn múc nước ở bể, rồi hái dăm bông hoa nhài vứt vào, Điều mới hiểu cái quý báu của nước mưa ấy là thế nào. Cái ấm luôn được buộc vào cổ con bò loang. Con bò này rất khéo, nó bước đi khoan thai, nhịp nhàng. Cái ấm đung đưa, lắc lư, nhưng nước chẳng sánh ra bao giờ. Có lần, Điều treo cái ấm vào cổ con Sừng Hươu hay con Sừng Khoằm song Nhụ không nghe. Nhụ bảo hai con bò ấy cũng rất khéo léo chẳng kém gì Bò Loang, tuy nhiên Sừng Hươu còn đang trong thời kỳ cho con bú, còn Sừng Khoằm lại đang có mang; vì vậy
không nên làm chúng mệt. Từ nhỏ, Điều chỉ được sống với ông nội, chưa hề được bàn tay phụ nữ chăm sóc bao giờ, cho nên nó lớn lên như cỏ hoang, rất vô tâm. Lần đầu tiên nó được biết thế nào là sự tỉ mỉ, chu đáo, ân cần của một người đàn bà. Đến trưa, khi mặt trời lên tới đỉnh đầu, Điều chợt thấy khát quá, quen như mọi khi, nó phăm phăm chạy ra chỗ ruộng sâu, định vốc nước ruộng lên uống. Nhụ liền ngăn nó lại, đem ấm nước mưa ra cho uống. Cũng là lần đầu tiên, Điều được uống thứ nước mưa ướp hoa nhài. Nó tu ừng ực làn nước mát, ngọt lịm, thơm tho. Uống xong một lúc lâu còn cảm thấy mùi hoa thơm vẫn đọng lại trong cổ họng và phảng phất nơi ngực, trên tấm áo nâu cứng quèo mà khi uống nó làm vương ra.
Đàn bò lúc này đã nằm im dưới gốc cây chói lói đang đâm hoa đỏ rực. Điều nằm thẳng cẳng trên đám cỏ, úp chiếc nón mê lên mặt. Nó nằm dưới bóng một cây sim già lá rậm rịt. Nhụ vừa đi tát vũng về, bắt được một xâu cá rô. Nó nhóm lửa nướng cá. Mới đầu lá rừng, củi sim bén lửa, tạo thành một mùi thơm đặc biệt lan tỏa trong gió, vừa ngai ngái vừa thơm thoảng. Tiếp theo là mùi cá nướng, thơm sực nức ngào ngạt. Nhụ vừa làm vừa hát. Lại là khúc hát đầu tiên Điều được nghe. Nó khác hẳn những khúc hát ở vùng này mà chú bé đã được nghe. Khúc hát tươi tắn, réo rắt, vừa nhún nhảy vừa lượn lờ.
A……..
Cô Chín ngự đồng dệt gấm thêu hoa
Long ly quy phượng cô thêu ra đôi rồng chầu.
A……..
Cô thêu đỏ lặn ác tà
Thêu non, thêu nước, cô thêu hoa, thêu người.
Giọng hát của Nhụ lảnh lót, ríu rít như tiếng con họa mi của ông nội mỗi khi ông mở tấm vải che lồng rồi vẫy tay ra hiệu cho nó cất tiếng. Điều hất cái nón che mặt, nhổm dậy bên gốc sim già. Nó nhớ lại cái chiều hôm chú Huyền và Nhụ trở về nhà. Lúc ấy, ông nói chuyện riêng với chú. Điều đi rút rơm đun ở đống rơm chất sau lưng nhà nên đã bất chợt nghe hết chuyện của hai người. Nó biết Nhụ không phải con ruột của chú. Và cũng không hiểu tại sao nó lại thấy vui vui trong dạ. Khi trở lại bếp, dưới ánh lửa rơm lúc bùng mạnh lúc yếu, nó nhìn trộm đôi má ửng lên vì ánh lửa của cô em gái hờ mà lúc nãy nó chưa kịp nhận rõ mặt. Cũng là lần đầu tiên nó chú ý quan sát một cô con gái, tự dưng nó bỗng cảm thấy đôi tai mình cũng nóng ran.
Nhụ còn đương ngân nga chưa hát xong câu hát, chợt thấy gáy mình nóng ran. Nó quay đầu lại, thấy Điều đã đứng ở phía sau.
- Em hát bài gì mà hay thế? Anh chưa nghe thấy bao giờ. - À bài "Dệt gấm thêu hoa", văn cô Chín.
- Cô Chín nào?
- Cô Chín Đền Sòng mà anh không biết ư?
- Anh không biết.
- Anh có thích không?
- Thích.
- Em dạy cho mà hát.
Điều lúng túng, rồi lắc đầu:
- Không, anh chẳng... học đâu.
Nhụ mở to đôi mắt:
- Sao lại không? Anh thích học đàn cơ mà. Phải học hát trước, rồi học đàn sau...
- Thôi. Anh chẳng học nữa.
- Vì sao?
- Vì… vì… học hát thì phải lạy em làm thầy.
Nhụ cười rũ rượi:
- Ai bảo anh thế?
- Chú bảo.
Nhụ vẫn cười rồi nói:
- Thế em không bắt anh lạy làm thầy, anh có chịu học không? - Thế thì chịu.
- Anh có biết không? Ngày xưa, mẹ em cũng phải dạy bố em học hát trước đấy.
- Mẹ em có dạy em không?
- Không. Mẹ chẳng dạy. Mẹ bảo: Con đừng học hát. Đừng bao giờ học hát như mẹ. Em hỏi sao lại thế. Mẹ chẳng nói và mẹ cũng chẳng bao giờ nhắc lại chuyện ấy. Và em cũng chẳng học, nhưng không hiểu sao em vẫn cứ biết hát. Có lần em hát nghêu ngao ngoài vườn, ông ngoại và mẹ ngồi ở đầu hè nghe em hát cứ thừ người ra. Ông ngoại bảo: Con bé có cái giọng lạ quá. Còn mẹ thì thở dài.
- Sao em hát hay mà mẹ em lại thở dài nhỉ. Em kể nữa đi. - Kể gì?
- Thì những chuyện như vừa rồi. Anh thích nghe lắm. Nhụ cười... Kể gì nhỉ? Thực ra, những chuyện ngày xưa, người kể
cũng thấy thú vị, người nghe, dù là những chuyện chẳng đâu vào đâu, cũng thấy lạ lùng, hay hay. Đôi mắt to và dài của Nhụ trở nên long lanh. Hàng mi chớp chớp như để gọi những hồi ức trở về. Những ký ức, tuy chưa lâu, mà đã trở nên xa lắc xa lơ trong tâm tưởng cô gái. Mẹ ơi... Cái người đàn bà dáng vóc gầy guộc mà sao giọng lại âm vang và long lanh đến như vậy. Chưa bao giờ Nhụ thấy người đàn bà nào hát hay như mẹ. Cái con người yểu điệu cớ sao gương mặt tại buồn buồn và trìu mến đến lạ lùng như vậy. Gương mặt ấy sao giống như quê em, một biển nước mênh mông trắng xóa, thỉnh thoảng lại trồi lên một làng nổi xanh rì. Quê em, nó bơ vơ như những cánh chim bay vật vờ vào chiều mây xám, nó hệt như con cò trắng so vai, lủi thủi lò dò... Điều bảo:
- Hình như quê em cũng giống như ở đây, tuy rằng nó có khác. Để bao giờ mùa đông, anh dẫn em vào rừng cỏ lam. Nó cũng mênh mông và trắng xóa. Nó cũng rập rờn như biển nước.
Nói chuyện phiếm mãi để cho đám củi sim tắt lúc nào chẳng hay. Nhụ lấy cành cây kéo đám sim khô vào giữa đống tro. Gió nhẹ thổi bùng lên vài ngọn lửa nhỏ, nó cháy lem lém, sau đó lửa lại tắt lịm, chỉ còn để lại những làn khói trắng đặc quánh lúc thơm thơm, lúc hăng hăng. Khói cay xè làm Nhụ chảy nước mắt, nhưng cô bé lại cười:
- Mẹ em hát bài Văn cô Chín hay hơn em nhiều lắm. Nhất là khi mẹ hát, còn thầy đánh đàn. Mẹ bảo thầy em đánh đàn gần bằng được như ông. Còn ông thì bảo thầy đánh đàn chưa lâu nhưng tài hoa hơn. Em hỏi tài hoa là gì? Ông bảo tài hoa là thế nào thì chịu không
giảng được. Mẹ bảo tài hoa giống như người lên đồng. Khi thầy đánh đàn bài Văn cô Chín, cô hiện hồn về nhập vào tay thầy, thầy đánh đàn hay cô Chín đánh đàn ai mà biết được, nhưng chắc chắn tiếng đàn sẽ rất tài hoa.
Điều lại hỏi:
- Cô Chín là ai?
- Mẹ em bảo cô Chín là người hầu của Mẫu.
- Mẫu ư? - Điều thì thầm hỏi.
Nhụ kính cẩn:
- Thầy em nói: Ở nước mình, chỗ nào cũng có Mẫu. Thế núi Mẫu làng mình ở chỗ nào hở anh?
Chú bé giơ tay, chỉ ra xa xa:
- Kia kìa? Hòn núi cao cao, phía tay phải bên kia sông. Muốn đến núi Mẫu phải ra hồ Huyền, rồi từ hồ Huyền bơi ra sông Son, ngược dòng sông Son chừng nửa cây số là đến bến Mẫu. Đền Mẫu ở trên đỉnh núi.
- Mẹ em bảo đền Sòng cũng ở trên núi. Trên là núi, dưới là suối, chung quanh là rừng.
- Em đã bao giờ đến đấy chưa?
- Xa lắm! Ở mãi tỉnh Thanh. Trẩy hội, phải đi mấy ngày ròng rã. Em đi sao được.
- Vậy thì, hôm nào anh sẽ chèo đò đưa em lên đền Mẫu quê anh.
Mùi cá nướng bốc lên thơm lừng. Mải chuyện, nên cá đã cháy. Chẳng sao, cá cháy càng thêm chín, thêm ngọt, thêm thơm. Hai cô cậu rút xâu cá rô từ trong đống lửa ra. Chúng cạo vẩy, rồi thổi phù phù, đưa lên miệng. Than đen dính đầy môi, đầy mép. Có cả những vết nhọ trên má trên cầm. Trông hai đứa như hai con quỷ nhai than. Chao ôi? Sao mà thơm mà ngọt. Rồi chúng nhìn nhau cười khúc khích. Ăn xong, Điều đưa hai tay lên đầu, sau gáy làm gối; nó vừa nhìn những đám mây trôi vừa nghe Nhụ kể những câu chuyện hoang đường song thú vị:
- Cô Chín là người hầu thân cận của Mẫu. Ở đền Sòng có một cây sung cổ thụ; gốc nó to người ôm không xuể. Bóng mát của nó tỏa rộng. Trên các cành, trên thân cây, quanh năm lúc lỉu những quả sung to bằng nắm tay; quả xanh mướt, quả đỏ chót, cả những quả chín đen màu mận chín. Sung chín, tỏa mùi thơm lừng gọi từng đàn chim bay về. Lúc nào, trên cây cũng nghe thấy tiếng chim rúc rích, líu lo. Lũ chào mào đỏ đít, lũ sáo đen mỏ ngà, lũ sáo đá loang lổ, lũ vành khuyên vàng ươm. Cạnh cây sung là cây doi, lá to như lá đa, quanh năm xanh um rậm rịt, đó là nơi lý tưởng cho lũ chim làm tổ.
Đức Mẫu Thượng Ngàn ngự chín tầng mây.
Cô Chín mắc võng ngự rày cây sung.
- Vậy là cô Chín cũng làm tổ trên cây sung.
- Làm nhà chứ ai gọi làm tổ. Cô Chín là thánh là tiên, chứ đâu phải là chim. Nhưng cũng có lúc cô hóa thành con vàng anh, con bách thanh chúa của loài chim. Cô chẳng mọc cánh mà vẫn biết bay:
Khi vui, cô Chín ngự chiếc xe rồng.
Khi buồn, phách trúc, đàn thông, cung tì bà.
Dập dìu yên múa, oanh ca
Thoắt thôi cô lại ngự về tòa sơn lâm.
Cô rong chơi mười tám cửa ngàn
Ba mươi sáu động sơn trang các tòa.
Cô Chín hát hay, đàn ngọt. Cô lại biết cả thêu thùa. Kể đến đây, Nhụ cất lên tiếng hát, hát cái bài lúc nãy đã làm mê mẩn tâm hồn chú bé:
A... ới a
Dệt gấm thêu hoa...
Tiếng hát như ru người ta vào giấc ngủ. Điều lim dim đôi mắt, mường tượng ra cảnh một cô tiên áo đỏ, đang ngồi vắt vẻo trên chiếc võng xanh; hai đầu võng mắc vào cành sung. Cô đánh võng bổng lên cao tít trời xanh. Vừa đưa võng cô vừa cất tiếng hát. Trên đầu cô, lũ chim lượn thành vòng tròn. Dưới khe suối sâu thẳm, bầy cá chép vàng cũng chụm đầu, nghển cổ, hướng về tiếng hát rồi lại tỏa ra để múa để bơi...
Điều còn đang mơ màng, đột nhiên tiếng hát của Nhụ bỗng tắt lặng. Rất đột ngột như có chuyện gì lạ sắp xảy đến. Điều vội vàng nhổm dậy.
Từ xa, có hai con ngựa đang phi tới. Đi trước là một người Tây, đội mũ trắng, mặc quần áo trắng. Theo sau là một người Việt, mặc quần áo vàng. Hai đứa trẻ đứng dậy. Nhụ nép sau lưng Điều. Đến gần hai đứa mục đồng, hai con ngựa dừng lại. Điều lễ phép nói:
- Chào quan lớn.
Người Tây không xuống ngựa, giơ chiếc roi da hỏi:
- Hai em chăn bò cho đồn điền hả?
- Thưa vâng.
- Sao lại buộc bò ở gốc cây?
- Dạ, trưa nắng, phải cho bò nghỉ..
Người kia là anh lính khố xanh. Hắn xuống ngựa, đến gốc cây chói lói ngắm lũ bò. Người Tây hỏi anh lính:
- Thế nào? Láu?
- Dạ, lũ bò đều béo, lông mượt.
- Quan lớn khen hai đứa chăn bò tốt... Người Tây cất tiếng ồ ồ bằng cái giọng lơ lớ khó nghe và nhát gừng.
Từ nãy Nhụ vẫn sợ hãi núp sau lưng Điều. Đây là lần đầu tiên cô đứng gần, hầu như đối mặt với một ông Tây. Cũng là lần đầu tiên cô biết thế nào là người da trắng, mắt xanh, mũi rõ, tóc vàng. Người Tây vẫn ngồi trên lưng ngựa, cất tiếng hỏi:
- Cô bé... này... ở đâu? Ta chưa thấy... bao giờ.
Điều cầm tay Nhụ nói rất bình tĩnh:
- Dạ, nó là em con, vừa mới ở quê lên.
- Ra đây... Ra đây... Ta xem...
Nhụ líu ríu, bước chậm chạp đến trước mặt người Tây. Hai tay cô bé khoanh trước ngực, đầu cúi gằm.
- Đừng... có sợ... Ngẩng... cái đầu lên... cho ta xem.
Người Tây ngắm nghía Nhụ rất kỹ lưỡng rồi mỉm cười: - Tốt lắm... Tốt lắm... Trông... Ngoan lắm.
Rồi ông ta gật gù cái đầu, móc tay vào túi lấy ra một đồng xu đưa cho cô bé:
- Tốt lắm... Chăn bò... Tốt lắm... Quan cho...
Nhụ không chìa tay. Người lính bảo:
- Quan lớn thưởng cho đấy. Cầm đi.
Điều đứng bên cạnh lặng lẽ, mắt gườm gườm.
Hai con ngựa lại sóng đôi đi khỏi gốc cây chói lói.
Người Tây, tên là Julien Messmer nói với người lính hầu cận:
- Ông Láu có biết không... Ở bên Pháp người ta nói Đông Dương là bó hoa... đẹp nhất... trong các thuộc địa... của nước Pháp.
- Bẩm quan đúng như thế ạ.
- Và cô bé... Tương lai... cũng sẽ là... một bông hoa... rất đẹp... Tôi nói... có đúng không?
- Bẩm, quan lớn có con mắt rất tinh ạ. Rất đúng ạ.
Hai người vừa đi vừa cười. Người Tây lại nói:
- Cô bé ấy... mười ba... hay mười bốn... tuổi. Người An Nam các ông... gọi là... Tuổi gì nhỉ...
- Dạ, người dân An Nam chúng tôi gọi là tuổi "chum chúm núm cau” ạ.
- Cái gì?
- Chum chúm núm cau.
Người hầu cận vừa nói vừa chỉ tay vào ngực.
Đến lúc đó, người Tây chắc vỡ lẽ; ông ta cười to nhắc lại:
- Chum... chúm... Núm... cau... Ô la la? Người An Nam các ông nói hay thật. Hay thật? Mà này... còn thằng bé...
- Thưa quan sao ạ?
- Tôi thấy... mặt nó... cau cau... Tôi... không... ưa nó. Khi người Tây đi xa, Điều đúng đã cau mày với Nhụ: - Sao em lại cầm tiền của nó làm gì?
- Em có muốn cầm đâu. Nó bắt em phải lấy chứ.
- Không thèm. Đưa đây cho tôi.
Nhụ đưa đồng xu cho Điều. Cậu bé nhìn đồng xu ngắm nghía rồi cậu quăng nó đi thật xa. Đồng xu bay lên trời rồi rơi lẫn vào đám lau sậy ở chân đồi. Nhụ im lặng, cô bé cứ thấy như mình có lỗi. Cô liếc nhìn Điều. Cậu bé cũng không hiểu tại sao mình nổi cơn tức giận với người Tây đến thế. Cậu tức giận gì? Phải chăng vì con người quyền uy ấy đã nhìn quá chăm chú vào cô bé Nhụ?
Phần 3 - Chương 1
III: ĐỒN ĐIỀN MESSMER
Người Pháp đi xâm chiếm thuộc địa, việc đầu tiên họ làm là chiếm đất đai, khai thác đồn điền. Họ chú ý ngay đến nông nghiệp, bởi vì đầu tư nông nghiệp cần ít vốn, lại sử dụng được nhân công tại chỗ vốn đông đúc và rẻ mạt. Vả lại, nhân công thuộc địa chỉ làm nghề nông, họ quen đất đai, quen khổ sở, lại không cần phải đào tạo tay nghề nhiều khi trồng thứ cây mới. Bóc lột nhân công, bóc lột đất đai là phương thức thu lợi nhanh nhất cho chính quốc. Chính vì lẽ đó nên đã hình thành đồn điền Messmer trên vùng đất Cổ Đình.
Làng Cổ Đình, cuối thế kỷ mười chín là vùng đất trải qua nhiều cuộc nhiễu loạn. Hồi cuối thời Tự Đức thì giặc cờ đen, cờ vàng quấy nhiễu. Lúc Tây chiếm Bắc Kỳ, thì liên miên hết phong trào Văn Thân lại đến cuộc khởi nghĩa Đốc Ngữ. Làng nằm giữa vùng xung đột. Ở đây có ao hồ đầm lầy, có rừng rậm, có núi non hiểm trở, dễ cho quân khởi nghĩa ẩn náu. Nhiều lúc nó đã là căn cứ của nghĩa quân. Quân của ta thoắt hiện, thoắt biến, trong chốc lát có thể lẫn vào rừng già, núi non.
Quân khởi nghĩa rút, tiếp sau đó là địa bàn hoạt động của quân Pháp và lính khố đỏ khố xanh. Chúng đuổi theo nhưng rồi đến lượt chúng lại cũng rút đi.
Cuối cùng, lũ giặc cướp xuất hiện. Kẻ cướp là đám nông dân đói khát lưu vong, đám du thủ du thực, đám tuổi trẻ táo tợn nổi loạn. Họ chẳng có phương hướng gì hết. Họ bảo nhau: "Trai thời loạn. Lúc này là thời của kẻ mạnh, kẻ ngổ ngáo". Ban đêm, họ tụ tập nhau lại thành từng toán, tay dao tay gậy, đất đuốc rừng rực, xông vào các xóm làng giết người, cướp của. Ban ngày là cảnh lũ lính khố xanh khố đỏ trắng trợn hãm hiếp đàn bà con gái. Ban đêm là cảnh đuốc rực trời, và tiếng trống ngũ liên tiếng phèng la vang dội, cùng những tiếng khóc lóc kêu cứu từ những mái tranh nghèo.
Sợ hãi vì sự giành giật; kiệt quệ vì sự tàn phá cướp bóc, người Cổ Đình đành bỏ đất, đi tha phương cầu thực. Đất bỏ hoang. Hàng ngàn mẫu ruộng biến thành những cánh đồng cho cỏ mọc, đó là nơi trú ngụ của lũ chuột, lũ rắn rết, cầy cáo. Hàng ngàn quả đồi bát úp màu mỡ biến thành những đồi mua, đồi sim, hoặc những cánh rừng tạp không giá trị, chỉ toàn những bụi cây lúp xúp; bên cạnh đó, là những đồi lau bạt ngàn, trắng xóa lúc đông về.
Người Pháp chia những xứ thuộc địa trong đế chế của họ ra làm hai loại: Thứ nhất là những vùng đất để di dân như Algérie, Tân Calédonie; thứ hai là những xứ để khai thác, làm giàu cho chính quốc, ví dụ Maroc và Đông Dương. Vậy nên, nếu dân chúng bỏ ra đi thì tốt quá, đất đai của dân bỗng dưng biến thành đất hoang. Và căn cứ vào bộ luật thuộc địa, đất hoang có thể cấp không cho bất cứ người Pháp nào đến thuộc địa còn đất để khai thác, để lập đồn điền.
Đồn điền Messmer do ba anh em nhà Messmer: Philippe, Pierre,