🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lý Văn Phức (1785-1849) Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn Tên sách : LÝ VĂN PHỨC (1785–1849) Tác giả : HOA BẰNG Nhà xuất bản : THĂNG LONG Năm xuất bản : 1953 ------------------------ Nguồn sách : Từ Đức Châu Đánh máy : Ớt Hiểm Kiểm tra chính tả : Thư Võ Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 17/01/2018 https://thuviensach.vn Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE 4U.ORG Cảm ơn tác giả HOA BẰNG và nhà xuất bản THĂNG LONG đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. https://thuviensach.vn MỤC LỤC LỜI ĐẦU CHƯƠNG I : TIỂU SỬ CHƯƠNG II : CÁ TÍNH CHƯƠNG III : THỜI-ĐẠI (1785-1849) CHƯƠNG IV : TÁC-PHẨM TIẾNG VIỆT TỰ THUẬT « BẤT PHONG-LƯU » TRUYỆN CHU HỒI, TRỞ PHONG THÁN CHƯƠNG V : TƯ TƯỞNG CHƯƠNG VI : NGHỆ THUẬT CHƯƠNG VII : NHỊ THẬP TỨ HIẾU DIỄN ÂM CHƯƠNG VIII : TRÍCH GIẢNG ĐÁNH HỔ CỨU CHA ĐỘI GẠO, NUÔI CHA MẸ CHƯƠNG IX : TỔNG KẾT https://thuviensach.vn HOA-BẰNG (tác-gia thế-kỷ XIX) LÝ VĂN-PHỨC (1785-1849) (TÀI-LIỆU VĂN-HỌC VÀ GIÁO-KHOA) THĂNG LONG 1953 https://thuviensach.vn Cùng một tác-giả ĐÃ IN : Quang-Trung (tái bản) Tư-tưởng đại đồng trong cổ học Trung-hoa Quốc văn đời Tây-sơn Trần Hưng-Đạo Lịch-sử xã-hội Việt-nam (I) Hán-Việt tân Từ-điển (trọn bộ : 1.505 trang) Hồ Xuân-Hương, nhà thơ cách-mạng Dân tộc tính trong ca-dao Lý Văn-Phức (tác-gia thế-kỷ XIX) SẼ RA : Nguyễn-Trãi với Gia-huấn Lê-Lợi (mười năm bình Ngô – sáu năm kiến thiết) Lịch-sử Việt-nam (từ tiền-sử đến hiện-đại) Sử thơ văn trào-phúng Việt-nam TÁC-GIẢ GIỮ BẢN QUYỀN https://thuviensach.vn LỜI ĐẦU Bấy lâu, tôi vẫn chuyên chú lặt-lượm sử-liệu văn-học, mong để, khi tài liệu đã đủ, phê-phán đã nghiêm và tố-tài 1đã chỉnh-lý, sẽ thử viết một bộ Sử văn-học Việt-nam thuần túy tùy theo những khả-dĩ và sở-năng của một cá-nhân, đưa ra ba yếu điểm : 1) Trình tự tấn-hóa của văn-học, 2) Tư triều văn-học. 3) Khuynh hướng văn-học. Súng nổ ! Bao nhiêu văn, sử liệu đã gom-góp được đều phó theo làn khói « lênh-đênh »... Từ 1948 tới nay, phải tìm-tòi lại, thu-thập lại, cố-gắng đem sức « trùng lại » kỳ làm cho đạt sở-chí. Nay xin hãy thử rút từng một tác-gia, hoặc từng một thời-đại văn-học, trình bày vào từng cuốn sách nhỏ, để chất chính cùng các bạn thân mến gần xa. Ngày 18 tháng chạp 1952 HOA-BẰNG https://thuviensach.vn CHƯƠNG I : TIỂU SỬ Lý Văn-Phức, tự Lân-chi 2, hiệu Khắc-trai, sinh ngày mồng 1 tháng 10 3năm Cảnh-hưng thứ 46 (1785) ở làng Hồ-khẩu, huyện Vĩnh-thuận, tỉnh Hà-nội (nay thuộc huyện Hoàn-long, ngoại thành Hà-nội), nên trong tập Chu-nguyên tạp vịnh thảo, chính ông đã chua rằng : « Tôi quê ở Hà-nội... Chuyến đi sứ này, sứ quán cũng ở ngay Hà-nội » (dịch theo nguyên văn chữ Hán), đỗ hương-tiến (tức cử nhân) năm Gia-long thứ 18 (1819). Đầu niên hiệu Minh-mệnh (1820-1840), ông được bổ Hàn-lâm biên-tu, làm việc trong Sử-quán, dần lên Lễ-bộ thiêm-sự, hiệp-lý Quảng-nam trấn vụ, kiêm quản Lục-kiên cơ, tham-hiệp Quảng-nam doanh. Khi làm việc, phần nhiều đều đúng phép tắc, được vua Minh-mệnh ban khen, vời vào làm Hộ-bộ hữu thị-lang, thự hữu tham-tri. Được ít lâu, vì mắc lỗi, phải tước chức, phái đi Tiểu-tây-dương, rồi đi Tân-gia-ba để hiệu lực. Liền đó, được khai phục làm nội-vụ phủ tư-vụ, quản-trị chiếc Định-dương thuyền, đi công cán Lữ-tống và Quảng-đông. Lại lên Binh-bộ chủ-sự, đi Tân-gia-ba lần nữa. Nhiều lần ông được cử đi công cán ở Quảng-đông và Áo-môn 4(bính-thân, 1836). Khi thăng Công-bộ hữu thị-lang, kiêm quản chiếc Phấn-bằng thuyền, ông lại được phái đi Tân gia-ba. Sau cuộc công cán này, khi về, được thự Công-bộ hữu tham-tri, quyền coi sự-vụ thủy-sư ở Kinh-kỳ. Năm tân-sửu, niên hiệu Thiệu-trị thứ nhất (1841), đặc cách bổ Lễ-bộ hữu tham-tri, sung chức chánh-sứ đi Yên-kinh (nhà Thanh). Bấy giờ Văn Phức ngót 60, cảm thấy mình đã quá già trước tuổi, nên mới có nói ở bài « Tự-tự » cuốn Chu nguyên tạp vịnh thảo : « ...Nghĩ mình chưa đầy 60, thế mà râu tóc đã bạc phơ, cặp mắt đã mờ yếu, như thể ông lão 70 vậy ! » (Dịch theo nguyên văn chữ Hán). https://thuviensach.vn Sau đó, vì vụ tầu biển ngoại-quốc đến cửa Đà-nẵng, ông làm việc không khéo, bị Triều-đình Thuận-hóa định xử phát vãng làm lính. Nhưng liền đó, được khai phục, làm thị-độc. Năm Tự-đức thứ nhất (1848), thăng lang-trung, biện lý sự-vụ trong bộ Lễ. Qua năm sau (1849), thăng Quang-lộc-tự-khanh, rồi chết, được truy thự Lễ-bộ hữu thị-lang. https://thuviensach.vn CHƯƠNG II : CÁ TÍNH Muốn rõ đặc điểm một tác-gia nào, ta cần phải xét kỹ những cá tính của tác-gia ấy, thì khi trình bày và phê phán đời văn-học của họ, mới mong có thể nêu được nghệ-thuật-quan một cách chính xác và lời phê bình mới khỏi thiên lệch hoặc võ đoán. Vây, trước khi nói đến tư tưởng và nghệ thuật của Lý Văn-Phức, xin hãy xét qua cá tính của ông. Thanh đạm. – Tính ông thanh đạm, thường ăn rau dưa, không thích những món ăn béo ngấy, nên trong bài « Thực thái » (ăn rau), ở tập Tiên thành lữ-hoại, ông có câu : « Bình-sinh quán hoắc thực » (một đời lê-hoắc đã quen). Đến năm tân-sửu (1841), ông đi sứ Yên-kinh (nhà Thanh). Sứ bộ được thết cơm, ngày hai bữa thịt-thà la liệt. Ông có bài « Nhục thực, hí thành » (Nhân chuyện ăn thịt, mà làm chơi được bài thơ), đưa trình các bạn đồng-sự, trong có câu : Vạn lý quan thân tồn thể diện, Bán sinh lê-hoắc dịch can trường. Dịch : Muôn dặm cân-đai vì thể diện, Nửa đời lê-hoắc đổi can trường. Ý nói : Mình nay đóng vai sứ giả, muôn dặm ra nước ngoài, dù bấy lâu mình có sống quen cái cảnh muối dưa đi nữa, cũng phải giữ lấy thể diện là bậc « sang-cả biết ăn thịt » đây, âu thì hãy thay đổi bộ « lòng ruột đã quen ăn rau hàng nửa đời nay » mà nếm mùi cao lương vậy. Khiêm-tốn. – Ông tuy học giỏi, thơ hay, thấy rộng, biết nhiều, kinh nghiệm phong phú, nhưng bao giờ cũng khiêm-tốn, giữ đức thìn mình. Chính ông đã tự nói khi ở chung với hai bạn là Giám-hồ Đỗ Tuấn-Đại 5và Thật-hiên Trần Tú-Dĩnh 6: « Tôi học rất ít và cô lậu, tính lại vụng-về và https://thuviensach.vn không sát thực tế, vẫn thường được hai bạn (chỉ Giám-hồ và Thật-hiên) xét tình lượng thứ, khuyên gắng lẫn nhau. » (Dư, học tối quả lậu, tính hựu sơ chuyết, nhị quân mỗi khúc vi nguyên lượng, giao lương húc miễn...) Năm bính-thân (1836), ông đi sứ sang Áo-môn (Ma-cao), có người Trung-quốc (Đường nhân) đến xin câu đối treo cột nhà, ông đã nghĩ giùm cho rồi lại tặng thêm một bài thơ, trong có hai câu kết càng biểu hiện được cái đức khiêm-tốn của tác giả : Bằng quân độc dạ hàm bôi ngoạn, Khủng lạc phù danh hải ngoại tri. Ý nói : Câu đối tôi làm đó chỉ cốt để ông, ban đêm, một mình, nhắp chén rượu mà thưởng ngoạn, chứ đừng phô phang với ai, vì e sẽ sa vào cái cảnh làm cho những người hải ngoại cũng biết đến danh hão của tôi ! Cương trực. – Ông là một người cứng-cỏi và kiên-quyết, một khi đã cho điều gì là phải – cố nhiên điều phải tương-đối, theo quan niệm và tập quán ở thời-đại ông – thì ông cố giữ đến kỳ cùng. Chứng cớ ấy thấy rõ trong việc ông không chịu nói hoặc viết tên húy nhà vua khi có việc ngoại giao với người Thanh : Số là, năm tân-mão (1831), ông được cử cầm đầu sứ bộ, đi Phúc-kiến, hộ tống để giao trả nhà Thanh bọn Trần Khải (người Thanh) bị bão, giạt sang hải phận bên ta. Đến ngày 23 tháng tám năm ấy, Tôn Nhĩ-Chuẩn, tổng đốc Thanh, ở Phúc-kiến, thấy công văn của Việt-nam chỉ đề quốc tính (họ Nguyễn) mà không biên tên quốc vương (tên vua Minh-mệnh). Khi Tôn làm tờ tấu lên vua Thanh, cần phải viết rõ cả tên lẫn họ quốc vương Việt nam để làm bằng cứ. Trong khi Tôn đang ngâm bút, đợi đủ tài liệu để viết, thì bốn năm lần sai người sang sứ quán hỏi ông : lần nào cũng bị ông thoái thác và biện bác mà không chịu sao lục tên húy. Sau, Tôn phải cử Hoàng Trạch-Trung, một viên tấn sĩ nhà Thanh, đã quen thân với ông, đến điều đình, nhưng rút cục https://thuviensach.vn cũng không lượm được kết quả gì cả. Cuối cùng, Tôn phải cử Lai Tích Phồn, cũng là người Thanh, mà là bạn văn thơ với ông, thân đem bộ Khang hi tự-điển sang sứ quán, dỗ ông rằng : « Để Phồn mở suốt bộ Tự-điển, lấy tay chỉ từng chữ, hễ chữ nào đúng ngự danh thì ông sẽ gật đầu một cái. Thế là do người khác tìm biết, chứ không phải tự ông nói ra... » Nhưng, ông vẫn kiên quyết mà biện-luận : « Xưa, trước mặt con mà gọi tên tự của cha, dẫu đứa trẻ cũng không chịu phục thay, huống chi bây giờ, trước mặt thần-tử mà hỏi tên cái của quân phụ, thì ai chịu trả lời ? ». Kết cục, Tích-Phồn, sứ-giả của tổng-đốc Thanh, không làm sao được, đành phải lặng ngắt lui về. Tín ngưỡng. – Cũng như hầu hết những người Việt-nam – kể cả giới sĩ-phu – đương thời, ông tin quỉ thần và trọng thờ cúng. Khi gặp tai vạ nguy nan, ông chỉ biết tìm sự giải cứu ở giới vô-hình mà người ta gọi là « Trời, Đất, Thần, Thánh... » Xem chuyện sau đây thì đủ rõ : Năm canh-dần (1830), ông cùng một số nhân viên triều Minh-mệnh được tuyển vào phái-bộ, cưỡi hai chiếc thuyền lớn bọc đồng, là chiếc Phấn bằng và chiếc Định-dương, đem thủy-quân ra biển thao diễn. Ngày 9 tháng 4, năm ấy, thuyền bọn ông đến Phang-ca-la (Hán-văn gọi là Minh-ca). Khi vào cảng, đã gần tối. Gió cuồng chợt nổi, thủy thủ không kịp hạ buồm, vì thế thuyền cứ ngả nghiêng, chòng-chành, chao-chát : hai lần suýt đắm và một lần suýt va vào bờ. Quê người đất khách, ai cũng cầm chắc cái chết trong tay. Bấy giờ ông và mọi người chỉ còn một cách là thụp đầu lễ trước bàn thờ Thiên-hậu đặt ở trong thuyền : vừa khóc vừa khấn vái. Kế sau việc khấu đầu kêu khóc mà cầu đảo ấy, ông thuật tiếp rằng : « Thình lình buồm rách, thuyền lại được yên ; vội giục neo thuyền lại, được vô sự ». Tình bạn. – Ngoài những đức hiếu thảo cha mẹ 7, yêu thương anh em..., ông còn có đức quí hóa là cư-xử rất tốt với bạn hữu. Khi đi sứ ra ngoại-quốc, ông cùng hai bạn, là Đỗ Tuấn-Đại và Trần Tú-Dĩnh, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, hàng hơn nửa năm, trong chỗ đồng sự, trước sau không có một lời nào thương tổn đến hòa khí. Tình đẹp đối với bạn ấy đã https://thuviensach.vn được kết tinh trong một tập thơ chữ Hán, Tiên-thành lữ hoại, tức là một tổng tập do ông cùng hai bạn ấy gom góp biên thành, trong gồm có những bài thơ làm khi cùng nhau đi sứ Áo-môn : « Những lúc rảnh việc công, cùng nhau bàn văn, hoặc phát hiện ra thơ, đều ghi vào tập. Tựu-trung có khi nhân việc mà cùng vịnh, có khi tùy hứng mà vịnh riêng, có khi theo vần một bài đã làm trước, có khi không cần theo vần... chẳng qua chỉ cốt đem thanh-vận để thay câu chuyện bằng lời nói thôi... Rồi lại trích trong tập lấy những bài nào có dính-líu đến việc thù ứng vãng lai thì sao lục cả ra, làm thành một tập, nhan đề là Tiên-thành lữ hoại : cốt ghi chuyến đi này có bạn lứa đó thôi... » (Dịch theo bài Tự-tự của Lý Văn-Phức trong tập Tiên-thành lữ hoại). Đấu tranh. – Trong đời chính trị của Lý Văn-Phức, có thể nói, chỉ chuyên về công tác ngoại giao : một lần đi Phúc-kiến, một lần đi Yên-kinh, ba lần đi Quảng-đông 8; ấy là chưa kể chuyến đi Tiểu-tây-dương là thực dân-địa của Anh-cát-lợi (Canh-dần, 1830). Tựu trung có chuyến đi sứ sang Phúc-kiến, ông đã tỏ được tài năng lỗi lạc, « đấu tranh » ngoại giao, giành cho Việt-nam một địa vị xứng đáng ; không bị người Mãn-thanh liệt vào hàng « di địch » (mọi-rợ). Số là, ngày 20 tháng 8 năm tân-mão (1831), ông cùng sứ bộ đưa gia quyến Trần Khải, một vị quan Thanh, bị bão, trở về Phúc-kiến. Khi tiến đến cửa sứ quán ở tỉnh thành ấy, thấy đề mấy chữ « Việt-nam di sứ công quán » (công quán đón-tiếp sứ « mọi » Việt-nam) ; ông không chịu vào ; cứng-cáp nói : « Ta không phải rợ-mọi, ta không vào quán sứ rợ-mọi này ! » Viên quan nhà Thanh đi bạn tống ông, phải xé bỏ bức chữ ấy, ông mới chịu vào. Viên tri-huyện Mân-hyện, Hoàng Trạch-Trung, nhị giáp Tấn-sĩ, là quan sở tại, hay tin, phải vội đến xin lỗi, rồi đề lại ở cửa công quán rằng : « Việt nam quốc sứ quan công quán » (nhà công quán tiếp đón sứ quan nước Việt nam). https://thuviensach.vn Để giải thích cho mọi người Trung-quốc hiểu rõ ông không phải là « sứ mọi » và Việt-nam không phải là « nước mọi », ông bèn làm một bài Di biện gián ở quán sứ. Sau khi bài văn « đấu tranh » ấy ra đời, dư luận sôi nổi, ảnh hưởng rất lan rộng. Nhiều nhà trí thức Trung-quốc phải đặc biệt chú ý, phê bình bằng giọng thiện cảm và thán phục. https://thuviensach.vn CHƯƠNG III : THỜI-ĐẠI (1785-1849) Lý Văn-Phức là người hậu bán thế-kỷ XVIII qua tiền bán thế-kỷ XIX, tức là cuối Lê (Cảnh-hưng thứ bốn mươi sáu, 1785) qua Tây-sơn (1788- 1802) đến đầu triều Nguyễn (1802-1849). Vậy ta thử lấy lịch sử làm bối cảnh, xét qua khoảng thời-gian mà ông sống ấy. Việc chiến-tranh. – Cuối năm mậu-thân (1788), hai mươi vạn quân Mãn-thanh lót miệng bằng tiếng « cứu viện Lê Chiêu-thống » (1787-1789) kéo sang Việt-nam, chiếm đóng Thăng-long : Mỗi ngày Tôn Sĩ-Nghị, tướng Thanh, xử tử hàng ba, bốn chục mạng người ! Từ năm đinh-mùi (1787), Bắc-hà đã trải biết bao tai nạn : « Gió to, bão lớn, nước biển tràn ngập, mất mùa, đói kém. Nhân dân ở vùng Bắc và vùng Nam đều phải phiêu lưu tan tác. Không có cơm, phải luộc cỏ mà ăn ; không có nhà ở, phải lộ thiên mà nằm. Người nào có thóc, lại không có muối... » 9. Đến khi quân Thanh kéo sang, dân đã khổ vì đói kém, khổ vì bị hiếp đáp, lại phải chịu thêm cái khổ nữa và trĩu vai òe cổ gánh vác việc cung-đốn giặc ! Vắt từ bồ hôi nước mắt của hạng người kheo-khư ốm đói, vua tôi Lê Chiêu-thống nặn lấy rượu, thịt, cơm, gạo cho quân Thanh và rơm, cỏ, lá tre, ngô, thóc cho lừa ngựa chúng. Chỉ thiếu một gánh cỏ, một đấu thóc, anh dân đen cũng đủ bị đánh nát thịt hay phải tù mọt gông rồi 10. Tháng giêng năm kỷ-dậu (1789), vua Quang-trung từ Thuận-hóa kéo quân ra Bắc, phá diệt quân Thanh, đại thắng ở những trận Hà-hồi, Ngọc-hồi và Đống-đa... Từ năm nhâm-tí (1792), sau khi Quang-trung mất, nạn nội chiến lại bùng nổ : Nguyễn Phúc-Ánh đem quân đánh lấy Gia-định, rồi hạ Phú-xuân, rồi ra Bắc-thành, cuộc nội loạn mãi đến năm nhâm-tuất (1802) mới chấm dứt. https://thuviensach.vn Trong những ngày loạn ly ở thời-kỳ nội chiến ấy, dân chúng cơ cực lầm than, luôn năm đói kém, nỗi thống khổ không sao tả xiết. Quốc văn. – Từ đời Lê Cảnh-hưng (1740-1786), thơ nôm đã có một địa vị kha-khá trên đàn văn học, được dùng vào những « việc Triều-đình » như việc phủ liêu mừng vợ chúa Trịnh được kim sách phong làm chính phi (1755), việc đình thần mừng mưa khi hạn hán (1769)... Đến nhà Tây-sơn, vua Thái-đức (Nguyễn Nhạc) từ khi lên ngôi (mậu tuất, 1778) đến năm mậu-thân (1788) đi mười một năm trường, rất có đủ thì giờ để lựa dùng những nhà nho học yêm bác làm việc thảo văn thư, viết chiếu chỉ, nhất là Bình-vương Nguyễn Huệ là Đại nguyên súy tổng quốc chinh, rất có đủ điều kiện mà mời những bậc thông nho ở đương thời để nhờ giúp việc văn hàn từ lệnh. Thế mà tờ chiếu do Bình-vương Nguyễn Huệ gửi cho La-sơn phu-tử Nguyễn Thiếp đề năm Thái-đức 11 (1788) cũng viết chữ nôm 11. Vậy đủ biết quốc văn bấy giờ được coi trọng là thế nào ! Dưới triều Cảnh-thịnh (1793-1800) và triều Bảo-hưng (1800-1802), quốc văn lại dùng vào những việc quân quốc trọng sự như hiệu triệu tướng súy (1794), tế Vũ Hoàng-hậu (1799) và hiểu dụ quân, dân thành Quy-nhân (1800)... 12 Đến hồi Nguyên sơ, đầu thế kỷ XIX, xu hướng chuộng quốc văn lại lên sao : nào văn tế bằng quốc văn, như những bài tế Võ Tính và Ngô Tùng Chu, tế trận vọng tướng sĩ (1804) ; nào viết truyện bằng quốc văn, như Bích câu kỳ ngộ, Phan Trần, Nhị độ mai, rồi kết tinh trong truyện Kiều của Nguyễn-Du (1765-1820), một tác phẩm bất hủ... Phải chăng những xu hướng quốc văn ở mấy triều-đại trên đây rất có ảnh hưởng đến đời văn học của Lý Văn-Phức, nên đã thúc đẩy ông, ngoài những tác phẩm Hán văn, cũng viết nhiều văn nôm nữa ? (Xem chương IV). https://thuviensach.vn CHƯƠNG IV : TÁC-PHẨM TIẾNG VIỆT Lý Văn-Phức là một nhà khoa-bảng, sống ở thời đại Hán-học đang thịnh-hành, có điều khác với nhiều nhà văn khác ở đương thời, ông ngoài Hán văn, lại còn viết nhiều Việt văn nữa. Nhưng đối tượng nghiên cứu của sách này chỉ nhằm những tác phẩm bằng tiếng Việt. Vậy, phàm những tập văn thơ chữ Hán của ông như Tây hành kiến văn kỷ lược, Tây hành thi ký (hoặc kỷ), Mân hành tạp vịnh, Tiên-thành lữ hoại, Việt hành thi thảo, Việt hành tục ngâm Kính-hải tục ngâm và Chu-nguyên tạp vịnh thảo... 13nếu cần, chỉ dùng làm tài liệu tham khảo, chứ không liệt vào bảng tác phẩm ở chương này. Vậy, về Việt văn, Lý Văn-Phức có những tác phẩm gì ? Theo chỗ chúng ta biết, thì ông có : 1)Nhị thập tứ hiếu diễn âm, 2) Sứ trình tiện lãm khúc, 3) Tự thuật ký, 4) Phụ châm tiện lãm, 14 5) Bất phong-lưu truyện. 6) Chu hồi, trở phong thán, 7) Thiên tự văn diễn âm... 15 Nay vì điều kiện chưa thuận tiện, chúng ta chỉ có thể làm việc nghiên cứu những tác phẩm Việt văn nào của ông mà ta hiện có. Đến chương VII, sẽ nói kỹ về Nhị thập tứ hiếu diễn âm của Lý Văn Phức. Bây giờ hãy xin giới thiệu sơ qua một vài tác phẩm Việt-văn khác của Lân-chi chưa hề in ra quốc-ngữ. https://thuviensach.vn TỰ THUẬT Tức là Tự thuật ký 16. Bài này, tác giả Lý Văn-Phức viết bằng thể văn biền ngẫu (đối nhau). Mở đầu : « Ở cõi giời Nam, có người đất Bắc... » Nội dung, tác giả thuật mình sinh hồi Lê mạt, đương buổi loạn lạc binh đao. Lúc bé, nhờ có cha nhà rèn-cập, may được ăn học ra người. Lớn lên, thi Hương từ khoa đinh-mão (1807) nhưng hỏng tứ trường (kỳ thứ tư). Vì nhà nghèo, lại còn cha mẹ già, phải gắng lo sinh kế : lúc làm thày đồ ở làng Cổ-khúc 17, khi ngồi dạy học ở Thăng-long. Thường thường lại phải làm thêm nghề mọn thuật-số như lấy tử-vi và bói dã-hạc. Rồi chật vật hàng mười hai năm nữa mới đỗ hương-tiến (tức cử-nhân) khoa kỷ-mão 18, năm Gia-long thứ 18 (1819). Đến năm canh-thìn 19, Minh-mệnh nguyên niên (1820), ông được bổ nhậm. trong khi bể hoạn dương buồm, lúc thăng, lúc giáng, lúc được phái đi ngoại quốc, lúc phải đày-ải gông cùm, nếm trải biết bao vinh, nhục... Vinh thay, thủa ra vào bên điện-bệ, phận hàn-sĩ thoắt nhảy ngôi quan cả, tuy chẳng được bảng vàng, bia đá 20, nghĩ lại sáu bảy năm chừng ấy, tám chín phần chưa giả nợ sách đèn ! Nhục thay, khi ngồi đứng gốc hành dương 21, thân á khanh cam sánh kẻ lính già, gượng cho qua cháo muối, cơm đồ 22, tính dồn ba bốn tháng dài ghê, trăm nghìn nỗi đã cam mùi cay đắng ! Sau khi thuật hết những nỗi thăng trầm, cơn vinh nhục trên bước đường đời, tác giả không quên kết luận bằng mấy câu đạt quan, để tinh-thần ra ngoài vòng cùng, thông, được, hỏng, dầu sao cũng cố giữ vững lấy cái tâm có thủy, có chung, trước sao sau vậy, cốt mong báo đáp công ơn những ai đã đào tạo cho mình : https://thuviensach.vn Đành tấm thân nhờ đào tạo còn dày, nếp đắc táng 23có bàn chi sự cũ. – Cầm tấc dạ đối quỷ thần không hổ 24, niềm thủy chung chớ có phụ ơn trên. Nhờ bài Tự thuật này, ta được biết rõ hơn và sâu hơn về thân thế Lý Văn-Phức. https://thuviensach.vn « BẤT PHONG-LƯU » TRUYỆN Đúng như nhan truyện đã mang, đó là tiểu truyện (cũng như sự-tích hoặc tiểu-sử) một người tên là « Bất-Phong-Lưu ». Bất-Phong-Lưu ấy là danh, Hỏi quê, rằng ở Bắc-thành ngày xưa. Theo lời dẫn của Hải-châu-tử trong bản chữ nôm, thì truyện này, Lý Văn-Phức soạn năm giáp-ngọ (1834), khi về dạy học ở làng Thế-lại (?). Truyện gồm 90 câu, viết bằng thể lục bát. Nội dung miêu tả những thú phong-lưu ở đời, như chè, thơ, cầm, cờ, tửu, sắc, tuy cũng vui vui đấy thật, nhưng rút cục chỉ đi đến chỗ gây kiêu ngạo, tổn danh tiếng, hại sức khỏe, chứ chẳng hay gì. Xanh-xanh 25 hồ dễ riêng ai, Đã cho tai mắt biết mùi phong lưu. Phong lưu sao chửa thấy đâu ? Tấm thân thấy những bấy lâu thiệt-thòi ! Mình là kẻ « Bất-Phong-Lưu », thật-tế đã dạy phải lo cho gia-đình : Con thơ một lũ, mẹ già bảy mươi. Cho nên, thay vào những thú phong-lưu mà người đời ham thích ấy, mình phải cần cù học tập, gắng cho nên người. Khi thì đèn sách khu-khu, Lấy gương hiền phạm, thánh mô làm thày. Và lo-lắng việc công, cố mong báo đáp ơn cao như trời, dày như đất : Khi thì công-sự lo-toan, Gọi là học chút từ-hàn mảy-may. Xót mình còn có ngày rày. Tóc tơ ngõ 26 giả 27 cao dày chút chăng. https://thuviensach.vn Cuối bài có kết mấy câu : Phong-lưu truyện cũ thiếu gì, « Bất-Phong-Lưu » mới chép ghi truyện này. Nhời quê 28 nói lắm cũng rầy, Khách phong-lưu hỡi ! có hay chăng là ? https://thuviensach.vn CHU HỒI, TRỞ PHONG THÁN Dưới đầu đề này 29, bản nôm có dẫn mấy lời làm « mũ » : « Năm giáp ngọ (1834), cụ (Lý Văn-Phức) đi Hạ-châu, gặp gió bão, trở về, mới làm ra bài này. Bấy giờ cụ mới được mông ân phục chức cho làm Binh-bộ chủ-sự ». Nay xét truyện Lý Văn-Phức trong Đại Nam liệt truyện, Chính biên, Nhị-tập, khi Văn-Phức được lên Binh-bộ chủ-sự, lại được phái đi Tân-gia ba. Mà trong bài Chu hồi, trở phong thán có câu : « Số quan quân một trăm chín, kéo lá cờ, thông Tây-quốc 30cho vời ». Vậy có thể nói : Đó là chuyến đi Tân-gia-ba, trở về, gặp bão. Bài này cũng viết biền ngẫu (đối nhau), bắt đầu bằng câu : « Đương năm giáp-ngọ, ngồi chiếc Thanh-dương 31 ... » Đến đoạn kết, tác-giả viết : Con cóc kêu lâu cũng thấu từng cao : xin soi xét ngõ cho lòng than thở. Ngọn gió thổi sớm được về đất cũ, thấy vẻ vang cho bõ lúc trông mong. Đã là thể « thán » 32, thì cả bài đều toàn một giọng than-vãn để tiết ra những nỗi đau khổ, lo phiền. Chẳng hạn như tả lúc thuyền bị gió bão xô đi đẩy lại không sao tiến được : Buồm bát đi trở lại, được mấy tấc đường ! Lèo bỏ xuống, kéo lên, kể năm bảy độ ! Và : Lĩnh 33 Côn-lôn há xa bao nả ? thấy đó, còn đây ! Thuyền Định dương 34hay gấp mấy trùng : đi lui, về trước. Để tả tình hình trong thuyền, nhiều người say sóng, lại thiếu nước ngọt ăn uống, tác-giả viết ra những lời thành-thật mà thảm thê : https://thuviensach.vn Đau-đớn thay, người dại sóng, say vời bữa cơm nhịn suốt thâu ngày, cầm chén cháo gắng dần cho lấy sống ! Chua xót nhẽ, kẻ dầu sương, giãi nắng, liều nước đến chia từng giọt, gặp cơn mưa mừng vội ngỡ là tiêu ! * Tóm lại, qua mất tác phẩm trên, ta nhận thấy tác-giả Lý Văn-Phức là người kính cẩn, giữ-gìn, trung hiếu, đáng làm tiêu biểu cho lớp người nho học thuần-túy ở đương thời. Bấy giờ mới là đầu thế-kỷ XIX, thế mà tác-giả đã biết yêu chuộng tiếng mẹ, để ý viết được nhiều thể văn : lục bát có, song thất có và biền ngẫu cũng có. Mà thể văn nào, tác-giả cũng đã thành công trong sự chải chuốt và chặt-chẽ. Muốn biết rõ hơn, chúng ta cùng nhau, từ chương sau trở đi, lần-lượt xét thêm về tư-tưởng, nghệ-thuật và Nhị thập tứ hiếu diễn âm của Lý Lân chi, bấy giờ sẽ hạ mấy lời phê bình tổng quát. https://thuviensach.vn CHƯƠNG V : TƯ TƯỞNG Lý Văn-Phức là một nhà nho thuần-túy. Sở học của ông bắt gốc từ Lục kinh và Tứ thư, tôn Khổng, Mạnh và theo Chu, Trình. Nay muốn biết rõ tư tưởng và khuynh hướng Lý-Văn-Phức, ta phải xét qua những tác phẩm Hán văn và cuốn Nhị thập tứ hiếu diễn âm của ông. Riêng sùng thánh hiền Trung-quốc. – Cũng như nhiều nho giả khác, ông một niềm tôn sùng thánh hiền cổ xưa. Đối với Khổng-tử, ông cho bút pháp Xuân-thu là « bất di bất dịch », nên ông đã tán dương bằng câu thơ này : Ni-sơn đại bút nghiêm « nhân » Sở. Nghĩa là ngòi bút cao-cả của Trọng-ni (tên tự Khổng-tử), khi chép kinh Xuân-thu, rất nghiêm-nhặt đối với nước Sở là hạng « Di-địch » (rợ mọi) : dù nước Sở cường thịnh ở đời bấy giờ (đời Xuân-thu) cũng « bị » Trọng-ni kêu là « nhân » (hạng người ngoài), chứ không được chép theo tước phong của Sở. Đối với Tống nho, Chu-tử, ông cho rằng, khi sinh thời, Chu-tử ở huyện Đồng-an 35, đã lấy Thi, Thư, Lễ, Nhạc cảm hóa được nhân dân, và đem trung, tín, liêm, sỉ sửa đổi được phong tục địa-phương ấy 36. Cho nên, khi thăm Tử-dương thư-viện của Chu-tử ở Đồng-an (tân-mão, 1831), ông đã thốt ra câu thơ này : Hải cương Lễ, Nhạc : đồn, ngư hóa 37. Vì quá tôn sùng thánh hiền một cách cực đoan như thế, nên ông tuy đã nhiều lần ra ngoài, đi Tiểu-tây-dương, đi Tân-gia-ba, đi Ma-cao, từng trông thấy đèn điện, máy nước, cầu sắt, cửa kính, xe lửa và thu lôi tiên..., nhưng vẫn cho họ là « di địch » (rợ-mọi). Chứng cớ ấy, ta thấy ở đầu đề một bài thơ chữ Hán ông làm khi ở Áo-môn (bính-thân, 1836) : « Áo-môn chư Di https://thuviensach.vn hữu thức Hoa tự giả ». (Ở Áo-môn, có nhiều « Ngoại di » cũng biết chữ Trung-hoa). Miệt thị văn-tự Tây-dương. – Đối với Anh-văn bấy giờ, ông gọi là « Phiên ngữ » hoặc « Phiên âm ». Dẫu vậy, năm canh-dần (1830), nhân đi Tiểu-tây-dương, ông cũng có ghi chép những điều mắt thấy tai nghe mới lạ, làm thành sách, nhan là Tây hành kiến văn kỷ lược. Tựu trung có mục « Văn tự » là phần khảo sát sơ-sơ về văn Anh. Ông viết thế này : « Thể chế văn-tự có một lối riêng, không giống kiểu chữ « khoa đẩu » như con nòng nọc 38, cũng không phải lối chữ triện cổ như vết chân chim 39. Xét đến bản thể, chỉ có 20 chữ cái, thế mà thêm vào, bớt ra, chuyển đi, mượn lại, có thể nẩy thành vô số tự dạng, dịch ra âm Tàu thì khác nhau, mà nghĩa thì phảng phất hơi giống chữ Tàu. Nay xin cử ra 12 chữ số để tỏ cho thấy rõ hình dạng chữ họ » 40. Thế rồi ông viết : 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 100, 1000. Bên mỗi chữ số ấy, ông có chua « Phiên âm » để bảo cách đọc 41. Đến chỗ chép về thói quen họ « coi thường giấy chữ », ông viết : « Suốt nước không ai kính tiếc giấy chữ 42. Phàm những giấy chữ đã dùng rồi, thì hoặc xé mà giẵm chân lên, hoặc vất bỏ ở đường-xá : Họ khinh lờn là như thế ! ». Rồi ông phê bình : « Đó vì chữ họ không phải là chữ nho, kinh họ không phải là kinh Thánh, nên không có gì đáng lạ. » Coi vậy, đủ biết ông có thành kiến riêng trọng sách cổ Trung-quốc, coi khinh văn-tự Tây-dương. Do những thành kiến này, tư-tưởng ông đã nghiêng-trúc về mặt hẹp hòi, thiên lệch và nệ cổ... Chẳng hạn : trong Nhị thập tứ hiếu, ông cho rằng đã là con hiếu thì phải làm như Dũ Kiềm-Lâu 43: « nếm phân » cha khi cha đau nặng và cầu chết thay cha để mong cha được tăng thêm tuổi thọ : Nếm « dơ », vâng cứ nhời thày : Ngọt ngào đầu lưỡi, chua cay trong lòng ! Và : https://thuviensach.vn Đêm đêm, hướng Bắc, triều Nam : Xin đem tính mạng thay làm thân cha. Tin Trời. – Như ta đã thấy ở chương « Cá tính », ông tin rằng Trời là đấng chủ trương họa phúc và điều khiển mọi việc nhân gian. Chẳng thế, khi thuyền suýt đắm, ông khóc lóc kêu cầu ở trước bàn thờ Thiên-hậu. Khi phê bình về những kỹ xảo của người Anh, ông viết : « Mọi việc đều vận dụng sức người làm cùng-cực được những ngón khéo léo, chỉ có cái sống và cái chết thì họ riêng phải dành quyền cho Tạo-hóa » 44. Vì tư tưởng ông xây dựng trên quan niệm « tin Trời » (tin Thiên-hậu, tin Tạo-hóa) như thế, nên suốt tập Nhị thập tứ hiếu, ông lấy Trời làm then chốt lập luận. Ta thấy như : 1) Về truyện Quách Cự chôn con để nuôi mẹ, rồi đào được lọ vàng, ông kết luận : Cho hay Giời khéo ngọc thành... 2) Về truyện Ngô Mãnh 45nằm trần cho muỗi đốt no để cha mẹ được ngủ yên, ông cũng kết thúc bằng một giọng ấy : Cho hay phú tính bời Giời : Những đau trong ruột, dám nài ngoài da. 3) Về truyện Dũ Kiềm-Lâu nếm phân khi cha đau nặng, và đêm đêm cầu khẩn « Xin đem tính mệnh thay làm thân cha », làm cảm động đến « tòa Tinh-tú » khiến cha lại được bình yên, ông hạ lời bình : Cho hay máy động huyền vi... Ý nói chính vì lòng hiếu của Kiềm-Lâu đã làm chuyển động được máy mầu-nhiệm của Trời đó. 4) Về truyện Chu Thọ-Xương từ chức để đi tìm mẹ, rồi mẹ con lại được sum vầy, ông cho là vì có Trời cả : Giời đâu phụ lòng thành cho nỡ : Chốn đồng-châu, bỡ-ngỡ gặp nhau. https://thuviensach.vn Và : Cho hay máu chảy ruột mềm, Không Giời, ai tưởng còn tìm được đây ? Quan niệm về đạo hiếu. – Ông quan niệm rằng gia đình là đơn vị trung tâm của xã hội, mà cha con là đạo rất trọng trong ngũ luân. Khi đi sứ Yên-kinh (tân-sửu, 1941), nhân gặp đầu xuân, mồng hai Tết, là ngày giỗ cha, ông có bài thơ « Nguyên đán, nhị nhật, bi thuật » 46, kết bằng hai câu rất đau buồn : Trần kiếp, cực tri xuân thị hảo ; Xuân lai, du tử mỗi san nhiên ! Dịch : Kiếp trần vẫn biết xuân bao đẹp ; Xuân đến, riêng ai lệ ướt đầm !... Đến mồng 4 tháng mười, là ngày kỷ niệm thân mẫu qua đời, ông cũng khóc bằng vần thơ « bi thuật » 47 : Khách địa hà niên không vịnh hiếu, Chung thiên thử nhật bất thành ai. Tam canh nhập mộng Tây-hồ nguyệt, Vạn lý thương tâm Bắc-lĩnh mai ! Ý nói : « Từ mùa đông năm ất-mùi (1835), hồi đi sứ, làm « khách » tại Quảng-đông, ta có cùng bạn đồng-sự vịnh thơ Nhị thập tứ hiếu. Nhưng rút cục chỉ là chuyện hão, vì chính ngày ấy, tháng ấy, mẹ ta qua đời, còn đâu mà báo đáp để mong thực hiện chữ « hiếu » ? « Thôi, suốt đời từ đấy, hễ gặp ngày mồng 4 tháng 10 này, thì ta vô cùng đau buồn, đến nỗi không thể tự kìm hãm nổi để cho lòng thương xót ấy có tiết độ được nữa ! https://thuviensach.vn « Đêm đến, vào khoảng canh ba, vì muốn về nước, dự lễ giỗ mẹ, ta mơ màng thấy ánh trăng Tây-hồ là phong cảnh quê nhà 48. « Nhưng bừng con mắt dậy, nhìn thấy cây mai ở núi bên Bắc-quốc đang nở hoa vào đầu tháng 10, trong dịp ta đi sứ Yên-kinh (tân-sửu, 1841) này, cảm thấy muôn dặm xa khơi, quê người đất khách, lòng ta luống những cảm thương ! » Vì quan niệm chữ « hiếu » như thế, nên ông cho đạo hiếu là « đất nghĩa giời kinh » 49, có làm tròn được chữ « hiếu », thì do đó suy ra, mới thành tựu được « trăm nết » khác : Gương treo đất nghĩa, giời kinh, Ở sao cho xứng chút tình làm con ? Chữ « hiếu » niệm cho tròn một tiết, Thì suy ra trăm nết đều nên. (N.T.T.H.D.Â.) Nhưng, thực ra, ông quên khuấy rằng chính trời đất cũng không tự giữ được cái lý và cái nghĩa thường mãi mà không di dịch, biến đổi. Chứng cớ là trời có mùa xuân ấm, lại có tiết đông hàn. Đất có lúc phun lửa từ địa tâm, có lúc động đất làm đảo lộn cả sông núi... Thế thì cái lý và cái nghĩa mà ông nêu đó chỉ có thể « có được » ở một xã hội nhất định và một thời đại nhất định nào thôi. Chính ông, trong nội-tại cũng đã tự mâu thuẫn quá rồi : ông muốn lúc nào cũng được gần gụi cha mẹ để thỏa lòng « sớm viếng, khuya hầu, quạt nồng, ấp lạnh », nhưng sự thực lại chua chát biết bao : đến ngay chính ngày cha mất (giáp-thân, 1824) thì ông đang ở lỵ sở, không kịp nhìn mặt cha phút cuối cùng, khi mẹ chết (ất-mùi, 1835), thì ông đang đi xứ Quảng-đông, không bôn tang được. Đó vì điều-kiện kinh-tế và hoàn-cảnh thời-thế đã dồn ông vào một cảnh ngộ phải vì việc nước mà gác tình nhà, lấy chữ « trung » mà thay chữ « hiếu ». Cho nên ông càng băn khoăn và thắc mắc về sự báo đáp cha mẹ https://thuviensach.vn thì tư tưởng ông càng thiên về việc « khuyến hiếu », mong lấy phần lý thuyết bù lại phần thực hành. Bởi thế, khuynh hướng về đạo lý và giáo huấn được biểu-hiện rõ rệt trong văn thơ ông : Buổi công hạ, cảm thân giày đội, Xa hương quan, gần với Thánh, Hiền, Trông vào những thẹn bóng đèn, Muốn lưu gia phạm, nên truyền quốc âm. Đó cũng là một trong các động-cơ và các lý-do chính đã làm cho cuốn Nhị thập tứ hiếu diễn âm của ông ra đời. Về điểm này, sau sẽ luận kỹ. https://thuviensach.vn CHƯƠNG VI : NGHỆ THUẬT Lý Văn-Phức là người học rộng, đi nhiều, lăn-lộn với thực tế đã lắm, nên văn thơ ông chịu ảnh hưởng trực tiếp ở nhân-sự, ở cõi thiên-nhiên không phải ít. Theo Lê Văn-Đức, Lễ-bộ thượng-thư đời Thiệu-trị, đã viết ở bài Tựa cuốn Chu-nguyên tạp vịnh của Lý Văn-Phức, thì Phức « ...bình nhật, làm từ, phú, ca, hành, lối gì cũng thạo, mà riêng về thơ, lại là món sở trường. Đó vì tiên-sinh học vấn rộng, nghiên cứu tinh vi, dốc chí dụng công về thơ lắm lắm. Lại vì, trong vòng mười năm trời, hai lần được phái đi tuyệt-vực là nơi mà người ta ít tới thì chính tiên-sinh lại đặt gót tận chỗ, từng-trải tận nơi... » (dịch). Ở cuối truyện Lý Văn-Phức trong Đại nam liệt truyện chính biên, các sử thần triều Nguyễn cũng viết : « Phức là người có danh tiếng về văn chương, trước sau hàng ba mươi năm, phần nhiều trổ sức cần lao ở mặt biển. Như đã thấy trong thơ ông, Phức tỏ ra từng-trải bao phen, trước cảnh sóng gió hãi hùng, khói mây biến huyễn... » (dịch). Còn ông, ông tự bày tỏ quan niệm về thơ ca, như ta đã thấy ở lời Tựa của ông trong cuốn Mân hành tạp vịnh, là tập thơ chữ Hán ông làm năm tân-mão (1831), niên hiệu Minh-mệnh thứ 12, trong dịp hộ tống gia-quyến Trần-Khải, người Thanh, bị bão, giạt sang ta, trở về Phúc-kiến : « ...Lời nói là tiếng của tâm. Cho nên những cái gì đã lộ ra tình cảm, hình thành ra ca vịnh, là đều do tâm phát ra cả, còn khéo hay vụng thì không kể đến » (dịch). Ông lại nói : Tôi vốn vụng và quê, đâu dám tự nhận lấy việc trứ-thuật... » Làm ra tập Mân hành tạp vịnh này, là cốt « ghi chép lấy một chuyến đi, không để cho sự-thực phải mai một, hòng mở tầm tai mắt cho bọn con em và các cháu trong nhà đó thôi, chứ há dám trưng thơ văn ra chỗ công-chúng như lời người ta thường giễu : « Què hay đi » ư ? » (dịch). https://thuviensach.vn Cũng một ý ấy, ông muốn những văn thơ mình viết ra chỉ để dùng trong gia đình, dạy bảo con cháu. Cho nên câu cuối đoạn kết Nhị thập tứ hiếu diễn âm, ông viết : Muốn lưu gia phạm nên truyền quốc âm. Ý nói : tác-giả Nhị thập tứ hiếu diễn âm, vì muốn đặt một khuôn-mẫu cho gia-đình để con cháu giữ theo mãi mãi, nên mới diễn truyện « Hai mươi bốn người hiếu thảo » ra văn nôm để truyền dạy trong nhà. Xây dựng trên quan-niệm cơ-bản ấy, nghệ thuật ông có những đặc điểm như : 1) Sát với thực tế. – Vì ông có óc thực tế, lại giàu kinh-nghiệm trong nhiều chuyến đi ra hải ngoại, nên văn ông chủ quan, thiết thực, chú trọng về ý hơn lời. Chữ « hiếu » niệm cho tròn một tiết, Thì suy ra trăm nết đều nên. 2) Thành thực. – Tính ông thành thực, văn ông cũng thành thực. Một khi ông đã tin chữ « hiếu » là « đất nghĩa, giời kinh », là « vòng di-luận » không ai trốn khỏi, thì ông cho rằng người đời, không cứ lúc biến hay lúc thường, lúc nguy hay lúc yên, bao giờ cũng phải chi hiếu, thuần hiếu, như thoi vàng ròng không sợ thử lửa : Cho hay những lúc gian nan, Thật vàng, dẫu mấy lửa than, cũng vàng. Và, không kể đến điều-kiện kinh-tế ra sao, công cuộc giáo-dục và hoàn cảnh xã-hội thế nào, ông cứ một niềm cho rằng « người cùng » (người không làm nên và nghèo khổ) cũng như « kẻ đạt » (kẻ làm nên, hiển đạt, giàu sang, sung-sướng), ai ai cũng có thể giữ được chữ « hiếu », thực hành được đạo thường (di-luân), bất cứ ở trong trường hợp nào cả : Kể chi kẻ đạt, người cùng, Lọt lòng, ai trốn khỏi vòng di luân ? https://thuviensach.vn 3) Mộc-mạc. – Trước ông, Việt văn có dịch phẩm bay-bướm lẹ-làng như Chinh phụ ngâm ; đồng thời với ông, lại có truyện nôm đẹp-đẽ ba-lan như truyện Kiều. Nhưng xét Nhị thập tứ hiếu diễn âm thì nghệ thuật của ông chỉ có vẻ mộc-mạc vững-vàng, chứ không diễm-lệ, chi-phấn. Ví dụ : Người tai mắt đứng trong thiên địa, Ai là không bác mẹ sinh thành ? Thật là một câu văn mộc-mạc cả lời lẫn ý. 4) Một vài điểm trội. – Trong Nhị thập tứ hiếu diễn âm, nghệ thuật của ông đã biểu hiện được một vài điểm trội : a/ Đối chỉnh. – Trong nhiều truyện nôm xưa, như Chinh phụ ngâm và Kiều, cổ nhân vì chịu ảnh hưởng sâu xa ở những thể văn biền ngẫu và câu đối, nên tuy ở trong hình thức lục bát hoặc gián thất, cũng rất chú-trọng đến sự đối trọi, đối, chỉnh. Văn Nhị thập tứ hiếu diễn âm của Lý Văn-Phức cũng theo chung một lệ ấy. Ta thấy như : Quặn đau khúc ruột, bước dồn gót chân. Và : Cha trông xuống, cũng sa giọt tủi ; Mẹ nghe rồi, cũng đổi lòng xưa. b/ Thực cổ nhi hóa 50. – Truyện Kiều sở dĩ phổ biến, là vì tác-giả Nguyễn Du khéo Việt-hóa được những chữ, những điển đã lấy hoặc đã mượn ở trong Hán văn. Nghệ thuật Lý-Văn-Phức cũng có cái sở trường ấy. Chẳng hạn, Hán văn có câu : Cổ nhân nhất nhật dưỡng, Bất dĩ tam công hoán 51. Thì ông đã « ăn khéo » được món ấy của Hán văn mà « tiêu hóa » ra tiếng Việt : https://thuviensach.vn Cho hay dạ hiếu khôn cùng ; Dẫu tam công, chẳng đổi lòng thần hôn. 5) Có tính cách phổ biến. – Trong khi các cụ nho học ở đương thời đang dạy những món luân lý cho con cháu bằng các sách nho, như Lễ-ký, Hiếu-kinh và Minh-tâm bảo-giám, thì ông sáng suốt hơn ai hết, đã mạnh bạo đem tiếng Việt mà diễn âm cuốn Nhị thập tứ hiếu để chực phổ biến món học luân lý cho gia-đình, và nếu có thể, sẽ cho cả xã-hội nữa. Quả nhiên, ông đã thành công một phần nào, vì suốt lớp nho học xưa, từ hồi đồng ấu, không mấy ai là không thuộc lòng một vài bài Nhị thập tứ hiếu diễn âm. Đó tuy là bởi lối giáo-dục xưa « cưỡng bách thuộc lòng », nhưng cũng bởi một phần nào tác phẩm ông, văn trôi chảy, lời bình dị, giúp cho người ta dễ nhớ, nên mới có tính cách phổ biến trong một xã-hội nhất định và một thời-đại nhất định như vậy. https://thuviensach.vn CHƯƠNG VII : NHỊ THẬP TỨ HIẾU DIỄN ÂM Trước khi trích giảng một hai truyện trong cuốn Nhị thập tứ hiếu diễn âm của Lý Văn-Phức, ta nên xét qua những yếu điểm về sách ấy đã : Nguyên tác chữ Hán của ai ? – Theo chỗ khảo cứu của kẻ cầm bút này, thì nguyên tác Nhị thập tứ hiếu bằng Hán văn là do Quách Cư-Nghiệp, đời Nguyên (1280-1267), biên tập. Tác-giả dựa vào các sử sách cũ, chọn lấy hai mươi bốn người hiếu thảo mà làm thành truyện. Chẳng hạn : tích Vương Tường thì lượm ở Vương Tường truyện trong Tấn thư, tích Dương Hương thì lấy ở sách Dị-uyển 52... Dưới đây, xin tóm tắt người và việc làm hiếu thảo của hai mươi bốn nhân vật ấy : 1) Ngu Thuấn, cũng gọi Đại Thuấn, một vị hiền quân đời cổ Trung quốc, trị vì từ năm 2255-2205 trước Công nguyên : hiếu cảm được voi và chim. 2) Hán Văn-đế, trị vì từ 179-157 trước Công nguyên : nếm trước thuốc thang. 3) Tăng-tử, tên Sâm, tự Tử-dư, người Vũ-thành đời Xuân-thu (722-481 tr.C.n.), học trò Khổng-tử, thuật sách Đại-học, làm sách Hiếu-kinh : thông cảm, động lòng khi mẹ cắn ngón tay. 4) Mẫn-tử, tên Tổn, tự Tử-khiên, học trò Khổng-tử : rét mặc áo đơn, vẫn thương mẹ ghẻ. 5) Tử-Lộ, họ Trọng, tên Do (Lộ là tên tự) người đất Biện, đời Xuân thu, học trò Khổng tử : đội gạo nuôi cha mẹ. 6) Đàm-tử 53, người đời Chu (1050-256 tr. C.n.) : vắt sữa hươu nuôi cha mẹ. https://thuviensach.vn 7) Lão-Lai-tử, tự Bá-du, người nước Sở, đời Xuân-thu : áo hoa nhởn múa, làm vui cha mẹ. 8) Đổng-Vĩnh, người đời Hậu-Hán (25-220) : ở đợ lấy tiền táng cha. 9) Quách Cự, người đời Hán : chôn con, nuôi mẹ. 10) Khương Thi, người đời Hán : hiếu cảm được suối và cá. 11) Thái 54 Thuận, người đời Hán : hái dâu nuôi mẹ. 12) Đinh Lan, người đời Hán : tạc tượng cha mẹ để phụng dưỡng. 13) Lục tích, người Ngô-quận, đời Tam-quốc (220-264) : giắt quít về biếu mẹ. 14) Giang Cách, tự Thứ-ông, người Lâm-tri đời Đông-Hán (25-220) : làm mướn nuôi mẹ. 15) Hoàng Hương, tự Văn-cường, người An-lục, đời Đông Hán : quạt nồng ấp lạnh. 16) Vương Biều 55, người Doanh-lăng đời Tấn : ấp mồ mẹ khi sấm sét. 17) Ngô Mãnh 56, người quận Bộc-dương, đời Tấn : cho muỗi đốt mình để cha mẹ ngủ yên. 18) Vương Tường, người Lâm-nghi, đời Tấn : nằm váng giá, kiếm cá cho mẹ ghẻ. 19) Dương Hương, con Dương Phong, người Nam-hương thuộc Thuận-dương : đánh hổ cứu cha. 20) Mạnh-Tông, tự Cung-vũ, người Giang-hạ đời Tam-quốc : khóc tre khiến tre nảy măng để mẹ ăn. 21) Dũ-Kiềm-Lâu 57, người nước Tề : nếm phân cha và cầu chết thay cha. 22) Đường phu-nhân, tức Đường-thị : cho mẹ chồng bú trọn tuổi già. https://thuviensach.vn 23) Chu-Thọ-Xương, người đời Tống : bỏ quan, tìm mẹ. 24) Hoàng-Sơn-cốc, tên là Đinh-Kiên, tự là Lỗ-trực 58, hiệu là Sơn-cốc đạo nhân, người Phân-ninh đời Tống (khoảng triều Thần-Tông, 1078-1085, đến Triết-Tông, 1086-1097) : đang làm quan cũng vẫn rửa đồ đi đại tiểu tiện cho cha mẹ. Những người và việc ấy, về sau, họa sĩ và thi nhân Trung-hoa hoặc Việt-nam trước đây thường dùng làm đề-tài mà vẽ tranh hoặc ngâm vịnh : họa phẩm và thi phẩm đó, người ta gọi là tranh và thơ Nhị thập tứ hiếu. Nay xin dẫn ra mấy bài làm thí dụ rồi dịch nghĩa ra Việt văn để giới thiệu với các bạn đọc : MẪN TỬ-KHIÊN : ĐAN Y THUẬN MẪU Mẫn thị hữu hiền lang Hà tằng oán vãn nương. Đường tiền lưu mẫu tại, Tam tử miễn phong sương. Dịch : Họ Mẫn có con hiền Oán gì mẹ ghẻ thiên ! Trong nhà còn để mẹ : Ba trẻ khỏi cơ hàn. LÃO-LAI-TỬ : HÍ THÁI NGU THÂN 59 Hí vũ học kiều si : Xuân phong động lục y. Song thân khai khẩu tiếu, Hỉ khí mãn đình vi... https://thuviensach.vn Dịch : Nhởn múa học thơ ngây : Áo xanh trước gió bay... Hai thân mừng, nhoẻn miệng ; Nhà cửa ngập vui-vầy. Vì động cơ nào và trường hợp nào đã đưa Lý Văn-Phức đến chỗ làm Nhị thập tứ hiếu diễn âm ? Do ảnh hưởng giáo-dục, ảnh hưởng xã-hội và bản tính cá nhân, ông là người giàu lòng trìu mến cha mẹ. Năm bính-thân (1836), đi sứ Áo-môn, nhân cảm xúc trong lòng, ông viết bài thơ « Hữu cảm » bằng Hán văn có hai câu kết đầy giọng thương xót cha mẹ : Du du hài nhụ tâm, Thiên biên nhất phiến nguyệt... Dịch : Nao-nao tấc dạ trẻ thơ ! Mảnh trăng xa gửi lửng-lơ bên trời. Cũng một giọng ấy, ông đã có câu thơ khóc cha khi gặp ngày giỗ (mồng 2 Tết) : Sầu thành, dĩ hĩ, trúc chung thiên ! Dich : Thôi rồi ! thôi rồi ! Thành sầu cao đắp suốt đời từ đây ! Và khóc mẹ khi gặp ngày kỵ (mồng 4 tháng 10) : Mãn nhãn sương hàn, bách cảm thôi ! Dịch : Sương mờ đầy mắt lạnh lùng... Sầu đong trăm mối, mủi lòng một ai ! https://thuviensach.vn Nên nhớ rằng ông là người thành-thực và thuần-phác. Mấy câu ấy thật là những lời ra từ đáy lòng, chứ không phải là lối kiểu-sức-hóa như hạng hư-ngụy. Ông đã là bậc chân nho, giàu lòng hiếu thảo, lại có nhiều dịp phải xa quê-hương, vắng nhà cửa, thường hay tưởng nhớ đến gia đình, đến cha mẹ. Cho nên, khi giao thiệp với các văn hữu người Trung-quốc, cũng như khi sống với những nhân-viên đồng-sự trong sứ-bộ Việt-nam, ông thường lấy chuyện hiếu làm đề tài ngâm vịnh hoặc xướng họa. Chẳng hạn, hồi mùa đông năm ất-mùi (1835), khi ở Quảng-đông, ông với Đàm Thu-Giang, người bạn Trung-hoa, cùng nhau xướng họa theo đầu đề trong truyện Nhị thập tứ hiếu 60. Cũng vào dịp ấy (ất-mùi, 1835), ông lại cùng các bạn đồng sự vịnh Nhị thập tứ hiếu 61. Những dịp xướng họa và ngâm vịnh về Nhị thập tứ hiếu ấy chắc đã gợi trong trí ông một ý nghĩ này : nếu chỉ dùng những truyện khuyến hiếu làm đối-tượng chơi thơ với nhau, thì không thiết thực, mà ảnh hưởng chỉ choèn choèn trong chỗ mình và các bạn-hữu ; chi bằng diễn ra quốc âm, trước là dạy dỗ con cháu trong nhà, sau là truyền rộng đến người nước, như thế là mình đã suy rộng lòng hiếu mà làm phổ cập đến mọi người khiến cho ai ai cũng biết giữ lấy hiếu đạo, há chẳng phải là đã làm được việc « kiêm thiện » đấy ư ? Đó chính là một trong những động cơ đã khiến ông diễn Nhị thập tứ hiếu ra quốc âm để khỏi « thẹn bóng đèn » và để « lưu gia phạm ». Lý Văn-Phức diễn Nhị thập tứ hiếu ra quốc âm vào bao giờ và có những ai đã góp công sửa chữa ? Cuối tập Nhị thập tứ hiếu diễn âm, ông có mấy lời kết thúc : « ...Buổi công hạ cảm thân giày đôi, Xa hương-quán, gần cõi Thánh Hiền, Trông vào những thẹn bóng đèn, Muốn lưu gia phạm nên truyền quốc âm. » Như vậy thấy rằng ông diễn âm Nhị thập tứ hiếu đó vào lúc đang ở nước ngoài (xa https://thuviensach.vn hương quán) và nhân những dịp rảnh việc công (buổi công hạ), có thì giờ lo đến văn học. Nhưng động-cơ làm sách và thời-gian làm sách ấy xác thực thế nào, ta nay cần phải khảo kỹ mới biết rõ được. Năm ất-mùi (1835), đi công cán Quảng-đông, ông có cùng mấy bạn đồng hành trong sứ-bộ, nhân những lúc việc công nhàn rảnh, cùng nhau bàn văn và thơ, những thơ thù ưng đi lại và những bài tả cảnh, kỷ sự đó, như trước đã nói, bọn ông hoặc theo cùng vần mà ngâm vịnh, hoặc cùng một đầu đề mà mỗi bài mỗi khác vần nhau, rồi gom-góp lại, biên thành một tập, nhan là Tiên-thành lữ hoại, tựa tập thơ đó, ông viết ngày tháng chạp, năm Minh-mệnh thứ 16 (1835). Nhờ bài tựa ấy, ta biết rằng ông có làm Nhị thập tứ hiếu vịnh, tức là « vịnh hăm bốn người hiếu », rồi cùng nhau « hợp đính » làm thành một sách. Vậy có thể quả-quyết rằng cuốn Nhị thập tứ hiếu diễn âm ấy của Lý Văn-Phức được khai sinh vào năm ất-mùi (1835). Thật đúng với những câu « buổi công hạ... », « xa hương quan... » và « truyền quốc âm » như soạn giả đã viết ở cuối sách mà trên đã dẫn. Thế nào gọi là « hợp đính » ? Là do mấy người họp sức cùng nhau hiệu đính cho cuốn sách được đúng, được khỏi sai lầm. Khi làm Nhị thập tứ hiếu diễn âm, Lý Văn-Phức có những ai giúp việc « hợp đính » ? Theo như lời tựa ở tập Tiên-thành lữ hoại thì trong việc này có hai bạn cộng tác với ông : 1/ Đỗ Tuấn-Đại, tự Giám-hồ, người làng Ôn-xá, huyện (nay là phủ) Văn-giang thuộc Bắc ninh, đỗ cử nhân khoa quí-dậu (1813) đời Gia-long. Cùng Lý Văn-Phức và Trần Tú-Dĩnh đã từng ba chuyến đi Quảng-đông. 2/ Trần Tú-Dĩnh, tự Thật-hiên, người làng Diên-yên, huyện Kim-động thuộc Hưng-yên, đỗ giải-nguyên (tức thủ khoa), khoa ất-dậu (1825) năm https://thuviensach.vn Minh-mệnh thứ sáu. Đối với Lý Văn-Phức, Dĩnh là chỗ môn-nghị (bạn cùng học) và cùng nhau đã đi sứ Quảng-đông đến ba lần. Hồi tháng chạp năm ất-mùi (1835), khi Lý Văn-Phức làm Nhị thập tứ hiếu vịnh, chính Tuấn-Đại và Tú-Dĩnh đều có góp sức vào việc hiệu-đính để cho thành sách. Hoàn-cảnh xã hội đời Lý Văn-Phức thế nào mà giúp cho cuốn Nhị thập tứ hiếu diễn âm ấy có điều kiện thuận tiện để ra nhằm lúc và lưu hành dễ dàng ? Sở học của người mình bấy giờ là học Lục kinh 62, Tứ thư 63, tôn Khổng 64, Mạnh 65và theo Chu 66Trình 67. Nói rõ hơn, thì người mình đương thời hầu hết đều theo đạo Nho. Mà đạo Nho thì có hai điểm cốt yếu là « hiếu » và « lễ ». Nay xin hãy gạt « lễ » ra một bên, chỉ riêng nói về « hiếu ». Khi sinh thời, Khổng-tử tuy có nói đến vấn đề « hiếu », nhưng chỉ tùy từng người mà khuyên bảo, chứ không nói cặn kẽ và tỉ mỉ. Đến lớp tăng-tử trở đi, họ mới nói chữ « hiếu » một cách kỹ-càng và chặt-chẽ về mọi phương-diện. Rồi dần dần đến thiên Nội tắc, trong sách Lễ ký, mới tạo ra biết bao lễ văn phiền-phức và nghi-tiết vun-vặt mà nhà học-giả Hồ Thích gọi là « lối đi điệu trên sân khấu » và « miếng biểu diễn trong võ trường ». (Trung-quốc Triết-học sử đại cương, quyển thượng, trang 127). Ngoài lối giáo-dục về chữ « hiếu » do ảnh-hưởng nho học đã gây được thế-lực lớn ở đương thời, ta nay lại cần phải xét đến bối-cảnh xã-hội bấy giờ nữa : Sau khi nhà Tây-sơn đổ bể (1802), nhà Nguyễn lên nắm chính-quyền, ngay từ mấy năm đầu, Triều-đình Thuận-hóa tái lập chế-độ phong-kiến một cách rất chặt-chẽ. https://thuviensach.vn Khoảng đầu niên-hiệu Gia-long (1802-1819), làm sổ đinh, chia dân làm 6 hạng : 1) Tráng (Trai tráng) ; 2) Quân (Binh lính) ; 3) Dân (Con nhà bách tính) ; 4) Cố (Hạng người làm thuê, làm mướn hoặc ở đợ trừ nợ) ; 5) Cùng (Hạng nghèo khó, cùng khốn) ; 6) Đào (Hạng lẩn lút vì không đóng góp nổi hoặc trốn tránh vì có tội lỗi). Trong cái xã-hội phong kiến ấy, quan-liêu là hạng được hưởng đặc quyền nhiều nhất. xin cử một vài việc làm lệ : Năm Gia-long thứ ba (1804), chia cấp công điền, ta thấy chênh-lệch nhau giữa các tầng-lớp xã-hội thế này : Hạng quan viên trên nhất phẩm được : 18 phần Hạng chánh nhất phẩm : 15 phần Hạng tráng : 6 phần rưỡi Hạng già-yếu tàn-tật trong dân đinh : 5 phần rưỡi Hạng cố-cùng trong lão-nhiêu : 4 phần rưỡi Hạng lão-nhiêu từ 70 trở lên : 5 phần rưỡi Hạng tiểu-nhiêu, hạng tàn-tật trong lão-nhiêu : 4 phần Hạng cô quả : 3 phần Ngoài ra, hạng quan-liêu còn được đặc ân như : Năm Gia-long thứ 18 (1819) qui định : - Phàm quan viên từ tam phẩm trở lên, thì các con đều được làm « quan viên tử » : miễn tất cả thuế thân, dân tiền, cước mễ, điệu tiền, đi lính và tạp dịch. - Tứ phẩm trở lên, thì cả các con, https://thuviensach.vn - Ngũ phẩm và chánh lục phẩm thì một con : được làm « quan viên tử » : miễn đi lính và tạp dịch, còn thì phải chịu như hạng tráng. Còn tráng là hạng trai tráng, con nhà bách tính, phải chịu : 1) Nhân thân tiền 68; 2) Dân tiền 69; 3) Cước mễ 70; 4) Điệu tiền 71; 5) Binh 72; 6) Dao 73. Năm tân-mùi (1811) bắt đầu soạn sách luật, phỏng theo hầu hết luật lệ nhà Thanh, đến năm ất-hợi (1815), thì bộ luật ấy in xong và ban hành, gọi là Hoàng-Việt luật lệ, tức là bộ luật Gia-long, gồm 22 quyển, cộng 398 điều. - Về đại tụng, có án trảm (xử chém) và án giảo (bắt thắt cổ)... - Về tiểu tụng, có án hạt si (đánh bằng roi) và án phạt trượng (đánh bằng gậy) 74. - Về phong tục lễ giáo, có luật lệ quy định như : « Nam nữ đã đính hôn với nhau, nhưng chưa cưới mà đã thông gian thì phải phạt một trăm trượng » 75. Và : « Người đàn bà phạm tội gian-dâm thì bắt cởi áo nhưng cho mặc váy để phạt trượng » 75. * Như vậy, thấy rằng xã-hội của soạn-giả Nhị thập tứ hiếu diễn âm là xã hội phong kiến xây dựng trên nền kinh-tế nông-nghiệp. Người con và người vợ trong gia-đình, cũng như người dân trong nước, là những tầng lớp bị-trị, phải chịu chi-phối dưới giáo dục và pháp-luật của phái thống-trị là : cha, chồng và vua. Cuốn Nhị thập tứ hiếu diễn âm của Lý Văn Phức chính là con đẻ của hoàn cảnh xã-hội và đáp theo nhu-yếu của thời đại bấy giờ. https://thuviensach.vn CHƯƠNG VIII : TRÍCH GIẢNG ĐÁNH HỔ CỨU CHA (Truyện Dương Hương) Tấn, Dương Hương, mới mười bốn tuổi. Cha bước ra hằng ruổi theo cha, Phải khi thăm lúa đồng xa, Chút thân tuổi tác thoắt sa miệng hùm ! Đau con mắt hầm hầm nổi giận, Nắm tay không, vơ-vẩn giữa đường... Hai tay dằn dọc, đè ngang, Ra tay chống với hổ lang một mình. Hùm mạnh phải nhăn nanh, lánh gót. Hai cha con lại một đoàn về. Cho hay « hiếu » mạnh hơn « uy » : Biết cha, thôi lại biết chi có mình. Xuất xứ. – Đấy là truyện thứ mười chín trong Nhị thập tứ hiếu diễn âm của Lý Văn-Phức. Truyện Dương Hương này, do Lý Văn-Phức dựa trong nguyên thư Nhị thập tứ hiếu bằng Hán văn, của Quách Cư-Nghiệp, người đời Nguyên (1280-1367), mà soạn ra. Cốt truyện Dương Hương ấy bắt gốc từ sách Dị uyển của Lưu Kính Thúc (?-468 ?), người Bành-thành, cuối đời Tấn, đầu đời Tống. Nguyên truyện ấy chép trong Dị-uyển đại khái thế này : Dương Phong, người Nam-hương thuộc Thuận-dương đời Tấn, cùng con tên là Hương, ra đồng gặt lúa (chứ không phải đi « thăm lúa »), bị cọp vồ. https://thuviensach.vn Dương Hương bấy giờ mới 14 tuổi, trong tay không có lấy một mũi dao con (tức là « tay không »), nhưng cứ thẳng xông chẹn cổ con cọp, cứu cha được thoát... Thể tài. – Truyện Dương Hương của Cư-Nghiệp đó được Lý Văn Phức diễn ra quốc âm theo thể lục bát gián thất hoặc song thất lục bát, cũng như thể tài của Chinh phụ ngâm (bản dịch nôm) và Cung oán ngâm khúc. Đau con mắt hầm hầm nổi giận ; Nắm tay không, vơ vẩn giữa đường. (Mỗi câu bẩy chữ : song thất) Hai tay dằn dọc, đè ngang, Ra tay chống với hổ lang một mình. (Câu trên sáu, câu dưới tám chữ : lục bát) Cốt truyện. – Một chàng thiếu niên, con nhà nông dân, mới 14 tuổi, hằng ngày thường giúp cha trong việc làm đồng, góp sức vào công cuộc sản xuất nông nghiệp. Một bữa, cha không may bị nạn cọp vồ. Trước cơn nguy biến ấy, hắn chân tay không, suốt người không có lấy một thanh sắt để làm khí giới, nhưng vì lòng thương cha, nên cứ mạo hiểm chống hổ để cứu cha thoát khỏi nanh vuốt của cọp dữ. Chàng thiếu niên ấy tên là Dương Hương. Bố cuộc. – Lý Văn-Phức, viết truyện này, cũng như nhiều truyện khác trong Nhị thập tứ hiếu diễn âm, theo lối trực khởi, nghĩa là bắt đầu « vào bài » ngay, chứ không dùng câu « lung » hoặc câu « mở ». Cuối bài đặt hai câu làm lời kết (cũng theo chung một lối như hầu hết các truyện khác 76 trong Nhị thập tứ hiếu diễn âm). Vậy, có thể chia truyện ấy làm hai phần : Phần thứ nhất, nói về người con hiếu chống cọp cứu cha (câu 1 – câu 10). Phần thứ hai, là lời kết và là lời bình của soạn-giả Lý Văn-Phức (câu 11 – câu 12). https://thuviensach.vn Chú giải. – Như ta đã thấy ở trên, Dương Hương, là một thiếu niên 14 tuổi, ở đời Tấn, tức là nhà Đông-Tấn bên Trung-quốc, từ năm 317 đến năm 419. Sở dĩ gọi « Tấn Dương Hương », là theo ngữ-pháp Hán-văn, cũng như nói « Trần Chu An » hoặc « Lê Nguyễn Xí ». Nếu theo ngữ-pháp Việt-văn, thì phải : « Dương Hương đời Tấn » và « Chu An đời Trần », hoặc « Nguyễn Xí đời Lê ». Hùm, hầm, cọp, khái, kễnh, hoặc « ba mươi » đều là tiếng Việt chỉ con hổ (chữ nho). Tuổi tác : có tuổi, nhiều tuổi 77. Ví dụ : « Thương người tuổi tác già nua bần hàn » (Gia huấn ca). Hổ lang : Hổ, một giống mãnh thú : ta gọi là hùm, hầm v.v... Lang : một loài dã thú, tính dữ và ác, ta gọi sói hoặc chó sói. Nghĩa bóng : trong văn chương thường dùng « hổ lang » để tượng-trưng cho những cái gì là hung bạo, tàn ác và tham lam. Có điều nên chú ý : theo lối quen dùng thì nói « hổ lang » (toàn Hán văn), hoặc « hùm lang » (nửa Việt, nửa Hán), hoặc « cọp sói » (toàn tiếng Việt), chứ không nói « hổ sói » hoặc « cọp lang ». Nhưng đó thuộc về vấn đề ngữ học, ta không nên đi quá phạm vi sách này. Uy (hiếu mạnh hơn uy), là đọc theo âm chữ Hán ; chuyển sang âm ta và nghĩa ta, là oai. Từ-nguyên của Trung-hoa chỉ cắt nghĩa là « tôn nghiêm », như vậy còn thiếu. « Uy » đây (theo nghĩa trong truyện Dương Hương) phải giảng là « oai mạnh », nghĩa là cái sức mạnh tợn, dữ dội như oai cọp. Hiệu đính. – Riêng truyện Dương Hương này, nhiều bản quốc-ngữ đã làm sai lầm mấy chỗ như : « hùm » (câu 4) chứ không phải « hầm ». Hai chữ này tuy cùng nghĩa, nhưng phải để là « hùm » cho ăn vần với « hầm hầm » ở câu dưới. « ...Hầm-hầm » (câu 5), chứ không phải « ầm-ầm ». Hầm hầm có nghĩa là căm hờn hiện ra vẻ mặt, nhưng lặng lẽ hành động để đối phó, chứ không https://thuviensach.vn nói năng, không kêu than 78. « …Dằn dọc, đè ngang » (câu 7), chứ không phải « trằn trọc đè ngang ». Vì câu ấy có nghĩa rằng Dương Hương, với hai tay tung hoành (dọc ngang), vật xuống, ấn xuống (dằn) và đè xuống khiến cho con cọp phải buông Dương Phong là cha ra. Đây là công việc hiệu đính cổ văn để mong khỏi làm sai lạc nguyên ý của Lý Văn-Phức, chứ không phải là sự so sánh để tìm những điểm dị đồng giữa các bản sách nữa. Phê bình. – Truyện này, cả cốt truyện lẫn lời bình, chỉ gói ghém trong 12 câu, nhưng soạn-giả Lý Văn-Phức đã trình bày một cách sáng sủa và gọn ghẽ. Về lời, soạn-giả đã cố gắng, chọn được nhiều tiếng dễ hiểu, không phải dùng lắm chữ nho. Đó một phần cũng vì truyện ấy có tính-chất cụ-thể, không phải cần đến ý thức trừu-tượng, nên phần nhiều những tiếng hữu hình cũng đủ biểu thị được ý nghĩa (chẳng hạn như : lúa, đương xa, miệng hùm, đau con mắt, nắm tay không, hai cha con...) Về ý, soạn giả nêu : Một bên « hiếu », một bên « uy », rồi nói ngay rằng « hiếu mạnh hơn » để cho đồng cân nặng trúc về bên « hiếu », khiến độc-giả thoạt nhìn đã thấy ngay rằng một khi bên « hiếu » đã choán cả tâm hồn người con thì dù cái « uy » mạnh tợn, dữ-dội, ghê-gớm như oai cọp, cũng không đáng kể vào đâu, vì con hiếu đó chỉ một niềm biết có cha, chỉ hăng-hái can-đảm cứu nạn cho cha, chứ không quản ngại đến tính-mạng mình, nên không thấy cọp dữ là đáng sợ nữa. Chỉ gọn-ghẽ trong hai câu (11 và 12), thế mà soạn-giả đã nói được nhiều ý nghĩa... https://thuviensach.vn ĐỘI GẠO, NUÔI CHA MẸ (Truyện Tử-Lộ) Thày Tử lộ, cũng người nước Lỗ, Thờ hai thân từng bữa canh lê. Thường khi đội gạo đi về, Xa xôi trăm dặm, nặng nề hai vai. Đỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc, Gót nam du nhẹ bước tang bồng : Xe trăm cỗ, mạch 79 muôn chung, Ngồi chồng đệm 80 kép, ăn chồng vạc cao. Thân phú quí, ngẫm vào thêm tủi, Đức cù lao nghĩ tới càng đau : Nào khi đội gạo, canh rau, Muốn còn như cũ dễ hầu được ru ? Lòng thắc-mắc nghìn thu vẫn để, Biết bao giờ cam chỉ đền công ? Cho hay dạ hiếu khôn cùng. Dẫu tam công chẳng đổi lòng thần hôn. Xuất xứ. – Đó là truyện thứ năm trong Nhị thập tứ hiếu diễn âm. Truyện Trọng Do, tên tự là Tử-lộ này, nếu truy nguyên ra, thì gốc từ thiện Trí tư trong sách Gia-ngữ 81. Vì trong đó chép : « ...Xưa kia, Trọng Do (tên của Tử-lộ) khi phụng dưỡng cha mẹ, thường ăn những món rau lê, rau hoắc, đi đường xa hàng trăm dặm, đội gạo cho song-thân. » Do tài-liệu ấy, Quách Cư-Nghiệp dùng làm cốt truyện mà chép bằng Hán-văn vào trong nguyên-thư Nhị thập tứ hiếu ; rồi Lý Văn-Phức lại dựa vào đó mà soạn thành truyện Tử-lộ trong Nhị thập tứ hiếu diễn âm bằng Việt-văn. https://thuviensach.vn Thể tài. – Cũng như truyện Dương Hương, truyện Đội gạo nuôi cha mẹ này viết theo thể song thất lục bát : Thân phú quí, ngẫm vào thêm tủi, Đức cù lao nghĩ tới càng đau : Nào khi đội gạo, canh rau, Muốn còn như cũ dễ hầu được ru ? Cốt truyện. – Một nhà hiền-giả đời Xuân thu (722-481 tr. C.n.) lúc còn hàn-vi, không có của ngon vật lạ để phụng-dưỡng cha mẹ, nhưng vẫn hết lòng hiếu-thảo : kiếm từng nắm rau lê, hoắc 82để nấu canh và lễ-mễ đội gạo hàng trăm dặm đường để làm cơm cháo. Đến khi cha mẹ mất cả rồi, ông ấy mới nhẹ bước lên đường, làm quan với nước Vệ. Bấy giờ thật phú quí : đi lại thì có hàng trăm cỗ xe, ăn lộc thì được hàng muôn chung lúa mạch ; khi trời rét thì ngồi hàng mấy lần đệm ấm ; khi bữa ăn thì nấu bằng nhiều cái vạc to 83. Thấy mình đương sống trong cảnh giàu sang, chạnh lòng nhớ thương cha mẹ đã chết, không cho mình được phụng thờ báo đáp thì phú quí cũng bằng thừa, ông ấy đau buồn tủi cực, muốn trở lại cái cảnh bần-hàn xưa mà canh rau đội gạo để phụng dưỡng cha mẹ cũng không được nào. Hận ấy kéo dài mãi, vì còn cơ-hội đâu nữa mà dâng miếng ngọt bùi (cam chỉ) để báo đền công ơn cha mẹ ! Nhà hiền-giả ấy tên là Trọng Do, tự là Tử-lộ, người ấp Biện nước Lỗ, đời Xuân-thu (722-418 tr. C.n.), học trò của Khổng-tử, trội về khoa chính sự. Bố cuộc. – Cũng như nhiều truyện khác trong Nhị thập tứ hiếu diễn âm, soạn-giả Lý Văn-Phức nhập-đề ngay, không dùng câu phá để mở đầu gì cả. Đối-tượng kỷ-thuật là Tử-lộ, một trong 72 vị hiền-triết được thờ ở Văn miếu Hà-nội. Câu 1 – câu 4 : Tả tử-lộ, dù ở trong cảnh bần-hàn, vẫn hết lòng hiếu dưỡng cha mẹ. https://thuviensach.vn Câu 5 – câu 8 : Tả Tử-lộ, sau khi cha mẹ chết, làm nên phú quí, hưởng cảnh rất sung-sướng về phần vật-chất. Câu 9 – câu 14 : Tả trạng-thái tâm-lý Tử-lộ : Dù được giàu sang, nhưng tinh-thần vẫn rất đau buồn vì cha mẹ chết cả, còn biết dâng ngọt hiến bùi cho ai được nữa ! Ông muốn trở lại cảnh bần-hàn như xưa để cứ được đi đường xa, đội gạo nặng mà phụng dưỡng song thân, nhưng nào có được ! Bởi thế tâm trạng ông thường băn-khoăn thắc-mắc, dằng-dặc hàng nghìn thu ! Câu 15 – câu 16 : Kết-luận. Soạn-giả Lý Văn-Phức cho rằng lòng hiếu thảo của người con thảo thật là mông-mênh vô cùng : dù tam công là những chức lớn cũng không quí bằng cái cảnh sớm hôm được gần-gụi để phụng dưỡng cha mẹ. Chú giải. – Lê (bữa canh lê) : Tên một thứ cây thuộc loài « thảo », thân cây khá cao, khi già, có thể dùng làm gậy, lá như hình quả trứng mà có răng cưa, trong lòng lá thì màu đỏ ; khi lá còn non, có thể hái làm rau ăn. Hoa nhỏ mà vàng xanh. « Lê » với « hoắc » 84(lê hoắc hoặc hoắc lê) đều là những rau dùng làm món ăn của người nghèo. Cung oán ngâm khúc có câu : « Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon », chính là rau lê này. Hoa biểu : Lấy điển trong Xưu thần hậu ký : Đinh Lệnh-Uy là người Liêu-đông đời Hán, học đạo ở núi Linh-hư, sau hóa hạc bay về Liêu-đông, đậu trên cột hoa biểu, kêu rằng : « Con chim, con chim, Đinh Lệnh-Uy, lìa nhà nghìn năm, nay mới về : thành quách như xưa, nhân dân khác cũ ! Người đời sao chẳng có tu tiên ? Mả lớn, mồ con, hàng đống, hàng lũ ! », « Đỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc », ý nói từ khi cha mẹ khuất bóng, hóa hạc xa bay, đậu trên ngọn (đỉnh) cột hoa biểu, tức là chết rồi. Tang bồng : Cũng như bồng tang. Do chữ tang hồ (cung gỗ dâu), bồng thỉ (tên cỏ bồng). Tục xưa, khi sinh con trai, người ta lấy cung dâu và tên bồng bắn sáu phát lên trời, xuống đất và bốn phương để đặt hi-vọng vào https://thuviensach.vn con đó, khi lớn, sẽ vẫy vùng ngang dọc. Cho nên « tang bồng » là thành ngữ chỉ về chí khí nam-nhi dọc ngang bốn phương trời đất. Ngồi chồng đệm kép, ăn chồng vạc cao : Do câu chữ Hán trong sách Gia-ngữ : « Lũy nhân nhi tọa, liệt đỉnh nhi thực », chồng mấy lần đệm mà ngồi, bày nhiều cái vạc mà ăn. Ý nói chỗ ngồi êm và bữa ăn sang của kẻ phú quí. Cù lao : Chữ trong thiên Lục-nga ở kinh Thi của Trung-hoa. Ý nói công lao cha mẹ thai nghén, sinh đẻ và nuôi con rất khó nhọc. Cam chỉ : Miếng ngọt, miếng bùi, mùi ngon, vị ngọt. Dẫu tam công, chẳng đổi lòng thần hôn. Do câu « cổ nhân nhất nhật dưỡng, bất dĩ tam công hoán », người xưa cho rằng nếu một ngày được phụng-dưỡng cha mẹ thì dù ai có « các » cho làm chức tam công (thái-sư, thái-phó và thái-bảo) cũng không chịu đổi. Ý nói : coi sự được phụng dưỡng cha mẹ quí hơn chức-vị tam công. Phê bình. – Trong bài có nhiều chỗ « tiểu đối » rất khéo léo như : « xa xôi trăm dặm » với « nặng nề hai vai », « xe trăm cỗ » với « mạch muôn chung »... Ấy là chưa kể những vế đối trọi như « Thân phú quí ngẫm vào thêm tủi ! Đức cù lao nghĩ tới càng đau ! » Có điều đáng chú ý : theo sách Gia-ngữ, thì Tử-lộ thường ăn rau lê, rau hoắc, vì cha mẹ mà đội gạo đi hàng trăm dặm, chứ không phải Tử-lộ phụng-dưỡng cha mẹ « từng bữa canh lê ». Có lẽ soạn-giả Lý Văn-Phức vì chỉ căn cứ vào nguyên thư của Quách Cư Nghiệp mà chưa tìm được xuất-xứ từ sách Gia-ngữ, nên mới lầm theo nguyên tác chăng ? https://thuviensach.vn CHƯƠNG IX : TỔNG KẾT Lý Văn-Phức là một tác-giả ở đầu thế-kỷ XIX. Về Hán văn, ông có nhiều thi phẩm, hầu hết là những bài ngâm vịnh trong mấy chuyến đi sứ ngoại quốc. Nhưng, sách này chỉ riêng kể những tác phẩm bằng Việt văn, nên loại tác phẩm Hán văn của ông chỉ dùng làm tài liệu tham khảo, chứ không dùng làm đối tượng nghiên cứu. Trong mấy tác phẩm tiếng Việc của Lý Văn-Phức có tập Nhị thập tứ hiếu diễn âm là đáng chú ý hơn hết. Tập sách đó, ông làm nhằm năm ất-mùi (1835) trong khi lưu trú ở Quảng-đông (Trung-hoa) vì có việc bang giao với nhà Thanh. Giúp việc « hợp đính » để thành sách ấy, có hai bạn ông là Đỗ Tuấn-Đại và Trần Tú-Dĩnh. Tập Nhị thập tứ hiếu diễn âm ấy bắt đầu mở bằng tám câu : Người tai mắt đứng trong thiên địa, Ai là không bác mẹ sinh thành ? Gương treo đất nghĩa, giời kinh, Ở sao cho xứng chút tình làm con. Chữ « hiếu » niệm cho tròn một tiết, Thì suy ra trăm nết đều nên. Trải 85 xem thủa trước Thánh, Hiền : Thảo 86 hai mươi bốn, thơm nghìn muôn thu... Tiếp đó, soạn-giả trình-bày đủ « thảo hai mươi bốn » như ta đã thấy ở chương VII trong sách này. Đến cuối sách, soạn-giả cũng viết 8 câu nửa trên (câu 1 – câu 4) để kết thúc hai mươi bốn truyện người hiếu-thảo : Bấy nhiêu tích cổ nhân về trước, Cách nghìn xưa như tạc một lòng : https://thuviensach.vn Kể chi kẻ đạt, người cùng, Lọt lòng 87, ai trốn khỏi vòng di luân ? Còn nửa dưới (câu 5 – câu 8), Lý Văn-Phức nói đến tâm sự soạn-giả, động cơ biên tập (cảm thân giầy đội và thẹn bóng đèn), thời-gian (buổi công hạ), không-gian (xa hương quan) làm sách, và mục đích truyền Nhị thập tứ hiếu ra quốc âm (muốn lưu gia phạm). Sau khi đọc hết Nhị thập tứ hiếu diễn âm ta được một vài nhận xét : Lời tuy mộc-mạc, « thật thà », nhưng văn gọn gàng, sáng sủa và bình dị, tiện dùng để làm bài học luân lý trong một xã-hội nhất định và ở một thời-đại nhất định. Còn giá trị từng cốt truyện có đứng vững hay không thì tùy ở bạn đọc phê phán. Nay, để giới-thiệu một nhận-định theo quan-điểm của một học giả Trung-hoa, tôi xin dịch đúng nguyên văn (chữ Hán) mấy lời của Hồ Thích phê bình về chữ « hiếu » có dính-líu đến truyện Vương Tường : « Trong ba thứ hiếu 88 mà Tăng-tử nói đó 89 người đời sau chỉ nhớ được điều thấp kém nhất (tức điều thứ ba), chỉ chăm dụng công vào một chữ « nuôi ». Rất đỗi một bà mẹ « trái chứng » đòi ăn cá tươi ở mùa đông 90, con trai bà ta bèn đi nằm trên băng lạnh, thế mà từ trong băng giá nhảy ra con cá chép tươi 91. « Những truyện hoang đường là thế đó ! Vậy mà có người vẫn tin là thật, cho rằng con hiếu phải nên như thế. Đủ biết ý nghĩa chân-chính của chữ « hiếu » đã bị chôn vùi từ lâu mất rồi ! » 92 Viết ngày 24-11 – 29-12-1952. https://thuviensach.vn IN TẠI NHÀ IN LÊ CƯỜNG XONG NGÀY 15-11-53 https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Notes [←1] Tài liệu từng mảnh, từng đoạn mà tác giả lượm được... Sau khi nhặt lượm được và chỉnh lý lại các tố tài, bây giờ mới thành đề tài để sáng tác... (theo Hán-Việt tân từ-điển của H.T.T., Vĩnh bảo, Sài-gòn, 1952, trang 960-961). https://thuviensach.vn [←2] « Ở láng-giềng với cây chi », một giống thuộc loài lan, vì tên ông có nghĩa là « thơm » (Phức), nên mới đặt « tự » cho hợp với « danh » như vậy. https://thuviensach.vn [←3] Theo bài « Thập nguyệt, sóc, tiện đản, cảm thành », ở tập Kính-hải lục ngâm. https://thuviensach.vn [←4] Tức là Ma-cao. https://thuviensach.vn [←5] Người làng Ôn-xá, huyện (nay là phủ) Văn-giang, tỉnh Bắc-ninh, đỗ hương tiến (cử nhân) đời Gia-long (1802–1819). https://thuviensach.vn [←6] Người làng Diên-yên, huyện Kim-động, tỉnh Hà-nam, đỗ giải nguyên thủ (thủ khoa) khoa ất dậu (1825) đời Minh-mệnh (1820-1840). https://thuviensach.vn [←7] Sẽ nói kỹ ở chương « Nhị thập tứ hiếu diễn âm ». https://thuviensach.vn [←8] Áo-môn (Ma-cao) cũng thuộc Quảng-đông. Năm bính-thân (1836), ông sang Áo-môn là có việc giao thiệp với Chính-phủ Mãn-thanh, chứ không phải giao thiệp với Bồ-đào-nha là nước có tô-tá-địa ở Áo-môn. https://thuviensach.vn [←9] Theo Việt-nam phong sử của Tiểu-cao Nguyễn Văn-Mại (sách chưa in). https://thuviensach.vn [←10] Theo Quang trung của H.B., Bốn phương, Sài-gòn, 1951. https://thuviensach.vn [←11] Xem Quốc văn đời Tây-sơn của H.T.T., Vĩnh bảo, Sài-gòn, 1950, trang 15-16. https://thuviensach.vn [←12] Xem Quang-trung của H.B, Bốn-phương, Sài-gòn, 1951, trang 288-289. https://thuviensach.vn [←13] Trong Đại-nam chính biên liệt truyện, Nhị tập, chép là : Tây hành kiến văn lục, Mân hành thi thảo và Chu-nguyên tạp vịnh. https://thuviensach.vn [←14] Tức là Bài châm dạy vợ con mà trước giờ vẫn lầm là của Nguyễn-Trãi. Bắt đầu bằng câu : « Đặt quyển sách vắt tay nằm nghĩ, Hễ làm người dạy kỹ thì nên... » (Về vấn đề này, sẽ nói kỹ ở cuốn Nguyễn-Trãi với Gia-huấn của H.B.) https://thuviensach.vn [←15] Viết bằng thể lục bát gồm có những chữ thường dùng. https://thuviensach.vn [←16] Bài Tự thuật này và hai bài sau (Bất phong-lưu truyện. Chu hồi, trở phong thán) tôi đều phiên âm theo bản chữ nôm do Hải-châu-tử chép trong Quốc văn tùng ký. https://thuviensach.vn [←17] Tục gọi làng Khuốc thuộc phủ Tiên-hưng tỉnh Thái-bình ngày nay. https://thuviensach.vn [←18] Bản nôm chép lầm là « ất-mão ». Nay xin hiệu đính lại. https://thuviensach.vn [←19] Bản nôm chép lầm là « bính-thìn ». Xin hiệu đính lại. https://thuviensach.vn [←20] Ý nói không đỗ tấn-sĩ. https://thuviensach.vn [←21] Những đồ hình-cụ ngày xưa, tức là gông để xiềng cổ và cùm để khóa chân. https://thuviensach.vn [←22] Đồ ăn của tội nhân xưa, khi phải phát-phối đi làm lính thú hoặc giải đi lưu-đày. https://thuviensach.vn [←23] Được và mất. https://thuviensach.vn [←24] Giữ tâm được trong-sạch, ở chỗ vô hình, không hổ thẹn với thần-linh thiêng liêng. https://thuviensach.vn [←25] Chỉ Trời ở cao và xanh thẳm. https://thuviensach.vn [←26] Ngõ hầu. https://thuviensach.vn