🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Luyện Trí Nhớ
Ebooks
Nhóm Zalo
Alpha Books biên soạn
Phan Văn Hồng Thắng chủ biên LUYỆN TRÍ NHỚ
Bản quyền © 2012 Alpha Books NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN Tạo ebook: Tô Hải Triều
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Lời nhà xuất bản
Bạn đọc thân mến,
Trong cuộc sống, chắc hẳn không ít lần bạn gặp rắc rối với trí nhớ “đỏng đảnh” của mình. Bạn ra chợ nhưng quên mất mình cần mua những gì, bạn vào phòng thi nhưng vắt óc không nhớ ra công thức đã học đi học lại, bạn
lên thuyết trình nhưng lại “đánh rơi” hết những nội dung đã luyện tập ở nhà, … Sau mỗi lần như thế, bạn không còn tin vào trí nhớ của mình nữa. Bạn cảm thấy mình thật thua thiệt vì không được trời phú cho một trí nhớ tốt. Nhưng bạn có biết, trí nhớ có từ khi chúng ta mới sinh ra, nó phát triển hay tàn lụi, nó phong phú hay nghèo nàn phụ thuộc vào sự luyện tập của chính bạn. Vì thế, đừng tự ti vì bạn không có một trí nhớ tốt, chỉ là bạn chưa luyện tập đúng cách mà thôi.
Cải thiện trí nhớ tưởng như rất trừu tượng, mơ hồ đã trở nên rõ ràng qua các phân tích cụ thể, cùng những ví dụ gần gũi, thiết thực trong cuốn sách này. 17 phương pháp ghi nhớ và những bài luyện tập thú vị sẽ giúp bạn tìm thấy con đường để đưa những thông tin, con số, những công thức, những bài học, những lịch trình,… đi vào bộ nhớ dễ dàng và ở lại với bạn lâu nhất. Không còn phải lúng túng với sự đãng trí hay nhầm lẫn, bạn sẽ nhanh chóng biến trí nhớ trở thành công cụ hiệu quả trong học tập, công việc và cuộc sống. Chỉ với 10 phút luyện tập mỗi ngày, cùng óc hài hước và niềm háo hức nâng cao trí nhớ, bạn sẽ phải bất ngờ trước tiềm năng ghi nhớ đặc biệt của mình. Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Hà Nội, tháng 11 năm 2012 CÔNG TY SÁCH ALPHA
Giới thiệu
Trước nay, bạn vẫn tự nhủ mình không thông minh bằng nhiều người, nên bạn ráng sức chuyên cần để đạt được thành tích tốt. Và quả thật bạn đã thành công. Điều gì giúp bạn đạt được điều đó? Nhiều người quanh bạn và ngay cả chính bạn sẽ tự mặc định rằng, bạn không xuất sắc gì mà chỉ là “cần cù bù thông minh” thôi. Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Cái giúp bạn thành công là sự thuần thục. Bạn đã gắng công làm điều gì đó nhiều lần. Giải một bài toán khó. Ngẫm nghĩ một đoạn văn hay. Suy tư một vấn đề hóc búa, v.v… Những hành động lặp đi lặp lại, kiên trì, bền bỉ, khiến bạn thành người điêu luyện. Và trí nhớ đã chắp đôi cánh để tất cả những gì bạn rèn giũa đạt đến thành công. Nhờ trí nhớ, những gì bạn học tập, tìm tòi khám phá được lưu giữ trong tâm trí bạn, để rồi tái hiện một cách nguyên vẹn mọi lúc mọi nơi. Đâu chỉ có bạn mà tất cả mọi người xung quanh, từ một em bé sơ sinh mới chào đời đến những bậc cao niên đều cần đến nó.
Một em bé vừa ra đời dù chưa biết nói nhưng vẫn biết “lạ” nếu đó không phải là cha mẹ hay người quen của mình. Một học sinh vận dụng tất cả những gì mình đã học, đã tìm tòi để hoàn thành tốt bài thi. Một người con xa xứ nhiều năm bồi hồi xúc động khi nhận ra hình ảnh thân thuộc của quê hương qua cửa sổ máy bay. Tại sao họ làm được điều đó? Chỉ có thể nhờ trí nhớ mà thôi! Bạn đã từng làm gì mà không cần đến trí nhớ chưa? Mỗi buổi sáng, chúng ta thường lặp lại nhiều việc giống hệt nhau. Đó chính là một biểu hiện của trí nhớ dưới dạng thói quen. Rồi sau đó, bạn có thể rời khỏi
nhà đi gặp một ai đó. Bạn có để ý làm thế nào bạn đến được địa điểm mình cần đến, nhận biết người mình cần gặp, phát hiện món ăn bạn thường nấu hay món đồ bạn thường dùng? Đó chẳng phải đều là biểu hiện của trí nhớ hay sao? Điều này khẳng định rằng: ở nơi nào đó trong não của mỗi chúng ta có một kho chứa khổng lồ gồm những hình ảnh, sự việc, hiện tượng được liên kết bất biến theo thời gian và có thể được nhớ lại nếu như chúng ta biết kích hoạt nó đúng cách.
Hãy thử tưởng tượng xem, một buổi sáng nào đó, bạn thức dậy và bỗng hoảng hốt giật mình khi không nhớ được điều gì hết, giống như cô nàng Lucy trong bộ phim tình cảm lãng mạn của điện ảnh Mỹ 50 First Dates (tạm dịch: 50 lần hẹn hò đầu tiên). Nhưng thật tồi tệ khi chẳng có anh chàng Henry nào ở bên cạnh giúp đỡ bạn. Bạn không biết mình đang ở đâu, không nhận ra bất cứ ai, không biết mình đã ăn cơm chưa, thậm chí bạn cũng không biết là mình vừa ngủ dậy hay chuẩn bị đi ngủ... Mọi sinh hoạt của bạn bị rối loạn. Tất cả mọi thứ xung quanh đều lạ lẫm, và thậm chí bạn còn không hiểu người khác đang nói gì. Tất cả đều phải làm lại từ đầu nhưng bạn lại không biết bắt đầu từ đâu. Mới chỉ tưởng tượng đến đấy thôi chắc bạn đã cảm thấy ớn lạnh. Nếu có một ngày như thế, quả thật là một thảm họa! Tất nhiên đây chỉ là giả thiết, nhưng cũng đủ cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của trí nhớ trong đời sống và hoạt động của con người. Nếu không có trí nhớ thì không có kinh nghiệm, không có kinh nghiệm thì không thể có bất cứ một hoạt động nào, đặc biệt là quá trình phát triển tâm lý, tính cách con người.
Tuy nhiên, trí nhớ của mỗi người không giống nhau. Có người nhớ tốt vấn đề này, có người lại nhớ tốt vấn đề kia, nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng người nào có trí nhớ tốt hơn, người đó sẽ làm được nhiều việc hơn và nhiều khả năng thành công hơn. Bạn sẽ thấy rõ điều này trong chính lớp học của mình. Từ những môn xã hội như Văn, Sử, Địa cho đến những môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, tất cả đều dành sự ưu ái cho người có trí nhớ tốt hơn. Nếu nhớ được nhiều công thức Toán, Lý, Hóa, bạn sẽ vận dụng để làm bài tốt hơn, nhanh chóng hơn và quan trọng là đạt điểm cao hơn. Nếu thuộc nhiều câu thơ, các sự kiện lịch sử, kết hợp với sự nhịp nhàng trong câu từ, bạn sẽ làm bài môn Văn, Sử, Địa tốt hơn, trôi chảy và có sức thuyết phục hơn. Đặc biệt, khi bạn rời ghế nhà trường bước vào cuộc sống thì ưu thế này càng thể hiện rõ rệt.
Trong công việc, người có trí nhớ tốt hơn thường sẽ tiếp thu nhanh hơn, vận dụng chúng vào công việc hiệu quả hơn, từ đó khẳng định được vị thế cũng như năng lực của mình. Tôi lấy ví dụ trường hợp của một quản trị viên tập sự ở một tập đoàn đa quốc gia. Trong 12 tháng đào tạo của chương trình, anh ta được luân chuyển qua tất cả các phòng ban. Anh ta và đồng nghiệp của mình được đào tạo, huấn luyện và giao thực hiện những dự án nhỏ như một bài kiểm tra năng lực. Vì khả năng ghi nhớ có hạn nên dự án của anh ta không đạt mục tiêu đề ra. Kết quả thật đáng buồn, anh ta bị loại khỏi chương trình. Anh ta thất vọng, buồn bã tự trách mình tại sao không cố gắng ghi nhớ vận dụng tốt hơn những điều được học.
Đó chỉ là một trong vô vàn những tình huống cho thấy trí nhớ tốt quan trọng
đến nhường nào. Vì lẽ đó, nhiều lúc bạn thầm nghĩ “giá mình có được trí nhớ tốt như anh ấy thì hay biết mấy.” Vậy có bao giờ bạn tự hỏi trí nhớ tốt có thể do luyện tập mà thành không?
Con người chúng ta khi sinh ra đều được tạo hóa ban tặng một bộ óc với nhiều khả năng khác nhau. Tùy thuộc vào đặc điểm của bộ não mà mỗi người có khả năng lưu giữ hay đơn giản là ghi nhớ khác nhau. Tuy nhiên không phải vì thế mà những ai bẩm sinh có trí nhớ không tốt bi quan về mình, bởi chúng ta vẫn có thể tăng cường trí nhớ bằng cách rèn luyện. Trong một buổi giao lưu tại Việt Nam năm 2010, Eran Katz – người lập kỷ lục Guinness về trí nhớ có thể nhớ được một dãy số gồm 500 chữ số chỉ sau một lần đọc – đã cho biết: “Một trí nhớ tốt là tài sản quan trọng nhất. Nó là công cụ hữu hiệu mà chúng ta có được, vì thế chúng ta cần phải đầu tư, rèn luyện và nuôi dưỡng nó thích đáng.” Như vậy trí nhớ tốt giống như một quỹ đầu tư, nếu ta biết cách quản lý, điều tiết hợp lý thì nó sẽ ngày càng sinh lợi. Ngược lại, nếu ta bỏ quên hay điều tiết thiếu khoa học thì nó không chỉ trở về con số 0 mà còn khiến ta bị phá sản, nợ nần. Bạn có thể phản biện rằng trí nhớ chứ đâu phải tiền bạc mà bị suy giảm hay mất đi theo thời gian, đó là yếu tố bẩm sinh. Nhưng thực tế bộ nhớ của bạn sẽ dần ì trệ và lão hóa khi bạn không buộc nó “làm việc” thường xuyên và nếu có sự tập luyện, trí nhớ sẽ liên tục được cải thiện và nâng cao.
Trong cuốn Bí mật của một trí nhớ siêu phàm, Eran Katz đã tiết lộ: “Tôi sinh ra không có năng khiếu đặc biệt. Khả năng nhớ của tôi đều do tập luyện từ nhỏ… Phần lớn chúng ta cho đến cuối đời đều chỉ sử dụng được khoảng
10% khả năng ghi nhớ của mình.” Chỉ có 10% thôi, như vậy 90% còn lại bị bỏ phí. Vậy tại sao chúng ta lại hoang phí khối tài sản khổng lồ mà tạo hóa đã ban tặng như vậy?
Có thể đến đây, bạn sẽ nhủ thầm: “Nói thì hay lắm nhưng liệu có phương pháp cụ thể nào để cải thiện trí nhớ không mới là quan trọng chứ?” Vâng, đó chính là lý do tại sao cuốn sách này ra đời. Những phương pháp, lời khuyên từ các chuyên gia hàng đầu thế giới về trí nhớ sẽ giúp bạn làm giàu thêm “quỹ đầu tư” của mình và có được một trí nhớ “siêu phàm” như bạn mong muốn.
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ TRÍ NHỚ
1. Trí nhớ là gì?
Từ đầu cuốn sách, chúng ta liên tục bàn luận và nhắc đến “trí nhớ”, nhưng
rốt cuộc “trí nhớ” là gì?
Trí nhớ có thể hiểu đơn giản là khả năng lưu giữ thông tin, không chỉ là đặc quyền của con người mà tồn tại ở cả động vật. Tùy theo độ phức tạp của bộ não mà mỗi loài vật có những cấp độ nhớ khác nhau. Các cấp độ này được biểu hiện qua các hành động, tập tính hay thói quen như các loài chim hàng năm vẫn vượt hàng ngàn cây số bay từ phương Bắc về phương Nam tránh rét, đàn voi khi sống trong môi trường hạn hán vẫn nhớ và tìm tới nơi dồi dào thức ăn và nước uống,..
Nhưng khác với loài vật, trí nhớ của con người phức tạp và đa dạng hơn. Bởi nó luôn đi kèm với nhận thức. Thực tế, trí nhớ gồm ba quá trình chính sau: Quá trình ghi nhận: Là khả năng ghi lại thông tin nhờ quá trình hưng phấn ở những vùng tương ứng của bộ não trước các kích thích thực tại: càng chú ý và thích thú với kích thích bao nhiêu, quá trình ghi nhận càng chắc chắn, rõ ràng bấy nhiêu. Quá trình ghi nhận có thể chủ động, tích cực, có thể không chủ định, vô thức.
Quá trình lưu trữ (bảo tồn): Là quá trình hình thành những đường liên hệ tạm thời duy trì dấu vết của những kích thích đã tác động vào não. Kích thích càng mạnh, càng lặp lại nhiều lần thì quá trình lưu trữ càng bền vững. Quá trình tái hiện (nhớ lại): Là quá trình khôi phục lại những thông tin đã được lưu trữ. Sự tái hiện xuất hiện dưới hai hình thức:
Nhận lại: Thông qua các giác quan, nhận ra những đối tượng đã kích thích trước kia, nay đang trực tiếp tác động vào các giác quan. Ví dụ: Nhận ra một người quen trong đám đông.
Hiện lại: Kinh nghiệm và tri thức cũ, không cần thông qua tri giác đối tượng kích thích trước kia vẫn có thể hiện ra trong óc, không cần sự có mặt trực tiếp của chúng. Ví dụ: Hiện lại khuôn mặt của ba mẹ mỗi lúc nhớ nhung. Chính vì vậy, trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm, tri thức của con người bằng cách ghi nhận, bảo tồn và tái hiện lại chúng dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng.
Trí nhớ phản ánh bản thân hiện thực được con người tích lũy thông qua kinh nghiệm và biến chúng trở thành vốn riêng của mình. Tóm lại, trí nhớ là sự
tổng hoà của nhiều yếu tố phức tạp. Nếu như nhận thức là cơ sở để con người nhận biết thế giới, từ đó tìm ra cách phù hợp để tác động vào thế giới nhằm đem lại hiệu quả cao nhất thì trí nhớ là công cụ để những nhận biết đó được lưu trữ, từ đó tiếp tục phát triển hoàn chỉnh hơn trong những giai đoạn sau này. Và cũng chính trong quá trình ghi nhớ, nhờ nhận thức, chúng ta biết lựa chọn, tập trung vào một khía cạnh nào đó, bỏ qua tất cả những điều còn lại, thúc đẩy quá trình chọn lọc hiệu quả và kích thích mong muốn ghi nhớ trong mỗi con người.
2. Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ tuy không gây hại cho sức khỏe nhưng đem lại rất nhiều
phiền toái và khó chịu cho mỗi chúng ta. Bạn đến lớp và chợt nhận ra mình đã để quên cuốn vở ghi chép ở nhà. Và nếu được ưu ái gọi lên bảng trả bài, bạn sẽ làm sao? Hay một anh bạn trong lớp cuống cuồng lao vào lớp cho kịp giờ học trong bộ quần áo xộc xệch… Những phiền toái ấy xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Việc xác định rõ các nguyên nhân sẽ giúp bạn có những biện pháp phòng tránh và ghi nhớ hiệu quả, đồng thời giúp mang lại những
giây phút dễ chịu, thoải mái hơn cho cuộc sống của mình và những người xung quanh.
Nguyên nhân khách quan
Những nguyên nhân thuộc dạng này thường là do bệnh lý hoặc tai nạn. Nó bao gồm các nguyên nhân khó tránh như: suy giảm trí nhớ do tuổi tác; đột biến gen; rối loạn giấc ngủ; rối loạn tăng động giảm chú ý (Tên tiếng Anh: ADHD – Hyperactivity and attention deficit disorder) (khoảng 4% học sinh
mắc phải bệnh lý này); các bệnh như thiểu năng tuần hoàn não, thoái hóa não (như bệnh Alzheimer), u não, viêm não siêu vi…, chấn thương vùng đầu do tai nạn.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân có thể xuất phát từ những thói quen xấu của con người nhưng xét về mặt tổng thể vẫn xếp vào dạng khách quan. Đó là các bệnh như tai biến mạch máu não, các bệnh lý về gan, tuyến giáp, rối loạn giấc ngủ do stress. Đồng thời việc sử dụng một số loại thuốc như: gây mê, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc gây nghiện lâu ngày cũng có thể gây suy giảm trí nhớ.
Cuối cùng cần phải kể thêm căn bệnh trầm cảm mà nguyên nhân của nó chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan. Bản chất của trầm cảm là khiến người bệnh thờ ơ, không chú ý đến xung quanh, giảm quan sát, có cảm giác mất năng lực trong cuộc sống. Do đó, bệnh nhân trầm cảm không buồn để ý đến bất cứ thứ gì, và đương nhiên suy giảm khả năng ghi nhớ.
Nguyên nhân chủ quan
Đây mới là nguyên nhân chính khiến bạn bị suy giảm trí nhớ. Chính thói quen sống không khoa học khiến cơ thể bạn bị tổn hại nghiêm trọng. Lối sống thiếu lành mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thể lực và trí lực của bạn. Có thể kể đến những thói quen có hại thường hay gặp dưới đây. Uống rượu: Nghiện rượu, nhất là rượu mạnh, chính là tác nhân gây nên những tổn thương rất khó, thậm chí là không thể phục hồi ở não bộ. Việc uống rượu thường xuyên không chỉ làm cho trí óc của bạn thường xuyên thiếu minh mẫn để làm việc và học tập tốt mà còn là tác nhân góp phần gây
ra các bệnh về gan.
Thức khuya: Đêm là thời gian nghỉ ngơi để não sàng lọc và sắp xếp lại những thông tin, ký ức đã diễn ra ban ngày. Nếu bạn thức khuya, thay vì được nghỉ ngơi, não bạn lại phải hoạt động. Điều này khiến cho chức năng ghi nhớ của não bị rối loạn. Một giấc ngủ đủ và sâu sẽ cải thiện chức năng của não, bảo vệ não tránh nguy cơ suy giảm trí nhớ. Không chỉ vậy, để thức được khuya, nhiều bạn sử dụng các loại thức uống kích thích như cà phê, trà.... Việc sử dụng thường xuyên các loại thức uống này một cách không phù hợp khiến tinh thần bạn luôn căng thẳng và các tế bào thần kinh mau chóng bị lão hóa.
Thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại: Việc thường xuyên ăn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, phẩm màu độc hại sẽ khiến cho cơ thể bạn tích tụ các hóa chất. Lâu ngày chúng sẽ tấn công cơ thể, trong đó có não bộ.
Hút thuốc: Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, những người nghiện thuốc nặng có vấn đề về trí nhớ nhiều hơn những người không hút thuốc. Với mỗi lần hút, chất nicotin có trong thuốc lá sẽ tích tụ ở não từ 3- 5 phút. Lâu dần, chúng sẽ làm co hẹp các mạch máu, khiến não bộ kém nhạy bén và chức năng ghi nhớ giảm. Không chỉ vậy, nó còn là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tai biến mạch máu não, các bệnh về gan.
Thường xuyên tiếp xúc với môi trường thiếu oxy: Thói quen trùm kín chăn khi ngủ hay ở lâu trong phòng đóng kín cửa sẽ khiến lượng oxy cung cấp cho cơ thể quá ít trong khi lượng CO2 lại gia tăng. Tình trạng thiếu oxy
kéo dài sẽ khiến các tế bào não hoạt động kém linh hoạt, dễ bị tổn thương. Sử dụng điện thoại quá nhiều: Ngày nay điện thoại di động là một vật dụng không thể thiếu đối với con người. Nếu bạn là một tín đồ công nghệ (sử dụng điện thoại để nghe gọi, nhắn tin, lướt web từ 5 giờ đồng hồ trở lên mỗi ngày), chính bạn đang tự tay phá hoại trí nhớ của mình. Bức xạ từ sóng điện thoại chính là một trong những tác nhân gây thương tổn cho các tế bào thần kinh và vùng trung tâm trí nhớ của vỏ não. Do đó, sử dụng điện thoại với tần suất cao sẽ là một trong những nguyên nhân khiến não bạn đối diện với nguy cơ giảm trí nhớ. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến hoạt động của những nhóm gen có liên quan đến bộ nhớ.
Ngoài ra, một số nguyên nhân tâm lý như: stress, mất ngủ do căng thẳng
khiến khả năng ghi nhớ của bạn mai một dần theo thời gian.
Tóm lại, dù đó là nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì chúng đều có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Nó cũng chính là khởi nguồn của rất nhiều những hậu quả khó lường mà chúng ta phải đối mặt do những thói quen xấu trong cuộc sống của chính bản thân mỗi người.
3. Người trẻ và những biểu hiện suy giảm trí nhớ
Bạn đã từng rơi vào tình trạng tự dưng quên mất việc mình chuẩn bị làm, ra
khỏi nhà một lúc lại băn khoăn không biết đã đóng cửa, tắt bếp ga, tắt máy tính chưa? Nếu bạn thường xuyên nhớ nhớ quên quên như vậy thì nó là những dấu hiệu cho thấy bạn đang có vấn đề về trí nhớ.
Ngày nay, khá nhiều bạn trẻ mắc phải những điều tương tự như vậy. Không giống như người già, những vấn đề về trí nhớ của người trẻ thường liên quan nhiều đến quá trình ghi nhận. Do đó phần đông trong số họ bị suy giảm trí nhớ gần hay còn gọi là trí nhớ công việc. Những suy giảm này được biểu
hiện qua một vài tình trạng phổ biến:
Đãng trí
Có một câu chuyện kể về một nhà khoa học nổi tiếng thế giới loay hoay tìm mắt kính của mình. Ông tìm mãi, tìm khắp mọi nơi cũng không thấy. Khi đã thấm mệt, ông ngồi xuống nghỉ ngơi và cố gắng nhớ xem liệu kính của mình
đang ở đâu và vô tình khi đưa tay lên trán ông đã phát hiện ra chiếc kính đang ở trên đầu mình. Câu chuyện này mô tả một biểu hiện của sự đãng trí mà bạn thường hay gọi đùa là “đãng trí bác học”.
Đãng trí không phải là bệnh lý suy giảm trí nhớ mà chỉ là vấn đề về trí nhớ. Nó là hiện tượng thường gặp ở giới trẻ. Đây là tình trạng ở mức độ thấp và được xem như dấu hiệu cảnh báo việc não bộ của bạn hiện đang quá tải. Nếu không nhanh chóng tìm cách cải thiện tốc độ thu nhận thông tin thì lâu dần, đãng trí sẽ chuyển sang những vấn đề khác nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn.
Không tập trung hoặc tập trung kém
“Tập trung trí tuệ, sảng khoái tinh thần” là slogan của một loại kẹo sing-gum được cho là giúp bạn tập trung hơn. Không biết tác dụng của nó ra sao nhưng rất được giới trẻ ưa chuộng. Điều này chứng tỏ có rất nhiều người trẻ như chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng kém tập trung hay không thể tập trung.
Hiện tượng này có thể được biểu hiện thông qua việc ngồi trong lớp nghe giảng nhưng kiến thức của thầy cô chẳng khác nào “nước đổ lá khoai” và đôi lúc bạn phải đề nghị thầy cô nhắc lại vì bản thân chẳng nhớ được chữ nào
trong đầu. Ngồi “tám chuyện” với bạn bè nhưng bạn lại để đối phương thao thao bất tuyệt còn mình “phiêu” tận đâu đâu. Thậm chí, kỳ thi đến gần nhưng tâm trí bạn lại treo ngược cành cây. Cứ mỗi lần đụng đến sách vở là những hình ảnh khác bỗng nhiên nhảy múa trong đầu như muốn trêu ngươi bạn. Và tệ hại nhất là, ngay trong lúc làm bài thi, bạn sơ suất không để ý đến những chi tiết nhỏ khiến bạn bị điểm kém hay bị đánh trượt.
Không tập trung hay tập trung kém là hiện tượng không thể hoặc khó chú tâm vào công việc cụ thể, đặc biệt là các tiểu tiết, đồng thời rất dễ bị phân tán bởi những việc khác cùng xảy ra tại thời điểm đó. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được nó nếu biết được những biểu hiện sớm và ngăn chặn ngay từ đầu.
Hay quên
Nếu tổ chức một cuộc bình chọn từ ngữ được các bạn học sinh, sinh viên hay
dùng để biện hộ cho lỗi lầm hay thiếu sót của mình, “quên” sẽ nằm trong nhóm được bình chọn nhiều nhất.
Đến lớp chưa kịp làm bài tập, không thuộc bài khi được thầy cô giáo hỏi “Tại sao em không học bài?”, câu trả lời của hầu hết các bạn học sinh là: “Thưa thầy, em quên ạ!”. Mượn sách vở, tài liệu của bạn lâu ngày chưa trả, bạn nhắc hoặc đòi thì chắc chắn người cho mượn sẽ được nghe câu: “Mình quên mất.” Trước khi đi làm, bố mẹ dặn bạn phải dọn dẹp nhà cửa, nhưng khi họ trở về mọi thứ vẫn nguyên xi và lý do hiệu quả nhất để biện hộ cũng là “Con xin lỗi, con quên mất.” Thậm chí, hôm nay là sinh nhật bạn gái nhưng bạn chẳng thể nhớ nổi thì trong muôn ngàn lý do, lý do “anh quên” vẫn luôn đứng hàng đầu.
Bỏ qua những lý do được dùng với mục đích chống chế thì quên là một cấp độ cao hơn của sự đãng trí. Nó xuất hiện trong công việc, học tập hay cuộc sống thường nhật. Nấu cơm nhưng lại quên cắm điện, ra khỏi nhà quên khóa cửa, gửi xe quên rút chìa khóa… Nếu như những việc đó xảy ra với tần suất thấp thì đó là dấu hiệu của tình trạng căng thẳng.
Nhưng nếu việc này thường xuyên xảy ra thì bạn đang gặp vấn đề lớn về trí nhớ của mình rồi đấy. Những dấu hiệu có thể bao gồm việc bạn cố gắng học nhưng chẳng được chữ nào vào đầu, học đâu quên đó, không nhớ mình vừa
làm gì,… Những hiện tượng này chắc chắn sẽ khiến cuộc sống, công việc và học tập của bạn bị đảo lộn.
Nhớ lẫn lộn…
Nếu như hay quên làm cho bạn khó chịu thì nhớ lẫn lộn sẽ khiến bạn khó
chịu gấp nhiều lần và gặp nhiều tai bay vạ gió. Nếu gặp các câu hỏi liên quan đến kiến thức đã quên béng mất, ta thường có xu hướng bỏ qua chúng hoặc vớt vát bằng cách “thà viết nhầm còn hơn bỏ sót”. Bạn chắc mẩm mình không bỏ sót câu nào và hoàn thành bài thi nhưng thực tế bài thi của bạn chẳng khác nào kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Khi biết mình sai, bạn sẽ
có cảm giác nuối tiếc, dằn vặt thậm chí thất vọng, trách cứ bản thân, bạn ước gì mình nhớ chính xác kiến thức lúc làm bài. Tâm lý này khiến tâm trí bạn rối loạn và không thể tập trung vào bất cứ việc gì khác. Không chỉ vậy, nó khiến bạn luôn bất an khi làm việc gì đó: “Liệu mình có nhớ nhầm gì hay không?” và thường không tin tưởng vào bản thân và những việc mình làm. Cũng có nhiều người không nhận thức được mình sai nên nghĩ rằng: thầy cô thiên vị hoặc có nhầm lẫn gì đó. Chính điều này khiến bạn cảm thấy chán nản, có tâm lý không muốn học hành, suy nghĩ tiêu cực và kết quả càng ngày càng kém đi.
Việc nhớ lẫn lộn có thể hiếm gặp ở người này nhưng lại thường xuyên tái diễn với người khác. Nhưng dù ít hay nhiều, nó vẫn là một vấn đề về trí nhớ đáng quan tâm. Nó được coi là sự kết hợp giữa thói hay quên và sự thiếu tập trung.
Việc chúng ta thường nhớ nhớ quên quên không phải vì trí nhớ chúng ta kém mà vì thiếu kỹ năng quan sát hoặc sự việc hiện tượng đó không đáng quan tâm. Cũng như việc bạn học đâu quên đấy có thể là do bạn chưa thực sự tập trung vào bài học hay thiếu phương pháp học tập. Một phương pháp học tập đúng sẽ giúp bạn đạt được kết quả cao và nâng cao trí nhớ. Trong những phần sau tôi sẽ bật mí cho bạn một số bí kíp ghi nhớ hữu hiệu.
4. Một số sai lầm khi cải thiện trí nhớ
Học càng nhiều nhớ càng lâu
Đôi khi bạn cảm thấy mình không thông minh bằng người khác, vì thế khi kỳ thi đến gần, bài vở còn nhiều, các kiến thức chồng chéo lên nhau, bạn ra sức học với suy nghĩ rằng cách duy nhất để tăng cường trí nhớ là học và học. Bạn học ngày, học đêm mà không dành cho mình chút thời gian ngơi nghỉ nào, thậm chí có những bạn còn suy nghĩ rằng: cứ học đã, thi xong tha hồ nghỉ ngơi xả láng. Thế nhưng vừa học xong hôm nay, hôm sau kiến thức đã bay biến đâu mất. Vì thế, bạn càng ra sức học với cường độ cao hơn vì cho rằng mình vẫn chưa đủ cần cù mà không biết rằng điều đó hoàn toàn phản
tác dụng.
Bộ não của chúng ta cũng cần nghỉ ngơi. Khi bị nhồi nhét quá nhiều, kiến
thức sẽ trở nên “bão hòa” và việc học chỉ còn là hình thức. Bạn không thể tiếp thu được gì, chưa kể nhầm lẫn vấn đề này sang vấn đề khác. Vì vậy cần phải có thời gian cho trí óc bạn nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng bạn nhớ đừng chọn thư giãn bằng cách đánh bài, cá độ bóng đá hay chơi điện tử… Những việc mà bạn tưởng như đúng đắn đó chỉ càng làm thần kinh của bạn căng thẳng thêm. Tại sao bạn không lựa chọn cách đi dạo, tập thể dục nhẹ nhàng hay nghe một vài bản nhạc thú vị. Nó sẽ khiến bạn thấy dễ chịu và thư thái hơn trước khi tiếp tục ngồi trở lại bàn học.
Học thuộc lòng
Ngay từ khi còn bé, khi mới bắt đầu đi học, chúng ta thường được các thầy cô nhắc nhở “các em nhớ học thuộc bài trước khi đến lớp nhé!” hay cha mẹ dặn rằng “phải học thuộc bài và làm bài xong rồi mới được chơi.” Vì thế, chính những điều này đã nhen nhóm trong mỗi chúng ta về một phương pháp học tập gắn liền với việc “học thuộc lòng”. Đã bao giờ bạn băn khoăn liệu “học thuộc lòng” có phải là một phương pháp tối ưu?
Nhiều bạn khẳng định cách nhớ đơn giản và hiệu quả nhất là học thuộc lòng. Họ chỉ cần học thuộc hết những gì thầy cô truyền dạy trên lớp hay kiến thức trong sách vở. Có nhiều bạn không ghi chép bài vở, lên lớp chểnh mảng và đến ngày thi, họ mượn vở của bạn bè đem sao chép rồi học thuộc. Thậm chí,
nhiều bạn còn mượn cả đề cương môn học hay các bài tiểu luận của bạn bè. Họ chỉ cần “học thuộc và học thuộc” rồi đem những kiến thức đó vào phòng thi. Họ nghĩ đây là phương pháp “chắc ăn”, giúp họ không bỏ sót kiến thức nào.
Nhưng học tập cần nhiều hơn thế. Nó đòi hỏi một phương pháp thông minh, sự khéo léo, khả năng xử lý thông tin và áp dụng linh hoạt vào bài làm thay vì bê nguyên xi hay sao chép toàn bộ. Họ có thể buồn bã, không biết nguyên
nhân tại sao mình lại thi trượt hoặc bị điểm kém. Họ học chỉ để trả bài, để đối phó và chọn bề nổi – điểm số – để làm mục đích học tập của mình. Sau các kỳ thi hoặc các bài kiểm tra, kiến thức của họ lại trở về con số không. Việc học thuộc lòng mà không cần hiểu bài hay học vẹt làm não bạn trở nên thụ động và lười suy nghĩ. Khi quên một câu giữa đoạn hoặc gặp những câu đòi hỏi sự suy luận, bạn sẽ ngắc ngứ không thể tiếp tục mạch viết hoặc ngộ nhận các câu hỏi kia là kiến thức hoàn toàn mới mẻ, như các bạn thường gọi đùa là kiểu “tủ đè chết người”.
Vì vậy muốn tránh tình trạng này, bạn phải xác định phương pháp học để nhớ nhanh và nhớ lâu. Hãy dành cả con tim và khối óc của bạn vào mỗi bài học, đặt kiến thức, sự hiểu biết thay vì điểm số lên hàng đầu. Có như vậy trí nhớ mới càng ngày càng được mài giũa, tôi rèn và được củng cố theo thời gian.
Học càng khuya càng nhớ nhanh
Khi kỳ thi đến gần, nhiều bạn học sinh, sinh viên ra sức học, thậm chí thường xuyên thức khuya. Lâu dần hình thành thói quen học về khuya. Họ biến mình thành “cú đêm” lúc nào không hay.
Đối với họ, học khuya là phương thức tối ưu hiệu quả bởi họ cho rằng: Càng về khuya không gian càng yên tĩnh, học vào thời gian này dễ tiếp thu, nhớ bài mau hơn.
Nhưng bạn có biết “khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng là thời gian mà cơ thể tạo ra các chất tái sinh, nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt con người có giấc ngủ sâu và tốt nhất trong khoảng từ 11 đến 2 giờ sáng”? Nếu không ngủ đủ giấc hoặc tự đảo lộn đồng hồ sinh học, cơ thể bạn sẽ dần mất khả năng đề kháng. Theo các chuyên gia về sức khỏe thì thức khuya không chỉ có hại cho trí não mà còn có hại cho sức khỏe nói chung. Đó là lý do tại sao họ khuyên chúng ta nên dành 7 đến 8 tiếng cho giấc ngủ chính vào ban đêm.
Vì thế, việc học khuya khiến bạn khó tập trung vào việc học trên lớp vào
sáng hôm sau trong khi cơ thể bạn chưa kịp hoàn lại những năng lượng đã tiêu tốn từ ngày làm việc mệt mỏi hôm trước. Rất có thể bạn sẽ rơi vào trạng thái uể oải thiếu sinh khí, luôn lơ mơ buồn ngủ và tệ hại nhất là không thể tiếp thu bài giảng. Những gì bạn cố gắng học lại trở thành vô nghĩa. Thật thiếu khoa học! Bởi điều bạn cần là gia tăng trí nhớ chứ không phải nhồi nhét kiến thức vào đầu.
Hãy đồng hành cùng các chuyên gia với những lời khuyên đơn giản, khoa học và cực kỳ hiệu quả dưới đây cùng với các phương pháp rèn luyện để phù phép cho kiến thức “chui tọt” vào đầu.
CHƯƠNG 2. PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN TRÍ NHỚ
Trong phần này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn phương pháp rèn luyện
trí nhớ gồm 17 bước. Trừ hai bước đầu tiên và cuối cùng, các bước còn lại, bạn có thể tùy thích chọn lựa thứ tự sắp xếp phù hợp với bản thân. Chúng đều rất gần gũi và gắn liền với những hoạt động thường ngày của bạn. Nó không đòi hỏi những công cụ phức tạp mà chỉ cần bạn lồng ghép chúng vào các hoạt động học tập, công việc và cuộc sống. Nó đơn giản đến nỗi có thể khiến bạn thấy đơn điệu, nhưng đừng vì thế mà bỏ dở. Hãy kiên trì, tin tưởng và làm theo, những điều đơn giản này sẽ giúp bạn trở thành người có “trí nhớ siêu phàm”.
Bạn chỉ cần dành ra 10 phút mỗi ngày để luyện tập. 17 bước thần kỳ này sẽ dần trở thành một thói quen trong cuộc sống, giúp bạn xử lý thông tin nhanh
chóng.
Bạn đã sẵn sàng cùng chúng tôi bước vào hành trình luyện tập chính thức chưa? Bạn cảm thấy thế nào? Háo hức, hồi hộp? Điều này rất quan trọng, bởi chỉ có thích thú, háo hức, bạn mới có động lực để thay đổi bản thân. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi người, chúng ta sẽ tự xây dựng được một thời gian biểu luyện tập hợp lý. Tôi cho rằng việc dành khoảng 10 phút mỗi ngày để luyện tập chắc chắn không gây ảnh hưởng nhiều hay xáo trộn cuộc sống của bạn.
Bạn có thể luyện tập ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào, chỉ cần bạn tuân thủ đúng thời gian biểu mình đã đặt ra. Việc tuân theo thời gian biểu này cũng là một cách để nâng cao trí nhớ.
1. Sử dụng thường xuyên
Trước khi muốn nâng cao trí nhớ, bạn phải rèn luyện tính chuyên cần và kiên
trì. Những lời khuyên từ các chuyên gia tuy rất hay, bổ ích nhưng nếu bạn không vận dụng thường xuyên, những phương pháp này sẽ trở nên vô dụng đối với bạn.
Ông bà ta từng dạy “Dốt đến đâu, học lâu cũng biết”, dù không thông minh nhưng nếu bạn chăm chỉ học tập rèn luyện thì hoàn toàn có thể tiến bộ. Còn theo các nhà khoa học, khi lặp đi lặp lại một hành động nào đó từ 21 ngày trở lên, nó sẽ trở thành một thói quen. Và chính những hạt giống thói quen bạn gieo sẽ nảy mầm và mang lại trái ngọt tính cách – là thành công, sự thoải mái trong công việc, học tập và cuộc sống của chính bạn.
2. Khắc phục chứng hay quên Bạn muốn ghi nhớ nhưng lại hay quên.
Nhưng làm sao bạn biết mình quên những điều đã không nhớ trước đó. Cái bạn nhớ được chỉ là những thông tin được lưu giữ trong trí nhớ gần mà thôi. Chính vì vậy việc khắc phục chứng hay quên là bước tiên quyết trước khi sang những bước tập luyện tiếp theo.
Nguyên nhân chính của chứng hay quên
Quá trình ghi nhớ của con người giống như một chiếc máy quay phim. Chất lượng hình ảnh phụ thuộc phần lớn vào người cầm máy và các điều kiện ngoại cảnh. Thêm vào đó trong quá trình bảo quản, cuộn phim có thể bị trầy xước hoặc hư hại khiến thông tin chứa trong đó khó sử dụng được. Theo một hướng khác, bộ não chúng ta giống như một máy tính. Trong quá trình thu nhận thông tin mới, những thông tin cũ được đơn giản và tinh gọn
lại. Điều này khiến cho chất lượng của thông tin cũ bị ảnh hưởng. Nội dung thông tin vẫn còn đó nhưng các mảnh ghép của thông tin đã bị thất lạc khiến cho bộ não không thể tái cấu trúc lại thông tin.
Một nguyên nhân khác xuất phát từ việc biến dạng thông tin bộ nhớ bao gồm cả việc ghi nhận và truy xuất thông tin. Trong các quá trình này, trí não phát hiện một phần trong thông tin bị lỗi hoặc không chính xác. Sự phát hiện này khiến trí não từ chối truy xuất hoặc ghi nhận toàn bộ những thông tin đi kèm theo sau đó.
Việc phải tiếp nhận quá nhiều luồng thông tin trong thời gian ngắn cũng khiến bộ não bị quá tải cục bộ - giảm khả năng ghi nhớ.
Nó giống như việc bạn được yêu cầu học thuộc 100 từ tiếng Anh trong vài giờ. Bạn sẽ “tẩu hỏa nhập ma” với khối lượng kiến thức lớn buộc phải nhớ trong thời gian ngắn.
Nếu chúng ta vừa trải qua những việc đau buồn hoặc đang đối mặt với áp lực thì tinh thần sẽ căng thẳng, làm cho quá trình ghi nhận, lưu giữ thông tin bị giảm sút nghiêm trọng.
Bí quyết khắc phục
Cách thức đơn giản và hữu hiệu nhất để cải thiện chứng hay quên là ghi ra giấy.
Hãy ghi chú những điều bạn muốn nhớ ra giấy. Bạn cũng có thể ghi chú trên máy tính, điện thoại, thậm chí có thể ghi âm bằng giọng nói trên máy nghe nhạc.
Bạn có thể mang những ghi chú này đi bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Những
phương pháp ghi chú “công nghệ cao” là công cụ rất thuận lợi và hữu hiệu để “nhắc nhở” bạn khi cần.
Phương pháp ghi chú sẽ đạt hiệu quả cao khi bạn kết hợp với sự tưởng tượng. Các nghiên cứu cho thấy trí tưởng tượng và sự khôi hài giúp chúng ta cất giữ các thông tin quan trọng vào nơi chúng ta không bao giờ quên. Gắn một sự việc với một hoạt động thường xuyên cũng là một cách để ngăn chặn quên lãng.
Một phương pháp khác để “đối phó” với chứng hay quên là gắn thông tin cần nhớ với các gợi ý trực quan. Chúng càng trực quan sinh động bao nhiêu bạn càng dễ dàng ghi nhớ bấy nhiêu.
Ví dụ, thứ Hai tuần tới là sinh nhật của mẹ. Bạn dự định làm một món quà
thật ý nghĩa là một video clip tập hợp những bài hát và hình ảnh mẹ yêu thích. Việc đầu tiên bạn cần làm là thu thập các bài hát và hình ảnh. Tuy nhiên, với thời gian biểu bận rộn của mình, bạn có thể quên béng mất việc này. Hãy tạm thời thay bức ảnh bạn yêu thích thành bức ảnh mẹ bạn yêu thích và đặt chúng trên TV, kệ sách, hay bàn học để nhắc nhở trí nhớ của bạn. Để nhắc nhở thường xuyên, bạn có thể đặt một bức ảnh nhỏ trong cặp sách hay ba lô.
Hiệu quả hơn, bạn có thể để nó trong ví, cài bài hát mẹ bạn yêu thích làm nhạc chuông điện thoại. Chúng sẽ nhắc nhở bạn mỗi khi bạn rút ví ra trả tiền, hay nhận cuộc gọi đến.
Bạn cũng có thể ngăn chặn chứng hay quên bằng cách tập trung và âm thanh hóa thông tin cần nhớ. Hãy nói lớn những gì bạn muốn làm ngay tại thời điểm đấy.
Cũng theo các nghiên cứu, điều tra, lối sống khép kín ít chia sẻ, trò chuyện hoặc lười suy nghĩ sẽ khiến trí nhớ của chúng ta bị giảm sút nặng nề. Vì vậy tích cực tham gia thảo luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm, lối sống sẽ làm trí óc sắc sảo hơn và các kỹ năng của bạn cũng nhanh nhạy hơn.
Cách ghi nhớ tốt nhất là không chỉ nghĩ đến sự vật, sự kiện mà nên nghĩ đến tình huống dẫn tới chúng. Cụ thể hơn, nên nghĩ đến hành động của bạn trong tình huống đó.
Nhiều lần bạn cố gắng nhớ về việc mình làm trước khi tình huống này xảy ra. “Mình về nhà, lên phòng thay đồ rồi đi tắm,…” Đó là cách thức đúng
nhưng vẫn còn đơn giản. Bạn cần phải chi tiết hóa từng hành động trước đó. Càng chi tiết càng dễ nhớ lại những gì mình đã làm lúc ấy. Ví dụ trong trường hợp không thấy chùm chìa khóa, bạn hãy cố gắng nhớ lại chuyện gì đã xảy ra trước đó. Sáng nay bạn đi học muộn, vừa gửi xe bạn đã vội chạy lên lớp. Như vậy, rất có thể bạn đã quên không rút chìa khóa xe. Cũng có thể khi vội vã ngồi vào bàn lấy vở ghi chép, bạn bỏ nó vào cặp lúc nào không hay. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần tìm kỹ trong ba lô hoặc cặp sách.
Bí quyết khắc phục chứng hay quên trong thời gian thi cử Tính đãng trí đến vào đúng lúc ngồi phòng thi thì thật đáng tiếc. Bao công sức ôn luyện bỗng chốc tiêu tan. Khi rơi vào tình huống dở khóc dở cười này, bạn đừng quá lo lắng vì vẫn có cách để bạn xoay chuyển được tình thế. Điều quan trọng đầu tiên là bạn phải tự tin - tin rằng mình thành công. Hình dung sự thành công đó bằng những công việc, nhiệm vụ cụ thể bạn phải làm và cảm giác sung sướng khi vượt qua kỳ thi với điểm số hoàn hảo. Hãy hình dung tất cả những thông tin cần thiết đang được trải rộng ngay trước mắt. Bạn có thể cầm các đề mục, bài học, đưa chúng lên ngắm nhìn, đọc chúng một cách dễ dàng. Và trong thoáng chốc, tất cả những kiến thức đã học ùa về hỗ trợ bạn.
Nếu phát hiện căng thẳng, lo lắng đang tấn công trí óc, làm bạn không thể nhớ bất cứ thứ gì, bạn chỉ cần thả lỏng người và thư giãn.
Hãy hít thở thật sâu và nghĩ về điều tốt đẹp. Trước khi đối mặt với những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn như thi học kỳ, tốt nghiệp hay thi đại học,
những hình ảnh về cuộc sống tươi đẹp sẽ giúp bạn thư giãn để tập trung tốt hơn.
Nếu bạn cứ chìm trong nỗi sợ hãi, hậu quả kéo theo sẽ là những tiêu cực và hoảng loạn. Vậy thì bạn đừng cố gắng trốn tránh nó, hãy đánh lạc hướng nỗi sợ hãi hiện tại bằng cách tự tạo ra một nỗi sợ khác như bạn thấy cả một tòa nhà cao tầng đang đổ sụp lên đầu, máy bay rơi ngay bên cạnh. Nỗi sợ hãi ban đầu của bạn sẽ sớm kết thúc và bạn lại có thể áp dụng cách thức thư giãn.
Còn một giải pháp khác cho bạn là hình dung một cái gì đó trở nên cực kỳ
ngộ nghĩnh. Hãy hài hước hóa những sự vật, hiện tượng ngay trong tầm mắt bạn. Bởi chúng là một trong những tác nhân khiến bạn căng thẳng, lo sợ.
Bạn có thể biến thầy giám thị nghiêm nghị trở thành ông địa bụng phệ đang phe phẩy quạt, tưởng tượng những thí sinh xung quanh là những tiểu đồng tóc để chỏm trái đào.
Những giải pháp này sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng và kiểm soát tinh thần. Khi cảm giác thoải mái thư giãn và tập trung tới thì những kiến thức cũng sẽ tự nhiên hiện ra.
Điều quan trọng cuối cùng là hãy để tinh thần bạn luôn thoải mái, đừng tạo áp lực cho bản thân. Nếu bạn mắc phải chứng hay quên thì cũng đừng buồn rầu nản chí mà hãy chăm chỉ luyện tập.
Hàng ngày hãy thực hành nhớ những điều đơn giản, bất cứ sự vật, hiện tượng nào đến với bạn. Có thể chỉ là nhớ thực đơn trong bữa điểm tâm, nhớ cảm giác đạt điểm cao lần gần đây nhất hoặc những ký ức tốt đẹp sâu đậm. Những thực hành đơn giản này sẽ giúp bôi trơn các đường dẫn hồi phục trí nhớ. Không chỉ vậy, nó còn giúp trí óc bạn hoạt động nhanh nhạy hơn, ghi nhớ dễ dàng hơn.
Trong phần tiếp theo, tôi sẽ đưa ra những giải pháp giúp bạn tập trung, một trong những rắc rối lớn của nhiều bạn học sinh sinh viên.
3. Chú tâm
Chú tâm (attend) là một thành tố quan trọng của trí nhớ. Chú tâm bao gồm
Thái độ (Attitude) – Cố gắng (Try) – Theo dõi, tìm kiếm (Track) – Cảm xúc (Emotion) – Thú vị, hấp dẫn (Nice) – Mục đích (Destination). Có thể nói, chú tâm là sự tập trung cao độ vào một sự vật, sự việc hay hiện tượng nào đó.
Chú tâm là dạng cao hơn, phức tạp hơn so với nhận thức. Bạn có thể nhận thức về sự hiện diện của một người trong phòng nhưng phải chú tâm mới quan sát hết được những sự thay đổi trong phong cách làm việc của người
đó. Hoặc bạn nhận thức về sự tồn tại của cuốn sách nhưng phải chú tâm đọc mới biết được cuốn sách đó có nội dung thế nào.
Như đã phân tích trong phần trước, một trong những nguyên nhân chính khiến cho trí nhớ của chúng ta trở nên nghèo nàn chính là tập trung kém. Khi
mất tập trung, trí não của bạn hầu như không thể thu nhận hay nhớ được bất cứ thông tin nào.
Hiện tượng này giống như việc bạn đang nghe thầy giáo hướng dẫn đề cương cuối kỳ nhưng tâm trí lại mơ tưởng về buổi tiệc sinh nhật cuối tuần. Đương nhiên kiến thức của thầy cô lọt tai này và ra khỏi tai kia của bạn ngay lập tức.
Thực tế, trí não của chúng ta không có khả năng lưu trữ thông tin không được nhận thức. Có nghĩa là khi không thu nhận đủ dữ liệu để tạo thành ý thức về sự vật hiện tượng, bạn sẽ không có động lực để nỗ lực ghi nhớ. Cho nên muốn ý thức và ghi nhớ được sự vật hiện tượng, bạn phải chú tâm. Có hai dạng chú tâm chính: tự nguyện và không tự nguyện.
Chú tâm tự nguyện xuất phát từ sự quan tâm vốn có hoặc được gắn liền với sự vật hiện tượng. Bạn không mất nhiều công sức làm việc này. Nó xuất phát từ những cảm xúc tự nhiên trong trí não. Nếu yêu thích âm nhạc, bạn sẽ dễ dàng chú tâm hay say sưa với những lời ca trong các bản nhạc bạn được nghe.
Ngược lại, chú tâm không tự nguyện là dạng chú tâm được áp dụng với
những sự vật hiện tượng mà bạn không thấy thú vị. Chúng đòi hỏi bạn phải đầu tư nhiều nỗ lực mới có thể đạt được mục đích. Nếu môn Lịch sử không phải “gu” của mình, bạn sẽ phải nỗ lực hơn nhiều để có thể nhớ được những
sự kiện, nhân vật hay các con số thống kê. Nếu bóng đá không phải sở trường của bạn, thì việc ai đó thách đố bạn về các trận đấu hay các cầu thủ nổi tiếng sẽ khiến bạn tốn khá nhiều “chất xám” đấy.
Như vậy, chú tâm không tự nguyện là dạng chú tâm “ép buộc”. Nhưng để gia tăng trí nhớ của mình, bạn nên toàn tâm toàn ý tập trung phát triển kỹ năng “ép buộc” này. Sau khi luyện tập, bạn sẽ nhớ mọi thứ dễ dàng hơn và sẽ vô cùng ngạc nhiên trước khả năng “nuốt trôi” những thông tin tưởng “khó xơi” trước đây.
Những cách thức dưới đây sẽ đưa bạn đi sâu vào quá trình gia tăng kỹ năng
chú tâm không tự nguyện và chắc chắn bạn sẽ thấy chúng không còn là những “ép buộc” đáng ghét nữa.
Loại bỏ những tác nhân gây xao lãng
Muốn gia tăng kỹ năng chú tâm không tự nguyện, trước hết bạn cần phải loại bỏ những tác nhân gây xao lãng. Vậy những tác nhân này là gì và làm sao để chúng ta có thể loại bỏ chúng một cách hiệu quả?
Phiền nhiễu hay các yếu tố gây xao lãng là các tác nhân tồn tại rất nhiều xung quanh chúng ta. Khi cuộc sống con người ngày càng đầy đủ, sung túc thì những yếu tố gây xao lãng sẽ càng gia tăng. Đó có thể là những chương trình ca nhạc, phim ảnh, âm thanh của các phương tiện giao thông hay thậm chí là một mùi hương thoảng qua.
Khôi đang kiểm tra lại bài vở để chuẩn bị cho buổi thi cuối kỳ vào tuần sau, thế nhưng âm thanh của bộ phim hấp dẫn đang trình chiếu trên TV văng vẳng bên tai. Không những thế, mùi thơm của món mực nướng từ dưới bếp bay lên khiến cậu mất hết cả tập trung. Lúc này Khôi không còn “hơi sức” đâu mà tập trung vào các con số. Trong đầu cậu chỉ toàn những cảnh quay sôi động và món mực nướng thơm lừng. Bạn đã bao giờ trải qua hoàn cảnh như Khôi – mất hết tập trung như thế?
Vậy làm sao để giảm thiểu và ngăn chặn điều này?
Trước tiên, hãy cố gắng tránh tất cả những yếu tố gây xao lãng “hấp dẫn” như Internet, chương trình TV, radio hoặc những câu chuyện phiếm. Bạn cần tìm một nơi yên tĩnh để hết sức chú tâm vào môn học. Bạn cũng nên để điện thoại ở chế độ rung, tắt hẳn máy vi tính hoặc rời càng xa chúng càng tốt.
Trong trường hợp bắt buộc phải làm việc trên máy tính, hãy ngắt kết nối mạng Internet hoặc dán dòng chữ: “Không vào mạng, không chơi game” phía trên màn hình máy tính. Chúng sẽ cảnh báo bạn mỗi khi bạn có dấu hiệu bị cám dỗ.
Nếu có phòng riêng, bạn nên đóng cửa lại và treo một tấm biển “Đang học bài – Xin đừng làm phiền” ở phía ngoài. Bạn phải luôn nhớ rằng “càng ít tác nhân cám dỗ, phiền nhiễu, càng ít bị phân tâm.”
Học cách điều khiển sự tập trung
Đôi khi bạn gặp phải những tình huống bất ngờ, cần chuyển hướng sự tập trung kịp thời vào thông tin, sự việc mới. Việc bạn phải làm là điều khiển sự tập trung để thu nhận đầy đủ thông tin mới.
Bạn cần nhận thức được tầm quan trọng của thông tin cắt ngang và quyết định tạm gác lại thông tin hiện tại để ưu tiên tập trung vào chúng. Ví như khi bạn đang tập trung cao độ giải một bài toán khó thì có thông báo lịch thi học kỳ. Nếu bạn tiếp tục chú tâm vào bài toán mình thì sẽ bỏ lỡ mất thông tin về lịch thi. Dĩ nhiên, sau đó bạn sẽ gặp rắc rối với thông tin về địa điểm, thời gian diễn ra các môn thi.
Bởi thế bạn cần thay đổi sự chú tâm. Hãy tạm thời dừng dòng suy nghĩ dành cho bài văn để chuyển sang nghe ngóng thông báo về lịch thi học kỳ. Chỉ khi nào hoàn toàn chú tâm, bạn mới có thể nhớ đầy đủ các chi tiết trong thông báo đó. Nhưng đừng quên rằng bạn cần nhanh chóng tập trung trở lại vào bài toán. Bạn nên ghi chú để lưu lại các thông tin mới vừa thu nhận được. Bạn sẽ không bị phân tâm khi vừa phải suy nghĩ bài toán vừa phải
canh cánh về lịch thi. Để rõ hơn về kỹ thuật ghi chú, bạn có thể theo dõi trong phần sau của cuốn sách.
Tìm kiếm điểm hấp dẫn của những thứ cần nhớ
Nhiều lúc bạn tự hỏi: Tại sao bạn đã cố gắng hết sức nhưng thông tin vẫn không “đi” vào bộ nhớ của mình.
Thực tế, ít quan tâm hay không hứng thú với thông tin có lẽ là nguyên nhân
phổ biến nhất của việc chú tâm kém. Khi đam mê, yêu thích một điều gì đó, bạn sẽ dễ tìm thấy sự hấp dẫn và cuốn hút ở nó. Nhưng có những thứ bạn không tài nào hứng thú nổi.
Vậy phải làm sao để chuyển những điều không hấp dẫn thành hấp dẫn? Hãy đào sâu gì bên trong mỗi sự vật hiện tượng. Bạn sẽ thấy bên trong cái vẻ “xù xì” xấu xí không ưa của chúng là những điều hấp dẫn lý thú đang chờ bạn khám phá.
Khi gặp một vấn đề khó, thay vì “tấn công” trực diện, bạn nên đi từ dễ đến khó, từ những phần bạn thích thú đến phần “đáng ghét”. Đồng thời cân nhắc về lợi ích của nó.
Bạn phải học về Lịch sử thế giới (với bạn nó chính là môn học “ru ngủ”) trong khi không có chút hứng thú nào. Thay vì miễn cưỡng “đối đầu” với nó, bạn nên bằng lòng chọn con đường vòng. Thử tìm xem liệu có phần nào bạn làm thấy thích thú không?
Nếu yêu thích âm nhạc, bạn có thể đọc về tiểu sử các nhà soạn nhạc thiên tài, bạn sẽ ngạc nhiên và thán phục khi biết rằng nhạc sĩ Beethoven bị điếc hai tai mà vẫn viết nên Bản Giao hưởng Số 8, Bản Giao hưởng Số 9, Bản Lễ ca, những sonata cuối cùng: Liên tấu cho đàn piano và Tứ tấu - những tác phẩm vĩ đại nhất của ông.
Nếu bạn tìm hiểu lịch sử bóng đá thế giới, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ với thông tin thú vị: Chiếc còi được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1878 trong trận đấu giữa Nottingham Forest và Sheffield Norfolk. Thẻ vàng, thẻ đỏ được sử dụng lần đầu tiên tại Giải vô địch bóng đá thế giới năm 1970 sau vụ náo động tại trận đấu giữa Argentina và Anh tại Giải vô địch bóng đá thế giới 1966, v.v…
Sau những khám phá mới mẻ ấy, bạn sẽ cảm thấy lịch sử thời trung – cận đại không khô khan như bạn nghĩ và bắt đầu cảm thấy hứng thú với nó. Thậm chí bạn muốn quay trở lại phần lịch sử cổ đại để tìm hiểu xem thời đó chơi thể thao hay trình diễn âm nhạc như thế nào. Bạn sẽ có thiện cảm với môn học này lúc nào không hay đấy.
Bạn đừng chỉ dựa vào tiêu chí thích thú để chọn nội dung học. Hãy xác định mục đích và tìm tòi lợi ích của môn học, tôi tin rằng bạn sẽ có động lực học tập mạnh mẽ hơn nhiều.
Nếu như bạn cảm thấy “đuối sức” với môn Văn học cũng đừng đánh mất ước mơ viết được những tác phẩm trứ danh, được dịch ra hàng chục thứ tiếng, sau đó được dựng thành phim và được nhiều người ngưỡng mộ trong tương lai không xa.
Có lẽ không ít lần bạn chán ngán với những con số, những phép tính vô vị của môn Toán? Vậy làm sao bạn có thể tiếp tục học nó? Hãy nghĩ rằng các công thức đó sẽ giúp bạn giải được những bài toán kinh tế hóc búa. Sau này, bạn có thể trở thành nhà đầu tư tài ba và thông minh trong giới doanh nhân. Bằng cách tìm kiếm những điểm hấp dẫn và lợi ích của các thông tin, bạn sẽ
ghi nhớ chúng dễ dàng hơn.
Có thể khi mới bắt đầu, bạn cảm thấy khó khăn, nhàm chán, thậm chí mệt mỏi. Nhưng đừng bỏ cuộc! Hãy bắt đầu từng bước và tin tưởng rằng bất kể điều gì cũng có sự thú vị riêng. Chỉ cần bạn tỉ mỉ quan sát, dừng lại đánh giá cảm xúc và trí óc của bản thân theo từng giai đoạn, tôi tin rằng bạn sẽ thấy điều tưởng như không hấp dẫn cũng có những thú vị riêng. Cuộc sống này có vô vàn điều thú vị, hãy tìm tòi để phát hiện ra những vẻ đẹp lung linh ẩn đằng sau nét thô ráp của chúng.
Kiểm soát sự đấu tranh nội tâm
Có một nguyên do khác khiến bạn không thể tập trung vào thông tin cần ghi nhớ: rất có thể tâm trí bạn đang bị một suy nghĩ khác “quấy rầy” hoặc chi phối. Nó lôi kéo, làm phiền, thậm chí phá rối, ngăn cản bạn tiếp cận thông tin cần nhớ.
Nam đang cố gắng chăm chú nghe cô giáo giảng bài môn Hóa, nhưng trong đầu cậu, bài tập Vật lý học thêm chiều nay mà cậu chưa kịp làm đã choán hết tâm trí. Không những thế, cơn đói cồn cào vào tiết cuối khiến cậu không thể không nghĩ đến các món ăn, băn khoăn không biết trưa nay mẹ sẽ nấu món gì. Đầu óc tràn ngập những suy nghĩ không đúng giờ đúng việc như thế, Nam không tài nào tập trung vào bài giảng trên lớp được.
Một khi bị phân tán tư tưởng bởi sự tranh chấp giữa các ý nghĩ, cách tốt nhất là tạm thời đưa chúng ra khỏi đầu bằng phương pháp “chia để trị”. Nam đã viết suy nghĩ của mình ra giấy để xem xét từng việc và dần dần kiểm soát được suy nghĩ và sự xao lãng của mình. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng
phương pháp này đối với bản thân, hãy dành thời gian lên lịch cho quá trình giải quyết từng việc hay lập trình cho trí óc mình chú tâm vào mỗi công việc trong từng thời gian nhất định.
Bằng cách này, đầu óc bạn sẽ được giải thoát khỏi sự tranh chấp của các ý nghĩ và rảnh rang dồn sự chú tâm vào vấn đề cần tập trung ngay lập tức.
Bài tập
Dưới đây là một số bài tập ngắn giúp bạn rèn luyện khả năng chú tâm của mình. Hãy thực hiện mỗi yêu cầu sau với thời gian tối đa 2 phút. 1. Nhà Mai có 5 người con, chị cả tên là Hai, chị hai tên là Ba, thằng tư tên là Năm, thằng năm tên là Sáu. Hỏi Mai là con thứ mấy trong nhà? 2. Xe khách Bắc Nam khởi hành từ Sài Gòn lúc 10h với 10 hành khách trên xe. Đến 11h bạn bán vé cho thêm 5 người nữa. 11h30 có 2 người xuống xe. 11h45 thêm 7 người lên xe. 13h30 đến Bình Thuận có 10 người lên. 14h đến Mũi Né, 5 người xuống xe. 17h đến Nha Trang có 15 người lên xe. 21h, tại Diêu Trì có 5 người xuống, 7 người lên. Đến Quảng Nam lúc 6h, có 25 người xuống, 20 người lên. Hỏi xe dừng đón khách tại bao nhiêu trạm? 3. Hãy mở tivi vừa đủ nghe, mở radio bên cạnh, đồng thời đặt một cuốn sổ ghi chú và một cuốn sách. Ghi lại những gì tivi đang đề cập, radio đang phát và thông tin cuốn sách đang đọc.
4. Xem các đoạn quảng cáo, bộ phim rồi tìm những chi tiết vô lý trong đó (chắc chắn bạn sẽ tìm ra khá nhiều chi tiết không hợp lý.)
5. Tàu điện đi với vận tốc 100km/giờ, vận tốc gió là 2km/giờ. Hỏi khói của
tàu điện bay theo hướng nào?
6. Ngồi vào bàn học liệt kê ra giấy những vật dụng có trong nhà bếp. Sau đó vào nhà bếp quan sát những vật dụng còn thiếu. Quay trở lại ghi vào một mảnh giấy khác. Đem so sánh hai mảnh giấy và các đồ vật có trong nhà bếp. Có thể sẽ có sự trùng lặp giữa hai mảnh giấy và một số đồ vật chưa được nhận biết (ví dụ: dao mở hộp,…).
7. Thử vẽ ra giấy những biểu tượng, logo hay thông tin mà bạn thường xuyên tiếp xúc hàng ngày (logo của các hãng nước ngọt, hàng tiêu dùng v.v… hay địa chỉ ngôi trường bạn đang theo học.)
4. Lặp lại
Mưa dầm thấm lâu
Lặp lại là quá trình nhắc đi nhắc lại thông tin mà chúng ta muốn nhớ. Sử dụng phương pháp này tuy đơn giản nhưng lại có sức mạnh to lớn. Đây là cách thức hiệu quả nhất để giúp chúng ta ghi nhớ các thông tin trong cuộc sống.
Bạn mới làm quen với môn Hóa và phải nhớ hằng số Avogadro hay số 6,022x1023. Để ghi nhớ, bạn sẽ lặp lại 6,022x1023; 6,022x1023; 6,022x1023 nhiều lần trong đầu, thì thầm khi làm bài tập, thậm chí nói to khi học thuộc các công thức, định lý cho đến khi nó tự động xuất hiện trong đầu
mỗi khi bạn cần. Đó là bản chất của sự lặp lại.
Trong học tập, chúng ta sử dụng phương thức này dưới nhiều dạng khác nhau. Đó có thể là lúc bạn ngồi “ôm” sách vở học thuộc các sự kiện lịch sử; nhẩm đi nhẩm lại bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, các công thức toán học, vật lý, hóa học...; luyện tập nhiều lần cùng một dạng bài. Vậy làm sao chúng ta có thể tận dụng tối đa phương pháp này đối với việc ghi nhớ? Trước tiên, nếu muốn ghi nhớ bài giảng, ta nên ghi chú đầy đủ thông tin. Đây là lần lặp lại đầu tiên. Ngay sau buổi học hoặc thời điểm thuận tiện gần nhất, ta xem lại, chỉnh sửa, bổ sung cho phần ghi chú bài giảng của mình nếu cần thiết. Đây là sự lặp lại lần thứ hai. Lần lặp lại này sẽ giúp chúng ta có được sự chú tâm đầy đủ vào những thông tin mình đã ghi lại, từ đó liên kết chúng với những thông tin trước đó và thường xuyên xem lại chúng để củng cố vững chắc hơn kiến thức của mình theo thời gian. Nếu cảm thấy không an tâm, chúng ta có thể truy bài cùng bạn bè trước mỗi kỳ thi. Hãy lặp lại bất kỳ kiến thức quan trọng nào.
Lan – một sinh viên xuất sắc là một ví dụ. Vốn là người rất chăm chỉ, cô sử dụng phương pháp lặp lại này trong suốt quá trình học tập của mình. Sau giờ học, Lan thường sắp xếp thời gian rảnh để bố trí lại những bài giảng của thầy cô theo cách riêng của mình. Lan tạo ra bài học theo phong cách cá nhân khiến chúng trở nên khoa học, dễ nhớ và dễ học hơn.
Ngoài ra, để củng cố và gia tăng khả năng lưu trữ thông tin trong bộ nhớ, bạn nên kết hợp các hình thức lặp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Ví dụ, đối với việc học từ mới trong môn Ngoại ngữ, chúng ta thường quen với việc thầy
cô đọc trước, các trò lặp lại theo sau. Mỗi lần như vậy, bạn nên cố gắng vừa đọc theo thầy cô vừa ghi ra giấy và lặp lại nhiều lần. Sau đó, xem lại một lần nữa những gì bạn đã ghi. Như vậy bạn đã thực hiện được ba lần lặp. Tiếp tục đọc nó một vài lần nữa, viết ra giấy phiên âm và cách viết của từ. Đừng quên giới hạn số lượng từ bạn cần nhớ trong một ngày và nhớ lại những từ, cụm từ hôm trước đã học.
Để tăng thêm hiệu quả ghi nhớ, bạn nên đưa chúng vào ngữ cảnh phù hợp. Hình ảnh càng cụ thể, ta càng nhớ nhanh. “Gatto” trong tiếng Italia nghĩa là con mèo. Bạn có thể nói: “Tôi đang xem phim trong phòng thì thấy tiếng động, hóa ra con mèo “gatto” nhà tôi đang ăn vụng chiếc bánh ga-tô trên bàn bếp.”
Đơn giản nhưng mạnh mẽ, hãy lặp lại hoạt động phù hợp với cách trí não con người xử lý dữ liệu. Thông tin được hiển thị càng nhiều, trí não bạn càng dễ dàng phát hiện ra những điểm quan trọng trong đó. Phát hiện càng nhiều điểm quan trọng, trí não bạn sẽ càng chú tâm lưu giữ nó. Quá trình này diễn ra một cách tự nhiên. Bạn không thể tác động vào thông tin mà chỉ có thể lặp lại các thông tin đó một cách tích cực mà thôi, vì thế đừng quên bổ sung cách thức này vào trong bộ công cụ ghi nhớ của bạn nhé.
Nhớ những cụm từ tăng dần theo độ dài
Trước đây, đối với Minh, Văn học là môn rất “khoai”. Không chỉ vì cậu thiếu cảm xúc mà cậu còn gặp khó khăn khi nhớ các bài thơ, những trích đoạn hấp dẫn từ các truyện ngắn hay tiểu thuyết. Minh nhận ra nếu không cố gắng, mình có thể bị thi trượt. Cậu quyết tâm luyện tập theo những lời
khuyên và tư vấn từ bạn bè và thầy cô.
Trước tiên, cậu bắt đầu đọc những đoạn có độ dài vừa phải một vài lần để trí não nhận biết thông tin. Sau đó, Minh ráp nối những đoạn nhỏ lại với nhau thành những đoạn lớn hơn và cứ thế cho đến khi nhớ được cả bài. Dần dần, cậu hình thành được thói quen nhớ lâu hơn, và thấy môn Văn không còn là một “cực hình” như trước đây nữa.
Lặp lại là một phương pháp tối ưu. Tuy nhiên, số lần lặp lại để ghi nhớ cũng phụ thuộc vào mức độ phức tạp của thông tin. Để ghi nhớ một số đơn giản như giá trị của số ”pi” chính xác với hai số thập phân: 3,14, bạn có thể chỉ cần vài lần lặp lại 3,14. Cũng số “pi” đó nhưng với giá trị chính xác đến 20 số thập phân như 3,14159265358979323846 thì phải lặp lại nhiều hơn với độ dài tăng dần. Đối với các trường hợp thế này, bạn cần lặp lại nhiều lần trong ngày, thậm chí bạn nên đầu tư thời gian ôn luyện đến khi nhớ hết chúng. Học hỏi kỹ năng thực tế bằng cách lặp lại
Ông bà ta thường có câu “Học đi đôi với hành”, càng thực hành nhiều, bạn càng ghi nhớ sâu những kỹ năng mới. Bạn bỏ ra hàng giờ đồng hồ vẽ đi vẽ lại sơ đồ mạch điện môn Kỹ thuật, em trai của bạn dành cả kỳ nghỉ hè để tập chơi bóng hay nhóc tì nhà hàng xóm chiều nào cũng mang xe đạp ra sân khu tập thể tập đi...
Thực tế, phương pháp lặp lại không chỉ giúp chúng ta ghi nhớ thông tin, ý
tưởng mà còn rất hữu ích trong quá trình học hỏi các kỹ năng thực tế. Bạn nhớ mình bắt đầu tập đi xe máy như thế nào chứ? Đầu tiên, bạn được hướng dẫn bằng lý thuyết từ các bước kiểm tra phanh tay, phanh chân, đèn xi nhan, pha, kính chiếu hậu, còi, xăm lốp trước khi ngồi lên xe nổ máy. Nhưng chỉ đến khi cảm giác đạp chân thắng, tay phải vừa kéo ga vừa điều khiển tay lái hay vừa xi nhan vừa kéo còi và điều khiển hướng xe,… mới khiến bạn cảm thấy thực sự khó khăn và gượng gạo. “Trăm hay không bằng tay quen”, chỉ cần bạn thường xuyên luyện tập, những cảm giác trên dần trở nên quen thuộc hơn và trở thành một phản xạ tự nhiên của bạn.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn lao vào luyện tập. Cũng giống như trí nhớ, các giác quan của bạn sẽ không thể tiếp nhận nhiều thông tin cùng lúc. Bạn có thể rã rời và căng thẳng nếu vừa học đá bóng, bóng rổ, vừa học lái xe,… trong một khoảng thời gian ngắn. Chúng sẽ khiến bạn rối bạn và chắc
chắn không thể tiếp nhận được hết những thông tin quan trọng. Vì vậy, bạn cần dành thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi giữa các hoạt động.
5. Nhớ tích cực
Có một câu chuyện kể rằng:
Có hai chú ếch chẳng may rơi vào thùng pho-mát. Cả hai cố sức tìm cách thoát ra. Sau một hồi loay hoay tìm cách cứu thân, ếch xanh nản lòng, buồn bã: “Chúng ta đành chịu chết ếch hoa ơi! Thùng cao thế này làm sao thoát được.” Nói xong ếch xanh buông chân tay từ từ chìm xuống. Mặc dù rất mệt nhưng ếch hoa vẫn cố sức quẫy đạp vì chú tin rằng mình sẽ thoát ra. Thùng pho-mát dưới sự quẫy đạp của ếch hoa từ từ đông đặc lại. Chớp lấy cơ hội, ếch hoa dùng hết sức nhảy lên và thoát ra được. Ếch hoa, dù trong hoàn cảnh đối mặt với cái chết vẫn tin rằng mình sẽ thoát ra được. Chính niềm tin đã tạo động lực giúp ếch hoa thoát chết. Chúng ta học được gì từ bài học về hai chú ếch với vấn đề trí nhớ? Câu chuyện cho ta biết rằng nếu bạn giới hạn niềm tin của mình trong vũng
lầy tâm tưởng, với suy nghĩ rằng “trí nhớ của tôi kém lắm” hay “mình chẳng thể nhớ nổi điều gì” thì bạn sẽ biến điều tưởng tượng ấy thành hiện thực. Niềm tin ấy sẽ ngăn cản, quấy rầy mỗi khi bạn cố gắng ghi nhớ, học hỏi điều gì. Mỗi khi học hỏi một điều mới, những suy nghĩ tiêu cực lại chạy đến lôi kéo bạn: “Mình chẳng nhớ được đâu mà, có học cũng vô ích. Tốt nhất là thôi kệ.” Nó khiến bạn nản chí không muốn thu nhận bất cứ điều gì. Và quan trọng nhất, nó sẽ ngấm ngầm đục khoét, phá hoại những nỗ lực của bạn trong việc tìm hiểu và ứng dụng những kỹ năng trong cuốn sách này. Chính vì vậy, muốn gia tăng trí nhớ của mình, bạn phải có niềm tin. Tin vào một trí nhớ siêu phàm. Bạn phải thay đổi suy nghĩ từ “trí nhớ của tôi kém lắm” thành “trí nhớ của mình đâu thua gì Eran Katz”, từ “mình chẳng thể nhớ nổi điều gì” thành “chuyện nhỏ! Cái này chắc mất vài giây thôi.” Với suy nghĩ tích cực như vậy, trí não của bạn sẽ thôi tự hủy hoại và quay trở lại công việc của mình. Bạn sẽ dần lấy lại ”phong độ”. Một trí nhớ tuyệt vời sẽ thuộc về bạn.
Lạc quan và tin tưởng vào trí nhớ của mình
1. “Mình học giỏi gần bằng bạn ấy.”
2. “Mình không học giỏi bằng bạn ấy.”
Nếu lựa chọn một trong hai câu trên, bạn sẽ lựa chọn câu nào: (1) hay (2)? Để thay đổi niềm tin theo hướng lạc quan, bạn nên dùng những từ, cụm từ, hình ảnh mang tính khẳng định. Chúng sẽ giúp bạn củng cố sự tự tin, lạc quan của mình. Mỗi khi sử dụng chúng, niềm tin của bạn được mài giũa, củng cố và gia tăng sự sắc bén. Chúng cung cấp cho bạn sức mạnh để ghi
nhớ tốt sự vật hiện tượng, hạn chế đến mức tối thiểu những tác nhân quấy rối niềm tin.
Tuy có sức mạnh lớn lao nhưng niềm tin không đòi hỏi bạn phải nỗ lực quá nhiều. Hãy tạo ra các từ, hình ảnh rõ ràng về thông tin mà bạn muốn ghi nhớ và khẳng định lại điều này nhiều lần đến khi bạn tin tưởng. Để giúp gia tăng
trí nhớ của mình một cách hoàn chỉnh, 10 gợi ý dưới đây bạn nên nghĩ đến trong đầu:
1. Mình có một trí nhớ tuyệt vời.
2. Mình có thể nhớ bất cứ thứ gì mình thấy.
3. Mọi nơi, mọi lúc trí nhớ mình luôn tăng lên.
4. Mình nhớ tên, khuôn mặt, địa điểm, sự kiện, ngày tháng… một cách dễ dàng và hiệu quả.
5. Mình có thể nhớ thông tin nhanh chóng.
6. Đầu óc mình dễ dàng chỉnh sửa các thông tin đã ghi nhớ nếu cần. 7. Trí nhớ cung cấp cho mình tất cả thông tin mình cần.
8. Mình nhớ ngay lập tức những thông tin quan trọng.
9. Mình luôn trả lời được mọi câu hỏi khi cần.
10. Trước đây, bây giờ, sau này, trí nhớ của mình luôn luôn tốt. Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực
Suy nghĩ tiêu cực là kẻ phá hoại số một ngăn cản bạn đến với tư duy tích cực. Nhưng nó không hoàn toàn xấu. Chúng giúp chúng ta phân tích sự vật hiện tượng dưới nhiều góc độ khác nhau, nhờ đó ta đưa ra được các giải pháp tốt nhất.
Tuy nhiên, sự nguy hại của suy nghĩ tiêu cực chính là nỗi day dứt phiền muộn. Nó tạo áp lực lên tâm lý và khiến bạn không còn sức lực để tiếp nhận những thông tin mới. Vì thế, việc loại bỏ hoặc hạn chế những suy nghĩ tiêu cực là một việc làm vô cùng cần thiết.
Vì thế, bạn phải nhận thức được chúng để loại bỏ chúng khỏi tâm trí mình. Bằng cách nào? Nếu bạn cảm thấy bồn chồn, lo lắng trước một việc nào đó, hãy tìm hiểu về nguyên nhân của sự lo lắng đó. Bạn lo lắng “liệu đề thi năm nay có khó không”, “lỡ mình trượt thì sao”… Những suy nghĩ tiêu cực ấy sẽ “ngốn” toàn bộ thời gian và công sức của bạn. Bạn không thể học hành, ôn luyện tốt vì đầu óc cứ nghĩ đến chuyện “đề thi khó” hay “lỡ như bị trượt”. Mỗi lúc như vậy, bạn hãy mỉm cười và tự nhủ: “Mình sẽ nhớ được tất cả. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi.” Điều này sẽ giúp bạn đối mặt và giảm thiểu những suy nghĩ tiêu cực.
Một khi ý thức được những suy nghĩ tiêu cực, bạn càng dễ đánh bại chúng. Càng nhận biết nhanh nguồn gốc của các cảm giác, bạn càng nhanh chóng thay thế được những suy nghĩ tiêu cực này bằng những suy nghĩ tích cực hơn.
Gia tăng trí nhớ tại những khu vực đặc biệt
Trí não con người là một dạng phức tạp. Có người nhớ tốt ở lĩnh vực này nhưng lại khá kém ở lĩnh vực khác. Bạn có thể ghi nhớ rất tốt các bài hát, giai điệu, âm thanh nhưng lại không thể nhớ nổi công thức Toán học nào đó. Hoặc bạn có thể nhớ rõ các chi tiết trong bộ phim mới trình chiếu trên tivi nhưng bạn “chẳng hiểu sao” cuốn sổ mình mới để đây giờ đi đâu mất.
Mỗi người có một khu vực ghi nhớ đặc biệt khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải biết khai thác và đầu tư khu vực đặc biệt ấy để thu lợi nhiều nhất.
Để làm được điều đó, bạn có thể tập trung tư duy tích cực vào những lĩnh vực cụ thể thường gây khó khăn nhất cho mình. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc nhớ các công thức Toán, hãy sáng tác những câu thơ vần vè dễ hiểu có nhắc đến các công thức đó. Nếu bạn quên nơi để các đồ vật, hãy giữ bên mình một quyển sổ nhỏ có ghi lại vị trí, nơi lưu trữ đồ vật. Khi nào quên, bạn lại giở sổ ra để nhắc nhở mình. Tùy từng trường hợp mà bạn có cách cải thiện trí nhớ riêng.
Bài tập
A. Nếu trí não bạn đang bị quấy rầy bởi những suy nghĩ tiêu cực thì nó sẽ không dễ dàng chấp nhận 10 gợi ý trên. Vì vậy đừng vội ép buộc bản thân thay đổi nhanh chóng.
Hãy thư giãn, để trí óc bạn trở về trạng thái “trời yên bể lặng”. Thư giãn sẽ giúp loại bỏ những tác nhân cản trở bạn tiếp nhận cái mới. Theo đó những thông tin mới nhẹ nhàng đi vào và lưu giữ trong bộ não lúc nào không hay.
Để đưa tâm trí trở về trạng thái tĩnh lặng, hãy từ từ nhắm mắt lại, nhẹ nhàng ngừng suy nghĩ về hiện tại, để trí não trống rỗng hoặc tưởng tượng bạn đang nằm trên đồng cỏ xanh rờn… Giờ hãy hít vào thật sâu, giữ yên trong 10 giây
rồi từ từ thở ra, đồng thời nói “thư giãn”. Lặp lại cho đến khi tâm trí bạn bình lặng. Bây giờ, hãy nghĩ đến 10 gợi ý ở trên và lặp lại chúng cho đến khi trí não bạn chấp nhận chúng. Từ từ mở mắt ra và quay về thực tại. Với cách này, bạn sẽ thay đổi triệt để niềm tin của mình.
Tiếp tục bài tập này ít nhất mỗi ngày một lần trong 60 ngày liên tiếp. Thời gian tốt nhất để luyện tập là sáng sớm. Bạn có thể kết hợp nó với bài tập thể dục của mình. Sáng sớm là khoảng thời gian trí não bạn được làm mới. Bạn sẽ dễ dàng tập trung tinh thần, loại bỏ các tác nhân quấy rối để hoàn thành bài tập.
B. Sự lạc quan và niềm tin mạnh mẽ là nguồn sống cho trí nhớ. Chúng giúp bạn luôn yêu đời, tiếp nhận thông tin nhanh chóng, dễ dàng. Hãy tạo ra cho mình niềm tin vào công việc, học tập và cuộc sống bằng những bài tập nhỏ sau:
1. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, dành một vài phút để tĩnh tâm suy nghĩ những
điều mình đã làm trong ngày. Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, buồn bã. Ghi ra giấy những niềm tin, mong ước, hy vọng về công việc, học tập hay cuộc sống rồi đặt lên bàn học nơi bạn dễ thấy nhất khi tỉnh dậy.
2. Trước mỗi sự việc bạn “lỡ quên”, đừng vội áp đặt tâm lý mặc cảm mà hãy đặt quyết tâm: “Chỉ được phép quên lần này thôi! Lần sau buộc phải nhớ.” 3. Mỗi lần trò chuyện với nhóm bạn hay người khác, đừng vội chấp nhận ý kiến của số đông mà hãy bảo vệ ý kiến của mình. Phải tự tin vào khả năng ghi nhớ của mình. Không phải lúc nào số đông cũng đúng. Dù đúng hay sai, trí nhớ của bạn cũng sẽ gia tăng.
4. Ghi ra giấy những điểm mạnh, điểm yếu về bản thân (theo cảm nhận của bạn). Phân tích nguyên nhân của những điểm yếu ấy theo nhìn nhận trước đây vào một cột. Thử đưa ra ví dụ để phản biện lại những phân tích mang tính bi quan vào cột đối xứng. Từ đó chuyển suy nghĩ bi quan thành lạc quan.
6. Liên tưởng
Có một anh chàng nọ tài năng đánh đàn có hạn nhưng lại thích khoe mẽ.
Cạnh nhà anh ta có thiếu phụ trẻ vừa mới mất chồng. Một điều kỳ lạ là mỗi khi anh ta đánh đàn thì ở nhà bên lại có tiếng khóc vang lên nức nở. Anh ta càng đánh thì tiếng khóc càng thảm thiết hơn. Nghĩ tiếng đàn của mình hay đến nỗi lay động con tim người thiếu phụ nên ngày nào cứ đến giờ đấy anh ta lại đem đàn ra gảy. Cho đến một hôm chắc mẩm mình đã lấy được lòng
người thiếu phụ xinh đẹp, anh ta mới mon men lại gần.
“Thưa chị, không biết tại sao mỗi lần tôi cất tiếng đàn là chị lại bật khóc. Nếu như tiếng đàn của tôi làm chị phiền lòng thì từ nay tôi sẽ không đàn nữa.”
“Không sao đâu anh! Anh cứ tiếp tục đàn đi. Mỗi khi nghe tiếng đàn của anh là tôi lại nhớ đến người chồng quá cố của mình,” người thiếu phụ vừa lau nước mắt vừa trả lời.
Cảm thấy cơ hội đã đến! Anh ta liền hỏi: “Vậy ngày xưa chồng chị chắc cũng là người đánh đàn rất hay?”
“Không ạ! Chồng tôi làm nghề mổ lợn. Tiếng đàn của anh làm tôi nhớ đến tiếng lợn bị chồng tôi giết nên tôi mới khóc…”
Mỗi khi nghe tiếng đàn lại nhớ đến tiếng lợn kêu khi bị giết. Một sự liên tưởng thú vị. Vậy liên tưởng là gì?
Liên tưởng là phương thức ghi nhớ rất hiệu quả thông qua việc kết nối sự vật hiện tượng bạn muốn nhớ với những thứ bạn đã biết để nhớ dễ dàng hơn. Có bốn quy luật hình thành liên tưởng:
1. Luật tương tự: các sự vật tương tự về tính chất, đặc trưng dễ gợi liên tưởng đến nhau. Như nhắc đến sắt thép ta liên tưởng đến sự cứng rắn, mùa thu ta liên tưởng tới lá vàng rơi,…
2. Luật tương phản: Các sự vật có những đặc điểm tương phản có thể hình thành liên tưởng, như: sáng – tối, nóng – lạnh, xa – gần, khóc – cười,… 3. Luật gần nhau: các sự vật gần nhau về thời gian hay không gian cũng hình thành liên tưởng. Như thấy hoa thì có thể liên tưởng đến ong, bướm, thấy cá thì có thể liên tưởng đến nước,…
4. Luật quan hệ: Hình thành liên tưởng do mối quan hệ giữa các sự vật. Như: nhìn trời mưa ta nghĩ đến mây, từ mây ta lại liên tưởng đến gió, ao hồ v.v… Bằng cách tự tạo ra sự liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt được thông tin mới và lưu giữ chúng nhanh chóng, chính xác. Càng liên tưởng nhiều, bạn càng dễ ghi nhớ.
Bạn cũng nên hạn chế tạo dựng các hình ảnh liên tưởng mang ý nghĩa tương
phản. Những hình ảnh dạng này sẽ khiến chúng ta dễ hình thành thói quen suy nghĩ tiêu cực về sự vật hiện tượng – điều này không tốt với trí nhớ. Dưới đây là những phương pháp liên tưởng hiệu quả giúp bạn ghi nhớ tốt hơn. Sự vật hiện tượng thay thế
Khi nghe, nhìn thấy những từ, cụm từ trừu tượng hay khiến bạn còn thấy mơ hồ, hãy nghĩ đến bất cứ thứ gì gần âm với nó hoặc tưởng tượng trong trí não bức tranh về sự vật hiện tượng đó.
Khi bắt gặp một sự vật, hiện tượng mơ hồ và khó nhớ, bạn hãy bình tĩnh, nhìn nhận kỹ càng về nó, sử dụng trí tưởng tượng để tạo mối liên kết giữa chúng với những hình ảnh bạn có sẵn trong đầu. Bằng việc tích cực tạo dựng mối liên hệ giữa các thông tin, bạn sẽ nâng cao đáng kể khả năng ghi nhớ và hồi tưởng.
Tưởng tượng chính là giai đoạn trung gian giữa nhận thức và suy nghĩ. Chúng ta không bao giờ suy nghĩ mà không kèm theo hình ảnh.
Bạn có thấy rằng dù cố gắng tới đâu ta vẫn không thể ghi nhớ được hình
dáng của nước Mỹ, Anh, Pháp nhưng lại có thể nhớ hình dạng của Việt Nam hoặc Ý rất dễ dàng. Đó là vì Việt Nam có dạng chữ S còn Ý thì giống chiếc ủng. Chiếc ủng hay chữ S là những hình ảnh quen thuộc đối với chúng ta, do đó, hình dạng của Việt Nam hay Ý không thể chạy khỏi trí não được. So sánh giữa đọc truyện và xem phim Harry Porter, bạn sẽ nhận ra ngay sự khác biệt. Sau khi xem phim bạn có thể kể rành mạch diễn biến sự kiện còn sau khi đọc truyện bạn lại lúng túng và chỉ nhớ được những chi tiết nhỏ mà thôi.
Bởi thế, nếu thông tin càng trực quan sinh động, bạn càng dễ dàng ghi nhớ và lưu giữ. Để ghi nhớ tốt nhất, bạn nên tạo dựng các hình ảnh có tính kỳ lạ,
ngộ nghĩnh, thậm chí vô lý. Dưới đây, tôi tổng kết một số nguyên tắc tạo hình ảnh hiệu quả:
1. Tưởng tượng mọi thứ thiếu cân đối như quá nhỏ hoặc quá lớn (một con voi có thể chui qua lỗ kim).
2. Tưởng tượng sự vật, hiện tượng đang trong trạng thái hoạt động. 3. Phóng đại số lượng sự vật cần nhớ (hàng trăm quả cam đang bay tứ tung). 4. Sử dụng tất cả các giác quan nghe, nhìn, chạm, ngửi, nếm để cảm nhận được sự sống động của hình ảnh, sự vật, hiện tượng.
Từ viết tắt
Viết tắt giúp bạn tóm gọn một câu, cụm từ dài trong một văn bản bằng những từ ngắn hơn hoặc những từ mà bạn đã biết. Chúng giúp bạn nhớ dễ hơn và lâu hơn. Không chỉ vậy, nó còn là tác nhân giúp gợi nhớ lại các câu, cụm từ trước đó.
Từ viết tắt là từ thông thường được tạo ra từ những ký tự đầu của các cụm từ hoặc các câu như ASEAN là từ viết tắt của Association of South East Asian Nations – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á; NATO: North Alantic Treaty
Organization – Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương; WTO: World Trade Organization – Tổ chức Thương mại Thế giới. Hoặc không theo từ đầu như radar: radio detection and ranging – Dò tìm và định vị bằng sóng vô tuyến; amphetamine: alpha-methyl-phenethylamine – tên một loại dược phẩm. Dựa trên cách thức xây dựng ở trên, bạn dễ dàng thiết lập riêng cho mình một danh sách các từ viết tắt. Bạn có thể sắp xếp các ký tự đầu thành một từ mới, hoặc từ gây ấn tượng mạnh cho việc ghi nhớ dễ dàng các thông tin.
Ví dụ, để ghi nhớ các nguyên tố nhóm halogen: Flo (F), Clo (Cl), Brom (Br), Iot (I), Atatin (At) – bạn có thể lấy ký tự đầu của tên các nguyên tố để ghép lại tạo thành tên của câu lạc bộ những người yêu thích bia: FC.BIA. Tuy nhiên, có thể với sự giới hạn của các ký tự được chọn và tìm kiếm cách thức sắp xếp thành từ có ý nghĩa sẽ khiến trí óc bạn “lãng quên” nhiệm vụ ghi nhớ cụm từ, đoạn văn trong cấu trúc văn bản. Chính vì thế phương pháp ký tự đầu dưới đây sẽ giúp hoàn thiện những khiếm khuyết đó. Ký tự đầu
Phương pháp ký tự đầu là một từ, cụm từ hay câu được tạo thành từ các ký tự đầu tiên của mỗi từ trong thông tin bạn muốn ghi nhớ. Dựa trên thông tin tiếp nhận, bạn tự tạo cho riêng mình một cụm từ tắt phù hợp giúp bạn ghi nhớ tốt thông tin đó.
Bạn đang học dãy điện hóa kim loại: Kali, Bari, Canxi, Natri, Magie, Nhôm, Kẽm, Sắt, Niken, Thiếc, Chì, Hidro, Đồng, Thủy ngân, Bạc, Bạch kim, Vàng – K, Ba, Ca, Na, Mg, Al, Zn, Fe, Ni, Sn, Pb, H, Cu, Hg, Ag, Pt, Au. Để ghi nhớ được dãy điện hóa này bạn có thể chuyển các ký tự đầu thành dạng cấu trúc: “Khi Bà Con Nào May Áo Giáp Sắt Nên Sang Phố Hỏi Cửa Hàng Á Phi Âu”. Việc chuyển các công thức hóa học của dãy điện hóa khó nhớ thành một câu văn giàu hình ảnh sẽ giúp bạn dễ dàng ghi nhớ thông tin hơn. Trong quá trình ghi nhớ thông tin, bạn có thể linh hoạt vận dụng phương pháp ký tự đầu sao cho phù hợp với khả năng ghi nhớ của bạn. Giống như các từ viết tắt, bạn nên tạo ra cụm từ, các câu mang sắc thái lạc quan, dí dỏm. Chúng sẽ khiến bạn hứng thú và từ đó nhớ lâu hơn.
Liên kết các sự vật hiện tượng
Phương pháp ký tự đầu, từ viết tắt hay hình ảnh thay thế giúp bạn ghi nhớ tốt những từ, cụm từ hoặc một danh sách nhưng lại không hữu dụng nếu bạn muốn ghi nhớ đầy đủ sự việc, sự kiện nào đó. Vì thế bạn cần tới một phương pháp khác.
Trước mỗi sự việc, sự kiện bạn hãy đặt chúng vào một hay nhiều câu hỏi sau đây:
1. Thông tin này bắt nguồn từ đâu?
2. Mình nghĩ gì về nó? Cảm giác về nó như thế nào?
3. Những đặc trưng, tính chất, nét riêng biệt của nó là gì?
4. Ích lợi của nó ra sao?
5. Có thể sử dụng nó như thế nào?
6. Nó có ích lợi gì đối với mình?
7. Mình đã biết gì về nó hay chưa?
8. Nó có khả năng liên kết được với cái gì?
9. Có thể suy ra được gì từ nó?
10. Độ tin cậy của nó như thế nào?
Bằng cách áp dụng chặt chẽ 10 câu hỏi này cho những sự việc mà bạn tiếp nhận, trí não bạn sẽ bắt đầu quá trình liên kết các thông tin, sự việc lại với nhau. Càng nhiều câu hỏi cho sự vật hiện tượng, sự liên kết thông tin càng bền chặt, các thông tin mới sẽ được lưu trữ sâu trong trí não và xuất hiện
ngay khi bạn cần.
Giả sử bạn đang học môn Kinh tế học đại cương và cần phải ghi nhớ các chu
trình kinh tế: suy thoái, khủng hoảng, phục hồi, hưng thịnh. Bạn hãy áp dụng cả 10 câu hỏi vào ví dụ này.
1. Thông tin này bắt nguồn từ đâu? Chu trình kinh tế được đề cập trong cuốn Kinh tế học đại cương. Hình ảnh cuốn sách Kinh tế học đại cương mượn của chị khóa trên đã được lưu giữ trong trí nhớ của bạn. Đây là bước đầu tiên tạo ra liên kết.
2. Mình có thể nghĩ gì về nó? Cảm giác về nó như thế nào? Ra là vậy kinh tế nói chung, kinh doanh nói riêng đều suy, khủng, phục, hưng. Xem ra có vẻ hấp dẫn đây!
3. Những đặc trưng, tính chất, nét riêng biệt của nó là gì? Tóm lược một chu trình kinh tế, đi từ hưng thịnh cho đến khủng hoảng. Mỗi giai đoạn có những biểu hiện khác nhau được nhận biết thông qua các dấu hiệu đặc trưng. 4. Ích lợi của nó ra sao? Tìm hiểu từng giai đoạn để có thể hiểu nền kinh tế hoặc việc kinh doanh đang ở giai đoạn nào.
5. Có thể sử dụng nó như thế nào? Dựa trên những biểu hiện về các giai đoạn phát hiện ra tình trạng nền kinh tế. Từ đó hạn chế thấp nhất thiệt hại trong giai đoạn suy thoái, khủng hoảng và tìm kiếm những cơ hội hiếm có trong giai đoạn này. Đồng thời tạo mọi vật liệu cho sự gia tăng cơ hội, mở rộng quy mô, tối đa hóa lợi nhuận.
6. Nó có ích lợi gì đối với mình? Ngay thời điểm hiện tại, nó có thể giúp định hướng nghề nghiệp, tận dụng những cơ hội để nâng cao khả năng bản thân. Lâu dài hơn, nó tạo được nền tảng kiến thức để đối phó với tác hại hay tận dụng sự ưu đãi để hoạt động thành công trong nền kinh tế. Không chỉ
vậy, nó sẽ cần thiết và hữu dụng trong các kỳ kiểm tra hay kỳ thi nào. 7. Mình đã biết gì về nó hay chưa? Đây là chu trình chính của nền kinh tế. Mọi quốc gia, mọi nền kinh tế đều không tránh khỏi chu kỳ này. 8. Nó có khả năng liên kết được với cái gì? Nó có khả năng liên kết với nhiều thứ liên quan đến kinh tế như tiền tệ, giá cả, ngân hàng, tỷ lệ lạm phát, giảm phát, chỉ số CPI (comsumer price index – chỉ số giá tiêu dùng), GDP, GNP, HDI, các nhà kinh tế học, nhà hoạch định chính sách 9. Có thể suy ra được gì từ nó? Tác hại, ảnh hưởng của những chu kỳ trước sẽ là bài học kinh nghiệm cho chu kỳ này giảm thiểu sự thiệt hại. 10. Độ tin cậy của nó như thế nào? Thông tin hoàn toàn tin cậy và thông tin mới cần tìm hiểu và lưu giữ nó trong trí nhớ.
Bài tập
1. Với mỗi từ tiếng Anh bạn học được, cố gắng tìm ít nhất một từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với nó.
2. Gắn tên các danh nhân bạn đã gặp trong chương trình học với những hình ảnh quen thuộc với bạn.
3. Liên tưởng để ghi nhớ bảng mã màu ghi trên các điện trở: Đen, Nâu, Đỏ, Cam, Vàng, Lục, Lam, Tím, Xám, Trắng.
4. Ghi nhớ các tiên đề, định lý, định nghĩa mà bạn đã được học bằng phương pháp này.
7. Phân nhóm
Nhà chính trị Jacques Roumain đã từng nói: “Bạn không thể ăn một lần hết một quả táo mà phải cắn từng miếng một.” Thật vậy, trong công việc và cuộc sống, bạn không thể ôm đồm làm một lúc nhiều việc mà phải biết cách phân phối và bố trí hợp lý. Ghi nhớ thông tin cũng không ngoại lệ. Bạn không thể hoặc khó lòng nhớ được lượng thông tin lớn cùng lúc. Nhưng nếu bạn biết cách tách chúng ra thành những phần nhỏ hơn, việc ghi nhớ sẽ dễ dàng hơn. Tương tự như phương pháp viết tắt và ký tự đầu, phân nhóm là phương pháp chuyển những thông tin dài thành các mẩu nhỏ để dễ nhận biết. Từ bé, chúng ta đã bắt đầu biết phân loại những đồ vật xung quanh mình. Đi
chơi biết phải vào đâu để lấy mũ, lấy kính, biết “giữ của” – đây là điện thoại của ba, kia là xe của mẹ, đồ chơi thì không ăn được còn bánh kẹo để trong tủ riêng.
Tương tự như vậy, các cuốn sách bạn học đều được phân chia thành các chương, mục, ý và luận điểm. Việc phân chia này sẽ giúp bạn phân loại và ghi nhớ theo nhóm thông tin và kiến thức từ thấp đến cao, từ đơn giản đến
phức tạp.
Việc phân nhóm sẽ “sắp xếp” thông tin theo từng nhóm nhỏ vào các ngăn lưu trữ khác nhau trong não bộ. Từ đó, não bộ sẽ liên kết giữa các ngăn lưu trữ với nhau để tạo thành một hệ thống thông tin đầy đủ về sự vật hoặc hiện tượng.
Nhóm số
Khi nhận được một số điện thoại mới, bạn thường có thói quen lưu nó vào điện thoại hoặc sổ tay. Nếu một lúc nào đó, bạn không mang theo di động hay không có sổ tay mà số điện thoại đó rất quan trọng, bạn sẽ làm thế nào? Cách duy nhất là tự ghi nhớ. Với dãy 10 đến 11 chữ số, bạn sẽ khó khăn khi
phải ghi nhớ chúng một lần. Nếu bạn phân chia số đó thành khoảng 3 đến 4 nhóm nhỏ thì việc ghi nhớ sẽ dễ dàng hơn.
Giả sử số điện thoại bạn cần nhớ là: 01244791059. Để ghi nhớ dãy này bạn nên chia chúng thành 0124 – 479 – 10 – 59. Bạn sẽ ghi nhớ từng nhóm số : 0124 rồi đến 479 tiếp đến 10 và 59. Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ thấy thoải mái và dễ nhớ hơn việc phải ghi nhớ 11 số liền một lúc.
Nhóm từ
Bạn mới xem xong bộ phim Công viên kỷ Jura và hình ảnh con khủng long bạo chúa gây ấn tượng mạnh trong tâm trí bạn. Nhưng bạn lại không nhớ tên của nó là gì. Bạn tìm kiếm tài liệu và biết tên khoa học của nó là Tyrannosaurus.
Có vẻ cái tên khoa học này khá phức tạp và nhớ được nó là cả một vấn đề. Nếu phân chia chúng thành các nhóm từ nhỏ hơn, ví dụ như Tyranno – saurus, bạn có thể hình dung về nó dễ dàng hơn. Và với mỗi cụm từ, bạn có thể chia nhỏ hơn nếu chưa nhận biết được cụm từ đó.
Tôi đã nhớ được tên con khủng long bạo chúa này bằng cách chia Tyranno thành: Tyra là tên của siêu mẫu xinh đẹp nổi tiếng, người sáng lập chương trình “Next Top Model”. Bạn biết Milano là tên tiếng Ý của kinh đô thời trang thế giới Milan – vì vậy bạn có thể tưởng tượng Tyranno là tên tiếng Ý của cô người mẫu Tyra. Còn Saurus? Chúng ta biết Taurus là tên chòm sao Kim Ngưu, do đó bạn có thể tưởng tượng Saurus là “chòm sao Thằn lằn”. Như vậy Tyrannosaurus là hình ảnh siêu mẫu Tyra đang ở nước Ý ngắm nhìn chòm sao Thằn lằn.
Nhóm đặc điểm
Việc phân nhóm sự việc hiện tượng dựa trên đặc điểm của chúng là cách
thức giúp chúng ta ghi nhớ thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đây cũng là cách các nhà khoa học xây dựng các bài kiểm tra IQ. Nhưng nếu các bài kiểm tra IQ dựa trên những chuẩn mực riêng, thì việc bạn nhóm các sự vật hiện tượng lại hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm riêng của bạn. Cùng một loại thông tin nhưng mỗi người có cách chọn lựa nhóm đặc điểm dễ nhớ khác nhau.
Chẳng hạn, bạn cần ghi nhớ tên các quốc gia Đông Nam Á: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Philippin, Brunei, Singapore, Đông Timo. Bạn có thể ghi nhớ dựa trên thể chế nhà nước của các quốc gia này và phân chia chúng thành ba nhóm: Quân chủ lập hiến: Thái Lan, Campuchia, Malaysia.
Quân chủ chuyên chế: Brunei.
Cộng hòa: Việt Nam, Lào, Indonesia, Philippin, Singapore, Đông Timo. Bài tập
Thử phân nhóm và ghi nhớ (nếu có thể) những thông tin dưới đây. 1. Bạn cần đi siêu thị mua cà chua, bí đỏ, thịt gà, sữa tươi, táo, dầu ăn, hạt nêm, muối, bột giặt, kem đánh răng, nước rửa chén, dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng da.
2. Các số: 3.142; 6.626; 2,718; 2.998; 6.022; 9.807; 1.618; 8.314; 2.413 1914; 209; 1407; 1993; 407; 1939; 1945; 1967; 1995; 1206. 1; 2; 3; 4; 5; 8; 9; 13; 16; 21; 25; 34; 36; 49; 55; 64; 81; 89 3. Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ, Truyện Kiều, Con rồng tre, Nhật ký
trong tù, Quốc âm thi tập, Binh thư yếu lược.
4. Thơ Thơ, Việt Nam nghìn dặm, Gửi hương cho gió, Hồ Xuân Hương – bà chúa thơ Nôm, Việt Nam hồn tôi, Đọc thơ Nguyễn Khuyến. 5. Phân nhóm các vật dụng trong nhà bạn.