🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Logic Của Tâm Trí - Michael Lewis Ebooks Nhóm Zalo LOGIC CỦA TÂM LÝ Thiên kiến xác nhận ảnh hưởng đến phán đoán của con người như thế nào? NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI Trụ sở chính: Số 46, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội Tel: 0084.24.38253841 – Fax: 0084.24.38269578 Chi nhánh: Số 7, Nguyễn Thị Minh Khai. Quận 1, TP. Hồ Chí Minh Tel: 0084.28.38220102 Email: [email protected] Website: www.thegioipublishers.vn Chịu trách nhiệm xuất bản: GIÁM ĐỐC – TỔNG BIÊN TẬP TS. TRẦN ĐOÀN LÂM Biên tập: Phạm Thị Hoa Sửa bản in: Thảo Vương Thiết kế bìa: Mạnh Cường Trình bày: Diệu Linh CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA TẠI HÀ NỘI Địa chỉ: Tầng 3, Số 11A, Ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội *Tel: (84-24) 3 722 6234 | 35 | 36 *Fax: (84-24) 3722 6237 *Email: [email protected] Phòng kinh doanh: *Tel/Fax: (84-24) 3 773 8857 *Email: [email protected] TẠI TP. HỒ CHÍ MINH Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh: 138C Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh *Tel: (84-28) 3 8220 334 | 35 In 3.000 bản, khổ 16 x 24 cm tại Công ty Cổ phần In và Thương mại Prima Địa chỉ: Số 35 ngõ 93 Hoàng Quốc Việt, P. Nghĩa Đô, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Xưởng SX: 722 Phúc Diễn, P. Xuân Phương, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Số xác nhận đăng ký xuất bản: 5082-2020/CXBIPH/02- 250/ThG Quyết định xuất bản số: 1398/QĐ-ThG cấp ngày 08 tháng 12 năm 2020. ISBN: 978-604-77-8658-9 In xong và nộp lưu chiểu quý I năm 2021. "Thành công là kết quả của những phán đoán đúng, phán đoán đúng là kết quả của kinh nghiệm, và kinh nghiệm thường là kết quả của phán đoán sai!" — Tony Robbins "Thất bại không phải là một sự kiện tai họa duy nhất. Bạn không thất bại sau một đêm. Thay vì thế, thất bại là một số lỗi sai trong phán đoán, lặp lại hàng ngày." — Jim Rohn "Tâm trí giống như nước. Khi nó hỗn loạn, rất khó để ta nhìn thấu mọi thứ. Khi tâm tĩnh, mọi thứ trở nên rõ ràng." — Prasad Mahes Lời giới thiệu Vấn đề lúc nào mà chẳng ở đó N ăm 2003, tôi đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề Moneyball (tạm dịch: Tiền bi), nói về cuộc săn lùng của đội Oakland Athletics nhằm tìm ra những cách thức mới mẻ và tốt hơn cho việc định giá cầu thủ cũng như đánh giá chiến lược bóng chày. So với các đội khác, Oakland Athletics không có nhiều tiền để chi cho cầu thủ, vì thế, ban lãnh đạo đội bóng buộc phải cân nhắc lại về cuộc chơi. Xem xét dữ liệu bóng chày cả mới lẫn cũ và phân tích dữ liệu của những người đứng ngoài cuộc chơi, ban lãnh đạo đội bóng đã khám phá ra nhiều điều mới mẻ về bóng chày. Chính kiến thức đó cho phép họ thực hiện công việc quản lý tốt hơn các đội bóng khác. Họ nhận ra giá trị của các cầu thủ từng bị ruồng bỏ hay bỏ sót và sự ngớ ngẩn trong phần lớn những gì được xem là khôn ngoan trong bóng chày. Khi cuốn sách ra mắt, một số chuyên gia bóng chày – đội ngũ quản lý cực đoan, các chuyên gia săn tìm tài năng, cánh nhà báo – đều khó chịu và coi thường nó, nhưng giống như tôi, nhiều độc giả lại nhận thấy câu chuyện rất thú vị. Nhiều người nhận ra bài học tổng quan hơn trong phương pháp xây dựng đội bóng của Oakland Athletics: Nếu cả nhân sự hưởng lương cao, bị công khai soi mói của một tổ chức có mặt từ những năm 1860 còn bị thị trường hiểu sai thì ai chẳng vậy? Nếu thị trường cầu thủ bóng chày là không hiệu quả, thì thị trường nào chẳng vậy? Nếu cách thức tiếp cận theo kiểu phân tích mới toanh dẫn tới một khám phá trong kiến thức bóng chày, thì lĩnh vực hoạt động nào của con người chẳng làm được? Trong khoảng một thập kỷ vừa qua, nhiều người đã coi mô hình của đội Oakland Athletics là hình mẫu và bắt đầu sử dụng dữ liệu cùng cách phân tích tốt hơn nhằm tìm ra các yếu tố kém hiệu quả của thị trường. Tôi đã đọc những bài báo viết về Thuật toán Tiền bi cho Giáo dục, cho các hãng phim, chiến dịch chăm sóc y tế, môn Golf, trong nông nghiệp, xuất bản sách(!), cho các chiến dịch tranh cử tổng thống, chính quyền, các ông chủ ngân hàng… “Bỗng nhiên chúng ta đều trở thành ‘cầu thủ hàng công Tiền bi’ ư?”, một trợ lý huấn luyện hàng công của đội New York Jets phàn nàn vào năm 2012. Sau khi chứng kiến cách tiếp cận dựa trên dữ liệu kiểu tinh quái của Nghị viện tiểu bang Bắc Carolina trong việc soạn thảo luật nhằm gây khó khăn nhiều hơn cho việc bỏ phiếu của những người Mỹ gốc Phi, diễn viên hài John Oliver đã chúc mừng các nhà lập pháp vì “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc theo kiểu Tiền bi”. Nhưng sự hăng hái thay thế ý kiến chuyên gia theo trường phái cũ bằng lối phân tích dữ liệu kiểu mới lại thường nông cạn. Khi phương thức tiếp cận theo định hướng dữ liệu dùng cho việc ra các quyết định có tính rủi ro cao không dẫn tới thành công tức thì – và thỉnh thoảng, ngay cả khi thành công – nó vẫn bị công kích theo cách mà phương thức ra quyết định cũ không phải hứng chịu. Năm 2004, sau khi bắt chước cách ra quyết định của đội Oakland Athletics, đội Boston Red Sox lần đầu tiên vô địch giải World Series sau gần một thế kỷ. Vẫn nhờ các phương pháp đó, họ thắng giải lần nữa vào năm 2007 và 2013. Nhưng đến năm 2016, sau ba mùa giải gây thất vọng, họ tuyên bố ngưng sử dụng cách tiếp cận dựa trên dữ liệu và trở lại với phương pháp dựa vào đánh giá của các chuyên gia bóng chày (“Chúng tôi có lẽ đã quá dựa dẫm vào các con số…”, chủ đội bóng John Henry nói). Cây viết Nat Silver đã có vài năm thành công ngoạn mục trong việc dự đoán kết quả bầu cử cho tờ New York Times, sử dụng phương thức thống kê mà ông học được khi viết về bóng chày. Lần đầu tiên, một tờ báo dường như có lợi thế trong việc kêu gọi bầu cử. Nhưng sau đó, Silver rời Times và không dự đoán được sự trỗi dậy của Donald Trump – phương pháp dự đoán kết quả bầu cử dựa trên dữ liệu của ông bị hoài nghi... bởi chính New York Times! “Không có gì vượt qua được giá trị của báo cáo theo kiểu truyền thống, vì chính trị về cơ bản là nỗ lực của con người và do đó, nó không tuân theo dự đoán và lập luận”, một chủ mục của tờ Times viết vào cuối mùa xuân năm 2016. (Mặc dù cũng ít phóng viên truyền thống thấy được triển vọng của ông Trump, hay như Silver sau đó đã thừa nhận rằng vì Trump không giống ai nên ông đã chủ quan bất thường khi dự đoán kết quả). Tôi chắc chắn một số lời chỉ trích của những người cho rằng việc sử dụng dữ liệu để tìm kiếm kiến thức và chỉ ra các yếu tố kém hiệu quả trong lĩnh vực của mình cũng có phần đúng. Nhưng phần tâm trí con người mà đội Oakland Athletics khai thác để sinh lợi – ước mong có được một chuyên gia am hiểu và quả quyết ngay cả khi không chắc chắn – đều là tài năng có thể tận dụng. Giống như con quái vật trong phim đáng lẽ phải chết nhưng bằng cách nào đó lại luôn sống đến tận cảnh cuối cùng. Vì thế, khi những phản hồi về cuốn sách của tôi đã lắng xuống, một trong số chúng tồn tại lâu hơn và thích đáng hơn số còn lại: bài đánh giá của hai học giả, khi đó đều ở Đại học Chigcago – nhà kinh tế học Richard Thaler và giáo sư luật Cass Sunstein. Bài viết của Thaler và Sunstein đăng trên tờ New Republic ngày 31 tháng 8 năm 2003, vừa rộng lượng, vừa chê bai. Hai nhà phê bình đồng ý rằng, thật thú vị khi bất cứ thị trường vận động viên chuyên nghiệp nào cũng có thể sai lầm đến mức một đội bóng nghèo như Oakland Athletics cũng đánh bại được hầu hết đội nhà giàu chỉ bằng cách khai thác các điểm kém hiệu quả. Nhưng – họ tiếp tục nói – tác giả cuốn Moneyball dường như không nhận ra nguyên nhân sâu xa hơn của các yếu tố kém hiệu quả trên thị trường cầu thủ bóng chày: Chúng phát sinh trực tiếp từ cơ chế nội tại của tâm trí con người. Lối đánh giá sai về các cầu thủ của chuyên gia bóng chày – phán đoán của mọi chuyên gia đều có thể bị bóp méo bởi chính suy nghĩ của họ – đã được hai nhà tâm lý học người Israel, Daniel Kahneman và Amos Tversky mô tả nhiều năm về trước. Cuốn sách của tôi không mới. Nó chỉ là sự minh họa cho những ý tưởng đã có từ nhiều thập kỷ mà chưa được ai đánh giá đầy đủ, trong đó có tôi. Nói vậy là còn giảm nhẹ. Cho tới thời điểm ấy, tôi còn chưa biết đến Kahneman hay Tversky, mặc dù một trong hai người đã giành Giải Nobel Kinh tế. Tôi cũng chẳng nghĩ nhiều về các khía cạnh tâm lý học trong câu chuyện Moneyball. Thị trường cầu thủ bóng chày đầy rẫy yếu tố kém hiệu quả: Tại sao? Ban lãnh đạo đội Oakland đã nói về “những thành kiến” trên thị trường như: Tốc độ chạy được đánh giá quá cao vì nó dễ thấy, còn khả năng đi bộ về gôn của cầu thủ đánh bóng lại bị đánh giá quá thấp, một phần vì đi bộ thì người ta dễ quên – nhìn có vẻ như cầu thủ chẳng mất công sức gì. Các cầu thủ béo hay ngoại hình xấu dễ bị đánh giá thấp; còn những cầu thủ đẹp trai, sung sức lại dễ được đánh giá cao quá mức. Những thành kiến mà ban lãnh đạo đội Oakland nói làm tôi thấy thích thú, nhưng thật sự tôi vẫn chưa làm gì thêm mà đặt câu hỏi: Các thành kiến ấy đến từ đâu? Tại sao người ta có chúng? Tôi bắt đầu kể một câu chuyện về sự thành bại của các thị trường, nhất là trong việc đánh giá con người. Nhưng lẩn khuất bên trong nó lại là một câu chuyện khác tôi chưa từng biết về sự thành bại của tâm trí con người trong việc hình thành các phán đoán và ra quyết định. Khi đối diện với sự không chắn chắn – về các khoản đầu tư, con người hay bất cứ điều gì khác – tâm trí đưa ra kết luận bằng cách nào? Nó xử lý các bằng chứng như thế nào – từ một trận đấu bóng chày, báo cáo lợi nhuận, thử nghiệm, buổi khám bệnh hay cuộc mai mối? Tại sao tâm trí con người – ngay cả của những người được cho là chuyên gia – lại khiến họ có những đánh giá sai lầm có thể bị lợi dụng bởi những kẻ dám ngó lơ đám chuyên gia và phân tích dựa vào dữ liệu? Và làm thế nào hai nhà tâm lý học người Israel lại biết nhiều về những vấn đề này đến mức họ đã dự đoán sẽ có một cuốn sách về bóng chày Mỹ được viết ra vào mấy chục năm sau? Chuyện gì đã khiến hai người đàn ông ở Trung Đông phải ngồi xuống và xác định xem tâm trí đang làm gì khi nó cố gắng đánh giá một cầu thủ bóng chày, một khoản đầu tư hay một ứng viên tổng thống? Và tại sao một nhà tâm lý lại giành Giải Nobel Kinh tế? Trong những câu trả lời cho các thắc mắc đó xuất hiện một câu chuyện khác. Dưới đây là câu chuyện ấy. 1 Gã ngực xệ B ạn chẳng bao giờ biết một anh chàng trong phòng phỏng vấn có thể nói những gì để bạn thôi ngủ gà gật, tỉnh táo trở lại và buộc phải chú ý. Một khi đã để tâm, tự nhiên bạn sẽ coi trọng những điều anh chàng vừa nói hơn mức cần thiết: Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong các cuộc phỏng vấn tuyển quân cho Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia thật khó để lưu giữ vào một vùng não bộ phù hợp nào đấy. Có những khi, cứ như thể các cầu thủ đang cố gắng làm xáo trộn khả năng đánh giá của bạn về họ. Chẳng hạn, khi phỏng vấn viên của đội Houston Rockets hỏi một cầu thủ liệu có thể vượt qua cuộc kiểm tra chất kích thích không, anh ta trợn tròn mắt, tay bám chặt mép bàn và nói: “Ý ông là hôm nay ư!!!???”. Từng có một cầu thủ sinh viên bị bắt giữ vì những cáo buộc bạo hành gia đình (sau đó được bãi nại) và quản lý của anh ta khẳng định đó chỉ là một hiểu lầm nhỏ. Khi được hỏi, cầu thủ nọ giải thích một cách ghê rợn rằng vì quá chán nghe bạn gái “cằn nhằn, nên tôi tóm cổ cô ta rồi bóp. Vì tôi cần cô ta im miệng”. Rồi đến trường hợp của Kenneth Faried, tiền đạo chính xuất thân từ đội Morehead State. Khi anh đến phỏng vấn, người ta hỏi: “Anh thích được gọi là Kenneth hay Kenny?”. Faried trả lời: “Người thú”. Anh ta muốn được gọi là Người thú. Bạn nghĩ gì về điều đó? Cứ 4 cầu thủ người Mỹ da màu đến tham dự các cuộc phỏng vấn NBA – hay ít ra là tới phỏng vấn dự tuyển với đội Houston Rockets của NBA – thì có tới 3 người chưa bao giờ biết cha mình là ai. “Chẳng có gì lạ khi hỏi ai là người đàn ông có ảnh hưởng lớn nhất, họ lại trả lời: ‘Mẹ tôi’”, Giám đốc nhân sự của đội Rockets, Jimmy Paulis cho biết. “Có người thì trả lời ‘Obama’”. Rồi đến Sean Williams. Năm 2007, Sean Williams, cao 2,08m, là một cầu thủ xuất chúng từng bị treo giò ở 2 mùa đầu tiên trong 3 mùa bóng chơi cho đội Đại học Boston sau khi bị bắt vì tội tàng trữ cần sa (cáo buộc này về sau được hủy bỏ). Anh chỉ chơi vỏn vẹn 15 trận trong năm học thứ hai mà vẫn kịp chặn 75 cú ném rổ; người hâm mộ gọi các trận bóng thời đại học của anh là Bữa tiệc Chặn bóng của Sean Williams. Trông anh ra dáng một cầu thủ tầm cỡ của NBA và được kỳ vọng sẽ được chọn1 ngay vòng một – một phần do mọi người cho rằng học xong năm ba đại học mà không bị cấm thi đấu nghĩa là Williams đã kiểm soát được việc sử dụng cần sa. Trước mùa tuyển quân năm 2007 của NBA, anh bay tới Houston theo yêu cầu của quản lý để luyện các kỹ năng phỏng vấn. Người quản lý giao kèo với đội Rockets: Williams sẽ chỉ nói chuyện với đội Rockets, còn đội bóng sẽ mách cho anh những mẹo để trở nên thuyết phục hơn khi phỏng vấn. Mọi việc suôn sẻ cho đến khi họ bắt đầu nói tới chủ đề cần sa. “Vậy là anh đã bị bắt vì hút cần sa vào năm đầu và năm thứ hai đại học”, phỏng vấn viên của đội Rockets nói. “Chuyện gì đã xảy ra trong năm học thứ ba của anh?” Williams chỉ lắc đầu và nói: “Họ ngừng kiểm tra tôi. Và nếu các vị không kiểm tra nữa, tôi sẽ hút tiếp!”. 1. Một sự kiện thường niên của giải NBA có từ năm 1947, trong đó các đội từ Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia có thể lựa chọn những cầu thủ đủ điều kiện và muốn tham gia giải đấu. (ND) Sau đó, quản lý của Sean Williams quyết định tốt nhất là không cho anh ta đi phỏng vấn nữa. Bản thân anh ta vẫn được đội New Jersey Nets chọn ở vòng đầu và xuất hiện ngắn ngủi trong 137 trận ở giải NBA trước khi chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng triệu đô-la vẫn có nguy cơ bị mất – cho tới giờ, tính bình quân, cầu thủ NBA là những vận động viên được trả lương cao nhất trong tất cả các môn thể thao đồng đội. Thành công ở thì tương lai của đội Houston Rockets vẫn cứ bấp bênh. Những con người trẻ tuổi ấy cho bạn rất nhiều thông tin để đưa ra quyết định tuyển dụng. Nhưng nhiều lúc bạn chẳng biết phải làm gì với chúng. Phỏng vấn viên của đội Rockets: Anh biết gì về đội Houston Rockets? Cầu thủ: Tôi biết anh làm cho đội Houston. Phỏng vấn viên của đội Rockets: Anh bị thương ở chân nào? Cầu thủ: Tôi nói với mọi người là chân phải. Cầu thủ: Huấn luyện viên và tôi không cùng quan điểm. Phỏng vấn viên của đội Rockets: Về chuyện gì? Cầu thủ: Thời gian thi đấu. Phỏng vấn viên của đội Rockets: Còn gì nữa không? Cầu thủ: Ông ta lùn hơn tôi. 10 năm phỏng vấn những người cực kỳ cao khiến Daryl Morey, Giám đốc của đội Houston Rockets, tin là ông nên kháng cự sức mạnh của mọi tương tác trực tiếp có thể ảnh hưởng đến óc phán đoán của mình. Các cuộc phỏng vấn tuyển dụng là những màn ảo thuật. Ông cần đấu tranh chống lại mọi điều mình cảm nhận trong suốt quá trình đó – nhất là khi ông và mọi người trong phòng đều cảm thấy bị cuốn hút. Những người cực kỳ cao thường có sức hấp dẫn lạ kỳ. “Có nhiều gã to lớn hấp dẫn”, Morey nói. “Tôi chẳng biết có giống như khi nhìn đứa trẻ bụ bẫm ở sân chơi hay không nữa”. Rắc rối không nằm ở sức hấp dẫn mà ở những điều nó có thể che đậy: nghiện ngập, rối loạn nhân cách, chấn thương, ngại vất vả. Các anh chàng to con có thể khiến bạn xúc động rớt nước mắt với những câu chuyện về tình yêu bóng rổ và sự gian khổ họ phải vượt qua để được chơi bóng. “Ai cũng có chuyện cảm động để kể”, Morey nói. “Tôi có thể kể chuyện về bất kỳ anh chàng nào”. Và khi nói tới sự bền bỉ bất chấp nghịch cảnh, nhiều khi ta khó mà cầm lòng. Thế nào ta cũng nghe rồi tự tưởng tượng ra viễn cảnh thành công ở giải NBA trong tương lai. Nhưng Daryl Morey tin tưởng – nếu như ông nghe gì tin nấy – ở phương pháp ra quyết định dựa trên số liệu thống kê. Và quyết định quan trọng nhất ông từng đưa ra là lựa chọn người vào đội bóng của mình. “Tâm trí của bạn cần luôn ở trong trạng thái phòng vệ liên tục trước những chuyện tào lao đang cố làm bạn lệch lạc”, ông nói. “Chúng ta luôn cố gắng xác định đâu là trò bịp và đâu là sự thật. Chúng ta đang thấy một hình ảnh 3D? Hay đây là ảo giác?” Các cuộc phỏng vấn này thuộc về danh sách những thứ tào lao đang cố sức khiến bạn đi sai đường. “Đây là lý do quan trọng nhất khiến tôi muốn có mặt trong mọi cuộc phỏng vấn”, Morey nói. “Nếu chúng tôi chọn anh ta, mà anh ta lại có vấn đề khủng khiếp nào đấy, lúc đó ông chủ đội bóng sẽ hỏi: ‘Hắn trả lời thế nào khi anh hỏi câu đó?’. Nếu trả lời: ‘Tôi chưa từng nói chuyện với hắn trước khi chúng ta trả hắn 1,5 triệu đô-la’, tôi sẽ bị đuổi việc”. Và thế là, vào mùa đông năm 2015, Morey cùng 5 thành viên trong Ban tuyển trạch ngồi trong phòng họp ở Houston, Texas, chờ một gã khổng lồ nữa. Căn phòng phỏng vấn chẳng có thứ gì đáng để ngắm. Một bàn họp, vài chiếc ghế, cửa sổ tối om vì rèm chớp. Trên bàn đặt trơ trọi một tách cà phê ai đó vô tình để quên với một logo – Hội Châm biếm Quốc gia: Làm như chúng tôi cần bạn ủng hộ vậy. Con người hộ pháp ấy… chà, chẳng ai biết gì nhiều về nhân vật ấy ngoại trừ việc anh chàng chỉ mới 19 tuổi và thật sự khổng lồ ngay cả theo tiêu chuẩn của bóng rổ chuyên nghiệp. Cậu được một người quản lý hay tay săn tìm tài năng nào đó phát hiện 5 năm trước tại một ngôi làng ở Punjab – họ được nghe nói đại loại như vậy. Vào thời điểm đó, cậu mới 14 tuổi, cao 2,1m và đi chân trần – chính xác hơn là mang giầy rách tả tơi đến nỗi lộ hết cả bàn chân. Họ băn khoăn về chuyện đó. Gia đình cậu bé hẳn là nghèo lắm nên mới không mua nổi cho con đôi giày. Hoặc gia đình tin rằng thật vô nghĩa khi mua giày cho một đôi chân đang lớn quá nhanh. Hoặc không chừng toàn bộ câu chuyện này là do tay quản lý bịa ra. Dù gì đi nữa, điều đọng lại trong tâm trí mọi người là hình ảnh: chàng trai 14 tuổi, cao 2,1m, đi chân trần trên đường phố Ấn Độ. Họ không hiểu làm thế nào cậu bé thoát khỏi ngôi làng Ấn Độ đó. Ai đó, có lẽ là một người quản lý, đã sắp xếp cho cậu sang Mỹ để học tiếng Anh và chơi bóng rổ. Đối với NBA, cậu hoàn toàn vô danh. Không có video nào về anh chàng chơi thứ bóng rổ quy củ. Cậu chưa hề chơi như thế, theo trí nhớ của thành viên đội Rockets. Cậu cũng chưa tham gia chương trình tập luyện trước mùa tuyển quân NBA nào, vốn là dịp thi đấu thử của các cầu thủ nghiệp dư. Sáng hôm đó, đội Rockets mới được phép tiến hành đánh giá cậu. Chân cậu cỡ 22, còn bàn tay, tính từ đầu ngón đến cổ tay là 30cm, đôi bàn tay to nhất Ban tuyển trạch từng đo. Không đi giày, cậu cao 2,18m, nặng 136kg và người quản lý khẳng định cậu vẫn còn đang phát triển. Cậu đã dành 5 năm theo học bóng rổ ở vùng Tây Nam bang Florida – gần đây nhất là tại IMG, học viện thể thao được xây dựng để biến dân nghiệp dư thành vận động viên chuyên nghiệp. Mặc dù không ai trong số những người họ quen biết từng nhìn thấy cậu bé thi đấu, nhưng những người đã tận mắt chứng kiến thì vẫn còn nói về chuyện đó. Robert Upshaw chẳng hạn. Upshaw là một trung phong đậm người cao 2,13m, đã bị đội bóng Đại học Washington sa thải và đang thử việc ở các đội NBA. Vài ngày trước, tại nhà thi đấu của đội Dallas Mavericks, anh tập luyện cùng chàng khổng lồ người Ấn. Nghe các tuyển trạch viên của đội Rockets nói cậu chàng sắp trình diễn, đôi mắt Upshaw mở to, gương mặt sáng bừng, anh nói: “Cậu ta là nhân vật đồ sộ nhất tôi từng thấy. Cậu chàng có thể ném cú bóng ăn 3 điểm! Thật điên rồ”. _______________ Trở lại năm 2006, khi được thuê điều hành đội Houston Rockets và xác định những cầu thủ nên chơi bóng rổ chuyên nghiệp, Daryl Morey là người đầu tiên được mệnh danh ông vua đam mê bóng rổ. Công việc của ông là thay thế hình thức ra quyết định vốn dựa trên trực giác của các chuyên gia bóng rổ bằng hình thức khác, chủ yếu căn cứ vào việc phân tích dữ liệu. Ông không có kinh nghiệm thi đấu bóng rổ, cũng chẳng thích thú chuyện khiến người khác nhầm mình là một vận động viên hay dân trong làng bóng rổ. Ông luôn là chính mình, một con người hạnh phúc với việc tính toán hơn là cảm xúc. Từ nhỏ, Daryl Morey đã yêu thích sử dụng số liệu nhằm đưa ra các dự đoán cho đến khi nó trở thành nỗi ám ảnh chi phối bản thân. “Đó dường như luôn là điều tuyệt vời nhất với tôi”, ông nói. “Làm thế nào bạn sử dụng được các con số để dự đoán? Thật thú vị khi sử dụng số liệu để giỏi hơn những người khác. Và tôi rất thích giỏi hơn người khác”. Morey xây dựng mô hình dự báo giống như trẻ con làm máy bay mô hình. “Tôi luôn ra sức dự đoán các môn thể thao. Tôi không biết áp dụng dự đoán vào thứ gì khác – không lẽ tôi lại đi đoán điểm số của mình?” Tình yêu thể thao và số liệu thống kê đã dẫn dắt Morey, ở lứa tuổi 16, chọn đọc cuốn sách có tên The Bill James Historical Baseball Abstract (tạm dịch: Sơ lược lịch sử bóng rổ của Bill James). Bill James khi đó đang bận rộn truyền bá một phương thức tư duy về bóng chày bắt nguồn từ lập luận thống kê. Với sự giúp đỡ của đội Oakland Athletics, phương thức đó đã khơi mào một cuộc cách mạng mà kết thúc là phong trào đam mê chạy, hay là giúp đỡ nhau chạy, trong hầu hết mọi đội bóng tại giải Bóng chày Major League Baseball1. Năm 1988, khi tình cờ khám phá ra cuốn sách của James ở trung tâm Barnes & Noble2, Morey không hề biết những người có khả năng sử dụng số liệu để dự đoán mọi thứ rồi sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh mảng quản lý thể thao chuyên nghiệp và những nơi có các quyết định có tính rủi ro cao – cũng chẳng tài nào hay bóng rổ thực tế sẽ chờ ông trưởng thành. Ông chỉ nghi ngờ các chuyên gia có tên tuổi được ngưỡng mộ có thể chẳng biết nhiều như mọi người vẫn nghĩ. 1. Là tổ chức bóng chày chuyên nghiệp lâu đời nhất trong số 4 liên đoàn thể thao lớn ở Mỹ và Canada. Major League Baseball (MLB) có tổng cộng 30 đội bóng đến từ nhiều bang khác nhau của Mỹ và Canada. (ND) 2. Trung tâm phát hành sách lớn nhất thế giới với 48.000 cửa hiệu ở 49 bang của Mỹ. (ND) Nỗi nghi ngờ ấy phát sinh vào năm trước đó, 1987, sau khi tạp chí Sports Illustrated đăng hình ảnh đội bóng chày ưa thích của ông là Cleveland Indians trên trang bìa và chọn họ là đội giành chiến thắng giải World Series. “Tôi nói: ‘Nó đây rồi!!! Đội Indians đã chơi tồi trong nhiều năm trời. Giờ ta sẽ thắng giải World Series!’”. Đội Indians kết thúc mùa bóng đó với thành tích tệ nhất trong lịch sử giải Major League: Làm thế nào chuyện đó lại xảy ra? “Những anh chàng mà họ từng nói sẽ thi đấu tốt lại có màn trình diễn tệ hại”, Morey hồi tưởng. “Và lúc đó tôi nghĩ: Có lẽ các chuyên gia cũng chẳng hiểu mình đang nói gì”. Sau đó, ông biết tới Bill James và quả quyết, giống như Bill, mình cũng có thể sử dụng các con số để đưa ra những dự đoán tốt hơn các chuyên gia. Nếu dự đoán được màn trình diễn trong tương lai của các vận động viên chuyên nghiệp, ông có thể xây dựng những đội thể thao chiến thắng và nếu có thể làm như vậy thì… chà, đó sẽ là nơi đầu óc của Daryl Morey được nghỉ ngơi. Tất cả những gì ông muốn làm trong cuộc đời là xây dựng các đội thể thao chiến thắng. Câu hỏi ở đây là: Ai sẽ để cho ông làm điều đó? Thời đại học, ông từng gửi hàng chục lá thư tới các tổ chức nhượng quyền thể thao chuyên nghiệp với hy vọng được mời về làm một công việc thấp kém nào đó. Ông không nhận được lời hồi âm nào. “Tôi chẳng có cách nào thâm nhập các môn thể thao có tổ chức”, Morey nói. “Nên lúc đó, tôi quyết định mình phải giàu có. Nếu giàu, tôi có thể mua luôn một đội bóng và điều hành nó”. Bố mẹ Morey thuộc tầng lớp trung lưu ở miền Trung Tây nước Mỹ. Ông thậm chí còn chẳng quen biết người giàu nào. Ông cũng là một sinh viên rõ ràng không có động lực gì ở Đại học Northwestern. Tuy nhiên, ông đã quyết tâm kiếm đủ tiền mua một đội thể thao chuyên nghiệp, để có thể đưa ra quyết định về chuyện đi hay ở của những người trong đội. “Hằng tuần, anh ấy cầm lấy một tờ giấy và viết lên đầu trang: ‘Các mục tiêu của tôi’”, Ellen, vợ ông, hồi tưởng. “Mục tiêu lớn nhất cuộc đời: ‘Một ngày nào đó, tôi sẽ sở hữu một đội thể thao chuyên nghiệp’”. “Tôi đã học trường kinh doanh”, Morey nói, “vì tôi nghĩ đó là nơi phải tới nếu muốn giàu có”. Khi rời khỏi trường kinh doanh, năm 2000, ông tham dự phỏng vấn tại các công ty tư vấn cho đến khi tìm thấy một nơi nhận trả lương bằng cổ phần của những công ty mà họ tư vấn. Công ty này lúc ấy đang tiến hành tư vấn cho các công ty Internet trong suốt thời kỳ bong bóng Internet bùng nổ: Vào thời điểm đó, điều ấy nghe có vẻ là một cách làm giàu nhanh. Thế rồi, bong bóng vỡ và tất cả cổ phần trở thành vô giá trị. “Hóa ra đó lại là quyết định tệ hại nhất từ xưa đến nay”, Morey nói. Tuy vậy, từ công việc tư vấn của mình, ông đã học hỏi được một số điều có giá trị. Dường như đối với ông, phần lớn công việc tư vấn là giả vờ hoàn toàn biết chắc về những điều không chắc chắn. Trong một cuộc phỏng vấn xin việc với công ty McKinsey, họ nói ông không đủ quả quyết về quan điểm của bản thân. “Và tôi nói đó là vì tôi không chắc chắn. Thế là họ nói: ‘Chúng tôi tính phí khách hàng 500.000 đô-la một năm, vì vậy anh phải đảm bảo những gì mình nói’”. Công ty tư vấn nhận Morey vào làm sau đó luôn đòi hỏi ông thể hiện sự tự tin vào lúc mà theo ông, tự tin là dấu hiệu của sự lừa lọc. Chẳng hạn, họ yêu cầu ông dự báo giá dầu cho khách hàng. “Và sau đó chúng tôi tới gặp các khách hàng để nói mình có thể dự báo giá dầu. Chẳng ai có thể dự báo giá dầu. Điều đó về cơ bản là nhảm nhí”. Giờ đây, Morey nhận ra rất nhiều thứ con người từng nói và làm khi họ “dự đoán” sự việc là giả tạo: giả vờ biết mọi thứ còn hơn chẳng biết gì. Có rất nhiều câu hỏi thú vị trên thế giới mà chỉ có một câu trả lời thành thật: “Không thể nào biết chắc”. “Giá dầu trong 10 năm nữa sẽ là bao nhiêu?” là một câu hỏi kiểu vậy. Điều đó không có nghĩa là bạn từ bỏ nỗ lực tìm kiếm đáp án, bạn chỉ diễn đạt câu trả lời bằng những thuật ngữ xác suất. Sau này, khi các tuyển trạch viên bóng rổ tìm đến ông để xin việc, đặc điểm mà ông tìm kiếm là họ phải biết mình đang tìm đáp án cho những câu hỏi vốn không có đáp án chắc chắn – rằng họ vốn đã có khuynh hướng sai lầm. “Tôi luôn hỏi họ: ‘Các anh từng bỏ sót ai rồi?’“, Morey nói. Họ đã loại bỏ siêu sao tương lai nào, hay đã phải lòng kẻ thất bại nào? “Nếu họ không đưa ra được một cái tên hợp lý, tôi cho họ nghỉ luôn”. Nhờ may mắn, công ty tư vấn nơi Morey làm việc đã được yêu cầu thực hiện phân tích cho một tập đoàn đang cố gắng mua lại đội Boston Red Sox. Khi tập đoàn đó thua thầu mua lại một đội bóng chày chuyên nghiệp, họ rút lui và mua một đội bóng rổ chuyên nghiệp, đội Boston Celtics. Năm 2001, họ yêu cầu Morey chấm dứt việc tư vấn và đến làm cho đội Celtics, nơi “họ trao cho tôi những vấn đề khó khăn nhất để giải quyết”. Ông đã hỗ trợ thuê một ban quản lý mới, sau đó giúp xác định cách tính giá vé và cuối cùng được yêu cầu giải quyết vấn đề lựa chọn người trong mùa tuyển quân của NBA. Câu hỏi “Chàng trai 19 tuổi kia sẽ thể hiện như thế nào ở NBA?” cũng giống như “Giá dầu trong 10 năm nữa sẽ là bao nhiêu?”. Không có câu trả lời nào là hoàn hảo nhưng các số liệu thống kê có thể cho bạn một đáp án nào đó tốt hơn là đoán mò. Morey có một mô hình thống kê thô để đánh giá các cầu thủ nghiệp dư. Ông đã tự mình xây dựng nó chỉ để cho vui. Vào năm 2003, đội Celtics khuyến khích ông sử dụng nó để lựa chọn cầu thủ tại vòng cuối của mùa tuyển quân – lượt chọn thứ 56, khi các cầu thủ hiếm khi còn giá trị. Và do đó, Brandon Hunter, một tiền đạo chính vô danh xuất thân từ đội Đại học Ohio, trở thành cầu thủ đầu tiên được chọn bằng một phương trình.1 Hai năm sau, Morey nhận điện thoại từ một tay săn tài năng thông báo rằng đội Houston Rockets đang tìm giám đốc điều hành mới. “Bà ấy nói họ đang tìm một người sử dụng Thuật toán Tiền bi”, Morey nhớ lại. 1. Chuyên gia săn đầu người khởi sự làm cho đội Celtics trong một mùa giải và tiếp tục đạt được một sự nghiệp thành công ở châu Âu. (TG) Chủ sở hữu của đội Rockets, Leslie Alexander, đã chán bản năng trực giác của các chuyên gia bóng rổ. “Việc ra quyết định không hiệu quả”, Alexander nói. “Nó không chính xác. Bây giờ chúng tôi đã có tất cả dữ liệu. Và chúng tôi có máy tính có thể phân tích đống dữ liệu đó. Tôi muốn dùng chúng một cách tiến bộ. Tôi thuê Daryl vì muốn có ai đó làm được nhiều hơn là chỉ nhìn vào các cầu thủ theo cách thông thường. Ý tôi là, bản thân tôi thậm chí còn không chắc chắn đội mình có đang chơi chuẩn không”. Các cầu thủ càng được trả nhiều tiền, ông càng phí tiền vì những quyết định tùy tiện. Ông nghĩ phương thức tiếp cận theo kiểu phân tích của Morey có thể mang lại cho ông một lợi thế trên thị trường của các tài năng đắt giá, ông hoàn toàn chẳng quan tâm đến dư luận mà vẫn ra sức làm theo ý mình. (“Ai quan tâm người khác nghĩ gì?”, Alexander nói. “Đó không phải là đội bóng của họ”). Trong cuộc phỏng vấn xin việc, Morey được an ủi bởi sự táo bạo của Alexander và tinh thần mà ông thể hiện. “Ông ấy hỏi tôi: ‘Anh theo tôn giáo nào?’. Tôi nhớ lúc đó đã nghĩ, mình chẳng ngờ ông ta sẽ hỏi như thế. Tôi trả lời đại khái thôi, đến đoạn gia đình mình theo Tân giáo và Luther giáo thì ông ta ngắt lời: ‘Chỉ cần cho tôi biết anh chẳng tin vào bất kỳ thứ quái gì trong đó cả’”. Sự bàng quan của Alexander đối với dư luận hóa ra lại có ích. Biết chuyện một gã 33 tuổi quê mùa kỳ quái được thuê về điều hành đội Houston Rockets, người hâm mộ cũng như dân trong giới bóng rổ trở nên hoang mang và phản đối hơn bao giờ hết. Người của đài phát thanh Houston lập tức trao cho ông biệt hiệu: Deep Blue1. “Mọi người trong giới bóng rổ đều nghĩ tôi chẳng thuộc về nơi này”, Morey nói. “Họ im lặng trong suốt những giai đoạn thành công và bất ngờ xuất hiện khi cảm nhận được điểm yếu”. Trong thập kỷ ông quản lý đội, Rockets đã đạt thành tích đứng thứ 3 trong 30 đội bóng ở giải NBA, xếp sau San Antonio Spurs và Dallas Mavericks, xuất hiện trong nhiều trận playoff nhất so với tất cả, trừ 4 đội. Họ chưa hề thất bại trong mùa nào. Những người cảm thấy khó chịu nhất với sự hiện diện của Morey đôi lúc vì lý trí còn phải theo đuổi ông. Đến mùa xuân năm 2015, khi đội Rockets, với thành tích xếp thứ hai giải NBA, lọt vào Chung kết khu vực miền Tây đấu với đội Golden State Warriors, cựu cầu thủ nằm trong đội hình các siêu sao NBA và giờ là nhà phân tích trên truyền hình, Charles Barkley, đã đả kích 4 phút liền về Morey trong phần lẽ ra là phân tích giữa hiệp. “…Tôi không lo lắng về Daryl Morey. Hắn ta là một trong những tên ngốc tín nhiệm cái trò phân tích… Tôi luôn tin phân tích là thứ tào lao… Nghe này, Daryl Morey có bước vào căn phòng này ngay bây giờ thì tôi cũng chẳng biết là ai… Giải NBA là cuộc chơi của các tài năng. Tất cả những gã đang điều hành các tổ chức cứ nói về trò phân tích đều có một điểm chung: Họ chỉ là những gã chưa bao giờ chơi một trận bóng, chưa cưa cẩm được cô bạn gái nào thời trung học và chỉ muốn bước vào cuộc chơi”. 1. Nhái theo tên của chiếc máy tính nổi tiếng do IBM phát triển từng đánh bại vua cờ Garry Kimovich Kasparov trong trận đấu gồm 6 ván. (ND) Còn rất nhiều thứ vớ vẩn như thế. Những ai không biết Daryl Morey thì cho rằng do ông đã bắt đầu trí thức hóa bóng rổ nên chắc hẳn là một người biết tuốt. Trong cách tiếp cận thế giới, ông ngược lại hoàn toàn. Ông tự ti về bản thân – hiểu rằng thật khó để biết chắc chắn bất cứ chuyện gì. Thứ ông chắc mẩm nhất là cách thức ra quyết định. Ông không bao giờ chọn theo suy nghĩ đầu tiên. Ông đề xuất định nghĩa mới cho một con người đam mê: là một nhân vật thấu hiểu tâm trí đủ để ngờ vực nó. Một trong những việc đầu tiên Morey làm khi đến Houston – đối với ông là quan trọng nhất – là áp dụng mô hình thống kê để dự báo phong độ tương lai của các cầu thủ bóng rổ. Mô hình này cũng là một công cụ thu nhận kiến thức bóng rổ. “Kiến thức đúng nghĩa là sự dự báo”, Morey nói. “Kiến thức là bất cứ thứ gì gia tăng khả năng dự báo kết quả. Thực sự mọi việc bạn làm đều là đang cố gắng dự báo đúng. Hầu hết mọi người chỉ làm việc đó trong tiềm thức”. Một mô hình cho phép bạn khám phá các thuộc tính của một cầu thủ bóng rổ nghiệp dư để dẫn tới thành công chuyên nghiệp và xác định trọng số cho từng thuộc tính. Một khi đã có cơ sở dữ liệu về hàng nghìn cựu cầu thủ, bạn có thể tìm kiếm thêm các mối tương quan tổng quát hơn giữa phong độ thời đại học với lúc thi đấu chuyên nghiệp của họ. Rõ ràng số liệu thống kê phong độ cho bạn biết đôi điều về họ. Nhưng đó là số liệu gì? Bạn có thể tin – nhiều người sau này cũng thế – rằng điều quan trọng nhất một cầu thủ bóng rổ thực hiện là ghi điểm. Quan điểm đó có thể được kiểm chứng bây giờ: Liệu khả năng ghi điểm thời đại học có dự báo được thành công tại NBA? Không, đó là câu trả lời ngắn gọn. Từ các phiên bản ban đầu của mô hình, Morey đã biết số liệu thống kê tính toán theo truyền thống – điểm số, số lần bắt bóng bật bảng và số lần hỗ trợ bóng trong mỗi trận đấu – có thể dẫn đến những sai lệch to lớn. Có thể xảy ra trường hợp một cầu thủ ghi nhiều điểm nhưng lại gây ảnh hưởng xấu đến đội bóng, cũng như khả năng một cầu thủ ghi ít điểm nhưng lại là tài sản to lớn. “Chỉ cần có mô hình, không cần quan điểm nào cả, bạn cũng buộc phải đưa ra những câu hỏi đúng đắn”, Morey nói. “Tại sao có người được các tuyển trạch viên xếp hạng rất cao trong khi mô hình xếp anh ta thấp? Tại sao có người bị tuyển trạch viên đánh giá thấp nhưng mô hình lại xếp hạng cao?” Ông không nghĩ mô hình của mình là “câu trả lời đúng” mà chỉ là “câu trả lời tốt hơn”. Morey cũng chẳng quá ngây thơ đến mức nghĩ mô hình sẽ tự chọn cầu thủ. Rõ ràng mô hình cần được kiểm tra và quan sát – chủ yếu vì có những thông tin mà mô hình không được biết đến. Chẳng hạn, nếu một cầu thủ gãy cổ vào đêm trước vòng tuyển quân của NBA, sẽ thật tốt nếu biết điều đó. Nhưng nếu vào năm 2006, bạn yêu cầu Daryl Morey lựa chọn giữa mô hình của mình với một căn phòng đầy tuyển trạch viên bóng rổ, ông ấy sẽ chọn mô hình của mình. Đó được xem là phương pháp mới vào năm 2006. Morey có thể thấy không ai sử dụng mô hình để đánh giá cầu thủ bóng rổ – chẳng ai thèm tiếp nhận thông tin cần thiết cho bất cứ mô hình nào. Để có được mọi số liệu thống kê, ông phải cử người đến các văn phòng của Hiệp hội Thể thao các trường Đại học Quốc gia (NCCA) ở thành phố Indianapolis để sao chép bảng điểm thi đấu của tất cả các trận đấu sinh viên trong hơn 20 năm, sau đó nhập liệu bằng tay vào hệ thống của mình. Bất cứ lý thuyết nào về cầu thủ bóng rổ đều phải được kiểm tra trên một cơ sở dữ liệu về cầu thủ. Giờ đây, họ đã có số liệu về lịch sử 20 năm của các cầu thủ sinh viên. Cơ sở dữ liệu mới cho phép họ so sánh các cầu thủ với những người tương tự trong quá khứ và xem có bài học tổng quan nào tiếp thu được hay không. Nhiều việc đội Houston Rockets từng làm nghe thật đơn giản và rõ ràng vào thời điểm bây giờ: Về tinh thần, đó chính là phương thức tiếp cận được thực hiện bởi các nhà giao dịch theo thuật toán trên Phố Wall, nhà quản lý chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, cũng như mỗi công ty đang cố gắng phân tích những việc bạn làm trên Internet để dự đoán bạn sẽ xem hay mua sản phẩm nào. Nhưng vào năm 2006, không có gì đơn giản và rõ ràng cả. Nhiều thông tin mà mô hình của Morey cần lại không có. Đội Rockets bắt đầu thu thập dữ diệu gốc của mình bằng cách định lượng mọi việc xảy ra trên sân mà trước đây chưa được xác định. Chẳng hạn, thay vì tìm hiểu số lần bắt bóng bật bảng của một cầu thủ, họ bắt đầu đếm số cơ hội bắt bóng bật bảng chính xác anh ta có và số lần thực hiện thành công. Họ theo dõi việc ghi điểm trong trận đấu khi một cầu thủ đang chơi trên sân, so sánh với khi anh ta ngồi trên băng ghế dự bị. Điểm số, số lần bắt bóng bật bảng và đoạt bóng tính trên từng trận đấu có thể không hữu ích; nhưng nếu tính trên mỗi phút thì rất giá trị. Ghi 15 điểm trong cả trận rõ ràng ít ý nghĩa hơn khi bạn chỉ chơi phân nửa thời gian. Cũng có thể xem xét tốc độ chơi bóng của nhiều đội bóng đại học từ bảng điểm – chúng lên xuống thường xuyên trên sân đấu như thế nào. Điều chỉnh số liệu thống kê của một cầu thủ đại học theo tốc độ chơi của đội bóng là rất hiệu quả. Ghi điểm và bắt bóng bật bảng khi đội có đến 150 cú ném rổ trong một trận đấu là một chuyện, nhưng nếu làm được thế khi chỉ có 75 cú ném rổ thì lại khác. Việc điều chỉnh theo tốc độ cho ta hình dung về những gì một cầu thủ đạt được so với cách nhìn nhận thông thường. Không chỉ tập hợp dữ liệu về các cầu thủ bóng rổ vốn chưa từng được thu thập, đội Rockets còn tổng hợp thông tin về cuộc đời các cầu thủ và tìm kiếm hình mẫu trong đó. Việc có đủ cả bố và mẹ có giúp cầu thủ phát triển? Thuận tay trái có phải là lợi thế? Những cầu thủ được rèn giũa bởi các huấn luyện viên mạnh mẽ thời đại học có xu hướng thi đấu tốt hơn ở NBA không? Nếu trong dòng họ của một cầu thủ có người từng là tuyển thủ NBA thì có tốt hơn không? Có vấn đề gì không nếu anh ta chuyển tới từ trường cao đẳng? Nếu huấn luyện viên thời sinh viên của anh ta chơi phòng ngự khu vực thì sao? Nếu hồi sinh viên, anh ta từng chơi ở nhiều vị trí thì thế nào? Khả năng đẩy tạ nằm của cầu thủ có quan trọng không? “Hầu như tất cả những thứ chúng tôi xét đến đều không dự báo được”, Morey nói. Nhưng không phải mọi thứ. Số lần bắt bóng bật bảng trên phút khá hữu ích trong việc dự đoán thành công tương lai của những anh chàng to lớn. Số lượt cướp bóng trên phút cho bạn biết một số điều về những chàng trai nhỏ bé. Chiều cao của một cầu thủ không quan trọng bằng việc bàn tay có thể với cao đến đâu – độ dài tay quan trọng hơn chiều cao của anh ta. Lần vận hành thử đầu tiên của mô hình diễn ra năm 2007 (Đội Rockets mua bán các cầu thủ mình chọn vào năm 2006). Đây là cơ hội để kiểm tra một phương thức tiếp cận duy lý và công bằng, dựa trên cơ sở bằng chứng, so sánh với kinh nghiệm cảm tính của cả một ngành. Vào năm đó, đội Rockets nắm giữ lượt chọn thứ 26 và 31 trong mùa tuyển quân của NBA. Theo mô hình của Morey, xác suất có được một cầu thủ NBA giỏi qua những lựa chọn đó lần lượt là 8% và 5%. Xác suất có được một cầu thủ mở màn trận đấu của các siêu sao NBA là khoảng 1%. Họ đã chọn Aaron Brooks và Carl Landry, cả hai đều trở thành cầu thủ mở màn NBA. Đây là một mẻ lưới cực hời.1 “Điều đó giúp chúng tôi ngủ ngon giấc”, Morey nói. Ông biết mô hình của mình cùng lắm chỉ gây ra ít lỗi hơn một chút so với những người từng đưa ra phán đoán về các ứng viên dự tuyển tìm việc từ xưa. Ông biết mình rất thiếu số liệu tốt. “Bạn có một số thông tin – nhưng thường chỉ là từ một năm ở trường đại học. Mà ngay cả thông tin đó cũng có vấn đề. Ngoại trừ việc mỗi trận đấu mỗi khác, với các huấn luyện viên khác nhau, mức độ cạnh tranh cũng khác – các cầu thủ đều 20 tuổi. Họ không biết mình là ai. Vậy làm sao chúng tôi biết?”. Ông biết tất cả chuyện này, nhưng ông nghĩ họ vẫn có thể xác định điều gì đó. Thế rồi năm 2008 đến. 1. Không có cách thức hoàn hảo nào để đo lường chất lượng của một lựa chọn tại mùa tuyển quân, nhưng có một cách hợp lý: so sánh kết quả đầu ra của cầu thủ trong 4 năm đầu, những năm tháng mà đội bóng ở NBA vốn từng chọn anh ta cũng đang kiểm soát cầu thủ này, với kết quả đầu ra bình quân của các cầu thủ được chọn ở cùng suất đó. Bằng phương pháp đo lường này, Carl Landry và Aaron Brook là những lựa chọn tốt nhất ở lượt thứ 35 và 55 trong khoảng 600 lượt lựa chọn do các đội NBA thực hiện trong thập kỷ vừa qua. (TG) Năm đó, đội Rockets kết thúc ở lượt lựa chọn thứ 33 của mùa tuyển quân, thu về một anh chàng to lớn đến từ Đại học Memphis tên là Joey Dorsey. Trong cuộc phỏng vấn, Dorsey hài hước, đáng mến và rất thu hút – anh này nói khi nào ngừng chơi bóng rổ sẽ khai phá thêm sự nghiệp thứ hai là làm ngôi sao khiêu dâm. Sau khi được chọn, Dorsey được cử tới thành phố Santa Cruz để chơi một trận giao hữu với các cầu thủ mới được tuyển chọn khác. Morey liền đến để xem anh ta. “Trận đầu tiên tôi quan sát, anh chàng trông thật kinh khủng”, Morey nói. “Và tôi nghĩ: ‘Chết tiệt!!!’”. Joey Dorsey chơi tệ đến nỗi Daryl Morey không thể tin là đang nhìn chàng trai do chính mình lựa chọn. Morey nghĩ thầm, có lẽ anh ta không coi trọng trận giao hữu. “Tôi gặp anh ta. Chúng tôi cùng ăn trưa trong 2 giờ đồng hồ”. Morey nói với Dorsey rất lâu về tầm quan trọng của việc chơi bóng với cường độ cao, tạo ấn tượng tốt và đại loại như vậy. “Tôi nghĩ trận đấu tới, anh chàng sẽ ra sân đầy kích động. Anh ta ra sân và làm hỏng nốt”. Morey nhanh chóng nhận thấy mình gặp phải một vấn đề còn lớn hơn Joey Dorsey. Vấn đề ấy nằm ở chính mô hình của ông. “Joey Dorsey là một siêu sao trong mô hình. Mô hình cho thấy anh ta là một nhân vật không thể bỏ qua. Tín hiệu của anh ta rất tốt, cực kỳ tốt”. Cùng năm đó, mô hình đã coi một cầu thủ là không đáng xem xét nghiêm túc, đó là một trung phong năm nhất ở Đại học Texas A&M, DeAndre Jordan. Mọi đội bóng khác tại NBA, sử dụng các công cụ săn tìm tài năng truyền thống hơn, đều từ chối anh chàng này ít nhất một lần, hay phải đến lượt thứ 35, Jordan mới được đội Los Angeles Clippers chọn. Cũng nhanh như Joey Dorsey sớm chứng tỏ mình là một kẻ thất bại toàn tập, DeAndre Jordan khẳng định mình là một trung phong “vô đối” ở NBA và là cầu thủ tốt thứ hai trong toàn bộ lứa được chọn, chỉ sau Russell Westbrook.1 1. Trước mùa giải năm 2015, DeAndre Jordan đã ký hợp đồng 4 năm với đội Clippers, đảm bảo cho anh thu nhập 87.616.050 đô-la, mức lương cao nhất tại giải NBA lúc đó. Joey Dorsey ký hợp đồng một năm trị giá 650.000 đô-la với đội Galatasaray Liv Hospital của Liên đoàn Bóng rổ Thổ Nhĩ Kỳ. (TG) Chuyện kiểu này thường xảy ra hằng năm đối với bất kỳ đội bóng NBA nào. Mỗi năm đều có những cầu thủ tuyệt vời bị các tuyển trạch viên bỏ sót, và năm nào cũng có những cầu thủ được đánh giá cao nhưng lại chơi chẳng ra gì. Morey không cho rằng mô hình của mình hoàn hảo, nhưng ông cũng chẳng thể tin nó lại sai đến thế. Kiến thức là dự báo: Nếu bạn không thể dự báo một điều rõ rành rành như thất bại của Joey Dorsey hay thành công của DeAndre Jordan, thì bạn hiểu được bao nhiêu chứ? Cả cuộc đời ông đã được định hình bởi ý tưởng dằn vặt này: Ông có thể sử dụng số liệu để đưa ra những dự báo tốt hơn. Tính hợp lý của ý tưởng này bị ngờ vực. “Tôi đã bỏ qua điều gì đó”, Morey nói. “Đó chính là các hạn chế của mô hình”. Morey tin rằng sai lầm đầu tiên của mình là do đã không chú ý kỹ đến độ tuổi của Joey Dorsey. “Anh ta già chát rồi”, Morey nói. “Anh chàng đã 24 tuổi khi được chúng tôi chọn”. Sự nghiệp thời đại học của Dorsey ấn tượng như thế vì anh ta già hơn nhiều so với các đối thủ. Trên thực tế, Dorsey đã nhiều lần đánh bại các thanh niên nhỏ bé. Việc nâng tầm quan trọng của độ tuổi cầu thủ trong mô hình khiến Dorsey trở thành một triển vọng tồi của NBA; ấn tượng hơn, nó cải thiện được các phán đoán của mô hình về gần như mọi cầu thủ trong cơ sở dữ liệu. Về vấn đề đó, Morey nhận ra có cả một lớp cầu thủ sinh viên thi đấu tốt hơn nhiều khi gặp các đối thủ yếu so với khi chạm trán những kẻ mạnh. Cá lớn nuốt cá bé thôi. Mô hình cũng có thể tính đến điều đó bằng cách chú trọng các trận đấu gặp đối thủ mạnh hơn trận gặp đối thủ yếu. Việc này cũng cải thiện mô hình. Morey có thể thấy – hay ông tưởng mình có thể thấy – vì sao mô hình lại bị đánh lừa bởi Joey Dorsey. Việc nó mù tịt về giá trị của DeAndre Jordan gây lo lắng hơn nhiều. Chàng trai đã chơi bóng rổ ở trường đại học chỉ một năm, không hiệu quả cho lắm. Hóa ra cậu từng là một cầu thủ gây sốt thời trung học, ghét huấn luyện viên thời đại học và thậm chí còn chẳng muốn đi học. Làm sao một mô hình có thể dự báo tương lai của một cầu thủ từng cố tình chuốc lấy thất bại? Nó không thể nhìn ra tương lai của Jordan qua các con số thống kê thời đại học của anh chàng và vào thời điểm đó lại không có những số liệu hữu ích về bóng rổ trung học. Nếu chỉ dựa vào những con số thống kê phong độ thì mô hình sẽ luôn bỏ qua DeAndre Jordan. Dường như cách duy nhất để nhìn ra anh ta là thông qua con mắt của một chuyên gia bóng rổ kiểu cũ. Thực tế, Jordan đã trưởng thành ở Houston dưới con mắt theo dõi của các tuyển trạch viên đội Rockets, một trong những chuyên gia đó đã muốn chọn anh chàng căn cứ vào thế mạnh ông ta cho là một tài năng không thể chối cãi. Một trong các tuyển trạch viên của ông đã nhìn ra điều mà mô hình bỏ sót! Morey – là chính Morey – thực sự đã tiến hành kiểm tra xem có bất cứ mẫu hình nào trong các dự báo của đội ngũ nhân viên hay không. Ông đã thuê hầu hết những người đó và nghĩ rằng họ tuyệt vời, thế nhưng lại chẳng có bất cứ bằng chứng nào cho thấy bất kỳ ai trong bọn họ giỏi hơn những người còn lại, hay nổi trội hơn thị trường trong việc dự đoán người thành, kẻ bại ở NBA. Nếu có chuyên gia bóng rổ nào xác định được tài năng NBA tương lai thì ông vẫn chưa tìm thấy người đó. Lẽ dĩ nhiên, Morey không nghĩ mình là người như vậy. “Tôi không hề nghĩ đến việc coi trọng trực giác cá nhân hơn”, ông nói. “Tôi rất ít tin tưởng vào bản năng của mình. Tôi chỉ nghĩ rằng có nhiều bằng chứng cho thấy trực giác không tốt cho lắm”. Cuối cùng, ông quyết định rằng đội Rockets cần cắt giảm dữ liệu và hướng vào phân tích, có nhiều thứ chưa từng được phân tích nghiêm túc: các đặc điểm thể chất. Họ không chỉ cần biết một cầu thủ nhảy cao bao nhiêu mà còn phải nắm được anh ta bật khỏi mặt đất mau lẹ ra sao – cơ bắp nâng anh ta lên không trung nhanh dường nào. Họ cần đo cả tốc độ của cầu thủ lẫn độ nhanh nhạy của hai bước chân đầu tiên. Như thế thì thậm chí họ còn phải sành sỏi hơn trước đây. “Khi mọi thứ hỏng bét”, Morey nói, “mọi người quay lại với những thói quen từng thành công trong quá khứ. Quan điểm của tôi là: Chúng ta hãy quay lại với các nguyên tắc đầu tiên. Nếu các công cụ thể chất quan trọng, chúng ta hãy kiểm tra chúng sát sao hơn hết. Phải bớt coi trọng thành tích thi đấu thời đại học và tập trung vào các khả năng thể chất thuần túy hơn”. Nhưng một khi bạn bắt đầu nói về hình thể của một anh chàng và những gì nó có thể hoặc không thể làm trên sân đấu NBA, sẽ có một hạn chế ngay cả đối với tính hữu ích của thông tin khách quan có thể đo lường. Bạn cần, hay có vẻ cần đến các chuyên gia để xem xét những công cụ hiện hành và đánh giá họ sẽ thực hiện tốt chức năng thi đấu như thế nào trong một trận đấu khác, trước đối thủ giỏi hơn. Bạn cần các tuyển trạch viên để đánh giá khả năng cầu thủ thực hiện những việc họ biết là quan trọng nhất trên sân bóng rổ: ném bóng, dứt điểm, tiếp cận vành rổ, bắt bóng bật bảng để tấn công... Bạn cần đến các chuyên gia. Các hạn chế của mô hình đã lôi kéo sự phán đoán của con người vào quá trình ra quyết định – dù nó có giúp ích hay không. Thế là Morey bắt đầu cố gắng hết sức để hòa trộn phán đoán chủ quan của con người với mô hình của mình. Mẹo ở đây không chỉ là xây dựng một mô hình tốt hơn, mà là lắng nghe cả nó lẫn các tuyển trạch viên cùng lúc. “Bạn phải chỉ ra được mô hình tốt và xấu ở điểm nào, còn con người giỏi hay dở ở đâu”, Morey nói. Chẳng hạn như con người đôi khi có thể tiếp cận những thông tin mà mô hình không thể. Các mô hình không biết DeAndre Jordan thất bại toàn tập ở năm nhất đại học là do cậu ta không hề cố gắng. Con người thì kém ở khoản… à, đó là chủ đề mà bây giờ Daryl Morey cần nghiên cứu trực tiếp hơn. Khi mới tiếp cận tâm trí con người, Morey không thể không nhận thấy nó vận hành rất lạ lùng. Khi cởi mở đón nhận thông tin có thể hữu ích trong việc đánh giá một cầu thủ bóng rổ nghiệp dư, nó cũng dễ dàng bị đánh lừa bởi những ảo tưởng biến mô hình thành một công cụ giá trị lúc ban đầu. Chẳng hạn, trong mùa tuyển quân năm 2007, có một cầu thủ mà mô hình của ông thật sự ưa thích: Marc Gasol. Gasol 20 tuổi, là một trung phong cao 2,13m đang chơi ở châu Âu. Các tuyển trạch viên đã tìm ra một bức ảnh chụp anh cởi trần. Anh ta mập mạp, mang gương mặt trẻ thơ và ngực xệ. Các nhân viên của đội Rockets đã đặt cho Marc Gasol biệt danh: Gã Ngực Xệ. Gã Ngực Xệ thế này, Gã Ngực Xệ thế kia. “Đó là mùa tuyển quân đầu tiên tôi phụ trách và tôi không dũng cảm cho lắm”, Morey nói. Ông để cho những lời chế nhạo hình thể Marc Gasol lấn át sự lạc quan của mô hình về tương lai bóng rổ của Gasol, và thế là thay vì tranh cãi với đội ngũ nhân viên, ông đứng nhìn đội Los Angeles Lakers lấy đi Gasol ở lượt lựa chọn thứ 48. Xác suất có được một nhân vật trong đội hình các siêu sao NBA ở lần chọn lựa thứ 48 trong mùa tuyển quân là dưới 1%. Về cơ bản, lượt chọn 48 thậm chí chẳng bao giờ mang về nổi một cầu thủ có ích trên băng ghế dự bị của NBA, nhưng Marc Gasol đang chứng minh anh ta là một ngoại lệ lớn.1 Biệt danh kia rõ ràng đã ảnh hưởng đến cách họ đánh giá anh: cái tên rất quan trọng. “Tôi đã đặt ra một quy định ngay sau đó”, Morey nói. “Tôi cấm đặt biệt danh”. 1. Gasol trở thành người lọt vào đội hình các siêu sao NBA đến hai lần và theo sự tính toán của đội Houston, anh là lựa chọn tốt thứ ba trong toàn bộ giải NBA một thập kỷ vừa qua, xếp sau Kevin Durant và Blake Griffin. (TG) _______________ Bất thình lình, Morey lại rơi vào một mớ bòng bong mà ông và mô hình được thuê để loại bỏ. Nếu không bao giờ loại bỏ được hoàn toàn tâm trí con người khỏi quá trình ra quyết định, Daryl Morey chí ít cũng phải nghĩ đến tính dễ bị tổn thương của nó. Giờ ông nhìn đâu cũng thấy những điều này. Một ví dụ: Trước mùa tuyển quân, đội Rockets sẽ tập hợp một cầu thủ cùng với những cầu thủ khác lại và yêu cầu anh này chơi thử trên sân. Làm sao có thể từ chối cơ hội được xem anh ấy chơi? Thế nhưng, trong lúc những người đánh giá tài năng của anh cảm thấy thú vị khi xem một cầu thủ thi đấu, Morey bắt đầu nhận ra rủi ro. Một cầu thủ ném rổ giỏi có thể có một ngày thi đấu dưới sức, một tay bắt bóng bật bảng cừ khôi có thể bị bắt nạt. Nếu định để mọi người quan sát và đánh giá, bạn cũng phải dạy họ đừng quá coi trọng những gì trông thấy (Vậy tại sao họ lại phải quan sát?). Chẳng hạn, nếu một anh chàng đạt tỷ lệ ném rổ thành công 90% từ sau vạch ném phạt thời đại học thì việc anh ta ném trượt 6 cú liên tục trong một buổi tập cá nhân cũng chẳng vấn đề gì. Morey yêu cầu nhân viên chú ý tới các buổi tập nhưng không được để những gì họ trông thấy thay thế điều họ biết là đúng. Tuy nhiên, nhiều người nhận thấy rất khó để ngó lơ bằng chứng mình tận mắt chứng kiến. Một vài người nhận thấy nỗ lực này rất khổ sở, như thể họ bị trói vào cột buồm để nghe bài ca của những nàng tiên cá. Ngày nọ, một tuyển trạch viên đến gặp Morey và nói: “Daryl, tôi đã làm việc này đủ lâu. Tôi nghĩ chúng ta nên ngừng các buổi luyện tập. Hãy dừng chúng lại đi, làm ơn”. Morey nói: “Hãy cố gắng nhìn nhận đúng thực tế. Coi trọng nó vừa thôi”. “Rồi anh ta nói: ‘Daryl, tôi không thể làm thế. Nó giống như con nghiện ma túy vật thuốc vậy’”, Morey nói. “Anh ta chẳng thể chạm ngưỡng giới hạn mà không bị tổn thương”. Morey nhanh chóng nhận ra chuyện khác: Một tuyển trạch viên quan sát cầu thủ sẽ có xu hướng hình thành ấn tượng ngay tức thì, trong khi các dữ liệu khác xung quanh có hơi hướng tự sắp xếp lại. “Thiên kiến xác nhận”, ông nghe nói nó được gọi như vậy. Tâm trí con người không giỏi nhìn nhận những thứ nó không muốn thấy và hơi quá háo hức muốn thấy những gì mình trông đợi. “Thiên kiến xác nhận là thứ âm ỉ sâu kín nhất bởi bạn còn chẳng biết nó đang diễn ra”, ông nói. Tuyển trạch viên sẽ chấp nhận quan điểm về một cầu thủ, sau đó sắp xếp bằng chứng để bảo vệ quan điểm đó. “Chuyện kinh điển”, Morey nói, “và chuyện này xảy ra suốt: Nếu không thích ai đó, anh sẽ nói chẳng có vị trí nào cho chàng trai ấy. Nếu thích cậu ta, anh sẽ nói cậu chơi được nhiều vị trí. Nếu thích một cầu thủ, anh so sánh hình thể cậu ấy với người giỏi. Còn nếu không ưa, anh sẽ so sánh cậu ta với một kẻ kém cỏi”. Dù một người có định kiến gì khi lựa chọn các cầu thủ nghiệp dư, anh ta đều có xu hướng bảo vệ nó, ngay cả khi nó chỉ đem lại điều tệ hại, bởi anh luôn mong định kiến đó được xác nhận. Morey nói thêm, vấn đề càng tệ hơn do người đánh giá tài năng có xu hướng ưu ái những cầu thủ khiến họ nhớ tới mình thời trai trẻ. “Nghiệp chơi bóng của tôi chẳng liên quan gì nhiều đến sự nghiệp đời tôi”, ông nói. “Nhưng tôi vẫn thích những anh chàng hay đánh đập người khác, chơi gian lận và thuộc loại khó ưa. Kiểu người giống Bill Laimbeer1. Vì đấy chính là cách tôi từng chơi bóng”. Bạn nhìn thấy ai đó gợi nhớ tới mình rồi tìm kiếm những lý do khiến mình thích anh ta. Thực tế rằng một người chơi bóng có ngoại hình giống một cầu thủ nào đó đang thành công có thể dẫn tới các suy nghĩ sai lệch. Một thập kỷ trước, một nam sinh trung học, là con lai, da trắng, cao 1,8m không hề được các trường đại học lớn chú ý nên phải chơi bóng cho một trường đại học nhỏ vô danh, tài năng chính của anh ta là những cú ném tầm xa, rõ ràng chẳng có gì thu hút. Kiểu người này không hề tồn tại ở giải NBA – chí ít cũng chẳng thuộc dạng thành công lớn lao gì. Thế rồi, Stephen Curry xuất hiện và làm cho NBA bùng cháy, dẫn dắt đội Golden State Warriors tới chức vô địch NBA và trở thành cầu thủ được mọi người đánh giá cao nhất. Bỗng nhiên, tất cả các hậu vệ người lai sở hữu những cú ném rổ có độ chuẩn xác cao đều xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn dự tuyển cho NBA, khẳng định mình chơi rất giống Stephen Curry; và bọn họ có nhiều khả năng được chọn do sự tương đồng đó2. “Trong 5 năm sau khi chọn Aaron Brooks, chúng tôi đã gặp rất nhiều cậu chàng so sánh bản thân với Aaron. Bởi vì có quá nhiều hậu vệ nhỏ bé”. Giải pháp của Morey là cấm so sánh trong cùng chủng tộc. “Chúng tôi đã nói: ‘Bạn chỉ được so sánh cầu thủ này với cầu thủ khác nếu họ khác chủng tộc’”. Chẳng hạn, nếu cầu thủ đang được nhắc tới là người Mỹ gốc Phi thì chuyên gia đánh giá tài năng chỉ được phép lý luận “anh ấy giống người này hay người kia” nếu người đó là da trắng hoặc châu Á hay là người Mỹ gốc Tây Ban Nha, người Eskimo hoặc bất cứ chủng tộc nào không phải da đen. Một điều buồn cười là khi bạn cấm người khác phân biệt chủng tộc trong suy nghĩ, họ không xem xét sự giống nhau nữa. Đầu óc họ chống lại sự nhảy vọt. “Chỉ là bạn không thấy điều đó mà thôi”, Morey nói. 1. Cầu thủ bóng rổ nổi tiếng chơi xấu của NBA. Ông nằm trong đội hình “Những chàng trai hư” huyền thoại của đội Detroit Pistons vô địch 2 mùa giải NBA liên tiếp năm 1989 và 1990 nhờ vào khả năng phòng ngự vô cùng khủng khiếp. (ND) 2. Năm 2015, Tyler Harvey, một hậu vệ ghi điểm xuất thân từ đội Đại học Eastern Washington, đã làm điều tương tự. Khi được hỏi trận đấu của anh giống nhân vật nào nhất, Harvey nói: “Thành thật với các ông, tôi giống Steph Curry nhất”, và tương tự trường hợp Steph Curry, anh ta cứ tiếp tục nói các trường đại học lớn chẳng quan tâm gì đến mình. Việc hoàn toàn không thu hút được huấn luyện viên các đội bóng đại học giờ đây lại là một điều tốt! Harvey được chọn vào cuối vòng thứ hai của mùa tuyển quân tại lượt chọn thứ 51. “Nếu Curry không tồn tại thì chẳng bao giờ đến lượt anh ta [Harvey]”, Morey nói. (TG) Có lẽ trò lừa gian trá nhất của tâm trí chính là dẫn dắt chủ nhân đi tới cảm giác chắc chắn về những điều vốn không hề chắc chắn. Rất nhiều lần trong mùa tuyển quân, bạn trông thấy những hình ảnh vô cùng rõ ràng trong tâm trí các chuyên gia bóng rổ để rồi sau đó chúng được chứng minh chỉ là ảo tưởng. Chẳng hạn như hình ảnh Jeremy Lin trong tâm trí của hầu như mọi tuyển trạch viên bóng rổ. Hậu vệ ghi điểm người Mỹ gốc Hoa hiện đang nổi như cồn trên toàn thế giới tốt nghiệp Đại học Harvard năm 2010 và tham gia mùa tuyển quân. “Anh ấy thắp sáng cả mô hình của chúng tôi”, Morey nói. “Mô hình nói phải chọn anh ấy ở lượt thứ 15 của mùa tuyển quân”. Phương pháp đo lường khách quan đối với Jeremy Lin không phù hợp với những gì các chuyên gia nhận thấy khi họ quan sát anh thi đấu: một vận động viên châu Á không tệ. Morey không hoàn toàn tin tưởng mô hình của mình nên quyết định rút lui và không chọn Lin. Một năm sau khi đội Houston Rockets không chọn Jeremy Lin, họ bắt đầu đo tốc độ hai bước chạy đầu tiên của một cầu thủ: Jeremy Lin có bước di chuyển đầu tiên nhanh nhất trong số các cầu thủ được đo lường. Anh năng nổ và có thể chuyển hướng nhanh hơn nhiều so với hầu hết cầu thủ NBA. “Anh ta khỏe đến khó tin”, Morey nói. “Nhưng thực tế, mọi người, bao gồm cả tôi, đều cho là anh chàng ấy yếu xìu. Và tôi chẳng nghĩ được bất cứ lý do nào ngoài việc Lin là người gốc Á”. Theo một cách lạ lùng nào đó, mọi người, ít nhất là lúc đang đánh giá người khác, đều nhìn thấy những điều mình mong đợi và chậm chạp nhận ra những gì chưa từng thấy. Vấn đề tệ đến mức nào? Khi huấn luyện viên của Jeremy Lin ở đội New York Knicks rốt cuộc cũng cho anh xung trận – do những người khác đều bị chấn thương – và để cho anh thắp sáng cả đấu trường Madison Square Garden, lúc đó đội Knicks đang chuẩn bị sa thải Jeremy Lin. Anh đã quyết định nếu bị cho ‘về vườn’ thì cũng bỏ bóng rổ luôn. Vấn đề nghiêm trọng vậy đấy: một cầu thủ NBA rất cừ có thể không bao giờ có một cơ hội đàng hoàng để chơi tại NBA, chỉ vì đầu óc của các chuyên gia kết luận rằng anh không phù hợp. Còn bao nhiêu Jeremy Lin nữa ở ngoài kia? Sau khi đội Houston Rockets và mọi người khác ở NBA không chú ý đến giá trị của Jeremy Lin trong mùa tuyển quân (anh đã ký hợp đồng như một cầu thủ tự do chuyển nhượng sau mùa tuyển quân), giải đấu tạm dừng. Một bất đồng giữa giới cầu thủ với các ông chủ đội bóng dẫn tới việc đình chỉ hoạt động và không ai được phép làm việc. Morey ghi danh vào một khóa đào tạo quản lý tại Trường Kinh doanh Harvard và tham dự một lớp về kinh tế học hành vi. Ông đã nghe về các nguyên tắc (Tôi không phải một tên ngốc) nhưng chưa từng nghiên cứu nó. Khi bắt đầu giờ học đầu tiên, giảng viên yêu cầu ông và mọi người trong lớp viết 2 chữ số cuối cùng trong số điện thoại di động của mình lên một tờ giấy. Rồi bà yêu cầu cả lớp viết ra con số ước tính sát nhất của họ về số quốc gia châu Phi trong Liên Hợp Quốc. Sau đó bà thu lại tất cả giấy và cho họ thấy những ai có đuôi số điện thoại cao hơn đều đưa ra những ước tính cao hơn một cách có hệ thống về số lượng quốc gia châu Phi trong Liên Hợp Quốc. Tiếp theo, bà lại lấy một ví dụ khác và nói: “Tôi sẽ làm lại. Tôi sẽ cho các bạn một cơ sở vững chắc. Đây. Thử xem bạn có bị rối không nhé”. Dù đã được cảnh báo, đầu óc mọi người vẫn rối. Chỉ biết về một thiên kiến thì không đủ để vượt qua nó: Suy nghĩ này khiến Daryl Morey bứt rứt không yên. Khi giải NBA hoạt động trở lại, ông còn một phát hiện đáng quan ngại khác. Ngay trước mùa tuyển quân, đội Toronto Raptors gọi điện tới và đề nghị trao đổi quyền chọn tại vòng 1 của họ lấy hậu vệ ghi điểm dự bị của đội Houston là Kyle Lowry. Morey nói điều này với đội ngũ nhân viên và khi họ chuẩn bị từ chối giao kèo, một trong các giám đốc điều hành của đội Rockets nói: “Các anh biết đấy, nếu chúng ta có quyền chọn cầu thủ và họ đề nghị đổi Lowry, chúng ta thậm chí sẽ không coi đó là một tiềm năng”. Họ dừng lại và phân tích tình huống kỹ hơn: Giá trị kỳ vọng của quyền chọn đã vượt xa giá trị mà họ đánh giá cầu thủ đang định chuyển nhượng. Việc họ sở hữu Kyle Lowry có vẻ như đã bóp méo đánh giá của họ về anh.1 Nhìn lại 5 năm trước, giờ đây họ nhận thấy mình đã định giá quá mức các cầu thủ một cách có hệ thống mỗi khi có đội bóng khác tìm cách trao đổi cầu thủ. Nhất là khi được chào mời cơ hội trao đổi một trong các cầu thủ NBA của mình lấy quyền chọn của đội bóng khác, họ lại đi từ chối những thương vụ lẽ ra nên thực hiện. Tại sao vậy? Họ đã làm việc đó một cách vô thức. 1. Họ đã thực hiện vụ trao đổi và sau đó sử dụng quyền chọn trong mùa tuyển quân như giấy nợ lớn nhất trong thương vụ giành được một siêu sao, James Harden. (TG) Bởi thế, Morey bắt đầu nhận thức về điều mà các nhà kinh tế học hành vi gọi là “hiệu ứng sở hữu”. Để chiến đấu chống lại hiệu ứng sở hữu, khi vào mùa tuyển quân, ông bắt các tuyển trạch viên và mô hình thiết lập giá trị quyền chọn đối với từng cầu thủ mình đang sở hữu. Mùa giải tiếp theo, trước thời hạn chuyển nhượng, Morey đứng trước các nhân viên và liệt kê trên tấm bảng trắng tất cả những thiên kiến mà ông sợ sẽ làm méo mó phán đoán của họ: hiệu ứng sở hữu, thiên kiến xác nhận cùng những điều khác. Cũng có thứ mà người ta gọi là “thiên kiến hiện tại” – khuynh hướng đánh giá thấp giá trị của tương lai so với hiện tại vào thời điểm đưa ra quyết định. Có cả “thiên kiến nhận thức muộn” – con người có khuynh hướng nhìn vào một kết quả nào đó và cho rằng nó có thể được dự đoán ngay từ đầu. Mô hình là một liều thuốc hóa giải những thất thường trong óc phán đoán của con người, nhưng đến năm 2012, mô hình dường như chạm tới giới hạn của lợi thế thông tin mà nó mang đến cho đội Rockets trong việc định giá cầu thủ. “Mỗi năm, chúng tôi đều nói về việc cần loại bỏ hay đưa vào mô hình những gì”, Morey nói. “Và mỗi năm nó lại khiến người ta thêm đôi chút phiền muộn”. Công việc điều hành một đội bóng rổ chuyên nghiệp hóa ra lại có đôi chút khác biệt so với những gì ông từng mường tượng khi còn là một đứa trẻ. Như thể ông đã được giao nhiệm vụ tháo rời một chiếc đồng hồ báo thức cực kỳ phức tạp để xem vì sao nó không hoạt động, để rồi chỉ khám phá ra một bộ phận quan trọng của chiếc đồng hồ đang lẩn khuất bên trong chính tâm trí mình. _______________ Morey và đội ngũ của ông rõ ràng đã nhìn thấy nhiều chàng trai to lớn. Nhưng vào mùa đông năm 2015, đến họ còn sốc khi thấy anh chàng người Ấn Độ bước vào phòng phỏng vấn. Cậu ta ăn mặc đơn giản với quần nỉ và áo phông Nike màu xanh đọt chuốt cùng một cặp thẻ bài lủng lẳng đeo trên cổ. Chiếc cổ đó – giống như đôi tay, đôi chân, cái đầu và thậm chí cả đôi tai của anh chàng – đều to quá khổ như trong phim hoạt hình đến nỗi bạn cứ mắt tròn mắt dẹt và thắc mắc liệu cái bộ phận cơ thể đặc biệt kia có phá kỷ lục Guinness không. Đội Rockets từng thuê một trung phong người Trung Quốc cao 2,28m tên là Yao Ming, kích thước cơ thể của anh ta cũng khiến người khác phản ứng kỳ lạ. Thiên hạ mà trông thấy anh thì sẽ quay lưng và bỏ chạy mất dép hay phá lên cười hoặc phát khóc. Anh chàng người Ấn kia thấp hơn Yao Ming chừng vài phân, nhưng xét tổng thể, anh ta to con hơn. Sau khi xem các số đo và thấy thật khó tin một người có thể tăng trưởng nhanh như vậy chỉ trong 19 năm, Morey đã yêu cầu nhân viên tìm kiếm và kiểm tra giấy khai sinh của cậu ta. Người đại diện của anh chàng người Ấn kia quay lại rồi nói ngôi làng nơi cậu sinh ra không lưu hồ sơ khai sinh. Nghe chuyện này, Morey nhớ lại những điều Dikembe Mutombo từng nói với mình. Mutombo là một tay chắn bóng cao 2,18m, anh ta tới đội Rockets qua lối Congo, giữa chừng đã chơi cho 5 đội bóng khác của NBA. Anh nói hễ có gã khổng lồ nào từ nước ngoài đến và nhận mình trẻ hơn vẻ bề ngoài thì “ông cần cưa chân hắn ra và đếm tuổi đi nhé”. Anh chàng người Ấn tên là Satnam Singh. Nhìn chung cậu có vẻ trẻ, ngoại trừ kích thước ngoại cỡ. Cậu ta là một thanh niên bối rối vì bỗng dưng phải xa nhà nên đang cảm thấy bất an về xã hội bên ngoài. Anh chàng mỉm cười lo lắng và ngồi xuống chiếc ghế ở đầu bàn. “Cậu ổn chứ?”, phỏng vấn viên của đội Rockets hỏi. “Vâng, tôi ổn, ổn, ổn mà”. Đó không phải giọng nói mà là tiếng còi tàu thì đúng hơn. Giọng ồm đến mức phải mất một lúc mọi người mới hiểu cậu ta nói gì. “Chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu thêm chút ít về cậu thôi”, phỏng vấn viên lên tiếng. “Hãy nói cho chúng tôi nghe về người đại diện của cậu và lý do cậu chọn ông ấy”. Satnam Singh căng thẳng nói huyên thuyên trong đôi phút. Không rõ có ai trong phòng hiểu những gì cậu ta nói hay không. Đại khái họ biết cậu ta được chăm sóc từ năm 14 tuổi bởi những người đã hình dung ra một sự nghiệp NBA cho cậu. “Hãy kể cho chúng tôi nghe về quê hương và gia đình của cậu?”, phỏng vấn viên yêu cầu. Cha cậu làm việc tại một nông trại. Mẹ là đầu bếp. “Tôi đến đây, không nói được tiếng Anh”, cậu nói. “Tôi không nói chuyện được với bất cứ ai. Chuyện này thật khó khăn. Không nói được gì cả. Không gì hết”. Khi cậu ra sức kể câu chuyện khó tin về hành trình của mình từ ngôi làng có 700 người Ấn Độ đến văn phòng ban quản lý của đội Houston Rockets, đôi mắt cậu quét khắp căn phòng nhằm tìm kiếm sự đồng tình. Ban điều hành của Houston Rockets cứ dửng dưng như không. Không thân thiện nhưng cũng chẳng bỏ qua điều gì. “Những điểm mạnh về bóng rổ của cậu là gì?”, phỏng vấn viên hỏi. “Cậu giỏi gì nhất?” Phỏng vấn viên của đội Rockets đọc ra từ một kịch bản. Những câu trả lời của Singh sẽ được lưu vào cơ sở dữ liệu của đội Rockets, so sánh với câu trả lời của 1.000 cầu thủ khác và nghiên cứu để tìm ra các khuôn mẫu. Họ vẫn cố hy vọng rằng đến một ngày mình sẽ đo lường được tính cách, hay ít nhất là cảm nhận được một chàng trai nghèo cư xử ra sao sau khi cậu ta được trao tay hàng triệu đô-la và rồi thường xuyên ‘mài đũng quần’ trên băng ghế dự bị. Cậu ta vẫn luyện tập chăm chỉ chứ? Cậu sẽ nghe lời các huấn luyện viên chứ? Morey chưa tìm ra bất kỳ ai – trong giới bóng rổ hoặc dân ngoại đạo – có thể trả lời những câu hỏi đó, mặc dù chẳng ai cấm các nhà tâm lý học giả vờ mình đủ khả năng. Đội Rockets từng thuê nhiều người như họ. “Thật là kinh khủng”, Morey nói. “Một trải nghiệm khủng khiếp. Mỗi năm tôi lại nghĩ sẽ có thứ gì ở đó. Mỗi năm chúng tôi lại tìm thấy một ai đó bằng cách thức tiếp cận khác. Năm nào cũng thấy nó vô nghĩa. Và năm nào chúng tôi cũng thử lại. Tôi đang bắt đầu nghĩ rằng các nhà tâm lý học toàn là những kẻ thùng rỗng kêu to”. Nhà tâm lý học cuối cùng xuất hiện khẳng định mình có thể dự đoán hành vi, về cơ bản đã sử dụng bài kiểm tra tính cách Myers-Briggs1 để cố gắng thuyết phục Morey, sau sự thật rằng anh ta đã ngăn ngừa đủ thể loại vấn đề không thể nhận diện. Kiểu nói của anh ta khiến Daryl Gã khổng lồ người Ấn kể ra các điểm mạnh của mình là chơi gần rổ và ném bóng ở khoảng cách trung bình. 1. Phương pháp sử dụng hàng loạt câu hỏi trắc nghiệm để phân tích tính cách con người. Kết quả trắc nghiệm chỉ ra cách thức con người nhận thức thế giới xung quanh và ra quyết định. (ND) “Cậu đã bao giờ vi phạm quy định của đội bóng trong thời gian ở IMG chưa?”, phỏng vấn viên hỏi. Singh bối rối. Cậu không hiểu câu hỏi. “Không gặp vấn đề gì với cảnh sát chứ?”, Morey mớm lời. “Không đánh nhau gì chứ?”, phỏng vấn viên hỏi. Mặt Singh giãn ra. “Chưa bao giờ!”, cậu kêu lên. “Chưa bao giờ trong đời. Tôi chưa bao giờ thử làm thế. Nếu tôi ra sức thì kẻ nào đó sẽ chết mất”. Ban điều hành của đội Rockets đang nghiên cứu hình thể của Singh. Một trong số họ cuối cùng không nhịn được nữa. “Cậu lúc nào cũng cao quá thể như thế à?”, ông hỏi, không theo kịch bản. “Hay có độ tuổi nào đó mà cậu bắt đầu lớn nhanh hơn không?” Singh giải thích mình cao 1,75m vào lúc 8 tuổi và đến năm 15 tuổi thì đạt đến 2,16m. Đó là do di truyền. Bà của cậu cao hơn 2m… Morey cựa quậy trên ghế. Ông muốn quay lại với những câu hỏi có thể dẫn dắt tới các dự đoán. Ông hỏi: “Cậu đã làm những gì để cải thiện hết mức – những điều mà cậu có thể làm tốt bây giờ nhưng có lẽ 2 năm về trước thì không?” “Tôi cảm thấy tệ nhất về đầu óc. Tâm trí”. “Xin lỗi, ý tôi là các kỹ năng bóng rổ. Trên sân đấu ấy”. “Chơi gần rổ”, cậu ta đáp. Cậu còn nói những thứ khác nữa nhưng chúng đều khó hiểu. “Cậu nghĩ mình giống ai nhất ở NBA – tương đồng theo nghĩa khi thi đấu ấy?”, Morey hỏi. “Jowman và Shkinoonee”, Singh nói ngay. Một khoảnh khắc yên lặng tiếp theo sau. Rồi Morey nhận ra. “Ồ, Yao Ming”. Lại một khoảng ngừng. “Người thứ hai là ai?” “Shkinoonee”. Ai đó đoán: “Shaq?” “Shaq, vâng”, Singh nói, vẻ nhẹ nhõm. “Ồ, Shaquille O’Neal”, Morey lên tiếng, cuối cùng đã hiểu ra. “Vâng, giống về hình thể và vị trí chơi gần rổ”, Singh nói. Hầu hết các cầu thủ đều so sánh bản thân với người nào đó thực sự trông giống họ. Thế nhưng không có cầu thủ NBA nào trông giống Satnam Singh. Nếu có thì anh ta sẽ là người Ấn Độ đầu tiên trong liên đoàn. “Cậu đeo gì trên cổ thế?”, Morey hỏi. Singh túm lấy thẻ bài và nhìn xuống ngực. “Đây là họ của tôi”, cậu ta nói, chỉ vào một cái. Sau đó cậu lấy cái thẻ thứ hai và đọc chữ ghi trên đó: “Tôi nhớ các huấn luyện viên. Tôi yêu trái bóng. Bóng là cuộc đời tôi”. Việc cậu ta cần đến thẻ bài để nhắc nhớ không phải là dấu hiệu tốt nhất. Nhiều anh chàng to lớn chơi bóng chỉ bởi họ quá bự con. Từ lâu đã có huấn luyện viên hay cha mẹ kéo phắt họ ra sân bóng rổ và rồi sức ép xã hội giữ họ ở lại đó. Họ kém phù hợp hơn những cầu thủ nhỏ bé tập luyện chăm chỉ để tiến bộ, mà nhiều khả năng sẽ nhận tiền của bạn rồi chơi mờ nhạt dần. Không phải họ cố tình lừa dối; mà đó là dạng thanh niên to xác cả đời chơi bóng rổ chỉ để làm hài lòng người khác, đã quá thành thạo việc nói với người khác điều họ muốn nghe thay vì những gì mình biết, đến nỗi chẳng hiểu trái tim mình thật sự ra sao. Sau một hồi lâu, Singh rời khỏi phòng phỏng vấn. “Chúng ta đã tìm thấy bằng chứng là cậu ta từng chơi thứ bóng rổ bài bản, có tổ chức ở đâu chưa?”, Morey hỏi khi anh chàng kia đã đi. Bạn không thể kiểm soát việc cảm nhận của mình về một cầu thủ sau buổi phỏng vấn, nhưng có thể sử dụng dữ liệu để khống chế ảnh hưởng của những cảm nhận đó (Phải không?). “Người ta nói cậu chàng đã chơi bóng tại Học viện IMG ở Florida”. “Tôi ghét đánh cược kiểu này”, Morey nói. Ông sẽ quan sát Singh tập trong 30 phút nhưng quyết định thì đã có. Họ chẳng có dữ liệu gì về cậu ta cả. Không dữ liệu, lấy gì mà phân tích! Anh chàng Ấn Độ này rốt cuộc lại là một DeAndre Jordan thứ hai; cậu này, giống như hầu hết những vấn đề mà bạn phải đối mặt trong cuộc đời, là một trò ghép hình, nhưng thiếu nhiều mảnh. Đội Houston Rockets bỏ qua Singh – để rồi bị sốc khi đội Dallas Mavericks lấy cậu ta ở vòng hai của mùa tuyển quân NBA. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ.1 1. Khi tôi viết đến đây thì vẫn còn quá sớm, chưa thể biết được. (TG) Và đó là vấn đề: Bạn chưa thể biết được. Trong 10 năm sử dụng mô hình thống kê của Morey ở đội Houston Rockets, những cầu thủ được ông chọn, sau khi tính đến suất tuyển người mà họ lựa chọn, đều đã thể hiện tốt hơn các cầu thủ mà 3/4 số đội bóng khác tại NBA chọn. Phương thức tiếp cận của ông hiệu quả đến mức các đội NBA khác cũng áp dụng. Ông thậm chí có thể xác định thời điểm mình bị bắt chước lần đầu tiên. Đó là mùa tuyển quân năm 2012, khi các cầu thủ được lựa chọn theo thứ tự gần giống như đội Rockets đã xếp loại. “Mọi thứ y chang danh sách của chúng ta”, Morey nói. “Giải đấu đang nhìn nhận mọi thứ theo cùng một cách”. Thế nhưng ngay cả Leslie Alexander, ông chủ duy nhất có đủ dũng khí và nghiêng về hướng thuê một ai đó giống Morey vào năm 2006, cũng dần nản với thế giới quan mang tính xác suất của Daryl Morey. “Ông ta muốn sự chắc chắn từ tôi, và tôi phải bảo với ông ấy rằng điều đó sẽ không tới”, Morey nói. Ông quyết tâm trở thành một tay bạc nhớ bài tại bàn blackjack1 ở sòng bạc nhưng ông chỉ có thể sử dụng phép loại suy ở một chừng mực nhất định. Giống như một con bạc nhớ bài, ông đang chơi trò xác suất. Giống như con bạc nhớ bài, ông hướng xác suất của cuộc chơi theo xu thế có lợi cho mình. Khác với con bạc nhớ bài – nhưng rất giống ai đó đang ra quyết định để đời – ông chỉ được phép chơi vài tay bài mà thôi. Ông chọn vài cầu thủ trong một năm. Với ít tay bài, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, ngay cả khi lợi thế đang nghiêng về phía ông. 1. Gần giống như chơi bài Xì-dách nhưng blackjack là trò chơi quốc tế nên luật chơi có đôi chút khác. (ND) Đôi lúc, Morey ngừng lại để xem xét các nguồn lực đã giúp ông – một kẻ ngoại đạo hoàn toàn có khả năng đem lại xác suất thành công cao hơn đôi chút cho nhân viên – điều hành một đội bóng rổ chuyên nghiệp. Ông không cần đủ giàu để mua một đội. Kỳ lạ là ông chẳng cần thay đổi bất cứ điều gì ở bản thân. Thế giới đã thay đổi để phù hợp với ông. Thái độ đối với việc ra quyết định khác với khi còn là một đứa trẻ đến mức ông được mời tham gia vào làng bóng rổ chuyên nghiệp nhằm đẩy nhanh sự thay đổi. Sự có mặt của năng lực tính toán với chi phí rẻ chưa từng có cùng sự trỗi dậy của phân tích dữ liệu rõ ràng đã góp phần nhiều khiến thế giới này chào đón cách thức tiếp cận của Daryl Morey hơn. Sự thay đổi ở người đủ giàu để mua nhượng quyền thể thao chuyên nghiệp cũng giúp ích phần nào. “Các chủ sở hữu thường kiếm tiền bằng cách xen vào những lĩnh vực mà ở đó hầu hết sự am hiểu thông thường chỉ là thứ nhảm nhí”, Morey nói. Những người này có xu hướng nhận thức sắc bén về giá trị của lợi thế thông tin dù chỉ là chút ít và sẵn sàng tiếp nhận ý tưởng sử dụng dữ liệu để giành được những lợi thế đó. Nhưng điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Tại sao quá nhiều am hiểu thông thường lại nhảm nhí như vậy? Không chỉ trong thể thao mà còn rộng khắp toàn xã hội. Tại sao có quá nhiều ngành sẵn sàng cho việc bị phá vỡ? Do đâu mà có quá nhiều thứ bỏ dở? Thật kỳ lạ, một thị trường cạnh tranh giả định như thị trường dành cho các vận động viên được trả lương cao lại có thể kém hiệu quả đến thế ngay từ đầu. Lạ lùng là khi đo lường những gì xảy ra trên sân bóng, người ta đã chọn nhầm đối tượng quá lâu. Thật kỳ lạ khi ngay cả một kẻ ngoại đạo vẫn có thể tham gia cuộc chơi bằng một phương thức tiếp cận hoàn toàn mới để định giá cầu thủ bóng rổ và chứng kiến nó được đa số dân trong giới này áp dụng. Nguyên nhân thật sự của việc chuyển đổi ra quyết định trong các môn thể thao chuyên nghiệp – nhưng không chỉ trong thể thao chuyên nghiệp – là những ý tưởng về tâm trí con người và cách nó thể hiện chức năng khi đối mặt các tình huống bất định. Phải mất một thời gian, những ý tưởng này mới ngấm vào văn hóa nhưng giờ đây, chúng lại đang ở trong bầu không khí chúng ta hít thở. Có một nhận thức mới về các loại lỗi hệ thống mà con người có thể phạm phải – và toàn bộ các thị trường cũng có thể phạm phải – nếu những phán đoán của họ không được kiểm chứng. Có những lý do khiến các chuyên gia bóng rổ không thể nhận ra Jeremy Lin là một cầu thủ đẳng cấp NBA, hay có thể họ không thấy được giá trị của Marc Gasol chỉ vì một bức ảnh của anh ta, hoặc họ sẽ không bao giờ nhìn ra Shaquille O’Neal thứ hai nếu cậu ta vô tình là một người Ấn Độ. “Giống như một con cá không biết nó đang thở dưới nước trừ khi có ai nói với nó”, Morey nói về nhận thức của con người về các quá trình xử lý trong não bộ của họ. Thực tế là đã có người chỉ ra điều này. 2 Người ngoài cuộc T rong nhiều nỗi nghi ngờ của Danny Kahneman, lạ lùng nhất là những điều ông nghi ngờ về trí nhớ của mình. Ông trực tiếp lấy kiến thức trong đầu ra để giảng dạy trong suốt các học kỳ mà không cần ghi chép. Đối với sinh viên, dường như ông thuộc lòng toàn bộ các giáo trình và cũng chẳng ngại ngần yêu cầu họ làm như thế. Tuy nhiên, khi được hỏi về một sự kiện nào đó trong quá khứ, ông sẽ nói mình không tin tưởng vào trí nhớ cho lắm và mọi người cũng đừng nên tin. Có lẽ đây là một sự mở rộng giản đơn trong chiến lược cuộc đời của Danny, đó là không tin tưởng bản thân. “Thứ cảm xúc định hình của thầy là nghi ngờ”, một cựu sinh viên của ông nói. “Và nó rất hữu ích. Bởi nó giúp ông ngày càng tiến xa hơn”. Hoặc có thể ông chỉ muốn có một phòng tuyến trước bất kỳ ai đang hy vọng hiểu được ông. Dù là gì đi nữa, ông vẫn tránh xa những thế lực và sự kiện đã nhào nặn mình. Ông có thể không tin trí nhớ của mình nhưng vẫn còn lưu giữ đâu đó đôi chút ký ức. Chẳng hạn, ông nhớ được giai đoạn cuối năm 1941 hay đầu năm 1942 – khoảng 1 năm sau thời điểm người Đức chiếm đóng Paris – khi ông bị tóm trên đường phố sau giờ giới nghiêm. Luật mới yêu cầu ông đeo Ngôi sao David màu vàng trước ngực áo len. Cái huy hiệu mới khiến ông xấu hổ đến nỗi quyết định tới trường sớm nửa tiếng để những đứa trẻ khác không thấy ông bước vào tòa nhà mà có đeo ngôi sao. Sau giờ học, trên đường đi, ông lộn trái áo len ra ngoài. Một tối về nhà quá muộn, ông thấy một người lính Đức đến gần. “Anh ta mặc bộ quân phục đen mà tôi được dặn là phải sợ hãi hơn hẳn những thứ khác – quân phục của những tên lính SS1 được tuyển dụng đặc biệt”, ông hồi tưởng trong bài giới thiệu tiểu sử do Ủy ban Nobel yêu cầu. “Khi cố gắng bước thật nhanh để đi qua, tôi nhận ra anh ta cố ý nhìn tôi. Sau đó anh ta vẫy tay ra hiệu, bế tôi lên và ôm tôi. Tôi sợ anh ta sẽ nhận ra ngôi sao giấu bên trong áo len của mình. Anh ta nói chuyện đầy cảm xúc với tôi bằng tiếng Đức. Khi đặt tôi xuống, anh ta mở ví ra, đưa tôi xem ảnh một cậu bé và cho tôi chút tiền. Tôi đi về nhà, tin chắc hơn bao giờ hết rằng mẹ tôi đã nói đúng: Con người không bao giờ thôi phức tạp và thú vị”. 1. Tổ chức vũ trang của Đức Quốc xã thời chiến tranh thế giới. Lính SS mặc đồng phục màu đen nên còn được gọi là Quân áo đen để phân biệt với lực lượng SA là Quân áo nâu. (ND) Ông cũng nhớ hình ảnh cha mình sau khi bị bắt đi trong một trận càn quét lớn vào tháng 11 năm 1941. Hàng nghìn người Do Thái bị dồn lại và chuyển đến các trại tập trung. Danny có những cảm xúc phức tạp về mẹ lúc ấy. Cha là người ông rất yêu thương. “Cha tôi thật rạng rỡ, ông vô cùng cuốn hút”. Ông bị tống giam vào nhà tù tạm ở Drancy, bên ngoài Paris. Ở Drancy, nhà ở xã hội thiết kế cho 700 người được dùng để nhốt đến 7.000 người Do Thái cùng lúc. “Tôi nhớ lại thoáng ký ức khi cùng mẹ tới xem nhà tù này”, Danny hồi tưởng. “Và tôi nhớ nó mang màu cam phớt hồng. Có nhiều người trong đó nhưng ta không thể trông thấy mặt. Ta có thể nghe tiếng trẻ em và phụ nữ. Và tôi vẫn còn nhớ cả tên lính cai ngục. Hắn nói: “Trong đó khổ lắm. Họ phải ăn cả vỏ hoa quả’”. Với hầu hết người Do Thái, Drancy chỉ là một điểm dừng trên đường tới trại tập trung: Lúc đến nơi, nhiều trẻ em đã bị tách khỏi mẹ và đưa lên tàu để rồi sẽ bị thả hơi độc ở Auschwitz. Cha của Danny được thả sau 6 tuần nhờ mối giao thiệp với Eugène Schueller. Schueller là nhà sáng lập và là người đứng đầu công ty mỹ phẩm L’Oréal khổng lồ của Pháp, nơi cha của Danny làm nhà hóa học. Một thời gian dài sau chiến tranh, Schueller bị phanh phui là một trong những kẻ chủ mưu của một tổ chức chuyên hỗ trợ Đức Quốc xã tìm diệt người Do Thái gốc Pháp. Không hiểu sao tâm trí Schueller lại dành một sự miễn trừ đặc biệt cho nhà hóa học ngôi sao của mình; ông thuyết phục người Đức rằng cha của Danny “trung lập trong phong trào tổng động viên phục vụ chiến tranh”, nhờ đó nhà hóa học được trả về Paris. Ký ức Danny sống động nhớ lại ngày đó. “Biết cha sắp về nên cả nhà đã đi mua sắm. Khi về nhà, chúng tôi rung chuông và cha ra mở cửa. Lúc ấy ông mặc bộ com-lê đẹp nhất của mình. Ông nặng 45kg, chỉ còn da bọc xương. Và vẫn chưa ăn gì. Đó là điều làm tôi cảm kích. Cha đợi cả nhà về cùng ăn”. Nhận thấy ngay cả Schueller cũng không thể đảm bảo an toàn cho họ ở Paris, cha Danny đưa cả nhà đi trốn. Đến năm 1942, biên giới đóng cửa và không có con đường rõ ràng nào để đến nơi an toàn. Danny, chị Ruth cùng cha mẹ, Ephraim và Rachel, chạy về phía Nam, là vùng đất mà chế độ Vichy1 vẫn còn cai trị trên danh nghĩa. Suốt dọc đường có những tình huống hú hồn và phức tạp. Họ đã trốn trong các nhà kho: Danny vẫn nhớ rõ chúng cùng những tấm thẻ căn cước giả với một lỗi chính tả mà cha bằng cách nào đó đã kiếm được ở Paris. Danny, chị gái và mẹ được gọi là “Cadet”, trong khi cha ông được đặt tên là “Godet”. Nhằm tránh bị phát hiện, Danny được yêu cầu phải gọi cha là “Bác”. Danny cũng cần luyện nói cho mẹ vì tiếng mẹ đẻ của bà là tiếng Yiddish1 và bà nói tiếng Pháp vẫn ngọng nghịu. Việc mẹ Danny im lặng là chuyện hiếm khi xảy ra. Bà luôn có nhiều điều để nói. Bà trách chồng đã gây ra hoàn cảnh của cả nhà hiện nay. Họ ở lại Paris chỉ vì ông nhầm lẫn do trí nhớ về Thế Chiến I. Hồi đó quân Đức chưa tới Paris, ông nói, thế nên giờ bọn chúng chắc chắn sẽ không tới Paris. Bà không đồng tình. “Tôi nhớ là mẹ dự đoán được những điều kinh khủng trước cha rất lâu – bà là ợ g g người bi quan và hay lo lắng, còn ông lại vui vẻ và lạc quan”. Lúc đó Danny đã cảm thấy mình rất giống mẹ và chẳng hề giống cha. Những cảm nhận khi ấy của cậu bé về bản thân rất phức tạp. 1. Hình thành nhờ chính phủ Pháp hợp tác với phe Trục trong giai đoạn từ tháng 07/1940 – 08/1944 của Thế Chiến II. Chính phủ này chính thức gọi mình là quốc gia Pháp (État Français) và do Thống chế Philippe Pétain thành lập sau thất bại quân sự của Pháp trước phát xít Đức. (ND) 1. Ngôn ngữ lịch sử của người Do Thái Ashkenaz, hình thành vào khoảng thế kỷ IX ở khu vực Trung Âu. (ND) Chớm đông năm 1942, họ đang ở một thị trấn ven biển có tên Juan-les-Pins, chìm trong nỗi khiếp sợ. Bây giờ họ đã có nhà, nhờ sự giúp đỡ của một cộng tác viên Đức Quốc xã, trong đó có một phòng thí nghiệm hóa học để cha của Danny có thể tiếp tục làm việc. Để hòa nhập cộng đồng mới, cha mẹ cho Danny đi học, dặn con cẩn trọng không nói quá nhiều hay tỏ ra quá thông minh. “Bố mẹ sợ tôi bị nhận ra là người Do Thái”. Từ khi còn nhớ được, Danny vẫn nghĩ mình là một đứa trẻ sớm phát triển và ham mê đọc sách. Cơ thể là thứ Danny ít để ý nhất. Ông chơi thể thao tệ đến nỗi bị bạn bè cùng lớp gọi là Xác chết di động. Một giáo viên dạy thể dục ngăn không cho Danny được trao tặng các danh hiệu học sinh giỏi với lý do “cái gì cũng có giới hạn”. Tuy nhiên, đầu óc ông rất linh hoạt và khỏe khoắn. Từ thời điểm bắt đầu suy nghĩ về việc sẽ làm gì khi trưởng thành, ông chỉ cho rằng mình sẽ trở thành trí thức. Đó là hình ảnh chính bản thân ông: một bộ não không có cơ thể. Giờ đây ông đã có một nhân dạng mới: một con thỏ trong cuộc săn thỏ. Mục tiêu đơn giản chỉ là sống sót. Ngày 10 tháng 11 năm 1942, người Đức tiến vào miền Nam nước Pháp. Binh lính Đức mặc quân phục đen lúc này đang lôi những người đàn ông ra khỏi xe buýt và lột bỏ quần áo xem họ có cắt bao quy đầu không. “Ai bị bắt gặp cũng chết”, Danny nhớ lại. Cha ông kiên quyết không tin vào Chúa: Việc đánh mất niềm tin đã dẫn dắt ông, từ lúc còn trẻ, rời Litva và dòng dõi giáo sĩ Do Thái lừng lẫy của mình để tới Paris. Danny chưa sẵn sàng từ bỏ quan niệm rằng trong vũ trụ có một thế lực vô hình đang chăm lo muôn loài. “Tôi ngủ cùng một màn với cha mẹ”, Danny nói. “Họ nằm giường lớn. Tôi nằm giường nhỏ. Lúc đó tôi 9 tuổi. Và tôi cầu nguyện Chúa Trời: Con biết người bận rộn lắm, đây là thời gian khó khăn. Con không muốn hỏi nhiều nhưng con muốn xin thêm một ngày”. Lại một lần nữa họ phải bỏ trốn để bảo toàn tính mạng, lần này là tới Côte d’Azur rồi Cagnes-sur-Mer, đến ngôi nhà thuộc sở hữu của một viên đại tá quân đội Pháp cũ. Trong vài tháng sau đó, Danny bị bắt ở trong nhà. Cậu bé giết thời gian bằng các cuốn sách. Danny đọc đi đọc lại cuốn Around the World in Eighty Days (tạm dịch: Tám mươi ngày vòng quanh thế giới) rồi bắt đầu yêu mến mọi thứ thuộc về nước Anh và nhất là nhân vật Phileas Fogg. Vị đại tá người Pháp để lại một kệ sách dài đầy ắp những báo cáo trong chiến tranh chiến hào ở Verdun và Danny đã đọc hết – để rồi trở thành một chuyên gia về chủ đề này. Cha ông vẫn làm việc tại ngôi nhà gần bờ biển có phòng thí nghiệm hóa học, cuối tuần lại đi xe buýt về thăm gia đình. Vào các ngày thứ Sáu, Danny ngồi cùng mẹ trong vườn, nhìn đôi tất vá chằng vá đụp của bà và chờ cha về. “Chúng tôi sống trên đồi nên có thể nhìn thấy bến xe buýt. Chúng tôi chẳng bao giờ biết cha có về hay không. Kể từ đó, tôi ghét phải chờ đợi”. Với sự trợ giúp của chính quyền Vichy và những tay chuyên săn tội phạm lãnh thưởng, quân Đức truy lùng dân Do Thái hiệu quả hơn. Cha của Danny mắc bệnh tiểu đường, nhưng lúc này, tìm cách điều trị còn nguy hiểm hơn sống chung với nó. Một lần nữa họ lại phải bỏ trốn. Ban đầu là tới trú ngụ ở các khách sạn và sau cùng là trốn trong chuồng gà. Chuồng gà nằm sau quán rượu quê ở ngôi làng nhỏ bên ngoài Limoges. Ở đây không có lính Đức, chỉ có quân Milice – một lực lượng bán vũ trang đang cộng tác với quân Đức để trợ giúp bọn chúng vây bắt dân Do Thái và triệt tiêu phong trào Kháng chiến Pháp. Danny không biết làm thế nào cha tìm ra chỗ này, nhưng chắc hẳn nhà sáng lập L’Oréal có liên quan, vì công ty vẫn tiếp tục gửi các thùng đồ ăn tới. Họ dựng một bức vách ngăn ở giữa phòng để chị gái của Danny có được đôi chút riêng tư, nhưng cái chuồng gà không phải nơi để ở. Vào mùa đông, nó quá lạnh đến mức cánh cửa đóng cứng vì băng. Chị ông tìm cách ngủ bên bếp lò và hậu quả là áo choàng đầy vết cháy xém. Để ra vẻ là người Cơ Đốc giáo, mẹ và chị của Danny đến nhà thờ vào các ngày Chủ nhật. Còn Danny, lúc này 10 tuổi, quay lại trường học với lý luận là ở đó cậu sẽ ít bị để ý hơn trốn trong chuồng gà. Đám học sinh tại ngôi trường mới nơi miền quê này còn học yếu hơn tụi ở Juan- les-Pins. Giáo viên thì tốt bụng nhưng mờ nhạt. Bài học duy nhất Danny còn nhớ là những điều học được từ bạn cùng lớp về sự thật phũ phàng ở đời. Danny phát hiện những chi tiết phi lý đến nỗi ông chắc chắn thầy giáo đã nhầm. “Tôi nói: ‘Điều đó tuyệt đối không thể!’. Tôi hỏi mẹ về việc này. Bà cũng bảo thế”. Nhưng ông vẫn không thực sự tin cho đến một đêm đang nằm trên giường, mẹ ngủ bên cạnh. Tỉnh giấc và cần đi vệ sinh nên ông trèo qua người mẹ. Bà thức dậy, thấy con trai đang trèo lên người mình. “Và mẹ phát hoảng”. Tôi nghĩ: “Nó hẳn phải là thật!”. Ngay từ khi còn nhỏ, Danny đã có sự quan tâm về mặt lý thuyết đến những người khác – tại sao họ có suy nghĩ này, tại sao họ cư xử thế kia. Trải nghiệm trực tiếp của ông về họ thì có hạn. Ông đến trường nhưng tránh giao tiếp với thầy cô và bạn cùng lớp. Ông không có bạn bè. Thậm chí cả những người quen cũng có thể là mối đe dọa mạng sống. Nhưng từ một khoảng cách nhất định, ông chứng kiến nhiều hành vi thú vị. Cả giáo viên của ông lẫn chủ quán rượu địa phương, Danny buộc phải tin thế, không thể không nhận ra ông là người Do Thái. Không thì tại sao một cậu bé thành thị khôn trước tuổi phải đến cái phòng học đầy ắp đám người miền quê vụng về lóng ngóng này? Tại sao gia đình 4 người rõ ràng là giàu có này lại phải chen chúc trong chuồng gà? Nhưng họ chẳng hề thể hiện cho ông thấy là mình biết. Giáo viên chấm điểm cao cho Danny và thậm chí còn mời ông đến nhà; và bà Andrieux, chủ quán rượu, nhờ ông đến giúp việc, cho ông tiền boa (Danny chẳng có nhu cầu dùng đến), bà thậm chí còn gạ mẹ ông cùng mở một nhà thổ. Nhiều người khác rõ ràng không nhận ra họ là ai. Danny nhớ rõ một gã lính Quốc xã người Pháp, là thành viên Milice, đã tán tỉnh chị gái ông nhưng không thành. Chị ông lúc này 19 tuổi, nhìn như một ngôi sao điện ảnh (Sau chiến tranh, cô hồ hởi nói cho gã lính Quốc xã biết anh ta đã trót đem lòng yêu một người Do Thái). Đêm ngày 27 tháng 4 năm 1944 – ngày Danny còn nhớ như in – cha dẫn ông đi dạo. Lúc này cha ông đã có những đốm đen trong miệng. 49 tuổi, cha ông trông già hơn tuổi thật. “Cha bảo tôi có lẽ phải có trách nhiệm hơn”, Danny hồi tưởng. “Ông bảo tôi hãy coi bản thân là người đàn ông của gia đình. Ông dạy tôi cách lo liệu mọi việc cùng mẹ – và rằng tôi là người đúng mực trong gia đình. Tôi có một cuốn sổ chép những bài thơ mình viết. Và tôi đưa nó cho cha. Rồi ông qua đời vào đêm hôm đó”. Về cái chết của cha, Danny còn nhớ rất ít ngoại trừ chuyện đêm đó, mẹ bắt ông ngủ ở nhà ông bà Andrieux. Có một người Do Thái nữa đang trốn trong ngôi làng của họ. Mẹ ông tìm ra người này và được ông ta giúp đưa thi hài của cha đi trước khi Danny về. Bà tổ chức an táng cho chồng theo nghi thức của người Do Thái nhưng không bảo Danny tới dự, có lẽ vì rất nguy hiểm. “Tôi thực sự giận dữ về việc cha mất”, Danny nói. “Ông là người rất tốt. Nhưng lại không được khỏe mạnh”. Quân Đồng minh xâm chiếm Normandy 6 tuần sau đó. Danny chẳng bao giờ trông thấy người lính nào. Không hề có chiếc xe tăng Mỹ nào với lính Mỹ ngồi trên nóc xe quăng kẹo cho đám trẻ con. Một ngày nọ, ông thức dậy và cảm giác mọi người đang hân hoan, quân Milice bị dẫn giải đi xử bắn hoặc tống giam, nhiều phụ nữ bị cạo nhẵn tóc – hình phạt vì đã ngủ với lính Đức. Đến tháng 12, quân Đức bị đánh đuổi khỏi Pháp, Danny và mẹ được tự do đến Paris xem nhà cửa và tài sản của mình còn gì. Danny có cuốn sổ ghi chép có tựa “Tôi viết về những điều tôi nghĩ” (“Chắc là tôi quá quắt lắm”). Ở Paris, khi đọc trong sách giáo khoa của chị gái một bài luận do Pascal viết, ông đã được truyền cảm hứng để viết vào sổ tay một bài luận của chính mình. Quân Đức khi đó tiến hành cuộc phản công cuối cùng nhằm tái chiếm nước Pháp, Danny và mẹ sống trong nỗi lo sợ quân phát xít sẽ phá vỡ phòng tuyến: Danny viết một bài luận nhằm lý giải nhu cầu về tôn giáo của con người. Ông bắt đầu với một trích dẫn từ Pascal: Tín ngưỡng chính là Chúa Trời được thể hiện theo cách dễ lĩnh hội, rồi bổ sung: “Thật đúng làm sao!”. Ông tiếp nối câu này với một câu do mình nghĩ ra: “Thánh đường và đàn organ là những cách nhân tạo để tạo ra cùng cảm giác đó”. Ông không còn coi Chúa Trời là một thực thể mà mình có thể cầu nguyện. Sau này, khi nhìn lại cuộc đời mình, Danny nhớ lại những kỳ vọng ấu thơ rồi thấy vừa tự hào vừa ngượng ngùng. Ông nghĩ văn phong già trước tuổi đã “thấm đẫm sâu sắc trong tâm trí tôi với nhận thức rằng mình là một người Do Thái, chỉ có được trí óc cùng một cơ thể chẳng hữu ích gì và sẽ chẳng bao giờ hòa nhập được với những đứa con trai khác”. Ở Paris, trong căn hộ cũ thời tiền chiến, Danny và mẹ thấy chỉ còn hai chiếc ghế xanh đắt tiền. Nhưng họ vẫn ở lại. Lần đầu tiên sau 5 năm, Danny đi học mà không phải che giấu bản thân. Trong nhiều năm trời, ông vẫn giữ ký ức đẹp về tình bạn với hai cậu quý tộc Nga cao ráo, điển trai. Ký ức vẫn cứ hiển hiện mãi không xóa nhòa, có lẽ vì đã rất lâu ông chẳng hề có bạn bè. Mãi sau này trong đời, Danny kiểm nghiệm trí nhớ bằng cách đi tìm hai anh em quý tộc Nga ấy và gửi cho họ một bức thư ngắn. Người anh đã trở thành kiến trúc sư, người em làm bác sĩ. Anh em họ viết thư hồi âm, nói vẫn còn nhớ về người bạn năm xưa và gửi cho Danny một bức ảnh 3 người chụp chung. Danny không có mặt trong bức ảnh đó: Họ chắc hẳn đã nhầm ông là người khác. Tình bạn bơ vơ của ông chỉ là tưởng tượng, chẳng hề có thực. Gia đình nhà Kahneman không còn cảm thấy được chào đón ở châu Âu và rời đi vào năm 1946. Họ hàng bên nội của Danny ở lại Litva và khoảng 6.000 người Do Thái khác trong thành phố đã bị tàn sát. Chỉ có chú của Danny, một giáo sĩ, tình cờ đang ở nước ngoài khi quân Đức bất thình lình ập đến, đã thoát chết. Người chú và gia đình đằng ngoại của Danny lúc này đang sống ở Palestine – bởi thế họ chuyển tới Palestine. Việc họ đến nơi rất quan trọng nên đã có người quay phim lại (cuốn phim giờ đã mất), nhưng tất cả những gì sau này Danny nói mình còn có thể nhớ là cốc sữa chú đã mang đến. “Tôi vẫn còn nhớ nó trắng thế nào”, ông nói. “Đó là cốc sữa đầu tiên của tôi trong 5 năm”. Danny cùng mẹ và chị dọn đến sống chung với họ hàng nhà mẹ ở Jerusalem. Tại nơi đó, một năm sau, ở tuổi 13, Danny đưa ra quyết định sau cùng của mình về Chúa Trời. “Tôi còn nhớ nơi mình ở – con phố tại Jerusalem. Tôi nhớ mình từng nghĩ có thể tưởng tượng về một Đức Chúa Trời, nhưng làm gì có ai quan tâm đến chuyện tôi có thủ dâm hay không. Tôi đi đến kết luận là Chúa Trời không tồn tại. Đó là dấu chấm hết cho đời sống tôn giáo của tôi”. Và đó là những gì Danny Kahneman còn nhớ được, hay đã chọn để nhớ, khi được hỏi về thời thơ ấu của mình. Từ thuở lên 7, Danny đã được dặn không tin ai và ông buộc phải thế. Sự sống sót của ông phụ thuộc vào việc tách biệt bản thân với xung quanh và không để mọi người biết mình là ai. Danny được vận mệnh phó thác trở thành một trong những nhà tâm lý học có sức ảnh hưởng nhất thế giới, một chuyên gia cốt lõi nổi bật về lỗi của con người. Trong số nhiều nghiên cứu khác, công trình của ông khám phá vai trò của trí nhớ trong phán đoán của con người. Chẳng hạn, làm thế nào trí nhớ của quân đội Pháp về chiến lược quân sự của Đức trong cuộc chiến trước lại khiến họ phán đoán sai chiến lược trong cuộc chiến mới. Tại sao trí nhớ về hành vi của người Đức trong một cuộc chiến có thể khiến một người phán đoán sai các ý định của quân Đức trong cuộc chiến tiếp theo. Hay làm sao ký ức của một cậu bé ở Đức có thể khiến một tên lính SS của Hitler, vốn được huấn luyện để phát hiện người Do Thái, không nhận ra cậu bé mà anh ta bế bổng trên đường phố Paris là một người Do Thái. Tuy nhiên, trong ký ức của chính mình, ông không thấy tất cả sự liên quan đó. Suốt quãng đời còn lại, Danny quả quyết rằng quá khứ ít tác động đến thế giới quan của ông, hay đúng hơn là cách thế giới nhìn nhận ông. “Người ta nói thời thơ ấu của bạn ảnh hưởng lớn đến việc bạn sẽ trở thành ai sau này”, ông nói thế khi rơi vào hoàn cảnh bức bách. “Tôi không chắc hoàn toàn về điều đó”. Ngay cả với những người được Danny xem như bạn bè, ông cũng không bao giờ đề cập đến trải nghiệm diệt chủng Do Thái của mình. Quả thật vậy, cho đến tận sau khi giành được giải Nobel và bị cánh nhà báo quấy rầy vặn hỏi về các chi tiết cuộc đời, Danny mới bắt đầu cung cấp thông tin về chúng. Những người bạn lâu năm nhất của ông cũng chỉ biết chuyện xảy ra với ông qua báo chí. _______________ Gia đình Kahneman đến Jerusalem ngay vào thời điểm bùng nổ một cuộc chiến tranh nữa. Mùa thu năm 1947, vấn đề Palestine được chuyển từ nước Anh sang Liên Hợp Quốc, tổ chức này đã thông qua một nghị quyết vào ngày 29 tháng 11, chính thức chia tách lãnh thổ thành hai nhà nước. Quốc gia Do Thái mới sẽ tương đương diện tích bang Connecticut, còn đất nước Ả Rập nhỏ hơn chút. Jerusalem cùng các thánh địa không thuộc về bên nào. Bất cứ ai sống ở Jerusalem đều sẽ trở thành “công dân” Jerusalem; trên thực tế, có một cộng đồng Jerusalem Ả Rập và cộng đồng Jerusalem Do Thái, cư dân của mỗi bên đều ra sức giết chóc lẫn nhau. Căn hộ Danny dọn về cùng mẹ nằm gần biên giới không chính thức: Một viên đạn từng bay xuyên qua phòng ngủ của Danny và giết chết người đứng đầu đội quân hướng đạo. Vậy nhưng Danny nói ông không cảm thấy cuộc sống của mình nguy hiểm lắm. “Mà khác hẳn. Bởi bạn đang chiến đấu. Đó là lý do khiến hoàn cảnh này trở nên tốt hơn. Tôi ghét tình trạng làm một người Do Thái ở châu Âu. Tôi không muốn bị săn đuổi. Tôi không muốn là một con thỏ”. Vào một đêm khuya tháng 1 năm 1948, ông rùng mình hoảng sợ khi nhìn thấy những người lính Do Thái đầu tiên: 38 binh sĩ trẻ tuổi tập trung trong tầng hầm của tòa nhà nơi ông ở. Lính Ả Rập đã phong tỏa một cụm dân cư Do Thái ở phía Nam đất nước bé cỏn con ấy. 38 binh sĩ Do Thái lao khỏi tầng hầm tòa nhà Danny ở để giải cứu dân định cư. Trên đường, 3 người quay lại – một người bị bong gân mắt cá chân và hai người kia dìu anh về nhà – và thế là đội quân trở thành “Nhóm 35” sống mãi theo thời gian. Họ dự định hành quân trong màn đêm nhưng đến khi mặt trời mọc, họ vẫn đang hành quân. Họ gặp một gã chăn cừu người Ả Rập và quyết định thả anh ta – ít nhất đó là câu chuyện Danny nghe được. Gã chăn cừu đã thông báo cho quân Ả Rập, họ mai phục và tiêu diệt toàn bộ 35 chàng trai trẻ rồi phân xác họ ra. Danny thắc mắc về quyết định tai hại của họ. “Bạn biết tại sao họ bị giết không?”, ông nói. “Họ bị giết vì không dám bắn một người chăn cừu”. Vài tháng sau, một đoàn y bác sĩ mang cờ của Hội Chữ thập đỏ lái xe trên con đường hẹp từ thành phố Do Thái tới núi Scopus, địa điểm tọa lạc Đại học Hebrew và bệnh viện trực thuộc. Núi Scopus nằm phía sau phòng tuyến của người Ả Rập, một hòn đảo Do Thái giữa vùng biển Ả Rập. Lối vào duy nhất là con đường hẹp dài 2,4km được người Anh đảm bảo an toàn. Đa phần hành trình diễn ra yên ả, nhưng rồi đến ngày nọ, một quả bom phát nổ và chặn chiếc xe tải Ford dẫn đầu. Hỏa lực súng máy xả liên hồi của quân Ả Rập bắn vào những chiếc xe buýt và xe cứu thương đi sau. Vài xe trong đoàn kịp quay đầu và nhanh chóng phóng vọt đi, nhưng các xe buýt chở hành khách thì kẹt lại. Khi súng ngừng bắn, 78 người chết, thi thể của họ cháy đến mức tất cả được chôn ở một ngôi mộ tập thể. Trong số họ có Enzo Bonaventura, một nhà tâm lý học được Đại học Hebrew đưa từ Ý sang để xây dựng khoa tâm lý học. Những kế hoạch của ông dành cho khoa tâm lý học đã chết theo ông. Danny từ chối thừa nhận bất cứ mối đe dọa nào ông cảm thấy đối với sự tồn tại của bản thân. “Có vẻ như chúng tôi chẳng thể đánh bại 5 quốc gia Ả Rập – nhưng chúng tôi không hề lo lắng. Chúng tôi thật sự không hề có chút cảm giác nào về sự diệt vong đang treo lơ lửng trên đầu. Mọi người cứ bị giết và thế thôi. Nhưng đối với tôi, sau Thế Chiến II, câu chuyện chỉ còn là một chuyến đi dã ngoại”. Mẹ ông rõ ràng không đồng tình bởi bà đã đưa cậu con trai 14 tuổi trốn khỏi Jerusalem đến Tel Aviv. Ngày 14 tháng 5 năm 1948, Isarel tự tuyên bố là một quốc gia có chủ quyền, đến hôm sau thì lính Anh rút. Quân đội của các nước Gioóc- đa-ni, Syria và Ai Cập liền tấn công, cùng một số đội quân đến từ Iraq và Li-băng. Trong nhiều tháng, Jerusalem nằm trong vòng vây hãm, đời sống ở Tel Aviv khác hẳn bình thường. Ngọn tháp trên bãi biển cạnh nơi mà bây giờ là Khách sạn Intercontinental trở thành một ổ bắn tỉa của người Ả Rập: Tay bắn tỉa có thể và đã bắn trẻ em Do Thái trên đường chúng đi học và về nhà. “Đạn bay vèo vèo khắp nơi”, Shimon Shamir nhớ lại, cậu bé 14 tuổi sống ở Tel Aviv khi chiến tranh nổ ra, sau này trở thành vị đại sứ duy nhất của Isarel đối với cả Ai Cập và Gioóc đa-ni. Shamir là người bạn thật sự đầu tiên của Danny. “Những đứa trẻ khác trong lớp cảm nhận có gì đó xa cách giữa họ với ông ấy”, Shamir nói. “Danny không tìm kiếm các nhóm chơi. Ông ấy rất chọn lọc. Ông ấy không cần nhiều hơn một người bạn”. Danny không biết tiếng Hebrew khi đến Isarel vào năm trước, nhưng đến khi tới trường ở Tel Aviv, ông đã nói trôi chảy và nói tiếng Anh tốt hơn bất kỳ ai trong lớp. “Ông ấy được mọi người nhìn nhận là xuất sắc”, Shamir nói. “Tôi từng trêu: ‘Cậu sắp nổi tiếng rồi’ và Danny không thoải mái lắm về điều này. Tôi hy vọng mình không đọc lại lịch sử nhưng tôi nghĩ mình đã có cảm giác ông ấy rồi sẽ tiến xa”. Ai cũng thấy rõ Danny không giống những cậu bé khác. Ông không cố gắng để khác thường, chỉ là do ông như thế. “Ông ấy là người duy nhất trong lớp học cố gắng nói giọng Anh chuẩn”, Shamir nói. “Tất cả chúng tôi đều thấy điều đó thật buồn cười. Ông ấy khác biệt theo nhiều kiểu. Ở một chừng mực nào đó, ông ấy là một người ngoại đạo. Và đó là do cá tính, chứ không phải vì ông ấy là dân tị nạn”. Đến tận năm 14 tuổi, Danny vẫn không giống một cậu thiếu niên mà là một trí thức mắc kẹt trong hình hài một cậu bé. “Ông ấy luôn chìm đắm vào một câu hỏi hay vấn đề nào đó”, Shamir nói. “Tôi nhớ có một hôm, ông ấy cho tôi xem bài luận dài ông viết cho bản thân – điều này thật lạ lùng vì viết bài luận luôn là gánh nặng mà bạn chỉ làm ở trường về môn học giáo viên giao. Việc viết một bài luận dài ngoằng theo một chủ đề chẳng liên quan đến các môn học chỉ vì nó thu hút Danny khiến tôi vô cùng ấn tượng. Ông ấy so sánh tính cách của một quý ông người Anh với một quý tộc Hy Lạp vào thời của Hercules”. Shamir cảm thấy Danny đang tìm kiếm trong những cuốn sách và tâm trí một hướng đi mà hầu hết trẻ con nhận được từ mọi người xung quanh. “Tôi nghĩ ông ấy đang tìm kiếm một lý tưởng”, Shamir nói. “Một hình mẫu”. Cuộc chiến giành độc lập kéo dài 10 tháng. Một quốc gia Do Thái rộng bằng bang Connecticut trước chiến tranh cuối cùng đã định hình lại với diện tích lớn hơn New Jersey một chút. 1% dân số Israel bị giết (tương đương 90.000 cái chết ở New Jersey). 10.000 người Ả Rập chết và 750.000 người Palestin bị trục xuất. Sau chiến tranh, mẹ của Danny đưa cả nhà quay về Jerusalem. Ở đó, Danny gặp người bạn thân thứ hai, một chàng trai gốc Anh có tên Ariel Ginsburg. Tel Aviv nghèo nhưng Jerusalem còn mạt rệp hơn. Không ai có máy ảnh, điện thoại, ngay cả chuông cửa cũng không có nốt. Nếu muốn gặp bạn thì phải đi bộ đến nhà họ và gõ cửa hoặc huýt sáo. Danny hay đi bộ đến nhà Ariel, huýt sáo gọi ông xuống rồi cùng tới YMCA1 để bơi và chơi bóng bàn mà không ai nói với ai lời nào. Danny nghĩ điều đó thật hoàn hảo: Ginsburg khiến ông nhớ đến Phileas Fogg. “Danny thật khác biệt”, Ginsburg nói. “Ông ấy cảm giác xa cách nên giữ mình tách biệt với mọi người – ở một chừng mực nào đó là như vậy. Tôi là người bạn duy nhất của Danny”. 1. Tên viết tắt của Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (Young Men’s Christian Association – YMCA). Đây là một tổ chức có hơn 58 triệu người rải khắp 125 chi hội cấp quốc gia. (ND) Chỉ trong vài năm sau cuộc chiến giành độc lập, dân số Do Thái, giờ đây được gọi là Israel, đã gia tăng gấp đôi, từ 600.000 lên 1,2 triệu người. Không có thời điểm hay địa điểm nào trên trái đất có thể dễ dàng và mạnh mẽ thúc đẩy một người Do Thái mới tới thành phố hòa nhập cộng đồng địa phương hơn nơi đây. Nhưng về mặt tinh thần, Danny vẫn không thể hòa nhập. Những con người ông thích hết thảy đều là dân Israel bản xứ chứ không phải đám người nhập cư như ông. Nhưng bản thân ông cũng chẳng có dáng vẻ của người Israel. Giống như nhiều chàng trai và cô gái Israel, ông gia nhập các đội hướng đạo – rồi sau đó lại bỏ khi ông và Ariel quyết định rằng đội nhóm kiểu đó không dành cho mình. Mặc dù Danny đã học tiếng Hebrew cực nhanh, ông và mẹ vẫn nói tiếng Pháp ở nhà, thường bằng giọng điệu giận dữ. “Đó không phải là một mái ấm hạnh phúc”, Ginsburg nói. “Mẹ của Danny rất chua chát. Chị gái ông ấy đã rời khỏi nhà ngay khi có thể”. Danny không chấp nhận để Israel định sẵn cho ông một bản sắc. Ông chấp nhận để nơi này cho ông môi trường tạo ra bản sắc của riêng mình. Thật khó để xác định chính xác bản sắc đó sẽ là gì, bởi bản thân Danny cũng quá khó để xác định: Ông dường như không muốn định cư ở bất cứ nơi nào cụ thể. Những mối quan hệ ràng buộc mà ông hình thành đều mang lại cảm giác lỏng lẻo và tạm bợ. Ruth Ginsburg, lúc ấy đang hẹn hò và không lâu sau cưới bạn thân của Danny, nói: “Từ rất sớm, Danny đã quyết định không nhận trách nhiệm. Tôi cảm giác bên trong con người ông ấy luôn tồn tại nhu cầu hợp lý hóa việc mình không có gốc rễ. Một con người không cần nguồn cội. Coi cuộc đời như một loạt những trùng hợp ngẫu nhiên – nó xảy ra theo cách này nhưng cũng có thể xảy ra theo cách khác. Bạn tận dụng hết mức trong những điều kiện vô thần này”. Việc Danny không có nhu cầu thuộc về một nơi chốn hay hội nhóm nào là điều đặc biệt kỳ lạ ở cái xứ mà người ta đều mong ước có nhà và đồng bào. “Tôi đến vào năm 1948 và muốn giống họ”, đó là lời hồi tưởng của Yeshu Kolodny, một giảng viên ngành địa chất tại Đại học Hebrew, cùng độ tuổi với Danny, là người mà họ hàng dòng tộc cũng bị giết sạch trong cuộc diệt chủng. “Nghĩa là tôi muốn đi dép quai hậu và mặc quần soóc xắn gấu, thuộc tên của mọi thung lũng hay ngọn núi trời đánh thánh vật nào đấy – và chủ yếu tôi muốn bỏ chất giọng Nga của mình đi. Tôi hơi xấu hổ về câu chuyện của mình. Tôi quay sang tôn thờ các anh hùng dân tộc. Danny thì không cảm nhận theo kiểu đó. Ông ấy coi thường nơi này”. Danny là người tị nạn theo kiểu giống Vladimir Nabokov1. Một người tị nạn luôn giữ khoảng cách. Một người tị nạn ra vẻ ta đây. Và rất soi xét dân địa phương. Ở độ tuổi 15, Danny làm một bài kiểm tra hướng nghiệp cho ra kết quả xác định ông là một nhà tâm lý học. Điều đó không làm ông ngạc nhiên.2 Ông luôn cảm nhận mình sẽ là giáo sư và những câu hỏi của ông về con người thì thú vị hơn hết thảy. “Niềm hứng thú của tôi dành cho tâm lý học là một cách để làm triết học”, ông nói. “Để hiểu thế giới bằng cách thấu hiểu tại sao con người, đặc biệt là tôi, nhìn nhận về thế giới như họ vẫn nhìn nhận. Đến lúc đó, câu hỏi liệu Chúa Trời có tồn tại hay không đã không còn cuốn hút tôi. Nhưng tôi lại thấy thật sự hấp dẫn với câu hỏi tại sao con người tin vào sự tồn tại của Chúa. Tôi quả thực chẳng quan tâm lắm đến chuyện đúng hay sai. Vậy mà tôi lại rất hứng thú với sự phẫn nộ. Đó mới là một nhà tâm lý học!” 1. Một nhà văn, nhà thơ Nga, sáng tác bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Nabokov là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng thế giới. (ND) 2. Mấy chục năm sau, khi Danny Kahneman ngoài 40, ông dự giờ một hôm ở một lớp tại Đại học California, Berkeley, lớp của nhà tâm lý học tên Eleanor Rosch. Rosch giao bài tập cho một nhóm sinh viên năm nhất. Bà cho họ chuyền tay nhau một chiếc mũ nhét đầy những mẩu giấy nhỏ. Trên mỗi mẩu ghi một nghề khác nhau: người trông nom sở thú, phi công, thợ mộc, đạo chích. Các sinh viên được yêu cầu chọn một nghề rồi nói xem điều gì, nếu có, bất chợt nảy ra trong đầu có thể báo trước số phận của họ. Dĩ nhiên tôi chọn trúng nghề trông nom sở thú; hồi bé, tôi thích nhốt mèo vào chuồng. Bài tập này nhằm minh họa bản năng mạnh mẽ của con người trong việc tìm kiếm những nguyên nhân cho bất kỳ kết quả nào, cũng như bịa chuyện. “Cả nhóm mở giấy ra cùng lúc”, Rosch nhớ lại, “và ngay khi một người bắt đầu cười, tất cả cùng cười ầm lên”. Và đúng, họ bất ngờ, trong đầu họ nảy ra nhiều thứ. Danny là một ngoại lệ. “‘Không’, ông nói”, Rosch kể lại. “Tôi chỉ có thể làm hai nghề. Một nhà tâm lý học hoặc một giáo sĩ”. _______________ Hầu hết người Israel khi tốt nghiệp trung học đều bị gọi nhập ngũ. Được nhận định là người có tài năng trí tuệ, Danny được lên thẳng đại học để lấy bằng Cử nhân tâm lý học. Chưa rõ việc này được thực hiện ra sao, vì trường đại học duy nhất lại nằm phía sau phòng tuyến Ả Rập và kế hoạch xây dựng khoa tâm lý của trường đã tiêu tan trong một trận phục kích của quân Ả Rập. Và thế là, vào một sáng mùa thu năm 1951, Danny Kahneman 17 tuổi ngồi trong lớp toán, tổ chức tại một tu viện ở Jerusalem vốn được sử dụng làm một trong các địa điểm tạm J ợ ụ g ộ g ị ạ thời của Đại học Hebrew. Ngay cả ở nơi đây, dường như Danny vẫn lạc lõng. Hầu hết sinh viên vừa về sau 3 năm phục vụ trong quân đội và nhiều người trong số họ đã chứng kiến các trận giao tranh. Danny trẻ hơn, mặc áo khoác và đeo cà vạt, điều này khiến các sinh viên khác thấy lố bịch. Trong 3 năm sau đó, Danny cơ bản tự học những nội dung lớn trong lĩnh vực ông đã chọn vì thầy cô không thể làm điều đó. “Tôi quý giáo viên dạy thống kê”, Danny hồi tưởng, “nhưng bà chẳng biết gì về khoa học thống kê cả. Tôi tự học thống kê từ một cuốn sách”. Giảng viên của ông giống như một tập hợp các cá tính hơn là đội ngũ chuyên gia, đa phần họ là người tị nạn, do số phận đưa đẩy mà tình cờ đến sống ở Israel. “Mọi thứ cơ bản đều xoay quanh các thầy cô uy tín, những con người có tiểu sử chứ không chỉ là các bản sơ yếu lý lịch”, Avishai Margalit, người tốt nghiệp Đại học Hebrew, trở thành giảng viên triết học tại trường Stanford và nhiều nơi khác, hồi tưởng. “Họ đã sống những cuộc đời lớn lao”. Nhân vật sáng chói nhất là Yeshayahu Leibowitz – người Danny quý mến. Leibowitz từ Đức đến Palestine qua đường Thụy Sĩ vào những năm 1930, với tấm bằng cao học y khoa, hóa học, triết học khoa học và vài lĩnh vực khác, theo như đồn đại. Tuy nhiên, ông thi trượt bằng lái xe đến 7 lần. “Ông hay đi bộ trên phố”, Maya BarHillel, cựu sinh viên của Leibowitz nhớ lại. “Quần ông kéo lên tận cổ, vai gù và cằm bự kiểu Jay Leno. Ông hay lẩm bẩm nói chuyện một mình và khua tay múa chân. Nhưng trí óc của ông thu hút giới trẻ khắp đất nước”. Leibowitz giảng dạy môn nào – có vẻ như môn nào ông cũng dạy được – cũng rất thu hút. “Khóa học mà tôi được thọ giáo là Hóa sinh nhưng nó cơ bản lại nói về cuộc sống”, một sinh viên khác nhớ lại. “Phần lớn giờ học được dành trọn cho việc giải thích Ben-Gurion ngớ ngẩn ra sao”. Đó là David Ben-Gurion, vị thủ tướng đầu tiên của Israel. Một trong các câu chuyện ưa thích của Leibowitz là nói về một con lừa được đặt giữa hai bó cỏ khô. Trong câu chuyện, con lừa không thể xác định bó cỏ nào ở gần mình hơn, thế là nó chết đói. “Leibowitz sau đó nói rằng chẳng có con lừa nào làm thế; một con lừa sẽ chọn ngẫu nhiên một trong hai bó cỏ và ăn. Chỉ khi nào các quyết định được đưa ra bởi con người thì chúng mới phức tạp hơn. Và rồi ông nói: ‘Ngày nào đọc báo bạn cũng có thể thấy chuyện xảy ra với một đất nước khi một con lừa ra quyết định thay con người’. Lớp học của ông luôn chật kín người”. Điều mà Danny nhớ về Leibowitz thật khác thường: chẳng có gì nhiều ngoại trừ tiếng phấn đập vào bảng mỗi khi ông muốn nhấn mạnh một ý. Nghe như tiếng súng. Dù ít tuổi và sống trong những hoàn cảnh như vậy, ta vẫn có thể phát hiện ra một khuynh hướng trong tâm trí Danny qua những luồng tư tưởng mà nó phản kháng. Freud lúc ấy nổi như cồn nhưng Danny không muốn ai có ảnh hưởng đến mình, cũng chẳng ham gây ảnh hưởng đặc biệt tới bất cứ ai. Ông quyết định coi nhẹ những trải nghiệm thời thơ ấu, hay thậm chí cả ký ức của mình: Tại sao ông phải quan tâm đến người khác? Vào đầu thập niên 1950, rất nhiều nhà tâm lý học cứ khăng khăng cho rằng bộ môn này phải tuân theo các chuẩn mực của khoa học đã từ bỏ tham vọng nghiên cứu những vận động nội tại của tâm trí con người. Nếu bạn không thể quan sát điều đang xảy ra trong đầu mình thì làm sao có thể giả vờ nghiên cứu về nó? Điều đáng để khoa học quan tâm – và có thể được nghiên cứu một cách khoa học – chính là hành vi của các sinh vật sống. Trường phái tư duy nổi trội này gọi là tâm lý học hành vi. Người đi đầu, B. F. Skinner đã khởi động trong suốt Thế Chiến II, sau khi Không quân Mỹ thuê ông huấn luyện chim bồ câu dẫn đường cho bom. Skinner dạy lũ chim mổ đúng vị trí trên bản đồ mục tiêu trên không, bằng cách thưởng cho chúng thức ăn mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ. (Chúng làm việc kém nhiệt tình hơn khi hỏa lực phòng không bùng cháy xung quanh, nên chẳng bao giờ được sử dụng trong trận chiến). Thành công của Skinner với chim bồ câu là bước khởi đầu cho một sự nghiệp có sức ảnh hưởng to lớn được củng cố bởi quan niệm rằng tất cả các hành vi của động vật đều bị thúc đẩy không chỉ bởi suy nghĩ và cảm xúc mà còn bởi những thưởng phạt từ bên ngoài. Ông nhốt lũ chuột vào thứ ông gọi là “buồng điều hòa hoạt động” (sau đó chúng nhanh chóng được biết đến rộng rãi với cái tên “hộp Skinner”) rồi dạy chúng gạt cần và nhấn nút. Ông dạy chim bồ câu nhảy múa và chơi bóng bàn cũng như chơi thuần thục bài hát “Take me out to the ball game” (Hãy đưa tôi ra trận đấu bóng) trên đàn piano. Các nhà tâm lý học hành vi giả định điều họ khám phá về chuột và bồ câu đều có thể áp dụng cho con người – đối tượng khó tiến hành các thí nghiệm vì nhiều lý do. “Đối với những độc giả lo lắng khi hướng tới đối tượng con người thì cần cẩn trọng”, Skinner viết trong một tiểu luận có tên “Cách dạy động vật”. “Chúng ta phải khởi động một chương trình mà trong đó đôi lúc cần bổ sung thích đáng và đôi khi cần rút lại. Khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể sinh ra các hiệu ứng cảm xúc [ở con người]. Tiếc rằng khoa học hành vi này vẫn chưa thành công trong việc kiểm soát cảm xúc như khi nó định hình hành vi”. Sự lôi cuốn của tâm lý học hành vi nằm ở chỗ khoa học tỏ ra rõ ràng: tác nhân kích thích có thể được quan sát, các phản ứng có thể được ghi lại. Nó có vẻ “khách quan”. Nó không dựa vào chuyện người này nói với người khác về suy nghĩ hay cảm nhận của mình. Tất cả những thứ quan trọng đều có thể quan sát và đo lường. Có một câu chuyện cười bao hàm trọn vẹn tinh thần vô trùng của tâm lý học hành vi mà Skinner rất thích kể: Một cặp đôi đang làm tình. Sau đó, người đàn ông quay sang hỏi người đàn bà: “Em thỏa mãn. Còn anh thì sao?”. Tất cả các nhà kinh tế học hành vi hàng đầu đều là WASP1 – một sự thật mà các nhân vật trẻ tuổi tham gia ngành tâm lý học trong những năm 1950 không nhận ra. Nhìn lại, một quan sát viên hờ hững trong lĩnh vực đó khi ấy không thể không thắc mắc về chuyện có hay không hai lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn chẳng liên quan đến nhau: “Tâm lý học WASP” và “Tâm lý học người Do Thái”. Các WASP mặc áo choàng phòng thí nghiệm trắng, tay cầm cặp hồ sơ và nghĩ ra những cách mới để hành hạ lũ chuột, đồng thời né tránh đống hỗn độn ngớ ngẩn của kinh nghiệm con người. Còn người Do Thái lại đón nhận mớ hỗn độn ấy – kể cả những người Do Thái xem thường các phương pháp của Freud, khao khát “tính khách quan” và mong muốn tìm kiếm sự thật có thể được kiểm nghiệm theo các quy luật khoa học. Về phần mình, Danny mong mỏi tính khách quan. Trường phái tư duy tâm lý học thu hút ông nhất là tâm lý học Gestalt2. Được dẫn dắt bởi những người Do Thái gốc Đức – vốn có nguồn gốc từ Berlin vào đầu thế kỷ XX – nhằm khai phá một cách khoa học những bí ẩn của tâm trí con người. Những nhà tâm lý học của trường phái Gestalt đã dành cả sự nghiệp khám phá các hiện tượng thú vị và thể hiện chúng bằng sự tinh tế tuyệt vời: ánh sáng sẽ sáng chói hơn khi xuất hiện trong màn đêm; màu xám trông như màu xanh lục khi được bao quanh bởi màu tím và sẽ giống màu vàng nếu quanh nó là màu xanh dương; nếu bạn bảo một người: “Đừng giẫm lên con cá chuối đó!” thì chắc chắn anh ta sẽ tin là bạn nói từ “vỏ chuối” chứ không phải “cá chuối”. Những người theo trường phái Gestalt chỉ ra rằng không có mối quan hệ rõ ràng giữa bất kỳ tác nhân kích thích bên ngoài nào với cảm giác mà nó tạo ra ở con người, vì tâm trí đã can thiệp theo nhiều cách thức lạ lùng. Danny đặc biệt bị tác động bởi cách các nhà tâm lý học Gestalt đưa độc giả đến với một trải nghiệm thông qua những bài viết của mình, để họ có thể tự cảm nhận về những vận động nội tại bí ẩn trong tâm trí: 1. Chỉ người Anglo-Saxon da trắng theo đạo Tin Lành. (ND) 2. Đây là từ tiếng Đức có nghĩa là “định hình” hay “hình thành”, theo cung cách mà các nhà tâm lý học thuộc trường phái Gestalt ưa thích thì bản thân nó mang xu hướng là thay đổi hình dạng, tùy thuộc vào bối cảnh nó được sử dụng. (TG) Nếu vào một đêm trời quang mây tạnh, chúng ta ngước lên nhìn trời cao, một số ngôi sao ngay lập tức như đang hòa vào nhau và tách rời khỏi môi trường xung quanh. Chòm sao Thiên hậu là một ví dụ, chòm Bắc Đẩu Thất tinh là một điển hình khác. Từ lâu, người ta coi những nhóm này là các cụm và thời nay, trẻ em chẳng cần ai dạy cũng quan sát được những cụm này. Tương tự, trong Hình 1 dưới đây, độc giả thấy có hai nhóm mảnh đen. Hình 1. Theo tài liệu của Wolfgang Köhler, nhà tâm lý học theo trường phái Gestalt (tài liệu năm 1947, New York: Liveright, 1992), trang 142. Tại sao không phải là 6 mảnh? Hay 2 nhóm khác nhau? Hay là 3 nhóm, mỗi nhóm có 2 mảnh? Thoạt nhìn hình này, mọi người đều thấy 2 nhóm, mỗi nhóm có 3 mảnh. Câu hỏi trọng tâm được các nhà tâm lý học theo trường phái Gestalt đưa ra chính là câu hỏi mà các nhà tâm lý học hành vi đã bỏ qua: Bộ não tạo ra ý nghĩa bằng cách nào? Nó biến những mảnh vụn được thu thập bởi các giác quan thành một bức tranh mạch lạc về thực tại bằng cách nào? Vì sao bức tranh đó thường được tâm trí áp đặt lên thế giới xung quanh, chứ không phải là thế giới áp đặt lên tâm trí con người? Con người làm thế nào để biến các mảnh ký ức thành một câu chuyện đời mạch lạc? Vì sao hiểu biết của một người về những gì anh ta trông thấy lại thay đổi theo bối cảnh? Nói đại khái một chút – khi một chế độ từng suy sụp vì người Do Thái bị tàn sát lại vươn lên nắm quyền ở châu Âu, tại sao một số người Do Thái nhận ra nó chẳng tốt đẹp gì và bỏ trốn, còn số khác ở lại để rồi bị tàn sát? Những câu hỏi này, hay những câu tương tự, đã dẫn dắt Danny bước vào thế giới của tâm lý học. Đó là những câu hỏi mà ngay cả những người tài năng nhất cũng không giải đáp được. Câu trả lời, nếu có, chỉ có thể tìm thấy trong trí óc con người. Sau này, Danny sẽ nói rằng ông coi khoa học là một cuộc trò chuyện. Nếu thế, tâm lý học là một bữa tiệc tối ồn ào, ở đó, mỗi vị khách nói một phách mà cứ nghĩ đang cùng nói về một thứ và thay đổi chủ đề đến chóng mặt. Các nhà tâm lý học Gestalt cùng với các nhà tâm lý học hành vi và phân tâm học đều có thể bị nhồi nhét vào cùng một tòa nhà treo biển Khoa Tâm lý học, nhưng họ chẳng lãng phí nhiều thời gian để nghe nhau nói. Tâm lý học không giống như vật lý hay kinh tế học. Nó không có một lý thuyết đủ sức thuyết phục để làm căn cứ thiết lập, hay một bộ quy tắc thảo luận được chấp nhận chung. Các nhân vật hàng đầu của bộ môn này có thể và thực sự đã nói về công trình của những nhà tâm lý học khác. Về cơ bản, những gì bạn đang làm và đang nói hoàn toàn là nhảm nhí, không hề có bất cứ tác động rõ ràng nào lên hành vi của các nhà tâm lý học. Một phần vấn đề nằm ở khác biệt dữ dội của những con người muốn trở thành nhà tâm lý – những nhân vật lắm lời huyên thuyên với đủ loại động cơ, từ mong muốn lý giải sự bất hạnh của mình cho tới niềm tin là họ thấu hiểu bản chất con người nhưng lại thiếu khả năng văn chương để viết ra một cuốn tiểu thuyết tươm tất, cho tới nhu cầu về một thị trường dành cho các kỹ năng toán học sau khi bị loại khỏi khoa vật lý, cho đến mong muốn giản đơn là giúp đỡ những người đang đau khổ. Vấn đề còn lại là chất lượng của những thứ tào lao trong lĩnh vực này: Tâm lý học là nơi chứa tất cả các thể loại vấn đề chẳng liên quan và dường như không thể giải quyết. “Có thể tìm thấy hai nhà tâm lý học hàn lâm có năng lực cùng năng suất cao, mà nếu dùng bữa trưa cùng nhau thì sẽ buộc phải thảo luận về xác suất giành chức vô địch của đội The Twins hay tài tự đề cao bản thân của kẻ giết người hàng loạt Ronald ‘Red Killer’, vì kiến thức và những mối quan tâm của họ trong tâm lý học ít trùng nhau”, nhà tâm lý Paul Meehl của Đại học Minnesota viết trong một luận văn nổi tiếng năm 1986 mang tên “Tâm lý học: Chủ đề đa dạng của chúng ta có sự thống nhất nào không?”. “Có người sẽ thắc mắc tại sao lại như vậy, liệu có thể cải thiện hay không, hay đáng ra ngay từ đầu nên hỏi nó có thực sự quan trọng không? Tại sao một nhà di truyền học hành vi đang nghiên cứu sự lây truyền của chứng tâm thần phân liệt lại có thể trò chuyện với một chuyên gia về các quá trình điện hóa học trong võng mạc của loài cá chó mắt to?”. Các bài kiểm tra năng lực ứng viên cho thấy Danny phù hợp với cả khoa học nhân văn lẫn khoa học tự nhiên ở mức độ như nhau, nhưng ông chỉ muốn làm khoa học. Ông cũng muốn nghiên cứu về con người. Ngoài ra, chẳng lâu sau, ông không biết mình muốn làm gì. Vào năm thứ hai ở Đại học Hebrew, ông nghe bài nói chuyện của một nhà giải phẫu thần kinh là khách mời, người khẳng định tổn thương não khiến con người mất đi khả năng tư duy trừu tượng. Lời khẳng định hóa ra là sai, nhưng vào thời điểm đó, Danny bị nó thu hút đến nỗi quyết định bỏ tâm lý học để theo đuổi y khoa – để được tìm hiểu tỉ mỉ não bộ con người và xem nó còn có thể tạo ra những ảnh hưởng gì khác. Một giáo sư cuối cùng cũng thuyết phục được ông rằng có điên mới nếm trải cực khổ để học y khoa trừ khi ông thật sự muốn trở thành một bác sĩ. Nhưng đó là khởi đầu của một mô thức: nắm bắt một ý tưởng hay tham vọng nào đó với sự nhiệt tình lớn lao để rồi phải từ bỏ nó trong nỗi thất vọng. “Tôi luôn cảm thấy các ý tưởng đều rất tầm thường”, ông nói. “Nếu có một ý tưởng nào không thành, bạn không nên quá cố gắng níu giữ nó, hãy tìm kiếm ý tưởng khác”. Trong một xã hội thông thường, mọi người khó có khả năng phát hiện ra Danny Kahneman có ích lợi tuyệt vời trong thực tế nhường nào. Israel chẳng phải là một xã hội bình thường. Tốt nghiệp Đại học Hebrew – ngôi trường không hiểu vì lý do gì lại trao cho ông bằng tâm lý học – Danny được yêu cầu vào phục vụ trong quân đội Israel. Hiền lành, sống tách biệt, thiếu tổ chức, né tránh mâu thuẫn và thể chất yếu: Danny không hề giống một anh lính. Chỉ có hai lần ông suýt phải giao chiến và cả hai trường hợp đặc biệt đó vẫn còn hiển hiện sống động trong ký ức Danny. Lần đầu tiên xảy ra khi trung đội do ông và vài người khác chỉ huy được lệnh tấn công một ngôi làng Ả Rập. Trung đội của Danny dự tính bao vây làng và phục kích các lực lượng Ả Rập. Năm trước, sau khi một đơn vị quân Israel thảm sát phụ nữ và trẻ em người Ả Rập, Danny cùng bạn mình, Shimon Shamir, từng bàn xem nên làm gì nếu bị ra lệnh phải giết thường dân Ả Rập. Họ quyết định cả hai sẽ từ chối mệnh lệnh. Giờ đây là thời điểm gần nhất mà Danny rốt cuộc cũng sẽ bị trao mệnh lệnh kia. “Chúng tôi không phải tiến vào ngôi làng”, ông nói. “Các sĩ quan khác đã nhận lệnh. Còn tôi lắng nghe – họ không hề được ra lệnh giết thường dân. Nhưng họ cũng không được ai dặn cách để tránh giết thường dân. Và tôi không thể đưa ra câu hỏi – bởi đó không phải nhiệm vụ của tôi”. Lúc đó, nhiệm vụ của ông bị hủy bỏ và đơn vị của ông rút lui khi chưa phải bắn bất kỳ ai – và sau này Danny mới biết lý do. Các trung đội khác đã rơi vào ổ phục kích. Quân Gioóc-đa-ni đã chờ sẵn họ. Nếu không rút lui, “chúng tôi đã bị giết sạch rồi”. Lần khác, vào một đêm, ông được điều đến sắp đặt một trận phục kích quân Gioóc-đa-ni. Trung đội ông có 3 tiểu đội. Ông chỉ huy lần lượt 2 tiểu đội đầu tiên đến khu vực mai phục và để các thuộc cấp ở lại đảm nhiệm. Tiểu đội thứ ba, đóng ở biên giới Gioóc-đa-ni, do chính ông chỉ huy. Để tìm ra biên giới, viên sĩ quan chỉ huy (một nhà thơ tên là Haim Gouri) dặn Danny cứ đi cho đến khi thấy biển báo Biên giới. Dừng lại. Trong bóng tối, Danny không thấy được biển báo nào. Thay vào đó, khi mặt trời mọc, ông trông thấy một tên lính địch trên đồi đang quay lưng về phía ông: Danny đã xâm lược Jordan (“Tôi gần như đã gây chiến”). Ông thấy dải đất dưới chân đồi trước mặt họ thật lý tưởng cho các tay bắn tỉa người Gioóc-đa-ni nhắm bắn từ xa vào binh lính Israel. Danny liền bí mật chuyển hướng hành động, đưa đơn vị quay về Israel, nhưng rồi ông nhận ra một người lính làm mất ba lô. Mường tượng ra cảnh bị “ăn chửi” té tát vì quên ba lô ở Gioóc- đa-ni, ông và người của mình bò rón rén ven khu tử địa. “Tình hình cực kỳ nguy hiểm. Tôi biết mình ngu ngốc. Nhưng chúng tôi sẽ ở lại cho đến khi tìm ra nó. Vì tôi hình dung ra câu hỏi đầu tiên ngay lúc trở về: ‘Sao anh có thể quên cái ba lô đó?’. Điều đó cứ lẩn quẩn mãi trong đầu tôi: cái việc ngu ngốc đấy”. Họ tìm thấy ba lô rồi rời đi. Lúc về, cấp trên la mắng Danny, nhưng không phải vì cái ba lô. “Họ bảo: ‘Sao anh không bắn?’”. Quân đội kéo ông ra khỏi vai trò quan sát viên độc lập tự phong mọi khi. Một năm làm trung đội trưởng, Danny sau này nói “đã xóa bỏ những vết dấu còn sót lại của cảm giác dễ bị tổn thương lan tỏa cũng như sự yếu đuối thể chất và kém cỏi của tôi hồi ở Pháp”. Nhưng Danny sinh ra không phải để bắn người khác. Ông thực sự không phù hợp với đời sống quân nhân, nhưng quân đội buộc ông phải thích ứng. Họ điều ông về ban tâm lý. Đặc điểm nổi bật nhất của đơn vị này trong quân đội Isael năm 1954 là không có một nhà tâm lý học nào. Vào lúc gia nhập, Danny mới biết sếp của mình – Trưởng ban nghiên cứu tâm lý của quân đội Israel – là một nhà hóa học. Thế là Danny, một người tị nạn 20 tuổi đến từ châu Âu, từng mất cả quãng đời quý giá để lẩn trốn, trở thành chuyên gia tâm lý của Lực lượng Quốc phòng Israel. “Anh ấy gầy, xấu trai và rất thông minh”, Tammy Ziv, người ở cùng ban tâm lý với Danny, nhớ lại. “Tôi mới 19 tuổi, anh ấy 21 và tôi nghĩ Danny tán tỉnh mình, còn tôi thì quá ngốc nên không hay biết. Danny không phải là một chàng trai bình thường. Nhưng mọi người đều thích anh ấy”. Họ cũng cần đến ông – dù chắc chắn họ chẳng đánh giá cao ông ngay lập tức. Quốc gia mới đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng: làm thế nào để tổ chức một cộng đồng dân số rất khác biệt thành một lực lượng chiến đấu. Năm 1948, David Ben-Gurion tuyên bố mở cửa chào đón bất cứ người Do Thái nào muốn nhập cư. Trong vòng 5 năm tiếp theo, nước này chấp nhận hơn 730.000 dân nhập cư đến từ các nền văn hóa khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau. Nhiều chàng trai trẻ mới gia nhập Lực lượng Quốc phòng Israel phải chịu đựng những nỗi khiếp sợ không thể diễn tả bằng lời – nhìn đâu cũng thấy những người xăm số trên cánh tay. Các bà mẹ bất ngờ vấp phải xác con mình trên đường phố Israel mà cứ tưởng do lính Đức sát hại. Không ai được khuyến khích nói ra những gì mình từng trải qua trong chiến tranh. “Những con người từng bị hậu sang chấn tâm lý đều bị xem là yếu đuối”, một nhà tâm lý học người Israel nói. Một phần của việc làm người Do Thái ở Israel là ít nhất bạn cũng phải vờ quên những điều chẳng thể lãng quên. Israel vẫn giống pháo đài hơn là một quốc gia, và quân đội của họ vẫn trong tình trạng lộn xộn có kiểm soát. Binh lính được huấn luyện sơ sài, các đơn vị liên kết lỏng lẻo. Chỉ huy trưởng của đơn vị xe tăng thậm chí còn không nói cùng ngôn ngữ với hầu hết lính của mình. Vào đầu những năm 1950, người Ả Rập và Do Thái không chính thức tuyên chiến, nhưng bạo lực vô nghĩa diễn ra một cách máy móc đã phơi bày những điểm yếu trong quân đội Israel. Chẳng hạn, binh lính có xu hướng nhanh chóng quay đầu trốn chạy ngay khi thấy có dấu hiệu rắc rối; còn khuynh hướng của các sĩ quan lại là chỉ đạo đội ngũ từ phía sau. Bộ binh đã tiến hành một loạt cuộc đột kích ban đêm thất bại vào các tiền đồn Ả Rập, ở đó những đội quân Israel lạc lối trong bóng tối và không đến được mục tiêu. Có trường hợp, sau khi một đơn vị được phái đi tiến hành một cuộc tấn công phải lang thang cả đêm, viên trung đội trưởng đã tự sát. Khi họ giao chiến với quân địch, kết quả thường là thảm họa. Vào tháng 10 năm 1953, một đơn vị quân Israel, có thể hoặc không nhận được chỉ thị không hại thường dân, đã đột kích một ngôi làng của người Gioóc-đa-ni và sát hại 69 người, một nửa số đó là phụ nữ cùng trẻ em. Kể từ Thế chiến I, công việc đánh giá và phân loại lính nghĩa vụ trẻ tuổi thuộc về các nhà tâm lý học, chủ yếu vì một số nhà tâm lý học tham vọng đã thuyết phục Lục quân Mỹ giao cho họ công việc đó. Tuy nhiên, nếu cần nhanh chóng phân loại hàng chục nghìn nam thanh niên thành một lực lượng chiến đấu hiệu quả, bạn vẫn không thể thấy ngay là còn cần đến một nhà tâm lý học, càng không thấy rõ khi chuyên gia tâm lý duy nhất ở đó là cậu cử nhân 21 tuổi mới tốt nghiệp chương trình học 2 năm, hầu như chỉ tự học là chính. Bản thân Danny cũng bất ngờ khi họ yêu cầu ông làm công việc đó và cảm thấy mình không có đủ kỹ năng cần thiết. Danny đã nhìn ra khó khăn của việc xác định ai phù hợp với công việc nào khi thượng cấp yêu cầu ông đánh giá các ứng viên cho trường đào tạo sĩ quan. Những chàng trai trẻ nộp đơn ứng tuyển sĩ quan đã được giao một nhiệm vụ giả định kỳ cục: di chuyển từ bên này sang bên kia bức tường, chỉ sử dụng một khúc gỗ dài mà không được chạm vào tường hay mặt đất. “Chúng tôi ghi lại ai là người đứng ra chỉ đạo, ai cố gắng chỉ huy và bị từ chối, mỗi người lính đóng góp như thế nào vào nỗ lực chung của cả nhóm”, Danny viết. “Chúng tôi nhìn ra người nào ngoan cố, dễ phục tùng, kiêu ngạo, kiên nhẫn, nóng nảy, bền bỉ hay nhu nhược. Chúng tôi nhận biết nỗi giận dữ gay gắt khi một người nào đó vì ý kiến cá nhân bị cả nhóm từ chối đã ngầm phá hoại nỗ lực chung của cả tập thể. Và chúng tôi nhìn thấy những phản ứng đối với khủng hoảng… Dưới áp lực căng thẳng do sự kiện gây ra, chúng tôi nhận ra bản chất thật của mỗi người. Ấn tượng của chúng tôi về cá tính của mỗi ứng viên là họ thẳng thắn và thu hút như màu sắc của bầu trời”. Danny dễ dàng xác định ai sẽ trở thành sĩ quan tốt và ai không. “Chúng tôi sẵn sàng tuyên bố: ‘Người này sẽ không bao giờ làm được việc đó’,‘Người kia khá xoàng’ hay ‘Anh ấy sẽ là một ngôi sao’”. Vấn đề xuất hiện khi ông kiểm nghiệm các dự đoán bằng cách so với kết quả – các ứng viên khác nhau thể hiện thế nào trong quá trình đào tạo sĩ quan. Các dự đoán của ông đều vô giá trị. Nhưng đây là quân đội và ông có nhiệm vụ phải làm nên vẫn phải tiếp tục đưa ra các dự đoán. Tình huống này khiến Danny nhớ tới ảo ảnh thị giác nổi tiếng của Müller-Lyer. Hình 2. Ảo ảnh thị giác của Müller-Lyer. Nhìn hai đoạn thẳng bằng nhau, mắt ta bị đánh lừa rằng đoạn này dài hơn đoạn kia. Ngay cả sau khi bạn chứng minh cho người khác thấy hai đoạn dài như nhau bằng một cây thước, ảo ảnh vẫn tiếp tục tồn tại: Họ sẽ cứ khăng khăng đoạn này trông dài hơn đoạn kia. Nếu nhận thức có sức mạnh lấn át thực tế trong trường hợp đơn giản như vậy, nó sẽ mạnh cỡ nào trong trường hợp phức tạp hơn? Các sĩ quan chỉ huy của Danny tin rằng mỗi quân chủng của Lực lượng Quốc phòng Israel đều có tính cách riêng. Có kiểu “phi công chiến đấu”, kiểu “đơn vị thiết giáp” và kiểu “lính bộ binh”… Họ muốn Danny xác định tân binh nào phù hợp nhất với quân chủng nào. Danny bắt đầu tạo ra một bài kiểm tra tính cách nhằm phân loại hiệu quả toàn bộ dân số Israel vào đúng nhóm. Ông bắt đầu bằng cách liệt kê một nhóm đặc điểm tiêu biểu thể hiện rõ nhất mức độ phù hợp với chiến đấu: phong độ đàn ông, tính đúng giờ, sự hòa đồng, ý thức về nhiệm vụ, khả năng tư duy độc lập. “Danh sách đặc điểm không xuất phát từ bất cứ thứ gì”, sau này ông nói. “Tôi tự nghĩ ra thôi. Một chuyên gia sẽ mất nhiều năm để làm việc đó, sử dụng các bài kiểm tra, thử nhiều phiên bản… nhưng tôi không biết là lại khó đến thế”. Danny nghĩ phần khó nhằn nhất là có được thước đo chuẩn xác về bất cứ đặc điểm nào trong số đó tại một cuộc phỏng vấn tuyển dụng thông thường. Những khó khăn tiềm ẩn phát sinh trong lúc đánh giá người khác đã được nhà tâm lý học người Mỹ Edward Thorndike mô tả vào năm 1915. Ông yêu cầu các sĩ quan Lục quân Mỹ đánh giá binh sĩ theo một đặc điểm thể chất nào đó (“hình thể” chẳng hạn) và sau đó đánh giá một tố chất trừu tượng hơn (“trí thông minh”,“khả năng lãnh đạo”…). Ông phát hiện ra rằng cảm xúc sinh ra khi đánh giá tiêu chí đầu tiên sẽ ảnh hưởng tới tiêu chí thứ hai: nếu sĩ quan thấy một người lính có hình thể đẹp thì cũng sẽ thích các khía cạnh khác ở anh ta. Hoán đổi thứ tự đánh giá và vấn đề tương tự vẫn xảy ra: Nếu một người ban đầu được đánh giá xuất sắc thì sau đó sẽ được cho là mạnh mẽ hơn thực tế. “Rõ ràng sức lan tỏa của một phẩm chất chung tốt đẹp sẽ ảnh hưởng đến nhận định về một khả năng đặc biệt và ngược lại”, Thorndike kết luận; ông tiếp tục nói mình đã “bị thuyết phục rằng ngay cả một quản đốc, ông chủ, giáo viên hay một vị trưởng phòng rất có năng lực đều không thể xem cá nhân là một tổ hợp của các phẩm chất riêng biệt và gán cho mỗi phẩm chất một tầm quan trọng riêng, độc lập với những phẩm chất khác”. Bởi thế đã có một hiệu ứng ra đời và cho đến nay vẫn được gọi là “hiệu ứng lan tỏa”. Danny biết về hiệu ứng lan tỏa. Ông cũng có thể thấy các phỏng vấn viên của quân đội Israel chính là nạn nhân của nó: Họ dành 20 phút với mỗi tân binh và từ đó đưa ra một ấn tượng chung về tính cách của người đó. Những ấn tượng chung đã được chứng minh là sai lệch, nên Danny muốn tránh chúng. Vì vấn đề đó, ông muốn tránh phải dựa vào phán đoán của con người. Lý do ông không tin tưởng vào đánh giá của con người thì ông cũng không chắc lắm. Hồi tưởng lại, Danny ngờ rằng khi ấy chắc hẳn mình đã đọc một cuốn sách mới của Paul Meehl – chính là người đã thắc mắc liệu có điều gì thống nhất được lĩnh vực tâm lý học. Cuốn sách của Meehl, có tựa đề Clinical versus Statistical Prediction (tạm dịch: Dự báo Lâm sàng và Dự báo Thống kê), đã cho thấy những nhà phân tâm học nào từng cố gắng dự báo chuyện sẽ xảy đến với bệnh nhân thần kinh của họ đều đạt kết quả kém hơn so với các thuật toán đơn giản. Xuất bản năm 1954 – chỉ một năm trước khi Danny tiến hành rà soát kỹ lưỡng hệ thống đánh giá của quân đội Israel về thanh niên nước này – nó đã khiến các nhà phân tâm học tức giận, họ tin rằng những phán đoán và dự báo lâm sàng của mình có giá trị lớn. Nó cũng làm dấy lên một câu hỏi tổng quan hơn: Nếu ngay cả những chuyên gia đương đại trong lĩnh vực này còn bị các dự báo dẫn sai đường thì ai có thể không phạm sai lầm đây? “Tất cả những gì tôi biết là mình chắc hẳn đã đọc sách của Meehl vì những việc tôi đã làm”, Danny nói. Ông dạy cho các phỏng vấn viên của quân đội – chủ yếu là phụ nữ trẻ – cách đưa ra một danh sách câu hỏi cho mỗi tân binh nhằm hạn chế tối đa hiệu ứng lan tỏa. Ông bảo họ đặt ra những câu hỏi thật cụ thể, không phải để xác định cách một người nghĩ về bản thân mà là cách cư xử thật sự của người đó. Các câu hỏi không phải chỉ để tìm kiếm sự thật mà còn được soạn ra để che đậy sự thật đang bị tìm kiếm ấy. Trước khi chuyển sang phần kế tiếp, phỏng vấn viên được yêu cầu đánh giá mức từ 1-5 tương ứng các lựa chọn từ “không bao giờ có hành vi này” đến “luôn có hành vi này”. Ví dụ, khi đánh giá tính hòa đồng của tân binh, họ cho điểm 5 đối với một người “xây dựng các mối quan hệ xã hội khăng khít và hoàn toàn hòa đồng với cả nhóm”, cho điểm 1 với một người “hoàn toàn cô lập”. Ngay cả Danny cũng thấy có đủ thể loại vấn đề trong các phương pháp của mình, nhưng ông vẫn không có đủ thời gian để lo lắng quá nhiều về chúng. Chẳng hạn, trong một thoáng, ông lo lắng và cố gắng ra quyết định làm thế nào để xác định điểm 3 – nó có dành cho người thỉnh thoảng cực kỳ hòa đồng, hay là người lúc nào cũng hòa đồng ở mức độ vừa phải? Ông quyết định là cả hai. Vấn đề quan trọng là người đánh giá không được sử dụng quan điểm riêng. Câu hỏi không phải là “Tôi nghĩ gì về anh ta?” mà là “Anh ta đã làm gì?”. Việc đánh giá xem ai được vào quân chủng nào trong quân đội Israel sẽ do thuật toán của Danny thực hiện. “Các phỏng vấn viên ghét chuyện đó”, ông nhớ lại. “Tôi gặp một vụ chống đối phải giải quyết. Tôi còn nhớ một người trong số họ đã nói: ‘Anh đang biến chúng tôi thành robot’. Họ cảm giác mình có thể đoán [tính cách của một người]. Và tôi đang cướp đi khả năng đó của họ. Họ thật sự không thích điều đó”. Danny sau đó nhờ một trợ lý chở đi khắp đất nước để yêu cầu các sĩ quan quân đội chấm điểm đánh giá đặc điểm cá nhân cho binh lính của họ – từ đó ông có thể so sánh với thể hiện thực tế của binh lính. Danny nghĩ chỉ cần tìm ra đặc điểm của những người giỏi trong một quân chủng cụ thể, ta có thể dùng chúng để tìm những người khác có cùng các đặc điểm đó và điều họ về quân chủng ấy. (Ký ức của Danny về chuyến đi thật đặc biệt, ông nhớ một chi tiết lạ lùng thay vì cả bức tranh toàn cảnh. Ông không còn nhớ nhiều về những lần gặp các sĩ quan chiến đấu, nhưng lại nhớ rõ lời tài xế đã nói sau khi Danny cầm lái chiếc xe jeep. Trước đó ông chưa bao giờ lái xe. Sau khi Danny phanh vì biết đường sắp xóc, tài xế đã khen ông: “Anh ta nói: ‘Đây chính xác là sự lịch lãm đúng mực’”). Từ các viên sĩ quan chiến đấu ở chiến trường, Danny hiểu mình đã được phái đi làm một thứ công việc lặt vặt ngớ ngẩn. Các khuôn mẫu quân đội đều sai. Không có khác biệt ý nghĩa nào giữa tính cách của những người thành công trong các quân chủng khác nhau. Cá tính đã thành công ở bộ binh hầu như cũng sẽ như vậy khi ở bên cạnh một khẩu pháo hay trong một chiếc xe tăng. Tuy nhiên, điểm số trong bài kiểm tra tính cách của Danny thực sự dự báo được một điều. Chúng dự báo khả năng một tân binh sẽ thành công trong bất kỳ công việc nào. Chúng giúp quân đội Israel biết rõ hơn về việc ai sẽ thành công khi trở thành sĩ quan hay thành viên của một quân chủng tinh nhuệ nào đó (phi công chiến đấu, lính dù) và ai không thể. (Hóa ra chúng cũng dự báo được ai sẽ vào tù). Có lẽ đáng ngạc nhiên hơn là các kết quả lại không mấy liên hệ tới trí thông minh và học vấn – nhân tố được cho là chứa đựng những thông tin mà các thước đo đơn giản đó không hề có. Tác động của thứ được biết đến với cái tên không chính thức là “điểm Kahneman” đã giúp việc sử dụng quân đội của cả quốc gia trở nên tốt hơn, cụ thể trong việc lựa chọn lãnh đạo quân đội, làm giảm đi tầm quan trọng của trí thông minh bẩm sinh có thể đo lường và gia tăng mức độ quan trọng của các phẩm chất trong danh sách của Danny. Quá trình do Danny tạo ra thành công đến độ quân đội Israel sử dụng nó cho đến tận ngày nay, chỉ với vài điều chỉnh nhỏ. (Chẳng hạn, khi phụ nữ được nhận vào các đơn vị chiến đấu, “bản lĩnh đàn ông” trở thành “bản lĩnh”). “Họ đã thử thật sự thay đổi nó một lần”, Reuven Gal, tác giả cuốn Portrait of the Israeli Soldier (tạm dịch: Chân dung người lính Israel), cho biết. Gal đã có 5 năm làm chuyên gia tâm lý trưởng của Lực lượng Quốc phòng Israel. “Họ làm nó trở nên tệ hơn, vì thế họ phải đổi lại như cũ”. Khi ra quân vào năm 1983, Gal đến Washington DC theo chương trình liên kết nghiên cứu của Viện Khoa học Quốc gia. Một ngày nọ, ông nhận được cuộc gọi từ vị tướng hàng đầu của Lầu Năm Góc. “Ông ta nói: ‘Anh đến nói chuyện với chúng tôi được không?’”. Gal tới Lầu Năm Góc để rồi bị thẩm vấn bởi một căn phòng đầy các vị tướng của Lục quân Mỹ. Họ đưa ra câu hỏi theo nhiều cách khác nhau, nhưng “luôn là cùng một câu hỏi: ‘Vui lòng giải thích làm thế nào các anh có thể sử dụng cùng những khẩu súng trường, lái cùng những chiếc xe tăng, bay cùng những máy bay như chúng tôi mà trận nào các anh cũng thắng còn chúng tôi thì không? Tôi biết không phải do vũ khí. Chắc hẳn là tâm lý học. Anh chọn binh lính chiến đấu bằng cách nào?’. Trong vòng 5 tiếng đồng hồ tiếp theo, họ hỏi dồn tôi về một thứ duy nhất: quá trình lựa chọn của chúng tôi”. Sau này, khi làm giảng viên đại học, Danny kể với các sinh viên: “Khi ai đó nói gì, đừng tự hỏi bản thân là nó có đúng hay không. Hãy thắc mắc nó có thể đúng về chuyện gì”. Đó là bản năng trí tuệ của ông, là bước đi tự nhiên đầu tiên của ông tiến vào vòng cương tỏa của tinh thần: đón nhận bất cứ thứ gì người ta vừa nói với ông, cố gắng không bác bỏ mà cố tìm ý nghĩa của nó. Câu hỏi mà quân đội Israel từng hỏi ông – Những tính cách nào phù hợp nhất với các vai trò trong quân đội? – hóa ra lại thành vô nghĩa. Danny đã bỏ qua và trả lời một câu hỏi khác, mang lại kết quả ích lợi hơn: Làm thế nào để các phỏng vấn viên không thất bại trong việc đưa ra đánh giá tân binh? Ông được yêu cầu phỏng đoán tính cách của thanh niên nước này. Thay vì thế, ông phát hiện một điều ở những người cố tìm cách phỏng đoán tính cách của người khác: Loại bỏ cảm giác bản năng, nhờ đó các phán đoán của họ được cải thiện. Ông được giao một vấn đề rất hẹp và đã khám phá ra một chân lý rất rộng. “Khác biệt giữa Danny với 999.999 nhà tâm lý học khác là ông có khả năng tìm ra hiện tượng rồi lý giải nó theo cách áp dụng được cho cả những tình huống khác”, Dale Griffin, nhà tâm lý học của Đại học British Columbia, cho biết. “Nhìn thì có vẻ là ăn may nhưng ông ấy vẫn liên tục làm được”. Một người bình thường khác có lẽ sẽ dương dương tự đắc với thành quả đó. Thật bất ngờ, một Danny 21 tuổi đã gây được nhiều ảnh hưởng với quân đội Israel – cơ quan mà xã hội nước này dựa vào để tồn tại – hơn bất cứ nhà tâm lý học nào đã hay sẽ làm được. Bước rõ ràng tiếp theo của ông là ra quân và lấy bằng Tiến sĩ rồi trở thành chuyên gia hàng đầu của Israel về đánh giá tính cách và lựa chọn nhân sự. Harvard là lò đào tạo ra một vài trong số những người đứng đầu lĩnh vực này, nhưng chẳng cần ai giúp, Danny cũng tự quyết định là mình không đủ thông minh để học Harvard nên chẳng buồn nộp đơn. Thay vào đó, ông đến Berkeley. Khi ông trở lại Đại học Hebrew với tư cách một trợ giảng trẻ tuổi vào năm 1961, sau 4 năm đi xa, giờ đây ông được truyền cảm hứng mới mẻ bởi những nghiên cứu về tính cách của nhà tâm lý học Walter Mischel. Đầu thập niên 1960, Mischel tạo ra những bài kiểm tra đơn giản đến tuyệt vời hé lộ nhiều điều về trẻ em. Sau đó, trong thứ được biết đến là “thí nghiệm kẹo dẻo”, Mischel đưa những đứa trẻ 3, 4 và 5 tuổi vào một căn phòng có các món đồ ngọt chúng thích – một chiếc bánh quy cây, một viên kẹo dẻo – và bảo nếu có thể chờ vài phút mới ăn phần của mình thì chúng sẽ nhận được phần kẹo thứ hai. Khả năng chờ đợi của một đứa trẻ hóa ra lại có tương quan với chỉ số IQ, hoàn cảnh gia đình cũng như vài điều khác. Theo dõi những đứa trẻ xuyên suốt cuộc đời của chúng, sau này Mischel phát hiện ra một em bé 5 tuổi càng chống lại cám dỗ tốt thì điểm số SAT trong tương lai và ý thức về giá trị bản thân càng cao, còn lượng mỡ thừa trong cơ thể cùng khả năng nghiện ngập càng thấp. Bị cuốn vào ham mê mới, Danny tạo ra một loạt thí nghiệm tương tự thí nghiệm kẹo dẻo. Ông thậm chí còn nghĩ ra một cụm từ để gọi tên điều mình đang làm: tâm lý học của những câu hỏi riêng lẻ. Ông bố trí cho các trẻ em Israel đang đi cắm trại – đây chỉ là một ví dụ – quyền lựa chọn lều đơn, lều đôi hay lều 8 người. Danny nghĩ có lẽ các câu trả lời của chúng sẽ nói lên điều gì đó về xu hướng hòa nhập nhóm. Ý tưởng đó không mang lại phát hiện gì hoặc là mang lại những phát hiện mà ông chẳng thể tái hiện trong thí nghiệm sau. Và thế là Danny từ bỏ. “Tôi muốn trở thành một nhà khoa học”, ông nói. “Và tôi nghĩ mình chẳng thể là một nhà khoa học trừ khi có thể tái hiện chính mình. Tôi không thể tái hiện chính mình”. Nghi ngờ bản thân một lần nữa, ông từ bỏ nghiên cứu về tính cách, quyết định rằng mình chẳng có tài năng để làm việc đó. 3 Người trong cuộc K hi mới 18 tuổi, Amnon Rapoport được hệ thống lựa chọn mới của quân đội Israel xác định là người có tư chất lãnh đạo. Họ sẽ cho ông làm chỉ huy xe tăng. “Tôi thậm chí còn không biết là có cả một quân đoàn xe tăng”, ông nói. Vào một đêm tháng 10 năm 1956, ông lái xe tăng tiến vào Gioóc-đa ni để trả thù cho việc giết hại vài thường dân Israel. Trong các cuộc đột kích này, ta không bao giờ biết mình sẽ phải nhanh chóng đưa ra những quyết định gì. Bắn hay ngừng bắn? Giết hay tha? Sống hay chết? Vài tháng trước, một người lính Israel bằng tuổi Amnon đã bị quân Syria bắt sống. Anh quyết định tự sát trước khi chúng kịp thẩm vấn mình. Khi Syria trả thi thể anh, quân đội Israel tìm thấy một mẩu giấy nhét trong móng chân của anh: “Tôi không bao giờ phản bội”. Đêm tháng 10 năm 1956 đó, quyết định đầu tiên của Amnon là ngừng bắn: Nhiệm vụ của ông là bắn phá tầng hai của tòa nhà cảnh sát Gioóc-đa-ni cho đến khi lính dù của Israel ập vào tầng trệt. Ông sợ sẽ giết nhầm đồng đội. Sau khi ngừng nã đạn, qua điện đàm trên xe tăng, ông nghe thấy các báo cáo từ mặt đất. “Đột nhiên, tôi nhận ra thực tế; đây không chỉ là một cuộc phiêu lưu hành động giữa hai bên thiện và ác. Mạng sống đang bị tước đoạt”. Lính dù là lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của Israel. Khi đánh giáp lá cà, đơn vị của họ phải hứng chịu thương vong nặng nề, vậy mà các báo cáo của họ về trận chiến lọt đến tai của Amnon bên trong xe tăng lại hết sức bình tĩnh, gần như là thản nhiên. “Không hề có sự hoảng loạn”, anh nói, “quả thật, ngữ điệu không hề thay đổi, hầu như chẳng thể hiện cảm xúc gì”. Những người lính Do Thái này đã trở thành các chiến binh Sparta: Chuyện đó xảy ra như thế nào? Ông tự hỏi bản thân sẽ xoay xở ra sao khi đánh giáp lá cà. Ông cũng khao khát trở thành một chiến binh. Hai tuần sau, ông lái xe tăng vào Ai Cập trong một sự kiện hóa ra lại châm ngòi cho một cuộc xâm chiếm quân sự. Trong trận đánh, ông không chỉ hứng chịu sự oanh tạc của quân Ai Cập mà cả các chiến đấu cơ Israel. Ông nhớ rõ nhất là khi một chiếc MiG 15 của Ai Cập lao thẳng xuống xe tăng trong lúc ông vừa thò đầu lên trên tháp pháo để nhìn bao quát chiến trường vừa hô lớn cho người lái chạy zig zag để tránh đạn. Có cảm giác như chiếc MiG đang thực thi nhiệm vụ đặc biệt là bắn bay đầu ông vậy. Vài ngày sau đó, những người lính Ai Cập tuyệt vọng đã rút lui nhanh và tiến lại xe tăng của Amnon với hai tay đưa lên trời. Họ cầu xin được cung cấp nước cùng sự bảo vệ từ chính những người Ả Rập du cư đã săn đuổi họ để lấy súng trường và ủng. Mới ngày hôm qua, ông còn đang đuổi giết những con người này, vậy mà bây giờ lại cảm thấy thương hại. Ông lại kinh ngạc thêm lần nữa – “thật dễ chuyển từ một cỗ máy giết chóc hiệu quả sang một con người đầy lòng trắc ẩn, sự hoán đổi ấy còn diễn ra nhanh đến chóng mặt”. Sao chuyện đó lại xảy ra? Sau các trận đánh, Amnon chỉ muốn chạy trốn khỏi tất cả. “Tôi có đôi chút hoang dã sau 2 năm trên xe tăng”, ông nói. “Tôi muốn đi đến nơi xa nhất có thể. Bay ra nước ngoài thì quá đắt”. Người Israel trong những năm 1950 không nói về căng thẳng chiến tranh hay sự bất mãn: Họ chỉ đối mặt với nó. Ông nhận việc trong một mỏ đồng ở sa mạc phía Bắc Biển Đỏ – được cho là một trong những khu mỏ huyền thoại của Vua Solomon. Ông giỏi toán hơn bất kỳ công nhân nào khác, hầu hết họ là các lao động tù đày, bởi thế ông đã trở thành kế toán của khu mỏ. Một trong số những tiện ích mà mỏ của Vua Solomon không có là nhà vệ sinh, hoặc giấy vệ sinh. “Tôi phải đi ra ngoài để – xin thứ lỗi – đại tiện. Tôi thấy một mẩu quảng cáo trên tờ báo và lấy nó để chùi. Ở đó viết Đại học Hebrew sắp mở khoa tâm lý học”. Lúc đó ông 20 tuổi. Những gì ông biết về tâm lý học là Freud và Jung