🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lịch Sử Việt Nam Bằng Tranh (Tập 7) – Khởi Nghĩa Lam Sơn Ebooks Nhóm Zalo Hình vẽ do phòng vẽ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh” thực hiện Họa sĩ thể hiện: Tô Hoài Đạt, Lâm Chí Trung LỜI GIỚI THIỆU Công trình Lịch sử Việt Nam bằng tranh ra đời nhằm mục đích giới thiệu lịch sử nước nhà một cách ngắn gọn, sinh động, có hệ thống, qua cách kể chuyện súc tích và tranh minh họa. Bộ sách tranh nhiều tập này cố gắng phản ánh con người và đất nước Việt Nam theo đúng tiến trình lịch sử với không gian, văn hóa, y phục, tính cách phù hợp với từng thời kỳ, từng triều đại cụ thể. Bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh dự kiến thực hiện xuyên suốt từ thời cổ của các thời đại đồ đá, đồ đồng đến thời Hùng Vương dựng nước; trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc đến thời kỳ tự chủ của các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn và cuối cùng là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước vừa qua. Bộ sách được chia làm nhiều tập, mỗi tập viết về một thời kỳ hay một nhân vật, một vấn đề tiêu biểu của thời kỳ đó. Mỗi tập có cấu trúc độc lập riêng nhưng hài hòa trong một tổng thể chung là Lịch sử Việt Nam. Trong quá trình biện soạn, các tác giả còn chú ý thể hiện các đặc điểm văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán tiêu biểu của từng thời kỳ lịch sử. Công trình là nỗ lực chung của các họa sĩ, các cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội tại TP Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ. Đây là bộ lịch sử bằng tranh đầu tiên của nước ta được thực hiện với mục đích và yêu cầu như trên, nên trong quá trình biên soạn và thể hiện không tránh khỏi những sơ xuất. Ban biên soạn, họa sĩ và Nhà xuất bản Trẻ rất mong được sự góp ý của bạn đọc gần xa. Thành phố Hồ Chí Minh TRẦN BẠCH ĐẰNG 4 Thôn Như Áng, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hoa có cụ Lê Hối nổi tiếng là người nhân từ, bác ái, đức độ. Cụ làm nghề thầy cúng nên thường có dịp đi khắp đó đây. Một hôm, trên đường qua vùng Lam Sơn(*), nhận thấy đất đai nơi đây màu mỡ, cụ quyết định ở lại và khai phá ruộng vườn. Chỉ ba năm sau, gia đình cụ đã có một sản nghiệp vững vàng, cơ ngơi bề thế. * Tên Nôm lúc ấy là làng Cham thuộc huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa, nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. 5 Con trai cụ là Lê Đinh (có sách ghi là Lê Thính) nối nghiệp cha, cần cù làm ăn cơ nghiệp phát triển. Ông cưới bà Nguyễn Thị Quách, một phụ nữ hiền lành, tốt bụng. Hai ông bà thường giúp đỡ người nghèo kẻ khó, vì thế xa gần ai ai cũng quý trọng. 6 Ông bà Lê Đinh có hai người con là Lê Tùng và Lê Khoáng, đều là người hiền lành, đức độ. Ông Lê Khoáng cưới với bà Trịnh Thị Ngọc Thương, sinh hạ được ba người con trai. Người con đầu là Lê Học chẳng may mất sớm, con thứ là Lê Trừ sau này ra ở riêng. Người con út nối giữ nghiệp nhà là Lê Lợi. 7 Lê Lợi sinh vào giờ Thìn (khoảng 7 đến 9 giờ sáng), ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385). Người xưa truyền tụng rằng, khi Lê Lợi chưa ra đời, ở núi Du phía sau thôn Nguyệt Áng, có con cọp đen thường xuất hiện mà không hề hại ai. Khi Lê Lợi được sinh ra, cọp cũng tự đi đâu mất. Lại có chuyện kể rằng, khi Lê Lợi sinh ra, nhà ông Lê Khoáng bỗng tràn ngập ánh sáng đỏ, hương thơm tỏa khắp xóm. 8 Sử cũ viết rằng: Lê Lợi là người miệng rộng, mũi cao, đi như rồng lượn, oai phong như hổ, nói vang như chuông, vai trái có tới bảy nốt ruồi. Càng lớn lên, Lê Lợi càng thông minh, trí dũng toàn vẹn, khó ai sánh kịp. 9 Tương truyền, có lần người nhà của Lê Lợi đang cày ruộng ở Phật Hoàng, động Chiêu Nghi (cũng thuộc Lam Sơn), chợt trông thấy một vị sư ông áo trắng đi từ trong làng Đức Trai ra, vừa đi vừa than rằng: “Đất này đẹp quá, vậy mà ta chẳng có ai để trao cả”. Nghe vậy, họ vội chạy về báo tin cho Lê Lợi. Cả mừng, Lê Lợi vội vàng đuổi theo. 10 Chẳng mấy chốc, Lê Lợi đã giáp mặt sư ông. Ngắm nhìn hồi lâu, sư ông bảo: “Ta là Bạch Thạch Sơn Tăng, từ Ai Lao đến, thấy ngươi có khí tượng khác thường, hẳn là người có thể đảm đương việc lớn”. Sau đó, ông lấy gậy vẽ lên nền đất mà giảng giải cho Lê Lợi: - Xứ Phật Hoàng của ngươi có một mảnh đất, thoáng trông như hình cái ấn, bên trái có núi Chí Linh như một tòa Thái Thất, trong đó có gò Tiên Bạn. Đất ấy lấy Chiêu Sơn ở xã An Khoái làm án. Trước án có mạch Long Sơn, trong án có mạch Long Hồ, thế đất xoáy như ruột ốc. Đó là một khu đất phát tích, có thể làm nên sự nghiệp... Mải mê suy nghĩ lời vị sư già, sơn tăng bỏ đi từ bao giờ, Lê Lợi cũng không hay biết. 11 Trở về, Lê Lợi đem hài cốt của thân phụ đến táng tại nơi vị sư đã chỉ, gọi là mộ Phật Hoàng và cho xây am thờ ở động Chiêu Nghi. Lê Lợi còn xây điện Tiên Du thờ vị sư áo trắng để nhớ ơn người đã chỉ vẽ cho mình. Người xưa thường gắn những huyền thoại như vậy cho các vị anh hùng dân tộc nhằm ca ngợi con người tài trí được khí thiêng sông núi hun đúc và được mệnh trời giao phó việc lớn. 12 Năm Lê Lợi tròn 22 tuổi, cũng là năm quân Minh đặt ách đô hộ lên nước ta, trăm họ lầm than, đói khổ. Không cam chịu bị áp bức, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Lê Lợi rất kính trọng những người dám xả thân vì nước nhưng cũng thấy rõ nguy cơ thất bại của họ. Bởi vậy, ông nhóm họp bè bạn, âm thầm chuẩn bị khởi nghĩa. 13 Lê Lợi có người bạn thân là Lê Thận, người sách Mục Sơn, huyện Cổ Lôi (cũng thuộc Thanh Hóa), sinh sống bằng nghề chài lưới. Tương truyền, một hôm Lê Thận ra sông quăng lưới chỉ có một thanh sắt dài mắc vào. Ông quẳng đi, chèo thuyền ra nơi khác thả lưới nhưng lần nào kéo lên cũng chỉ là thanh sắt đó. Thấy lạ, ông đem về cất trong góc nhà. 14 Một hôm, Lê Lợi đến nhà Lê Thận, chợt trông thấy ở góc nhà có một quầng sáng kỳ lạ tỏa ra từ một thanh sắt dài. Ngạc nhiên vì từ lúc Lê Lợi đến, thanh sắt tự nhiên tỏa sáng như vậy, Lê Thận kể lại lần buông lưới trước và tặng thanh sắt cho bạn. 15 Thanh sắt càng mài, ánh sáng phát ra càng rực rỡ, một bên thanh sắt có hai chữ Thuận Thiên, còn một bên là chữ Lợi. Ông tự nhủ: “Thuận Thiên là thuận theo ý trời, còn Lợi chính là tên ta. Hay đây chính là thanh gươm mà trời ban cho ta để dẹp giặc cứu đời chăng?”. Nghĩ vậy, Lê Lợi bèn rèn thành một thanh gươm. Nhưng lưỡi gươm đã rèn xong mà chẳng có chuôi gươm nào vừa với lưỡi gươm cả. 16 Sau một đêm mưa to gió lớn, người nhà vào báo có ánh sáng lạ ở gốc cây sau nhà. Lê Lợi ra xem thì thấy ở đó có một chuôi gươm đã để sẵn. Lê Lợi liền kính cẩn khấn: “Nếu quả trời đã ban cho kiếm báu thì xin cho kiếm ấy vừa với chuôi này”. Lạ thay, khi đem gươm lắp thử thì hoàn toàn vừa vặn. Lê Lợi rất quý thanh gươm, luôn đeo bên người, không lúc nào rời. 17 Từ ngày có gươm báu, Lê Lợi đóng cửa ngày đêm đọc sách. Binh thư của các bậc danh tướng, sử sách của các đời trước, ông đều xem xét đến nơi đến chốn. Ông lấy đất đắp thành mô hình, lấy sỏi giả bày thế trận, miệt mài suy ngẫm, quên ăn quên ngủ. 18 Để có lực lượng mưu việc lớn sau này, ông cho người tỏa đi khắp nơi liên lạc với những người đồng chí hướng. Nhiều người đã tìm đến Lam Sơn với Lê Lợi. 19 Bấy giờ ở thôn Hào Lương bên cạnh có tên Đỗ Phú, nhà giàu nhưng rất tham lam và độc ác. Muốn cướp đất của Lê Lợi hắn dựng chuyện kiện cáo khiến ông phải ra hầu quan. Nhưng khi ra trước công đường, hắn đuối lý nên thua kiện. Trở về, hắn ngầm theo dõi mọi động tĩnh của Lê Lợi rồi lẻn đi mật báo với quân Minh rằng Lê Lợi đang tụ họp người và tích trữ lương thực để nổi loạn. 20 Nhận được tin mật báo của Đỗ Phú, quân Minh lập tức cho lính đến vây bắt. Trong lúc cấp bách, Lê Lợi chỉ kịp nói: “Khi sức ta chưa đủ thì tạm lánh, đó chính là kế sách vẹn toàn” rồi cho mọi người nhanh chóng tản đi các nơi quanh vùng để trốn. Ông và Lê Liễu bỏ chạy theo hướng khác để thu hút quân Minh. 21 Tương truyền hai người chạy đến bờ sông Khả Lam (cũng thuộc Thanh Hóa) thì trông thấy xác của một người đàn bà mặc áo trắng. Dẫu đang vội lánh nạn, không đành lòng để xác bà giữa trời nên dù tiếng chó sủa ầm ĩ và tiếng quân giặc đuổi theo mỗi lúc một gần, Lê Lợi cùng Lê Liễu vẫn đào huyệt chôn cất bà cẩn thận. Vừa chôn cất người xấu số xong thì giặc đuổi tới nơi, hai ông chỉ kịp nhảy vào một bụi rậm dưới gốc đa gần đó mà trốn. 22 Thấy chó cứ hướng vào bụi rậm sủa mãi, giặc sinh nghi lấy giáo đâm vào bụi. Một tên đâm trúng đùi của Lê Liễu, ông nhanh trí lấy cát vuốt máu trên mũi giáo. Nhưng bụi cây thì nhỏ, nếu chúng tiếp tục đâm nữa thì khó bề tránh khỏi. Đúng lúc đó, chợt có con chồn trắng từ trong bụi lao vụt ra. Bầy chó ngao cứ thế đuổi theo làm giặc tưởng chó sủa chồn mà tức tối bỏ đi. 23 Không bắt được Lê Lợi, quân Minh đành phải rút đi. Lê Lợi, Lê Liễu cùng mọi người lại lần lượt trở về Lam Sơn. Từ đây, công việc chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành gấp rút. Lương thực được tích trữ ngày càng nhiều, vũ khí được rèn đúc ngày đêm. Nhưng để tránh tai mắt giặc, Lê Lợi bí mật lập các trạm gác trên mọi nẻo đường dẫn vào Lam Sơn. 24 Trong lúc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, Lê Lợi đã gặp không ít khó khăn. Dù là người trí dũng song toàn, dưới trướng có nhiều bạn bè võ lược nhưng Lê Lợi vẫn thiếu một bậc mưu sĩ giúp mình hoạch định, quán xuyến mọi việc. Giữa lúc đó, Nguyễn Trãi cùng Trần Nguyên Hãn băng đèo lội suối, vượt qua sự canh gác chặt chẽ của quân Minh đến với Lam Sơn. Người xưa cho đó là một sự hội ngộ hiếm có. 25 Dã sử kể rằng, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đến nơi đúng lúc nhà Lê Lợi đang có giỗ. Thấy Lê Lợi lúi húi mãi trong bếp, cả hai thất vọng tự nhủ: “Đấng anh hùng nuôi chí cứu nước cứu dân mà lại chỉ luẩn quẩn trong bếp như đàn bà thế sao? Hay là miệng thế ngoa truyền?” Thất vọng, hai ông lập tức bỏ về nhưng giữa đường lại bàn với nhau: “Đại khoa bảng là ta, đại quý tộc cũng là ta, nhưng sao thiên hạ chẳng ai tìm tới ta cả, ngược lại chỉ tìm đến Lê Lợi? Vậy Lê Lợi ắt phải có cái gì đó khả kính hơn ta mà vừa rồi, trong chỗ vội vã, ta chưa thấy đó thôi!” 26 Nghĩ thế, họ lại quay lại nhà Lê Lợi. Lần này họ đến đúng lúc chủ tướng Lam Sơn đang say mê đọc binh thư. Gương mặt Lê Lợi lúc này toát lên vẻ thông thái, lộ ra vẻ cương nghị và quyết đoán, hơn hẳn người thường. Nguyễn Trãi và Nguyên Hãn sung sướng nhìn nhau, lập tức vào yết bái. Lê Lợi cả mừng, đối đãi như bậc thượng khách, đem việc trọng yếu ra cùng luận bàn. 27 Một hôm, Nguyễn Trãi đến gặp Lê Lợi, dâng lên Bình Ngô sách. Đọc Bình Ngô sách, Lê Lợi vui mừng khôn xiết vì biết rằng đây chính là người mình bấy lâu mong đợi. Ông lập tức cho vời Nguyễn Trãi tới, nói: “Bình Ngô sách nói những lời cổ kim chưa từng nói, lẽ được thua đã thấy rất rõ ở đây. Lê Lợi này quyết làm theo Bình Ngô sách. Xin đa tạ tiên sinh!” 28 Từ đó, Nguyễn Trãi luôn cùng Lê Lợi trù tính mọi việc. Nguyễn Trãi bàn với Lê Lợi cho quân lính lấy mỡ viết lên lá cây rừng bốn chữ: “Lê Lợi vi quân”, để lôi kéo lòng người. Lê Lợi đồng ý, lại cho viết thêm bốn chữ: “Nguyễn Trãi vi thần” (nghĩa là Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm bề tôi). Quả nhiên kiến ăn mỡ, đục thủng lá khiến các chữ hiện lên rõ nét. Dân chúng khắp nơi đều đồn đại đó là do trời sai thần linh xuống viết nên vô cùng náo nức, chờ đợi. 29 Mặt khác, Lê Lợi cho người bí mật đi khắp nơi, thành tâm chiêu mộ các bậc hào kiệt và nghĩa sĩ, bất kể tầng lớp nào hoặc ở nơi đâu... miễn là nặng lòng yêu nước. Từ đấy, rừng núi Lam Sơn liên tục có người tìm đến. Để giữ bí mật, họ đóng giả thành từng toán thợ xẻ, thợ săn hoặc giả làm người lên rừng tìm sản vật và được các trạm gác dẫn về căn cứ Lam Sơn. 30 Đến khoảng cuối năm 1415, hầu như miền đất nào của Đại Việt cũng có người tham gia nghĩa quân Lam Sơn. Tùy tài mỗi người mà được Lê Lợi, Nguyễn Trãi giao việc. Vào một ngày cuối năm Ất Mùi (1415), Lê Lợi bàn với một số người thân tín: “Nay người ứng nghĩa đã đông, nghĩa dũng và anh tài không ít. Đã đến lúc phải cố kết lòng người. Nếu trên dưới không gắn bó như anh em một nhà thì không thể thắng nổi quân Minh gian ngoan và tàn bạo”. Ai cũng cho lời ấy là phải. 31 Việc quan trọng lúc này là phải hình thành ngay bộ chỉ huy Lam Sơn gồm những người có tài năng và uy tín nhất, lại phải chọn nơi kín đáo để ra mắt dưới hình thức một hội thề kết nghĩa anh em. Sau khi suy tính, Lê Lợi đã chọn vùng núi Lũng Nhai cách Lam Sơn không xa. 32 Trong sử cũ, Lũng Nhai còn có tên khác là Lũng Mi. Tuy trên danh nghĩa cũng thuộc Lam Sơn nhưng vào thời Lê Lợi, đây là nơi hẻo lánh ít người lui tới. Sau này, dân đến lập nghiệp ở đây khá đông, vì thế Lũng Nhai còn có tên Nôm là làng Mé. Làng này nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách Lam Sơn chừng mười cây số. 33 Ngày 12 tháng 2 năm Bính Thân (1416), hội thề Lũng Nhai được long trọng tổ chức. Trên nền đất hoang sơ ở Lũng Nhai bày hương án với đầy đủ lễ vật và khói hương nghi ngút. Lê Lợi cùng 18 người đã gắn bó với ông từ những ngày đầu tiên, trang nghiêm làm lễ tế cáo trời đất. 34 Trong hội thề Lũng Nhai, đứng sau Lê Lợi là Lê Lai. Ông nguyên là Phụ đạo của làng Dựng Tú (nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa). Cả gia đình ông gồm Lê Lãn, Lê Lai, Lê Lô, Lê Lộ và Lê Lâm đều đến với Lê Lợi ngay từ những ngày đầu tiên. Ngoài ra, ông còn mộ một người cùng làng có võ nghệ cao cường là Lê Mạnh cùng đi. 35 Đến Lam Sơn cùng lúc với Lê Lai là Nguyễn Lý(*) người Dao Xá (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Trong danh sách, ông đứng hàng thứ mười bảy. Về sau ông được trao chức Thứ phủ trong vệ kỵ binh thuộc đội quân Thiết Đột. Ông cũng mộ một số người đồng hương có tài như Lê Khảo, Lê Thế Vỹ và Lê Bính đến Lam Sơn mưu đại nghĩa. * Sau Nguyễn Lý được Lê Thái Tổ ban quốc tính nên sử vẫn chép là Lê Lý. 36 Tham gia hội thề Lũng Nhai đông hơn cả là người làng Thu Mệnh. Làng Thu Mệnh có đến ba người được dự, đó là Võ Uy, Trương Lôi và Trương Chiến. Ngoài ra, tham gia nghĩa quân làng còn có một số bậc vũ dũng khác như Lê Văn Lễ, Lê Vũ Bị v.v... Riêng Võ Uy và Trương Lôi trước đó đã từng được Lê Lợi nuôi trong nhà như con. Tương truyền, chính họ là những người báo cho Lê Lợi biết sự xuất hiện của sư ông áo trắng ở xứ Phật Hoàng. 37 Lê Thận, người bạn đánh cá năm xưa cũng có mặt trong hội thề. Ông làm Phụ đạo làng Mục Sơn nên thường được gọi là Đạo Mục. Đến Lam Sơn, ông trở thành người thân tín của Lê Lợi và đứng hàng thứ ba trong số mười tám người có mặt ở Lũng Nhai hôm ấy. 38 Cùng đến Lam Sơn với Lê Thận có năm nhân vật lừng danh của làng Mục Sơn là Lê Văn An, Lê Văn Biếm (con Lê Văn An), Lê Thiệt, Lê Lãnh và Lê Đạt. Trong số đó, Lê Văn An cũng được tham dự hội thề và đứng hàng thứ tư sau Lê Thận. Tuy là một võ tướng túc trí đa mưu nhưng Lê Văn An lại nổi tiếng là người “hòa nhã, giản dị, thường dùng lễ để tiếp đãi các bậc đại phu”. 39 Tiếp theo là Lê Văn Linh, sinh năm Đinh Tỵ (1377), tại làng Hải Lịch, huyện Lôi Dương (nay là xã Thị Hải, Thọ Xuân, Thanh Hóa). Thời Hồ, ông nổi tiếng hay chữ và được đánh giá là một nhà quân sự có tài của Lam Sơn. Vốn điềm đạm, chín chắn và cẩn thận, ông được giao soạn thảo giấy tờ cho Lê Lợi. Ông luôn sát cánh bên Nguyễn Trãi để bày mưu tính kế cho nghĩa quân. 40 Sau Lê Văn Linh là Trịnh Khả, người làng Kim Bôi (nay thuộc xã Vĩnh Hà, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Năm 18 tuổi, ông nổi tiếng là khỏe mạnh, võ nghệ cao cường nhưng vì gia cảnh nghèo khó, phải đi làm đầy tớ. Sau ông bỏ trốn, quân Minh bắt bố ông ném xuống sông. Đến đêm, ông lẻn về vớt xác bố đem chôn rồi tìm đến với Lê Lợi. 41 Tham gia hội thề Lũng Nhai còn có Đinh Liệt, người làng Thúy Cối, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa (Thanh Hóa), cháu gọi Lê Lợi bằng cậu ruột. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ nghệ, ngay từ lúc còn trẻ, Đinh Liệt không những nổi tiếng tài giỏi mà còn khôi ngô tuấn tú nhất trong vùng. Anh ruột của Đinh Liệt là Đinh Lễ cũng tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Hai anh em đều là tướng tài, được Lê Lợi tin cậy, lập nhiều chiến công. 42 Dự hội thề, phần lớn đều là bà con hoặc những người cùng quê Thanh Hóa với Lê Lợi. Nhưng cũng có một số người từ xa đến, trong đó có Lưu Nhân Chú cùng cha là Lưu Trung. Hai người quê quán ở xã An Thuận Thượng (nay là xã Vân Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). 43 Ngoài những nhân vật kể trên, tham dự hội thề còn có một loạt các bậc hào kiệt khác như Lê Hiểm, Lê Bồi, Đinh Lan và Bùi Quốc Hưng. Hiển nhiên, mưu sĩ số một của Lê Lợi là Nguyễn Trãi và người đồng cam cộng khổ đầu tiên với Lê Lợi khi bị quân Minh truy đuổi phải trốn dưới gốc đa là Lê Liễu cũng có mặt. 44 Trong hội thề Lũng Nhai, cùng với Lê Lợi còn có 18 người khác là Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến. (trích từ bản văn thề trong quyển Khởi nghĩa Lam Sơn của Phan Huy Lê và Phan Đại Đoãn, NXB Khoa học Xã hội, 1977). 45 Tất cả cùng cắt máu ăn thề, lắng nghe lời tuyên thệ của Lê Lợi: “... kết nghĩa thân nhau như một tổ liền cành... chung sức đồng lòng cho làng xóm yên lòng... Thề sống chết cùng nhau, không dám quên lời thề son sắt...” Lê Lợi vừa dứt lời, tất cả đồng thanh hô lớn: “...không cùng một lòng, quên lời thề ước... nguyện trời đất và các thần linh giáng trăm tai ương...”. Sau đó, tất cả chuyền tay nhau uống cạn bát rượu huyết. Lời thề thiêng liêng vang vọng khắp núi rừng tĩnh mịch.46 Sau hội thề Lũng Nhai, lực lượng của Lam Sơn đã được tổ chức lại. Các nghĩa sĩ chia ra từng đội, vừa sản xuất tích trữ lương thực, vừa tập luyện võ nghệ để sẵn sàng vào trận. Lê Lợi và mười tám người trong bộ chỉ huy Lam Sơn thì thường xuyên bàn mưu tính kế cho cuộc khởi nghĩa. 47 Để giữ bí mật căn cứ và đề phòng kẻ xấu len lỏi vào hàng ngũ nghĩa quân, Lê Lợi đã chọn Mục Sơn (quê của Lê Thận) làm nơi tiếp đón hào kiệt khắp nơi. Người mới đến được tập trung ở một nơi riêng, lấy danh nghĩa khẩn hoang lập ấp để che mắt giặc và tập luyện võ nghệ. 48 Cuối năm 1416, Lê Lợi nhận thấy các nghĩa sĩ tập luyện chuyên cần nhưng phân tán theo nhóm nên khi vào trận sẽ khó hiệp đồng tác chiến. Vì thế, Lê Lợi đã chọn khu đất bằng phẳng ở thôn Lang Sơn (nay thuộc huyện Ngọc Lạc, Thanh Hóa) để tập trận chung. Nơi đây cách Lam Sơn chừng mươi cây số, đủ rộng lại vừa kín đáo để che mắt giặc. Dấu tích bãi luyện quân nay vẫn còn, được gọi là Hấp Ông Lê hay Hấp Lê Lới (tiếng Mường có nghĩa là bãi luyện quân của ông Lê Lợi). 49 Về tổ chức sản xuất, Lê Lợi cũng phân hẳn cho một nhóm riêng do Trương Chiến và Võ Uy, vốn thông thạo nghề nông, phụ trách. Nhưng nhận rõ đây là công việc quan trọng, ông cử thêm hai gia nô tin cậy là Ngô Kinh và Ngô Từ giúp việc thêm cho Trương Chiến và Võ Uy. 50 Để đề phòng quân Minh bất ngờ tấn công khi việc chuẩn bị chưa thật hoàn tất, Lê Lợi thường sai người mang của cải, vàng bạc đến đút cho bọn quan cai trị nhà Minh như Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ và Mã Kỳ. Lê Lợi thường nói: “Khi mà thế ta chưa đủ mạnh, lực ta còn non thì nhún mình là kế thượng sách”. 51 Được đút lót, lũ tướng giặc tham lam đắc ý, cho là Lê Lợi không dám làm gì. Nhưng bọn Việt gian, nhất là Lương Nhữ Hốt lại vô cùng lo sợ. Hắn ngày đêm to nhỏ với tướng giặc: “Chúa Lam Sơn thu nạp kẻ trốn tránh, dùng kẻ mưu phản, biết chiêu hiền đãi sĩ, chí không thể nói là nhỏ. Nay nếu không trừ đi thì sợ sau này chúng chẳng khác gì giao long gặp mây mưa, tung hoành vùng vẫy chứ đâu chỉ là con vật trong ao”. 52 Bán tín bán nghi lời tâu trình của bọn Việt gian, nhưng vì lúc đó năm hết tết đến, chẳng muốn bỏ qua dịp được ăn chơi thỏa thích nên chúng tạm hoãn tất cả các cuộc hành binh. Tuy nhiên, chúng cũng lên kế hoạch tấn công bất ngờ vào Lam Sơn sau tết Mậu Tuất (1418). 53 Trong lúc đó, ở Lam Sơn, Lê Lợi họp bàn với các tướng trong bộ chỉ huy và quyết định: “Nay muốn tạo được sĩ khí cho ba quân thì tất nhiên phải chủ động đánh trước và giành cho được phần thắng trong trận đầu. Sang xuân nhất định ta sẽ dựng cờ xướng nghĩa”. Do vậy, những ngày cuối năm Đinh Dậu (1417) là những ngày bừng bừng khí thế xuất quân của nghĩa sĩ Lam Sơn. Toàn bộ quá trình chuẩn bị lâu dài và công phu của bộ chỉ huy Lam Sơn đã hoàn tất. 54 Ngày mồng hai tết năm Mậu Tuất, tức ngày 7 tháng 2 năm 1418, tại quê nhà Lam Sơn, Lê Lợi long trọng tổ chức lễ tế cờ trước lúc xuất quân. Đó là ngày trọng đại của dân tộc, trong sự nghiệp chiến đấu nhằm lật đổ ách đô hộ của giặc Minh. Ngày hôm đó, trước sự hồ hởi của dân chúng trong vùng, tất cả hào kiệt và nghĩa binh Lam Sơn đều có mặt. 55 56 Bấy giờ Lê Lợi tự xưng là Bình Định vương (vua dẹp loạn), dưới trướng có tất cả 35 quan võ, một số ít quan văn. Lực lượng chiến đấu của Lê Lợi có: 14 con voi, 200 con ngựa, 200 dũng sĩ, 200 nghĩa sĩ và khoảng 2000 quân sĩ khác. So với quân Minh thì số lượng quân khởi nghĩa ít hơn hẳn nhưng đây là đội quân có tinh thần chiến đấu rất ngoan cường, không dễ gì có thể đàn áp nổi. 57 Mục tiêu đầu tiên của Lam Sơn là đập tan toàn bộ hệ thống chính quyền cai trị của quân Minh ở vùng rừng núi phía tây tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Bọn Việt gian cam lòng làm tay sai cho giặc cũng bị trừng trị. Một hệ thống chính quyền mới của nghĩa quân bắt đầu được thành lập. Sự kiện này gây được tiếng vang lớn, tạo được niềm phấn khởi trong lòng nhân dân địa phương. 58 Ngày mồng 9 tháng giêng năm Mậu Tuất, tức ngày 14 tháng 2 năm 1418, quân Minh bắt đầu phản công. Từ thành Tây Đô, đô đốc nhà Minh là Chu Quảng dẫn đầu một đạo quân, đánh thẳng vào Lam Sơn. Nghĩa quân Lam Sơn tuy chiến đấu anh dũng nhưng do lực lượng yếu lại thiếu kinh nghiệm trận mạc nên lâm vào thế bị động. Để bảo toàn lực lượng, Lê Lợi phải cho rút lui về Mường Một(*). * Xưa thuộc châu Lang Chánh, nay thuộc vùng Bất Một, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. 59 Bốn ngày sau, quân Minh lại dốc lực lượng đánh vào Mường Một. Trước tình thế bất lợi, nghĩa quân Lam Sơn lại phải lui về Lạc Thủy. Vùng đất này nằm ở thượng nguồn sông Chu, phía trên Lam Sơn, nơi có địa hình thuận tiện cho chiến thuật đánh mai phục. 60 Giặc xua quân đánh vào Lạc Thủy. Nhưng tại đây, Lê Lợi đã nhanh chóng bố trí một trận đồ mai phục. Các tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân và Nguyễn Lý chỉ huy đánh trận này. Giặc thua trận, bị chém khoảng gần ba ngàn tên, bị bắt sống cả ngàn tên. Chúng buộc phải tháo chạy khỏi Lạc Thủy. 61 Theo sự chỉ dẫn của hai tên Việt gian Đỗ Phú và Ái (chưa rõ họ, cả hai đều là người Thanh Hóa), quân Minh liền đến xứ Phật Hoàng khai quật mộ của thân phụ Lê Lợi, lấy tiểu đựng hài cốt đem đi hòng làm lung lạc tinh thần của Lê Lợi và nghĩa quân. Chúng cũng muốn nhân đó để đánh tan niềm tin của của nhân dân địa phương về ngôi huyệt đại phát của dòng họ Lê Lợi. 62 Vì hiếu thảo và muốn giữ vững niềm tin cho tướng sĩ, Lê Lợi đã giao cho Trịnh Khả và Bùi Bị dẫn quân theo đoạt lại hài cốt. Bấy giờ, tiểu đựng hài cốt thân phụ Lê Lợi trên một chiếc thuyền neo ở giữa sông, cho lính canh phòng cẩn mật và tuyên bố rằng nếu Lê Lợi ra hàng thì sẽ trả lại. Trịnh Khả và Bùi Bị chờ lúc đêm khuya, giặc trên thuyền gật gà ngủ thì đội cỏ, lội sông áp tới gần, lấy tiểu đựng hài cốt đem về. Lê Lợi mừng lắm, vội trọng thưởng cho hai người và đem hài cốt của thân phụ chôn vào chỗ cũ. 63 Mưu trả thù hèn hạ không thành, giặc liền tổ chức đánh úp vào Lam Sơn lần thứ hai. Một lần nữa, tên Ái nhận làm kẻ dẫn đường cho giặc Minh. Trận này, vì quá bất ngờ, lực lượng Lam Sơn bị tổn thất rất lớn. Vợ con và nhiều người trong gia thuộc của Lê Lợi bị bắt, nhiều nghĩa quân Lam Sơn thiệt mạng trong trận đánh bất ngờ này. 64 Trong lúc nguy cấp, Đinh Lễ, Phạm Vấn, Bùi Bị, Lê Đạt và Nguyễn Xí đã anh dũng mở đường máu cho Lê Lợi cùng những người khác tạm lánh lên núi Chí Linh (tức Linh Sơn, một ngọn núi cao ở trên thượng nguồn sông Chu). Sau đó, các toán quân khác cũng lần lượt tìm về căn cứ mới Chí Linh. Biết nghĩa quân Lam Sơn đóng quân ở Chí Linh nhưng vì núi cao hiểm trở nên giặc không sao dẫn quân lên núi tấn công được. 65 Không thể đánh lên Chí Linh (Linh Sơn), giặc cho đại quân bao vây, quyết chặt đứt mọi đường tiếp tế lương thực và thực phẩm của của nghĩa quân Lam Sơn. Đói khát, giá lạnh và bệnh tật hoành hành suốt hai tháng trời. Lê Lợi phải làm thịt cả con ngựa của mình cho quân sĩ ăn, nhưng đó cũng chỉ là biện pháp nhất thời. Nghĩa quân Lam Sơn phải hái lá rừng, đào củ rừng để chống lại cơn đói. 66 Tương truyền, sau lần giết con ngựa cứu đói cho quân sĩ, Lê Lợi xuống núi xem xét tình hình, bất ngờ đụng giặc và bị chúng truy đuổi gắt gao. Ông băng qua một bìa rừng để lẩn trốn vào núi. Nơi ấy có mấy thửa ruộng nhỏ, nằm sát một dòng suối con con. Lúc đó có hai vợ chồng nông phu già đang khom lưng tát cá. 67 Thấy điệu bộ vội vã của kẻ chạy qua, lại nghe có tiếng hò hét rất gần, vợ chồng bác nông phu biết ngay là người của nghĩa quân Lam Sơn đang bị giặc đuổi. Bác nông phu bảo: “Cởi quần áo ngoài rồi xuống đây mà tát cá, chạy nữa không kịp đâu”. Lê Lợi lập tức làm theo. Lão nông liền đem giấu quần áo và thanh gươm của Lê Lợi vào một nơi kín đáo rồi quay lại suối. Vừa lúc đó, quân Minh ập tới. 68 Chỉ mặt ba người, chúng quát hỏi: “Có thấy tên Lê Lợi chạy qua đây không?”. Bác nông phu bảo: “Lê Lợi thì không biết nhưng có thấy một người đeo gươm mặc áo thụng vừa đi qua”. Lê Lợi tưởng bác nông phu bán đứng mình, liếc ra xung quanh chuẩn bị tìm đường chạy. Biết ý, bác liền quát: “Thằng kia, sức dài vai rộng mà cứ biếng nhác, muốn ăn đòn không hả?”. Rồi quay lại phía quân Minh, bác đưa tay chỉ về phía cuối rừng: “Ông ta chạy theo lối kia kìa!”. 69 Quân Minh vội vàng thúc ngựa đuổi theo hướng bác nông phu vừa chỉ. Khi chúng đã chạy xa, hai vợ chồng bác nông phu già liền đến sụp lạy Lê Lợi mà thưa rằng: “Già này cứ tưởng là lính Lam Sơn, chẳng dè lại gặp Bình Định vương, vì muốn lừa giặc nên trót lỡ lời, xin Bình Định vương tha tội”. Nói xong, vợ chồng bác nông phu xin được rước Lê Lợi về nhà tạm nghỉ trước khi tìm đường về với nghĩa quân. 70 Về nhà, chẳng có gì ăn, vợ chồng lão nông đành giết thịt con khỉ họ đã nuôi nhiều năm nay. Vì già cả, lại không có con nên họ nuôi con khỉ để sớm tối ra vào cho đỡ hiu quạnh. Lê Lợi mãi không bao giờ quên món canh thịt khỉ được ăn hôm ấy. 71 Sau này, khi đã lên ngôi hoàng đế, Lê Lợi sai người tìm về bìa rừng xưa dưới chân núi Chí Linh, nhưng vợ chồng bác nông phu đã mất hay phiêu bạt đi đâu không ai biết nữa. Ngài bèn cho lập miếu thờ ở kinh thành, vì không biết tên của họ nên gọi là miếu Ông Hầu, Bà Hầu và để tưởng nhớ hai ông bà đã làm món canh thịt khỉ ngày ấy, trong mỗi dịp tế lễ Ông Hầu, Bà Hầu đều có một bát canh thịt khỉ. 72 Sau hai tháng bị bao vây, lực lượng Lam Sơn bị tổn thất nhiều, một số người không chịu nổi gian nan đã bỏ trở về quê quán. Nhưng cũng sau hai tháng, quân Minh quá mệt mỏi với việc bao vây nên chán nản rút lui. Lê Lợi lại dẫn quân sĩ về Lam Sơn, đắp thành, xây lũy và tích trữ lương thực để chuẩn bị cho những trận đánh mới. 73 Khi về Lam Sơn, Lê Lợi chỉ còn hơn một trăm quân sĩ. Nhiều ngày sau, tàn binh khắp nơi mới lục tục kéo về, nhưng tổng cộng cũng chỉ độ vài trăm. Tất cả được lệnh sản xuất và thu mua lương thực rồi đem cất giấu vào những nơi bí mật để phòng bị bao vây và tuyệt lương như lần trước. Dần dần, lực lượng đã được cũng cố, tinh thần của quân sĩ cũng hăng hái hẳn lên. 74 Lê Lợi quyết định tổ chức một trận đánh thật bất ngờ. Hầu hết quân Lam Sơn được bố trí mai phục ở hai bên vách núi lối vào Mường Một, một toán quân nhỏ thì đi khiêu chiến rồi giả thua bỏ chạy. Giặc chủ quan đuổi theo, không chú ý đến con đường hẹp giữa hai vách núi. Bất ngờ, một trận mưa tên độc trút xuống đầu, tiêu diệt rất nhiều quân sĩ. 75 Thừa thắng, Lê Lợi cho nghĩa quân tiếp tục tấn công vào Mường Nanh ở gần Mường Một. Giặc hốt hoảng rút lui về Nga Lạc Thượng và cố thủ ở đấy chờ viện binh. Lê Lợi lập tức cho đánh vào một số vị trí khác ở gần Nga Lạc Thượng như Hà Đả, Mỹ Canh, tên ngụy quan Nguyễn Sao bị chém đầu tại trận, hơn một ngàn tên giặc bị giết. 76 Thắng trận, tinh thần của nghĩa quân lên rất cao. Trai tráng nhiều nơi lại kéo về Lam Sơn tụ nghĩa. Bị thất bại bất ngờ, quân Minh tập trung lực lượng đánh trả, nhằm bóp nát toàn bộ lực lượng Lam Sơn. Nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng thế cô, quân ít, đành phải rút lên Linh Sơn. Giặc lại vây Linh Sơn, lần này chúng lập vòng vây chặt và nghiêm mật hơn trước nhiều. 77 Việc thoát khỏi Linh Sơn lúc này vô cùng nguy hiểm, chỉ có cách là mở đường máu mà thoát nhưng sẽ có tổn thất. Nhưng nếu giặc bắt được Bình Định vương thì ai sẽ lãnh đạo nghĩa quân? Biết anh em lo cho mình, Bình Định vương kể lại chuyện Kỷ Tín bên Trung Quốc xưa mặc áo của Lưu Bang trốn thoát, dựng lên nhà Hán sau này. 78