🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lịch Sử (Historiai) - Herodotus
Ebooks
Nhóm Zalo
CÔNG TY TNHH MTV
NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI
Trụ sở chính:
Số 46, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Tel: 0084.24.38253841
Chi nhánh:
Số 7, Nguyễn Thị Minh Khai. Quận 1, TP. Hồ Chí Minh Tel: 0084.28.38220102
Email: [email protected]
Website: www.thegioipublishers.vn
LỊCH SỬ
(Historiai)
Chịu trách nhiệm xuất bản:
GIÁM ĐỐC – TỔNG BIÊN TẬP
TS. TRẦN ĐOÀN LÂM
Biên tập: Phùng Tố Tâm
Sửa bản in: Trần Tuấn Hải
Thiết kế bìa: Trần Thị Tuyết
Trình bày: Vũ Lê Thư
In 1.500 bản, khổ 16 x 24 cm tại Công ty TNHH In Thanh Bình Địa chỉ: Số 432 đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Số ĐKXB: 5327-2020/CXBIPH/01-263/ThG
Quyết định xuất bản số: 1449/QĐ-ThG cấp ngày 16 tháng 12 năm 2020
ISBN: 978-604-77-8709-8. In xong và nộp lưu chiểu năm 2021.
CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH OMEGA VIỆT NAM (OMEGA PLUS) VP HN: Tầng 3, số 11A, ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng, P. Thanh Xuân Trung, Q. Thanh Xuân, Hà Nội
Tel: (024) 3233 6043
VP TP. HCM: 138C Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Tel: (028) 38220 334 | Ext 120
Website: www.omegaplus.vn
Lời dịch giả
Q
uý độc giả thân mến,
Lịch sử loài người chưa bao giờ là một dòng phẳng lặng, luôn có những khoảng thăng trầm đan xen. Những gì diễn ra trong quá khứ chính là nguồn dữ liệu khả tín duy nhất để con người dựa vào, và quyết định xem trong tương lai họ muốn phiên bản nào trong vô số khả năng đang bày ra sẽ trở thành hiện thực. Có lẽ vì vậy mà từ thời xa xưa, con người đã có ý thức muốn ghi chép để lưu lại những biến cố của quá khứ làm bài học cho hậu thế. Trải bao thăng trầm, còn lưu lại đến ngày nay chỉ là một phần rất nhỏ những ghi chép, nghiên cứu sử học đã được viết ra từ cổ đại, phần lớn đều dang dở hoặc không toàn vẹn, nhưng cũng có những tác phẩm đã vượt qua thời gian một cách kỳ diệu để vẫn còn nguyên vẹn đến bây giờ. Một trong những ngoại lệ hiếm hoi ấy, may thay, chính là tác phẩm được coi là mở đầu cho sử học hiện đại phương Tây, Historiai. Được viết vào thế kỷ V trước công nguyên (TCN) bởi sử gia Herodotos thành Halikarnassos ở bờ biển Aigaion (nay là thành phố Bodrum thuộc lãnh thổ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ), tác phẩm là tập hợp các khảo cứu về lịch sử, văn hóa, phong tục, thiên nhiên, khí hậu, địa hình v.v. của những vùng đất mà tác giả đã tìm hiểu được, trong đó nhấn mạnh vào sự hình thành đế quốc Ba Tư cũng như nguyên nhân và diễn biến của cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư vào đầu thế kỷ V TCN.
Bản thân nhan đề tác phẩm, Historiai, vốn có nghĩa gốc là “khảo cứu, điều tra”, cũng đã cho thấy Herodotos khi đặt bút viết ra bộ sách của đời mình không bó hẹp ở lịch sử. Lần theo từng dòng tác phẩm, người đọc sẽ thấy tác giả đưa vào đó tất cả những hiểu biết, kiến thức ông sưu tầm được một cách cả trực tiếp lẫn
gián tiếp, với mục đích để những điều đó được lưu truyền cho hậu thế. Kết quả là không ít những câu chuyện khó tin, vô lý, thậm chí hoang đường cũng được Herodotos đưa vào bộ sách của mình, một trong những lý do khiến ông từng bị gọi là “Cha đẻ của dối trá” bên cạnh việc được tôn xưng là “Cha đẻ của môn sử học”. Có lẽ vì ông đã quá trung thành với bổn phận người khảo cứu, ghi chép, đồng thời cũng đủ sáng suốt để ý thức được sự hạn chế của con người vào thời đại của ông trong khả năng lý giải thế giới. Có thể ông đã tự nhủ khi gặp một câu chuyện khó tin được thuật lại nhưng bản thân ông không đủ khả năng tự mình kiểm chứng: “À, chuyện này thật khó tin, nhưng biết đâu hậu thế sẽ lý giải được chăng, tốt nhất ta cứ chép lại như nghe được đã.” Sự khách quan trong ghi chép nhiều biến cố, sự vật của Herodotos đã được chứng tỏ khi từ những manh mối ông ghi lại các nhà khảo cổ đã tìm ra đường hầm dẫn nước trên đảo Samos hay dấu vết con kênh đào qua mũi Athos của Xerxes, vốn một thời gian dài bị coi là sản phẩm của trí tưởng tượng. Sự khách quan ấy còn thể hiện trong cả cách ông viết về những con người, nhân vật trong tác phẩm của mình. Dù là người Hy Lạp hay “man tộc”, mỗi nhân vật được đánh giá qua phẩm cách, tài năng của anh ta chứ không phải xuất thân hay chủng tộc. Bởi thế Herodotos từng bị các học giả Hy Lạp cổ đại chỉ trích là ưu ái những kẻ không phải người Hy Lạp, nhưng cũng bởi thế mà Historiai được đánh giá cao về tính khách quan.
Bên cạnh khía cạnh một tác phẩm biên niên về lịch sử, một khảo cứu về văn hóa, phong tục, địa lý, v.v., Historiai còn có thể được nhìn nhận như một câu chuyện lý thú, cuốn hút. Trong tác phẩm này, những ai thích tiểu thuyết lịch sử, chuyện cổ tích, ngụ ngôn có thể tìm cho mình những nhân vật, những câu chuyện thật hấp dẫn. Những nhân vật lịch sử được Herodotos kể lại trong Historiai không khỏi có phần được tiểu thuyết hóa, “bảy thực ba hư”, để trở thành những biểu tượng mang đậm tính ngụ ngôn. Ảnh hưởng của những nhân vật do Herodotos tạo ra là rất lớn trong văn hóa phương Tây, từ cổ đại đến hiện đại. Những câu chuyện trong Historiai đã trở thành đề tài cho vô
số tác phẩm nghệ thuật, văn học, từ xa xưa cho tới hiện đại, gần gũi với chúng ta như truyện tranh 300 của Frank Miller lấy cảm hứng từ trận Thermopylai, hay thậm chí cảnh bầu vua hải tặc trong loạt phim Cướp biển Carribean cũng phảng phất sự trào lộng ngấm ngầm của Herodotos khi ông mô tả cuộc bầu chọn đô đốc xuất sắc nhất của liên quân Hy Lạp sau trận Salamis. Hy vọng rằng với sự xuất hiện của bản dịch tiếng Việt, Historiai sẽ đến gần hơn, quen thuộc hơn với bạn đọc Việt Nam.
Herodotos biên soạn Historiai bằng tiếng Hy Lạp cổ đại, một từ ngữ giờ đây còn rất ít người thành thạo, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bản tiếng Việt trên tay quý vị được chuyển ngữ qua bản dịch tiếng Anh do G.C. Macaulay dịch từ nguyên bản Hy Lạp cổ đại, được nhà xuất bản Macmillan phát hành lần đầu năm 1890. Để đảm bảo độ chính xác và nhất quán của quá trình chuyển ngữ, chúng tôi đã tham khảo thêm một số bản dịch tiếng Anh khác như bản của G. Rawlinson (Wordsworth Classics) hay bản của P. Mensch (Hackett), và bản dịch tiếng Pháp của Larcher. Để giúp cho quý độc giả thuận tiện hơn trong quá trình đọc tác phẩm, chúng tôi đã bổ sung một số cước chú cũng như mục lục các nội dung chính và niên biểu các biến cố được mô tả, cùng với danh sách địa danh, nhân vật và một bản đồ về diễn biến chính của chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư.
Trong quá trình đọc, quý độc giả hẳn sẽ ngạc nhiên với việc mỗi quyển của Historiai được chia thành nhiều tiết có đánh số thứ tự. Đây là dấu vết của hệ thống phân chia văn bản cổ xưa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, sao chép, nhất là ở thời kỳ chưa có công nghệ in ấn. Văn bản của Historiai được truyền tớingày nay dưới dạng chia làm 9 quyển, từng quyển phân chia làm nhiều tiết, như vậy chỉ cần nói tên quyển, số tiết là có thể tham chiếu được nội dung tương ứng, ví dụ như “Kleio, 18” là tiết số 18 trong quyển 1 Kleio của Historiai. Việc chia quyển, chia tiết này được thực hiện từ bao giờ, do Herodotos tự thực hiện hay do người đời sau, cho tới nay vẫn chưa thể biết chính xác. Song nhiều khả năng Historiai cũng như nhiều văn bản cổ
Hi – La khác đã được các thư lại Byzantine tại thư viện Constantinople thực hiện việc phân chia chương, tiết một cách hệ thống dưới thời Đế quốc Byzantine.
Historiai là tác phẩm do một tác giả cổ đại viết về thời kỳ cách đây đã 25 thế kỷ, vì vậy trong quá trình chuyển ngữ, chúng tôi trong một số trường hợp đã sử dụng một cách gọi mới nhằm dịch một số thuật ngữ chưa có từ tương ứng trong tiếng Việt. Chẳng hạn, từ “oracle” trong bản tiếng Anh vừa dùng để chỉ những người có năng lực giao tiếp với thần linh và truyền đạt câu trả lời của vị thần, vừa dùng để chỉ lời phán của thần hay những ngôi đền nơi lời phán của thần được đưa ra. Trong bản Việt, để nhấn mạnh sự khác biệt này,“oracle” sẽ được chuyển ngữ là “dự ngôn giả” khi chỉ người, là “thần dụ” khi chỉ lời phán của thần linh và “thần miếu” khi chỉ ngôi đền nơi dự ngôn giả sinh hoạt và trông nom, tùy theo văn cảnh cụ thể. Những trường hợp như vậy chúng tôi đều có chú thích ở chân trang sách, và mong quý độc giả lưu ý rằng chúng tôi chỉ sử dụng cách chuyển ngữ như vậy với ý nghĩa tương ứng trong phạm vi hẹp của cuốn sách này. Bên cạnh đó, tất cả tên nhân vật, địa danh trong bản dịch này chúng tôi giữ nguyên tên gốc trong tiếng Hi Lạp cổ (ngoại trừ “Herodotos” như đã viết), một số tên gọi này có thể hơi khác so với các tên gọi hay dùng trong tiếng Anh, tiếng Pháp, ví dụ như Kroisos thay vì Croesus, hoặc Athenai thay vì Athens v.v.
Để có được bản dịch Việt ngữ quý độc giả đang cầm trên tay, người dịch đã nhận được sự giúp đỡ chu đáo, cẩn trọng, xuất phát từ sự say mê, trân trọng với văn hóa Hi – La cổ đại của anh Trần Tuấn Hải, một người trẻ tuổi, nhiệt huyết, với tinh thần trách nhiệm cao. Người dịch xin gửi tới anh Trần Tuấn Hải lời cảm ơn chân thành nhất.
Vẫn biết chúng tôi có nỗ lực đến mấy cũng không thể tránh khỏi những điểm chưa toàn bích do phải qua một cầu ngôn ngữ trung gian, song trong lúc chờ đợi một bản Việt ngữ hoàn chỉnh
hơn, lý tưởng nhất là chuyển ngữ trực tiếp từ nguyên tác Hy Lạp cổ đại, chúng tôi hy vọng bản dịch này có thể truyền tải tới quý độc giả trọn vẹn về mặt nội dung một kiệt tác đã vượt qua được thử thách 25 thế kỷ thời gian.
Chúc quý vị một chuyến du hành ngược thời gian thú vị cùng những câu chuyện kể của Herodotos!
Hà Nội, xuân 2019
H
Quyển 1 Kleio1
erodotos thành Halikarnassos2 trình ra đây khảo cứu của mình, để những kỳ tích do con người thực hiện không bị lãng quên theo thời gian, và để những công
trình vĩ đại và huy hoàng, một số do người Hy Lạp và một số do các man tộc3 sáng tạo, không mất đi danh tiếng của chúng; và nhất là để lưu lại những nguyên nhân gây ra chiến tranh giữa họ.
1. Những người Ba Tư hiểu biết lịch sử tuyên bố rằng người Phoinike đã gây ra mối bất hòa đầu tiên. Theo lời họ, những người này đi từ nơi có tên là biển Erythra4 đến biển chúng ta; và sau khi định cư ở vùng đất mà họ vẫn tiếp tục cư trú đến nay, họ bắt đầu thực hiện những chuyến hải hành dài. Mang theo hàng hóa của Ai Cập và Assyria, họ đi đến những nơi khác và đến cả Argos; lúc bấy giờ, Argos đứng đầu về mọi mặt trong vùng đất hiện nay được gọi là Hy Lạp. Người Phoinike tới vùng đất Argos này, bắt đầu bày bán hàng hóa chở trên thuyền của mình: và đến ngày thứ năm hay thứ sáu kể từ khi họ tới nơi, khi hàng hóa gần như đã được bán hết, có rất nhiều phụ nữ Argos đi xuống bờ biển, trong đó có con gái của nhà vua; tên nàng (cả người Ba Tư và người Hy Lạp đều nhất trí) là Io con gái của Inakhos. Những phụ nữ này đang đứng gần đuôi tàu, chọn mua những món đồ ưng ý nhất, thì đột nhiên đám người Phoinike, kẻ nọ truyền lệnh kẻ kia, ập tới họ; phần lớn những người phụ nữ kịp chạy thoát thân, song Io và một số người khác bị bắt mang đi. Vậy là đám người Phoinike mang họ lên thuyền, rồi lập tức dong buồm đến Ai Cập.
1. Nữ thần lịch sử theo thần thoại Hy Lạp.
Lưu ý: Trong sách này, hầu hết chú thích đều thuộc về người dịch, trừ những chú thích của người biên tập sẽ được ghi rõ (BT).
2. Đô thị Hy Lạp cổ ở vùng Tiểu Á, nay là thành phố Bodrum thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
3. Nguyên văn: Barbaros, chỉ các sắc dân không phải người Hy Lạp. Từ này vốn không có hàm ý miệt thị theo nghĩa bán khai, man rợ, hiếu chiến. Ở đây chúng tôi mạn phép dịch thành “man tộc”. (BT)
4. Tức Hồng Hải.
2. Theo người Ba Tư thuật lại, nàng Io đã tới Ai Cập như thế, hoàn toàn không thống nhất trong chuyện này với người Hy Lạp, và họ cũng nói rằng đây là khởi đầu cho những hành động sai trái. Sau biến cố này, một số người Hy Lạp (người Ba Tư không thể thuật lại tên của họ) tới thành Tyros tại Phoinike và bắt đi công chúa Europe, con gái nhà vua. Những kẻ đó hẳn là người Krete.
Người Ba Tư cho rằng người Hy Lạp đã đòi được món nợ cho sự xúc phạm trước đó. Tuy nhiên, sau đó người Hy Lạp lại là phía gây ra hành động sai trái thứ hai, vì chính họ đã đi thuyền tới Aia thuộc Kolkhis1, tới sông Phasis2 trên một chiến thuyền, rồi từ đó, sau khi đã đạt được những mục đích khác, họ bắt cóc Medeia, con gái của nhà vua. Vua Kolkhis đã phái sứ giả tới đất Hy Lạp đòi bồi thường cho vụ cưỡng đoạt này và đưa con gái ngài về, song những người Hy Lạp trả lời rằng vì man tộc đã không bồi thường cho việc cưỡng đoạt Io người Argos, cho nên họ cũng sẽ không bồi thường cho man tộc trong việc này.
1. Vùng Nam Kavkaz hiện nay.
2. Nay là sông Rioni ở miền tây Gruzia.
3. Người ta kể rằng vào thế hệ kế tiếp, Alexandros1 con trai Priamos, sau khi biết được những chuyện kể trên, đã mong muốn dùng vũ lực cướp lấy một người vợ từ Hy Lạp, hoàn toàn tin chắc anh ta sẽ không phải bồi thường cho việc sai trái này, cũng như những người Hy Lạp chưa trả giá cho tội lỗi của họ. Vậy là anh ta bắt cóc Helene, để rồi những người Hy Lạp quyết định trước hết phái các sứ giả tới đòi nàng cùng với việc bồi thường cho vụ cưỡng đoạt. Và khi họ đưa ra yêu cầu, phía kia liền nhắc lại với họ vụ bắt cóc Medeia, nói rằng người Hy Lạp giờ đây lại đòi hỏi người khác phải bồi thường cho họ, dù chính họ không chịu phạt và cũng không trả người khi người Ba Tư yêu cầu.
1. Trong sử thi Ilias, vị hoàng tử này được gọi là Paris, tuy nhiên không rõ Herodotos lấy tên Alexandros này từ nguồn nào, có thể đã thất truyền, nên các bản dịch cho tới nay đều giữ nguyên tên Alexandros.
4. Cho tới lúc này, không xảy ra thêm việc gì ngoài những vụ bắt cóc phụ nữ từ cả hai phía. Song sau thời điểm này, người Hy Lạp rất đáng trách cứ vì chính họ đã tạo ra tiền lệ chiến tranh đầu tiên, tiến hành viễn chinh tới châu Á trước khi man tộc tấn công châu Âu. Lúc bấy giờ người Ba Tư cho rằng trong quan điểm của họ, cho dù việc dùng vũ lực bắt phụ nữ đi là một hành động sai trái, song việc khao khát báo thù những vụ cưỡng đoạt đó quả là điên rồ, và cách hành xử khôn ngoan là không bận tâm đến
chúng; vì hiển nhiên những người phụ nữ sẽ không bao giờ bị đưa đi nếu bản thân họ không ưng thuận.
Người Ba Tư nói rằng họ, nghĩa là người châu Á, đã không coi chuyện phụ nữ của họ bị cướp đi là điều gì to tát, nhưng người Hy Lạp, vì một phụ nữ Lakedaimon, đã tập hợp một đội quân khổng lồ, đến châu Á và hủy diệt vương quốc của Priamos. Và kể từ thời điểm đó, người Ba Tư luôn coi người Hy Lạp là kẻ thù của họ; vì người Ba Tư tuyên bố châu Á và các man tộc sinh sống tại đó thuộc về họ; còn châu Âu và người Hy Lạp được họ coi là tách biệt với họ.
5. Người Ba Tư cho rằng sự thể đã diễn ra như thế vàcoi mối bất hòa của họ với người Hy Lạp bắt nguồn từ việc đánh chiếm Ilion1. Song liên quan đến Io, người Phoinike bất đồng với cách người Ba Tư thuật lại câu chuyện, vì họ phủ nhận việc đã bắt nàng tới Ai Cập bằng vũ lực. Mặt khác, họ kể rằng khi họ lưu lại Argos, nàng có quan hệ gần gũi với thuyền trưởng của họ, đến khi nhận ra mình đã có thai, nàng thấy hổ thẹn nếu phải thú nhận với cha mẹ, vì thế đã tự nguyện đi theo những người Phoinike do sợ bị phát hiện. Đây là những chuyện được người Ba Tư và người Phoinike thuật lại.
1. Tức thành Troia.
Về những sự kiện này, tôi sẽ không nói rằng chúng đã xảy ra thế này hay thế kia, nhưng sau khi nêu đích danh kẻ đầu tiên mà tôi biết đã bắt đầu xúc phạm người Hy Lạp, tôi sẽ đi xa hơn để tường thuật về các đô thị nhỏ cũng như lớn. Vì những đô thị vĩ đại thời xa xưa đều đã trở nên nhỏ bé, trong khi những đô thị vĩ đại vào thời tôi đang sống lại nhỏ bé trước đây. Vì vậy, vốn đã biết rõ sự thịnh vượng của con người không bao giờ trường tồn, tôi sẽ đề cập đến cả hai một cách công bình.
6. Kroisos, con trai của Alyattes, xuất thân là người Lydia và cai trị các dân tộc phía tây sông Halys1; con sông này chảy về phía bắc giữa Syria và Paphlagonia, và đổ ra biển gọi là Euxeinos2. Kroisos là man nhân đầu tiên chúng ta biết đến đã khuất phục một số người Hy Lạp và buộc họ phải cống nạp, trong khi ông cũng thu phục những người khác và kết giao với họ. Những dân tộc mà ông đã khuất phục gồm có người Ionia, người Aiolis, và người Doris sinh sống tại châu Á, và liên minh với người Lakedaimon. Song trước thời Kroisos trị vì, tất cả người Hy Lạp đều tự do; vì cuộc tiến công của người Kimmerioi3 vào Ionia từ trước thời Kroisos không phải là một cuộc chinh phục các đô thị mà chỉ là một cuộc tập kích cướp phá.
1. Ngày nay là sông Kilizirmak, con sông dài nhất Thổ Nhĩ Kỳ ở Tiểu Á. 2. Ngày nay gọi là Hắc Hải.
3. Một tộc người nay cư trú ở vùng Xanthi, Hy Lạp.
7. Bá quyền từng thuộc về các Herakleidai đã chuyển sang gia tộc Mermnadai của Kroisos như sau: Kandaules, được người Hy Lạp gọi là Myrsilos, là tiếm chúa1 Sardis đồng thời là một hậu duệ của Alkaios, con trai Herakles. Agron con trai Ninos, cháu Belos, và chắt Alkaios, là Herakleides đầu tiên làm vua Sardis, còn Kandaules con trai Myrsos là người cuối cùng.
Các vị vua của vùng đất này trước Agron lại là hậu duệ của Lydos con trai Atys. Để vinh danh Lydos, toàn bộ dân tộc trước đây được gọi là người Maiones giờ được gọi là người Lydia. Các Herakleidai, hậu duệ của Herakles và một nữ nô lệ của Iardanos, đã giành được vương quyền từ dòng dõi kể trên nhờ một dự ngôn giả2. Và họ đã cai trị trong 22 thế hệ, 505 năm, cha truyền con nối cho tới thời của Kandaules, con trai Myrsos.
1. Nguyên văn: tyrannos, chỉ người lên nắm quyền cai trị bằng cách phi chính thống. Trong câu này Herodotos dùng từ tiếm chúa với nghĩa vua. Cách dịch truyền thống là bạo chúa không phản ánh nguyên nghĩa của tyrannos, vì với Herodotos có cả những tiếm chúa tốt lẫn xấu. (BT)
2. Nguyên văn: oracle, là người cho lời khuyên hoặc tiên đoán vận mệnh. Thường là một nữ tư tế, có năng lực giao tiếp với thần linh và truyền đạt câu trả lời của vị thần. Trong văn hóa Hy Lạp, dự ngôn giả khác với nhà tiên tri ở chỗ họ trực tiếp nói chuyện với thần linh, trong khi nhà tiên tri diễn giải thông điệp của thần linh qua các dấu hiệu của chim hoặc nội tạng động vật. Nghĩa rộng hơn của oracle bao gồm thần miếu (ngôi đền nơi dự ngôn giả sinh hoạt và trông nom) hoặc thần dụ (lời phán của thần), và sẽ được dịch tương ứng với văn cảnh. (BT)
8. Kandaules yêu say đắm vợ và cho rằng vợ ông đẹp hơn hẳn những phụ nữ khác. Kandaules có thói quen chia sẻ với Gyges, con trai Daskylos (người ông sủng ái nhất trong tất cả tay giáo
của mình) những vấn đề hệ trọng nhất, đặc biệt là ca tụng nhan sắc vợ mình. Không lâu sau, theo định mệnh Kandaules sẽ phải gặp tai họa, nhà vua liền nói với Gyges như sau: “Gyges, ta nghĩ là ngươi không tin khi ta kể cho ngươi nghe về nhan sắc của vợ ta, vì quả thực trăm nghe không bằng một thấy: vậy hãy nghĩ cách để ngươi có thể ngắm nàng khỏa thân”. Nhưng Gyges đã kêu lớn lên và nói: “Chủ nhân, người vừa thốt ra những lời thiếu sáng suốt làm sao, lệnh cho thần nhìn nữ chủ nhân khỏa thân ư? Khi một phụ nữ cởi y phục, nàng cũng trút bỏ luôn cả sự nhu mì của mình. Hơn nữa, tiền nhân đã đúc kết những lời dạy tốt đẹp từ xa xưa để chúng ta học lấy sự sáng suốt; và một trong những lời dạy đó là mỗi người nên tự mình nhìn lấy: song thần thực sự tin nàng là người đẹp nhất trong tất cả phụ nữ, và xin người đừng đòi hỏi thần phải làm điều vô phép”.
9. Gyges đã cự tuyệt với những lời lẽ như thế, sợ rằng sẽ có chuyện xấu xảy đến với mình. Kandaules đáp lại như sau: “Hãy can đảm lên Gyges, và chớ sợ hãi ta, rằng ta đang nói những lời này chỉ để thử ngươi; hay vợ ta, rằng sẽ có điều tai hại xảy đến
với ngươi từ nàng. Vì ta sẽ thu xếp để ngay từ đầu nàng sẽ không hề biết nàng đã bị ngươi nhìn thấy. Ta sẽ giấu ngươi vào căn phòng nơi chúng ta ngủ, đằng sau cánh cửa mở sẵn; sau khi ta đã vào phòng, vợ ta cũng sẽ đi vào để nằm ngủ. Có một chiếc ghế ở gần cửa phòng, nàng sẽ để y phục lên đó trong khi cởi ra từng chiếc; và như thế ngươi có thể thỏa thích mà ngắm nhìn nàng. Và khi nàng đi từ chỗ chiếc ghế lại giường, ngươi sẽ ở phía sau lưng nàng, việc của ngươi khi ấy là cẩn thận để nàng không trông thấy khi ngươi đi qua cửa ra ngoài”.
10. Sau đó, vì không thể lẩn tránh, Gyges đành đồng ý. Khi đến giờ đi ngủ, Kandaules liền dẫn Gyges vào phòng, ngay sau đó người phụ nữ cũng xuất hiện, Gyges ngắm nhìn khi bà bước vào và cởi bỏ y phục. Khi bà quay lưng về phía anh ta trong lúc đi đến giường, anh ta liền lẻn khỏi chỗ nấp và thoát ra ngoài. Trong lúc anh ta ra ngoài, bà đã phát hiện được; và khi nhận ra những gì chồng mình đã làm, bà không làm ầm lên dù cảm thấy rất nhục nhã, mà coi như không hề biết và dự định sẽ trả thù Kandaules. Vì với người Lydia, cũng như với phần lớn các man tộc khác, bị nhìn thấy khỏa thân là một nỗi nhục ngay cả với đàn ông.
11. Khi đó, bà giữ im lặng như tôi đã kể, và không để lộ dấu hiệu nào; nhưng ngay khi ngày rạng, bà liền chuẩn bị sẵn sàng những người hầu trung thành nhất với mình, sau đó bà cho triệu Gyges tới. Anh ta cứ nghĩ rằng việc đó chưa bị bà phát hiện, tới theo lời triệu vì trước đó đã quen với việc vào diện kiến mỗi lần được cho gọi. Khi Gyges tới nơi, người phụ nữ liền nói với anh ta những lời sau: “Giờ đây có hai con đường cho ngươi, Gyges, và ta cho ngươi quyền lựa chọn con đường ngươi muốn theo. Ngươi phải giết Kandaules và chiếm hữu cả ta cùng vương quốc Lydia, hoặc ngươi sẽ bị giết tại đây ngay lập tức để ngươi sẽ không nhìn lại thứ ngươi không được phép nhìn khi tuân lệnh Kandaules trong mọi việc. Kẻ đã bày ra mưu này hoặc ngươi, kẻ đã nhìn thấy ta khỏa thân và làm cái việc được coi là trái đạo lý, phải chết”. Một hồi lâu sau, Gyges sững sờ trước những lời này,
rồi anh ta khẩn cầu bà đừng buộc anh ta phải đưa ra một lựa chọn như thế. Tuy nhiên, sau khi không thể thuyết phục được bà, đồng thời nhận thấy thực tế đòi hỏi bản thân anh ta hoặc phải giết chủ nhân, hoặc chấp nhận chính mình bị người khác giết, anh ta liền chọn được sống. Anh ta đòi hỏi thêm như sau: “Vì nàng đã buộc ta phải giết chủ nhân trái với ý nguyện của ta, hãy cho ta biết cách chúng ta sẽ hạ thủ nhà vua”. Và bà trả lời: “Vụ mưu sát sẽ diễn ra khi ông ta ngủ, tại chính nơi ông ta đã phô bày thân thể ta cho ngươi”.
12. Vậy là sau khi họ đã chuẩn bị cách ra tay, đêm đến (vì Gyges không được phép rời đi, và không còn đường thoát nào cho anh ta ngoài việc phải giết Kandaules hoặc để mình bị giết), anh ta đi theo người phụ nữ vào phòng ngủ. Bà đưa cho anh ta một con dao găm và giấu anh ta đằng chính sau cánh cửa lúc trước. Sau đó, khi Kandaules đang ngủ, Gyges bí mật đến bên cạnh và giết chết nhà vua, vậy là anh ta giành được cả vợ lẫn vương quốc của Kandaules. Arkhilokhos người Paros, một người đương thời với Gyges, cũng nhắc tới sự kiện này trong những câu thơ đoản trường tam bộ cách1.
13. Vậy là Gyges giành được vương quốc, và quyền lực của ông được xác nhận bởi một dự ngôn giả từ Delphoi2. Vì khi người Lydia phẫn nộ trước số phận của Kandaules và cầm vũ khí nổi dậy, một hiệp ước giữa những người ủng hộ Gyges và những người Lydia còn lại được thảo ra, theo đó nếu dự ngôn giả phán rằng anh ta sẽ làm vua người Lydia, anh ta sẽ lên ngôi; nếu không, anh ta phải trao lại quyền bính cho các Herakleidai. Dự ngôn giả đã phán như vậy, và theo đó Gyges trở thành vua. Thế nhưng nữ tư tế Pythia cũng phán rằng sự báo thù từ các Herakleidai sẽ giáng xuống hậu duệ đời thứ năm của Gyges. Người Lydia và các vị vua của họ không hề để tâm tới lời tiên tri này cho tới khi nó thành hiện thực.
1. Còn gọi là iambic trimeter, một thể thơ gồm ba bộ (foot), mỗi bộ gồm một âm tiết ngắn và một âm tiết dài. (BT)
2. Một thánh địa thời cổ đại ở Hy Lạp, nơi có các nữ tư tế Pythia đưa ra những lời tiên tri cho người tới hỏi. Delphoi nổi tiếng vì những lời tiên tri chính xác.
14. Vậy là các Mermnadai giành được tiếm chúa quyền sau khi đã đoạt nó từ các Herakleidai; và khi trở thành tiếm chúa, Gyges đã dâng không ít lễ vật tới Delphoi. Trên thực tế, đa số lễ vật bằng bạc tại Delphoi đều do Gyges dâng lên. Bên cạnh bạc, nhà vua cũng dâng vô số lễ vật bằng vàng, và đáng chú ý nhất trong số này là sáu bình pha rượu bằng vàng. Chúng nặng 30 talanta1, và chúng hiện nằm trong bảo khố của người Korinthos2 (dù thực ra bảo khố này không phải tài sản công của người Korinthos, mà thuộc về Kypselos, con trai Aetion). Gyges là man nhân đầu tiên mà chúng ta biết đã từng dâng tiến lễ vật tại Delphoi, sau vua Midas xứ Phrygia, người đã dâng chiếc ngai ông ta thường ngồi khi phán xử làm lễ vật, một vật đáng chiêm ngưỡng. Chiếc ngai giờ đây được đặt cạnh những chiếc bình của Gyges. Những lễ vật bằng vàng và bạc do Gyges dâng tiến được người Delphoi gọi là “của Gyges”, theo tên người đã dâng lễ.
1. Đơn vị khối lượng cổ đại, có giá trị tùy vùng. 1 talanton (sn: talata) tương đương khoảng 26 kg.
2. Thành phố cổ Hy Lạp ở bán đảo Peloponnesos.
Ngay sau khi cầm quyền, Gyges cũng dẫn một đạo quân tấn công Miletos1 và Smyrna2, và chiếm thành Kolophon3. Nhưng ông không có thêm chiến công lớn nào nữa trong thời gian trị vì
38 năm của mình, vì thế tôi sẽ kể tiếp, sau khi đã biên chép nhiều như vậy, đề cập đến con trai ông là Ardys, người kế vị ông.
15. Ardys chiếm Priene4 và xâm lược Miletos, và trong thời gian ông trị vì người Kimmerioi, bị người du mục Skythia xua đuổi khỏi nơi định cư, đã tới châu Á và chiếm Sardis ngoại trừ tòa thành.
16. Sau khi làm vua được 49 năm, con trai Ardys là Sadyattes kế vị; và khi đã cai trị trong 12 năm, Alyattes kế vị ông. Nhà vua gây chiến với Kyaxares (cháu trai Deiokes) và người Media5, đồng thời đẩy lui người Kimmerioi khỏi châu Á. Ông cũng chiếm Smyrna, nơi định cư của người Kolophon, và tấn công Klazomenai6, nơi ông không thành công như mong muốn mà lại chịu tổn thất nặng nề. Nhưng trong thời gian trị vì của mình, ông đã làm được những điều xứng đáng được nhắc tới sau đây.
1. Thành phố cổ Hy Lạp nằm ở bờ biển phía tây Tiểu Á, gần cửa sông Maiandros, nay chỉ còn tàn tích.
2. Nay là cảng Izmir thuộc Thổ Nhĩ Kỳ bên bờ biển Aigaion ở Tiểu Á. 3. Thành phố cổ Hy Lạp ở ven biển Aigaion tại Tiểu Á, nay chỉ còn tàn tích. 4. Thành phố cổ Hy Lạp ở Tiểu Á, di tích ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
5. Tộc người Iran cổ, sống tại vùng Media ở tây bắc Iran. Trong tác phẩm này, Herodotos thường xuyên dùng cách gọi người Media để chỉ các dân tộc, tộc người sống ở châu Á, nhất là đế chế Ba Tư.
6. Thành phố cổ Hy Lạp, ngày nay là Urla, nằm trên bờ biển vịnh Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ.
17. Kế thừa từ cha cuộc chiến với người Miletos, ông xâm lược và vây hãm đô thị của họ theo cách sau đây. Mỗi khi đến kỳ thu hoạch, nhà vua lại hành quân đến Milesia trong tiếng tiêu, đàn
hạc và sáo với âm điệu trầm bổng. Khi tới nơi, ông không phá hủy hay phóng hỏa, hoặc giật tung nhà cửa, mà để chúng nguyên vẹn. Tuy nhiên, tất cả cây cối, mùa màng trên vùng đất này nhà vua đều cho hủy hoại, rồi sau đó rời đi theo đúng như cách ông tới. Vì người Miletos nắm quyền kiểm soát biển, nên một cuộc vây hãm từ quân đội Lydia là điều vô ích. Người Lydia tránh phá sập nhà cửa để người Miletos có thể gieo hạt và cày cấy, và nhờ thành quả lao động của họ, ông sẽ có thứ để cướp bóc khi tấn công.
18. Vận dụng chiến thuật này, ông chiến đấu trong 11 năm; và trong những năm đó, người Miletos phải chịu hai thất bại nặng nề: Một tại Limenaion, và một lần nữa trên đồng bằng Maiandros. Sáu trong 11 năm đó, Sadyattes con trai Ardys cai trị người Lydia và xâm lược lãnh thổ Miletos vào cùng thời điểm mỗi năm. Sadyattes là người đầu tiên khai chiến. Trong năm năm sau, Alyattes con trai Sadyattes (như tôi đã nói, là người kế thừa cuộc xung đột) hăng hái tiến hành cuộc chiến của cha ông. Không người Ionia nào giúp người Miletos trong cuộc chiến này, ngoại trừ người Khios, để đáp lại ân huệ, vì người Miletos trước đó đã hỗ trợ người Khios trong cuộc chiến của họ với người Erythrai1.
1. Một trong 12 thành phố Ionia ở vùng Tiểu Á, tọa lạc trên một bán đảo nhỏ nhô ra vịnh Erythrai.
19. Vào năm thứ 12, khi mùa màng chờ thu hoạch bị quân Lydia đốt, chuyện sau đây xảy ra. Ngay sau khi lương thực bị đốt, ngọn lửa bị một cơn gió dữ dội thổi bùng lên, bén vào đền Athena Assesia và cháy rụi. Khi đó, không có ghi chép nào về biến cố này, nhưng sau đó, khi quân đội đã trở lại Sardis, Alyattes ngã bệnh. Khi bệnh tình không thuyên giảm, nhà vua phái người đến hỏi ý dự ngôn giả tại Delphoi. Có thể nhà vua đã được ai đó
khuyên làm như vậy, hoặc có thể chính ông nghĩ tốt nhất nên phái người đi hỏi thần về bệnh tình của mình. Nhưng khi các sứ giả này tới Delphoi, nữ tư tế Pythia nói bà sẽ không cho họ câu trả lời cho tới khi họ đã xây lại ngôi đền nữ thần Athena mà họ đã thiêu rụi tại Assesos trên lãnh thổ Miletos.
20. Đó là những gì tôi biết được từ lời thuật của người Delphoi; song người Miletos nói thêm rằng Periandros con trai Kypselos, vốn là thân hữu của Thrasyboulos – tiếm chúa Miletos lúc ấy – nghe kể về thần dụ được phán cho Alyattes, đã phái một sứ giả tới báo cho Thrasyboulos để ông biết trước và bàn bạc kỹ lưỡng phòng khi hoàn cảnh bắt buộc.
21. Và Alyattes, khi được báo lại câu trả lời, đã phái một sứ giả tới Miletos, bày tỏ muốn đình chiến với Thrasyboulos và người Miletos trong thời gian đủ lâu để ông có thể xây lại ngôi đền. Vị
sứ giả sau đó được cử làm phái viên tại Miletos; trong lúc đó Thrasyboulos, biết trước toàn bộ tình hình và biết những gì Alyattes định làm, liền nảy ra mưu kế này: Ông cho tập trung tại khu chợ tất cả lương thực dự trữ có thể tìm thấy trong thành phố, cả kho dự trữ của bản thân ông lẫn thực phẩm của các cá nhân; rồi ông tuyên bố với người Miletos là khi ông ra hiệu lệnh, tất cả họ cần bắt đầu uống rượu và vui vẻ với nhau.
22. Thrasyboulos làm như vậy để sứ giả từ Sardis, khi tận mắt thấy một lượng lớn thực phẩm được tập trung lại một cách bất cẩn và cư dân tiệc tùng, sẽ báo lại chuyện này cho Alyattes. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy, vị sứ giả quay về Sardis sau khi chứng kiến cảnh tượng này và tâu lên Thrasyboulos sứ mệnh đã được giao phó, hòa ước được lập, thực hiện hoàn toàn chỉ vì mẹo nhỏ này, như tôi được biết. Với Alyattes, người nghĩ rằng đang có nạn đói lớn ở Miletos và cư dân tại đó đã kiệt quệ tới cảnh khốn cùng, đã nghe được điều ngược lại từ vị sứ giả từ Miletos quay về. Sau đó, hòa bình được thiết lập giữa họ với điều kiện hai vị vua trở thành bằng hữu và đồng minh của nhau, còn Alyattes xây hai ngôi đền cho nữ thần Athena tại Assesos thay
vì một, và bản thân nhà vua thì khỏi bệnh. Về cuộc chiến tranh Alyattes phát động chống lại người Miletos và Thrasyboulos, các biến cố đã diễn ra như thế.
23. Về Periandros, người đã báo tin về thần dụ cho Thrasyboulos, người này là con trai Kypselos, tiếm chúa Korinthos. Theo lời kể của người Korinthos (và người Lesbos cũng thống nhất với họ), vào thời ông này sống, đã có một điều kỳ diệu lớn lao xảy ra, cụ thể là việc Arion thành Methymna được đưa vào bờ ở Tainaron1 trên lưng một con cá heo. Người đàn ông này là nghệ sĩ đàn lyra giỏi nhất đương thời, và theo những gì chúng ta biết cho tới nay, là người đầu tiên sáng tác một bài tụng ca tửu thần, đặt tên cho tác phẩm như vậy rồi dạy nó cho một dàn đồng ca tại Korinthos.
24. Người ta thuật lại rằng Arion, người sống phần lớn cuộc đời cùng Periandros, từng khao khát muốn vượt biển tới Italia2 và Sikelia; và sau khi đã kiếm được tại đó những khoản tiền lớn, ông lại mong muốn quay trở lại Korinthos. Vậy là ông khởi hành từ Taras, và thuê một con thuyền với thủy thủ đoàn người Korinthos, vì ông tin tưởng người Korinthos hơn những người khác. Truyện kể lại rằng khi ra tới ngoài khơi, đám thủy thủ này lập mưu ném Arion xuống biển để đoạt lấy tài sản của ông. Biết chuyện, ông liền điều đình với chúng, xin trao cho chúng tất cả của cải ông có, yêu cầu chúng để ông được sống. Tuy nhiên, ông không thể lay chuyển được đám thủy thủ, những kẻ này ra lệnh cho ông tự sát để có thể được chôn cất trên đất liền, hoặc nhảy luôn xuống biển. Vậy là Arion, sau khi bị đưa tới một eo biển, cầu xin đám thủy thủ rằng, vì họ đã quyết như thế, họ cần cho phép ông đứng trên sàn thuyền trong bộ quần áo chỉn chu của người du ca và hát. Ông hứa sẽ tự sát sau khi hát xong. Đám thủy thủ, hân hoan nghĩ chúng cũng nên lắng nghe nghệ sĩ tài hoa nhất thế gian, sau đó lui hết khỏi đuôi thuyền ra giữa thuyền; ông khoác lên người bộ trang phục ca sĩ, cầm cây đàn lyra của mình, rồi đứng trên sàn thuyền trình diễn một giai điệu Orthios. Khi giai điệu kết thúc, ông gieo mình xuống biển, trên
người vẫn mặc bộ trang phục của người ca sĩ. Đám thủy thủ tiếp tục đi thuyền tới Korinthos, nhưng còn người nghệ sĩ, người ta kể rằng một con cá heo đã tới đỡ ông lên lưng, đưa ông vào bờ tại Tainaron. Khi cập bờ, ông đi về Korinthos vẫn trong bộ trang phục ca sĩ của mình. Về tới nơi, ông thuật lại tất cả những gì đã xảy ra. Periandros, ngờ vực câu chuyện, đã cho canh gác Arion, không để ông đi đâu, trong khi để mắt theo dõi cẩn thận đám thủy thủ đã chở người nghệ sĩ. Khi đám này tới, Periandros cho triệu họ vào gặp, hỏi họ có gì để thông báo về Arion hay không. Khi đám thủy thủ nói nghệ sĩ đang bình an tại Italia, còn bọn họ đã từ biệt ông hoàn toàn khỏe mạnh ở Taras, Arion đột nhiên xuất hiện trước mặt chúng trong chính bộ trang phục ông mặc khi nhảy khỏi thuyền. Đám thủy thủ sững sờ vì kinh ngạc đã không thể tiếp tục chối cãi khi chúng bị chất vấn. Đây là câu chuyện đã được cả người Korinthos và người Lesbos kể lại, và ở Tainaron vẫn còn một lễ vật khiêm tốn do Arion dâng lên, bức tượng người đàn ông trên lưng cá heo bằng thanh đồng.
1. Mũi đất ở tận cùng bán đảo Mani tại Hy Lạp, nơi có ngôi đền Poseidon nổi tiếng thời cổ đại.
2. Herodotos chỉ dùng tên gọi này cho phần phía nam bán đảo.
25. Alyattes người Lydia sau khi gây chiến với người Miletos, qua đời sau khi đã trị vì 57 năm. Khi khỏi bệnh, vị vua này đã dâng một lễ vật tại Delphoi (và là thành viên thứ hai trong gia tộc của ông làm việc này). Món lễ vật gồm một bình pha rượu lớn bằng bạc, cùng một chân đế sắt được hàn vào nó. Món lễ vật này là một tuyệt phẩm đáng để chiêm ngưỡng hơn tất cả các lễ vật khác tại Delphoi, và là tác phẩm của Glaukos người Khios, người đầu tiên tìm ra kỹ nghệ hàn sắt.
26. Sau khi Alyattes qua đời, con trai là Kroisos thừa kế vương quốc ở tuổi 35. Những người Hy Lạp đầu tiên mà ông tấn công
là người Ephesos. Khi bị ông vây hãm, người Ephesos đã dâng thành phố của họ cho nữ thần Artemis và buộc một sợi thừng từ ngôi đền của nữ thần tới tường thành: khoảng cách giữa cổ thành, nơi bị vây hãm lúc đó, và ngôi đền là 7 stadia1. Như tôi đã nói, đây là đô thị Hy Lạp đầu tiên Kroisos tấn công, nhưng sau đó ông tiếp tục với lần lượt từng đô thị khác tại Ionia2 và Aiolis3, viện ra nhiều nguyên nhân trách cứ, đưa ra những lời buộc tội nghiêm trọng với những kẻ mà ông có thể tìm được căn cứ vững chắc, trong khi với một số đối thủ khác nhà vua chỉ đưa ra được những lời buộc tội vặt vãnh.
1. 1 stadion (sn: stadia) tương đương 185 mét. (BT)
2. Một vùng lãnh thổ nằm ở vùng miền trung bờ biển phía Tây bán đảo Tiểu Á, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
3. Vùng lãnh thổ ở miền bắc bờ biển phía Tây bán đảo Tiểu Á, ở ngay phía trên vùng Ionia.
27. Sau đó, khi người Hy Lạp ở châu Á đã bị chinh phục và buộc phải cống nạp, nhà vua quyết định tiếp theo sẽ đóng thuyền cho mình và áp đặt sự thống trị lên đảo dân. Đến khi tất cả đã sẵn sàng cho việc đóng thuyền, người ta kể rằng Bias thành Priene (hay theo một nguồn khác là Pittakos thành Mytilene) tới Sardis, và sau khi được Kroisos hỏi liệu có diễn biến gì mới tại Hy Lạp hay không, đã chấm dứt việc đóng thuyền của nhà vua bằng những lời nói sau: “Tâu bệ hạ”, ông nói, “đám đảo dân đang thuê một đội quân với 10.000 kỵ mã, với đội quân này, họ dự định hành quân đến Sardis và tấn công ngài”. Và Kroisos, cho rằng những gì Bias nói lại là đúng, liền nói: “Cầu cho các vị thần gieo vào tâm trí đám đảo dân ý tưởng dùng kỵ binh chống lại các con trai xứ Lydia!” Và Bias trả lời: “Tâu bệ hạ, thần nhận thấy người thực sự mong muốn bắt đám người trên đảo khi bọn họ đang cưỡi ngựa trên đất liền; và đó không phải là một mong
muốn vô lý. Tuy nhiên, bệ hạ thử nghĩ xem đám đảo dân sẽ mong muốn và cầu khẩn điều gì khi họ biết tin ngài chuẩn bị đóng thuyền để tấn công họ hơn việc họ có thể đánh úp người Lydia trên biển để báo thù ngài cho những người Hy Lạp sống trên đất liền đã bị ngài nô dịch?” Người ta kể rằng Kroisos đã rất hài lòng với kết luận này, và làm theo lời khuyên của Bias, vì nhà vua cho rằng những lời đó rất có lý, Kroisos cho dừng việc đóng thuyền, và kể từ đó nhà vua kết giao với người Ionia sống trên các đảo.
28. Thời gian trôi qua, gần như tất cả các dân tộc phía tây sông Halys đã bị chinh phục. Ngoại trừ người Kilikia và người Lykia, Kroisos đã nô dịch các dân tộc sau: Người Lydia, Phrygia, Mysia, Mariandynoi, Khalybes, Paphlagonia, Thraike (cả người Thynoi và Bithynia), Karia, Ionia, Doris, Aiolis và Pamphylia.
29. Như tôi vừa nói, khi các dân tộc này bị khuất phục, và trong khi Kroisos đang tiếp tục sáp nhập các vùng đất mới vào lãnh thổ Lydia của mình, tất cả các nhà hiền triết của Hy Lạp sống vào thời đó đã tìm tới Sardis, lúc đó đang đỉnh thịnh, vào nhiều dịp khác nhau. Một trong số họ là Solon người Athenai, người sau khi định ra pháp luật cho người Athenai theo lời thỉnh cầu của họ đã rời khỏi bản quán trong 10 năm, lên thuyền ra đi sau khi nói ông muốn tới thăm các vùng đất khác để không bị ép buộc phải bãi bỏ bất cứ điều luật nào ông đã đề ra. Vì bản thân người Athenai sẽ không thể làm được điều đó sau khi đã bị ràng buộc bởi lời thề thiêng liêng sẽ tuân thủ trong 10 năm những điều luật Solon đề ra cho họ.
30. Vậy là Solon, sau khi rời khỏi quê hương vì lý do kể trên và để thưởng ngoạn thế giới, tới gặp Amasis tại Ai Cập, và cũng tới gặp Kroisos tại Sardis. Khi tới đây, nhà hiền triết được Kroisos khoản đãi trong hoàng cung. Đến ngày thứ ba hay thứ tư, theo lệnh
Kroisos, người hầu của nhà vua dẫn Solon đi xem các kho báu của nhà vua. Họ cho ông xem mọi thứ, chỉ cho ông thấy chúng đồ sộ, lộng lẫy ra sao. Sau khi vị khách đã được chiêm ngưỡng,
xem xét tất cả chúng, Kroisos đã hỏi vị khách như sau: “Hỡi vị khách Athenai, ta đã được nghe nói nhiều về ông, cả về sự thông tuệ lẫn những chuyến du hành của ông, cũng như việc để tìm kiếm trí tuệ, ông đã đi qua rất nhiều vùng đất để tận mắt thấy chúng. Vì thế, lúc này ta muốn hỏi liệu ông đã từng thấy ai mà ông cho là người hạnh phúc nhất trong tất cả mọi người chăng”. Kroisos đưa ra câu hỏi này, đoán rằng nhà vua chính là người hạnh phúc nhất. Nhưng Solon, không tán tụng mà chỉ nói sự thật, đã nói: “Tâu bệ hạ, đó là Tellos người Athenai”. Và Kroisos, ngỡ ngàng trước những lời của nhà hiền triết, liền sốt sắng hỏi ông: “Về mặt nào ông lại cho rằng Tellos là người hạnh phúc nhất?” Và vị khách đáp: “Tellos, trước hết, đã sinh sống khi thành bang ông thịnh vượng, có những đứa con trai đẹp đẽ, chính trực và chứng kiến tất cả những đứa cháu mình ra đời và trưởng thành. Thứ hai, ông sở hữu thứ mà chúng tôi coi là giàu có, ông có một kết cục vinh quang nhất cho cuộc đời ông. Vì khi một trận đánh diễn ra giữa người Athenai với những láng giềng tại Eleusis, ông đã đem viện binh tới, đánh tan kẻ thù và anh dũng hi sinh. Người Athenai đã chôn cất ông trọng thể tại nơi ông ngã xuống, và họ tôn vinh ông thật lẫy lừng”.
31. Vậy là khi Solon đã khiến Kroisos dò hỏi thêm về câu chuyện của Tellos và thuật lại những lý do khiến người đàn ông này hạnh phúc, nhà vua lại hỏi nhà hiền triết xem ai trong số những người ông từng biết xứng đáng xếp sau Tellos, đoán rằng mình chắc chắn được xếp thứ hai. Song nhà hiền triết lại đáp: “Kleobis và Biton. Xuất thân là người Argos, họ đủ sung túc và tráng kiện như tôi sẽ kể sau đây. Cả hai đều từng đoạt giải thưởng trong các kỳ thi tài, và hơn thế nữa, câu chuyện sau đây về họ đã được thuật lại: Có một lễ hội dành cho nữ thần Hera của người Argos, và mẹ của họ nhất thiết cần được đưa bằng xe tới ngôi đền. Nhưng vì lũ bò thiến của họ không thể được dắt từ ngoài đồng về kịp, hai chàng trai trẻ, không còn cách nào khác vì thiếu thời gian, đã tự đóng mình vào ách và kéo xe đưa mẹ họ tới đền. Bằng cách này, họ đã kéo xe đi hơn 45 stadia để tới đền. Sau khi làm việc này và được cả đám đông có mặt chứng kiến, cuộc đời họ
cũng kết thúc theo cách hoàn hảo nhất. Và trong chuyện này một vị thần đã phán rằng với con người chết tốt hơn là tiếp tục sống. Vì đám đàn ông Argos đang đứng xung quanh ca ngợi sức mạnh của hai chàng trai trẻ, trong khi những phụ nữ Argos ca tụng bà mẹ đã được số phận ban cho những người con trai như thế. Bà mẹ, quá vui mừng trước chính hành động của các con cũng như danh tiếng hành động ấy mang lại, đã đứng trước tượng nữ thần và cầu xin nữ thần hãy ban cho các con trai bà, Kleobis và Biton, những đứa con kính trọng bà hết mực, món quà quý giá nhất con người có thể nhận được. Sau lời khẩn cầu đó, khi họ đã làm lễ hiến sinh và tiệc tùng, hai chàng trai trẻ nằm xuống ngủ ngay bên trong ngôi đền và không bao giờ tỉnh dậy nữa, mà cứ nằm nguyên như thế trong đoạn kết cuối cùng. Người Argos dựng tượng họ, rồi dâng những bức tượng đó làm lễ vật tại Delphoi vì cho rằng hai chàng trai đã chứng tỏ họ là những người xuất chúng nhất”.
32. Solon giành vị trí thứ hai về hạnh phúc cho hai chàng trai này, còn Kroisos nổi giận và nói: “Hỡi vị khách Athenai, chẳng lẽ ngươi đã gạt sang bên hạnh phúc của ta như thể chúng không hề có giá trị gì, và thậm chí ngươi còn đánh giá ta không bằng thường dân?” Và nhà hiền triết trả lời: “Hỡi Kroisos, ngài đang hỏi về vận hội con người từ một người biết rõ các vị thần luôn đầy đố kỵ và hay làm xáo trộn số phận chúng ta. Vì theo tiến trình của thời gian, một người có thể thấy nhiều thứ anh ta không muốn thấy, phải chịu đựng nhiều điều anh ta không muốn chịu đựng. Thần cho giới hạn của đời người là 70 năm. Và 70 năm này có 25.200 ngày, chưa kể tới bất cứ tháng nhuận nào. Vậy nếu cứ hai năm lại có thêm một tháng để các mùa tới đúng thời điểm trong năm, sẽ có thêm 35 tháng nhuận bên cạnh 70 năm. Và trong những tháng nhuận đó có 1.050 ngày. Trong số ngày này, tổng cộng là 26.250, chia đều trong 70 năm, mỗi ngày đều chẳng đem đến điều gì giống hoàn toàn với một ngày khác. Chính vì thế, hỡi Kroisos, con người hoàn toàn là một tạo vật của sự tình cờ. Về phần ngài, tôi thấy ngài vừa giàu có vô cùng vừa là vua của muôn vạn thần dân, nhưng tôi chưa thể gọi ngài
là người như ngài đòi hỏi cho tới khi tôi được biết ngài đã sống hết cuộc đời với một kết thúc tốt đẹp. Vì người rất giàu vẫn chưa thể được coi là hạnh phúc hơn người chỉ đủ sống qua ngày, trừ khi vận mệnh cũng ban cho anh ta được kết thúc cuộc đời êm đẹp, vẫn có trong tay mọi thứ tốt lành. Vì có nhiều người rất giàu có lại không hạnh phúc, trong khi nhiều người chỉ có cuộc sống khiêm nhường lại thật may mắn, và trên thực tế người rất giàu mà không hạnh phúc chỉ có hai lợi thế so với một người nghèo nhưng may mắn, trong khi người sau lại có nhiều điều hơn so với người giàu bất hạnh. Người giàu có thể đáp ứng ham muốn của anh ta tốt hơn, và cũng có thể cam chịu tai họa lớn nếu nó giáng xuống đầu anh ta. Trong khi đó, người kia lại có lợi thế so với anh ta trong những điều sau đây: Người nghèo hơn quả thực không thể có được khả năng ngang bằng với người giàu khi cam chịu một tai họa hay thỏa mãn ham muốn của bản thân, song vận may đã giữ những thứ này tránh xa khỏi người này, trong khi anh ta có tay chân khỏe mạnh, không bệnh tật, không khổ ải, là cha của những đứa con đẹp đẽ và bản thân anh ta cũng ưa nhìn. Nếu thêm vào đó, anh ta lại kết thúc cuộc đời thật đẹp đẽ, thì anh ta xứng đáng được gọi là kẻ như ngài tìm kiếm, một người hạnh phúc. Nhưng trước khi anh ta đi hết cuộc đời, tốt nhất nên từ tốn và đừng gọi anh ta là người hạnh phúc, mà chỉ là may mắn thôi. Và sở hữu tất cả những điều kể trên vào lúc này là không thể với một người trần thế bình thường, cũng như không có vùng đất nào có thể tự cung tự cấp đầy đủ mọi thứ, mà luôn có thứ này song lại thiếu thứ khác, và vùng đất sở hữu số lượng yếu tố cần thiết lớn nhất là vùng đất tốt nhất. Cũng như vậy trong trường hợp một con người, không có ai là hoàn hảo, vì anh ta có thứ này song lại thiếu thứ khác. Song người nào cho tới tận cuối đời sở hữu số lượng nhiều nhất những thứ này và có một đoạn kết huy hoàng cho cuộc đời, với tôi người đó xứng đáng được coi là hạnh phúc, tâu bệ hạ. Với tất cả mọi thứ, chúng ta nhất thiết phải xem xét đoạn kết để biết chúng sẽ ra sao, vì với rất nhiều người, các vị thần chỉ cho thấy một tia hạnh phúc thoáng qua rồi nhổ bật rễ những mầm hạnh phúc đó và lật ngược chúng”.
p ậ g ợ g
33. Nói như thế, nhà hiền triết từ chối nhìn nhận Kroisos là người hạnh phúc, nhà vua cho người tiễn vị khách đi khuất mắt mình, không hề đánh giá cao nhà hiền triết, nghĩ rằng ông hoàn toàn vô lý khi bỏ qua những điều tốt đẹp hiện tại và kêu gọi người ta nhìn vào tận cùng của mọi vấn đề.
34. Sau khi Solon đi khỏi, một sự trừng phạt ghê gớm từ các vị thần trút xuống Kroisos, có lẽ vì nhà vua đã tự cho mình là người hạnh phúc nhất trong mọi người. Đầu tiên, nhà vua nằm mơ thấy một giấc mơ cho hay về tai họa sắp ập đến con trai ông. Kroisos vốn có hai hoàng tử, một người tàn tật, điếc và câm, người kia lại vượt xa bạn bè đồng trang lứa về mọi mặt. Người con trai thứ hai này tên là Atys. Trong giấc mơ, Kroisos được báo trước ông sẽ mất Atys vì cú đâm của một mũi giáo sắt. Khi bừng tỉnh và ngẫm lại, nhà vua vô cùng kinh hãi về giấc mơ. Vậy là trước hết ông cưới vợ cho con trai, và trong khi trước đó Atys đã quen chỉ huy các đạo quân của Lydia, giờ đây nhà vua không cử con trai làm những việc như vậy nữa. Tất cả lao, giáo và mọi thứ binh khí những người đàn ông dùng để chiến đấu đều bị nhà vua cho dọn khỏi các khu phòng nam giới và chất đống trong khu phòng ngủ hậu cung, để đề phòng món vũ khí nào đó có thể rơi xuống người hoàng tử.
35. Sau đó, trong khi Kroisos đang chuẩn bị cho lễ cưới của con trai, một người đang gặp vận rủi và có đôi bàn tay dính máu đến Sardis, một người Phrygia có dòng máu hoàng tộc. Người đàn ông này tìm đến nhà Kroisos, và theo phong tục ở vùng đất đó, yêu cầu được thanh tẩy. Kroisos cho vị khách được thanh tẩy, và cách thanh tẩy của người Lydia cũng gần giống với người Hy Lạp. Khi Kroisos đã thanh tẩy xong theo phong tục, ông hỏi vị khách là ai và từ đâu tới bằng những lời như sau: “Ngươi là ai, và ngươi từ miền nào của đất Phrygia tới đây ngồi dưới mái nhà ta? Và ngươi đã giết người đàn ông hay phụ nữ nào?” Vị khách trả lời: “Tâu bệ hạ, thần là con trai Gordias, và Midas là ông nội thần. Thần tên là Adrastos. Thần đã vô tình giết anh trai của thần, vì thế thần ở đây sau khi bị cha thần xua đuổi và tước bỏ
tất cả những gì thần có”. Và Kroisos trả lời thế này: “Thật tình cờ ngươi lại là thân thích của bằng hữu của ta, và ngươi đã tới chỗ của những người bạn, ở giữa họ ngươi sẽ không phải thiếu thốn gì chừng nào ngươi còn lưu lại nơi đây, và ngươi sẽ thấy tốt nhất là ngươi nên cam chịu vận rủi này một cách nhẹ nhàng nhất có thể”.
36. Vậy là vị khách lưu lại cùng Kroisos. Vào thời gian đó, trên núi Olympos1 ở vùng Mysia xuất hiện một con lợn lòi khổng lồ. Con vật từ ngọn núi này đi xuống tàn phá các cánh đồng của người dân Mysia, và cho dù người Mysia thường xuyên chống lại nó, không tài nào làm nó bị thương, mà ngược lại còn hứng chịu nhiều tổn thất. Cuối cùng, sứ giả từ người Mysia tới gặp Kroisos và bẩm báo: “Tâu bệ hạ, trên vùng đất của chúng tôi xuất hiện một con lợn lòi khổng lồ đang tàn phá các cánh đồng. Chúng tôi, dù rất mong muốn trừ khử nó, đã không thể làm được gì. Vì vậy chúng tôi khẩn cầu bệ hạ cử con trai của người tới giúp chúng tôi cùng một toán thanh niên được lựa chọn chu đáo và chó săn, để chúng tôi có thể tiêu diệt con quái vật khỏi vùng đất của mình”. Người Mysia đã khẩn cầu như thế, còn Kroisos, nhớ lại những lời nghe thấy trong giấc mơ, đã nói với họ thế này: “Về con trai ta, không được nhắc đến nó nữa trong chuyện này vì ta sẽ không phái nó tới chỗ các người, vì hoàng tử mới kết hôn và hiện đang bận bịu với cuộc hôn nhân. Song ta sẽ cử tới các người những dũng sĩ được tuyển chọn của Lydia cùng toàn bộ số chó săn của ta. Đồng thời ta sẽ lệnh cho những người được cử đi phải nỗ lực hết sức trong việc giúp đỡ các người trừ khử con thú hoang đó khỏi vùng đất các người sinh sống”. Nhà vua đã trả lời như vậy.
1. Nay là núi Uludağ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
37. Dù người Mysia hài lòng với lời hồi đáp này, con trai của Kroisos cũng đi vào cung điện sau khi biết được lời thỉnh cầu của người Mysia. Khi Kroisos nói ông sẽ không phái con trai đi cùng họ, chàng thanh niên liền nói: “Thưa cha, trước đây những việc đẹp đẽ và cao quý nhất đều được giao phó cho con, liên tục xuất trận, đi săn và nhờ đó con có được tiếng tăm. Nhưng giờ cha lại ngăn cản con làm cả hai việc đó, cho dù cha đã không hề thấy ở con bất cứ biểu hiện hèn nhát hay sợ sệt nào. Rồi đây con biết để bộ mặt đi đâu khi ra khu chợ hay từ đó về? Thần dân của cha sẽ coi con là loại người nào, và người vợ mới cưới của con, nàng sẽ nghĩ nàng đã kết duyên với loại chồng nào? Thế nên cha hãy để con đi săn, hoặc hãy thuyết phục con bằng cách đưa ra lý lẽ rằng hiện nay có những việc khác tốt hơn con nên làm”.
38. Và Kroisos trả lời thế này: “Con trai, ta hành động như thế không phải vì ta thấy ở con bất cứ biểu hiện nào của hèn nhát hay phẩm chất đáng hổ thẹn nào khác, mà vì một bóng hình đã tới trong mơ, đến bên ta trong lúc ta ngủ, nói với ta rằng con sẽ yểu mệnh, và con sẽ chết bởi một mũi giáo sắt. Vì nghĩ tới giấc mơ này mà ta đã gấp gáp tổ chức hôn lễ cho con, và giờ đây ta từ chối để con tham gia cuộc săn sắp tiến hành, ta bảo vệ con để hy vọng ta có thể đoạt lại con khỏi định mệnh, ít nhất trong thời gian ta còn sống trên đời, bằng bất cứ cách nào có thể. Vì định mệnh đã quyết định rằng con là con trai duy nhất của ta. Đứa còn lại ta không coi là con trai ta vì nó bị tật không thể nghe được”.
39. Chàng trai trẻ trả lời như sau: “Thưa cha, có thể lượng thứ cho người vì người đã lo lắng che chở cho con sau khi gặp phải một giấc mơ như vậy; song có điều cha đã không hiểu, cũng là
phần ý nghĩa của giấc mơ cha đã để sót, và con cần giải thích cho cha thấy rõ cũng là điều hợp lẽ. Cha nói giấc mơ dự báo rằng con sẽ kết thúc cuộc đời bởi một mũi giáo sắt; nhưng liệu một con lợn lòi thì có cánh tay nào, hay mũi giáo nào đây để cha phải e sợ? Nếu giấc mơ đã dự báo con phải chết vì một cái nanh lợn lòi hay bất cứ thứ gì khác giống như thế, thì hiển nhiên cha đã
đúng khi làm những gì người đang làm. Nhưng giấc mơ đã dự báo là ‘bởi một mũi giáo’. Vì chúng ta sẽ không phải chiến đấu với con người, giờ cha hãy để con đi”.
40. Kroisos trả lời: “Con trai ta, con đã phần nào thuyết phục được ta khi đưa ra lời giải thích của con về giấc mơ. Vì thế, sau khi được con thuyết phục, ta quyết định đổi ý và cho phép con tham gia cuộc săn”.
41. Nói xong, Kroisos triệu Adrastos người Phrygia tới. Khi anh ta tới, nhà vua nói thế này: “Adrastos, khi ngươi gặp phải vận rủi nghiêm trọng (và ta cũng không trách cứ ngươi về chuyện đó), ta đã thanh tẩy cho ngươi, đón nhận ngươi vào nhà ta, chu cấp mọi thứ cho ngươi. Vì thế, giờ đây, sau khi đã nhận lòng tốt từ ta, ngươi có bổn phận báo đáp ta bằng lòng tốt. Ta yêu cầu ngươi làm người bảo vệ con trai ta, người sắp lên đường đi săn, để phòng lỡ có đám đạo tặc xấu xa nào hãm hại các người. Và ngoài ra, ngươi cũng phải có mặt ở những nơi ngươi có thể nổi danh nhờ các chiến công của mình, ngươi gánh vác một di sản từ cha ông đòi hỏi ngươi phải làm như thế, và hơn nữa ngươi lại có đủ sức mạnh để làm vậy”.
42. Adrastos trả lời: “Tâu bệ hạ, nếu không vì dịp này, thần đáng lẽ không nên tham gia vào bất cứ cuộc đua tranh lòng dũng cảm nào như thế. Vì trước hết, sẽ là không thích hợp cho một người đang phải chịu đựng một bất hạnh lớn lao như thần đi tìm kiếm sự đồng hành của những người đang thịnh vượng, và thứ hai là thần không hề mong muốn nó. Và vì rất nhiều lý do, thần đáng lẽ đã tránh xa. Nhưng giờ đây, vì bệ hạ đã hối thúc, và thần nhất định phải phục tùng bệ hạ (vì thần có bổn phận báo đáp bệ hạ bằng lòng tốt), thần sẵn sàng làm việc này. Vì vậy bệ hạ hãy trông đợi hoàng tử, người bệ hạ ra lệnh cho thần bảo vệ, sẽ trở về với bệ hạ bình an, chừng nào người bảo vệ này có thể giữ cho hoàng tử an toàn”.
43. Sau khi Adrastos đã trả lời Kroisos bằng những lời lẽ như vậy, đoàn đi săn lên đường với các chàng trai trẻ được lựa chọn cùng đàn chó săn. Khi tới núi Olympos, họ lần theo dấu vết con vật. Sau khi tìm ra dấu vết của nó và đứng thành một vòng tròn, họ phóng giáo về phía con lợn lòi. Thế rồi cây giáo của vị khách có tên Adrastos, người đã được thanh tẩy tội ngộ sát, khi phóng đi đã phóng trượt con lợn và trúng vào người con trai của Kroisos. Vậy là hoàng tử trúng một mũi giáo sắt, đúng như điềm báo trong giấc mơ. Và một người chạy về báo tin cho nhà vua. Khi sứ giả đến Sardis, Kroisos được nghe kể về cuộc chạm trán lợn lòi và số phận con trai ông.
44. Kroisos vô cùng choáng váng trước cái chết của con trai, và càng khổ sở hơn vì con trai ông chết dưới tay người đã được chính ông thanh tẩy tội ngộ sát. Bị giày vò trước nỗi bất hạnh, nhà vua khẩn cầu Zeus Karthasios (Đấng thanh tẩy), phản đối với thần là ông đã phải chịu đau khổ từ vị khách của mình. Rồi thêm nữa, nhà vua khẩn cầu Zeus Epistios (Người trông coi bếp lửa) và Zeus Hetaireios (Người bảo vệ bằng hữu), vẫn là các danh xưng khác của cùng vị thần này. Nhà vua đã khẩn cầu thần như Epistios vì khi đón nhận vị khách vào nhà, ông đã vô tình dung dưỡng kẻ giết con mình, và như Hetaireios vì khi đã phái vị khách đi làm người bảo vệ con trai, nhà vua lại phải thấy anh ta hóa ra là kẻ thù tệ hại nhất.
45. Sau đó, người Lydia mang thi thể tới, và theo sau là kẻ sát nhân. Anh ta đứng trước xác nạn nhân, nộp mình cho Kroisos, chìa hai bàn tay ra và khẩn cầu nhà vua hãy giết mình ngay trước thi thể, kể về nỗi bất hạnh trước đây của mình và nói rằng bên cạnh đó, giờ đây anh ta còn trở thành kẻ hủy hoại người đã thanh tẩy anh ta khỏi tội lỗi đó, và rằng cuộc đời với anh ta giờ đây không còn đáng sống nữa. Song Kroisos, sau khi nghe tất cả, đã thương hại Adrastos, cho dù chính nhà vua cũng đang phải chịu nỗi đau khổ khôn cùng, và nói với anh ta: “Vị khách lạ, ta đã nhận được từ ngươi tất cả sự trả giá xứng đáng, khi ta thấy ngươi kết án chính mình tội chết. Và không phải mình ngươi là
nguyên nhân gây ra tai họa này, ngoại trừ việc ngươi là công cụ gây ra nó ngoài ý muốn của ngươi, mà ta đoán một vị thần nào đó đã từ lâu nhắc nhở ta về chuyện rồi sẽ xảy ra”. Thế rồi Kroisos an táng con trai một cách xứng đáng, nhưng Adrastos con trai Gordias, cháu trai Midas, người đã giết chính anh trai mình, đồng thời cũng hủy hoại người đã thanh tẩy cho anh ta, chợt nhận ra khi im lặng bao trùm lên tất cả mọi người có mặt quanh nấm mồ, anh ta đã bị nỗi bất hạnh đè nặng hơn bất cứ ai anh ta từng biết, và anh ta tự sát ngay trên nấm mộ.
46. Trong hai năm sau đó, Kroisos lặng lẽ để tang, vì nhà vua đã bị tước đi đứa con trai. Nhưng sau thời gian này, việc Kyros cướp ngôi của Astyages, cũng như việc người Ba Tư đang lớn mạnh đã khiến Kroisos thôi than khóc và chú tâm vào việc chấm dứt sức mạnh của người Ba Tư bằng bất cứ cách nào ông có thể trong khi đối thủ này còn đang ở giai đoạn phát triển, và trước khi họ trở nên hùng mạnh. Hạ quyết tâm như vậy, nhà vua bắt đầu việc thử thách các dự ngôn giả tại Hy Lạp và một dự ngôn giả tại Libya1, phái sứ giả đi khắp nơi, một số tới Delphoi, một số khác tới Abai thuộc Phokis, một số khác nữa tới Dodona. Một số người được phái tới Amphiaraos cũng như Trophonios, số khác tới Brankhidai tại Miletos. Trên đây là những dự ngôn giả Hy Lạp mà Kroisos dự định hỏi ý. Ông cử các sứ giả khác tới hỏi ý Ammon tại Libya. Mục đích của ông là thử thách các dự ngôn giả, để nếu kết quả cho thấy họ có năng lực biết trước thực tế, ông có thể phái người tới hỏi họ lần hai, liệu ông có nên gây chiến với người Ba Tư không.
1. Libya được Herodotos dùng để chỉ không chỉ vùng lãnh thổ Libya ngày nay mà toàn bộ các vùng lãnh thổ châu Phi nằm về phía tây Ai Cập.
47. Với các sứ giả người Lydia, nhà vua ra lệnh như sau: Kể từ ngày họ rời Sardis, các sứ giả cần đếm số ngày trôi qua, và đến
ngày thứ 100, họ cần đến hỏi ý các dự ngôn giả, hỏi xem Kroisos vua Lydia, con trai Alyattes đang làm gì lúc đó.
Cho dù các dự ngôn giả có trả lời thế nào đi nữa, các sứ giả cũng phải ghi lại và mang câu trả lời về cho nhà vua. Những gì các dự ngôn giả khác dự đoán không còn được lưu lại tới ngày nay, song tại Delphoi, ngay khi sứ đoàn Lydia bước vào thánh điện của ngôi đền để tham vấn các vị thần và hỏi điều họ được lệnh phải hỏi, nữ tư tế Pythia đã nói những câu thơ lục bộ cách1 sau:
1. Còn gọi là hexameter, một thể thơ gồm sáu bộ (foot), mỗi bộ gồm hai âm tiết dài hoặc một âm tiết dài và hai âm tiết ngắn. (BT)
Ta đếm số hạt cát và số giọt nước trong đại dương; Ta nghe thấy kẻ câm và lắng nghe kẻ im lặng;
Ta ngửi được mùi một con rùa mai cứng
Bị luộc cùng với thịt một con cừu trong thanh đồng; Chiếc nồi bằng thanh đồng, và nắp cũng bằng thanh đồng.
48. Khi nữ tư tế Pythia đã phán xong, sứ đoàn Lydia liền ghi lại, rồi lập tức quay về Sardis. Và khi các sứ đoàn còn lại được phái đi cũng đã quay về đem theo câu trả lời của các dự ngôn giả, Kroisos liền mở lần lượt từng bản ghi chép và đọc qua chúng. Thoạt đầu, không câu trả lời nào làm nhà vua hài lòng, song khi biết được câu trả lời từ Delphoi, ông lập tức cầu nguyện tạ ơn vị thần và chấp nhận câu trả lời, đồng thời cho rằng dự ngôn giả tại Delphoi chân thật nhất, vì đã nói đúng điều chính nhà vua đã làm. Vì sau khi đã phái sứ giả tới một số dự ngôn giả, đồng thời ghi nhớ rõ ngày hẹn, nhà vua đã nghĩ ra kế như sau: Ông nghĩ tới một thứ không thể khám phá hay hình dung, sau khi
cắt một con rùa và một con cừu thành từng mảnh, tự tay nhà vua luộc chúng cùng nhau trong một chiếc vạc thanh đồng, đậy một chiếc vung thanh đồng lên trên.
49. Và đây cũng chính là câu trả lời dành cho Kroisos từ Delphoi; về phần câu trả lời của dự ngôn giả Amphiaraos, tôi không thểnói rõ câu trả lời ra sao với sứ đoàn Lydia sau khi họ đã thực hiện những thủ tục cần thiết trong đền, vì không còn bản ghi chép nào về câu trả lời này cũng như các câu trả lời khác, ngoại trừ việc Kroisos nghĩ Amphiaraos cũng sở hữu một dự ngôn giả chân thật.
50. Sau cuộc thử thách, nhà vua dùng đến những lễ hiến sinh lớn để giành lấy sự ưu ái của vị thần tại Delphoi: 3.000 loại súc vật dùng để hiến sinh, và ông dâng hàng đống trường kỷ khảm vàng và khảm bạc, những chiếc cốc vàng, những chiếc áo choàng tía, chất thành một giàn thiêu lớn, rồi đốt cháy tất cả lễ vật, hy vọng giành thêm sự ưu ái của các vị thần cho phía Lydia. Và nhà vua tuyên cáo với toàn dân Lydia rằng tất cả họ cần làm lễ hiến sinh bằng những gì mỗi người có. Khi nhà vua kết thúc hiến sinh, ông cho nấu chảy một lượng lớn vàng, và dùng chúng đúc thành từng thỏi nửa hình vuông dài 6 palaistai1, rộng 3 palaistai và dày 1 palaiste; có tất cả 117 thỏi. Trong số này có bốn thỏi vàng nguyên chất, mỗi thỏi nặng 2,5 talanta, còn lại là những thỏi vàng pha bạc nặng 2 talanta. Nhà vua cũng ra lệnh đúc một bức tượng sư tử bằng vàng ròng nặng 10 talanta; khi ngôi đền ở Delphoi bị đốt trụi, bức tượng sư tử này đã rơi khỏi đế đặt của nó, và hiện tại đang được cất trong bảo khố thành Korinthos, còn nặng 6,5 talanta, vì 3,5 talanta đã bị đun chảy và lấy đi khỏi bức tượng.
1. 1 palaiste (sn: palaistai) tương đương khoảng 7,6 cm.
51. Sau khi làm xong những việc kể trên, Kroisos đưa chúng tới Delphoi cùng các lễ vật sau đây: Hai bình pha rượu cỡ lớn, một bằng vàng và một bằng bạc trong đó chiếc bình vàng được đặt bên phải khi người ta bước vào đền, còn chiếc bình bạc nằm bên trái, song vị trí của những chiếc bình này cũng thay đổi sau khi ngôi đền bị cháy trụi, và chiếc bình vàng hiện nay nằm trong bảo khố của người Klazomenai, nặng hơn 8.5 talanta và 12 mnai1. Còn chiếc bình bạc được đặt trong góc tiền sảnh và đựng được 600 vò (được người Delphoi đổ đầy rượu vang vào dịp lễ Theophania). Người Delphoi kể rằng chiếc bình này là tác phẩm của Theodoros người Samos, và theo như tôi nghĩ thì đúng là vậy, vì với tôi rõ ràng cách chế tác không phải kiểu tầm thường. Thêm vào đó, Kroisos dâng bốn hũ đựng rượu vang bằng bạc, hiện đang nằm trong bảo khố thành Korinthos; hai chậu đựng nước thánh, một bằng vàng và một bằng bạc, trên chậu vàng có ghi “từ người Lakedaimon” cho biết đây là lễ vật của họ. Thế nhưng ở đây họ đã nói không đúng, vì lễ vật này của Kroisos, song một người Delphoi đã ghi dòng chữ lên đó, mong muốn lấy lòng người Lakedaimon. Tôi biết tên người này song sẽ không nhắc đến. Cậu bé làm nhiệm vụ rót nước thánh là người Lakedaimon, song cả hai cái chậu đựng nước thánh đều không phải của người Lakedaimon. Cùng những thứ này, Kroisos đã gửi đi rất nhiều lễ vật khác, không đặc biệt nổi bật, trong đó có những chiếc bình tròn bằng bạc, một bức tượng phụ nữ bằng vàng cao 3 pekhes2 mà người Delphoi nói là tượng người thợ làm bánh của Kroisos. Thêm vào đó, Kroisos còn dâng lễ cả những món đồ trang sức đeo trên cổ và thắt lưng của vợ mình.
1. 1 mna (sn: mnai) tương đương 0,5 kg.
2. 1 pekhys (sn: pekhes) Hy Lạp tương đương khoảng 46 cm, về quy ước là chiều dài cẳng tay từ đầu ngón giữa tới khuỷu tay.
52. Đó là những lễ vật nhà vua gửi tới Delphoi. Còn với đền Amphiaraos, đã nghe nói tới sự can đảm và số phận bi thảm của vị anh hùng này, nhà vua dâng một chiếc khiên làm toàn bằng vàng, một cây giáo bằng vàng khối, cả cán cũng như hai đầu, và những lễ vật này đều còn lưu lại đến tận thời của tôi tại Thebai, trong ngôi đền Apollon Ismenios.
53. Với sứ đoàn Lydia làm nhiệm vụ mang lễ vật tới các ngôiđền, Kroisos ra lệnh cho họ cũng phải hỏi các dự ngôn giả liệu ông có nên tấn công người Ba Tư hay không, và nếu có thì liệu ông có nên liên minh với bất cứ đội quân nào không. Và khi các sứ đoàn Lydia tới nơi và đã dâng lễ vật, họ hỏi ý các dự ngôn giả rằng: “Kroisos, vua của người Lydia và các dân tộc khác, coi đây là những dự ngôn giả chân thật duy nhất trên đời, dâng tặng lên các vị những lễ vật xứng đáng với lời tiên tri của các vị, và giờ đây lại xin hỏi các vị liệu ngài có nên tấn công người Ba Tư hay không, và nếu có, liệu ngài có nên liên minh với bất cứ đội quân nào không”. Các sứ giả đưa ra câu hỏi như vậy, và câu trả lời từ cả hai dự ngôn giả đều thống nhất, phán rằng nếu Kroisos tấn công người Ba Tư, nhà vua sẽ tiêu diệt một đế quốc vĩ đại. Họ cũng khuyên ông tìm ra những người Hy Lạp mạnh nhất và liên minh với họ.
54. Thế nên khi các câu trả lời được mang về cho Kroisos, nhà vua rất phấn khích, và tự tin mình chắc chắn sẽ tiêu diệt vương quốc của Kyros, ông lại phái người tới Delphoi, sau khi đã tìm hiểu chắc chắn về dân số, và đảm bảo mỗi công dân được ban cho hai đồng stateres1 vàng. Đổi lại, người Delphoi dành cho Kroisos và người Lydia quyền ưu tiên khi hỏi ý dự ngôn giả và được miễn thuế, cũng như quyền được ngồi hàng ghế đầu trong các cuộc thi đấu, và quyền công dân Delphoi vĩnh viễn cho bất cứ người Lydia nào nếu muốn.
1. Đơn vị tiền tệ bằng vàng hoặc bạc thời Hy Lạp cổ, ban đầu dưới dạng thỏi, sau đó đúc thành tiền xu, ngoài ra stateres cũng là đơn vị khối lượng tương đương 16,8 g.
55. Sau khi đã tặng quà người Delphoi, Kroisos hỏi ý dự ngôn giả lần thứ ba, vì từ lần biết được sự thật từ dự ngôn giả, ông đã nhiều lần viện đến việc này. Ở lần tham vấn tiếp theo, nhà vua hỏi liệu vương triều của ông có tồn tại trong một thời gian dài hay không. Và nữ tư tế Pythia trả lời ông như sau:
Khi một con la làm vua người Media
Lúc đó, hỡi người Lydia chân mềm, hãy chạy đến bờ cát sông Hermos1
Và chớ nán lại, cũng chớ khinh việc đóng vai kẻ hèn nhát. 1. Tên một dòng sông ở Tiểu Á.
56. Khi những lời này đến tai nhà vua, Kroisos còn vui mừng hơn khi nhận được những thứ còn lại, vì ông cho rằng một con la sẽ không bao giờ có thể trở thành vua người Media thay vì một con người, và như thế ông và những người thừa kế của ông sẽ cai trị mãi mãi. Sau đó, nhà vua nghĩ đến việc nên liên minh với thành bang Hy Lạp nào. Và qua tìm hiểu, nhà vua biết người Lakedaimon1 và người Athenai có địa vị nổi bật nhất, cộng đồng thứ nhất thuộc nòi giống Doris2, cộng đồng thứ hai thuộc nòi giống Ionia3. Đây là những nòi giống vốn hùng mạnh từ thời xa xưa, nhóm thứ hai là người Pelasgoi, còn nhóm thứ nhất là người cổ Hy Lạp; cộng đồng thứ hai chưa bao giờ di cư khỏi nơi
phát tích của họ theo bất cứ hướng nào, trong khi cộng đồng thứ nhất lại di chuyển rất nhiều.
1. Hay Lakonia, vùng cực nam bán đảo Peloponnesos tại Hy Lạp, có thủ đô là Sparta.
2. Một trong bốn sắc tộc chính của người Hy Lạp cổ đại (cùng các sắc tộc Aiolis, Akhaia và Ionia). Các thành bang theo sắc tộc Doris được đặc trưng bởi khẩu âm Dorike cùng các đặc trưng xã hội, lịch sử. Nổi tiếng nhất trong cộng đồng Doris là các thành bang Korinthos và Sparta.
3. Một trong bốn sắc tộc chính của người Hy Lạp cổ đại, trong đó Ionia và Doris là hai nhóm sắc tộc mạnh nhất. Nổi bật nhất trong các thành bang Ionia là Athenai, với các thành tựu triết học, nghệ thuật, dân chủ và khoái lạc, trong khi người Doris, điển hình là Sparta, lại khắc khổ và nổi tiếng về quân sự. Xung đột giữa hai cộng đồng này đã dẫn tới chiến tranh Peloponnesos.
Vì dưới thời Deukalion, dân tộc Hy Lạp đã cư trú tại Phthiotis, rồi đến thời của Doros con trai Hellen, họ lại sống dưới chân núi Ossa và Olympos, được gọi là vùng Histiaiotis. Khi bị các Kadmeioi xua đuổi, họ định cư gần núi Pindos và được gọi là người Makedonia; rồi từ đó, họ di cư tới Dryopis, và từ Dryopis cuối cùng họ tới Peloponnesos, và bắt đầu được gọi là người Doris.
57. Tuy nhiên, tôi không thể nói chắc được người Pelasgoi từng sử dụng ngôn ngữ nào. Song nếu cần đưa ra phán đoán dựa vào những người Pelasgoi còn lại cư trú ở thành Kreston phía trên người Tyrrhenoi, những người từng là láng giềng của tộc người hiện nay được gọi là người Doris, khi đó cư ngụ ở vùng đất ngày nay mang tên Thessaliotis, cũng như dựa vào những người Pelasgoi còn lại định cư tại Plakia và Skylake ở Hellespontos, những người trước đó từng định cư cùng người Athenai, và từ cư dân bản địa của nhiều đô thị khác có nguồn gốc Pelasgoi thực thụ, cho dù họ đã đánh mất tên gọi – nếu cần đưa ra phán quyết dựa vào những đầu mối này, thì người Pelasgoi từng nói một
thứ man ngữ. Như thế có nghĩa là nếu tất cả các tộc người Pelasgoi đều như vậy, thì người Attika, vốn có nguồn gốc Pelasgoi, đã đánh mất bản ngữ của mình trong cùng thời gian họ thay đổi và trở thành một tộc người Hy Lạp. Vì người Kreston không nói cùng ngôn ngữ với bất cứ dân tộc nào cư trú quanh họ, và người Plakia cũng thế, mà hai dân tộc này lại nói cùng một ngôn ngữ: như vậy có thể chứng minh họ vẫn giữ y nguyên thứ ngôn ngữ họ mang theo khi di cư tới những nơi này.
58. Về chủng tộc Hy Lạp, họ vẫn luôn sử dụng cùng một ngôn ngữ từ khi hình thành, như tôi nhận thấy rất rõ ràng; kể từ thời kỳ chủng tộc này tách khỏi người Pelasgoi một cách yếu ớt, để rồi từ một khởi đầu khiêm tốn phát triển thành một số lượng đông đảo các tộc người như chúng ta thấy, và chủ yếu vì rất nhiều man tộc đã gia nhập cùng họ. Và thêm nữa, theo tôi nghĩ, điều này cũng đúng với người Pelasgoi, chừng nào còn là một man tộc, họ sẽ không bao giờ phát triển mạnh mẽ.
59. Trong hai nòi giống này, Kroisos được cho biết rằng người Athenai bị chia rẽ thành các phe phái và chịu sự cai trị của Peisistratos con trai Hippokrates, người khi đó là tiếm chúa của Athenai. Với Hippokrates, khi ông này tới xem các hội thi Olympia với tư cách một công dân, có một điều kỳ diệu lớn lao đã xảy ra. Sau khi ông dâng lễ hiến tế, những chiếc vạc để trên bếp, đầy ắp thịt và nước, đã sôi sùng sục mà không hề có lửa đun bên dưới và trào ra ngoài. Khilon người Lakedaimon tình cờ có mặt và chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ, đã khuyên Hippokrates: Thứ nhất không được mang về nhà một người vợ để sinh con cho ông ta, và thứ hai, nếu tình cờ ông ta đã có vợ, hãy bỏ người vợ đó, và nếu tình cờ ông đã có con trai, hãy từ bỏ đứa con này. Người ta kể rằng khi Khilon đưa ra lời khuyên như vậy, Hippokrates không sẵn sàng nghe theo, vì thế về sau ông có đứa con trai Peisistratos này; khi người Athenai sống ở vùng bờ biển xung đột với người Athenai vùng đồng bằng, trong đó Megakles con trai Alkmaion là thủ lĩnh phái thứ nhất, và Lykourgos con trai Aristoleides là thủ lĩnh phái đồng bằng, đứa con trai của
Hippokrates nhắm tới việc giành tiếm chúa quyền cho chính mình và tập hợp một phái thứ ba. Tiếp theo, sau khi đã tập hợp những người ủng hộ và tự phong là thủ lĩnh của những người vùng núi, Peisistratos nghĩ ra một mưu kế như sau: Ông ta gây thương tích cho mình và những con la của mình, rồi sau đó đánh xe tới chợ như thể vừa thoát khỏi các đối thủ của mình, những người mà ông cáo buộc muốn giết ông khi ông ta đang đánh xe ra vùng nông thôn. Rồi Peistrastos yêu cầu giới bình dân cho ông một đội cận vệ, vì trước khi chuyện này xảy ra, ông ta đã tạo lập được danh tiếng khi chỉ huy quân đội chống lại người Megara, trong cuộc chiến này Peisistratos đã chiếm được Nisaia và lập được nhiều công trạng khác. Nhân dân Athenai đã bị lừa giao cho ông ta sử dụng những người được lựa chọn từ các công dân, những người này trở thành, không phải các tay giáo, mà các tay gậy của Peisistratos; vì bọn họ theo sau ông ta với gậy gỗ trong tay. Rồi những người này cùng Peisistratos làm chính biến và chiếm Akropolis. Sau đó Peisistratos cai trị Athenai, không làm xáo trộn các chức vụ đang tồn tại hay sửa luật; ngược lại, ông ta cai quản đô thị theo những định chế đã được thiết lập, thực hiện việc này một cách công bình và tốt đẹp.
60. Tuy nhiên, không lâu sau biến cố kể trên, những người ủng hộ Megakles và Lykourgos liên minh với nhau và đánh đuổi ông ta. Peisistratos đã giành lấy quyền cai trị Athenai lần đầu tiên và đã đánh mất quyền lực như vậy, trước khi ông ta kịp củng cố thế lực. Nhưng những người đã đánh đuổi Peisistratos sau đó lại mâu thuẫn với nhau. Và Megakles, bị phiền toái bởi bất hòa phe phái, gửi một thông điệp tới Peisistratos hỏi xem ông có sẵn lòng cưới con gái ông ta làm vợ không để đổi lấy việc trở thành tiếm chúa. Sau khi Peisistratos chấp nhận lời đề xuất và lập một thỏa thuận dựa trên những điều khoản này, để nhằm đưa ông trở về, họ nghĩ ra một mưu kế, theo như tôi nghĩ, là mưu kế đơn giản nhất từng được thực hiện, ít nhất nếu cân nhắc tới việc nó được thực hiện vào thời điểm người Hy Lạp đã từ lâu nổi bật hơn hẳn so với man tộc về sự khôn khéo và thoát khỏi sự ngu dại, và trong hàng ngũ người Hy Lạp, người Athenai vốn được
đánh giá hàng đầu về năng lực. Tại làng Paionia có một phụ nữ tên là Phya, thiếu 3 daktyloi1 nữa thì cao đúng 4 pekhes, và có thân hình rất đẹp. Họ mặc giáp trụ đầy đủ cho người phụ nữ này, đưa cô ta leo lên một chiếc mã chiến xa và chỉ cho cô ta cách cư xử để thể hiện tốt nhất vai của mình, rồi họ đánh xe vào thành phố, sau khi đã cử các tín sứ đi trước, những người này, khi tới thành phố, thông báo những gì họ được lệnh phải làm, và nói như sau: “Hỡi người Athenai, hãy nhiệt liệt hoan nghênh Peisistratos, kẻ được chính Athena ưu ái hơn tất thảy người trần, đưa về Akropolis của người”. Thế là các tín sứ đi hết chỗ này chỗ kia thông báo như vậy, và lập tức từ khắp các ngôi làng lan truyền tin tức nữ thần Athena đang đưa Peisistratos trở lại. Và thị dân, tin tưởng người phụ nữ kia chính là nữ thần, đã cầu nguyện trước cô ta và hoan nghênh Peisistratos đã trở lại.
1. 1 daktylos (sn: daktyloi) tương đương 1,9 cm. (BT)
61. Sau khi giành lại tiếm chúa quyền theo cách kể trên, tuân theo thỏa thuận với Megakles, Peisistratos đã cưới con gái Megakles; nhưng vì ông đã có các con trai trưởng thành, đồng thời hậu duệ của Alkmaion lại được cho là phải chịu một lời nguyền, vậy nên Peisistratos không muốn có thêm con từ người vợ mới cưới, và đã không quan hệ với người phụ nữ theo cách thông thường. Ban đầu, người vợ giữ bí mật việc này, nhưng sau đó cô kể với mẹ mình, có phải để trả lời những câu dò hỏi của bà mẹ hay không thì tôi không thể nói chắc; và bà mẹ nói với chồng, Megakles. Ông này rất phẫn nộ vì bị Peisistratos sỉ nhục như vậy; và trong cơn giận dữ, Megakles lập tức hòa giải với phe đối lập. Và khi Peisistratos biết được những gì đang được thực hiện chống lại mình, ông rời khỏi vùng và tới Eretria, nơi ông ta cùng các con trai bàn bạc, và lời khuyên của Hippias thuyết phục được tất cả, theo đó họ cần nỗ lực giành lại tiếm chúa quyền, và họ bắt đầu gom góp tiền từ các thành bang đã mắc nợ
họ vì những lợi ích nhận được; và rất nhiều nơi đóng góp các khoản tiền lớn, song góp tiền nhiều hơn cả là người Thebai. Sau đó, để không kể lể dài dòng, thời gian trôi qua và cuối cùng mọi thứ đã sẵn sàng cho cuộc hồi hương. Từ Peloponnesos, một số người Argos đã tới để làm lính đánh thuê, và một người Naxos, có tên là Lygdamis, đã tự tìm đến với họ, và tỏ ra rất nhiệt thành trong việc cung cấp cả tiền lẫn người.
62. Sau 11 năm lưu vong, họ ra khơi từ Eretria và hồi hương. Và tại Attika, nơi đầu tiên họ chiếm giữ là Marathon. Trong khi họ đóng trại ở đó, những người ủng hộ từ trong thành phố tìm đến với cha con Peisistratos, cũng như các dân làng, họ mong muốn tiếm chúa chế hơn tự do.
Vậy là những người này tập hợp lại, song người Athenai ở trong thành phố, trong suốt thời gian cha con Peisistratos tích cóp tiền, rồi sau đó, khi ông ta chiếm cứ Marathon, đều không để tâm tới những biến cố này; nhưng khi họ hay tin ông ta đang từ Marathon hành quân về Athenai, họ liền tập hợp lại để đối phó với ông ta. Những người này dồn toàn lực để chiến đấu chống lại những kẻ lưu vong muốn trở về, và lực lượng dưới quyền Peisistratos, trên đường từ Marathon tiến về thành phố đã chạm trán với họ ngay khi họ tới chỗ đền Athena Pallenis, và cắm trại đối diện với họ. Thế rồi, theo sự chỉ dẫn của các vị thần, có một người tìm đến gặp Peisistratos, đó là Amphilytos, một thầy bói người Akarnania, ông đến gặp Peisistratos để phán lời tiên tri bằng câu thơ lục bộ cách sau:
Lưới đã được quăng và mắt lưới trải rộng,
Lũ cá ngừ sẽ lao xuyên màn đêm sáng trăng.
63. Amphilytos tuyên bố như vậy nhờ linh cảm, và Peisistratos, sau khi hiểu và nói ông ta chấp nhận lời tiên tri đã được đưa ra, liền dẫn quân đội của mình tấn công kẻ thù.
Đúng vào thời điểm đó, những người Athenai tới từ thành phố còn đang ăn sáng, và một số người sau bữa ăn đang chơi xúc xắc hay ngủ; vậy là đội quân của Peisistratos ập tới và khiến họ phải tháo chạy. Trong khi những người này bỏ chạy, Peisistratos nảy ra một mưu mẹo rất khôn khéo để khiến những người này không thể tập hợp thành một khối thống nhất nữa mà tiếp tục bị phân tán ở bên ngoài. Ông ta cho các con trai của mình cưỡi lên lưng ngựa và cử các con đi trước mình; và khi bắt kịp những kẻ đào tẩu, họ liền nói lại những gì Peisistratos đã ra lệnh cho họ, trấn an từng người và hối thúc họ trở về nhà.
64. Người Athenai làm đúng như vậy, và thế là Peisistratos chiếm Athenai lần thứ ba, và ông củng cố vững chắc tiếm chúa quyền của mình nhờ lính đánh thuê đông đảo và nguồn tiền dồi dào, xuất phát một phần từ chính lãnh thổ này, một phần từ vùng sông Strymon, và cũng từ việc bắt làm con tin con trai của những người Athenai còn ở lại không lập tức chạy trốn rồi giao họ vào tay người Naxos; nơi này cũng bị ông chinh phục bằng chiến tranh và giao cho Lygdamis cai quản. Thêm vào đó, ông đã thanh tẩy đảo Delos theo chỉ dẫn của dự ngôn giả; việc thanh tẩy được ông thực hiện như sau: Cho tới hết tầm mắt khi nhìn ra từ ngôi đền, ông cho khai quật tất cả các thi thể được chôn ở phần đất này lên và chuyển tới một khu vực khác trên đảo Delos. Vậy là Peisistratos cai trị Athenai, dù một số công dân đã ngã xuống khi chiến đấu, và một số khác tháo chạy khỏi vùng cùng các Alkmaionidai.
65. Đó là tình hình của người Athenai mà Kroisos biết được vào lúc đó. Về người Lakedaimon, ông được biết họ đã thoát khỏi những tai họa lớn lao và lúc này đã giành phần thắng trước người Tegea trong chiến tranh.
Khi Leon và Hegesikles là vua của Sparta, người Lakedaimon, vốn rất thành công trong tất cả các cuộc chiến khác của họ, đã bại trận liên tiếp dưới tay người Tegea. Hơn thế, vào thời kỳ trước, họ là dân tộc được cai quản tệ nhất tại Hy Lạp, cả trong
các vấn đề nội bộ và trong quan hệ với những người bên ngoài vốn bị họ xa lánh. Và họ đã chuyển đổi sang một thành bang có trật tự tốt theo cách sau.
Khi Lykourgos, một người Sparta có tiếng tăm, ghé thăm dự ngôn giả tại Delphoi, nữ tư tế Pythia đã nói những lời này ngay khi ông bước vào thánh địa:
Ngươi đã đến ngôi đền trù phú của ta, Lykourgos,
Kẻ được Zeus và các vị thần linh cư trú trên Olympos yêu quý.
Ta không biết liệu nên phán ngươi là thần hay người. Nhưng ta thiên về việc tin ngươi là một vị thần, Lykourgos.
Một số người nói thêm là nữ tư tế Pythia còn bày cho ông cách thiết lập các trật tự vẫn tồn tại ngày nay ở Sparta; song bản thân người Lakedaimon nói Lykourgos, sau khi trở thành người nhiếp chính cho đứa cháu Leobotes, vua của Sparta, đã mang những luật lệ này về từ Krete. Vì ngay khi nhiếp chính, ông đã thay đổi tất cả các luật lệ sẵn có, áp dụng các biện pháp để chúng không vi phạm tới các định chế của ông; rồi sau đó Lykourgos thiết lập các định chế liên quan tới chiến tranh, cụ thể là enomotiai1, triekades2 và syssitia3, và thêm vào đó còn có các ephoroi (giám sát quan) và nguyên lão.
1. enomotia (sn: enomotiai): Đơn vị của quân đội Sparta. Mỗi enomotia gồm từ 25 đến 36 người.
2. triekas (sn: triekades): Đơn vị của quân đội Sparta. Mỗi triekas gồm 30 người. (BT) 3. Nhóm người ăn chung. (BT)
66. Sau khi thay đổi như vậy, người Sparta có pháp luật tốt, và với Lykourgos, sau khi ông mất, họ dựng một ngôi đền và thờ cúng ông rất trang trọng. Rồi sau đó, như hoàn toàn có thể đoán được, với một vùng đất màu mỡ và cư dân đông đảo, họ lập tức vươn lên và trở nên sung túc; với họ, ở yên một chỗ không còn làm họ hài lòng nữa; cho rằng mình mạnh hơn người Arkadia, họ hỏi ý dự ngôn giả Delphoi về việc chinh phục toàn bộ Arkadia; và nữ tư tế Pythia trả lời như sau:
Đòi ta Arkadia ư? Các ngươi đòi hỏi quá nhiều. Ta từ chối. Có rất nhiều người tại Arkadia, tất cả đều ăn hạt sồi,
Chúng sẽ cản đường các ngươi. Nhưng ta không hận các ngươi.
Ta sẽ ban Tegea làm nơi lai vãng cho các ngươi, một đồng bằng đẹp đẽ
Để nhảy múa và đo đạc bằng dây.
Khi người Lakedaimon được hồi đáp, họ liền để mặc vùng Arkadia và tiến quân tới Tegea với những chiếc xiềng trên tay, tin tưởng vào một dự ngôn giả bịp bợm và trông đợi sẽ nô dịch được người Tegea. Nhưng họ bại trận, và những người bị bắt làm tù binh buộc phải đeo những chiếc xiềng mà họ đã mang theo, và phải “đo đạc bằng dây” đồng bằng Tegea. Những bộ xiềng họ mang theo thậm chí còn được lưu giữ đến tận thời của tôi tại Tegea, treo trong đền Athena Alea.
67. Như tôi đã nói, trong cuộc chiến tranh trước đây, người Lakedaimon đã chiến đấu với người Tegea và liên tục gặp bất lợi; song đến thời của Kroisos, khi Anaxandridas cùng Ariston trị vì ở Lakedaimon, họ cuối cùng cũng giành ưu thế theo cách sau.
Khi họ tiếp tục bị người Tegea đánh bại trong chiến tranh, họ phái các sứ giả tới Delphoi và hỏi họ cần khẩn cầu vị thần nào để
chiến thắng. Nữ tư tế Pythia trả lời họ rằng họ cần mang hài cốt của Orestes, con trai Agamemnon, về Sparta. Sau đó, vì không thể tìm thấy mộ Orestes, họ lại cử người tới thỉnh cầu thần linh để hỏi vị trí Orestes được an táng, và các sứ giả nhận được câu trả lời này:
Tại Tegea thuộc Arkadia, trên mặt đất bằng phẳng, Nơi hai luồng gió phải thổi,
Cú đánh đáp lại cú phản đòn, và thống khổ chồng chất thống khổ.
Tại đó mặt đất ban sự sống nắm giữ con trai Agamemnon; Hãy đưa người về nhà, và các ngươi sẽ làm chủ Tegea.
Khi người Lakedaimon nghe được câu trả lời, họ vẫn không tài nào tìm ra ngôi mộ cho dù đã tìm kiếm khắp nơi, cho tới khi Likhas, một trong những người Sparta được gọi là Agathoergoi (Ân nhân) phát hiện ra nó. Agathoergoi gồm năm người già nhất rời khỏi hàng ngũ kỵ binh mỗi năm; sau khi giải ngũ, họ được phái đi bất cứ nơi nào được yêu cầu và tích cực phụng sự thành bang.
68. Likhas, một trong những người này, đã phát hiện ra ngôi mộ ở Tegea nhờ vào cả vận may và năng lực. Vì lúc đó đang có thỏa ước đình chiến với người Tegea, ông này đã đến một lò rèn ở đó và đang theo dõi quá trình rèn sắt; và ông rất kinh ngạc khi chứng kiến những gì được làm. Vì thế, người thợ rèn, nhận thấy vị khách ngỡ ngàng, liền dừng tay và nói: “Hỡi người lạ Lakedaimon, hẳn nếu ông từng thấy điều tôi đã thấy một lần, ông sẽ vô cùng kinh ngạc, vì lúc này ông có vẻ rất ngỡ ngàng với quá trình rèn mẫu sắt này; vì tôi đây, vào lúc muốn đào một cái giếng trong khuôn viên này, đã đào phải một chiếc quan tài dài tới 7 pekhes; vì không tin được từng có những người cao lớn hơn con người ngày nay, tôi liền mở quan tài ra, và thấy rằng cái xác
bên trong cũng dài bằng quan tài; rồi sau khi đã đo xong, tôi liền lấp lại đất lên quan tài”. Người thợ rèn đã kể lại những gì trông thấy cho vị khách như vậy; còn Likhas, sau khi ngẫm nghĩ về những gì nghe được, liền phỏng đoán cái xác kia là Orestes theo lời dự ngôn giả, và đi đến phỏng đoán của ông như sau: Khi Likhas thấy người thợ rèn có hai cặp bễ, ông kết luận rằng đó là hai luồng gió, còn đe và búa chính là cú đánh và cú phản đòn, còn thỏi sắt đang rèn chính là “thống khổ chồng chất thống khổ”, vì rằng sắt đã gây ra sự đau thương của nhân loại. Sau khi suy đoán như vậy, ông ta trở về Sparta và báo lại toàn bộ vấn đề với các công dân. Người Lakedaimon sau đó vu cáo và trục xuất ông.
Trở lại Tegea, Likhas kể cho người thợ rèn biết vận rủi của mình, đồng thời thuyết phục người thợ rèn cho ông ta thuê khuôn viên. Thoạt đầu, người thợ rèn không đồng ý, song cuối cùng Likhas cũng thuyết phục được ông này, và ông ta lưu lại đó, rồi đào ngôi mộ lên và thu nhặt tất cả hài cốt, sau đó mang chúng trở về Sparta. Từ đó trở đi, bất cứ khi nào người Lakedaimon và người Tegea giao chiến, người Lakedaimon lại có lợi thế. Cho tới giờ họ đã khuất phục được phần lớn Peloponnesos.
69. Kroisos, sau khi được thuật lại tất cả những việc này, đã phái sứ giả mang theo tặng phẩm tới Sparta để đề nghị liên minh, lệnh cho các sứ giả phải nói chính xác những gì mình đã dặn dò. Và các sứ giả này, khi tới nơi, đã nói: “Hỡi người Lakedaimon, vị thần qua một dự ngôn giả đã lệnh cho ta liên minh với người Hy Lạp, vì thế, do ta được biết các vị là thủ lĩnh của Hy Lạp, ta kêu gọi các vị liên minh theo thần dụ, mong muốn trở thành bằng hữu và đồng minh của các vị, không có mọi thủ đoạn và lừa gạt”.
Kroisos đã tuyên bố như vậy với người Lakedaimon qua các sứ giả của mình, và người Lakedaimon, vốn cũng đã biết thần dụ ban cho Kroisos, rất vui mừng trước sự xuất hiện của sứ đoàn Lydia và trao đổi với họ lời thề của tình bằng hữu và đồng minh;
vì họ cũng bị ràng buộc với Kroisos bởi một số việc nhà vua đã làm cho họ từ trước thời gian này; vì người Lakedaimon từng tìm tới Sardis và mua vàng tại đó để dùng tạc tượng Apollon hiện đang được để trên Thornax tại Lakonia, và Kroisos đã tặng vàng cho họ.
70. Vì lý do này, người Lakedaimon chấp nhận liên minh, và cũng vì ông đã chọn họ thay cho những người Hy Lạp khác. Và không chỉ họ đã sẵn sàng khi Kroisos đưa ra lời đề nghị, mà người Lakedaimon còn cho đúc một chiếc bình pha rượu bằng thanh đồng, bên ngoài thành bình phủ kín những hình trang trí, lớn tới mức đựng được 300 vò, và nói với sứ đoàn muốn tặng làm quà cho Kroisos.
Chiếc bình này không bao giờ tới được Sardis vì những lý do đã được thuật lại theo hai nguồn như sau. Người Lakedaimon kể rằng khi chiếc bình đang trên đường tới Sardis qua đảo Samos, người Samos, khi hay tin, liền đưa chiến thuyền ra khơi và đánh cắp nó. Tuy nhiên, người Samos kể rằng những người Lakedaimon được giao chuyên chở chiếc bình, khi biết họ đã đến quá muộn và hay tin Sardis thất thủ, còn Kroisos bị bắt làm tù binh, đã bán chiếc bình tại Samos, một vài người đã mua chiếc bình rồi dâng nó làm lễ vật tại đền Hera. Nhiều khả năng những kẻ đã bán chiếc bình khi trở về Sparta đã kể lại rằng người Samos đã cướp mất nó từ tay bọn họ. Đó là số phận của chiếc bình.
71. Kroisos, trong khi đó, hiểu lầm ý nghĩa của thần dụ,đã dẫn quân tiến tới Kappadokia, trông đợi sẽ đả bại Kyros và tiêu diệt đế quốc của người Ba Tư. Trong lúc Kroisos chuẩn bị, một người Lydia, người thậm chí từ trước thời điểm này đã được coi là một nhà hiền triết, và do đó có tiếng tăm rất lớn về sự thông tuệ trong những người Lydia, đã khuyên Kroisos như sau (tên ông là Sandanis): “Tâu bệ hạ, ngài đang chuẩn bị hành quân chống lại những người mặc quần bằng da, và phần trang phục còn lại của họ cũng bằng da; họ ăn những thức ăn không phải như họ ưa
thích mà là những gì họ có thể lấy được, sống tại một vùng đất gồ ghề; và hơn nữa, họ không dùng rượu vang mà uống nước; họ cũng không có trái vả nào để tráng miệng, hay bất cứ món ngon nào khác. Thế nên, nếu bệ hạ đánh bại họ, ngài sẽ cướp được gì của họ, khi họ vốn đã chẳng có gì? Mặt khác, nếu bệ hạ bị đánh bại, thử nghĩ xem ngài sẽ mất bao nhiêu thứ tốt đẹp; vì một khi đã nếm qua các món ngon của chúng ta, họ sẽ bám chặt lấy và sẽ không thể nào đuổi họ đi được. Về phần mình, thần biết ơn các vị thần vì họ đã không gieo vào đầu người Ba Tư ý nghĩ tấn công người Lydia”. Nhà hiền triết đã nói như vậy và không thuyết phục được Kroisos: vì đúng là người Ba Tư quả thực không hề có bất cứ sự xa xỉ hay món ngon nào trước khi họ chinh phục được người Lydia.
72. Người Kappadokia1 được người Hy Lạp gọi là người Syria. Trước khi quyền lực Ba Tư trỗi dậy, họ thần phục người Media, song vào thời gian này họ là thần dân của Kyros. Biên giới giữa vương quốc Media và Lydia là sông Halys; con sông này chảy từ vùng sơn cước Armenia qua người Kilikia, rồi sau đó, khi dòng sông chảy tiếp, bên phải nó là người Matienoi và bên trái là người Phrygia; sau đó, dòng sông ra khỏi vùng đất của các tộc người này rồi chảy ngược về phía Gió Bắc, ở phía đông là người Syria thuộc Kappadokia, còn phía tây là người Paphlagonia. Như vậy, sông Halys tách biên giới của gần như toàn bộ Tiểu Á khỏi biển chúng ta đối diện với Kyros về phía biển Euxeinos. Nơi này là yết hầu của cả bán đảo, chiều dài của nó khiến một người đàn ông mất năm ngày để đi hết.
1. Khu vực ngày nay ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ.
73. Và Kroisos tiến quân vào Kappadokia vì các lý do sau đây: Thứ nhất, vì nhà vua muốn chiếm vùng đất này để thêm vào lãnh thổ của mình, và sau đó đặc biệt là vì ông tin tưởng vào dự
ngôn giả và muốn báo thù Kyros vì Astyages. Vì Astyages, con trai Kyaxares và vua người Media, là em rể Kroisos và đã bị Kyros phế truất. Mối quan hệ hình thành trong hoàn cảnh dưới đây.
Một đám người du mục Skythia xung đột với các bộ lạc khác đã rút lui và di cư đến Media. Khi đó người Media được cai trị bởi Kyaxares, con trai Phraortes và cháu Deiokes. Lúc đầu Kyaxares đối xử tốt với người Skythia, vì họ đã cầu xin sự che chở của nhà vua; và vì đánh giá họ rất cao, nhà vua đã đưa các bé trai tới chỗ họ để học ngôn ngữ và cung thuật. Thế rồi thời gian trôi qua, và người Skythia thường liên tục đi săn và luôn mang về thành quả nào đó. Cho đến một lần họ không săn được gì, và khi họ trở về tay không, Kyaxares (vốn không mấy quảng đại, như nhà vua đã chứng tỏ trong dịp này) đã đối xử với họ rất tàn tệ và sỉ nhục họ. Còn những người du mục, khi bị Kyaxares đối xử như vậy, cho rằng họ đã bị làm nhục, và lập mưu giết một trong những cậu bé đang được dạy dỗ ở chỗ họ rồi chặt xác ra từng khúc, tẩm ướp thịt như họ vẫn hay tẩm ướp thịt thú hoang, mang dâng lên Kyaxares, giả bộ đó là con mồi săn được. Sau khi đã làm vậy, ý định của họ là sẽ nhanh chóng chạy tới chỗ Alyattes con trai Sadyattes tại Sardis. Cuộc bỏ trốn sau đó được thực hiện; còn Kyaxares và tất cả thực khách của ông phải nếm qua món thịt kia, trong khi những người Skythia trở thành những người cầu xin sự che chở của Alyattes.
74. Sau chuyện này, vì Alyattes không chịu giao nộp người Skythia khi Kyaxares yêu cầu, chiến tranh đã nổ ra giữa người Lydia và người Media, kéo dài suốt năm năm, trong thời gian đó người Media có lúc đánh bại người Lydia và người Lydia có lúc đánh bại người Media (trong những lần giao tranh họ có cả một trận đánh vào ban đêm). Sau năm năm bất phân thắng bại, một trận chiến diễn ra và trong thời gian đó đột nhiên ngày biến thành đêm. Và sự thay đổi của ngày này đã được Thales người Miletos tiên đoán với người Ionia, và thậm chí còn nói rõ cả năm hiện tượng này xảy ra. Tuy nhiên, người Lydia và người Media,
khi họ thấy ngày chuyển thành đêm, đã dừng giao chiến, và cả hai bên đều mong muốn thiết lập hòa bình. Những người làm trung gian đem lại hòa bình giữa hai phe là Syennesis người Kilikia và Labynetos người Babylon. Chính họ đã hối thúc việc tuyên thệhòa giải, và đưa đến một cuộc trao đổi hôn nhân. Họ quyết định rằng Alyattes cần gả con gái Aryenis cho Astyages, con trai Kyaxares, vì họ lường trước rằng nếu không có sự ràng buộc của một mối liên hệ chặt chẽ, các thỏa ước thường khó bền vững. Những dân tộc này cũng thực hiện cùng các nghi lễ tuyên thệ như người Hy Lạp, và thêm vào đó, họ còn cứa lên cánh tay mình, rồi sau đó liếm máu của nhau.
75. Astyages là ông ngoại của Kyros, đã bị Kyros tấn công và đả bại vì một lý do tôi sẽ nói rõ trong phần sau của câu chuyện này. Đây cũng là việc khiến Kroisos bất bình với Kyros khi ông phái sứ giả tới gặp dự ngôn giả để hỏi xem ông có nên tấn công người Ba Tư hay không; và khi nhận được một câu trả lời dễ gây hiểu nhầm, nhà vua liền dẫn quân vào lãnh thổ người Ba Tư, cho rằng câu trả lời có lợi cho mình.
Khi Kroisos tới sông Halys, theo lời kể tôi có được, ông cho quân vượt sông bằng những cây cầu có tại đó; nhưng theo giai thoại lưu truyền rộng rãi trong người Hy Lạp, chính Thales người Miletos đã giúp nhà vua đưa quân đội vượt sông. Vì, theo lời họ kể, khi Kroisos không biết làm cách nào để quân đội của mình có thể vượt sông (vì, họ kể thêm, vào thời điểm đó chưa hề có cây cầu nào ở các vị trí của chúng hiện nay), lúc ấy Thales có mặt trong đội quân đã khiến cho dòng sông, vốn đang chảy ở bên trái đạo quân, chảy sang một phần ở bên phải, và ông đã làm việc này như sau: Bắt đầu từ phía trên doanh trại, ông cho đào một con kênh sâu, tạo thành hình lưỡi liềm để dòng sông có thể chảy vòng qua đằng sau doanh trại theo lối này sau khi đã bị nắn khỏi dòng chảy cũ của nó bởi con kênh, rồi sau khi chảy qua sau doanh trại, dòng nước sẽ nhập trở lại vào dòng chảy cũ. Nhờ thế, ngay khi dòng sông bị tách làm đôi, cả hai nhánh đều trở nên có thể lội qua được; và một số người thậm chí còn kể là dòng
chảy cũ của con sông bị khô cạn hoàn toàn. Song tôi không thừa nhận câu chuyện này là đúng, vì nếu thế làm cách nào đoàn quân này có thể vượt sông được khi họ quay trở về?
76. Khi Kroisos cùng đạo quân của mình vượt sông, ông đến vùng của Kappadokia có tên là Pteria (ngày nay Pteria là nơi mạnh nhất ở vùng này, và tọa lạc đâu đó trên cùng một đường với Sinope bên bờ biển Euxeinos). Tại đây, nhà vua cắm trại và tàn phá đồng ruộng của người Syria. Thêm vào đó, ông chiếm thành Pteria, đem dân ở đó bán làm nô lệ, rồi chiếm cả các đô thị quanh vùng. Người Syria, vốn không làm gì sai, đã bị nhà vua ép buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ.
Trong khi đó, Kyros, sau khi tập hợp lực lượng của mình cùng với tất cả binh lực trong vùng ở giữa, đang tiến đến gặp Kroisos. Tuy nhiên, trước khi dẫn quân đội của mình xuất phát, ông đã phái các sứ giả tới chỗ người Ionia và tìm cách xúi giục họ nổi dậy chống lại Kroisos; song người Ionia không chịu làm như ông muốn. Sau đó, khi Kyros tới nơi và hạ trại đối diện với Kroisos, hai vị vua liền thử sức binh lực của nhau. Và sau trận đánh dữ dội, với nhiều người ngã xuống ở cả hai phía, cuối cùng màn đêm cũng buông xuống, hai đối thủ đành lui quân mà không bên nào giành được chiến thắng.
77. Kroisos không mấy hài lòng về quân số của mình (vì lực lượng liên hợp của ông bị đạo quân của Kyros áp đảo); đồng thời Kyros lại không tìm cách tấn công ông vào ngày hôm sau, Kroisos hành quân về Sardis với ý định kêu gọi người Ai Cập tới trợ giúp ông theo tuyên thệ (vì Kroisos đã liên minh với Amasis, vua Ai Cập, trước khi liên minh với người Lakedaimon), và cũng để kêu gọi cả người Babylon (vì Kroisos cũng liên minh với họ, và khi đó Labynetos là vua Babylon), rồi thêm nữa gửi thông điệp tới người Lakedaimon, yêu cầu họ tới hội quân vào một thời gian ấn định trước. Sau khi đã có tất cả các đồng minh này và đã tập hợp xong quân đội của chính mình, Kroisos định sẽ chờ qua mùa đông và tấn công Ba Tư khi xuân sang. Với những
ý nghĩ này trong đầu, ngay khi về tới Sardis, ông lập tức phái các tín sứ tới những đồng minh để ước định với họ rằng họ cần hội quântại Sardis vào tháng thứ tư kể từ lúc đó. Nhưng đội quân đánh thuê Kroisos đang có bên mình và từng chiến đấu chống lại quân Ba Tư lại bị ông giải tán hoàn toàn, vì ông không hề trông đợi Kyros, sau khi đã chạm trán ông với vận hội ngang ngửa, lại có thể hành quân về Sardis.
78. Khi Kroisos đang có những kế hoạch trong đầu, ngoại ô thành phố bỗng đột nhiên tràn ngập rắn; và khi lũ rắn này xuất hiện, những con ngựa được thả cho ăn cỏ ngoài bãi lập tức xông tới và ngấu nghiến chúng. Khi Kroisos trông thấy cảnh này, nhà vua cho rằng đó là một điềm gở, và quả thực là như vậy. Ông lập tức phái các sứ giả tới nơi cư ngụ của người Telmessos biết diễn giải các điềm báo. Và các sứ giả này biết được từ người Telmessos ý nghĩa của điềm báo, nhưng họ không thể báo lại cho Kroisos, vì trước khi sứ đoàn dong buồm về Sardis, Kroisos đã bị bắt làm tù binh. Người Telmessos đã luận giải điềm báo như sau: Kroisos cần đề phòng một đạo quân ngoại bang sẽ xâm lược lãnh thổ của ông, và khi đạo quân này tới, nó sẽ khuất phục cư dân bản địa; vì họ nói rắn là sinh vật được sinh ra từ đất, trong khi ngựa là một kẻ thù xa lạ. Những người Telmessos đã trả lời Kroisos như vậy sau khi nhà vua bị bắt làm tù binh, song họ vẫn chưa hề biết gì về những chuyện xảy ra tại Sardis cũng như với chính Kroisos.
79. Khi Kroisos rút lui sau trận giao chiến tại Pteria, Kyros biết rằng sau khi rút lui về, Kroisos định giải tán đạo quân của mình. Kyros liền tự cân nhắc và đi đến kết luận tốt nhất ông nên hành quân nhanh nhất có thể đến Sardis, trước khi người Lydia kịp tập hợp lực lượng trở lại. Sau khi hạ quyết tâm, ông thực hiện ngay không chần chừ. Kyros dẫn đạo quân của mình tiến vào Lydia nhanh tới mức chính ông là người đầu tiên báo sự xuất hiện của mình với Kroisos. Sau đó Kroisos, dù lâm vào cảnh nguy nan, vì những gì ông dự định đều xảy ra trái ngược với kỳ vọng của ông, vẫn chỉ huy người Lydia ra trận. Vào thời gian
này, không có dân tộc nào ở châu Á lại can trường và kiên cường trên chiến trường hơn người Lydia; họ chiến đấu trên lưng ngựa với những cây giáo dài, và là những kỵ sĩ xuất sắc.
80. Vậy là khi hai đạo quân gặp nhau tại vùng đồng bằng nằm trước Sardis – một đồng bằng rộng, trống trải, có những con sông chảy qua (nhất là sông Hyllos), tất cả đều chảy xuôi để hợp vào con sông lớn nhất mang tên Hermos bắt nguồn từ ngọn núi thiêng của nữ thần Dindymene, rồi đổ ra biển cạnh thành Phokaia.
Khi Kyros thấy người Lydia dàn trận, vì e ngại kỵ binh của họ, đã làm theo đề xuất của Harpagos, một người Media, như sau: Tất cả lạc đà đi theo đoàn quân của ông để chuyên chở lương thực và đồ đạc được nhà vua cho tập trung lại, dỡ hàng khỏi lưng rồi cho người ngồi lên lưng chúng, trang bị với khí giới của kỵ binh. Sau khi đã trang bị cho những người lính này như vậy, Kyros điều họ đi trước phần còn lại của quân đội tiến tới phía kỵ binh của Kroisos. Và đằng sau đội quân cưỡi lạc đà, ông bố trí toàn bộ lực lượng kỵ binh của mình. Thế rồi sau khi đã bố trí xong toàn bộ binh lực, Kyros lệnh cho họ không được tha mạng bất cứ người Lydia nào khác, giết tất cả những ai họ bắt gặp trên chiến trường, nhưng bản thân Kroisos thì không được giết, dù ông có chống cự khi bị bắt. Đó là mệnh lệnh của vua Ba Tư, và ông bố trí lạc đà đối diện với kỵ binh địch vì lý do này: vì ngựa sợ lạc đà và không chịu nổi khi phải nhìn thấy hình dáng hay ngửi phải mùi loài vật này. Cũng vì lý do này mưu kế đã được nghĩ ra, nhằm vô hiệu hóa kỵ binh của Kroisos, lực lượng vua Lydia trông cậy nhiều nhất trong trận đánh. Và khi hai đạo quân giáp chiến, ngay khi lũ ngựa ngửi thấy mùi lạc đà và thấy những con vật này, chúng liền quay đầu bỏ chạy, và mọi hy vọng của Kroisos lập tức tan thành mây khói. Tuy nhiên, về phần mình, các chiến binh Lydia đã không vì thế mà hành động một cách hèn nhát, khi nhận thấy điều đang xảy ra, họ liền xuống ngựa và chiến đấu trên bộ với người Ba Tư. Tuy nhiên, cuối cùng, sau khi đã có rất nhiều chiến binh ngã xuống ở cả hai bên, người
Lydia quay đầu tháo chạy; và sau khi bị đẩy lùi vào trong các bức tường thành của mình, họ bị người Ba Tư bao vây.
81. Khi đó, cuộc vây hãm đã diễn ra. Nhưng Kroisos, cho rằng cuộc hãm thành sẽ kéo dài, liền cử các tín sứ từ trong thành tới gặp các đồng minh của mình. Những sứ giả trước được phái đi để thông báo với các đồng minh rằng họ cần hội quân tại Sardis trong bốn tháng, nhưng với các tín sứ này, nhà vua phái đi để yêu cầu đồng minh tới trợ giúp ông ngay lập tức, vì Kroisos đang bị vây hãm.
82. Vậy là khi cầu viện các đồng minh, ông cũng phái người tới Lakedaimon. Nhưng người Sparta, vào đúng thời điểm đó cũng đang bất hòa với người Argos về một vùng tên Thyrea, một nơi thuộc Argolis, song đã bị người Lakedaimon chia cắt và chiếm
đóng. Ngày nay, toàn bộ vùng đất nằm về phía tây trải dài tới tận Malea thời ấy đều thuộc về người Argos, gồm đảo Kythera cùng những hòn đảo lân cận khác. Và khi người Argos kéo tới ứng cứu để tránh cho lãnh thổ của họ khỏi bị chia cắt, hai bên
thương thảo với nhau và nhất trí rằng mỗi phía sẽ cử ra 300 người chiến đấu, và bên nào thắng trong trận chiến sẽ giành được vùng đất tranh chấp. Ngoài ra, họ còn nhất trí rằng quân chủ lực của cả hai phía cần rút về nước, không ở lại trong khi trận chiến diễn ra vì e rằng nếu hai đạo quân ở lại, khi một bên chứng kiến đồng bào của họ thất thế có thể sẽ tới ứng cứu. Sau khi thỏa thuận xong, hai bên cùng rút quân, và những người được chọn ở mỗi bên được để lại để chiến đấu với nhau. Vậy là họ chiến đấu và chứng tỏ mình là những đối thủ ngang sức ngang tài. Cuối cùng, trong 600 người chỉ còn lại ba người, phía Argos là Alkanor và Khromios, còn bên phía Lakedaimon chỉ có Othryades. Những người này còn sống sót khi màn đêm buông xuống. Sau đó, hai người Argos, cho rằng họ là những người chiến thắng, liền chạy về Argos, nhưng Othryades người Lakedaimon, sau khi đã lột vũ khí trên xác những người Argos và mang về trại bên mình, vẫn trở lại vị trí của anh. Ngày hôm sau, cả hai bên quay lại chiến trường để xem kết quả, và trong
một hồi cả hai bên đều tuyên bố phần thắng thuộc về mình, một bên nói họ có nhiều người còn sống hơn, bên kia tuyên bố những người đó đã bỏ chạy, trong khi người của bên họ đã trụ lại vị trí và lột khí giới trên xác kẻ thù. Cuối cùng, vì cuộc tranh cãi này, hai bên xông vào nhau và bắt đầu giao chiến. Rồi sau khi rất nhiều người đã ngã xuống ở cả hai bên, người Lakedaimon giành phần thắng. Người Argos sau đó đã cắt tóc ngắn, trong khi trước đây họ bị luật bắt buộc phải để tóc dài, và họ lập ra một đạo luật với một lời nguyền kèm theo, quy định rằng từ đó trở đi không người đàn ông Argos nào được nuôi tóc dài, và phụ nữ của họ cũng không được đeo đồ trang sức bằng vàng, cho tới khi họ đã giành lại được Thyrea. Về phần mình, người Lakedaimon lại lập ra cho mình một đạo luật ngược lại, nghĩa là từ lúc đó trở đi họ sẽ để tóc dài, trong khi trước đây thì không. Và người ta kể rằng người chiến binh duy nhất còn sống sót trong số 300 người, tức Othryades, thấy hổ thẹn nếu trở về Sparta trong khi tất cả chiến hữu điều đã tử trận, đã tự sát ngay tại Thyrea.
83. Đó là tình hình đang diễn ra tại Sparta khi tín sứ từ Sardis tới yêu cầu họ trợ giúp Kroisos, người đang bị vây hãm. Bất chấp những khó khăn của chính mình, ngay khi biết tin từ tín sứ, họ đã hăng hái sẵn sàng đi trợ giúp vị vua đồng minh. Nhưng khi họ đã chuẩn bị xong và thuyền của họ đã sẵn sàng, thì tin thứ hai cho hay thành của người Lydia đã bị chiếm, và Kroisos đã bị bắt làm tù binh. Lúc đó họ mới dừng các nỗ lực của mình, buồn phiền trước biến cố này, coi nó như một tai họa lớn lao.
84. Việc thành Sardis bị chiếm đã diễn ra như sau: Đến ngày thứ 14 kể từ khi Kroisos bắt đầu bị vây hãm, Kyros ra tuyên bố với quân đội của ông sau khi điều kị binh tới các cánh quân khác nhau rằng ông sẽ thưởng cho người đầu tiên leo lên tường thành. Sau đó, đội quân của ông đã thử công thành, và khi đợt tấn công thất bại, khi tất cả những người khác đã dừng tấn công, một người Mardos tên là Hyroiades đã tìm cách tiếp cận tường thành ở nơi không có lính canh nào được bố trí, vì người trong thành không hề lo sợ thành có thể bị thất thủ từ phía đó,
vì đây là nơi tường thành dốc đứng và không thể tấn công được. Và cũng chỉ có phần tường thành này là Meles, vua trước đây của Sardis, đã không mang con sư tử mà phi tần đẻ cho ông đi qua, trong khi người Telmessos đã đưa ra phán quyết là nếu con sư tử được mang đi một vòng quanh các tường thành, Sardis sẽ không bao giờ bị chiếm: và Meles đã mang con sư tử đi qua khắp những phần tường thành còn lại, nghĩa là những nơi tòa thành dễ bị tấn công, và bỏ qua phần dốc đứng không thể tấn công được này. Ngày nay, đó là phần tường thành quay về phía Tmolos. Khi đó, Hyroiades người Mardos này vốn hôm trước đã nhìn thấy một người Lydia làm cách nào leo xuống theo bức tường thành đó để tìm chiếc mũ chiến anh ta đánh rơi từ trên thành, đã ghi nhận lại điều này, suy nghĩ và ghi nhớ sự việc. Sau đó, đích thân anh ta leo lên tường thành đầu tiên, theo sau người chiến binh là các binh lính Ba Tư khác, và sau khi rất nhiều người vào thành theo cách này, Sardis cuối cùng đã bị chiếm, và cả thành phố bị cướp phá.
85. Trong khi đó, chuyện xảy đến với Kroisos diễn ra như sau: Như tôi đã nói trước đây, nhà vua có một con trai, hình thể cũng không đến nỗi nào song lại bị câm. Trước đây, vào thời còn hưng thịnh, Kroisos đã làm tất cả những gì có thể cho đứa trẻ, và bên cạnh những điều chính nhà vua nghĩ ra, ông cũng phái sứ giả tới Delphoi để hỏi về con trai mình. Và nữ tư tế Pythia đã trả lời ông như sau:
Hậu duệ của Lydia, vua của muôn người, hỡi Kroisos khờ khạo,
Chớ mong nghe thấy trong sảnh âm thanh mà ngươi đã khẩn cầu bao năm,
Giọng nói của con trai ngươi. Điều ngược lại tốt hơn cho ngươi.
Vì ngươi sẽ nghe được nó trước tiên vào ngày tàn của ngươi.
Khi thành bị chiếm, một chiến binh Ba Tư sắp sửa giết Kroisos vì tưởng nhầm nhà vua là người khác; và Kroisos, về phần mình, khi thấy anh ta xông tới, không hề bận tâm tới việc này vì tai họa đã ập xuống đầu nhà vua. Với ông, dù có bị giết bởi đòn tấn công cũng chẳng có gì khác biệt. Nhưng đứa con trai câm của nhà vua, khi thấy người lính Ba Tư xông tới, vì kinh hoàng và lòng hiếu thảo đã phá tan vòng kiềm tỏa tiếng nói của mình và hét lên: “Tên kia, không được giết Kroisos”. Anh ta, như tôi vừa kể, đã cất tiếng nói đầu tiên vào lúc đó, và tiếp tục nói được trong suốt phần đời còn lại.
86. Người Ba Tư chiếm được Sardis và bắt Kroisos làm tù binh, sau khi ông đã trị vì 14 năm và bị vây hãm trong 14 ngày, và như vậy thần dụ phán rằng nhà vua sẽ kết liễu đế quốc vĩ đại của chính mình, đã hoàn thành. Quân Ba Tư giải ông tới trước mặt Kyros. Vua Ba Tư cho dựng một giàn thiêu lớn, buộc Kroisos leo lên đó trong xiềng xích, và cùng với ông là 14 chàng trai Lydia, có thể Kyros định hiến tế lễ vật này như quả ngọt đầu tiên từ chiến thắng của ông lên một vị thần nào đó, hoặc có thể nhà vua định hoàn tất một lời thề, hoặc do ông từng nghe nói Kroisos là một người kính sợ các vị thần và do vậy buộc tù nhân phải bước lên giàn thiêu vì Kyros muốn biết liệu có vị thần nào có thể cứu được Kroisos khỏi bị thiêu sống hay không. Dù thế nào đi nữa, người ta kể lại Kyros đã làm vậy. Về phần Kroisos, khi ông đứng trên giàn hỏa, cho dù đang trong tình thế thật thê thảm, ông vẫn chợt nhớ tới những lời của Solon, và nhận ra nhà hiền triết đã nói với sự linh cảm rằng không ai khi còn sống có thể được gọi là người hạnh phúc. Khi ý nghĩ này lướt qua trong tâm trí Kroisos, người ta kể lại ông đã thở dài ngao ngán và than lớn tiếng sau một hồi lâu im lặng, và đã thốt ra tên Solon ba lần. Nghe thấy thế, Kyros lệnh cho phiên dịch hỏi Kroisos xem nhân vật người tù vừa gọi tên là ai. Những người phiên dịch liền lại gần và hỏi. Và người ta kể rằng Kroisos giữ im lặng một hồi khi được hỏi điều này, nhưng sau đó, khi bị thúc ép, ông nói: “Một người mà tôi ao ước được trò chuyện cùng còn hơn cả sự giàu có của tất cả các bậc quân vương”. Vì những lời ông nói có vẻ khó
hiểu, các phiên dịch lại hỏi ông đã nói gì; vàvì họ rất gắt gao với Kroisos và không để cho người tù yên thân, ông liền kể lại việc từng có lần Solon, một người Athenai đã tới triều kiến ông, và sau khi chứng kiến tất cả sự giàu có của Kroisos đã coi nhẹ chúng, với những lời như thế và như thế; cũng như việc tất cả đã diễn ra trên thực tế với Kroisos đúng như những gì Solon đã nói, nếu nhìn nhận không chỉ riêng với bản thân Kroisos, mà với cả loài người, và nhất là những ai dường như tự thấy họ là người hạnh phúc.
Trong khi Kroisos thuật lại những điều này, giàn thiêu đã được châm lửa và phần rìa bắt đầu cháy. Sau đó, người ta kể lại rằng Kyros, nghe lại từ các phiên dịch những gì Kroisos đã nói, liền đổi ý và ngẫm tới việc chính nhà vua cũng chỉ là một con người, và đang đẩy một con người khác, từng không hề kém ông về vận hạnh, vào cảnh bị thiêu sống; càng nghĩ, Kyros càng sợ sự báo ứng, và càng nhận thức rõ không có gì con người sở hữu là chắc chắn cả; vì thế, như lời kể lại, Kyros ra lệnh cho thuộc hạ dập tắt lửa nhanh nhất có thể và đưa Kroisos cùng những người khác xuống khỏi giàn thiêu. Và khi đó người ta đã dùng những cách thức giờ đây không còn sẵn có để kiểm soát ngọn lửa.
87. Sau đó, người Lydia kể lại rằng Kroisos, biết được Kyros đã đổi ý như thế nào, đồng thời cũng thấy tất cả mọi người đang cố gắng dập lửa nhưng không thể kiểm soát được ngọn lửa, liền lớn tiếng khẩn cầu thần Apollon rằng, nếu từng có bất kỳ món lễ vật nào ông dâng tiến được thần chấp nhận, mong thần hãy tới giúp ông và cứu ông khỏi tai họa đang cận kề. Kroisos đã ứa nước mắt khẩn cầu thần như vậy, và người ta kể rằng đột nhiên, giữa trời quang mây tạnh, những đám mây tụ lại và một cơn bão kéo tới, trời mưa dữ dội, và giàn thiêu bị dập tắt. Sau đó Kyros, tận mắt chứng kiến Kroisos là một người được các vị thần sủng ái và là một người tốt, ra lệnh đưa ông xuống giàn thiêu và hỏi ông như sau: “Kroisos, hãy nói cho ta biết ai đã thuyết phục ngươi tiến quân vào lãnh thổ của ta và vì thế trở thành kẻ thù của ta thay vì một người bạn?” và Kroisos đáp:
“Tâu bệ hạ, thần làm vậy cho hạnh vận của bệ hạ và sự bất hạnh của chính mình, và nguyên do dẫn tới điều đó là vị thần của người Hy Lạp, người đã thúc giục thần tấn công với quân đội của mình. Vì không ai lại mất trí tới mức tự mình đi chọn chiến tranh thay cho hòa bình, vì trong hòa bình những người con trai chôn cất cha của họ, nhưng trong chiến tranh những người cha phải chôn cất con trai của họ. Nhưng thần đoán là để làm vui lòng các vị thần mà những chuyện này cần phải diễn ra như thế”.
88. Ông đã nói như vậy, và Kyros cởi trói cho ông, đỡ ông tới ngồi cạnh mình và đối xử với Kroisos rất trân trọng, và cả chính nhà vua lẫn tất cả những người ở gần ông có thể nhìn thấy Kroisos đều không khỏi ngỡ ngàng về điều đó. Còn Kroisos, đắm mình trong suy tư, vẫn giữ im lặng. Nhưng sau một hồi, khi nhìn quanh và chứng kiến quân Ba Tư đang cướp phá thành phố của người Lydia, ông nói: “Tâu bệ hạ, liệu thần có nên nói với người những gì thần tình cờ đang nghĩ tới, hay thần nên giữ im lặng trong vận mệnh hiện tại của mình?” Kyros liền lệnh cho ông hãy can đảm mà nói ra bất cứ điều gì ông muốn. Kroisos liền hỏi: “Đám đông này đang làm gì hăng hái vậy?” và nhà vua đáp: “Họ đang cướp phá thành phố của ngươi và mang đi sự giàu có của ngươi”. Và Kroisos trả lời: “Nơi họ đang cướp phá không còn là thành phố của thần, và họ cũng không phải đang mang đi sự giàu có của thần, vì thần không còn chút quyền sở hữu nào trong những thứ này nữa. Song chính là sự giàu có của bệ hạ đang bị đám lính kia cướp đoạt và mang đi”.
89. Kyros không khỏi băn khoăn trước những lời Kroisos đã nói, nhà vua lệnh cho tất cả thuộc hạ lui ra rồi hỏi Kroisos xem nhà vua nên làm gì trước những gì đã xảy ra, và Kroisos đáp: “Vì các vị thần đã giao thần vào tay bệ hạ làm nô lệ, cũng là hợp lẽ nếu thần chỉ ra cho bệ hạ điều có lợi với bệ hạ rõ ràng hơn những người khác. Những người Ba Tư, vốn bản chất bất trị, không có trong tay tài sản gì. Vì thế, nếu bệ hạ chấp nhận để họ cướp phá mang đi những tài sản lớn và sở hữu chúng, khi đó bệ hạ sẽ phải
sẵn sàng đón nhận kết quả này, đó là bất cứ kẻ nào chiếm được phần lớn nhất sẽ nổi loạn chống lại người. Vì thế, nếu những lời thần nói hợp ý bệ hạ, bây giờ xin bệ hạ hãy làm như sau: Hãy phái các tay giáo trong đội cận vệ của người tới canh gác tất cả các cổng thành, và lệnh cho những người này giữ lại của cải, đồng thời nói với những kẻ đã muốn mang chúng rời khỏi thành phố rằng trước hết của cải phải được dâng một phần mười lên Zeus đã. Bằng cách đó, một mặt bệ hạ sẽ không bị bọn họ căm ghét vì đã dùng vũ lực tước đi của cải, mặt khác bọn họ sẽ ngoan ngoãn chấp nhận bị thu lại chúng trong khi vẫn thừa nhận giữa bọn họ với nhau là bệ hạ đã làm điều đúng đắn”.
90. Nghe tới đây, Kyros vô cùng hài lòng, vì nhà vua nghĩ Kroisos đã đưa ra lời khuyên khôn ngoan. Và ông ban thưởng hào phóng cho Kroisos rồi lệnh cho các tay giáo trong đội cận vệ của mình thực hiện điều Kroisos đã khuyên. Sau đó, nhà vua đã nói với Kroisos thế này: “Kroisos, vì ngươi luôn sẵn sàng làm những điều tốt lành và nói ra những lời sáng suốt, giống như vị vua ngươi từng là, nên hãy xin ta một món quà, bất cứ điều gì ngươi muốn sẽ được ban cho ngươi”. Và Kroisos nói: “Hỡi chủ nhân, bệ hạ sẽ làm thần vui sướng nhất nếu người cho phép thần gửi tới vị thần của người Hy Lạp, vị thần mà thần đã tôn thờ nhất trong mọi vị thần, những xiềng xích này để hỏi xem vị thần có thấy việc lừa dối những người đã cư xử tốt với mình là đúng đắn hay không”. Sau đó, Kyros hỏi vị vua thất thế rằng ông có lời buộc tội nào đối với thần linh mà lại yêu cầu như thế. Và Kroisos kể lại cho vua Ba Tư tất cả những gì chất chứa trong tâm trí, cũng như câu trả lời của các dự ngôn giả, và đặc biệt là những lễ vật hào phóng, cũng như việc ông đã bị một dự ngôn giả khuyến khích tấn công người Ba Tư ra sao. Kể xong, Kroisos trở lại với lời khẩn cầu cho phép mình được thể hiện sự trách cứ này với thần linh. Kyros liền bật cười và nói: “Ngươi không chỉ nhận được điều này từ ta, Kroisos, mà bất cứ điều gì ngươi có thể muốn cầu xin ta vào bất cứ lúc nào”. Nghe được những lời này, Kroisos liền phái vài người Lydia tới Delphoi, căn dặn họ hãy đặt xiềng xích lên ngưỡng cửa ngôi đền và hỏi thần xem
liệu thần có thấy hổ thẹn không khi bằng những lời tiên tri đã thôi thúc Kroisos tấn công người Ba Tư, thuyết phục rằng ông sẽ tiêu diệt đế quốc của Kyros, đồng thời dâng lên thần đống xiềng xích, chiến quả duy nhất ông nhận được từ cuộc chiến ấy. Họ cần hỏi như vậy, và thêm nữa cần hỏi thêm liệu các vị thần của người Hy Lạp có đúng không khi xử sự vô ơn đến thế.
91. Khi người Lydia tới nơi và nhắc lại đúng những gì họ được yêu cầu, người ta kể lại nữ tư tế Pythia đã phán như sau: “Ngay cả một vị thần cũng không thể thoát khỏi số phận định mệnh
đã an bài. Và Kroisos phải trả món nợ tương xứng với tội lỗi của tổ tiên năm đời trước của y, kẻ vốn là tay giáo phụng sự cho các Herakleidai nhưng đã nghe theo mưu mô phản trắc của một người đàn bà và sát hại chủ nhân của mình để chiếm đoạt địa vị hoàng gia vốn không thuộc về hắn ta một cách hợp pháp. Và cho dù Apollon đã vô cùng mong mỏi tai họa ở Sardis có thể giáng xuống đầu các con trai Kroisos chứ không phải bản thân Kroisos, nhưng ngài không thể kéo định mệnh đi chệch khỏi con đường của nó, nhưng ngài cũng đã làm rất nhiều điều, và ban phát chúng như một món quà dành cho Kroisos. Vì thần đã đẩy lùi lại ba năm thời điểm Sardis thất thủ, và đảm bảo để Kroisos bị bắt làm tù binh chậm hơn cũng từng ấy năm so với thời gian trong định mệnh. Hơn nữa, thần đã trợ giúp cho nhà vua khi ông ta sắp sửa bị thiêu sống. Còn về câu trả lời của dự ngôn giả, Kroisos phải tự thấy mình có lỗi. Vì Apollon đã cảnh báo trước với nhà vua là nếu ông tấn công người Ba Tư, nhà vua sẽ tiêu diệt một đế quốc vĩ đại. Và đáng lẽ khi nghe được lời phán truyền này, nếu muốn nhận được lời khuyên xác đáng, nhà vua phải cử người tới hỏi cho rõ hơn liệu thần linh muốn nói tới đế quốc của chính ông ta hay đế quốc của Kyros. Nhưng vì Kroisos không hiểu những gì được phán truyền và không hỏi lại, nhà vua hãy nên tự coi mình là nguyên nhân của những gì xảy ra sau đó. Và lỗi cũng là của Kroisos khi không hiểu ý của Apollon về con la. Vì Kyros kỳ thực chính là con la đó, nếu xét tới việc vua Ba Tư được sinh ra từ bố mẹ thuộc hai dòng giống khác nhau, mẹ ông có nguồn gốc cao quý hơn, còn bố ông ít quý phái
hơn, vì mẹ của Kyros là một phụ nữ Media, con gái Astyages, vua Media, trong khi cha của Kyros lại là một người Ba Tư, một tộc người nằm dưới quyền cai trị của người Media, và là một người xuất thân thấp kém hơn về mọi mặt, ông trở thành chồng của vị công chúa thành viên hoàng tộc cai trị mình”.
Nữ tư tế Pythia đã trả lời người Lydia như thế, và họ mang câu trả lời ấy về Sardis thuật lại cho Kroisos nghe. Và khi nghe xong, ông thừa nhận lỗi lầm hoàn toàn thuộc về mình chứ không phải thuộc về thần linh.
92. Về sự cai trị của Kroisos và cuộc chinh phục Ionia lần thứ nhất, chuyện đã xảy ra như thế. Hiện giờ tại Hy Lạp vẫn còn nhiều lễ vật khác do Kroisos dâng tiến, và không chỉ có những lễ vật đã được nhắc tới trước đây. Vì trước hết tại Thebai, thuộc vùng đất của người Boiotia, có một chiếc giá ba chân bằng vàng được nhà vua dâng lên Apollon Ismenios. Tại Ephesos có những bức tượng bò bằng vàng cùng phần lớn các trụ của ngôi đền. Và trong đền Athene Pronaia ở Delphoi có một chiếc khiên lớn bằng vàng. Những lễ vật này vẫn còn được lưu lại tới tận thời tôi, song nhiều lễ vật khác của Kroisos đã thất lạc, và các lễ vật ông dâng tiến ở Brankhidai tại Milesia, như tôi được nghe kể, cũng nặng ngang và có hình thức tương tự với những lễ vật tại Delphoi. Những lễ vật ông gửi tới Delphoi và tới ngôi đền Amphiaraos thuộc sở hữu của chính ông, là thành quả đầu tiên của sự giàu có ông thừa hưởng từ cha; nhưng những lễ vật khác được lấy từ tài sản của một đối thủ của ông, người đã lôi kéo bè đảng chống lại ông trước khi Kroisos trở thành vua và hậu thuẫn Pantaleon làm vua Lydia. Pantaleon là anh của Kroisos, con trai của Alyattes với một phụ nữ khác. Vì mẹ Kroisos là người Karia, hạ sinh cho Alyattes, còn mẹ Pantaleon là người Ionia. Và khi Kroisos giành được vương quốc do cha truyền lại, ông đã giết kẻ chống đối mình, hành hạ kẻ đó đến chết bằng cào sắt; và tài sản của người này, vốn đã được nhà vua thề sẽ dành hiến cho các vị thần từ trước đó, liền được ông dâng lên những
ngôi đền kể trên. Về những lễ vật của ông, nói như vậy kể cũng là đủ.
93. Về những kỳ quan cần được nói tới, miền đất Lydia không có gì nhiều nếu so sánh với các miền đất khác, ngoại trừ thứ bụi vàng được đưa xuống từ núi Tmolos; nhưng có một công trình cần nhắc đến, đồ sộ hơn bất cứ công trình nào khác ngoại trừ các công trình tại Ai Cập và Babylon: vì tại miền đất này có mộ của Alyattes cha Kroisos, với phần đáy được làm từ những tảng đá lớn, còn phần còn lại của mộ phần được đắp bằng đất. Ngôi mộ được xây nhờ sự đóng góp của các thương nhân, thợ thủ công, và cả các kỹ nữ đã buôn bán, hành nghề tại đó; và đến thời tôi vẫn còn tồn tại năm tảng đá đánh dấu được dựng trên ngôi mộ này, trên đó có khắc chữ cho biết có bao nhiêu phần của công trình được mỗi tầng lớp thực hiện; và theo các tính toán, hóa ra phần đóng góp của các cô gái là lớn nhất. Vì con gái giới bình dân ở Lydia đều hành nghề mại dâm để tích cóp của hồi môn cho mình, và liên tục hành nghề như thế cho tới khi kết hôn; và các cô gái có quyền chọn nơi gả mình trong hôn nhân. Ngày nay, chu vi ngôi mộ là 6 stadia 2 plethra1, và chiều rộng là 13 plethra. Và bên cạnh ngôi mộ là một hồ nước lớn, nơi người Lydia nói có nguồn nước không bao giờ cạn, và được gọi là hồ của Gyges. Bản chất của công trình này là vậy.
1. 1 plethron (sn: plethra) tương đương 30,8 cm.
94. Người Lydia có tập quán gần giống người Hy Lạp, ngoại trừ việc họ cho con gái của mình đi bán dâm; họ cũng là tộc người đầu tiên, theo những gì chúng ta biết, đúc và sử dụng tiền vàng hay bạc; và họ cũng là những nhà buôn bán lẻ đầu tiên. Bản thân người Lydia nói những trò chơi hiện tại đang thịnh hành trong cộng đồng của họ cũng như trong cộng đồng Hy Lạp cũng là do họ phát minh. Họ cho rằng chúng được phát minh vào
cùng thời gian họ thực dân hóa Tyrrhenia, và người Lydia kể lại như sau: Dưới thời trị vì của Atys, con trai Manes, một nạn đói khủng khiếp lan tràn toàn Lydia. Cư dân Lydia đã chịu đựng trong một thời gian, nhưng sau khi nạn đói không chấm dứt, họ tìm kiếm cách giải thoát khỏi nỗi giày vò, và một người nghĩ ra cách này, rồi một người khác nghĩ ra một cách khác. Thế rồi, theo lời họ kể, sau đó họ đã khám phá ra cách chơi xúc xắc, chơi xương đốt và chơi bóng, và tất cả các trò chơi khác trừ cờ đam (vì người Lydia không tuyên bố đã phát minh ra trò chơi này). Những trò chơi này được họ phát minh ra như một cách chống lại nạn đói, và cứ như thế, họ thường làm thế này: Vào một ngày, họ sẽ chơi cả ngày để không cảm thấy đói nữa, rồi đến ngày kế tiếp họ ngừng các trò chơi và ăn; rồi cứ như thế, họ trải qua 18 năm. Tuy vậy, khi tai họa vẫn không lắng dịu mà ngày càng đè nặng lên họ, nhà vua của họ liền chia toàn bộ dân cư Lydia thành hai phần, và ông quyết định bằng rút thăm một nửa ở lại, còn nửa kia rời khỏi vùng đất này. Nhà vua tự chỉ định mình sẽ là người cai trị phần dân cư ở lại, còn con trai ông cai trị những người sẽ ra đi, và tên người con trai đó là Tyrsenos. Thế là một phần dân cư, sau khi đã chọn rút thăm phải rời khỏi vùng đất họ đang sống, liền đi xuống phía biển tại Smyrna và đóng thuyền cho mình, đưa lên thuyền tất cả những gì mang đi được mà họ có, rồi dong buồm ra khơi tìm sinh kế và một vùng đất để cư ngụ. Sau khi đã đi qua nhiều dân tộc, cuối cùng họ tới Oumbria, và tại đó họ thiết lập các đô thị và định cư tới tận ngày nay. Những người này cũng đổi danh xưng theo tên vị hoàng tử đã dẫn dắt họ rời khỏi bản quán, là người Tyrrhenoi, chứ không phải người Lydia. Người Lydia sau đó đã bị chinh phục và trở thành thần dân Ba Tư như tôi đã kể.
95. Sau biến cố này, chúng ta sẽ khảo cứu về Kyros, người đã tiêu diệt đế quốc của Kroisos, và về những người Ba Tư, xem bằng cách nào họ đã vươn lên cai trị ở châu Á. Vì thế, tôi xin nói tôi sẽ viết theo những lời thuật lại của một số người Ba Tư – ý tôi là những người không muốn tâng bốc khi kể về Kyros mà thuật lại
câu chuyện này theo đúng thực tế. Ngoài ra tôi cũng sẽ đưa ra những dị bản của câu chuyện theo ba cách khác nhau.
Người Assyria cai trị vùng thượng châu Á trong 520 năm, và người Media là cộng đồng đầu tiên nổi dậy chống lại họ. Những người này, sau khi đã chiến đấu chống lại người Assyria vì tự do, đã chứng tỏ bản thân họ là những người tốt, và cứ như thế họ đã rũ bỏ được ách nô lệ và giành lại tự do cho mình. Tiếp sau họ, các dân tộc khác cũng làm tương tự như người Media. Và khi cả châu lục đã trở nên độc lập, họ lại quay trở lại ách cai trị chuyên chế như thế này.
96. Trong cộng đồng người Media xuất hiện một người có năng lực xuất chúng tên là Deiokes, con trai Phraortes. Deiokes, người đã nuôi tham vọng chuyên quyền, đã hành động như sau: Trong khi người Media sống tại những ngôi làng tách biệt nhau, ông ta, vốn từ trước đó đã rất có danh tiếng trong làng mình, liền bắt tay vào thực thi công lý một cách nỗ lực và nhiệt thành hơn trước. Và ông thực hiện điều này bất chấp tình trạng vô pháp còn rất phổ biến trên toàn Media, và biết rõ bất công luôn đối kháng với công lý. Vậy là các người Media trong cùng làng, khi chứng kiến những gì ông làm, liền chọn ông làm pháp quan của họ. Và Deiokes, vốn luôn nhắm tới quyền lực, liền tỏ ra chính trực và công bằng, nhờ đó giành được không ít lời ca ngợi từ đồng bào của ông, trong khi những cư dân sống tại những làng khác, biết được Deiokes là một người đưa ra những phán quyết xác đáng hơn những người khác, trong khi trước đó họ đã quen phải chịu đựng những phán quyết bất công, cũng hài lòng tìm đến Deiokes khi nghe tiếng về ông để những bất bình của họ được phán xử, và rồi cuối cùng họ không còn tin tưởng vào bất kỳ ai khác.
97. Sau đó, khi ngày càng có nhiều người tìm tới với ông, vì người ta biết được các quyết định ông đưa ra chứng tỏ là phù hợp với sự thật, còn Deiokes khi nhận thấy mọi thứ đều được mang tới cho mình xét đoán liền không tiếp tục có mặt ở nơi
trước kia ông từng vẫn ngồi để định đoạt chính nghĩa nữa, vì với ông sẽ chẳng có lợi gì khi sao nhãng việc riêng để lo cho việc của láng giềng cả ngày. Kể từ đó, vì nạn trộm cướp và hỗn loạn còn hoành hành tệ hơn trước đó tại các ngôi làng, người Media đã tập trung lại để cùng bàn bạc với nhau về tình trạng hiện tại. Và tôi đoán rằng những người bạn của Deiokes đã nói rất nhiều về việc đó: “Một khi thấy rõ chúng ta không thể sống ở vùng đất này trong tình trạng hiện tại, hãy lập một người trong số chúng ta lên làm vua, như thế vùng đất này sẽ được cai trị tốt, và chúng ta sẽ lao động trở lại, và sẽ không bị sự hỗn loạn làm cho khánh kiệt nữa”. Bằng những lời như thế, họ đã thuyết phục chính họ về việc nên có một vị vua.
98. Và khi họ chuyển sang câu hỏi xem nên lập ai lên làm vua, Deiokes được nhiều đề xuất và ủng hộ nhất, cho tới cuối cùng họ nhất trí rằng ông ta nên trở thành vua của họ. Và ông ta yêu cầu người dân phải xây cho ông ta một cung điện xứng đáng với uy nghi của hoàng gia, rồi tăng cường sức mạnh cho mình bằng một đội lính cận vệ cầm giáo. Và người Media làm theo. Họ đã xây cho Deiokes một cung điện rộng rãi vững chắc tại khu đất ông ta yêu cầu, rồi cho phép ông ta lựa chọn lính cận vệ từ tất cả người Media. Và khi Deiokes giành được quyền cai trị, ông ta liền ép buộc người Media phải xây một tòa thành và dồn sự chú ý vào thành phố này, ít để tâm tới các thành phố khác. Khi người Media tuân phục ông ta cả trong việc này nữa, Deiokes đã xây nên những bức tường đồ sộ vững chãi, ngày nay được gọi là Ekbatana, được xây thành từng vòng nằm lồng vào nhau. Bức tường thành được thiết kế rất khéo léo để một vòng thành cao hơn vòng thành kế tiếp bằng đúng chiều cao của một mình phần công sự. Như tôi đoán, ở mức độ nào đó, bản chất địa hình nơi này, nếu tính tới việc tòa thành được xây trên một ngọn đồi, đã giúp tạo ra thành quả đó. Nhưng phần chủ yếu xuất phát từ kỹ nghệ thi công, vì có tất cả bảy vòng tường thành. Bên trong vòng thành cuối cùng là cung điện hoàng gia cùng các nhà kho. Vòng thành lớn nhất có chiều dài bằng bức tường thành bao quanh Athenai; và ở vòng tường thành thứ nhất các công sự có
màu trắng, ở vòng thứ hai có màu đen, vòng thứ ba có màu huyết dụ, vòng thứ tư màu lam, vòng thứ năm màu đỏ. Cứ như thế, công sự của tất cả các vòng thành được sơn với những màu sắc khác nhau, còn hai vòng thành trong cùng, một vòng thành có các công sự được dát bạc, vòng còn lại dát vàng.
99. Deiokes đã cho xây những vòng tường thành này cho mình và bao quanh cung điện của ông ta, rồi ông ta lệnh cho dân chúng tới sống quanh các tường thành. Sau khi đã xây xong, Deiokes thiết lập quy tắc cai trị, và ông ta là người đầu tiên làm điều này, quy định rằng không ai được phép vào diện kiến nhà vua, mà chỉ bẩm tấu lên nhà vua qua những người đưa tin; và không ai được phép trông thấy nhà vua, hơn nữa, việc cười cợt hay khạc nhổ khi nhà vua có mặt là bất kính, những quy định này áp dụng cho tất cả thần dân không ngoại lệ. Giờ đây, nhà vua duy trì quanh mình những lễ nghi này để bạn bè, từng lớn lên cùng nhà vua và có xuất thân không hề thấp kém hơn, hay thua kém ông về những phẩm chất con người, khỏi cảm thấy buồn phiền khi trông thấy nhà vua và âm mưu chống lại ông, và nhờ việc không để họ thấy mình, ông có thể được nghĩ đến như thuộc về một đẳng cấp khác.
100. Sau khi đã thiết lập mọi thứ trật tự và củng cố ngôi vị của mình, Deiokes rất nghiêm khắc trong duy trì công lý. Dân chúng thường viết ra những việc kiện tụng của họ và gửi cho nhà vua xem, rồi ông phán xử những câu hỏi được gửi cho mình, sau đó gửi ra các câu trả lời. Bằng cách đó, nhà vua thường phán xử các vụ kiện tụng. Ông cũng nghiêm khắc trong duy trì trật tự, nghĩa là nếu nhà vua biết được ai đó cư xử không đúng luật lệ, ông liền triệu kẻ đó tới và trừng trị tương xứng với hành vi sai trái, và nhà vua có tai mắt ở khắp nơi trên toàn lãnh thổ ông cai trị.
101. Như vậy Deiokes đã thống nhất người Media, trở thành người cai trị họ, và người Media bao gồm những bộ lạc sau đây: Bousai, Paratakenoi, Stroukhates, Arizantoi, Boudioi, Magoi, số lượng bộ lạc của họ rất lớn.
102. Con trai của Deiokes là Phraortes, người được kế thừa quyền lực khi Deiokes qua đời sau khi đã làm vua trong 33 năm. Được kế vị ngôi vua, tân vương không hài lòng với việc chỉ là người cai trị của người Media, nên đem quân tấn công người Ba Tư. Tấn công họ trước những tộc người khác, nhà vua bắt họ thần phục người Media. Sau đó, trở thành vua của hai dân tộc, cả hai đều hùng mạnh, Phraortes tiếp tục chinh phục châu Á, từ dân tộc này đến dân tộc khác, cho tới khi cuối cùng nhà vua tấn công người Assyria, ý tôi là những người Assyria tại Ninos, trước đây từng là kẻ cai trị cả châu lục, song vào thời điểm đó không còn sự hỗ trợ của các đồng minh vốn đã nổi dậy chống lại họ, cho dù ở thành phố của mình họ vẫn khá giàu có. Như tôi đã nói, Phraortes tấn công những người này, và ông cùng phần lớn đạo quân của ông bị tiêu diệt.
103. Sau khi đã trị vì 53 năm, Kyaxares con trai Phraortes kế vị. Ông được cho là hiếu chiến hơn các bậc tiền bối, và ông là người đầu tiên biên chế những chiến binh châu Á thành các đơn vị riêng rẽ, có nghĩa là nhà vua là người đầu tiên đã tách riêng lính cầm giáo, cung thủ và kỵ binh khỏi nhau, vốn trước đó rất ô hợp. Cũng chính vị vua này đã chiến đấu với người Lydia khi ngày biến thành đêm giữa lúc hai bên giao chiến, và cũng là người thống nhất toàn bộ châu Á ở phía trên sông Halys dưới sự cai trị của mình.
Sau khi tập hợp tất cả thuộc quốc của mình, ông tiến quân tới Ninos để báo thù cho cha, và cũng vì ông thèm muốn chinh phục thành phố này. Sau khi ông đã chiến đấu với người Assyria và đánh bại họ, đúng lúc nhà vua đang ngồi xuống trước Ninos thì một đạo quân lớn người Skythia ập tới tấn công, chỉ huy của họ là Madyas con trai Protothyes, vua của người Skythia.
Người Skythia đã xâm lược châu Á sau khi đẩy lui người Kimmerioi khỏi châu Âu, và trong cuộc truy đuổi này người Skythia đã tới lãnh thổ Media.
104. Từ hồ Maiotis tới sông Phasis và vùng đất của người Kolkhis là một cuộc hành trình dài 30 ngày cho một người không phải mang nặng; và từ Kolkhis tới Media cũng không mấy xa, vì giữa hai vùng đất này chỉ có một dân tộc là người Saspeires, và chỉ cần băng qua dân tộc này là ta đã tới Media. Tuy nhiên, người Skythia không xâm lược theo con đường kể trên, mà rẽ khỏi nó để đi theo đường nội địa dài hơn nhiều, men theo dãy Kaukasos ở bên phải họ.
Người Media vậy là phải chiến đấu với người Skythia, và do thất trận, họ đánh mất quyền lực của mình, còn người Skythia giành được quyền cai trị trên toàn châu Á.
105. Tiếp theo, họ tiến hành xâm lược Ai Cập, và khi họ đang ở Syria, nơi được gọi là Palaistine, vua Ai Cập Psammetikhos tới gặp họ. Bằng những món lễ vật cùng sự khẩn cầu, nhà vua khiến người Skythia thay đổi ý định, nhờ đó họ không tiến xa hơn nữa. Trong lúc rút lui, khi họ qua thành Askalon ở Syria, phần lớn người Skythia đi qua thành phố mà không gây ra bất cứ tổn hại nào, nhưng một số nhỏ, những người nán lại sau, đã cướp phá ngôi đền Aphrodite Ourania. Ngôi đền này, theo những gì tôi tìm hiểu, là đền lâu đời nhất trong tất cả các ngôi đền của Aphrodite, vì theo người Kypros thuật lại, ngôi đền tại Kypros được lập nên bắt nguồn từ ngôi đền này, và chính người Phoinike đã dựng lên ngôi đền tại Kythera khi họ tới đó từ Syria. Như tôi đã kể, người Skythia cướp phá ngôi đền tại Askalon, và hậu duệ của những người này vĩnh viễn bị thần trừng phạt bằng một chứng bệnh biến đàn ông thành đàn bà. Người Skythia kể chính vì lý do này họ bị nhiễm bệnh, và cũng vì thế các du khách ghé thăm Skythia thời nay thấy trong số họ dấu hiệu của những người mà người Skythia gọi là các Enarees.
106. Trong 28 năm người Skythia thống trị châu Á, và cách hành xử bạo ngược và khinh suất của họ đã hủy hoại mọi thứ. Vì một mặt họ bắt tất cả các dân tộc bị cai trị phải cống nạp cho
họ, và ngoài khoản cống nạp, người Skythia thường cưỡi ngựa đi các vùng và dùng vũ lực cướp đi tài sản của từng bộ lạc.
Thế rồi Kyaxares và người Media, sau khi mời đa số người Skythia tới dự yến tiệc, chuốc cho họ say và giết họ. Nhờ đó, người Media khôi phục sức mạnh, và lại thống trị các dân tộc khác như trước, đồng thời họ cũng chiếm được Ninos – việc thành phố này bị chiếm ra sao tôi sẽ thuật lại trong một câu chuyện khác – và khuất phục toàn Assyria ngoại trừ vùng Babylon. Sau 40 năm cai trị người Media, kể cả thời kỳ người Skythia thống trị, Kyaxares qua đời.
107. Astyages, con trai Kyaxares, kế vị. Astyages có một con gái được ông đặt tên là Mandane. Và trong giấc ngủ, nhà vua nằm mơ thấy cô gái đi tiểu nhiều tới mức ngập cả thành phố của ông và cũng ngập cả châu Á. Nhà vua liền thuật lại giấc mơ này cho người giải mộng của các Magoi1, và khi nghe được sự thật từ họ, từng lời đều khiến nhà vua sợ hãi.
1. Ở 1.101, Magoi là một trong các bộ lạc Media, nhưng cũng dùng để chỉ một đẳng cấp gồm các tư tế theo hầu vua Media và cử hành các nghi lễ thiêng. Magos (sn: Magoi) cũng để chỉ một vị tư tế. (BT)
Sau đó, khi công chúa Mandane đến tuổi lấy chồng, nhà vua không gả con cho bất cứ người Media nào có địa vị tương xứng với mình, vì ông sợ lời tiên đoán trong giấc mơ. Thay vì thế, nhà vua gả con gái cho một người Ba Tư tên là Kambyses, người ông tìm hiểu được là có dòng dõi đàng hoàng và tính khí điềm đạm, cho rằng chàng trai này có địa vị còn kém xa một người Media trung lưu.
108. Trong năm đầu tiên của cuộc hôn nhân này, Astyages lại có một giấc mơ khác. Ông mơ thấy một dây nho mọc lên từ âm hộ
con gái, và dây nho này lan ra khắp châu Á. Sau khi mơ thấy giấc mơ này và thuật lại nó cho các nhà giải mộng, nhà vua cho triệu con gái, lúc đó đang mang thai, quay về từ vùng đất của người Ba Tư. Và khi công chúa quay về, nhà vua liền cho canh giữ cô, với mong muốn tiêu diệt đứa trẻ sẽ được công chúa sinh ra, vì các Magoi đã phán với nhà vua rằng con đẻ của con gái ông sẽ cai trị trên ngôi báu của ông. Astyages sau đó muốn ngăn chặn điều này, và khi Kyros được sinh ra, nhà vua liền gọi Harpagos, một người họ hàng gần gũi và được ông tin tưởng hơn tất cả những người Media khác, đến mức giao cho ông ta xử lý mọi công việc của mình. Nhà vua nói với Harpagos như sau: “Harpagos, không được sao nhãng vì bất cứ lý do nào việc ta sắp giao cho ngươi, và hãy coi chừng nếu ngươi phản bội ta vì lợi ích của kẻ khác, chuyện đó sẽ khiến ngươi mất mạng. Hãy mang đứa trẻ Mandane sinh ra về nhà ngươi và giết nó đi. Sau đó hãy chôn nó theo bất cứ cách nào ngươi muốn”. Trước mệnh lệnh, Harpagos liền trả lời: “Tâu bệ hạ, trong quá khứ chưa bao giờ bệ hạ từng thấy ở thần điều gì có lỗi với bệ hạ, và thần luôn cẩn thận soi mình để sau này cũng không phạm phải lỗi lầm nào với bệ hạ. Nếu ý nguyện của bệ hạ muốn việc này được thực hiện, ít nhất về phần mình thần sẽ làm trọn bổn phận”.
109. Harpagos trả lời nhà vua như vậy, và khi đứa trẻ mặc đồ sang trọng được trao cho ông ta để mang đi thủ tiêu, Harpagos về nhà khóc lóc kể lại cho vợ nghe tất cả những lời Astyages đã nói. Và bà vợ nói với ông ta: “Bây giờ ông định sẽ làm gì?” và ông ta trả lời: “Tôi sẽ không làm như Astyages ra lệnh, vì cho dù nhà vua có mất trí và điên loạn hơn so với hiện tại, tôi cũng sẽ không làm như ông ta muốn hay phục tùng ông ta trong một việc sát nhân thế này. Và vì nhiều lý do tôi sẽ không giết đứa trẻ. Trước hết, vì nó là một họ hàng thân thích với tôi, thứ đến là vì Astyages đã già và không có con trai, vậy nếu như sau khi qua đời quyền lực chuyển về con gái ông ta, như thế chẳng phải hiểm nguy lớn nhất sẽ chờ đợi tôi sao? Để an toàn cho tôi, đứa trẻ này phải chết, nhưng một trong các hầu cận của Astyages phải là kẻ giết nó, chứ không phải người của tôi”.
110. Ông ta nói như vậy, rồi lập tức phái một tín sứ tới gặp một trong những mục đồng của Astyages mà ông ta biết đang chăn thả bầy gia súc ở những khu đồng cỏ thích hợp nhất cho mục đích của ông ta, nằm ở vùng núi non đầy rẫy thú hoang. Người mục đồng này tên là Mitradates, anh ta cưới một phụ nữ cũng chung cảnh nô lệ như mình, tên người vợ là Kyno theo tiếng Hy Lạp, và Spako theo tiếng Media, vì người Hy Lạp gọi “chó cái” là kyna, trong khi người Media gọi là spaka. Người mục đồng chăn thả bầy gia súc ở dưới chân dãy núi chạy từ Ekbatana về phía Gió Bắc và về phía biển Euxeinos. Vì ở đây, về hướng người Saspeires lãnh thổ Media chủ yếu là núi non sừng sững được rừng rậm che phủ, song phần còn lại của vùng Media lại toàn là đồng bằng. Khi người mục đồng có mặt theo lời triệu tập gấp gáp, Harpagos đã nói thế này: “Astyages ra lệnh cho ngươi mang đứa bé này đi và bỏ nó lại nơi hoang vu nhất trên núi, để nó chết càng nhanh càng tốt. Và ngài yêu cầu ta nói với ngươi là nếu ngươi không giết đứa trẻ mà bằng bất cứ cách nào che chở nó, ngài sẽ giết ngươi theo cách tàn khốc nhất, và ta đã được chỉ định để chứng kiến rằng đứa trẻ đã được thủ tiêu”.
111. Khi đã nghe hết và nhận lấy đứa trẻ, người mục đồng quay lại theo con đường cũ trở về nơi ở của mình. Trong khi ấy vợ anh ta cũng đang sắp sửa vượt cạn, và do sự tình cờ của số mệnh đã sinh con đúng lúc người chồng đang vào thành phố. Và cả hai vợ chồng họ đều lo lắng cho nhau, người chồng thì lo cho vợ lúc sinh nở, còn người phụ nữ lại lo sợ về lý do khiến Harpagos gọi chồng cô tới gặp ông ta, trong khi trước đây hiếm khi làm vậy. Vì thế, ngay khi người chồng trở về và đứng trước mặt người vợ, vốn không dám hy vọng sẽ được nhìn thấy lại chồng, là người lên tiếng trước, hỏi về lý do gì đã khiến Harpagos cho gọi gấp gáp tới vậy. Người chồng đáp rằng: “Vợ ơi, khi anh tới thành phố, anh đã thấy và nghe những điều anh ước gì đã không nhìn thấy, và mong rằng chúng không bao giờ xảy ra với các chủ nhân chúng ta phụng sự. Vì cả nhà Harpagos đều chìm trong tang tóc, và anh đã rất kinh ngạc không biết chuyện gì xảy ra bên trong. Và ngay khi bước vào trong, anh đã trông thấy một đứa trẻ sơ
sinh đang hổn hển thở và gào khóc, đứa trẻ đó đeo những món trang sức bằng vàng và quấn trong tã lót thêu. Khi Harpagos thấy anh, ông ta lập tức yêu cầu anh nhận lấy đứa trẻ, mang nó đi và bỏ nó lại trên núi ở nơi nhiều thú hoang nhất, nói rằng chính Astyages đã giao việc này cho anh, đồng thời đe dọa anh nếu làm không xong việc này. Thế là anh nhận lấy đứa trẻ rồi mang nó đi, đoán rằng đó là con của một người hầu nào đó trong nhà, vì anh chẳng thể nào đoán nổi nguồn gốc thực sự của nó. Nhưng anh lấy làm kinh ngạc khi thấy đứa trẻ đeo đầy vàng và tã lót sang trọng, anh cũng kinh ngạc khi người ta than khóc cho nó một cách công khai tại nhà Harpagos. Rồi ngay sau đó, khi đang đi trên đường, anh biết được toàn bộ câu chuyện từ người hầu đi cùng anh ra khỏi thành phố và trao đứa bé vào tay anh, rằng thực tế đứa bé là con trai của Mandane, con gái Astyages và Kambyses, con trai của Kyros, và Astyages đã ra lệnh giết đứa trẻ. Và đứa bé đây”.
112. Nói xong, người mục đồng mở cái rương đựng đứa trẻ ra. Người vợ, thấy đứa bé thật bụ bẫm khỏe mạnh, đã bật khóc và quỳ xuống ôm lấy đầu gối chồng, cầu xin người chồng không
được làm hại nó. Nhưng người chồng nói anh ta không thể làm khác được, vì những thủ hạ sẽ được Harpagos phái tới để kiểm tra xem đứa trẻ đã bị thủ tiêu chưa, và anh ta sẽ chết bi thảm nếu không hoàn thành việc này. Vì không thể làm cách nào thuyết phục được chồng, người vợ liền nói như sau: “Vì em không thể thuyết phục anh đừng giết đứa trẻ, hãy làm điều mà em sẽ nói với anh đây, nếu cần thiết phải làm như thế. Em cũng đã sinh một đứa con, nhưng đứa trẻ đã chết khi vừa chào đời. Hãy mang đứa trẻ đã chết này bỏ vào rừng, và chúng ta sẽ nuôi đứa con của con gái Astyages như thể đó là con chúng ta. Như thế, anh sẽ không bị phát giác đã phạm lỗi với các chủ nhân chúng ta phụng sự, đồng thời chúng ta cũng không mang tội cho mình; vì đứa trẻ đã chết sẽ có được một tang lễ hoàng gia, còn đứa trẻ này sẽ không phải mất mạng”.
113. Với người mục đồng, có vẻ vợ anh ta đã nói đúng trong hoàn cảnh lúc ấy, và anh ta đã làm theo lời vợ. Anh ta trao đứa trẻ đáng lẽ phải giết cho vợ mình, còn đứa con đã chết, anh ta đón lấy và cho vào cái rương đã dùng để mang đứa trẻ kia về nhà. Rồi sau khi cho đứa con đã chết mặc tất cả đồ trang sức và tã lót của đứa trẻ kia, anh ta mang con mình tới nơi hẻo lánh nhất trên núi và bỏ lại đó. Ba ngày sau khi bỏ lại đứa trẻ trên núi, người mục đồng đi vào thành phố, để một người giúp việc cho mình lại canh chừng. Khi tới nhà Harpagos, anh ta liền nói đã sẵn sàng cho xem xác đứa bé. Harpagos liền phái đi những tay giáo thân tín nhất của mình, và qua những kẻ này ông ta đã xác nhận và chôn cất đứa con của người mục đồng. Đứa bé này được an táng, song đứa trẻ sau này được biết đến dưới tên gọi Kyros đã được vợ người mục đồng nuôi nấng, và cô vợ chắc hẳn đã đặt cho cậu bé một cái tên khác, chứ không phải là Kyros.
114. Khi cậu bé lên 10 tuổi, chuyện sau đây đã xảy ra, khiến cậu được biết đến. Cậu bé đang chơi trong làng, nơi có các chuồng bò cùng những bé trai. Và lũ trẻ, trong trò chơi của chúng, đã chọn
cậu bé vốn được biết là con trai người mục đồng làm vua của chúng. Cậu bé liền sai vài cậu bạn trong đám đi xây cung điện, số khác trở thành lính cận vệ của cậu, và hẳn là có một cậu bạn được cậu bé chỉ định làm cận thần của nhà vua, rồi một cậu khác làm người đưa tin, cứ như thế chỉ định một chức danh cho mỗi đứa bạn. Thế rồi có một cậu bé trong đám trẻ đang chơi, con trai của Artembares, một người có danh tiếng ở Media, không chịu làm chức trách Kyros giao cho cậu ta. Vì thế, Kyros ra lệnh cho những đứa trẻ khác giữ lấy chân tay cậu bé này, và khi mệnh lệnh của cậu được tuân theo, cậu liền xử sự với cậu bé kia rất nặng tay bằng cách đánh roi. Cậu bé này, ngay khi được thả ra, trở nên tức giận hơn vì cho rằng đã bị đối xử một cách nhục nhã, liền đi xuống thành phố và than phiền với cha về hình phạt phải chịu từ Kyros, khi đó cậu bé vẫn chưa có cái tên Kyros, mà là con trai người mục đồng của Astyages. Và Artembares, trong lúc tức giận, đã lập tức tới gặp Astyages, dẫn theo cả cậu con trai, và tuyên bố đã phải chịu đựng những điều bất công rồi nói:
“Tâu bệ hạ, chúng tôi đã phải chịu sỉ nhục thế này từ con trai của gã mục đồng, nô lệ của người”, và chỉ cho nhà vua thấy đôi vai của con trai ông ta.
115. Và Astyages, sau khi nghe câu chuyện và thấy các vết roi, liền muốn trừng phạt đứa con trai người mục đồng để đền bù danh dự cho Artembares, và cho gọi người mục đồng và con trai tới. Khi cả hai đã có mặt, Astyages nhìn Kyros và nói: “Là đứa con có một người cha tầm thường như vậy, sao ngươi lại dám đối xử nhục mạ một cách hỗn xược như thế với con trai của người được ta sủng ái nhất?” Và cậu bé trả lời thế này: “Tâu bệ hạ, thần có quyền đối xử với cậu ta như thế. Vì các cậu con trai trong làng, và cậu ta cũng là một trong số này, trong trò chơi của mình đã tôn thần lên làm vua của họ, vì với họ dường như thần thích hợp nhất cho vị trí này. Những cậu con trai khác thực hiện những gì thần ra lệnh cho họ, nhưng cậu ta lại bất tuân và không thèm để ý, để cuối cùng cậu ta phải nhận hình phạt thích đáng. Nếu vì vậy mà thần đáng phải chịu bất cứ sự trừng phạt nào, thì thần đang ở đây, trước mặt bệ hạ”.
116. Trong khi đứa trẻ trả lời như vậy, Astyages nhận ra cậu, và nhà vua nhận thấy những đường nét trên khuôn mặt cậu dường như giống với chính ông, và câu trả lời của cậu có vẻ quá tự do so với địa vị, trong khi tuổi tác của cậu bé dường như cũng trùng với độ tuổi của cháu ông. Sững sờ trước những điều này, nhà vua không thốt nên lời suốt hồi lâu. Cuối cùng, sau khi phải khó khăn lắm mới trấn tĩnh lại, nhà vua cho Artembares lui ra để ông có thể ở lại một mình với người mục đồng và tra xét anh ta: “Artembares, ta sẽ ban ra phán quyết khiến cả ngươi lẫn con trai ngươi đều không có lý do gì để bất bình”, rồi cho Artembares ra về, còn các người hầu, theo lệnh Astyages, dẫn Kyros vào trong. Khi người mục đồng chỉ còn lại một mình với nhà vua, Astyages hỏi anh ta có được đứa trẻ khi nào, và ai là người trao đứa bé cho anh ta. Người mục đồng liền trả lời cậu bé chính là con trai anh ta, còn mẹ cậu bé vẫn sống cùng anh ta, và là vợ anh ta. Nhưng Astyages nói người mục đồng đang xử sự thiếu
khôn ngoan khi muốn phải chịu những cực hình cần thiết phải viện đến. Vừa nói, nhà vua vừa ra hiệu cho các tay giáo cận vệ của mình bắt lấy người mục đồng. Anh này, khi bị điệu đi tra tấn đã khai ra sự thật: Anh ta thuật lại tất cả từ đầu đến cuối, nói ra toàn bộ sự thật, và kết thúc bằng lời khẩn cầu nhà vua ân xá cho mình.
117. Khi người mục đồng đã nói ra sự thật, Astyages không còn mấy bận tâm tới anh ta, song nhà vua trở nên rất bất bình với Harpagos và sai cận vệ triệu ông ta tới. Khi Harpagos đến diện kiến, Astyages hỏi ông ta: “Harpagos, ngươi đã triệt hạ đứa trẻ ta giao cho ngươi, vốn do con gái ta sinh ra, bằng cái chết như thế nào?” và Harpagos, thấy người mục đồng đang có mặt trong cung điện, đã không hề tìm cách nói dối để tránh bị phát giác và kết tội, mà trả lời như sau: “Tâu bệ hạ, ngay khi nhận lấy đứa trẻ, thần đã tìm kiếm lời khuyên và cân nhắc nên làm thế nào để thi hành ý chỉ của bệ hạ, và làm cách nào để không bất tuân mệnh lệnh của bệ hạ mà thần vẫn không phạm phải tội giết người với công chúa và với chính bệ hạ. Vì vậy thần đã làm thế này: Thần gọi người mục đồng này đến và giao lại đứa trẻ cho anh ta, nói trước hết rằng bệ hạ lệnh cho anh ta giết nó – và ít nhất trong chuyện này thần đã không nói dối, vì bệ hạ có hạ lệnh như vậy. Thần giao đứa trẻ cho người đàn ông kia và lệnh cho anh ta bỏ nó lại trên một ngọn núi hoang vu, rồi ở lại trông chừng, theo dõi đứa trẻ cho tới khi nó chết, đồng thời thần đã đe dọa anh ta bằng đủ thứ hình phạt nếu không hoàn thành việc này. Anh ta đã làm những gì được lệnh phải làm và đứa trẻ đã chết, thần đã cử những hoạn quan thân tín nhất đi giám sát, và thông qua chúng, thần đã chứng kiến xác đứa trẻ và chôn cất nó. Tâu bệ hạ, câu chuyện đã diễn ra như thế, và đứa trẻ đã chết theo cách thần vừa thuật lại”.
118. Harpagos tuyên bố sự thật là vậy, và Astyages cố nén cơn thịnh nộ vì những gì đã xảy ra, rồi trước hết ông kể lại sự thật như ông đã biết từ người mục đồng, và kết thúc bằng việc nói rằng đứa trẻ vẫn còn sống, và rằng những gì đã xảy ra thật hay,
“vì”, Astyages nói tiếp,“ta đã bất an rất nhiều vì những gì đã làm với đứa trẻ này, và ta nghĩ mối bất hòa ta phải chịu đựng với con gái ta cũng không phải chuyện dễ chịu gì. Thế nên ta nghĩ đây là
một thay đổi may mắn của số mệnh, và ngươi trước hết hãy sai con trai ngươi tới bên cậu bé vừa mới tới đây, rồi sau đó, vì ta định sẽ dâng lễ cảm tạ chư vị thần linh vì đã gìn giữ tính mạng cho đứa trẻ, ngươi hãy tới đây dùng bữa tối cùng ta”.
119. Khi Harpagos nghe được những lời này, ông ta liền tạ ơn nhà vua và vô cùng phấn khởi khi thấy sự phạm thượng của mình cuối cùng lại có lợi cho ông ta, hơn thế còn được mời dự bữa tối cùng nhà vua đang vui vẻ, và về nhà trong tâm trạng đó. Sau khi đi thẳng về nhà, ông ta liền cho gọi con trai tới, vì Harpagos chỉ có độc nhất cậu con trai mới chừng 13 tuổi, và bảo con trai tới cung điện của Astyages rồi tuân theo những gì nhà vua ra lệnh. Còn bản thân ông ta cực kỳ hân hoan kể lại với bà vợ những gì vừa xảy đến với mình. Song Astyages, khi con trai Harpagos tới nơi, đã cắt cổ cậu thiếu niên và chặt cậu ta thành từng khúc, rồi nướng một phần thịt, luộc phần còn lại, và chế biến cho bữa ăn. Khi đến bữa tối và các vị khách, trong đó có cả Harpagos, đều đã có mặt, trước mặt các vị khách khác và trước mặt chính Astyages, thịt cừu được bày ra, song trước mặt Harpagos được bày ra lại là thịt của chính con trai ông này, tất cả ngoại trừ cái đầu, hai bàn tay và đôi bàn chân, những phần này được để riêng một bên trong một cái giỏ và đậy kín. Thế rồi khi Harpagos dường như đã no nê, Astyages hỏi ông có vừa lòng với bữa tiệc hay không. Khi Harpagos nói ông ta vô cùng hài lòng, những người được giao thực hiện việc này liền mang tới cho ông ta cái đầu cùng bàn chân bàn tay của con trai ông ta được che kín trong giỏ. Đứng cạnh vị khách, họ mời ông này mở lớp phủ và lấy ra thứ gì ông ta muốn từ trong giỏ. Khi Harpagos tuân theo và mở giỏ ra, ông ta nhìn thấy những gì còn lại của con trai mình, và không bị sự bàng hoàng làm mất lý trí trước những gì trông thấy, ông ta vẫn kìm mình. Astyages hỏi ông ta có nhận ra mình vừa ăn thịt loài vật nào không, Harpagos trả lời ông ta có nhận ra, và bất cứ điều gì nhà vua làm cũng đều khiến
ông ta vui vẻ. Sau khi trả lời như vậy và mang những phần xương thịt còn lại, ông ta trở về nhà. Kế đó, tôi đoán ông ta đã tập trung những phần thi thể đó lại với nhau và đem chôn cất.
120. Astyages đã trừng phạt Harpagos như vậy. Còn về Kyros, nhà vua ngẫm nghĩ rồi triệu các Magoi đã giải mộng cho ông. Khi họ tới, Astyages hỏi họ đã đưa ra lời luận giải nào cho giấc
mơ của ông, và họ nói hệt như trước, rằng đứa trẻ sẽ trở thành vua nếu còn sống. Nhà vua liền trả lời họ thế này: “Đứa trẻ vẫn chưa chết, và trong khi nó sống ở vùng thôn quê, lũ trẻ trong làng đã tôn nó lên làm vua, và nó đã thực hiện tất cả những gì các vị vua vẫn làm; vì thằng bé đã thực thi việc cai trị, chỉ định những đứa trẻ khác làm cận vệ, người canh cửa, tín sứ và tất cả các chức hầu cận khác. Vì thế, bây giờ theo các ngươi những điều này có ý nghĩa gì?” Các Magoi đáp: “Nếu đứa trẻ vẫn còn sống và đã trở thành vua mà không có sự sắp đặt nào trước, xin bệ hạ hãy an tâm về cậu bé và can đảm lên, vì cậu bé sẽ không thể trở thành vua lần thứ hai, do thậm chí có những lời tiên tri của chúng tôi kết cục cũng rất bình thường, và ít nhất những gì liên quan tới các giấc mơ thường chỉ kết thúc bằng một thành quả tầm thường”. Astyages trả lời như sau: “Hỡi các Magoi, bản thân ta cũng gần như sẵn lòng tin là vậy, cụ thể là vì đứa trẻ được gọi là vua trong giấc mơ đã được làm vua, nó giờ đây không còn là một mối nguy hiểm cho ta nữa. Dẫu vậy, hãy dành cho ta lời khuyên, sau khi các ngươi đã cân nhắc kỹ càng xem làm thế nào sẽ là an toàn nhất cho cả gia tộc ta lẫn cho các ngươi”. Để đáp lại, các Magoi nói: “Tâu bệ hạ, với cả chúng tôi nữa, ngai vàng của người vững chãi cũng sẽ rất quan trọng với chúng tôi. Vì nếu khác đi, quyền bính sẽ bị chuyển sang tay những người xa lạ, những kẻ sẽ tới cùng đứa trẻ vốn là người Ba Tư này, khi đó chúng ta, những người Media, sẽ trở thành nô lệ và không còn là gì trong mắt người Ba Tư, vì chúng ta thuộc về nòi giống khác. Song chừng nào bệ hạ, một người thuộc nòi giống chúng ta, còn là vua của chúng tôi, chúng tôi vừa có phần quyền lực của mình vừa nhận được ân huệ lớn lao từ bệ hạ. Do đó, bằng mọi cách, chúng tôi nhất thiết phải lo lắng cho bệ hạ và