🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lịch Sử Bí Mật Đế Chế Hoa Kỳ Ebooks Nhóm Zalo Lời nhà xuất bản Trong hơn một thế kỷ trở lại đây, thế giới đã thay đổi với tốc độ chóng mặt. Hai cuộc chiến tranh thế giới đã làm thay đổi hoàn toàn khoa địa chính trị, địa kinh tế thế giới. Hàng loạt quốc gia mới ra đời. Thế giới được phân chia thành hai cực đối lập: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Chiến tranh lạnh đã kéo hầu như cả thế giới vào cuộc chạy đua vũ trang không có điểm dừng, hàng loạt các cuộc xung đột vũ trang với quy mô khác nhau xảy ra ở tất cả các châu lục trên thế giới. Những năm đầu thập kỷ 1990, sự tan rã của Liên bang Xôviết và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã góp phần hình thành nên một thế giới đơn cực lúc đó, với siêu cường duy nhất trong hơn một thập kỷ là Hoa Kỳ. Chỉ từ đầu thế kỷ XXI trở lại đây, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, khoa học và công nghệ… trên phạm vi toàn cầu, thế đơn cực đó mới dần bị phá vỡ với sự mạnh lên của EU, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc… Song, xét về tổng thể, Hoa Kỳ vẫn được coi là cường quốc mạnh nhất trên thế giới trong thời điểm hiện nay, với bản chất đế quốc không hề thay đổi, vẫn là sự thống trị của dân tộc này với dân tộc khác, đúng như Lênin đã chỉ ra cách đây một thế kỷ. Có khác chăng chỉ là những hình thức biểu hiện của sự bành trướng, áp bức và bóc lột tinh vi hơn và thâm độc hơn. Lâu nay ít có công trình nghiên cứu sâu về bản chất, đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc nói chung và nhất là đế quốc Hoa Kỳ nói riêng. Nhằm cung cấp cho bạn đọc có thêm thông tin tham khảo về lĩnh vực này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Công ty Sách Alpha xuất bản cuốn sách Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ (sách tham khảo) của John Perkins. Tiếp tục mạch trình bày trong cuốn sách Lời thú tội của một sát thủ kinh tế xuất bản năm 2005, trong cuốn Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ do nhà xuất bản Plume ấn hành năm 2007, John Perkins tiếp tục cung cấp cho bạn đọc những câu chuyện, không chỉ của tác giả mà của cả những người khác – những người như John Perkins đã từng đóng vai trò sát thủ kinh tế – về các chính sách, các thủ đoạn mà chế độ tập đoàn trị (cách gọi của tác giả để chỉ chế độ chính trị ở Hoa Kỳ đã và đang bị sự chi phối hoàn toàn của các tập đoàn kinh tế) thực hiện nhằm phục vụ lợi ích của mình. Ngay ở phần mở đầu, tác giả đã nêu câu hỏi, liệu nước Mỹ có thực sự là một nước đế quốc – tên gọi gợi cho chúng ta hình dung tới lịch sử lâu đời của những đạo luật tàn bạo và vụ lợi – hay không, và khẳng định: hiện nay nước Mỹ đang bộc lộ tất cả các đặc điểm của một nước đế quốc toàn cầu. Nội dung các phần tiếp theo của cuốn sách tập trung làm rõ những bí mật nhằm đạt được và giữ vững vị trí “cường quốc mạnh nhất” thế giới của đế quốc này. Tác giả đã vạch rõ các thủ đoạn mà tập đoàn trị sử dụng để duy trì quyền lực của mình trên thế giới, để đảm bảo cơ sở phát triển của một đế quốc, mà theo tác giả là lớn nhất trong lịch sử. Những báo cáo tài chính lừa đảo, những con số thống kê đầy lạc quan không có thật, những vụ hối lộ với chủ đích tạo ra những chính quyền tham nhũng, những dự án đầu tư bằng vốn vay mà không đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân bản địa…, tất cả được các “sát thủ kinh tế” thực hiện nhằm biến các quốc gia đang phát triển ở khắp các châu lục với những nguồn tài nguyên chưa được khai thác trở thành những con nợ khổng lồ, không thể thoát ra được của IMB, WB, những tổ chức bị Hoa Kỳ thao túng, từ đó phải phục vụ cho các lợi ích của tập đoàn trị. Khi những biện pháp của các sát thủ kinh tế không có hiệu quả thì ngay lập tức sẽ có một đội quân những kẻ sẵn sàng làm mọi việc từ tống tiền, gây bạo loạn đến ám sát… xuất hiện. Tất cả đều nhằm bảo vệ lợi ích của tập đoàn trị, mà thực chất là một nhóm người đang điều hành các tập đoàn lớn nhất, qua đó điều khiển chính phủ Hoa Kỳ bất kể thời điểm nào. Để bảo vệ lợi ích và củng cố vị trí của mình, một thiểu số nhỏ bé, tập đoàn trị đã phá hủy môi trường, hy sinh lợi ích của hàng tỷ người trên toàn cầu, và cả tương lai của loài người. Trong quá trình đó, người Mỹ đã phủ nhận chính bản thân mình, vi phạm những quyền được tuyên bố trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, mang những đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc chuyên chính, độc tài, trong khi vẫn thực hiện việc quảng bá cho chế độ dân chủ, kêu gọi các quốc gia thực hiện nhân quyền. Không chỉ dừng lại ở đó, trong phần kết của cuốn sách, sau khi đã trình bày những vấn đề của từng khu vực, tác giả kêu gọi mọi người hãy cùng hành động, thay đổi những thói quen tiêu dùng hàng ngày, những thói quen tiêu xài lãng phí để thay đổi thực trạng đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng xấu đi, để hành tinh mà chúng ta để lại cho con cháu trong tương lai là một hành tinh tươi đẹp. Cuốn sách được viết dưới hình thức tự sự, với những đoạn miêu tả sinh động, hấp dẫn. Theo bước chân của tác giả, người đọc sẽ được đi khắp châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và khu vực Trung Đông để chứng kiến những âm mưu, thủ đoạn của tập đoàn trị đối với các quốc gia, qua đó hiểu được tại sao rất nhiều quốc gia đang phát triển với nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào nhưng vẫn quẩn quanh trong vòng nghèo đói. Là cuốn sách của một người Mỹ, đã từng nhiều năm làm việc cho Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ nên một số quan điểm của tác giả thể hiện sự khác biệt về ý thức hệ. Để bạn đọc rộng đường tham khảo, chúng tôi vẫn cố gắng giữ nguyên một số quan điểm khác biệt của tác giả trong cuốn sách. Đây là ý kiến riêng của tác giả, không phải quan điểm của Nhà xuất bản. Trong quá trình biên dịch cũng khó tránh khỏi còn một số thiếu sót, Nhà xuất bản rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để lần xuất bản sau được hoàn thiện hơn. Xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc! Tháng 5 năm 2008 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA Lời cảm ơn Cuốn sách này sẽ không thể nào hoàn thiện được nếu không có sự dũng cảm của những con người dám bước ra khỏi ranh giới của những sát thủ kinh tế và những tên chó săn để chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình; để làm điều đó, họ đã tự dấn thân vào tình thế nguy hiểm và buộc phải đối mặt với phần tối tăm nhất của cuộc đời. Tôi nợ họ lòng biết ơn sâu sắc. Tôi cũng không thể viết nên cuốn sách này nếu thiếu những người đã sáng lập và lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ. Họ đang cố gắng thay đổi những chính sách của chủ nghĩa tập đoàn trị. Công việc của họ và những tình nguyện viên khác soi sáng con đường cho tất cả chúng ta tiếp bước. Một số trong số họ đã đóng góp công sức rất lớn cho những trang sách trong cuốn sách này, và còn rất nhiều người khác đang thầm lặng giúp đỡ khi họ dành tặng tiền bạc, của cải cho những tổ chức đóng vai trò quan trọng nêu trên. Tôi thật lòng cảm ơn tất cả những con người đó. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả những con người dũng cảm, dám đương đầu với tập đoàn trị trên hành tinh này. Một vài người trong số họ đã công khai đưa tin trên các phương tiện truyền thông và rất nhiều người đã đình công, giơ cao biểu ngữ, dám nói ra suy nghĩ của mình, gửi e-mail, thay đổi cách thức quản lý tổ chức, ủng hộ cho sự thay đổi tích cực và cung cấp thông tin cho tôi. Họ thật sự là những người anh hùng. Nếu không có sự động viên, cổ vũ của Paul Fedorko, thì cuốn sách Lời thú tội của một sát thủ kinh tế cũng như cuốn sách này không thể xuất bản được. Là một đặc vụ hoạt động không biết mệt mỏi, Paul đã đứng sau cổ vũ, trở thành người bạn tâm tình của tôi đồng thời cũng là người đưa ra các ý kiến sơ bộ, ban đầu cho cuốn sách. Người biên tập của tôi, Emily Haynes, đã không ngừng ủng hộ, giúp đỡ tôi sửa chữa, gọt giũa bản thảo với mục đích thực hiện lời hứa với những viên chức của Ngân hàng Thế giới và con cái của họ nhằm vạch trần Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ, đồng thời đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề này. Ngoài cô ấy, tôi còn muốn cảm ơn tất cả những con người tận tâm tại Nhà xuất bản Penguin Group, đặc biệt là Brian Tart, Trena Keating, Beth Parker, Lisa Johnson và Melanie Gold. Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới chuyên gia về luật pháp quốc tế, ông Peg Booth cũng như Debbe Kennedy làm việc tại Trung tâm Đối thoại Toàn cầu (Global Dialogue Center), David Tucker, làm việc tại Liên minh Pachamama, Llyn Roberts – nhân viên của Liên minh Biến đổi Ước mơ (Dream Change), Steve Piersanti ở Nhà xuất bản Berrett-Koehler, Stephan Rechtschaffen ở Học viện Omega, Amy Goodman của Đài phát thanh và truyền hình Democracy Now! Sabrina Bologni, Jan Coleman, Josh Mailman, Richard Perl, Howard Zinn, John Mack, và rất nhiều những người đã đóng góp công sức để có được những thông tin quý giá và để xây dựng một thế giới ổn định, bền vững và hòa bình. Tôi đặc biệt biết ơn những thành viên trong gia đình nhỏ của mình, đó là Winifred, Jessica và Daniel vì đã ủng hộ, đem lại nguồn cảm hứng và tình yêu cho tôi. Cảm ơn chú mèo Snowball đã mang lại những phút giây bình yên khi tôi nghỉ ngơi, thư giãn lúc viết sách. Gửi tới độc giả Những nhân vật và sự kiện được đề cập trong cuốn sách này hoàn toàn có thật. Tôi đã làm hết sức để giới thiệu thật chân thực về họ dựa trên những hồ sơ cá nhân, bản ghi chép, thư từ, e-mail, những hồi tưởng cũng như những văn bản được phép xuất bản. Trong một số trường hợp, tôi cũng có thay đổi tên nhân vật và các tình tiết, vì đó là một điều kiện mà rất nhiều người đặt ra khi tôi tiến hành phỏng vấn họ, hoặc cũng có khi tôi kết hợp các đoạn đối thoại cho phù hợp với mạch bài viết nhưng chỉ ở những đoạn không ảnh hưởng tới tính chân thực của cuốn sách. Mỗi khi đề cập tới những sự kiện lịch sử, tôi luôn tuân thủ giao ước của mình là cung cấp những thông tin cũng như ghi chép thật chính xác, đôi khi tôi còn minh họa thêm cho bài phát biểu của các nhân vật bằng những tài liệu tham khảo có liên quan ở phần ghi chú phía cuối. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi thay đổi hay xác nhận những chi tiết ẩn đằng sau những câu chuyện riêng tư đó; khi mỗi người kể về vai trò của họ trong những vụ không tặc máy bay dân dụng, xâm chiếm một đất nước để ám sát người đứng đầu đất nước, mua chuộc những nhà lãnh đạo cấp cao, đầu cơ trục lợi từ những thảm họa thiên nhiên, dụ dỗ và tống tiền những quan chức được bầu dân chủ, và kiểm soát những hành động bí mật khác, tôi cảm thấy mình phải có nghĩa vụ làm sáng tỏ những lời kể của họ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất kỳ sự kiện nào mà tôi đề cập đến đều từng được các tác giả khác, các sử gia và nhà báo hay những tài liệu lưu trữ của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới đưa ra làm tài liệu dẫn chứng; vì vậy, câu chuyện có thể là của tôi nhưng các tình tiết trong đó đều là sự thật. Phần mở đầu Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Tôi tiếp tục viết cuốn sách này sau khi đã hoàn thành cuốn sách Lời thú tội của một sát thủ kinh tế. Trở lại thời điểm năm 2004, khi đã viết xong cuốn sách đó, tôi không biết độc giả có muốn đọc về cuộc đời của một sát thủ kinh tế như tôi hay không. Tôi đã lựa chọn kể lại những sự kiện mà mình cần phải thú tội. Rồi sau đó, tôi đi khắp nước Mỹ cũng như những đất nước khác, thuyết trình, trả lời những câu hỏi được đưa ra và nói chuyện với những người quan tâm đến tương lai, vận mệnh của thế giới. Dần dần tôi hiểu ra rằng, con người ở khắp nơi đều muốn biết điều gì thực sự đang diễn ra trên thế giới hiện nay. Tất cả chúng ta đều muốn đọc những bản tin vắn và lắng nghe sự thật đã được bưng bít bằng những phát biểu có lợi cho bản thân của những người lãnh đạo nền kinh tế, chính phủ và phương tiện truyền thông (hay còn gọi là những “tập đoàn trị”). Như đã giải thích trong cuốn sách Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, đã vài lần tôi quyết tâm thực hiện cuốn sách. Tôi tiếp cận các sát thủ kinh tế khác và có những tên chó săn– những kẻ hám lợi được CIA bảo trợ, nhiệm vụ của họ là tạo ảnh hưởng, phỉnh phờ, hối lộ và thậm chí cả ám sát – để bày tỏ nguyện vọng muốn tìm hiểu câu chuyện của họ. Thông tin nhanh chóng lan ra; bản thân tôi đã bị mua chuộc và bị đe dọa. Sau chuyện đó, tôi ngừng viết cuốn sách. Nhưng sự kiện ngày 11 tháng 9 đã thôi thúc tôi tiếp tục hoàn thành cuốn sách. Tôi quyết định không tiết lộ cho ai biết công việc của mình cho tới khi bản thảo cuốn sách được xuất bản. Trong hoàn cảnh đó, im lặng sẽ đảm bảo cho sự an toàn của tôi; những tên chó săn hiểu rằng, nếu có bất cứ điều gì bất thường xảy ra đối với tôi, thì việc đưa cuốn sách này tới tay công chúng sẽ tan thành mây khói. Viết Lời thú tội của một sát thủ kinh tế mà không có bất cứ sự giúp đỡ nào từ những đồng sự có cùng những trải nghiệm như mình quả thật rất khó khăn nhưng đó lại là con đường an toàn nhất với tôi. Sau khi cuốn sách được xuất bản, từng người đã bước ra khỏi bóng tối. Những sát thủ kinh tế, những tên chó săn, những phóng viên, những tình nguyện viên của Tổ chức Hòa bình Mỹ, các ủy viên ban quản trị Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các quan chức chính phủ đã tìm đến tôi để thú nhận về những việc làm của mình. Câu chuyện mà họ chia sẻ trong những trang tiếp theo của cuốn sách này đã vạch trần sự thật ẩn đằng sau những sự kiện đang tạo nên một thế giới mà sau này con cháu chúng ta sẽ là người thừa hưởng. Họ nhấn mạnh nhiều lần một kết luận đã trở nên quen thuộc: Chúng ta phải hành động, chúng ta phải thay đổi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng bạn sẽ không thể tìm thấy cảm xúc buồn rầu hay sự lên án, kết tội trong cuốn sách này. Tôi cảm thấy mình rất lạc quan. Mặc dù thật sự tôi biết rằng, những vấn đề này đều do chúng ta gây ra. Chúng ta không bị đe dọa bởi một thế lực đáng sợ từ thiên nhiên. Những tia nắng mặt trời sẽ chẳng thể bị dập tắt. Vì chính chúng ta tạo ra những rắc rối này nên chúng ta cũng có thể giải quyết được chúng. Bằng cách khám phá những nơi tối tăm nhất của quá khứ, chúng ta có thể đem lại ánh sáng để xem xét và thay đổi tương lai. Tôi tin rằng, khi đọc xong cuốn sách Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ, bạn cũng sẽ cảm thấy hoàn toàn tin tưởng rằng chúng ta có thể làm được những việc đúng đắn. Bạn sẽ phải xác định một kế hoạch để hành động. Chúng ta sẽ cùng nhau tận dụng những nguồn tài nguyên dự phòng để tạo ra một xã hội loài người phản ánh đúng nguyện vọng cao nhất của mình. Vào một buổi tối cách đây vài tháng, trong cuộc hành trình giới thiệu cuốn sách Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, tôi thuyết trình tại một hiệu sách ở thủ đô Washington. Một phụ nữ khiến tôi chú ý ngay từ đầu buổi cho biết, bà ước gì những nhân viên của Ngân hàng Thế giới có thể có mặt tại đây. Được thành lập năm 1944 tại quê hương tôi, Bretton Woods, New Hampshire, Ngân hàng Thế giới có nhiệm vụ tái thiết các quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Nhiệm vụ này cũng nhanh chóng trở nên đồng nghĩa với việc đẩy hệ thống tư bản chủ nghĩa lên ngồi chiếu trên so với Liên bang Xôviết. Để nâng tầm quan trọng của Ngân hàng lên cao hơn, các nhân viên tại đây chuyên tâm vào việc làm đẹp lòng dư luận quốc tế bằng những dự án của chủ nghĩa tư bản, hay chính xác hơn là của các tập đoàn đa quốc gia. Điều này đã tạo ra cho tôi và những sát thủ kinh tế khác cơ hội kiếm được hàng nghìn tỷ đôla từ những việc làm bất lương. Chúng tôi đục khoét tiền từ các quỹ của Ngân hàng và các tổ chức tương tự khác bằng cách xuất hiện với mục đích giúp đỡ người nghèo trong khi thực chất là để dồn hầu hết lợi ích vào tay một số người giàu có, quyền lực. Dựa trên phần lớn các nguyên tắc chung như vậy, chúng tôi sẽ tìm kiếm một quốc gia đang phát triển sở hữu những nguồn tài nguyên mà các tập đoàn của chúng tôi thèm khát (như dầu mỏ), thu xếp một khoản tiền lớn cho nước đó vay và sau đó làm mọi cách để đưa phần lớn lượng tiền đó vào túi các kỹ sư và các công ty xây dựng của mình và phần ít ỏi còn lại cho một vài cộng tác viên ở nước bản địa. Những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà máy điện, sân bay và các khu công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều nhưng những dự án này hiếm khi có ích đối với người dân nghèo, bởi vì họ không thể tiếp cận hệ thống điện năng, chưa bao giờ cần tới các sân bay và thiếu những kỹ năng cơ bản và cần thiết để vào làm tại các khu công nghiệp. Đôi khi, những sát thủ kinh tế như chúng tôi quay trở lại các quốc gia đang ngập trong nợ nần đó và đưa ra những yêu sách như: bán dầu với giá rẻ, ủng hộ cho những vấn đề mà Mỹ đang phải đối mặt, hay điều động lực lượng để ủng hộ chúng tôi tại một vài nước trên thế giới, như Iraq chẳng hạn. Trong bài thuyết trình, tôi luôn thấy cần nhắc đi nhắc lại với các thính giả một điểm dường như quá rõ ràng với tôi nhưng lại rất khó hiểu đối với nhiều người: Ngân hàng Thế giới thực ra không phải là ngân hàng của thế giới mà chính xác hơn đó là ngân hàng của riêng nước Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng ở trong tình trạng tương tự. Trong số 24 giám đốc tại các văn phòng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở nước ngoài, có tới 8 người đại diện cho riêng các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Saudi Arabia, Trung Quốc và Nga. Các nước còn lại trong tổng số 184 quốc gia thành viên cùng nhau chia sẻ 16 ghế giám đốc còn lại. Nước Mỹ chiếm tới gần 17% cổ phần tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế và 16% tại Ngân hàng Thế giới; Nhật Bản là quốc gia đứng thứ hai với 6% tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế và 8% tại Ngân hàng Thế giới, tiếp đến là Đức, Anh, và Pháp, mỗi nước chiếm khoảng 5%. Nước Mỹ giữ quyền phủ quyết đối với hầu hết các quyết định và tổng thống Mỹ có quyền bổ nhiệm chủ tịch của Ngân hàng Thế giới. Khi buổi thuyết trình kết thúc, tôi được đưa tới một chiếc bàn nhỏ để ký tặng sách cho độc giả. Mọi người xếp thành một hàng dài dọc theo những tủ sách. Tôi lại có một tối thật dài nữa. Điều mà tôi không ngờ tới là sự xuất hiện của một số người ăn mặc nghiêm túc theo kiểu công sở. Họ đưa cho tôi tấm card, với ngụ ý cho tôi biết họ đều nắm giữ những vị trí cao tại các đại sứ quán ở nước ngoài và tại Ngân hàng Thế giới. Trong đó có một số vị là đại sứ đến từ nước khác; và hai người trong số này muốn tôi ký tặng sách cho tổng thống của nước họ và ký tặng cho họ. Những người xếp cuối cùng trong hàng dài đó là bốn người đàn ông: hai người mặc comple và đeo cà vạt, hai người còn lại có vẻ trẻ hơn rất nhiều, thì mặc quần jean xanh và áo sơ mi thể thao. Người đàn ông lớn tuổi hơn đưa cho tôi tấm card nhân viên Ngân hàng Thế giới của họ. Một trong hai người đàn ông trẻ hơn nói với tôi: “Cha của chúng tôi cho phép chúng tôi được nói chuyện với ông. Chúng tôi đã chứng kiến mỗi buổi sáng cha chúng tôi chăm chỉ đến đó và ăn vận như thế này…” – Anh chỉ tay về phía hai người kia – “Nhưng khi những người phản đối tập hợp nhau tại đây, ở Washington này, để biểu tình chống lại Ngân hàng, cha chúng tôi cũng muốn gia nhập. Chúng tôi đã thấy nhiều người giấu lai lịch của mình, mặc những bộ quần áo cũ kỹ, đội mũ bóng chày và đeo kính râm để ủng hộ những người biểu tình vì họ tin và chính ông cũng tin rằng họ đã đúng”. Cả hai người đàn ông có tuổi đều vồn vã bắt tay tôi. Một người nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người dám lên tiếng như anh”. Người kia nói thêm: “Hãy viết thêm một cuốn sách khác. Trong cuốn sách đó cần có nhiều những tình tiết như anh đã nói tối nay hơn nữa, về những điều đã xảy ra với các quốc gia mà anh từng làm việc, về tất cả những tổn hại mà những người như chúng ta đã gây ra. Cần vạch trần tội ác của các nước đế quốc. Giải thích rõ sự thật ẩn đằng sau các quốc gia như Indonesia, một đất nước với những con số thống kê thật tuyệt vời và một sự thật lại quá tồi tệ. Và hãy đem lại hy vọng cho chúng tôi cũng như cơ hội lựa chọn khác cho thế hệ con cháu chúng ta. Vạch ra một con đường cho chúng để chúng có thể có một công việc tốt hơn”. Tôi đã hứa với ông là tôi sẽ viết một cuốn sách như thế. Trước khi chúng ta bước vào những trang chính của cuốn sách này, tôi muốn cân nhắc thật kỹ từ mà người đàn ông nói trên sử dụng: Đế quốc. Cách đây vài năm, từ này từng là chủ đề được bàn tán trên khắp các báo, các lớp học và cả những quán rượu. Nhưng chính xác thì như thế nào là một nước đế quốc? Liệu nước Mỹ, với một thể chế tuyệt vời, với Bộ luật Dân quyền, với sự vận động ủng hộ nền dân chủ của mình có thực sự thích hợp với cái mác đế quốc – tên gọi gợi cho chúng ta hình dung tới lịch sử lâu đời của những đạo luật tàn bạo và vụ lợi – hay không? Đế quốc: Nghĩa là một dân tộc thống trị dân tộc khác và mang một hay nhiều những đặc điểm sau: 1)khai thác nguồn tài nguyên tại quốc gia mà đế quốc đó thống trị. 2)tiêu thụ một lượng tài nguyên thiên nhiên lớn – lượng tài nguyên này không cân xứng với tương quan dân số của nước đế quốc so với các quốc gia khác. 3)duy trì một lực lượng quân sự lớn để buộc các nước khác phải tuân theo những chính sách của mình trong khi những chính sách khôn ngoan đó có thể là sai lầm. 4)truyền bá ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật và rất nhiều những hình thức văn hóa khác của nước mình ở khắp mọi nơi nhằm khuếch trương tầm ảnh hưởng. 5)đánh thuế không chỉ người dân của nước mình mà còn cả những người dân ở các nước khác. 6)áp đặt tiền tệ của nước mình lên vùng đất đang bị thống trị. Định nghĩa về “đế quốc” này được trình bày có hệ thống trong các buổi nói chuyện với sinh viên mà tôi tổ chức tại một số trường đại học trong chuyến giới thiệu và quảng bá cuốn sách vào năm 2005 và 2006. Hầu hết các sinh viên đều đồng ý và cùng đi đến kết luận: Nước Mỹ bộc lộ tất cả những đặc điểm của một đế quốc toàn cầu. Nước Mỹ mang tất cả các đặc điểm đã kể ở trên: Đặc điểm 1 và 2: Nước Mỹ chiếm chưa đến 5% dân số thế giới; nhưng lại tiêu thụ tới trên 25% nguồn tài nguyên của cả thế giới. Điều này được thực hiện thông qua việc khai thác với mức độ lớn tại các quốc gia khác, mà chủ yếu là ở các nước đang phát triển. Đặc điểm 3: Nước Mỹ duy trì một lực lượng quân đội lớn nhất và tinh nhuệ nhất thế giới. Mặc dù đế quốc này được xây dựng chủ yếu dựa vào kinh tế, thông qua sự xuất hiện của những sát thủ kinh tế, nhưng các nhà lãnh đạo trên thế giới đều hiểu rằng mỗi khi chính sách của Mỹ mắc sai lầm thì ngay lập tức quân đội sẽ vào cuộc, như từng xảy ra tại Iraq. Đặc điểm 4: Tiếng Anh và văn hóa Mỹ đang thống trị toàn thế giới. Đặc điểm 5 và 6: Mặc dù nước Mỹ không trực tiếp đánh thuế lên các quốc gia khác và đồng đôla cũng không thay thế cho các loại tiền khác trên thị trường của nhiều quốc gia, nhưng “tập đoàn trị” lại áp đặt một loại thuế khôn khéo trên toàn cầu và đồng đôla thực tế là đồng tiền chuẩn mực trong trao đổi thương mại trên toàn thế giới. Quá trình này bắt đầu từ Chiến tranh thế giới thứ hai, khi bản vị vàng bị thay đổi; các cá nhân không thể thay đổi vai trò của đồng đôla được nữa, chỉ có chính phủ mới làm được điều này. Trong suốt những năm 1950 và 1960, việc mua chịu hàng hóa được thực hiện ở nước ngoài để bảo vệ lợi ích ngày càng tăng của người tiêu dùng Mỹ, cho cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam và cho một xã hội vĩ đại (Great Society) của tổng thống Lyndon B. Johnson. Khi các doanh nghiệp nước ngoài cố gắng mua hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ, họ nhận thấy rằng lạm phát đã khiến giá trị của đồng đôla bị giảm xuống, và trên thực tế, họ đang phải trả một loại thuế gián tiếp. Chính phủ nước họ đã yêu cầu phải thanh toán các khoản nợ bằng vàng. Ngày 15 tháng 8 năm 1971, chính quyền Nixon đã từ chối và bỏ toàn bộ bản vị vàng. Washington đột ngột thuyết phục cả thế giới tin tưởng và tiếp tục chấp nhận đồng đôla là đồng tiền tiêu chuẩn. Đằng sau vụ rửa tiền ở Saudi Arabia mà tôi đã giúp các kỹ sư vào đầu những năm 1970, Hoàng gia Saudi Arabia chỉ tập trung bán dầu cho những người mua bằng đôla Mỹ. Bởi vì Saudi Arabia kiểm soát thị trường dầu mỏ thế giới, do đó các nước còn lại trong OPEC (Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ) buộc phải tuân theo quyết định này. Khi dầu mỏ còn giữ vai trò như là một tài nguyên quan trọng nhất thì vị trí chi phối của đồng đôla với tư cách là đồng tiền chung của thế giới vẫn tiếp tục được đảm bảo và các loại thuế gián tiếp sẽ vẫn còn tồn tại. Đặc điểm thứ 7 chợt nảy ra trong đầu tôi khi tôi diễn thuyết cho các sinh viên: đế quốc là nước bị thống trị bởi một hoàng đế (hay nhà vua), người có quyền điều khiển chính phủ và giới truyền thông, nhưng lại không do người dân bầu lên, không đại diện cho nguyện vọng của nhân dân và không một luật lệ nào có thể giới hạn nhiệm kỳ của họ. Lúc đầu, nhìn thoáng qua có vẻ như nước Mỹ được loại trừ ra khỏi danh sách những nước đế quốc. Tuy nhiên, vẻ bề ngoài ấy chỉ là hy vọng viển vông. Đế quốc này bị thống trị bởi một nhóm người có những hành động giống hệt như một ông vua. Nhóm người này điều hành các tập đoàn lớn nhất và qua những tập đoàn này điều khiển cả chính phủ của chúng ta. Họ xoay vòng giữa thương mại và chính phủ như xoay “chiếc cửa quay” từ trước ra sau. Bởi vì, những người điều hành tập đoàn này chi tiền cho những cuộc vận động chính trị và giới truyền thông, nên họ kiểm soát số quan chức được bầu và cả những thông tin mà họ nhận được. Những người này (hay chính là “tập đoàn trị”) vẫn nắm quyền đứng đầu bất kể Đảng dân chủ hay Đảng cộng hòa nắm quyền tại Nhà Trắng hoặc Nghị viện hay không. Họ không đại diện cho nguyện vọng của nhân dân và thời gian nắm quyền không bị phụ thuộc vào bất cứ một luật lệ nào. Mô hình đế quốc mới này được xây dựng một cách lén lút. Hầu hết người dân của nước đế quốc không nhận thức được sự tồn tại của nó; tuy nhiên, nó lại lợi dụng người dân và vì thế có rất nhiều người phải chịu đựng cuộc sống bần cùng. Trung bình mỗi ngày trên thế giới có khoảng 24 nghìn người bị chết đói và những căn bệnh liên quan. Hơn một nửa dân số trên hành tinh sống với mức thu nhập dưới hai đôla một ngày – số tiền ít ỏi này thường không đủ để cung cấp cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống và trên thực tế chỉ bằng mức sống mà họ có được cách đây ba mươi năm. Để có một cuộc sống thoải mái, chúng ta đã khiến hàng triệu người phải trả một cái giá quá đắt. Trong khi chúng ta dần nhận thức được hiểm họa môi trường xảy ra là do lối sống hoang phí của mình, thì rất nhiều người trong chúng ta hoặc không biết tới điều đó hoặc phủ nhận cái giá mà loài người đang phải đón nhận. Tuy vậy, thế hệ con cháu của chúng ta sẽ chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chịu hậu quả của sự mất cân bằng do chính thế hệ trước gây ra. Trong quá trình xây dựng đế quốc này, người Mỹ chúng ta đã cố gắng loại bỏ hầu hết những đức tin cơ bản của chính mình, những đức tin mà trước đây là yếu tố hình thành nên bản chất của một người Mỹ. Chúng ta đã phủ nhận chính bản thân mình và đang vi phạm những quyền được tuyên bố hùng hồn trong bản Tuyên ngôn độc lập của chúng ta. Chúng ta đã đánh mất những nguyên tắc về sự bình đẳng, công bằng và sự thịnh vượng trên toàn cầu. Lịch sử đã chứng minh rằng những nước đế quốc không thể tồn tại lâu dài; chúng sẽ bị sụp đổ hoặc bị lật đổ. Chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra và các đế quốc khác sẽ ngay lập tức thế chân nước thất bại. Quá khứ đã để lại một thông điệp hết sức thuyết phục. Chúng ta phải thay đổi. Chúng ta không thể để lịch sử lặp lại một lần nữa. Nền tảng quyền lực của các “tập đoàn trị” chính là các tập đoàn đó. Chính chúng đã tạo nên diện mạo cho thế giới của chúng ta. Nhìn lên quả địa cầu, chúng ta có thể thấy hình dạng rất nhỏ bé của gần hai trăm quốc gia trên thế giới. Rất nhiều những đường ranh giới giữa các quốc gia được tạo ra bởi sức mạnh của bọn thực dân và hầu hết các quốc gia này đều ít có ảnh hưởng với quốc gia láng giềng của mình. Theo quan điểm địa chính trị, mô hình này đã có từ cách đây rất lâu. Tuy nhiên, trên thực tế, thế giới hiện đại của chúng ta được bao phủ xung quanh bằng một lớp mây khá dày, mỗi đám mây trong đó đại diện cho một tập đoàn đa quốc gia. Sự tồn tại của những thế lực này tác động đến từng quốc gia. Những cái vòi của con bạch tuộc này kéo dài đến tận nơi sâu thẳm của những khu rừng nhiệt đới và tới cả những sa mạc xa xôi nhất. “Tập đoàn trị” thực hiện một chương trình quảng cáo cho chế độ dân chủ và sự minh bạch giữa các quốc gia trên thế giới, nhưng bản thân các tập đoàn này lại mang đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc chuyên chính, độc tài. Trong “tập đoàn trị”, chỉ có một vài người có quyền quyết định tất cả và được hưởng hầu như toàn bộ lợi nhuận. Trong quá trình diễn ra các cuộc bầu cử – trọng tâm của nền dân chủ trên đất nước chúng ta – hầu hết chúng ta chỉ bỏ phiếu cho những ứng cử viên có chiến dịch vận động bầu cử đầy đủ. Do đó, những ứng cử viên mà chúng ta phải cân nhắc lựa chọn đều là những người chịu ơn và bị “sở hữu” bởi các tập đoàn. Đi ngược lại lý tưởng chung, đế quốc này được xây dựng trên nền tảng lòng tham vô độ, các bí mật đen tối và lối sống quá thiên về vật chất. Xét trên khía cạnh tích cực, các tập đoàn này đã cho thấy chúng hoạt động rất hiệu quả trong việc khai thác các nguồn tài nguyên, truyền cảm hứng sáng tạo, mở rộng các trang web về truyền thông giúp những vùng xa xôi nhất trên hành tinh này cũng có thể tiếp cận với nền văn minh nhân loại. Nhờ có các tập đoàn này, chúng ta có thể tùy ý sử dụng tất cả mọi thứ chúng ta cần để đảm bảo rằng 24 nghìn người trên trái đất này sẽ không bị chết đói mỗi ngày. Chúng ta sở hữu kiến thức, công nghệ và các hệ thống cần thiết để xây dựng một trái đất hòa bình, ổn định, bền vững và công bằng. Những người sáng lập ra đất nước này thấy rằng, cách mạng không nên dẫn tới tình trạng vô chính phủ. Họ tách mình ra khỏi chủ nghĩa chuyên chế nhưng đủ khôn ngoan để áp dụng các cơ cấu luật pháp và thương mại được chứng minh là rất thành công ở nước Anh vào chính đất nước mình. Chúng ta cần thừa nhận những lợi ích mà đế quốc này mang lại và dùng chính chúng để liên kết, hàn gắn những rạn nứt đồng thời rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Chúng ta phải can trường như những người sáng lập ra đất nước này. Chúng ta phải phá vỡ những khuôn mẫu mà loài người phải chịu đựng bấy lâu nay. Chúng ta phải biến đổi hình thái đế quốc trở thành một hình mẫu mà ở đó có những công dân tốt và bộ máy quản lý được tổ chức tốt. Để thực hiện những vấn đề nêu trên, để thế hệ con cháu của chúng ta cảm thấy tự hào về thế giới mà chúng sẽ được thừa hưởng, điểm mấu chốt là chúng ta phải biến đổi nền tảng sức mạnh của “tập đoàn trị”, tức là bản thân các tập đoàn – biến đổi cách nhìn nhận chính mình, cách đặt mục tiêu, xây dựng các phương pháp quản lý và thiết lập các tiêu chí lựa chọn những nhà quản trị cấp cao nhất. Các tập đoàn phụ thuộc hoàn toàn vào chúng ta. Chúng ta, những con người trên trái đất này, đem lại cho họ nguồn lao động chất xám cũng như lao động chân tay dồi dào. Chúng ta cũng chính là thị trường của các tập đoàn này. Chúng ta mua sản phẩm của họ và đem lại cho họ những khoản lợi nhuận kếch xù. Như nội dung của cuốn sách này sẽ đề cập, chúng ta đã rất thành công trong việc thay đổi các tập đoàn mỗi khi có một mục tiêu rõ ràng, ví dụ như, khơi sạch những con sông bị ô nhiễm, ngăn chặn việc thải các loại khí ảnh hưởng tới tầng ôzôn và đẩy lùi nạn phân biệt chủng tộc. Giờ đây, chúng ta phải học tập từ những thành công đã có và nâng nó lên một tầm cao mới. Việc đưa ra những hành động cần thiết (những hành động được tôi giới thiệu trong cuốn sách này) sẽ buộc chúng ta phải kết thúc nhiệm vụ mà mình thực hiện từ những năm 1770 nhưng chưa bao giờ hoàn thành nó. Chúng ta phải cùng nhau tiếp bước các vị tiền bối đã khai sinh ra đất nước này cũng như những người tiếp bước họ, những người đã phản đối chế độ chiếm hữu nô lệ, kéo chúng ta ra khỏi thời kỳ suy thoái (Depression), chiến đấu chống lại Hitler, những người tin theo những tài liệu thần thánh nhất tìm đến nước Mỹ với mục đích trốn chạy khỏi áp bức hay chỉ đơn giản là để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bây giờ là thời điểm chín muồi cho mỗi chúng ta dũng cảm bước theo, tiếp tục công việc mà những người đi trước đã bắt đầu. Chúng ta không cho phép đế quốc này bị sụp đổ hay bị thay thế bởi một đế quốc khác, mà thay vào đó hãy cùng nhau thay đổi nó. Sau buổi tối diễn thuyết tại hiệu sách ở thủ đô Washington, tôi không ngừng suy nghĩ về yêu cầu mà hai nhân viên Ngân hàng Thế giới đưa ra. Tôi đã hứa với họ là tôi sẽ viết một cuốn sách khác vạch trần tội ác mà những kẻ như tôi đã làm và đem lại hy vọng cho một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi phải làm điều đó. Tôi phải chia sẻ câu chuyện về những người đã bị giới truyền thông phớt lờ. Tôi phải khuyến khích những người cố lảng tránh hay buộc phải giấu tên mình vì tất cả công việc, lương bổng và cuộc sống của họ phụ thuộc vào điều đó, cất lên tiếng nói của mình. Tôi cần đưa ra một bản tổng kết mang tính “khách quan” hay “khoa học” để thay thế cho những báo cáo và số liệu thống kê sai lạc của đa số các nhà nghiên cứu, biên soạn thường được các tập đoàn trả tiền. Tôi hiểu rằng sẽ có những người lên tiếng chỉ trích việc tôi trích dẫn câu nói của những người giấu tên và những người đã tham gia thực hiện các bản tin. Song, với những ai chưa từng xuất hiện trên các bản tin trên tivi vào các sáng chủ nhật thì điều này rất đáng nói. Tôi hiểu rằng, mình phải nói đúng những trải nghiệm và từ ngữ để miêu tả nhân vật của mình. Tôi mắc nợ những người từng đọc cuốn sách Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, mắc nợ hai người con của hai nhân viên làm việc tại Ngân hàng Thế giới nói trên, mắc nợ đứa con gái 23 tuổi của tôi, và mắc nợ thế hệ mà hai chàng trai trẻ cũng như con gái tôi là đại diện. Vì tất cả những điều đó và vì chính bản thân mình, tôi phải viết tiếp cuốn sách này. Phần I. Châu Á Chương 1. Người phụ nữ bí ẩn ở Jakarta Khi đặt chân tới châu Á năm 1971, tôi đã sẵn sàng để trở thành một kẻ bóc lột và cướp phá. Ở tuổi 26, tôi cảm thấy mình bị cuộc đời lừa dối. Tôi muốn trả thù đời. Hồi tưởng lại, tôi chắc rằng mối hận thù đó đã giúp tôi kiếm được công việc này. Tôi được đánh giá là một sát thủ kinh tế tiềm năng sau hàng giờ liền thực hiện bài kiểm tra tâm lý của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA). Tổ chức điệp viên tối mật quốc gia đã kết luận rằng tôi là người có những đam mê có thể giúp tổ chức hoàn thành nhiệm vụ bành trướng thế lực đế quốc. Công ty Chas. T. Main (MAIN) nhận tôi vào làm. Đây là một hãng cố vấn quốc tế đã thực hiện rất nhiều công việc bẩn thỉu của “tập đoàn trị”, đồng thời cũng là một ứng cử viên sáng giá tiến hành công cuộc bóc lột ở các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba. Mặc dù, tôi đã đề cập sự hận thù của mình trong cuốn Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, nhưng có thể tóm lược trong một vài dòng như sau. Tuy là con trai của một giáo viên trường tư nghèo, nhưng tôi lại được lớn lên bên cạnh những đứa trẻ con nhà giàu có. Tôi vừa sợ hãi lại vừa bị mê hoặc bởi phụ nữ và vì vậy, tôi cố gắng tránh xa họ. Tôi học ở một trường đại học mà mình không thích nhưng vì đó là trường mà cha mẹ tôi muốn. Với bản tính ương ngạnh, tôi đã bỏ học và tìm được một công việc mà tôi yêu thích, đó là làm chân sai vặt và chạy bản in tại một tờ báo ở thành phố lớn. Nhưng sau đó, để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, tôi đã quay lại trường đại học. Tôi kết hôn khá sớm chỉ vì đó là những gì mà cô gái chấp nhận tôi yêu cầu. Tôi sống ở Amazon và Andes ba năm với tư cách là tình nguyện viên cho Tổ chức Hòa bình Mỹ và một lần nữa là để tránh nghĩa vụ quân sự. Tôi tự cho mình là một người Mỹ đích thực và trung thành. Điều này càng củng cố sự hận thù của tôi. Ông bà, tổ tiên của tôi từng tham gia cuộc Cách mạng Mỹ và gần như tất cả những cuộc chiến tranh khác trên đất nước này. Gia đình tôi phần lớn là đảng viên Đảng Cộng hòa thủ cựu. Ngay từ khi đọc các tác phẩm của Paine và Jefferson, tôi đã nghĩ rằng một người bảo thủ luôn tin vào những lý tưởng khởi nguồn trong thời kỳ khai quốc, vào sự công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người. Trước đây, tôi đã rất tức giận khi chính phủ Mỹ phản bội những lý tưởng này trong cuộc chiến tranh với Việt Nam và sự cấu kết của công ty dầu lửa Washington đã phá hủy rừng Amazon, biến người dân nơi đây thành nô lệ. Vậy tại sao tôi lại lựa chọn trở thành một sát thủ kinh tế? Phải chăng đó là cách để thỏa hiệp với lý tưởng của chính mình? Khi nhìn lại, tôi có thể nói rằng công việc này hứa hẹn sẽ đáp ứng được rất nhiều mong muốn kỳ quặc của tôi: nó đem lại cho tôi tiền bạc, quyền lực, phụ nữ đẹp và chiếc ghế hạng nhất trong những chuyến bay tới các vùng đất xa lạ. Tất nhiên, như tôi đã nói, tất cả những công việc tôi làm đều không được trái pháp luật. Thực tế thì tôi đã làm rất tốt công việc của mình. Tôi đã được khen thưởng, được tán dương, được mời tới diễn thuyết tại các trường đại học nổi tiếng tại miền Đông nước Mỹ và được tham dự những buổi tiệc hoàng gia. Tận trong sâu thẳm trái tim mình, tôi vẫn biết rằng cuộc phiêu lưu này đầy rẫy hiểm nguy. Tôi đang mạo hiểm với chính bản thân mình. Nhưng trong tôi luôn nghĩ tôi sẽ chứng tỏ mình là trường hợp ngoại lệ. Khi đặt chân tới châu Á, tôi ấp ủ dự định kiếm đủ tiền tiêu xài cho vài năm, rồi sau đó vạch trần toàn bộ hệ thống, và trở thành một người hùng. Tôi phải thừa nhận rằng, lúc còn nhỏ, tôi từng bị những tên cướp biển và các cuộc phiêu lưu mê hoặc. Nhưng tôi đã phải sống một cuộc sống trái ngược hoàn toàn, tôi luôn phải làm những việc người khác mong muốn. Nếu không nói đến việc bỏ học một học kỳ ở trường đại học thì tôi là một đứa con trai lý tưởng. Bây giờ là lúc thích hợp để tôi cưỡng đoạt và cướp phá. Indonesia sẽ là nạn nhân đầu tiên của tôi … Là quần đảo lớn nhất trên thế giới, Indonesia có hơn 17 nghìn hòn đảo lớn nhỏ kéo dài từ Đông Nam Á tới Australia, hơn ba trăm dân tộc sinh sống với khoảng hơn 250 ngôn ngữ khác nhau. Insonesia có số dân là tín đồ Hồi giáo lớn nhất trên thế giới. Cuối những năm 1960, chúng tôi phát hiện thấy trữ lượng dầu mỏ ở quốc đảo này rất lớn. Tổng thống John F. Kennedy đã xây dựng châu Á thành bức tường thành bảo vệ đế quốc chống lại chủ nghĩa cộng sản khi ủng hộ cuộc đảo chính chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam năm 1963. Diệm đã bị ám sát và nhiều người tin rằng CIA đã nhúng tay vào việc này. Tiếp đến, CIA đã dàn dựng những cuộc đảo chính chống lại Mossadegh ở Iran, Qasim ở Iraq, Arbenz ở Venezuela, và Lumumba ở Congo. Thất bại của Diệm ngay lập tức dẫn đến việc nước Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự ở khu vực Đông Nam Á và cuối cùng là cuộc chiến tranh Việt Nam. Những sự kiện này không để lộ ra bất kỳ manh mối nào cho thấy có bàn tay của Kennedy núp đằng sau. Một thời gian dài sau vụ ám sát Tổng thống Mỹ, cuộc chiến tranh này trở thành thảm họa đối với toàn nước Mỹ. Năm 1969, Tổng thống Richard M. Nixon bắt đầu thực hiện những cuộc rút lui quân sự hàng loạt. Chính quyền Nixon thực hiện một chiến lược bí mật hơn nhằm tập trung ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản lúc này đang lan rộng ở nhiều nước. Indonesia trở thành chìa khóa quan trọng trong chiến lược của Mỹ. Một trong những mắt xích quan trọng của chiến dịch này chính là Tổng thống Indonesia, Haji Mohammed Suharto. Haji nổi tiếng là kẻ kiên quyết chống lại chủ nghĩa cộng sản và cũng là người không do dự sử dụng những hành động vô cùng tàn ác nhằm thực hiện chính sách của mình. Năm 1965, với tư cách là người thống lĩnh quân đội, chính ông ta đã tiêu diệt tận gốc đội quân thân cộng, trực tiếp chỉ huy vụ thảm sát đẫm máu dẫn đến cái chết của khoảng 300 nghìn đến 500 nghìn người, một trong những vụ thảm sát hàng loạt vì mục đích chính trị đẫm máu nhất thế kỷ XX… Theo ước tính, có khoảng một triệu người khác bị bỏ tù và giam giữ tại các trại giam. Hệ quả của các cuộc giết người, bắt bớ này là việc Suharto đứng đầu chính quyền với tư cách tổng thống vào năm 1968. Năm 1971, tại thời điểm tôi đặt chân đến Indonesia, mục tiêu của các chính sách đối ngoại của Mỹ rất rõ ràng: khai trừ chủ nghĩa cộng sản và ủng hộ tổng thống. Chúng tôi kỳ vọng Suharto sẽ phụng sự nước Mỹ như cựu vương Shah đã làm ở Iran. Hai người đàn ông này có rất nhiều điểm tương đồng: tham lam, tự phụ và vô cùng tàn nhẫn. Không chỉ thèm muốn những mỏ dầu của Indonesia, chúng tôi còn muốn lấy đất nước này làm mẫu hình cho cả châu Á cũng như thế giới Hồi giáo noi theo. MAIN, công ty của tôi được giao nhiệm vụ phát triển hệ thống điện hợp nhất, giúp Suharto cùng bè phái có thể tiến hành quá trình công nghiệp hóa đất nước và trở nên giàu có hơn, và đảm bảo địa vị thống trị của nước Mỹ trong một thời gian dài. Công việc của tôi là đưa ra những nghiên cứu kinh tế cần thiết nhằm thu hút nguồn tiền tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Ngay khi tôi vừa tới Jakarta, nhóm của chúng tôi tại công ty MAIN đã nhóm họp tại một nhà hàng sang trọng trên tầng thượng của khách sạn Intercontinental Indonesia. Giám đốc dự án, Charlie Illingworth đã tóm tắt nhiệm vụ của chúng tôi như sau: “Chúng ta tới đây không ngoài việc cứu rỗi quốc gia này khỏi nanh vuốt của chủ nghĩa cộng sản”. Ông ta nói thêm: “Chúng ta đều biết nước Mỹ của chúng ta phụ thuộc vào dầu lửa như thế nào. Xét trên bình diện đó, Indonesia có thể trở thành một đồng minh hùng mạnh của chúng ta. Do đó, khi các anh tiến hành kế hoạch này, làm ơn hãy làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng ngành công nghiệp dầu lửa và tất cả các ngành khác phục vụ nó – cảng biển, đường ống, xây dựng – được đáp ứng nhu cầu về điện năng trong suốt kế hoạch 25 năm”. Trong những ngày này, hầu hết các văn phòng của chính phủ ở Jakarta đều làm việc từ rất sớm, bắt đầu từ khoảng 7 giờ sáng và đóng cửa vào khoảng 2 giờ chiều. Các nhân viên có giờ nghỉ giải lao để uống cafe, trà và ăn nhẹ. Song, bữa trưa của họ chỉ bắt đầu khi đã hết giờ làm buổi chiều. Tôi có thói quen chạy ào vào khách sạn, thay đồ tắm, đi về hướng bể bơi, rồi sau đó gọi một chiếc sandwich cá ngừ và bia Bintang Baru lạnh−một loại bia của địa phương. Mặc dù luôn mang bên mình chiếc cặp đầy ắp công văn giấy tờ phục vụ cho các buổi họp, nhưng đó chỉ là hành động che mắt thiên hạ. Tôi có mặt ở đây là để trêu ghẹo những phụ nữ trẻ đẹp trong bộ đồ bikini, với làn da rám nắng và những cái liếc mắt đưa tình. Đa phần trong số họ là những bà vợ Mỹ của các công nhân dầu lửa đang đi nghỉ cuối tuần ở những vùng xa xôi hoặc vợ của các ủy viên ban quản trị có chi nhánh đặt ở Jakarta. Chẳng bao lâu sau, tôi đã mê mẩn một phụ nữ trạc tuổi tôi. Vẻ bề ngoài của cô là sự kết hợp hài hòa giữa hai dòng máu châu Á và châu Mỹ. Với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành đó nên đôi khi cô tỏ ra không mấy thân thiện. Nhưng, có vài lần khi gọi đồ ăn bằng tiếng Anh hay đi dạo quanh bể bơi, dáng điệu khi cô đứng, vuốt tóc, mỉm cười như muốn mời gọi tôi. Những lúc như vậy, tôi lại vội vã ngoảnh mặt đi chỗ khác. Tôi biết mình đang xấu hổ. Tôi lại thấy nguyền rủa sự giáo dục khắt khe của gia đình tôi. Hàng ngày, cứ khoảng 4 giờ chiều, một tiếng rưỡi sau khi tôi tới bể bơi, người phụ nữ đó lại đến cùng một người đàn ông, tôi đoán chừng là người Nhật Bản. Anh ta diện complê sang trọng, một việc rất hiếm thấy ở một đất nước mà người dân thường mặc quần áo được là cẩn thận, may từ loại vải batik của địa phương. Họ nói chuyện một lúc rồi tạm biệt nhau. Mặc dù tôi đã thử tìm kiếm họ trong các quán bar, nhà hàng của khách sạn nhưng chưa bao giờ tôi thấy họ đi cùng nhau, hay thậm chí ở một mình ở bất cứ nơi đâu khác, ngoại trừ bể bơi. Một buổi chiều, khi đi thang máy xuống tầng trệt, tôi đã quyết tâm lấy hết can đảm. Tôi dự định sẽ tiến lại gần và bắt chuyện với cô ấy. Tôi tự nhủ với mình rằng chẳng có gì để mất cả, tôi biết cô ấy đã cưới người đàn ông Nhật Bản đó và tôi chỉ muốn nói chuyện với ai đó bằng tiếng Anh. Làm sao cô ấy có thể từ chối được chứ? Sau khi tự trấn an mình như vậy, tôi cảm thấy vui mừng khôn xiết. Tôi tiến thẳng tới bể bơi, với đầy sự hy vọng, tôi ngân nga một bài hát yêu thích. Nhưng ngay khi vừa đến nơi, dừng lại ở lối đi, tôi thấy mình mất hết can đảm và rất bối rối. Cô ấy không xuất hiện ở nơi quen thuộc. Tôi điên cuồng tìm kiếm xung quanh, nhưng chẳng thấy bóng dáng cô ấy đâu. Tôi đặt chiếc cặp của mình xuống chiếc ghế dài gần đó và tìm kiếm ở những khu vườn xung quanh. Tôi chưa bao giờ vào đó và lúc bấy giờ tôi nhận ra chúng rất rộng, ngập tràn màu sắc của đủ các loại phong lan, với vô vàn lũ chim seo cờ và những cây dứa nhỏ mà tôi đã nhìn thấy ở Amazon. Song, tất cả những gì tôi có thể nghĩ tới lúc đó là tôi đã đánh mất cơ hội được cùng người phụ nữ ấy chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt vời này. Những cây cọ và bụi rậm tạo nên một khoảng không gian yên tĩnh và là nơi tuyệt vời để trốn chạy khỏi những bận rộn của cuộc sống thường nhật. Tôi cứ ngỡ mình đã nhìn thấy cô đang nằm trên chiếc khăn tắm trải trên thảm cỏ, phía bên kia hàng rào. Tôi chạy thật nhanh qua đó, tìm cách đánh thức người phụ nữ trở dậy. Cô gái bị đánh thức nắm lấy chiếc dây áo bikini đang lỏng ra trước ngực, ngồi dậy; nhìn tôi với vẻ mặt giận dữ, đầy đe dọa; đôi mắt như đang buộc tội tôi đã quá tò mò và cô ấy hét lên bằng một thứ ngôn ngữ mà tôi không thể hiểu nổi. Tôi cố gắng nói lời xin lỗi rồi nhanh chóng trở lại nơi tôi đã để chiếc cặp sách của mình. Khi người phục vụ tiến lại gần, tôi chỉ về phía chiếc ghế bỏ trống, nơi cô vẫn thường ngồi. Anh ta cúi xuống chào, mỉm cười và nhấc chiếc cặp đưa cho tôi. “Không, không, tidak ”. Tôi nói, mắt vẫn không rời chiếc ghế. “Người phụ nữ ấy đâu rồi?”. Tôi cho rằng nắm được thói quen của các khách hàng quen thuộc là một phần công việc của những người phục vụ ở bể bơi. Theo phỏng đoán của tôi, người đàn ông Nhật kia sẽ là một người hào phóng khi “boa” cho nhân viên phục vụ. “Không, không”. Anh ta nhắc lại: “tidak”. Tôi đưa hai bàn tay ra phía trước và nhún vai theo kiểu bình thường nhất có thể: “Anh có biết cô ấy đã đi đâu không?” Anh ta bắt chước hành động của tôi, mỉm cười thật ngu ngốc và nhắc lại câu nói của tôi như một con vẹt: “Đi đến nơi cô ấy đến”. “Đúng, thế nhưng đó là nơi nào?” “Đúng thế”. Anh ta lại nhắc lại. “Nhưng đó là nơi nào?”. Anh ta nhún vai một lần nữa, vẻ mặt giống hệt như chú mèo Cheshire trong câu chuyện Alice ở xứ sở thần tiên. Sau đó, anh ta cắn móng tay, rồi cười to “Đúng thế”. Tôi nín thở và tự an ủi rằng giả thuyết của mình về những anh chàng phục vụ bể bơi đang được khẳng định. “Tunafich sanich và Bintang Baru”, anh ta nói. Thở dài. Tôi chỉ gật đầu còn anh ta thì đi thẳng. Bốn giờ trôi qua. Không có dấu hiệu nào cho thấy người phụ nữ trong mộng của tôi và anh chàng người Nhật kia sẽ tới. Tôi lê bước về phòng, tắm rửa, mặc quần áo và lao ra ngoài. Tôi phải đi thật xa khỏi cái khách sạn này. Nếu không, tôi sẽ mãi như thế này mất. Chương 2. Góc khuất ở Jakarta Đó là một buổi tối như thường lệ ở Jakarta, oi nồng và ẩm ướt. Mây đen vần vũ đầy trời, báo hiệu một cơn mưa sắp kéo tới. Trước đó, tôi chưa bao giờ rời khỏi khách sạn trừ những lúc đi cùng tài xế riêng. Ngay khi vừa bước xuống vỉa hè gần cổng lớn của khách sạn, tôi tưởng như mình đã bị một chiếc xe ba bánh loại becak xô xuống lòng đường. Tôi đã vượt qua hàng trăm chiếc xe như vậy khi được đưa tới tham dự các cuộc hội họp và luôn nhận thấy các bức bích họa hình cầu vồng vẽ trên thành ghế xe thật sống động nhưng cũng rất kỳ quặc, điều này gợi cho tôi nhớ lại rằng Indonesia là thánh địa của các nghệ sĩ. Bấy giờ, tôi đang suy xét đến một khía cạnh khác: những người lái xe ở đây bị vắt đến kiệt sức, họ ăn mặc tả tơi, và luôn tranh giành khách của nhau. Họ xông tới phía tôi, rung chiếc chuông trên xe và nói thật to để thu hút sự chú ý của tôi. Trong lúc cố gắng vượt qua đám người này, tôi suýt bước chân xuống rãnh nước đen ngòm như hắc ín, dồn đầy rác rưởi và mùi nước tiểu nồng nặc ở phía trước. Rãnh nước này chảy xuống một sườn dốc dẫn tới một trong rất nhiều con kênh đào được người Hà Lan xây dựng từ thời thuộc địa. Bây giờ, nó ứ đọng lại, bề mặt được phủ kín bởi một lớp váng màu xanh rêu và bốc mùi hôi thối khiến tôi gần như không thể chịu đựng nổi. Điều này có vẻ trái với lẽ thường, bởi vì, những con người có óc sáng tạo này đã từng biến cả đại dương thành cánh đồng, đã từng nỗ lực tái tạo Amsterdam trong điều kiện thời tiết nóng ẩm của quốc gia nhiệt đới này. Con kênh đào này, cũng như rãnh nước chảy vào nó, ngập trong rác rưởi vụn. Thậm chí, tôi còn có thể phân biệt rãnh nước và con kênh đào qua mùi hôi thối của chúng. Rãnh nước ngập ngụa mùi hoa quả thối và nước tiểu, trong khi con kênh đào đen bẩn hơn, mùi hôi nồng đã có từ rất lâu là mùi pha trộn của phân và xác động vật bị phân hủy. Tôi tiếp tục đi, cố gắng tránh những chiếc xe đã choán hết lòng đường. Ngoài những chiếc xe này, con đường lớn còn huyên náo bởi ôtô, xe máy đang điên cuồng lao đi; tiếng còi xe inh ỏi; tiếng động cơ nổ ầm ĩ và hầu hết đều thiếu bộ phận giảm thanh; mùi xăng xe bốc lên nồng nặc; khói xe phả vào bầu không khí ẩm ướt. Và tất cả bắt đầu tác động tới cơ thể tôi. Tôi dừng lại một chút, cảm giác như mình vừa trải qua một trận chiến thực sự và gặp phải thất bại cay đắng. Tôi muốn bỏ cuộc và trở về với không gian bình yên ở khách sạn nơi tôi ở. Nhưng ngay lập tức tôi tự nhắc mình rằng tôi từng tồn tại ở vùng rừng nhiệt đới Amazon, từng sống trong những túp lều lụp xụp với người nông dân của vùng núi Andes mà khẩu phần ăn hàng ngày của họ chỉ là khoai tây và một ít quả đậu. Tôi nghĩ tới những thành viên trong nhóm của mình và tới các du khách người Mỹ, những người cố tránh nhìn nhận đất nước họ tới thăm theo cách mà hầu hết những người dân bản địa nhìn nhận. Tôi bất chợt nhận ra rằng những trải nghiệm khi làm tình nguyện viên cho Tổ chức Hòa bình Mỹ đã tác động sâu sắc đến tôi – đó là mối ràng buộc mà tôi và nhiều người khác đã cùng nhau vun đắp; là cách họ mở rộng cánh cửa cuộc đời, chia sẻ phần thức ăn dự trữ ít ỏi, chào đón, sưởi ấm, nuôi dưỡng, chăm sóc và thậm chí yêu quý tôi. Một mình lẻ loi giữa màn đêm đang buông xuống ở Jakarta, tôi tự hỏi liệu mình có thực sự phù hợp với vai một kẻ ăn cướp hay không. Làm sao tôi có thể cưỡng đoạt và bóc lột những người lái xe becak, những nhân viên phục vụ tôi trong khách sạn và trong các văn phòng nơi tôi thường xuyên lui tới, những người nông dân lao động cực nhọc trên đồng ruộng, những người dân chài, những cô thợ may, những chủ cửa hàng, hay những bác thợ mộc? Trong khi Robin Hood chỉ cướp của những kẻ giàu có hay một tên hải tặc chỉ tấn công những con thuyền chất đầy vàng bạc châu báu của vua Tây Ban Nha thì nhiều kẻ khác lại đi cướp của cả những người nghèo. Song, đây lại chính là những gì người ta đang yêu cầu tôi thực hiện: khi tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ của mình, tôi sẽ cướp của dân nghèo và chia cho những kẻ giàu. Làm sao tôi có thể làm được điều đó? Làm sao Charlie Illingworth và các cộng sự có thể sống như vậy khi phải đối diện với chính bản thân mình? Lúc đó, tôi buộc phải chấp nhận trách nhiệm cá nhân của mình, buộc phải thừa nhận rằng những năm tháng ở Ecuador đã đưa tôi đến một tương lai hoàn toàn khác với những người đã từng làm công việc giống như tôi hay những người dân đang phải đóng thuế để hỗ trợ chúng tôi. Tôi từng được tôn sùng – nhưng cũng từng bị chửi rủa – bởi sự sáng suốt của một số ít người Mỹ. Trong hoàn cảnh đó, bất cứ ai cũng tìm cách biện minh cho mình. Với Charlie, đó là vì mục đích chống lại chủ nghĩa cộng sản. Còn nhiều kẻ khác, mục đích chỉ đơn giản là đầu cơ trục lợi. Họ biện hộ rằng: “Đây là một thế giới tranh giành cấu xé lẫn nhau. Gia đình tôi cần phải được đặt lên hàng đầu”. Số khác lại xem các dân tộc khác hay tầng lớp khác là kẻ hạ đẳng, lười biếng và xứng đáng chịu tất cả những rủi ro này. Nhưng tôi nhận thấy, cũng có một số người thực sự tin rằng đầu tư vào mạng lưới điện sẽ giải quyết được các vấn đề mà thế giới hiện đang gặp phải. Nhưng đâu là lời biện hộ của tôi? Tôi, một thanh niên trẻ tuổi, bất chợt cảm thấy mình đã trở nên quá già. Tôi bắt đầu bước xuống dòng kênh. Nếu lúc này trong tay mình có cuốn sách Common Sense của Tom Paine, tôi sẽ ngay lập tức quẳng nó xuống dòng nước hôi thối kia. Bất chợt, đôi mắt tôi bị cuốn về một vật gì đó lờ mờ phía trước. Một cái hộp các tông lớn và méo mó đổ sụp xuống. Nằm gần bờ kênh đầy nước ứ đọng, trông nó giống như chiếc mũ rách nát mà những kẻ ăn mày thường đội. Chú ý thật kỹ, tôi thấy nó cựa quậy mạnh, điều này gợi cho tôi nhớ tới hình ảnh một con thú đang bị thương nặng. Có lẽ tôi đã bị hoa mắt bởi không khí oi nóng, hơi khói và những âm thanh ồn ã ngoài kia. Tôi tiếp tục rảo bước. Nhưng trước khi kịp quay đi, tôi thoáng nhìn thấy một cánh tay nhô ra từ phía chiếc hộp, hay đúng hơn, cái vật vừa xuất hiện đã từng là một cánh tay, nhưng bây giờ nó chỉ là một mẩu tay cụt dính đầy máu. Cánh tay chuyển động mạnh và từ từ di chuyển từ bên cạnh tới góc trên của chiếc hộp. Rồi nó trồi hẳn lên, một cái đầu bù xù cũng nhô lên theo. Sự xuất hiện đột ngột của cái đầu trên chiếc hộp khiến tôi liên tưởng đến những con rắn trên đầu quỷ Medusa, những sợi tóc được buộc hờ bằng chiếc nơ và vấy đầy bùn đất. Cái đầu lắc mạnh, một cơ thể bắt đầu hiện ra. Nhưng cho đến lúc này, nó vẫn bị chiếc hộp che khuất. Một nỗi khiếp sợ chạy khắp người tôi. Cái cơ thể dính đầy cỏ và bùn đất mà tôi cho rằng là một người phụ nữ ấy bắt đầu trườn dọc lên khu đất nằm cạnh con kênh. Tôi thực sự hoảng sợ bởi đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến cảnh tượng này. Người phụ nữ đó, nếu tôi không xác định nhầm giới tính của cô ta, là một bệnh nhân phong, một con người thực sự, da thịt cô ta đang thối rữa ngay trước mắt tôi. Ngay bên bờ kênh, cái cơ thể đó ngồi xuống, hay chính xác hơn là ngã gục xuống đống giẻ rách bên cạnh. Một cánh tay mà trước đó tôi chưa nhìn thấy giơ lên cao rồi lại hạ xuống, nhúng đống quần áo rách nát kia vào dòng nước hôi hám của con kênh, từ từ giũ nó và quấn quanh cánh tay cụt của mình. Trên cánh tay đó, những vết thương bị há rộng miệng đến mức một ngón tay cũng có thể đặt vừa. Tôi nghe thấy tiếng rên rỉ và nhận ra rằng âm thanh đó phát ra từ tôi. Đôi chân tôi loạng choạng. Tôi tự hối thúc mình phải phi thật nhanh về khách sạn, nhưng có điều gì đó lại buộc chân tôi phải đứng nguyên tại đó. Tôi phải chịu đựng việc chứng kiến nỗi đau đớn thể xác của con người này. Tận sâu trong trái tim mình, tôi biết rằng bất cứ việc làm nào lúc này đều là vô nghĩa. Chuyện này có thể lặp đi lặp lại với người phụ nữ này vài lần một ngày. Tôi tự hỏi liệu còn có bao nhiêu linh hồn bị ruồng bỏ khác cũng phải chịu số phận bi đát vì những nghi thức tôn giáo như ở Jakarta, trên khắp Indonesia, Ấn Độ và cả châu Phi nữa. Một chuyển động khác khiến tôi chú ý, một hộp bìa các tông khác cũng đang giật giật. Người bệnh phong từ từ quay đầu lại và nhìn chằm chằm vào đó. Gương mặt cô hiện lên những nốt đỏ mờ mờ do vết mụn vỡ để lại. Tôi dõi mắt theo đôi mắt trũng sâu ấy. Một cái đầu trẻ con nhô lên từ phía chiếc hộp. Tôi không muốn nhìn tiếp nhưng cứ như bị thôi miên, giống như một người phải chứng kiến một vụ giết người mà không thể làm gì để ngăn cản. Đứa bé trườn theo người phụ nữ. Nó ngồi ngay bên cạnh cô và bắt đầu khóc. Tôi không thể nghe thấy tiếng khóc, có thể do tiếng khóc quá nhỏ hoặc cũng có thể do tiếng xe cộ đi lại quá lớn, nhưng tôi nhìn thấy cái miệng mở rộng và từng cơn co thắt của cơ thể nhỏ bé này. Người phụ nữ đột ngột ngước lên nhìn và nhận ra sự có mặt của tôi. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau. Cô ta nhổ nước bọt xuống đất, đứng lên, lắc cánh tay dính máu về phía tôi, bế đứa trẻ lên và chạy nhanh đến mức tôi không kịp phản ứng gì, rồi sau đó biến mất phía sau chiếc hộp. Khi tôi bước đến nơi người phụ nữ đó vừa đứng, có vật gì đó đập vào lưng tôi. Theo bản năng, tôi lăn tròn xuống đất và sờ vào chiếc ví trong túi quần. Tôi thấy bớt căng thẳng khi thấy nó vẫn còn nguyên trong túi và cũng nhẹ nhõm vì sự xao lãng vừa rồi. Có hai người phụ nữ trẻ quyến rũ tản bộ qua chỗ tôi. Họ cười khúc khích và quay sang mỉm cười với tôi. Một người mặc quần jeans bó sát, còn người kia lại mặc một chiếc váy rất ngắn. Họ dừng lại, người mặc váy ngắn hỏi tôi: “Không mất ví chứ?”. Và cô ta bẻ bẻ những ngón tay của mình: “Muốn đi với chúng em không?”. Tôi lắc đầu. Cô ta nói với người bên cạnh: “Chắc anh ta chỉ thích các anh chàng thôi”. Và họ bỏ đi. Phía trên đầu họ là chiếc cầu dành cho người đi bộ vắt ngang qua đoạn đường phía dưới. Họ bước lên đó đi dạo. Hai cô nàng này chắc đang lảng vảng kiếm mồi. Họ cố tình vừa đi vừa đánh mông để khoe sự gợi cảm của mình. Cô mặc váy ngắn quay lại nhìn, nở một nụ cười và vẫy chào tôi. Sau đó, họ đi về phía cây cầu. Tôi liếc nhanh về phía chiếc hộp các tông. Vẫn không có động tĩnh gì cả. Mọi thứ gần như đóng băng, chỉ có những gợn sóng lăn tăn dọc theo dòng nước. Tôi nửa muốn qua bên đó và đưa cho người phụ nữ kia toàn bộ số tiền có trong ví nhưng đột nhiên tôi nhận ra đống quần áo rách của cô ta vứt ngổn ngang trên mặt đất. Hình như cô ta đã đánh rơi khi vội vàng bỏ trốn. Tôi nghĩ tốt hơn hết mình nên tôn trọng sự riêng tư đó. Tôi nhanh chóng đi lên cây cầu, trong đầu không có chút ý niệm nào về việc nó sẽ dẫn tôi tới đâu. Thường thì ở khu vực xích đạo, mặt trời lặn nhanh hơn và cũng rực rỡ hơn. Nhưng hôm nay, lớp mây dày che kín bầu trời tạo nên một màu mờ ảo. Những tia sáng phía cuối chân trời hiện lên le lói. Khi tôi lên đến cầu, trời đã bắt đầu sẩm tối. Phía bên kia cầu, hiện ra ánh đèn nê ông phản chiếu từ tấm biển đề RESTAURANT. Tôi bước từng bước lên bậc cầu. Một người phụ nữ vẻ cao ráo, đang đứng dựa vào lan can. Trong ánh đèn mờ mờ, tôi không chắc lắm nhưng lúc đó nhìn cô ta rất đẹp. Khi tôi tiến đến gần, cô ta cất giọng khàn khàn: “Em sẽ là niềm vui của ông. Chúng ta…”. Cô ta chỉ vào ngực của mình, lắc lắc, sau đó làm một cử chỉ hết sức lố bịch và gửi đến tôi một nụ cười. Lúc này, tôi nhìn thấy rõ lớp phấn trang điểm trên khuôn mặt ấy. Tôi vội vã bước đi. Ánh đèn đường bỗng nhiên trở nên lung linh hơn, chốc chốc lại rọi sáng cây cầu. Thứ ánh sáng rực rỡ màu vàng, trông rất kỳ lạ, đem lại cho nơi đây một vẻ mơ hồ, huyền bí. Tôi dừng lại ở một cột đèn, nghĩ rằng công việc của tôi là dự đoán nhu cầu điện năng, tức là sẽ phải bao gồm cả việc tìm hiểu những thứ như chiếc đèn này. Chiếc cột trụ làm bằng ximăng nhưng đã bị rạn nứt, các mảng xi măng rơi ra và lốm đốm những vết mốc. Tôi cố gắng tránh không chạm vào nó. Tôi tiếp tục bước đi, mắt nhìn chằm chằm xuống chân và nền đường bị rỗ lỗ chỗ của cây cầu, những đoạn sắt han gỉ nhô ra từ các tấm bê tông giống như những bộ mặt xấu xí giận dữ trong ánh sáng vàng vàng nhầy nhụa. Tôi cố gắng nghĩ về cây cầu, về tuổi thọ của nó, về những người đã xây dựng nó, nhưng tôi thực sự không thể tập trung nổi. Hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp bên bể bơi khách sạn luôn hiện ra trong đầu tôi. Theo một cách nào đó, đây là điều duy nhất giúp tôi thoát khỏi thực tế đang diễn ra xung quanh mình nhưng nó cũng khiến tôi bị ám ảnh. Tôi không thể nào xóa bỏ hình ảnh của người phụ nữ đó trong tâm trí mình. Cái ý nghĩ rằng tôi đã yêu cô, rằng tôi đã bị bỏ rơi thoáng vụt qua trong đầu. Tôi phải tự trấn an bản thân bằng cách đổ lỗi cho sự dại dột của mình. Tôi ngước nhìn lên đúng lúc sắp bước sang đầu bên kia của cây cầu. Chiếc biển RESTAURANT ngay lập tức hiện ra trước mặt, nó được gắn với mái nhà của một khu liên hợp gồm những tòa nhà san sát bên đường, nhô ra như thể muốn chắn ngang con đường cao tốc. Ở phía dưới tấm biển, một dòng chữ nhỏ hơn có đề: NHỮNG MÓN ĂN TRUNG HOA HẢO HẠNG. Một chiếc ôtô mui kín, màu đen, giống như chiếc xe của đại sứ quán Mỹ, từ từ tiến về phía nhà hàng. Đó dường như là chiếc xe duy nhất, lạc lõng giữa dòng người và dòng xe hối hả ngược xuôi của thành phố này. Chương 3. Những cô Geisha Tôi tiếp tục bước đi. Chiếc xe ôtô đã dừng lại trước cửa nhà hàng. Nó đậu ở đó một lát rồi từ từ tiến lên. Hình như người chủ của chiếc xe không thích nhà hàng này hoặc ông ta không tìm được người mà ông ta muốn tìm kiếm. Tôi cố gắng ngó qua lớp kính của chiếc xe nhưng chỉ nhìn thấy ánh sáng phản chiếu của chiếc đèn nêông từ phía nhà hàng. Bất chợt, người lái xe nổ máy phóng vút đi. Khi tôi tiến tới gần, không gian bên trong nhà hàng bị che khuất bởi một tấm rèm mỏng. Tôi lấy tay xoa xoa gương mặt của mình đang phản chiếu trong lớp kính. Bên trong khá tối, chỉ có ánh sáng lập lòe phát ra từ những cây nến của mấy chiếc đèn lồng nhỏ. Tôi bước đến cánh cửa ra vào. Cánh cửa mở ra đưa tôi vào một căn phòng tối, có khoảng hơn 10 chiếc bàn nhỏ xung quanh và trên mỗi bàn đặt một chiếc đèn nhỏ. Nhìn nhanh căn phòng tôi thấy ở đây có đủ người châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Một phụ nữ Trung Quốc cúi chào tôi và nói bằng một thứ tiếng Anh chuẩn: “Xin mời quý khách. Quý khách ăn tối một mình hay có thêm người khác ạ?”. Sau đó, cô ta đưa tôi bước vào phòng. Mặt tôi tái đi, tôi không tin vào những gì đang diễn ra trước mắt. Người phụ nữ ở bể bơi, người phụ nữ của tôi, người mà tôi đã gắng sức tìm kiếm, đang ngồi ở chiếc bàn phía xa kia với một người phụ nữ châu Á khác. Cô cũng đang nhìn tôi chằm chằm. Rồi, cô mỉm cười và gật đầu chào. Bà chủ cửa hàng thấy vậy liền dẫn tôi tới bàn cô ngồi. “Hai người quen nhau à?”. “Vâng”. Người phụ nữ ở bể bơi trả lời không do dự. “Anh có muốn ngồi cùng chúng em không?”. Bà chủ cửa hàng kéo một chiếc ghế trống ra, cúi chào một lần nữa rồi bước đi. Tôi choáng váng vì bối rối. Tôi hỏi: “Chồng của cô đâu rồi?”. Hai người phụ nữ liếc nhìn nhau và phá lên cười. Sau cùng, cô đáp: “Em chưa kết hôn”. “Nhưng người đàn ông ở bể bơi…”. “Đó là một cộng sự của em”. Cô cố gắng kiềm chế để không bật cười, sau đó chỉ tay về phía chiếc ghế: “Anh ngồi đi. Chúng em chỉ vừa gọi đồ ăn thôi. Ít nhất cũng đủ cho cả ba chúng ta. Hay anh muốn ăn tối một mình?”. Tiếng Anh của cô gần như hoàn hảo, không có một âm pha tạp nào. Tôi ngồi xuống. Trong tôi vừa có cảm giác ngạc nhiên, bất ngờ trước điều tuyệt vời trước mắt, vừa có nỗi lo sợ mơ hồ, như thể tôi sắp dấn thân vào một việc làm phi pháp vậy. Người phục vụ bước đến, đặt một chiếc cốc nhỏ trước mặt tôi. Người phụ nữ trong mộng của tôi chỉ vào chiếc bình sứ nhỏ, mời: “Anh uống sakê chứ? Chúng em đã uống khá nhiều rồi. Tối nay chúng ta có thể uống thoải mái, rượu sakê ở nhà hàng này tuyệt hảo đấy”. Cô rót đầy cốc cho tôi: “Chúc sức khỏe”. Tiếng cốc chạm vào nhau leng keng. “Ôi, thật là khiếm nhã”, cô lấy chiếc khăn lanh trắng lau nhẹ đôi môi và nói tiếp: “Xin giới thiệu, em là Nancy, còn đây là Mary”. Tôi bắt tay từng người: “Còn tôi là John”. “Em đã thấy anh ở bể bơi. Em đã chờ anh bước đến bắt chuyện với em. Anh có vẻ rất cô đơn và tử tế nữa nhưng có lẽ anh đã quá xấu hổ. Hay có thể là…”. Cô ngả người về phía tôi, gần tới mức tôi có thể ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở của cô: “Anh rất yêu vợ mình”. Lần này, đến lượt tôi bật cười: “Tôi đã ly hôn rồi”. Mary góp lời: “Thật may mắn. Nào chúng ta hãy cùng nâng cốc vì những cuộc hôn nhân tan vỡ”. Mary nâng ly lên. Giọng cô khá giống Nancy, tuy có hơi nặng hơn một chút. Người phục vụ mang các đĩa thức ăn tới. Trong lúc ăn, chúng tôi kể cho nhau nghe những câu chuyện về mình. Nancy và Mary đã khiến tôi bị sốc khi cho tôi biết họ là geisha (vũ nữ). Phải thú thật rằng, tôi đã nghĩ công việc đó không còn tồn tại nữa. Mary nói: “Chính dầu lửa đã làm sống lại loại hình nghệ thuật cổ xưa này. Quả thật là điều này có vẻ lạ nhưng nghề này vẫn còn tồn tại, thậm chí hiện còn rất phát triển”. Những bà mẹ Đài Loan đã bỏ rơi họ ngay từ khi họ còn chưa chào đời. Bố họ là sỹ quan quân đội Mỹ được cử tới Đài Loan sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Vừa được sinh ra, họ đã bị đưa tới tay một thương nhân Nhật Bản; ông ta sắp xếp việc nuôi nấng cũng như tìm trường học cho họ. Họ được học rất kỹ về lịch sử cũng như văn hóa Anh-Mỹ. Khi trưởng thành, họ sẽ trở về làm việc cho ông ta. Nancy chỉ tay về chiếc cầu dành cho người đi bộ qua bức rèm che ở cửa sổ: “Có thể anh đã thấy những người phụ nữ đang đứng ngoài đường kia. Chúng em cũng như vậy đấy. Nhưng chúng em may mắn hơn”. Cô kể tiếp, vị thương nhân người Nhật kia trả lương cho họ rất hậu hĩnh và ít khi ra lệnh cho họ, không ép buộc hành động của họ. Nancy tiếp tục rót rượu sakê cho chúng tôi: “Ông ấy chỉ cần biết đến kết quả. Và đó là tất cả những gì ông ấy cần. Mọi việc đều phụ thuộc vào bọn em. Chúng em có thể làm bất cứ điều gì để có kết quả tốt”. “Kết quả gì?” Mary nói: “Anh thật ngây thơ. Hẳn anh mới tới đây”. Tôi thừa nhận rằng đây là cuộc hành trình đầu tiên, là nhiệm vụ đầu tiên của tôi và cũng nói thêm rằng tôi rất muốn biết xem kết quả ấy là gì. Nancy tuyên bố: “Chúng em rất vui mừng được chỉ cho anh biết điều đó. Anh là một viên ngọc sáng trong thế giới của bọn em. Nhưng ngược lại, chúng em có thể sẽ đòi hỏi một điều gì đó từ anh. Không phải là tối nay nhưng có thể vào một dịp nào đó”. Tôi cố gắng tỏ ra lãnh đạm: “Rất sẵn sàng”. Họ có vẻ giống những vị giáo sư ở trường đại học hơn là những Geisha khi giải thích với tôi rằng người đàn ông có quyền lực luôn sẵn sàng chia sẻ của cải hay hy sinh cuộc sống riêng tư của mình cho nhiều người khác thay vì tích lũy tiền của và quyền lực cho riêng mình. Tôi rất ngạc nhiên trước sự thẳng thắn của họ, có thể đó là do rượu, mặc dù trông họ có vẻ khá tỉnh táo. Họ nói về tầm quan trọng của những cuộc mua bán gia vị do những nhà thám hiểm vĩ đại đến từ châu Âu khởi xướng và vàng đóng vai trò quan trọng như thế nào trong kỷ nguyên của chúng ta. Nancy tiếp tục: “Bây giờ đang là thời đại của dầu lửa, nguồn tài nguyên quý giá nhất trên thế giới này. Mọi thứ đều phụ thuộc vào nó. Gia vị và vàng bạc xa xỉ thật nhưng không mang nhiều giá trị thực. Chúng rất tuyệt khi thưởng thức, sử dụng như là một thứ đồ để bảo quản, dùng làm đồ kim hoàn hay đồ tạo tác. Nhưng dầu lửa thì tự bản thân nó cũng có thể tồn tại. Không có một thứ gì trong thế giới hiện đại này có thể hoạt động nếu thiếu nó. Đây là vụ chiếm đoạt nguồn tài nguyên lớn nhất trong lịch sử. Số tiền cần đầu tư phải rất lớn. Chúng ta có nên ngạc nhiên khi một người sẵn sàng mạo hiểm mọi thứ để có được quyền kiểm soát nó không? Họ sẽ lừa đảo, sẽ trộm cắp. Họ sẽ đóng thuyền, chế tạo tên lửa, gửi hàng nghìn, hàng trăm nghìn binh lính trẻ đến chỗ chết vì dầu lửa”. “Những điều này em được học trong sách lịch sử ư?”. Nancy nở một nụ cười tự mãn: “Tất nhiên là không rồi. Em học nó từ trường đời”. Mary tự cười và nói với chính mình: “Trường đời! Tớ không tin là cậu có thể nói được như vậy đâu, Nancy. Thật tuyệt. Tớ phải nhớ từ này mới được. Trường đời”. Rồi, Mary nắm chặt bàn tay mình. Lúc này, tôi chợt nghĩ tới Charlie và giọng điệu mà ông ta nói với chúng tôi vào buổi tối đầu tiên chúng tôi tới đây, khi ăn tối ở nhà hàng trên tầng thượng khách sạn Intercontinental. Charlie đã hùng hồn tuyên bố rằng chúng tôi tới Indonesia là để giải thoát đất nước này khỏi chủ nghĩa cộng sản và mang dầu mỏ về cho nước Mỹ. Rồi tôi lại nghĩ tới Claudine, người phụ nữ ở Boston, người đã cố vấn và giúp tôi trở thành một sát thủ kinh tế. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi, cô ấy có chút gì đó giống với hai cô gái châu Á lai Mỹ này. Tôi tự hỏi, liệu cô ấy có bao giờ nghĩ bản thân mình giống như một Geisha hay không. Đôi mắt tôi hướng về phía Mary và Nancy, và vào giây phút đó, tôi như thấy hình ảnh của Claudine và thấy mình nhớ cô biết nhường nào. Tôi tự hỏi liệu tôi có thực sự mê đắm người phụ nữ đang ngồi đối diện với tôi hay không. Nỗi ám ảnh của tôi ngày càng lớn và trong tiềm thức, tôi đang tìm mối liên hệ giữa Nancy và Claudine. Tôi buộc bản thân mình phải quay trở lại với thực tại. Mary đang lấy chiếc khăn lanh lau nước mắt vì cười quá nhiều. Tôi nói với Nancy: “Còn em. Vai trò của em là gì?”. “Chúng em cũng giống như những người lính kia, có thể hy sinh bản thân mình khi cần thiết. Bọn em phục vụ những Thượng đế”. “Thượng đế là ai?” Nancy quay sang nhìn Mary. “Chúng em không bao giờ biết. Bất cứ người nào trả giá cao nhất cho ông chủ đều là Thượng đế”. “Người đàn ông ở bể bơi?”. “Anh ta là người liên lạc của em ở đây, không phải là chủ thực sự. Anh ta dẫn em tới chỗ khách hàng”. “Ở khách sạn Intercontinental?” “Tại phòng dành cho những đôi mới cưới”, cô ấy khúc khích cười nhưng lập tức lại ngừng lại: “Em xin lỗi. Mary và em luôn nói với nhau rằng có những lúc chúng em muốn có một tuần trăng mật thực sự tại căn phòng đó”. Ánh mắt cô xa xăm nhìn ra phía cửa sổ. Tôi nhớ lại chiếc xe mui kín màu đen lúc trước, tự hỏi có thể nào chủ của chiếc xe ấy đang tìm một trong hai cô gái đang ngồi đây. “Công việc của em chỉ ở đây thôi sao, ở khách sạn Indonesia ấy?”. “Tất nhiên là không rồi. Tại các câu lạc bộ thể thao ngoài trời, các khu nghỉ mát trên biển, tại Hồng Kông, Hollywood, Las Vegas…, bất cứ khi nào các ông chủ mỏ dầu và các chính trị gia muốn, chúng em đều có mặt”. Đôi mắt tôi hết nhìn người này lại quay sang người kia. Họ dường như còn quá trẻ nhưng lại quá từng trải. Khi đó tôi hai mươi sáu tuổi và qua câu chuyện, tôi biết họ kém tôi tới năm tuổi. “Khách hàng của các em là những ai?”. Nancy lấy ngón tay che miệng, liếc nhìn xung quanh nhà hàng, giống như một con nai ngơ ngác mà tôi từng thấy ở cánh đồng New Hampshire đang khiếp sợ khi nghe thấy tiếng sủa từ rất xa của một con chó. Cô nói, giọng nghiêm trang: “Không bao giờ… được hỏi câu hỏi đó”. Chương 4. Bộ lạc người Bugi Mấy năm sau đó, tôi thường xuyên quay trở lại Indonesia. Ngân hàng Thế giới cùng các thành viên và chính quyền Suharto đánh giá rất cao thiện ý của MAIN khi MAIN cung cấp những báo cáo cần thiết để đảm bảo họ có thể vay những khoản tiền khổng lồ. Những khoản tiền này sẽ trở thành một nguồn lợi cho các tập đoàn Mỹ và những nhà cầm quyền ở Indonesia. Họ không quan tâm đến việc chúng có thể sẽ đẩy đất nước mình rơi vào cảnh nợ nần triền miên. Với các ngân hàng, đó là một phần trong kế hoạch. Còn với Suharto, bằng việc đầu tư vào phần tài sản đang ngày một lớn lên ở nước ngoài, ông ta đã bảo vệ bản thân mình trước nguy cơ vỡ nợ của Indonesia. Trong những năm tháng đó, công việc đã đưa tôi tới những làng quê thanh bình ở vùng núi trên đảo Java, những bãi biển xa xôi cùng những hòn đảo kỳ lạ. Tiếng Bahasa Indonesia được các nhà ngôn ngữ nghiên cứu ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai với mục đích thống nhất ngôn ngữ trên toàn quốc đảo. Tiếng Bahasa khá đơn giản nên tôi học rất nhanh. Tôi thích khám phá những vùng đất mới ít người nước ngoài đặt chân tới, nói chuyện với người bản địa và cố gắng tìm hiểu văn hóa của họ. Kỳ huấn luyện ở Tổ chức Hòa Bình Mỹ đã dạy cho tôi biết giá trị của việc thoát khỏi lớp vỏ bọc thương nhân, nhà ngoại giao, khách du lịch, để gặp gỡ những người nông dân, ngư dân, sinh viên, chủ cửa hàng và cả những đứa trẻ đường phố. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là tôi sẽ luôn bị giày vò, ám ảnh bởi tội lỗi mà những sát thủ kinh tế như tôi đã gây ra với những con người này. Ở Jakarta, tôi dành khá nhiều thời gian tới bể bơi của khách sạn Intercontinental Indonesia. Nhưng tôi luôn thất vọng vì không bao giờ nhìn thấy Nancy hay Mary ở đó. Tuy nhiên, tôi thường xuyên quan sát những “đồng nghiệp” của họ đi lại quanh bể bơi. Tôi bắt đầu thân mật với một trong số họ, một cô gái trẻ người Thái và dần dần, tôi nhận ra rằng các cô Geisha không nhất thiết phải là người Nhật Bản. Giống như các nước châu Âu hay châu Á khác, người Mỹ chúng tôi cũng có những cô gái hành nghề tương tự. Tuy nhiên, dường như có một sự đồng tâm giữa những Geisha ở đây. Với họ, người Nhật là những ông chủ lý tưởng, và họ tin tưởng rằng nghề họ đang làm không thấp hèn như ở những nước khác, nó chỉ có riêng ở một đất nước có lịch sử lâu đời như Nhật Bản mà thôi. Cô gái người Thái đối xử rất tốt với tôi, không phải để chiếm đoạt cái gì hay vì có ai đó thuê cô tới thỏa hiệp với tôi. Tôi hoàn toàn bị mê hoặc trước cô. Cô làm điều đó xuất phát từ sự tốt đẹp của tâm hồn, vì cô cần một ai đó giống như tôi trong cuộc đời, hay cũng có thể do những điểm tương đồng giữa chúng tôi. Tôi chưa bao giờ chắc chắn hoàn toàn về động cơ của cô. Tôi chỉ biết rằng cô là một người bạn, người khơi gợi những cảm xúc trong tôi và là bạn tâm tình của tôi. Chính cô là người mở mang đầu óc tôi về cách thức tiến hành kinh doanh và ngoại giao quốc tế. Cô nói, kèm theo một nụ cười: “Hãy tin rằng luôn có máy quay và những cuộn băng ghi âm được giấu kỹ trong căn phòng của các quý bà đang cố gắng cám dỗ anh, không phải là anh không có sức hấp dẫn, mà chỉ vì có những thứ không giống như bề ngoài mà chúng ta nhìn thấy”. Cô cho tôi biết những phụ nữ giống như cô đóng một vai trò then chốt trong việc sắp đặt những thỏa thuận quan trọng nhất trên thế giới này. Hai năm sau khi nhận nhiệm vụ ở Indonesia, tôi được cử tới Sulawesi, một hòn đảo xa xôi ở phía đông Borneo, trong vòng ba tháng. Hòn đảo này được gọi với cái tên trìu mến là “chú hươu chạy” bởi vì hình dáng của nó trên bản đồ khá giống với hình ảnh một chú hươu đang chạy. Theo kế hoạch, nó sẽ là mô hình mẫu tiến hành công cuộc phát triển nông thôn. Từng là một phần quan trọng của khu vực Đông Ấn trong các chuyến tàu buôn gia vị, nhưng lúc tôi đến, hòn đảo này chỉ còn là vùng đất bế tắc, tụt hậu của thế kỷ XX. Chính phủ Indonesia quyết định lấy đó làm mô hình mẫu cho toàn bộ quá trình. Với người Mỹ chúng tôi, đây là một núi tiền vô tận, tiềm tàng với nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản, rừng và nông nghiệp phong phú. Có một vài tập đoàn khổng lồ thèm muốn tiềm năng khoáng sản của khu vực này như vàng, đồng và cả những cây lai từ nước ngoài đưa vào; trại chăn nuôi Texas mua hàng nghìn áctơ cỏ rất lớn, sau đó làm sạch và đem bán, họ còn dự định vận chuyển bằng thuyền lượng cỏ này cho các sân cỏ ở các câu lạc bộ bóng đá tới những thị trường đem lại rất nhiều lợi nhuận như Singapore hay Hồng Kông. Sulawesi được xem là nền tảng quan trọng trong chương trình di cư của chính phủ, đưa dân nghèo từ Java (một trong những thành phố đông dân nhất thế giới) tới những khu vực có ít dân cư trú. Chương trình này cũng tương tự như công cuộc thuộc địa hóa Amazon, một kế hoạch vẫn còn ám ảnh nhiều đồng nghiệp của tôi trong những năm tháng làm việc trong Tổ chức Hòa bình Mỹ. Giống như ở Mỹ Latinh, chương trình này được các cơ quan phát triển quốc tế hỗ trợ và được coi là phương pháp chấm dứt hoàn toàn sự có mặt của những người dân nghèo sống trong các khu ổ chuột, đưa họ tới các vùng dân cư thưa thớt và do đó, làm giảm bớt khả năng xảy ra các cuộc nổi loạn chống lại chính phủ. Các chính sách vẫn tiếp tục được triển khai bất chấp việc các chuyên gia sớm phát hiện ra rằng ở cả hai lục địa, những chương trình như vậy thường đem lại kết quả rất thảm khốc. Người dân bản địa bị đuổi ra khỏi mảnh đất mình đang sinh sống. Đất đai, nền văn hóa của họ bị tàn phá, trong khi đó, những thị dân mới di cư đến lại gặp khó khăn trong việc trồng trọt, cũng như thích nghi với cuộc sống mới. Khi tới Sulawesi, tôi được đưa đến một ngôi nhà của chính phủ, nằm phía ngoài thành phố cổ của người Bồ Đào Nha, Makasar (nó được đổi tên thành Ujung Pandang trong một thỏa thuận của Suharto với những người theo chủ nghĩa dân tộc), với đầy đủ người giúp việc, thợ làm vườn, đầu bếp, xe Jeep và tài xế riêng. Như thường lệ, công việc của tôi là đi tới bất cứ vùng nào có nguồn tài nguyên mà các tập đoàn đa quốc gia có thể khai thác, gặp gỡ những nhà lãnh đạo, thu thập tất cả những thông tin cần thiết và viết một bản báo cáo thật sinh động chứng minh rằng những khoản cho vay khổng lồ để phát triển hệ thống điện cùng các dự án về cơ sở hạ tầng khác sẽ đưa nền kinh tế lạc hậu nơi đây phát triển tới thành công. Một thị trấn nhỏ được biết đến với cái tên “Batsville” (thị trấn dơi) nằm gần trại chăn nuôi gia súc Texas, được xác định là một nơi thích hợp để tiến hành dự án nhà máy điện. Một buổi sáng, anh tài xế đưa tôi rời Ujung Pandang, qua những bãi biển đẹp, và tới thành phố cảng Parepare. Từ đây, chúng tôi cẩn thận thăm dò phía bên trong dãy núi với con đường đi vào chỉ là một lối đi nhỏ, cắt qua khu rừng nhiệt đới. Tôi có cảm giác như mình đang quay trở lại rừng Amazon. Khi chiếc xe Jeep đi tới làng Pinrang, anh tài xế cho tôi biết đây chính là Batsville. Tôi liếc nhìn xung quanh. Cái tên của ngôi làng này khiến tôi cảm thấy hết sức thú vị. Tôi tìm kiếm những con dơi quanh đó, nhưng không thấy có gì khác lạ. Người tài xế từ từ chạy qua một trung tâm mua bán. Giống như bất kỳ trung tâm mua bán nào khác ở các thị trấn tại Indonesia, nó có hai chiếc ghế dài và mấy cái cây với những búi lớn màu sẫm treo trên cành, trông giống như những cây dừa tán rộng. Đột nhiên, một trong những búi này mở rộng ra. Tim tôi như ngừng đập khi nhìn thấy một con dơi khổng lồ đang dang rộng đôi cánh. Người lái xe dừng xe lại. Anh ta dẫn tôi tới phía dưới của một trong những con dơi kia. Con vật kinh khủng đó bay lượn trên đầu chúng tôi, đôi cánh của nó từ từ duỗi thẳng, cơ thể nó to như một con khỉ. Đôi mắt nó mở trừng trừng. Nó quay đầu lại, hướng về phía chúng tôi. Tôi đã từng được nghe người ta kể về việc những con dơi này có thể phát ra sóng điện, đôi cánh nó khi mở rộng có thể đạt tới gần hai mét. Thế nhưng, thậm chí trong trí tưởng tượng phong phú của mình, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ được một cái gì có thể so sánh với điều mà tôi đang tận mắt chứng kiến. Sau đó, tôi đến gặp thị trưởng của Pinrang. Tôi hỏi ông ta về những nguồn tài nguyên tại đây cũng như kiểm tra thái độ của ông ta về việc triển khai một kế hoạch phát triển năng lượng và các ngành công nghiệp của nước ngoài tại vùng đất này. Nhưng thành thật mà nói, lúc đó, hình ảnh những con dơi đã chi phối hết suy nghĩ của tôi. Khi tôi hỏi liệu có biện pháp nào để đối phó với những con dơi kia không, ông ta đáp: “Không. Hàng tối, chúng bay đi, ăn thức ăn, hoa quả ở những vùng khác và trở về vào sáng hôm sau. Chúng không bao giờ động tới hoa quả của chúng tôi”. Ông ta nhấp một ngụm trà và nói với một nụ cười ma mãnh: “Cũng rất giống với các tập đoàn của các ông: Bay đi, kiếm những nguồn tài nguyên ở những nơi xa xôi, thải chất thải ra những vùng đất mà người Mỹ sẽ không bao giờ tới, rồi sau đó lại quay trở về đất Mỹ”. Tôi đã từng nghe những giọng điệu như thế này rất nhiều lần. Tôi bắt đầu hiểu rằng hầu hết người dân Mỹ đều không biết rằng cuộc sống của họ được xây dựng trên nền tảng bóc lột, nhưng hàng triệu người dân ở các quốc gia khác lại nhận thức rõ được điều đó. Thậm chí, vào những năm 1970, họ còn xem quân đội Mỹ không phải là người bảo vệ chế độ dân chủ mà là bảo vệ cho hoạt động khai thác của các tập đoàn và như một lẽ tất yếu, họ hoảng sợ, nổi giận và có thái độ chống đối ra mặt. Sulawesi cũng chính là quê hương của bộ lạc người Bugi khét tiếng. Nhiều thế kỷ trước, những thương nhân buôn bán gia vị ở châu Âu rất sợ những người Bugi, xem họ như là những kẻ hung tợn, những tên hải tặc khát máu nhất trên thế giới. Khi trở về nhà, các thương nhân này rất hay dọa những đứa trẻ không nghe lời rằng nếu chúng không thay đổi thái độ thì “những người Bugi sẽ đến bắt chúng”. Trong suốt thập niên 1970, những người Bugi vẫn tiếp tục làm hải tặc như cha ông họ từng làm hàng trăm năm trước. Những chiếc tàu nguy nga của họ, được gọi là prahus, tạo thành xương sống cho thương mại giữa các đảo. Thuyền trưởng của những chiến thuyền có buồm màu đen này thường mặc áo xà rông, chiếc khăn đội đầu màu sáng và đeo những chiếc hoa tai làm bằng vàng sáng lấp lánh. Họ thường đem theo dao và giắt ở thắt lưng. Vẻ ngoài của họ trông như thể họ vẫn giữ được danh tiếng từ bao đời nay. Tôi đã kết bạn với một người thợ đóng tàu già tên là Buli. Một ngày, khi ăn trưa với tôi, Buli đã cho tôi biết người dân nơi đây chưa bao giờ xem mình là hải tặc; họ chỉ bảo vệ quê hương của mình, chống lại những kẻ xâm phạm. Ông đưa tôi một miếng hoa quả rồi nói: “Giờ đây, chúng tôi đang thất bại. Làm sao những chiếc thuyền gỗ chỉ với vài thủy thủ có thể chống lại tàu ngầm, máy bay, bom và tên lửa hiện đại của Mỹ chứ?”. Câu hỏi đó ám ảnh tôi và chắc chắn chính nó đã khiến tôi thay đổi con đường mà mình đang đi. Chương 5. Một đất nước tham nhũng và quan liêu Nhiều năm sau cuộc nói chuyện giữa tôi và người đóng tàu Buli, tôi đã chấm dứt công việc của một sát thủ kinh tế. Như tôi có nói trong cuốn Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, tôi đưa ra quyết định này trong kỳ nghỉ, khi đang lênh đênh giữa những hòn đảo vùng Carribe, nơi từng là pháo đài vững chắc, lãnh địa không thể xâm phạm của những tên cướp biển. Vào một buổi chiều muộn, khi đang ngồi trên bức tường đổ nát của đồn điền mía đã có từ lâu đời, suy ngẫm về những nỗi kinh hoàng từng xảy đến với nô lệ châu Phi khi họ xây dựng những khu nhà này, tôi hiểu rằng, tôi cũng đang là một tên nô lệ. Sau nhiều năm với những xáo trộn lớn trong suy nghĩ, tình cảm, tôi quyết định dừng lại. Tôi bay trở về Boston và chính thức ra khỏi ngành tình báo. Nhưng tôi không vạch trần những sự thật khủng khiếp ẩn sau đất nước đế quốc mới này. Tôi đã ngừng phản kháng khi bị đe dọa và hối lộ. Tôi đã chần chừ. Và, trong suốt những năm được sống yên ổn vì sự chần chừ đó, quá khứ cứ luôn hiện về, ám ảnh tôi. Tôi phải sống với sự thật về những việc mình đã làm, đã biết. Ngay sau sự kiện ngày 11 tháng 9, đứng bên bờ vực của sự thật kinh hoàng đó, cái hố sâu âm ỉ ở Trung tâm Thương mại Thế giới, tôi biết rằng cuối cùng mình cũng sẽ phải bước tiếp. Tôi phải thú tội. Sau khi Lời thú tội của một sát thủ kinh tế được xuất bản năm 2004, tôi tham gia vào nhiều cuộc phỏng vấn trên đài, báo và nhận được rất nhiều câu hỏi. Tôi chợt nhận ra rằng tôi hiểu quá ít về con đường hoạt động của mình, làm một sát thủ kinh tế ảnh hưởng như thế nào tới những quốc gia mà tôi từng đến, từng làm việc. Liên bang Xôviết đã tan rã và nước Mỹ nổi lên như là một đế quốc thực sự đầu tiên trên thế giới, không bị bất cứ một thế lực nào thách thức. Chúng ta khoe khoang về “sự tiến bộ” và “công nghiệp hóa”. Chúng ta đã tạo ra một tầng lớp mới cho những người giàu có ở Thế giới thứ ba, những đầy tớ trung thành của các “tập đoàn trị”. Nhưng còn đa số những người dân tại nơi chúng ta đã nô dịch hóa thì sao? Tôi quyết định phải tự mình tìm hiểu, bắt đầu từ chính những đất nước mà tôi từng hoạt động. Tôi đã lưu giữ hàng loạt thông tin của các sự kiện xảy ra ở Indonesia. Giờ đây, thông qua cả các phương tiện thông tin đại chúng, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn, tìm kiếm những thông tin có sẵn tại các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các học viện, cũng như từ Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác mà tôi từng làm việc. Sự tò mò của tôi càng lớn hơn khi tôi trở nên quen thuộc với những hoàn cảnh xung quanh vụ khủng hoảng kinh tế ở châu Á năm 1997, hay còn gọi là “cuộc khủng hoảng Quỹ Tiền tệ Quốc tế”. Sự sụp đổ bắt đầu từ châu Á, nơi có hàng trăm triệu người bị ảnh hưởng và hàng nghìn người (có thể là hàng triệu) chết vì bệnh tật, đói khát và tự tử, rồi sau đó lan rộng ra toàn cầu. Với những người luôn sẵn sàng lắng nghe, tìm hiểu, điều này mang tới một thông điệp cảnh báo về mục đích thực sự của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, một bài học về việc làm thế nào để không phải điều hành một nền kinh tế, khi mà mục tiêu của nó là ngày càng làm giàu cho các “tập đoàn trị” bất chấp việc những người khác phải trả giá bằng cả sinh mệnh. Nhìn thoáng qua, các con số thống kê chính thức cho thấy công việc của chúng tôi vào những năm 1970 ở Indonesia đã tạo ra những thành tích kinh tế tuyệt vời, ít nhất là cho tới năm 1997. Những thống kê này khiến người Mỹ khoe khoang rằng tỷ lệ lạm phát rất thấp, lượng ngoại hối dự trữ đạt tới hơn 20 tỷ đôla, mức thặng dư thương mại tới hơn 900 triệu đôla, và một khu vực ngân hàng vững chắc. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình một năm (tính theo GDP) của Indonesia từ năm 1990 tới năm 1997 đạt gần 9%, tuy không đáng chú ý như con số dự đoán hai chữ số mà tôi đã được trả tiền để đưa ra nhưng cũng rất ấn tượng. Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các hãng tư vấn và các viện đại học sử dụng chúng như một bằng chứng thống kê hùng hồn cho thấy những chính sách phát triển được các sát thủ kinh tế đưa ra và thực hiện rất thành công. Tuy nhiên, tôi sớm biết rõ những con số thống kê ấy không trực tiếp nói lên được cái giá quá lớn mà những người dân Indonesia phải trả cho cái mà các chuyên gia kinh tế vẫn gọi là “sự phát triển kinh tế thần kỳ”. Lợi nhuận kinh tế có được chỉ để cho một số người đứng đầu nền kinh tế. Thu nhập quốc dân phát triển nhanh chóng là nhờ việc khai thác tối đa nguồn lao động rẻ mạt và dồi dào. Tại các xí nghiệp, nơi những người công nhân phải làm nhiều giờ và đối mặt với những nguy cơ đe dọa tới cuộc sống, nơi có những chính sách cho phép các tập đoàn nước ngoài được phép phá hủy môi trường cũng như tiến hành các hoạt động mà đã bị cấm ở khu vực Bắc Mỹ và các nước phát triển. Mặc dù, mức lương tối thiểu đã tăng khoảng 3 đôla một ngày nhưng nó luôn bị chủ xí nghiệp lờ đi. Năm 2002, ước tính có khoảng 52% dân số Indonesia phải sống với số tiền dưới 2 đôla một ngày. Nhìn xa hơn, có thể thấy những người dân nơi đây đang phải sống trong cảnh nô lệ thời hiện đại. Thậm chí, với nhiều công nhân, 3 đôla một ngày cũng không thể đủ để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của bản thân và gia đình họ. Không phải ngẫu nhiên Indonesia phải chấp nhận những chính sách đè nặng, bóc lột người dân của mình như vậy. Những khoản nợ khổng lồ mà Indonesia đang gánh chịu ngày càng chồng chất khiến quốc gia này không còn sự lựa chọn nào khác. Theo báo cáo Phát triển Tài chính Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới và Thống kê tài chính Quốc tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF – IFS), tính trung bình, Indonesia phải chịu khoản nợ nước ngoài cao nhất (theo tỷ lệ phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội GDP) trong tất cả các nước châu Á. Trong suốt giai đoạn khủng hoảng 1990-1996, báo hiệu cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, con số nợ của Indonesia vào khoảng trên 60% (so với con số 35% của Thái Lan, 15% của cả Trung Quốc và Hồng Kông, và 10% của Singapore và Đài Loan). Những khoản nợ này cộng thêm các khoản nợ ngắn hạn khiến con số này lên tới 300% trong giai đoạn 1990-1996 (so với khoảng 120% của Thái Lan, 60% của Trung Quốc, 25% của Hồng Kông và Đài Loan [Singapore chưa sẵn sàng tiếp nhận con số này]). Rõ ràng, với những khoản nợ khổng lồ như thế, chúng ta đã đặt một gánh nặng lớn lên đất nước này và tất nhiên, họ không thể trả nổi; người dân Indonesia buộc phải tự cứu chính mình bằng cách thỏa mãn nỗi thèm khát của các tập đoàn đa quốc gia. Chúng tôi, những sát thủ kinh tế, đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đặt ra. Một lần nữa, những tiêu chuẩn so sánh kinh tế quốc gia lại để lộ tính dối trá của mình. Ở Indonesia, sự tăng lên của ngoại tệ, thuận lợi trong cán cân thương mại, tỷ lệ lạm phát thấp và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội đầy ấn tượng được dùng để chỉ tình trạng của một nhóm người rất nhỏ, tầng lớp dân số giàu có của đất nước này. Với tất cả những người dân sống ngoài dòng chảy kinh tế trên, họ sẽ phải mang trên vai một gánh nặng vô cùng to lớn. Có thể sẽ chẳng có nơi nào trên thế giới, sự nghèo đói, lạm dụng lẫn nhau của các tập đoàn và những người tiêu dùng Mỹ lại có mối liên hệ rõ ràng hơn ở những xí nghiệp của người Indonesia (những xí nghiệp mang đặc trưng này rõ ràng hơn bất cứ xí nghiệp nào ở các quốc gia khác). Các tập đoàn quốc tế lớn, nhận được sự hậu thuẫn từ các chính sách khuyến khích quá trình tư nhân hóa và cắt giảm thuế cho các công ty nước ngoài của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hoặc tự làm chủ các nhà máy hoặc cho các công ty khác đấu thầu quản lý. Tại đây, công nhân không được trả lương thỏa đáng và nếu họ đứng lên phản kháng, họ sẽ bị đánh đập, thậm chí bị giết chết. Họ phải chịu đựng một cuộc sống tồi tệ để rồi hàng hóa mà họ làm ra lại được bán với giá vô cùng rẻ mạt tại các nước phát triển. Khi tôi đi vòng quanh nước Mỹ để quảng bá cho cuốn sách Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, nhiều người đã tìm gặp và nói với tôi rằng những công ty như Nike, Adidas, Ralph Lauren, Wal-Mart hay The Gap đang kiếm lời từ những công nhân ngày đêm làm việc vất vả như nô lệ. Một đôi vợ chồng dũng cảm đã cung cấp cho tôi những bằng chứng đặc biệt dựa trên những điều gây sốc mà họ được chứng kiến ở Indonesia. Chương 6. Những xí nghiệp bóc lột nhân công Năm 2005, có hai nhà làm phim, Jim Keady và Leslie Kretzu, đã liên lạc với tôi. Họ muốn thực hiện một cuộc phỏng vấn tôi trên truyền hình. Qua các cuộc tiếp xúc trên điện thoại và e-mail, tôi đi đến kết luận rằng họ là sự tương phản với các sát thủ kinh tế và họ đại diện cho một làn sóng các nhà hoạt động chính trị mới. Khi chúng tôi gặp nhau, Leslie nói: “Trước khi phỏng vấn, chúng tôi muốn ông biết rõ hơn về những xí nghiệp bóc lột nhân công ở Indonesia”. Cô giải thích ngắn gọn rằng, trong khoảng thời gian năm 2000, họ đã sống cùng những công nhân làm việc tại nhà máy đặt tại Indonesia của Nike. “Những người công nhân phải sống trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, tồn tại với một mức lương như nhau, hay ít nhất là cố gắng như vậy”. Tôi hỏi họ động cơ nào thúc đẩy họ làm việc đó. Leslie nói: “Có lẽ từ rất lâu rồi. Khi đó, tôi tham gia vào tổ chức tình nguyện Jesuit Volunteer Corps. Họ đã cảnh báo trước với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ không bao giờ còn được như ban đầu nữa. Khẩu hiệu của họ là: “JVC: Hủy hoại cuộc sống”. Tôi được chứng kiến những điều mà mình không thể tin nổi: sự nghèo đói và đau khổ. Tôi nghĩ rằng bản thân mình cũng đã bị hủy hoại. Sau đó, tôi được làm việc với các nữ tu sĩ ở Ấn Độ. Tôi muốn giúp đỡ những con chiên “nghèo khó nhất trong những người nghèo khó” của các xơ. Một khi bạn đã sống với những con người như vậy, tâm hồn bạn sẽ không bao giờ được như xưa, không bao giờ quay về con đường cũ và không bao giờ có thể quên được. Chỉ đơn giản, bạn phải làm một điều gì đó”. Tôi quay sang nhìn Jim. Anh ta cười: “Tôi đã bị Đức Chúa bắt cóc. Nghe có vẻ buồn cười nhưng tôi hoàn toàn nghiêm túc đấy. Khi tôi còn học ở trường trung học, tôi nghĩ rằng mình sẽ đi tới Phố Wall, kiếm tiền triệu và nghỉ hưu ở tuổi 35. Sau đó, năm 1993, tôi thực hiện chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Lúc đó, tôi mới 21 tuổi. Lần đầu tiên tôi được đặt chân tới các quốc gia đang phát triển: Indonesia, Lào, Việt Nam, Burma (nay là Myanmar), Nepal, và nhiều quốc gia khác. Tôi tận mắt chứng kiến những cảnh nghèo thực sự. Nó thiết thực hơn rất nhiều so với những điều tôi nhận được trong 16 năm học trong trường Catholic, hơn cả bằng cử nhân khoa học của tôi tại trường Đại học Saint Joseph. Bây giờ, tôi đã hiểu Chúa Jesus thực sự đang chống lại ai. Đó là giai đoạn khởi đầu để tôi thực sự cống hiến, tận tâm chống lại điều mà Chúa cũng đang nỗ lực chống lại. Tất nhiên, không chỉ có Chúa Jesus mà cả nhà tiên tri của người Do Thái, Muhammad, đức Phật và mọi hình ảnh thần thánh được tôn sùng khác cũng đều như vậy. Tất cả các tôn giáo trên thế giới này đều lấy điểm cốt lõi là sự công bằng cho giáo dân của mình”. Tôi đã nhờ họ viết ra câu chuyện này. Năm 1998, chúng tôi bắt đầu chú ý tới thực tế cuộc sống của những công nhân làm việc cho Nike. Khi đó, Jim đang là trợ lý huấn luyện viên bóng đá tại trường Đại học St. John ở thành phố New York. Anh vừa học để lấy bằng thạc sỹ thần học vừa huấn luyện tại trường và quyết định sẽ thực hiện nghiên cứu thực trạng cuộc sống của những công nhân tại nhà máy của Nike. Khi Jim bắt đầu nghiên cứu, khoa Điền kinh thuộc trường Đại học St. John đang thương lượng với Nike về một dự án trị giá 3,5 triệu đôla, trong đó, Nike yêu cầu tất cả các huấn luyện viên và vận động viên của trường phải mặc đồ của Nike và quảng cáo cho sản phẩm của hãng này. Lúc đầu, Jim chỉ tự nhủ với chính mình nhưng sau đó thì công khai nói thẳng rằng vì lương tâm con người, anh không muốn là đại diện quảng cáo cho một công ty đang hoạt động dựa vào các xí nghiệp bóc lột nhân công như Nike. Tại một trong những trường đại học Thiên chúa lớn nhất đất nước, anh nhận được tối hậu thư: Sử dụng đồ của Nike và chấm dứt việc chống đối vụ thương lượng hoặc là anh phải từ bỏ nơi đây. Tháng Sáu năm 1998, Jim buộc phải chấp nhận vụ thỏa thuận. Jim muốn được bảo đảm 100% cho vị trí của mình, do đó, anh đã đề nghị Nike rằng liệu anh có thể tới làm việc tại một trong những nhà máy của họ trong vòng một tháng để tìm hiểu kỹ hơn về các điều kiện tại đó không. Phía Nike cho biết, một tháng là quá ngắn, rằng anh không thể nói được bất cứ ngôn ngữ nào của khu vực Đông Nam Á, và rằng anh sẽ chiếm vị trí của một người công nhân nào đó. Jim viết thư trả lời rằng, nếu họ thấy một tháng là không đủ thì anh có thể ở đó từ sáu tháng tới một năm – cho dù thời gian dài đến đâu, anh cũng muốn được tìm hiểu về những điều kiện làm việc của công nhân và xác định xem liệu có tồn tại hay không những xí nghiệp bóc lột nhân công. Trong thư, Jim cũng nói rõ, anh có thể nói được tiếng Tây Ban Nha, do đó Nike có thể gửi anh tới một nhà máy ở khu vực Trung Mỹ. Còn với người công nhân bị anh thay thế, Jim đã tìm được một tổ chức phi lợi nhuận tại Oregon (trụ sở chính của Nike được đặt tại đây), chấp nhận đưa người công nhân đó tới nước Mỹ và cung cấp chỗ ăn, ở và các khoản chi tiêu sinh hoạt; về cơ bản, người công nhân đó sẽ có một kỳ nghỉ trong khoảng thời gian Jim đảm nhận công việc của anh ta. Nike đã viết thư đáp trả rằng họ không thấy hứng thú với đề nghị mà Jim đưa ra. Vì Jim không thể làm việc ở nhà máy của Nike, nên chúng tôi quyết định làm việc duy nhất mà chúng tôi nghĩ đến, một lựa chọn khác: đó là sống cùng những người công nhân tại làng của họ và hạn chế mức tiền sinh hoạt của mình xuống bằng mức lương mà các công nhân được trả. Do đó, năm 2000, chúng tôi tới Tangerang, Indonesia, để sống với những công nhân của nhà máy của Nike, với mức chi dùng tối thiểu là 1,25 đôla một ngày. Trong vòng một tháng, Leslie giảm 6 kg còn Jim giảm 11 kg. Giống như những công nhân khác, chúng tôi sống trong một “chiếc hộp” xây bằng xi măng, rộng 9 m2, không đồ đạc, không điều hòa ở thành phố nhiệt đới ẩm ướt này. Chúng tôi phải ngủ trên những chiếc chiếu mỏng, giải trên nền xi măng gồ ghề, bao quanh là những kệ giấy, được cố định bằng lớp tro tàn và đá mạt từ khói thải của xe ôtô, của nhà máy bị ô nhiễm và từ rác bị đốt cháy. Nước thải của mấy nhà vệ sinh gần đấy chảy ra những chiếc cống không được đậy nắp ở hai bên đường. Vì những cống rãnh này mà khu làng đầy rẫy gián và những con chuột khổng lồ. Một số người nói với chúng tôi: “Anh có thể sống như một ông hoàng với 1,25 đôla một ngày tại những nước như Indonesia”. Đó là một phát biểu thể hiện sự thờ ơ và thông tin lệch lạc. Hầu hết những người nói như vậy đều chưa từng một lần đến Indonesia. Với 1,25 đôla, chúng tôi chỉ có thể mua hai suất cơm nhỏ với một ít rau và hai quả chuối. Nếu chúng tôi muốn mua xà phòng hay kem đánh răng, chúng tôi sẽ phải ăn ít đi. Một ngày, trong lúc dọn dẹp, Jim làm đổ chai dầu hỏa, và chúng tôi phải dùng xà phòng để lau chùi đống đổ vỡ. Đó quả là một thảm họa, nó tàn phá cả về tài chính cũng như cảm xúc của con người. Hãy thử đặt mình vào trường hợp sau. Bạn là một người trưởng thành, khoảng 20 tuổi gì đó; bạn làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, từ thứ hai đến thứ bảy, và đôi khi là cả chủ nhật. Đó là chưa kể đến thời gian đi lại, thời gian chuẩn bị công việc của bạn. Bạn không có tiền để mua quà chúc mừng sinh nhật bạn bè mình. Bạn không thể có một chiếc radio nào, một chiếc ti vi là giấc mơ quá đỗi xa xỉ đối với bạn. Đã hơn hai năm nay, bạn chưa hề mua một bộ đồ mới nào cho mình. Cuối ngày làm việc, khi bạn trở về nhà, bạn phải dành từ 30 đến 45 phút để giặt đồ bằng tay. Bạn không có nhiều quần áo và những gì mà bạn đang mặc rõ ràng là sẽ rất bẩn sau một ngày làm việc vất vả. Nếu bạn là phụ nữ, khi bạn có kinh nguyệt, bạn vẫn chỉ được sử dụng nhà tắm hai lần một ngày như những người khác; do đó, bạn phải thắt một cái khăn quàng rộng quanh eo hay mặc một chiếc váy dài để che đi vết máu bẩn ở dưới quần. Bạn cảm thấy kiệt sức. Bạn có thể thấy đau nhức xương. Nhưng bạn lại phải lo sợ rằng nếu bạn nói ra, bạn sẽ bị mất việc. Và các tập đoàn đa quốc gia mà bạn đang làm việc lại nói với cả thế giới rằng họ đã tạo ra một sự thay đổi thực sự cho các công nhân và các khách hàng không cần phải lo lắng nhiều. Bạn là những công nhân đang cực kỳ hạnh phúc. Nhưng thật không may mắn, không chỉ có những công nhận của Nike phải sống trong điều kiện và mức lương như vậy. Chúng tôi muốn nói đến những người làm việc cho Adidas, Reebok, The Gap, Old Navy, Tommy Hilfiger, Polo/Ralph Lauren, Lotto, Fila và Levi’s. Tất cả họ đều nhận được mức lương cùng cực như thế, sống trong những khu nhà ổ chuột giống nhau và có những yêu cầu giống nhau đối với công ty của mình: Hãy trả lương cho chúng tôi cao hơn và cho chúng tôi được tự do thành lập những hiệp hội bảo vệ mình. Những công nhân của Nike đang phải sống trong điều kiện không đảm bảo sức khỏe và nguy hiểm, những điều kiện mà hầu hết người dân Mỹ đều không thể tưởng tượng được. Trong khi đó, những người Indonesia giàu có và những người nước ngoài lại đang tận hưởng cuộc sống tuyệt vời của mình. Khi tôi còn là một sát thủ kinh tế, ở Jakarta chỉ có duy nhất một khách sạn mà những người như tôi tới ở, khách sạn Intercontinental Indonesia. Còn bây giờ, bạn có hàng loạt những lựa chọn khác như khách sạn Four Seasons, Marriott, Hyatt, Hilton, Crowne Plaza, Sheraton, Mandarin, Le Meridien, Millennium, Ritz-Carlton, và hàng loạt những khách sạn khác. Đó là nơi mà những ủy viên ban quản trị của các tập đoàn Mỹ cảm thấy như đang ở nhà, nơi họ có thể thưởng thức rượu vang và ăn tối với nhân viên người Indonesia, hay khách hàng của mình. Từ căn phòng của mình tại khách sạn, ở phía trên cao, họ có thể nhìn thấy Tangerang và những khu vực “ngoại ô” khác, nơi những công nhân của thành phố này sinh sống. Họ không thể phủi sạch tội lỗi khi khẳng định công ty của mình không sở hữu các nhà máy này nhưng từ tận sâu trong tâm khảm, lẽ ra họ phải cảm thấy vô cùng tội lỗi vì chính họ là người phải chịu trách nhiệm cho tất cả những đau khổ trên. Jim cho biết: “Nike ép buộc tàn nhẫn chủ các nhà máy. Những người đứng đầu hãng này biết rõ giá của từng chiếc dây và đế giày, rõ tới từng xu một nhưng họ vẫn thúc ép, buộc chủ nhà máy phải hạ giá xuống tới mức tối thiểu. Và thế là những người chủ này, thường là người Trung Quốc, buộc phải chấp nhận một số lãi rất nhỏ”. Leslie thở dài nói thêm: “Những ông chủ nhà máy này còn có điều kiện tốt hơn nhiều so với các công nhân. Tuy nhiên, họ cũng bị bóc lột. Nike bắt người ta phải bỏ tiền ra còn mình thì đút túi số tiền đó”. Jim giải thích: “Chúng ta nhắm vào Nike bởi vì đó là kẻ dẫn đầu ngành công nghiệp, thị phần của hãng này lớn hơn rất nhiều so với tất cả những đối thủ cạnh tranh khác. Nike có thể điều chỉnh tốc độ phát triển. Vì vậy, nếu chúng ta có thể buộc Nike tạo điều kiện tốt hơn cho công nhân, thì tất cả những công ty khác cũng sẽ làm theo”. Một khía cạnh khác của “sự tiến bộ” ở Indonesia mà ủy viên ban quản trị của các tập đoàn nhìn thấy mỗi lần họ bước ra khỏi những khách sạn sang trọng mà họ đang ở đó là sự biến mất của những chiếc xe becak. Những chiếc xe đạp được trang trí bằng những tấm bích họa đã bị cấm hoạt động trên đường phố Jakarta từ năm 1994. Tổng thống Suharto cho rằng, đó là biểu tượng của một đất nước lạc hậu. Thật không may, quyết định này của ông ta dẫn đến hàng vạn người làm nghề lái xe becak đứng bên bờ vực thất nghiệp. Những du khách đến đây giờ lại bị vây quanh bởi những chiếc xe Bajaj, một loại xe máy ba bánh nhỏ có vỏ kim loại màu cam viền xung quanh. Được biến tấu từ chiếc xe Vespa nguyên bản của Ấn Độ, theo Suharto, chiếc xe Bajaj là đại diện của quá trình hiện đại hóa. Song, nó lại quá ầm ĩ, ô nhiễm, phả hơi nóng và rất nguy hiểm. Không giống như becak, những chiếc xe Bajaj trông giống hệt nhau, những nét vẽ bảy sắc cầu vồng rực rỡ được thay thế bằng một màu cam vàng ruộm trên khắp thân xe. Ước tính, khoảng hai mươi nghìn chiếc xe như thế đang gây ùn tắc tại các tuyến đường của thành phố. Hầu hết những lái xe becak đều không được hướng dẫn cơ bản để lái xe Bajaj, chính vì vậy, rất nhiều người đã phải xin làm việc tại các xí nghiệp. Lần lượt, các ban quản trị của Mỹ đều ủng hộ cho nền chuyên chính độc tài của Suharto. Tuy nhiên, chính phủ Jakarta phải chịu sự chỉ trích nặng nề từ các tổ chức phi chính phủ (NGOs). Các tổ chức giám hộ chỉ trích sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp trong nước cũng như quốc tế, việc vi phạm nhân quyền và sẵn sàng hy sinh những nguyên tắc dân chủ để làm hài lòng các tập đoàn đa quốc gia và thành viên của giới quan chức chính phủ của đất nước này. Tờ New York Times cho biết “Theo các cuộc khảo sát quốc tế, Indonesia là một trong những nước có nạn tham nhũng hoành hành nhất thế giới”. Neil, một đặc vụ CIA, có lần đã nói với tôi: “Tôi không thể tưởng tượng mọi chuyện lại tồi tệ đến như vậy”. Ông ta định nhờ tôi ký sách, chần chừ một lát và sau đó mời tôi đi uống bia. Buổi tối hôm đó, chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều giờ liền. Sau đó một vài tháng, khi tôi tới thăm bố mẹ vợ ở gần San Francisco, chúng tôi gặp lại nhau. Ông ta gia nhập lực lượng CIA bởi vì bố mẹ người Trung Quốc của ông ta luôn tìm cách làm dấy lên sự căm ghét của ông đối với Mao Trạch Đông. “Khi làm việc ở Jakarta, tôi rất duy tâm. Tôi tin rằng chúng tôi có mặt ở đó là để đẩy chủ nghĩa cộng sản ra khỏi Indonesia. Đó là khoảng năm 1981”. Nhưng năm 1989, sau cuộc xâm lược của Mỹ tại Panama, ông đã hiểu rõ, và thấy rằng điều đó sẽ khiến người dân trên toàn thế giới đứng lên chống lại nước Mỹ. Ngay sau đó, ông ta xin rút khỏi chính phủ và đi vào “hoạt động bí mật”. Năm 2005, ông ta quay trở lại Indonesia để lãnh đạo một nhóm an ninh bảo vệ những nỗ lực tái kiến thiết sau thảm họa sóng thần, chống lại những thế lực tự do ở tỉnh Aceh. “Chúa ơi, chuyến đến Indonesia lần này làm cho tôi thực sự tỉnh ngộ! Jakarta nhìn giống như một thành phố lớn hiện đại, những tòa nhà chọc trời lấp lánh ánh điện, những khách sạn sang trọng. Nhưng đằng sau bộ mặt hào nhoáng đó… mọi thứ dường như tồi tệ hơn bao giờ hết. Nạn tham nhũng phát triển không thể kiềm chế nổi và chính chúng ta là nguyên nhân gây ra điều đó”. Khi tôi hỏi tại sao sau khi rời khỏi CIA, ông ta lại tiếp tục công việc tương tự như vậy, Neil đã trả lời: “Đó là tất cả những gì tôi biết để kiếm sống”. Sau đó, giống như lý do thứ nhất, lý do thứ hai cũng là lý do tôi thường được nghe từ những đồng nghiệp khác. “Hơn nữa, không gì có thể so sánh được với thành công bạn đã đạt được. Những tay nhảy dù và đua mô tô làm việc đó vì họ yêu thích tốc độ nhưng không gì có thể so sánh được với cảm giác của một người phải đối mặt với kẻ đang muốn giết mình”. Những lời phát biểu như vậy thường khiến tôi lạnh xương sống. Tôi nghĩ về cha mình và những người hùng khác từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Họ sẽ cảm thấy thế nào nếu biết rằng các tập đoàn và chính phủ của chúng ta khuyến khích những người dân của mình trở thành kẻ đam mê tàn sát? Trong cuốn Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, tôi đã đấu tranh với những tội lỗi kinh tởm mà tôi đã làm. Còn giờ đây, tôi khám phá ra rằng hậu quả của việc mình làm còn bi thảm hơn rất nhiều những gì tôi đã tưởng tượng. Chương 7. Nước Mỹ - kẻ khuyến khích tàn sát Một trong những điều xâm phạm tồi tệ nhất đến quyền con người và môi trường của người Indonesia bắt đầu tại Đông Timo, vào khoảng thời gian tôi sống tại Ujung Pandang. Giống như Sulawesi, Đông Timo là một hòn đảo khá hẻo lánh và được đánh giá là khu vực rất giàu trữ lượng dầu mỏ, khí ga, trầm tích, thêm vào đó là vàng và mangan. Nhưng Đông Timo khác với Sulawesi ở chỗ hòn đảo này lại chịu sự cai trị của người Bồ Đào Nha trong vòng bốn thế kỷ. Trong khi 90% người dân Indonesia theo đạo Hồi thì người dân Đông Timo lại chủ yếu theo đạo Thiên chúa. Ngày 28 tháng 11 năm 1975, Đông Timo tuyên bố độc lập khỏi Bồ Đào Nha. Chín ngày sau đó, Indonesia xâm lược Đông Timo. Những lực lượng chiếm đóng hung bạo đã tàn sát khoảng hơn 200 nghìn người dân, tức là khoảng 1/3 dân số Đông Timo. Những tài liệu được Trung tâm Lưu trữ An ninh Quốc gia đưa ra cho thấy, chính phủ Mỹ không chỉ hỗ trợ vũ khí giết người hàng loạt mà rõ ràng còn là một kẻ xâm lược. Theo như những ghi chép này, Tổng thống Gerald Ford và Bộ trưởng Henry Kissinger đã có cuộc gặp gỡ với Suharto vào ngày 6 tháng 12 năm 1975 và đồng ý với kế hoạch tấn công của ông ta diễn ra một ngày sau đó. Những tài liệu này cũng cho thấy, chính quyền của ông Carter đã bí mật ngăn chặn thông tin này lọt ra ngoài năm 1977. Anh trai của cựu thủ lĩnh Đông Timo và là một nhà lãnh đạo chính trị hiện đã bị trục xuất, Joao Carrascalao, được Amy Goodman phỏng vấn trên chương trình Democracy Now!, 35 năm sau ngày đất nước bị xâm lược. Ông ta phát biểu: “Tôi tới Jakarta trước Tổng thống Ford và Henry Kissinger một giờ đồng hồ. Và ngay trong đêm đó, tôi được đại tá Suyanto, một quan chức cấp cao của chính quyền tại Jakarta, báo cho biết, nước Mỹ đã “bật đèn xanh” cho Indonesia tấn công Đông Timo”. Brad Simpson, phó giáo sư lịch sử tại trường Đại học Maryland và là cố vấn của Trung tâm Lưu trữ An ninh Quốc gia, nói với Amy: “Những tài liệu này đã phơi bày sự dối trá trong suốt 25 năm qua của chính quyền Mỹ. Giữ bí mật những chi tiết về vụ sắp đặt kế hoạch cho Indonesia xâm lược Đông Timo trước người dân Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế, ngăn chặn có hệ thống hay lờ đi những báo cáo về vụ giết người hàng loạt xảy ra tại Đông Timo trong suốt giai đoạn giữa những năm 1980, và làm mọi việc để ngăn chặn lệnh cấm đối với hệ thống quân sự có thể thông qua quốc hội đưa ra để giữ cho dòng vận chuyển vũ khí được lưu thông”. Hai mươi năm sau ngày xảy ra cuộc xâm lược, hai trong số những nhà phê bình của Indonesia được đưa lên tầm quốc tế. Những nhà hoạt động người Đông Timo, Bishop Carlos Filipe Ximenes Belo và José Ramos-Horta được nhận giải Nobel vì hòa bình năm 1996. Giải thưởng này khiến cho hệ thống từ Jakarta, Washington đến hành lang Phố Wall cảm thấy hết sức choáng váng. Cuộc thảm sát tại Đông Timo chỉ là một trong số rất nhiều chính sách do nhà nước chuyên chế đưa ra dưới thời Suharto. Việc gửi thông điệp quân sự tới những vùng miền có tư tưởng tự do được xem là cần thiết để đánh bại chủ nghĩa cộng sản trong suốt những năm 1970. Ý nghĩ rằng hầu hết những cuộc nổi loạn đều được thực hiện do mong muốn chấm dứt ách áp bức của chế độ áp đặt hiện hành của Suharto và những người nổi loạn chống lại các quốc gia như Trung Quốc chỉ là biện pháp sau cùng đối với sự trợ giúp quân sự và y tế đều bị giới báo chí Mỹ lờ đi. Đồng thời, các phương tiện truyền thông cũng lờ đi sự thật rằng tất cả những gì Suharto làm là để phục vụ cho lợi ích của “tập đoàn trị”. Quyết định kiểm soát toàn bộ quần đảo của Suharto, thậm chí cả những vùng mà Indonesia không sở hữu nhưng lại có những nguồn tài nguyên đáng thèm muốn, được Washington và Phố Wall thực hiện hết sức nghiêm túc. Các “tập đoàn trị” hiểu rằng họ phải ủng hộ cho tầm nhìn quy mô của kẻ độc tài này, vì một Indonesia thống nhất nếu họ còn muốn được tự do cai trị những khu vực có chứa những nguồn tài nguyên đáng thèm khát. Ở phía Bắc Sumatra, một tỉnh rất phong phú về trữ lượng dầu mỏ và khí ga, tỉnh Aceh, hơn 10 nghìn người đã bị quân đội tàn sát trong thời gian tôi sống tại Indonesia. Hàng nghìn người khác bị chết vì những mẫu thuẫn, xung đột ở quần đảo Molucca, phía Tây Kalimantan (Borneo) và Irian Jaya (New Guinea). Nếu như mục tiêu thực sự của lực lượng vũ trang là giữ an toàn cho những nguồn tài nguyên mà những tập đoàn đa quốc gia thèm khát thì về cơ bản, nó lại được chính quyền của Suharto cấp tiền thực hiện. Mặc dù những công ty khai thác dầu mỏ và khoáng sản giữ vai trò lãnh đạo, nhưng các công ty này lại được liên kết bởi hàng loạt các tập đoàn kiếm lời từ nguồn nhân công rẻ mạt, những nguồn tài nguyên thiên nhiên, những thị trường để phát triển các dự án và hàng hóa tiêu dùng của Indonesia. Indonesia là một ví dụ điển hình của nền kinh tế xây dựng dựa vào đầu tư của ngân hàng và cộng đồng thương mại quốc tế. Trở lại bằng lời hứa sẽ trả hết những món nợ bằng chính nguồn tài nguyên của mình, Indonesia lại rơi sâu hơn vào chiếc hố nợ nần bởi từ những kế hoạch tái thiết cơ sở hạ tầng đã phát sinh nhu cầu xây dựng các khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm và công trình xây dựng, dịch vụ, ngân hàng và các hoạt động giao thông vận tải. Tầng lớp người Indonesia giàu có và những người nước ngoài được hưởng lợi rất nhiều từ những kế hoạch đó, trong khi phần lớn những người dân lao động bình thường phải chịu đựng cuộc sống nghèo khổ. Những phong trào phản đối được lực lượng vũ trang lãnh đạo diễn ra khắp nơi. Giống như người dân nơi đây, môi trường của Indonesia cũng phải chịu đựng sự tàn phá nghiêm trọng. Các mỏ khoáng sản, các nhà máy giấy và bột giấy và những ngành công nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên khác đã cướp đi một vùng rộng lớn của một trong những khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Các con sông tắc nghẽn với vô vàn thứ rác thải độc hại. Bầu không khí xung quanh các khu công nghiệp và thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 1997, một lớp khói sương mù độc hại do những vụ cháy rừng không thể kiểm soát ở Indonesia (hậu quả do sự phát triển kinh tế gây ra) bao phủ khu vực Đông Nam Á đã khiến khu vực này đứng đầu thế giới về ô nhiễm môi trường. Những nạn nhân khác của cái được gọi là “nền kinh tế thần kỳ” là những người Bugi, Dyak, Melanesia và các nền văn hóa bản địa khác; đất đai của họ bị chiếm đoạt và cuộc sống cũng như truyền thống của đất nước bị tàn phá nặng nề. Tội diệt chủng này không chỉ được đo đếm bằng những gì con người nơi đây phải chịu đựng mà còn qua những tác động đến tâm hồn của con người và đặc biệt là thái độ phản đối những tội diệt chủng trước đây, trong đó bao gồm cả việc nước Mỹ chỉ đạo chống lại những người dân bản địa. Mặc dù, hiện nay, những tội lỗi này bị chỉ trích nặng nề nhưng mô hình trên vẫn lặp lại và được chính những tập đoàn cũng như chính phủ Mỹ hậu thuẫn về mặt tài chính. Khi những cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng tăng lên, tác động thường xuyên hơn tới Indonesia, Suharto đã mua cổ phần của tập đoàn SAP thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã khuyên Suharto giảm số tiền trợ cấp nhiên liệu và lương thực của chính phủ cũng như rất nhiều dịch vụ xã hội khác để tăng khoản lời bỏ túi. Lời gợi ý này ngay lập tức được Suharto ủng hộ, và kết quả của những chính sách này là bệnh tật, nạn đói và cả sự chống đối chính phủ Suharto ngày càng tăng lên. Nhiều người dân Indonesia bị đẩy ra sống ngoài đường. Ngay cả những người giàu có, lo sợ sự tàn phá sẽ ngày càng tăng lên cũng yêu cầu thay đổi. Tháng 5 năm 1998, Suharto bị buộc phải từ chức, kết thúc 32 năm độc tài của mình. Tháng 9 năm 1999, chính quyền của tổng thống Clinton cắt đứt mọi mối ràng buộc giữa quân đội Mỹ với quân đội Indonesia. Tuy nhiên, những sự kiện xảy ra ở trên không có nghĩa là sẽ đánh dấu chấm hết đối với các “tập đoàn trị” mà ngược lại, nó lại càng củng cố thêm vị trí của chúng. Những người dân Indonesia có tiền và thế lực chi tiền để trục xuất kẻ độc tài ra khỏi đất nước và tự khắc họa bản thân mình như là người bạn của đại đa số quần chúng nhân dân. Chính phủ Mỹ và các tập đoàn đa quốc gia hoan nghênh sự sụp đổ của Suharto và tiếp tục ủng hộ chế độ mới. Sau đó, ngày 26 tháng 12 năm 2004, một thảm kịch đã xảy ra và nó đem lại cơ hội mới cho các tập đoàn trị. Một ngày sau lễ Giáng sinh, cơn sóng thần đánh vào Indonesia. Khoảng 250 nghìn người tử nạn trước con sóng dữ. Tuy nhiên, những công ty tham gia vào quá trình tái thiết cơ sở hạ tầng (rất nhiều trong số đó là các doanh nghiệp Mỹ) lại xem thảm họa này là cơ hội làm giàu cho mình. Động đất, bão gió và sóng thần đã cướp đi tính mạng của hàng trăm nghìn người và tàn phá nhà cửa, tài sản của biết bao người khác nhưng nó lại làm động lực tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Con số người chết và tài sản thiệt hại không được đưa vào các thống kê kinh tế nhưng hàng tỷ đôla dành để tái thiết lại có tên trong thống kê, tạo nên số liệu hoàn toàn sai lệch. Hầu hết những người dân Mỹ không nhận thức được thảm họa quốc gia rõ nét như nhận biết thảm họa chiến tranh: những thảm họa thiên nhiên này cực kỳ có lợi cho những công ty lớn. Một số lượng tiền lớn dành để tái thiết sau khi thảm họa xảy ra được dành riêng cho các hãng liên quan đến ngành kỹ thuật của Mỹ và cho các tập đoàn đa quốc gia có sở hữu khách sạn, nhà hàng, và những chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống mạng lưới truyền thông và giao thông vận tải, các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và những ngành công nghiệp khác của “tập đoàn trị”. Hơn cả việc giúp đỡ những người nông dân, ngư dân sinh sống, những nhà hàng nhỏ lẻ, những ngôi nhà nhỏ và những doanh nghiệp nhỏ ở địa phương, các chương trình “giảm nhẹ thảm họa” đem lại một phương tiện hiệu quả hơn để chuyển tiền tới các nước đế quốc. Chương 8. Đầu cơ trục lợi từ thảm họa sóng thần Ngày 26 tháng 12 năm 2004, một ngày đen tối, không chỉ đối với những nạn nhân phải trực tiếp hứng chịu thảm họa sóng thần và còn với tất cả chúng ta, những người luôn tin vào lòng trắc ẩn, sự từ thiện và lòng tốt của những cư dân trên hành tinh này. Câu chuyện về việc bóc lột một cách vô liêm sỉ đằng sau tấn thảm kịch này đã được bắt đầu từ trước đó vài tháng, trước khi thảm họa thiên nhiên này xảy ra. Vào tháng 9 năm 2004, Indonesia chọn một sỹ quan quân đội khác làm tổng thống thay Suharto. Theo New York Times, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono “ngay lập tức bước lên vị trí lãnh đạo trong khi những luật lệ độc tài của tướng Suharto vẫn còn tồn tại …”. Năm 1976, ông ta tham dự khóa huấn luyện quân sự tại trường quân sự Fort Benning, thuộc bang Georgia và hoàn thành hai đợt thao diễn, Giáo dục Quốc phòng Quốc tế và Chương trình Huấn luyện tại Mỹ. Sau khi thảm họa sóng thần xảy ra, ông trở thành một nhà lãnh đạo tài tình, phá tan động thái của phong trào nổi dậy đòi độc lập ở tỉnh Aceh. Giống như nhiều phong trào địa phương diễn ra trên khắp quần đảo, phong trào ở Aceh nổ ra vì mong muốn giành được độc lập, thoát khỏi sự chi phối của chính phủ. Trong mắt những người dân, chính phủ được xem là kẻ khai thác kinh tế và có những chính sách hà khắc đến mức hung bạo. Trong khi môi trường cũng như nền văn hóa tại đây phải chịu đựng bàn tay khai thác của các tập đoàn nước ngoài, thì người dân tại tỉnh Aceh lại chỉ được thụ hưởng rất ít từ đó. Một trong những dự án tài nguyên lớn nhất ở Indonesia, dự án hóa lỏng khí ga thiên nhiên (LNG), được thực hiện tại Aceh, nhưng chỉ có một phần rất nhỏ lợi nhuận từ việc hóa lỏng khí ga thiên nhiên được đầu tư trực tiếp vào các trường học, bệnh viện tại địa phương cũng như những đầu tư khác để giúp vùng dự án. Theo Melissa Rossi, nhà báo giành được giải thưởng Pulitzer, cây bút kỳ cựu của các tờ báo Newsweek, Newsday (tại New York), Esquire, George, MSNBC, và The New York Observer, người thường xuyên gửi e-mail cho tôi từ những điểm nóng nhất trên thế giới, “Vùng Aceh trù phú này khao khát được độc lập khỏi Indonesia khoảng 5 thập kỷ gần đây. Nguồn tài nguyên dầu mỏ tại đây vô cùng phong phú và đó chính là lý do vì sao chính phủ Indonesia bám chặt lấy Aceh như một con đỉa đói”. Trong suốt 30 năm đấu tranh của tỉnh này, có khoảng từ 10-15 nghìn người đã bị giết chết tính đến thời điểm trước khi cơn sóng thần vượt qua đại dương tràn vào đất liền. Những cuộc đàm phán bí mật giữa chính phủ và Phong trào Aceh tự do (tiếng Indonesia là Gerakan Aceh Merdeka, gọi tắt là GAM) bắt đầu diễn ra trong năm 2004. Phong trào Aceh tự do nổ ra là để giành vị thế thuận lợi khi thương lượng, nhờ đó cho phép người dân nơi đây có thể cùng nhau chia sẻ nguồn lợi từ các mỏ dầu, mỏ khí gas và rất nhiều nguồn tài nguyên khác trong tỉnh; giành được một chế độ tự quản và rất nhiều những quyền khác mà họ đã đấu tranh hàng thập kỷ để đạt được. Tuy nhiên, cơn sóng thần đã cuốn đi tất cả. Bởi vì Phong trào Aceh tự do là một tổ chức địa phương, hoạt động tại vùng bị cơn sóng hung dữ tàn phá nên nó bị suy yếu nghiêm trọng sau khi cơn sóng thần đi qua. Một số thành viên chủ chốt của phong trào bị chết hoặc phải chịu cảnh mất người thân. Các hệ thống thông tin liên lạc và giao thông cũng bị tàn phá nặng nề. Một lần nữa, phong trào lại phải thay đổi hoạt động của mình, từ quá trình kháng cự và đàm phán chuyển sang giúp đỡ các nạn nhân sóng thần và nỗ lực khôi phục lại nền kinh tế. Mặt khác, chính phủ Indonesia cũng nhanh chóng có những điều chỉnh để trục lợi từ vùng hỗn loạn. Những đạo quân mới nhanh chóng được điều đến đây từ Java và những khu vực không bị ảnh hưởng của sóng thần ở Indonesia. Trong vòng một tháng, những đạo quân này sẽ nhận được sự hỗ trợ của các binh sỹ quân đội Mỹ và lính đánh thuê. Chẳng hạn như Neil, cựu gián điệp CIA, đã từng chỉ đạo một đội quân được thầu khoán để bảo vệ nước Mỹ. Mặc dù, những lực lượng vũ trang này thực hiện mệnh lệnh dưới lý do là cứu trợ nạn nhân của thảm họa sóng thần nhưng thực chất mục tiêu ngầm của chúng chính là dập tắt Phong trào Aceh tự do. Chính quyền Bush đã không mất quá nhiều thời gian để thực hiện mục tiêu ngầm đó. Tháng 1 năm 2005, chỉ một tháng sau thảm họa sóng thần, Washington tiếp tục duy trì chính sách đã được thi hành năm 1999 do Clinton đề ra, nhờ đó thắt chặt lực lượng quân sự hà khắc ở Indonesia. Nhà Trắng đã gửi một triệu đôla Mỹ để trang bị vũ khí quân sự tại Jakarta. Ngày 7 tháng 2 năm 2005, tờ New York Times đưa ra bản tin: “Washington đang nắm lấy cơ hội có một không hai đến ngay sau khi thảm họa sóng thần xảy ra… Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã nhanh chóng có những điều chỉnh để tăng cường thêm việc huấn luyện của Mỹ đối với các sỹ quan Indonesia… Tại Aceh, quân đội Indonesia, sau thảm họa sóng thần đã bộc lộ rõ bản chất là lực lượng tham gia chống lại cuộc phiến loạn của những người theo chính sách ly khai trong suốt 30 năm qua… Mối quan tâm lớn nhất của quân đội Indonesia lúc này chính là giữ được quyền kiểm soát chặt chẽ những lực lượng vũ trang thuộc Phong trào Aceh tự do”. Vào tháng 11 năm 2005, Washington bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí và nối lại mối quan hệ đối với quân đội Indonesia. Kiệt sức vì những nỗ lực khôi phục lại sau thảm họa và giúp đỡ các cộng đồng dân cư địa phương tái xây dựng, và phải đối mặt với áp lực rất lớn từ phía quân đội Indonesia và các nhà ủng hộ người Mỹ, GAM đã ký hiệp ước hòa bình một phía với chính phủ. Lại một lần nữa, chế độ tập đoàn trị lại là người thắng lớn. Cơn sóng thần gần như đảm bảo rằng, hoạt động khai thác ở Aceh vẫn sẽ tiếp tục như trước đây. Một dẫn chứng hết sức thuyết phục về việc tàn phá môi trường thiên nhiên của các “tập đoàn trị” chính là Hệ sinh thái Leuser ở Aceh. Trong vòng ba thập kỷ, các lực lượng chống đối đã biến một trong những khu rừng giàu tài nguyên nhất thế giới thành khu vực bất khả xâm phạm đối với các công ty khai thác gỗ và dầu lửa. Thế nhưng hiện nay, Phong trào Aceh tự do đã bị dập tắt và khu vực Aceh lại rộng cửa cho các “tập đoàn trị” khai khác. Giữa những năm 1980, cựu ủy viên ban quản trị của một công ty dầu lửa, Mike Griffiths, từ bỏ công việc đầy hấp dẫn và hy sinh bản thân mình để bảo tồn hệ sinh thái. Năm 1994, ông giúp sáng lập Quỹ tài trợ quốc tế Leuser. Năm 2006, ông dẫn chương trình Những cuộc hành trình trên sóng radio của Đài phát thanh quốc gia (NPR) tại Aceh. Phát thanh viên của chương trình Những cuộc hành trình trên sóng radio, Michael Sullivan cho biết, “Khi đất nước hòa bình thì áp lực đặt lên vai những cánh rừng dường như lại tăng thêm và mối đe dọa lớn nhất, thậm chí còn lớn hơn cả việc chặt phá những cây gỗ quý ở khu rừng nhiệt đới hay khai thác dầu ở những đồn điền cọ, chính là những con đường”. Chương trình radio này đã giải thích rằng ngay sau khi thảm họa sóng thần xảy ra, các công ty xây dựng và công trình của Mỹ đã có những động thái vận động hành lang với Ngân hàng Thế giới cũng như rất nhiều tổ chức “viện trợ” hỗ trợ tiền xây dựng đường sá. Những con đường này chủ yếu được dùng để phục vụ cho ngành công nghiệp khai thác gỗ và dầu lửa. Mike Griffiths phát biểu trên Đài phát thanh quốc gia: “Nếu các bạn để mất hệ sinh thái Leuser, các bạn sẽ không chỉ đánh mất cơ hội thực sự cuối cùng cho những con hổ, đười ươi, đàn voi hay tê giác mà còn đánh mất những quỹ tài trợ cơ bản, bảo trợ phúc lợi xã hội cho hơn 4 triệu người trong đó có biết bao người tin rằng hệ sinh thái này sẽ bảo vệ nguồn nước, chống ngập lụt và xói mòi đất”. Mối quan hệ giữa tầng lớp thống trị Indonesia, chính phủ Mỹ và những tập đoàn quốc tế đòi hỏi những phương cách tận dụng nhân công của các tập đoàn trị trên khắp thế giới trong suốt thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai. Việc tạo dựng đất nước đế quốc được tiến hành bí mật và chỉ đạo trên quy mô lớn. Từ khi nền dân chủ làm ra vẻ như muốn lấy ý kiến dân chủ của toàn bộ cử tri thì những phương pháp này lại đặt ra một mối đe dọa trực tiếp tới mô hình lý tưởng mà nước Mỹ khao khát đạt được. Chúng cũng làm xáo trộn bản báo cáo kết quả công việc của tôi cũng như của rất nhiều “những chuyên gia phát triển” khác. Nhờ có ba sự kiện bất ngờ xảy ra nên tôi đã hiểu rõ bản chất quỷ quyệt trong công việc mà mình đang thực hiện. Chỉ sau cơn sóng thần năm 2004, nó đã được phơi bày ra ánh sáng mặc dù căn nguyên của những sự kiện trên đều đưa trở về công việc ban đầu mà tôi đã làm, một sát thủ kinh tế. Chương 9. Hậu quả của tham nhũng Trong cuốn Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, tôi đã mô tả mối quan hệ của mình với công ty Stone and Webster Enginerring (SWEC) vào cuối những năm 1980 và những năm 1990. Vào thời gian đó, SWEC là một trong những hãng xây dựng và cố vấn được đánh giá cao nhất và có quy mô lớn nhất thế giới, và thực tế là tôi đã được công ty SWEC trả khoảng một nửa triệu đôla, nếu tôi cũng từ bỏ ý định viết cuốn sách về cuộc đời làm sát thủ kinh tế của mình. Đôi khi, công ty này mời tôi làm việc cho một cơ sở của họ. Vào một ngày năm 1995, một quản trị viên cấp cao của SWEC gọi cho tôi với mong muốn có một cuộc gặp mặt giữa hai bên. Trong suốt bữa trưa, ông ta bàn với tôi về dự án xây dựng một khu liên hiệp chế biến hóa chất ở Indonesia. Ông ta cam đoan với tôi, đó sẽ là một trong những dự án lớn nhất trong lịch sử hơn một trăm năm của công ty, trị giá đến một tỷ đôla. Ông ta nói, hạ thấp giọng hơn, sau đó thú nhận: “Tôi đã quyết định phải đạt được mục tiêu này, nhưng tôi sẽ không thể thực hiện được nó cho đến khi tôi tìm được cách chi khoảng 150 triệu đôla cho một thành viên trong gia đình của Suharto”. Tôi đáp lại: “Ông định hối lộ ư?”. Ông ta gật đầu. “Anh đã sống ở Indonesia rất lâu. Hãy chỉ cho tôi biết làm thế nào để tôi có thể thực hiện được điều đó”. Tôi cho ông ta hay, tôi biết tới bốn cách hối lộ “hợp pháp” cho gia đình Suharto. SWEC có thể sắp xếp để thuê những chiếc xe xúc đất, cần trục, xe tải và những thiết bị nặng khác do công ty của Suharto hay người thân của ông ta sở hữu và trả tiền thuê thừa ra; hay họ có thể ký một hợp đồng phụ phân chia dự án cho nhiều công ty thuộc quyền sở hữu của gia đình Suharto với cái giá được thổi phồng; họ cũng có thể sử dụng hình thức tương tự với hợp đồng cho thuê nhà, thực phẩm, xe cộ, nhiên liệu và nhiều mặt hàng tương tự khác; hoặc công ty có thể sắp xếp cho con cái của những quan chức thân thiết với Suharto tới học tại những trường đại học có uy tín của Mỹ, chi trả mọi phí tổn và trả lương cho người cố vấn cũng như phí ở nội trú khi học tập trên đất Mỹ. Mặc dù vậy tôi cũng thừa nhận rằng việc sắp xếp một khoản tiền lớn như vậy có thể sẽ cần phải áp dụng cả bốn cách trên và sẽ phải mất vài năm để thực hiện, tôi cam đoan với ông ta rằng tôi đã được thấy tất cả những kế hoạch đó được thực hiện rất thành công và chúng tôi không cần phải quan tâm tới bất cứ cơ cấu pháp luật nào từng được đưa ra để chống lại công ty của Mỹ cũng như chống lại ủy viên ban quản trị của công ty. Tôi cũng gợi ý rằng ông ta nên cân nhắc ý kiến của tôi về việc dùng các Geisha để thực hiện các thỏa thuận. Ông ta tiết lộ cho tôi biết với một nụ cười đầy ẩn ý: “Những Geisha đã lao động vất vả lắm rồi”. Và cũng giống hầu hết những kẻ khác, ông ta bày tỏ nỗi lo lắng rằng nếu người thân của Suharto thích “trả trước” thì sao. Tôi phải thừa nhận rằng tôi không biết cách nào để biến số tiền lớn như vậy được “trả trước”, ít nhất là không vi phạm pháp luật. Ông ta cảm ơn tôi và tôi không nghe thêm được điều gì từ ông ta về sự việc này. Một thập kỷ sau, vào ngày 15 tháng 3 năm 2006, báo The Boston Globe đã đưa “tít” sau trên trang nhất của mục Thương mại: “GIÁC THƯ HỐI LỘ” VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA CÔNG TY STONE & WEBSTER. Bài báo nói về một bi kịch, làm sao một công ty có lịch sử đầy vinh quang bắt đầu từ năm 1889, cuối cùng lại bước đến bờ phá sản khi được đưa vào danh sách công ty phá sản năm 2000 và kết cục lại bị tập đoàn Shaw sở hữu. Theo tờ Globe, “có tới hơn một nghìn nhân viên của công ty bị sa thải, cổ phần của họ tại công ty bị mất trắng”. Steve Bailey, phóng viên của Globe kết luận rằng, nguyên nhân của sự sụp đổ sẽ được tìm ra, “chủ yếu là do việc công ty sắp đặt chi tiết một khoản bí mật, chi trả phi pháp 147 triệu đôla tiền lại quả cho những người có liên quan tới Tổng thống Indonesia Suharto để đạt được hợp đồng lớn nhất trong lịch sử của công ty”. Sự việc thứ hai được bắt đầu bằng một e-mail tôi nhận được từ người con trai của một quan chức từng làm việc cho chính phủ Indonesia trong những năm 1970, chàng trai trẻ muốn được gặp tôi. Emil (đây không phải là tên thật của anh ta) mời tôi tới một nhà hàng Thái Lan khá yên tĩnh nằm phía tây New York. Anh ta cho tôi biết, anh đã cảm động sâu sắc khi đọc cuốn sách Lời thú tội của một sát thủ kinh tế của tôi. Khi mới chỉ khoảng 10 tuổi, cha của anh đã giới thiệu anh với tôi, tại Jakarta. Emil nhớ rằng mình luôn luôn được nghe nhắc đến tên tôi. Anh ta nói, anh biết cha anh ta là một trong những quan chức tham nhũng mà tôi nhắc đến trong cuốn sách của mình. Sau đó, chàng trai trẻ nhìn thẳng vào mắt tôi, thừa nhận rằng mình cũng đang đi theo “vết xe đổ” của người cha. Anh ta nói với tôi, nở một nụ cười yếu ớt: “Cháu muốn mình được trong sạch. Cháu muốn được thú tội, giống như chú. Nhưng cháu còn có một gia đình và những mối ràng buộc. Cháu tin là chú hiểu ý cháu”. Tôi cam đoan rằng mình sẽ không bao giờ tiết lộ tên tuổi cũng như để lộ nhân dạng của anh ta. Câu chuyện của Emil quả là một khám phá đối với tôi. Chàng trai trẻ cho tôi biết rằng quân đội Indonesia từ lâu đã bòn rút tiền từ khu vực kinh tế tư nhân để chi trả cho các hoạt động của mình. Để cố làm sáng tỏ điều mình vừa nói, chàng trai trẻ nhún vai khinh bỉ và nở một nụ cười, một hành động có vẻ khá phổ biến ở các nước thuộc Thế giới thứ ba. Sau đó, anh ta giữ vẻ nghiêm trọng: “Từ sau sự sụp đổ của chế độ Suharto năm 1998, mọi thứ dường như càng trở nên tồi tệ hơn. Tướng Suharto là một kẻ độc tài quân sự thực sự, ông ta đã quyết định giữ lực lượng vũ trang dưới quyền kiểm soát của mình. Khi thế lực cũng như ảnh hưởng của ông ta không còn, những người dân Indonesia cố gắng đến mức liều lĩnh để thay đổi luật pháp, nhờ đó những người dân sẽ có nhiều quyền hành hơn trong quân đội. Họ cho rằng, bằng việc giảm ngân sách cho quân đội, họ có thể thực hiện được mục đích của mình. Nhưng những vị tướng trong quân đội lại biết đi tới đâu để kêu gọi sự giúp đỡ: các công ty khai thác mỏ và năng lượng của nước ngoài”. Tôi nói với Emil rằng những điều anh vừa nói gợi cho tôi nhớ tới những tình cảnh tương tự ở Colombia, Nigeria, Nicaragua, và rất nhiều các quốc gia khác, nơi những lực lượng dân quân mật được sử dụng để hỗ trợ cho quân đội quốc gia. Emil đồng ý với điều tôi nói: “Vâng, có rất nhiều lính đánh thuê ở Indonesia. Nhưng những gì cháu đang nói tới còn tồi tệ hơn nhiều. Cách đây vài năm, quân đội của Indonesia được các tập đoàn nước ngoài trả tiền thuê. Sự liên kết này quả thật là khủng khiếp bởi vì, như chú thấy đấy, những tập đoàn này hiện nay đang sở hữu lực lượng quân sự cũng như tất cả nguồn tài nguyên của Indonesia”. Khi tôi hỏi tại sao anh ta lại tiết lộ những thông tin này cho tôi, chàng trai trẻ quay mặt đi và hướng mắt ra ngoài khung cửa sổ của nhà hàng, nhìn ra phía con đường. Cuối cùng, anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Cháu là một cộng tác viên. Cháu không chỉ tham nhũng như bố cháu. Cháu là một trong những người thực hiện các vụ sắp đặt, lấy tiền từ các công ty và chuyển tới lực lượng quân sự. Thật đáng xấu hổ. Việc duy nhất cháu có thể làm là nói điều này với chú và hy vọng rằng chú sẽ cho cả thế giới biết những gì đang xảy ra ở Indonesia”. Những tuần sau cuộc gặp gỡ giữa tôi và Emil, có một bài báo thu hút ngay sự chú ý của tôi khi tôi đang trên trang web của tờ New York Times. Bài báo nêu chi tiết các hành động của công ty Freeport-McMoRan Copper and Gold, trực thuộc công ty New Orleans, về việc “cách đây 7 năm, công ty này đã chi 20 triệu đôla Mỹ cho chỉ huy quân sự và các đơn vị tại khu vực (Papua) để bảo vệ lợi thế của mình tại khu vực xa xôi này”. Bài báo xác nhận: “Chỉ có một phần ba nguồn tài chính của lực lượng vũ trang Indonesia là do ngân sách nhà nước cấp, phần còn lại là lấy từ những nguồn không minh bạch như là ”số tiền trả cho việc bảo vệ”, cho phép các binh lính vô liêm sỉ hoạt động độc lập với sự chỉ đạo tài chính của chính phủ”. Bài báo này đã dẫn tôi tới hai bài báo khác, xuất hiện trên website của tờ New York Times vào tháng 9 năm 2004. Hai bài báo miêu tả những sự kiện xảy ra gần đây tại nơi tôi từng hoạt động, Sulawesi, và đưa ra những dẫn chứng cho thấy công ty chế biến vàng lớn nhất thế giới, Newmont Mining, có trụ sở đặt tại Denver, đã bán phá giá trái luật lượng Asen và thủy ngân ra nước ngoài tại vịnh Buyat. Khi đọc được những bài báo này, tôi nhận ra rằng chính những công việc vận động tài chính và xây dựng lại hệ thống điện, đường sá, cảng biển và nhiều cơ sở hạ tầng khác hồi những năm 1970 của mình đã giúp Newmont kiểm soát các hoạt động khai mỏ và hủy hoại tài nguyên biển. Như Charlie Illingworth, giám đốc dự án của tôi, từng nhắc đi nhắc lại trong chuyến đi đầu tiên của tôi tới Indonesia, chúng tôi được phái tới đây để đảm bảo cho các công ty khai thác dầu mỏ có thể có mọi thứ mà họ cần. Tôi nhanh chóng hiểu rằng, nhiệm vụ của mình không chỉ riêng cho công ty dầu lửa nào. Sulawesi là một ví dụ điển hình cho thấy các khoản “viện trợ” đã làm lợi như thế nào cho các tập đoàn đa quốc gia. Một bài báo trên tờ Time chỉ rõ, “trong cuộc chiến chống lại Newmont trong việc cung cấp chất đốt cho số dân tăng nhanh của đất nước này, các công ty khai thác mỏ và năng lượng cố gắng bám chặt lấy hệ thống luật yếu kém và có nhiều kẽ hở của Indonesia. Rất nhiều lời chỉ trích về nạn tham nhũng, về chủ nghĩa cơ hội, về sự bất cập trong hệ thống pháp lý còn lưu lại từ thời của tướng Suharto, sau khi kẻ độc tài này bị hạ bệ năm 1998 và vì hám lời, ông ta đã hăm hở mở cửa đất nước đưa những nhà đầu tư nước ngoài vào Indonesia”. Khi tôi bắt đầu viết cuốn sách này, những lời nói của ông trưởng làng “Batsville” và người đóng tàu của bộ tộc Bugi luôn được tôi đặt lên trên cùng của màn hình máy tính, giống như một thứ kinh thánh, luôn luôn ám ảnh tôi. Quả thực, nước Mỹ đã giang rộng đôi cánh dơi của mình đi khai thác và làm ô nhiễm những vùng đất nước ngoài. Những thủy thủ trên những chiến thuyền gỗ thủa xa xưa, với dao rựa trong tay sẽ có rất ít khả năng bảo vệ được quê hương mình, chống lại sức mạnh của Lầu năm góc, hay chống lại lực lượng quân đội tinh nhuệ, những tên tay sai của các tập đoàn. Chương 10. Bị tấn công và bị đánh ở Indonesia Trong suốt buổi nói chuyện của tôi, các khán giả thỉnh thoảng lại nói đến những tin tức cho biết Nike và nhiều công ty tương tự cũng đang cải thiện tình hình cho các công nhân. Tôi cũng giống như rất nhiều người trong số họ đều muốn tin vào điều này. Chúng tôi hy vọng rằng người sáng lập của Nike, Phil Knight, và những ủy viên khác trong ban quản trị có thể có những động thái hợp lý. Tôi liên lạc với Leslie và Jim, hai nhà quay phim đã có thời sống cùng những công nhân của nhà máy Nike ở Indonesia và hiện cũng đang thực hiện một bộ phim tài liệu về những xí nghiệp bóc lột nhân công. E-mail trả lời của họ khiến tôi không yên lòng: Từ chuyến tới Indonesia của chúng tôi năm 2000, chúng tôi đã hai lần quay trở lại nơi đây và vẫn giữ liên lạc với những công nhân và các tổ chức lao động. Những thay đổi mang tính bản lề đã được thực hiện nhưng thực tế tiền lương và quyền tự do thành lập các liên hiệp độc lập vẫn không có gì thay đổi so với thời điểm năm 2000, bất chấp những nỗ lực của Nike trong việc hướng dư luận nghĩ theo một cách khác. Mức lương tối thiểu tại Indonesia đã tăng lên nhưng giá thực phẩm, nước sạch, dầu ăn, quần áo, nhà cửa và những nhu cầu thiết yếu khác cũng tăng với tỷ lệ tương tự. Những người công nhân vẫn buộc phải phân vân, suy tính “mình ăn hay để phần các con”. Lần cuối khi chúng tôi còn ở Indonesia, một công nhân tại nhà máy của Nike, người từng tham gia một cuộc phỏng vấn với chúng tôi năm 2000 và cũng đã làm việc ở nhà máy của Nike 8 năm, đến chào chúng tôi. Cô dành cho chúng tôi một cái ôm thật chặt, một nụ cười gượng ép và một giọng nói mạnh mẽ “chẳng có gì thay đổi ở đây cả”. Có chăng thứ thay đổi chỉ là giá dầu, và vì thế dẫn đến thay đổi giá cả vận chuyển. Lương công nhân tăng lên 30% nhưng vẫn không tương xứng với những gì họ phải được nhận. Vậy tiền trả cho những khoản tăng do vận chuyển từ đâu ra? Những công nhân làm việc từ 6-7 ngày một tuần cho các tập đoàn giàu có hàng tỷ đôla Mỹ thỉnh thoảng vẫn phải ăn cơm với muối trong hai bữa ăn hàng ngày của mình. Cuối những năm 1990, Nike đáp trả lại lời chỉ trích về điều kiện làm việc tại xí nghiệp bóc lột nhân công. Họ khẳng định rằng những người đưa ra lời chỉ trích đó không biết họ đang nói gì và những nhà máy thực hiện các hợp đồng thuộc quyền sở hữu của một người nào đó chứ không thuộc Nike. Vì thế, Nike không có quyền thay đổi. Đến năm 2000, Nike lại có phản ứng ngược lại “các vấn đề nêu ra là đúng… công ty đã sai”. Năm 2002, các ủy viên ban quản trị theo bước chúng tôi đi khắp các trường đại học và trung học Mỹ, nơi chúng tôi sẽ thuyết trình về vấn đề này. Họ gửi tới một gói nhỏ trước nơi chúng tôi tới, đe dọa nếu chúng tôi tiếp tục nói ra những điều không có lợi, theo sau đó là sự xuất hiện của một bài xã luận trên các tờ báo sinh viên khẳng định điều chúng tôi nói hoàn toàn không có thật. Và hiện nay, chiến dịch của Nike có vẻ như là muốn tập trung chú ý hơn tới những cuộc thảo luận về trách nhiệm với xã hội và thừa nhận rằng thực sự có một số vấn đề xảy ra tại các nhà máy nhưng việc tìm ra cách tháo gỡ vấn đề này lại nằm trong tay tất cả các cổ đông (theo cách nói của Nike). Trong khi đó, năm 1990, những vấn đề tương tự như vậy đã được vạch trần từ việc mức lương thiếu thốn khiến nhiều người thiếu ăn, tới việc giới hạn sử dụng nhà vệ sinh hai lần một ngày, việc lạm dụng vật chất và vấn đề sinh lý, tới việc đe dọa và cư xử hung bạo nhằm vào những người tổ chức hiệp hội vẫn tiếp tục diễn ra tại các nhà máy của Nike trên khắp thế giới. Nếu như Nike tăng gấp đôi số tiền lương cho các công nhân tại Indonesia (chiếm khoảng 1/6 số nhân công của toàn công ty), thì số lương đó cũng chỉ chiếm khoảng chừng 7% trong số 1,63 tỷ đôla Mỹ ngân sách mà công ty dành cho quảng cáo. Nếu Nike một lần nữa bớt chút ít số tiền trong ngân sách quảng cáo để chi trả thêm cho các nhà máy, thì điều kiện sống của những công nhân tại các xí nghiệp bóc lột này sẽ tốt hơn rất nhiều. Leslie và Jim có thể đứng ở thế đối lập với những sát thủ kinh tế nhưng họ không xa rời việc tiếp cận với những tên tay sai. Họ kể cho tôi nghe chuyện một đêm, khi họ, người quay phim Joel, lái xe người Indonesia và người phiên dịch bị một nhóm du côn có trang bị vũ khí đuổi bắt. Jim nói: “Bọn chúng lái xe môtô quanh xe ôtô của chúng tôi. Anh lái xe cố gắng phi thật nhanh tới gần trạm kiểm soát quân đội nhưng người lính ở đó đã vẫy tay xua chúng tôi đi”. Leslie nói thêm: “Anh ta điên cuồng muốn tống khứ chúng tôi. Anh ta cũng không định chặn đám du côn kia, những kẻ giống như mafia Indonesia vậy. “Anh tài xế buộc phải lái xe táp vào lề đường. Đám du côn gí súng, đẩy chúng tôi ra ngoài. Lúc đó tôi chắc rằng – Leslie khẽ rùng mình – chúng tôi chẳng còn chút hy vọng gì nữa. Danh sách những người “biến mất” sẽ dài thêm với những tên mới. Cuối cùng thì tất cả bọn họ còn sống sót nhưng người lái xe bị đánh trọng thương. Joel thì thầm: “Một lời cảnh báo”. “Các bạn hiểu thông điệp đó chứ?” – Tôi hỏi. Jim đáp lại: “Sau này, chúng tôi cẩn thận hơn. Chúng tôi phải chú ý quan sát nơi muốn đến, giờ nào thì nên đi. Nhưng chúng tôi sẽ quay trở lại, sẽ hoàn thành những tài liệu này và cho cả thế giới biết”. Đọc những bài báo về công ty SWEC, Freeport-Mc MoRan, Newmont và nghe những điều trên từ Jim, Leslie và Joel về những gì họ đã trải qua buộc tôi phải một lần nữa đối mặt với những gì mà hoạt động của mình đã để lại, và đối mặt với những người phải lao động cực khổ để sản xuất ra hàng hóa và các sản phẩm từ các ngành công nghiệp khai thác tại các xí nghiệp bóc lột nhân công. Câu chuyện của Indonesia đã được lặp đi lặp lại nhiều lần và đó là bí mật lịch sử của đế quốc Mỹ. Thật không may, việc đất nước đế quốc đó tự tạo cho mình một chuẩn mực mới, một hình tượng mới, mặc cho những thất bại trước đó, vẫn đang bị cạnh tranh. Năm 2004, chuyến đi Tây Tạng đã cho tôi thấy Trung Quốc cũng có một kiểu sát thủ kinh tế và lính đánh thuê của riêng họ. Về cơ bản, những sát thủ này còn làm việc hiệu quả và có sức hủy hoại lớn hơn chúng tôi rất nhiều. Chương 11. Không nên trở thành tín đồ Phật giáo Tây Tạng là mảnh đất nổi tiếng vì nơi đây là quê hương của đức Đạt Lai Lạt Ma, vị thủ lĩnh tôn giáo, biểu tượng của sự tận tâm và nhân từ. Tuy nhiên, người Tây Tạng không phải lúc nào cũng được tận hưởng sự nổi tiếng này. Khoảng những năm 609-649, hoàng đế của Tây Tạng, Songtsen Gampo, thiết lập liên minh những thủ lĩnh các bộ tộc, mải mê xâm chiếm các vùng đất lân cận. Kết quả là vị hoàng đế này đã đưa Tây Tạng trở thành đế quốc hùng mạnh, rộng lớn. Nhưng sau đó, vùng đất này lại bị Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan) xâm chiếm, và nó trở thành một nước đế quốc bị thất bại trong lịch sử với hình ảnh tàn ác. Tháng 6 năm 2004, tôi dẫn một đoàn lữ hành gồm 34 người tới Tây Tạng. Lái xe đi dọc miền đất này, hướng đến chặng dừng chân đầu tiên của đoàn chúng tôi, thành phố Tsedang. Rõ ràng là một trong bốn cô hướng dẫn viên của chúng tôi biết rất ít về miền đất Tây Tạng này và chỉ biết nói được một chút ngôn ngữ ở đây. Thực tế là thứ tiếng Anh bập bẹ của Suzie (tên cô hướng dẫn viên) thậm chí còn tốt hơn ngôn ngữ Tây Tạng mà cô đang dùng. Thông tin rằng cô là một gián điệp người Trung Quốc nhanh chóng lan truyền và chúng tôi nên cẩn thận hơn với những điều mình nói. Hướng dẫn viên người Nepal nói nhỏ với một vài người trong chúng tôi, xác nhận về thông tin đó và muốn những người trong đoàn truyền cho nhau biết điều đó. Một lần, khi Suzie ra khỏi xe buýt ở một chặng dừng chân, anh ta khuyên chúng tôi phải làm ra bộ như mình đang bị ai đó nghe trộm. Một người phụ nữ hỏi: “Ngay cả ở những tu viện hay chùa chiền chúng ta cũng phải làm vậy ư?” Anh ta đáp lại: “Đặc biệt là tại những nơi đó”. Tsedang nằm trên một cao nguyên của Tây Tạng. Nó được bao quanh bởi các đỉnh núi phủ tuyết của dãy Himalaya, đó là một trong những trung tâm văn minh cổ nhất tại mảnh đất này. Chúng tôi đặt phòng ở một khách sạn nghèo nàn của người Trung Quốc. Tôi gửi hành lý lên phòng và đi ra ngoài. Tôi thấy mình cần tách khỏi nhóm, ở một mình một lúc, điều chỉnh để thả lỏng cơ thể. Tôi chậm chạp đi bộ và khám phá vùng đất Tây Tạng. Tuy nhiên, khi tôi đi lang thang trong thành phố vào một chiều muộn, tôi kinh ngạc nhận ra rằng dường như mình đã được đưa đến đây bằng một tấm thảm ma thuật. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình đã tới một nước Tây Tạng cổ xưa; thay vào đó, tôi cho rằng mình đã tới vùng đất thuộc quyền kiểm soát quân sự của người Trung Quốc. Những người lính mặc quân phục chen lấn, xô đẩy dọc các vỉa hè lát ximăng trên đường phố. Những khu chợ ngoài trời và các cửa hàng nhỏ đều bán đồ Trung Quốc. Những người bán dạo trên vỉa hè chào hàng những đồ dùng, thùng và đồ chơi bằng nhựa sặc sỡ màu sắc. Chỉ có một vài ngôi nhà cổ là còn sót lại. Rất nhiều ngôi nhà khác đã bị phá đi, thay vào đó là những kiến trúc nhà xây bằng bê tông đơn điệu của quân đội. Người dân Tây Tạng nổi bật với quần áo truyền thống của mình. Những vật kỳ dị trong bảo tàng thế kỷ XV như mũ, giày, áo lông thú rõ ràng là quá xa lạ với người dân nơi đây. Những người lính làm mất đi hình ảnh của mình khi họ cư xử như những kẻ loạn trí. Sự căng thẳng âm thầm diễn ra trên vùng đất Himalaya này. Khi tôi đi bộ dọc theo con phố, tôi cảm thấy sự mệt mỏi ngày càng đè nặng lên từng bước chân của mình. Lúc đầu, tôi cho rằng đó là do độ cao nơi đây, giống như ở dãy Andes hay vùng Kashmir. Nhưng sự mệt mỏi nhanh chóng chuyển thành những cơn hoa mắt, chóng mặt, tôi cảm thấy rất buồn nôn. Tôi nặng nề tiến về phía một chiếc ghế đá và ngồi xuống. Câu khẩu hiệu “Tây Tạng tự do” vang lên bên tai tôi và tôi nhận ra mình đang phải chịu đựng nỗi khổ sở cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi cố gắng gượng, buộc mình phải tập trung lắng nghe xung quanh. Mọi người đang chạy nhốn nháo qua chỗ tôi. Rất nhiều người Trung Quốc và một số người Tây Tạng xuất hiện nhưng không ai chú ý đến tôi. Tôi cảm thấy rõ rệt rằng mình có thể bị tấn công bất cứ lúc nào; nhưng hình như không ai nhìn thấy tôi đang ngồi ở đó. Cũng có thể, tôi ngồi đó giống như một anh chàng loạn trí. Khi tôi bắt đầu trấn tĩnh lại, tôi sực nhớ ra tấm ảnh đức Đạt Lai Lạt Ma mà mình giữ ở trong ví. Tôi thận trọng lần tìm để kiểm tra, thấy rằng chỉ riêng việc tôi giữ tấm ảnh này cũng có thể bị bỏ tù bất cứ lúc nào. Ở xã hội Tây Tạng hiện đại, giữ hình ảnh của ông là phạm pháp cho dù có hàng triệu người vẫn xem ông là một thủ lĩnh tinh thần. Tôi đã lén mang nó khi qua trạm kiểm soát an ninh tại sân bay Trung Quốc, bất chấp lệnh cấm ở đây bởi vì tôi cho rằng mình có thể tặng nó cho một trong những người tiếp bước ông, nhưng hơn hết là thể hiện sự kính trọng về khoảng thời gian tôi được ở cùng ông 5 năm về trước. Sheena Singh, người tổ chức chuyến đi này, cũng đã từng tổ chức một chuyến đi tương tự vào năm 1999. Chúng tôi đã tới thăm chính phủ bảo hộ Ladakh của người Ấn Độ tại vùng Kashmir nằm giữa Pakistan và Ấn Độ. Ngày nay đây là nơi cư trú của hàng nghìn người tị nạn Tây Tạng, những người vẫn quyết giữ gìn những giá trị truyền thống đã bị ngăn cấm ngay trên mảnh đất quê hương họ. Như là định mệnh, trong tuần đó, đức Đạt Lai Lạt Ma cũng có mặt tại Ladakh. Sheena biết được sở thích khám phá những nền văn hóa tại nước bản địa của đức Đạt Lai Lạt Ma, do đó, cô đã gửi một trong những cuốn sách của tôi viết về chủ đề này cho ông, cùng với một mẩu giấy, ghi rõ rằng nhóm chúng tôi mong muốn có một cuộc gặp gỡ riêng với ông. Một ngày sau đó, một số nhân viên của ông tới khách sạn nơi chúng tôi đang ở, lịch sự trả lời rằng lịch của ông đã kín nên không thể sắp xếp; họ đưa cho chúng tôi một chiếc hộp chứa những cuốn sách của ông, kèm theo đó là chữ ký lưu niệm trong mỗi cuốn sách. Trong buổi sáng cuối cùng ở Tây Tạng, khi chúng tôi đang chờ bắt chuyến bay tới khu vực phía bắc Ấn Độ, chúng tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy đức Đạt Lai Lạt Ma cùng những người tùy tùng bước vào khu sân bay chật hẹp. Ngay lập tức, Sheena bước đến gần thư ký của ông. Lúc này, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị bước lên máy bay. Trước khi kịp nhận ra chuyện gì đang xảy ra, tôi thấy mình bị đẩy lên bậc thang bước lên máy bay. Cô hướng dẫn viên người Ấn Độ chuẩn bị nghi thức ngoại giao, ra lệnh cho chúng tôi hôn giày của đức Đạt Lai Lạt Ma và dẫn chúng tôi tới dãy ghế đầu trên chiếc Boeing 737. Đức Đạt Lai Lạt Ma mỉm cười với tôi và vỗ nhẹ vào chiếc ghế bên cạnh mình. Ý nghĩ phải hôn một chiếc giày có vẻ khá kỳ quặc nhưng đã từ lâu, tôi biết tầm quan trọng của những giá trị truyền thống tại nơi đây, tôi bắt đầu cúi người về phía chiếc ghế một cách vụng về, hướng về đôi bàn chân ông. Đức Đạt Lai Lạt Ma khẽ mỉm cười và đưa một bàn tay đỡ lấy cằm tôi, nhẹ nhàng nâng đầu tôi lên. Ông nói với giọng cực kỳ nhỏ nhẹ: “Không cần làm thế đâu”. Ông lại vỗ nhẹ chiếc ghế bên cạnh mình, “Anh ngồi đi”. Rồi, ông rút cuốn sách ra và giữ nó trong vạt áo, hướng bìa cuốn sách về phía tôi và nói: “Nó rất tuyệt. Tôi muốn được tìm hiểu nhiều hơn nữa”. Chúng tôi nói chuyện với nhau về những người dân bản địa và cuộc sống bấp bênh của họ. Tôi kể cho đức Đạt Lai Lạt Ma nghe lý do khiến những người Shuar ở vùng Amazon trở thành những kẻ săn đầu người và cuộc chiến tranh nổ ra ở vùng đất đó. Theo thần thoại kể lại, đó là bởi vì họ phải thuận theo ước muốn của dân chúng để thoát khỏi gọng kìm kiểm soát và kết quả của sự thiếu cân bằng đe dọa sẽ phá hủy các hình thái sống. Chính vì lý do đó, chúa buộc họ phải nhận trách nhiệm cho dù đó là yêu cầu “giết đồng loại của mình”. Câu chuyện này dường như tác động rất nhiều tới cảm xúc của đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông nói rằng ông không thể tha thứ cho hành vi bạo lực. Hòa bình chỉ đến với con người khi họ thể hiện lòng trắc ẩn thực sự của mình tới tất cả những người có khả năng nhận thức và khi chúng ta, mỗi cá nhân và toàn xã hội, chịu trách nhiệm về việc giữ gìn hành tinh của mình. Ông cũng nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế luôn đi đôi với việc phá hủy nhiều hình thái sống và tạo ra sự mất cân bằng, khiến những kẻ giàu có càng trở nên giàu hơn và người nghèo càng lầm than hơn. Chúng tôi nói với nhau rất lâu về tầm quan trọng của việc đưa ra những hành động cụ thể để biến thế giới này trở thành thế giới của lòng trắc ẩn, chứ không chỉ đơn giản là nói về nó hay cầu khấn cho điều đó. Sau chuyến bay đó, đức Đạt Lai Lạt Ma mời đoàn lữ hành của chúng tôi tới thăm nhà riêng của ông tại Dharmasala, Ấn Độ. Sau những lời chào hỏi thân mật, ông có nhắc đến một điều có vẻ rất khác thường với tư cách là thủ lĩnh tâm linh của mình: “Các bạn đừng trở thành tín đồ của Phật giáo. Thế giới của chúng ta không cần có thêm những tín đồ Phật giáo nữa. Hãy tích cực thực hiện những hành động thể hiện lòng trắc ẩn. Thế giới này cần có nhiều con người có lòng trắc ẩn”. Những lời nói đó của ông vang lên trong tâm trí tôi khi tôi ngồi trên chiếc ghế dài tại Tsedang, giữ tấm hình của ông trong tay. Tôi không thể tưởng tượng rằng mình được nghe những lời khuyên như thế từ đức Đạt Lai Lạt Ma chứ không phải từ những người đứng đầu nước Trung Hoa, và càng không phải từ tổng thống Mỹ. Đó là lời bác bỏ trực tiếp tôn giáo và tất cả những hình thái của Đế quốc chủ nghĩa. Nhìn vào tấm ảnh của đức Đạt Lai Lạt Ma, suy ngẫm về lời ông khẳng định, những người dân của ông không tham gia vào vòng xoáy bạo lực vì nó có thể làm hỏng cả những thế hệ sau, tôi cảm thấy bản thân mình không xứng đáng. Tôi đã nổi giận với đất nước Trung Quốc. Tại đây, tại thành phố là hình ảnh thu nhỏ về sự tàn bạo của đế quốc thực dân, tôi cảm nhận được sự không thỏa đáng của những giận dữ, bực dọc của riêng cá nhân mình. Sau đó, ngay tại nơi đó, tôi tự hứa rằng mình sẽ dành toàn bộ cuộc đời còn lại của mình để làm cho mọi thứ xung quanh mình thay đổi. Tôi sẽ viết và nói cho tất cả mọi người biết những hiểm nguy của một thế giới chỉ dựa vào việc khai thác, nỗi sợ hãi và bạo lực. Tôi sẽ tìm ra những giải pháp thực sự và cố gắng truyền cảm hứng để mọi người có những hành động cụ thể. Cũng ngay lúc đó, tôi hiểu rằng mình phải làm việc hết mình cho quan điểm ấy. Tôi nhận ra rằng sẽ là không đủ để chuyển đổi một nước đế quốc này sang đế quốc khác, chống lại nỗi khiếp sợ bằng nỗi khiếp sợ lớn hơn. Chúng ta phải phá vỡ mắt xích trong chu kỳ của hệ thống ấy. Chương 12. Nhu cầu sinh học Chúng tôi đi khám phá Tây Tạng với một đoàn hộ tống gồm tám chiếc xe Toyota Land Cruiser. Khi chúng tôi đi qua nơi những người nông dân đang lê bước với những vật rất nặng trên lưng, tôi không thể không có cảm giác mình như là bề trên, rằng chúng tôi là những người Được Lựa Chọn. Khi chúng tôi dừng lại nghỉ chân tại một đoạn đèo, tôi thả bộ khắp đoàn lữ hành của mình và nói đùa rằng chúng tôi sẽ phải xuất hiện trước những người dân địa phương như là đoàn lữ hành của hoàng gia. Một người trong đoàn chế giễu: “Anh có đùa không đấy? Đây quả là một hành trình địa ngục. Đúng là chúng ta có ôtô, nhưng lái xe của chúng ta thậm chí không thể di chuyển đúng đường, liên tục phải sang số. Chiếc Cruiser phía trước chúng ta đã bị rỉ dầu. Chiếc kia – anh ấy chỉ tay về phía đám bụi ở đoạn đường phía sau chúng tôi – không thể đuổi kịp những chiếc còn lại trong đoàn. Tôi không cho là hoàng gia có thể chịu đựng được điều này”. Với những tiêu chuẩn của người Mỹ, đây quả là chuyến đi thật gian khổ. Chúng tôi vùng vẫy trên những con đường tơ lụa cổ xưa mà theo thời gian, nó chẳng có gì ngoài những lòng sông sâu. Khi đi qua khu vực Himalaya này, chúng tôi phải đóng thuế qua đường cho phương tiện và tất cả những người trong đoàn. Tại một điểm dừng chân, chúng tôi bị bao vây bởi hàng đoàn côn trùng thích cắn đốt. Nhưng bù lại, phong cảnh nơi đây đẹp và hùng vĩ vượt xa trí tưởng tượng của chúng tôi. Chúng tôi được thưởng thức những bữa ăn ngon miệng và ngủ trên những chiếc giường sạch sẽ. Trên đường trở về Lhasa, biết rằng mình sẽ rời khỏi Nepal vào sáng hôm sau, chúng tôi lái xe qua dãy núi hùng vĩ Karo La và đèo Khamba La. Ở độ cao trên 5 nghìn mét, đoàn lữ hành của chúng tôi dừng lại ngắm dòng sông băng. Một hướng dẫn viên cho biết cách đây khoảng hai thập kỷ, lớp băng gần như chạm tới đường đi nhưng khí hậu thay đổi đã khiến khoảng cách bị rút xuống khoảng một phần tư dặm. Đàn cừu và bò nhởn nhơ gặm cỏ ngay cạnh đoàn xe của chúng tôi. Giữa đàn gia súc và dòng sông băng là một vài chiếc lều vải màu đen được neo vững chắc bằng đoạn dây chão to, vắt chặt vào những chiếc cọc cắm xung quanh lều. Hơi băng lan tỏa quanh các mái lều. Khi chúng tôi bước ra khỏi xe, những người Tây Tạng cũng bước ra khỏi lều vải. Những người đàn ông mặc quần len, chiếc áo khoác ngoài to xù và mũ, còn phụ nữ mặc váy hoa dài với chiếc tạp dề sặc sỡ. Hướng dẫn viên của chúng tôi giải thích rằng họ là dân du mục, sống cuộc sống giống như tổ tiên họ trước đây. Qua người phiên dịch, những người dân du mục cho chúng tôi biết các Yetis (người tuyết) thường sống ở dòng sông băng. Họ quả quyết với chúng tôi rằng trước đây, họ vẫn nhìn thấy người tuyết vài lần trong năm, nhưng khoảng 10 năm trước, khi nước sông băng rút xuống, những người tuyết đã biến mất. Khi chúng tôi còn đang nói về tác động hủy diệt của việc trái đất nóng lên đối với những dòng sông băng thì có một người trong đoàn để ý thấy những người du mục bê ra một khay nhỏ. Một người phụ nữ trong đoàn chúng tôi, vốn nổi tiếng về khả năng mặc cả, đã chen lên trước. Cô báo lại cho cả đoàn biết, họ đang bán những đồ pha lê được tìm thấy từ khoảng đất trước đây là sông băng. Gần như tất cả mọi người trong đoàn đều chạy vội tới chỗ người bán dạo. Họ tin rằng đây là cơ hội cuối cùng để được mua trực tiếp từ những người dân du mục này, đối thủ cạnh tranh của những cửa hàng tại Lhasa. Khi tôi hỏi người hướng dẫn về giá trị thực của những đồ pha lê kia, anh ta thì thầm rằng anh không muốn cản trở công việc làm ăn của những người dân du mục. Sau đó, anh ta lắc đầu và cho biết thêm, anh ta từng nghe nói có một nhà máy ở Trung Quốc chuyên sản xuất ra những đồ pha lê này. Tôi và hai người nữa đứng đó, nhìn mọi người trong đoàn mặc cả với những người Tây Tạng. Một người nhận xét: “Hình ảnh này thừa sức trở thành lời cảnh báo toàn cầu”. Người kia nói: “Đây là một con sông băng đẹp tuyệt vời. Phía kia là những chiếc lều vải, những người dân du mục, đàn bò… và đoàn của chúng ta bị cám dỗ bởi những đồ pha lê mà giá trị của nó có khi không hơn gì thủy tinh”. Sau khi rủ người phiên dịch đi cùng, tôi lại gần một đôi vợ chồng già đang ngồi cạnh một bé gái. Người phụ nữ giữ trong tay một đoạn dây thừng dài buộc con bò. Chiếc lưng bờm xờm của con vật được phủ một chiếc khăn tuyệt đẹp trang trí bằng những hình tam giác màu nâu và nâu đỏ; phía trên là chiếc yên ngựa nhỏ, hình như là để dành cho bé gái. Ba người mỉm cười với tôi. Người phụ nữ đứng lên và kéo con bò lại phía tôi, nói tôi vỗ về nó. Sau đó, bà ngồi lại chỗ cũ, mời tôi và người phiên dịch ngồi cùng họ. Sau khi chào hỏi, tôi hỏi xem họ nghĩ thế nào về người Trung Quốc. Họ quay sang nhìn nhau. Cô bé quay mặt đi và nhìn chằm chằm xuống bàn tay, lúc đầu hơi cau mày với tôi, sau đó thì khúc khích cười. Chỉ có người đàn ông lên tiếng. Ông nói với nụ cười rộng hết cỡ, hở cả hàm răng đã rụng hết: “Anh biết không, chúng tôi đã quen với những luật lệ của những vùng đất khác. Câu chuyện du mục của chúng tôi có từ rất lâu rồi, từ đời cha ông, tổ tiên chúng tôi, từ khi những vị vua xâm chiếm vùng đất của chúng tôi. Chúng tôi gọi binh lính của họ là: Những kẻ giết người du mục” – Ông ta vỗ nhẹ lên vai cô gái nhỏ – “Tại sao mọi thứ lại không thể khác đi vào thời của nó?”. Người phụ nữ nói tiếp: “Rắc rối bắt đầu xuất hiện khi người đàn ông tiếp quản quyền hành”. Tôi hỏi lại xem bà đang muốn nói gì. “Hãy nhìn xem ngày nay, mọi thứ đều do đàn ông điều hành. Tôi từng sống ở thành phố và theo đạo Phật nhưng tôi thấy rằng tất cả những công việc quan trọng ở đó, như trong chính phủ chẳng hạn, đều do đàn ông nắm quyền”. Người đàn ông tiếp lời: “Tôi phải đồng ý với điều đó. Trong quá khứ, những người phụ nữ chỉ đạo đàn ông chúng ta. Chúng ta có thể dũng cảm chinh phục, săn bắn hay chặt củi, và làm nhiều công việc tương tự như thế, còn người phụ nữ thường là người nói dừng lại khi chúng ta đã hoàn thành công việc của mình”. Cuộc nói chuyện này gợi cho tôi nhớ tới những người Shuar ở vùng Amazon. Họ tin rằng đàn ông và phụ nữ đều bình đẳng, nhưng lại có những vai trò khác nhau. Người đàn ông giết động vật để lấy thịt, đốn củi để làm chất đốt và chiến đấu với những người đàn ông khác. Còn nhiệm vụ của người phụ nữ là nuôi dạy con cái, làm việc đồng áng, giữ lửa trong gia đình và giữ một vai trò vô cùng quan trọng là nói cho người đàn ông biết khi nào họ nên dừng lại. Người Shuar giải thích rằng, nếu không có người phụ nữ kiểm soát, đàn ông sẽ săn bắn và đốn củi ngay cả khi họ đã có đủ thịt và củi đốt. Khi những thành viên của bộ tộc Shuar tới Mỹ, họ bàng hoàng khi thấy thiên nhiên bị phá hủy, đâu đâu cũng thấy những con đường cao tốc, những thành phố và trung tâm mua sắm. Họ hỏi tôi: “Điều gì xảy ra với phụ nữ vậy? Tại sao họ không kiểm soát đàn ông? Tại sao lúc nào họ cũng muốn mua hết thứ này đến thứ khác?”. Thật không tưởng tượng nổi khi một bộ tộc nằm sâu trong rừng rậm Amazon và những người dân du mục trên đỉnh Himalaya lại có cách nghĩ giống nhau đến vậy. Trên đường trở về Lhasa, tôi luôn nghĩ rằng có thể hai nhóm người này tiêu biểu cho những giá trị con người thực sự và rằng để thay đổi thế giới, tất cả những gì chúng ta cần làm là cân bằng vai trò giữa người đàn ông và phụ nữ. Nếu các tập đoàn trị mang tính đàn ông và họ chỉ quan tâm đẩy mạnh sức tiêu dùng thì “tất cả những gì chúng ta phải làm” sẽ không ít chút nào; tuy nhiên, việc xác định được nó sẽ khiến nhiệm vụ của chúng ta bớt khó khăn đi rất nhiều. Thực tế quan trọng là cấu trúc tập đoàn trị chủ yếu dựa vào thứ bậc của người đàn ông và sức mạnh của nó tập trung vào những người đồng ý với quan điểm lối sống thiên về vật chất là điều “bình thường”. Tôi nhận ra rằng, cả đàn ông và phụ nữ đều mắc chứng nghiện mua sắm. Tổng thống Mỹ có ý gì khi thuyết phục các công dân của mình đi mua sắm để giảm stress, ủng hộ cho nền kinh tế và chống lại những kẻ khủng bố sau sự kiện ngày 11 tháng 9. Ngay cả tại Tây Tạng, những người nuôi bò sống cách rất xa những trung tâm mua sắm của thế giới cũng nhận được thông điệp đó: Mặc dù cuộc sống của họ không cần nhiều tiền chi tiêu lắm nhưng họ vẫn bán hàng cho chúng tôi để kiếm lời. Tôi nhớ lại cuốn sách của tiến sĩ Judith Hand, Women, Power, and the Biology of Peace (Phụ nữ, quyền lực và tính sinh vật học của sự yên bình). Trong cuốn sách, bà đưa ra nhận định từ xa xưa, các cuộc xung đột đã đem lại phương tiện cho người đàn ông thể hiện yêu cầu mang tính sinh học của mình là sản xuất tinh trùng, còn sự ổn định của xã hội lại thuộc về người phụ nữ, những người có nhiệm vụ sinh nở, nuôi nấng và chăm sóc con cái. Theo bà, để đảm bảo cho một cuộc sống xã hội yên bình hơn nữa, người phụ nữ phải đóng vai trò lớn hơn trong quá trình đưa ra quyết định. Những gì tôi vừa được nghe từ những người dân du mục dường như đồng nhất với kết luận của tiến sĩ Hand. Và tôi thấy rằng, khi phụ nữ thường xuyên là người đi chợ trong gia đình hiện đại, thì chúng ta cần giúp họ hiểu rằng xung đột toàn cầu ngày nay xảy ra là do các tập đoàn trị và rằng để thúc đẩy hòa bình, họ cần thay đổi thái độ đối với những kẻ theo chủ nghĩa vật chất đó. Không chỉ có thế, họ cũng cần yêu cầu các công ty sản xuất sản phẩm mà họ sẽ mua đối xử bình đẳng với nhân viên của mình, bất kể họ sống ở đâu. Tại thành phố mà đức Đạt Lai Lạt Ma lớn lên, tôi sẽ học được một bài học hoàn toàn khác. Chương 13. Chế độ độc tài trong tài chính Lhasa là thành phố lớn nhất Tây Tạng mà chúng tôi đã đến. Tháp Potala, nơi đức Đạt Lai Lạt Ma được nuôi dưỡng, những ngõ phố cổ kính, quanh co, những mái chùa, những tháp hình nón khổng lồ và những lăng mộ đầy sáng tạo tạo cho tôi cảm giác yên bình mà mình từng cảm nhận được cách đây 5 năm tại vùng Ladekh hay ở vùng nông thôn của Tây Tạng nhưng lại là thứ không thể có ở Tsedang và các thành phố khác. Tuy nhiên, người Trung Quốc cũng có mặt ở đây. Quân lính đi nghênh ngang trên đường phố, những biểu ngữ, thông báo dày đặc chữ Trung Quốc, và những sản phẩm nhựa là ví dụ xác thực nhất cho thấy xã hội công nghiệp hiện đại đang rất phổ biến ở nơi đây. Chúng tôi đặt phòng tại khách sạn tuyệt nhất, với thiết kế, xây dựng, sở hữu và thuộc quyền quản lý của người Tây Tạng. Tôi ngả lưng xuống giường, gối đầu lên chiếc gối nhiều màu sắc và xem lại những ghi chép trong chiếc máy tính xách tay của mình. Tôi muốn ghi chép những suy nghĩ của mình về chủ nghĩa duy vật, về việc buôn bán và vai trò của thương mại quốc tế đối với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 mà châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ tác động của cuộc khủng hoảng này tới Indonesia. Nhưng ở đây, nhìn thấy và cảm nhận được công cuộc khai thác tại Tây Tạng, tôi phải đặt tấn thảm kịch diễn ra năm 1997 vào một hoàn cảnh mới. Những gì được biết đến với cái tên “cuộc khủng hoảng Quỹ Tiền tệ Quốc tế” đặc biệt tác động tới Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia. Nhưng nó còn tàn phá, tác động trở lại rất nhiều người, đặc biệt là những người dân nghèo, ở Lào và Philippines. Những người dân của các đất nước này bị cám dỗ bởi mộng tưởng về Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Sau cuộc khủng hoảng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế bị chỉ trích vì đã “đẩy nhanh quá trình phát triển chủ nghĩa tư bản”, xóa bỏ các quy định giới hạn nguồn vốn, khuyến khích tư nhân hóa, duy trì tỷ lệ lợi nhuận cao như là phương tiện thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn ngân hàng vào thị trường cổ phiếu và cố gắng ngăn chặn rủi ro tiền tệ bằng cách ổn định đồng tiền của các quốc gia so với đồng đôla, đây cũng được coi là mục tiêu ngầm giúp tăng cường hơn nữa thế mạnh của đồng đôla. Cũng vào thời điểm đó, giá cả các mặt hàng và dịch vụ tăng lên nhanh chóng do lạm phát và tỷ lệ lợi nhuận cao mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế áp đặt. Đây là một tình huống mà các nhà lãnh đạo của quốc gia không thể làm gì để bảo vệ đất nước mình. Khi các quốc gia lần lượt rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và chính phủ không thể trả hết các khoản nợ bằng đôla Mỹ đang chồng chất; họ phát hiện ra rằng nguồn thu nhập đang ngày càng giảm bớt đi và được trả bằng đồng tiền đã mất giá của nước mình đã suy giảm giá trị nghiêm trọng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thao túng các quốc gia và các công ty của các nước này để trả một số lượng tiền lớn cho mức thuế rất cao; những người chủ của các tập đoàn quốc tế lớn chính là những người được hưởng lợi. Khi tình hình tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng ngày một xấu đi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế tiếp cận các quốc gia này với một “kế hoạch giải cứu”. Quỹ này cho vay thêm với danh nghĩa giúp các quốc gia này tránh khỏi cảnh vỡ nợ. Tuy nhiên, mỗi quốc gia phải chấp nhận yêu cầu của tập đoàn SAP, thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, giống hệt như những yêu cầu mà Indonesia bị ép buộc trước đó. Thực chất, mỗi quốc gia đều bị buộc phải dỡ bỏ hệ thống ngân hàng trong nước và các thể chế tài chính, cắt giảm mạnh các khoản chi của chính phủ, cắt giảm trợ cấp thực phẩm và nhiên liệu cũng như rất nhiều loại hình trợ cấp khác cho người nghèo và phải tăng tỷ lệ lợi nhuận lên đến mức cao nhất có thể. Trong nhiều trường hợp, các nước này bị buộc phải tiến hành tư nhân hóa và bán tất cả tài sản quốc gia cho các tập đoàn đa quốc gia. Như một hệ quả tất yếu, hàng loạt người dân, đặc biệt là trẻ em, bị chết vì thiếu dinh dưỡng, chết đói và bệnh tật. Rất nhiều người khác phải chịu đựng hậu quả lâu dài của việc không có điều kiện chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thiếu nhà ở và những dịch vụ xã hội khác. Sự suy sụp của nền kinh tế châu Á nhanh chóng lan ra toàn cầu, gây ra tình trạng suy thoái kinh tế ở châu Âu, Nam Mỹ và cả nước Mỹ. Đó là bài học không kiểm soát chặt chẽ chính sách kinh tế khi mục tiêu là giúp đỡ người dân bản địa và nền kinh tế của quốc gia đó. Nó gửi đến chúng ta một thông điệp rõ ràng về Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Những phân tích cũng khẳng định, các quốc gia dám đương đầu, từ chối yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế lại phát triển rất tốt. Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Mặc dù có thực hiện các chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nhưng Bắc Kinh vẫn thực hiện những bước đi rất riêng so với những nước nhận được sự ủng hộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nguồn đầu tư nước ngoài được chuyển vào các nhà máy chứ không vào lĩnh vực chứng khoán, do đó giúp bảo vệ đất nước chống lại sự mất giá của tiền tệ trong tương lai, đem lại công ăn việc làm cho người dân và mang lại rất nhiều những lợi ích khác. Ấn Độ, Đài Loan và Singapore không tuân theo ý muốn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và nền kinh tế của họ phát triển rất mạnh. Malaysia từng chấp thuận các yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và phải cam chịu trình trạng suy thoái nhưng sau đó đã quay lưng lại SAPs và nền kinh tế đã phục hồi. Một trong những người chỉ trích Quỹ Tiền tệ Quốc tế mạnh mẽ nhất chính là người đã đoạt giải Nobel Kinh tế và, trớ trêu thay, ông từng là Giám đốc Kinh tế của Ngân hàng Thế giới, Joseph Stiglitz. Khi tới Tây Tạng, tôi đã mang theo cuốn sách của Stiglitz mang tựa đề Globalization and Its Discontents (Quá trình toàn cầu hóa và sự bất mãn). Một buổi chiều muộn, tôi một mình tản bộ trên những con đường uốn lượn quanh Lhasa. Trước mặt tôi là những dòng người đi bộ hối hả. Rồi, tôi dừng chân tại một công viên nhỏ và ngồi xuống chiếc ghế gỗ dài, cũ kỹ, tắm trong ánh nắng nhạt dần của buổi chiều tà. Lấy tay lật nhẹ từng trang sách của Stiglitz, một lần nữa tôi lại ngạc nhiên bởi các bài phê bình của ông khá giống với những điều tôi viết trong cuốn sách Lời thú tội của một sát thủ kinh tế. Ông viết cuốn sách từ một viễn cảnh không thực tế, trong khi đó cuốn sách của tôi lại là một câu chuyện kể về chính bản thân mình, nhưng rất nhiều lần, chúng tôi cùng đi đến kết luận chung. Ví dụ như, khi tôi miêu tả mình đã dối trá như thế nào khi đưa ra những dự đoán kinh tế lạc quan cho các quốc gia đang phát triển thì ông viết: Để làm cho các chương trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế có vẻ như đang hoạt động hiệu quả và các con số tăng lên, nhất thiết phải điều chỉnh các dự báo kinh tế. Rất nhiều người sử dụng những số liệu này không nhận ra điểm bất thường ở chúng. Chẳng hạn như, giá trị Tổng sản phẩm quốc nội không được tính toán dựa vào những mô hình thống kê phức tạp, công phu, hay thậm chí không dựa vào đánh giá của những chuyên gia kinh tế hiểu rõ nền kinh tế. Nó chỉ đơn thuần là những con số được dàn xếp như là một phần trong chương trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tôi đặt cuốn sách lên đùi và quan sát một nhóm lính đang bước trước mặt. Đôi lúc, Stiglitz có nhắc đến “chế độ độc tài của một nhóm người tại một quốc gia”... Những đất nước đế quốc truyền thống gọi hoạt động của mình bằng những tên gọi rất đáng khâm phục như đẩy mạnh văn minh hóa, khuyến khích nền kinh tế phát triển, khai sáng sự tiến bộ, nhưng chính họ là những kẻ xâm lược đang dốc lòng để lập nên thuộc địa cho mình. Còn các tập đoàn trị, bằng cách sử dụng những công cụ như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế, sự hỗ trợ của CIA và những kẻ đánh thuê khi cần thiết, đang tạo ra một hình thức chinh phục mới, xây dựng chủ nghĩa đế quốc bằng những thủ đoạn lường gạt. Khi dùng các sát thủ kinh tế để chinh phục các quốc gia khác, anh có thể tiến hành công việc hoàn toàn thầm lặng, bí mật. Điều này đặt ra một câu hỏi mà tôi thường tự vấn bản thân mình khi nghĩ tới sự mất mát mà những hành động bí mật này gây ra cho một chế độ dân chủ với giả định rằng các cử tri được thông tin đầy đủ: Nếu các cử tri không biết đâu là công cụ quan trọng nhất của người lãnh đạo đất nước mình, thì quốc gia đó có được gọi là dân chủ hay không? Chương 14. Gã khổng lồ trầm lặng Ngày 22 tháng 6 năm 2004, chúng tôi đáp chuyến bay rời Tây Tạng, hướng thẳng tới trạm dừng chân tiếp theo, Nepal. Tôi phải thú nhận để giảm nhẹ cảm giác tội lỗi của mình. Tôi thấy mình như đã bỏ quên mất chiếc gương khôi hài có thể khiến bạn trông thật ục ịch hay thật mảnh mai. Người Tây Tạng Trung Quốc là hình ảnh méo mó của thế giới nơi tôi từng làm việc như một sát thủ kinh tế – méo mó nhưng vẫn là một hình ảnh phản chiếu. Sáng hôm đó là một ngày trong lành. Anh phi công bay sát đỉnh núi Everest đến mức tôi có thể quan sát được ống tuyết xoay tròn như những quả bóng xoáy màu trắng giữa hai đỉnh băng rất lớn. Đây dường như là biểu tượng rất thích hợp với nơi mà chúng tôi đang tới. Thế giới của riêng vương quốc Hinđu, một đất nước nhỏ bé nằm giữa hai gã khổng lồ là Ấn Độ và Trung Quốc, và cả hai gã này đều thèm muốn nguồn nước cũng như tiềm năng thủy điện của Nepal, một vùng đất xoay tròn trong tình trạng hỗn loạn. Đối với nhóm chúng tôi, đây chỉ là một cuộc dạo thăm ngắn ngủi, một kiểu thay đổi để trở về với thế giới phát triển của mình. Khi chiếc xe buýt đi qua những con đường Kathemandu, Sheena thông báo rằng cô sẽ dành tặng chúng tôi đêm cuối cùng tại khách sạn Dwarika’s. Đây là một khách sạn rất sang trọng, đứng hàng đầu, vào loại tốt nhất thế giới. Cả chiếc xe như nổ tung với những tiếng hò reo. Khách sạn Dwarika’s không làm chúng tôi thất vọng. Quả thật là nó rất lịch sự và gây được ấn tượng mạnh với chúng tôi. Đây cũng là một di tích của đế quốc thực dân gợi cho tôi nhớ tới những nơi tôi từng ở khi còn là một sát thủ kinh tế. Hầu hết các thành viên trong đoàn đều tham gia chuyến mua sắm ở khu chợ gần đó. Riêng tôi thì ở lại khách sạn. Tôi cần có thời gian cho sự chuyển đổi này và ngẫm nghĩ về những gì mình đã trải qua ở Tây Tạng. Tôi ngồi lại trong phòng và viết lại một số điều. Sau đó, tôi đi xuống tầng lầu và đi bộ dọc những khu vườn xanh tươi, sum suê. Chúng có một sự tương đồng kỳ lạ với khu vườn ở khách sạn Intercontinental Indonesia. Tôi không thể không nhớ cô Geisha mà tôi đã nhầm là vợ của một chủ công ty dầu mỏ. Tôi ngồi xuống chiếc ghế dài và nhớ lại cái đêm đó, khi tôi đang phiền muộn vì sự vắng mặt của cô tại bể bơi, tôi đi bộ qua cây cầu dành cho người đi bộ ở Jakarta và dừng lại ở một nhà hàng Trung Quốc có hai người phụ nữ. Họ nói những điều thật sự ấn tượng và nó đã in sâu trong tâm trí tôi. Nó cũng ám ảnh tôi tới tận bây giờ: Đây là vụ chiếm đoạt nguồn tài nguyên lớn nhất trong lịch sử. Nguồn vốn đầu tư rất lớn. Chúng ta có nên ngạc nhiên không khi thấy những người đàn ông sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm mọi thứ để có được quyền sử dụng nó? Họ sẽ lừa đảo, sẽ tước đoạt mọi thứ. Chế tạo tàu thuyền và tên lửa cũng như gửi tới hàng nghìn, hay thậm chí hàng trăm nghìn chàng lính trẻ sẵn sàng hy sinh để có được nguồn dầu mỏ. Chúng ta đang ở đây. Một phần tư thế kỷ đã qua, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chìm vào quá khứ và giờ đây chúng ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh mới ở Iraq. Con người đang liều mình, sẵn sàng chết cho cùng một mục đích, chiếm đoạt được nguồn tài nguyên lớn nhất trong lịch sử. Những ông hoàng, các “tập đoàn trị”, sẽ trở nên giàu có hơn bao giờ hết. Và hầu hết những người dân Mỹ đều không biết gì về điều này. Dường như châu Á mang đầy đủ chuẩn mực cần thiết để xây dựng nước đế quốc theo phương pháp mới. Những phương pháp cũ đã không mang lại kết quả như mong đợi ở Việt Nam, trong khi đó những phương pháp mới lại tỏ ra rất hiệu quả tại Indonesia và rất nhiều quốc gia khác. Nhưng ngay cả khi các chính sách đưa ra đều thất bại thì những người điều hành kinh doanh vẫn được thưởng công hậu hĩnh; “cuộc khủng hoảng Quỹ Tiền tệ Quốc tế” ở châu Á chính là nguyên nhân dẫn đến cảnh cơ cực và cái chết của nhiều người dân, nhưng cuối cùng tập đoàn trị vẫn là những kẻ chiến thắng, nắm quyền điều khiển chính phủ Indonesia và hầu hết những nước đã bị phá hủy dần bởi chính sách của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Mặc dù người Mỹ thất bại về quân sự tại Việt Nam, nhưng những tập đoàn của Mỹ vẫn thu lợi từ việc bán vũ khí, mở rộng thị trường và nguồn nhân công lao động nơi đây; họ phải đối mặt với những hình thức có tính chất đổi mới về sản xuất tại các xí nghiệp và các hình thức cho thuê đất thu tô (outsourcing). Tập đoàn trị thậm chí còn tìm được cách kiếm lời từ các thảm họa thiên nhiên. Tôi tiếp tục luồng suy nghĩ hướng về Trung Quốc, gã khổng lồ trầm lặng, ẩn giấu đằng sau bối cảnh xã hội của mình… Khi Thomas Jefferson ủy thác nhiệm vụ cho Lewis và Clark khai phá những vùng đất phía Tây Mississippi, ông gửi kèm một thông điệp rằng toàn bộ lục địa này là mục tiêu của chúng ta. Việc mua lại Louisiana, sáp nhập bang Texas và chiếm giữ Alaska cũng được bào chữa bằng ý kiến tương tự. Thuyết Bành trướng do định mệnh được chứng tỏ rõ hơn khi chúng ta muốn chiếm đoạt những quốc gia nằm ngoài phạm vi khu vực Bắc Mỹ. Nó được áp dụng với các quần đảo ở khu vực Caribbe và Thái Bình Dương và là cái cớ để xâm chiếm Mexico, Cuba và Panama rồi sau đó là cản trở chính sách của các quốc gia thuộc Mỹ Latinh. Washington cố gắng tránh công khai những hành động vi phạm các quy tắc của những người sáng lập nên nước Mỹ. Các đời tổng thống thay nhau lên nắm quyền đều mang theo những phương pháp bí mật để xây dựng một nước đế quốc mới. Mỗi chính quyền sau lại học tập từ những thất bại và thành công của những người tiền nhiệm. Ngày nay, có vẻ như Trung Quốc đã khôn ngoan hơn Washington. Một thời gian dài sau khi trở về từ chuyến đi tới Tây Tạng và Nepal, tôi khám phá ra rằng không chỉ có tôi mới đưa ra những so sánh như vậy. Ngày 18 tháng 9 năm 2006, một ngày trước cuộc hội thảo quan trọng của Ngân hàng Thế giới diễn ra tại Singapore, tờ New York Times đã đăng một bài báo với tựa đề “Trung Quốc cạnh tranh với Phương Tây trong việc viện trợ cho các quốc gia láng giềng”. Phóng viên của Times, Jane Perlez khẳng định rằng: Trung Quốc, một trong những khách hàng lớn nhất của Ngân hàng Thế giới, “đang âm thầm cải tổ lại chính sách viện trợ ở châu Á, cạnh tranh với ngân hàng trong cuộc chơi của chính họ”. Lấy Campuchia, Lào, Myanmar, và Philippine làm ví dụ, bài báo nêu rõ “các khoản cho vay của Trung Quốc thường hấp dẫn hơn những khoản cho vay phức tạp của các nước Phương Tây”. Perlez đưa ra hàng loạt lý do cho điều này, bao gồm cả sự thật về việc Bắc Kinh không gắn những điều kiện về môi trường, chất lượng xã hội hay thế bất lợi vì tham nhũng vào điều kiện cho vay. Điều đặc biệt có ý nghĩa là bài báo nhắm vào chính sách cho phép các sát thủ kinh tế có quyền thực thi pháp lý tại rất nhiều các quốc gia. Perlez nhận xét rằng, những yêu cầu của Trung Quốc “hiếm khi đòi thêm phí cho người cố vấn, những điều khoản thường thấy ở các dự án của Ngân hàng Thế giới”. Trong bốn khu vực tôi miêu tả trong cuốn sách này, những thách thức đối với châu Á dường như ít đe dọa và có thể kiểm soát đối với hầu hết người Mỹ chúng ta. Suy nghĩ của chúng ta dường như luôn bám chặt vào những hình ảnh từ cuộc chiến tranh tại Triều Tiên và Việt Nam; mặc dù những cuộc chiến không mang tới thắng lợi quân sự cho chúng ta, nhưng nó vẫn cho phép chúng ta có được một cuộc sống yên bình và tạo động lực rất lớn cho nền kinh tế Mỹ. Sự kiêng nể của chúng ta đối với kỹ thuật và sự khéo léo của người Nhật khuyến khích chúng ta mua sắm ôtô, ti vi và máy tính của họ. Các cửa hàng của chúng ta ngập trong các loại hàng hóa được sản xuất từ các quốc gia châu Á. Khi chúng ta quay số gọi tổng đài 800, có khả năng chúng ta sẽ nói chuyện với một người châu Á. Thậm chí những đe dọa quân sự, chủ yếu từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, có vẻ đã quá lỗi thời nhưng lại an ủi chúng ta nhiều vì nó gợi chúng ta nhớ tới chiến thắng của mình trong Chiến tranh lạnh. Chúng ta có thể sợ vũ khí hạt nhân nhưng không giống như những quả bom tự sát, chúng ta phải xử lý thành công sức ép hạt nhân đã diễn ra hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là những người châu Á đã chấp nhận mô hình ủng hộ phương thức quản lý một người, ủng hộ sự thông đồng giữa các công ty lớn và chính phủ, tôn sùng chủ nghĩa duy vật cấp tiến và tin tưởng rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mới chỉ bị khai thác chút ít. Các nước Mỹ Latinh thì hoàn toàn ngược lại. Khi nghĩ rằng mình đã kiểm soát được cuộc chơi, chúng ta rong ruổi khắp Allendes, Noriegas và Sandinistas. Khi chúng ta đoán trước được sự kết thúc của thời đại Castro, chúng ta mới phát hiện ra rằng một cuộc cách mạng âm thầm đang lan rộng khắp vùng đất này. Và nó đang nhắm thẳng vào chúng ta. Các nước Latinh không đi theo đế quốc Mỹ. Họ đang vạch trần những bí mật lich sử của chúng ta. Khi tôi suy nghĩ về những bài học từ hai khu vực này,châu Á và Mỹ Latinh, tôi bị ám ảnh bởi những điều người đàn ông Tây Tạng đã nói với tôi bên dòng sông băng. Ông đã nhắc lại lời của nhà công nghiệp Guatemala khi mô tả những kẻ xâm lược quê hương mình là “những kẻ giết chết dân du mục”. Hai con người này sống ở hai nửa bán cầu; một người rất nghèo khổ còn người kia cực kỳ giàu có; một người đi khai thác còn người kia thì bị khai thác, nhưng họ hiểu điều sống còn đối với thế giới mà con cái họ sẽ là những người thừa hưởng. Nhà công nghiệp người Guatemala khoe khoang rằng vệ sỹ bảo vệ ông – và cả tôi nữa – đều là “những kẻ giết chết người Maya”. Phần II. Mỹ Latinh Chương 15. Những tay bắn thuê tại Guatemala Cửa thang máy mở. Có ba người đàn ông đứng bên trong. Khác với Pepe và tôi, họ không mặc complê mà vận trang phục thường ngày: áo len dài tay và quần ống rộng. Một người trong số họ mặc jacket da. Nhưng điều làm tôi chú ý là những khẩu súng họ mang theo, tất cả đều là AK-47. “Đó là một việc đặng chẳng đừng tại Guatemala vào thời điểm này” – Pepe giải thích và dẫn tôi tới phía thang máy đợi – “Ít nhất là đối với chúng tôi, những người thân Mỹ, kết bạn với nền dân chủ. Chúng tôi cần những kẻ tàn sát người Maya”. Tôi bay từ Miama đến thành phố Guatemala ngày hôm trước và đặt phòng tại một khách sạn hạng nhất trong thành phố. Đây là một trong những dịp hiếm hoi Stone and Webster Engineering Corporation (SWEC) đề nghị tôi giúp đỡ họ thay vì yêu cầu tôi dừng viết cuốn sách về các sát thủ kinh tế. Pepe Jaramillo (đây không phải tên thật của anh ta) đã ký hợp đồng đồng ý giúp SWEC xây dựng nhà máy điện tư nhân tại chính quê hương mình. Pepe là một trong những thành viên quyền lực nhất của một nhóm nhỏ bao gồm những người giàu có nắm quyền điều khiển đất nước kể từ thời quân Tây Ban Nha xâm lược. Gia đình Pepe sở hữu những khu công nghiệp, toà nhà văn phòng, khu liên hiệp nhà ở và các điền trang khổng lồ xuất khẩu nông sản sang Mỹ. Điều quan trọng đó là SWEC đã nhìn thấy ở Pepe tầm ảnh hưởng chính trị rộng lớn có thể đảm bảo dàn xếp ổn thoả mọi việc tại Guatemala. Lần đầu tiên tôi đến Guatemala với tư cách một sát thủ kinh tế là vào giữa những năm 1970. Nhiệm vụ của tôi khi đó là thuyết phục chính phủ chấp nhận một khoản vay để nâng cấp ngành điện. Sau đó, cuối những năm 1980, tôi được mời tham gia vào ban lãnh đạo của một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu giúp đỡ cộng đồng người Maya tổ chức các ngân hàng tín dụng nhỏ và giải thoát họ khỏi đói nghèo. Suốt những năm đó, tôi dần quen với cảnh bạo lực thảm khốc giằng xé đất nước này. Guatemala từng là trái tim của nền văn minh Maya có bề dày phát triển rực rỡ gần một nghìn năm. Sau đó, nền văn minh này bước vào thời kỳ sụp đổ. Theo nhiều nhà nhân loại học, nguyên nhân là do thảm họa môi trường xảy ra khi các đô thị lớn mọc lên năm 1524 dưới thời quân xâm lược Tây Ban Nha. Sau đó Guatemala trở thành trụ sở của chính quyền quân đội Tây Ban Nha tại Trung Mỹ cho đến tận thế kỷ XIX. Hậu quả là hàng loạt cuộc xung đột thường xuyên xảy ra giữa người Maya và người Tây Ban Nha. Cuối những năm 1800, United Fruit, một công ty có trụ sở tại Boston đã