🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lên Mạng Cũng Là Một Nghệ Thuật - Guy Kawasaki
Ebooks
Nhóm Zalo
NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG
Địa chỉ: 175 Giảng Võ - Hà Nội
ĐT: (84-4) 3851 5380 – Fax: (84-4) 3851 5381;
Email: [email protected]
Website: www.nxblaodong.com.vn
Chi nhánh phía Nam
Số 85 Cách mạng Tháng tám, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh ĐT: 08.38390970; Fax: 08.39257205
LÊN MẠNG CŨNG LÀ MỘT NGHỆ THUẬT
Chịu trách nhiệm xuất bản:
VÕ THỊ KIM THANH
Biên tập: Bùi Thị Phương Thúy
Sửa bản in: Hoàng Long
Bìa: Mạnh Cường
Trình bày: Ái Quốc
In 3.000 cuốn, khổ 13 x 20,5 cm tại Công ty Công ty Cổ phần In và Thương mại Prima
Địa chỉ: Số 722 Phúc Diễn, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Giấy xác nhận đăng kí kế hoạch xuất bản: 3582- 2018/CXBIPH/14-220/LĐ
Quyết định xuất bản số: 1532/QĐ-NXBLĐ cấp ngày 16/10/2018.
ISBN: 978-604-59-5519-2
In xong và nộp lưu chiểu năm 2018.
LỜI ĐẦU SÁCH
T
rong hơn chục năm qua, kể từ khi những trang web như Facebook xuất hiện và bước vào thế giới chúng ta, truyền thông xã hội, mà cụ thể là mạng xã hội đã dần trở thành
một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Tất cả những gì chúng ta muốn chia sẻ với nhau, từ những dòng nhắn gửi, những bức thư, những cuộc điện thoại hay ảnh chụp, giờ đây đều có thể được thực hiện với vài cú click chuột.
Ngoài mục đích tương tác, mạng xã hội còn là một “sân khấu rực rỡ” để mỗi người trong chúng ta tỏa sáng. Chỉ cần lập một trang tài khoản, là chúng ta đã có thể hét vang cho cả thế giới biết mình là ai, mình thích gì và tài năng như thế nào. Hẳn bạn đã chứng kiến trong số bạn bè mình, có những người nhận được hàng nghìn lượt “like” trên Facebook, hàng trăm lượt “tweet” trên Twitter, hoặc chỉ đăng một video “cây nhà lá vườn” trên YouTube thôi cũng thu hút gần triệu lượt xem. Điều gì đã giúp họ cuốn hút trên mạng xã hội đến vậy?
Bản thân là những chuyên gia hàng đầu về truyền thông xã hội, hai tác giả Guy Kawasaki và Peg Fitzpatrick đã tập hợp những bí quyết đắt giá nhất giúp họ tỏa sáng và tổng hợp lại trong cuốn sách Lên mạng cũng là một nghệ thuật. Độc giả không chỉ được học cách làm mới hình ảnh của mình trên Internet, mà còn biết xây dựng những nội dung phong phú và hấp dẫn, kết hợp tính năng của nhiều mạng xã hội với nhau để tương tác tốt hơn và tránh được những sai lầm khiến ta “mất điểm”. Bên cạnh đó, hai tác giả còn nhóm riêng những bí quyết dành cho các trang mạng cụ thể, như Facebook, Twitter, Instagram, Google+, Pinterst, YouTube, LinkedIn… để người đọc lựa chọn phương pháp phù hợp với mình.
Hãy khám phá thế giới truyền thông xã hội với con mắt tinh đời và bạn sẽ nhận ra mình “quyền lực” đến thế nào.
CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA
TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU
DẪN NHẬP
Đừng đi theo lối mòn. Mà hãy dấn thân vào những nơi không có lối đi và lưu lại dấu chân.
– RALPH WALDO EMERSON
M
ục đích của cuốn sách này là giúp các bạn có khả năng khuấy đảo thế giới truyền thông xã hội1. Chúng tôi mặc nhiên cho rằng bạn đọc đã quen thuộc với những
nguyên lý cơ bản và giờ đây muốn áp dụng truyền thông xã hội cho hoạt động kinh doanh cũng như cho bản thân và tổ chức của mình.
1. Nguyên văn: social media – là thuật ngữ chỉ cách thức truyền thông kiểu mới, dựa trên nền tảng là các dịch vụ trực tuyến, giúp các tin tức được chia sẻ, lan truyền nhanh chóng và cho phép người dùng góp ý hoặc thảo luận với nhau. Các hình thức phổ biến của truyền thông xã hội bao gồm những trang mạng giao lưu chia sẻ cá nhân (MySpace, Facebook, Twitter…) và các trang web chia sẻ tài nguyên cụ thể (Scribd, Flickr, YouTube…) (tất cả các chú thích trong sách đều của người dịch).
Để bạn đọc hiểu rõ hơn quan điểm của chúng tôi, xin nói ngay rằng Peg và tôi đang là những người đang xông pha nơi chiến lũy, chứ không ngồi tại “phòng chỉ huy” nơi hậu phương. Chúng tôi thu thập kiến thức bằng cách thử nghiệm và lao động cật lực, chứ không phải nhờ chỉ tay năm ngón, tranh cãi suông với người khác hay tham dự hội thảo.
Dù vậy, đừng coi những gì chúng tôi nói là kinh thánh. Đây chỉ là những gợi ý, mẹo vặt và tri thức mà chúng tôi hy vọng sẽ hữu
ích cho mọi người. Nhưng trên hết, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ phát triển những kỹ năng tốt hơn của chúng tôi, và các bạn cũng sẽ giúp chúng tôi biết phải cải thiện bản thân ra sao.
Cuối cùng, xin cho phép tôi giải thích về “giọng văn” trong cuốn sách này. Cuốn sách tổng hợp kiến thức của cả hai chúng tôi, nhưng chỉ có Guy là người trực tiếp viết, bởi nhiều giọng văn sẽ khiến bạn đọc thấy mệt mỏi, còn chúng tôi lại muốn mọi thứ thật hấp dẫn, nhanh chóng và dễ dàng cho các bạn.
GUY KAWASAKI VÀ PEG FITZPATRICK
Tháng 7/2014
1
CÁCH TỐI ƯU HÓA HỒ SƠ CÁ NHÂN
Hãy làm những điều ta có thể, với những gì ta có trong tay, ngay tại nơi ta đang đứng.
– THEODORE ROOSEVELT
H
ãy bắt đầu từ những điều cơ bản. Tất cả các mạng truyền thông xã hội đều cung cấp cho bạn một trang “hồ sơ cá nhân” (profile) để bạn giải thích được mình là ai. Đây là
phần dành cho các thông tin và hình ảnh về tiểu sử. Một hồ sơ hiệu quả là vấn đề sống còn vì mọi người sẽ sử dụng nó để đánh giá nhanh về con người bạn.
Mục tiêu của hồ sơ cá nhân là thuyết phục mọi người chú ý đến hoạt động truyền thông xã hội của bạn. Về cơ bản, đó là một bản lý lịch trích ngang để cả thế giới nhìn vào đó và đánh giá bạn. Chương này sẽ giải thích cách tối ưu hóa hồ sơ cá nhân của bạn để đạt hiệu quả tối đa.
1. Hãy chọn tên hiển thị trung tính
Trước khi tiến hành chỉnh sửa hồ sơ, hãy chọn một “tên hiển thị” (screen name) thật tốt. Những cái tên hôm nay được cho là hay ho, chẳng hạn như @MartiniMom hay @HatTrickHank1 có thể sẽ khiến bạn hối hận vào ngày mai; và bạn cũng sẽ không bao giờ làm cho một công ty mãi mãi, vì thế dùng @GuyMacEvangelist cũng khá mạo hiểm. Hãy tưởng tượng đây là thời điểm hai năm sau và bạn đang tìm một công việc. Giờ hãy chọn cho mình một cái tên.
1. Martini Mom: chỉ những bà mẹ có cách sống không phù hợp với lứa tuổi, thường xuyên uống rượu và ăn mặc lòe loẹt. Còn Hat Trick Hank là tên một bài hát về một cầu thủ hockey.
Rất có thể bạn đã có sẵn một tên hiển thị, nhưng nếu dùng một cái tên khó nghe càng lâu thì về sau bạn sẽ càng khó thay đổi, và nó sẽ càng gây ra nhiều tác động xấu. Lời khuyên của chúng tôi là hãy sử dụng tên hiển thị đơn giản và hợp lý. Trong trường hợp của tôi, đó sẽ là “Guy Kawasaki” chứ không phải “G. Kawasaki”,“GT Kawasaki” hay “G. T. Kawasaki.”1 Đây không phải là nơi để bạn tỏ ra thông minh hay bày vẽ cho phức tạp, mà hãy giúp mọi người dễ dàng tìm và nhớ đến bạn.
2. Tối ưu hóa trong năm giây
Không có ai nghiên cứu hồ sơ cá nhân của bạn đâu. Họ chỉ dành vài giây xem qua và ra quyết định rất nhanh chóng. Nếu đây là một cuộc hẹn hò trên mạng, bạn có thể liên tưởng đến Tinder2 (lướt qua phải để đồng ý, lướt qua trái để từ chối) so với eHarmony3 (hoàn tất Bảng điều tra Quan hệ).
1. Không nên dùng từ viết tắt, như trong trường hợp của tác giả, nếu viết G. T. Kawasaki hay G. Kawasaki sẽ khiến người khác nhầm lẫn với những nhãn hiệu sản phẩm xe của hãng Kawasaki khi tìm kiếm trên mạng.
2. Tinder: ứng dụng hẹn hò trực tuyến trên điện thoại di động, tự thu thập thông tin và “ghép cặp” những người mà ứng dụng này cho là thích hợp. Sau đó, Tinder sẽ thông báo đến người dùng và họ có quyền chấp nhận hay từ chối việc “ghép cặp” bằng cách lướt qua phải (đồng ý) hoặc lướt qua trái (từ chối).
3. eHarmony: trái ngược với Tinder, eHarmony là dịch vụ hẹn hò trực tuyến có cơ chế phức tạp hơn và mất nhiều thời gian hơn. Người dùng phải hoàn tất một bảng câu hỏi chi tiết gọi là Bảng điều tra Quan hệ, bao gồm những câu hỏi về tính cách, tín ngưỡng, cảm xúc… trước khi được hệ thống tính toán và tìm cho họ người bạn hợp thông qua những thuật toán được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng và phức tạp.
Hồ sơ phải tạo ấn tượng rằng bạn là người dễ mến, đáng tin và có tài năng. Các trang mạng xã hội thường dành không gian cho những thông tin sau:
➢ Ảnh đại diện (avatar). Đây là một tấm ảnh dạng vuông hoặc tròn có hình chụp hoặc logo của bạn.
➢ “Ảnh bìa” (có trên Google+, Facebook và LinkedIn) hoặc “ảnh đầu trang” (header trên Twitter). Tấm hình này là yếu
tố hình ảnh lớn nhất trong hồ sơ cá nhân và sẽ kể lại câu chuyện của bạn một cách trực quan.
➢ Đôi dòng về tiểu sử. Đây là bản tóm tắt trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc của bạn.
➢ Các đường dẫn (links). Đây là danh sách những đường dẫn tới blog cá nhân, website hay các tài khoản mạng xã hội khác.
3. Hãy tập trung vào khuôn mặt của mình trên ảnh đại diện
Một ảnh đại diện tốt sẽ làm được hai việc. Đầu tiên, nó sẽ xác nhận bạn là ai bằng cách cung cấp một bức ảnh để mọi người thấy được bạn là anh chàng Guy Kawasaki nào (cầu Chúa phù hộ nếu có nhiều hơn một người). Thứ hai, nó sẽ củng cố cho những mô tả về sự dễ mến, đáng tin cậy và tài năng của bạn.
Khuôn mặt sẽ cung cấp hầu hết dữ liệu về kiểu người của bạn. Do đó, ảnh đại diện không nên bao gồm gia đình, bạn bè, chó mèo, xe cộ vì không có đủ không gian. Điều đó cũng có nghĩa bạn không nên sử dụng logo hay một thiết kế đồ họa nào đó trừ khi ảnh đại diện này dành cho một tổ chức.
Sau đây là ba mẹo nhỏ về ảnh đại diện:
➢ Bất đối xứng. Sự đối xứng làm cho bức ảnh thiếu hấp dẫn, vì thế đừng cố định khuôn mặt của bạn ngay chính giữa ảnh. Hãy chia bức hình thành ba phần và để đôi mắt của bạn nằm gần một trong các viền dọc.
➢ Đối diện với nguồn sáng. Nguồn sáng nên chiếu từ phía trước bạn. Nếu nguồn sáng đến từ phía sau, khuôn mặt của bạn nhiều khả năng sẽ bị thiếu sáng, trừ khi bạn buộc phải sử dụng đèn flash trên máy ảnh hoặc phần mềm chỉnh sửa ảnh.
➢ Dùng ảnh lớn. Khi mọi người xem các bài đăng và bình luận, họ sẽ nhìn thấy ảnh đại diện của bạn với kích thước của một con tem. Tuy nhiên khi nhấp vào nó, họ sẽ nhìn thấy một bức ảnh lớn và sắc nét. Do đó, hãy tải lên một bức ảnh rộng ít nhất 600 ảnh điểm (pixel).
4. Trung thành với một bức ảnh
Nếu các công ty sử dụng logo khác nhau ở những địa điểm khác nhau, mọi người sẽ cực kỳ bối rối. Bức ảnh là logo của bạn trên mạng truyền thông xã hội, vì thế hãy sử dụng cùng một bức ở bất kỳ đâu.
Điều này sẽ giúp mọi người nhận ra bạn trên các mạng xã hội và giảm bớt những câu hỏi dạng như “liệu cái ông @GuyKawasaki trên Twitter có phải là ông +GuyKawasaki trên Google+ hay không”.
5. Đặt ra một câu thần chú
Hầu hết các mạng xã hội đều cho phép bạn thêm một câu khẩu hiệu (tagline1) vào hồ sơ cá nhân của mình. Hãy biến nó thành một câu thần chú (mantra) – từ hai đến bốn từ giải thích bạn hay tổ chức của bạn tồn tại vì điều gì.
1. Tagline là một dạng khẩu hiệu hoặc cụm từ ngắn gọn, dễ nhớ và sống động tóm tắt về một công ty hoặc một sản phẩm.
Ví dụ, câu thần chú của tôi là “Tôi truyền sự tự tin cho mọi người.” Sau đây là bốn câu thần chú dành cho các doanh nghiệp trên lý thuyết:
➢ Nike: hiệu quả thể thao đích thực.
➢ FedEx: hãy yên tâm.
➢ Google: thông tin dành cho mọi người.
➢ Canva: thiết kế dành cho mọi người.
Cuối cùng, để nhất quán, hãy chắc chắn bạn đang sử dụng cùng một khẩu hiệu/thần chú cho mọi dịch vụ của mình.
6. Kể câu chuyện của chính bạn
Cùng với ảnh đại diện, các mạng xã hội còn cho phép một bức ảnh thứ hai lớn hơn, được gọi là “cover – ảnh bìa” (có trên Facebook, Google+ và LinkedIn) hay “header – ảnh đầu trang” (có trên Twitter). Mục đích của nó là kể một câu chuyện và truyền đạt những thông tin mà bạn xem trọng.
Đây là nơi bạn có thể khoe một bức ảnh về gia đình, chó, xe hơi, sản phẩm hay niềm đam mê của mình.
Các mạng xã hội thường xuyên thay đổi kích thước tối ưu của ảnh đại diện và ảnh bìa/ảnh đầu trang, do đó chúng tôi đã theo dõi các trang mạng này và cập nhật thường xuyên một bài blog có tựa đề “Mẹo vặt để có những hình ảnh tuyệt vời trên mạng truyền thông xã hội”1. Hãy tham khảo lại bài viết này bất cứ khi nào bạn muốn tìm phương cách tối ưu.
1. Nguyên văn: Quick Tips for Great Social Media Graphic.
Ả
Ảnh bìa cũng là nơi mà bạn có thể đánh mất uy tín trên mạng truyền thông xã hội nếu không thay đổi thiết kế mặc định mà các trang mạng đó cung cấp. Nếu không thêm vào một bức ảnh theo ý thích, tức là bạn đang tự tố cáo rằng mình chẳng hiểu biết tí gì về truyền thông xã hội cả. (Trong phần sau sẽ có hẳn một chương về sự ngờ nghệch này.)
Bạn cũng có thể có thêm trò vui và phô diễn trí sáng tạo qua ảnh bìa nhiều hơn so với ảnh đại diện. Bạn có thể thay đổi nó thường xuyên hơn. Với ảnh bìa của mình, tôi đang cố gắng nói với mọi người rằng tôi là người có đủ tầm ảnh hưởng để diễn thuyết.
7. Đăng ký một đường dẫn tùy biến (Vanity URL)
Bạn có thể đăng ký một đường dẫn tùy biến (vanity URL)1 cho tài khoản Google+, Facebook hoặc LinkedIn. Nghĩa là khi mọi người truy cập vào trang cá nhân của bạn, họ sẽ thấy dạng link như sau:
https://plus.google.com/+GuyKawasaki/posts
1. Vanity URL: tạm dịch là “đường dẫn tùy biến”, là một dạng đường dẫn tới địa chỉ trang web mà người dùng phải trả một khoản tiền để đăng ký và có được một đường dẫn dễ nhớ nhằm tạo thuận lợi cho người xem.
Còn nếu không có đường dẫn tùy biến, mọi người sẽ thấy dạng link như dưới đây và khó nhớ hơn nhiều:
https://plus.google.com/+112374836634096795698/posts
Cũng giống như tên miền, đã quá muộn để bạn sở hữu được thật nhiều đường dẫn tùy biến, nhưng dù sao có vẫn tốt hơn một đường link với 21 chữ số ngẫu nhiên. Ngoài ra, giành được một đường dẫn tùy biến cũng là một bài kiểm tra sự nhạy bén của bản thân, vì thế nếu bạn không đủ khả năng hay không muốn làm điều này thì người khác có quyền nghi ngờ năng lực trí tuệ của bạn.
8. Hoàn thành
Mọi người sẽ ra một quyết định cấp tốc dựa trên ảnh đại diện, khẩu hiệu, ảnh bìa/ảnh đầu trang và kết quả là họ sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm hoặc phớt lờ bạn. Nếu quyết định theo dõi hay tìm hiểu thêm, họ sẽ đọc nốt phần còn lại trong hồ sơ cá nhân. Vì thế bạn cần phải hoàn tất hồ sơ. Ví dụ, Google+ sẽ cho phép
bạn đăng tải đoạn giới thiệu, thông tin liên lạc và các đường dẫn.
9. Nâng tầm chuyên nghiệp
Mọi cá nhân và sự vật, sự việc trên Facebook đều có một “tài khoản” (account). Mỗi tài khoản lại có một “Dòng thời gian” (Timeline) riêng và có thể dùng để quản lý các “Trang” (Page). Dòng thời gian riêng của bạn có thể đạt tối đa năm nghìn“bạn bè” (Friends) và không giới hạn số lượng “người theo dõi” (Followers) – những người có thể xem các bài viết công khai của bạn. Còn các “trang” có thể đạt số lượng “thích” (like) không giới hạn và được hỗ trợ nhiều loại quảng cáo hơn.
Google+ cũng có những quy tắc tương tự. “Hồ sơ” (Profile) cho cá nhân và “trang” (pages) dành cho các đơn vị thương mại, người nổi tiếng và nghệ sĩ.
Nếu bạn định sử dụng mạng xã hội cho mục đích kinh doanh, thì không còn cách nào khác ngoài sử dụng các Trang trên cả hai mạng này – đơn cử, điều khoản dịch vụ của Facebook cảnh
báo rằng việc sử dụng Dòng thời gian cho mục đích kinh doanh (khác với sử dụng Trang) có thể khiến bạn bị khóa tài khoản.
May mắn là Facebook cho phép bạn chuyển đổi Dòng thời gian cá nhân sang một Trang. Bạn cũng có thể chuyển một Trang sang Dòng thời gian cá nhân nếu thay đổi ý định. Google+ thì chỉ cho phép bạn tạo một trang mới từ một tài khoản, nhưng lại không cho chuyển một hồ sơ thành một trang.
Nói chung, bạn nên nâng tầm chuyên nghiệp của mình thông qua Trang nếu đang sử dụng mạng xã hội với mục đích kinh doanh, nhờ những tính năng đang được bổ sung như quản lý đa nhiệm và các công cụ phân tích mở rộng. Riêng với Google+, việc chia sẻ bài đăng với các dịch vụ ngoài như Buffer, Sprout Social và Hootsuite sẽ dễ dàng hơn rất, rất nhiều nếu bạn sử dụng Trang.
10. Ẩn danh
Khi đã cảm thấy hài lòng với hồ sơ của mình, thì lời khuyên cuối cùng của chúng tôi là bạn hãy quan sát nó thông qua một “cửa sổ ẩn danh” (incognito window). Đây là một cửa sổ trình duyệt ẩn đi nhận dạng của bạn trên mạng Internet. Khi xem hồ sơ theo cách này, nghĩa là bạn đang nhìn vào hồ sơ của chính mình theo cách của người khác.
Để mở một cửa sổ ẩn danh trong Chrome, hãy khởi tạo “Cửa sổ ẩn danh mới” (New Incognito Window) từ danh mục File trên thanh tác vụ của trình duyệt. Mỗi trình duyệt đều có chức năng này. Hãy tìm trên Google từ “ẩn danh” (anonymous) cùng với tên trình duyệt bạn đang sử dụng để biết phải làm thế nào.
2
THỎA MÃN CƠN ĐÓI NỘI DUNG
Một người không biết chọn những cuốn sách hay để đọc cũng chẳng hơn gì những kẻ không biết đọc sách.
– MARK TWAIN
T
hử thách lớn nhất đối với công tác truyền thông xã hội hằng ngày là làm sao có đủ nội dung để chia sẻ. Chúng tôi gọi đây là “thỏa mãn cơn đói nội dung”1. Có 2 cách giải quyết vấn đề này: sáng tạo nội dung và tuyển lọc nội dung.
1. Nguyên văn: feeding the Content Monster. Tác giả so sánh nhu cầu về nội dung trên mạng xã hội như một con Quái vật háu ăn cần được cho ăn liên tục.
Sáng tạo nội dung bao gồm viết các bài đăng dài, chụp ảnh và dựng video. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, rất khó để tạo ra được hơn hai nội dung mỗi tuần với tần suất liên tục, và chỉ hai bài thì chẳng bao giờ đủ đối với truyền thông xã hội. Nhưng giúp các bạn thành thục kỹ năng sáng tạo nội dung là việc nằm ngoài phạm vi cuốn sách này.
Tuyển lọc nội dung bao gồm tìm kiếm những nội dung hay đối với người khác, rồi tóm tắt và chia sẻ chúng. Tuyển lọc nội dung là quá trình ba bên cùng có lợi: bạn cần nội dung để chia sẻ; các trang blog và trang web cần thêm lưu lượng truy cập; còn người dùng cần bạn lọc giúp để giảm bớt lượng thông tin cho họ.
Mục đích của chương này là giúp bạn thỏa mãn cơn đói nội dung.
11. Lên kế hoạch
Tôi không tin tưởng vào việc lên kế hoạch nếu bạn định nghĩa lên kế hoạch là bỏ ra sáu tháng ngồi nghiền ngẫm hoặc thuê một bên trung gian vạch ra các mục tiêu chiến lược và tìm cách hoàn thành chúng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều cần một kế hoạch mang tính chiến thuật, hợp lý và vững chắc để hỗ trợ đạt các mục tiêu truyền thông xã hội. Bản chất của việc lên kế hoạch truyền thông xã hội và mọi hoạt động tiếp thị nội dung thực ra rất đơn giản:
1. Nghĩ xem bạn phải kiếm doanh thu bằng cách nào;
2. Nghĩ về các dạng đối tượng bạn cần thu hút để có doanh thu;
3. Nghĩ về những nội dung mà đối tượng của bạn muốn đọc (điều này rất khác với những nội dung mà bạn muốn họ đọc).
12. Sử dụng Lịch trình Biên tập
Tôi không tin vào việc lập thời gian biểu vì tôi là người theo thuyết “rải thảm”1 trong truyền thông xã hội (tức là bày ra thật nhiều thứ và hy vọng một trong số đó sẽ có hiệu quả). Tôi chỉ cần biết khi nào Peg cần nội dung – giống như Jack Bauer2 chỉ cần biết khi nào anh ta cần phải bắt tội phạm trong vòng 24 giờ.
1. Nguyên văn: spray and pray, tức đưa ra càng nhiều phương án càng tốt và áp dụng tất cả, sau đó xem phương án nào có hiệu quả và tiếp tục phát triển theo hướng đó.
2. Diễn viên chính trong loạt phim 24 (24 giờ) do hãng truyền hình Fox sản xuất.
Trái ngược hẳn với tôi, Peg lại là người mê lên kế hoạch như thể cô ấy bị ám ảnh cưỡng chế vậy. Cô ấy sử dụng một lịch trình biên tập chi tiết để quản lý các bài đăng trên blog và các bài quảng bá kèm theo trên mạng truyền thông xã hội. Cô bạn tôi cũng sử dụng lịch trình biên tập để quản lý các bài viết trên Google+, Facebook và LinkedIn. Theo lời Peg, có một số công cụ có thể giúp bạn quản lý lịch trình biên tập.
➢ Excel. Bạn có thể sử dụng phần mềm tuy cũ nhưng luôn có sẵn này để lưu trữ các bản nháp theo ngày đăng tải.
➢ Google Docs. Điểm mạnh của Google Docs đối với việc lên lịch trình truyền thông xã hội chính là bạn có thể hợp tác với các thành viên trong nhóm theo thời gian thực, và tất cả mọi người có thể truy cập lịch trình từ nhiều thiết bị khác nhau. Điểm mạnh này giúp chúng ta không phải gửi e-mail qua lại và giảm nguy cơ thất lạc các bản sửa đổi.
➢ Lịch trình biên tập HubSpot. Đây là biểu mẫu Excel được thiết kế để một nhóm có thể lên lịch cho các hoạt động truyền thông xã hội. Lịch biên tập HubSpot có thể đóng vai trò một bản hướng dẫn khi bạn cần động não tìm ý tưởng cho blog và theo dõi tiến độ của những người viết khác. Bạn có thể thêm từ khóa, chủ đề hoặc lời kêu gọi hành động cho mỗi bài viết. Tuy nhiên, bạn không thể chia sẻ lịch trình biên tập HubSpot vì đây chỉ là một biểu mẫu Excel.
➢ Buffer, Sprout Social và Hootsuite. Cả ba dịch vụ này đều cung cấp chức năng thiết lập lịch trình chuyên về chia sẻ các bài viết. Buffer là một ứng dụng chỉ cho phép thiết lập thời gian biểu, nên bạn không thể theo dõi các bài viết. Sprout Social và Hootsuite thì cho phép bạn lên thời gian biểu, theo dõi các bài viết truyền thông xã hội cũng như bình luận và phản hồi. (Mách nhỏ: tôi khuyên bạn nên dùng Buffer).
➢ Stresslimit. Trình cắm (plug-in)1 đi kèm WordPress này sẽ giúp bạn lên kế hoạch cho những nội dung trên blog và xem lại những gì đã lên lịch trong tương lai.
1. Trình cắm là một bộ phần mềm hỗ trợ thêm những tính năng cụ thể cho một phần mềm ứng dụng lớn hơn.
13. Vượt qua thử thách “Tái chia sẻ”
Thật tốt khi mọi người “thích” hoặc nhấp “+1” cho bài viết của bạn. Và thật tuyệt vời khi họ chịu bình luận. Những hành động này cũng hệt như thưởng tiền boa cho bồi bàn vậy.
Tuy nhiên, khi họ chia sẻ lại bài viết của bạn (tái chia sẻ) thì đó mới là sự ca ngợi, bởi có nghĩa họ đang đánh cược danh tiếng của mình vì những gì bạn viết. Điều này cũng giống như bạn gợi ý cho bạn bè ăn tối ở một nhà hàng mình đã từng ăn thay vì chỉ boa cho bồi bàn. Chia sẻ lại chính là quan tâm!
Mỗi khi bạn chia sẻ một nội dung, nội dung ấy phải vượt qua được bài kiểm tra này. Chia sẻ lại mới chính là hình thức tâng bốc đúng nghĩa nhất trên mạng xã hội chứ không phải sao chép nội dung.
14. Hãy chia sẻ lại những bài viết của bạn bè
Về mặt lý thuyết, bạn sẽ “dõi theo” (follow) ai đó trên mạng xã hội vì chất lượng của những điều họ chia sẻ.
Do đó, sẽ rất ý nghĩa nếu bạn bỏ thời gian xem những điều họ chia sẻ, chắt lọc cẩn thận những nội dung tốt nhất và chia sẻ chúng.
Trong trường hợp bạn ít khi chia sẻ lại những nội dung của họ thì đồng nghĩa bạn đang dõi theo nhầm người rồi.
15. Tận dụng các dịch vụ tuyển lọc và tổng hợp
Có nhiều dịch vụ cung cấp những nội dung hấp dẫn sử dụng đủ loại kỹ thuật từ quản lý thủ công cho tới các thủ thuật mờ ám. Dưới đây là các nguồn tài nguyên ưa thích của chúng tôi:
Alltop
Alltop là một tập hợp các chủ đề từ A đến Z. Các nhà nghiên cứu của Alltop lựa chọn các nguồn cấp dữ liệu1 từ hàng nghìn trang web và blog rồi xếp chúng vào hơn 1.000 chủ đề.
1. Nguyên văn: RSS Feeds. RSS Feeds là thuật ngữ tin học, trong đó RSS là viết tắt của Rich Site Summary, chỉ một công nghệ giúp người đọc có thể đọc được tin tức mới nhất từ một hoặc nhiều trang web khác nhau mà không cần trực tiếp vào trang đó.
Bạn có thể tùy chỉnh Alltop theo ý mình bằng cách tạo một bộ sưu tập nguồn cấp dữ liệu riêng. Tôi sử dụng bộ sưu tập của mình gần như mỗi ngày để tìm kiếm nội dung. Và tôi cũng rất hoan nghênh bạn dùng bộ sưu tập này. (Mách nhỏ: Tôi là một trong những người đồng sáng lập Alltop.)
The Big Picture và In Focus
Những trang web này thể hiện tầm nhìn của Alan Taylor về cách tạo dựng các bài tiểu luận về những sự kiện đang diễn ra bằng hình ảnh. Anh đã bắt đầu với The Big Picture, một chuyên mục trực tuyến của tờ Boston Globe và sau đó chuyển sang In Focus tại tạp chí Atlantic. Nội dung của cả hai trang này luôn thuộc hàng nhất nhì.
Buffer
Buffer giúp lên lịch đăng tải các bài viết trên Google+, LinkedIn, Facebook và Twitter. Ứng dụng này cũng đề xuất những câu chuyện đáng chia sẻ.
Feedly
Feedly là một công cụ tổng hợp các nguồn cấp dữ liệu, thu thập thông tin từ blog và các trang web rồi trình bày chúng theo định dạng của một tạp chí. Flipboard cũng là một công cụ tương tự.
Futurity
Thông cáo báo chí của các trường đại học chính là cơ sở của nhiều câu chuyện trên báo chính thống. Futurity có khả năng giúp bạn đi trước báo chí một bước, vì trang này đăng tải khám phá khoa học từ một hiệp hội các trường đại học. Ta có thể dễ dàng để truy cập Futurity bằng cách sử dụng đường dẫn Futurity.alltop.
Google Scholar
Người gợi ý Google Scholar cho tôi là Belle Beth Cooper, một blogger truyền thông xã hội tài năng. Cô tìm kiếm các chủ đề thông qua Google Scholar, một ứng dụng con của công cụ tìm kiếm Google nhằm tìm kiếm những nghiên cứu hàn lâm quan trọng đối với các chủ đề.
Holy Kaw
Holy Kaw là một phần của trang web Alltop. Một số người tuyển lọc giỏi tìm kiếm các câu chuyện hấp dẫn người đọc đến mức khiến ta phải thốt lên “Holy cow!”1 (tên miền Holycow.com đã được mua, nhưng vì tên tôi, Kawasaki được phát âm là “cow
asaki” nên tôi nghĩ cái tên “Holy Kaw” sẽ rất thú vị.) Ngày nào bạn cũng có thể tìm thấy thứ gì đó đáng chia sẻ trên Holy Kaw.
1. “Holy cow!”: câu cảm thán biểu lộ sự ngạc nhiên cao độ, được sử dụng khá phổ biến ở Mỹ, Canada, Úc và Anh.
Klout
Klout đo lường mức độ nổi danh của mọi người dựa trên quyền lực họ sở hữu trong thế giới truyền thông xã hội. Vào năm 2014, Klout đã xác định lại mục tiêu là giúp mọi người “sáng tạo và chia sẻ những nội dung tuyệt vời.” Trang web thực hiện điều đó thông qua đề xuất những câu chuyện mà ai cũng có thể chia sẻ.
LinkedIn Influencers và LinkedIn Pulse
Chương trình LinkedIn Influencer (Người Ảnh Hưởng) quy tụ hàng trăm nhà lãnh đạo, những người chuyên chia sẻ những bài viết dài có chất lượng rất cao. Chương trình này không cho phép người mới truy cập, nhưng sẽ rất hữu ích nếu bạn theo dõi những người tham gia vì nội dung họ chia sẻ.
Còn LinkedIn Pulse lại cung cấp nội dung được tuyển lọc về kinh doanh. Có cả ứng dụng LinkedIn Pulse cho hệ điều hành iOS lẫn Android. Bạn có thể theo dõi các kênh đặc biệt trên LinkedIn, LinkedIn Influencers và nhiều trang web khác.
NPR
Đài Truyền thanh Công cộng Quốc gia của Mỹ (NPR, viết tắt của National Public Radio) mang đến cho chúng ta những nội dung cực kỳ hấp dẫn mỗi ngày. Các chương trình yêu thích của tôi là Tech Nation, Fresh Air và Wait Wait… Don’t Tell Me! Bạn sẽ luôn luôn tìm được thứ gì đó đáng chia sẻ trên NPR, trừ khi bạn tin rằng biến đổi khí hậu là chuyện hoang đường, phụ nữ không nên có quyền bình đẳng hoặc ai cũng cần một khẩu súng tự động. Đường dẫn NPR.alltop cũng là một cách truy cập NPR tiện dụng.
Reddit
Reddit tự nhận là “trang nhất của Internet”. Mọi người sẽ bình chọn các câu chuyện còn trang web này sẽ thể hiện những câu chuyện được quan tâm nhất trên trang chủ. Ngoài ra còn có “reddit phụ” cho những chủ đề cụ thể hơn như trò chơi điện tử, tin tức và điện ảnh để bạn có thể tìm thấy các câu chuyện được yêu thích trong các chủ đề hẹp hơn. Nội dung của trang hướng đến độc giả nam thích tìm hiểu công nghệ.
SmartBrief
SmartBrief quản lý nội dung chất lượng cao cho các hiệp hội thương nghiệp, và do hầu như ngành nào cũng có một hội thương nghiệp, nên trang web này bao quát rất nhiều chủ đề. Ta rất dễ nắm bắt nội dung trên SmartBrief vì trang này đăng tải các bản tóm tắt những nội dung được tuyển lọc. Ví dụ, để tìm các câu chuyện về truyền thông xã hội, hãy truy cập trang về truyền thông xã hội của SmartBrief.
StumbleUpon
StumbleUpon là cộng đồng những người “tình cờ” truy cập vào và đánh giá chất lượng các trang web. Hành động này sẽ đưa trang web vào hệ thống của StumbleUpon để các thành viên khác của cộng đồng có thể truy cập. StumbleUpon còn phân loại
các trang web, nên thành viên của StumbleUpon có thể chọn lựa từ nhiều chủ đề như phụ tùng xe, thiết kế và thể thao.
TED
TED chuyên sản xuất các video khuấy động tài tình nhất thế giới. Giới hạn 18 phút của TED buộc diễn giả phải đi thẳng vào vấn đề. Sự bành trướng của TED đến các hội thảo địa phương và khu vực còn giúp nguồn video trở nên phong phú hơn bao giờ hết. Bạn có thể đăng ký theo dõi các kênh TED YouTube và TEDx YouTube để nhận thông báo khi có video mới và xem trước những người khác.
16. Chia sẻ những thông tin đang được quan tâm nhất
Điều này có vẻ hơi ma mãnh, nhưng có thể giúp bạn lấp đầy cơn đói nội dung. Có nhiều cách khám phá xem điều gì đang được mọi người quan tâm và chia sẻ những câu chuyện đó. Chẳng hạn, một số thông tin đang lan truyền trên StumbleUpon có thể chưa “lên sóng” Google+.
Đừng quá lo rằng bạn sẽ chia sẻ những điều mà “mọi người” đã xem rồi, vì có hàng tỉ người trên thế giới và hàng triệu câu chuyện. Tuy nhiên, nếu quá ỷ lại vào kỹ thuật này, tiếng nói và quan điểm cá nhân của bạn có thể bị lu mờ, vì thế đừng để những nội dung này ảnh hưởng lớn đến việc tuyển lọc.
Sau đây là năm nguồn tin hữu dụng đối với chúng tôi: Most-Popular.alltop
Most-Popular.alltop tập hợp hầu hết các câu chuyện được quan tâm và chia sẻ nhiều nhất qua e-mail từ các nguồn tin như New York Times, các hãng truyền thông BBC, CBS, NPR, và Los Angeles Times. Tôi đã tạo ra chủ đề này trên Alltop vì nhận ra mình đang
tận dụng sự uyên bác của cộng đồng để chia sẻ những câu chuyện được quan tâm và chia sẻ trên e-mail nhiều nhất mà họ đã chọn.
What’s Hot trên Google
“What’s Hot” theo sát những bài viết được quan tâm nhiều nhất trên Google+. Tin tốt (hoặc tin xấu) là nguồn cấp này có thể được tùy biến cho từng cá nhân. Do đó, có lẽ bạn sẽ muốn đọc những câu chuyện trên What’s Hot, nhưng chưa chắc sẽ muốn chia sẻ chúng.
Bên cạnh đó, trên Google còn có Google Trends chuyên thể hiện những kiểu thông tin mà mọi người tìm kiếm trên khắp thế giới. Bạn có thể chọn chính xác quốc gia và tạo các tài khoản cá nhân để theo dõi chủ đề theo ý thích.
Các chủ đề theo xu hướng trên Facebook
Bên phải cột “Tin mới” (News Feed) trong Facebook của bạn có một khu vực được gọi là “Xu hướng” (Trending). Đây là nguồn thông tin hữu ích để bạn chia sẻ những câu chuyện.
Bài đăng phổ biến trên Pinterest
Khi nhìn vào những “bài đăng phổ biến” (popular pins) trên Pinterest, bạn có thể tìm thấy những xu hướng và các câu chuyện “nóng” ở thời điểm hiện tại. Nội dung trên đây thiên về thời trang và ẩm thực. Đây là trang web Peg thường vào để tìm thông tin cho các tài khoản riêng của cô ấy.
Phần “tìm kiếm theo chỉ hướng” (guided search) của Pinterest cũng đem lại những nội dung thú vị bằng cách sàng lọc dần kết quả tìm kiếm của bạn. Hãy thử tìm theo cách tương tự trên Google, bạn sẽ thấy kết quả không thú vị bằng.
Những chủ đề tươi mới
Có những chủ đề hầu như luôn được quan tâm. Tôi không nói đến những chủ đề như “mèo vui nhộn” hay “cún con dễ thương”, mà là những chủ đề lớn lao và trí tuệ hơn một chút. Sau đây là danh sách một số chủ đề như thế:
➢ Cà phê;
➢ George Takei;
➢ Đồ chơi LEGO;
➢ NASA (h/t Wayne Brett);
➢ Star Trek (h/t Danielle M. Villegas);
➢ Star Wars (h/t Mike Allton).
Bạn không nên lấy những chủ đề này làm kiểu bài viết cốt yếu khi tuyển lọc thông tin, nhưng nếu đăng những thông tin vui vẻ vài lần một tuần, trang mạng xã hội của bạn sẽ hấp dẫn và thu hút người xem hơn.
(Lưu ý: Chúng tôi sử dụng chữ viết tắt h/t (hat tip)1 xuyên suốt trong cuốn sách này để tỏ lòng tri ân những nguồn tin của mình. Thỉnh thoảng Peg còn sử dụng “tiara tip”, một biến thể của “hat tip” trong những bài đăng của cô ấy.)
1. Hat tip: nghĩa đen là chóp mũ, chỉ hành động ngả mũ kính chào một ai đó, thể hiện sự tôn trọng và biết ơn sâu sắc trong văn hóa phương Tây.
17. Sử dụng Danh sách, Vòng kết nối, Cộng đồng và Nhóm
Các cá nhân và tổ chức có chung mối quan tâm sẽ lập ra những “danh sách” (trên Twitter và Facebook),“vòng kết nối” (trên Google+),“cộng đồng” (trên Google+) và “nhóm” (trên Facebook và LinkedIn). Đây là cách tiếp cận những nội dung hay rất hữu hiệu.
Danh sách trên Twitter
Một Danh sách (list) trên Twitter là tập hợp những tài khoản Twitter theo sở thích hay ngành nghề. Để tìm thêm chủ đề, hãy tìm kiếm các danh sách trên Twitter. Bạn cũng có thể tự tạo ra một danh sách cho riêng mình.
Trên Twitter có “danh sách chung” (public list) và “danh sách riêng tư” (private list). Hãy sử dụng một danh sách chung nếu cần tìm kiếm người dùng cho các chủ đề như viết blog, tin tức công nghệ hay khởi nghiệp. Còn với danh sách riêng tư (chỉ người tạo mới có thể truy cập), hãy sử dụng để theo dõi các đối thủ cạnh tranh và những gì người khác đang nói về họ.
Danh sách trên Facebook
Bạn có thể tạo ra một danh sách gồm những cá nhân và tổ chức trên Facebook có chung mối quan tâm với mình và theo dõi danh sách của người khác. Bạn không nhất thiết phải “thích” một Trang hay theo dõi một người nào đó để lưu Trang hoặc người dùng đó vào danh sách bạn tạo ra. Nếu muốn tìm kiếm các danh sách để sử dụng, hãy vào Trang “Sở thích” (Interest) và nhấp vào mục “Thêm sở thích” (Add interest) ở đầu trang.
Vòng kết nối Google+
Trên Google+, mọi người có thể tạo ra những “vòng kết nối” (circle) để sắp xếp thông tin liên lạc họ có được. Bạn có thể tìm kiếm các vòng kết nối Google+ rồi sử dụng chúng để tìm những người dùng khác và thêm vào vòng kết nối của mình.
Cộng đồng Google+
Người dùng tương tác với nhau một cách bình đẳng1 trong các cộng đồng Google+. Có những cộng đồng chung và riêng tư (quyền tham gia bị giới hạn). Bạn có thể tìm kiếm hoặc tự xây dựng các cộng đồng.
1. Nguyên văn: peer-to-peer – tức mạng máy tính không hoạt động nhờ máy chủ hay máy khách, mà kết nối thông qua nhiều máy ngang hàng. Ở đây ngụ ý rằng người dùng Google+ có thể kết nối bình đẳng với nhau, không phân biệt đẳng cấp hay vai vế.
Nhóm trên Facebook và LinkedIn
Có 2 loại nhóm: nhóm chung và nhóm riêng tư. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia một nhóm chung và xem nội dung trong đó. Nhưng bạn chỉ có thể gia nhập các nhóm riêng tư khi được mời, và chỉ thành viên của nhóm mới xem được nội dung.
Nhóm trên LinkedIn phục vụ việc kết nối và liên hệ tới những người làm cùng ngành, còn nhóm Facebook lại hướng đến toàn bộ các chủ đề cá nhân, như các nhóm họp lớp thời trung học, nhóm dành cho tân sinh viên ở trường đại học và nhóm để người hâm mộ thảo luận những điều họ cùng quan tâm.
Chức năng tìm kiếm trên Google+
Bạn có quyền kỳ vọng rằng một trang mạng xã hội từ Google sẽ sở hữu khả năng tìm kiếm mạnh mẽ, và bạn hoàn toàn đúng. Google+ cho phép bạn tìm kiếm thông qua từ khóa và hiển thị những người dùng, trang và cộng đồng phù hợp với từ khóa đó. Trong ảnh minh họa trên đây, tôi tìm từ khóa “Fujifilm X100S” và nhấp vào mục “Cộng đồng” để tìm các cộng đồng liên quan tới từ khóa này.
Thậm chí nếu không sử dụng Google+, bạn vẫn có thể tận dụng các vòng kết nối và cộng đồng của Google+ làm nguồn quản lý thông tin. Tôi đề cập đến điều này vì có thể một vài gã ngốc sẽ nói với bạn rằng Google+ chẳng khác gì một “thị trấn ma” (nhưng thực tế không phải vậy!) và khuyên bạn đừng nên phí thời gian sử dụng nó.
Google+ thực tế là một trong những nguồn nội dung tốt nhất, đồng thời cũng là một trong các trang mạng xã hội khiến người
sử dụng thích thú nhất, vì nó có ít tin rác, ít trò chọc phá và ít kẻ ngốc hơn những trang khác.
18. Tạo một Bảng cộng tác trên Pinterest
Các bảng chủ đề (board) trên Pinterest sẽ là nguồn thông tin phong phú nếu bạn tự lập hoặc tham gia một bảng cùng những người tuyển lọc nội dung sáng suốt khác. Ví dụ, Peg đã lập một bảng gồm các nguồn thông tin trên Google+ và cho phép 12 thành viên khác cùng tham gia. Và kết quả là bảng này trở thành một nguồn thông tin liên tục có chất lượng cao.
19. Duy trì một danh sách liên tục
Do có nhiều cách tìm kiếm nội dung, bạn sẽ cần một phương pháp quản lý các đầu mục. Tôi thường tìm kiếm nội dung lúc nửa đêm khi khó ngủ, hoặc khi đang tập xe đạp thể lực. Sau đó, tôi xem lại từng đầu mục và chọn mục hay nhất để chia sẻ. Peg cũng thấy được tôi chọn mục nào và chia sẻ những câu chuyện giúp tôi.
Peg và tôi sử dụng Tumblr để quản lý hệ thống này. Khi kiểm tra các nguồn thông tin, chúng tôi sẽ thêm những câu chuyện đáng chia sẻ vào một bài blog trên Tumblr.
Lý do chúng tôi sử dụng Tumblr là vì trang này có một tiện ích mở rộng dùng cho trình duyệt Chrome và danh mục Chia sẻ (Share menu) cho Android (hai chúng tôi đều sử dụng điện thoại Moto X và máy tính bảng Nexus 7), giúp quy trình chia sẻ lên một bài viết trên Tumblr chỉ mất bốn thao tác. (Tôi đã tìm cách làm điều tương tự trên iOS nhưng thất bại.)
Đã có lúc Peg và tôi quyết định chia sẻ các đầu mục thông tin của mình để những người khác có thể hưởng lợi từ những nội dung do chúng tôi tuyển lọc. Chúng tôi đã tạo một blog trên Tumblr có tên gọi HASO (Help a Socialist Out)1. (Phải, chúng tôi đang cố gắng định nghĩa lại từ socialist.) Bạn có thể ghé thăm
trang blog này và đăng ký nhận tin mới từ HASO nếu muốn xem những câu chuyện mà chúng tôi cho là đáng chia sẻ.
1. Socialist có nghĩa là người theo chủ nghĩa xã hội, nhưng tác giả dùng từ này để chỉ những người sử dụng mạng xã hội vì mục đích của cuốn sách. Vì thế “Help a Socialist Out” nghĩa là “Hỗ trợ người dùng mạng xã hội”.
Ta có thể duy trì danh sách liên tục này bằng nhiều cách khác, chẳng hạn như dùng vòng kết nối Google+ với một thành viên duy nhất (là bạn) hoặc một bảng chủ đề riêng trên Pinterest. Dù bằng cách nào thì khi bắt đầu chủ động tuyển lọc các câu chuyện, bạn sẽ cần có phương pháp quản lý các kênh của mình.
20. Tận dụng các ngày lễ
Hãy đặt thời gian đăng bài sao cho trùng với các kỳ nghỉ và những sự kiện đại chúng; đó là cách thu thập dễ dàng những tư liệu tuyệt vời. Ví dụ, chúng tôi đã chia sẻ một bộ sưu tập các danh ngôn nhan đề “10 câu danh ngôn xúc động về Ngày của Mẹ,” và đạt đến 165.000 lượt xem. Tất cả các nội dung hướng tới những ngày đại lễ hoặc sự kiện trọng đại như World Cup, Ngày Trái đất và Tuần lễ Thời trang đều phát huy hiệu quả (h/t Julie Connor).
21. Thêm nguồn cấp dữ liệu
Bạn có thể thêm nguồn cấp dữ liệu từ các trang blog hoặc trang web yêu thích vào các dịch vụ như Buffer, Sprout Social hay Hootsuite để bố trí trước các bài đăng. Cách này sẽ giúp bạn sắp xếp mọi câu chuyện trong nguồn tin để chia sẻ theo thứ tự. Với Buffer và Sprout Social, bạn phải ra quyết định cuối cùng: hoặc câu chuyện này, hoặc câu chuyện kia. Còn với HootSuite, bạn có thể chia sẻ mọi câu chuyện nếu sử dụng nguồn cấp Atom1, hoặc
có thể tự quyết định chia sẻ nội dung gì nếu sử dụng nguồn cấp RSS.
1. Nguyên văn: Atom feed. Atom là ngôn ngữ XML cho phép người đăng tin đóng góp vào nguồn cấp tin chung của trang Web của họ nhằm phục vụ những người dùng khác nhau. Chúng ta thường nhầm lẫn Atom feeds với RSS feeds, nhưng RSS là định dạng được chuẩn hóa (cũng bằng cách sử dụng XML) và ra đời trước Atom. Trên thực tế Atom được tạo ra để bù đắp cho các hạn chế nhất định trong RSS.
22. Tận dụng những nội dung phát sinh từ người dùng
Hãy chia sẻ hình ảnh sản phẩm và dịch vụ của bạn do người khác chụp. Điều này có lợi cho tất cả mọi người: bạn được cộng đồng công nhận khi có người chú ý đến sản phẩm và dịch vụ của mình, còn người chụp sẽ có thêm lượt xem và cảm thấy sự quan tâm ấm áp, khiến họ càng quý mến bạn hơn.
Dưới đây là một ví dụ điển hình: Tôi đã đăng tải bức ảnh chụp nút “Khởi động lại” trên đồng hồ đo quãng đường của xe Audi A3.
Công ty Audi tại Mỹ đã chia sẻ lại bức ảnh này. Rồi các đại lý của Audi cũng làm theo. Chỉ sau năm ngày, bức ảnh đã có hơn 500.000 lượt xem. Trong khi đó, những bức ảnh tương tự không được Audi và các đại lý của họ chia sẻ lại chỉ nhận được 5.000 lượt xem.
Không giấu gì các bạn, đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Công ty Audi tại Mỹ đã gửi đến tôi chiếc A3 để đánh giá, và sau khi chia sẻ bức ảnh trên, tôi đã gửi một đường dẫn tới bức ảnh cho Audi – dù tôi biết rằng Audi tại Mỹ chắc chắn sẽ tìm thấy bức ảnh đâu đó trên mạng. Cái chính là cả hai bên đều hài lòng với kết quả.
Instagram là nơi dễ tìm thấy những bức ảnh đáng chia sẻ nhất, vì vậy hãy luôn sẵn sàng điểm qua các bức ảnh trên đó. Khi tìm được một bức ảnh ưng ý, hãy xin phép chia sẻ lại, và cuộc đua của bạn sẽ bắt đầu.
3
ĐỂ CÓ NHỮNG BÀI ĐĂNG HOÀN HẢO
Mỗi khi đặt bút viết, một tác giả chu đáo bao giờ cũng tự hỏi mình ít nhất bốn câu hỏi, đó là:
1. Tôi đang cố nói lên điều gì?
2. Ngôn từ nào truyền tải được thông điệp đó?
3. Có hình ảnh hay thuật ngữ nào giúp làm rõ thông điệp đó hơn không?
4. Hình ảnh đó có đủ mới mẻ để tạo hiệu ứng hay không? – GEORGE ORWELL,
Tác giả cuốn Politics And The English Language
(tạm dịch: Chính trị và ngôn ngữ nước Anh).
B
ằng cách chia sẻ những bài đăng, bạn sẽ đưa nội dung mình sáng tạo và tuyển lọc đi khắp thế giới. Khi mới ra đời, truyền thông xã hội rất đơn giản: nếu bạn chia sẻ
những nội dung hay, mọi người sẽ chia sẻ lại và bạn sẽ nhận về nhiều tương tác cũng như có nhiều người theo dõi hơn. (Những thứ khác chỉ là tối ưu hóa hoặc ảo tưởng).
Chương này sẽ giải thích bạn cần làm gì để tạo ra một bài đăng hoàn hảo mang lại giá trị cho cuộc sống của những người đang dõi theo bạn, cũng như xây dựng nền tảng vững chắc và giúp câu chuyện của bạn lan truyền đến mọi người. Peg và tôi luôn
ủng hộ các thói quen chia sẻ quyết liệt nhất, nên hãy thắt chặt dây an toàn và đội mũ bảo hiểm vào.
23. Chia sẻ những nội dung có giá trị
Đầu tiên, hãy tìm hiểu xem một “nội dung hay” chính xác nghĩa là gì? Đây là một câu hỏi công bằng và xác đáng. Một nội dung hay sẽ xuất hiện dưới bốn dạng sau:
➢ Thông tin. Chuyện gì đã xảy ra? Ví dụ: Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel nói rằng ông sẽ xem xét lại vai trò của người chuyển giới trong quân đội.
➢ Phân tích. Điều này có ý nghĩa gì? Ví dụ: Tạp chí Mother Jones đã giải thích vì sao vụ cắn người của ngôi sao bóng đá người Uruguay, Luis Suarez trong kỳ World Cup vừa rồi lại gây ra một vấn đề lớn về vệ sinh.
➢ Trợ giúp. Tôi phải làm điều đó như thế nào? Ví dụ: CNET giải thích cách nhắn tin cho 911.
➢ Giải trí. Chuyện quái quỷ gì đây? Ví dụ: Mỗi năm, hai nhà thờ tại Vrontados, Hy Lạp lại cùng nhau bày ra một cuộc chiến tên lửa tự chế để ăn mừng Lễ Phục sinh.
Mục tiêu của chúng ta là theo đuổi “mô hình NPR”. Đài NPR cung cấp những nội dung rất tuyệt vời trong suốt 365 ngày trong năm. Cứ cách vài tháng, NPR lại tổ chức một cuộc vận động cam kết đóng góp để gây quỹ. Lý do NPR có thể tiến hành những cuộc vận động như thế là vì họ đem lại giá trị rất lớn cho mọi người.
Tương tự, mục tiêu của bạn là giành lấy đặc quyền tổ chức “cuộc vận động cam kết” của riêng mình. Một “cuộc vận động cam kết” trong bối cảnh này nghĩa là quảng bá cho tổ chức, sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Nếu bạn đã rành rẽ các mạng lưới
truyền hình và truyền thanh của Hoa Kỳ, thì câu hỏi sẽ là: bạn muốn trở thành NPR hay QVC1?
1. QVC là kênh truyền hình hoạt động vì lợi nhuận, chuyên phát sóng các nội dung liên quan đến mua sắm tại gia (home shopping). Kênh này hiện đã phát sóng tại sáu quốc gia trên toàn thế giới.
24. Chia sẻ những nội dung hấp dẫn
Rất nhiều người và hầu hết các tổ chức thường xác định các chủ đề thú vị và phù hợp với độc giả của họ trong phạm vi hạn hẹp. Quả là sai lầm khi cho rằng độc giả của họ chỉ muốn đọc một lượng chủ đề hạn chế như thế.
Phải chăng tôi chỉ cần tập trung chia sẻ những câu chuyện về khởi nghiệp, đổi mới và công nghệ? Phải chăng Peg chỉ cần chia sẻ những câu chuyện về truyền thông xã hội và viết blog? Còn Motorola chỉ nên chia sẻ những câu chuyện của chính họ?
Đáp án cho cả ba câu hỏi trên là “không”. Như thế nội dung sẽ rất dễ nhàm chán, và nhàm chán là thứ vô dụng trong truyền thông xã hội. Bạn nên nghĩ rộng hơn và tận dụng thêm các cơ hội. Dưới đây là một số ví dụ về cách các tổ chức vừa duy trì thương hiệu của mình, vừa trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người xem:
1. Rạp chiếu phim kiểu drive-in khá phổ biến ở Mỹ, những rạp phim này được đặt ở ngoài trời, có một màn hình lớn cùng với không gian chiếu phim, quầy ăn uống và bãi đỗ xe rộng. Người xem sẽ lái xe hơi đến và xem phim trong chính chiếc xe của mình.
2. Công ty Monster (Monster Worldwide, Inc.) sở hữu Monster.com, một trong những trang web tuyển dụng được truy cập nhiều nhất tại Mỹ và trên thế giới.
Tôi đoán rằng việc thu hút thêm độc giả cũng như thúc đẩy tương tác giữa bạn và họ sẽ cho thấy hiệu quả của chiến lược này. Nếu chia sẻ những nội dung thú vị như trên, bạn sẽ được trao đặc quyền theo kiểu NPR để quảng bá bản thân tới người theo dõi, và những người theo dõi đó lại giúp bạn có thêm những người khác.
25. Hãy táo bạo
Thành công luôn ủng hộ sự táo bạo và thú vị trên mạng xã hội, vì thế đừng do dự thể hiện cảm xúc và bày tỏ những dự định của bạn. Ví dụ, nếu bạn nghĩ rằng nên có thêm nhiều CEO nữ, hãy chia sẻ một bài báo ủng hộ quan điểm của mình. Những người trước đây từng tự nguyện nhấp “follow” bạn có thể sẵn sàng ngừng theo dõi nếu họ không thích những gì bạn chia sẻ.
Giả thuyết của tôi là: nếu không chọc tức người khác trên mạng xã hội thì nghĩa là bạn đang sử dụng nó không đúng cách. Vài người sẽ phàn nàn rằng bạn chia sẻ quá nhiều hoặc đăng những bài không vừa ý họ. Điều này khiến tôi liên tưởng tới “Hội chứng Đặc quyền Internet.” Những người mắc hội chứng này tin rằng tất cả mọi thứ đều phải miễn phí và phải hoàn toàn phù hợp với họ từng li từng tí, vì họ là “cái rốn của vũ trụ” – đến Copernicus cũng phải bó tay.
Đối với các tổ chức, cơ hội để táo bạo sẽ ít hơn rất nhiều, mặc dù họ có lập trường vững vàng đối với những vấn đề ảnh hưởng tới họ và khách hàng. Ví dụ, các công ty công nghệ Mỹ có thể mạnh dạn đưa quan điểm về những vấn đề như thị thực lao động cho công dân nước ngoài, và Hội Kế hoạch hóa Gia đình có thể dũng cảm lên tiếng về vấn đề quyền lựa chọn phá thai của phụ nữ. Nhưng sẽ rất bất cập và vô nghĩa nếu hãng Apple lại lên tiếng về vấn đề kiểm soát vũ khí.
26. Hãy súc tích
Sự khúc chiết sẽ đánh bại tính rườm rà trong truyền thông xã hội. Bạn đang cạnh tranh với hàng triệu bài đăng mỗi ngày. Mọi người ra quyết định trong tích tắc và sẽ bỏ đi ngay lập tức nếu bạn không nhanh chóng nắm bắt mối quan tâm của họ.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, những nội dung được tuyển lọc sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất với hai hoặc ba câu trên Google+ và Facebook, hoặc khoảng một trăm ký tự trên Twitter. Còn đối với những nội dung thú vị do bạn sáng tạo ra, mức thích hợp nhất là từ 500 cho đến 1.000 chữ.
27. Học cách tri ân
Bạn không nên chèn các đường dẫn vào nội dung tự sáng tạo, nhưng nếu đang tuyển lọc nội dung, thì tức là bạn đang sử dụng những nguồn thông tin bên ngoài. Mọi bài đều cần phải chèn đường dẫn đến nguồn của câu chuyện. Dưới đây là những gì bạn nhận được từ các đường dẫn:
➢ Tạo điều kiện cho người đọc tìm hiểu thêm từ nguồn thông tin;
➢ Tăng lượng truy cập cho nguồn thông tin như một hành động tri ân;
➢ Tăng cường sự hiện hữu và mức độ phổ biến của bạn đối với giới blogger và các trang mạng.
Khi bạn tìm được nội dung nhờ vào bài đăng của người khác, hãy thực hiện nghi thức sau: biên soạn và chia sẻ một bài viết với đường dẫn tới nguồn đó và ngụ ý “ngả mũ cảm ơn” đối với người mang thông tin này đến với bạn.
28. Thu hút mọi ánh nhìn
Mỗi bài đăng – chính xác là từng bài đăng một – nên kèm theo một bức ảnh, tranh đồ họa hay một đoạn video “bắt mắt”. Theo một nghiên cứu của Skyword1: “trung bình, lượt xem tổng cộng [của các bài viết do khách hàng của Skyword đăng] trong cùng một thể loại sẽ tăng khoảng 94% nếu bài viết kèm theo một bức ảnh hay bảng đồ họa thông tin liên quan, so với những bài không có hình ảnh.”
1. Skyword là công ty dịch vụ công nghệ và tiếp thị nội dung có trụ sở tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ.
Một ảnh đồ họa hay một đoạn video cũng quan trọng không kém phần câu chữ đối với thành công của một bài đăng. Sau đây là một số phương pháp thu hút ánh nhìn của độc giả:
➢ Chèn đường dẫn vào câu chuyện. Trên Google+ và Facebook, nếu bạn chèn đường dẫn vào bài viết thì một bức ảnh sẽ tự động được thêm vào bài viết đó. Nhưng hãy lưu ý rằng bức ảnh này nhỏ hơn kích thước tối đa và trên Google+, nó chỉ bằng kích cỡ một con tem.
➢ Chụp màn hình hay lưu một bức ảnh từ nguồn thông tin rồi tự thêm vào bài viết. Hãy tìm một bức ảnh có bề rộng khoảng 500 pixel. Lưu ý rằng làm thế này tức là bạn đang
phạm vào lĩnh vực quyền sử dụng hợp pháp và bản quyền. Đại học Minnesota cung cấp một bảng liệt kê để bạn tự kiểm tra xem khi nào bạn được phép, khi nào không vì việc sử dụng hình ảnh của bạn là vì mục đích thương mại (chứ không phải chuyển đổi), có ảnh hưởng lớn và có khả năng làm giảm mức độ sinh lời của bức ảnh đó. Facebook cũng khuyến khích bạn dùng phương pháp chèn đường dẫn hơn là tự đăng tải hình ảnh.
➢ Tạo hình ảnh đồ họa của riêng bạn bằng cách sử dụng Canva (nơi tôi đang công tác). Canva cung cấp các biểu mẫu, đồ họa vector, phông chữ và những bức ảnh giá 1 đô-la cho mỗi lần sử dụng để bớt gây khó khăn cho bạn.
Dù dùng cách nào để có được những bức ảnh và đồ họa, bạn cũng nên cố gắng sử dụng kích cỡ tối đa do mỗi trang mạng xã hội cung cấp.
29. Sắp xếp gọn gàng
Nếu bài đăng của bạn trên Google+, Facebook hoặc LinkedIn dài hơn bốn đoạn văn, hãy sử dụng chấm đầu dòng hoặc đánh số. Như thế, bài viết của bạn sẽ dễ đọc hơn vì thông tin được sắp xếp thành từng đoạn ngắn và giảm hiệu ứng “dài quá, không đọc nữa”1 nơi độc giả.
1. Nguyên văn: tl;dr (viết tắt của too long; didn’t read).
Có thể tôi là người duy nhất trên thế giới ngừng đọc ngay khi bắt gặp một bài viết mà hết đoạn này đến đoạn khác chỉ rặt chữ là chữ. Nếu muốn đọc một cuốn tiểu thuyết, tôi sẽ mua sách điện tử. Tôi thích đọc một bài đăng được liệt kê theo chấm đầu dòng hay các con số hơn.
30. Hãy khôn khéo
Tôi nhận thấy các bài đăng được giật tít như “Làm thế nào để...”, “Top 10...” hay “Đỉnh cao của...” luôn hấp dẫn đến không thể cưỡng lại nổi. Những dòng chữ đó nói lên rằng, Bài viết này sẽ rất thực tế và hữu dụng lắm đây. Những người bạn ở Twelveskip đã tạo ra một danh sách bao gồm 74 tựa đề tốt nhất cho một bài đăng, vì thế hãy chứng tỏ sự khôn khéo của bạn và vận dụng chúng.
31. Hãy tạo điều kiện để mọi người tìm thấy
Hashtag1 thật tuyệt vời. Chúng kết nối những bài đăng từ mọi người trên khắp thế giới và bổ sung cấu trúc cho một hệ thống phi cấu trúc.
1. Hashtag: thuật ngữ mạng xã hội, chỉ một từ hoặc cụm từ được đặt sau dấu thăng (#), được sử dụng để nhận diện các thông điệp có chung một chủ đề cụ thể.
Khi thêm hashtag vào một bài đăng, là bạn đang mách cho người khác biết rằng bài đăng đó liên quan tới một chủ đề chung. Ví dụ, #socialmediatips (mẹo vặt truyền thông xã hội) trên Google+ sẽ kết nối những bài đăng về truyền thông xã hội.
Twitter, Instagram, Facebook, Tumblr và Google+ đều hỗ trợ hashtag, nên nó đã trở thành một thói quen phổ biến và được mọi người hoan nghênh.
Chúng tôi khuyên bạn chỉ nên thêm từ hai đến ba hashtag vào bài đăng của mình. Nếu sử dụng nhiều hơn, bạn sẽ trông giống một #tênđần đang cố gắng #pháhệthống.
Bên cạnh đó, đừng sử dụng hashtag trên Pinterest, vì người dùng Pinterest rất ghét hashtag – có lẽ vì chúng không hợp với đặc tính giới hạn chữ tối thiểu của Pinterest.
32. Hãy năng nổ
Khi nhắc đến “năng nổ”, chúng tôi muốn nói tới từ ba đến 20 bài viết khác nhau (không trùng lặp) mỗi ngày. Đó là chỉ dẫn dành cho bạn. Và khi chất lượng các bài đăng của bạn được duy trì tốt, bạn có thể chia sẻ nhiều hơn thế. Nhưng nếu bạn chia sẻ chỉ một hoặc hai bài viết dở, thì đó cũng là quá nhiều rồi.
Thú thực, bạn đang đọc một quyển sách được đồng biên soạn bởi một người chuyên lặp lại nhiều “tweet” tới bốn lần. Tuy nhiên, hãy tin tôi trong chuyện này, và thử chia sẻ ở mức độ như trong cột “Dân chuyên” theo bảng dưới đây (số liệu bao gồm các bài đăng được sáng tạo lẫn tuyển lọc).
Trước ngày gửi cuốn sách này đến biên tập viên, tôi đã nảy ra sáng kiến rằng chúng tôi nên kiểm chứng điều vừa khẳng định ở trên. Khi đó Peg đang ở Úc; và thay vì cứ lặp lại các tweet 8 giờ/lần, chúng tôi đã chia sẻ bốn bài viết giống nhau với bốn đường dẫn khác nhau để theo dõi số lượt nhấp. Và đây là kết quả.
Bạn thích con số 1.300 lượt nhấp hay 7.600 lượt nhấp hơn? Bạn có dám mạo hiểm lặp lại các tweet với nguy cơ bị mọi người phàn nàn hay thậm chí ngừng theo dõi tài khoản của mình, để đạt được số lượt nhấp cao hơn gấp 5,8 lần? Tôi thì dám, và làm điều đó hằng ngày suốt cả năm.
Một số người sẽ phàn nàn về số lượng bài đăng tăng lên, nhưng đừng quá lo lắng vì điều đó. Họ hoặc sẽ quen với sự gia tăng hoặc ngừng theo dõi bạn. Điều quan trọng là kết quả cuối cùng: bạn có thêm được người theo dõi và được chia sẻ lại nhiều hơn không? Như đã nói ở trên, nếu bạn không chọc tức ai đó trên mạng xã hội, thì tức là bạn không tận dụng đủ khả năng của nó.
33. Phân bổ hợp lý
Sử dụng công cụ để lên lịch và phân bổ các bài viết không phải là gian lận. Người khôn ngoan làm thế để tối ưu hóa việc chia sẻ của họ. Bất kỳ ai khăng khăng rằng bạn phải tự tay chia sẻ những bài đăng của mình đều là những kẻ ngờ nghệch.
Hầu hết những người theo dõi đều không biết một bài đăng được chia sẻ thế nào, và nếu bạn có một cuộc sống bình thường bên ngoài mạng xã hội, thì chắc chắn bạn không thể tự tay chia sẻ các bài viết suốt cả ngày.
Sau đây là danh sách một số dịch vụ bạn có thể sử dụng để phân bổ các bài đăng của mình. Trong vòng 30 phút, bạn có thể lên kế hoạch chia sẻ bài viết cho cả ngày thông qua một trong số các dịch vụ này.
➢ Buffer. Đây là dịch vụ tôi đang dùng. Nó lên lịch cho những bài đăng trên Google+, các Trang và hồ sơ trên Facebook, LinkedIn và Twitter. Chúng tôi thích khả năng đăng bài vào một thời điểm nhất định hoặc xếp các bài chờ đăng theo thứ tự của nó. Chức năng quản lý nhóm và phân tích cũng có sẵn trên phiên bản Buffer dành cho Kế hoạch kinh doanh. Buffer gợi ý những câu chuyện đáng chia sẻ, và đó là phần thú vị nhất của dịch vụ này. Chúng tôi thích sự thú vị.
➢ DoShare. Đây là dịch vụ duy nhất cho phép bạn xếp lịch cho các bài đăng trên Google+ nếu sở hữu một trang cá nhân.
Đây là một tiện ích mở rộng của Chrome và cần trình duyệt Chrome để hoạt động. DoShare rất tuyệt vời nhưng bị hạn chế bởi yêu cầu trên. Ví dụ, nếu bạn đang đi đường và đang không dùng máy tính, thì DoShare sẽ không chia sẻ các bài đăng của bạn.
➢ Friends+Me. Dịch vụ này giúp bạn chia sẻ các bài viết từ Google+ sang các mạng xã hội khác. Hiện tại dịch vụ này hỗ trợ Facebook (nhóm, hồ sơ cá nhân, Trang), Twitter, LinkedIn (hồ sơ, nhóm, trang công ty), và Tumblr. Chúng tôi thích hình ảnh từ bài đăng trên Google+ xuất hiện trong tweet của mình. Nhờ sử dụng hashtag, bạn có thể kiểm soát cách thức và vị trí chia sẻ các bài đăng, hoặc có muốn đăng bài đó chỉ trên Google+ hay không.
➢ Hootsuite. Là một sản phẩm do những người bạn của chúng tôi từ Canada tạo ra, Hootsuite giúp bạn lên lịch đăng nội dung cũng như theo dõi và phản hồi các bình luận. Bạn có thể chia sẻ lên các hồ sơ hoặc các Trang trên Facebook, các trang trên Google+, các hồ sơ trên LinkedIn và Twitter. Nếu sử dụng ứng dụng Viraltag, bạn có thể lên lịch cho các “pin1” trên Pinterest. Chúng tôi rất thích chức năng lên lịch hàng loạt cho các tweet và bài đăng thông qua bảng tính Excel, kéo và thả từ lịch để lập lịch trình và hợp tác với nhiều nhóm để đăng tweet.
1. Pin: Thuật ngữ riêng của mạng xã hội Pinterest, mỗi pin tương ứng với mỗi lần một bức hình được người dùng đăng lên.
➢ PostPlanner. Sản phẩm này chỉ hoạt động trên Facebook. PostPlanner cung cấp các câu chuyện đáng chia sẻ cũng như gợi ý thời điểm chia sẻ các câu chuyện đó. Với khả năng truy cập dễ dàng thông qua một ứng dụng trong Facebook, bạn có thể tìm kiếm những bức ảnh đang gây sốt hay các nội dung
đang tạo thành trào lưu để có ý tưởng cho câu chuyện của mình. Bạn cũng có thể thêm nguồn cấp dữ liệu từ các blog yêu thích và chia sẻ chúng từ PostPlanner. Đây là dịch vụ tuyệt vời dành cho những người quản lý Trang Facebook.
➢ Sprout Social. Đây là dịch vụ yêu thích của Peg. Sprout Social có khả năng đăng tải bài viết, tham gia và theo dõi các Trang, hồ sơ trên Facebook, Twitter, các trang Google+ và hồ sơ trên LinkedIn. Nó còn có chức năng quản lý nhóm và đồng bộ với Zendesk1. Chúng tôi thích Sprout Social vì chức năng
lặp lại một tweet kèm hình ảnh và tạo lịch trình chung cho cả nhóm. Chi phí tối thiểu của dịch vụ này là 59 đô-la/tháng.
1. Zendesk: là một phần mềm có khả năng quản lý nội dung và mối quan hệ với khách hàng, dùng trên các thiết bị di động.
➢ Tailwind. Đây là dịch vụ cho phép lên lịch và theo dõi trên Pinterest. Chức năng mạnh mẽ của dịch vụ này là thể hiện các pin phổ biến, các bảng trào lưu hay nội dung phổ biến từ người dùng khác. Hiện nay, Tailwind đã truy cập được vào giao diện lập trình ứng dụng (API1) của Pinterest, vì thế chúng ta có quyền kỳ vọng vào nhiều chức năng mới của Tailwind trong tương lai gần.
1. API: viết tắt của Application Programming Interface.
➢ TweetDeck. Đây là một ứng dụng độc lập có khả năng theo dõi các hoạt động và lên lịch đăng tweet. Ứng dụng này thể hiện kết quả tìm kiếm ở những cột riêng biệt. Ví dụ, bạn có thể tạo một cột @đềcập cá nhân (một @đềcập [@mention] tương ứng với một lần bạn được người khác tweet với ký tự @ kèm theo tên của bạn) và một cột @đềcập khác dành cho đối thủ. Nếu sắp tới bạn đi dự một hội thảo công nghệ, hãy quan sát người khác theo dõi Twitter như thế nào, và bạn sẽ thấy họ chủ yếu sử dụng TweetDeck.
Vẫn còn những sản phẩm khác cung cấp chức năng tương tự, bao gồm Everypost, Sendible và SocialOomph, nhưng chúng tôi chưa từng sử dụng bất kỳ dịch vụ nào trong số đó.
34. Chọn lúc đầu giờ
“Đầu giờ” là thời điểm chuyển giao giữa giờ trước và giờ sau. Jay Baer, tác giả của loạt sách Youtility, thường chia sẻ những bài đăng của mình trước hoặc sau thời điểm đó vài phút.
Jay cho rằng đó là lúc mọi người có xu hướng kiểm tra tài khoản mạng xã hội của họ bởi họ đang trong một cuộc họp. (Hoặc họ đang trễ giờ, nên đó cũng có thể là thời điểm khó kiểm tra nhất.) Giống như hầu hết những lời khuyên khác về truyền thông xã hội, ta rất khó kiểm chứng điều này trên phương diện khoa học; nhưng dẫu sao cũng đáng để thử.
35. Hãy là người quân tử
“Không cần lập danh sách những gì bạn muốn trao cho người khác,” Mari Smith, nữ vương của Facebook, đã nói như thế. Nếu bạn chia sẻ đơn thuần vì niềm vui được giúp đỡ người khác, thì bạn sẽ ngạc nhiên với sự tử tế và đền đáp được nhận lại từ họ.
Giả thuyết của tôi là: cứ một người mắc “hội chứng đặc quyền Internet”, sẽ có 100 người khác tin vào sự đền đáp qua lại và họ sẽ hành động giống như người quân tử. Người “quân tử” – trong trường hợp bạn chưa từng nghe qua cụm từ này – là người chính trực và luôn làm điều đúng đắn theo cách đúng đắn.
Vì thế, hãy chia sẻ bài đăng của người khác, bình luận tích cực và sáng suốt, gợi ý các nguồn thông tin, giải pháp và tự tạo phúc cho mình. Sau cùng, sự tử tế của bạn sẽ quay về với những bài đăng của chính bạn, tôi hứa đấy.
36. Hãy quảng bá
Chúng tôi hiếm khi làm điều này vì nó ảnh hưởng đến lòng tự tôn và nguyên tắc, nhưng việc trả phí để quảng bá bài viết trên Pinterest, Facebook và Twitter có thể mang lại hiệu quả. Chắc chắn sẽ có nhiều người xem các bài đăng của bạn hơn. Cụ thể, Facebook đang trở thành một trang mạng xã hội theo kiểu “ăn bánh trả tiền”.
Việc quyết định có sử dụng chiến thuật này hay không còn dựa trên bài toán: liệu doanh thu có bù đắp được chi phí trả cho việc tăng lượt xem? Ví dụ, bạn có thể “trả tiền để quảng bá” một bài viết kêu gọi mọi người mua sách của mình. Doanh số tăng thêm (và có thể gồm cả nhận thức của độc giả) có thể xứng hoặc không xứng với chi phí bỏ ra.
Trang bên là bài đăng do Canva trả phí để đưa tin cho một quảng cáo việc làm. Chúng tôi đã định vị bài đăng quảng bá này chỉ dành cho các đối tượng tại Úc, và bạn có thể thấy 60 đô-la sẽ mua được chừng 14.000 lượt xem.
Nếu bạn từ chối trả phí để quảng bá bài viết của mình (chúng tôi rất tôn trọng nếu đây là quyết định của chính bạn), bạn có thể “đính” những bài đăng này lên đầu trang Facebook hoặc Twitter. Điều này đồng nghĩa bài đăng đó sẽ là nội dung đầu
tiên được trông thấy trên đầu Dòng thời gian. Tất nhiên như thế sẽ không hiệu quả bằng việc trả phí để quảng bá bài viết, nhưng lại hoàn toàn miễn phí.
37. Đa ngôn ngữ
Héctor García biên dịch tin tức tiếng Nhật sang tiếng Tây Ban Nha, và do là người đầu tiên chia sẻ những tin tức đó, nên những bài đăng của anh trở thành một nguồn tin xác thực. Đây là một ý tưởng hết sức khôn ngoan. Nếu bạn thành thạo hai ngôn ngữ (hoặc đa ngôn ngữ), thì hãy thử dịch các tin tức sốt dẻo sang một ngôn ngữ khác và chờ xem điều gì xảy ra.
38. Hãy phân tích
Bạn có thể cải thiện độ thích đáng của nội dung (mà vẫn ghi nhớ lời khuyến khích của tôi rằng hãy chia sẻ những điều thú vị và táo bạo) bằng cách phân tích tính cách của những người theo dõi mình. Ví dụ, chức năng phân tích trên Facebook là nguồn dữ liệu phong phú để tìm ra những ai hâm mộ bạn, và cũng là nơi rất thích hợp để bắt đầu lập kế hoạch đăng nội dung trên Facebook trong tương lai.
Chúng tôi còn sử dụng LikeAlyzer để kiểm tra các Trang Facebook của mình và trích ra thông tin về nội dung, thể loại của các bài đăng cũng như thời gian chia sẻ chúng.
Twitter cung cấp các phân tích mở rộng dành cho những tài khoản được xác thực, bao gồm số lần tweet của bạn được xem và cách những người khác tương tác với mỗi tweet (được xác định bằng động tác nhấp lên bất kỳ chỗ nào trong tweet, cộng với số lần tweet lại, phản hồi, theo dõi và yêu thích). Bạn có thể sử dụng dịch vụ như SocialBro – tiết lộ những ai đang theo dõi bạn – để tìm kiếm những người dùng mới nhằm theo dõi và làm rõ xem nội dung của mình đang hiệu quả ra sao. Bạn cũng có thể tiếp nhận các báo cáo tương tự từ Sprout Social và Hootsuite.
39. Luôn hiếu kỳ
Nếu hỏi năm “chuyên gia” truyền thông xã hội cùng một câu hỏi, bạn sẽ nhận lại bảy câu trả lời khác nhau. Lời khuyên của chúng tôi là hãy kiểm tra những quan điểm phổ biến như “Chia sẻ Facebook vào cuối tuần” và “Chia sẻ Twitter vào buổi sáng” trên thực tế. Cứ một người dùng lại có những đối tượng theo dõi khác nhau. Ví dụ, nếu bạn viết blog và tuyển lọc nội dung dành cho giới pha chế rượu, thì thời điểm chia sẻ bài đăng lý tưởng sẽ rất khác nhóm đối tượng theo dõi là giáo viên.
Hãy luôn hiếu kỳ và tiếp tục thử nghiệm để tìm ra cách hữu dụng nhất đối với bạn. Thực ra, ngay khi bạn cảm thấy chắc chắn rằng “đây là cách tối ưu nhất”, thì cũng là lúc bạn nên tò mò nhất, vì đó chính là thời điểm bạn dễ tổn thương nhất trước những thay đổi của các trang mạng xã hội.
Những dịch vụ như Tweriod và SocialBro dành cho Twitter, hay LikeAlyzer và Post Planner dành cho Facebook, Tailwind cho Pinterest có thể giúp bạn đo lường tác động của những thông số dễ biến đổi như thời gian, tần suất đăng bài và giới hạn sử dụng đồ họa.
40. Hãy phản đối
Theo quan điểm của chúng tôi, hầu hết hoạt động tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO)1 là vô nghĩa. SEO chẳng qua là tìm cách đọc vị Google rồi đánh lừa hệ thống để Google lọc ra những thứ vớ vẩn. Có đến ba nghìn tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại Google đang nỗ lực để mỗi kết quả tìm kiếm đều thích đáng, còn bạn thì đang cố gắng qua mặt họ. Vậy ai sẽ thắng đây?
1. Viết tắt của search engine optimization.
Đánh lừa Google là chuyện vô ích. Thay vì vậy, bạn hãy để Google làm điều họ giỏi nhất: tìm kiếm những nội dung tuyệt vời. Do đó, hãy phản đối những trò tà thuật mang tên SEO và tập trung sáng tạo, tuyển lọc, chia sẻ những nội dung thú vị. Chúng tôi gọi đó là SMO1, tức tối ưu hóa truyền thông xã hội.
1. Viết tắt của social-media optimization.
41. Hãy ẩn danh
Đây là lời khuyên chúng tôi đã đề cập trong phần trước. Bạn nên xem lại bài đăng của mình qua “cửa sổ ẩn danh” để kiểm tra kỹ xem chúng đập vào mắt mọi người như thế nào.
4
PHẢN HỒI BÌNH LUẬN NHƯ THẾ NÀO?
Đừng nghĩ mọi thứ đều nhắm vào mình. Người khác chẳng làm điều gì vì bạn cả. Những gì họ nói và làm chỉ nhằm phản ánh thực tế và ước mơ của riêng họ mà thôi. Khi đã miễn nhiễm với quan điểm và hành động của người khác, bạn sẽ không còn phải chịu đựng những đau khổ vô nghĩa.
– DON MIGUEL RUIZ,
Tác giả cuốn The Four Agreements:
A Practical Guide To Personal Freedom
(Bốn thỏa ước: Chỉ dẫn để đạt đến tự do cá nhân).
B
ạn sẽ bắt gặp những bình luận sâu sắc, hài hước và khen ngợi cũng như những bình luận ngu dốt, nhỏ nhen và xúc phạm. Các bình luận sẽ thiên về dạng thứ nhất nếu
bạn đăng những nội dung hay, nhưng ai rồi cũng phải đón nhận những bình luận tiêu cực thôi. Nếu bạn muốn sử dụng truyền thông xã hội cho mục đích kinh doanh, hãy xắn tay áo lên và phản hồi cả hai dạng bình luận đó.
Phản hồi bình luận là hình thức tiếp thị trực tiếp đòi hỏi sự chăm chỉ và nỗ lực – vốn chẳng dễ dàng gì. Cụ thể, những bình luận tiêu cực sẽ khiến bạn phải nỗ lực hơn, nhẫn nại hơn và thấu hiểu hơn, và đây không phải điều hiển nhiên đối với hầu hết mọi người. Chương này sẽ giải thích cách biến việc phản hồi bình luận từ nỗi khổ cực thành một phương pháp nuôi dưỡng
sự quan tâm từ độc giả, xây dựng tiếng tăm hay thậm chí để tiêu khiển.
42. Hãy sử dụng đúng công cụ
Bước đầu tiên là tìm ra những bình luận bạn cần giải quyết. Sẽ có hai trường hợp. Thứ nhất là theo dõi bình luận trong các bài đăng của bạn trên Google+, Facebook, LinkedIn, Pinterest và Instagram. Cách này rất dễ vì những trang mạng trên luôn sắp xếp – hay “xâu chuỗi” – từng cuộc thảo luận, vì thế bạn có thể chia sẻ một bài đăng và quay lại xem có ai bình luận hay không.
Thứ hai là theo dõi các bình luận trên Twitter. Trường hợp này khó hơn vì chúng không được liên kết với cùng cấp độ như trên. Bạn cần phải thiết lập một lệnh tìm kiếm cho tên của mình dù có thể chẳng bõ công – ví dụ như @GuyKawasaki – để theo dõi các bình luận và phản hồi đến bạn.
Twitter cũng cung cấp các chức năng tìm kiếm nâng cao để tra cứu bình luận hiệu quả hơn. Ví dụ, dưới đây là một kết quả tìm kiếm đã chỉ ra những nội dung đề cập đến @GuyKawasaki hoặc @Canva nhưng không bao gồm những bài đăng lại các tweet của chúng tôi (các bạn không nhất thiết phải phản hồi các bài đăng lại tweet, và rất may rằng có quá nhiều bài đăng như thế để bạn không thể phản hồi hết dù muốn chăng nữa.)
Mọi người cũng sẽ bình luận về bạn nhưng không liên quan tới bài đăng. Bạn cần theo dõi những bình luận này. Lý tưởng nhất, mọi người sẽ nhắc đến bạn bằng cách thêm ký tự “@” (trên Twitter và Facebook) hoặc “+” (trên Google+) ngay trước tên bạn. Mỗi lần như thế, hệ thống sẽ nhắc nhở bạn thông qua e mail hoặc khi bạn đăng nhập vào trang của mình. Tuy nhiên, hầu hết mọi người lại không chú ý đến chức năng này.
Có rất nhiều dịch vụ theo dõi được các lượt đề cập và bình luận như thế, bao gồm Argyle Social, Commun.it, Google Alerts, Hootsuite, Social Mention, SocialBro, và Sprout Social. Và như
tôi đã nhắc đến trong phần trước, TweetDeck là một ứng dụng tuyệt vời để theo dõi các @đềcập và các cụm từ tìm kiếm.
43. Dùng “Đề cập”, đừng dùng hashtag
Mục đích của một hashtag là để giúp người dùng chia sẻ một chủ đề. Điều này rất khác với một phản hồi. Ví dụ, khi Audi giới thiệu một chiếc xe mới và bạn muốn thảo luận về nó với những tín đồ Audi khác, thì bạn nên sử dụng #Audi.
Nhưng khi bạn bình luận về Audi hoặc muốn gửi bình luận tới Audi, và muốn chắc chắn rằng phía công ty thấy được bình luận đó, thì bạn hãy gõ “@Audi” trên Facebook hoặc Twitter, và “+Audi” trên Google+ (h/t Gary Pageau).
44. Hãy chú ý đến toàn thể độc giả
Độc giả của một phản hồi là toàn bộ những người đọc được phản hồi đó, chứ không chỉ những người bình luận. Điều này khác với e-mail, trong đó chỉ có người nhận và những người được họ chuyển tiếp e-mail mới là đối tượng bạn nên chú trọng.
Trong thế giới truyền thông xã hội, có thể rất nhiều người đang đọc và phán xét những gì bạn viết. Quan điểm của tôi là những người đọc bình luận đó còn quan trọng hơn cả những người bình luận ngay trong bài đăng. Việc đăng bài lên mạng xã hội cũng hệt như một chính trị gia trả lời chất vấn trong một cuộc họp tại tòa thị chính, và bất kỳ chính trị gia thành công nào cũng sẽ nói với bạn rằng mọi thứ luôn có trong biên bản.
45. Cứ xem tất cả là cừu trước khi sói lộ mặt
Cũng như e-mail, ta rất dễ hiểu sai nghĩa của những bình luận trên mạng xã hội vì hình thức ngôn từ của bình luận đó. Những
bình luận bạn cho là phê phán hay công kích có thể chỉ vô hại hay mỉa mai mà thôi. Hoặc cũng có thể bạn đang quá nhạy cảm.
Vì thế, nhìn rõ ngữ cảnh của một bình luận luôn là yêu cầu rất quan trọng.
46. Duy trì sự tích cực
Vì bạn đang trong tầm ngắm của người khác, nên hãy duy trì sự tích cực và thoải mái bất kể các bình luận có nhàm chán, hồ đồ và phiền nhiễu ra sao. Bạn sẽ không bao giờ chệch hướng với một tầm nhìn rộng mở, bởi thắng cả cuộc chiến để chứng tỏ đẳng cấp và giành lấy uy tín trong lòng mọi người luôn quan trọng hơn thắng một cuộc đấu với một kẻ bình luận nào đó. Nhưng cũng xin thú thực rằng đôi lúc chính tôi cũng quên làm theo lời khuyên trên, vì vậy hãy làm theo những gì tôi viết, chứ không phải những gì tôi làm.
47. Chấp nhận sự bất đồng
Nếu bạn không thể suy nghĩ tích cực (tôi cũng từng như thế), thì hãy chấp nhận sự bất đồng. Không phải lúc nào cũng có cách đúng, cách sai và cách tốt nhất. Đời quá ngắn để chúng ta cứ mãi đấu đá lẫn nhau, hơn nữa, hầu hết các trận chiến đều chẳng bõ công. Bên cạnh đó, việc “chấp nhận sự bất đồng” thực sự sẽ khiến những kẻ “phá rối”1 – tức một đám người hung hăng trên mạng luôn kiếm cớ gây hấn như một cách bù đắp cho cuộc sống tầm thường và tâm hồn khiếm khuyết của họ.
1. Nguyên văn: trolls. Trên internet, troll là những kẻ giấu mặt thích khơi mào những cuộc tranh luận không có điểm dừng, nảy lửa và gay gắt nhưng hầu hết là vô ích, bằng cách kích động người dùng quan tâm.
48. Đặt câu hỏi thích hợp
Khi ai đó bày tỏ một quan điểm cực kỳ tiêu cực, hãy hỏi người đó xem liệu đây có phải lần đầu họ gặp phải vấn đề đó hay không. Ví dụ, khi bạn chia sẻ một câu chuyện về hệ điều hành Android và rồi một tín đồ iOS công kích bạn, hãy hỏi xem cậu ta có bao giờ sử dụng hay sở hữu một chiếc điện thoại Android hay chưa. Lợi thế sẽ thuộc về bạn nếu cậu ta trả lời rằng chưa bao giờ dùng đến và chỉ đang lặp lại những gì được kể. Đó là cơ sở để cậu ta “biết” rằng mình đúng và bày tỏ quan điểm.
Trong thế giới truyền thông xã hội, sự quả quyết rất hay đi cùng với sự thiếu hiểu biết, vì thế hãy tập quen dần với điều này! Trên thực tế, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp trong đó một người càng quả quyết bao nhiêu thì lại chứng tỏ anh ta chẳng biết gì bấy nhiêu.
49. Luật ba hiệp
Những tương tác tốt nhất (và tệ nhất) thường diễn ra giữa những người bình luận. Tôi rất thích quan sát những kẻ xa lạ này bắt đầu xây dựng mối quan hệ và thảo luận những bài đăng theo chiều hướng sâu hơn và rất ngẫu hứng (dù vẫn liên quan). Đó là tin tốt. Tin xấu là thi thoảng những nhận xét gia này lại lao vào cãi nhau chí chóe và ném vào nhau những nhận xét độc địa mà họ vốn không bao giờ thốt ra.
Đề xuất của tôi là hãy áp dụng luật của môn quyền Anh nghiệp dư và chỉ tranh luận trong ba hiệp. Trận đấu mở màn khi bạn chia sẻ bài đăng. Hiệp 1: Mọi người bình luận. Hiệp 2: Bạn trả lời. Hiệp 3: Những người bình luận đáp lại phản hồi của bạn. Và trận đấu kết thúc.
50. Xóa, chặn và báo cáo
Nếu như mọi biện pháp đều vô hiệu, thì đừng do dự làm ngơ, xóa (delete), chặn (block) hay báo cáo (report) những kẻ chuyên chọc phá hoặc đăng bài rác. Lương tâm không cho phép bạn dính líu tới những kẻ đó và bạn hầu như chẳng được lợi lộc gì nếu tự hạ thấp bản thân ngang bằng họ.
Tôi chỉ có một nguyên tắc duy nhất: tôi sẽ xóa tất cả những bình luận không phù hợp (xúc phạm, phân biệt chủng tộc hay cố tình đi lạc đề) và đánh dấu những kẻ chọc phá hay đăng tin rác ngay lần đầu chạm mặt mà không hề do dự. Chẳng việc gì phải bận tâm đến miệng lưỡi thế gian.
5
HỢP NHẤT MẠNG XÃ HỘI VÀ BLOG
Những ý tưởng nào lan tỏa sẽ chiến thắng.
– SETH GODIN
C
ách đây vài năm, nhật ký trực tuyến (blog) và truyền thông xã hội là hai khái niệm riêng biệt. Một bài blog thường khá dài, nghiêm túc và rất trau chuốt. Trong khi
đó, một bài đăng trên mạng xã hội thường ở dạng ngắn, mang tính cá nhân và rất tự phát. Một số người dự đoán rằng truyền thông xã hội sẽ thay thế blog bởi mức độ tập trung của chúng ta đang giảm dần.
Tôi đồng ý với quan điểm trên và đã chuyển các bài viết dài của mình từ blog cá nhân sang Google+. Đến năm 2014, Peg đã khai sáng cho tôi về giá trị bền bỉ của blog khi LinkedIn tạo ra chương trình Influencer dành riêng cho những bài đăng dài.
Blog và truyền thông xã hội không chỉ cùng tồn tại hòa hợp mà còn bổ sung cho nhau. Mẹo ở đây là hãy sử dụng một trang blog để làm giàu thêm cho trang mạng xã hội của bạn với những bài viết dài, cũng như sử dụng mạng xã hội để quảng bá blog. Chương này sẽ giải thích cách phối hợp giữa mạng xã hội và blog.
51. Tuyển lọc nội dung của chính mình
Nếu ai đó đang tìm kiếm một nội dung hay ghé qua blog của bạn, thì liệu người đó có chia sẻ những bài viết trên blog của bạn