🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lấy Nhau Vì Tình - Vũ Trọng Phụng Ebooks Nhóm Zalo Lấy Nhau Vì Tình Tác giả: Vũ Trọng Phụng Thể loại: Tiểu Thuyết TPHẦN I - CHƯƠNG 1 hỉnh thoảng, một vài chiếc xe hơi, phần nhiều là hình cánh cam, mở hết tốc lực chạy trên con đường Bờ sông phăng phăng, đi trong thành phố mà như là trên những con đường thiên lý của những nơi đồng quê vắng vẻ. Mỗi khi nghe thấy tiếng còi dài nạt nộ, những chiếc xe tay đi từng hàng đôi một, trên có những cặp vợ chồng hoặc tình nhân người Tây phương, lại phải né tránh vào một bên đường. Trời rất đẹp, vào một buổi chiều mùa thu. Liêm giơ cổ tay lên xem đồng hồ: 6 giờ. Chàng đi đi lại lại trên thêm viện bảo tàng của trường Bác cổ Viễn Đông 1, hưởng cái sung sướng của một thiếu niên đương đợi ở chốn hẹn hò với người yêu, và cũng sốt ruột ghê gớm, những khi thấy đợi đã lâu quá. Chàng tự nhủ: “Tuy nhiên, ta cũng chỉ mới đợi có 15 phút mà thôi”. Chợt dãy đèn bật lên sáng quắc một lượt. Liêm thấy thoáng qua cái hình ảnh một sợi chỉ có ánh sáng bắc ngang lưng chừng trời. Chàng được vui lòng vì nhận thấy cái đồng hồ của mình rất đúng. Đi đi lại lại mãi cũng thấy mỏi chân, chàng bèn ngồi vào bức tường thấp, bên cạnh con kỳ lân bằng đá. Trước mắt chàng là một cái vườn hoa tam giác, rồi đến con đường Bờ sông với cái vẻ bát ngát của một phố rộng, mà bên trái là tòa nhà đồ sộ của Sở Thương chính 2, và bên phải, dãy đê cao lù lù của hữu ngạn Hồng Hà. Liêm đăm đăm trông thẳng phía trước mặt, hồi hộp mỗi khi thấy một chiếc xe cao su trên có một thiếu nữ ngồi mà lại thẳng tiến đến phía mình, rất buồn bực khi thấy chiếc xe ấy chạy thẳng xuống "Bát toa" 3. Bỗng chàng nghĩ ra được cách giết thời giờ: đọc thư của người yêu. Thành thử cái thư ấy lại bị moi trong ví ra, một cái thư mà Liêm đã làm nát nhàu vì đọc đã hàng mấy chục lần. Anh Liêm yêu quý nhất đời của em. Nhận được thư anh, em cảm động lắm, thật là một sự bất ngờ. Vâng, anh đã muốn em trở nên bạn trăm năm của anh, em xin nhận lời. Em còn cần gì hơn nữa? Sự thực, em cũng đã yêu vụng giấu thầm anh trong bao nhiêu lâu! Bây giờ, được anh ngỏ ý ấy ra em sướng quá, thật hả lòng hả dạ. Vậy anh mau mau nói với bề trên thu xếp cho chúng ta. Kính bút QUỲNH Cái thơ ấy tuy vắn tắt song cũng đủ ban được cho Liêm một cái hạnh phúc cực điểm. Thì ra Quỳnh cũng đã yêu vụng giấu thầm chàng trong bao nhiêu lâu! Thế mà Liêm không biết đấy! Xưa kia, Liêm vẫn không dám có tư tưởng chiếm lòng yêu của Quỳnh được một cách dễ dàng đến thế. Chàng vân có ý muốn hỏi Quỳnh làm vợ song vẫn sợ một sự từ chối nó khiến chàng phải bẽ bàng. Quỳnh có một số tiền vốn riêng khá to, một cửa hàng đắt khách, thạo đường buôn bán... Liêm thấy mình không có tư cách “đào mỏ” một tí nào cả. Chàng thấy bằng tú tài triết học với cái địa vị gần như thất nghiệp của mình chưa đủ là những điều kiện để hỏi được một người như Quỳnh, một thiếu nữ đã được một số người tặng cho cái mỹ hiệu là hoa khôi phố Hàng Gai. Liêm vẫn tưởng cái lý tưởng trong óc một hạng phụ nữ như Quỳnh là lấy một người chồng có học thức đã đành, nhưng lại phải có tiền, và có địa vị chắc chắn nữa. Vậy mà, với mảnh bằng tú tài triết học, Liêm chỉ trở thành một giáo sư tầm thường của một trường tư thục tuy đông học trò nhưng cũng đông cả thầy giáo nữa, một nơi tập trung của đủ những thứ văn bằng choáng lộn của những người mà danh tiếng đã to; Liêm kiếm được một chân dạy học mỗi tháng 20 giờ! Nghĩa là mỗi tháng Liêm được ba chục bạc lương, ấy là đã phải len lỏi vận động mãi! Cho nên, mãi đến bây giờ chàng cũng vẫn còn thấy cái sung sướng nguyên lành như vào lần đầu, khi chàng tự nhủ: “À! Ra Quỳnh cũng yêu ta đã lâu!”. Nhưng trò đời cái gì thái quá cũng hóa nhàm, cho dẫu là cái sung sướng. Đến bây giờ, ý nghĩ tự hào ấy sinh ra một tính của lòng người: tính tự ái, Liêm bỗng thấy sự Quỳnh yêu vụng dấu thầm mình chỉ là một sự rất thường mà thôi. Chàng thấy mình to lắm: có học thức, có nhân cách cao, có chức nghiệp, đủ cả! Chàng chép miệng cãi cọ với hạnh phúc sắp tàn trong lòng: “Ừ, thì cũng đến lấy mình là cùng, chứ còn muốn lấy Giời hay sao?”. Liêm lôi ví ra, cất thư vào, bỏ ví vào túi áo. Chàng đứng lên nhìn thẳng phía trước mặt, rất cảm động khi thấy một chiếc xe trên đó có Quỳnh. Chàng vội chạy đến như sửa soạn đón tiếp. Quỳnh trả tiền xe, xuống xe, sợ hãi nom hết phía trước đến phía sau. Liêm sung sướng vô cùng, khi chàng được yên trí rằng người yêu của mình có thể gọi là đẹp lắm. Đẹp lắm, thật thế! Y phục của Quỳnh bữa nay sang trọng một cách đứng đắn, phấn sáp đã kín đáo, trong dáng người, trong giọng nói, lại có một vẻ thanh tao... - Em xin lỗi anh, để anh phải đợi lâu quá. Câu nói ấy, Liêm nghe như một điệu âm nhạc, tiếng Em, tiếng Anh ở cái mồm xinh đẹp ấy có một thế lực cảm người như một danh từ lọc lõi trong câu thơ hay. Liêm không hiểu rằng đó chỉ là vì lần đầu trong đời những chàng được một người đàn bà nói một câu dịu dàng có tình tứ với mình. Chàng tươi cười đỡ lời: - Không, anh cũng chỉ mới phải đợi nửa giờ. Sao lâu thế, em? - À, em đi ra đầu phố, chẳng may gặp một người bạn cũ cứ đứng nói chuyện phiếm mãi, rứt không ra... - Thì sao không đi xe ngay từ nhà có hơn không? Quỳnh nghiêng mình nhìn Liêm, mỉm cười: - Sợ cô em nghe thấy mặc cả xe đi đâu, và sợ phụ xe nó biết nhà mình. - À, à! Kể ra em cũng tinh đấy! - Anh ơi, đi chơi đường nào bây giờ? - Em muốn đi đường nào? Rẽ qua nhà Hát Tây đi về phía trường Cao đẳng hay là đi thẳng xuống gần Lò Lợn, đằng nào cũng được. - Để đi con đường Bờ sông có lẽ vắng người hơn. - Phải đấy. Hai người rẽ về phía hữu. Lúc ấy trời đã tối hẳn. Trên mặt đường vắng vẻ, chỉ thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi đi rất nhanh. Tuy cũng có loáng thoáng khách bộ hành song phần nhiều là dân que, phu phen, hàng rong tan chợ chiều, những người ở một giai cấp khác, không có hại gì đến cuộc tình duyên vụng trộm ấy. Tuy vậy, Quỳnh cũng vờ câm khăn tay lau má để che mặt mỗi khi có người tò mò muốn nhìn mặt nàng. Mà người nào cũng tò mò như người nào! - Anh ạ, nhỡ ai trông thấy thì chết! - Ở đây còn có ai quen thuộc mà sợ! Tuy Liêm đã nói thế, thỉnh thoảng Quỳnh cũng vẫn nhìn lại phía sau lưng. Đến quãng đường vắng lắm, Liêm đi sát vào người Quỳnh. Tay chàng nắm bàn tay người yêu. Chàng thấy bồi hồi một cách lạ, không hiểu sao chỉ mới cầm tay của Quỳnh thôi mà cũng đã sung sướng đến như thế. Chàng lại trông thấy rõ trước mặt cái bàn tay trắng nõn có năm ngón búp măng thuôn thuôn, cái bàn tay chàng đã nhìn kỹ nhiều lần, những khi chàng phải nói chuyện công việc gì nhưng mà vì thẹn nên không dám nhìn hẳn vào mặt Quỳnh. Chàng tự nhủ: “Người đẹp ấy bây giờ ở trong tay ta!”. Rồi chàng hưởng cả cái sự kiêu ngạo của cái ý nghĩ ấy. Có lẽ ngượng ngập, tự nhiên Quỳnh rút tay ra, nhìn lên nói tiếp: - Ồ! Vai anh cao hơn vai em gần một ngón tay! - Cố nhiên! Em mới có hai mươi hai, anh đã hai mươi bảy. Trước khi ra đi Liêm đã tưởng rằng sẽ có thể trút ra ngôn ngữ tất cả bao nhiêu tình cảm và cảm giác mạnh mà chàng đã sống qua từ khi bắt đầu yêu Quỳnh, lúc quả quyết viết thư, nỗi lo sợ ghê gớm trong mấy ngày đợi tin, bao nhiêu hạnh phúc khi được Quỳnh phúc đáp. Liêm đã tưởng dễ thường vài giờ đi đôi với nhau không thể đủ cho chàng nói chuyện ấy, ấy thế mà bây giờ, chàng chẳng biết nói gì cả thì có lạ không? Chỉ nói những câu không đâu vào đâu cả. Nghĩ vậy, Liêm lẳng lặng tìm tòi... Lúc ấy hai người đi đến chỗ có con đường đường rẽ xuống bến tàu thủy. Chợt Liêm hỏi: - Này Quỳnh nhỉ, em yêu anh từ bao giờ? - Từ khi gặp anh lần đầu là em đem lòng yêu ngay! Nghĩa là ngót một năm nay rồi. Ngạc nhiên quá, Liêm dừng hẳn lại: - Thế à! Sao anh không biết? Sao em không lộ một tý gì cả, trong ngót một năm nay? Sao em kín thế? Quỳnh phì cười: - Đàn bà ai lại như đàn ông! - Thế em có biết anh yêu em độ bao nhiêu lâu rồi không? - Độ hai tháng nay là cùng chứ gì! - Ồ! Đúng đấy! Sao em biết rõ thế? - Em biết từ ngày thấy anh có ý ghen với mấy chàng công tử khi anh trông thấy dáng điệu lố bịch của họ, và nghe thấy những lời chọc ghẹo em. Bữa ấy anh buồn bã lắm, chả buồn chuyện trò gì với cô chú em cả. - Đúng lắm, em ý tứ lắm, thông minh lắm. - Này, chết, tò khi anh nhận được thư em, anh cứ đến luôn, như thế lộ lắm đấy! Cô em bắt đầu nghi rồi đấy. Anh không cẩn thận thì hỏng. - Việc quái gì! Mợ ấy là người hiền lành. Vả, biết thì làm gì? Thì chúng ta cũng đến lấy nhau thì thôi chứ sao? - Không được! Anh phải giữ tiếng cho em chứ! Một đằng là cháu cô, một đằng là cháu cậu, không họ hàng gì với nhau cả, mà lại cứ hay nói chuyện với nhau thế, thiên hạ họ nói... Nhất là lúc cô chú em ở trong nhà thì anh lại càng không nên đứng lại ở cửa hàng. Từ nay trở đi, xin anh có ý tứ hơn nữa, chỉ nên nói với em những lúc trước mặt cậu mợ em mà thôi. Liêm phì cười: - Thế thì còn nói được câu gì nữa! - Anh Liêm, bao giờ anh mới thưa chuyện với thầy đẻ...? - Anh muốn nói lót với cậu mợ anh trước đã. Đó là Liêm nói dối. Sự thực, chàng đã tỏ tâm sự mình cho cha mẹ biết đã ba hôm nay rồi. Phụ thân của Liêm, một cụ phán già sắp hưu trí, vốn là người hiền lành, dễ dàng, thế nào cũng xong. Liêm là con trai thứ, vì đỗ tú tài nên càng được cụ quý mến lắm; vì cụ cho rằng người con cả, một người chỉ mở cửa hàng mũ, là tầm thường lắm, không để tiếng thơm cho gia đình như Liêm. Liêm nói xong bố gật đầu liền. Nhưng mẹ Liêm nghĩ khác. Bà mẹ bảo thủ gần như ác nghiệt này, tuy không chê bai gì Quỳnh nhưng mà không bằng lòng mẹ Quỳnh. Vì rằng mẹ Quỳnh, khi ngót bốn mươi tuổi, góa chồng, lại còn đi bước nữa. Cho nên bà mẹ Liêm đã nói: “Con để đẻ nghĩ vài ngày đã. Tuy cô ả thì cũng được cả người lẫn nết đấy, nhưng mẹ cô ấy quả thật không đáng mặt thông gia với nhà ta”. Liêm lúc ấy không bằng lòng lắm, đã toan cãi lại mẹ, những nghĩ rằng dùng lời ngon ngọt thì hơn, nên chàng kiên tâm vài hôm. Thấy mẹ chưa quyết cho mình, chàng cũng chưa dám nói với ông cậu họ mà Quỳnh phải gọi bằng chú. Quỳnh hỏi: - Sao anh không nói ngay đi có hơn không? Hay là nói với cô hơn... “Mợ” lại có vẻ quý mến anh hơn “cậu” nhiều. - Chưa tiện dịp đấy. Để tiện, anh nói ngay. Nếu xem chừng là mợ trả lời là có thể được thì bấy giờ người nhớn sẽ nói chuyện. Hai người lộn bước trở lại. Thỉnh thoảng Quỳnh lại hỏi giờ, làm cho Liêm cứ phải giơ cổ tay lên xem luôn. Chợt thấy phía trước có một cặp trai gái, Quỳnh hoảng hốt nói: - Chết! Có người anh ạ. - Thì mặc người ta chứ sao? Họ làm gì mình đâu, nhất là họ cũng lại là người như mình. Hai người im bặt, Quỳnh đưa khăn lên lau má. Chợt thấy Liêm cũng nhìn chòng chọc, rồi có tiếng chào: - Lạy thầy ạ! - Bonsoir! 4 Quỳnh quay lại nhìn. Cậu con trai độ 18, đi với cô con gái độ 13 mà đã áo tân thời cổ bánh bẻ trông rất đỗi trai lơ. Liêm hỏi người yêu: - Khiếp không? Học trò của anh đấy. Trẻ con bây giờ hư thật. - Chết đỗi! Rồi nó khinh thầy đi thì chết! Liêm đáp bằng một chuỗi cười. Quỳnh nói đùa: - Thôi thì thầy và trò cũng cùng... mất dạy cả! Liêm cãi: - Nó mất dạy chứ anh thì việc gì! Mình đã toan quay đi, nào ngờ nó còn chào để “giương vây” cũng có tình nhân với mình, và bắt mình phải chào lại để nhận cái tội cùng đi với gái mà gặp nó. - Anh có nhìn kỹ con bé không? - Thoáng thôi. Mới độ 14 tuổi ấy chứ gì! Em có nhìn không? - Chỉ độ 13 tuổi thôi. Cũng đẹp tệ. Ghê thật! Quỳnh nói thế mà chẳng biết cái việc mình đương làm cũng đáng gọi là “ghê thật”. Liêm thì cứ nói mãi những chuyện hư hỏng của thiếu niên, chẳng biết mình cũng hư hỏng, cũng là thiếu niên, Quỳnh hỏi lần thứ sáu: - Mấy giờ rồi anh? - Tám giờ kém năm. - Chết, thế thì về chỗ hẹn lúc nãy rồi để em thuê xe về thôi! Tối mai anh đến nhé! Liêm phì cười: - Thế mà lúc nãy em dặn anh ít lai vãng chứ! - Ừ nhỉ! Buổi chiều hôm nay anh đã đến rồi! Em quên. - Quỳnh ơi, em có yêu anh không? - Không yêu, mà lại thế này à? Hai người từ đấy cho đến lúc về cửa Viện Bảo tàng lại nhí nhảnh nói những chuyện trẻ con, những lời ngây ngô, ngớ ngẩn, lẩm cẩm, rồ dại, vô nghĩa lý, hão huyền, lố bịch, những chuyện, tóm lại một câu, mà nếu có một người thứ ba thì không thể nào người ấy cho là nghe lọt tai được. Chú thích 1.Bây giờ là Viện Bảo tàng Lịch sử. 2.Nay là Viện Bảo tàng Cách mạng. 3.Lò lợn, gọi theo tiếng Pháp. 4.Chào buổi chiều, tiếng Pháp. TCHƯƠNG 2 ối hôm sau, Quỳnh ngồi uể oải với tờ nhật báo, mắt vẫn lần lượt đưa trên những dòng chữ đen, song trí vẫn để vào đâu đâu, vẫn đọc nhưng không biết tin tức trong nước có những gì. Lúc ấy, bà phán Hòa cũng ngồi ghế cạnh nàng đương vá một cái áo. Thỉnh thoảng bà ngừng tay, ngửa cổ lên, bưng miệng ngáp dài, than vãn: - Chết, chết! Hàng ế đến thế này thì chết! Quỳnh cũng nhìn cô nói: - Cuối tháng, cô chả nên lấy làm lạ. Rồi, qua cái tủ kính, nàng nhìn ra ngoài phố. Thỉnh thoảng mới có một vài khách qua đường dừng chân trước tủ kính, trố mắt ngắm nghía những hàng hóa, mũi để gần miếng kính đến nỗi hơi thở bốc ra làm thành một vòng trắng mờ, đứng xích ra chỗ khác, lại làm mờ một mảng kính ở chỗ khác nữa, rồi quay gót lững thững đi. Quỳnh nghiệm rằng trong mười người dừng lại xem, có đến tám người vô ý như thế, và cũng bỏ đi một cách suông tình như thế, nếu họ không nhìn vào mặt nàng một cách trâng tráo không biết ngượng là gì nữa, và khiến nàng cứ phải cắm mặt xuống tờ báo, lặng lờ như không biết có ai nhìn mình. Những lúc như thế, Quỳnh lại đỏ mặt lên vì kiêu ngạo và sung sướng, cái sung sướng của những gái đẹp biết rằng trong thiên hạ đã có người gọi mình là hoa khôi. Nàng lại tự nhủ: “Phải, như ta mà được Liêm yêu là đích đáng lắm”. Ông phán Hòa cùng cậu Phúc lúc ấy ung dung từ nhà trong bước ra. Tối hôm nay ngoài bộ Âu phục vải vàng của một cậu học sinh 12 tuổi, cậu Phúc lại có cái đầu chải bóng mượt, rõ ra vẻ đi đâu, có việc gì long trọng lắm. Ông phán nói: - Mợ ở nhà, chị Quỳnh ở nhà. Bà phán ngẩng lên hỏi: - Hai bố con đi đâu thế? - Đi xem chớp bóng. Đêm nay bảo thằng nhỏ nó chờ cửa tôi. Mợ nhớ đừng khóa. Quỳnh nhìn đứa em họ tươi cười một cách ranh mãnh: - Gớm, Phúc hôm nay trông công tử quá nhỉ? Cậu Phúc bĩu môi: - Chị thì chỉ được cái bộ chế người là không ai bằng! Người chú và đứa em đi khỏi rồi, Quỳnh cũng bỏ tờ báo, ra đứng bậu cửa nhìn theo. Óc nàng lúc ấy hình dung ngay ra một cảnh hạnh phúc gia đình như cô và chú nàng. Mai sau, Liêm cũng dắt con đi tìm một cuộc giải trí thanh tao như thế, để cho nàng cũng ở nhà làm những việc tề gia nội trợ như cô nàng, cho nó ra vẻ là một người vợ tốt và hơi cổ một chút. Nàng thấy rằng hạnh phúc êm đềm là một điều rất dễ kiếm, nhất là khi người ta đã yêu và được yêu. Như cô và chú nàng, đó là một cặp vợ chồng gương mẫu. Người chồng ngoài cái phận sự một ngay hai buổi đi làm, về nhà chỉ đọc báo đọc sách để chờ đến chiều thứ Bảy thì dắt con đi xem một cuốn phim. Người vợ chỉ biết trông nom gia đình cho êm ấm thôi chứ không hề cờ bạc cũng như không hề đồng bóng. Đối với nhau hai người vẫn giữ đúng câu “tương kính như tân” và được hưởng hạnh phúc lắm, bởi lẽ rất bằng lòng cuộc đời. Nghĩ thế, Quỳnh lại tự nhủ: “Ta và Liêm tất nhiên ít nhất cũng phải trở nên một cặp vợ chồng như thế chứ không thể kém được! Liêm có bằng tú tài, vậy có rất nhiều hy vọng về một việc làm chắc chắn và thảnh thơi. Ta chẳng ước mong ô-tô nhà lầu làm gì, miễn là lúc nào cũng được đủ ăn và có tiền thết bạn hữu của chồng những bữa tiệc trông được. Ta cũng chẳng cần nhiều con mà làm gì: đẻ nhiều vừa khổ thân mình vừa không đủ sức nuôi con và dạy dỗ chúng cho nên người hẳn hoi; vậy thì chỉ cần một trai một gái cho nó có dâu, có rể. Ta sẽ hết lòng yêu quý Liêm cho ra một người vợ hiền, chứ chẳng cần phải như các bà tân thời bây giờ, không được nay mốt này, mai mốt khác, nay chợ phiên, mai khiêu vũ, nay Tam Đảo, mai Sầm Son thì không xong. Không, ta cam tâm làm người đàn bà cổ hủ cũng được! Chẳng cần đòi bình quyền giải phóng, vì hạnh phúc quả thực không phải ở những điều ấy. Ta cứ việc buôn bán để giúp đỡ chồng và chỉ làm những điều gì không trái ý chồng mà thôi. Thế rồi thì... yêu nhau, mãi mãi, mãi cho đến lúc bạc đầu!”. Quỳnh thấy sung sướng ở câu thầm nhắc: “Cho đến lúc bạc đầu, thật thế!”. Ái tình đã làm cho cô gái ngây thơ ấy suy tính về tương lai như một người đứng tuổi rồi. Óc Quỳnh không phải là một óc lãng mạn, cho nên sự mơ mộng của nàng, bảo là tầm thường cũng được, mà khen là bình dị cũng vẫn có lý. Nói cho đúng, Quỳnh tuy không còn là một cô gái hủ lậu hoàn toàn, nhưng cũng không có những tư tưởng cấp tiến đến bậc tương phản với cái luân lý cũ. Nàng chính là người trung dung, và chỉ phải lẽ ở sự dung hòa cái mới với cái cũ. Cho nên nàng vẫn yên trí rằng mình là người ngoan ngoãn mặc dầu sau khi đã hẹn hò với Liêm, lẻn nhà đi chơi với Liêm, làm cái việc mà nền luân lý nghiệt ngã kết án là hư hỏng, vì đã “đi với trai”. Không, dẫu sao Quỳnh cũng phải yêu, phải nếm trải cái gì là ái tình, miễn cái ái tình ấy nàng vẫn giữ được sự trong sạch và dắt đến hôn sự. Nàng cho rằng giá có lăng nhăng “nay thằng này mai thằng khác” như một số chị em bạn của nàng, ấy đó mới là hư hỏng. Nàng cho rằng người con gái phải được có quyền yêu, trước khi lấy. Do ý nghĩ ấy Quỳnh không hiểu vì những lẽ bí mật gì mà cô với chú nàng, chỉ là “chồng cha vợ mẹ” thôi, mà lại được hưởng hạnh phúc như thế, và không thể được sung sướng như thế. Quỳnh nhìn lên đầu phố lại nhìn xuống cuối phố. Nàng muốn Liêm đến chơi lắm, tuy rằng nàng đã dặn Liêm không nên lui tới nhiều quá e lộ mất chuyện. Nàng tự hỏi rằng “Lúc này Liêm làm gì, bận gì mà lại không đến ngay!”. Quỳnh lại bắt đầu giận nữa, cho rằng đối với mình mà chưa chi Liêm đã lãnh đạm như thế thì thật không thể tha thứ được! Mới cách nhau có một ngày mà sao nàng thấy hình như đã lâu lắm, lâu quá đi mất! Nàng rất cần gặp mặt người yêu. Đó là ái tình, thứ ái tình rất nồng nàn của buổi đầu, của một người thiếu nữ giàu tình cảm, với tất cả những sự ỏe họe của thứ ái tình ấy trong cái thời kỳ mà những người tùng trải gọi là “phải lòng mặt”. Xưa kia, khi còn ở lúc yêu vụng dấu thầm Liêm, nàng đã đau khổ lắm, tưởng chừng như được Liêm ngỏ ý yêu mình, nàng mãn nguyện lắm và sẽ không bao giờ dám giận Liêm, dẫu là Liêm làm một việc gì đáng giận hết sức nữa. Nhưng bây giờ, trái hẳn lại, Quỳnh thấy mình mà giận người yêu là cái quyền rất chính đáng nữa. “Thật thế, nếu yêu ta, Liêm lại bẵng đi như thế à? Yêu thế à!”. Giữa lúc bồn chồn bâng khuâng, nóng ruột ấy, Quỳnh không còn cách gì khác là quay vào với tờ nhật báo. Nàng thấy rằng nếu cứ đứng mãi ở bậu cửa, thiên hạ sẽ bảo nàng là “ngóng trai”. Có tật giật mình, từ khi được Liêm yêu, thỉnh thoảng nàng lại lo sợ vu vơ, tưởng chừng như cuộc tình duyên vụng trộm kia dễ đã lộ chuyện. Đến lần này, giở tờ báo nàng để ý đến cái phụ trương về văn chương. Trang giấy có bài phê bình một cuốn tiểu thuyết, một bài truyện ngắn, vô số bài thơ, thơ mới, thơ cũ, thơ dịch. Quỳnh đọc một bài mà người ta nhũn nhặn để dưới cái mục văn vần. Đó là một bài phong dao, của một cô thôn nữ vô danh. Một cô gái nhà quê? Lại không thèm ký tên? Chà! Sao mà thời buổi này lại có người nhũn nhặn đến thế nữa! Quỳnh sốt sắng đọc: I Lá này gọi lá xoan đào Tương tư gọi nó thế nào hỡi anh! Lá khoai em nghĩ lá sen Bóng giăng em nghĩ bóng đèn em khêu II Làm quen mà chả nên quen, Làm bạn mất bạn ai đền công cho? Bây giờ tờ ấp lấy mo, Mo ấp lấy bẹ mà mo chả rời! Bây giờ... tờ rã mo rơi, Đôi ta chểnh mảng, mỗi người mỗi phương! Quỳnh ngừng đọc để hưởng cái thú vị của những câu văn mộc mạc ấy, thấy nó tự nhiên biết bao, hay biết bao? Một cô gái quê mà có tài đến thế? “Thôi đi! Chắc lại ông văn sĩ nào tinh quái đội lốt gái quê đấy chứ gì!”. Nàng lại đọc tiếp: III Khăn thương nhớ ai? Khăn rơi xuống đất? Khăn thương nhớ ai? Khăn vắt trên vai? Khăn thương nhớ ai? Khăn chùi nước mắt, Đèn thương nhớ ai? Mà đèn không tắt? Mắt thương nhớ ai? Mắt ngủ không yên! Đêm qua em những lo phiền. Lo vì một nỗi chưa yên một bề. IV Làm quen mà chả nên quen, Một thương, hai nhớ, ba sầu, Cơm ăn chẳng được - ăn trầu ngậm hơi, Thương chàng lắm lắm, chàng ơi! Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than! Đương đọc, Quỳnh bỗng phải dừng lại để tay áp ngực. Quả tim nàng lúc ấy đập rộn rã vì một luồng cảm giác mạnh vừa chạy qua tâm hồn. Nàng vội tìm tòi căn nguyên sự xúc động ấy, và thấy ngay rằng đó là vì cái câu: Yêu chàng lắm lắm, chàng ơi! Thật thế, câu thơ ấy có một vẻ mộc mạc đặc biệt, nếu không là người gái quê thật thì không ai nghĩ nổi. Nhất là hai chữ lắm lắm ấy mới đúng chỗ của nó làm sao! Nàng thấy ngụ trong hai tiếng ấy một mối tình thiết tha vô cùng! Thật vậy, văn chương không cứ phải cầu kỳ mới cảm được người đọc... Một cái ý muốn về tò mò rất mãnh liệt khiến Quỳnh nghĩ đến cô gái quê tác giả bài phong dao ấy, tưởng chừng biết mặt người thôn nữ ấy để kết bạn thì hân hạnh cho nàng biết chùng nào! Nàng thấy rằng chỉ câu ấy cũng đủ tả rõ cái ái tình nồng nàn của nàng đối với Liêm... Quỳnh tưởng chừng như lúc ấy có người yêu ngồi bên cạnh để cho nàng quàng tay lên vai mà khẽ ngâm: Yêu chàng lắm lắm, chàng ơi! Nàng lim dim con mắt, trí não đặt cả vào sức nặng của tưởng tượng... - Ô kìa, chị lên chơi... Lời rộ của bà phán Hòa khiến Quỳnh giật mình hoảng hốt như trước một sự gì đáng kinh hãi. Đó là mẹ nàng? Phải, mẹ nàng, người mà bây giờ thiên hạ gọi là bà tham Bích. - A! Me có việc gì mà lên tối thế? Quỳnh bỏ mặc những câu phong dao với những cái thi vị của nó, lúc ấy chỉ còn biết mừng như một cô gái chỉ còn có một người mẹ là thân yêu nhất đời mà đã mấy tháng nay mới được gặp mặt. Nhưng mẹ nàng chỉ gật đầu một cái và giở ra đổi một đồng hào: - Con đổi cho mẹ trả tiền xe. Sẵn tiền lẻ trong túi, Quỳnh ra đưa cho người xe, và lễ mễ xách từ thềm vào nhà một cái bồ khá nặng. Bà phán Hòa cũng bỏ kim chỉ đấy, gọi với vào trong: - Thằng nhỏ đâu, ra đứng trông hàng cho tao đây! Khi Quỳnh đem được cái bồ vào hẳn nhà trong rồi, mẹ nàng lại đưa đồng hào ra mà rằng: - Thôi đây, cho cô cả chỗ lẻ. Quỳnh bật cười, kêu: - Gớm, me làm như con hãy còn trẻ con lắm ấy! Tuy nhiên nàng cũng bỏ túi hào bạc một cách dễ dãi. Mẹ nàng hỏi người em chồng cũ: - Chú ấy đâu, Phúc nó đâu, hở cô? - Ấy hai bố con vừa dắt nhau đi xem chớp bóng xong. Sao chuyến này chị về khuya thế? Tàu tối phỏng? Có việc gì không? Ở đây lâu vào nhé? Bà tham Bích vỗ tay vào trán uể oải: - Lâu lâu thì cũng ở được độ hai ngày là cùng. Ở dưới có giỗ; tôi phải mua đồ về nấu đấy. Nhân thể chồng một bát họ cho người ta nữa. Thế nào, nhà yên cả? Hàng họ dạo này có khá không? - Ế lắm! Nhà thì vẫn vô sự. Chị xơi cơm chiều chưa? Để bảo... - Thôi, tôi ăn rồi. Bảo nó cho tôi chậu nước rửa mặt, đi tàu nhọc quá, tôi chỉ muốn nằm nghỉ một lát... Đứa đầy tớ mắc đứng trông hàng, Quỳnh phải tự mình đi lấy nước và khăn mặt cho mẹ. Khi bà tham đã nằm nghiêng trên cái sập gụ rồi, bà cũng không nghỉ cho khỏi mệt. Bà bắt đầu nói đủ các chuyện, về gia đình, về buôn bán, về tiền họ, về những công việc của nhà chồng ở thành Nam. Bà tuyệt nhiên không có một lời yêu quý nào với cô con gái. Lần đầu trong đời, Quỳnh thấy rằng mẹ nàng đối với nàng chỉ còn là một người lạ, hay là một người họ đã xa. Bao nhiêu cái tình mẫu tử mà một người mẹ có thể có được, bà chỉ để dành cho những đứa con của ông tham Bích, những đứa đối với Quỳnh là em khác cha cùng mẹ. Quỳnh thấy mình đau khổ lắm, và ngạc nhiên rằng sao mãi đến bây giờ mình mới biết cái đau khổ ấy. Ngay lúc ấy, Quỳnh muốn đi tìm ngay Liêm để gục đầu vào ngực người yêu, để nói cho hả về cái nôi có một người mẹ đi cải giá và chẳng còn có cảm tình gì với mình. Thốt nhiên, nàng thấy rằng việc đi bước nữa của mẹ là một cử chỉ đáng chê, nàng nghĩ đến bố, người bô đã mất từ lâu, và chỉ còn để lại trong trí nhớ nàng một cái hình ảnh mập mờ mà nàng trẻ thơ đã thâu nhận được vào giữa lúc chưa có trí khôn. Do thế nàng thấy giữa những cách cư xử giữa cô nàng đối với mẹ nàng, hình như là giả dối, và như vậy là rất phải. Bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng, thật thế! Lấy anh người ta, rồi khi anh người ta chết lại đi lấy người khác, như vậy còn đáng cho người ta quý hóa nữa không? Thốt nhiên Quỳnh thấy yêu cô hơn mẹ, và nàng lại cho rằng sự vồ vập của cô mà lại không giả dối thì cô cho rằng chỉ là một người ngu! “Cô cũng như cha!”. Quỳnh lầm bầm thế mà không hiểu ra rằng chỉ vì bấy giờ nàng đã có người yêu nên mới xét thái độ của mẹ mình, mới so sánh những cử chỉ của mẹ với người yêu, và thốt nhiên ghét mẹ chỉ vì vậy. Tiếng giày mạnh bạo khua bên ngoài. Nàng quay ra nhìn dễ cảm động, vì đó là Liêm? Chàng vào, kính cẩn chào bà mẹ của người yêu, và hỏi người mợ: - Cậu cháu không có nhà ư, hở mợ? Ba tham Bích hỏi ra: - Thế nào, cậu Tú? Hai cụ có được bình yên không? - Cám ơn bà lắm ạ, thầy đẻ cháu nhờ giời vẫn mạnh. - Mời cậu ngồi chơi xơi nước. - Bẩm vâng, bà để mặc cháu. Quỳnh ra ngay cửa hàng, kiếm cớ đuổi đứa ở vào trong nhà. Nàng bỗng thấy vui sướng ở chỗ người yêu có ý rất kính trọng người mẹ mà nàng đương ghét. Nghe thấy Liêm xưng “cháu”, nàng nghĩ thầm: “Xưng con chứ lại xưng cháu?”. Thấy mặt người yêu, nàng quên bẵng ngay nỗi buồn riêng. Và thấy rằng nếu mẹ nàng lại vẫn yêu nàng, hay là ở vậy thờ chồng nuôi con, thì té ra nàng sung sướng hoàn toàn cả mọi đường mất rồi? Phải, ở đời này làm gì có ai được đủ mọi đường sung sướng; âu là nàng thà khổ về nỗi ấy mà để được yên về những điều khác. Không thấy người cậu, đây kia Liêm đã quay ra... Quỳnh biết rằng lần này có mặt mẹ mình người yêu cũng hơi ngượng. Liêm khẽ nói: - Thôi để anh về vậy thôi. Quỳnh cũng khẽ đáp: - Vâng, anh về. Này, me em ở đây vài hôm, nếu anh làm thế nào để me em biết ngay ý muốn của chúng ta thì hay lắm. - Để anh liệu... Liêm lại quay vào chào hai người đàn bà. Lúc ra đi chàng không dám chào Quỳnh. Nàng thở dài, rất lấy làm áy náy cho người yêu, và bắt đầu buồn bã về chỗ mẹ mình không ở vậy... RCHƯƠNG 3 a đến ngoài phố, Liêm đi thất thểu như kẻ vô hồn. Chàng không trông thấy gì cả. Phố xá đông người và xe như vào những ngày hội. Nhưng tai chàng đương ù, mắt chàng đương quáng, trí não chàng đã không còn sự thông minh. Chàng đi giữa cái tấp nập của Hà Thành vào một buổi chiều thứ bảy cũng như đang đi trong một giấc mộng mà những sự vật quanh mình hiện ra rồi lại mờ đi như những cái ảo ảnh. Từ phố cửa Đông, Liêm cứ việc tiến thẳng, tuy chẳng biết mình đi đâu. Đến phố Richaud, nhờ có hai rặng cây che bớt ánh sáng của những đèn điện, nhờ sự thưa vắng của một phố Tây, chàng mới bắt đầu tỉnh táo, và tìm thấy cái trí não đã lạc mất trong một lúc. Ở nhà vừa rồi đã xảy ra một tấn kịch chưa bao giờ thấy có. Chỉ vì việc Quỳnh, Liêm đã nằn nì với mẹ, và yêu cầu mẹ nhân cơ hội có bà tham Bích tại Hà Nội, thì nên đi nói ngay... Bà mẹ vì là người cổ, nên không hiểu rằng vào thời buổi này thì cần phải để cho thiếu niên có quyền tự ý kén chọn bạn trăm năm và lập gia đình, nên đã lưỡng lự. Có hai nguyên nhân là vì mẹ Quỳnh đã đi lấy chồng khác, hai là vì Quỳnh đã có tiếng là có nhiều vốn riêng. Bà mẹ sợ rằng chửa dò la ý tứ mà đã hỏi ngay, nếu thất bại thì sẽ bẽ bàng lắm. Vả lại dẫu hỏi mà được ngay nữa, bà cũng chẳng thích gì cho lắm, bà chẳng muốn con mình mang tiếng “đào mỏ”. Do thế, ông cụ phải bênh con trai bằng cách bác bỏ những lý luận của vợ. Hai người đã tiếng bấc tiếng chì cùng nhau. Và cụ phán ông đã chít khăn đi chơi một cách giận dữ. Thấy bố bênh, được thể, Liêm cũng đem hết quyền của một người con trai để buộc mẹ phải theo ý mình. Chàng đã nói: “Thưa mẹ, con năm nay đã hai mươi bảy tuổi đầu rồi. Về đường ăn học thì, một người như con, thế không phải là để nhục cho bố mẹ. về phần tư đức, con tưởng con cũng là người con ngoan, thật chưa hề làm gì cho bố mẹ phải phiền não. Vậy mà con chỉ đợi cái quyền rất chính đáng của con là tự ý kén chọn lấy vợ, nó là việc hệ trọng cho cả đời con, và chỉ quan hệ cho con mà thôi. Nếu đến cái việc ấy mà cũng không được nữa; mà con phải thất vọng, thì mẹ đừng lấy làm lạ rằng con sẽ đâm ra hư thân, chơi bời, suy đốn... Thật thế đấy, con không nói dọa mẹ đâu!”. Nói xong, Liêm đi liền. Cái kiêu ngạo, cái tự phụ, xưa kia kín đáo, nay chàng đã nói ra miệng cả. Đó là một sự phản động mãnh liệt của một người con đem ra đối phó với những quyền hành của một bà mẹ không thức thời, nó làm chính Liêm cũng phải ngạc nhiên. Chàng không ngờ rằng mình lại cả gan quyết liệt đến như thế với mẹ. Nhưng nếu không thế thì không xong? Liêm đã trông thấy ngày Quỳnh thổ máu mà chết như Tố Tâm nếu chàng sẽ cúi đầu trước những lễ giáo với gia đình một cách nhu nhược như Đạm Thủy, một người vô lý. Dần dần, tự cái ngờ ngợ không hiểu rằng mình là đứa con bất hiếu hay một thiếu niên có nghị lực, Liêm đi đến cái tâm trạng được yên trí rằng mình chỉ còn là người làm theo đúng lẽ phải trong cuộc chiến đấu lấy cái hạnh phúc cá nhân. Chàng lại nhiễm phải ít nhiều tư tưởng... quá khích bằng cách chủ trương rằng phàm con người ta ở đời, muốn chinh phục lấy điều gì, thì phải chiến đấu, phải ngang ngạnh một chút, chứ kêu xin như một kẻ ăn mày thì chẳng bao giờ được toại chí. Vậy, Liêm phải làm gì bây giờ? Phải tỏ rằng mình đã phẫn uất đến nỗi liều lĩnh để dọa nạt bà mẹ. Người mẹ nào mà lại không nhu nhược, trước cái liều đời của một đứa con? Nghĩa là Liêm phải đi chơi cả đêm? Đi hát, đi khiêu vũ, đi hút thuốc phiện, đi tìm cái tình dục ô trọc với bọn kỹ nữ, cái gì cũng được cả, miễn là đi suốt đêm. Để bà phải hoảng hồn, khi thấy đứa con vì thất vọng mà đổ đốn. - Ừ, vốn biết thế, nhưng ta đi đâu? Và đi với ai bây giờ? Thật thế, đó là sự khó giải quyết. Ngót ba chục tuổi đầu rồi, Liêm cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ. Chàng chưa hề biết cái gì là chơi bời. Đó là một thiếu niên ít có, ở giữa Hà Thành mà vẫn ngây thơ, nếu ta không muốn nói là nhà quê. Hư thân đi chơi đêm, đó chẳng phải là việc dễ dàng như chàng vẫn tưởng. Hai tay đút túi quần, đầu hơi cúi, Liêm cứ ung dung đi như đếm từng bước, như một triết nhân đang suy nghĩ về một vấn đề thuộc hình nhi thượng học 1. Bỗng tầm mắt chàng dắt tới một chiếc xe hơi nhỏ, sơn màu trắng, đỗ ngay ở vỉa hè. Chàng còn ngờ ngợ thấy rằng chiếc xe này hình như của một người nào quen thuộc, thì vừa chợt sau lưng đã thấy có người gọi: - Tiens! Mon Petit Chose! 2 Đó là Cử Tân, một bạn đồng nghiệp. Liêm quay lại... Cử Tân lúc ấy mặc sơ-mi và quần đùi, đứng trước cổng sắt, có một mẩu thuốc lá lập lòe ở miệng. Sau khi bắt tay nhau, Cử Tân đẩy cửa ý bảo Liêm vào nhà mình. - Ơ kìa! Tôi tưởng không phải nhà anh ở phố này. - Tao mới dọn lại đây có năm hôm. - Xe anh để thế này, chắc anh định sắp đi đâu...? - Không! Vả lại có định sắp đi đâu thì hoãn lại cũng không sao. Đáp xong, Cử Tân vỗ vai Liêm, đẩy vào nhà, lên gác bằng mười cái bậc xi-măng mà trên là một giàn nho. Cử Tân vốn là một giáo sư của nhà nước, đỗ đạt từ khi cái bằng cử nhân còn là một vật hiếm có, cho nên không mấy ai là không biết tiếng. Lương anh đã trên ba trăm bạc ngay từ lúc tuổi anh ta chưa ngoài ba mươi. Không ai hiểu vì lẽ gì Cử Tân xin thôi trường nhà nước để dạy học tư. Người ta chỉ biết rằng đó là một anh chàng có cái học thức rất uyên bác, đã lấy vợ đầm, và do thế, bị cái xã hội thượng lưu Việt Nam coi là đồ vô tích sự cho nòi giống. Từ khi góa vợ, Cử Tân sống như một kẻ cô độc, giết cái buồn ở những nhà khiêu vũ hay ở xóm Khâm Thiên. Đó là một người có học thức và ăn chơi rất bậy bạ. Vốn đã sẵn có một thành kiến, một mối ác cảm không nguyên cớ, xưa nay, gặp Cử Tân ở trường, Liêm chỉ bắt tay chào hỏi qua loa thôi. Nói đúng ra, thấy một người cao tuổi sống một cuộc đời khác mình, thoạt đầu Liêm đã e sợ, coi mình không đủ tư cách giao thiệp với hạng người ấy. Cho nên bao giờ đối với Liêm, Tân cũng vồ vập, cũng xưng mày, tao, mà Liêm thì vẫn phải giữ thái độ dè dặt, hơi lãnh đạm. Tân hay vỗ vai Liêm mà gọi chàng là “mon Petit Chose...”. Thoạt đầu, Liêm bất bình về cách gọi thân mật ấy lắm, nhưng sau, thấy cái vẻ mặt mình có sự ngây thơ, hiền lành, đứng đắn nên Liêm lại hóa ra hơi thích chí nữa. Tuy vậy, chàng cũng chẳng tìm đến nhà Cử Tân bao giờ. Trước mặt chàng đó là một người bất cần dư luận, có học thức nhưng chỉ làm xấu lây bọn học thức mà thôi. Liêm rất ghét những kẻ vong bản. Cử Tân, trước mắt chàng, lại chính là kẻ giữ chức vô địch về môn vong bản. Đối với hạng ấy, chàng đã sẵn có lối lịch sự: Kính nhi viễn chi. Bữa nay thấy Cử Tân có vẻ tốt với mình, Liêm nghĩ thầm: “Ừ thì ta thử gần gũi anh chàng này xem sao! Có lẽ đó là một người tốt nữa cũng chưa biết chừng! Sự gì mình chửa rõ thì mình không nên có thành kiến, e sẽ là nô lệ của thiên hạ, của cái dư luận thường là thiên lệch và không có giá trị gì cả”. Nghĩ vậy, chàng cứ đổ cho người bạn già đẩy mình đi đâu thì đi. Vào đến phòng khách, Cử Tân bấm chuông gọi bồi, sai mở rượu bia thết người bạn trẻ. Liêm nhận thấy cách bày trí cái phòng tối tân ấy có một vẻ lịch sự rất kín đáo, rất lọc lõi, thật là cách ăn ở của người trí thức. Chàng hỏi: - Anh ở đây có một mình thôi à? Cử Tân so vai đáp bằng tiếng Pháp: - Tao bồ côi cả bố lẫn mẹ, góa vợ, không có anh em, không có con, tất nhiên là tao chỉ ở đây có một mình. Một lát lại tiếp: .... Liêm gật gù rồi phê bình: - Anh thế mà là người sung sướng nhất đời đấy. Cử Tân xoa tay ngăn: - Mày còn trẻ tuổi, tao coi mày như đứa em tao, nên tao không nói. Nếu mày có từng trải hơn nữa, thì tao sẽ nói rằng: “Trước mặt mày bây giờ đây, cái thằng đương nói với mày đây, chỉ là một đứa khổ sở nhất đời!”. - Sao lại có thể như thế được? - Ồ! Mày đã hiểu sao được mà tao nói! Đáp xong, Cử Tân nhấc cốc bia khổng lồ lên, ngửa cổ nốc có một hơi mà cạn hẳn. Liêm rùng mình tưởng chừng trước mặt chàng, đó là một người say rượu, hung hăng, sắp gây sự đánh nhau. Có lẽ sợ người bạn trẻ mếch lòng, Cử Tân lại tiếp: - Không! Rồi tao cũng sẽ nói cho mày hiểu, nhưng mà phải lúc nào rỗi rãi, có rảnh việc mới được. Liêm cúi đầu không đáp. Chàng nghĩ thầm: “Cái thằng cha này thế mà cũng hay hay. Vị tất nó đã khinh người hay đểu giả như mình vẫn tưởng. Dễ thường nó lại là người tốt, cao thượng, khổ sở nữa cũng chưa biết chừng”. - À, tại sao anh lại bỏ việc nhà nước thế nhỉ? -... Dạy tư thế này, kiếm được hơn là lĩnh lương nhà nước. - Sao vậy? - Vì tao có một phần ba cổ phần ở trường. Câu ấy khiến Liêm nghĩ ngợi lắm. Thì ra cái người mà chàng rất ác cảm ấy, lại có thế lực đến như thế! Như vậy thì chàng phải gây thiện cảm cho mau đi thôi. Ồ! Nếu chàng biết trước thì hẳn không phải khó nhọc trong sự vận động chân dạy học như thế. Liêm bỗng hóa hối hận về cái óc sẵn thành kiến, và lập tức có một thái độ với Cử Tân. - Tôi ngồi đây lâu có phiền gì anh không? - Phiền tao à? Trái lại! Tuy hôm nay tao có hẹn với một con gà mái 3 nhưng mà chẳng hiểu nó có đến không? Được, mày hãy cứ ở chơi. Nếu mày có thể ở đây cả đêm được hay không thì để tao liệu... cho bõ! Liêm gật đầu ngay: - Anh muốn thế thì rất hân hạnh cho tôi rồi còn gì! Cử Tân đưa tay ra bắt tay Liêm như một người Tây phương trong lúc cần phải bày tỏ một tình cảm. Liêm nghiệm ra rằng đó là người chẳng còn gì cốt cách Việt Nam. Tây đặc! Chàng lại thấy rằng từ lúc biết thế lực trong trường của Cử Tân, cái vong bản của người ấy không khiến chàng bất bình nữa. Cử Tân đưa Liêm sang phòng bên cạnh. Lại một cảnh bài trí lạ mắt nữa: Những cái ghế dài, ghế tròn, lùn tịt, những đèn điện tối tân đục vào tường, những gối thêu, những thứ đồ chơi... Giữa một cái sập sơn son thếp vàng là một khay đèn phù dung đáng giá mấy trăm bạc. Liêm thấy rợn tóc gáy khi trông thấy một cái đầu lâu, hai con mắt sâu hoắm, hai hàm răng nhe ra như đương cười, để ở đầu giường, hầu như một cách biểu tượng về cái ý nghĩa: nghiện thuốc phiện là chết. Cử Tân nói: - Tao đãi mày là bạn thân thì mày không được bậy bạ với ai cũng cổ động rằng tao nghiện đấy nhé! Tao không sợ thiên hạ biết tao nghiện, nhưng tao ghét những đứa cứ nhắm mắt công kích thuốc phiện trong khi chưa được hiểu thuốc phiện là cái gì? Hai người nằm dài bên bàn đèn, lưng trên da hổ, đầu vào đầu hổ, đúc bằng thạch bạch. Cử Tân bấm chuông điện, một tên người nhà chạy ngay lên. - Mày đẩy cái xe vào rồi đi mua cho tao cân nho đây. Trong khi Cử Tân nằm trên, Liêm qườ tay lên đầu vớ những cuốn sách bìa da, chữ vàng. Đó là những sách khảo cứu về tâm lý học, về triết học, hay là, nếu là tiểu thuyết, thì cũng tiểu thuyết của những tay như Proust, Ner, Barrès, Wells, những tác giả “đọc vỡ đầu” cả. Chàng thấy rằng chủ nhân cái bàn đèn, cái phòng gaconnière 4 này chính là một kẻ bậy bạ thượng lưu. Điếu thuốc phiện giơ vào miệng, Liêm phải hút ngay, vì chàng rất sợ Cử Tân coi mình là trẻ con. Hút xong, chàng mới thấy rằng cái hương vị của thuốc phiện thật là vô vị. Hai người lúc đầu, chỉ nói chuyện không can hệ. về sau, Cử Tân nói đến cái chuyện nhân bởi đâu anh ta là kẻ khổ sở nhất đời. - Năm tao mười tám tuổi, tao yêu một thiếu nữ. Con bé mới đầu tưởng không lấy tao thì tự tử, thế mà chỉ mới vài tháng sau thì phụ tao! Rồi tao sang Pháp du học hơn mươi năm. Tao lấy đầm. Tao đem vợ đầm về đây, rồi vợ chết. Cái đứa sống thì chẳng chung tình với mình, cái đứa chung tình với mình, thì lại chẳng sống? Từ đấy tao coi đời là tấn hài kịch mà tao đã đóng hồi thứ năm 5. Tao còn bao lâu nữa mới chết? Rồi thì là tao yêu hết thảy những đàn bà nào rơi vào tay tao? Càng yêu càng chán, vì đàn bà họ giống nhau cả, mà không thể cầu cái hạnh phúc của mình ở họ được... Mày xem: mỗi tháng tao kiếm mấy trăm bạc, không phải nuôi ai... vậy mà càng khổ sở, khổ sở không thể tưởng tượng được. Je suis malheureux! Malheureux! Malheureux! 6 Đến đây, Cử Tân đập tay xuống giường, giọng nói thất thanh. Liêm tưởng chừng như đang xem một cuốn phim nói vào giữa lúc có một tấn bi kịch, hay là đương nằm với một ông lính trong lúc có cảm xúc mạnh... - Tại anh chơi quá đấy chứ gì? - Liêm, Mon petit Chose! Mày cứ mày, tao đi cho thân, đừng gọi tao là anh nữa, không thích! Tao chơi bời không phải vô mục đích. Tao đã để gần nửa đời người tao vào sự tìm tòi cho ra một điều bí mật nó khiến tao hỏng cả một đời người rồi! Mà đến bây giờ, tìm chưa ra! Tao muốn hiểu rõ cái bụng dạ người đàn bà nó là thế nào! Tao đọc, tao đọc, đọc mãi, tìm vân không thấy. Tao chơi, tao chơi, chơi mãi... tìm vẫn không thấy! Thế thì cái tâm lý đàn bà nó huyền bí đến bậc nào? Tại sao những người đã nằm trong cánh tay mình... mà mình vẫn không hiểu rõ nếu mình không nhận thấy rằng họ tầm thường như nhau mà thôi? Tại sao cô bé ngây thơ kia đã lừa dối tao? Hồi ấy, tao đẹp, trẻ, nhiều tiền, tao yêu nó lắm, chiều nó như chiều một nàng tiên, mà sao nó lại phụ tao? Tại sao? Pourquoi? Pourquoi? 7 Cử Tân ngừng tiêm, ngồi dậy, đập vào ngực, trợn mắt lên... tiếng qua 8 thốt ở miệng anh qua cái nghiến chặt của hai hàm răng với sự nhe hai cái môi dày, như cơn đe dọa của một con thú dữ trong chuồng sắt bất bình về cái tình nghịch của một đứa trẻ, đứng ngoài ném đá. Còn cái giọng thì rên rỉ đầy những đau thương như của kẻ nào chán đời vô cùng. - Ấy suốt đời tao cứ hành hạ bằng cái câu hỏi ấy. Tao hỏng cả đời tao chỉ vì con bé, mười tám tuổi, yêu tao, rồi phụ tao! Không, anh chàng này chính là người nhiều tình cảm, rất đáng thương nữa, chứ chẳng phải chỉ là kẻ vong bản, kiêu ngạo, bậy bạ như thiên hạ vẫn tưởng. Liêm đương nghĩ thế để ái ngại cho Cử Tân lúc ấy nằm co ro hút thuốc phiện như một anh nghiện tầm thường, thì chợt có tiếng gõ vào cửa rất mạnh, và giọng hỏi gắt của một người đàn bà Tây phương. Chú thích 1.Bây giờ gọi là siêu hình học. 2.Kia! Po-ti Sô của tao. Petit Chose là tên một nhân vật trong tiểu thuyết Pháp, gọi một cậu giáo bé nhỏ. 3.Nói theo kiểu người Pháp gà mái là chỉ hạng đàn bà dễ dãi, ai gọi cũng đến. 4.Nơi ở riêng của những người đàn ông để tiếp bạn gái. 5.Hồi thứ năm là hồi cuối cùng trong các vở kịch. 6.Tao khổ quá! Khổ quá! Khổ quá! 7.Tại sao? Tại sao? 8.Hai chữ cuối câu nói của Tân đọc là Puôrqua. CCHƯƠNG 4 ử Tân nhìn Liêm một hồi lâu rồi khẽ thở dài, nói: - Ấy đó! Đàn bà! Lúc nào vẫn cứ mất thời giờ về đàn bà. Rồi anh quay ra, cất cao giọng: - Entrez! 1 Cánh cửa bị đẩy. Một đầm lai, trông còn trẻ lắm, tóc đỏ như râu ngô non, y phục lối đi chơi bãi biển - cái áo đen hoa trăng hở ngực, hở nách và không có tay, cái quần chẽn và dưới ống thì phình ra như bàn chân voi - đủng đỉnh bước vào với một cái cười tươi tưởng chừng như bất diệt. Cô ả nói bằng tiếng Pháp: - Tao tưởng mày lại đi đâu rồi. Tao không thấy chiếc Almicar, chưa chi tao đã nổi giận ngay! Lúc ấy Cử Tân đã tiêm xong điếu thuốc. Anh ta nằm né vào gần tường, ra hiệu cho nhân tình ngồi xuống bên kia khay đèn đi đã, để anh ta hút xong điếu thuốc rồi có chuyện trò gì hãy hay. Nhưng cô đầm lại đúng nguyên chỗ, sau khi khẽ nghiêng đầu chào Liêm. Liêm phải ngồi lên để giữ lễ với người mới đến. Chàng mải miết nhìn cái hình dáng thon thon của người Pháp Việt ấy để mà sau cùng thì phải kính phục những ông thợ may Tây phương với những mốt y phục mầu nhiệm nó có thể bày ra gần như trần truồng một cái thân thể khêu gợi dưới những miếng lụa mỏng đơn sơ mà người ta bảo là quần áo để che đậy. Liêm đã thấy một mối cảm xúc mạnh nó chạy qua thân thể, như những thiếu niên đương tuổi phơi phới lòng xuân trước một mỹ nhân mà quần áo lại phô bày những cái đẹp kín đáo của mình mẩy hơn cả cái chủ nghĩa khỏa thân, sau khi hút điếu thuốc phiện đầu tiên trong đời mình như thế, trong một gian phòng ấm cúng có một cái không khí thân mật và những đồ bài trí huyền ảo như thế. Hút xong điếu thuốc, Cử Tân ngồi lên, trỏ Liêm, nhìn cô nhân tình: - Một người bạn của tôi! Đoạn lại trỏ nhân tình mà nhìn bạn: - Một người bạn gái của tôi! Thế rồi Liêm và cô đầm lại bắt tay nhau. Cả hai bên cùng ấp úng: - Enchantée de... 2 - Très enchantée... 3 Từ lúc có mặt người đàn bà, cái gian phòng đã có vẻ huyền ảo lại trở nên thoang thoảng có mùi hương, như xa xôi lại gần gụi, tuy gián đoạn cũng đủ làm tê mê thần trí con người, và khiến cho cả ngũ quan hầu như ngây ngất vì đắm say. Liêm thấy rằng đêm nay, chàng đến nơi này là nhờ một sự tình cờ may mắn ít có, và con đường đời đã rộng mở trước mắt chàng như một kỷ nguyên mới - cái đời học sinh ngây thơ, ngu dốt, cố nhiên, sau lưng chàng cũng đã khép chặt hai cánh cửa của nó... Từ đây trở đi, chàng sẽ hiểu đời là gì, và sẽ học đời bằng tai nghe mắt thấy chứ chẳng thể mài mũi vào học trong sách vở như những kẻ mất trí khôn. Khi ngồi cạnh nhau, cặp nhân tình ôm nhau, hôn hít nhau, tựa hồ như không có Liêm ở đấy nữa. Đến lúc ấy, chàng mới nhìn kỹ người đầm. Thì ra đó là một nhan sắc choáng lộn lúc ta mới thấy chứ không ưa nhìn, và nhìn kỹ lâu chút nữa thì cái duyên của con người cũng trong khoảnh khắc mà biến đi đâu... Đến lúc ấy, Liêm mới nghiệm ra rằng cái mặt này - môi quả tim, mắt quầng đen, lông mày lệch - thật quả có tính cách dạn dày mà chàng đã từng gặm ở những bức ảnh mỹ thuật trong những tập báo Sex-appeal 4. Chàng nghĩ thầm: “Thế này thì còn quý báu nỗi gì! Mà cái ái tình của hai kẻ này thì ra chỉ có hai nguyên động lực là nhục dục và hơi đồng, mà thôi...”. Chàng nghĩ đến mình, đến Quỳnh, bỗng thấy một thứ kiêu ngạo tràn ngập cả trái tim... Chợt cô đầm lại ngồi lên, cả cười như chợt nhớ ra điều gì đáng buồn cười mà rằng: - Ồ, không phải chỉ mình tôi đến đây mà thôi. Cử Tân cũng sửng sốt hỏi: - Thế còn ai nữa? Chỗ nào? - Còn em Khánh nó, ngồi ở xa lông bên ngoài. Rồi, sau khi cười ngắt đoạn, lại tiếp một cách khó nhọc lăm, mà lần này thì bằng tiếng Nam: - Hi hi hi! Thế mà, hi hi hi! Mình quên ngay đi mất! Hi hi hi! Cử Tân hỏi: - Em Khánh nào thế nhỉ? - Ồ! Không biết à? Người nhà của Simone ấy mà! Toa 5 chóng quên thế! - Để moa 6 ra mời vào chơi mới được. Nói đoạn, Cử Tân bỏ giường, chạy ra. Một lát sau, anh ta quay vào với một thiếu nữ chỉ đáng tuổi con anh mà thôi. Anh khẽ bẹo má thiếu nữ thân mật và âu yếm: - Vào đây chơi! Chóng nhớn quá! Lấy chồng đi thôi thì vừa! Thiếu nữ nghiêng đầu, che mặt, nũng nịu kêu: - Gớm, anh cứ nói!... Rồi, sau khi khẽ gật đầu chào Liêm, cô bé khép nép ngồi ngay phía dưới chân Liêm. Khi thấy trước mặt mình một cô gái ăn mặc gọn gàng, cách trang điểm cũng ra vẻ lọc lõi lắm, lại có thể bảo là đẹp nữa, Liêm thấy nảy ra trong óc những câu hỏi phân vân nào: “Con cái nhà ai? Bao nhiêu tuổi? Đến một chỗ như chỗ này làm gì? Sao lại đi chơi với cô đầm lai thuộc hạng này? Còn có ngây thơ trong sạch hay không? Cái đời tư phải là cuốn tiểu thuyết ảm đạm hay không?”. - Mời anh Cử xơi nước - Mời ông... xơi nước! Liêm khẽ gật đầu: - Tôi không dám. Lúc ấy, cô đầm lai đã nằm nghiêng trên sập, đầu gối vào ngực Cử Tân, hai con mắt lim dim nhắm lại như say sưa. Mớ toe màu râu ngô non xổ xuống cái áo trắng của Cử Tân như những ngọn sóng vàng......Chợt thấy Cử Tân khẽ gọi: - Paulette! Cô đầm lai mở mắt ra, nhìn thấy dọc tẩu để kề vào gần miệng mình thì nắm lấy. Cô ngần ngừ rồi nói: - Hút một điếu thì khỏe lắm, nhưng mà đêm nay sẽ mất ngủ. Tuy nói thế, cô cũng kéo dài một hơi. Cử Tân, khi lại cầm đến tiêm, vừa cười vừa hỏi cô bé còn ngồi ngoan ngoãn ở phía kia cái sập: - Nào, anh tiêm một điếu để mời em Khánh của anh nhé? Thiếu nữ tên là Khánh thét to một cách rất trẻ con: - Không! Không! Em không hút đâu! Tiện cái bàn chân nằm duỗi dài, tức thì cô đầm lai khẽ đá vào người cô Khánh: - Làm gì mà nhặng lên thế! Không hút thì thôi chứ sao! Đến đây, người ta chợt nghe thấy tiếng gõ cửa, Cử Tân hỏi: - Thằng bếp mua nho về đấy phỏng? Bên ngoài có tiếng đáp: - Bẩm vâng. - Cứ vào. Người ta ăn nho. Và hút thuốc phiện. Rồi lại ăn nho. Rồi lại hút nữa. Trong gian phòng tĩnh mịch, thỉnh thoảng mới thấy một câu hỏi, một câu đáp, uể oải, hình như của những người đã chán nản, đã nhọc mệt cuộc đời rồi. Thuốc phiện đã đem đến cho mọi người cái khoái lạc hoặc cái đau đớn của sự nghiền ngẫm về tâm sự riêng. Riêng về cô Khánh, tuy không hút, không bị lây cái uể oải của các đệ tử ả phù dung, nhưng vì bị mắng lúc nãy, nên cứ ngồi im, hai cánh tay khoanh lấy hai đầu gối, cái cằm tựa trên cánh tay, ủ rũ như một bông hoa héo nắng. Đến bây giờ, sự vật chung quanh Liêm không đủ khiến chàng thấy thêm chút cảm giác nào nữa. Cử Tân, cô đầm lai với cái vẻ trơ tráo của một gái giang hồ, cô Khánh với những cái bỡ ngỡ còn ngây thơ của một gái giang hồ mới tập sự, cái khay đèn cầu kỳ đắt hàng mấy trăm bạc, cái đầu lâu với con mắt sâu hoắm, với hai hàm răng nhe ra như biểu tượng cho cái cười của thần chết, ngần ấy cái, đối với chàng đã thành ra quen thân. Liêm nghĩ đến cuộc tình duyên của mình, phân vân lo lắng không khéo mà rồi chỉ kết quả thành một sự rủi ro mà thôi. Hạnh phúc chẳng là điều khó kiếm cho lắm, vậy mà ở điều này, xưa nay, đã biết bao nhiêu người cam lòng chịu khổ sở! Chàng có thể nào lại cam tâm chịu khổ như những người khác hay không? Liêm nghĩ đến những cuốn tiểu thuyết thảm tình mà chàng đã đọc, rồi thấy cái cần phải đập tay lên xuống một cách rất bất bình mà rằng: “Không không! Không khi nào thế được!”. Liêm vô tình đã đấm xuống sập hai cái. Cô đầm lai, sửng sốt hỏi bạn: - Ô kìa, anh Tân! Anh ấy làm sao vậy? Cử Tân cười mà rằng: - Anh chàng say thuốc đấy chứ gì? Liêm đáp để chữa thẹn: - Tôi mơ mơ màng màng thấy mình như đương lơ lửng trên mây xanh... Nhưng Paulette và Cử Tân đã dìu nhau ngồi lên, không để ý lời cắt nghĩa ấy. Cả hai đứng lên làm cho Khánh và Liêm cũng phải ngơ ngác... Thì Paulette nói ngay: - Chúng tôi sang bên này có một chuyện riêng với nhau, thế thôi! Khánh! Nằm xuống đấy mà nghỉ! Cử Tân cũng nói: - Liêm ơi, cỏi áo ngoài ra cho mát. Cứ ở đấy nhé! Mà cứ việc tự do như ở nhà mày. Liêm phì cười: - Nhưng mà ở nhà tao, tao lại không tự do! Lúc này Paulette đã khoác tay vào cổ người yêu. Trước khi ra khỏi phòng, Cử Tân còn quay lại nói đùa: - Khánh ơi, anh Liêm kia, thì anh làm mối cho em đấy! Anh ấy tốt lắm, chung tình vào bậc nhất đấy! Khánh cúi đầu mỉm cười và có lẽ giấu cái mặt không đỏ vì hổ thẹn của mình. Trong nửa giờ, Liêm và Khánh không ai nói gì với ai. Cái im lặng bị kéo dài ra mãi, dần dần trở nên nặng nề và khó chịu hơn cả sự huyên náo nữa. Liêm vốn có tính nhút nhát, nhất là, ngoài Quỳnh ra, thì chưa có trò chuyện với người đàn bà thứ hai nào nữa. Chàng thấy nếu mình không nói gì thì sẽ mang tiếng là khinh người hoặc là ngốc nghếch. Trẻ con, ồ, không đời nào! Chàng nghĩ mãi câu nhập đề, vậy mà chỉ biết nói có thế này: - Nằm xuống đây nghỉ cho đỡ mệt, đi em. Khánh ngửa cổ ra cười không nên tiếng, vươn vai đáp: - Anh để mặc em. Rồi khoan thai vuốt lại hai mảng tóc trước cái trán nở. Liêm đương nằm bỗng tìm được cách gần gũi Khánh hơn nữa, là ngồi lên rót chén nước. Nhưng Khánh đã đỡ lấy, nhanh nhẩu: - Để em tiện tay em rót cho. Như vậy, bầu không khí lạnh lùng đã mất. Liêm uống xong chén nước, bèn để tay lên má thiếu nữ, vuốt ve một cách tình tứ: - Em đẹp lắm! Khánh nguẩy đầu một cách nũng nịu: - Anh cứ nói! Rồi quay nhìn đi chỗ khác, ý chừng thẹn nên giấu mặt. Liêm bèn để bàn tay vào cánh tay của cô bé tuy sắp bước chân vào đời giang hồ nhưng vẫn còn ngây thơ. Bàn tay của Liêm lần mò từ dưới lên trên rồi dừng lại ở chỗ tròn tròn của cái vai. Chợt chàng vô tình hỏi: - Quái thật! Họ sang bên ấy rồi lại quay về đây nữa chắc? Khánh đáp: - Đến sáng mai chắc họ mới về bên này. - À, à. Liêm gật gù cái đầu rồi mới biết mình đã trót hỏi một câu ngớ ngẩn. Chàng lại thấy những câu hỏi về Khánh lần lượt hiện ra trong óc một lần nữa. Con cái nhà ai? Đã khổ sở nhiều năm hay chưa, vân vân... Liêm bỗng thấy quả tim mình thổn thức vì một mối thương có những căn nguyên xa xôi về đời người đàn bà nó bất trắc như một hạt mưa, về cái nhan sắc nó mỏng mảnh như một sợi tơ, sợi tóc. Chàng nghĩ đến Quỳnh, đem so sánh cái thân thể người ngồi trước mặt với người chỉ có trong óc mình. Vô tình Liêm thở dài một cái. Cử chỉ ấy khiến Khánh quay lại, tưởng chùng như mình bị khinh. - Anh làm sao thế, anh? Nhưng Liêm nói thác đi rằng: - Anh buồn vì anh đương phải lòng em, chứ sao! Câu nói ý tứ ấy khiến Khánh tát khẽ vào má Liêm một cái. Tiện dịp, Liêm cũng lôi hai bàn tay trắng nõn kia về mình, để cặp môi xuống mấy đầu ngón tay búp măng... - Khánh ơi, em thử trông mặt anh xem có phải là người sẽ khổ sở không? - Em có là thầy tướng đâu? - Thế anh Tân anh ấy vừa tiến cử anh là một người chung tình thì em đã tin chưa? Khánh lại đáp bằng một cái tát yêu thứ hai nữa. Liêm ôm lấy người thiếu nữ ấy vào lòng mình. Chàng vẫn nhớ cái mục đích mà đêm nay chàng phải theo đuổi: đi chơi bậy, hư thân v.v... Thì chàng đã hút cả thuốc phiện. Thì chàng đương có một gái giang hồ? Mà lại không mất tiền! Mà lại hư thân một cách thượng lưu trí thức nữa! Có trong cánh tay mình một thiếu nữ, Liêm thấy cái tò mò xưa kia về đàn bà lại nổi tưng bừng lên trong thâm tâm, cái cần có những sư cắt nghĩa mà chàng chưa thể đòi hỏi ở Quỳnh được. Vậy mà Liêm đương vào thời kỳ mà tuổi dậy thì phát triển một cách đầy đủ đến bậc đã từng phát sinh ra những trạng huống rối loạn về tinh thần, trong những thời gian ngắn, để chờ bên ngoài có điều gì kích thích mạnh vào trí não mới thôi. Cho nên, thêm được thuốc phiện trợ lực, đêm nay, Liêm đã cư xử, y như một kẻ thạo đời. Chàng hôn hít, ôm ấp cô bé dễ dãi chỉ từ chối cho phải phép, và biết với tay ra cầm lấy cái quả bấm điện để vặn tắt đèn, khi mà ái tình sắp đi đến cái chỗ không có không được của nó... Cái đồng hồ trên tường đủng đỉnh điểm ba tiếng chuông ngân nga. Ở phòng bên canh, chốc chốc lại thấy Paulette cười rú. Đêm ấy, Liêm đã biết rõ, lần đầu trong đời niên thiếu của Liêm, cái gì là người đàn bà. Chú thích 1.Vào đi. 2.Hết sức vui sướng được... 3.Hết, hết sức vui sướng được... 4.Tên một tạp chí nổi tiếng thời ấy: Kêu gọi tình dục, xuất bản bên Pháp. 5.Mình. 6.Tôi. BCHƯƠNG 5 uổi sáng hôm ấy, Quỳnh đã trở dậy rất sớm. Nàng ngạc nhiên thấy mình không nhọc mệt chút nào cả, ấy là đêm hôm trước, nàng đã thức khuya. Thì ra cái sung sướng cũng là một thứ thuốc bổ đủ sức chạy chữa cho những thời giờ phải dùng vào sự suy nghĩ nhọc mệt. Tối hôm trước, đương ngồi một mình ở cửa hàng, Quỳnh bỗng thấy cụ phán, nghĩa là thân phụ của Liêm. Nàng giật mình, hồi hộp, biết là trong cái đời êm lặng của mình, hôm nay có một đại sự, cụ phán hai tay chắp sau lưng, cặp kính trắng đạo mạo, đã ung dung bước vào, dịu dàng hỏi: “Có ai ở nhà không hử cô?”. May sao bữa ấy, cả cô lẫn chú nàng và mẹ nàng đều cùng có nhà cả. Nàng đã chạy vào loan báo cho người trên một cách mừng rỡ như là người ta phải mừng rỡ, vào trường hợp ấy. Nàng kết luận: “Có lẽ vì vậy mà tối hôm nay không thấy Liêm đi qua cửa nữa”. Nhưng bữa ấy, Quỳnh đã cứ ngồi lỳ ngoài hàng, không vào pha nước chè Tàu như những bận có khách khác, vì một cái hổ thẹn xa xôi, không rõ căn nguyên... Nàng nghĩ thầm: “Đích thị ông già đáng kính mến này, tối hôm nay đến đây, chỉ có việc xin ta về làm nàng dâu mà thôi. Ta cứ ở ngoài này để cho ở trong ấy, người nhớn nói chuyện với nhau cho tiện”. Quỳnh đã đoán đúng. Sau khi cãi nhau với bà vợ ở nhà và mặc áo dài hầm hầm định đi ra phố rong chơi cho nguôi cơn giận, cụ phán đã thay đổi ý kiến và nghĩ ra rằng việc có ích lợi hơn hết là đến ngay “nhà gái”, chính mình ướm hỏi cho con trai mình trước đã, xem sao... Nếu trông chừng được, thế thì xong rồi, bằng nếu không, người ta sẽ tránh được cái mất thời giờ về cãi nhau vô ích quanh một việc chưa chắc đã có kết quả. Vả lại, đã bao lâu nay, những việc hệ trọng trong gia đình hĩnh như thuộc về bà vợ cả, ông bố của Liêm thấy rằng nếu mình cứ để vợ chiếm đoạt cả quyền hành như thế mãi thì hỏng to! Cái lòng tự ái của cụ đã liên lụy vào việc này. Cụ không cả quyết cũng không được. Cụ Phán ngồi rất khuya. Khi cụ đứng lên cáo thoái ra về, đồng hồ đã điểm mười tiếng. Thấy nét mặt vui vẻ của cụ, sự lễ phép đậm đà của những người bề trên của mình lúc tiễn cụ ra cửa, Quỳnh sung sướng cực điểm, yên trí ngay rằng cuộc trăm năm của mình hẳn là không gặp một trở lực nào cả. Cho nên đến cả đêm hôm trước, nàng đã nằm yên để mặc cho cái trí não hoạt động về những ý nghĩ kiến thiết tương lai. Liêm đã trở nên một người đứng đắn nhất mực, đáng tin cậy cả trăm phần trăm, yêu nàng cho ra yêu, phụng sự một cái nghĩa cả là nghĩa vợ chồng, chứ không phải có cái manh tâm “chim chuột lăng nhăng” gì nữa. Do thế, nàng cũng đã tìm thấy một cái cớ gần như chính đáng để cho mình khỏi phải hối hận, khỏi phải tự mình lại buộc tội mình, trong việc lén lút đi chơi với người yêu. Không có gì để làm cho ta sung sướng được như cái lòng tin, thứ tín nhiệm, hoàn toàn, trong tình yêu Quỳnh đã được hưởng cái sung sướng ấy. Nàng đã thức ngót một đêm liền, nhưng nàng chẳng vì vậy mà mệt mỏi. Buổi sáng đã đến với một thứ gió thu hiu hắt làm cho người ta quên những ngày hè oi ả, khó chịu, khổ sở của mấy bữa trước. Với những buổi sáng như thế, người ta cảm thấy đủ cả những cái tốt đẹp của đời, vào những ngày vui... Quỳnh ngồi trên ghế, nét mặt trầm mặc, vui sướng như những thiếu nữ mới yêu lần đầu trong đời mà được hưởng hạnh phúc ngay, bình tĩnh như những người không có việc gì phải lo toan, phải mưu tính nữa. Vì tối hôm trước, sau khi cụ phán ra về, mẹ nàng và cô chú nàng đã gọi nàng vào để cả ba người cùng hỏi: - Đấy, cụ phán nhà cậu Liêm đến nói chuyện muốn xin cô cho cậu ấy đấy, cô thử nghĩ xem có bằng lòng được không? Quỳnh bẽn lẽn, mặt đỏ ủng, thẹn không nói được nữa. Nàng cầm vạt áo đưa lên mồm để nhấm nhấm như một đứa trẻ con. Thấy không được tự nhiên, nàng lại bỏ rơi vạt áo, đặt lại mấy khóm huệ cắm trong lọ. Để phải hỏi mình đến ba câu, nàng mới khẽ đáp: - Thưa mẹ, thưa cô chú, con hãy còn bé dại, con chẳng biết nghĩ thế nào cả, vậy cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Ông phán Hòa mỉm cười mà rằng: - Ấy đấy, thế có ngoan không! Thời buổi giải phóng bình quyền này mà thấy một cô gái biết nói như thế với bố mẹ khi có người hỏi, là hiếm lắm. Bà phán Hòa cũng nói: - Thật không ngờ anh Liêm lại lấy chị Quỳnh! Chả bao giờ tôi nghĩ đến sự ấy. Ông phán Hòa không bằng lòng vợ: - Sao mà “không ngờ”? Hai người ấy lấy nhau là phải lắm chứ? Bà mẹ Quỳnh mỉm cười, ngắt: - Thôi đi, ông chỉ định quơ vào cho cháu ông thôi! Ông phán Hòa cãi: - Nào tôi có vơ đâu! Bà chị cứ hỏi nhà tôi đấy mà xem! Nghĩa là tôi vẫn có ý đánh tiếng hộ, thế thôi. Nhưng mà chưa kịp làm ông mối để kiếm cái áo mặc tết thì chưa chi chính nhà trai đã sấn sổ chạy lại hỏi rồi. Ngần ấy người đều bật cười về hai tiếng sấn sổ. Bà phán Hòa bĩu mồm: - Sấn sổ! Chuyện trò rõ đến hay thôi! Làm như người ta chạy vào cướp giật của mình cái gì ấy! Ông phán lại vươn cao cổ lên để nói bông: - Ừ! Cái ông cụ ấy rõ đến hay thôi! Thưa lúc mọi người vô ý bất kỳ, thấy bà mẹ về đây chơi, bất thình lình là nhảy tót ngay đến xin cô con gái! Làm mình cứ tưng hửng cả người ra thôi! Giá mà bàn trước với mình thì có phải mình cũng được là ông mối hẳn hoi, hai bên nhà gái nhà trai đều phải kính trọng hay là sợ hãi cả, thì có phải oai vệ hơn không? Bà tham Bích cũng nói đùa: - Thôi, ông chả là mối thì ông cũng là thằn lằn từ bao giờ rồi! Ông vờ vĩnh khéo lắm. Ông phán Hòa đứng lên, đi ra giữa sân để lấy chiếc khăn mặt. Ông nói: - Thế này có tức không? Mình chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện gì mà mình cứ bị ngờ oan mãi. Đến cả thằng Liêm nó cũng không bảo tôi thì mới giận chứ! Bà phán Hòa cũng phân trần: - Ấy đầu đuôi quả thật là như thế đấy, chị ạ. Một bên cháu cô, một bên cháu cậu, lấy nhau thế mà cô lẫn cậu không biết trước, không được cái hân hạnh làm mối hay đánh tiếng gì cả. Vì thế mà lúc nãy, tôi bảo là “không ngờ”. Người ta nói chuyện như là đôi trẻ đã lấy nhau rồi vậy. Quỳnh bèn hỏi: - Thưa me, có phải me đã nhận lời rồi, hay không? Bà tham Bích ngơ ngác một lúc rồi nói: - Không! Mẹ đã nói gì đâu! Dẫu bằng lòng đến chết đi nữa thì cũng phải từ từ chứ ai lại vồ ngay lấy như thế! Quỳnh bẽn lẽn cãi: - Vì con thấy cô với me nói chuyện y như đã nhận lời rồi ấy. Ông phán Hòa gật gật cái đầu: - Chưa nhận thì cũng như nhận rồi! Hai đứa lấy nhau là phải. Tuy thằng Liêm là cháu gọi tôi bằng cậu, nhưng mà tôi xin thề rằng tôi nói thế cũng như một người ngoài mà thôi. Liêm nó là người thế nào, hẳn người cô ruột của Quỳnh đã biết. Bà phán cũng họa: - Chính thế, chị ạ. Học thức thì... đỗ tú tài Tây. Còn ở nhà thì... tử tế. Tính nết thì... ngoan ngoãn. Ờ, chị ạ, ngoan lắm, ít có đấy, không chơi bời gì cả. Mẹ Quỳnh ngẫm nghĩ một lúc rồi thân mật nói: - Tôi tuy là mẹ nó, nhưng chẳng gì cũng là cải giá rồi. Vậy thì tôi thiết nghĩ tôi nên để một chút quyền hành cho cô, trong viện này. Phương ngôn có câu: cô cũng như cha. Vậy cô xem nếu được thì gả. Cháu nó xem ý cũng bằng lòng rồi thì việc này dễ lắm. Để đêm mai thì tôi xin lại chơi đằng nhà cụ Phán đáp lễ và nói rằng công việc có gì thì đã có cô ở đây, rồi cô sẽ báo tín cho tôi sau. - Vâng, chị dạy chính phải. Mọi người còn ngồi bông lơn với nhau lúc lâu nữa, mãi đến khuya mới đi nghỉ. Trong việc ấy, ai cũng có một điều được bằng lòng. Thật là cả nhà vui vẻ. Cho nên sáng hôm sau, Quỳnh chỉ mong sao cho chóng đến chiều để thấy mẹ đi đến nhà Liêm. Nàng rất sốt sắng việc ấy, nhưng không dám hỏi mẹ sẽ đi vào giờ nào, cũng như không dám giục, Quỳnh chỉ sợ cả nhà biết hai người đã phải lòng nhau từ lâu. Phải lòng ai rồi lấy người ta, sự ấy chỉ chính đáng riêng cho những người trong cuộc, và rất là bất chính, đối với những kẻ ở ngoài cuộc. Đương nghĩ đến đấy, Quỳnh thấy bà mẹ xách ô ra đi... - Mẹ đi đâu ạ? - Mẹ đi mua mấy thứ đồ nấu, chốc nữa mẹ về. Quỳnh nhìn lên đồng hồ, thấy mới có 7 giờ. “Thì ra hôm nay nhà ta mở hàng sớm nhất!”, nàng nghĩ. Ngoài phố, những quà bán rao inh ỏi, đinh tai... rồi thì, từ xa vang lên những tiếng rao điểm tâm, đó là một hồi kèn trống não nùng của một bài xuân nữ. Một đám ma sắp qua cửa. Quỳnh bỏ ghế ngồi đứng lên. Những vòng hoa, những người quần áo đen viền trắng, cái kèn Tàu ai oán, bốn con ngựa bị mãng che hết cả thân thể dẫn đầu đi lử đử lừ đừ như đã nhọc mệt lắm - quang cảnh ấy bất thần đến quấy rối cái tâm thần sáng lạn của Quỳnh như một mảnh sành quấy rối cái phẳng lặng của mặt hồ thu. Sau cái xe hắc ám, mấy thiếu phụ khóc lóc thê thảm chung quanh một người - ý chừng là một người chồng - cứ đi một cách bình tĩnh như là không cảm động chút nào cả. Vừa đàn ông vừa đàn bà, số người đi đưa là vài ba trăm, họ bình phẩm cái chết của người thiếu phụ oang oang. Quỳnh nghe lõm bõm lắm, chỉ hiểu đại khái rằng người chết là vì tự tử bằng giấm thanh thuốc phiện. Quỳnh đứng thừ người ra như nhọc mệt như chán nản, như chính nàng đương có điều gì đáng buồn rầu thật. Chết! Chết! Không, loài người chẳng có ai lại có thể sung sướng thật vì chẳng ai lại thoát khỏi được cái chết nó vẫn đứng rình mò chúng ta đây kia... Chết! Thật vậy, sung sướng đến đâu thì rồi cũng chết! Sống mà để bất thình lình phải chết, thì thử hỏi có bõ không? Quỳnh lầm bầm: “Rõ phiền quá đi mất!”. Trong một phút, nàng đã có cái ủy mị của những thiếu nữ giàu tình cảm như Thúy Kiều vào lúc bỗng dư nước mắt khóc người đời xưa. - Chị Quỳnh? Nàng quay lại, đó là một người bạn gái: Thanh. - Ơ kìa, chị Thanh! Đi đâu sớm thế! - Em đi đưa đám đây, chị ạ. - Thôi thế thì em chẳng dám mời chị vào chơi. - Chị cứ cho em vào! Em mỏi chân lắm. Để chốc nữa, em đi tàu điện đuổi theo đám cũng kịp chán! Đi tự Cột Đồng Hồ đến đây còn gì! - Thế đám cất ở đâu? Mời chị vào nghỉ chân... - Đám cất về nghĩa địa Trung Hoa ở đường Voi Láng qua ngã tư Sở. Hai người kéo nhau vào phía trong quầy hàng. Tuy kêu mỏi chân, Thanh cũng không vì thế mà mỏi mồm. Cứ nói luôn về người chết: - Chị có biết ai không? Cô Ngọc đấy, hoa khôi của trường Hàng Cót ấy mà! - A, lấy chồng tham tá gì đó, dạo tháng mười năm ngoái? - Chính đấy. Hai người yêu nhau lắm rồi mới lấy nhau đấy nhé. Cái đám cưới của họ là một đám cưới to nhất Hà Nội, mà cuộc tình duyên của họ cũng là một cuộc tình tốt đẹp nhất Hà Nội nữa! Quỳnh ngắt: - Thấy nói chết vì tự tử, giấm thanh, thuốc phiện, có không? - Đích thị! - Sao? Sao lại đến nỗi thế? - Nào ai biết? Từ độ Ngọc lấy chồng, em cũng không năng đến chơi, mà cũng không năng đến chơi với em. Thế rồi... bất kỳ hôm nay thấy báo đăng cáo phó, em choáng người lên, em đi đưa ma, thế thôi. Hôm qua nhật báo có đăng tin chị Ngọc tự tử, chị không biết à? - Em không thấy, hay là vì không đọc kỹ. Nhưng mà, vì đâu đến nỗi? Làm gì mà phải tự tử? Sao lại có thể như thế được? Thanh so hai vai, thở dài: - Nào ai biết đâu! Dư luận về cái vụ này xôn xao lắm, chị ạ. Người ta bảo anh chồng mê gái nhảy, chán vợ, hành hạ vợ đến nỗi vợ phải tự tử. Kẻ thì bảo chị vợ hư hỏng, có nhân tình, đã cho chồng mọc sừng, nên thằng chồng làm nhục, xấu hổ mà phải chết. Người thì lại bảo chỉ vì chuyện đào mỏ hay khảo của gì đó, vì lúc lấy nhau thì giao hẹn là có hồi môn, đến nay thì lại té ra không... - Dư luận loạn xạ đến mức như thế thì có giời mà hiểu được sự thực! - Ấy thế! - Mà sao sự đời lại bẩn thỉu như thế hở chị? Thanh lại xo vai một lần nữa, những lần này còn điểm cho cái so vai một cái bĩu môi: - Có gì là lạ? Họ yêu nhau, say mê nhau, rồi họ chán nhau, rồi họ phụ nhau, họ hành hạ nhau, ấy sự đời chỉ có thế mà thôi! Chán chết đi ấy, chị ạ. Đấy, chị có nhìn vào mặt thằng chồng lúc đám ma đi qua không? Tuyệt nhiên không có một tiếng khóc, không có một giọt nước mắt, đấy nhé! Đến đấy, Quỳnh thở dài: - Buồn nhỉ! Một người như Ngọc, tài có, sắc có, lấy chồng như thế, mà rồi chết như thế! - Thật bất ngờ! Khi người ta thấy đời có những sự bất ngờ đáng kinh hoàng như thế thì không một ai lại không giật mình về cái tương lai của mình, vì sự gì cũng có thể xảy ra được cả! Thanh đáp gọn: - Thì đã hẳn! Từ đấy, hai người ngồi im một lúc lâu, buồn rầu cho người đàn bà xấu số hiện được hương hoa tiễn xuống hố. Thốt nhiên Quỳnh đứng lên nói: - Chết chửa! Quên đi mất, mãi không rót nước mời chị! Thế về phần chị thì dạo này có gì lạ không? Quỳnh vừa rót nước vừa đăm đăm nhìn Thanh. Nhưng Thanh đãng trí không đáp. Mãi một lúc lâu mới hỏi lại Quỳnh: - Chị vừa hỏi gì em thế? - Tôi hỏi dạo này chị có gì lạ không? - Dạo này em ngồi nhà hàng mấy tháng, chả bước chân đi đến đâu, còn có gì lạ nữa! Quỳnh không nói nữa. Nàng biết người bạn gái đã nói dối. Nghe nhiều lời đồn của những bạn khác, thì chính dạo này Thanh có rất nhiều chuyện lăng nhăng. Hai người vốn không là đôi bạn thân, có nhiều lúc lại là kẻ thù của nhau nữa, nhưng mà cả hai cùng không biết thế, bởi cái cớ hễ gặp mặt là phải bảo nhau rằng là đôi bạn chí thân. Có lẽ đó là một thói quen trong đám phụ nữ. Quỳnh vẫn khinh Thanh không được đứng đắn, có nhiều “bạn trai”, nghĩa là nhân tình. Mà lại còn hay đổi luôn! Nhưng cái khinh ấy, Quỳnh chỉ để bụng, hễ gặp mặt nhau, bao giờ cũng hời hợt, vồ vập, ra vẻ đằm thắm với nhau lắm. Đối lại, Thanh cũng khinh bỉ Quỳnh, có lẽ vì Quỳnh không hư hỏng như Thanh. Khi một người hư hỏng thấy người khác đúng đắn hơn, bao giờ cái ghen tức cũng làm cho người ấy phải mong ước sự hư hỏng ở người kia để cho cân nhau. Thanh không thoát khỏi cái thông lệ ấy. Thanh chỉ muốn Quỳnh cũng hư như mình. Vì những lẽ ấy, sự giả dối, cái xảo quyệt, sự nói tốt trước mặt nói xấu sau lưng, của hai người, là những điều không thể tránh được. Đương ngồi yên, bỗng Thanh đứng lên: - Chết, đám đã đi xa mất rồi, thôi em xin phép chị. - Vâng, lúc nào nhàn rỗi mời chị lại chơi. Hai người chào nhau. Quay vào quầy hàng, Quỳnh nghĩ đến cái đám ma, thân thế ngắn ngủi của người chết tên là cô Ngọc xưa kia là một hoa khôi, người chồng đi đầu quan tài với một cái mặt thản nhiên, tiếng kèn ảo não, những thoi vàng bị dẫm nát, rải rác trên mặt đường. Bỗng đâu nàng run sợ, lo cho thân thế mình, trờn trợn về cái bất trắc của ngày mai. Những câu Thanh nói lại vang bên tai nàng như một sự ám ảnh: “Có gì là lạ! Họ yêu nhau, họ say mê nhau, rồi họ phụ nhau, họ hành hạ nhau, ấy sự đời chỉ có thế mà thôi!”. - ACHƯƠNG 6 nh van em nữa đấy! Thì em cứ đi đứng tự nhiên y như đã là vợ anh rồi xem có được không nào? Can chi lại cứ co quắp như thế? - Khổ lắm, như mà nó cứ làm sao ấy cơ! - Là sao? - Em chỉ sợ có người quen trông thấy chúng ta thôi. Lúc nào em cũng cứ hay giật mình, tưởng chừng như có người quen thuộc nào họ trông thấy anh và em đi với nhau, thế này... - Làm gì có ai đâu? Rõ thật “có tật giật mình” chửa! Quỳnh cả cười một cách ngây thơ mà rằng: - Ấy thế mới khổ chứ! Ai bảo “có tật”? Liêm rắn rỏi nói tiếp: - Mà dẫu cho có nữa thì chúng ta cũng đến lấy nhau là cùng chứ gì nữa! - Anh là đàn ông, anh nói thế nào chả được, còn ai dám chê cười gì nữa. Đằng này em là đàn bà, tất phải khác anh. Hai người đi lên cầu Paul Doumer 1 bằng bên tả, nghĩa là lối đi của khách bộ hành sang Gia Lâm. Thỉnh thoảng, Quỳnh lại quay nhìn về sau lưng, và khi đi qua cái nhà gỗ nhỏ của lính cảnh sát, chỗ ấy có nhiều bóng điện sáng chói và hai con mắt của người cảnh binh cũng tò mò như những bóng điện, nàng hổ thẹn quá phải cúi gằm xuống. Cho nên Liêm đã phải khẽ gắt với người yêu, và hai người đã đối đáp nhau như trên kia. Lúc ấy tuy chưa bảy giờ, song vào cuối thu nên trời đã tối mịt, và trên cầu cũng đã vắng người qua lại. Chỉ còn một ít dân buôn bán gồng gánh tất tưởi, sau buổi chợ chiều để về những túp nhà tranh lụp xụp bên Gia Lâm. Hai người không bị ai để ý đến, bởi cớ trai gái đi chơi với nhau trên cầu là chuyện quá thường. Kể từ chỗ tránh xe thứ nhất trên cầu trở đi, cặp nhân tình được hưởng cái vắng vẻ gần như chỉ có hai người trong một thế giới riêng. Và cũng không phải nói khẽ quá nữa. Đi độ hai mươi bước, Liêm thấy không có gì nói chuyện, bèn đem những sự bực mình mà chàng cho rằng Quỳnh phải chịu trách nhiệm. Nhưng cả mấy việc, Liêm đem nói ra cả một lúc. - Sao em để anh phải đợi lâu quá thế? Đúng hơn nửa giờ đồng hồ thì có khổ người ta không? Mà tại sao hôm kia, anh đến, chưa chi em đã chạy tọt vào trong nhà? Anh chưa kịp nói câu nào, em như thế, làm anh cứ tưng hửng cả người ra thôi! Em nên biết rằng những lúc ấy, anh giận em lắm đó! Anh thấy cái gì hình như là em khinh anh! Sao em lại như thế! Quỳnh chỉ biết chống chế bằng cách nhìn Liêm để tủm tỉm cười. Tuy những câu trách cứ kia là nhiều, song nàng cũng vẫn biết đáp cho từng việc một. - Em có muốn anh phải đợi em lâu đến thế đâu! Nhưng mà khi ra đi, dẫu sao em cũng cứ phải làm ra bộ ung dung, hình như là muốn đi lúc nào thì đi, chứ nếu hấp tấp, đâm sấp ngã vồ, e cô chú em nghi là có hẹn hò gì với ai. Còn việc thấy anh mà em chạy tọt vào trong nhà, thì vì bữa ấy em ngượng, em thẹn thật, mà không hiểu sao em lại cứ thẹn như thế. Như anh chắc anh cho đó là thẹn vô lý, vì chúng ta đã từng đi chơi với nhau... Ấy thế mà em không thể nào không thẹn được! Anh nhớ lại xem: mới tối hôm trước thầy chẳng đến hỏi em là con dâu đó là gì? Một việc đã trở nên chính thức rồi, tất nhiên trước mặt anh, thái độ em không thể cứ như trước được nữa, nếu anh không hiểu cho như thế, lại cứ giận em, thì anh nhầm... Nghe lời cắt nghĩa khúc chiết, Liêm cũng nguôi nguôi. - Không, ấy là anh nói để em để ý đó thôi. Chứ đời nào anh lại dám giận em! Đi một lát, Liêm lại chữa: - Nhưng mà có yêu thì mới giận, xin em biết cho như thế nhé! Gần được một nửa cầu, Quỳnh bảo: - Đến đây thôi anh ạ! Chốc nữa về cho gần đường. A! Nhưng mà liệu lát nữa, họ có cho mình quay về không? Nếu họ bắt đi hết cái cầu này rồi về bằng đường bên kia, thì chết! Liêm an ủi: - Không sợ! Ta sẽ nói khéo vài lời cho lễ phép, làm gì ông cảnh binh ấy chẳng cho ta đi! Liêm và Quỳnh cùng đứng lại. Chỗ ấy là trên giữa sông Nhị Hà. Cả hai người nhìn xuống mặt nước mập mờ có lấp lánh đèn điện của cầu chiếu xuống... Dòng sông đun ngọn trào vào chân cầu ào ào không lúc nào ngớt, đem theo những mảnh bọt trắng hay là những đám củi rều đen. Ánh đèn trên cầu, trên mặt sông cũng bị dòng nước lôi cuốn đi, làm tan nát ra như muôn nghìn mảnh kính vỡ, cứ như trôi đi mà sự thực thì lại lửng lơ đọng một chỗ, trông lạ mắt vô cùng. Thốt nhiên có tiếng chèo rào rạt đập sóng: một chiếc thuyền khổng lồ đen sì sì chỉ có bên trong một ngọn đèn dầu làm dấu hiệu, lừ lừ như một thứ quái vật, đi ngược dòng sông... Bên trên, những người đẩy sào ngả hẳn về đằng sau, như sắp lăn tòm xuống nước, rồi mới đứng thẳng người lên, mà lại không bao giờ ngã! Thuyền đi, đê lại trên mặt nước chỗ sóng trôi cuồn cuộn có bọt trăng ngầu; chỗ xô xoáy va nhau thành những vòng tròn như cái hình vô hình của những đám gió lốc; chỗ lăn tăn như vẩy cá; lại có chỗ phẳng lặng một cách đáng lạ lùng, phẳng lặng và bì bì đóng váng như mặt nước bát cơm. - Hồ ồ ồ ồ ha! Một tiến còi từ xa khiến hai người quay mặt lại, đứng tựa lưng vào thành cầu. Cái cầu sắt khổng lồ đã bắt đầu rung chuyển làm cho người ta thấy rờn rợn, tưởng chừng cái thanh sắt dài có thể rơi xuống và khiến mình cũng rơi theo... Rồi thì - xình xình xình, xình xình xình xình! - Cả lái cầu ầm ầm lay chuyển, và bên trong những thanh sắt lớn, thấy hiện ra ngọn đèn buồn rầu dưới một dải khói đen kịt; rồi như một trận bão, cái đống lù lù mười mấy toa xe lửa phăng phăng trôi qua mắt hai người, bên trên những toa ấy có những hành khách lố nhố đứng nhìn những hào quang rực rỡ của cái Hà Thành ban đêm. Chuyến hỏa xa vừa đi xong thì đã lại có một vệt ánh sáng vàng chói lọi dài độ ba trăm thước: có xe hơi chạy đến. Thấy ánh sáng chiếu vào mặt mình, Quỳnh hoảng hốt quay mặt ra phía sông, và lấy tay vuốt mái tóc để che mặt mãi cho đến lúc cái xe hơi cũng đã đi xa. - Những người ngồi trong ô-tô nhìn mặt mình rõ lắm đấy, anh nhỉ. Liêm bật cười: - Chết thật! Em làm như khắp bàn dân thiên hạ này ai cũng chỉ bận có một việc là để ý đến em, để chê bai em là đi với anh mà thôi. Thế ra ai cũng biết mặt biết tên em đó à? Quỳnh cúi mặt, bẽn lẽn cãi: - Nhỡ trong xe có người quen, biết đâu? - Anh tưởng em làm gì mà quen khắp thiên hạ như thế được? Quỳnh vẫn cúi mặt. Liêm đưa tay ra khẽ tát một cái vào má nàng. Rồi, như không có chủ tâm gì, Liêm nghiêng đầu về phía mặt Quỳnh, khẽ đặt vào má bên này một cái hôn không có tiếng kêu. Chàng cầm tay người yêu để xoa, nắn, nắm rõ chặt. Rồi chàng bảo: - Ta ngồi phệt ngay xuống đây có lẽ mà lại hay. - Sợ bẩn quần áo, anh ạ. Liêm cúi xuống, lấy tay xoa xem ván cầu rồi reo: - Ngồi được lắm, sạch sẽ chán! - Ừ nhỉ! Vả lại gỗ cả, chứ có phải đất đâu mà bẩn! Hai người ngồi xuống; Quỳnh quay mặt ra phía sông, Liêm tựa lưng vào thành cầu. Cả hai người cùng ngồi bó gối, mặt nhìn mặt... Quỳnh chữa thẹn nói: - Thế mà cứ hẹn nhau ở đây lại hơn cả, anh nhỉ? Phong cảnh đẹp, lại được ngồi một chỗ gần như biệt tịch, khỏi phải đi mỏi cả chân như lần trước. - Em nói phải lắm. Từ nay, nhất định ta chỉ hẹn nhau đến đây thôi. - Chết, đã 8 giờ chưa, hở anh? - Làm gì! Em cứ nóng ruột thế thì ngồi với nhau thế này còn thú vị gì nữa? Đến đây hai người lại im lặng một lúc lâu. Có lẽ vì không biết nói gì với nhau nữa hoặc là có nhiều điều muốn nói quá nhưng không biết nên nói điều gì trước. Chợt Liêm âu yếm khẽ nói: - Quỳnh ơi, Quỳnh? - Dạ! - Quỳnh yêu quý nhất đời của anh ơi, Quỳnh! - Anh bảo gì? - Em nhỉ, em có hiểu rằng thế này là cả hai chúng ta cùng được hưởng hạnh phúc ở đời rồi đó không? Yêu nhau, lại được lấy nhau, trong cuộc dự định ăn đời ở kiếp với nhau không gặp một trở lực nào, thế là nhiều lắm rồi đó. Em nên biết rằng trong đời này có một con số không sao kể xiết nữa là, trai gái yêu nhau lăn lóc mà không tài nào lấy được nhau, khổ sở điêu đứng trăm chiều. Nghĩ đến những người ấy thì mình phải hiểu răng mình đã sướng lắm, đã tốt số lắm. - Em biết đấy chứ? - Quỳnh ạ, anh lấy được em, anh thấy cái gì hình như là đáng kiêu ngạo lắm. Thật thế đấy, anh muốn kiêu ngạo lắm, anh muốn nói thế với thiên hạ nữa, chỉ bởi cái cớ là lấy được em làm vợ mà thôi! Vậy thì em lấy anh làm chồng, em co cho đó là một điều vinh dự gì cho em không? Quỳnh đáp qua cái cúi đầu: - Cái đó thì đã hẳn. Một lát, nàng ngẩng lên tha thiết nói: - Em xin yêu quý anh nhất đời. Em sẽ là người vợ rất ngoan ngoãn, rất dễ bảo của anh. Em xin cam đoan là bao giờ cũng chỉ yêu anh thôi, và dẫu rằng anh có ăn ở tệ bạc với em nữa, em cũng không bao giờ dám giận anh. Thật đấy, em cứ nghĩ như bụng em đối với anh hiện nay thì hình như mai sau, dẫu có điều gì đi nữa, em cũng không thể nào lại không yêu anh nữa mà được. Cảm động, Liêm lôi tay Quỳnh về miệng, đặt lên đấy một cái hôn rất kêu. Nàng ngây thơ nói: - À quên! Đáng lẽ em phải nói câu này đã từ bao giờ kia rồi, vậy mà cứ quên khuấy đi mãi thôi! Nhưng bây giờ thì may quá, em nhớ rồi! - Gì vậy? - Anh lấy em về rồi thì thôi chứ không được lấy vợ lẽ nữa đấy nhé! Liêm bật cười, nhìn nàng một cách âu yếm hết sức: - Một vợ chưa đủ chết hay sao mà còn phải lấy vợ lẽ! Em lo xa quá. Nghĩ một lát, Liêm tiếp: - Còn anh, thì anh xin cam đoan là yêu em mãi mãi, dẫu răng sau này có khi em sẽ già, sẽ xấu. Anh quyết không bao giờ lại làm em phải có điều gì lo phiền về anh. Thật thế đấy, cứ bằng vào lòng anh yêu em hiện giờ nó tha thiết thế này thì hình như mai sau, dẫu thế nào đi nữa, cũng không bao giờ Liêm có thể phụ Quỳnh được. Em ạ, anh không tự phụ gì đâu. Có lẽ anh có một vài nết tốt cũng như anh cũng phải có vài tính xấu. Nhưng anh vững tin là trong những tính xấu ấy, không thể lại có một tính, cái tính xấu làm khổ một người đàn bà. Thật thế đấy, anh không đủ tư cách làm khổ một người đàn bà đâu, nhất là khi người đàn bà ấy lại chính là em. - Em cảm tạ anh lắm. Lại đến lúc cả hai bắt đầu lặng im nữa. Riêng Quỳnh, nàng tuy cảm động lắm, nhưng chính vì sự xúc cảm mạnh ấy, mà nàng liên tưởng đến cái đám ma cô Ngọc, mới sáng hôm qua... Nàng rùng mình, lo sợ vu vơ... Vì rằng cuộc tình duyên tốt đẹp nào cũng có thể dắt đến một kết quả rất thảm khốc. Do thế, nàng không được hưởng cái sung sướng rất hiếm có trong ái tình, vào cái lúc hai tâm hồn yêu nhau rất thân thiết, nói với nhau những lời nghĩ đi chứ không hề có “nghĩ lại”, và hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Về phần Liêm, lúc ấy, nhân được ngắm kỹ khuôn mặt người yêu, chàng cũng liên tưởng đến Khánh, một cô gái giang hồ chưa lành nghề và đã cho chàng biết thế nào là tình dục. Chàng so sánh hai người, hai số phận, bỗng thương cho cô gái giang hồ. Và càng thương hại Khánh bao nhiêu, Liêm càng lo sợ xa xôi cho Quỳnh cũng bấy nhiêu. Chàng nghĩ thầm: “Người này cũng có thể hóa ra lá gió cành chim như người kia được lắm!”. Chàng nghĩ thế rồi chua chát tự nhủ: “Nếu ta... bạc tình!”. Ngay lúc ấy, Liêm thấy một sự kiêu căng vô lý của tâm hồn sau khi nhận ra rằng chỉ do ở cách cư xử của chàng, mà một đời người đàn bà có thể hoặc sung sướng, hoặc khổ sở ê chề. Chợt Quỳnh hỏi thân mật như đã là vợ chồng rồi: - À nhỉ! Tại sao chính thầy đi ướm hỏi em chứ không phải me? - Thầy anh hay me thì khác nhau cái gì? - Có phải me không ưng em làm dâu lắm có không? Liêm giật mình... hẳn trong số gia nhân đã có đứa nào đi hớt lẻo! Chàng hỏi: - Sao bỗng dưng em lại nghĩ như thế? - À, hình như cô chú em nói vụng với nhau như thế... - Nhảm quá! Em đừng để tâm vào câu nói tầm bậy ấy mà phiền lắm đấy. Nghĩa là thầy hỏi... lỗ mãng một chút nên thiên hạ ức đoán ra thế đó thôi. - Em cũng mong như thế đấy. Chợt Quỳnh giật mình, hoảng hốt hỏi: - Chết! Mấy giờ rồi anh? Sau khi xem giờ ở cổ tay, Liêm đáp: - Tám giờ kém mươi lăm. Quỳnh đứng phắt ngay lên, thất thanh kêu: - Em về chậm mất rồi! Đi, anh. Nói xong, nàng toan đi ngay. Liêm đứng lên nắm tay người yêu, giữ lại... - Hãy khoan một tí đã. Trên cầu lúc ấy hoàn toàn vắng vẻ. Liêm giữ Quỳnh lại. Nàng ngơ ngác nhìn, không hiểu... Liêm đưa tay qua nách Quỳnh, vòng lấy cái lưng ong. Bàn tay bên kia thì chàng dịu dàng đặt dưới gáy người yêu. Chàng từ từ kéo cái thân thể gái tơ ấy về mình, nhịn thở mà nghe dò cái phản động lực. Rồi Liêm đặt một cái hôn nồng nàn, lâu lâu, vào cặp môi hé mở có lóng lánh men của những cái răng ngọc trai. Quỳnh rùng mình, quả tim đập thổn thức, phải cảm động như những thiếu nữ khác khi nhận cái hôn đầu tiên trong đời tình ái. Người nàng lúc ấy bị sức hấp dẫn làm cho như dính chặt vào thân thể Liêm. Cả hai người đều thấy những luồng điện mạnh nó làm run run bốn ống chân. Rồi thì, hầu như không vì có chủ tâm, một tay của Liêm tình cờ đặt vào một bên ngực của Quỳnh. Chàng sung sướng vì được yên trí ngay rằng cái kho báu ấy, chàng là người thứ nhất được xâm phạm. Nàng hất cái tay của Liêm ra, như hối hận lại như sợ sệt, rền rĩ nói: - Chết, sao anh lại nỡ thế, hở anh! Liêm ngập ngừng đáp: - Anh yêu em đấy thôi chứ có sao! Thôi chúng ta về. Từ đây, trên con đường về, vì hổ thẹn, hai bên không ai nói gì với nhau nữa. Nhưng mà, từ đó, cái lửa tình dục trong người Liêm cũng đã bị cái bàn tay cản trở ấy khiêu nhóm lên. Một sức ám ảnh bắt đầu chiếm đoạt ý nghĩ của chàng, khiến Liêm sẽ phải, ngày cũng như đêm, mơ mộng về những sự ám thị của tình dục. Chú thích 1.Cầu Long Biên ngày nay, thời ấy mang tên viên toàn quyền Đông Dương đã khởi công làm cầu. HPHẦN II - CHƯƠNG 1 ai tháng đã qua. Trong thời gian ấy, Liêm đã sống những ngày sáng sủa, ngắn ngủi quá, để hưởng tất cả những điều gì đáng gọi là hạnh phúc, và để nếm trải tất cả mọi cái hạnh phúc mà một người phàm trần tốt số có thể được hưởng. Chàng được hoàn toàn lạc quan mà nhìn thế sự. Chàng được bằng lòng bố mẹ đã đưa trầu cau đi chạm ngõ cho mình, bằng lòng cái địa vị thầy giáo dạy tư rất nhũn nhặn của mình. Chàng bằng lòng người vợ sắp cưới mà chàng trông thấy rằng chỉ có những đức hạnh chứ không có lấy một tính xấu nào cả, một thiếu nữ kể về phương diện nào cũng là hoàn toàn, người mà mỗi khi nghĩ đến, chàng đã tìm được một cách mệnh danh đầy thú vị là “người mà cuộc đời là một bài thơ!”. Liêm được bằng lòng về mặt trời cứ tuần tự mọc lên ở vừng đông, mỗi buổi sáng, về một cái lá vàng nọ rụng và bay tơi tả theo ngọn gió heo may, về ánh sáng đèn điện của những phố xá chỉ đông người vào ban đêm, về những xe cộ làm phiền nhiễu cho sự giao thông của phố xá ấy... Bất cứ sự vật gì, đối với chàng, cũng đều có nghĩa lý cả, nếu nó không có một thứ thú vị riêng của nó. Chàng đã sống để mà không biết rằng đời là một sự vô nghĩa lý, chỉ vì chàng yêu và được yêu... Liêm thấy rằng mình còn trẻ, tiền đồ còn rộng rãi thênh thang, mà đã được hưởng thụ cuộc đời, có nhà cửa, có bố mẹ, có học thức, công danh, lại có cả tấm yêu của một thiếu nữ đáng yêu vào bậc nhất. Bữa nay, Liêm nằm ở cái phòng garconière của Cử Tân, trên một cái ghế bành có đệm rất êm dịu để hưởng cái êm dịu của một điếu thuốc lá Hồng Mao 1 như một dân nghiện sành sỏi. Hôm trước, Cử Tân có việc phải đi xa, đã bảo Liêm đến “trông nhà”. - Mày cứ việc dùng cái lỗ 2 của tao bằng địa vị một người có quyền sở hữu. Mày muốn đem con “gà mái” nào của mày đến cũng tùy ý... Và bồi bếp của tao đấy, mày cứ việc sai bảo chúng nó y như tao vậy. Tao đi đúng một tuần lễ thì tao về. Được không? Trước sự mời mọc tình cờ như thế, Liêm đã nhận ngay, tuy chưa biết nhận để làm gì. Vì dạo này nhà Liêm co may ngươi trong họ ở nhà quê ra chơi, phải đụng chạm với một bọn người nói chuyện cứ như cãi nhau, Liêm không chịu nổi sự huyên náo vô ý thức ấy, và hễ ăn cơm xong, nếu không đến nhà Quỳnh chàng không còn cách gì khác là đi thư viện để đọc sách một cách bất đắc dĩ. Cho nên khi nhận lời mời của một người bạn già mà địa vị cùng cách ăn ở cao hơn mình, lại bỗng dưng tỏ ra có tình với mình đến thế, Liêm cảm động lắm, và chỉ thấy rằng nhận lời bạn là một điều làm vui lòng bạn. Vả lại được có một chỗ an tĩnh để nghỉ ngơi, đọc sách, dẫu rằng chỉ trong một tuần lễ, Liêm cũng thấy sẽ có thú vị hơn là phải đi thư viện, vì cái nhà Cử Tân có cách bài trí cực kỳ cám dỗ người, nhất là đối với thiếu niên 3. Đến đấy được một buổi, Liêm bỗng nghĩ khác. Thật vậy, nếu đến bây giờ, Liêm mới biết lợi dụng nơi kín đáo ấy thì thật đáng ngạc nhiên lắm! Ừ, sao không hẹn Quỳnh đến chơi đây? Sao lại cứ phải hẹn hò nhau trên cầu Paul Doumer, một nơi có trăm nghìn con mắt tò mò của thiên hạ rất nguy hiểm cho danh tiếng của người mà chàng yêu, và có thể cũng có hại cho chính chàng nữa? Liêm nghĩ đến sự lo sợ kể ra cũng chính đáng của Quỳnh, nó làm cho hai người mất cả hứng thú, những khi chàng cùng Quỳnh sóng đôi nhau đi, đứng trên cầu sông Cái. Chàng lại tiếc những cái hôn đáng lẽ nồng nàn đằm thắm của mình, của hai người, vào những lúc mà Quỳnh cứ phải giật mình hoảng sợ, tưởng chừng có kẻ nào vẫn đứng rình mò ở sau lưng. Cho nên cái hôn là cái cử chỉ mà có thể nhờ nó mà một cặp trai gái được lên một cõi Nát Bàn riêng của một thế giới riêng; thì trái lại, đối với Liêm và Quỳnh, chỉ là sự khiêu khích đến cái tò mò không được thỏa mãn, và gây cho Liêm, nhất là cho Liêm, một sự khó chịu, một sự bực dọc... Liêm chỉ ao ước, trong những lúc ấy, rằng Quỳnh sẽ lim dim cặp mắt, ngả đầu về đằng sau, mở hé cặp môi son để lộ cái ánh sáng của những cái răng màu hạt trai, để mà nhận cái hôn của chàng một cách rất đằm thắm, rất say sưa... Thì là chàng được mãn nguyện! Thì chàng mới có thể được biết cái gì là thú vị của một cái hôn! Nhưng chẳng bao giờ Quỳnh lại làm như ý của Liêm muốn! Nàng chỉ hay cúi mặt xuống, vì hổ thẹn, hoặc là quay hẳn mặt đi tránh sự âu yếm của người yêu một cách gián tiếp, hay là nhìn sang tả, nhìn sang hữu, quay lại sau lưng, sợ có ai trông thấy mình. Cái cao hứng của Liêm thường bị dập tắt đi như thế. Cho nên, khi ý nghĩ kia nảy ra trong óc, là tức khắc Liêm thảo một lá thư nhỏ trong có ba dòng, hẹn Quỳnh đến nhà của Cử Tân. Trong ba dòng, Liêm đã tìm ra được những câu văn mạnh mẽ để cho người yêu khỏi phải nghi ngờ, khỏi phải do dự, khỏi phải sợ hãi. Nhất là Liêm lại hẹn vào lúc hai giờ chiều, thì đó là một cái cớ cho Quỳnh an tâm ra đi. Ban ngày ban mặt, một thiếu nữ ra đi đường hoàng giữa thanh thiên bạch nhật, như vậy, ắt nàng chẳng phải lo ông và bà phán Hòa ngờ vực gì nữa. Mà thiên hạ liệu còn có người nào bảo rằng một thiếu nữ sau khi kiếm được một cái cớ nhỏ để bỏ cửa hàng trong một vài giờ, giữa lúc hai giờ chiều, mà lại là “đi với trai”! Liêm chắc Quỳnh thế nào cũng đúng hẹn. Nhưng hai giờ rồi mà vẫn không thấy gì cả! Liêm hé mở cửa sổ, nhìn qua cái hàng rào sắt, trông ngóng... Rồi tình cờ, Liêm xuống hẳn sân, nhìn vào cái hầm, cái chỗ ở của bọn gia nhân nhà Cử Tân. Người bếp lúc ấy nằm ngủ thẳng cẳng trên cái chõng tre, ngáy ran lên, tựa hồ như đó là một người suốt một đời chưa bao giờ được ngủ ngon như thế. Chàng gật đầu, hài lòng lẩm bẩm: “Ấy nó chẳng biết chuyện gì là hơn!”. Chàng ra cửa hé một bên cánh cổng sắt để cho người yêu lúc nào đến, thì sẽ khỏi e ngại. Chàng chỉ định thế rồi quay lên ngồi chờ, nhưng, không nghĩ ngợi lại vô tâm bước ra... Chàng nhìn về phía đầu phố thì trông thấy Quỳnh đã lững thững đi đến. Liêm để cho tình nhân thấy mình, nhận được nhà rồi lại quay vào. Khi Quỳnh dừng chân trước cái cửa đã hé mở thì, đứng trên gác, Liêm vẫy tay ra hiệu bảo cứ việc lên. Tuy vậy, Quỳnh cũng rảo gót như một người tìm một chỗ trốn tránh, dáng điệu ngượng ngùng, hấp tấp. Đứng trước cái cửa phòng lúc ấy cũng hé mở, nàng hình như đắn đo, nghi kỵ. Liêm phải giục: - Thì vào trong này đi nào! Quỳnh còn hỏi: - Nhà ai đây, hở anh? - Hãy vào đi đã rồi nói chuyện cũng được. Nói xong, Liêm đẩy nàng vào, khép ngay cửa lại. Muốn cứu chữa cho cái cử chỉ có lẽ lỗ mãng của mình, chàng tiếp: - Thế này là chúng ta thật được yên ổn hoàn toàn trong nửa giờ để mà ngồi nói chuyện với nhau! Enfin... seulsz 4. Quỳnh khẽ rú lên một tiếng. Liêm ngạc nhiên, quay lại... Đó là cái đầu lâu nó khiến Quỳnh khiếp đảm đến thế! Chàng cười, cầm tay người yêu khẽ lôi ra chỗ cái ghế dài ở góc phòng đằng kia: - Không sợ! Cái đó là người ta bày làm đồ chơi, không có ma. Ta ngồi xa xa, ở đây vậy. - Nhà này là nhà ai, hở anh? - Nhà một ông giáo sư già, đỗ cử nhân, bạn dạy học của anh. - Thế ông ấy đâu? - Ông ấy đi xa một tuần lễ, nhờ anh đến đây ở hộ. - Lạ nhỉ? - Chính thế đấy. - Người ngủ dưới nhà hẳn là đầy tớ? - Bẩm vâng ạ. - Sợ nó biết... - Bẩm không ạ! Nó ngủ thì ắt nó không biết, và dẫu có biết thì nó cũng không dám nói với ai, vì nó sợ nói với ai thì chủ nó sẽ đuổi nó! Một câu dài như thế, Liêm nói có một hơi, khiến Quỳnh phải phì cười. Nàng tiếp: - Em bảo với cô em là em đi xem mẫu khuy. Liêm tắc lưỡi: - Mặc! Em chỉ ở đây lâu lắm là một tiếng đồng hồ là cùng. Ban ngày ban mặt thế này, vào một nhà tử tế như thế này, trong một nơi kín đáo, ấm cúng như thế này, thì còn sợ gì nữa. Chưa chi một tay Liêm đã ôm lấy Quỳnh ngang lưng. Tay kia chàng nâng bàn tay người yêu lên, đặt vào đấy một cái hôn kính cẩn hơn là âu yếm. Quỳnh để vậy, nhìn ra trước mặt khẽ thở dài. Nàng thừ người ra. Những ý nghĩ của Quỳnh lúc ấy là rất phức tạp. Trong óc nàng có sự xung đột của cái liều lĩnh và cái hối hận. Biết thế nàng chẳng đến cho xong! Nhưng mà nàng yêu! Nhưng mà sợ Liêm giận! Liêm hay hôn Quỳnh lắm, hay làm cho Quỳnh phải ngượng lắm. Nhưng chính vì cái chỗ hay làm nàng ngượng ấy mà Liêm mới đáng quý! Vả lại, có hai bên bố mẹ chồng nhận rồi, đối với một cái tình như thế, liệu nàng còn dám ngờ vực gì nữa, còn dám từ chối gì nữa. Lúc bấy giờ, mặc cho Liêm tự do hôn tay, hôn má, Quỳnh cứ thừ người ra để băn khoăn. Nàng mang máng thấy rằng thôi thế là xong, dễ thường nàng cũng hư hỏng như trăm nghìn người khác! Nhưng liệu có phải chính thế không? Quỳnh cũng hư hỏng! Có lẽ nào! Liêm, dẫu sao cũng đã là chồng nàng rồi. Nàng dẫu sao, cũng là vợ Liêm rồi. Không, có gì đâu?... Nàng không hư hỏng được! Liêm yêu nàng, đã hỏi nàng làm vợ, nay mai sẽ cưới thì nàng đành phải chiều ý người chồng cho đủ bổn phận của một người vợ ngoan ngoãn, chứ biết tính sao đây! Miễn cái yêu có chừng mực, đừng vượt ra ngoài lễ giáo một cách quá đáng, đừng dắt đến sự càn rỡ. Gian phòng lúc ấy tranh sáng tranh tối, và cái cửa sổ mở hé. Thật vậy, bốn bề chỉ có tường, tủ sách, tranh ảnh, hai người chỉ là một, ở giữa cái thế giới riêng. Liêm không còn tự chủ được nữa. Bao nhiêu cái biết mà chàng đã được Khánh - cô gái giang hồ tập sự - vỡ lòng cho, lúc ấy cũng đồng thời thức cả dậy, hình như để đón chờ những cảm giác cũ một lúc, rồi lại mới mãi mãi. Tay chàng lúc ấy đã để xuống chinh phục cái ngực của Quỳnh... Chàng mơn man cái da thịt còn nguyên vẹn, còn băng tuyết ấy, như một tay lọc lõi sành sõi. Chàng lại nghiệm ra rằng cái ân huệ cuối cùng trong sự vỗ về, ôm ấp một gái giang hồ chẳng đủ khiến mình được rung động như một chút ân huệ nhỏ mọn của người yêu. Nhưng Quỳnh đã hất tay Liêm ra, khẽ bảo: - Đùng nên thế, anh! Em muốn ái tình của đôi ta cao thượng, trong sạch... Liêm nghiêm mặt lại mà hỏi một cách dằn dỗi: - Thì em cho anh là một kẻ thô tục, vũ phu, đểu giả lắm đó à? Quỳnh ngước mắt nhìn lên, sợ hãi lắm. Liêm giảng giải một cách chỉ ích cho mình: - Không, em chớ nhầm. Đã yêu nhau thì không có gì trong sạch cũng như không có gì bẩn thỉu cả. Ai cũng đến thế mà thôi! Chỉ khác rằng yêu vì một cái nghĩa lâu dài, hay vì cái nhục dục của một phút... Chúng ta nay mai lấy nhau thì dẫu đến thế nào đi nữa, cũng chỉ chính đại quang minh mà thôi. Cái dâm, dẫu rằng phải kể đến cái dâm trong đôi ta, thì cũng nên phân biệt cái gì là dâm tà, cái gì là dâm chính... Không định lấy nhau mà yêu nhau, ấy là tà, còn định ăn đời ở kiếp với nhau mà ăn nằm với nhau, ấy là chính. Quỳnh không còn biết nói năng gì nữa... Người ấy lại chẳng là người chồng, nghĩa là người bảo gì thì nàng cũng phải vâng lời đó hay sao? Nàng đành để cho Liêm vỗ về ôm ấp... Không thể kìm được sự rạo rực của xác thịt, Liêm tuy biết mình đương làm một việc càn rỡ mà cũng đứng lên đóng hẳn cửa sổ lại để cho hai cái mặt khỏi phải nhìn thấy nhau mà thêm ngượng. Một lát sau, trong cái tối âm u, lặng lẽ của gian phòng, có tiếng rên rỉ của Quỳnh, của một thiếu nữ lần đầu trong đời bị thương ở chỗ vô cùng trong thân thể, một tiếng kêu đáng yêu thương dịu dàng đủ vẻ: - Anh ôi! Anh Liêm ơi! Thế là buổi chiều hôm ấy, Liêm đã làm cái việc mà luật pháp đành phải bao dung nhưng luân lý kết án. Chú thích 1.Thời ấy người ta quen gọi người Anh là Hồng Mao. 2.Nói theo tiếng Pháp bình dân là cái nhà. 3.Thời ấy thiếu niên có nghĩa như thanh niên ngày nay. 4.Rốt cục... một mình. QCHƯƠNG 2 uỳnh sợ hãi lắm, phải cúi gằm mặt xuống. Quả tim nàng bắt đầu đập rộn, cố nhiên... - Sao cô lại nói thế? Cô muốn nói cái gì? Hay là cô đã biết rõ cả mọi chuyện rồi chăng? Thật là khó hiểu... - Nhưng may sao là chưa để cho nàng kịp đáp, bà phán Hòa đã lại nói nốt - Thật thế đấy... Cô bảo thì chị nên nghe mới được. Chị có giận, cô cũng đành phải nói. Cô vào bậc cha chú, biết sự đời là gì, đã khuyên bảo thì chị phải nghe. Người ta đã có trầu cau ăn hỏi tử tế rồi, vậy mình lại càng phải giữ giá trị mình lắm, kẻo không người ta khinh cho. Nếu một khi người ta đã khinh được mình rồi thì cái việc ăn đời ở kiếp với nhau về sau là rất khó. Chị nên cẩn thận lắm lắm mới được. Đến đây, Quỳnh xem chừng lời lẽ của cô chỉ là mơ hồ thôi, nên đã biết đối đáp: - Thưa cô, con (vào những lúc thân yêu, Quỳnh thường tự xưng là con) có làm gì đáng trách đâu? Bà phán Hòa giảng giải: - Nghĩa là cô cứ bảo trước đi là vừa... Chứ nếu lại để xảy ra sự gì rồi, thì còn nói làm gì nữa! - Con vẫn biết lắm, cho nên con vẫn giữ gìn thận trọng lắm. - Những khi người ta đến đây thì con đừng nên tiếp chuyện mới phải. Giá con lánh mặt đi thì hơn nữa, nhưng mà lại bận trông hàng! Đã thế, đừng có chuyện trò, đừng có cười cợt với nhau, cái sự ấy đối với người ngoài là khó coi lắm, phải hiểu như thế mới được! Chị không biết chứ những khi cô ở trong nhà mà bước ra cửa hàng mà đã thấy chị với người ta đứng với nhau hàng nửa giờ rồi thì chính cô cũng cứ ngượng cả mặt, chẳng còn biết nói ra làm sao... Quỳnh khẽ cười nhìn lên hỏi: - Thưa cô, chả nhẽ anh ấy cứ đứng đấy thì cháu biết làm thế nào? Chả nhẽ anh ấy hỏi điều gì thì cháu cũng không đáp! - Có khó gì cái sự ấy! Không phải cô dặn chị phải lãnh đạm, phải cự tuyệt người sau này sẽ là chồng của chị. Nhưng mà cái gì cũng nên phiên phiến thôi. Thí dụ người ta hỏi mình độ mười câu mà mình chỉ đáp rất gọn vài ba câu thôi thì người ta dần dần cũng phải hiểu... là không tiện nói chuyện nhiều quá. Chứ lại cũng cứ liên liến, cứ vồ lấy chuyện mà đáp lau láu người ta mãi mãi thì còn nói gì nữa? - Cháu có liến láu với anh ấy bao giờ đâu nào! Đến đây, bà phán Hòa đứng lên. Trước khi vào, bà còn giơ ngón tay trỏ, ra một cái lệnh nghiêm trọng: - Phải giữ gìn đủ mọi đường mới được! Không nói chuyện, cái ấy đã đành, nhưng mà lại phải giữ đừng có bao giờ thư từ gì cho nhau cả, điều ấy cũng lại can hệ hơn! Cấm tiệt mọi sự đấy! Thế chị đã nghe ra chưa? Chị nên biết rằng nếu chị mà không ra gì thì mẹ chị cứ lại mặt tôi mà mắng! Nói xong, bà phán Hòa vào nhà trong. Quỳnh mừng rỡ vô cùng, vì đó là chứng cớ hiển nhiên rằng cô ruột của nàng chưa biết một tí nào cả. Như một đứa trẻ ăn vụng không bị bố mẹ bắt quả tang, đã thoát khỏi trách mắng. Thoạt đầu, nàng đã sung sướng một cách ngây thơ... Nhưng cái vui ấy chỉ được có một lúc thôi; nàng chẳng còn là cô gái ngây thơ như trước nữa. Hơn nữa, không những đã 22 tuổi, sau khi phó thác thân thể cho tình lang, cô thiếu nữ ngây thơ bỗng vụt trở nên một người đàn bà! Bắt đầu có trí khôn, Quỳnh đã biết ngay là mình dại. Bắt đầu có một cái lương tâm rõ rệt, Quỳnh đã bị ngay cái lương tâm ấy cắn rứt. Thế rồi nàng ngồi thừ ra, hai lông mày cau lại, nét mặt đăm chiêu... Không! Nàng không ngờ chính nàng lại táo tợn đến bậc ấy! Có thể như thế được chăng? Không! Không có thể được. Không có lý nào! Vậy mà... Thôi, thế là xong! Cô đã dặn đừng có thư từ gì với người chồng chưa cưới... thì xưa nay Quỳnh đã thư từ đi lại mãi rồi! Cô đã dặn không được năng chuyện trò với người ấy... Thì nàng đã lẻn nhà đi chơi với người ấy nữa! Cô nàng đã dặn nàng phải giữ gìn, phải thận trọng... thì nàng đã suồng sã, đã hiến cho người tình mất cả chữ trinh! Nghĩ đến đây, Quỳnh đỏ bừng mặt, tự mình cũng phải hổ thẹn với mình. Trí nhớ của nàng rụt rè trở lại với việc cũ để cho lương tâm nàng sỉ nhục nàng mãi không thôi... Một ít khoái lạc trong giây lát với cơn đau đớn một vài giờ, ấy đó, sự đời, cái sự đời mà người trong sạch đến bậc nào cũng đôi khi bị lòng tò mò thúc giục muốn nếm trải, muốn biết rõ, thì nó chỉ có thế! Thật là bất ngờ! Nàng không bao giờ lại dám tưởng rằng mình có khi phó thác thân thể mình cho một người đàn ông - dẫu là vị hôn phu một cách dễ dàng đến như thế. Nàng không ngờ rằng từ cái hôn nó chỉ là một thứ ân huệ nhỏ mọn, người yêu của nàng lại có thể đi đến cái việc vô cùng hệ trọng cho cả một đời nàng, mà lại dễ hơn là trở bàn tay. Thật ra, nàng nào phải là người hư hỏng, bị sự thúc giục của tuổi dậy thì làm cho hóa ra càn rỡ, cho cam! Trái lại, từ khi bắt đầu yêu, chính là nàng vẫn tự chủ luôn rằng phải cố làm thế nào cho đừng đến nỗi phạm phải cái điều ấy, thế mới lạ! Thì ra cổ nhân đã nói không sai: khôn ba năm dại một giờ. Thì ra đời này, đừng có ai cậy mình khôn mà được. Nhưng mà đó chưa phải là điều cốt yếu. Nhưng mà những ý nghĩ vừa qua chưa phải là một phương giải quyết. Điều cốt yếu là, sự đã thế rồi, thì liệu người chồng chưa cưới của Quỳnh có khinh bỉ nàng hay không! Nếu có, nàng sẽ phải lấy cách gì ra đối phó? Đến đây, Quỳnh lầm bầm: “Không, ta chẳng lo gì cái sự ấy. Một người như Liêm chẳng phải là kẻ yêu ta, được ta rồi lại bạc tình, thì giở mặt với ta...”. Trong lúc lo âu, cô gái nhẹ dạ đã tìm ngay được cách an ủi giản dị ấy. Đó há lại chẳng phải là phương châm cuối cùng của những kẻ có linh hồn yếu đuối như Quỳnh hay sao! Nàng nhớ lại cái thái độ của Liêm từ khi bắt đầu yêu nàng, những ngôn ngữ, những cử chỉ toàn là biểu lộ một tấm tình nồng nàn tha thiết... Và đã mấy tháng nay Liêm không hề thay đổi. Ấy thế rồi Quỳnh tạm được yên tâm. Nàng đứng lên, quên ngay cái lỗi tầy đình mình đã phạm phải, và chỉ còn nhớ những lời dặn bảo của người cô ruột: “... mình lại càng phải giữ giá trị của mình lắm, kẻo người ta khinh đi cho. Nếu một khi người ta đã khinh được mình rồi thì việc ăn đời ở kiếp với nhau về sau là rất khó!”. Đó là lẽ phải, đó là sự khôn ngoan. Quỳnh đứng lên, ra tựa cửa... Vào lúc ấy, Thanh đi qua, Quỳnh khẽ nghiêng đầu chào, nhưng Thanh cho đó là được mời vào, nên vào ngay tức khắc. Sau mấy câu chào hỏi, thấy hàng vắng, Thanh tỉ tê đem chuyện riêng của mình ra kể, và cũng hỏi Quỳnh về chuyện hôn nhân. - Thế bao giờ thì cho tôi ăn cỗ đấy? - Cái đó tùy bên nhà trai, chứ sao chị lại hỏi? - Thôi, chị thế là an phận, em cũng mừng cho chị lắm. Từ hôm em được biết tin đến giờ, em lại buồn thay cho em. Chị ạ, anh Liêm cứ trông mặt mũi, cũng đủ biết là người đứng đắn, tử tế! Hạng người như thế, dám chắc không khi nào có thể đang tay làm khổ được một người đàn bà... Một cặp vợ chồng như thế, trai tài gái sắc, thế là tốt đôi. Chị nên biết rằng thế là chị được hưởng hạnh phúc ở đời rồi đó. Quỳnh cúi mặt vì quá sung sướng, ấp úng đỡ lời: - Chị quá khen! Thấy Liêm được Thanh khen vắng mặt, Quỳnh bỗng đem lòng yêu mến ngay Thanh. Nàng lại hơi hối hận vì trước kia đã cư xử ra chiều lãnh đạm với người bạn gái của nàng vì đã hiểu lầm trong một thời kỳ nên chưa rõ cái bụng dạ quý hóa... Bao nhiêu sự xích mích nhỏ nhen, bao nhiêu cái ghen ty tầm thường, giữa hai người xưa kia, nay bỗng tiêu tan hết cả. Quỳnh nói đã khéo. Thanh lại khéo hơn. Người ta cứ việc dùng những lời dịu dàng văn hoa ra an ủi nhau quá đáng mà cũng không biết nữa. Và đó là một điều thú vị lắm, dễ chịu lắm; khi người ta xử hòa với nhau một cách ngấm ngầm mà yêu quý nhau một cách công nhiên. Dần dần, trong một lúc cao hứng, Thanh đã đem cả một sự tưởng chừng phải giữ bí mật lắm, nói cho Quỳnh rõ: - Chị ạ, như em thì em thiết nghĩ không cần gì đời. Em cho rằng đàn bà là được cái địa vị để cho đàn ông phải trọng đã, phải tòng phục... Chứ họ không có quyền gì bắt nạt hay lấn át ai cả! Muốn tử tế thì đây cũng xin tử tế, mà muốn giở mặt thì đây cũng giở mặt ngay cho mà xem! Quỳnh vẫn không hiểu rõ đầu đuôi ra làm sao, và chỉ biết rằng, trong khi nói những lời ấy thì cặp môi của Thanh cứ cong tớn lên, thế thôi. Nàng cầm cái bút chì cứ nguệch ngoạc lăng nhăng trên bìa quyển sổ viết (một quyển sổ cẩu thả) vừa mỉm cười vừa lắng nghe bạn nói hằn học... Rồi hỏi: - Thế bây giờ xoay ra làm sao? - Nó muốn giở mặt, lại ra ý khinh bỉ gia đình nhà em, thì em chỉ còn cách cự tuyệt ngay tức khắc! Chị ạ, em tức quá, chữ em thì xấu, mà em viết thư thì không bao giờ lại được gãy gọn... Trong một lúc cao hứng cực điểm, không biết mình sắp làm một việc rồ dại, Quỳnh phăm phăm nói ngay một cách nửa thật nửa bỡn: - Nào, có định thế thật không nào! Để tôi xin giúp một tay! Thanh không thấy cái ý nghĩa bông đùa trong câu nói ấy, giận dữ kể lại tình cảnh... Nào là hai người yêu nhau đã ngót một năm, rồi người đàn ông có ý chán, dễ thường mê người khác, rồi Thanh cũng có ý thay đổi, muốn đoạn tuyệt, sẵn lòng dứt tình, để có thể cũng được tự do yêu người khác... Cái vấn đề muôn năm giữa phái nam nữ tự do yêu nhau chứ nào có gì lạ đâu! Thuật chuyện xong, Thanh yêu cầu bạn thảo qua hộ lá thư cự tuyệt rất rắn rỏi để cho nàng sẽ theo đó mà chép lại... Thanh khẩn khoản lắm, nói một cách rất đứng đắn nữa, khiến Quỳnh chẳng còn kịp nghĩ xa xôi. Vả lại cái tuổi trẻ là cái tuổi tự đắc, hay khoe khoang. Quỳnh muốn cô bạn có dịp biết rằng nàng cũng là một tay “văn chương” chứ không phải kém! Thế là nàng xé ngay tờ giấy trắng cuối cùng ở quyển sổ bán hàng, sẵn bút chì, thao thao bất tuyệt thảo ngay một lá thơ. Thanh đọc xong, khâm phục lắm, cảm ơn mãi, và chỉ yêu cầu chữa qua loa một vài chữ. Thanh gập mảnh giấy nhét vào miệng cái gói giấy trong có một cái khăn sa tanh mới may ở Hàng Ngang. Hai người lại chuyện trò huyên huyên hồi lâu nữa, nghĩa là làm cái việc có thể cho người bề trên sỉ nhục là: “Lúc nào cũng chỉ nói chuyện trai!” mà không biết mình cũng hơi hư hỏng một chút. Đồng hồ đánh 5 giờ làm cho Thanh sửng sốt đứng lên... - Chết, thôi xin phép chị, em phải về! Vừa lúc ấy, có hai chàng “công tử bột” rầm rộ bước vào. Vội phải tiếp khách, Quỳnh không kịp dặn bảo gì người bạn gái. Lúc hấp tấp đi vòng quanh cái quầy hàng để nhường lối cho khách đi, trong một phút lơ đễnh, Thanh không biết rằng cái thư mà Quỳnh viết hộ đã rơi lọt khỏi bọc giấy nhật trình để nằm trên mấy mẩu giấy gói hàng khác, ở một khe tủ... Thanh ra gọi xe mặc cả, gắt với phu xe một hồi, rồi bước lên. Hai người khách hàng trẻ tuổi, cũng như trăm nghìn thiếu niên khác, vào hàng là cốt để nói nhiều mà mua ít. Một