🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức - Tiến sĩ Shefali Tsabary
Ebooks
Nhóm Zalo
Tác giả
Tiến sĩ Shelali Tsabary nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý lâm sàng, Đại học Columbia, New York. Bà được tiếp cận với quan điểm phương Đông từ rất sớm và lồng ghép quan điểm đó vào tâm lý học phương Tây. Sự lồng ghép giao thoa giữa phương Đông và phương Tây giúp bà tiếp cận với độc giả toàn cầu. Khả năng thu hút độc giả thiên về tâm lý và độc giả thiên về ý thức đã giúp bà trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nuôi dạy con. Bà hiện đang sinh sống tại New York cùng chồng và con gái.
Lời tựa
Trong cuốn sách này, với những thuật ngữ đơn giản, đời thường nhất, Tiến sĩ Shefali Tsabary đề cập đến vai trò lớn lao của sự đồng cảm và phương pháp nuôi dưỡng nó thông qua mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Mặc dù năm nay đã 75 tuổi, tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác thân thương và tình yêu vô điều kiện mẹ dành cho tôi. Đến tận bây giờ, lòng tôi vẫn thấy bình an khi hồi tưởng lại những tình cảm đó. Trong thế giới hiện đại ngày nay, một trong những thách thức mà chúng ta phải đối mặt là làm sao để suốt cả cuộc đời luôn biết trân trọng sự ban phát vô tư đó. Khi lớn lên, lý trí dễ đánh lừa tâm trí, làm ta trở nên thiển cận, tạo điều kiện để những cảm xúc lo sợ, hiếu thắng, ghen tị, tức giận và thất vọng phá hỏng tiềm năng thực sự trong ta.
Khi mới sinh ra, có thể ta chưa có ý thức đầy đủ rằng “Đây là mẹ của mình” nhưng vẫn có một sợi dây liên kết tự nhiên tạo thành từ những nhu cầu sinh lý cơ bản. Từ phía người mẹ, cũng xuất hiện một động lực lớn lao để dỗ dành, nuôi nấng, đáp ứng những nhu cầu sinh học của con. Điều này hình thành một cách tự nhiên từ bản năng mà không cần liên quan gì đến những giá trị trừu tượng.
Từ kinh nghiệm hạn hẹp của mình, tôi thấy cội nguồn của hạnh phúc là tình yêu và sự đồng cảm, tình thân ái và lòng nhiệt tình dành cho những người xung quanh. Nếu luôn thân thiện và tin cậy người khác, bản thân ta tự nhiên bình an và tự chủ. Ta thôi e dè và nghi ngại - những cảm giác hay xuất hiện khi nghĩ về người khác, có khi
vì ta chưa hiểu rõ về họ, hoặc có khi vì ta tưởng họ đe dọa, hay đấu tranh với mình. Cho dù đang học tập, làm việc hay bất kỳ hoạt động gì, có bình an và tự chủ, ta mới có thể dùng hết năng lực tư duy của tâm trí để thực hiện tốt hơn.
Tất cả mọi người đều phản ứng tích cực với tình yêu thương. Đối với những bậc làm cha mẹ, điều này lại càng dễ hiểu. Tình yêu thương tự nhiên tồn tại giữa hai bên là một trong những nguyên nhân tạo nên mối liên hệ khăng khít giữa con cái và cha mẹ. Từ khi mới thai nghén trong bụng mẹ cho đến khi biết tự chăm sóc bản thân mình, ta khó có thể tồn tại nếu không nhận được tình yêu thương từ rất nhiều người xung quanh. Mỗi người trong chúng ta, cho dù giàu hay nghèo, có giáo dục hay thất học, dù thuộc về đất nước, tôn giáo hay văn hóa nào, mỗi khi nghĩ đến điều này cũng muốn trả ơn bằng cách mang tình yêu thương của chính bản thân mình trao tặng cho những người xung quanh.
Đạt Lai Lạt Ma
07/07/2010
Lời khen tặng
“Cuốn sách vô giá của tiến sĩ Shefali Tsabary cho thấy những thử thách của quá trình nuôi dạy con có thể trở thành cơ hội tuyệt vời để thức tỉnh tinh thần. Trở thành cha mẹ tỉnh thức là món quà tuyệt vời nhất chúng ta trao tặng cho con”.
- Eckhart Tolle
tác giả cuốn The Power of Now (Sức mạnh của hiện tại) và A New Earth (Hành tinh mới)
“Tiến lên Tiến sĩ Spock! Tất cả cha mẹ đều cần cuốn sách này để nuôi dạy những đứa con biết thích nghi và có trách nhiệm. Điều ngạc nhiên là ở chỗ, để đạt được mục tiêu đó, phần việc chính đều nằm trong tay bạn. Hãy đối diện với mọi sự thật trong cuốn sách hay ho này và hưởng thụ niềm vui của hành trình nuôi dạy con”.
- Laura Berman Fortgang
tác giả cuốn The Little Book on Meaning (Cuốn sách nhỏ về ý nghĩa) và The Prosperity Plan (Kế hoạch giàu sang)
Đề tặng
Tặng Oz. Ông xã. Thiên tài của em.
Đôi điều gửi các bậc phụ huynh
Làm cha mẹ hoàn hảo chỉ là một ảo tưởng. Không có cha mẹ hoàn hảo, cũng như chẳng bao giờ có đứa con hoàn hảo. Làm cha mẹ tỉnh thức nhấn mạnh rằng thử thách chính là một phần không thể tách rời khi nuôi dưỡng một đứa trẻ, cũng như hoàn toàn thấu hiểu rằng, là cha mẹ, mỗi chúng ta đều nỗ lực hết sức bằng những nguồn lực mà ta có.
Mục tiêu của cuốn sách là chỉ ra cách xác định và vận dụng những bài học về tình cảm và tinh thần gắn liền với quá trình nuôi con, để rồi sử dụng chúng cho chính sự phát triển của chúng ta, đồng thời làm cho việc nuôi dạy con có chất lượng cao hơn. Để hiểu được cách tiếp cận này, chúng ta cần cởi mở với một quan điểm rằng, những điểm chưa hoàn thiện của ta có thể trở thành những công cụ cực kỳ giá trị cho việc thay đổi.
Trong quá trình đọc sách, sẽ có những thời điểm bạn thấy dấy lên cảm giác khó chịu. Tôi đề nghị bạn hãy chú ý đến cảm giác này. Gác việc đọc sách qua một bên và ngồi lắng nghe những cảm xúc đó. Khi làm như thế, bạn sẽ chuyển hóa được những cảm xúc này một cách tự nhiên. Sau đó, những điều được viết ra trong sách tự nhiên sẽ có ý nghĩa rõ ràng hơn.
Làm cha mẹ tỉnh thức được viết dành cho bất cứ ai có sự liên hệ với trẻ em ở bất kỳ độ tuổi nào. Dù là một phụ huynh đơn thân, một người sắp sửa hay mới lập gia đình, một người có con đang ở tuổi dậy thì, là ông bà hay bảo mẫu, khi bám sát những nguyên tắc
chung nêu ra trong sách, sự chuyển hóa sẽ diễn ra đối với chính bản thân bạn và đứa trẻ.
Nếu bạn đang phải cực nhọc nuôi con một mình mà không có sự hỗ trợ, cuốn sách sẽ làm vơi gánh nặng bạn đang mang trên vai. Nếu là người nuôi dạy con toàn thời gian, cuốn sách sẽ làm phong phú thêm trải nghiệm của bạn. Đối với những người có điều kiện thuê bảo mẫu, bạn sẽ thấy cuốn sách này là chỉ dẫn hữu ích trong việc tìm kiếm những người trung thành với những nguyên tắc mà sách chỉ ra, đặc biệt là khi con bạn dưới 6 tuổi.
Tôi sẽ tiếp tục khiêm tốn với một thực tế rằng nuôi con chính là cơ hội lớn lao để chúng ta trút bỏ lớp vỏ cũ, từ bỏ những thói quen xấu, tiếp cận với những cách sống mới và tự chuyển hóa thành những người cha mẹ tỉnh thức hơn.
Namaste(1)
Shefali
Chương 1
Một con người đích thực, như chính ta
Một buổi sáng, con gái hồ hởi lay tôi dậy, “Mẹ ơi, cô tiên tặng mẹ một món quà tuyệt đẹp”, con bé thì thầm. “Mẹ xem cô Tiên Răng tặng gì cho mẹ này!”
Tôi thò tay xuống dưới gối và thấy nửa tờ một đô-la. Con gái tôi nói tiếp, “Cô tiên tặng mẹ một nửa tờ tiền, nửa tờ còn lại ở dưới gối của ba đấy”.
Tôi lặng đi.
Tôi thấy khó xử quá. Đầu óc tôi nghĩ ngay đến những lời dạy dỗ con, rằng “tiền không phải lá cây”, rằng con cần phải học được giá trị của đồng tiền. Tôi có nên nhân cơ hội này để dạy con không nên lãng phí tiền bạc và giải thích cho con biết rằng tờ đô-la xé đôi không còn giá trị nữa?
Tôi bỗng nhận ra rằng đây chính là lúc mà phản ứng của tôi có thể làm phong phú thêm hoặc cũng có thể phá hỏng tâm hồn con trẻ. Ơn Chúa, tôi đã chọn cách gác lại bài học về giá trị tiền bạc qua một bên và nói với con rằng tôi rất tự hào vì bé biết chia sẻ đồng đô la duy nhất mà mình có. Khi tôi bày tỏ lòng cảm kích đối với sự hào phóng và tinh tế của nàng Tiên Răng nọ vì đã tặng cho cả bố và mẹ hai phần quà bằng nhau, đôi mắt con gái tôi lấp lánh bừng sáng cả căn phòng.
Một tâm hồn sống động và riêng biệt
Khi nuôi dạy con cái, ta thường xuyên bắt gặp mình đứng trước cuộc chiến giữa lý trí và con tim, như luôn phải đi thăng bằng trên dây. Một phản ứng không phù hợp có thể làm khô héo tâm hồn con, ngược lại, một lời khen ngợi đúng lúc có thể tạo cảm hứng để con thăng hoa. Trong mỗi khoảnh khắc, ta đều phải lựa chọn xây hay phá, sưởi ấm hay làm nguội lạnh tâm hồn con trẻ.
Khi được là chính mình, con không quan tâm đến những thứ vẫn thường ám ảnh trong đầu cha mẹ. Hình ảnh trong mắt người khác, thành tựu, tiến bộ - chẳng có vấn đề nào của người lớn có mặt trong thời gian biểu của trẻ con. Thay vì tiếp xúc với thế giới trong trạng thái tâm lý lo lắng, trẻ em có xu hướng vô tư lao vào những trải nghiệm của cuộc sống, sẵn sàng đánh cược với mọi rủi ro.
Buổi sáng nàng Tiên Răng đến thăm phòng ngủ của tôi, con gái tôi không nghĩ gì về giá trị của tiền bạc, hay ham muốn ích kỷ rằng mẹ sẽ ấn tượng với con gái vì biết chia sẻ đồng đô-la của mình. Bé cũng chẳng lo lắng về việc đánh thức mẹ dậy quá sớm. Bé chỉ đơn giản sống với chính con người sáng tạo của mình, vui vẻ thể hiện sự hào phóng và háo hức chờ đợi khi bố mẹ phát hiện ra nàng Tiên Răng đã đến thăm nhà.
Là một người mẹ, tôi liên tục tự thấy mình đứng trước những cơ hội để phản hồi với con gái như thể bé là một con người đích thực như chính bản thân tôi, với đầy đủ những cung bậc cảm xúc mà tôi có - cùng những ước mong, hy vọng, niềm vui, trí tưởng tượng, tài
năng, bản tính tò mò và khả năng hạnh phúc. Nhưng cũng như những phụ huynh khác, tôi thường quá bận rộn với công việc của riêng mình đến nỗi đánh mất cơ hội mà những khoảnh khắc ấy mang tới. Tôi thấy mình quá dễ dàng rao giảng, hay thích chỉ bảo, rằng tôi thường thiếu nhạy cảm với những cách thể hiện độc đáo cho thấy bé hoàn toàn khác biệt với bất kỳ con người nào từng sinh ra trên Trái đất.
Điều quan trọng nhất bạn phải nhận ra khi nuôi dạy con là không phải mình đang nuôi dưỡng một “bản sao thu nhỏ”, mà là một linh hồn sống động và riêng biệt. Vì lý do này, cần phải chú ý phân biệt cho rõ: mình là ai và từng đứa con của mình là ai. Con cái không phải là vật sở hữu của ta theo bất cứ cách nào. Khi hiểu sâu sắc điều này, ta biết điều chỉnh cách nuôi dưỡng con theo nhu cầu của con, chứ không nhào nặn con cho vừa với nhu cầu của ta.
Thay vì đáp ứng nhu cầu riêng của con, ta thường áp đặt suy nghĩ và kỳ vọng của mình lên con. Kể cả với mục đích tốt đẹp nhất là khuyến khích con cái thành thực với chính bản thân mình, hầu hết phụ huynh chúng ta đều vô tình vấp vào cái bẫy của việc áp đặt chương trình của mình lên con cái. Hệ quả là thay vì nuôi dưỡng, mối quan hệ cha mẹ - con cái lại thường xuyên bóp chết tâm hồn đứa trẻ. Đây là lý do mấu chốt tại sao rất nhiều trẻ em lớn lên trong hoang mang và trong nhiều trường hợp để lại hậu quả bệnh lý.
Mỗi chúng ta bước vào hành trình làm cha mẹ với kỳ vọng của riêng mình. Tuy nhiên, hầu hết những chờ mong đó đều không thực tế. Có những niềm tin, giá trị và định kiến ta chưa bao giờ nghi ngờ. Nhiều người thậm chí chẳng thấy lý do gì để tự vấn vì tin rằng mình “đúng”, không có gì phải bàn cãi. Dựa trên một thế giới quan như
thế, ta vô tình đặt ra những kỳ vọng cứng nhắc đối với hình ảnh mà con cần phải thể hiện. Ta không nhận ra rằng với việc áp đặt bản thân mình lên con cái, ta cản trở sự phát triển tâm hồn con.
Chẳng hạn, nếu là người thành đạt, ta có khuynh hướng nghĩ rằng con cái ta cũng phải trở thành người thành đạt. Nếu có thiên hướng nghệ thuật, ta thường động viên con đi theo con đường nghệ thuật. Nếu học hành giỏi giang, ta thường trao cho con ngọn đuốc hàn lâm để con thông minh sáng dạ. Nếu việc học trầy trật, để rồi kiếm sống vất vả khi bước ra đời, ta thường lo sợ rằng con cái sẽ đi lại vết xe đổ của mình, điều này khiến ta làm đủ mọi cách trong khả năng để tránh cho điều đó xảy ra.
Ta muốn con cái có được điều mà ta cho là “tốt đẹp nhất”, nhưng trong quá trình nỗ lực để đạt được điều này, ta dễ dàng quên mất điều quan trọng nhất đối với con là quyền được là chính mình và sống cuộc đời đúng với tâm hồn độc đáo của con.
Trẻ em sống với thế giới “đang là”, chứ không sống với thế giới “chưa được như là” . Khi đến với ta, bản thể của trẻ lấp lánh tiềm năng. Mỗi đứa trẻ đều có số mệnh của riêng mình - nếu thích, độc giả có thể gọi số mệnh ấy là nghiệp. Bởi vì trẻ em đều mang trong mình một định mệnh, thông thường trẻ biết rõ ràng mình là ai và mình muốn gì trong thế giới. Chúng ta được chọn để trở thành cha mẹ và giúp con hiện thực hóa điều này. Rắc rối nảy sinh khi ta quên mất điều đó, tước đi quyền sống đúng với thiên hướng của bản thân con. Kết quả là ta áp đặt ảo tưởng của chính mình lên con trẻ, vạch ra sứ mệnh tinh thần cho con dựa trên cái nhìn thiển cận của mình.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi cha mẹ không bắt nhịp được với bản chất con người trong con. Làm sao có thể lắng nghe con cái khi
nhiều người lớn chúng ta hầu như chẳng bao giờ lắng nghe chính bản thân mình? Làm sao thấu hiểu được tâm hồn, cảm nhận được nhịp đập trái tim con khi chúng ta còn chẳng thể làm được điều đó với cuộc sống của chính mình? Khi chính các bậc cha mẹ còn đang lạc lối thì câu chuyện nhiều trẻ em lớn lên mất phương hướng, sống khép kín và thiếu đam mê cũng là điều dễ lý giải. Khi không có sự kết nối với nội tâm, ta đánh mất bản năng làm cha mẹ và dạy con trong tỉnh thức.
Tôi viết ra trong cuốn sách những điều này với mong muốn độc giả, những người ngày ngày vật lộn với thiên chức làm cha mẹ - đặc biệt là những bậc phụ huynh đang có con tuổi vị thành niên, tìm thấy phao cứu sinh của mình. Với những trải nghiệm có được nhờ tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, tôi tin rằng không bao giờ là muộn ngay cả đối với những phụ huynh đang gặp khó khăn trong việc gần gũi với con ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tất nhiên, nếu bạn có con nhỏ hơn thì việc thiết lập nền tảng vững chắc càng sớm càng mang lại nhiều lợi ích.
Chúng ta đều đã từng nuôi dạy con thiếu tỉnh thức
Đưa một con người đến với thế giới và nuôi dạy con người đó là một trong những nhiệm vụ khó khăn mà mỗi người trong chúng ta đều phải đảm nhiệm. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta không nhìn nhận công việc này tương xứng với cách ta vẫn làm đối với công việc kinh doanh. Thí dụ, nếu điều hành một công ty tỉ đô, ta hoạch định sứ mệnh của tổ chức một cách kỹ lưỡng. Ta vạch rõ ràng mục tiêu và cách thức đạt được mục tiêu đề ra. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, ta tìm hiểu nhân viên của mình và tìm cách khai thác hết tiềm năng của họ. Là một phần của chiến lược phát triển, ta nhận diện và phát huy những điểm mạnh, đồng thời chỉ ra điểm yếu để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của chúng. Sự thành công của doanh nghiệp chỉ có được nếu có một chiến lược đúng đắn.
Ta cũng cần tự hỏi bản thân, “Sứ mệnh và triết lý nuôi dạy con của mình là gì? Làm sao thể hiện triết lý này trong mỗi lần tương tác với con? Mình đã vạch ra định hướng nuôi dạy con một cách chín chắn, cẩn trọng như điều hành một doanh nghiệp lớn hay chưa?”
Dù đang chung sống với bạn đời, đã ly dị hay là cha mẹ đơn thân, việc nghiêm túc vạch ra định hướng nuôi dạy con dựa trên nghiên cứu những phương pháp phù hợp và không phù hợp thực sự cần thiết. Rất ít người trong số chúng ta cân nhắc hậu quả tác động của cha mẹ lên con cái, để tạo ra động lực dẫn đến thay đổi
cách tiếp cận của mình. Phương pháp của ta có đặc biệt lưu tâm tới việc lắng nghe tâm hồn trẻ? Liệu ta có sẵn sàng thay đổi cách tương tác với trẻ nếu thấy rõ ràng rằng cách thức ta đang sử dụng không có hiệu quả?
Mỗi chúng ta đều nghĩ rằng, trong khả năng của bản thân, mình đã cố gắng làm tốt nhất vai trò làm cha mẹ và sự thực hầu hết chúng ta đều là người tốt, đều dành cho con tình yêu thương vô bờ bến. Rõ ràng, không phải vì thiếu tình yêu đối với con mình mà ta áp đặt chúng. Thay vào đó, nguyên nhân cốt lõi nằm ở sự thiếu tỉnh thức. Trên thực tế, nhiều người trong chúng ta không hiểu rõ cơ chế vận hành của mối quan hệ với con cái.
Không ai muốn thừa nhận mình thiếu tỉnh thức. Trái lại, ta có xu hướng đáp trả khi ai nói mình là kiểu người như thế. Nhiều người thậm chí bảo thủ tới mức, chỉ cần có ai nói đôi lời về lối dạy con của mình, là lập tức nổi đóa lên ngay. Tuy nhiên, khi bắt đầu biết mở lòng lắng nghe, ta sẽ thay đổi được cơ chế của mối quan hệ đối với con.
Con cái chúng ta phải trả giá đắt khi bố mẹ thiếu tỉnh thức. Rất nhiều trẻ phải chịu đau khổ vì được nuông chiều, dùng thuốc và hóa chất thái quá và bị gắn mác hư hỏng. Đây chính là sai lầm của bố mẹ, trút lên đầu con những nhu cầu chưa được giải quyết, những kỳ vọng chưa được đáp ứng và những ước mơ tan vỡ của chính mình. Cho dù xuất phát từ chủ ý tốt đẹp, con cái ta vẫn bị cầm tù trong những cảm xúc ta thừa kế từ bố mẹ, bị trói buộc trong những duyên nghiệp nhiều đời của tổ tiên. Bản chất của vô minh là ở chỗ, nó cứ liên tục nhỏ giọt từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến khi được
chuyển hóa. Chỉ có nhận thức được điều này mới triệt tiêu được vòng xoáy của khổ đau trong mỗi gia đình.
Để hiểu con, cần thấu hiểu nội tâm mình
Khi sống thiếu tỉnh thức, ta thường không sẵn sàng cởi mở với phương pháp dạy con hoàn toàn dựa vào những nguyên tắc khác hẳn với những nguyên tắc ta vẫn đang áp dụng.
Theo truyền thống, việc dạy con vẫn được thực hiện theo cơ chế thứ bậc. Bố mẹ điều hành từ trên xuống. Sau tất cả, chẳng phải là con cái “nhỏ dại”, cần người hiểu biết hơn dạy dỗ hay sao? Bởi vì trẻ em nhỏ bé hơn và không biết nhiều thứ như ta, ta cho mình cái quyền điều khiển chúng. Trên thực tế, hình ảnh gia đình mà bố mẹ áp đặt quá quen thuộc đến nỗi hầu như ta không còn nghi ngờ rằng cơ chế này có khi không tốt cho cả con cái và bố mẹ.
Đối với cha mẹ, vấn đề nằm ở chỗ ảo tưởng về quyền lực trong phương pháp dạy con truyền thống làm cái tôi ngày càng được củng cố. Điển hình là trẻ em thường ít kháng cự khi bị bố mẹ áp đặt bởi chúng quá trong trắng và dễ bị tác động, khiến cái tôi của ta mạnh hơn.
Muốn tạo ra sự gắn kết sâu sắc với con, ta cần dẹp bỏ tâm lý bề trên. Khi không bị hình tượng của cái tôi giả che khuất, ta mới có thể đối xử với con với tư cách là một con người thực thụ.
Tôi cố tình dùng từ “hình tượng” cho cái tôi giả và sẽ làm rõ nghĩa hơn cho “cái tôi” này. Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy mọi người thường nghĩ hình tượng của “cái tôi” chính là bản thể của mình. Những gì liên quan đến cái tôi, tương tự như thế, thật ra cũng chỉ là ảo tưởng.
Thuật ngữ này sẽ được sử dụng xuyên suốt cuốn sách với ngữ nghĩa khác biệt như thế.
Tôi cho rằng, chúng ta nghĩ “cái tôi” thực ra không phải là bản chất của con người. Đó chỉ là hình tượng ta hình dung trong đầu về bản thân - một hình ảnh ta ôm ấp mà nhiều khi khác xa với bản thể của ta. Mỗi người đều lớn lên với một hình tượng như thế. Nó thành hình ngay từ khi ta còn trẻ, chủ yếu thông qua tương tác với những người xung quanh.
“Cái tôi” sẽ được dùng với nghĩa là ấn tượng không có thật về bản thân mình. Hầu hết ấn tượng đó được tạo ra từ ý kiến của người khác. Ta vô thức tin rằng ta là con người như thế. Hình ảnh này che phủ bản chất thực sự của ta. Khi “cái tôi” bắt đầu định hình từ thời thơ ấu, ta thường cố bám chặt lấy nó suốt cả cuộc đời.
Trái ngược với hình ảnh nhỏ hẹp về bản thân như thế, chân ngã - sự hiện hữu đích thực của ta lại không có giới hạn. Chân ngã tồn tại trong tự do tuyệt đối, không mang theo kỳ vọng nào đối với người khác, không sợ hãi và không bị ám ảnh của cảm giác tội lỗi. Tuy nghe có vẻ kỳ lạ, thế nhưng trên thực tế khi sống trong trạng thái này, sự tiếp xúc với những người xung quanh trở nên thực sự có ý nghĩa bởi vì đó là trạng thái “nguyên bản”. Một khi từ bỏ những kỳ vọng về hành xử và chạm được tới bản thể của người khác, thái độ bao dung chân thật sẽ tạo ra sợi dây kết nối tự nhiên. Bởi vì sự “nguyên bản” có khả năng giao cảm với sự “nguyên bản”.
Rất khó nhận diện cái tôi bởi ta quá gần gũi với nó, đến mức nhầm tưởng nó là mình. Ngoài một số trạng thái cảm xúc khá rõ ràng như kiêu căng hay huênh hoang, cái tôi thường ngụy trang rất khéo léo, làm ta tin chắc rằng đó là con người thật của ta.
Một ví dụ điển hình mà nhiều người trong số chúng ta không ý thức được là rất nhiều cảm xúc của ta chính là cái tôi đeo mặt nạ. Chẳng hạn, khi nói, “Tôi tức giận”, ta tưởng rằng con người thật sự của ta tức giận. Sự thực chưa hẳn đã như thế. Nếu suy ngẫm ở một mức độ sâu hơn, thực ra ta đang kháng cự một tình huống vừa nảy sinh, mong muốn mình có được vị thế mà ta cho rằng phải như thế mới đúng. Nếu ta trút cơn thịnh nộ lên người khác, một cơn phun trào thực sự của ngọn núi lửa “cái tôi” sẽ xuất hiện.
Chỉ với hiểu biết cá nhân, ta cũng thấy sự dính mắc vào “cơn giận” hay những cảm xúc tiêu cực như ghen ghét, thất vọng, tội lỗi, hay buồn bã cuối cùng đều tạo ra chia cách giữa ta với những người xung quanh. Khi không hiểu “cơn giận” chỉ đơn thuần là phản ứng của cái tôi, ta tin rằng đó là chính mình. Sự dính mắc vào cái tôi đeo mặt nạ chân ngã làm ta đánh mất khả năng an trú trong hạnh phúc và sự hòa hợp với thế giới.
Ở những thời điểm khác, cái tôi còn xuất hiện trong lĩnh vực nghề nghiệp, sở thích hay thậm chí danh tính của ta. Ta tự nhủ, “Tôi là một vận động viên quần vợt”, “Tôi là người theo đạo” hay “Tôi là người Mỹ”. Chẳng có cái nào là bản chất thực của ta. Nói cho đúng hơn, ta tự gán cho mình những vai diễn đó, thường là trong vô thức, để rồi lập tức tự tạo ra cảm nhận về “tôi”. Nếu một trong những vai diễn đó bị bất kỳ ai đặt dấu hỏi, ta cảm tưởng rằng chính mình bị công kích và đe dọa. Mỗi lần như thế, thay vì rũ bỏ sự dính mắc và cảm nhận về cái tôi, ta lại níu chặt hơn lấy nó. Đây chính là gốc rễ của bao nhiêu mâu thuẫn, chia ly và tranh đấu.
Tôi không ám chỉ rằng cái tôi là “xấu xí” và không nên tồn tại. Ngược lại, cái tôi tự bản thân nó không tốt hay xấu: nó là chính nó.
Đó chỉ là một giai đoạn phát triển có mục đích riêng, như cái vỏ mà chú gà con cần phải có trước khi nở. Vỏ trứng có vai trò nhất định trong hành trình chuyển hóa của chú gà con. Tuy nhiên, nếu đã qua thời kỳ bảo bọc mà vẫn chưa nứt, cái vỏ sẽ cản trở sự phát triển của chú gà. Cũng tương tự như thế, từ trong màn sương của tuổi thơ, những nhu cầu của cái tôi phải dần nhường chỗ cho bản chất chân thực của ta lớn dần lên.
Cho dù có thể chưa hoàn toàn rũ bỏ được, nhưng ta cần hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về ảnh hưởng của cái tôi để dạy con trong tỉnh thức. Sự hiểu biết đưa tới sự chuyển hóa và thiết lập nền tảng cho sự nghiệp làm cha mẹ. Càng hiểu rõ, ta càng dễ bắt gặp những tình huống mà trước đây ta vốn dĩ hành động trong giới hạn chật hẹp của hoàn cảnh sống mà ta lớn lên, để rồi di truyền cách cư xử đó cho con cái mình. Trong cuốn sách này, tôi sẽ lần lượt giới thiệu với độc giả một số tình huống điển hình như thế.
Để khẳng định sự thực rằng cái tôi không phải là con người thật của ta và cơ chế đánh lừa của nó, ta quan sát những khoảnh khắc khi bắt gặp mình suy nghĩ, cảm nhận, hay cư xử theo những cách không hoàn toàn đúng với con người mình. Khi bắt đầu để ý những khoảnh khắc này, ta tự nhiên thấy mình xa dần với cái tôi ấy.
Bồi đắp tình yêu thương từ trong gia đình mình
Dạy con trong tỉnh thức thể hiện mong muốn được hòa hợp vốn luôn gắn bó mật thiết trong mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái, một sự tương ái hoàn toàn khác biệt với hệ thống ngôi thứ mà bố mẹ vẫn thường áp đặt trong mỗi gia đình.
Trên hành trình tìm kiếm sự đồng cảm với con cái, con đường dẫn ta đi chính là việc nhận ra sự giao cảm với chân ngã bị lãng quên của chính mình. Bởi khi đã thiết lập được mối quan hệ có ý nghĩa với con, việc chú ý đến sự phát triển của bản thân là một điều tất yếu. Cùng với sự tan rã của mô hình thứ bậc cha mẹ - con cái, sân chơi trong gia đình cũng trở nên bình đẳng hơn. Tránh được những hành vi bị cái tôi dẫn dắt, ta mới có thể bước xuống khỏi “ngai vàng thống trị”.
Bởi trẻ em quá dễ bị tác động, ta thường ngó lơ việc điều chỉnh chính mình để trở thành người bạn tâm giao của con. Tuy nhiên, bằng cách chú tâm đến đối tượng chịu sự quản lý (không có gì phải bàn cãi) của ta, ta có cơ hội giải phóng cho mình khỏi nghĩa vụ quản lý. Con giúp ta trưởng thành hơn vì rũ bỏ được cái tôi vỏ trứng và được trải nghiệm sự tự do khi sống đúng với bản chất của mình. Đó chính là lúc ta thấy mình đối diện với cơ hội hoàn toàn chuyển hóa trên hành trình làm cha mẹ.
Khi niềm tin về mối quan hệ một chiều giữa cha mẹ và con cái vụn vỡ, hành trình này đưa ta trở lại điểm xuất phát, bởi ta nhận ra rằng, con cái giúp ta chín chắn hơn theo những cách có lẽ còn nhiều hơn so với những gì ta đã dành cho chúng. Dù trẻ em trông có vẻ “nhỏ dại”, ngoan ngoãn vâng lời những bậc cha mẹ quyền năng, nhưng chính vì sự yếu thế của con mới cần đến biến đổi lớn lao nơi cha mẹ.
Bằng cách xem việc dạy con là biến chuyển lớn của tâm hồn, khoảng trống tâm lý mới có thể được dọn sẵn để tiếp thu những bài học. Là cha mẹ, càng ý thức được rằng con cái sinh ra để thúc đẩy cảm nhận mới về bản thân, ta lại càng khám phá ra những con đường khác nhau dẫn ta tới với bản thể của mình.
Nói cách khác, thay vì tin rằng nuôi con ngoan khỏe là thử thách lớn lao nhất, ta cần chú ý một nhiệm vụ nặng nề hơn nữa để tạo nền móng cho việc nuôi dạy con hiệu quả. Đó là biến mình thành cha mẹ tỉnh thức và chú tâm đến hiện tại hết mức có thể. Đây là cốt lõi của việc dạy con có chất lượng bởi trẻ em không cần đến những suy nghĩ và kỳ vọng, hay sự áp đặt và quản lý của ta, mà chỉ cần ta tự điều chỉnh để có thể hiện hữu bên cạnh chúng.
Sự tỉnh thức thay đổi cách dạy con thế nào?
Sự tỉnh thức không phải là điều kỳ diệu chỉ xảy ra với những người may mắn. Đó là một quá trình liên tục chứ chẳng phải từ trên trời rơi xuống.
Trước khi bước vào hành trình này, cần nhớ rằng “tỉnh thức” không phải là trạng thái đột nhiên vắng bóng hoàn toàn sự “thiếu tỉnh thức”. Ngược lại, “tỉnh thức” là một diễn trình liên tục. Người sống tỉnh thức cũng chẳng khác chúng ta, ngoại trừ việc họ biết biến mỗi tình huống vô tâm thành cơ hội nâng cao nhận thức. Như vậy, tất cả chúng ta đều có quyền được tỉnh thức. Mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái kỳ diệu ở chỗ liên tục mang đến cho ta cơ hội để rèn luyện lối sống ấy.
Dù ta ôm lấy niềm tin rằng mình có trách nhiệm dưỡng dục con cái, trên thực tế, con cái có sức mạnh biến đổi ta thành người cha mẹ mà chúng cần. Vì thế, trải nghiệm dạy con không có nghĩa là cha mẹ ở trong thế đối lập mà là cùng với con cái. Hành trình đến với bản ngã toàn vẹn bắt đầu từ con, ta chỉ việc chọn cho mình một chỗ ngồi yên ổn. Con cái là người thầy lớn của ta bởi chúng là hoa tiêu chỉ đường cho ta về với bản tâm mình. Nếu không nắm tay bước cùng con đi tới ngưỡng cửa tỉnh thức, ta sẽ đánh mất cơ hội tìm ra chân lý.
Không nên nhầm lẫn điều chỉnh mình có nghĩa là tránh hoàn toàn ảnh hưởng lên con và trở thành bản sao của chúng. Ngoài việc lắng nghe, tôn trọng và gần gũi với con, dạy con tỉnh thức cũng đi
kèm với luật lệ và giới hạn. Là cha mẹ, ta không chỉ cung cấp cho con những điều kiện cơ bản như nơi ăn, chốn ở và giáo dục, mà còn dạy chúng giá trị của các thể chế, cách điều tiết cảm xúc và cả những kỹ năng xã hội. Nói cách khác, dạy con trong tỉnh thức bao hàm tất cả các yếu tố để giúp trẻ trở thành thành viên tròn trịa và cân bằng trong xã hội. Vì vậy, dạy con trong tỉnh thức không có nghĩa là nuông chiều. Qua cuốn sách này, ta sẽ thấy những điển hình cha mẹ đã thấm nhuần cách dạy con tích cực, giúp con chín chắn về cả cảm xúc lẫn hành vi.
Nói như thế, tôi cũng cần giải thích tại sao những chiến lược cụ thể về kỷ luật được đưa vào chương cuối. Kỷ luật bắt nguồn từ khả năng thực sự hiện hữu bên cạnh con cái. Cha mẹ phải nhớ rằng, phương pháp này chỉ có hiệu quả nếu ta thấu hiểu từng chi tiết của cơ chế gần gũi với con, được làm rõ dần qua từng chương khi cùng khám phá hành trình này.
Nuôi dạy con là bước ngoặt quan trọng của sự tỉnh thức của con người. Tuy vậy, mỗi khi tìm đến tôi, các bậc cha mẹ chẳng bao giờ tìm kiếm cách giúp chính mình trưởng thành. Họ chỉ chăm chăm tìm đối sách cho hành vi cụ thể của con. Họ hy vọng tôi có chiếc đũa thần có thể ngay lập tức biến con họ thành những đứa trẻ có tâm lý ổn định và lành mạnh. Tôi chỉ cho họ thấy dạy con trong tỉnh thức không chỉ nằm ở chỗ vận dụng một vài kỹ thuật khéo léo. Đó là cả một triết lý sống có sức mạnh chuyển hóa cả cha mẹ và con cái ở cấp độ cơ bản nhất. Trở thành những người bạn tâm hồn của nhau là cách duy nhất để mối quan hệ cha mẹ với con trở nên có ý nghĩa. Vì lý do này, dạy con trong tỉnh thức còn hơn cả những kỹ thuật
nhằm mục tiêu điều chỉnh hành vi cụ thể, nhắm đến những khía cạnh sâu sắc hơn trong mối quan hệ cha mẹ và con cái. Cái hay của dạy con trong tỉnh thức nằm ở chỗ, thay vì cố áp dụng và hy vọng một chiến lược cụ thể sẽ phù hợp với một tình huống cụ thể nào đó, sự tỉnh thức liên tục mách cho ta biết cách cư xử tốt nhất trong từng tình huống. Chẳng hạn, khi con gái xé đôi tờ một đô-la, ta nên trách mắng hay khen ngợi? Tôi đã để cho bản tâm của ta vốn có giao cảm với bản tâm của con, chỉ đường cho mình. Kể cả khi cần tôi kỷ luật, sự tỉnh thức cũng cho ta biết cách áp dụng để làm sao bồi đắp thay vì hủy hoại tâm hồn con.
Lấy hết can đảm từ bỏ sự kiểm soát không thể tránh khỏi của cách tiếp cận thứ bậc và có được tiềm năng phát triển tâm hồn thông qua cơ chế bình đẳng giữa cha mẹ - con cái, ta sẽ thấy những mâu thuẫn và đấu tranh quyền lực ngày càng bớt đi. Mối quan hệ với con trở thành một trải nghiệm quý giá, tràn đầy sự hòa hợp của những tâm hồn biết trân trọng, biết tìm kiếm bạn đồng hành. Bằng cách dồn tâm trí cho mối quan hệ tỉnh thức giữa cha mẹ - con cái, việc dạy con vượt ra khỏi những khía cạnh vật lý thông thường và được nâng tầm trở thành một sự nghiệp linh thiêng.
Chương 2
Mục đích tâm linh khi ta sinh con
Bất chấp những bằng chứng nhãn tiền rằng nhiều chiến lược dạy con thiếu hiệu quả và thường xuyên phản tác dụng, hầu hết chúng ta vẫn loay hoay với cách tiếp cận thiếu tỉnh thức vốn là xúc tác tạo ra những trở ngại khi tiếp xúc với con.
Muốn chuyển sang áp dụng một phương pháp hiệu quả hơn, ta buộc phải thẳng thắn đối diện và giải quyết những vấn đề vốn có căn nguyên từ trong hoàn cảnh bản thân ta được dưỡng dục. Nếu không biết chấp nhận thay đổi, cách dạy con của ta sẽ luôn thiếu sự tôn trọng, thiếu chú ý đến tiếng nói của tâm hồn con, đồng thời làm ngơ trước sự khôn ngoan của chúng. Bố mẹ càng hiểu rõ chính mình bao nhiêu, càng dễ giúp đỡ con hiểu rõ tâm hồn của chúng bấy nhiêu.
Vì vậy, muốn dạy con trong tỉnh thức, thay đổi bản thân là yêu cầu bắt buộc. Trên thực tế, tôi cho rằng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có mục đích quan trọng nhất là sự trưởng thành của phụ huynh, rồi mới đến việc dưỡng dục con nên người.
Khi chỉ ra cho bố mẹ thấy những điều cần sửa đổi, tôi thường vấp phải sự phản kháng. “Sao lại là chúng tôi?”, họ ngạc nhiên và không hiểu tại sao lại đề nghị chính họ thay đổi. Khi được giải thích rằng cách duy nhất để con tự điều chỉnh hành vi là bố mẹ sống tỉnh thức hơn, họ thường tỏ ra thất vọng, không chịu thừa nhận rằng
trọng tâm không nằm ở con cái mà là sửa đổi tư duy của chính mình. Tôi thấy nhiều bậc phụ huynh sợ hãi vì không biết những hệ lụy mình sẽ phải đối mặt là gì khi chuyển từ cách sống vô thức sang tỉnh thức.
Hành trình này không hợp với những người yếu đuối, mà chỉ dành cho những trái tim dũng cảm muốn trải nghiệm tình thương thực sự dành cho con. Con đến với ta để giúp ta nhận ra vết thương tâm lý trong lòng và truyền dũng khí để ta vượt qua được những hạn chế mà những vết thương đó để lại trong cuộc sống. Khi phát hiện ra những cơ chế mà quá khứ điều khiển mình, ta dần học được cách dạy con bằng sự tỉnh thức. Trước khi đạt tới trình độ đó, ta cố gắng chú ý đến mỗi lần tiếp xúc với con, bởi sự vô thức thấm vào trong mối quan hệ với con cái theo những cách âm thầm nhất.
Cần nhấn mạnh rằng, đừng hy vọng sự vô thức ngay lập tức biến mất. Thay vì thế, hiểu cơ chế hình thành và hậu quả của vô thức có thể tạo ra động lực giúp ta bắt đầu biết tự quan sát bản thân để nuôi dạy con có hiệu quả.
Theo nghĩa như vậy, con cái chính là người bạn đồng hành tin cậy, bởi chúng là tấm gương liên tục phản chiếu sự vô thức của ta, liên tục mang tới cho ta cơ hội sống tỉnh thức. Con cái ta xứng đáng có được bậc phụ huynh mà chúng cần, chẳng lẽ ta không thể để con giúp ta thay đổi mình, ít nhất cũng tương đương với mức độ ta muốn thay đổi con?
Mặc dù sự thay đổi của mỗi cá nhân có những chi tiết không giống nhau, nhưng về bản chất không có gì khác biệt. Vì vậy, dạy con trong tỉnh thức bắt buộc cha mẹ phải lật lại những vấn đề mấu chốt của đời sống, chẳng hạn:
Thông qua quan hệ với con, ta có cho phép mình được tiếp cận con đường dẫn đến sự thấu hiểu tâm hồn mình?
Làm sao dạy con theo đúng cách mà con thực sự cần và trở thành bậc cha mẹ mà con xứng đáng có?
Làm sao ta vượt qua được nỗi sợ hãi thay đổi và trưởng thành để đáp ứng yêu cầu của tâm hồn con?
Ta có dũng cảm đi ngược dòng nước và dạy con với quan điểm rằng đời sống nội tâm có giá trị hơn thế giới vật chất bên ngoài?
Ta có nhận thấy mỗi khía cạnh của việc nuôi dạy con là một nấc thang của sự trưởng thành?
Ta có nhìn nhận mối quan hệ với con là mối quan hệ thiêng liêng?
Con cái thức tỉnh cha mẹ như thế nào?
Mỗi đứa trẻ bước vào đời ta với đầy đủ khó khăn, rắc rối, bướng bỉnh và những thử thách về tính cách để ta thấy chính mình còn non nớt thế nào. Lý do là con cái có thể giúp ta nhìn ra những tàn dư của quá khứ và gợi lại những tình cảm sâu trong tiềm thức. Vì vậy, để biết tâm hồn ta cần phát triển ở chỗ nào, chẳng cần nhìn đâu xa hơn ánh mắt của con.
Dù là vô thức tạo ra những tình huống khiến mình cảm thấy trở lại như khi còn bé, hay theo một cách nào đó, để tránh né chúng, ta đều phải trải nghiệm một lần nữa những cảm xúc thuở ấu thơ. Bởi vì, trừ phi những vấn đề của thời thơ ấu được chuyển hóa, chúng chẳng bao giờ tự rời bỏ ta mà sẽ xuất hiện lại, rồi di truyền lên con cái. Vì vậy, món quà vô giá mà con cái mang lại là hình ảnh phản chiếu sự vô thức của ta. Nhờ có chúng, ta nhận thấy sự vô thức đang biểu lộ trong thời gian và không gian hiện tại, đồng thời có cơ hội từ bỏ cái bóng của quá khứ, để không còn bị chế ngự bởi hoàn cảnh. Con cái còn liên tục phản ánh những thành tựu và sai sót trên hành trình này để ta biết điều hướng đi cho đúng đắn.
Bất chấp mục đích cao quý của ta, bởi vì vẫn nuôi dạy con theo cách ta từng được dưỡng dục, dấu ấn ấu thơ của ta vẫn tái hiện trên con. Tôi xin lấy ví dụ minh họa bằng trường hợp của một người mẹ và con gái mà tôi tư vấn. Jessica vốn luôn là một học sinh ngoan và là đứa con lý tưởng cho đến năm 14 tuổi. Trong hai năm tiếp theo, cô bé trở thành cơn ác mộng của mẹ. Nói dối, trộm cắp, đi vũ
trường và hút thuốc, cô bé trở nên thô lỗ, chống đối và thậm chí bạo lực. Anya thấy bất an khi ở cạnh đứa con có tâm trạng thay đổi theo từng phút. Không kiềm chế được cảm xúc, cô nổi cơn thịnh nộ, la hét, chửi bới, thóa mạ con bằng những lời độc địa nhất.
Anya hiểu hành vi của Jessica không đến mức phải chịu cơn bùng nổ như thế, nhưng cô không thể kiềm chế được cơn giận và cũng không hiểu nó từ đâu đến. Vì nghĩ rằng mình kém cỏi, bạc nhược, cô không thể mang lại cho Jessica sự kết nối mà cô bé cần có.
Việc gì đến cũng phải đến, Jessica thú nhận với tư vấn viên ở trường rằng cô bé bắt đầu tự rạch tay mình.
Khi phát hiện ra, Anya cầu cứu tôi giúp đỡ. “Cứ như là tôi lại trở về năm 6 tuổi”, cô chia sẻ. “Khi bị con hét vào mặt, tôi cảm thấy hệt như khi bị mẹ la hồi bé. Khi bị con đóng sầm cửa và bị cách ly khỏi thế giới của con, tôi cảm thấy như mình bị phạt vì làm điều gì đó sai. Điều khác biệt là hồi xưa tôi không thể phản kháng với bố mẹ, còn giờ thì tôi không thể ngừng chửi mắng. Mỗi lần con làm tôi có cảm giác giống như khi bố mẹ đã gây ra cho tôi, cả thế giới xung quanh dường như sụp đổ và tôi thấy mình phát điên”.
Cách duy nhất để giải mã tiềm thức mà con gái của Anya đã khuấy động lên là xem xét lại quá khứ, đặc biệt là gia đình, nơi cô đã lớn lên. Bố của Anya tính tình lạnh lùng, khô khan, khiến cô luôn thèm khát tình cảm. Mẹ cô “chẳng bao giờ ở bên”, Anya giải thích. “Kể cả khi ở bên mẹ, tôi vẫn có cảm giác như bà không ở đó. Dù mới chỉ 7-8 tuổi, tôi đã bắt đầu biết cô đơn”.
Sự cô đơn và thiếu thốn tình cảm từ bố mẹ lớn đến nỗi Anya quyết định tự tạo ra cho mình một nhân cách mới. “Tôi quyết định sẽ
cư xử hệt như mẹ, để bố yêu tôi nhiều như yêu mẹ”. Đặc điểm nổi bật nhất của mẹ Anya là bà luôn ngăn nắp, ăn vận đẹp đẽ. “Chỉ sau một đêm, tôi đã lột xác từ một cô gái thành một người đàn bà trưởng thành”, Anya nhớ lại. “Tôi tập thể dục điên cuồng và lao vào học hành xuất sắc”.
Thật chẳng may, cho dù có cố gắng đến đâu, Anya cũng không xứng đáng đối với người cha già khó tính. Một sự cố đặc biệt đến đã tạo ra bước ngoặt đời cô. Theo lời kể của Anya: “Tôi nhớ một hôm bố nổi giận vì tôi không ngồi yên khi làm bài tập về nhà. Vốn bản tính lầm lì, ông chẳng nói chẳng rằng lôi tôi ra góc nhà, bắt tôi quỳ gối trên sàn và giơ hai tay lên trời. Tôi đã quỳ và giơ tay như thế suốt hai tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó, bố chẳng thèm nói một lời nào. Mẹ cũng không dám hé răng. Không ai ngó ngàng đến tôi. Tôi nghĩ cảm giác bị lờ đi còn đau đớn hơn cả hình phạt. Tôi khóc lóc van xin tha thứ nhưng chẳng ai thèm đếm xỉa. Sau hai giờ đồng hồ, bố mới cho phép tôi đứng dậy để học bài. Kể từ ngày hôm đó, tôi thề sẽ không bao giờ để mình gặp rắc rối nữa. Tôi nén buồn bực vào lòng và trốn sâu dưới nhiều tầng hờn tủi”.
Anya đã huấn luyện Jessica thành rô-bốt của riêng mình, hệt như hồi cô học cách trở thành đứa con “hoàn hảo”: vô cảm, ngoan ngoãn, dễ bảo và chỉn chu. Tuy nhiên, với cá tính hoàn toàn khác biệt, Jessica chỉ vâng lời mẹ khi còn bé. Khi đến tuổi dậy thì, cô bé lập tức nổi loạn. Quả lắc cảm xúc chẳng biết đâu là điểm cân bằng bây giờ bị kéo dạt sang một bên. Jessica càng nổi loạn bao nhiêu, Anya càng khắt khe và áp đặt bấy nhiêu. Cuối cùng, Jessica sụp đổ. Và việc rạch tay diễn ra.
Nhìn vào hành vi của con, Anya chỉ thấy những vết thương của chính mình ngày xưa, được gây ra bởi sự nóng giận, chối bỏ và khinh miệt của bố mẹ. Đối với Anya, sự nổi loạn của Jessica không phải là lời cầu cứu giúp đỡ mà chỉ phủ định vai trò làm mẹ của cô. Điều đó càng làm Anya nhớ lại cảm giác vô giá trị mà bố mẹ tạo ra cho mình hồi còn bé. Điều khác biệt duy nhất là bây giờ Anya phản ứng quyết liệt với tình thế chứ không biến mình thành “con ngoan trò giỏi” như những năm xưa ở cùng bố mẹ. Bi kịch nằm ở chỗ cô phản ứng không đúng đối tượng.
Anya không hề biết rằng nếu xem xét trong hoàn cảnh nuôi dưỡng khắt khe như thế, con gái cư xử như thế là điều đương nhiên. Cô không thể nhận ra Jessica đang muốn nói, “Đừng đánh đố con nữa. Hãy tỉnh dậy và thừa nhận con là một bản thể riêng với những nhu cầu hoàn toàn khác mẹ. Con không thể chỉ biết vâng lời mẹ nữa”.
Jessica thực ra đang cầu xin sự giải thoát mà Anya chưa bao giờ có được. Bé bị ấn vào tay lá cờ xung phong trong cuộc chiến chưa thành của mẹ. Tuy là đứa trẻ “hư” trong mắt mọi người, Jessica thực ra đã hoàn thành sứ mệnh của một đứa con là kích hoạt lại quãng thời gian quá khứ mà mẹ cô đã trốn tránh. Hành vi chống đối xã hội của bé khiến mẹ giải tỏa được những cảm xúc đã bị giam hãm trong tâm hồn suốt nhiều thập kỷ.
Trên hành trình trở thành người mẹ tỉnh thức, “thói hư tật xấu” của Jessica trở nên hữu ích đối với mẹ, là cơ hội để Anya suy ngẫm lại những tủi hờn và đau đớn của tuổi thơ. Nhờ vậy, cuối cùng Anya đã thôi kiềm chế việc la hét và giải phóng hết những cảm xúc tiêu cực. Theo nghĩa đó mới thấy con cái thật sự rộng lượng, sẵn sàng
trở thành chỗ chứa để ta giải phóng những cảm xúc lệch lạc của mình. Chính sự chùn bước trước tự do của ta tạo ra ảo tưởng rằng con mình “hư” hay cư xử không đúng mực.
Nếu hiểu rằng hành vi của con là lời nhắc nhở cho sự tỉnh thức của mình, ta mới có thể nhìn nhận khác đi đối với cơ hội mà con mang tới. Thay vì nổi xung với con, ta chú ý quan sát nội tâm mình và tự hỏi tại sao ta nổi nóng. Mỗi lần tự đặt câu hỏi như thế, ta mở cửa để sự tỉnh thức trỗi dậy.
Chỉ khi Anya suy xét lại thời thơ ấu và giải tỏa cơn tức giận đối với bố mẹ thì cô mới có thể buông tha cho con gái khỏi cái bẫy “hoàn hảo” mà cô đã bị kẹt suốt cuộc đời. Khi quá trình tự giải thoát cho mình bắt đầu, cô lần lượt rũ bỏ từng lớp vỏ giả tạo đã khoác lên, dần dần trở thành con người tươi tắn, vui vẻ, thoải mái tràn đầy niềm vui. Lời xin lỗi của mẹ vì vô tình đặt gánh nặng lên vai con đã giúp Jessica tự hàn gắn vết thương. Cả mẹ và con đã có thể giúp nhau trở lại là những tâm hồn cao đẹp.
Điều mâu thuẫn là mặc dù quá khứ ảnh hưởng lên ta theo những cách sâu sắc nhất, nhưng hiếm khi ta nhận ra điều đó. Vì vậy, con cái có năng lực giúp ta được tự do bởi ta cần có một người thân bên cạnh để phản chiếu những vết thương hằn in quá khứ.
Điều đáng buồn là cha mẹ thường không để con có cơ hội hoàn thành sứ mệnh cao quý đó trong cuộc sống. Ngược lại, ta tìm cách bắt chúng đuổi theo những kế hoạch và những ảo tưởng của ta.
Làm sao có thể hướng dẫn, bảo vệ và chu cấp về mặt vật chất cho con, mà vẫn nhất quán không lấn át cá tính con, nếu ta không nuôi dưỡng cho chính mình một tâm hồn tự do? Nếu tâm hồn ta chẳng may bị đè nén bởi cha mẹ mình, những người thiếu gắn kết
với tự do cảm xúc của họ, rất có thể ta cũng đè nén con cái của mình. Ta dễ vô tình lặp lại nơi vết thương ta phải chịu đựng thời thơ ấu, di truyền vết thương đã được trao truyền từ nhiều thế hệ. Vì thế, tự giải thoát khỏi trạng thái vô thức và hướng đến lối sống tỉnh thức hơn là điều cực kỳ quan trọng.
Học cách dạy con trong tỉnh thức
Bậc cha mẹ tỉnh thức tin tưởng rằng câu trả lời không nằm ở bên ngoài, mà ở ngay trong cơ chế quan hệ giữa hai bên. Vì thế, dạy con trong tỉnh thức được học thông qua tiếp xúc trực tiếp với con, chứ không phải bằng cách đọc những cuốn sách hứa hẹn “chữa cháy tình huống” hay tham gia các lớp học tập trung vào “kỹ thuật”. Dạy con tỉnh thức bao hàm những giá trị chứa đựng trong chính mối quan hệ. Tất nhiên, phương pháp này cần sự tham gia đầy đủ và nhiệt tình của phụ huynh, vì chỉ có sự tiếp xúc tỉnh thức của cha mẹ thì sự thay đổi mới diễn ra ở con được.
Phương pháp này chấp nhận trạng thái thực tế của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, rồi mới đưa vào yếu tố tỉnh thức. Nói cách khác, dạy con trong tỉnh thức sử dụng từng khoảnh khắc bình thường bên con để làm nền tảng thúc đẩy sự gắn kết thực sự. Phương pháp này không thể dùng như toa thuốc vì kết hợp rất nhiều phương diện. Đúng hơn, như đã nói, đó là cả một triết lý sống, tức là mỗi bài học có liên quan mật thiết đến những bài học khác, không có gì tách rời, riêng biệt bên ngoài môi trường sinh hoạt gia đình.
Khi mỗi khoảnh khắc đều là một phòng thí nghiệm sống, mỗi lần tiếp xúc trở thành một cơ hội để học những bài học quý giá. Ý thức được sự có mặt trong hiện tại, những khoảnh khắc bình thường nhất cũng nhắc nhở ta nuôi dưỡng định nghĩa về bản thân, về lòng bao dung, sự cảm thông và gắn kết. Chẳng cần sắp xếp, can thiệp
nhiều. Ta lợi dụng hoàn cảnh có sẵn để đưa vào một góc nhìn khác cho cả ta và ở con. Bằng cách đó, những tình huống nhỏ nhặt nhất trở thành cánh cửa mở đường tới sự thay đổi. Bạn sẽ thấy cụ thể trong những trường hợp mà tôi dần dần giới thiệu trong cuốn sách này.
Vì là cha mẹ, ta mong mỏi hành vi của con phải được “xử lý” ngay lập tức, bỏ qua giai đoạn khó khăn là thay đổi chính mình, nên cần phải nhấn mạnh rằng phương pháp dạy con tỉnh thức không thể thay đổi cả một gia đình trong một đêm. Cuốn sách này không cung cấp những “công thức” cố định bởi công thức cố định không lột tả được bản chất của phương pháp dạy con tỉnh thức là khoảnh khắc hiện tại. Điều tôi muốn làm rõ là “công thức” nằm sẵn trong mỗi tình huống ngay khi nó phát sinh, chứ không tập hợp lại như một cuốn cẩm nang. Cuốn sách này hướng dẫn cách sử dụng mối quan hệ với con để trở nên tỉnh thức, để ta biết con cái thực sự muốn gì ngay trong khoảnh khắc vấn đề phát sinh. Thông qua nhiều khoảnh khắc như thế, một mô hình gia đình tỉnh thức dần hiện ra, làm thay đổi hoàn toàn sân chơi gia đình. Để đạt được cơ chế tỉnh thức này cần phải có yếu tố kiên nhẫn.
Mục tiêu thay đổi một hành vi cụ thể cũng tương tự như vậy. Điều ta quan tâm không phải là “Làm sao để con đi ngủ” hay “Làm sao để con ăn”. Nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng một nền móng tâm hồn cho con và cho chính ta. Điều này buộc ta phải xem xét lại cách tiếp xúc với con ở cấp độ cơ bản nhất, với mục tiêu là hành vi của con tự động trở nên chuẩn mực khi chúng có ý thức và trung thực với bản chất con người chúng. Sự thay đổi hành vi là thành quả của sự thay đổi trong mối quan hệ.
Một khi việc dạy con song hành với sự tỉnh thức, tiến trình cụ thể của từng tình huống không còn quá quan trọng. Trên một nền tảng tâm hồn vững vàng, đời sống sẽ trở nên có ý nghĩa. Một lần nữa, vì lý do này, tôi đưa đề tài kỷ luật vào chương cuối cùng - không phải là xem nhẹ tầm quan trọng của nó, mà để nhấn mạnh rằng, trong dài hạn, kỷ luật sẽ mất hiệu quả trừ phi được thực thi trong sân chơi tỉnh thức.
Để bước vào hành trình dạy con tỉnh thức, đừng cố đột ngột thay đổi 180 độ. Bậc phụ huynh tỉnh táo nhặt nhạnh mỗi nơi một chút với tâm niệm rằng một sự dịch chuyển nhỏ trong không khí gia đình có sức mạnh làm cả gia đình tỉnh thức hơn. Vậy nên, bạn hãy nhớ rằng cách dạy con tỉnh thức mà tôi đang mô tả là thứ mà ta đang “nhích” dần đến.
Tôi muốn nhắc lại một lần nữa: sự thay đổi có thể diễn ra ngay khoảnh khắc này, và ngay trong những tình huống đời thường nhất.
Không có cha mẹ nào đột nhiên tỉnh thức
Vì dạy con không thuộc về phạm vi tri thức mà tâm trí ta liên tục trao đổi tương tác với con ở cấp độ phân tử, năng lượng, cho nên trừ khi ý thức được mức độ ảnh hưởng của mình lên con trong mọi khoảnh khắc, ta sẽ nuôi con mà chẳng đoái hoài đến nhu cầu của chúng. Vì vậy, món quà lớn nhất ta tặng cho con chính là khả năng phân biệt - phân biệt rõ ràng - rằng con là một cá thể hoàn toàn khác với cha mẹ. Ngược lại, thất bại lớn nhất của người làm cha mẹ là không biết tôn trọng, khuyến khích con đi theo con đường của riêng mình.
Để dạy con trong tỉnh thức, cần phải chú ý quan sát hành vi của bản thân mỗi khi tiếp xúc với con. Bằng cách này, ta dần ý thức được thói quen vô thức và những dấu ấn của cảm xúc ngay trong khoảnh khắc chúng diễn ra.
Trong quá trình tìm kiếm sự tỉnh thức trong cách tiếp xúc với con, cho dù ý định ban đầu có tốt đẹp bao nhiêu, vẫn có những khi ta lặp lại những mô thức cư xử cũ. Khi điều đó tái diễn nhiều lần, ta tự hỏi liệu đến bao giờ sự vô thức mới kết thúc. Điều này dễ khiến ta nản lòng.
Trên thực tế, chẳng có cha mẹ nào đột nhiên trở nên tỉnh thức. Dạy con tỉnh thức tức là biến việc quan sát sự vô thức thành hoạt động thường nhật và suốt đời. Dù hành xử vô thức của ta nhỏ đến mức nào, mỗi lần nhận ra là một lần ta chuyển hóa. Khi bắt gặp
mình trong khoảnh khắc vô thức và tách được khỏi nó, sự tỉnh thức của ta lại được củng cố.
Sự minh triết của trí tuệ và tâm hồn có cái giá của nó. Mỗi chúng ta đều mang trên mình những dấu ấn vô thức của nhiều thế hệ. Về bản chất, sự vô thức sẽ không bị - không thể bị - loại trừ hoàn toàn. Bất chấp phần tỉnh thức lớn đến đâu, phần vô thức vẫn hoạt động với nhịp điệu riêng của nó. Nó rò rỉ theo từng thói quen, ý nghĩ, cảm xúc và từng lần hiện diện mà ta không hề hay biết. Chỉ bằng cách quan sát sự vô thức nhờ con cái phản chiếu lại, ta mới có thể chuyển hóa được nó.
Để kết thúc chương này, tôi muốn một lần nữa đảm bảo rằng độc giả hiểu rõ sự tỉnh thức và vô thức không phải là những phạm trù đối lập, nằm ở hai đầu quang phổ. Vô thức không phải là kẻ thù của ta. Ngược lại, vô thức tạo ra nền tảng để sự tỉnh thức diễn ra, miễn là ta chịu mở lòng với nó.
Tỉnh thức, không phải là một trạng thái cần đạt được, hay là một đích đến, mà là một quá trình liên tục. Biết sống tỉnh thức không có nghĩa là ta sẽ hoàn toàn không gặp những khoảnh khắc vô thức. Nói đúng hơn, đó là một tiến trình liên tục. Không có ai hoàn toàn tỉnh thức. Có thể trong khía cạnh này của cuộc sống ta rất tỉnh thức, nhưng trong một khía cạnh khác lại không như vậy - có khi ta rất chú tâm để phản ứng trong khoảnh khắc này, nhưng lại mất tập trung ngay trong khoảnh khắc tiếp theo, sống tỉnh thức, tức là chứng kiến những lần vô thức của mình, dần dần làm cho bản thân ngày càng tỉnh thức hơn. Vì vậy, không cần coi sự vô thức như con ngáo ộp. Đó không phải là điều đáng sợ, mà chính là cánh cửa giúp ta trở thành con người hoàn thiện.
Chương 3
Giải phóng con khỏi sự phán xét của ta
Một cách vô thức, ta trói chặt con trẻ bằng đánh giá của mình, biến con thành nô lệ cho sự phán xét của cha mẹ. Ta buộc con phải mong đợi hoặc phải lệ thuộc sự tán thành của cha mẹ.
Bạn có tưởng tượng được con cảm thấy thế nào khi phải chờ đợi sự thừa nhận của người lớn và sợ hãi nếu không có được nó? Điều này khác hẳn với việc hiểu rõ rằng chúng được chấp nhận và tôn trọng vô điều kiện.
Mỗi đứa trẻ đều nhận ra rằng đôi khi một hành động nào đó có thể biến chúng trở thành đứa trẻ tinh nghịch trong mắt người lớn, nhưng điều này hoàn toàn khác với việc được chấp nhận và tôn trọng đúng với bản chất con người chúng. Bởi vậy, làm cha mẹ, việc tối quan trọng là cần giải phóng bản thân mình khỏi ảo tưởng rằng ta có quyền cho phép con cái được là chính bản thân chúng. Chúng ta không trao cho con quyền đó. Ngay khi con bắt đầu tự hít thở, chúng được quyền nói ra những suy nghĩ, thể hiện cảm xúc và tâm hồn mình. Đây là những quyền cơ bản phải được trao cho trẻ ngay từ khi chúng sinh ra.
Ta có thể thấy ngạc nhiên khi cả sự cấm đoán lẫn khuyến khích đều là những xúc tu của sự kiểm soát. Mặc dù hoàn toàn có thể khen ngợi những thành quả của con, ta rất dễ rơi vào vết xe đổ của
cặp đối lập “cấm đoán” và “khuyến khích” - những thứ ngay lập tức ảnh hưởng lên cảm xúc của trẻ về bản chất sự hiện hữu của mình. Việc con cái ta là nghệ sĩ, học giả, là người thích mạo hiểm, thích thể thao, yêu âm nhạc, người mơ mộng hay là người hướng nội v.v… không thể phụ thuộc vào thái độ của ta. Nhìn rộng ra, ta không có quyền cấm đoán hay khuyến khích cho dù con mình là người mộ đạo, đồng tính, kết hôn theo bất kỳ hình thức nào, giàu tham vọng, hay thể hiện bất cứ cá tính nào khác. Mặc dù có thể điều chỉnh hành vi để con tiếp cận gần hơn với tâm hồn mình, bản thể của con cần được nâng niu vô điều kiện.
Khi con chọn một tín ngưỡng khác mình, một nghề nghiệp khác với những gì mình ước ao, khi con có xu hướng tình dục đồng giới, hoặc cưới một người khác chủng tộc, cách phản ứng của ta chính là thước đo mức độ tỉnh thức của bản thân. Liệu ta có thể đáp lại con với ý thức rõ ràng rằng chúng hoàn toàn có quyền thể hiện nội tâm theo cách riêng của chúng?
Trẻ con cần được lớn lên với xác tín rằng chính con người chúng xứng đáng được trân trọng. Lẽ dĩ nhiên, mọi phụ huynh đều nói họ luôn trân trọng con cái. Chẳng phải là ta vẫn tổ chức sinh nhật, vẫn đưa con đi xem phim, mua quà cho con, chi rất nhiều tiền để mua đồ chơi cho con sao? Đó là gì nếu không phải là trân trọng sự tồn tại của con?
Một cách vô thức, ta có xu hướng khen ngợi khi con thực hiện được một điều gì, thay vì chỉ đơn giản là chính mình. Trân trọng sự hiện hữu của con tức là để cho con được sống mà không vướng vào cái bẫy kỳ vọng của ta. Đó là nâng niu con mà không cần chúng
phải thực hiện, chứng tỏ điều gì hay hoàn thành bất cứ loại mục tiêu nào.
Bản tính của trẻ con vốn thánh thiện và đáng yêu. Khi ta đề cao những đặc tính đó, chúng tin tưởng rằng ta trân quý thế giới nội tâm giá trị của chúng, bất kể thế giới đó biểu hiện ra ngoài thế nào. Khả năng gắn kết với tâm hồn con, vững vàng bên con qua những cơn sóng gió khi thế giới bên ngoài của chúng sụp đổ, truyền đi thông điệp rằng chính bản thân con người chúng là tài sản vô giá.
Tôi xin phép đề xuất một số cách thể hiện để con thấy rằng con được chấp nhận khi là chính mình:
Khi con đang nghỉ, ta nói với con rằng ta trân trọng con biết bao.
Khi con đang ngồi, ta nói với con rằng ta thấy hạnh phúc vì được ngồi cùng con.
Khi con đang chơi loanh quanh trong nhà, ta dừng con lại và nói, “Cám ơn con vì đã đến với bố mẹ”.
Khi con nắm tay, ta nói rằng ta yêu việc nắm tay con biết bao.
Sáng sớm khi con thức dậy, ta viết cho con một lá thư nói rằng ta hạnh phúc biết bao vì điều đầu tiên trong ngày là được nhìn thấy con.
Ta đón con ở trường và nói rằng ta nhớ con biết bao. Con cười và ta nói rằng tim ta được sưởi ấm.
Con hôn ta và ta nói rằng ta thích được ở bên cạnh con.
Dù còn bé hay đang tuổi thanh niên, trẻ em đều cần được cảm thấy rằng, chỉ sự hiện diện của chúng đã làm ta vui. Con cần phải hiểu rằng chúng không phải làm bất kỳ điều gì để có được sự quan tâm tuyệt đối của ta. Con xứng đáng được cảm thấy rằng ngay khi sinh ra, chúng đã có quyền được yêu quý.
Những đứa trẻ lớn lên với cảm giác rõ ràng về bản thân sẽ trở thành những người lớn mang trong mình sợi dây chắc chắn kết nối với thế giới nội tâm, vì thế, rất vững vàng về cảm xúc. Chúng sớm hiểu rằng trong mọi mối quan hệ, cá tính tâm hồn của bản thân là điều quan trọng nhất, và vì thế trở thành kim chỉ nam định hướng cho hành xử của chúng. Với một đời sống nội tâm vững vàng, chúng chẳng cần tìm kiếm sự công nhận từ người khác, không màng những danh xưng hão, mà tự biết cách vui vẻ sống chân thật với bản tâm mình.
Lòng bao dung chính là chìa khóa
Để chấp nhận con người hiện tại của con, ta cần từ bỏ tất cả ý tưởng rằng chúng “phải” là người thế nào - một sự từ bỏ gần giống với việc ngừng hoàn toàn hoạt động của tâm trí - và giao cảm thuần khiết với con, để làm sao có thể phản hồi ngay khi con cần.
Khi tâm trí ngừng tư duy phán xét, ta có cơ hội được tái sinh bên cạnh tâm hồn của con đang dần hé nụ. Để đạt được điều đó, chỉ cần ta dồn tâm trí vào cuộc phiêu lưu kỳ diệu của hành trình dạy con. Con sẽ là người dẫn đường cho ta. Vì vậy, trở thành cha mẹ là cơ hội lớn lao để thay đổi. Nếu chịu mở lòng, con cái sẽ là người thầy lớn của ta.
Để thấy rõ hơn, ta hãy xem xét trường hợp của Anthony và Tina, những người đã vật lộn với hội chứng chậm phát triển trí tuệ của con trong nhiều năm. Là những người thành đạt, họ không thể chấp nhận những hạn chế của con trên đường học vấn. Sự chậm chạp của cậu bé không chỉ giới hạn trong việc học, mà còn lan sang cả lĩnh vực giao tiếp xã hội và xử lý các tình huống trong cuộc sống. Trên thực tế, cậu bé hoàn toàn khác với những ảo tưởng mà bố mẹ đã kỳ vọng. Trong khi Anthony, bố của cậu bé là một ngôi sao tennis và rất yêu thích môn đạp xe, cậu bé lại căm ghét các hoạt động ngoài trời, sợ côn trùng và chỉ thích chơi điện tử hay đọc sách trong phòng riêng.
Tuyệt vọng với đứa con cá biệt, Anthony chê bai con mỗi ngày. Tina, mẹ của cậu bé, một luật sư cấp cao, luôn nghĩ rằng đàn ông
phải mạnh mẽ và nam tính, nên càng ức chế với xu hướng của con. Để con “đàn ông” cô bắt con đi tập thể hình, ăn mặc sành điệu và nói chuyện với các bạn gái, cho dù điều này làm cậu bé sợ hãi.
Đỉnh cao của mâu thuẫn và căng thẳng là các bài tập về nhà và các kỳ thi. Sean không theo kịp nổi yêu cầu của giáo dục đại trà - một điều bố mẹ không thể chấp nhận. Mặc dù mỗi người tiếp cận con theo một cách riêng, cả hai đều hành hạ, chửi bới mắng mỏ, khinh miệt việc cậu bé không thể nắm vững những khái niệm toán cơ bản và cấm không cho cậu bé ăn nếu chưa học thuộc một định nghĩa. Khi nói chuyện với tôi, họ liên tục nhắc đi nhắc lại, “Con chúng tôi không bị thiểu năng trí tuệ. Không thể nào thằng bé lại thuộc về thế giới của những người cần giáo dục đặc biệt”.
Cãi vã thường xuyên xảy ra trong gia đình. Nếu không phải là giữa Sean và bố, thì là giữa Sean và mẹ. Anthony và Tina rơi xuống vực sâu của tuyệt vọng trong việc dạy con, họ không thể hòa thuận với nhau nữa, dần dà quay sang chỉ trích nhau và không tránh khỏi rạn nứt. Tôi đã không ngạc nhiên khi nghe họ tuyên bố quyết định ly dị cũng như khi biết được lý do: “Chúng tôi chẳng hiểu cách cư xử của nó. Nó làm chúng tôi bất đồng. Chúng tôi không thể chịu nổi nó nữa. Nó làm chúng tôi phát điên”.
Khi Anthony và Tina nói với Sean rằng cậu bé là nguyên nhân ly thân của bố mẹ, họ kỳ vọng cậu bé sẽ thôi là một đứa con. Với việc tìm thấy mục tiêu để đổ lỗi là con trai, họ nghĩ rằng nếu không có con, họ sẽ sống hạnh phúc bên nhau. Dù xem hành vi của con là sự xúc phạm sĩ diện bản thân, trên thực tế đó là biểu hiện sự thất bại của bố mẹ trong hôn nhân. Sean, về phần mình, trở nên quá quen
với việc là thùng rác cảm xúc của bố mẹ nên cậu bé vẫn vô tư đóng vai ác quỷ.
Chỉ đến khi Anthony và Tina thừa nhận rằng tình cảnh của họ bắt nguồn từ việc không chấp nhận được con trai mình, họ mới bắt đầu thay đổi, một quá trình buộc họ phải đối diện với tâm lý lo ngại về sự khác biệt của Sean. Khi ý thức được những thói quen của mình, họ bắt đầu để ý hơn tới những lần họ trút sự vô thức lên đầu con, làm bé hành xử theo những thói quen vô thức đó và kết quả là gây thêm rắc rối cho cả nhà.
Khi Anthony và Tina nhận ra rằng họ đã dồn hết kỳ vọng của mình lên đầu con, hai người mới nhìn thẳng vào vấn đề then chốt: tình trạng mối quan hệ của họ. Sau nhiều tháng cố gắng hàn gắn rạn nứt giữa hai người, cuối cùng Sean đã được giải phóng khỏi gánh nặng mang vết thương của bố mẹ bên mình.
Mặc dù không nhất thiết phải liên tục khen ngợi một hành vi cụ thể nào đó, ta cần luôn luôn tâm niệm việc tôn trọng quyền được là chính mình của con. Khi chấp nhận con người của trẻ, ta có thể tiếp cận con một cách công bằng, có thể nuôi dạy con lớn lên mà không vướng vào thái độ phán xét. Ta phản hồi con với thái độ phù hợp, không còn bị lệ thuộc vào hoàn cảnh, cá tính của ta, chỉ với điều kiện duy nhất là chấp nhận hoàn toàn cá tính của con, chấp nhận con người mà con sẽ trở thành và những điều con dạy cho ta trong quá trình lớn lên đó.
Chấp nhận không có nghĩa là thụ động
Sự chấp nhận thường bị xem là thụ động. Đây là một hiểu lầm tai hại. Chấp nhận không đơn thuần chỉ là một quyết định của lý trí mà phải có sự tham gia của cả con tim và tâm hồn. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng sự chấp thuận không thể nào thụ động. Đó là một thái độ tích cực, quyết liệt và sống động.
Để minh họa cho sự chấp nhận, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc về trường hợp của John và Alexis khi nuôi con trai là bé Jake, một cậu bé không thực sự “đàn ông” cho lắm. Không thích thể thao hay các trò chơi ồn ào, Jake trầm tính và yêu nghệ thuật, thích hội họa và nhảy múa. Hệ quả là mặc dù còn bé xíu, bố mẹ phải chứng kiến con mình bị bạn bè trêu chọc. Họ nghĩ rằng rất có thể con đồng tính, mặc dù không muốn đánh đồng con chỉ vì con thể hiện nhiều dấu hiệu nữ tính hơn nam tính. Đôi khi họ cũng muốn con giống như những cậu bé khác, nhưng chỉ giấu kín trong lòng, tiếp tục nuôi dưỡng trong con tình yêu âm nhạc và nhảy múa. Thời gian trôi qua, cậu bé lớn lên trở thành một chàng trai tốt bụng và nhạy cảm đúng với cá tính của mình.
Nếu quả thật Jake là người đồng tính, John và Alexis muốn bé đi theo đúng xu hướng tình dục của mình, về phương diện này, Jake là người thế nào không quan trọng với họ bởi họ nhìn nhận tính dục cũng là một biểu hiện kỳ diệu của bản thể con. Khi bị bạn bè trêu chọc, bố mẹ cậu bé không tìm cách lảng tránh nỗi đau, mà giúp con đối diện với nó.
Khi Jake lớn hơn, John và Alexis cố tình tạo ra một cộng đồng bạn bè bao gồm cả những người đồng tính và dị tính. Họ muốn cậu bé hiểu rằng, khi cậu bé sẵn sàng công bố xu hướng tình dục đồng giới của mình, sẽ có những người thân bên cạnh chấp nhận cậu bé. Và rồi, khi bước vào tuổi thanh niên, ngày Jake tiết lộ xu hướng tình dục cũng đã đến. Chẳng cần nói một lời, họ dang rộng vòng tay. Bởi đã chấp nhận con trai với trạng thái thực tế của con ngay từ đầu, cậu bé đã yên tâm nuôi dưỡng bản chất chân thật của mình mà không bị vướng mắc bởi điều kiện, bởi thái độ phán xét hay cảm giác tội lỗi nào. Cả gia đình trân trọng lối sống mà cậu bé lựa chọn.
Đó là một gia đình chẳng cần con mình đuổi theo những ảo tưởng hay hiện thực hóa những giấc mơ của họ. Họ không lợi dụng con trai để hàn gắn những vết thương chưa lành hay củng cố cái tôi riêng. Bản chất con người của con hoàn toàn khác biệt với họ. Khả năng tạo ra sự phân biệt giữa cha mẹ và con cái sẽ đem lại sự đồng cảm lớn lao nhất.
Đừng dạy con rập khuôn
Quý trọng những điều mới mẻ lần lượt mở ra trên hành trình của riêng con, ta dạy con biết lắng nghe tiếng nói tâm hồn mình, đồng thời biết trân trọng tiếng nói của những người khác. Điều này giúp con biết cách tham gia các mối quan hệ tương hỗ lành mạnh. Bởi mỗi người có một số mệnh riêng, sự lệ thuộc tiêu cực vào người khác sẽ không còn nữa. Khi lớn lên, con được trang bị đầy đủ cho những mối quan hệ thành công mà tính chất tương hỗ là dấu ấn nổi bật nhất.
Để chấp nhận con, ta phải từ bỏ những mô thức rập khuôn của xã hội và tiếp cận mỗi đứa trẻ như một đơn vị riêng biệt. Khi bắt được “sóng” của trẻ, ta sẽ nhận ra rằng thật ngờ nghệch khi cố đúc con theo “khuôn”. Ngược lại, mỗi đứa trẻ cần những điều rất khác nhau. Có em cần bố mẹ từ tốn và nhẹ nhàng, trong khi có những em cần bố mẹ quyết liệt - thậm chí “nói thẳng vào mặt”. Một khi đã chấp nhận bản chất của con, ta mới có thể mài dũa cách dạy con phù hợp với khí chất của trẻ. Như thế đồng nghĩa với việc từ bỏ hết những ảo tưởng rằng mình phải là người phụ huynh thế nào, đồng thời thay đổi để trở thành bậc cha mẹ mà đứa trẻ trước mặt ta cần có.
Trước khi trở thành mẹ, tôi cũng từng tưởng tượng con tôi sẽ như thế nào. Khi biết mang bầu con gái, tôi đã có vô số kỳ vọng về con. Con sẽ hiền từ, dịu dàng và nghệ sĩ. Con sẽ ngây thơ và ngoan ngoãn, dễ bảo.
Khi bé lớn dần lên, tôi sớm nhận ra con hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng tượng. Con rất nhẹ nhàng, nhưng cũng rất hoạt bát và cương quyết. Con có tư chất thủ lĩnh, đồng thời thỉnh thoảng mạnh mẽ và cứng đầu. Con cũng không hề có chất nghệ sĩ. Con chẳng hề mộng mơ như tôi mà tâm trí thiên về logic và cơ khí. Con lanh lợi và thông minh chứ không ngây thơ, cả tin. Hơn hết thảy, con không phải là loại người thích “làm vừa lòng” người khác, vai diễn mà bản thân tôi chưa bao giờ dám từ bỏ khi còn là một đứa bé. Con thì khác, luôn là chính mình không bao giờ do dự.
Quả là thử thách lớn đối với tôi khi phải chấp nhận hình ảnh như thế về con gái mình. Tôi đã phải điều chỉnh lại những kỳ vọng, từ bỏ hết những ảo tưởng. Những tưởng tượng về con nhiều đến nỗi trong một thời gian rất dài, tôi đã không thể tin rằng đứa con mình đẻ ra lại khác với những gì tôi suy nghĩ đến thế. Trên thực tế, tôi thấy dạy con còn không khó bằng việc chấp nhận sự thật rằng đây là đứa con mà tôi được ban tặng. Chẳng phải điều này cũng đúng với hầu hết các bậc cha mẹ? Rào cản lớn nhất mà ta phải vượt qua thường không phải là thay đổi thực tại khách quan mà lại là điều chỉnh kỳ vọng của mình.
Đừng nhầm tưởng rằng chấp nhận con người thật của con nghĩa là thụ động cho phép chúng tiếp tục những hành vi tiềm ẩn rủi ro. Chưa bao giờ tôi cổ vũ thái độ thụ động. Ta chấp nhận con người thật của con, trong trạng thái tự nhiên nhất. “Chấp nhận” là nền móng. Bước tiếp theo mới là điều chỉnh hành vi để con dần tiệm cận với bản thể của chúng.
Nếu con hành xử theo lối mà ta gọi là “hư”, với thái độ chống đối, ta cần phải kiên định. Nếu con “hư” vì không xử lý được những cảm
xúc tiêu cực, ta cần phải thấu hiểu. Nếu con mè nheo và nũng nịu, có khi ta cần quan tâm và âu yếm, hay - nếu ta quá chú ý và làm con bớt tự lập - có thể ta cần giúp chúng học cách tự làm bản thân thấy thoải mái và dễ chịu. Nếu con cần yên tĩnh và sự riêng tư, ta cần cho chúng không gian và tôn trọng nhu cầu “cách ly” của chúng. Nếu con quá huyên náo khi đến giờ làm bài tập về nhà, ta cần tiết chế con và hướng con vào trạng thái tập trung chú ý.
Chấp nhận con có thể là bất kỳ trường hợp nào sau đây: Ta chấp nhận rằng con khác biệt.
Ta chấp nhận rằng con trầm tính.
Ta chấp nhận rằng con bướng bỉnh.
Ta chấp nhận rằng con cần thời gian để quen với người và môi trường lạ.
Ta chấp nhận rằng con thân thiện.
Ta chấp nhận rằng con dễ bị kích động.
Ta chấp nhận rằng con thích làm vừa lòng người khác. Ta chấp nhận rằng con không thích thay đổi.
Ta chấp nhận rằng con sợ người lạ.
Ta chấp nhận rằng con có thể cư xử sai.
Ta chấp nhận rằng con mít ướt.
Ta chấp nhận rằng con nhẹ nhàng.
Ta chấp nhận rằng con nhút nhát.
Ta chấp nhận rằng con e thẹn.
Ta chấp nhận rằng con hống hách.
Ta chấp nhận rằng con khó bảo.
Ta chấp nhận rằng con là kẻ theo đuôi.
Ta chấp nhận rằng con nóng tính.
Ta chấp nhận rằng con học kém.
Ta chấp nhận rằng con không quyết tâm như trẻ khác. Ta chấp nhận rằng con hay nói dối khi chịu áp lực. Ta chấp nhận rằng con đồng bóng.
Ta chấp nhận rằng con không thể ngồi yên.
Ta chấp nhận rằng con có cách sống riêng.
Ta chấp nhận rằng con là một người riêng biệt.
Ta chấp nhận rằng để trưởng thành, con cần biên giới không gian riêng tư vững chắc.
Mức độ chấp nhận con tương ứng với mức độ chấp nhận chính ta
Một khía cạnh nữa trong việc chấp nhận con người thật của con là chấp nhận hình ảnh người bố, người mẹ mà con cần. Khi tôi chấp nhận rằng con gái mình lanh lợi hơn những gì mình đã tưởng tượng, tôi mới thay đổi được cách tiếp xúc với con. Đã đến lúc xem con là cô gái thông minh chứ không phải là cô nàng Ngây Thơ mà tôi hằng mong ước. Thay vì luôn phải trông chừng sau lưng, làm bản thân thêm khó chịu vì con chẳng cần giúp đỡ, tôi học cách suy nghĩ sâu sắc hơn. Trước đây, lúc nào con cũng nhanh nhạy hơn tôi. Giờ đây khi đã thừa nhận sự thông minh của con, tôi bắt đầu suy nghĩ trước con và giúp con tránh được việc quá tự kiêu vì sự thông minh của mình. Tôi cảm thấy biết ơn vì đã từ bỏ được ham muốn trở thành người phụ huynh trong tưởng tượng. Ngược lại, tôi trở thành người mẹ mà con gái tôi cần có.
Mức độ chấp nhận con cái hoàn toàn lệ thuộc vào mức độ ta chấp nhận bản thân ta - cả con người hiện tại và con người mà ta có tiềm năng trở thành. Rốt cuộc, làm sao mong con trở thành một người biết suy nghĩ tự do, có tâm hồn tự do nếu chính ta không phải là những người như thế? Làm sao dạy con tự lập nếu chính ta không tự lập? Làm sao có thể nuôi dạy một con người khác, một tâm hồn khác, nếu chính ta bị mất phương hướng, nếu tâm hồn ta bí bách?
Có lẽ độc giả sẽ thấy có ích khi tôi chia sẻ những khía cạnh mà tôi đã học cách chấp nhận bản thân tôi:
Tôi chấp nhận rằng trước khi làm mẹ, tôi cũng là một con người.
Tôi chấp nhận rằng tôi có những hạn chế và khuyết điểm, và đó là điều hoàn toàn bình thường.
Tôi chấp nhận rằng không phải lúc nào tôi cũng quyết định đúng đắn.
Tôi chấp nhận rằng tôi thường thấy hổ thẹn khi buộc phải thừa nhận thất bại.
Tôi chấp nhận rằng tôi thường mất cân bằng hơn con.
Tôi chấp nhận rằng có những thời điểm tôi ích kỷ và thiếu suy nghĩ khi tiếp xúc với con.
Tôi chấp nhận rằng thỉnh thoảng tôi cũng lộn xộn và cẩu thả.
Tôi chấp nhận rằng không phải lúc nào tôi cũng biết cách phản hồi với con.
Tôi chấp nhận rằng có những lúc tôi nói hay làm những điều không phải với con.
Tôi chấp nhận rằng có những lúc tôi quá mệt đến mức không còn đủ tỉnh táo.
Tôi chấp nhận rằng có những lúc tôi quá bận để có mặt bên con.
Tôi chấp nhận rằng mình đang cố gắng hết sức và như thế vẫn là chưa đủ.
Tôi chấp nhận sự khiếm khuyết của bản thân mình và của cuộc đời mình.
Tôi chấp nhận ham muốn quyền lực và kiểm soát.
Tôi chấp nhận cái tôi của mình.
Tôi chấp nhận ham muốn được tỉnh thức (cho dù tôi thường tự làm hư bản thân khi gần đạt tới trạng thái này).
Ta chỉ không chấp nhận được con khi chúng gợi lại những vết thương trong lòng, đe dọa đến những thứ liên quan đến cái tôi mà ta còn níu kéo. Trừ khi ta trả lời được câu hỏi tại sao ta không thể chấp nhận con bằng chính con người của chúng, bằng không ta sẽ mãi mãi hoặc tìm cách nhào nặn, điều khiển và áp đặt con - hoặc để cho chính mình bị con áp đặt.
Cần hiểu rằng mỗi trở ngại ta gặp phải khi chấp nhận vô điều kiện con cái mình đều bắt nguồn từ điều kiện quá khứ của ta. Một người phụ huynh không biết chấp nhận mọi khía cạnh của bản thân mình sẽ chẳng bao giờ biết cách chấp nhận con cái họ. Chấp nhận con đi liền với việc chấp nhận chính mình. Ta trân trọng bản thân được đến mức độ nào thì mới có thể trân trọng con đến mức độ đó.
Giả sử ta mang trong mình tâm lý “nạn nhân”, có thể ta sẽ tự an ủi mình, “Tôi chấp nhận rằng con tôi đang là và sẽ luôn luôn là đứa trẻ ngỗ ngược”. Đấy không phải là chấp nhận mà là đầu hàng.
Ngược lại, nếu có tâm lý “chiến thắng” và tự nhủ, “Tôi chấp nhận rằng con tôi là thiên tài” cũng không phải là chấp nhận mà là ngạo mạn.
Khi nhào nặn con cho vừa với những kỳ vọng của mình, ta chối bỏ con người của chúng, cũng có nghĩa là gieo những hạt giống của sự lệch lạc. Ngược lại, chấp nhận con người của con trong mọi hoàn cảnh mang lại cảm giác nhẹ nhõm và thanh thản trong lòng. Ta tập trung xây dựng tình thương yêu vì không còn vướng bận với nhu cầu phải kiểm soát. Vì không chọn điểm xuất phát là ảo tưởng của mình, mà chính là trạng thái hiện tại của con, ta có điều kiện giúp con định hình bản thân phù hợp với bản chất của chúng.
Khi tôi nói rằng con người mà con “cảm thấy phù hợp với bản chất của chúng”, cần nhớ rằng đây là một trạng thái động. Ta thường quên mất rằng con không phải là một chủ thể cố định, mà là một tâm hồn sống động luôn luôn tự biến đổi, chuyển hóa. Nếu luôn nghĩ về mình một cách cứng nhắc mà không hiểu rằng chính mình cũng luôn luôn biến chuyển, ta không tránh khỏi tình trạng tương tự trong cách tiếp cận con. Ta tự quyết định con phải trở thành người thế nào, cái tôi đẻ ra cái tôi, và mối quan hệ với con bế tắc. Đó là lý do tại sao ta liên tục phạm sai lầm. Hầu hết chúng ta thậm chí không biết con mình ra sao trong hiện tại, chứ chưa nói đến việc tạo điều kiện để con thể hiện con người mới của mình trong mỗi khoảnh khắc.
Để thoát khỏi khuôn mẫu, ta phải thực sự chú tâm vào phút giây hiện tại và thực sự mở lòng khi tương tác với con. Ta cần tự hỏi bản thân, “Mình có thực sự hiểu rõ con? Mình có thể mỗi ngày mở lòng mình hơn để hiểu rõ hơn về con?” Để làm được thế, khi ở bên con,
ta cần thực sự lắng nghe, gạt bỏ hết mọi điều gây xao nhãng và hướng về con với tâm thế tò mò, háo hức.
Chương 4
Thổi bay cái tôi
Khi trao cho con sự chấp nhận mà chúng xứng đáng có được, ta sẽ chạm tới kho báu mà mọi hoạt động tâm linh hướng tới: cơ hội từ bỏ cái tôi.
Là cha mẹ, thật khó để không bị dính mắc bởi cái tôi. Chỉ cần nói, “Đây là con tôi”, thế là ta đã đặt chân vào cái tôi. Trên thực tế, hầu như ta không thể thoát khỏi cái tôi khi đề cập đến con cái, bởi chẳng có điều gì trên đời làm ta cảm thấy liên quan mật thiết đến mình hơn việc chúng học hành ra sao, ăn mặc thế nào, chúng cưới ai, chúng sống ở đâu hay chúng làm nghề gì. Hiếm có cha mẹ nào không xem con cái là một sự nối dài cái tôi của chính họ.
Có lần, tôi hỏi một nhóm phụ huynh tại sao họ sinh con. Họ trả lời, “Tôi muốn trải nghiệm cảm giác này”, “Tôi yêu quý trẻ con”, “Tôi muốn làm mẹ”, “Tôi muốn có một gia đình”, rồi, “Tôi muốn chứng tỏ rằng tôi có thể trở thành một người mẹ tốt”. Trong mỗi trường hợp, lý do sinh con đều dính dáng đến cái tôi. Điều này hầu như đúng với rất nhiều người trong chúng ta.
Hành trình làm cha mẹ thường bắt đầu với một mức độ tự ái, tự tôn rất cao bởi ta dành ra nguồn năng lượng lớn trong mối quan hệ với con. Dù trong hầu hết trường hợp đều là vô tình, nhưng hệ quả là ta dễ dàng rơi vào cái bẫy của việc lợi dụng con để bù đắp cho nhu cầu của chính ta, trong khi vẫn tưởng rằng ta đang yêu thương
con, hi sinh cho con và dưỡng dục con. Ta lợi dụng chúng để hàn gắn cái tôi bị tổn thương, bắt chúng đóng những vai không phù hợp trong gia đình, làm ta cảm thấy có giá trị và phóng đại ảo tưởng về ảnh hưởng của ta lên thế giới xung quanh.
Thật khó tin rằng đối với nhiều người trong chúng ta, ít nhất là một phần nào đó, làm cha mẹ là để đáp ứng mong muốn của bản thân mình. Nếu không nhận ra sức mạnh sai khiến của cái tôi và dần từ bỏ ngộ nhận đánh đồng mình với nó, ta sẽ dạy con từ một nền tảng sai lầm, khiến ta đánh mất sợi dây kết nối với bản tâm mình.
Cơ chế hoạt động của cái tôi
Ta đã thấy rằng cái tôi là sự dính mắc mù quáng vào hình ảnh ta tưởng tượng về mình, một bức tranh ta luôn mang theo trong tâm trí. Toàn bộ cách ta tư duy, cảm xúc và hành động đều bắt nguồn từ hình ảnh này.
Để hiểu rõ hơn về cái tôi, hãy nhớ lại tình huống khi tôi khuyên các bậc cha mẹ rằng chính họ cần thay đổi nếu muốn hành vi của con thay đổi, họ đã cho rằng tôi sai. Lúc đó, họ trình bày đủ thứ lý do tại sao mối quan hệ của họ với con lại ở trong tình trạng như hiện tại.
Bởi luôn đổ lỗi tình thế của ta lên những nhân tố xung quanh, thật khó để quen với ý nghĩ rằng rất có thể có một phần nhỏ trong ta tạo ra tất cả những trải nghiệm tiêu cực mà ta gặp trong cuộc sống. Nếu toàn bộ sự tồn tại của ta chính là hình ảnh ta mang trong đầu, mọi sự thay đổi đều đe dọa cái tôi đó, vì vậy ta càng bảo vệ quyết liệt và hy vọng rằng những người xung quanh sẽ phải vì mình mà thay đổi.
Cái tôi hiển hiện mỗi khi ta tự trói mình vào bất kỳ mô thức suy nghĩ hay hệ thống tư tưởng nào. Ta thường không nhận ra mình bị trói buộc cho đến khi bị kích động về mặt tình cảm. Tuy nhiên, trên thực tế, bất kì thời điểm nào mà sự tức giận, sự kiểm soát, sự áp đặt, sự buồn bã, lo âu, thậm chí cả khi cảm xúc tích cực như hạnh phúc xâm chiếm và ta thấy chỉ có mình “có lý”, ta đều đang sống trong cái tôi. Khi hành động với trạng thái “có lý” cứng nhắc này, ta
áp đặt cho thực tại những giả định, những ý tưởng, những định kiến sẵn có. Nếu hoàn cảnh hay con người xung quanh không “chiều” theo ý ta, ta phản ứng nhằm giành lại quyền kiểm soát, áp đặt của mình.
Sống bằng cái tôi, ta không thể nhìn những người xung quanh bằng bản chất, bằng tâm hồn của họ. Một ví dụ kinh điển là Stuart, bố của Samuel - một chàng trai trẻ luôn tràn đầy năng lượng, vui tươi và lanh lợi. Samuel đặc biệt giỏi về diễn xuất và chỉ mơ được học trường sân khấu điện ảnh. Stuart phản đối. Là người nhập cư thế hệ đầu tiên, cả đời anh đã làm những công việc tay chân bấp bênh, rẻ rúng, khiến anh không mong gì hơn ngoài việc con mình có sự bình yên của một công việc ổn định, chứ không phải sự mông lung và mong manh của nghề diễn.
Đến thời điểm đăng ký học đại học, Samuel muốn chọn những trường có chương trình đào tạo tốt về diễn xuất, trong khi bố nhất định muốn con học về kinh doanh. Hai người tranh cãi mỗi ngày. Cuối cùng, Stuart đe dọa rằng nếu Samuel nộp đơn học diễn xuất, ông sẽ không chu cấp học phí và từ mặt con. Khi Samuel nhận ra điều này có ý nghĩa quá lớn với bố, cậu đành chấp thuận, vốn dĩ là một chàng trai thông minh, ngay lập tức cậu được nhận vào học trường kinh doanh Columbia và có một sự nghiệp rực rỡ.
Mặc dù Samuel chịu trách nhiệm về quyết định từ bỏ con đường diễn xuất, cậu vẫn buồn vì bố chối bỏ niềm đam mê của mình. Đời sống văn phòng hào nhoáng không bù đắp được niềm vui và cảm giác có ý nghĩa mà cậu cảm thấy khi đứng trên sân khấu. Đối với
cậu, diễn xuất là tiếng lòng - là một biểu hiện của con người thật sự, của bản chất tâm hồn. Thế mà giờ đây, ngập đầu trong những
khoản vay sinh viên, vay mua nhà, cậu cảm thấy không còn khoảng trống nào để chuyển hướng.
Bố của Samuel đã dạy con đơn thuần bằng việc phóng chiếu tâm trí của ông. Nằm sâu dưới nỗi lo âu về lựa chọn nghề nghiệp của con là mô thức cảm xúc ông mang sẵn trong đầu: “Bấp bênh là không tốt”. Là thế hệ nhập cư đầu tiên bị sự lo lắng khống chế, ông quay sang cố kiểm soát số mệnh của con mình.
Nếu những trụ cột của cái tôi vẫn còn vững chãi, như trường hợp bố của Samuel, ta sẽ mãi vật lộn để sống vô tư; và nếu không thể sống vô tư, ta chẳng thể giúp con sống an nhiên được.
Dạy con với cái tôi tức là tự che mắt mình bằng ảo tưởng rằng trên đời chỉ có mình đúng. Hệ quả là ta thúc ép con - như trường hợp của Samuel - sống với thế giới của ta, đồng thời đánh mất cơ hội sống với thế giới của con. Điều đáng buồn là ta chỉ cảm thấy mình có năng lực khi con nằm dưới sự áp đặt, ngoan ngoãn vâng lời của ta.
Mọi thứ liên quan đến cái tôi chính là mặt nạ che đậy những nỗi sợ hãi của ta, trong đó nỗi sợ lớn nhất là đầu hàng trước bản chất bí ẩn của chính sự sống. Khi sống bằng cái tôi giả, ta không chạm được đến cốt lõi tâm hồn con. Kết quả là chúng lớn lên hoàn toàn xa lạ với bản chất của chính mình và mất niềm tin vào sự gắn kết với thế giới. Bản chất thánh thiện, vô tư không tì vết của con bị che khuất bởi nỗi sợ hãi. Bởi vậy, cái tôi của ta cần phải được dẹp bỏ để bản chất độc đáo của con hiện ra và mở đường để con trưởng thành đúng với con người thật của chúng.
Nếu ta từ bỏ được cái tôi và chỉ quan sát quá trình con lớn lên khi cuộc sống dần mở ra trước mắt, chúng sẽ trở thành thầy của ta.
Nói cách khác, sống tỉnh thức cho phép ta thôi xem con là trang giấy trắng để ta mặc sức vẽ ra hình ảnh mà ta muốn có, mà ngược lại, xem chúng là những người bạn đồng hành, giúp ta thay đổi y hệt như ta đang thay đổi chúng.
Vấn đề nằm ở chỗ ta có chịu từ bỏ ý nghĩ rằng mình “biết”, chịu bước xuống khỏi cái bục quyền lực và để cho mình học hỏi từ những con người nhỏ bé, để hiểu rằng ai mới chính là những người sống tỉnh thức, vô tư nhất.
Sống với bản chất của mình có nghĩa là liên tục chuyển hóa, ý thức rằng ta luôn trong dòng chảy, luôn là một tác phẩm đang hoàn thiện. Bản chất chân thật giúp ta nghe được tiếng nói sâu sắc và tĩnh lặng của tâm hồn ẩn mình dưới những ồn ào của cuộc sống. Mặc dù được thực tại khách quan nâng đỡ và dẫn đường, bản thể của ta có thể tồn tại mà không cần đến môi trường xung quanh. Cái nó cần hơn là sự hòa hợp với tâm trí và sự kết nối với cơ thể trong mỗi khoảnh khắc.
Khi sống với bản chất của mình, ta vẫn có thể duy trì những mối quan hệ, nhà cửa, xe cộ và những tiện nghi khác vốn dĩ hấp dẫn cái tôi (những thứ mà bố Samuel mong mỏi con mình có được), nhưng mục đích của chúng lại hoàn toàn khác biệt. Nếu phải phụ thuộc vào những mối quan hệ, vào nhà cửa, xe cộ và thế giới bên ngoài để có được hạnh phúc, ta trở thành nô lệ của cái tôi. Nếu chúng giúp ta phụng sự những người xung quanh thông qua việc đạt được mục tiêu của mình, chúng đưa ta đến gần hơn với bản thể của mình.
Mặc dù cách thể hiện ở mỗi người đều khác nhau, cái tôi có một số khuôn mẫu chung - hay còn gọi là những kiểu “cái tôi” điển hình.
Sẽ rất có ích nếu ta hiểu rõ cơ chế hoạt động của từng khuôn mẫu đó.
Cái tôi của hình tượng
Khi một người mẹ trẻ nhận được điện thoại từ văn phòng hiệu trưởng thông báo rằng đứa con trai 9 tuổi đánh nhau với bạn, cô hoàn toàn sụp đổ. Cô cảm thấy xấu hổ và nhục nhã vì không tưởng tượng nổi đứa con yêu quý của mình lại trở thành một trong số “trẻ hư” kia. Phải làm sao? Phải trả lời thế nào?
Cô trở nên bảo thủ, đổ lỗi cho tất cả mọi người. Cô tranh cãi với hiệu trưởng, giáo viên và bố mẹ bạn của con, khăng khăng rằng con trai cô bị oan. Cô còn viết thư đến người giám sát khu vực về việc con cô đã bị buộc tội sai.
Người mẹ này không nhận ra rằng cái tôi đã biến toàn bộ sự việc thành vấn đề của cô, như thể khả năng của cô bị đặt dấu hỏi. Bởi không tách biệt bản thân mình với hành vi của con, cô thổi phồng sự việc lên. Dường như chính cô bị công kích - chính cô là người bị gọi vào văn phòng hiệu trưởng và bị phạt vì không biết dạy con. Vì vậy, thay vì ghi nhớ bài học bằng cách nếm trải hậu quả do hành vi của mình, cậu bé 9 tuổi lại cảm thấy tội lỗi và xấu hổ với cách cư xử của mẹ.
Nhiều người trong chúng ta rơi vào cái bẫy để cho ấn tượng về giá trị của bản thân lẫn lộn với hành vi của con. Khi chúng cư xử không đúng mực, ta cảm thấy chính mình có lỗi. Ta làm quá mọi việc lên vì không phân biệt rõ ràng giữa cái tôi và tình thế trước mắt.
Chẳng ai muốn bị coi là dạy con kém cỏi. Cái tôi muốn ta sở hữu hình ảnh cha mẹ siêu đẳng. Bất cứ khi nào cảm thấy kém hoàn hảo
hơn một chút so với hình ảnh đó, ta lo lắng bất an vì thấy mình “thất bại” trong mắt của người khác. Khi đó, hành xử của ta bị cuốn theo cảm xúc.
Cái tôi của sự hoàn hảo
Hầu hết chúng ta bị ám ảnh bởi ảo tưởng về sự hoàn hảo, nhưng chính sự dính mắc vào những ảo tưởng đó làm ta không uyển chuyển với dòng chảy thực sự của cuộc sống.
Chẳng hạn, khi một bà mẹ lên kế hoạch cho lễ trưởng thành của con trai, cô đã chi đến 30.000 đôla để chuẩn bị, sắp đặt kĩ lưỡng mọi chi tiết. Mặc dù đã lo toan suốt nhiều tháng, cô vẫn cực kỳ hồi hộp khi ngày đó diễn ra.
Quả nhiên, buổi lễ liên tục bị gián đoạn bởi những thứ mà cô tưởng chừng như thảm họa. Đầu tiên là một cơn dông bất chợt. May mắn thay, cô đã lường trước điều này và chuẩn bị sẵn lều bạt che mưa. Tiếp đó, nhạc công bị tắc đường và đến muộn một tiếng đồng hồ. Ngay sau đó, cô để ý thấy con trai mình có vẻ nhí nhố trước mặt họ hàng và những bạn bè thượng lưu.
Cô cảm thấy tuyệt vọng, bực bội và xấu hổ. Mặc dù đã cố gắng giữ gìn hình ảnh người mẹ hoàn hảo trước mặt quan khách, ngay khi họ ra về, cô trút cơn thịnh nộ lên đầu mọi người xung quanh, làm hỏng ngày vui và làm mất mặt con trước bạn bè ngủ lại qua đêm ở nhà cô. Tiếp đà bùng nổ, cô cãi nhau với chồng, rồi gây lộn với nhạc công. Cô làm mọi người khốn khổ chỉ bởi buổi lễ không được như cô mong muốn.
Bởi vì luôn cảm thấy bị đe dọa, khi mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch, ta cố gắng phản ứng lại bằng sự kháng cự và tốc độ của cảm xúc. Không thể chấp nhận được sự thật rằng cuộc đời và
những người thân không phải là rô-bốt, luôn chiều theo ý mình, ta cố áp đặt ham muốn thất thường về “hình tượng bản thân” lên tất cả mọi người và mọi vật xung quanh. Cái ta không nhìn thấy là những người thân yêu phải trả giá cho ảo tưởng của ta rằng cuộc đời luôn kết thúc có hậu.
Dạy con theo lối truyền thống, ta khuyến khích con phải noi gương ta, bởi đó là cách ta được nuôi dạy. Ta tưởng rằng mình phải “biết tuốt”, phải hoàn hảo mới là phụ huynh tốt. Ta không nhận ra rằng khi ta thể hiện hình ảnh hoàn hảo, ta tạo ra cảm giác ngượng nghịu và sợ hãi trong con. Con nhìn thấy ở ta một hình ảnh xa tầm với đến mức con cảm thấy mình quá tầm thường nhỏ bé. Bằng cách đó, ta ấn vào đầu con ý niệm rằng chúng “thua kém” ta, cản trở chúng tiếp cận với tài năng thiên bẩm của mình.
Nếu con cái thấy bố mẹ “cái gì cũng biết, việc gì cũng tìm được cách giải quyết, sự kiện gì cũng có ý kiến đúng đắn”, chúng nghĩ rằng mình cũng cần phải như vậy. Nếu không thoải mái với những khuyết điểm và luôn che đậy những hạn chế của mình, ta cũng dạy con giấu diếm những điểm yếu của chúng. Trong khi đó, điều chúng thực sự cần biết là chỉ có kẻ ngốc mới muốn mình hoàn hảo.
Mục tiêu cần hướng tới không phải là tròn trịa “không tì vết” như người mẹ kia muốn trong buổi lễ trưởng thành của con, mà là bao dung với cái tôi “khiếm khuyết một cách hoàn hảo” của ta, trong trường hợp của người mẹ này, chấp nhận sự thật rằng con trai cô cũng có hạn chế như cô và có thể cư xử sai ngay cả trong những thời điểm quan trọng nhất. Chỉ khi giải phóng được chính mình khỏi gọng kìm của việc phải làm phụ huynh “hoàn hảo”, ta mới có thể giải
phóng cho con khỏi ảo tưởng rằng chúng ta luôn kiểm soát được mọi thứ.
Khi thoải mái với những hạn chế và lỗi lầm trong đời sống hằng ngày, không phải theo lối tự ru ngủ, mà là tỉnh táo chấp nhận thực tế, ta giúp con hiểu rằng sai lầm là điều ai cũng có thể mắc phải. Biết cách cười vào những lỗi lầm và sẵn sàng thừa nhận yếu kém, ta tự đưa mình bước xuống khỏi bục giảng của bậc thánh nhân. Đặt thứ bậc qua một bên, ta khuyến khích con tương tác với tư cách con người - với - con người, tâm hồn - với - tâm hồn.
Đáng buồn cho người mẹ tổ chức lễ trưởng thành đã không biết cười xòa khi mọi thứ đổ bể. Nếu làm thế, hẳn cô đã dạy cho con một trong những bài học quý giá nhất - rằng ta cần biết cách hoàn toàn chấp nhận thực tại, kể cả việc mình cư xử không phù hợp.
Ta không cần làm gì khác ngoài việc làm gương cho con. Khi con thấy rằng đối với ta “tạm được” là quá đủ, sự tự tin trong con tăng lên. Khi vui vẻ với chính sự ngốc nghếch của mình, ta dạy con không quá nghiêm trọng hóa mọi chuyện. Bằng việc sẵn sàng tự trào khi thử những trải nghiệm mới, ta dạy con hồn nhiên khám phá cuộc sống mà chẳng cần lo lắng về hình thức hay kết quả.
Tôi tự hỏi không biết người mẹ tổ chức lễ trưởng thành hoàn hảo kia có bao giờ cố tình tỏ ra ngốc nghếch trước mặt con, hát hò nhảy múa, hay làm những điều vượt ra khỏi quy tắc để chứng tỏ rằng cô cũng là con người và cũng vấp ngã. Làm như thế sẽ khuyến khích con bước ra ngoài “vùng thoải mái” và khám phá những lãnh địa hoàn toàn mới lạ. Tôi tự hỏi liệu có bao giờ cô vui đùa với con và bạn của con như một đứa trẻ, không ngần ngại kể cả nếu cần quỳ xuống, giả tiếng lừa kêu, hay biến thành hoàng tử cóc. Khi con thấy
ta ngang hàng với chúng, mối quan hệ trở nên bình đẳng, làm con có thể tiếp xúc với ta một cách gần gũi, tự nhiên. Tôi cũng tự hỏi liệu người mẹ này có bao giờ tự cho phép mình nhào lộn, vấp ngã, gập người, bôi bẩn, la hét, phun nước bọt trước mặt con, trong giới hạn cho phép, thay vì cố gắng che giấu những khía cạnh rất con người này. Liệu cô có bao giờ chứng tỏ rằng cô thoải mái với việc nhà cửa không sạch bóng, móng tay không được giũa nuột nà, gương mặt không trang điểm hoàn hảo? Khi làm thế, ta cho con thấy rằng “tạm ổn” thực sự đúng nghĩa tạm ổn.
Ta ban ơn cho con và cho chính mình khi biết chấp nhận những hạn chế và thoải mái với sự “tạm ổn”. Bằng cách đó, con được khuyến khích hài lòng với bản thân, nhận ra được sự vui vẻ, thanh thản trong tâm hồn, và vì thế không bị dính mắc vào sự cứng nhắc không thể tránh khỏi của cái tôi.
Cái tôi của đẳng cấp
Đối với nhiều người, đẳng cấp là cả một vấn đề trọng đại. Chẳng hạn, khi một sinh viên bị một trường đại học danh giá từ chối và phải nhập học ở một trường khác gần nhà, bố mẹ cậu cảm thấy xấu hổ ê chề. Quá sốc trước tin tức này, họ chẳng biết phải làm sao khi bạn bè và họ hàng biết rằng con trai mình sẽ nhập học một trường “hạng hai”, đặc biệt là khi bố và mẹ đều tốt nghiệp từ những trường như Yale và Columbia.
Khi những phụ huynh này thể hiện sự chán nản trước mặt con, cậu bé hiểu rằng mình đã làm họ thất vọng tràn trề. Trong mắt họ, không những cậu làm bố mẹ mất niềm tin, mà còn bóp chết một truyền thống quý báu của gia đình. Với gánh nặng của sự xấu hổ trên vai, chàng trai trẻ quyết tâm nỗ lực khi đi học để chứng tỏ giá trị với bố mẹ, để rồi càng trượt dài vì đánh mất chính mình.
Nhiều người trong chúng ta bị ám ảnh bởi cách tư duy cứng nhắc về ý nghĩa của thành công. Thế giới bên ngoài dựng nên những thước đo như một mức lương cao, một chiếc xe sành điệu, một căn nhà bề thế, một khu láng giềng thân thiện, một nhóm bạn bè đẳng cấp, v.v… Thế rồi, ta thất bại, ta mất việc, hay ta buộc phải thừa nhận rằng con cái không nhiều tham vọng như mình, ta cảm tưởng như thể ta thất bại từ tận gốc rễ. Ta tưởng tượng rằng phần cốt lõi của ta bị tổn hại và quay sang chỉ trích tất cả mọi người.
Khi bị dính mắc, ta áp đặt sự lý tưởng lên con, gò chúng theo hình ảnh đẹp đẽ mà ta vốn tự trau chuốt cho chính mình. Ta quên
mất rằng mỗi đứa trẻ là một con người với tâm hồn riêng biệt, rằng chỉ khi sự độc đáo và tự lập của tâm hồn đó được thừa nhận hoàn toàn, ta mới nắm được cơ hội phát triển bản thân quý giá vốn dĩ đi liền với việc làm cha mẹ.
Tất cả mọi tư tưởng rằng tại sao con mình lại có những đặc điểm riêng cần được dẹp bỏ, mọi xu hướng cho rằng con “hư” cần được ngăn chặn. Là cha mẹ, thử thách của ta chính là việc để cho con được phép thể hiện chính mình mà không bị lấn át. Liệu ta có từ bỏ được niềm thôi thúc rằng con cái phải là sự nối dài của chính ta? Ta có sẵn lòng cổ vũ cho không gian nội tâm để con tự do phát triển, tránh bị áp đặt bởi ý chí của ta?
Để làm được những điều đó, ta phải tạo ra được không gian nội tâm cho chính mình không bị mắc kẹt trong nhu cầu sở hữu và kiểm soát. Chỉ có như thế ta mới thấy được bản chất thực sự của con, khác với hình ảnh mà ta mong cầu, được ta chấp nhận hoàn toàn mà không vướng vào bất kỳ ý tưởng nào của ta.
Bằng cách luôn tôn trọng con, ta giúp con biết tôn trọng chính bản thân mình. Ngược lại, nếu cố thay đổi con, cố điều chỉnh hành vi để con có được sự thừa nhận của bố mẹ, ta vô tình gửi đi thông điệp rằng bản chất con người của con có vấn đề. Hệ quả là con tự đeo cho mình một lớp mặt nạ, che đi khuôn mặt thật sự của chúng.
Việc buông bỏ mọi ràng buộc với hình ảnh người phụ huynh hoàn hảo do chính mình tự dựng lên và mong muốn vẽ ra tương lai của con chính là “cái chết tâm lý” khó vượt qua nhất. Ta cần từ bỏ mọi chương trình, kế hoạch đã vạch sẵn để bước vào trạng thái hoàn toàn buông xả. Ta cần xóa sạch mọi ảo tưởng về hình ảnh của con để tương tác với đứa trẻ cụ thể đang hiện diện trước mặt ta.
Cái tôi của sự rập khuôn
Là con người, ta có xu hướng nghĩ về bản thân mình như là một sản phẩm công nghiệp. Ta muốn đi từ điểm A đến điểm B. Ta muốn mọi tương tác trong cuộc sống phải ngăn nắp, trật tự. Thật chẳng may, đời chẳng bao giờ là những sản phẩm đóng gói gọn gàng đẹp đẽ. Ta chẳng bao giờ có được những giải pháp dễ dàng, những câu trả lời hoàn chỉnh. Đặc biệt trong lĩnh vực nuôi dạy con cái lại càng rối ren và lộn xộn. Vì vậy, ta cảm thấy khó chịu khi con cái vượt ra khỏi khuôn khổ của gia đình, đòi hỏi được sống đúng với bản chất của chúng, làm những điều chúng thích, kể cả khi phải chịu tiếng là hư. Khi con đe dọa đến cái tôi rập khuôn của ta, ta cảm thấy tinh thần chao đảo.
Tôi nhớ đến một cô bé vị thành niên rất đặc biệt. Bé luôn chậm chạp hơn bạn bè, dễ bị xúc động mạnh hơn các bạn gái khác, nên luôn thách thức giới hạn kiên nhẫn của bố mẹ. Trái ngược hoàn toàn với phụ huynh, bé rất lười vận động. Bé mộng mơ, còn bố mẹ thì thực dụng. Bé thờ ơ với vẻ bề ngoài của mình, còn bố mẹ lúc nào cũng quan trọng ngoại hình.
Dù không muốn, cô bé hiểu rằng mình là niềm xấu hổ của bố mẹ. Bé như là cái gai trong mắt bà mẹ đầy tham vọng, người đã phải chịu nhiều đau khổ để có được vị trí trong xã hội. Bé thực sự không biết là cách nào để là đứa trẻ mà bố mẹ mong muốn. Cho dù cố gắng bao nhiêu cũng không vừa lòng bố mẹ.
Khi ta chối bỏ cách sống của con nghĩa là trong vô thức ta đang giữ lấy niềm tin rằng dường như ta “cao cấp” hơn thế giới xung quanh, nhất là khi bao quanh ta là một mớ lộn xộn. Ta tự nhủ rằng những điều không mong đợi trong cuộc sống chỉ có thể xảy ra với mọi người chứ không thể xảy ra với ta. Dính líu vào những thất bại tầm thường của cuộc sống rồi để cho mọi người nhìn thấy quả là đáng sợ. Bằng cách phủ nhận bản chất của cuộc sống, ta chìm trong ảo tưởng rằng ta siêu việt hơn đồng loại. Khi con làm hoen ố hình ảnh đó, ta coi chúng là kẻ thù.
Không như cô bé vị thành niên vừa mô tả, tôi lại nhớ đến một cô bé 20 tuổi đã luôn là một đứa con hoàn hảo, vâng lời cha mẹ và luôn mang tới niềm vui. Khi cô bé quyết định tham gia tổ chức Đoàn Hòa Bình (Peace Corps) và du hành khắp thế giới, bố mẹ cô thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Họ tự hào vì con biết cống hiến cho những người thiệt thòi, như thể con chính là hình ảnh của những gì tinh túy nhất mà họ có được.
Trên hành trình của mình, cô gái trẻ phải lòng một thanh niên người Ấn Độ. Khi họ quyết định kết hôn, bố mẹ cô bé không đồng ý, khăng khăng rằng cô “xứng đáng nhiều hơn thế”. Để ngăn cản đám cưới, bố cắt đứt liên lạc với cô. Người mẹ, tuy không đến nỗi quyết liệt như thế, nhưng cũng nói thẳng rằng bà không hài lòng với quyết định của con.
Cô gái trẻ sống trong dày vò đau khổ. Vốn là đứa trẻ vâng lời, cuối cùng cô chia tay với chàng thanh niên, rồi vài năm sau đó cưới một người “môn đăng hộ đối” hơn. Đến tận bây giờ, cô gái trẻ vẫn nhớ về người tình Ấn Độ lý tưởng của mình và biết rằng cô sẽ chẳng thể yêu ai nhiều như thế. Cô cũng nhận ra rằng mình quá yếu
đuối khi lựa chọn tình yêu theo ý bố mẹ, một quyết định mà cô sẽ phải chịu đựng cả đời.
Nhiều người trong chúng ta vẫn giữ ảo tưởng rằng, trong số những người ta gặp trong đời, ít ra con cái sẽ nghe lời ta. Nếu chúng không vâng lời mà lại “dám” sống theo ý mình, “dám” bước đi theo nhịp của chính mình, ta cảm thấy bị xúc phạm. Khi những biện pháp kín đáo giành lại sự kiểm soát của ta không hiệu quả, ta đành phải to tiếng và quyết liệt, không chấp nhận việc con thách thức ý muốn của ta. Tất nhiên, vì phản kháng lại những điều này nên con tìm cách nói dối, rồi gian lận, ăn cắp, hoặc thậm chí ngừng đối thoại với ta.
Càng buông bỏ được thói quen rập khuôn bao nhiêu, ta càng dễ dàng củng cố mối quan hệ tương hỗ với con bấy nhiêu. Hệ thống thứ bậc vốn tập trung vào “quyền hành” sẽ chỉ còn là dĩ vãng.
Cái tôi “kiểm soát”
Nếu có cha mẹ coi trọng khả năng kiểm soát hơn biểu lộ cảm xúc, ta sớm học được rằng dù đau đớn đến mấy cũng phải tỏ ra mạnh mẽ, phải che giấu hết những cảm xúc chắc chắn không được cảm thông. Đè nén cảm xúc tự động trở thành chiến lược hành động bởi ta tin rằng biểu lộ cảm xúc là dấu hiệu của sự yếu đuối.
Đồng thời, ta dựng lên tiêu chuẩn khắt khe đối với mọi người xung quanh, cũng như cho cả cuộc đời. Ta có nhu cầu kiểm soát mọi tình huống bằng cách đánh giá hay biểu lộ sự không đồng tình. Bởi lầm tưởng ta đứng trên người khác, ta có cảm giác rằng mình chịu trách nhiệm với mọi tình cảm của mình và dường như đã thoát ra khỏi những mơ hồ của cuộc sống.
Áp đặt người khác bằng sự kiểm soát, chỉ trích, chê bai, bắt lỗi, đánh giá, hay thể hiện sự “uyên bác” là dấu hiệu của một tâm hồn cằn cỗi chứ không phải của một con người siêu việt. Một đứa trẻ chưa bao giờ chứng kiến bố mẹ trong trạng thái yếu đuối hay trẻ con, chứ chưa nói đến những khoảnh khắc hậu đậu, ngờ nghệch, làm sao có thể phô bày sự yếu đuối của chính mình?
Khi lớn lên trong sự bức bách đó, ta không dám mạnh dạn khám phá, mạo hiểm và mắc lỗi. Ta sợ sự không thừa nhận ngầm của bố mẹ. Bởi “biết thừa” rằng họ sẽ không đồng tình, ta không bao giờ dấn thân phiêu lưu, mà luôn chọn phương án an toàn gọn gàng trong khuôn khổ. Tất nhiên, bởi vì ta luôn có “kiểm soát”, nên khi đi
học, ta là những con ngoan trò giỏi, một danh hiệu mà để đổi lấy, ta đánh mất bản sắc của mình.
Cái tôi này có xu hướng coi quyền lực và sự kiểm soát là công cụ đảm bảo trật tự. Bởi tin rằng, cuộc sống bao gồm những người nắm quyền lực, thường vì họ lớn tuổi hơn hay hiểu biết hơn và những người bị kiểm soát, vì vậy ta tự nhủ, “Phải luôn luôn chỉn chu và kiểm soát cảm xúc. Phải sống lý trí và thực tế”. Những đứa trẻ lớn lên với thế giới quan đó trở thành những người lớn mất kết nối với sức mạnh nội tâm của mình. Là phụ huynh, họ có xu hướng áp đặt sự kiểm soát đối với những đứa con “cá biệt”. Họ trở thành những người trưởng thành thiếu vị tha đối với mọi sự xúc phạm địa vị của họ và sử dụng quyền hành để tăng cường quản lý người khác.
Hiếm khi tôi thấy một mối quan hệ nào căng thẳng hơn giữa Christopher và cậu con riêng của vợ, Jaden. Jaden bất mãn vì sự đổ vỡ của bố mẹ đẻ và vô tình đổ tội cho người bố dượng. Christopher lại cho rằng Jaden thực sự căm ghét mình. Christopher không thể chấp nhận rằng ông không được xem là trụ cột gia đình, ông yêu cầu Jaden phải tôn trọng ông và nổi đóa mỗi khi không được đáp ứng. Vì không đặt mình vào vị trí của Jaden, ông không thể chịu đựng được cách cư xử của thằng bé.
Luôn bị ám ảnh với việc không chỉ bảo được cho con, Christopher thường xuyên chửi mắng Jaden, dồn cậu bé vào chân tường đến mức phải phản kháng. Ông cũng thường xuyên cãi vã với vợ về Jaden, làm bà không biết phải đứng về phía ai, thậm chí ông còn đe dọa sẽ bỏ bà nếu không thay đổi được con trai.
Sự việc ngày càng tồi tệ hơn, đến nỗi mỗi khi ở nhà một mình với Christopher, Jaden hiếm khi rời khỏi phòng riêng nếu mẹ chưa về. Trong nỗ lực tuyệt vọng để giải tỏa đau đớn và tức giận, cậu bắt đầu giao du với những người bạn xấu và hệ quả là học hành sa sút.
Christopher cảm thấy chông chênh trong vai trò mới vừa là chồng, vừa là bố dượng. Thay vì ý thức về mâu thuẫn nội tâm của mình, ông lại coi Jaden là nguyên nhân. Ông không nhận ra rằng, không có sự khác biệt cơ bản giữa “Ta” và “Người khác”, mặc dù mỗi con người đều bước trên những con đường với nhịp điệu riêng, nhưng hành trình này ai cũng phải trải qua. Nếu Christopher hiểu điều này, ông đã nhận ra mình dùng Jaden làm bình phong cho cuộc đấu tranh nội tâm. Ông đã có thể hiểu ra rằng mình đang cố che giấu sự kém cỏi của chính mình bằng cách công kích Jaden, ông cũng đã có thể nhận ra rằng Jaden thiếu tôn trọng ông vì ông thiếu tôn trọng chính mình. Dù cố gắng kiểm soát đến đâu cũng không thay đổi được điều đó.
Khi mô thức của cái tôi kiểm soát di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trẻ con lớn lên thường luôn cố gắng hoàn hảo trong mọi tình huống, đến mức bị ám ảnh về chi tiết. Vì không được biểu lộ cảm xúc, chúng thường tích tụ trong người. Bởi vì bị dồn nén, bọn trẻ thường thể hiện ra ngoài sự lo lắng về đúng sai phải trái và bị bạn bè xa lánh. Điều này xảy ra bởi vì, mặc dù không nhận ra, chúng luôn tỏ ra chuẩn mực hơn lũ bạn bè “trẻ con”. Những đứa trẻ đó hiếm khi thoải mái tự do. Chẳng bao giờ chúng ngập mặt nhồm nhoàm một trái dưa hấu. Đối với chúng, khi ăn chỉ nên dùng khăn giấy, muỗng và nĩa.
Mỉa mai thay, trẻ em lớn lên với thế giới quan gò bó đó có thể trở thành những người phụ huynh để cho con tự do thái quá chỉ bởi vì hồi bé họ không được phép như thế. Vì thói quen, họ để cho con điều khiển mình, giống hệt như cách họ vẫn bị kiểm soát hồi còn bé.
Ngược lại, nếu phụ huynh không biết vị tha với cảm xúc của họ khi mọi thứ không đúng với dự định, con cái sẽ hấp thụ những cảm xúc này, đưa vào danh mục cách thể hiện cảm xúc của chúng. Những cá nhân đó thường xuyên bị kích động vì lầm tưởng rằng nếu phản ứng quyết liệt, đời sẽ xoay theo ý muốn của họ.
Người mang cái tôi này khi gặp phải trắc trở là nổi khùng vì cơn giận đó che giấu cảm giác bất an. Vì không quen với cảm giác đau đớn trong tuyệt vọng, cái tôi chuyển thành cơn thịnh nộ. Tức giận là một chất xúc tác rất mạnh, khiến ta tưởng rằng mình mạnh mẽ và nắm quyền kiểm soát. Trên thực tế, khi tức giận, ta hoàn toàn mất kiểm soát. Ta bị cái tôi của chính mình cầm tù.
Thoát ra khỏi cái tôi
Tôi thấy khi được chia sẻ những ví dụ cụ thể về cách phản ứng với con, cha mẹ dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa “cái tôi” và “bản chất con người”. Mấu chốt nằm ở chỗ cách xử lý tình huống ấy xuất phát từ cái đầu - nghĩ rằng thế giới phải như thế, hay từ trái tim - biết chấp nhận tình huống là như thế.
Bất kể đó là khi ta tìm giải pháp xử lý tình huống, tìm sự hoàn hảo, là việc quan tâm đến số dư tài khoản ngân hàng, ngoại hình, của cải, hay thành công, cái tôi thường có những dấu hiệu điển hình như sau:
Lên lớp: “Nếu mẹ là con…”
Ý kiến: “Nếu con hỏi mẹ…”
Đánh giá: “Mẹ thích…”hay, “Mẹ không thích..”.
Mệnh lệnh: “Đừng buồn”, “Đừng khóc”, “Đừng sợ”
Kiểm soát: “Nếu con làm thế, mẹ sẽ…”hay, “Mẹ không đồng ý điều đó”.
Còn những phản ứng xuất phát từ trái tim, từ bản chất chân thật của mình, thường là:
“Mẹ hiểu”, chấp nhận nét riêng của con.