🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Lạc Giữa Nhân Gian - Đặng Nguyễn Đông Vy Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC Độc thoại Những người đàn bà đọc Cô bé trèo cây Truyện trinh thám Những ý nghĩ Từ ngữ Cô đơn Chốn riêng Chung thủy Chọn lựa Ký ức đêm Lẽ phải Thượng đế cho mỗi người Khoảnh khắc cuối Du lịch Một thế giới lưỡng tính Một thế giới lưỡng tính Người tốt sầu muộn Nếu hạnh phúc là món ăn Một trò chơi xếp hình Mối tình vĩnh cửu Đêm trăng Những bụi hoa hồng Những ký ức khác Những cuộc cãi cọ Tình yêu đầu tiên Tương tư Con cái Giấc mơ màu nước Trang trí nhà cửa Cây cỏ Lạc giữa nhân gian Một cậu bé suy tư Jerry kể chuyện Độc thoại Có đôi khi, em nghĩ rằng chúng ta luôn muốn người khác nâng niu tâm hồn mình nhưmột quả cầu thủy tinh: nhìn ngắm nó thật rõ ràng, nhận ra vẻ đẹp của nó từ mọi góc nhìn, nhưng chẳng thể nào chạm đến hay chi phối cái thế giới đẹp đẽ bên trong đó mà không làm nó vỡ nát. Dường như mỗi chúng ta, trong khi chia sẻ chân thành và trọn vẹn cả một phần đời với nhau, đều cố gắng bảo vệ quả cầu thủy tinh đó trong trái tim mình. Cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta đã chuyện trò với nhau nhiều đến thế, mỗi sáng mỗi tối, mỗi ngày mỗi đêm, trong những bữa ăn, trên đường rong ruổi, ấy vậy mà chúng ta vẫn có vô vàn những cuộc độc thoại với riêng mình. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên, khi một lúc nào đó chúng ta nhìn vào mắt nhau và nhận ra một con người lạ lẫm, khiến ta ngạc nhiên và bất ngờ hết sức, khiến ta cảm thấy thật thích thú và khao khát khám phá một lần nữa. Như thế không phải là thú vị lắm hay sao? Bởi dù sao thì tương lai của mỗi chúng ta đều là một bức tranh chưa được vẽ. Ký ức của riêng anh, của riêng em, giống như hai bức bình phong sơn mài cẩn ốc tuyệt đẹp mà mỗi năm tháng qua, chúng ta lại ghép thêm vào đó một mảnh ghép mới. Thậm chí với những hình ảnh cũ, mỗi lần nhìn lại, ta đều thấy nó như lấp lánh dưới một nguồn sáng khác, vì thế, ánh lên những màu sắc và nét đẹp khác. Ký ức đó, và cả những giấc mơ, thuộc về một thế giới thầm kín mà mỗi chúng ta cất giấu riêng trong trái tim mình, hầu như không thể chia sẻ được. Thế nên đối với em, cảm giác nhiều khi không hiểu anh hay không được anh thấu hiểu thực ra chẳng phải là điều chi bất hạnh, mà chính là một phép mầu lớn lao của cuộc sống. Những người đàn bà đọc Trong mắt anh, người đàn bà đẹp nhất lúc nào? Khi cô ấy còn trong trẻo và đầy hứa hẹn như một đóa hoa hàm tiếu ở tuổi mười sáu? Hay khoảnh khắc cô ấy khỏa thân và xõa tóc, thả rơi cơ thể rã rời xuống tấm nệm êm, đôi môi hé mở mỉm cười sau cuộc ân ái? Giây phút cô ấy lặng lẽ ngắm nhìn trong gương lần cuối khuôn mặt đã được trang điểm, thân hình đã được khoác chiếc áo cưới tuyệt vời nhất mà cô ấy có thể chọn, trước khi xoay lưng bước đến nơi chú rể của mình đang chờ đợi? Hay những lúc cô ấy thản nhiên cho con bú, với đôi mắt âu yếm chẳng nhìn thấy thứ gì khác trên cõi trần gian này ngoài thiên thần bé bỏng của mình? Em thì luôn tin rằng người đàn bà đẹp nhất là khi cô ấy đọc sách. Một mình. Khi đó, cô ấy đơn độc nhưng hoàn toàn tự chủ, và đầy mơ mộng. Chắc chắn mỗi người đàn bà đều khao khát điều gì đó khi cầm trên tay một quyển sách mở: tri thức, một cuộc phiêu lưu, một thế giới xa lạ, tình yêu, và con người bí hiểm của chính họ. Những quyển sách nặng dày không hứa hẹn sẽ biến em thành người trí thức. Những quyển sách giải trí rẻ tiền cũng chẳng thể khiến em trở nên hư hỏng hơn. Thế nên em thích bọc bìa sách lại bằng một chiếc áo bằng vải như người Nhật, để che đi tựa sách. Vì việc em đọc sách gì hay nhận được gì từ cuốn sách ấy là điều hoàn toàn riêng tư. Anh có biết những cuốn sách yêu thích của em không, những cuốn sách em luôn cất riêng trong tủ đầu giường thay vì để trên kệ sách của mình, tất cả đều là tác phẩm của những người đàn bà. Những cuốn sách nhỏ nhắn mà chứa cả một trời suy tư mộng tưởng, và không hề kém sắc sảo, thông minh. Sidonie Gabrielle Colette, Marguerite Duras, Virginia Wood, Anne Philipe... Không phải ai cũng thích Colette. Dù anh từng đọc Francoise Sagan ở tuổi ba mươi, nhưng thậm chí hai mươi năm sau anh vẫn không có ý định đọc Colette. Điều đó thậm chí còn làm em thích thú. Bởi có lẽ anh sẽ không thể biết em tìm thấy điều gì từ đó. Những người đàn bà, họ luôn nhìn thế giới này bằng trái tim. Nhưng em tin rằng trái tim của họ đôi khi còn thấu suốt và sáng láng hơn trí tuệ của những người đàn ông vĩ đại nhất. Và cái thế giới mà họ nhìn thấy, chính là nguồn cảm hứng bất tận của em, để sống và để viết. Lẽ nào em đã có thể viết được những câu văn đẹp đẽ mà không bởi nhận được cảm hứng từ họ? Thực sự là em chỉ đang hái những hoa trái của người xưa mà thôi. Cô bé trèo cây Anh từng hỏi em là một đứa bé như thế nào? Lúc bốn tuổi em đi mẫu giáo. Lớp nhỏ, bạn đông, em ghét những lúc bị khám tay, ghét phải ngồi trên cái ghế nhựa bé xíu thành một vòng tròn và hát mãi những bài quen thuộc. Thế nên một ngày nọ em quyết định trốn học. Khi mẹ đưa em đến cổng trường - thật ra chỉ có mỗi một lớp, một ngôi nhà cũ trong khu vườn rộng hoang tàn - thay vì đi vào lớp thì em lẻn ra vườn và trèo lên cây me gần cửa sổ. Từ trên đó, giữa vòm lá xanh non ướp đẫm mùi hương thanh thanh của những trái me non, giữa những làn gió mơn man mát rượi còn vương hơi sương buổi sớm, em ngó qua cửa sổ, quan sát đám bạn trong lớp lần lượt xòe những đôi bàn tay nhỏ bé ra cho cô giáo khám tay, rồi sau đó ngồi vòng tròn trên những chiếc ghế bé xíu và hát những bài quen thuộc. Trông chúng chán chường và miễn cưỡng như đang bị cầm tù - những con người bé nhỏ ấy. Ngay phía ngoài cửa sổ là cỏ cây và bụi rậm, lá khô và dây leo, sỏi đá và những con kiến đang bò thành hàng dưới chân tường. Và em. Ngay lúc đó, em nhận ra là mình chỉ thích được làm kẻ ngoài cuộc, đơn độc, đắm đuối với thiên nhiên và khao khát tự do. Đứa bé đó, chưa bao giờ lìa xa em cả. Truyện trinh thám Anh có biết vì sao em thích đọc truyện trinh thám không? Vì thế giới là một thực thể sống động và tội ác không chỉ là hư cấu. Vì cuộc đời thậm chí còn tồi tệ hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng của nhà văn. Những tác phẩm trinh thám nhắc nhở em điều đó, trước khi báo chí và mạng Internet thay thế vai trò của chúng. Những ngày xa xưa êm đềm, khi em nằm cuộn mình trong chiếc ghế mềm quen thuộc, an toàn, ấm áp, thì những kẻ giết người điên loạn trong sách đã luôn khiến em phải nhớ rằng ở đâu đó trên trái đất này những tội ác kinh hoàng vẫn đang xảy ra, vẫn sẽ xảy ra. Vô ý hay cố ý. Trả thù. Hằn học. Bạo hành. Độc ác. Oan ức. Kinh khiếp. Ghê tởm. Ngay giây phút này đây, khi chúng ta đang chìm đắm trong yêu đương thì ở nơi nào đó, có ai đó đang đau đớn. Và chết. Cũng như bệnh tật và thiên tai, dù ta không biết tới thì nó vẫn xảy ra. Thỉnh thoảng em lại tự hỏi: Tại sao những bất hạnh ấy lại đến với người này mà không đến với người kia? Tại sao người khác có thể khốn khổ đến vậy trong khi em lại bình yên như thế? Em không thể hiểu nổi. Tiền kiếp ư? Nhân quả ư? Ngẫu nhiên ư? Lúc nhỏ, em từng nghĩ rằng những điều tồi tệ sẽ không xảy đến nếu như mình luôn chú ý đến chúng và sẵn sàng đối mặt với chúng. Vì thế mỗi khi ba mẹ hay các em trai ra khỏi nhà, em luôn phập phồng tưởng tượng ra những tai nạn. Em thức trắng đêm, cố hình dung đến mọi chi tiết của điều khủng khiếp chẳng may sẽ xảy ra, như đã từng xảy ra với người khác. Em đã chuẩn bị cho trái tim mình tiếp nhận những đau đớn hay mất mát có thể sẽ tới, đồng thời với một niềm tin mãnh liệt rằng mình có thể xua đuổi viễn cảnh xấu bằng cách đó. Những ngày tháng ấy có lẽ đã khiến em trở nên chai lì và bình thản. Và cuối cùng em nhận ra cảm giác chìm đắm trong mất mát của chính mình đôi khi dễ chịu hơn việc hình dung ra những đau đớn của người khác. Nhưng khi em rèn luyện được khả năng tự xoa dịu bản thân một cách nhanh chóng, thay vì cứ mãi gặm nhấm nó, thì em cũng đã quen với việc tự bóp nát trái tim trước nỗi bất hạnh của những người xa lạ. Không phải để hình dung hay chia sẻ với họ, mà để hỏi lại mình một lần nữa câu hỏi không thể trả lời: Tại sao lại là họ, mà chưa phải là em, thêm một lần nữa? Cứ như thế, em sống mỗi ngày như thể đang mong đợi một điều bất hạnh nào đó rơi xuống từ hư không. Để thấy rằng mỗi phút giây bình an đều là phép lạ. Và tình yêu là thứ rượu nhiệm mầu trong đáy ly. Hãy uống cạn từng giây hạnh phúc. Đừng bỏ sót. Đừng bỏ sót. Những ý nghĩ Những ý nghĩ cũng là một phần tài sản của chúng ta. Như những cái cây em trồng trên sân thượng nhà mình. Dù là cây cao hay cỏ dại, cho hoa thơm hay trái đắng thì chúng cũng có một lý do nào đó để mà tồn tại. Chúng có rễ thân lá cành. Và chúng là một phần không thể chối bỏ của em. Em luôn ước có được một chiếc máy ghi lại ý nghĩ. Để em không phải viết hay gõ xuống nữa. Em ưa thích suy tư, nhưng thực sự lười viết lách. Những ý nghĩ giống như đom đóm vậy, đôi khi chúng kéo đến cả đàn, sáng lấp lánh cả đêm hè, đến nỗi ta không biết nên tóm con nào trước, nhưng điều đáng nói là chúng có thể bay đi nơi khác chỉ sau một lần chớp tắt. Vì vậy mà em phải chộp lấy chúng ngay lập tức, đúng vào lúc chúng vừa lóe sáng. Em ghét công việc đó làm sao - đuổi theo những ý nghĩ của mình và nhốt chúng vào trang giấy hoặc màn hình máy tính, hoặc điện thoại - việc đó có thể giết chết nhanh chóng những cảm xúc và làm kiệt quệ dòng suy tư dễ chịu của em. Em vẫn tin rằng những ý nghĩ là một dấu chỉ cho thấy sự hiện hữu của vô hình. Chúng đi đâu sau khi đã sinh ra? Vì không có hình hài, nên chúng sẽ không tan rã? Chúng sẽ lang thang đâu đó như những linh hồn? Có lẽ đến cuối cùng chỉ có những suy nghĩ của chúng ta là còn lại ở đâu đó. Em tự hỏi, có một thế giới nào dành riêng cho những ý nghĩ hay không? Dù sao, những ý nghĩ không buông tha em. Những ý nghĩ không rời bỏ em. Bây giờ thì em lại nghĩ về sự khác nhau giữa hai câu đó. Từ ngữ Vì sao em gắn bó với công việc viết lách dù em không nghĩ rằng mình có tài năng? Em thấy yêu những bài viết nhỏ, từng câu. Có phải vì chúng là của em? Có phải đó là một biểu hiện của chứng ái kỷ? Em bắt đầu viết theo nhu cầu khi lên mười. Nhưng mãi đến năm ba mươi tuổi, em mới nhận ra lý do mình không thể rời bỏ công việc này. Đó là vì em yêu từ ngữ, những chữ cái kết hợp với nhau để giúp chúng ta chuyển ý nghĩ của mình một cách thầm lặng đến người khác. Thật giản dị. Nhưng chẳng phải là quá kì diệu hay sao? Đọc là khi em khám phá thế giới. Còn viết là khi em khám phá bản thân. Cùng với những chữ cái, em không ngừng tìm kiếm chính mình. Một ngày nọ, em đột nhiên nhận ra rằng khi viết liền các từ thì chúng chỉ là một trong những. Còn khi viết thế này thì mỗi từ có một không gian riêng, và dường như chúng còn có một ý nghĩa khác nữa. Các nhà thơ có lẽ đã nhận ra điều đó từ lâu, nhưng với em là phát hiện mới. Thật thú vị phải không. Thế nên em yêu thích từ ngữ. Nhất là những từ này: Hoa tàn. Xuân muộn. Không hiểu tại sao. Em cũng thích thú với cách chúng ta sử dụng từ ngữ để viết ra một cách thành thực nhất những suy nghĩ của mình, mà vẫn che giấu được bản thân. Văn là người ư? Thật khó khăn để em tin vào điều đó. Ngôn ngữ chỉ là lớp giấy gói bọc ngoài. Bất kể gói quà lớn hay nhỏ, đẹp hay thô, và đủ thứ hoa văn màu mè in trên đó, sự thật là anh không thể biết bên trong là cái gì. Giống như lột vỏ một trái quýt, chúng ta viết một cuốn sách, trao cho người đọc, và không ai có thể biết nó chua hay ngọt trước khi nếm thử. Kể cả khi thành thực nhất, thì người viết cũng chỉ có thể bày ra trước nhân gian một cạnh nhỏ của viên kim cương tâm hồn mình mà thôi. Cô đơn Em còn nhớ nhân vật nữ trong Cô đơn trên mạng đã nói lúc này tôi buồn khủng khiếp nên muốn chia sẻ cùng ai đó. Đây phải là một người hoàn toàn xa lạ, người không thể làm tôi bị tổn thương. Đó là một thực tế. Mọi người tìm kiếm sự chia sẻ trên mạng chứ không phải ngoài đời thực, chính vì họ sợ bị tổn thương, hoặc họ sợ bị tổn thương lần nữa! Đúng là những người lạ không dễ làm tổn thương chúng ta. Hay nói cách khác, những người lạ không có cơ hội làm tổn thương chúng ta khi nào họ vẫn còn là người lạ! Nhưng anh có thể làm quen với một người xa lạ, và giữ để người đó mãi mãi là người xa lạ hay không? Anh không thể! Vậy khi tiến đến gần nhau thì chuyện gì sẽ xảy ra? Dễ nhìn thấy nhất, đó là cái mong muốn hợp lý ban đầu đã bị sụp đổ. Và nó sẽ kéo theo hàng loạt sụp đổ khác. Rốt cuộc cái mong muốn có được một mối quan hệ thân thiết gần gũi mà không sợ gây tổn thương cho nhau chỉ là một ảo tưởng! Một khi chúng ta đã được tìm thấy, thì ngay lập tức, chúng ta đối mặt với nguy cơ bị bỏ rơi. Nhưng tình yêu thực sự, theo em, không có nghĩa là hai con người cô đơn đến với nhau để xóa đi nỗi cô đơn của nhau. Ngược lại, khi yêu một người nào đó, tức là anh đến, và gánh thêm cả nỗi cô đơn của người ấy nữa. Tình yêu là cộng thêm vào. Cái gánh không nhẹ đi mà chỉ nặng thêm thôi! Chính vì thế mà đã có rất nhiều người buông tay. Chốn riêng Một ngày nọ, em lang thang qua blog bạn, rồi click vào blog bạn của bạn. Và em rơi vào blog của một người rất quen. Đó là nơi người ấy trải nỗi lòng, với vài người bạn thiết. Nhưng blog lại để chế độ public, mà em nghĩ là do vô tình. Em hối hận vì đã đọc, và có cảm giác như mình đang bước vào một căn phòng riêng quên khóa cửa, ngó nghiêng khắp chốn, dẫu trong lòng biết rằng nếu chủ nhân hay được chắc sẽ buồn lòng, sẽ ngại ngần, sẽ không thoải mái để viết blog. Phải làm thế nào khi nhìn thấy một người quen ở một nơi không thích hợp trong một thời điểm không thích hợp? Anh sẽ làm gì? Em thì lẻn cửa sau về trước. Không phải vì em, mà vì người ấy. Em muốn người ấy viết trong một cảm giác hoàn toàn tự do và thoải mái. Không bị kiểm duyệt bởi cảm giác e dè. Đâu phải lời nào ta cũng nói cho cả thế gian. Đâu phải ai cũng thích như vậy. Em không thích như vậy. Nói cho cùng, em chỉ thích đọc trên blog những thứ thật, nhưng không quá riêng tư. Không hiểu sao đọc những thứ quá riêng tư khiến em tự cảm thấy mình bất nhã. Tâm hồn con người như một viên kim cương, không phải một khối vuông hay một hình tròn. Viên kim cương có nhiều mặt, vì thế mà nó lấp lánh, vì thế mà nó đẹp. Và mỗi người ta gặp trong đời, chỉ có thể thấy một hay nhiều lắm là vài mặt của viên kim cương đó mà thôi. Em muốn nghĩ như vậy, để luôn nhớ rằng: Nếu mặt mà ta đang nhìn có lúc bị mờ, thì không hẳn những mặt kia cũng mờ. Nếu người ấy khép kín với ta, chưa chắc đã không cởi mở với người khác. Và nếu người ấy không chọn ta để tâm sự, thì không có nghĩa là người ấy sẽ chẳng tâm sự cùng ai. Chung thủy Anh hãy giữ lấy trái tim anh nếu muốn, bởi vì em sẽ không làm việc đó. Thật là phiền, chẳng phải em đang rất bận bịu để giữ gìn chính trái tim em hay sao? Chẳng thứ gì có thể bảo vệ chúng ta khỏi tình yêu bất ngờ với một ai đó vào ngày mai. Có hàng triệu gia đình đông đúc và gắn kết một cách hạnh phúc, bền bỉ qua nhiều thế hệ, nhưng có lẽ còn nhiều hơn số đó, những gia đình tan vỡ. Có những tan vỡ để lại khổ đau, và cũng có những tan vỡ mang đến hạnh phúc. Làm sao biết được tương lai. Hôn nhân là một khái niệm mang tính xã hội. Còn tình yêu lại chỉ có ý nghĩa với hai chúng ta và dường như chẳng liên quan gì đến toàn bộ phần còn lại của thế giới. Đi ra ngoài chúng ta là một cặp. Nhưng lúc trở về nhà chúng ta là hai con người khác biệt. Và chúng ta vẫn luôn nhìn nhau như hai cá thể độc đáo và không thuộc về mình. Chúng ta không thuộc về nhau. Chúng ta chỉ bị cuốn hút bởi nhau mà thôi. Vì thế, hãy giữ lấy anh nếu muốn, chắc chắn chẳng có ai bảo vệ được ta tốt hơn chính bản thân ta. Nếu em tin tưởng anh thì đó chẳng phải vì anh mà em chỉ đang tin vào nhận định của chính mình. Nếu phán đoán sai lầm, thì đó chỉ là lỗi của em. Chọn lựa Hôm qua bạn gọi điện, nói chuyện lâu lắm. Nhưng em không thích trò chuyện nhiều qua điện thoại, nên có nhiều câu hỏi chỉ trả lời ậm ừ. Bạn nói rằng, dù lâu không gặp, nhưng bạn vẫn dõi theo cuộc sống của em. Và rằng, dường như cuộc đời em thật thuận buồm xuôi gió, dường như vận mệnh đã trải sẵn một tấm thảm êm và em chỉ việc bước đi trên đó. Cuộc sống này có thể dễ dàng và đơn giản vậy sao? Em thì tin rằng, đời ta là kết quả của những chọn lựa. Chỉ có bản thân ta mới hiểu, tại sao ta đến nơi mà mình đang đứng. Đó là bởi ta đã không chọn con đường khác. Albert Camus cũng đã từng nói như vậy. Cả những người an phận nhất cũng không thể để mặc cuộc đời mình trôi hờ hững trên dòng số phận, về một phương trời vô định. Không phải ta không muốn, mà là chúng ta không thể làm được. Bởi thật ra, cuộc sống luôn đặt ra những chọn lựa. Và chúng ta, không có cách nào khác, là phải lựa chọn. Thậm chí, khi ta có một cơ hội, một ngả rẽ, một sự liều lĩnh, nhưng ta đã không chọn nó, thì đó cũng chính là sự lựa chọn rồi. Nói cho cùng, chúng ta có khả năng chi phối cuộc đời của chính mình nhiều hơn chúng ta nghĩ, nhiều hơn bất cứ ai. Em đã lựa chọn thi trường này thay vì trường khác, em đã chọn ngành học này thay vì ngành học khác, em đã chọn làm việc ở nơi này thay vì nơi khác, em đã chọn lập gia đình ở tuổi 24 thay vì 26 hay 30, chọn có con ngay thay vì đợi đôi ba năm nữa. Em đã lựa chọn, và em hôm nay là kết quả của những lựa chọn đó. Bạn lại hỏi rằng, vậy thì có lẽ em đã may mắn nhiều, vì có vẻ như em luôn lựa chọn đúng? Nhưng thật ra có những quyết định chẳng có vẻ gì là đúng, cho đến khi ta khiến nó phải trở nên đúng. Có những lựa chọn chẳng có vẻ gì là sai, cho đến khi ta hối tiếc về nó. Giá như em có thể chia sẻ với bạn, những khó khăn trên con đường mà em đã chọn, và cả những hạnh phúc nữa. Chỉ có điều, em đã không đặt câu hỏi với hạnh phúc, thì em cũng không đặt câu hỏi với những khó khăn. Em sống thanh thản. Ký ức đêm Dù trong nhà luôn có sẵn một chiếc máy ảnh, nhưng em không mấy khi dùng nó để chụp ảnh con cái. Có lẽ bởi vì cảm xúc khi em xem lại những hình ảnh mà em chụp vào ban ngày, chẳng thể nào so sánh được với những khoảnh khắc sống động vô biên sau khi đã tắt đèn, và cả căn phòng chìm vào bóng tối. Trên hai chiếc nệm lớn kê sát vào nhau, chúng ta lần lượt ôm chặt lấy nhau, hít lấy mùi thơm da thịt của nhau, cọ vào nhau, râu ba, tóc mẹ, má con... Và chúng ta sẽ thì thầm những câu hỏi, kể những câu chuyện, chia sẻ ước mơ, chọc ghẹo nhau và cười khúc khích. Có những đêm chúng ta cùng nhau thức thật khuya để xem một bộ phim hoạt hình nào đó trong bóng tối với chế độ theatre của tivi, cho đến khi các con lăn ra ngủ với gương mặt mệt mỏi và thỏa nguyện. Chúng ta không càm ràm bọn trẻ, vì ta nhớ rằng lúc còn nhỏ ta cũng đã thích thức khuya đến mức nào. Em chẳng có nhu cầu ghi lại hình ảnh thường ngày của con, vì luôn tràn ngập trong ký ức em từng giây phút của bầu không khí thơm ấm, thần tiên đó. Ký ức đối với em không phải là hình ảnh, mà là cảm xúc. Những cảm xúc luôn tuyệt diệu đến mức chẳng thể nào ghi lại được. Nhưng chính cảm xúc sẽ giúp em dựng lại bất cứ hình ảnh hay khung cảnh nào mà em muốn thấy. Cho những ngày xa xôi còn chưa tới. Lẽ phải Đôi khi chúng ta vẫn than thở Tôi chỉ muốn sống lương thiện và làm điều tốt, nhưng sao mọi thứ lại khó khăn đến thế, sao lẽ phải lại bắt tôi trả giá đắt đến thế? Và rồi em chợt nghĩ, tại sao chúng ta lại muốn điều tốt phải rẻ rúng hơn và dễ dàng đạt được hơn điều xấu, trong khi chúng ta chấp nhận sự khác biệt về giá, và giá trị giữa sỏi đá và kim cương? Có thể sống lương thiện mà không cần nỗ lực đấu tranh. Đó là may mắn lớn nhất đời người. Sự thực thì ta vẫn phải đấu tranh từng giây một. Có thật chúng ta vẫn là người có lương tri nếu không làm hại đến ai và vờ như mọi thứ vẫn yên ổn. Vờ như những điều bất công xảy đến cho ai đó ngoài kia là một thứ ảo ảnh hay là ngoài tầm nhận thức? Nếu chúng ta thấy mệt mỏi và buồn rầu đến thế khi đối diện sự thật tồi tệ, điều chúng ta sẽ làm là gì? Ngăn chặn nó tiếp diễn bằng cách nào đó hay là tranh thủ sống nốt những ngày bình yên và hy vọng có ai đó sẽ đến và khiến cho mọi việc trở nên tốt đẹp? Giống như vai trò của trọng lực với vạn vật trên trái đất, em nghĩ nếu không có lẽ phải thì con người chẳng còn điểm tựa nào. Nhờ lẽ phải mà mọi thứ có nơi chốn của mình. Nhờ nó mà ta đứng vững, hy vọng, và khi rời khỏi thì ta biết chỗ trở về. Trong khi đó, khả năng ngụy biện cũng giống như tài mở khóa. Dùng để sửa chữa và bảo vệ hay để phạm tội là lựa chọn của chúng ta. Nhưng nếu ngụy biện trở thành một cách tư duy phổ biến thì cũng giống như hành tinh này không còn trọng lực. Mọi thứ có thể đảo lộn và chẳng có điểm tựa nào. Và trái đất sẽ là một thứ gì đó khác. Loài người sẽ thành một thứ gì đó khác. Em luôn ngạc nhiên khi có ai đó cứ đòi hỏi người khác phải có trách nhiệm mang sự thật đến cho họ, một sự thật theo cách mà họ muốn. Sao chúng ta lại chờ đợi ai đó mang sự thật đến cho mình? Việc đi tìm sự thật không giống như bổ một quả dưa hấu mà giống như bóc vỏ một củ hành hơn. Chúng ta cứ lột hết lớp vỏ này đến lớp vỏ khác. Để rồi nhiều khi thứ ta tìm thấy bên trong lớp vỏ cuối cùng chỉ là một khoảng trống. Hoặc có lúc là một cái mầm đang nhú lên, tạo thành một thứ gì đó khác với ban đầu. Ngay cả câu người sắp chết nói lời thật lòng cũng chưa chắc đúng. Bởi vì theo thời gian, có lúc những ước mơ, ngộ nhận, ảo tưởng hay thậm chí sự tưởng tượng trong quá khứ đã bắt rễ sâu đến nỗi chúng ta tưởng rằng đó là một phần của ký ức. Thượng đế cho mỗi người Em chỉ thích ngắm những ngôi chùa từ bên ngoài, vì kiểu kiến trúc hiếm khi nào cao hơn ngọn cây cổ thụ gần đó nhắc em rằng chúng ta đang chung sống với thiên nhiên và cây cối. Em chỉ thích ngồi trong nhà thờ khi nó hoàn toàn vắng vẻ, không có đám đông giáo dân đọc kinh hay dâng lễ. Giữa không gian thinh lặng với trần nhà thật cao, những hàng ghế trống xếp dài, em nhận ra mình nhỏ bé làm sao. Những quan niệm khác nhau về cội nguồn thế giới, về cái chết và sự cứu rỗi thực sự hấp dẫn em. Vì vậy, dù tiếp xúc với giáo lý Công giáo từ thuở sơ sinh nhưng em luôn say mê việc tìm hiểu về các tôn giáo khác. Khi còn nhỏ, em thường tự hỏi, nếu con người là trung tâm thì dường như phần còn lại của vũ trụ này có vẻ quá dư thừa. Em thích những câu hỏi, nhất là những câu thậm chí khiến em chẳng màng đến việc đi tìm đáp án. Thi thoảng trong đám ý nghĩ rối rắm lại bật lên một câu hỏi như vậy. Thay vì dẫn đến câu trả lời, nó lại sinh ra những câu hỏi khác với một tốc độ đáng kinh ngạc, tương tự sự sinh sôi của tế bào. Chẳng mấy chốc, nó đã đưa em đi xa đến không ngờ. Với em, đó là một hành trình dài, đi từ sự khiêm tốn trước tha nhân đến cúi đầu trước cả cỏ cây và vạn vật. Và rốt cuộc thì em luôn muốn thực hành tôn giáo một cách riêng tư, thậm chí trong sự cách biệt với cả anh và các con. Em nghĩ, có lẽ mỗi người nên có một Thượng đế của riêng mình, một tôn giáo của riêng mình, sau tất cả những hiểu biết và cảm nghiệm mà chúng ta đã thu thập được. Tại sao không? Có lẽ chính kiểu thức đó sẽ giúp ngăn ngừa những lừa lọc, u mê, giả dối khởi nguồn từ ý muốn phán xét, chi phối và điều khiển người khác. Có lẽ tôn giáo nên đi từ hoang mang đến xác tín hơn là ngược lại, nên là sự chọn lựa hơn là một phần mềm được cài đặt sẵn. Sau tất cả, giáo lý Công giáo với em chỉ tóm gọn trong từ bác ái. Triết lý Phật giáo, em chỉ nhớ hai chữ từ bi. Và Hồi giáo, chính là lòng khoan dung. Cả ba chung quy lại cũng chỉ trong một từ mà thôi: THƯƠNG. Thương mình và thương người. Em tin rằng tình thương đối với loài người cũng giống như máu và oxy đối với cơ thể sống. Mỗi con người là một tế bào. Sự liên kết bởi máu huyết tạo nên một cơ thể khỏe mạnh. Khi yêu thương bị đứt đoạn, những tế bào bị rời bỏ và trở thành những vết thương hoại tử. Và khi quá nhiều yêu thương đứt đoạn, thì xã hội loài người chỉ còn là một cơ thể đang phân hủy. Em sẽ nương vào một từ thương để mà sống trọn đời mình. Em chỉ nương vào từ đó để nhìn vạn vật và nhân thế. Em nương vào từ đó để đối xử với tha nhân, gia đình và chính bản thân. Em trao lại cho con một từ thương, dạy con cũng chỉ một từ thương. Thương là cố thấu hiểu và tránh không xâm phạm đến bất cứ ai, kể cả bản thân mình, dù là trên phương diện tinh thần, thể xác hay là vật chất. Hay là sự tự do của tâm hồn. Có lẽ chúng ta vẫn nhân danh tình thương và trách nhiệm để uốn nắn người khác theo con đường mà ta tin là đúng. Ta rao giảng về thiên đường và niết bàn như thể ta đã đặt được một chân lên đó. Ta dạy dỗ người khác về sự khiêm nhường mà quên rằng, ngay từ lúc có ý muốn dạy dỗ thì ta cũng đã bắt đầu đánh mất sự khiêm nhường rồi. Dù sao thì em không muốn những kiến giải của riêng em về thế giới phía trước sự sống và phía sau cái chết ngăn chặn các con trong hành trình khám phá và tìm kiếm những kiến giải riêng của chúng. Nói cho cùng, ngoại trừ việc xuất hiện trên trái đất này trước con cái mình 25 năm, thì em có gì vượt trội hơn để mà áp đặt? Hơn thế nữa, khi em rèn dạy con những điều mà em tin là đúng, thì em làm hoàn toàn vì yêu thương chúng, hay vì yêu bản thân em nhiều hơn? Em muốn con trở thành người tốt để hạnh phúc ở kiếp này lẫn kiếp sau, hay em muốn con đừng làm em xấu hổ trước mọi người? Mong muốn nào là bề nổi của tảng băng, và đâu là phần chìm sâu dưới nước? Có lẽ cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn khi mỗi người tự xử lý được những vấn đề của chính mình thay vì tất cả đều tìm cách giải quyết vấn đề của người khác. Đối với cuộc đời và tâm hồn của người khác, điều duy nhất ta nên làm, có lẽ, chỉ là thương. Và việc bố thí với cả lòng thành, thực ra, mới chỉ là dấu phẩy trên chữ ư của từ thương đó mà thôi. Khoảnh khắc cuối Em ủi cho ba chiếc áo sơ mi trắng. Lần cuối trong đời. Thắt cho ba chiếc cà vạt màu xanh. Lần cuối. Ngay khi ba vừa tắt nghỉ, em chợt nhìn thấy một con chuồn chuồn lớn bay vào nhà. Nó đập cánh xung quanh chiếc đèn trần ngay trên chỗ ba nằm. Sau đó, lúc nhập quan, một con côn trùng nhỏ màu nâu bỗng dưng chạy ra từ phía dưới quan tài, đến gần chân em. Em cúi xuống nhìn thật kỹ và kinh ngạc nhận ra nó là một con dế chứ không phải con gián như em tưởng. Trong đầu em ngân lên một câu hát Hãy sống lại dù chỉ một giây thôi. Hãy van lời dù chỉ một câu thôi. Ba còn muốn nói gì với em không? Có lẽ không. Thật lạ lùng vì kể cả khi chứng kiến cơ thể ba tím lạnh dần trong vòng tay tử thần, em cũng cảm nhận rõ rệt niềm hạnh phúc nhỏ nhoi len lỏi vào tim, ngay giữa nỗi đau chia lìa. Hạnh phúc vì tất cả những gì gia đình ta đã trải qua. Hạnh phúc vì cuối cùng, trong giây phút này em đã không có gì hối tiếc. Hạnh phúc vì biết rằng khi một người thân yêu ra đi, là em đã bước thêm một bước về phía cái chết mà không sợ hãi. Bởi vì ở phía đó, có chị, có anh, có bà, có ông. Và bây giờ, có ba nữa. Nếu có một thế giới khác tồn tại, hy vọng chúng ta sẽ còn gặp nhau. Nếu chẳng có gì khác ngoài hư không và tan rã, thì cuối cùng chúng ta cũng sẽ tan rã cùng nhau. Phải vậy không? Có lẽ chết chỉ là bước ra phía sau tấm gương hai mặt. Chúng ta nhìn vào chỉ thấy chính mình. Nhưng ở bên kia. Họ đang nhìn chúng ta. Em tin thế giới của những linh hồn tồn tại song hành với chúng ta. Nên thực ra em khóc không phải vì tiếc thương người đã chết. Tình thương thuộc một chiều không gian khác, bởi vậy nó sẽ không bị đứt đoạn bởi thời gian hay không gian hay cái chết. Tình thương em dành cho họ và họ dành cho em. Trong khi biết rõ tình yêu thương không hề bị ngăn cách, em chỉ đang khóc cho sự trơ trọi của mình. Có lẽ khi chết em sẽ muốn hỏa thiêu, và tro của em dùng để trồng một cái cây, hay là thả xuống biển, và người còn sống có thể nhớ đến em ở bất cứ đâu mà không bị lệ thuộc vào một nơi chốn nào đó. Nhưng rồi em nghĩ, thật ra điều đó không quan trọng với em nữa, khi em đã chết. Việc chôn cất như thế nào chỉ có ý nghĩa với người sống. Nếu họ muốn có một nấm mồ để thả neo nỗi thương nhớ của mình thì sao? Em chỉ muốn những người mà em yêu thương biết rằng: dù em có chết ngay khi đang viết những dòng này, hay ngày mai trong một tai nạn bất ngờ, hay 50 năm sau khi em chết già, hay bị bệnh nan y và chịu đau đớn, em vẫn không có gì hối tiếc, không có bất cứ gì. Em tin rằng mỗi sự tồn tại đều có ý nghĩa của nó, đều có một lý do. Và kể cả khi em không tìm ra được lý do cho sự tồn tại của bản thân mình, thì vẫn có lý do cho chính điều đó. Bởi thế, nếu em chết vào ngày mai, nếu em chết ngay hôm nay, hãy biết rằng em đã hạnh phúc đến giây cuối cùng của cuộc đời. Hãy biết rằng em không có gì tiếc nuối. Mỗi ngày trôi qua đều đáng giá. Em đã sống, đã phạm lỗi lầm, đã được tha thứ, đã yêu thương và được yêu thương. Tất nhiên em muốn làm điều nọ điều kia, và em cố gắng để hoàn thành chúng trong cuộc đời mình. Nhưng nếu chưa hoàn thành thì cũng không sao cả. Được làm điều mình muốn đã là một điều tuyệt diệu. Chắc chắn em mơ ước rất nhiều, và cố gắng thực hiện ước mơ, nhưng nếu có cả trăm ước mơ chưa thực hiện thì cũng không sao cả. Sống với những ước mơ chất đầy trong tim đã là một điều tuyệt diệu. Du lịch Anh có nhớ con đường dẫn ra Bãi Dài ở Cam Ranh? Màu sắc mùa hè nhiệt đới thật đậm nét, đường cát vàng, những cây xoài cổ thụ xanh rậm lá, cây phượng nhỏ nở rộ hoa bên lề, cả những tấm lá dừa khô rơi ngổn ngang. Và phía xa đó, sau những lùm cây - Anh thấy không - là biển của em đó! Anh có nhớ bãi biển resort Sokha ở Sihanoukville không? Cát trắng mịn. Nước trong vắt. Và đêm dịu dàng vô cùng. Anh có nhớ buổi sáng sớm chúng ta nắm tay nhau đi dọc bờ Hồ Xuân Hương? Gương mặt rạng rỡ và đôi má hồng rực của con chúng ta trong nắng ấm. Chúng như những cái cây nhỏ bé, giống như em, tươi tắn hơn nhiều khi được hít thở không khí, khi được hòa mình vào thiên nhiên. Khi còn là thiếu nữ, em từng thấy cuộc du hành đơn độc là vô cùng hấp dẫn. Một trong những lý do là em có thể tình cờ gặp gỡ ai đó để bắt đầu một mối tình lãng mạn hay một cuộc phiêu lưu. Thế nên từ khi có gia đình thì em đã không còn ý muốn du lịch một mình nữa. Tất cả những nơi chốn xinh đẹp chỉ có ý nghĩa khi em ở cạnh người thân yêu. Và chúng sẽ là những tấm phông nền đẹp mắt cho những bức ảnh gia đình mà thôi. Dù sao, em chưa bao giờ thích thú với những phong cảnh hùng vĩ, bởi cái vô hạn của vũ trụ luôn hiện diện trong tâm khảm em. Thế nên có đi xa đến đâu, thì em vẫn chỉ muốn tận dụng mọi cơ hội để ngắm nhìn và cảm nhận những thứ bé nhỏ, gần gũi nhất ở nơi đó. Em thích ngồi bên con suối róc rách hơn là lênh đênh giữa đại dương bao la. Thích ngắm một ngọn đồi hơn là chinh phục đỉnh núi cao vọi. Một vài cụm hoa nhỏ lẻ loi thu hút em hơn là cả cánh đồng hoa. Khi đứng trước một cánh đồng hoa trải dài, em không thấy hoa đâu nữa, em chỉ thấy những mảng màu. Em nghĩ, ngắm nhìn những thứ xinh đẹp bé nhỏ là một đặc ân của con người, khi chúng ta còn chưa phải di chuyển giữa các tinh cầu trong những chiếc tàu vũ trụ. Một thế giới lưỡng tính Hồi còn nhỏ, em thường chơi với những người bạn kỳ lạ. Một cô bé có thân hình nhỏ thó, và đôi mắt to lạ lùng. Một cô bạn có gương mặt kỳ quặc với cái mũi bẹp dí. Một đứa con lai Mỹ với thân hình khổng lồ cao gấp đôi các bạn trong lớp. Một đứa con nuôi bị hắt hủi... Em là một đứa trẻ lặng lẽ, một kẻ ngoài lề bẩm sinh, phải chăng vì vậy mà bọn họ dễ thân thiết với em? Dù sao, em thường nhớ đến họ, cả cậu bạn dịu dàng chỉ thích chơi những trò con gái. Cậu có thân hình gầy còm, trông yếu ớt và nhút nhát, nhưng khi nói chuyện với em thì vô cùng liến thoắng với tông giọng cao vút. Ở trường, em và cậu chỉ lặng lẽ nhìn nhau khi cậu ấy bị bọn con trai lạnh nhạt, hay đám con gái chọc ghẹo. Nhưng vào buổi chiều cậu ấy thường xuyên đến nhà em chơi búp bê, bán hàng, ô quan và nhảy dây. Bọn em móc một đầu dây thun vào hàng rào chùm rụm và nhảy hàng giờ. Em chỉ không hiểu tại sao mọi người giễu cợt cậu, gọi cậu bằng cái từ độc địa là lại cái. Đối với em, những người như cậu có vẻ khác biệt và hiếm hoi, đồng thời sự tồn tại đó lại kì diệu như những động vật có vú sống ở biển. Như những con cá voi và hải mã. Một ngõ cụt bất ngờ của quá trình tiến hóa, hay là khởi đầu của quá trình tiến hóa khác, ai mà biết được. Em từng có ý nghĩ rằng thật là tuyệt nếu mình có thể yêu một người phụ nữ. Ý nghĩ đó xuất hiện lần đầu tięn khi em đọc Chừa yêu của Collette, và sau đó, nó trở lại khi em xem bộ phim Emmanuelle. Bản nhạc Pháp thật thì thầm, và bằng thứ tiếng em không hiểu, nó như dỗ dành người nghe làm một điều gì lén lút, trụy lạc nhưng đầy khoái cảm. Thật tiếc là em không có thiên hướng đó. Em là một phụ nữ, và vì thế em nhìn thấy những vẻ đẹp chìm lắng bên trong trái tim phụ nữ, những gì mà đàn ông không dễ nhìn thấy, dù anh ta có sành sỏi đến mức nào. Cũng như thân thể của họ, tâm hồn của mỗi phụ nữ đều là những tác phẩm trác tuyệt của tạo hóa. Anh có thể nhận ra rằng em yêu cơ thể mình, khi nó còn trông giống một cây thông non ngày xưa, và cả bây giờ, khi nó đang ngày càng trở nên giống một cây bao báp, với chiếc bụng phẳng thời con gái giờ trở nên đầy đặn và mềm mại hơn nhiều sau hai kì sinh nở. Nhưng em yêu nó thậm chí còn nhiều hơn trước đây. Và anh sẽ ngạc nhiên khi biết em đang chờ đợi cơ thể mình trở nên nhăn nhão và già nua theo những năm tháng sắp tới với niềm háo hức mạnh mẽ không kém ký ức về thời thanh xuân. Rất nhiều khi, em quan sát những người nữ như thể em không phải là một trong số họ. Em chưa bao giờ hết ngạc nhiên với những gì diễn ra trong đôi mắt, ngôn ngữ cũng như tâm hồn họ, khát khao, tội lỗi, tị hiềm, căm ghét, thù hận, yêu thương và tận hiến. Lòng bao dung tồn tại bên cạnh sự nhỏ nhen. Sự khôn ngoan đồng hành với nhẹ dạ. Ngây thơ và tính toán. Thuần khiết và buông thả. E thẹn và hoang dại. Trong một con người, cùng một thời điểm. Bởi thế, nếu những người đàn ông chỉ có thể yêu đàn ông, thì thật đáng tiếc biết bao. Để không có ai thiệt thòi, em tự hỏi, không biết sẽ ra sao nếu nhân loại tiến hóa đến chỗ mà tất cả mọi người đều lưỡng tính? Người tốt sầu muộn Trong những bài báo viết về cơn bão Haiyan - Yolanda tàn phá Philipines cuối năm 2013, một nạn nhân đã nói: Chúng tôi cần thuốc men và lương thực. Hãy gửi chúng đến. Xin đừng gửi thêm người đến để chứng kiến cảnh khốn khổ của chúng tôi. Chúng tôi không muốn họ nhìn thấy chúng tôi như vậy. Đó là một câu nói vô cùng đau đớn nhưng đáng được lắng nghe. Em là một kẻ vụng về trong những lễ viếng. Đối diện với nỗi đau của người khác, em luôn băn khoăn. Em có nên gọi điện, chạy ngay đến và bày ra trước mắt họ một bộ mặt đau đớn, buồn bã, như thể em hiểu được nỗi đau của họ? Không, kể cả khi em từng trải qua tình huống tương tự, em cũng biết mình không thể hiểu hết được. Tình cảm là một mối dây chỉ riêng hai người nhận biết. Cả những bậc cha mẹ còn có tình cảm khác nhau với từng đứa con của mình - không phải hơn kém, mà là khác nhau - vì vậy mỗi một nỗi đau cũng mang một sắc thái riêng. Bất cứ lời động viên chia sẻ nào của em cũng thừa thãi. Thế nên em chỉ đến, nhìn và im lặng. Vì đôi khi, trong những hoàn cảnh ấy, việc thể hiện sự quan tâm và chia sẻ mới là bất nhẫn. Đó là lúc em nhận ra mình có nhiều mong muốn hoàn thành mục đích của riêng mình là trở thành một người biết quan tâm, chia sẻ hơn là cảm giác chia sẻ thực sự. Nhiều lần khác, em lại tự hỏi: có cách nào để chia sẻ nỗi đau của người khác mà đồng thời che giấu được sự an lành của chúng ta không? Một mặt, em tin rằng nếu ta không thể cảm nhận được rằng mình đang thực sự may mắn và hạnh phúc thì sự thấu cảm và chia sẻ với người khác có lẽ chỉ là một ảo giác. Mặt khác, em luôn muốn thể hiện cảm xúc một cách thành thật. Em từng cảm thấy thoải mái với bộ mặt rầu rĩ của mình cho đến khi em nhận ra rằng những người vui vẻ và lạc quan thì giúp ích cho người khác nhiều hơn những kẻ sầu muộn. Em muốn mình là người tốt. Nhưng thỉnh thoảng, trước bất hạnh của ai đó, em nghĩ điều mình nên làm là im thin thít và lặn mất tăm. Để họ tự trải nghiệm, tự gặm nhấm, và vượt qua. Để họ chủ động tìm đến những người họ muốn chia sẻ thay vì phải chịu đựng bộ mặt buồn bã của em. Em không muốn trở thành một người tốt sầu muộn. Nếu hạnh phúc là món ăn Pythagoras đã nói:Đời giống như một ngày hội thể thao: một số người đến để thi đua, một số khác đến để buôn bán. Còn những người hạnh phúc nhất thì đến để nhìn. Tuy nhiên, đó là thời của Pythagoras! Ngoài đường đầy các triết gia. Còn bây giờ, đời vẫn là ngày hội thể thao, nhưng đa số chúng ta vừa muốn hạnh phúc vừa muốn chiến thắng, hoặc vừa muốn giàu có vừa muốn hạnh phúc, hoặc cả ba. Các triết gia đã chết, và không ai chịu dừng lại để ngắm nhìn nữa! Em tự hỏi giữa thế giới tràn ngập cô đơn của thời hiện tại, ai đó có thể nào chết vì khao khát hạnh phúc, như người ta vẫn chết vì đói hay không? Dù vậy, em nghĩ chúng ta luôn có thể vượt qua nỗi đau khổ, bằng cách xem nó là một cơn đói chứ không phải căn bệnh nan y. Và hạnh phúc nên là một món ăn chứ không phải liều thuốc cứu rỗi cuộc đời. Bởi thức ăn thì dễ tìm hơn thuốc đặc trị. Nếu coi hạnh phúc giống như một món ăn, em tin rằng tạo hóa vốn dĩ không có ý định để ta đói khát. Nếu không thể tự tìm lấy thức ăn cho mình thì em có thể vay mượn hoặc xin. Người này chối từ thì xin người khác. Và cuối cùng là gieo trồng hay nuôi dưỡng nó ở đâu đó. Thực ra chúng ta có thể vượt qua nỗi đau khổ bằng những niềm vui nhỏ nhoi cũ kỹ đã bị lãng quên và coi rẻ. Đôi khi vì đã được ăn quá nhiều sơn hào hải vị nên ta cho rằng việc ăn cơm nguội cho qua cơn đói là một trải nghiệm đau khổ. Giống như những người nếm rượu tài năng, thưởng thức hạnh phúc và biết cảm nhận giá trị của nó cũng là một thứ năng lực. Một trò chơi xếp hình Em yêu thích vải vóc, những họa tiết in, chất liệu tơ lụa mịn màng. Em có thể chìm đắm hàng giờ trong mớ vải vóc của mình, tỉ mẩn may những chiếc túi bé xíu. Nhưng mặt khác, những bộ quần áo, đối với em, chỉ là những bộ quần áo. Chúng có trách nhiệm phải thơm tho, sạch sẽ, làm em thấy yên tâm, thoải mái, tự tin, và là chính em, luôn luôn. Vì em là một kẻ lười biếng, nên em chỉ thích mặc những chất liệu co giãn, buông rủ, mềm mại, mát mẻ, và không phải ủi. Em yêu những chiếc váy đầm ôm theo cơ thể và tha thướt theo bước đi, nhưng lại không đủ nữ tính để yêu giày cao gót. Thật đáng thương cho em, khi em ghét những đôi giày cao gót. Em luôn thích thú khi được ngắm nhìn những người phụ nữ, và cả đàn ông, duyên dáng, lịch lãm, đầy tự tin trong những bộ trang phục cắt khéo, hợp dáng. Em thực sự ngưỡng mộ khả năng kết hợp những món đồ đơn lẻ theo một cách tinh tế không thể chê vào đâu được của họ. Nhưng mặt khác, em theo dõi các trào lưu hay xu hướng hệt như xem thời sự nước ngoài, những thông tin thú vị cần biết nhưng ít khi liên quan trực tiếp đến đời sống của em. Áo lụa, túi da, giày cao gót, son phấn, trang sức và phụ kiện... Những phụ nữ quá lạc giữa nhân gian yêu thích chúng có thể bị xem là phù phiếm, còn em thì đôi lúc thất vọng vì mình không có niềm say mê như họ. Em không khoác lên mình bất cứ loại nước hoa nào, chẳng phải vì em không thích, mà đơn giản vì em không hiểu được ngôn ngữ của chúng. Em có thể cảm nhận dễ dàng những mùi hương của tự nhiên, nhưng một hỗn hợp lại khiến em bối rối. Thật vậy, sự thiếu đam mê và thiếu hiểu biết của em đối với thế giới thời trang đầy quyến rũ chắc chắn là một thiệt thòi lớn. Cảm giác sung sướng khi tung tẩy với những trang phục và phụ kiện xinh đẹp hẳn là thú vị hơn nhiều so với sự hài lòng khi tìm được những mảnh ghép đúng trong trò chơi xếp hình. Có chút đáng tiếc khi em nhận ra rằng thời trang không mang lại cho chính bản thân em nhiều niềm vui hơn là một trò chơi ghép hình. Nhưng kể cả như vậy đi nữa thì em cũng sẽ không làm gì hơn để thay đổi điều đó, bởi em đang bận rộn với quá nhiều niềm vui khác. Mối tình vĩnh cửu Đất đai có lẽ là một trong những thứ đầu tiên được con người thuần hóa. Đó là khi người ta gieo xuống một hạt giống và rồi nơi đó mọc lên một cái cây ăn trái, một ngọn rau, một bông hoa. Và thế là người ta đã có một mối tình với nó. Ông cố em có một mối tình với đất. Sau nhiều năm tháng trèo đèo vượt suối đổ mồ hôi sôi nước mắt để khai khẩn, thuần hóa, biến chốn đồng điền hoang sơ thành ruộng rẫy xanh tươi, đã bị kết tội là địa chủ, bị xử bắn và vùi xác trên một bãi cát. Ông nội em có một mối tình với đất. Mang theo trái tim đau buồn của một kẻ tha hương bôn ba suốt hai cuộc chiến tranh, nhưng vẫn không ngừng tìm kiếm những mảnh đất mới, để thuần hóa chúng bằng cày cuốc, để gieo xuống khắp nơi nỗi nhớ mẹ thương cha chưa bao giờ vơi cạn của mình. Ba em có một mối tình với đất. Đến phút cuối cùng có lẽ ông vẫn nhớ đến đất đai, là máu thịt của mẹ cha, là nơi ghi dấu kỷ niệm gia đình, là nơi bắt rễ của tình thâm. Em cũng có một mối tình với đất. Em trồng những cái cây trên mảnh sân thượng nhỏ của mình trong chậu nhựa nhỏ. Em bón phân, xới đất và tưới nước mỗi ngày. Để giữ cho hoa lá xanh tươi. Để tưởng nhớ một mối tình vĩnh cửu. Đêm trăng Trăng rằm tháng Tám năm nay tròn đẹp và trong quá, khiến em nhớ những đêm trăng thời nhỏ, khi cùng đám bạn chơi trò giật cờ trên bãi cát ngay ngã tư, chơi trốn tìm quanh những đống rơm, những thân dừa. Em nhớ những đêm trăng chơi ở đó, từ sáu giờ tối cho đến mười giờ đêm. Em nằm dài trên cát, nhìn trăng dần nhỏ lại, dần cao lên, từ lúc còn là một vầng tròn lớn bằng cái mâm đồng nhô lên sau những ngọn dừa phía biển, cho đến khi lên đến đỉnh đầu. Trời trong không một gợn mây. Em nằm đó và hình dung không phải trăng di chuyển mà là mình đang quay theo trái đất, em tưởng tượng linh hồn mình bay lên không trung, lùi xa dần, cho đến khi xác thân em chỉ còn là một chấm bụi vô nghĩa trên hành tinh. Thật lạ lùng, thật kì diệu làm sao. Những bụi hoa hồng Và em đã có thể khoe với anh những bông hoa hồng mà em trồng được. Bụi hồng tiểu muội với những chiếc lá nhỏ nhắn và những bông hoa xinh xinh màu nhung thẫm, luôn khiến em mường tượng ra hình ảnh Lolita khi cô tô màu son đỏ đầy quyến rũ lên đôi môi thơ bé. Những cánh hồng tiểu muội, chúng bền bỉ một cách lạ lùng, ngay cả khi đám nhụy vàng đã héo quắt và chuyển sang màu nâu chết, thì những cánh hoa tươi mịn vẫn kết dính với nhau một cách chặt chẽ trong màu đỏ thẫm kiêu kỳ. Ngay cạnh đó là bụi hồng leo màu hồng nhạt. Những cái nụ nhỏ ban đầu có màu hồng sậm, sẽ phai nhạt dần khi hoa nở bung và nhanh chóng tàn rụng. Điều đáng tiếc và cũng thú vị nhất về những bông hồng leo là chúng quá chóng tàn, trước cả khi em kịp ngắm nhìn chúng. Thật trái ngược với hoa lan hay hoa đồng tiền. Những bông hoa đồng tiền sau khi mãn khai sẽ trơ mặt ra đó rất lâu. Hồng leo thì không. Chúng sẽ rã bông khi những cánh hoa màu hồng phấn vẫn còn tươi, và thơm ngát. Những cánh hoa ấy sẽ rụng lả tả xuống gốc cây. Và em chẳng có chọn lựa nào khác là phải cắt đi những bông hồng leo trước khi chúng kịp mãn khai, vào buổi sáng sớm, sau khi tưới cây. Em phải cắt chúng đi để chuyển nguồn dưỡng chất của đất sang cho những nụ, mầm, cành nhánh khác. Em sẽ cắm những bông hoa bị cắt khá ngắn với một chút cuống và tối đa hai nhánh lá vào chiếc bình rót sữa Wedgwood màu thiên thanh. Với những bông hồng leo sắp rơi lả tả, em sẽ thả chúng vào cái tô gốm celadon màu xanh ngọc, và để chúng tỏa hương thơm ngát suốt phần đời còn lại. Những ký ức khác Có những điều, nếu bây giờ không viết ra, một tháng sau hay thậm chí chỉ ngày mai thôi chúng ta cũng không thể viết ra hay nói ra nữa. Bởi vì với chính ta, nó đã có một ý nghĩa khác. Sống cho hiện tại, chính là như vậy. Ngày hôm qua, em thường đăm chiêu và chìm vào những suy nghĩ lan man không đoạn kết, nhưng hôm nay, em muốn sống thật vô tư lự, chẳng nghĩ suy gì nhiều và chỉ tận hưởng cuộc sống như một đứa trẻ. Có thể ngày mai em sẽ trở nên rồ dại không chừng. Cuộc sống đang trôi chảy, sao chúng ta không như vậy? Em không thích bị ràng buộc bởi nguyên tắc hay lề luật, hay là bởi mong muốn của người khác. Em sẽ sống theo nhu cầu của chính bản thân em. Như một ngọn gió. Vùng ký ức tuổi thơ êm đềm của em đã dần được thay thế bởi những ký ức khác. Nếu chúng ta chỉ quanh quẩn với một vài kỷ niệm, chẳng phải chúng ta đang sống một cuộc đời rất bi thảm hay sao? Khi mà không có điều gì mới mẻ, không có hạnh phúc nào khả dĩ đáng nhớ hơn thời ấu thơ. Đó không phải là điều em mong muốn. Với em, những ký ức của ngày mai luôn đáng giá hơn nhiều. Những cuộc cãi cọ Dần dần em nhận ra cách mình giành được chiến thắng trong mọi cuộc cãi cọ với anh. Sau khi lấn lướt bằng số lượng từ ngữ chảy mãi như một sợi chỉ mảnh mai nhưng chẳng bao giờ dứt, rồi dệt thêm những ví von và liên tưởng rút tỉa từ đời xưa cũng như đời nay, cho đến khi chợt nhận ra mình suy diễn quá đà, em lập tức quay lại nhìn anh với đôi mắt ngấn lệ, vẻ mặt ủ rũ đầy day dứt và thú nhận cảm giác có lỗi vì đã không hoàn thành tốt vai trò, vì cảm giác thất bại... Và anh sẽ phải an ủi, rằng em là người phụ nữ tuyệt vời nhất, rằng tất nhiên em chẳng làm gì sai và tất cả đều là lỗi của anh. Nếu em thú nhận điều này với anh, phải chăng em sẽ chẳng có cơ hội nào để giành chiến thắng nữa? Dù sao, thỉnh thoảng em cũng thấy nhớ những cuộc cãi cọ. Tình yêu đầu tiên Từ lúc còn nhỏ, thậm chí là cả trước khi dậy thì rất lâu, em đã bắt đầu có nhu cầu yêu trong đau khổ, và khao khát trở thành người lớn để được trải nghiệm nỗi đau khổ. Em đọc quá nhiều sách và thấy những dằn vặt đau đớn được miêu tả trong sách có sức mê hoặc vô cùng. Làm trẻ con thật chán vì toàn là niềm vui. Cả trong sự nghèo khó và thiếu thốn. Cả trong những cơn đau răng. Cả khi em bị mẹ đánh đòn và phạt quỳ úp mặt vô tường, em cũng dễ dàng tìm được niềm vui bằng cách quan sát những con kiến trò chuyện và tranh cãi với nhau về chuyện tha mồi hay nên đi đường nào để về tổ. Làm sao để được nếm trải hương vị khổ đau trong thế giới tuổi thơ dư thừa niềm vui ấy? Chỉ có cách yêu và thất tình. Em cần một mối tình bị cấm đoán. Thế nên tất cả những cậu bạn đẹp trai của em đều từng có diễm phúc trở thành hoàng tử của một vương quốc thù địch. Em đã yêu tha thiết một cậu bạn tên Việt vì nhà cậu ấy có một cây bồ quân. Em đã từng tìm đến nhà của cậu ấy, nhưng ba mẹ cậu cự tuyệt không cho em trèo lên cây bồ quân, khiến em khóc tỉ tê suốt đường về và cuối cùng ngã vật xuống một lòng suối cạn vì đau khổ. Nhưng điều khiến trái tim em thực sự tan nát là cậu ấy không hề yêu em, thậm chí không quan tâm đến em. Cậu cũng học lớp 3. Cậu chỉ thích chơi ná thun. Tương tư Em luôn nhớ nhung cái cảm giác khi kết thúc sự tương tư, nhưng chưa kịp bắt đầu một cuộc tình. Lạ lùng làm sao khoảnh khắc ngắn ngủi khi mà trái tim ta đang tràn ngập hình ảnh của một người xa lạ, và rồi ta bắt gặp những tín hiệu cho thấy người ấy cũng nhớ nhung ta. Lúc mà ánh mắt, hơi thở của người ấy đều nói lên rằng ta được yêu. Nhưng ta vẫn đợi chờ sự xác thực bằng một lời tỏ tình hay một hành động mạnh mẽ. Điều lạ lùng là cả khi già đi, khi ta đã nhận ra rằng lời nói là bằng chứng yếu ớt nhất của tình yêu, thì ta vẫn luôn mong đợi nó. Khoảnh khắc kết thúc sự tương tư là những giây phút tuyệt diệu nhất trong tình yêu, một phần vì nó không kéo dài. Ta nhìn vào mắt một người và nhìn thấy tình yêu, trái tim ngập tràn cảm xúc hạnh phúc đến nghẹt thở, và cả nỗi lo lắng. Ta biết tình yêu hiện diện ở đó, nhưng nó như một linh hồn chưa có thân xác, nó hiện hữu nhưng chưa hiện diện. Và ta sẽ đi đến đâu? Ta cảm thấy lực hút lôi ta đến, ta thấy thèm được ôm, siết chặt, hôn sâu đến ngừng thở và tan vào trong nhau. Hai linh hồn có thể đã tan vào nhau. Nhưng cuộc đời thực thì không nhanh như vậy. Nó bị trì kéo bởi sự kiêu hãnh, lòng tự trọng, đôi khi lễ giáo hay những quy tắc đạo đức. Với anh, đó là lúc em vụng về đưa những bước chân ngỡ ngàng trong điệu Slow nhẹ nhàng ở Rex, với bàn tay ấm của anh đặt sau lưng. Và mùi nước hoa quấn quít. Từ đó về sau, em luôn mơ về khoảnh khắc ngỡ như phi thực ấy. Em luôn muốn tìm lại, nhưng có lẽ chúng ta không bao giờ có thể nắm bắt nó lại lần nữa, trừ phi, với một người xa lạ khác. Con cái Nuôi một đứa con cũng như trồng một cái cây. Có người uốn nó thành bonsai với hình hài như ý muốn. Có người để mặc nó mọc tùy thích như rừng hoang. Em thực chẳng biết nuôi dạy con như thế nào cho phải, nhưng có lẽ em biết cách trồng một cái cây. Điều đầu tiên là phải tìm hiểu về nó, để nuôi dưỡng nó một cách hợp lý và mơ về thành quả một cách hợp lẽ. Để đừng tưới quá nhiều nước cho một loài cây ưa hạn. Để không ép một cây hương thảo phải nở hoa hồng. Em bắt đầu từ việc tìm hiểu về đứa con của mình. Và, mãi vẫn chưa xong. Em muốn nuôi dạy một đứa con như thế nào? Thành đạt ư? Giàu sang ư? Xuất chúng ư? Béo gầy, cao thấp, khôn lanh hay ngờ nghệch... Không, em chẳng muốn nuôi dạy một đứa con như thế nào cả. Mỗi đứa trẻ, ngay từ khi sinh ra, đã mang trong nó một tâm hồn, một cá tính độc đáo riêng biệt, và tự nó, đã có ý muốn riêng để trở thành người thế nào. Ngoài vài nét tính cách cần điều chỉnh thì thiên tư đó của các con đủ tốt đẹp để chúng ta phải tôn trọng và nuôi dưỡng. Em mãi mãi không biết được rằng sinh các con ra là phần thưởng hay sự trừng phạt đối với chúng, khi em đối mặt với cuộc đời. Đó là câu hỏi không lời đáp. Hoặc lời đáp khả dĩ nhất là: cả hai. Nhưng dù sao, điều mà em làm vẫn không thay đổi. Đó là yêu thương và nuôi nấng để con trở thành chính con mà vẫn hạnh phúc. Nếu con chúng ta không cao lớn, không đẹp trai, không tài năng, không học giỏi - thì sao? Em không muốn hành động như thể đang ngầm nói với con rằng, nếu không đạt được những thứ đó con sẽ không thể hạnh phúc. Điều em muốn giữ lấy trong trí óc con là bất kể thế nào con cũng có cơ hội hạnh phúc, chỉ cần con là chính mình và biết yêu thương. Em muốn chúng ta nuôi dưỡng những con người bé nhỏ này như những cái cây. Ôm ấp con khi con cần ôm ấp. Rời xa con khi con cần rời xa - theo nhu cầu của chúng. Và bày ra cho chúng thế giới đang hiện hữu. Những gì mà chúng phải chấp nhận. Những gì chúng có thể chọn lựa. Những gì chúng có thể đổi thay. Em hài lòng với cách chúng ta bày ra trước con cái những ý kiến khác biệt. Ba nghĩ như thế này, còn mẹ nghĩ như thế kia. Con có thể đồng ý với một trong hai, hoặc nghĩ theo hướng khác. Chúng ta sẽ thảo luận. Nhưng em sẽ không hy sinh đời mình để trải hoa hồng trên đường các con đi. Cha mẹ hay là con cái, bất cứ ai cũng xứng đáng được sống như mình muốn. Đó chính là lẽ công bằng. Các con sẽ sống cùng điều kiện sống với cha mẹ chúng. Hưởng sự giáo dục mà cha mẹ có thể mang lại cho đến khi tự mình kiếm sống và hưởng thụ cuộc sống theo khả năng của mình. Chắc chắn là em sẽ không trở thành bà mẹ thông thái. Hơn ai hết, em biết mình sẽ khó có thể hiểu biết tường tận về mỗi đứa con của mình kể cả khi em sống cùng nhà cho đến lúc phải lìa xa chúng. Hiểu thấu ai đó ư? Em không mơ mộng đến thế, và em cũng không kiêu ngạo đến thế. Chúng ta có thể nhìn thấy người khác như xem một cuốn phim, chứng kiến những thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc của họ, nếu chúng ta quan sát họ không ngừng nghỉ. Và cũng giống như khi xem phim, chỉ cần một thoáng lơ đễnh, vài phút ngoảnh mặt đi, không nhìn, không nghe, chỉ cần quay lưng lại làm việc khác, ta có thể bỏ lỡ mất một tình tiết quan trọng, và thế là không thể nắm được diễn biến nữa, không thể hiểu vì sao nhân vật hành động như thế nữa. Nhưng nếu có thể hiểu thấu ai đó thì ta sẽ tận dụng điều đó để xoay chuyển, uốn nắn họ theo ý mình hay sẽ chiêm ngưỡng họ như một tuyệt tác độc nhất vô nhị của tạo hóa? Chúng ta sẽ chẳng thể nào theo dõi trọn vẹn mỗi tình tiết trong cuộc đời các con. Vì thế em muốn con nhớ một điều khi không có cha mẹ ở bên: Hãy tôn trọng người khác và luôn sống vì chính bản thân mình, là chính bản thân mình. Dù bất cứ điều gì xảy ra đi nữa, trí óc và tâm hồn con luôn tự do. Trong tất cả những món quà, điều em muốn trao tặng cho con nhất, chính là sự tự do trước tình yêu thương của chính em. Em muốn con cái hiểu rằng chúng không nợ em bất cứ điều gì. Kể cả tình yêu. Chúng không có gì phải đáp trả cho em. Bởi vì khi yêu thương con là em yêu vì bản thân mình. Bởi tình yêu không phải là thứ có thể cho vay và phải hoàn trả. Bởi tất cả những tháng năm em trải qua cùng con, tất cả những gì em có cơ hội trao cho con, đã là sự thụ hưởng của em rồi. Rốt cuộc, mỗi một người chúng ta đều là kẻ lữ hành cô độc giữa nhân gian. Những người đã được sinh ra, những người sẽ được sinh ra, những người đã chết. Từng ấy thế hệ đã đến rồi đi trên cõi đời này. Chúng ta có thể xác định chắc chắn thời điểm mình xuất hiện, nhưng thời điểm mà mỗi con người phải rời bỏ thế giới này thì đều bất định như nhau, lắm lúc chẳng liên quan đến tuổi tác. Chúng ta có khác gì nhau chứ, để mà nợ nần nhau? Phần em, em tin rằng khi không mong đợi bất kì sự đáp trả hay ban tặng nào, từ bất cứ ai, ta sẽ luôn nhận lấy mọi thứ xuất hiện trong đời mình như một món quà bất ngờ. Mỗi một ánh nắng, giọt sương, hơi thở. Mỗi cuộc gặp gỡ hay sự chia lìa. Với em, đó chính là cách đơn giản nhất để hạnh phúc. Giấc mơ màu nước Em yêu vô cùng những bức tranh màu nước. Bởi chúng giúp em nhìn thấy một thế giới mềm mại và thơ mộng hơn. Em cũng yêu màu pastel. Ai mà không thích chứ. Những màu pha với màu trắng. Nhưng em cũng thích cả những màu trầm nữa. Những màu pha nhiều màu đen. Và em ghét màu nguyên. Em ghét tất cả những màu nguyên. Màu xanh của sứ celadon là niềm say mê của em. Màu xanh ngọc thạch trong suốt, nhạt và sáng sủa. Màu xanh đồng trổ bông của gốm Biên Hoà. Màu lam Hồi. Màu xanh lá cây đậm. Màu bạc hà, màu bọt biển, màu san hô, và sắc màu lịm chết của những bông hoa ép khô. Em thích vẽ những thứ bé xinh. Những bông hoa, những trái dâu, những con bọ rùa. Nhưng em không thể vẽ được cái gì cho ra hồn. Khi đến lớp học vẽ, người ta bắt em vẽ những cái bình, đầu tượng, trái táo. Em thực sự chán ngán những cái đầu tượng. Cuối cùng em cũng tìm thấy thứ mình thích, những con mắt. Nên em đã vẽ những con mắt, cho đến giờ, em vẫn chỉ vẽ những con mắt. Dù sao thì em nghĩ, nó nói lên gần hết những gì ta có thể biết về một con người. Giống như sau khi viết vài truyện ngắn và ngay lập tức nhận ra là mình thiếu trí tưởng tượng của một nhà văn, em cũng biết mình không có chút năng khiếu hội họa nào, hoặc nếu có chút ít thì chỉ là năng khiếu thưởng thức. Tuy nhiên thiếu sót lớn nhất trong giấc mơ hội họa là em chưa bao giờ thực sự quan sát vật thể. Khi em nhìn ngắm những bông hoa, em không nhìn thấy vẻ đẹp của chúng trên từng cánh mịn, hay màu sắc, đường nét. Em chỉ thấy ở đó cảm xúc của chính mình khi nhìn ngắm một thứ gì đó đẹp đẽ. Một họa sĩ phải có tài năng lớn đến mức nào để vẽ được cảm xúc chứ không phải là những vật thể? Trang trí nhà cửa Em luôn thích một phòng ngủ nhỏ có cửa sổ và không ở tầng cao, đón nhiều ánh sáng trời vào buổi sớm. Nội thất màu trắng pha màu xanh lá. Đồ đạc ít và đơn giản, không có nhiều họa tiết và đường nét. Vải in hoa nhỏ. Những bức rèm mỏng. Đồ gỗ xưa, em biết chúng là những tuyệt tác nghệ thuật. Nhưng em không thích những gì nặng nề. Em không muốn đắm chìm trong những vật thể, và rồi để lại quá nhiều thứ phía sau mình. Em tận hưởng từng phút giây cùng anh ngắm những món đồ sứ thanh hoa hay chiếc đèn thủy tinh kiểu xưa với màu xanh lá cây sâu thẳm, nhưng em chưa bao giờ mong muốn sở hữu, vì chúng quá dễ vỡ còn em chỉ là một kẻ vụng về. Nhưng em vẫn thích mua những món đồ mỹ nghệ cao cấp nhỏ xinh bằng sơn mài kiểu Nhật Bản, lớp sơn then đen bóng, hiện rõ hoa văn màu cánh gián tinh tế. Và em muốn có một tấm thảm Kashmir dệt hình cây Đời - The Tree of Life. Để khi ngồi uống trà quanh đó, chúng ta có thể trò chuyện về nó. Cây Đời. Cây cỏ Em không ưa thích những con vật, có lẽ bởi vì chúng quá giống con người, chúng phát điên lên vì đói, giận dữ và hung tợn khi bị xâm phạm, sợ hãi khi bị dọa nạt, đau đớn khi bị tổn thương. Cây cỏ thì khác. Chúng thật lặng lẽ, và cũng thật bền bỉ. Những bông hoa đẹp, đối với em phải có cả nụ, những chiếc lá làm nền, rất nhiều lá, và đang sống trong môi trường tự nhiên của nó. Em không thích những đóa hoa đơn lẻ, chưa bao giờ. Chúng đẹp, nhưng em không cảm thấy hạnh phúc khi ngắm chúng. Em yêu phong lữ thảo với những chùm hoa đỏ trên nền lá xanh thật đậm. Em yêu những cây cổ thụ, với các chùm hoa đặc kín. Em từng tự nhủ nếu ta đứng đó giữa cơn mưa hoa anh đào hay hoa tử đằng tím thì điều gì có thể ngăn cản ta tìm đến cái chết, điều gì? Thỉnh thoảng trong giấc mơ em lại thấy mình đi về phía ngôi nhà có nhiều cánh cửa màu xanh trong khu vườn của họa sỹ Claude Monet ở Giverny. Khu vườn và những cây hoa hồng nông thôn nước Pháp nở rộ vào mùa xuân. Em yêu chúng. Những bông hoa hồng trên cành. Em nhớ cây xoài nu trong góc vườn nhà ngoại. Xoài nu là giống xoài chua nhất thế giới, chua đến tái tê. Nhưng xoài nu chín có mùi thơm nhất, thơm hiền lành, duyên dáng, mùi thơm dễ chịu vô cùng. Em nhớ cây ổi với thân cây láng mịn mát lạnh mỗi khi em áp má vào đó. Em nhớ mùi hoa mận trắng thơm nồng ngai ngái. Cây me già trong khu vườn hoang sau nhà. Em nghĩ đến Sido, mẹ của nhà văn Colette, người đã từ chối đặt những bông hồng xinh đẹp của mình lên một chiếc quan tài. Em cảm thấy gần gũi với Colette, có lẽ bởi những năm tháng ấu thơ tràn đầy tình yêu với thiên nhiên và cả sự lạc lõng ban đầu của bà giữa những salon văn chương ở kinh đô ánh sáng. Lạc giữa nhân gian Những khi ngồi sau lưng anh trên chiếc xe máy lang thang khắp Sài Gòn, em thường xuyên bị thu hút bởi những con người bình thường trong bối cảnh quen thuộc của họ, những cư dân đang hòa vào dòng đời, trên phố. Những gương mặt đăm chiêu, và lạc lõng. Đằng sau những gì em thấy, họ có một cuộc đời mà em chỉ có thể suy đoán một cách mơ hồ. Em luôn tự hỏi, phải chăng họ cũng có đôi lúc cảm nhận như em, rằng mình chỉ là một kẻ đi lạc giữa nhân gian này, ở một nơi không đúng, một thời không đúng. Và vì thế, thật ngơ ngác giữa cuộc mưu sinh? Có lẽ, chính vì vậy mà em luôn cảm thấy thoải mái giữa những người bình dân hơn là ở chốn xa hoa, dễ chịu khi chìm khuất hơn là nổi bật. Trong đám đông kia chắc chắn có những người đang ấp ủ ước mơ lớn lao, tạo ra được thứ gì đó lạ lẫm, đạt tới đỉnh cao hoặc trở nên sáng chói. Nhưng phần lớn có lẽ giống như em - những người thức dậy để làm việc mỗi ngày bởi mấy lý do đơn giản: kiếm sống, có kỹ năng, hoặc chỉ vì vui thích. Bất cứ ai làm việc với cả ba lý do đó cùng lúc đều là những người may mắn. Em cũng chỉ muốn viết cho những kẻ bơ vơ như mình, những người dễ thấy bối rối trước lớp từ hoa mỹ và những triết lý cao siêu trong sách vở. Với họ, chỉ có cảm giác yêu thương là không có giai cấp. Không hiểu sao bất cứ khi nào đi trên đường, nhìn vào dòng người em cũng thấy những kẻ đi lạc. Đồng loại của chúng ta. Những người trông thật buồn bã và hoang mang. Và cả những người trông có vẻ hạnh phúc kia cũng vậy. Phải không, người lạc giữa nhân gian? Một cậu bé suy tư Thuyên là chú bé 9 tuổi, lơ đễnh nhưng tốt bụng, hậu đậu nhưng đầy nhiệt thành, có một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế đáng kinh ngạc. Bất kỳ lúc nào con nói, em cũng muốn lắng nghe. - Mẹ à, con không biết nếu mất đi ngôi nhà của mình thì chúng ta sẽ đau đớn đến mức nào. Vì ngôi nhà là nơi chứa đầy kỷ niệm. - Mẹ biết không, thỉnh thoảng con nghĩ cuộc đời giống như một giấc mơ dài mà mình không tài nào thoát ra được. - Mẹ biết không, có nhiều người luôn tự hỏi là họ tồn tại trên đời để làm gì. Nhưng thật ra tất cả chúng ta tồn tại chẳng để làm gì hết. Chỉ để sống thôi. - Mẹ biết không, lúc còn nhỏ con rất thiếu hiểu biết, thiếu hiểu biết đến nỗi con tưởng mình phải nín thở mỗi khi ngủ. - Mẹ biết không, thật ra thế giới này đang ăn lẫn nhau mà thôi. Và những gì phải ăn và có thể ăn được thì đều có sự sống. Cứ như thế, không phút giây nào Thuyên ngừng suy tư về vũ trụ và cuộc đời. Jerry kể chuyện Jerry là một chú bé biết mình muốn gì, và biết diễn đạt ý muốn của mình một cách rõ ràng, dứt khoát. Jerry luôn khám phá cuộc đời bằng đôi mắt sắc bén, điềm tĩnh nhưng đầy háo hức, sẵn sàng dấn thân không chút e dè. Một đêm nọ, Jerry lúc đó chừng bốn tuổi thủ thỉ đề nghị: - Mẹ ơi, mẹ ôm con đi, mẹ để tay như vầy nè, để con nằm lên tay mẹ. Rồi sau đó, con muốn kể một câu chuyện. - Ồ hay quá, mẹ thích nghe kể chuyện lắm, Jerry kể cho mẹ nghe đi. - Ngày xưa đó... có một con thỏ mặc áo màu hồng... đội nón cũng màu hồng... sau đó, con thỏ đi chơi... sau đó... con thỏ gặp con sư tử... sau đó... con sư tử nói. Rồi Jerry im lặng một hồi lâu. Cả nhà sốt ruột hỏi: - Con sư tử nói gì hả Jerry? - Dạ, con sư tử nói gì con cũng không biết nữa. Vì hết chuyện mất rồi. Và chúng ta thật sự mong đến lúc Jerry muốn kể một câu chuyện khác...