🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Kinh Tế Trung Quốc – Những Rủi Ro Trung Hạn Ebooks Nhóm Zalo ĐƠN VỊ THỰC HIỆN Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) là chương trình nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề liên quan tới kinh tế Trung Quốc, trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình hướng tới các mục tiêu: (1) Tổng hợp, xây dựng dữ liệu nguồn về kinh tế Trung Quốc; Cung cấp thông tin, cập nhật và dự báo tình hình kinh tế Trung Quốc; (2) Thực hiện các nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chính sách; (3) Tư vấn chính sách trong các vấn đề kinh tế Trung Quốc và quan hệ kinh tế Việt - Trung. Chương trình dự tính cho ra các sản phẩm bao gồm (1) Báo cáo định kỳ về tình hình kinh tế vĩ mô của Trung Quốc; (2) Báo cáo thường niên về kinh tế Trung Quốc; (3) Các dự án, chương trình nghiên cứu liên quan tới kinh tế Trung Quốc trong mối tương quan với khu vực và tác động tới Việt Nam; (4) Các báo cáo chuyên đề về những vấn đề nổi bật của tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của Trung Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam; (5) Các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế nhằm tạo ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận nhằm đưa ra những gợi mở, khuyến nghị đối với Việt Nam trong quan hệ kinh tế - chính trị với Trung Quốc; (6) Các khóa học, các chương trình đào tạo và báo cáo tư vấn có liên quan tới kinh tế Trung Quốc. Hiện tại, VCES đã thiết lập quan hệ hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật với các cơ quan nghiên cứu về kinh tế, kinh tế Trung Quốc, nghiên cứu tình hình Trung Quốc của Việt Nam. Đồng thời, VCES cũng thường xuyên tiến hành các chuyến trao đổi học thuật, tổ chức sự kiện nghiên cứu về tình hình kinh tế Trung Quốc với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của nước ngoài như Đại học Kinh tế Tài chính Giang Tây (Trung Quốc), Đại học Nam Khai (Trung Quốc), Đại học Chiết Giang (Trung Quốc), Đại học Chungbuk (Hàn Quốc), Đại học Busan (Hàn Quốc), Hội Khoa học Xã hội Hàn - Trung (Hàn Quốc). Với mục tiêu trở thành một thành viên của mạng lưới nghiên cứu Trung Quốc tại Đông Á, VCES hướng đến việc thiết lập quan hệ hợp tác sâu rộng với các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc tại các quốc gia Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương khác. ACDI : Chỉ số lũy kế đầu tư ra bên ngoài/GDP(A Capital Dragon Index) ACFTA : Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ASEAN -China Free Trade Agreement) ADB : Ngân hàng phát triển châu Á (Asian Development Bank) ASEAN : Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations) BRICs : Nhóm nước mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc CAR : Hệ số an toàn vốn tối thiểu (Capital Adequacy Ratio) CBRC : Ủy ban Quản lý Giám sát Ngân hàng Trung Quốc (China Banking Regulatory Commission) CUSTOM : Tổng cục Hải quan Trung Quốc (General Administration of Customs of the People’s Republic of China) CEIC : Công ty số liệu CEIC CEPR : Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế Anh CGRC : Tổng công ty Quản lý và Dự trữ lương thực Trung Quốc (China Grain Reserves Corporation) COEs : Doanh nghiệp thuộc sở hữu tập thể (Collective Ownership Enterprises) CPI : Chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index) CREIS : Hệ thống chỉ số bất động sản Trung Quốc (China Real Estate Index System) CSRC : Ủy ban Quản lý Giám sát Chứng khoán Trung Quốc (China Securities Regulatory Commission) ECFA : Hiệp định khung hợp tác kinh tế (Economic Cooperation Framework Agreement) EDP : Tập đoàn năng lượng Bồ Đào Nha EU : Liên minh châu Âu (European Union) FAI : Đầu tư tài sản cố định (Fixed Asset Investment) FDI : Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment) FDIC : Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Liên bang Hoa Kỳ (The Federal Deposit Insurance Coporation) FED : Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Federal Reserve System) FTA : Khu mậu dịch tự do/Hiệp định mậu dịch tự do (Free Trade Area/Free Trade Agreement) G7 : Nhóm bảy quốc gia dân chủ và công nghiệp hàng đầu của thế giới G20 : Nhóm các nền kinh tế lớn GDP : Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product) GITIC : Công ty TNHH Tín thác Quốc tế Quảng Đông GTVT : Giao thông vận tải ICBC : Ngân hàng công thương Trung Quốc (Industrial and Commercial Bank of China) ICOR : Hệ số sử dụng vốn (Incremental Capital - Output Ratio) IEA : Cơ quan năng lượng quốc tế (TheInternational Energy Agency) IMF : Quỹ tiền tệ quốc tế ( International Monetary Fund) JKCFTA : Khu vực mậu dịch tự do Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc KHXH : Khoa học xã hội LGFPs : Các khoản vay nợ của chính quyền địa phương thông qua các sàn huy động vốn LGFVs : Các công cụ huy động vốn địa phương (Local Government Funding Vehicles) M&A : Mua bán và sáp nhập (Mergers and Acquisitions) MOF : Bộ Tài chính Trung Quốc (Ministry of Finance of the People’s Republic of China) MOFCOM: Bộ Thương mại Trung Quốc (Ministry of Commerce of the People’s Republic of China) NBER : Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (Hoa Kỳ) (The National Bureau of Economic Research) NBS : Cục thống kê Quốc gia (Trung Quốc) (The National Bureau of Statistics (of China)) NHTM : Ngân hàng thương mại NHTƯ : Ngân hàng Trung ương NSEs : Doanh nghiệp ngoài nhà nước (Non Stated-owned Enterprises) OECD : Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development) PBoC : Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (The People’s Bank of China) PMI : Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (Purchasing Managers Index) PPI : Chỉ số giá sản xuất (công nghiệp) (Producer Price Index) PPP : Sức mua ngang giá QE : Chương trình nới lỏng định lượng (Quantitative easing) RCEP : Cơ chế Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership) RMB : Đồng tiền Trung Quốc (Renminbi – Nhân dân tệ) ROA : Tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (Return on Total Assets) ROE : Tỉ suất lợi nhuận trên vốn (Return on Equity) SAFE : Cục quản lý Ngoại hối Quốc gia (Trung Quốc) (State Administration of Foreign Exchange) Shibor : Lãi suất qua đêm liên ngân hàng Thượng Hải (Shanghai Interbank Offered Rate) SOEs : Doanh nghiệp nhà nước (State-owned Enterprises) TFP : Năng suất các yếu tố tổng hợp (Total Factor Productivity) TFR : Tổng tỉ suất sinh (Total Fertility Rate) TNHH : Trách nhiệm hữu hạn TPP : Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) TTCK : Thị trường chứng khoán TƯ : Trung ương UK : Vương quốc Anh (United Kingdom) UN : Liên hợp quốc (United Nations) UNCTAD : Diễn đàn thương mại và phát triển Liên hợp quốc (The United Nations Conference on Trade and Development) US : Hoa Kỳ (United States) USD : Đồng đôla Mỹ (US. Dollar) VAT : Thuế giá trị gia tăng (Value Added Tax) VCES : Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR WB : Ngân hàng thế giới (World Bank) WTO : Tổ chức thương mại thế giới (World Trade Organization) TÓM TẮT Kinh tế Trung Quốc sau khi tiến hành chuyển đổi năm 1978 đã bước vào một giai đoạn tăng trưởng liên tục với tỉ lệ tăng trưởng bình quân trong vòng 30 năm lên tới 9,6%. Tỉ lệ tăng trưởng này nhanh chóng đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai trên thế giới và những gì mà quốc gia này thực hiện được về kinh tế xứng đáng được gọi là một điều thần kỳ - như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan v.v... đã đạt được trong quá khứ. Các mục tiêu tăng gấp đôi GDP sau mỗi 10 năm mà Đặng Tiểu Bình đưa ra đều được hoàn thành trước thời hạn. Năm 1952, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ là 4,55 USD, đến năm 2011, bình quân mỗi người Trung Quốc có mức thu nhập 5.400 USD. Dựa trên số liệu thống kê GDP thế giới trong 1000 năm qua của Madison, có thể nói không hề phóng đại rằng những gì mà Trung Quốc đạt được trong hơn 30 năm chuyển đổi kinh tế vừa qua bằng đúng những gì mà dân tộc này đã làm trong suốt cả 1000 năm trước đó gộp lại. Con số so sánh này để thấy mức độ thay đổi mà Trung Quốc đã đạt được nhờ vào việc thực hiện chuyển đổi kinh tế “dò đá qua sông”, lấy thí điểm để tìm tòi hướng đi đúng cho từng lĩnh vực cải cách. Cải cách theo phương thức này có thể giúp Trung Quốc tránh được những cú sốc nhưng không thể tránh được những cải cách mang tính nền tảng như vấn đề mô hình phát triển kinh tế, cải cách quyền tài sản, vấn đề cải cách kinh tế đi liền với chuyển đổi về chính trị, các vấn đề xã hội v.v... Khi tất cả những trở ngại này chưa được giải quyết một cách căn bản, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực. Trong vòng năm năm trở lại đây, kinh tế, chính trị Trung Quốc đã đối diện với nhiều tình hình mới rất đáng chú ý. Về chính trị, Trung Quốc đã thực hiện sự chuyển giao quyền lực chóng vánh từ thế hệ lãnh đạo thứ tư sang thế hệ thứ năm. Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2002) chứng kiến sự chuyển giao quyền lực từ thế hệ lãnh đạo thứ ba do Giang Trạch Dân đứng đầu sang thế lãnh đạo thứ tư do Hồ Cẩm Đào đứng đầu. Đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của Trung Quốc mà Hồ Cẩm Đào thực hiện trong hai nhiệm kỳ lãnh đạo của mình là việc đề xuất “Quan điểm phát triển khoa học”. Tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012), “Quan điểm phát triển khoa học” đã được Báo cáo Chính trị xếp ngang với “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, “Thuyết Ba đại diện”. Về mặt kinh tế, kể từ khi thế giới đương đầu với khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 2008, kinh tế Trung Quốc lập tức đối diện với thử thách thực sự, khi những chấn động bên ngoài nhanh chóng thâm nhập vào nền kinh tế đã mở cửa và hội nhập sâu vào đời sống kinh tế thế giới. Những bất cập của mô hình tăng trưởng hướng ra xuất khẩu nhanh chóng bộc lộ điểm yếu. Nhóm tác giả đã tiến hành những nghiên cứu định lượng, dựa trên số liệu và bằng chứng về các vấn đề kinh tế Trung Quốc trong 5 năm qua và đánh giá triển vọng nền kinh tế này trong vòng 5 năm tới. Với nhan đề Kinh tế Trung Quốc – Những rủi ro trung hạn, cuốn sách mong muốn truyền đi thông điệp rằng các vấn đề mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối diện hiện nay cũng như trong tương lai gần không chỉ còn mang tính những thách thức, mà đã trở thành những rủi ro. Khả năng “quản trị rủi ro” của chính phủ mới sẽ quyết định đến sự phát triển bền vững của kinh tế Trung Quốc. Cuốn sách được bố cục theo ba phần. Phần 1, phân tích về những vấn đề chung của kinh tế Trung Quốc trong vòng 5 năm vừa qua (2008 - 2012), bao gồm Chương 1 và Chương 2. Phần 2, nghiên cứu về những rủi ro trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, và bất động sản có liên quan đến chiến lược đô thị hóa kiểu mới của Trung Quốc, bao gồm từ Chương 3 đến Chương 6. Phần 3, các vấn đề dân số - lao động - xã hội, gồm các Chương 7, Chương 8 và Chương 9. KINH TẾ TRUNG QUỐC SAU KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ THẾ GIỚI 2008 - NHỮNG MẦM MỐNG RỦI RO Các tác giả đã chỉ ra mối liên hệ giữa những rủi ro đang hình thành trong nền kinh tế Trung Quốc hiện nay với những chính sách kinh tế mà chính phủ tiền nhiệm thực hiện. Cụ thể, các tác giả cho rằng, để ứng phó với khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới năm 2008, chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn giải pháp tung gói kích cầu có quy mô lớn. Tuy nhiên, việc bơm thẳng gói kích thích này vào nền kinh tế thông qua hệ thống NHTM đã ẩn chứa những mầm mống của sự rủi ro cho giai đoạn phát triển về sau. Đối với hệ thống tài chính ngân hàng của Trung Quốc, việc cho vay với quy mô lớn và các tiêu chuẩn cho vay được hạ thấp đã làm gia tăng tính thiếu ổn định và lành mạnh của hoạt động tín dụng, gắn liền với đó là khả năng gia tăng nợ xấu. Đối với lĩnh vực bất động sản, khi một lượng lớn tín dụng của NHTM đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và sự hăng hái đầu tư của chính quyền địa phương đã mở đầu cho một giai đoạn tăng trưởng nóng về quy mô đầu tư, giá cả cũng như diện tích trong một thời gian ngắn. Hiển nhiên, trong giai đoạn này, giá cả đã kích thích hoạt động đầu cơ nhưng không có lợi cho việc giải quyết nhu cầu thực tế của người dân. Khi thị trường bất động sản đã hình thành bong bóng rõ nét, các chính sách kiểm soát có phần quá chặt của chính phủ đã khiến không chỉ hệ thống NHTM, công ty đầu tư bất động sản hay hộ gia đình rơi vào khó khăn mà ngay cả chính quyền địa phương cũng lâm vào tình trạng tương tự. Đối với vấn đề nợ công của chính quyền địa phương, gói kích thích kinh tế 4.000 tỉ RMB cũng góp phần nâng cao tỉ trọng đầu tư giai đoạn hậu khủng hoảng 2008, đặc biệt, đã kích thích hoạt động chi tiêu của chính quyền địa phương vào lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản. Điều này dẫn đến quy mô vay nợ của chính quyền địa phương các cấp tại Trung Quốc tăng chóng vánh trong vòng 4-5 năm, dẫn đến những rủi ro trong việc thanh toán các khoản nợ đáo hạn. Cuối cùng, một rủi ro không thể không tính tới là rủi ro từ việc thực hiện chiến lược phát triển mới. Khi Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển của thế hệ lãnh đạo mới, sự xuất hiện của ý tưởng về việc dựa vào chiến lược đô thị hóa kiểu mới để vực dậy sự tăng trưởng của nền kinh tế đã bị suy giảm rõ rệt của Trung Quốc trong thời gian 2012 - nửa đầu năm 2013 đã lập tức làm bùng lên những lo ngại về việc một đợt bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư bất động sản và vay nợ để thực hiện chiến lược đô thị hóa kiểu mới của chính quyền địa phương sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này rơi vào tình trạng mất kiểm soát. KINH TẾ THẾ GIỚI 2010 - 2015 VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI KINH TẾ TRUNG QUỐC Trong chương này, các tác giả tập trung vào đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ 2008, khủng hoảng nợ công châu Âu 2010 và tình hình phát triển của một số nền kinh tế chủ chốt đối với kinh tế Trung Quốc. Các tác giả nhận định rằng, về cơ bản, bối cảnh kinh tế toàn cầu giai đoạn hậu khủng hoảng có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là cho quá trình tái cơ cấu kinh tế. Dòng vốn từ bên ngoài dồi dào, dịch chuyển sản xuất trong khu vực tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu từ các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển mở rộng vững chắc, tiếp cận công nghệ và thị trường ở các nền kinh tế phát triển dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, hậu khủng hoảng 2008 - 2009, kinh tế Trung Quốc cho đến nay đang trong rủi ro “hạ cánh cứng”, với tốc độ tăng trưởng suy giảm nhanh chóng và bất ổn vĩ mô ngày một gia tăng, đặc biệt trên thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Điều này một phần là hậu quả của những tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài, song chủ yếu nằm ở khả năng điều hành và mức độ quyết liệt đến đâu trong triển khai tái cơ cấu kinh tế của chính phủ Trung Quốc. Trong trung hạn, các yếu tố bên ngoài sẽ tiếp tục có nhiều ảnh hưởng tới tình hình kinh tế Trung Quốc, trong đó quan trọng và chủ yếu nhất là chính sách tiền tệ của Mỹ, khả năng phục hồi tăng trưởng ở châu Âu và xu hướng hội nhập khu vực thời gian tới ở Đông Á. Dù còn nhiều rủi ro song các yếu tố bên ngoài được đánh giá đang ở trong xu thế tích cực, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế Trung Quốc. MỘT SỐ RỦI RO CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG TRUNG QUỐC (TỪ NĂM 2003 ĐẾN NAY) Trong chương này, nhóm tác giả dựa trên việc đánh giá toàn diện về các lĩnh vực của hệ thống tài chính tiền tệ Trung Quốc để trả lời câu hỏi quan trọng nhất vào thời điểm hiện nay: hệ thống tài chính tiền tệ của Trung Quốc có đang trong tình trạng rủi ro hay không, nếu có thì là bao nhiêu? Để trả lời câu hỏi này, nhóm tác giả đã lần lượt đánh giá mức độ rủi ro về tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro từ cơ cấu quản trị, rủi ro từ suy thoái kinh tế bên ngoài của toàn bộ hệ thống tài chính tiền tệ Trung Quốc. Các tác giả cho rằng, vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng Trung Quốc là tăng trưởng tín dụng quá mức trong nhiều năm liền. Điều này nếu không kết hợp với một chính sách đầu tư và quản lý phù hợp thì mặc dù tăng trưởng có thể đạt ở mức khá nhưng về lâu dài sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng nóng dựa trên nguồn vốn tín dụng. Khả năng thanh khoản và các vấn đề về huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng Trung Quốc giảm liên tục cho thấy tính ổn định trong nguồn tiền huy động của hệ thống ngân hàng không cao, rủi ro thanh khoản đã bắt đầu hiện hữu. Hoạt động “ngân hàng mờ” đang là vấn đề nổi cộm trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Vấn đề quản trị công ty và quy định pháp lý về quản trị đóng vai trò quan trọng trong việc cải cách hệ thống ngân hàng Trung Quốc và quyết định tới hiệu quả hoạt động của hệ thống này. Chế độ xã hội và đặc điểm của các tổ chức kinh tế, chính trị của mỗi quốc gia có ảnh hưởng tới cách tiếp cận trong cải cách và phát triển hệ thống ngân hàng, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả và mức độ rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Rất nhiều khoản nợ của Trung Quốc không hiển thị trong hệ thống ngân hàng và bản chất cơ chế vốn của Trung Quốc và sự liên quan nhiều tới thặng dư tài khoản vãng lai. Trên cơ sở phân tích và đánh giá đó, nhóm tác giả kết luận hệ thống ngân hàng Trung Quốc ở trong tình trạng tiềm ẩn nhiều rủi ro với ước lượng tỉ lệ nợ xấu của nhóm tác giả là 5% - 8%, nhưng vẫn có thể chống đỡ được các cú sốc nếu chính phủ giám sát chặt chẽ và có biện pháp ứng phó kịp thời. NHỮNG THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI CỦA ĐÔ THỊ HÓA KIỂU MỚI ĐỐI VỚI TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRUNG QUỐC Trong chương này, tác giả tập trung nghiên cứu về lịch sử của quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc từ năm 1949 đến nay và phân tích về các cơ hội, thách thức đối với kinh tế Trung Quốc nếu theo đuổi chiến lược đô thị hóa kiểu mới. Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc nội trong 10 năm tới. Mục tiêu của kế hoạch này là sẽ đạt được tỉ lệ đô thị hóa 70%, điều này đã mang đến rất nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Trên cơ sở tổng kết những bài học kinh nghiệm từ ba lần đô thị hóa tại Trung Quốc, tác giả chỉ ra rằng muốn thúc đẩy quá trình đô thị hóa cần một chiến lược đô thị hóa phù hợp với tiến trình của quốc tế, tránh được những biến động lớn và tổn thất mà con người mang lại cho kinh tế, xã hội. Tác giả đã phân tích 8 vấn đề cơ bản mà đô thị hóa kiểu mới sẽ phải đối diện. Đó là (i) đất đai, (ii) hệ thống đăng ký hộ khẩu, (iii) nhà ở, (iv) môi trường, (v) giao thông đô thị, (vi) việc làm và ngành công nghiệp đô thị, (vii) hệ thống dịch vụ công cộng đô thị và (viii) chi phí của việc biến một cư dân nông thôn thành cư dân thành thị. Đợt đô thị hóa mới này được bắt nguồn từ một kế hoạch đầy quyết tâm và hứng khởi của chính phủ, cũng vì lý do đó mà thách thức lớn nhất của đô thị hóa lại là từ phía chính phủ, còn cơ hội lớn nhất của đợt đô thị hóa mới đến từ sự vươn lên mạnh mẽ của các thành phố mới nổi. Do gặp phải hạn chế từ tính xác thực của số liệu và sự biến động của tương lai nên bài viết này không triển khai sâu thêm nghiên cứu thực chứng. Thông qua những phân tích số liệu và những quan điểm cơ bản mà bài viết đưa ra, tuy còn nhiều thiếu sót nhưng cũng có thể giúp ích phần nào cho những người muốn tìm hiểu về sự chuyển đổi của kinh tế Trung Quốc. RỦI RO VỀ NỢ CÔNG VÀ NỢ CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TỪ CHIẾN LƯỢC ĐÔ THỊ HÓA KIỂU MỚI Trong chương này, các tác giả đã nghiên cứu về các rủi ro mà việc theo đuổi chiến lược đô thị hóa kiểu mới cũng như cách thức tăng trưởng kinh tế theo diện rộng có thể tạo ra đối với kinh tế Trung Quốc, biểu hiện dưới hình thức các khoản nợ công – đặc biệt là nợ của chính quyền địa phương. Tỉ lệ đòn bẩy tài chính của Trung Quốc đã tăng lên mức 150% GDP, chỉ trong vòng 5 năm (2008 - 2012), tỉ lệ này đã tăng 30 điểm phần trăm. Nghiên cứu của các tác giả cho thấy, tốc độ vay nợ của địa phương tăng nhanh chỉ trong vòng 5 năm (2008 - 2012) kể từ sau khi gói kích thích 4.000 tỉ RMB được đưa vào nền kinh tế là một rủi ro. Tỉ lệ nợ chưa quá cao so với nhiều nước phát triển trên thế giới nên được coi là rủi ro ở mức độ thấp, nhưng chiến lược đô thị hóa kiểu mới với nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của hơn 1 tỉ cư dân đô thị vào năm 2020 có thể tạo ra vòng xoáy vay nợ mới của chính quyền các cấp với tốc độ gia tăng nợ nhanh hơn cả giai đoạn 2008 - 2012. Bên cạnh đó, sự khuyết thiếu một thể chế giám sát, kiểm soát đối với hoạt động vay nợ thông qua phát hành trái phiếu của địa phương; việc địa phương sử dụng các khoản vay ngắn hạn để đầu tư cho các dự án dài hạn đều làm gia tăng mức độ rủi ro hiện có. Việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu sẽ là lựa chọn tất yếu và có hiệu quả hơn so với việc chính quyền địa phương huy động vốn từ hệ thống ngân hàng như hiện nay thông qua một hệ thống trung gian là các công ty tín thác và đầu tư. Trước hết, việc phát hành trái phiếu cho phép chính quyền địa phương tự chủ trong việc huy động vốn và không gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu sẽ làm tăng mức độ minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình khi giá cả trái phiếu liên quan đến xếp hạng tín nhiệm của chính quyền. Để đảm bảo mức độ lành mạnh của hệ thống tài chính cũng như kiểm soát được rủi ro từ hoạt động vay nợ của chính quyền địa phương, Trung Quốc cần hình thành được một khung khổ thể chế nhằm minh bạch và chuẩn hóa hoạt động vay nợ của địa phương. Chẳng hạn, ban hành chế độ trách nhiệm tài chính nhằm hạn chế việc vay nợ hoặc vay và chi tiêu ngoài ngân sách. Đồng thời, do mục đích các khoản vay của sàn huy động vốn địa phương chủ yếu được dùng cho mục đích phát triển cơ sở hạ tầng nên hoạt động chi đầu tư của các sàn này (cụ thể là các công ty hoạt động trên “sàn”) cần đưa vào chiến lược đầu tư công chung của Trung Quốc. NHỮNG RỦI RO TỪ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN Trong chương này, các tác giả đã phân tích tình hình phát triển thị trường bất động sản Trung Quốc trong thời gian 5 năm qua, trên cơ sở chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh thực hiện chiến lược đô thị hóa kiểu mới, các tác giả phân tích về những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường này. Những rủi ro chủ yếu đối với thị trường bất động sản đến từ (i) giá cả; (ii) cân bằng cung - cầu về diện tích; (iii) chương trình nhà ở xã hội khó có thể tác động đến giá cả trên thị trường nhà ở thương mại nhưng có thể làm ảnh hưởng đến thu ngân sách của địa phương; (iv) các điều tiết hành chính có thể bị vô hiệu hóa. Về mặt giá cả, có thể khẳng định gói kích thích kinh tế 4.000 tỉ RMB đã tạo ra bong bóng giá bất động sản tại Trung Quốc. Để xác định giá nhà có hình thành bong bóng hay không, thông thường một số tiêu chí vẫn được xem xét như (i) mức độ tăng giá nhà; (ii) tỉ lệ giá nhà/thu nhập khả dụng. Việc xem xét cả hai tiêu chí này cho thấy, tại 35 thành phố chủ chốt của Trung Quốc, giai đoạn 2009 - 2011 đã hình thành bong bóng. Trong trung hạn (1 - 5 năm tới) khi giá nhà tiếp tục tăng lên do tác động của việc chính phủ nới lỏng tín dụng cho bất động sản và hiệu ứng lan tỏa từ quyết định thực hiện chiến lược đô thị hóa kiểu mới, có thể Trung Quốc sẽ lại can thiệp để hạ nhiệt trên thị trường này đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nhà ở xã hội và nhà cho người thu nhập thấp. Những biện pháp này về cơ bản đều có tác dụng tích cực trong việc bình ổn thị trường. Nhưng việc quá coi trọng các biện pháp hành chính (như các lệnh hạn chế mua, hạn chế tín dụng) không thể giải quyết tận gốc những nhân tố căn bản đã hình thành nên làn sóng đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, cách làm này có thể dẫn đến rủi ro về việc can thiệp hành chính quá mức hoặc can thiệp hành chính không đủ. Những quan ngại về việc giá nhà đã hình thành bong bóng cần được chú ý tại các thành phố chủ chốt vốn có giá nhà tăng cao hơn so với thu nhập như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu v.v... Một làn sóng đầu cơ sẽ thực sự định hình khi giá nhà tại các đô thị loại II và III tiếp tục tăng mạnh hơn so với mức tăng giá nhà tại đô thị loại I. Khi giá nhà tăng cao và kiểm soát đối với thị trường này dẫn đến những méo mó, điều này có thể làm suy giảm lao động tại ngành xây dựng và các ngành có liên quan. Nhu cầu trong nước (bao gồm cả tiêu dùng) cũng sẽ suy giảm. Đối với hệ thống tài chính tiền tệ, khi nguồn vốn bị đọng vào bất động sản và trở thành nợ xấu thì hoạt động tín dụng trong tương lai dành cho khu vực kinh tế này sẽ bị thu hẹp, đi kèm với đó là đầu tư và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong trung hạn cũng chịu ảnh hưởng. Đối với thế giới, điều này có nghĩa là nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm sút. Để hạn chế những rủi ro này, Trung Quốc có thể sẽ phải tập trung vào việc loại bỏ các nhân tố gây nên cầu nhà ở giả tạo tại thành thị, kiểm soát nhu cầu nhà ở tại khu vực đô thị cũng như đẩy nhanh tốc độ xây dựng chương trình nhà ở xã hội. Khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện việc di dân với quy mô 250 triệu người trong tương lai, đây sẽ là một thử thách không nhỏ về việc lựa chọn cách thức thực hiện với chính phủ. Ngoài ra, cũng cần chú trọng về tiêu chuẩn cho vay tín dụng cũng như hệ thống đánh giá, quản trị rủi ro trong hệ thống NHTM. Về cân bằng cung - cầu, cầu diện tích nhà ở đang vượt quá khả năng cung – với giả thiết 250 triệu người sẽ trở thành cư dân thành thị trong vòng 10 - 15 năm tới. Việc mở rộng cung diện tích vừa chịu sự ràng buộc của việc làm suy giảm nguồn cung đất nông nghiệp vừa chịu sự ràng buộc của ngân sách dành cho khai thác và sử dụng đất phi nông nghiệp. Đối với các tỉnh Trung Quốc – đang chìm trong các khoản nợ gia tăng với tốc độ nhanh – điều này hàm ý rằng một sự vận động chính sách để chính phủ Trung Quốc thông qua luật cho phép địa phương tự phát hành trái phiếu huy động vốn sẽ được đẩy mạnh. Nhưng kể cả khi điều này thành hiện thực, nó sẽ đi liền với một rủi ro cần kiểm soát khác – tốc độ gia tăng và khả năng trả nợ của địa phương. RỦI RO TỪ SỰ BIẾN ĐỔI VỀ DÂN SỐ Quá trình biến đổi dân số Trung Quốc diễn ra ngày càng nhanh và rõ nét. Đặc trưng của quá trình biến đổi này là dân số Trung Quốc đang già đi rất nhanh. Đặc biệt, tác động của chính sách dân số “một con” khiến quá trình già hóa dân số diễn ra chóng vánh hơn nhiều so với khả năng ước lượng của những người làm công tác quản lí tại Trung Quốc. Trên cơ sở số liệu của Liên hợp quốc, các tác giả đã phân tích những rủi ro mà Trung Quốc có thể sẽ đối diện trong vòng 20 năm tới khi dân số tiếp tục phát triển theo khuynh hướng hiện nay. Rủi ro đầu tiên mà sự biến đổi dân số đem lại cho kinh tế Trung Quốc đó là tình trạng suy giảm nguồn cung lao động không thể tránh khỏi do TFR thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế và tốc độ suy giảm của tỉ lệ sinh thô tại Trung Quốc nhanh hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác. Có nhiều kịch bản ước lượng về nguồn cung lao động Trung Quốc trong tương lai hàng chục năm tới, với các thời điểm suy giảm cung lao động khác nhau. Tuy nhiên, các ước lượng đều cho thấy một khuynh hướng chung, đó là sau khi nhóm người trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) chạm đến ngưỡng 1 tỉ người thì sẽ bắt đầu suy giảm. Đồng thời, nguồn cung lao động từ nông thôn trên thực tế không còn nhiều. Rủi ro này tạo ra một áp lực lên thị trường lao động, khiến chi phí lao động thêm tăng cao – điều đã bắt đầu xuất hiện tại các thành phố lớn của Trung Quốc. Rủi ro thứ hai đi liền với rủi ro nêu trên là việc có thể Trung Quốc đã dùng hết nguồn lợi dân số thứ nhất nhưng chưa thể dự báo được quốc gia này có duy trì được nguồn lợi dân số thứ hai hay không. Nói cách khác, giai đoạn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được lợi rất nhiều nhờ một cơ cấu dân số trẻ và lực lượng lao động đông đảo xuất hiện liên tiếp trong khoảng thời gian 40 năm do tác động của chính sách đã/sắp qua đi. Nhưng liệu dân số già hóa ở Trung Quốc có cản trở sự tăng trưởng về thu nhập bình quân hay không thì vẫn cần thêm các nghiên cứu sâu hơn. Tiếp đó, sự biến đổi dân số theo khuynh hướng già hóa với tốc độ nhanh chóng hơn các nước khác đặt hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc – đặc biệt tại các vùng nông thôn – trước rủi ro lớn về độ bao phủ và hiệu quả. Trong đó, những thách thức về gánh nặng tài chính đối với chính quyền từ cấp huyện trở xuống, cơ sở hạ tầng thông tin, đội ngũ nhân viên trong lĩnh vực bảo hiểm dưỡng lão và nghiệp vụ bảo hiểm là những thử thách rõ rệt nhất. SỰ CHUYỂN ĐỔI CỦA THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ TRUNG HẠN Trong chương này, các tác giả đã tiến hành nghiên cứu những khuynh hướng biến đổi chính của thị trường lao động Trung Quốc, đồng thời chỉ ra những vấn đề mang tính trung hạn của thị trường có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc này. Sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Trung Quốc trong hơn 30 năm qua có phần đóng góp không nhỏ của nguồn vốn con người. Không chỉ sở hữu một lượng lao động đông nhất thế giới, Trung Quốc còn sở hữu lượng lao động có trình độ ngày càng tăng – ở điểm này, Trung Quốc đã đạt được thành công trong việc không ngừng tích lũy nguồn vốn con người. Để trở thành “công xưởng thế giới”, Trung Quốc trước khi trở thành cường quốc chế tạo đã phải trải qua giai đoạn là cường quốc gia công - chế biến, dựa vào lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sự tăng trưởng của Trung Quốc trong 30 năm qua dựa trên lao động giá rẻ và chi phí vốn thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự già hóa diễn ra ngay trong lòng nhóm người trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) và đặc biệt là nhóm hạt nhân của nhóm người trong độ tuổi lao động (nhóm từ 25 - 39 tuổi), việc suy giảm tỉ lệ tham gia lao động và sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp - nông thôn sang khu vực công nghiệp và thành thị cũng đã suy giảm từ năm 2004, Trung Quốc có thể sẽ đối diện ngày càng rõ nét với thực tế là quốc gia này không còn lực lượng lao động dư thừa để theo đuổi cách thức tăng trưởng cũ. Những thách thức đối với vấn đề an sinh xã hội dành cho cư dân nông thôn, nhóm lao động di cư và tăng trưởng kinh tế đòi hỏi có những cải cách không chỉ về chính sách dân số mà cả về chế độ hộ khẩu. Việc xóa bỏ sự bất bình đẳng mang tính phân chia cơ học bởi hộ khẩu không những có thể giúp Trung Quốc giải tỏa bớt áp lực thiếu hụt lao động tại thành thị mà còn góp phần cải thiện năng suất của nền kinh tế – điều đem lại ích lợi cho tăng trưởng lâu dài của quốc gia này. NGHIÊN CỨU VỀ NIỀM TIN XÃ HỘI TẠI VÙNG ĐÔNG BẮC TRUNG QUỐC (KHU TỰ TRỊ DIÊN BIÊN DÂN TỘC TRIỀU TIÊN) Đối với mỗi quốc gia nói chung, nếu như quyết định của quốc gia thực sự phản ánh ý nguyện của nhân dân đồng thời nhà nước lấy đó làm cơ sở thực thi và chấp hành hiệu quả các chính sách thì độ tin cậy của người dân với xã hội sẽ ngày càng được nâng cao. Mỗi người dân đều có trách nhiệm trong việc xây dựng nên một “xã hội hài hòa”, bởi vậy, xã hội cần phản ánh khách quan ý kiến nhân dân đồng thời xem xét những ý nguyện đó một cách minh bạch, quyết định nên áp dụng đối sách nào để đáp ứng yêu cầu của quốc dân. Nói cách khác, mỗi người dân tất thiết phải quan tâm đến việc quyết định và thực thi chính sách của đất nước mình, nghiên cứu về thái độ của nhân dân với chính sách quốc gia sẽ giúp chúng ta phán đoán được mức độ tin cậy và hài lòng của nhân dân với xã hội. Đất nước Trung Quốc với dân số hơn 1,3 tỉ người và 56 dân tộc khác nhau vẫn đang tiếp thu chủ nghĩa Mac-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng giáo dục chính trị Đặng Tiểu Bình đồng thời ủng hộ nền giáo dục này dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng nên mô hình kinh tế thị trường mang đặc trưng chủ nghĩa xã hội, cải cách về thể chế xã hội đã khiến kinh tế Trung Quốc phát triển với những biến đổi mạnh mẽ. Trung Quốc sau thời kỳ quá độ cổ động xây dựng “Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” đã bước vào “Giai đoạn chủ nghĩa xã hội chín muồi” đồng thời hướng đến “Xã hội chủ nghĩa cộng sản”. Từ những lý giải này có thể nhận thấy, chỉ cần Đảng Cộng sản Trung Quốc còn tồn tại, đất nước Trung Quốc sẽ kiên định đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Tuy những điều kể trên có thể cho thấy mức độ tin cậy cao của nhân dân Trung Quốc đối với Đảng Cộng sản, nhưng cũng không loại trừ khả năng niềm tin này có thể sụp đổ. Lấy bối cảnh đó làm cơ sở, các tác giả đã khảo sát mức độ tin cậy của nhóm người thuộc dân tộc Triều Tiên tại vùng Đông Bắc Trung Quốc trước tác động của người Hán trong xã hội. Trọng tâm của những phân tích này là mức độ tin cậy của tộc người Triều Tiên truyền thống sinh sống tại vùng Diên Biên đối với chính phủ Trung Quốc. Những kết luận mà nhóm tác giả đưa ra bao gồm, tộc người Hán có độ tin cậy con người cao hơn tộc người Triều Tiên, nhưng ngược lại, tộc người Triều Tiên lại có độ tin cậy chế độ khá cao so với tộc người Hán. Nguyên nhân căn bản nằm ở chỗ, vùng Diên Biên là khu tự trị với một số lượng lớn người dân tộc thiểu số sinh sống luôn được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước. Tuy nhiên, độ tin cậy con người của tộc Triều Tiên lại thấp hơn hẳn so với tộc người Hán, điều này cho thấy dù được Nhà nước ưu ái nhưng bản thân các tộc người thiểu số Trung Quốc vẫn luôn canh cánh trong lòng một nỗi lo lắng. Theo phân tích của chúng tôi, đây chính là một bài toán khó cho tương lai của xã hội Trung Quốc. Không chỉ có ý nghĩa trên lĩnh vực xã hội học, kết quả nghiên cứu hoàn toàn có thể được áp dụng trong kinh doanh, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc có thể tìm thấy những gợi ý trong phương pháp quản lý nhân lực khi hiểu rõ sự khác biệt về thể chế dân tộc và độ tin cậy con người của mỗi tộc người. Dân tộc và bối cảnh văn hóa là một trong những nhân tố bản địa có vai trò quan trọng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tiến hành khảo sát bài nghiên cứu có ảnh hưởng như thế nào đối với độ tin cậy xã hội vùng Đông Bắc Trung Quốc, mặc dù không thể đưa tất cả các biến số trở thành biến số độc lập để phân tích nhưng chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu thực chứng dựa trên những biến số thống kê nhân khẩu học và kinh tế - xã hội mang tính tiêu biểu nhất có mối liên hệ tương quan. Cuốn sách Kinh tế Trung Quốc - Những rủi ro trung hạn, do Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện, đã được hoàn thành với sự giúp đỡ của nhiều cá nhân và tổ chức. Đầu tiên nhóm tác giả muốn gửi lời cảm ơn đến Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đặc biệt là TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm – người đã quyết tâm hiện thực hóa việc xây dựng một chương trình nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc nhằm thu hẹp tình trạng bất cân xứng thông tin giữa học giả hai nước. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tập thể nhân viên, nghiên cứu viên của VEPR, những người đã đồng hành, chia sẻ, giúp sức VCES từ những ngày đầu. Bên cạnh đó, sự phát triển của VCES không thể tách rời sự hỗ trợ về tinh thần và cơ sở vật chất của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Vì lý do này, chúng tôi xin bày tỏ sự cảm ơn trân trọng tới Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhóm các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực Trung Quốc nói riêng và kinh tế học nói chung, những người đã tham dự các hội thảo, tọa đàm trong quá trình phát triển của VCES cũng như trong các giai đoạn khác nhau của việc xây dựng nội dung cuốn sách này. Chúng tôi xin được gửi lời tri ân đặc biệt đến TS. Lưu Bích Hồ, PGS. TS. Lê Văn Sang, TS. Võ Trí Thành, TS. Đinh Quang Ty, TS. Đặng Xuân Thanh, GS. TS. Đỗ Tiến Sâm, TS. Trần Việt Thái, PGS. TS. Lê Cao Đoàn, TS. Lê Kim Sa vì những thảo luận, góp ý quý báu đối với sự hình thành, phát triển của VCES cũng như những nội dung nghiên cứu khoa học mà chúng tôi thực hiện. Cuốn sách Kinh tế Trung Quốc - Những rủi ro trung hạn hình thành trên một cơ duyên với Công ty Cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books). Những hỗ trợ tài chính đối với việc tổ chức hội thảo, tiến hành xuất bản của Công ty có ý nghĩa khích lệ lớn lao đối với nhóm tác giả. Để có một cuốn sách hoàn chỉnh đến tay bạn đọc, chúng tôi không thể không cảm ơn sự biên tập kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, với tinh thần trách nhiệm cao của tập thể nhân viên làm công tác biên tập, chế bản của Thái Hà Books. Do thực hiện trong thời gian ngắn, mặc dù đã nhận được nhiều ý kiến góp ý quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học đồng nghiệp, nhưng chúng tôi ý thức được rằng cuốn sách còn nhiều điểm hạn chế, cách tiếp cận của nhóm tác giả có thể vẫn làm nảy sinh các tranh luận khoa học mới. Chúng tôi chân thành mong mỏi nhận được sự đóng góp của quý vị độc giả nhằm giúp nhóm tác giả có cơ hội học hỏi, trao đổi và hoàn thiện các công trình nghiên cứu trong tương lai. Hà Nội, ngày 20/11/2013 Thay mặt Nhóm tác giả TS. Phạm Sỹ Thành LỜI GIỚI THIỆU Sẽ không là quá lời nếu nói rằng trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, cả thế giới đều dõi theo Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế và cùng với đó là hành vi ứng xử của đất nước này trên trường quốc tế là mối quan tâm thường trực của truyền thông và giới phân tích toàn cầu. Trong suốt chiều dài của lịch sử thế giới, từ Đông sang Tây, sự trỗi dậy của các đại cường quốc luôn đi liền với sự xáo trộn an ninh quốc tế và cuối cùng là một trật tự thế giới mới được thiết lập. Việt Nam là một nước chia sẻ không chỉ đường biên giới với Trung Quốc, mà còn chia sẻ một lịch sử liên tục trong suốt hơn 2.000 năm trở lại đây. Cùng với sự gia tăng chắc chắn mối quan hệ khăng khít về kinh tế và thương mại, Việt Nam càng gắn bó nhiều hơn với Trung Quốc trong thế giới toàn cầu hóa. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, đất nước Trung Quốc to lớn và đa dạng, tưởng như rất gần gũi với chúng ta, lại có vẻ rất xa xôi. Chúng ta không biết nhiều về tình hình cập nhật của nền kinh tế Trung Quốc như biết về các nước lớn và xa xôi như Mỹ hoặc châu Âu. Có thể viện một số lý do cho điều này, như sự mù mờ cố hữu về thông tin từ trong lòng Trung Quốc, ngăn cách về ngôn ngữ, v.v… Đứng trước thực trạng đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã thành lập Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) với mong muốn thu hẹp khoảng cách về thông tin giữa hai đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. VCES thực hiện những phân tích độc lập về tình hình kinh tế Trung Quốc, dựa trên nguồn thông tin trực tiếp từ trong đất nước này, cũng như từ các nguồn tổng hợp của thế giới bên ngoài. Tất cả những hoạt động này của VCES đều dựa trên một nền tảng triết lý cho rằng sự thấu hiểu Trung Quốc, một cách lý tính, sẽ giúp Việt Nam nhìn thấy được nhiều cơ hội to lớn hơn, thay vì cảm thấy bị đe dọa trước sự trỗi dậy của nền kinh tế vĩ đại này. Ngay sau khi thành lập, VCES đã liên tục thực hiện các nghiên cứu chuyên đề, xây dựng báo cáo thường kỳ về kinh tế Trung Quốc, tổ chức các cuộc tọa đàm và hội thảo quốc tế thảo luận chuyên sâu về những khía cạnh khác nhau của nền kinh tế hoặc biến động chính sách của Trung Quốc. Một trong những hoạt động hàng năm của VCES là tổ chức một hội thảo quốc tế định kỳ về kinh tế Trung Quốc. Trong hội thảo đó, các nhà kinh tế Việt Nam, Trung Quốc, các nước trong khu vực và trên thế giới có thêm một cơ hội để cùng thảo luận với nhau những vấn đề đương đại của Trung Quốc. Vào năm 2012, hội thảo với chủ đề “Trung Quốc: Những thách thức đối với mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay” đã khởi đầu cho chuỗi hoạt động học thuật này. Năm 2013, hội thảo với chủ đề “Kinh tế Trung Quốc: Những rủi ro trung hạn” được tổ chức trong bối cảnh đất nước này đang chứng kiến sự chuyển giao quyền lực ở cấp cao nhất từ thế hệ thứ tư sang thế hệ thứ năm. Các chuyên gia từ Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc tham dự hội thảo đã có cơ hội trao đổi về những khía cạnh khác nhau trong tiến trình phát triển của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là một số rủi ro lớn mà nền kinh tế này có thể phải đối mặt trong năm hoặc mười năm tới. Các chuyên gia đã thảo luận những chủ đề đa dạng từ lĩnh vực tài chính ngân hàng, tài chính công đến quá trình đô thị hóa và thị trường bất động sản, hay cấu trúc dân số và sự chuyển đổi của thị trường lao động. Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc VCES, đã chọn lọc và biên tập một cách công phu các tài liệu đã được trình bày tại Hội thảo, từ đó hình thành nên cuốn sách mà chúng ta đang có trong tay. Đây là một ấn phẩm có giá trị, cập nhật nhiều thông tin kịp thời và có hệ thống, đồng thời cung cấp những nhận định sâu sắc về các khía cạnh quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Chia sẻ những tài liệu này với quảng đại độc giả, chúng tôi mong muốn có thêm nhiều người Việt Nam hiểu rõ hơn về nền kinh tế Trung Quốc, từ đó tự có những chiêm nghiệm và đánh giá riêng về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả. TS. Nguyễn Đức Thành Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội Chương 1 KINH TẾ TRUNG QUỐC SAU KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ THẾ GIỚI 2008 - NHỮNG MẦM MỐNG CỦA RỦI RO PHẠM SỸ THÀNH Ngày 15/9/2008, Lehman Brothers tuyên bố phá sản, đánh dấu sự bùng nổ của một cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ. Sự hoảng loạn lan rộng trong các định chế tài chính toàn cầu, tình trạng thiếu hụt thanh khoản dẫn đến bán tháo các tài sản đã làm xấu đi bảng cân đối tài sản của các định chế này. Cuối cùng, bảng cân đối tài sản xấu đi lại gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn, từ đó hình thành nên một vòng thiếu hụt thanh khoản tuần hoàn (Lê Hồng Giang, 2010). Kinh tế Trung Quốc – với đặc tính dựa vào xuất khẩu và đầu tư – đã hứng chịu trọn vẹn cú sốc này (Hình 1.1). Mặc dù không chịu tác động suy giảm nặng nề như kinh tế Mỹ, Nhật hay EU nhưng tăng trưởng GDP theo quý của Trung Quốc sau khi khủng hoảng xảy ra cũng lập tức thiết lập đáy vào quý I/2009 (tăng trưởng 6,6%), trong khi đó tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm lớn nhất kể từ khi gia nhập WTO. Tháng 11 – chỉ hai tháng sau khi xảy ra khủng hoảng – tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc ngay lập tức “rơi tự do” từ mức tăng trưởng 19,1% (của tháng 10) xuống còn -2,2% (của tháng 11). Đến Tết Nguyên Đán năm 2009, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc nhận thấy xuất khẩu của mình đã sụt giảm tới 25,7%. Kết thúc năm 2009, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm 16% so với năm trước, và là lần xuất khẩu xuất hiện tăng trưởng âm duy nhất cho đến nay (Hình 1.2). Hình 1.1: Tăng trưởng GDP theo quý của một số nền kinh tế chủ chốt sau khủng hoảng 2008 (%) Nguồn: Số liệu Trung Quốc theo NBS (các năm), số liệu các quốc gia và khu vực còn lại theo WB và IMF (các năm) Trước bối cảnh xuất khẩu sụt giảm mạnh khiến tăng trưởng GDP giảm tốc rõ nét, chính phủ Trung Quốc ngay lập tức đã có một hành động ứng phó – ở thời điểm đó được đánh giá cao về tính kịp thời cũng như quy mô của “gói giải cứu” – đó là tung gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỉ RMB, tương đương 650 tỉ USD theo tỉ giá thời điểm đó (xấp xỉ 18% GDP năm 2008). Ngoài gói kích thích này, chính phủ Trung Quốc cũng ban hành thêm nhiều biện pháp hỗ trợ mở rộng cầu trong nước nhằm hạn chế tác động tiêu cực của việc suy giảm cầu bên ngoài. Tại khu vực nông thôn, chính phủ trợ giá cho việc tiêu thụ một số sản phẩm như điện lạnh, điện máy v.v... Nhưng không khó để nhận ra rằng, việc cải thiện cầu trong nước – chính sách mở rộng nội nhu – không thể đáp ứng với việc chống chọi với cú sốc khủng hoảng từ Mỹ do tiêu dùng nội địa không phải là trụ cột tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Vì thế, gói kích thích 4.000 tỉ RMB vẫn đóng vai trò là giải pháp chính khi cuộc Đại suy trầm đang lan ra toàn cầu. Hình 1.2: Xuất khẩu Trung Quốc sau khủng hoảng 2008 Nguồn: Số liệu NBS (các năm) Hộp 1.1: Gói kích thích kinh tế 4.000 tỉ RMB Ngày 9/11/2008, chính phủ Trung Quốc công bố phương án kích thích tăng trưởng kinh tế và việc làm quy mô lớn, đánh dấu chính sách tài chính chính thức chuyển từ “lành mạnh-ổn định” sang “tài chính tích cực”, chính sách tiền tệ cũng chuyển từ “thắt chặt phù hợp” thành “nới lỏng phù hợp”. Phương án này cho thấy, chính sách tài chính sẽ phát huy tác dụng quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng. Mặc dù nội dung của 10 biện pháp trong gói phương án này khác nhau, nhưng trọng tâm chung của chúng vẫn là đầu tư cho các ngành cơ sở hạ tầng và một số ngành khác. Các lĩnh vực được nhận vốn từ gói kích thích 4.000 tỉ RMB này bao gồm: Chương trình nhà ở công cộng – đặc biệt là xây dựng nhà cho thuê giá rẻ và cải tạo nhà ở xuống cấp, nguy hiểm ở nông thôn. Xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn – bao gồm chương trình nước uống an toàn vệ sinh, xây dựng công trình thủy lợi và đường cái, hoàn thiện mạng lưới điện nông thôn, đẩy nhanh xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia như “Nam thủy Bắc điều” (đưa nước từ miền Nam lên miền Bắc). Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông – trọng điểm là xây dựng các tuyến đường sắt chuyên vận chuyển hành khách và chuyên vận chuyển than, đồng thời cũng đầu tư một phần cho hệ thống đường cao tốc, sân bay, xây dựng lưới điện. Ngành vệ sinh, y tế và văn hóa, giáo dục – bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng y tế, cải tạo ký túc xá học sinh-sinh viên ở vùng nông thôn miền Tây và miền Trung. Bảo vệ môi trường sinh thái – bao gồm các chương trình xử lý nước thải ô nhiễm ở thành thị, ngăn chặn ô nhiễm các lưu vực nước trọng điểm, chương trình trồng rừng phòng hộ và chương trình tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm. Tự chủ sáng tạo và điều chỉnh kết cấu – tích cực hỗ trợ cho việc xây dựng, phát triển các ngành kỹ thuật cao và tiến bộ kỹ thuật, trợ giúp ngành dịch vụ phát triển. Xây dựng lại các vùng bị động đất. Nâng cao thu nhập cư dân – nâng cao mức giá thu mua sàn đối với lương thực, tăng các loại trợ giá cho nông dân, nâng mức hỗ trợ bảo hiểm xã hội. Năm 2009 sẽ tiến hành cải cách thuế giá trị gia tăng trong cả nước, sẽ làm theo thông lệ quốc tế, cho phép khấu trừ mức thuế đối với các tài sản cố định (đưa vào sản xuất), theo tính toán của các bộ ngành hữu quan, mức thuế giảm cho doanh nghiệp sẽ khoảng 120 tỉ RMB, tương đương 0,4% GDP. Nâng cao mức đóng góp của ngành tài chính-tiền tệ cho tăng trưởng kinh tế, mở rộng quy mô cho vay tín dụng mà trọng tâm là trợ giúp tín dụng cho nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sáng tạo và cải tiến kỹ thuật, sáp nhập và sắp xếp lại doanh nghiệp v.v… Đồng thời lựa chọn kỹ nhằm cung cấp các loại hình tín dụng phục vụ tiêu dùng. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn chính sách tài khóa mở rộng, gói kích thích này được tiến hành thông qua chính sách tiền tệ mở rộng, hầu hết là bơm thẳng cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Việc các tiêu chuẩn cho vay được hạ thấp và mục tiêu chính sách kích thích được chính phủ xác định hướng vào đầu tư cơ sở hạ tầng (trong đó riêng đường sắt đã chiếm gần 50% gói kích thích này) nên khiến không chỉ quy mô tín dụng mà cả quy mô đầu tư tài sản cố định tăng trưởng nóng. Với việc tăng trưởng kinh tế dựa quá nhiều vào đầu tư trước đây, nay lại có thêm gói kích thích kinh tế mới, hiệu quả của các khoản đầu tư ngày càng suy giảm. Thêm vào đó, chính quyền địa phương, bị hấp dẫn bởi chính sách kích thích kinh tế của chính phủ, cũng tìm mọi cách huy động vốn để “phục hồi kinh tế” của địa phương mình – trong đó bao gồm cả việc gây sức ép lên hệ thống NHTM tại địa phương để được tiếp cận với các khoản tín dụng. Điều này, một mặt làm gia tăng nợ của chính quyền địa phương, mặt khác làm thị trường tài sản rơi vào cao trào đầu tư kế tiếp Olympic Bắc Kinh. Đối với hệ thống ngân hàng, việc buộc phải cho nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương vay vốn với các điều kiện cho vay tương đối dễ dàng đã làm ẩn chứa nguy cơ gia tăng nợ xấu. Khi thị trường bất động sản Trung Quốc bị đóng băng bởi các chính sách thắt chặt quản lý của chính phủ Trung Quốc vào cuối năm 2011, điều mà các công ty bất động sản và các ngân hàng lo sợ đã xảy ra. Nhiều tổ chức quốc tế như OECD (2013), IMF (2013), Brookings (2013) đã đưa ra các cảnh báo về việc kinh tế Trung Quốc có thể đang đối diện với các rủi ro (risks) – chứ không còn là thách thức (challenge). Ba rủi ro cơ bản đối với kinh tế Trung Quốc được đề cập đến bao gồm: (i) Rủi ro đối với hệ thống tài chính-tiền tệ; (ii) Rủi ro đối với thị trường bất động sản và (iii) Rủi ro từ các khoản nợ của địa phương. Việc xử lý các rủi ro này sẽ quyết định đến sự thành công của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mà thủ tướng Lý Khắc Cường đang khởi xướng hiện nay. Có thể nhận thấy, những thách thức và rủi ro mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt hiện nay đều có liên quan trực tiếp đến cách thức mà chính phủ tiền nhiệm đã sử dụng để ứng phó với khủng hoảng. 4.000 tỉ RMB để ứng phó với khủng hoảng được bơm vào nền kinh tế thông qua hệ thống NHTM. Điều này khiến tỉ lệ tăng trưởng và quy mô tín dụng đã tăng mạnh từ năm 2008 thể hiện qua số liệu về quy mô tín dụng toàn xã hội. Tỉ lệ đòn bẩy tài chính của Trung Quốc đã tăng từ mức 127% GDP lên mức 150%. Hình 1.3: Tỉ lệ đòn bẩy của Trung Quốc (%GDP) Nguồn: Tính toán của VCES theo số liệu PBoC đối với dư nợ tín dụng/GDP, tính toán của nhóm nghiên cứu VCES theo số liệu CEIC và công ty số liệu Trung Kim với dư nợ mở rộng. Hình 1.4: Cơ cấu tỉ lệ đòn bẩy tài chính của Trung Quốc 2002 - quý I/2003 (%GDP) Chú thích: Phần trăm của GDP bốn quý tính gộp. Nguồn: IMF (2013) Số liệu về tỉ lệ đòn bẩy tài chính của nền kinh tế Trung Quốc (bao gồm cả khu vực chính phủ, doanh nghiệp và cư dân) cho thấy đến năm 2012, tỉ lệ này ở mức 150% GDP (thấp hơn nhiều so với tỉ lệ của Nhật Bản năm 1989 – 237%, Mỹ năm 2008 – 224%, EU năm 2009 – 158%, EU trung bình năm 2011 – 211%)(1). Tuy nhiên, thời điểm của các quốc gia được so sánh đều là thời điểm đêm trước của khủng hoảng tài chính-tiền tệ. Đồng thời, so sánh quốc tế có thể thấy tỉ lệ đòn bẩy tài chính của Trung Quốc cao hơn so với mức trung bình của thế giới. Hình 1.5: Tỉ lệ đòn bẩy so sánh quốc tế (%) Nguồn: Tính toán theo số liệu từ cơ sở dữ liệu của WB (năm 2012) Đồng thời, nếu so sánh tỉ lệ tăng trưởng đòn bẩy tài chính trong thời gian năm năm một thì tốc độ tăng của Trung Quốc hiện nay không thua kém gì so với các nước nêu trên vào giai đoạn tiền khủng hoảng. Cụ thể, giai đoạn 2004 - 2008, tỉ lệ đòn bẩy của Trung Quốc đã tăng 20 điểm phần trăm. Giai đoạn hậu khủng hoảng 2008 còn nhanh hơn (từ 2008 - 2012, tỉ lệ đòn bẩy đã tăng thêm 34 điểm phần trăm – nhanh hơn so với Mỹ, Nhật Bản và EU vào thời điểm đêm trước khủng hoảng tài chính tại các quốc gia và khu vực này nổ ra trong quá khứ). Trong đó, theo tính toán của VCES, từ năm 2010 - 2012, tốc độ tăng là xấp xỉ 13 điểm phần trăm. Hình 1.6: Tăng trưởng đòn bẩy tài chính tại một số nước theo giai đoạn 5 năm một Nguồn: Nomura (2012) Bên cạnh đó, biến đổi về tỉ lệ đòn bẩy giữa các khu vực của Trung Quốc trong giai đoạn hậu khủng hoảng 2008 diễn ra như sau: tỉ lệ đòn bẩy của khu vực chính phủ tăng 3 điểm phần trăm, của khu vực doanh nghiệp tăng 50 điểm phần trăm, của khu vực cư dân tăng 17 điểm phần trăm. Điều đó có nghĩa là phần lớn sự gia tăng tỉ lệ đòn bẩy tập trung vào khu vực doanh nghiệp và cư dân. Có thể khẳng định, tỉ lệ đòn bẩy tài chính hiện nay của Trung Quốc chưa dẫn đến khủng hoảng, nhưng những rủi ro là hiện hữu bởi tốc độ tăng quá nhanh và phần lớn rủi ro rơi vào khu vực doanh nghiệp lẫn cư dân. Với năng lực tài chính của mình, chính quyền các cấp có khả năng nhất định trong việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu đáo hạn hiện nay, nhưng không ai dám chắc điều gì sẽ đến nếu việc phát hành trái phiếu của các tỉnh/khu tự trị được thông qua về mặt pháp lý vào năm tới – một động thái nhằm dọn đường cho việc thực hiện chiến lược đô thị hóa kiểu mới của thủ tướng Lý Khắc Cường. Rủi ro đối với hệ thống ngân hàng không chỉ đến từ tốc độ tăng tỉ lệ đòn bẩy chóng vánh trong vòng năm năm qua, mà chủ yếu đến từ việc hệ thống NHTM đã cung cấp các khoản tín dụng với tiêu chuẩn tiếp cận tương đối dễ dàng. Bảng 1.2: Các chỉ tiêu chủ yếu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc (%) Nguồn: Nomura (2012) Sự gia tăng của tỉ lệ trích lập dự phòng phản ánh sự gia tăng của tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống NHTM Trung Quốc. Rõ ràng, tỉ lệ này đã tăng mạnh từ mức 117% (năm 2008) lên gần gấp ba vào cuối năm 2012. Một trong những bằng chứng cho thấy tính kém hiệu quả và hệ lụy phát sinh từ khoản tín dụng ứng phó khủng hoảng năm 2008 là lĩnh vực đầu tư đường sắt(1). Tăng trưởng tín dụng nhằm ứng phó khủng hoảng tài chính-tiền tệ 2008 lập tức diễn biến thành một đợt bùng nổ đầu tư. Số liệu về đầu tư tài sản cố định (FAI) – trong đó vai trò đầu tư của các SOEs trong giai đoạn 2008 - 2009 hết sức rõ nét – phản ánh sự bùng nổ của tín dụng đã thông qua kênh đầu tư công để chảy vào nền kinh tế, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giai đoạn hậu khủng hoảng (Hình 1.7). Điều này cho thấy tư duy dựa vào đầu tư và xuất khẩu để tạo ra tăng trưởng khó có thể thay đổi nhanh chóng và cơ bản. Hình 1.7: Tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc 2007 - quý II/2013 (%) Nguồn: IMF (2013) Nếu phân rã cơ cấu đầu tư vào tài sản cố định, có thể nhận thấy phần lớn luồng tín dụng đổ vào đầu tư cơ sở hạ tầng đã không chảy vào lĩnh vực sản xuất mà chủ yếu dồn vào lĩnh vực bất động sản. Điều này lý giải sự phát triển nóng của thị trường bất động sản Trung Quốc sau khi Olympic Bắc Kinh kết thúc. Hình 1.8: Tăng trưởng FAI phân theo lĩnh vực từ 1/2009 - 6/2013 (%) Nguồn: Tác giả thiết lập theo số liệu NBS (các năm) Hình 1.8 cho thấy trong khi đầu tư tài sản cố định trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp có khuynh hướng suy giảm kể từ năm 2009, với mức tăng trưởng theo tháng cao nhất chỉ khoảng 30% thì đầu tư tài sản cố định vào lĩnh vực bất động sản lại tăng mạnh từ nửa cuối năm 2009 với mức tăng trung bình của giai đoạn quý II/2009 - quý II/2011 ở mức xấp xỉ 35%. Đáng chú ý là nếu với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, khủng hoảng là thời cơ để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn, thì với Trung Quốc, điều này dường như ngược lại. Trước khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Paul Krugman đã cảnh báo các nước Đông Á (đặc biệt là Đông Nam Á) về cái gọi là “sự thần kì Đông Á”. Ông chỉ ra rằng tình trạng dựa vào đầu tư trong khi chậm trễ trong việc cải thiện năng suất khiến các nền kinh tế này không chỉ rơi vào tình trạng lãng phí mà sớm muộn sẽ rơi vào khủng hoảng (Krugman, 1994). Điều đó đã xảy ra. Tuy nhiên, sau năm 1997, trong khi Thái Lan, Hàn Quốc hay Đài Loan đều cải thiện mạnh mẽ tình trạng dựa vào đầu tư để duy trì tăng trưởng kinh tế thì Trung Quốc sau năm 2008 thậm chí lại gia tăng mạnh hơn tỉ trọng đầu tư (Hình 1.9). So với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác tại khu vực Đông Á, tỉ lệ đầu tư/GDP của Trung Quốc hiện vẫn duy trì ở mức xấp xỉ 50% GDP, cao hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với mức trung bình của các quốc gia được so sánh. Hình 1.9: Tỉ trọng đầu tư của một số quốc gia và vùng lãnh thổ 1982 - 2012 (% GDP) Nguồn: alsosprachanalyst.com Đi liền với đó là sự suy giảm của tiêu dùng trong nước (Hình 1.10). Hiện nay, tỉ trọng đầu tư của Trung Quốc chiếm xấp xỉ 50% GDP trong khi đó tiêu dùng chỉ ở ngưỡng 40%. Sau khi chính phủ Trung Quốc ban hành gói kích thích kinh tế 4.000 tỉ RMB, tỉ trọng đầu tư trong GDP đã tăng từ 42% lên 48,8%, trong khi đó, tỉ trọng tiêu dùng chỉ tăng từ 36% lên 39%. Để hỗ trợ cho tỉ trọng đầu tư lớn như vậy, tỉ lệ tiết kiệm quốc nội của Trung Quốc cũng được duy trì liên tục trên mức 50% kể từ sau khủng hoảng 2008 (năm 2012, con số này là 51,2%) (Hình 1.10). Hình 1.10: Tỉ trọng tiêu dùng, đầu tư và tiết kiệm tại Trung Quốc 2005 - 2012 (% GDP) Nguồn: Tính toán của tác giả theo số liệu NBS (các năm) và số liệu IMF (các năm) Đầu tư, trong tương quan với tiêu dùng và xuất khẩu ròng, tiếp tục là động lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giai đoạn sau khủng hoảng 2008 cho dù Trung Quốc đã ban hành một số chính sách hỗ trợ tiêu dùng tại nông thôn (Hình 1.11). Điều này cho thấy lộ trình thay đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc còn nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất khi phải từ bỏ tư duy coi đầu tư là bánh xe chủ lực có thể ngay lập tức làm suy giảm tăng trưởng ở mức độ lớn, gây nên tâm lí bất ổn. Đồng thời, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của các tỉnh, nên có thể ảnh hưởng đến quá trình quyết sách của Trung ương. Cải cách điều chỉnh kết cấu kinh tế là quá trình đánh đổi những suy giảm trước mắt lấy sự thịnh vượng lâu dài. Tuy nhiên, việc nắm chắc về biên độ/cường độ thích hợp trong việc kiểm soát các lĩnh vực suy giảm có tầm quan trọng đặc biệt. Hình 1.11: Đóng góp của các yếu tố cho tăng trưởng kinh tế 2005 - 2012 (điểm phần trăm) Nguồn: IMF (2013) Vấn đề của mô hình tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện nay là do việc tăng trưởng kinh tế dựa quá nhiều vào đầu tư, với tỉ trọng đầu tư/GDP ở mức 50% kể từ sau khủng hoảng 2008, cộng thêm lãi suất thấp (lãi suất cho vay đối với các khoản vay kì hạn một năm là 6- 7%/năm, trong khi đó lạm phát là khoảng 2,5-4,5%/năm), chi phí vốn được duy trì ở mức thấp, khiến hiệu quả sử dụng vốn ngày càng suy giảm. Phản ánh bằng việc hệ số ICOR ở Trung Quốc ngày càng lớn. Theo tính toán của Nomura (2012), ICOR của Trung Quốc giai đoạn 1991-2011 cao hơn của Nhật Bản (1961-1970): 3,9, Hàn Quốc (1981- 1990): 3,2 và vùng lãnh thổ Đài Loan (1981-1990): 2,7 trong khi đây là giai đoạn mà các nền kinh tế này đạt được mức tăng trưởng tương tự với Trung Quốc. Nếu tính riêng giai đoạn hậu khủng hoảng 2008, trong giai đoạn 2009-2011, ICOR của Trung Quốc thậm chí đã tăng lên mức 5,0. Điều này cho thấy, gói kích thích 4.000 tỉ RMB và tỉ lệ đòn bẩy tài chính tăng mạnh nhằm ứng phó khủng hoảng đã làm trầm trọng thêm sự kém hiệu quả trong việc sử dụng vốn của kinh tế Trung Quốc. Bảng 1.3: So sánh hệ số ICOR của một số quốc gia và vùng lãnh thổ Nguồn: Nomura (2012) Sự gia tăng nhanh chóng về quy mô tín dụng dẫn đến sự gia tăng của hoạt động đầu tư. Số liệu cho thấy một lượng lớn tín dụng đã được đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bất động sản của Trung Quốc kể từ sau năm 2008. Hình 1.12: Tỉ trọng đầu tư cho bất động sản trong tổng tín dụng NHTM Trung Quốc 2005 - 2011 (%) Nguồn: IMF (2011) Sau khi tỉ trọng đầu tư cho bất động sản tính theo phần trăm GDP và trong tổng tín dụng suy giảm vào nửa cuối 2008 do tác động của việc Olympic kết thúc và khủng hoảng tài chính tiền tệ lan truyền, cả hai tỉ trọng này lập tức tăng nhanh sau khi gói kích thích 4.000 tỉ RMB được tung ra vào quý III/2008. Tỉ trọng đầu tư bất động sản trong tổng tín dụng của hệ thống NHTM đã tăng từ mức 16,1% (quý I/2009) lên mức 20,1% (quý I/2011), trong khi đó tỉ trọng đầu tư bất động sản tính theo phần trăm GDP cũng tăng ổn định từ mức 14,78% lên mức 22% vào đầu năm 2011 (Hình 1.12). Hình 1.8 cũng cho thấy đầu tư vào tài sản cố định trong lĩnh vực bất động sản luôn cao hơn lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ và mức tăng trưởng đầu tư tài sản cố định chung kể từ cuối quý I/2010. Điều này khiến thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu xuất hiện một đợt đầu cơ mới, nhất là khi chính phủ ban hành một loạt các chính sách kích thích sự phát triển của thị trường này. Hộp 1.2: Một số chính sách kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản vào năm 2010 và 2012 Các chính sách ban hành năm 2010: Xóa bỏ hạn chế vay tín dụng mua nhà của cư dân và doanh nghiệp. Các chính sách ban hành năm 2012: Chính sách địa phương điều chỉnh nhẹ Kể từ cuối năm 2011 đầu năm 2012, 17 thành phố như Phật Sơn, Vu Hồ, Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh v.v... đã ban hành các chính sách điều chỉnh liên quan đến việc mua nhà. Những điều chỉnh này chủ yếu tiến hành tại các khâu như hạn mức tín dụng mua nhà, ưu đãi thuế v.v… Trong đó, ngoại trừ chính sách của bốn thành phố Thượng Hải, Vu Hồ, Phật Sơn, Thành Đô đi ngược với chính sách điều tiết chung và bị buộc dừng lại, chính sách của các thành phố còn lại đều được ngầm chấp nhận. Hai lần hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc Ngày 12/5, PBoC tuyên bố, kể từ ngày 18/5 sẽ hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng xuống 50 điểm cơ bản. Đây là lần điều chỉnh thứ hai, tiếp sau lần điều chỉnh thứ nhất (cũng hạ 50 điểm cơ bản) vào ngày 24/2. Sau đợt điều chỉnh tháng Năm, tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng lớn và nhỏ lần lượt là 20% và 18%, qua đó bơm thêm vào thị trường khoảng 400 tỉ RMB. Lần đầu tiên trong ba năm trở lại, PBoC hạ lãi suất tiết kiệm, lần hạ thứ hai cách lần đầu 18 ngày Kể từ ngày 8/6/2012, lãi suất tiền gửi và cho vay kỳ hạn một năm đều được điều chỉnh giảm 25 điểm cơ bản. 18 ngày sau, ngày 6/7/2012, PBoC tiếp tục giảm 25 điểm cơ bản đối với lãi suất tiền gửi và 31 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay. Định nghĩa về “đất đai nhàn rỗi” được mở rộng Kể từ ngày 1/7, “Biện pháp xử lí đất đai nhàn rỗi” do Bộ Tài nguyên Quốc gia Trung Quốc sửa đổi đã chính thức đi vào thực tiễn. Theo đó, “đất đai nhàn rỗi” được định nghĩa lại: đất đai nhàn rỗi bao gồm số đất đai vượt quá một năm ngày khởi công động thổ ghi trong hợp đồng nhưng chưa khởi công động thổ; đất đai đã khởi công động thổ nhưng diện tích chưa đủ 1/3 tổng diện tích cần khởi công động thổ; đất đai mà mức đã đầu tư chưa đủ 25% tổng mức đầu tư; đất xây dựng nhà nước bị chấm dứt hoạt động xây dựng từ một năm trở lên. Việc ban hành văn bản chính sách này của Bộ Tài nguyên được coi là một biện pháp đôn đốc đối với các nhà đầu tư bất động sản, đồng thời cũng là biện pháp để tăng nguồn cung đất, tạo sự cân bằng hơn về cung cầu. Chính sách đối với nhà ở dành cho người thu nhập thấp Ngày 2/2, Bắc Kinh dẫn đầu cả nước trong việc ban hành chính sách cấm hoạt động mua bán trên thị trường đối với nhà ở dành cho người thu nhập thấp (经济适⽤房), nếu việc mua bán bị phát hiện, chính quyền thành phố sẽ thu hồi. Chính quyền Hong Kong đánh thuế cao với các khoản mua bán bất động sản tại lục địa Kể từ ngày 27/10, chính quyền Hong Kong áp dụng thu thuế con niêm với định mức 20% giá thanh toán đối với các khoản mua bán trao tay các căn hộ trong thời gian nửa năm kể từ lần mua trước. Ngoài ra, cư dân và công ty ngoài Hong Kong bị trưng thu thêm 15% thuế con niêm khi mua nhà. Thiểm Tây quy định lợi nhuận hợp lý của ngành bất động sản là 10% Tháng 10/2012, chính quyền tỉnh Thiểm Tây yêu cầu tính toán sơ bộ chi phí nhà ở của tất cả các đơn vị hành chính trong tỉnh, rồi áp lợi nhuận hợp lý cho các ngành bất động sản ở mức 10%. Ngoài ra, các công ty bất động sản trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận giấy phép bán trước phải niêm yết công khai giá nhà. Nhiều thành phố “cởi trói” cho khoản vay tín dụng mua nhà bằng vốn tự có của công ty Kể từ tháng Tư, nhiều thành phố như Vũ Hán, Trịnh Châu, Thẩm Dương v.v... lần lượt nâng quy định về hạn mức đối với các khoản vay tín dụng nâng cao vốn tự có của công ty từ 15% lên 25%. Nguồn: VCES tổng hợp Do làn sóng đầu tư và đầu cơ, sau năm 2008, thị trường bất động sản Trung Quốc bước vào một giai đoạn tăng giá mới. Chỉ số giá nhà của Trung Quốc đã thiết lập một đỉnh mới vào giữa năm 2010 làm dấy lên lo ngại rằng thị trường bất động sản của quốc gia này đã phát triển quá nóng. Hình 1.13: Biến động giá bất động sản Trung Quốc 7/2005 - 12/2012 Nguồn: Thiết lập theo số liệu CREIS Tuy nhiên vẫn có những quan điểm cho rằng giá nhà ở Trung Quốc tăng không cao và vẫn nằm trong khả năng mua được của cư dân thành thị thường sử dụng cách so sánh mức thu nhập tăng thêm với mức tăng giá nhà. Theo cách so sánh này (với số liệu của CEIC), trong giai đoạn 2006 - 2011, giá nhà ở Trung Quốc chỉ tăng 61% trong khi đó thu nhập bình quân của cư dân thành thị tăng 89%. Tuy nhiên, cách so sánh này không phản ánh được thực trạng về chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập, bởi không phản ánh được mức độ tăng giá nhà tại những đô thị loại I như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Thâm Quyến hay Trùng Khánh v.v... Hình 1.14: Tăng trưởng giá nhà và thu nhập khả dụng (%, 1993 - 2011 Nguồn: Credit Suisse (2012) Hộp 1.3: Bài học từ Nhật Bản Sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản đã kéo dài từ giữa những năm 1950 đến giữa những năm 1970. Tuy nhiên, từ khoảng giữa thập niên 1980, do tác động từ sự thay đổi của môi trường kinh tế toàn cầu, những vấn đề về chính sách cơ cấu và điều hành vĩ mô của chính phủ Nhật cũng như bản thân nội tại nền kinh tế, nên kinh tế Nhật đã đi vào một giai đoạn tăng trưởng nóng, xuất hiện nhiều bong bóng và sau đó là sự sụp đổ của thị trường tài chính trong thập niên 1990. Điều này khiến nền kinh tế khổng lồ này hoàn toàn mất đà tăng trưởng. Đây là giai đoạn được gọi là thập kỷ mất mát. Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng Nhật Bản đã sa vào hai thập kỷ mất mát liên tiếp (từ 1992 đến nay). Trong đó, một tác nhân quan trọng dẫn đến sự thoái trào của kinh tế Nhật Bản chính là sự đổ vỡ của thị trường bất động sản khi các bong bóng khổng lồ của đất nước này, hình thành vào cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990 và bị vỡ. Hình 1.15: Bong bóng trên thị trường tài sản của Nhật Bản Nguồn: Ariyoshi Akira (2012) Giới chuyên gia kinh tế có nhiều cách giải thích về nguyên nhân hình thành bong bóng bất động sản đó của nền kinh tế Nhật Bản. Chủ yếu bao gồm: (i) Tâm lý chủ quan từ sự tăng trưởng thần kỳ đã hình thành tâm lý “bất khả chiến bại”, ”Nhật Bản là số 1”; (ii) Bất cân đối cung cầu do cầu về văn phòng tăng mạnh khiến quỹ đất cạn kiệt nhanh chóng và đặt ra nhu cầu tìm kiếm những quỹ đất mới, hiếm hoi còn lại ở đô thị. Các công ty tăng động lực nắm giữ đất đai, đầu cơ bất động sản, nắm giữ cổ phần chéo trong môi trường lãi suất thấp. Ngoài ra, những sự kiện kinh tế đặc thù của giai đoạn đó cũng góp phần thổi nhanh bong bóng và kích hoạt nó tan vỡ. Sự mất cân đối trong cán cân thương mại giữa Nhật với Mỹ và với các nước khác trong một thời gian dài (tương tự như Trung Quốc hiện nay) đã buộc Mỹ quyết tâm thúc ép Nhật thay đổi chế độ tỉ giá. Hiệp định Plaza (1985) yêu cầu thả nổi đồng Yên khiến đồng tiền này tăng giá mạnh một cách đột ngột, dẫn tới nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước để đối phó với tình trạng xuất khẩu có nguy cơ bị suy giảm và sản xuất nội địa bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu. Hình 1.16: Chính sách tiền tệ và bong bóng tài sản Nguồn: Ariyoshi Akira (2012) Sau khi bong bóng trên thị trường bất động sản vỡ, thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng nhanh chóng rơi vào tình trạng bán tháo và hoảng loạn. Kết quả, kinh tế Nhật Bản rơi vào “hai thập kỷ mất mát” từ giữa những năm 1990 đến tận hiện nay. Nguồn: VCES tổng hợp Bài học của Nhật Bản khi rơi vào hai thập kỷ mất mát do vỡ bong bóng trên thị trường bất động sản buộc Trung Quốc phải thực hiện các chính sách thắt chặt tín dụng cũng như đặt ra hàng loạt quy định kiểm soát gắt gao mới đối với lĩnh vực đầu tư này. Trên thực tế, chính sách thắt chặt đối với thị trường bất động sản bắt đầu diễn ra với hai giai đoạn 2010 - 2011 và nửa đầu năm 2012. Hộp 1.4: Thắt chặt hoạt động của thị trường bất động sản giai đoạn 2010 - 2011 Những chính sách thắt chặt năm 2010: Khoản chi trả ngay lập tức đối với mua căn nhà đầu tiên có diện tích 90m² trở lên tăng lên mức 30% Khoản chi trả ngay lập tức đối với mua căn nhà thứ hai trở lên là 50% Thu lãi suất cao hơn đối với các khoản vay để mua căn thứ hai và thứ ba Hạn chế cho vay tín dụng mua căn thứ ba, đặc biệt tại những khu vực giá cao Hạn chế cho vay tín dụng và phát hành cổ phiếu đối với công ty bất động sản để đất nhàn rỗi hoặc có hành vi đầu cơ Yêu cầu tất cả các SOEs không có nghiệp vụ chính trong lĩnh vực bất động sản phải thoái vốn. Những chính sách năm 2011: Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng hạn chế rủi ro bong bóng tài sản đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Vào đầu năm 2011, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp thắt chặt sự phát triển của thị trường tài sản này như yêu cầu nâng tỉ lệ chi trả tối thiểu đối với việc mua căn nhà thứ hai và yêu cầu chính quyền các địa phương tăng nguồn cung đất để giảm giá nhà. Theo đó, mức chi trả tối thiểu cho căn nhà thứ hai được điều chỉnh từ mức 50% lên 60%. Ngày 18/01/2011, thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết chính phủ sẽ tiếp tục áp dụng kiểm soát đối với thị trường bất động sản bao gồm hạn chế đầu cơ bất động sản và tăng nguồn cung đất đai. Giá bất động sản tại Trung Quốc tháng 12/2010 tăng đến tháng thứ 19 liên tiếp ngay cả sau khi chính phủ hạn chế thế chấp đối với căn nhà thứ ba và hạn chế các khoản vay dành cho các công ty kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Nguồn: VCES tổng hợp Số liệu cho thấy bất động sản đóng góp khoảng 12% GDP của Trung Quốc (năm 2011) (IMF, 2011) đồng thời có quan hệ mật thiết đến cả các ngành thượng du như xi-măng, sắt thép và các ngành hạ du như điện lạnh, điện máy, đồ nại dụng v.v. Ngoài ra, vay tín dụng để đầu tư bất động sản chiếm tỉ trọng lớn trong bảng nợ của doanh nghiệp cũng như hộ gia đình. Đối với chính quyền địa phương, khoảng 80% chi tiêu công và thu nhập ngân sách địa phương có liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, sự suy giảm bất thình lình của ngành bất động sản có thể trở thành một rủi ro tiềm ẩn với kinh tế Trung Quốc. Rủi ro từ thị trường bất động sản do vậy bao gồm: (i) sự phát triển quá nóng dẫn đến hình thành giá bong bóng, cầu thực tế không được đáp ứng; và (ii) khi thị trường này bị điều tiết với các chính sách quá gắt gao, có thể làm ảnh hưởng đến các ngành sản xuất thực, ngân sách của chính quyền địa phương cũng như GDP của Trung Quốc. Trong suốt thời gian dài, chính quyền địa phương phải đảm trách hầu hết lượng hàng hóa công cần cung cấp nhưng nguồn thu lại bị hạn chế do thể chế thuế tài chính tồn tại từ thập niên trước. Hộp 1.5: Cải cách thể chế thuế thu của Trung Quốc năm 1994 Trong giai đoạn từ sau năm 1978, thu chi tài chính của chính quyền Trung ương Trung Quốc đối diện với nhiều khó khăn. Trung ương đã phải liên tục đàm phán, mặc cả với địa phương, yêu cầu các tỉnh giàu có phải nộp mức thu nhập lớn hơn nữa. Do chính quyền Trung ương không có cơ quan trưng thu thuế của mình nên chỉ có thể dựa vào chính quyền địa phương giao nộp thuế và lợi nhuận. Còn chính quyền địa phương thì tìm nhiều cách để né tránh nghĩa vụ này. Họ chuyển thu nhập thuế thu chuyển từ trong ngân sách (预 算 内)ra ngoài ngân sách (预 算 外),như vậy có thể tránh được việc phải phân chia cho Trung ương, còn thông qua việc ưu đãi thuế và miến thuế để “làm giàu cho doanh nghiệp”. Vì lợi ích của mình, các địa phương dùng nhiều biện pháp có hiệu quả kinh tế thấp như các chính sách bảo hộ địa phương nhằm ngăn trở hàng hóa lưu chuyển liên vùng, các chi nhánh của ngân hàng nhà nước tại các địa phương bị ra lệnh phải cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp địa phương, hay tình trạng trùng lặp đầu tư tràn lan v.v… Để giải quyết những vấn đề do thể chế khoán tài chính gây ra, đầu những năm 1990, chính quyền Trung ương Trung Quốc đã tìm cách tái tập quyền hóa thể chế thuế thu, nhưng chính quyền địa phương đã thành công trong việc chống lại những thử nghiệm này. Cho đến năm 1993, chính phủ Trung Quốc mới ban hành thành công một hệ thống phân phối thuế mới, được áp dụng từ năm 1994, đồng thời thành lập Cục Thuế vụ Quốc gia để trưng thu nguồn thuế của nhà nước, các chi cục thuế địa phương thì phụ trách thu nguồn thuế địa phương. Là một dạng khích lệ nhằm “thuyết phục” chính quyền địa phương thỏa hiệp, phương thức hoàn thuế của Trung ương đảm bảo tổng mức thu nhập tài chính của địa phương không thấp hơn so với trước đây (Trần Kháng và cộng sự, 2002; C. Wong và cộng sự, 2003). Các khoản thu nhập cố định thuộc về Trung ương là: thuế cửa khẩu, thuế muối, thu nhập từ mua bán thuốc là và rượu, lợi nhuận và chiết khấu tài sản của các doanh nghiệp nhà nước do Trung ương và chính quyền đại khu quản lý, thu nhập từ bảo hiểm hoặc cho vay tín dụng, thu nhập từ hành chính sự nghiệp cấp Trung ương và đại khu v.v… Các khoản thu nhập cố định thuộc về địa phương gồm: thuế con niêm, thuế lợi tức, thuế giết mổ động vật, thuế mua bán gia súc gia cầm, thuế nhà đất thành phố, thuế văn hóa-vui chơi giải trí, thuế sử dụng tên hiệu tàu thuyền, thuế hợp đồng, lợi nhuận và chiết khấu của doanh nghiệp nhà nước cấp địa phương. Các khoản thu nhập được chia theo tỉ lệ giữa Trung ương và địa phương là: thuế nông nghiệp, thuế kinh doanh công thương nghiệp, thuế thu nhập công thương. Trong đó, toàn bộ nguồn thu dành cho địa phương (gồm cả nguồn thu cố định nêu trên) có thể chiếm từ 60% - 80% dự toán ngân sách của địa phương. Thu nhập điều tiết của Trung ương gồm thuế lưu thông hàng hóa và thuế hàng hóa, đây là hai nguồn thu chủ yếu của Trung ương, dùng vào việc bù đắp thâm hụt cho một địa phương nào đó. Kết quả của đợt cải cách này là từ sau năm 1994, thu nhập của chính quyền Trung ương luôn duy trì được mức ổn định khoảng 50% - 55% tổng thu ngân sách, tạo nên sự tương phản rõ nét so với giai đoạn 1953 - 1978 khi tỉ trọng của thu nhập của Trung ương luôn chỉ chiếm từ 20% - 30%. Trong khi đó, tỉ lệ chi tiêu của chính quyền địa phương đã tăng từ mức 55% trong tổng chi ngân sách (vào năm 1978) lên mức 72% (năm 2004). Số liệu thu - chi ngân sách giữa địa phương và Trung ương cho thấy một thực tế rõ nét: thu địa phương suy giảm so với trước cải cách nhưng chi tiêu đã tăng mạnh. Nguồn: Phạm Sỹ Thành (2011) Để bù đắp sự thâm hụt gia tăng sau cải cách thuế này, trước năm 1998, chính quyền địa phương các cấp tích cực tăng nguồn thu ngoài thuế (hay còn gọi là thu ngoài ngân sách), với tỉ trọng thu ngoài thuế/ tổng thu vượt xa so với tỉ trọng thu trong ngân sách/tổng thu. Điều đặc biệt nghiêm trọng là điều này xảy ra cả ở cấp Trung ương lẫn địa phương, khiến chính quyền các cấp từ “bàn tay hỗ trợ” trở thành “bàn tay cướp đoạt” (Trần Kháng và cộng sự, 2002). Khi nguồn thu ngoài ngân sách với các loại tạp phí bị hạn chế và bãi bỏ, chính quyền địa phương vẫn đối mặt với các khoản chi khổng lồ – và như chúng tôi phân tích ở Hộp 1.5 – chi tiêu của địa phương trong việc đáp ứng hàng hóa công đã vượt chi của Trung ương trong khi thu của địa phương lại suy giảm so với Trung ương. Để cân đối tài khóa, chính quyền các cấp đã phải áp dụng hai cách: (i) tăng thuế hoặc (ii) tài trợ thâm hụt thông qua vay nợ. Về tăng thuế. Nếu so với các nước phát triển trên thế giới, tỉ trọng thuế/GDP của Trung Quốc không phải ở mức cao, tỉ trọng này vẫn ở dưới mức trung bình của châu Âu và nhóm nước OECD. Hình 1.17: Tỉ trọng thuế tại một số quốc gia năm 2007 (%GDP) Nguồn: Trịnh Tân Nghiệp (2013) Vì thế, cách thức chính được sử dụng rộng rãi – đặc biệt sau năm 2008 – là tài trợ thâm hụt thông qua vay nợ. Nhưng do về mặt pháp lý, chính quyền địa phương ở Trung Quốc không được phép phát hành trái phiếu(1), nên chính quyền địa phương đã thiết kế một dạng thể chế rất độc đáo. Đó là các sàn huy động vốn địa phương (financing platform). Các tỉnh thành/khu tự trị ở Trung Quốc được phát triển loại hình huy động vốn này bằng nguồn đất đai. Đó là lý do vì sao chính quyền các cấp luôn hăng hái trong việc phát triển thị trường bất động sản. Các chính quyền địa phương có thể vay nợ lẫn nhau. Nhưng điều này thường bị hạn chế về quy mô khoản vay. Do đó, hình thức thường gặp là chính quyền địa phương vay nợ của các ngân hàng. Cơ chế vận hành chính của hình thức huy động vốn kiểu này là chính quyền địa phương dùng tài nguyên sẵn có để đổi lấy tiền mặt. Tuy nhiên, do không có cơ sở pháp lý trực tiếp cho hoạt động này nên hình thức thường thấy là hoạt động giao dịch của chính quyền địa phương được ủy nhiệm cho một công ty huy động vốn (Hình 1.18). Hình 1.18: Mô hình sàn huy động vốn của chính quyền địa phương Trung Quốc Rủi ro từ việc huy động vốn của chính quyền địa phương “kiểu Trung Quốc” là khiến tỉ lệ đòn bẩy tài chính của địa phương tăng mạnh. Mặc dù có thể tỉ lệ này chưa đến mức nguy hiểm nhưng sự gia tăng chóng vánh của nó đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy bất an. Trong một đợt kiểm toán vào cuối năm 2012, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc công bố, số dư nợ chính thức của các địa phương Trung Quốc vào cuối năm 2010 đã lên tới con số hơn 10.700 tỉ RMB (tương đương 22,7% GDP)(1). Nợ của chính quyền Trung ương cũng vào khoảng 7.700 tỉ RMB. Tuy nhiên, số liệu 18.400 tỉ RMB nợ Trung ương và địa phương từ lâu đã không còn tính tin cậy, theo số liệu mà Hạng Hoài Thành – Nguyên Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc nhiệm kỳ trước – tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao năm nay đưa ra, tổng nợ của chính quyền Trung Quốc các cấp (cả Trung ương và địa phương) vào cuối năm 2011 là hơn 30.000 tỉ RMB (khoảng 37,8% GDP), trong đó nợ của chính quyền địa phương là hơn 20.000 tỉ RMB – gấp đôi con số chính thức Trung Quốc công bố năm 2012. Số liệu IMF (2013) cho rằng, quy mô nợ công của Trung Quốc đã tương đương khoảng 45% GDP. Đa phần trong khoản vay 10.700 tỉ RMB này đã được sử dụng vào lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng thị chính trong khi chỉ có 1,2% số tiền đó được sử dụng cho mục đích ngăn ngừa các rủi ro tài chính (Hình 1.19). Tương tự như số liệu về tăng trưởng tín dụng và tỉ lệ đòn bẩy chung của cả nền kinh tế, mức nợ công 45% GDP vẫn thấp hơn ngưỡng 60% theo cảnh báo của quốc tế, nhưng rủi ro tiềm ẩn của số liệu về nợ của chính quyền địa phương tại Trung Quốc là ở chỗ tình trạng nợ nần rất phổ biến, tốc độ gia tăng nhanh và nguồn thu để trả nợ thì bị hạn chế. Số liệu điều tra cuối năm 2012 nêu trên cho biết, chỉ có 54 chính quyền huyện không “mắc nợ”. Điều đáng chú ý là tốc độ vay nợ đã tăng gấp hai lần chỉ trong giai đoạn ba năm kích thích kinh tế (2008 - 2010). Ngoài ra, nguồn thế chấp chủ yếu để vay nợ của chính quyền địa phương đều là đất đai và tài nguyên. Khi thị trường bất động sản bị đóng băng, cái vòng luẩn quẩn của khủng hoảng sẽ xuất hiện vì khả năng vay mới cũng như trả nợ của các địa phương Trung Quốc sẽ bị tổn thương nặng nề. Hình 1.19: Cơ cấu chi tiêu 10.700 tỉ RMB vay nợ của chính quyền địa phương (%). Nguồn: Tác giả tính toán theo số liệu Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc (2012) Vì lẽ đó, trái ngược với những tuyên bố mạnh mẽ về sự lành mạnh tài chính của chính quyền địa phương, vào tháng 3/2013, ngay trước khi diễn ra kỳ họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tương đương Quốc hội ở Việt Nam) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị (tương đương Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam), Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc – cơ quan quyết sách tối cao – đã họp để quyết định những mục tiêu kinh tế vĩ mô của năm 2013. Nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô hiện thời, hội nghị quan trọng này đã cho rằng “vẫn cần tiếp tục tăng cường động lực của tăng trưởng kinh tế nhưng phải gia tăng ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ”(1). Có thể coi nhận định của Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của quốc gia này lên tiếng cảnh báo về rủi ro của hệ thống tài chính. Vào ngày 29/7/2013, một đợt tổng kiểm toán nợ địa phương trên quy mô toàn Trung Quốc đã được tiến hành. Qua các phân tích nêu trên có thể thấy, để ứng phó với khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới năm 2008, chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn giải pháp tung gói kích cầu có quy mô khá lớn. Tuy nhiên, việc bơm thẳng gói kích thích này vào nền kinh tế thông qua hệ thống NHTM đã mang lại nhiều rủi ro cho giai đoạn phát triển về sau. Thứ nhất, đối với hệ thống tài chính ngân hàng của Trung Quốc, việc cho vay với quy mô lớn và các tiêu chuẩn cho vay được hạ thấp đã làm gia tăng tính thiếu ổn định và lành mạnh của hoạt động tín dụng, gắn liền với đó là khả năng gia tăng nợ xấu. Thứ hai, khi một lượng lớn tín dụng của NHTM đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và sự hăng hái đầu tư của chính quyền địa phương đã mở đầu cho một giai đoạn tăng trưởng nóng về quy mô đầu tư, giá cả cũng như diện tích trong một thời gian ngắn. Hiển nhiên, trong giai đoạn này, giá cả đã kích thích hoạt động đầu cơ nhưng không có lợi cho việc giải quyết nhu cầu thực tế của người dân. Khi thị trường bất động sản đã hình thành bong bóng rõ nét, các chính sách kiểm soát có phần quá chặt của chính phủ đã khiến không chỉ hệ thống NHTM, công ty đầu tư bất động sản hay hộ gia đình rơi vào khó khăn mà ngay cả chính quyền địa phương cũng lâm vào tình trạng tương tự. Thứ ba, gói kích thích kinh tế 4.000 tỉ RMB cũng góp phần nâng cao tỉ trọng đầu tư giai đoạn hậu khủng hoảng 2008, đặc biệt, đã kích thích hoạt động chi tiêu của chính quyền địa phương vào lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản. Điều này dẫn đến quy mô vay nợ của chính quyền địa phương các cấp tại Trung Quốc tăng chóng vánh trong vòng 4-5 năm, dẫn đến những rủi ro trong việc thanh toán các khoản nợ đáo hạn. Khi Trung Quốc bước vào một giai đoạn phát triển với sự lãnh đạo của một thế hệ mới, sự xuất hiện của ý tưởng về việc dựa vào chiến lược đô thị hóa kiểu mới để vực dậy sự tăng trưởng suy giảm rõ rệt của Trung Quốc trong thời gian 2012 - nửa đầu năm 2013 đã lập tức làm bùng lên những lo ngại về việc một đợt bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư bất động sản và vay nợ để thực hiện chiến lược đô thị hóa kiểu mới của chính quyền địa phương sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Ariyoshi Akira (2012), “Lessons from Japan’s Bubble”, Bài thuyết trình tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính, Hà Nội, 24/7/2012. Christine P. W. Wong, D. Bhattasali (2003), Trung Quốc: Phát triển quốc gia và tài chính địa phương, NXB Trung Tín. IMF (2009), People’s Republic of China: 2009 Article IVConsultation – Staff Report, Washington, D.C. IMF (2010), People’s Republic of China: 2010 Article IVConsultation – Staff Report, Washington, D.C. IMF (2011), People’s Republic of China: 2011 Article IVConsultation – Staff Report, Washington, D.C. IMF (2012), People’s Republic of China: 2012 Article IVConsultation – Staff Report, Washington, D.C. IMF (2013), People’s Republic of China: 2013 Article IVConsultation – Staff Report, Washington, D.C. Krugman, Paul (1994), “The Myth of Asia’s Miracle”, Foreign Affairs, 73: 62 - 78. Lê Hồng Giang (2010), “Tổng quan kinh tế thế giới 2009 – Qua đáy và phục hồi”, đăng trong Nguyễn Đức Thành (chủ biên), Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2010 – Lựa chọn để tăng trưởng bền vững, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.15 - 50. Nomura (2012), Rủi ro về khủng hoảng tài chính của Trung Quốc đang tăng lên, Báo cáo định kỳ. OECD (2013), OECD Economic Surveys: China. Phạm Sỹ Thành (2011), Trung Quốc: Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949 - 2009), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Trần Kháng, Arye L. Hillman, Cố Thanh Dương (2002), “Thể chế tài chính tập quyền và những biến đổi trong hành vi của chính quyền địa phương – Từ bàn tay trợ giúp đến bàn tay cướp đoạt”, Kinh tế học (Tạp chí theo quý), kỳ 1 quyển 2. Trịnh Tân Nghiệp (2013), “Chuyển đổi từ mục tiêu đơn nhất sang đa mục tiêu: Chính sách tài khóa nên được lựa chọn như thế nào?”, đăng trong tập bài nghiên cứu Trung Quốc 5 năm tới: Cơ hội và thách thức, Viện Nghiên cứu Chính sách công Brookings – Thanh Hoa. Chương 2 KINH TẾ THẾ GIỚI 2010 - 2015 VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI KINH TẾ TRUNG QUỐC ĐẶNG NGỌC TRÂM DẪN NHẬP Câu chuyện thần kỳ của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt trong hai thập niên 1990 và 2000, trong một chừng mực nhất định, có thể xem xét như trường hợp điển hình về việc tận dụng điều kiện môi trường bên ngoài cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Bước ra khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, kinh tế Trung Quốc nay đã trở thành đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tiếp tục chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những xu hướng chủ đạo của kinh tế thế giới nói chung và những vấn đề nổi bật ở các đối tác kinh tế chủ chốt của nước này. Trên cơ sở phân tích bối cảnh khái quát kinh tế thế giới và nền tảng kinh tế Trung Quốc giai đoạn hậu khủng hoảng 2008 - 2009, nghiên cứu này phân tích tác động của tình hình kinh tế tại Mỹ, châu Âu và Đông Á tới các lĩnh vực thương mại, đầu tư và tiền tệ của Trung Quốc giai đoạn hậu khủng hoảng, từ đó đánh giá khả năng tác động của một số xu hướng trong kinh tế thế giới và một số nền kinh tế chủ chốt tới kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới. BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ KINH TẾ TRUNG QUỐC GIAI ĐOẠN HẬU KHỦNG HOẢNG 2008 Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi phát từ Mỹ vào tháng 9/2008 với sự kiện sụp đổ của Lehman Brothers đã tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế của hơn 6 tỉ người trên thế giới. Kinh tế thế giới đã đạt mức độ tăng trưởng 5,3% (2006) và 5,4% (2007), nhưng do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nên chỉ tăng trưởng 2,8% năm 2008 và suy giảm -0,6% năm 2009. Cho đến tháng 10/2008, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ chỉ ở mức 6,5%, ở Liên minh châu Âu ở mức 7,7%, ở Nhật Bản ở mức 3,7%. Sang đến 2009, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ và châu Âu vọt lên trên mốc 9%, còn ở Nhật Bản cũng lên trên mốc 5%. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng lần này là sự lên ngôi của xu hướng đầu tư mạo hiểm trong điều kiện thị trường tài chính và tiền tệ toàn cầu ngày càng “phẳng” mà không có sự điều chỉnh và giám sát tương ứng và phù hợp. Cựu Giám đốc điều hành IMF, Dominique Strauss-Kahn nhận định, khủng hoảng 2008 bùng nổ là do “sự thất bại của hệ thống điều tiết nhằm chống lại những hành vi chấp nhận rủi ro quá mức trong hệ thống tài chính, đặc biệt là ở Mỹ”. Sâu xa hơn, nó phản ánh sự bất cân bằng trong mô hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bước ra từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998, những nền kinh tế hướng xuất khẩu ở khu vực này nhanh chóng đón bắt làn gió lành từ nhu cầu gia tăng từ thị trường Mỹ, đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu sang các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, ngoại tệ và thành quả tăng trưởng tại các nền kinh tế này đã không đưa tới việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế sang hướng cân bằng hơn. Thay vào đó, như một phản ứng sợ hãi về bóng ma khủng hoảng tài chính châu Á, tỉ lệ tiết kiệm liên tục tăng và giữ ở mức cao, cùng với đó là xu hướng phình to dự trữ ngoại tệ (mà chủ yếu là đồng USD) bằng việc đầu tư vào thị trường tài chính Mỹ. Đến lượt nó, dòng vốn ồ ạt và rộng rãi từ các nền kinh tế này cho phép tín dụng ở Mỹ ngày càng rẻ (với lãi suất cực thấp) và tiếp cận một cách dễ dàng, làm bùng phát bong bóng trên thị trường bất động sản và tín dụng dưới chuẩn. Cơ cấu kinh tế mang tính Bắc - Nam này càng trở nên điển hình trong trường hợp của kinh tế Trung Quốc. Cho đến 2008, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức trung bình lên tới 10,8% giai đoạn 2001 - 2007, xuất khẩu tăng trưởng ở mức trung bình gần 30%/năm trong cùng thời kỳ; trong khi tỉ lệ tiết kiệm cũng gia tăng từ mức 38%/ GDP lên tới 52%/GDP và nhanh chóng trở thành quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn nhất, ở mức khoảng 1.800 tỉ USD vào cuối năm 2007. Trung Quốc chịu tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính tại Mỹ và toàn cầu. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ mức 14,2% năm 2007 giảm mạnh xuống mức 9,6% năm 2008 và 9,2% năm 2009 (trong đó quý I/2009 chỉ tăng trưởng ở mức 6,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ 1991). Xuất khẩu suy giảm mạnh là căn nguyên của sự giảm tốc tăng trưởng này. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc 2008 chỉ là 17,8% (từ mức 26% năm 2007) và suy giảm tới -16% năm 2009. Chỉ số Shanghai Composite ở mức 6.240 điểm năm 2007, đến tháng 8/2008 chỉ còn 2.200 điểm, 9 tháng sau khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát đứng ở mức 1.720 điểm, tổng cộng bốc hơi hơn 86% giá trị. Dự trữ ngoại tệ Trung Quốc ở quy mô 1.800 tỉ USD đầu năm 2008, đã chịu tổn thất khoảng 840 tỉ USD do khủng hoảng bởi những khoản đầu tư vào các tổ chức tài chính Mỹ. Ứng phó với khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, hàng loạt chính phủ Trung ương các nước đã tung ra những chính sách kích thích tài chính và tiền tệ, đồng thời đẩy mạnh phối hợp chính sách và hành động. Ngay khi khủng hoảng bùng phát, ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn từ Mỹ tới châu Âu, Nhật Bản… đã đồng loạt cung ứng thanh khoản khẩn cấp, bảo lãnh các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời nhanh chóng giảm lãi suất cơ bản xuống những mức thấp kỷ lục và tung ra các chương trình nới lỏng định lượng (quantitative easing – QE). Tiếp nối các chính sách tiền tệ nới lỏng, chính phủ các nước (cả phát triển và đang phát triển) tiếp tục triển khai các gói kích thích kinh tế, mà theo ước tính chiếm khoảng 3,16% GDP của các nước (IMF, 2009). Phối hợp chính sách và hành động giữa chính phủ các nước đang phát triển và đang nổi chặt chẽ và có hiệu quả hơn bao giờ hết, qua đó cơ chế G20 nổi lên thay thế cơ chế G7 như là diễn đàn điều phối và thương lượng các vấn đề kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng nhất. Phản ứng lập tức và trên quy mô lớn của chính phủ các nền kinh tế đã hỗ trợ cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu vào năm 2010, khi kinh tế toàn cầu trở lại xu thế tăng trưởng dương (đạt 5,2%), thương mại sôi động trở lại và dòng vốn đầu tư được khơi thông. Nhưng kinh tế thế giới đã không thể phục hồi theo kịch bản lạc quan “hình chữ V”, mà việc nôn nóng tung “bàn tay hữu hình” đưa nền kinh tế trở lại trạng thái tăng trưởng đã chất thêm gánh nặng lên tài chính công, trong khi chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc các chính sách kích thích đã hỗ trợ cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế một cách bền vững hơn, tạo động lực và nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tại các nền kinh tế phát triển, động lực tăng trưởng yếu hơn bao giờ hết. Tăng trưởng GDP sau khi hồi phục ở mức 3,0% năm 2010 đã suy yếu rõ rệt và chỉ duy trì được mức tăng trưởng rất thấp, 1,6% năm 2011 và 1,2% năm 2012. Năng lực xuất khẩu ở mức yếu, tăng trưởng xuất khẩu sau khi hồi phục ở mức 12,1% năm 2010 chỉ còn 5,6% năm 2011 và 1,9% năm 2012. Trong khi đó, nợ công của nhiều nền kinh tế phát triển đã vượt 100% GDP, cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II, trong đó tiêu biểu là các nước như Nhật Bản, Mỹ và một số nước châu Âu như Italia, Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha. Thâm hụt ngân sách cũng gia tăng, thâm hụt ngân sách trên GDP ở Mỹ tăng vọt từ 5,4% năm 2009 lên 10,5% năm 2010; ở Nhật Bản từ 2,9% lên 7,6%; ở Hy Lạp từ 9,9% lên 15,6%. Tại các nền kinh tế đang phát triển, động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế toàn cầu giai đoạn hậu khủng hoảng, phục hồi và giữ tăng trưởng kinh tế ở mức cao buộc các nền kinh tế này phải trả giá bằng tình trạng lạm phát, đồng bản tệ tăng giá. Tăng trưởng GDP tại các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển đạt 7,6% năm 2010, trước khi sức tăng trưởng suy yếu dần và chỉ đạt 6,4% và 5,1% lần lượt hai năm 2011 và 2012. Lạm phát ở các nước này sau khi ở mức thấp nhất (5,1%) năm 2009, đã tăng lên mức 6,0% năm 2010 và 7,2% năm 2011. Đồng USD yếu buộc chính phủ các nền kinh tế có động lực tăng trưởng phần lớn nhờ vào xuất khẩu hàng hóa này phải thực thi nhiều chính sách hỗ trợ đồng nội tệ giảm giá, đến mức đẩy các nước này đến bên bờ vực của “chiến tranh tiền tệ” vào đầu năm 2012. Hình 2.1: Tăng trưởng GDP, tổng đầu tư/GDP và tiết kiệm/GDP ở Trung Quốc (2000 - 2012) Nguồn: WB (2012) Tại Trung Quốc, gói kích thích 4.000 tỉ RMB nhằm tái cơ cấu kinh tế, mở rộng nhu cầu nội địa cùng với việc thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt đã giúp Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng cao sau khủng hoảng. Năm 2010, tăng trưởng GDP ở Trung Quốc trở lại mức hai con số (10,4%), song cũng kéo theo lạm phát ở mức cao (3,3% năm 2010 và 5,4% năm 2011). Nhu cầu bên ngoài suy yếu trong khi mở rộng nhu cầu nội địa là một quá trình lâu dài. Mặc dù chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 7,5%, song chính sách của chính phủ Trung Quốc vẫn cho thấy xu hướng chạy theo tăng trưởng cao thông qua tăng cường đầu tư hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc do vậy ngày càng có xu hướng dựa vào đầu tư, tái cơ cấu kinh tế triển khai không thực sự hiệu quả. TÁC ĐỘNG CỦA TÌNH HÌNH KINH TẾ TẠI CÁC KHU VỰC KINH TẾ CHỦ CHỐT TỚI KINH TẾ TRUNG QUỐC GIAI ĐOẠN HẬU KHỦNG HOẢNG 2008 Tác động của tình hình kinh tế Mỹ tới kinh tế Trung Quốc giai đoạn hậu khủng hoảng 2008 Tiêu dùng sụt giảm kéo nhu cầu của thị trường Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Hình 2.2: Giá trị xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang một số thị trường chính (trăm triệu/USD) Nguồn: CUSTOM (các năm) Thực tế, ngay từ sau giai đoạn bùng nổ 2001 - 2005 dưới tác động của việc Trung Quốc gia nhập WTO, kể từ 2006, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đã suy giảm và thường xuyên thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Trung Quốc cùng thời kỳ. Mỹ cũng mất vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Trung Quốc ngay từ 2007 vào tay Liên minh châu Âu (EU). Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế Mỹ tiếp tục làm suy yếu thêm cầu của thị trường này đối với hàng hóa Trung Quốc. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ năm 2010 chỉ ở mức 28,3% so với mức trung bình 31,3% ở tất cả các thị trường, khoảng cách giữa hai con số này càng xa vào năm 2011 với lần lượt 14,5% và 20,3%. Thị phần của thị trường Mỹ trong xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc cũng trong xu thế suy giảm liên tục, từ mức 21,4% năm 2005, đến năm 2012 chỉ còn ở mức 17,2%. Trong khi đó, khả năng mở rộng xuất khẩu hàng hóa từ thị trường Mỹ vào Trung Quốc không đạt được nhịp độ như nhập khẩu, khiến thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ không ngừng gia tăng. Thặng dư thương mại đã vượt mốc 100 tỉ USD vào năm 2005 (114,2 tỉ USD), tiếp tục vượt qua mốc 200 tỉ USD vào năm 2011, hiện đang đứng ở mốc 218,9 tỉ trên tổng số 230,5 tỉ USD giá trị xuất siêu của thương mại Trung Quốc với toàn thế giới vào năm 2012. Chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ nhằm hỗ trợ tăng trưởng với việc triển khai ba lần nới lỏng định lượng (QE) từ 2008 đến nay tác động mạnh mẽ tới dòng vốn chảy vào Trung Quốc. Dòng tư bản dồi dào với chi phí lãi suất cực thấp từ Mỹ nhanh chóng tìm tới những nền kinh tế phát triển năng động như Trung Quốc, hỗ trợ cho cắt giảm lãi suất và hoạt động kích thích kinh tế. Dòng vốn FDI vào Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng, hồi phục ngay từ năm 2010 ở mức 114,7 tỉ USD và tiếp tục mở rộng quy mô lên 124 tỉ USD năm 2011, đưa Trung Quốc từ năm 2011 trở thành quốc gia tiếp nhận FDI lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ). Hình 2.3: Dòng vốn FDI Trung Quốc (tỉ USD) Nguồn: UNCTAD (các năm) Cán cân tài khoản vốn và tài chính phổ biến giữ ở mức thặng dư dưới 100 tỉ USD giai đoạn 2000 - 2009 đã tăng vọt lên 286,9 tỉ USD năm 2010 và 221,1 tỉ USD năm 2011. Dòng vốn gián tiếp cũng giữ ở mức cao so với giai đoạn trước đó, theo đó, dòng vốn gián tiếp nước ngoài ròng đổ vào Trung Quốc đạt 24 tỉ USD năm 2010, 19,6 tỉ USD năm 2011 và lên mức cao kỷ lục 47,8 tỉ USD năm 2012. Dòng thanh khoản này cũng nhanh chóng tìm tới các thị trường tài sản, mà chủ yếu là thị trường bất động sản Trung Quốc. Cộng hưởng cùng với dòng tiền kích thích kinh tế mà chính phủ Trung Quốc tung ra ứng phó với khủng hoảng, dòng tiền từ bên ngoài này là tác nhân thổi bùng và duy trì bong bóng giá trên thị trường bất động sản Trung Quốc mà cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ rệt. Hình 2.4: Cán cân tài khoản vốn và tài chính Trung Quốc (trăm triệu USD) Nguồn: SAFE (các năm) Hình 2.5: Chỉ số giá bất động sản Trung Quốc Nguồn: The Economist house-price Index Đồng thời, chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ cũng giữ đồng USD trong xu thế giảm giá. Điều này tăng thêm sức ép tăng giá của đồng RMB. Sau khi ngưng tăng giá đồng RMB để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trong nước do chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỉ giá USD/RMB giữ ổn định ở mức 6,83 cho tới tháng 6/2010. Kể từ tháng 6/2010 đến tháng 8/2013, đồng RMB ở trong xu thế tăng giá liên tục với mức tăng tới 10,39% trong vòng ba năm. Nghiên cứu của Cho & Rhee (2013) chỉ ra mối liên hệ giữa QE của Mỹ với tỉ giá đồng RMB, đặc biệt là QEI và QEIII. Theo đó, riêng QEIII đã đẩy đồng RMB tăng giá thêm 0,47%. Tác động của tình hình kinh tế châu Âu tới kinh tế Trung Quốc giai đoạn hậu khủng hoảng 2008 Sụt giảm xuất khẩu sang thị trường châu Âu tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Khủng hoảng nợ công châu Âu 2010 là hệ quả tất yếu của khủng hoảng tài chính Mỹ 2008 - 2009 bởi những vấn đề tồn tại của kinh tế châu Âu kết hợp với chính sách kích cầu để chống đỡ với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tháng 5/2010, các bộ trưởng tài chính châu Âu đã phải thông qua một gói giải cứu quy mô lớn (750 tỉ euro), phối hợp với các định chế tài chính quốc tế khác và nỗ lực cơ chế ổn định tài chính châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng đang lan rộng ở Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Síp… Ngoài những gói giải cứu, chính phủ nhiều nước châu Âu buộc phải triển khai các kế hoạch thắt chặt chi tiêu công nhằm giảm mức nợ công và thâm hụt ngân sách đã lên mức kỷ lục. Trong bối cảnh đó, hoạt động kinh tế ở khu vực tư nhân vẫn còn yếu ớt sau khủng hoảng đã không thể tạo nên sức tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động châu Âu. Kinh tế châu Âu đi vào suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp lên mức cao kỷ lục. Hiện trạng này tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất xuất khẩu của Trung Quốc, bởi châu Âu đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Sau khi phục hồi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 34,2% năm 2010, thị trường châu Âu suy yếu và chỉ còn duy trì mức tăng trưởng nhập khẩu 16,4% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Sang tới năm 2012, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu của Trung Quốc thậm chí đã ở trạng thái tăng trưởng âm (-4,2%), là tác nhân chủ yếu kéo tăng trưởng xuất khẩu của nước này xuống mức thấp, chỉ đạt 7,9%. Hệ thống World Trade Alert của Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế Anh (CEPR) ước tính, kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, 40% các biện pháp bảo hộ thương mại toàn cầu là nhằm vào Trung Quốc. Trong vòng bốn năm (cho đến 2012), Trung Quốc là đối tượng của tổng cộng 328 cuộc điều tra chống phá giá và trợ cấp thương mại với tổng giá trị các hàng hóa liên quan khoảng 53,4 tỉ USD. Riêng trong năm 2012, đã có 12 quốc gia tiến hành các cuộc điều tra kiểu này với hàng hóa Trung Quốc với tổng giá trị 27,7 tỉ USD (tăng 11,6% về số cuộc và 369% về giá trị so với 2011), trong đó riêng điều tra chống trợ cấp chống phá giá của EU đối với sản phẩm quang học Trung Quốc đã có giá trị 20,4 tỉ USD (MOFCOM, 2013). Tạo cơ hội cho dòng vốn đầu tư ra bên ngoài của Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Trung Quốc công bố chiến lược “Go Global” khuyến khích dòng vốn từ Trung Quốc hướng ra bên ngoài kể từ năm 1999. Ở giai đoạn đầu, mặc dù được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi việc gia nhập WTO năm 2001, xu hướng này khởi động rất yếu ớt. Phải đến kế hoạch năm năm lần thứ 11, tức kể từ 2007, dòng vốn từ Trung Quốc mới trở nên mạnh mẽ. Thống kê từ UNCTAD cho thấy, dòng vốn từ Trung Quốc ở mức 0,9 tỉ USD năm 2000, cho đến 2005 mới ở mức 12,5 tỉ USD và mức 26,5 tỉ USD năm 2007. Kể từ 2008 đã tăng liên tục và tới 2012 đã mở rộng quy mô lên mức gấp ba lần năm 2007, đạt tới 84,2 tỉ USD và trở thành nguồn cung cấp FDI lớn thứ ba của thế giới. Một chỉ số tham khảo đáng chú ý khác, chỉ số A Capital Dragon cũng cho thấy mức độ mở rộng mạnh mẽ của dòng vốn này trong tương quan so sánh với mức độ phát triển của nền kinh tế. Chỉ số ACDI (lũy kế đầu tư ra bên ngoài/GDP) cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp ra bên ngoài của Trung Quốc đã tăng gấp đôi tỉ trọng trên GDP chỉ trong vòng 10 năm (2001 đến 2011), trong đó thành tích chủ yếu từ năm 2007 trở đi. Hình 2.6: Giá trị đầu tư bên ngoài GDP Nguồn: A Capital Dragon Index Fullyear (2012) Nếu như khủng hoảng tài chính toàn cầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc (mà đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước) tiếp cận các cơ hội đầu tư trên khắp thế giới, thì kể từ 2010 trở đi, khủng hoảng nợ công tại châu Âu tiếp tục mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp nước này tiến vào thị trường châu Âu. Giá trị các thương vụ M&A của doanh nghiệp Trung Quốc vào châu Âu đã tăng nhanh, từ 4 tỉ USD năm 2010 lên 10,4 tỉ USD năm 2011 và chạm mức 12,6 tỉ USD năm 2012, đưa châu Âu kể từ 2011 đã trở thành thị trường M&A lớn nhất của Trung Quốc. Trong khi là điểm đến của 61% dòng vốn M&A của Trung Quốc vào các lĩnh vực phi tài nguyên, châu Âu cũng là điểm đến của 51% tổng giá trị đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ của các doanh nghiệp Trung Quốc năm 2012. Những thương vụ quan trọng với giá trị ngày càng lớn của các doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy chiến lược ngày càng rõ ràng của họ đối với các cơ hội đầu tư ở châu Âu. Đó hoặc là nhằm vào tiếp cận công nghệ tiên tiến và thống lĩnh ngay thượng nguồn chuỗi cung ứng sản phẩm (như Volvo Cars), hoặc nhằm vào tiếp cận công nghệ và kỹ năng quản lý trong các ngành dịch vụ (như đầu tư vào EDP(tập đoàn năng lượng Bồ Đào Nha), Thames Water, sân bay Heathrow…). Chiến lược này cho phép Trung Quốc tăng cường tiếp cận công nghệ trình độ cao để nâng cấp trình độ sản xuất, đồng thời tăng tính chủ động và sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nền kinh tế châu Âu. Hình 2.7: Đầu tư ra bên ngoài Trung Quốc phân theo khu vực Nguồn: A Capital Dragon Index Fullyear (2012)