🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Kinh Doanh Trực Tuyến Ebooks Nhóm Zalo Thân yêu dành tặng mẹ, nhà biên tập nhỏ và những người tôi yêu quý đã cho tôi động lực và niềm tin để hoàn thành cuốn sách này. LỜI GIỚI THIỆU GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH Khác với kinh doanh truyền thống đòi hỏi một lượng vốn lớn và nguồn lực khổng lồ để xâm nhập thị trường và cạnh tranh để tồn tại, một Facebook bé nhỏ thoắt vươn vai thành người khổng lồ từ căn buồng ký túc xá của những chàng sinh viên không có gì ngoài đam mê và hoài bão. Kỷ nguyên công nghệ số đang tạo ra những sân chơi với cơ hội công bằng hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Có một website, một blog hay thậm chí là một gian hàng trực tuyến và một mô hình kinh doanh tốt, bạn đã có thể bán hàng. Để tồn tại và phát triển mạnh mẽ cũng như nắm bắt được những cơ hội này, việc sử dụng các công cụ số một cách hiệu quả chính là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp nhỏ. Cuốn sách bạn đang cầm trên tay không giới thiệu các công cụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh trực tuyến một cách rời rạc và mô tả những tính năng kỹ thuật phức tạp. Nó gợi ý cho bạn cách sử dụng một cách dễ dàng, linh hoạt và sáng tạo các công cụ trực tuyến trong mọi hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp theo bức tranh khởi nghiệp và xây dựng một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta sẽ bắt đầu từ việc ứng dụng các công cụ trực tuyến cho xác định sản phẩm dịch vụ, nghiên cứu thị trường đến việc xây dựng thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp để đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất. Cuốn sách cũng giải quyết những băn khoăn thực tiễn của doanh nghiệp về việc sử dụng và ý nghĩa thực hiện các công cụ này thông qua 15 chuyên đề về những công cụ và kiến thức phổ biến nhất. Bằng việc giới thiệu những địa chỉ quan trọng và thiết yếu cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 15 phụ lục, cuốn sách hy vọng mang lại những thông tin bổ ích cho hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Và trên hết, chúng tôi tin tưởng rằng công cụ sẽ chỉ là công cụ nếu bạn không sáng tạo trong vận hành và sử dụng chúng. Với sức trẻ và sự linh hoạt sáng tạo vốn có, những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thể tận dụng những công cụ này để tạo dựng vị thế cạnh tranh mạnh mẽ và bình đẳng hơn trên thị trường. GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ Tên: Nguyễn Đặng Tuấn Minh Ngày tháng năm sinh: 15/4/1982 - Thạc sĩ Quản trị Doanh nghiệp Số – Đại học Westminster – Anh Quốc (2008) - Cử nhân Kinh tế đối ngoại – Đại học Ngoại Thương Hà Nội – Việt Nam (2005) Công việc: - Sáng lập Shoplamour.com (2005) - Sáng lập và vận hành chiến lược Timkhoahoc.com (2007 - 2009) - Trưởng phòng Marketing – Công ty phần mềm VINNO (2008 - 2009) - Trưởng phòng Kinh doanh – Công ty MP Telecom (2009) - Chuyên gia Thông tin kinh doanh – Dự án Đối tác Đổi mới sáng tạo IPP, http://www.oif.gov.vn và http://www.ipp.gov.vn (2011) - Trưởng nhóm Tư vấn chiến lược số, Sáng tạo và vận hành sáng tạo trong doanh nghiệp (tư vấn và đào tạo) – GreenM.biz (2011 - nay) - Giảng viên Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (2011 - nay). GIỚI THIỆU MỘT SỐ THUẬT NGỮ VÀ CÔNG CỤ Alexa.com Là một trang web cung cấp ứng dụng để tìm hiểu thông tin về các website trên thế giới Banner trực tuyến Là một hình thức quảng cáo bằng cách đặt hình ảnh của doanh nghiệp, chương trình... kèm theo đường link (liên kết) về nơi bạn muốn thu hút sự chú ý của người xem trên các trang web khác Blog Là một loại website hoặc một phần của website chứa đựng những nội dung do cá nhân viết và đưa vào kèm theo hình ảnh, video và các bình luận Cooltext.com Là một website cho phép tạo logo dạng chữ trực tuyến Chrome Là một trình duyệt Internet do Google phát triển Firefox Là một trình duyệt Internet được phát triển bởi Mozilla Forum Diễn đàn trực tuyến - là nơi cộng đồng chia sẻ thông tin về các chủ đề cùng quan tâm và nội dung do người sử dụng tạo FreeCRM.com Là một ứng dụng công nghệ Điện toán đám mây cho phép quản lý quan hệ khách hàng trực tuyến miễn phí Google Là một cỗ máy tìm kiếm cho phép bạn tìm thông tin thông qua từ khóa Google Analytics Là một ứng dụng miễn phí của Google cho phép cài đặt vào trang web nhằm theo dõi các số liệu thống kê về thông tin của website Google Chrome Là một trình duyệt Internet được phát triển bởi Google Google Docs Là một ứng dụng của Google cho phép soạn thảo, quản lý, chia sẻ tài liệu Google Form Là một ứng dụng nằm trong Google Docs, cho phép tạo mẫu khảo sát trực tuyến và thống kê dữ liệu phản hồi Google Site Là một ứng dụng của Google cho phép tạo một website theo mục đích sử dụng: chia sẻ thông tin, mạng nội bộ, v.v... Google Translate Là một ứng dụng của Google cho phép dịch một từ, một cụm từ hoặc một trang web từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác Internet Explorer Là một trình duyệt Internet được phát triển bởi Microsoft Mạng xã hội (Social network service) Là một dịch vụ trực tuyến hoặc một nền tảng, một website tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ giữa những cá nhân có cùng quan tâm, sở thích Mind Map Sơ đồ tư duy là một công cụ do Tony Buzan phát triển nhằm hỗ trợ, làm rõ ràng và dễ hình dung hơn đối với những nội dung khó tưởng tượng hoặc ghi nhớ. Mind Map hiện nay đang được ứng dụng rất nhiều trong kinh doanh RSS (Really Simple Syndication) Là một định dạng tập tin sử dụng trong chia sẻ tin tức web. Công nghệ này cho phép người sử dụng đặt mua hoặc yêu cầu thông tin từ các website mà họ muốn có thông tin thường xuyên cũng như nắm được những cập nhật mới nhất từ đó Sàn giao dịch trực tuyến Là một nền tảng, dịch vụ hoặc một website cung cấp thông tin và ứng dụng cho phép người mua và người bán có thể giao dịch, mua bán hoặc tham gia các hoạt động đấu giá. Sàn giao dịch có một số loại chính: B2B, B2C, C2C. SEM Là việc sử dụng các hoạt động marketing (thông thường là có trả phí) trên các công cụ tìm kiếm nhằm thu hút được sự chú ý của người sử dụng. SEO Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là nỗ lực thực hiện trên website nhằm khiến cho trang web trở nên thân thiện và dễ nhận biết nhất với các công cụ tìm kiếm Skype Là công cụ cho phép trao đổi bằng giọng nói và hình ảnh trực tuyến. Skype hoàn toàn miễn phí nếu cả hai người sử dụng đều có tài khoản Skype. SurveyMonkey.com Là một trang web cung cấp công cụ thực hiện khảo sát trực tuyến miễn phí. Từ khóa Là một từ hoặc một cụm từ có ý nghĩa, nhằm mô tả một sản phẩm, dịch vụ, thói quen, hành động, nhu cầu... Từ khóa của website cho phép wensite đó được nhận biết bởi các công cụ tìm kiếm. Website Là tập hợp các trang web có mối liên hệ với nhau và có chứa đựng nội dung thông tin, hình ảnh video và những nội dung số khác. Website được lưu trữ ở ít nhất một web server và có thể được truy cập bằng các mạng lưới như Internet hoặc mạng nội bộ thông qua một địa chỉ. Youtube.com Là một mạng xã hội cho phép chia sẻ video clip Viral Marketing Là hình thức Marketing sử dụng công nghệ trực tuyến, đặc biệt là mạng xã hội và những thủ thuật Marketing nhằm gia tăng nhận biết sản phẩm, thương hiệu Affiliate Marketing Có nhiều cách hiểu về Affiliate marketing, song có thể coi đây là một mô hình chia sẻ lợi nhuận hoặc thưởng cho những người nỗ lực quảng bá sản phẩm của bạn và mang khách hàng đến cho bạn qua kênh marketing của riêng họ trên môi trường trực tuyến. Pop up ads Hay còn gọi là Pop-ups, là một hình thức của Marketing trực tuyến, theo đó, một cửa sổ mới được mở ra (dưới các hình thức khác nhau) nhằm thu hút lượng truy cập vào website của bạn hoặc để thu thập email. Đối lập với Pop-up ads là Pop-under cũng là một dạng mở một cửa sổ mới nhưng nằm ẩn sau cửa sổ chính của bạn. Backlink Là liên kết website dẫn về một website khác hoặc một trang web trong một website khác. Số lượng backlink từng được coi là một chỉ số quan trọng đánh giá tầm quan trọng hoặc mức độ ảnh hưởng của một website hoặc một trang web (được nhiều bên tham chiếu đến). Vì vậy, đặt backlink có thể coi là một chiến lược nhằm gia tăng sự nhận biết của công cụ tìm kiếm với website. LỜI NÓI ĐẦU Khi bạn cầm cuốn sách này trên tay, nhiều phần trong nó đã có thể cũ cho dù nó được cập nhật đến tận lúc chuẩn bị xuất bản. Những con số đưa ra dưới đây chỉ có tính chất tham khảo, chúng vẫn đang thay đổi chóng mặt mỗi ngày. Bởi vì... Bạn đang sống trong một thời đại: 70% khách hàng tra cứu thông tin trên mạng và ghé thăm website của bạn trước khi đến cửa hàng hoặc nhấc máy đặt mua. Con số này ngày càng tăng lên! Hơn 3 tỷ lượt xem Youtube mỗi ngày. Con số này không ngừng gia tăng! Gần 1/10 dân số thế giới đang ở trên Facebook. Con số này đang tăng nhanh hơn bao giờ hết! Nếu bạn không muốn bị lạc hậu trong một thế giới như vậy, hãy bắt đầu tận dụng tất cả mọi công cụ trực tuyến ngay từ bây giờ! Đó là cách duy nhất để bạn bắt đầu bước vào cuộc chơi của những người kinh doanh chuyên nghiệp của kỷ nguyên số! Cuốn sách bạn đang cầm trong tay sẽ hỗ trợ bạn trong bước đi ban đầu, để bạn khám phá ra rằng sáng tạo có thể mang lại những giá trị ngoài sức tưởng tượng của chính bạn trên con đường kinh doanh đầy thách thức nhưng cũng nhiều khám phá và trải nghiệm tuyệt vời. LỜI GIỚI THIỆU CỦA TÁC GIẢ CHO LẦN IN THỨ HAI CỦA CUỐN SÁCH Sau lần xuất bản đầu tiên của cuốn sách, tôi nhận được rất nhiều phản hồi từ các doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trên con đường tìm kiếm cơ hội để phát triển và tồn tại, tận dụng các công cụ của kỷ nguyên số. Những phản hồi này ít nhiều giúp tôi hiểu rằng, một cuốn sách nhỏ chưa đủ để thỏa mãn những khát khao hiểu biết và khát vọng vươn lên trên một thị trường nhiều cơ hội hơn nhưng cũng không ít thách thức. Vì vậy, trong lần tái bản này, tôi muốn chia sẻ nhiều hơn về những cơ hội ấy và cả những thách thức bạn phải đối mặt. Doanh nghiệp có thể không tìm thấy câu trả lời chi tiết cho những thắc mắc của mình vì đó không phải là điều hướng đến của quyển sách này, chúng tôi chỉ có những ý tưởng có tính chất gợi mở để bạn suy nghĩ và hành động trong thế giới kinh doanh số. Tôi tin rằng cuốn sách sẽ góp phần gợi mở cho chiến lược tương lai của bạn. Có nhiều nội dung trong cuốn sách sẽ cũ, tuy nhiên, có những nguyên lý không bao giờ thay đổi: Một doanh nghiệp càng vận động và sáng tạo, doanh nghiệp đó sẽ càng có cơ hội sống sót, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số đang thay đổi cuộc sống của chúng ta từng ngày từng giờ. KINH DOANH TRỰC TUYẾN CHƯƠNG 1: BỨC TRANH KINH DOANH VÀ KHỞI NGHIỆP B ạn đang vận hành một doanh nghiệp vừa và nhỏ, bạn có nhiều ý tưởng và đầy quyết tâm kinh doanh? Tất nhiên, giống như mọi công ty vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, bạn cũng gặp rất nhiều khó khăn từ vấn đề tài chính, đối tác cho đến thị trường... Bạn cần những công cụ để hỗ trợ trong suốt quá trình trưởng thành đầy gian nan. Chúng ta sẽ bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như chuẩn bị bán một sản phẩm mới. Bạn có thể là người tiên phong trên thị trường hoặc bán một sản phẩm đang có, điều dễ hiểu là bạn phải trải qua những bước có tính chất hơi “lý thuyết” theo cách nhìn của bạn, nhưng bạn cần giấy và bút để viết ra, chính xác bạn muốn bán cái gì hoặc cung cấp dịch vụ gì. Không đơn giản như nhiều người vẫn tưởng, những bước ban đầu xác định sản phẩm/dịch vụ một cách chính xác, nhóm khách hàng cần nhắm đến và tiến hành các bước nghiên cứu thị trường một cách bài bản là những bước đi thành công đầu tiên. Những bước này bạn không nên bỏ qua và càng không nên coi thường vì nó sẽ giúp bạn hướng những nỗ lực kinh doanh của mình một cách tập trung và truyền đi những thông điệp rõ ràng. Sau khi có một sản phẩm, dịch vụ và xác định được khách hàng mục tiêu, nắm được thông tin về các đối thủ cạnh tranh, bạn cần một kế hoạch kinh doanh tốt để xem mình sẽ tiến hành từng bước như thế nào. Tiếp đến, bạn sẽ bắt đầu bằng việc giới thiệu sản phẩm dịch vụ của bạn với khách hàng tiềm năng và tiến hành các hoạt động marketing. Khi có những khách hàng tiềm năng tìm đến, bạn cần xây dựng quan hệ với họ và những nhân tố quan trọng hỗ trợ bạn củng cố niềm tin với khách hàng chính là hình ảnh thương hiệu của bạn, của doanh nghiệp bạn và văn hóa doanh nghiệp dù mới đang chỉ manh nha hình thành. Khi đã bán được hàng, việc quản lý những mối quan hệ để bán hàng và chăm sóc khách hàng tốt hơn, khiến khách hàng tiếp tục mua sản phẩm dịch vụ của bạn và trở thành người bán hàng cho bạn trở thành một trong những vấn đề quan trọng không kém so với marketing để tìm kiếm khách hàng mới. Hãy mở rộng thị trường bằng việc nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ mới, tìm kiếm và tiếp cận đối tác mới nhằm phát triển công việc kinh doanh. Ở giai đoạn này, bạn có thể nghĩ đến việc tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước. Đến khi công ty bắt đầu phát triển, việc sử dụng và tìm kiếm nhân sự trở thành một vấn đề khá đau đầu với các doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng thiếu thốn nhân sự cấp trung và cấp cao. Vì vậy, việc chuẩn bị xây dựng một đội ngũ mạnh cho phát triển hoạt động kinh doanh của bạn cần được tiến hành sớm. Trong thời gian ngắn ban đầu, khi dữ liệu và thông tin trong doanh nghiệp còn ít, việc quản lý thông tin trong nội bộ doanh nghiệp tỏ ra khá đơn giản. Nhưng đến khi bạn phát triển mạnh hơn, làm thế nào để luồng thông tin trôi chảy trong doanh nghiệp, làm sao để lưu giữ thông tin và kiến thức của các nhân viên giỏi đồng thời cho họ cơ hội học hỏi nhiều hơn? Làm sao để nhân viên mới vào tự nghiên cứu và tự hoạt động được... là vấn đề không nhỏ. Việc xây dựng văn hóa chia sẻ thông tin kèm theo một hệ thống thông tin được thiết kế cơ bản và sẵn sàng cho mở rộng cũng như hình thành một văn hóa sáng tạo của công ty cần được tính đến ngay từ những ngày đầu tiên thành lập công ty. Cuốn sách này sẽ đi theo từng mảng trong bức tranh kinh doanh, khởi nghiệp của bạn để cùng bạn khám phá xem các công cụ của kỷ nguyên Internet hỗ trợ được gì cho bạn. Chúng tôi muốn cùng bạn khám phá ra rằng, cùng với sự sáng tạo không mệt mỏi, ngay cả với những công cụ đơn giản nhất, bạn cũng có thể tận dụng triệt để các nguồn lực, tiết kiệm chi phí và nhân công lao động. CHƯƠNG 2: XÁC ĐỊNH SẢN PHẨM/DỊCH VỤ VÀ KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU V 1. Tìm hiểu về sản phẩm bạn định bán iệc tìm hiểu một cách khoa học về sản phẩm/dịch vụ mà bạn định cung cấp sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi sau đây để tránh gặp phải những rủi ro sau này do thiếu hiểu biết: - Trên thị trường đã có đối thủ nào cung ứng sản phẩm/dịch vụ này chưa? - Sản phẩm/dịch vụ nào cùng loại, hoặc tương tự đang có mặt trên thị trường? - Sản phẩm dịch vụ tương tự đã có trên thị trường là phục vụ nhóm đối tượng nào? - Đâu là cơ hội cho sản phẩm của bạn? Công cụ giúp bạn tìm hiểu dễ dàng nhất chính là Google, Yahoo hoặc Bing. Do đặc tính phổ biến nhất của Google, bạn nên sử dụng công cụ này: * Bước 1: Google.com.vn hay Google.com Có thể bạn đã biết, Google.com giúp bạn cho ra những kết quả tiếng Anh tốt nhất, còn Google.com.vn sẽ là một công cụ tốt hơn nếu bạn bán hàng ở thị trường Việt Nam (vì Google.com.vn sẽ ưu tiên cho ra các kết quả bằng tiếng Việt và những trang web từ Việt Nam), vì thế bạn sẽ có thông tin chính xác hơn. Tương tự, nếu bạn nhắm vào sản phẩm/dịch vụ này trên thị trường Pháp hoặc các nước nói tiếng Pháp (ví dụ cung cấp tour du lịch cho du khách Pháp), thì chắc chắn Google.fr lại là lựa chọn tốt hơn. Vì vậy, khi tra Google, hãy kiểm tra xem đó là Google.com.vn hay Google.com hay Google cho từng ngôn ngữ riêng khác nhau. * Bước 2: Gõ gì vào ô tìm kiếm? Những từ khóa chung chung thường sẽ không cho bạn được nhiều giá trị khi cần tìm hiểu về sản phẩm mình định bán. Ví dụ, bạn định bán các sản phẩm thời trang, nếu chỉ gõ “thời trang”, bạn sẽ bị ngập trong vô khối các thông tin và bị lạc hướng. Hãy bắt đầu từ một vài từ khóa mô tả sản phẩm bạn định bán, ví dụ: “thời trang cho trẻ em”. Để tìm cụ thể chính xác những trang đang cung cấp nội dung này (có thể là đối thủ cạnh tranh hay nhà cung cấp tiềm năng hoặc có thể là một bài báo viết về chủ đề này), bạn nên cho từ khóa vào dấu ngoặc kép: “thời trang trẻ em”. Để giới hạn phạm vi tìm kiếm tiếp, bạn có thể thêm các dấu “+”, ví dụ: - Bạn chỉ định bán hàng ở Hà Nội thì các cụm từ để tìm kiếm sẽ là: “thời trang trẻ em” + “Hà Nội”. - Bạn chỉ bán hàng ở Tp. Hồ Chí Minh, và sản phẩm của bạn là ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng thì câu tìm kiếm sẽ là “ô tô nhập khẩu” + “secondhand” hoặc “ô tô nhập khẩu” + “qua sử dụng” + “Tp. Hồ Chí Minh”… Việc dùng một hoặc nhiều từ khóa tốt sẽ tiết kiệm thời gian cho bạn rất nhiều. LƯU Ý Ghi chú lại những từ đã tìm kiếm và một vài kết quả bạn tìm kiếm được (những nhận định của bạn từ việc tìm kiếm này ví dụ: “tiềm năng” hoặc “có thể hình thành ý tưởng mới”…) Thử nhiều từ đồng nghĩa khác nhau cho những sản phẩm tương tự nhau để bạn chắc chắn là không bỏ qua những cách gọi khác nhau cho cùng sản phẩm/dịch vụ. Ví dụ: Từ đồng nghĩa với “sản phẩm chăm sóc da” là “sản phẩm dưỡng da”, “mỹ phẩm chăm sóc da”… Ghi lại những liên kết (đường link) hữu ích để đỡ mất thời gian tìm kiếm lại bằng cách sử dụng Bookmark (nếu bạn dùng trình duyệt Firefox), Bookmark this page nếu bạn dùng trình duyệt Chrome và Favorite (nếu bạn dùng trình duyệt Internet Explorer). (Tham khảo thêm Chuyên đề 7). Nên cho những đường link này vào một thư mục có tên chung, ví dụ: THOI TRANG TRE EM để lưu giữ chúng phòng khi bạn cần tham khảo những nội dung khác (ví dụ: Nghiên cứu thị trường, cập nhật về đối thủ cạnh tranh, tham khảo khi xây dựng web…). 2. Lựa chọn từ khóa mô tả chính xác cho sản phẩm, dịch vụ của bạn Kết quả tìm kiếm sẽ cho bạn cái nhìn sơ bộ về những gì đang có trên thị trường. Bước tiếp theo, phải gọi được đúng tên sản phẩm bạn sẽ bán. Đây chính là bước khác biệt hóa sản phẩm, dịch vụ của bạn trên thị trường. Bạn sẽ vẽ được một miếng bánh riêng biệt, không giống những gì đang có trên thị trường và biến nó thành đặc điểm nổi trội cho sản phẩm của bạn. Ví dụ: Bạn nhận ra rằng trên thị trường có rất nhiều nhà hàng đặc sản, nhưng chưa có nhà cung cấp nào giao đồ tận nơi. Vì vậy, bạn có thể có lợi thế độc quyền và tiên phong trong nhóm mặt hàng “đặc sản” “giao tận nơi”. Lưu ý, sau khi đã chọn được sản phẩm, dịch vụ, phải tìm cách mô tả sản phẩm của bạn. Sẽ rất khó để truyền đi một thông điệp nếu bạn không thể nói được mình bán cái gì trong khoảng dưới 7 từ. Tiêu chí để lựa chọn những từ mô tả sản phẩm, dịch vụ bao gồm: - Dễ hiểu (truyền tải đúng, đủ ý tưởng của bạn) - Ngắn gọn (ít hơn 7 từ) - Súc tích (đảm bảo người nghe có thể nhớ ngay được và nói lại được cho người khác) - Nhiều người sử dụng (để người dùng dễ tìm thấy bạn trên các công cụ tìm kiếm) hoặc có tiềm năng thu hút sự chú ý của nhiều người. Cũng nên thử lặp lại các bước trên để tìm kiếm và kiểm tra xem liệu mọi người có dùng từ, cụm từ bạn đang nghĩ tới không. Nếu quá ít người tra từ đó (bạn có thể kiểm định điều này qua số lượng kết quả tìm kiếm xuất hiện trên Google) thì cơ hội bán được hàng của bạn sẽ không cao và mất rất nhiều thời gian để gây dựng một ý niệm về sản phẩm trong tâm trí khách hàng. Có thể sản phẩm dịch vụ của bạn chưa từng xuất hiện trên thị trường và người tiêu dùng hoàn toàn chưa biết cũng như chưa tìm kiếm về nó, vậy hãy tìm hiểu những từ đồng nghĩa, đồng dạng hoặc những sản phẩm, dịch vụ có khả năng thay thế. Việc lựa chọn từ khóa này cũng giúp bạn dần chuẩn hóa những thông điệp về sản phẩm, dịch vụ, từ khóa trên website, blog và các công cụ trực tuyến khác. Cách hình thành từ khóa chuẩn chính là ghép những đặc tính của sản phẩm lại với nhau hoặc ghép tên sản phẩm + đối tượng nhắm tới và (hoặc) + từ ngữ khách hàng tiềm năng của bạn hay dùng, muốn dùng và (hoặc) + từ ngữ mô tả đặc tính của sản phẩm. Bạn có thể sáng tạo ra rất nhiều cách thức gọi mới và học hỏi từ những người đã thành công trước đó trên mạng bằng những từ khóa gây sự chú ý trên thị trường. Ví dụ: Nếu bạn nhắm đến khách hàng tuổi “teen” (thanh thiếu niên), từ khóa bạn chọn nên là: Thời trang cho teen, thời trang cá tính, hàng độc Nếu bạn bán những mặt hàng mang tính thời vụ, từ khóa bạn nên chọn: “thời trang du xuân” + “mẫu mới” đi kèm theo đó là những từ có tính chất định hướng như: “bộ sưu tập thời trang đông xuân” 2011 hay “xu hướng thời trang”, “thời trang xuân hè 2012”… 3. Xác định sản phẩm thay thế Những sản phẩm/dịch vụ thay thế là những sản phẩm/dịch vụ có một số tính năng, đặc điểm tương đồng với sản phẩm của bạn trong một số hoàn cảnh nào đó, sản phẩm/dịch vụ thay thế sẽ là lựa chọn của khách hàng khi sản phẩm/dịch vụ của bạn không đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù sản phẩm/dịch vụ thay thế không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của bạn, nhưng cũng cho bạn một ý niệm nhất định về tổng thể thị trường phục vụ một nhu cầu mà bạn đang chuẩn bị đáp ứng. Ví dụ: Bạn chọn mua máy in riêng cho doanh nghiệp hay chọn một đại lý in ấn sản phẩm thường xuyên. Mỗi lựa chọn đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định và hoàn toàn có thể thay thế nhau. Việc xác định sản phẩm thay thế, thị trường của những sản phẩm này và đối tượng đang tìm kiếm/cân nhắc sử dụng các sản phẩm này có thể là đối tượng khách hàng tiềm năng của bạn và nhà cung cấp những sản phẩm/dịch vụ thay thế này đôi khi lại trở thành đối tác tiềm năng của bạn. Vậy hãy lặp lại những bước tìm kiếm như trên để hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu thị trường của bạn về sản phẩm thay thế. 4. Xác định khách hàng Có một sản phẩm không đồng nghĩa với việc đã xác định rõ được nhóm khách hàng tiềm năng và những người đưa ra quyết định mua hàng thực sự. Với một nguồn lực quảng bá và bán hàng hạn chế, bạn rất khó thành công nếu xác định nhóm khách hàng mục tiêu hoặc phạm vi thị trường quá rộng, chung chung như: Toàn bộ thanh niên Việt Nam hoặc giới trẻ thành thị hoặc trẻ em dưới 6 tuổi… Ngoài ra, đội ngũ kinh doanh của bạn cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm chính xác các khách hàng tiềm năng. Vì vậy, yêu cầu quan trọng nhất quyết định khả năng thành công trong bán hàng và xây dựng thương hiệu của bạn chính là phải nắm bắt chính xác khách hàng tiềm năng và người ra quyết định mua hàng thực sự. Ở đây, chúng ta nói đến người quyết định mua hàng bởi vì có rất nhiều mặt hàng mà người sử dụng sản phẩm không đồng nghĩa với người ra quyết định. Ví dụ: Bạn bán hàng thời trang cho trẻ thì các em bé là người sử dụng còn người ra quyết định lại là cha mẹ các em. Trên thực tế, bạn nên vẽ chân dung khách hàng của mình trước, sau đó sử dụng các công cụ trực tuyến để hỗ trợ kiểm định những phỏng đoán của mình. Bạn cũng có thể sử dụng tờ mô tả chân dung khách hàng tiềm năng là khách hàng cá nhân (Phụ lục 1.1) hoặc đặc điểm của khách hàng doanh nghiệp (Phụ lục 1.2) để điền vào những thông tin mà bạn thấy trong suốt quá trình tìm kiếm. Ví dụ, nếu bán Iphone đã qua sử dụng, bạn khó có thể nói rằng bạn bán cho giới trẻ, thanh niên thành phố lớn nói chung mà nên xác định: - Họ thuộc tầm từ 18-35 tuổi - Có thể đã có thu nhập riêng - Sống ở những thành phố lớn - Yêu thích công nghệ - Thích giao lưu và kết bạn - Thời gian lướt mạng và nghe nhạc nhiều … Hay nếu bán hàng thời trang đồng phục công sở, cũng không thể xác định là nhắm vào các khách hàng là doanh nghiệp nói chung mà bạn nên xác định rõ: - Những doanh nghiệp có quy mô như thế nào sẽ có nhu cầu đồng phục? - Doanh thu hàng năm trên bao nhiêu để chi trả cho may đồng phục? - Hoạt động ở những thành phố lớn hay địa phương khác? - Thuộc ngành phải tương tác nhiều với khách hàng (ví dụ ngân hàng, chứng khoán, bảo vệ) Sau khi phỏng đoán sơ bộ, ví dụ nếu bạn bán Iphone, bạn hãy sử dụng Google để tìm kiếm xem ở đâu người ta trao đổi về sản phẩm của bạn nhiều nhất. Chúng ta hãy bắt đầu từ các diễn đàn, các mạng xã hội vì ở đây sẽ tập hợp những người cùng quan tâm đến một chủ đề là Iphone và xem ngay kết quả đầu tiên bắt gặp, ví dụ: http://www.tinhte.vn (Hình 1). Nghiên cứu sơ bộ về diễn đàn này, có thể thấy, ở đây tập hợp những thành viên không phân biệt về lứa tuổi nhưng thường là sinh viên, người đi làm, đặc biệt họ cùng có một sở thích, vấn đề quan tâm chung là công nghệ mới. Nếu bạn bán hàng cho doanh nghiệp, bạn nên bắt đầu từ chính đối thủ cạnh tranh của mình. Danh sách khách hàng của họ có thể là một gợi ý tốt để bạn hình dung ra quy mô và đặc tính của nhóm khách hàng tiềm năng. Một cách tiếp cận khác là các mạng xã hội. Lý do là những người phát triển sản phẩm/dịch vụ cho doanh nghiệp, trưởng phòng, phó phòng trong doanh nghiệp thường tham gia các mạng xã hội này. Họ không chỉ là người nắm rõ nhu cầu của doanh nghiệp mà còn trao đổi nhiều nhất về những vấn đề đó. Tìm hiểu về công ty của họ cũng sẽ giúp bạn hình thành một chiến lược tiếp cận các doanh nghiệp là khách hàng tiềm năng. Ví dụ: Bạn bán phần mềm quản lý nhân sự, hãy tìm trên mạng xã hội những người làm Giám đốc Nhân sự hoặc Trưởng phòng Nhân sự và trao đổi với họ về nhu cầu của doanh nghiệp. Phản hồi của họ sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về những doanh nghiệp có thể mua sản phẩm, dịch vụ của bạn. Lợi ích kép của việc tìm kiếm trên Google còn là bạn có thể tìm thấy những bài viết cập nhật của các báo về xu hướng sản phẩm, nhờ đó bạn sẽ có cái nhìn sâu hơn về thị trường hiện tại của sản phẩm và thông tin về đối thủ cạnh tranh (hoặc nhà cung cấp sản phẩm thay thế) để phục vụ cho phần nghiên cứu thị trường. Hình 1: Ví dụ về tìm kiếm từ khóa Iphone trên diễn đàn trên Google.com.vn Tìm hiểu càng sâu bạn càng có cái nhìn rõ ràng hơn về chân dung khách hàng tiềm năng và có thể bạn sẽ còn khám phá ra những nhóm khách hàng tiềm năng khác nữa mà trước kia bạn chưa hình dung đến. Sau khi tìm hiểu, bạn sẽ có một bản mô tả khách hàng tiềm năng hoặc nhóm khách hàng tiềm năng (theo mẫu ở phụ lục 1) giúp doanh nghiệp của bạn có những định hướng rõ ràng hơn trong kinh doanh. Chúng ta có thể tóm gọn chương Xác định sản phẩm/dịch vụ và khách hàng mục tiêu bằng những ghi nhớ sau đây về sự hỗ trợ của các công cụ trực tuyến: Nghiên cứu thị trường là bước đi quan trọng sau những gì bạn đã tiến hành sơ bộ về sản phẩm và khách hàng. Tuy nhiên, bạn còn cần biết nhiều hơn những thông tin trên. Bạn cần có cái nhìn tổng quan về xu hướng thị trường, đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp dịch vụ thay thế (hoặc bổ trợ cho bạn). Nhiều người hiểu nhầm rằng hoạt động nghiên cứu thị trường chỉ diễn ra khi lập kế hoạch kinh doanh hoặc để thu hút sự quan tâm của một nhà đầu tư tiềm năng nào đó. Nhận định như vậy sẽ khiến bạn thất bại bất kỳ lúc nào vì thị trường luôn biến động. Bởi vậy, hãy xác định và luôn ghi nhớ rằng nghiên cứu thị trường phải là hoạt động thường xuyên của bạn. Những công cụ trực tuyến sau đây sẽ giúp bạn thực hiện những công việc nêu trên. CHƯƠNG 3: NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG VÀ ĐỐI THỦ CẠNH TRANH V 1. Tìm kiếm website có liên quan iệc tìm kiếm và nghiên cứu khoảng 10 website có liên quan đến sản phẩm, dịch vụ bạn đang bán và lưu lại đường link của chúng lại bằng Bookmark (Tham khảo Chuyên đề 7) cho bạn biết nhiều hơn chứ không chỉ là thông tin hình ảnh sản phẩm trên website. Những website này cho biết về: - Những sản phẩm/dịch vụ đang được cung cấp trên thị trường - Các đối thủ cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp - Cách thức bán hàng của những nhà cung cấp (bán trực tuyến hay chỉ giới thiệu sản phẩm dịch vụ…) - Hình thức thanh toán - Sản phẩm dịch vụ bổ trợ - Địa bàn hoạt động - Giá sản phẩm và chi phí cho dịch vụ bổ trợ - Văn hóa doanh nghiệp và đặc điểm sơ bộ của thương hiệu đối thủ cạnh tranh. Tất nhiên, việc nghiên cứu các website này kỹ hơn có thể làm cơ sở giúp bạn tham khảo khi xây dựng website của riêng mình. (Tham khảo Chương 5 và Chuyên đề 2) Đừng quên kiểm tra lại những website này thường xuyên (tối thiểu 2 lần/tháng) để cập nhật tình hình đối thủ cạnh tranh và tình hình thị trường. Không nên bỏ qua các sàn giao dịch có đăng nhiều thông tin sản phẩm liên quan đến sản phẩm của bạn, ở đó bạn sẽ thấy danh sách hàng loạt các doanh nghiệp đang cung cấp sản phẩm tương tự như bạn. (Tham khảo Phụ lục 5, 6) Bạn nên làm bảng thống kê cơ bản về những thông tin trực tuyến mà bạn thu thập được. 2. Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh rõ ràng không dừng lại ở nghiên cứu website. Website và việc tìm kiếm mang lại cho bạn một bức tranh rõ hơn về các đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp trên thị trường. Tuy vậy, để nghiên cứu sâu hơn về họ, để học tập hoặc vượt qua họ, bạn cần nhiều thông tin và thời gian hơn. Để nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh, ngoài việc nghiên cứu website để có thông tin về quy mô doanh thu, quy mô nhân sự, địa bàn hoạt động của họ, bạn cần rất nhiều thông tin liên quan: - Họ đang sử dụng những công cụ marketing nào? - Khách hàng đang nói gì về họ? - Ưu và nhược điểm sản phẩm của họ? - Khách hàng mục tiêu của họ… Vì vậy, các tiêu chí tìm kiếm của bạn phải rất linh hoạt. - Tìm theo công cụ được sử dụng: Tên mạng xã hội/sàn giao dịch/blog + tên công ty/ cá nhân. Cách tìm này cho phép bạn biết được hoạt động của công ty/cá nhân đó trên các mạng xã hội/sàn giao dịch/blog đó. Ví dụ: Trong ô tìm kiếm của google, bạn gõ: Facebook: Công ty ABC. Kết quả sẽ cho ra trang thành viên của công ty đó trên mạng xã hội cần tìm hoặc những mẩu quảng cáo mà công ty đó đã đăng. Điều này cũng được áp dụng cho các blog, các trang báo... Tìm kiếm theo cú pháp này khá tỉ mỉ và mất thời gian, vì vậy bạn nên chú trọng vào một vài công cụ mạng xã hội, blog hoặc diễn đàn phổ biến. - Tìm kiếm chính xác: “công ty TNHH ABC” hoặc “công ty ABC” việc tra cứu thông thường sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng thể về sự hiện diện của đối thủ cạnh tranh/thông tin sản phẩm dịch vụ trực tuyến, ví dụ báo điện tử nào đã viết về họ, diễn đàn nào đang nói về họ, khách hàng đang nói gì về họ và cả các mạng xã hội, các trang web… có nhắc đến họ. Số lượng kết quả của Google về chủ đề công ty này cũng là một thông số thú vị cho thấy sự xuất hiện của thương hiệu đối thủ cạnh tranh trên mạng. Bạn cũng nên làm bản thống kê những thông tin chi tiết mà bạn cho là cần thiết để hiểu về đối thủ cạnh tranh và hữu ích cho quá trình lên kế hoạch kinh doanh hoặc hoàn thiện sản phẩm của bạn. Lập bản cập nhật tình hình của đối thủ cạnh tranh Khi nghiên cứu thị trường, bạn cần xây dựng bản cập nhật tình hình của đối thủ cạnh tranh. Đây có thể coi là công cụ giúp bạn xây dựng một chiến lược phát triển rõ ràng để cạnh tranh tốt hơn hoặc học từ chính đối thủ cạnh tranh của mình. (Tham khảo thêm Chuyên đề 5) - Giá của sản phẩm (của đối thủ cạnh tranh) - Nhu cầu tuyển dụng - Tình hình phát triển thị trường - Số lượng sản phẩm, dịch vụ - Website - Dịch vụ cung cấp cho khách hàng - Theo dõi thông tin trên các phương tiện khác. 3. Thông tin, xu hướng, dung lượng và biến động của thị trường Để nắm được xu hướng thị trường một cách sơ bộ, ngoài việc tra những từ khóa như “xu hướng thị trường ” + “xuất khẩu gỗ” (và không quên kiểm tra ngày tháng của bài viết để chắc chắn bạn đọc được những thông tin mới nhất), bạn có thể kiểm tra bằng việc nắm những thông tin vĩ mô từ những tờ báo chuyên ngành và các sàn giao dịch. Ví dụ: Bạn kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm, hãy chuẩn bị cho mình khoảng 5 địa chỉ website, cổng thông tin hữu ích nhất để cập nhật thông tin từ chúng mỗi ngày, ví dụ từ mục vi tính của Vnexpress.net, tin công nghệ trên Vneconomy.vn, trang tin tức của Pcworld, trang tin tức riêng về IT itgatevn.com.vn và echip.com.vn. Cách cập nhật thông tin nhanh gọn nhất là sử dụng RSS của chính các trang web đó và đưa những đường link này về website hoặc blog của công ty bạn. (Hình 2) Chính bạn phải là người vào blog thường xuyên để theo dõi tin mới nhất và cập nhật nhất về trang của mình. Ngoài ra, việc tạo những đường link về những trang hữu ích có những từ khóa liên quan đến ngành của bạn sẽ rất hữu ích cho việc trở nên thân thiện với các công cụ tìm kiếm (Tham khảo mục blog của Chương 5). Tương tự như vậy, bạn có thể theo dõi các biến động về giá thành của các sản phẩm bổ trợ hoặc sản phẩm đầu vào cho bạn. Đôi khi các ý tưởng mới sẽ nảy sinh từ đây. Ví dụ: Nếu bạn kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, tổ chức các tour du lịch cho người nước ngoài đến Việt Nam, bạn cần cập nhật tình hình tổ chức các sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội liên tục từ các tờ báo, blog, kể cả những thay đổi trong lịch tổ chức sự kiện để cập nhật như một phần giá trị gia tăng cho khách hàng của bạn. Nếu bạn kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, website các hiệp hội và danh bạ các kênh hỗ trợ xuất khẩu cần phải được cập nhật thường xuyên. (Tham khảo Phụ lục 2, 3 để có thêm thông tin). Hình 2: Mô tả tính năng RSS trên báo mạng. Nguồn: http://www.vnexpress.net Với sự giúp đỡ của các công cụ trực tuyến, bạn có thể tìm thấy các số liệu thống kê và tính toán về dung lượng thị trường một cách tương đối. Ví dụ: Dân số quanh nơi bạn cung cấp sản phẩm, dịch vụ; tổng số lượng sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Để có những thông số chính xác hơn, bạn phải kết hợp các công cụ trực tuyến này với những công cụ ngoại tuyến khác như khảo sát bằng điện thoại, khảo sát bằng phỏng vấn trực tiếp hoặc tiếp cận với nguồn thông kê chi tiết không được công bố trên mạng hoặc sử dụng các công ty nghiên cứu thị trường để có nguồn số liệu tốt nhất. 4. Định vị bản thân hay xác định yếu tố khác biệt Mục đích của tất cả việc nghiên cứu thị trường là có cái nhìn tổng quan về thị trường và xác định được vị trí của bạn trên thị trường đó. Sau khi vẽ một bức tranh hoàn thiện về thị trường, bạn sẽ xác định được mình ở đâu trên thị trường. Về định vị thương hiệu - Là người tiên phong (người đầu tiên cung cấp sản phẩm/dịch vụ trên thị trường) - Là người đi sau đối thủ cạnh tranh - Là người phát triển thị trường ngách. Định vị sản phẩm Về giá - Cao hơn so với giá của đối thủ cạnh tranh - Thấp hơn so với giá của đối thủ cạnh tranh - Bằng giá của đối thủ cạnh tranh nhưng dịch vụ tốt hơn Về chất lượng sản phẩm - Tốt nhất, cao cấp trên thị trường – phục vụ phân khúc giá cao - Chất lượng vừa phải, chi phí hợp lý – phục vụ phân khúc giá trung bình - Tính năng phục vụ nhu cầu cơ bản, chất lượng tương đối, chi phí thấp – phục vụ phân khúc giá thấp. Sau khi thành lập được bản định vị công ty và sản phẩm dịch vụ, bạn hãy công khai thông tin này với nhân viên, đặc biệt là nhân viên kinh doanh và nhân viên marketing để họ có thể chủ động với công việc bán hàng và truyền thông tới khách hàng. 5. Nghiên cứu thị trường bằng khảo sát trực tuyến Trong quá trình tìm kiếm thông tin thị trường, bạn sẽ định hình được một thị trường của riêng mình, có thể là một thị trường ngách chưa hề có nhà cung cấp nào, cũng có thể là một thị trường có nhiều nhà cung cấp nhưng cầu còn lớn hơn cung rất nhiều. Để thử nghiệm thị trường và nắm được khách hàng tiềm năng đang cần gì, bạn có thể tiến hành một khảo sát trực tuyến để xem khách hàng tiềm năng nghĩ gì về sản phẩm dịch vụ của bạn và phương thức cải tiến. Rất nhiều giải pháp cho bạn do có rất nhiều nhà cung cấp các giải pháp khảo sát trực tuyến miễn phí như SurveyMonkey. (Hình 3) Hình 3: Ví dụ một công cụ khảo sát trực tuyến miễn phí. Nguồn: http://www.surveymonkey.com Với SurveyMonkey, chỉ cần đăng ký thành viên và qua 3 bước là bạn và khởi tạo khảo sát của bạn miễn phí. Bạn cũng có thể tích hợp khảo sát này với Facebook và các ứng dụng khác. Bạn có thể trả thêm phí để được hưởng nhiều tiện ích hơn từ ứng dụng của SurveyMonkey như có nhiều hơn 1 báo cáo về kết quả khảo sát, không giới hạn các câu hỏi, và sử dụng nhiều hơn các mẫu khảo sát có sẵn được thiết kế. (Hình 4) Hình 4: Các bước tạo khảo sát với Surveymonkey.com. Nguồn: http://www.surveymonkey.com Ngoài ra, bạn cũng hoàn toàn có thể chủ động sử dụng Google Docs và form (Mẫu) trong Google Docs để tạo ra những khảo sát điều tra theo cách riêng của mình và nắm bắt thông tin trả lời hoàn toàn miễn phí. Form là một dạng mẫu dựa trên cấu trúc của một file Excel. Mọi kết quả tổng hợp các câu trả lời đều được sắp xếp theo thứ tự các câu hỏi. Google Form cũng cho bạn thống kê số lượng lượt trả lời, sử dụng những đoạn mã (code) để đưa khảo sát vào website và các trang khác. (Hình 5) Bạn có thể sử dụng chính tài khoản Gmail, chọn Docs, chọn Create new (Tạo), chọn Form (Mẫu). Với giao diện thiết kế đơn giản và các thể loại câu hỏi đa dạng, bạn có thể thiết kế một mẫu khảo sát đơn giản, có đường link và gửi cho bạn bè, những người có trong danh sách bạn bè hoặc công khai để mọi người có thể cùng làm khảo sát. (Hình 6) Hình 5: Tạo mẫu khảo sát trong Google Docs. Hình 6: Soạn thảo câu hỏi của mẫu khảo sát trong Google Docs Form. Để xem hình thức của khảo sát, bạn chọn Go to live form (Đi đến biểu mẫu đang mở), để xem báo cáo tình hình trả lời, bạn chọn Show summarry of responses (Hiển thị bản tóm tắt câu trả lời) (Hình 7); để đưa khảo sát vào một trang web, bạn chọn Embed form in a webpage (Nhúng biểu mẫu vào một trang web) và để gửi form dưới dạng email cho những đối tượng phản hồi tiềm năng, bạn chọn Send form (Gửi biểu mẫu). Giới hạn cho mỗi lần gửi là 50 người. Bạn nên công khai khảo sát của mình bằng đường link trên website hoặc trên blog, Yahoo Messenger để thu nhận thêm các câu trả lời nhằm gia tăng tính thuyết phục cho cuộc điều tra của mình. Hình 8 là hình ảnh kết quả báo cáo phản hồi đối với một khảo sát thí dụ. Như vậy, ngay cả với những công cụ đơn giản và miễn phí, bạn cũng có thể tiến hành những khảo sát thị trường nhằm củng cố thêm những giả định của mình về nhu cầu thị trường và có cái nhìn thực tế hơn về những gì mình cần làm trong kế hoạch kinh doanh. Đây cũng là cơ sở vững chắc khi bạn thuyết phục nhà đầu tư về tính khả thi của dự án. Bạn có thể quên tất cả những gì đã đọc trong chương này, nhưng hãy ghi nhớ, nghiên cứu thị trường sử dụng các công cụ trực tuyến giúp bạn trả lời chính xác câu Hỏi:Bạn đang ở đâu? Hình 7: Soạn thảo câu hỏi của mẫu khảo sát trong Google Docs form. Hình 8: Ví dụ về kết quả khảo sát trong Google Docs Form. CHƯƠNG 4: VIẾT KẾ HOẠCH KINH DOANH V ới những gì đã thu thập được sau khi tiến hành theo các bước ở chương trước, bạn đang đi những bước cơ bản để có cái nhìn về tình hình thị trường và định hướng phát triển. Vì vậy, bạn cần đưa tất cả chúng vào một bản kế hoạch hoàn chỉnh. Thật sai lầm nếu cho rằng kế hoạch kinh doanh là không cần thiết và không mấy thiết thực vì nó thay đổi thường xuyên, hoặc toàn những vấn đề tưởng tượng ra để viết lên giấy. Bạn cần một kế hoạch kinh doanh vì: - Bạn cần có một bức tranh tổng thể về những gì bạn cần làm và những gì cần theo dõi. - Bạn cần theo dõi chính kế hoạch của mình để đối chiếu và điều chỉnh hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp do có những thay đổi của thị trường, đối tác, đối thủ. - Nếu tìm kiếm một nhà đầu tư hoặc đối tác hợp tác kinh doanh, bản kế hoạch kinh doanh là yếu tố thuyết phục nhất với đối tác tiềm năng của bạn rằng bạn có một kế hoạch kinh doanh khả thi và bạn có thể đạt được mục tiêu đề ra một cách khoa học và hiệu quả. Mặc dù có rất nhiều nội dung cần thể hiện trong kế hoạch kinh doanh, nhưng về cơ bản, một bản kế hoạch kinh doanh sẽ có những điểm chính sau đây: 1. Tóm tắt ngắn gọn để người đọc nắm được ý tưởng của bạn trong 2 phút: Mục tiêu, Sứ mệnh, Chìa khóa để thành công 2. Tóm tắt về công ty 3. Sản phẩm và dịch vụ 4. Phân tích thị trường 5. Tóm tắt Chiến lược và thực hiện Chiến lược 6. Tóm tắt về vấn đề quản lý công ty 7. Kế hoạch tài chính Có rất nhiều mẫu kế hoạch kinh doanh trên mạng và bạn có thể tìm kiếm một mẫu phù hợp với yêu cầu và ngành nghề của mình. Sẽ không thật hợp lý nếu bạn là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lại sử dụng một mẫu kế hoạch của doanh nghiệp sản xuất; tương tự, nếu bạn là một doanh nghiệp vừa mới thành lập, chỉ có khoảng 10 thành viên, quy mô nhỏ, sẽ không phù hợp nếu bạn sử dụng mẫu kế hoạch kinh doanh của một doanh nghiệp đã phân chia phòng ban một cách chuyên nghiệp, rõ ràng và ngân sách marketing lớn. Để lựa chọn đúng công cụ viết kế hoạch kinh doanh, bạn có thể tham khảo các mẫu kế hoạch kinh doanh bằng cách: - Tìm kiếm chính xác cụm từ “mẫu kế hoạch kinh doanh” + “dịch vụ” trên google hoặc “business plan template” + “service company” hoặc tra cứu theo từng lĩnh vực: ví dụ “business plan” + “retail industry” (kế hoạch kinh doanh cho ngành bán lẻ). - Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đọc tiếng Anh hãy sử dụng google.com/ translate để được hỗ trợ. (Tham khảo Chuyên đề 9 về cách sử dụng Google Translate cho việc dịch một website). - Tham khảo một ví dụ về một trang web hỗ trợ viết kế hoạch kinh doanh (Hình 9). Ngoài ra, hiện nay có một số công ty còn cung cấp các mẫu kế hoạch kinh doanh, kế hoạch marketing và kế hoạch nhân sự... có thể hoàn toàn miễn phí dưới dạng file word hoặc bạn phải trả một khoản phí để sử dụng phần mềm hỗ trợ viết kế hoạch của họ. Nếu bạn là người có tư duy hình ảnh và muốn xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình theo sơ đồ tư duy, gợi ý từ Mind Map của Tony Buzan sẽ là một lựa chọn. Tham khảo Phụ lục 12 để biết thêm thông tin về các website hỗ trợ viết kế hoạch kinh doanh. Hình 9: Ví dụ về một kế hoạch kinh doanh sử dụng Mind Map. Nguồn: http://www.usingmindmaps.com/mind-map-business-plans.html CHƯƠNG 5: CÁC CÔNG CỤ CHO MARKETING SẢN PHẨM Phần 1: T MARKETING TRỰC TUYẾN hế giới số đang mang lại những công cụ và cơ hội marketing tuyệt vời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chưa bao giờ doanh nghiệp có thể tiếp cận với nhiều công cụ marketing trực tuyến dường như miễn phí nhiều đến thế và hiệu quả của chúng hoàn toàn do nỗ lực và sự sáng tạo của doanh nghiệp mà thành. Mọi nỗ lực marketing trực tuyến đều sẽ mang lại kết quả nếu bạn trả lời được chính xác: Bạn dùng công cụ nào, để làm gì và hướng đến ai? Chương 5 không tham vọng giới thiệu với bạn tất cả những công cụ marketing trực tuyến cho sản phẩm mà tập trung vào một số công cụ phổ biến và cơ bản nhất như website, blog, mạng xã hội. Với các công cụ này, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thành công, và nếu bạn sẵn sàng, bạn cũng sẽ là một trong số đó. 1. Website Hãy biến website thành trụ sở trên mạng, thành đại diện bán hàng và thành công cụ marketing của bạn. Trước khi khách hàng đến với bạn, họ sẽ tìm kiếm bạn trên mạng để nắm những thông tin cơ bản về bạn! Một cửa hàng mở ở một con phố sẽ phải đóng cửa về đêm, nhưng website của bạn ở đó và hiện diện 24/24h một ngày và 7/7 ngày một tuần. Vì vậy, hãy ghi nhớ, website giống như một cửa hàng, một gian hàng chính thức của bạn luôn mở cửa trên mạng và mọi hoạt động của bạn đều hướng người sử dụng về website. Ngay từ khi mới thành lập, sẽ không tốn quá nhiều chi phí để mua một tên miền nhằm duy trì sự hiện diện của bạn trên mạng: 10- 15 USD (với tên miền quốc tế). Bạn cũng cần đảm bảo mình là chủ sở hữu của tên miền đó một cách chính thức. Với tên miền quốc tế, điều duy nhất khẳng định bạn là chủ tên miền chính là bạn có khả năng truy cập và kiểm soát tên miền với một tài khoản gồm email (xác thực sở hữu của bạn) và mật khẩu (password) bạn có được sau khi đăng ký mua. Với tên miền Việt Nam (tốt hơn cho việc chỉ dẫn địa lý), bạn sẽ có giấy chứng nhận tên miền ghi sở hữu tên miền của bạn. Nếu bạn lựa chọn những địa chỉ để xây website miễn phí nhằm thử nghiệm thị trường, bạn có thể tham khảo Phụ lục 15. Nếu bắt tay vào xây dựng một website có trả phí, để có một website tốt, cần có sự chuẩn bị về mọi mặt của website: Bước 1: Tìm hiểu website của đối thủ cạnh tranh hoặc các website cùng ngành nghề Từ góc độ người dùng, hãy phân tích điểm mạnh, điểm yếu trong website của đối thủ, điểm bạn thích và không thích về website đó và tham khảo ý kiến của những người sử dụng khác nếu có thể. Rút ra những bài học từ website (hoặc gian hàng trực tuyến) của đối thủ cạnh tranh hoặc của các doanh nghiệp cùng ngành. Bước 2: Xác định đối tượng nhắm tới. Cũng giống như bán một sản phẩm, bạn phải biết bán nó cho ai. Vì vậy, xây dựng một website cũng cần xác định rõ các đối tượng sẽ xem nó. Tuy nhiên, trong môi trường Internet, bạn không thể lựa chọn chính xác những gì bạn muốn, ai cũng có thể là khách ghé thăm trang web của bạn. Vậy phải đặt ưu tiên cho những đối tượng sau đây: - Khách hàng (xem sản phẩm dịch vụ, tìm hiểu về thương hiệu, mua sản phẩm, so sánh với đối thủ cạnh tranh của bạn) - Đối tác (tìm kiếm cơ hội hợp tác, so sánh bạn với những đối tác khác, tìm hiểu về doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp) - Đối thủ cạnh tranh (xem và cập nhật tình hình của bạn, học tập từ bạn, tìm kiếm điểm mạnh, điểm yếu của bạn) - Công cụ tìm kiếm (có thân thiện với công cụ tìm kiếm không, có dễ nhận biết không, có những từ khóa nào, chủ đề của website ra sao…) (tham khảo thêm Chuyên đề 8) - Cộng đồng người tiêu dùng (tìm hiểu về thương hiệu và các hoạt động cộng đồng, hoạt động xã hội của bạn) - Ứng viên tuyển dụng (tìm hiểu về công ty trước khi quyết định làm việc, tìm kiếm thông tin tuyển dụng, tìm hiểu văn hóa công ty) - Nhân viên (cập nhật tình hình của công ty, gia tăng niềm tự hào đối với thương hiệu của công ty) Một website tốt phải là một website khiến người sử dụng cảm nhận được sự thân thiện và thấy dịch vụ đó được thiết kế ra dành cho mình. Vì vậy, bạn cần cân nhắc đối tượng trọng tâm nhắm đến, mong muốn của họ từ việc sử dụng website. Bước 3: Lên khung những dịch vụ/tính năng và nội dung mà bạn nghĩ là cần thiết cho website tùy thuộc vào đối tượng bạn nhắm đến. Danh sách dưới đây gợi ý cho bạn những nội dung/tính năng bạn muốn có trên website chứ không phải là tất cả. Bạn cũng có thể đặt thứ tự ưu tiên các tính năng qua từng giai đoạn. Ví dụ: Giai đoạn đầu, bạn chỉ muốn dừng lại ở việc giới thiệu thông tin sản phẩm/dịch vụ, giới thiệu về công ty. Giai đoạn hai, khi nghiên cứu và nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, bạn sẽ mở rộng thêm tính năng phù hợp. Giống như một công ty, website cũng cần có những giai đoạn phát triển, mở rộng và thay đổi. Dịch vụ/tính năng - Bán hàng trực tuyến - Hỗ trợ khách hàng trực tuyến - Thanh toán trực tuyến - Cho phép khách hàng bình luận trực tiếp - Cho phép khách hàng kết nối với bạn trên các công cụ trực tuyến khác Nội dung - Giới thiệu về công ty (thành lập, giá trị tầm nhìn) - Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, báo giá (nếu có) - Tuyển dụng - Thông tin liên hệ - Tin tức về công ty - Danh sách khách hàng (nếu có thể công khai) - Các liên kết khác (về các mạng xã hội, các blog mà công ty đang sử dụng) Bước 4: Chuẩn bị nhân sự cho website. Bước chuẩn bị nhân sự cho website rất quan trọng vì đó sẽ là người làm việc với nhà cung cấp dịch vụ thiết kế website cho bạn, giám sát tiến độ thực hiện xây dựng đồng thời chuẩn bị nội dung cho website, hoặc chí ít đó là người điều phối cho từng bộ phận trong việc chuẩn bị nội dung cho website. Bước 5: Trao đổi với đối tác xây dựng website về thời gian xây dựng, thiết kế mỹ thuật cho website, vấn đề quản trị website và chi phí cũng như khả năng mở rộng các tính năng cho website. Ngay từ ban đầu, bạn cần có những tính toán cho việc mở rộng công ty sau này và lựa chọn một đối tác tiềm năng có khả năng đi cùng bạn trong suốt quá trình phát triển của công ty. Bạn cần cân nhắc những vấn đề như chất lượng dịch vụ, bảo hành và các vấn đề hỗ trợ kỹ thuật khác. Hãy lựa chọn những đối tác biết lắng nghe và hiểu ý tưởng của bạn, nhưng đồng thời bạn cần phải lắng nghe những phân tích của họ để xem những gợi ý của họ có hợp lý hay không, giải pháp họ đưa ra có phù hợp với yêu cầu của bạn không. Hãy tránh xa những đối tác không biết lắng nghe ý kiến của bạn hoặc không đưa ra được những nội dung tư vấn xác đáng để không mất thời gian chỉnh sửa lại sau này. Bước 6: Chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung website cũng giống như chuẩn bị nội dung và trang trí cho gian hàng của bạn. Thông tin sản phẩm dịch vụ, thông tin đặt hàng, mua hàng, hỗ trợ sau mua hàng… là những giá trị mà bạn mang lại cho khách hàng. Thông tin là sức sống của website vì vậy, một website được thiết kế đồ họa tốt không thể xóa đi được ấn tượng về sự thiếu thốn nghèo nàn về nội dung. Bước 7: Nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị từ khóa cho toàn bộ website và cho từng trang thành phần của website nếu có thể. Lý do phải lựa chọn từ khóa là để đảm bảo rằng, công cụ tìm kiếm tìm đúng ra bạn khi khách hàng cần tìm đến bạn. Tham khảo Chuyên đề 10 để có một chiến lược lựa chọn từ khóa tốt. Bước 8: Đảm bảo việc cập nhật tin tức diễn ra đều đặn và website được chăm sóc cẩn thận giống như gian hàng của bạn. Nếu đó là website bán hàng trực tuyến và phải giao tiếp với khách hàng thường xuyên, bạn nên liên tục thay đổi giao diện để không gây ra sự nhàm chán cho khách hàng. Nếu là website giới thiệu thông tin đơn thuần thì tần suất thay đổi về giao diện có thể ít hơn, khoảng 4-6 tháng/lần. Về mặt thông tin, bạn cũng cần xác định thông tin nào là dạng ít biến đổi, thông tin nào nên cập nhật thường xuyên để tránh ấn tượng xấu cho khách hàng về một website toàn tin tức quá cũ. Nhiều doanh nghiệp mắc phải sai lầm khi xây dựng website như: dập khuôn các mẫu website sẵn có, đưa những tiêu mục không cần thiết hoặc không phù hợp lên website. Điều này dễ gây ấn tượng về một website không chuyên nghiệp và được thiết kế cẩu thả. Nếu bạn nhất thiết phải đưa mục tin tức vào website, phải chắc chắn rằng tin tức đó có nội dung phù hợp và có tần suất cố định. Nếu đưa quá nhiều tin tức, một cách vô tình bạn đã biến website giới thiệu công ty thành website tin tức. Tham khảo Chuyên đề 2 để hiểu thêm về một số sai lầm cần tránh với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thiết kế website, một số thông tin hữu ích cho các tiêu chí website tốt. 2. Blog Blog là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho bạn trong việc trở nên thân thiện với các công cụ tìm kiếm và xây dựng cộng đồng. Trên thế giới có rất nhiều blog phổ biến như Opera, blogger và Wordpress. Mỗi một blog đều có điểm mạnh khác nhau tùy thuộc vào lựa chọn và thói quen sử dụng của bạn. Lý do bạn nên chọn blog là khả năng xây dựng cộng đồng tốt của công cụ này và những nội dung cũng như thông điệp của bạn được truyền đi nhanh. Ngoài ra, blog là nơi để bạn đưa ra những lời khuyên gần gũi, nhẹ nhàng và giao tiếp được với khách hàng của mình, điều mà website nghiêm túc của công ty không nên và khó có thể thực hiện cùng lúc với việc giới thiệu về công ty. Trong blog, để gia tăng sự hiện diện của thương hiệu, bạn nên chú ý từ hình ảnh đại diện (avatar), cho đến đường link đến website và các bài viết trên blog. Bạn hãy lựa chọn những từ khóa quan trọng để đặt link về website của mình và không quên để lại địa chỉ liên hệ trên blog để mọi người có thể liên hệ với bạn. Cũng tuyệt đối tránh việc lặp lại nội dung giữa website và blog như vậy sẽ tạo ra sự nhàm chán cho người đọc, mặt khác, các công cụ tìm kiếm sẽ không đánh giá cao việc này. Các hoạt động trên blog: - Quan trọng nhất là bạn phải chuẩn bị nội dung của blog - Kiểm tra bài viết có những từ khóa nào liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của bạn - Đăng bài trên blog - Đặt link cho những từ khóa liên quan đến sản phẩm, dịch vụ dẫn tới trang có chủ đề đó trong website của bạn - Chèn hình ảnh để thêm phần sống động - Không quên để lại thông tin liên hệ dưới mỗi bài viết. Để gia tăng sự thân thiện của blog với các công cụ tìm kiếm, bạn cũng nên đặt link từ các trang web khác có cùng chủ đề với blog của bạn. Ví dụ: Nếu tôi có một blog chuyên về bán mỹ phẩm, tôi sẽ đặt thêm các link về bí quyết chăm sóc da, chăm sóc tóc từ những trang web có uy tín khác bằng cách sử dụng RSS, nhằm gia tăng giá trị cho những người ghé thăm blog, đồng thời giúp các công cụ tìm kiếm nhận biết blog của tôi tốt hơn. RSS là một tính năng của các trang báo mạng, các blog cho phép bạn lấy nội dung từ đó về blog hoặc website của bạn một cách tự động mỗi khi website hoặc blog/nguồn tin đó có thêm những thông tin mới. Ví dụ: Hình 11.1 mô tả việc RSS cho phép bạn cập nhật tin tức từ VnEconomy.vn theo từng mục của trang báo. Hình 11.2 mô tả một blog Opera sử dụng RSS từ trang khác về bất động sản liên quan đến chủ đề mà trang blog này hướng tới là đưa thông tin về môi trường đầu tư ở Việt Nam. Để có thêm danh sách các blog phổ biến, bạn có thể tham khảo Phụ lục 9. Ví dụ: Wowparty là một công ty chuyên về tổ chức sự kiện bằng bong bóng. Một trong những đối tượng khách hàng tiềm năng của họ chính là các gia đình muốn tổ chức sinh nhật cho con bằng bong bóng. Dưới sự tư vấn của công ty tư vấn chiến lược marketing trực tuyến, họ đã tiến hành thực hiện các hoạt động marketing trực tuyến để nhắm đến những đối tượng này. Họ phát triển hẳn một website về chủ đề này mang tên nhatkyyeuthuong.com và đặt link tất cả các công cụ về đó. Họ bắt đầu bằng một loạt blog liên quan đến các chủ đề nuôi dạy con cái, chăm sóc bé, thời trang cho bé… Blog sau đó trở thành nơi chia sẻ của rất nhiều bà mẹ về các vấn đề xung quanh việc chăm sóc em bé. (Hình 10) Hình 10: Ví dụ về một blog sử dụng cho chiến lược marketing trực tuyến. Hình 11.1: Ví dụ về tính năng RSS trên VnEconomy. Nguồn: http://www.vneconomy.vn Hình 11.2: Ví dụ về sử dụng RSS của một blog. 3. Mạng xã hội Bản chất của mạng xã hội là sự kết nối và chia sẻ giữa những cá nhân với nhau. Vì vậy, khi tham gia mạng xã hội, đừng nghĩ ngay đến bán hàng hay quảng cáo, mà đó chính là xây dựng một cộng đồng cho sản phẩm của bạn. Rất nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới đã thành công khi mang được những giá trị mới qua cách thức giao tiếp mới với khách hàng của mình bằng cách sử dụng mạng xã hội nhằm tạo dựng hình ảnh thương hiệu và gia tăng những trải nghiệm của khách hàng với thương hiệu. Cách làm phổ biến là tham gia vào việc kết bạn để cùng chia sẻ với tư cách là doanh nghiệp. Các mạng xã hội hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng cộng đồng và lắng nghe phản hồi của khách hàng có thể kể ra như: Facebook.com Là mạng xã hội dành cho giới trẻ, với số lượng thành viên tính đến tháng 7 năm 2011 là 750 triệu và không ngừng tăng lên. Facebook là một nơi lý tưởng để quảng bá và phát triển hoạt động kinh doanh nếu bạn thực sự muốn chia sẻ giá trị với cộng đồng. Những ứng dụng của Facebook để giúp bạn bán hàng có rất nhiều (Tham khảo Chuyên đề 1). Ngoài việc có một tài khoản, bạn còn có thể tạo FanPage (trang dành cho người hâm mộ) để xây dựng và phát triển cộng đồng của mình, đồng thời chia sẻ và tiếp nhận phản hồi cũng như xử lý những vấn đề có thể xảy ra. Trên FanPage, bạn còn có thể dành cho những khách hàng hâm mộ trung thành với thương hiệu của mình những cảm xúc mới mẻ mỗi ngày, những chương trình khuyến mại, bí quyết sử dụng sản phẩm. Nếu bạn có kinh phí cho quảng cáo, Facebook cũng là nơi cho bạn cơ hội tiếp cận khách hàng một cách có chọn lọc và bạn phải đấu thầu trong phạm vi ngân sách của mình để được tham gia chương trình quảng cáo này. Ngay khi lên ngân sách, bạn có thể lựa chọn thị trường nhắm tới. Với lợi thế nắm thông tin người dùng của mình, Facebook cho phép bạn lựa chọn độ tuổi, giới tính, vị trí địa lý, sở thích của những người hoặc nhóm người có thể trở thành khách hàng tiềm năng của bạn. Ví dụ: DELLFC (Dell FanClub) đã rất thành công khi xây dựng một cộng đồng những người sử dụng sản phẩm của Dell ở Việt Nam. Trên Facebook họ đã xây dựng được một cộng đồng khoảng 31.321 thành viên (tính đến tháng 6 năm 2011). Trên trang dành cho người hâm mộ, DELL công bố mọi chương trình khuyến mại, lời khuyên và chia sẻ cũng như thể hiện phong cách của những người sử dụng máy tính DELL. (Hình 12.1) Hình 12.1: Ví dụ fanpage của Dell FC. LinkedIn.com Là mạng xã hội dành riêng cho giới tri thức, doanh nhân và dân làm việc chuyên nghiệp. Mạng xã hội này phù hợp để bạn xây dựng thương hiệu cá nhân, xây dựng mạng lưới bạn bè và cộng đồng chuyên nghiệp của riêng bạn. (Xem thêm Chương 7 để biết tại sao nên tham gia LinkedIn). Twitter.com Giúp bạn cập nhật liên tục tình hình của bạn với người theo dõi và cập nhật về bạn (follower) bằng một tiểu blog với số lượng từ hạn chế là 140 từ. Bạn hoàn toàn có thể sáng tạo nhiều cách khác nhau để tận dụng Twitter như tương tác với người sử dụng trên điện thoại di động, ví dụ để cập nhật liên tục về tình hình đăng ký nhận quà miễn phí. Tận dụng Twitter một cách sáng tạo cũng có thể cho bạn một chiến dịch marketing thành công bất ngờ và số lượng người muốn cập nhật tình hình của bạn không nhỏ. Youtube.com Là mạng xã hội để chia sẻ video thuộc mọi thể loại. Rất nhiều tên tuổi lớn đã sử dụng thành công Youtube để tạo tiếng vang lớn cho một chiến dịch marketing của mình. Dove - vẻ đẹp thực sự là một thí dụ. Video clip về vẻ đẹp thực sự mang tên Dove Evolution đạt được hơn 13 triệu lượt xem và hơn 6.000 bình luận. Nếu bạn còn nghi ngờ về hiệu quả truyền thông của những công cụ này, hãy thử hỏi mình xem bạn phải bỏ ra bao nhiêu chi phí cho việc thu hút 13 triệu lượt người biết đến quảng cáo của bạn? Đó là chưa kể hàng loạt các clip “ăn theo” khác liên quan đến clip này. Hình 12.2: Hình ảnh video clip Evolution của Dove đạt hơn 13 triệu lượt người xem. Ở Việt Nam cũng bắt đầu có những chiến dịch truyền thông xã hội thành công nhờ Youtube: Video clip quảng cáo sữa của Vinamilk với bài hát ngộ nghĩnh “Đàn bò nhảy múa” đã đạt số lượng người xem cho 2 clip cùng chủ đề lên đến 8 triệu lượt. Để thành công trên Youtube, bạn có thể có một số công cụ cơ bản và rất đơn giản để thực hiện các clip/đoạn phim. Window Movie Maker cho phép bạn sản xuất những đoạn phim đơn giản. Trong thời đại công nghệ số, một công ty sở hữu một máy quay kỹ thuật số và một số kỹ năng thêm bớt phụ đề cùng với một kịch bản tốt cũng có thể làm những đoạn phim giới thiệu về sản phẩm, về văn hóa công ty một cách trực quan sinh động. Google Plus Là một mạng xã hội mới xuất hiện năm 2011 nhằm cạnh tranh trực tiếp với Facebook. Với khả năng cá biệt hóa các mối quan hệ và tạo dựng một nền tảng vững chắc cho nhiều ứng dụng khác nhau do Google cung cấp, đây thực sự là một mạng xã hội tiềm năng cho những doanh nghiệp đã quen sử dụng các ứng dụng của Google trong công việc kinh doanh. Bạn có thể tham khảo thêm các mạng xã hội khác ở Phụ lục 8. Điều duy nhất bạn cần lưu ý khi làm quảng cáo và thu hút sự chú ý của cộng đồng trên các mạng xã hội là không được xa rời mục tiêu về sản phẩm dịch vụ, phải sáng tạo và sáng tạo liên tục để trao đổi và giao tiếp với khách hàng nhằm gia tăng giá trị cho họ và giúp họ hiểu thêm về bạn. Pinterest.com Là một cái tên mới trong danh sách mạng xã hội nhưng thu hút được một lượng đông đảo người tham dự do nhắm đến những phân khúc chuyên sâu hơn Facebook. Lấy ý nghĩa từ từ ghép Pin và Interest – Pinterest ra đời cho phép người dùng chia sẻ những sở thích giống nhau và gắn lên đó những hình ảnh về sở thích của mình. Với 97% người sử dụng mạng là phụ nữ, Pinterest trở thành mảnh đất lý tưởng cho những mảng kinh doanh phục vụ nhu cầu của nữ giới là thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực, du lịch, sách v.v... Wayn.com Là một mạng xã hội của cộng đồng yêu thích du lịch. WAYN là viết tắt của “Where are you now?” – Bạn đang ở đâu? Một địa chỉ hữu ích cho những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ du lịch giới thiệu sản phảm, dịch vụ của mình. Tuy vậy, nếu chỉ quảng cáo đơn thuần, bạn sẽ khó “lấy lòng” được cộng đồng Wayn, hãy để chính những khách hàng trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm của bạn quảng bá giúp bạn. Một bức ảnh của họ trước cảnh biển lãng mạn ghi chú họ đang ở Nha Trang có thể sẽ là một lời mời marketing truyền miệng hữu ích hơn bất kỳ một nỗ lực đưa tin quảng cáo nào trên mạng xã hội Wayn. Jumo.com Marketing không chỉ vì mục đích lợi nhuận. Rất nhiều doanh nghiệp xã hội ra đời và mong muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng. Nếu bạn cần marketing dự án của mình để tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng, hãy tham dự cộng đồng Jumo để tìm đến những người chung ý tưởng và sẵn sàng đầu tư công sức, thời gian cho những dự án của bạn. Đó là những người mong muốn tạo ra những thay đổi lớn lao cho cuộc sống của chúng ta. Kết hợp với Good.is, Jumo.com đang trở thành một cộng đồng mạnh để chia sẻ ý tưởng và phát triển mạng lưới cho những người nhiều ý tưởng cải thiện cuộc sống. 4. Sàn giao dịch Sàn giao dịch là nơi đông người tìm đến, giao thương và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Do vậy, sàn giao dịch luôn luôn là lựa chọn số 1 cho các doanh nghiệp khi muốn buôn bán trong nước và ngoài nước. Do được nhiều người sử dụng, các sàn giao dịch này được các công cụ tìm kiếm nhận biết tốt hơn, ví dụ, cùng một lúc bạn đăng sản phẩm dịch vụ trên website và trên một sàn giao dịch như Vatgia.com. Khi bạn tra trên Google, kết quả hiện ra trước tiên sẽ là trên Vatgia.com chứ không phải website của bạn. Với một doanh nghiệp mới thành lập và website mới đi vào hoạt động, việc có thể xuất hiện ngay trong 10 kết quả tìm kiếm đầu tiên quả là khó, nhưng nếu tham gia sàn giao dịch và link sang hình ảnh, sản phẩm về website của bạn, thông tin giới thiệu sản phẩm/dịch vụ và website của bạn sẽ đến với khách hàng nhanh hơn. Có ba loại sàn giao dịch phổ biến nhất là sàn giao dịch Doanh nghiệp - Doanh nghiệp (Business to Business - B2B) và Sàn giao dịch Doanh nghiệp - Người tiêu dùng (Business to Consumer - B2C); C2C là sàn giao dịch của những người tiêu dùng với nhau (Consumer to Consumer). - B2B là những sàn giao dịch do doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/ dịch vụ nhắm đến những khách hàng là doanh nghiệp. Từ mô hình này, nhiều sàn giao dịch chuyên ngành ra đời, ví dụ sàn giao dịch chuyên ngành vật liệu xây dựng, hóa chất, nông sản, sản phẩm xuất khẩu… - B2C là những sàn giao dịch nhắm đến người tiêu dùng cuối cùng, mô hình bán lẻ sản phẩm, dịch vụ, có thể theo cùng một chủ đề, ví dụ tập hợp các thương hiệu thời trang, sản phẩm dành cho mẹ và bé... hoặc là hỗn hợp, ví dụ các siêu thị bán lẻ trực tuyến. - C2C là những sàn giao dịch cho người tiêu dùng tự mua bán với nhau và trả một khoản phí cho người cung cấp dịch vụ. Tuy vậy, đôi khi có sự kết hợp giữa hai mô hình B2B và B2C cũng như B2C và C2C để tạo thành những sàn giao dịch hỗn hợp. Tùy vào đặc thù sản phẩm, dịch vụ và nhóm khách hàng tiềm năng bạn nhắm tới để lựa chọn những sàn giao dịch khác nhau nhằm tránh mất thời gian mà không đạt được kết quả như mong muốn. Bạn có thể phải trả một khoản phí nhất định khi tham dự những sàn giao dịch này hoặc chỉ trả phí khi có giao dịch được tiến hành. Các sàn giao dịch thường hướng đến việc cho bạn một không gian riêng để bán hàng nên có nhiều cá nhân không cần website vẫn kinh doanh rất tốt qua sàn. Đối với công ty, bạn nên đưa các đường link hoặc dẫn dắt khách hàng về website của doanh nghiệp. Để có thêm thông tin về các sàn giao dịch ở Việt Nam và trên thế giới, bạn có thể tham khảo thêm ở Phụ lục 5, 6. 5. Marketing với email Chúng ta sẽ không gọi là email marketing vì nó sẽ đồng nghĩa với việc bạn sử dụng email để gửi hàng loạt thư đến khách hàng tiềm năng hoặc đối tác. Đúng, đó là một phần của chiến lược marketing sử dụng email nhưng không phải là tất cả. Marketing với email có nghĩa là bạn sử dụng email như một công cụ để marketing ngay cả khi bạn không gửi hàng loạt thư cho hàng loạt khách hàng. Chúng ta sẽ bàn về khái niệm marketing với email sau khi có một công cụ tốt – email. Trước hết, chúng ta sẽ nói về một email cá nhân tốt sẽ có thể trở thành một công cụ bán hàng hoặc marketing tuyệt vời nếu biết tận dụng. Các doanh nghiệp thường có xu hướng tạo ra một email cho mỗi nhân viên nhưng quên không thống nhất chuẩn hình thức của email đó. Một hình thức email tốt phải cho biết được tên của người gửi, kèm theo website của công ty, điện thoại liên lạc của người gửi thư, email và thông tin về trang Twitter, Facebook (nếu có). Mục đích là để người bạn giao dịch có thể tìm thấy bạn dù bạn ở bất kỳ nơi nào trên mạng. Một chữ ký càng đơn giản và đầy đủ thông tin càng tốt. Bạn nên dùng những biểu tượng như (|) hay (::) để tạo khoảng cách giữa các nội dung. Một email hình thức đẹp và có đầy đủ thông tin sẽ gây được ấn tượng tốt với người nhận được thư. Mặt khác, không ít thống kê trên Google Analytics cho thấy, số lượng người truy cập website qua hòm thư không phải là con số nhỏ. Nếu bạn chủ động hơn nữa, hãy kích thích họ hành động ngay khi nhìn thấy chữ ký trong email của bạn, bạn có thể thêm một dòng kêu gọi hành động ngắn. Hãy quan sát ví dụ dưới đây: Chữ ký của Giám đốc công ty ABC Nguyen Van A Giám đốc điều hành (CEO) | Công ty ABC (ABC Company) Tư vấn thành lập doanh nghiệp +84.437777777 (ext.101) | [email protected] | http://www.abccompany.com Chữ ký của nhân viên kinh doanh Nguyen Van B Nhân viên Kinh doanh (Sales Executive) | Công ty ABC (ABC Company) Bạn cần thành lập công ty? Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn: -+84.437777777 (ext.102) | [email protected] | http://www.abccompany.com Xây dựng được một hệ thống email tốt, bạn có thể tiến hành các chiến dịch email marketing nhằm củng cố quan hệ với khách hàng cũ hoặc khách hàng hiện tại, kích thích khách hàng mới mua hàng thông qua việc cung cấp thông tin chương trình khuyến mại, quảng cáo hoặc cung cấp thêm thông tin về sản phẩm, dịch vụ. Có một số vấn đề cần lưu ý nếu bạn gửi hàng loạt cho tất cả những email bạn tìm được, đó là Spam tức là gửi thư rác cho khách hàng. Về ngắn hạn, bạn có thể đạt được mục đích là số lượng người truy cập website sau chiến dịch sẽ tăng đột biến, nhưng về lâu dài sẽ để lại hình ảnh không tốt cho khách hàng, nhất là những người bất đắc dĩ phải mở email không liên quan gì đến nhu cầu của mình. Hãy để khách hàng tự nguyện nhận email của bạn bằng một trong những hình thức sau: - Xây dựng hệ thống tài liệu hoặc giá trị hữu ích miễn phí (ví dụ ứng dụng miễn phí, phần mềm miễn phí) để khách hàng chủ động đăng ký và sử dụng email của họ để đăng ký. Ví dụ: Một cơ sở bán văn phòng phẩm của Việt Nam đã ứng dụng rất thành công giải pháp này. Để thu thập email của những người sử dụng các ứng dụng văn phòng, trên website của doanh nghiệp có liệt kê hàng loạt ứng dụng hữu ích như phần mềm chỉnh sửa ảnh, bộ gõ Unikey… Để tải những ứng dụng hữu ích này, người sử dụng cần đăng ký email để được gửi ứng dụng về hòm thư của họ. - Xây dựng một chương trình marketing đặc biệt khuyến khích mọi người đăng ký nhận thư tin của bạn. Ví dụ: 1.000 email đăng ký đầu tiên sẽ nhận được phần quà của chương trình. Như vậy, một chương trình có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự sáng tạo của bạn. Để có một chiến dịch email marketing tốt, bạn cũng cần chuẩn bị hình thức của email và nội dung email. Hình thức của email không nên kèm quá nhiều ảnh và màu sắc. Nội dung của email cần đơn giản, nêu bật được chủ đề và gây chú ý ngay từ tiêu đề để giúp người đọc quyết định có nên đọc email của bạn không. Bạn cũng cần chú ý, mọi nội dung chỉ nên tóm tắt gọn gàng, đủ để có thông tin chính. Còn những thông tin chi tiết, bạn nên đặt liên kết ngược (backlink) về website - gian hàng chính thức của bạn. Để gửi email, bạn có thể sử dụng phần mềm gửi email chuyên nghiệp của các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, giảm tối thiểu khả năng email bị liệt vào dạng spam. Ngoài ra, một nhà cung cấp dịch vụ email marketing hiệu quả sẽ có thể cho bạn biết các thống kê hữu ích cho việc đánh giá hiệu quả chiến dịch của bạn (số người nhận, số người mở thư, số người bấm vào link, số người từ chối nhận thư…). Một trong số những nhà cung cấp dịch vụ email marketing hiệu quả có thể nói đến là Icontact. 6. Marketing với diễn đàn Kinh doanh trong một ngành nghề mà việc tư vấn sản phẩm trở thành thường trực, rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn xây dựng và vận hành một diễn đàn để thu hút thêm cộng đồng và gia tăng giá trị cho họ. Các hãng sữa trên thế giới như Dumex hay Similac tạo dựng cộng đồng cho các bà mẹ sắp sinh con để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, đồng thời cũng là cách lồng ghép giá trị mà các công ty này muốn mang lại cho khách hàng tiềm năng và cộng đồng. Việc quảng bá và truyền đi thông điệp từ diễn đàn gặp thuận lợi ở chỗ, khi khách hàng đã đặt niềm tin và sẵn sàng trao đổi với doanh nghiệp những mong muốn về sản phẩm, dịch vụ cũng như băn khoăn của họ thì việc bán hàng không còn là vấn đề lớn. Tuy vậy, việc vận hành và duy trì một diễn đàn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của doanh nghiệp từ việc xây dựng chủ đề, tạo dựng cộng đồng đến việc duy trì nội dung và sự hứng khởi của người sử dụng. Một số doanh nghiệp khác thì lựa chọn marketing trên những diễn đàn nổi tiếng có người truy cập tương đối trùng với tập khách hàng mục tiêu của họ. Ví dụ: Ở Việt Nam, các sản phẩm cho bà mẹ và trẻ em thường hướng đến những diễn đàn xoay quanh vấn đề chăm sóc trẻ em như webtretho.com (web trẻ thơ) hay lamchame.com (làm cha mẹ)... Việc duy trì sự hiện diện thường xuyên trên các diễn đàn này cũng là một cách quảng bá thương hiệu tốt và gây dựng tình cảm với thương hiệu; mặt khác, nó cũng hỗ trợ rất nhiều cho việc xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm. Tuy vậy, nếu lạm dụng và tập trung quá nhiều vào mục đích bán hàng, bạn có thể bị “tẩy chay” và gây mất thiện cảm với người dùng. Cũng giống như mạng xã hội, khi marketing với diễn đàn, hãy ghi nhớ, bạn đang trao đổi và phát triển cộng đồng với những con người, có yêu có ghét và không ưa gì những lời chào hàng đeo bám. 7. Marketing trên công cụ tìm kiếm Một trong những hình thức marketing trực tuyến quan trọng phải tính đến là marketing trên công cụ tìm kiếm (Search Engine Marketing - SEM). Định nghĩa hẹp tức là bạn trả phí để sử dụng dịch vụ quảng cáo bằng từ khóa của các công cụ tìm kiếm như Google với Google Adwords hay Bing để được xuất hiện ở vị trí dễ bắt gặp cho người sử dụng mà các công cụ tìm kiếm định trước. Ở đây có nhiều hình thức, ví dụ PPC (pay per click – trả tiền theo mỗi click của khách hàng vào liên kết) hoặc PPM (pay per mille – trả tiền theo khoảng 1.000 lần quảng cáo được hiển thị cho khách hàng) hoặc PPA (pay per action) hay còn gọi là PPL (pay per lead) tức là loại quảng cáo có yêu cầu cao nhất, chi phí cao nhất khi chỉ trả phí nếu việc click của khách hàng dẫn đến hành động nào đó theo yêu cầu (ví dụ: đăng ký thành viên, mua hàng…). Do phải trả phí nên bạn phải có chiến lược quản lý ngân sách của mình rất chặt chẽ. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân sách thấp, cân nhắc kỹ giữa các biện pháp SEM. Một số khác thì định nghĩa SEM khá rộng và cho rằng đó là mọi nỗ lực liên quan đến việc gia tăng sự xuất hiện của mình trên các công cụ tìm kiếm, trong đó bao gồm cả marketing bằng từ khóa có trả phí, quảng cáo trực tuyến, tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội (SMM – Social Media Marketing) để phát triển cộng đồng và thuyết phục cộng đồng về giá trị của sản phẩm, dịch vụ. Tuy vậy, thực tế cho thấy, một doanh nghiệp có thể bỏ nhiều chi phí cho SEM thường chỉ đạt được hiệu quả ngắn hạn: Khi hết ngân sách quảng cáo, vị trí xuất hiện trên những chỗ bắt mắt sẽ biến mất. Vì vậy, trước khi tiến hành mọi nỗ lực quảng cáo có phí trên công cụ tìm kiếm, bạn hãy thực hiện việc tối ưu hóa sự thân thiện của website với công cụ tìm kiếm (SEO - Search Engine Optimization). Tham khảo thêm Chuyên đề 8 về SEO và SEM. 8. Quảng cáo banner Là hình thức bạn trả phí để được đặt hình ảnh về bạn, chương trình của bạn quảng bá trên một trang web khác mà thông thường là báo, tạp chí trực tuyến. Banner có thể để ở vị trí cố định trên trang web hoặc cũng có thể hiển thị ở dạng một cửa sổ pop-up – hiện riêng, tách rời khỏi trang web ban đầu (còn gọi là pop up ad). Banner này có thể đặt liên kết về website của bạn hoặc đặt về microwebsite (website nhỏ) cho một chương trình riêng biệt của bạn. Thông thường việc quảng cáo bằng banner sẽ là quảng cáo phải trả phí và có ít cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ. Cách thức lâu dài và hợp tác có lợi, sáng tạo là bạn nên tìm đến những nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ bổ trợ có cùng nhóm khách hàng tiềm năng với bạn, phối hợp để cùng làm quảng cáo hoặc trao đổi banner cho nhau. Các công cụ tìm kiếm sẽ không đánh giá cao nếu hai website đặt link trao đổi cho nhau, bạn nên lập thành liên minh có khoảng ba đối tác trở lên để hợp tác. A đặt banner trên website của B, B đặt trên website của C và C đặt trên website của A. Việc lựa chọn đối tác cũng quan trọng để đảm bảo thành công. Ví dụ, bạn bán đồ gỗ nội thất, hãy tìm những nhà cung cấp sản phẩm giấy dán tường hoặc nhà cung cấp dịch vụ chuyển nhà để cùng hợp tác. Những đối tác này đều có chung một nhóm khách hàng tiềm năng với bạn, đó là những người vừa chuyển nhà, đang có nhu cầu trang trí lại nhà cửa... Ghi nhớ: KẾT HỢP MARKETING TRUYỀN THỐNG VÀ MARKETING TRỰC TUYẾN Nếu biết kết hợp các công cụ marketing truyền thống và marketing trực tuyến, cơ hội truyền thông của bạn càng nhân lên gấp bội. Nguyên lý kết hợp đơn giản nhất là tận dụng các phương tiện đơn giản nhất từ namecard cho đến bao bì đựng sản phẩm, tờ rơi, áo mưa, mũ bảo hiểm, đồng phục của nhân viên, nhãn mác của sản phẩm để đưa thông tin về website của bạn lên đó. Tuy vậy, phải lưu ý, tên website của bạn xuất hiện trên những phương tiện này nên đi kèm với khẩu hiệu của công ty hoặc những câu có khả năng kích thích hành động của khách hàng thay vì chỉ để mỗi website của bạn. Phần 2: ĐO LƯỜNG HIỆU QUẢ CHIẾN LƯỢC MARKETING TRỰC TUYẾN Sau khi đã tiêu tốn thời gian, tiền bạc, nhân lực cho chiến lược marketing, nếu không đánh giá hiệu quả hoặc đánh giá một cách hời hợt bằng số lượng người vào website, bạn sẽ mắc sai lầm lớn và không thể rút ra kinh nghiệm cho những lần tiếp theo. Tiêu chí nào để nhận diện thành công của bạn trong một chiến lược marketing trực tuyến? Công cụ nào sẽ hỗ trợ bạn? 1. Những tiêu chí đánh giá - Số người vào website trực tiếp (đây có thể là hiệu ứng của chiến lược marketing ngoại tuyến bổ trợ). - Số lượng người vào qua các công cụ quảng bá, website của bên thứ ba. - Số lượng người phản hồi trực tiếp trên blog, Twitter, Facebook. - Số lượng người nhấc máy gọi điện cho bạn sau khi xem chương trình. Đừng quên hỏi họ biết đến bạn qua kênh nào. - Số người ghé thăm các trang microsite, blog, YouTube, Facebook Fanpage của bạn. - Số người đăng ký nhận bản tin, đăng ký thành viên trên website, microsite của bạn. - Chất lượng các lời bình phẩm (tích cực hay tiêu cực). Hình 13.1: Minh họa thống kê trên Google Analytics. Nguồn: http://www.google.com/analytics Hình 13.2: Minh họa thiết lập mục tiêu trong Google Analytics. Nguồn: http://www.google.com/analytics - Số lượng đơn đặt hàng từ những nơi bạn đặt giỏ hàng (Facebook, sàn giao dịch B2C, B2B mà bạn tham gia). - Số đơn đặt hàng thành công/số đơn hỏi hàng gửi đến từ những click. Cũng từ đây hình thành một tiêu chí: tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) – chuyển đổi từ khách viếng thăm sang đăng ký thành viên, hoặc chuyển đổi từ khách viếng thăm thành người mua hàng. - Và đừng quên so sánh với mục tiêu đề ra ban đầu về các tiêu chí trên trong quá trình lập kế hoạch. - Hãy luôn ghi nhớ: Mọi chiến lược, công cụ đều phải đo lường được. Nếu không đo lường được trực tiếp hoặc gián tiếp, bạn không nên tiếp tục. - Các công cụ giúp bạn: Cho dù bạn sử dụng công cụ nào (mạng xã hội hoặc website, microsite) chúng đều giúp bạn đo lường ở một khía cạnh nào đó những gì bạn đang làm. Google Analytics (Hình 13.1) là công cụ thường trực và phổ biến nhất cho việc đo lường tổng thể hiệu quả chiến lược. Công cụ này hoàn toàn miễn phí và có thể cài đặt vào website của bạn, giúp bạn theo dõi tiến triển hàng ngày (Tham khảo Chuyên đề 3). Để sử dụng được Google Analytics nhằm phân tích website của mình, bạn chỉ cần có một tài khoản gmail và nhà cung cấp dịch vụ thiết kế website cài đặt Google Analytics cho website của bạn. Từ đây, bạn có thể theo dõi các thông số như: Người dùng vào website qua những trang nào, họ dùng những từ khóa nào để tìm ra trang của bạn, họ xem nội dung nào nhiều nhất, họ đến từ những quốc gia hoặc tỉnh thành nào... Nếu bạn đặt mục tiêu cho website của mình về tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate), ví dụ từ người xem hàng thành người mua hàng; từ người ghé thăm thành người đăng ký thành viên..., Google Analytics cho phép bạn thiết lập mục tiêu để tiện theo dõi và đánh giá mục tiêu bạn đề ra. Hình 13.2 cho bạn hình dung rõ hơn về các mục tiêu (Goal). Goal type cho phép bạn lựa chọn: mục tiêu của bạn là người dùng bấm vào một link nào đó (URL Destination); mục tiêu là thời gian ở lại trên website (Time on site); mục tiêu là số lượng trang/lần truy cập (Pages/Visit). Hình 14: Sử dụng Site Info của Alexa. Nguồn: http://www.alexa.com Thống kê tổng thể của Youtube về số lượt xem video, số lượng bình luận (comments), số liệu chuyên sâu (Insight) của Facebook; số fan hâm mộ trên Fanpage, các thông số nhân khẩu học thống kê của Facebook cũng là những thông số quan trọng để đánh giá sự thành công của chiến lược hoặc công cụ mà bạn sử dụng. Alexa: Mặc dù tính chính xác chỉ tương đối, Alexa cũng cho phép bạn nhìn chương trình bạn thực hiện ở một số khía cạnh hoặc thông tin về website của bạn: lượt người truy cập và tăng giảm, từ khóa nào được người dùng sử dụng để tìm ra bạn, các quốc gia có người sử dụng ghé thăm website v..v. Bạn có thể vào alexa.com, chọn Siteinfo (http://www.alexa.com/siteinfo); đánh tên website bạn cần kiểm tra, sau đó chọn Get details bạn sẽ có thông tin chi tiết về website đó. Google: Google chính là một thước đo thú vị cho chiến dịch của bạn. Qua công cụ này, bạn sẽ biết có bao nhiêu bài viết bao nhiêu người bình luận về chiến dịch của bạn… Hãy ghi nhớ, những gì bạn làm trong chiến dịch hôm nay sẽ được Google lưu giữ vĩnh viễn và tốt hay xấu hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. CHƯƠNG 6: CÁC CÔNG CỤ BÁN HÀNG TRỰC TUYẾN Quy trình bán hàng trực tuyến về cơ bản diễn ra như sau: Hình 15: Mô tả quy trình đặt hàng và mua hàng trực tuyến. Bước 1: Người mua đặt hàng. Bước 2, 3: Tùy theo việc người bán hay người mua chấp nhận rủi ro mà việc thanh toán được tiến hành trước hay chuyển hàng được tiến hành trước. Thông thường, người mua phải trả tiền trước và người bán giao hàng sau. Tuy vậy, vẫn có những doanh nghiệp thu tiền theo phương thức mang hàng đến rồi mới thanh toán tiền cho người giao hàng. Đối với lĩnh vực dịch vụ thông thường người mua phải trả phí trước, ví dụ tải nhạc chuông điện thoại hay mua phần mềm… Bước 4: Người mua sẽ đổi lại nếu hàng không đúng quy cách phẩm chất. Với một quy trình bán hàng đơn giản như vậy, các công cụ được coi là phục vụ trực tiếp cho việc bán hàng của bạn, có nghĩa là thông qua các công cụ đó, một trong các bước trên được thực hiện. Người mua có thể đặt hàng, nhận được sản phẩm/dịch vụ hoặc thanh toán được cho bạn, theo dõi quá trình đưa hàng… CÁC CÔNG CỤ PHỤC VỤ BÁN HÀNG TRỰC TUYẾN 1. Website Nếu một website chỉ giới thiệu về thông tin sản phẩm, dịch vụ và giá, mà không cho phép khách hàng thực hiện một trong các giao dịch trên, website đó mới chỉ là công cụ marketing hoặc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, chưa phải là một website bán hàng. Có bốn cấp độ phát triển của một website bán hàng thực thụ: - Cấp độ 1: Website chỉ có chức năng giỏ hàng, tức là cho phép người mua đặt hàng (sau khi đã nghiên cứu tính năng, giá và phương thức thanh toán). Người mua sau khi đặt hàng vào các giỏ có thể gửi yêu cầu/đơn đặt hàng của mình. Đơn hàng được chuyển đi cho người bán, sau đó người bán và người mua sẽ thỏa thuận hình thức thanh toán (trả tiền khi nhận hàng, trả tiền trước vào tài khoản rồi sẽ nhận được hàng, trả tiền sau khi đã nhận được hàng)… Với những website như thế, khách hàng chỉ đặt mua hàng trên mạng mà không thực hiện thêm bất kỳ giao dịch nào qua website nữa. - Cấp độ 2: Website cho phép đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Ở cấp độ này, ngoài việc cho phép người mua đặt hàng, nó còn đảm bảo khách hàng có thể thanh toán được với những thẻ thanh toán trực tuyến mình đang có, ví dụ Visacard, Mastercard (quốc tế) hay Ngân Lượng, Bảo Kim (Việt Nam). - Cấp độ 3: Website cho phép kiểm tra tình trạng cung cấp sản phẩm dịch vụ, hàng đã chuyển đi đến đâu. - Cấp độ 4: Ngoài việc cung cấp những dịch vụ ở cả ba cấp độ trên, website gia tăng trải nghiệm mua hàng của khách hàng bằng những hình thức như: nhận biết được nếu khách hàng quay trở lại, cho phép khiếu nại trực tuyến, hướng dẫn sử dụng trực tuyến, được hỗ trợ trực tuyến khi mua hàng…. 2. Sàn giao dịch điện tử Để gia tăng hiệu quả bán hàng và tăng khả năng marketing sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng hơn, nhiều doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch hoặc các chợ trực tuyến để tạo không gian bán hàng của riêng mình hay còn gọi là “gian hàng ảo”. Các công cụ này không chỉ hỗ trợ đắc lực cho việc marketing do có số lượng người sử dụng đông đảo và nhu cầu đa dạng mà còn cung cấp các công cụ giúp việc bán hàng trở nên thuận tiện và đơn giản hơn rất nhiều. Các công cụ này còn hỗ trợ tốt cho việc nhận biết của công cụ tìm kiếm về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của bạn. (Tham khảo chi tiết Chương 5) Bạn có thể tham khảo về các sàn giao dịch điện tử trong Phụ lục 5, 6 để có thông tin chi tiết về các sàn giao dịch ở Việt Nam và trên thế giới. Thông thường, mỗi sàn giao dịch đều có cách hoạt động riêng nhưng có thể chia làm ba nhóm: - Miễn phí tham gia và chỉ thu phí trên giao dịch - Miễn phí tham gia, thu phí trên số lượng tin đăng hoặc thu phí trên dịch vụ giá trị gia tăng - Thu phí tham gia ngay từ đầu. Trước khi tham gia và chuẩn bị sẵn sàng cho việc bán hàng, bạn cần: - Chuẩn bị trước hình ảnh sản phẩm, dịch vụ. - Chuẩn bị thông tin mô tả sản phẩm, dịch vụ và đặc tính của sản phẩm, dịch vụ, càng chi tiết càng tốt. - Chuẩn bị thông tin về thanh toán, phương thức mua hàng và giao hàng, bảo hành hoặc bồi thường thiệt hại cho khách hàng… - Chuẩn bị thông tin liên hệ một cách đầy đủ và thống nhất để tạo niềm tin cho người mua hàng. Sau khi đã chuẩn bị chi tiết các thông tin này, bạn có thể tự tin đăng ký thành viên, và cập nhật hình ảnh sản phẩm, dịch vụ trên đó và tiếp nhận đơn đặt hàng gửi về. 3. Yahoo Messenger và Skype Là một công cụ thường xuyên sử dụng cho việc trao đổi thông tin hàng ngày, bạn cần tận dụng Yahoo Messenger và Skype để giao tiếp trực tiếp với khách hàng và chăm sóc khách hàng trực tuyến. Do đặc thù kinh doanh ở Việt Nam, một thị trường rất ưa chuộng Yahoo Messenger, rất nhiều doanh nghiệp đã tích hợp tính năng hỗ trợ trực tuyến lên trang web để giúp khách hàng tìm kiếm thông tin và đặt hàng nhanh chóng sau khi đã tìm hiểu thông tin sản phẩm, dịch vụ. Nick chat Yahoo Messenger của bạn cũng có thể được hiển thị trên cả những sàn giao dịch mà bạn tham gia. Vì vậy, bất kỳ khi nào bạn hoặc nhân viên kinh doanh đang ở trên mạng và để ở chế độ hiển thị, mọi khách hàng đều có thể làm việc với bạn. Bằng chứng về giao dịch vẫn được lưu lại nếu bạn sử dụng Yahoo Messenger Archive. Hình thức này chủ yếu dựa trên sự tin tưởng giữa hai bên, tuy vậy nó tỏ ra rất nhanh nhạy và hữu dụng. Nếu bán hàng bằng cách này, bạn nên chuẩn bị thông tin sản phẩm, dịch vụ thật kỹ lưỡng để giải đáp nhanh chóng cho khách hàng. Khi khách hàng đặt hàng, bạn cần lấy những thông tin như: - Tên tuổi, địa chỉ - Số điện thoại liên lạc - Thời điểm giao hàng phù hợp Và thông báo cho khách hàng biết hình thức thanh toán, hình thức vận chuyển, vấn đề bảo hành… Sau khi xác nhận các thông tin đặt hàng, bạn nên gọi điện để xác minh bằng điện thoại, đảm bảo những thông tin mình có về khách hàng và người đặt hàng là có thực. Việc chat trên Yahoo Messenger cũng có thể giúp bạn cập nhật cho khách hàng tình trạng vận chuyển hàng và giải đáp khiếu nại nếu có. Không quên nhập thông tin của khách hàng vào kho dữ liệu khách hàng của bạn để tiện theo dõi và chăm sóc khách hàng về sau này. Ngoài ra, để đảm bảo chắc chắn rằng mỗi nhân viên kinh doanh khi rời khỏi công ty không mang theo những dữ liệu quý giá về nick chat của khách hàng, bạn nên đặt thống nhất nick cho công ty, ví dụ: congtyabctuvan; congtyabc banhang… và yêu cầu bàn giao lại nick này khi nhân viên rời khỏi công ty. Tham khảo thêm Chuyên đề 13 – Một số lỗi thường gặp trong giao tiếp với khách hàng trực tuyến. TÍNH NĂNG GIỎ HÀNG Bạn không thể bán hàng trực tuyến mà không sử dụng tính năng giỏ hàng. Đương nhiên, việc thiết kế tính năng giỏ hàng phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị thiết kế sản phẩm và nhu cầu của bạn. Tuy vậy, khi xác định bán hàng trực tuyến, bạn phải quản lý được toàn bộ quy trình này qua các bước cơ bản sau: - Tiếp nhận đơn hàng trực tuyến - Nắm được thông tin sản phẩm, giá trị đơn hàng - Nắm được thông tin người đặt hàng (đây sẽ là cơ sở ban đầu cho CSDL khách hàng của bạn sau này) và là nền móng để phân nhóm khách hàng và chăm sóc khách hàng - Xử lý và thay đổi trạng thái đơn hàng từ chưa xử lý sang đang xử lý, hoàn tất - Theo dõi và ghi chú thông tin đơn hàng và thông tin khách hàng để phục vụ cho những lần sau. Ví dụ, khi khách hàng mua hàng lại, họ không phải điền hàng loạt thông tin như ban đầu - Cập nhật trạng hủy đơn hàng để tiết kiệm thời gian, chi phí - Xác nhận đơn hàng thành công. Ở đây, đối với một quy trình mua bán và thanh toán trực tuyến toàn bộ, việc giám sát sẽ diễn ra đơn giản hơn rất nhiều. Trong trường hợp, quy trình bán hàng của bạn mới ở dạng trực tuyến một phần, còn khâu thanh toán được hoàn thiện vào lúc giao hàng thì cần có sự phối hợp đồng bộ với các bộ phận như giao hàng, kế toán v..v để xác nhận đơn hàng đã hoàn tất. Khi thực hiện tính năng giỏ hàng trực tuyến cũng có nghĩa là bạn chấp nhận công khai giá của sản phẩm với cả người dùng và đối thủ cạnh tranh. Trong trường hợp này, bạn sẽ phải cân nhắc và nêu ra giá của sản phẩm ngay ban đầu. tránh tình trạng để giá sản phẩm là 0 VND hoặc 0 USD sẽ tạo ấn tượng về một gian hàng không hoàn chỉnh và khó có được niềm tin với khách hàng. Xây dựng tính năng giỏ hàng cũng đồng nghĩa với xây dựng niềm tin với khách hàng trong giao dịch. Vì vậy lựa chọn công cụ tích hợp để thanh toán cũng đòi hỏi sự cân nhắc khi xây dựng. Với các công cụ thanh toán trực tuyến trong nước như Nganluong, Baokim hay công cụ thanh toán trực tuyến cho giao dịch quốc tế như Paypal, Visa, Master, nhà cung cấp sản phẩm sẽ có nhiều lựa chọn hơn. CHƯƠNG 7: THƯƠNG HIỆU VÀ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP R ất nhiều doanh nghiệp thường hiểu nhầm về xây dựng thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp, có thể kể ra đây như: - Việc xây dựng thương hiệu là của những doanh nghiệp có nhiều tiền. - Việc xây dựng thương hiệu là có một logo đẹp và chuyên nghiệp. - Văn hóa doanh nghiệp không dành cho những doanh nghiệp ít người - Khi nào có đủ tiền sẽ tập trung xây dựng thương hiệu. Những hiểu lầm như trên có thể dẫn bạn vào vòng xoáy, có tiền mới làm thương hiệu, nhưng muốn chuyên nghiệp phải có thương hiệu, chưa có tiền chưa làm thương hiệu chuyên nghiệp được… Nếu tiếp tục tư duy theo cách đó, bạn đang hạn chế rất nhiều cơ hội của mình. Hãy ghi nhớ, mọi thương hiệu lớn đều bắt đầu từ một cơ sở nhỏ. Việc xây dựng thương hiệu nên tiến hành càng sớm càng tốt, từ những điều rất nhỏ và nên bắt đầu từ cả hai góc độ, xây dựng thương hiệu cá nhân của chủ doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Phần 1: BẮT ĐẦU XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU DOANH NGHIỆP VỚI NGUỒN KINH PHÍ THẤP Xây dựng thương hiệu hoàn toàn có thể và nên bắt đầu từ một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngay từ khi bạn mới thành lập, hãy xây dựng cho mình một tầm nhìn cho sự lớn mạnh về tên tuổi của công ty và sản phẩm trên thị trường. Xây dựng thương hiệu biểu hiện ra bên ngoài bằng tên gọi, logo và các tài liệu, hình ảnh có sự hiện diện của bạn. Đó là nền tảng lâu dài để từng bước gây dựng trong tâm trí người dùng một thương hiệu chuyên nghiệp. Là một doanh nghiệp nhỏ, bạn hãy tiết kiệm chi phí và tập trung chi cho một số nội dung chính để nhận diện thương hiệu sau đây: - Thiết kế logo. - Thiết kế và in ấn card: bạn cần có một danh thiếp (namecard) chuyên nghiệp để giới thiệu về tên. Không nên tham giới thiệu về mình và sản phẩm, dịch vụ. Sau khi có một logo như ý muốn (theo các bước dưới đây), bạn hãy chuẩn bị thiết kế và in card. - Thiết kế và in báo giá: bạn cần một số lượng vừa phải bản báo giá in bìa cứng và chuyên nghiệp. - Thiết kế và in ấn catalogue hoặc bản Giới thiệu dịch vụ. - Hoàn thiện các tài liệu nhận diện khác. 1. Thiết kế logo đơn giản và nhanh chóng trong 30 phút Logo là một phần của thương hiệu nhưng không phải là thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp mới thành lập, hoặc quá thờ ơ với việc có một logo hoặc mất quá nhiều thời gian vào việc thiết kế logo. Chúng ta hoàn toàn có thể tự tạo những logo hoặc lấy ý tưởng từ những kênh khác nhau để có một logo chuyên nghiệp, thể hiện được ý tưởng của bạn trong một thời gian ngắn. Có rất nhiều công cụ hỗ trợ bạn việc này, ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu việc phối hợp một số công cụ cơ bản và hoàn toàn miễn phí. Tất nhiên, nếu bạn không phải là một nhà thiết kế xuất sắc, hãy sử dụng một lựa chọn đơn giản cho bạn. Bạn hãy thực hiện theo các bước sau đây: Bước 1: Nếu bạn có ý định đặt logo theo chữ (tên công ty hoặc tên sản phẩm), cooltext.com là một công cụ rất tốt để thực hiện việc này. Bạn vào địa chỉ http://www.cooltext.com, chọn một mẫu logo bạn thích (tốt nhất nên chọn loại không có nền để dễ sử dụng cho nhiều mục đích sau này). Ở đây cũng có rất nhiều font chữ khác nhau để bạn lựa chọn (Hình 16.1). Bước 2: Hoàn tất và tải xuống. Bạn có thể tải logo xuống dưới nhiều dạng khác nhau, dạng file ảnh, dạng html hoặc gửi về email của bạn. Hình 16.1: Tạo logo với Cool Text. Nguồn: http://www.cooltext.com/ Một công cụ khác cũng đơn giản không kém cho việc thiết kế logo theo dạng chữ, đó là http://www.simwebsol.com/ImageTool. Bạn chỉ việc vào trang web, đánh các yêu cầu đối với logo của bạn theo chỉ dẫn và logo sẽ hiện ra. Việc tiếp theo là bấm phải chuột vào logo để tải xuống máy. Nếu bạn muốn có một ý tưởng logo thiết kế thực sự, không chỉ là logo chữ, bạn có thể tham khảo các ý tưởng trên http://www.logomaker.com. Trang web này cung cấp rất nhiều mẫu logo và thậm chí còn cho bạn thử thiết kế. Nếu đã thiết kế xong, bạn hoàn toàn có thể trả một khoản phí nhỏ để tải logo về và dùng theo ý muốn. Tuy vậy, nếu chỉ để tìm kiếm ý tưởng, đây có thể là một trang web cho bạn những ý tưởng tốt trước khi trao đổi với nhà thiết kế logo của bạn. Hãy đầu tư một chút vào công việc thiết kế logo vì nó sẽ đi theo bạn trong suốt quá trình hoạt động, hiện diện trên danh thiếp, website và tài liệu giới thiệu về công ty của bạn. Quan trọng hơn cả là logo thể hiện một phần hoài bão và tầm nhìn của bạn, vì vậy nó cho bạn và nhân viên cảm hứng làm việc mỗi ngày. Do đó, nếu không phải là một nhà thiết kế chuyên nghiệp nhưng muốn học tập từ những ý tưởng khác nhau, hãy tìm kiếm trước ý tưởng và tiết kiệm thời gian khi làm việc với nhà thiết kế chuyên nghiệp. Bước 3: Soạn thảo một biểu mẫu chính thức bao gồm: logo và giải thích ý nghĩa của logo, và giới thiệu logo với mọi nhân viên trong công ty. Bước 4: Lồng ghép logo vào mọi loại giấy tờ, tài liệu mà thương hiệu của bạn hiện diện. (kiểm tra danh sách tài liệu cho marketing trong Phụ lục 7). Đó không chỉ là cách làm gia tăng niềm tự hào của nhân viên với thương hiệu mà còn giúp bạn tạo sự nhận diện thương hiệu một cách đồng bộ và khoa học. 2. Thiết kế business card (namecard) trong 2 phút Như đã nói ở trên, danh thiếp (namecard) là công cụ đặc biệt quan trọng để khách hàng tiềm năng, đối tác nhớ về bạn. Một namecard đơn giản, đầy đủ thông tin là rất quan trọng. Lựa chọn 1: Sử dụng công cụ thiết kế businesscard trực tuyến. Bạn có thể tự thiết kế namecard cho mình bằng một form có sẵn và đơn giản với đầy đủ thông tin của bạn, hãy sử dụng công cụ: http://www.degraeve.com/business-cards (Hình 16.2). Bước 1: Tải logo của bạn lên một trang nào đó (ví dụ: Flickr.com hoặc Picasa). Sau đó, bấm phải chuột trên logo, chọn Copy Image URL để lấy đường link nơi để logo của bạn. Bước 2: Trở lại trang http://www.degraeve.com/business-cards; bấm Ctrl+V, dán Url vào vị trí để thay hình ảnh trong ví dụ. Điền đầy đủ thông tin như bạn muốn hiển thị trên card. Trang này sẽ chủ động lấy ảnh từ nguồn đó và tạo card cho bạn. Cũng nên lưu ý, các trang nước ngoài thường không hỗ trợ định dạng tiếng Việt, bạn nên soạn bằng tiếng Anh. Hình 16.2: Tạo logo với Degraeve.com. Nguồn: http://www.degraeve.com/business-cards/ Sau khi tạo xong các nội dung cần thiết, bạn bấm chọn Make Business Card (như hình 16.2). Trang web sẽ tự động chuyển card của bạn thành tệp file in được, đã phân ô. Bạn chỉ việc bấm Ctrl + S để lưu về máy, gửi cho người in ấn của bạn để hoàn tất việc thiết kế card. Lựa chọn 2: Sử dụng mẫu thiết kế sẵn của Microsoft .Microsoft đã tạo ra một kho dữ liệu với những mẫu thiết kế sẵn, bạn chỉ việc lựa chọn, tải về và điền thông tin của mình, sau đó gửi ra hàng in. Những mẫu thiết kế này hoàn toàn miễn phí và rất dễ sử dụng. Bạn có thể vào: http://offi ce.microsoft .com/ en us/templates/ và điền vào ô tìm kiếm: business card. Hàng loạt các kết quả sẽ hiện ra và chỉ sau vài bước, bạn đã có mẫu sẵn để sử dụng. (Hình 17) Bạn chọn download để tải mẫu về. File được tải xuống thường là file có dạng template (tức là mẫu dựng sẵn). Lưu ý, nên lựa chọn những mẫu phù hợp với bản Microsoft Offi ce của máy bạn, có thể là Microsoft Offi ce 2003 hoặc 2007 hoặc 2010. Hình 17: Tạo mẫu namecard với Microsoft Templates. Nguồn: http://offi ce.microsoft .com/en-us/templates/ Hình 18: Lưu mẫu namecard với Microsoft Templates. Hình 19: Tạo mẫu namecard với Microsoft Publisher. Loại file này giúp bạn nhân bản liên tục file giống hệt file gốc nhưng không làm file gốc mất đi. Sau khi tải file xuống, bạn tiến hành chỉnh sửa, thay đổi logo và tên công ty, tên người sử dụng theo ý bạn. Nếu đã chắc chắn về file mình định sửa và thống nhất lấy mẫu đó làm mẫu chung cho cả công ty, bạn nên chọn lưu file đó dưới dạng .dot hoặc .dotx và để file đó ở nơi mọi người có thể lấy được (Hình 18). Lựa chọn 3: Sử dụng Microsoft Office Publisher với các mẫu đã dựng sẵn khi bạn cài đặt Microsoft Office (Hình 19). Bạn có thể thay màu sắc và lồng ghép logo của mình để tạo ra mẫu namecard phù hợp và sáng tạo theo ý muốn của bạn. 3. Thiết kế các tài liệu in ấn Để không mất thời gian thiết kế tài liệu giới thiệu công ty và báo giá, bạn có thể vào website sau để tải xuống những mẫu đã thiết kế trước hoàn toàn miễn phí và bạn có thể chỉnh sửa, đưa những nội dung của công ty mình vào đó: https://www.marketsplash.com/marketsplash/flow/ ihm? execution=e2s5. Nếu bạn có công cụ Microsoft Publisher, bạn có thể tải xuống các mẫu có sẵn của Microsoft từ http://office.microsoft .com/ en us/templates/?CTT=97 hoặc sử dụng các mẫu thiết kế có sẵn trong Microsoft Publisher và chỉnh sửa theo ý mình. Sau khi thống nhất được các mẫu này, bạn cũng nên lưu tệp gốc ở dạng mẫu (template) để sử dụng sau này khi bạn cần in thêm card mới cho nhân viên. Nên lưu tài liệu mẫu này ở nơi quản lý thống nhất để những người liên quan có thể tiếp cận. 4. Thống nhất các mẫu giấy tờ văn phòng Thống nhất mẫu giấy tờ văn phòng không chỉ tạo cho doanh nghiệp của bạn tác phong chuyên nghiệp ngay từ đầu, mà còn tiết kiệm thời gian cho cả công ty mỗi khi có một yêu cầu mới phát sinh. Nhân viên của bạn có thể là người giỏi chuyên môn nghiệp vụ nhưng lại không rành về thiết kế mỹ thuật. Vì vậy, mọi mẫu tài liệu nên được chuẩn hóa và thống nhất trong toàn doanh nghiệp để doanh nghiệp của bạn không chỉ chuyên nghiệp trong nội bộ công ty mà còn tạo dựng được hình ảnh đẹp và phong cách làm việc nhanh nhẹn trong con mắt khách hàng. Bạn cần phải tạo các mẫu văn bản dựng sẵn để tiện sử dụng theo các bước sau đây: Mẫu văn bản word Hãy tạo ra một mẫu văn bản Microsoft Word chung cho cả văn phòng để thuận tiện cho việc in ấn và thống nhất tài liệu gửi đi cho khách hàng. Cách thiết kế phổ biến là: Phía trên là logo, thông tin dịch vụ, phía dưới là địa chỉ liên hệ, website. Hãy để mẫu ở nơi mọi nhân viên có thể tìm và sử dụng được. Mỗi khi cần thay đổi bất kỳ thông tin nào, bạn chỉ cần thay ở file mẫu chung của công ty là đủ. Các bước tạo một mẫu văn bản word cũng giống như thiết kế một file word thông thường, có header (tiêu đề ở đầu trang) và footer (tiêu đề cuối trang). Sau khi hoàn thiện mẫu, bạn chọn Save As, chọn Document Templates (.dot) hoặc (.dotx). Tuy vậy, phải ghi nhớ đặt tên theo ngày bạn làm để người sử dụng biết đâu là văn bản cập nhật mới nhất. Mẫu trình bày Powerpoint Bạn phải chuẩn bị cho việc thuyết trình liên tục để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ. Muốn cho việc này tiết kiệm thời gian cho cả bạn và nhân viên của bạn, nên soạn trước từ 2 đến 4 mẫu Powerpoint tiện dụng cho cả công ty. Powerpoint Template chung dùng cho mọi mục đích trình bày và thống nhất sử dụng cho toàn bộ công ty mỗi khi nhân viên của bạn phải thuyết trình. File này bao gồm: 1 trang đầu - Logo công ty - Tên công ty - Tên bài trình bày - Tên người trình bày - Chức vụ của người trình bày - Địa điểm trình bày và thời gian (Bạn cũng có thể soạn thảo một mẫu chung tiếng Việt, một mẫu chung bằng tiếng Anh để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.) Hình 20: Tạo file word mẫu với Microsoft Word. 1 trang ở giữa để trống 1 trang cuối cùng