🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Kim Cương Đoạt Mạng - Jeffery Deaver
Ebooks
Nhóm Zalo
JEFFERY DEAVER
Orkid dịch
—★—
KIM CƯƠNG ĐOẠT MẠNG
• THE CUTTING EDGE •
(Lincoln Rhyme, #14)
BÁCH VIỆT & NXB LAO ĐỘNG
ebook©vctvegroup | 23-02-2021
Tặng đội Texas: Dan, Ellen, Wyatt, Bridget, Ingrid, Eric và những nàng cao bồi yêu thích của tôi Brynn, Sabrina và Shea.
Tôi trông thấy một thiên thần trong khối cẩm thạch và tạc mãi đến khi thả người tự do.
- MICHELANGELO -
I
ĐỊNH HÌNH Thứ Bảy, 13 tháng Ba
CHƯƠNG 1
“Nó an toàn không?”
Anh cân nhắc một thoáng, “An toàn ư? Tại sao lại không cơ chứ?”
“Em chỉ hỏi thôi. Chỗ này cứ hoang vắng sao ấy.” Cô gái nhìn quanh tiền sảnh thiếu sáng và xập xệ, lớp vải nhựa lót sàn đã cũ và sờn đến nỗi trông cứ như đã bị đánh bằng giấy ráp. Họ là những người duy nhất ở đây, đang đứng trước cửa thang máy. Tòa nhà này nằm ngay giữa trung tâm quận Kim Cương của khu Midtown Manhattan. Vì hôm đó là thứ Bảy, ngày lễ Sabbath của Do Thái giáo nên rất nhiều cửa hàng và công ty đóng cửa. Cơn gió tháng Ba rú rít và rền rĩ.
Vị hôn phu của cô, William, nói, “Anh nghĩ chúng ta sẽ ổn cả thôi. Chỉ bị ám có một nửa.”
Cô cười, nhưng biểu cảm ấy nhanh chóng biến mất. Hoang vắng, phải rồi, William nghĩ. Và u ám. Điển hình của những tòa văn phòng khu Midtown, được xây dựng từ những năm nào, ai mà biết được? Ba mươi? Hay bốn mươi nhỉ? Nhưng khó mà không an toàn được.
Mặc dù không hiệu quả cho lắm. Cái thang máy đâu nhỉ? Chết tiệt.
William nói, “Đừng lo. Không giống khu Nam Bronx đâu.”
Anna nói lí nhí, “Anh đã bao giờ đến Nam Bronx đâu.” “Anh đi xem một trận Yankee rồi mà.” Anh đã từng đi đi về về ngang qua khu Nam Bronx trong cả mấy năm trời. Nhưng anh chưa từng nhắc đến chuyện đó.
Từ sau hai cánh cửa kim loại dày, động cơ bắt đầu quay và dây ròng rọc được kéo lên. Âm thanh kẽo kẹt, ken két làm nền cho chuyển động.
Thang máy. Chà, cái đó nghe không an toàn mấy. Nhưng làm gì có chuyện Anna chịu leo ba tầng thang bộ. Vị hôn thê có bờ vai rộng rãi, mái tóc vàng và cử chỉ hoạt bát của anh hoàn toàn khoẻ mạnh, nhờ có các phòng tập và nỗi ám ảnh đáng yêu của nàng với vòng Fitbit màu đỏ rực. Nàng không hề phản đối chuyện dụng sức với cái liếc cau có tuyệt vời kia; mà như nàng từng có lần nói ra, đàn bà con gái không leo cầu thang bộ ở những toà nhà như thế này.
Kể cả là để làm những công chuyện thú vị.
Một lần nữa thực tế lại trỗi dậy. “Anh chắc chắn đây là ý tưởng hay đấy chứ, Billy?”
Anh đã chuẩn bị sẵn. “Tất nhiên là có.”
“Nó quá đắt!”
Đúng là thế. Nhưng William đã tìm hiểu kĩ và biết anh đang mua được món hàng tốt với 16.000 đô-la. Viên đá mà Ông Patel đang đặt lên trên chiếc nhẫn vàng trắng cho ngón tay xinh đẹp của Anna là một giác cắt công chúa 1,5 cara, hạng F, có nghĩa là không màu theo đúng nghĩa đen, rất gần với hạng D lý tưởng. Viên đá được đánh giá là gần như không có khiếm khuyết - hạng IF, tức là chỉ có
vài lỗi vặt (Ông Patel giải thích rằng chúng được gọi là “các tạp chất”) mà chỉ có chuyên gia soi kính lúp mới phát hiện ra. Nó không hoàn hảo hay to lớn nhưng vẫn là một viên đá các-bon kì vĩ mà khi nhìn qua chiếc kính lúp của ông Patel, nó có thể làm bạn nghẹn thở.
Quan trọng hơn cả là Anna yêu nó.
Suýt thì William đã buột miệng, Ta chỉ làm đám cưới một lần trong đời thôi mà. Nhưng tạ ơn Chúa vì anh đã ngừng giữa chừng. Vì dù điều đó đúng trong trường hợp của nàng, với anh thì không. Anna không ngại quá khứ của anh, hay không tỏ ra dấu hiệu gì là nàng ngại, nhưng tốt nhất không nên khơi đề tài ấy lên (chính vì vậy mà anh phải chỉnh sửa lại câu chuyện năm năm lui tới Westchester.) Cái thang máy ở chỗ chết tiệt nào ấy nhỉ?
William Sloane ẩn nút lần nữa, mặc dù nó đã sáng rồi. Và họ cùng cười trước hành động vô ích ấy.
Đằng sau họ cánh cửa dẫn ra phố mở ra và một người đàn ông bước vào. Đầu tiên anh ta chỉ là một cái bóng, do ánh sáng chiếu từ đằng sau qua cánh cửa kính cáu bẩn. William cảm thấy thoáng bất an.
Việc này có an toàn không… ?
Có lẽ mấy phút trước anh đã quá vội khẳng định chắc chắn. Mười phút nữa anh và Anna sẽ bước ra khỏi đây với số tiền đủ trả trước cho một căn nhà trên ngón tay nàng. Anh nhìn quanh và thấy phiền lòng vì ở đây chẳng có cái camera an ninh nào cả.
Nhưng người đàn ông lại gần hơn, mỉm cười lịch sự và gật đầu, rồi quay trở lại đọc tin nhắn của mình. Anh ta có nước da nhợt nhạt,
mặc chiếc áo khoác tối màu và đội mũ len, bên tay cầm điện thoại đang có cặp găng tay vải - tất cả những phụ kiện cần thiết cho ngày tháng Ba lạnh giá khác thường này. Và cả một chiếc cặp táp nữa. Anh ta làm việc ở đây… hoặc có lẽ cũng đang đi chọn nhẫn cho hôn thê của mình ở chỗ Patel. Không có mối nguy hiểm nào cả. Dẫu vậy, vốn cũng nghiện phòng tập và Fitbit, bản thân William cũng khoẻ mạnh cường tráng và có thể hạ đo ván một gã cỡ này. Anh đoán mọi đàn ông đều ôm ấp cái ảo tưởng này, không lúc này thì lúc khác.
Cuối cùng, thang máy cũng đến và hai cánh cửa ì ạch mở ra. Họ bước vào và người đàn ông ra dấu cho cặp đôi vào trước. “Xin mời.” Giọng có trọng âm. William không thể đoán được quốc gia nào.
“Cảm ơn anh,” Anna nói.
Một cái gật đầu.
Đến tầng ba, cửa mở và người đàn ông lại dùng lòng bàn tay ra dấu. William gật đầu đáp lại, anh và Anna tiếp tục đi tới Patel Designs ở mãi cuối hành lang dài mờ tối.
Jatin Patel là một người đàn ông thú vị. Ông ta nhập cư từ Surat, miền tây Ấn Độ, cũng là thủ phủ đánh bóng kim cương của quốc gia này - và của thế giới hiện nay. Hôm cặp đôi tới đây để đặt hàng từ nhiều tuần trước, Patel mải mê kể chuyện, giải thích rằng phần lớn những viên kim cương làm trang sức đều được đánh bóng ở đó, trong những nhà máy nhỏ xíu hầm hập như khu tập thể, vừa nóng vừa bẩn thỉu và hệ thống thông gió thì không ra gì. Chỉ có những viên kim cương tốt nhất là vẫn được cắt ở New York hay Antwerp
hay Israel mà thôi. Nhờ tài năng của mình, ông ta đã nổi bật hơn hẳn so với đám thợ cắt còn lại - cả ngàn người ở Surat - và dành dụm đủ tiền để sang Mỹ mở một cửa hàng.
Ông ta bán lẻ đồ trang sức và kim cương - cho những cặp đôi như vợ chồng sắp cưới nhà Sloane chẳng hạn - nhưng nổi tiếng nhờ tài cắt những viên kim cương cao cấp từ đá thô.
Trong chuyến thăm lần trước, William đã rất thích thú tìm hiểu về ngành kinh doanh kim cương, thích đến nỗi thi thoảng Patel phải bớt lời và lái câu chuyện khỏi những câu hỏi ngây thơ của anh. Anh cho rằng giới kim cương là một thế giới ngầm và bí mật ở rất nhiều mặt. Hãy nhìn vào đám kim cương máu - những viên đá được các lãnh chúa và bọn khủng bố khai thác ở Châu Phi, rồi dùng lợi nhuận để tài trợ cho các tội ác khủng khiếp của chúng. (Viên đá hảo hạng William đang mua được đảm bảo rằng việc khai thác nó là hoàn toàn tuân thủ đạo đức. Mặc dù William không thể không thắc mắc điều đó đúng được mấy phần. Rốt cuộc, liệu đám hoa lơ xanh anh luộc tối qua có thực sự được trồng hữu cơ như tấm thẻ trong cửa hàng thực phẩm nọ đã hứa hay không?)
Anh để ý thấy người đàn ông đi cùng họ trong thang máy đã dừng ở ngay cánh cửa trước văn phòng Patel và đang bấm nút điện thoại nội bộ.
Vậy là anh ta đàng hoàng.
William tự trách vì đã lo ngại và bấm nút gọi Patel Designs. Giọng nói qua loa vang lên: “Vâng? Ai đấy? Anh Sloane phải không?”
“Vâng, chúng tôi đây.”
Có tiếng cạch ở cửa và họ bước vào.
Chính vào lúc đó, một ý nghĩ nảy ra trong đầu William Sloane. Như ở nhiều toà nhà kiểu cũ khác, cánh cửa dẫn vào mọi văn phòng ở tầng này đều có cửa lùa bên trên - làm bằng những ô kính nằm ngang. Ở đây chúng còn được mấy thanh chắn dày bao ngoài, vì vấn đề an ninh. Cái cửa phía trên cửa của Patel sáng lên, để lộ ánh đèn bên trong. Nhưng cánh cửa lùa kế bên - nơi gã đàn ông đi cùng thang máy đã dừng chân - thì lại tối om.
Công ty ấy đã đóng cửa.
Không!
Tiếng chạy bỗng dồn dập sau lưng họ, William hoảng hốt quay lại và thấy gã kia lao về phía họ, mặt nạ trượt tuyết đã che cả đầu. Hắn đẩy họ vào trong căn phòng nhỏ nơi Patel ngồi sau quầy. Kẻ xâm nhập di chuyển quá nhanh đến nỗi Anna bị đẩy ngã ngửa ra sàn, gào khóc. William quay sang nhưng đông cứng người khi gã đàn ông chĩa khẩu súng về phía anh - một khẩu súng lục đen ngòm.
“Chúa ơi, không! Làm ơn!”
Bất chấp tuổi tác và cái bụng phì nhiêu, Jatin Patel vẫn đứng dậy lẹ làng, định vươn tay tới một chỗ chắc là có nút cấp cứu. Ông ta không đến gần được. Gã đàn ông lao tới, vươn tay qua quầy và giáng khẩu súng vào mặt ông ta. Một âm thanh khủng khiếp vang lên. William nghe tiếng xương gãy dưới tác động mạnh.
Người bán kim cương thét lên. Nước da vốn luôn tái xám của Patel nay càng xám xịt hơn nữa.
“Nghe này,” William nói, “tôi có thể đưa anh tiền. Anh có thể lấy nhẫn của chúng tôi.”
“Lấy đi!” Anna nói. Rồi bảo Patel: “Đưa nó cho hắn đi. Cho hắn bất kì cái gì hắn muốn.”
Vẫn cầm khẩu súng, gã đàn ông vươn bàn tay đi găng ra sau rồi nện mạnh nó vào mặt Patel hết lần này đến lần khác. Ông già vừa khóc vừa van xin hắn dừng lại, sụp xuống một đống bất lực trên sàn và lẩm bẩm, “Tôi có thể lấy tiền cho anh! Rất nhiều tiền! Bất kể cái gì anh muốn! Làm ơn ngừng lại.”
“Để ông ấy yên,” Anna khóc.
“Im mồm!” Gã đàn ông nhìn quanh phòng. Một cái liếc nhanh lên trần nhà. Chiếc camera trên đó đang chĩa xuống chỗ họ. Rồi hắn ngắm nghía quầy hàng, chiếc bàn đằng sau nó và vài căn phòng mờ tỏ ở đằng sau.
Giơ một bàn tay về phía gã cầm sùng, lòng bàn tay ngửa ra để hắn an tâm rằng anh không gây nguy hại gì, William bước lại gần Anna. Cánh tay anh vòng qua eo vị hôn thê và giúp cô đứng dậy. Anh có thể thấy cô đang run rẩy.
Tên cướp giật một sợi dây đèn từ trên tường. Hắn lôi trong túi ra một con dao dọc giấy - loại dùng trong văn phòng - và ấn cho lưỡi dao trồi lên bằng ngón tay cái. Đặt khẩu súng xuống, hắn cắt sợi dây thành hai đoạn dài. Hắn đưa một đoạn cho Anna. “Trói tay nó vào.” Hất cằm về hướng William. Lại là trọng âm đó. Người Âu Châu? Người Bắc Âu?
“Làm đi,” William nhẹ nhàng bảo cô. “Không sao đâu.” Anh thì thầm nói thêm, “Hắn đã có thể bắn chúng ta. Hắn không muốn làm thế. Cứ trói cổ tay anh đi.”
“Chặt vào.”
“Vâng, cô ấy sẽ làm.”
Bằng hai bàn tay run rẩy, cô làm thật.
“Nằm xuống.”
William nằm xuống sàn.
Tất nhiên hắn sẽ phải loại bỏ mối nguy lớn nhất - là anh. Rồi trong lúc vẫn liếc Patel, tên trộm trói cổ tay Anna và đẩy cô xuống sàn bên cạnh William, dựa lưng vào anh.
Một ý nghĩ lạnh gáy như dòng suối mùa đông ùa đến với anh. William chợt nhận ra tên đột nhập đã đeo mặt nạ trước khi vào trong này để tránh camera.
Nhưng lúc trước thì hắn không làm vậy. Vì hắn cần vài khách hàng đưa hắn qua ngưỡng cửa của tiệm Patel. Có thể hắn đang chờ một cặp đôi để bám theo họ tới một mục tiêu tốt để ăn cướp.
Camera an ninh trong tiệm Patel sẽ không ghi lại được đường nét khuôn mặt hắn.
Nhưng William và Anna lại có thể mô tả hắn.
Và điều đó có nghĩa là: Tên cướp phải trói họ lại để họ không thể phản kháng khi hắn giết họ.
Giờ gã đàn ông đang bước lại, đứng gần và nhìn xuống họ. “Nghe này, làm ơn…”
“Suỵt.”
William cầu nguyện, Nếu chuyện ấy phải xảy ra, hãy để hắn bắn chúng con. Nó sẽ rất nhanh và không đau đớn. Anh kịp liếc nhìn một lần khi xoay đầu ngẩng lên thật mạnh. Và trông thấy gã đàn ông đã để lại khẩu súng trên quầy.
Tay súng ngồi xổm xuống chỗ họ, nắm lấy con dao.
Lưng William vẫn còn áp vào lưng Anna, và anh vừa khóc vừa vươn tay ra hết mức có thể. Tay anh tìm được tay nàng. Anh tự hỏi liệu đó có phải bàn tay trái của nàng, và cái ngón đeo nhẫn anh đang vuốt ve đây có phải là ngón tay mà chỉ thiếu chút nữa sẽ vinh dự được đeo viên kim cương giác cắt hảo hạng, 1,5 cara, chỉ có vài lỗi nhỏ và gần như không màu hay không.
CHƯƠNG 2
Cuộc đời cậu là thế.
Một ngày điển hình. Dậy lúc sáu giờ vào một ngày thứ Bảy, bạn có tin nổi không? Cậu giúp mẹ dọn sạch mọi cái giá trong nhà kho và bếp, để lau rửa và đặt lớp giấy lót mới. Rồi rửa xe - trong một ngày ẩm thấp, u ám nữa chứ! Cậu ôm bố mẹ chào tạm biệt, rồi bắt chuyến tàu từ nhà họ ở Queens đến mãi tận Brooklyn, để chạy việc vặt cho ông Patel.
Thêm một tuyến tàu khác nữa là tới Manhattan, công việc đánh bóng những viên đá đang chờ đợi cậu. Giờ cậu đã lên tàu, trong lúc nó ngúng nguẩy trên đường về phía bắc.
Thứ Bảy. Khi tất cả mọi người khác đang ăn bữa sáng muộn hoặc chơi thể thao hay xem phim… hoặc đi thăm viện bảo tàng. Hay phòng tranh.
Bất công làm sao!
Ôi, thôi quên chơi bời đi. Vimal Lahori sẽ ổn cả - thực tế, cậu thích như thế hơn - sống trong cái hầm ẩm thấp của ngôi nhà của gia đình ở Queens.
Nhưng đó không phải là một lựa chọn.
Cậu kéo chiếc áo khoác len màu xám đậm sát người hơn trong lúc khẽ đung đưa theo chuyển động của tàu điện ngầm. Chàng trai hai mươi hai tuổi gầy gò nhưng không cao. Cậu đạt được chiều cao
1 mét 67 như hiện nay từ hồi tiểu học và đã có độ hai năm lợi thế so với các bạn nam cùng lớp, cho đến khi chúng đều cao bằng hoặc vượt cả cậu. Tuy nhiên, nhờ xu hướng dân tộc ở trường trung học của cậu, nơi những cái tên thuộc về Mỹ Latinh hay Đông và Nam Châu Á vẫn nhiều hơn tên người da đen hoặc Ăng-lô, cái sự thấp bé của cậu không khác biệt mấy. Nói thế không có nghĩa là thỉnh thoảng cậu không gặp trận đòn nào - mặc dù động cơ của các vụ tra tấn ác liệt nhất thường là vì gia đình cậu di cư từ Kashmir, một khu vực bị các đối thủ chung đường biên giới là Ấn Độ và Pakistan tranh chấp. Vimal tin rằng cậu là thằng bé duy nhất từng bị đánh vì vấn đề tranh cãi đường biên (trớ trêu thay lại là do hai nhóm anh chị lứa trên mà đáng lẽ tôn giáo của chúng - một theo đạo Hồi còn bọn kia theo đạo Hindu - phải khiến chúng thành kẻ thù không đội trời chung mới phải).
Mặc dù vậy mấy vết thương không đáng kể và cuộc xung đột nhanh chóng bị lãng quên, chủ yếu là vì Vimal gần như chẳng phải người Kashmir (thậm chí cậu còn không chắc đường biên giới của quê hương ông bà tổ tiên cậu nằm ở đâu). Quan trọng hơn, cậu có thể di chuyển dọc đường biên sân bóng y như cách một chú ong mật nhảy từ bông hoa này sang hoa kia; dù là ngày nào thì khả năng kiểm soát bóng cũng ăn đứt vấn đề địa chính trị.
Tàu sắp tới trạm dừng trên phố 42. Các bánh xe nghiến ken két và bốc khói, mùi mằn mặn lẻn vào trong khoang tàu. Vimal giở cái túi giấy mang theo và ngó vào trong. Nó đựng sáu cục đá. Cậu lấy ra một cục, một viên đá to gần bằng nắm tay cậu. Nó có màu xám và xanh lục đậm, các khía có tinh thể. Một đầu được cắt phẳng còn
đầu kia tròn. Mọi hòn đá trên Trái Đất, dù là to hay nhỏ, đều có thể được biến thành một thứ khác, với chút ý tưởng và sự kiên nhẫn, một nghệ sĩ có thể hình dung được nó sẽ trở thành cái gì. Nhưng cái này rất rõ ràng: một con chim, Vimal trông thấy ngay lập tức, một con chim đang ép hai cánh vào thân mình và cúi đầu xuống thấp để tránh gió lạnh. Cậu có thể đục sơ sơ hình dạng nó trong một ngày.
Nhưng hôm nay không phải là ngày đó.
Hôm nay là ngày làm việc. Ông Patel rất tài năng. Một thiên tài, nhiều người đã nói vậy, và Vimal biết đó là sự thật. Và có lẽ do quá tài năng, ông Patel cũng là một ông chủ khó tính. Vimal cần làm xong vụ Abington. Bốn viên đá, mỗi viên khoảng ba cara. Cậu biết công việc này sẽ tiêu tốn đến tám giờ đồng hồ, và ông già - ông ta đã năm mươi lăm tuổi - sẽ dành một phần lớn trong khoảng thời gian ấy để quan sát nỗ lực của Vimal dưới một cái kính. Rồi lại bắt cậu điều chỉnh. Thêm nhiều điều chỉnh nữa.
Và thêm nhiều nhiều lần nữa.
Cánh cửa tàu điện ngầm mở ra và Vimal đặt Chú chim Cô độc, Tháng Giêng - trở lại trong túi giấy. Đây là cái tên mà cậu đặt cho bức tượng đá sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Cậu bước lên sân ga và trèo lên phố. Ít nhất hôm nay là thứ Bảy, lại có nhiều cửa hàng Chính thống giáo đóng cửa, nên quận Kim Cương sẽ yên bình hơn ngày thường, đặc biệt là trong tiết trời tháng Ba khó chịu này. Những khu phố ồn ào ở đó đôi khi làm cậu phát điên lên.
Theo bản năng, càng đến gần phố 47 Vimal càng trở nên cảnh giác - cũng như hàng trăm người khác làm việc ở nơi đây, một khu vực mà chính những người chủ cũng phải do dự khi quảng bá rộng
rãi. Đúng là trên các cửa hàng và công ty có khá nhiều chữ “Trang sức”, “Kim cương” và “Đá quý”, nhưng các tổ chức cao cấp hơn và vài nhà chế tác kim cương quan trọng còn lại trong thành phố này thì thích tự gọi mình bằng những cái tên như “Elijah Findings”, “West Side Collateral” và “Specialties In Style” hơn.
Những viên kim cương và đá quý trị giá hàng trăm triệu đô-la vẫn được lưu chuyển ra vào các cửa hàng và tiệm chế tác này mỗi ngày trong năm. Và trên toàn thế giới, cả những tên trộm cướp chỉ hơi khá khẩm thôi cũng biết thừa thực tế này. Chúng đều biết rằng cách tốt nhất để vận chuyển những viên đá quý hay vàng, bạch kim và các món trang sức hoàn chỉnh không phải là bên trong những chiếc xe bọc thép (mỗi ngày có quá nhiều chuyến ra vào đến nỗi dùng trọn một chiếc xe tải thì không hiệu quả về mặt kinh tế). Mấy chiếc cặp táp bằng nhôm cùng xích sắt móc vào cổ tay cũng chẳng khá hơn (quá dễ bị phát hiện và như bất kì bác sĩ nào có thể nói cho bạn biết, để cắt cụt hai bàn tay người bằng cưa sắt chưa mất tới sáu mươi giây, nhanh hơn nữa nếu bạn dùng cưa điện).
Không, cách tốt nhất để vận chuyển những vật giá trị như thế là làm đúng như Vimal đang làm đây. Ăn mặc tồi tàn - quần bò, giày chạy bộ, một chiếc áo cộc Keep Weird and Carry On và áo khoác len, trong lúc tay cầm một cái túi giấy nhờn mỡ.
Vì vậy, như cha của Vimal - bản thân ông cũng từng là một thợ cắt - khăng khăng yêu cầu, chàng trai trẻ phải liên tục đảo mắt tìm kiếm bất kì kẻ nào liếc một cách có chủ đích vào cái túi trong tay cậu hoặc có thể đang tiến lại gần mà vẫn tỏ ra đang không nhìn.
Tuy nhiên, cậu cũng không mấy lo lắng; ngay cả trong những ngày buôn bán kém sôi động như hôm nay cũng vẫn có các vệ sĩ hiện diện, trông họ có vẻ không trang bị vũ khí gì nhưng lại dắt các khẩu tự động hoặc súng lục bên trong đai quần. Giờ cậu đang gật đầu với một người trong số họ, một cô gái đứng ngay phía trước cửa tiệm kim hoàn, một phụ nữ gốc Phi với mái tóc màu tím cắt ngắn xoăn tít khiến Vimal kinh ngạc; cậu không hiểu làm thế nào cô ta duy trì được nó. Vốn tới từ một dân tộc gần như có một-kiểu-tóc phù-hợp-cho-tất-cả (đen, dày và lượn sóng hoặc thẳng), cậu bị ấn tượng mạnh với tóc tai cô nàng. Cậu tự hỏi làm thế nào mình có thể biến nó thành đá.
“Chào Es,” cậu gọi và gật đầu.
“Vimal. Thứ Bảy ư? Ông chủ không cho cậu nghỉ ngày nào sao? Tệ nhỉ.”
Cậu nhún vai và trưng ra nụ cười méo mó.
Cô liếc nhìn cái túi mà theo chỗ cô được biết có thể chứa tới sáu viên đá nhãn hiệu Harry Winston giá mười triệu đô.
Cậu những muốn nói câu, Chỉ là bơ lạc với thạch ấy mà. Có thể cô ấy sẽ cười. Nhưng ý tưởng pha trò trên phố 47 mới xa lạ làm sao. Ở quận Kim Cương chẳng có nhiều sự hài hước lắm. Điều gì đó ở giá trị của các viên kim cương - hay có lẽ đúng hơn là tính gây nghiện của nó - khiến việc này luôn quá mức nghiêm trọng.
Bây giờ cậu đã vào trong toà nhà của ông Patel. Cậu không bao giờ chờ Thang Máy Củ Chuối - một cách gọi nhái theo kiểu Harry Potter mà cậu đã kể với Adeela và làm cô cười - mà lao thẳng về
phía thang bộ, bộ khung quắt queo của cậu không bị trọng lực ảnh hưởng, chân và phổi còn khoẻ mạnh sung sức nhờ môn bóng đá. Đẩy cửa vào hành lang, cậu để ý thấy bốn trên tám cánh cửa vẫn còn tối. Như mọi khi cậu lại tự hỏi vì sao một người đã có cả núi tiền như ông Patel vẫn không đi tìm một văn phòng hào nhoáng ở nơi khác. Có lẽ là vấn đề tình cảm. Ông ta đã sở hữu cửa hàng này ba mươi năm rồi, khi chủ của toàn bộ tầng này còn là các nhà chế tác. Giờ ông là một trong vài người ít ỏi còn lại của toà nhà này. Vào những ngày như hôm nay thì lạnh còn từ tháng Sáu tới tháng Chín thì vừa nóng vừa bụi. Mùi thì phát kinh. Ông Patel không có phòng trưng bày và “nhà máy” thực ra chỉ là một cái xưởng, phòng nhỏ nhất trong ba phòng. Nếu xét đến sản lượng thấp nhưng chất lượng cao của ông ta, tất cả những gì ông cần chỉ là một chốn đủ rộng cho hai cái đĩa mài kim cương và hai chiếc máy cắt. Ông ta có thể chuyển tới bất kì chỗ nào.
Nhưng ông Patel chưa bao giờ chia sẻ lí do ở lại đây của mình với Vimal, vì ông ta chẳng bao giờ chia sẻ gì với cậu hết, trừ chuyện cầm cây cố định như thế nào, đặt đá lên để mài như thế nào và cần bao nhiêu bụi kim cương trộn với dầu ô liu để đánh bóng.
Nửa đường tới văn phòng, Vimal dừng bước. Mùi quái gì thế nhỉ? Sơn mới. Mấy bức tường trên tầng này chắc chắn là cần lớp áo mới rồi, từ nhiều năm nay rồi ấy, nhưng cậu không thấy có dấu hiệu nào cho thấy có bất kì công nhân nào đang sửa chữa chỗ này.
Trong tuần còn khó gọi đội thợ đến sửa cái gì. Ai đó thực sự tới đây vào đêm thứ Sáu hoặc thứ Bảy để sơn ư?
Cậu đi tiếp về phía cửa. Các văn phòng ở đây đều có cửa sổ con, mặc dù tất nhiên chúng có chấn song, và cậu có thể thấy bóng người bên trong cửa tiệm của ông Patel. Có lẽ họ là người mua, cặp đôi tới gặp ông để đặt hàng chiếc nhẫn đính hôn đặc biệt. William Sloane và Anne Markam - cậu nhớ tên bọn họ vì họ có vẻ tử tế, họ còn giới thiệu bản thân với Vimal - tay làm thuê - khi cậu rời cửa tiệm trong lần ghé thăm trước của họ. Tử tế, nhưng ngây thơ. Nếu họ đem chỗ tiền định tiêu tốn vào viên kim cương một cara rưỡi kia để đầu tư thì nó sẽ lớn lên đủ để trả tiền học đại học cho đứa con đầu lòng của họ. Thế nhưng họ lại bị chiêu trò quảng bá của ngành kim cương dụ khị, như cậu đã nghĩ.
Nếu Vimal và Adeela có bao giờ kết hôn - một chủ đề còn chưa được bàn tới, thậm chí còn xa mới được - nhưng nếu có thật, cậu sẽ mua cho cô một cái ghế bập bênh chuốt bằng tay để làm quà đính hôn. Cậu sẽ khắc cho cô một cái gì đó. Và nếu cô muốn có nhẫn, cậu sẽ làm cái gì đó từ lam thạch, với một cái đầu sói bên trên. Vì lí do gì đó mà sói lại là con vật yêu thích của cô ấy.
Cậu bấm mã trên khoá cửa.
Vimal bước vào trong và dừng giữa chừng, miệng há hốc. Ba thứ lập tức thu hút sự chú ý của cậu. Đầu tiên là thi thể của một người đàn ông và một người đàn bà - William và Anna - trong tư thế vặn vẹo và đáng sợ, cứ như họ đã chết một cách đau đớn lắm vậy.
Thứ hai là bể máu đang lan rộng ra ngoài.
Thứ ba là hai bàn chân của ông Patel. Vimal không thể trông thấy phần còn lại của thi thể, chỉ có đôi giày đã mòn vẹt của ông chĩa lên trên. Bất động.
Từ trong xưởng ở bên trái phòng tiếp khách, một hình người hiện ra. Chiếc mặt nạ trượt tuyết che mất mặt hắn nhưng ngôn ngữ cơ thể bộc lộ ra là hắn đã bị giật mình.
Cả Vimal lẫn gã đàn ông đều đứng yên.
Rồi kẻ xâm nhập thả rơi chiếc cặp hắn đang cầm và rút khẩu súng từ trong túi ra nhắm bắn. Vimal lao đi theo bản năng, như thể cậu sẽ tránh được viên đạn, và giơ hai tay lên, như thể sẽ ngăn nổi nó.
Một chùm sáng bùng ra khỏi nòng súng và tiếng ồn làm Vimal điếc đặc. Cơn đau thấu tim gan xọc vào bụng và sườn cậu. Cậu lảo đảo lùi vào hành lang mờ tối và bụi bặm, tâm trí chỉ độc một ý nghĩ điên cuồng: Thật là một chốn buồn thảm và tầm thường để chết.
CHƯƠNG 3
Anh đã không quay về thành phố đúng giờ.
Thất vọng não nề.
Lincoln Rhyme chỉnh cho chiếc xe lăn hiệu Merits Vision màu xám với thanh chắn màu đỏ của mình đi qua ngưỡng cửa dinh thự ở phía Tây Công viên Trung tâm. Ai đó từng nhận xét rằng chốn này khiến người ta liên tưởng tới Sherlock Holmes - bởi hai lẽ: Thứ nhất, dinh thự cổ bằng đá nâu sẽ khớp hoàn toàn với Anh Quốc thời Victoria (nó cùng niên đại), và thứ hai, phòng khách của nó chất đầy các công cụ và dụng cụ khám nghiệm hiện trường đến mức đủ làm vị thám tử người Anh phải kinh ngạc tột cùng.
Rhyme dừng ở ngưỡng cửa chờ Thom, trợ tá thon thả nhưng cơ bắp của anh. Cậu ta đang đậu chiếc Mercedes Sprinter dùng cho người khuyết tật ở ngõ cụt đằng sau dinh thự. Cảm nhận làn gió lạnh trên má, Rhyme xoay chiếc ghế và hẩy cánh cửa đã khép lại một phần. Nó bật mở trở lại. Là một người liệt tứ chi từ cổ trở xuống, anh đã khá quen với các phụ kiện công nghệ cao dành cho những người bất động: chuột cảm ứng, hệ thống nhận diện giọng nói và mắt, cánh tay giả và những thứ đại loại như vậy. Cuộc phẫu thuật và cấy ghép đã cho anh đôi chút kiểm soát với cánh tay phải. Nhưng rất nhiều tác vụ cơ học kiểu cũ, từ đóng cửa cho tới - ồ, lấy một ví dụ ngẫu nhiên thôi - mở một chai rượu scotch đơn cất vẫn còn ngoài tầm với của anh, theo nghĩa đen.
Thom quay vào một lát sau đó và đóng cửa. Cậu ta cởi áo khoác cho Rhyme - anh không chịu “mặc” một cái chăn để giữ ấm - và rời gót vào bếp.
“Ăn trưa nhé?”
“Không.”
Trợ tá gọi với lại, “Hỏi sai mất rồi. Ý tôi là, anh muốn ăn gì?” “Không cần gì.”
“Không phải câu trả lời đúng rồi.”
“Tôi không đói,” Rhyme lẩm bẩm. Anh lúng túng cầm điều khiển tivi lên. Và bật kênh tin tức.
Thom lại gọi, “Anh cần ăn. Xúp. Ngày lạnh thế này. Xúp.” Rhyme nhăn nhó. Tình trạng của anh rất nghiêm trọng, phải, và vài thứ cụ thể như áp lực lên da hoặc các chức năng cơ thể không được giải toả có thể mang đến hậu quả nguy hiểm. Nhưng đói không phải là nhân tố tiềm tàng nguy hiểm.
Trợ tá của anh đúng là con gà mái mẹ chết dẫm.
Sau vài phút Rhyme ngửi thấy mùi gì đó thơm thơm. Thom nấu món xúp khá ngon.
Anh quay lại với chiếc tivi hiếm khi xem. Thường thường anh xem tivi khi theo dõi một tin tức cụ thể nào đấy. Lúc này anh cũng mong ngóng nó: một câu chuyện liên quan đến chuyến đi Washington, DC đáng thất vọng, nơi anh và Amelia Sachs vừa từ đó về.
Tivi mở ra một kênh không phải bản tin hai mươi bốn giờ mà là một phim tài liệu. Một chương trình thực tế về các tội ác có thật, dù đã thêm mắm dặm muối, đang lên sóng. Kẻ thủ ác gầm ghè. Các thám tử có vẻ đăm chiêu. Âm nhạc ầm ĩ. Chuyên viên khám nghiệm thì đeo đồng hồ bên ngoài găng tay tại hiện trường.
Chúa Jesus ơi.
“Cậu đang xem cái thứ rác rưởi này đấy à?” anh hét lên với Thom.
Không ai trả lời.
Anh tìm được một kênh tin tức sau khi bấm mấy nút. Mặc dù ngay lúc này chẳng có tin tức gì mà chỉ là mấy màn quảng cáo cho thuốc kê theo đơn. Anh không hiểu những loại thuốc này làm được gì, ngoài việc biến mấy diễn viên từ những ông bà lão già nua nghiêm nghị thành những cặp đôi hạnh phúc và dường như bớt già hơn, cùng vui đùa hạnh phúc với lũ trẻ ở cảnh cuối, chứng bệnh không-thể-vui-vẻ-với-tụi-nhỏ của họ đã được chữa trị.
Rồi biên tập viên xuất hiện và sau vài tin tức địa phương, toàn chuyện chính trị, câu chuyện anh thực sự quan tâm xuất hiện ngắn ngủi: Bản tin về một phiên toà hiện đang diễn ra ở quận Đông của New York. Một gã trùm ma tuý Mexico, Eduardo Capilla, nổi danh với cái tên El Halcón, đã phạm sai lầm khi vào lãnh thổ Hoa Kỳ và gây dựng một mạng lưới buôn ma tuý lẫn rửa tiền, cùng hoạt động mại dâm trẻ em và buôn người.
Gã Mexico khá gian xảo. Mặc dù giàu gấp mấy lần một tỉ phú, gã vẫn bay trên một chuyến bay thương mại dọc bờ biển vào Canada
một cách hợp pháp. Sau đó gã thuê máy bay riêng tới một đường băng gần biên giới. Từ đó gã bay bằng trực thăng - một cách bất hợp pháp - vào một sân bay bị bỏ hoang ở Long Island và sống - theo nghĩa đen - dưới radar. Sân bay này chỉ cách khu nhà kho mà người ta đoán là gã định mua để biến thành tổng hành dinh cho hoạt động của gã ở Hoa Kỳ có vài cây số.
Mặc dù vậy cảnh sát và FBI* đã biết đến sự có mặt của gã và các đặc vụ lẫn cảnh sát đã tóm gọn gã ở đó. Một vụ đấu súng diễn ra, kết quả là chủ nhà kho cùng vệ sĩ của ông ta bị giết. Một cảnh sát bị thương nặng và một đặc vụ FBI cũng bị thương.
FBI là viết tắt của Federal Bureau of Investigation - Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ
El Halcón bị bắt, nhưng trước sự thất vọng của công tố viên, đồng bọn người Mỹ của gã, kẻ mà gã định móc ngoặc để gây dựng đế chế ma tuý, đã không xuất hiện và người ta không bao giờ phát hiện ra danh tính kẻ đó; ông chủ danh nghĩa của nhà kho - kẻ bị giết trong vụ đấu súng - chỉ là một kẻ đứng tên thuê. Dù có đào bới bao nhiêu họ cũng không thể phát hiện được đầu mối thực sự ở Mỹ.
Lincoln Rhyme đã rất muốn được tham gia điều tra vụ án. Anh hi vọng được phân tích bằng chứng và đưa lời khai chuyên môn tại toà. Nhưng anh đã hứa gặp vài quan chức quan trọng ở Washington, D.C., vì vậy anh và Sachs vừa phải dành một tuần ở đó.
Đáng thất vọng, phải. Anh thực sự muốn giúp tống El Halcón vào tù. Nhưng còn có những vụ án khác.
Ngẫu nhiên, đúng lúc anh nghĩ tới đó thì điện thoại reo và số người gọi gợi ý rất có thể là nó đã đến.
“Lon,” Rhyme chào.
“Line. Anh về rồi à?”
“Tôi về rồi. Anh có gì xoắn não cho tôi hả? Có thứ gì thú vị không? Cái gì đó thách thức?”
Thanh tra Cấp Một Lon Sellito từng là đồng sự của Rhyme từ nhiều năm trước, khi Rhyme làm ở NYPD*, nhưng giờ đây họ rất hiếm khi giao thiệp và họ không bao giờ gọi nhau chỉ để tán gẫu. Những cuộc điện thoại từ Sellito thường là khi anh cần đến sự trợ giúp trong một vụ án.
NYPD là viết tắt của New York Police Department - sở cảnh sát thành phố New York
“Không biết liệu có vế nào như trên không. Nhưng tôi có một câu hỏi.” Viên thanh tra có vẻ hụt hơi. Có thể là một nhiệm vụ khẩn, có thể anh ta đang đi bộ từ cửa hàng tạp hoá về cùng một hộp bánh. “Và?”
“Anh biết gì về kim cương?”
“Kim cương à… Hừm, để tôi nghĩ. Tôi biết chúng là các thù hình.”
“Là gì cơ?”
“Thù hình. Nó là một nguyên tố - trong từ nguyên tố hoá học - tồn tại ở nhiều hơn một dạng. Các-bon là một ví dụ hoàn hảo. Một ngôi sao trong giới nguyên tố, mà tôi nghĩ ngay cả anh cũng biết.”
“Ngay cả tôi.” Sellito càu nhàu.
“Các-bon có thể ở dạng tấm, bi cầu trũng, than chì hay kim cương. Tuỳ thuộc vào cách liên kết giữa các phân tử. Than chì có cấu trúc phân tử lục giác, còn kim cương là tứ diện. Nghe có vẻ là một chi tiết vụn vặt. Thế nhưng chính nó tạo ra sự khác biệt giữa một chiếc bút chì và Bảo vật Hoàng gia.”
“Line. Xin lỗi vì đã hỏi như thế. Đáng lẽ phải nói là: Anh đã bao giờ tham gia vụ nào ở quận Kim Cương chưa?”
Rhyme nghĩ lại những năm còn làm thanh tra, với tư cách đội trưởng đội khám nghiệm hiện trường của NYPD và sau này là cố vấn của họ. Có vài vụ liên quan đến khu vực Phố 47, Midtown. Tuy nhiên không có vụ nào liên quan tới các cửa tiệm kim cương hay bọn buôn ma túy cả. Anh nói với Sellitto như vậy.
“Chúng tôi cần chút giúp đỡ. Có vẻ như vụ cướp đã xoay sang hướng tồi tệ. Án mạng kép.” Một khoảng ngừng. “Thêm mấy rắc rối khác nữa.”
Không phải cụm từ cụ thể trong giới xử lý tội ác, Rhyme nhớ lại. Anh thấy tò mò.
“Anh quan tâm chứ?”
Vì vụ El Halcón đã trượt khỏi tay anh, câu trả lời là có. “Nhanh nhất là bao giờ anh tới được đây?” Rhyme hỏi.
“Cho tôi vào.”
“Cái gì?”
Rhyme nghe tiếng gõ từ sảnh trước. Còn trên điện thoại thì Sellitto đang nói, “Tôi đến rồi đây, đang ở ngoài. Tôi định sẽ nói
chuyện với anh về vụ này dù anh có muốn hay không. Thôi nào, mở cái cửa chết tiệt cho tôi. Ngoài này đang như là tháng Một đây này.”
“Xúp chứ?” Thom hỏi trong lúc đỡ chiếc áo khoác màu nâu xám của Lon Sellitto. Treo nó lên.
“Không. Mà khoan, loại nào đấy?” Rhyme để ý thấy Sellitto đã hếch mũi lên như thể đưa nó vào vị trí tốt hơn để ngửi mùi hương bốc ra từ trong bếp.
“Xúp bisque cà chua với tôm. Lincoln cũng sẽ ăn một chút đấy.” “Không, tôi không ăn.”
“Có, có ăn.”
“Hừm.” Với dáng người đậm và lôi thôi - tính từ thứ hai mô tả quần áo chứ không phải chính con người anh - Lon Sellitto luôn có vấn đề với cân nặng, ít nhất là trong suốt khoảng thời gian Rhyme quen biết anh ta. Sau vụ đầu độc gần đây do một nghi phạm mà anh ta và Rhyme đang theo đuổi gây ra, anh suýt chết và đã sụt cân kha khá. Lon Sellitto gầy gò là một hình ảnh đáng báo động, anh ta đang vật lộn để tìm lại vóc dáng cũ. Rhyme hài lòng khi anh nói, “Được rồi.”
Anh cũng hài lòng vì áp lực về phía mình sẽ giảm đi. Anh không đói.
“Amelia đâu rồi?” Sellitto hỏi.
“Không có ở đây.”
Amelia Sachs đang ở Brooklyn, ở đó cô có một căn hộ gần nhà mẹ. Bà Rose đang hồi phục rất tốt từ cuộc phẫu thuật tim nhưng Sachs vẫn thường kiểm tra bà.
“Chưa về à?”
“Ý anh là sao?” Rhyme hỏi.
“Cô ấy đang trên đường về. Chắc sắp tới đây đấy.”
“Tới đây ư? Anh đã gọi cô ấy à?”
“Ừ. Mùi thơm đấy. Cậu ta có nấu nhiều xúp không?” Rhyme nói, “Vậy là anh đã quyết định chúng tôi sẽ lo vụ này đấy.”
“Kiểu vậy. Rachel và tôi chỉ toàn ăn sẵn, Progresso, Campbell.” “Lon?”
“Ừ thì, tôi đã quyết đấy.”
Món xúp đã ra. Hai bát. Của Rhyme được để trong một cái khay nhỏ gắn trên ghế; của Sellitto để trên bàn. Rhyme liếc bát mình. Đúng là mùi rất thơm. Có thể anh cũng đói thật. Thom thường nói đúng trong những vấn đề như thế này, dù Rhyme hiếm khi thừa nhận. Trợ tá của anh đề nghị xúc hộ nhưng Rhyme lắc đầu và thử dùng cánh tay phải. Rất khó để ăn xúp với một chi run rẩy nhưng anh vẫn hoàn thành việc đó mà không bị rớt ra chút nào. Anh mừng vì mình không thích món sushi; đũa không hề là dụng cụ ăn dành cho những người như Lincoln Rhyme.
Thêm một người nữa đến trước sự ngạc nhiên của Rhyme, rõ ràng anh này cũng do Lon Sellitto triệu tập cho vụ quận Kim Cương: Ron Pulaski. Rhyme nghĩ anh ta chỉ là Lính mới và gọi anh ta như
vậy, dù đã nhiều năm rồi anh ta không còn là lính mới nữa. Chính xác mà nói, viên cảnh sát tóc vàng, dáng người gọn gàng này thuộc biên chế của Đội tuần tra. Dù vậy các kĩ năng hiện trường của anh ta đã khiến Rhyme chú ý, và nhà tội phạm học khăng khăng đòi Sellitto tiến cử anh ta một cách không chính thức cho đội Trọng án - đội của Sellitto và Sachs.
“Lincoln. Lon.” Cái tên thứ hai được phát ra với âm lượng nhỏ nhẹ hơn chút đỉnh. Rốt cuộc Lính mới vẫn có cấp bậc thấp hơn Sellitto, cả số năm kinh nghiệm và tiếng tăm nữa.
Anh ta cũng phải chịu đựng một tình trạng đã đeo đuổi anh kể từ lần đầu anh cùng với Rhyme và Sachs làm chung một nhiệm vụ - một vết thương ở đầu. Vết thương đã khiến anh phải rời ngành một thời gian, và khi quyết định quay trở lại lực lượng sau những ngày đắn đo suy nghĩ, nó lại khiến anh khổ sở vì sự bất an và hoang mang thường có do một tổn thương ở não bộ.
Khi anh ta tiếp cận Rhyme và nhắc tới ý định bỏ nghề vì cảm thấy mình không thích hợp với các nhiệm vụ của cảnh sát, nhà tội phạm học đã quát, “Tất cả vấn đề nằm trong cái đầu chết tiệt của cậu đấy.”
Viên cảnh sát trẻ nhìn chằm chằm vào Rhyme còn anh thì nghiêm mặt lâu nhất có thể. Cả hai đều cười phá lên. “Ron, ai mà chẳng bị thương ở đầu, bằng cách này hay cách khác. Giờ tôi có một hiện trường cần cậu làm. Cậu sẽ đi lấy bộ dụng cụ khám nghiệm rồi kẻ ô chứ?”
Tất nhiên là anh ta đã làm vậy.
Lúc này Pulaski đã cởi chiếc áo choàng ngoài. Bên dưới nó, anh ta đang mặc bộ đồng phục dài tay màu xanh đậm của NYPD. Thom cũng mời anh ta ăn và Rhyme suýt thì nói, “Đủ rồi đấy, chúng ta có phải là một cái bếp nấu xúp đâu,” anh nghĩ đó là cách nói kháy khá thông minh, nhưng dù sao Pulaski cũng đã từ chối. Một lát sau tiếng gầm trầm trầm của ống bô một chiếc xe nhiều mã lực vọng qua cánh cửa đóng chặt. Amelia Sachs đã đến. Cô đẩy ít xăng lên động cơ và nó im hẳn. Cô bước vào nhà, treo áo khoác ngắn lên móc và điều chỉnh sợi dây lưng quanh chiếc quần bò để xoay bao súng Glock ra đằng sau cho thoải mái. Cô mặc chiếc áo len cao cổ và bên dưới nó, như Rhyme trông thấy lúc sáng nay khi cô thay quần áo, là một cái áo sơ mi lụa màu đen. Họ đã nghe bản tin thời tiết trên đài - hôm nay sẽ là một ngày lạnh khác thường trong tháng Ba, giống như tuần vừa qua. Ở Washington, DC họ đã chứng kiến cả ngàn bông hoa anh đào bị chết.
Sachs gật đầu với tất cả. Sellitto vẫy tay đáp lại và ồn ã ăn nốt bát xúp.
Khi đội phá án đã tề tựu gần đủ, và ăn uống no nê - Rhyme nghĩ thêm với kiểu châm biếm hài hước - Sellitto tóm tắt sự việc cho họ. “Khoảng một giờ trước. Cướp của và án mạng liên hoàn. Khu Midtown Bắc. Tầng ba trong nhà số 58, phố 47 Tây. Cửa hàng Patel Designs, thuộc sở hữu của Jatin Patel, năm mươi lăm tuổi, là một trong những nạn nhân đã tử vong. Là thợ kim hoàn, và còn làm và bán đồ trang sức nữa. Khá nổi tiếng, theo như tôi được biết. Tôi không phải loại quan tâm đến trang sức nên ai mà biết được? Đội trọng án vào việc, và họ gọi tôi. Và tôi gọi các bạn.”
Thông thường Đội trọng án, dưới quyền chỉ huy của một Phó thanh tra từ Cục Thanh tra ở trụ sở One Police Plaza, không nhận các vụ án mạng hay trộm cướp ở từng địa bàn.
Lon Sellitto đã chú ý thấy cái liếc mắt trao nhau giữa Rhyme và Sachs. Giờ anh ta sẽ giải thích vì sao vụ này lại đặc biệt. “Cảm giác từ các ông bạn của chúng ta ở Toà thị chính là chúng ta không hề muốn có một vụ cướp bạo lực diễn ra ở quận Kim Cương. Đặc biệt là nếu ông ta nghĩ đến nhiều cửa hàng hơn là một. Mọi người sẽ ngừng đi mua sắm. Không tốt cho ngành du lịch, không tốt cho nền kinh tế.”
“Các nạn nhân cũng không làm người ta vui vẻ gì, đúng không Lon?”
“Tôi chỉ đang kể cho anh những gì người ta kể cho tôi thôi, Line. Được chưa?”
“Cứ nói tiếp đi.”
“Giờ còn một vấn đề lắt léo nữa và chúng ta phải giữ bí mật về nó. Thủ phạm đã tra tấn Patel. Viên đội trưởng ở Midtown Bắc nghĩ là ông già không muốn từ bỏ những món đáng giá - mở két hay gì đó. Vì thế tên sát nhân đã dùng một con dao rọc giấy cắt da thịt ông ta cho đến khi ông ta chịu nói. Khá ghê đấy.”
Và cả những thứ khác nữa…
Rhyme nói, “Được rồi. Vào việc thôi. Sachs, hiện trường. Tôi sẽ gọi Mel Cooper. Cậu ở đây, Pulaski. Tạm thời tôi sẽ giữ cậu lại để dự phòng.”
Sachs lấy áo khoác xuống, mặc vào rồi kẹp thêm hai ổ đạn dự phòng vào hông trái. Cô hướng ra cửa.
Thom đi vào sảnh và mỉm cười với Sachs. “Ô, Amelia. Không thấy cô vào. Cô có đói không?”
“Có chứ. Lỡ cả bữa sáng lẫn bữa trưa.”
“Xúp không? Hoàn hảo cho một ngày lạnh.”
Cô dành cho anh ta nụ cười nhăn nhó. Đóng sầm cánh cửa của chiếc Torino Cobra, với động cơ 405 mã lực và cần côn bốn số qua khu Midtown Manhattan thì dù là loại nước uống nào, chứ chưa nói đến xúp nóng, cũng gây rắc rối lớn.
Cô lôi chùm chìa khoá từ trong túi ra và nói, “Có lẽ để sau.”
CHƯƠNG 4
Hiện trường tội ác ở cửa tiệm Patel Designs trên phố 47 khiến Amelia Sachs nảy sinh ba câu hỏi.
Một, thủ phạm đã bỏ lại cả trăm viên kim cương - vẫn còn nguyên trong tủ két mở toang - vậy thì thực ra hắn đã trộm cái gì? Nếu có.
Hai, tại sao Patel lại bị tra tấn?
Ba, kẻ nào đã gọi nặc danh đến báo cáo tội ác và mô tả khá chi tiết tên tội phạm? Câu hỏi này còn có vế sau nữa: Anh ta có còn sống không? Khi vừa đến cửa hàng ở tầng ba này cô đã ngửi và biết ngay là đã có nổ súng ở đây. Cô đoán nhân chứng đã bước vào đúng lúc vụ cướp đang diễn ra, bị bắn và bỏ chạy, dừng lại ở quầy điện thoại trả tiền dưới phố để gọi 911.
Cửa hàng này nhỏ và khoảng cách giữa khẩu súng và nạn nhân nhiều lắm cũng chỉ chừng ba tới bốn mét rưỡi. Khó mà bắn trượt được trong khoảng cách đó. Trong văn phòng hay ngoài hành lang cũng không có tí vụn vỡ nào. Nhân chứng gần như chắc chắn đã bị trúng đạn.
Trong bộ áo liền quần và đôi ủng màu trắng dành cho đội khám nghiệm hiện trường, Sachs bước quanh vũng máu khá lớn có hình gần giống hồ Michigan, và đặt các biển số để chụp ảnh - chúng là những tấm biển nhỏ đặt tại nơi tìm được các bằng chứng hoặc yếu tố quan trọng trong hiện trường. Cách kẻ ô bàn cờ, phương pháp
tiếp cận duy nhất mà cô dùng, phương pháp mà cô đã học được từ Rhyme, là việc đi từ đầu này đến đầu kia của hiện trường, rồi xoay người, bước một bước sang bên cạnh rồi đi ngược về điểm xuất phát, như cách người ta cắt cỏ vậy. Sau đó, bạn lại quay một góc chín mươi độ vào tìm kiếm trên hiện trường đó một lần nữa, “làm ngược lại,” như Rhyme vẫn mô tả.
Lúc này cô đang làm các thủ tục thông thường: thu thập dấu vết, lấy mẫu dấu chân, tìm kiếm các vệt hằn và thấm những chỗ có thể thủ phạm đã để lại dấu vết ADN. Đứng chống tay lên hông một lát, cô quan sát sơ đồ cửa hàng mà theo ước tính của cô chỉ vào khoảng hơn tám mươi mét vuông. Cô liếc ra cửa trước lúc này đang được chặn mở bằng miếng cao su, để ý thấy một người bận đồ giống mình. Cô nói với anh ta, “Máy tính trong văn phòng ấy. Hãy cùng chắp ngón tay cầu nguyện nào.”
Nhân viên ECT*- kỹ thuật viên thu thập bằng chứng - được đào tạo chuyên môn với các camera an ninh và thiết bị lưu trữ. Anh ta sẽ lấy ra những gì có thể từ ổ cứng trong văn phòng Patel; chỉ có một cái camera chĩa ra cửa trước từ đằng sau quầy. Có vẻ nó vẫn đang hoạt động, một cái mắt thần màu đỏ nhỏ xíu đang sáng đèn đầy vẻ trêu ngươi, và sợi dây cáp chạy từ đó tới máy tính bàn của người đàn ông. Chiếc máy tính đặt cạnh một cái máy in lớn và đáng ngạc nhiên là bên cạnh nó lại có một chiếc máy fax cổ lỗ sĩ. Camera không được kết nối với một trạm trung tâm mà chỉ với chiếc máy tính.
ECT là viết tắt của Evidence Collection Technician - Kỹ thuật viên thu thập bằng chứng
Dù vậy, bất kể hệ thống an ninh ở đây là gì, Sachs chắc chắn rằng chỉ cầu nguyện thôi là không đủ. Tên thủ phạm này không có vẻ là loại người quên xoá các đoạn phim an ninh. Tuy nhiên, như mọi cảnh sát đều biết, các đoạn phim số không bao giờ được xoá vĩnh viễn cả. Rất nhiều dữ liệu để buộc tội vẫn có thể bị đào lên - nếu ngay từ đầu chúng có tồn tại. Một chữ nếu to đùng.
Sachs đang điền chi tiết danh sách vật chứng trên những tấm thẻ khác nhau để gắn chúng vào từng vật, hoặc trong túi giấy, hoặc túi ni lông đang đựng chúng.
Tiếp theo. Phần khó khăn.
Cô đã để dành các thi thể cho đến phút cuối.
Bởi vì, nếu không cần phải xử lý chúng đầu tiên, bạn sẽ luôn trì hoãn việc đó lâu chừng nào tốt chừng nấy.
Hình ảnh ngay lập tức thu hút sự chú ý của cô khi cô mới bước vào, và vẫn còn làm cô cảm động, là những ngón tay của cặp đôi đã bị cứa cổ. Hai bàn tay họ bị trói quặt ra sau lưng và vào thời điểm nào đó, họ đã dịch lại gần nhau - gần như chắc chắn là ngay trước khi chết - và đan ngón tay vào nhau. Dù họ hẳn đã vật vã đau đớn do bị cắt cổ, những ngón tay ấy vẫn còn đan cài. Trong nỗi đau đớn của cái chết, họ đã tìm được chút an ủi nhỏ từ cái nắm tay. Hay là cô hi vọng như vậy. Sachs đã từng là cảnh sát đường phố, rồi thành thanh tra làm việc cho Đội trọng án từ nhiều năm nay. Trái tim con người ta sẽ sắt đá lại, như công việc này đòi hỏi phải thế. Nhưng những chi tiết như vậy vẫn có thể khiến một người muốn khóc, ngay cả khi chẳng còn giọt nước mắt nào gợn lên. Với nhiều cảnh sát,
việc này không bao giờ xảy ra. Cô nghĩ mình là một cảnh sát tốt hơn họ là vì thế.
Chủ cửa hàng, ông Jatin Patel, cũng chết do một vết cứa cổ. Mặc dù vậy, sự khác biệt nằm ở việc tra tấn. Bác sĩ của phòng pháp y, một phụ nữ gốc Á nhỏ nhắn, đã chỉ ra các vết cắt trên hai bàn tay, tai và mặt ông ta. Cả vết đánh bằng súng nữa. Các vết thương đều xảy ra trước khi chết.
Cả Patel lẫn cặp đôi đều không có vẻ bị mất đồ cá nhân, mặc dù trên người Patel và trong cửa hàng đều không thấy điện thoại di động của ông ta. Ít nhất, các món đồ thường thấy vẫn còn nguyên: Ví, túi xách, đồ trang sức hay tiền mặt. Cô chụp ảnh ba thi thể ở mọi góc, lật người để tìm sợi vải hay các dư chất khác và lấy mẫu tóc để loại trừ sau này. Cô lấy mẫu đất trong móng tay, dù rõ ràng là không có nạn nhân nào vật lộn với hung thủ. Chụp chiếu bằng đèn ALS* ở gần chỗ dây đèn buộc cổ tay họ cũng không cho thấy có dấu vân tay nào. Cô không trông đợi điều đó; trên cả hiện trường đã có rất nhiều vết đầu ngón tay đi găng tay, vài vết còn nhuốm máu, vì vậy cô biết gần như chắc chắn là hung thủ không để lại dấu vân tay nào.
ALS là viết tắt của Alternative Light Source, tạm dịch là nguồn sáng thay thế
“Xin lỗi,” giọng nói từ văn phòng vọng ra.
Sachs đi về phía ngưỡng cửa.
Kĩ thuật viên thu thập bằng chứng với cái bụng đang thách thức khoá kéo của bộ áo liền quần nói, “Không có ổ cứng. Ý tôi là, hắn đã lấy nó. Và không có ổ sơ cua.”
“Hắn… làm sao hắn lấy được?”
“Chắc là có mang theo dụng cụ. Dễ lắm - cô chỉ cần có cái tua vít bốn cạnh là được.”
Cô cảm ơn anh ta và đi vào hành lang, gật đầu với bác sĩ. Chị ta vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi trong lúc nhắn tin.
“Chị có thể mang họ đi rồi,” Sachs nói.
Người phụ nữ gật đầu và gọi xe. Các kĩ thuật viên của chị sẽ mang cáng cùng túi đựng xác tới và di chuyển ba thi thể vào nhà xác để khám nghiệm tử thi hoàn chỉnh.
“Thưa thanh tra?” Một cảnh sát trẻ từ đội Midtown Bắc đi từ tháng máy đến. Anh ta dừng cách xa cánh cửa.
“Hiện trường đã được kiểm tra rồi, Alvarez. Không sao đâu. Cậu có gì?”
Anh ta và đồng sự, một phụ nữ gốc Phi quãng độ gần ba mươi đã chia nhau và bắt đầu hỏi thăm những nhân chứng, tìm kiếm các bằng chứng khác mà hung thủ có thể đã để lại trong lúc đến hoặc rời khỏi hiện trường. Một cuộc tìm kiếm nhân chứng có thể không thu được gì mấy, Sachs đoán. Trong toà nhà này có nhiều văn phòng trống. Biển Cho thuê được gắn ở khắp nơi. Và hôm nay lại là ngày cuối tuần - còn là ngày lễ Sabbath của người Do Thái nữa - các cửa hàng cùng tầng đều đã đóng cả. Alvarez nói “Có ba văn phòng trên tầng hai, hai văn phòng ở tầng trên đang mở cửa. Hai người nghe thấy một tiếng nổ tầm mười hai giờ rưỡi hoặc mười hai giờ bốn mươi lăm nhưng lại nghĩ đó là tiếng động cơ hoặc xây dựng. Không có ai trông thấy hoặc nghe thấy gì nữa.”
Có thể là như vậy, mặc dù Sachs vẫn luôn nghi ngờ điều này. Tội ác diễn ra vào khoảng giờ ăn trưa. Các nhân viên văn phòng ra vào đây có thể dễ dàng bắt gặp hung thủ nhưng câu chuyện thường thấy là các nhân chứng bỗng điếc - và mù - do chứng bệnh được biết đến là sự tự vệ.
“Và ở đây còn có gì đó.” Alvarez chỉ vào hành lang bên cạnh thang máy: một chiếc camera an ninh được gắn trên tường. Sachs đã không chú ý đến nó khi mới tới. Cô nheo mắt và cười nhẹ. “Bị sơn lên à?”
Anh ta gật đầu. “Và hãy trông vệt sơn xịt kìa.”
Đầu tiên Sachs không hiểu, rồi cô nhận ra ý anh ta là gì. Hung thủ - hay giả sử là hung thủ - đã bắt đầu xịt sơn lên camera khi còn đứng đằng sau nó và đã đập vỡ ống kính ngay dưới nó - để đảm bảo hắn không bị ghi lại dù chỉ là một giây. Thông minh thật.
Giống như việc lấy cả ổ cứng.
“Camera trên phố thì sao?”
Alvarez nói, “Có thể ở đó có tin tốt. Các cửa hàng ở hai bên trái phải lối vào toà nhà này đang sao lại tệp video mp4 cho chúng ta. Tôi đã bảo họ cất kĩ bản gốc.”
Cuộc điều tra chỉ cần bản sao; các ổ ghi gốc sẽ cần dùng cho phiên toà.
Nếu chúng ta mang được nó ra toà, Sachs nghĩ.
Cô quay lại cửa hàng, cân nhắc câu hỏi đầu tiên trong số ba câu đang hiện hữu trong đầu. Số Một: Hắn đã lấy đi cái gì? Cô đã lục
soát kĩ càng, kẻ ô bàn cờ, nhưng tất nhiên việc đó chưa chắc sẽ cho cô biết thông tin về thứ đã không còn ở đó nữa.
Cô quan sát khắp lượt nơi đó một lần nữa. Patel Designs không giống hầu hết các cửa tiệm kim hoàn khác. Ở đây không có tủ kính trưng bày nào để mà đập và chộp cả. Cửa hàng gồm ba phòng: một phòng chờ phía trước, một văn phòng nằm ngay đằng sau và một cái xưởng chất đầy dụng cụ, thông với văn phòng qua cánh cửa bên trái. Cô đoán các dụng cụ trong xưởng là để cắt đá quý và lắp ghép đồ trang sức. Căn phòng cuối cùng này rộng rãi nhất, chứa bàn làm việc vừa cho hai người - hai bàn xoay to, tương tự với cái các thợ gốm dùng để làm bình lọ và bát. Xưởng cũng kiêm luôn nhà kho: Trên giá kệ và dọc bức tường là hàng chồng hộp rỗng, các đồ dùng cho chuyển hàng và văn phòng phẩm, các vật liệu tẩy rửa. Có vẻ như ở đó chẳng có gì quý giá.
Căn phòng phía trước - phòng chờ - có diện tích khoảng ba mét nhân bốn mét rưỡi, bị một cái quầy gỗ chiếm gần hết chỗ. Bên trong căn phòng cũng có một cái ghế sô pha và hai ghế tựa cọc cạch. Trên mặt quầy là vài mảnh vải nhung hình vuông kích thước khoảng ba mươi phân để xem xét đồ trang sức của khách hàng, vài cái mắt kính lúp, mấy chồng giấy (toàn là giấy trắng). Cô đoán là Patel chỉ nhận hàng đặt riêng. Ông ta sẽ gặp gỡ khách hàng ở đây và mang những món đồ họ đã đặt từ trong xưởng hoặc trong cái két sắt cao đến eo trong văn phòng ra đây cho họ ngắm. Kiểm tra trên Internet, họ phát hiện ra công việc chính của công ty này là cắt và đánh bóng những viên kim cương lớn cho các nhà sản xuất trang sức khác.
Câu hỏi Một…
Mi đã bước ra khỏi đây cùng với cái gì?
Cô bước trở lại văn phòng và nhìn qua cái két cùng những vật bên trong: hàng trăm mẩu giấy vuông chín nhân chín phân - được gập lại như trò origami của Nhật. Trong đó có chứa các viên kim cương rời.
Dấu găng tay của thủ phạm - cả từ vệt máu lẫn dư chất do sợi vải hấp thụ được - có trên két sắt và vài mẩu giấy vuông. Nhưng hắn không lục lọi. Cô nghĩ hoặc hắn muốn lấy hết chỗ này hoặc nếu muốn thứ gì đó cụ thể, hắn sẽ phải lục trong két và gạt những cái phong bì mình không muốn ra.
Có một cách để tìm ra. Sachs đã thu thập tất cả những tài liệu kinh doanh cô có thể tìm được. Thứ gì đó trong đống ấy có thể chứa thông tin lượng kim cương tồn kho của Patel. Các kỹ thuật viên tìm bằng chứng ở trụ sở các đội Hiện trường tại Queens, những người làm việc trong phòng HVE*, sẽ so sánh lượng tồn kho ấy với những gì còn trong két. Dần dần họ sẽ khám phá ra thứ bị mất.
HVE là viết tắt của High Valued Evidence - Bằng chứng có giá trị lớn Việc này có thể mất tới hàng tháng trời.
Quá lâu. Họ cần phải biết càng sớm càng tốt thứ gì đã bị lấy đi, để có thể bắt đầu các cuộc dò hỏi với những nguồn tin bí mật trong giới tiêu thụ trang sức ăn cắp, những cơ sở tàng trữ của gian và rửa tiền đã biết. Trong các vụ cướp, nếu bạn không bắt quả tang thủ phạm, cuộc điều tra sẽ biến thành một đoạn đường trường thâm nhập vào thế giới tiêu thụ đồ ăn cắp rộng lớn và phức tạp.
Nhưng dường như không có cách nào khác để rút ngắn tiến trình này.
Trừ khi…
Có điều gì đó sai sai ở đây. Tại sao lại bỏ lại những viên đá quý này? Điều gì còn quan trọng hơn cả chúng.
Sachs ngồi xổm xuống - một cách cẩn thận vì cái đầu gối bị viêm khớp của cô đôi khi vẫn phàn nàn trong mấy ngày ẩm thấp này - và nhìn vào cái két kĩ càng hơn. Vài cái phong bì có chứa một viên kim cương, nhưng có những cái lại chứa cả tá. Với cô trông chúng cũng đẹp, đáng để ăn cắp lắm chứ. Nhưng cô thì biết gì nào? Cô đâu phải loại con gái mê đồ trang sức. Thứ lấp lánh duy nhất cô mang trên người là chiếc nhẫn đính hôn gắn kim cương xanh đang khiêm tốn nằm cạnh một chiếc nhẫn vàng giản dị - lúc này cả hai đều đang ẩn dưới bao tay cao su màu tím.
Cô đoán đống đá trong két có giá trị tới vài trăm ngàn đô la. Chờ bị lấy.
Mà hắn lại không lấy.
Cô đứng dậy, cảm thấy vệt mồ hôi hai bên thái dương. Dù hôm nay lạnh trời nhưng các lò sưởi trong toà nhà vẫn toả ra sức nóng ở trong không gian kín, và nó đang bị nhốt trong người cô do lớp áo quần Tyvek. Cô nhớ những ngày chỉ cần mang mỗi găng tay hoặc đôi khi là ủng để khám nghiệm hiện trường. Ngày nay bộ đồ bảo hộ theo nguyên tắc của khám nghiệm hiện trường trên khắp thế giới tồn tại vì hai lí do: Thứ nhất, vì nguy cơ phơi nhiễm với các vật chất nguy hiểm ở hiện trường. Và thứ hai, vì các luật sư bên bị. Xác suất
can thiệp vào hiện trường vì không mặc đồ bảo hộ thực sự rất nhỏ. Nhưng một luật sư cáo già có thể lật lại toàn bộ lời buộc tội chỉ bằng cách gieo một hạt giống nghi ngờ rằng chuyện ấy đã xảy ra. Được rồi, nếu không phải là két sắt thì là cái gì?
Trong khi đội y tế di chuyển các thi thể - đầu tiên là cặp đôi rồi đến Patel - cô nhìn khắp lượt ba căn phòng lần nữa. Sachs đặt giả thiết, lỡ đây chẳng phải vụ cướp của mà là một đòn triệt hạ thì sao? Phải chăng Patel đã mượn tiền của bọn cho vay nặng lãi nào đó và không trả kịp? Khó có khả năng đó - ông ta sở hữu một cơ sở kinh doanh thành công và có vẻ không giống loại người sẽ liên hệ với băng nhóm nào đấy vì một khoản vay tính lãi tới ba mươi phần trăm, tỉ lệ lãi hiện hành trên thị trường đen, và đó là lãi tháng.
Một chuyện tình cay đắng chăng? Patel goá vợ, như cô đã biết. Và người đàn ông trung niên tròn trịa này trông không giống loại có thể mắc vào một cuộc tình nóng bỏng và nguy hiểm. Nếu động cơ chỉ là để giết ông ta, sao còn phải tra tấn? Và nếu thế thật thì cần gì đột nhập vào cửa hàng? Sao không đâm ông ta trong nhà hay trên phố?
Mắt cô trở lại với xưởng làm việc. Phải chăng Patel hay một nhân viên nào của ông ta đang làm việc với một viên kim cương hay một món trang sức đặc biệt giá trị?
Cô bước hẳn vào phòng. Các bàn làm việc dường như không được dùng đến vào ngày hôm đó; các thiết bị đều được sắp xếp gọn gàng trên giá hoặc kệ. Tuy nhiên, ở một bàn cô để ý thấy một tờ giấy khác đã được gập lại thành phong bì đựng kim cương, giống
những cái trong két. Tuy nhiên cái này không đựng gì. Dòng chữ bút bi trên đó ghi: GC-1, GC-2, GC-3 và GC-4. Tên của những viên kim cương nó chứa đựng, cô đoán vậy, vì trọng lượng cara được ghi ở cuối từng cái (chúng được xếp hạng từ năm tới bảy chấm năm). Có các chữ cái nằm cạnh từng tên một. Chữ D, IF viết cạnh ba cái tên. Bên cạnh cái cuối cùng, nhỏ hơn là chữ D, F. Có thể là xếp hạng chất lượng. Cũng trên tờ giấy đó còn viết: Chủ: Grace-Cabot Mining, Ltd,. Cape Town, Nam Phi. Bên cạnh đó là số điện thoại công ty.
“Hừm,” cô lẩm bẩm thành tiếng khi trông thấy một dòng ghi chú khác ở cuối trang. Nó nói lên giá trị của từng viên đá. Con số tổng là sáu mươi tám triệu ZAR*. Cô lôi điện thoại ra tra Google và biết rằng mệnh giá ấy là đồng rand của Nam Phi, không có gì đáng ngạc nhiên.
Ký hiệu tiền tệ của Nam Phi
Điều đáng kinh ngạc ở chỗ con số xuất hiện sau khi cô đã quy đổi.
Giá trị bằng đô-la Mỹ của chúng vào khoảng năm triệu. Amelia Sachs tin rằng cô gần như đã tìm ra câu trả lời cho Câu hỏi Một.
CHƯƠNG 5
Để chắc chắn rằng chỗ kim cương đắt đỏ kia đích thực là thứ đã bị đánh cắp, Amelia Sachs trở lại két sắt và nhìn vào từng cái phong bì trong số cả trăm phong bì ở đó.
Không có cái nào đánh dấu bằng các chữ cái GC hoặc có tên công ty. Một cuộc gọi tới Grace-Cabot sẽ xác nhận Patel đang cầm những viên đá, nhưng cô có thể ước đoán khá chắc chắn rằng chúng chính là thứ đã bị thủ phạm lấy cắp.
Hắn đã biết số đá quý ở đây chăng? Hay đơn giản là vô tình chọn cửa hàng của Patel và đòi được biết những viên đá giá trị nhất nằm ở đâu?
Ở giai đoạn này thì chỉ là phỏng đoán.
Sachs chụp ảnh hộp Grace-Cabot và hoá đơn, rồi niêm phong vào túi.
Giờ đến Câu hỏi số Hai: cuộc tra tấn.
Sachs bất đồng quan điểm với Sellitto về chuyện Patel đã bị tra tấn để bắt phải khai mã số két hoặc nơi cất những viên kim cương giá trị, như bộ đá của Grace-Cabot chẳng hạn. Rốt cuộc, kim cương cũng chỉ là một loại hàng hoá. Khi phải đối mặt với cái chết hay thậm chí là lời đe doạ bị tra tấn, hẳn Patel sẽ từ bỏ một phần bất kì hay toàn bộ tài sản. Mọi thứ đều đã được bảo hiểm. Không có món trang
sức nào đáng giá bằng mạng sống của bạn hay chỉ một giây đau đớn cả.
Không, thủ phạm đã theo đuổi một thứ gì khác. Cái gì mới được chứ?
Để tìm câu trả lời, Amelia Sachs phải làm việc mà cô buộc phải làm ở mỗi hiện trường, dù quá trình ấy có vật vã nhường nào: Cô trở thành tội phạm trong cả tâm thức lẫn tình cảm. Trong một giây phút cô không còn là cảnh sát nữa, không còn là đàn bà nữa. Cô là gã đàn ông đã gây ra cuộc tàn sát này.
Và tự hỏi chính mình - hỏi hắn: Tại sao ta lại cần làm đau lão già?
Cần chính là từ đúng. Ta cảm thấy một sự bức bách. Một nỗi tuyệt vọng.
Tại sao ta phải làm đau lão và bắt lão nói?
Một cảm giác rần rật lại chạy lên mặt cô, quanh khớp cổ, phía trên cột sống. Đây không phải là cái nóng ngột ngạt trong nhà mà cô cảm nhận từ nãy. Đó cũng không phải nỗi kinh hoàng do vai diễn Giả danh tội phạm mà cô đang sắm. Không, các triệu chứng này là từ sự cáu giận đang chạy khắp cơ thể hắn.
Có điều gì đó không đúng. Ta cần phải sửa chữa lại. Cái gì, cái gì, cái gì?
Quay ngược thời gian, nghĩ đi, tưởng tượng, hình dung… Ngay sau giờ trưa, ta đi vào cửa hàng này. Phải, bước vào văn phòng đằng sau lưng cặp đôi, William và Anna. Đôi tình nhân là cái vé vào cửa để ta lọt qua an ninh và họ phải chết vì họ đã trông thấy
mặt ta. Ta cảm thấy vui trước ý nghĩ này: cái chết của bọn họ. Thật dễ chịu. Không có manh mối nào để lại.
Khi họ đẩy cửa bước vào, ta di chuyển đằng sau.
Ta không thể kiểm soát cả hai chỉ bằng một con dao. Không, ta sẽ phải lôi khẩu súng ra. Nhưng ta không thích dùng nó do tiếng ồn. Tuy nhiên, nếu phải làm thì ta vẫn làm, và họ biết điều đó. William và Anna và Patel không di chuyển.
Họ ở yên một chỗ.
Ta ở yên một chỗ.
Ta là người nắm quyền kiểm soát.
Tốt, giờ ta thấy tốt rồi.
Ta đánh Patel - bằng khẩu súng, có thể thế. Vô hiệu hoá ông ta. Cặp đôi bị trói lại. Họ đang khóc, cả hai người. Xích lại gần nhau, để cảm nhận sự hiện diện của người kia. Bởi họ biết điều gì sắp xảy ra. Ta không cảm động chút nào.
Ý nghĩ này khiến cô trở về với chính mình và hơi thở của cô nhanh lên, răng nghiến chặt nhau, bụng thắt lại. Cô siết móng tay ngón trỏ đang đeo găng vào ngón cái. Cảm nhận cơn đau. Lờ nó đi. Quay lại. Quay vào trong đầu hắn.
Và cô đã làm được.
Giờ ta đang ngồi xổm, tóm tóc người đàn ông và cứa cổ anh ta. Rồi đến người đàn bà.
Ta nghe tiếng Patel rên. Nhưng ta không chú ý gì đến lão trong lúc đứng nhìn đôi uyên ương giãy giụa và chảy máu đến chết. Xong
một việc. Đó là điều ta đã nghĩ. Một việc. Đã xong. Tốt. Tích bỏ một thứ trong danh sách. Những cái chết chỉ đến thế thôi. Một dấu tích. Ta quay sang Patel. Lão đã bị hạ, không có gì đáng lo. Và lão đang sợ chết khiếp. Ta hỏi lão về những viên đá giá trị nhất mà lão có.
Lão cho ta biết. Lão đọc mã số két và ta lấy được những viên kim cương Grace Cabot. Nhưng - đây mới là điều then chốt. Quan trọng. Sống còn. Ta muốn thứ khác, một thứ mà lão không chịu từ bỏ.
Thứ gì nhỉ?
Giờ, cúi xuống, ta đang cắt lão kiểu khác, cắt để làm đau đớn, cắt để thông tin tuôn ra khỏi người lão cùng với máu. Thật thoả mãn. Một lần nữa. Một vết cắt khác. Mặt và tai và ngón tay. Rồi, cuối cùng, lão cũng nói.
Ta thả lỏng. Con dao tìm đến cổ họng lão. Ba nhát cắt cuối cùng. Thế là xong.
Patel đã kể cho ta điều gì?
Lão đã cho ta cái gì?
Thứ ta tha thiết muốn tìm là gì? Cái gì mà ta cần phải tìm được đến như vậy?
Ta đã có kho báu là những viên đá năm triệu đô la rồi? Sao không bỏ đi luôn?
Rồi cô hiểu ra.
Thứ mà ta cần nhất chính là sự tự bảo vệ. Ta bị ám ảnh với sự an toàn của bản thân. Đó là thứ đáng để ta tra tấn người khác vì nó. Để biết được danh tính một kẻ sẽ thành mối đe doạ với ta. Ta xịt sơn lên một camera an ninh, ta trộm ổ cứng của cái camera không thể xịt được, giết hai nhân chứng vô tội chỉ vì họ đã trông thấy mặt ta…
Ta cần đảm bảo không một nhân chứng nào khác có thể kể gì đó với cảnh sát.
Có một người đàn ông đã bước vào giữa vụ cướp, kẻ ta đã bắn, và đã gọi 911 để báo cáo cuộc tấn công. Ta có nên tra tấn Patel để biết tên hắn không? Hắn không trông thấy gì nhiều. Chỉ có lúc ta đang mang mặt nạ trượt tuyết, hắn đã báo như vậy. Và có thể hắn bước vào sau khi Patel đã chết. Không phải mối đe doạ nào đáng kể. Không, nhiều khả năng ta đã tra tấn người thợ chế tác kim cương để tìm ra tên của một ai đó khác có thể đã trông thấy khuôn mặt thật của ta.
Phải, đó có thể là lí do đủ để tra tấn kẻ khác.
Thoát ra khỏi nhân vật, Sachs gục đầu và dựa vào tường, thở mạnh trong lúc vuốt mồ hôi khỏi mắt và thái dương. Khi đã thoát khỏi đường hầm hắc ám đó, cô quay lại hành lang và tìm trong đám bằng chứng. Cô tìm được cuốn lịch của Patel và nghiên cứu những thứ trong đó. Các đề mục ghi là “S” sẽ ở đây lúc 11 giờ sáng, “W và A” - William và Anna, cặp đôi vừa bị giết - lúc 11 giờ 45. “VL” được viết ở rìa ngày thứ Bảy, không có giờ cụ thể nào. VL rất có thể là câu trả lời cho Câu hỏi số Ba - ai đã gọi 911. Dù vậy, nó chỉ là câu trả lời không trọn vẹn, vì chữ cái không phải là danh tính đầy đủ.
Cô dự đoán: thủ phạm có thể đã ở đây hoặc gần toà nhà khi S đến hoặc đi, và hắn có thể lo ngại rằng S đã trông thấy mặt mình. Hắn cần Patel kể cho mình biết tên S để tìm và loại bỏ anh ta. Cũng như VL.
Cô giở các trang khác trong cuốn lịch ngày. Cùng những ghi chú khác của hàng trăm cuộc gặp và các đơn hàng trong tháng vừa qua, có hai lần gợi nhắc tới những cuộc hẹn với S trong vòng 10 ngày nay. VL cũng xuất hiện thường xuyên, ba tới bốn lần một tuần. Nên VL có thể là một nhân viên hay cộng sự; điều đó có nghĩa là anh ta sẽ biết mã số cửa và có thể bước vào giữa vụ cướp, làm tên cướp bị bất ngờ và bắn anh ta.
Các anh là ai? S? Và VL?
Và các anh đang ở đâu?
Rồi một ý nghĩ hiện lên.
Nếu anh ta chính là người bước vào giữa vụ cướp, bị bắn và bỏ chạy… làm thế nào anh ta thoát được?
Thủ phạm đã bắn anh ta. Nhưng sau đó hẳn là hắn đã đuổi theo người đàn ông ngay lập tức. Cứ cho hắn mất năm tới sáu giây để bước qua các xác chết và tránh trượt chân trong vũng máu, tên sát nhân vẫn có nhiều cơ hội đuổi kịp nhân chứng vừa bỏ chạy.
Sachs quan sát hành lang một lần nữa. Cô giả định tên sát nhân đã đi vào qua thang máy, đặc biệt là vì hắn đã xịt sơn lên camera ngay bên ngoài nó. Hoặc có lẽ hắn đã đi thang bộ, cạnh bên thang máy.
Nhưng trên tầng này còn một cánh cửa khác, cạnh văn phòng Patel, một lối thoát hiểm. Sachs đã để ý đến nó nhưng cũng chú ý cả tấm biển ghi: Thang thoát hiểm khi cháy. Chuông báo động sẽ reo khi cửa mở.
Vì không có ai trong toà nhà này nói rằng đã nghe thấy tiếng chuông và cửa vẫn đóng, cô cho rằng thủ phạm đã không dùng đến nó. Và hắn cũng không nghĩ rằng VL đã thoát theo lối này.
Địa điểm thực sự của một án mạng, hay vụ cướp là hiện trường chính nhưng tất nhiên vẫn còn những nơi khác. Thủ phạm phải đi vào, thoát ra từ đâu đó và mỗi một hiện trường thứ hai này đều có thể là nguồn gốc của các bằng chứng luận tội thú vị. Thực tế, những hiện trường này thường đem lại nhiều manh mối hữu ích hơn cả hiện trường chính, vì thủ phạm thường thong thả hơn trên đường tới hiện trường và bất cẩn hơn khi chạy khỏi đó.
Cô bước tới cánh cửa. Lôi vũ khí ra, Sachs đẩy mở nó. Không có tiếng chuông nào.
Bước vào giếng thang mờ tối, ẩm thấp, Sachs chiếu đèn pin lên trên và xuống dưới các bậc thang. Cô dừng chân và lắng nghe. Có những tiếng cọt kẹt và rinh rích, và cơn gió lạnh lẽo xấu xí của tháng Ba đang rền rĩ qua những mối nối cổ lỗ sĩ của toà nhà. Nhưng cô không nghe được tiếng bước chân nào. Hay tiếng xoay ổ đạn trong vũ khí.
Các bằng chứng không đưa ra gợi ý nào về việc thủ phạm vẫn còn ở lại, nhưng cũng không có bằng chứng nào cho thấy hắn không còn ở đây.
Cô cúi thấp, quét ngọn đèn Maglite một lần nữa vào bóng tối. Cô tiếp tục đi chậm xuống cầu thang và ở đó, trên bậc nghỉ giữa tầng hai và tầng ba, cô tìm được vài mẩu hiện vật vương vãi. Nó tương tự với thứ cô đã tìm thấy bên trong cửa văn phòng Patel, các mảnh vụn và bụi của một loại đá xám màu. Cô nghĩ nó có thể là dấu vết của lớp sỏi do ai đó mang vào, dù giày của các nạn nhân đều không có loại tương tự. Nhưng rõ ràng là không. Thêm vào đó là vài mẩu giấy nâu - loại đựng đồ tạp hoá hay bữa trưa. Và để giải thích rất nhiều điều, ở đây có một viên đạn. Nó đã bị biến dạng và dẹp lép, trên đầu nhọn vương một chút đá xám tương tự. Và mẩu đá còn dính máu, dù bản thân viên đạn thì không. Một hoạt cảnh hợp lý tự hiện lên. Tên thủ phạm đột nhập cửa hàng, cướp những viên đá Grace-Cabot, giết cặp đôi vừa đính hôn, rồi tra tấn Patel để biết tên S, nghĩ rằng anh ta có thể là một nhân chứng. Hắn giết Patel. Hắn định bỏ đi thì VL vào văn phòng, dùng mã số cửa ra vào. Tên sát nhân bị bất ngờ và bắn anh ta. Nạn nhân đang cầm một cái túi có đá dùng để tạc và đánh bóng thành trang sức. Viên đạn trúng phải đá và anh ta bị thương do mẩu đá bắn ra. Anh ta bỏ chạy qua cửa thoát hiểm mà tên sát nhân đã bỏ qua vì nghĩ anh ta không thể đi qua nó do có chuông báo động. Vậy là có hai nhân chứng mà giả sử thủ phạm đã biết: S, tên và địa chỉ có thể đã bị Patel khai ra do tra tấn. Và VL, người có thể mới chỉ trông thấy mặt nạ trượt tuyết nhưng biết điều gì đó khác mà tên hung thủ không muốn phơi bày ra ánh sáng.
Dù VL là ai, tất nhiên anh ta cũng đang bị đe doạ. Một trong những điều đáng lo ngại là mảnh dăm đá có thể đã xuyên vào hoặc
tới gần một cơ quan sống còn. Anh ta có thể đang bị chảy máu nghiêm trọng.
Nguy cơ đó có thể có mà cũng có thể không.
Mặc dù vậy, có một điều chắc chắn đã xảy ra. Sachs cho rằng thủ phạm đã xem sổ hẹn của Patel và được biết không chỉ S mà cả VL cũng là một hiểm hoạ tiềm tàng.
Tất nhiên, thủ phạm cũng có thể đã bỏ trốn khỏi khu này với gia tài kim cương đáng kể của hắn rồi.
Nhưng từ vài phút ngắn ngủi chui vào đầu óc hắn lúc trước, Sachs đã thấy một khả năng khác. Cô tin, cô biết rằng hắn sẽ ở nguyên vị trí trong lúc này; một kẻ có thể thản nhiên tạo nên một hiện trường máu me như thế chắc chắn không phải loại người để cho nhân chứng còn sống.
CHƯƠNG 6
Trong số tất cả mọi thứ, bến Cảng Vụ lại làm cậu dễ chịu. Trên thực tế, tổ hợp trải dài, xơ xác ở phố 42 và đại lộ số Tám là một trạm xe buýt khổng lồ, bất chấp cái tên của nó gợi ý rằng các con tàu đại dương từ những vùng biển xa xôi đang xếp hàng để được cập cảng.
Nơi này chỉ là một điểm tập trung lộn xộn của những khách tỉnh lẻ vội vã, các khách lữ hành tới hay đi khỏi những sân bay trong khu vực và của khách du lịch. Ở đây bạn cũng sẽ tìm được những thanh niên giàu hi vọng và năng lượng từ khắp nơi trên thế giới, mang theo túi tập gym, những chiếc ba lô đóng chặt quần bò, áo len, thú nhồi bông, bao cao su, bản nhạc, sổ phác thảo, các chương trình hoà nhạc chúc-may-mắn và kha khá những giấc mơ mãnh liệt lẫn mơ hồ.
Nơi đây cũng có cả gái điếm, bọn bán ma tuý, bọn lừa đảo, tụi tuyển quân đạo đức giả - dù không hẳn là loại thông minh lắm. Nhưng bạn đâu cần là một nhà chiến thuật tài ba gì khi đám con mồi mà bạn nhắm tới là một tập hợp những đứa trẻ ngây thơ và háo hức từ Wheaton, Illinois hay Grand Rapids. Ngày này, ở Cảng Vụ ít thấy lũ hèn nhát này xuất hiện hơn xưa, nhưng nguyên nhân chẳng phải vì có một đợt lương tâm thức tỉnh nào bùng lên trong giới trẻ cả đâu; chủ nghĩa khủng bố đã khiến số lượng cảnh sát trên phố 42 tăng cao đấy.
Vimal Lahori biết rõ chuyện này - hay đoán được nhiều phần - bởi Cảng Vụ là ngôi nhà thứ hai của cậu.
Chỗ này chỉ cách chỗ làm của cậu ở cửa hàng ông Patel trên phố 47 một quãng đi bộ ngắn nên cậu thường lượn ra đây kiếm chút đồ ăn nhanh cho bữa trưa. Để được ngắm mọi người, biểu cảm của họ, cử chỉ và tình cảm của họ - để tìm cảm hứng mang về nhà, tới chỗ làm, cố xây dựng lại hình ảnh ấy thành một vật thể ba chiều.
Cậu ngồi trên chiếc ghế dài ở phòng chờ và vòng tay ôm cái bụng đau nhói. Cậu siết mạnh. Cơn đau giảm đôi chút nhưng rồi trở lại ngay. Thực ra là nó lan rộng, như thể cậu đã làm vỡ một túi mỏng đựng axít và sự khó chịu đang toả ra tới cả những nơi nó chưa tới được. Chỗ đau nhất là ở mạn sườn phải, ngang tầm khuỷu tay, nơi cậu cảm nhận một vết sưng phồng dưới da. Khi tên sát nhân nâng khẩu súng lên, theo bản năng Vimal đã quay người. Hoặc viên đạn hoặc một phần của nó hay một mẩu đá đã xuyên qua lớp quần áo của cậu và trúng đích. Cậu từng nghe nói nếu bạn tới một phòng cấp cứu và kể với họ mình bị bắn hoặc họ tự luận ra, các nhân viên y tế sẽ gọi cảnh sát.
Và tất nhiên việc đó không được rồi.
Thò tay vào trong áo khoác và sờ xuống dưới chiếc áo thun Keep Weird, cậu sờ nắn bằng bàn tay trái - cánh tay có thể chạm tới chỗ đau. Cậu rút ngón tay ra và trông thấy máu. Rất nhiều máu.
Vimal nhắm mắt lại trong chốc lát. Cậu hoàn toàn lạc lối và tê liệt. Ông Patel đã chết - hình ảnh hai bàn chân của ông hướng lên trần nhà mờ tối của cửa hàng không chịu biến mất. Cả cặp đôi kia cũng vậy. William Sloane và vị hôn thê của anh ta, Anna. Và gã đàn ông
đeo mặt nạ, bước ra ngưỡng cửa, ánh mắt nheo lại ngạc nhiên khi trông thấy cậu. Hắn giơ khẩu súng lên và hai tiếng động vang lên gần như đồng thời: tiếng nổ và tiếng va đập khi viên đạn bắn trúng vào chiếc túi trong tay cậu.
Cậu loạng choạng lùi lại rồi lao bắn ra cầu thang qua cửa thoát cháy - chuông báo động đã hỏng từ nhiều năm nay - và lộn tùng phèo trên bậc thang. Cậu lo chết khiếp là gã kia sẽ đuổi theo nhưng không. Chắc hắn nghĩ Vimal đã chạy ra cầu thang bộ ở phía trước toà nhà. Hoặc có thể hắn cho là viên đạn sẽ mau chóng giết cậu.
Giờ thì Vimal Lahori đang ở đây.
Tìm kiếm sự an ủi, theo hết nghĩa có thể.
Chiếc mũ lưỡi trai kéo sụp, gù lưng trên ghế băng, Vimal nhìn khắp quanh mình. Ngay cả bây giờ, không phải là ngày làm việc mà khu này vẫn đông đúc. Bến xe Cảng Vụ rất gần quận Nhà Hát. Đám đông đi xem các buổi biểu diễn ngày thứ Bảy đã vãn. Những vở kịch hoặc đã bắt đầu hoặc sắp khai màn. Nhưng ở đây vẫn còn cả triệu thứ để xem và làm trong các ngày cuối tuần, thậm chí có là một buổi chiều tháng Ba lạnh giá đi chăng nữa: Disneyland ở Quảng trường Thời đại, các bộ phim, bữa sáng muộn, mua sắm. Và nơi yêu thích của cậu: khu vực các phòng trưng bày Metropolitan và MoMA ở đầu phía nam phố 14.
Hàng trăm dòng chảy trôi qua cậu.
Nếu ở tình huống khác, hẳn cậu sẽ hấp thu lấy nguồn năng lượng này. Nếu ở tình huống khác, cậu sẽ đang nhìn chằm chằm vào bảng điện tử hiển thị thời gian xuất phát và tự hỏi về những địa điểm mà các chuyến xe buýt kia có thể đưa cậu tới (Vimal chưa bao
giờ ra khỏi khu trung tâm). Giờ thì, tất nhiên cậu đang tìm kiếm gã đàn ông có thể đang lần theo mình.
Cầu thang thoát hiểm ngoài cửa tiệm của ông Patel đã đưa cậu tới một cửa nhận hàng đằng sau toà nhà. Cậu chạy sang phố 46 và rẽ về phía tây. Và cứ thế chạy thục mạng. Những con số nói lên thực tế và một chàng trai Nam Á gầy nhẳng đang lao ra khỏi quận Kim Cương trông có vẻ như là một người đang chạy việc vặt - theo cái cách mà những thanh niên da màu hay Mỹ Latinh không làm. Chẳng ai chú ý gì đến cậu. Cậu thường xuyên liếc ra sau nhưng không thấy tên sát nhân nào đang truy đuổi.
Cậu chỉ dừng lại một thoáng. Khi rẽ vào Đại lộ số Sáu cậu tìm và cuối cùng cũng thấy một quầy điện thoại. Chúng đang dần bị thay thế bởi hệ thống wifi LinkNYC, dù nó cực kì dễ bị lần theo - thậm chí các quầy này còn quay mặt cả người dùng - nhưng rốt cuộc cậu cũng tìm được một bốt điện thoại kiểu cũ, gọi 911 và báo án. Thông tin có ích chừng nào thì Vimal không thể nói được: Cậu gọi chủ yếu là để họ gửi cảnh sát và một xe cứu thương đến phòng khi ai đó còn sống. Cả ba người trong cửa hàng trông như đều đã chết nhưng có lẽ là chưa. Còn về mô tả tên cướp, tất cả những gì cậu nói được là hắn có khổ người trung bình, đeo găng tay và mang mặt nạ trượt tuyết, cả hai đều màu đen. Dường như hắn là người da trắng. Vimal không biết khẩu súng loại nào. Có lẽ ai đó được xem nhiều chương trình tivi và phim ảnh hơn cậu sẽ biết nó thuộc loại gì. Với cậu nó chỉ là một khẩu súng.
Rồi cậu cúp máy, chạy sang một toà nhà khác và lao vào đám đông trên Quảng trường Thời đại, liên tục nhìn lại sau.
Giờ thì cậu đang ở thánh địa của mình, bến Cảng Vụ luôn tấp nập.
Cậu cố nghĩ một điều gì khác có thể hữu ích cho cảnh sát. Nhưng Vimal chắc chắn rằng đây chỉ là một vụ cướp ngẫu nhiên. Họ chưa bao giờ nhận được lời đe doạ nào, cũng chưa từng bị cướp lần nào cả. Ông Patel nổi danh khắp thế giới là nhà chế tác kim cương bậc thầy. Chắc chắn trong cửa hàng của ông có vài viên đá tuyệt vời, nhưng công chúng không biết điều đó. Hoạt động bán lẻ của ông rất nhỏ bé, chủ yếu các khách hàng được giới thiệu tới chỗ ông từ những nhà bán lẻ khác khi họ muốn một món gì đó thật sự xa xỉ.
Trong ngành này, không ai lại đi ăn cướp của đồng nghiệp cả, chưa nói đến giết người cùng nghề. Đơn giản là điều đó không xảy ra trong giới kim cương.
Cơn đau lại quặn lên.
Thêm một lần chạm da nữa.
Lại thêm máu tươi.
Có ai để ý đến tình trạng của cậu chưa? Cậu lướt qua đám đông, để ý thấy một phụ nữ ngồi ở ghế gần đó đang ăn bánh quẩy, độ chục người đang kéo va li đằng sau như những chú chó tự mãn, một đám vô gia cư cả nam lẫn nữ, vài người mang sự tự tin của Chúa còn những người khác chỉ đơn giản là hoang mang.
Cậu lôi điện thoại ra khỏi túi quần, nhăn nhó vì đau. Cậu gửi một tin nhắn và hài lòng khi đọc tin trả lời.
Cậu gửi đi một biểu tượng ngốc nghếch rồi cảm thấy mình như một thằng ngố vì vẫn còn làm vậy trong tình huống này. Rồi cậu nhìn chằm chằm vào màn hình và cân nhắc. Và trì hoãn. Việc chưa nhận được tin nhắn nào của bố chứng tỏ gia đình cậu còn chưa nghe tin tức gì. Kể cả khi câu chuyện được lên sóng thì tên cậu có lẽ cũng không bị nhắc đến. Rõ ràng cậu không nằm trong số các nạn nhân ở cửa hàng và vì ông Patel trả cậu bằng tiền mặt, cũng chẳng giữ đồ cá nhân trong cửa hàng, khó có khả năng cảnh sát biết về cậu lắm.
Tuy nhiên, ngay khi câu chuyện về cái chết của ông Patel lên sóng, có thể điện thoại của Vimal sẽ đổ chuông không ngừng. Cậu tiếp tục nhìn vào màn hình xước xác. Chỉ cần gửi tin đi, thế là xong.
Làm đi.
Nó không giống với việc gọi một cuộc gọi. Chỉ là một lời nhắn thôi. Không ai có thể tương tác bằng lời với cậu, cứng rắn với cậu hay tỏ ra cậu là đứa trẻ mười tuổi. Chỉ là một tin nhắn chết tiệt thôi mà.
Cậu gõ lời nhắn.
“Bố sắp sửa được nghe một chuyện kinh khủng. Ông Patel đã chết. Một vụ cướp. Con ổn. Nhưng sẽ lánh đi một thời gian. Con sẽ ở chỗ một người bạn. Con sẽ liên lạc cho bố sớm.”
Ngón tay cậu lơ lửng bên trên mũi tên của nút Gửi.
Cậu viết thêm:
“Yêu bố.”
Cậu vươn tay đến nút Tắt Nguồn nhưng trước khi kịp bấm nó, tin trả lời đã hiện trên màn hình.
“Ý MÀY LÀ GÌ???? MÀY ĐANG NÓI ĐẾN BẠN NÀO??? VỀ NHÀ NGAY LẬP TỨC!!!”
Trong lúc điện thoại của cậu chuyển sang chế độ tắt, tim Vimal đập nhanh gần bằng lúc trông thấy khẩu súng chĩa vào mình. Một tin trả lời gần như ngay lập tức, cậu nhớ lại, bất chấp thực tế cha cậu đã phải viết hoa từng chữ cái một.
Cậu cũng để ý thấy trong số tất cả những lời nhận xét có thể có, cha cậu chẳng nói lời nào về cái chết của ông Patel hay về vụ cướp, mà đòi được biết danh tính người bạn của Vimal. Tất nhiên là chẳng có bạn bè nào ở đây. Cậu không quen ai đủ thân để ở nhờ, trong trường hợp này thì càng không. Dòng nhắn ấy đơn giản chỉ là để cha cậu - hay đúng hơn là mẹ và em cậu - đỡ lo mà thôi.
Tâm trí cậu lại hiện ra hình ảnh bàn chân của ông Patel. Cậu nhắm chặt hai mí mắt vào nhau như thể cách ấy sẽ làm hình ảnh kia biến đi, nhưng nó chỉ càng sống động hơn. Kinh hoàng hơn.
Cậu bật khóc lặng lẽ, quay lưng lại đám đông. Cuối cùng cậu cũng kìm được nước mắt, thấm khô mặt và hít một hơi thật sâu. Khi ấy một ý nghĩ chợt đến; cậu nhớ lại một điều khác về tên sát nhân. Gã đàn ông ấy có một chiếc cặp táp, loại cũ, kiểu mà gần đây ta không còn bắt gặp nhiều nữa. Hắn đã mang nó trong lúc đi vào
phòng chờ của cửa hàng, khi trông thấy Vimal. Cậu hồi tưởng lại, có lẽ chiếc cặp chính là lí do cậu vẫn còn sống. Tên cướp đang cầm nó bằng tay phải. Hắn đã phải thả nó xuống để lôi khẩu súng ra khỏi túi quần, cho Vimal một giây - dù chỉ là một phản xạ - để xoay người và giơ hai tay lên. Khi gã đàn ông nổ súng, viên đạn bắn trúng mấy viên đá chứ không phải ngực cậu.
Một người đàn ông mang chiếc cặp táp như thế có thể dễ bị nhận diện. Vimal sẽ gọi 911 lần nữa và cho họ biết. Cảnh sát ở khắp khu Midtown có thể lùng tìm hắn.
Cậu đứng dậy và đi về phía quầy điện thoại trả tiền. Cậu biết rằng ngay khi mình gọi điện, ai đó trong sở NYPD sẽ báo động cho các cảnh sát ở đây - cậu đang trông thấy khoảng năm sáu người - và báo cáo rằng có người biết về vụ cướp đang ở Cảng Vụ. Cậu sẽ phải bỏ đi ngay lập tức sau khi cúp máy.
Chính vào lúc ấy cậu cảm nhận, hơn là trông thấy, ai đó đang tiến lại.
Cậu quay người và chú ý thấy một người đàn ông khoảng ba mươi lăm tuổi, mặc áo mưa màu đen đang đi về phía mình. Hắn vừa băng qua đám đông đi bộ trên các lối đi của Cảng Vụ vừa nhìn trái nhìn phải. Cùng chiều cao và dáng người với tên sát nhân. Mặt mũi nghiêm trọng.
Tên sát nhân đã mặc áo khoác, đúng không nhỉ?
Người đàn ông không mang cặp táp.
Nhưng một tên trộm thông minh sẽ rũ bỏ những quần áo hắn đã mặc ở hiện trường phạm tội.
Ôi chết tiệt! Nhỡ có tới hai tên thì sao? Đây là… bọn họ gọi là gì nhỉ? Trợ thủ.
Dù thế nào, rõ ràng gã này đang đi về phía cậu. Hắn cầm một cái gì đó nhỏ nhắn và đen xì trong tay. Nó không phải là súng; hắn sẽ không dám bắn ở đây. Nó có thể là con dao mà hắn đã dùng để cắt cổ cặp đôi kia cùng ông Patel.
Vimal tìm cảnh sát. Người gần nhất vẫn còn cách cậu khoảng sáu mươi mét còn gã kia thì đang ở giữa họ và Vimal. Hơn nữa, cảnh sát là điều cuối cùng cậu mong gặp.
Chạy đi! Bỏ chạy!
Cậu quay người và chạy nhanh tới hành lang gần nhất, xếp dọc theo nó là các tủ gửi đồ. Cơn đau nhói trong lồng ngực và bên mạn sườn cậu lại cuộn lên nhưng cậu lờ tịt và tiếp tục chạy.
Trước mặt là một ngã ba hình chữ T. Phải hay trái? Bên phải có vẻ sáng hơn. Cậu lượn quanh khúc cua.
Sai rồi. Nó là ngõ cụt, chỉ dài thêm ba mét rồi kết thúc ở một cánh cửa có dán chữ: Có điện. Chỉ dành cho đội bảo dưỡng. Cấm vào.
Thử xem!
Cửa khoá. Cậu trông thấy bóng của người đàn ông khi hắn tới gần.
Mình sắp chết, cậu nghĩ.
Trong tâm trí cậu, hình ảnh hiện lên không phải khuôn mặt của mẹ, hay của em trai, cũng không phải viên kim cương sáu cara mà
cậu vừa hoàn thành tuần trước và được ông Patel tuyên bố là “tạm chấp nhận được” - lời khen có cánh của ông ta.
Không, trong những khoảnh khắc cuối cùng của mình trên Trái Đất, Vimal nghĩ tới một mẩu đá granit đang nằm trong căn buồng của mình: một hình kim tự tháp bốn mặt. Màu xanh lục đậm, với những dải đen và một chút xíu ánh vàng. Cậu mường tượng ra từng xăng tí mét vuông của nó.
Người đàn ông dừng ở ngã tư và nheo mắt nhìn cậu. Vimal nghĩ: Không. Cậu hít một hơi thật sâu và bước về phía trước, đứng thẳng lên hết mức có thể. Cậu sẽ không hèn nhát. Cậu sẽ chiến đấu.
Vimal không phải người to con nhưng có niềm đam mê với đá và đá quý; cậu phải nâng rồi cắt rồi đập vỡ và mài phẳng nó. Các dụng cụ của cậu đều rất nặng. Đôi khi cậu phải nhấc cả tảng đá lớn trên tay, thứ đang sẵn sàng kể cho cậu nghe về tâm hồn của nó để cậu có thể giải phóng cho nó.
Những cơ bắp ấy nay đã chắc nịch và cậu rút từ trong túi áo ra một loại vũ khí của riêng mình: một viên đá to, chú chim Tháng Giêng, đã nằm sẵn trong túi khi gã này - hoặc đồng bọn của gã - bắn cậu. Cậu giấu nó ra sau lưng.
Vimal cười mỉm với vẻ trào phúng chua chát, nghĩ về trò chơi mà cậu vẫn chơi cùng em trai Sunny hồi cả hai còn nhỏ: đấm-lá-kéo. Kéo cắt lá.
Lá bọc đấm.
Còn đấm thì làm gãy kéo.
Cậu nắm chặt viên đá.
Ồ phải, cậu sẽ chiến đấu… ném mạnh vào gã, né con dao khéo nhất có thể và bỏ chạy.
Khỏi hắn. Và khỏi cảnh sát.
Gã đàn ông tiến lại gần. Rồi hắn ta mỉm cười. “Này, anh bạn trẻ. Tôi đã vẫy tay chào cậu đấy.”
Vimal đứng yên, không nói gì, chỉ nắm bóp viên đá. Nụ cười của hắn chỉ là một trò bịp để cậu mất cảnh giác.
“Cậu bỏ quên cái này trên ghế. Trong phòng chờ.”
Ông ta giơ ra chiếc điện thoại di động chứ không phải một con dao. Vimal nheo mắt và vỗ tay vào túi. Đúng rồi, nó là của cậu. Cả hai cùng bước về phía nhau và người đàn ông đưa nó ra. “Cậu ổn chứ, chàng trai?” Ông ta cau mày.
“À. Tôi… chỉ là, có một ngày bận rộn. Tôi ngốc thật. Xin lỗi.” Cậu tuồn viên đá vào trong túi quần; dường như người đàn ông không chú ý gì.
“Ầy, chuyện thường ấy mà. Tôi còn bỏ quên cả một chiếc iPhone mới tính ở sân chơi của bọn trẻ khi vợ tôi và tôi đưa chúng đi công viên cơ. Khi tôi nhận ra, mãi tận lúc đã về đến nhà, tôi gọi vào số đấy. Một đứa bé - chừng mười tuổi - nghe máy. Tôi nói đó là điện thoại của tôi còn nó thì chỉ hỏi nó có thể xin mật khẩu cho App Store hay không?”
Người đàn ông tốt bụng cười phá lên còn Vimal thì ép mình phải cười phụ hoạ.
“Cảm ơn.” Lời nói có chút run rẩy.
Người đàn ông gật đầu và đi về phía hàng người đang chờ xe buýt đi New Jersey.
Vimal quay lại quầy điện thoại. Cậu đứng cúi mặt, hít thở chậm, bình tĩnh. Cậu gọi 911 lần nữa. Khi cậu nói mình gọi để báo tín về vụ cướp trên phố 47, người phụ nữ cố giữ cậu trên đường dây nhưng cậu chỉ nói đơn giản, “Người đàn ông cầm súng và một cái cặp táp màu đen. Giống loại các doanh nhân hay mang.”
Cậu cúp máy và đi nhanh tới lối ra, ném một cái nhìn cuối cùng vào bảng xuất phát, ken đặc các điểm đến. Tất cả đều đang mời gọi. Nhưng việc nào trước phải làm trước. Đầu cúi gằm, Vimal lao vào đám đông trên vỉa hè và rẽ về phía nam, đi bộ nhanh hết mức cơn đau cho phép.
CHƯƠNG 7
Cần truy lùng hai kur bé nhỏ.
Hai con gà mái bé nhỏ cần phải cắt tiết, bỏ nồi nấu canh… Hai kur bé nhỏ biết quá nhiều.
Đáng ra chúng phải chết từ sớm. Nhưng lại vùng thoát mất. Buồn thế, buồn thế, buồn thế. Nhưng đâu phải mọi thứ đều luôn chuẩn chỉnh như nó phải thế.
Mang mùi khói thuốc lá khét lẹt và dầu cạo râu Old Spice, Vladimir Rostov vừa trông thấy một người có thể giúp hắn tìm lũ kur. Hắn đang ở quận Kim Cương, cách toà nhà có cửa hàng của Jatin Patel khoảng một trăm mét. Lúc này, cảnh sát đang đứng tụ lại đó và dải băng dính vàng đang phấp phới quanh toà nhà. Tất nhiên hắn phải giữ khoảng cách. Trời đã tối, giờ đóng cửa của quận này, và Rostov đang theo dõi mục tiêu của mình - hoặc là chủ hoặc là người quản lý của một cửa tiệm kim hoàn nhỏ - khởi động chiếc cửa cuốn đóng cổng an ninh. Trông ông ta có vẻ là người Nam Á, và Rostov hi vọng là ông ta sẽ biết Patel; giới kim cương ở New York này không rộng lớn như người ta tưởng.
Người đàn ông móc hai cái khoá chắc chắn vào ổ khoá trên cửa và một cái thứ ba để khoá bảng điều khiển điện tử của cửa cuốn. Ông ta trông yếu xìu và đang nhìn quanh một cách lo lắng. À, tốt lắm. Rostov thích những chú kur nhút nhát. Bọn chúng luôn háo hức
được giúp đỡ.
Gã người Nga lẩn vào đám đông. New York là thành phố của những bộ quần áo tối màu, như bộ hắn đang mặc. Thành phố của những đôi mắt không chạm nhau, thành phố của những cái đầu cúi gằm, thành phố không có tương tác. Hoà vào… Ở gã đàn ông bốn mươi bốn tuổi này chẳng có điểm gì nổi bật. Nhiều cơ bắp hơn mỡ, khuôn mặt góc cạnh dài như mặt ngựa. Xuất thân từ quân ngũ, hắn có tác phong và thể hình của quân nhân, dù không hề có - và cũng chưa bao giờ có - tính kỉ luật và tinh thần sẵn sàng tuân lệnh.
Dù trông có vẻ bình thường nhưng hắn phải gắng sức để mắt không đảo láo liên khắp phố. Hắn cố không lẩm bẩm với chính mình. Và với bất kì ai ở gần. Tất nhiên đó không phải là ý hay. Hắn biết rõ ràng là mình hơi khác biệt.
Vladimir Rostov đã “về với đá” như cách hắn vẫn nghĩ. Vì vậy hắn buộc mình phải cẩn trọng. Hắn vẫn hoạt động được nhưng đôi khi tưởng như hắn đang ở bờ vực của sự điên loạn. Ngay lúc này hắn lại có cái cảm giác gai người, râm ran khi quan sát con phố đầy lũ Do Thái, Ấn và Tàu, những kẻ chuyên bán rác rưởi rẻ tiền cho đám đông.
Khi nhìn vào các cửa sổ, hắn có thể trông thấy vàng, ngọc bích và ngọc lục bảo.
Và kim cương.
Máu của mẹ đất. Phố 47 chính là một cơn băng huyết. Cũng như vũng máu trên sàn cửa hàng Patel vậy.
Tay bán lẻ người Ấn đi bộ tới Đại lộ số Năm rồi rẽ về phía nam, không hề biết đang bị bám theo. Mày có giúp tao tìm tụi kur bé nhỏ được không? Rostov nghĩ, chạm ngón tay vào con dao bấm trong túi quần, nó đang nằm yên bên cạnh khẩu súng.
Chú kur bé nhỏ của hắn… Trong vũ trụ của Rostov, từ đó không chỉ mang nghĩa “con gà mái”, như cách dịch thông thường. Một kuritsa - danh từ số ít - bao gồm cả định nghĩa về blyad, “con điếm” và dobycha “con mồi” lẫn prezreniye, “sự khinh bỉ” của hắn, nhưng tất cả luôn được nhìn qua lăng kính hài hước.
Kuritsa hắn cần tìm là thằng bé ở chỗ tay bán lẻ kim cương. Tên thì không rõ, chỉ có hai chữ cái viết tắt VL. Và một con khác, gã Do Thái đã tới gặp Patel trước khi cửa hàng của ông ta nổ ra cuộc chiến Stalingrad.
Hai kur.
Lúc này, trên đường tới chỗ con mồi của hắn.
Rostov châm một điếu thuốc, rít sâu vài lần rồi dập. Dựng cổ áo và kéo sụp chiếc mũ che mái tóc vàng cắt cua, Rostov tiếp tục cuộc săn lùng người Ấn Độ. Gã đang đi đâu? Có phải gã sẽ lên tàu điện ngầm ở đâu đó, hay một chiếc xe buýt? Hay gã sống ở Upper East Side, khu vực người giàu New York? Gã có hẳn một cửa tiệm kim hoàn cơ mà, hẳn gã phải có tiền. Nhưng Rostov không nghĩ có nhiều người Ấn sống ở phần đó của thành phố. Có vẻ như khu ấy rất tách biệt và hắn đoán là họ sẽ không được chào đón.
Bụng dạ Rostov khẽ rộn lên khi cả hai đi qua Harry Winston, một cửa hàng trang sức nổi tiếng trên Đại lộ số Năm. Tấm biển mạ vàng
khiêm tốn gắn cạnh cửa ghi:
HARRY WINSTON INC. NHỮNG VIÊN ĐÁ QUÝ HIẾM CÓ TRÊN THẾ GIỚI
Chà chà, nói đó là kur còn nhẹ đấy.
Rostov quan sát toà nhà lộng lẫy, ước đoán về giá trị và chất lượng của những viên đá bên trong. Không thể tưởng tượng nổi. Dù đã mất từ những năm 70, có lẽ Winston là nhà buôn trang sức nổi tiếng nhất mà thế giới từng biết đến. Là chủ nhân của cả viên Kim cương Hi vọng và viên kim cương thô bảy trăm cara, ông ta cũng là thợ kim hoàn đầu tiên của các ngôi sao. (Winston là người nảy ra ý tưởng cho các diễn viên mượn những món trang sức lộng lẫy này để diện mỗi kì Liên hoan phim.)
Rostov nghĩ đến một viên kim cương đặc biệt mà công ty này mua được vài năm trước trong cuộc đấu giá của nhà Christie: Winston Blue, viên kim cương xanh lớn nhất từng được bán. Viên đá có đường cắt cầu kỳ (bất kì viên kim cương nào không được cắt dạng tròn thì đều được gọi là “cầu kỳ”) hình trái lê. Nó nặng khoảng mười ba cara và theo tiêu chuẩn của Viện giám định Đá quý Hoa Kỳ, nó vô khuyết. Tất nhiên Rostov chỉ được nhìn thấy ảnh chụp nó và tự hỏi liệu viên đá hiện nay có còn trong cửa hàng không.
Điều làm hắn chú ý là các bài báo viết về viên kim cương chỉ nhắc qua loa tới độ hiếm quý và sự hoàn mỹ của nó; trong khi đó, tập trung vào việc nó được bán với giá gần hai triệu đô-la cho mỗi cara, một kỉ lục với dòng kim cương xanh. Thế giới tán dương viên kim cương không phải vì phẩm chất của nó, mà vì giá tiền.
Lũ truyền thông khốn nạn.
Công chúng khốn nạn.
Ngay lúc này, nó có đang nằm bên trong những hành lang thần thánh kia không? Hắn tự hỏi. Tim hắn rộn lên trước khả năng là có. Tất nhiên, kể cả khi hắn đang không theo đuôi gã người Ấn thì Rostov cũng không thể nào vào trong được. Từng phân vuông trên mặt hắn sẽ bị ghi hình. Cả tá lần. Thậm chí hắn nghe nói các máy quay ở đó có độ phân giải cao đến mức chúng có thể ghi luôn cả dấu vân tay của bạn.
Thế thì không xong rồi.
Tiếc thật.
Rostov cố nén một cơn ho để kìm lại tiếng động. Gã buôn trang sức không nghe thấy, và gã người Nga đã kiểm soát được nó. Con mồi tiếp tục đi về phía bắc thêm hai mươi phút rồi rẽ sang phía đông và đi bộ thêm bốn dãy nhà nữa - khu này không sang chảnh lắm. Phố xá vắng vẻ và khi ông ta đi qua một dãy nhà đá nâu với lối vào căn hộ có vườn nằm thấp hơn mặt phố, Rostov bước dấn lên và đẩy người đàn ông xuống bậc thang, trưng ra khẩu súng rồi lại nhét nó vào túi quần.
“Không! Anh…”
Rostov đấm vào đầu ông ta, cú đấm gây ngạc nhiên nhiều hơn là đau đớn. “Suỵt”
Người đàn ông gật đầu, rúm ró.
Luôn háo hức giúp đỡ…
Họ đang đứng trước cửa sổ và cửa ra vào của căn hộ ở tầng dưới nhưng đèn bên trong vẫn tắt.
“Làm ơn, xin đừng làm hại tôi. Tôi có gia đình.”
“À, tốt lắm. Gia đình. Tốt lắm. Tên là gì, người đàn ông của gia đình?”
“Tôi… tôi là Nashim.”
“Ấn Độ hả?”
“Không, không, Ba Tư.”
Chết tiệt.
Rostov tức giận. “Ý mày là bọn Iran chết tiệt hả.”
Mắt ông ta mở lớn. “Vâng, nhưng ông nội tôi là bạn của shah* đấy! Ý tôi là, nó là sự thật!”
Shah (hay Shirvanshahs) là danh hiệu dùng để chỉ/được trao cho các hoàng đế/vua và lãnh chúa của Iran trong thời kì quân chủ. “Tao quan tâm chó gì đến chuyện ấy hả?”
Điều này làm nhiệm vụ càng khó khăn hơn. Chậc, hắn đành phải ứng biến thôi.
“Có ví không?”
Giọng Nashim cà lăm. “Có, có, tôi có ví đây. Lấy đi. Tôi có cả nhẫn. Một cái nhẫn đẹp. Đồng hồ của tôi không đẹp lắm nhưng.. “Mở ví ra.”
“Tôi không có nhiều tiền mặt.”
“Suỵt. Mở ra.”
Với hai bàn tay run rẩy, Nashim làm theo.
Rostov lôi bằng lái xe ra và dùng điện thoại chụp ảnh. Rồi hắn chú ý tới một bức ảnh. Hắn lôi luôn cả nó ra. Bức ảnh chụp Nashim
cùng người có lẽ là vợ ông ta và hai đứa con gái tuổi dậy thì xinh xắn, tròn trịa.
“Mày đúng là người đàn ông của gia đình. Một người may mắn đấy.”
“Ôi, làm ơn.” Ông ta ứa nước mắt.
Rostov chụp lại cả bức ảnh. Hắn trả ảnh cùng bằng lái cho người đàn ông. Ông ta không thể nhét chúng lại vào ví, hai tay ông ta đang run bần bật. Rostov tự làm rồi nhét cái ví vào túi áo ngực của ông ta. Vỗ vào nó ba lần. Thật mạnh.
“Giờ tao đang cần tìm người. Và tại sao nó lại không phải là việc mày quan tâm nhỉ? Nếu mày giúp tao, mọi chuyện đều tốt đẹp. Và tao sẽ không phải đến số Một ngàn bốn trăm hai mươi hai Đại lộ số Một, căn hộ năm C, để viếng thăm gia đình xinh đẹp của mày.”
“Vâng.” Giờ người đàn ông càng khóc to hơn. “Tôi hiểu rồi.” Rostov đã không hỏi ông ta có hiểu hay không.
“Mày biết Jatin Patel chứ?”
“Anh có phải là..Giọng ông ta im bặt.
Rostov cúi đầu xuống, nhìn xoáy vào Nashim bằng cặp mắt xanh của hắn. Người buôn trang sức buột miệng, “Không thân lắm. Tôi mới gặp ông ấy một lần. Tôi biết về ông ấy. Ai cũng biết.”
“Có hai người mà lão quen. Một tên VL, cũng là dân Ấn như lão. Trẻ hơn. Có thể đang làm việc cho Patel. Hay đã từng làm cho Patel. Và một người Do Thái tên là Saul Weintraub. Hắn có việc kinh doanh trong ngành kim cương ở đâu đó, thành phố Long Island. Nhưng tao muốn có địa chỉ nhà riêng của hắn. Được không? Dễ ợt
ấy mà. Tao nói lại cho dễ nhé. Ai là VL? Và tao có thể tìm Weintraub ở đâu?”
“Ồ, tôi sẽ nói cho anh biết nếu có thể. Tôi hứa! Nhưng tôi không biết. Tôi thề đấy. Tất cả chúng tôi đều làm việc ở quận Kim Cương, người Do Thái, Ấn Độ, Trung Quốc và cả chúng tôi nữa. Nhưng chúng tôi không nói chuyện với nhau nhiều lắm. Chúng tôi chỉ buôn bán với nhau. Nhưng đó là tất cả. Tôi không biết hai người đó có thể là những ai. Xin đừng làm hại tôi hay gia đình tôi! Tôi có thể đưa tiền cho anh.”
“Tao hỏi tiền à?”
“Tôi xin lỗi.”
Rostov tin ông ta. Và khi nghĩ lại hắn nhận định việc ông ta là người Iran rất có ích. Ông ta chẳng ngại bán rẻ một tên Do Thái và có lẽ cả một tên Ấn Độ nữa.
“Nashim, Nashim… Vậy thì chúng ta sẽ chơi một trò chơi. Mày thích các trò chơi chứ?”
Ông ta im lặng.
“Săn kho báu. Mày biết chứ?”
“Tôi biết trò đó.”
“Đây nhé, anh bạn. Đây. Mày sẽ bắt đầu hỏi han. Hãy cẩn thận. Mày không được lộ liễu quá. Nhưng phải hỏi về thằng VL và Saul Weintraub này. Đúng thế, đúng thế! Mày có sẵn sàng chơi chưa, anh bạn?”
“Tôi sẽ hỏi. Tôi hứa sẽ hỏi.”
“Cho tao số điện thoại của mày.”
Rostov bấm số rồi gọi. Điện thoại của Nashim rung lên. “Tốt lắm, tốt. Mày không phải loại giả dối. Okay. Giờ mày làm việc đi. Mai tao sẽ gọi xem mày có gì để kể cho tao không. Và tao sẽ còn gọi đến khi nào mày thắng trò tìm kho báu này. Tao cổ vũ cho mày đấy nhé! Giờ tao sẽ về nhà và mày cũng về nhà.” Rostov vỗ vào lưng ông ta. Hắn dợm bước rồi dừng lại. “Con gái mày. Chúng tên là gì nhỉ?”
Hắn đột nhiên lên cơn thèm, cảm thấy đói.
Về với đá…
Người Iran lắp bắp. “Không! Tôi sẽ không kể với anh điều gì về chúng cả.”
Rostov nhún vai. “Không thành vấn đề. Tao sẽ tự bịa. Đứa cao hơn tao nghĩ sẽ là Scheherazade. Còn đứa nhỏ hơn, xinh hơn, tao nói theo ý kiến cá nhân thôi… nó sẽ là Kitten. Chúc ngủ ngon, Nashim. Chúc ngủ ngon, anh bạn.”
CHƯƠNG 8
Bóng tối phủ xuống bên ngoài, những con người trong phòng thí nghiệm ở phòng khách nhà Rhyme đã bắt đầu cuộc săn lùng kẻ mà họ gọi là Nghi phạm 47, đặt theo tên con phố nơi vụ cướp và các vụ án mạng đã xảy ra.
Anh đang theo dõi quy trình Sachs và Mel Cooper - kỹ thuật viên số một trong NYPD - phân tích những gì cô vừa mang về từ cửa hàng hãng Patel Designs.
Lon Sellitto cũng ở đây, lúc này đang gọi điện thoại ở góc phòng, trả lời các câu hỏi của cấp trên anh ta. Báo chí đã có cả một ngày tác nghiệp quanh vụ án tên sát nhân mang dao rọc giấy ở quận Kim Cương, điều cuối cùng Toà thị chính muốn có. Như những con vật đói khát trong sở thú, báo chí cần được mớm tin gì đó. Tuy nhiên , đây không phải vấn đề của Rhyme. Anh chỉ chú ý vào những gì mà kỹ thuật viên gầy gò đồng thời là một mọt sách công khai cùng Sachs xây dựng được trong lúc cả hai mày mò.
Cảnh sát Ron Pulaski đã được gọi đi làm nhiệm vụ. Cậu ta đang ở ngoài quận Kim Cương để thẩm vấn. Và hầu như chẳng thu được gì. Năm phút trước cậu ta gọi về để báo cáo là không có gì để báo cáo. Với danh sách các khách hàng và đối tác làm ăn của Jatin Patel, cậu ta tìm hỏi từng người để xem có ai nghe gì về những lời đe doạ (hoặc để đánh giá xem bản thân họ có phải là nghi phạm không).
Thế nhưng, tất cả những người Pulaski và các cảnh sát thẩm vấn khác gặp đều không biết “S” hoặc “VL” trong cuốn lịch của Patel là ai.
Kết quả này cũng tương tự ở những cửa hàng và nhà hàng dọc phố 47 và quanh đó. “Không ai chịu nói gì với tôi cả, Lincoln,” cảnh sát trẻ nói. “Cứ như bọn họ sợ bị trông thấy đang giúp cảnh sát vậy. Cứ như tên hung thủ còn đang lởn vởn quanh đây để ghi chú vậy.”
“Cứ làm tiếp đi, Lính mới,” Rhyme nói và cúp máy. Ở bất kì sự kiện nào anh cũng không ham hố với các nhân chứng - anh cảm thấy lời khai của họ rất không đáng tin - và chủ yếu chỉ mong ai đó có thể chỉ Pulaski đi đúng hướng tới một bằng chứng nào mà tên hung thủ bỏ lại hoặc vô tình làm rơi trong lúc bỏ chạy.
Anh nhìn sang tấm bảng trắng chín mươi nhân mét hai mà Sachs và Cooper đang ghi lại các kết quả của họ.
Họ đã biết vài điều từ cuộc gọi nặc danh (giả sử như nó là thật): Thủ phạm có thể là dân da trắng, đàn ông, khuôn mặt bị che bằng mặt nạ trượt tuyết bằng vải đen. Hắn đeo găng tay và có vũ khí. Chiều cao trung bình. Một cuộc gọi khác tới 911 đã báo rằng sát nhân có mang một chiếc cặp táp màu đen. Người ta đã không tìm thấy nó ở hiện trường, vậy là hắn có thể mang theo nó, trừ khi đã vứt bỏ.
Sachs tin rằng người gọi đến chính là nhân viên hoặc đồng nghiệp của Patel, người đã bước vào giữa vụ cướp và bị bắn, tên VL. Một cuộc hỏi cung ở bến Cảng Vụ nơi anh ta vừa gọi cuộc gần nhất đã xác định không ai trông thấy một người bị thương. Rhyme
đã muốn có ai đó tới lấy mấy đồng xu ở quầy điện thoại trả tiền mà người đó đã dùng để thực hiện cuộc gọi và lấy dấu vân tay trên ấy. “Anh không cần dùng xu để gọi 911,” Sellitto nói vẻ hóm hỉnh. “Thành phố bao bằng ngân sách rồi.” Các bệnh viện đã được cảnh báo là phải báo ngay nếu gặp ai đó bị thương do mảnh dăm đá, nhưng xác suất hơn một ngàn bác sĩ cấp cứu ở khu vực New York này biết hết về những yêu cầu của cảnh sát và làm theo, nếu họ có làm, là cực kì thấp.
Sachs đã gọi cho công ty sở hữu những viên kim cương, Grace Cabot ở Cape Town, Nam Phi. Múi giờ ở đó chậm hơn, vẫn đang là sáng sớm và cô đã để lại một lời nhắn. Rốt cuộc vẫn có khả năng những viên đá trên đã được trả lại hoặc đang ở nơi khác, có lẽ đã được chuyển cho một thợ cắt khác làm việc cùng Patel.
Nếu đó là sự thật thì vụ án lại càng trở nên li kì hơn, và tất cả sẽ phụ thuộc vào việc kiểm tra tồn kho của các kỹ thuật viên đội vật chứng giá trị cao để biết thật sự có gì bị mất hay không.
Còn về các bằng chứng vật thể, có tới cả trăm hình ảnh đường rãnh - các dấu vân tay - được phát hiện: trong cửa hàng, trong thang máy, tay nắm cửa trên phố, cửa thang bộ, lan can cầu thang bộ. Nhưng không có cái nào khớp với dữ liệu của IAFIS* cả. Anh cũng không mong đợi gì; số lượng dấu tay đeo găng cho thấy Nghi phạm 47 chưa bao giờ tháo chúng ra.
Không chịu tạo điều kiện cho ta chút nào đấy nhỉ? Một câu hỏi tu từ mà Rhyme chẳng buồn nói ra nữa.
Một vài loại tội ác - liên quan đến tình dục hoặc đánh nhau chẳng hạn - thường có nhiều sự tương tác giàu ADN, và cơ sở dữ liệu
ADN ở Mỹ - CODIS* - có thể hé lộ một danh tính trong những trường hợp này. Nhưng ở loại tội ác này, do sát nhân đeo găng, mặc quần áo dài lại còn mang mặt nạ trượt tuyết - gần như có rất ít cơ hội hắn để lại dấu vết bằng ADN.
IAFIS là viết tắt của Integrated Automated Fingerprint Identification System, tạm dịch là ‘Hệ thống Nhận dạng Vân tay Tự động Tích hợp’, trực thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
CODIS là viết tắt của Combined DNA Index System, tạm dịch ‘Hệ thống chỉ số Kết hợp DNA’
Họ tìm được vài sợi vải không khớp với bất kì cái quần áo nào của các nạn nhân. Một số là sợi cotton đen, gần như chắc chắn là từ găng tay - vì chúng được tìm thấy trên tay nắm cửa và ngăn kéo. Sachs cũng tìm được vài sợi polyester đen, có thể là từ mặt nạ trượt tuyết.
Không có vỏ đạn rỗng nào từ vụ nổ súng; hắn đã mang theo cả cái vỏ.
“Chúng ta có gì ở đó?” Rhyme sốt ruột hỏi kỹ thuật viên của mình. Anh ta đang dán mắt vào ảnh chụp tĩnh điện dấu chân từ cửa hàng Jatin Patel, lúc này chúng đã được quét và dán lên một màn hình có độ phân giải cao.
Mel Cooper đang mặc bộ áo choàng trắng dùng trong phòng thí nghiệm, đội mũ và mang găng tay, bịt mặt. Cùng cặp kính Harry Potter bất ly thân. “Khó nói chắc chắn nhưng anh chàng của chúng ta mang cỡ giày từ hai mươi lăm tới hai mươi chín phân.” Vì mũi giày hếch lên và cỡ gót khác nhau, nên đôi khi rất khó xác định cỡ
giày chính xác. “Và ở đây có vài dấu vết nhận diện cách mang giày nhưng không có rãnh.”
“Giày kiểu công sở hả?”
“Đúng.” Sẽ tốt hơn nhiều nếu thủ phạm mang giày chạy. Các dấu rãnh đặc biệt thường cho bạn biết nhãn hiệu và mẫu giày, đôi khi còn cả màu sắc của từng mẫu nữa.
“Có sọc nhỏ nào trong máu bên cạnh dấu giày không?” Rhyme đang nhìn vào một bức ảnh Sachs chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số hiệu Sony của cô.
“Sọc á?” Cooper hỏi.
“Mấy dòng ngoằn nghoèo, nghuệch ngoạc ấy,” Rhyme lẩm bẩm. “Tôi không nói rõ được.” Khi để ý thấy cả Sellitto và Cooper đều đang nhìn về phía anh khó hiểu, anh định giải thích nhưng Sachs đã nói trong lúc cúi người bên bàn giám định, “Từ những sợi dây giày bị thừa ra. Chúng có thể không xuất hiện trên ảnh chụp tĩnh điện nhưng sẽ thấy trong máu.”
Rhyme mỉm cười. Anh yêu cô.
“À.” Cooper xem lại ảnh chụp dấu chân. Sellitto cũng nhìn một lần rồi lại kiểm tra tin nhắn.
“Chán rồi hả Lon? Rất nhiều trường hợp đã kết luận được là nhờ những thứ vụn vặt như việc phát hiện ra hung thủ mang giày có hay là không có dây đấy.”
“Này, Line, anh mới là sư phụ về những dấu giày có đường ngoằn nghoèo trong máu. Không phải tôi.” Anh ta lại nhận thêm một cuộc gọi nữa và bước tránh đi.