🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Khởi Hành - John Vu Ebooks Nhóm Zalo Mục lục Lời giới thiệu Lời nói đầu Thư gửi sinh viên PHẦN I: TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC XONG, TA NÊN LÀM GÌ? Tốt nghiệp trung học rồi, mình có nên vào đại học không? Tại sao mình nên vào đại học? Chỉ cần đậu đại học, chọn ngành nào trường nào cũng được? Làm thế nào để chọn trường đại học phù hợp với bản thân? Vào đại học, học đại được chăng? PHẦN II: VÀO ĐẠI HỌC RỒI, TA PHẢI LÀM GÌ? Học có mục đích Học để Lấy kỹ năng Phương pháp học tích cực Lời khuyên dành cho người sắp tốt nghiệp Đôi lời nhắn nhủ PHỤ LỤC Giáo dục: Hôm nay và ngày mai Gian lận trong trường học Lập kế hoạch nghề nghiệp: Đam mê và thực tế Việc làm tốt trong ngành toán học Phụ nữ có nên học ngành khoa học máy tính? Cơ hội vô tận LỜI GIỚI THIỆU Đ ây là cuốn sách được hình thành từ những bài viết hướng dẫn cho sinh viên trên trang blog của giáo sư John Vu (science technology.vn), hiện đang giảng dạy tại Đại học Carnegie Mellon, Mỹ; nhằm giới thiệu những phương pháp học tiến bộ, cách tư duy khoa học, cũng như các kỹ năng cần thiết cho sinh viên trong quá trình học tập, từ lúc chuẩn bị vào đại học cho đến lúc ra trường tìm việc làm một cách thuận lợi. Giáo sư John Vu viết trang blog này dành cho sinh viên từ nhiều nước mà ông có tham gia giảng dạy (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, khi tổ chức cuốn sách này, chúng tôi đã chọn lọc và sắp xếp các bài viết dựa trên những vấn đề và thắc mắc mà sinh viên Việt Nam thường gặp phải. Mục đích là để giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn ra thế giới, ý thức được sự thay đổi mang tính toàn cầu, nhận thức được nhiều cơ hội sẵn có và chủ động tự trui rèn phẩm chất cũng như kỹ năng để có thể đáp ứng được nhu cầu lao động ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Học sinh cấp 3, học sinh cuối cấp chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông và sinh viên đại học có thể sử dụng cuốn sách này như một cẩm nang để tự mình định hướng, lên kế hoạch và quyết định tương lai của chính bản thân mình. Cuốn sách được bố cục theo từng chủ đề, học sinh và sinh viên có thể đọc theo từng phần với tư cách là một tập hợp những bài viết chia sẻ kinh nghiệm; hoặc có thể đọc một mạch theo hệ thống để có cái nhìn rõ ràng hơn về thị trường lao động, về việc giáo dục trong hiện tại và tự giáo dục trong tương lai, thông qua đó chủ động nắm bắt cách học sao cho đạt hiệu quả cao nhất về kiến thức và biết ứng dụng vào thực hành. Từng đề mục của cuốn sách được sắp xếp như một kiểu đối thoại với sinh viên, học sinh, giúp các bạn dễ dàng tiếp nhận, nắm bắt những thông tin quan trọng. Những người thực hiện cuốn sách này hy vọng có thể góp một phần công sức giúp các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam có thêm những hiểu biết và kỹ năng cần thiết, để tự mình định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai cho bản thân và cho đất nước. Trân trọng giới thiệu cùng các bạn. First News Giáo sư John Vu là một nhà quản lý chuyên nghiệp và chuyên gia thế giới về công nghệ thông tin. Ông là người Mỹ gốc Việt có nhiều đóng góp lớn về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp và lĩnh vực giáo dục và đào tạo hiện đại. Giáo sư hiện đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Carnegie Mellon, trước đây từng là Kỹ sư trưởng tại Tập đoàn Boeing. Giáo sư John Vu cũng được biết đến như là một nhà quản lý chuyên nghiệp, chuyên gia về phần mềm và công nghệ thông tin. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo sư có sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng cho thế hệ trẻ có cách nhìn nhận mới và kỹ năng mới thích ứng với thời đại mới – do đó phát triển nguồn nhân lực tri thức chủ chốt cho tương lai. LỜI NÓI ĐẦU K hi tôi du hành qua nhiều nơi từ châu Á đến châu Âu, điều tôi nghe mọi người nói tới nhiều nhất chính là “việc làm, việc làm và việc làm”. Chủ đề tuyệt đối chi phối mọi vấn đề xã hội ở nhiều nước, đồng thời cũng là trọng tâm của nhiều chương trình điều hành của nhiều chính phủ chính là “việc làm”. Tất nhiên, có thể tạo ra thêm nhiều việc làm là một điều tuyệt vời vì nó giúp cải thiện vấn đề kinh tế mà nhiều nước hiện đang phải đối diện. Nhưng với tư cách là một nhà nghiên cứu về toàn cầu hóa và công nghệ, tôi nhận thấy mọi người thường không ý thức được rằng chúng ta đang có nhiều việc làm tốt, nhưng chưa có lao động lấp đầy. Khi tham gia một cuộc hội thảo tại Đức, tôi đã yêu cầu sinh viên sử dụng các phương tiện trực tuyến và tìm các công việc liên quan đến ngành “công nghệ thông tin” (CNTT). Các sinh viên tìm thấy trên 300.000 bản liệt kê của các công ty đang tìm nhân viên có kỹ năng phù hợp, đáp ứng được công việc. Được khuyến khích từ phát hiện này, tôi gọi điện cho bạn bè ở Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ yêu cầu họ cùng thực hiện việc tìm kiếm. Tất cả bạn bè đều bảo tôi rằng có hàng trăm nghìn việc làm liên quan đến ngành CNTT sẵn có ở nước họ. Điều đó cho thấy một hiện trạng, rằng ngành CNTT ở nhiều quốc gia hiện đang thiếu hụt một lượng đáng kể các chuyên viên có kỹ năng. Không chỉ thế, hiện còn rất nhiều vị trí khác đang cần tuyển dụng nhưng không được liệt kê trực tuyến cũng không được quảng cáo trên báo chí. Trong trường hợp này, con số các vị trí đang cần tuyển dụng và chờ người đáp ứng có thể còn cao hơn nhiều so với những gì chúng tôi đã tìm được. Những phàn nàn kiểu “chúng ta cần nhiều việc làm hơn” thực tế đang che giấu một vấn đề: khoảng cách giữa các nhà tuyển dụng và các nhà giáo dục càng ngày càng tăng. Mọi người nói “chúng ta cần nhiều việc làm tốt hơn”. Các chính khách đưa ra hứa hẹn trước các cuộc bầu cử, rằng họ sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm. Các quan chức chính phủ đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế và nói rằng đó chính là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu việc làm. Các nhà kinh tế nói rằng toàn cầu hóa làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tất cả đều đúng khi đứng từ góc độ và cách nhìn riêng của họ. Có điều, với tư cách là một nhà giáo dục đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu, tôi cho rằng giải pháp để tháo gỡ vấn đề không phải là “tạo thêm nhiều việc làm” mà là “cung cấp sự đào tạo tốt hơn, giúp thanh niên có các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường”. Hệ thống giáo dục hiện nay là một “thị trường tự do”, không có định hướng cũng không có tầm nhìn rõ ràng, cụ thể. Sinh viên có thể chọn học bất cứ thứ gì ngành nào họ muốn học nhưng lại không ý thức được nhu cầu thực tế của lĩnh vực, của thị trường lao động. Một số giáo sư chỉ thích dạy một số lĩnh vực không còn được ứng dụng trong thực tế vì điều đó giúp họ giữ được việc làm của họ. Trong khi đó, các sinh viên trẻ tuổi lại không biết cách chọn lựa cũng như không có khả năng định hướng quá trình học tập của mình. Một số người có thể bất đồng với quan điểm của tôi vì họ tin giáo dục là chọn lựa của sinh viên, và sinh viên phải chịu trách nhiệm về những điều họ đã chọn. Nhiều người vẫn duy trì cách tư duy cảm tính, rằng sinh viên biết điều họ muốn, chọn điều họ muốn và nhiệm vụ của nhà giáo dục là dạy học chứ không nên ảnh hưởng tới sự chọn lựa của sinh viên. Có điều, đây không phải lúc để chúng ta ngồi thảo luận xem ai đúng ai sai, vì tất cả chúng ta đều đang ngồi trên một quả bom nổ chậm và không biết khi nào quả bom này sẽ nổ. Sinh viên là tương lai của xã hội. Nếu sinh viên không được đào tạo để đáp ứng các nhu cầu và chuyển biến với tốc độ ngày càng cao của xã hội thì mọi thiệt hại chúng ta phải gánh chịu không phải chỉ gói gọn trong một hoặc một vài thế hệ. Những cố chấp của ngày hôm nay về lâu về dài sẽ trở thành hậu quả khó giải quyết của ngày mai. THƯ GỬI SINH VIÊN B ạn có biết một thuyền trưởng định hướng và cầm lái con thuyền của mình như thế nào không? Đầu tiên, vị thuyền trưởng đó phải biết ông ta muốn đi đâu (đích đến), bắt đầu từ đâu (vị trí hiện tại). Ông cần bản đồ và la bàn để định hướng (lập kế hoạch). Cứ vài giờ, ông phải kiểm tra vị trí của con thuyền và so sánh nó với kế hoạch đã chuẩn bị từ đầu để chắc chắn rằng con thuyền vẫn đang trong lộ trình; trong trường hợp con thuyền lệch khỏi lộ trình đã vạch trước quá xa, vị thuyền trưởng cần tự mình điều chỉnh lại. Chỉ khi làm như vậy, ông mới có thể đạt tới đích của mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu vị thuyền trưởng KHÔNG có đích, không biết đi đâu? Điều gì sẽ xảy ra nếu vị thuyền trưởng KHÔNG biết vị trí hiện tại của mình? Xin hãy nghĩ về điều này. Trong mọi cuộc hành trình, bạn phải biết bạn đang đứng ở đâu và bạn muốn đi về đâu. Bạn phải có kế hoạch giúp bạn xác định phương hướng và suy nghĩ về việc làm sao đi đến đó. Bạn phải liên tục kiểm tra lộ trình của bản thân và so sánh với bản kế hoạch ban đầu để kịp điều chỉnh khi bạn lệch khỏi con đường đã định quá xa. Không có nhiều khác biệt giữa việc giương buồm xuyên qua đại dương và việc bước vào đại học. Bạn trở thành sinh viên, bạn trở thành thuyền trưởng trên con thuyền tương lai của bạn. Bạn cần biết đích đến của mình (mục đích nghề nghiệp). Bạn cần biết nơi bạn bắt đầu (lĩnh vực học tập phù hợp). Bạn còn cần cả bản đồ và la bàn (bản kế hoạch nghề nghiệp tương lai) và thường xuyên kiểm tra tiến bộ trong suốt quá trình theo học (kiểm tra lộ trình) để chắc chắn rằng sau khi tốt nghiệp đại học, bạn sẽ thu được những tri thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng công việc mà bạn chọn. Bạn phải biết bạn muốn gì và phải làm sao để đạt được mong muốn đó. Bạn phải học cách quyết định và tự chịu trách nhiệm với mọi quyết định của mình. Phần I TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC XONG, TA NÊN LÀM GÌ? TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC RỒI, MÌNH CÓ NÊN VÀO ĐẠI HỌC KHÔNG? N gày nay nhiều thanh niên thường tự hỏi liệu họ có nên vào đại học? Với tư cách là một giáo sư, tôi bao giờ cũng khuyên thanh niên nên phấn đấu vào đại học để được giáo dục một cách bài bản. Tôi thường bảo họ rằng, những trường hợp bỏ học mà vẫn thành công như Bill Gates, Steve Jobs và Mark Zuckerberg đều là trường hợp ngoại lệ và rất hiếm khi xảy ra; và rằng đừng để vài trường hợp “đột biến” trở thành kim chỉ nam, định hướng cho tương lai của bản thân mà cần phải nhìn vào thực tại. Như các bạn đã biết, hiện nay người thất nghiệp ngày càng nhiều, cơ hội kiếm được việc làm tốt mà không có bằng đại học thực sự rất ít. Không chỉ thế, cơ hội khởi nghiệp kinh doanh mà không có nền tảng giáo dục tốt còn ít hơn nữa. Xin lưu ý rằng Steve Jobs, người sáng lập ra thương hiệu Apple, là một người không có tri thức về quản lý. Ông phải thuê người thay ông quản lý công ty. Chính vì không có tri thức về quản lý, Steve Jobs đã cho phép những người này kiểm soát mọi thứ. Ông tin họ nhưng họ đã lợi dụng lòng tin này, sa thải Steve Jobs và tổ kỹ thuật, chiếm hết tiền bạc, rồi bỏ mặc cho Apple phá sản. Steve Jobs từng thừa nhận với sinh viên tại Đại học Stanford rằng: “Nếu tôi mà học quản lý, nếu tôi biết chút ít về tài chính thì điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Tôi đã quá ngây thơ để rồi buộc phải học một bài học khắc nghiệt. Tôi đã nuốt phải viên thuốc đắng. Nhưng tôi hy vọng các bạn không cần phải nếm thử vị đắng này vì tất cả các bạn đều đã được giáo dục”. Chính phủ Mỹ có dữ liệu thống kê về sự khác biệt trong cuộc sống của những người tốt nghiệp đại học và những người không có bằng đại học. Một nhân viên có bằng đại học thu nhập trung bình nhiều hơn một nhân viên không có bằng cấp tới 60%. Tỷ lệ việc làm cũng cao hơn rất nhiều. Những người có bằng cấp có cơ hội nhận được việc làm nhiều gấp đôi những người không có bằng cấp. Hơn nữa, những dữ liệu thống kê còn cho thấy những người có bằng cấp thường khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn và nói chung là hạnh phúc hơn những người không có bằng cấp. Tất nhiên, bằng đại học không đảm bảo cho thành công. Để thành công, bạn cần tri thức và kỹ năng, động cơ và quyết tâm, nhiệt tình và đam mê với công việc bạn đang làm. Nhiều sinh viên tin rằng chỉ cần có bằng cấp trong tay, họ có thể kiếm được việc làm và mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng thực tế không như vậy, bằng cấp chỉ là mảnh giấy, nó có thể giúp bạn kiếm được việc làm (nhiều việc làm yêu cầu bằng đại học) nhưng không đảm bảo cho thành công trong tương lai của bạn. Nhiều sinh viên thường phàn nàn: “Thật không công bằng, tôi đã học tập rất vất vả để có được bằng cấp và bây giờ tôi không thể kiếm được việc làm. Học đại học thật uổng phí”. Trước khi trách cứ và đổ lỗi, bạn cần nhận thức được rằng cuộc sống không bao giờ công bằng với tất cả mọi người. Nhưng bạn cũng nên biết rằng Trời không phụ lòng người. Điều bạn cần làm là trang bị cho mình nhiều thứ hơn, đừng chỉ nhắm đến việc kiếm lấy một tấm bằng đại học. Tất nhiên, bạn đến trường đại học để được giáo dục. Nhưng bạn không thể học mọi thứ từ các chương trình và giáo án được áp dụng trong trường đại học. Về căn bản, trường đại học là “thế giới thu nhỏ”, nơi bạn có thể thử nghiệm nhiều điều mà không cần phải lo lắng đến “những rủi ro và hậu quả khủng khiếp” mà thực tế có thể mang lại. Khi bạn còn học trong trường đại học, bạn có thể sai lầm cũng có thể thất bại. Nhưng khi bạn đã bước chân vào “thế giới thật” bên ngoài cổng trường đại học, bạn sẽ phải đối mặt với những “điều tồi tệ” có thể khiến mọi cố gắng và nỗ lực một đời sụp đổ chỉ trong nháy mắt. Bằng cấp cung cấp một mức độ tín nhiệm. Đặc biệt là tại Việt Nam, nơi mà bằng đại học là giấy thông hành trong nhiều lĩnh vực. Chúng ta đang sống trong xã hội nơi giá trị của bằng cấp vẫn được tôn sùng và đánh giá cao. Mọi người sẽ nhìn vào bằng cấp của bạn và định giá, rằng bạn đã được giáo dục ở mức độ nào. Vào đại học hay không là quyết định của bạn, tùy thuộc vào khả năng và mong đợi, tùy thuộc vào động cơ và quyết tâm của mỗi người. Nếu bạn không thể tự mình xác định rằng bản thân có gì, muốn trở thành người như thế nào và sẽ phát triển ra sao thì không có bất cứ sự giáo dục nào có thể giúp bạn thành công trong thế giới này. TẠI SAO MÌNH NÊN VÀO ĐẠI HỌC? LÝ DO VÀO ĐẠI HỌC L ý do SAI: Bạn vào đại học vì bố mẹ bạn muốn bạn vào đại học. Bạn vào đại học vì bạn bè của bạn vào đại học. Bạn vào đại học vì bạn KHÔNG biết làm gì sau khi tốt nghiệp phổ thông... Đại học yêu cầu bạn phải đầu tư sự nỗ lực và tiền bạc của mình trong nhiều năm. Nếu bạn vào đại học vì các lý do SAI thì bạn sẽ lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc của mình và KHÔNG nhận lại được bất cứ điều gì. Lý do ĐÚNG: Bạn vào đại học vì bạn muốn được giáo dục để gầy dựng sự nghiệp trong tương lai. Bạn vào đại học vì bạn muốn thu nhận tri thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng cần thiết, chuẩn bị đủ hành trang vào đời. Bạn vào đại học vì bạn muốn có đủ năng lực đối mặt và giải quyết các biến cố trong cuộc sống… Vào đại học với lý do ĐÚNG, bạn có thể tìm được việc làm tốt và có cuộc sống sung túc về sau. Trung bình, những người có bằng đại học sẽ có khả năng làm ra nhiều tiền hơn, có việc làm tốt và nghề nghiệp ổn định hơn so những người không có bằng cấp. VÀO ĐẠI HỌC KHÔNG PHẢI CHỈ ĐỂ HỌC Đại học là nơi để HỌC và để TRƯỞNG THÀNH. Với một số sinh viên, đây là lần đầu tiên bạn có cơ hội tự mình đưa ra quyết định cho bản thân thông qua việc lựa chọn bước tiếp theo trên con đường giáo dục và tự giáo dục. Tất nhiên, trước khi quyết định, bạn phải biết khả năng, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Bạn phải có động cơ học tập và sẵn lòng phấn đấu trong suốt quá trình học tập. Nói tóm lại, bạn phải biết mình là ai, hiện đang đứng ở đâu, trong tay bạn có gì, bạn có thể làm gì, tương lai bạn cần gì và bạn muốn trở thành một người thế nào để có thể tự hào đối diện với thế giới này. Đại học là nơi bạn có thể gặp gỡ nhiều người khác nhau, có thêm những người bạn mới và những trải nghiệm mới. Đại học còn là nơi bạn sẽ phạm sai lầm và học được những kinh nghiệm quý giá từ những sai lầm đó. Học từ những sai lầm trong quá khứ sẽ khiến bạn ngày càng khôn ngoan và trưởng thành hơn. Đại học là một cuộc hành trình. Trong cuộc hành trình này, bạn sẽ phải đối diện với nhiều thách thức và trở ngại. Nếu bạn có thể vượt qua chúng và kiên định giữ vững những mục tiêu bản thân đã đề ra, bạn sẽ càng ngày càng tiến xa hơn, thậm chí còn có thể xa hơn những gì mà bạn nghĩ. Đại học cũng là một giấc mơ. Mơ có tri thức tốt, khiến cho gia đình tự hào. Mơ có nghề nghiệp tốt, đạt tới địa vị nào đó trong lĩnh vực bạn chọn. Giấc mơ có thể tạo nên sự khác biệt. Giấc mơ cũng có thể tiếp lửa, nâng đỡ và hỗ trợ những người xung quanh bạn. Hãy mơ, tìm kiếm và gặp gỡ những người cùng chia sẻ giấc mơ này với bạn. Hãy nhớ, chính BẠN là người sẽ biến giấc mơ của mình thành SỰ THẬT. CHỈ CẦN ĐẬU ĐẠI HỌC, CHỌN NGÀNH NÀO TRƯỜNG NÀO CŨNG ĐƯỢC? K hoảng thời gian học sinh trung học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cũng chính là khoảng thời gian các phụ huynh lo lắng, loay hoay nghĩ cách chọn trường cho con em họ. Mỗi năm, vào khoảng thời gian này, tôi luôn nhận được nhiều cuộc điện thoại và email từ bạn bè, người thân nhờ tôi cho lời khuyên về vấn đề này. Câu hỏi tôi thường nghe nhất là tại sao nhiều người tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm. Tôi giải thích với họ rằng ngày nay bằng đại học KHÔNG còn là tấm giấy thông hành, giúp sinh viên ra trường đảm bảo có việc làm; đặc biệt với bối cảnh xã hội, môi trường kinh tế - chính trị liên tục biến động và thị trường thay đổi nhanh đến chóng mặt trong những năm gần đây. Để có thể giữ thăng bằng trước tình hình hiện tại, tôi cho rằng các bậc phụ huynh cần phải hiểu rõ và thảo luận với con cái, giúp các cháu nhận thức được rằng giáo dục đại học không phải một cuộc dạo chơi nhẹ nhàng và thư thái mà là một cuộc chiến cần tới sự đầu tư thời gian, tiền bạc và đặc biệt là sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Có một nghiên cứu đã khảo sát khoảng 60.000 sinh viên đại học, những người tốt nghiệp từ năm 2005 tới năm 2010. Tác giả hỏi những người đã tốt nghiệp này một câu hỏi đơn giản: “Giả sử bạn được quay trở lại khoảng thời gian bạn vừa bước chân vào trường đại học, bạn muốn thay đổi điều gì để có thể đạt được nhiều thành công hơn trong hiện tại?”. Trên 72% người đã tốt nghiệp nói họ sẽ cẩn thận hơn khi chọn lĩnh vực học tập trong trường đại học vì đây chính là yếu tố giúp họ định hướng tương lai. Nhiều người bày tỏ sự hối tiếc vì khi đó họ hoàn toàn không ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc lập kế hoạch nghề nghiệp hay nghiên cứu, tìm hiểu xu hướng của thị trường việc làm; mà mù quáng đi theo “niềm tin sai lầm”, rằng chỉ cần có bằng đại học là họ có thể tìm được việc làm tốt. Khoảng 68% người đã tốt nghiệp nói rằng họ sẽ tập trung cũng như chủ động nhiều hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội và thu thập kinh nghiệm làm việc thông qua các đợt thực tập mùa hè và thực tập cuối khóa; 54% nói rằng họ sẽ bắt tay vào quá trình tìm kiếm việc làm sớm hơn, ngay trong năm thứ tư thay vì đợi cho tới khi tốt nghiệp xong; 48% bày tỏ rằng họ chắc chắn sẽ học thêm và lấy bằng bổ sung liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin để hỗ trợ cho nghề nghiệp tương lai của họ; và 36% nói rằng họ sẽ chọn một trường đại học khác. XÁC ĐỊNH LĨNH VỰC HỌC TẬP PHÙ HỢP Trước khi vào đại học, bạn cần biết hệ thống giáo dục và đào tạo có nhiều lĩnh vực học tập/chuyên ngành khác nhau. Bạn có quyền CHỌN LỰA nhưng bạn phải cân nhắc và chọn lựa thật cẩn thận. ⇒ Bạn phải đặt mục đích thông qua câu hỏi “Điều tôi muốn học là gì?” cũng như lên “kế hoạch nghề nghiệp tương lai” cho riêng mình nhằm xác định phương hướng và có động lực để phấn đấu. ⇒ Bạn phải tìm hiểu và nắm bắt cách thức để hoàn thành và đạt được mục tiêu của bạn; đồng thời không ngừng tự hỏi bản thân, rằng “Những chướng ngại tôi phải vượt qua để đạt được kế hoạch của mình là gì?”. ⇒ Trong trường hợp lĩnh vực học tập/chuyên ngành mà bạn chọn KHÔNG giúp bạn đạt mục đích nghề nghiệp, bạn phải tự hỏi: “Mình có nên chọn lĩnh vực học tập/chuyên ngành này không hay nên chọn một lĩnh vực học tập/chuyên ngành khác tốt và thực tế hơn?”. CHẤT LƯỢNG CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÔNG GIỐNG NHAU Với một số sinh viên và phụ huynh, phần lớn các trường đại học đều như nhau. Nhiều người cho rằng mọi trường đại học đều cung cấp bằng cấp và chất lượng đào tạo tương tự nhau. Nhưng trong thực tế, bên cạnh các trường đại học nổi tiếng có chương trình đào tạo và giảng viên chất lượng cao, còn tồn tại các trường đại học trung bình với chương trình đào tạo nghèo nàn và giảng viên kém cỏi. Tất nhiên, không dễ để phân biệt chất lượng các trường khi chưa có bảng so sánh chuẩn. Ở Mỹ, hầu hết phụ huynh và sinh viên đều dựa vào danh tiếng và xếp hạng đại học từ các nguồn như U.S News và World Report, hoặc tham khảo bảng xếp hạng của tạp chí Times hay Forbes. Một trong những tiêu chí phân biệt then chốt khi chọn trường là chương trình đào tạo “được cập nhật thường xuyên nhất” và số người tốt nghiệp tìm được việc làm liên quan tới lĩnh vực học tập của họ. CHUẨN BỊ TINH THẦN ĐỂ BƯỚC VÀO ĐẠI HỌC Sinh viên thường bày tỏ với tôi rằng họ không chắc, họ cũng không biết họ có thực sự đam mê ngành nghề mà họ đang theo học không? Hay liệu họ có thể vượt qua mọi chướng ngại để hoàn thành chương trình đào tạo đại học không? Tất nhiên, đó là nhiều điều sinh viên cần hỏi và nên hỏi thật nhiều trước khi bước chân vào trường đại học. Không ai có đủ sự trải nghiệm để trưởng thành và biết điều mình thực sự muốn là gì khi còn là học sinh trung học. Đây cũng chính là lý do phụ huynh nên tham gia tư vấn, khuyến khích và cung cấp thông tin hỗ trợ con cái vì chính các bậc phụ huynh mới có đủ khả năng để tìm hiểu tình hình thực tế và nhu cầu hiện tại của thị trường việc làm. Phần lớn chướng ngại đều ở trong tâm trí của sinh viên. Nếu họ nghĩ lập trình là khó thì họ sẽ không học môn lập trình; nếu họ nghĩ toán là khó thì họ sẽ né tránh không học toán… Tình trạng này lặp đi lặp lại trong rất nhiều thế hệ sinh viên. Kỳ lạ ở chỗ chỉ cần sinh viên dám đối diện với nỗi sợ hãi của mình, sẵn lòng nỗ lực để cải thiện tình hình, phần lớn đều thành công. Đây là lý do tại sao sinh viên cần xây dựng mối quan hệ tốt với các giảng viên trong trường. Các giảng viên có tâm luôn sẵn sàng dành nhiều thời gian hơn để hỗ trợ cho bất kỳ sinh viên nào, chỉ cần họ sẵn sàng cố gắng và chăm chỉ hơn. Học đại học chính là khoảng thời gian để chuẩn bị cho tương lai của bạn. Xin hãy tìm hiểu và nghiên cứu mọi tình huống, khả năng có thể phát sinh trước khi bước vào đại học. Kinh nghiệm của những người đi trước luôn luôn có ích. Sinh viên có thể chủ động đề nghị phụ huynh tham khảo các mối quan hệ sẵn có hoặc trực tiếp đến trường đại học nơi bản thân muốn thi vào và đề nghị các anh chị sinh viên giúp đỡ, cho lời khuyên. Hãy học tập bằng một thái độ đúng. Không ngần ngại và đừng bao giờ để mình bị đánh bại bởi cảm giác “sợ hãi” chính là chìa khóa quan trọng giúp sinh viên đối mặt với mọi vấn đề có thể phát sinh trong môi trường đại học. Hãy chuẩn bị tốt tinh thần trước khi bước vào đại học. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÙ HỢP VỚI BẢN THÂN? C họn trường đại học là quyết định quan trọng sẽ ảnh hưởng tới tương lai của bạn trong nhiều năm liền. Tôi cho rằng bên cạnh lời khuyên của bố mẹ, lời khuyên của bạn bè cùng những suy tính liên quan đến vấn đề chi phí, các bạn nên cân nhắc đến một số yếu tố sau: Uy tín của chương trình đào tạo chuyên ngành: Một số trường đại học chuyên cung cấp chương trình đào tạo chuyên ngành trong một số lĩnh vực. Họ có uy tín và danh tiếng trong ngành/nghề liên quan đến chuyên ngành đào tạo “mũi nhọn” của trường. Các công ty hàng đầu bao giờ cũng thích tuyển các sinh viên xuất thân từ trường tốt, được đánh giá cao. Không những thế, uy tín và danh tiếng của trường còn giúp thu hút các giáo sư giỏi cũng như những “cơ hội hợp tác” liên quan đến thế mạnh của trường. Bạn nên cân nhắc và kiểm tra thật kỹ thông tin về các trường từ nhiều nguồn để chọn cho mình một môi trường học tập tốt, đồng thời cũng là cách để làm đẹp hồ sơ khi đi xin việc. Quy mô của trường: Các trường đại học thoạt nhìn tưởng giống nhau nhưng thực tế quy mô thường khác nhau. Trường lớn có thể khiến sinh viên mới vào trường bỡ ngỡ với nhiều thủ tục phức tạp. Trường nhỏ có thể thân thiện nhưng đôi khi bị giới hạn năng lực về nhiều mặt. Trong trường hợp bạn là người có tính cách độc lập, trường lớn là chọn lựa tốt. Trong trường hợp bạn là người có tính cách rụt rè và cần cảm giác gần gũi, trường nhỏ sẽ cung cấp nhiều sự giúp đỡ hơn, thân thiện hơn trong đào tạo. Mặt khác, các bạn cũng cần phải lưu ý rằng các trường lớn thường có nhiều hoạt động đa dạng, nhiều môn học, nhiều chương trình xã hội hơn với sĩ số lớp đông hơn, cơ hội để tiếp xúc trực tiếp với các giáo sư sẽ ít đi. Một số sinh viên thích trường nhỏ, một số thích trường lớn tùy theo cá tính của từng người. Quy mô của trường cũng là một trong số những yếu tố cần cân nhắc trước khi quyết định chọn trường. Các hoạt động xã hội của trường: Đại học không chỉ là nơi để sinh viên thu thập tri thức và phát triển kỹ năng mà còn là nơi để sinh viên tích lũy kinh nghiệm và phát triển cá nhân nữa. Bạn nên cân nhắc đến khía cạnh xã hội và các hoạt động bên ngoài chương trình đào tạo chuyên môn của trường. Lĩnh vực học tập hoặc chuyên môn bản thân cần theo đuổi: Trước khi chọn trường, các bậc phụ huynh cũng như giáo viên hướng nghiệp cần hỗ trợ và giúp sinh viên ý thức được tầm quan trọng của việc “lập kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai”. Thông qua đó, xác định chuyên ngành và lĩnh vực học tập phù hợp với bản kế hoạch này. Lựa chọn SAI chuyên ngành hoặc lĩnh vực học tập có thể gây ra nhiều vấn đề. Trong trường hợp bạn cảm thấy không chắc lắm, hãy tìm cách để tới tham quan và dự một số lớp trước khi ra quyết định. Nói chuyện với các giáo sư và sinh viên trong trường để hình thành ý niệm cá nhân về chuyên ngành/lĩnh vực. Đam mê với ngành nghề bản thân chọn: Bạn cần phải có đam mê với ngành nghề mà bạn chọn. Trước khi trở thành một sinh viên giỏi rồi dần dần trở thành một người có chuyên môn giỏi, bạn cần phải yêu thích công việc mà bản thân dự định sẽ gắn bó suốt đời. Có lý tưởng riêng, chỉ khi đó bạn mới có thể không ngừng phấn đấu nhằm xây dựng sự nghiệp hướng tới mục đích làm lợi cho xã hội và kỳ vọng nhận được sự thừa nhận của cộng đồng. Hãy nhớ, bạn chỉ học trong trường vài năm nhưng bạn sẽ phải làm việc trong ngành nghề bạn chọn nhiều năm sau đó. Cuối cùng, tôi cho rằng bạn không nên vội quyết định và lên kế hoạch tài chính với phụ huynh khi chưa trực tiếp tới thăm ngôi trường mà bạn muốn thi vào. Bạn nên nói chuyện với sinh viên ở đó để có thêm các dữ kiện cần thiết về trường, xem liệu đây có phải là ngôi trường phù hợp với bạn hay không. Hãy nhớ, đấy là nơi bạn sẽ phải gắn bó trong suốt một khoảng thời gian học tập dài và vất vả. Không nên tùy tiện quyết định để rồi sau đó phải trả giá bằng nhiều phí tổn, thời gian và cả cảm xúc tiêu cực trong suốt những năm miệt mài trên giảng đường đại học. CÓ NÊN CHỌN NGÀNH CHỌN NGHỀ MÌNH THÍCH? Lời khuyên thông thường mà nhiều người sẽ nói là: “Lựa chọn lĩnh vực học tập hoặc chuyên ngành mà bạn thích. Hãy học thứ mà bạn muốn”. Tuy nhiên, tôi muốn bổ sung thêm một lời khuyên thực tế: “Và hãy đảm bảo rằng bạn có thể kiếm sống bằng nghề đó”. Thanh niên thường lựa chọn lĩnh vực học tập dựa trên nhiều yếu tố nhưng phần lớn KHÔNG chú ý tới tình hình thực tế và nhu cầu của thị trường việc làm. Họ không biết lĩnh vực nào hiện đang có nhu cầu nhân lực cao, cũng không biết khu vực nào đang tăng trưởng với nhiều tiềm năng phát triển. Thanh niên ít khi tính tới việc “liệu lương bổng nhận được trong ngành/nghề này có đủ để chu cấp cho cuộc sống tương lai” của họ hay không. Thậm chí có nhiều thanh niên còn cố gắng thuyết phục bạn bè chọn học cùng lĩnh vực mà họ chọn, trong khi không nhận ra rằng khi vào đại học mọi thứ sẽ thay đổi và phần lớn tình bạn ở trường trung học sẽ không còn như trước khi bước vào đại học. Bạn không nên để bạn bè ảnh hưởng tới quyết định riêng của bạn. Lựa chọn của bạn là tương lai của bạn, là cuộc sống của bạn, không phải của họ. CÓ NÊN CHỌN NGÀNH NGHỀ MÀ PHỤ HUYNH MONG MUỐN? Ngày nay các bậc phụ huynh thường quá bận rộn. Họ không có thời gian để nghiên cứu thị trường việc làm, cũng không nhận thức đủ tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho con trẻ. Thật nguy hiểm khi các bậc phụ huynh dung túng và tạo cơ hội cho thanh niên đẩy hết mọi trách nhiệm liên quan đến việc chọn lựa tương lai cho bản thân lên vai bố mẹ. Khi họ thất bại, họ đổ lỗi và cho rằng bố mẹ phải chịu trách nhiệm cho tương lai của họ. Hiện tượng này khiến cho phần lớn sinh viên ra trường trở nên ỷ lại và bị động đến mức không có khả năng để tự lo liệu và xử lý vấn đề của bản thân. Có rất nhiều sinh viên thậm chí còn không biết cách chuẩn bị hồ sơ xin việc làm, cũng không có kỹ năng tối thiểu để thích ứng với công việc để rồi bị đào thải, trở thành phần tử thất nghiệp, không có ý chí, không có tương lai. MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ THỊ TRƯỜNG VIỆC LÀM Từ năm 2010 cho tới năm 2020, mức lương cao nhất và việc làm tốt nhất thuộc về các ngành như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Trong khu vực khoa học có: y, dược và chăm sóc sức khỏe. Trong khu vực công nghệ có: công nghệ thông tin (khoa học máy tính, kỹ nghệ phần mềm và quản trị thông tin), công nghệ sinh học và công nghệ nano. Trong khu vực kỹ thuật có: kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật hóa học và kỹ thuật vật liệu. Trong toán học có: kê khai, kế toán, thống kê và toán học ứng dụng. Theo những báo cáo này, các lĩnh vực như kinh doanh, tài chính, bán hàng và tiếp thị (marketing) vẫn còn phát triển nhưng không tăng trưởng nhanh như vài năm trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra. Do cung “từ các trường đại học” quá nhiều so với “thực tế của thị trường” khiến mức độ cạnh tranh trong môi trường làm việc của các ngành này ngày càng dữ dội; đồng thời mức lương cũng sẽ không tăng nhiều trong vài năm tới. VÀO ĐẠI HỌC, HỌC ĐẠI ĐƯỢC CHĂNG? P hần lớn phụ huynh thường khuyên con em họ kiểu: “Vào đại học đi, kiếm lấy cái bằng rồi tìm việc làm”. Trước tiến trình toàn cầu hóa và thị trường việc làm thay đổi nhanh chóng hiện nay, lời khuyên này là không đủ. Sinh viên đại học ngày nay cần được hướng dẫn nhiều hơn, cần biết cách lập kế hoạch nghề nghiệp, phát triển kỹ năng cần thiết và chuẩn bị tinh thần cạnh tranh ngay khi họ vừa tốt nghiệp. Cả phụ huynh và sinh viên đều cần ý thức được sự khác biệt giữa bằng cấp và kỹ năng. Hiện tại, các công ty ngày càng ít chú ý tới bằng cấp hơn so với trước đây. Dù họ mong đợi các ứng viên có bằng đại học nhưng họ vẫn quan tâm tới kỹ năng làm việc và khả năng thích ứng với công việc nhiều hơn. Điều này đòi hỏi phụ huynh và sinh viên cần phải chuẩn bị nhiều hơn trước khi bước vào cổng trường đại học để có thể vạch ra một lộ trình phù hợp và đúng đắn nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động. Không may, nhiều sinh viên hiện nay vẫn vào đại học mà không hề có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng. Cách học này khiến sinh viên phí hoài nhiều thời gian và nỗ lực, bởi sau khi tốt nghiệp, họ không thể tìm được công việc xứng đáng với những phí tổn mà họ đã tiêu tốn trong mấy năm học đại học. Một số trở lại trường và bắt đầu học lại hoặc học lên cao hơn nữa trong khi vẫn không định hướng được mục đích nghề nghiệp là gì. Năm ngoái, một người tốt nghiệp đại học tới gặp tôi để xin lời khuyên. Anh ta nói: “Em không thể tìm được việc làm dù đã có bằng cử nhân văn học. Em muốn quay trở lại trường và học công nghệ thông tin để có thể kiếm được việc làm tốt”. Tôi hỏi anh ta: “Em nghĩ em sẽ làm gì với bằng khoa học máy tính?”. Anh ta có vẻ hoang mang: “Em không biết. Em chỉ hy vọng kiếm được việc làm như phần lớn những người tốt nghiệp ngành khoa học máy tính khác. Sinh viên tốt nghiệp từ ngành này thường kiếm được việc làm tốt”. Đây là trường hợp điển hình của những sinh viên không có kế hoạch nghề nghiệp, không có phương hướng rõ ràng. Anh ta chỉ muốn kiếm được việc làm. Tôi hỏi: “Đó có phải công việc em thực sự muốn làm không?”. Anh ta nói: “Em thích viết, em chọn chuyên ngành văn học vì em muốn là nhà văn”. Tôi bảo anh ta: “Có những công việc cần tới kỹ năng viết trong ngành công nghệ thông tin. Em có thể viết tài liệu sử dụng, tài liệu hướng dẫn, thủ tục và đề xuất các tiêu chuẩn. Có những công việc liên quan đến viết lách như quản trị nội dung cho web, blog hoặc viết tin cho một số công ty. Em có thể kết hợp kỹ năng viết của em và chọn học để lấy thêm bằng cấp liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu của những công việc cần tới kỹ năng này”. Anh ta ngạc nhiên vì chưa bao giờ anh ta nghĩ về điều đó. Tôi đoán anh ta thậm chí còn không đọc các mô tả việc làm khi đi tìm việc. Đây là tình trạng chung của rất nhiều sinh viên. Khi bước vào trường đại học, họ chỉ nghĩ đơn giản “Vào đại học rồi học đại cho xong, có bằng rồi sẽ đi tìm việc”. Nhưng thực tế không giống như sinh viên đã nghĩ. Ngày nay, tấm bằng đại học không còn là tờ giấy thông hành, đảm bảo “có bằng đại học nhất định sẽ có việc làm” như trước nữa. LẬP KẾ HOẠCH NGHỀ NGHIỆP CHO TƯƠNG LAI: VAI TRÒ VÀ MỤC ĐÍCH Với các học sinh vừa tốt nghiệp trung học, việc chọn lĩnh vực học tập/chuyên ngành đại học có lẽ là quyết định khó khăn nhất nhưng đồng thời cũng là quyết định quan trọng nhất; vì đó chính là phương hướng giúp học sinh tập trung hơn trong việc học và cho phép họ lập kế hoạch nghề nghiệp từ sớm. Không may, phần lớn các bậc phụ huynh hiện tại không đủ khả năng cũng không thực sự quan tâm đến việc hỗ trợ con cái lập kế hoạch nghề nghiệp tương lai. Họ có thể cho con quần áo đẹp, thức ăn ngon, không ngần ngại mua cho con những thứ mà con muốn nhưng khi con chuẩn bị vào đại học thì bố mẹ lại chỉ có thể hướng dẫn một cách sơ sài: “Vào đại học, học chăm chỉ, lấy bằng cấp rồi tìm việc làm”. Với họ, lấy được bằng đại học là mục đích lớn nhất. Nhưng bây giờ không còn như ngày trước nữa. Thời đại đã thay đổi. Ngày nay bằng đại học không còn “giá trị” như ba mươi hay bốn mươi năm trước. Ngày nay sinh viên đại học cần được hướng dẫn nhiều hơn, cần trau dồi và phát triển nhiều kỹ năng hơn mới có thể đáp ứng được những yêu cầu mà các công việc sẵn có đòi hỏi. Sau khi tốt nghiệp, họ phải có khả năng kiếm sống một cách độc lập trên cơ sở tri thức và kỹ năng của họ. Phụ huynh và sinh viên phải nhận thức được rằng, tiêu chí tuyển dụng hiện nay của các công ty không chỉ dựa trên bằng cấp mà còn đòi hỏi năng lực làm việc và các kỹ năng mềm. Giáo dục đại học hiện tại yêu cầu sinh viên phải lập kế hoạch nghề nghiệp tương lai TRƯỚC khi sinh viên vào đại học. Họ cần phải nghiên cứu thị trường việc làm, xác định những nghề phù hợp và có tiềm năng phát triển sự nghiệp nhất. Họ cần phải khảo sát và tìm hiểu những công việc nào có nhu cầu tuyển dụng tại địa phương nơi họ sinh ra và phổ dụng toàn cầu. Họ cần phải tiếp cận những người đã đi làm để lấy những thông tin cần thiết, chẳng hạn như một người tốt nghiệp đại học trong lĩnh vực/chuyên ngành này có thể làm được những công việc gì, lương bổng ra sao, những kỹ năng/thế mạnh được thị trường ưa chuộng là gì?... Chính sinh viên phải chủ động tìm hiểu, tìm hiểu một cách tích cực. Không chỉ thế, còn phải liên tục so sánh thông tin thu thập được từ nhiều nguồn với nhau, tự mình hình thành cảm nhận về “độ chính xác” và “mức độ đáng tin” của những nguồn thông tin này. Nhiều thanh niên có xu hướng chọn lĩnh vực/chuyên ngành đại học dựa trên sở thích cá nhân hoặc thành tích học tập trong quá khứ. Nhưng rất ít người tự đặt ra câu hỏi “Có bao nhiêu việc làm được mở ra cho những người tốt nghiệp đại học của lĩnh vực/chuyên ngành này?”. Nhiều người thường lẫn lộn giữa sở thích và nghề nghiệp. Sở thích là thứ mà bạn có thể tận hưởng; nhưng sở thích không phải lúc nào cũng có thể trở thành nghề nghiệp, mang lại lợi ích và thu nhập, giúp bạn kiếm sống. Trong trường hợp học sinh trung học không phân biệt được việc “làm vì yêu thích” và “làm để kiếm sống” thì các bậc phụ huynh cần giúp họ phân biệt và hướng dẫn thật kỹ càng. Một số sinh viên xem ti vi hay đọc tạp chí, họ nghĩ: “Việc này có vẻ vui. Mình có thể làm việc này”. Họ chọn vì họ nghĩ công việc này vui và hấp dẫn nhưng không hề ý thức được nhu cầu của thị trường. Vài năm trước, một sinh viên chia sẻ với tôi rằng: “Trước đây, em từng xem một chương trình trên ti vi, thấy họ trang trí nhà cửa và em nghĩ em muốn làm điều đó. Công việc có vẻ vui, hơn nữa em còn rất thích trang trí mọi thứ. May mắn thay, ngay trong năm nhất đại học em kiếm được việc làm thêm vào mùa hè. Em được nhận vào làm nhân viên trang trí nội thất cho một công ty. Trong suốt mùa hè đó, em chỉ làm duy nhất một công việc là giao dịch để bán đồ đạc và trả lời điện thoại. Thực tế, em chẳng cần được giáo dục đại học để làm việc đó. Đó cũng chính là lúc em nhận ra sự khác biệt giữa những câu chuyện được chiếu trên ti vi và thực tại. Đây cũng là lý do tại sao em chuyển sang học ngành khoa học máy tính”. Các bậc phụ huynh và sinh viên cần phải hiểu rằng không phải mọi lĩnh vực học tập hoặc chuyên ngành đào tạo được dạy trong trường đại học đều có giá trị và khả năng mang lại lợi ích ngang nhau. Tất nhiên, tất cả đều cung cấp bằng cấp sau khi sinh viên hoàn thành khóa học, nhưng chúng không đảm bảo việc làm. Khi bạn chọn một lĩnh vực học tập hoặc chuyên ngành nào đó, hãy tự đặt câu hỏi kiểu như: Những người tốt nghiệp lĩnh vực/chuyên ngành này có thể làm những công việc gì? Những sinh viên đã tốt nghiệp lĩnh vực/chuyên ngành này (của trường đại học nơi bạn định thi vào) hiện tại đang làm việc ở đâu? Mức lương tối thiểu mà một sinh viên mới ra trường nhận được là bao nhiêu? Cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp của lĩnh vực/chuyên ngành này như thế nào? Phần lớn các sinh viên tốt nghiệp từ lĩnh vực/chuyên ngành này hiện có làm việc đúng ngành đúng nghề mà họ đã học hay không? Các công ty hoạt động trong lĩnh vực/chuyên ngành này thường ưu tiên tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp từ trường nào?... Bạn không nên chọn một nghề đặc biệt nào đó khi nghề này không có tương lai và không có việc làm. Trong thế giới lý tưởng, bạn có thể học mọi thứ bạn quan tâm và gắn bó với công việc bạn yêu thích suốt phần đời còn lại. Tuy nhiên, trong thế giới cạnh tranh nơi chúng ta đang sống, sinh viên cần cân nhắc tới cuộc sống thực tế của bản thân sau khi tốt nghiệp. NHỮNG SAI LẦM SINH VIÊN THƯỜNG MẮC PHẢI Nhiều sinh viên bước vào đại học với thái độ và thói quen học tập khi còn là một học sinh trung học. Đó là sai lầm lớn. Kỹ năng học tập mà sinh viên học được ở trường trung học thực sự không đủ để đáp ứng các yêu cầu thực tế khi vào đại học. Bởi vì chương trình đào tạo đại học đòi hỏi sự chủ động nhiều hơn, nguồn tài liệu cũng đa dạng và phong phú hơn so với trung học. Nếu không chuẩn bị bài thật kỹ ở nhà, sinh viên sẽ không thể theo kịp chương trình giảng dạy trên lớp. Do đó, tôi cho rằng các sinh viên nên chú ý và cân nhắc việc điều phối lượng thời gian dùng để TỰ HỌC TẠI NHÀ với lượng thời gian tham gia các hoạt động khác. Nói cách khác, sinh viên cần phải ý thức và cống hiến nhiều thời gian “học tập trong trường đại học” hơn mới có đủ hành trang cần thiết để vào đời. Đừng bao giờ quên, bạn vào đại học là để được giáo dục và chuẩn bị cho tương lai, không phải để phí hoài và thất vọng. Đại học là khoảng thời gian của nhiều sự thay đổi. Khi bạn vào đại học, bạn cần học cách tự lập và trưởng thành, học cách chịu trách nhiệm cho mọi hành động của bản thân. Một trong những chìa khóa thành công ở đại học là học cách quản lý thời gian, phân bổ thời gian để học tập, làm quen với bạn mới và mở rộng các mối quan hệ xã hội cần thiết cho tương lai, tham gia các hoạt động ngoại khóa và hoạt động xã hội để có thêm kinh nghiệm. Để làm được điều đó, sinh viên phải học cách thu xếp, ưu tiên và xác định tầm quan trọng của từng hoạt động trong từng thời điểm. Tôi luôn khuyên các sinh viên của tôi đặt việc học lên đầu tất cả các danh sách ưu tiên. Tôi yêu cầu họ đọc tài liệu trước khi tới lớp để chúng tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho thảo luận, đặt câu hỏi và cùng tìm kiếm câu trả lời thay vì ngồi nghe bài giảng một cách bị động theo phương pháp dạy và học truyền thống. Một trong những sai lầm mà sinh viên thường mắc phải khi vào đại học là “bỏ lớp”. Do mới chuyển từ môi trường học tập “bị giáo viên kiểm soát” sang môi trường học tập tự do, sinh viên thường có xu hướng nghỉ học và bỏ tiết nhiều hơn so với lúc còn học trung học. Khoảng thời gian này thường được sinh viên tiêu phí vào nhiều hoạt động mang tính giải trí và tụ tập. Đây là sai lầm lớn vì các chương trình đào tạo đại học thường có xu hướng dồn nhiều nội dung khó vào một bài giảng, tốc độ chạy bài rất cao nên giảng viên thường cháy giáo án khi cố gắng đi chi tiết vào từng mảng kiến thức một. Với nhịp điệu giảng dạy nhanh và khối lượng kiến thức nhiều như vậy, bỏ lớp chính là cách khiến bạn tụt lại. Nếu bạn tụt lại và không thể tiếp thu hết nội dung đào tạo, bạn sẽ không theo kịp lớp, đồng thời không thể hoàn thành các tín chỉ cần thiết để lấy được bằng. Đừng bao giờ nghĩ rằng giáo sư đại học sẽ theo sát và giúp đỡ bạn nhiều như giáo viên trung học. Không ai quan tâm tới việc bạn bị tụt lại. Bạn cũng đừng nghĩ đến chuyện “chơi cho hết năm nhất” rồi mới bắt đầu học đàng hoàng. Một khi bạn đã bỏ lớp, bạn sẽ tiếp tục trượt dài. Một số sinh viên nghĩ rằng họ có thể ghi nhớ tài liệu ngay tại lớp và dễ dàng vượt qua các bài kiểm tra. Điều đó có thể đúng khi bạn còn học phổ thông nhưng không đúng khi bạn vào đại học. Bạn không thể học nhồi nhét mọi thứ trong thời gian ngắn. Thứ nhất, khối lượng kiến thức và tài liệu trong chương trình đào tạo đại học không giống với bậc phổ thông, bạn không được “giới hạn” trong bộ sách giáo khoa nào cả; chúng đủ nhiều để nhấn chìm bạn. Thứ hai, sinh viên không nên nghĩ chỉ cần học thuộc lòng tài liệu là có thể đáp ứng yêu cầu. Học thuộc kiến thức thôi chưa đủ, bạn phải áp dụng kiến thức sẵn có trong đầu, kết hợp với khả năng tự luận để trả lời câu hỏi. Vào trường đại học, trung thực là một đức tính vô cùng quan trọng. Là một sinh viên, bạn phải tránh gian lận và không để bản thân mình lâm vào tình huống “tổn hại danh dự”. Gian lận bao gồm cả cho, nhận hay sử dụng sự trợ giúp không trung thực trong bất cứ hoạt động nào ở trường đại học. Sao chép công trình của bạn bè là điều sinh viên thường mắc phải. Về căn bản khi bạn gian lận để vượt qua sự đánh giá của nhà trường, bạn đang gian lận với chính mình. Gian lận khiến bạn tuột mất cơ hội học hỏi. Xin hãy xem xét việc này một cách nghiêm túc. Bạn tới trường để học. Nếu bạn không học và tìm cách để gian lận thì bạn cần tự hỏi bản thân mình: “Mình đang làm gì ở đây?”, “Tại sao mình lại phí hoài thời gian của bản thân và tài chính của gia đình như vậy?”… Đại học là khoảng thời gian căng tràn nhiệt tình tuổi trẻ trong cuộc đời của mỗi người. Bạn sẽ gặp gỡ bạn bè mới, có thêm trải nghiệm mới, tham gia các hoạt động mới,… tất cả những điều đó đều đòi hỏi thời gian và sức lực. Bạn không thể trở thành một sinh viên tốt nếu bạn để bản thân bị kiệt sức bởi các hoạt động giao lưu và giải trí. Bạn mệt mỏi; điều đó có nghĩa là bạn không thể duy trì sự tỉnh táo trong lớp, đồng thời cũng có nghĩa là bạn không thu thập được gì cho tương lai của bạn. Trở thành sinh viên đại học, bạn có tương lai rộng mở nhưng bạn chỉ có khoảng bốn năm để biến giấc mơ tương lai trở thành hiện thực. Bạn chỉ có bốn năm để chuẩn bị và xây dựng nghề nghiệp trong suốt quãng đời còn lại. Cho nên tôi hy vọng các bạn sẽ coi trọng khoảng thời gian này thay vì để mọi thứ trôi qua vô ích. HAI ĐIỀU SINH VIÊN CẦN LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH HỌC TẬP Điều đầu tiên sinh viên phải làm là tổ chức thời gian biểu và lịch học. Nắm được nội dung của các lớp bạn phải dự trong năm và lên kế hoạch cho thời gian biểu TỰ HỌC TẠI NHÀ tương ứng. Quy tắc đơn giản là: để chuẩn bị cho 1 giờ trên lớp bạn phải dành ít nhất 2 giờ tự học tại nhà và ít nhất 1 giờ học nhóm cùng bạn bè trong lớp. Nếu bạn học hành nghiêm chỉnh thì bạn sẽ thấy rằng bạn không còn mấy thời gian dành cho những hoạt động khác; nhưng đồng thời bạn sẽ nhận ra bạn học được nhiều thế nào. Sinh viên nên lựa chọn cẩn thận và tự tạo ra nhóm học tập của mình. Một nhóm học tập nhỏ từ 3 tới 5 người (không tổ chức nhóm nhiều hơn 7 người) cần đọc qua tài liệu (không gộp chung khoảng thời gian tự học một mình) ít nhất 2 giờ TRƯỚC KHI gặp nhau tại nhóm học tập. Các sinh viên trong một nhóm có thể chia sẻ kế hoạch học tập với nhau và nhắc nhở nhau tuân thủ nguyên tắc của nhóm. Mục đích sinh viên học theo nhóm là để ôn lại tài liệu và tự đặt ra câu hỏi trong trường hợp còn vấn đề bản thân chưa hiểu dù đã tham gia đầy đủ các bài giảng trên lớp. Nếu cả nhóm đều không hiểu rõ, sinh viên có thể hỏi giáo sư và đề nghị giáo sư giải thích trên lớp. Đó là lý do sinh viên cần hình thành và duy trì nhóm học tập. Điều thứ hai sinh viên phải làm là tuân thủ chương trình môn học một cách cẩn thận. Chương trình môn học thể hiện sự mong đợi của giảng viên và nhà trường bao gồm: chính sách chuyên cần, chính sách cho điểm, danh sách tài liệu tham khảo, cách thức phân công và hình thức của các bài kiểm tra xuyên suốt các tiết học. Nếu bạn chủ động lên kế hoạch học tập tương ứng từ sớm và tuân thủ kế hoạch này, bạn sẽ không bao giờ phải học nhồi nhét trước mỗi kỳ thi. Hãy tạo ra thói quen đến lớp sớm và chuẩn bị các câu hỏi về những điều bạn không hiểu. Điều đó sẽ lôi kéo sự chú ý của giảng viên, giúp giảng viên quan tâm đến bạn hơn và hỗ trợ bạn khi cần. Tạo ra thói quen ngồi ngay tại hàng ghế đầu của lớp để dễ nhìn thấy bảng hay máy chiếu. MỘT SỐ ĐIỀU SINH VIÊN NÊN BIẾT VỀ THỊ TRƯỜNG TUYỂN DỤNG Văn hóa châu Á đánh giá cao những người được giáo dục bài bản. Đó chính là lý do khiến các bậc phụ huynh châu Á luôn muốn cho con cái họ tới trường để đảm bảo rằng chúng được giáo dục trở thành công dân tốt và có khả năng đóng góp cho xã hội. Trong nhiều năm, bằng cấp là biểu tượng của người được giáo dục và có tri thức; nhưng ngày nay có nhiều trường cấp bằng mà không thực sự cung cấp chương trình đào tạo nghiêm chỉnh, đồng thời cũng có nhiều sinh viên theo đuổi bằng cấp nhưng chỉ tập trung thi cho qua môn chứ không học được gì trong suốt quá trình học tập. Đó là lý do tại sao hiện nay nhiều người có bằng cấp nhưng lại không có tri thức cơ sở, không có kỹ năng và tất nhiên là không có việc làm. Vì nhu cầu của thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng dưới sự tác động của công nghệ, bằng cấp không còn đảm bảo cho khả năng làm việc cụ thể. Phần lớn các công ty đều có cách kiểm tra riêng để tuyển lựa những người có kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của công việc. Vấn đề là nhiều sinh viên KHÔNG biết điều này. Thay vì tập trung học cách vận dụng kiến thức và rèn luyện kỹ năng, sinh viên chỉ chăm chăm vào việc làm thế nào để có được bằng cấp. Điều đó làm phát sinh nhiều vấn nạn, chẳng hạn như mua điểm, mua bằng giả, thuê người thi hộ… Đồng thời cũng là lý do tại sao nhiều bậc phụ huynh cảm thấy thất vọng khi “con cái có bằng cấp” nhưng không thể kiếm được việc làm; còn sinh viên sau khi tốt nghiệp thường cảm thấy thất vọng khi bằng cấp không giúp họ kiếm được việc làm họ muốn. Ngày nay, hầu hết các công ty đều KHÔNG muốn đào tạo lại nhân viên vì thanh niên thường có xu hướng “nhảy việc” trong trường hợp cảm thấy không hài lòng ngay sau khi công ty đào tạo lại. Trong thế giới cạnh tranh này, người tốt nghiệp đại học phải chứng minh rằng họ có đủ kỹ năng để đáp ứng công việc, đồng thời còn cần tới khả năng tiếp tục tự học và cập nhật kiến thức mới để giữ việc làm của họ. Nhưng phần lớn những kỹ năng này không được dạy trong chương trình đào tạo tại trường đại học. Trong khi “thế giới bên ngoài” liên tục thay đổi với tốc độ chóng mặt dưới sự tác động của công nghệ thì “thế giới bên trong” cánh cổng trường đại học lại chuyển mình chậm chạp. Vậy sinh viên phải làm sao mới có thể biết được rằng những kỹ năng nào đang được cần và những công việc nào đang tuyển dụng? Những thông tin này có sẵn trên Internet. Nhưng sinh viên thường không nhận thức được công việc có sẵn xung quanh họ. Đó chính là lý do sinh viên bị động trong việc tìm kiếm thông tin. Họ không biết phải làm sao để có được thông tin cần thiết, càng không có khả năng phân biệt đâu là nguồn thông tin chất lượng và đâu là nguồn thông tin lừa đảo, thất thiệt. Phần đông sinh viên cầm hồ sơ đi xin việc không biết công ty mà họ xin vào hoạt động trong lĩnh vực nào, thậm chí có cả những sinh viên không biết tên đầy đủ của công ty là gì; họ càng không biết các công ty cần thuê người có những kỹ năng nào, bằng cấp ra sao và thường bị lẫn lộn giữa các loại hình công ty. Điều đáng lo ngại là hiện nay sinh viên quá thụ động. Họ không nỗ lực tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng; không biết cách tạo hồ sơ xin việc sao cho phù hợp với từng công ty trong từng lĩnh vực cụ thể (đa số chỉ nghĩ rất đơn giản là ra nhà sách mua một bộ hồ sơ rồi khai đúng theo mẫu). Nhiều sinh viên phó mặc và chờ đợi. Họ mong nhà tuyển dụng chấp nhận mình nhưng không bao giờ nghĩ đến chuyện tìm hiểu xem nhà tuyển dụng cần gì để có thể chuẩn bị những điều này ngay trong khoảng thời gian được đào tạo trong trường đại học. Ngày nay, phần lớn các công ty thường tập trung tuyển dụng những người có kỹ năng giải quyết vấn đề. Họ dùng các kỹ thuật phỏng vấn theo kịch bản để kiểm tra khả năng của người xin việc. Tuy nhiên, nhiều sinh viên không có kinh nghiệm với những kỹ thuật kiểm tra này nên không biết cách chuẩn bị câu trả lời sao cho phù hợp. Sau đây là một vài ví dụ: Đối với vị trí quản lý dự án, công ty có thể hỏi: “Với tư cách là người quản lý dự án, bạn được cấp một khoản ngân sách. Bạn sẽ làm gì để đánh giá mức ngân sách này? Bạn sẽ làm gì nếu ngân sách ít hơn nhiều so với những gì mà dự án cần? Bạn sẽ làm gì nếu các yêu cầu thay đổi nhưng ngân sách không đổi?”. Với công việc marketing, công ty có thể hỏi: “Bạn được tuyển vào bộ phận marketing cho một công ty lớn. Công ty phát triển một sản phẩm mới và muốn quảng cáo sản phẩm này thông qua các phương tiện xã hội thay vì trên báo chí. Nếu việc này được giao cho bạn thì bạn sẽ sử dụng những công cụ nào? Những công cụ này sẽ tiếp cận những nhóm khách hàng nào? Và bạn sẽ làm gì để thông tin về sản phẩm được truyền đi khắp nơi trên Internet?”. … Hiện nay, sinh viên đại học thường không được tuyển dụng vì hai lý do: Một, họ không có đủ tri thức và kỹ năng. Hai, họ không biết họ muốn gì trong lĩnh vực mà họ theo học. Về căn bản, phần lớn sinh viên chỉ nghĩ họ muốn có việc làm và cho rằng họ xứng đáng có việc làm tốt bởi vì họ có bằng cấp (đa số sinh viên thậm chí còn không giải thích được “tốt” ở đây có nghĩa là gì, họ thường nói chung chung kiểu “việc làm có lương cao”). Khi được hỏi “Kế hoạch phát triển nghề nghiệp của bạn trong vòng 3 năm tới là gì?”, phần lớn sinh viên không thể đưa ra câu trả lời thích hợp. Đáng buồn là nhiều người tốt nghiệp đại học không được hướng dẫn cũng không được giáo dục cách lập kế hoạch nghề nghiệp, đồng thời không ý thức được việc mình cần phải bổ sung những mảng kiến thức và kỹ năng nào để đáp ứng cho nghề nghiệp sau này. Họ có thể dành nhiều thời gian để học nhưng hiếm khi học thêm bất kỳ cái gì khác bên ngoài giáo trình nhà trường cung cấp. Họ không đọc thêm cũng không theo dõi xu hướng thị trường cho dù những thông tin này không hề khó kiếm. Người thành công hiểu nhu cầu của thị trường lao động. Họ biết cách lập kế hoạch nghề nghiệp, họ được chuẩn bị để giải quyết vấn đề và sẵn sàng đóng góp cho công ty. Bên cạnh đó, những người thành công thường là những người có thái độ đúng đắn trong việc tự học và học suốt đời. Họ liên tục cập nhật tri thức để chuẩn bị cho mọi biến động có thể xảy đến trong tương lai. Họ cảm nhận được quá trình toàn cầu hóa. Họ nhìn vào bức tranh lớn, nhìn vào thị trường thế giới thay vì giới hạn bản thân trong thị trường lao động tại địa phương. Họ học ít nhất một ngoại ngữ vì họ biết rằng đây chính là vũ khí quan trọng giúp họ phát triển nghề nghiệp và giúp họ tiếp nhận những thử thách mới trong công việc. Trong thị trường việc làm hiện tại, tri thức chuyên môn vẫn rất quan trọng nhưng các kỹ năng mềm khác như: trao đổi, làm việc nhóm, lãnh đạo và tri thức tổng quan về doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Để thành công, sinh viên còn cần tự rèn luyện đạo đức và phẩm chất cá nhân, siêng năng và có tinh thần trách nhiệm. Nếu hệ thống giáo dục không dạy điều đó cho bạn thì bạn phải tự mình đầu tư cho bản thân. Tôi chỉ muốn nhắc lại một điều: Tương lai của thanh niên chính là tương lai của đất nước. Phần II VÀO ĐẠI HỌC RỒI, TA PHẢI LÀM GÌ? HỌC CÓ MỤC ĐÍCH ĐỘNG CƠ HỌC TẬP S ự khác biệt giữa sinh viên thành công và sinh viên thất bại là động cơ học tập. Sinh viên có động cơ học tập thường học hành chăm chỉ và luôn nỗ lực học nhiều nhất có thể được. Sinh viên thiếu động cơ học tập thường bị nhấn chìm bởi bài tập trên lớp và gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của trường đại học. Khi không có động cơ học tập, sinh viên dễ dàng bị bạn bè và môi trường xung quanh ảnh hưởng, thường xuyên xao nhãng và tiêu tốn nhiều thời gian vô ích vào các hoạt động giải trí thay vì học tập. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới động cơ của sinh viên: mức độ quan tâm của sinh viên đối với môn học, cảm nhận của sinh viên về tính ứng dụng của môn học, tham vọng thành đạt của sinh viên, sự tự tin và kiên nhẫn của sinh viên. Tất nhiên, bên cạnh những động lực trên, một số sinh viên sẽ có động lực học tập khi được gia đình và bạn bè ủng hộ. Nhiều sinh viên thường xuyên chểnh mảng học hành sau khi vào đại học vì họ KHÔNG có mục đích nghề nghiệp rõ ràng. Trong trường hợp này, gia đình cần yêu cầu sinh viên suy nghĩ, tìm hiểu và tự mình tạo ra mục đích nghề nghiệp dựa trên khả năng và sở thích của họ. Sinh viên cần được nhắc nhở, rằng những mục đích cá nhân ngắn hạn có thể xung đột với những mục đích nghề nghiệp dài hạn. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần ý thức được gia đình là yếu tố động viên số một của hầu hết các sinh viên. Để sinh viên có thêm động lực học tập và phấn đấu, các bậc phụ huynh cần thường xuyên quan tâm đến mối liên hệ giữa mình và con cái. MỤC ĐÍCH HỌC TẬP Trong nhiều năm dạy đại học, tôi có cơ hội nói chuyện với nhiều sinh viên giỏi và nhận ra rằng các sinh viên thành công thường có một điểm chung: Những sinh viên này đều có kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng và tuân thủ bản kế hoạch này một cách cẩn thận. Nhiều sinh viên chia sẻ với tôi rằng họ rất ngạc nhiên về sức mạnh của việc đặt mục đích và lập kế hoạch nghề nghiệp. Nhờ đó, nhiều người trong số họ đã học tốt hơn so với những gì họ từng nghĩ trước khi bước chân vào đại học. Về sau, những sinh viên này thường có xu hướng tư duy và nhìn nhận vấn đề trên nhiều khía cạnh; đồng thời biết cách phát triển kế hoạch chi tiết về những điều họ muốn làm và những nơi họ muốn đi. Một sinh viên đã nói với tôi rằng: “Khi em thực hiện từng bước dựa trên bản kế hoạch nghề nghiệp, không ngừng hướng tới mục đích nghề nghiệp mà em đã đặt ra cho bản thân, em liên tục cảm nhận được cảm giác ‘thành công’ và ‘thành đạt’. Em cảm thấy tích cực và được động viên hơn. Em dần dần kiểm soát được cuộc sống của riêng mình. Em cảm thấy hạnh phúc và trọn vẹn hơn. Cuối cùng, em có sẵn đà phát triển về mặt tinh thần, nhờ đó em dần hình thành khả năng vượt qua mọi chướng ngại khi tiến tới mục đích của mình”. Lập kế hoạch nghề nghiệp bắt đầu bằng việc xác định bạn muốn làm gì với tri thức và kỹ năng của bạn. Tri thức của bạn là con thuyền của bạn, kế hoạch nghề nghiệp là bản lộ trình, còn mục đích nghề nghiệp là đích đến. Có mục đích nghề nghiệp, bạn sẽ có phương hướng trong suốt quá trình học tập tại trường đại học. Sinh viên thành công là những sinh viên biết rõ họ muốn gì và cần phải làm gì để đạt được mong muốn đó. Sinh viên không thành công là những sinh viên không biết họ muốn gì, cũng không chắc chắn về sự chọn lựa hay tương lai của họ. Những sinh viên này thường thay đổi phương hướng và mục đích mỗi khi phải đối diện với chướng ngại và khó khăn. Họ bước vào đại học nhưng không có tham vọng thành công, không có mục đích nghề nghiệp, thậm chí nhiều người còn không biết mình ở đây để làm gì. Họ chỉ nghĩ về bằng cấp và việc làm. Nhưng không biết mình muốn làm gì, càng không biết mình có thể làm gì. Nhiều người lạc lối và bỏ phí nhiều năm trong trường đại học vì họ không có bất cứ lộ trình nào. Không có phương hướng rõ ràng, cũng không có mục đích cụ thể, họ chỉ trôi dạt từ lớp này sang lớp khác, rất nhiều người trở nên chây ì và chán nản đến mức liên tục bỏ lớp và trở thành gánh nặng của gia đình. Một số có thể tốt nghiệp nhưng chẳng biết phải làm gì. Khi mọi chuyện diễn ra thuận lợi, họ tin rằng họ may mắn; khi mọi chuyện trở nên khó khăn, họ oán trách số phận hoặc đổ vấy cho gia đình, xã hội. Biết cách định hướng và có mục đích rõ ràng là khởi đầu tốt cho quá trình hình thành sự tự tin, lòng tự trọng và tính cách cá nhân của sinh viên. Hãy nghĩ về điểm mạnh của bạn, khát vọng của bạn, ước mơ của bạn rồi tự mình cam kết theo đuổi nó. Thông qua đó, bạn mới có thêm quyết tâm và sức mạnh tinh thần, mới có thể phát huy năng lực và tự bổ khuyết những thiếu sót của bản thân để hoàn thành mục đích. Viết ra mục đích nghề nghiệp của bạn! Lập bản kế hoạch và từng bước cụ thể để đạt được mục đích đã đề ra! Hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ và không ngừng nỗ lực để đạt được điều bản thân mong muốn. Cuộc đời của bạn nằm trong tay bạn. CÁCH THIẾT LẬP MỤC ĐÍCH HỌC TẬP Để thiết lập mục đích học tập, sinh viên cần phải thực hiện các bước sau: Bước 1: Hình thành mục đích nghề nghiệp. Đây là bước quan trọng. Nhiều người có xu hướng đặt ra mục đích nghề nghiệp quá cao và quá lý tưởng, không thể thực hiện được. Một phần cũng do tác động và những yêu cầu phi lý từ gia đình: Các bậc cha mẹ thường muốn con cái của mình nhắm tới mục tiêu cao nhất! Những kỳ vọng của họ thường xuất phát từ mong muốn của họ chứ không dựa trên nền tảng thực lực sẵn có của sinh viên. Các giáo viên trung học cũng có xu hướng động viên học sinh đặt mục đích lớn lao. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên còn mơ hồ chưa phân biệt được đâu là những nguyện vọng thực tế và đâu là ảo tưởng. Tuy nhiên, sinh viên cần phải thận trọng bởi vì đây chính là thời điểm mà những quyết định cá nhân của ngày hôm nay sẽ đồng hành và ảnh hưởng đến suốt phần đời còn lại. Mặc dù cha mẹ và giáo viên có thể đưa ra nhiều gợi ý nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về sinh viên. Bạn phải tìm ra điều bạn muốn, phải xác định được người bạn muốn trở thành là ai. Bạn phải hình dung được rằng những công việc nào thích hợp với bạn và những công việc nào khiến bạn nhanh chóng chán nản, kiệt sức vì gồng mình. Trước khi hình thành và thiết lập mục đích nghề nghiệp, sinh viên phải tự phân tích và nắm bắt được mối quan tâm, tính cách, khả năng và giá trị của bản thân. Đây chính là những yếu tố sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành vi của họ tại trường đại học và trong môi trường làm việc tương lai. Sinh viên phải suy nghĩ nghiêm túc về thứ họ muốn làm và thứ họ thực sự giỏi. Nếu sinh viên không thích lĩnh vực học tập của mình, họ sẽ không thể tiến xa trong nghề nghiệp. Hãy để tâm tìm hiểu và chọn lựa thật khôn ngoan. Vì đây chính là thời điểm quyết định cho tương lai của bạn. Bước 2: Nghiên cứu và tìm hiểu về nghề nghiệp đã chọn. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, sinh viên phải có ý thức nghiên cứu và tìm hiểu thật cặn kẽ về ngành nghề và lĩnh vực học tập mà họ quan tâm. Cách tốt nhất để có được những thông tin cần thiết là tìm những người có kinh nghiệm làm việc trong ngành nghề/lĩnh vực đó, chuẩn bị những câu hỏi thắc mắc và thu thập thông tin thông qua những cuộc trò chuyện. Nếu một sinh viên muốn trở thành bác sĩ y khoa thì sinh viên đó nên tham vấn một số bác sĩ. Nếu sinh viên muốn trở thành kỹ sư phát triển phần mềm thì họ nên tìm đến một công ty phần mềm và phỏng vấn vài người đang làm việc ở đó. Sinh viên cần phải đặt những câu hỏi cụ thể như: “Để được tuyển dụng vào vị trí công việc này, tôi cần những loại bằng cấp, chứng chỉ nào?”, “Trong quá trình học đại học, tôi cần phải làm gì để tích lũy kinh nghiệm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc sau khi ra trường?”, “Công việc này đòi hỏi sinh viên cần có những kỹ năng gì?”, “Nhà tuyển dụng kỳ vọng điều gì ở những sinh viên vừa mới ra trường?”, “Hoàn cảnh, môi trường làm việc và lịch biểu một ngày của công việc này thế nào?”, “Công việc này có đòi hỏi việc làm thêm ngoài giờ hay buộc phải mang việc về nhà hay không?”, “Khó khăn lớn nhất khi tiếp nhận công việc này là gì?”, “Lương thưởng, phúc lợi, cơ hội thăng tiến trong công việc này như thế nào?”, “Đâu là giá trị cốt lõi mà công việc mang lại cho công ty và xã hội?”… Bước 3: Quyết định nghề nghiệp bản thân muốn theo đuổi trong tương lai. Dựa trên những thông tin thu thập được, sinh viên có thể ra quyết định cho mục đích nghề nghiệp và tương lai của họ. Quan trọng là sinh viên cần phải trung thực với chính bản thân mình, có lập trường và không để bất cứ ai ảnh hưởng đến kế hoạch nghề nghiệp đồng thời cũng chính là kế hoạch tiến tới tương lai của mình. Tôi muốn nhắc nhở các sinh viên rằng: “Bạn đang lập kế hoạch cho cuộc đời và tương lai của bạn. Bạn phải thực hiện việc này một cách nghiêm túc và cẩn thận. Nếu bạn không xem trọng bước này, bỏ qua hoặc trì hoãn nó thì bạn sẽ đánh mất rất nhiều thời gian và phí hoài nỗ lực về sau”. Bước 4: Lập kế hoạch nghề nghiệp tương lai. Bản kế hoạch nghề nghiệp là bản lộ trình giúp sinh viên đạt tới mục đích nghề nghiệp của mình. Mục đích của việc lập ra bản kế hoạch này để sinh viên dễ dàng nhận diện các kỹ năng cần thiết cho công việc: những kỹ năng có sẵn và những kỹ năng cần trau dồi nhằm nâng cao năng lực của bản thân. Để hình thành và phát triển kế hoạch nghề nghiệp, sinh viên phải hiểu rằng nghề nghiệp là cuộc hành trình dài với nhiều đoạn đường ngắn. Để đạt tới đích, họ phải vượt qua nhiều chặng đường, nhiều trạm dừng. Chẳng hạn, người tốt nghiệp ngành kỹ nghệ phần mềm cần bắt đầu làm việc với tư cách là nhân viên kiểm tra và chạy thử phần mềm, sau đó mới có thể chuyển sang làm kỹ sư phát triển phần mềm dựa trên những kinh nghiệm tích lũy được. Khi đã trở thành kỹ sư phát triển phần mềm, bạn mới có cơ hội trở thành người thiết kế phần mềm, kiến trúc sư phần mềm, chuyên gia phân tích phần mềm, quản lý dự án, quản lý phần mềm, giám đốc phần mềm rồi giám đốc thông tin… Bản kế hoạch nghề nghiệp sẽ được điều chỉnh sau khi bạn vượt qua từng chặng đường trong suốt cuộc đời làm nghề của bạn. Thông qua trải nghiệm thực tế, bạn sẽ nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, học được cách để điều chỉnh hạn chế cá nhân và hình thành những kỹ năng còn thiếu để đáp ứng yêu cầu của vị trí tiếp theo. Mức lương, phúc lợi luôn tỷ lệ thuận với sự thăng tiến và trách nhiệm. Chỉ khi bạn có một bản kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng, bạn mới có thể đạt được mục đích tài chính, có một cuộc sống thoải mái và đủ khả năng để hỗ trợ cho con cái trong tương lai. Để lập kế hoạch nghề nghiệp, sinh viên phải bắt đầu bằng việc tự đặt câu hỏi: “Tôi thường học tốt những môn nào?” và “Tôi thường gặp khó khăn với những môn nào?”. Điều này sẽ giúp sinh viên tự nhận thức điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, có thêm dữ kiện để lựa chọn lĩnh vực học tập khi vào đại học. Họ cũng cần tự đặt câu hỏi: “Lĩnh vực học tập nào sẽ cho phép tôi có được việc làm tốt ngay sau khi tốt nghiệp? Lĩnh vực học tập này có điểm nào khác so với lĩnh vực học tập mà tôi muốn chọn? Có sự khác biệt lớn hay chỉ là vài khác biệt nhỏ?”. Nhờ đó, sinh viên có thể so sánh giữa điều mà sinh viên muốn với điều mà sinh viên cần. Lựa chọn thế nào còn tùy thuộc vào quyết định của sinh viên. Trong trường hợp sinh viên quyết định chuyển từ “muốn” sang “cần”, họ cũng phải tự hỏi: “Tôi có cần phải thay đổi để đạt thành công trong lĩnh vực này không? Hay chỉ cần điều chỉnh một chút là đã đủ để giải quyết vấn đề? Tôi có cần thêm sự hỗ trợ nào không?”. Nếu sinh viên cảm thấy bản thân không thể tự mình giải quyết khoảng cách giữa chọn lựa mà họ “muốn” và chọn lựa mà họ “cần”, họ có thể đề xuất gia đình và người thân giúp đỡ hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ “cần”. Bên cạnh đó, sinh viên cũng nên tự hỏi bản thân, rằng: “Tôi có cảm thấy thoải mái khi nhảy sang lĩnh vực học tập này không? Nếu không thì điều gì khiến tôi cảm thấy không thoải mái? Và phải làm sao để giải quyết tình trạng này, giúp bản thân tập trung và thuận lợi hơn trong quá trình theo học?”. Khi đã chọn được lĩnh vực mà mình muốn theo đuổi, sinh viên cần lên một danh sách những điều cần thực hiện để có thể tập trung học sao cho tốt. Sinh viên phải sắp xếp lịch học, lập thời gian biểu và tuân thủ quy định mà trường đại học yêu cầu. Để quyết định bản thân nên dự lớp tự chọn nào, sinh viên cần tự hỏi: “Tôi cần biết những gì? Tôi cần phát triển những kỹ năng nào? Lớp học này mang lại cho tôi điều gì?”. Bằng việc tự trả lời cho những câu hỏi này, sinh viên sẽ có mục đích và sẵn sàng học tốt trong trường đại học. Bước kế tiếp, sinh viên cần ý thức được họ cần phải thực hành và tích lũy kinh nghiệm gì, ở đâu. Bên cạnh các tài liệu mà giảng viên cung cấp, sinh viên cần rèn luyện thói quen liên tục tìm tòi và học hỏi từ các nguồn kiến thức hoặc thông tin khác, chẳng hạn như sách báo, các diễn đàn chuyên ngành, website, blog,… Không chỉ thế, sinh viên cần chủ động tìm hiểu cách sử dụng các công cụ tìm kiếm và học cách lấy thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là thông qua các mối quan hệ. Tôi thường khuyên các sinh viên làm một danh sách những cuốn sách mà họ muốn đọc vào đầu mỗi năm học và hỏi họ rằng liệu họ đã đọc xong danh sách này chưa khi kết thúc năm học. (Lưu ý: Tôi khuyên sinh viên đọc khoảng 2-4 cuốn sách mỗi năm. Những cuốn sách được kê trong danh sách này không phải là sách chuyên môn nhà trường yêu cầu nhưng đều là những cuốn sách có thể giúp sinh viên mở rộng tri thức của họ. Chẳng hạn: “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman, “Tiểu sử Steve Jobs” của Walter Isaacson, “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie…). Bước cuối cùng bạn cần thực hiện chính là liên tục kiểm tra sự tiến bộ của bạn (theo tuần hay 10 ngày 1 lần) để đánh giá tình hình thực tế, cách tiếp cận, phương pháp và mức độ hiệu quả trong việc học và hành. Nhờ thường xuyên đánh giá và kiểm tra khoảng cách giữa “bản kế hoạch” và “thực tế”, bạn có thể tự mình điều chỉnh kịp thời và khiến cho bản kế hoạch ngày càng rõ ràng, cụ thể. Bước 5: Thực hiện kế hoạch nghề nghiệp tương lai. Sau khi đã có kế hoạch nghề nghiệp, bước tiếp theo bạn cần làm là tuân thủ bản kế hoạch này. Sinh viên cần biến bản kế hoạch thành một phần của diễn tiến thực tế, liên tục tự kiểm tra và đánh giá để có thể học tốt cũng như hiệu quả hơn. Sau khi học vài môn học theo thời khóa biểu của trường, sinh viên sẽ xác định lại lần nữa, rằng lớp nào họ thích và lớp nào họ không thích. Họ phải so sánh kết quả thực tế với bản kế hoạch bản thân đã vạch ra trước đó, xem bản thân đã tiến bộ được bao nhiêu và cần phải làm gì để đạt được mục đích cuối cùng. Nhờ đó, sinh viên có thể thực hiện một số điều chỉnh, giúp bản kế hoạch thực tế hơn đồng thời cũng giúp bản thân có thể tiến bộ nhiều hơn nữa. NHỮNG QUYỂN SÁCH SINH VIÊN NÊN ĐỌC 1. Thế giới phẳng – Thomas L. Friedman 2. Đắc nhân tâm – Dale Carnegie 3. Tinh hoa quản trị – Peter Drucker 4. Đam mê: Bí quyết tạo thành công – Stephen R. Covey & Jennifer Colosimo 5. Bí quyết thành công sinh viên – Huỳnh Ngọc Phiên chủ biên 6. Tầm nhìn thay đổi quốc gia – Mohammed bin Rashid Al Maktoum 7. Tiến bước – Howard Schultz 8. Biến ước mơ thành hiện thực – Pamala Oslie 9. Tự tin khởi nghiệp – T. Jason Smith 10. Thái độ quyết định thành công – Wayne Cordeiro 11. Người thông minh không làm việc một mình – Rodd Wagner & Gale Muller 12. Lối mòn của tư duy cảm tính – Ori Brafman & Rom Brafman 13. Tư duy tích cực: Bạn chính là những gì bạn nghĩ - Trish Summerfield 14. Khơi sáng tinh thần & Giải tỏa stress – Mike George 15. Những giá trị sống dành cho tuổi trẻ – Daniel Tillman 16. Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt – Sean Covey 17. Tuổi trẻ – Khát vọng và nỗi đau – Rando Kim 18. Bí quyết trưởng thành – Sean Covey 19. Bí quyết chọn nghề phù hợp cho tương lai – Carol Christen & Richard N. Bolles 20. Bí quyết thành công dành cho bạn trẻ – Jack Canfield & Kent Healy Đặt mục đích nghề nghiệp thế nào mới đúng? Theo lời khuyên của thầy, em đã đặt mục đích nghề nghiệp là: “Tốt nghiệp đại học, có việc làm tốt, làm ra nhiều tiền, mua được nhiều thứ để khiến bản thân hạnh phúc”. Bạn của em bảo rằng đặt mục đích nghề nghiệp như vậy là sai và ích kỷ. Em không hiểu, có gì sai khi em đặt mục đích nghề nghiệp để bản thân hạnh phúc? Thầy có thể cho em lời khuyên không? Mục đích của bạn quá rộng và không thể xác định. Bất kỳ ai cũng có thể đặt các mục đích kiểu như vậy. Họ đặt mục đích nhưng không nghĩ đến chuyện phải làm sao để thực hiện mục đích của mình. Bạn cần xác định điều bạn muốn đạt được và những gì bản thân cần phải phấn đấu để đạt được điều mình mong muốn. Mục đích nghề nghiệp có thể ngắn hạn “trong 1-2 năm” cũng có thể dài hạn như “trong 10 năm tới”. Ví dụ cho mục đích nghề nghiệp ngắn hạn là: “Sau khi tốt nghiệp, tôi muốn kiếm được việc làm như một kỹ sư lập trình và sử dụng kỹ năng liên quan đến JAVA và C++”; hay mục đích dài hạn như: “Tôi muốn trở thành một chuyên gia phần mềm trong ngành công nghệ thông tin. Ban đầu, tôi muốn làm kỹ sư phát triển phần mềm. Sau 5 năm làm kỹ sư phát triển phần mềm, tôi muốn thăng tiến và trở thành quản lý dự án. Ba năm tiếp theo, tôi muốn bản thân đủ năng lực để tiếp nhận chức danh kiến trúc sư trưởng (Chief Architect). Cuối cùng, tôi muốn trở thành giám đốc công nghệ thông tin sau 10 năm nỗ lực phấn đấu”. Điều quan trọng là bạn cần tự đặt ra cho mình một khung thời gian cụ thể. Mục đích của bạn không có gì sai. Không có gì sai khi muốn có một việc làm tốt, kiếm được nhiều tiền. Không có gì sai khi muốn sử dụng những đồng tiền bản thân kiếm được để mua những thứ mà bản thân mong muốn. Tuy nhiên, hạnh phúc là một trạng thái của tâm trí, là cảm giác xuất phát từ sự cân bằng bên trong nội tâm của mỗi người. Những thứ bên ngoài không thể mang lại hạnh phúc thực sự. Chúng chỉ cho bạn niềm vui trong khoảnh khắc. Nhiều người không biết điều đó và liên tục tìm kiếm “ảo tưởng về hạnh phúc”. Đừng lẫn lộn hạnh phúc với thú vui chốc lát. Đừng săn đuổi những vật chất tầm thường để tận hưởng niềm vui ngắn ngủi mà hãy tập trung xây dựng hạnh phúc kéo dài đến từ bên trong tâm hồn bạn. Một số người hạnh phúc vì họ có thái độ sống tích cực. Họ nhìn vào thế giới theo cách khác, họ nghĩ khác và diễn giải kinh nghiệm theo cách của riêng họ. Người hạnh phúc chọn tập trung vào những điều tích cực. Họ không bao giờ đổ lỗi cho người khác hoặc ngoại cảnh. Mỗi khi phải đối diện với chướng ngại, họ đều xem như đó là cơ hội để tích lũy thêm kinh nghiệm, học hỏi từ khó khăn và thất bại. Có nhiều điều đơn giản có thể làm cho bạn hạnh phúc, chẳng hạn biết ơn về những thứ bạn nhận được mỗi ngày. Hiện nay, ngày càng ít người biết cách nói “cảm ơn” vì họ nghiễm nhiên coi những thứ họ nhận được là đương nhiên. Chẳng hạn, bạn nói bạn muốn có laptop và bố mẹ tặng nó cho bạn; nếu bạn không biết ơn về những điều tốt đẹp mà bố mẹ đã nỗ lực dành dụm để mang đến cho bạn thì laptop chỉ khiến bạn hạnh phúc được vài ngày hay vài tuần. Sau đó bạn sẽ chú ý tới cái gì đó khác, ví dụ như iPhone. Bạn sẽ liên tục đòi hỏi và không bao giờ cảm thấy được thỏa mãn chỉ vì bạn không “biết ơn” cũng không tri ân những điều tốt đẹp mà mọi người dành cho bạn. Khi đó, bạn sẽ không bao giờ có được hạnh phúc thực sự. Trong cuộc sống thường nhật, ai cũng có mối quan tâm hay đam mê nào đó. Nó có thể là âm nhạc, thơ ca, văn học, nghệ thuật hay bất kỳ thứ gì mà bạn thích. Nếu bạn biết cách tận hưởng những điều tốt đẹp nhỏ bé và đơn giản này thì hạnh phúc sẽ đến với bạn. Một số người thích giúp đỡ người khác hay làm công việc từ thiện, những hành động ý nghĩa này có thể giúp bạn mở lòng và mang lại hạnh phúc cho cả người nhận lẫn người cho. Không có gì giúp con người cảm thấy thỏa mãn bằng sự giúp đỡ chân thành. Hãy giúp đỡ chân thành và đóng góp cho xã hội bất cứ khi nào bạn có thể. Chính điều này sẽ mang lại cho bạn nhiều hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Bạn có thể thêm những mục tiêu này vào mục đích nghề nghiệp để khiến mình hạnh phúc. HỌC ĐỂ LẤY KỸ NĂNG BẰNG CẤP VÀ KỸ NĂNG H iện có nhiều việc làm đang cần tuyển dụng nhân sự nhưng không tìm được người có kỹ năng phù hợp. Nhiều người vẫn tranh cãi về chuyện ai có lỗi trong việc tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng và ai là người phải chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Doanh nghiệp đổ lỗi cho trường đại học, trường đại học đổ lỗi cho chính phủ. Nhưng dù là ai có lỗi hay ai phải chịu trách nhiệm, nạn nhân vẫn cứ là sinh viên. Để tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp và đổ lỗi cho xã hội, sinh viên phải ý thức được rằng họ cần chủ động hơn trong việc tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết trước khi rời cổng trường đại học và bước vào xã hội. Sinh viên KHÔNG nên trông chờ “ai đó” sẽ giúp họ giải quyết tỷ lệ thất nghiệp và đưa cho họ cơ hội nghề nghiệp trong mơ, mà cần phải chọn đúng lĩnh vực học tập, tìm hiểu các kỹ năng đang được nhà tuyển dụng ưa chuộng và lập kế hoạch nghề nghiệp trước khi bước vào đại học. Bên cạnh việc tìm hiểu xem những kỹ năng và mảng kiến thức nào được nhà tuyển dụng cần tới hôm nay, sinh viên cũng cần lưu ý đến các dự báo cho thấy những kỹ năng và các mảng kiến thức sẽ được cần tới trong vài năm nữa. Ngày nay hầu hết các công ty đều có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khoa học và công nghệ. Trong lĩnh vực công nghệ, Công nghệ thông tin (Khoa học máy tính, Kỹ nghệ phần mềm và Quản lý hệ thông tin) là ngành có nhu cầu cao nhất với mức lương tốt nhất. Tuy nhiên, yêu cầu kỹ năng dành cho sinh viên tốt nghiệp các ngành này rộng hơn nhiều so với những gì được dạy trong trường đại học. Ngôn ngữ lập trình và thuật toán là cơ sở. Nhưng bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng còn yêu cầu kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng mềm. Vì công nghệ hiện đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng nên các doanh nghiệp phải liên tục điều chỉnh để bắt nhịp với thị trường. Đây chính là lý do các nhà tuyển dụng cần tuyển những nhân viên có khả năng thích ứng với sự thay đổi và có thái độ “học cả đời”. Những người có kỹ năng phù hợp và thái độ đúng sẽ được ưu đãi nhiều hơn về cả mức lương lẫn sự thăng tiến sau này. Sinh viên phải hiểu rằng tốt nghiệp đại học KHÔNG có nghĩa là kết thúc việc học, đây mới chính là thời điểm để bắt đầu. Vì kiến thức bạn học được ở trường là lý thuyết; chỉ khi bạn áp dụng kiến thức đó vào công việc thực tế, bạn mới có thể phát triển các kỹ năng. Các kỹ năng này mới là vốn liếng quan trọng trong suốt cuộc đời bạn. Công nghệ làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Tốc độ phát triển của công nghệ càng nhanh sẽ càng nảy sinh nhiều tình huống mới. Chương trình đào tạo của các trường đại học thường bị tụt lại vì không đủ nhanh nhạy để bắt kịp sự thay đổi của thời đại. Đây chính là lý do sinh viên cần nỗ lực cập nhật và học thêm những kiến thức mới theo cách riêng, không nên trông chờ hay phụ thuộc vào các giáo trình được giảng dạy trong trường. Để có thể làm được điều đó, sinh viên cần rèn luyện thói quen đọc và thường xuyên tìm hiểu các xu hướng mới của thời đại. Học cách làm chủ các công cụ tìm kiếm thông tin và tự tạo thêm nguồn thông tin chất lượng dựa trên các mối quan hệ cũng là kỹ năng quan trọng. Có nhiều website dạy học và lớp học trực tuyến sẽ giúp bạn nâng tầm hiểu biết của bản thân. Theo báo cáo của Các môn học trực tuyến mở dành cho đại chúng - Massive Open Online Courses (MOOC), mỗi ngày có trên ba triệu người tham gia các lớp học với nhiều chủ đề khác nhau. Nhiều người hiểu rõ lợi thế của việc học thêm kiến thức bên ngoài trường đại học, họ học để đạt được những điều bản thân mong muốn, chẳng hạn như việc làm tốt, cơ hội tốt và mức lương tốt. Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, mức độ cạnh tranh càng lúc càng dữ dội. Sinh viên cần phải chủ động tìm hiểu và chuẩn bị những hành trang cần thiết vì nghề nghiệp và cuộc sống tương lai của chính mình. Bạn không thể phụ thuộc vào trường học, bạn không thể phụ thuộc vào xã hội. Bạn không thể chờ đợi và kỳ vọng vào người khác. Bạn chỉ có thể dựa vào chính bạn. KỸ NĂNG TỐT MANG LẠI NHIỀU CƠ HỘI VÀ VIỆC LÀM Bạn không cần học kinh tế bạn vẫn có thể hiểu luật cung cầu: Khi có nhu cầu cao về kỹ năng đặc biệt nhưng nguồn cung cấp còn thiếu và còn yếu sẽ dẫn tới sự cách biệt về lương bổng và lợi tức giữa những người có kỹ năng và những người không có kỹ năng. Ngày nay ở khắp mọi ngành nghề trên thế giới, các nhà tuyển dụng đều có nhu cầu tìm kiếm những người có kỹ năng tốt trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ và Toán học) nhưng do nguồn cung hạn chế, chất lượng sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu thực sự của thị trường nên tỷ lệ người thất nghiệp mới không ngừng tăng lên trong khi các vị trí cần người càng lúc càng nhiều. Đòi hỏi từ phía các nhà tuyển dụng cho thấy chỉ có kỹ năng chuyên môn thôi KHÔNG đủ. Để có thể thành công, bạn cần các kỹ năng mềm. Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, sinh viên cần có thêm nhiều kỹ năng mềm cần thiết mới có thể đảm bảo tìm được việc làm, duy trì và thích ứng với những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu. KỸ NĂNG MỀM: CÁC KỸ NĂNG SINH VIÊN CÓ THỂ TỰ RÈN LUYỆN TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC 1. Kỹ năng mềm là gì? “Kỹ năng mềm” là kỹ năng liên quan đến con người như kỹ năng trao đổi, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề... Về căn bản, kỹ năng mềm nằm trong khả năng nhận biết và kiểm soát tình cảm, hướng về sự tự hoàn thiện, giúp đồng cảm với người khác, ý thức được các tình huống xã hội, hỗ trợ và thúc đẩy giải quyết vấn đề và làm việc hiệu quả. Một số kỹ năng mềm có sẵn trong cá tính của bạn như lạc quan, lương tri, trách nhiệm, chính trực... Một số kỹ năng mềm mà bạn có thể học thông qua thực hành như đồng cảm, khuyến khích, làm việc nhóm, lãnh đạo, trao đổi, thương lượng, trình bày… 2. Kỹ năng mềm mang lại lợi ích gì? Hầu hết các dự án phần mềm thành công đều có hai yếu tố quan trọng: người quản lý dự án giỏi và nhóm có kỹ năng cao. Về cơ bản, cả hai yếu tố này đều liên quan đến vấn đề con người và kỹ năng của họ. Qua 40 năm làm việc trong ngành công nghiệp phần mềm, tôi chưa bao giờ gặp một dự án phần mềm thất bại vì vấn đề kỹ thuật nhưng tôi đã thấy nhiều dự án thất bại vì vướng tới “vấn đề con người”. Trong khi đó, hầu hết các trường chỉ tập trung dạy sinh viên kỹ thuật chuyên môn chứ chưa bao giờ chuẩn bị cho sinh viên kỹ năng để giải quyết các “vấn đề con người” trong cả môi trường công việc và cuộc sống riêng tư. Ý nghĩ cho rằng người làm kỹ thuật chỉ làm việc với máy tính là hoàn toàn sai lầm. Nhiều sinh viên đã nghĩ chừng nào họ còn có thể viết được mã, họ vẫn có thể đáp ứng yêu cầu của công việc và làm việc tốt, đó là nhận thức sai lầm. Ngay khi sinh viên gia nhập vào thị trường lao động và được tuyển dụng, họ sẽ nhận ra một nửa thời gian làm việc của họ dùng để trao đổi với những người khác: tiếp nhận yêu cầu từ khách hàng, thảo luận và thiết kế, phân bổ công việc, tranh luận để bảo vệ quan điểm chuyên môn… Cách mà mọi người tương tác trong một nhóm sẽ quyết định việc dự án thành công hay thất bại. Mọi người đều muốn được đối xử một cách lịch sự và nhã nhặn. Nhưng không phải ai cũng hiểu, rằng nếu họ muốn được đối xử tốt thì bản thân họ cũng phải cư xử thật tốt với những người xung quanh. Chính điều này dẫn tới các mâu thuẫn trong quá trình làm việc. Khi không khí làm việc trở nên căng thẳng và không thuận lợi, các thành viên trong nhóm sẽ dễ phạm sai lầm nhiều hơn. Khi mọi người cảm thấy không thoải mái, họ dễ dàng nổi giận và khiến dự án trở nên đình trệ hoặc thất bại. Người có kỹ năng chuyên môn cao có thể vượt qua các vấn đề kỹ thuật và làm cho dự án thành công nhưng họ KHÔNG thể vượt qua các vấn đề liên quan đến con người trong trường hợp dự án bị quản lý kém. Quản lý kém phá hủy mọi thứ. Nếu người quản lý dự án ước lượng thiếu thời gian, mọi người sẽ không có đủ thời gian để hoàn thành tốt công việc và ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Nếu người quản lý không biết cách quản lý nhân sự, tổ dự án sẽ xảy ra xung đột nội bộ và dự án sẽ thất bại. Nếu người quản lý không đối xử với mọi người một cách công bằng, nhóm sẽ rơi vào trạng thái bất bình, các thành viên sẽ mâu thuẫn và tranh cãi với nhau thay vì tập trung vào công việc… Đây chính là lý do nếu nhà trường không dạy bạn thì bạn phải tìm cách để tự mình học thêm và trau dồi các kỹ năng mềm cần thiết. 3. Có thể học kỹ năng mềm ở đâu? Có một cuốn sách nhan đề “Đắc nhân tâm” do Dale Carnegie viết, xuất bản năm 1936. Cuốn sách này đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và tôi thường khuyên các sinh viên nên đọc nó, không chỉ một lần mà nhiều lần. Tôi đã đọc cuốn sách này khi tôi là một học sinh trung học và vẫn còn đọc nó cho đến nay. Nếu bạn có thể áp dụng phần lớn những điều cuốn sách này nhắc tới thì bạn đã có mọi “kỹ năng mềm” cần thiết cho sự thành công của bạn. Có một số khóa học ngắn hạn về kỹ năng mềm ở khắp mọi nơi. Trong trường hợp bạn không tin tưởng việc đọc sách có thể giúp bạn phát triển một kỹ năng cụ thể, bạn có thể đăng ký tham gia các khóa học này. Bên cạnh các khóa học thu phí, sinh viên có thể tìm tới các khóa học miễn phí do các nhóm hoạt động phi lợi nhuận tổ chức. Tất cả những thông tin cần thiết đều có thể tìm thấy trên mạng. 4. Học kỹ năng mềm trong trường đại học Tất nhiên là không có lớp học nào mang tên “kỹ năng mềm” trong chương trình đại học bởi phần lớn các kỹ năng đó sẽ được tích hợp vào các bài giảng và các hoạt động học tập của sinh viên. Bạn có thể nhận thấy nhiều hoạt động liên quan đến “kỹ năng mềm” khi lên lớp. Chẳng hạn, một số lớp yêu cầu sinh viên tham gia thảo luận nhóm, làm bài tập lớn, chuẩn bị và thực hiện thuyết trình trước lớp... Đây đều là những hoạt động đòi hỏi các kỹ năng mềm. Để có thể hoàn thành tốt những hoạt động này, sinh viên buộc phải tương tác và làm việc với nhau. Nhưng hầu hết các sinh viên thường không nhận thức được cơ hội rèn luyện “kỹ năng mềm” thông qua các hoạt động trên lớp nên không thích tham gia hoặc tham gia một cách miễn cưỡng, không tích cực. Nhiều người hiếm khi đặt câu hỏi hay bày tỏ quan điểm của bản thân mà thường thu mình trong im lặng. Làm như vậy, họ đã bỏ lỡ cơ hội phát triển các kỹ năng mềm cần thiết. 5. Có bao nhiêu loại kỹ năng mềm? Có nhiều “kỹ năng mềm” như kỹ năng trao đổi, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng thương lượng, kỹ năng tư duy chiến lược, kỹ năng xây dựng nhóm, kỹ năng bán hàng… Sinh viên cần lưu ý, “kỹ năng mềm” không phải là cái gì đó bạn có thể học và thành thạo trong một khoảng thời gian ngắn mà cần sự tích lũy và phát triển liên tục trong suốt cuộc đời. Có vài “kỹ năng mềm” bạn có thể học ngay trong trường như kỹ năng trao đổi, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian,… Bên cạnh đó, cũng có những kỹ năng bạn chỉ có thể học được khi tham gia vào môi trường làm việc (thông qua các buổi thực tập) như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tương tác với người khác, kỹ năng đàm phán, kỹ năng nâng cao hiệu quả làm việc… Một số kỹ năng quan trọng trong trường đại học: a. Kỹ năng trao đổi • Nghe • Nói • Ngôn ngữ cơ thể • Trình bày b. Kỹ năng học theo nhóm c. Kỹ năng ngoại ngữ d. Kỹ năng tư duy phê phán Một số kỹ năng quan trọng trong môi trường làm việc: - Kỹ năng trao đổi trong công việc - Kỹ năng làm việc nhóm - Kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian - Kỹ năng giải quyết vấn đề - Kỹ năng giải quyết xung đột - Kỹ năng liên tục học tập và cập nhật kiến thức mới - Kỹ năng đọc và thu thập thông tin PHƯƠNG PHÁP HỌC TÍCH CỰC P hương pháp giáo dục truyền thống dựa trên quá trình tích lũy tri thức từ giáo trình và bài giảng vẫn được áp dụng phổ biến tại nhiều trường học. Học viên học từng phần kiến thức, học hết phần này rồi chuyển sang phần khác. Trong suốt quá trình học, học viên càng ghi nhớ được nhiều kiến thức càng tốt, vì các bài kiểm tra hiện tại được xây dựng nhằm đánh giá khả năng “ghi nhớ” chứ không chú trọng đến khả năng “vận dụng thực tế”. Cách học này được duy trì trong suốt một khoảng thời gian dài. Tình hình thực tế cho thấy đây không còn là phương pháp giáo dục phù hợp và hiệu quả. Thứ nhất, hiện có quá nhiều thông tin, khối lượng kiến thức liên tục tăng lên mỗi năm, sinh viên không thể nào ghi nhớ được tất cả. Thay vì dựa vào trí nhớ và xem đây là nguồn thông tin chính, người học cần phải biết chỗ để tìm và cách thức để tìm ra thông tin mà họ cần. Thứ hai, tìm được thông tin mới chỉ là bước khởi động, sau khi có được thông tin thì cần phải có kỹ năng phân tích và tổng hợp, xử lý thông tin rồi mới có thể áp dụng vào thực tế để giải quyết vấn đề. Để làm được điều đó, sinh viên cần có “phương pháp học tích cực” hay còn gọi là “học qua hành”. Phương pháp này nhấn mạnh quá trình học tập và tiếp thu chứ không chú trọng vào kết quả, giúp cho người học phát triển kỹ năng tự học và kỹ năng giải quyết vấn đề. Phương pháp học tích cực tập trung vào việc khuyến khích và động viên người học tự giác tìm kiếm, học bằng cách đọc, tự mình tổ chức và xử lý thông tin thay vì lệ thuộc vào các bài giảng của giáo viên. Người học phải có thái độ “tích cực” cho việc học của riêng họ, đọc tài liệu TRƯỚC KHI lên lớp và tập trung vào các hoạt động như trao đổi, tranh luận, phân tích và ứng dụng thực tế ngay trong lớp nhằm tích lũy thêm nhiều tri thức cũng như kỹ năng cần thiết để nâng cao năng lực giải quyết vấn đề. Với phương pháp học tập tích cực, giáo viên chỉ đóng vai trò “người hướng dẫn” giúp học viên thu được kết luận đúng thông qua các chỉ dẫn, khuyến khích cũng như thách thức họ đạt được mục đích học tập của riêng họ. Trực tiếp ứng dụng những kiến thức học được trong trường vào thực tế sẽ giúp sinh viên tiếp thu tài liệu tốt hơn và dần dần phát triển thái độ học cả đời. Phương pháp học tập này giúp sinh viên biết cách tìm tài liệu, tổ chức chúng, thực nghiệm và kiểm nghiệm câu trả lời của mình thông qua ý kiến đánh giá của nhiều người. Dần dần, các kỹ năng được hình thành trong suốt quá trình học tập sẽ mang lại cho sinh viên nhiều kinh nghiệm riêng, hình thành kỹ năng xử lý công việc cũng như khả năng ứng đối trong cuộc sống thường ngày. Khi áp dụng phương pháp này vào quá trình giảng dạy, giáo viên cần yêu cầu sinh viên giải thích điều họ đã học dựa trên quan điểm riêng của họ, hỗ trợ họ thảo luận và chia sẻ ý kiến cá nhân với bạn bè, sau cùng sinh viên sẽ tự mình rút ra kết luận qua sự tương tác với những người khác. Khi tổ chức các buổi thảo luận trên lớp, giáo viên có thể yêu cầu sinh viên xem xét thông tin, đánh giá thông tin, để sinh viên tự mình giải thích và học cách suy luận tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề. Trong suốt quá trình đó, giáo viên có thể khuyến khích sinh viên thăm dò, thu thập và đánh giá nguồn thông tin sẵn có. Có nhiều nguồn thông tin mà học viên có thể sử dụng mỗi ngày nhằm nâng cao hiểu biết, phát triển các khái niệm, phát kiến thêm nhiều ý tưởng có khả năng ứng dụng vào thực tế cũng như cải thiện tầm tư duy của bản thân. Học viên cần phải nhận biết về sự đa dạng của các nguồn thông tin và rèn luyện cho mình kỹ năng tìm kiếm, xác minh thông tin để sử dụng trong suốt cả cuộc đời. Tất nhiên, KHÔNG dễ dịch chuyển từ việc học “thụ động” sang việc học “tích cực” vì phần lớn sinh viên đã quen với cách học truyền thống. Trong nhiều năm liền, họ bắt buộc phải ngồi nghe các bài giảng trên lớp và tuân theo chỉ dẫn của giáo viên. Thói quen này đã ăn sâu vào tiềm thức và khó mà phá bỏ. Phần lớn sinh viên có xu hướng chống lại khái niệm “đọc trước khi lên lớp”, “tham gia thảo luận trên lớp” hay “tự học thêm ở nhà” một cách chủ động và tích cực. Đây chính là thách thức cho những giáo viên muốn áp dụng phương pháp mới này. Ban đầu, phương pháp học tích cực có lẽ sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian cũng như công sức của cả giáo viên và sinh viên; nhưng tôi tin rằng với sự thay đổi nhanh đến chóng mặt trong thế giới hiện nay, phương pháp đào tạo này dần dần sẽ phát huy được tiềm năng và sức mạnh của mình. Sinh viên cần chủ động tự mình thay đổi để có thể học tập và tìm kiếm các cơ hội tốt hơn cho bản thân, sau đó mới có thể đóng góp cho xã hội bằng cách vượt qua các thử thách mang tính thời đại, tạo ra nhiều giá trị độc đáo và khác biệt. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP HỌC TÍCH CỰC Phương pháp học tích cực đòi hỏi sinh viên chịu trách nhiệm về việc học của chính mình. Sinh viên đại học năm thứ nhất tới từ nhiều trường phổ thông khác nhau, bối cảnh khác nhau và có thể có sự chênh lệch về trình độ. Nhiều người không có thói quen học tốt cũng như không biết cách quản lý thời gian và thường phạm sai lầm. Nếu những điều này không được điều chỉnh ngay trong năm nhất thì sinh viên không thể học tốt trong những năm kế tiếp. Phương pháp học tích cực đòi hỏi sinh viên phải ý thức được tầm quan trọng và lợi thế của việc học theo nhóm. Các cá nhân có thể học nhiều hơn khi họ học cùng người khác. Đây là quan niệm khiến một số giảng viên cảm thấy không thoải mái. Họ quen với việc đọc bài giảng trong lớp hoặc nói cho sinh viên biết điều cần làm thay vì để sinh viên tự học nên thường chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cách học đó. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của phương pháp học tích cực là tạo điều kiện cho sinh viên làm việc với nhau trong suốt quá trình học tập. Đó cũng chính là nền tảng giúp sinh viên hình thành kinh nghiệm làm việc nhóm khi tham gia vào môi trường làm việc chuyên nghiệp. Tôi thường khuyến khích sinh viên đọc tài liệu trước khi lên lớp và dành phần lớn thời gian trên lớp để tổ chức các cuộc thảo luận. Thảo luận trên lớp giúp các sinh viên rèn luyện tư duy phản biện và học cách trao đổi, trình bày quan điểm của bản thân trước nhiều người. Nếu cuộc thảo luận và người hướng dẫn có thể khiến sinh viên thể hiện quan điểm cá nhân và tích cực bảo vệ quan điểm bằng lý lẽ thì sinh viên sẽ cảm thấy hứng thú và tham gia bài giảng tích cực hơn, học được nhiều hơn thay vì thụ động ngồi nghe giảng hoặc đọc sách. Bên cạnh phương pháp học theo nhóm, tôi còn thích một phương pháp khác là đôi bạn cùng tiến. Phương pháp này yêu cầu sinh viên đọc trước tài liệu ở nhà và lên danh sách các câu hỏi mà họ thắc mắc về tài liệu. Trong lớp, tôi sẽ chia sinh viên thành từng cặp để sinh viên lần lượt hỏi và trả lời câu hỏi. Những câu hỏi mà cả hai đều không trả lời được sẽ trở thành câu hỏi thảo luận trước lớp. Trong khoảng thời gian các sinh viên bắt cặp hỏi và trả lời, tôi thường bước xung quanh lớp, đi từ nhóm nọ tới nhóm kia để thu thập câu hỏi thảo luận trên lớp. Bằng việc biến các câu hỏi sinh viên không thể trả lời thành đề tài thảo luận chung, tôi có thể dự đoán các khái niệm sinh viên chưa thực sự hiểu rõ để đưa vào phần tổng kết cuối bài giảng, phân tích cụ thể và chia sẻ thêm để giúp sinh viên hiểu bài giảng hơn. Tranh luận cũng là một phương pháp học tích cực. Quá trình này cho phép sinh viên hình thành lập trường riêng, học được cách thu thập thông tin nhằm hỗ trợ và giải thích quan điểm của bản thân trước những người khác. Những cuộc tranh luận không chỉ cho sinh viên cơ hội tham gia vào các hoạt động trên lớp mà còn cho phép họ thu được kinh nghiệm trong việc trình bày ý kiến cá nhân, một trong những kỹ năng mềm quan trọng mà sinh viên cần phải có. Một trong những phương pháp gợi mở ưa thích của tôi là dùng nhóm câu hỏi 5W và 1H: Who (Ai?), What (Cái gì?), Where (Ở đâu?), When (Khi nào?), Why (Tại sao?) và How (Bằng cách nào?). Bốn câu hỏi W (Who, What, When, Where) sẽ yêu cầu sinh viên phải phân tích hiện tượng. Câu hỏi “Why” và “How” yêu cầu sinh viên phải tư duy ở mức cao hơn, tự mình đưa ra quan điểm và đánh giá chủ quan. Tôi muốn nhắc lại, mục đích của phương pháp học tích cực không phải chỉ là đánh giá kết quả học tập của sinh viên mà còn hướng dẫn sinh viên phát triển khả năng tư duy độc lập. Tôi thường yêu cầu sinh viên giải thích lý do tại sao họ lại trả lời như vậy và các nguồn thông tin mà họ đã dùng; sau đó giúp họ xác nhận cách diễn giải của họ có logic và phù hợp với thực tế hay không, cũng như hỗ trợ sinh viên đánh giá tính chính xác của nguồn thông tin mà họ sử dụng. Có một khoảng cách giữa lý thuyết và quá trình áp dụng lý thuyết vào thực tế. Điều này giải thích cho câu hỏi tại sao một số sinh viên học lý thuyết rất giỏi nhưng lại không có khả năng giải quyết tốt khi phải đối mặt với vấn đề trong thực tế. Nếu sinh viên muốn đạt được thành công thì họ phải biết cách áp dụng điều họ học vào tình huống thực tế và liên tục thu nhận phản hồi về những điều bản thân đã làm. Để thúc đẩy điều đó, tôi thường cho sinh viên nhiều bài tập mỗi tuần, từ dễ tới khó để giúp họ học cách giải quyết vấn đề. Việc đòi hỏi áp dụng lý thuyết để giải quyết các bài tập sẽ giúp sinh viên học cách suy nghĩ, thông qua đó dần dần cải tiến tư duy. HÌNH THÀNH CÁC THÓI QUEN HỌC TẬP TỐT Nhiều sinh viên xem nhẹ việc học tại trường đại học. Họ chỉ nghĩ “học nghĩa là mở sách/tài liệu ra rồi đọc, sau đó cố gắng ghi nhớ nội dung để vượt qua các bài kiểm tra” nhưng thực tế chương trình đại học đòi hỏi nhiều hơn thế. Một số sinh viên đọc sách nhưng tâm trí của họ vẫn đang lởn vởn ở đâu đó chứ không tập trung vào nội dung mà tài liệu cung cấp. Số khác chịu ảnh hưởng của các vật dụng công nghệ cao, có thói quen xấu là chỉ đọc một chút rồi nhảy sang làm những chuyện khác như nhắn tin hoặc chát chít; đương nhiên là khi họ phân tâm thì ngay lập tức họ sẽ quên mất những điều vừa đọc. Nhiều sinh viên chỉ đọc vài phút liền rơi vào giấc ngủ. Để có thể cải thiện kỹ năng đọc và hiệu quả học, bạn cần loại bỏ mọi thứ có thể khiến bạn xao nhãng và ngắt quãng quá trình học của mình. Đây là vài lời khuyên nhằm giúp bạn học tốt hơn: 1. Sinh viên cần có khu vực dành riêng cho học tập. Quan trọng là bạn cần phải thiết lập một chỗ đặc biệt nơi bạn có thể học mà không bị bất cứ thứ gì ảnh hưởng. Nếu ở nhà không có chỗ nào đáp ứng được yêu cầu này thì bạn có thể đến thư viện trường/thành phố để có không khí học tập. Khi tôi còn là sinh viên, tôi rất thích đến thư viện và thường tìm một góc yên tĩnh tránh xa các sinh viên khác để có thể tập trung học. Khi bạn đang học, đừng cho phép bản thân mình chú ý tới bất kỳ cái gì khác ngoài việc học. Bạn phải tắt điện thoại và máy tính. Ngày nay nhiều sinh viên có laptop và dễ dàng “nhân nhượng” trước cám dỗ của việc kiểm tra email, vào phòng chat, hay nghe nhạc. Một số sinh viên bảo tôi rằng nghe nhạc giúp cho họ học tốt hơn và họ thích đeo tai nghe để giúp bản thân tập trung hơn. Điều đó có thể có tác dụng và cũng có thể không. Bạn cần để ý đến hiệu quả học tập và cần chủ động điều chỉnh những thói quen khiến bạn mất tập trung khi học. Để duy trì khả năng tập trung tốt, khu vực học tập của bạn cần có ánh sáng vừa phải, thông gió và dễ dàng thu thập được tài liệu cần thiết. 2. Bạn phải lên kế hoạch và đặt mục tiêu cho từng lần học. Khi tôi còn là sinh viên, mỗi ngày tôi đều tự đặt ra cho mình một danh sách “những thứ cần học” và “mục tiêu cần đạt tới cho từng môn học”. Sau khi hoàn thành một mục nào đó trong danh sách, tôi sẽ xóa mục đó ra khỏi danh sách và tự giác đánh giá lại hiệu quả học tập của bản thân vào cuối ngày. Việc đề ra các mục tiêu và gạch bỏ chúng sau khi hoàn thành sẽ giúp sinh viên cảm nhận được kết quả của sự nỗ lực. Bạn có thể lên danh sách kiểu như: Đọc toàn bộ chương 5 môn lịch sử trong tuần này và trả lời đúng 10 câu hỏi ở cuối chương. Giải quyết 15 câu hỏi ngắn trong chương 7 của môn toán trước khi lên lớp. 3. Ghi chú những điều quan trọng cần phải nhớ vào một quyển sổ và thường xuyên mang sổ theo bên người. Trong chương trình đại học, mỗi lớp đều yêu cầu sinh viên phải đọc qua rất nhiều tài liệu. Nhiều sinh viên có xu hướng cố gắng ghi nhớ thay vì chép những điều cần nhớ ra giấy. Đó không phải một chọn lựa khôn ngoan. Bạn cần có một cuốn sổ để ghi chú những điều quan trọng như lịch học, lịch kiểm tra, danh sách những tài liệu giảng viên cung cấp, thông tin của các thành viên trong nhóm học tập… Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể tóm tắt nội dung bài giảng hoặc tài liệu vào sổ, ghi chú những thắc mắc trong quá trình đọc và học, lên danh sách những trọng điểm cần phải lưu ý trong quá trình ôn tập… 4. Không ai có thể làm việc như một cái máy không ngừng nghỉ, cho nên sinh viên cần lưu ý nghỉ ngơi đều đặn để giữ cho tâm trí luôn minh mẫn và tỉnh táo. Những khoảng thời gian nghỉ giải lao giữa giờ là điều cần thiết. Tuy nhiên, sinh viên nên tận dụng khoảng thời gian này để nghỉ ngơi thật sự, chẳng hạn như nhắm mắt lại để thư giãn và điều tiết mắt, chứ không nên tận dụng thời gian nghỉ giải lao để làm những chuyện gây gián đoạn sự tập trung như kiểm tra email, tin nhắn hoặc đọc truyện giải trí… Để khoảng thời gian học tập có chất lượng, bạn cần duy trì sự tập trung của bản thân. Nếu bạn cảm thấy khó tập trung thì hãy tạm ngừng học và thử đi dạo quanh chừng 5 phút, vận động nhẹ nhàng giúp não đỡ căng thẳng, rồi quay trở lại bàn để học tiếp. Đừng quá gượng ép bản thân. Xin hãy nhớ bạn không cần phải học mọi lúc, bạn cần học hiệu quả. Khi nhận thấy sự tập trung của bản thân suy giảm, sinh viên nên chủ động điều chỉnh các khoảng nghỉ giữa chừng sao cho hợp lý. Bên cạnh việc điều tiết quá trình học, sinh viên cần đảm bảo giấc ngủ đêm (trung bình từ 6 - 7 tiếng) và tận dụng thời gian nghỉ trưa để chợp mắt (khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng). Có như vậy, bạn mới có thể duy trì trạng thái tỉnh táo và tiếp thu kiến thức hiệu quả. PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP “ĐA PHƯƠNG TIỆN” 1. Học bằng cách đọc: Có một khảo cứu về khả năng đọc của sinh viên đại học khá thú vị. Khảo cứu này cho thấy rằng có khoảng 1/3 sinh viên tới lớp nhưng không đọc trước tài liệu. Trong số những sinh viên này, 62% gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hay giải quyết vấn đề. Nhiều người không thể diễn giải được các sơ đồ đơn giản, không biết thay đổi cách tiếp cận để giải quyết vấn