🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Kẻ Trộm Sách - Markus Zusak
Ebooks
Nhóm Zalo
Dành tặng Elisabeth và Helmut Zusak, với tình yêu và lòng ngưỡng mộ
Giới thiệu
Kẻ trộm sách - tác phẩm của nhà văn Úc Markus Zusak xuất bản năm 2005 đã làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times hơn 100 tuần liên tiếp, trở thành một tác phẩm kinh điển, một sự lựa chọn của hệ thống các thư viện trường học của Anh và Mỹ. Kẻ trộm sách khi mới ra đời đã lập tức gây ngạc nhiên cho những cây bút phê bình văn học trên thế giới và làm hàng triệu cặp mắt phải nhòa lệ.
Chọn một đề tài tưởng như đã có quá nhiều cây bút đào xới - cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II - nhưng Markus Zusak vẫn gây bất ngờ cho người đọc. Người kể chuyện trong tác phẩm này là Thần Chết - một “gương mặt” quen thuộc của chiến tranh, gắn liền với cái chết, với sự bi thương, sự tăm tối. Nhưng câu chuyện mà thần chết kể ra, về sự dữ dội của những gì con người gây ra đối với chính đồng loại của họ thì đến ngay cả Thần Chết cũng phải rùng mình. Lật giở những trang sách, người đọc như bước vào cuộc trò chuyện với Thần Chết, một nhân vật có khiếu hài hước, với một lời cảnh báo nho nhỏ đầy hóm hỉnh ngay khi mở đầu câu chuyện rằng “Bạn sẽ chết”. Đây là một câu chuyện với quá nhiều cái chết nhưng cũng đầy ắp tình yêu thương và thấm đẫm tính nhân văn.
Dù vậy, nội dung chính của câu chuyện không lột tả những cảnh chiến trường đẫm máu của thế chiến II, những cảnh giết chóc man rợ… mà đây là câu chuyện về Liesel, cô bé gái mồ côi được nhận
làm con nuôi tại phố Thiên Đàng thuộc thành phố Munich. Chính tại thị trấn nhỏ nghèo nàn với vẻ ngoài bình yên của những trận đá bóng của trẻ con, những phi vụ ăn trộm nho nhỏ của đám trẻ đói khát, tình bạn tuyệt đẹp của Liesel và cậu bé Rudy đầy cá tính… đã toát lên không khí của nước Đức căng thẳng đầy những xung đột – một nước Đức đang trải qua một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất của lịch sử nhân loại. Từ cuộc sống nghèo tại phố Thiên Đàng nhỏ bé, Liesel đã phải - trực tiếp và gián tiếp - chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến, sự man rợ đến rùng mình của chế độ phát xít đối với những người Do Thái vô tội.
Ngay trong số các công dân nước Đức luôn bày tỏ sự trung thành tuyệt đối với Quốc trưởng mọi lúc mọi nơi thì đó vẫn có những con người như Hans Hubermann - cha nuôi của Liesel - lén lút giấu trong nhà mình một thanh niên Do Thái trước sự truy lùng của chế độ Đức quốc xã. Và vì hành động đó, Hans và gia đình ông đã phải sống trong những tháng ngày căng thẳng, sợ hãi tột độ. Có biết bao bất hạnh ập xuống những con người vô tội ở phố Thiên Đàng, những đứa trẻ mang nhiều phẩm chất đẹp đẽ và tuyệt vời như Rudy cũng phải gánh chịu số phận bi thương. Chứng kiến cảnh đó, chính trái tim của Thần Chết như bị giày xéo và khiến ông bật khóc. Trước những gì con người gây ra cho đồng loại, Thần Chết phải thốt lên: “Tôi nhìn thấy sự xấu xí và vẻ đẹp của họ, và tôi tự hỏi rằng làm sao mà một thứ như vậy lại có thể mang cả hai thuộc tính này.”
Trong câu chuyện về Liesel, điều ấn tượng nhất với Thần Chết chính là niềm say mê sách của cô bé. Liesel ăn cắp những cuốn sách bất cứ khi nào có thể. Trong tác phẩm này còn có những tác
phẩm của các nhân vật của chúng ta - những tác phẩm viết tay với hình minh họa đầy thú vị, cho thấy niềm say mê ngôn ngữ đồng thời đây là một ẩn dụ của tác giả về sức mạnh của ngôn từ. Ngôn từ có ma lực của riêng chúng: Chính nhờ có từ ngữ mà Hitler đã gần như thống trị được cả thế giới, nhưng cũng chính nhờ từ ngữ mà cô bé Liesel mới thoát chết. Từ ngữ trong kẻ trộm sách được nhắc đến thường xuyên và khó nắm bắt thư thể những nốt nhạc của một bản giao hưởng.
Kẻ trộm sách được viết nên bằng một văn phong đặc biệt, lôi cuốn. Sự thành công của Kẻ trộm sách còn nằm ở tài năng khắc họa nhân vật của Zusak - ông đã thổi một luồng sinh khí vô cùng mạnh mẽ vào từng nhân vật, khiến cho họ - tuy chỉ được biết đến qua những con chữ trên mặt giấy - vẫn sống động và đầy cá tính, vẫn khiến người đọc phải đau nỗi đau của họ, vui niềm vui của họ, và hồi hộp theo dõi câu chuyện cuộc đời họ cho đến tận trang sách cuối cùng.
Đúng như lời khẳng định các nhà phê bình văn học, Kẻ trộm sách là một tác phẩm mà bạn sẽ khó lòng bỏ xuống nửa chừng một khi bạn đã bước vào câu chuyện kể của vị Thần Chết đầy vui tính…
Báo chí giới thiệu
Ngôn từ có ma lực của riêng chúng: Chính nhờ có từ ngữ mà Hitler đã gần như thống trị được cả thế giới, nhưng cũng chính nhờ từ ngữ mà cô bé Liesel mới thoát chết.
Lật giở những trang sách, người đọc như bước vào cuộc trò chuyện với Thần Chết, nhân vật có khiếu hài hước, với lời cảnh báo
nhỏ hóm hỉnh ngay khi mở đầu câu chuyện: "Bạn sẽ chết". Kẻ trộm sách là câu chuyện với quá nhiều cái chết nhưng cũng đầy ắp tình yêu thương và thấm đẫm tính nhân văn. Với tiểu thuyết này tác giả Markus Zusak chọn một đề tài tưởng như đã có nhiều cây bút khai thác: cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II. Nhưng nội dung sách vẫn tiếp tục gây bất ngờ cho người đọc.
Thần Chết, người kể chuyện, là một "gương mặt" quen thuộc của chiến tranh, gắn liền với cái chết, với sự bi thương, sự tăm tối. Nhưng câu chuyện mà ông kể ra, về sự dữ dội của những gì con người gây ra đối với chính đồng loại của họ, thì đến ngay cả Thần Chết cũng phải rùng mình. Dù vậy, nội dung chính của câu chuyện không lột tả những cảnh chiến trường đẫm máu của Thế chiến II, những cảnh giết chóc man rợ... mà đây là câu chuyện về Liesel, cô bé gái mồ côi được làm con nuôi tại phố Thiên Đàng thuộc thành phố Munich.
Chính tại thị trấn nhỏ nghèo nàn với vẻ ngoài bình yên của những trận đá bóng trẻ con, những phi vụ ăn trộm nho nhỏ của đám trẻ đói khát, tình bạn tuyệt đẹp của Liesel và cậu bé Rudy đầy cá tính... đã toát lên không khí của nước Đức căng thẳng đầy những xung đột - một nước Đức đang trải qua một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất của lịch sử nhân loại. Từ cuộc sống nghèo tại phố Thiên Đàng nhỏ bé, Liesel đã phải - trực tiếp và gián tiếp - chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến, sự man rợ đến rùng mình của chế độ phát xít đối với những người Do Thái vô tội. Ngay trong số các công dân Đức luôn bày tỏ sự trung thành tuyệt đối với Quốc trưởng mọi lúc mọi nơi thì đó vẫn có những con người như Hans
Hubermann - cha nuôi của Liesel - lén lút giấu trong nhà mình một thanh niên Do Thái trước sự truy lùng của chế độ Đức quốc xã.
Vì hành động đó, Hans và gia đình ông đã phải sống trong những tháng ngày căng thẳng, sợ hãi tột độ. Có biết bao bất hạnh ập xuống những con người vô tội ở phố Thiên Đàng, những đứa trẻ mang nhiều phẩm chất đẹp đẽ và tuyệt vời như Rudy cũng phải lãnh chịu số phận bi thương. Chứng kiến cảnh đó, chính trái tim của Thần Chết như bị giày xéo khiến ông bật khóc. Trước những gì con người gây ra cho đồng loại, Thần Chết phải thốt lên: "Tôi nhìn thấy sự xấu xí và vẻ đẹp của họ, và tôi tự hỏi rằng làm sao mà một thứ như vậy lại có thể mang cả hai thuộc tính này".
Trong câu chuyện về Liesel, điều ấn tượng nhất với thần chết chính là niềm say mê sách của cô bé. Liesel ăn cắp những cuốn sách bất cứ khi nào có thể. Tác phẩm cho thấy tác giả mang một niềm say mê ngôn ngữ với những trang viết đầy sức mạnh ẩn dụ. Ngôn từ có ma lực của riêng chúng: Chính nhờ có từ ngữ mà Hitler đã gần như thống trị được cả thế giới, nhưng cũng chính nhờ từ ngữ mà cô bé Liesel mới thoát chết. Từ ngữ trong kẻ trộm sách được nhắc đến thường xuyên và khó nắm bắt thư thể những nốt nhạc của một bản giao hưởng. "Kẻ trộm sách" được viết nên bằng một văn phong lôi cuốn.
Sự thành công của cuốn sách còn nằm ở tài năng khắc họa nhân vật của Zusak - người thổi một luồng sinh khí vô cùng mạnh mẽ vào từng nhân vật, khiến cho họ - tuy chỉ được biết đến qua những con chữ trên mặt giấy - vẫn sống động và đầy cá tính, vẫn khiến người
đọc phải đau nỗi đau của họ, vui niềm vui của họ, và hồi hộp theo dõi câu chuyện cuộc đời họ cho đến trang cuối cùng.
Khi xuất bản năm 2005, cuốn Kẻ trộm sách của nhà văn Australia Markus Zusak, làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times hơn 100 tuần liên tiếp, trở thành một tác phẩm kinh điển, một sự lựa chọn của hệ thống thư viện trường học của Anh và Mỹ. Từ khi mới ra đời, cuốn sách lập tức gây ngạc nhiên cho những cây bút phê bình văn học trên thế giới và làm hàng triệu cặp mắt phải nhòa lệ.
NHỮNG LỜI KHEN DÀNH CHO “KẺ TRỘM SÁCH”
“Đây là một cuốn tiểu thuyết có thể khiến bạn phải nín thở…”
-Guardian-
“Thật phi thường, âm vang và xác đáng, đẹp đẽ và phẫn nộ.”
Sunday Telegraph
“Một tác phẩm vô cùng xúc động, sẽ làm cho nhiều cặp mắt phải nhòa lệ.”
Independent on Sunday
“Một cuốn tiểu thuyết nặng ký xứng đáng được tôn vinh trên toàn thế giới… Ý thức về nỗi sợ hãi tràn ngập trong tác phẩm được viết hết sức tài tình này… Khi Kẻ trộm sách sắp kết thúc, Thần Chết đã nói: “…Có rất nhiều câu chuyện… mà tôi cho phép chúng làm tôi xao nhãng trong khi làm việc.” Câu chuyện của Kẻ trộm sách, người cố gắng thay đổi cả thế giới bằng phương pháp nhỏ bé của mình, đã chứng tỏ là một sự xao nhãng dữ dội và đầy cảm động.”
Daily Express
“Câu nói của Thần Chết, “Đó là những câu hỏi mà tôi sẽ không bao giờ trả lời được, hay nhận thức được cho thấu đáo – rằng con người có thể làm được những điều phi thường đến nhường nào,” đã
tóm tắt một cách hoàn hảo lòng dũng cảm và những thăng trầm đắng cay của cái thế giới được nói đến trong Kẻ trộm sách.”
Daily Mail
“Lắt léo, cuốn hút và được viết một cách tài tình”
Woman anh Home
“... Hấp dẫn và đau đớn.”
Washington Post
“Xứng đáng có một chỗ trên kệ sách cạnh cuốn Nhật ký của Ann Frank – sinh ra để trở thành một tác phẩm kinh điển.”
USA Today
“Những trò chơi với ngôn từ của Zusak đã làm lên chất men rùng rợn và khiến quyển sách trở nên âm vang hơn – từ ngữ có thể cứu vớt cuộc đời bạn… Đó là những nhân vật này, đến mức dù chúng ta biết rằng họ sẽ phải đón nhận một kết cục thật bi đát, thì điều đó cũng không khiến chúng ta bàng hoàng nhiều hơn vào lúc sau cùng, khi mà Thần Chết đến rước họ đi.”
Publisher Weekly
“Thanh thoát, đầy triết lý và vô cùng xúc động. Một tác phẩm để bạn đọc thật chậm và nhấm nháp từng trang một. Đẹp đẽ và đáng trân trọng.”
Kirkus Reviews
“Một câu chuyện khác thường, với thứ ngôn ngữ tưởng chừng như đơn giản hời hợt và phong cách bí ẩn của nó đã miêu tả được cảm xúc sâu thẳm nhất và những hành động đáng ghê tởm nhất của
loài người... Một cuốn tiểu thuyết khác thường và hấp dẫn, đáng cho bạn nâng niu từng trang rồi đặt lên một chỗ dễ thấy trên giá sách của mình để sau này đọc lại. Mà chắc chắn rồi bạn sẽ đọc lại.”
The Irish Examiner
“Sự tàn nhẫn và cái đẹp xuất hiện ở khắp nơi. “Cái chết” cũng vậy. Một quyển sách đúng nghĩa, cảm động và đẹp đẽ.”
Age
“Một quyển sách ngợi ca cuộc sống được viết một cách dí dỏm, và hết sức có giá trị.”
Weekend Australian
“Một quyển sách sâu lắng, thông minh và rất cảm động từ một tài năng đáng kinh ngạc của nền văn học Úc.”
Sunday Telegraph, Australian
“Giọng văn mạnh mẽ, đầy hình ảnh của Zusak mang lại cho câu chuyện vẻ giản dị và trực diện của một cuốn truyện tranh – hay một tiểu thuyết bằng tranh – mà không loại bỏ đi những ảnh hưởng về cảm xúc của nó.”
West Australian
Lời giới thiệu
Đã bao giờ bạn đọc, hay được kể cho nghe, một câu chuyện – mà người kể chuyện là Thần Chết chưa?
Kẻ trộm sách là một câu chuyện như thế.
Đây là câu chuyện về một kẻ trộm sách, những từ ngữ, một người chơi đàn xếp, vài gã người Đức cuồng tín, một tay đấm Do Thái, và khá nhiều vụ ăn trộm - và được kể bởi Thần Chết. Chỉ có vậy, nhưng câu chuyện về kẻ trộm sách đã làm rung động trái tim của hàng triệu triệu độc giả trên khắp hành tinh.
Kể câu chuyện về chiến tranh, hẳn không ai kể hay hơn Thần Chết (có lẽ đó cũng là lý do Thần Chết được chọn làm người kể chuyện). Xuyên suốt quyển sách này, hình ảnh cái chết và chiến tranh được nhắc lại nhiều lần. Và cuộc chiến tranh mà chúng ta đang nói đến ở đây là Thế chiến II — cuộc chiến mà mức độ tàn khốc của nó đã khiến chính bản thân Thần Chết cũng phải rùng mình. Zusak đã viết nên một câu chuyện đầy ắp những nỗi kinh hoàng, một cách chân thực và đầy sức mạnh. Nỗi kinh hoàng của chiến tranh trong Kẻ trộm sách không phải được thể hiện bằng chiến trường đẫm máu, hay những cỗ xe tăng súng đạn chết người, mà bằng quãng thời gian bốn năm của một cô bé tại một thị trấn nhỏ thuộc ngoại ô thành phố Munich, Đức. Với một phong cách dễ dàng đến khó tin trong bút pháp và khả năng tưởng tượng tuyệt vời, tác giả đã cho chúng ta thấy làm thế nào mà một đứa trẻ có thể sống
sót qua một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất của lịch sử nhân loại.
Kẻ trộm sách còn là câu chuyện vẻ sức mạnh của từ ngữ. Chính nhờ có từ ngữ mà Hitler đã gần như thống trị được cả thế giới, nhưng cũng chính nhờ từ ngữ mà cô bé Liesel mới thoát chết. Từ ngữ trong kẻ trộm sách được nhắc đến thường xuyên và khó nắm bắt cũng như những nốt nhạc của một bản giao hưởng vậy.
Hơn hết, câu chuyện của Kẻ trộm sách là câu chuyện của những xung đột. Đó là sự xung đột giữa cá nhân và xã hội: Hans Hubermann, một người Đức thuần chủng, giấu trong nhà mình Max Vandenburg, một người Do Thái sinh ra trên đất Đức nhưng bị chính quê hương mình ghẻ lạnh. Chính vì hành động này mà Hans đã phải sống trong sự dằn vặt, sợ hãi, vì xã hội ông đang sống không chấp nhận điều đó. Hoặc tinh vi hơn, sâu sắc hơn, là xung đột giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa của loài người. Ta có thể sẽ thấy lạnh sống lưng khi đọc những đoạn nói về sự tàn khốc của chiến tranh, sự man rợ của bọn phát xít, hay nỗi khốn khổ của những người Do Thái. Nhưng đồng thời, xuyên suốt cuốn sách ta vẫn luôn thấy ấm lòng nhờ những nghĩa cử cao đẹp và thấm đượm tình người.
Một yếu tố không thể bỏ qua đã làm nên thành công của Kẻ trộm sách chính là tài năng khắc họa nhân vật của Zusak. Ngòi bút của ông đã thổi một luồng sinh khí vô cùng mạnh mẽ vào từng nhân vật, khiến cho họ – tuy chỉ được biết đến qua những con chữ trên mặt giấy – vẫn sống động và đầy cá tính, vẫn khiến người đọc phải đau nỗi đau của họ, vui niềm vui của họ, và hồi hộp theo dõi câu chuyện cuộc đời họ cho đến tận trang sách cuối cùng.
Hy vọng thông điệp đầy sức mạnh và tính nhân văn sâu sắc của Kẻ trộm sách sẽ được người đọc thấu hiểu và đón nhận một cách nguyên vẹn, dẫu là thông qua bản dịch hẳn còn nhiều khiếm khuyết này.
Việt Khương
Phần mở đầu: Một dãy núi toàn gạch vỡ
Trong phần này, người kể chuyện của chúng ta sẽ giới thiệu: bản thân hắn – những sắc màu – và kẻ trộm sách.
CÁI CHẾT VÀ MÀU SÔCÔLA
Trước hết là màu sắc,
Rồi đến những con người.
Đó là cách tôi thường nhìn vào sự việc.
Hay ít ra, là cách tôi cố gắng nhìn vào sự việc.
SAU ĐÂY LÀ MỘT THỰC TẾ NHO NHỎ
Bạn sẽ chết.
Tôi thực sự rất cố gắng duy trì thái độ vui vẻ đối với toàn bộ chủ đề này, dù hầu hết mọi người đều khó mà tin được điều đó, mặc cho tôi có cam đoan long trọng thế nào đi nữa. Làm ơn, hãy tin tôi. Rõ ràng là tôi có thể trở nên vui vẻ được chứ. Tôi có thể cư xử nhã nhặn. Dễ chịu. Lịch sự. Và chỉ trong một chừng mực nào đó thôi nhé. Đừng đòi hỏi ở tôi sự tử tế. Cái sự tử tế ấy chả có dây mơ rễ má gì đến tôi sất.
PHẢN ỨNG ĐỐI VỚI THỰC TẾ NÓI TRÊN
Điều này làm bạn lo lắng?
Nghe đây – đừng sợ.
Tôi sẽ chẳng là gì hết nếu không công bằng.
Dĩ nhiên rồi, một lời giới thiệu.
Một khởi đầu.
Phép lịch sự của tôi để ở đâu cơ chứ?
Tôi có thể tự giới thiệu mình cho phải đạo, song quả thực việc đó không cần thiết. Bạn sẽ biết tôi là ai vào đúng thời điểm thích hợp, điều này phụ thuộc vào rất nhiều chuyện có thể xảy ra. Chỉ cần nói rằng, đến một lúc nào đó thì tôi sẽ ở sát bên cạnh bạn, thân ái hết mức có thể. Linh hồn của bạn rồi sẽ yên vị trong vòng tay tôi. Một sắc màu đọng lại trên vai tôi. Rồi tôi sẽ nhẹ nhàng đưa bạn đi.
Trong cái khoảnh khắc ấy, bạn sẽ nằm ngay đơ ở đó (hiếm khi tôi thấy người nào còn đứng được). Bạn bị đóng đinh cứng ngắc ngay trong chính thân xác mình. Có thể người ta sẽ phát hiện ra bạn; rồi một tiếng thét sẽ cào xé không gian. Âm thanh duy nhất mà tôi sẽ nghe được sau đó là tiếng thở của chính mình, rồi đến âm thanh của mùi, của những bước chân tôi.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, vạn vật sẽ có sắc màu nào trong khoảnh khắc tôi đến rước bạn đi? Bầu trời sẽ nói lên điều gì?
Phần tôi, tôi thích một bầu trời màu sô–cô–la. Sẫm, màu sô–cô– la sẫm. Người ta nói cái màu ấy hợp với tôi. Dẫu vậy, tôi vẫn cố gắng tận hưởng tất cả những sắc màu mà mình nhìn thấy – toàn bộ dải quang phổ màu. Hàng tỉ mùi vị, không mùi nào hoàn toàn giống
mùi nào, và cả một bầu trời mùi vị cho tôi từ từ tận hưởng. Nó khiến sự căng thẳng tan biến. Nó giúp tôi thư giãn.
MỘT GIẢ THUYẾT NHO NHỎ
Con người chỉ quan sát những sắc màu của một ngày vào lúc nó bắt đầu và kết thúc, nhưng với tôi, một ngày trong từng khoảnh khắc trôi qua, rõ ràng là sự hòa trộn của vô số lần chuyển màu và âm điệu.
Chỉ một giờ đồng hồ thôi cũng đã có thể bao gồm hàng ngàn màu sắc khác nhau. Màu vàng sáp ong, màu trời xanh trứng sáo. Những bóng tối ảm đạm. Trong lối làm việc của mình, tôi có lý do để chú ý đến chúng.
Như đã nói, ân điển cứu rỗi duy nhất của tôi là sự xao lãng. Nó giữ cho tôi tỉnh táo. Nó giúp tôi vượt qua được khó khăn, xét đến quãng thời gian dài dằng dặc mà tôi đã dành để làm cái công việc này. Vấn đề là ở chỗ, liệu ai có thể thay thế được tôi cơ chứ? Ai có thể làm công việc của tôi, trong lúc tôi nghỉ ngơi thoải mái ở một điểm nghỉ mát đạt chuẩn chất lượng nào đó của các bạn, dù nó là khu nghỉ mát nhiệt đới hay khu du lịch trượt tuyết cùng được? Dĩ nhiên câu trả lời là: không có ai cả, và điều này đã khiến tôi đưa ra một quyết định hoàn toàn tỉnh táo có cân nhắc – ấy là xem sự xao lãng này như kỳ nghỉ của mình. Đến đây thì chẳng cần nói chắc bạn cũng hiểu, tôi nghỉ mát trong khi đang làm việc. Trong những sắc màu.
Dù vậy có thể là bạn vẫn còn thắc mắc, Tại sao gã này lại cần đến một kỳ nghỉ cơ chứ? Gã cần sự xao lãng khỏi cái gì?
Điều đưa tôi đến với điểm dừng tiếp theo của mình.
Là những người còn lại.
Những kẻ sống sót.
Họ là những người mà cứ nhìn thấy họ là tôi lại không chịu nổi, dù tôi vẫn thường thất bại trong việc này. Tôi thận trọng tìm kiếm các sắc màu để giữ cho tâm trí mình không còn bị họ ám ảnh nữa, nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn phải làm chứng nhân cho những con người còn sót lại, bị sụp đổ giữa trò ghép hình của nhận thức, sự tuyệt vọng và nỗi kinh ngạc ấy. Họ có những trái tim thủng lỗ chỗ. Họ có những buồng phổi thoi thóp.
Đổi lại, việc này đã dẫn dắt tôi đến với chủ đề mà tôi đang kể lại cho bạn tối nay đây, hay hôm nay đây, vào bất cứ giờ nào và sắc màu nào. Đó là câu chuyện về một trong những người còn sống sót cho đến hết đời ấy – một bậc thầy trong việc bị bỏ lại đằng sau.
Cùng với những chuyện khác, thì đây thực ra chỉ là một câu chuyện nhỏ về:
• một đứa bé gái
• vài lời nói
• một người chơi đàn xếp
• vài gã người Đức cuồng tín
• một tay đấm Do Thái
• và khá nhiều vụ ăn trộm.
Tôi đã nhìn thấy kẻ trộm sách ba lần.
BÊN ĐƯỜNG RAY TÀU HỎA
Trước hết là cái gì đó màu trắng. Trắng lóa cả mắt.
Vài người trong số các bạn thường cho rằng màu trắng không phải là một màu sắc thực sự, và là tất cả những gì vô nghĩa chán ngấy đại loại như thế. Để tôi nói cho bạn hay, nó đúng là một sắc màu đấy. Không nghi ngờ gì nữa, trắng là một sắc màu, và tôi không nghĩ là bạn muốn tranh cãi về chuyện đó.
MỘT THÔNG BÁO ĐỂ BẠN VỮNG DẠ HƠN
Làm ơn, hãy bình tĩnh,
đừng để ý đến lời de dọa ban nãy nhé.
Tôi chỉ hùng hổ thế thôi -
Tôi không bạo lực. Chẳng ác tâm.
Tôi chỉ là một kết cục.
Đúng, nó màu trắng.
Dường như cả tinh cầu đều mặc bộ cánh bằng tuyết. Nó khoác bộ cánh này lên cứ như bạn khoác lên mình một cái áo vậy. Bên cạnh đường ray, những bước chân đi ngập tuyết đến tận ống quyển. Đám cây cối trùm một tấm mền băng giá.
Đúng như điều bạn có thể tiên đoán, có người vừa chết.
Họ không thể đơn giản là để thằng bé lại trên mặt đất được. Bây giờ thì đó không phải là vấn đề gì lớn lắm, nhưng đường ray phía
trước rồi sẽ sớm được dọn quang, và đoàn tàu cần phải đi tiếp. Có hai nhân viên an ninh.
Một người mẹ và đứa con gái của bà ta.
Một cái thây ma.
Người mẹ, đứa con gái và cái thây ma ấy cứ lầm lì và yên lặng mãi như thế.
– Nào, mày muốn tao làm gì nữa đây?
Có hai nhân viên bảo vệ, một thấp một cao. Gã cao luôn mở miệng trước, dù hắn không phải là người chịu trách nhiệm chính. Hắn nhìn tên thấp bé, đậm người hơn với vẻ dò hỏi. Thằng này có khuôn mặt đỏ ậng như gấc. Gã đáp:
– Hừ, ta không thể cứ để mặc bọn họ thế này, đúng không? Gã cao đang dần mất kiên nhẫn. “Tại sao lại không chứ?”
Thế là gã thấp đậm gần như phát khùng lên. Gã ngước nhìn vào cằm của tên kia và thét, “Spinnst du? Mày bị ngớ ngẩn à!?” Cái vẻ ghê tởm càng lúc càng hiện rõ trên đôi gò má hắn. Lỗ chân lông trên da hắn như giãn nở ra. “Coi nào,” hắn vừa nói vừa đi đi lại lại không mục đích trên đám tuyết. “Ta sẽ mang cả ba người bọn họ quay về chỗ đoàn tàu nếu buộc phải làm thế. Ta sẽ báo trạm dừng kế tiếp.”
Phần tôi, tôi đã mắc phải một trong những sai lầm sơ đẳng nhất. Tôi không thể giải thích cho bạn hiểu được là tôi đã thất vọng với bản thân mình ghê gớm đến nhường nào đâu. Từ đầu đến giờ, tôi đã làm đúng mọi việc:
Tôi quan sát bầu trời mờ mịt tuyết trắng in trên ô cửa sổ của đoàn tàu đang chuyển bánh. Tôi gần như đã hút nó vào, dẫu vậy, tôi dã lừng khừng. Tôi khởi sự – tôi trở nên quan tâm đến đứa bé gái. Thói tò mò đã khuất phục được tôi, tôi đành ở lại đến chừng nào quỹ thời gian của mình còn cho phép và dõi theo nó.
Hai mươi ba phút sau, khi đoàn tàu dừng bánh, tôi trèo ra ngoài cùng họ.
Một linh hồn bé nhỏ đã yên vị trong vòng tay tôi.
Tôi đứng hơi dịch về mé phải một chút.
Bộ đôi nhân viên an ninh đường sắt năng nổ nọ quay về chỗ người mẹ, đứa bé gái, và cái thây ma con trai nhỏ nhắn. Tôi nhớ rõ là hôm ấy tiếng thở của mình rất nặng, đến mức tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy hai nhân viên nọ chẳng hề đoái hoài đến tôi trong lúc họ bước ngang qua tôi. Thế gian dường như đang võng xuống, dưới sức nặng của tất cả số tuyết bên trên nó.
Chừng mươi mét về bên trái tôi, đứa bé gái tái xanh tái mét, bụng lép kẹp ấy đang đứng đó, rét run cầm cập.
Miệng nó đánh bò cạp.
Đôi cánh tay lạnh giá của đứa bé gái khép chặt.
Những giọt nước mắt đã đông giá trên gương mặt của kẻ trộm sách.
THIÊN THỰC[1]
[1] Thiên thực là một hiện tượng thiên văn học khi một thiên thể chuyển động vào bóng tối của thiên thể khác (Các chú thích trong sách đều của người dịch).
Kế đến là cái ký hiệu màu đen, để thể hiện những thái cực thay đổi của tôi, nếu bạn muốn. Ấy là khoảnh khắc đen tối nhất trước lúc bình minh.
Lần này tôi đến để rước một người đàn ông khoảng chừng hai mươi tư tuổi. Xét theo một khía cạnh nào đó, thì nó là một cảnh tượng thật đẹp đẽ. Chiếc máy bay vẫn đang khạc nhổ ầm ĩ. Khói đang rò ra từ cả hai bên buồng phổi của nó.
Khi rơi xuống, nó tạo nên ba cái hố sâu hoắm trên mặt đất. Cánh của nó giờ đây trông như những cánh tay bị cưa đứt. Chúng không còn vỗ phành phạch nữa. Không còn vỗ cánh được nữa rồi, cái con chim sắt nhỏ bé ấy.
VÀI THỰC TẾ NHO NHỎ KHÁC
Đôi khi tôi đến quá sớm.
Tôi thì vội vàng,
Trong khi có vài kẻ bíu lấy sự sống
dai dẳng hơn mức mong đợi.
Vài phút sau, đám khói đã trở nên kiệt sức. Chiếc máy bay chẳng còn biểu hiện gì của sự sống nữa.
Đứa bé trai đến nơi trước trong hơi thở đứt quãng, cùng một thứ trông có vẻ như là thùng đồ nghề. Run lẩy bẩy, nó tiến gần đến cho
buồng lái và quan sát viên phi công, đoán xem anh ta có còn sống không, mà vào lúc đó thì anh ta vẫn còn sống. Kẻ trộm sách đến nơi chừng ba mươi giây sau đó.
Nhiều năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhận ra con bé. Nó đang thở hổn hển.
Từ đống đồ lộn xộn trong thùng đồ nghề, đứa bé trai lấy ra một con gấu nhồi bông.
Nó thò tay qua tấm kính chắn gió đã nát bấy và đặt món đồ chơi lên ngực người phi công nọ. Con gấu đang cười ấy ngồi rúc vào cái đống lộn xộn gồm người đàn ông và đám máu me bê bết của anh ta. Vài phút sau, tôi nắm bắt lấy cơ hội của mình. Đã đến lúc rồi.
Tôi bước vào, tách linh hồn ra khỏi thân xác người phi công nọ, và nhẹ nhàng mang nó ra ngoài.
Tất cả những gì còn lại là cái thây người, mùi khói khét lẹt đang phai dần, và con gấu bông đang mỉm cười.
Khi đám đông đến nơi, thì dĩ nhiên mọi việc đã thay đổi. Đường chân trời dần hiện ra như một nét vẽ bằng than. Những gì còn sót lại của bóng tối bên trên giờ chỉ là một nét nguệch ngoạc, và nhanh chóng tan biến.
Còn người đàn ông nọ có thể ví với màu xương. Bộ da màu xương. Một bộ quân phục nhàu nát. Đôi mắt nâu của anh ta lạnh ngắt – như đôi vệt cà phê vương vãi – và cái nét nguệch ngoạc ở trên cùng định hình thành một thứ theo tôi có vẻ như là một hình dạng kỳ quặc, nhưng lại khá quen thuộc. Đó là một ký hiệu.
Đám đông làm điều mà các đám đông vẫn làm.
Khi tôi đi qua, mỗi người đều đứng đó và chơi đùa với sự câm lặng của riêng mình. Đó là một hỗn hợp những cử động rời rạc của bàn tay, những câu nói nghẹn ngào, và những cái quay người lặng lẽ, tự chủ.
Khi tôi liếc nhìn lại chiếc máy bay, cái miệng há ra của người phi công nọ khiến anh ta trông như đang cười.
Một trò đùa nhơ bẩn cuối cùng.
Điểm nút của trò đùa ấy lại là một con người khác.
Anh ta cứ nằm đó, như được liệm trong bộ quân phục của mình trong lúc ánh sáng ảm đạm đang đánh vật với bầu trời. Cũng như với nhiều người khác, khi tôi bắt đầu rời đi, dường như lại có một bóng tối ngắn ngủi nữa, một khoảnh khắc cuối cùng của thiên thực – một sự chứng nhận rằng vừa có một linh hồn nữa ra đi.
Bạn thấy đấy, đối với tôi – chỉ trong một khoảnh khắc thôi, mặc cho tất cả những sắc màu đã chạm vào và níu giữ lấy cái mà tôi nhìn thấy trên thế giới này – tôi thường bắt gặp thiên thực khi có một con người lìa bỏ cõi đời.
Tôi đã nhìn thấy thiên thực hàng triệu triệu lần.
Tôi đã nhìn thấy thiên thực nhiều đến mức tôi không thể nhớ nổi. LÁ CỜ
Lần cuối cùng tôi thấy đứa bé gái ấy là màu đỏ. Bầu trời hôm đó trông như một nồi súp sôi sùng sục và đầy bất ổn. Đôi chỗ đã bị
cháy sém. Có những mẩu vụn màu đen và màu muối tiêu đọng thành vệt giữa cái nền màu đỏ ấy.
Trước đó chưa lâu, bọn trẻ con đã chơi lò cò ở đây, trên con đường trông như những trang giấy loang đầy vệt dầu mỡ này. Lúc đến tôi vẫn có thể nghe thấy được những âm vong. Tiếng chân chạm mặt đường. Giọng cười của bọn trẻ con, nhưng nụ cười chân thật, nhưng tất cả đều thối rữa rất nhanh.
Sau đó, là những quả bom.
Lần này, mọi thứ đều quá trễ.
Những hồi còi báo động. Tiếng hú inh ỏi trên loa phát thanh. Tất cả đều quá trễ.
Chỉ trong vòng vài phút, rất nhiều bê tông và đất đá đã chất thành từng đống lớn. Những con đường bị đứt mạch. Máu chảy thành dòng cho đến khi khô đi trên mặt đường, và xác người mắc kẹt lại, như những súc gỗ trôi dạt sau cơn lũ.
Họ đã bị dán chặt xuống mặt đất, từng người một. Một cái bọc toàn những linh hồn.
Đó phải chăng là số mệnh?
Hay một tai họa?
Có phải đó là thứ đã dán chặt họ xuống đất như vậy không? Dĩ nhiên là không.
Đừng có ngốc như thế chứ.
Hắn cảnh tượng này có liên quan đến những quả bom được thả xuống xối xả từ đám người đang nấp trên mây kia.
Trong nhiều giờ, bầu trời vẫn giữ nguyên một sắc đỏ hủy hoại, đặc quánh như thế. Cái thị trấn nhỏ bé của nước Đức này thêm một lần nữa bị tàn phá. Những bông tro tàn tung bay trong không trung một cách đáng yêu đến mức bạn chỉ muốn thè lưỡi ra mà bắt lấy chúng, nhấm nháp mùi vị của chúng. Chỉ có một vấn đề là chúng sẽ làm môi bạn cháy sém, chúng sẽ nấu chín miệng bạn.
Tôi nhìn thấy một cách rõ ràng.
Tôi đã chuẩn bị rời đi rồi, thì lại thấy nó đang quỳ gối ở đó.
Một dãy núi toàn gạch đá vỡ đã được tạo ra, được thiết kế được dựng lên xung quanh nó. Nó đang giật lấy một quyển sách.
Hơn hết, kẻ trộm sách rất muốn quay lại căn hầm, để viết hoặc để đọc lại toàn bộ câu chuyện của con bé một lần cuối cùng. Trong tầm ngắm của mình, tôi thấy điều này hiển hiện trên gương mặt nó. Nó thèm muốn vô cùng sự an toàn, mái ấm gia đình nó - nhưng nó không thể di chuyển được. Ngoài ra, căn hầm không còn nữa rồi. Nó đã trở thành một phần của khung cảnh nham nhở ấy.
Một lần nữa, tôi rất mong các bạn hãy tin tôi.
Tôi đã muốn dừng lại. Để cúi xuống.
Tôi đã muốn nói thế này.
“Ta rất tiếc, cô bé ạ.”
Nhưng điều này là không được phép.
Tôi đã không cúi xuống. Tôi đã chẳng nói gì cả.
Thay vào đó, tôi ngắm nhìn con bé một lúc. Khi nó đã có thể di chuyển được, tôi liền đi theo nó.
Cuốn sách tuột rơi khỏi tay.
Đôi chân nó khuỵu xuống.
Kẻ trộm sách rống lên khóc.
Quyển sách của nó đã bị dẫm lên vài lần khi quá trình dọn dẹp bắt đầu; và dù đã có lệnh chỉ dọn dẹp những đống bê tông và đất đá thôi, thì món đồ quý giá nhất của nó vẫn bị ném lên một cái xe tải chở rác. Lúc này, tôi thấy mình buộc phải ra tay Tôi trèo lên xe và nhặt quyển sách, không hề nhận thức được rằng tôi sẽ đọc câu chuyện của nó đến vài trăm lần trong nhiều năm nữa, trong những chuyến đi của mình. Tôi sẽ để mắt đến những nơi chốn chúng tôi gặp nhau, và kinh ngạc trước những điều đứa bé gái ấy đã nhìn thấy cũng như cách mà nó đã sống sót. Đó là điều tốt nhất mà tôi có thể làm được – khi thấy những điều nó viết ứng với mọi sự kiện tôi đã chứng kiến trong suốt thời gian đó.
Khi nhớ về đứa bé gái ấy, tôi luôn nhìn thấy một bản liệt kê dài những màu sắc khác nhau, nhưng ba sắc màu mà qua đó tôi nhìn thấy nó bằng xương bằng thịt thì luôn có sức âm vang mạnh mẽ nhất. Đôi lúc tôi cố gắng tránh xa ba khoảnh khắc đó. Tôi cứ lơ lửng như thế trên không trung, cho đến khi một sự việc trở nên thối rữa và hình thành nên hiện thực rõ ràng.
Đó là khi tôi thấy chúng cấu thành một công thức.
NHỮNG SẮC MÀU
MÀU ĐỎ:
MÀU TRẮNG: ○
MÀU ĐEN:
Chúng chồng lên nhau. Nét vẽ nguệch ngoạc màu đen, trên hình cầu mờ mịt màu trắng, trên cái nền màu đỏ đặc sệt.
Phải, tôi thường nhớ đến đứa bé gái ấy, và trong một trong rất nhiều hàng túi của mình, tôi đã lưu giữ câu chuyện của nó để kể lại. Đây chỉ là một thứ rất nhỏ trong nhiều thứ mà tôi mang theo bên mình, mỗi cái đều phi thường theo cách riêng của nó. Mỗi cái đều là một cố gắng – một nỗ lực tột bực – để chứng tỏ với tôi rằng, bạn, và sự tồn tại của loài người các bạn trên cõi đời này, là đáng giá.
Nó đây. Một trong số rất nhiều thứ như vậy.
Chuyện kẻ trộm sách.
Nếu bạn thích, hãy đến với tôi. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện.
Tôi sẽ cho bạn thấy một thứ.
Phần một: Sách hướng dẫn của phu đào huyệt
gồm có:
phố thiên đàng – nghệ thuật chửi đồ con lợn
- người đàn bà có nắm đấm thép – xin một nụ hôn
- jesse owens – giấy nhám – mùi của tình bạn
- nhà vô địch hạng nặng – và tổ mẹ của mọi watschen ĐẾN PHỐ THIÊN ĐÀNG
Lần cuối cùng ấy
Bầu trời đỏ ối ấy...
Làm sao mà một kẻ trộm sách lại phải nhận kết cục là quỳ mọp dưới đất mà gào khóc, sát bên con bé là đống gạch đá vỡ nát, kỳ quặc và nhầy nhụa do con người tạo ra? Nhiều năm trước, khởi đầu chỉ có toàn tuyết là tuyết. Đã đến lúc một người phải ra đi rồi.
MỘT KHOẢNH KHẮC BI KỊCH ĐẾN TẬN CÙNG
Đoàn tàu đang lao đi rất nhanh.
Trong đó lèn đầy người.
Một đứa bé trai sáu tuổi
đã chết ở toa tàu thứ ba.
Kẻ trộm sách và em trai nó đang đi tàu hỏa đến Munich, nơi cả hai sẽ sớm được bàn giao cho bố mẹ nuôi của chúng. Cố nhiên là bây giờ thì chúng ta đã biết rằng đứa bé trai không sống được cho đến lúc đó.
ĐIỀU NÀY XẢY RA NHƯ SAU
Có một cơn ho dữ dội vọt ra.
Gần như là được truyền cảm hứng để mà bật ho rũ rượi. Và không lâu sau – chẳng còn gì nữa hết.
Khi cơn ho chấm dứt, chẳng còn gì ngoài sự trống rỗng của cuộc sống lê lết trôi đi, hay một sự co giật gần như không hề phát ra tiếng động. Một thứ gì đó bất thình lình đã tìm thấy đường vào đôi môi của thằng bé, đôi môi bợt bạt với lớp da tróc ra từng mảng như sơn cũ. Đôi môi ấy rất cần được tu chỉnh lại.
Mẹ chúng đang ngủ.
Tôi vào bên trong toa tàu.
Chân tôi bước qua lối đi hỗn loạn và lòng bàn tay tôi bịt chặt miệng thằng bé chỉ trong nháy mắt.
Không ai chú ý cả.
Đoàn tàu vẫn lăn bánh.
Ngoại trừ đứa bé gái.
Với một mắt mở, mắt kia vẫn nhắm mơ màng, kẻ trộm sách – còn được biết đến với cái tên Liesel Meminger – có thể thấy rõ rằng
đứa em trai Werner của nó đang nằm nghiêng sang một bên, và đã chết.
Đôi mắt xanh của thằng bé nhìn trừng trừng xuống sàn nhà. Nhìn vào cõi vô định.
Trước khi thức dậy, kẻ trộm sách đã mơ về ngài Quốc trưởng, tức Adolf Hitler. Trong mơ, nó thấy mình được tham dự một buổi mít - tinh có ngài đọc diễn văn, và đang ngắm cái phần màu sọ trắng hếu trên mái tóc và bộ râu mép đen kịt, vuông chằn chặn của ngài. Nó lắng nghe một cách mãn nguyện dòng thác ngôn ngữ xối xả tuôn ra từ miệng ngài. Những câu nói của ngài bừng sáng lên trong ánh đèn. Trong một khắc yên lặng, tưởng như ngài đã cúi xuống và cười với nó. Nó đáp lại cử chỉ ấy và nói, “Chúc một ngày tốt lành, thưa Quốc trưởng vĩ đại. Ngài có khỏe không?” Nó nói không được lưu loát cho lắm, thậm chí còn không biết đọc, vì nó ít tới trường. Lý do của việc này thì nó sẽ tìm ra vào đúng thời điểm thích hợp.
Ngay lúc Quốc trưởng sắp sửa trả lời thì nó tỉnh giấc.
Đó là vào tháng Giêng năm 1939. Nó chín tuổi, và sắp sửa lên mười.
Em trai nó đã chết.
***
Một mắt mở.
Mắt kia vẫn nhắm mơ màng.
Sẽ tốt hơn nếu nó có được một giấc mơ trọn vẹn, tôi nghĩ vậy nhưng tôi thực sự không kiểm soát được chuyện này.
Con mắt thứ hai bừng tỉnh và không nghi ngờ gì nữa nó đã bắt quả tang tôi tại trận. Đó là lúc tôi đang quỳ xuống và hút linh hồn của thằng bé ra, giữ nó hờ hững trong vòng tay căng phồng của mình. Nó ấm lên không lâu sau đó, nhưng lúc đầu – khi tôi tách linh hồn của thằng bé, thì linh hồn ấy mềm oặt và lạnh ngắt như kem. Nó bắt đầu tan chảy ra trong vòng tay tôi. Sau đó, nó ấm lên hoàn toàn. Bình phục hoàn toàn.
Phần Liesel Meminger, người nó cứng đờ ra, và những suy nghĩ dữ dội cứ cuồn cuộn chảy trong đầu nó. Es stimmt nitch. Điều này là không có thật. Điều này không có thật.
Rồi nó lay gọi.
Tại sao người ta luôn phải lay họ nhỉ?
Được, tôi biết, tôi biết rồi, tôi phải thừa nhận rằng hành động này có cái gì đó thuộc về bản năng của con người. Để ngăn chặn dòng chảy của sự thật. Lúc ấy, trái tim của đứa bé gái trơn nhẫy và nóng bỏng, tim nó đập thình thịch rất to, thình thịch thình thịch.
Tôi đã nán lại một cách ngu ngốc. Tôi quan sát.
Tiếp theo là mẹ của đứa bé gái.
Nó đánh thức bà dậy cũng bằng những cú lay mạnh đến quẫn trí như thế.
Nếu bạn không thể tưởng tượng ra được khung cảnh này, hãy nghĩ đến sự câm lặng vụng về. Hãy nghĩ đến từng mảnh từng miếng
cảm xúc tuyệt vọng trôi nổi trong không gian. Và việc bị chết chìm trong một đoàn tàu hỏa.
Tuyết cứ rơi mãi không ngừng, và chuyến tàu đến Munich buộc phải dừng lại vì người ta còn phải dọn dẹp đường ray. Trên tàu có một người đàn bà than khóc. Một đứa bé gái đứng chết lặng bên cạnh bà.
Trong cơn hoảng loạn, người mẹ mở cửa.
Bà trèo xuống nền đất ngập tuyết, tay ôm chặt cái thây ma bé nhỏ.
Đứa bé gái còn làm được gì khác ngoài việc đi theo bà chứ? ***
Như bạn đã được biết, hai nhân viên bảo vệ cũng ra khỏi tàu hỏa. Họ bàn bạc và tranh cãi về điều mà họ sẽ phải làm. Tình cảnh này, nói cho nhẹ nhàng nhất, cũng là rất đáng ghê tởm. Sau cùng họ quyết định rằng cả ba mẹ con nọ nên được đưa đến thị trấn kế tiếp và giải quyết vấn đề của mình ở đó.
Lần này tàu hỏa cứ ì ạch chạy qua vùng đất ngập tuyết ấy. Nó tập tễnh lết đi rồi dừng hẳn lại.
Họ bước vào sân ga, cái thây ma vẫn ở trong vòng tay mẹ nó. Họ đứng đó.
Thằng bé đang trở nên nặng dần.
Liesel không biết mình đang ở đâu. Bốn bề đều trắng xóa, và khi họ đứng ở ga, con bé chỉ có thể nhìn chằm chằm vào những con
chữ mờ mịt trên tấm biển báo trước mặt. Với Liesel, thị trấn này không có tên, và đây là nơi mà đứa em trai Werner của nó được chôn cất hai ngày sau đó. Những người làm chứng gồm có một linh mục và hai phu đào huyệt lúc nào cũng run lên cầm cập vì lạnh.
MỘT QUAN SÁT
Hai nhân viên đoàn tàu.
Hai phu đào huyệt.
Khi đến lúc, một người trong số họ đưa ra quyết định, người kia làm điều anh ta được bảo phải làm.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu người kia lớn hơn con số một rất nhiều thì sao?
Sai lầm nối tiếp sai lầm, dường như có những lúc tôi chẳng làm được gì khác ngoài việc mắc sai lầm.
Trong suốt hai ngày, tôi tiếp tục làm công việc của mình. Tôi đi vòng quanh Trái Đất như thường lệ, chuyển những linh hồn lên cái băng chuyền dẫn đến cõi vĩnh hằng. Tôi nhìn chúng từ từ lăn vào trong một cách thụ động. Đã vài lần tôi tự cảnh báo mình rằng, tốt nhất là tôi phải tránh xa buổi chôn cất đứa em trai của Liesel Meminger. Nhưng tôi đã không để ý đến lời khuyên do chính mình đặt ra ấy.
Từ cách xa nhiều dặm, trong lúc đang tiến đến gần tôi đã có thể thấy một nhóm người đang đứng với vẻ ơ hờ giữa vùng đất hoang phế phủ đầy tuyết trắng. Nghĩa địa đón chào tôi như một người bạn thân thiết, và chỉ chốc lát sau, tôi đã nhập bọn với họ. Tôi cúi đầu.
Bên trái Liesel, những người phu đào huyệt đang xoa xoa tay vào nhau, làu bàu về chuyện tuyết, và hoàn cảnh đào huyệt lúc đó. “Đào được qua đám băng này khó khăn lắm đây,” và những chuyện đại loại thế. Một người trong số họ hẳn chưa quá mười bốn tuổi. Một cậu học việc. Khi cậu ta đi khỏi, một quyển sách bìa đen tình cờ rơi ra khỏi túi áo khoác mà cậu vẫn chẳng hề hay biết. Lúc ấy thì cậu đã đi xa được chừng hơn hai chục bước rồi.
Vài phút sau, mẹ của Liesel bắt đầu rời khỏi nghĩa địa cùng với vị linh mục. Bà cảm ơn ông vì đã làm lễ cho buổi chôn cất thằng bé.
Dù vậy, đứa bé gái vẫn nán lại.
Hai đầu gối của nó quỳ bệt xuống đất. Thời điểm của nó đã đến.
Vẫn còn chưa tin được những gì đã xảy ra, nó bắt đầu đào xới. Em ấy không thể chết. Em ấy không thể chết được. Không thể thế được.
Chỉ sau vài giây, da thịt nó đã bị băng tuyết cắt cho bật máu. Máu đông chạy chằng chịt trên đôi bàn tay của nó.
Đâu đó trong đám tuyết phủ dày đặc ấy, nó có thể nhìn thấy trái tim tan vỡ của mình, trái tim ấy đổ vỡ thành hai mảnh– Mỗi mảnh đều đang bừng sáng và đập thình thịch dưới đám tuyết trắng xóa. Nó chỉ nhận thức được việc nó quay lại đón khi cảm thấy có một bàn tay gầy guộc chộp lấy vai mình. Nó bị lôi đi. Một tiéng thét tức tưởi thoát ra cổ họng nó.
MỘT HÌNH ẢNH NHỎ, CÁCH ĐÓ CHỪNG HAI MƯƠI MÉT
Khi trò lôi kéo đã chấm dứt, người mẹ và đứa con gái của bà đứng đó và thở hồng hộc.
Có cái gì đó hình chữ nhật màu đen đang ngập trong tuyết. Chỉ có đứa bé gái nhìn thấy.
Con bé cúi xuống nhặt nó lên, rồi giữ chặt lấy trong những ngón tay của mình.
Một quyển sách có in chữ màu bạc.
Họ nắm tay nhau.
Một câu vĩnh biệt bi thảm sau cùng được thốt lên thành lời, rồi họ quay người và rời khỏi nghĩa địa, thỉnh thoảng ngoái đầu nhìn lại.
Phần tôi, tôi nán lại lâu hơn một chút.
Tôi vẫy tay chào tạm biệt.
Chẳng có ai vẫy tay chào lại cả.
Người mẹ và đứa con gái của bà ta đã bỏ lại sau lưng khu nghĩa địa trống hoác, quay lại ga để đón chuyến tàu kế tiếp đến Munich.
Cả hai đều gầy ngẳng và xanh mét.
Cả hai đều có những vết bầm dập trên môi.
Liesel nhận thấy điều này khi nhìn vào ô cửa sổ bẩn thỉu và ám đầy sương giá của đoàn tàu, lúc hai mẹ con nó lên tàu trước buổi trưa hôm ấy. Theo những từ ngữ được viết ra bởi bản thân kẻ trộm sách, thì chuyến đi lại tiếp tục như mọi việc vẫn xảy ra.
Khi vào ga Munich, hành khách túa ra khỏi tàu như từ một cái bao bị thủng. Có đủ mọi hạng người, nhưng trong số họ thì đám người nghèo là dễ nhận ra nhất. Những kẻ bần cùng luôn cố gắng dịch chuyển không ngừng, cứ như thể việc thay đổi vị trí có thể tạo ra cơ may giúp họ cải thiện phần nào tình thế. Họ không thèm chú ý đến thực tế là một phiên bản mới của vấn đề cũ rích ấy sẽ đợi họ ở cuối cuộc hành trình – như người họ hàng mà bạn phải co rúm người lại mới dám hôn vậy.
Tôi cho rằng mẹ đứa bé gái biết điều này rất rõ. Bà không đưa con mình đến những nơi tươm tất hơn ở Munich, mà là tìm cho được một gia đình nhận con nuôi, và nếu không có gì thay đổi thì gia đình mới này ít nhất cũng có thể cho hai đứa con, một trai một gái, của bà ăn uống tốt hơn chút đỉnh, và giáo dục chúng nó một cách đàng hoàng.
Cái thằng bé ấy.
Liesel chắc rằng mẹ nó vẫn đau đáu trong lòng kỷ niệm về đứa em trai của nó, thằng bé đã được bà bế xốc trên vai. Bà đã làm rơi nó. Bà đã nhìn thấy đôi cẳng chân, bàn chân và thân người nó đập xuống sàn nhà ga.
Làm sao mà bà ấy vẫn có thể bước đi được?
Làm sao mà bà ấy vẫn có thể di chuyển được cơ chứ?
Đó là những câu hỏi mà tôi sẽ không bao giờ trả lời được hay nhận thức được cho thấu đáo – rằng con người có thể làm được những điều phi thường đến nhường nào.
Bà xốc cái xác thằng bé dậy và tiếp tục bước đi, đứa bé gái nép sát bên người bà.
Các quyền lợi được thông qua, những câu hỏi được đặt ra về sự chậm trễ và cái chết của đứa bé trai làm trái tim dễ tổn thương của họ xao động... Liesel vẫn đứng trong góc văn phòng nhỏ xíu và bụi bặm ấy, trong lúc mẹ nó ngồi trên một chiếc ghế cứng quèo với những suy nghĩ ám ảnh quay cuồng trong đầu.
Sau đó là hàng loạt những lời chia tay lộn xộn.
Mái đầu của đứa bé gái vùi trong cái áo khoác len đã sờn của mẹ nó. Lại có thêm vài chặp lôi kéo nữa.
Cách ngoại ô Munich khá xa là một thị trấn nhỏ với cái tên Molching, mà tốt nhất là bạn và tôi có thể đọc từ này là Molking. Đó là nơi họ đang đưa đứa bé gái tới, một con phố tên là Himmel.
DỊCH NGHĨA
Himmel = Thiên Đàng
Dù người đã đặt tên cho con phố này là phố Thiên Đàng có là ai đi chăng nữa, thì hẳn gã ta phải có một khiếu mỉa mai rất sắc sảo. Không phải vì con phố ấy là một địa ngục trần gian. Không phải thế đâu. Nhưng chắc chắn là nó cũng chẳng phải thiên đàng gì ráo.
Dù sao đi nữa thì cha mẹ nuôi của Liesel cũng đang đợi. Gia đình Hubermann.
Họ đang trông đợi một đứa bé gái và một đứa bé trai, và sẽ được trả một khoản trợ cấp nhỏ cho việc nhận nuôi chúng. Không ai
muốn là người báo cho Rosa Hubermann biết rằng đứa bé trai đã không vượt qua được chuyến đi khắc nghiệt vừa rồi. Thực ra, chẳng ai muốn nói với bà ta bất cứ điều gì cả. Tính khí của người đàn bà này không được dễ chịu cho lắm, dù người ta đã dành cho bà những nhận xét tốt dẹp trong việc nuôi dạy mấy đứa con nuôi trước đây. Có vẻ như bà đã giáo dục được vài đứa đến nơi đến chốn.
Về phía Liesel, thì đó là một chuyến đi bằng ôtô.
Trước đây con bé chưa bao giờ ở trong một cái ôtô cả.
Dạ dày nó quặn lên từng chập, và nó cứ bám víu lấy hy vọng hão huyền là người ta sẽ lạc đường hoặc thay đổi ý định. Trên hết, những suy nghĩ của nó không khỏi hướng về mẹ nó, ở Bahnhof, đang chờ để ra đi lần nữa. Bà đang run lẩy bẩy. Bà đang bị gói lại trong cái áo khoác vô dụng ấy. Bà hẳn đang gặm móng tay, đợi tàu hỏa đến. Ga tàu dài dằng dặc và chẳng dễ chịu chút nào - nó là một tấm xi măng lạnh ngắt. Liệu trên chuyến tàu quay về, bà có còn đủ sức để mờ mắt nhìn lại vùng đất mông lung đã trở thành nơi chôn cất đứa con trai của bà không? Hay bà sẽ bị cơn buồn ngủ hoàn toàn đánh gục?
Xe chuyển bánh, và Liesel khiếp sợ nhìn lại khúc quanh chết chóc tưởng như tận cùng thế giới sau lưng mình.
Cả ngày hôm đó chỉ có duy nhất một màu xám xịt, màu sắc đặc trưng của châu Âu.
Những tấm màn mưa phủ dày đặc quanh xe.
“Gần đến nơi rồi.” Người của trại chăm sóc trẻ mồ côi, bà Heinrich, quay lại và mỉm cười với nó. “Dein neues Heim. Nhà mới của cháu đây.”
Liesel lấy tay chùi một vòng tròn trên tấm kính xe phủ đầy hơi nước và nhìn ra ngoài.
MỘT HÌNH ẢNH CỦA PHỐ THIÊN ĐÀNG
Những tòa nhà, hầu hết đều là những căn nhà nhỏ và hộ chung cư, như được dán dính lại với nhau và đượm vẻ bồn chồn lo lắng. Tuyết dày đặc trải khắp nơi như một tấm thảm. Chỉ có bê tông, những cây trơ trụi lá tựa như giá treo mũ.
Và một không gian xám xịt.
Trong xe còn có một người đàn ông. Ông ta ở lại với đứa bé gái trong lúc bà Heinrich biến vào trong nhà. Ông không hé răng nói lời nào. Liesel cho rằng người đàn ông này có mặt ở đó để canh chừng nó không chuồn mất, hay để ép buộc nó vào bên trong nhà, phòng khi nó có gây cho họ bất cứ rắc rối nào. Tuy nhiên, khi rắc rối thực sự xảy ra sau đó, người đàn ông này chỉ ngồi yên và quan sát. Có lẽ ông ta là phương án sau chót, là cách giải quyết cuối cùng.
Sau vài phút, một người đàn ông rất cao bước ra. Đó là Hans Hubermann, bố nuôi của Liesel. Đứng bên cạnh ông là bà Heinrich với chiều cao khiêm tốn. Đi bên kia là Rosa Hubermann béo lùn, trông bà ta giống như một tủ áo nhỏ di động với một tấm áo khoác phủ bên ngoài vậy. Bà sở hữu một dáng đi lạch bạch rất đặc trưng. Cái dáng đi ấy làm cho bà trở nên gần như là đáng yêu, nếu không tính đến khuôn mặt của bà, trông nó tựa một tấm bìa các-tông nhàu
nhĩ và khó chịu, cứ như thể bà luôn phải gồng mình chịu đựng mọi chuyện vậy. Chồng bà sải những bước rất thẳng, với một điếu thuốc lá cháy âm ỉ kẹp giữa những ngón tay. Ông ấy tự vấn thuốc cho mình.
Sự thể là thế này:
Liesel sẽ không chịu ra khỏi chiếc xe hơi.
“Was ist los mit diesem Kind?” Rosa Hubermann giật giọng hỏi. Rồi bà ta lại hỏi lần nữa. “Con bé này bị làm sao thế?” Bà thò mặt vào trong cái xe hơi và nói, “Na, komm. Komrn. Nào, ra đây. Ra đây.”
Cái ghế ngồi đằng trước bị bẻ gập xuống. Một luồng sáng chói lòa và lạnh giá tràn vào trong xe như mời gọi con bé ra ngoài. Nó vẫn không chịu nhúc nhích.
Bên ngoài, qua hình tròn mà nó đã chùi trên tấm kính, Liesel có thể nhìn thấy những ngón tay của người đàn ông cao lớn nọ chúng vẫn đang kẹp điếu thuốc. Tro tàn tụ đầy đầu điếu thuốc và điếu thuốc ấy được rít thêm vài lần nữa trước khi bị vứt xuống đất. Phải mất đến mười lăm phút họ mới có thể dỗ được đứa bé gái ra khỏi xe. Người làm được điều này không ai khác ngoài người đàn ông cao lớn nọ.
Ông đã làm điều này trong im lặng.
***
Cánh cổng là thứ tiếp theo mà đứa bé gái níu chặt lấy.
Nước mắt tuôn trào từ đôi mắt con bé, khi nó bám lấy cánh cổng và không chịu vào trong nhà. Người ta bắt dầu tụ tập lại trên phố, cho đến khi Rosa Hubermann chửi rủa ầm ĩ vào mặt họ, thì họ mới chịu bỏ đi.
DỊCH LỜI CỦA ROSA HUBERMANN
“Lũ khốn kiếp, các người đang nhìn cái chó gì thế hả?”
Cuối cùng thì Liesel Meninger cũng bước rón rén vào trong nhà. Hans Hubermann nắm lấy một tay nó. Tay kia con bé xách một vali nhỏ xíu. Vùi sâu bên dưới nhiều lớp quần áo trong vali ấy là một quyển sách nhỏ màu đen, như tất cả chúng ta đều đã biết, đó hẳn là thứ mà một phu đào huyệt mười bốn tuổi tại một thị trấn vô danh đã tìm kiếm suốt mấy tiếng đồng hồ qua. “Cháu hứa với ngài đấy,” tôi tưởng tượng ra cảnh cậu ta đang nói với ông chủ của mình, “cháu cũng chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra nữa. Cháu đã tìm khắp nơi rồi. Khắp nơi!” Tôi chắc cậu ta sẽ không bao giờ nghĩ ra rằng, kẻ đã lấy quyển sách chính là đưa bé gái ấy vậy mà nó lại đang ở đó – một quyển sách màu đen in chữ bạc đang nằm dưới đống quần áo của con bé.
SÁCH HƯỚNG DẪN CỦA PHU ĐÀO HUYỆT
Một hướng dẫn gồm mười hai bước để đào huyệt thành công. Xuất bản bởi Hội nghĩa trang Bayern.
Kẻ trộm sách đã thực hiện phi vụ đầu tiên của mình – và đó là khởi đầu của một sự nghiệp lẫy lừng.
NUÔI MỘT CON LỢN
Đúng, một sự nghiệp lẫy lừng.
Dù vậy, tôi phải thừa nhận ngay rằng, có một sự gián đoạn đáng kể giữa quyển sách đầu tiên bị lấy trộm và quyển thứ hai. Một điểm đáng lưu ý khác là quyển đầu tiên được lấy trộm từ trong tuyết, còn quyển thứ hai là từ lửa. Ấy là chưa nói đến những quyển khác mà người ta cho nó. Tổng cộng con bé có tất cả mười bốn quyển sách, nhưng nó nhận thấy câu chuyện của mình được tạo nên chủ yếu là nhờ mười quyển trong số này. Trong số mười quyển sách đó, có sáu quyển là do lấy trộm mà có, một quyển xuất hiện trên mặt bàn bếp, hai quyển do một người Do Thái luôn phải lẩn trốn làm riêng cho nó, và một quyển được mang đến vào một buổi chiều nhuộm nắng.
Khi bắt tay vào viết câu chuyện của mình, nó sẽ tự hỏi rằng chính xác là từ lúc nào mà những quyển sách và ngôn từ này không chỉ là một phần cuộc sống, mà đã trở nên toàn bộ sinh mệnh nó. Có phải đó là lần đầu tiên nó nhìn thấy một căn phòng toàn sách là sách? Hay đó là khi Max Vandenburg khốn khổ đến được phố Thiên Đàng cùng với quyển sách Mein Kampf[1] của Hitler? Là đọc sách trong những căn hầm tránh bom? Là cuộc diễu hành cuối cùng tới Dachau[2]? Hay đó là quyển Người làm rung chuyển thế giới? Có thể sẽ chẳng bao giờ có một câu trả lời rõ ràng về thời gian và nơi chốn xảy ra sự chuyển biến ấy, nhưng dù thế nào đi nữa thì đó cũng là những chuyển xảy ra sau này. Trước khi xét đến những chuyện ấy, thì đầu tiên ta phải dạo qua những khởi đầu của Liesel Meminger tại phố Thiên Đàng, và nghệ thuật chửi đồ con lợn cái đã.
[1] Đây là một quyển sách nửa hồi ký nửa trình bày tư tưởng chính trị của Hitler, tựa đề sách dịch ra tiếng Việt có nghĩa là ‘Cuộc tranh đấu của tôi’.
[2] Dachau là một thành phố nằm ở miền Nam nước Đức, và cũng là nơi có trại tập trung Do Thái đầu tiên thời Đức Quốc xã. “Cuộc diễu hành cuối cùng tới Dachau” chỉ chuyến đi của những người Do Thái bị bắt đến đây để thẩm vấn và chẳng bao giờ trở về nữa.
Lúc nó đến nơi, bạn vẫn có thể nhìn thấy những vết của tuyết cắt lên da thịt của đôi bàn tay, và máu đông trên những ngón tay nó.
Tất cả mọi thứ ở con bé đều toát lên một vẻ gì đó thiếu thốn. Hai cẳng chân loẻo khoẻo. Đôi cánh tay gầy guộc như giá treo áo. Nó không dễ dàng rặn ra được một nụ cười, song lúc con bé cười, thì nụ cười ấy luôn nhuốm vẻ đói meo đói mốc.
Mái tóc của nó có một màu vàng kiểu Đức vẫn còn nhận ra được, nhưng nó có một đôi mắt nguy hiểm. Màu nâu sẫm. Bạn không thực sự muốn mắt mình có màu nâu ở Đức vào thời điểm ấy đâu. Có thể nó đã thừa hưởng màu mắt ấy từ cha mình, nhưng con bé không có cách nào xác minh được giả thuyết này, vì nó không nhớ cha nó trông ra sao cả. Nó chỉ thực sự biết có duy nhất một điều về cha mình. Đó là danh hiệu người ta gán cho ông, mà quả thật là nó chẳng hiểu tí nào.
MỘT DANH TỪ LẠ LÙNG
Người cộng sản
Nó đã nghe thấy từ này vài lần trong những năm qua.
Có những ngôi nhà trọ được nhồi nhét đầy người, những căn phòng tràn ngập các câu hỏi. Và cái từ ấy. Cái từ lạ lùng ấy luôn lởn vởn đâu đó, giấu mình trong một xó xỉnh nào đấy, quan sát mọi thứ từ trong bóng tối. Cái từ đó trong những bộ quần áo, đồng phục. Dù họ có đi đến đâu, thì cái từ này cũng ở đó, mỗi lần cha nó được nhắc đến. Khi con bé hỏi mẹ mình điều này có nghĩa là gì, thì mẹ bảo nó rằng điều ấy không quan trọng, rằng nó không nên lo lắng vớ vẩn về những việc như vậy.Ở một nhà trọ. có một người phụ nữ còn tương đối khỏe mạnh đã cố gắng dạy bọn trẻ con học viết bằng cách dùng than vạch chữ lên tường. Liesel rất muốn hỏi bà ý nghĩa của từ này, nhưng việc đó chẳng bao giờ xảy ra. Một ngày nọ, người đàn bà ấy bị bắt đi thẩm vấn. Bà không quay về nữa.
Khi Liesel đến Molching, ít nhất thì nó cùng có chút ý niệm mơ hồ rằng mình đã được cứu sống, nhưng đó không phải là một cảm giác thoải mái dễ chịu cho lắm. Nếu mẹ nó yêu thương nó, thì tại sao bà lại bỏ mặc nó trên bậc cửa nhà người khác cơ chứ?
Tại sao? Tại sao vậy?
Tại sao vậy?
Thực ra nó biết rõ câu trả lời – dù chỉ ở mức độ căn bản nhất – nhưng có vẻ như câu trả lời này không hề thỏa đáng chút nào. Mẹ nó ốm đau luôn, và chẳng bao giờ có tiền chữa bệnh. Nó biết điều đó. Nhưng như thế cũng không có nghĩa là nó phải chấp nhận điều dó. Dù người ta có bảo nó bao nhiêu lần rằng nó vẫn được yêu thương đi nữa, thì cũng chẳng có bằng chứng nào của việc này nằm
trong thực tế là người ta đã bỏ rơi nó. Không gì có thể thay đổi được việc nó chỉ là một đứa bé ốm yếu, lạc lõng tại một nơi hoàn toàn xa lạ, với những con người thậm chí còn xa lạ hơn nữa. Nó rất cô đơn.
Gia đình Hubermann sống tại một trong những căn nhà hộp nhỏ xíu trên phố Thiên Đàng. Vài gian phòng, một căn bếp, và một nhà xí dùng chung với các nhà hàng xóm. Mái nhà phẳng, và ngôi nhà có một tầng hầm nông choèn để chứa đồ đạc linh tinh. Đó không phải là một căn hầm với chiều sâu thỏa đáng. Vào năm 1939. điều này thực ra chẳng có gì đáng nói. Nhưng sau đó, vào khoảng năm 42 và 43, thì nó lại trở thành vấn đề. Khi những cuộc oanh kích bằng máy bay bắt đầu, người ta luôn phải nháo nhào chạy ra đường để tìm một chỗ trú ẩn an toàn hơn thay vì chui xuống hầm.
Ban đầu, những lời mắng mỏ tục tĩu là thứ tạo nên sức ảnh hưởng lớn nhất. Chúng thật mãnh liệt, và liên tục được sáng tác ra. Mỗi giây đều có một từ kiểu như Saumensch hay Saukerl hay Arschloch[3]– được phun ra. Với những người chưa hiểu các từ này lắm, có lẽ tôi nên giải thích một chút. Sau, dĩ nhiên là để ám chỉ loài lợn. Trong trường hợp từ Saumensch, nó được dùng để khiển trách, mắng mỏ hay nói thẳng ra là sỉ nhục một người phụ nữ. Saukerl (đọc là Sau–kơ) có ý nghĩa tương tự, nhưng dành cho đàn ông. Arshloch có thể được dịch thẳng ra thành cái lỗ đít. Tuy nhiên từ này thì không phân biệt giới tính nào cả. Nó chỉ đơn giản là cái lỗ đít, thế thôi.
[3] Từ phần này của cuốn sách trở đi, những từ tiếng Đức thuộc dạng này sẽ được ghi thẳng bằng tiếng Việt, để thuận tiện hơn cho người đọc.
“Saumensch du dreckigs!” Mẹ nuôi của Liesel đã gầm lên như thế vào buổi tối đầu tiên ấy, khi nó không chịu đi tắm. “Cái đồ con lợn bẩn thỉu này! Tại sao mày không chịu cởi đồ ra chứ hả?” Bà là người rất giỏi trong việc nổi cơn thịnh nộ. Thực ra bạn hoàn toàn có thể nói rằng khuôn mặt của Rosa Hubermann được tô điểm bởi những cơn thịnh nộ thường trực. Đó là cách mà những vết nhàu nhĩ đã hình thành trên lớp da giống như giấy các–tông của bà ấy.
Hẳn là Liesel đã từng phải tắm rửa trong lo sợ. Không đời nào nó chịu đi tắm hay lên giường đi ngủ theo kiểu đó cả. Nó bị ép vào một góc của phòng rửa mặt bé tẹo như kho chứa đồ, và bám chặt lấy những cánh tay tưởng tượng của bức tường với hy vọng tìm kiếm được sự trợ giúp nào đó. Chẳng có gì khác ngoài những lớp sơn đã khô, những tiếng thở nặng nhọc và hàng tràng xỉ vả của Rosa như tát nước vào mặt con bé.
“Đừng hành hạ con bé nữa.” Hans Hubermann cắt ngang trận la lối. Giọng nói nhẹ nhàng của ông len vào, cứ như nó trượt qua một đám đông vậy. “Để đấy cho tôi.”
Ông tiến đến gần hơn và ngồi xuống sàn, dựa lưng vào tường. Những tấm đá lát tường lạnh ngắt và thật chẳng dễ chịu chút nào.
“Con có biết cách vê một điếu thuốc không?” Ông hỏi nó, vào trong khoảng một giờ đồng hồ tiếp theo, họ ngồi trong cái bể đựng bóng tối mỗi lúc một đầy lên ấy, chơi với đám lá thuốc và những tờ giấy vê thuốc, rồi sau đó Hans Hubermann châm thuốc hút.
Một giờ đồng hồ trôi qua, Liesel đã có thể vê một điếu thuốc tương đối hoàn chỉnh. Nhưng nó vẫn không chịu đi tắm.
VÀI THÔNG TIN VỀ HANS HUBERMANN
Ông ấy thích hút thuốc.
Điều ông ấy thích nhất trong việc hút thuốc là công đoạn vê thuốc.
Ông là một thợ sơn theo thời vụ và một người chơi đàn xếp[4].
Việc này đôi khi cũng có ích, nhất là vào mùa đông, khi ông có thể kiếm được một ít tiền bằng cách chơi nhạc trong các quán rượu ở Molching, như quán Knoller chẳng hạn.
Ông ta đã lừa được tôi một lần trong một cuộc thế chiến, nhưng sau đó sẽ bị lôi vào một cuộc thế chiến khác (giống như một phần thưởng khó chịu và ngang ngạnh vậy), song không biết vì sao mà ông vẫn tìm cách tránh được tôi lần nữa.
[4] Đàn accordion, hay còn gọi là tiểu phong cầm, một loại đàn mà người chơi một tay bấm bàn phím như phím đàn piano cỡ nhỏ, tay kia bấm các nút, đồng thời kết hợp động tác kéo ra kéo vào của cả hai tay.
Với hầu hết mọi người, Hans Hubermann là một người đơn giản đến mức trần trụi. Một tay nhạt nhẽo. Tất nhiên, kỹ năng sơn phết của ông vào loại xuất sắc. Kỹ năng âm nhạc của ông thì ở mức trên trung bình. Dù vậy, làm thế nào đó, và tôi chắc là bạn đã gặp những người tương tự như vậy rồi, ông có khả năng xuất hiện ở hậu cảnh, ngay cả khi ông đang đứng ở vị trí đầu tiên của một hàng người đi chăng nữa. Ông luôn ở đúng chỗ đó. Không dễ nhận thấy. Không quan trọng hay có giá trị đặc biệt gì cả.
Chỗ thất bại của cái ngoại hình ấy, như bạn có thể hình dung được, là nó khiến người ta hiểu sai hoàn toàn về ông, hãy nói như vậy. Rõ ràng ông là một người có giá trị, và điều này không bị Liesel Meminger bỏ qua (Trẻ con có những lúc khôn ngoan hơn rất nhiều so với những người lớn u mê đần độn đến mức chán ngắt.) Con bé nhận ra giá trị của ông ngay lập tức.
Trong cách ông cư xử.
Trong bầu không khí tĩnh lặng bao quanh ông.
Khi ông bật đèn sáng lên trong gian phòng rửa nhỏ xíu thảm hại vào đêm hôm đó. Liesel quan sát nét lạ lùng trong đôi mắt của người cha nuôi. Chúng được làm từ lòng tốt, và bằng bạc. Như thứ bạc mềm, đang tan chảy vậy. Lúc nhìn vào đôi mắt ấy, Liesel đã hiểu ngay rằng Hans Hubermann là một người vô cùng giá trị.
VÀI THÔNG TIN VỂ ROSA HUBERMANN
Bà ấy cao chừng một mét rưỡi, mớ tóc mềm màu nâu của bà được cột thành một búi. Để kiếm thêm tiền, bà nhận giặt và là quần áo cho năm hộ gia đình khấm khá ở Molching. Kỹ năng nấu nướng của bà rất kinh khủng.
Bà sở hữu khả năng hiếm có trong việc chọc tức hầu như bất cứ người nào mà bà gặp. Nhưng bà rất yêu thương Liesel Meminger.
Cách bà thể hiện tình cảm này chỉ hơi lạ lùng mà thôi. Thỉnh thoảng bà đánh con bé bằng những cái thìa gỗ và mắng nhiếc nó luôn mồm.
Rốt cuộc thì Liesel cũng chịu đi tắm, sau hai tuần sống tại phố Thiên Đàng, Rosa ôm nó một cái thật chặt, đến phát đau lên được. Gần như là bóp nghẹt con bé, bà nói, “Đồ con lợn bẩn thỉu này – lẽ ra mày phải tắm từ lâu rồi mới phải!”
Sau vài tháng, họ không còn là ông bà Hubermann nữa. Bằng một nắm từ ngữ đặc trưng của mình, Rosa nói, “Bây giờ thì nghe đây, Liesel – từ giờ trở đi mày hãy gọi ta là Mẹ.” Bà ta ngẫm nghĩ một lúc. “Mày gọi mẹ ruột của mình là gì?”
Liesel khẽ trả lời. “Auch Mama – cũng gọi là Mẹ.”
Vậy thì ta sẽ là Mẹ thứ hai. Bà ta nhìn về phía chồng mình. “Còn cái thằng cha kia.” Cứ như thể bà thu thập một vốc từ ngữ trong tay mình, vò lại rồi ném mạnh chúng lên khắp mặt bàn vậy. “Cái đồ lợn ấy, đồ con lợn bẩn thỉu ấy — mày hãy gọi gã là Bố, verstehst? Đã hiểu chưa hả?”
“Vâng,” Liesel đồng ý ngay không chậm trễ. Những câu trả lời mau lẹ luôn được đánh giá cao trong nhà này.
“Vâng, thưa Mẹ,” Mẹ chỉnh lại lời nó. “Cái đồ con lợn này. Phải gọi ta là Mẹ khi mày nói chuyện với ta chứ.”
Khi đó, Hans Hubermann vừa vê xong một điếu thuốc, ông đang liếm miếng giấy và cuộn nó lại. Ông nhìn Liesel rồi nháy mắt. Con bé sẽ không có vấn đề gì trong việc gọi ông là Bố cả.
NGƯỜI ĐÀN BÀ CÓ NẮM ĐẤM SẮT
Những tháng ngày đầu tiên ấy hẳn là quãng thời gian khó khăn nhất.
Mỗi tối, Liesel đều gặp ác mộng.
Gương mật của em trai nó.
Đang nhìn chằm chằm xuống sân tàu hỏa.
Nó thức dậy trong tình trạng đang quẫy đạp trên giường của mình, la hét, và chết đuối trong đống vải trải giường. Ở bên kia phòng, cái giường lẽ ra sẽ dành cho em trai nó cứ như một chiếc xuồng nổi lềnh bềnh trong bóng tối. Dần dần, khi con bé đã tỉnh táo hơn, chiếc xuồng bắt đầu chìm dần, gần như là chìm xuống sàn nhà. Nhỡn ảnh này thường không giải quyết được vấn đề gì cả, và phải mất một lúc thì tiếng la thét của Liesel mới ngừng hẳn.
Có lẽ điều duy nhất tốt đẹp xảy đến từ những cơn ác mộng ấy, là đã mang Hans Hubermann, người bố mới của con bé, vào trong phòng — để dỗ dành nó, để yêu thương nó.
Đêm nào ông ấy cũng đến và ngồi bên cạnh nó. Những đêm đầu, ông chỉ đơn giản là có mặt ở đó – sự có mặt của một người lạ để xua tan nỗi cô đơn. Vài đêm sau, ông bắt đầu thầm thì vào tai nó, “Suỵt, bố ở ngay đây rồi, không sao đâu.” Sau ba tuần, ông giữ lấy con bé. Sự tin cậy được hình thành rất nhanh chóng, chủ yếu là vì sức mạnh dịu dàng của ngươi đàn ông này, sự hiện diện của ông. Ngay từ đầu con bé đã biết rằng ông luôn xuất hiện giữa những tiếng thét, và ông sẽ không bỏ đi.
MỘT ĐỊNH NGHĨA KHÔNG CÓ TRONG TỪ ĐIỂN
Không bỏ đi: một hành động thể hiện sự tin cậy và tình yêu thương – định nghĩa này thường được giải mã bởi cái nhìn của con
trẻ.
Hans Hubermann ngồi trên giường với cặp mắt ngái ngủ, trong lúc Liesel khóc vùi trong ống tay áo của ông và hít ngửi cái mùi hương tỏa ra từ người ông. Đêm nào cũng thế, cứ sau quãng hai giờ sáng, nó lại thấy buồn ngủ trong làn hương ấy: một hỗn hợp mùi thuốc lá lâu ngày, mùi sơn tích tụ qua mấy chục năm và mùi da người. Đến gần sáng, ông ngồi cách nó vài mét, người gần như gập làm đôi trên ghế. Bố không bao giờ động đến cái giường kia cả. Liesel trèo ra khỏi giường và khẽ khàng hôn lên má ông, rồi sau đó ông sẽ tỉnh dậy và nở một nụ cười.
Có những hôm, Bố bảo nó quay về giường và chờ một phút rồi sau đó ông trở lại với cây đàn xếp của mình và chơi đàn cho nó nghe. Liesel ngồi dậy và ngân nga điệu nhạc trong cổ họng, những ngón chân lạnh ngắt của nó co quắp lại một cách phấn khởi. Chưa từng có ai chơi nhạc cho nó nghe cả. Nó nở một nụ cười ngơ ngẩn, nhìn những đường nét chạy dài trên khuôn mặt bố nuôi mình và ánh kim loại dịu dàng trong đôi mắt ông – cho khi có tiếng chửi vọng lên từ dưới nhà bếp.
“CÓ DỪNG NGAY CÁI TIẾNG ỒN ĐÓ LẠI KHÔNG HẢ, ĐỒ CON LỢN KIA!”
Bố luôn cố chơi thêm một lúc nữa.
Ông nháy mắt với con bé và, một cách lóng ngóng vụng về, nó nháy mắt đáp lại.
Có vài lần, chỉ đơn thuần là để chọc cho Mẹ điên tiết hơn, ông mang cây đàn xếp của mình xuống bếp và chơi suốt bữa sáng.
Miếng bánh mì phết mứt ăn dở của Bố nằm trên đĩa, có đường cong theo hình miếng cắn, và tiếng nhạc sẽ nhìn thẳng vào mặt Liesel. Tôi biết điều này nghe có vẻ lạ lùng, nhưng đó chính là cảm giác của con bé. Tay phải của Bố dạo trên những phím đàn màu trắng ngà. Tay trái của ông thì bấm nút. (Nó đặc biệt thích ngắm ông bấm cái nút lấp lánh màu bạc – cung Đô trưởng). Lớp áo ngoài trầy xước nhưng vẫn ánh lên màu đen bóng, cây đàn cứ đưa tới đưa lui trong khi đôi tay của bố – ông hết nén rồi lại buông cái ống bé đầy bụi, bắt nó hít khí vào rồi lại nhả khí ra. Vào những buổi sáng như thế, trong căn bếp nhỏ, Bố đã làm cho cây đàn xếp sống dậy. Tôi cho rằng điều này thật ý nghĩa, khi bạn thực sự nghĩ về nó.
Làm sao mà bạn biết được cái gì đó còn sống hay đã chết? Bạn kiểm tra xem nó có thở hay không.
Âm thanh của cây đàn xếp, xét về khía cạnh thực tế, cũng là thông điệp của sự an toàn. Đó là ánh sáng ban ngày. Vào ban ngày, con bé không thể mơ thấy em trai nó. Nó vẫn hay nhớ đến em và thường khóc thút thít trong căn phòng vệ sinh bé tí nọ, cố gắng im lặng hết mức có thể, nhưng nó vẫn cảm thấy mừng là mình còn thức. Vào cái đêm đầu tiên ở nhà Huhermann, nó đã giấu mối dây liên kết cuối cùng của nó với đứa em – Sách hướng dẫn của phu đào huyệt – xuống bên dưới nệm, và thỉnh thoảng con bé lại lôi quyển sách đó ra rồi giữ chặt trong tay. Nhìn chăm chú vào những con chữ in trên bìa sách, rồi chạm vào những hàng chữ bên trong, nhưng nó không hiểu ý nghĩa của bất cứ chữ nào cả. Quyển sách nói về cái gì quả thực không quan trọng. Ý nghĩa của nó mới là điều quan trọng hơn cả.
Ý NGHĨA CỦA QUYỂN SÁCH
1. Lần cuối cùng nó nhìn thấy em nó.
2. Lần cuối cùng nó nhìn thấy mẹ nó.
Đôi lúc, nó thì thầm gọi tiếng Mẹ và nhìn thầy gương mặt mẹ nó dễ đến hàng trăm lần chỉ trong có một buổi chiều. Nhưng đây chỉ là những nỗi khổ sở vặt vãnh khi đem so với những giấc mơ kinh hoàng của con bé. Những lúc như vậy, trong màn đêm đang chậm chạp trôi đi, nó thấy mình thật là trơ trọi.
Tôi chắc là bạn đã nhận thấy rằng không có đứa trẻ con nào khác trong ngôi nhà này. Gia đình Hubermann có hai người con, nhưng họ đều đã lớn và chuyển ra sống ở ngoài. Hans Junior[1] làm việc ở khu trung tâm Munich, còn Trudy thì làm hầu phòng và trông trẻ. Chẳng bao lâu nữa cả hai sẽ tham gia vào cuộc chiến tranh. Một người sẽ làm ra những viên đạn. Người kia sẽ bắn chúng đi.
[1] Tức Hans Con.
***
Trường học, như bạn có thể hình dung, là một nồi khốn khổ khốn nạn không gì tả được.
Dù được nhà nước quản lý, ngôi trường con bé theo học vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của Thiên Chúa giáo, mà Liesel lại là ngườii theo giáo phái Lu-ti[2]. Một khởi đầu chẳng có chút được gọi là hứa hẹn. Sau đó thì người ta phát hiện ra rằng nó không biết đọc mà cũng chẳng biết viết.
[2] Đây là một tôn giáo cũng lấy Kinh Thánh làm nền tảng, khởi nguồn từ những quan điểm thần học của Martin Luther, một linh mục, đồng thời là nhà thần học người Đức.
Nhục nhã thay, nó bị xếp vào cùng lớp với đám con nít nhỏ tuổi hơn, những đứa chỉ mới bắt đầu học bảng chữ cái. Dù là một đứa còi xương và lúc nào cũng xanh mét như tàu lá, con bé vẫn cảm thấy mình to xác khủng khiếp giữa đám trẻ ranh ấy và nó thường cầu mong mình xanh xao đến mức có thể biến mất hoàn toàn.
Ngay cả khi ở nhà, nó cũng không biết phải làm sao để cải thiện tình hình.
“Đừng có hỏi lão ta cái gì cả,” Mẹ chỉ tay về phía Bố và nói “Cái đồ lợn ấy.” Bố đang nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ, một thói quen cố hữu của ông. “Lão bỏ học từ hồi lớp Bốn.”
Không thèm quay đầu lại, Bố đáp thật bình tĩnh pha lẫn chút cay độc. “Cũng đừng có hỏi bà ấy.” Ông gạt tàn thuốc ra ngoài cửa. “Bà ta chỉ học đến lớp Ba là ngưng rồi.”
Chẳng có quyển sách nào trong nhà cả (ngoại trừ quyển sách mà con bé đã bí mật giấu dưới tấm đệm nằm của mình), và điều tốt nhất mà Liesel có thể làm là đọc thầm bảng chữ cái trước khi nó bị nhắc hãy câm mồm đi một cách cộc lốc. Tất cả chỉ là đọc lầm bầm trong miệng. Mãi cho đến sau này, khi có một vụ tè dầm xảy ra vào giữa cơn ác mộng, thì chương trình tập đọc thêm ấy mới được bắt đầu. Một cách không chính thức, nó được gọi là lớp học lúc nửa đêm, dù lớp học này thường được bắt đầu vào khoảng hai giờ sáng, đôi khi sớm hơn.
Vào giữa tháng Hai, Liesel được đưa cho một con búp bê cũ có mái tóc vàng và cụt mất một chân.
“Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm.” Bố xin lỗi nó.
“Ông đang nói cái quái gì thế? Nó may lắm mới có được ngần ấy.” Mẹ chỉnh lại Bố.
Hans tiếp tục kiểm tra cái chân còn lại của con búp bê trong lúc Liesel thử bộ đồng phục mới của nó. Mười tuổi, có nghĩa là nó thuộc đội thiếu niên Hitler. Thiếu niên Hitler có nghĩa là một bộ đồng phục nhỏ màu nâu. Vì là con gái, nên Liesel được kết nạp vào một tổ chức có tên gọi là BDM.
GIẢI THÍCH TỪ VIẾT TẲT NÀY
BDM là viết tắt của Bund Deutscher Madchen – Những bé gái của nước Đức thống nhất.
Điều đầu tiên mà tổ chức này làm là đảm bảo bọn nhóc không có trục trặc với câu Heil Hitler – Hitler vạn tuế. Sau đó chúng được dạy đi đều bước, cuộn băng cứu thương và may vá quần áo. Chúng cũng được cho đi hành quân và những hoạt động tương tự khác. Thứ Tư và thứ Bảy là những ngày tập trung được chỉ định trước, diễn ra từ ba giờ đến năm giờ chiều.
Vào mỗi ngày thứ Tư và thứ Bảy, Bố dắt Liesel đến trụ sở BDM và đón nó hai tiếng đồng hồ sau đó, Họ không bao giờ nói nhiều về việc này. Họ chỉ nắm tay nhau và lắng nghe nhịp chân, và Bố thường hút một hai điếu thuốc.
Nỗi lo lắng duy nhất mà Bố mang đến cho nó là việc ông thường xuyên đi vắng. Có nhiều buổi tối ông bước vào phòng khách (cũng là phòng ngủ của nhà Hubermann), lôi cây đàn xếp từ trong cái tủ ly cũ kỹ ra và chơi đàn từ trong bếp ra đến tận cửa chính.
Khi ông đã sải bước trên phố Thiên Đàng. Me hay mở cửa sổ và gào vọng theo “Đừng có thò mặt về nhà muộn quá đấy!”
“Đừng có rống lên thế,” ông quay lại đáp.
“Đồ lợn! Liếm mông tôi đi này! Tôi rống to thế nào mặc xác tôi!”
Âm vọng câu chửi của bà đuổi theo ông suốt con phố. Ông chẳng khi nào nhìn lại, hay ít nhất là cho đến khi ông biết chắc rằng vợ mình không còn đứng ở đằng sau nữa những buổi tối như thế, ở cuối con phố, với hộp đựng đàn xếp trong tay, ông thường quay lại, ngay trước cửa hàng ở góc phố của mụ Diller, rồi nhìn cái dáng người đã thế vào chỗ vợ ông nơi cửa sổ. Rất nhanh, bàn tay dài thượt giống như một bóng ma của ông giơ lên chào, trước khi ông lại quay đi và chầm chậm bước tiếp. Rồi Liesel sẽ lại nhìn thấy ông vào lúc hai giờ sáng, khi ông nhẹ nhàng đánh thức nó khỏi cơn ác mộng hằng đêm.
Những buổi tối trong căn bếp nhỏ ấy luôn vang lên giọng nói khàn khàn, nhất định là như thế. Rosa Hubermann nói luôn mồm, và một khi bà ta đã “bật đài”, thì nó sẽ lải nhải không ngừng. Bà luôn miệng cãi vã và than phiền. Bà không thực sự cãi nhau với một ai cả, nhưng luôn xoay xở một cách xuất sắc với mọi cơ hội mà bà có. Bà có thể cãi nhau với cả thế gian trong căn bếp ấy, và hầu như tối nào bà cũng làm việc đó. Mỗi lần họ vừa mới ăn tối xong còn Bố thì
đã đi rồi, Liesel với Rosa thường nán lại trong bếp, và Rosa ủi đống quần áo.
Vài lần một tuần, sau khi đi học về, Liesel sải bước trên những con phố của Molching cùng mẹ nuôi của nó, đi thu gom và giao đám đồ giặt ủi ở các khu vực sung túc hơn của thị trấn. Phố Knaupt, phố Heide, vài con phố khác. Mẹ làm việc này với một nụ cười đầy trách nhiệm, nhưng ngay lúc mấy cánh cửa nhà khách hàng vừa khép lại, và bà đã quay đi, thì lần nào bà cũng nguyền rủa những con người giàu có này, với tất cả đống tiền bạc và sự lười biếng của họ.
“Bọn người này quý phái đến mức không giặt nổi đồ của mình cơ đấy,” bà hay nói như vậy, mặc cho một thực tế là bà phải sống dựa vào họ.
“Cái gã ấy,” bà buộc tội Herr Vogel ở phố Heide, “Tất cả số tiền hắn có là từ lão bố. Hắn đã nướng tiền vào gái gú, rượu chè và dĩ nhiên là cả giặt ủi quần áo nữa.”
Nghe cứ như một bài điểm danh những kẻ đáng khinh vậy Herr Vogel., ông bà Plartelhurver, Helena Schmidt, nhà Weigartner. Tất cả bọn họ đều có một tội lỗi nào đó.
Ngoài cái tật lúc nào cũng say túy lúy và thói phóng đãng của mình, Ernst Vogel, theo lời Rosa, luôn gãi gãi mái tóc đầy chấy rận, sau đó liếm liếm mấy ngón tay lão, rồi mới chịu đưa tiền. “Ta nên rửa sạch số tiền này trước khi về nhà,” là kết luận của bà.
Nhà Plaffelhurver thì luôn xem xét quá chi li đám quần áo được giao tới. “Làm ơn đừng để những cái áo sơ mi này có một vết nhàu nào,” Rosa nhại giọng họ “Đừng làm nhăn bộ đồ này đấy nhé. Rồi
chúng nó đứng đấy và kiểm tra tất cả mọi thứ, ngay trước mặt ta. Ngay trước mũi ta! Thật là một lũ rác rưởi, rác rưởi!”
Nhà Weigartner là những người trông có vẻ đần độn và lúc nào lông mèo con lợn cũng rụng ra từ người họ. “Mày có biết mẹ mày đã phải mất bao lâu để rũ sạch đám lông đó không hử! Lông khắp nơi!”
Helena Schmidt là một bà góa phụ giàu có. “Cái mụ già què quặt ấy – cứ ngồi ì ra đó cho đến lúc chết dần chết mòn. Mụ ta chưa từng phải làm việc lấy một ngày nào trong đời mà.”
Dù vậy sự khinh bi lớn lao nhất của Rosa được dành cho ngôi nhà trên đường cái số 8. Đó là một căn nhà lớn, tọa lạc cao trên ngọn đồi, ở phần trên của Molching.
“Cái nhà này”, bà chi cho Liesel trong lần đầu tiên họ đến đó, là nhà của lão thị trưởng. Cái tên lừa đảo ấy. Vợ lão ngồi lù lù một đống trong nhà suốt cả ngày, độc ác đến mức không nhóm nổi một đống lửa trong đó luôn lạnh đến phát cóng lên được. Mụ ta điên rồi.” Bà gằn từng tiếng. “Thật đấy. Hoàn toàn điên rồi.” Ở cổng, bà ra hiệu cho con bé. “Mày vào đi.”
Liesel sợ phát khiếp lên được. Một cánh cửa to đùng màu nâu với tay nắm bằng đồng nằm ở cuối dãy tam cấp nhỏ đang đợi nó. “Sao cơ?”
Mẹ đấy nó tới trước. “Đừng có đứng đấy mà sao với giăng, đồ con lợn. Nhúc nhích đi.”
Liesel nhúc nhích. Nó bước theo con đường dẫn vào nhà. trèo lên những bậc cấp, do dự một chút, rồi gõ cửa.
Mở cửa là một bộ áo choàng tắm.
Bên trong bộ áo ấy là một người đàn bà đang đứng trước mặt nó với đôi mắt thảng thốt, mái tóc rối bù như nùi bông, và một dáng điệu thất thểu. Bà ta đảo mắt nhìn Mẹ ở chỗ cổng vào rồi đưa cho đứa bé gái một túi đựng quần áo cần giặt. “Cảm ơn bà.” Liesel nói, nhưng không có câu trả lời. Chỉ có cánh cửa đáp lại. Nó đóng sập trước mặt con bé.
“Mày đã thấy chưa?” Mẹ lên tiếng khi nó quay lại chỗ cổng. “Đây là cái mà ta phải chịu đựng đấy. Những kẻ giàu có khốn kiếp này, những con lợn lười biếng này…”
Lúc hai mẹ con rời đi, Liesel ngoảnh lại, tay ôm túi đồ cần giặt. Nắm đấm bằng đồng trên cánh cửa nhìn theo nó.
Khi kết thúc cái công việc nhiếc móc những người mà bà phải làm thuê cho họ, Rosa Hubermann thường chuyển sang một chủ đề mắng mỏ ưa thích khác của bà. Ấy là ông chồng bà. Nhìn đám đồ cần giặt giũ và những ngôi nhà xiêu vẹo, bà cứ nói, nói và nói mãi không ngừng. “Nếu bố mày có tí tài cán gì,” bà luôn nói với Liesel mỗi khi họ đi xuyên qua thị trấn Molching, “thì ta đã không phải làm cái việc này.” Bà khịt mũi chế nhạo. “Một thợ sơn! Sao lại đi cưới cái hạng lỗ đít ấy chứ? Đó là những gì mà họ nói với ta – gia đình ta ấy, họ đã nói với ta như thế đấy.” Những bước chân của hai mẹ con phát ra tiếng lạo xạo trên mặt đường. “Và giờ thì ta sống thế này đây, đi bộ trên đường và làm việc quần quật như một con ở trong căn bếp của mình, vì cái đồ lợn ấy chả bao giờ kiếm được công việc
gì cả. Chả có cái công việc nào ra hồn cả. Chỉ có cái đàn xếp thảm hại trong những cái xó xỉnh bẩn thỉu ấy mỗi đêm mà thôi.”
“Vâng, thưa Mẹ.”
“Mày chỉ nói được có ngần này thôi à?” Đôi mắt của Mẹ trông như những miếng giấy rời màu xanh tái, được dán chặt lên mặt bà.
Họ lại đi tiếp.
Liesel phải mang cái túi đựng đồ bẩn.
Ở nhà, đám quần áo được giặt trong một cái nồi nấu cạnh bếp lò, được treo ở chỗ lò sưởi trong phòng khách, và sau đó được là ủi trong nhà bếp. Nhà bếp là nơi ra mọi việc.
“Mày có nghe thấy không?” Gần như đêm nào Mẹ cũng hỏi nó câu này. Cái bàn ủi là nắm đấm của bà, được nung trong bếp. Ánh sáng trong nhà rất mờ mịt và Liesel, đang ngồi ở chỗ bàn bếp, thường nhìn chằm chằm vào miệng lò lửa trước mặt nó.
“Sao?” con bé đáp. “Sao cơ ạ?”
“Lại là con mẹ Holtzapfel “ Me đã không còn ngồi yên trên ghế của mình được nữa. “Cái đồ lợn nái ấy lại vừa mới nhổ vào cửa nhà mình nữa đấy.”
Đó là một việc gần như đã thành truyền thống với Holtzapfel, một trong những hàng xóm của họ, là nhổ vào cửa nhà Hubermann mỗi lần bà ta đi ngang qua. Cửa ra vào chỉ cách cổng vài mét, và chúng ta có thể nói rằng bà Holtzapfel có những cú nhổ rất xa – và chính xác nữa.
Cái sự khạc nhổ này bắt nguồn từ việc bà ta và Kosa Hubermann đã có một cuộc khẩu chiến kéo dài dễ đến cả thập kỷ nay. Không ai biết nguồn gốc của mối thâm thù này. Hẳn là bản thân hai người đàn bà ấy cũng quên mất rồi.
Holtzapfel là một người đàn bà dẻo dai, và có thái độ hằn học rất rõ ràng. Bà ta chưa bao giờ kết hôn cả, nhưng vẫn có hai người con trai, lớn hơn đứa con đầu lòng nhà Hubermann vài tuổi. Cả hai đều đang tại ngũ và cả hai đều sẽ xuất hiện khá ấn tượng khi câu chuyện gần kết thúc, tôi đảm bảo với các bạn như thế.
Theo lối hằn học, thì tôi cũng nên nói rằng Holtzapfel rất triệt để với cái công việc khạc nhổ của mình. Bà ta không bao giờ xao nhãng việc nhổ bọt vào cửa nhà số ba mươi ba và rủa “Đồ lợn!” mỗi lần đi ngang qua chỗ ấy. Có một điều tôi nhận thấy ở người Đức là:
Có vẻ như họ rất quan tâm đến những con lợn.
MỘT CÂU HỎI NHỎ VÀ CÂU TRẢ LỜI
Và bạn nghĩ ai bị bắt phải đi chùi cái đống nhổ trên cánh cửa ấy mỗi đêm chứ?
Phải – bạn biết là ai rồi đấy.
Khi một người đàn bà với nắm đấm sắt bảo bạn ra ngoài đó và chùi đống nhổ trên cửa, thì bạn sẽ phải tuân theo thôi. Đặc biệt là khi cái nắm đấm sắt ấy nóng rẫy.
Tất cả chỉ là một phần của thời gian biểu hàng ngày thôi, thực sự là như vậy.
Mỗi đêm, Liesel đều đi ra ngoài, lau sạch cánh cửa và ngắm nhìn bầu trời. Thường thì bầu trời trông cứ như bị ai làm đổ – lạnh lẽo và nặng nề, trơn tuột và xám xịt – nhưng thỉnh thoảng cũng có vài ngôi sao có can đảm xuất hiện và tỏa ánh sáng lấp lánh, dù chỉ trong vài phút. Vào những đêm như vậy, con bé sẽ ở ngoài lâu hơn một chút và chờ đợi.
“Xin chào, những ngôi sao kia ơi.”
Chờ đợi.
Chờ giọng nói vọng ra từ nhà bếp.
Hay chờ cho đến khi những ngôi sao kia lại bị nhấn chìm xuống vũng nước đen ngòm của bầu trời nước Đức.
NỤ HÔN
(Một người ra quyết định thời thơ ấu)
Như hầu hết những thị trấn nhỏ khác. Molching có đầy rẫy các nhân vật. Rất nhiều trong số họ sống ở phố Thiên Đàng. Bà Holtzapfel chỉ là một vai diễn trong cái đoàn kịch này mà thôi.
Các diễn viên khác bao gồm những con người đại loại như sau:
- Rudy Steinner – đứa con trai nhà hàng xóm, thằng này bị ám ảnh bởi vận động viên người Mỹ gốc Phi, Jesse Owens.
- Mụ Diller – chú cửa hàng tạp hóa ở góc đường người Aryan rất kín tiếng[1].
[1] Dưới thời Đức Quốc xã, người Aryan được xem là những người Đức thuần chủng nhất, là chủng tộc cao quý nhất.
- Tommy Muller – một thằng nhóc bị thối tai kinh niên. Nó đã trải qua vài cuộc phẫu thuật, mặt nó có một dải da màu hồng như dòng sông vắt ngang qua và luôn có xu hướng co rúm lại.
- Một gã được biết đến chủ yếu qua cái tên Pfiffikus, mà thói văng tục của lão ta đã khiến Rosa Hubermann giống như một vị thánh chỉ nói toàn lời hay ý đẹp.
Nhìn chung, đó là một con phố đầy rẫy những kẻ nghèo khổ, mặc cho sự trỗi dậy rõ rệt về mặt kinh tế của nước Đức dưới thời Hitler. Những dãy phố nghèo vẫn tồn tại.
Như đã đề cập, cận nhà kế bên nhà Hubermann được một gia đình họ Steiner thuê lại. Nhà Steiner có sáu đứa con. Một đứa trong số chúng, thằng Rudy đầy tai tiếng, sẽ nhanh chóng trở thành bạn thân nhất của Liesel, sau đó là cộng sự của con bé và đôi khi lại là yếu tố xúc tác trong những hành vi tội lỗi của hai đứa. Liesel đã gặp thằng bé trên đường phố.
***
Vài ngày sau lần đầu tiên Liesel chịu đi tắm, Mẹ cho phép nó ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác. Với bọn trẻ sống trên phố Thiên Đàng, tình bạn luôn được thiết lập ngoài đường, dù thời tiết có thế nào đi nữa. Bọn trẻ hiếm khi ghé chơi nhà nhau vì những căn nhà này thường rất nhỏ và chẳng có mấy thứ để chơi cả. Thế là chúng bày trò tiêu khiển ưa thích trên đường phố, như những vận động viên chuyên nghiệp. Trò ấy là môn bóng đá. Những đội bóng được chia đều cầu thủ. Những thùng rác được trưng dụng làm khung thành.
Vì là đứa trẻ mới đến, ngay lập tức Liesel bị nhét vào giữa hai thùng rác như thế. (Sau cùng thì Tommy Muller cũng được tự do, dù nó là một trong những cầu thủ vô dụng nhất mà phố Thiên Đàng từng sản sinh ra.)
Ban đầu thì mọi việc đều tốt đẹp cả, cho đến khoảnh khắc định mệnh mà Rudy Steiner bị thằng Tommy Muller vụng về đốn ngã sóng soài xuống mặt đất đầy tuyết.
“Cái gì?!” Tommy hét lên. Mặt nó co rúm lại trong cơn tuyệt vọng. “Tao có làm gì đâu cơ chứ?!”
Tất cả cầu thủ bên đội của Rudy đều nhất trí rằng đó sẽ là một quả phạt đền, và thế là lúc này Rudy Steiner đang đứng đối mặt với con nhóc mới đến, Liesel Meminger.
Thằng bé đặt quả bóng trên một mô tuyết bẩn thỉu. Nó rất tự tin trước kết quả thường thấy sau những cú phạt đền như vậy. Xét cho cùng, Rudy chưa sút hỏng quả nào trong số mười tám quả phạt đền gần đây nhất, mặc dù khi đó thì đội bạn sẽ có lý do chính đáng để đá đít thằng Tommy Muller ra khỏi vị trí thủ môn. Dù bọn kia có thay thằng này bằng đứa nào khác đi chăng nữa, thi Rudy vẫn sẽ ghi bàn.
Lúc này thì bọn trẻ đang cố buộc Liesel tránh ra cho đứa khác bắt quả phạt. Như bạn có thể hình đung, con bé đã phản đối, và Rudy đồng ý với điều này.
“Đừng, không sao đâu,” nó cười khẩy. “Cứ để nó bắt quả này.” Thằng nhóc xoa xoa tay.
Lúc này, tuyết đã ngừng phủ trắng con phố nhem nhuốc, và mặt đường đã kịp chằng chịt những dấu chân đầy bùn đất. Rudy lấy đà rồi thực hiện cú sút. Liesel đổ người sang một bên và thế nào đó mà làm chệch hướng được quá bóng bằng cùi chỏ của nó. Nó đứng dậy rồi nhoẻn cười toe toét, nhưng thứ đầu tiên nó nhìn thấy lại là một quả bóng bằng tuyết đươc ném thẳng vào mặt. Nửa phần quả bóng tuyết đó là bùn. Liesel đau đến nảy cả đom đóm mắt.
“Mày có thích thế không?” Thằng nhóc cười toe rồi chạy đuổi theo quả bóng.
“Đồ lợn,” Liesel lầm bầm trong miệng. Từ ngữ ưa thích trong gia đình mới của nó đã được lĩnh hội rất nhanh.
VÀI THÔNG TIN VỀ RUDY STEINER
Thằng bé lớn hơn Liesel tám tháng tuổi và có cặp giò lèo khoèo, hàm răng sắc bén, đôi mát xanh biếc và mái tóc màu vàng chanh. Là một trong số sáu đứa con nhà Steiner, bởi thế nó thường xuyên đói bụng. Ở phố Thiên Đàng, nó bị coi là một thằng hơi tưng tửng.
Điều này bắt nguồn từ một sự việc người ta hiếm khi nói đến, nhưng vẫn được công nhận rộng rãi với cái tên “Biến cố Jesse Owens”. Một đêm nọ, nó đã trát đầy than đen lên người và chạy cự ly một trăm mét ở sân vận động địa phương.
Dù điên hay không, Rudy đã luôn được an bài để trở thành bạn thân nhất của Liesel. Một quả bóng tuyết vào măt cô bé là khởi đầu hoàn hảo cho một tình bạn bền vững.
Vài ngày sau khi Liesel bắt đầu đi học, nó đến trường cùng với những đứa trẻ nhà Steiner. Mẹ của Rudy, bà Barbra, đã bắt thằng nhóc phải hứa là sẽ đi cùng với đứa bé gái mới chuyển đến, chủ yếu là vì bà đã nghe kể lại vụ quả bóng tuyết. Phần Rudy, nó hờ hững vâng lời. Nó không thuộc týp mấy thằng oắt vẫn ra vẻ ta đây ghét con gái. Nó rất thích tụi con gái, và nó thích Liesel (thế nên mới có vụ quả bóng tuyết). Thực ra Rudy Steiner là một trong những thằng quỷ con trâng tráo thực sự mê thích hình ảnh bản thân mình có bọn con gái vây quanh. Dường như trong mỗi đứa trẻ đều có một sự nông nổi đại loại như thế. Nó là thằng nhóc chẳng hề sợ người khác giới, chỉ vì mọi người đều bám lấy nỗi sợ cá biệt ấy, mà nó thì thuộc loại không ngại đưa ra quyết định. Trong trường hợp này, Rudy đã quyết định rất rõ ràng về Liesel Meminger.
Trên đường tới trường, nó cố gắng chỉ cho Liesel thấy mấy địa điểm quan trọng trong thành phố, hay ít nhất, nó xoay xở để chêm mấy câu như thế vào đâu đó giữa lúc nạt mấy đứa em nó hãy câm mồm đi và bị mấy anh chị nó bảo nó phải câm mồm. Địa điểm đáng chú ý đầu tiên mà nó giới thiệu cho Liesel là một ô cửa sổ nhỏ trên tầng hai của một khối nhà chung cư.
“Đó là nơi Tommy Muller sống.” Nó nhận thấy rằng Liesel không nhớ ra cái thằng Tommy ấy là ai. “Cái thằng nhóc mặt mày rúm ró ấy, cậu không nhớ à? Hồi mới năm tuổi, nó đã bị lạc giữa chợ vào ngày lạnh nhất trong năm. Ba tiếng đồng hồ sau, khi người ta tìm thấy nó, nó đã lạnh cóng như đá và bị một cơn đau tai khủng khiếp vì trời lạnh. Một thời gian sau, tai nó bị nhiễm trùng bên trong và nó
phải phẫu thuật đến ba bốn lần đó, các bác sĩ đã làm nó sợ vãi cả ra quần. Thế là bây giờ nó cứ rúm ró như vậy đấy.”
Liesel xen vào. “Và nó chơi bóng tệ hết chỗ nói.”
“Nó là thằng chơi tệ nhất.”
Tiếp theo là cửa hàng ở góc đường cuối phố Thiên Đàng. Cửa hàng của Mụ Diller.
MỘT ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN LƯU Ý VỀ MỤ DILLER Mụ ta có một luật lệ vàng.
Mụ Diller là một mụ đàn bà quắt queo với cặp mắt kính tròn xoe và ánh nhìn hung ác. Mụ đã hình thành ánh nhìn quỷ dữ này để làm nản lòng cái ý tưởng rất hay ho là lấy trộm hàng hóa từ cửa hàng của mụ. Mụ củng cố thèm yếu tố đáng sợ cho ánh nhìn này bằng dáng điệu trông như một quân nhân, giọng nói lạnh như băng, và thậm chỉ cá hơi thở của mụ cơ hồ cũng tỏa ra cái mùi Hitler vạn tuế. Ngay cả cửa hàng đó cũng có màu trắng tinh và lạnh ngắt, cắt không một chút máu. Ngôi nhà nhỏ đứng cạnh nó như run lẩy bẩy vì lạnh hơn nhiều so với những ngôi nhà khác trên phố Thiên Đàng. Mụ Diller điều khiển cảm giác này, trưng nó ra như là vật duy nhất miễn phí trong cơ ngơi của mụ. Mụ sống vì cửa hàng của mình, và cửa hàng đó sống vì Đệ tam Quốc xã[2]. Ngay cả khi chế độ phân phối[3] được ban hành sau đó, người ta vẫn biết là mụ bán lén lút những món đồ hiếm và quyên số tiền kiếm được từ việc này cho đảng Quốc xã. Thường ngự trên bức tường đằng sau chỗ mụ đứng là chân dung Quốc trưởng được lồng khung trang trọng. Nếu bạn bước vào cửa hàng của mụ mà không nói câu Hitler vạn tuế, thì bạn
sẽ không mua được gì ở đó cả. Khi hai đứa đi ngang qua, Rudy chỉ cho Liesel thấy cặp mắt chống đạn đó đang liếc ngang liếc dọc từ cửa sổ cửa hàng.
[2] Nguyên văn: the Third Reich (chế độ Quốc xã ở Đức giai đoạn 1933–1945).
[3] Có thể hiểu đây là chế độ phân phối áo quần, thực phẩm, hàng hóa... trong thời kỳ thiếu thốn, khó khăn hoặc có chiến tranh.
“Hãy nói câu Vạn tuế ấy khi cậu vào trong đó,” thằng bé nghiêm giọng cảnh báo nói. “Trừ phi cậu muốn mình phải đi xa hơn một chút mới mua được hàng.” Ngay cả khi hai đứa đã đi cách cửa hàng một quãng khá xa. Liesel ngoái nhìn lại và vẫn thấy đôi mắt như kính hiển vi ấy ở đó, dán chặt vào ô cửa sổ.
Qua góc đường, phố Munich (con đường chính để vào và ra khỏi Molching) trải đầy bùn loãng.
Như thường lệ, vài hàng lính đang diễn tập hành quân rất nhanh trên phố. Những bộ quân phục của họ di chuyển trong tư thế thẳng đơ và những đôi ủng đen càng làm lớp tuyết bị ô nhiễm hơn nữa. Mặt họ được cố định hướng thẳng về phía trước với một sự tập trung cao độ.
Khi đã ngắm những người lính đi mất hút, bọn nhóc nhà Steiner và Liesel đi ngang qua vài cửa hàng nữa, tiếp đến là tòa thị chính oai nghiêm và đường bệ, tòa nhà mà vài năm sau đó sẽ bị đốn gục và chôn vùi vĩnh viễn. Có vài cửa hàng bị bỏ không và vẫn còn được đánh dấu bằng những ngôi sao màu vàng cùng mấy hàng chữ có nội dung bài Do Thái. Xa hơn một chút, nóc nhà thờ chĩa thẳng lên
trời, có thể nói nóc nhà thờ ấy là một công trình nghiên cứu về những tấm đá lát được ghép lại với nhau. Con phố, nhìn tổng thể, là một ống tuýp dài ngoằng xám xịt – một hành lang ẩm ướt, người ta co mình trong giá lạnh, và đây đó vọng lên tiếng bì bõm của những bước chân ngập trong nước.
Ở một quãng đường nọ, Rudy lao về phía trước kéo Liesel theo cùng với nó.
Thằng bé gõ lên ô cửa sổ của một hiệu may.
Nếu con bé biết đọc, nó đã biết được rằng cửa hiệu này thuộc về bố của Rudy. Cửa hiệu vẫn chưa mở cửa, nhưng bên trong một người đàn ông đang chuẩn bị mấy món quần áo sau quầy hàng. Ông ngước lên và vẫy tay chào.
“Bố tớ đây,” Rudy giới thiệu cho con bé, và chúng nhanh chóng nhập vào một đám đông gồm những đứa Steiner với kích cỡ khác nhau, mỗi đứa đều đang vẫy tay chào hay hôn gió đáp lại ông bố của chúng, hoặc chỉ đơn giản là đứng yên và gật đầu chào (trong trường hợp đứa lớn nhất), sau đó chúng lại đi tiếp, về hướng địa điểm quan trọng cuối cùng trước khi đến trường học.
ĐIỂM DỪNG CHÂN CUỐI CÙNG
Con phố của những ngôi sao vàng.
Đó là một nơi không ai muốn dừng chân và ngắm nghía cả, nhưng hầu như ai cũng làm thế. Với hình thù như một cánh tay dài và bị gãy gập, con phố này chỉ có vài ngôi nhà với ô cửa sổ vỡ toang hoác và những bức tường sứt sẹo. Ngôi sao của David[4]
được sơn trên cửa ra vào của những căn nhà. Trông chúng tựa như là đám người hủi. Nói một cách nhẹ nhàng nhất, thì chúng là những vết lở loét của một nước Đức đang bị thương.
“Schiller Strasse[5],” Rudy nói. “Con phố của những ngôi sao vàng.”
[4] Ngôi sao sáu cánh này là biểu tượng của người Do Thái. Quốc kỳ Israel cũng có ngôi nao này.
[5] Tức phố Schiller.
Đằng xa, vài người đang đi tới đi lui. Cơn mưa phùn khiến họ như những bóng ma. Họ trông không giống người, mà chỉ là những hình dạng, di chuyển bên dưới những đám mây màu chì.
“Hai đứa chúng mày nhanh lên nào,” Kurt (thằng con trai cả nhà Steiner) cất tiếng gọi, thế là Rudy và Liesel bước vội về phía nó.
Ở trường, Rudy luôn để ý tìm kiếm Liesel trong các giờ giải lao. Nó không quan tâm đến việc những đứa khác luôn chế nhạo ầm ĩ sự ngốc nghếch của con bé. Ngay từ ban đầu nó đã ở bên cạnh con bé, và sau nay nó vẫn sẽ ở đó, khi sự thất vọng của Liesel vượt quá giới hạn. Nhưng nó không làm điều đó miễn phí.
ĐIỀU DUY NHẤT TỆ HƠN MỘT THẰNG NHÓC GHÉT BẠN Đó là một thằng nhóc yêu bạn.
Vào một ngày cuối tháng Tư, sau khi tan học, Rudy Liesel trên phố Thiên Đàng để chơi bóng như thường lệ. Hôm ấy chúng đến hơi sớm một chút, và vẫn chưa có đứa nào ở đấy. Người duy nhất mà chúng nhìn thấy là lão Pfiffikus.
“Nhìn kìa,” Rudy chỉ.
CHÂN DUNG CỦA PFIFFIKUS
Lão là một bộ khung lỏng lẻo.
Tóc lão trắng xóa.
Lão lúc nào cũng khoác lên người cái áo đi mưa đen kịt, quần dài màu nâu, đôi giày mục nát, và một cái miệng – thật là một cái miệng ra trò.
“Ê, Pfiffikus!”
Khi cái dáng người đằng xa ấy quay lại nhìn, Rudy bắt đầu huýt sáo.
Lão già lập tức đứng thẳng dậy và bắt đầu văng tục với một sự dữ tợn mà chỉ có thể miêu tả như một tài năng bẩm sinh. Hình như chẳng ai biết tên thật của lão cả, hay ít ra là dù có biết thì họ cũng chẳng bao giờ dùng đến nó. Người ta gọi lão là Pfiffikus chỉ vì bạn đặt cái tên này cho người nào thích huýt sáo, và Pfiffikus hầu như lúc nào cũng làm thế. Lão thường xuyên huýt sáo một điệu hành khúc tên là Radetzky March[6], và mọi đứa trẻ trong vùng đều gọi tên lão rồi sau đó nhái lại y chang giai điệu ấy. Ngay lập tức, Pfiffikus sẽ từ bỏ dáng đi thông thường của mình (chúi người về trước, sải những bước dài, tay chắp đằng sau lưng áo mưa) và đứng thẳng người dậy mà chửi rủa. Đó cũng là lúc bất cứ ấn tượng nào về sự yên bình cũng đều bị gián đoạn một cách thô bạo, vì giọng chửi của lão chứa đựng đầy ắp sự cuồng nộ.
[6] Một bản hành khúc nổi tiếng được nhạc sĩ thiên tài người Áo Johann Strauss Sr. sáng tác vào năm 1848.
Lần này, Liesel bắt chước trò chế nhạo của Rudy, như môt bản sao vậy.
“Pfiffikus!” nó ngân nga theo, nhanh chóng thừa kế sự tàn nhẫn thích đáng mà tuổi nhỏ có thể đạt tới. Tiếng huýt sáo của nó nghe thật kinh khủng, nhưng nó không có thời gian để chỉnh lại cho hay hơn.
Lão già đuổi theo chúng, vừa đuổi vừa gọi với theo. Lão bắt đầu với câu “Geh scheissen![7]” và những câu chửi ngày càng nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn. Ban đầu lão chỉ chửi rủa thằng bé, nhưng không lâu sau thì đến lượt Liesel.
[7] Nghĩa là “Đồ cục cứt thối kia!”
“Đồ điếm con!” lão gầm lên. Những từ ngữ ném tới tấp vào lưng con bé. “Tao chưa từng thấy mày trước đây!” Thích thú với việc gọi một đứa bé gái mười tuổi là đồ điếm – đó chỉ có thể là Pfiffikus. Có một điều được nhiều người công nhận là lão và bà Holtzapfel sẽ hợp thành một cặp đôi rất đáng yêu. “Quay lại đây xem nào!” là những từ ngữ cuối cùng mà Liesel và Rudy nghe được khi chúng cắm đầu cắm cổ chuồn mất. Chúng chạy đến tận phố Munich.
“Nào,” Rudy nói, khi cả hai đã lấy lại nhịp thở bình thường. “Hãy tới chỗ này một lúc thôi.”
Nó dẫn con bé đến Hubert Oval, nơi đã xảy ra Biến cố Jesse Owens và hai đứa cứ đứng ngây ra ở đó, tay đút túi quần. Con
đường trải rộng ra trước mặt chúng. Chỉ có một điều có thể xảy đến mà thôi, và Rudy là đứa khơi mào việc đó trước” “Chạy đua cự ly một trăm mét,” nó khích con bé. “Tớ cuộc là cậu còn khuya mới thắng được tớ “
Liesel chẳng thèm để ý đến lời thằng nhóc. “Tớ cuộc với cậu là tớ có thể đấy.”
“Cậu lấy gì mà cuộc, hở cái đồ lợn con kia? Cậu làm quái gì có tiền?”
“Dĩ nhiên là tớ không có. Cậu thì có chắc?”
“Không.” Nhưng Rudy đã nảy ra một ý. Một thằng trai thích chơi trò tình ái đã trỗi dậy trong nó. “Nếu tớ thắng, tớ sẽ được hôn cậu.” Nó cúi xuống và bắt đầu xắn ống quần lên.
Liesel trở nên cảnh giác, ấy là nói theo cách nhẹ nhàng nhất. “Cậu muốn hôn tớ để làm gì? Người tớ hôi lắm.”
“Tớ cũng thế.” Rõ ràng là Rudy thấy chẳng có lý do gì mà một tí mùi khó ngửi lại có thể ngăn trở mọi việc. Cũng đã lâu rồi cả hai đứa chúng nó chưa tắm.
Con bé vừa nghĩ ngợi về điều này vừa xem xét cặp giò khẳng khiu như hai ống sậy của đối thủ. Chúng trông cũng giống như cặp giò của nó thôi. Không đời nào thằng đó thắng được mình, con bé nghĩ thầm. Nó gật đầu chấp thuận, một cách hoàn toàn nghiêm túc. Đây là một vụ làm ăn rồi. “Cậu có thể hôn tớ nếu cậu thắng. Nhưng nếu tớ thắng thì tớ sẽ không còn phải làm thủ môn trong mấy trận đá bóng nữa.”
Rudy ngẫm nghĩ một lúc. “Nghe được đấy,” thế là hai đưa bắt tay nhau.
Tất cả chỉ có bầu trời tối sầm và mù mịt sương, và một trận mưa nhỏ bắt đầu đổ xuống.
Con đường có nhiều bùn hơn chúng tưởng.
Cả hai đối thủ đều đã sẵn sàng vào vị trí.
Rudy ném một hòn đá lên không trung thay cho tiếng súng báo hiệu xuất phát. Khi hòn đá rơi xuống đất thì cả hai có thể bắt đầu chạy.
“Tớ thậm chí còn không nhìn thấy vạch đích đến,” Liesel phàn nàn.
“Thế tớ thì nhìn thấy chắc?”
Hòn đá chạm mặt đất.
Chúng chạy sát bên nhau, thúc cùi chỏ vào nhau và cố gắng vượt lên trước. Mặt đường trơn trượt phát ra tiếng nhóp nhép dưới mỗi bước chạy của chúng, khiến chúng vấp ngã sóng soài khi chỉ còn cách đích đến chừng hai mươi mét.
“Lạy các đấng Jesus, Maria và Joseph!” Rudy kêu toáng lên. “Người tớ toàn cứt là cứt đây này!”
“Không phải cứt đâu,” Liesel chỉnh lại bạn, “bùn đấy” thực lòng con bé cũng có đôi chút nghi ngờ việc này. Cả hai đi về phía đích đến thêm chừng năm mét nữa. “Vậy là chúng ta hòa nhau phải không?”
Rudy kiểm tra lại mình, từ hàm răng bén đến cặp mắt xanh biếc của nó. Nửa khuôn mặt nó dính đầy bùn. “Nếu hòa tớ vẫn được hôn cậu chứ?”
“Đừng có mơ.” Liesel đứng dậy và rũ bùn bám trên áo khoác. “Tớ sẽ không bắt cậu làm thủ môn nữa.”
“Quỷ tha ma bắt cái trò thủ môn của cậu đi.”
Khi chúng quay về phố Thiên Đàng, Rudy nói với con bé bằng giọng cảnh cáo. “Một ngày nào đó, Liesel ạ,” Thằng bé nói. “Cậu sẽ muốn hôn tớ đến chết được.”
Nhưng Liesel biết.
Nó đã thề.
Đến chừng nào mà nó và Rudy Steiner còn sống trên cõi đời này, nó sẽ không bao giờ hôn cái đồ lợn khốn khổ, bẩn thỉu ấy, càng không phải ngày hôm nay. Nó còn có những vấn đề quan trọng hơn cần giải quyết. Con bé nhìn xuống bộ quần áo như được làm từ bùn của mình và nói một cách rành rọt.
“Bà ấy sẽ giết tớ thôi.”
Bà ấy ở đây dĩ nhiên là Rosa Hubermann, ngoài ra bà còn là Mẹ của nó, và bà ấy suýt nữa đã giết nó thật. Từ Đồ lợn được phát ra không biết bao nhiêu lần trong lúc bà thực thi hình phạt dành cho con bé. Bà đã nện cho nó một trận nên thân.
BIẾN CỐ JESSE OWENS
Trong ký ức của Liesel, cứ như thể con bé đã từng chứng kiến tận mắt hành động trẻ con đáng xấu hổ ấy của Rudy. Thế nào đó mà nó luôn hình dung ra mình đang chen chúc trong đám khán giả tưởng tượng của thằng bạn. Có thể chỉ đơn giản là nó thấy thích ý nghĩ có một thằng nhóc trát than đen kịt hết cả người rồi chạy vòng quanh bãi cỏ mà thôi.
Đó là vào năm 1936. Năm tổ chức Thế vận hội. Kỳ đại hội của Hitler.
Jesse Owens vừa hoàn thành chặng đua tiếp sức 4 vòng 100 mét và giành được huy chương vàng thứ tư của mình. Người ta gọi anh ta là gà chưa tiến hóa hết, vì da anh màu đen, và việc Hitler từ chối không thèm bắt tay anh đã lan đi khắp thế giới. Ngay cả những người Đức phân biệt chủng tộc nhất cũng phải kinh ngạc trước nỗ lực của Owens, và kỳ tích của anh cứ được lan truyền mãi. Không ai ấn tượng với điều này hơn Rudy Steiner cả.
Khi mọi người trong gia đình đều đã tụ tập đông đủ ở phòng khách, thì nó chuồn ra ngoài và tìm đường xuống bếp. Nó khều một ít than trong bếp lò ra và nắm đầy hai vốc than trong tay. “Lúc này đây,” nó mỉm cười tự nhủ. Nó đã sẵn sàng.
Nó trát than lên người, một lớp thật đều và dày, cho đến khi cả người nó được phủ kín than. Ngay cả mái tóc của nó cũng được trát qua một lượt.
Thằng bé cười đến mức gần như điên dại khi nhìn thấy ảnh phản chiếu của mình trên ô cửa sổ, và cứ đánh độc quần đùi với áo may– ô như thế, nó lẳng lặng thó chiếc xe đạp của anh trai mình và đạp ra
phố, hướng về phía sân Hubert Oval. Trong một túi áo của mình, nó giấu thêm vài viên than dự trữ phòng trường hợp lớp than trên người nó phai mất.
Trong hình dung của Liesel, mặt trăng đêm hôm ấy như được thêu đính lên bầu trời, những đám mây thì được vá víu nhằng nhịt xung quanh nó.
Rudy để chiếc xe đạp han gỉ lại ở chỗ hàng rào sân Hubert Oval, rồi trèo qua. Nó sang được phía bên kia hàng rào và phóng nước kiệu về chỗ xuất phát của vòng chạy cự ly một trăm mét. Rudy khởi động một cách vụng về và đầy phấn khởi. Thằng bé còn đào cả những cái lỗ xuất phát trên mặt đất.
Trong lúc chờ đến lượt mình, nó chạy vòng quanh, tập trung tinh thần dưới bầu trời tối om, mặt trăng và những đám mây như đang quan sát từng hành động của nó.
“Owens trông có vẻ rất ổn,” nó bắt đầu bình luận. “Đây có thể là chiến thắng vĩ đại nhất của anh...”
Nó bắt tay các vận động viên tưởng tượng khác và chúc họ may mắn, dù biết rõ là họ không có cơ may chiến thắng nào.
Tiếng súng lệnh báo cho các vận động viên tiến vào vị trí.
Một đám đông dày đặc phủ kín đến từng xentimét vuông xung quanh sân Hubert Oval. Tất cả đều hô vang một câu duy nhất.
Họ đang hô vang tên của Rudy Steiner — và tên của thằng bé này là Jesse Owens.
Vạn vật chìm trong im lặng.
Bàn chân trần của nó bấu xuống đất. Nó có thể cảm thấy đất bị kẹp giữa những ngón chân mình.
Theo hiệu lệnh, nó nâng người chuyển sang tư thế chuẩn bị - rồi tiếng súng lệnh xuất phát ghim một lỗ sâu hoắm vào giữa màn đêm.
Ở một phần ba đầu tiên của quãng đường đua, các vận động viên so kè nhau khá sát, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi anh chàng Owens đen nhẻm muội than bứt lên và cứ thế phong về đích.
“Owens đã vượt lên trước rồi,” giọng the thé của thằng bé hét toáng lên khi nó chạy trên con đường trống không trước mặt, thẳng về nơi đang phát ra tiếng vỗ tay ầm ĩ của vinh quang Thế vận hội. Thậm chí nó còn có thể cảm nhận được dải dây căng ngang vạch đích bị ngực nó xé ra làm đôi khi chạy qua chỗ đó.
Nó là người chạy nhanh nhất hành tinh.
Mọi thứ bỗng trở nên hỏng bét trong lúc nó đang chạy một vòng ăn mừng chiến thắng. Giữa đám dòng hỗn loạn ở đích đến, cha nó đứng đó như một ông Ba Bị. Hay ít nhất là như một ông Ba Bị trong bộ com lê. (Như đã đề cập, bố cua Rudy là thợ may. Ông ấy ít khi xuất hiện trên phố mà không khoác lên người một bộ quần áo chỉn chu và thắt cà vạt. Lần này thì ông chỉ mặc một cái áo vét–tông và bên trong là áo sơ mi nhếch nhác.)
“Was ist los?” ông nói với con trai mình như thế khi thằng bé xuất hiện trong ánh hào quang ám đầy muội than của nó. “Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra ở đây vậy?” Đám đông biến mất. Một cơn gió
lướt qua. “Tao đang ngủ trên ghế thì Kurt nói là mày biến đi đâu mất tiêu. Mọi người đang nháo nhác đi tìm mày kia kìa.”
Ông Steiner là một người vô cùng lịch sự trong những hoàn cảnh thông thường. Việc phát hiện ra một trong số những đứa con của mình bị muội than phủ kín người vào một buổi tối mùa hè không phải là điều mà ông xem là một hoàn cảnh thông thường. “Thằng bé phát điên rồi,” ông lẩm bẩm, dù ông thừa nhận rằng với sáu đứa con trong nhà, thì một điều gì đó đại loại thế này là không thể tránh khỏi. Ít nhất thì một đứa trong số chúng phải là một quả trứng ung. Ngay lúc này đây, ông đang nhìn vào quả trứng ung ấy, chờ một lời giải thích.
“Thế nào?”
Rudy thở hổn hến. cúi gập người, hai tay chống tay lên đầu gối. “Con đang là Jesse Owens” Thằng bé trả lời như thể đó là điều tự nhiên nhất trần đời vậy. Thậm chí trong âm điệu câu trả lời của nó còn có chút gì đó như muốn nói, “Chứ còn cái quái gì nữa?” Dù vậy, âm điệu ấy biến mất ngay khi nó nhận thấy vẻ ngái ngủ trong đôi mắt của bố mình.
“Jesse Owens?” Ông Steiner thuộc týp người rất vụng về Giọng nói của ông luôn thành thực và cộc lốc. Ông có dáng người cao lớn và thô kệch như một cây sồi vậy, còn mái tóc ông trông như một mớ mảnh vụn bù xù. “Gã ta thì sao nào?”
“Bố biết mà, Người có phép thuật đen ấy “
“Tao sẽ cho mày nếm mùi Phép thuật đen ngay đây.” Ông dùng ngón cái và ngón trỏ bẹo tai thằng con trời đánh một phát.
Rudy nhăn nhó. “Ối, đau quá!”
“Đau hả?” Bố nó có vẻ bận tâm vì lớp than sền sệt dính trên những ngón tay mình hơn là việc ông đã làm nó đau. Đúng là nó đã phủ than lên khắp người, cái thằng bé này, ông ấy nghĩ thầm. Thậm chí trong lỗ tai nó cũng có muội than, lạy Chúa. “Đi nào.”
Trên đường về nhà, ông Steiner quyết định nói chuyện chính trị với thằng bé, theo cách hay nhất mà ông có thể. Đến tận nhiều năm sau đó Rudy mới có thể hiểu được tất cả nội dung câu chuyện — khi đã quá trễ để nó hiểu ra được một cái gì đó.
MÂU THUẪN VỀ CHÍNH TRỊ CỦA ALEX STEINER
Điểm một: Là một thành viên của Đảng Quốc xã, nhưng ông không ghét người Do Thái, hay bất cứ ai khác.
Điểm hai: Dù vậy, một cách kín đáo, ông vẫn không thể kìm được cảm giác khuây khỏa ở một mức độ nào đó (hay tệ hơn nữa – cảm thấy vui mừng!) khi những người chủ cửa hàng gốc Do Thái bị buộc phải ngừng công việc làm ăn – cơ quan tuyên truyền đã cho ông biết rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi một đám thợ may Do Thái ôn dịch xuất hiện và cướp hết khách hàng của ông.
Điểm ba: Nhưng liệu điều dó có đồng nghĩa với việc bọn họ phải được quét sạch hoàn toàn không?
Điểm bốn: Gia đình ông. Chắc chắn rồi, ông phải làm bất cứ điều gì có thể để chu cấp cho họ. Nếu điều đó có nghĩa là gia nhập Đảng, thì ông sẽ gia nhập Đảng.