🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Kể Chuyện Thăng Long – Hà Nội: Cảnh Sắc Hà Nội Ebooks Nhóm Zalo Các bạn thân mến! Thăng Long – Hà Nội trải qua nghìn năm lịch sử mang trong mình những cảnh sắc riêng mà những người con của mảnh đất này mỗi lần đi xa luôn nhung nhớ, mỗi du khách đến tham quan dù chỉ một lần cũng không thể nào quên. Thăng Long - Hà Nội ghi dấu ấn trong lòng người bởi những cảnh sắc rất đặc trưng, từ những ngọn núi, con sông, đến những góc phố, con đường, hay những mái chùa, quán chợ... Chính những cảnh sắc ấy đã làm nên và chứng kiến sự hình thành và đổi thay của chốn kinh kì trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm. Dù ngày nay Hà Nội đã mang nhiều nét hiện đại của một thủ đô đang phát triển, bóng dáng cổ xưa của đất Thăng Long vẫn hiển hiện ở khắp nơi, in đậm trong truyền thuyết dân gian, trong chính sử, và trở thành những di tích lịch sử - văn hóa của thủ đô. Kể chuyện Thăng Long - Hà Nội Hội đồng biên tập Nguyễn Vinh Phúc (chủ biên) Nguyễn Huy Thắng Nguyễn Quang Lập Nguyễn Dịu Hương Phan Phương Hảo Ngô Thị Quý Vẽ minh họa: Tạ Huy Long Nguyễn Thành Phong Bùi Việt Thanh Bản quyền Tác phẩm thuộc về Nhà xuất bản Kim Đồng, 2010 Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Từ xưa, dân gian đã nói về kinh thành: “Nhị Hà quanh bắc sang đông Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”. Kinh thành được bao bọc bởi ba con sông lớn: Sông Hồng, sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch. Sông Hồng (thời xưa có tên là Nhĩ Hà, Nhị Hà, sông Lô, sông Cái) chảy qua phía bắc và phía đông kinh thành. Sông Tô Lịch, còn được gọi tắt là sông Tô, là một nhánh của sông Hồng nằm ở phía tây và phía bắc, còn Kim Ngưu là một nhánh của sông Tô Lịch ở về phía nam. Phía trong kinh thành, hồ trải rộng khắp nơi: hồ Hoàn Kiếm (hay còn gọi là Hồ Gươm), Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Cổ Ngựa, hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu, hồ Văn (ở khu Văn Miếu- Quốc Tử Giám)… Sông và hồ tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên rất riêng cho Thăng Long - Hà Nội. Hiện nay nhiều sông hồ xưa kia đã bị lấp hoặc thu hẹp lại. Xưa kia, sông Tô Lịch chảy bám sát phía ngoài chân thành Đại La. Vì vậy, cùng với sông Hồng và sông Kim Ngưu, sông Tô trở thành hệ thống hào nước tự nhiên của kinh thành. Sông Tô Lịch chảy vào giữa kinh thành, nên là nhánh chính trong hệ thống giao thông đường thủy của Thăng Long. Lúc nào sông cũng tấp nập cảnh trên bến, dưới thuyền. Cảnh đẹp của dòng sông đã đi vào ca dao xưa: “Sông Tô nước chảy trong ngần Con thuyền buồm trắng chạy gần, chạy xa” Tên gọi sông Tô Lịch có nguồn gốc dân gian như thế nào? Chuyện kể rằng, thời thuộc Đường (thế kỉ IX), Cao Biền sang cai trị nước ta, đã cho đắp thành Đại La gần một con sông lớn. Một hôm, Cao Biền chèo thuyền dạo chơi trên sông, chợt thấy một ông lão tóc bạc, hình dáng kì lạ hiện lên. Cao Biền lấy làm lạ, hỏi tên và quê quán, ông lão trả lời là họ Tô tên Lịch, nhà ở ngay trong dòng sông này. Nói xong, ông lão đập tay xuống sông, nước tung cao ngất trời, rồi biến mất. Cao Biền sợ hãi, biết đó là vị thần sông, nên lấy tên thần đặt cho sông là Tô Lịch. Cao Biền gặp thần sông Tô Lịch Hồ Hoàn Kiếm vốn là một đoạn của sông Hồng. Dưới thời Lý (1010 - 1225) hồ được gọi là Lục Thủy (nước xanh) vì sắc nước bốn mùa đều xanh. Đến đời vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433) hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm. Xưa kia, hồ rất rộng, có hai phần đối nhau. Phần hồ phía trên gọi là Tả Vọng, phần hồ phía dưới gọi là Hữu Vọng. Tại khoảng đất giáp hai bên hồ, chúa Trịnh cho dựng một đài cao, gọi là Duyệt võ đài để ngồi quan sát, hai bên hồ là trận địa cho thủy quân triều đình luyện tập. Vì thế, hồ được gọi là hồ Thủy Quân. Khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã cho lấp hết phần hồ Hữu Vọng, còn phần hồ Tả Vọng cũng bị lấp dần. Hồ Hoàn Kiếm ngày nay chỉ là một phần nhỏ của hồ Tả Vọng xưa. Vì sao gọi là hồ Hoàn Kiếm? Tên gọi hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm thần. Lê Lợi trả gươm cho Rùa Vàng Đầu thế kỉ XV, quân Minh sang xâm lược nước ta, chúng tàn phá và cướp bóc của cải, gây ra nhiều tội ác. Lê Lợi tập hợp nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa) chống giặc. Bấy giờ có người đánh cá tên là Lê Thận, trong một lần kéo lưới đã vớt được một lưỡi gươm, đem về nhà treo. Sau Thận gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Một hôm, Lê Lợi đến thăm nhà Thận, chợt ở góc tối có ánh sáng lóe lên, liền đến xem, thấy lưỡi gươm khắc hai chữ “Thuận Thiên” (thuận theo ý trời). Lần khác, Lê Lợi đi qua khu rừng, thấy ánh sáng lạ của một chiếc chuôi gươm nạm ngọc trên cây chiếu xuống. Nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Thận, Lê Lợi cầm chuôi gươm về lắp vào lưỡi gươm thì vừa như in. Từ đó, thanh gươm quý luôn bên mình người chủ tướng. Sau 10 năm chiến đấu gian khổ, đất nước được giải phóng, Lê Lợi lên ngôi vua. Một hôm, vua ngự thuyền chơi trên hồ Lục Thủy, chợt thấy rùa vàng nổi lên. Nhà vua cầm thanh gươm chỉ cho quần thần xem, rùa vàng liền đớp lấy thanh gươm lặn xuống đáy hồ. Nhà vua biết là thần đã cho mượn gươm giết giặc, nay giặc dẹp xong, thần đến lấy lại gươm. Từ đó, hồ được gọi là hồ Hoàn Kiếm nghĩa là “trả lại gươm”, nên cũng quen gọi là Hồ Gươm. Đó là Hồ Tây. Với diện tích hơn 500 hécta, hồ giống như một tấm gương khổng lồ giữa thủ đô. Các con đường bao quanh hồ: Lạc Long Quân, Âu Cơ, Nghi Tàm - Yên Phụ, Thanh Niên, Thụy Khuê nối với nhau dài đến 17km. Hồ Tây có những tên gọi nào khác? Theo sách xưa ghi chép, ở đời Lý (1010 – 1225), hồ được gọi là Dâm Đàm (Mù sương) vì quanh năm mặt hồ đều có sương bao phủ. Đến năm 1573, để tránh tên húy của vua Lê Thế Tôn là Duy Đàm, hồ được đổi tên thành Tây Hồ - vì hồ nằm ở phía tây kinh thành Thăng Long. Dưới thời Trịnh Tạc (1657 – 1682), Tây Hồ được gọi là Đoái Hồ (Đoái là chỉ phương Tây), vì kiêng tước “Tây Vương” của chúa Trịnh. Nhưng hết đời Trịnh Tạc, người ta lại gọi tên hồ như cũ là Tây Hồ, hay Hồ Tây. Theo cách gọi dân gian, hồ có tên là hồ Xác Cáo và hồ Kim Ngưu (Trâu Vàng). Cũng có người cho rằng, xưa kia hồ còn được gọi là hồ Lãng Bạc, nghĩa là sóng lớn. Vì sao gọi Hồ Tây là hồ Xác Cáo và hồ Kim Ngưu? Theo một truyền thuyết dân gian, xưa kia, có con cáo trắng chín đuôi, sống lâu năm ở trong núi, biến thành yêu quái, thường hiện lên làm hại dân lành. Một vị thần đã dâng nước, hô mưa gọi gió, phá tan quả núi, giết được cáo trắng. Từ đó núi thụt xuống thành hồ sâu và xác cáo vẫn nằm dưới đáy hồ, nên gọi là hồ Xác Cáo (hay đầm Xác Cáo). Thiền sư Minh Không đánh chuông Một truyền thuyết khác kể, thiền sư Minh Không hay còn gọi là ông Khổng Lồ thời Lý, có tài thu hết đồng đen ở Trung Quốc đem về kinh đô Thăng Long, đúc quả chuông nặng nghìn tấn. Chuông đúc xong, đánh thử, tiếng vang rất xa. Có con trâu vàng bên Trung Quốc nghe tiếng chuông kêu tưởng tiếng mẹ gọi, nên chạy sang nước ta. Trâu chạy đến đâu thành sông đến đấy, nên sông có tên là Kim Ngưu. Khi đến khu rừng gần Thăng Long, thì tiếng chuông im bặt, trâu vàng lồng lộn đi tìm, dẫm nát cả khu rừng, đất lún xuống tạo nên hồ. Nhà vua sai ném quả chuông xuống hồ cho trâu khỏi lồng lên, vì thế hồ có tên là Kim Ngưu. Đúng. Hồ Tây xưa rất rộng, nước sâu và thường nổi sóng lớn, chỉ có phần hồ về địa phận làng Trúc Yên thì nước nông, ít sóng, có nhiều cá tụ lại. Chuyện kể rằng vào năm 1620, nhân dân ba làng Yên Phụ, Yên Quang và Trúc Yên, cùng nhau đắp đập ngăn phần hồ ở địa phận làng Trúc Yên ra khỏi Hồ Tây để đánh bắt cá. Hồ ấy chính là hồ Trúc Bạch ngày nay. Đập ấy gọi là Cố Ngự Yển tức đập Cố Ngự (nghĩa là giữ vững), sau này thường đọc chệch là Cổ Ngư. Đập được đắp rộng thêm, trở thành đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên). Tên gọi hồ Trúc Bạch có từ bao giờ? Xưa kia, nhân dân Trúc Yên làm nghề đan mành trúc, nên trong làng trồng rất nhiều trúc. Thấy cảnh đẹp, Chúa Trịnh Giang (1709 -1751) đã lấy một khu đất của làng, để xây Trúc Lâm viện làm nơi nghỉ ngơi. Sau Trúc Lâm viện trở thành nơi ở của các cung nữ. Họ đều là những người khéo tay, dệt lụa rất đẹp, gọi là lụa làng Trúc, tức là Trúc Bạch. Từ đó phần hồ thuộc làng Trúc Yên cũng được gọi bằng tên Trúc Bạch. Thăng Long xưa có nhiều núi, trong đó núi Nùng nằm ở giữa kinh thành. Đây vốn là doi đất bồi nổi ven sông, nhưng theo quan niệm của người xưa, núi Nùng là trung tâm của trời đất nên được gọi là Long Đỗ - núi Rốn Rồng. Núi Nùng là vị trí của điện Càn Nguyên thời Lý, điện Thiên An thời Trần, điện Kính Thiên thời Lê – nơi thiết triều của triều đình. Đôi rồng đá trước điện Kính Thiên Núi Nùng ngày nay nằm trong khu vực thành cổ Hà Nội. Trên núi hiện vẫn còn đôi rồng đá hai bên cầu thang - dấu tích của điện Kính Thiên xưa. Dãy núi Sóc Sơn, còn gọi là Núi Mã, núi Đền hay núi Vệ Linh nằm ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, có độ cao từ hơn 20m trở lên. Trong đó, ngọn núi cao nhất là núi Chân Chim, cao 426m. Đây cũng là ngọn núi cao nhất ở Hà Nội ngày nay. Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời Núi Sóc gắn với truyền thuyết gì? Theo truyền thuyết, đời vua Hùng thứ 6, sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng phi ngựa tới núi Sóc Sơn, rồi dừng lại. Thánh Gióng cởi áo sắt vắt lên cành cây, sau đó cùng với ngựa sắt bay về trời. Ngày nay trên đỉnh núi Sóc có một mô đá giống hình cành cây, người ta cho rằng đó là nơi Thánh Gióng để áo lại, nên gọi mô đá ấy là “Cây cởi áo”. Vườn Bách Thảo (hay công viên Bách Thảo) ngày nay, do người Pháp thành lập năm 1890, ban đầu có tên là vườn Thảo Mộc. Trong vườn trồng nhiều cây và đặt nhiều chuồng nuôi thú, nên vườn được gọi là Vườn Bách Thú hay Vườn Bách Thảo. Khi các Vườn Bách Thảo chuồng thú ở đây chuyển về vườn thú Thủ Lệ (năm 1980), thì không ai gọi tên vườn Bách Thú nữa. Vườn cũng từng mang tên là Trại Hàng Hoa vì xưa kia, dọc con đường vào vườn thường có nhiều cô gái đứng bán các loại hoa tươi. Ngọn núi trong vườn Bách Thảo có tên là gì? Núi Sưa (còn gọi là Sư Sơn), là ngọn núi đất nằm trong vườn Bách Thảo. Nhiều người cho rằng quanh núi có nhiều cây sưa - một loại cây lấy gỗ, hoa trắng - nên núi cũng mang tên loài cây ấy. Núi chỉ cao khoảng 10m, không biết hình thành từ bao giờ. Bên sườn núi có ngôi đền nhỏ thờ Hắc Đế. Tương truyền, đây là cậu bé có nước da bánh mật, trèo cây trượt ngã trên núi Sưa, chết khi mới tám tuổi, nên dân làng lập miếu thờ ngay ở núi. Khi vua Lý Thánh Tông cầm quân đi đánh giặc phương Nam, đêm đến nằm mộng thấy một cậu bé da đen xin theo phò giúp. Thắng trận trở về, nhà vua cho sửa miếu thành đền thờ và phong cậu bé là Huyền Thiên Hắc Công hay còn gọi là Hắc Đế. Theo dân gian, sự hình thành gò Đống Đa gắn liền với chiến thắng đồn Khương Thượng - Đống Đa của nghĩa quân Tây Sơn trong trận đại phá 29 vạn quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm 1789. Sau chiến thắng Khương Thượng - Đống Đa, xác giặc ngổn ngang khắp nơi, xếp lại thành 12 đống, đắp đất cao thành gò gọi là “kình nghê kinh quán” (gò chôn xác giặc dữ như cá kình, cá nghê ngoài biển) nằm rải từ làng Thịnh Quang đến Nam Đồng. Năm 1851, trong khi đào xới đất mở đường, mở chợ, người dân thấy ở nhiều nơi có hài cốt giặc, lại gom vào một chỗ đắp thành gò thứ 13 bên cạnh núi Ốc (Loa Sơn). Lâu ngày, núi Ốc liền hẳn với gò thứ 13, nên đây là gò cao và lớn nhất trong các gò. Đến năm 1890, 12 gò kia đã bị thực dân Pháp san bằng khi mở rộng phố phường, đường sá, chỉ còn lại gò thứ 13 - chính là gò Đống Đa ngày nay. Gò Đống Đa 10. Tòa thành nào được xây dựng sớm nhất ở nước ta? Thành Cổ Loa (nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) là tòa thành cổ nhất nước ta, do vua Thục An Dương Vương xây dựng từ thế kỉ III trước Công Nguyên. Thành Cổ Loa được xây đắp, tu sửa qua nhiều thời kì. Sau khi đánh đuổi quân Nam Hán, đất nước giành lại độc lập năm 938, Ngô Quyền đã đóng đô tại Cổ Loa. Ngày nay ở Cổ Loa còn lại dấu vết của ba lớp thành đất lồng vào nhau gồm: thành Ngoại, thành Trung và thành Nội. Đó là dấu tích của thành Cổ Loa thời An Dương Vương, Ngô Quyền và các thời kì sau này. Thành Cổ Loa còn có tên gọi khác nào? Thành Cổ Loa được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Loa Thành, thành Ốc, thành Côn Lôn, thành Tư Long, thành Việt Vương, thành Khả Lũ. Bản đồ thành Cổ Loa Đền thờ An Dương Vương được dựng năm nào? Đền thờ An Dương Vương, còn gọi là đền Thượng, được xây dựng năm 1678 trong khu vực thành Nội của thành Cổ Loa. Đền nằm trên một quả đồi, tương truyền xưa kia là cung điện của nhà vua. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng, nặng 255 kg, đúc năm 1807. Giếng nước trước đền thờ An Dương Vương có tên là gì? Đền thờ An Dương Vương Trước cửa đền thờ An Dương Vương có hồ bán nguyệt, giữa hồ là một giếng đất. Tương truyền đó chính là giếng Ngọc (hay Ngọc tỉnh), nơi Trọng Thủy đã gieo mình tự tử, nếu lấy nước giếng này đem rửa ngọc trai, ngọc sẽ sáng đẹp bội phần. 11. Thành cổ Hà Nội ngày nay là dấu tích của thành nào? Trải qua nhiều biến động, dấu ấn của kinh thành Thăng Long xưa rất mờ nhạt. Những gì còn lại trong khu thành cổ Hà Nội hiện nay chủ yếu là dấu tích của thành Hà Nội thời Nguyễn. Năm 1805, vua Nguyễn Gia Long cho xây tòa thành mới theo kiểu Vô-băng thay thành Thăng Long cũ. Thực dân Pháp đã phá tòa thành này trong những năm 1894 – 1897. Hiện nay, thành Hà Nội chỉ còn lại các công trình kiến trúc: cửa Đoan Môn, điện Kính Thiên, Hậu Lâu, cửa chính Bắc Môn và Cột Cờ. Khu di tích thành cổ Hà Nội ngày nay, giới hạn bởi đường Hoàng Diệu ở phía tây, đường Nguyễn Tri Phương ở phía đông, đường Phan Đình Phùng ở phía bắc, đường Điện Biên Phủ ở phía nam. 12. Có phải Văn Miếu - Quốc Tử Giám là ngôi trường lâu đời nhất của nước ta? Đúng vậy, ngôi trường này đến nay đã hơn 900 năm tuổi. Năm 1070, vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072) cho lập Văn Miếu thờ Khổng Tử (người sáng lập ra đạo Nho). Sáu năm sau, Quốc Tử Giám được xây dựng, ban đầu chỉ là nơi học tập dành riêng cho hoàng thái tử. Năm 1253, vua Trần Thánh Tông đã đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện, mở rộng thành trường học cho con em vua quan và học trò giỏi trong cả nước. Từ đây, Quốc Tử Giám là nơi đào tạo nhân tài lớn nhất nước ta. Đến đầu thế kỉ XIX, triều Nguyễn đóng đô tại Huế, trường Quốc học được chuyển vào Huế năm 1805. Văn Miếu - Quốc Tử Giám chỉ còn là nơi thờ tự các bậc thánh hiền của đạo Nho. Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chia làm mấy khu vực? Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay được bao bọc bởi phố Nguyễn Thái Học ở phía bắc, Quốc Tử Giám ở phía nam, Văn Miếu ở phía đông, Tôn Đức Thắng ở phía tây. Bên trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chia thành 5 khu: Khu thứ nhất: bắt đầu với cổng chính Văn Miếu Môn (cổng Văn Miếu) đi đến cửa Đại Trung Môn (cửa Đại Trung), hai bên có cửa nhỏ là Thành Đức môn (cửa Thánh Đức) và Đại Tài môn (cửa Đại Tài). Khu thứ hai: từ Đại Trung Môn vào đến Khuê Văn Các (gác Khuê Văn). Khu thứ ba: hồ nước Thiên Quang Tỉnh (nghĩa là giếng soi ánh mặt trời) hay còn gọi là Văn Trì (ao Văn). Hồ hình vuông, mặt nước trong xanh như một tấm gương phản chiếu, soi bóng gác Khuê Văn cùng những cây si, cây đa cổ thụ. Khu thứ tư: khu trung tâm và cũng là kiến trúc chính của Văn Miếu, gồm hai công trình lớn bố cục song song và nối tiếp nhau. Bên ngoài là nhà Bái Đường, nơi hành lễ trong những kì tế tự, bên trong là Hậu Cung – nơi thờ các vị Tổ đạo Nho. Khu thứ năm: khu đền Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử, xưa kia là nhà Thái học, nơi học tập của các học trò. Khi trường Quốc học chuyển vào Huế, nhà Thái học trở thành đền Khải Thánh. Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tu sửa, thay đổi nhiều lần qua các triều đại. Phần lớn các công trình còn lại đến ngày nay mang dấu ấn phong cách kiến trúc thời Lê Mạt. Văn Miếu - Quốc Tử Giám Nơi nào trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám có biểu tượng ngôi sao? Đó là Khuê Văn Các, tức gác Khuê Văn - một gác nhỏ được dựng vào năm 1805. Sao Khuê là sao chủ về văn chương trong Nhị thập bát tú (28 vì tinh tú). Khuê Văn Các với hình ảnh sao Khuê tỏa sáng là biểu tượng cho truyền thống văn hiến của Thăng Long, và cũng là biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngày nay. Khuê Văn Các 13. Ngôi chùa nào được xây dựng sớm nhất ở Hà Nội? Đó là chùa Trấn Quốc. Chùa được xây từ năm 541 đến năm 547 vào đời Lý Nam Đế khi mới lập nước Vạn Xuân, nên có tên là chùa Khai Quốc (chùa mở nước), ở bên bờ sông Hồng. Đến đời Lê Thái Tông, chùa được đổi tên thành An Quốc (1440 – 1442). Năm 1615, bãi sông Hồng bị lở sát vào chùa, dân làng Yên Hoa (nay là làng Yên Phụ) đã di dời chùa vào đảo Kim Ngư (Cá Vàng) ở Hồ Tây, chính là vị trí ngôi chùa hiện nay. Tên gọi Trấn Quốc có từ đời Lê Hy Tông (1680 – 1705). Đến đời Nguyễn, vua Thiệu Trị (1841 – 1847) đến thăm chùa đã đổi tên là Trấn Bắc, nhưng nhân dân vẫn quen gọi là chùa Trấn Quốc. 14. “Thăng Long tứ trấn” là gì? Đó là bốn ngôi đền thờ các vị thần trấn trị ở bốn phương của kinh thành Thăng Long: Quán Trấn Vũ: thường gọi là Đền Quán Thánh, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn trị phương bắc. Đền Bạch Mã: xưa thuộc phường Hà Khẩu (nay ở phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm), thờ thần Bạch Mã, trấn trị phương đông. Đền Cao Sơn: còn gọi là đền Kim Liên dựng sát thành Đại La, nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa, thờ thần Cao Sơn, trấn trị phương nam. Đền Linh Lang: còn gọi là đền Voi Phục, đền Thủ Lệ, trong Công viên Thủ Lệ, thờ Linh Lang – một hoàng tử thời Lý, trấn trị phương tây. Vị trí tứ trấn Thăng Long - Hà Nội Vì sao thần Huyền Thiên Trấn Vũ trấn trị phía bắc kinh thành? Theo truyền thuyết, Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thần cai quản vùng trời phương bắc, từng giúp vua Thục An Dương Vương trừ ma quái khi xây thành Cổ Loa, và giúp nhân dân diệt trừ cáo trắng trong rừng ven Hồ Tây. Vì vậy, ngay sau khi xây dựng thành Thăng Long, Lý Thái Tổ (1009 – 1028) cho lập quán Trấn Vũ thờ thần, để trấn trị các loài yêu quái ở phía bắc kinh thành. Thần Bạch Mã còn được gọi là thần gì? Thần Bạch Mã còn gọi là thần Long Đỗ. Mỗi tên gọi gắn với một truyền thuyết khác nhau. Dưới thời thuộc Đường (thế kỉ IX), Cao Biền là người có nhiều phép thuật, sang cai trị nước ta. Một lần, Cao Biền ra chơi ngoài cửa đông thành Đại La, chợt thấy một bóng người kì lạ, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, ẩn hiện trong mây mù. Đêm đến, Cao Biền được báo mộng người kì lạ đó là thần ở đất Long Đỗ. Cao Biền liền lấy vàng, đồng và bùa chôn ở chân thành cửa đông để trấn yểm, nhưng sáng ra xem, mọi thứ đều không còn. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong là thần Long Đỗ. Khi Lý Thái Tổ (1009 – 1028) dời đô ra thành Đại La, đã cho đắp thành mới, nhưng thành đắp xong lại đổ. Nhà vua bèn sai người đến cầu ở đền thần Long Đo. Khi ấy có một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành, đi tới đâu, vết chân in lại ở đó. Nhà vua liền cho đắp thành theo vết chân ngựa, thành không đổ nữa. Vì vậy, thần Long Đỗ còn được gọi là thần Bạch Mã (Ngựa Trắng). Thần Cao Sơn là ai? Theo truyền thuyết, Cao Sơn cùng với Quý Minh là hai em của Sơn Tinh, tức thần núi Tản Viên. Cũng có khi Cao Sơn và Quý Minh được coi là hai người con của Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân. Cao Sơn và Sơn Tinh đã nhiều lần giúp nhân dân dẹp giặc và chống lũ lụt. Vì sao đền Linh Lang còn có tên là đền Voi Phục? Trước cửa đền có tượng đôi voi quỳ vì vậy đền thường được gọi là đền Voi Phục. Đây là hình ảnh lấy từ tích con voi phục xuống cho hoàng tử Hoằng Chân trèo lên cưỡi khi ra trận. Tương truyền, Linh Lang là con trai thủy thần ở hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) đầu thai làm con vua Lý Thái Tông, mà có người cho rằng đó là hoàng tử Hoằng Chân. Giặc Tống sang xâm lược, hoàng tử xin vua cha một lá cờ đỏ, cán dài và một con voi đi đánh giặc. Chàng cầm lá cờ đỏ chỉ voi, voi liền phục xuống, đưa hoàng tử ra trận. Sau khi đánh tan giặc, chàng hóa thành thuồng luồng xuống nước biến mất. Vua Lý sai lập đền thờ tại nơi chàng cưỡi lên mình voi ra trận. Đó là làng Thủ Lệ (nay thuộc phường Cầu Giấy, quận Ba Đình). 15. Đền Đồng Cổ được xây dựng năm nào? Năm 1028, ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông đã cho dựng đền Đồng Cổ - thờ thần Trống Đồng ở phía tây thành Đại La, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ. Sử cũ ghi lại rằng, năm 1020 Lý Thái Tông khi ấy còn là Thái tử Phật Mã theo lệnh vua cha đem quân đánh dẹp Chiêm Thành. Một đêm đóng quân tạm nghỉ ở Trường Châu (nay thuộc tỉnh Ninh Bình), Thái tử mơ thấy một người cao lớn khác thường, tự xưng là thần núi Đồng Cổ xin theo giúp. Thắng trận trở về qua Trường Châu, Thái tử vào làm lễ tạ ơn, xin rước thần về kinh đô lập đền thờ. Sau này Thái tử lại được báo mộng là sẽ có loạn ba vương, và mọi việc diễn ra đúng như vậy. Khi lên ngôi, Thái Tông đã dựng đền thờ, phong thần Đồng Cổ làm “thiên hạ minh chủ” (người chủ trì việc thề trong nước). Xưa kia ở đền Đồng Cổ có lễ hội gì? Đền Đồng Cổ không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là nơi triều đình tổ chức hội thề vào ngày mùng bốn tháng Tư âm lịch hàng năm. Văn võ bá quan đến trước bài vị thần cùng uống máu ăn thề, rồi đọc: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Đây là hội thề khẳng định lòng trung thành của triều thần đối với nhà vua. Đền Đồng Cổ 16. Tên gọi ban đầu của chùa Một Cột là gì? Chùa Một Cột xưa kia gọi là chùa Diên Hựu, xây năm 1049, theo giấc chiêm bao của vua Lý Thái Tông. Một lần, nhà vua mơ thấy Phật Bà Quan Âm ngồi trên tòa sen, đưa tay ra dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể lại với quần thần, có người cho là điềm không lành, nên khuyên vua xây chùa như đã thấy trong mộng. Chùa xây xong, nhà vua cho các sư lần tràng hạt, đi vòng quanh chùa, tụng kinh cầu vua sống lâu. Vì thế chùa có tên Diên Hựu, nghĩa là “phúc lành dài lâu”. Chùa Một Cột Vì sao chùa còn có tên là Một Cột? Chùa được dựng trên một cột đá, giữa hồ nước hình vuông, giống như đóa sen mọc trên mặt nước, vì vậy người ta quen gọi chùa là chùa Một Cột hay Nhất Trụ. Theo ghi chép của sử sách, chùa Một Cột thời Lý có quy mô bề thế, to rộng hơn nhiều so với ngày nay. Trải qua gần nghìn năm lịch sử, chùa bị phá hủy và được xây lại nhiều lần. Chùa Một Cột hiện nay được dựng vào tháng 4/1955, theo như hình dáng trước đó. Các công trình nghệ thuật nào của Thăng Long thời Lý được coi là một trong “An Nam tứ đại khí”? Đó là tháp Báo Thiên và chuông Quy Điền. Năm 1057, vua Lý Thánh Tông cho xây tháp “Đại Thắng Tư Thiên” trên một gò cao ở chùa Sùng Khánh Báo Thiên cạnh hồ Lục Thủy (Hồ Gươm hiện nay). Vì vậy, tháp cũng được gọi là tháp Báo Thiên. Năm 1080, vua Lý Nhân Tông cho xuất hàng vạn cân đồng, đúc một quả chuông lớn định đặt trong khuôn viên chùa Diên Hựu. Chuông đúc xong, đánh không kêu, nên người ta không treo chuông trong chùa, mà đem ra ruộng để. Ruộng ấy có nhiều rùa, gọi là Quy Điền (ruộng rùa), vì vậy chuông cũng gọi là chuông Quy Điền. Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, cùng với vạc Phổ Minh (Nam Định), tượng chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) được ca ngợi là “An Nam tứ đại khí” thời Lý. Đến đầu thế kỉ XV, các công trình này đều bị quân Minh xâm lược phá hủy. 17. Quê hương của Thánh Gióng ở đâu? Đó là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, quen gọi là làng Gióng. Nơi đây còn lưu lại nhiều dấu tích về Thánh Gióng trong truyền thuyết xưa. Đền Gióng hay đền Thượng, tương truyền được Lý Thái Tổ cho xây dựng khi nhà vua dời đô ra Thăng Long, ngay trên nền nhà cũ của Thánh Gióng. Đền Mẫu hay đền Hạ, thờ mẹ Thánh Gióng, được xây năm 1693. Gần đền Mẫu có một khu vườn, gọi là Cố Viên (vườn cũ), theo dân gian là khu vườn cũ của mẹ Thánh Gióng. Chuyện kể, có người khổng lồ đã dẫm nát vườn rau này trong một đêm mưa, để lại những dấu chân rất lớn. Hôm sau bà mẹ Gióng ướm thử chân vào đấy nên có mang, sinh ra Gióng. Trong vườn hiện nay vẫn còn tảng đá in dấu chân người khổng lồ. 18. Ngôi đền thờ Hai Bà Trưng nào được xây dựng đầu tiên ở Hà Nội? Đó là đền Đồng Nhân, còn gọi là đền thờ Hai Bà Trưng, hay đền Trưng Nữ Vương nằm ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng hiện nay. Đền được xây dựng năm 1142, dưới đời vua Lý Anh Tông. Theo truyền thuyết, khi cuộc khởi nghĩa chống quân Hán thất bại, Trưng Trắc và Trưng Nhị nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn, hóa thành hai tảng đá trắng trôi trên sông Hồng về bãi Đồng Nhân, đến đêm thường phát sáng rực rỡ. Dân làng Đồng Nhân liền lấy vải đỏ rước hai tảng đá vào bờ và lập đền thờ ở bãi sông. Năm 1819, bãi sông bị lở, đền được chuyển vào phía trong làng, tức là ở vị trí đền Đồng Nhân ngày nay. 19. Phủ Tây Hồ thờ vị thần nào? Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo nhỏ nhô ra bờ phía đông của Hồ Tây, thuộc địa phận làng Tây Hồ. Phủ thờ chúa Liễu Hạnh, một phụ nữ tài hoa, giỏi thơ ca, đàn hát… được dân gian tôn làm Thánh Mẫu (Thánh Mẹ), và là một trong bốn vị thần “Tứ bất tử” của nước ta (Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Tản Viên, Liễu Hạnh). Có phải Phủ Tây Hồ được dựng lên theo một truyền thuyết? Phùng Khắc Khoan gặp chúa Liễu Hạnh Phủ Tây Hồ là nơi ghi dấu cuộc gặp gỡ kì lạ giữa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613) và chúa Liễu Hạnh. Chuyện kể, một lần Phùng Khắc Khoan cùng hai người bạn đang dạo chơi ở Hồ Tây, thì gặp một cô gái rất xinh đẹp liền cùng nói chuyện làm thơ. Khi Trạng Bùng hỏi tên cô gái, cô không trả lời, mà chỉ mỉm cười đọc một bài thơ, rồi biến mất. Bấy giờ Phùng Khắc Khoan mới nhận ra đó là Liễu Hạnh. Nhân chuyện này, người dân làng Tây Hồ đã lập phủ thờ Liễu Hạnh và mở hội vào tháng Ba âm lịch hàng năm. 20. Ngôi chùa nào là trụ sở của hội Phật giáo Việt Nam? Đó là Chùa Quán Sứ, hiện nay nằm tại 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm. Chùa Quán Sứ vốn là hội quán của hội Phật giáo miền bắc từ năm 1934. Đến năm 1958, ngôi chùa trở thành trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vì sao chùa có tên là Quán Sứ? Tại khu vực chùa Quán Sứ hiện nay, vào đầu thế kỉ XV, triều Lê cho lập một khu nhà gọi là nhà Quán Sứ để tiếp đón sứ thần Lào, Chiêm Thành… khi họ tới Thăng Long. Sứ thần các nước đều theo đạo Phật, nên triều đình cũng dựng ngôi chùa nhỏ cạnh nhà Quán Sứ cho các sứ thần lễ Phật, vì vậy chùa mang tên Quán Sứ. Sau này, khu nhà bị phá bỏ, nhưng ngôi chùa vẫn được giữ lại. Chùa Quán Sứ hiện nay mang dáng vẻ của lần tu sửa năm 1842. 21. Ai đã có công xây dựng chùa Liên Phái? Chùa Liên Phái do Lân Giác thượng sĩ, tức phò mã Trịnh Thập (hay Hợp) cho xây dựng năm 1726. Chuyện kể, một hôm Trịnh Thập sai người đào đất ở gò cao sau nhà, thấy tảng đá hình ngó sen rất lớn, cho là điềm báo của Phật. Tin rằng mình có duyên với đạo, nên phò mã đã xuất gia, sửa phủ đệ thành chùa. Đó là chùa Liên Hoa, hay Liên Tông, sau này đổi tên là Liên Phái. Sau khi mất năm 1733, ông được các đệ tử hỏa táng, dựng tháp, ở giữa gò đất nơi đào được ngó sen trước kia gọi là tháp Cứu Sinh. Lân Giác thượng sĩ được tôn làm vị to thứ nhất của dòng Phật giáo Liên Tông (hoa sen). Trong chùa Liên Phái có một khu vườn tháp, đúng không? Chùa Liên Phái Đúng vậy. Phía sau chùa Liên Phái có một khu vườn tháp, ở trên gò đất cao, gồm 9 ngôi tháp xây thành 3 hàng. Hàng thứ nhất và hàng thứ ba, mỗi hàng đều hai ngôi. Riêng hàng thứ hai có 5 ngôi tháp, trong đó tháp Cứu Sinh được đặt ở nơi cao nhất. Tháp được xây bằng đá xanh hình vuông, bốn tầng, là ngọn tháp cổ nhất trong nội thành Hà Nội hiện nay. 22. Pho tượng đồng lớn nhất miền Bắc hiện nay đặt ở chùa nào? Đó là Chùa Ngũ Xã, nằm ở số 44 phố Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Chùa được xây dựng vào thế kỉ XVIII, thờ thánh tăng Nguyễn Minh Không, theo tục truyền là ông tổ nghề đúc đồng. Pho tượng đồng Di Đà khổng lồ, ngồi trên tòa sen được đặt ở gian giữa của chùa. Tượng nặng tới 12 tấn, cao 3,95m, có chu vi 11,6m, với đôi tai dài hơn 70cm, ngón tay trỏ dài 60cm. Pho tượng được làm suốt 3 năm, từ tháng 5/1949 đến giữa năm 1952. Đây là pho tượng Phật bằng đồng lớn nhất hiện có tại các chùa miền bắc Việt Nam. Có thể nói, cửa ô là “đặc sản” của Thăng Long – Hà Nội. Nhưng cửa ô xuất hiện từ bao giờ, và Hà Nội từng có bao nhiêu cửa ô, đến nay vẫn chưa biết rõ ràng. Theo sử sách ghi chép, năm 1749, chúa Trịnh Doanh cho đắp tòa thành đất, bao quanh kinh thành Thăng Long gọi là thành Đại Đô, mở ra 8 cửa. Mỗi cửa có một ô cửa chính ở giữa, và hai ô cửa phụ hai bên, xẻ qua tòa thành. Một số cửa ô còn tên gọi đến ngày nay như ô Yên Phụ, ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa, ô Đống Mác… Ô Quan Chưởng Hiện nay Hà Nội còn lại mấy cửa ô? Ô Quan Chưởng (đầu phố Hàng Chiếu) là cửa ô duy nhất của thành Thăng Long xưa còn lại đến ngày nay. Đây là cửa ô mở qua tường phía đông của tòa thành đất xây dựng năm 1749, đến năm 1817 cửa ô được sửa chữa lại như kiểu dáng bây giờ. Ô Quan Chưởng còn nguyên một cửa chính và hai cửa phụ. Trên tường cửa chính có gắn tấm bia đá khắc năm 1882, ghi lệnh của tổng đốc Hoàng Diệu cấm lính canh gác không được sách nhiễu dân lành khi họ qua lại. Trên nóc cửa ô, hiện vẫn còn ba chữ Hán “Đông Hà Môn” – nghĩa là cửa ô Đông Hà, tên gọi ban đầu của ô Quan Chưởng. Cột cờ Hà Nội Cột cờ Hà Nội (còn gọi là Kì đài) được xây dựng từ năm 1805 và hoàn thành năm 1812, dưới thời Nguyễn. Cột cờ cao 33,4m gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp cụt, xếp chồng lên nhau, nhỏ dần. Tầng thứ ba mở ra bốn cửa: cửa phía đông có đề hai chữ “Nghênh húc” (đón ánh nắng ban mai), cửa phía tây đề chữ “Hồi quang” (phản chiếu ánh sáng), cửa phía nam đề chữ “Hướng minh “(hướng về ánh sáng), cửa phía bắc không có chữ đề, là cửa vào cầu thang hình xoáy ốc dẫn lên cao. Thân cột cờ dựng trên nền bậc thứ ba, có 8 cạnh, thon dần từ dưới lên trên. Dọc theo các cạnh là những lỗ hình hoa thị, hay hình dẻ quạt vừa để trang trí, vừa giúp thông hơi và lấy ánh sáng. Đỉnh cột cờ được xây thành lầu, hình bát giác, giữa lầu là trụ tròn để cắm cờ. Khi chiếm đóng thành Hà Nội, thực dân Pháp đã dùng Cột cờ làm gì? Vì Cột cờ Hà Nội cao, nên sau khi chiếm được thành Hà Nội, thực dân Pháp đã biến Cột cờ thành đài quan sát và trạm thông tin liên lạc. Ban ngày chúng dùng tín hiệu, ban đêm dùng đèn để liên lạc giữa ban chỉ huy và các đồn bốt xung quanh... Đó là tháp Hòa Phong, dấu tích duy nhất của ngôi chùa Báo Ân xưa còn lại đến ngày nay. Tháp nằm trên vỉa hè bên Hồ Gươm đối diện với khu vực trung tâm Bưu điện Hà Nội. Tháp Hòa Phong Chùa Báo Ân do quan Thượng Nguyễn Đăng Giai (quan đứng đầu tỉnh Hà Nội) cho xây dựng năm 1846, nên chùa còn được gọi là chùa Quan Thượng. Ngôi chùa lớn, có đến hàng trăm gian nhà. Năm 1898, thực dân Pháp đã phá hủy toàn bộ ngôi chùa lấy đất mở mang đường phố, chỉ ngôi tháp Hòa Phong được giữ lại. Tháp xây bằng gạch mộc, có bốn cạnh, hai mặt tầng trên hình bát quái. Chùa Báo Ân Đền Ngọc Sơn được dựng trên một gò đất gọi là hòn Ngọc, hay đảo Ngọc, nằm ở phía bắc Hồ Gươm. Đầu thế kỉ XIX đền thờ Quan Đế được xây dựng ở đây, sau thờ thêm anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương, khoa cử. Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ Xem cầu Thê Húc, xem đền Ngọc Sơn Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn Hỏi ai gây dựng nên non nước này? Lối vào đền Ngọc Sơn Tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc và đình Trấn Ba do ai xây dựng? Năm 1865, nhà văn hóa lớn Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra tu sửa đền Ngọc Sơn và xây dựng tháp Bút, đài Nghiên cùng cầu Thê Húc, đình Trấn Ba. Nguyễn Văn Siêu cho dựng một ngọn tháp đá trên núi Độc Tôn - là ngọn núi đất đối diện với đền Ngọc Sơn, được đắp từ thế kỉ XVIII. Tháp cao 5 tầng, có đỉnh hình ngọn bút lông, nên gọi là tháp Bút. Trên thân tháp tạc ba chữ “Tả thanh thiên” nghĩa là “viết lên nền trời xanh”, thể hiện chí khí thanh cao của kẻ sĩ. Tháp Bút Đài Nghiên ngay cạnh tháp Bút, là một nghiên mực tạc bằng đá, hình nửa quả đào, đặt bên trên vòm cửa cuốn. Cây cầu cong cong sơn son bắc từ bờ hồ ra đền Ngọc Sơn, tên là cầu Thê Húc, có nghĩa nơi ánh ban mai đậu lại. Đi qua cầu là đến lầu Đắc Nguyệt (lầu thu được ánh trăng). Còn đình Trấn Ba ở trước đền Ngọc Sơn mang ý nghĩa là đình chắn sóng, nhìn thẳng ra Tháp Rùa. Nhà thờ Lớn Hà Nội có tên gọi ban đầu là nhà thờ thánh Giô - dép (Joseph), nằm trên phố Nhà Thờ ở khu vực trung tâm thành phố. Năm 1884, thực dân Pháp đã phá chùa Báo Thiên có từ thời Lý để xây dựng Nhà thờ Lớn. Đúng dịp lễ Giáng Sinh năm 1886, nhà thờ khánh thành. Đây là nhà thờ Thiên chúa giáo lớn nhất của Hà Nội hiện nay. Đó là Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhà hát gồm một phòng lớn có tới 780 chỗ ngồi, sảnh, hành lang… với tổng diện tích 2600m2, đỉnh cao nhất của toà nhà là 34m. Sau 10 năm xây dựng, Nhà hát Lớn được hoàn thành vào năm 1911, theo thiết kế của các kiến trúc sư người Pháp. Thời Pháp thuộc, các buổi trình diễn sân khấu ở đây giá vé rất cao nên chỉ người Pháp và những người Việt giàu có mới đến xem. Sau hoà bình lập lại, năm 1954, Nhà hát Lớn trở thành trung tâm văn hóa quan trọng bậc nhất của thủ đô Hà Nội. Quảng trường trước Nhà hát Lớn có tên gọi là gì? Quảng trường rộng trước Nhà hát Lớn gọi là quảng trường Cách mạng Tháng Tám, vì đây là nơi xuất phát của các cuộc tuần hành lớn trong những ngày tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945 ở Hà Nội. Ngày 17/8/1945, nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh và biểu tình của đông đảo người dân thủ đô ủng hộ Việt Minh. Đến ngày 19/8/1945, hơn hai chục vạn quần chúng nhân dân đã tập trung về dự lễ mít tinh, rồi bắt đầu tỏa đi các nơi giành chính quyền. Từ đó, quảng trường cũng có tên là quảng trường 19 tháng 8. Nhà hát Lớn Nhà tù Hỏa Lò, hiện nay nằm ở số 1 phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, được xây dựng năm 1897. Năm 1899 tuy chưa hoàn thành nhưng nhà tù đã được đưa vào sử dụng. Đây là nơi thực dân Pháp giam giữ, tra tấn, và tàn sát nhiều người Việt Nam yêu nước. Những người tù chính trị bị cho là nguy hiểm sẽ bị giam vào xà lim, và tù nhân “đặc biệt nguy hiểm” sẽ bị nhốt trong ngục tối. Tại đây, thực dân Pháp đặt cả máy chém để thi hành án đối với ai chịu tội tử hình. Nhà tù là chứng tích cho những tội ác của thực dân Pháp, đồng thời cũng thể hiện ý chí và tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam. Ngày nay, một phần nhà tù đã được phá đi xây dựng thành tòa nhà cao tầng làm khách sạn và khu văn phòng, còn một phần (trông ra phố Hỏa Lò) được giữ lại, tôn tạo trở thành di tích lịch sử Hỏa Lò. Tại sao nhà tù mang tên gọi Hỏa Lò? Trước kia, khu vực phố Hỏa Lò ngày nay thuộc làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương. Nhân dân có nghề làm ấm đất, siêu đất… nên ngày cũng như đêm, trong làng luôn luôn rực lửa các lò nung, bởi vậy làng có tên là Hỏa Lò. Khi thực dân Pháp chiếm đất của làng xây dựng nhà tù, nhà tù cũng được quen gọi là Hỏa Lò. Nhà tù Hỏa Lò kiên cố như thế nào? Khi sang Việt Nam năm 1896, toàn quyền Pôn Đu-me (Paul Dourmer) có ý định thiết lập tại Hà Nội một nhà tù kiên cố vào bậc nhất Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) và ngay trong năm sau đã cho xây dựng nhà tù Hỏa Lò. Ngày nay trên cổng nhà tù vẫn còn dòng chữ Nhà tù Trung tâm (Maison centrale) – tên gọi chính thức của nhà tù Hỏa Lò Bao quanh nhà tù là những bức tường vững chắc xây bằng đá hộc, cao 4m, dày 0,5m, trên cắm mảnh chai, chăng dây kẽm và dây điện. Bốn góc là 4 tháp canh cao, đứng trên đó có thể nhìn thấy toàn bộ phía trong, phía ngoài và xung quanh nhà tù. Nhà tù gồm 1 nhà canh gác, 1 nhà thương, 2 nhà giam cầm bị can, 1 nhà phân xưởng, 5 nhà giam tù nhân, có tổng diện tích gần 13.000m2. Có nhiều sách báo yêu nước đã được xuất bản trong tù, đúng không? Khi bị giam giữ trong tù, các chiến sĩ đã biến nhà tù Hỏa Lò thành một trường học cách mạng. Họ tự dạy cho nhau những kiến thức về cách mạng, về văn hóa… Tại đây, nhiều sách vở, báo chí yêu nước đã ra đời, trong đó có các tờ báo Lao tù đỏ, Lao tù tạp chí, các tác phẩm như Những vấn đề cơ bản của cách mạng Đông Dương của Ngô Gia Tự, Công nhân vận động của Nguyễn Đức Cảnh... Chợ Đồng Xuân ra đời năm 1889, khi ấy là chợ to nhất của Hà Nội. Ban đầu chợ họp ngoài trời, sau này mới được xây thành khu chợ với năm cầu chợ khung sắt, rồi xây thêm tường và các cửa. Có ba cổng vào chợ và hai ngách, một thông sang Hàng Khoai, một ngõ nhỏ hơn thông sang Hàng Chiếu. Trải qua hơn một thế kỉ, giờ đây chợ chỉ còn ba cửa ở giữa, và là một trong những biểu tượng đặc trưng của Hà Nội. Chợ Đồng Xuân Nằm cạnh ga tàu hỏa tại đầu cầu Long Biên, lại ở ngay sát sông Hồng, chợ Đồng Xuân là một địa điểm thuận lợi để hàng hóa bốn phương dồn về đây và từ đây tỏa đi khắp nơi. Bởi vậy, đã có người ví chợ Đồng Xuân như “cái bụng” của Hà Nội. Khi mới được xây dựng vào năm 1902, Ga Hà Nội có tên gọi là nhà ga Trung Tâm, nhưng mọi người vẫn thường gọi là ga Hàng Cỏ. Trước kia đây là khu vực nằm cạnh một con đường lớn, xung quanh có nhiều ruộng trũng và hồ ao. Người dân ven thành thường cắt cỏ đem đến đây bán cho lính trong thành và các đồn quân cho ngựa ăn. Vì vậy, phố có tên là Hàng Cỏ, và nhà ga mới xây dựng cũng gọi là ga Hàng Cỏ. Ga Hàng Cỏ 32. Căn nhà 5D Hàm Long trở thành nhà lưu niệm từ khi nào? Căn nhà 5D phố Hàm Long, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, là nơi diễn ra nhiều sự kiện cách mạng quan trọng từ cuối những năm 20 của thế kỉ XX. Đây là nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Từ ngày 25/11/1959, căn nhà được khôi phục thành nhà lưu niệm, trưng bày các tài liệu, kỉ vật đúng nguyên trạng của những năm 1928 – 1929. Căn nhà này là một gian của Bảo tàng Hà Nội, với những bức phác họa chân dung và những đồ dùng của các đảng viên cộng sản đầu tiên (như chiếc cặp đựng tài liệu, chiếc ấm, giỏ đựng cơm…) 33. Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập ở đâu? Sau khi từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Bác Hồ đến sống và làm việc tại một phòng nhỏ, trên gác hai, ở căn nhà 48 Hàng Ngang (nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm). Tại đây, Bác đã viết Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Căn nhà này của gia đình ông Trịnh Văn Bô, là một trong những cơ sở cách mạng ở nội thành từ rất sớm. Nhà có ba tầng, tầng dưới là cửa hiệu Phúc Lợi bán tơ lụa, vải vóc, các tầng trên có nhiều phòng làm nơi tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ… Căn nhà 48 Hàng Ngang Căn phòng Bác Hồ đã sống và làm việc được xếp đặt như thế nào? Căn phòng Bác Hồ ở có diện tích khoảng 20m2, được bài trí rất đơn sơ. Trong góc phòng kê chiếc bàn tròn và chiếc ghế bành bọc vải trắng. Góc khác, kê một chiếc đi-văng và chiếc tủ màu cánh gián, cùng chiếc giường vải xếp để Bác nghỉ ngơi. Phòng bên cạnh là nơi Bác làm việc. Góc phải phía ngoài phòng họp có một chiếc bàn nhỏ và chiếc ghế tựa. Trên bàn đặt chiếc máy chữ Bác đưa từ chiến khu Việt Bắc về. Đây là chiếc máy chữ Bác đã dùng soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Căn phòng Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập 34. Nơi nào ở Hà Nội lưu giữ được nhiều nhất dấu ấn của Bác Hồ? Đó là khu di tích Hồ Chí Minh hay Khu di tích Phủ Chủ tịch, quận Ba Đình. Khu di tích này gồm: Phủ Chủ tịch, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường Ba Đình. Phủ Chủ tịch Phía tây quảng trường Ba Đình là khu lưu niệm Hồ Chí Minh. Nơi đây có Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà sàn Bác Hồ, nhà 67 (nơi Bác dưỡng bệnh và qua đời), cùng vườn cây, ao cá, giàn hoa, đường xoài… Quảng trường nào rộng nhất Hà Nội? Đó là Quảng trường Ba Đình. Với chiều dài 320m, chiều rộng hơn 100m, toàn bộ diện tích quảng trường là 35.000m2, gồm 168 ô cỏ, đủ chỗ đứng cho 20 vạn người. Đây vốn là khu vực cửa Tây của thành Thăng Long trước kia, đến thời Pháp thuộc là một vườn hoa nhỏ, từ năm 1945 mới có tên là vườn hoa Ba Đình. Tại đây, đúng 2 giờ chiều ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập trước hàng vạn người dân thủ đô. Từ đó đến nay, Quảng trường Ba Đình là nơi tổ chức nhiều ngày lễ kỉ niệm quan trọng của đất nước. Bác Hồ đã sống ở nhà sàn vào khoảng thời gian nào? Ngôi nhà sàn hiện nay nằm trong khu vườn sau Phủ Chủ tịch là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 18/5/1958 đến ngày 17/8/1969. Lối đi vào nhà là con đường xoài giữa một vườn cây xanh mát, phía trước là ao cá, phía sau có vườn quả trồng nhiều loại cây cỏ trăm miền. Nhà sàn Bác Hồ Ngôi nhà lợp mái ngói bình dị có hai tầng: tầng trên là nơi ở và phòng làm việc, tầng dưới là phòng tiếp khách và phòng họp. Sách vở, mấy chiếc máy điện thoại, chiếc máy chữ nhỏ, chiếc ghế mây dài Bác thường nghỉ trưa, chiếc mũ cứng Bác thường đội khi đi thăm địa phương… tất cả những đồ đạc đơn sơ giản dị ấy đã gắn bó với Bác Hồ trong suốt cuộc đời hoạt động của Người. Vườn cây Bác Hồ có bao nhiêu cây? Vườn cây Bác Hồ là nơi hội tụ của hàng nghìn cây từ khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới. Vườn có tới 1245 cây thuộc 161 loài, trong đó nhiều cây đã thọ trên 100 năm tuổi. Hàng ngày, sau giờ làm việc, Bác thường đi tưới nước cho các cây trong vườn. Bác tự tay trồng và chăm sóc cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu năm 1955. Mùa đông, Bác lấy rơm quấn quanh thân cây cho cây đỡ lạnh. Sau này, cây vú sữa đã được đưa đến trồng ở cạnh nhà sàn, khi Bác về đây ở. 35. Lăng Bác Hồ được hoàn thành khi nào? Lăng Bác Hồ được khởi công xây dựng ngày 2/9/1973, đến ngày 29/8/1975 thì hoàn thành. Đây là nơi gìn giữ thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Lăng dựng trên nền tòa lễ đài cũ ở Quảng trường Ba Đình, giữa một không gian thiên nhiên xanh mát nhiều cây lá. Mái Lăng lát đá hồng ngọc màu mận chín, có dòng chữ nổi bật: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn bộ mặt ngoài của Lăng được lát đá hoa cương. Khu vực ở giữa là phòng di hài và hệ thống hành lang, phần bậc thềm dưới cùng là lễ đài. 36. Cung văn hoá nào ở Hà Nội có tên gọi nói lên tình hữu nghị giữa hai đất nước? Đó là Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô (Việt Nam – Liên Xô cũ) ở 91 Trần Hưng Đạo. Được khánh thành năm 1985, Cung văn hóa là món quà của Hội đồng Trung ương Công đoàn Liên Xô tặng Việt Nam. Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô là một công trình kiến trúc đồ sộ, gồm 3 khối nhà chính, 120 phòng lớn nhỏ. Hội trường lớn của Cung văn hóa có sức chứa 1256 người, hội trường nhỏ chứa 375 người. Đây là nơi diễn ra nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi hoa hậu… của nước ta. 37. Nơi nào ở Hà Nội trưng bày hiện vật của 54 dân tộc Việt Nam? Đó là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Bảo tàng được xây dựng năm 1997, rộng hơn 3ha, gồm hai khu vực trưng bày: trong nhà và ngoài trời. Khu trong nhà là nơi tập trung các hình ảnh, hiện vật giới thiệu sắc thái văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất... của 54 dân tộc trên khắp mọi miền đất nước. Khu trưng bày ngoài trời tái hiện hình ảnh những công trình kiến trúc tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam như nhà sàn, nhà dài, nhà rông… Bảo tàng Dân tộc học 38. Có thể xem các loài động vật hoang dã ở công viên nào tại Hà Nội? Đó là Công viên Thủ Lệ (còn gọi là Vườn thú Thủ Lệ) nằm trên phần đất của làng Thủ Lệ - một làng cổ có từ thời Lý (thế kỉ XI), nay thuộc quận Ba Đình. Công viên được hoàn thành năm 1977, có rất nhiều cảnh đẹp: núi Bò, hồ Linh Lang trong xanh rộng 6ha cùng những gò đất nhấp nhô, những cây cổ thụ hàng trăm tuổi… Trong vườn được chia thành nhiều khu nuôi thú khác nhau. Các chuồng thú được xây dựng giống như hang động, bãi cỏ, suối nước… thích hợp với những loài thú rừng hoang dã: hổ, báo, ngựa vằn, sói bờm… Các loài bò sát: rắn, trăn, cá sấu, kì đà… được nuôi ở một khu riêng. Trên đảo là thế giới của chim muông: công, trĩ, sếu, hoàng oanh, chích chòe… Vườn thú cũng có khu nhà chứa các bể cá vàng, cá cảnh với hàng trăm loại đủ sắc màu. Vườn thú Thủ Lệ giống như một bảo tàng sinh vật cảnh phong phú của thủ đô Hà Nội. 39. Khu vui chơi giải trí nào ở Hà Nội lớn nhất miền Bắc? Đó là công viên Hồ Tây được thành lập ngày 2/3/1999 nằm bên bờ Hồ Tây với tổng diện tích 8,1ha. Công viên Hồ Tây bao gồm Công viên nước và Công viên Vầng trăng, với rất nhiều trò chơi hấp dẫn, thú vị, chẳng hạn: sông lười, bể tạo sóng, bể hành động, lâu đài nước, tàu điện trên không, đu quay khổng lồ, phòng chiếu phim thực tế ảo, đu quay ấm chén, máy bay trẻ em, khu vực trò chơi lâu đài gỗ… Công viên nước Hồ Tây Cực tây của hòn đảo. Đó là “phá hủy những cột trụ mà hiệp ước với Alexander được khắc trên đó”. Arrian diễn đạt đoạn này có phần lỏng lẻo: hiệp ước, như trong trường hợp của Tenedos (xem phần sau trong quyển này), chắc chắn được ký kết giữa “Alexander và những người Hy Lạp”, chẳng hạn người Mitylene là thành viên của Liên minh Corinth. Được gọi theo tên của một người Sparta, người chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc đàm phán hòa bình năm 386. Hiệp ước này cũng thường được gọi (một cách chính đáng) là Hiệp ước Hòa bình của Hoàng đế, vì hoàng đế Ba Tư đã giành quyền kiểm soát các thành bang Hy Lạp ở Tiểu Á, trong khi điều khoản lại quy định rằng tất cả những thành bang ở Hy Lạp nên có quyền tự trị, ngăn chặn việc sản sinh nên bất kỳ một đế chế thù địch nào. Thymondas đã mang số lính này, di chuyển bằng đường biển, tới Tripolus và từ đó, nhập vào lực lượng của Darius tại Sochi. Họ đã chiến đấu tại bờ Issus. Sự rút lui hiệu quả của đội quân này đã phá hủy bất kỳ cơ hội tấn công thành công nào của hải quân. Alexander đã quyết định giải tán hạm đội, một lực lượng mà chắn chắn sẽ khiến ngài phải tốn nhiều tiền bạc để duy trì, vào thời điểm Memnon qua đời. Trong thời đại của Alexander, điều này ám chỉ Đế chế Ba Tư. Phrygia nhỏ hơn. Vùng Phrygia lớn hơn (sau này là Galatia) do Antigonus cai trị (xem Quyển một). Có lẽ đây là một thủ lĩnh địa phương. Sau đó không nghe được thông tin nào khác về nhân vật này. Ngày nay là Golek-Boghaz, con đường chính băng qua dãy Taurus, giữa Cappadocia và Cilicia. Xem Xenophon Anabasis 1.2.20-1. Trái ngược với cách đối xử của ngài với Philotas khoảng bốn năm sau (xem Quyển ba). “Cổng thành Syrian” (còn được gọi là cổng thành “Assyria” trong phần sau) là con đường Beilan, băng qua dãy Amanus, phía đông nam của Alexandretta. Chẳng hạn kiểu viết chữ hình nêm. Nguyên văn: “Sardanapalus, son of Anakyndaraxes, built in one day Tarsus and Anchialus. O stranger, eat, drink, and play, for everything else in the life of a man is not worth this”. Từ “play” ở đây còn được hiểu là ám chỉ việc làm tình. (ND) Về Orontobates, xem Quyển ba. Chắc chắn lòng biết ơn này là vì sự hồi phục của Alexander sau trận sốt tại Tarsus. Theo Aeschines, Against Ctesiphon 164, Demosthenes cũng đưa ra một tường thuật tương tự trong thời gian này. Từ Cilicia, có hai con đường đi tới những vùng đất phía đông, băng qua Cổng thành Syrian gần Alexandretta và Cổng thành Amanian (Đường Bogtche) ở phía bắc, đi tới Euphrates ở Apamea. Alexander hoặc không được báo cáo về đường đi hoặc đã nghĩ rằng nó không quan trọng; chắc chắn tin tức về việc Darius chặn đường là một bất ngờ đối với ngài. Plutarch (Alexander tr.20) viết rằng “hai lực lượng đã không đụng độ nhau trong đêm”, thực tế, khi Darius hành quân về phía bắc từ Sochi, họ đã bị chia tách bởi sự rộng lớn của dãy Amanus. Tại Cunaxa, cách Babylon khoảng 72 kilômét. Xem thêm, ngoài các sử gia viết về Alexander, Polybius 12.17-22, người chỉ trích ghi chép của Callisthenes về trận chiến. Callisthenes cho biết chiều rộng của đồng bằng khoảng 14 stade [stade là đơn vị đo khoảng cách của Hy Lạp cổ đại, 1 stade bằng khoảng 183 mét]. Về những binh lính này, xem Strabo 14.3.18. Fuller cho rằng hầu hết những binh lính này là bộ binh hạng nhẹ. Plutarch đưa ra số liệu tương tự. Diodorusand Justin 400.000, và Curtin 250.000. Tất cả những số liệu này đều là không tưởng, nhưng giờ đây chúng ta không thể tìm được số liệu chính xác. Những người Macedonia này là ai? Nếu đó là một đơn vị Macedonia, có lẽ họ là “các lính trinh sát”. Chúng ta có thể đoán rằng từ “Macedonia” là để thay thế cho một từ khác, chẳng hạn như Paeonia. Cả hai đơn vị này đều được nhắc tới ở đoạn sau. Anabasis 1.8.21, 22. Đây không phải là hai đội Chiến hữu vừa được nhắc tới, mà theo Curtius (3.11.2) là “hai đơn vị kỵ binh” được nhắc tới cùng với quân Agrianes ở trên. Họ chắc chắn là lính đánh thuê. Chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh hạng nặng. Plutarch, Curtius và Diodorus thống nhất về số thương vong, nhưng số liệu về phía quân Ba Tư thì không đáng tin. Số thương vong của Macedonia do Curtius (3.11.27) đưa ra là 450 người bị giết và 4.500 người bị thương. Về một vài chi tiết, xem Plutarch, Alexander 20.11-13. Như Fuller lưu ý, Damascus cách Sochi hơn 300 kilômét về phía nam là một địa điểm nổi bật để lựa chọn. Năm 333 TCN. Việc Alexander bị thương nhẹ là chính xác. Tuy nhiên, Chares đã khẳng định rằng vết thương này là do chính Darius gây ra, điều mà Plutarch (Alexander 20.9) cho là bịa đặt và đã trích dẫn lá thư của Alexander để bác bỏ. Điều này có nghĩa là họ đã nhận được không ít hơn 150 ta-lăng, một số tiền khá lớn nếu người ta biết rằng khoản lợi tức của Athens năm 431, bao gồm cả đồ cống nạp từ các thành bang lệ thuộc, chỉ vào khoảng 1.000 ta-lăng. Plutarch (Alexander 22.5) trích dẫn một lá thư do Alexander viết cho Parmenio, trong đó ngài khẳng định không bao giờ tơ tưởng tới vợ của Darius. Nhiều kỵ binh Ba Tư trốn tới Cappadocia, nơi họ liên kết với các binh lính địa phương trong nỗ lực giành lại Phrygia nhưng sau đó đã bị Antigonus đánh bại. (Curtius 4.1.34-5, ở đây “Lydia” bị nhầm sang “Phrygia”). Lính đánh thuê Hy Lạp. Diodorus (17.48.2-5) và Curtius (4.1.27-33) đưa ra nhiều chi tiết hơn về những sự kiện ở Ai Cập. Vì họ chỉ nhắc tới Amyntas và 4.000 lính đánh thuê, có thể lực lượng đã bị chia nhỏ. Có thể có 4.000 lính khác phục vụ cho Agis, vua Sparta; tương truyền vị vua này đã thuê 8.000 lính trốn chạy từ Issus. Xem E. Badian, JHS 1963, 25-6. Không hề nao núng khi nghe tin thất bại của Darius tại Issus, Agis tiếp tục chuẩn bị cho cuộc chiến, và vào mùa xuân năm 331, ông “đã hô hào hợp nhất những người Hy Lạp để đấu tranh vì tự do của họ” (Diodorus 17.62.6). Sau những thành công ban đầu, cuối cùng Agis bại trận dưới tay Antipater tại Megalopolis vào mùa thu năm 331. Về bằng chứng, xem Diodorus 17.48.1-2; 62.6-63.4; 73.5-6; Curtius 6.1; và, về ghi chép gần đây về Agis, xem E. Badian, Hermes 1967, từ tr.170. Diodorus (17.39.2) thuật lại một câu chuyện lạ lùng rằng Alexander đã giấu lá thư của Darius và thay thế bằng một lá thư khác “phù hợp hơn với các quyền lợi” mà ngài đặt ra trước các chiến hữu để bảo đảm việc bác bỏ đàm phán hòa bình. G. T. Griffith (Proc. Camb. Phil. Soc. 1968, từ tr.33) cho rằng lá thư trong trước tác của Arrian là giả mạo. Chẳng hạn, ông chỉ ra rằng, Darius không đưa ra những gợi ý về tài chính hoặc lãnh thổ (như ông đã nêu trong các lá thư trong trước tác của Diodorus 17.39 và Curtius 4.1.7), và rằng việc đưa ra vấn đề tội ác chiến tranh là một hành động sai lầm ở vị trí của Darius. Về những tranh luận khác của Griffith, xem hai chú thích tiếp theo. Chúng ta không biết được gì về liên minh giữa Philip và Artaxerxes trong một thời kỳ được ghi chép tương đối chi tiết. Chẳng hạn, Demosthenes không hề nhắc tới điều này. Artaxerxes III (Ochus) đã cai trị từ năm 359-338, còn con trai ông, Arses, cai trị từ năm 338 tới năm 336. Darius nhắc tới cuộc xâm lược Tiểu Á của quân Macedonia vào mùa xuân năm 336. Cuộc chiến đó không phải là vô lý, vì chính Ba Tư đã hỗ trợ Perinthus tấn công Philip vào năm 340; tuy nhiên, Philip đã trở thành kẻ xâm lược vào năm 342 khi liên minh với Hermeias của Atarneus và hẳn Darius muốn nhắc tới chi tiết này. Không có bằng chứng nào cho việc này. Alexander (hoặc Arrian) đã nhầm lẫn. Bagoas đã đầu độc Arses cùng các con của ông, và giành ngai vàng của Ba Tư cho Darius. Sau này, khi ông ta toan tính đầu độc Darius, nhà vua đã giành lại ưu thế về phía mình. Xem Diodorus 17.5.3-6. Aeschines (Against Ctesiphon 239) khẳng định rằng Darius đã gửi 300 ta-lăng cho người Athens nhưng họ đã từ chối và Demosthenes đã bỏ túi 70 ta-lăng trong số đó. Liệu Alexander có bị ảnh hưởng bởi việc ông nội của ngài, Amyntas III, đã nhận anh trai của Iphicrates làm con nuôi? Aeschines, On the Legation 28. Việc Iphicrates hỗ trợ về quân sự cho Alexander là không chắc chắn. Tại Sidon, Alexander đã phế truất Strato, người ủng hộ Ba Tư và chỉ định vua Abdalonymus thay thế vị trí của Strato. (Curtius 4.3.4.) Trên thực tế, “Heracles” này là thần Melcarh của người Tyria (thần Baal của Syria). Diodorus (17.40.3) nhấn mạnh lòng trung thành của họ đối với Darius. Người ta nói rằng Alexander đã phải làm lễ hiến tế ở một ngôi đền nằm ngoài thành phố. Những lý do của Alexander về việc dùng vũ lực này đã được ra trong bài diễn văn bên dưới. Hòn đảo cách bờ biển gần 1 kilômét. Theo Diodorus (17.40), mũi đất rộng khoảng 60 mét. Những tảng đá được lấy từ thành Tyre cũ và các khúc gỗ được lấy từ núi Libanus. Đơn vị đo chiều sâu, 1 sải bằng 1,82 mét. (ND) Đây là bước ngoặt của cuộc vây thành. Antilibanus là ngọn núi phía đông trong số hai dãy núi vây quanh thung lũng Coele-Syria; dùng từ Ả Rập có phần không chính xác. Những người bản địa đã giết khoảng 30 lính Macedonia, những người đi kiếm gỗ để làm bè và pháo đài. (Curtius 4.2.18; 4.3.1) Vua của Salamis, một trong chín thành phố trụ cột của Syprus. Cả hai thành phố đều nằm ở bờ biển phía nam của Cyprus. Agenor, cha của Cadmus, được cho là người đã thành lập cả Tyre và Sidon. Cuộc vây thành kéo dài bảy tháng, từ tháng Một tới tháng Tám năm 332. Theo Diodorus (20.14), những người Carthage đã dâng một phần mười ngân khố của họ cho thần Melcarth, và cử các sứ thần tham dự lễ hội hằng năm ở Tyre. Tương truyền, họ đã hứa giúp đỡ những người Tyre vào giai đoạn đầu của cuộc vây thành, nhưng sau đó không thể thực hiện lời hứa vì cuộc chiến với Syracuse (Curtius 4.2.10; 4.3.19). Diodorus (17.46.4) đưa ra con số 13.000 tù nhân, nhưng ông cũng lưu ý rằng 2.000 người đã bị tra tấn. Curtius (4.4.15) bổ sung (số liệu này chưa được xác thực) rằng có 15.000 người đã trốn thoát an toàn, do người Sidon đã góp phần vào đợt đột kích cuối cùng. Liệu có phải là một sự trùng hợp khi tổng số của các số liệu này là khoảng 30.000 người? Diodorus (17.39.1) và Curtius (4.11.1) thuật lại (có thể là thiếu chính xác) rằng Darius đã cử sứ thần cùng với những điều khoản tương tự ngay trước trận Gaugamela. Về câu chuyện phức tạp của các sứ mệnh, xem thêm C. B. Welles trong phiên bản Loeb [trong thư viện cổ điển Loeb] của Diodorus. Plutarch (Alexander 25.4) thuật lại rằng con chim sau đó vướng vào những sợi dây buộc máy lăng đá và bị mắc kẹt ở đó, Curtius (4.6.11) kể rằng con chim bị kẹt trong một pháo đài vì dính phải nhựa đường và lưu huỳnh. Do đó, có thể đoán được tại sao Aristander lại tiên đoán Alexander sẽ hạ được thành. Curtius kể rằng Alexander đã tránh được một vụ ám sát của một người Ả Rập ngay trước khi ngài bị thương. Furlong: đơn vị đo chiều dài, 1 furlong bằng 1/8 dặm Anh, tức khoảng 201 mét. (ND) Thông tin về công sự cao khoảng 17 mét có thể đã được sửa chữa, vì trong bản thảo ghi là “khoảng 76 mét”. Chúng ta không cần tin vào câu chuyện (Curtius 4.6.29) cho rằng Alexander đã kéo lê Batis, trong khi ông ta vẫn còn sống, khắp tường thành phía sau chiến xa của ngài như Achilles đã kéo lê xác của Hector khắp thành Troy (Homer, Iliad). Cuộc vây thành kéo dài hai tháng (tháng Chín đến tháng Mười năm 332), và số người bảo vệ thành bị giết lên tới 10.000 người. Thống đốc cũ, Sabaces, đã bị giết tại Issus. Theo Curtius (4.7.4), Mazaces đã giao lại kho tàng lên tới 800 ta-lăng. Một pháo đài vững chắc, cửa ngõ vào Ai Cập, nơi những người Ai Cập đã vài lần đương đầu với quân xâm lược. Apis chính là thần Ptah của Memphis. Alexander tôn trọng tôn giáo này của người Ai Cập (và của những dân tộc khác mà ngài chinh phục) và đã được tôn làm Pharaoh tại Thebes. Trái lại, Cambyses đã xúc phạm thần Apis (Herodotus 3.27-8). Nữ thần của tình mẹ, phép thuật và sự sinh sản. (ND) Đây là thành phố đầu tiên và vĩ đại nhất trong nhiều thành phố mà Alexander sáng lập, được kiến thiết (không giống như phần lớn các thành phố) để trở thành trung tâm thương mại lớn. Plutarch (Alexander 26.4) đồng ý với Arrian rằng việc sáng lập thành phố diễn ra trước khi Alexander tới thăm Siwah, nhưng cũng có những ghi chép khác (tiêu biểu như trước tác của Curtius, Diodorus và Justin) cho rằng sự kiện này diễn ra sau chuyến viếng thăm. Về các tranh luận thiên về ý kiến sau, xem C. B. Welles, Historia 11 (1962), từ tr.271. Đoạn này có thể hiểu là Alexander muốn phác thảo lại sơ đồ các chốt phòng vệ, trong khi lúc đó lại không có phấn hoặc các phương tiện khác để vẽ lại. (ND) Xem Quyển hai. Tướng quân người Athens, người đã tự nguyện xin quy hàng vào năm 335; lần cuối cùng nhân vật này được nhắc đến là vào mùa xuân năm sau đó, khi ông trao vương miện bằng vàng cho Alexander tại Sigeium. Xem Quyển một. Mặc dù sắc lệnh của Alexander cho người Chios (Tod 192) vào khoảng một năm trước đó đã tuyên bố rằng Hội đồng của Liên minh Corinth nên xét xử những kẻ phản bội. Đền thờ của thần Ammon, một vị thần mà người Hy Lạp biết đến trong hơn một thế kỷ và được họ coi tương đương với thần Zeus, được đặt ở ốc đảo Siwah cách Thebes khoảng 644 kilômét. Chuyến viếng thăm này đã được nhiều sử gia mô tả, cụ thể Diodorus 17.49-51, Curtius 4.7.5-30, Plutarch Alexander 26-27 và Strabo 17.1.43 (dựa theo Callisthenes). Người anh hùng trong Thần thoại Hy Lạp, đã giết quái vật tóc rắn Medusa Gorgon. (ND) Tác giả của bình luận đầy hoài nghi này (cũng được Curtius đưa ra) có thể là Ptolemy, người không đồng ý với việc Alexander tin rằng ngài có nguồn gốc thần thánh. Được tôn làm Pharaoh tại Thebes, Alexander, cũng giống như mọi Pharaoh khác, đều tự coi mình là con của thần Ammon. Mersa Matruh. Ở đây, Alexander đã gặp các sứ thần đến từ Cyrene, những người đã thương thuyết với ngài về hiệp ước hòa bình và liên minh (Diodorus 17.49.2). Về miêu tả ốc đảo Siwah và đền thờ thần Ammon, xem Diodorus 17.50, Curtius 4.7.16, và đặc biệt là H. W. Parke, The Oracles of Zeus, (Oxford, 1967) từ tr.196. Arrian có thể đang nhắc tới triều đại của Ptolemy, ám chỉ nguồn gốc văn hóa Hy Lạp cổ đại. “Ngón tay” có thể là đơn vị đo lường nhỏ nhất, khoảng 1,8 centimet. Chắc hẳn vị trưởng tư tế đã chào Alexander (với vai trò một Pharaoh) là “con trai của thần Ammon” (hoặc “con trai của thần Zeus”) và vị hoàng đế trẻ tuổi đã một mình bước vào đền thờ. Nếu đúng như vậy, những lời tiên tri do Plutarch, Diodorus và Curtius thuật lại về việc Alexander là hậu duệ của thần Ammon và ngài sẽ trở thành người thống trị thế giới đều đáng ngờ, trừ phi chúng ta giả định rằng các vị tư tế hoặc chính Alexander, sau đó, đã loan báo thông tin này. Callisthenes rõ ràng đã viết về dòng dõi thần thánh của Alexander (chẳng hạn, xem Plutarch Alexander 33.1) với sự đồng thuận của Alexander. Plutarch (Alexander 28) và Arrian (7.29) coi việc này là một thủ thuật phi chính trị, làm kinh sợ những người còn đang bối rối, trong khi chắc chắn rằng, điều này ít nhiều cho thấy niềm tin của Alexander về việc ngài thực sự là con trai của thần Ammon. Naucratis là căn cứ của người Milesia và là một thành phố Hy Lạp. Về lá thư của Alexander gửi Cleomenes, xem Quyển bảy. Trong xã hội La Mã cổ đại, hệ thống đẳng cấp được phân chia theo dòng dõi và sự giàu có. Hai đẳng cấp cao nhất là tầng lớp nguyên lão và hiệp sĩ (equites/knight). Các nguyên lão thường là tầng lớp thống trị truyền thống, nổi lên thông qua con đường chính trị, còn các hiệp sĩ nổi lên thông qua con đường binh nghiệp. (ND) Tin tức đầu tiên về cuộc nổi loạn của Agis (xem Quyển hai). Nhiệm vụ của Philoxenus có thể bao gồm cả việc thu “phần đóng góp” của các thành phố Hy Lạp ở Tiểu Á chừng nào họ vẫn còn tiếp tục phải đóng thuế. Sau này, Philoxenus có quyền (hoặc tự cho là mình có quyền) can thiệp vào các thành phố này. Về thảo luận gần đây nhất về danh hiệu và nhiệm vụ của ông, xem Badian, Ehrenberg Studies, từ tr.55. Việc ông có phải là nhân vật Philoxenus được nhắc tới trong phần sau hay không vẫn còn là điều chưa chắc chắn. Không giống như những lần kết hôn khác của vua Philip, lần kết hôn này với một nữ quý tộc người Macedonia đã đe dọa vị trí của Olympias và Alexander, và cảnh tượng đáng xấu hổ tại tiệc cưới đó đã dẫn tới việc hai mẹ con Alexander phải trốn khỏi Macedonia. Sau khi trở về từ Illyria vào cuối năm, Alexander đã nỗ lực kết thân với Pixodarus, người cai trị Caria, điều này đã dẫn tới việc trục xuất những người bạn của ngài. Xem Chương 9, Chương 10 cuốn Alexander của Plutarch. Chú (và anh rể) của Alexander Đại đế. Ông đã hỗ trợ Tarentine tấn công người Lucania và Bruttium, nhưng đã bị đánh bại và bị giết vào năm 331/330. Thay thế Asander, anh trai của Parmenio, mặc dù ông đã góp phần đánh bại Orontobates (xem Quyển hai); xem E. Badian, Transactions of the American Philological Association 91 (1960) 329. 331 TCN. Về các sự kiện diễn ra vài tháng sau đó, xem E. W. Marden, The Campaign of Gaugamela (Liverpool, 1964). Một loại chiến xa thời cổ đại, bao gồm một cỗ xe ngựa có các lưỡi dao sắc hình lưỡi liềm được gắn vào mỗi đầu của trục xe. Lưỡi dao có chiều dài khoảng 1 mét, được sử dụng như một vũ khí. (ND) Chỉ có Curtius (4.12.13) đưa ra số liệu hợp lý, 200.000 người cho bộ binh Ba Tư, nhưng dù có một vài học giả chấp nhận số liệu này, cũng không có bằng chứng nào cho thấy nó được đưa ra dựa trên nguồn cứ liệu đáng tin. Curtius cho rằng số kỵ binh là khoảng 45.000 người. Marsden (tr.31-37) ước lượng số đó khoảng 34.000 người. Khazir, một nhánh của sông Lycus. Trận chiến có thể đã diễn ra ở gần Tell Gomel, phía bắc con đường hoàng gia Ba Tư đi từ Nineveh tới Arbela (Erbil); xem Marsden, tr.20. Ngoài những nguy cơ phải đối mặt trong một cuộc tấn công ban đêm (xem Thucydides 7.43-4; Xenophon, Anabasis 3.4.35), Alexander hiểu rõ giá trị của việc lan truyền tin tức nếu đánh bại quân Ba Tư trong điều kiện đó. Darius có thể tuyên bố rằng tại Issus, ông ta đã thất bại vì thiếu không gian (xem Quyển một); còn ở lần này, Alexander không có ý định để Darius có thể viện dẫn bất kỳ lý do nào nhằm biện hộ cho sự yếu kém của ông ta. Mệnh lệnh viết tay này không tiết lộ số lượng binh lính trong lực lượng Ba Tư. Họ đã bị ép buộc phải chuyển tới Trung Á. Những chiến xa cũng không hề được sử dụng hiệu quả tại Cunaxa (Xenophon, Anabasis 1.8.19-20) Vì việc người đưa tin có thể bắt kịp Alexander nếu ngài đang ráo riết truy đuổi Darius là một chuyện khó tin, câu hỏi được đặt ra là: “Lúc đó Alexander đang ở đâu?” G. T. Griffith, JHS 1947, 87, cho rằng ngài đã quay lại ngay để hỗ trợ cánh trái đang bị đe dọa, còn Marsden, từ tr.58, cho rằng Alexander đã di chuyển sang cánh trái để bao vây trung quân và cánh phải của quân Ba Tư. Những người Ấn Độ và Ba Tư này không phải “một vài kỵ binh Ấn Độ và Ba Tư” đã được nhắc tới ở đoạn trước. Những người sau là một nhóm nhỏ, và không thể cướp bóc doanh trại của Macedonia ở cách đó vài kilômét rồi trở về đối đầu với Alexander trong khoảng thời gian đó. Lần đầu tiên là tại Issus (xem Quyển một). Chắc hẳn là một số liệu thấp hơn thực tế. Curtius (4.16.26) đưa ra con số 300 người, Diodorus (17.61.3) đưa ra con số 500 người, cùng với “rất nhiều người bị thương.” Số liệu của Diodorus (90.000) và Curtius (40.000) là hợp lý hơn. Nguyệt thực (xem phần trước trong quyển này) đã diễn ra vào đêm ngày 20/21 tháng Chín và trận chiến diễn ra vào ngày 1 tháng Mười, nghĩa là vào ngày thứ 26 của tháng Boedromion theo lịch Athens. (Plutarch, Alexander 31.4; Camillus 19.5). Alexander cho rằng việc chiếm cứ Babylon và Susa quan trọng hơn về mặt chính trị so với việc truy đuổi một đội quân bại trận khắp một vùng đất có địa thế hiểm trở. Tên một vị vua Ba Tư. (ND) Điện thờ thần Bel (Marduk) đã không được xây dựng lại trước khi Alexander quay trở lại Babylon vào năm 323. (xem Quyển bảy) Mazaeus là người phương Đông đầu tiên được chỉ định giữ chức thống đốc. Liệu đây có phải là một phần thưởng cho đóng góp của ông tại Gaugamela (xem Tarn (Alexander2.109), trích Curtius 5.1.18), hoặc vì ông đã giao nộp Babylon? Arrian dùng từ “Chaldaean” là để chỉ những vị tư tế của thần Marduk. Harmodius và Aristogeiton (mất năm 514 TCN): là hai người Athens đã giết chết bạo chúa Hipparchus. Những người này được dân Athens tôn kính vì đã khôi phục nền tự do cho họ. (ND) Sau này, Arrian nói rằng (xem Quyển bảy) các bức tượng này đã được gửi trở lại Athens vào năm 323. Về Harmodius và Aristogeiton, xem Quyển bốn. Demeter và Persephone. Arrian đã nhầm lẫn. Thống đốc Abulites đã gửi con trai ông là Oxathres cho Alexander. Ông vẫn giữ vị trí của mình. Từ Hy Lạp được dịch thành “thống đốc” là “Hyparchos”, một từ có thể dùng để chỉ nhiều vị trí; xem Tarn, Alexander 2.173. “Menes là… một vị tướng, chịu trách nhiệm về một phần rất quan trọng trong thông tin liên lạc” (Tarn, 2.177). Gần 15.000 người tất cả, tính cả 6.000 bộ binh Macedonia và 500 kỵ binh Macedonia. Chi tiết, xem Diodorus 16.65.1, Curtius 5.1.40-2. Fuller (tr.227) so sánh với khoản thuế mà người Anh phải trả cho các thành viên bộ lạc ở biên giới Tây Bắc Ấn Độ. Mục đích của Alexander là ngăn không cho Ariobarzanes di chuyển lượng của cải khổng lồ ra khỏi Persepolis. Khoản tiền này, theo Diodorus (17.71) và Curtius (5.6.9), là khoảng 120.000 ta-lăng, còn theo Plutarch (Alexander 37) và Strabo (15.3.9) là 40.000 ta-lăng. Pasargadae là thủ phủ cũ của Ba Tư, do Cyrus sáng lập. Quân Macedonia đã chiếm được 6.000 ta-lăng ở đây. Đây là phiên bản chính thức, liên quan tới tính liên-Hy Lạp của cuộc viễn chinh. Plutarch (Alexander 38), Diodorus (17.72) và Curtius (5.7) nói rằng việc đốt phá cung điện là ý của Thais, một gái điếm hạng sang người Athens trong tiệc rượu. Theo biên niên sử chính xác của Curtius, việc này diễn ra vào giữa tháng Năm, vào cuối khoảng thời gian bốn tháng Alexander lưu lại Persepolis. Về việc phá hủy Persepolis, xem các tranh minh họa xuất sắc trong Mortimer Wheeler, Flames over Persepolis, hoặc Jean-Louis Huot, Persia (London, 1965) trong các seri Archaeologia Mundi. Ecbatana chính là Hamadan thời hiện đại. Cổng Caspian, con đường chính từ Media băng qua những ngọn núi Elburz tới Hyrcania và Parthia, cách Teheran khoảng 64 kilômét về phía tây. Lúc này Alexander cho rằng cuộc chiến Liên minh đã tới hồi kết. Số tài sản được tập kết tại Ecbatana, tương truyền, lên tới 180.000 ta-lăng (Diodorus 17.80; Strabo 15.3.9). Parmenio vẫn còn ở Ecbatana cho tới khi ông mất. Mệnh lệnh của ông có thể đã được hủy bỏ. 6.000 bộ binh Macedonia dường như đã tái nhập vào lực lượng của Alexander tại Susia ở Aria (xem phần sau trong quyển này). Rhagae (Rei) nằm cách Teheran khoảng 8 kilômét về phía đông nam, cách cổng Caspia không ít hơn 70 kilômét. Darius bị giết gần Damghan hoặc Shahrud. Alexander đã hành quân khoảng 338 hoặc 402 kilômét từ Cổng Caspian trong khoảng hơn một tuần vào giữa mùa hè, rong ruổi khắp một đất nước mà phần lớn là sa mạc. Về các lăng mộ hoàng gia, xem Diodorus 17.71.2. Năm 330 TCN. Barsine, thường được gọi là Stateira. Về việc nàng kết hôn với Alexander, xem Quyển bảy. Biển Caspian tuy được gọi là biển, nhưng thực chất là một cái hồ. Đây là hồ nước lớn nhất thế giới. Nước hồ mặn như nước biển và các sinh vật sống ở đây cũng là các sinh vật biển. (ND) Ngày nay là Asterabad. Có thể là Meshed. Còn được gọi là Zariaspa (Strabo 11.11.2), và là Balkh thời hiện đại. Arrian cũng gọi vùng đất này là Drangiana, xem phần trước trong quyển này. Vùng này nằm ở phía tây Arachotia. Tại Phrada, sau này được gọi Prophthasia, âm mưu phản loạn đã bị phát hiện. Về âm mưu của Philotas, xem Plutarch, Alexander 48-9, Diodorus 17.79.1- 80.2, Curtius 6.7-11, tất cả những sử gia này đều nói Philotas đã bị tra tấn để lấy lời khai. Theo Plutarch, Alexander đã được Antigone, tình nhân của Philotas, cho biết về âm mưu phản loạn. Trên thực tế, không có bằng chứng nào chống lại Philotas, ngoại trừ việc ông đã hai lần không sắp xếp cho một người Macedonia tên là Cebalinus tiếp kiến Alexander trong khi ông ta khẳng định có thông tin quan trọng cần báo lên hoàng đế. Việc này được suy diễn thành nó có liên quan tới âm mưu chống lại Alexander. Hoặc bị ném đá cho tới chết (Curtius 6.11.38). Chi tiết, xem Curtius 7.2.11-35. Xem Quyển một. Kỵ binh Thessaly được đặt dưới quyền chỉ huy của Parmenio, kỵ binh Pharsalus tương đương với Kỵ binh Hoàng gia của Alexander (xem phần trước trong quyển này). Về việc xét xử Amyntas, xem Curtius 7.1.10-2.10. Cleitus “Đen”, người đã cứu mạng Alexander tại Granicus. Khi nhắc tới “Caucasus của Ấn Độ”, Arrian muốn nhắc tới Các ngọn núi ở Ấn Độ [Hindu Kush]; xem phần sau trong quyển này, và Strabo 11.8.1. Thành phố thường được biết tới với tên gọi “Alexanderia gần dãy Caucasus”, có lẽ được sáng lập ở Begram, cách Kabul khoảng 40 kilômét về phía đông bắc. Cây silphium thuộc họ thì là, được dùng nhiều ở vùng bờ biển Cyrenaica (Lybia ngày nay). Tương truyền loại cây này được sử dụng như một phương thuốc tránh thai của người cổ đại. (ND) Loài cây này xuất hiện trên đồng tiền Cyrene. Về Tanais, xem phần sau trong quyển này. Về Bactra, xem phần trước trong quyển này. Những thị trấn khác giờ là Kunduz và Tashkurgan. Alexander đã băng qua Hindu Kush qua đèo Khawak, có độ cao 3.536 mét. Arrian đã nhầm lẫn. Ông không biết rằng dòng Oxus (Amu Darya) đổ vào biển Aral. Lặp lại cách bày binh bố trận ở Danube năm 335 (xem Quyển một). Hiện nay là Samarcand. Orexartes là tên Aristobulus gọi dòng Jaxartes (Syr Darya), dòng sông cũng giống như sông Oxus, đổ vào biển Aral. Dòng Tanais mà Herodotus gọi (4.45.57) là sông Don và hồ Maeotis chính là biển Azov. Alexander và những người theo ngài đã đồng nhất dòng Jaxartes với dòng Tanais (Plutarch, Alexander 45.5), và Strabo (11.7.4) cho rằng việc đồng nhất đó là một phần của “âm mưu” khẳng định rằng Alexander đã chinh phục được toàn bộ châu Á. Gadeira hiện nay được gọi là Cadiz. Giống như nhiều sử gia cổ đại khác, Arrian coi Libya là một phần của lục địa Á châu. Iliad 13.6. “Alexandria xa nhất” chính là Chojend ngày nay. Arrian đã không nhắc tới việc chiếm đóng bảy chốt biên phòng này. Nhiều khả năng Alexander đã suy nghĩ lạc quan về việc sắp đặt một sự hòa giải chung. Chojend, đã được nhắc tới trước đó. Xem Herodotus 4.122-142. Curtius 7.7.24-29 thuật lại rằng Aristander đã thay đổi lời tiên tri và tuyên bố rằng chưa bao giờ lễ hiến tế lại thuận lợi như vậy. Về các cuộc hành quân chống người Scythia, xem Fuller, tr.236-41. Khoảng 1.000 người, theo Curtius (7.6.10). Curtius (4.7.30-9) đồng ý với Aristobulus rằng quân Macedonia đã rơi vào ổ phục kích, mặc dù ghi chép của ông có nhiều khác biệt so với ghi chép của Arrian. Có tới 2.000 người trong tổng số 3.000 bộ binh, 300 người trong tổng số 800 kỵ binh thiệt mạng. Hiện nay là Zarafshan. Năm 329/328 TCN. Về chuyến khởi hành từ Nautaka một năm sau đó, xem phần sau trong quyển này. Arrian viết thiếu chính xác. Menes được cử đi từ Susa vào cuối năm 331, Epocillus được cử đi từ Ecbatana vài tháng sau đó (xem Quyển ba). Nói chung, người ta cho rằng tên Bessus ở đây là để chỉ Bessus, kẻ giết vua Darius, được nhắc tới ngay trước đó. Dòng sửa lại có thể là “Asclepiodorus, xatrap của Syria, và Menes, “thống đốc”” (xem Tarn, Alexander 2.179-80). Từ Hy Lạp mang nghĩa “thống đốc” cũng là “Hyparchos”; xem Quyển ba. Chi tiết về quân tiếp viện, tổng số là 19.000 người, xem Curtius 7.10.11-12. Về hình thức cắt xẻo “dã man” này, xem Herodotus 3.154. Trong cuốn Alexander, Plutarch nói rằng Alexander đã chấp nhận và sử dụng trang phục pha trộn của Ba Tư và Media, tránh những yếu tố “dã man” của trang phục Media. Sau này, Arrian (xem Quyển bảy) cho rằng việc này là do động cơ chính trị. Việc này diễn ra tại Markanda vào mùa thu năm 328. Về một số ghi chép khác biệt về nơi diễn ra, xem Plutarch, Alexander 50-2 và Curtius 8.1.20-2.12. Những phiên bản khác biệt này đã được T.S Brown phân tích trong AJP 1949, từ tr.236. Tương truyền, họ đều là con của Leda, nhưng lại có hai ông bố khác nhau: Castor là đứa con trai phàm tục của Tyndareus – vua Sparta, và Polydeuces là đứa con trai thần thánh của thần Zeus – người đã dụ dỗ và cưỡng hiếp Leda. Truyền thuyết về họ có nhiều dị bản, cũng có dị bản kể rằng cặp song sinh này được sinh ra từ một quả trứng, cùng với một cặp song sinh khác là chị em Helen và Clytemnestra. (ND) Triết gia này sinh ra ở Abdera thuộc Thrace và là thầy dạy triết học Khắc kỷ của Pyrrhon. Quan điểm của ông thường xuyên mâu thuẫn với quan điểm của Callisthenes; xem Plutarch, Alexander 52-3. Mối quan hệ giữa thần Công lý và thần Zeus đã được thuật lại từ rất lâu đời, ít nhất là trong thơ ca của Hesiod (Works and Days, từ tr.256); Sophocles, Odeipus at Colonus, từ tr.138; Anaxarchus phân tích thần thoại cổ xưa theo hướng phù hợp với quan điểm của ông ta. Rất có thể nỗ lực của Alexander đưa nghi lễ phủ phục (proskynesis) vào trong triều đình, cũng giống như việc ngài sử dụng trang phục của người Ba Tư, là vì mong muốn người Macedonia và người Ba Tư có thể chung sống hòa thuận với nhau. Luận bàn sâu nhất về vấn đề này là bài báo của J.P.V.D. Balsdon trong Historia 1950, từ tr.371. Xem thêm T. S. Brown, AJP 1950, từ tr.242. Về vấn đề này, xem Plutarch, Alexander 2-3. Hipparchus đã bị giết vào năm 514 và Hippias đã bị trục xuất khỏi Athens vào năm 510; xem Thucydides 6.54-9. Người Ba Tư không cho rằng những vị hoàng đế của họ là những vị thần, mặc dù người Hy Lạp coi việc thực hiện nghi lễ phủ phục là một hành động thờ cúng; xem Herodotus 7.136. Thân mẫu của Alexander, Olympias, là con gái của Neoptolemus, vua của Epirus, vốn là hậu duệ của vị tổ tiên trùng tên với ông là Neoptolemus, con trai của Achilles, cháu trai của Aeacus. Xem Herodotus 1.204-14 và 4.83-144. Theo Curtius (8.5.22), đó là Polyperchon, người đã chế nhạo người Ba Tư. Đây là phiên bản được viên thị thần hoàng gia Chares thuật lại (Plutarch, Alexander 54.4-6). Hoàng đế Ba Tư thường hôn lên môi “họ hàng” của mình (Xenophon, Cyropaideia 1.4.27, 2.2.31; Herodotus 1.134). Plutarch (Alexander 55.1-2) thuật lại rằng Hephaestion xác nhận rằng Callisthenes đã tán thành việc thực hiện nghi lễ prokynesis rồi sau đó đã phá bỏ cam kết này, và những kẻ xu nịnh Alexander lại càng khiến Callisthenes trở thành cái gai trong mắt ngài. Xem thêm Curtius 8.6.2-6. Việc này diễn ra ở Bactra vào đầu năm 327. Curtius (8.6.8-8.23) cũng đã thuật lại việc này một cách chi tiết. Ông đưa ra một danh sách có một chút khác biệt về những kẻ dính líu tới vụ này và cũng khác biệt về một số chi tiết so với Arrian. Và theo Curtius. Plutarch (Alexander 55.6) trích một lá thư Alexander viết cho các tướng lĩnh của ngài là Craterus, Attalus, và Alcetas, những người đang tham gia chiến dịch ở Pareitacene, trong đó ngài nói rằng chỉ có Những cận thần trẻ tuổi dính líu tới âm mưu ám sát ngài. Về độ tin cậy của lá thư này, xem CQ 1955, từ tr.219. Curtius (8.7) cũng đi theo truyền thống này. Plutarch (Alexander 55.7) xác nhận đây là cách mà những người này bị giết chết. Curtius (8.8.20) thuật lại rằng họ bị tra tấn. Plutarch thuật lại cả hai dị bản. Hơn nữa, sử gia này còn cho rằng, theo lời Chares kể lại, Callisthenes đã bị giam giữ trong suốt bảy tháng cho tới khi ông qua đời. Về dịp tiếp kiến đầu tiên, xem phần trước trong quyển này. Người Chorasmia cư trú ở khu vực nằm giữa vùng Caspian và biển Aral. Tên gọi thời cổ đại của biển Marmara, bắt nguồn từ từ “pro” nghĩa là trước, còn “pontos” nghĩa là biển Đen. Sở dĩ có tên gọi này là vì người Hy Lạp phải đi thuyền qua biển này để tới được biển Đen. Propontis là biển nằm sâu trong đất liền, nối liền biển Đen và biển Aegean. (ND) Đây là lần đầu tiên nhắc tới dầu trong văn học Hy Lạp. Massagetae là một tộc người Scythian, sống ở phía đông Caspian, những người đã đánh bại và giết Cyrus Đại đế (Herodotus 1.201-16). Vì hành động anh hùng của Aristonicus, Alexander đã cho dựng một bức tượng đồng hình ông tại Delphi, với một tay ôm đàn lia, một tay nâng cao cây giáo (Plutarch, Moraliatr.334). Curtius (6.5.4) thuật lại rằng Artabazus đã 95 tuổi vào năm 330, nhưng điều này hoặc là một sự phóng đại hoặc là chúng ta nên đoán chừng rằng độ tuổi của Artabazus là khoảng từ 55 đến 95. Alexander đã có ý định để Cleitus kế nhiệm Artabazus, nhưng ông đã qua đời trước khi đảm nhiệm vị trí này. Những điều này không được biết tới, trừ phi, như đã nói từ trước, báo cáo về việc họ đã tới Bactra vào mùa đông trước (xem Quyển ba) là một sự nhầm lẫn và lúc này đi cùng với họ là Arsames và Barzancs. Curtius (7.11) cũng mô tả việc chiếm Pháo đài đá, mà ông gọi là Pháo đài đá của Ariamazes. Curtius thuật lại, với một sự phóng đại lộ liễu, rằng pháo đài có chiều cao 5486 mét. Sự kiện này diễn ra vào năm 327 TCN. Tương đương với một ta-lăng. Cho dù tình cảm của Alexander đối với Roxane có hay không thì chắc chắn rằng ngài đã hy vọng dùng cuộc hôn nhân này để chiếm được cảm tình của các quý tộc Bactria. Về cách hành xử của Alexander với hoàng gia Ba Tư, xem Quyển hai. Vợ của Darius, Stateira, đã mất khi sinh con vào đầu năm 332 TCN (Plutarch, Alexander 30). Được Curtius (4.10.25-34) và Plutarch (Alexander 30) thuật lại. Nghĩa là Ahura Mazda. Theo Plutarch, chính xác hơn là Darius đã gọi tên các vị thần tổ tiên của ông. Người Pareitacae sống giữa lưu vực hai con sông Oxus và Jaxartes. Curtius (8.2.19) gọi họ là người Chorienes Sisimithres. Năm 327. Hiện nay là sông Kabul. Người cai trị một thành phố lớn của Taxila, nằm ở phía tây bắc của Rawalpindi, và lãnh thổ nằm giữa sông Ấn và sông Hydaspes. Taxiles là tên hiệu của ông, tên riêng của ông là Omphis (Ambhi); xem Curtius 8.12.14. Tại Ohind, cách Attock 26 kilômét. Hiện nay là lãnh thổ của Bajaur và Swat. Alexander đang tiến về phía dòng sông Ấn, phía trên Attock. “Có thể là Nawagai, thủ phủ hiện tại của Bajaur” (Fuller, tr.126). Leonnatus chịu trách nhiệm về tiểu đoàn bộ binh của Attalus và lính đánh giáo của Balacrus, Ptolemy quản lý tiểu đoàn bộ binh của Philotas, và đơn vị của Philip có thể là một đội quân khinh giáp (xem Tarn, Alexander 2.144). Khu vực này chưa được xác định. Diodorus (17.84) cho rằng hành động bội bạc này là do Alexander, người đã tấn công đám lính đánh thuê mà không hề có sự kích động nào; xem Plutarch Alexander 59.3-4. Diodorus và Curtius (8.10.22) thuật lại rằng Nữ hoàng Cleophis xinh đẹp đã được phục hồi tước vị. Có người (Curtius) còn cho rằng Alexander đã có một đứa con trai với nữ hoàng. Lần lượt là Bir-kot và Ude-gram, theo Ngài Aurel Stein, On Alexander’s Track to the Indus (London, 1929), 43, từ tr.59. Được Stein xác định vào năm 1926 là Pir-Sar, một đỉnh núi có chiều cao trên 2.134 mét, cách sông Ấn khoảng 120 kilômét về phía bắc Attock. Xem Fuller, tr.248-54. Về truyền thuyết này, xem Diodorus 17.85.2 và Curtius 8.11.2. Arrian thuật lại những truyền thuyết khác về Heracles trong phần sau của quyển này. Fuller đã chỉ ra tầm quan trọng về chiến thuật của Pháo đài đá và ảnh hưởng của việc hạ được pháo đài đối với những tộc người Ấn Độ lân cận. Có lẽ là Charsadda, thủ phủ của Gandhara. Người cai trị của Kashmir. Arrian có phần sa đà khi nói về thành phố Nysa, địa điểm chiến lược cho việc vượt sông Ấn, nhằm làm rõ thái độ đối với truyền thuyết kể về vị vua trong vùng đất thần thoại này của Ấn Độ. Nysa dường như nằm ở thung lũng Kabul, có thể là gần Jalalabad. Chuyến viếng thăm thành phố này của Alexander đã được Curtius (8.10.7-18) thuật lại ngay sau những sự kiện mà Arrian đã nhắc tới tại 4.23. Theo thần thoại Hy Lạp, Dionysus vốn là “con rơi” của thần Zeus và Semele. Tương truyền, Semele chỉ là một người phàm nhưng có nhan sắc tuyệt trần. Thần Zeus tìm đến với Semele trong hình dạng của một người đàn ông bình thường và hai người rất yêu nhau. Khi Semele mang thai Dionysus, bà nghe theo lời xúi bẩy của Hera – vợ của thần Zeus, xin thần Zeus xuất hiện trước mắt nàng trong hình dạng của một vị thần. Thần Zeus đáp ứng yêu cầu của nàng, và Selema chết ngay tức khắc, do người phàm không thể sống sót nếu nhìn thẳng vào thần Zeus. Bào thai Dionysus được Zeus giữ lại, khâu vào bắp đùi, và đủ ngày đủ tháng thì Zeus rạch đùi, “đẻ” ra vị thần Rượu nho. (ND) Cây thường xuân là một trong những biểu tượng của thần Dionysus. (ND) Bacchus là tên của thần Dionysus bằng tiếng La Mã. (ND) Trong nguyên văn, những sĩ quan này đã kêu những tiếng “Euoi, Euoi”, là những tiếng kêu say mê và sung sướng trong những lễ hội vinh danh thần Dionysus cổ xưa. (ND) Eratosthenes (276-195/194 TCN): là một người Hy Lạp xuất sắc trong nhiều lĩnh vực: toán học, địa lý, thiên văn học, thơ ca, v.v… (ND) Nhà thông thái vĩ đại của thế kỉ thứ III TCN, người đứng đầu thư viện Alexandria từ năm 246, người đã bị những kẻ ghen tị gọi là công dân hạng hai. Thành tựu lớn nhất của ông là cuốn Geography, cuốn sách đã được Strabo sử dụng rộng rãi. Chúng ta có thể so sánh với những điều Strabo nói trong phần đầu của Quyển 15, cuốn Geography, đặc biệt là trong Chương 7-9. Ông là người hoài nghi hơn Arrian rất nhiều. Xem thêm các bình luận của Arrian trong cuốn Indica (1.7; 5.10-13) của ông. Taxila, cách Rawalpindi khoảng 32 kilômét về hướng tây bắc. Trên thực tế, sông Ấn bắt nguồn từ dãy Himalaya. Lần lượt là các dòng Jhelum, Chenab, Ravi và Beas. Punjab là “mảnh đất của Năm dòng sông”. Ctesias, một người Cnidos, là ngự y của Artaxerxes (404-359). Ông đã viết một cuốn lịch sử về Ba Tư và một cuốn sách về Ấn Độ mà hiện nay chỉ còn lại một vài đoạn trích ngắn. Ctesias là người nổi tiếng về chuyện cường điệu. Xem Aristotle, History of Animals 8.27. Sông Ấn không có nơi nào rộng hơn 4 kilômét. Xem Herodotus 3.102, 4.13; Strabo 15.1.44. Xem Xenophone, Cyropaideia 7.5.67. Những điều này sẽ được Arrian đề cập tới trong cuốn sách khác của ông là The History of Indica (Indica). Trước tác này vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Trước tác đã bị thất lạc này đã được Arrian sử dụng triệt để trong Indica. Về chuyến hải hành, xem các chương 17-43. Megasthenes (350-290 TCN): một nhà dân tộc học, nhà thám hiểm thời Hy Lạp cổ đại. Ông cũng có một tác phẩm tên là Indica. (ND) Biển Azov và biển Caspian. Đây là quan điểm phổ biến trong thời cổ đại. Herodotus và Aristole (Meteorology 2.1.10) biết điều này, nhưng sau đó Patrocles, người đã được cử đi để khám phá vùng biển Caspian vào khoảng năm 284/283, báo cáo rằng vùng biển này thực chất chỉ là vịnh. Quan điểm này đã được Eratosthenes thừa nhận và được phổ biến, cùng với một vài phản đối cho tới tận thế kỷ XIV. Về chuyến thám hiểm của Alexander, xem Quyển bảy. Sandracottus là Chandragupta, người sáng lập ra triều đại Mauryan, người đã trục xuất những người Macedonia khỏi Punjab sau khi Alexander qua đời và đã cai trị phần lớn Ấn Độ, kể cả lãnh thổ phía Tây sông Ấn mà Seleucus đã nhượng lại cho ông vào năm 304. Megasthenes là sứ giả của Seleucus và trước tác của ông đã hình thành nên kiến thức nền tảng của Hy Lạp về Ấn Độ; xem Strabo, Quyển 15 và Indica của Arrian. Cybele, phần núi Dindymus ở Phrygia đã được thánh hóa. Xem Herodotus 2.5, và 2.10-34. Theo thần thoại Hy Lạp, Menelaus là vua của Sparta trong thời kì Mycenae và là chồng của nàng Helen. (ND) Odyssey 4.477, 581. Arrian đã nêu tên của những dòng sông này trong cuốn Indica (4.8-12) của ông. Herodotus 7.33-6; 4.83, 97. Vua của Pauravas, vương quốc nằm giữa lưu vực sông Hydaspes và Acesines. Địa điểm hạ trại của Alexander và nơi ngài vượt sông không được biết tới. Dự đoán có vẻ khả quan nhất là do Ngài Aurel Stein đưa ra. Ông cho rằng Alexander đã dừng quân hạ trại tại Haranpur và đã vượt sông tại Jalalpur. Thảo luận về nhiều giả thuyết, xem Fuller, tr.181-5. Về các cuộc hành quân tấn công Porus, xem Diodorus 17.87-89; Curtius 8.13-14; Plutarch, Alexander 60. Arrian đã nhầm lẫn. Quả thực, trong phần sau, ông thuật lại rằng cuộc chiến nổ ra vào tháng Năm. Theo Nearchus (Strabo 15.1.18; Arrian, Indica 6.5), vào hạ chí, tức là vào khoảng 21 tháng Bảy, Alexander đã hạ trại bên dòng Acesines. Tương đương với những tiểu đoàn bộ binh của họ (Tarn, Alexander 2.191). Seleucus Nicator đã lập nên triều đại Seleucid, triều đại đã cai trị phần lớn lãnh thổ châu Á mà Alexander đã chinh phục. Ghi chép của Arrian là không chính xác. Tarn (Alexander 2.191-2) cho rằng Ptolemy đã viết: “Alexander đã đặt trung đoàn vệ quân Hoàng gia và những trung đoàn vệ quân khác dưới quyền chỉ huy của Seleucus, và kề cận với họ là những tiểu đoàn phalanx, tùy theo từng ngày mà lựa chọn ưu tiên các trung đoàn vệ quân hay các tiểu đoàn bộ binh.” Những đơn vị bộ binh được liệt kê trước đó có tổng số khoảng hơn 6.000 người. Vì Arrian viết rằng các con thuyền đều cố gắng chở được càng nhiều lính bộ binh càng tốt nên có lẽ toàn bộ số lính bộ binh không được chuyển qua sông trong thời điểm này. Điều lạ lùng là Alexander hy vọng đánh bại toàn bộ lực lượng của Porus chỉ bằng kỵ binh của ngài. Ghi chép của Plutarch (Alexander 60.7) cơ bản dựa trên lá thư của Alexander lại viết rằng hoàng đế đã dự tính về khả năng kỵ binh Ấn Độ tấn công. Đôi khi lời bình luận về Aristobulus dường như là của chính Arrian chứ không phải của Ptolemy. Do đó, đoạn văn này không phải là bằng chứng cho thấy Ptolemy viết sau Aristobulus. Theo Plutarch (Alexander 60.8), con trai của Porus đã mang theo 1.000 kỵ binh và 60 chiến xa. Ông đồng ý với Arrian rằng quân Ấn Độ đã thiệt hại 400 kỵ binh và toàn bộ chiến xa. Curtius (8.14.2) cho rằng anh trai của Porus đã được cử đi cùng với 1.000 kỵ binh và 100 chiến xa. Curtius (8.13.6) đồng ý với số liệu của Arrian về số lượng bộ binh và chiến xa, nhưng khác về số voi chiến (85 voi chiến). Ông đã không hề nhắc tới kỵ binh. Diodorus (17.87.2) đưa ra số lượng là 50.000 bộ binh, 3.000 kỵ binh, trên 1.000 chiến xa và 130 voi chiến; trong khi số liệu của Plutarch (Alexander 62.1) là 20.000 bộ binh và 2.000 kỵ binh. Diodorus (17.89.1-3), sử gia duy nhất ngoài Arrian nhắc tới số thương vong, đưa ra con số 12.000 quân Ấn Độ thiệt mạng và 9.000 người bị bắt giữ; về phía Macedonia, thiệt hại 280 quân kỵ và trên 700 quân bộ. Diodorus (17.88.4) đồng ý với Arrian rằng Porus cao khoảng 5 cubit, nghĩa là khoảng 2,3 mét theo đơn vị cubit của Athens. Tuy nhiên, Tarn (Alexander 2.170) cho rằng đơn vị cubit của người Macedonia chỉ khoảng 36 centimet. Nếu như vậy, Porus chỉ cao khoảng 1,8 mét. Xem Diodorus 17.89.6; Curtius 8.14.45; Plutarch, Alexander 60.15. 326 TCN. Diodorus (17.87.1) đã nhầm lẫn khi nói rằng cuộc chiến nổ ra khi Chremes làm quan chấp chính, nghĩa là vào tháng Bảy năm 326 – tháng Sáu năm 325. Plutarch (Alexander 61) nói rằng phần lớn những sử gia cho rằng Bucephalus chết vì vết thương, nhưng Onesicritus thuật lại rằng con thần mã này chết vì tuổi già vào năm nó 30 tuổi. Chúng tôi không cho rằng độ tuổi của Becephalus tương đương với tuổi của Alexander hoặc Alexander không thể “thuần hóa” con ngựa này cho tới khi nó 16 tuổi. Bucephalus có thể đã sống tới năm 30 tuổi, và Alexander đã cưỡi nó khi nó khoảng 7 hoặc 8 tuổi. Về miêu tả công cuộc thuần hóa Bucephalus, xem Plutarch, Alexander 6. Nghĩa là ở khu vực nằm giữa Susa và Persepolis. Plutarch (Alexander 44.3-4) cho rằng sự việc này diễn ra ở Hyrcania, Diodorus (17.76.5) và Curtius (6.5.18) cho rằng vụ việc xảy ra ở khu vực của người Mardia, tới phía tây Hyrcania. Diodorus (17.89.6) nhắc tới một cuộc dừng chân kéo dài 30 ngày. Arrian đã nhắc tới trước đó về sự xuất hiện của các sứ thần của Abisares, người cai trị Kashmir. Strabo (15.1.30) cho rằng vị Porus này chính là cháu của Porus, vua Paurava. Vì Nicanor đã được chỉ định làm thống đốc của lãnh thổ phía tây Sông Ấn (xem Quyển bốn) và lần gần nhất Sisicottus được nhắc đến là với vai trò thủ lĩnh của một pháo đài gần Aornus (xem Quyển bốn), có thể Sisicottus là cấp dưới của vị xatrap đã bị sát hại, Nicanor. Trong Indica (3.10), Arrian đã viết là điểm giao với sông Ấn có bề rộng khoảng 6 kilômét, nhưng đó là sau khi nó nối với dòng Hydaspes và Hydraotes. Cả Sangala lẫn Pimprama (được nhắc tới sau đó) đều không xác định được; dĩ nhiên chúng đều nằm trong địa hạt Amritsar. Tộc người Malli và Oxydracae sinh sống ở khu vực xa hơn về phía nam. Người Hy Lạp chia đêm thành ba canh, người La Mã chia thành bốn canh. Ở đây Arrian viết theo người La Mã. Eumenes, người Cardia vùng Thrace, là thư ký của Philip. Sau khi Alexander qua đời, ông coi giữ vùng Cappadocia và Paphlagonia, và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Những người kế vị cho tới khi chết dưới tay Antigonus vào năm 316. Cả Cornelius Nepos và Plutarch đều viết tiểu sử về ông. Đây là lần duy nhất trong cuộc viễn chinh Eumenes được nhắc đến với vai trò là chỉ huy quân sự. Strabo (15.1.27) cho rằng quân Macedonia đã chịu tổn thất nặng nề sau trận mưa dữ dội. Trận mưa này đã đổ xuống từ khi họ rời Hydaspes; xem Diodorus 17.94.3. Về chuyện dịch bệnh, xem thêm Diodorus 17.93-5; Curtius 9.2.1-3.19 (cùng với các bài diễn văn của Alexander và Coenus); Plutarch, Alexander 62. Tarn (Alexander 2.287) nghi ngờ rằng bài diễn văn của Alexander có thể chỉ là một tác phẩm chắp vá, vì nó không tách biệt rõ ràng với lời đáp của Coenus và Coenus đã ở lại Acesines (xem Quyển bốn), nơi ông qua đời ít lâu sau đó. Nhưng Coenus đã được sắp xếp để gửi các nhu yếu phẩm, và giống như Porus, ông chắc chắn đã hợp nhất với lực lượng của Alexander. Ông đã mất tại Hydaspes. Tuy nhiên, bài diễn văn có những câu nói mà tính xác thực của chúng vẫn còn bị nghi ngờ; xem Tarn. Hiểu biết về sông Ganges của Alexander là khá đầy đủ, nhưng điều nghi vấn là Alexander vẫn cho rằng biển Đông ở gần đó, như Aristotle có thể đã dạy ngài. Dù trong hoàn cảnh nào, Nearchus đã viết rằng hành trình đi qua các vùng đồng bằng của Ấn Độ đã mất bốn tháng (Strabo 15.1.12). Quan điểm cho rằng biển Hyrcanian (Caspian) là vịnh không phải là của Alexander mà là từ địa lý học của Eratosthenes (và Arrian). (Xem phần trước trong quyển này). Xem Xenophon, Anabasis 1.7.4. Ở đây, có thể có nhầm lẫn. Lính Thessaly đã được cho về quê từ lúc ở Ecbatana chứ không phải ở Bactra. Đầu năm 325, khi tin đồn lan tới Bactria rằng Alexander đã bị giết ở Malli, 3.000 lính đánh thuê đã nổi loạn và cuối cùng bỏ chạy về Hy Lạp (Curtius 9.7.1-11). Ngay sau cái chết của Alexander, một cuộc nổi loạn có quy mô lớn hơn của lính đánh thuê đã nổ ra ở Bactria (Diodorus 18.4.8; 7.1-9). Carthage là tên gọi một thành phố cổ, thuộc xứ Tunisia ngày nay. (ND) Diodorus (17.95.1) và Curtius (9.3.19) cũng xác nhận việc xây dựng 12 điện thờ cho 12 vị thần Olympia. Theo Diodorus, điện thờ có chiều cao 23 mét. Không dấu tích nào của các điện thờ này còn sót lại, nhưng vì các dòng sông của Ấn Độ đã thay đổi rất nhiều sau thời đại của Alexander nên điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Diodorus, Curtius và Plutarch (Alexander 62) còn bổ sung rằng Alexander cũng đã hạ lệnh xây dựng nơi ăn ngủ cho binh lính và chuồng ngựa cho ngựa chiến lớn hơn mức bình thường nhằm gây ấn tượng với hậu thế. Điều này không được nhắc tới trước đó. Xem Quyển năm. Các sử gia nhìn chung đều xác nhận lá thư là có thật, nhưng rất khó có thể xác định ai là người biết về việc gạch xóa trong đó. Curtius (9.3.20) cho rằng Coenus qua đời tại Acesines, nhưng vì ông và Diodorus đã nhầm lẫn khi cho rằng Alexander đã quay trở lại dòng sông này để gặp hạm đội của ngài nên chẳng có lý do gì để nghi ngờ Arrian. Về Coenus, xem Badian, JHS 1961, từ tr.20, mặc dù chúng ta không cần phải giả định rằng cái chết của Coenus là vì lý do khác chứ không chết một cách tự nhiên. Theo Nearchus (Arrian, Indica 19.5), tổng số có 120.000 lính, bao gồm cả “những người dã man”. Địa điểm này không được xác định. Diodorus (17.91.4) và Curtius (9.1.24) đã nhầm lẫn khi cho rằng vương quốc của Sopeithe nằm ở phía đông Cathaei, giữa hai dòng sông là Hydraotes và Hyphasis. Xem Strabo 15.1.30. Xem Arrian, Indica 18.9-10. Strabo (15.1.28) nhận xét rằng Onesicritus xứng đáng là hoa tiêu chính trong số tất cả những hoa tiêu của Alexander, và rằng ông ta vượt trội hơn tất cả những người đi theo Alexander trong việc kể những câu chuyện kỳ lạ. Trong Indica, Arrian đã đưa ra tổng số 800 tàu thuyền, hiển nhiên là từ số liệu của Nearchus. Diodorus và Curtius đưa ra con số là 1.000 tàu thuyền. Nearchus (Indica 18.11) nói rằng Alexander đã làm lễ hiến tế các vị thần tổ tiên của ngài theo chỉ dẫn của các nhà tiên tri, đó là các vị thần: Poseidon, Amphitrite, các nữ thần Nereid, thần Biển cả và ba thần sông. Theo Aristobulus (Strabo 15.1.17), Alexander đã bắt đầu lên đường “một vài ngày trước khi chòm Thất tinh xuất hiện”, nghĩa là khoảng đầu tháng Mười một năm 326. Xem Indica 7.8-9. Theo Curtius, lực lượng người Malli và Oxydracae khoảng 90.000 bộ binh, 10.000 kỵ binh và 900 chiến xa. Diodorus cho rằng lực lượng này gồm 80.000 bộ binh, 10.000 kỵ binh và 700 chiến xa. Arrian chỉ nhắc tới 50.000 quân Malli (xem phần sau trong quyển này). Diodorus (17.97.2) so sánh cuộc vượt sông này với cuộc chiến của Achilles trên sông Scamander (Iliad 21.228). Sa mạc Sanda-Bar. Fuller chỉ ra rằng những “thị trấn” này chính là nhiều ngôi làng Ấn Độ hiện nay – “được hình thành từ nhiều túp lều đắp bằng đất bùn, chúng tạo nên một bức tường bảo vệ theo vòng tròn có chiều cao và độ dày không lớn lắm.” Xem Curtius 9.4.26. Strabo (16.1.3) đưa ra một ghi chép tương tự. Ông đã giải thích tại sao Gaugamela (có nghĩa là “nơi chăn thả lạc đà”) lại mang cái tên này. Curtius (9.5.14) nhắc tới Timaeus và Aristonus cũng như Peucestas và Leonnatus, Plutarch (Moralia 327b, 344d) nhắc tới Ptolemy và Limnaeus. Peucestas và Leonnatus sau đó cũng được nhận vương miện bằng vàng vì họ đã góp phần cứu mạng Alexander. Curtius (9.5.21) chỉ trích Cleitarchus và Timagenes vì đã thuật lại rằng Ptolemy có mặt trong trận chiến này. Trong cuốn History, chính Ptolemy đã thuật lại rằng thời điểm đó ông đang thực hiện một nhiệm vụ viễn chinh khác. Ptolemy nhận được danh hiệu “Vị cứu tinh” từ người Rhodian vào năm 304 vì đã giúp đỡ họ trong suốt cuộc vây thành Rhodes của Demetrius. Curtius (9.6.6) nói rằng Craterus đã phê bình Alexander nhân danh các sĩ quan cấp cao, và đã nhận được sự ủng hộ của Ptolemy cũng như những người khác. Một đoạn thuộc một trong những vở bi kịch đã bị thất lạc của Aeschylus. Curtius (9.8.9) cho rằng tên của vị thống đốc cũ là Terioltes và ông ta đã qua đời. Về mô tả vùng đất này của Onesicritus, xem Strabo 15.1.34. Diodorus (17.102.5) và Curtius (9.8.11-13) ghi chép rằng Oxycanus, người mà họ gọi là Porticanus, đã qua đời; các tù binh đã bị đem bán và những thị trấn trong vương quốc của ông đều đã bị phá hủy. Theo Diodorus và Curtius (người sử dụng trước tác của Cleitatchus làm cứ liệu chính), trong vùng này có 80.000 lính Ấn Độ đã bị giết và nhiều người đã bị bắt làm tù binh. Xem Arrian, Indica, Chương 11. Strabo (15.1.59) đưa ra một mô tả tốt hơn về những người Bà La Môn, dựa vào ghi chép của Megasthenes. Nghĩa là Drangiana. Craterus có thể đã di chuyển thông qua con đường của các thủ lĩnh Hồi giáo. Chính là điểm cao nhất của đồng bằng sông Ấn trong thời đại của Alexander. Nó thường được biết đến với tên gọi Hyderabad hoặc Bahmanabad. Alexander đã tới đó vào khoảng giữa tháng Bảy năm 325. Gió mùa tây nam. Theo Plutarch (Alexander 66.1), Alexander gọi hòn đảo này là Scillustis, còn những người khác gọi nó là Psiltucis. Những lễ hiến tế này, giống với những lễ tế được thực hiện vào đầu cuộc hành trình xuôi dòng sông Ấn (xem Quyển năm), là lễ tạ ơn của Alexander vì chuyến đi thành công của ngài. Xem Indica 20.10. Wilcken, Alexander 196, coi việc hiến tế và rót rượu cúng là lễ tạ ơn mà Alexander thực hiện vì đã chạm tới “cực hạn của thế giới” cũng như là một lời cầu nguyện cho tương lai. Điều này dường như xuất hiện rất nhiều trong văn bản của Arrian. Chuyến hải hành của Nearchus đã được miêu tả trong Indica, chương 21-43. Đó là số liệu của Nearchus; Aristobulus cho rằng các cửa sông Ấn cách đó khoảng 200 kilômét (Strabo 15.1.33). Nhánh sông phía đông của sông Ấn thời điểm đó được cho là đổ về phía đầm lầy Rann of Kutch. Khoảng đầu tháng Mười một. Nearchus đã rời Pattala vào khoảng ngày 21 tháng Chín năm 325, nhưng đã phải đợi ở nhánh sông phía đông của sông Ấn suốt 24 ngày cho tới khi gió mùa Đông Bắc xuất hiện (Indica 21). Sông Hab, không phải là sông Purali. Về phát hiện này và đường hành quân của Alexander nói chung, xem Ngài Aurel Stein, Geographical Journal 1943. 193-227. Về những động lực thúc đẩy Alexander hành quân qua Gedrosia, hiện nay là Makran, xem phần sau trong quyển này. Các sư đoàn được đặt dưới quyền chỉ huy của Leonnatus, Ptolemy và Alexander (Diodorus 17.104.6). Diodorus chắc chắn đã phóng đại khi viết rằng “hàng nghìn người” đã bị giết. Vị trí của Rhambacia chưa được xác định. Diodorus (17.104.8) nói rằng Alexandria mới nằm ở bờ biển, nhưng Stein (tr. 215) cho rằng thị trấn mới nằm ở khu vực nội địa, gần Bela hiện tại. Arrian sử dụng từ “Oreitae” và “Oria” một cách tùy tiện. Một loài cây nhỏ, có gai, có mùi thơm mát rất dễ chịu. Nhựa của cây mật nhi lạp có thể sử dụng như một loại nước hoa, làm thuốc, hoặc để xức cho người chết. (ND) Loài cây này, mà từ nó người ta tạo ra được một loại dầu thường được nhắc tới trong Kinh thánh, mọc nhiều đến nỗi người Macedonia sử dụng để lót giường ngủ (Strabo 15.2.3). Xem thêm Strabo 15.2.6-7. Đó là những người Ichthyphagi. Họ được Arrian mô tả chi tiết hơn trong cuốn Indica (chương 29). Xem Strabo 15.2.2; Diodorus 17.105.3-5; Curtius 9.10.8- 10; Plutarch, Alexander66.6. Một thị trấn ở Thrace cạnh biển Đen, được những người khai khẩn đất mới từ Miletus xây dựng. Bampur, nằm cạnh một con sông cùng tên, gần biên giới Carmania. Thời điểm mà Alexander hành quân tới đây có thể là vào cuối tháng Mười một năm 325. Theo truyền thuyết, Semiramis là hoàng hậu của vua Ninus và là người kế tục ngai vàng của ngài, trở thành nữ hoàng của người Assyria. (ND) Sự kình địch của Alexander với Hercules và Perseus cũng là một động lực khiến ngài đi tới Siwah. Arrian (Indica 9) nhận xét rằng những người Ấn Độ phủ nhận việc từng có một người khác (ngoại trừ Hercules và Dionysus) đã xâm lược Ấn Độ trước Alexander; xem Strabo 15.1.6. Chúng ta có thể loại bỏ tuyên bố của Plutarch (Alexander 66.4) rằng Alexander mang theo 120.000 bộ binh và 15.000 kỵ binh. Nearchus (Arrian, Indica 19.5) đáng tin hơn khi thuật lại rằng Alexander đã mang theo 120.000 binh lính khi bắt đầu cuộc hải hành xuôi dòng Hydaspes. Từ số liệu này, chúng ta có thể trừ đi số thương vong ở Ấn Độ, số binh lính được gửi trở lại cùng với Craterus, số người được để lại Ấn Độ và số binh lính cùng với Leonnatus ở lại lãnh thổ của người Oreitae. Ước tính số lính mà Alexander mang theo có thể trong khoảng từ 8-10.000 người (Tarn, Alexander 1.107) – chắc chắn là một số lượng quá thấp – tới 60-70.000 người (H. Strasburger, Hermes 1952, từ tr.486). Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta đều không biết rõ tỷ lệ sống sót sau cuộc hành quân đó là bao nhiêu. Plutarch (Alexander 42.7) nói rằng sự việc diễn ra trong cuộc truy đuổi Darius, Curitus (7.5.10) cho rằng nơi xảy ra sự việc này là ở Sogdiana gần sông Oxus. Chòm Tiểu Hùng Tinh có Sao Bắc Đẩu; Đại Hùng Tinh còn được gọi là chòm Gấu Lớn, hoặc Cái Cày, mà từ đó, người ta có thể tìm thấy Sao Bắc Đẩu. Apollophanes đã bị giết ngay sau chuyến khởi hành của Alexander trong một cuộc đại chiến chống lại người Oreitae (Arrian, Indica 23.5). Có thể nhiệm vụ của Apollophanes là cung cấp các nhu yếu phẩm cho quân đội của Alexander. Việc này đã không được thực hiện vào thời điểm mà Alexander qua đời, tức là khoảng 18 tháng sau đó. Curtius (10.1.1) còn thêm vào Agathon. Ông thuật lại rằng cả bốn người này đều bị giam giữ và 600 người đi theo họ bị xử tử. Mặc dù Curtius không nói gì hơn về số phận của bốn sĩ quan này nhưng chắc hẳn họ đều bị tử hình. Về “thời gian cai trị kinh hoàng” của các xatrap của Alexander trong thời gian này, xem E. Badian, JHS 1961, từ tr.16. Điều này không được xác minh nhờ vào lá thư của Alexander gửi Cleomenes (xem Quyển bảy). Theo Diodorus (17.105.7) và Curtius (9.10.17), Alexander đã chỉ thị cho Phrataphernes và Stasanor cung cấp thực phẩm cho quân đội. Phrataphernes chắc hẳn đã bị nhầm sang Pharismanes; ở đây không thấy nhắc tới việc Phrataphernes đã tới nơi và tái hợp với lực lượng của Alexander. Xem những mô tả tỉ mỉ trong Curtius (9.10. từ tr.24), Plutarch (Alexander 67) và Diodorus (17.106.1). Câu chuyện có thể liên quan tới lễ hội được nhắc tới ở đoạn sau. Arrian đã mô tả sinh động buổi gặp gỡ của Nearchus với Alexander tại Harmozeia (Hormuz) trong Indica (chương 33-6). Diodorus (17.106) cho rằng họ đã gặp nhau ở một thị trấn ven biển có tên là Salmus. Chính là cuốn Indica, chương 18-43. Đó là vào đầu tháng Mười hai năm 325. Tức Aria. Orxines là hậu duệ của Cyrus (Curtius 10.1.22). Lăng mộ này ngày nay được biết tới như là lăng mộ của thân mẫu vua Solomon. Nó thường xuyên được mô phỏng lại, xem Jean-Louis Huot, Persia (London, 1965). Các Magus thuộc giai cấp thầy tu người Media. Bên cạnh nhiệm vụ canh giữ lăng mộ của Cyrus, họ còn là người giải thích các giấc mơ và khi một người Ba Tư muốn thực hiện lễ hiến tế, họ cũng phải nhờ tới một Magus. Xem Herodotus 1.120.132. Cyrus Đại đế là con trai của Cambyses I và là cha của Cambyses II. (ND) Chính là Persepolis; xem phần trước. Curtius (10.1.22-38) kể một câu chuyện khác. Theo sử gia này, Orxines vô tội và cái chết của ông là do Alexander nghe theo lời sàm tấu của hoạn quan Bagoas, kẻ đã nhận hối lộ của các nguyên cáo để đưa ra chứng cứ sai lầm. E. Badian (CQ 1985, từ tr.147) cho rằng dị bản này có phần chuẩn xác hơn. Tuy nhiên, quân Macedonia lại lấy làm tức giận trước lối sống ngày càng theo lối phương Đông của Peucestas (xem Quyển bảy). Xem Curtius 10.1.17-19 và Plutarch, Alexander 68.1. Trong số những kế hoạch (Hypomnemata) còn lại sau cái chết của Alexander có một cuộc viễn chinh tấn công Carthage, Bắc Phi, Tây Ban Nha, và bờ biển nước Ý tới Sicily (Diodorus 18.4.4). Tranh luận về tính xác thực của những kế hoạch này, xem E. Badian, Harvard Studies in Classical Philology 1968, từ tr.183. Châu Á, ở đây thường bao gồm cả châu Phi. Một câu chuyện tương tự về Calanus cũng được Plutarch nhắc đến (Alexander 65.6). Diogenes là một triết gia Khắc kỷ nổi tiếng, người dành phần lớn cuộc đời mình để sống tha hương ở Athens. Mặc dù ông có thể đã gặp Alexander tại Corinth vào năm 336, giai thoại này, cũng giống như các giai thoại khác trong đó triết gia luôn khôn ngoan hơn hoàng đế, có thể là hư cấu. Trong trước tác của Plutarch (Alexander 14) và những sử gia khác – không ít hơn 22 lần nhắc tới câu nhận xét của Alexander: “Nếu ta không phải là Alexander, ta muốn là Diogenes.” Arrian dường như đã dựa vào ghi chép của Aristobulus đã được Strabo (15.1.61) đưa ra. Strabo (15.1.63-5) giữ được một phiên bản đầy đủ hơn về ghi chép của Onesicritus, người đã được cử tới thăm các triết gia Ấn Độ. Các học thuyết của họ là “học thuyết theo trường phái triết học Khắc kỷ”. (T. S. Brown, Onesicritus 45). Plutarch (Alexander 65.5-6) nói rằng tên của triết gia này là Sphines, nhưng những người Hy Lạp khác gọi ông là Calanus bởi ông sử dụng lời chào là “Cale” theo tiếng Ấn Độ thay vì từ “Chaire” theo tiếng Hy Lạp. Theo Strabo (15.1.68), Calanus mất ở Pasargadae, nhưng Diodorus (17.107.1) lại cho rằng ông mất ở vùng biên giới giữa Ba Tư và Susiane. Câu chuyện này rất phổ biến trong thời xưa; xem M. Hadas, Hellenistic Culture, từ tr.178. Arrian, Indica 10. Xem Plutarch, Alexander 69.8, và Strabo 15.1.68. Chares và Onesicritus thuật lại rằng Calanus đã lao mình vào ngọn lửa. Atropates là thống đốc của Media. Abulites và Oxathres lần lượt cai trị Susiane và Paraetacene (xem Quyển ba). Theo Plutarch (Alexander 68.7), nhà vua đã phóng cây sarissa hay cây thương vào người Oxathres. Xem Curtius 10.1.39. Về việc xử tử các thống đốc trong giai đoạn này, xem E. Badian, JHS 1961, 16. Barsine là tên chính thức. Còn thông thường, cô được gọi là Stateira. Nhờ việc kết hôn với các cô gái dòng dõi quý tộc, Alexander đã tự kết nối ngài với các nhánh của hoàng gia Ba Tư. Artaxerxes III Ochus đã cai trị Ba Tư từ năm 359 tới 338 TCN. Chares, viên thị thần hoàng gia, người đã mô tả chi tiết các lễ hội, đã đưa ra con số là 92 chú rể; xem Athenaeus 12.538b-539a. Về mục đích của Alexander, xem Wilcken, Alexander 208. Xem Diodorus 17.109-1-2; Curtius 10.2.9-11; Plutarch, Alexander 70.3. Plutarch và Curtius đều đưa ra con số là 9.870 ta-lăng, trong khi Diodorus nói rằng số này “ít hơn 10.000 ta-lăng”. Xem Arrian, Indica 23.5; Curtius 9.10.19. Curtius (8.5.1) xác định thời điểm gây dựng lực lượng này là vào khoảng năm 327; tương tự với Plutarch (Alexander 47.6). Diodorus (17.108) cho rằng sự kiện này xảy ra sau cuộc binh biến ở Hyphasis. Xem thêm Phụ lục A. Có một sự sửa chữa nhỏ trong văn bản (xem E. Badian, JHS 1965, 161). Ở đây nên hiểu là “đạo quân kỵ binh thứ mười lăm hầu hết là lính phương Đông, nên sức mạnh của toàn kỵ binh được gia tăng nhờ vào lượng binh lính nước ngoài được thêm vào.” Sau khi nối với dòng Coprates, dòng sông này được biết tới với tên gọi Pasitigris, mà vào thời của Alexander nó đổ vào vịnh Ba Tư. Nearchus đã giong buồm ngược dòng Pasitigris tới khu vực lân cận của Susa; xem Arrian, Indica 42. Dòng Pasitigris ngày nay đổ vào sông Shatt-al-Arab, như một hợp lưu của dòng Euphrates và Tigris. Trong thời cổ đại, hai dòng sông này đều đổ vào vịnh Ba Tư qua những cửa sông khác nhau, như Arrian đã thuật lại. Xem Strabo 16.1.9-10; Herodotus 1.193. Strabo (16.1.11) mô tả, dựa trên cứ liệu của Aristobulus, cách Alexander cải thiện được việc tưới tiêu của vùng này. Xem Strabo 16.1.9. Curtius (10.2.12-30) và Diodorus (17.109), người đã bị bắt giữ sau bài diễn văn của Alexander, nói rằng Alexander đã tự tay bắt những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn. Về sự kiện này, xem Plutarch, Alexander 71. Những mỏ vàng mỏ bạc tại núi Pangaeum gần Philippi được cho là đã mang lại hơn 1.000 ta-lăng mỗi năm cho vị hoàng đế này (Diodorus 16.8.6). Vào năm 346 TCN. Chắc chắn, Alexander muốn nhắc tới đóng góp của mình trong trận Chaeroneia vào năm 338; xem Plutarch, Alexander 9.2-4; Diodorus 16.86. Demosthenes (Halonnesus 12) cho rằng đó là thời gian người Macedonia phải nộp cống vật cho Athens. Người Thebes dưới sự chỉ huy của Pelopidas đã dàn xếp ổn thỏa các sự vụ với người Macedonia vào năm 368. Philip đã đóng vai trò là con tin tại Thebes vào các năm 368-365 TCN. Về những sự kiện sau trận Chaeroneia, xem Wilcken, Alexander, từ tr.41. Xem Curtius 10.2.24; Plutarch, Alexander 15.2. Về vấn đề tài chính của Alexander, xem A. R. Bellinger, Essays on the Coinage of Alexander the Great (New Yorck, 1963) tr.35. Về sự xa hoa của các tướng lĩnh dưới quyền Alexander, xem Plutarch, Alexander 42; Athenaeus 12.539; Aelian, Varia Historia 9.3. Plutarch đã liệt kê những vết thương của Alexander trong Moralia 327a-b và 341a-c. Chắc chắn đây là một sự phóng đại. Chúng ta chỉ được nghe về lễ kỷ niệm tại Susa (xem Quyển ba). Nhưng dường như chỉ có 25 Chiến hữu hy sinh trong trận Granicus được đúc tượng. Plutarch (Alexander 71.9) nói rằng Alexander đã trợ cấp một khoản tiền cho con cái của những người đã hy sinh trong cuộc viễn chinh. “Người thân/họ hàng” [Kinsman] là một danh hiệu mà vua Ba Tư ban cho những người đứng đầu đất nước này. Curtius (3.3.14) cho rằng số lượng những người này lên tới 15.000 người. Về nụ hôn theo phong tục, xem Quyển bốn. Tên gọi sau là dành cho vệ quân (hypaspists). Diodorus (17.57.2) sử dụng tên gọi Những tấm khiên bạc cho vệ quân trong trận Gaugamela. Xem Tarn, Alexander 2.151-2. Đây rõ ràng là một sự phóng đại, trừ phi “những người Macedonia” được hiểu là các sĩ quan người Macedonia. Dạ yến này được tổ chức để kỷ niệm sự hòa giải giữa Alexander và những người đồng hương Macedonia cũng như (hy vọng là) giữa người Macedonia và người Ba Tư. E. Badian (Historia 1958, từ tr.428) đã bác bỏ ý kiến của Tarn (Alexander 2. từ tr.434) rằng Alexander đã cầu nguyện cho “sự đoàn kết của toàn nhân loại.” Về bài tụng ca sau dạ yến, xem Xenophon, Symposium 2.2.1. Theo mong muốn của Alexander; xem phần trước trong quyển này. Xem Diodorus 17.114.1; Plutarch, Alexander 47.9-10; Curtius 6.8.2. Craterus được cho là (Plutarch, Eumenes 6.3) sĩ quan được binh lính Macedonia quý mến hơn cả vì sự chống đối của ông với cung cách ngày một phương Đông hóa của Alexander. Nghĩa là thay thế Antipater, trở thành người ủy quyền của Alexander trong việc lãnh đạo Liên minh Corinth. Vào thời điểm Alexander qua đời, khoảng chín tháng sau, Craterus vẫn chưa đi quá vùng Cilicia. Về mối bất hòa giữa Antipater và Olympias, xem Diodorus 17.118.1, Plutarch, Alexander 40.11-13; Curtius 10.10.14. Về mối quan hệ giữa Alexander và Antipater, xem E. Badien, JHS 1961, từ tr.36 và G. T. Griffith, Proceedings of the African Classical Associations 1965, từ tr.12. Có một trang bị mất kể từ dấu (*) Xem Plutarch, Eumenes 2. Từ Opis tới Ecbatana (Hamadan). Về ngựa Nesaea, xem Herodotus 7.40.2; Strabo 11.13.7. Diodorus (17.110.6) đưa ra số liệu có chút khác biệt; số lượng ngựa trước kia được chăn thả ở đồng bằng Nesaea là 160.000 con và chỉ còn khoảng 60.000 con khi Alexander đặt chân tới vùng này. Nhiều sử gia thuật lại rằng Nữ hoàng Amazon đã tới thăm Alexander tại Hyrcania hoặc khu vực gần Jaxartes; Diodorus 17.77.1, Curtius 6.5.24-32, gọi nữ hoàng là Thalestris. Plutarch (Alexander 46) đã đưa ra một danh sách dài các sử gia chấp nhận hoặc phủ nhận câu chuyện này. Xenophon có nhắc tới trang bị vũ khí của nữ tộc Amazon trong Anabasis (4.4.16) nhưng điều đó không có nghĩa là ông đã gặp bất cứ ai trong số họ. Không một sử gia cổ đại nào nghi ngờ sự tồn tại của nữ tộc Amazon trong quá khứ, kể cả người hoài nghi nhất là Strabo (11.5.3). Xem Plutarch, Theseus 27. Trận chiến thứ hai là trận Marathon vào năm 490. Cả hai bức tranh đều do Micon, một người nổi danh vào khoảng năm 460, vẽ và được trưng bày tại Stoa Poikile ở Athens. Xem Pausanias 1.15, 8.11; Aristophanes, Lysistrata 678. Chúng ta có thể hiểu rằng “Cimon” ở đây nghĩa là “Micon”, cho dù rất có thể đây là sai sót của Arrian. Xem Herodotus 4.110-17; 9.27. Xem Lysias, Epitaphios 1; Isocrates, Panegyricus 19; Plato, Menexenus 239B. Xem Plutarch, Alexander 72.1; Diodorus 17.110.7-8. Xem Plutarch, sđd. Về sự ganh đua của Alexander với Achilles, và về mối quan hệ của ngài với Hephaestion, xem Quyển một. Về sự tiếc thương của Achilles trước cái chết của Patroclus, xem Homer, Illiad 23.141, 152. Xem Herodotus 7.35. Theo sử gia Herodotus, trong cuộc chiến của Xerxes Đại đế chống lại người Hy Lạp, vị vua này đã cho xây dựng một cây cầu từ cây lanh và cây cói để vượt qua eo biển Hellespont. Khi cây cầu sắp được hoàn thành thì một cơn bão dữ dội kéo tới khiến nó bị phá hủy hoàn toàn. Vô cùng tức giận vì điều này, Xerxes đã ra lệnh chém đầu các kỹ sư xây cầu và thậm chí còn “trừng phạt” eo biển Hellespont bằng cách dùng roi quất vào mặt nước 300 lần, vừa đánh vừa lớn tiếng đọc các tuyên cáo sỉ nhục. (ND) Trung tâm của việc thờ cúng Asclepius thuộc vùng Argolid. Ở phần trước, Arrian thuật lại rằng sự việc này là có thật. Plutarch cũng kể rằng giàn thiêu đó có giá 10.000 ta-lăng, nhưng Diodorus lại nói là 12.000 ta-lăng. Về mô tả chi tiết “giàn thiêu”, xem Diodorus 17.115. Plutarch cho rằng đó là “một lăng mộ”, và hiển nhiên nó được xây dựng để vinh danh Hephaestion; xem Wilcken, Alexander 234-6. Xem Diodorus 17.114.4-5; Plutarch, Alexander 72.3; 75.3; Eumenes 2; Pelopidas 34.2; Aelian, Varia Historia 7-8. Xem phần trước trong quyển này. Ghi chép về cuộc tranh cãi của hai sĩ quan này đã bị mất. Cuộc chinh phạt kéo dài 40 ngày. Plutarch (Alexander 72.4) cho rằng những người Cossaea đã bị thảm sát như là một “lễ hiến tế” dâng lên Hephaestion. Tuy nhiên, trong cuốnIndica (40.6-8), Arrian nói rằng Alexander đã thành lập nhiều thành phố để khuyến khích người Cossaea định cư và chung sống hòa bình; xem Diodorus 17.111.6. Diodorus (17.113.1-2) đưa ra một danh sách tương tự nhưng không giống hoàn toàn. Công trình của hai sử gia này hiện đã bị thất lạc. Aristus, thuộc vùng Salamis của Cyprus, đã mô tả lăng mộ của Cyrus (Strabo 15.3-8), và có thể đồng nhất với mô tả được tin tưởng của Antiochus II. Cleitarchus (trong Pliny, Natural History 3.57) cũng thuật lại rằng những người La Mã đã gửi sứ thần tới tiếp kiến Alexander. Quan điểm này về biển Caspian, xem Quyển năm. Alexander chắc chắn đã được Aristotle kể rằng Caspian không phải là vịnh, nhưng việc khám phá ra vịnh Ba Tư đã khiến ngài nghi ngờ điều này. Về đoạn này, xem Tarn, Alexander 2.11. Các vị tư tế của Bel (Marduk). Euripides (480-406 TCN): nhà bi kịch nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại. (ND) Trích từ một vở bi kịch đã thất truyền. Câu này thường được trích dẫn mà không hề nhắc tới tác giả nhưng Plutarch (Moralia 432c) cho rằng nó là của Euripides. Xem Herodotus 1.32; Plutarch, Solon 27. Xem Strabo 16.1.5. Herodotus (1.181) mô tả đền thờ, và nói rằng nó vẫn còn tồn tại cho tới thời của ông (xem chú thích của How và Well cho đoạn này). Về mệnh lệnh khôi phục đền thờ của Alexander, xem Quyển ba. Diodorus (17.112.2) thuật lại một cách lạ lùng rằng các vị tư tế đã nói với Alexander rằng ngài có thể thoát khỏi nguy hiểm nhờ vào việc tái xây dựng đền thờ. Xem Quyển ba. Về câu chuyện này, xem thêm Plutarch, Alexander 73.3-5; Appian, Civil Wars 2.639. Xem Cicero, On Divination 1.119, 2.32. Perdicas bị chính binh lính của mình giết hại tại Memphis vào năm 321 (Diodorus 18.36). Còn trận Ipsus diễn ra tại Phrygia vào mùa hè năm 301. Xem Plutarch, Alexander 69.7; Cicero, On Divination 1.47. Vì lúc đó là mùa xuân năm 323, thời điểm này có vẻ muộn hơn so với sự kiện Hy Lạp gửi các sứ thần tới chúc mừng Alexander. Diodorus (17.113.3-4) cho rằng những sứ thần của Hy Lạp xuất hiện vào thời điểm đó với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả việc đưa ra những tranh luận chống lại việc triệu hồi những người bị trục xuất khỏi thành bang của họ, như Alexander đã yêu cầu. Về mệnh lệnh này, xem Diodorus 18.8.2 (17.109.1), Curtius 10.2.4; Tod, các trang 201, 202. Xem các quyển trước. Ở đây Arrian dựa vào trước tác của Aristobulus; xem Strabo 16.1.11. Tương đương với cụm từ trong nguyên tác, nghĩa là “chủ yếu nhằm chống lại những người Ả Rập.” Strabo (16.1.11) sử dụng trước tác của Aristobulus làm cứ liệu chính cho những tuyên bố cho rằng những người Ả Rập đã không hề cử sứ thần tới tiếp kiến Alexander và vị hoàng đế trẻ tuổi “đang nuôi tham vọng trở thành chúa tể của toàn thế giới”. Arrian dĩ nhiên chấp nhận quan điểm này của Alexander. Xem Herodotus 3.8 (cùng với chú thích của How và Wells). Mặc dù không ghi rõ nguồn ở đây, nhưng trong đoạn này nguồn cứ liệu chính của Arrian vẫn là trước tác của Aristobulus (Strabo, Sđd). Một hòn đảo thuộc quần đảo Sporades, phía Tây Samos, hiện nay được gọi là Nikaria. Về câu chuyện của Daedalus và Icarus, xem Ovid, Metamorphoses 2.21-96. Hiện tại là Bahrein. Báo cáo về chuyến hải hành này đã được Theophrastus sử dụng trong các tác phẩm về thực vật của ông. Đó là bán đảo Ras Mussandam (Maketa), mà Nearchus đã nhìn thấy từ Hormuz. Arrian, Indica 32. Nhánh sông này đổ vào vịnh Ba Tư gần Teredon. Strabo 16.1.9-11. Khoảng một năm trước đó (tháng Tư/Năm năm 324) Alexander đã thành lập thị trấn Alexandria (sau này là Charax) giữa hai cửa sông của sông Tigris và sông Eulaeus; xem Pliny, Natural History 6.138. Diodorus (17.116.5-7) viết là “một trong những người chèo thuyền”. Ông không nói gì về số phận của người này. Menidas được nhắc tới gần nhất là vào mùa đông năm 328/327, khi ông được cử đi từ Nautaca tới Macedonia để mang viện quân tới (xem Quyển bốn). Điểm quan trọng là những sứ thần này đội trên đầu những vòng hoa theo nghi lễ. Điều này cho thấy họ là các theoroi, những đại diện của thần linh và khẳng định nguồn gốc thần thánh của Alexander. Plutarch (Moralia 219e) và Aelian (Varia Historia 2.19) nhắc tới việc chính Alexander đã yêu cầu họ thừa nhận ngài là một vị thần. Về vấn đề gây tranh cãi này, xem J. P. V. D. Balson, Historia 1950, từ tr.383 và tốt hơn nữa là xem Wilcken, Alexander tr.209-215. Xtatơ là một đơn vị tiền tệ Hy Lạp cổ. (ND) Đồng xtatơ được nhắc tới ở đây có thể là xtatơ bạc, tương đương với một đồng tetradrachm của Athens, và một lính “mười-xtatơ” nhận được 40 đracma mỗi tháng. Lính “lương-đúp” có thể nhận được 60 đracma, còn lính thường thì nhận được 30 đracma mỗi tháng. Theo một ghi chép rời rạc, số tiền phải trả hằng ngày cho một Hypaspist trong lực lượng viễn chinh là 1 đracma. Về thông điệp của các sứ thần, xem tr. 372. Plutarch (Alexander 72.2) đồng ý với Arrian, tuy nhiên Diodorus (17.115.6) thuật lại rằng thần Ammon cho phép vinh danh Hephaestion như một vị thần. Về việc bổ nhiệm ban đầu của Cleomenes, xem Quyển ba. Cleomenes được Alexander bổ nhiệm làm thống đốc (xatrap) của Ai Cập. Đây chính là người đã khiến nạn đói ở Hy Lạp (330-26) thêm trầm trọng bằng cách độc quyền xuất khẩu ngũ cốc từ Ai Cập và bán chúng với giá cao; ngoài ra Cleomenes còn chiếm đoạt một lượng lớn tài sản của các tư tế (Ngụy Aristotle, Oeconomica 2.33; Ngụy Demosthenes 56.7). Cleomenes sau này bị khép vào tội chết dưới tay của Ptolemy, người đã giành được Ai Cập bằng cách chia rẽ các địa hạt sau khi Alexander qua đời. Pharos nằm cách bờ biển khoảng 1,6 kilômét, cách châu thổ sông Nile khoảng 32 kilômét về phía tây. Alexander đã nối hòn đảo này với đất liền bằng đê chắn sóng, và nhờ đó xây dựng hai cảng biển cho Alexandria. Ngọn hải đăng do Ptolemy II xây dựng. Xem mô tả của Strabo về thành phố, 17.1.6-10. Về tính xác thực của lá thư này, xem CQ 1953, từ tr.157. Plutarch (Alexander 73) nói rằng đó là một người Messenia tên là Dionysius. Cả ông và Diodorus (17.116) đều nói rằng đó là một tù nhân đang chịu án treo, nên việc giam giữ anh ta có phần lơi lỏng. Người ta cho rằng hành động của tù nhân này hoặc là tự phát hoặc là do thần linh dẫn động. Plutarch và Diodorus nói rằng người đàn ông này đã bị khép tội chết. Trong cuộc viễn chinh tấn công người Ả Rập tiếp theo. Xem Plutarch, Alexander 75.4, Diodorus 17.117.1. Plutarch (Alexander 76) đưa ra một bản khác về nhật ký hoàng gia mà ông khẳng định phần lớn là trích dẫn nguyên văn. Bản của Plutarch chỉ khác một vài chi tiết so với bản mà Arrian đưa ra. Aelian (Varia Historia 3.23) đưa ra một bản thứ ba được cho là của Eumenes, người giữ Nhật ký. Bản này có ít điểm giống với hai bản trước. Về vấn đề liệu Nhật ký này có phải là một cứ liệu đáng tin về những ngày cuối cùng của Alexander hay không, xem Pearson, Historia 3 (1954/55), từ tr.429, và A. E. Samuel, Historia1965. Về cuộc viễn chinh tấn công Ả Rập. Demophon và Cleomenes đều là các nhà tiên tri người Hy Lạp, những người còn lại đều là những người Macedonia lỗi lạc, Attalus là chỉ huy một tiểu đoàn và là anh rể của Perdiccas. Thông thường, người ta cho rằng Sarapis (hoặc Serapis) là tên hiệu của Ptolemy I và vị thần có tên Separis chắc hẳn là một vị thần có tên gọi tương tự hoặc có quyền năng giống như thần Bel (Marduk). Về Sarapis, xem W. W. Tarn (Historia 1962 từ tr.238). Tuy nhiên, cũng có nhiều tranh luận cho rằng Alexander đã sáng lập nên giáo phái Sarapis, mà ngày nay vẫn tồn tại ở Ai Cập, và sau đó mang giáo phái này tới phương Đông cùng với ngài. Cụm từ này cũng có thể có nghĩa là “người mạnh nhất”. Xem Diodorus (17.117.4-5) và Curtius (10.5.4-5), người thuật lại rằng Alexander đã đưa nhẫn của ngài cho Perdiccas. Xem Diodorus 17.118; Curtius 10.10.14; Plutarch, Alexander 77.2. Không thứ nào trong số này có thể chứa thuốc độc. Người ta thường kể lại rằng đó là nước sông Styx, con sông bắt nguồn ở gần Nonacris ở phía bắc Arcadia; xem Pliny, Natural History 30.149; Pausanias 8.17.6. Nói chung, giả thuyết về việc Alexander bị đầu độc không đáng tin lắm. Tuy nhiên, có thể tham khảo tài liệu R. D. Milns, Alexander the Great (London, 1968) 255-8, người cho rằng thuốc độc là mã tiền với liều lượng thấp. Về “chiếc cốc của Hercules”, xem Diodorus 17.117.1-2 (cùng với chú thích của Welles trong phiên bản Loeb). Plutarch (Alexander 75.5) đã hoàn toàn phủ nhận câu chuyện này. Theo lịch hiện đại, Alexander mất vào ngày 10 tháng Sáu năm 323 TCN. Về các ví dụ cho việc này, xem Plutarch, Alexander 39. Plutarch (Alexander 28.6) cũng cho rằng đây là những động lực thúc đẩy Alexander khẳng định ngài là con trai của thần Zeus. Tuy nhiên, hãy xem CQ 1953, từ tr.151 về tầm quan trọng của lá thư Alexander đã gửi cho người Athens mà Plutarch đã trích dẫn trong cùng một chương. Arrian trước đó đã bình luận về thói nghiện rượu của Alexander. Xem những câu chuyện đã được Plutarch (Alexander 2) kể lại. JHS 83 (1963), 27-46. Câu trích dẫn nằm ở tr. 29. Như G. T. Griffith đã nhấn mạnh trong “A Note on the Hipparchies of Alexander” trong JHS 83 (1963), 68-74, tại tr.71. Trong Greek, Roman and Byzantine Studies 7 (1966), 159-166. Trong JHS 85 (1965), tr.160-161. Vào khoảng thế kỷ thứ III SCN, có một tác phẩm đã tập hợp các truyền thuyết, huyền thoại xung quanh các cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế với nhan đề là Alexander Romance, trong đó có một số câu chuyện ghi tên tác giả là Callisthenes. Tuy nhiên, sử gia này đã chết khi Alexander còn chưa qua đời nên ông không thể có một ghi chép đầy đủ về cuộc đời của Alexander. Tác giả khuyết danh của cuốn Alexander Romance, bởi vậy, thường được gọi là Ngụy Callisthenes. (ND) Sự kiện sáng lập Alexandria thường được đặt trước chuyến viếng thăm Siwah theo cứ liệu của Arrian. Tuy nhiên, xem thêm C. B. Welles, Historia 1962, từ tr.276. Theo Curtius (5.6.12), việc đốt cung điện diễn ra sau cuộc viễn chinh tấn công Mardi, sự kiện bắt đầu vào khoảng ngày 6 tháng Tư và kéo dài khoảng 30 ngày. Xem D. M. Lewis trong Classical Review 1969, tr. 272. Những chú thích của người dịch (ND) và người biên tập (BT) sẽ được ghi chú rõ. Những chú thích khác là chú thích của bản dịch tiếng Anh. Epictetus (50-120 SCN): triết gia vĩ đại thuộc trường phái Khắc kỉ [Stoicism]. Triết lý này đề cao sự tri túc [contentment – nghĩa là biết đủ]. Tri túc đem đến một đời sống lặng lẽ, bình yên, không có gì đáng để bận tâm phiền não. Sự bình an tâm hồn là điều đáng quý trọng hơn cả. Niềm an lạc ấy được tìm thấy thông qua sự tự kiềm chế [self-control] hay tự chủ [self-mastery]; đó là khả năng chế ngự lòng ham muốn và làm chủ bản thân, không để mình buông thả theo dục vọng. (ND) Hoàng đế Hadrian (76-138 SCN): Hoàng đế La Mã trị vì từ năm 117 cho đến khi ông qua đời vào năm 138 SCN. (ND) Hội đồng Areopagus còn được gọi là Hội đồng Công tố hay Hội đồng Quý tộc, là hội đồng tư pháp và lập pháp cao nhất của Athens thời cổ đại. (ND) Cuốn sách này được viết bằng tiếng Hy Lạp. Đây là lời tựa của bản dịch tiếng Anh do Aubrey de Selincourt chuyển ngữ. Hoàng đế Marcus Aurelius (121-180 SCN): hoàng đế La Mã, trị vì từ năm 161 cho tới khi ông qua đời vào năm 180. Cuốn sách nổi tiếng được nhắc đến ở đây là cuốn Meditation (tạm dịch: Suy ngẫm), một trong những tác phẩm được đánh giá là kinh điển của triết học Khắc kỷ. (ND) Appian (95-165 SCN): sử gia người Hy Lạp của La Mã. Ông là tác giả của cuốn Roman History (tạm dịch: Lịch sử La Mã) gồm 24 quyển được viết bằng