🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hòn Tuyết Lăn: Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Warren Buffett - Tập 1 Ebooks Nhóm Zalo Thông tin sách Tên sách: HÒN TUYẾT LĂN 1: Cuộc đời và Sự nghiệp của Warren Buffett Nguyên tác: THE SNOWBALL: Warren Buffett and the Business of Life Tác giả: Alice Schroeder Người dịch: Vương Bảo Long Nhà phát hành: DT Books Nhà xuất bản: NXB Trẻ Khối lượng: 1100g Kích thước: 16x24 cm Ngày phát hành: 03/2010 Số trang: 625 Giá bìa: 198.000đ Thể loại: Kinh tế - Doanh nhân Thông tin ebook Nguồn: http://tve-4u.org Type+Làm ebook: thanhbt Ngày hoàn thành: 20/09/2016 Dự án ebook #240 thuộc Tủ sách BOOKBT Giới thiệu Giờ đây, cái tên Warren Buffett không còn mấy xa lạ với mọi người ở khắp các châu lục, bởi vì con người này có một tầm ảnh hưởng vô cùng rộng lớn và luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới suốt hai thập kỷ vừa qua. Song, ít ai biết rằng, vị tỷ phú 80 tuổi đáng kính ấy, “nhà hiền triết vùng Omaha” của Hoa Kỳ thuở thiếu thời lại là một cậu học sinh thường bị điểm kém, từng bỏ nhà đi hoang, nhiều lần tham gia đánh cắp những món đồ thể thao từ cửa hiệu Sears, điều hành một lộ trình giao báo năm 13 tuổi, mua một trang trại 40 mẫu Anh vào năm học lớp 10, bị trường Harvard từ chối, có một cuộc tình “đầy sóng gió” với Hoa hậu Nebraska 1949 Vanita Mae Brown, từng là một “tín đồ” trung thành có thâm niên hàng chục năm của Pepsi trước khi chuyển sang uống Cherry Coke của Coca-cola từ năm 1987, kết thân và xem vợ chồng tỷ phú số 1 thế giới 2009 Bill Gates và Melinda Gates gần như con ruột nhưng không bao giờ đầu tư một đồng vào “đế chế” Microsoft hùng mạnh, cùng vô số những thương vụ đầy táo bạo mang đến cho ông những thành công tột bậc (và một vài thất bại “nho nhỏ”) dọc theo chiều dài sự nghiệp của ông... cho đến khi đọc The Snowball - Hòn Tuyết Lăn, quyển tự truyện về cuộc đời và sự nghiệp của Warren Buffett do Alice Shroeder chấp bút theo đề nghị của chính ông. Đó là mùa đông thứ chín trong cuộc đời của Warren. Cậu đang nghịch tuyết ngoài sân cùng Bertie, cô em gái nhỏ của mình. Warren đưa tay đón từng bông tuyết trắng tinh đang rơi xuống từ trên tận trời cao rồi đặt vào lòng bàn tay kia cho đến khi cậu có một nắm bông tuyết đầy ắp. Cậu ém chặt và vo nó lại thành một viên bi rồi đặt xuống đất. Viên bi bắt đầu lăn chầm chậm sau mỗi cú hích của cậu và ngày càng to ra vì tích thêm nhiều tuyết trên đường lăn của nó. Cậu lăn nó xuyên qua thảm cỏ nhà mình, lúc này đã phủ tuyết trắng xóa, chẳng mấy chốc cậu đã chạm đến mí vườn. Một thoáng ngập ngừng, cậu quyết định tiến lên và lăn viên bi sang thảm cỏ của những nhà kế cận. Và kể từ đó, Warren tiếp tục lăn quả bóng tuyết của mình đi khắp trên thế giới... PHẦN I ẢO TƯỞNG (The Bubble) 1. HÃY CHỌN CÁCH KHIÊM TỐN HƠN Omaha, tháng Sáu năm 2003 Bắt chéo hai chân nơi đầu gối, Warren Buffett đong đưa trên chiếc ghế lắc lư sau chiếc bàn gỗ trơn láng mà cha ông, Howard Buffett, vẫn thường ngồi trước đây. Chiếc áo vét-tông đắt tiền nhãn hiệu Zegna choàng qua vai ông như vừa lấy xuống khỏi giá treo mặc vào mà không thử lại số đo. Ông thích vận chiếc áo đó suốt ngày từ sáng đến tối bất kể mười lăm nhân viên đang làm việc bên cạnh ông tại trụ sở chính của Bershire Hathaway ăn mặc tềnh toàng hay trịnh trọng đến mức nào. Chiếc áo sơ-mi bên trong, luôn là màu trắng, có cổ hơi nhỏ làm cho chiếc cà-vạt trông như muốn bung ra khỏi cổ áo ông. Hình ảnh này cho thấy vị doanh nhân đã qua rồi thời trai trẻ, dường như ông đã quên lấy lại số đo mới trong suốt bốn mươi năm qua. Hai tay ông đan vào nhau rồi luồn bên dưới mái tóc bạc óng ánh và đỡ lấy đầu từ phía sau. Một vạt tóc khá dày nhưng rối, có lẽ được ông chải bằng chiếc “lược-năm-răng”, nổi bồng bềnh trên mái tóc như một gờ dốc lớn trong môn nhảy tuyết tốc độ cao (ski jump), được vén lên trên và tràn xuống chạm vành tai phải. Hàng lông mày rậm bên phải chạy dài miên man về hướng vành tai phải như muốn “giao lưu” với cái đuôi của vạt tóc đặc biệt đang phủ lấy bên dưới nó một gọng kính đồi mồi. Hàng lông mày này trông lúc thì hoài nghi, lúc hiểu biết, nhưng cũng có lúc như để che giấu một điều gì đó. Ngay lúc này đây, trên gương mặt ông là một nụ cười hiền lành tinh tế càng làm cho hàng lông mày bướng bỉnh bỗng trở nên quyến rũ một cách kỳ lạ. Tuy nhiên, đôi mắt màu xanh nhạt của ông lúc này cho thấy ông đang rất tập trung và rất nhiệt thành. Quanh ông là những biểu tượng và vật lưu niệm của 50 năm qua. Bên ngoài sảnh trước phòng làm việc của ông là những tấm ảnh lớn chụp đội bóng Cornhuskers của Nebraska, quê hương ông, một tấm chi phiếu tiền thù lao ông được nhận khi tham gia một chương trình truyền hình nhiều tập, một thư đề nghị (nhưng không bao giờ được chấp thuận) đầu tư vào một hedge fund[1]tên là Long-Term Capital Management và rất nhiều hình ảnh về những sự kiện đáng nhớ của Coca-Cola. Trên bàn nước trong phòng làm việc của ông là một chai Coca-Cola truyền thống. Một chiếc găng bóng chày được đổ trong một khối lớp thủy tinh acrylic sáng loáng. Phía trên ghế sofa là một tấm giấy chứng nhận hoàn thành khóa huấn luyện Nói trước Công chúng của Dale Carnegie vào tháng Giêng năm 1952. Tấm ảnh thời ông làm nhà đào tạo huấn viên của Tập đoàn Tài chính Ngân hàng Wells Fargo được chưng trên đỉnh kệ sách. Một Giải thưởng Pulitzer 1973 dành cho tờ the Sun Newspaper of Omaha mà ông có phần sở hữu. Khắp gian phòng là sách và các loại báo chí. Ảnh gia đình và bạn bè ông phủ đầy các mặt bàn lớn nhỏ và bên hông phía sau bàn làm việc của ông là một chiếc máy vi tính. Đập vào mắt của mọi vị khách đến thăm là bức chân dung cha ông được treo trang trọng trên bức tường ngay sau bàn làm việc của ông. Mặc dù buổi sáng cuối xuân Omaha quyến rũ đang vẫy gọi bên ngoài cửa sổ, nhưng những chiếc lá sách gỗ màu nâu vẫn được đóng kín. Chiếc ti-vi hướng màn hình về phía bàn làm việc của ông được chuyển sang kênh CNBC, âm thanh luôn được đặt ở chế độ không tiếng, những hàng tin tức chạy liên tục bên dưới chân màn hình mới chính là “món ăn” hằng ngày của ông. Năm này sang năm khác, ông rất vui vì hầu hết các thông tin này thường có liên quan đến ông. Tuy nhiên, chỉ một vài người thực sự hiểu rõ ông. Tôi quen ông từ sáu năm trước, ban đầu với tư cách là một chuyên viên phân tích tài chính chịu trách nhiệm về cổ phiếu của Berkshire Hathaway. Theo thời gian, mối quan hệ giữa chúng tôi trở nên thân tình và tôi ngày càng hiểu rõ ông hơn. Lúc này, chúng tôi đang ngồi trong phòng làm việc của ông bởi ông không có ý định tự mình viết quyển sách này. Đôi lông mày bướng bỉnh như nhấn mạnh thêm lời ông nói: “Alice, cô làm việc này tốt hơn tôi. Tôi rất vui vì cô đã nhận viết quyển sách này.” Tại sao ông vẫn cố tình nói ra điều tưởng đã rất hiển nhiên đó giữa hai chúng tôi? Bởi vì, chúng tôi bắt đầu cuốn sách từ những gì gần gũi nhất trong trái tim ông. “Mọi việc bắt đầu như thế nào, Warren? Có phải đó là sự thôi thúc mạnh mẽ trong việc kiếm được thật nhiều tiền?” Ánh mắt ông thoáng vẻ xa xăm và những ý nghĩ bỗng dồn dập ùa về trong ký ức. Warren mở đầu câu chuyện cuộc đời ông thế này: - Balzac[2] nói rằng đằng sau mỗi gia tài là một tội ác[3], điều đó không đúng tại Berkshire này. Warren đứng dậy khỏi bàn làm việc và sải bước ngang phòng như để đánh thức dòng hồi tưởng. Rồi ông an tọa trong chiếc ghế bành bọc gấm viền những sợi kim tuyến vàng óng, nghiêng người về phía trước trông giống như một cậu học trò nhỏ đang tự hào kể về mối tình đầu đẹp đẽ của mình hơn là một nhà tư bản tài chính lừng lẫy thế giới bảy-mươi-hai tuổi. Câu chuyện sẽ được diễn giải như thế nào, tôi cần phải phỏng vấn những ai, bao nhiêu người và sẽ viết gì đây? Warren nói rằng tất cả đều do tôi quyết định. Ông nói rất nhiều về bản chất con người và sự mong manh của ký ức, rằng “bất cứ khi nào lối thuật chuyện của tôi khác với một ai đó, cô hãy chọn cách khiêm tốn hơn.” Trong rất nhiều bài học tôi học được ở ông, những bài học quý giá nhất đơn giản lại xuất phát từ việc quan sát ông. Và đây là bài học thứ nhất: Dẹp bỏ sự khiêm tốn thái quá. Thực ra, không có nhiều lý do để không chọn cách thể hiện khiêm tốn, khi tôi làm điều đó, thì đó là vì chất con người chứ không phải vì sự mong manh của ký ức. Một trong những dịp để tôi thể hiện điều đó đã xảy ra tại Sun Valley vào năm 1999. 2. THUNG LŨNG MẶT TRỜI Idaho, tháng 7 năm 1999 Warren Buffett bước ra khỏi xe và lấy chiếc cặp hồ sơ từ trong cốp sau. Ông đi nhanh giữa hai hàng trụ căng dây xích i-nox sáng lóa xuyên qua cổng kiểm tra để ra điểm đỗ máy bay - nơi một chiếc phi cơ nhỏ màu trắng gắn động cơ phản lực Gulfstream IV - cỡ thương mại dành cho các đường bay ngắn nhưng thuộc vào loại máy bay tư nhân lớn nhất thế giới vào năm 1999 - đang đậu chờ ông và gia đình. Một trong những viên phi công đón lấy chiếc va-li từ tay ông và xếp nhanh vào khoang hành lý. Mọi phi công mới bay với Buffett lần đầu tiên đều rất ngạc nhiên khi thấy ông tự lái xe ra sân bay và tự tay xách hành lý. Ông bước lên cầu thang máy bay và mỉm cười chào toàn thể nhân viên phi hành đoàn - trong đó có một vài người mới - rồi đi thẳng tới chỗ ngồi bên cạnh cửa sổ, nơi ông sẽ không nhìn ra ngoài, dù chỉ một lần, trong suốt chuyến bay. Tâm trạng ông rất vui vì ông đã chờ đợi chuyến đi này suốt mấy tuần qua. Peter và Jennifer, hai vợ chồng con trai ông và hai đứa cháu nội, cùng con gái ông, Susan và bạn trai của cô đều đã yên vị trong những chiếc ghế bọc da quanh bar cà phê giữa gian phòng dài gần 14 mét bên trong thân chiếc máy bay tư nhân hạng nhất này. Họ dịch ghế ra xa khỏi những bức vách có gờ cong để nhường khoảng trống cho các tiếp viên khi mang cà phê, các loại bánh, trái cây và nước giải khát ra phục vụ. Một chồng tạp chí nằm bên cạnh ghế sofa, có thể “điểm mặt” các tạp chí danh tiếng như: Vanity Fair, the New Yorker, Fortune, Yatching, the Robb Report, the Atlantic Monthly, the Economist, Vogue, Yoga Journal. Tiếp viên đã đặt mua riêng cho Buffett một chồng báo khác và một túi đầy những hộp khoai tây chiên giòn cùng những lon Cherry Coke có màu rất hợp với chiếc áo gi-lê màu đỏ Nebraska của ông. Ông khen cô đôi câu và trò chuyện dăm ba phút nhằm ổn định tinh thần cô khi lần đầu tiên cô bay cùng ông chủ của mình. Rồi ông nhờ cô thông báo với các phi công rằng gia đình ông đã sẵn sàng cất cánh. Xong, ông bắt đầu chăm chú vào một tờ báo trong khi máy bay chuyển bánh ra đường băng để cất cánh lên độ cao 12.000 mét cách mặt đất chỉ ít phút sau đó. Trong hai giờ tiếp theo, sáu người kia tùy ý tận hưởng mọi thứ xung quanh ông: xem phim, chuyện gẫu, gọi điện thoại vệ tinh... Trong lúc đó, một tiếp viên trải khăn, cắm hoa lan trên chiếc bàn ăn bằng gỗ anh thảo mắt chim để chuẩn bị bữa trưa cho họ. Buffett không bao giờ cử động. Ông ngồi yên lặng sau những tờ báo mở rộng, như thể ông đang nghiên cứu một mình tại nhà vậy. Họ đang vi vu trong một “tòa lâu đài bay” trị giá 30 triệu đô la, vốn được xem là một tài sản “phân kỳ” bởi có đến tám người đồng sở hữu chiếc máy bay này. Tuy nhiên, nó chỉ là một chiếc trong đội máy bay của Hathaway nên cả tám người đều có thể bay bất cứ lúc nào nếu muốn. Từ các phi công, đội bảo trì máy bay, nhân viên điều hành lịch bay, những người có trách nhiệm điều máy bay đến điểm đỗ chỉ định tại phi trường trong vòng sáu giờ sau khi nhận lệnh, cho đến tiếp viên phục vụ các bữa ăn trên máy bay đều là nhân viên của Tập đoàn Berkshire Hathaway. Chẳng bao lâu sau, chiếc G-IV đã bay ngang Đồng bằng Sông Snake để hướng đến Sawtooth, một vùng đồi núi có từ kỷ phấn trắng với những ngọn núi nhỏ toàn đá gra-nít cổ sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời mùa hè. Rồi nó bay xuyên qua bầu trời xanh trong vắt đến Thung lũng Sông Wood, hạ độ cao xuống 2.400 mét, và bắt đầu bay bập bềnh để lại phía sau một vạch khói trắng hình gợn sóng trên những ngọn đồi màu nâu bên dưới. Buffett vẫn tiếp tục đọc một cách bình thản trong khi các thành viên trong gia đình ông đang bị rung lắc hết bên này sang bên khác ngay trên ghế của họ. Xa xa lấm chấm những ngọn cây trên dãy đồi thứ hai và những rặng thông nối tiếp nhau giữa các hẻm núi. Cả gia đình phấn khích trong sự dè dặt vì e ngại làm phiền Buffett. Khi chiếc máy bay hạ độ cao và chao mình lượn qua một khe núi hẹp giữa những đỉnh núi cao vọt phía trước mặt, ánh mặt trời ban trưa chiếu xuống in chiếc bóng dài của nó trên thị trấn vùng mỏ Hailey thuộc bang Idaho. Vài giây sau, bánh máy bay đáp xuống đường băng Sân bay Friedman Memorial. Cả gia đình Buffett lần lượt bước xuống cầu thang máy bay, mắt họ nheo lại dưới ánh mặt trời tháng bảy chói chang. Hai chiếc xe phục vụ mặt đất được điều khiển bởi các nhân viên trong đồng phục đen - vàng của hãng Hertz đã chạy tới đỗ xịch bên cạnh chiếc phản lực cơ. Tuy nhiên, áo họ in hình logo “Allen & Co. “thay vì “Hertz”. Hai cháu nội của Buffett nhảy lò cò trên mặt đường nhựa trong khi các phi công dỡ hành lý, vợt tennis, và chiếc túi dụng cụ chơi golf trắng - đỏ hiệu Coca-Cola của Buffett đặt lên xe phục vụ. Sau đó, cả gia đình bắt tay cảm ơn các phi công và tạm biệt các thành viên khác trong phi hành đoàn rồi lên xe đi vào nhà ga. Được miễn mọi thủ tục tại Sân bay Sun Valley - họ hồ hởi bước ra khỏi nhà ga và đã đứng trên con đường sẽ đưa họ đến vùng núi phía xa xa. Tất cả chỉ mất khoảng hai phút kể từ lúc máy bay hạ cánh. Đúng lịch trình, tám phút sau một chiếc máy bay khác cũng đáp xuống theo sau họ và tiến về bãi đỗ dành riêng cho nó. Suốt buổi chiều vàng rực rỡ của ngày hôm đó, lần lượt những chiếc máy bay nhỏ từ hướng nam và đông; hoặc xuất hiện từ hướng những đỉnh núi phía tây trước nối tiếp nhau đổ về Idaho. Chúng gồm đủ loại máy bay tư nhân của các hãng như Cessna kỵ mã, Learjets kiêu hãnh, Hawkers tốc độ, Falcons quý phái, nhưng hầu hết là Gulfstream-IV. Trước khi ánh hoàng hôn tắt hẳn, hàng chục chiếc máy bay lớn, trắng toát đã đậu san sát ngoài bãi đỗ trông như một cửa hàng đồ chơi đang trưng bày đầy những món đồ chơi dành cho tỉ phú. Cả gia đình Buffett lên một chiếc xe vượt địa hình. Hai chiếc xe phục vụ ban nãy lãnh nhiệm vụ đi tiên phong mở đường vượt qua đoạn đường vài ki-lô-mét thẳng đến thị trấn Ketchum nhỏ bé nằm bên bìa Rừng Quốc gia Sawtooth, gần ngã rẽ dẫn ra đèo Elkhon. Vài phút sau, họ đã ôm vòng theo Núi Dollar, nơi có một khu nghỉ dưỡng nhiều cây xanh thấp thoáng hiện ra giữa những con dốc màu nâu đỏ. Ở đây, giữa rừng thông reo và dương lá rung là Thung lũng Mặt trời - Sun Valley. Đây là khu nghỉ dưỡng miền núi nổi tiếng nhất, nơi thi hào Ernest Hemingway đặt bút viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Chuông Nguyện Hồn Ai (For Whom the Bell Tolls), cũng là nơi các vận động viên dự thi Olympic môn trượt tuyết (skiing) và trượt băng nghệ thuật (skating) từng chọn làm nơi tập luyện và là ngôi nhà thứ hai của họ. Tất cả các gia đình mà họ sẽ kết thân vào buổi chiều thứ Ba này đều có mối quan hệ với Allen & Co., một ngân hàng đầu tư nhỏ mới ra đời chuyên phục vụ các công ty, tập đoàn trong ngành truyền thông và công nghệ thông tin. Allen & Co. đã tập hợp lại một số vụ sáp nhập lớn nhất ở Hollywood, và đã có hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong việc tổ chức các cuộc hội thảo kết hợp nghỉ ngơi và giải trí bằng các hoạt động ngoài trời tại Sun Valley cho các khách hàng có nhu cầu và bạn bè của họ. Herbert Allen, Giám đốc điều hành của họ, chỉ mời những người ông ấy quý mến, hoặc những người ít ra ông đang muốn đặt quan hệ kinh doanh. Chính vì thế mà các cuộc hội nghị luôn đầy ắp những gương mặt nổi tiếng và giàu có. Có thể kể ra một vài người trong số họ như: nhà sản xuất và ngôi sao điện ảnh Candice Bergen, Tom Hanks, Ron Howard, Sydney Pollack; những người có thế lực trong ngành giải trí như Barry Diller, Rupert Murdoch, Robert Iger và Michael Eisner; các nhà báo tên tuổi “cha truyền con nối” như Tom Brokaw, Diane Sawyer và Charlie Rose; và những người khổng lồ của ngành công nghệ thông tin như Bill Gates, Steve Jobs và Andy Grove. Ngoài ra, phải kể đến từng nhóm phóng viên túc trực bên ngoài khu nghỉ dưỡng chờ đợi chuyến viếng thăm hằng năm của các nhân vật như vừa kể trên. Tuy nhiên, cánh phóng viên phải khởi hành sớm hơn một ngày từ sân bay Newark, New Jersey hoặc một điểm trung chuyển nào đó để lên một máy bay thương mại đi Salt Lake City, rồi đua tới Cooncourse E’s bullpen để ngồi giữa đám đông hành khách đang chờ các chuyến bay đi các điểm đến như Casper, Wyoming và Sioux City, Iowa cho đến khi được đưa lên một chiếc máy bay cánh quạt để rồi đáp xuống và tiếp tục đi thêm một giờ xe ngựa để tới đích là Sun Valley. Đối với các vị khách VIP, tại đích đến, máy bay của họ được hướng dẫn đỗ ở phía cuối sân, đối diện với một nhà ga nhỏ cỡ một sân tennis, nơi họ sẽ được “giao lưu” với đội phục vụ của Allen & Co. gồm những người trẻ tuổi da ngăm trong đồng phục áo polo vàng nhạt có logo xanh “SV99” và áo sơ-mi trắng để chào đón các vị khách đến sớm. Những người này có thể được nhận ra ngay lập tức trong đám đông hành khách: đàn ông thì đi giày cao cổ miền Tây, mặc áo sơ-mi và quần jean kiểu Paul Stewart; phụ nữ thì mặc áo khoác da dê và đeo những xâu chuỗi đồi mồi to cỡ hòn bi. Các nhân viên của Allen & Co. đã ghi nhớ mặt từng vị khách một qua những tấm ảnh mà họ được cung cấp trước đó. Họ ôm vai chào những người họ quen biết qua nhiều năm phục vụ trước đó như thể họ gặp lại bạn cũ, rồi họ nhanh chóng đưa hành lý của khách lên xe phục vụ và kết thúc nhiệm vụ của họ tại bãi đỗ xe bên ngoài sân bay. Còn cánh phóng viên thì tiến đến quầy cho thuê xe để kiếm một chiếc lái về khách sạn Lodge một cách nhanh nhất. Nét mặt cho thấy họ ý thức rất rõ về tình trạng “trễ nải” của mình. Trong những ngày sắp tới, nhiều khu vực thuộc Sun Valley sẽ được đánh dấu “riêng tư”, được che chắn khỏi những ánh mắt tọc mạch bằng những chiếc cửa đóng im ỉm hay các nhân viên an ninh có mặt khắp nơi, được treo đầy những giỏ hoa đẹp nhất, những cây cảnh lớn trồng trong chậu lớn nhất. Đám phóng viên thì ẩn mình ven những bờ giậu, dí mũi vào những lùm cây và bị “cách ly” hoàn toàn khỏi mọi điều hấp nhất đang diễn ra bên trong.[4] Kể từ dạo Michael Eisner của Hãng Disney và Tom Murphy của kênh truyền hình ABC ngồi với nhau và tưởng tượng ra việc hợp nhất hai tập đoàn của họ lại với nhau tại “Đại hội Quần hùng” Sun Valley 95, việc đưa tin của các phương tiện truyền thông đã tiến bộ đến mức có thể so sánh với sự hoành tráng về mọi mặt của một kỳ liên hoan phim Cannes. Cũng có một vài cuộc sáp nhập tan vỡ sau Đại hội Quần hùng nhưng đó chỉ là những mảng vỡ nhỏ của một núi băng trôi khổng lồ. Sun Valley không đơn thuần là nơi người ta đến để thực hiện các cuộc giao dịch có qui mô hay ảnh hưởng toàn cầu, dù rằng các thương vụ này luôn thu hút gần như toàn bộ giới truyền thông quốc tế. Năm nào cũng có những tin đồn bay vèo vèo khắp nơi rằng tập đoàn này hay công ty nọ đang có những cuộc họp kín trong vùng núi Idaho. Vì thế, những chuyến xe phục vụ cứ chạy đi chạy lại như con thoi ra vào những mái hiên làm đám phóng viên phải căng mắt tập trung nhìn xuyên tấm kính chắn gió trước xe để cố nhận ra ai là người đang ngồi bên trong. Mỗi khi có một vị đáng đưa lên mặt báo vào đến nơi, họ lập tức bám theo đến tận cửa với lỉnh kỉnh máy ảnh và micro tranh nhau đưa về phía trước. Cánh nhà báo nhanh chóng nhận ra Warren Buffett khi ông vừa bước ra khỏi xe. “Hình dáng ông ấy đã ăn sâu vào DNA[5] của họ mất rồi!” Don Keough, bạn ông đồng thời là Chủ tịch của Allen & Co.[6], nói. Hầu hết giới phóng viên đều yêu thích Buffett, người không muốn làm bất cứ ai ghét bỏ mình. Ông kích thích sự tò mò ở họ. Trước công chúng, ông là một con người giản dị và chân thật. Tuy nhiên, ông có một cuộc sống khá phức tạp. Ông sở hữu năm ngôi nhà nhưng chỉ sống tại hai nơi trong số đó. Không hiểu có lúc nào đó ông cảm thấy quay cuồng khi sống với hai người vợ chính thức của mình hay không? Ông có một nhóm bạn thân. Ông giao tiếp không kiểu cách và thường có những cái nháy mắt thân thiện với mọi người, nhưng lại là biểu tượng của một nhà đàm phán cứng rắn và lạnh lùng. Dường như ông muốn tránh xa mọi đám đông nhưng kỳ thực ông lại thu hút họ hơn bất cứ doanh nhân nào trên hành tinh này.[7] Ông bay khắp nước Mỹ trên chiếc máy bay phản lực riêng G IV và thường tham dự những buổi tiệc chỉ dành cho các nhân vật tên tuổi. Ông có nhiều bạn bè nổi tiếng, nhưng ông nói rằng ông thích thành phố Omaha, hamburger và những cây thạch thung dung[8] hơn. Ông nói thành công của ông là nhờ vào một số ý tưởng đầu tư đơn giản - mỗi ngày vui vẻ đến nơi làm việc với lòng nhiệt tình cao nhất, nhưng nếu đó là bí quyết làm giàu thì tại sao không một ai khác có thể đạt được vị trí như ông? Như mọi khi, Buffett đưa tay vẫy chào cánh phóng viên ảnh và mỉm cười hiền lành khi đi ngang qua họ. Họ tranh nhau chụp ảnh ông rồi lại bắt đầu nghiêng ngó vào chiếc xe tiếp theo. Chiếc xe đưa gia đình Buffett vòng qua ngôi biệt thự được thiết kế theo kiểu đồng quê Pháp đầy hoa thơm cỏ dại bên cạnh khu hồ bơi và sân tennis. Gia đình Herbert Allen cũng ở một biệt thự gần đó. Trong nhà, người quản lý, như mọi khi, đang chờ đợi chào đón họ và chuẩn bị sẵn những chiếc áo jacket có logo Allen & Co. SV99, mũ bóng chày, túi lông cừu có dây kéo, áo thun polo - mỗi năm một màu khác nhau - và một cuốn sổ tay có khóa bằng dây kéo. Mặc dù nắm trong tay khối tài sản trị giá 30 tỷ đô la - đủ để mua 1.000 chiếc G-IV xếp lớp kín một sân bay lớn - nhưng Buffett vẫn thích nhận một vài món miễn phí nho nhỏ, như một chiếc áo chơi golf chẳng hạn. Ông thường dành thời gian để nghiên cứu tỉ mỉ các thành tích của mình trong năm. Tuy nhiên, điều hấp dẫn ông hơn cả là những mẩu giấy ghi chú cá nhân nho nhỏ mà Herbert Allen lịch sự và ân cần gởi đến từng vị khách quý, và quyển sổ tay hội nghị được trình bày hết sức hoàn hảo về tất cả các hoạt động sẽ diễn ra tại Sun Valley trong thời gian họ lưu lại. Thời gian được tính từng giây, chương trình hội nghị được sắp xếp chu đáo nhất, mọi thứ chính xác vừa khít như hai ống tay áo kiểu Pháp của Herbert Allen. Lịch làm việc của Buffett được sắp theo từng giờ, từng ngày một. Quyển sổ tay hội nghị cũng nêu rõ tên người dẫn chương trình và các chủ đề hội thảo - mà cho đến lúc này vẫn còn là một bí mật được cất giữ cẩn thận - và tất cả các buổi ăn trưa và ăn tối mà ông sẽ tham dự. Không như các vị khách khác, Buffett biết trước khá nhiều về các thông tin này, nhưng ông vẫn muốn biết quyển sổ viết những gì. Herbert Allen, người được xem là Chúa tể Sun Valley kiêm “biên đạo múa” thầm lặng của hội nghị, đã quyết định để sự sang trọng tự nhiên làm không khí chủ đạo và lan tỏa xuyên suốt những ngày Đại hội Quần hùng năm nay. Tất thảy đều xem ông là con người của những nguyên tắc cao độ, tài giỏi, thông tuệ và hào phóng. “Anh sẽ ao ước được chết trong niềm thương mến và kính trọng của những người như Herbert Allen.” Một vị khách nào đó đã từng thốt lên như thế. Ai sợ rằng mình có thể không được mời đến dự hội nghị trong lần tới đều phải biết chừng mực khi có ý chỉ trích rằng Herbert là người “thất thường”, không biết mệt, thiếu kiên nhẫn và có cái tôi quá lớn. Đứng trước cái bóng cao to, tràn đầy sinh lực của ông, người ta phải gắng sức lắm mới chịu đựng được cái âm thanh rổn rảng không ngừng phát ra từ cổ họng ông như tiếng súng liên thanh. Ông “khạc” ra một mớ câu hỏi rồi đột ngột cắt ngang câu trả lời của người đối diện mà không cho họ có chút cơ hội nào làm lãng phí thời giờ của ông, dù chỉ một giây. Ông là chuyên gia trong việc nói ra những điều khó nói. “Cuối cùng thế nào Wall Street cũng sẽ bị loại bỏ,” - có lần ông nói với một phóng viên như thế, dù bản thân ông đang điều hành một nhà băng ở Wall Street. Lần khác, ông gọi các đối thủ của mình là “những kẻ bán dạo hot-dog”.[9] Allen chỉ duy trì nhà băng của mình ở qui mô nhỏ và chỉ kêu gọi một lượng giới hạn các cổ đông. Lối kinh doanh không theo qui ước này làm công ty ông giống như một đối tác hơn là một ngân hàng chuyên phục vụ khách hàng là những ông trùm của Hollywood và giới truyền thông. Vì thế, khi ông đứng ra tổ chức sự kiện, các vị khách chọn lọc của ông đều cảm thấy như đang được hưởng một đặc quyền chứ không phải bị đối xử như những kẻ “giàu có lang thang” bị giam cầm trong những căn nhà biệt lập bởi bọn nhân viên kinh doanh lắm mưu nhiều kế. Allen & Co. lên chương trình hội nghị hằng năm theo các mối quan hệ và mạng lưới liên lạc cá nhân với từng vị khách của họ, kể cả một số nhân vật mới mà họ biết rằng những người này cần phải gặp nhau. Có những qui ước mọi người ngầm hiểu với nhau về khoảng cách giữa các “khu vực riêng tư” tới khu hội nghị chính của Sun Valley, về các buổi ăn trưa hay tiệc tối mà họ được mời tham dự, và ai là người ngồi kế bên họ. Ông bạn Tom Murphy của Buffett xem việc đó như một trò vận động của Đảng Con Voi[10]. Còn Buffett thì nói: “Cứ mỗi lần nhóm các nhân vật tai to mặt lớn quần tụ nơi đây, anh có thể mời gọi thêm nhiều người khác tham gia, bởi một khi họ đã có mặt trong một cuộc vận động Con Voi, thì họ cũng là một Con Voi Bự Chảng.”[11] Sun Valley luôn luôn là một nơi rất an toàn cho các nhân vật tên tuổi đến để nghỉ ngơi và thực hiện những thương vụ từ phạm vi quốc gia cho đến toàn cầu, bởi không giống hầu hết các cuộc vận động tranh cử của Đảng Con Voi, người ta không thể mua vé là được vào tham dự. Kết quả đó chỉ là một thứ dân chủ giả hiệu của bọn người ăn trên ngồi trốc. Một phần người ta đến là vì muốn biết xem những ai không được mời, và hồi hộp ly kỳ hơn nữa là để biết ai không còn được mời nữa trong năm nay. Tuy nhiên, trong phạm vi giai tầng của mình, họ vẫn xây dựng những mối quan hệ trung thực với nhau. Allen & Co. nuôi dưỡng bầu không khí thân thiện, thoải mái bẳng nhiều hoạt động giải trí phong phú, đa dạng ngay từ buổi chiều đầu tiên khi các vị khách ăn mặc âu phục leo lên những chiếc xe ngựa kiểu cổ được dẫn đường bởi những gã cao bồi đi lên con đường mòn lộng gió ngang qua một ngọn núi đá tự nhiên hình chóp đâm vút lên trời cao để đến thảo nguyên Trail Creek Cabin. Tại đây, Allen và một trong hai con trai của mình sẽ chào đón các vị khách quý trong ánh hoàng hôn vàng rực đang buông xuống. Các chàng cao bồi mua vui cho lũ trẻ con bằng trò ném dây thừng gần một gian lều trắng lớn được trang trí bằng những chiếc bình to đầy hoa dã yên thảo tím thẫm và bông xô thơm xanh dương, trong khi tốp nhân viên bảo vệ đứng thành hàng thẳng tắp, trên tay là những chiếc đĩa sẵn sàng phục vụ món buffet bò bít-tết và cá hồi cho các vị khách mới đến. Gia đình Buffett thường kết thúc buổi tối sau khi ngồi quây quần trò chuyện với bạn bè của họ bên đống lửa trại dưới bầu đầy sao của vùng núi Idaho. Cuộc vui tiếp tục vào chiều thứ tư với cuộc đua thuyền mái chèo tự do trên sông Salmon có dòng chảy êm đềm và trong vắt. Các mối quan hệ lại càng thêm thắt chặt qua cuộc thi mang tính đồng đội này vì Allen & Co. đã tính toán rất cẩn thận khi xếp ai ngồi đâu trên xe buýt trên đường ra bến thuyền, cũng như những ai sẽ thi cùng một đội với nhau. Các nhân viên cứu hộ bờ sông thì lái xe băng xuyên thung lũng hiểm trở trong im lặng để không cắt ngang các cuộc trò chuyện hay làm phiền những người mà họ có trách nhiệm đi kèm và bảo vệ. Những người giám sát đường đua được thuê từ dân địa phương và các xe cứu thương túc trực bên đường đua sẵn sàng ứng cứu nếu chẳng may một ai đó bị rơi tõm xuống dòng nước lạnh giá. Các “vận động viên siêu cấp” được trao những tấm khăn choàng ấm áp và sau đó là một đĩa thịt nướng thơm lừng ngay lúc họ vừa rời thuyền và bước lên bờ. Những ai không tham gia đua thuyền có thể chọn đi câu cá hoặc cưỡi ngựa, bắn bồ câu sổ lồng hoặc bồ câu bằng đất sét (skeet), đi xe đạp leo núi, chơi bài bridge, học đan len, học chụp ảnh thiên nhiên, chơi ném đĩa nhựa, trượt băng nghệ thuật ngoài trời, chơi tennis trên một sân đất nện tuyệt hảo, thư giãn bên hồ bơi hay chơi golf trên một sân cỏ tuyệt vời, nơi họ được chở tới chở lui trên những chiếc xe phủ đầy những tấm che nắng hiệu Allen & Co., bánh và trái cây, cả những chai thuốc xịt côn trùng.[12] Tất cả những người tham gia môn này đều di chuyển trong yên lặng và trật tự, liền một đoàn và bất cứ nhu cầu nào chợt xuất hiện nhưng chưa kịp nói ra đều được đáp ứng ngay lập tức bởi đội phục vụ hầu như vô hình nhưng có luôn mặt tức thì trong đồng phục Polo SV99 của Allen & Co. Thiết nghĩ cũng không thể bỏ qua “vũ khí bí mật” của Herbert Allen, đó là hàng trăm nữ nhân viên giữ trẻ xinh xắn, trẻ tuổi, nước da rám nắng, hầu hết là tóc vàng, lưng đeo những chiếc ba-lô nhỏ nhắn in hình logo Allen & Co. Trong khi các bậc cha mẹ, ông bà đang mải mê tham gia những cuộc vui của họ thì những cô gái xinh đẹp này sẽ chơi với bọn trẻ bất kỳ trò chơi nào chúng yêu cầu, từ tập tennis, đá bóng, đi xe đạp, tham quan bằng xe điện, xem đua ngựa, trượt băng nghệ thuật, chạy tiếp sức, đua thuyền, câu cá, vẽ tranh, hay chỉ đơn giản là cùng ăn pizza và mút kem. Mỗi nhân viên giữ trẻ đều được tuyển chọn kỹ lưỡng để bảo đảm rằng mọi đứa trẻ đều có những giây phút vui chơi tuyệt vời nhất để năm sau chúng sẽ van xin bố mẹ quay trở lại - đồng thời để làm hài lòng cha mẹ chúng mỗi khi họ “chợt” liếc nhìn thấy một cô gái trẻ đẹp rất, rất ư là dễ thương đang chơi đùa hết mình với bọn trẻ để họ không cảm thấy có lỗi khi bỏ bê con cái mà tham gia những cuộc vui dành cho người lớn. Buffett luôn luôn là một trong những người đáng khen ngợi nhất trong số các khách quý của Allen. Ông yêu thích Sun Valley và xem nó là kỳ nghỉ mát hằng năm của cả gia đình ông, nơi ngoài việc chơi đùa với con cháu, ông không phải làm gì khác. Ông không thích các hoạt động ngoài trời ngoại trừ chơi golf. Ông không bao giờ chơi bắn bồ câu đất hay đi xep đạp leo núi. Ông xem chơi với nước như “một kiểu ngồi tù” và thà bị còng tay dẫn đi loanh quanh còn hơn là ngồi trên một chiếc thuyền đua có mái chèo. Thay vào đó, ông chuồn êm vào giữa một nhóm “con voi” nào đó. Hoặc, ông chơi một vài gậy golf hay đứng xem người khác đánh golf cùng với Jack Valenti, Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ, để cá độ một vài ba đô la, hoặc chơi bài bridge với Meredith Brokaw, hoặc nếu không ông sẽ dùng thời gian rỗi để nói chuyện với những người như Christie Hefner, CEO[13] của tờ Playboy hay CEO trẻ tuổi Michael Dell của hãng máy tính Dell. Tuy nhiên, ông thường biến mất rất lâu và ẩn mình trong ngôi biệt thự nhìn ra sân golf. Ông ngồi đọc báo và xem tin tức thị trường trong phòng khách bên cạnh chiếc lò sưởi khổng lồ.[14] Ông trầm ngâm ngắm những rặng thông trên sườn núi bên ngoài cửa sổ, hoặc hai bờ sông đầy hoa nở đẹp như một tấm thảm trong cung điện Ba Tư: những cây đậu lupin màu tùng lam và phi yến màu ngọc bích cao nghễu nghện trên đám anh túc và cọ của dân da đỏ, đám xô đỏ và thủy cự màu xanh lơ nép mình giữa những khóm cảnh thiên hoa cầu. “Bức tranh phong cảnh tuyệt vời nhất chính là đây!” Ông từng nói. Điều thu hút ông đến đây là bầu không khí ấm áp thân tình mà Herbert Allen đã tạo ra.[15] Ông thích gặp gỡ những người bạn thân thiết nhất của ông: Kay Graham và Don Graham, con trai bà; Bill và Melinda Gates; Mickie và Don Keough; Barry Diller và Diane von Furstenberg; Andy Grove và vợ anh, Eva Grove. Nhưng trên tất cả, đối với Buffett, Sun Valley là một trong những dịp hiếm hoi trong năm để gần như toàn thể các thành viên trong gia đình ông sum họp với nhau. “Bố muốn tất cả chúng tôi ở chung một nhà,” Susie Buffett nói. Cô sống ở Omaha; người em trai Howie và vợ cậu ấy, Devon - năm nay không tham dự - sống ở Decatur, Illinois; còn người em út của họ, Peter và vợ Jennifer, sống ở Milwaukee. Susan, người vợ 47 tuổi của ông, sống riêng tại San Francisco cũng bay đến họp mặt cùng gia đình. Và cuối cùng là Astrid Menks, người bầu bạn cùng ông suốt 20 năm qua, sống cùng ông tại Omaha. Vào đêm thứ Sáu, Warren mặc một chiếc áo sơ mi kiểu Hawaii sặc sỡ và đưa vợ ông dự Tiệc Chiêu đãi theo truyền thống Sun Valley, được tổ chức trên sân tennis ngay bên cạnh nhà nghỉ của họ. Hầu như ai cũng mến Susie. Luôn luôn là ngôi sao của buổi tiệc, bà hát những bản nhạc cổ điển dưới ánh sáng bập bùng của một ngọn đuốc lớn kiểu Olympic. Năm nay, giữa những lời chúc tụng chan chứa tình bè bạn là những tiếng xôn xao về một thứ ngôn ngữ mới hết sức dễ hiểu - B2B, B2C[16] banner quảng cáo, băng thông, băng thông rộng ra sức thi tài cùng dàn âm thanh công suất cao của ban nhạc Al Oehrle. Suốt cả tuần một cảm giác mơ hồ về sự không thoải mái treo lơ lửng trên những bữa ăn trưa hay tiệc cốc tai và tiệc tối như có một sự bối rối câm lặng giữa những cái bắt tay, những cái hôn và ôm vỗ vai nhau. Một nhóm các vị khách mới toanh, dáng điệu nghênh ngang, tự giới thiệu mình trước cử tọa, những người chưa từng nghe hay thấy họ tại Sun Valley năm trước đó.[17] Một vài người trong số họ tỏ ra rất xấc xược, điều được xem là lố bịch trong bầu không khí truyền thống của Sun Valley, nơi sự thân mật ngự trị theo qui ước ngầm của tất cả những người tham dự và Herbert Allen cũng yêu cầu mọi người tuân thủ một qui tắc bất thành văn trước các thái độ vênh váo tự phụ, đó là trục xuất khỏi Sun Valley. Đám mây ngạo mạn vẫn treo nặng nề trên các buổi thuyết trình, vốn là trung tâm của Đại Hội Quần Hùng. Những người đứng đầu các công ty, tập đoàn, các quan chức cao cấp của chính phủ, và những con người tiếng tăm khác nói chuyện với nhau theo một cung cách không giống bất kỳ một cuộc nói chuyện nào ở bất cứ nơi đâu, bởi vì khó có một từ nào trong cuộc trao đổi của họ có thể vượt khỏi ranh giới của những lẵng hoa treo trên ngưỡng cửa từng ngôi nhà nghỉ của Sun Valley. Các phóng viên bị cấm, riêng các nhà báo nổi tiếng và những ông trùm báo chí và truyền thông thì được mời vào phòng hội nghị nhưng tuyệt nhiên luôn biết tôn trọng luật im lặng. Vì thế, quyền tự do trình bày chỉ được dành riêng cho những con người đáng kính nhất, các diễn giả nói những điều quan trọng và thường là sự thật và không bao giờ được nói ra trước giới báo chí bởi vì họ quá ngốc nghếch, quá cảm xúc, quá cảnh giác, quá dễ bị châm biếm, và thường xuyên bị diễn đạt sai. Cánh phóng viên không có “đẳng cấp” gì thì ẩn nấp dày đặc bên ngoài với hy vọng được quẳng cho một mẩu tin vụn vặt nào đó. Lần này, những “đại gia” trong lĩnh vực Internet tỏ ra oai vệ và khoe khoang những kỳ vọng to tát của họ. Họ hãnh diện ra mặt với những vụ thôn tính bằng con đường sáp nhập và rằng họ đang huy động vốn từ bất cứ nhà tài chính nào đang ngồi trong số các khán thính giả. Các nhà tư bản ngành ngân hàng, cũng là những kẻ phục vụ các khoản tiết kiệm và hưu bổng của người khác, chia nhau nắm giữ một khối tài sản khó có thể diễn tả được độ lớn của nó: hơn một ngàn tỉ đô la![18] Số tiền này tương đương tổng số thuế thu nhập cá nhân thu được trong một năm của Mỹ. Số tiền này đủ để sắm cho mỗi hộ dân tại hơn chín bang nước Mỹ một chiếc Bentley mới toanh.[19] Và, dùng số tiền này, bạn có thể tậu ngay các bất động sản sang trọng nhất cùng một lúc tại các thành phố Chicago, New York và Los Angeles. Một số người đến từ các công ty công nghệ thông tin nọ đăng đàn nói rằng họ rất cần tiền, và họ muốn các cử tọa đang ngồi ở đây đưa tiền cho họ. Vào đầu tuần, tấm pa-nô của Brokaw, có hàng tít lớn “Internet và cuộc sống của chúng ta” đã mở đầu một chuỗi các cuộc thuyết trình về việc Internet định hình lại ngành truyền thông như thế nào. Jay Walker của hãng Priceline đến với cử tọa bằng một bài nói gây choáng váng khi so sánh siêu xa lộ thông tin với sự ra đời của hệ thống đường sắt Hoa Kỳ năm 1869. Lần lượt hết người này đến người khác, các nhà lãnh đạo các công ty hàng đầu bước lên nói về những viễn cảnh tươi sáng của công ty mình, làm ngây ngất cả hội nghị về một tương lai vô tận trong việc lưu trữ dữ liệu và không còn nữa các giới hạn địa lý. Đó quả thật là những lời nói dối ngọt ngào và “có tầm nhìn” đến mức nhiều người bị thuyết phục hoàn toàn về một thế giới mới đang mở ra trong khi những người khác thì được nhắc nhở rằng hãy cảnh giác trước những kẻ bán hàng thâm độc. Những người đang điều hành các công ty công nghệ tự xem mình là những đứa con của thần Prô-mê-tê và có trách nhiệm đem lửa đến cho những kẻ tăm tối hơn. Đại diện từ các ngành khác từng vùng vẫy mọi cách để đáp ứng các nhu cầu “tầm thường” của cuộc sống - như phụ tùng xe hơi, ghế thư giãn nơi sân vườn - thì bây giờ hầu như chỉ quan tâm đến việc họ sẽ “mua” được bao nhiêu công nghệ. Cổ phiếu của các công ty kinh doanh Internet được mua bán với giá cao gấp nhiều lần so với mức cổ tức không tồn tại trên thực tế của chúng, trong khi các “công ty thực” đang sản xuất ra những sản phẩm rất thực phục vụ đời sống thì cổ phiếu của họ lại bị giảm giá. Vì cổ phiếu công nghệ qua mặt cổ phiếu của các công ty thuộc “nền kinh tế cũ”, nên chỉ số Dow Jones[20] đã nhảy vọt qua mức 10.000 điểm chỉ trong vòng bốn tháng trước đây (tức vào tháng 3/1999), với mức tăng gấp đôi so với hơn ba năm trước đó. Nhiều nhà giàu mới túm tụm nhau giữa các buổi diễn thuyết tạo thành một vòng cung khó xâm nhập bên ngoài khu tiệc tối cạnh Hồ Con Vịt, nơi có một cặp thiên nga bị giam cầm đang bơi loanh quanh không lối thoát. Ở đó, bất kỳ vị khách nào - trừ phóng viên[21]- đều có thể rẽ ngang đám đông trong y phục quần ka-ki áo thun len ca-sơ-mia tay dài để đặt câu hỏi với Bill Gates hay Andy Grove. Đồng thời, hình ảnh các nhà báo theo bén gót các nhân vật có thế lực trong ngành Internet khi họ di chuyển giữa Lữ quán (nơi hội nghị) và khu nhà nghỉ của họ càng làm cho bầu không khí của Sun Valley năm nay có tầm quan trọng đặc biệt. Một vài “Sa hoàng” Internet mới nổi bỏ ra cả buổi chiều thứ Sáu để đeo bám vận động Herbert Allen cho họ được có mặt trong một tấm ảnh gồm toàn các nhân vật tầm cỡ của ngành truyền thông hàng đầu Hoa Kỳ, sẽ được chụp bởi nhà nhiếp ảnh lừng danh Annie Leibovitz vào chiều thứ Bảy, độc quyền dành cho tạp chí Vanity Fair. Họ có cảm giác rằng họ được mời tham dự Sun Valley bởi vì họ là nhân vật quan trọng, vì thế mà họ thấy khó chịu khi biết rằng Leibovitz tự lựa chọn nhân vật đứng trong khung hình của bà ấy. Vì sao? Chẳng hạn như, lý do gì mà bà ấy mời Buffett đứng vào khung hình trong khi vai trò của ông ấy trong ngành truyền thông chỉ là thứ yếu? Hay là do tư cách hội viên, hoặc ông là thành viên của một mạng lưới các nhân vật có ảnh hưởng cá nhân lớn? Hay nhờ lịch sử đầu tư vào các công ty truyền thông lớn và nhỏ trước đó mà ông ấy được ưu tiên? Ngoài ra, gương mặt ông đã quá cũ kỹ và quen thuộc đến mức sự có mặt của ông trên trang bìa cũng không làm tờ tạp chí bán được nhiều hơn! Họ có phần xem nhẹ điều này bởi vì họ biết rất rõ rằng cán cân truyền thông năm nay đang nghiêng về các “đại gia” Internet. Ý nghĩ đó xuất hiện bất kể chính Herbert Allen cũng cho rằng một “mô thức mới” để định giá các cổ phiếu công nghệ và truyền thông - dựa vào tổng số lần nhấp chuột và tần suất người dùng Internet lướt mắt qua một mục tin nào đó trên một trang web, hay các dự đoán về sự tăng trưởng cao hơn gấp nhiều lần khả năng thực sự của một công ty trong việc tăng doanh thu bằng tiền mặt “cứng” - là nhảm nhí. “Mô thức mới,” - Ông khịt mũi - “cũng giống như một kiểu làm tình mới vậy, không có thứ gì giống nó cả!”[22]. Buổi sáng kế tiếp, Buffett, hiện thân của “mô thức cũ”, dậy sớm vì ông sẽ là người có bài thuyết trình bế mạc Đại hội Quần hùng. Ông luôn khước từ mọi lời mời nói chuyện tại các cuộc hội nghị do các tập đoàn tài trợ nhưng mỗi khi Herbert Allen ngỏ ý thì ông nhận lời ngay.[23] Cuộc gặp bế mạc vào sáng thứ Bảy là điểm chính yếu của một kỳ Sun Valley, cho nên thay vì ra thẳng sân golf hay cầm lấy một chiếc cần câu, hầu như tất cả mọi người đều đổ về Lữ quán để dùng điểm tâm sáng, sau đó tranh thủ tìm một chỗ ngồi thuận tiện nhất. Có lẽ hôm nay Buffett sẽ nói về thị trường chứng khoán. Về mặt cá nhân, ông từng bị chỉ trích là kẻ đầu cơ trục lợi chứng khoán, một kẻ điều khiển thị trường chứng khoán đứng trong bóng tối đã làm cho cổ phiếu của các công ty công nghệ “phi nước đại” điên cuồng suốt năm qua. Riêng cổ phiếu của công ty ông, Berkshire Hathaway, thì suy yếu cùng cực và qui tắc bất di bất dịch của ông về việc không mua các loại cổ phiếu công nghệ dường như đã lỗi thời. Nhưng tuyệt nhiên không có lời chỉ trích nào về cách thức đầu tư của ông, và cho đến lúc này, tuyên bố duy nhất của ông trước công chúng là ông không bao giờ đưa ra các dự báo về thị trường. Vì thế quyết định thức dậy sớm để lên bục nói chuyện năm nay là một điều chưa từng có tiền lệ. Có lẽ đây là lần duy nhất ông làm việc này. Buffett có một niềm tin sắt đá và một sự thôi thúc mạnh mẽ rằng ông phải thuyết giảng đôi điều trong buổi sáng hôm nay. [24] Ông đã bỏ ra mấy tuần lễ để chuẩn bị bài phát biểu của mình. Ông hiểu rất rõ rằng thị trường chứng khoán không chỉ toàn những người mua bán cổ phiếu theo kiểu đánh bài ăn tiền. Những cổ phiếu này đại diện cho các ngành kinh doanh. Buffett chỉ nghĩ về tổng giá trị của chúng. Chúng trị giá bao nhiêu? Kế đến ông ôn lại lịch sử từ một hồ sơ lưu trữ rất trí tuệ của ông. Đây không phải là lần đầu tiên các công ty công nghệ làm thay đổi thế giới đi cùng và khuấy động thị trường chứng khoán. Lịch sử kinh doanh đầy dẫy những công nghệ mới từng ra đời - đường sắt, điện tín, điện thoại, xe hơi, máy bay, truyền hình, và tất cả những phương pháp để kết nối mọi thứ nhanh hơn - nhưng có mấy thứ làm cho các nhà đầu tư trở nên giàu có? Ông sắp sửa nói về điều đó sáng nay. Sau buổi buffet sáng, Clarke Keough bước lên bục thuyết trình. Buffett biết gia đình Keough từ nhiều năm qua; họ là hàng xóm với nhau ở Omaha. Chính nhờ Don, cha của Keough mà Buffett được kết nối vào con đường đến Sun Valley. Don Keough hiện là Chủ tịch hãng Allen & Co. và là cựu Chủ tịch hãng Coca-Cola. Ông từng gặp Herbert Allen khi mua lại hãng phim Columbia Pictures từ Allen & Co. về cho Coca-Cola vào năm 1982. Keough và sếp của ông, CEO Roberto Goizueta của Coca-Cola, vô cùng ấn tượng trước lối tiếp cận không theo phong cách bán hàng của Herbert Allen đến nỗi họ đã mời Herbert vào ban quản trị của họ[25]. Keough, con trai một người chăn nuôi gia súc ở Sioux City và là một lễ sinh trong nhà thờ ngày nào, giờ đã nghỉ hưu Coca-Cola trên lý thuyết nhưng vẫn sống và hít thở hằng ngày cùng the Real Thing, cái bóng của ông vẫn còn bao trùm khắp đế chế Coca-Cola cho đến ngày nay.[26] Khi gia đình Keough trở thành hàng xóm của ông ở Omaha vào những năm 1950, Warren hỏi Don rằng ông định làm thế nào để nuôi bọn trẻ cho tới khi chúng vào đại học và đề nghị Don hùn vốn 10.000 đô la vào quỹ đầu tư của mình. Nhưng Don đã đưa cả sáu đứa trẻ vào một trường dòng với chi phí 200 đô la một tuần từ nghề bán cà phê sữa - đậu rang của mình. “Khi đó chúng tôi không có tiền,” Giờ đây, Clark, con trai ông đang nói với cử tọa. “Đây là một phần của quá khứ gia đình tôi và chúng tôi sẽ không bao giờ quên.” Buffett tiến lên đứng cùng với Clark ngay tại bục thuyết trình. Ông mặc chiếc áo thun dài tay yêu thích màu đỏ Nebraska bên ngoài chiếc áo sơ mi ca rô. Ông tiếp lời và kết thúc câu chuyện:[27] Gia đình Keough là những người hàng xóm tuyệt vời của chúng tôi. Sự thật là thỉnh thoảng Don cũng nhắc nhở tôi rằng, không lông bông như tôi, ông ấy có một công việc đàng hoàng, nhưng mối quan hệ giữa chúng tôi rất tốt đẹp. Có lần vợ tôi, Susie, sang nhà ông ấy mượn một cốc đường, thế là Mickie, vợ Don, đưa cho cô ấy nguyên cả gói. Khi tôi biết chuyện, tôi quyết định qua nhà Keough ngay tối đó một mình. Tôi nói với Don: “Tại sao anh không đưa tôi 25.000 đô la để hùn vốn đầu tư với tôi?” Những gương mặt của cả gia đình Keough có vẻ đanh lại, và tôi bị tống cổ ra ngoài. Tôi quay trở lại vài lần sau đó và đề nghị ông ấy góp 10.000 đô la mà Clark vừa nói nhưng chỉ nhận được kết quả tương tự. Không chùn bước, tôi tiếp tục quay lại và hỏi 5.000 đô la và lần này, tôi lại bị từ chối. Một tối nọ, đó là vào mùa hè năm 1962, tôi lẻn qua nhà Keough xem họ đang làm gì. Tôi tự hỏi không biết có nên hạ giá xuống còn 2.500 đô la hay không, nhưng vào lúc tôi đụng tường nhà Keough, bên trong lặng im, tối om chẳng thể nhìn thấy gì cả. Nhưng tôi biết chuyện gì đang diễn ra. Tôi biết Don và Mickie đang trốn trên tầng trên, vì thế tôi không rút lui. Tôi hết rung chuông đến gõ cửa. Vẫn không có tiếng trả lời. Tôi biết chắc rằng Don và Mickie đang ở trên nhà, dù trong nhà thì tối đen như mực. Trong nhà tối đen như mực, nhưng còn quá sớm để đi ngủ. Tôi nhớ như in đêm đó như mới vừa hôm qua vậy. Đó là ngày 21 tháng 6 năm 1962. - Clark này, cậu sinh ngày nào nhỉ? - 21 tháng 3 năm 1963. Đấy! Có những chuyện tuy nhỏ nhưng tạo ra một bước ngoặt lớn! Vì thế mà cậu phải vui mừng vì cha mẹ cậu đã không trao cho tôi 10.000 đô la đó. Sau khi làm cả cử tọa phấn khích bằng câu chuyện về việc cho và nhận, Buffett quay lại chủ đề chính: “Hôm nay, tôi sẽ cố nói về những vấn đề có nhiều câu hỏi. Herb bảo tôi tham gia với một vài slide[28] Ông ấy nói: “Này Warren, hãy cho mọi người thấy rằng anh vẫn còn say mê với nó”. Khi Herb nói điều gì, đó là một mệnh lệnh phải thi hành đối với gia đình Buffett.” Và ông nói nhanh một cách chính xác gia đình Buffett là như thế nào - vì Buffett nghĩ rằng gia đình ông cũng giống như mọi gia đình khác - rồi kể một câu chuyện đùa về Allen. Viên thư ký của Tổng thống Hoa Kỳ chạy vội vào Phòng Bầu Dục, xin lỗi vì đã vô ý xếp nhầm hai cuộc họp cùng một lúc. Vì thế, Tổng thống phải chọn một trong hai, hoặc tiếp Giáo hoàng, hoặc gặp Herbert Allen. Ông ngừng lại một lúc chờ cử tọa dứt tiếng cười. Tổng thống bảo: “Mời Giáo hoàng vào, ít nhất thì tôi chỉ phải hôn nhẫn[29] ông ấy thôi!” Đối với các bạn - những người-hôn-nhẫn, hôm nay tôi lại muốn chia sẻ về thị trường chứng khoán.Ông nói. Tôi nói về vấn đề định giá cổ phiếu, chứ không dự đoán sự tăng giảm thị giá của chúng trong vòng vài tháng sắp tới hay trong năm tới. Định giá hoàn toàn không giống như dự đoán. Trong ngắn hạn, thị trường vận hành như một cỗ máy bầu cử. Trong dài hạn, nó là một cỗ máy đo trọng lượng. Trọng lượng mới là cái chính. Nhưng các lá phiếu rất quan trọng trong đầu tư ngắn hạn nhưng đó là một kiểu bầu cử rất phản dân chủ. Không may là, không có cách chi để kiểm nghiệm chất lượng bầu cử của nó cả, như tất cả các bạn đều đã biết đấy. Buffett rê chuột nhằm chiếu slide đầu tiên lên cái màn hình cực lớn treo bên phải.[30] Bill Gates, lúc này đang ngồi bên dưới, phải nín thở mất mấy giây cho tới khi ngón tay vụng về có tiếng của Buffett lần mò đưa được slide đầu tiên lên màn hình.[31] CHỈ SỐ CÔNG NGHIỆP TRUNG BÌNH DOW JONES Ngày 31/12/1964 874,12 Ngày 31/12/1981 875,00 Rồi ông tiến đến gần màn hình và bắt đầu giải thích. Trong vòng 17 năm này, qui mô nền kinh tế tăng gấp năm lần. Doanh số các công ty trong Fortune-500[32]tăng hơn năm lần. Tuy nhiên, cùng quãng thời gian này, thị trường chứng khoán không thay đổi gì. Ông lui lại vài bước. Điều các bạn đang làm khi đầu tư là tiêu thụ dần và bỏ tiền ra hôm nay để thu về nhiều tiền hơn trong tương lai. Thực sự chỉ có hai câu hỏi mà thôi. Một là số tiền mà bạn sẽ thu về bao nhiêu, và hai là khi nào. Bây giờ, tôi xin nói rằng Aesop[33] không phải là một nhà tài chính, bởi vì ông ấy từng khẳng định một điều gì đó đại ý rằng “một con sẻ trong tay còn hơn hai con bay trong bụi”, nhưng ông ấy không nói là khi nào. Lãi suất - hay nói cách khác chi phí vay - là cái giá của “khi nào”. - Ông giải thích. Lãi suất trong tài chính cũng như trọng lượng trong vật lý. Khi lãi suất thay đổi thì giá trị của tất cả các loại tài sản cũng thay đổi theo - từ nhà đất, ô tô, cổ phiếu, trái phiếu... - như thể giá cả buôn bán chim chóc đang biến động mạnh. “Đó là lý do tại sao đôi khi một con chim trong tay lại tốt hơn hai con chim trong bụi và thỉnh thoảng hai con chim trong bụi đáng giá hơn một con chim trong tay.” Qua cái giọng mũi nông đến mức có thể nghe rõ cả tiếng thở của ông, từng đám từ ngữ tuôn ra nhanh đến nỗi đôi khi chúng va cả vào nhau, Buffett liên hệ Aesop đến thị trường đầu cơ dữ dội ở những năm 1990 mà ông diễn tả như một chuyện hết sức vô lý. Lợi nhuận tăng kém hơn cùng kỳ năm trước, nhưng chim trong bụi lại đắt hơn vì lãi suất xuống thấp. Một số ít hơn thì muốn tiền mặt - tức nắm con chim trong tay - khi lãi suất thấp như thế. Vì thế các nhà đầu tư đang phải trả các mức giá chưa từng có cho những con chim còn nằm trong bụi rậm. Nói một cách dân gian thì Buffett ngụ ý điều này là “sự tham lam - hám lợi”. Cử tọa bên dưới, đầy những bậc thầy công nghệ đang làm thay đổi thế giới và ngày càng giàu có nhờ thị trường chứng khoán đầu cơ lớn, ngồi im thin thít. Họ đang đậu trên đỉnh cao nhất của các danh mục đầu tư vốn đầy ắp những cổ phiếu được mua bán ở những mức giá cao phi lý đến ngông cuồng. Nhưng, họ cảm thấy rất tuyệt vời về điều đó. Đó là một mô thức hoàn toàn mới mẻ, ít nhất là trong buổi bình minh của thời đại Internet này. Thái độ của họ cho thấy Buffett không có quyền gọi họ là kẻ tham lam hay đầu cơ trục lợi. Warren - kẻ thu gom thêm hàng đống tiền từ năm này sang năm khác và bị mất đi rất ít trong số đó, kẻ keo kiệt bủn xỉn đến nỗi biển số xe của ông ta cũng phải kêu lên rằng “Đồ hà tiện!”[34] kẻ dành hầu như toàn bộ thời giờ của mình chỉ để nghĩ cách kiếm tiền, kẻ đã thổi căng cánh buồm công nghệ nhưng lại nhỡ chuyến tàu - đang khua môi múa mép và nhổ nước bọt vào ly sâm-banh của họ. Buffett tiếp tục nói, rằng chỉ có ba cách thị trường chứng khoán có thể liên tục tăng trưởng ở mức từ 10% trở lên trong một năm.Một là khi lãi suất ngân hàng rớt xuống dưới các mức giảm lịch sử. Hai là thị phần của nền kinh tế nghiêng về hướng các nhà đầu tư và đối nghịch với người làm công ăn lương, chính phủ và những thứ khác, vượt qua ngưỡng lịch sử vốn đang cao ngất của nó.[35] Và ba là khi nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh hơn mức bình thường.[36] Rồi ông tóm lại rằng thật là “mơ mộng hão huyền” khi sử dụng những giả thuyết lạc quan như trên. Ông nói nhiều người không nghĩ rằng toàn bộ thị trường đều hưng thịnh. Họ tin rằng họ có thể chọn ra những người chiến thắng từ số còn lại. Đong đưa hai tay như một chỉ huy dàn nhạc, ông chuyển sang slide tiếp theo đồng thời giải thích rằng, mặc dù sự đổi mới có thể đưa thế giới ra khỏi đói nghèo, nhưng những người đầu tư vào các công ty nỗ lực đổi mới xét về mặt lịch sử rốt cục đã không hề vui sướng chút nào. Đây là nửa trang trích từ một danh sách dài 70 trang gồm các nhà sản xuất xe ô tô tại Mỹ. Ông vẫy vẫy tập danh sách trong không khí. Có 2.000 công ty sản xuất xe hơi: phát minh quan trọng nhất có lẽ ra đời vào nửa đầu của thế kỷ XX. Nó có tác động sâu rộng đến cuộc sống của chúng ta. Nếu các bạn từng nhìn thấy những chiếc xe hơi đầu tiên vào thời điểm đó, thấy đất nước này đi lên cùng sự phát triển của những chiếc xe hơi như thế nào, bạn sẽ thốt lên rằng: “Đây là nơi mình phải sống”. Nhưng trong số 2.000 công ty này, chỉ tính trong một vài năm gần đây, chỉ có ba công ty làm ăn có lãi.[37] Và, có lúc cả ba đều bán dưới giá trị sổ sách, có nghĩa là số tiền vốn họ đầu tư vào sản xuất vẫn nằm yên một chỗ mà không sinh lợi đồng nào. Đó là lý do ngành ô tô có một ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với nước Mỹ, nhưng ở hướng đối nghịch với các nhà đầu tư.” Ông đặt danh sách xuống và cho tay vào túi. “Hiện nay, đôi khi rất dễ nhận ra những người thua lỗ. Tôi nghĩ đó là một quyết định hiển nhiên và tất nhiên điều lẽ ra quý vị cần quan tâm là số lượng ngựa ngày càng ít đi.” Một cú click chuột nữa và một slide về ngựa hiện ra. SỐ LƯỢNG NGỰA TẠI MỸ Năm 1900 - 17 triệu con Năm 1990 - 5 triệu con Thật tình, tôi khá thất vọng rằng gia đình Buffett không làm ngựa bị ít đi suốt cả giai đoạn này. Luôn luôn có những kẻ thua cuộc. Cả cử tọa mỉm cười dầu có phần yếu ớt. Công ty của họ có thể bị thua lỗ, nhưng từ trong thâm tâm, họ vẫn tin rằng mình là người chiến thắng, rằng họ là những ngôi sao mới ngự trị trên đỉnh cao nhất của các tầng trời. Chẳng nghi ngờ gì một ngày nào đó tên tuổi của họ sẽ làm vinh dự cho những trang sử sách của nhân loại. Click, và một slide khác hiện ra. Một phát minh khác vào nửa đầu thế kỷ này là máy bay. Trong giai đoạn từ 1919 - 1939, có khoảng 200 công ty sản xuất máy bay. Hãy tưởng tượng xem quý vị có thể nhìn thấy tương lai của ngành chế tạo máy bay vào thời điểm đó tại Kitty Hawk[38]. Có lẽ quý vị sẽ nhìn thấy một thế giới không thể mơ tới. Nhưng giả sử quý vị nhìn thấu mọi việc, và nhận ra rằng toàn nhân loại đều muốn bay đi đó đây thăm viếng bà con họ hàng, hay chạy trốn khỏi họ, hay bất cứ việc gì quý vị có thể làm trên máy bay, quý vị sẽ thấy rằng đây là vùng đất của tương lai. Mới chỉ vài năm trước đây, không có một đồng lãi nào thu được từ tổng số vốn đầu cổ phiếu trong ngành công nghiệp máy bay trong lịch sử. Vì thế tôi xin đệ trình lên quý vị rằng: tôi thực sự muốn nghĩ rằng nếu tôi có mặt ở Kitty Hawk thời đó, có lẽ tôi đã nhìn thấy viễn cảnh tươi sáng và thể hiện tinh thần vì lợi ích chung đủ lớn để bắn Orville Wright rơi xuống đất.[39] Tôi nợ các nhà tư bản tương lai của chúng ta điều đó. Một thoáng cười mỉm cười trên gương mặt những người tham dự. Vài người tỏ ra mệt mỏi với những ví dụ cũ rích nhưng vì lòng tôn trọng, họ tiếp tục ngồi nghe Buffett thực hiện nốt phần trình bày của ông. Và, ông bắt đầu nói về đề tài mà họ nóng lòng muốn nghe nhất: Quả là tuyệt vời khi xúc tiến đầu tư vào các ngành kinh doanh mới, bởi những đột phá mới rất cần được hỗ trợ. Thật khó mà đẩy mạnh đầu tư đối với các sản phẩm vật chất, nhưng đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm có công thức bí truyền thì dễ hơn nhiều, ngay cả với những sản phẩm đang bị thua lỗ, bởi thật ra không có một hướng dẫn đầu tư mang tính định lượng nào cả. Những lời nói của Warren húc thẳng vào đám đông cử tọa bên dưới và làm họ đau nhói. Nhưng người ta cứ lao vào đầu tư, như quý vị thấy đấy. Điều này làm tôi nhớ tới một câu chuyện, đại khái như sau: Có một nhà thăm dò dầu khí qua đời và được lên thiên đàng. Thánh Peter đón ông ấy ngay tại cửa và nói: “Này, ta phải cho con về thôi, dù con hội đủ tất cả các tiêu chuẩn vào đây. Lý do là chúng ta đang có một rắc rối lớn. Trên này chúng ta cũng có luật lệ phân lô đâu ra đó, và chúng ta cho tất cả những kẻ thăm dò dầu khí vào trong cái chuồng kia. Con thấy đấy, chỗ đó chật ních rồi, không còn chỗ cho con nữa!” Nhà thăm dò dầu khí hỏi: - Ngài có phiền nếu con nói ra bốn từ không ạ? - Cứ nói, không hề gì! - Thánh Peter đáp. Tức thì nhà thăm dò khum tay hô lớn: - Đã tìm thấy dầu dưới địa ngục![40] Ngay lập tức, cửa chuồng bung ra và cả đám chuyên gia thăm dò dầu khí đâm đầu lao thẳng xuống địa ngục. - Chiêu đó quả là thú vị. Nào, mời anh vào và cứ tự nhiên như ở nhà nhé! - Thánh Peter nói. Nhà thăm dò ngập ngừng trong giây lát rồi nói: - Không, con nghĩ con phải đi theo đám người đó thôi. Có thể cũng có chút sự thật nào đó...[41] Đấy, đó là cách rất nhiều người nghĩ về chứng khoán: rằng luôn có chút sự thật nào đó đằng sau những tin đồn, thật là nhẹ dạ cả tin! Câu chuyện tạo ra một tràng cười nhẹ nhưng tắt ngang như thể bị nấc nghẹn vì những người ngồi bên dưới bỗng nhận ra thâm ý của Buffett, rằng cũng như những kẻ thăm dò dầu khí nọ, họ cũng là những kẻ không biết động não mà chỉ biết chạy theo những lời đồn thổi và đổ xô đi tìm dầu hỏa dưới địa ngục. Ông kết thúc phần thuyết trình bằng cách quay lại câu chuyện ngụ ngôn về những con chim trong bụi rậm. Theo ông, không có mô thức mới nào cả. Xét đến cùng, tổng giá trị thị trường chứng khoán chỉ phản ánh sức sản xuất của nền kinh tế mà thôi. Rồi ông cho hiện lên một slide để minh họa cho điều ông vừa nói, trong nhiều năm liền, giá trị thị trường chứng khoán tăng nhanh hơn đà tăng trưởng của nền kinh tế với mức độ chưa từng thấy. Điều đó có nghĩa là, Buffett nói, 17 năm tiếp theo sẽ không tăng mạnh như suốt giai đoạn 1964 - 1981 khi Dow Jones phá vỡ mọi kỷ lục của chính nó, tất nhiên, trừ phi thị trường bỗng dưng tụt đốc không phanh. Còn nhớ, tỉ suất lợi nhuận cao nhất có thể đạt được ở các ngành sản xuất trong giai đoạn đó là 6%,[42] nhưng kết quả từ một cuộc thăm dò lúc bấy giờ của Viện PaineWebber-Gallup cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng mức lãi suất cổ phiếu từ 13 - 22%.[43] Ông tiến đến gần màn hình và nhướng đôi lông mày rậm rạp cùng lúc chỉ tay vào hình vẽ một người đàn ông và một người đàn bà trần truồng, được trích từ một quyển sách huyền thoại về thị trường chứng khoán có tên là Những Chiếc Du thuyền của Khách hàng ở đâu? (Where Are the Customer’s Yachts?).[44] Người đàn ông nói với người phụ nữ: “Có những thứ không thể giải thích với một cô gái còn trinh cả bằng lời hay bằng hình ảnh.” Cử tọa hiểu ngay ý ông, rằng những người mua cổ phiếu Internet sắp sửa bị “cưỡng hiếp”. Họ ngồi im lặng như hóa đá. Không một tiếng cười, dù đó là một tiếng cười bị kìm nén, một tiếng cười nhẹ hay một tiếng cười ha hả khoái trá. Làm như không để ý, Buffett quay lại bục thuyết trình và kể cho cử tọa nghe về một “túi kẹo” mà ông đã mang theo cho họ từ Berkshire Hathaway. “Tôi vừa mua một công ty chuyên bán máy bay nhỏ tên là Netjets. Tôi đã nghĩ về việc đề nghị mỗi người trong số các bạn hùn vốn một phần tư để làm đồng sở hữu một chiếc Gulfstream-IV. Nhưng khi tôi ra tới sân bay, tôi nhận ra rằng đó chỉ là một bước lùi đối với hầu hết các bạn.” Chỉ đến đó, họ mới cười ồ lên. Ông tiếp tục, thay vào đó, tôi sẽ đưa cho các bạn mỗi người một chiếc kính lúp soi kim cương để các bạn xem xét chiếc nhẫn trên tay của vợ người khác - đặc biệt là nhẫn của những người vợ thứ ba. Trúng tim đen! Cả cử tọa cười rộ và vỗ tay rào rào tán thưởng. Rồi họ ngừng lại. Một dòng chảy ngầm đầy phẫn nộ đang tràn qua hội nghị. Lên lớp người khác về thặng dư thị trường chứng khoán tại Sun Valley vào năm 1999 cũng giống như đi rao giảng về sự trinh tiết trong nhà thổ. Những lời nói đó có thể đóng đinh cử tọa vào ghế, nhưng không có nghĩa là họ sẽ tránh làm điều đó. Tuy nhiên, một số người nghĩ rằng họ đang nghe một điều gì đó rất quan trọng. “Điều này thật là tuyệt; nó là hướng dẫn căn bản về thị trường chứng khoán, và tất cả chỉ trong một bài học.” Gates trầm ngâm suy nghĩ.[45] Còn các giám đốc tài chính, những kẻ chuyên săn tìm những cổ phiếu giá rẻ, cảm thấy như được an ủi và thậm chí như được gột rửa tội lỗi phần nào. Buffett vẫy vẫy một cuốn sách trong không khí. “Quyển sách này nói về nền tảng trí tuệ của cơn khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1929. Cổ Phiếu Phổ Thông Trong Đầu Tư Dài Hạn (Common Stocks as Long Term Investment) của tác giả Adgar Lawrence Smith cho thấy cổ phiếu luôn có mức sinh lợi cao hơn trái phiếu. Smith nêu ra năm lý do, nhưng điểm hay nhất trong quyển sách này là sự thật rằng các công ty luôn giữ lại một phần lợi nhuận để tái đầu tư với suất hoàn vốn ban đầu. Đó quả là một đường cày ngược nhưng đi trước thời đại - một ý tưởng mới mẻ vào năm 1924! Nhưng Ben Graham, cố vấn của tôi, từng nói rằng: “Anh có thể gặp nhiều rắc rối với một ý tưởng tốt hơn là một ý tưởng tồi.” Bởi vì anh quên rằng ý tưởng tốt thì có giới hạn. Lord Keynes, trong lời tựa cho quyển sách, viết rằng: “Thật nguy hiểm khi kỳ vọng kết quả trong tương lai có thể được dự đoán từ quá khứ.””[46] Ông đã từng gặp phải và đã tìm ra câu trả lời cho vấn đề này: rằng không ai có thể ngoại suy từ quá khứ về tốc độ tăng phi mã giá cả các loại cổ phiếu. “Bây giờ, tôi xin được hỏi, từ đầu đến giờ có người nào chưa bị tôi xúc phạm không?”[47] Ông ngừng lại. Câu hỏi thật là hoa mỹ; không ai giơ tay lên cả. - Cảm ơn! - Ông nói và kết thúc phần trình bày của mình. “Khen từng người, phê bình cả nhóm” là nguyên tắc của Buffett. Bài nói chuyện của ông đầy tính khích bác, nhưng không gây khó chịu bởi ông rất quan tâm đến những điều người khác nghĩ về ông. Ông không lên án hay cáo buộc ai, và ông cho rằng họ không để tâm những lời nói đùa của ông. Lý lẽ của ông hùng hồn đến mức ngay cả những người không thích những thông điệp mà ông muốn chuyển tải cũng phải thừa nhận sức thuyết phục của nó. Và, những gì làm cử tọa cảm thấy không thoải mái cũng không bị họ làm lớn chuyện. Ông luôn trả lời các câu hỏi của cử tọa cho đến khi hết giờ. Mọi người đứng lên vỗ tay khen ngợi ông về bài phát biểu có sức thuyết phục lớn. Bất kể họ nghĩ gì trong đầu về bài thuyết trình đó - một sự mô tả xuất sắc về hoạt động đầu tư chứng khoán hay tiếng gầm cuối cùng của một con sư tử già - thì đó vẫn là một thành công tuyệt vời của ông. Buffett đã ở đỉnh cao trong 44 năm của một ngành kinh doanh trong đó có 5 năm thành công rực rỡ, một thành tựu đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, khi bảng thành tích ngày càng dài ra thì luôn luôn có một câu hỏi xuất hiện: Điều gì sẽ làm ông vấp ngã? Liệu một ngày nào đó ông sẽ tuyên bố chấm dứt triều đại của mình? Hay một cơn địa chấn đầu tư nào đó sẽ phế truất ông? Hiện tại, đối với nhiều người, thời điểm đó đã đến. Cũng có thể có một phát minh đầy ý nghĩa tương tự máy tính cá nhân, gắn liền với công nghệ thông tin sẽ làn tràn và thâm nhập khắp mọi ngóc ngách của cuộc sống như Internet, sẽ lật nhào ông. Nhưng hình như ông không hề để ý đến lượng thông tin có sẵn mọi lúc, mọi nơi và từ chối nhìn nhận thực tiễn rằng nhân loại sắp sửa bước sang một thiên niên kỷ mới. Nhưng khi cử tọa lẩm bẩm khen “Một bài thuyết trình tuyệt vời, Warren!” thì những chú sư tử non bắt đầu đứng ngồi không yên. Và thế là, ngay trong căn phòng dành cho quý bà vào giờ giải lao, những lời nhận xét đầy châm biếm được truyền tai nhau từ các bà vợ đến từ Silicon Valley[48][49]. Điều đó không có nghĩa là Buffett đã sai lầm như một số người nghĩ, nhưng ngay cả khi ông được chứng minh là đúng - như những người khác cho là thế - thì lời tiên đoán khó lay chuyển của ông về tương lai của hoạt động đầu tư tương phản rõ rệt với chính quá khứ thành công huyền thoại của chính ông. Vì rằng trong những ngày tháng vàng son thuở ban đầu của ông, cổ phiếu có giá rất rẻ và ông tha hồ hốt từng nắm bạc một cách dễ dàng và hầu như kinh doanh một mình một chợ. Năm tháng trôi qua, chướng ngại bắt đầu xuất hiện và ông gặp khó khăn hơn trong việc tìm lợi thế đầu tư và tính toán những điều người khác không biết. Vậy, Buffett là ai mà dám thuyết giảng cho họ? Có phải bây giờ đến lượt họ không? Buffett là ai mà dám nói rằng họ không nên kiếm tiền trong khi họ có thể mua đứt tòan bộ “cái chợ” tuyệt vời đó? Suốt phần còn lại của buổi chiều chậm chạp trôi qua đó, các vị khách quý của Herbert Allen chơi một trận tennis hoặc đánh vài gậy golf cuối cùng, hay ra thẳng thảm cỏ bên Hồ Con Vịt để tán gẫu với nhau. Buffett dành thời gian buổi chiều trò chuyện với những người bạn cũ, những người đã chúc mừng ông sau phần thuyết trình. Ông tin rằng mình đã thực hiện một bài nói gây tác động mạnh lên đám đông khán thính giả. Tuy nhiên, ông thực hiện một bài nói đầy những chứng cứ có giá trị như thế không phải vì muốn nó được ghi vào kỷ yếu của Sun Valley. Buffett, người luôn muốn được người khác yêu quý, đã đăng ký một bài phát biểu hoành tráng chứ không phải những tiếng làu bàu từ trong cổ họng. Nhưng cách khiêm tốn hơn là có bao nhiều người bị thuyết phục qua bài thuyết trình của ông? Họ tin rằng Buffett đang cố giải thích một cách duy lý về đầu tư chứng khoán sau khi bị nhỡ con tàu chở sự bùng nổ công nghệ thông tin, và họ ngạc nhiên khi nghe ông đưa ra những lời tiên đoán và dự báo cụ thể đến mức sai rành rành. Ngoài tầm tai của ông, người ta kháo nhau ầm ĩ rằng: “Tội nghiệp ông già Warren tốt bụng! Ông ấy đã nhỡ chuyến tàu công nghệ rồi. Nhưng làm thế nào ông ấy nhỡ như thế được nhỉ? Ông ấy là bạn của Bill Gates mà!”[50] Cách đấy vài dặm tại Khách sạn River Run vào chiều hôm đó, cùng với các vị khách dự buổi tiệc chia tay được sắp xếp theo một kế hoạch không ai biết trước, Herbert Allen cuối cùng cũng phát biểu. Ông cảm ơn nhiều người khác nhau và tóm tắt lại các sự kiện đã diễn ra trong tuần. Sau đó Susie Buffett lại bước lên sân khấu đứng bên cạnh cửa sổ nhìn ra dòng sông Big Wood và một lần nữa hát những ca khúc thời xưa cũ. Sau đó khách khứa quay trở ra khoảnh sân có nền cao của khách sạn Lodge, nơi các vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic sẽ biểu diễn phục vụ họ. Vào lúc pháo bông bừng sáng ngang dọc bầu trời đêm của buổi tối cuối cùng, Sun Valley ’99 được long trọng tuyên bố kết thúc sau năm ngày hội đầy màu sắc và thú vị. Nhưng điều hầu hết tất cả mọi người nhớ nhất không phải là cuộc đua thuyền hay các vận động viên trượt băng xinh đẹp, mà là bài nói chuyện của Buffett về thị trường chứng khoán - cũng là dự báo đầu tiên mà ông thực hiện sau đúng 30 năm hoạt động trong lĩnh vực này. 3. NHỮNG KẺ SỐNG THEO THÓI QUEN Pasadena, tháng 7 năm 1999 Người ta không nhìn thấy bóng dáng Charles T. Munger, cộng sự của Buffett, ở đâu trong suốt kỳ Đại hội Quần hùng năm nay tại Sun Valley. Các nhà tổ chức của Allen & Co. không bao giờ mời ông tham dự. Chuyện đó đối với Munger không là gì cả, vì Sun Valley thuộc loại sự kiện ông không thèm quan tâm. Các nghi thức, thủ tục của nó đòi hỏi người tham dự phải chiều lòng quá nhiều người khác.[51] Ngược lại, Buffett là người thích làm những người xung quanh ông được vui sướng. Ngay cả khi “tung chưởng” vào cử tọa, ông cũng cân nhắc kỹ từng lời để đảm bảo rằng mình vẫn được họ yêu quý. Trong khi đó, Munger chỉ muốn được mọi người tôn trọng và cũng chẳng bận tâm gì nếu có ai đó bảo rằng ông là đồ chó đẻ.[52] Nhưng trong mắt kẻ khác, cả hai có thể thay thế cho nhau. Buffett từng nói rằng hai người bọn họ là “một cặp song sinh dính liền, gần như là vậy!”. Họ đều có dáng đi vụng về, lắc lư. Họ cùng mặc những bộ áo vét màu xám tro cứng đờ dành cho những người ít vận động, thiếu uyển chuyển, những người chỉ biết vùi đầu vào sách báo hết năm này sang năm khác mà không hề biết đến thể thao hay hoạt động ngoài trời là gì. Họ chải mái tóc muối tiêu của họ một kiểu như nhau, cùng mang kính hiệu Clark Kentish và cùng có những ánh nhìn thật mãnh liệt. Họ suy nghĩ giống nhau và có niềm đam mê như nhau: họ xem kinh doanh là một bài toán hấp dẫn đến mức họ sẵn sàng dành cả cuộc đời mình để đi tìm lời giải. Cả hai đều xem lẽ phải và sự trung thực là những đức tính cao đẹp nhất ở một con người. Thói bốc đồng và tự huyễn hoặc mình, theo họ, là nguyên nhân chính dẫn đến sai lầm. Họ thích nghiền ngẫm các nguyên nhân của thất bại để nghiệm ra các qui luật của thành công. “Từ lâu tôi luôn đi tìm chân lý ẩn chứa sâu bên trong các sự vật bằng phép nghịch đảo trong sự nghiêm túc tuyệt đối được tư vấn bởi nhà đại số học Carl Jacobi,” Munger nói. “Nghịch đảo, luôn luôn là nghịch đảo!” Ông minh họa điều này bằng câu nói của một người nông dân khôn ngoan, rằng: “Hãy cho tôi biết nơi tôi sẽ chết để tôi tránh chỗ đó khi còn sống.”[53] Nhưng trong khi Munger ám chỉ nghĩa bóng của câu nói đó thì Buffett lại hiểu nó theo nghĩa đen. Ông thiếu cái uyên thâm lẫn nhạy cảm về thuyết định mệnh của Munger, đặc biệt khi ai đó đề cập đến chủ đề có liên quan đến cái chết của chính ông ấy. Tuy nhiên, cả hai đều bị “nhiễm” chứng thích lên lớp kẻ khác. Munger tự xem mình là “mô phạm”. Ông miệt mài soạn ra các bài thuyết trình trong những dịp đặc biệt nào đó để nói về chủ đề nghệ thuật thành công. Những bài phát biểu của ông đánh động lòng người và truyền cảm hứng mạnh mẽ đến mức người ta đổ xô săn lùng và chuyền tay nhau đọc cho tới khi Internet làm cho nó trở nên dễ tiếp cận hơn với tất cả mọi người. Ông ngày càng hăng hái phát biểu hơn, đến nỗi không ít lần, bỗng trở thành một nhà diễn thuyết “tự mình mời mình”, theo cách nói của Buffett, và đã từng bị lôi xuống khỏi sân khấu. Về mặt cá nhân, Munger có khuynh hướng thuyết giảng hoặc cho chính mình hoặc cho người khác, đàm luận với ông ấy cũng giống như ngồi phía sau hậu trường sân khấu vậy. Nhưng trong khi tự xem mình là một nhà khoa học và kiến trúc sư nghiệp dư, cũng như không ngần ngại giải thích với mọi người về các học thuyết của Einstein, Darwin, những thói quen tư duy theo lý trí và cả về khoảng cách lý tưởng giữa các chú ngựa ở tiểu khu Santa Barbara, dù sao Munger vẫn rất thận trọng trong việc mạo hiểm đi quá xa những điều ông biết. Ông rất sợ bị làm con mồi cho cái mà một người bạn cùng lớp hồi ở Trường Luật Harward gọi là “Vụ Rắc Rối Nút Giày”. “Cha ông ấy đi làm bằng xe đưa đón hằng ngày với cùng một nhóm người,” - Munger nói. “và một ngày nọ một người trong số họ không biết làm cách nào đã mua vét hết tất cả các nút giày trên thị trường - một thị trường thực sự rất nhỏ, nhưng ông ấy đã thu gom tất tần tật các loại nút giày. Ông ta làm ra vẻ không thể nào nhầm lẫn bất cứ thứ gì, và cũng có thể là tất cả mọi thứ mà chúng ta có thể tưởng tượng ra. Nhưng, vụ đầu cơ tuyệt đối nút giày đã làm ông ta trở thành một chuyên gia biết tất cả mọi thứ. Warren và tôi luôn luôn nhận ra rằng thật là một sai lầm khủng khiếp nếu hành xử như thế.”[54] Buffett không sợ bị thiệt hại từ vụ Rắc Rối Nút Giày. Ông chỉ sợ rằng mình xuất hiện dưới một dáng vẻ đáng ghét, và tệ hơn nữa là cao ngạo. Ông tin vào cái mà ông gọi là Vòng tròn Năng lực (Circle of Competence). Ông vẽ một vòng tròn và bước vào và ở nguyên trong đó với ba phạm trù chỉ ba lĩnh vực mà ông được công nhận là chuyên gia số một: tiền bạc, kinh doanh và cuộc sống riêng của ông. Tuy vậy, giống như Munger, ông cũng có kiểu cách riêng về sự tự say mê với chính mình. Trong khi Munger chọn lựa rất kỹ các chủ đề thuyết trình, nhưng gặp rắc rối trong việc kết thúc bài nói; thì ngược lại, Buffett thường tóm tắt vấn đề rất dễ dàng, nhưng lại thấy rất khó khăn mỗi khi phải bắt đầu một “bài giảng”. Ông thuyết trình; viết báo; gửi thư đến các ban biên tập; tập hợp người khác trong các buổi tiệc để giảng cho họ những bài học nho nhỏ; làm chứng trong các vụ kiện; xuất hiện trên truyền hình trong các phóng sự tài liệu; phỏng vấn trên ti-vi ; mang các nhà báo theo các chuyến đi; thực hiện các buổi thuyết trình vòng quanh các trường đại học; mời sinh viên đến chơi nhà; đọc diễn văn khai trương các cửa hàng đồ gỗ; dự khánh thành các trung tâm chào bán bảo hiểm qua điện thoại và các bữa ăn tối với các khách hàng tiềm năng của hãng kinh doanh máy bay nhỏ Netjets; ông cũng thích trò chuyện với các cầu thủ trong phòng thay đồ; nói chuyện với các nghị sĩ quốc hội ở các bữa ăn trưa; tư vấn cho người làm báo trong các cuộc họp ban biên tập của họ; đưa ra những bài học cho các thành viên trong ban giám đốc của ông; và trên tất cả là, ông luôn thể hiện sự trân trọng trong các bức thư ông viết hay các cuộc họp ông dự với các cổ đông của mình. Berkshire Hathaway là “Nhà nguyện Sistine”[55] của ông. Nó không chỉ là một công trình nghệ thuật mà còn là một trích đoạn minh họa cho niềm tin rằng tại sao Munger ví nó là “doanh nghiệp mô phạm của Buffett”. Hai người trở thành khán thính giả trung thành của nhau ngay từ lần gặp đầu tiên trong một buổi ăn trưa giữa những người bạn hồi năm 1959. Sau khi làm cho các vị chủ nhà mệt lử qua cuộc chuyện trò, họ tiếp tục ngồi lại bàn ăn và nói huyên thuyên không dứt. Rồi từ đó trở đi, họ có những cuộc đàm luận không thể cắt ngang suốt hàng thập kỷ sau đó. Cuối cùng, họ đọc được ý nghĩ của nhau và không nói nữa mà chỉ trao đổi với nhau bằng thần giao cách cảm. Nhưng sau đó thì những người nghe họ được mở rộng ra bao gồm cả bạn bè, đối tác kinh doanh, các cổ đông... - thật ra, cả thế giới đều muốn nghe họ. Người ta lảo đảo bước ra khỏi văn phòng Buffett hoặc rời khỏi các buổi thuyết trình của của Munger trong khi đưa tay vỗ trán và thốt lên hai tiếng “Trời ơi!”, bộ điệu như thể sự sáng suốt và thấu hiểu tất cả mọi thứ của họ đang có vấn đề mà cho đến giây phút đó họ mới vỡ ra. Cả hai nói bao nhiêu cũng không đủ, những lời đề nghị được nghe họ thuyết giảng cứ liên tục tăng lên. Cũng như hầu hết mọi thứ trong cuộc đời mình, họ cảm thấy rất thoải mái trong chuyện thuyết trình này. Dường như nó đã ăn sâu vào con người họ và trở thành một thói quen tự bao giờ. Tuy nhiên, trước cáo buộc cho rằng ông là kẻ sống theo thói quen, Buffett đáp lại bằng một cái nhìn tổn thương: “Tôi không phải là kẻ sống theo thói quen. Không, Charlie - chính Charlie mới là kẻ sống theo thói quen.”[56] Munger thức dậy vào buổi sáng và đặt ngay chiếc kính dày cộp kiểu cổ dành cho người bị đục thủy tinh thể dày gần 6 mi-li-mét lên sống mũi. Ông luôn ngồi vào xe hơi của mình chính xác cùng một giờ mỗi ngày và cẩn thận đặt chiếc va-li của cha ông để lại, giờ đây đến lượt ông sử dụng, trên chiếc ghế bên cạnh rồi tự lái xe từ Pasadena xuống khu trung tâm Los Angeles.[57] Ông đổi làn đường về bên trái bằng cách đếm xe qua kính chiếu hậu và nhìn họ qua mặt ông để tính toán khi nào thì có một khoảng trống để ông có thể cho xe mình nhập vào.[58] (Mấy năm liền ông luôn mang theo một bình xăng dự trữ trong cốp xe, phòng khi ông quên dừng lại đổ xăng, nhưng cuối cùng ông đã từ bỏ thói quen lạ đời này.) Mỗi lần xuống phố, ông thường hẹn một người nào đó cùng ăn sáng tại California Club, một nhà hàng có kiểu trang trí gạch màu cát, cũng là một trong những nơi lui tới đáng kính trọng nhất Los Angeles. Ông luôn sải chân thẳng tiến đến chiếc bàn đầu tiên sau khi vơ một nắm báo từ giá đỡ đặt bên cạnh thang máy ở tầng ba. Ông mở tung các tờ báo như thể đang hồi hộp mở quà vào buổi sáng Giáng sinh, cho tới khi chúng chất thành một đống lớn xung quanh. “Chào Ông Munger!” Các thành viên Hiệp hội Kinh doanh Los Angeles đều nghiêng mình cúi chào khi họ đi ngang qua ông để đến những chiếc bàn nằm ở các vị trí khiêm tốn hơn. Họ rất vui mừng mỗi khi ông nhận ra họ và nói nhanh với họ dăm ba câu gì đó. Munger nhìn họ bằng mắt bên phải. Mắt trái của ông đã bị hỏng hoàn toàn trong một cuộc phẫu thuật thất bại.[59] Giờ đây, trong lúc ông nói chuyện, mí mắt trái của ông sụp xuống lưng chừng mỗi khi ông ngoái đầu đảo mắt khắp gian phòng để nắm được khung cảnh. Cái nhìn xoay nửa người làm toát lên ở ông một diện mạo của sự thận trọng muôn thuở và tính không muốn tỏ ra cao ngạo cố hữu. Sau khi hoàn thành món tráng miệng bằng những trái việt quất, Munger đến thăm cái văn phòng nhỏ nhưng ồn ào được thuê lại từ Munger, Tolles & Olson, một hãng luật mà ông thành lập vào năm 1962 và nghỉ hưu ba năm sau đó. Giấu mình ở tầng trên của tòa nhà Wells Fargo Center, thế giới riêng của ông được quản lý bởi Teutonic Dorothe Obert, người thư ký gắn bó từ rất lâu của ông. Ở đó, giữa những cuốn sách về khoa học và lịch sử, tiểu sử của Benjamin Franklin đặt trên những kệ sách gần cửa sổ là một bức chân dung lớn của nhà từ điển học và cách ngôn Samuel Johnson, bản vẽ và mô hình các vụ mua bán bất động sản mới nhất của ông, một bức tượng bán thân Franklin đặt bên cạnh cửa sổ, ông cảm thấy như đang ở nhà. Munger ngưỡng mộ Franklin vì đã cưới vợ là người Tin lành tuân thủ các giá trị tư sản truyền thống nhưng lại sống một cuộc sống tự do đáng kể nhiều người thèm muốn. Ông thường xuyên trích dẫn Franklin, và có thể ngồi cả ngày nghiên cứu các tác phẩm của ông ấy, và của những con người có “cái chết cao đẹp”, như ông thường nói, chẳng hạn như Cicero và Maimonides[60]. Ông cũng quản lý cả Wesco Financial, một công ty con của Berkshire ; rồi Daily Journal Corporation, một nhà xuất bản luật thuộc Wesco ; và làm việc theo các dự án giao dịch bất động sản đó đây. Có khả năng trở thành một-nhà-tán-gẫu-lớn-trong-tương-lai - ngoại trừ đối với gia đình, những người bạn thân và các cộng sự kinh doanh - là nhận xét của Dorothy về ông vì ông tỏ ra rất phù hợp khi rất hay đưa ra những lời nhận xét dí dỏm hài hước, nhưng khó hiểu và gây nản lòng người nghe! Munger dành phần lớn thời gian của mình để tìm hiểu về Bốn Căn Nguyên[61]. Một khi ông đã chọn điều gì, ông có thể ném vào đó một sự hào phóng đáng kinh ngạc. Tuy có lúc thiếu một chút hạ mình trước những người mà ông gọi là “lũ cặn bã”, còn thì lòng nhân hậu của ông được thể hiện dưới hình thức một cuộc truy tìm căn nguyên nguồn gốc theo Darwin để tôn vinh những điều tốt đẹp nhất. Bệnh viện Good Samaritan, Trường Harvard-Westlake, Thư viện Hungtinton, Đại học Luật Stanford là những nơi được hưởng lợi từ tài sản của ông. Những tổ chức này biết rằng tiền bạc và nỗ lực của Munger phải đi cùng với việc giảng dạy và sự nhấn mạnh rằng mọi người đều làm việc theo cách của Charlie (tức theo thói quen). Ông rất vui lòng tài trợ tiền ký túc xá cho sinh viên trường luật Stanford, miễn là Stanford xây dựng phòng ốc đúng như kích thước ông yêu cầu, cửa sổ phải lắp đúng vị trí đó, phòng tắm phải ở đằng kia cách nhà ăn đúng bấy nhiêu mét, ngay cả nhà đậu xe cũng phải đúng nơi ông chỉ định. Ông là hiện thân cổ lổ sĩ của một kẻ quyền cao chức trọng càng lớn tuổi, càng giàu có thì cảm thấy càng phải gánh vác thêm nhiều trách nhiệm nặng nề, với đủ thứ ràng buộc rất khó chịu trong vấn đề tiền bạc vì luôn muốn người nhận được hưởng lợi nhiều nhất, bởi vì ông cho rằng mình hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Tuy việc gì của ai ông cũng để mắt đến nhưng Munger luôn rời văn phòng rất đúng giờ để chơi vài gậy golf với những người bạn chí cốt của ông tại Los Angeles Country Club. Sau đó ông cùng Nancy, vợ ông, ăn tối trong ngôi nhà tại Pasadena mà ông tự thiết kế, nhưng thường là với một nhóm bạn thân lâu năm tại Câu lạc bộ California hoặc Los Angeles Country. Ông kết thúc một ngày của mình bằng cách chúi mũi vào một cuốn sách. Ông thường đi nghỉ với tám đứa con ruột cũng như con riêng của vợ cùng đám cháu nội, ngoại, lớn có nhỏ có, tại ngôi nhà nhỏ của mình trên Đảo Ngôi sao (Star Island) ở Minnesota. Cũng như cha mình, ông là người rất thích đi câu cá. Ông thường mời vài chục người tụ họp ăn uống trên chiếc thuyền hai thân khổng lồ của mình, có tên làChannel Cat (được một người bạn mô tả là một “nhà hàng nổi”và được sử dụng để vui chơi giải trí là chính). Nói tóm lại, ngoại trừ những khí chất này thì Munger là một con người thẳng tính, luôn hướng về gia đình và yêu quý bạn bè, các câu lạc bộ và các hoạt động từ thiện mà ông thường tham gia. Buffett cũng thích bạn bè các câu lạc bộ của ông, nhưng không có quan hệ nhiều với các tổ chức từ thiện. Cuộc sống của ông thậm chí còn giản dị hơn cả Munger, nhưng tính cách riêng của ông thì phức tạp hơn nhiều. Phần lớn thời gian ông sống ở Omaha, nhưng lịch làm việc của ông luôn bao gồm một chuỗi các cuộc họp hội đồng quản trị và những chuyến thăm viếng bạn bè, chơi nhạc với một ban nhạc thong dong, đều đặn như những tuần trăng. Những ngày ở Omaha, ông thường lái xe một dặm rưỡi từ ngôi nhà mà ông đã trú ngụ suốt 40 năm qua đến văn phòng tại Quảng trường Kiewit, cũng tồn tại trong khoảng ngần ấy thời gian, nơi ông sẽ ngồi vào sau chiếc bàn của cha mình trước lúc 8:30 sáng hằng ngày. Ở đó, ông sẽ bật ti-vi sang kênh CNBC và tắt chế độ âm thanh trước khi cầm lấy chồng báo. Ông vừa để mắt tới màn hình vừa lướt nhanh các tờ báo được đặt trên bàn ông từ sáng sớm:American Banker, Editor & Publisher, Broadcasting, Beverage Digest, Furniture Today, A.M. Best’s Property-Casualty Review, the New Yorker, Columbia Journalism Review, the New York Observer, và một số bản tin từ những người mà ông ngưỡng mộ về thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Sau khi ông “tiêu hóa” xong toàn bộ thư tín, fax, email báo cáo định kỳ hằng tháng, hàng tuần, hằng ngày về những hoạt động kinh doanh của Berkshire, một danh sách mỗi năm một dài ra sẽ cho ông biết thông tin về số lượng ô tô mà GEIKO đã bán ra trong tuần qua và có bao nhiêu hợp đồng đã được thanh toán; bao nhiêu kẹo See’s đã được bán hôm qua; bao nhiêu bộ đồng phục nhân viên nhà tù đã được đặt hàng từ Fechheimers; bao nhiêu chiếc máy bay phản lực cỡ nhỏ được bán ra tại châu Âu và Mỹ; và tất cả những thứ còn lại - bao gồm vải bạt che mưa nắng, máy sạc pin, đồng hồ điện, máy nén khí, nhẫn cưới, xe tải cho thuê, bách khoa toàn thư, phần mềm trò chơi huấn luyện phi công, đồ trang trí nội thất, máy đo tim mạch, chuồng lợn, các khoản tiền vay, danh mục bất động sản, kem nước hoa quả, thừng và tời, bơm chìm, máy hút bụi, quảng cáo báo, máy đếm trứng, dao, tiền cho thuê đồ gỗ, giày y tá, các phụ tùng cơ điện tử... Tất cả mọi con số về doanh thu và chi phí đều đổ dồn về văn phòng và ông kiểm soát được gần như tất cả bằng trí nhớ. [62] Những lúc rảnh rỗi, ông miệt mài nghiên cứu báo cáo tài chính của hàng trăm công ty mà ông chưa mua. Lý do một phần vì không còn điều gì làm cho ông vui thú hơn, một phần để sẵn sàng trong trường hợp... Nếu có vị nhân vật tiếng tăm nào đó đi “công cán” về Omaha để gặp ông, ông sẽ lên chiếc xe hơi Lincohn Town màu xanh ánh thép của mình và lái một dặm rưỡi xuyên thành phố tới sân bay để tự đón tiếp họ một cách thân tình. Mọi người ai nấy đều ngạc nhiên và bị chinh phục bởi những cử chỉ không một chút giả tạo của ông, dù rằng ngay sau đó ông cạo xoen xoét từng sợi dây thần kinh của họ mỗi khi họ nhác thấy các biển báo nhường đường, chốt đèn tín hiệu giao thông hay những chiếc xe khác trong khi ông len lỏi hết bên này sang bên khác và hồ hởi nói ào ào như súng bắn liên thanh. Ông lý giải cho sự mất tập trung trong khi lái xe của mình bằng cách lái thật chậm, chậm đến mức nếu gây tai nạn, thiệt hại chỉ là những xây xát nhẹ mà thôi.[63] Ông luôn luôn đưa họ tham quan một vòng khu văn phòng của ông, khoe với họ các kỷ vật của ông, những sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc đời sự nghiệp kinh doanh của ông. Rồi ông ngồi xuống, người rướn về trước trong chiếc ghế của mình, hai tay đan vào nhau, nhướng mày tỏ vẻ đồng cảm mỗi khi ông lắng nghe các câu hỏi hay đề nghị của vị khách đến thăm. Đối với từng người, Buffett luôn dành cho họ một sự dí dỏm ứng khẩu, những quyết định nhanh chóng về các đề nghị trong công việc và những lời khuyên nồng hậu. Khi tiễn họ ra về, ông lại làm ngạc nhiên họ, một chính khách hay CEO của một tập đoàn khổng lồ nào đó, bằng cách ghé vào một tiệm McDonald’s để cùng ăn trưa trước khi đưa họ trở lại sân bay. Giữa những lúc đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu, hội họp là những tiếng chuông điện thoại reo vang suốt ngày. Những người lần đầu tiên gọi vào máy Buffett đều bị sốc mạnh khi nghe tiếng “Hello” rất nồng nhiệt và thường rơi vào bối rối khi nhận ra rằng ông đang trả lời điện thoại riêng của ông. Thư ký của ông, Debbie Bosanek dễ thương, luôn bận rộn bước ra bước vào văn phòng ông với những tin nhắn từ các cuộc gọi nhỡ do đường dây bị bận. Trên bàn nước cạnh bàn làm việc chính, những hồi chuông điện thoại reo vang từng chặp. Ông nhấc điện thoại ngay lập tức bởi họ là những người kinh doanh với ông. “Vâng,... Ừmmm,... đúng rồi... cứ thế...” là những từ ông thường nói và gác máy rồi quay sang những cuộc gọi khác, hoặc tiếp tục đọc báo hay “đọc” CNBC trước khi kết thúc một ngày làm việc và ra về vào đúng 5:30 chiều. Người phụ nữ chờ đợi ông ở nhà không phải là vợ ông. Ông rất cởi mở khi nói về Astrid Menks, người mà ông đã chung sống từ năm 1978 sau một cuộc dàn xếp tay ba. Vợ ông, Susie Buffett chấp nhận chuyện đó, và trên thực tế chính bà là người đã sắp đặt mọi thứ; tuy nhiên, cả ông và Susie cùng ghi một điểm lớn khi nói rằng họ có một cuộc hôn nhân trên cả tuyệt vời, những việc thông thường giữa họ theo đúng tình nghĩa vợ chồng được lên lịch và điều phối một cách nhịp nhàng như mọi thứ khác trong cuộc đời của Buffett. Lúc nào cũng vậy, khi nói về hai người phụ nữ của mình, ông không nói gì ngoại trừ câu: “nếu bạn hiểu rõ từng người, bạn sẽ biết rõ mình phải làm gì.”[64] Trong khi ông rất thật lòng thì mọi người vẫn không thỏa mãn với câu trả lời đó, bởi vì hầu như không ai biết rõ về Susie hay Astrid, hoặc giả, về chính con người Buffett. Riêng ông thì rất tách bạch trong mối quan hệ này, cũng như ông đã và đang làm đối với nhiều mối quan hệ khác trong cuộc đời ông. Tuy nhiên, trong tất cả các cuộc xuất hiện bên ngoài, Astrid và Susie là bạn bè của nhau. Hầu hết các đêm trong năm, Buffett ăn tối với những món như ham-bơ gơ hay thịt lợn băm tại nhà cùng với Astrid. Sau đó một vài giờ ông hướng sự tập trung của mình vào trò chơi bài bridge trên mạng Internet, trò chơi mà ông thường dành cho nó 12 giờ mỗi tuần. Sau đó ông rút êm và dán mắt vào màn hình với những âm thanh đã hạn chế tối đa. Astrid gần như không xuất hiện trong lúc ông chơi game, ngoại trừ những khi ông nhờ bà: “Astrid, cho anh một lon Coke nhé!”. Cuối buổi tối, ông thường nói chuyện điện thoại một lúc với Sharon Osberg, người cùng chơi bài bridge đồng thời là cô bạn gái tâm tình thân thiết của ông. Trong khi đó, Astrid lăng xăng dọn dẹp nhà cửa cho đến 22 giờ. Kế đến, trong khi Buffett có cuộc họp từ xa với Ajit Jain, người điều hành một công ty tái bảo hiểm của ông, thì Astrid đi chợ và mua số báo phát hành sớm của ngày hôm sau. Sau cùng, trong lúc ông đọc tờ báo mới được Astrid mua về thì bà đi ngủ. Đó là toàn bộ cuộc sống dường như rất đơn giản, bình thường của một nhà đại tỷ phú. 4. WARREN, CÓ CHUYỆN GÌ THẾ? Omaha và Atlanta, từ tháng Tám đến tháng Mười Hai, năm 1999 Gần như toàn bộ tài sản trị giá 30 tỷ đô la của Buffett - khoảng 99% - được đầu tư vào chính các cổ phiếu của Berkshire Hathaway. Tại Sun Valley, ông từng lý giải tại sao cơ chế định giá thị trường lại quan trọng hơn cơ chế bầu cử tổng thống. Nhưng, chính quan điểm về giá cả cổ phiếu của ông thông qua cơ chế bầu cử mới xác lập tầm cao cho những điều ông từng thuyết giảng. Người ta quan tâm đến ông vì ông giàu có. Vì thế khi ông tiên đoán rằng thị trường có thể gây thất vọng các nhà đầu tư trong 17 năm tới,[65] đó là ông đang tự đặt mình vào mép của một vách đá dựng đứng, và ông biết rõ điều đó. Nếu ông sai, không những ông trở thành trò cười lịch sử của Sun Valley, mà trong sách kỷ lục thế giới về những người giàu có nhất hành tinh, vị trí cá nhân của ông cũng sẽ rớt thê thảm. Buffett rất quan tâm đến chỗ đứng của mình trong bảng xếp hạng đó. Suốt những năm cuối của thập niên 1990, BRK (mã cổ phiếu của Berkshire Hathaway) đã làm dày thêm bảng thành tích của ông bằng tốc độ tăng nhanh gấp nhiều lần so với tốc độ chung của thị trường, cho đến khi đạt đỉnh tại mức 80.900 đô la mỗi cổ phiếu vào tháng 06/1998. Chỉ một cổ phiếu lẻ của Berkshire cũng đủ để mua một điền sản nho nhỏ. Đó là chuyện độc nhất vô nhị trong lịch sử kinh doanh Hoa Kỳ. Đối với Buffett, giá cổ phiếu là một thước đo đơn giản các thành công của ông. Thị giá cổ phiếu BRK đã tăng liên tục với một đường thẳng đi lên kể từ ngày đầu tiên ông mua nó với mức giá 7,5 đô la. Mặc dù thị trường rung chuyển mạnh vào cuối những năm 1990, nhưng cho tới năm 1999 các nhà đầu tư cổ phiếu của Berkshire vẫn còn cầm giữ trong tay đều hưởng lợi lớn. BẢNG SO SÁNH THỊ GIÁ CỔ PHIẾU QUA CÁC NĂM 1993 1994 1995 1996 1997 1998 BRK 39% 25% 57% 6% 35% 52% S&P2 10% 1% 38% 23% 33% 29% Nhưng hiện tại, Buffett nhận ra mình đang đứng trên một mặt phẳng đang chìm của loại cổ phiếu không còn được ưa thích và nhìn các cổ phiếu “T&T” (cổ phiếu công nghệ và truyền thông) đang bứt phá vượt lên. Vào tháng 8/1999, BRK sụt giá xuống còn 65.000 đô la. Một người nên trả bao nhiêu cho một công ty lớn, có tên tuổi và có khả năng mang lại 400 triệu đô la lợi nhuận hằng năm? Và bao nhiêu đối với một công ty nhỏ, mới thành lập và đang bị lỗ? Toy “R” Us lãi 400 triệu đô la một năm và đô la và đô la và đạt doanh thu 11 tỷ đô la eToys lỗ 123 triệu đô la một năm và đô la và đạt doanh thu 100 triệu đô la Bộ máy bầu cử của thị trường nói rằng eToys trị giá 4,9 tỷ đô la, và Toy “R” Us vào khoảng trên dưới 3,9 tỷ. Giả định là eToys đang dồn Toy “R” Us vào thế bị động nhờ lợi thế Internet.[66] Đám mây ngờ vực đầu tiên treo lơ lửng trên thị trường có liên quan đến vấn đề lịch. Các chuyên gia dự đoán rằng thảm họa có thể xảy ra vào đúng thời khắc giao thừa đêm cuối năm 31/12/1999, bởi vì các máy tính trên thế giới không được lập trình để xử lý những năm bắt đầu bằng số chữ số “2”. Lo sợ thảm họa kinh hoàng, Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu nhanh chóng tăng lượng tiền đưa vào lưu thông nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt tiền mặt trong trường hợp toàn bộ các máy ATM đóng băng ngay lập tức. Vì thế, ngay sau Sun Valley, thị trường hưởng ứng đi lên theo hình trôn ốc với tốc độ phản lực như pháo bông mừng Ngày Độc lập (4/7). Nếu vào tháng 01/1999 bạn đầu tư một đô la vào thị trường NASDAQ, thị trường cổ phiếu của các công ty công nghệ, thì giờ đây trị giá cổ phiếu của bạn đã là 25 đô la. Nhưng nếu bạn đầu tư một đô la vào cổ phiếu BRK, bạn chỉ còn lại 8 cent mà thôi. Cuối tháng 12/1999, chỉ số Dow Jones đóng cửa phiên cuối năm tăng 25%. Chỉ số NASDAQ thì bùng nổ phá hủy mức 4.000 điểm với một tốc độ tăng không thể tin nổi, 86%. Cổ phiếu BRK rớt xuống còn 56.100 đô la. Chỉ trong vòng một vài tháng, vị thế dẫn đầu của cổ phiếu Berkshire trong 5 năm trước đó đã bị sóng thần nhấn chìm. Trong vòng hơn một năm, các chuyên gia tài chính cao cấp đã cười nhạo Buffett, một kẻ hết thời, một hiện thân của quá khứ. Giờ đây, trong đêm cuối cùng của thiên niên kỷ già nua, Barron’s, một tạp chí hằng tuần phải-đọc của Phố Wall, đặt Buffett lên trang bìa với hàng tít lớn “Warren, có chuyện gì thế?” Bài báo đi kèm nói rằng Berkshire đã “vấp ngã” chí mạng. Ông đang điều hành một lãnh địa báo chí cánh tả như ông chưa từng làm công việc đó bao giờ. “Tôi biết điều đó sắp thay đổi,” ông liên tục lặp đi lặp lại, “tôi chỉ chưa biết là khi nào mà thôi.”[67] Những dây thần kinh đang gào thét của ông thúc giục ông hành động. Nhưng, ông không làm gì cả. Ông không có một phản ứng nào! Gần đến cuối năm 1999, thậm chí rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán theo cách của Buffett hoặc ngưng đầu tư hoặc bán cổ phiếu ra và mua vào các cổ phiếu công nghệ. Buffett không làm thế. Chính cái mà ông gọi là Bảng điểm Nội tâm (Inner Scorecard) - tức sự bền bỉ trong các quyết định đầu tư tài chính đã từng truyền cho ông một nguồn năng lượng lớn như mọi người vẫn còn nhớ - đã giữ cho ông không bị dao động. “Tôi cảm thấy như hoàn toàn bất lực, nhưng vẫn còn có Nhà nguyện Sistine, và tôi bắt đầu vẽ lại. Tôi rất thích nghe câu: “Này anh bạn, bức tranh đó trông được đấy!” Đó đúng là bức tranh của tôi. Nhưng khi có người hỏi: “Sao anh không sử dụng nhiều màu đỏ hơn màu xanh?” Tạm biệt nhé, ông bạn! Đó là tranh của tôi mà! Tôi cóc cần biết họ bán nó được bao nhiêu. Một bức tranh tự nó không bao giờ có kết thúc. Đó là một trong những triết lý tuyệt vời của hội họa.[68] Câu hỏi lớn về việc người ta hành xử như thế nào là tùy thuộc ở chỗ họ có một Bảng điểm Nội tâm hay một Bảng điểm Bên ngoài (Outer Scorecard). Điều đó có tác dụng nếu bạn hài lòng với một Bảng điểm Nội tâm. Tôi luôn luôn truy vấn nó theo cách này. Tôi nói: “Nhìn cho rõ này. Anh có muốn anh là một người được yêu mến nhất trên đời, nhưng mọi người xung quanh nghĩ sau lưng anh rằng anh là kẻ đáng ghét nhất thế gian? Hay anh muốn là kẻ đáng ghét nhất thế gian nhưng được mọi người nghĩ rằng anh là một người được yêu mến nhất trên đời? Đấy, đó là một câu hỏi rất thú vị! Còn đây là một câu hỏi khác. Nếu thế giới không nhìn thấy thành tích của anh, anh có muốn được mọi người nghĩ rằng anh là nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới nhưng trên thực tế có thành tích tệ hại nhất thế giới? Hay anh muốn được mọi người nghĩ về anh như một nhà đầu tư tệ nhất thế giới nhưng thực tế thì anh là số một? Trong việc dạy dỗ con cái, tôi nghĩ bài học mà chúng học từ khi chúng còn rất, rất nhỏ chính là những gì cha mẹ chúng đặc biệt nhấn mạnh. Nếu tất cả những điều đáng chú ý nhất là những gì thế giới nghĩ về anh, hãy quên đi chuyện anh sẽ ứng xử như thế nào, vì anh sẽ rối tung với tấm Bảng điểm Ngoại cảnh. Riêng cha tôi là thế này: Ông là người 100% thuộc về “trường phái” Bảng điểm Nội tâm. Ông thực sự là một người không theo chuẩn mực nào cả, nhưng ông không phải là người vô chuẩn mực chỉ vì muốn trở thành một kẻ không theo chuẩn mực. Cha tôi dạy tôi phải sống như thế nào. Tôi chưa từng gặp một người nào như ông.” PHẦN II BẢNG ĐIỂM NỘI TÂM (The Inner Scorecard) 5. KHÁT KHAO GIẢNG ĐẠO Nebraska - năm 1869-1928 John Buffett, người có họ Buffett đầu tiên đặt chân lên Tân Thế giới, là một thợ dệt vải sẹc[69] được cho là thuộc dòng họ Huguenot ở Pháp. Ông đến Mỹ vào thế kỷ XVII khi trốn chạy những cuộc đàn áp tôn giáo khốc liệt tại châu Âu. Để sinh sống, ông làm nghề nông ở vùng Hungtington, Long Island. Người ta biết rất ít về những người đầu tiên mang họ Buffett đến định cư ở Mỹ, ngoại trừ việc họ là nông dân.[70] Tuy nhiên, rõ ràng sự khát khao giảng đạo của Warren Buffett là một phần trong huyết quản của gia đình. Điển hình là một trong những con trai của John Buffett,[71]trong khi giong buồm về hướng bắc ngang qua Long Island đến Connecticut, đã ghé vào bờ và leo lên những ngọn đồi cao để rao giảng giáo lý cho những kẻ ngoại đạo. Nhưng những người con người bị ruồng bỏ, những kẻ đầu trộm đuôi cướp và những kẻ không có đức tin của vùng Greenwich có ăn năn sám hối hay không sau khi nghe ông giảng đạo cho tới nay vẫn còn là điều đáng nghi ngờ, bởi bệnh sử của ông có ghi lại rằng ông từng bị sét đánh. Vài thế hệ sau, Zebulon Buffett, một nông dân vùng Dix Hills, Long Island, đã từ bỏ những truyền thống tốt đẹp của gia đình để trở thành hình mẫu đầu tiên thể hiện một khía cạnh khác trong tính cách của dòng họ Buffett khi đối xử với họ hàng ruột thịt của mình hết sức keo bẩn. Ông đã làm cháu nội của mình là Sidney Homan Buffett phải rời bỏ công việc ở nông trại Zebulon trong sự ghê tởm vì bị trả lương “thấp đến mức sỉ nhục”. Chàng thiếu niên Sidney cao gầy đi về phía tây đến Omaha, Nebraska, để tham gia vào công việc kinh doanh chuồng nuôi ngựa cho thuê với ông ngoại George Homan.[72] Vào năm 1867, Omaha là một khu định cư nhỏ chủ yếu gồm những căn nhà gỗ sơ sài. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên, Omaha đã là một trung tâm cung ứng đủ loại hàng hóa, kể cả cờ bạc, gái điếm và bia rượu cho những kẻ tiên phong trong cuộc đổ xô đi tìm vàng ở miền Tây nước Mỹ.[73] Vào cuối cuộc Nội chiến, Omaha chuyển mình mạnh mẽ. Những tuyến đường sắt xuyên lục địa nối liền hai bờ Đông - Tây nước Mỹ và những bang mới được thành lập. Thế rồi Tổng thống Abraham Lincoln ra sắc lệnh tuyến bố Omaha là tổng hành dinh của ngành đường sắt. Sự ra đời của công ty đường sắt Union Pacific đã thổi một luồng sinh khí mới vào thị trấn nhỏ bé này và chẳng mấy chốc biến nó thành một trung tâm thương mại sầm uất. Tuy nhiên, Omaha vẫn giữ được “danh tiếng” của mình là một Sodom[74] của nước Mỹ,[75] một “xóm nghèo của dân tứ chiếng”. Sau một thời gian làm việc ở chuồng nuôi ngựa cho thuê, Sidney lại ra đi và mở cửa hiệu tạp hóa đầu tiên ở một thị trấn không có những con đường trải sỏi. Với một cửa hiệu kinh doanh khiêm tốn nhưng đáng được nể trọng, ông bán trái cây, rau cải và đồ chơi trẻ con từ sáng sớm cho đến tận nửa đêm. Ông bán từng con gà vùng thảo nguyên để kiếm 25 xu, từng con thỏ để lấy lời 10 xu.[76] Ông nội của ông, Zebulon “Keo Kiệt” - trong một lần hiếm hoi - ái ngại cho tương lai của Sidney nên đã gửi cho ông một lá thư đầy xúc động cùng những lời khuyên và tất cả các quy tắc mà cháu chắt của ông cho đến giờ vẫn răm rắp tuân theo: “... Hãy đúng giờ trong tất cả các cuộc hẹn. Cháu sẽ thấy khó mà làm ăn với những người ít quan tâm đến việc này... Hãy giữ uy tín của bản thân, vốn là điều quý hơn cả tiền bạc... Nếu muốn kinh doanh, cháu phải biết hài lòng với mức lợi nhuận vừa phải. Đừng hấp tấp muốn có ngay một sản nghiệp lớn. Hãy sống xứng đáng để chết xứng đáng.”[77] Hài lòng với mức lợi nhuận trung bình tại một nơi mà người ta thi làm giàu, Sidney dần dần xây dựng được một cửa hiệu thành công.[78] Ông cưới Evelyn Ketchum và có với nhau sáu mặt con, bốn đứa chết sớm. Ernest và Frank là hai cậu con trai còn lại của họ.[79] Người ta nói rằng: “không người nào được đặt một cái tên hay hơn Ernest Buffett”.[80] Ernest sinh năm 1877 và kết thúc chuyện học hành vào năm lớp 8 và ở nhà phụ việc với cha ở cửa hàng rau quả trong suốt thời kỳ khủng hoảng 1893. Còn lập dị hơn cả ông anh tháo vát của mình, Frank Buffett ngày càng giống như một cái thùng tô-nô[81] và là kẻ ngoại đạo trong số những người theo Thanh giáo của gia đình, những người thi thoảng cũng “nốc” vài ba cốc rượu nhân dịp này nọ. Một hôm, có một phụ nữ trẻ đến cửa hiệu xin vào làm việc. Cô tên là Henrietta Duvall. Cô đến Omaha để trốn khỏi người mẹ kế cay nghiệt. [82] Frank và Ernest ngay lập tức say mê cô, nhưng Ernest đẹp trai hơn nên đã cưới được nàng vào năm 1898. Clarence, đứa con đầu của Ernest và Henrietta, ra đời một năm sau đám cưới. Tiếp sau đó là ba cậu con trai và một cô con gái. Không lâu sau một trận cãi vã với cha, Ernest tách ra mở một cửa hiệu riêng. Frank gần như sống độc thân suốt đời và suốt 25 năm sau đám cưới của Ernest. Ngày nào Henrietta còn sống, ông quyết không nói chuyện với anh mình. Ernest trở thành trụ cột của thị trấn. Tại cửa hiệu mới, “giờ làm việc kéo dài, lương bổng thấp, ý kiến bị bóp nghẹt và mọi sự dại dột đều không được chấp nhận.”[83] Luôn luôn mặc bộ quần áo sang trọng, ông thường đứng sau quầy và cau có la rầy nhân viên phải thôi biếng nhác và “làm việc cho chăm chỉ vào!” Ông cũng thường gửi thư cho các nhà cung cấp với những câu đại loại như: “Hãy giao cần tây ngay!”[84] Ông tỏ ra dễ mến với các khách hàng nữ, nhưng không hề ngần ngại trong việc phán xét và ghi ngay vào sổ bìa đen tên của những người dám làm ông tức giận - những người theo Đảng Dân chủ và những người “quỵt” nợ ông. [85] Ernest tin rằng cả thế giới này cần phải lắng nghe ý kiến của ông và ông đi khắp các hội nghị trên toàn quốc để bày tỏ sự cám cảnh cho tình hình tồi tệ của đất nước với các doanh nhân có cùng chí hướng.[86] “Sự nghi ngờ bản thân hoàn toàn không có trong vẻ bề ngoài mạnh mẽ của ông. Ông luôn nói về những quan điểm đáng phàn nàn và luôn muốn mọi người biết rằng chỉ có ông mới là người biết rõ nhất điều đó.” Buffett nói. Trong lá thư gửi cho con trai và cháu dâu khuyên rằng họ phải luôn có sẵn tiền mặt trong nhà, ông cũng mô tả các thành viên của dòng họ Buffett là hiện thân của những con người lịch lãm: “Cha muốn nói rằng chưa bao giờ có một người mang họ Buffett nào chết đi mà để lại một tài sản lớn, nhưng cũng chưa có người nào ra đi mà không để lại gì cả. Họ không bao giờ tiêu quá số tiền họ kiếm được. Họ luôn dành dụm một phần để đầu tư và thực sự họ đã đầu tư khá tốt”.[87] “Tiêu tiền ít hơn số kiếm được” là phương châm sống của dòng họ Buffett, nó đi liền với hệ quả tất yếu là “không mắc nợ”. Henrietta, người mang dòng máu Hugeunot Pháp quốc, cũng là người tằn tiện, có ý chí sắt đá, và theo phong trào chống uống rượu như Ernest, chồng bà. Là một người Campellite[88] mộ đạo, bà cảm thấy cần phải luôn cầu nguyện. Trong khi Ernest làm việc ngoài của hiệu, bà đóng yên cương cỗ xe ngựa bốn bánh của gia đình và chở lũ trẻ đi lòng vòng khắp các miền quê. Bà gõ cửa từng nông trại để phân phát các quyển Kinh thánh. Khí chất của bà không làm giảm nhẹ khuynh hướng thích rao giảng luân lý của dòng họ Buffett. Sự thực là trong một số trường hợp, Henrietta là người giảng đạo nhiều nhất trong số những người mang họ Buffett yêu thích thuyết giảng đang còn sống lúc bấy giờ. Những người mang họ Buffett đều có máu mua bán. Họ không thuộc tầng lớp thương buôn hay những người có nghề nghiệp, mà là những cư dân đầu tiên ở Omaha. Họ nhận thức rất rõ vị thế của mình. Niềm hy vọng của Henrietta là bốn đứa con của bà sẽ là những người đầu tiên ở Omaha tốt nghiệp đại học. Để có tiền đóng học phí cho các con, bà cắt giảm chi tiêu trong gia đình - chặt chẽ hơn mức cần thiết, và đúng theo tiêu chuẩn của dòng họ Buffett. Tất cả các con trai của bà đều làm việc cần mẫn ở cửa hàng từ khi chúng còn nhỏ. Sau đó Clarence bắt đầu bước vào ngành kinh doanh dầu hỏa. Sau khi tốt nghiệp ngành địa chất,[89] George, người con thứ hai, lấy tiếp bằng tiến sĩ hóa, và rất bận rộn với công việc ở bờ Đông. Ba đứa con nhỏ của bà, Fred, Howard và Alice đều tốt nghiệp đại học Nebraska. Fred nhận lãnh nhiệm vụ trông coi cửa hàng và Alice làm giáo viên dạy môn kinh tế gia đình. Howard Buffett, người con trai thứ ba và là cha của Warren, sinh năm 1903. Ông có nhiều kỷ niệm không vui về cảm giác là kẻ bên lề trong suốt thời trung học đầu những năm 1920. Omaha bị chi phối bởi các gia đình sở hữu những trang trại lớn, các ngân hàng, cửa hiệu và những tài sản thừa kế từ các nhà máy bia bị đóng cửa do Đạo luật Cấm rượu thời đó. “Bộ quần áo đẹp của tôi là bộ đồ cũ của hai anh trai “nhường” lại,” ông nói. “Tôi là đứa bé bán báo và là con trai của một chủ tiệm tạp hóa. Hội nam sinh ở trường phổ thông không để ý đến tôi và tôi chỉ là một trong những đứa đứng bên lề của mọi cuộc chơi.” Ông cảm thấy nhục nhã và những điều này ghi dấu ấn của một cảm giác sợ hãi sâu sắc về sự phân chia giai cấp và đặc quyền đặc lợi.[90] Vào Đại học Nebraska, Howard chọn khoa báo chí và làm việc cho tờ báo của trường, tờ Daily Nebraskan, nơi ông có thể kết hợp sự yêu thích những báo cáo về hoạt động của giới chính trị gia dưới cái nhìn của một kẻ bên lề với sự say mê mang tính di truyền đối với chính trị. Không lâu sau ông gặp Leila Stahl, một cô gái thuộc một gia đình gia giáo và biết dung hòa niềm yêu thích báo chí và ý thức rất rõ về tầng lớp xã hội của mình. John Stahl, cha của Leila, một người thấp bé và dễ thương, là con của một cặp vợ chồng người Mỹ gốc Đức từng di cư đến Cuming County, Nebraska trên một chiếc xe ngựa với tấm khăn trải bằng da trâu phủ trên đùi như thể các thanh tra trường học.[91] Tiểu sử gia đình cho thấy ông rất yêu Stella, vợ ông, người đã sinh cho ông ba người con gái - Edith, Leila và Bernice cùng một cậu con trai, Marion. Là hậu duệ của những người gốc Anh, Stella sống không hạnh phúc giữa những người gốc Đức ở vùng West Point, Nebraska, một nơi bà không bao giờ cảm thấy thoải mái. Bà tự giải khuây bằng cách chơi đàn organ. Năm 1909, Stella bị trầm cảm. Đây dường như là sự lặp lại những điềm gở của gia đình, như trường hợp của mẹ bà, Susan Barber, người được mô tả là một “mụ điên” trong Bệnh Viện Tâm Thần Nebraska và đã qua đời tại đây vào năm 1899. Một tai nạn đã xảy ra, theo truyền thuyết gia đình, là Stella đã tấn công Edie bằng que cời lò sưởi. John Stahl phải từ bỏ công việc đi đây đi đó để ở nhà coi sóc các con. Bệnh tình Stella ngày càng nặng. Bà tự rút vào một căn phòng tối, ngồi xoắn các lọn tóc và rõ ràng là trầm cảm nặng. Sự tự cô lập này được “bổ sung” bằng những cơn điên loạn và tấn công dữ tợn về phía chồng và các con gái.[92] Stahl nhận thấy ông không thể để những đứa trẻ bên mẹ chúng nên đã mua lại tòa báo Cuming County Democrat để ông có thể làm việc tại nhà. Khi Leila được năm tuổi, cô và các chị gái làm công việc nội trợ và phụ giúp cha xếp chữ. Cô biết đánh vần là nhờ việc xếp chữ. “Hồi tôi học lớp bốn,” Cô nhớ lại, “đi học về là chúng tôi phải xếp chữ xong rồi mới được đi chơi”. Năm mười một tuổi, cô có thể điều khiển được việc chèn chữ và xếp chữ và mỗi sáng thứ sáu cô đều bỏ học vì bị đau đầu do công việc vào tối hôm trước. Sống nhờ vào việc làm báo tại gia trong ngôi nhà đầy chuột, cả gia đình đặt hết hy vọng vào Marion, cậu sinh viên thông minh đang theo học ngành luật. Trong Thế chiến Thứ nhất, gia đình Stahl càng khó khăn hơn. Khi tờ Cuming County Democrat bày tỏ quan điểm chống Đức trong một thị trấn nhiều người Mỹ gốc Đức thì phân nửa số người đặt mua báo tháng quay sang mua tờ West Point Republican - và đây là một thảm họa tài chính thực sự đối với Stahl. John Stahl là người ủng hộ mạnh mẽ cho chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ Wililiam Jennings Bryan. Vào đầu thế kỷ XX, Bryan đã là một trong những chính trị gia nổi bật nhất và gần như sẽ trở thành tổng thống Mỹ. Trong thời hoàng kim của mình, ông đã đưa ra học thuyết “Chủ nghĩa Dân Túy” mà ông đã viết rõ trong bài diễn văn nổi tiếng: “Có hai luồng quan điểm trong Chính phủ. Phe Cộng Hòa thì cho rằng chỉ cần dùng luật pháp để bảo vệ những người giàu có thì sự giàu có của họ sẽ tự nhiên “rỉ” xuống các tầng lớp dưới. Ý kiến của phe Dân chủ là nếu luật pháp giúp số đông tầng lớp dưới trở nên thịnh vượng thì sự giàu có đó sẽ thúc đẩy tất cả các tầng lớp khác cùng thịnh vượng.”[93] Gia đình Stahl tự xem mình thuộc tầng lớp đông đảo nhất trong xã hội. Tuy nhiên, khả năng chịu áp lực của họ khi ở trong tầng lớp này không cao lắm. Năm 1918, Bernice, cô em gái mười sáu tuổi của Leila - được xem là người “ngu ngốc” nhất trong số các chị em với chỉ số IQ là 139[94]- bắt đầu rời khỏi gia đình. Cô tin chắc rằng mình sẽ có đoạn cuối cuộc đời gắn liền với nhà thương điên như bà ngoại và mẹ, và sẽ kết thúc tại Bệnh viện Tâm thần bang Nebraska[95] như bà của cô, Stella. Trong thời gian này, lịch sử học hành của Leila phản ánh một cuộc sống gia đình hỗn loạn. Cô phải hoãn đại học hai năm để ở nhà phụ giúp cha. Rồi sau một khóa học trở lại, cô lại phải quay về để đỡ đần cho cha cô lần nữa.[96] Là một cô gái thông minh và đầy nghị lực, Leila về sau đã nhìn lại giai đoạn này với cái nhìn hoàn toàn tích cực. Cô xem gia đình mình là hoàn hảo và nói rằng cô tạm nghỉ học ba năm để đi làm kiếm tiền đóng học phí. Khi cô đến Đại học Lincoln vào năm 1923, cô có một tham vọng rõ ràng là kiếm một tấm chồng. Cô đến ngay tờ báo của trường và xin việc.[97] Một cô gái gầy gò nhỏ bé với những lọn tóc nâu mềm trông như một con chim chào mào mùa xuân. Leila có nụ cười dễ thương làm che khuất những dấu chân chim trên khóe mắt. Howard Buffett, từng là người giữ chuyên mục thể thao cho tờ Daily Nebraskan trước khi lên chức tổng biên tập, đã ngay lập tức nhận cô vào làm việc. Với phong cách chuyên nghiệp, mái tóc sậm màu và bề ngoài điển trai, Howard là một trong mười ba người được chọn trong tất cả các sinh viên để làm người chỉ huy cho đội danh dự Innocents, một nhóm các nam sinh viên nổi trội của Đại học Lincohn và chỉ xếp sau đội danh dự của Đại học Harvard và Yale. Được đặt tên giống tên Giáo hoàng thứ Mười ba của La Mã, nhóm Innocents cũng tuyên bố mình là những chiến sĩ chống lại quỹ dữ. Họ đứng ra tổ chức các buổi hòa nhạc ngoài trời và Chương trình tìm nhà trọ cho sinh viên của sinh viên.[98] Được giới thiệu với một anh chàng nổi bật như thế, Leila tóm lấy Howard ngay lập tức. “Thật tuyệt, tôi không biết là cô ấy có làm được gì cho tờ Daily Nebraska hay không,” Sau này Howard tiết lộ. “nhưng tôi đoan chắc là cô ấy làm việc vì tôi. Tôi không bao giờ hối tiếc về điều này - không phạm một sai lầm nào trong quyết định này là điều tốt nhất mà tôi từng làm.”[99] Leila là sinh viên giỏi toán nhất của trường nên khi nghe cô tuyên bố nghỉ học để lấy chồng, giáo sư toán vi phân của cô đã ném mạnh quyển sách xuống sàn trong sự tức giận tột độ.[100] Howard, sắp tốt nghiệp, đến gặp cha để bàn về những lựa chọn nghề nghiệp. Anh không thực sự thích kiếm tiền nhưng do yêu cầu của cha nên phải từ bỏ nghề báo trí tuệ nhưng lương thấp và cả cơ hội vào trường luật để theo nghề bán bảo hiểm.[101] Đôi vợ chồng mới cưới chuyển đến một căn hộ bốn phòng ở Omaha, mà Ernest đã chất đầy rau quả làm quà cưới cho con. Leila trang trí lại nội thất căn hộ từ trên xuống dưới tốn hết 366 đô la - “Những thứ tôi mua,” - Cô nhớ lại - “gần như đều bằng mức giá bán sỉ”[102]. Từ đó trở đi, cô dành tất cả sức lực, tham vọng và tài năng toán học của mình - rõ ràng là cao hơn khả năng của chồng - để nâng đỡ hết mức cho sự nghiệp của Howard.[103] Đầu năm 1928, Doris Eleanor, con gái đầu lòng của gia đình Buffett chào đời.[104] Một năm sau, người em gái Bernice của Leila mắc chứng trầm cảm và phải bỏ việc dạy học. Nhưng Leila duờng như miễn nhiễm với căn bệnh bơ phờ ủ rũ của mẹ và chị gái mình. Trong cô là một nguồn năng lượng cuồn cuộn. Cô có thể nói liên tục trong hàng giờ liền (dù cô “nhai đi nhai lại” chỉ một chuyện). Howard gọi cô là “cơn lốc”. Khi đôi vợ chồng trẻ đã an cư, Leila lôi kéo Howard cùng tham gia với cô vào Hội thánh Tin lành Đệ Nhất (The First Christian Church), và tự hào ghi vào nhật ký của mình ngày Howard được làm trợ tế.[105] Vẫn mang niềm đam mê về chính trị, Howard bắt đầu thể hiện những dấu hiệu về sự thôi thúc mang tính di truyền là được giảng đạo. Mỗi khi ông và cha mình Ernest ngồi bên bàn ăn để bàn luận bất tận về chủ đề này, người anh Fred chán ngán đến mức lăn dài xuống sàn nhà và ngủ một giấc say sưa. Leila bị cuốn theo đam mê chính trị của chồng. Bà lại trở thành người ủng hộ nhiệt thành cho Đảng Cộng hòa. Gia đình Buffett tán dương Calvin Coolidge, người đã tuyên bố rằng: “công việc chính của người Mỹ là kinh doanh”[106] và chia sẻ niềm tin với ông về quan điểm một chính phủ qui mô nhỏ gọn với sự kiểm soát tối thiểu. Coolidge đã giành quyền đóng thuế thấp hơn và quyền công dân lớn hơn cho người da đỏ, nhưng ông hầu như là người sống khép kín và xa cách. Năm 1928, Phó Tổng thống Herbert Hoover được chọn làm người kế nhiệm ông để tiếp tục chính sách ủng hộ kinh doanh. Thị trường chứng khoán thịnh vượng dưới thời Coolidge, và gia đình Buffett cũng tin rằng Hoover là người sẽ tiếp tục duy trì sự thịnh vượng đó. “Khi còn nhỏ,” Warren nhớ lại, “tôi có tất cả mọi điều tốt đẹp. Tôi có những thuận lợi trong một ngôi nhà mà mọi người luôn nói về những điều rất thú vị. Tôi có cha mẹ thông minh và được học hành ở một ngôi trường tử tế. Tôi nghĩ tôi không thể được nuôi dạy bởi người cha người mẹ nào tốt hơn thế. Đó là điều quan trọng nhất. Tôi không được bố mẹ cho tiền, và thực sự tôi cũng không muốn điều đó, nhưng tôi được sinh ra đúng chỗ và đúng thời điểm. Đúng là còn hơn cả trúng số độc đắc.” Warren Buffett luôn xác tín rằng hầu như những thành công của ông là nhờ may mắn. Tuy nhiên, khi hồi tưởng về gia đình, ông thấy rằng ông cũng tạo được một vài giá trị thực sự của riêng ông. Một số người có thể đồng ý rằng ông không thể thành công nếu không có các bậc sinh thành tuyệt vời như Howard và Leila. Khi ông nói về tầm quan trọng của Phiếu điểm Nội tâm (Inner Scorecard) trong việc nuôi dạy con cái đối với cha mẹ, ông luôn lấy Phiếu điểm Nội tâm của cha ra làm ví dụ mà không bao giờ nhắc gì về mẹ của mình. 6. NHỮNG CUỘC ĐUA TRONG BỒN TẮM Ohama - năm 1930 Vào những năm 1920, thị trường chứng khoán bùng nổ như bong bóng rượu sâm-banh thúc đẩy nhiều người bình dân tham gia đầu tư lần đầu tiên trong đời họ.[107] Năm 1927, Howard Buffett quyết định tham gia và xin vào làm nhân viên môi giới chứng khoán ở Ngân hàng Liên bang. Cuộc bùng nổ chứng khoán kết thúc hai năm sau đó. Vào “ngày thứ Ba đen tối” 29 tháng 10 năm 1929, thị trường mất 14 tỉ đô la chỉ trong vòng một ngày.[108] Một khối tài sản gấp bốn lần ngân sách của Chính phủ Hoa Kỳ bị bốc hơi chỉ trong vài giờ![109] Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán năm 1929 trị giá 30 tỉ đô la, gần bằng với khoản chi phí chiến tranh của nước Mỹ trong Thế chiến Thứ nhất.[110] Giữa những đợt phá sản và những vụ tự tử nối tiếp nhau, người ta bắt đầu tích trữ tiền và không ai muốn đầu tư vào chứng khoán nữa. “Phải mất bốn tháng cha tôi mới có được một thương vụ tiếp theo và vụ đầu tiên của ông trị giá 5 đô la. Mẹ tôi thường theo cha tôi ra phố vào buổi tối khi ông đến gặp một số người. Bà ngồi đợi trên xe trong khi ông vào nhà họ, nhờ thế mà ông không cảm thấy “quá áp lực” mỗi khi về nhà.” Mười tháng sau cơn khủng hoảng, ngày 30 tháng 8 năm 1930, đứa con thứ hai của gia đình Howard Buffett chào đời, sớm năm tuần so với dự đoán. Howard lo lắng đến gặp bố với hy vọng được nhận vào làm tại cửa hàng của gia đình. Mọi người trong gia đình Buffett, dù có công ăn việc làm ở nơi khác, vẫn chia sẻ một phần việc ở cửa hàng mỗi tuần, duy có ông anh Fred là làm việc toàn thời gian với một đồng lương rất thấp. Lúc này, Ernest bảo Howard rằng ông không có tiền để trả lương cho một người nữa.[111] Về mặt nào đó thì Howard cảm thấy nhẹ cả người. Ông tự nhiên được “thoát” khỏi cửa hàng và không bao giờ muốn quay lại đó.[112] Ông chỉ lo gia đình mình sẽ bị chết đói thôi. “Đừng lo về chuyện ăn uống,” Ernest bảo. “Cha sẽ thanh toán các hóa đơn cho các con.” “Đấy là ông nội của tôi,” Warren nói, “cha sẽ thanh toán các hóa đơn cho các con.” Không phải Ernest không yêu gia đình mình, “bạn chỉ mong sao ông năng bày tỏ tình cảm thiêng liêng đó nhiều hơn mà thôi.” “Anh nghĩ tốt hơn hết là em nên trở về West Point,” Howard bảo vợ, “Ít nhất ở đó em cũng có ba bữa ăn trong ngày.” Nhưng Leila vẫn ở lại. Cô quyết đi bộ đến cửa hiệu Robert để thanh toán các hóa đơn chứ không trả tiền vé xe đi lên đi xuống. Cô bắt đầu bỏ những buổi đi lễ nhà thờ vì không muốn mất 29 xu tiền công phục vụ tại một quán cà phê cùng thời gian đó.[113] Ngoài việc theo dõi sổ sách ở cửa hàng, cô gần như không đi đâu để bảo đảm rằng Howard được chăm lo chu đáo trong việc ăn uống.[114] Một ngày thứ bảy, hai tuần trước sinh nhật lần đầu tiên của Warren, mọi người xếp hàng dài trong thị trấn, đổ mồ hôi dưới cái nóng 36 độ C, để đòi lại tiền từ một ngân hàng địa phương đang có dấu hiệu lung lay. Họ đứng từ sáng cho đến tận 10 giờ đêm để đếm tới đếm lui số người xếp hàng phía trước và thì thầm cầu nguyện: Lạy chúa, xin cho đến lượt con thì tiền vẫn còn.[115] Không phải lời nguyện cầu nào cũng được lắng nghe. Bốn ngân hàng của bang đã đóng cửa trong tháng đó, bỏ mặc những người đã từng tin tưởng gửi tiền cho họ. Một trong số bốn ngân hàng đó là ngân hàng nơi Howard Buffett làm việc, Ngân hàng Liên bang.[116] Warren nhắc lại truyền thuyết của gia đình: “Ngày 15 tháng Tám năm 1931, tức hai ngày sau sinh nhật của tôi, cha tôi đến ngân hàng và họ đã đóng cửa. Ông mất việc, và tiền của ông cũng nằm trong ngân hàng này. Ông phải nuôi hai đứa con.[117] Ông không biết phải làm gì và cũng không có việc gì cho ông làm.” Nhưng trong vòng hai tuần sau đó, Howard và hai người bạn, Carl Falk và George Sklenicka, cùng nhau thành lập một công ty môi giới chứng khoán lấy tên là Buffett, Sklenicka & Co.[118] Đây là một quyết định mạo hiểm - mở công ty chứng khoán vào thời điểm không ai muốn mua bán một cổ phiếu nào cả. Ba tuần sau, nước Anh tuyên bố xóa bỏ chế độ “kim bản vị”. Có nghĩa là, để tránh phá sản, một quốc gia đang lún sâu trong nợ nần sẽ in thêm tiền để trả nợ. Đây thực sự là một trò che đậy khéo léo mà chỉ có chính phủ mới làm được. Điều này cho thấy dường như cái chính phủ được tin tưởng bậc nhất thế giới và có đồng tiền được chấp nhận rộng rãi nhất thế giới tuyên bố rằng: “Chúng tôi sẽ viết giấy nhận nợ vì không còn khả năng chi trả và bạn có thể nhận hay không tùy bạn.” Và rồi thông cáo này ngay lập tức làm đổ vỡ niềm tin và các định chế tài chính từng được xem là mạnh nhất thế giới. Trên khắp thế giới, các thị trường tài chính thi nhau sụp đổ. Nền kinh tế Mỹ vốn đã mang bệnh sẵn càng tròng trành hơn với một cú rơi tự do. Hàng loạt các ngân hàng bị hút vào ống chân không của nó và sụp đổ liên hoàn. Từ thành phố này qua thành phố khác, người gửi tiền giành nhau từng chỗ đứng để gặp cho bằng được nhân viên thủ quỹ rồi tiu nghỉu quay về.[119] Lạ thay, giữa sự hỗn loạn này, công việc kinh doanh của Howard lại phát đạt. Những khách hàng đầu tiên của ông phần lớn là bạn bè của gia đình. Ông bán cho họ các chứng khoán có bảo đảm, trái phiếu chính phủ và các cổ phiếu công trình công cộng như các cổ phiếu công ích và các hợp đồng xây dựng của thành phố. Tháng đầu tiên hoạt động, ông thu tiền hoa hồng môi giới được 400 đô la và công ty có lãi.[120] Những tháng sau đó, dù các khoản tiền tiết kiệm của mọi người bị bốc hơi và niềm tin vào các ngân hàng biến mất, nhưng Howard vẫn bám chặt vào các khoản đầu tư mà ông đã gầy dựng từ ban đầu, đồng thời công ty của ông đều đặn tăng thêm khách hàng và mở rộng kinh doanh.[121] Vận may của gia đình cứ xoay vòng. Không lâu trước sinh nhật lần thứ hai của Warren, bé Charles Lindbergh, Jr., 20 tháng tuổi bị bắt cóc và sát hại vào tháng 3 năm 1932. Vụ bắt cóc chú bé có biệt danh “Đại bàng Đơn độc” này là sự kiện gây nhiều sự chú ý nhất của công chúng kể từ sau Lễ Phục sinh, theo học giả H. L. Mencken. Cả nước Mỹ rơi vào nỗi ám ảnh sợ con mình bị bắt cóc khi các phụ huynh truyền tai nhau nỗi khiếp sợ này, và gia đình Buffett cũng không phải là một ngoại lệ.[122] Vì lý do này, Howard bị vài cơn đột quỵ nghiêm trọng đủ làm Leila phải gọi cấp cứu. Bệnh viện Mayo Clinic chẩn đoán ông bị đau tim.[123] Từ đó trở đi, ông bị hạn chế vận động: không được nâng nhấc vật nặng, chạy hay bơi. Leila giờ đây chỉ biết quanh quẩn bên Howard, chàng Hoàng tử Đẹp trai đã cứu vớt đời cô ra khỏi những ngày khốn khó khi điều hành một tờ báo chạy bằng máy in li-nô. Bà rất lo lắng với ý nghĩ nếu chẳng may có điều gì đó xảy ra với Howard thì... Warren là một đứa trẻ cẩn thận, từ lúc mới tập đi đã biết giữ cho đầu gối thấp sát mặt đất để nếu bị ngã thì sẽ không bị đau lắm. Giờ đây khi được mẹ dẫn đi nhà thờ, cậu bằng lòng ngồi yên bên chân mẹ. Leila giải khuây cho cậu bằng một chiếc bàn chải đánh răng. Warren nhìn chăm chăm vào chiếc bàn chải trong hai giờ liền.[124] Ai mà biết cậu đang nghĩ gì trong đầu khi nhìn những hàng lông ngang dọc tua tủa đó? Vào tháng Mười một, khi nước Mỹ vẫn còn trong cơn khủng hoảng, Franklin Delano Roosevelt được bầu làm tổng thống. Howard tin chắc rằng con người của đặc quyền đặc lợi này là người không biết gì về giới bình dân và sẽ đầu độc nền tiền tệ quốc gia trước khi đưa nó đến sự sụp đổ hoàn toàn.[125] Thế là ông tích trữ một bao đường lớn trên tầng áp mái để chuẩn bị đương đầu với những điều tồi tệ nhất. Lúc này, Howard trông như anh chàng Clark Kent trong bộ quần áo kinh doanh, mang kiếng cận gọng to, mái tóc sẫm màu, nụ cười nghiêm nghị và cử chỉ thân thiện. Nhưng ông lại nói to như sấm khi bàn đến chính trị mỗi khi ôn lại các tin tức trong ngày ở trang nhất các báo trong bữa ăn tối. Dorris và Warren có lẽ không hiểu Howard muốn nói gì khi ông oang oang về nỗi kinh hoàng sẽ xảy ra cho đất nước khi phe Dân chủ bước vào Nhà Trắng. Sau bữa ăn tối, chúng ngạc nhiên nhìn cha chúng ngồi trên chiếc ghế bành bọc da màu đỏ ở phòng khách kề bên chiếc radio và biến mất hàng giờ sau những tờ báo và tạp chí mà ông đọc hằng đêm. Chính trị, tiền bạc, và triết học là những chủ đề được chấp nhận cho các cuộc thảo luận trên bàn ăn trong nhà Buffett, nhưng nói chung không ai thích cả, ngoại trừ ông.[126] Mặc dù sống trong thời kỳ các bậc phụ huynh thường ít tâm tình với con cái, Howard và Leila cũng thừa nhận rằng ngôi nhà của họ thiếu sự ấm áp. Không ai trong gia đình Buffett nói “con yêu cha” hay “con yêu mẹ”, và cũng không ai bế lũ trẻ vào giường ngủ với những nụ hôn. Nhưng đối với người bên ngoài, Leila rõ ràng là một người mẹ và người vợ hoàn hảo. Mọi người thấy cô là một phụ nữ đầy nghị lực, vui vẻ, mẫu mực, ngọt ngào, thậm chí là hay chia sẻ.[127] Mỗi khi nhắc đến chuyện gia đình, cô thường phác họa đôi điều vụn vặt về mình như một kẻ may mắn được nuôi dưỡng bởi cha mẹ theo đạo Thiên chúa tuyệt vời. Những câu chuyện ưa thích của cô luôn nói về những hy sinh của Howard và cô, chẳng hạn như việc phải tạm hoãn học ba năm để kiếm tiền đóng học phí, hay Howard phải mất bốn tháng kể từ khi bắt đầu kinh doanh mà không bán được một hợp đồng nào, hay cô phải đi bộ tới hiệu sữa để tiết kiệm tiền xe buýt. Leila thích nói về những cơn đau thần kinh (đôi khi bị nhầm lẫn với những cơn đau nửa đầu) mà cô đã mắc từ bé do nhiều năm đứng cạnh máy dập chữ đập chạy rầm rập của cha.[128] Tuy nhiên, cô cư xử như thể bổn phận của cô là làm tất cả mọi thứ và luôn cố gắng hết sức - như phục vụ trà nước cho những buổi tối chơi bài, chiên khoai tây cho món bò bít-tết, đứng ra tổ chức các buổi tiệc sinh nhật và kỷ niệm hằng năm, thăm hỏi hàng xóm láng giềng và nấu bữa ăn tối nhẹ cho nhà thờ. Cô đi thăm hàng xóm, nấu nướng và viết nhật ký nhiều hơn bất kỳ người nào khác. Khi mang thai, cô từng có lần vừa nấu bữa ăn tối cho gia đình vừa kìm cơn buồn nôn do ốm nghén bằng cách ngửi xà phòng.[129] Nhưng trên hết vẫn là thái độ của cô: cô dành tất cả cho Howard. “Cô ấy tự hành hạ mình,” Katie Buffett, vợ của George Buffett, người chị em bạn dâu của cô nói.[130] Nhưng tinh thần trách nhiệm và hy sinh của Leila còn có một mặt khác tối hơn: đó là sự trách móc và hổ thẹn. Sau khi Howard lên xe buýt đi làm, Doris và Warren đang chơi đùa hoặc đang mặc quần áo thì bất ngờ Leila nổi trận lôi đình với các con. Đôi khi giọng nói của cô cho thấy cơn nóng giận đang tuôn trào nhưng trong nhiều trường hợp đều không có dấu hiệu báo trước. “Đó luôn là những điều chúng tôi đã nghĩ hay nói ra, rằng sẽ có những cơn giận dữ như thế và sẽ không thuyên giảm. Tất cả mọi tội lỗi quá khứ của chúng tôi sẽ bị lôi ra và không có kết thúc. Mẹ tôi cho đó chỉ là những cơn đau đầu thần kinh của bà, nhưng bà không bao giờ thể hiện điều đó ra ngoài.” - Warren nói. Những lúc đang trong cơn giận điên cuồng, Leila sẽ tra tấn bọn trẻ bằng cách lặp đi lặp lại, và luôn luôn giống nhau, rằng cuộc sống của chúng quá dễ dàng so với sự hy sinh của bà, rằng chúng thật vô dụng, vô ơn và ích kỷ và nên cảm thấy xấu hổ vì điều đó. Bà chế nhạo những thói xấu có thật hay do bà tưởng tượng ra cho các con và hầu như luôn hướng sự đả kích về Doris và có thể nói mãi một chuyện gì đó trong ít nhất là một giờ đồng hồ, đôi khi đến hai giờ. Bà không bao giờ chấm dứt cho đến khi bọn trẻ, chỉ biết khoanh tay đứng im và khóc nức nở trong bất lực. Warren nhớ lại. “Bà không thỏa mãn chừng nào chúng tôi chưa khóc,” Doris nói. Warren buộc phải canh chừng những cơn bùng nổ của mẹ, nhưng không thể bảo vệ chị Doris của cậu và cố gắng tránh làm mục tiêu của bà. Trong khi rõ ràng những cơn nóng giận của bà là có chủ ý và có phần mất kiểm soát, không rõ bà có nhận thức được thái độ của mình trong vai trò một người mẹ hay không. Nhưng dù sao những gì bà nghĩ và làm, vào lúc Warren ba tuổi và cô em Roberta (tức Bertie) mới chào đời, là “không thể quay lại được” vì nó đã làm tâm hồn ông và Doris bị tổn thương nặng nề. Bọn trẻ không bao giờ yêu cầu cha chúng giúp đỡ, mặc dù chúng biết rằng ông nhận thức được những cơn bùng nổ của Leila. Howard sẽ bảo chúng rằng “mẹ con đang nóng giận” và ông không thể can thiệp vào. Tuy nhiên, thường thì cơn bùng nổ của Leila xảy ra ngoài tầm chú ý của Howard, và chúng không bao giờ hướng về ông. Về mặt nào đó, ông là người bảo vệ lũ trẻ. Thậm chí khi ông không lên tiếng bảo vệ chúng, sự hiện diện của Howard cũng đồng nghĩa với sự an toàn. Bên ngoài những căn nhà gỗ cáu bẩn ở Đại lộ Barker, Nebraska đang trượt dài trong tình trạng mất trật tự. Nạn bán rượu lậu bùng nổ ở Omaha và kéo dài mãi đến năm Warren lên ba tuổi.[131] Ở nông thôn, nông dân đối diện với việc kê biên đất đai thế chấp phát sinh từ những vi phạm các hợp đồng trồng trọt hay chăn nuôi.[132] Năm ngàn nông dân biểu tình ở thủ phủ Lincoln của Omaha đến khi các nhà làm luật vội vàng thông qua một đạo luật hoãn trả nợ thế chấp.[133] Khi những cơn gió lạnh thổi qua những ngọn đồi khô cằn nứt nẻ ở miền Tây vào tháng Mười Một năm 1933, chúng cuốn theo từng xoáy bụi đất tạo thành những đám mây đen cao ngút trời đi về bờ Đông đến tận New York với tốc độ gần một trăm ki-lô-mét một giờ. Những cơn gió mạnh làm vỡ tan những tấm kính cửa sổ và thổi tung những chiếc xe hơi đang đậu bên đường. Tờ New York Times so sánh thảm họa này với đợt phun trào núi lửa ở Krakatoa. Những năm tháng bão tố đen tối đã bắt đầu nổi lên.[134] Trong cơn hạn hán tồi tệ nhất của thế kỷ hai mươi, những cư dân Vùng Trung Tây[135] phải trú ẩn trong nhà vì sỏi đá từ những luồng cát phun thẳng vào vách tường nhà và làm lỗ chỗ các tấm kính xe. Leila phải quét từng lớp bụi đỏ ra khỏi hành lang vào mỗi sáng. Vào sinh nhật thứ tư của Warren, một đám bụi đỏ vùi lấp hành lang trước nhà Buffett và gió thổi làm bay cả bát đĩa và khăn trải bàn trên bàn tiệc.[136] Cùng với gió bụi là tháng ngày nóng bức chưa từng thấy. Vào mùa hè năm 1934, nhiệt độ ở Omaha lên đến 46oC. Sau nhiều ngày tìm kiếm, một nông dân ở Nebraska đã tìm thấy con bò của mình bị mắc kẹt dưới một khe nứt giữa một cánh đồng hẻo lánh.[137] Những người miền xuôi thường kháo nhau về câu chuyện rằng có người bị ngất do một giọt nước đập vào mặt và phải được hồi sinh bằng ba xô cát. Người ta ra ngủ ở sân sau nhà họ, dựng lều trại trong khuôn viên của Trường Trung học Thành phố và trên sân cỏ của Viện Bảo tàng Nghệ thuật Joslyn ở Omaha. Nhờ thế mà họ không bị nướng chín trong ngôi nhà của mình. Warren cố gắng tuyệt vọng để ngủ với tấm drap trải giường ngâm nước ướt sũng, nhưng không điều gì có thể làm mát được bầu không khí nóng như trong lò bánh mì và bốc hơi ngùn ngụt lên tận tầng hai. Trong đợt hạn hán và nóng kỷ lục năm 1934,[138] hàng triệu con châu chấu đã ùa đến tàn phá những cánh đồng bắp khô hạn và biến đồng lúa mì thành bãi xác rạ.[139] Cha của Leila, John Stahl bị đột quỵ vào năm này, và khi đến thăm ông ngoại ở West Point, Warren có thể nghe được tiếng vo ve của lũ côn trùng đói ăn. Vào thời điểm tệ hại nhất, chúng xơi luôn cả cột hàng rào, quần áo phơi trên sào, và cuối cùng, chúng gặm cả động cơ máy kéo và tạo thành một đám mây dày đặc đủ che khuất tầm nhìn của các tài xế.[140] Sự thật là, những năm đầu thập niên 1930 đã mang đến nhiều nỗi sợ hãi hơn bình thường.[141] Kinh tế xuống dốc. Những kẻ bắt chước những tên tướng cướp khét tiếng nhất của thời đó - Alcapone, John Dillinger và tên cướp có gương mặt trẻ thơ Nelson - lang thang đến miền Trung Tây cướp phá các ngân hàng không được bảo vệ tốt.[142] Phụ huynh lo lắng về những kẻ lang thang và đám lưu manh đang tràn qua thành phố. Căn bệnh dại do bị chó điên cắn làm bọn trẻ đã được chủng ngừa không dám ló mặt ra khỏi nhà. Hồ bơi công cộng bị đóng cửa ngay giữa những ngày hè vì lo sợ lây truyền bệnh bại liệt ở trẻ em. Phụ huynh thường xuyên cảnh báo con em họ rằng nếu môi chúng chạm vào vòi nước máy công cộng, chúng có thể bị viêm phổi.[143] Tuy nhiên người dân Nebraska đã được huấn luyện từ lúc mới sinh để thích ứng với thiên tai với tinh thần lạc quan và sức chịu đựng mãnh liệt. Những năm tháng bão bụi và hạn hán này đơn giản chỉ tạo thêm chút hương vị trong cuộc sống của người miền Trung Tây. Những đứa trẻ đang lớn lên cũng đã quen với thời tiết kỳ dị trong bang, vốn hay bị quấy rối bởi những cơn bão xoáy và gió lốc đủ mạnh để thổi lật ngang một chiếc xe lửa.[144] Ba đứa trẻ nhà Buffett đến trường, chơi với bạn và chạy quanh với hàng chục đứa trẻ khác trong thời tiết hơn 36oC tại những buổi cắm trại có gì ăn nấy của hàng xóm, trong khi cha chúng mặc com-lê và mẹ chúng mặc đầm và mang vớ. Phần đông những người láng giềng của họ đều bị giảm chất lượng cuộc sống, nhưng Howard, con của kẻ bán tạp hóa, đã đưa gia đình mình tiến vào nửa trên của tầng lớp trung lưu. “Chúng tôi khá giả hơn đôi chút dù đang trong thời kỳ khó khăn.” Ông nhớ lại. Ông là người khiêm tốn nhất trong một gia đình khiêm tốn. Trong khi 50 người đứng xếp hàng để bốc dỡ cam lên xe tải của cửa hàng Buffett & Sons với mức lương 17 đô la một tuần, việc bền bỉ đi gõ cửa các gia đình của Howard đã làm cho nghề môi giới chứng khoán của ông, bấy giờ gọi là công ty Buffett & Sons, đạt được thành công.[145] Omaha bị đặt dưới sự kiểm soát của quân đội trong thời gian ngắn do các cuộc đình công của giới tài xế taxi và các cuộc bạo động năm 1935, nhưng Howard lại mua được một chiếc Buick mới toanh. Ông trở thành người xông xáo trong nhóm các chính trị gia thuộc Đảng Cộng hòa tại địa phương. Doris, ở tuổi lên bảy, luôn tôn thờ cha mình, đã say sưa ngắm nhìn quyển tiểu sử tương lai của ông có dòng chữ ông tự viết vào một trong những cuốn tập đi học của cô: Howard Buffett, Nghị sĩ.[146] Một năm sau, vẫn còn trong cái bóng ảm đạm của cuộc Đại Suy thoái, nhưng Howard đã xây một ngôi nhà hai tầng khang trang kiểu Tudor bằng gạch đỏ tại Dundee, ngoại ô Omaha.[147] Khi gia đình sắp dọn về nhà mới, Leila nghe tin Marion, em trai bà, cũng là con trai duy nhất của nhà Stahl, người sẽ nối dõi tông đường và không có dấu hiệu của chứng trầm cảm,[148] đang là một luật sư thành công ở New York thì bỗng dưng mắc bệnh ung thư vô phương cứu chữa ở tuổi 37. “Chú Marion là niềm kiêu hãnh và là niềm vui của gia đình mẹ tôi,” Warren nói. Marion chết vào tháng Mười Một, không có con cái. Cả gia đình ông rơi vào niềm đau vô tận. Một chuyện buồn nữa lại đến khi cha của Leila, John Stahl, đột quỵ lần thứ hai và trở nên yếu hẳn. Bernice, chị của ông, chăm sóc cho ông tại nhà và dường như cũng bị rơi dần vào trầm cảm. Một người chị khác là Edie, là giáo viên, đẹp nhất và có máu phiêu lưu nhất trong số các chị em, đã thề sống độc thân cho đến năm 30 tuổi hoặc cho đến đám cưới của Bernice. Nhưng Leila, sắc sảo và tỉnh táo, không dễ sa lầy vào nỗi thống khổ của gia đình. Cô đang hành động, bằng bất cứ giá nào, để có một cuộc sống bình thường trong một gia đình bình thường.[149] Cô lên kế hoạch ra riêng và mua sắm đồ gỗ mới. Trong một nỗ lực ngang tầm thế giới, Leila thuê một người giúp việc bán thời gian tên là Ethel Crump. Giờ đây, là một người mẹ kinh nghiệm hơn và có một gia đình giàu có hơn, Leila xây đắp một mối quan hệ lành mạnh hơn với Bertie, đứa con nhỏ nhất, khi khoảng cách giữa các cơn cuồng nộ của bà giảm đi. Bertie biết mẹ nóng tính nhưng bảo rằng bà luôn luôn đáng yêu. Warren và Doris không bao giờ nói thế và rõ rằng là dù tình thương mà Leila dành cho Bertie có rõ nét hơn nhưng không giúp hai đứa trẻ nguôi đi cảm giác là người vô dụng.[150] Vào tháng Mười Một năm 1936, Roosevelt đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Niềm an ủi duy nhất của Howard là Roosevelt sẽ phải ra khỏi Nhà Trắng sau bốn năm nữa. Trong khi ông đọc tờ báo của phe bảo thủ hằng đêm, bọn trẻ nghe đài, chơi game và hát những bài thánh ca mỗi khi có Leila ngồi với chúng bên món tài sản mới nhất của gia đình - một chiếc đàn organ giống như chiếc mà Stella, mẹ của bà, từng chơi. Trong khi căn nhà mới của gia đình Buffett và các đồ xa xỉ của họ phản ánh sự giàu có ngày một tăng lên thì Leila lại luôn mua cho các con những món quà rẻ tiền, thực dụng và dễ quên, kể cả những quần áo giảm giá không thể trả lại, và các vật dụng cần thiết - nhưng tuyệt nhiên không có món nào là thứ ưa thích của bọn trẻ. Warren có một bộ đồ chơi xe lửa một đầu máy và bộ đường ray hình bầu dục nhưng cậu thèm có những phiên bản phức tạp hơn, kiểu mà cậu nhìn thấy ở cửa hàng Brandies dưới phố, kiểu có nhiều đầu máy chạy vòng quanh với đèn pha và đèn tín hiệu nhấp nháy chạy lên những đồi tuyết trắng và chui xuống các đường hầm, băng qua các làng mạc nhỏ bé và khuất dạng sau những cánh rừng thông. Nhưng khả năng lớn nhất để cậu có thể sở hữu một chiếc xe lửa như thế là mua quyển catalogue có hình chiếc xe lửa mơ ước đó. “Nếu bạn là một đứa trẻ có một bộ đường ray hình bầu dục, hãy nghĩ mà xem, thật là không thể tin nổi. Bạn sẽ rất sung sướng bỏ ra 10 xu để mua quyển catalogue hình các xe lửa đời mới và ngồi xuống và tha hồ tưởng tượng ra tất cả mọi thứ hay ho.” Là một đứa trẻ sống nội tâm, Warren có thể bỏ ra hàng giờ với quyển catalogue hình những chiếc xe lửa hiện đại. Tuy nhiên, là đứa trẻ chưa đến tuổi đi học, thỉnh thoảng cậu cũng “giấu” nó đi. Cậu gởi nó ở nhà Jack Frost, bạn của cậu, và dần dần yêu mến cô Hazel tốt bụng, mẹ của Jack. Thời gian trôi qua, cậu quen dần với việc ở nhà bà con và nhà hàng xóm nhiều hơn ở nhà mình.[151] Người bà con yêu thích nhất của cậu là cô Alice, em của ba cậu, một người phụ nữ cao to không thích lập gia đình, sống với cha mẹ và dạy môn kinh tế gia đình. Bà luôn dành cho Warren sự nồng ấm và luôn thể hiện sự thích thú về mọi điều Warren làm cũng như luôn tìm mọi cách để khích lệ cậu. Khi Warren vào mẫu giáo,[152] niềm say mê và vui thú của cậu chuyển sang các con số. Ở tuổi lên sáu, cậu bị mê hoặc bởi sự chính xác về thời gian trong từng giây và rất muốn có một cái đồng hồ bấm giờ. Alice biết rằng tốt nhất nên tặng cháu một cái đồng hồ không có dây đeo. “Bà rất cưng chiều tôi,” Warren nói, “tuy nhiên bà luôn đưa ra một hoặc hai điều kiện đi kèm. Tôi phải ăn hết món măng tây hay một món gì đó. Điều này càng khích lệ tôi. Cuối cùng tôi cũng có một chiếc đồng hồ bấm giờ.” Warren cầm đồng hồ và rủ các chị em cậu vào phòng tắm để xem những trò mà cậu mới nghĩ ra.[153] Cậu đổ đầy nước vào bồn tắm và xếp các viên bi thành hàng ở đầu bồn tắm. Mỗi trò đều có một tên gọi riêng. Rồi cậu bấm giờ ngay khi tung cả nắm bi vào nước. Chúng đuổi nhau chạy theo hướng dốc của bồn tắm về phía nút xả. Chúng va vào nhau kêu lách cách và nhảy chồm lên nhau khi gặp những mớn nước. Khi viên đầu tiên chạm vào nút xả, Warren bấm giờ lần nữa và tuyên bố “người” chiến thắng. Các chị em của cậu xem cậu chơi trò đuổi bi hết lần này đến lần khác và cố gắng cải thiện số lần thắng cuộc của một viên bi nào đó. Lũ bi không biết mệt, cái đồng hồ cũng không bao giờ bị hư và không giống như các khán giả của mình - Warren dường như không bao giờ biết chán vì chơi mãi một trò này. Warren luôn luôn nghĩ về các con số mọi lúc mọi nơi. Ngay cả lúc dự lễ nhà thờ. Cậu thích nghe các bài giảng phúc âm, nhưng chán cả phần còn lại của buổi lễ. Cậu giết thời gian bằng cách tính toán tuổi thọ của nhạc sĩ sáng tác bài thánh ca từ ngày sinh cho đến ngày mất in trong tập nhạc. Trong suy nghĩ của cậu, tôn giáo phù hộ cho những ai có lòng tin. Cậu cho rằng nhạc sĩ sáng tác thánh ca sống thọ hơn những người bình thường và dường như đó cũng là một trong những mục tiêu của đời cậu. Nhưng rồi cậu nhận ra rằng sự ngoan đạo không thể giúp con người kéo dài tuổi thọ. Thiếu ơn phò trợ, cậu bắt đầu có cảm giác nghi ngờ tôn giáo. Những cuộc đua trong bồn tắm và những thông tin cậu thu thập được từ những người sáng tác thánh ca đã dạy cho cậu đôi điều có giá trị. Cậu học được cách tính toán sự chênh lệch. Warren nhìn ra xung quanh mình, quả là có nhiều cơ hội để tính sự chênh lệch, vốn hiện diện ở khắp mọi nơi. Chìa khóa của vấn đề nằm ở việc nắm bắt thông tin, và, càng nhiều thông tin càng tốt. 7. LỄ KỶ NIỆM NGÀY CHIẾN THẮNG 11-11 Omaha, 1936 - 1939 Khi Warren vào lớp một trường Rosehill năm 1936,[154] cậu bắt nhịp được ngay. Lý do đầu tiên là đi học giúp cậu được giải phóng khỏi phải ở nhà suốt ngày với mẹ. Trường học mở ra cho cậu một thế giới mới, và mang đến cho cậu ngay lập tức hai người bạn mới: Bob Russell và Stu Erickson. Cậu và Bob, mà cậu thường gọi là Russ, cùng nhau đi bộ đến trường. Đôi khi cậu đến thẳng nhà Russell ở chơi sau khi tan trường. Một buổi nọ, Stu, cậu bạn sống cùng gia đình trong căn nhà tiền chế khiêm tốn, đến chơi ngôi nhà gạch mới của gia đình Buffett ở gần Sân Golf Happy Hollow. Warren luôn có vài việc gì đó để làm sau giờ học cho đến khi cha cậu đi làm về. Cậu luôn có bạn để chơi cùng và điều đó giúp cậu được an toàn. Cậu và Russ ngồi trước bậu cửa nhà Russell hàng giờ để xem xe cộ qua lại trên Đại lộ Quân đội. Viết nguyệch ngoạc các con số vào sổ tay, chúng ghi chép đầy sổ hết cột này đến cột khác biển số của những chiếc xe chạy qua. Gia đình chúng phát hiện sở thích kỳ lạ này của chúng nhưng cho rằng chuyện đó xuất phát từ niềm đam mê toán học. Họ biết Warren thích tính tần suất xuất hiện của các ký tự và con số trong các biển số xe. Cậu và Russ không bao giờ giải thích lý do thật sự của việc đang làm. Con đường phía trước nhà Russell là con đường duy nhất dẫn ra ngoài từ một ngõ cụt nơi có Ngân hàng Douglas County tọa lạc. Warren đã thuyết phục Russ rằng nếu một ngày nào đó ngân hàng này bị cướp thì cảnh sát sẽ tóm được bọn cướp nhờ vào các biển số xe. Và chỉ có cậu và Russ mới sở hữu những bằng chứng giúp cảnh sát phá án. Warren thích bất cứ thứ gì liên quan đến việc sưu tập, đếm và nhớ lại các con số. Cậu đã có bộ sưu tập tem và các đồng xu. Cậu từng tính tần suất xuất hiện của các ký tự trong các tạp chí và kinh thánh. Cậu rất thích đọc sách và bỏ ra hàng giờ để đọc các sách mà cậu mượn được từ Thư viện Benson. Nhưng cuộc chiến chống tội phạm và tiềm năng kịch tính của các biển số xe - mà gia đình cậu và gia đình Russell không bao giờ biết - đã mang đến những nét khác trong khí chất của cậu. Cậu thích chơi trò làm cớm, và thích bất cứ trò nào có thể gây được sự chú ý của mọi người, bao gồm cả việc mặc áo quần và đóng các vai khác nhau. Thời Warren còn đi nhà trẻ, cha cậu thường mua quần áo cho cậu và Doris mỗi khi ông trở về từ New York. Khi thì cậu làm một tộc trưởng da đỏ, khi thì chàng cao bồi, lúc viên cảnh sát. Khi vào tiểu học, cậu bắt đầu ấp ủ những ý tưởng đầy kịch tính của riêng cậu. Tuy nhiên các trò chơi yêu thích nhất của Warren đều mang tính cạnh tranh, thậm chí với chính bản thân cậu. Cậu chơi từ trò đua bi trong bồn tắm lên đến trò con vụ (yoyo) và sau đó là bóng bolo[155]. Hàng ngàn lần cậu đánh quả bóng bolo có buộc dây thun bay ra xa bằng một cái vợt gỗ. Vào các buổi trưa thứ bảy ở Rạp hát Benson, giữa các suất chiếu - thời đó một đồng nikel 25 xu xem được ba phim và được tặng thêm một tạp chí phim - cậu trèo lên trên sân khấu cùng những đứa trẻ khác để thi với nhau xem ai có thể đánh trái bóng đi xa nhất. Cuối cùng tất cả đều mệt nhoài và bước xuống để lại một mình cậu trên sân khấu, tay vẫn còn đập vun vút quả bóng. Thậm chí cậu còn thể hiện sự đua tranh ngay trong mối quan hệ khi nồng ấm thân thương, lúc trêu ghẹo làm cô em Bertie của cậu đến phát khóc. Cậu gọi em mình là “vịt bầu” hay lừa cô bé hát trên bàn ăn, điều vi phạm quy tắc của gia đình cậu. Cậu cùng chơi nhiều trò với Bertie nhưng chưa bao giờ nhường em mình thắng cuộc, dù cô bé chỉ mới ba tuổi. Nhưng cậu cũng là người nhân hậu. Một lần khi Bertie nhúng con búp bê yêu quý Dy-Dee vào thau nước và điều đó làm mẹ cậu nổi điên. Warren đã “giải cứu” nó và mang đi phơi nắng. “Anh tìm được cái này trong thau nước,” cậu nói. “Em không muốn nó nằm trong đó phải không?”[156] Dù chỉ là một đứa trẻ, Bertie cũng nhận ra rằng ông anh của mình biết cách tỏ ra lịch thiệp như thế nào. Bertie là một đứa tự tin, thích mạo hiểm. Đó là lý do mà Doris và Warren cho rằng Leila hiếm khi trút giận được vào cô em. Bertie những có nguyên tắc riêng của mình. Cô bé tự xem mình là người biết tự chăm chút vẻ bề ngoài và được Leila đánh giá cao. Nhưng vấn đề Leila quan tâm nhất là lòng quý trọng của người khác. Bà có cái mà sau này Warren gọi là Phiếu điểm Hướng ngoại (Outer Scorecard). Bà luôn lo lắng về những điều hàng xóm có thể nghĩ về bà, bà luôn rầy la con cái để chúng giữ gìn hình dáng bề ngoài được tinh tươm. “Tôi rất cẩn trọng trong việc làm những điều đúng đắn. Tôi không muốn bị lửa đổ xuống đầu tôi.” Bertie nói về những trận nổi đóa không thể lường trước của mẹ mình, Leila. Doris là một kẻ nổi loạn. Ngay từ nhỏ cô đã bộc lộ một trực giác tinh tế và một ngưỡng kích thích cao, điều làm cô trở nên khác biệt so với những thói quen nhàm chán và tính tằn tiện của gia đình Buffett. Sự yêu thích cái đẹp, thời trang và những cái mới luôn hấp dẫn cô rất mạnh mẽ. Trong khi đó, mẹ cô lại muốn trùm lấy cô trong chiếc áo choàng của sự khiêm tốn và chỉ muốn lũ trẻ thể hiện sự mộc mạc giản dị một cách có ý thức trong bất cứ tình huống nào. Do đó Doris dường như luôn luôn đối nghịch với mẹ và điều đó làm cả hai thường xuyên đụng độ nhau. Những cơn cuồng nộ bất thường của Leila vẫn không kém phần dữ dội như trước. Doris giờ đây đã là một cô gái xinh đẹp. “Nhưng chị ấy càng xinh đẹp hơn thì lại càng gặp nhiều chuyện tồi tệ hơn với mẹ.” Warren nói. Warren có những biểu hiện đầu tiên về những mánh khóe cậu sử dụng đối với mọi người. Tuy nhiên, cậu cũng chỉ là một đứa trẻ thích tranh đua, phát triển sớm, trí lực mạnh mẽ tuy thể chất yếu đuối. Khi cha mẹ tặng cậu cặp găng thi đấu quyền Anh vào năm cậu lên tám, cậu đã học được bài học đầu tiên và không bao giờ mang đôi găng đó nữa.[157] Cậu cố chơi trượt ván nhưng chân đứng không vững.[158] Cậu không tham gia các trò chơi đường phố với lũ bạn dù cậu yêu thích thể thao và phối hợp đồng đội rất tốt. Ngoại lệ duy nhất trong các trò đấu tay đôi, mà cậu không thích, là môn bóng bàn. Khi gia đình Buffett mua về một bàn bóng bàn, cậu bám lấy nó suốt ngày đêm với bất kỳ ai muốn “đánh cuộc” với cậu - dù đó là bạn bè của cha mẹ hay những người bạn cùng trường - cho đến khi cậu trở thành một tay vợt đáng gờm. Thậm chí có lần cậu còn giải quyết kết quả một trận đấu bằng một cuộc đánh nhau. Lần đó, Bertie ra ngoài và giữ đồ cho cậu. Cậu dễ rơi nước mắt khi gặp người đối xử tốt với cậu. Cậu học hành chăm chỉ để được yêu thương và sống hòa thuận với mọi người. Tuy nhiên, bất kể thái độ thân thiện của Warren, điều để lại ấn tượng nơi bạn bè của cậu là vẻ cô độc trên gương mặt và cả con người cậu. Gia đình Buffett chụp ảnh bọn trẻ vào Giáng sinh năm 1937. Bertie trông rạng ngời niềm vui, Doris nhìn khốn khổ và Warren thì đang giữ chặt lấy vật yêu thích của mình là những đồng tiền mạ ni-ken, quà tặng của dì Alice, trông vẻ mặt cậu không được vui lắm. Sự xác quyết của Leila rằng họ phải là một gia đình Norman Rockwell hoàn hảo trở nên khó khăn hơn khi Warren chỉ mới tám tuổi và những tai họa mới giáng xuống nhà Stahl. Căn bệnh tâm thần của Stella, mẹ của bà, ngày càng tồi tệ và gia đình phải đưa bà vào bệnh viện Norfolk State Hospital, trước kia là nhà thương điên Nebraska, nơi bà ngoại của bà qua đời.[159] Cũng tại bệnh viện này, chị Edie của bà đã từng nằm lại trong ba tháng và suýt chết do viêm phúc mạc vì viêm ruột thừa cấp và bị vỡ. Sau đó bà quyết định kết hôn với một người đàn ông có nền tảng gia đình đáng đặt dấu hỏi nhưng hay làm cho bà cười. Điều này cũng không giúp cải thiện cái nhìn ảm đạm của Leila về chị mình, một người dường như thích mạo hiểm hơn là chu toàn trách nhiệm gia đình. Cũng thời gian đó, Howard được bầu vào hội đồng của trường học, một vai trò mới trở thành niềm tự hào của cả gia đình.[160] Giữa sự thăng tiến của Buffett và sa sút của Stahl, phần lớn thời gian Warren hầu như không có mặt ở nhà và gần như thoát hẳn vòng cương tỏa mẹ. Cậu sang chơi nhà hàng xóm, lân la làm quen với các phụ huynh khác, và lắng nghe những cuộc nói chuyện về chính trị ở nhà họ.[161] Những lúc đi lang thang bên ngoài, cậu bắt đầu thu lượm nắp chai. Cậu đến các trạm xăng khắp thị trấn vớt nắp chai từ các lạch nước bên dưới các thùng nước đá nơi chúng đã bị quẳng đi sau khi người ta bật nắp các soda hay nước ngọt. Dưới tầng hầm nhà Buffett, đống nắp chai mỗi lúc một cao dần lên: nắp chai Pepsi, Coca-Cola, nước gừng, nước uống không cồn. Cậu bắt đầu bị ám ảnh với trò sưu tầm nắp chai. Tất cả những vật có sẵn này đều chưa ai biết đến - và cũng không ai cần đến. Cậu ngạc nhiên thích thú. Sau bữa ăn chiều, cậu bày bộ sưu tập nắp chai lên các tờ báo cũ khắp sàn phòng khách, phân loại và đếm, rồi phân loại và lại đếm.[162] Những con số cậu ghi lại mách bảo cho cậu loại nước giải khát nào được ưa thích nhất. Nhưng cậu cũng xem màn tính toán này như một kiểu thư giãn. Khi không làm việc với nắp chai, cậu lại phân loại và đếm bộ sưu tập đồng xu và bộ sưu tập tem của mình. Nhiều môn học ở trường làm cậu chán. Để giải khuây, cậu tham gia trò chơi đố toán và tính nhẩm nhanh cùng với Bob Russell và Stu Erickson vào năm lớp bốn của cô Thickstun. Cậu thích địa lý, tuy nhiên lại thấy môn đánh vần hấp dẫn hơn, đặc biệt ở phần thi chính tả, trong đó sáu học sinh lớp một thi với sáu học sinh lớp hai. Người thắng sẽ tiếp tục đấu với học sinh lớp ba, và cứ tiếp tục như thế. Về mặt lý thuyết thì học sinh lớp một phải thắng sáu lần mới “vào chung kết” với học sinh lớp sáu. “Tôi muốn thắng chị Doris môn chính tả, nhưng Bertie lại muốn thắng tôi.” Quả thật, cả ba đứa trẻ nhà Buffett đều là những trẻ rất thông minh và không ai thắng được chúng. “Cho đến lúc đó, không có điều gì thu hút sự quan tâm của chúng tôi hơn thế.” Tuy nhiên, không có gì làm Warren hưng phấn hơn những cuộc chạy thi lên bảng làm toán. Từ lớp hai trở đi, học sinh phải chạy đua lên bảng làm toán nhanh, hai đứa cùng lúc. Đầu tiên là thi tính cộng nhanh, sau đó là tính trừ, cuối cùng là nhân và chia, rồi ghi đáp số ở cuối bảng. Warren, Stu và Russ là những đứa sáng dạ nhất lớp. Lúc đầu chúng ghi điểm ngang nhau, sau đó Warren vượt lên đôi chút. Ở phần làm bài tập thì Warren luôn cao điểm hơn.[163] Một ngày nọ cô Thickstun bảo Warren và Stu ở lại sau giờ học. Tim của Warren đập thình thịch trong lồng ngực. “Chúng tôi tự hỏi rằng mình đã làm điều gì sai?” Stu hồi tưởng lại. Nhưng thay vì quở trách, cô Thickstun bảo cả hai chuyển sách của chúng từ lớp 4A sang lớp 4B.[164] Chúng được học nhảy lớp. Bob Russell bị bỏ lại phía sau và điều này làm ông bố Russell của cậu khó chịu và khiếu nại một dạo. Warren vẫn chơi với Russ và Stu, nhưng giữ mối quan hệ riêng với từng đứa. Vẫn như trước đó, mặc dù cả hai đều là bạn của cậu, nhưng chúng chưa bao giờ thục sự là bạn của nhau. Tính ưa khám phá cái mới và ghi nhớ các tiểu tiết của Warren vẫn tiếp tục phát triển. Cha mẹ và bạn bè - những người gọi cậu là “Warreny”[165] - đều bị cậu cho ra rìa trong trò chơi gọi tên thủ phủ các bang của Mỹ. Trước khi vào lớp năm, cậu đã say mê đọc cuốn Niên giám Thế giới - World Almanac 1939, và nó nhanh chóng trở thành quyển sách cậu yêu thích. Cậu nhớ cả dân số của từng thành phố. Cậu thi với Stu xem ai là người gọi được tên nhiều thành phố trên thế giới có dân số trên một triệu người hơn.[166] Tuy nhiên, một tối nọ, Warren bị phân tán đầu óc khỏi quyển Almanac và những cái nắp chai của cậu vì một cơn đau bụng khủng khiếp. Bác sĩ đến nhà khám cho cậu rồi ra về. Nhưng ông không thể loại bỏ ý nghĩ về cuộc viếng thăm. Ông quay lại và đưa Warren đi bệnh viện. Đêm đó, Warren trải qua một cuộc phẫu thuật do ruột thừa vỡ. Sự can thiệp của bác sĩ suýt nữa là quá trễ. Warren nằm bất động tại bệnh viện công giáo mất mấy tuần lễ. Được săn sóc bởi các bà xơ điều dưỡng, cậu nhanh chóng phát hiện ra rằng bệnh viện là một thiên đường. Khi cậu hồi phục, một niềm vui khác đến. Quyển World Almanac được mang đến cho cậu. Giáo viên của cậu cho tất cả các nữ sinh trong lớp viết thư chúc cậu chóng bình phục.[167] Dì Edie, người hiểu rõ cháu mình nhất, mua cho cậu bộ đồ chơi lăn dấu tay. Cậu biết chính xác phải làm gì với bộ đồ chơi này. Cậu dụ dỗ từng bà xơ bước vào phòng cậu. Cậu lấy dấu vân tay tất cả các ngón tay của họ và được một bộ dấu tay và sắp xếp chúng thành một bộ sưu tập để mang về nhà. Cả nhà cậu nhận thấy trò này rất buồn cười. Ai mà cần đến dấu vân tay của các bà xơ chứ? Nhưng Warren đặt giả thiết rằng nếu một trong các xơ phạm tội thì sao. Và khi điều đó xảy ra, thì cậu, Warren Buffett này, sẽ là người sở hữu những manh mối để tìm ra thủ phạm.[168] Không lâu sau lần cậu nhập viện, vào một ngày những ngọn gió bấc lạnh bất thường xuất hiện vào tháng 5 năm 1939. Cha mẹ bảo cậu phải mặc lễ phục vào. Sau đó ông bà nội đến. Trong bộ y phục có hàng khuy dài sang trọng và một góc khăn tay xếp khéo nhú ra khỏi miệng túi áo trên ngực, ông nội Ernest “Peabody” Buffett trông thật đáng kính, đúng vị thế của một chủ tịch Hội Rotary mà ông đang đảm đương. Ernest rất hợp với bọn trẻ. Mặc dù có vẻ nghiêm nghị, ông thích chơi đùa với các cháu. Bertie tôn thờ với ông. “Chúng ta sẽ đi Chicago hôm nay, Warren.” Ông bảo. Họ đáp tàu hỏa và đi xem đội Cubs thi đấu với đội Brooklyn Dodgers trong một trận bóng chày ma-ra-tông có tỉ số hòa nhưng không đội nào ghi thêm điểm sau mười cú đánh bóng loại trực tiếp để phân thắng bại. Với tỉ số 9-9, trận đấu đành hoãn lại vì đêm xuống sau khi kéo dài được 4 giờ 41 phút.[169] Sau khi được xem trận bóng chày thuộc giải ngoại hạng Mỹ lần đầu tiên trong đời, Warren run lên vì phấn khích bởi Ernest mua cho cậu một quyển sách 25 xu nói về mùa bóng 1938. Warren nhớ lại: “Đó là một trong những quyển sách quý nhất đối với tôi, tôi thuộc tiểu sử từng cầu thủ của mỗi đội và có thể nhắc lại rõ ràng từng từ trong quyển sách. Tôi thuộc nó cả trong giấc ngủ.” Dì Alice lại mang đến cho cậu một niềm vui khi tặng cậu một cuốn sách về bài bridge - có lẽ là cuốn Cẩm nang chơi bài bridge toàn tập,[170] một quyển sách vàng về cách chơi và tố bài bridge của tác giả Culberton. Bài bridge - một trò chơi cân não trong đó việc nhận diện tình thế cũng quan trọng như giải quyết tình huống - đang quét qua khắp nước Mỹ thời đó và Warren thấy nó thích hợp với cậu hơn cả môn đánh cờ.[171] Một sở thích khác của cậu là âm nhạc. Trong nhiều năm liền, cậu học cách chơi kèn cornet, một trong những thần tượng của cậu là hai tay kèn trumpet Bunny Berigan và Harry James. Mặc dù học nhạc đồng nghĩa với việc ở nhà với mẹ, tức là cố gắng làm hài lòng một người không bao giờ cảm thấy hài lòng, cậu vẫn quyết tâm theo đuổi sở thích của mình và cuối cùng, sau nhiều giờ tập luyện khổ sở trong sự phán xét của Leila, cậu đã được tưởng thưởng khi được chọn vào ban nhạc lễ của trường để chào mừng Ngày kỷ niệm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ Nhất. Ngày 11 tháng 11 hằng năm là ngày lễ kỷ niệm việc ký kết Hiệp ước chấm dứt Thế chiến Thứ Nhất. Toàn thể học sinh Rosehill đến nhà thi đấu dự lễ tưởng niệm những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến. Đã thành truyền thống, các học sinh chơi kèn trumpet sẽ đứng hai bên cửa dẫn vào nhà thi đấu và sẽ tuần tự thổi “nhạc hiệu đón khách”. Một người sẽ thổi những nốt dum da dum đầu tiên, và người khác sẽ hòa theo dum da DUM và cứ thế tiếp tục. Vào năm đó, kỹ năng chơi kèn cornet của Warren đã tiến bộ đủ giúp cậu được tham gia vào nhóm kèn. Cậu thức dậy vào sáng sớm, hồ hởi vì kỳ vọng vào buổi biểu diễn trước toàn trường. Warren đứng trước cửa vào nhà thi đấu với cây kèn cornet, người thổi trumpet đầu tiên thổi dum da DUM. Nhưng ở tiếng dum thứ hai, cậu ta chạm cả vào một nốt nào đó. “Cả thế giới trước mắt tôi như sụp đổ, bởi vì tôi không biết thổi thế nào để đáp lại. Tôi không được chuẩn bị cho tình huống này. Thế là tôi cứ đứng nghệch ra - giây phút trọng đại của đời tôi đã kết thúc như thế.” Cậu có nên chơi theo nốt thổi sai của người thổi trumpet hay làm ngược lại? Cảnh tượng này đã in dấu mãi mãi vào tâm trí cậu. Những năm tiếp theo, trong bất cứ lớp nhạc nào mà cậu theo học, nếu nói rằng cậu có thể chơi bất kỳ nốt nào, là một điều không tưởng. Cậu đã học được một bài học: Đó là dường như mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi đi suốt cuộc đời trong vai của một người thổi kèn phụ họa - dễ, ấy là cho đến khi người kia thổi sai một nốt nào đó.