🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan Ebooks Nhóm Zalo KEVIN PAU HỌC KHÔN NGOAN MÀ KHÔNG GIAN NAN Bản quyền tiếng Việt © Công ty Sách Alpha NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG – XÃ HỘI Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Ebook thực hiện dành cho những bạn chưa có điều kiện mua sách. Nếu bạn có khả năng hãy mua sách gốc để ủng hộ tác giả, người dịch và Nhà Xuất Bản Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Tặng cha mẹ tôi, Doreen và Clive Paul. Tôi rất ham học. Tôi đã nhận được món quà kỳ diệu này từ họ và tôi luôn mang nó theo mình. Dành cho sinh viên mọi thời đại – những ai mong muốn trở thành người học có hiệu quả nhất – và dành cho những bậc phụ huynh muốn gửi tặng món quà này cho con em mình. Lời tựa Dân gian có câu: "Cần cù bù thông minh", chăm chỉ bù đắp cho sự thiếu khôn ngoan. Quan niệm ấy dường như đã đặt vai trò của giáo dục sang bên lề, cũng có thể bởi quan niệm về giáo dục khi ấy còn nặng tính giáo huấn, truyền thụ kiến thức chứ chưa quan tâm tới việc giúp người học tiếp thu và vận dụng kiến thức một cách hiệu quả nhất. Hiệu quả ở đây bao hàm việc vận dụng đúng việc, đúng cách, đúng nơi, đúng lúc, có sáng tạo và vì con người. Trí thông minh, đối với quan điểm giáo dục hiện đại, một phần lớn là do rèn luyện mà nên. Hơn lúc nào hết, thuyết "đa trí thông minh" cần được quan tâmvà nhìn nhận trên bình diện toàn cầu. Giáo dục toàn diện không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn giúp người học phát triển toàn diện thông qua kỹ năng học tập và sử dụng một cách hiệu quả và bền vững các loại hình trí thông minh. Cùng với nhiều nhà nghiên cứu giáo dục tiên tiến, Kevin Paul đã rất thành công với cuốn sách Study Smarter, Not Harder (Học khôn ngoan mà không gian nan), một cuốn chỉ dẫn rất tốt dành cho tất cả những đối tượng cảm thấy có áp lực trong học tập. Đọc xong cuốn sách, có lẽ lúc đó nhiều người mới thật sự hiểu thế nào là học tập. Cuốn sách giúp người đọc − người học − tìm được đúng cách thức học tập tùy theo nội dung và thời điểm, và khám phá những loại hình trí thông minh của chính mình. Mọi công việc đều có những quy trình bảo đảm tính hệ thống và kết quả của công việc. Học tập cũng vậy. Kevin Paul giúp cho độc giả thấy được tầm quan trọng của bước chuẩn bị cũng như của việc xác định mục tiêu học tập. Tác giả cũng cung cấp những kỹ năng cần thiết cho việc tạo động lực học tập, ghi chép, ghi nhớ, liên hệ vận dụng và khả năng tập trung. Hơn lúc nào hết, giáo dục ngày nay phải đặt kỹ năng ngang với kiến thức, trải nghiệm ngang với lý thuyết, rèn luyện ngang với năng khiếu. Có như thế, năng lực sáng tạo mới có đủ điều kiện để thăng hoa. Học khôn ngoan mà không gian nan của Kevin Paul, vì vậy, là cuốn sách không thể thiếu đối với bất kỳ người dạy và người học nào trong một môi trường học tập tiên tiến. Thay mặt những người dạy và người học ấy, cảm ơn tác giả và những người đã làm nên giá trị tuyệt vời của cuốn sách. Hà Nội, tháng 8 năm 2008 TRỊNH MINH GIANG Giám đốc Giáo dục Trường Quốc tế VIP Hà Nội. Lời cảm ơn Cuốn sách này chứa đựng nhiều ý tưởng của riêng tôi, đồng thời làm sáng tỏ ý tưởng của nhiều người khác. Tuy nhiên, tôi sẽ không thể có được các ý tưởng cũng như giải thích được chúng nếu tôi không có những cơ hội ngay từ khi mới lập nghiệp, khi bắt đầu công việc của một nhà nghiên cứu, nhà văn trong lĩnh vực học tập và kỹ năng học tập. Tôi muốn cảm ơn Tiến sĩ Horace Beach vì đã tin tưởng thuê một trợ giáo còn thiếu kinh nghiệm về các kỹ năng học tập như tôi. Đặc biệt, tôi xin cảm ơn Tiến sĩ Joe Parsons cùng con trai ông – Shirley Hender là những cố vấn và đồng nghiệp của tôi ở Khoa Tư vấn kỹ năng học tập của Đại học Victoria. Có những cuốn sách tuyệt vời mà qua nhiều năm tháng đã trở thành nền tảng cho quan điểm của tôi về các kỹ năng học tập. Trong đó, hay nhất là các tác phẩm của Walter Paul, Howard Gardner, Colin Rose và Tony Buzan. Tôi khuyên bạn nên đọc những tác phẩm đó cũng như cuốn sách của tôi. Karin Paul cung cấp cho tôi hiểu biết của một giáo viên trung học và trợ giáo đại học. Tôi cũng cảm ơn cô vì đã kiên nhẫn cùng tôi viết cuốn sách này. Một người nữa tôi muốn cảm ơn là Ruth Wilson. Cô xứng đáng được tặng huân chương vì đã cảm thông và kiên nhẫn nhận những bản thảo rời rạc về biên tập. Sự chuyên nghiệp, tính sáng tạo và năng lực của cô trong ban biên tập đã nâng cuốn sách lên tầm cao hơn, điều mà một mình tôi không bao giờ có thể làm được. PHẦN I . LỜI GIỚI THIỆU Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com 1. Bùng nổ tri thức Bạn có biết cứ sáu tháng một lần, lượng thông tin mới lại được nhân lên gấp đôi? Bạn có biết hầu hết những gì bạn học hôm nay sẽ trở nên lỗi thời chỉ trong hai năm tới? Bạn có lo lắng về việc làm thế nào để theo kịp sự phát triển đó? Bạn có hoang mang trước sự bùng nổ thông tin ở trường học? Ở nơi làm việc? Ở nhà? Điều đó có khiến bạn lo âu hay căng thẳng hoặc cảm thấy bị lạc hậu? Hăng hái lên! Giải pháp cho những vấn đề và nỗi lo của bạn ở gần hơn là bạn tưởng. Câu trả lời đã có trong trí não của bạn. Bạn đã có bộ máy mà bạn cần – bộ não – để thích nghi và phát triển trong một thế giới mà bạn phải không ngừng học hỏi những điều mới mẻ. Tất cả những gì bạn cần là những công cụ giúp bộ máy đó hoạt động hiệu quả hơn hiện tại. Khả năng của bạn lớn tới đâu? Hãy suy nghĩ theo hướng này. Sức mạnh tư duy và tiềm năng học hỏi của bạn giống như khoảng không vô tận. Những gì bạn sử dụng trong thực tế chỉ là những hạt lạc so với khả năng của bạn. Tiềm năng không được sử dụng giống như một khoảng trống lớn chưa được khám phá. Dù khả năng học tập và thành tựu của bạn hiện đang ở mức độ nào, bạn vẫn có thể làm tốt hơn thế! • Nếu bạn từng thi trượt, bạn vẫn có thể đỗ. • Nếu bạn đã thi đỗ, bạn có thể đạt được điểm B. • Nếu bạn đã đạt điểm B, bạn có thể vươn tới điểm A. • Nếu bạn đạt được điểm A rồi, bạn vẫn có thể làm tốt hơn. Để bắt đầu con đường đạt đến một kiểu làm chủ học tập mà tiềm năng của bạn hứa hẹn, bạn cần ba điều: 1. Ước vọng trở thành người học tập giỏi hơn. Chọn một cuốn sách như cuốn sách này là điểm khởi đầu. Nó cho thấy bạn mong muốn mở rộng chân trời kiến thức của mình. 2. Niềm tin vào bản thân. Lòng tự trọng cao là một yếu tố quan trọng cho mọi thành công và điều này đặc biệt đúng trong việc nghiên cứu và học tập. Chương 2 và 3 sẽ mang đến cho bạn một vài nền tảng cơ bản trong việc nhìn nhận khả năng học tập của mình theo cách hoàn toàn mới mẻ. Nó là phương tiện cho thấy tiềm năng đạt được điểm A trong bất cứ việc gì không phải là chuyện không tưởng. Chương 4, 5 và 6 sẽ chỉ cho bạn cách thức xây dựng nền tảng đó dựa trên niềm tin vào chính bản thân và phát huy nó trong mỗi học kỳ. 3. Một hộp công cụ không đáy. Có ước vọng và lòng tự trọng là tốt, nhưng chúng sẽ trở nên vô dụng nếu không có những phương pháp để xây dựng dựa trên nền tảng đó và sử dụng nó trong thực tiễn. Một ngôi nhà không thể đứng vững nếu thiếu nền móng, bạn cũng không thể sống trên nền móng. Bạn phải xây dựng từ nền móng đó. Các chương khác trong Phần II hướng dẫn bạn cách thức phát triển các công cụ học tập được xây dựng từ nền tảng của bạn. Bây giờ, việc chọn bước tiếp theo hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Đó là tránh xa nỗi lo lắng về bài tập trên lớp và sự bùng nổ thông tin trên thế giới. Hoặc là hướng đến phát triển một hình thức tư duy có khả năng giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của bạn một cách dễ dàng và vui vẻ. 2. Bạn có thể học bất cứ điều gì Chúc mừng bạn đã đặt bước chân đầu tiên trên con đường làm chủ cuộc đời mình. Làm chủ điều gì? Bạn có thể làm chủ bất cứ thứ gì bạn muốn học, dù đó là bằng tốt nghiệp trung học, chương trình học nghề ở trường cao đẳng, các khóa học cấp chứng chỉ của trường đại học, hội thảo đào tạo về bán hàng hay kỳ thi cấp giấy phép chuyên nghiệp. Không có giới hạn nào. Bạn có thể học bất cứ thứ gì bạn muốn nếu đánh thức được tài năng thiên bẩm trong bạn. Khả năng và tiềm năng là những thứ vô cùng thú vị. 1. Bạn là một thiên tài Đúng thế, điều bạn vừa đọc là chính xác. Đó là THIÊN TÀI! Cuốn sách này giúp bạn bộc lộ tài năng thiên bẩm của mình. Đúng vậy! Bạn có tiềm năng học tập và đạt được các kết quả học tập ở mức độ của một thiên tài thật sự. Đây không phải là sự thổi phồng. Có nhiều cách thức học tập và nghiên cứu vất vả, gian khổ nhưng cuối cùng lại vô ích và tình trạng của bạn còn tồi tệ hơn trước đó. Bạn có thể có một vài kinh nghiệm cá nhân về hình thức giáo dục kiểu này. Ngược lại, có nhiều cách thức học tập và nghiên cứu không chỉ giúp bạn có thêmhiểu biết mà còn tăng cường trí thông minh vốn có của bạn. Nghe không khả thi chút nào phải không? Phải chăng ngay từ khi bạn sinh ra, trí thông minh đã ăn sâu vào đá và bạn không thể thay đổi được nó? Nghiên cứu cho thấy việc tiêu tốn quá nhiều thời gian vào xem tivi sẽ làm giảmchỉ số IQ. Nếu việc đó có thể thay đổi theo hướng tiêu cực thì tất nhiên là nó cũng có thể uốn nắn theo hướng tích cực. Tin hay không thì bạn cũng đã là một người học tập có hiệu quả đến mức đáng kinh ngạc. Học “nói” và học “đi” là hai trong số những hoạt động phức tạp nhất mà con người làm được. Không thể tổng hợp được tất cả thành tựu cơ bản của con người. Phải có khả năng học tập công phu mới có thể học đi và học nói. Nghiên cứu cho thấy thậm chí lái xe hơi cần nhiều năng lượng của não bộ hơn lái phi thuyền tới mặt trăng. Để hồi tưởng xem mình đã là một người học tập tốt thế nào, hãy làm theo bài tập sau: viết ra giấy tất cả những gì bạn đã học được trong đời mà không liên quan tới việc học ở trường. Nên bắt đầu với danh sách dưới đây (bạn có thể áp dụng một số hoặc tất cả hoạt động này): • đi bộ và chạy; • trò chuyện – ít nhất là bằng một ngôn ngữ; • đi xe đạp; • lái xe hơi; • bơi; • đưa ra chỉ dẫn; • trồng một khu vườn; • sơn ngôi nhà của bạn; • là quần áo; • trông trẻ; • làm mô hình máy bay; • nướng bánh. Tự lập ra một danh sách của riêng bạn. Nó sẽ cho bạn thấy trên cương vị của một người học tập ở mức cơ bản thì bạn đã giỏi giang thế nào mà không cần phải thật sự cố gắng. Hãy tưởng tượng những gì bạn có thể hoàn thành nếu bạn làm việc có sự hướng dẫn đúng đắn. Chương 3 là sự khái quát đơn giản về cách thức hoạt động của não bộ và trí thông minh. Bạn sẽ thấy thật tự nhiên là não bộ có thể hoạt động ở các cấp độ thiên tài. Con người thông thường chỉ sử dụng từ 2-10% khả năng của não bộ (tùy thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu) để suy nghĩ ở mức độ cao. Hãy tưởng tượng bạn có thể trở thành người như thế nào nếu bạn biết cách phát huy phần tiềm năng còn lại trong bạn. Thậm chí, nếu bạn học được cách điều khiển chỉ một phần nhỏ của kho tàng tri thức chưa được khai thác, bạn có thể đạt được những thứ mà trước đó chỉ thấy trong mơ. Phẩm chất mà chúng ta coi là “thiên tài” không nằm ngoài khả năng hiện tại của chúng ta. Thật sự người được coi là thiên tài chỉ là người sử dụng khả năng của não bộ cao hơn, gần đến mức giới hạn tiềm năng to lớn của nó. Thiên tài dường như là độc nhất và không thể đạt tới, duy chỉ có vài người thể hiện được ở mức độ đó. Nhưng nếu có phương pháp rèn luyện đúng đắn, bạn cũng sẽ đạt đến cấp độ đó. Nó sẽ thuộc về bạn nếu bạn sẵn sàng làm việc để đạt được nó. Ở đây không có phép màu, không có dược phẩm, sự can thiệp của thần thánh hay các mẹo thay đổi tư duy. Cũng không có gì là đặc biệt khó khăn. Trên thực tế, khi bắt đầu áp dụng các chiến lược và bài tập “luyện não” trong cuốn sách này, bạn sẽ ngạc nhiên trước số lượng khả năng của mình. Một khi bạn biết được các chìa khóa để tăng cường năng lực của não, thì các kỹ năng cần thiết để phát triển năng lực đó cũng rất rõ ràng. Tuy nhiên, đây không phải là cách lắp ghép mau chóng các vấn đề về nghiên cứu với học tập. Bạn phải tự cam kết rèn luyện bền bỉ và kiên định với các kỹ năng có thể biến bạn thành một thiên tài học tập. Nhưng nếu bạn sử dụng thời gian một cách khôn ngoan, nếu bạn học tập thông minh hơn và không bao giờ bỏ cuộc thì kết quả đạt được sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Bạn sẽ có những tiến bộ dễ nhận thấy gần như ngay lập tức, nhưng những bước nhảy vọt lâu bền sẽ chỉ đến sau nhiều tháng làm việc. Nếu bạn luôn bền bỉ, miệt mài, các kết quả và thành tựu bạn đạt được sẽ minh chứng cho mọi người thấy bạn là một thiên tài. 2. Ai có thể làm được việc này? Giới hạn duy nhất của vấn đề này là nó hiệu quả nhất đối với thanh thiếu niên và độ tuổi lớn hơn. Trẻ em thông thường cần nhiều chỉ dẫn hơn, mặc dù có một số bài tập có thể áp dụng được. Không bao giờ là quá sớm đối với các bậc phụ huynh và giáo viên trong việc khuyến khích bọn trẻ yêu thích việc học cách vận dụng nhiều loại hình “trí thông minh”, nhưng các kỹ năng nghiên cứu đặc biệt trong cuốn sách này lại không phù hợp với trẻ em. Không có giới hạn đối với những người cao tuổi khi sử dụng cách tiếp cận này. Bất cứ độ tuổi nào. Bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống. Dù bạn bắt đầu từ đâu và từ lúc nào, bạn đều có thể tăng cường trí thông minh và khả năng học tập của mình. Thật là sai lầm nếu cho rằng bạn sẽ mất đi khả năng học tập những điều mới mẻ hay không thể tiếp thu nhanh khi bạn ngày càng nhiều tuổi. Sự thật là trí tuệ cũng giống cơ bắp: nếu bạn không luyện tập, cơ bắp sẽ yếu đi; ngược lại, nếu bạn rèn luyện, nó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Chương 3 đề cập đến vấn đề sinh lý học của bộ não yếu tố giúp bạn đạt được điều này. Phương pháp này sẽ có hiệu quả trong bất kỳ nhiệm vụ học tập nào. Bạn sẽ đạt được những thành công chưa từng có trong bất cứ môi trường nào: học chính khóa ở trường, các bài kiểm tra và rèn luyện, các kế hoạch học tập cá nhân, sắp xếp việc học không chính quy. Bạn sẽ thấy những kết quả khả quan cho dù trước đó bạn đã có những trải nghiệm tồi tệ về việc học chính quy ở trường. Không cần thiết phải đánh giá quá khứ của bạn phải ngang bằng với tương lai. Trên thực tế, nếu bạn đã từng học rất tồi ở trường thì bạn sẽ càng nhanh chóng thấy được sự khác biệt. 3. Việc này có thể diễn ra như thế nào? Bộ não của bạn cũng giống như một siêu máy tính đã được cài đặt và kích hoạt nhưng lại không có bản hướng dẫn sử dụng. Hãy coi đây là khóa học giới thiệu cách sử dụng siêu máy tính của bạn. Niềm tin vào tiềm năng của bạn dựa trên thực tế sinh học và tâm lý học của bộ não và những gì khoa học đã nghiên cứu về trí thông minh suốt 30 năm qua. Chương 3 cung cấp cho bạn một số kiến thức về cách thức hoạt động của bộ não. Chương 4, 5 và 6 chỉ cho bạn cách áp dụng nó để tiếp tục hoàn thiện ba nền tảng cơ bản của việc học tập xuất sắc: sự chuẩn bị, trí nhớ và tính tập trung. Tại sao phương pháp này lại hiệu quả? Bởi vì nó rất tự nhiên. Nó nhận ra cách học tự nhiên của bạn và giúp bạn tìm lại cách sử dụng nó. 4. Tại sao việc khơi dậy tài năng thiên bẩm của bạn lại quan trọng? Trở thành một người học tập thành công không còn là vấn đề về lựa chọn hay chỉ là sự ưu tiên. Đó là sự cần thiết để tồn tại và phát triển trong “thời đại thông tin”. Tương lai thuộc về những người học tập. Dù chúng ta được cung cấp thông tin từ rất nhiều phương tiện đại chúng, thì chúng ta vẫn đang sống trong một thời đại có tốc độ thay đổi nhanh hơn bất kỳ thời đại nào khác trong lịch sử loài người. Mỗi năm, có từ 20-30% những điều chúng ta học và hiểu về thế giới trở nên lỗi thời. Cho đến cuối thế kỷ XIX và XX, sức mạnh cơ bắp đã có tác động lớn tới thành công cá nhân. Mặc dù năng lực trí tuệ của con người vẫn phát triển, nhưng hầu hết các thành công cá nhân (như của thợ săn/người đi hái lượm trong thời kỳ đồ đá, nông dân trong thời đại nông nghiệp hay công nhân nhà máy trong thời đại công nghiệp) đều phụ thuộc vào sức chịu đựng của cơ thể đối với công việc tay chân nặng nhọc. Hiện nay và trong tương lai, sức mạnh tư duy sẽ chiếm ưu thế. Của cải và nghề nghiệp không còn nằm trong đất hay trong hàng hóa vật chất. Tri thức chính là của cải. Ở đâu có nghề nghiệp và sự bảo đảm, ở đó có tri thức. Khi bạn kết hợp tỷ lệ đáng kinh ngạc của tri thức lỗi thời với thực tế ngày nay tri thức là hàng hóa thương mại có giá trị nhất trên trái đất, bạn sẽ hiểu giá trị của việc học hỏi phương thức học tập. Bạn cũng bắt đầu nhìn nhận các môn học ở trường phổ thông và đại học theo một phương diện hoàn toàn mới mẻ. Đó không phải là nội dung có ý nghĩa quan trọng lắm, vì có thể nó sẽ trở nên vô nghĩa trong vài năm tới – đặc biệt là trong khoa học và công nghệ. Đúng hơn, đó là sự rèn luyện mang giá trị cơ bản mà bạn nhận được từ việc học hỏi phương thức học tập. Mỗi môn học đóng góp cho việc rèn luyện và thực hành một “trí thông minh” khác. Đọc Chương 3, bạn sẽ nhận thấy mình thật sự có nhiều trí thông minh chứ không chỉ có một. Học toán, lịch sử, hóa học, âm nhạc và hội họa đều giúp phát triển một kiểu trí thông minh riêng. Bạn cần phát triển tất cả trí thông minh của mình nếu muốn có tất cả sức chứa gần như vô hạn trong bộ não của bạn để học tập. Nếu hiện tại bạn không còn đi học, bạn có thể áp dụng với chính bản thân. Nhưng nếu bạn đang học ở trường, bạn sẽ có nền tảng rèn luyện hoàn hảo để áp dụng các kỹ thuật và khái niệm trong cuốn sách này. Giống như một vận động viên thực hành các phương pháp khác nhau để phát triển khả năng chịu đựng đa dạng của cơ thể (ví dụ như chạy để phát triển năng lực aerobic, tập tạ để tăng cường sức mạnh cơ bắp, kéo co để gia tăng tính linh hoạt), những người học tập xuất sắc nên thoải mái với việc phát triển nhiều trí thông minh, không chỉ ưu tiên một hay hai trí thông minh mà mình thích. Phương thức học tập là kỹ năng giá trị nhất mà bạn có thể học ngày nay. Sẽ là không đủ nếu bạn cho rằng những ngày học tập của mình đã kết thúc khi tốt nghiệp trung học hay khi có được tấm bằng cử nhân. Để thành công trong một thế giới nơi mà tri thức là chìa khóa, bạn phải có trình độ chuyên môn và kỹ năng để có được tri thức và biến nó thành một phần của bạn. Đây là một quá trình liên tục. Hoặc là bạn học cách học tập và yêu thích nó, hoặc bạn sẽ tụt lại phía sau và phải vật lộn suốt cuộc đời. Tôi tin rằng sai lầm lớn nhất của những nhà hoạch định giáo dục ngày nay là cho rằng việc lập ra các trường học quan trọng hơn việc tập trung rèn luyện các kỹ năng. Đây là sự lãng phí thời gian một cách ngu ngốc. Xã hội công nghệ, tốc độ cao của chúng ta đang thay đổi nhanh đến mức bất cứ kỹ năng đặc biệt nào được dạy và bất cứ kiến thức nào được truyền đạt sẽ có 50% trở thành vô dụng khi khi khóa học kết thúc, 100% sẽ không còn tác dụng khi bạn đi làm được hai năm. Khi kiến thức là nguồn tài sản chính, chỉ có kỹ năng sử dụng vốn thời gian vô tận mới mang đến cho bạn khả năng gìn giữ vốn kiến thức cho phần đời còn lại. Nếu trường học không dạy bạn kỹ năng đó, bạn phải tự mình giành lấy nó. Đọc và sử dụng cuốn sách này là bước đầu tiên bạn cần làm. Nhưng khi hoàn cảnh bên ngoài tác động mạnh mẽ đến bạn, khiến bạn trở thành người học tập suốt đời, thì những thành tựu đạt được sẽ là niềm vui bất tận giữ bạn đi trên con đường đó. Chỉ cần hỏi bất kỳ đứa trẻ nào (nếu bạn có thể hiểu những vấn đề phức tạp trong ngôn ngữ của trẻ), bạn cũng sẽ thấy việc học chính là thiên tính và niềm vui. Chìa khóa cho tương lai hoàn toàn nằm trong tầm kiểmsoát của bạn và là khả năng có thể đạt được, nó mang đến cho bạn niềm say mê thật sự. 5. Bắt đầu từ đâu? Trước hết, cuốn sách này mang đến cho bạn một cái nhìn tổng quan, ngắn gọn về lý thuyết và các kỹ năng cơ bản (Phần II), đồng thời cung cấp một loạt bài tập thực hành và chiến lược giúp bạn khởi sự công việc mà bạn yêu thích trong suốt cuộc đời cùng với việc học hỏi (Phần III). Bạn có thể sử dụng ngay những gợi ý và chiến lược rất thực tế trong Phần III nếu bạn có nhu cầu cải thiện nhanh chóng một lĩnh vực nào đó. Một số gợi ý và chiến lược thực tiễn được lắp ghép lại sao cho phù hợp với nhu cầu học hỏi bất cứ điều gì bạn muốn trong cuộc sống. Cũng có nhiều chiến lược và bài tập đặc biệt tập trung vào từng loại hình học tập riêng biệt theo khung giáo dục chuẩn trong các trường phổ thông, đại học hoặc các khóa học chuyên môn (ví dụ như về bảo hiểm và cấp giấy tờ nhà đất). Bạn nên bắt đầu bằng cách đọc Chương 3 và 4. Sau đó rút ra các nguyên lý cơ bản từ Chương 4 và nghiên cứu lại Chương 3. Ý tưởng trong hai chương này tạo thành một sợi dây xuyên suốt phần còn lại của cuốn sách và liên kết tất cả bài tập và gợi ý với nhau. Thậm chí một gợi ý nhỏ nhất cũng được thiết lập sao cho bộ não vẫn làm việc và phát huy được trí thông minh của bạn. 6. Bạn kỳ vọng điều gì? Bạn sẽ không thất bại vì bạn quá thấp bé hay vì làm việc gì đó quá khó, mà vì sức chịu đựng bình thường của con người trước những thay đổi. Tình trạng này được gọi là trạng thái nội cân bằng chống lại sự thay đổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả khi sự thay đổi đó cuối cùng cũng có lợi. Phải có thời gian để phương pháp của bạn quen với nhiều việc khác nhau. Vì vậy không thể có ngay lập tức những kết quả đáng ngạc nhiên. Chúng sẽ đến từ từ và tăng dần lên. Nhưng các kết quả đó là thực tế. Nếu bạn cam kết sẽ học hỏi suốt cuộc đời, coi đó như một phần tất yếu của cuộc đời, kết quả sẽ đến nhanh hơn bạn mong đợi. Thất bại và phạm sai lầm là con đường duy nhất biến sự tiến bộ thành điều mới mẻ. Để có những thành công đáng kinh ngạc thì tỷ lệ thất bại phải tăng gấp đôi. Điều đó không có gì là ngớ ngẩn vì nó có thể xảy ra. Nếu bạn không phạm sai lầm, bạn sẽ không tự thúc đẩy khả năng của mình trong các lĩnh vực mới. Thất bại thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn đầu của một công việc mới hoặc chưa mấy quen thuộc. Thất bại cũng dần biến mất ngay khi bạn đạt được thành công; nó vẫn tiếp tục xảy ra cho đến khi bạn đạt được nhiều thành công hơn sai lầm. Vì vậy, bạn cần phải hy vọng đạt được nhiều thành công. Nếu như lúc bắt đầu bạn thấy không thuận lợi, bạn cần nỗ lực thật nhiều để vượt qua điều phiền toái đó và khám phá ra những điều mới mẻ. Bạn cần có lòng can đảm để nỗ lực không ngừng và bạn sẽ được đền đáp xứng đáng! Hy vọng phải bền bỉ. Nếu bạn thất bại nhiều, bạn càng phải nỗ lực, KHÔNG ĐƯỢC TỪ BỎ chừng nào chưa nhìn thấy những kết quả có triển vọng. Bạn nên thay đổi chiến lược, xem xét lại những gì bạn đang làm, thử làm điều gì mới. Nếu bạn luôn gắn với các nguyên lý trong cuốn sách này, bạn sẽ thành công. Quan trọng nhất là bạn phải mong muốn thấy được hàng loạt kết quả xác thực: • Phát triển hộp công cụ các kỹ năng học tập có khả năng giúp bạn thành công trong bất cứ nhiệm vụ học tập nào; • Tăng hiệu quả học tập lên gấp bốn lần; • Mở rộng khả năng ghi nhớ lên 100 lần và hơn thế nữa; • Nhân đôi và thậm chí nhân ba lần tốc độ đọc và hiểu; • Phát triển động cơ thúc đẩy mạnh mẽ không ngừng nhằm hoàn thành các mục tiêu học tập; • Học cách sử dụng âm nhạc và kỹ năng thư giãn cổ điển để nạp thêm năng lượng cho việc học tập; • Khám phá ra cách biến mỗi nhiệm vụ học tập trở nên phù hợp với cách học cá nhân để đạt những kết quả kinh ngạc. Hãy tìm thêm một vài mẹo và gợi ý khác để tiến hành công việc ngay lập tức. Bạn sẽ trải nghiệm những kết quả tốt nhất nếu bạn dành thời gian để tải vào hộp công cụ nhiều kỹ năng và quan điểm mới về học tập. Tuy nhiên, ngay bây giờ, vấn đề của bạn là tìm đọc một chương trong một cuốn sách đặc biệt khó và vận dụng nó vào công việc một cách tốt nhất. Cuối cùng, xuyên suốt cuốn sách là những ý tưởng và khái niệm được lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây chính là mục đích của cuốn sách. Khi bạn đọc những chương cuối, sự lặp lại này chính là cội nguồn của kỹ năng – đó là làm sao cho những điều bạn đã thu nhận được sẽ tồn tại lâu trong trí nhớ. 7. Vượt ra ngoài vùng thoải mái Bạn hãy đặt mình nằm ngoài vùng thoải mái. Bạn không cần phải làm quá nhiều, nhưng bạn sẽ không tạo nên những tiến bộ đặc biệt trừ phi bạn tham gia vào các lĩnh vực mà trước đó bạn chưa từng đặt chân tới – ví dụ, hát lên những bài học của môn đại số như là một cách ghi nhớ các công thức cho kỳ kiểm tra (không cần phải có người xung quanh nghe bạn). PHẦN II . NHỮNG YẾU TỐ CƠ BẢN 3. Trí óc diệu kỳ và khả năng hiểu biết đáng kinh ngạc 1. Chương này có thể thay đổi cuộc đời bạn Hiểu biết những nét cơ bản về não bộ và về trí thông minh của bạn là điều thật sự có thể thay đổi cuộc đời bạn. Nó sẽ làmthay đổi: • thái độ học tập; • các kết quả học tập; • sản phẩm từ sức sáng tạo; • khả năng giải quyết vấn đề; • thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống đều liên quan tới việc học. Đây không phải là thông tin bí mật. Nó dựa trên những công trình đã được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học xuất sắc (một số người đã đoạt giải Nobel) công bố trong hơn 35 năm qua. Nhiều bác sỹ và giảng viên có tiếng tăm đã tiến hành nghiên cứu trên và cho thấy tính xác thực của nó thông qua các cuốn sách, những buổi hội thảo, hội nghị và các cuốn băng. Tuy vậy, rất ít người biết tới thông tin làm thay đổi cuộc đời này. Nó không nằm trong chương trình giảng dạy chính thức của các trường phổ thông hay cao đẳng. Bạn phải tự nỗ lực để có được nó và đọc cuốn sách này là bước đi đầu tiên. Cuốn sách này lấy những yếu tố tương đồng của cuộc cải cách trong học tập và áp dụng chúng vào những kỹ năng căn bản cần thiết để thiết lập thành công bộ khung giáo dục chính thức, cũng như trong vấn đề học tập chính thức hoặc không chính thức của chương trình đào tạo việc làm. Chương này là bản tóm tắt ngắn gọn một số công trình nghiên cứu phức tạp, nhằmmang đến cho bạn một cái nhìn sâu sắc về những tiềm năng chưa được khai thác trong não bộ và giúp bạn hiểu tại sao lại có những bài tập, chiến lược và chỉ dẫn như vậy. 2. Những con số sẽ thay đổi cuộc đời bạn Thông tin bạn cần có để hiểu những nét cơ bản về bộ não và trí thông minh của mình được cấu thành bởi những con số. Chúng mang đến cho bạn những hiểu biết để hình thành một cái nhìn rõ nét về năng lực tiềm tàng to lớn của bạn. Bạn có biết mình đang sở hữu: • hàng tỷ tỷ tế bào não; • một trăm tỷ nơ ron trong “bộ não tư duy”; • hai mươi nghìn mối liên kết có thể có giữa các nơ ron; • bảy loại hình thông minh; • bốn bước sóng của các kiểu sóng não; • ba bộ não trong một (não hợp nhất); • ba phương thức học tập cơ bản; • hai bên đối với bộ não cao cấp hơn; • một bộ não mà mỗi người đều có một! 3. Không chỉ có một máy tính ở đó Não người được miêu tả như một chiếc máy tính mạnh mẽ nhất. Nó luôn hoạt động chính xác. Trên thực tế, não bộ là một siêu máy tính điện sinh hóa mạnh mẽ đáng kinh ngạc. Nhưng nó còn hơn thế. Mật độ vật chất não và sự hài hòa của hệ thống thông tin hiệu quả giữa các phần đa dạng ở cấp độ kết cấu và siêu nhỏ của não đã đẩy tiến trình tư duy của chúng ta vượt ra khỏi sự máy móc đơn thuần. Chúng ta còn hơn cả những chiếc máy tính to lớn chỉ có khả năng lưu trữ cùng nhiều chức năng tuyến tính. Sinh lý của bộ não khiến chúng ta bước qua ngưỡng cửa vào vương quốc của sự phức tạp, tính sáng tạo và sự tự nhận thức mà các nhà khoa học về máy tính chỉ dám nằmmơ. Những hiểu biết về sinh lý não bộ cùng những khám phá của các nhà khoa học trong 35 năm qua đã khiến các chuyên gia đi tới kết luận là chúng ta chỉ đang sử dụng từ 2-10% tiềm năng của mình để tư duy ở cấp độ cao hơn. Hiểu được mối quan hệ mật thiết của công trình nghiên cứu này đối với việc học tập và nghiên cứu của chúng ta là bước khởi đầu để tiếp cận phần tiềm năng còn lại của bộ não. 3.1 Ba bộ não trong một Não hợp nhất Nhát cắt hình chữ thập trên não người chỉ rõ rằng thật sự có ba não bộ khác nhau trong não người. Tiến sĩ Paul McLean đã tiến hành một nghiên cứu có tính đột phá trong lĩnh vực này và ông chú ý tới hoạt động rất khác biệt trong cả ba phần của cái mà ông đặt tên là “não hợp nhất”: não bò sát, não limbic và vỏ não. Mỗi phần dường như đều phát triển ở các giai đoạn khác nhau trong sự tiến hóa của loài người. 3.1a Não bò sát Não cấp thấp Phần nguyên thủy nhất của não người được đặt tên là “bò sát” (reptilian) vì nó chi phối những cấp độ thấp nhất của suy nghĩ dẫn tới kết quả là những hành vi theo bản năng của chúng ta liên quan tới loài bò sát. Cùng với việc giám sát và điều chỉnh những chức năng tự động của cơ thể như thở, nhịp tim và đói, não bò sát cũng là trung ương cảm nhận của chúng ta về lãnh thổ và sự “phản ứng hoặc bỏ chạy” trước hiểm nguy. Những bản năng này có liên hệ mật thiết tới sự an toàn và sự sống còn của con người và chúng cư ngụ trong phần nguyên sơ nhất này của bộ não. Một yếu tố trong chức năng hoạt động của phần não này đặc biệt phù hợp với việc học tập. Khi não bò sát chế ngự hành vi (ví dụ như khi chúng ta bị tấn công bất ngờ và phản ứng lại theo bản năng), chúng ta tiếp cận được một chút tới các chức năng não cấp cao. Trong thực tế, bất kỳ cấp độ căng thẳng tiêu cực nào cũng sẽ gây ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, nghĩa là trạng thái học tập tốt nhất của trí óc là càng ít căng thẳng càng tốt. 3.1b Não limbic Não giữa Não limbic, hay còn gọi là não giữa, thực hiện nhiều chức năng não phức tạp hơn bản sao của nó ở cấp độ thấp hơn. Nó phát triển theo não bò sát và được xếp vào vị trí hàng đầu một cách tự nhiên. Não giữa cũng thường được nhắc đến dưới cái tên não “động vật có vú” do nó có các chức năng giống với não của hầu hết các loài động vật có vú. Nó là nơi trú ngự đầu tiên của những cảm xúc, sự điều chỉnh của các hệ thống miễn dịch, hệ thống hoocmôn và giới tính. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng não limbic là kho lưu trữ chính của trí nhớ dài hạn. Trạng thái gần gũi với nơi trú ngụ của các trung tâm cảm xúc mạnh mẽ nhất có mối quan hệ mật thiết với trí nhớ và việc học tập. Bạn sẽ đọc thấy trong Chương 5, một trong những chìa khóa dẫn tới trí nhớ chính là sự liên tưởng và liên tưởng mạnh mẽ nhất là những liên tưởng chứa đựng cảm xúc. Nó tạo cho bạn cảm giác mỗi khi bạn nghĩ đến những ký ức mạnh mẽ nhất trong cuộc đời như cảm giác về mối tình đầu, về sự ra đời của một đứa trẻ, về cái chết của người mà bạn yêu quý hay về món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất mà bạn từng nhận được,… Bạn có thể nhớ chi tiết hơn những sự kiện giàu cảm xúc xảy ra nhiều nămtrước so với những điều tầm thường xảy ra tuần trước. Cảm xúc là chìa khóa dẫn tới những ký ức mạnh mẽ. 3.1c Vỏ não Não cấp cao Não “cấp cao” nằm ở lớp ngoài cùng và cao nhất của bộ não. Đó là vỏ não. Đây chính là bộ phận giúp chúng ta tư duy. Nó chứa đựng những trí thông minh cao cấp hơn của con người như là khả năng suy luận, đặt ra mục tiêu và lập kế hoạch, phát triển ngôn ngữ, nắm bắt được khái niệm trừu tượng. Lớp này chỉ dày 0,6 cm nhưng các nếp gấp và nếp cuộn (tạo nên hình dáng nhăn nheo) chứa đựng diện tích to lớn của nó. Nó khiến chúng ta ý thức được về tất cả những gì chúng ta tiếp nhận và thiết lập nhận thức của chúng ta về thế giới và bản thân theo nhiều phương thức khác nhau. 3.1d Ba bộ não hoạt động trong một Ba bộ não nói trên không hoạt động độc lập mà kết nối với nhau thông qua những tế bào chuyên biệt và những cấu trúc có tác dụng như mắt xích kết nối giữa chúng. Trong trạng thái “thư giãn nhưng tỉnh táo” – trạng thái tốt nhất giúp học tập đạt hiệu quả, mắt xích kết nối đó được mở ra và vô cùng hữu hiệu. Khi chúng ta bị stress nặng và cơ thể gặp nguy hiểm hoặc cảm xúc bị tổn thương, sự kết nối với các chức năng não cấp cao bị ngắt đi và chúng ta bị não bò sát và não limbic chi phối. 3.2 Phát huy cấu tạo của bộ não để học tập ở mức tối đa Các nơ ron Bộ não có hàng tỷ tỷ tế bào. Riêng vỏ não có hơn 100 tỷ tế bào hoạt động, được gọi là các nơ ron. Bản thân mỗi nơ ron đều có sức mạnh lớn hơn hầu hết các máy tính trên hành tinh này. Nó có hàng triệu máy bơm và máy điều hòa làm việc ở các mức độ khác nhau, cùng vô vàn chức năng khác của nơ ron. Thật đáng kinh ngạc! Các hình cây và dây thần kinh (axon) Tuy nhiên, không phải số lượng siêu máy tính nhỏ bé này quyết định trí thông minh. Mỗi nơ ron có khả năng tạo ra 20 nghìn mối kết nối khác nhau với các nơ ron khác. Nó hoạt động với các cấu trúc được gọi là “hình cây” và “axon”, rẽ nhánh ra từ thân chính của tế bào. Có nhiều hình cây nhỏ hơn so với các axon lớn hơn và chúng là các yếu tố chính trong mạng lưới giao tiếp rộng lớn cấu thành nên vỏ não. Các hình cây giống với các kết nối điện thoại hơn, trong khi các axon lại giống cáp quang dung lượng cao dùng để truyền tin hiệu quả ở khoảng cách xa. Nó cũng giống như là một mạng Internet rộng lớn trong đầu. Nói một cách đơn giản, trí thông minh là một chức năng bao gồm hai nhân tố: 1. Số lượng nơ ron chức năng; 2. Số lượng kết nối hình cây bên trong não (cái này quan trọng hơn). Trước tiên, ta cần xác định kích cỡ và khả năng tiềm ẩn của não. Không có khác biệt lớn giữa các cá nhân. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng cơ bản tương tự nhau. Não của bạn có khả năng tiếp thu tương tự với não của Einstein hay da Vinci. Khác biệt thật sự là ở số lượng kết nối giữa mỗi nơ ron. Đây là nơi tạo nên các thiên tài. Không bao giờ là quá muộn để phát triển trí thông minh. Các nhà khoa học đã nhận thấy rằng khả năng gia tăng mật độ của não bằng cách kích thích phát triển các kết nối hình cây mới liên tục suốt đời không bị suy giảm cùng tuổi tác. Bạn có thể trở thành một thiên tài. Khi bạn thử thách khả năng tiếp thu về mặt tinh thần bằng cách học những điều mới mẻ và vượt ra khỏi vùng thư giãn trí óc của mình, bạn sẽ tạo ra những hình cây mới cùng những kết nối mới tới các phần khác trong não. Bạn sẽ gia tăng trí thông minh của bản thân! Tuy vậy, nếu bạn dừng quá trình này lại, giống như nhiều người trong số chúng ta bỏ việc học ở trường và thấy bản thân ngập trong áp lực của công việc và gia đình, bạn sẽ thật sự mất đi mật độ dày đặc của não. Bạn cũng sẽ mất đi các khối và các kết nối hình cây. Bạn cũng mất luôn trí thông minh. Một tin vui là bạn sẽ không mất đi tiềmnăng để có lại được đẳng cấp ban đầu và thậm chí còn có thể tiến xa hơn. Điều này có thể khó tin, đặc biệt là khi càng lớn tuổi, bạn sẽ nhận thấy việc cố gắng học những điều mới mẻ khó khăn hơn nhiều so với hồi còn nhỏ. Nên nhớ rằng, nếu bạn không học trong một thời gian dài thì cần phải có thời gian để làm nóng khả năng học tập của bạn và chỉnh đốn lại bản thân để học những điều mới. Nếu bạn không thúc đẩy não hoạt động trong 5, 10 hoặc 20 năm, sẽ rất khó để hy vọng là bạn có thể ngay lập tức nắm bắt được quá trình hoạt động của mọi thứ giống như một sinh viên có kinh nghiệm.