🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Học Cách Tiêu Tiền Ebooks Nhóm Zalo HỌC CÁCH TIÊU TIỀN Đừng để cháy túi vì “bóc ngắn cắn dài” YOU’RE BROKE BECAUSE YOU WANT TO BE Tác giả: Larry Winget Bản quyền tiếng Việt © 2010 Công ty Sách Alpha Nghiêm Huyền dịch Nhà Xuất bản Lao Động – Xã Hội Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Lời tựa Cầm trên tay cuốn sách này, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên với tiêu đề của nó? Học cách tiêu tiền, bạn từng nghe lần nào chưa? Mọi người vẫn cho rằng tiêu tiền là một việc hết sức tự nhiên và dễ nhất trần đời. Chúng ta chi tiền cho những nhu cầu cá nhân: thực phẩm, quần áo, giải trí,… Quan trọng là bạn có tiền hay không? Bạn kiếm tiền như thế nào? Và, làm thế nào để kiếm được thật nhiều tiền? Khi đã có tiền thì việc tiêu tiền thật đơn giản!!! Nếu bạn từng suy nghĩ như vậy thì việc bạn “vung tay quá trán” cũng là điều dễ hiểu. Tiền bạc luôn là một trong những vấn đề quan trọng của cuộc sống. Có thể, tiền không là mục tiêu hàng đầu đối với bạn, nhưng tiền lại có tác động đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống, những ước mơ, dự định trong tương lai của bạn đều ít nhiều chịu sự chi phối của đồng tiền. Nghe có vẻ to tát quá phải không bạn? Vậy hãy nghĩ đến những việc đơn giản hơn như mua đồ ăn, quần áo, xăng xe; đi chơi, đi xem phim, đi ăn nhà hàng; theo học bậc đại học, sách vở, dụng cụ học tập… tất cả đều cần có tiền. Tiêu tiền là một hành động quá đỗi bình thường, nhưng không có nghĩa là mọi người đều đã biết cách tiêu tiền. Tác giả Larry Winget – diễn giả, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng tại Mỹ – qua nhiều trải nghiệm quý báu, đã đem đến cho người đọc cái nhìn mới mẻ và thực tế về cách quản lý chi tiêu cá nhân. Cùng với lối diễn đạt thẳng thắn nhưng không kém phần hài hước, Larry đã đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong hành trình khám phá sự thật “xấu xí” về tiền bạc. Ông chỉ ra rằng chính cách chi tiêu cùng lối suy nghĩ của mọi người về vấn đề tiền bạc, chứ không phải nguyên nhân nào khác, đã khiến họ lâm vào tình cảnh “cháy túi” và nợ nần chồng chất. Trong cuốn sách này, Larry Winget đưa ra những phương pháp rõ ràng, cụ thể và dễ áp dụng để kiểm soát chi tiêu. Đó là những việc làm hết sức đơn giản nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ, như bỏ truyền hình cáp, hạn chế đi ăn nhà hàng, dọn dẹp nhà cửa,… hay những việc làm mang tính dài hạn như lên kế hoạch chi tiêu hàng tháng, chuyển sang một căn hộ mới, dạy dỗ con cái về tài chính… Xen kẽ là những bài tập thực hành nho nhỏ, những câu chuyện, ví dụ đơn giản và gần gũi, giúp người đọc hiểu rõ hơn về thực trạng tài chính của bản thân và có thêm động lực để thoát khỏi tình trạng khó khăn. Bạn đang có một công việc kiếm sống nhưng bạn gặp khó khăn trong việc vươn lên một tầm cao mới? Bạn mong muốn tự chủ về tài chính? Bạn đang ngập trong đống nợ nần và loay hoay tìm cách thoát ra? Bạn chi nhiều hơn thu và không thể tìm ra cách để chấm dứt? Học cách tiêu tiền chính là giải pháp cho những vấn đề đó. Chúng tôi xuất bản cuốn sách này với mục đích giúp bạn hiểu thêm về lĩnh vực tài chính cá nhân cũng như nhanh chóng có được phương pháp quản lý chi tiêu hiệu quả. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn. Tháng 06 năm 2010 Công ty Sách Alpha Giới thiệu Sự khác biệt giữa nghèo đói và khánh kiệt TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU, HÃY CHẮC CHẮN RẰNG CHÚNG TA HIỂU NHAU. Theo tôi, bạn khánh kiệt vì bạn muốn thế. Đừng chỉ trích tôi bởi câu nói này. Xin đừng nói rằng, “Larry, vậy những người nghèo thì sao? Họ không hề muốn bị khánh kiệt.” Đúng là một câu hỏi hay. Bạn hoàn toàn đúng. Tôi không nói về sự nghèo túng. Tôi thấy nghèo túng là một tình cảnh rất tồi tệ. Chúa Jesus đã nói: “Sự nghèo túng sẽ bám riết theo bạn.” Và chúng sẽ luôn theo bạn. Có những người đang sống trong những xã hội và đất nước, nơi họ không có cơ hội để tiến lên và tất cả nỗ lực của họ chỉ đơn giản là để tồn tại. Họ không có đủ lương thực để ăn hay sống khỏe mạnh, thậm chí họ không có khả năng để chăm sóc chính bản thân họ. Vậy chúng ta hãy khởi đầu bằng cách suy luận theo hướng này, bạn sẽ thoát khỏi lối suy nghĩ cũ và hiểu được những gì tôi đang đề cập đến. Tôi không viết cuốn sách này cho những người nghèo túng trên thế giới. Tôi chắc chắn rằng việc giúp đỡ những người thực sự nghèo túng có ý nghĩa hơn nhiều so với việc đưa cho họ một cuốn sách. Bằng không đó chỉ là một sự xúc phạm đối với họ mà thôi. Tôi đang nói về sự túng quẫn, sự khánh kiệt. Sự túng quẫn không phải là một tình cảnh giống như nghèo túng. Khánh kiệt là hoàn cảnh khi bạn không kiếm được tiền mà lại chi tiêu vượt quá mức thu nhập, và bạn “cháy túi”. Tôi không thể ngăn cản được sự nghèo túng mặc dù tôi rất muốn làm điều đó. Tôi có giỏi cũng không làm được điều đó. Tôi chỉ có thể ngăn cản được sự túng quẫn. Đó là những gì cuốn sách này hướng đến. Hãy đọc nó và tìm ra phương pháp để cải thiện tình cảnh của bạn. Khi đó, bạn sẽ không bao giờ rơi vào tình cảnh túng quẫn nữa. Bạn có thể tiến lên phía trước và sống cuộc sống mà bạn mong muốn. Tôi sẽ chỉ cho bạn cách thức đạt được điều đó, từng bước từng bước một. Tôi viết cuốn sách này cho những người bình thường, có một công việc để kiếm sống nhưng dường như không thể khấm khá lên được. Nếu bạn mong muốn trở thành người giàu có, nhưng giấc mơ giàu sang của bạn lại không thể trở thành hiện thực; nếu bạn sẵn sàng vật lộn với cuộc sống để giành sự tự chủ về tài chính; nếu bạn đang chìm ngập trong nợ nần và không thể thoát khỏi vòng quay hết hóa đơn này đến hóa đơn khác; nếu bạn chi tiêu nhiều hơn thu nhập và không thể tìm ra cách để chấm dứt tình trạng đó, thì cuốn sáchnàychínhlàmónquàdànhchobạn!Bạnsẽcầmnólênchứ? Bây giờ, hãy quay lại tiêu đề của cuốn sách Chắc chắn bạn đã đọc tiêu đề của cuốn sách này rồi. Phải “Học cách tiêu tiền”. Bạn “cháy túi” vì “bóc ngắn cắn dài”. “Sao anh có thể nói thế? Anh còn chưa biết tôi là ai cơ mà! Anh đừng có ngồi một chỗ nói rằng tôi muốn bị rơi vào cảnh khánh kiệt khi chẳng biết gì về tôi cả!” Đây chính là cách tôi biết điều đó: Nếu bạn không muốn rơi vào cảnh khánh kiệt, bạn sẽ không thể bị khánh kiệt được. Điều này rất đơn giản. Những gì bạn nói về mong muốn của bạn đều không có ý nghĩa. Khi hành động của bạn mâu thuẫn với lời nói, thì lời nói của bạn chưa hẳn đã là điều tệ nhất. Đây có thể là một ý tưởng mới cho bạn. Điều này không thành vấn đề! Sắp xếp mục đích song hành cùng với hành động sẽ giúp chúng ta làm tốt hơn. Đó là chìa khóa để khơi dậy tiềm năng của bạn, giúp bạn thoát khỏi cảnh nợ nần và tiến lên phía trước. Bạn có thể học được điều này, nhưng đổi lại bạn phải từ bỏ một số thứ. Hãy dừng việc suy nghĩ mình là một nạn nhân Bạn không đáng bị khiển trách vì tình cảnh của bạn. Khánh kiệt không lén lút ập vào bạn trong đêm tối. Một đống những hóa đơn chưa thanh toán sẽ không lộ diện nếu bạn không chú ý tìm kiếm chúng. Bạn cũng không đột nhiên bị tụt lại đằng sau. Bạn chọn cách tiêu tiền theo cách bạn đã làm. Cuộc sống là sự phản chiếu những gì bạn đã lựa chọn. Nếu bạn muốn có một cuộc sống tốt hơn thì hãy lựa chọn tốt hơn. Khi bạn có lựa chọn đúng đắn, bạn sẽ thấy rằng việc công nhận những thành công sẽ dễ hơn nhiều so với việc phàn nàn với người khác về những thất bại của mình. Nếu bạn không còn hy vọng cải thiện tình hình tài chính của mình, thì cuốn sách này chính là một sự khởi đầu tuyệt vời dành cho bạn đấy! Larry, tại sao tôi nên nghe theo anh? Tôi có một chương trình truyền hình trên kênh A&E mang tên “Người tiêu dùng thông thái” (Big Spender), chương trình nói về những người bị rơi vào khủng hoảng tài chính do thói quen chi tiêu vượt quá kiểm soát. Tôi đã phải phục kích, bắt quả tang họ giữa những cuộc chơi tốn kém và cho họ đối mặt với mớ lộn xộn mà họ vừa tạo ra. Tôi điểm qua tình trạng tài chính của họ rồi đưa ra một kế hoạch quay vòng tiền và cải thiện cuộc sống của họ trước khi mọi thứ sụp đổ. Chương trình này không phải là một chương trình về đầu tư, về thị trường chứng khoán hay về bất kỳ giải pháp tài chính tinh vi nào. Nó chỉ tập trung vào giải cứu con người khỏi hố sâu mà chính họ đã đào ra trước khi biến nó thành nấm mồ chôn vùi chính cuộc sống của họ. Có rất nhiều chương trình dạy cách thức đầu tư và đầu tư vào cái gì nhằm mang lại lợi ích tài chính cho bạn. Nhưng đó không phải là những gì tôi đang làm. Tôi buộc mọi người phải đối mặt với hoàn cảnh của mình, sau đó đưa cho họ một kế hoạch cụ thể để cải thiện tình cảnh ngay tức thì. Đó là phương pháp làm việc của tôi, và đó cũng chính là những gì tôi làm tốt. Thực tế, tất cả những gì tôi biết về tiền là làm thế nào để kiếm tiền, làm thế nào để tiêu tiền và làm thế nào để chắc chắn rằng tôi luôn có rất nhiều tiền. Đó chẳng phải là những gì bạn muốn biết sao? Đó chẳng phải là những gì bạn đang cần nhưng không có sao? Tôi cược là tôi đúng. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là: tôi đã từng khánh kiệt. Thực sự khánh kiệt. Tôi khánh kiệt đến nỗi tôi không thể quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Sau này tôi sẽ kể cho bạn chi tiết tình cảnh của tôi khi đó và tôi đã đối mặt với nó như thế nào, nhưng tôi liệt kê những lý do cơ bản dưới đây để bạn hiểu vì sao bạn nên nghe theo tôi: Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Tôi quyết định sau này mình sẽ trở nên thật giàu có. Tôi đã giàu có. Tôi bị phá sản. Tôi học được nhiều điều trong tình cảnh đó. Tôi trở thành một triệu phú. Tôi tin tưởng rằng, cuộc sống có những chuỗi thất bại – thành công – thất bại – thành công. Trong thế giới thực tại, không có chiếc thìa bạc, hay chiếc dù vàng, cũng không có bánh từ trên trời rơi xuống và không có kế hoạch làm giàu nhanh chóng lại trở thành hiện thực. Không có gì ngoài công việc: làm việc dựa trên suy nghĩ của mình, làm việc dựa vào chính bản thân mình, và sau đó chỉ việc làm như vậy! Tôi biết tôi đang nói về vấn đề gì. Tôi đã làm được. Và tôi có thể dạy bạn cách làm được điều đó. Vài lời nhắc nhở Tôi không phải là người hay nói những điều nhàm chán, sáo rỗng, nhưng tôi phải nói một điều rằng, bạn có thể làm bất cứ điều gì chỉ cần bạn có quyết tâm. Tôi là người rất chăm chỉ. Tôi đã làm việc cật lực. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi đọc những gì tôi nói. Tôi không phải là người bạn đang tiến đến phía bạn, vòng tay qua vai bạn và nói: “Được rồi, mọi thứ sẽ ổn cả thôi”. Tôi là người mà bạn sẽ tới gặp khi mọi thứ đã sụp đổ và bạn đang tuyệt vọng. Tôi biết cảm giác tuyệt vọng đó vì tôi đã từng đối mặt với nó. Thật khủng khiếp! Và điều cuối cùng bạn muốn là một vòng tay động viên, những lời khuyên nhủ để lạc quan hơn. Tôi tin rằng bạn muốn có câu trả lời thực sự và quyết tâm từ bỏ những điều nhỏ nhặt để có được chúng. Những điều không có trong cuốn sách này Đây không phải là một cuốn sách đầu tư. Tôi không biết nhiều về đầu tư để có thể viết nên một cuốn sách. Tôi không biết thị trường chứng khoán hoạt động như thế nào và tôi cũng không quan tâm tới điều đó. Tôi thuê những chuyên gia, những người thậm chí còn giàu có hơn tôi để tư vấn về đầu tư. Khi bạn có tiền, bạn cũng nên làm như vậy. Đây không phải là một cuốn truyện ngụ ngôn. Nó giống như những cuốn sách dạy bạn phương pháp làm giàu và gợi ý cho bạn cách sống của người nghèo túng. Tại sao lại phải làm việc vất vả để trở thành một triệu phú và rồi lại phải sống giống như một người nghèo túng? Đâu là động cơ thúc đẩy trong trường hợp này? Tôi cũng không định nói với bạn rằng “Tôi muốn giàu có” giống như một số tác giả khác. Sự thực là dù họ muốn hay tôi muốn điều gì đi chăng nữa cũng không thể thay đổi được bạn, cho đến khi chính bạn muốn trở thành người giàu có. Trong cuốn sách này, tiền không phải là một khái niệm mang tính tinh thần. Tôi sẽ không dạy bạn phát triển nhận thức về sự phát đạt hay vượt xa hơn nữa. Và tôi không định khuyên bạn đặt tay lên ngực hay lên đầu và nhắc đi nhắc lại sự quyết tâm giống như một số tác giả khác đã làm. Mặc dù tôi hoàn toàn tin tưởng vào những điều đó, nhưng cuốn sách này không phải là loại sách như vậy. Những lời cam kết quả là rất tốt, nhưng chỉ nói thôi thì sẽ không thể thay đổi được cuộc sống của bạn. Bạn có thể nói “Tôi phải giàu có, tôi phải giàu có, tôi phải giàu có” cho đến khi khuôn mặt bạn chuyển thành màu của tiền, nhưng cho đến khi bạn dừng những việc làm ngu ngốc với túi tiền của mình và bắt đầu sử dụng tiền thông minh hơn, bạn sẽ vẫn chỉ là một kẻ khánh kiệt. Sự quyết tâm mà thiếu hành động chỉ đơn thuần là tự đánh lừa bản thân mà thôi. Hầu hết mọi người đều không thể nhận biết được cách tiếp cận này bởi vì rất khó tìm thấy chúng trong những cuốn sách đó, áp dụng chúng vào thực tế còn khó khăn hơn. Khi bạn đang phải cố gắng tìm ra phương án để giữ chiếc ô tô đã gắn bó 10 năm với bạn khỏi bị thu hồi, bạn khó có thể mơ về chiếc Limousine cùng tài xế mà bạn muốn sở hữu. Và để chứng minh cho điều này, hãy lấy ví dụ từ cuốn sách nổi tiếng The Secret – dù đã trở thành cuốn sách kèm DVD phổ biến trên thế giới nhưng tôi không hoàn toàn tán thành với vấn đề cuốn sách đưa ra. Triết lý cơ bản của The Secret là: Những gì bạn nghĩ và nói sẽ trở thành hiện thực. Điều đó rất tốt, nhưng nó chỉ là một phần của câu chuyện. “Một bí mật” chỉ cung cấp cho bạn một nửa kiến thức thì cũng vô ích mà thôi. Bạn muốn biết bí mật thực sự? Nó ở đây cơ: Hãy đứng dậy và làm ngay những gì bạn đang nghĩ và đang nói. Chúng sẽ biến thành hiện thực. Hãy nói với một vài người, họ có thể nghĩ việc họ giàu có có nhiều ý nghĩa như khi bạn nghĩ mình cân đối và khỏe mạnh. Trong trường hợp nào đó, bạn phải bỏ que kem xuống, đặt thân hình béo phì của bạn lên ghế sofa và tập vài động tác. Hãy nghĩ mình mảnh mai và ăn một hộp bánh Twinkies rồi xem mình đã giảm được bao nhiêu cân. Hãy nghĩ mình giàu có và phung phí khoản tiền vay được vào giày dép, vào các bữa ăn ở nhà hàng và xem những thứ đó mang lại cho bạn điều gì. Nếu bạn hành động trái ngược với những gì bạn nghĩ, bạn có thể sẽ có kết thúc tồi tệ hơn. Bí mật thực sự! Hãy đứng dậy và làm ngay những gì bạn đang nghĩ, đang nói. Chắc chắn chúng sẽ trở thành hiện thực. Bạn có cần cuốn sách này không? Bạn chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được? Bạn lo lắng về hàng chồng hóa đơn phải thanh toán? Bạn đang phải ”giật gấu vá vai”? Bạn có một đống hóa đơn chưa thanh toán? Thẻ tín dụng của bạn chẳng còn xu nào? Bạn đang có vấn đề về mua sắm? Bạn không có tí tiền tiết kiệm nào? Bạn nợ nần nhiều hơn khả năng bạn có thể kiếm tiền để trang trải các khoản đó? Bạn phát hoảng với những trường hợp khẩn cấp, bất ngờ làm ảnh hưởng đến túi tiền của bạn? Nếu quên chưa thanh toán một hóa đơn, bạn có bị xiết nợ hay không? Bạn mất khả năng kiểm soát việc chi tiêu của bản thân? Nếu bạn trả lời “có” với chỉ một trong số những câu hỏi trên, thì bạn cần phải đọc cuốn sách này! Đó chính là công việc! Từ hoàn cảnh phải xoay sở, đối phó để hướng tới một cuộc sống giàu có, tốt đẹp hơn người khác là một quá trình rất khó khăn – thực sự khó khăn. Từ phá sản và khánh kiệt tôi đã trở thành một triệu phú, nhưng mỗi bước đi đều khó khăn đối với tôi. Đến nay vẫn vậy, mỗi bước đi vẫn rất khó khăn, nhưng tôi tin mình hoàn toàn có thể làm được. Những nguyên tắc tôi đưa ra trong cuốn sách này chính là những nguyên tắc mà tôi đang sử dụng và vẫn thấy sự thử thách trong đó. Giàu có không đến với bạn một cách dễ dàng trừ phi bạn là con của Trump hay là người mang họ Hilton. Phần lớn chúng ta không sinh ra trong những gia đình giàu có như vậy. Chúng ta phải làm việc để có được nó. Cuốn sách này chỉ đơn giản viết về công việc. Tôi không hề tô vẽ nó đâu nhé. Những cuốn sách không thể biến bạn thành người giàu có, tất nhiên rồi. Nhưng dù bạn có thích hay không, những điều các cuốn sách thường đề cập đến vẫn luôn có tác dụng giúp đỡ bạn trong công việc. Điều đáng buồn là đa số mọi người áp dụng những lời khuyên được đưa ra trong các cuốn sách không đúng thời điểm hay không phù hợp với nỗ lực của họ để đạt được mong muốn. Tôi không đưa ra nhiều cam kết trong cuộc sống hay trong các cuốn sách của tôi. Nhưng tôi đảm bảo một điều rằng: Nếu bạn tập trung đọc hết cuốn sách này cùng tôi, tìm ra các công thức và dám làm những gì tôi yêu cầu, chắc chắn cuộc sống của bạn sẽ khấm khá hơn. Có thể bạn sẽ không trở thành một triệu phú, hay dù chỉ là “nghìn phú”, nhưng chắc chắn túi tiền của bạn sẽ rủng rỉnh hơn hiện nay. Tôi cam đoan đấy. Điều cuối cùng Đây là một cuốn sách thực hành. Bạn sẽ thấy có rất nhiều ô trống. Hãy điền vào các ô trống đó. Bạn nên tích cực đọc và thực hiện theo những hướng dẫn được đưa ra trong cuốn sách này vì nó sẽ giúp bạn có được tài sản thực sự. Bạn không thể thành công một cách bị động. Tôi không nghĩ bạn cũng sẽ đọc cuốn sách này một cách thụ động. Nhiệm vụ đầu tiên của bạn là cầm một chiếc bút ghi nhớ để đánh dấu những đoạn mà bạn muốn ghi nhớ. Thứ hai, hãy lấy một chiếc bút chì hay bút bi và đặt bên cạnh. Thứ ba, hãy điền câu trả lời của bạn vào các ô trống trong khi đọc sách. Nếu bạn bỏ qua công việc trên, tức là bạn đang gian lận với chính bản thân mình, và nếu như vậy, bạn cũng đã đối xử với các cơ hội của bạn theo cách đó từ rất lâu rồi. Giờ chúng ta cùng bắt đầu nhé. Và như tôi thường nói trên chương trình truyền hình Big Spender của tôi: Mọi thứ sắp sửa trở nên xấu xí rồi đấy! PHẦN I. VÌ SAO BẠN CHÁY TÚI 1. Các vấn đề liên quan đến tiền Bạn muốn chấm dứt cảnh cháy túi và bắt đầu làm lại mọi thứ để trở nên khấm khá hơn? Thật nhảm nhí! (Vâng, như tôi đã cảnh báo bạn rồi đấy. Tôi không hay nói vòng vo đâu. Đó đúng là một sự sỉ nhục khá khó chịu. Hãy tự cho mình một đặc ân và khắc phục điều đó. Bạn đang gặp vấn đề rắc rối và bạn cần sự giúp đỡ, hay bạn sẽ không đọc cuốn sách này để bắt đầu với nó. Chúng ta sẽ cùng đọc sách và cùng giải quyết vấn đề của bạn nhé. Hãy lắng nghe những gì tôi nói. Xét cho cùng, tôi đã trải qua những gì bạn đang phải trải qua, giờ đây tôi đã vượt qua nó và trở thành người giàu có). Bạn muốn bị cháy túi bởi vì bạn đang thực sự bị cháy túi. Nếu bạn muốn chấm dứt tình cảnh túng quẫn, bạn phải làm một điều gì đó. Nhưng bạn đã không làm gì cả, điều đó cho thấy bạn không muốn ổn định tình hình tài chính của mình. Đừng nói với tôi bạn muốn gì Bởi vì tôi đã biết bạn muốn gì rồi. Bạn muốn cuộc sống của bạn chính xác như nó đang diễn ra. Bạn muốn trở thành một người chỉ biết kiếm tiền vừa đủ sống, bởi vì bạn đang sống như vậy. Bạn muốn trở thành một người luôn thanh toán hóa đơn muộn, bởi vì bạn đang đúng là người như vậy. Bạn muốn trở thành một người chuyên đi xin xỏ người khác, bởi vì bạn đang làm như vậy. Bạn muốn trở thành người mua sắm những thứ xa xỉ vượt quá khả năng chi trả của bạn, bởi vì bạn đang làm như vậy. Bạn muốn sở hữu một chiếc ôtô mà bạn phải rất khó khăn mới có thể thanh toán được, chỉ vì nó khiến bạn cảm nhận được chính mình, bởi vì bạn đang làm như vậy. Bạn muốn mặc những bộ đồ thời trang nhất thay vì chi trả các khoản tiền thuê của mình, bởi vì bạn đang làm như vậy. Bạn muốn chi tiêu hơn là tiết kiệm, bởi vì bạn đang làm như vậy. Bạn muốn ăn ở những nhà hàng sang trọng thay vì tiết kiệm để lo việc học hành của con cái, bởi vì bạn đang làm như vậy. Mọi người thường làm những gì mà họ thích. Đợi một chút. Bạn hãy làm một bài tập nhỏ này nhé: Hãy nhìn xung quanh bạn. Bạn có thấy cánh tay của ai đó đang lăm lăm khẩu súng chĩa vào đầu bạn để buộc bạn làm những việc mà bạn đang làm không? Nếu không có ai ép bạn, thì chính bạn đã tự làm việc đó bởi vì bạn muốn thế. Điều này cũng rất đơn giản thôi. Nào, bây giờ hãy tiến lên phía trước và nổi giận với tôi về những gì tôi vừa nói. Thực tế, tôi muốn bạn nổi giận. Trong lúc đó, hãy nghĩ về điều này: Bạn nổi giận với tôi và những gì tôi vừa nói hay bạn nổi giận với chính bạn bởi vì bạn biết rằng tôi nói đúng? “Tôi thực sự không muốn giàu có, tôi chỉ muốn cuộc sống sung túc hơn” Sung túc có nghĩa là bạn không cảm thấy thiếu thốn nhưng đồng thời bạn cũng không cảm thấy mọi thứ quá tuyệt vời. Hầu hết mọi người đều có cuộc sống sung túc. Đó chính là vấn đề. Những người sung túc, khấm khá không cảm thấy cuộc sống tồi tệ đến mức cần phải thay đổi, nhưng cũng không cảm thấy cuộc sống tốt đẹp đến mức phải thực sự cố gắng để tận hưởng nó. Dù thế nào thì tương lai của họ cũng đã được số phận định đoạt. Con người không bao giờ tạo ra sự thay đổi khi họ đã cảm thấy thoải mái, sung túc. Bạn phải cảm thấy không sung túc để tạo ra một sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình. Và mục đích của cuốn sách này chính là làm cho bạn cảm thấy không thoải mái, sung túc. Bạn sẽ không bao giờ thay đổi cho đến khi bạn cảm thấy không thoải mái, sung túc. “Larry à, tiền không quan trọng đối với tôi” Ồ đúng rồi. Mọi người thường nói như vậy để bào chữa cho sự thật là họ không có tiền. Trên thực tế, tôi biết có rất ít người dám nói thẳng rằng mình đang bị cháy túi. Đối với hầu hết mọi người, tiền rất quan trọng. Người không có tiền không thể giúp đỡ bất kỳ ai. Bệnh viện được xây bằng tiền. Các tổ chức từ thiện được tài trợ bằng tiền. Những người vô gia cư được chăm sóc bằng tiền. Vì thế, hãy kiếm một ít tiền đi và bạn có thể khẳng định được vai trò của mình. Bạn có trách nhiệm kiếm tiền cho bản thân bạn và cho cả thế giới. Hãy tưởng tượng điều này: Bạn đang ngồi trên ghế sô pha xem tin tức về một thảm họa. Một thảm họa nào đó như cơn bão Katrina chẳng hạn, và bạn muốn giúp đỡ những nạn nhân của cơn bão. Bạn muốn viết một tờ séc một nghìn đô-la hay mười nghìn đô-la, thậm chí có thể chỉ mười đô-la mà thôi, nhưng bạn không thể – vì bạn đang bị cháy túi. Khi bạn giàu có, bạn có thể làm việc này mà chẳng phải suy nghĩ gì. Điều gì tốt đẹp hơn – chờ đợi được giúp đỡ người khác hay có khả năng giúp đỡ người khác? “Nhưng Larry ơi, tôi sẽ gửi những suy nghĩ tốt đẹp của tôi đến họ và cầu nguyện cho họ.” Tốt thôi. Hãy gửi những suy nghĩ tốt đẹp của bạn và hãy cầu nguyện bởi vì chúng cũng rất quan trọng. Nhưng, sau đó hãy ký một tấm séc. Thế giới cần những suy nghĩ tốt đẹp của bạn, những lời cầu nguyện của bạn và cả tiền của bạn nữa! “Hãy tiếp tục thành công, chỉ những người thành công mới có thể giúp đỡ được người khác.” —Tiến sĩ Robert Schuller Tiền định nghĩa con người bạn Lời tuyên bố trên của tôi có thể sẽ khiến một số người rất khó chịu và họ có thể cho tôi là người nông cạn, tham lam và rất nhiều ý nghĩ xấu xa khác nữa. Tuy nhiên, cho dù bạn có phản đối thế nào đi chăng nữa thì tôi nghĩ rằng tôi vẫn đúng. Năm nay, khi nghĩ về Diddy hay P. Diddy hay Puff Daddy, dù tên anh ta là gì đi nữa, bạn nghĩ đó là một người Mỹ gốc Phi, một người làm trò tiêu khiển, một ngôi sao điện ảnh hay một nhân vật quan trọng trong làng thời trang? Hay bạn nghĩ ngay đó là một người giàu có? Tôi đoán chắc bạn sẽ nghĩ ngay đến gia tài của anh ta. Anh ta có phải là một người tốt hay không? Hay anh ta chỉ là một tay xuẩn ngốc? Đừng cười nhạo tôi nhé – tôi không biết anh ta là ai đâu. Tôi chỉ biết rằng anh ta rất giàu có. Khi nhắc đến Donald Trump, điều gì ngay lập tức định nghĩa con người ông ta trong suy nghĩ của bạn? Mái tóc của ông ta? Các tòa cao ốc của ông ta? Chương trình truyền hình The Apprentice (Người học việc) của ông ta? Tôi rất lấy làm tiếc rằng, những điều này không hề xuất hiện đầu tiên trong ý nghĩ của bạn khi bạn nghĩ về Trump đâu. Điều đầu tiên xuất hiện trong tâm thức của bạn đó là tiền của ông ta. Ông ta rất giàu có. Có cảm tình hay ác cảm với ông ta, những cảm xúc này chỉ xuất hiện sau khi bạn nghĩ ông ta giàu như thế nào. Tiền định nghĩa con người Donald Trump với mỗi chúng ta. Tiền quyết định khu vực bạn lớn lên. Nó quyết định quần áo bạn mặc tới trường. Tiền thường xuyên quyết định bạn của bạn là ai và những người khác sẽ đối xử với bạn như thế nào. Tiền quyết định bạn có thể theo học đại học hay không. Tiền quyết định ngôi nhà bạn sống, loại xe hơi bạn sử dụng và quần áo bạn mặc. Nó quyết định bạn được một bác sĩ riêng uy tín hay một ông thầy lang băm chăm sóc sức khỏe. Nó quyết định bạn có khả năng thuê một luật sư riêng giỏi nhất, hay chỉ có khả năng thuê một luật sư “rẻ tiền” để tư vấn cho bạn các vấn đề về luật pháp. Nó quyết định tất cả các nhà hàng mà bạn đến, tất cả các cửa hàng mà bạn vào và tất cả các hoạt động giải trí của bạn. Tiền thậm chí còn quyết định kích thước phần mộ chí và chất lượng chiếc quan tài mà bạn được chôn sau khi qua đời. Bạn tự hỏi điều đó có công bằng hay không ư? Chắc chắn là không rồi. Nhưng cuộc sống vốn dĩ đã luôn không công bằng rồi mà. Đó là sự thật. Tôi không tạo ra luật lệ, tôi chỉ cố gắng tìm ra các luật lệ đó, sống theo chúng và vượt qua chúng để đạt được mục tiêu của tôi mà thôi. Đối với bản thân tôi, tiền đã định nghĩa cuộc sống của tôi. Cuộc sống nghèo khổ, túng thiếu của gia đình tôi đã tạo nên con người tôi ngày hôm nay. Nó thúc đẩy tôi làm việc chăm chỉ hơn tất cả những người khác và giúp tôi trở thành số một trong bất cứ việc gì tôi làm, vì vậy tôi đã kiếm được rất nhiều tiền và giờ đây tôi đã thoát khỏi cảnh túng thiếu. Bị phá sản khiến tôi thậm chí còn có nhiều quyết tâm hơn nữa trong việc làm giàu trở lại. Giờ đây, khi đã trở nên khá giả, tiền đã giúp tôi có được sự tín nhiệm để thực hiện một chương trình truyền hình về tiền và viết sách về cách để đạt được thành công. Tôi có thành công trong các lĩnh vực khác của cuộc sống hay không? Tất nhiên là có rồi. Tôi còn là một người chồng tốt, một người cha có trách nhiệm và một người con có hiếu. Tôi là một tay golf tầm tầm, một người trang trí nội thất xuất sắc và một tay đầu bếp đáng nể đấy. Tôi còn thiết kế ủng cao bồi cho riêng mình và tôi có thể quét sơn nhà cửa đẹp và nhanh hơn bất kỳ ai mà tôi biết. Tôi có rất nhiều điều khác ngoài sự giàu có. Nhưng tiền vẫn định nghĩa cuộc sống của tôi. Tiền cũng định nghĩa cuộc sống của bạn. Bạn có đồng tình với quan điểm của tôi không? Đừng bao giờ nói rằng tiền không phải là vấn đề với bạn nhé. Tiền luôn luôn là vấn đề Đôi lúc con người thường trông đợi quá nhiều vào tiền bạc. Họ không nhận ra rằng, có rất nhiều thứ mà tiền không thể giúp được họ. Tiền không mang lại hạnh phúc cho bạn. Những người hạnh phúc luôn cảm thấy hạnh phúc bất kể họ có tiền hay không. Hạnh phúc là một lựa chọn. Đừng trông đợi quá nhiều rằng tiền bạc quyết định việc chúng ta hạnh phúc hay không. Có những người giàu có và rất hạnh phúc, nhưng cũng có những người giàu có lại bất hạnh, chỉ có điều, họ bất hạnh trong một hoàn cảnh tốt hơn mà thôi! Tiền không mua được bạn bè. Bạn mà tiền có thể mua được không hẳn là một người bạn thực sự. Khi không còn tiền bạc, những người bạn đó cũng ra đi. Tuy vậy, tiền cũng có thể mua tình bạn. Bạn không tin tôi sao? Hãy vào bất kỳ sòng bạc nào ở Las Vegas và quan sát những ông chủ giàu có luôn dán mắt vào đôi tay của họ. Những cô gái quyến rũ, xinh đẹp luôn ngồi bên cạnh họ, các cô bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi những cái bụng to, những cái đầu hói và những cái răng vàng của những ông chủ giàu có đó. Vì thế, nếu bạn đang tìm kiếm một tình bạn hời hợt thì tiền có thể giúp bạn. Tình bạn thực sự không bao giờ được đem bán hay mua cả. Tiền không giải quyết được những vấn đề của bạn. Khi bạn có nhiều tiền không có nghĩa là bạn có ít đi vấn đề khó khăn. Những điều tồi tệ xảy ra với người giàu có cũng giống như với những người khác mà thôi. Những người có nhiều tiền cũng vẫn phải lo lắng. Đôi khi, họ thậm chí còn lo lắng về tiền của họ nhiều hơn là chúng ta. Có tiền không có nghĩa là bạn có thể thanh toán hóa đơn đúng hẹn. Những người luôn thanh toán các hóa đơn đúng hẹn vì họ là người luôn đúng hẹn. Nếu bạn không thanh toán hóa đơn đúng hẹn khi bạn khánh kiệt, thì bạn cũng sẽ không thanh toán chúng đúng hẹn khi bạn giàu có. Các tờ báo đăng tải đầy rẫy những câu chuyện về các ngôi sao truyền hình giàu có nhưng không đóng thuế thu nhập hay đang bị kiện tụng, bởi vì họ không thanh toán tiền công cho quản gia hay chi trả các hóa đơn của họ. Những người này có khả năng làm những việc đúng đắn; họ chỉ không phải là kiểu người hay làm những việc đúng đắn mà thôi. Tiền không khiến bạn trở thành người giàu lòng nhân ái hơn. Những người giàu lòng nhân ái làm từ thiện bất chấp thu nhập của mình. Tôi thấy rất thú vị khi biết rằng những người độ lượng nhất, tính theo phần trăm số tiền bố thí trên thu nhập, là những người có thu nhập vừa phải. Hãy hỏi một người phục vụ quầy rượu hay một nhân viên phục vụ bàn xem ai cho họ tiền boa nhiều nhất. Anh ta sẽ trả lời rằng không phải là một gã giàu có, gọi một chai Dom Pérignon, mà là một gã bình thường có một công việc bình thường. Tiền không cho bạn một cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn. Mặc dù những vấn đề liên quan đến tiền bạc là nguyên nhân số một dẫn tới các vấn đề trong hôn nhân, tuy nhiên có nhiều tiền cũng không thể bảo đảm cho bạn một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Có rất nhiều lý do khác nhau dẫn đến một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Tôi đã nói chuyện với nhiều cặp vợ chồng mà với họ, vấn đề duy nhất trong mối quan hệ chính là tiền. Sẽ không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng, tiền chỉ là một vấn đề rất nhỏ trong số những khúc mắc của họ. Một cặp vợ chồng mà tôi từng nói chuyện trong chương trình Big Spender đã hẹn hò và đính hôn 10 năm, nhưng họ chưa bao giờ nói chuyện thẳng thắn với nhau về tiền bạc. Họ lên kế hoạch cho lễ cưới mà không hề có chút tiền tiết kiệm nào cả. Họ sống nhờ vào các khoản vay ngắn hạn, họ có rất nhiều hóa đơn phải thanh toán, họ còn nợ tiền thuê nhà nhiều tháng, và mỗi năm họ chi tiêu vượt 10 nghìn đô-la so với khoản thu nhập của họ. Thậm chí xe ô tô của họ còn bị thu hồi nữa. Vậy mà họ lại cho rằng, vấn đề duy nhất là họ không kiếm đủ tiền. Nhưng theo tôi, họ có vấn đề về sự cam kết thì đúng hơn. Họ đã sống cùng nhau 10 năm mà chưa làm lễ cưới. Họ chưa từng nói chuyện thẳng thắn về tiền bạc. Họ không có các quy định, không có những ràng buộc về trách nhiệm, bởi vì họ không bao giờ lo lắng về việc thanh toán các hóa đơn và trả tiền thuê đúng hẹn. Cặp đôi này có những vấn đề lộn xộn ở mọi khía cạnh, vậy mà họ lại đổ lỗi cho tiền bạc hơn là nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân họ. Tôi rất lấy làm tiếc nếu đây là hoàn cảnh của bạn. Hãy tìm vài lời hướng dẫn và đối mặt giải quyết cả hai vấn đề là tài chính và mối quan hệ của bạn. Tiền không giúp bạn thành công. Thành công có ý nghĩa nhiều hơn tiền bạc. Thành công bao gồm tất cả. Thành công là có những mối quan hệ tốt đẹp, có công việc tốt, và có sức khỏe. Có tiền không có nghĩa là thành công nhưng để thành công thì chắc chắn phải cần đến tiền. Tiền không làm cho bạn trở thành một người tốt hơn. Nếu bạn là một người khó tính khi bạn khánh kiệt, bạn sẽ vẫn là một người khó tính khi bạn giàu có, hoặc bạn có thể trở thành người khó tính chỉ trong những việc liên quan đến tiền. Trong cuộc sống, có người tốt và kẻ xấu. Đó là sự thật. Những người tốt luôn thanh toán hóa đơn của họ. Họ là người độ lượng. Họ làm những việc đúng đắn bất chấp mọi hoàn cảnh, dù cho có ai thấy hay biết về điều đó hay không. Họ làm việc chăm chỉ. Họ là những người chính trực, thật thà. Họ chấp hành đúng những cam kết và bổn phận của họ. Họ có trách nhiệm với những lời họ nói và những việc họ làm. Họ luôn quan tâm đến gia đình của mình. Người xấu không làm những việc này. Mỗi người một tính cách, vì đó là con người mà họ lựa chọn. Tiền không thể thay đổi con người thật của bạn. Bạn là chính bạn bởi vì đó là lựa chọn của bạn, chứ không phải vì bạn có bao nhiêu tiền. Tiền phóng đại mọi thứ. Có tiền giống như cầm một chiếc kính lúp soi vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn là người tốt – dù có tiền hay không bạn cũng sẽ làm những việc tốt, thậm chí bạn còn làm nhiều việc tốt hơn khi có nhiều tiền. Nếu bạn là một gã xấu tính thô lỗ, bất lịch sự, kiêu căng thì bạn vẫn mãi là người như vậy ngay cả khi bạn có tiền hay không; tiền chỉ khiến bạn được chú ý hơn mà thôi. Trong thực tế, sự phóng đại là điều đã khiến cho tiền mang tiếng xấu. Chúng ta xem gương những gã giàu có nhưng thoái hóa trên truyền hình và chúng ta đổ lỗi cho tiền đã khiến họ trở thành những kẻ ngu ngốc. Nếu Paris, Britney và Lindsay không giàu có, họ vẫn sẽ gây ra các vụ đâm xe và vẫn có những hành động ngu ngốc. Bạn chỉ không biết điều đó mà thôi. Khi bạn thấy những người giàu có làm những điều ngu ngốc thì đừng đổ lỗi cho tiền của họ. Tiền không làm cho bạn ngu ngốc; nó chỉ khiến cho hình ảnh của bạn được chú ý hơn mà thôi. “Trong cuộc sống, tiền không phải là nguồn gốc của mọi điều sai trái.” —Malcolm Forbes Tiền có thể làm gì? Tiền sẽ cho phép bạn chi tiêu khi bạn muốn và khi bạn cần, tiền giúp bạn có sự bảo đảm về tài chính. Đó là tất cả những gì tiền có thể làm. “Chờ đã! Đó là tất cả những gì tiền có thể làm ư? Anh đã đưa ra một danh sách dài dằng dặc về những điều tiền không thể làm được, vậy mà anh chỉ đưa ra được một câu về những gì tiền có thể làm ư?” Vâng, đúng thế. Tất cả những gì tiền có thể làm cho bạn đó là cho bạn một chút tự do và một chút yên bình trong tâm trí của bạn mà thôi. Hãy tin tôi đi, điều này đã đủ làm cho tiền trở nên quan trọng rồi! “Nhưng bạn không hiểu!” Và bây giờ bạn đang muốn đưa ra lý do phải không? Ồ đừng làm vậy, chỉ tốn công vô ích mà thôi. Bạn biết tại sao không? Tôi có thể luôn thấy một ai đó nghèo khổ hơn bạn, một người nào đó có những vấn đề nan giải hơn vấn đề của bạn, nhưng họ vẫn nỗ lực tìm kiếm một con đường để đi đến giàu có và thành công. Nếu một người có thể làm được điều đó, thì người khác cũng có thể, phải không? Một vài lý do thông thường biện minh cho cảnh cháy túi “Tôi lớn lên trong nghèo khó.” Việc có tiền hay không không phải do môi trường bạn sống quyết định. Có rất nhiều người kiếm được nhiều hơn hàng triệu đô-la so với tài sản họ được thừa kế. Rất nhiều triệu phú lớn lên trong nghèo khổ. Như trường hợp của tôi chẳng hạn: Trong gia đình tôi không ai giàu có cả. Ông tôi là một diễn viên xiếc, ông làm việc cho một đoàn xiếc lưu động với một con gấu, một con khỉ và một con ngựa kéo nhỏ. Sau này, ông sống ở một cái kho phía sau một cửa hàng bán đồ gia dụng. Còn cha mẹ tôi không bao giờ có nhiều tiền. Vậy mà tôi vẫn giàu có. Vấn đề không phải là cách bạn bắt đầu như thế nào mà là cách bạn kết thúc như thế nào. “Chúa sẽ chu cấp.” Nói ra điều này giống như bạn đi nghỉ mà quên khóa cửa nhà. Điều này không hề thông minh chút nào. Bạn hãy cứ nghĩ như vậy, còn Chúa sẽ nghĩ bạn thật ngu ngốc. Chúa đã chu cấp cho bạn khả năng kiếm sống. Đừng đổ lỗi cho Chúa về hoàn cảnh của bạn hay mong muốn Chúa sẽ chỉ cho bạn một kho báu. Thay vào đó, hãy thôi lười biếng và bắt tay vào làm việc đi nào! Và trong khi chúng ta đang nói chuyện về Chúa, chúng ta hãy đi đến một lý do thông thường khác: “Đó là ý muốn của Chúa.” Không có vị Chúa trời nào bạn tôn thờ lại mong muốn bạn bị khánh kiệt cả. Nếu bạn nghĩ Chúa muốn bạn cháy túi thì bạn cần một vị Chúa khác. Sau khi đọc một số cuốn sách tiêu biểu về các tôn giáo trên thế giới, tôi có thể khẳng định rằng, tôi không hề tìm thấy bất cứ điều gì cho thấy Chúa muốn bạn cháy túi cả. Đừng bao giờ tin rằng Chúa muốn bạn sở hữu ít hơn những gì bạn đang có. “Tôi là một người mẹ đơn thân. Tôi làm việc rất vất vả. Công việc hàng ngày của tôi là đi làm, về nhà, chuẩn bị bữa ăn cho các con, tắm rửa và đi ngủ.” Đây quả là một tình huống khó khăn. Tôi biết có rất nhiều người ở trong hoàn cảnh này và tôi lấy làm tiếc về điều đó. Nhưng bạn có thể vượt qua hoàn cảnh của mình nếu bạn muốn. Có rất nhiều bậc cha mẹ thay vì chấp nhận hoàn cảnh, đã cố gắng làm lụng nhiều công việc cùng một lúc để nuôi nấng con cái, dù vất vả họ vẫn học tập, đọc thêm sách vở để có thể vững bước tiến tới tương lai và trở nên giàu có. Bạn cũng có thể làm được điều đó, nếu nó thực sự có ý nghĩa với bạn. Vì vậy, tôi sẽ không cho phép bạn tiếp tục ở trong hoàn cảnh khó khăn đó lâu hơn nữa. Tôi hiểu và thông cảm với bạn, nhưng sau đó tôi sẽ hỏi bạn: “Sau tất cả những việc đã diễn ra, tuần trước bạn đã bỏ ra bao nhiêu giờ để xem truyền hình? Bạn không thể sắp xếp thời gian để đọc một cuốn sách ư? Bạn đã làm được việc gì để nâng cao giá trị của bạn trong mắt ông chủ hay với chính bản thân bạn? Bạn không thể học được một kỹ năng nào đó?” Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng chúng ta làm việc rất chăm chỉ, vì vậy chúng ta không có thời gian cho bất kỳ việc gì khác. Vâng, theo một nghiên cứu về sự tiêu thụ truyền thông đại chúng mà tôi được biết thì trung bình một người Mỹ bỏ ra: 65 ngày trong một năm ngồi trước vô tuyến, 41 ngày trong một năm nghe đài, 7 ngày ngồi lướt Internet, 7 ngày ngồi đọc báo, 7 ngày ngồi nghe nhạc. Chừng đó thời gian là quá đủ để đọc một cuốn sách, tham gia một khóa học, hay làm một việc gì đó có ích cho bản thân bạn. Một điều gì đó giúp bạn nâng cao giá trị của bản thân trong cuộc sống. “Nếu bạn chăm sóc trí óc của bạn thường xuyên như bạn chăm sóc cái dạ dày của bạn, thì bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc chăm sóc cái dạ dày của bạn, ngôi nhà của bạn hay quần áo bạn mặc trên người.” —Albert Einstein Tôi thừa nhận rằng có rất nhiều người làm việc chăm chỉ mà vẫn không thể giàu có được. Cha mẹ tôi đã làm việc vất vả để nuôi nấng tôi, vì vậy tôi không thể thờ ơ với những người làm việc chăm chỉ mà vẫn nghèo khó. Nhưng tôi sẽ không tập trung vào những người như vậy. Vì không chỉ cứ làm việc chăm chỉ là có thể giàu có. Sự giàu có bắt đầu bằng làm việc chăm chỉ nhưng nó còn đòi hỏi nhiều hơn thế nữa. Nó đòi hỏi bạn luôn sẵn sàng làm bất cứ việc gì để tiến lên phía trước. Patrick, con trai tôi, là một nhà thiết kế thời trang. Nó làm việc rất chăm chỉ. Ngay từ khi bắt đầu tìm việc làm để kiếm sống, nó đã học cách sống bằng việc chi tiêu tiết kiệm nhất có thể. Nó làm việc từ 8 đến 20 giờ một ngày. Nó học cách chi tiêu cho ăn uống chỉ với 12 đô-la một tuần, mua sắm ở những cửa hàng giá rẻ. May mắn thay, nó có thể tự may được quần áo! Khi tham gia một chương trình thời trang ở Las Vegas, trong khi các đối tác của nó nghỉ ở những căn hộ sang trọng tại Mandalay Bay và Caesar’s Palace thì nó nghỉ tại Howard Johnson với giá 39 đô-la một đêm, ở chung phòng với một người bạn và ăn bánh gạo, thịt bò khô, kẹo sôcôla và uống sođa giá một đô-la mua ở những cửa hàng giá rẻ. Bây giờ nó kiếm tiền rất giỏi và tôi tin rằng nó sẽ trở thành triệu phú trong vài năm tới. Nhưng nó thanh toán các hóa đơn và nộp thuế rất đúng hạn. Nó còn học tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha và cả tiếng Nhật, vì vậy nó có thể giao tiếp với các nhà cung cấp và các hãng thời trang. Giờ đây, nó tự tin rằng nó sẽ không gặp thất bại trong kinh doanh nữa vì nó đã có được nhiều bài học từ thương trường rồi. Nó có thể tập hợp chúng và viết thành một cuốn sách, và hãy tin nó đi, một ngày nào đó nó sẽ viết một cuốn sách thật sự đấy. Thực ra tôi kể câu chuyện về con trai của tôi để có thể gắn kết với câu chuyện của Joel – người làm cùng Patrick. Joel chuyển từ Guatemala đến Mỹ với mong muốn có được một cuộc sống tốt hơn cho gia đình mình. Anh ta nhận làm công việc may quần áo tại một nhà máy may lớn ở Los Angeles. Công việc của anh ta bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều. Sau đó, anh ta đi xe buýt về nhà dùng bữa tối cùng gia đình. Đến 7 giờ tối, anh ta lại bắt một chuyến xe buýt khác đến rạp chiếu phim nơi anh ta nhận làm nhân viên soát vé đến tận 10 giờ tối. Sau đó, anh ta bắt một chuyến xe buýt khác đến chỗ của Patrick, nơi anh ta ngồi bên chiếc máy khâu cho đến tận 1 giờ sáng hôm sau để may hàng mẫu cho Patrick. Sau đó, Patrick sẽ chở anh ta về nhà. Anh ta làm việc như vậy cả tuần. Theo Patrick, Joel không bao giờ phàn nàn và luôn hạnh phúc, phấn khởi và cảm thấy rất biết ơn vì anh ta có thể làm ba công việc cùng một lúc. Như vậy anh ta có thể giúp gia đình mình có cuộc sống thoải mái hơn. Có hàng triệu câu chuyện giống như câu chuyện của Joel và chúng khiến tôi không thể chấp nhận được những người luôn than phiền về số phận của họ, về việc họ đã làm lụng chăm chỉ như thế nào trong công việc duy nhất của mình. Bạn làm những việc phải làm bởi đó là điều đúng đắn, điều nên làm cho gia đình bạn và cho chính bản thân bạn. Bạn làm công việc đó bởi vì bạn mong muốn kiếm tiền nhiều hơn, bởi bạn có thể làm. Rất khó tìm thấy thành công và sự thịnh vượng, nhưng nếu bạn thật sự cố gắng thì điều đó không quá khó khăn. Thành công đòi hỏi sự chăm chỉ và tinh thần sẵn sàng làm mọi công việc cần thiết để đạt được mục tiêu. “Tôi xứng đáng được tiêu tiền theo cách tôi muốn!” Tôi tin bạn xứng đáng có được sự đảm bảo về tài chính, có một chút tiền tiết kiệm và có thể sử dụng tiền của mình một cách thoải mái. Bạn xứng đáng được thư thái đầu óc. Với hai câu nói này, tôi đã vừa chứng minh được rằng tôi nghĩ cho bạn nhiều hơn bạn nghĩ cho chính bản thân mình ấy chứ. “Tôi đã thụt lùi lại phía sau quá xa để có thể tiến lên phía trước.” Không, bạn không hề thụt lùi. Cuộc sống có thể có đôi chút khắc nghiệt với bạn và mọi thứ có thể thực sự ảm đạm, nhưng bạn luôn có thể tiến lên phía trước. Tôi không có ý định xúc phạm bạn khi nói rằng cuộc sống sẽ rất dễ dàng. Đôi lúc, việc khui ra núi nợ nần của bạn để giải quyết và tiến lên phía trước có thể lại tốt hơn. Nhưng hãy nhớ điều này: Bạn có thể làm được nếu bạn muốn làm việc đó. Bạn có thể không có khả năng làm cho cuộc sống của bạn hoàn hảo nhưng chắc chắn bạn có thể làm cho nó trở nên tốt hơn hiện tại. Lỗi lớn nhất mà bạn có thể mắc phải là tin rằng hoàn cảnh của bạn là hoàn toàn vô vọng. Nó không hề vô vọng bởi vì bạn còn có sự giúp đỡ của những người khác. Hãy đối mặt và nhận lấy trách nhiệm của bạn, sau đó bắt tay vào công việc để thay đổi nó. Hãy tin tưởng vào bản thân bạn. Bạn vẫn đang đọc cuốn sách này đấy chứ? “Tôi không biết làm cách nào để có thể trở nên khấm khá hơn. Chưa có ai từng nói với tôi về điều này.” Một người phụ nữ kể với tôi rằng cha cô ấy từng nói, chỉ cần con mặc một bộ đầm thật đẹp, đeo đồng hồ hiệu Rolex và lái một chiếc xe Mercedes thì không có gì phải lo lắng cả. Tôi nói với cô ấy rằng cha cô ấy thật ngốc nghếch khi nói như vậy. Theo tôi, dạy bảo con cái một điều gì đó mà lại hoàn toàn không hiểu biết về điều đó thì đúng là một tội lỗi. Tôi cảm thấy tiếc cho người phụ nữ này – trong vài phút. Cô ấy chừng 30 tuổi rồi. Đến một thời điểm nào đó, bạn nên biết rằng điều gì là đúng, điều gì là sai, bất chấp cha mẹ bạn đã làm điều đó hay từng nói với bạn về điều đó hay chưa. Tôi đã từng giúp một cặp vợ chồng khác – họ nói với tôi rằng cả hai bên cha mẹ họ đều không giàu có, vì vậy họ cũng sẽ không thể giàu có được. Vâng, lý do nghe cũng có vẻ hợp lý. Nhưng đó chỉ là kết cục của những kẻ ngu dốt, họ bị phá sản với hàng đống những lý do khác nhau. Tôi hiểu tất cả chúng ta đều chịu ảnh hưởng của môi trường sinh sống ở một mức độ nào đó. Điều này đúng cho tới khi bạn khoảng 30 tuổi; bạn nên nhìn xung quanh và tìm ra điều gì đó cho bản thân bạn. Khi bạn 35 tuổi mà vẫn đổ lỗi cho cha mẹ mình thì bạn cần nghiêm túc xem xét lại bản thân. “Tôi không giỏi tính toán.” Một anh chàng nói với tôi lý do anh ta không thể thanh toán các hóa đơn của mình là vì anh ta không giỏi tính toán. Đây quả là một lý do không thể chấp nhận được. Đặc biệt là khi chàng trai này chỉ làm việc có 9 giờ một tuần! Tính toán không phải là vấn đề của anh ta. Công việc mới chính là vấn đề của anh ta. Tính toán hóa đơn không phải là môn đại số cao cấp, chỉ đơn giản là viết ra con số bạn kiếm được, rồi viết xuống phía dưới con số bạn đã chi tiêu. Nếu con số ở phía trên nhỏ hơn con số ở phía dưới thì đúng là bạn đang có vấn đề về chi tiêu rồi đấy. “Đó là lỗi của các công ty thẻ tín dụng.” Bạn có tin không, đây là một trong những lý do phổ biến nhất mà tôi thường nghe thấy. Một người phụ nữ đã nói với tôi rằng, lý do cô ấy chìm ngập trong nợ nần và đang trên bờ vực phá sản là vì các công ty thẻ tín dụng liên tục gửi cho cô ấy những mẫu đơn làm thẻ tín dụng đã được phê duyệt trước. Cô ấy nói rằng giá mà họ không gửi những lá thư đó cho cô, thì cô ấy đã không cảm thấy như bị bắt buộc phải cầm những tấm thẻ đó lên và mua sắm mọi thứ. Bởi vậy, cô ấy có tới 57 thẻ tín dụng cùng với khoản nợ lên tới 100 nghìn đô-la. Các công ty thẻ tín dụng không phải chịu trách nhiệm cho hoàn cảnh của bạn, mà chính là bạn. Khi những mẫu đơn được gửi tới hòm thư của bạn, bạn đừng mở ra đọc. Đừng điền thông tin vào đó mà hãy xé chúng đi. “Đồ đạc lên tiếng.” Đúng, chúng sẽ lên tiếng. Nhưng nếu bạn không thể kiểm soát được cuộc sống và đang đổ lỗi cho hoàn cảnh túng thiếu của bạn, thì bạn đang lừa dối chính bản thân mình đấy. Tôi biết điều gì đang xảy ra. Khi tôi đang hoàn toàn cháy túi, thì chú chó của tôi bị thương ở chân và để chữa lành vết thương đó, tôi phải mất 1200 đô-la – số tiền quá lớn mà lúc đó tôi không thể có được. Vậy đó là lỗi của chú chó khiến tôi cháy túi? Liệu có phải thế giới này đang quay lưng lại với tôi vì tôi không có tiền? Hay đó là lỗi của bác sỹ thú y vì đã đòi mức giá quá cao để chữa lành vết thương cho con chó của tôi? Không, đó là lỗi của tôi vì tôi cháy túi. Bạn nợ nần quá nhiều do bạn không kiểm soát được chi tiêu của mình. Khi một việc khẩn cấp đột ngột xảy ra, bạn nên có một khoản tiết kiệm trong tay để có thể xử lý tình huống. “Nhưng, nhưng, nhưng…” Đừng nói “nhưng” mà hãy thừa nhận rằng lý do bạn không có tiền tiết kiệm để đối phó với những tình huống khẩn cấp là vì bạn đã tiêu khoản tiền đó vào những thứ khác rồi. Bạn đã không tiết kiệm một chút nào, đó là một khoản cần thiết mà đáng lẽ bạn nên có. Đó không phải là lỗi của tình huống khẩn cấp mà chính là sai lầm tồi tệ của bạn. “Giá cả mọi thứ đều rất đắt.” Tôi biết giá cả thị trường chứ. Tôi cũng biết giá của một bình gas và một bình sữa như thế nào. Tôi không phải là người không bao giờ đi chợ và không chú ý đến giá cả. Tôi cũng đi chợ, đến cửa hàng rau quả và cũng đổ xăng xe hàng ngày giống như bạn thôi. Nhưng tôi cam đoan với bạn rằng giá cả mọi thứ đều không quá cao đâu. Mọi thứ luôn có giá đúng với giá trị thực của nó mà thôi. Hơn nữa, bạn không thể kiểm soát được giá cả thị trường. Thay vì kêu ca, than vãn, hãy chuyển sang đối phó với nó. Vấn đề của bạn không phải là giá cả thị trường; vấn đề ở chỗ bạn không kiếm đủ tiền để mua những thứ bạn muốn. Bạn không thể điều chỉnh được giá cả, bạn chỉ có thể điều chỉnh được tiền của bạn mà thôi. “Tôi không có công việc với mức lương hấp dẫn.” Tôi rất ghét khi nghe thấy ai đó nói những điều ngu ngốc kiểu như: “Tất nhiên là anh ta giàu có rồi vì anh ta là một bác sỹ mà.”; hay “Cô ấy có công ty riêng, vì vậy đừng thắc mắc tại sao cô ấy lại đi xe Mercedes.”; “Anh ấy là một cầu thủ bóng chày nên anh ấy đi xe Lamborghini là điều đương nhiên mà.” Công việc của bạn không giúp cho bạn giàu có. Có những bác sỹ, nha sỹ, luật sư và rất nhiều giám đốc công ty cũng bị khánh kiệt đấy chứ. Và cũng có những tài xế xe tải, quản gia và công nhân nhà máy giàu có đấy chứ. Tôi đã từng giúp đỡ một luật sư và một người môi giới thế chấp đang trên bờ vực phá sản. Tôi cũng từng làm việc cùng với những người làm trong lĩnh vực bảo hiểm thế chấp, họ cũng bị khánh kiệt và thẻ tín dụng của họ thì rỗng không. Thậm chí tôi còn từng giúp một kiểm toán viên chưa hề có một tập séc cá nhân nào cả. Bạn có nhận thấy sự trớ trêu trong các trường hợp này không? Công việc và tiền bạc không liên quan nhiều với nhau. Đừng đổ lỗi cho công việc về tình hình tài chính nghèo nàn của bạn. Đó không phải là lỗi của công việc bạn đang làm mà chính là lỗi của bạn. “Nhưng tôi không có bất kỳ kỹ năng nào.” Đây là lỗi của ai? Hãy trang bị cho mình một vài kỹ năng đi chứ. Hãy đọc một cuốn sách, tham gia lớp học buổi tối hay theo học một lớp hàm thụ… Có rất nhiều cách để trang bị cho mình các kỹ năng làm việc. Thậm chí còn có vài phương pháp được dạy miễn phí nữa. Ngoài ra, bạn đã có một số kỹ năng để làm việc tốt hơn rồi. Bạn có thể kiếm được một công việc làm thêm với những kỹ năng bạn có. Nếu bạn cho rằng sự bảo đảm về tài chính là điều quan trọng đối với bạn, bạn nên sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Bạn đã biết mình cần gì để làm việc tốt hơn Chỉ có ba lý do khiến mọi người không làm việc hiệu quả. Đó là sự ngu ngốc, lười biếng và không chú tâm vào công việc. Vậy lý do của bạn là gì? Đầu tiên, bạn không ngu ngốc. Bạn có thể làm những điều ngu ngốc nhưng bạn không ngu ngốc. Ai cũng biết có ít nhất một việc họ có thể làm tốt hơn, làm nhiều hơn và có được nhiều hơn. Hãy để tôi chứng minh điều này cho bạn thấy. Tôi muốn bạn quan sát một vài lĩnh vực trong cuộc sống của bạn và viết ra một việc mà bạn biết mình có thể làm tốt hơn. Tôi sẽ giúp bạn bằng cách đưa ra một ví dụ. Tôi muốn bạn đưa trường hợp của bạn vào sau ví dụ của tôi. Hãy lấy một trường hợp thật đặc biệt nhé bởi vì bạn biết rõ về bản thân mình hơn bất cứ ai mà. VIỆC LÀM CẢI THIỆN KẾT QUẢ CỦA TÔI: TRONG CÔNG VIỆC. Larry: Tôi có thể làm việc bất kỳ lúc nào miễn là họ trả công xứng đáng cho tôi. Tôi: … … … VỚI GIA ĐÌNH. Larry: Tôi có thể không xem ti vi nữa, thay vào đó là chăm sóc gia đình tôi. Tôi: … … … VỚI MỘT NGƯỜI QUAN TRỌNG. Larry: Tôi có thể khen ngợi cô ấy về một việc gì đó hàng ngày. Tôi: … … … ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI CHA/ NGƯỜI MẸ TỐT HƠN. Larry: Một ngày tôi có thể dành ít nhất hai mươi phút để trò chuyện với các con tôi về những điều chúng quan tâm. Tôi: … … … VỚI SỨC KHỎE CỦA BẢN THÂN. Larry: Tôi có thể ăn ít đi và tập luyện nhiều hơn một chút mỗi ngày. Tôi: … … … ĐỂ TRỞ NÊN SÁNG SUỐT HƠN. Larry: Tôi có thể đọc một cuốn sách hướng dẫn cách để thành công. (Tin vui đây, cuốn sách này cũng đáng quan tâm đấy!) Tôi: … … … VỚI VỐN LIẾNG CỦA MÌNH. Larry: Tôi có thể ngừng mua sắm những thứ không thực sự cần thiết. Tôi: … … … Bạn vẫn đang theo dõi chứ? Bạn biết có thể làm tốt hơn ít nhất một việc trong mỗi lĩnh vực tôi vừa liệt kê. Bạn thậm chí còn biết bạn có thể làm những việc gì để cải thiện tình trạng tài chính của mình. Vấn đề không phải là bạn không biết nên làm gì, bạn đang lười biếng, rất lười biếng mà thôi! Và bạn không chú tâm. Tôi không thể hiểu nổi tại sao một người biết cách làm việc tốt hơn nhưng lại không làm điều đó vì chính bản thân mình hay gia đình mình. Lý do của bạn là gì? Liệu tôi có bỏ sót trường hợp của bạn trong bảng liệt kê các lý do của tôi không? Có thể lắm chứ. Có lẽ tôi phải viết đến một trăm trang sách thì mới có thể liệt kê hết lý do mọi người đưa ra để biện minh cho hoàn cảnh túng thiếu của mình ấy chứ. Ngoài các lĩnh vực mà tôi đã liệt kê, bạn cũng có thể thêm vào: Vậy đâu là trường hợp của bạn? Những lý do bạn biện minh cho cảnh túng thiếu của bạn là gì? Hãy viết chúng ra ở bảng sau: BẢNG LIỆT KÊ NHỮNG LÝ DO VÌ SAO TÔI CHÁY TÚI: … … … … Không cần nhìn vào những gì bạn vừa viết tôi cũng có thể khẳng định có một vấn đề trong bảng liệt kê của bạn. Bạn không chú tâm vào nó. Điều này là sự thật. Bảng liệt kê những lý do biện minh cho tình cảnh túng thiếu của bạn thực tế chỉ cần là một bảng liệt kê rút gọn. Nó chỉ nên có mỗi tên của bạn trong đó mà thôi. Tại sao bạn không quay lại và thêm tên của bạn vào nhỉ? “Con người thường không muốn chịu trách nhiệm về những khó khăn trong cuộc sống của mình. Họ dễ dàng đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho những người xung quanh, những sự kiện khác hay thậm chí là đổ lỗi cho Chúa về những thất bại của họ.” —Tiến sỹ Wayne W. Dyer Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm ra biện pháp để chấm dứt việc đưa ra các lý do biện hộ cho bản thân và bắt tay vào giải quyết những vấn đề đang thực sự cản trở bạn tiến lên. 2. Vấn đề thực sự của bạn Điều gây sốc lớn Bạn không có vấn đề về tiền bạc. “Tôi không có tiền, với tôi đó là cả một vấn đề.” Việc không có tiền là hệ quả của tất cả những vấn đề khác của bạn. Bạn đang có vấn đề về tư tưởng. Những vấn đề về thái độ, về lòng tự trọng. Bạn thật lười biếng. Bạn không có nguyên tắc. Bạn không có mục tiêu. Bạn không chú tâm vào những việc ưu tiên của mình. Vấn đề lớn nhất của bạn không phải là trong ví hay trong tài khoản ngân hàng của bạn có bao nhiêu tiền. Vấn đề lớn nhất là ở chính suy nghĩ của bạn. Bạn sẽ giải quyết được vấn đề tiền bạc khi bạn giải quyết được những vấn đề khác. Đó là những điều chúng ta sẽ bàn đến ngay sau đây. Hãy quản lý cách chi tiêu của mình để làm giàu “Larry, điều này nghe chẳng khôn ngoan chút nào. Anh không thể quản lý cách chi tiêu của mình để làm giàu được. Chi tiêu không phải là nguyên nhân khiến tôi khánh kiệt!” Không phải đâu. Chính chi tiêu đã khiến bạn bị khánh kiệt đấy. Chi tiêu vào những thứ không cần thiết đã khiến bạn lâm vào cảnh túng thiếu. Khi bạn học cách chi tiêu hợp lý thì bạn sẽ giàu có. “Hầu hết mọi người đều biết cách kiếm tiền nhưng không phải ai cũng biết cách tiêu tiền!” —Henry David Thoreau Tôi từng nói chuyện với một cặp vợ chồng trong chương trình Big Spender, người vợ có tủ quần áo trị giá 600 nghìn đô-la. Đó không phải là do lỗi in sách đâu bạn ạ. Cô ấy có tủ quần áo, dày dép và túi xách trị giá 600 nghìn đô-la. Cô ấy có tới hơn 400 đôi giày hàng hiệu và ba ngăn tủ đầy quần áo được chia theo các nhãn hiệu thời trang khác nhau! Cặp vợ chồng này không có nhà ở của riêng mình. Họ tiêu tốn nhiều tiền hơn khoản họ kiếm được. Tình hình tài chính của họ rất thảm hại. Vì tiết kiệm tiền để mua nhà, họ phải sống nhờ nhà mẹ cô ấy, trong khi mẹ cô ấy sống cùng với bà ngoại. Nhưng họ lại tiêu tất cả số tiền mà họ dành dụm được để mua nhà vào những đôi giày và những bộ quần áo hàng hiệu, không một thứ nào có ý nghĩa lâu dài cho cuộc sống cả. Đáng lẽ họ phải trả 200 nghìn đô-la tiền thuê nhà mỗi năm nhưng họ lại không mất khoản tiền đó. Vậy mà họ chẳng để dành được chút nào để mua một ngôi nhà cho riêng mình. Việc tiêu pha không “giết chết” túi tiền của bạn nhưng tiêu tiền vào những thứ vô bổ thì hoàn toàn có thể. “Hãy giữ chiếc ví trong tầm kiểm soát của bạn, hoặc bạn sẽ bị ngập đầu trong những món đồ vô bổ.” Tôi biết, chi tiêu là một phần tất yếu trong cuộc sống. Đối với tôi cũng vậy, tôi không bao giờ ngừng chi tiêu ngay cả khi tôi hoàn toàn khánh kiệt và phá sản. Thế nhưng, tôi không tiêu tiền vào những thứ không có giá trị cho tương lai. Ăn nhà hàng? Chúng tôi không đi lâu rồi. Mua sắm quần áo mới? Chúng tôi không làm việc đó. Truyền hình cáp? Chúng tôi không sử dụng từ lâu. Hai vợ chồng tôi thống nhất rằng, chúng tôi sẽ chỉ tiêu tiền vào một việc duy nhất, đó là: để trở nên khôn ngoan, sáng suốt hơn. Tôi đã mua rất nhiều sách. Tôi có thể bỏ qua một bữa ăn, không xem tivi, nhưng tôi không thể bỏ qua một vụ đầu tư phát triển trí tuệ của mình. Tôi biết rằng đầu tư cho thành công sẽ cho kết quả tốt đẹp. Và đúng như vậy. Sau 20 năm và với gần bốn nghìn cuốn sách, tôi đã học hỏi được nhiều điều! Học tập không phải là một khoản chi tiêu, đó là một khoản đầu tư dài hạn. Nhà triệu phú “ba mươi nghìn đô-la” Khi còn là một cậu bé, tôi đã dành dụm từng đồng xu một để mua mấy chú cá cảnh nước mặn từ một mẩu quảng cáo trên bìa sau một quyển truyện tranh. Trông chúng rất đáng yêu – những sinh vật nhỏ bé hạnh phúc, vui vẻ và bơi tung tăng dưới làn nước. Tôi (và hàng triệu cậu bé khác) đều khám phá ra rằng những sinh vật bé nhỏ tuyệt vời nơi biển khơi mà chúng tôi đang mong mỏi có được chỉ là một con tôm nước mặn bẩn thỉu bơi lung tung trong một bình nước bẩn không hơn không kém. Tôi đã rất thất vọng nhưng tôi cũng học được một bài học quý giá. Mọi thứ không giống như những gì được quảng cáo. Còn đây là câu chuyện của một nhà triệu phú “Ba mươi nghìn đô-la”. Chắc bạn biết kiểu triệu phú này: một gã kiếm được 30 nghìn đô-la mỗi năm. Anh ta luôn cố gắng để có vẻ bề ngoài và có cuộc sống giống như một nhà triệu phú. Anh ta có một công ty làm ăn tốt, một cặp kính râm giá 300 đô-la và đỗ chiếc xe AMC Gremlin của mình trên phố trước một quán bar sang trọng dành cho giới sành điệu, và giá cả cao nhất trong thành phố, rồi đi vào như thể anh ta sở hữu quán bar đó. Khi thanh toán, anh ta rút chiếc thẻ MasterCard ra để gây ấn tượng với những người xung quanh. Đúng như câu nói: “Trăm voi không được bát nước xáo.” Nhà triệu phú “Ba mươi nghìn đô-la” luôn cố gắng thể hiện mình là một người giàu có hơn là làm việc để trở thành triệu phú thực sự. Chỉ khi anh ta nỗ lực kiếm tiền như cố gắng tỏ ra là người giàu có thì mong muốn là triệu phú của anh ta mới trở thành hiện thực. Theo đuổi tiền Giống như trong một bộ phim về tội phạm, hoạt động chính trị hay một âm mưu giết người, mục đích chính trong những trường hợp này thường là “tiền bạc”. Tiền cho chúng ta thấy điều gì thực sự có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời của bất cứ ai. Bạn có biết cách chi tiêu của bạn và những vật dụng bạn mua nói lên điều gì về bạn không? Một lần, khi làm việc với một gia đình, tôi đã hỏi người cha rằng anh có yêu quý con trai của mình không? Anh ta khẳng định điều đó là đương nhiên. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi nói với anh ta rằng tình yêu anh ta dành cho những điếu thuốc lá còn lớn hơn tình yêu anh ta dành cho con trai, vì anh ta tiêu tốn cho thuốc lá nhiều hơn khoản anh ta đầu tư cho tương lai khỏe mạnh của con trai anh ta. Sau đó tôi cầm lấy bao thuốc lá của anh ta, ném xuống sàn nhà và giẫm nát chúng dưới đôi giày cao bồi của mình. Anh ta đã sốc khi nghe thấy những điều tôi nói! Tôi thích điều đó. Và tôi đã đúng. Những gì bạn cho là quan trọng đối với bạn đều không quan trọng, hành động của bạn luôn cho tôi thấy một sự thật ngược lại. Khi theo đuổi tiền bạc, bạn sẽ biết một người thực sự yêu thích cái gì. Nếu bạn tiêu hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn đô-la vào việc mua sắm để khẳng định rằng bạn trông thật đẹp và thời trang thì chứng tỏ vẻ bề ngoài rất quan trọng đối với bạn. Điều đó tốt thôi, nếu bạn có điều kiện. Nhưng nếu bạn làm việc đó thay vì mua sắm những vật dụng có ích hay tiết kiệm tiền cho tương lai, hay đầu tư cho việc học hành của con cái, tức là bạn đã đảo lộn thứ tự những điều quan trọng trong cuộc sống của bạn. Tôi đã hỏi một anh chàng đang nợ nần chồng chất rằng điều gì quan trọng đối với anh ta. Anh ta trả lời: “Vui vẻ, gia đình và vợ.” Tôi băn khoăn tại sao anh ta lại có vấn đề khó khăn? Anh ta ưu tiên sự vui vẻ hơn tất cả mọi thứ trong cuộc đời mình. Và đó chính là nơi anh ta đã đổ tiền vào. Anh ta nợ tiền cho vay hỗ trợ sinh viên, nợ tiền người thân trong gia đình và nợ tiền rất nhiều người khác nữa; vậy mà anh ta vẫn không ngừng tiêu tiền vào đồ đạc, vào những chiếc tivi màn hình plasma và những buổi tiệc tùng với những người bạn thân của mình, thậm chí anh ta chưa bao giờ lo lắng về cái túi đựng đầy hóa đơn thanh toán của mình. Tôi biết một cặp đôi khác đã tiêu tốn 70 nghìn đô-la cho đám cưới của mình. Sau đó, họ phải dùng đến số tiền dành dụm mua nhà trong ba năm để thanh toán cho bữa tiệc đám cưới đó cùng những hóa đơn thẻ tín dụng khác nữa. Tôi nói với họ rằng trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày cưới của họ, họ có thể bật sâm-panh và uống mừng về việc cuối cùng họ cũng đã thanh toán hết các khoản mà họ đã chi cho việc tổ chức đám cưới. Bạn nghĩ rằng tôi phản đối những đám cưới đắt đỏ và ấn tượng ư? Không hề, nhưng đối với cặp đôi đó, số tiền họ tiêu tốn cho đám cưới vượt quá khả năng tài chính của họ. Một ngày hạnh phúc cùng với vài bức ảnh đẹp và rồi sau đó là 30 năm trả nợ thật không đáng chút nào. Bạn phải sắp xếp thứ tự ưu tiên của mình trước khi lập kế hoạch chi tiêu. Bạn cần viết ra danh mục liệt kê chính xác những điều quan trọng nhất đối với bạn. Bạn đã có danh mục này chưa? “Tôi không có.” Bạn đang có vấn đề rồi đấy! Bạn không có danh mục liệt kê. Chúng ta chuẩn bị sắp xếp lại nó bây giờ đây. Bạn hãy lập một danh sách những điều quan trọng với bạn. Hãy viết ra tất cả những gì bạn nghĩ là thực sự quan trọng trong cuộc sống của bạn nhé. ĐIỀU GÌ QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI BẠN? … … … Rất tốt, đó là những điều quan trọng trong cuộc sống của bạn. Giờ đây, bạn hãy xem lại những hóa đơn mua hàng và viết những thứ bạn đã bỏ tiền ra mua. Sau đó, bạn sẽ biết điều gì thực sự quan trọng đối với mình. … … … … … … … Bạn thấy có sự khác biệt nào giữa hai danh mục liệt kê trên không? Giờ bạn đã sẵn sàng để sắp xếp lại các hành động của mình theo thứ tự ưu tiên chưa? Làm giàu dễ hơn bạn nghĩ Đây là cách tôi đã làm: Tôi quyết định phải làm giàu. Tôi đưa ra quyết định này năm 13 tuổi. Lúc đó tôi đang học lớp tám, tôi thường mặc chiếc quần bò màu xanh sẫm đi học. Nó không phải là chiếc quần hiệu Levi’s giống như của những cậu bạn trong lớp. Nó là chiếc quần hiệu Roebucks. Bạn có biết cái tên Roebucks không? Hầu hết mọi người chưa từng nghe nói đến nó. Nó là nhãn hiệu quần bò của những năm 1960 trong hệ thống cửa hàng bán lẻ Sears. Cha tôi làm việc cho Sears, Roebucks và ông được hưởng chế độ mua giảm giá, vì vậy tôi phải mặc loại quần bò rẻ nhất mà chúng tôi có thể mua được với mức chiết khấu cao. Cha mẹ tôi chỉ có thể sắm cho tôi một chiếc quần bò mà thôi. Chiếc quần bò của tôi có một vết mài rách trên một bên túi. Vấn đề là ở chỗ, chính vết mài rách đó đã thể hiện rằng tôi chỉ có một chiếc quần bò. Rồi một ngày, một trong những đứa bạn cùng lớp nói với tôi rằng: “Winget, hình như ngày nào cậu cũng chỉ mặc có một cái quần thôi. Cậu không thể mua thêm một cái quần bò nữa à?”. Cậu bạn đó nói trước mặt rất nhiều người và quan trọng nhất là có rất nhiều bạn gái mà tôi chưa làm điều gì để lại ấn tượng cả. Tôi cố gắng cười phá lên và nói rằng tôi có rất nhiều quần bò và bằng mọi cách, tôi đã mài xé để tất cả chúng có cùng vết rách giống nhau. Nhưng tôi vẫn nghèo. Tôi biết điều đó và mọi người cũng biết điều đó. Cha mẹ tôi là những người tuyệt vời và họ luôn cố gắng làm những việc có thể cho tôi; nhưng điểm mấu chốt, tôi vẫn là một thằng bé nghèo chỉ có một chiếc quần bò xanh mặc đến trường hàng ngày. Tôi ghét điều đó. Tại thời điểm đó, khi còn học lớp tám trường trung học cơ sở Alice Robertson, ở Muskogee, Oklahoma, Larry Winget đã quyết định rằng mình sẽ trở nên giàu có. Mặc dù tôi vẫn chưa có ý tưởng cụ thể gì về việc làm giàu như thế nào, nhưng tôi biết tôi sẽ làm bất cứ điều gì để không rơi vào cảnh nghèo túng một lần nữa. Tôi không thể chịu đựng được cảm giác bẽ bàng của sự nghèo túng và để người khác biết về tình cảnh của mình. Quyết định đó đã định hướng cuộc đời tôi. Hiện tại tôi đã giàu có. Tôi đã mất hơn 30 năm để biến điều đó thành hiện thực. Sau khi đưa ra quyết định làm giàu, tôi bắt đầu hành động. Tôi đã định hình trong tâm trí mình giàu có là thế nào, cảm giác giàu có và mùi vị của nó ra sao. Tôi viết mọi thứ ra giấy. Tôi lập các danh mục chi tiết về cuộc sống sau này của tôi như thế nào, về những gì tôi muốn có. Tôi khẳng định đó là sự giàu có. Điều đầu tiên tôi nói vào mỗi buổi sáng là: “Tôi hạnh phúc. Tôi khỏe mạnh. Tôi giàu có.” Bây giờ tôi vẫn làm vậy. Tôi đánh dấu mọi thành công của mình. Tôi dừng việc tập trung vào những gì tôi không có, mà tập trung vào những gì tôi đang có. Dù không có nhiều, nhưng tôi luôn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để cải thiện tình trạng đó và có được nhiều thứ hơn. Và điều giúp bạn tiến lên phía trước mà hầu hết mọi người đều không sẵn sàng thực hiện đó là làm việc, làm việc chăm chỉ. Làm việc vì bản thân bạn và vì cuộc đời bạn. Khi học đại học, tôi đã làm thêm vài việc để kiếm tiền. Tôi giâm cành cây cảnh và bán chúng trên đoạn đường gần nhà vào những ngày cuối tuần. Tôi còn móc dây chỉ nhiều màu sắc thành những chuỗi trang sức để bán nữa. Các đầu ngón tay của tôi bỏng rộp vì tôi móc dây làm đồ trang sức quá nhiều. Tôi còn trực điện thoại từ 10 giờ tối đến 7 giờ sáng. Sau đó, tôi mất một giờ để lái xe đến trường và học từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Tôi về nhà và chợp mắt khoảng hai tiếng, sau đó dậy và làm bài tập, rồi làm vòng trang sức trong khoảng hai giờ đồng hồ. Tôi có đang khoác lác không vậy? Đôi chút thôi. Tôi tự hào về điều này, về những việc tôi đã làm. Tôi đã rất chăm chỉ và nỗ lực. Tôi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, nhiều lúc muốn nổ tung. Nhưng tôi luôn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có được nhiều thứ hơn trong cuộc sống. Khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng tôi chưa bao giờ quá giỏi để làm bất cứ việc gì để thay đổi hoàn cảnh của mình. Có nhiều người đã làm được nhiều hơn tôi và vượt qua những hoàn cảnh tồi tệ hơn tôi để trở nên giàu có. Hãy dừng việc suy nghĩ rằng bạn khác, hay câu chuyện của bạn không giúp bạn trở nên giàu có. Câu chuyện của bạn, không tính đến nó có thể tệ như thế nào, thì nó cũng không phải là độc nhất vô nhị. Tôi có thể cá rằng hiện giờ bạn đang thất vọng phải không? Bạn mong muốn nhiều hơn là việc có một gã nào đó nói với bạn rằng hãy quyết định trở nên giàu có, hãy gạt bỏ con người lười biếng trong bạn, hãy đứng lên và hành động để đạt được mục tiêu. Bạn muốn có một chiến lược làm giàu nhanh chóng. Nhưng tôi không có thứ đó. Tôi chỉ đơn thuần muốn giàu có, tôi quyết định mình phải trở nên giàu có và tôi sẵn sàng làm việc thật chăm chỉ và nhiều đến mức cần thiết để biến điều đó thành sự thật. Tại sao Quan trọng hơn Làm thế nào! “Một người luôn băn khoăn tìm câu trả lời cho câu hỏi ‘tại sao’ trong cuộc sống có khả năng giải quyết hầu hết những câu hỏi ‘làm thế nào’.” —Friedrich Nietzsche Trong phần hai của cuốn sách này, bạn sẽ học được phương pháp để xác định các mục tiêu của mình. Tôi sẽ cung cấp cho bạn các bước để biến chúng thành hiện thực. Nhưng nếu chỉ biết “làm thế nào” mà không biết “tại sao” thì chỉ có thể tạo ra một chút ít khác biệt mà thôi! Tại sao là động cơ, là sự khích lệ và là điều khiến bạn luôn gắn bó theo đuổi công việc ngay cả khi bạn không thích nó. Làm thế nào là công việc. Tại sao là lý do để làm công việc đó. Tại sao tôi giàu có? Tôi đã nợ bản thân tôi sự giàu có. Tôi đã nợ gia đình tôi điều kiện sống đầy đủ. Tôi muốn giàu có. Tôi biết tôi có thể biến điều đó thành hiện thực. Tôi không muốn bẽ mặt vì có ít hơn những gì tôi có thể có. Tôi muốn biết rằng tôi có thể đạt được bất cứ điều gì mà tôi quyết định đạt được. Tôi muốn sống sung túc hơn gia đình tôi trước đây. Tôi muốn đi du lịch, ở trong những khách sạn sang trọng và dùng bữa ở những nhà hàng nổi tiếng. Tôi muốn mua sắm tại những cửa hàng xa hoa và lái những chiếc xe làm người khác sửng sốt. Tôi muốn những đứa con của tôi được học ở bất kỳ ngôi trường nào chúng thích. Tôi muốn vợ tôi có bất cứ thứ gì cô ấy thích. Tôi muốn có một ngôi nhà mà những người khác nhìn vào phải trầm trồ. Tôi muốn mình có thể giúp đỡ những người khác bằng việc làm từ thiện theo trái tim mách bảo. Đây chỉ là một lượng rất ít những “tại sao” của tôi thôi. Còn bạn thì sao? TẠI SAO BẠN MUỐN GIÀU CÓ? … … … … … … … PHẦN II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHẤM KHÁ HƠN (THẬM CHÍ CÓ THỂ TRỞ NÊN GIÀU CÓ!) 3. Hãy xác định bạn đang ở đâu Trong tất cả những người tôi đã tư vấn về tiền bạc và các vấn đề về tiền bạc, chưa có một ai – ý tôi là chưa một người nào – biết được rằng anh ta đã kiếm được bao nhiêu tiền và anh ta đã nợ bao nhiêu tiền. Bạn không thể thoát khỏi tình trạng khánh kiệt và trở nên khấm khá hơn cho đến khi bạn biết được bạn sẽ phải làm việc cùng với điều gì. Đây là lúc để chỉ ra chính xác bạn nợ bao nhiêu rồi. Bạn cần lập một bảng thống kê từng khoản nợ và bạn đang nợ những ai. Dù chỉ vay ông anh vợ vài đô-la thì bạn cũng phải đưa vào danh mục này. Bạn cũng nên viết ra các khoản chi tiêu hàng tháng của mình. Bạn tiêu tiền vào bất kỳ thứ gì, từ rau quả, xăng dầu, đến ăn nhà hàng, đi xem phim, chăm sóc vật nuôi và tất cả những thứ khác, cũng đều phải đưa vào danh sách này. Đừng chỉ viết ra những gì bạn nghĩ là bạn sẽ tiêu; hãy bắt đầu Bây giờ là lúc bạn chỉ ra chính xác số tiền bạn kiếm được. Đáng buồn thay, con số tổng phía trên thường không cao bởi hầu hết mọi người không có nhiều tiền trong tay. Vì vậy, chúng ta hãy tiến đến con số thực sự mà bạn có. Nào chúng ta hãy làm một bài toán cơ bản nho nhỏ sau nhé: Thu nhập hàng tháng: … Chi phí thâm hụt hàng tháng: … Bức tranh tài chính của bạn: … Lời khuyên thực tế của tôi là: con số trên cùng phải lớn hơn con số thứ hai, có như vậy bạn mới có được một khoản tiết kiệm hàng tháng. Nếu hiện tại, thu nhập mỗi tháng của bạn thấp hơn khoản chi tiêu thì bạn đang trong tình cảnh thực sự tồi tệ đấy. Nó cũng có nghĩa là bạn không thanh toán nổi các hóa đơn của mình hoặc là bạn đang phải sống nhờ vào các thẻ tín dụng. Bạn thấy rất bất ngờ phải không? Tôi đã đưa ra bài toán này với rất nhiều người và tôi chưa gặp ai không bị sốc trước chi phí thâm hụt hàng tháng của họ cả. Họ nghĩ rằng họ chỉ tiêu vượt quá khoản thu nhập của mình khoảng một nghìn đô-la mỗi tháng mà thôi. Tôi đã ngồi với họ và chỉ cho họ thấy rằng, dựa vào các khoản chi thực tế của họ, họ đang chi tiêu vượt quá thu nhập tới gần bảy nghìn đô-la mỗi tháng. Nếu khoản chi tiêu vượt quá thu nhập thì cuộc sống của bạn sẽ không được bảo đảm. Vậy thì, bạn đã chi tiêu vượt quá thu nhập bao nhiêu? Hãy viết nó ra: … … … Nếu bạn không lâm vào cảnh thâm hụt đó thì khoản tiền bạn kiếm được nhiều hơn khoản bạn chi tiêu bao nhiêu? Hãy viết nó ra: … … … ĐIỀU NÀY KHIẾN BẠN CẢM THẤY THẾ NÀO? Biết được bạn cảm thấy thế nào vào lúc này rất quan trọng. Hãy dành một vài phút và viết ra những cảm xúc của bạn sau khi khám phá ra bức tranh tài chính thực sự của mình. … … … … … … … … Hãy chịu trách nhiệm về tình cảnh của bạn. Hãy kinh qua sự hối hận! Tôi muốn bạn nghĩ rằng: “Khỉ thật, mình đúng là một tên ngốc!” Tôi muốn bạn cảm thấy ăn năn, thấy mình như một kẻ khờ dại vì đã tự đẩy mình vào tình cảnh này; tôi muốn bạn khóc lóc, nói lời xin lỗi và cảm thấy không có kẻ nào trên hành tinh này ngu dốt hơn mình. Tôi muốn bạn đi đến trước gương và nhìn lại bản thân với những giọt nước mắt đang lăn dài trên gương mặt và chấp nhận một sự thật là bạn phải chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề của bạn. Tôi muốn bạn phải cảm thấy tổn thương, một sự tổn thương thật sự! Tại sao ư? Bởi vì đó là sự thật. Nếu bạn đang chi tiêu nhiều hơn khoản bạn kiếm được, bạn đang ngập đầu ngập cổ trong nợ nần vì bạn không thể kiểm soát được thói quen chi tiêu và kiếm được ít hơn bạn có thể, khi ấy bạn xứng đáng phải nhận hình phạt vì sự lựa chọn của mình. Tôi tin rằng nỗi đau là động cơ thúc đẩy tốt hơn rất nhiều so với sự thỏa mãn. Bạn không tin ư? Hãy suy nghĩ về nhân vật Jack Bauer trong bộ phim truyền hình 24. Tôi rất thích bộ phim này và có thể bạn cũng đã xem rồi. Nếu chưa xem, bạn chỉ cần biết rằng Jack Bauer là một người ưa sử dụng bạo lực. Bạn thử hình dung tình huống này nhé: Jack Bauer ngồi trên một chiếc ghế và nói với bạn rằng: “Hãy nói cho tôi biết quả bom nguyên tử ở chỗ nào, tôi sẽ thưởng cho anh một kỳ nghỉ thú vị ở Tahiti”; hoặc anh ta trói bạn vào một chiếc ghế, tay lăm lăm một cặp dao trước mặt bạn và đe dọa rằng: “Hãy nói cho tao biết quả bom nguyên tử ở đâu? Bằng không tao sẽ cắt từng ngón tay mày và nhìn mày chảy máu đến chết,” trong trường hợp nào bạn sẽ có câu trả lời nhanh và trung thực nhất? Hãy xem tôi có ý gì? Đau đớn luôn là động cơ thúc đẩy tốt hơn sự thỏa mãn. Hơn nữa, cảm giác hối hận là biểu hiện đầu tiên của tinh thần trách nhiệm. Khi bạn cảm thấy tồi tệ vì đã làm điều gì đó, tức là bạn đang chịu trách nhiệm về hành động đó. Trong sêri truyền hình thực tế A&E của tôi trên chương trình Big Spender, tôi đối thoại với khán giả về những vấn đề tài chính của họ. Một vài người trong số họ đã bật khóc. Tôi cảm thấy thích thú khi họ khóc. Thực tế, không phải vì tôi là một tay hống hách chỉ thích nhìn thấy nước mắt trên khuôn mặt người khác, mà vì điều đó cho tôi thấy rằng cuối cùng họ cảm nhận được những sai lầm của họ. Họ đang cảm thấy hối hận với những quyết định trước đây của mình. Khi điều đó xảy ra, tức là họ đã bắt đầu thay đổi rồi. Trong một chương trình, tôi chia sẻ với một gã lười biếng. Anh ta luôn dựa dẫm vào cha mẹ và người vợ chưa cưới. Anh ta lái chiếc xe đăng ký tên vợ chưa cưới. Anh ta sử dụng thẻ tín dụng của cô ấy bởi vì thẻ tín dụng của anh ta đã bị khóa. Anh ta cũng dùng một thẻ tín dụng khác mang tên mẹ anh ta, chuyên để mua xăng. Anh ta sống với vợ chưa cưới trong ngôi nhà của cô ấy và anh ta không đóng góp một đồng nào vào ngôi nhà hay thanh toán bất kỳ khoản chi tiêu nào trong gia đình. Hầu như bữa nào anh ta cũng ăn ở ngoài bởi vì anh ta không thích nấu ăn, ăn thức ăn thừa hay thức ăn đông lạnh. Anh ta là một người đàn ông trưởng thành nhưng hành động không khác gì một cậu bé hư hỏng. Tôi chỉ cho anh ta thấy những sai lầm của anh ta và mắng mỏ anh ta bằng những câu nói mà anh ta xứng đáng được nghe. Tôi thật không chịu nổi anh chàng này. Tôi đã làm cho anh ta khóc nức nở và cuối cùng, anh ta phải thừa nhận sai lầm của mình. Điều đó khiến anh ta đau khổ. Cuối buổi quay phim đó, anh ta muốn bỏ cuộc, không tham gia chương trình nữa, anh ta không muốn xuất hiện trên truyền hình như một kẻ tồi tệ hay ngu ngốc. Vấn đề ở chỗ nào? Anh ta là một gã tồi tệ và đã rất ngu ngốc. Tôi nói với anh ta, trong khi không có con đường nào để thay đổi quá khứ, sẽ không ai chỉ trích anh ta là kẻ tồi tệ nếu anh ta thay đổi hoàn toàn trong tương lai. Tôi đã cho anh ta cơ hội để thấy mình như một người anh hùng thay vì một gã tồi tệ. Anh ta đã làm được việc khó khăn nhất: chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm và cảm thấy ăn năn về những sai lầm đó. Sự thanh thản, dù là trong lúc khó khăn, cũng không bao giờ khó khăn như lúc ban đầu, đó chính là một bước đi quyết định. Trong trường hợp của tôi, khi thấy mình đã đến đường cùng, tôi tìm gặp một vị luật sư chuyên về phá sản. Vị luật sư đó giải thích sau khi đã xem xét trường hợp của tôi rằng, tôi thực sự không có sự lựa chọn nào khác. Bởi vì dù tôi sở hữu 15% cổ phần của công ty, cùng sự sẵn sàng ký giấy vay nợ của tôi, bao gồm cả sự bảo đảm của cá nhân tôi cho mỗi khoản vay đó cũng không thể vực dậy công việc kinh doanh của công ty, số phận của tôi đã được định đoạt. Vì vậy, cuối cùng tôi phải đến phiên tòa phá sản. Nếu bạn chưa bao giờ ở trong tình cảnh đó, hãy tin tôi đi, bạn sẽ không muốn đến đó đâu. Một vài chủ nợ của tôi thậm chí còn kéo đến phiên tòa để đòi nợ tôi. Tôi đã phải nói chuyện với họ và trả lời các câu hỏi của họ. Tôi đã nhìn thẳng vào mắt họ và thừa nhận với họ cũng như với tất cả mọi người trong phòng xử án rằng, tôi là một kẻ vô công rồi nghề và không thể trả tiền cho họ như tôi đã hứa trước đây. Một số người thậm chí còn la hét vào mặt tôi và chửi mắng. Tôi không có câu trả lời. Đầu óc tôi đang thõng xuống quá thấp đến nỗi tôi thậm chí không thể ngước nhìn vượt qua bàn chân của mình. Tôi cảm thấy nhục nhã. Tôi đã đẩy gia đình mình xuống dốc, đánh mất sự tín nhiệm, và tự mang công vác nợ vào mình. Bài viết về sự phá sản của tôi được đăng trên một tờ báo. Tất cả những người tôi quen biết đều biết những gì tôi đã làm. Tôi bị quy là người thua cuộc và kẻ thất bại. Tôi không biết có cảm giác nào tồi tệ hơn thế hay không. Tôi đứng giữa hai sự lựa chọn: dầm mình trong tình cảnh đó hay vượt qua nó. Và tôi quyết định phải vượt qua nó. Tôi nhịn nhục và đi làm, làm bất kỳ việc gì có thể để kiếm tiền. Sự bẽ bàng đã thúc đẩy tôi. Nỗi đau khi phải trải qua điều đó đã khiến tôi nhận ra rằng tôi sẽ không bao giờ đối mặt với cảm giác đó lần nữa. Một lần nữa tôi cam kết sẽ trở nên giàu có. Hãy cảm nhận nỗi đau, sự bẽ bàng, ân hận. Nhận biết được hậu quả của việc chi tiêu quá đà đã ảnh hưởng đến bản thân và gia đình bạn như thế nào. Nhận biết được sự thiếu tinh thần trách nhiệm của bạn đang ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn như thế nào trong một khoảng thời gian dài tốt đẹp – có thể là mãi mãi. Sau khi bạn cảm thấy ăn năn hối hận, hãy lau sạch nước mắt, nuốt nó vào trong và giận dữ với những điều mình đã làm. Sự tức giận có thể là một cảm xúc lành mạnh khi được dùng với mục đích thúc đẩy bản thân bạn hành động tích cực. Trở nên tức giận và đứng lên chiến đấu. Vâng, tôi nói là chiến đấu. Bạn đang trong một trận chiến. Bạn cần tôi luyện sự tự tin của mình cùng với sự tức giận. Hãy tức giận vì bạn đã làm rối tung mọi thứ lên. Hãy tức giận vì bạn đã không kiềm chế được lời nói khi mở miệng vay tiền các chủ nợ. Hãy tức giận với chính bản thân bạn về những sai lầm của mình. Hãy buồn rầu, tức giận và rồi tiến lên cùng với chúng. Đây là quá trình tiến triển cảm xúc của bạn để bạn có thể thay đổi và tiến lên phía trước: Ăn năn → Tức giận → Quyết tâm! Hãy thành thật Nếu bạn đã lập gia đình và vợ chồng bạn đang gặp khó khăn về tài chính thì đây là lúc thành thật về tất cả các khoản chi tiêu của bạn. Không có điều gì phải giấu giếm cả. Bạn cần biết hai bạn đang ở đâu, vì vậy hãy thành thật và đối mặt giải quyết điều đó. Tôi đã nói chuyện với một cặp vợ chồng đang gặp vấn đề về tài chính thực sự. Cô vợ là người nghiện mua sắm. Chồng cô ấy chỉ biết được một vài khoản nợ của vợ mình, hoặc có thể là anh ta tự suy luận ra. Sau lưng chồng, cô ta vay mẹ mình 30 nghìn đô-la để bù đắp vào các khoản chi tiêu trong thẻ tín dụng của mình. Anh chồng không biết gì về việc này. Tôi đã vạch trần mánh lới của cô vợ trong chương trình của tôi và anh ta đã rất tức tối. Nếu tôi ở trong trường hợp đó, tôi có thể dung thứ cho hầu hết những việc làm của cô ta ngoại trừ sự dối trá và lừa gạt có chủ tâm. Các bạn cần cùng nhau giải quyết vấn đề của bạn vì nó rất phức tạp. Một người không thể giải quyết một mình. Nếu chỉ có một người cố gắng giải quyết vấn đề, thì người còn lại có thể sẽ bắt đầu cảm thấy bực bội với người kia và mối quan hệ sẽ trở nên căng thẳng. Khi tôi bị phá sản và phát điên lên vì điều đó, vợ tôi và tôi cùng nhìn nhận vấn đề rồi chúng tôi làm việc cùng nhau để vượt qua tình cảnh lúc bấy giờ. Chúng tôi nói chuyện cởi mở với nhau như chưa bao giờ cởi mở như thế trước đây. Chúng tôi vẽ ra từng bước đi và lên kế hoạch thanh toán nợ nần cho các chủ nợ. Tình cảnh khó khăn đã giúp cho cuộc hôn nhân của chúng tôi bền vững hơn. Trên thực tế, nó là một trong số những điều đã giúp chúng tôi giữ vững được mối quan hệ qua thời gian khó khăn khi chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Biết được bạn muốn ở vị trí nào Tôi đã làm việc trong một công ty tư vấn gần 20 năm. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã nói chuyện với hàng nghìn người, mỗi người một hoàn cảnh. Tôi nhận được hàng trăm lá thư mỗi tháng, họ thường hỏi tôi cách làm cho cuộc sống tốt hơn. Hầu hết mọi người chỉ kể lể, than vãn rằng cuộc sống của họ tồi tệ đến thế nào. Họ không thực sự muốn có một cuộc sống tốt hơn. Thực tế, tôi hồi âm cho hầu hết những người này với tư cách cá nhân. Câu hỏi ưa thích mà tôi thường hỏi họ là: “Bạn đã có kế hoạch gì cho cuộc đời của bạn chưa? Bạn đã bao giờ viết ra rằng bạn muốn bị khánh kiệt chưa? Rằng bạn muốn bị mắc kẹt trong một đống những việc rắc rối không có kết thúc chưa? Rằng bạn muốn bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân dang dở chưa? Rằng những đứa con của bạn trông nhếch nhác, bẩn thỉu chưa?”. Tôi biết câu trả lời của họ sẽ là: “Không, tất nhiên là không rồi!”. Rồi tôi hỏi lại, “thế kế hoạch thực sự của bạn là gì?” Và tôi cũng biết câu trả lời cho câu hỏi này rồi. Họ không có kế hoạch nào cả. Không ai trong số những người tôi giúp đỡ trong chương trình truyền hình của tôi đã từng viết ra một kế hoạch cho cuộc đời của họ cả. Dù chỉ là một tấm thẻ có khổ 3cm×5cm với một câu viết trên đó cũng không có. Không một ghi chú. Không gì cả. Và họ băn khoăn tại sao cuộc sống của họ lại bất hạnh đến vậy? Điều đó chẳng phải là hiển nhiên sao? Họ không có kế hoạch biến cuộc sống của mình trở thành một cái gì đó. Còn bạn thì sao? Chẳng ai kế hoạch để trở nên khánh kiệt. Khánh kiệt xảy ra khi bạn không có kế hoạch. Bạn muốn kiếm được bao nhiêu tiền? … Bạn muốn có bao nhiêu tiền trong tài khoản tiết kiệm? … Bạn muốn có bao nhiêu tiền để làm từ thiện? … Bạn muốn có bao nhiêu tiền trong tài khoản dành cho giáo dục, hay quỹ dành cho các tình huống khẩn cấp,… … Bạn muốn ăn mặc như thế nào? … … Bạn muốn đi du lịch ở đâu? … Bạn muốn ăn ở những nhà hàng như thế nào? … Bạn muốn lái loại xe nào? … Bạn muốn sở hữu những gì? … Bạn muốn sống trong ngôi nhà như thế nào? … Bạn muốn sống trong khu phố nào? … Bạn sẽ có những thứ đó ngay bây giờ. Vậy bạn muốn có những gì? Bạn muốn sống một cuộc sống như thế nào? Hãy viết nó ra: … … … … Đó là tất cả những mong muốn trong cuộc sống của bạn. Bạn cũng có thể trở thành người giàu có bởi vì bạn muốn giàu có – nhưng chỉ khi bạn sẵn sàng hành động mà thôi. Hãy xây dựng một kế hoạch hành động để có được những gì bạn muốn Chỉ biết bạn muốn gì thôi chưa đủ. Nếu bạn chỉ tập trung vào những gì mình muốn, có thể bạn sẽ kết thúc với nhiều mong muốn hơn nữa mà thôi. Bạn phải có một kế hoạch hành động: những gì bạn có thể làm hàng ngày để đưa bản thân bạn tiến gần đến mục tiêu của mình. Điều này rất quan trọng với bạn để biết bạn muốn gì trong tương lai, nhưng bây giờ bạn cần tập trung năng lượng vào hiện tại. Luôn luôn tự hỏi bản thân có thể làm được những gì ngay bây giờ để chắc chắn bạn có một tương lai như bạn mong muốn. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA TÔI: … … … … … … Công bằng mà nói, chắc chắn bạn không viết được nhiều trong khung trống phía trên vì đơn giản là bạn không biết phải bắt đầu từ đâu. Không sao. Tôi sẽ giúp bạn điều này. Hãy đọc phần tiếp theo nhé. 4. Làm thế nào để thoát khỏi nợ nần Giờ là lúc dành cho các ngón nghề thực sự. Đây là thời điểm bạn cần có hành động nào đó thực sự cho cuộc đời bạn và cho tương lai tài chính của bạn. Nếu bạn muốn giải quyết những khoản nợ nần của bạn trước tiên thì điều đó thực sự không quá khó khăn. Nó thể hiện ở hai điều sau: Bạn phải đồng thời giảm chi tiêu và tăng thu nhập. Bạn nên làm theo hướng nào ư? Cả hai hướng. Để thực sự trở nên khấm khá hơn, bạn phải chi tiêu ít đi và kiếm tiền nhiều hơn – sẽ chẳng ích gì nếu bạn chỉ thực hiện một trong hai biện pháp này. Đây là các bước hành động bạn nên áp dụng ngay bây giờ để giúp bạn làm được điều đó: Dừng việc chi tiêu. Nguyên lý cái hố Khi bạn thấy mình đang ở trong một cái hố, hãy dừng ngay việc đào hố. Sẽ không có ý nghĩa gì khi chìm sâu hơn trong nợ nần cả. Vì vậy đừng tự làm mình ngập trong nợ nần hơn nữa. Hãy lấp lại cái hố sâu đó. Hãy chấm dứt việc tiêu pha vào những thứ vô bổ. Hãy chỉ tiêu tiền trong những trường hợp cần thiết. Vậy đâu là những trường hợp cần thiết? Chỗ ở. Tiền thuê nhà của bạn. Khoản này có tính hữu dụng. Thực phẩm thiết yếu. Điều này có nghĩa là ăn uống dè sẻn… tại nhà! Các hóa đơn. Đó là nghĩa vụ và bổn phận của bạn. Bạn phải thanh toán cho những gì bạn đã sử dụng. Đây là những trường hợp cần thiết: một mái nhà để ở, đồ ăn để phục vụ cho cái dạ dày của bạn và thoát khỏi cảnh nợ nần. Và hãy nhớ rằng, không được phép phát sinh một khoản nợ mới nào! Cần có một cuốn sổ ghi chép hàng ngày Để nhận biết được mức độ chi tiêu của bạn thì bạn cần có một cuốn sổ ghi chép chi tiêu hàng ngày. Hãy lấy một cuốn sổ trắng hay một cuốn sổ ghi chép gáy xoắn nhỏ. Ghi ngày theo dõi lên trên cùng và kẻ hai đường thẳng đứng. Viết ra những khoản bạn chi tiêu và giá cả chính xác của những thứ bạn mua. Theo dõi từng đồng bỏ ra từ túi của bạn trong từng ngày. Theo dõi các loại chi tiêu hàng ngày của bạn, như gas, đồ ăn, quần áo, nhà ở, các vật dụng thiết thực, bảo hiểm, giải trí và sự ngu dốt. Vâng, sự ngu dốt cũng là một loại chi tiêu. Tất cả chúng ta đều có những khoản chi tiêu hết sức ngu ngốc. Khi bạn bắt đầu theo dõi các khoản chi tiêu ngu ngốc của mình và thấy chúng làm tăng tổng số tiền chi tiêu của bạn như thế nào vào cuối tháng, bạn sẽ giảm được khoản tiền chi tiêu đó trong tháng tiếp theo. MỘT TRANG GHI CHÉP THEO DÕI (MẪU) Hãy cắt bỏ các thẻ tín dụng Bạn biết rằng với việc chi tiêu không kiểm soát, các thẻ tín dụng của bạn sớm muộn cũng sẽ bị khóa. Đây là điều hiển nhiên và bạn có thể đã tưởng tượng ra nó. Vì vậy, hãy dừng lại ngay lập tức; hãy cầm kéo và tiến đến ví tiền hay hầu bao của bạn và bắt đầu cắt. Cắt tất cả, chỉ giữ lại một tấm thẻ đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra. Và bạn cũng nên nhớ rằng, một cuộc dạo phố không phải là một tình huống khẩn cấp. (Có lần tôi đã nói với một người phụ nữ rằng cô ấy phải cắt bỏ các thẻ tín dụng của cô ấy nhưng có thể giữ lại một cái phòng trường hợp khẩn cấp. Cô ấy giữ lại thẻ Neiman Marcus Bực thật! Tất cả những gì tôi có thể làm là lắc đầu và bảo cô ấy cắt bỏ tấm thẻ đó.) Bạn nên giữ lại một trong số những thẻ như: Visa, MasterCard, American Express hay Discover. Một tấm thẻ mà bạn có thể sử dụng tại bất kỳ nơi nào khi bạn gặp tình huống thực sự cấp bách – Tôi đang nói về các trường hợp như gãy chân, chảy máu, một trường hợp nào đó đòi hỏi sự chăm sóc của bác sỹ. Tôi không chống lại thẻ tín dụng. Tôi cũng có vài thẻ đấy chứ. Nhưng tôi thanh toán chúng ngay khi có hóa đơn. Đó là nguyên tắc. Nếu bạn không thể thanh toán chúng khi có hóa đơn, hay ít nhất là trong tháng tiếp theo, thì đừng ghi nợ cho nó. Sự cân đối thu chi cũ sẽ thu hút rất nhiều sự chú ý của bạn. Hãy nhớ, tôi không khuyên bạn loại bỏ thẻ tín dụng. Tôi chỉ nói bạn nên cắt bỏ nó thôi. Nếu bạn có vấn đề trong việc sử dụng thẻ tín dụng, thì cắt bỏ nó có nghĩa là bạn sẽ không có thẻ tín dụng để mang theo mình đi khắp nơi và bạn sẽ không thể sử dụng chúng để rồi lại làm tăng các khoản nợ của mình. Không có thẻ tín dụng thì cũng không thể sử dụng chúng. Rất đơn giản. Những con số quan trọng trong cuộc đời bạn Lạ thật, những con số này không phải là chỉ số IQ của bạn (giả sử chỉ số IQ của bạn đạt được con số có ba chữ số rồi). Những con số này là sự đánh giá mức độ tín dụng của bạn. Có hai điều bạn cần phải có: Một là danh tiếng của bạn và hai là sự đánh giá tín dụng của bạn. Bạn có thể phá hỏng cả hai trong chốc lát hoặc là bạn có thể sẽ không bao giờ có lại được cả hai điều này. Điểm số tín dụng của bạn quyết định bạn có thể vay được tiền hay không, nếu bạn được vay tiền thì bạn có thể vay được bao nhiêu và mức lãi suất bạn sẽ phải trả cho khoản vay đó. Điều này rất quan trọng. Theo thời gian, nó có thể vừa tiết kiệm cho bạn hàng trăm nghìn đô-la cũng có thể lấy đi của bạn hàng trăm nghìn đô-la. Thậm chí nó có thể ảnh hưởng tới việc bạn có việc làm hay không. Ông chủ trước đây của bạn sẽ không thể nói với tôi rằng bạn là một người có trách nhiệm hay không trên phương diện pháp lý, nhưng điểm số tín dụng của bạn thì có thể. Hãy bảo vệ điểm số tín dụng của bạn bằng mọi giá. Nó sẽ theo bạn mãi mãi đấy. Một điểm số tín dụng thấp không bao giờ thực sự buông tha bạn. Bạn có thể hành động từng bước để nâng cao nó và các sắp xếp, phân loại tồi tệ rốt cuộc cũng sẽ mất đi; nhưng nếu những người cho vay tìm hiểu kỹ càng, những vết nhơ không đáng kể này cũng sẽ vẫn ở đó giống như một đám mây đen che phủ bạn. Chú ý: Rất khó để đưa ra cho bạn một con số cụ thể tạo nên một bảng xếp hạng tín dụng tốt. Các điểm số xếp theo dãy số từ 350 (hiếm có) đến hơn 800 (hiếm tương tự). Tôi cho rằng con số bạn cần nên ở khoảng giữa 600 điểm, như vậy bạn có đủ điều kiện để có được một tỷ lệ lãi suất hợp lý cho khoản vay mua xe hay mua nhà rồi. Nhưng sự dao động trong khoảng 20 điểm theo cả hai chiều đều có thể tạo nên một sự khác biệt lớn với số tiền bạn phải trả cho khoản nợ của mình trong suốt cuộc đời. Mục tiêu đặt ra là bạn cần phải được xếp hạng khoảng 700 điểm. Hãy làm việc với các chủ nợ Sai lầm phổ biến nhất mà mọi người thường mắc phải với các chủ nợ là không nói chuyện thẳng thắn với họ. Các con nợ thường tránh né các cuộc điện thoại và cố tình lờ những lá thư của họ đi. Hãy dừng ngay những hành động như vậy. Hãy chủ động giao thiệp, nói chuyện với họ. Đúng rồi, hãy nhấc điện thoại lên và nói chuyện với họ. Điểm số tín dụng được đánh giá ở khía cạnh: sự sẵn sàng và khả năng chi trả. Nếu bạn chưa thanh toán các hóa đơn của mình, lúc đó bạn hãy giải thích với các chủ nợ rằng bạn chưa có đủ tiền để trả cho họ. Hãy để họ biết rằng bạn luôn sẵn sàng trả tiền họ ngay khi bạn có thể. Hãy nói với họ về khả năng chi trả của bạn và đàm phán, thương lượng một cách khôn khéo nhất có thể vì việc trả nợ của bạn. Đừng thuê ai đó gọi điện cho chủ nợ của bạn. “Các bác sỹ của chủ nợ” này sẽ rất vui vẻ gọi điện cho chủ nợ của bạn để thương lượng thay cho bạn, nhưng họ không làm việc này miễn phí đâu. Bạn chắc chắn phải trả một khoản tiền công và đôi khi khoản tiền đó cũng tương đối lớn đấy. Bạn muốn biết tại sao họ lại đòi tiền thù lao cao để làm việc đó ư? Bởi vì họ biết bạn không muốn làm việc đó như thế nào. Đừng trả tiền công cho một ai đó để dọn dẹp sự bừa bộn do bạn gây ra. Hãy gạt lòng tự trọng sang một bên Khi một chủ nợ gọi điện đòi nợ bạn vì đã đến hạn phải trả, đừng bao giờ tỏ ra lo lắng để tránh bị chỉ trích. Đây là một sai lầm lớn mà hầu hết mọi người đều mắc phải khi đối mặt với các chủ nợ. Ba mươi năm trước, tôi làm việc tại phòng kinh doanh của Southwestern Bell, công việc của tôi là gọi điện cho khách hàng và yêu cầu họ thanh toán hóa đơn điện thoại. Tôi thường phải nhận những tiếng la hét, chửi bới của mọi người trong khi tôi chỉ yêu cầu họ thanh toán hóa đơn của họ mà thôi. Tôi học được vài điều về việc thanh toán các hóa đơn từ công việc đó. Nếu một người thanh toán chậm nói với tôi sự thật và thừa nhận rằng anh ta đang ngập trong nợ nần, nhưng anh ta sẵn sàng chịu trách nhiệm thanh toán hóa đơn đó, rằng anh ta rất xin lỗi và gửi tôi một khoản tiền bất kỳ, dù là rất ít, thì tôi sẽ không cắt điện thoại của anh ta. Nếu anh ta nói dối tôi thì lần tới, khi anh ta với tay lấy cái điện thoại để gọi, anh ta sẽ không nghe thấy tiếng chuông quay số quen thuộc bên tai nữa. Đừng quên rằng việc thanh toán hóa đơn chậm trễ là sai lầm của bạn, chứ không phải sai lầm của chủ nợ. Các chủ nợ chỉ đang làm công việc của họ khi cố gắng thu nợ từ bạn mà thôi. Công việc của họ là đòi nợ. Họ đã phải nghe những lời la mắng, những lời nói dối và mọi lý do mà tôi đã đưa ra trong cuốn sách này. Bạn hãy vui vẻ với họ. Hãy đi thẳng đến chỗ họ và gửi họ một ít tiền. Đừng bao giờ hứa hẹn với họ những điều bạn không thể thực hiện được. Hãy hợp tác thay vì chống lại họ và bạn có thể thấy làm việc với họ dễ dàng hơn bạn nghĩ. Bạn cần các chủ nợ của bạn ở bên mình, vì vậy đừng xa lánh họ. Bạn có thể thử biện pháp này: Hãy trả chủ nợ của bạn một khoản tiền, dù chỉ là một ít. Bạn hãy trả ở mức nhiều nhất có thể đối với những khoản vay có tỷ lệ lãi suất cao nhất. Khoản vay với mức lãi suất thấp nhất thì trả khoản tiền ít nhất. Hãy đảm bảo rằng mọi chủ nợ đều được trả một khoản nào đó. Cảnh báo! Thoát khỏi nợ nần là một quá trình chậm chạp! Thoát khỏi nợ nần và yên tâm về mặt tài chính là một quá trình chậm chạp. Giống như việc lún dần vào nợ nần, thoát khỏi nó cũng phải mất một khoảng thời gian nhất định. Đừng chán nản và vỡ mộng bởi vì bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức vào việc trả nợ. Điều này có nghĩa là bạn sẽ mất rất nhiều thời gian trước khi bạn có thể kiếm được một khoản vốn kha khá để gửi ngân hàng. Cơ hội là bạn có tỷ lệ lãi suất gửi rất cao và hầu hết các khoản chi trả của bạn sẽ lấy từ tiền lãi. Đừng từ bỏ. Bạn đã tự mình tiến sâu vào con đường nợ nần và bạn sẽ phải tự mình tìm ra con đường để thoát khỏi nó. Hãy sử dụng một cuốn lịch theo dõi Hãy dùng một cuốn lịch có những ô vuông trống to để có thể viết vào. Hãy đánh dấu vào ngày mà từng hóa đơn đến hạn thanh toán. Khi bạn thanh toán, hãy viết chữ ĐÃ THANH TOÁN bằng mực đỏ trong ô trống đó. Tôi sẽ không phải trợ giúp bạn nữa khi bạn có một quyển lịch có nhiều chữ ĐÃ THANH TOÁN viết bằng mực đỏ. Nó sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn, tôi chắc chắn điều đó đấy. Hãy thanh toán sòng phẳng cho những gì bạn đã sử dụng. Nó thể hiện tính chính trực của bạn. Thanh toán chậm các hóa đơn sẽ khiến bạn trở thành kẻ nói dối. Công ty thẻ tín dụng đã đồng ý kéo dài thời hạn tín dụng của bạn còn bạn đồng ý thanh toán vào một ngày nhất định nào đó. Thậm chí bạn còn ký một hợp đồng với họ và cam kết sẽ tuân thủ các điều khoản của hợp đồng đó. Nếu bạn không làm được, tức là bạn đã nói dối. Điều này rất đơn giản. Bạn đã không thực hiện đúng các cam kết của bạn với công ty thẻ tín dụng. TRANG LỊCH THEO DÕI MẪU Hãy thanh toán các hóa đơn ngay khi chúng được gửi tới Đừng để dồn các hóa đơn lại và thanh toán chúng cùng một lúc. Đầu tiên, nó chỉ là một việc vặt. Và tất cả chúng ta đều cố gắng tránh phải làm những công việc vặt quá nhiều. Thứ hai, bạn khó có thể thanh toán hết một chồng hóa đơn cùng một lúc vì số tiền phải trả quá lớn. Thay vào đó, khi một hóa đơn được gửi tới, bạn hãy thanh toán nó ngay lập tức. Việc đó chỉ mất vài phút và sẽ mang lại cho bạn cảm giác vừa thực hiện công việc theo cách bạn vẫn làm đều đặn để thoát khỏi nợ nần, giống như hầu hết các công việc cơ bản mà bạn vẫn làm hàng ngày. Hãy thanh toán từng khoản nhỏ cho các khoản nợ của bạn Đây là một bí quyết mà tôi học được từ nhiều năm trước khi tôi nợ nần rất nhiều người và rất nhiều tiền. Khi một hóa đơn được gửi đến, chúng ta hãy giả sử đó là một hóa đơn thẻ tín dụng nhé, hãy thanh toán mức cao nhất bạn có thể ở thời điểm đó. Tuy nhiên, hãy sao chép một biên bản chứng nhận phần đã thanh toán của hóa đơn đó. Thực tế là bạn nên sao chép ra vài bản. Sau đó, khi bạn có thêm một chút tiền nữa, hãy viết một tấm séc khác và gửi số tiền đó đi. Vâng, việc này sẽ hơi phiền hà một chút và bạn sẽ phải chi thêm một khoản nhỏ để mua phong bì, tem và chi phí để sao chép các bản chứng nhận thanh toán. Nhưng chỉ mất có 50 xu để thanh toán thay vì 10 hay 20 đô-la tiền thanh toán bằng tài khoản của bạn. Tôi đã từng trả hai hay ba khoản thanh toán nhỏ một tháng cho một hóa đơn bởi vì tôi nhận ra rằng tôi sẽ không mất 20 đô-la phí chuyển tiền bằng tài khoản. Vì vậy, tôi buộc mình làm như thế trước khi điều khác có thể xảy ra và tôi sẽ tiêu mất khoản tiền dành để thanh toán cho hóa đơn đó. Bạn có thể chia nhỏ khoản nợ của bạn và thanh toán dần từng khoản một, khi đó bạn sẽ không bị lôi cuốn vào việc tiêu tiền dành để trả nợ cho một điều khác nữa. Hãy dành toàn bộ thu nhập sẵn có để thanh toán các khoản nợ của bạn. Đừng nghĩ rằng bạn có thể vay mượn để thoát khỏi nợ nần Hãy thận trọng với sự cám dỗ vay tiền để thanh toán nợ. Chúng ta đều thấy hấp dẫn trước việc cầm cố, thế chấp nhà ở để trả nợ, trong một vài trường hợp, điều này khá hợp lý. Khi bạn thế chấp nhà ở, tức là bạn có một khoản tiền để trang trải nợ nần, đó là một việc làm đúng đắn. Nhưng chỉ trong trường hợp bạn có thể kiểm soát được bản thân và không mắc nợ thêm khoản tín dụng không chắc chắn nào nữa; hoặc nếu không bạn sẽ có kết thúc đúng như vị trí lúc trước của bạn, rõ ràng điều này thật tồi tệ. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng một nửa số người cầm cố nhà ở để vay nợ đều không thanh toán được hết các khoản nợ của họ, mà ngược lại, họ kết thúc ở đúng vị trí họ đứng trước đây khi họ thế chấp nhà để vay nợ. Họ vẫn giữ thói quen sử dụng thẻ tín dụng bạt mạng và thế là các hóa đơn thanh toán lại tăng dần lên cộng với một khoản nợ cầm cố nhà ở, họ không những không thể trả hết nợ mà còn có nguy cơ bị thu hồi nhà. Tốt hơn bạn nên giữ nguyên các khoản nợ của mình và trả chúng ngay khi có thể. Đừng vay mượn của những người thân trong gia đình hay bạn bè Bạn bè, gia đình và tiền bạc không nên dính dáng tới nhau. Vay mượn tiền của những người thân trong gia đình hay bạn bè có thể giúp bạn thanh toán một hóa đơn, nhưng chắn chắn bạn sẽ mất đi một người bạn hay gây ra sự oán hận trong gia đình. Thậm chí ngay cả khi có người đề nghị giúp đỡ bạn thì lời khuyên của tôi vẫn là không. Bạn đã tạo ra một mớ hỗn độn thì chính bạn phải dọn dẹp mớ hỗn độn đó. Sau này bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và tự hào vì đã tự mình giải quyết được vấn đề đó. Không nên lựa chọn phá sản để kết thúc mọi việc Tôi vừa xem một chương trình quảng cáo trên truyền hình với hình ảnh một vị luật sư chuyên về phá sản tươi cười nói: “Nếu bạn có quá nhiều hóa đơn và không có đủ tiền để thanh toán chúng thì phá sản chính là câu trả lời dành cho bạn.” Tôi có thể nói với bạn rằng, đó hoàn toàn là một lời nói dối. Phá sản là một câu trả lời. Thậm chí nó có thể là câu trả lời của bạn. Nhưng nó không thể là câu trả lời đầu tiên của bạn được. Những mẩu quảng cáo như trên thường cuốn hút mọi người vì chúng đưa ra một giải pháp rất đơn giản. Con người luôn muốn có một giải pháp đơn giản. Theo kinh nghiệm của tôi, phá sản không dễ dàng chút nào. Phá sản có thể là một biện pháp giúp giải quyết tình cảnh khó khăn một cách nhanh chóng nhưng thực tế, nó không giải quyết được tình huống theo bất kỳ hướng nào cả. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng một nửa những người tuyên bố phá sản đều đã tuyên bố phá sản nhiền hơn một lần, điều này chứng minh rằng phá sản không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Thói quen của họ vẫn không thay đổi và họ lại kết thúc trong mớ hỗn độn như trước đây mà thôi. Phá sản không thay đổi hành vi cá nhân. Cho đến khi bạn hành động khác đi bằng việc giảm bớt chi tiêu, kiếm tiền nhiều hơn và tiết kiệm, nếu không, bạn sẽ vẫn mắc phải vấn đề trước đây của bạn. Tôi biết rằng nhiều người khi rơi vào tình cảnh túng tiền có thể trở nên liều lĩnh. Tôi biết phá sản dường như là lựa chọn duy nhất của bạn. Tôi biết rằng có nhiều người không biết phải làm gì khác để giải quyết vấn đề ngoài giải pháp tuyên bố phá sản nhằm tìm kiếm một vị trí mới để bắt đầu. Nhưng hãy làm tất cả những điều bạn có thể để tránh trường hợp phá sản. “Nhưng Larry, anh cũng đã từng tuyên bố phá sản mà.” Hãy tin tôi đi, tôi không bao giờ quên được rằng tôi đã từng tuyên bố phá sản. Đã gần 20 năm rồi, mỗi khi tôi muốn mua một ngôi nhà hay làm bất kỳ việc gì bằng tín dụng, chúng lại nhanh chóng nhắc nhở tôi về trải nghiệm đó. Có thể sẽ có người khuyên bạn rằng tình trạng phá sản rồi cũng sẽ qua đi. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, phá sản không giải quyết được triệt để vấn đề của bạn. Hiểu theo cách khác, dư âm của việc phá sản có thể bám đuổi bạn trong suốt quãng đời còn lại. Trường hợp phá sản của bản thân tôi là kết quả của một họat động kinh doanh. Khi đó, tôi là giám đốc và là cổ đông của một công ty nhỏ. Tôi sẵn sàng ký tên mình vào giấy vay nợ ngân hàng và các thủ tục thuế, lấy tư cách cá nhân cam kết cho khoản tiền vay mà công ty không thể trả được. Công ty đó phá sản vì rất nhiều lý do, trong số đó cũng không loại trừ sự ngu dốt của cá nhân tôi. Tôi đã phạm rất nhiều sai lầm, nhưng tôi chịu trách nhiệm về những sai lầm đó và chấp nhận hậu quả. Tôi sa sút nhanh chóng sau khi công ty phá sản. Nhưng ít nhất tôi sa sút không phải vì việc chi tiêu quá nhiều! Nếu bạn có thể tránh giải pháp cuối cùng này bằng cách giảm chi tiêu và kiếm tiền nhiều hơn, thì bạn có trách nhiệm với chính bản thân bạn để làm việc đó. Trong chương tiếp theo, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy những thay đổi nhỏ có thể mang lại nhiều tiền hơn bạn nghĩ. 5. Làm thế nào để cắt giảm chi tiêu và tăng thu nhập Cách duy nhất để kiếm được nhiều tiền hơn là tiêu nhiều hơn. Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng đó là cách cuộc sống vận hành mà. Bạn tiêu đi và sau đó bạn kiếm lại. Nhưng đầu tiên hãy cứ tiêu tiền đi đã. Sau đó bạn hãy tìm cách kiếm lại. Không còn cách nào khác cả đâu. Rất nhiều người đã đến trước mặt giám đốc của họ và nói: “Nếu ông trả lương cho tôi nhiều hơn thì tôi sẽ làm việc tốt hơn.” Theo tôi, tốt nhất các vị giám đốc nên trả lời là: “Nếu anh làm việc nhiều hơn thì tôi sẽ trả lương cho anh cao hơn.” Nguyên lý này có tác dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Bạn không thể có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình cho đến khi bạn từ bỏ những việc khác. Bạn không thể khỏe mạnh hơn cho đến khi bạn từ bỏ những gì đang làm bạn yếu đi. Và bạn không thể khấm khá hơn cho đến khi bạn sẵn sàng từ bỏ những việc đang làm bạn cháy túi. Bạn sẵn sàng từ bỏ điều gì? Bạn có sẵn sàng từ bỏ một chút thời gian xem tivi? Một chút thời gian dành cho gia đình? Thời gian để ngủ? Mua sắm quần áo? Đi ăn nhà hàng? Đi mua sắm? Chơi golf? Hay thăm hỏi bạn bè? Hãy cho tôi biết chính xác bạn có thể từ bỏ những gì để vừa làm việc nhiều hơn vừa học hỏi nhiều hơn – bất kỳ điều gì không cần thiết. DANH MỤC NHỮNG VIỆC TÔI SẴN SÀNG TỪ BỎ: … … … … … … … … … … … … Mọi thứ đều đáng giá Đừng nghĩ rằng một việc nào đó là quá tầm thường để có thể tạo nên một sự khác biệt nhé. Mọi thứ trong cuộc sống của bạn đều có thể đưa bạn tiến gần hơn hoặc kéo bạn ra xa vị trí bạn mong muốn có được. Không có gì là vô nghĩa cả. Mỗi cuốn sách, tạp chí và chương trình truyền hình đều có thể đưa bạn đến gần hơn hay trôi xa hơn mục tiêu của bạn. Mỗi người bạn của bạn đều có thể giúp bạn tiến gần hơn các mục tiêu của bạn nhưng cũng có thể đẩy bạn ra xa chúng. Chúng ta hãy quan sát những việc bạn nên từ bỏ để giúp bạn tiến gần hơn với mục tiêu là giải quyết những vấn đề về tài chính nhé. Hãy cắt truyền hình cáp Chi phí cho truyền hình cáp trung bình khoảng 100 đô-la mỗi tháng; 1200 đô-la một năm cũng là một con số không nhỏ trong quá trình chi trả nợ nần của bạn phải không? Hãy cắt ngay truyền hình cáp. Bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó! Tôi biết, bạn sẽ ngay lập tức đưa ra câu hỏi, bạn sẽ sống thế nào nếu thiếu kênh HBO? Bạn hoàn toàn có thể. Tôi đã nói với một anh chàng trong chương trình Big Spender rằng anh ta phải từ bỏ truyền hình cáp và anh ta đã rất tức giận với tôi. Anh ta nói đó là một việc làm không cần thiết. Tôi đoán anh ta nghĩ rằng công việc mới là điều quyết định bởi vì anh ta đang thất nghiệp. Anh ta có truyền hình cáp nhưng lại không có việc làm. Anh ta tức giận và quát vào mặt tôi: “Tôi nghe nói anh từng bị phá sản. Anh đã làm gì chứ?” Tôi trả lời anh ta rằng tôi đã bán máu để lấy tiền trả tiền thuê nhà, và tất cả những gì tôi đang làm là giúp anh ta thoát khỏi tình cảnh cháy túi, vì vậy tốt hơn là anh ta nên nghe theo lời khuyên của tôi. Và anh ta đã làm theo lời tôi. Hãy lắng nghe và quan sát bất kỳ thứ gì bạn có thể nhìn thấy. Hay hãy từ bỏ truyền hình nói chung. Một người phụ nữ trong chương trình Big Spender đã rất khó chịu khi từ bỏ chiếc tivi của mình, cô ấy gào thét và khóc lóc về điều đó. Sau một tháng sống không có tivi, cô ấy nói với tôi rằng thậm chí cô ấy không muốn có nó nữa. Cô ấy và gia đình đã ngồi đọc sách cùng nhau, chơi trò chơi, đi dạo và nói chuyện với nhau. Gia đình họ gần gũi nhau hơn bởi cái tivi đã không còn. Hãy sử dụng một chiếc xe rẻ hơn Tôi đã làm việc với một người đàn ông mà chỉ riêng tiền thuê nhà của anh ta đã là 1.800 đô-la mỗi tháng. Chi phí cho chiếc xe của anh ta là hơn 900 đô-la mỗi tháng. Thực tế, anh ta nghĩ rằng điều đó cũng chẳng sao; chỉ một tháng trước, chi phí cho chiếc xe của anh ta lên tới 1.200 đô-la. Lời khuyên của tôi dành cho anh ta là hãy giảm chi phí cho xe hơi xuống mức 200 đô-la mỗi tháng. Tôi biết anh ta đang chóng mặt với khoản tiền vay mua xe, và tôi thực sự không quan tâm đến việc liệu anh ta có phải lái chiếc xe với mức chi phí 200 đô-la mỗi tháng trong 15 năm tới hay không… Nhưng hiện tại, anh ta cần tiền mặt để thanh toán các hóa đơn khác. Tôi không quan tâm bạn là ai – nhưng tôi nghĩ bỏ ra 50% thu nhập cho một chiếc xe hơi thì thật là ngu ngốc. Phải mất đến chín lần giao dịch với đại lý bán hàng anh ta mới có thể tìm được một người có khả năng giúp đỡ mình. Cuối cùng anh ta cũng có được một chiếc xe rẻ hơn cùng với khoản tiền thừa của chiếc xe hơi quá đắt tiền mà anh ta đã các thêm vào. Và anh ta đã kéo dài thời gian anh ta phải thanh toán. Vài người có thể cho rằng việc bán một chiếc ô tô đắt tiền như vậy là một biện pháp ngu ngốc. Tôi không đồng ý. Việc làm đó mang lại cho anh ta 500 đô-la mỗi tháng mà anh ta đang rất cần. Khi đó anh ta có thể thanh toán các thẻ tín dụng có mức lãi suất 30%. Anh ta cũng có thể thực hiện được các công việc bắt buộc khác. Bạn bị cuốn hút và sẵn sàng các thêm tiền để sở hữu một chiếc xe hơi đắt tiền, nhưng bạn sẽ không có đủ tiền để thanh toán cho những chi phí của nó, vì vậy, hãy tìm một chiếc xe phù hợp với túi tiền của bạn. Hãy vượt qua biểu tượng địa vị ngu ngốc và bạn sẽ nhận ra rằng, khi ở trong tình cảnh khó khăn, bạn không cần một biểu tượng địa vị, bạn chỉ cần một phương tiện để di chuyển mà thôi. Hãy bán nhà hoặc tìm thuê một căn hộ rẻ hơn Tôi biết đây là một quyết định quan trọng, nhưng đôi lúc nó lại rất cần thiết. Những người cho vay thường có xu hướng rất nhiệt tình cho mọi người vay tiền để mua nhà, và hiện giờ những người này không có đủ khả năng để chi trả. Họ đã vay một khoản tiền mua nhà với lãi suất tiền vay bằng 0 và chỉ phải trả tiền lãi tính trên tiền vay, nhưng hiện giờ tiền vốn của họ sắp sửa cạn kiệt và đơn giản là họ không có tiền. Nếu bạn đang ở trong trường hợp tương tự, bạn nên bán ngôi nhà đó và tìm mua một căn hộ khác rẻ hơn. Có thể bạn đã không có khả năng chi trả cho ngôi nhà khi bạn mua nó; nếu bạn vay tiền theo cách này, đó là một hành động ngu ngốc! Vì vậy, hãy chấm dứt những tổn thất này, rút ra bài học và thay đổi. Cũng có thể bạn đã vay tiền với hợp đồng thế chấp có lãi suất có thể điều chỉnh (ARM), và bạn biết bạn không thể thanh toán được khoản nợ mới cao hơn. Nếu bạn không muốn ngôi nhà của bạn bị tịch thu để thế nợ, hãy bán ngay khi vẫn còn cơ hội. Bạn có thể bán giá thấp nếu thị trường đình trệ, thậm chí bạn còn có thể bị mất đi một khoản tiền. Điều này quá tệ. Hãy nói chuyện với một chuyên gia bất động sản và với công ty thế chấp của bạn để tìm ra bước đi tiếp theo tốt nhất cho bạn. Tiện đây, khi nhắc tới chuyên gia bất động sản, tôi khuyên bạn nên tìm một người có kinh nghiệm kinh doanh trong nhiều mảng hơn là chỉ về nhà đất và hiểu biết các thủ tục giấy tờ. Tôi đang nói về một người đã có kinh nghiệm buôn bán trên thị trường và có nhiều bạn bè kinh doanh cho vay. Người này có thể cùng làm việc và giúp bạn thoát khỏi mớ hỗn độn do bạn gây ra. Nếu bạn thuê nhà, chỉ cần tìm thuê một căn hộ rẻ hơn và chuyển đến đó. Bạn cảm thấy khó khăn, không thuận tiện ư? Bạn băn khoăn việc làm này có cần thiết hay không ư? Tất nhiên rồi. Chuyển đến một ngôi nhà mới, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể và giúp bạn tiến gần đến mục tiêu thanh toán nợ nần hơn. Hãy từ bỏ sử dụng Internet đường truyền tốc độ cao Tôi rất tiếc. Nếu bạn đang đau đầu về tài chính và không thể thanh toán các hóa đơn, hãy xem xét lại đường truyền Internet. Và làm ơn đừng nói với tôi rằng bạn cần nó. Trừ phi bạn kiếm sống nhờ Internet, còn không thì bạn không cần nó. Nó không phải là một thứ thiết yếu. Bạn chỉ thích nó, thích sử dụng nó. Nó là một phương tiện giải trí. Một cuốn sách cũng vậy. Hãy sử dụng Internet thông thường cho đến lúc bạn có thể dễ dàng chi trả cho nó.