🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hãy Tin Rằng Bạn Đươc Yêu Thương Ebooks Nhóm Zalo “Hãy tin rằng bạn được yêu thương” - Philis Boultinghouse - Được xuất bản bởi Công ty TNHH Sách Phương Nam Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Mỗi ngày trôi qua, bạn hãy nhớ rằng luôn có người cần một vòng tay thân thương... ... Thậm chí có thể đó là bạn! Mối quan hệ giữa những người bạn gái rất đặc biệt, không giống bất cứ mối quan hệ nào. Dù ở độ tuổi 15 hay 50, tình bạn gắn bó của những người phụ nữ đều được hình thành từ những tâm hồn rộng mở, sự sẻ chia, và thái độ chân thành cổ vũ cho nhau. Dù bạn là ai, mới quen biết hay được yêu quý từ lâu, quyển sách này xin sẻ chia một “cái ôm” thương mến với tất cả những ai được bạn gọi là “bạn”. Dành tặng Sheila Dawson, người bạn vô vàn yêu quý của tôi, cô đã lìa xa cuộc sống này để đến một thế giới khác vào ngày 15 tháng 9 năm 2001, nhưng cô vẫn sống mãi trong trái tim tôi. Chương 1: Bạn là phải biết quan tâm đến nhau N gày lại ngày, tôi gửi đến bạn những thông điệp đặc biệt của tình yêu thương và lòng chân thành. Tình cảm yêu mến mà tôi dành cho bạn sẽ không bao giờ vơi cạn, vẫn luôn mới mẻ và đến với bạn mỗi buổi sáng. Hạnh phúc là khi chúng ta yêu thương nhau và khuyến khích nhau làm những điều tốt đẹp. Những thông điệp ngợi ca tình yêu thương Đ ã từng có người bạn nào khiến bạn ngạc nhiên vì sự ân cần của họ? Ngạc nhiên vì người bạn ấy đã làm những việc bất ngờ dễ thương nhất trong cuộc sống này? Có thể khi bạn đau ốm, người ấy sẽ tận tâm chăm sóc bạn; hoặc khi bạn phải trải qua những thời khắc đen tối nhất trong đời, người ấy lặng lẽ đến ngồi bên cạnh bạn, chỉ đơn giản là giúp bạn khóc. Có thể khi bạn phạm lỗi, người ấy vẫn tha thứ; hoặc khi bạn gặp khó khăn, người ấy yêu thương bạn hơn. Bất luận thế nào, lòng tốt phải xuất phát từ suy nghĩ và dự định. Còn hơn thế, một người bạn tốt không chỉ biết nghĩ về bạn, mà còn phải biết làm những điều thiết thực giúp đỡ bạn mình. Có lẽ bạn đã từng nghe câu nói: “Bạn trong lúc cần kíp mới là bạn...”. Phải chăng đây là một định nghĩa về “người bạn gắn bó” hoặc “người bạn đích thực”? Đã là bạn của nhau thì phải giúp nhau trong lúc cấp bách bằng những hành động cụ thể, bắt nguồn từ suy nghĩ và nỗ lực, chứ không chỉ nói suông “Cho tôi biết tôi có thể làm gì giúp bạn không?”. Có lẽ bạn đã từng nhìn thấy ở phía sau một số xe ôtô có dán khẩu hiệu cổ vũ cho “những hành động đẹp ngẫu nhiên”. Ý tưởng này cho rằng một hành động đẹp sẽ gợi ý cho một hành động đẹp khác; hành động đẹp khác đó lại gợi ý cho một hành động đẹp khác nữa, và cứ như thế... Hiệu quả dây chuyền của một hành động đẹp được sẻ chia có thể tạo ra những khác biệt làm thay đổi cả thế giới - hay chí ít là thế giới mà bạn đang sống. Rồi bạn sẽ nhận ra, sự ân cần tử tế không chỉ biểu hiện qua những hành động thân thiện dành riêng cho người bạn thân của mình. Chúng ta vẫn có thể làm những điều thật sự lớn lao và tốt đẹp cho một người mới quen như thể “một người bạn gắn bó”. Nếu được vậy, thế nào chúng ta lại chẳng gặp được “một người bạn đích thực”. Vị ngọt ngào nhất của đời người là tình bạn. Joseph Addison Mặc dù rất ngạc nhiên, nhưng Cindy chợt thấy vui mừng náo nức, cảm giác mà từ bảy tháng nay cô đã không hề biết đến. Yêu là gắn bó và quan tâm Cindy dập mạnh ống nghe và bật khóc. Sao người ta lại có thể nói năng bất lịch sự đến thế khi đặt mua hoa trong ngày lễ tôn vinh tình yêu cơ chứ! Từ sáng đến giờ, những giọt nước mắt tủi thân cứ chực trào khỏi mi mắt, nên khi người đàn ông đặt hoa vừa chạm vào nút giới hạn của sức chịu đựng, Cindy đã không thể kìm được nước mắt nữa, dù biết rằng anh ta không cố ý xúc phạm cô. Phải chi có Charlie bên cạnh, những câu nói đùa dí dỏm của anh chắc chắn sẽ an ủi được cô, dù chỉ trong chốc lát. Nhưng Charlie không có mặt ở đây, mãi mãi không bao giờ nữa. Không tủi thân sao được khi quản lý một cửa hàng bán hoa trong mùa Valentine, mà lại không được hưởng một ngày lễ tình nhân trọn vẹn. Đây là lễ tình nhân đầu tiên không có Charlie. Sao cô ghét những “lần đầu tiên” này đến thế. Người ta bảo rằng một khi đã vượt qua được một năm của những “lần đầu tiên”, là cô đang dần bình phục. Cindy không tin điều đó. Đã bảy tháng nay, mỗi sáng thức dậy, cô không thể nào chịu đựng được cảm giác trống vắng và nỗi đau đớn trong tim. Nếu bảy tháng đã trôi qua, mà mỗi ngày đều phải cố quên nỗi đau, thì làm sao cô có thể bình phục sau mười hai tháng cơ chứ? Những người nói câu đó, họ đâu có biết cô đang đau đớn mất mát như thế nào! Cindy đã một mình trải qua lễ Tạ ơn đầu tiên, Giáng sinh đầu tiên, Năm mới đầu tiên và bây giờ là lễ Tình nhân đầu tiên. Đến sinh nhật của cô vào tháng bảy tới đây, lần đầu tiên cũng chỉ có một mình cô. Nếu có Charlie thì đây sẽ là lần thứ 6 anh chúc mừng sinh nhật cô. Cindy và Charlie đã kết bạn với nhau - còn hơn những người bạn thân thiết nhất - trong suốt mười ba năm, tính cả những năm chung sống. Họ gặp nhau tại trung tâm sinh viên Cơ đốc giáo ở trường đại học Đông bắc Louisiana. Lúc đó, Charlie không phải là người ngoan đạo. Hơn thế, anh vẫn thường tỏ ra kinh ngạc khi thấy ai đó lại thức dậy sớm vào mỗi sáng chủ nhật để đi lễ. Một buổi sáng, Charlie cùng một người bạn đến nhà thờ trước khi thánh lễ lúc 10g30 bắt đầu. Nhưng khi phát hiện sắp sửa diễn ra một điều gì đó “mang tính chất tín ngưỡng”, họ nháy nhau đánh bài chuồn. Bừng bừng nổi giận, Cindy lập tức đi theo hai anh chàng ra ngoài nhà thờ và lên án thái độ bất kính ấy. Cuộc gặp gỡ không mấy vui vẻ này lại là điểm khởi đầu cho một tình bạn thắm thiết không dễ gì chia cắt. Sau đó, khi hiểu được vì sao Cindy và bạn cô lại thích đi nhà thờ, Charlie bắt đầu củng cố lại đức tin. Bảy tháng không có Charlie là khoảng thời gian đầy đau khổ trong đời Cindy, tuy rằng trước đó cô cũng đã từng gặp khó khăn, vì cuộc sống là vậy. Song, cô không thể ngờ mình lại trở thành quả phụ ở tuổi 32, khi Charlie đột ngột ra đi. Anh chết khi đang ngủ, mà theo bác sĩ đó là chứng “ngưng thở trong khi ngủ”. Đau đớn làm sao khi Charlie lại qua đời tại một trại hè thanh niên, nơi anh đang phụ trách công việc yêu thích nhất: phục vụ người khác. Và suốt mùa hè, anh đã phụng vụ Thiên Chúa theo cách ưa thích của mình - như anh vẫn nói - gắn bó và quan tâm. Nỗi nhớ Charlie giày vò Cindy cả tinh thần lẫn thể xác. Những ngày sau khi Charlie qua đời, toàn thân cô rã rời đến nỗi không buồn nhấc tay, không muốn suy nghĩ gì, ngoài nỗi nhớ người “đặc biệt duy nhất” của mình. Cô cũng là người “đặc biệt duy nhất” của Charlie, và giờ đây thì không có ai duy nhất đặc biệt đối với cô nữa. Và thế là, Cindy đã che giấu mình bằng vẻ rạng rỡ giả tạo. Từ trước đến nay, nhờ khiếu hài hước và lòng quyết tâm, cô luôn được mọi người yêu mến. Ở nhà thờ hay bất kỳ chốn hội họp nào - nhất là từ khi không còn Charlie - cô cũng có bạn bè bên cạnh. Mọi người đều mong cô đừng đánh mất nụ cười tươi tắn và ấm áp, nên cô không muốn làm họ thất vọng. Nhưng Cindy không thể nào vui vẻ trong nỗi đau mất mát; và dù không để lộ cảm xúc, cái chết của Charlie cũng đã khiến Cindy trở nên yếu đuối. Sau một ngày dài ở cửa hàng hoa, Cindy lê từng bước chân nặng nề ra bãi đậu xe và lái xe về nhà trong 10 phút. Cô tự an ủi dù sao công việc cũng đã giúp cô trải qua được một ngày buồn như hôm nay. Sau khi dừng xe ở con đường nhỏ dẫn vào nhà, Cindy lại mệt nhọc lê bước đến mở cửa căn nhà xây theo kiểu cổ của mình. Ở cửa ra vào, có một khe nhỏ để bỏ thư, và những lá thư sẽ rơi xuống sàn nhà. Cindy nghĩ tới những gì đợi cô sau khi mở cửa: những hóa đơn không thể thanh toán và mấy tờ quảng cáo những sản phẩm không đủ tiền mua. Thật buồn khi về đến căn nhà trống vắng, không thấy ai ngoài vài mảnh giấy chẳng liên quan gì đến mình. Nhưng khi gom những bao thư vương vãi trên sàn, Cindy ngạc nhiên khi phát hiện ra có một số thư không phải do các công ty gửi đến. Không phải loại thư ghi rõ địa chỉ công ty, cũng không phải loại thư toàn những lời lẽ hứa hẹn hão huyền được in đậm. Đây là những lá thư đề tên “Cindy Murray” do những người nào đó tự tay viết, đặt trong những phong bì ngộ nghĩnh có dán loại tem được bôi sẵn keo. Những lá thư hoàn toàn riêng tư. Mặc dù ngạc nhiên, nhưng Cindy chợt thấy vui mừng náo nức, cảm giác mà từ bảy tháng nay cô đã không hề biết đến. Cô vội vàng bước vào nhà, ngã mình lên trường kỷ, và xé bao thư đầu tiên, một bao thư màu hồng. Bên trong là tấm thiệp Valentine xinh xắn. Trước khi đọc những lời chúc trên tấm thiệp, Cindy tìm tên người gửi. Không thấy. Tấm thiệp có mấy dòng chữ: “Một người đang nghĩ về bạn. Chúc một ngày Valentine hạnh phúc!” Không ký tên. Cindy lật phong bì tìm địa chỉ. Chẳng thấy gì cả! Dấu bưu điện cho thấy tấm thiệp được gửi đi từ Monroe - nơi cô đang sống. Cindy cứ lật đi lật lại mãi cái phong bì mong tìm thêm chút dấu hiệu đặc biệt nào đó. Nhưng vẫn chẳng có gì. Cô đọc lời chúc thêm vài lần nữa, cố gắng tìm một dấu vết riêng của người bí ẩn đã gửi tấm thiệp. Vẫn không tìm được gì. Được thôi, cô nghĩ, mình sẽ mở tấm thiệp khác. Cũng như thế. Một tấm thiệp xinh xắn của ai đó ẩn danh bày tỏ tình cảm thương mến, có phần còn ngọt ngào hơn tấm thiệp trước. Bao thư kế tiếp đựng một tấm thiệp tự làm. Tấm thiệp này còn nhiệt thành hơn nữa: “Với tất cả tình yêu trong ngày Valentine, chúc bạn có được nhiều niềm vui, hạnh phúc và sự yên bình”. Dưới chỗ ký tên là dòng chữ: “Đừng nghĩ là bạn đang lẻ loi nhé!” Lần lượt những tấm thiệp còn lại đều sẻ chia với Cindy những điều ước về sự yên bình, sung túc, hạnh phúc,... và tình yêu... Cindy lặng người. Ai đã làm điều tuyệt vời đến thế này? Nhìn chữ viết, Cindy có thể chắc chắn rằng đây là những tấm thiệp của nhiều người khác nhau. Ai giàu lòng yêu thương đến mức tổ chức và vận động hẳn một “chiến dịch tặng thiệp” tuyệt vời đến thế nhỉ? Ai?... Và ai?... Lâu lắm rồi Cindy mới thấy lòng mình xôn xao một niềm hy vọng. Có lẽ cuối cùng cô cũng sẽ vượt qua được thử thách này. Có thể cuộc sống sẽ lại tươi đẹp như trước. Có thể... Trong lúc làm những việc thường lệ của buổi tối như nấu cơm, dùng bữa, kết toán sổ sách, dọn dẹp nhà cửa - nơi cô và Charlie đã từng chung sống hạnh phúc, Cindy cứ suy nghĩ về những tấm thiệp vô danh. Cuối cùng cô chợt nghĩ đến một người, Tara - bạn thân nhất của cô. Chắc chắn là Tara chứ không ai khác đã bày ra chuyện này, ngày mai mình sẽ gọi điện để cám ơn bạn ấy. Với một trái tim được an ủi, Cindy lên giường nằm. Đêm nay cô có thể ngủ mà không cần dùng thuốc ngủ. Nếu được như thế, thì đây là lần đầu tiên kể từ khi Charlie mất, cô ngủ như một đứa trẻ - một đứa trẻ cảm thấy mình được yêu thương. Hôm sau, Cindy đi làm trong tâm trạng hăng say mới mẻ. Cô cảm thấy mình sẵn sàng hoàn thành bất cứ việc gì được giao. Nhưng khi cô gọi cho Tara để cảm ơn về những tấm thiệp, Tara chỉ cười: “Phải chi mình có thể nghĩ ra được điều đó, một sáng kiến tuyệt vời để làm vui lòng một người. Nếu mình làm, mình sẽ rất vui vẻ trả lời ‘không có chi’, nhưng không phải mình, bạn yêu ơi. Mình cũng đang ngạc nhiên như bạn đây, không biết ai đã nghĩ ra kế hoạch này thế nhỉ?” Thế rồi họ cùng nghĩ đến những cô bạn khác trong nhóm bạn thân thiết. Cindy gọi điện cho từng người, nhưng ai cũng khăng khăng không nhận mình là “kẻ chủ mưu tốt bụng” ấy. Tối hôm đó, khi đi làm về, Cindy lại thấy một “núi” thư, gần như gấp đôi số thư ngày hôm trước. Cô nghĩ: “Không thể được. Không thể tin là những lá thư này lại gửi cho mình”. Cứ thế, trong suốt một tuần, mỗi ngày những tấm thiệp Valentine được gửi đến nhiều hơn. Một số ít là của những đứa trẻ học ở lớp của Cindy vào ngày chủ nhật tại nhà thờ. Trong những tấm thiệp này có chữ ký trẻ con nguệch ngoạc, kèm theo là cây kẹo que, hay cây kẹo nhỏ hình trái tim có khắc những lời chúc tình tứ... Một số thiệp khác là của những người mà cô quen biết ở nhà thờ - những người xưa nay không thân thiết với cô cho lắm. Số thiệp còn lại không ghi tên người gửi, nhưng tất cả đều chan chứa tình yêu thương. Phải có một ai đó đã bảo họ làm vậy, một người nào đó thật sự biết quan tâm đến người cần được an ủi yêu thương. Tâm hồn Cindy ngập tràn hạnh phúc, cô muốn cười thật to vì vui sướng - cảm xúc mà cách đây vài ngày ngắn ngủi, cô không bao giờ tưởng tượng mình sẽ tìm lại được. Đến cuối tuần, Cindy đã có hơn một trăm tấm thiệp. Cô phải đẩy thật mạnh mới mở được cánh cửa. Không thể tin được. Cô đang được yêu thương. Tuần lễ Valentine với khởi đầu tốt đẹp như vậy thực sự là một bước ngoặt trong quá trình chữa lành vết thương lòng của Cindy. Dù không thể gửi đến Cindy tình yêu đặc biệt duy nhất mà cô đã chia sẻ với Charlie, nhưng những tấm thiệp kia đã bày tỏ lời nói chân thành của tình yêu - một tình yêu đặc biệt dành cho cô. Nhưng danh tính của người gửi những tấm thiệp Valentine này vẫn là điều bí ẩn cho đến ngày chủ nhật nọ, vài tuần lễ sau ngày lễ tình nhân, khi một sinh viên đại học gặp Cindy ở nhà thờ tình cờ tiết lộ bí mật: - Cô có nhận được những tấm thiệp có trái tim màu hồng ở bìa trước và những lời kinh thánh được viết bên dưới do tôi gửi không? Cindy quay đầu về phía cậu ấy: - Cậu muốn nói gì? - Cô biết đấy. Đó là những tấm thiệp Valentine. Cô giáo Watley hứa cho chúng tôi thêm điểm trong khóa học diễn thuyết, nếu gởi tặng cô những tấm thiệp Valentine một tuần trước ngày lễ. Cô Watley viết tên, địa chỉ của cô trên bảng và bảo rằng sẽ cho mỗi người chúng tôi thêm 5 điểm vào điểm tốt. Sau khi nghe cô Watley nói về cái chết của chồng cô và cô là một người đặc biệt như thế nào, chúng tôi đã làm những điều cô giáo dặn mà chẳng cần phải được thêm điểm. Thật xấu hổ nếu quan tâm đến người khác chỉ vì được lợi như một cuộc đổi chác. Cô có nhớ là đã nhận được những tấm thiệp ấy chứ? Cindy nhớ ra ngay, thì ra là Elizabeth Watley, người đứng đằng sau việc làm đầy ý nghĩa này. - À... Vâng, dĩ nhiên là tôi đã nhận được tấm thiệp của cậu. Tôi rất thích. Cám ơn cậu đã quan tâm đến tôi. Miệng nói nhưng mắt Cindy nhìn nơi khác. Cô nhìn quanh gian phòng đầy người để tìm Elizabeth. “Không thể nào đoán được”, Cindy nghĩ. Elizabeth thậm chí không ở trong nhóm những người bạn thân thiết của cô. Cuối cùng, Cindy cũng tìm thấy Elizabeth. Cô men theo những dãy ghế nhà thờ, chen qua những nhóm người đang tán gẫu để đến gặp người bạn mới. - Elizabeth! Elizabeth quay lại. Trước đây, cô và Cindy ít khi gặp gỡ và trò chuyện với nhau. Nhưng lúc này, thấy Cindy chăm chăm nhìn mình, Elizabeth biết rằng Cindy đã biết sự thật. Nhìn Elizabeth, không ai nghĩ cô gái trẻ tóc hoe vàng, ngây thơ và tràn đầy sức sống ấy lại là một giảng viên đại học. Elizabeth chào Cindy bằng một nụ cười tươi và đôi mắt long lanh. Cindy bước đến, ôm người bạn mới của mình - một cái ôm thật chặt và thật lâu - như ôm người bạn cũ, người bạn thân lâu năm. Rồi cô cười: - Cho thêm điểm nếu gửi thiệp à? Bạn đã làm quá nhiều thứ cho mình, Elizabeth à! - Sinh viên của mình thích làm vậy mà! Thậm chí mình còn nghĩ họ rất vui vì đã làm được một điều tốt cho người khác. - Còn những lớp học chủ nhật? Những người ở nhà thờ? Làm sao bạn có thể vận động tất cả mọi người làm điều đó? - Dễ mà! Ở nhà thờ này có khối người yêu quý bạn. Mình chỉ nhắc nhở họ một chút thôi. Mọi người đều háo hức giúp bạn! Không có gì vất vả lắm đâu! - Elizabeth à! Quả thật đây là một việc rất lớn lao đối với mình! Bạn sẽ chẳng bao giờ, chẳng bao giờ biết được những tấm thiệp ấy có ý nghĩa thế nào với mình đâu! Rồi bằng một giọng nghiêm túc hơn, Cindy hỏi: - Tại sao? Tại sao bạn lại nghĩ đến mình? Bạn chỉ vừa mới quen mình thôi mà! Đây chính là nguyên nhân khiến Cindy không thể tìm ra câu trả lời, ngay từ ngày đầu tiên cô nhận được những tấm thiệp yêu thương đó. - Ơ kìa! Bạn gái chúng mình phải gắn bó và quan tâm đến nhau chứ. Mình đã từng trải qua nỗi đau - tuy có khác nỗi đau của bạn - nên mình biết một vòng tay ấm áp của một người bạn có ý nghĩa như thế nào mỗi khi ta bị tổn thương. Mình muốn đến với bạn để bạn biết rằng bạn được yêu thương. Và bạn xứng đáng được yêu thương, bạn biết điều đó mà, đúng không? - Ừ, mình hiểu - Cindy đáp lại - Elizabeth ơi! Sao bạn không đến nhà mình để xem những tấm thiệp giàu ý nghĩa, mà bạn đã nhọc công vận động mọi người viết cho mình. Giọng nói của Cindy bỗng nghẹn ngào vì nước mắt: - Elizabeth à, cám ơn bạn vì đã yêu mình như cách Charlie vẫn làm: gắn bó và quan tâm. Chương 2 : Bạn là luôn ở bên nhau trong cơn khốn khó T ôi sẽ không bao giờ rời xa hay bỏ rơi bạn. Mỗi ngày trong đời, bạn có thể đặt hết hy vọng vào lòng tốt và tình nhân ái của tôi. Tôi yêu quý bạn và sẽ luôn giữ lời hứa tiếp sức cho bạn. Khi niềm tin của bạn gặp thử thách, chắc chắn bạn sẽ nhận được cái nắm tay thật chặt của tôi. T hật đúng khi cho rằng những gì chúng ta tạo ra tùy thuộc vào phẩm chất của chính chúng ta, cho dù bị “nhào nặn” hay “vặn ép” như thế nào. Chẳng hạn, khi vắt một quả chanh, bạn sẽ có một thứ nước cốt chua lè; nhưng khi vắt một quả cam chín mọng nước, bạn sẽ được một ly nước trái cây có hương vị ngọt ngào. Tương tự như vậy, những thời điểm gặp nhiều khó khăn thử thách nhất có thể trở thành cơ hội để chúng ta chứng tỏ sức mạnh tinh thần và khả năng vượt khó. Một tình bạn chân thành có thể giúp ta bộc lộ vẻ đẹp của bản thân khi bị “vặn ép”. Một người bạn đích thực sẽ làm những việc có ý nghĩa, chứ không thờ ơ nhìn ta chật vật xoay sở, thậm chí người ấy còn giúp ta thay đổi cả tình thế khó xử nữa. Một người bạn đích thực sẽ khích lệ ta nhìn lại bản thân để làm rõ nguyên nhân thất bại. Người ấy nhắc ta rằng, mỗi người chúng ta khi sinh ra đã được trao ban một sức mạnh đặc biệt để vượt qua thử thách. Người bạn ấy âm thầm giúp ta chứ không cần lên tiếng thuyết giáo, hay hành động như thể mình am hiểu mọi thứ. Người ấy bình tĩnh xử trí và tế nhị giúp ta nhận biết ta là ai, ta cần phải làm gì. Khi đã cùng nhau vượt qua những cơn sóng dữ trong cuộc đời, tình bạn đó sẽ trở thành bất diệt. Cả hai tâm hồn sẽ có chung một tiếng nói đồng điệu và khoan hòa, yêu thương nhau không một chút vị kỷ. Khi tình bạn được thử thách qua những khó khăn, lúc ấy sẽ xuất hiện một tình yêu vĩnh cửu và một tình bạn đặc biệt chỉ dành riêng cho bạn. M ột người phụ nữ luôn cần một người phụ nữ khác đến bên cạnh và nói bằng ngôn ngữ của họ: Ngôn ngữ của tâm hồn và cảm xúc. Brenda Hunter Bạn sẽ không vội ra đi Lúc đó, căn phòng tràn ngập một không khí hết sức thiêng liêng. Những người thân trong gia đình và bạn bè vây quanh giường bệnh theo yêu cầu của chủ nhân - người phụ nữ yếu ớt đang nằm trên giường. Ở cô toát ra một sức mạnh tinh thần và sự điềm tĩnh đặc biệt kì lạ - mặc kệ căn bệnh ung thư đang hủy hoại cuộc đời cô, mặc kệ những tác dụng phụ của thuốc giảm đau, và cả những cơn đau đớn tận trong xương tủy. Các bác sĩ không hy vọng cô có thể qua được đêm hôm trước, vậy mà giờ đây cô vẫn sống. Dù sức lực đã dần cạn kiệt, cô vẫn gọi mọi người đến quanh giường bệnh, để có thể ngắm nhìn khuôn mặt của từng người, nhìn rất lâu vào mắt họ. Joyce đã đến bệnh viện được một lúc trước khi mọi người tụ họp đông đủ, vì Sheila là bạn rất thân của Joyce từ hơn 25 năm nay. Ngay khi nghe bệnh tình của Sheila ngày càng đáng lo ngại hơn, Joyce lập tức lên xe và một mình lái suốt 6 tiếng rưỡi, đi từ nhà cô ở Lousiana để đến với Sheila. Trái tim Joyce đau nhói khi nghĩ mình sắp mất đi người bạn gái thân thiết nhất. Nhưng sau đó, Joyce lại thấy mừng vì đã đến kịp lúc để có mặt trong giây phút đặc biệt khó quên đối với cô và những người đang đứng quanh Sheila. Khi nhìn vào đôi mắt người bạn yêu quý, Joyce nhớ ngày đầu tiên họ gặp nhau - đã lâu lắm rồi... ... Đó là lần họp mặt do một chị bạn trong giáo xứ tổ chức. Lúc ấy, Joyce ngồi trên một chiếc ghế xếp, lúng túng không biết xoay xở thế nào với cốc rượu màu hồng cùng đĩa thức ăn nhanh bằng giấy. Mặc dù cũng có một vài chị đang ngồi gần đó, nhưng hầu hết họ đều lớn tuổi hơn Joyce nên sau vài câu chào hỏi qua loa và khách sáo “rất vui mừng được gặp chị ở đây” , họ tách riêng thành một nhóm, để mặc Joyce ngồi lẻ loi một mình. ... Đó là khi có một cô gái trẻ tươi cười ngồi xuống bên cạnh Joyce và nói: - Xin chào, tôi là Sheila. Chắc chắn bạn là vợ của “vị mục sư nhỏ bé” mới chuyển đến, phải không? Joyce đoán chắc rằng Sheila cũng trạc tuổi cô. Sheila cũng để tóc dài, nhưng rẽ ngôi giữa chứ không cắt tóc mái ngang trán (một kiểu tóc rất phổ biến vào đầu những năm bảy mươi). Có điều khác là tóc của Sheila vàng hoe, còn tóc của Joyce thì màu nâu huyền. Mọi người thường gọi Joyce là “vợ của vị mục sư nhỏ bé”. Cô cũng thích được gọi như thế và không chút khó chịu với từ “nhỏ bé”. Họ đặt cho chồng cô biệt danh ấy không phải vì vóc dáng mảnh khảnh mà vì anh rất trẻ. Anh và Joyce thường từ chỗ làm đến thẳng nhà thờ để cùng cầu nguyện với những cặp vợ chồng khác trong giáo xứ. Anh chỉ mới 25 tuổi, và Joyce 24. Dù những người phụ nữ lớn tuổi hơn trong giáo xứ rất yêu quý vợ chồng anh, nhưng Joyce vẫn mong có một người bạn cùng trang lứa - một người bạn gái - để cùng cô chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Joyce đáp lại nụ cười của Sheila: - Xin chào, mình là vợ của “vị mục sư nhỏ bé” đây. Mình rất vui vì hôm nay đã gặp được một người cùng tuổi với mình. Sheila hóm hỉnh nói: - Mình biết ý bạn muốn nói gì rồi, có phải là “chồng tôi và tôi vừa mới chuyển đến đây, và tôi không quen biết ai cả”, đúng không? Không bao lâu sau ngày gặp gỡ đầu tiên ấy, cả hai cô gái trẻ phát hiện ra rằng họ có khá nhiều điểm giống nhau. Cả hai cùng có đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, cùng có một đại gia đình và kết hôn với những người đàn ông khác quê. Nhưng khi Joyce và Sheila cùng có thai, họ mới thực sự trở thành những người bạn thân thiết của nhau. Họ hỏi nhau về những cơn buồn nôn vào buổi sáng, cùng nhau đi mua những bộ đầm bầu dễ thương, và cùng chia sẻ nỗi xúc động lạ lùng khi cảm nhận một mầm sống kỳ diệu đang dần lớn lên và ngày càng mạnh mẽ hơn trong bụng họ. Hiện giờ, các con của Sheila đang ngồi ở cuối giường. Sheila nở một nụ cười yếu ớt khi thấy mọi người xúm xít quanh cô. Cô lần lượt nhìn chăm chú từng người một, sau đó âu yếm thì thầm gọi tên các con và tên Joyce trong hơi thở mệt nhọc. Sau đó, như được thánh thần tiếp sức, Sheila nói với cả nhóm: “Cám ơn mọi người đã đến thăm tôi hôm nay và cùng tôi hướng về Thiên Chúa. Cầu Chúa ban phước lành cho các bạn”. Thật ngược đời, một người trong cơn hấp hối lại cầu xin ơn phước lành cho những người đang sống, người yếu ớt lại khích lệ người mạnh mẽ. Sheila cố hết sức để nói, nhưng giọng cô đã khàn đặc: “Hãy hát bài Linh hồn tôi lành mạnh”. Những người đứng quanh giường bệnh cố gắng lấy hơi và nghẹn ngào cất tiếng hát: Khi bình yên như một dòng sông êm đềm chảy qua con đường tôi đi, Khi nỗi phiền muộn như con sóng biển cuồn cuộn dâng lên. Dù số phận của tôi là gì, thì Người đã dạy tôi nói: “Hãy bình yên, linh hồn tôi hãy bình yên”. Sheila cùng mọi người hát bài thánh ca mà mỗi ca từ đều ẩn chứa một niềm an ủi. Ngay cả trong lúc này, Sheila vẫn biểu lộ một niềm tin mãnh liệt và quả thực, cô đã nâng đỡ những con tim mỏi mệt và cổ vũ những linh hồn yếu đuối của những người đang vây quanh mình. Đang hát, nhiều lúc, giọng Joyce nghẹn lại khi nghĩ rằng cô sắp mất đi một người bạn thân thiết. Khi mọi người bắt đầu hát đoạn thứ ba, Sheila chắp tay cầu nguyện, giọng cô trở nên mạnh mẽ và tràn đầy sức sống hơn bất cứ ai đang ở trong hoàn cảnh này. Quả thật không điều gì có thể quật ngã được cô. Và Thiên Chúa, Vào ngày sẽ thấy được niềm tin. Những đám mây vội vã cuộn tròn, Rồi tiếng kèn vang lên, Người sẽ hiện xuống. Sheila là người duy nhất không khóc. Ngược lại, cô vẫn rạng rỡ trong hạnh phúc và bình an. Không thể giải thích được vì sao sức sống của cô không hề tàn lụi, trái lại dường như vẫn không ngừng luân chuyển trong thể xác gầy héo. Với trí óc minh mẫn và tinh thần mạnh mẽ, Sheila yêu cầu mọi người hát hết bài hát này sang bài hát khác. Sắc mặt cô không hề biểu lộ bất cứ dấu hiệu buồn đau, hay hối tiếc; nếu tâm hồn không thật sự thanh thản, thì không thể tỏa ra một thần sắc sáng ngời như thế. Sau khoảng 30 phút thành kính cầu nguyện, Sheila mãn nguyện chìm sâu vào giấc ngủ. Trong không khí thiêng liêng vẫn còn lắng đọng xung quanh, những người yêu thương Sheila ôm chặt nhau, vừa khóc vừa nói về điều kỳ diệu mà họ vừa mới trải qua. Một lúc sau, mọi người ra về, chỉ còn lại Malcom (chồng Sheila), Sean (con trai), Jeanette và Aaron (con gái và con rể) và Joyce. Nhìn đôi mắt đẫm lệ của Malcom, Joyce hỏi: - Các bác sĩ đã nói gì về bệnh tình của Sheila hở anh? Malcom đáp: - Họ không nói gì nhiều. Họ không hy vọng Sheila có thể sống, nhưng cũng không biết rõ bao lâu nữa thì cô ấy ra đi. Đôi mắt Malcom khắc khoải một nỗi đau không gì có thể xoa dịu được. Suốt 27 giờ qua anh không hề ngủ. - Mỗi khi Sheila thức giấc, nhìn vào mắt cô ấy, tôi biết cô đang cần tôi. Tôi không muốn mỗi khi Sheila mở mắt mà không nhìn thấy tôi bên cạnh. Malcom nhìn bóng đêm ngoài cửa sổ, tiếp tục nói: - Nhưng dường như tôi không còn đủ sức để chịu đựng khi phải trông thấy Sheila như thế này. Anh ngừng nói và nhìn thẳng vào mắt Joyce: - Tôi rất vui vì cô đã đến. Nhìn tia sáng rạng rỡ trong mắt Sheila khi trông thấy cô trong nhóm bạn, tim tôi phần nào nhẹ nhõm. Joyce nói với giọng cảm phục: - Sheila là một phụ nữ kỳ lạ. Thể xác cô ấy tuy mỏng manh, nhưng tinh thần cứ như một ngọn lửa luôn hừng hực cháy. Đến lúc này, Malcom không ngăn được những giọt lệ xót xa. Joyce nghiêm giọng: - Nghe này, Malcom, anh cần phải nghỉ ngơi. Hay là anh và Sean ra hành lang ngồi nghỉ một lát đi. Còn Jeanette và Aaron gắng chợp mắt một chút trên chiếc giường kê ở góc phòng. Tôi sẽ ngồi cạnh Sheila. Nếu cô ấy thức dậy và tìm mọi người, tôi sẽ bảo Aaron ra gọi anh và cháu. Đừng lo, tôi hứa là sẽ không rời cô ấy nửa bước đâu. Malcom miễn cưỡng nghe lời Joyce. Sean choàng tay qua vai cha, và hai cha con bước ra ngoài. Hai vợ chồng Aaron và Jeanette nằm sát nhau trên chiếc giường nhỏ, còn Joyce kéo một chiếc ghế nhựa khá nặng đến ngồi sát giường của Sheila. Joyce không thể rời mắt khỏi người bạn thân thiết của mình. Đây là lần đầu tiên cô ngồi với Sheila trong bệnh viện. Khoảng mười tuần trước, Joyce có gặp Sheila. Lúc đó, tóc Sheila đã bắt đầu rụng sau những đợt trị liệu, nhưng trông cô vẫn rất dễ thương với mái tóc được cắt theo kiểu mới. Sheila hơi mệt, nhưng vẫn có thể đi dạo. Mỗi khi Joyce đến thăm, Sheila rất thích đi dạo với Joyce, vừa trò chuyện vừa tản bộ như những lần gặp nhau trước đây. Vì thế cả hai đều tin chắc rằng, Sheila thế nào cũng mau chóng bình phục sau những đợt điều trị. Nhưng lúc này đây, nhìn dáng vẻ của Sheila, Joyce không mảy may hy vọng bạn mình sẽ hồi phục như cách đây mười tuần. Cái đầu nhỏ nhắn của Sheila gần như trọc lóc, chỉ còn sót lại vài nhúm tóc hoe đỏ. Đáng sợ hơn cả là khắp người Sheila xuất hiện rất nhiều vết bầm thâm tím. Thế là Joyce lại khóc khi nghĩ đến lúc không còn Sheila nữa. Joyce nhìn ngực bạn đang phập phồng. Thỉnh thoảng khoảng cách giữa hai nhịp thở kéo dài đến nỗi Joyce lo sợ Sheila sẽ không thở nữa. Nhưng rồi Joyce cũng quen dần với hơi thở ngắt quãng cùng tiếng khò khè trong thanh quản Sheila. Trong khoảng 3 hay 4 tiếng đồng hồ, Joyce chập chờn giữa thức và ngủ. Đến khoảng 2 giờ sáng, Joyce đột ngột thức giấc vì tiếng ho của Sheila. Những cơn ho đang hành hạ thân thể gầy yếu của cô. Joyce liền đến đỡ Sheila ngồi dậy ở đầu giường để cô cảm thấy dễ chịu hơn. Cuối cùng những tiếng ho khan cũng đã dịu bớt, Joyce lấy một cốc nước có cái ống hút kề vào miệng Sheila: - Nào, uống chút nước đi chị yêu quý! Sheila ngậm ống hút, không nói gì. - Sheila, chị hút đi nào. Em biết chị có thể làm được mà... Đấy, như thế. Đoạn, Joyce đỡ Sheila dựa lưng lên một tấm nệm hơi đặc biệt để cô thoải mái hơn. - Là em phải không Joyce? - Sheila hỏi yếu ớt. - Ừ, em đây - Joyce nói khi cô áp sát mặt mình vào khuôn mặt thân thiết của Sheila. - Chị rất vui khi em đến thăm. Chị không thể tin được là em lại đến... Lòng Joyce ngập tràn tình yêu thương người bạn khốn khổ và trái tim cô như thắt lại bởi ý nghĩ sẽ mất bạn mãi mãi. Chúa ơi, con không muốn mất người bạn này! Trái tim cô lặng lẽ khóc, nhưng cô vẫn vui vẻ nói với Sheila: - Tất nhiên là em đến chứ! Em yêu chị mà. Joyce âu yếm hôn lên gò má hốc hác của Sheila, vuốt ve cái đầu gần như nhẵn bóng và nhúm tóc lưa thưa của Sheila: - Sheila ơi, chị đẹp lắm. Em luôn nghĩ về chị và cầu nguyện cho chị suốt thời gian lái xe đến đây. Chị biết không, chị là một người phụ nữ rất đặc biệt. - Chị cũng yêu mến em, Joyce à - Sheila thì thầm nói khi mí mắt của cô nặng nề khép lại - Cám ơn em hôm nay đã cùng chị hướng niềm tin về Thiên Chúa. Trong nỗi xúc động vô cùng và sự bình yên chợt đến, Joyce ngồi vào chiếc ghế cứng ngắt, mỉm cười hài lòng. Chắc chắn dù người bạn yêu quý của cô sẽ ra đi nhưng tình bạn của họ sẽ mãi mãi bền vững. Chương 3: Bạn là phải biết quyết tâm T ầm mắt của tôi luôn hướng về bạn. Tôi đã chọn bạn làm bạn của tôi. Tôi gọi bạn là bạn của riêng tôi. Tôi đến gần bạn khi bạn đau khổ, nâng đỡ bạn khi tinh thần bạn sa sút, tôi sẽ giúp bạn gánh vác những gánh nặng hằng ngày. Hãy thoát ra khỏi bóng tối khổ đau kia và đặt niềm tin vào những người xung quanh. Hãy vui sống trong tình yêu thương quên mình của bè bạn. Một tình bạn đích thực M ột người bạn đúng nghĩa là người khi muốn giúp đỡ ai thì sẽ quyết tâm giữ lời. Quyết tâm đến cùng. Người bạn ấy biết lúc nào không cần phải đưa ra ý kiến nữa, không cần phải phụ thuộc vào lí trí và để gió cuốn đi những lý lẽ thường tình. Một người bạn đích thực luôn phải tinh ý để nhận ra những thời điểm đó. Một người bạn thật sự luôn hành động bởi những thôi thúc mãnh liệt phải nỗ lực giúp đỡ bạn mình, phải quyết tâm đem lại cho bạn những điều tốt đẹp hơn. Người bạn ấy sẽ dựa vào trực giác của mình để nhận ra thời điểm thích hợp có thể giúp bạn vượt qua những trở ngại phía trước. Một người bạn có quyết tâm sẽ coi thường thất bại, bất chấp hiểm nguy, và chấp nhận rủi ro. Tình bạn trong sáng nghĩa là phải biết quên mình, biết xem lợi ích của bạn hơn cả bản thân mình. Hầu hết chúng ta chưa hiểu hết chính mình, nên không biết chúng ta mạnh mẽ và có khả năng hy sinh nhiều hơn chúng ta tưởng. Thượng đế cho chúng ta một khả năng ban tặng lớn lao, và một trái tim yêu thương không vị kỷ. Khi cho chúng ta thể hiện điều đó với bạn mình trong niềm tin yêu mạnh mẽ, Người sẽ trao ban cho chúng ta sự quyết tâm cần thiết. Một lúc nào đó, khi tình bạn đã sâu đậm hơn, chúng ta sẽ biết chấp nhận mạo hiểm, thậm chí có lúc nông nổi và liều lĩnh nữa. Sẽ có lúc chúng ta được thúc đẩy về phía trước chỉ bằng sự quyết tâm - sự quyết tâm của một người bạn tận tâm. B ỗng chốc, quyết tâm của Maxine xìu xuống, nhưng khi nhìn vào đôi mắt đang tràn đầy hy vọng của Carmen, Maxine hiểu rằng chị cần phải làm gì . Mẹ là người bạn lớn của con Cả thế giới của cô bé nằm trong cái túi xách tay ấy. Lúc đó Carmen vừa bước vào tuổi mười lăm - một cái tuổi thường gặp nhiều khó khăn rắc rối, ngay cả khi sống hạnh phúc giữa bè bạn, trong môi trường quen thuộc. Thế mà lúc này đây, cô bé không có gì cả: bạn bè và mái nhà thân quen. Mùa hè năm đó, gia đình cô bé chuyển đến sống tại một thị trấn khác. Không những không có bạn bè, thậm chí Carmen còn không có một mái nhà để sống yên ổn, nói gì đến việc có một căn phòng riêng. Cả gia đình Carmen phải đến sống ở vùng phía tây Monroe bang Louisiana, vì cha cô bé chuyển công tác. Với cha cô, có lẽ đó là một cơ hội thăng tiến, nhưng lại là điều tồi tệ nhất trong tuổi 15 của Carmen. Cô bé không quen biết ai ở nơi xa lạ này, nghĩa là không có một ai bầu bạn. Trước khi có thể thuê được một ngôi nhà ở thị trấn này, cả gia đình bốn thành viên của Carmen đã đến ở nhờ nhà cô Artie - một phụ nữ độc thân và rộng lượng mà họ gặp ở nhà thờ. Dù cô Artie có tấm lòng quảng đại, nhưng căn nhà của cô thì không đủ chỗ cho năm người, thậm chí không có chỗ để đặt mấy cái vali. Họ đành phải để chúng trên xe. Carmen cảm thấy mình như một kẻ vô gia cư sống lang thang, mà chiếc xe là mái nhà. Trong hoàn cảnh này, cái túi xách là vật gần gũi thân thương nhất của Carmen. Trong đó là toàn bộ “hồ sơ nhân thân” của cô bé. Chỉ riêng giấy nhập học của Carmen đã vô cùng quan trọng rồi, lại thêm một vòng chuỗi hạt có “chiếc-chìa-khóa-ước-hẹn” được cha tặng nhân dịp sinh nhật thứ 15. Cha con Carmen có một “cuộc giao ước” - chỉ hai cha con với nhau - là Carmen phải giữ gìn sự trong trắng cho đến ngày kết hôn. Một ngày nào đó, chiếc chìa khóa ấy sẽ mở cửa tâm hồn Carmen, và cô bé sẽ trao nó cho chồng mình, một người đàn ông xứng đáng. Và cuối cùng là một lá thư tình. Thật ra không thể gọi như thế, nhưng với một cô bé mới lớn như Carmen, lá thư này là cả một thế giới giản dị, ngọt ngào và trong trắng, ngây thơ. Nói tóm lại, những gì có trong cái túi xách đó đều hết sức quan trọng đối với cuộc sống của Carmen. Mẹ của Carmen, Maxine, cảm thấy xót xa cho đứa con gái lớn của mình. Chị biết việc thay đổi chỗ ở đã gây trở ngại cho con như thế nào, nhất là khi cô bé bước vào lớp mười một ở một ngôi trường mới, hoàn toàn xa lạ. Do vậy, trước ngày khai giảng, chị bảo Carmen cùng đi mua sắm. Hai mẹ con sẽ đến cửa hàng bách hóa chọn mua vài bộ quần áo mới cho Carmen đến trường, sau đó ăn trưa ở một tiệm ăn gần đó. Cô bé vui sướng hưởng ứng ý kiến dễ thương này và cùng mẹ vui vẻ ra khỏi nhà. Các cô bé ở tuổi 15 rất thích những dịp được tha hồ mua sắm. Carmen đã không có được cảm giác thích thú này từ lúc cha mẹ quyết định đổi chỗ ở. Không có gì an ủi hiệu quả hơn những bộ quần áo mới hợp thời trang và bữa ăn tiệm ngon lành, khi một cô gái mới lớn rơi vào tâm trạng buồn chán. Lần đầu tiên từ lúc chuyển nhà, Carmen cảm thấy dù gì đi nữa, cô bé vẫn có thể tiếp tục sống vui vẻ. Trước khi vào nhà, Carmen nhặt nhạnh vài thứ cần thiết trên xe bỏ vào một cái bao nhựa trắng. Cô bé cũng để những món đồ mới mua cùng cái túi xách thân thiết vào bao nhựa đó và buộc chặt nó lại. Đối với Carmen, bữa ăn tối hôm đó đặc biệt vui vẻ, và cô bé cũng nhiệt tình giúp mẹ và cô Artie dọn dẹp. Khi trèo lên giường nằm ngủ chung với đứa em gái, Carmen mau chóng chìm vào một giấc mộng êm đềm. Sáng hôm sau, khi thức dậy, việc đầu tiên Carmen nghĩ tới là mặc thử mấy bộ quần áo mới mua hôm trước. Cô bé nhìn khắp phòng để tìm cái bao nhựa trắng nhưng không thấy đâu cả. Sau đó Carmen sực nhớ là đã để nó ở một góc khuất trên kệ bếp. Cô bé vội chạy xuống bếp. Không có. Có lẽ tối qua có ai đã đem nó cất đâu đó trong lúc hai mẹ con dọn dẹp . Carmen gọi mẹ lúc đó đang ở phòng kế bên: - Mẹ ơi, mẹ có thấy cái bao màu trắng tối qua con đem từ xe vào nhà không mẹ? - Hình như mẹ thấy nó ở trên kệ bếp. - Dạ, con đã để nó ở đó, nhưng bây giờ không thấy đâu nữa. - Hả? - Maxine nói khi bước vào phòng - Mẹ sẽ giúp con tìm nó. Có lẽ cô Arite đã cất nó đâu đó trong lúc chúng ta đang dọn dẹp. Sau 15 phút tìm kiếm, Maxine chợt nghĩ: Biết đâu Artie đã quẳng nó vào thùng rác, vì chị ấy không biết có gì bên trong. Không sao cả. Mình sẽ bới thùng rác để tìm nó. Không muốn Carmen lo lắng, Maxine lén mở thùng rác đặt trong nhà bếp xem thử. Rác đã đem đi đổ từ tối hôm trước hoặc sáng sớm nay rồi. Chị vội chạy ra bãi đậu xe để kiếm thùng rác công cộng thì thấy nó nằm bên lề đường với cái nắp đậy mở toang. Maxine nghĩ ngay đến điều không may. Cái bao trắng - có túi xách của Carmen trong đó - có thể đã nằm ngoài bãi rác rồi. Ruột gan Maxine rối như tơ vò. Mất mấy bộ quần áo mới mua hôm trước thì không việc gì, nhưng mất cái túi xách của Carmen thì không thể được. Mọi thứ quan trọng của con bé đều nằm cả trong cái túi xách ấy. Như người mất hồn, Maxine không nghe thấy tiếng bước chân của Carmen đang đi tới. Cũng nghĩ như mẹ, Carmen đã tìm kĩ thùng rác trong nhà bếp và bây giờ cô bé ra kiểm tra thùng rác ngoài đường. Nhìn thấy cái thùng mở toang, trống không, Carmen vụt chạy ra giữa đường, gào lên thất thanh và đau khổ: - Mẹ ơi! Cái túi xách của con mất tiêu rồi! Nó bị ném vào bãi rác rồi, mẹ ơi! Carmen ngồi bệt xuống đất và khóc: - Mình phải đi tìm nó mẹ ơi! - Cô bé nài nỉ - Mình đi ngay bây giờ nghe mẹ! Maxine đứng cạnh Carmen một lúc, rồi chị cúi xuống, ôm choàng lấy con gái và tìm cách an ủi. Carmen vừa giậm chân vừa kêu khóc: - Nhanh lên mẹ ơi! Mình phải đi ngay bây giờ! - Cưng à, mẹ thật sự không biết bãi rác ấy ở đâu. Ngay cả công ty vệ sinh mà cô Artie đăng ký đổ rác, mẹ cũng không biết. Thôi, mẹ sẽ mua cho con một cái túi xách khác vậy nhé. Nhưng ngay khi thốt ra những lời ấy, Maxine biết rằng điều quan trọng không phải là cái túi xách - mà chính là những vật bên trong, là ý nghĩa của chúng. Với Carmen, cái túi đó là tài sản duy nhất của cô bé. Càng lúc Carmen càng mất bình tĩnh: - Mẹ ơi, mình phải tìm cho được cái túi xách ấy về! Mình đi ngay đi mẹ! Trong ấy có giấy nhập học và chuỗi hạt mà cha đã tặng con, còn có cả lá thư của con nữa... Carmen lại bật khóc nức nở. Mặc cho mẹ vuốt ve an ủi dỗ dành ngon ngọt, Carmen vẫn không bỏ ý định. Maxine nghĩ đến một cách giải quyết. Cái túi xách ấy vô cùng quan trọng đối với con bé. Mình chưa biết phải làm gì, nhưng mình quyết tâm tìm cho được nó . Chị chỉ biết rằng đây là một trong những thời điểm phải dẹp bỏ suy tính, bất chấp lý lẽ thường tình và phải cố gắng hết mình. Nghĩ thế, chị nói với giọng tự tin hơn: - Carmen này, hai mẹ con mình sẽ tìm cho được cái túi xách ấy, bằng bất cứ giá nào. Carmen nín khóc và ngạc nhiên nhìn mẹ: - Thật không mẹ? Có thật là mẹ sẽ tìm được nó cho con không? - Mẹ sẽ cố gắng hết sức con gái cưng à. Để xem mẹ có thể tìm thấy tên của công ty vệ sinh ghi trên thùng rác này không đã. Hai mẹ con loay hoay tìm thật kỹ nhưng không thấy gì. Nào, Carmen! Chúng ta phải gọi điện thôi. Maxine và Carmen chạy vào nhà, người mẹ chạy vội đến ngăn kéo tìm quyển danh bạ điện thoại. Chị hấp tấp lật đến chữ “rác” trong cuốn những trang vàng. Trong thâm tâm, Maxine biết rằng chị phải nhanh lên mới được, chị phải tìm thấy cái túi xách trước khi nó bị chôn sâu trong đống rác. Mà cũng có thể là đã quá trễ rồi. Sau khi gọi điện thoại đến một vài công ty vệ sinh có dịch vụ đổ rác, hỏi về giờ lấy rác ở khu vực nhà Arite, Maxine đã tìm thấy tên của một công ty có thể đã dọn rác nhà Arite, trong đó có cái túi xách của Carmen. Chị vội vã trình bày sự việc với nhân viên công ty ở đầu dây bên kia. Maxine ngỡ rằng người ta sẽ nghĩ chị mất trí, nhưng cô nhân viên này lại nói rằng yêu cầu cấp bách của chị không có gì là bất thường hết. Cái khó là không thể liên lạc được với tài xế. Hy vọng duy nhất của chị là kịp chạy đến bãi đổ rác trước chiếc xe đó, và tìm cách chặn tài xế lại khi ông ấy vừa chạy xe vào cổng. Hai mẹ con Carmen vội vàng lên xe và chạy ngay đến bãi rác theo như lời hướng dẫn của cô nhân viên công ty vệ sinh. Carmen đã bình tĩnh hơn, nhưng khuôn mặt vẫn còn đầm đìa nước mắt. Cô bé cảm động nói với mẹ: - Cám ơn mẹ đã giúp con. Thật không ngờ có ngày hai mẹ con mình lại đến bãi rác. Người ta có nghĩ là mình điên không mẹ? Mẹ ơi, con cám ơn mẹ nhiều lắm. Maxine lái xe nhanh hơn thường ngày, chị cố gắng nhớ lại những lời chỉ đường đến bãi rác, nếu không khéo mà lạc đường thì thật phí thời gian. Nhưng rồi hai mẹ con cũng đến được ngã rẽ cuối theo như chỉ dẫn. Trông thấy bảng hiệu “bãi rác Bfi”, Maxine liền ra khỏi đường cao tốc để rẽ vào một con đường hết sức dơ bẩn. Chiếc xe lao nhanh, cuốn theo lớp bụi đường mù mịt phía sau. Cuối cùng, Maxine dừng xe ở trạm vào cổng. Cửa xe vẫn chưa mở mà mùi hôi thối nồng nặc đã ập vào mũi hai mẹ con. Trước đây họ chưa bao giờ đến bãi rác, giờ mới thấy nó còn đáng sợ hơn rất nhiều so với những gì họ tưởng tượng. Nhưng Maxine vẫn nhanh nhẹn ra khỏi xe và rảo bước đến chòi canh của nhân viên bảo vệ. Mặc dù cảm thấy hết sức ngớ ngẩn, nhưng chị vẫn kiên nhẫn kể lại sự việc, và một lần nữa, chị vô cùng ngạc nhiên trước thái độ đầy thiện chí và thông cảm của người bảo vệ. Mất vài phút, anh lật lật một quyển sổ lớn có bìa đã sờn rách, cho đến khi tìm ra số hiệu chiếc xe tải lấy rác ở địa chỉ mà Maxine đưa. Chiếc xe mang số 39. Hai mẹ con Carmen đã đến bãi rác trước chiếc xe đó. Maxine thở phào nhẹ nhõm. Tất cả những gì hai mẹ chị có thể làm lúc này là đợi chiếc xe đó về và tìm cách nói chuyện với tài xế khi ông ta đến gần cổng. Không lâu sau, chiếc xe tải số 39 từ từ tiến vào cổng. Maxine ra khỏi xe, vẫy tay ra hiệu cho người tài xế chạy chậm lại. Lần thứ ba, chị kể lại sự việc của mình. Người tài xế không nghĩ là có nhiều hy vọng tìm thấy cái bao nhựa, nhưng vẫn bảo mẹ con chị theo ông vào bãi rác, ông sẽ đổ rác xuống đó để tìm. Lần đầu tiên trong đời, Maxine phải bước vào một bãi rác nồng nặc mùi hôi thối, một đống tạp nham ẩm ướt, dơ bẩn. Bỗng chốc, quyết tâm của Maxine xìu xuống, nhưng khi nhìn vào đôi mắt tràn đầy hy vọng của Carmen, chị hiểu mình phải làm gì. Đây là lúc chị phải lấy lại quyết tâm để làm một việc đặc biệt vì con. Chị sang số và cho xe chạy theo chiếc xe tải vào khu vực đổ rác. Hai mẹ con dán mắt vào chiếc xe tải khi cái ben xe nâng lên và trút những mớ rác lõng bõng nước bẩn xuống bãi thành một đống hổ lốn. - Được rồi, Carmen, con sẵn sàng chưa? - Maxine hỏi con gái. - Mẹ à, ghê quá! Con buồn nôn quá. - Giờ đã đến đây rồi, quay về thì phí công quá. Nào, tìm đi con. Hai mẹ con mang giày bảo hộ, xắn quần, rồi bước lên một núi rác dơ bẩn. Bịt mũi và cố gắng chống lại cơn buồn nôn đang nhộn nhạo trong bao tử, họ thận trọng từng bước, vì không muốn bị lún chân trong những thứ khủng khiếp không thấy được ở bên dưới, trong khi những thứ phía trên cũng đã đủ ghê tởm lắm rồi. Họ đang đi trên thức ăn ôi thiu, khăn vệ sinh dơ, và hàng trăm thứ bẩn thỉu không tên khác. Trời nóng bức càng làm cho đống rác bốc những mùi kinh tởm hơn. Họ biết rằng sẽ không thể chịu đựng được lâu, nên phải tìm kiếm thật nhanh, nhưng vẫn phải cẩn thận bới móc không bỏ sót chỗ nào. Khoảng mười phút sau, Carmen phát hiện cái bao nhựa màu trắng, vẫn nguyên dây buộc gọn gàng như lúc cô bé để quên nó trên kệ bếp. Carmen la to: - Mẹ ơi! Con tìm thấy rồi!! Con tìm thấy rồi!! Lập tức hai mẹ con quên hẳn sự dơ bẩn đáng kinh tởm, ôm nhau cười, vui mừng nhảy nhót trên đống rác. - Mẹ ơi! Con không thể tin được mẹ đã làm tất cả vì con, cho con điều tốt đẹp nhất. Mẹ ơi, mẹ còn hơn cả một người mẹ, mẹ là người bạn tốt nhất của con, mẹ là người bạn tuyệt vời nhất của con. Và siết chặt mẹ hơn, cô bé kêu lên: Con yêu mẹ vô cùng, mẹ là người bạn lớn của con! Chương 4: Bạn là phải biết động viên S ự can trường, đó là một từ hay, tuy hơi cổ kính một chút, nhưng lại hàm chứa ý nghĩa về một điều tốt đẹp qua mọi thời đại. Can trường hàm nghĩa mạnh mẽ và kiên trì, là phẩm chất của một người bạn tốt. Người bạn can trường luôn ở bên bạn khi bạn gặp thất bại, là nguồn sức mạnh cho một ai đó đã mất hết hi vọng. Bạn có nhớ câu chuyện của Moses trong Cựu Ước, khi dân Do Thái chiến đấu chống lại bọn Amalekite không? Hễ Moses giơ hai tay lên thì dân Do Thái thắng, hễ ông bỏ tay xuống thì họ lại thua trận. Đến lúc Moses mỏi quá không giơ tay lên được nữa, thì hai người bạn của ông - Aaron, anh trai ông, và Hur, bạn ông - đã nâng cao tay Moses lên. Đó là việc mà những người bạn cần phải làm. Họ giúp chúng ta đủ sức vật lộn với cuộc sống có quá nhiều khó khăn; họ luôn ở bên cạnh, không ngừng giơ tay động viên và khích lệ chúng ta. Sự thật là: trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều khó tránh được những việc làm ngốc nghếch. Có thể chúng ta đã sai lầm khi lựa chọn một mối quan hệ, đánh mất uy tín bởi không biết giữ lời hứa, hoặc đã nói dối - dù là vụn vặt hay nghiêm trọng. Dù thế nào chăng nữa, tất cả chúng ta đều cần lòng vị tha, thái độ khoan dung dịu dàng của một người bạn chân thành. Khi ấy, chúng ta đã tìm được một người bạn can trường, là người sẽ luôn ở bên ta và giúp ta không để vuột mất những điều quý giá. Á nh hào quang của tình bạn sẽ đem lại nguồn động viên lớn lao, mà ta chỉ có được khi nào nhận biết một người khác đang tin tưởng mình. Ralph Waldo Emerson E m là một viên ngọc trai quý giá. Trí tuệ, tâm hồn, trái tim thuần khiết, nhân hậu của em, đối với các chị, còn đáng quý hơn hết thảy những viên ngọc trai trên thế giới này. Em là viên ngọc trai quý giá Ba cô gái khom người xuống quầy kính, đánh giá món quà họ định mua. Khi đứng thẳng lên, ba người giống như từng nấc của bậc thang vậy - thấp, trung bình và cao. - Cần nhất là nó phải bền - cô gái có chiều cao trung bình nói. Đó là Crystal trong bộ áo váy bằng lụa màu vàng hợp thời trang, mái tóc nâu dợn sóng cắt ngắn, rất hợp với đôi mắt nâu đen. Nó phải đủ dày thì mới bền được - cô nói thêm. - Nhưng phải đẹp nữa - Becky, cô gái cao nhất nói. Chiều cao và dáng vẻ mảnh mai của cô bộc lộ một phong cách nghệ sĩ duyên dáng không thể bắt chước được - để lúc nào cô ấy cũng thích đeo nó. Leah, cô gái thấp nhất trong ba người, có mái tóc vàng óng ả rất hợp với khuôn mặt dễ thương và làn da mỏng mịn màng của cô. Thoạt trông cô gái này có vẻ mỏng manh, nhưng nhìn kĩ sẽ thấy được bản lĩnh kiên cường của một người đã từng chịu đựng những cơn sóng gió dữ dội của cuộc đời. Leah tiếp lời các bạn: “Chúng tôi muốn tìm một sợi dây chuyền vừa bền vừa đẹp. Chúng tôi không muốn rơi mất những “viên ngọc trai quý giá” chỉ vì sợi dây quá mảnh.” Không phải tuổi tác, thân thế, hay sở thích đã gắn kết ba cô gái này lại với nhau. Họ là “bạn đồng nghiệp”, đến với nhau do cần có bạn bè trong công việc. Hai tuần trước, một đồng nghiệp trẻ của họ đã nốc nguyên một chai thuốc ngủ để trốn khỏi cuộc sống. Hôm đó, cú điện thoại của Becky đã cứu cô ấy. - “Này, em gái, em đang làm gì thế?” - Becky vui vẻ nói trong điện thoại. - “Em đâu có làm gì, em vẫn ổn...” - Diane yếu ớt trả lời. - “Diane, giọng của em nghe không ổn chút nào! Em có sao không đó?” - “Em... khỏe mà”... - Diane trả lời ngập ngừng. Dù Diane chỉ mới bước sang tuổi 25 còn Becky đã 36, nhưng hai cô thương mến nhau như hai chị em sau bốn năm cùng làm việc. Và từng ấy thời gian cũng đủ để Becky biết Diane có thật sự ổn hay không. - “Chị sẽ đến em ngay bây giờ, cưng à” - Becky cố tỏ ra bình tĩnh và vui vẻ. Diane đã tỏ ra không bình thường trong suốt hai tuần trước đó. Nhiều lần, Becky thấy trong mắt Diane long lanh những giọt lệ không rõ nguyên nhân, và nỗi buồn đau không thể giấu trên nét mặt. Becky đã đưa Daine đi ăn trưa để tìm cách động viên cô, nhưng không thấy có gì thay đổi. Lúc này sự lo lắng của Becky đã chuyển thành lo sợ, và khi đến gần căn hộ của Diane, nỗi lo sợ trở thành hoảng hốt. Khi Becky cho xe chạy chầm chậm vào chỗ để xe, linh tính đã mách bảo cô rằng có điều gì đó không hay đang xảy ra. Cửa trước của căn hộ không khóa, nên Becky đi thẳng vào trong. Cô sải đôi chân dài thoăn thoắt bước tới phòng ngủ của Diane. Cảnh tượng đầu tiên mà Becky trông thấy, Diane đang nằm rũ trên giường, chứng tỏ lo sợ của cô không phải là vô cớ. Tim Becky đập thình thịch khi cô nhìn thấy chai thuốc rỗng không đang lăn lóc bên cạnh Diane. Becky đến bên giường và ngồi xuống cạnh người bạn đã mê man bất tỉnh. Nắm bàn tay Diane, Becky thấy mạch đập mơ hồ lúc có lúc không, còn hơi thở thì lúc nhanh lúc chậm. Becky cuống cuồng gọi 911, và chỉ trong phút chốc, xe cứu thương cùng với nhân viên y tế đã có mặt trước cửa nhà Diane. Họ nhận biết ngay tình trạng của nạn nhân, lập tức đưa Diane lên xe cứu thương và sơ cứu ngay tại chỗ. Becky theo xe cứu thương đến bệnh viện và ở lại với Diane cho đến khi cô bạn nhỏ này được đưa vào một phòng bệnh để bác sĩ theo dõi suốt đêm hôm đó. Qua ngày hôm sau, ba người bạn gái tranh thủ giờ ăn trưa đi thăm Diane. Họ đem đến cho Diane những lời khuyên cần thiết, đồng thời tìm cách làm cho Diane hiểu rằng cô ấy là một người đặc biệt như thế nào. Trên đường trở về chỗ làm, họ đã nảy ra ý tưởng về một chuỗi hạt ngọc trai. Trong khi mỗi người cố gắng nghĩ ra lời lẽ để diễn đạt tình cảm của mình, thì Crystal chợt nhớ đến một câu chuyện ngụ ngôn về viên ngọc trai quý giá. - Chúng ta có thể tặng Diane một chuỗi ngọc và giải thích với cô ấy rằng, đối với chúng ta, cô ấy chính là viên ngọc trai quý giá nhất. Đó là một ý tưởng tuyệt vời, và cũng là lý do ba người bạn gái đang cùng nhau bàn bạc trong cửa hàng trang sức của Lee. Sau khi săm soi từng chuỗi hạt ngọc trai ở đó, họ vẫn chưa tìm được chuỗi hạt nào đạt yêu cầu về độ chắc chắn, vẻ đẹp và sự tinh tế như mong muốn. Vì thế, khi cô nhân viên bán hàng đề nghị sẽ làm một chuỗi hạt ngọc trai theo yêu cầu của khách hàng, thì họ cùng reo lên vui sướng. - Tôi sẽ làm một sợi dây theo yêu cầu của các cô, nhưng hôm nay tôi phải đặt mua các hạt ngọc trai đã. Ngày mai hãng chuyển phát nhanh Fedex sẽ mang đến cho tôi, và ngày mốt thì bạn của các cô sẽ có chuỗi hạt đó. Lái xe về văn phòng, ba người bạn gái lên kế hoạch về cách thức cũng như thời điểm thích hợp để tặng món quà đặc biệt đó cho Diane. Becky, nghệ sĩ của nhóm, tình nguyện thiết kế một tấm thiệp thật độc đáo. Còn Leah, giám đốc sản xuất, nhận việc đặt một chỗ yên tĩnh trong nhà hàng mà Diane yêu thích. Và Crystal, nhà văn, hứa sẽ viết một thông điệp chuyển tải ý nghĩa lớn lao của viên ngọc trai. Ngày đầu tiên Diane trở lại làm việc cũng là ngày chuỗi hạt ngọc trai đã được chuẩn bị xong. Diane không chút nghi ngờ khi Leah mời cô ăn trưa với cả nhóm ba người. “Là một bữa trưa chào mừng em trở lại làm việc” - Leah nói với Diane. Bốn người bạn gái - tuổi từ 25 đến 50 - cùng ngồi với nhau trong một bàn ăn ấm cúng. Leah tuyên bố: - Buổi ăn trưa hôm nay là để mừng cuộc tái ngộ của chúng ta, Diane à! Bọn chị rất vui sướng vì em đã trở làm việc với bọn chị và quan trọng nhất là em đã cảm thấy thoải mái hơn. Diane hơi cúi đầu: - Em rất xấu hổ về những gì mình đã làm, em đã gây ra những chuyện ầm ĩ không cần thiết. Em thật sự rất xấu hổ. Nhưng các chị vẫn đối xử với em rất tốt như trước đây. Và đó là tất cả những gì em cần. Cám ơn các chị đã ở bên em. Leah đưa tay qua bàn và nhẹ nhàng nắm tay Diane: - Bọn chị rất yêu quý em, Diane à. Đối với bọn chị, em là một người rất đặc biệt. - Thôi, bày tỏ tình cảm như thế là đủ rồi - Becky nói - Chúng ta gọi món ăn thôi. Sau khi gọi món ăn, Crystal cho tay vào túi xách, lấy ra một gói quà màu vàng-xanh và một tấm thiệp do Becky “tự thiết kế”. Crystan để tất cả lên bàn và đẩy sang Diane. - Cái gì thế chị? - Diane hỏi, cố tìm trong mắt các bạn một gợi ý cho câu trả lời. - Hãy xem tấm thiệp đi, - Becky dịu dàng nói - và em sẽ hiểu. Đôi mắt Diane đẫm lệ khi cô lấy tấm thiệp ra khỏi cái bao thư cũng rất đặc biệt. Ba người bạn cùng nhìn Diane khi cô đọc những dòng chữ viết trong đó: Diane - viên ngọc trai quý giá Diane à, em là một viên ngọc trai quý giá. Trí tuệ, tâm hồn, trái tim thuần khiết và nhân hậu của em, đối với các chị, còn đáng quý hơn hết thảy những viên ngọc trai trên thế gian này. Ngày hôm nay, các chị tặng em chuỗi hạt ngọc trai này với mong ước, khi đeo nó trên cổ, em hãy nhớ rằng những phẩm chất và vị trí đặc biệt của em sẽ luôn in dấu trong trái tim mọi người. Các chị rất yêu quý em, Diane à! Crystal, Becky, Leah Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má Diane, khi cô nhìn vào mắt những người bạn lớn. - Nào - Crystal thúc giục - em mở hộp ra đi! Diane gỡ miếng giấy lụa màu xanh và cho tay vào cái túi nhỏ. Cô lấy ra một cái hộp nhỏ màu trắng và chậm rãi mở nắp. Diane sửng sốt kêu lên tràn đầy vui sướng. Chuỗi hạt trai nằm bên trong hộp đúng là “có thật”. Cô nhấc nó khỏi miếng đệm, chạm tay vào nó với cảm giác sung sướng lạ kỳ. Diane nói với Leah: - Chị giúp em đeo nó nhé? - Tất nhiên rồi, em quay lưng lại đi... đấy, xong rồi...Diane đưa tay chạm vào chuỗi hạt: - Thật tuyệt, em không biết nên cám ơn các chị thế nào nữa! - Ồ... - Becky nói - em có thể bắt đầu bằng cách đến gặp nhà tư vấn tâm lí mà bọn chị đã hẹn riêng cho em đấy. - Các chị làm gì nữa vậy? Diane hỏi. - À, bọn chị đã thu xếp cho em một cuộc hẹn với nhà tư vấn, và bọn chị rất mong em đến đó. Được không Diane? - Em không muốn phụ lòng các chị... nhưng em không đủ tiền để gặp nhà tư vấn đâu. Crystal nài nỉ: - Bọn chị đã chuẩn bị đâu vào đấy rồi. Việc của em là phải đến gặp nhà tư vấn để được giúp đỡ. Em sẽ đi chứ? - Làm sao em có thể không đi được đây? Chắc chắn em sẽ đi, các chị ạ. Rồi Diane khóc như mưa. Cô nắm bàn tay của Leah, thật lâu mới bỏ xuống, rồi cô với qua bàn nắm lấy tay của Crystal và Becky. Những người bạn của Diane lại nhìn thấy niềm hy vọng trong mắt cô, niềm hy vọng mà một thời gian dài trước đây không thể tìm thấy. Diane siết chặt tay những người bạn lớn, tự tin nói: - Chắc chắn em sẽ vượt qua, các chị à. Em sẽ ổn thôi. Chương 5: Bạn là phải dũng cảm H ãy cho tôi biết điều gì khiến bạn lo âu, và hãy tin rằng tình yêu của tôi sẽ giúp bạn xua tan nỗi sợ hãi. Hãy mạnh mẽ và dũng cảm vì tôi sẽ cùng bạn vượt qua bất kì cuộc đấu tranh nào. Với tôi, tuyệt đối không có gì là khó khăn cả, bạn nhỏ à. Tôi sẽ nâng đỡ bạn và sẽ không bao giờ để bạn gục ngã. Yêu mến B ạn có biết rằng lòng dũng cảm cũng có thể lây không? Có đấy. Và không ai tốt hơn một người bạn truyền cho ta lòng dũng cảm. Một căn phòng tối tăm, u ám có thể khiến bạn cảm thấy vô cùng hoảng sợ khi bước vào một mình; nhưng nếu có một người bạn bên cạnh, uy lực của bóng tối thế nào cũng bị đẩy lùi, và nỗi sợ hãi cũng tan biến. Vượt qua nỗi đau trong chuyện tình cảm dường như vô cùng khó khăn khi bạn chỉ có một mình, nhưng khi được một người bạn động viên, ắt hẳn bạn sẽ thấy một ngày mai hoàn toàn tươi sáng. Thậm chí có lúc bạn không thể khẳng định dứt khoát ai là người đầu tiên ươm những hạt mầm dũng cảm, mà thật ra cũng không cần thiết phải nhận ra điểm khởi đầu. Ánh hào quang của lòng dũng cảm đang tỏa rạng kia, có thể là từ tâm hồn của người bạn, nhưng cũng có thể là ánh sáng phản chiếu từ lòng dũng cảm của chúng ta. Chắc hẳn bạn đã từng đọc một câu chuyện trong Phúc âm. Khi đi trên mặt biển theo lời gọi của Chúa Jesus, vị tông đồ Peter đã đi những bước vững vàng nhờ lòng can đảm của người khác. Ông nhìn thấy sự dũng cảm và thái độ tự tin trên gương mặt Chúa, và sự dũng cảm đó đã biến thành sự dũng cảm của chính ông. Khi lòng dũng cảm trong Peter giảm bớt, thì bàn tay của người bạn lớn trung thành đã đưa ra, cứu ông khỏi bị nhấn chìm trong biển cả dậy sóng. Khi sự dũng cảm trong bạn yếu đi, hãy tìm đến một người bạn và mượn tạm một ít dũng cảm của người ấy. Và nếu người mà bạn yêu quý đang run rẩy, hãy đưa cánh tay vững chắc của bạn ra để truyền thêm sức mạnh và sự bình an cho con tim yếu đuối của bạn mình. Sự dũng cảm có thể lan tỏa từ tâm hồn này đến tâm hồn khác chỉ bằng thái độ cảm thông chia sẻ, hay câu nói khích lệ nhẹ nhàng. Sự dũng cảm mà Cha trên trời đã ban tặng không phải để dành riêng cho một ai - mà phải chia sẻ nó với bạn bè. Đã có những lúc chúng ta không thể diễn tả được nỗi đau của mình, ngôn ngữ của một người bạn gái còn có ý nghĩa hơn những gì được nói ra. Chonda Pierce T ammy cho rằng họ đã chuẩn bị chu đáo và ở trong tư thế sẵn sàng cho cuộc vượt cạn của Jana... Cùng thành công trong “một việc khó nhọc” Khi hấp tấp chạy trên hành lang bệnh viện, Tammy nghe được tiếng rên la của Jana vọng tới. Tammy tự hỏi: “Mình thật rối trí quá! Điều gì đã khiến mình nghĩ rằng, mình có thể trở thành người hướng dẫn Jana sinh nở thế nhỉ? Chỉ mới bắt đầu chuyển dạ thôi, nhưng Jana đã mất bình tĩnh rồi. Làm sao bây giờ?” Nhưng Tammy đã hứa với Jana, và dĩ nhiên Tammy sẽ giữ lời. Cách đây hơn một năm, Jana vào làm việc ở một văn phòng luật sư, nơi Tammy đang làm trưởng phòng hành chính. Chẳng bao lâu, hai cô gái đã trở thành bạn thân tuy họ có rất ít điểm giống nhau. Con cái của Tammy đã vào đại học, trong khi con của Jana, đứa lớn đang học tiểu học và đứa bé thì mới vào mẫu giáo. Tammy thích cắm trại, đi bộ đường dài, và chơi những trò mạnh mẽ làm lấm lem bùn đất khắp người. Ngược lại, Jana chỉ biết khép mình trong cuộc sống gia đình, phụ thuộc vào các tiện nghi hiện đại hơn là vận động thỏa sức trong thiên nhiên. Khi Jana biết mình có thai, ngoài Wayne - chồng cô - thì Tammy là người đầu tiên được Jana báo tin vui đó. Hai người bạn sung sướng rủ nhau đi ăn mừng sự kiện này. Mặc dù Jana và Wayne không dự định sinh thêm con, nhưng thực sự trong thâm tâm, vợ chồng họ vẫn thích có thêm đứa nữa. Vì thế, đứa con thứ ba này được cha mẹ nó đón nhận trong tâm trạng ngập tràn hạnh phúc. Nhưng sau khi Jana khám thai, niềm hạnh phúc ấy dường như giảm bớt, thay vào đó là nỗi lo âu và bối rối. Jana nhắn Tammy đến gặp cô trong phòng nghỉ ở nơi làm việc. Ngồi ở một góc bàn, Jana bắt đầu khóc: - Lần mang thai này mình cảm thấy rất vui, thậm chí mình còn không nghĩ đến việc mua bảo hiểm cho đến sáng nay, khi mình gặp bác sĩ. Vài tháng trước, Wayne và mình đã tính toán nhầm khi mua bảo hiểm, nên bây giờ bọn mình có thể phải mất thêm tiền khi sinh nở. Chi phí cho một ca sinh nở bây giờ đã tăng lên gấp 3 lần! Người bán bảo hiểm ở văn phòng bác sĩ nói rằng, vợ chồng mình có thể thanh toán cho bác sĩ từng tháng một, nhưng khổ một điều là phí gây tê màng cứng quanh cột sống giờ đã lên đến hàng trăm đôl a. Mình đã sử dụng phương pháp này khi sinh hai đứa đầu, nếu không chắc mình chết vì đau mất. Sao mình lại để có bầu cơ chứ? Ôi, mình thật không biết tính toán gì cả! Tammy yên lặng lắng nghe, rồi cô xích ghế đến gần Jana và nắm lấy tay bạn: - Nghe mình này Jana. Mình có ý kiến này, không biết cậu có đồng ý không, nhưng cứ hãy nghe đã. Khi mình sinh em bé, phương pháp gây tê màng cứng không giống bây giờ đâu. Hơn nữa, cậu biết rõ mình mà; mình thích làm mọi việc theo cách tự nhiên, vì thế mình đã tham khảo những lời khuyên của bác sĩ Lamaze và sinh cả hai đứa nhóc mà không cần một chút thuốc tê nào. Mình đã được khuyên rằng, hãy xem việc sinh nở giống như “một công việc khó nhọc” chứ không phải là bị hành hạ “đau đớn”, và mình đã học được vài kỹ thuật giúp bình tĩnh trong lúc chuyển dạ sinh nở. Mình không dám nói là không hề đau đớn, nhưng nhìn chung, đó là một trải nghiệm hữu ích. - Nhưng mình không giống cậu, Tammy à - Jana than thở - cậu thích những gì tự nhiên, và làm chủ được bản thân. Cậu can đảm và mạnh mẽ hơn mình rất nhiều. Thật sự là mình không thể sinh em bé mà không cần thuốc gây tê. - Ai nói là không dùng phương pháp giảm đau chứ? Cậu chỉ không dùng đến phương pháp gây tê ngoài màng cứng thôi. Có rất nhiều phương pháp khác có thể làm dịu cơn đau mà. - Mình không chỉ muốn làm dịu cơn đau! Mình muốn không đau chút nào cơ! Ngoài ra, mình chưa bao giờ nghe nói đến lớp học của bác sĩ Lamaze gì đó! Bác sĩ nào mà rảnh rỗi đến thế chứ! - Không phải như cậu nghĩ đâu, vì vậy mình mới đưa ra ý kiến này. Cậu nghĩ sao nếu mình trở thành “Huấn luyện viên Lamaze” của cậu? Mình thường mua sách về phụ nữ - trong đó có một vài bản dịch mới xuất bản có thể cần cho chúng mình đấy. Mình có thể chỉ cho cậu những kỹ thuật thở, thư giãn, hướng dẫn cậu trong suốt thời gian thai nghén và chuyển dạ sinh em bé. Cậu nghĩ sao? - Cậu lẩn thẩn mất rồi, Tammy à! Mình không nghĩ là có cách đẻ không đau đâu. - Được mà, cậu có thể làm được mà, Jana. Kết hợp phương pháp Demerol với Lamaze, và một ít hướng dẫn khác nữa, chắc chắn cậu có thể làm được. Mình biết cậu có thể mà. Cuối cùng Jana cũng xuống nước: - Thôi, được rồi... mình thực sự không có sự lựa chọn nào khác. Khi nào thì mình bắt đầu? - Tốt nhất là trước ngày sinh của cậu khoảng 6 tuần. Đến lúc ấy, mình sẽ đưa vài quyển sách để cậu và Wayne đọc những hướng dẫn của bác sĩ Lamaze. Từ đó đến nay đã bảy tháng rưỡi. Tammy thường xuyên ở bên cạnh Jana để giải thích kĩ hơn về các giai đoạn sinh nở, hướng dẫn các kĩ thuật thở, và cách thư giãn trong quá trình chuyển dạ. Tammy cho rằng họ đã chuẩn bị chu đáo và ở trong tư thế sẵn sàng cho cuộc vượt cạn của Jana. Nhưng đến giờ thì Tammy không còn tự tin nữa, nếu không muốn nói là cô đang rất bối rối và luôn tự hỏi: mình sao thế này? Khi bước vào phòng sinh, cô thấy Jana đau đớn hét to, đồng thời lấy hết sức bấu chặt cánh tay của Wayne. Wayne nhìn Tammy bằng ánh mắt cầu cứu nhanh lên, giúp tôi với! Tammy vội vã tuột cái túi xách ra khỏi vai, đặt xuống sàn nhà, bước đến bên giường, ngồi đối diện với Jana và cố gắng lấy lại bình tĩnh để giúp bạn: - Jana, nhìn mình đây! Thả tay Wayne ra, nhìn vào mắt mình và làm theo nhé. Jana làm theo ngay lập tức. Cô bắt chước Tammy hít thật sâu không khí vào phổi, và thở ra bằng miệng để đẩy hết than khí ra ngoài, gọi là “thở ngực chậm”. Khi cơn chuyển dạ đầu tiên kết thúc, Tammy xoa bóp cánh tay Jana đúng như những bài tập thư giãn mà họ đã luyện tập, và Jana bắt đầu dễ chịu hơn. - Wayne này, xem thử đã mở được bao nhiêu phân rồi? - Cách đây ít phút trước khi cô đến, y tá kiểm tra và nói là đã mở được 4 phân. Tammy nói, cố tạo vẻ tự tin: - Tốt rồi Jana, vậy thì chúng mình sẽ bắt đầu giai đoạn thở thứ hai, khi cậu lại lên cơn co thắt. Sẵn sàng nhé. Hãy nhớ lại những gì mình đã nói - cậu sẽ vượt qua cơn đau này như cưỡi một con sóng vậy. Cậu nhìn kĩ để biết khi nào cơn co thắt tử cung lên đến đỉnh điểm và khi nào thì nó bắt đầu hạ xuống nhé. Wayne sẽ cho cậu biết khi nào cơn co thắt giảm xuống, để cậu có thể nhìn và biết lúc nào hết cơn. Tất cả những gì cậu phải làm là lần lượt cưỡi qua từng con sóng co thắt. Cần nhất là cậu phải thư giãn, bình tĩnh chuẩn bị cho đứa con yêu quý bé bỏng ra đời. Cậu đã sẵn sàng chưa? Một cơn co thắt khác đang đến đấy. Jana gật đầu, cô hít sâu vào phổi và thở ra bằng miệng theo cách “thở ngực nông”. Tammmy gật đầu khen: - Cậu giỏi lắm. Giờ thì nhìn kĩ mình nhé. Nhớ nè, thở chầm chậm và nhanh dần lên khi bụng cậu đau thúc hơn. Cố thở ngắn và đều. Khi nào bớt đau, cậu thở ngắn và chậm lại nhé. Nào, bắt đầu! Tammy bắt đầu thở như họ đã luyện tập nhiều lần trước đó: “Hít, hít, hít, phù, hít, hít, hít, phù...” Wayne khích lệ vợ: - Sắp hết cơn này rồi đó. Cơn đau rồi cũng qua nhanh thôi em thấy không. Sau khi hít thở sâu lần cuối, Jana phấn khởi nói với chồng: - Em không sao rồi. La hét om sòm chỉ làm đau đớn hơn thôi. Phương pháp thở này giúp em đỡ đau hơn rất nhiều! Jana đã trở nên tự tin hơn khiến Tammy thấy phấn chấn, và cả ba người cùng nhau vượt qua các “cơn co tử cung” trong suốt 4 giờ - mỗi người mỗi việc. Chỉ có hai lần - trong giai đoạn chuyển tiếp, khi các cơn co cứ dồn dập ập tới - Jana hoảng hốt vì cô cảm thấy chóng mặt, không đủ sức để thở, nhưng cô không rên la một tiếng nào cả. Đến giai đoạn chuyển dạ cuối, các cơn co thắt trở nên dồn dập và thúc mạnh hơn khiến “huấn luyện viên Lamaze” và sản phụ quýnh quáng giẫm chân lên nhau. Dù đã bớt đau, nhưng Jana có cảm giác phải mau đẩy đứa bé trong bụng ra ngoài. Wayne nháo nhào chạy đi tìm y tá. Cô y tá nói sau khi kiểm tra cho Jana: - Cô sẵn sàng chưa? Ngay khi tôi gọi bác sĩ đến, cô bắt đầu “đẩy” nhé. Jana hốt hoảng la lên, gương mặt thất thần: - Tammy ơi, mình quên cách “đẩy” rồi. - Không sao đâu, Jana. Mình nhớ mà - Tammy trấn an Jana - Cậu chỉ việc nhìn và làm theo mình, dễ lắm. Lúc bác sĩ chạy vào phòng cũng là lúc Jana bị cuốn vào cơn co thắt mạnh nhất, Wayne và Tammy đã giúp Jana vượt qua lần “đẩy” đầu tiên. Đến lần “đẩy” thứ tư, đầu của đứa bé ló ra ngoài, và đến lần thứ sáu thì nó đã chui ra khỏi bụng mẹ. Một bé gái! Một bé gái hồng hào xinh xắn đang cất tiếng khóc oe oe chào mọi người. - Để tôi bế bé - Jana kêu lên. Khi cô y tá đặt em bé vừa ướt vừa trơn lên ngực Jana, cô vừa cười vừa khóc. - Con bé tuyệt đẹp! Nó thật hoàn hảo! Mình gần như không thể tin được! Bây giờ mình đã hiểu thế nào là mang nặng đẻ đau. Jana quay sang Tammy: - Mình chưa bao giờ làm một việc khó khăn như thế trong đời. Nếu không có cậu, Tammy à, mình sẽ không bao giờ làm được điều này. Cậu thật bình tĩnh và tự tin. Cậu đã truyền cho mình sự dũng cảm đấy. - Mình sẽ cho cậu biết một bí mật - Tammy thú nhận - mình đã sợ đến chết đi được. Mình đã nhận được sự dũng cảm từ cậu mới đúng, Jana à! Sau khi bình tĩnh, cậu đã cưỡi những con sóng đau đớn này một cách nhẹ nhàng. - Ồ, tôi gần như quên mất! - Wayne nói - Tôi có mang theo máy ảnh. Chúng ta sẽ chụp vài tấm! Tammy, chụp giùm tôi và hai mẹ con cô ấy một tấm nhé? Thật khó mà nhìn vào ống kính máy ảnh khi nước mắt cứ nhòe trên mi, nhưng Tammy vẫn chụp được vài tấm hình thật đẹp cho gia đình Jana. - Bây giờ để tôi chụp cho ba người phụ nữ xinh đẹp một tấm hình nhé - Wayne đề nghị. Tammy ngồi sát Jana và cục cưng của cô ấy. - Được rồi, đếm từ một đến ba nhé, chụp nè 1... 2... 3... Cùng lúc ấy, Jana và Tammy nhìn nhau rồi cùng quay lại, hướng về máy ảnh. “ Bạn muôn năm” , họ la lớn khi Wayne bấm máy. Jana âu yếm ôm đứa bé và nở nụ cười hết cỡ với cô bạn thân nhất: “Chúng ta đã thành công, Tammy à! Thế là chúng ta đã thành công!” Chương 6: Bạn là phải trìu mến N hờ tình yêu thương trìu mến và lòng nhân từ, nhân cách con người được hoàn thiện. Vì thế hãy đem tình yêu thương làm phương châm trong tất cả hành động của bạn. Nếu bạn muốn được đối xử thế nào thì hãy vui sướng đối xử với người khác như thế. C ó một bài hát cổ mang tên “Một là con số đơn độc nhất”. Rất có thể. Tuy nhiên, ở một mình không phải lúc nào cũng tệ - thực ra, đôi khi điều đó cũng tốt - nhưng sự đơn độc... vâng, lại là một vấn đề khác. Phải, sống đơn độc thật không tốt chút nào. Vì vậy mới cần có bạn bè bên cạnh. Người bạn ấy cam đoan rằng bạn sẽ không đơn độc khi giải quyết những việc quan trọng, sẽ không phải khóc trong cô đơn, sẽ không lủi thủi đón nhận niềm vui mà thiếu người chia sẻ, và sẽ không lẻ loi khi lỡ vấp ngã. Vị quốc vương thông thái Solomon đã có lý khi nói rằng: “Hai thì luôn tốt hơn một: nếu một người vấp ngã, người kia sẽ nâng dậy”. Cuộc sống đầy những lần “vấp ngã”. Đó là khi chúng ta không làm được bài kiểm tra ở trường hay khi... thất tình; hoặc “vấp ngã” khi chúng ta không hoàn thành tốt một nhiệm vụ quan trọng; thậm chí chúng ta “vấp ngã” khi đối xử tàn nhẫn và không công bằng với một người bạn. Có những lúc thật khó mà gắn bó hay ở bên cạnh một người bạn bị “vấp ngã”. Có lúc, dường như người bạn đó không xứng đáng với niềm tin yêu của ta, nên ta không thể chia sẻ tình cảm nồng ấm với bạn ấy. Có thể bạn ấy đã phạm sai lầm, hoặc gièm pha ta. Nhưng khi đang ở trong tình cảnh tồi tệ nhất, bạn ấy vẫn rất cần vòng tay ấm áp của một người bạn. Chính những thời điểm “vấp ngã” sẽ khẳng định được giá trị đích thực của tình bạn. Một người bạn thực sự sẽ có mặt bên ta vào “những thời điểm ta vấp ngã”; một người bạn đích thực sẽ nâng đỡ người bạn vấp ngã đứng dậy. Và sau đó, người vấp ngã này sẽ nâng đỡ người vấp ngã khác. Vì “hai thì luôn tốt hơn một”. G iống như một bông hoa, trong cuộc sống, mỗi người bạn được chiêm ngưỡng chính vì vẻ đẹp khác biệt diệu kỳ. C húng em không cố ý tỏ ra vô lễ, xem thường cô giáo, xem thường nội quy - chúng em chỉ làm điều tốt nhất mà chúng em có thể, trong tình cảnh “ngặt nghèo” này. Hai luôn tốt hơn một “Ơ... xin lỗi”, Hannah nói khẽ, không ngẩng đầu lên. Hannah vẫn không thay đổi thói quen này mỗi khi sơ ý đụng phải các bạn, như lúc chen lấn bước vào hội trường của ngôi trường mà Hannah theo học trước đây. Lúc nào Hannah cũng cúi đầu, mắt nhìn xuống đất, đôi vai co sát vào chồng sách đang ôm trước ngực. Mới chỉ dọn đến Molene có ba tuần, mà Hannah đã “giành” được biệt danh “Hannah lưng gù” cũng vì cái lưng khòm này. Bước vào lớp mười ở ngôi trường phổ thông mới, Hannah cảm thấy cô độc và xa lạ với tất cả mọi người chung quanh. Hannah lê bước vào phòng để học cái môn nó ghét nhất - môn thể dục. Hannah phải đặt những cuốn sách luôn được nâng niu xuống đất để thay bộ đồng phục thể dục khó thở và xấu xí. Bộ đồng phục có ống tay áo nhỏ và quần ống túm (quả thật là xấu nhất trên đời!) Với hàng nút bấm ở phía trước. Một cái cạp lưng quá cao và mỏng manh được khâu vào bộ đồng phục cùng lúc làm lộ ra hai “nhược điểm” khiến Hannah bối rối: hai cái xương hông thì nhô cao, còn bộ ngực thì gần như phẳng lì. Hầu hết mấy đứa con gái đều giấu kín ác ý của mình, nhưng Hannah đã nghe hết những lời rỉ tai ám chỉ cái biệt danh đáng ghét của mình, và thấy hết những cái nhìn giễu cợt vào mái tóc quăn nâu. Đó là vào năm 1969 - cái thời chưa xuất hiện những sản phẩm tóc có thể làm mềm mại những lọn tóc loăn xoăn bướng bỉnh và cũng chưa đến thời mà kiểu tóc quăn tự nhiên được xem là mốt. Nhưng chẳng thà như thế còn hơn là tụi bạn không thèm nhìn Hannah như thể nó không tồn tại vậy. Cách duy nhất để Hannah tạm quên nỗi cô đơn là nhớ về chốn cũ, nơi có ngôi trường cấp II và những người bạn thân thiết đáng yêu. Nó mơ ước sau giờ tan học lại được đạp xe cùng người bạn thân nhất là Karen... Hannah hấp tấp mở khóa tủ thay quần áo - phải 3, trái 7, phải 4. Sau khi cởi cái áo khoác trắng và áo sơmi xếp li theo kiểu hải quân, Hannah lấy bộ đồng phục thể dục. Chính lúc đó, Hannah chợt nhớ ra. Mình đã quên mất đôi vớ bó đầu gối! Thật bực ghê! Mình đã quên đôi vớ bó đầu gối màu trắng rồi! Hannah lục tung cái tủ, mong tìm thấy đôi vớ có giá trị bằng 2 điểm trong tổng số 5 điểm về “đồng phục”. Hai điểm cho bộ đồng phục thể dục, một điểm cho giày, và hai điểm cho vớ. Tổng cộng là 5 điểm. 5 điểm là điểm A, 4 điểm là điểm B, 3 điểm là điểm C. Và với Hannah, điểm C là không thể chấp nhận được. Hannah không những tiếc vì mất 2 điểm mà còn xấu hổ với ý nghĩ mình sẽ “nổi bật” giữa đám đông. Hannah rơi vào tâm trạng hoang mang bối rối. Mình sẽ phải làm gì đây? Mình sẽ phải làm gì bây giờ? - Bạn để quên thứ gì à? - Hả? - Hannah hơi giật mình, giấu vẻ bối rối và nhìn người vừa hỏi. - Bạn để quên một cái gì đó phải không? - Ừ, mình để quên đôi vớ trắng. - Ồ, sao lại vô ý thế. Phí mất 2 điểm - chỉ vì một đôi vớ ngớ ngẩn! Rõ ràng là con bé không giấu giếm ý mỉa mai khi nói như thế. Còn Hannah không thể cười, dù chỉ là cười gượng. Con bé kia lại tự giới thiệu: - Mình là Chris, Chris Thompson. Còn tên bạn? - Mình là Hannah Gibbs - Hannah nhớ đã gặp con bé có mái tóc đỏ và nụ cười tươi tắn này trong lớp sinh vật. Hannah đã nghe thấy một vài đứa con gái trong lớp cười nhạo mái tóc đỏ chói và khuôn mặt đầy nốt tàn nhang của Chris. Cũng như Hannah, Chris đang bị loại khỏi tập thể lớp. - Hannah nè, mình có ý kiến này. Bạn có đôi vớ bó gối xanh của đồng phục đi học. Mình sẽ cho bạn một chiếc vớ trắng của mình, và mình sẽ mang một chiếc vớ xanh của bạn. - Kì cục vậy? - Mang đủ một đôi vớ trắng thì được hai điểm. Còn nếu mang một chiếc, cô Pilcher sẽ phải cho bạn một điểm. - Bạn có điên không? Làm sao có thể mang chiếc này chiếc nọ được, trông chẳng giống ai! - Bởi thế chúng mình sẽ là những người đầu tiên. Đây sẽ là sáng kiến độc nhất vô nhị cho mà xem. Dù sao, Hannah cũng không nghĩ ra được điều gì hay hơn, nên hai cô bé vội vã mang vớ vào và chạy ra ngoài. - Hai đứa mình thật kì cục - Hannah thì thầm với Chris khi cả hai len lén đứng vào cuối hàng nữ sinh, trong lúc cả lớp đã nghiêm chỉnh như hàng quân chờ duyệt binh. - Thì tại bạn gây ra thôi - Chris vặn lại - Nhưng bạn đã từng nghe câu châm ngôn cổ thâm thúy này chưa: hai người kì cục thì tốt hơn một người! Hannah bật cười vì câu châm ngôn bị Chris sửa lại cho phù hợp hoàn cảnh của hai đứa. Nó ngạc nhiên bởi cảm giác thân thiết với Chris như một người bạn. Chỉ riêng mình “không giống ai” là một chuyện, nhưng lại là một chuyện khác khi có một người giống mình đứng bên cạnh, cũng bất đắc dĩ phải “khác người” như thế. Chẳng mấy chốc, mấy đứa con gái trong hàng chú ý đến đôi vớ kỳ quặc của Hannah và Chris. Tiếng cười khẩy giễu cợt của chúng khiến đám con gái đứng ở hàng trước phải quay lại, và hai cô bé đáng thương lập tức bị bao vây bởi những tiếng cười cố nén thành ra tiếng “cục cục” trong cổ và những ngón tay chỉ trỏ. Đang kiểm tra ở phía trên, cô Pilcher không biết chuyện gì đang xảy ra, nên vội vàng đi xuống cuối hàng và nhanh chóng phát hiện ra nguyên nhân gây lộn xộn. - Chuyện gì đây, đang xảy ra chuyện gì? - Cô Pilcher quát. Nghe giọng giận dữ của cô giáo, bọn con gái phải cố hết sức để giả vờ nghiêm chỉnh. Chúng dập mạnh tay vào bên hông và đứng im, nhưng những tiếng cười vẫn rúc rích chạy từ hàng này đến hàng khác. Cô Pilcher quyết không để yên chuyện rối ren mất trật tự xảy ra trong tiết học của mình. Cô xăm xăm bước đến đúng nơi gây rối và dừng trước mặt Hannah. Khuôn mặt cô kề sát khuôn mặt của cô học trò nhỏ đang hoảng sợ: “Em... gì đây?” Cô Pilcher vội tìm sổ điểm danh và sổ đầu bài của lớp để dò cho ra tên của đứa học trò “ngỗ nghịch” này. Dĩ nhiên cô không biết tên của Hannah vì cô bé không có gì nổi bật, cũng không có tên trong sổ kỉ luật để các thầy cô lưu ý. Hannah không đặc biệt giỏi bất cứ môn gì, và cũng chưa bao giờ vi phạm nội quy. Trường này còn có nhiều nữ sinh cá biệt cần phải quan tâm theo dõi để giáo dục, thì một vài đứa như Hannah có lờ đi cũng không sao (hay ít ra đó là chủ trương giáo dục mà cô Pilcher không công khai tuyên bố). - Này em, nói đi! Em muốn gì khi cố ý vi phạm nội quy về đồng phục? - Dạ... dạ... em... - Hannah lắp bắp không thành tiếng. - Đó là ý tưởng của em, thưa cô Pilcher - Chris nói to. Cho đến lúc ấy, cô Pilcher chưa phát hiện Chris cũng vi phạm nội quy về đồng phục, nên nó vẫn có thể lặng im và thoát được cơn nguy khốn. Nhưng Chris đã không làm vậy khiến Hannah ngạc nhiên bởi sự hào hiệp và tốt bụng của người bạn mới quen. - Dạ thưa cô - Chris tiếp tục nói - Chúng em chỉ có một đôi vớ trắng, nên đã quyết định chia sẻ cho nhau. Chúng em không cố ý tỏ ra vô lễ, xem thường cô giáo, xem thường nội quy. Chúng em chỉ làm điều tốt nhất có thể làm, trong tình cảnh “ngặt nghèo” này. Cơn giận của cô Pilcher đã dịu xuống, nhưng cô vẫn nói cứng: - Thôi được, tinh thần hợp tác của hai em đáng được biểu dương. Mỗi em sẽ được một điểm B về đồng phục trong buổi học hôm nay. Nhưng lần sau cô sẽ không tha đâu, và cả những em khác nữa, đừng để chuyện này lặp lại lần nữa trong lớp, nhớ đấy. - Vâng, thưa cô - Cả lớp đồng thanh đáp. Hannah không ngờ sự việc lại chuyển hướng thuận lợi như thế. Dù rằng bị chế nhạo và xem thường, Hannah vẫn cảm nhận một niềm hy vọng đang nhen nhóm trong tâm hồn, và lần đầu tiên từ khi chuyển đến trường trung học phổ thông Molene, nó bắt đầu nghĩ rằng đây có thể sẽ là một nơi chốn thân quen cho mình. Sau giờ học thể dục, hai cô bé cùng nhau đến phòng thay đồ, giới thiệu về mình kĩ hơn như những người bạn mới quen vẫn thường làm. Khi mặc lại đồng phục đi học, hai cô bé hẹn gặp nhau lúc ra về. - Hẹn gặp lại bạn, kẻ “không giống ai” - Chris trêu Hannah. - Vâng, thưa cô “kì cục” - Hannah vui vẻ trả đũa Chris khi nhặt những cuốn sách lên và ôm chúng vào ngực. - Hai đứa mình đã làm điều tốt nhất có thể làm trong hoàn cảnh “ngặt nghèo”, và đã thành công! Sau khi chia tay bạn, Hannah bước đi khoan thai, đầu ngẩng cao và... lưng thẳng băng!! Chương 7 : Bạn là phải biết tin tưởng B ạn có thể trông cậy vào tôi bằng tất cả tâm hồn! Đôi mắt của tôi luôn âu yếm dõi theo bạn ở mọi nơi bạn đi qua. Tôi sẽ hướng dẫn bạn và đáp ứng ngay những thứ bạn cần. Mong bạn nhận ra những món quà tốt đẹp và chân thành mà tôi mang tặng. Và hãy tin rằng lòng trung thực của tôi là chỗ dựa vững chắc cho bạn trong mọi biến cố của cuộc đời. T ừ điển webster định nghĩa tin tưởng là “có niềm tin chắc chắn vào nhân cách, khả năng, sức mạnh, hay lòng chân thực của một người luôn được người khác đặt niềm tin”. Định nghĩa đơn giản ấy đã nêu bật được phẩm chất cần thiết nhất của một người bạn đích thực. Bạn là người mà ta có thể tin cậy, nương tựa, một người luôn tôn trọng những bí mật của ta và dù ta có thế nào chăng nữa, người ấy vẫn một lòng yêu quý. Bạn là người để ta có thể chia sẻ những điều thầm kín mà vững tin rằng - không một chút mảy may nghi ngờ - bạn ấy sẽ không bao giờ tiết lộ với bất kì ai, ngay cả khi đang hờn giận ta. Bạn là người sẽ thông cảm cho ta những lúc tinh thần ta suy sụp và không vì thế mà rời xa ta. Bạn là người sẽ cùng ta đi đến những chân trời xa lạ, thậm chí giúp ta đi hết con đường đời dù phải vượt bao chông gai trở ngại. Bạn là người sẽ thấu hiểu và thông cảm những lời lẽ nóng giận của ta vì biết tâm hồn ta đang bị tổn thương. Bạn là người mà ta hoàn toàn tin tưởng. Nhưng sự tin tưởng thường mỏng manh, không dễ gì nắm giữ được - thực vậy, phải trải qua một thời gian dài để gầy dựng, nhưng có khi tan biến dễ dàng chỉ trong phút giây. Đó chính là lúc giá trị đích thực của tình bạn bị thử thách. Vì nếu bị người bạn thân phản bội, ta có thể noi theo một tấm gương trên thiên đàng để tha thứ - và không chỉ có tha thứ, mà còn tin tưởng lần nữa. Khi đó ta hãy rèn luyện những đức tính cần thiết để trở thành một người bạn quý. Sự tin tưởng cũng cần được tôi luyện như “lửa thử vàng”. Chỉ khi nào được thử bằng “sức nóng” của những thời điểm khó khăn, khi bị tổn thương, và ngay cả khi thất bại thì sự tin tưởng mới trở thành nền tảng cho một tình bạn vĩnh cửu. M ột người bạn đáng tin cậy là chỗ tựa cho một tâm hồn dễ chao đảo, chiếu rọi những tia nắng ấm áp cho một ngày u ám,và ban ơn lành cho nơi trú ngụ. Susan Duke C háu vừa tìm được một bé trai cho William và Kammy. Anh chị ấy vẫn còn giữ ý định xin một đứa con nuôi chứ bác? Từ trong tim mẹ Linda vào nhà sách để mua thiệp sinh nhật tặng người bạn thân nhất của mình, Kristen. Bà dừng lại ở một góc khuất trong nhà sách, hai má ướt đẫm nước mắt khi nhìn vào tấm bảng đồng, trên đó có những dòng chữ như đang bóp nghẹt trái tim bà: Không phải xác thịt mẹ cũng chẳng phải xương cốt mẹ, Nhưng diệu kỳ thay con vẫn là của riêng mẹ. Đừng bao giờ quên dù trong khoảnh khắc, Từ trong trái tim của mẹ, con được chăm nom để lớn lên và con vẫn luôn ở trong đó. Trái tim Linda đau đớn, xót xa: Tại sao William và Kammy lại không được như thế? Tại sao các con ta lại không thể tìm được một đứa con nuôi? Kammy, con gái của Linda, đã kết hôn với William được 15 năm. Trong bốn năm đầu chung sống, hai vợ chồng tìm đủ mọi cách để sinh một đứa con. Họ áp dụng mọi phương pháp từ tiêm hormone, tiêm thuốc, tìm đến các bác sĩ nổi tiếng mà không ngại phải lặn lội đường xa. Nhưng tất cả đều không đem lại kết quả gì. Cuối cùng họ phải xin con nuôi, nhưng ba lần xin là ba lần không thành. Một năm rưỡi qua, Kammy đã trải qua những cảm xúc khủng khiếp như ngồi trên xe lửa cao tốc lao lên rồi đổ xuống trong khu vui chơi. Độ cao chóng mặt của niềm vui, những đường vòng ác liệt của sự ê chề, và những cú bổ nhào tuyệt vọng. Linda nhớ lại tất cả khi cầm tấm bảng đồng trong tay. Bà buồn bã đặt nó trở lại kệ và rời nhà sách mà quên mất cần phải mua gì, vì không còn tâm trí để chọn lựa kỹ càng một tấm thiệp sinh nhật vui vẻ. Bà sẽ chọn một tấm sau. Điện thoại reo khi bà đi qua cánh cửa nhà để xe. Richard thường xuyên gọi về mỗi lần đi công tác xa. Khi bắt điện thoại, Linda cứ nghĩ đó là Richard. - Xin chào - bà nói, cố giấu nỗi buồn về đường con cái của con gái. - Chào bác Linda, cháu là Karen đây. Linda cố nhận ra giọng nói. “Karen nào nhỉ? “- bà lục lọi trí nhớ. - Bác Linda này - người phụ nữ tiếp tục - cháu đã tìm được một em bé cho William và Kammy. Linda há hốc miệng, bà ngạc nhiên đến nỗi ống nghe điện thoại trượt khỏi tay. Bà vội nhoài người tới nhặt nó lên, rồi ngồi sụp xuống chiếc ghế gần nhất. - “À thì ra là Karen”. Karen là một luật sư từng làm việc với William và Kammy trong hai vụ xin con nuôi không thành lần trước. - Chào Karen, có chuyện gì vậy cháu? - Cháu vừa tìm được một bé trai cho William và Kammy. Anh chị ấy vẫn giữ ý định xin một đứa con nuôi chứ bác? Karen nói về chuyện con nuôi một cách đơn giản như thể là: Tôi có một cún con cho chị. Chị thích chứ? - Dĩ nhiên là hai đứa nó vẫn muốn có một đứa con. Nhưng mà này... cháu đang nói gì nhỉ? Karen giải thích: - Vừa rồi cháu và Kammy đã theo vụ xin con nuôi này, cháu hứa sẽ gọi cho chị ấy sau khi thỏa thuận được với cha mẹ đứa bé. Cháu phải chờ năm ngày, đến hôm nay đã là ngày thứ ba. Cha bé đã đồng ý ký tên, và cháu tin rằng mẹ bé sẽ ký vào ngày kia. Nhưng có một vấn đề - Karen nói tiếp - ngày mai, đứa bé sẽ được xuất viện. Cháu thật tình không muốn người ta đem bé đi đâu cả, vì thế cháu có thể đón bé về nhà sau buổi làm việc chiều mai. Nếu được, tối mai bác đến nhà cháu và đem bé về nhà bác cho đến khi mẹ bé ký tên. Bác đồng ý không? Vẫn chưa hết bàng hoàng, Linda vội vàng đáp: - Ồ sao lại không đồng ý chứ. Thật không thể tin đó lại là sự thật. Sau khi thỏa thuận với Karen những việc cần làm, Linda gác điện thoại và nằm xoài lên ghế dài. Đôi tay bà vẫn còn run, tim đập thình thịch, thậm chí bà cảm thấy choáng váng muốn ngất xỉu vì quá bất ngờ. Khi điện thoại reo lần nữa, bà gần như giật nảy người. Đó là điện thoại của Richard. Linda tuôn ra một tràng những từ ngữ lộn xộn, không đầu đuôi, nhưng ngay khi kể xong câu chuyện, bà lại rơi vào tâm trạng lo âu. Bà hối hả nói: - Richard này, anh phải cầu nguyện cho em nhé. Anh phải cầu nguyện cho em lo xong được việc này, rằng em sẽ có đủ bình tĩnh, sẽ không tăng huyết áp, rằng em có thể giấu bí mật này không cho Kammy biết, cả đồng nghiệp của nó và mấy chị ở hội đoàn trong giáo xứ nữa, phải kín như bưng cho tới khi vụ này hoàn tất. Anh phải cầu nguyện như vậy nhé! Khi nói lên ước nguyện, Linda cảm thấy nhịp tim dần trở lại bình thường, đôi tay cũng đã bớt run rẩy. Và sau khi gác điện thoại, Linda lại quỳ xuống sàn, chắp tay, cúi đầu cầu xin: - Lạy Chúa, xin Người cứu giúp con vì không ai chỉ dẫn cho con những gì con sắp làm. Nhưng con biết rằng điều này thuộc về quyền năng và tình yêu của Người, chúng con cầu nguyện để có được đứa trẻ này đã lâu lắm rồi và con biết rằng Người sẽ truyền cho con sức mạnh cần thiết để con hoàn thành việc này. Linda dành cả buổi tối hôm đó để tĩnh tâm cầu nguyện: bà cầu nguyện cho cha mẹ ruột của đứa bé, cầu nguyện cho cô luật sư tốt bụng và tận tâm, cầu nguyện cho bản thân có thêm sức mạnh, niềm tin và sự sáng suốt, nhưng những lời cầu nguyện tốt đẹp nhất thì bà dành riêng cho đứa cháu trai chưa biết mặt. Mặc dù rất bối rối, nhưng Linda nghĩ rằng bà phải trấn tĩnh để không ai có thể nhận thấy vẻ khác lạ của mình. Vì thế Linda không quên bữa ăn trưa mỗi tuần một lần với người bạn thân, Kristen. Hoãn bữa ăn trưa tuần này sẽ khiến Kristen nghi ngờ. Vả lại, nếu không bận rộn làm gì đó, chắc bà sẽ phát điên lên mất. Linda kết bạn với Kristen đã nhiều năm. Bây giờ, chỉ thoáng nhìn sắc mặt của Linda, Kristen biết chắc người bạn thân của mình đang gặp chuyện. Sau khi ngồi vào bàn và gọi nước uống, Kristen nhìn thật sâu vào mắt Linda: - Này, chị bạn của tôi ơi, có chuyện gì vậy? - Ý chị là gì? Mọi chuyện vẫn bình thường mà - Linda chối ngay, cố gắng che giấu tâm trạng vừa mừng vừa lo của mình. - Hãy nghe tôi đây, Linda - Kristen nói khi bà đưa tay qua bàn để nắm lấy tay Linda - Là bạn thân nhiều năm của chị, sao tôi lại không hiểu chị cơ chứ. Nếu có chuyện gì đó quan trọng xảy đến với chị, tôi biết ngay. Chuyện gì thế? Sau một giây suy nghĩ, Linda quyết định Kristen sẽ là người mà bà đặt hết niềm tin để tiết lộ bí mật lớn lao này: - Kristen nè, tôi biết chị sẽ không tin điều này đâu, nhưng nếu chị hứa không hé môi với bất kỳ ai, tôi sẽ kể cho chị biết. Tôi phải kể với một ai đó nếu không tôi sẽ phát điên mất! Đôi mắt Kristen mở to và bàn tay của bà siết chặt bàn tay của Linda. Sau khi nghe toàn bộ câu chuyện, bà thở phào: - Thật là hơn những gì tôi nghĩ! Vẫn biết rằng không nên ngạc nhiên hay vui mừng quá bởi những gì tôi cầu nguyện trong suốt những năm qua nay đã được đáp ứng, nhưng quả thực, tôi hoàn toàn bất ngờ khi biết tin này. - Chị có tin rằng tôi thực sự có đứa bé trong nhà vào tối nay không? Nhiều năm rồi tôi không quen chăm sóc trẻ sơ sinh - Linda chợt nhớ ra - Ôi, thôi chết! Đứa trẻ chưa có áo quần, bình sữa và nhiều thứ khác nữa. - Được rồi, dễ ợt, chỉ “ba mươi giây” thôi. Đi mua sắm chứ có gì khó. Trong tâm trạng ngây ngất vì vui sướng và lo âu, hai người bạn lập tức đến siêu thị Wal-Mart. Linda biết rằng không nên mua quá nhiều - lỡ khi việc xin con lần này cũng không thành. Bà chỉ mua một cặp áo choàng may đơn giản, mấy đôi tất, tã giấy, và một ít vật dụng cần thiết khác dành cho trẻ sơ sinh. - Hay là chúng ta mua một cái áo choàng đặc biệt để mặc cho bé khi giao lại cho Kammy - Kristen đề nghị - Nào, hãy đến cửa hàng “mẹ và bé” của Alice và mua một cái áo choàng nhung mềm tuyệt đẹp. Để phòng xa, chị có thể giữ lại nhãn giá cho đến khi có được chữ ký và con dấu, khi mọi việc đã xong xuôi. Hài lòng với sáng kiến này, hai người bạn chọn được một cái áo choàng như ý: mềm mượt, màu xanh da trời và ra dáng con trai nhất. Tất nhiên, họ cũng phải mua mấy đôi giày, vớ nhỏ xinh xắn, một cái chăn bông dễ thương và hai bình sữa cho trẻ sơ sinh. Kristen bỏ cả buổi chiều để giúp Linda vơi bớt căng thẳng. Đến giờ đón đứa bé, Kristen chỉ chịu về nhà sau khi Linda hứa sẽ gọi cho bà nếu cần được giúp đỡ. Ngày mai Richard mới về, nên Linda một mình đến nhà luật sư Karen. Bà run run đưa tay bấm chuông cửa. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi nữa thôi, bà sẽ gặp được đứa cháu trai yêu quý của mình. Đứa bé thiếp ngủ trong lúc người lớn trò chuyện, và Linda cảm thấy tự hào vì cuối cùng bà cũng có được một bổn phận nho nhỏ phải hoàn thành trong ngôi nhà của mình. Linda bế đứa bé đang ngủ lên giường bà và đặt nó nằm ngay ngắn vào chỗ trũng của chiếc gối dành cho trẻ sơ sinh. Cháu bà nhỏ bé quá, non nớt quá, yếu đuối quá. Những áp lực từ trách nhiệm nặng nề vụt tan biến trước cảm giác bình yên kì diệu đang lan tỏa trong ngôi nhà và trong tâm hồn Linda. Thường ngày bà vẫn hay cáu kỉnh và lo lắng khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng, và mỗi khi cảm thấy bồn chồn hay bị kích động, huyết áp của bà lại tăng đến mức đáng báo động. Linda biết sự bình yên đó đến từ niềm tin chứ không phải tự nhiên mà có. Đó là niềm tin diệu kỳ vào Thượng đế - người đã phái các thiên thần của mình xuống, đem bình yên đến cho ngôi nhà và tâm hồn bà. Suốt đêm, đứa bé ngủ với Linda trên giường của bà. Nó thức giấc một lần để đòi bú. Sau khi bú chùn chụt hết một bình sữa mà Karen mang từ bệnh viện về, nó ợ rõ to và thiếp ngủ trở lại. Sáng hôm sau, nghe tiếng đứa bé khóc, Linda lập tức thức giấc, lúc ấy mới 5 giờ. Hôm nay, mẹ đứa bé sẽ ký giấy tờ. Thường khi, suy nghĩ hay xúc động cũng làm cho huyết áp của bà nhảy vọt, nhưng hôm nay bệnh tim mạch không gây cho bà chút khó chịu nào. Quả thật, các thiên thần đã sắp xếp tất cả. Suốt đêm qua, các thiên thần đã gìn giữ những người thân của bà. Bà tin rằng bất cứ chuyện gì xảy ra hôm nay đều là ý của Thượng đế. Vào lúc 7 giờ sáng, điện thoại reo. Kristen gọi: - Đêm qua thế nào? Cháu bé có sao không? Chị đang làm gì vậy? Tôi có thể đến giúp chị ru bé ngủ trong khi chị chuẩn bị không? - Ồ tốt quá! Thật tuyệt vời! Chị đến ngay đi. Lúc này đây quả thật nên có chị bên cạnh! - Linda cười - Mà này, chị Kristen, mang cho tôi mượn cái máy ảnh nhé. Tôi nghĩ chúng ta sẽ cần đến nó. Suốt buổi sáng, hai người bạn già thay phiên nhau bồng bế, cho bé bú sữa, thay quần áo và ru bé ngủ. Karen gọi điện thoại ngay sau khi việc ký kết hoàn thành. Mọi thứ đều trôi chảy, không gặp chút trở ngại nào. Thật không thể tin được! Ô, nhưng thực sự là hoàn toàn có thể tin được. Tưởng chừng như Thượng đế đã truyền cho họ sức mạnh để vượt qua những năm tháng khó khăn và giờ đây Người đã giúp họ thỏa lòng chờ mong. Đã đến lúc gọi điện cho Kammy: - Kammy này - Linda dè dặt nói - bố mẹ muốn nói với con chuyện này. Con và William về gặp bố mẹ tại nhà con nhé. - Xin lỗi mẹ, nhưng con có hẹn ăn trưa rồi - Kammy trả lời vui vẻ. - Dù có hẹn với ai, con cũng phải hoãn lại. Con phải gặp bố mẹ ở nhà con ngay trưa nay. Lúc này, Kammy tỏ ra lo lắng: - Có chuyện gì vậy mẹ? Chuyện gì đang xảy ra thế? - Con chỉ cần gặp bố mẹ một tiếng rưỡi thôi. Linda không chỉ gọi điện cho Kammy. Đây là lúc cần thông báo cho ông bà nội ngoại của Kammy biết bí mật to lớn và kỳ diệu này. “Hãy gặp chúng con ở nhà William và Kammy vào lúc 12 giờ nhé...” Linda dặn dò với sự hào hứng hiếm thấy. Xong mọi việc, bà giục Kristen: - Đi thôi nào Kristen, đến giờ rồi. Đúng 12 giờ, năm chiếc xe hơi gặp nhau tại con đường dẫn vào nhà William và Kammy: xe của Kammy, William, Richard và ông bà nội ngoại của Kammy. Linda chạy xe vào, biết chắc rằng xe của bà là chiếc cuối cùng đến đây. Bảy người tập trung trước sân nhà, nhìn Linda đậu xe và chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Khi bước lên bậc thềm cùng với đứa bé đáng yêu trên tay, hai người bạn bắt gặp bảy cặp mắt đang sửng sốt nhìn chăm chăm. Linda vui vẻ nói: - Kammy và William, mẹ không cho hai con biết mẹ đã xin được một đứa bé, cho đến khi chắc rằng mọi việc đã được ký kết và giải quyết ổn thỏa. Thật may mắn làm sao, tất cả đã xong xuôi. Đây, con trai bé bỏng của hai con đây. Sau khi Linda trao thằng bé cho mẹ nó, Kristen vòng hai tay ôm chặt lấy bạn: - Bà ngoại! Từ nay chị thật sự làm bà ngoại rồi nhé. Chị đã giải thoát con gái mình khỏi những nỗi đau thầm kín, và chị yêu thương cháu trai của chị cả trước khi nhận nó làm cháu. Bây giờ tôi xin tặng chị một món quà mà tôi đã dành cho ngày đặc biệt này. Từ sau lưng Kristen bỗng xuất hiện một túi quà xinh xắn. Linda cho tay vào túi quà và lấy ra một tấm bảng bằng đồng - giống tấm bảng bà đã thấy trong nhà sách cách đây chỉ hai ngày: Không phải xác thịt mẹ cũng chẳng phải xương cốt mẹ, Nhưng diệu kỳ thay con vẫn là của riêng mẹ. Đừng bao giờ quên dù trong khoảnh khắc, Từ trong trái tim của mẹ, con được chăm nom để lớn lên và con vẫn luôn ở trong đó. 1 Nông nghiệp hữu cơ: Là hệ thống kỹ thuật nuôi trồng hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì nhiêu của đất và sự đa dạng sinh học. Nông nghiệp hữu cơ cấm sử dụng thuốc trừ sâu bệnh tổng hợp, thuốc kháng sinh, phân bón tổng hợp, sinh vật biến đổi gen, hoóc-môn tăng trưởng mà phấn đấu cho sự bền vững, tăng cường độ phì của đất và sự đa dạng sinh học (Chú thích của biên tập - BT). 2. Biodynamic: Nông nghiệp sinh thái (hay còn gọi nông nghiệp năng lượng sinh học) là hệ thống hiện đại đầu tiên của nông nghiệp tập trung hoàn toàn vào phương pháp hữu cơ. Sự phát triển của nó bắt đầu vào năm 1924 với một loạt tám bài giảng về nông nghiệp của Rudolf Steiner. Những bài giảng, thuyết trình đầu tiên được biết đến như những gì sau này gọi là nông nghiệp hữu cơ, đã được tổ chức để đáp ứng yêu cầu của những người nông dân nhận thấy việc sử dụng phân bón hóa học dẫn đến điều kiện đất bị suy thoái và suy giảm sức khỏe và chất lượng cây trồng, vật nuôi (BT). 3. Vi lượng đồng căn hay vi lượng đồng căn liệu pháp là phương pháp y học điều trị bệnh nhân bị mắc một bệnh nào đó bằng cách sử dụng những chế phẩm được pha loãng mà những chế phẩm này cũng gây ra các triệu chứng cho một người bình thường giống như là triệu chứng của chính căn bệnh cần chữa gây ra. Những bằng chứng khoa học cho rằng vi lượng đồng căn chỉ là một giả dược nhằm làm yên lòng bệnh nhân chứ nó không có tác dụng chữa trị (BT). 4. Giáo sư người Nhật Geoge Ohsawa (1893 - 1966) được coi là người sáng lập ra những nguyên tắc và phong cách sống Thực dưỡng. Điểm hội tụ của triết lý và thực hành nằm chính yếu ở thực phẩm và cách ăn uống. Theo Ohsawa, nếu chúng ta được nuôi dưỡng bằng thực phẩm phù hợp, dựa trên nền tảng quy luật của vũ trụ, các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động điều hòa, không những sức khỏe được phục hồi và khang kiện trở lại, mà còn khiến cho trí phán đoán của con người trở nên sáng suốt, có khả năng nhận thức được chân lý, có nghĩa là, thể tính trật tự của vũ trụ và nhân sinh. Phương pháp Ohsawa bắt đầu xuất hiện và phổ biến tại Việt Nam từ trước năm 1975 tại miền Nam, với tên gọi phổ biến là Gạo lứt muối mè (xuất phát từ việc sử dụng gạo lứt làm nền tảng của phương pháp này) (BT). 5. Ayurveda là hệ thống y học Hindu truyền thống có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ. Việc thực hành Ayurveda bao gồm việc sử dụng các loại thuốc thảo dược, bổ sung khoáng chất hoặc kim loại (rasa Shastra), kỹ thuật phẫu thuật, thuốc phiện, và áp dụng bằng cách mát xa dầu (BT). 6. Liệu pháp Bowen là phương pháp trị liệu toàn diện và đa chiều để giảm đau và chữa lành bệnh tật, do Tom Bowen (1916-1982) khởi xướng. Phương pháp chủ yếu là xoa bóp cơ bắp để cân bằng cơ thể và cảm xúc (BT). 7. Reiki: (trong tiếng Nhật nghĩa là Linh khí) là sự tiếp nhận, hòa hợp và bổ sung nguồn năng lượng vô tận của vũ trụ cho con người. Reiki bắt nguồn từ Tây Tạng khoảng 2.500 năm về trước, sau một thời gian dài bị lãng quên, rồi được bác sĩ người Nhật tên là Mikao Usui phát hiện lại vào đầu thế kỷ thứ 19. Đây là phương pháp chữa bệnh thông qua việc sử dụng năng lượng (BT). 8. Bệnh u lympho không hodgkin (Non-Hodgkin’s lymphoma), còn được gọi là ung thư hạch không hodgkin, là ung thư bắt nguồn từ hệ thống bạch huyết, lây lan bệnh khắp cơ thể (BT). 9. Vitamin B17/latrile còn có tên là Amygdalin. Latrile có chứa enzyme tên là Emulsin có thể phân hủy thành xyanua. Vitamin B17 được coi là chất chữa trị ung thư rất tốt (BT). 10. Jackie Onassis (1929 – 1994), tên đầy đủ là Jacqueline Kennedy Onassis là vợ của Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ John F. Kennedy, và Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ từ năm 1961 đến 1963. Kết hôn lần hai với tỉ phú Aristotle Onasis. Bà thường được gọi một cách thân mật là Jackie, Jackie Bouvier, Jackie Kennedy, Jackie Onassis và, đôi khi, Jackie O (BT). 11. Permaculture – là một hệ thống thiết kế Nông nghiệp hay Xã hội, tập trung vào việc mô phỏng hay trực tiếp sử dụng các mẫu hình và các đặc trưng tuân theo trong Hệ thống sinh thái tự nhiên (Wikipedia). 12. Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm là một giáo phái Tin Lành thuộc phong trào Phục lâm (Seventh-day Adventist Church). Niềm tin chủ yếu của họ là Chúa Giêsu sẽ tái lâm bất chợt và tín đồ phải nghỉ ngơi vào ngày thứ Bảy (BT). 13. Buttermilk: Theo cách làm truyền thống, buttermilk được tạo ra trong quá trình sản xuất bơ. Nó là lượng chất lỏng sau khi vớt phần bơ đặc ra (BT). 14. Mát xa shiatsu là kỹ thuật mát xa của Nhật Bản, kết hợp giữa kỹ thuật xoa bóp cổ truyền Trung Quốc và các nguyên lý y học phương Tây (BT). 15. Chứng nhận Demeter: Từ năm 1927, Demeter là tổ chức chứng nhận cho những sản phẩm Biodynamic tại Đức. 16. Beta carotene: Dạng tiền chất của vitamin A. 17. Resveratrol là một Phytoalexin, chất chống oxy hóa không thuộc nhóm Flarononid (BT). 18. Reiki là một trong những phương pháp dưỡng sinh và trị bệnh được bác sĩ người Nhật Mikaon Usui sáng lập vào cuối thế kỷ 19 (BT). 19. Dosha: Có ba nguyên tố sinh học luôn luôn biến đổi trong cơ thể. Theo y học Ayurvedic, cơ thể chỉ khỏe mạnh khi có sự cân bằng của ba nguyên tố sinh học hay dosha là Vata, Pitta và Kapha (BT). 20. Người thuộc Pitta là Dosha lửa (BT). 21. Luật nhân quả. 22. Anh giáo: là truyền thống thuộc Cơ đốc giáo do vua Henri VIII (1491 – 1547) của Anh chủ xướng năm 1534 để lập một giáo hội riêng cho nước Anh (BT). 23. Phẫu thuật ngoại cảm hay còn gọi là phẫu thuật tâm linh bắt nguồn từ quần đảo Philippines, được thực hiện thông qua tâm trí và tinh thần của các thầy thuốc. Trong kiểu phẫu thuật này, người thầy thuốc sử dụng tâm trí để tập trung sức mạnh tâm linh thông qua bàn tay truyền vào cơ thể của bệnh nhân. Các thầy thuốc chữa bệnh thường ở trong trạng thái thiền định, sử dụng tâm trí để điều khiển đôi bàn tay của mình. Nhờ vào sức mạnh tâm linh, người thầy thuốc có thể phát hiện ra những phần cơ thể đang ủ bệnh hoặc bệnh đang phát triển và truyền năng lượng tâm linh vào những bộ phận đó. Cho đến nay, kiểu phẫu thuật này vẫn gây nhiều tranh cãi trên thế giới (BT). 24. RM (đồng Ringgit Malaysia). 25. Chứng song thị hay song ảnh (double vision): triệu chứng mà bệnh nhân nhìn thấy hai hình ảnh của một sự vật (BT). 26. Hippocrates (460 - 377 TCN) được xem là người sáng lập ra nền y học hiện đại và cũng được xem là thầy thuốc vĩ đại nhất trong thời đại của ông (BT). 27. Thủy liệu pháp là phương pháp cổ truyền chữa lành vết thương an toàn, không gây đau đớn và không đòi hỏi gì hơn là cho chỗ đau vào nước. Phương pháp này đã được sử dụng từ thời Ai Cập cổ đại (BT). 28. Kinesiology là một khoa học đa ngành, bao gồm nghiên cứu trong các lĩnh vực giải phẫu học, cơ chế sinh học, sinh lý học, hành vi tâm thần vận động, và các yếu tố xã hội và văn hóa (BT). 29. Liệu pháp oxy là các bài tập làm tăng huyết áp và chuyển hóa đường, giúp cho cơ thể tăng oxy tiêu diệt tế bào ung thư, tăng chỉ số PI (perfusion index – chỉ số đánh giá có tính tương đối của mạch đập) để phục hồi tế bào lành, và để phòng ngừa tế bào thiếu oxy và máu dễ bị bệnh ung thư (BT). 30. Colloidal Silver là dung dịch được sản xuất từ bạc nguyên chất (từ 99,9% đến 99,99% bạc) và nước tinh khiết. Hoàn toàn không có tạp chất gì trong Keo Bạc (không muối, không chất xúc tác...). Khi một tế bào ung thư hấp thu Keo Bạc, vi khuẩn trong nó có nhiều khả năng sẽ bị tiêu diệt và như thế tế bào này sẽ có điều kiện để hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, chức năng chính của thuốc Keo Bạc là để hỗ trợ việc tiêu diệt các loại vi khuẩn trong máu (BT). 31. Chụp quang tuyến vú (Mammography) là phương pháp sử dụng liều thấp tia X, độ tương phản cao kết hợp với máy tính để thu được hình ảnh chi tiết của vú (BT). 32. Hội chứng loạn sản tủy (Myelodysplastic Syndromes - MDS) là bệnh trong đó tủy xương không sản xuất ra đủ các tế bào máu khỏe mạnh (BT). 33. Vipassana, nghĩa là thấy sự việc đúng như thật, là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn Độ. Truyền thống thiền này được truyền dạy tại Ấn Độ hơn 2.500 năm trước đây như là một liều thuốc chữa trị bệnh chung của nhân loại (BT). 34. Phương pháp chiropractic là phương pháp chữa các bệnh thuộc hệ vận động như: đau cột sống, đau dây thần kinh, đau vai... Thường được áp dụng nhiều với bệnh thoái hóa đĩa đệm, lồi đĩa đệm cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Thực chất đây là phương pháp nắn chỉnh cột sống bằng tay dựa vào cơ chế sinh - cơ học của đĩa đệm (BT).