🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Giáo Sĩ Thừa Sai Và Chính Sách Thuộc Địa Của Pháp Tại Việt Nam (1857 – 1914) Ebooks Nhóm Zalo Mục lục Lời người dịch TỔNG LUẬN TRƯỚC KHI VÀO ĐỀ TÌNH HÌNH GIA TÔ GIÁO TẠI VIỆT NAM VÀ BANG GIAO PHÁP-VIỆT TRƯỚC 1857 PHẦN MỘT: GIA TÔ GIÁO VÀ CÔNG CUỘC XÂM CHIẾM NAM KỲ CHƯƠNG I: CUỘC VIỄN CHINH NAM KỲ: MỘT VẤN ĐỀ TÔN GIÁO CHƯƠNG II: MẤT NAM KỲ VÀ THỪA NHẬN GIA TÔ GIÁO CHƯƠNG III: NỀN TẢNG GIA TÔ GIÁO CỦA VIỆC THIẾT LẬP CHẾ ĐỘ THUỘC ĐỊA PHÁP Ở NAM KỲ PHẦN HAI: CHÍNH SÁCH THUỘC ĐỊA VÀ CHÍNH SÁCH CỦA CÁC GIÁO SĨ THỪA SAI TẠI BẮC KỲ CHƯƠNG IV: HUYỀN THOẠI VỀ THUYẾT BẮC KỲ LY KHAI CHƯƠNG V: KẾ HOẠCH XÂM LĂNG CỦA ĐÔ ĐỐC DUPRÉ CHƯƠNG VI: CUỘC VIỄN CHINH CỦA GARNIER, NỘI CHIẾN VÀ CHÍNH SÁCH CỦA PHILASTRE CHƯƠNG VII: CÁC KHÓ KHĂN TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 9 CHƯƠNG VIII: TỪ SỰ BẢO TRỢ ĐẾN CHẾ ĐỘ BẢO HỘ: HIỆP ƯỚC 1884 PHẦN BA: ẢNH HƯỞNG CỦA CHÍNH SÁCH THỪA SAI TRÊN VIỆC TỔ CHỨC CHẾ ĐỘ BẢO HỘ CHƯƠNG IX: VĂN THƯ VÀ TIN TỨC TÌNH BÁO CỦA GIÁM MỤC PUGINIER CHƯƠNG X: TÁCH RỜI BẮC KỲ KHỎI NƯỚC AN NAM CHƯƠNG XI: CHÍNH SÁCH THỐNG TRỊ, XÂM LĂNG VÀ SÁT NHẬP LỜI KẾT: ALBERT SARRAUT VÀ SỰ NỔI DẬY CỦA PHONG TRÀO DÂN TỘC VIỆT NAM TÀI LIỆU THAM KHẢO Lời người dịch Tác phẩm của Giáo sư Cao Huy Thuần, ra đời cách đây 30 năm, vẫn luôn luôn mới. Bởi vì đó là một kho tàng tài liệu lịch sử. Và bởi vì công trình nghiên cứu này vẫn là sách đầu tay của ai muốn tìm hiểu lịch sử mất chủ quyền của Việt Nam hồi thế kỷ 19. Tác phẩm này trước hết là một luận án tiến sĩ quốc gia đệ trình trước Đại học Paris năm 1969[1]. Trong thời chiến tranh, một bản dịch vội vã được phổ biến hạn chế trong nước, ngoài tầm hay biết của tác giả ở xa. Năm 1988, một bản dịch lại được xuất bản rộng rãi ở Hoa Kỳ, vẫn ngoài tầm hay biết của tác giả lúc sách được phát hành. Để tài liệu lịch sử đó không bị những bản dịch vội vã diễn dịch sai lạc, và để xác nhận tính cách thuần túy khoa học của công trình nghiên cứu, tác giả xuất bản nguyên văn tiếng Pháp, năm 1990, với sự bảo trợ của Đại học Yale. Dưới nhan đề: “Les missionnaires et la politique coloniale française au Viet Nam, 1857-1914”, tác phẩm lược bỏ đoạn vào đề của luận án. Chúng tôi giữ nguyên phần vào đề ở đây và dịch theo ấn bản Yale. Nguyện vọng của tác giả là tự mình dịch tác phẩm của mình như đã dịch phần tổng luận. Sức khỏe và công việc bộn bề của ông ở Đại học Amiens không cho phép ông thực hiện ý định. Chúng tôi, thấy việc phải làm, không ngại khó khăn, tự lấy trách nhiệm cung cấp một bản dịch nghiêm chỉnh. Tất nhiên bản dịch chưa phải hoàn hảo, nhiều từ chưa được vừa ý, văn phong nhiều chỗ vẫn còn là văn dịch. Nhưng dịch những tài liệu lịch sử thì phải dịch càng sát càng tốt, nhiều khi phải hy sinh văn khí. Dịch thế nào để bản dịch vừa được đọc trôi chảy, vừa giữ nguyên sự thật lịch sử: đó là cố gắng của người dịch. Paris, tháng 11 năm 1999 Nguyên Thuận TỔNG LUẬN TRƯỚC KHI VÀO ĐỀ “Truyền đạo Thiên Chúa... Điều đó có liên quan gì đến chính sách thuộc địa không? Chẳng ai trả lời rằng không, trừ khi có định kiến...”. Giám mục Guébriant, bề trên của Nha Thừa Sai Paris đã viết như vậy trong tạp chí Correspondant số 25/1/1931[2]. Ba mươi bảy năm sau, vào 1968, giữa chiến tranh nóng bỏng ở Việt Nam, một bức thư sau đây của các giáo chức ki-tô Pháp[3]được gởi đến các đồng nghiệp của họ tại Mỹ: “Phải thừa nhận rằng, vì chính sách mà các chính phủ nước họ đã áp dụng, các người ki-tô thường bị đồng hóa, trước mắt các dân tộc Á Phi, với đế quốc và thực dân, hôm qua cũng như hôm nay. Nhìn vấn đề như vậy thì đơn giản thái quá, và các giáo hội ki-tô còn phải tốn nhiều công sức lắm để tái lập sự thật. Nhưng, cho đến hôm nay, nhiều hình thức can thiệp khác của các quốc gia được xem là ki-tô lại dựng thêm nhiều cản trở mới cho việc du nhập của thánh kinh vào Á Phi. Việc ném bom ở miền Bắc Việt Nam không phải là hình thức can thiệp duy nhất, nhưng là hình thức lộ liễu nhất.” Hai giai đoạn lịch sử khác nhau, hai ngôn ngữ ki-tô khác nhau. Bề trên của Nha Thừa Sai Paris, hiện thân của tiếng nói lương tâm bình thản trong giai đoạn thuộc địa, nhấn mạnh dây liên hệ nối kết sự truyền giáo với chính sách thuộc địa, trong khi các giáo chức ki-tô Pháp, ấm ức trong mặc cảm lương tâm của thời hậu thuộc địa, muốn làm trong trắng Nhà thờ bằng cách đổ lỗi cho các quốc gia, kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng tôn giáo để phục vụ chính sách thuộc địa. Đâu là sự thật? Tìm hiểu sự thật lịch sử đâu có phải để kết tội ai hay để gây bất hòa giữa tôn giáo này với tôn giáo khác. Ngược lại, hiểu lịch sử chính là để đừng vấp nữa những sai lầm trong quá khứ - những sai lầm đến từ bên ngoài đã làm máu chảy giữa những người con của cùng dân tộc. Tôn giáo là thiêng liêng, và tự do tôn giáo là tự do căn bản của con người. Chính vì tôn trọng sự thiêng liêng đó mà mọi lạm dụng tôn giáo vì một mục đích khác, hoặc để độc tôn, cần phải đề phòng triệt để. Việt Nam là trường hợp điển hình của lạm dụng, là ví dụ tiêu biểu của một mô hình thuộc địa lấy tôn giáo vừa làm phương tiện vừa làm cứu cánh cho thống trị. Bởi vậy, trước khi đi sâu vào lịch sử Việt Nam, tưởng cũng nên nhắc lại sơ lược mô hình đó trong bối cảnh chung của sự bành trướng thuộc địa Âu châu. Năm điểm sau đây được xem như nổi bật nhất: I. Trước hết, ai cũng thấy sự phát triển song song, trong lịch sử thuộc địa Âu châu, giữa hành động thuộc địa và hành động truyền giáo. Nói “song song” cũng không đúng hẳn, bởi vì, như một nhà ngoại giao Pháp đã nhận xét hóm hỉnh, “đó là hai đường song song vượt qua khỏi mọi luật lệ của hình học để gặp nhau hoài”[4]. Nghĩa là, bất cứ ở đâu trong thế giới Á Phi, sự truyền giáo đều được phát triển nhờ xâm chiếm thuộc địa, chiếm đóng quân sự, cắt nhượng lãnh thổ, trấn áp chính trị. Như vậy, giáo xứ Alger đã được dựng lên ở Algérie. “Sự kiện lịch sử này thật đáng ghi nhớ, bởi vì giám mục xuất hiện lại, sau nhiều thế kỷ vắng bóng, trên đất Phi châu mà ngày xưa thánh Augustin và thánh Cyprien đã từng đặt gót”[5]. Như vậy, Trung Quốc đã bị bắt buộc mở ra cho ảnh hưởng của đạo Chúa dưới áp lực của Âu châu, nhất là của Pháp, hai lần can thiệp liên tiếp để ký hiệp ước 1858, từ đó Trung Quốc phải thừa nhận cho các thừa sai toàn quyền tự do truyền đạo. Cũng như vậy, giáo hoàng Pie X tạo mọi sự dễ dàng cho việc nước Ý chinh phục Tripolitaine, ở Libye, bởi vì đó cũng là chiến tranh chống ngoại đạo. Nhà viết sử Thiên Chúa giáo Paul Lesourd viết: “Biết bao nhiêu trường hợp đã cho thấy: các thừa sai không thể làm được gì vững chắc nếu không dựa vào sự ủng hộ thông minh của quốc gia thuộc địa, dù chỉ là để bảo vệ các tín đồ tân tòng chống lại kẻ thù của họ hay chống lại tà giáo như ở châu Úc”[6]. Vì lý do đó, Giáo hội Thiên Chúa công nhận rành mạch chính nguyên tắc của việc xâm chiếm thuộc địa[7]. Xâm chiếm thuộc địa là một “công trình giáo dục về kinh tế, xã hội, chính trị”, là “thực hiện chức năng đem lại văn minh do luật thiên nhiên ban cho các quốc gia tự do và có ý thức trách nhiệm”[8]. Hồng y Verdier nói rõ: xâm chiếm thuộc địa “nằm trong chương trình của Thượng Đế, như một hành động bác ái tập thể mà trong một thời điểm nào đó, một dân tộc thượng đẳng phải làm đối với các giống dân xấu số như một bổn phận phát sinh từ chính văn hóa thượng đẳng của dân tộc đó”[9]. Nói một cách khác, các nhà đạo đức Thiên Chúa giáo tìm cách biện minh cho một quyền thuộc địa ngay trong cả thời gian mà việc xâm chiếm thuộc địa bị chỉ trích toàn bộ[10]. II. Từ đó, dựa vào nhau là điểm nổi bật thứ hai: nếu sự truyền giáo dựa vào đô hộ của Âu châu thì, ngược lại, sự đô hộ này, để được vững chắc, cũng phải tìm hậu thuẫn về lý thuyết cũng như về thực hành nơi các thừa sai và nơi chính tôn giáo mới. 1) Trên lý thuyết, tôn giáo mới tạo tính chính đáng cho hành động thuộc địa. Về điểm này, hai giai đoạn cần được phân biệt trong lịch sử bành trướng Âu châu. Giai đoạn thứ nhất chủ yếu có tính cách tôn giáo. Từ thế kỷ 15, giáo hoàng đã đặt ra nghĩa vụ cho các nước Thiên Chúa giáo phải chinh phục để cải đạo. Như thế, ông hoàng Henri của Bồ Đào Nha, được gọi là Henri-le Navigateur vì tài vượt biển khám phá đất mới của ông, được giáo hoàng Nicolas V, bằng giáo chỉ ban hành năm 1454, ban cho quyền chinh phục tất cả xứ sở mà ông đặt chân giữa Phi châu và Ấn Độ. Sau khi nhắc lại bổn phận của Henri là phải “chinh phục các xứ không tin đạo và chưa bị nhiễm trùng của dịch hạch Hồi giáo, và phải dạy cho họ biết danh hiệu của Thiên Chúa”, giáo chỉ 1454 phán: “Trong hiện tại và trong tương lai, tất cả những chinh phục trải dài từ mũi Bojador, mũi Non, bờ biển Guinée và tất cả vùng Đông đều đặt dưới chủ quyền của vua Alfonse ngay bây giờ và mãi mãi cho đến khi tận thế”[11]. Hai năm sau, ngày 13/3/1456, giáo hoàng Calixte III ban hành một giáo chỉ thứ hai xác nhận độc quyền của Bồ Đào Nha trên một nửa thế giới mới, nửa kia được ban cho Tây Ban Nha. Độc quyền của Bồ lại được xác nhận một lần nữa trong giáo chỉ Inter Caetera do giáo hoàng Alexandre VI ban hành ngày 4/5/1493. Đất đai là thuộc về Chúa và đại diện của Chúa có quyền sử dụng tất cả những đất đai nào không thuộc tín đồ của mình, bởi vì những kẻ dị giáo và phản giáo không có một quyền chiếm hữu chính đáng nào trên bất cứ mảnh đất nào. Do đó, việc ban cấp đất đai do những kẻ đó chiếm hữu mặc nhiên bao hàm nghĩa vụ làm họ thần phục, làm họ cải đạo, tự nguyện hay ép buộc, và như vậy là vì phúc lợi tối đa của họ. Các vua chúa Âu châu một dạ thừa nhận chân lý hiển nhiên đó. Khi ủy nhiệm Jacques Cartier và Roberval đi Canada năm 1540 và 1541, vua François 1er ra lệnh các ông ấy phải “giáo dục dân bán khai bản xứ để thương và kính Thượng Đế và Chân Lý của Ngài”. Hiến chương mà nữ hoàng Elisabeth nước Anh ban hành năm 1660 cho một công ty thuộc địa buộc công ty này phải “tôn trọng những bổn phận cao hơn là nghĩa vụ thương mại”: bổn phận cải giáo[12]. Cây thập tự thánh hóa những chinh phục và hoài bão làm giàu: bởi vậy, lúc tay tàn bạo Fernand Cortez đổ bộ lên bờ biển Mễ Tây Cơ năm 1519, ông ta thành lập một thương điếm lấy tên là Villa Rica de la Vera Cruz, Thành Phố Phồn Vinh Của Cây Thập Tự Đích Thực[13]. Giai đoạn bành trướng thuộc địa thứ hai tách rời chính trị và tôn giáo trên lý thuyết. Đã đành chiến thắng Alger năm 1830, dưới thời vua Charles X, mang tính chất tôn giáo chẳng khác gì đợt bành trướng đầu tiên của Pháp - ở Canada, ở Louisiana, ở Saint Domingue, ở Đông Ấn, và sau đó ở Sénégal - nhưng ông vua cuối cùng rất sùng Thiên Chúa đó bị lật đổ vài tuần sau chiến thắng. Bành trướng thuộc địa hồi thế kỷ 19 có lý do chủ yếu là kinh tế - tìm thị trường cho kỹ nghệ đang mở mang - hoặc chính trị: không để cho một nước Âu châu khác nhanh chân hơn chiếm trước. Tuy vậy, nước nào cũng có nhu cầu tìm cho ra một lý thuyết để biện minh và tạo tính chính đáng cho hành động thuộc địa. Và bởi vì văn hóa châu Âu là Thiên Chúa giáo, lý thuyết đó chỉ có thể lấy hứng từ đó mà thôi. Họ bảo: chinh phục các nước xa xôi là để mang ánh sáng của đạo Chúa, mang văn minh Thiên Chúa đến cho các giống dân sống trong bóng tối của những tín ngưỡng man di. Bởi vậy, khi bà xơ Jahouvey khởi hành đi Guyanne, vua Louis-Philippe đích thân đến dự lễ thánh bên cạnh bà. Tác giả G. Goyau viết: với cử chỉ đó, vua muốn chứng tỏ rằng “giữa văn minh của nước Pháp và các dân tộc da đen, không có chiếc cầu nào khác hơn là Thiên Chúa”[14]. Làm sao giải thích những cuộc chiến tranh chinh phục và biện minh cho những tàn bạo của giết chóc? “Một văn minh cao hơn mang đến cho vùng đất đẹp đẽ đó đủ để biện minh cho hành động của chúng ta trước mắt loài người và trước mắt Thượng Đế”, Changarnier trả lời như vậy giữa chiến trận Algérie[15]. Napoléon III có nói gì khác hơn đâu sau đó: “Ta phải mang các giống dân ở châu Úc và ở Úc lại gần châu Âu và làm cho họ tham dự vào ân huệ của đạo Thiên Chúa và của văn minh”. Thuộc địa và văn minh, hai từ ngữ đó không rời nhau được nữa. Thuộc địa, đó là thực hiện một chức năng của văn minh và văn minh được hiểu chính thức dưới nghĩa Thiên Chúa. Kẻ xâm chiếm thuộc địa, vì vậy, khoác một bộ mặt cao quý và đáng yêu; ông ấy đem đến ân huệ, ông ấy hành xử một chức năng tâm linh, ông ấy chẳng khác gì một tông đồ[16]. Lý thuyết đó được đào sâu thêm nữa nhờ các tác giả Thiên Chúa có tài ở thế kỷ 20. Linh mục Delos quả quyết rằng việc xâm chiếm thuộc địa phải được sự hỗ trợ của đạo Thiên Chúa. “Đã đành văn minh hóa không phải là truyền giảng phúc âm. Phúc âm siêu việt các nền văn minh, nhưng không một văn minh đích thực nào không cần đến phúc âm. Trong một nước có thuộc địa, nền văn minh thượng đẳng chỉ có thể nảy nở trong ánh sáng đó, nương tựa vào giáo huấn đó, nâng đỡ bởi ân sủng đó. Văn minh hóa không phải là truyền giảng phúc âm, nhưng không ai có thể làm văn minh mà không truyền giảng phúc âm”[17]. Làm thế nào nước có thuộc địa thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ đó? “Trực tiếp, bằng cách dần dần thay đổi luật lệ và phong tục để du nhập luật tự nhiên. Gián tiếp, gián tiếp mà thôi, bằng cách nâng đỡ việc truyền giáo chứ không phải ép buộc theo đạo, để lan truyền tôn giáo đích thực”[18]. Như vậy nhà thờ của thừa sai sẽ trở thành yếu tố chính của công tác thuộc địa. “Nếu công trình thuộc địa không nâng đỡ sự bành trướng của văn minh Thiên Chúa, công trình đó sẽ trở thành chuyện kiếm tiền thấp hèn hoặc chuyện tính toán chính trị nông cạn: nó không còn chính đáng nữa”[19]. 2) Về thực tiễn, đạo Chúa, theo các lý thuyết gia Thiên Chúa và các viên chức thuộc địa cao cấp, tạo sự gần gũi giữa các dân tộc bản xứ và các nước Âu châu: đó là dây liên kết giữa các xã hội bản xứ và xã hội Tây phương. Giám mục Guébriant làm sáng tỏ điểm này: “Khi một người bản xứ thuộc bất cứ chủng tộc gì, vàng, nâu hoặc đen, cải thành đạo Chúa thì dù cho người đó đã nghĩ sai như thế nào, đã có thành kiến gì, đã sợ hãi gì, đã ghét bỏ gì, chắc chắn trong đầu người đó không còn một trở ngại gì nữa để gần gũi, hợp tác, hòa lẫn với những người theo đạo Chúa trong những chủng tộc khác, nhất là với người da trắng, và sẽ hiểu họ tận đáy lòng, nếu đừng có chuyện gì xảy ra khiến người đó chướng mắt, thất vọng. Làm gần gũi trí óc và tình cảm là kết quả của việc cải giáo, và cải giáo là tận cùng của công sức thừa sai. Công việc của dân tộc có thuộc địa, đứng về mặt chính đáng mà xét, sẽ được vô cùng dễ dãi. Công việc đó dễ dãi, dù cho số dân đã được cải đạo hãy còn rất ít, bởi vì số lượng ít ỏi không phải là cản trở không thể vượt qua đối với vai trò làm gạch nối”[20]. Cùng trong ý tưởng đó, P. Leroy-Beaulieu, một trong những lý thuyết gia sáng chói nhất của chủ nghĩa thuộc địa, viết trong cuốn “Về việc khai thác thuộc địa đối với những dân tộc tiên tiến”, được xem như tứ thư ngũ kinh của các thuộc địa gia: “Nếu nước Pháp phạm một sai lầm khi khai chiến với Hồi giáo thì nước Pháp cũng sẽ không biết phòng xa gì hơn nếu không tìm cách cải đạo các dân tộc trong tất cả các nước chiếm đóng. Sénégal, Niger, Congo, Oubanghi, Madagascar, tất cả đều đang chờ đợi các thừa sai. Hồng y Lavigerie, người đang có những dự án lớn, phải đưa đại đa số thừa sai của ông, nếu ông muốn đạt những kết quả sâu rộng và vững chắc, đến những nước mà Pháp đã cai trị từ lâu hoặc mới chiếm ở Tây Phi và Trung Phi. Đừng để mất một năm nào nữa. Có hơn mười triệu người ở đấy cần phải chinh phục ngay cho đạo Chúa để đạo Hồi đừng chiếm trước ta vì đạo ấy đã du nhập vào rồi”. Leroy-Beaulieu viết tiếp: “Khai hóa tinh thần và vật chất, giám hộ với nhân từ, giáo dục với kiên nhẫn các dân tộc - hay nói cho đúng hơn, các bộ lạc đó - không thể chỉ duy nhất giao cho các thương gia của chúng ta, các viên chức hành chánh của chúng ta, hay các thầy giáo của chúng ta, làm như thế là điên rồ... Đạo Chúa, với đức tính dịu dàng, với lòng hướng thượng, với tình thương đối với kẻ hèn... là người giáo dục duy nhất có thể làm dễ dàng sự tiếp xúc giữa người Âu châu với người bán khai man di và có thể từ từ, trong một hai thế hệ, không cần đột biến, với những phương pháp giản lược, làm cho các giống dân bán khai man di đó hiểu văn minh của chúng ta và góp phần vào việc phát triển văn minh đó”[21]. Muốn trích hàng ngàn câu như vậy cũng chẳng khó gì, bởi vì điều đó đã trở thành hiển nhiên. 3) Cuối cùng, vẫn trên thực tiễn, đạo Chúa là phương tiện hiệu quả nhất để đồng hóa những dân tộc bị trị. Đồng hóa là chính sách cổ truyền của Pháp, nói chung là chính sách cổ truyền, thân thuộc, của các nước Latinh[22]. Toàn quyền Pasquier giải thích: “Quả thật người Pháp dễ dàng trong việc tiếp xúc với người bản xứ, đến với người đó, vui vẻ với người đó. Sự dễ dàng đó có gốc rễ từ sức mạnh đồng hóa, hoặc bẩm sinh, hoặc do lý giải, khiến người Pháp tự mình đến gần người bản xứ, không phải để bắt gặp hay hiểu biết tư tưởng của người đó, mà để áp đặt tư tưởng của mình trên người đó”[23]. Lý tưởng đồng hóa đó đã ngự trị lâu đời trên lịch sử, trên đời sống chính trị của nước Pháp, bắt nguồn từ tư tưởng cổ điển và từ luật La Mã. Từ Montaigne, người Pháp đã học rằng “mỗi người mang trong mình toàn vẹn số phận của nhân loại”, rằng “mọi rợ và văn minh chỉ khác nhau có độc cái quần”, do đó chỉ cần thay đổi nguyên tắc sống và thói quen là đủ để lập lại đồng nhất. Michelet dạy: “Ta thường giải thích chiến tranh là do tính thích chinh phục của ta mà ra, và ta đã lầm. Tuy nhiên, tính nhiệt thành hoán cải là động cơ thúc bách nhất. Người Pháp ưa nhất là để dấu ấn nhân cách của mình trên kẻ bại trận, không phải nhân cách riêng của mình đâu, mà như là mẫu mực của thiện và mỹ - niềm tin rất ngây thơ. Người Pháp tin rằng mình không thể làm điều gì có lợi cho thế giới hơn là cho tư tưởng của mình, phong tục của mình, cách sống của mình. Người Pháp hoán cải những dân tộc khác như thế với thanh kiếm nơi tay và, sau khi thắng trận, nửa vì tự phụ nửa vì thiện cảm, người Pháp trình bày cho họ thấy họ sẽ có lợi như thế nào khi trở thành người Pháp”[24]. Ít văn chương hơn và cụ thể hơn, Colbert, nhà chính trị lỗi lạc của vua Louis XIV, chỉ đạo như sau cho viên chức được phái đi Canada: “Phải giáo huấn dân bản xứ bằng châm ngôn của tôn giáo chúng ta và bằng cả phong tục của chúng ta, thế nào để dân chúng ở Canada và dân Pháp tập hợp thành một dân tộc”[25]. Chính sách đồng hóa, nói theo lời của giám mục Bruno de Soluges, là “khuynh hướng tự nhiên của một nhà giáo dục nhân từ, tin chắc nơi phương pháp tuyệt diệu đã đào tạo nên mình, muốn áp dụng cho học trò của mình để họ cũng thành ra chính mình”[26]. Bởi vậy, dù cho “đồng hóa là chính sách cai trị thuộc địa, thật là bất công nếu người ta không xem đó như cũng có một giá trị tâm linh”. Hơn thế nữa, như “tiếng vang của Phúc âm”[27]. Các tác giả Thiên Chúa giáo tranh nhau đưa phúc âm vào chuyện thuộc địa: Phúc âm, nói như Delacommune, “có thể được xem như một chính sách thuộc địa tâm linh”[28]. Hệ luận tất nhiên của chính sách đồng hóa là dẹp bỏ văn minh bản địa, công trình mà các thừa sai đã làm với tất cả nhiệt huyết. Ở Á châu, ai cũng biết, họ tấn công vào việc thờ cúng tổ tiên. Chỉ trích ra đây một chứng từ thôi của G. Curzon: “Trừ một vài nhân vật rất hiếm hoi có đầu óc phóng khoáng, các thừa sai lấy thái độ thù nghịch không nhân nhượng đối với tất cả tôn giáo và tất cả luân lý bản xứ: họ hoàn toàn bất cần đếm xỉa những khía cạnh tích cực và ảnh hưởng đạo đức của những triết lý đó, cũng như sức mạnh chi phối đầu óc người Trung Hoa và uy quyền mà các triết lý đó đã un đúc từ ngàn xưa. Đó là trường hợp của việc thờ cúng tổ tiên mà các thừa sai nhất quyết từ chối không nhân nhượng... Người Trung Hoa vốn bằng lòng với tôn giáo của họ và chỉ yêu cầu một điều thôi là cứ để họ sống yên như thế, bỗng bị tuyên truyền tấn công tràn ngập mà mũi nhọn đầu tiên là đâm vào điều thân thiết nhất của họ... Đối với họ, đạo đức của Khổng giáo bao gồm bổn phận của con đối với gia đình và bổn phận đối với quốc gia. Các thừa sai buộc họ cải đạo bằng cách từ khước ngay cả bản chất công dân, buộc họ phải nhận điều kiện tiên quyết là chối bỏ nguyên tắc đầu tiên làm điểm tựa cho mọi đạo đức Khổng giáo...”. Tác giả đặt câu hỏi: “Ví thử có người truyền đạo nào đó của một tôn giáo mới nào đó đổ bộ lên nước Anh, ví thử người đó thuộc một chủng tộc mà ta ghét và khinh bỉ, và ví thử họ bắt đầu tuyên truyền bằng cách tấn công vào quyển Thánh Kinh và bài xích lòng tin vào các tông đồ, ta sẽ đón tiếp người đó như thế nào nhỉ?”[29]. III. Vì công cuộc truyền giáo chỉ có thể thực hiện một cách hiệu quả nhờ chinh phục và mở mang thuộc địa, và vì các nước Âu châu tìm thấy nơi đạo Chúa khí giới sắc bén nhất, hậu quả tất nhiên là hợp tác chặt chẽ giữa hành động chính trị và hành động tôn giáo: đây là khía cạnh thứ ba của vấn đề. Nguyên do gì đã khiến triều đình Louis-Philippe nhận lãnh việc bảo vệ sứ mạng thừa sai ở Trung Quốc? Chủ yếu là chính trị. Không cạnh tranh nổi với Anh trên địa hạt thương mại, nước Pháp hy vọng tìm thấy nơi việc bảo vệ các thừa sai một khí cụ để gây ảnh hưởng, có thể đối phó về mặt chính trị với vị thế quan trọng mà Anh đã chiếm được nhờ thương mại. “Nếu đem so sánh việc trao đổi mậu dịch giữa Âu châu và Trung Hoa, nước Pháp hoàn toàn yếu kém so với Anh, vậy mà uy thế của ta ở Trung Hoa nếu không nói là hơn thì cũng bằng uy thế nước Anh. Nước Pháp, nhờ dựa trên uy thế tôn giáo, chiếm lại được uy thế thiếu vắng trên địa hạt thương mại”[30]. Napoléon III suy nghĩ y hệt. Lấy cớ gì mà liên quân Anh-Pháp tấn công Trung Quốc năm 1857? Về phía Anh, vì Trung Quốc xâm phạm lá cờ Anh; về phía Pháp, vì một thừa sai (Chapdelaine), hoạt động bất hợp pháp, bị giết ở Quảng Tây. Các thừa sai Pháp chê chính sách thuộc địa Anh là chỉ biết buôn bán, thấp như chân vịt; chính sách thuộc địa Pháp mới cao cả giá trị đạo đức và tâm linh. Tờ báo Avenir du Tonkin viết: “Nơi các nước khác, lá cờ theo sau thương mại; số mệnh của chúng ta là lá cờ theo sau cây thập giá”[31]. Thế nhưng, đừng nói nước Anh chỉ biết lợi ích thương mại. Nước Anh cũng có thừa sai của họ và các vị đó cũng hưởng ân huệ rất hiệu quả của các chiến hạm Anh. Sử gia Ấn Độ Panikkar viết như thế này về sự biến ở Tân Cương năm 1883: các thừa sai đang tranh chấp với chính quyền Trung Hoa về những vấn đề liên quan thuần túy đến tiền bạc của họ, thế rồi hai chiến hạm Anh ngược dòng Dương Tử ào đến giải quyết vấn đề chẳng cần thảo luận gì cả “phô bày ồ ạt lực lượng mỗi khi chính quyền dám chống lại thừa sai”. Panikkar kể thêm: để thành lập một cơ sở thừa sai trong thung lũng thượng nguồn Dương Tử năm 1858, Muirhead kéo theo cả một đại đội binh sĩ; trong tàu chiến của liên minh, giáo sĩ Mỹ Henri Bodget đổ bộ lên Thiên Tân[32]. Nước Đức cũng làm thế thôi: hai thừa sai Đức bị giết, lập tức quân đội Đức đổ bộ, và, để đền bù, tách chiếm một phần Sơn Đông[33]. Ở Ấn Độ, các viên chức cai trị Anh lấy thái độ trung lập, và chính phủ Anh, rất thực tế, không hề nâng đỡ thứ tuyên truyền quá thô thiển, độc ác, có thể làm tổn thương tình cảm của người Ấn và làm thiệt hại sự trung thành của những thành phần cộng tác với chính quyền Anh. Tuy vậy, một cách gián tiếp, chính quyền Anh cũng giúp đỡ rất nhiều giáo sĩ của họ. “Luật lệ mà người Anh thiết lập công khai bảo vệ những người mới cải đạo; họ được hưởng quyền thừa kế, có quyền buộc vợ phải theo tôn giáo mới. Chính quyền Anh cũng khuyến khích thừa sai đến công tác tại những bộ lạc bán khai, bởi vì họ biết rằng người Ấn không phiền hà gì chuyện đó”[34]. Về phía người Mỹ, liên minh giữa chính trị và tôn giáo là nét đặc biệt của chính sách Mỹ ở Trung Quốc. Gần như một tập tục, họ chọn nhân viên ngoại giao và lãnh sự trong hàng thừa sai hoặc cựu thừa sai. Ashmore vừa là thừa sai đầy nhiệt huyết vừa là lãnh sự Mỹ tại Sou-Tchéou; viên đại sứ Mỹ cuối cùng tại Trung Quốc chưa cộng sản, Leighton Stuard, đã sống tại đấy như một thừa sai[35]. Đó là Á châu. Còn Phi châu thì sao? Giám mục Augouard đã tuyên bố như thế này trong tờ La Liberté du Sud-Ouest số 26/8/1921: “Hiểm nguy lớn nhất tại Congo đến từ các mục sư Mỹ và Anh. Họ đến hàng loạt, rất đông, đi khắp các nước thuộc địa của Pháp, tung vãi đầy tay đô la và đồng bảng Anh. Giá như họ hành động vì mục đích tôn giáo! Tôi không tin như thế và Toàn quyền Augagneur cũng không tin như thế, bởi vì, trong một phúc trình gởi cho bộ trưởng thuộc địa, ông tuyên bố rằng những tuyên truyền mệnh danh là tôn giáo kia dường như là một tổ chức thuộc địa đích thực nhắm mục đích đặt chân trên đất Phi châu thuộc Pháp. Những hành động tương tự cũng diễn ra ở Côte d’Ivoire và Caméroun, nơi mà các cựu thừa sai Đức, nhập tịch Thụy Sĩ, vừa trở lại hoạt động như trước 1914...”. Đồng ý với giám mục, Revel, thanh tra thuộc địa, phúc trình như sau: “Đâu đâu cũng thấy những kẻ bất mãn: ở đây, tại Côte d’Ivoire, họ đoàn kết ngàn người như một dưới lá cờ chính trị-tôn giáo của các giáo sĩ, và tin đồn lan ra rất nhanh khắp cả nước, chẳng biết từ đâu, theo đó, người Pháp chúng ta, trong một thời gian ngắn, sẽ nhượng Côte d’Ivoire cho láng giềng. Từ đó, phong trào sôi động và bất phục tùng diễn ra. Xứ Côte d’Ivoire bỗng chia ra làm hai phe, phe Gia Tô và phe Tin Lành. Đối với dân bản xứ, Tin Lành có nghĩa là Anh hoặc Mỹ, và Gia Tô đồng nghĩa với Pháp...”. Kết luận của phúc trình: “Gia Tô hoặc Tin Lành, đó sẽ là Côte d’Ivoire của tương lai. Chúng ta có thể nói thêm: Pháp hoặc Anh, bởi vì vấn đề tôn giáo được cộng thêm vấn đề chính trị”[36]. Và như thế, các nước Gia Tô tìm cách gởi đến thuộc địa các thừa sai thuộc quốc tịch của mình và đồng thời tìm cách thực hiện quyền giám sát trên tất cả thừa sai Gia Tô hoạt động trong những quốc gia hãy còn độc lập. Đến nỗi các nhà chính trị chống Vatican nhất, chống giáo hội nhất ở “chính quốc”, đóng vai trò bảo vệ nhiệt thành nhất đối với các thừa sai Gia Tô ở thuộc địa và yêu cầu Vatican công nhận những đặc ân đặc quyền tương ứng với vai trò đó[37]. Nước Pháp, chống tôn giáo từ Cách Mạng 1789 và trung lập về tôn giáo từ 1905, đặc biệt thực hiện ở bên ngoài chức năng “trưởng nữ của Giáo hội” của mình. Gambetta tuyên bố một câu bất hủ: “Chống cố đạo không phải là món hàng xuất cảng”. Suốt thời gian khủng hoảng đầu tiên vì cao trào chống cố đạo từ 1880 đến 1889, bang giao giữa Paris và Bộ Truyền giáo Vatican tiếp diễn bình thường. Sứ quán Pháp tại Vatican vẫn hoạt động không gián đoạn. Giáo hoàng Léon XIII và hồng y Rampolla (bộ trưởng ngoại giao) vẫn dành cho nước Pháp thái độ ân cần. Tuy chống cố đạo khét tiếng nhất, Jules Ferry không hề từ chối sự giúp đỡ của thừa sai, ngược lại còn nâng đỡ hoạt động của giám mục Lavigerie ở Tunisie và Algérie. “Quan hệ giữa Lavigerie với lãnh sự Roustan, với bộ trưởng Waddington, với Gambetta, với Ferry, mở đường Tunisie cho ảnh hưởng của ta và súng đạn của ta. Thừa sai được Paris xem như những người Pháp ái quốc nhất và vô vị lợi nhất: chính sách chống cố đạo ở bên trong tương ứng với một sự hợp tác chân tình giữa Lavigerie và nước Pháp ở bên ngoài. Ngay sau khi thiết lập nền bảo hộ của ta ở Tunisie, Lavigerie được bổ nhiệm cai quản địa phận Tunisie vào tháng 6 năm 1881, và chính nhờ những chỉ dẫn của giám mục mà Gambetta đã ban hành những quyết định hành chánh đầu tiên tại đấy”[38]. Trong đợt khủng hoảng thứ hai vì chính sách chống cố đạo, từ 1901 đến 1907, tình trạng hợp tác cũng tốt đẹp không khác. “Công trình truyền đạo Gia Tô thật là công trình quốc gia”[39], kết luận đó đến từ hai phía, phía nhà thờ cũng như phía Nhà nước. “Bất cứ lúc nào, sự thù ghét của kẻ chống đạo cũng im tiếng trước danh dự quốc gia và người cầm quyền đã từng trục xuất các linh mục Dòng Tên ra khỏi nước Pháp tự tuyên bố mình là bạn, là người bảo vệ họ ở Bắc Kinh”[40]. IV. Thế nhưng không phải không có mâu thuẫn giữa việc cải đạo và chính sách thuộc địa. Tại sao? Tại vì, về phía Nhà thờ, họ biết rằng khi dựa vào thế lực bên ngoài để bành trướng, họ dễ bị quần chúng bản xứ nhìn họ như công cụ của đế quốc, thực dân. Ngược lại, về phía chính quyền thuộc địa, họ biết rằng nếu nâng đỡ tôn giáo mới của Âu châu lộ liễu quá, sự chống đối của dân chúng trước sự xâm nhập thô bạo của tôn giáo đó sẽ có ảnh hưởng tai hại trên việc thu phục nhân tâm mà họ phải làm để củng cố đô hộ thuộc địa. Mâu thuẫn giữa lợi ích tôn giáo và lợi ích thuộc địa là khía cạnh thứ tư của vấn đề. 1) Các thừa sai, nhất là các vị được gởi qua Viễn Đông, ý thức được nguy cơ của liên minh giữa tôn giáo và chính trị từ lâu. Thừa sai Léon Joly than phiền: “Lạ thật, đau đớn thật, rõ ràng thật, Viễn Đông từ khước đạo Chúa!”[41]. Linh mục Louvet, sử gia của Nha thừa sai, không nói gì khác hơn: “Chẳng cần tự mình che giấu sự thật làm gì: Trung Hoa nhất quyết từ chối đạo Chúa. Giới sĩ phu kiêu hãnh thì ghét bỏ chúng ta hơn bao giờ hết, khẩu hiệu nẩy lửa kêu gọi dân chúng loại trừ bọn quỷ quái Âu châu xuất hiện cùng khắp, và có lẽ không xa nữa đâu cái ngày mà Giáo hội Trung Hoa đẹp đẽ này, Giáo hội đã được dựng lên với bao nhiêu công phu khó nhọc, sẽ bị ngập trong máu của tông đồ và của con cái họ”. Tại sao đạo Chúa bị từ khước như vậy? Louvet công nhận rằng điều đó chẳng phải phát xuất từ lòng cuồng tín tôn giáo, bởi vì không có dân tộc nào khoan hòa về tôn giáo như Trung Hoa. Chỉ vì người Trung Hoa đồng hóa xâm lược tôn giáo với xâm lược đế quốc; chỉ vì “đằng sau tông đồ của đức Giê-su, người Trung Hoa thấy Âu châu, tư tưởng của Âu châu, văn minh của Âu châu mà họ không muốn nhận với bất cứ giá nào, vì họ bằng lòng với văn hóa của tổ tiên họ”[42]. Lỗi tại ai? Thừa sai Joly gán cho các chính quyền Âu châu: các chính quyền này cứ nhắc nhở mãi công trình của các tông đồ trong việc chinh phục thuộc địa, “không suy nghĩ rằng sự xưng tụng bất cẩn đó đã xác nhận lời buộc tội của sĩ phu Á châu và biện minh cho sự tàn sát của họ dưới danh nghĩa yêu nước. Xưng tụng như thế sẽ gây ảnh hưởng tai hại ở Đông Dương và ở Trung Hoa. Dân chúng ở đấy sẽ khai thác luận cứ đó và rốt cuộc là dân da vàng sẽ liên kết với nhau để chống dân Âu châu, đưa đến sự suy tàn của Giáo hội và của nền đô hộ Âu châu”[43]. Nhưng lỗi cũng tại chính các thừa sai. Joly viết: phần đông các thừa sai không thấy nguy cơ đó, không từ khước những lời xưng tụng trên, còn khoái trá nhận lãnh, bổ túc thêm nữa, và tiếp tục sống nhờ lưỡi gươm của thế quyền. “Cho đến giờ đây, tại Viễn Đông, sự truyền đạo bị ghét, nhưng sự ghét bỏ đó lại là một tôn vinh. Bởi vì chính tên đao phủ lắm khi phải thầm phục nạn nhân mà họ xử trảm... Bây giờ trở đi, người Á châu biết rõ rằng động đến thừa sai là phải trả giá đắt như thế nào, nhưng khi trả giá, họ học được quyền khinh bỉ... Đạo Chúa, khi làm công cụ cho một Tổ quốc dưới trần thế, dù cho Tổ quốc đó lớn đến đâu đi nữa, dù cho vai trò đó đẹp đến đâu trong lịch sử thế giới, là một đạo Chúa thấp lùn, không làm ai kính phục, cũng như sự đô hộ của Pháp ở An Nam không làm ai kính phục về tính chính đáng”[44]. Muốn cứu đạo Chúa, cách duy nhất là tách đạo đó ra khỏi bối cảnh đế quốc, thuộc địa. Louvet viết: “Vấn đề có tính cách chính trị nhiều hơn tôn giáo, có thể nói hầu như hoàn toàn chính trị. Ngày nào mà nước Trung Hoa thông minh hiểu được rằng họ có thể vừa là Trung Hoa vừa là tín đồ đạo Chúa, ngày nào mà họ thấy giáo đồ bản xứ đứng đầu Giáo hội ở Trung Hoa, ngày đó đạo Chúa sẽ cư trú vĩnh viễn trong xứ sở 400 triệu dân to lớn này, và sự cải đạo của Trung Hoa sẽ là sự cải đạo của toàn thể Viễn Đông... Trung Hoa không nhận văn minh Âu châu. Phải tách rời minh bạch vấn đề tôn giáo với vấn đề chính trị”[45]. Rốt cục rồi các giáo hoàng cũng phải thấy điều đó. Giáo hoàng Benoit XV tuyên bố trong sắc chỉ Maximum Illud ngày 30/11/1919: “Mỗi người hãy nghe Chúa dạy: “Hãy quên nước của con và nhà của cha mẹ con”. Mỗi người hãy nhớ rằng mình có một vương quốc để bành trướng, không phải vương quốc của con người mà là vương quốc của Chúa. Đáng buồn thay khi các thừa sai quên mất phẩm giá của mình đến độ đặt tổ quốc của mình ở trần thế này trên Tổ quốc trên trời và phục vụ với một lòng nhiệt thành lộ liễu sức mạnh, ảnh hưởng và vinh quang của nước mình trên tất cả mọi thứ... Nếu các thừa sai cứ buông mình theo những mục đích trần thế như vậy, và, thay vì hành động như những tông đồ thực sự, lại chứng tỏ mình cũng quan tâm phục vụ lợi ích của tổ quốc mình, lập tức công trình của họ sẽ bị dân chúng chê bai, và dân chúng sẽ nghĩ rằng đạo Chúa chỉ là tôn giáo của ngoại quốc, theo đạo là nhận sự cai trị và đô hộ của nước ngoài và từ khước Tổ quốc của mình”[46]. Tầm quan trọng của nhận định này khiến giáo hoàng Pie XI phải nhắc lại một lần nữa ngày 19/6/1926 trong sắc chỉ Ab Ipsis Pontificatus Exordiis: “Không phải các thủ lãnh của xã hội dân sự mà chính Thượng Đế đã gọi các thừa sai để làm công trình thần thánh đó... Các thừa sai không phải là sứ giả của loài người mà là sứ giả của Thượng Đế, những sứ giả đang tiếp tục phụng vụ công trình mà chúa Giê Su đã giao cho các tông đồ của Ngài... Bổn phận của các thừa sai là không được nâng đỡ lợi ích của Tổ quốc mình, quodlibet suae cujusque nationis studium arcere nisa est, mà cố gắng, bằng cách đạt cho được lợi ích của Giê Su và bằng cách đặt danh hiệu của Giê Su trước tất cả mọi quốc gia và mọi vua chúa, đem lại vinh quang duy nhất cho Thượng Đế và cho sự Cứu rỗi của linh hồn”[47]. 1926... Đó là thời gian mà các phong trào dân tộc bắt đầu nổi lên mạnh mẽ ở các thuộc địa và ở Trung Quốc. Nhà viết sử Latourette nói lên quan tâm của các giáo hoàng: được đế quốc Tây phương áp đặt và bảo vệ, đạo Chúa có nguy cơ rơi vào số phận của chủ nhân và người liên kết nếu đế quốc bị tấn công và tiêu hủy[48]. Nhưng đó là lý thuyết. Trên thực tế, đâu đâu các thừa sai cũng tuyên bố và hành động như dưới thời giáo hoàng Léon XIII[49]. Tại sao vậy? Lý do rất đơn giản. Thừa sai phải chống đỡ trên hai mặt: ở “mẫu quốc”, họ phải đỡ những đòn mà các đảng chống cố đạo và giới franc maçonnerie[50]giáng xuống họ; ở thuộc địa, họ phải chống lại phản ứng của dân chúng và những cản trở của văn hóa, phong tục, luật lệ bản xứ. Để thắng trên mặt trận thứ nhất, họ phải chứng tỏ rằng họ là những chiến sĩ hữu hiệu nhất cho lý tưởng của nước họ. Để thành công trên mặt trận thứ hai, họ không thể không nương nhờ vào chính quyền thuộc địa và liên kết với chính quyền đó. Trong tinh thần đó, giám mục Chaptal, phó quản trị địa phận Paris, tán dương thống chế Lyautey như sau: “Với tài năng tổ chức tuyệt diệu, thống chế luôn luôn biết sử dụng cho lợi ích nước Pháp tất cả những lực lượng đạo đức, dù là tôn giáo. Bởi vậy, ngài đã biết từ lâu giá trị của cống hiến tâm linh đến từ hành động thừa sai. Ngài tin rằng nếu ngài bỏ lỡ một cơ hội không sử dụng vai trò của thừa sai trong việc xây dựng nền móng và bành trướng thuộc địa, ngài sẽ phạm một bất công không tha thứ được và một lầm lỗi đối với Tổ quốc”[51]. Các lý thuyết gia Thiên Chúa giáo như P. Lesourd chẳng hạn đào sâu một lý luận thâm thúy hơn: không có một mâu thuẫn nào trong tâm hồn thừa sai cả, bởi vì phục vụ cho văn minh tức là phục vụ cho đạo Chúa. “Nhiệm vụ văn minh” mà nước Pháp theo đuổi khiến lý tưởng thuộc địa trùng hợp với lý tưởng của thừa sai. Dù sao đi nữa, thực tế vẫn sống động hơn lý thuyết, và thực tế là sự cấu kết với chính quyền, ở chính quốc cũng như ở thuộc địa, khiến tôn giáo mới không nẩy nở được. Cản trở đó chỉ có thể vượt qua bằng cách thiết lập một giáo đồ bản xứ, một giáo hội bản xứ, quan tâm sống chết của giáo hoàng Benoit XV và Pie XI trong sắc chỉ Maximum Illud và Rerum Ecclesiae. Phải đợi đến sau thế chiến thứ hai và trong những năm 50, các lý thuyết gia Thiên Chúa giáo mới bắt đầu đặt “vấn đề thuộc địa trước lương tâm Thiên Chúa giáo”. Đó là thời gian mà chính sách thực dân đã bắt đầu cáo chung. 2) Đứng về mặt chính sách thuộc địa, thừa sai vẫn luôn luôn được xem như các người phù trợ cho văn hóa Tây phương, “lính canh dũng cảm” giương cao ngọn cờ Tổ quốc[52]. Thế nhưng, phần vì ảnh hưởng của trào lưu chống cố đạo ở chính quốc, phần vì phương pháp cải đạo thô thiển của thừa sai, các viên chức cai trị ý thức rằng công việc của thừa sai làm dân chúng ghét lây chính quyền thuộc địa. Ngược với lý luận của thừa sai, họ nói: dân chúng ghét người Âu châu bởi vì đàng sau Âu châu dân chúng thấy thừa sai. “Đóng thùng thuốc phiện và thừa sai, quý vị sẽ được dang tay tiếp đón”, đó là câu nói của một quan chức Trung Quốc với lãnh sự Anh[53]. Thừa sai luôn luôn can thiệp để người mới cải đạo không bị tòa án bản xứ xét xử, luôn luôn biến những cộng đồng giáo dân thành những tiểu quốc trong một quốc gia, chỉ nhận mệnh lệnh và quyền uy duy nhất từ linh mục. “Như thế là phục vụ cho quyền lợi nước Pháp sao?”, Toàn quyền De Lanessan hỏi như vậy. V. Tình trạng đó, cộng thêm với những yếu tố chính trị và chiến thuật khác, đưa đến việc nảy sinh ra một lý thuyết thuộc địa mới để thay thế cho lý thuyết đồng hóa cổ truyền: đó là lý thuyết liên hợp, cha sinh mẹ đẻ của chủ trương “Pháp-Việt đề huề” thời những năm 30. Đây là khía cạnh thứ năm của vấn đề. Từ cuối thế chiến thứ nhất, chính sách đồng hóa bị chính sách liên hợp đánh bại trên lý thuyết vì liên hợp được xem như có khả năng quyến rũ tầng lớp thượng lưu bản xứ đang ngấm ngầm ngã theo những phong trào dân tộc. Tất nhiên đây là vấn đề chỉ đặt ra đối với chính sách thuộc địa của Pháp; nước Anh từ đầu vẫn chung thủy với chính sách indirect rule. Với liên hợp, các nhà cai trị Pháp thử tái lập tập quán cũ, phong tục cũ, văn hóa cũ trong các nước thuộc địa, tán dương bằng diễn văn, bằng sách báo, bằng ngôn từ văn vẻ, sự hợp tác giữa văn minh Tây phương và văn minh bản xứ mà trước đây họ muốn triệt hạ, hy vọng rằng chính sách “phóng khoáng” đó sẽ lôi kéo lại được giới trí thức đang ngấm chất men của những chủ thuyết dân chủ phương Tây, hoặc của kinh nghiệm Nhật Bản và Trung Quốc, hoặc của Cách Mạng Tháng Mười. Song song với khuynh hướng đó, các thừa sai cũng tỏ ra thay đổi thái độ đối với các định chế xã hội truyền thống trong các nước thuộc địa, và, thay vì triệt hạ như trước đây, họ bắt đầu đưa ra lý thuyết Thiên Chúa hóa những định chế đó. Họ nói: nhiệm vụ của giáo hội thừa sai chỉ chấm dứt khi không những con người mà cả những định chế đều được Thiên Chúa hóa. “Khi rửa tội cho những gì đích thực là nhân bản trong những văn hóa cổ truyền, và khi thanh lọc những giá trị đó để làm chúng sống lại trong Thiên Chúa, Nhà thờ đưa những giá trị đó đến tận cùng tột, đến tận sung mãn, đến tận hoàn hảo của chúng. Những đức tính chỉ vỏn vẹn trần thế của Khổng tử, thừa sai sẽ biến đổi chúng bằng đức bác ái của Thiên Chúa và mang đến cho chúng những công hiệu mới”[54]. Trong tinh thần đó, những công trình nghiên cứu văn hóa bản xứ được đặc biệt chú trọng, như những nghiên cứu mà linh mục Tempel ở Congo Bỉ đã miệt mài trong nhiều năm để tìm hiểu phong tục, tâm lý, luận lý của người da đen ở Phi châu trong mục đích làm cho Thiên Chúa được hiểu trong đầu họ. Nói như giám mục Dellepiane ở Congo Bỉ, “phải làm thế nào để người bản xứ cảm thấy, trong giáo hội, rằng đó là giáo hội của họ”[55]. Công việc thâm nhập vào đầu óc của mỗi dân tộc thuộc địa như thế chỉ có thể thực hiện từ từ do chính người bản xứ, bởi vì thừa sai Âu châu, dù thông thái bao nhiêu đi nữa, cũng không thể suy nghĩ thế cho cái đầu của người thuộc địa. Một lần nữa, việc dựng xây một giáo đồ bản xứ và một giới trí thức bản xứ trong ánh sáng của Chúa là quan trọng biết dường nào. Khi Pie XI đích thân chủ lễ phong chức cho 6 giám mục Trung Hoa đầu tiên ngày 28/10/1926 tại nhà thờ Saint Pierre, vị giáo hoàng đó muốn chứng tỏ rằng đối với Vatican, vấn đề xây dựng giáo hội bản xứ là vấn đề sinh tử của giáo hội Thiên Chúa. Như vậy, trên lý thuyết suông, chẳng có gì mâu thuẫn giữa chính sách liên hợp của viên chức thuộc địa và cái nhìn chiến lược tương lai sắc lẻm của giáo hội Thiên Chúa. Hơn thế nữa, cái nhìn đó còn tạo thêm uy thế cho chính sách của Galliéni, của Vollenhoven, của Brazza, của Sarraut. Giáo hoàng Pie XII nói gì trong giáo chỉ Summi Pontificatus? “Được Thượng Đế ủy thác cho ánh sáng khôn ngoan trong nhiệm vụ giáo dục, Giáo hội của Thiên Chúa không thể nghĩ đến việc tấn công hoặc khinh khi những đặc tính riêng biệt mà mỗi dân tộc gìn giữ như gia bảo với lòng hiếu thảo và niềm hãnh diện của họ. Mục tiêu của Giáo hội là đạt cho được sự đồng nhất siêu nhiên trong tình thương phổ quát được cảm nhận và được thực hành chứ không phải trong sự giống nhau hoàn toàn ở ngoài mặt, hời hợt, nông cạn...”[56]. Vollenhoven nói gì? “Phải nên làm mềm dẻo và tốt đẹp những cơ chế riêng biệt của các thuộc địa, thay vì tìm cách xây lên, bất chấp nét đặc thù của mỗi xứ, một lâu đài với kiến trúc giống nhau chẳng thuận lợi gì cho việc mở mang những dân tộc mà chúng ta tìm đến.” Hòa âm như một bản hợp xướng. Nhưng đấy chỉ là hoa mỹ của diễn văn và của ước mong thần thánh. Trong thực tế, hai chính sách, của thừa sai và của thuộc địa, không mấy đổi thay. Thảng hoặc Sarraut có dùng khẩu khí rồng mây để vinh thăng văn hóa cổ truyền trước cử tọa tinh hoa của Hà Nội, lập tức thừa sai mỉa mai, phản kháng. • • • Tác giả công trình nghiên cứu chắc đã không nghĩ đến đề tài này và đã xem những chuyện kể ra trên đây như thuộc vào quá khứ xa xăm, hơn nữa, như những chuyện mà ai cũng biết, kể lại nhàm tai, nếu không đọc vài hàng trong tờ báo Le Monde giữa lúc quân đội Mỹ ồ ạt đổ vào Việt Nam năm 1966. Vài hàng ngắn ngủi trích lại một bài thánh giảng của hồng y Spellman trong đêm thánh lễ Giáng sinh mà ông đã đích thân từ Mỹ bay qua Việt Nam để cử hành tại Sài Gòn trước quân đội Mỹ: “Quân đội Mỹ đến đây không phải chỉ là đến như chiến sĩ của quân đội Hoa Kỳ mà còn đến như chiến sĩ của Thiên Chúa... Chiến tranh Việt Nam là chiến tranh để bảo vệ văn minh... Mọi giải pháp khác với chiến thắng quân sự là không thể quan niệm được...”[57]. Thế thì chuyện xưa hay chuyện nay? Sau lưng hay lồ lộ trước mắt? Giữa thời thuộc địa, người Pháp ưa nói thế này: “Trong bụng mỗi người An Nam đều có một ông quan”. Tác giả không muốn gì hơn là mai đây, trong nước An Nam đã trở thành Việt Nam toàn vẹn tự chủ, trong bụng của thời sự nóng hổi dưới đất không còn thập thò những chuyện trên trời như chuyện sẽ kể ra sau đây. Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com TÌNH HÌNH GIA TÔ GIÁO TẠI VIỆT NAM VÀ BANG GIAO PHÁP-VIỆT TRƯỚC 1857 Nghiên cứu này bắt đầu với việc Pháp quyết định đưa quân sang chiếm Nam kỳ (1857), và kết thúc với sự nổi dậy của phong trào dân tộc Việt Nam và việc Albert Sarrault được phái sang Đông Dương để xoa dịu tình hình. Trước khi đi vào chủ đề, tưởng cần nhắc lại một cách vắn tắt các tương quan đã có trước năm 1857 giữa sự bành trướng hàng hải với công cuộc truyền giáo, đồng thời giải thích trong khung cảnh nào vấn đề tôn giáo đã tạo cớ cho việc can thiệp quân sự. Về vấn đề thứ nhất, nên lưu ý quốc tịch của các đoàn tàu. Các thương nhân Bồ Đào Nha, cường quốc hàng hải số một thời đó, là những người Tây phương đầu tiên đến Việt Nam. Từ năm 1557, họ đã thường xuyên lui tới Hội An ở Đàng Trong (thuộc phần đất của Chúa Nguyễn lúc bấy giờ). Người Hà Lan, sau khi đóng đô thường trực tại Batavia từ đầu thế kỷ 17, cũng theo chân người Bồ nhưng lại muốn dồn nỗ lực làm ăn với Đàng Ngoài (thuộc phần đất của Chúa Trịnh), cả ở Hà Nội. Theo sau các đoàn thương nhân là các đoàn giáo sĩ thừa sai. Các giáo sĩ đầu tiên lập căn cứ ở Việt Nam, từ đầu thế kỷ 17, là các thừa sai Dòng Tên (Jésuites) Bồ Đào Nha; họ giữ khư khư thế độc quyền và tự trị của họ. Đến năm 1649, Alexandre de Rhodes, sau khi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam từ vài năm trước, đệ trình lên giáo quyền Rô-ma một kế sách nhằm thiết lập một chức vị giám mục nằm ngoài quyền hạn của giáo đoàn Bồ Đào Nha. Nhận được sự sủng ái của Giáo hoàng, De Rhodes cũng muốn tách việc truyền giáo đến các nước Á châu khỏi uy quyền thế tục Bồ Đào Nha. Được mãn nguyện, vị giáo sĩ Dòng Tên người Pháp gốc Avignon này quyết định biến việc thiết lập các giáo phận thành nhiệm vụ của người Pháp. Gặp phải sự chống đối quyết liệt của người Bồ, dựa trên căn bản độc quyền mà giáo hoàng Alexandre Borgia đã trao cho họ từ năm 1493, kế hoạch của Alexandre de Rhodes phải đợi mãi đến năm 1658, sau khi ông chết, mới thấy kết quả, khi Rô-ma bổ nhiệm hai Khâm sai tòa thánh người Pháp, là François Pallu và Lambert de la Motte, làm việc trực tiếp với Giáo hoàng. Khi đó, Hội Truyền giáo Hải ngoại được thành lập, và lịch sử của Hội này liên hệ mật thiết với lịch sử chiếm đóng thuộc địa của Pháp tại Việt Nam. Vậy, khác với người Bồ, những thử nghiệm thương mại của người Pháp chỉ được thực hiện sau việc bổ nhiệm các Khâm sai của tòa thánh. François Pallu, tin rằng sự thành công trong việc truyền giáo lệ thuộc mật thiết với sự thành công trong việc giao thương của Tây phương, đề nghị vào năm 1658 thành lập một công ty thương mại của người Pháp để làm ăn với Viễn Đông, gọi là ‘Công ty Đông-Pháp’: “Mặc dầu cuộc du hành đến Trung Quốc có mục đích chính là vinh danh Thiên Chúa và cải đạo các linh hồn, chúng ta không bỏ qua việc kết thêm lợi ích vào đó, và để chứng minh rằng lợi tức thu nhận có thể lên đến hơn ba trăm phần trăm, chúng ta cần phải biết bố trí sắp đặt...”[58] Vì mục đích ấy, năm 1660, ông ký hợp đồng với một công ty ở thành phố Rouen đảm trách việc trang bị một chiếc tàu để chở ông đến Việt Nam, với các điều khoản hợp tác như sau: “Như ước nguyện chính của công ty này là tạo dễ dàng cho việc ổn định chuyến đi của các ngài giám mục..., qui định rằng sẽ chỉ nhận lên tàu, cùng với các giáo sĩ thừa sai, những tùy tùng và bộ hạ của họ, không lấy tiền phí tổn trên hành lý và thực phẩm của họ và sẽ đưa họ đến một hay nhiều hải cảng ở Bắc kỳ, Nam kỳ hay Trung Quốc tùy ý...” (điều XIII). “Đối lại với nghĩa cử này, các giám mục nói trên được Công ty yêu cầu lưu ý không bỏ sót điều gì trong các xứ ấy và cử người ghi chép rõ các việc bán mua, để khi trở về tường trình đầy đủ và trung thực việc quản lý của họ...” (điều XIV)[59]. Chiếc tàu xứ Rouen này bị một trận bão phá hủy, nên kế hoạch đó bị thất bại. Nhưng, vào năm 1664, Colbert lập Công ty Đông Ấn; Pallu bèn chăm chú hướng hoạt động của công ty đến Bắc kỳ. Trong các thư viết cho Colbert, ông cho biết những tin tức thương mại và chính trị về đất nước mà ông truyền giáo. Vào lúc bị một cơn bão thổi tạt vào bờ biển Phi Luật Tân, giám mục Pallu đang mang một “kế hoạch thành lập cơ sở của Công ty Hoàng gia Ấn” ở vương quốc Bắc kỳ. Nhưng các nhà buôn không bị mắc mưu; họ biết rõ “tham vọng và đầu óc xâm lăng của các giáo sĩ thừa sai muốn xúi giục thiết lập khắp nơi những thương cuộc, nhất là ở Bắc kỳ, để họ có thể thiết lập ở đó việc truyền giáo của họ”[60]. Thời gian các thừa sai Pháp đến Việt Nam trùng hợp với lúc các Chúa có thái độ cứng rắn đối với việc truyền bá Gia Tô giáo. Lệnh trục xuất, lúc đầu được áp dụng lỏng lẻo, dần dần trở nên gắt gao hơn. Những tranh chấp giữa các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ và các Khâm sai tòa thánh đã góp phần làm nặng nề thêm mối nghi ngờ của các Chúa: các giáo sĩ người Bồ tố cáo các Khâm sai là những tên gian manh và những kẻ gây rối. Tuy vậy, tuy có lệnh trục xuất, các giáo sĩ Dòng Tên, là y sĩ, nhà trắc địa, nhà toán học, được các Chúa Nguyễn tin cậy hơn, vẫn tiếp tục lưu lại ở Đàng Trong và giữ các chức vụ quan trọng trong phủ Chúa, cũng như những đồng nghiệp của họ bên Trung Quốc. Ở Đàng Ngoài, các giáo sĩ Dòng Đa Minh Tây Ban Nha đã đến từ năm 1673, do các giám mục Pháp triệu thỉnh từ Manila, và đã thiết lập cơ sở trong vùng tả ngạn sông Hồng ở Bắc kỳ. Năm 1787, hiệp ước đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam ra đời. Nguyễn Ánh, bị Tây Sơn đánh đuổi, chạy ra lập căn cứ ở Hà Tiên và đã gặp giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) ở đó năm 1784. Là người của hội Truyền giáo Hải ngoại, vị này cố vấn cho chúa nên cầu viện vua Louis XVI. Chúa Nguyễn Ánh chấp nhận đề nghị này, giám mục liền lên đường trở về Pháp, điều đình với Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ, là Montmorin, về một hiệp ước liên minh được ký ngày 28 tháng 11 năm 1787. Vua Pháp cam kết gởi quân đội và tàu chiến để giúp Nguyễn Ánh trong nỗ lực khôi phục uy quyền trên các xứ sở của ông; bù lại ‘Vua Nam kỳ’ sẽ nhượng cho Pháp các đảo gần Đà Nẵng và Côn Lôn và để cho Pháp độc quyền tự do buôn bán, không cho bất cứ nước Âu châu nào khác. Nhưng hiệp ước này vô hiệu. Chế độ quân chủ Pháp đang nghiêng ngửa và kiệt quệ vì chiến tranh ở châu Mỹ, không đủ sức dự vào một cuộc chiến xa xôi như thế. Khi lên ngôi vua với hiệu Gia Long, Nguyễn Ánh cố tránh những quan hệ chính thức có tính cách cam kết chính trị với các chính quyền Tây phương để khỏi sa vào những lỗi lầm dẫn đến số phận của Ấn Độ mà ông đã biết. Vì vậy, ông đã từ chối tái lập quan hệ thương mại với nước Anh, đã bị cắt đứt từ năm 1700. Tương tự như thế, ông đã không chịu tiếp thuyền trưởng Pháp, Kergariou, của tàu Cybèle, khi vị chỉ huy này đến Đà Nẵng năm 1817 để đòi Vua phải áp dụng hiệp ước 1787 đã chết non khi vừa ra đời và cắt nhượng Côn Đảo. Cùng năm này, Quận công Richelieu gởi đến cho Chaigneau, một cựu sĩ quan hải quân đang làm quan trong triều vua Gia Long, một văn thư yêu cầu cho biết những tin tức về Việt Nam. Trong văn thư, Quận công viết: “Thưa ông, ông có thể tham gia vào những quan điểm ưu ái của chính phủ bằng cách, trước hết, với mọi phương tiện mà địa vị hiện giờ của ông có được, hỗ trợ cho các cuộc kinh doanh đầu tiên của các chủ tàu của chúng ta và, kế đó, gởi cho tôi những tin tức chính xác giúp tôi thấy điều gì tốt nhất phải làm để đạt được mục đích đã nhắm, tức là thiết lập một nền thương mại đều đặn và thường trực với xứ mà ông đang ở”[61]. Gia Long qua đời khi người Anh đã chiếm Singapour. Minh Mạng lên nối ngôi, tiếp tục giữ thái độ thận trọng và dè dặt đối với tham vọng của người Âu châu. Khi vua Louis XVIII đề nghị ký một hiệp ước thương mại, Minh Mạng trả lời: “Nếu người của nước Ngài muốn đến buôn bán trong vương quốc chúng tôi, họ phải tuân theo luật của xứ sở này, đó là điều thuận lý”[62]. Từ 1831 đến 1839, các quan hệ giữa Pháp và Việt Nam bị gián đoạn. Những người Âu duy nhất còn ở lại Việt Nam là các giáo sĩ thừa sai. Nhưng trước mắt các Vua nhà Nguyễn, hoạt động của họ có vẻ còn nguy hiểm hơn áp lực thương mại Tây phương. Thật vậy, sự tham gia tích cực của các thừa sai trong loạn Lê Văn Khôi, từ 1833 đến 1836, với ước vọng tạo Nam kỳ thành một vương quốc ly khai và sùng tín, đã làm Minh Mạng tức giận, đưa đến chỉ thị đầu tiên cấm việc truyền giáo. Các nhà chép sử ghi nhận rằng các chỉ thị cấm đạo nghiêm ngặt nhất đều ra đời sau các năm 1833-1835; và chỉ từ khi đó, kể từ lúc Gia Long lên ngôi, các thừa sai đầu tiên bị hành xử. Năm 1839, Anh can thiệp quân sự tại Trung Quốc. “Chiến tranh nha phiến” bùng nổ. Vua Minh Mạng hiểu ngay mối đe dọa của các đế quốc phương Tây đè nặng trên nước mình. Ông cho rằng nên thận trọng thăm dò ý định của các cường quốc Âu châu hầu đi đến một thỏa hiệp trên vấn đề tôn giáo cũng như trên vấn đề thương mại. Vì mục đích đó, từ đầu năm 1840, nhà Vua đã gởi nhiều đoàn sứ thần đến Penang, Calcutta, Batavia, Paris và Luân Đôn. Tại Paris, đoàn sứ thần không được vua Louis Philippe tiếp kiến: các giáo sĩ truyền giáo hải ngoại, để ngăn chận việc ký kết một hòa ước mà họ nghi là phải gánh chịu những thua thiệt, đã mưu mô vận động ở triều đình và trình bày Minh Mạng như một kẻ thù cứng cỏi của tôn giáo (Gia Tô giáo). Giáo hoàng cũng phản đối. Khi các sứ thần trở về Huế, Minh Mạng vừa mới băng hà. Dưới triều Thiệu Trị, sự cấm đạo chấm dứt. Theo lời yêu cầu của Đại tá Levêque, thuyền trưởng tàu Héroïne, Tân Vương mới vừa lên ngôi đã trả tự do cho 5 giáo sĩ thừa sai đang bị kết án tử hình. Chiếc Alcmêne, thuộc hạm đội của Đô đốc Cécile, cũng đến, năm 1845, để xin phóng thích giám mục Lefèbvre và cũng được thỏa mãn. Sau khi được đưa đến Singapour, vị giám mục này đã nhanh chóng trở lại Việt Nam, bất chấp các lệnh Vua mà ông đã biết. Bị bắt giữ ở cửa sông Sài Gòn, ông chỉ bị gởi trả về Singapour. Nhưng áp lực Tây phương gia tăng và vũ lực đi kèm theo sau sự thuyết phục. Anh Quốc, nhờ hiệp ước Nam Kinh (1842), chiếm được Hồng Kông và mở cửa 5 cảng. Pháp cũng giựt được các mối lợi tương tự, qua hiệp ước Hoàng Phố (1844), cùng với lời hứa cho tự do truyền giáo. Theo lời kêu gọi của các thừa sai, “Đế chế tháng Bảy” (của Pháp thời đó) muốn can thiệp vào Việt Nam để đạt những đặc nhượng tương tự. Trong mục đích đó, Pháp phái đến Việt Nam hai tàu chiến dưới sự chỉ huy của Rigault de Genouilly. Vị sĩ quan này đưa tối hậu thư đòi bãi bỏ lệnh trục xuất giáo sĩ thừa sai và đòi Gia Tô giáo phải được chấp nhận ở Việt Nam như tại Trung Quốc. Trong lúc thương thuyết đang diễn ra ở Đà Nẵng, người Pháp thấy các thuyền buồm Việt Nam đến gần, liền tấn công không báo trước và đánh đắm toàn bộ đoàn thuyền (1847). Báo động tung ra từ cuộc tấn công đó làm cho vua Tự Đức, kế ngôi vua Thiệu Trị, hiểu sự trầm trọng của tình hình. Trước các hiểm họa như thế, triều đình Huế không tìm ra cách tự vệ nào khác hơn là chính sách “bế quan tỏa cảng” triệt để. Trong khi đó, khó khăn ngày càng gia tăng trong quan hệ của triều đình Huế với các giáo sĩ thừa sai do những khuấy rối và những âm mưu xen vào nội bộ của chính hoàng gia. Vụ Hồng Bảo là mồi lửa châm vào thùng thuốc súng. Bị gạt khỏi ngôi vua, Hồng Bảo, anh cả của vua Tự Đức, muốn qui tụ người Gia Tô vào cuộc nổi dậy chống vua, và đồng đảng của ông trao tiền trước cho các thừa sai hầu được sự trợ giúp của người Tây phương. Âm mưu bại lộ, Tự Đức ban hành lệnh trục xuất đầu tiên của ông (1848) chống lại “những kẻ cả gan đến độ quyến rũ một hoàng thân”. Hai chỉ thị khác, vào năm 1851 và 1855, trục xuất các thừa sai vẫn cứ tiếp tục vào Việt Nam. Triều đại “Đế chế thứ nhì” (ở Pháp thời đó) đánh dấu một bành trướng mới của Pháp. Năm 1855, Napoléon III ra lệnh cho sứ đoàn của ông tại Trung Quốc tập trung mọi tài liệu về các phái bộ thừa sai ở Đông Dương, vùng đất mà ông muốn che chở và muốn tìm khách hàng để đương đầu với Anh Quốc. Sứ bộ Montigny được gởi đến Huế để đòi tự do truyền giáo và thương mại, cùng với việc lập Lãnh sự Quán ở Kinh đô và các thương cuộc ở Đà Nẵng. Trước sứ bộ ít lâu, một tàu chiến, Catinat, đã đến Đà Nẵng. Thấy phía Việt Nam phòng ngự, chiếc Catinat tấn công cảng này rồi rút lui (1856). Montigny, đến Huế vào tháng 1 năm 1857, không đạt được gì cả và phải ra về, không được Vua Tự Đức tiếp. Tình hình là như vậy khi ở Bắc diễn ra vụ hành quyết giám mục Diaz, người Tây Ban Nha, bị kết tội vi phạm luật pháp quốc gia. Biến cố cuối cùng này dẫn đến cuộc chiến. PHẦN MỘT: GIA TÔ GIÁO VÀ CÔNG CUỘC XÂM CHIẾM NAM KỲ Khởi đầu, cuộc viễn chinh Nam kỳ chỉ là một biểu dương lực lượng nhằm uy hiếp và buộc triều đình Huế phải chấp nhận nguyên tắc tự do truyền giáo. Rồi do tình thế, cuộc viễn chinh trở thành giai đoạn đầu của một cuộc chiếm đóng thuộc địa lâu dài. Nhưng các Toàn quyền đầu tiên của “Nam kỳ thuộc Pháp”, trong khi theo đuổi mục đích thực dân, vẫn không quên mục tiêu tôn giáo ban đầu: họ ước mong biến thuộc địa giàu đẹp này thành một đế quốc Gia Tô mạnh mẽ ở Viễn Đông. Họ xác nhận rằng người Pháp không thể làm gì tốt đẹp và vững chắc ở Nam kỳ nếu không biến nó thành một xứ Gia Tô bằng cách áp dụng chặt chẽ chính sách đồng hóa. CHƯƠNG I: CUỘC VIỄN CHINH NAM KỲ: MỘT VẤN ĐỀ TÔN GIÁO Đêm 31 tháng 8 năm 1858, một hạm đội do Đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy xuất hiện trước căn cứ Đà Nẵng. Ngày 1 tháng 9 năm 1858, viên chỉ huy này, sau khi buộc các quan Việt Nam phải giao thành lũy phòng ngự cho ông trong vòng 2 giờ, đã ra lệnh cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ. Sau một trận đánh khá dữ dội, thành lũy bị tràn ngập và bị chiếm. Cuộc đổ bộ này mở một giai đoạn mới trong lịch sử Việt Nam, giai đoạn thực dân thống trị. Chắc hẳn Napoléon III đã nghĩ đến các khía cạnh chiến lược, kinh tế và thương mại khi quyết định thực hiện cuộc biểu dương hải quân này tại Đà Nẵng. Ý tưởng có được một điểm tựa hải quân ở Viễn Đông đã được Guizot đưa ra; từ lâu Pháp đã hiểu sự cần thiết phải có trong vùng biển Việt Nam một cảng tiếp liệu, sửa chữa và ẩn trú cho tàu bè của mình[63]. Các bận tâm kinh tế trước đây đã thúc đẩy các cường quốc Tây phương can thiệp vào Trung Quốc cũng có một vai trò trong vấn đề Việt Nam; chính trong mối liên hệ với vấn đề Trung Quốc mà Napoléon III đã lấy quyết định trên vấn đề Việt Nam[64]. Việc hạm đội của Rigault de Genouilly đã tham chiến bên cạnh lực lượng Anh trong các trận chiến ở Trung Quốc - chiến tranh chấm dứt với hiệp ước Thiên Tân ngày 27 tháng 6 năm 1858 - cho thấy bận tâm ấy. Thật vậy, vào thời đó, vấn đề mở cửa các thị trường ở Viễn Đông trở nên ngày càng rõ nét dưới sức ép của chủ nghĩa tư bản sơ khai. Tuy vậy không thể nói rằng Napoléon III đã có một mục tiêu thuộc địa rõ rệt khi phái Rigault de Genouilly đến Đà Nẵng. Đúng hơn, ông ta đã lấy quyết định đó dưới ảnh hưởng của tình hình chính trị trong nước. Muốn thiết lập một chế độ độc tài, Napoléon III cần có các thành công quân sự hầu vuốt ve tự ái dân tộc, đồng thời cho phép ông tưởng thưởng quân đội và thăng chức những sĩ quan mà ông muốn bảo đảm sự trung thành. Mặt khác, Napoléon III dựa vào đảng Thiên Chúa để cai trị. Đảng này ủng hộ ông trong những năm đầu Đế chế, nhưng sau đó, vấn đề Rô-ma khiến những người Thiên Chúa xa ông: họ sợ rằng chủ trương thống nhất nước Ý mà ông bảo trợ sẽ đem lại những hậu quả tai hại cho uy quyền của Giáo hoàng. Chính vì để kéo lại những người Thiên Chúa đó mà Napoléon III muốn làm thỏa mãn họ bằng cách hỗ trợ những đòi hỏi của các phái bộ truyền giáo ở Viễn Đông, củng cố vị thế truyền thống của nước Pháp “trưởng nữ của Giáo hội”, nâng cao uy danh của Hoàng đế trong mắt những người bảo thủ và người Thiên Chúa, như một vị vua bảo vệ quyền lợi của con chiên. Các bận tâm này là rõ ràng nhất trong đầu của Napoléon III. Vì vậy, ông rất nhạy cảm đối với các vận động và thỉnh nguyện mà những giáo sĩ thừa sai đã đệ đạt lên ông. Điều gì khác chỉ là những ý tưởng mơ hồ của ông, sự mù tịt hoàn toàn của các bộ trưởng thời ấy về một xứ mà lúc đó người Pháp gọi là Cochinchine. Điều này phản ánh rõ trong các chỉ thị mà Napoléon III gởi cho Rigault de Genouilly. I. CÁC VẬN ĐỘNG CỦA NHỮNG GIÁO SĨ THỪA SAI BÊN CẠNH NAPOLÉON III Khởi đầu cho cuộc “biểu dương” hải quân nói trên, được quyết định với sự đồng thuận của chính phủ Tây Ban Nha, là những vận động mạnh mẽ của các thừa sai bên cạnh Hoàng đế cũng như bên cạnh sứ bộ Pháp ở Trung Quốc. Các đại diện của Pháp ở Trung Quốc, theo lời kêu gọi của những thừa sai, luôn luôn yêu cầu can thiệp vào Việt Nam. Về vấn đề này, Đặc phái viên ngoại giao De Bourboulon đã viết thư hai lần, vào tháng 8 và 9 năm 1852, cho Bộ trưởng Ngoại giao. Năm 1855, De Courcy, bí thư của sứ bộ Pháp ở Trung Quốc, theo lệnh của Hoàng đế muốn tập trung các tài liệu về các phái bộ truyền giáo ở Đông Dương, đã tiếp xúc với các Khâm sai tòa thánh ở Xiêm (nay là Thái Lan), Việt Nam và Cam Bốt; chính từ những tin tức do các vị này cung cấp mà chính phủ Pháp đã quyết định gởi Montigny đến thực hiện sứ mệnh trong các vùng này. Nhưng chính yếu nhất là những vận động được sự hỗ trợ của các nhân vật quan trọng như Tổng Giám mục Bonnechose của vùng Rouen[65]và của chính Hoàng hậu: những vận động ấy đã thành công trong việc thuyết phục Napoléon III dù lúc ấy ông không có kế hoạch thuộc địa nào rõ rệt. Các vận động này đến từ hai giáo sĩ thừa sai: linh mục Huc, thành viên của Hội thánh Lazarre, cựu sứ bộ tòa thánh ở Trung Quốc, Tartarie và Tây Tạng, tác giả của sách Gia Tô giáo ở Trung Quốc, Tartarie và Tây Tạng cùng nhiều tác phẩm khác về Trung Quốc; và giám mục Pellerin, Khâm sai tòa thánh tại Bắc Nam kỳ. A. Các thỉnh cầu của linh mục Huc Trong văn thư gởi lên Hoàng đế, linh mục Huc trình bày các mối lợi mà việc chiếm Việt Nam có thể mang lại cho Pháp[66]. Lợi về chiến lược: “Đà Nẵng nằm trong tay người Pháp sẽ là một hải cảng không ai tấn công nổi và là cứ điểm quan trọng nhất để chế ngự Bắc Á.” Lợi về kinh tế và thương mại: “Lãnh thổ Cochinchine[67] mầu mỡ có thể sánh được với các vùng nhiệt đới giàu có nhất. Xứ này thích hợp cho việc trồng trọt mọi sản phẩm thuộc địa. Các sản phẩm chính và phương tiện trao đổi hiện có là đường, gạo, gỗ xây dựng, ngà voi, v.v...; sau hết là vàng và bạc mà các mỏ rất phong phú đã được khai thác từ lâu.” Lợi về tôn giáo, tất nhiên: “Dân chúng hiền hòa, cần mẫn, rất dễ dãi đối với việc truyền bá đức tin Gia Tô... Chỉ cần một ít thời gian là có thể cải hóa toàn bộ thành tín đồ Gia Tô và con dân trung thành với Pháp.” Tức là trên mọi phương diện, theo linh mục Huc, Cochinchine là đồn trạm thuận tiện nhất cho Pháp. Mặt khác, việc chiếm đóng xứ này là “việc dễ nhất trên đời, không tốn kém gì cả cho nước Pháp”, bởi vì dân chúng “rên xiết dưới chế độ bạo tàn kinh khủng nhất... sẽ đón tiếp chúng ta như những người giải phóng và ân nhân”. Tóm lại, vì rất quan trọng cho Pháp phải có một cơ sở giàu và mạnh ở Viễn Đông, nên dứt khoát phải chiếm Cochinchine. Và phải làm gấp chừng nào hay chừng ấy vì Anh cũng đã “dòm ngó Đà Nẵng”. Chính linh mục Huc đã dâng văn thư này lên Hoàng đế vào tháng 1 năm 1857. Napoléon III đưa sang cho Bộ trưởng Ngoại giao Walewski, và ông này yêu cầu Cintrat, Giám đốc Cục Chính trị, làm bản báo cáo về văn thư này. Sau báo cáo, Napoléon III quyết định giao phó vấn đề cho một Uỷ ban[68]được thành lập ngày 24 tháng 4 năm 1857. Sau cuộc hội kiến với Napoléon III, linh mục Huc tràn đầy hy vọng. Trong thư đề ngày 21 tháng 5 năm 1857 gởi Chưởng lý của các phái bộ truyền giáo ở Hồng Kông, ông viết: “Có lẽ Ngài sẽ thấy lại chuyện mới lạ tại Cochinchine. Tôi đã thảo luận lâu với Hoàng thượng về vấn đề này”[69]. B. Các thỉnh cầu của giám mục Pellerin Thất vọng vì sự thất bại của sứ bộ Montigny, giám mục Pellerin quyết định theo lời khuyên của đồng sự “đi Pháp để trình bày với Hoàng đế tình trạng thê thảm của các phái bộ thừa sai do các biện pháp nửa vời gây nên”. Đến Pháp vào đầu tháng 5, ngày 16 tháng 5 ông trình bày trước Uỷ ban và ngày 21 tháng 5 trao cho Uỷ ban một bản trần tình chi tiết, trước khi được Napoléon III tiếp kiến. Trong một bức thư gởi cho một thừa sai ở Tây Tạng, ông tường thuật vài chi tiết đáng lưu ý về cuộc hội kiến ấy: “Hoàng đế đã tiếp tôi rất niềm nở và còn ban cấp cho tôi nhiều hơn những gì tôi xin. Hoàng đế hết sức sẵn lòng giúp đỡ các phái bộ và ý Hoàng thượng muốn rằng các thừa sai Pháp phải được tự do ở khắp nơi; phải cầu nguyện Thiên Chúa giữ lại người của Chúa trên ngai. Các phái bộ của Ngài, các phái bộ ở Triều Tiên, ở Nhật Bản cũng sắp được tự do nay mai, phải hy vọng điều đó. Nước Pháp sẽ dựng cơ sở vững vàng tại các xứ đó, và rồi sẽ không còn sự ngược đãi nữa”[70]. Nhưng sự việc có vẻ kéo dài mãi. Giám mục sốt ruột và thấy nên nhắc nhở Napoléon III về vấn đề ấy. Ông viết trong thư đề ngày 30 tháng 8 năm 1857: “Xin Hoàng thượng cho phép hạ thần nhắc lại một lần nữa về những người mới cải đạo khốn khổ ở xứ Cochinchine và các thừa sai Pháp ở nước An Nam; hiện giờ máu họ đang đổ và tình cảnh họ còn kinh khủng hơn từ khi có cuộc vận động sau chót của nước Pháp. Nếu bây giờ chẳng ai làm gì cả cho chúng tôi, e rằng Gia Tô giáo sẽ bị tiên diệt tại các vùng đất có vẻ rất sẵn sàng đón nhận ân đức của tôn giáo này và của văn minh... Chúng tôi kính xin Hoàng thượng đừng bỏ rơi chúng tôi. Điều mà Hoàng thượng ban cho chúng tôi sẽ khiến cho ân phúc của Thiên Chúa ban xuống cho Hoàng thượng và triều đại huy hoàng của Hoàng thượng...”[71] Sau đó, giám mục Pellerin trở về Rô-ma và được Giáo hoàng Pie XI tán thành các vận động của ông. Xuyên qua những can thiệp của linh mục Huc và của giám mục Pellerin, ta ghi lại ý tưởng chính sau đây: cuộc viễn chinh mà hai vị ấy thỉnh cầu, nhân danh các thừa sai ở Việt Nam, không phải là một cuộc biểu dương lực lượng đơn thuần, cũng không phải là một cuộc chiếm đóng tạm thời một hay nhiều địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam; rõ ràng đây là một cuộc viễn chinh thuộc địa, vì nó nhằm xây dựng một thuộc địa Pháp vĩnh viễn ở góc này của Viễn Đông. Ý tưởng này được một giáo sĩ thừa sai khác, linh mục Legrand de la Liraye, trình bày hùng hồn hơn trong bản luận cương ông gởi cho Napoléon III vào khoảng tháng 12 năm 1857. Cho đến nay các người viết sử không biết tài liệu này[72], có lẽ vì vận động của linh mục Legrand quá trễ: thật vậy, Napoléon III đã ra lệnh can thiệp vào Việt Nam từ tháng 11 năm 1857. C. Luận cương của linh mục Legrand de la Liraye Điều độc đáo của linh mục Legrand là muốn xem vấn đề “trước hết có tính cách chính trị”. Thái độ này làm mếch lòng các thừa sai khác, nhưng nó cho phép ông trình bày vấn đề một cách rõ ràng, không quanh co, dưới mọi khía cạnh, chính trị, kinh tế, quân sự, nhất là quân sự, vì ông muốn đóng vai một nhà chiến lược. 1. Lợi ích chính trị và chiến lược Theo linh mục Legrand, chỉ cần nhìn vị thế địa lý của “xứ An Nam”, người ta hiểu ngay việc chiếm đóng xứ này là quan trọng đến đâu cho nước Pháp: “Trong hiện tình, khi Anh chiếm trọn Ấn Độ đến tận Singapour và chuẩn bị xiết chặt hơn nữa Trung Quốc, cần cắt đứt sự giao thông giữa các thuộc địa của họ, rồi cùng với Tây Ban Nha ở Phi Luật Tân, Hà Lan ở Java và Sumatra dựng lên một chướng ngại nào đó, một điểm trọng tài cho người thua trận nếu muốn nói thế, một điểm giám sát đối với kẻ thắng trận quá tham lam, một điểm nương thân và trú ẩn cho tàu bè của chúng ta hình như đang lang thang phiêu bạt trong khắp vùng Viễn Đông này, và cuối cùng là một điểm tiếp tế và thương mại cho những người trung gian buôn bán gia vị của chúng ta vốn chỉ được các lá cờ nước ngoài bảo đảm và che chở nơi vùng đất quá xa Tổ quốc này.” 2. Lợi ích kinh tế Vương quốc này rất xứng đáng với một cơ sở thuộc địa xét về mặt giàu có của đất đai, vốn hơn hẳn Phi Luật Tân, Java và Bornéo, cũng như về mặt dân chúng, vốn “dễ bảo, thông minh và siêng năng”. Tài nguyên của xứ ấy “sẽ khiến nước Pháp yêu thích vùng đất đẹp nhất và quí nhất này so với các thuộc địa cũ và mới của Pháp”. 3. Khả năng xâm chiếm Vùng đất mỹ miều và quí giá này sẵn sàng rơi vào tay Pháp, vì nhiều lý do. Trước hết, dân chúng luôn luôn trung thành với nhà Lê bị truất ngôi “bởi các biến cố lớn của cuối thế kỷ trước”; họ đau khổ dưới chính phủ hiện thời, “một chính phủ tàn bạo, bất công, lừa dối và đầy cưỡng đoạt khiến cho đất nước ngày càng thêm đau khổ và vì thế đang cựa mình và sẵn sàng nổi dậy”. Trước viễn tượng sự nổi dậy đó, quân binh “run sợ và chán nản trong hầu hết các tỉnh miền Bắc”; đằng khác, quân đội này vừa mới chứng tỏ sự bất lực qua việc cầu hòa với những người Trung Quốc nổi loạn và cướp phá ở vùng đó thay vì phải đánh tan. Sự nổi loạn cũng đang ấp ủ ở phía Nam, nơi có 2 dân tộc thiểu số đang sống nhục nhã: đó là người Chăm (trước kia gọi là người Chàm)[73]bị đưa trở lui về tình trạng bộ lạc ở tỉnh Bình Thuận, và người Cam Bốt “bị buộc phải nhượng cho kẻ chiến thắng tất cả các cửa sông và các vùng phù sa mênh mông của con sông lớn được tạm dùng làm biên giới”. Cùng với các yếu tố bất ổn đó, ông Vua không con nối dõi sau mười hay mười lăm năm kết hôn, “đang đắm chìm trong những khoái lạc sa đọa nhất, chỉ biết sống giữa hơn năm nghìn cung phi mà ông chỉ vui thú lúc tắm hoặc lúc đóng tuồng với họ”. Còn quan lại, “họ chia làm hai phe để giành giật chức vụ và thu nạp bộ hạ; họ tạo nên đầy rẫy những kẻ tham lam, ăn của đút và gian ác, tại các tỉnh bọn này lấy sự đau khổ của dân chúng làm trò vui và đàn áp họ”. Phải chăng nước Pháp sợ một cuộc viễn chinh tốn kém? Hãy yên tâm! “Hải quân An Nam có thể nói là không còn nữa từ sau vụ Đà Nẵng năm 1847: đã có lệnh không đóng thuyền theo kiểu Âu châu nữa, còn ghe trong nước thì thiếu vũ trang và thiết bị”. Vậy, không có gì phải sợ về mặt thủy chiến. Trên bộ ư? “Quân đội thiếu tổ chức và khí giới: quân đội đó có tính dân sự hơn là quân đội, họ không biết dùng đại bác và súng, chỉ có một số rất hiếm là có khả năng sử dụng”. Quân đội đó có khoảng 60.000 hay 70.000 người cho toàn xứ, không thể tập hợp tại một địa điểm quá số 10.000 hay 15.000 tinh binh, mà “theo ý tôi, kỹ thuật chiến đấu và lòng can đảm không thể chống nổi một trung đoàn Pháp”. Sau hết: “Thành lũy bị hư nát, chỉ còn các lũy tre bao bọc thành phố và làng mạc là còn đáng ngại đôi chút, nhưng với các chất liệu dễ cháy đó, không có gì khó khăn cho việc chiến thắng, vả lại tôi không tin rằng dân tộc đó có đủ can đảm để quyết tâm chiến đấu sau thành lũy này”. Kết luận: trái đã quá chín rồi, không thể không rụng; lạy Chúa đừng để nó rơi vào tay người Anh! Mọi người, dân chúng và chính quyền, “tôi nói, mọi người mong thấy nước Pháp cắm cờ Pháp trên các bờ biển này”. Mọi người sốt ruột, ngạc nhiên trước thái độ bất động của Pháp, trước sự chậm trễ, trước các vận động sai lầm cho đến nay, mọi người mong đợi “từng ngày được thấy tàu chiến của chúng ta đến dùng súng đại bác đòi hỏi” những quyền lợi mà hiệp ước 1787 đã dành cho Pháp, những quyền lợi mà người An Nam cho đến nay đã phủ nhận “một cách bất công và hèn hạ”. 4. Kế hoạch xâm lăng Đó là các nhận định đại cương. Còn về kế hoạch xâm lăng, linh mục Legrand de la Liraye đề nghị một cuộc tấn công ngoại giao được tiếp nối bằng một can thiệp vũ trang trong trường hợp thất bại. Về tấn công ngoại giao, trước hết, hãy dâng một tặng phẩm cho Vua: đó là lệ thường của xứ này; huống hồ “tặng vật luôn luôn có hệ quả tốt”; kế đến, trình tại Đà Nẵng hoặc tại cửa sông dẫn vào Kinh đô một bức thư nói về tự do thương mại, về những sỉ nhục mà “nước này đã gây cho Pháp”, những bất công đối với người Pháp khi tàn phá việc buôn bán của họ, khi xử tử các thừa sai Gia Tô giáo, khi kết tội những người Gia Tô là thủ phạm của những khuyến cáo “đúng đắn và ôn hòa” mà nước Pháp đã nhiều lần đưa ra để bênh vực họ, cuối cùng về sự bội ơn “mà nước này đã phạm trước mắt toàn thế giới khi đoạn tuyệt một cách vô liêm sỉ với một nước đồng minh” sau khi đã tiếp nhận “biết bao giúp đỡ về người và tiền bạc”. Để kết luận, ta đòi: - quyền đại diện bằng một đoàn sĩ quan tại nhiều điểm (Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cửa Cấm) để bảo đảm tự do lưu thông, tự do buôn bán tại các cảng lớn trong nước, tự do tôn giáo cho mọi tín đồ Gia Tô và quyền cư trú cho các thừa sai như dưới thời Gia Long; - chiếm giữ vĩnh viễn Đà Nẵng và các đảo phụ cận, Hội An ở phía Nam và Hải Vân, Cù Lao Chàm ở phía Bắc để làm điểm trú ẩn, tiếp liệu và kho hàng; - cuối cùng, một liên minh phòng thủ và tấn công. Trong hai điều sẽ có một, hoặc Vua chấp nhận yêu cầu của Pháp, hoặc Vua “tức giận và từ chối”. Trong trường hợp đầu, Pháp sẽ lập nền bảo hộ, sẽ đối xử đàng hoàng với Vua và giữ Vua ở lại ngôi cùng các đặc quyền “với các điều kiện hợp lý”. Nhưng linh mục Legrand không tin giả thuyết này. Vậy chỉ còn giả thuyết sau, thế là chiến tranh. “Theo tôi, chiến tranh là cách duy nhất để đạt kết quả nghiêm chỉnh đối với nước ấy. Phải chấp nhận chiến tranh như là cách tốt nhất, phải đánh gấp Bắc kỳ, Huế và Đà Nẵng cùng lúc, nếu được thì lật đổ chính phủ, bàn chuyện giải phóng hai dân tộc chiến bại ở Nam kỳ và đặt lên ngôi ở Bắc kỳ một kẻ tự xưng là con cháu nhà Lê”.[74] Để tỏ ra là một người có năng khiếu về quân sự không kém năng khiếu về tổ chức giáo hội, ông đưa ra cả một kế hoạch hành quân đầy đủ, nêu lên các phương tiện sử dụng, chỉ rõ các điểm nên chiếm, giải thích lý do, ước lượng số tàu và quân đội đưa vào cuộc chiến, v.v... Cuối cùng, ông ta tình nguyện tham gia cuộc viễn chinh với tư cách thông ngôn để tuyển mộ tại chỗ “những người bản xứ gia nhập vào đội binh của chúng ta và họ sẽ hết sức vui mừng khi được mang vũ khí cùng với phù hiệu nước Pháp”. Tóm lại, chính sách mà linh mục Huc, giám mục Pellerin và linh mục Legrand chủ xướng là một chính sách xâm chiếm thuộc địa. Chính sách xâm chiếm này được cả một chiến dịch báo chí của người Gia Tô hậu thuẫn trong những tháng cuối cùng của năm 1857. Vì mục đích đó, tờ Univers của Louis Veuillot đã phổ biến bài tựa của linh mục Huc trong tác phẩm của ông ta mang tên Le Christianisme en Chine, au Tibet et dans la Tartarie (Gia Tô giáo ở Trung Quốc, Tây Tạng và Tartarie): “Thật là đẹp đẽ và vinh dự cho triều đại Napoléon III nếu thiết lập được ảnh hưởng của Pháp tại Đông Dương trên những nền tảng vững chắc và nếu có thể đòi cả việc thực hiện những quyền đã ký kết trong hiệp ước Versailles với Vua Louis XVI”[75]. Tiếp theo là các bài báo khác, xuất bản trong các số tháng 12, lên án các biện pháp nửa vời và đòi hỏi xâm lăng: “Xứ Cochinchine sẽ thuộc về chúng ta ngay khi nào chúng ta muốn xuất hiện ở đó... Đất xâm chiếm giàu có này sẽ trả đủ ngay trong năm đầu mọi chi phí cho một cuộc chiếm đóng bằng quân sự”[76]. Chính Louis Veuillot viết một loạt ba bài xã luận vào tháng 4 tán dương công trình thừa sai truyền giáo và đòi hỏi một chính sách đế quốc cực đoan như của nước Anh và nước Nga: “Những thay đổi mà sự bành trướng ấy [của Nga và Anh] đã gây nên cho sự quân bình cũ của Âu châu, buộc chúng ta phải có Madagascar ở Ấn Độ dương, Nam kỳ trong biển Hoa Nam, và Triều Tiên nơi các biển Bắc Viễn Đông”[77]. Tập san Gia Tô, tờ Correspondant, đăng một bài ngày 25 tháng 12 của tác giả P. Douhaire cũng lên án những biện pháp nửa vời: “Hoặc chúng ta đừng làm gì cả... hoặc phải có quyết tâm, vì chúng ta có đủ sức mạnh và can đảm, để hoàn thành một chinh phục...”. Bài báo chứng minh lợi ích kinh tế và chính trị của việc chiếm đóng Nam kỳ, điều này đem lại cho kỹ nghệ Pháp tơ lụa, bông, đường. Tác giả không quên nói thêm, theo kiểu của các thừa sai: cuộc chinh phục sẽ dễ dàng và người Pháp sẽ được đón tiếp như người giải phóng[78]. Thái độ của Uỷ ban Nam kỳ ra sao trước các dẫn dụ đó của những thừa sai? II. THÁI ĐỘ CỦA UỶ BAN NAM KỲ Được chỉ định thành lập ngày 22 tháng 4, Uỷ ban Nam kỳ được đặt dưới sự chủ tọa của Bá tước Brenier, công sứ toàn quyền ở Naples. Đại diện của Bộ Ngoại giao là Pierre Cintrat; của Bộ Hải quân là Đô đốc Fourichon và Đại tá Hải quân Jaurès; và của Bộ Thương mại là Fleury. Chỉ có Cintrat là do dự; trái lại, các vị khác rất tán thành cuộc viễn chinh. Vấn đề thứ nhất đặt ra cho Uỷ ban là câu hỏi pháp lý: phải chăng nước Pháp có quyền, như các thừa sai chủ trương, đòi thi hành các điều khoản có lợi cho mình trong hiệp ước được ký năm 1787 giữa giám mục Bá Đa Lộc, đại diện toàn quyền của Nguyễn Ánh, với chính phủ của Vua Louis XVI? Câu trả lời là không: người Pháp chưa bao giờ thi hành hiệp ước này, nên, theo nhận định của Uỷ ban, không thể đòi phía Việt Nam thi hành việc chuyển nhượng Đà Nẵng và Côn Lôn. Tuy nhiên, căn cứ vào lý lẽ của linh mục Huc và của giám mục Pellerin, Uỷ ban ghi nhận “sự giúp đỡ không chối cãi được” của người Pháp cho “Vua xứ Nam kỳ”[79]. Ba vấn đề khác thuộc các lãnh vực kinh tế, chính trị, quân sự và thuộc địa. Can thiệp vào Nam kỳ có lợi gì về kinh tế và thương mại? Các lợi ích chính trị ra sao? Những phương tiện nào sẽ phải sử dụng cho cuộc viễn chinh này? Tính chất của thuộc địa Pháp ở Nam kỳ sẽ là thế nào? A. Vấn đề kinh tế và thương mại Việt Nam được các giáo sĩ thừa sai trình bày như là một xứ rất giàu. Giám mục Retord viết: “Nước Pháp sẽ tìm thấy ở xứ sở đẹp đẽ này nhiều mỏ vàng, bạc, đồng, sắt và than đá, nhiều gỗ tốt để đóng tàu; Pháp sẽ có một hải cảng an toàn cho các hạm đội và thực phẩm cho lính thủy của mình... Tại đó người ta còn có thể thiết lập một nền thương mại quan trọng về gạo, bông, muối, cau, lụa, tơ cùng nhiều mặt hàng khác...”[80]. Trước Uỷ ban, giám mục Pellerin cũng nhấn mạnh trên khả năng trồng cà phê và khai thác mỏ vàng, mỏ than, mỏ đồng và mỏ sắt[81]. Các lời tuyên bố như vậy hấp dẫn đại diện của Bộ Thương mại. Fleury trình bày cho các đồng sự về việc kỹ nghệ Pháp đang cần các thị trường mới. Ông cho biết, hằng năm người Pháp tiêu thụ 25 triệu đơn vị[82](*) đường ngoại nhập, 20 triệu đơn vị gạo, 17 triệu đơn vị cây thuốc nhuộm, 62 triệu đơn vị tơ sống, 65 triệu đơn vị gỗ để chế tạo và 121 triệu đơn vị bông. Nam kỳ có giúp được chăng cho thị trường Pháp, hoặc ở mặt xuất cảng, hoặc ở mặt nhập cảng?[83] Fourichon và Jaurès trả lời rằng họ hoàn toàn tin tưởng nơi viễn cảnh ấy: “Nam kỳ đáp ứng đầy đủ các điều đó, nếu không ở mặt tiêu thụ thì ít ra cũng ở mặt sản xuất”[84]. B. Lợi thế chính trị Lợi ích kinh tế có vẻ hiển nhiên. Nhưng, theo Fleury, các lý lẽ chính trị mới là quyết định, còn các quan tâm thương mại chỉ đứng hàng thứ yếu[85]. Đây cũng là quan điểm của linh mục Huc, vì trong văn thư ông đặc biệt nhấn mạnh trên lý do chính trị của cuộc viễn chinh: theo ông, miền Viễn Đông sắp bị xáo trộn. Dùng lại các ý tưởng của một thừa sai, Đô đốc Fourichon nêu câu hỏi: “Trong lúc người Nga bành trướng xuống phía Nam sông Amour (Ái Tử) và trên quần đảo phía Bắc nước Nhật Bản, trong lúc Anh chắc chắn sẽ chiếm Chusan và có thể luôn cả Đài Loan cùng các điểm tuyệt vời dọc duyên hải Trung Quốc, trong lúc người Hà lan mở rộng sự thống trị của họ đến Mã Lai, trong lúc người Mỹ tìm ở đó những căn cứ trú ẩn và tiếp liệu, trong lúc Tây Ban Nha đang mở mang nhóm quần đảo Phi Luật Tân xinh đẹp, lẽ nào Pháp chỉ có thể đóng vai trò bàng quan, không nghĩ cách làm sống lại những ngày huy hoàng của sự bành trướng hàng hải và thuộc địa của mình?” Dĩ nhiên là Fourichon không nghĩ rằng Pháp sẽ hành xử như vậy, và ông hy vọng công việc của Uỷ ban sẽ giúp chính phủ sáng tỏ vấn đề này[86]. C. Thái độ tiếp đón của dân chúng Việt Nam đối với can thiệp của Pháp Để lôi kéo nước Pháp vào cuộc xâm lăng Việt Nam, chiến thuật của các giáo sĩ thừa sai là trình bày như thể đây là một việc làm hết sức dễ dàng. Chúng ta đã nghe những lời khẳng định dứt khoát của linh mục Huc, của giám mục Pellerin và của linh mục Legrand về điểm này. Nhưng cuộc xâm lăng càng trở nên dễ dàng hơn khi dân chúng, bị đè nén dưới sự áp bức của triều đình và quan lại Huế, sẽ đón tiếp người Pháp như những người giải phóng. Đó là các lời tuyên bố của linh mục Huc và của giám mục Pellerin trước Uỷ ban. Các thừa sai khác, như linh mục Libois, đại diện của các Sứ bộ Truyền giáo Hải ngoại ở Hồng Kông, và giám mục Retord, Khâm sai Tòa thánh tại Tây Bắc bộ, cũng lặp đi lặp lại mãi điều đó với Đại diện của Pháp tại Trung Quốc[87]. Các giáo sĩ thừa sai ấy xác nhận rằng chắc chắn người Pháp sẽ nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của người Gia Tô. Linh mục Huc, dù chưa hề sống tại Việt Nam, tuyên bố rằng 600.000 con chiên bản xứ, tuyệt đối trung thành với những thừa sai, vẫn còn giữ truyền thống hữu nghị đối với Pháp. Giám mục Pellerin còn đi xa hơn nữa và quả quyết rằng 600.000 con chiên này sẽ giúp đỡ người Pháp, và những thầy giảng do các thừa sai đào tạo “biết phong tục, tập quán và hầu như rành ngôn ngữ của chúng ta” có khả năng “trở thành nơi đào tạo để chúng ta tuyển những quan lại mới”. Các tuyên bố này gây ảnh hưởng to lớn trên Uỷ ban, và Uỷ ban dùng những tin tức do các thừa sai cung cấp như là của mình. Đô đốc Fourichon và Đại tá Jaurès khẳng định rằng sự đón tiếp của dân chúng sẽ tuyệt vời, rằng người Pháp phải “dự tính trước một cuộc đón tiếp đầy thiện cảm”, rằng họ sẽ “được dân chúng, bị đè nén dưới sách nhiễu và gông cùm của quan lại, tiếp nhận như những người giải phóng”, rằng phải tin vào sự giúp đỡ của 600.000 người Gia Tô bản xứ, là “những người mà chúng ta phải nương tựa ngay từ đầu” và có thể “một số nào đó sẽ gia nhập quân đội chúng ta”[88]. Cũng bị ảnh hưởng như vậy, Cintrat tin rằng “sự đón tiếp chỉ có thể là thuận lợi cho người Pháp” từ phía dân chúng mong muốn một cuộc thay đổi chế độ vì “sự tàn bạo ghê tởm đang nghiền nát họ”[89]. Chỉ có Bá tước Brenier là tỏ ra dè dặt. Ông nói: “Có thể chúng ta sẽ được sự ủng hộ của những người dân bị đàn áp bởi một chính phủ tàn bạo, tham lam và bóc lột, họ sẽ xem chúng ta như là những người giải phóng, nhưng chúng ta không nên chờ đợi nơi họ một sự hợp tác thiết thực, có thể ngoại trừ từ phía những giáo dân, và cả điều này cũng có vẻ đáng ngờ”[90]. Sự dè dặt này sẽ được thực tế chứng minh là có lý. D. Tính chất của thuộc địa sẽ thiết lập Có 3 giải pháp được đề nghị: chiếm đóng một số điểm ở bờ biển, chiếm hữu toàn bộ cùng với việc loại bỏ dòng họ đang trị vì, và đặt một nền bảo hộ. Các thừa sai, đặc biệt những người ở Bắc bộ, rõ ràng muốn một giải pháp bảo hộ. Sau khi nói đến nền bảo hộ trong trường hợp Vua Việt Nam chấp thuận các điều kiện do Pháp áp đặt, linh mục Legrand nghĩ rằng ngay cả trong trường hợp chiến tranh xảy ra, cũng nên giữ lại chính phủ quân chủ từng cai trị thỏa đáng một nước lớn như thế với một dân số đông đảo như thế: “Chính phủ đó hoàn toàn đủ cho nhu cầu của dân chúng, trong khi chúng ta, dù trong hai mươi năm, có thể trong năm mươi năm, chúng ta không thể lập lại được một chính phủ vừa làm cho dân chịu đựng nổi vừa có ích cho mục tiêu của chúng ta”[91]. Quan điểm của giám mục Retord càng rõ rệt hơn. Ông tuyên bố: “Nước Pháp phải làm cái gì to lớn, quan trọng, vững bền và xứng đáng với nước đó và với Hoàng đế của nước đó. Nếu nước Pháp chinh phục xứ này (và việc này không khó) và cai trị trực tiếp, người dân Bắc kỳ sẽ khá hài lòng, nhưng họ thích sống dưới sự bảo hộ và ảnh hưởng của Pháp với một ông vua riêng của nước họ hơn”[92]. Linh mục Huc có vẻ muốn đi xa hơn: chế độ bảo hộ, theo ông, chỉ là giai đoạn đầu; mục đích cuối cùng là chiếm hữu toàn bộ xứ này. Ông giải thích trước Uỷ ban Nam kỳ: “Có một gia đình xưng là nhánh vua chính thống mà có lẽ chúng ta có thể sử dụng để lật đổ triều đại hiện giờ...; nên, ngay từ nguyên tắc, phải thiết lập chế độ bảo hộ, cùng với việc giữ nhà Vua lại ở trên ngôi, nghiên cứu việc tổ chức xứ sở ấy (xứ này tổ chức gần giống chúng ta) và cuối cùng tuyên bố làm chủ xứ đó”[93]. Dù sao ông cũng chấp nhận chế độ bảo hộ như là phương cách thích hợp nhất cho giai đoạn đầu của cuộc xâm lăng. Về phần giám mục Pellerin, lúc đầu ông tuyên bố chỉ cần đến Huế buộc nhà vua ký một hiệp ước và công bố một sắc dụ. Nhưng khi Cintrat và Fleury tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của hành động đó để bảo vệ quyền lợi tôn giáo, thương mại và chính trị, giám mục lựa chọn dứt khoát giải pháp bảo hộ. Ông nói: “Sự ký một hiệp ước với Vua, sự có mặt của một lãnh sự, việc mở các cảng, việc phô trương lực lượng hải quân có thể bảo đảm mọi quyền lợi của chúng ta, nhưng một sự chiếm đóng hay một nền bảo hộ thì thích đáng hơn nhiều”. Để xác định rõ ý kiến của mình, ông khuyên “ngay khi vừa đến, nên bắt giữ Vua và để lại cho Vua một quyền hữu danh vô thực” thay vì tuyên bố truất phế Vua và chiếm đóng xứ sở, là các biện pháp mà theo ông “có thể đụng chạm đến tình cảm quốc gia và gây nên rắc rối về đối nội cũng như đối ngoại”. Ông cũng tiên liệu trường hợp bi thảm là nhà Vua sẽ tự treo cổ “cùng với tể tướng của Vua”: nếu thế, càng tốt, chúng ta sẽ cai trị “với người kế vị, người này chắc chắn không có cùng những lý do tự ái để tự sát”. Kết luận lạc quan sau đây lôi cuốn lòng tin của mọi người trong Uỷ ban: “Việc giữ nguyên ngôi vị Vua cùng với những lợi ích mà dân chúng sẽ được hưởng từ sự công bình, thanh liêm của chính thể do Pháp lãnh đạo, sẽ làm cho tên tuổi nước Pháp được tôn vinh và làm cho toàn xứ vui mừng tiếp nhận nền bảo hộ của Pháp”[94]. Tại sao các giáo sĩ thừa sai lại thích chế độ bảo hộ? Lý do thật giản dị. Mộng ước của mọi thừa sai là nắm được một ông vua hết lòng với họ, một Constantin phương Đông. Bởi vậy các thừa sai ở Bắc bộ đã tạo nên một người mà họ muốn có ngày đặt lên ngôi ở Bắc: đó là một con chiên tự nhận là con cháu nhà Lê[95]. Chính vì vậy, linh mục Legrand và giám mục Retord - cả hai vị đều là thừa sai tại Bắc bộ - đều triệt để ủng hộ chế độ bảo hộ cùng với sự thay đổi triều đại. Về sự thay đổi triều đại, quan điểm của giám mục Pellerin không rõ ràng. Vì không có liên hệ với “con cháu nhà Lê”, giáo khu của ông ta ở Nam bộ, giám mục tỏ vẻ khá dửng dưng đối với việc thay đổi triều đại. Trong bản điều trần, ông khuyên thay đổi triều đại hiện hành, “bị dân chúng căm ghét”, bằng một triều đại khác và chắc chắn triều đại này sẽ biết ơn nước Pháp. Trong lời báo cáo miệng trước Uỷ ban, ông xác nhận việc trở lại của nhà Lê có thể xảy ra, nhưng điều này có thể kéo theo vài khó khăn, vì theo ông, hoàng tộc họ Nguyễn đang trị vì, do chế độ đa thê, gồm con cháu khoảng 3.000 người có lợi để bảo tồn ngôi Vua. Vì thế, ông có vẻ không chống đối việc giữ lại triều đại đương quyền, dĩ nhiên với điều kiện tạo nên được một người thay Vua Tự Đức, chấp nhận nền bảo hộ của Pháp và quyền lãnh đạo tinh thần của những thừa sai. Uỷ ban chấp nhận hoàn toàn quan điểm của các thừa sai bằng cách nhất trí tuyên bố ủng hộ việc thiết lập một chế độ bảo hộ như là một giải pháp vừa chứa đựng các điều kiện thuận lợi cho quyền lợi Pháp vừa không khó thực hiện[96]. Để bắt đầu, họ đề nghị, vẫn theo ý kiến của các thừa sai, chiếm giữ ba thủ đô: Huế, Kẻ Chợ (tức Hà Nội ngày nay), Sài Gòn, và cảng Đà Nẵng[97]. Các thảo luận của Uỷ ban đưa đến ba ý kiến chính sau đây: 1. Quan tâm thuộc địa đã rõ ràng. Đại diện Bộ Thương mại, Fleury, không ngừng nhấn mạnh trên “sự lợi ích, sự cần thiết tuyệt đối của nền kỹ nghệ chúng ta phải có các thị trường và nơi tiếp liệu mới”. Ông báo cho Uỷ ban biết rằng nhiều chủ tàu ở các cảng Pháp, nhất là ở Nantes, đã bày tỏ ý định phái các tàu mang hàng đến Đông Dương với mong muốn được sự bảo đảm an ninh và che chở của chính phủ Pháp trong các vùng biển quanh đó[98]. 2. Nhưng các lợi thế vật chất không phải là động cơ duy nhất thúc đẩy Uỷ ban chấp nhận kế hoạch chiếm đóng thuộc địa tại Việt Nam. Nhiều ý tưởng khác cũng góp phần vào đó. Trước hết là ý niệm về uy tín, do Cintrat chủ trương. Các sử gia ngày nay có khuynh hướng nhấn mạnh điểm này nhất. Brunchswig, chẳng hạn, cho rằng đó là nỗi bận tâm chính trong chính sách thuộc địa của các vua Pháp[99]. Thật vậy, tuy hoài nghi về lợi ích vật chất mà một thuộc địa ở Nam kỳ có thể mang lại, Cintrat vẫn thừa nhận sự cần thiết phải bảo tồn uy tín quốc tế mà Đế chế Pháp vừa đạt được ở Crimée, và phải thỏa mãn niềm tự hào dân tộc bị xúc phạm bởi sự thất bại mới đây của phái bộ Montigny. Kế đến, và điều này còn quan trọng hơn nhiều, là khái niệm về tính thượng đẳng của Gia Tô giáo, của văn minh Tây phương và của chủng tộc Âu châu. Tư tưởng này được chính Chủ tịch Brenier trình bày trước Ủy ban: “Việc đàn áp các thừa sai của chúng ta, những lợi ích thương mại của chúng ta và tính thượng đẳng mà các nguyên tắc văn minh đã mang đến cho chúng ta so với các chủng tộc và các chính phủ dã man, đã tạo ra cho chúng ta quyền đòi hỏi những gì mà họ đã từ chối đối với các đề nghị hòa bình của chúng ta. Cái mà người ta gọi với một hãnh diện đúng đắn là sự chinh phục của văn minh [Tây phương], chỉ là kết quả tổng hợp của thuyết phục và sức mạnh; thuyết phục trước và sức mạnh kế theo khi giải pháp đầu tỏ ra bất lực và giải pháp sau là chính đáng”[100]. Như vậy, trong mắt của Bá tước Brenier, các cuộc xâm lược của người Âu châu là sự chiến thắng của văn minh chống lại man di: “Đừng quên rằng Âu châu, nghĩa là văn minh, đang trên đường chống lại Á châu đại diện cho man di, nó tiến đánh trên mọi mặt các quốc gia già nua đang trầm mình trong chế độ chuyên chế nhục mạ nhất; ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Ai Cập, Ba Tư, Ấn Độ và sắp đến là Trung Quốc, nền văn minh đang thiết lập dần dần bằng chính trị và đôi khi bất chấp chính trị. Nước Pháp không thể ngồi yên, bất động...”[101]. Do đó, ông kết luận, thực hiện một hành động trực tiếp trên chính phủ Nam kỳ và tạo dựng ở đó một thể chế thích hợp, để bảo đảm các quyền lợi ấy, là một nghĩa vụ quốc gia đối với tôn giáo, văn minh và đối với nền thương mại của Pháp[102]. Christianisme (Ki Tô giáo), Civilisation (văn minh) và Commerce (thương mại) là chủ thuyết ‘ba C’ nổi danh mà Livingstone hằng rao giảng. 3. Vì thiếu tư liệu chính xác về Việt Nam, Uỷ ban chỉ tin theo những bằng chứng của các giáo sĩ thừa sai. Sự đối chiếu với thực tế sẽ cho người Pháp thấy giá trị của những bằng chứng đó. Thế nhưng, như chúng ta sẽ thấy, chính sách thuộc địa Pháp tại Việt Nam lại dựa trên những ý tưởng phần lớn là sai lầm ấy. Uỷ ban chia tay ngày 10 tháng 5 năm 1857 và các thỉnh nguyện được trình lên cho Hoàng đế. Hai tháng sau, ngày 16 tháng 7, vấn đề Việt Nam được đưa ra lần đầu tiên trước Hội đồng Bộ trưởng. Thái độ của các bộ trưởng của Napoléon III ra sao? III. THÁI ĐỘ CỦA CHÍNH PHỦ PHÁP Trước khi Uỷ ban Nam kỳ nhóm họp, đề nghị của linh mục Huc được Bộ Ngoại giao nghiên cứu kỹ lưỡng. Một bản luận cương về vấn đề này được soạn thảo, và tác giả tỏ ra đặc biệt không tán thành các cuộc viễn chinh xa xôi và việc lập thuộc địa mới[103]. A. Bản luận cương của Bộ Ngoại giao Trước tiên, bản luận cương bác bỏ mọi quả quyết của linh mục Huc về quyền của Pháp đòi thi hành hiệp ước 1787. Về vấn đề này, bản trần tình phân biệt rõ giữa hành động cá nhân của giám mục Bá Đa Lộc và sự giúp đỡ chính thức mà Pháp chưa hề thực hiện. Vì không viện dẫn quyền ra được, nên sẽ phải dùng đến sức mạnh và “muốn chiếm các phần đất của xứ Nam kỳ bằng vũ lực, thì đó là chiến tranh chống Nam kỳ, một cuộc chiến phi nghĩa và có lẽ sẽ kéo dài sau khi chiếm được Đà Nẵng và có thể kéo chúng ta vào một chuỗi hành động khó khăn cùng với những chi phí rất tốn kém ở một vùng đất quá xa xôi như thế”. Mặt khác, bản luận cương cũng không tán thành việc chiếm Đà Nẵng, vì cảng này không có lợi ích gì cả trên bình diện chiến lược cũng như thuộc địa. Trên bình diện chiến lược, khi muốn kiến tạo các cơ sở xa xôi như thế, thì việc kiến tạo phải gắn liền với một tư tưởng tổng thể, với một hệ thống các cứ điểm hàng hải và thuộc địa để có thể vừa làm chỗ dựa vừa làm liên kết. “Vậy mà, một khi chiếc Ile de France không còn nữa, Đà Nẵng trong tay người Pháp chỉ là một đồn cô lập, khó bảo vệ và có thể còn khó duy trì hơn nữa, vì không thể nhận được chỗ dựa cùng sự bảo vệ của Bourbon, hay của Pondichéry, nhất là khi có chiến tranh trên biển. Bởi vậy, việc chiếm đóng Đà Nẵng chỉ là nguồn gốc của những bối rối và nguy hiểm vì nó sẽ phân chia và làm suy yếu lực lượng Hải quân Pháp, do chỗ phải xây dựng tại đó các căn cứ để giữ an ninh cho những cơ sở của chúng ta”. Trên bình diện thuộc địa, việc chiếm đóng Đà Nẵng có nguy cơ đem đến cho Pháp những thất vọng tai hại và đáng tiếc. Về điểm này, tác giả bản luận cương trưng ra một công văn đề ngày 20 tháng 7 năm 1788 của Conway, Toàn quyền tại Pondichéry, gởi cho Thống chế De Castres, Bộ trưởng Hải quân, trong đó Conway mô tả Đà Nẵng như là một xứ nghèo nàn khốn khổ, không sản xuất được gì cả, có lẽ ngoại trừ gạo, “một ốc đảo vắng vẻ bên cạnh một lục địa hoang vu”. Về mặt ngoại thương của Nam kỳ, Conway phát biểu rằng “hầu như nó hoàn toàn nằm trong tay người Trung Hoa”, một nhóm dân siêng năng, tằn tiện, khéo léo, người Pháp khó mà cạnh tranh nổi. Vì thương mại của Pháp ở Nam kỳ gần như không có gì cả, và nhất là thiếu những yếu tố thích đáng để sinh sôi nẩy nở, tương lai thuộc địa ở đó chỉ có thể là “rất đáng ngờ”. Tác giả bản luận cương đề nghị những gì? Điều cốt yếu là đừng tạo ảo tưởng về thương mại Pháp ở Viễn Đông: “Ở Viễn Đông, chúng ta chỉ có những quyền lợi rất bé nhỏ so với những quyền lợi của nước Anh, người làm chủ Ấn Độ và nhiều thuộc địa quan trọng khác, của Hà Lan, người làm chủ Java, và của Hoa Kỳ mà thương mại với Trung Quốc đã và đang ngày càng bành trướng mạnh. Tại đó chúng ta chỉ có thể có một vị thế tương xứng với sự thấp yếu đó: mọi ảo tưởng về vấn đề này có thể đem lại những nguy hại”. Nếu Pháp không có những quyền lợi thương mại đáng kể ở Viễn Đông, vậy Pháp có thể đóng vai trò gì trong các vùng biển Hoa Nam? “Hiện giờ, sứ mệnh của chúng ta thu gọn trong vai trò quan sát kỹ lưỡng những biến cố sắp xảy ra, bảo vệ tích cực cho tôn giáo và nhân loại, tạo ảnh hưởng văn minh - vì đó vốn là nhiệm vụ của nước Pháp - giám sát việc thi hành các hiệp ước đã hiện hữu và, trong mức độ có thể, khuyến khích những thử nghiệm yếu đuối và rụt rè của ngành thương mại của chúng ta cùng với tất cả những gì có thể cải thiện tình trạng đó tại các vùng xa xôi”. Phái bộ Pháp tại Trung Quốc, các tòa lãnh sự và các căn cứ hải quân Pháp đủ để làm các công việc này rồi. Tóm lại, tác giả bản luận cương chỉ làm theo chính sách mà nền ngoại giao Pháp đương thời đã ấn định, chính sách này xem các vấn đề thuộc địa ở Viễn Đông chỉ là thứ yếu, thậm chí vô nghĩa, đối với các vấn đề chính trị ở châu Âu. Vấn đề kinh tế không làm bận tâm đến những người trách nhiệm của nền ngoại giao Pháp; chỉ có châu Âu mới đáng cho họ chú ý. Vì thế, tác giả bản trần tình bác bỏ các gợi ý của linh mục Huc, cho rằng các gợi ý này “không thể chấp nhận được trên mặt pháp lý và hiệp ước, cũng như ở mặt lợi ích và còn khó chấp nhận hơn nữa về mặt cần thiết”. Theo tác giả, người Pháp đã có khá nhiều vấn đề và công việc ở châu Âu, ở cận Đông, ở châu Mỹ, ở Algérie để còn nghĩ đến việc lao mình vào những phiêu lưu khác, vào việc tạo ra “từ tay mình, giữa các vùng biển Ấn Độ và Trung Quốc, các nguồn lo âu và rắc rối mới cho Pháp”. Chúng ta không biết quan điểm riêng của Bộ trưởng Ngoại giao về bản luận cương. Nhưng chúng ta không thể không lưu ý đến chỗ bổ ích của tài liệu ấy, vì nó phản ánh trung thực chính sách chung của Bộ Ngoại giao thời đó; chính sách này không ưa những cuộc viễn chinh chiếm thuộc địa xa xôi. B. Thái độ của các bộ trưởng của Napoléon III Về điểm này, có một bức thư rất đáng chú ý, của Quận công Walewski đệ lên Napoléon III, đề ngày 16 tháng 7 năm 1857, trong đó Bộ trưởng Ngoại giao tường trình cho Hoàng đế kết quả cuộc thảo luận của Nội các trên vấn đề Việt Nam[104]. Ngay trong câu đầu, Walewski cho biết rằng “vấn đề Nam kỳ đã không được sự tán thành” nơi các đồng sự của ông. Bộ trưởng Tài chánh xác nhận ông ta không biết gì về Nam kỳ, không biết Nam kỳ ở đâu, và tuyên bố ngay là ông không tán thành khoản chi 6 triệu. Một bộ trưởng khác khuyên đừng lưu ý những mẩu chuyện được kể bởi những thủy thủ và những giáo sĩ thừa sai: những gì họ tường thuật, ông nói, “không hiểu theo nghĩa thông thường được”. Một bộ trưởng khác còn đánh giá “dự án ấy như một kế hoạch xuất ra từ bộ óc của những thừa sai và che đậy mưu đồ tối tăm của ‘chủ nghĩa Dòng Tên’ (jésuitisme)”, trong khi đồng sự của ông bên Bộ Tôn giáo thì “vội vã minh oan là không dính líu đến mọi sáng kiến và cả mọi đồng lõa trong một vấn đề có thể đụng chạm đến quyền lợi của Giáo hội”. Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, Đô đốc Hamelin, còn tỏ ra hoài nghi hơn, không tin rằng công việc có thể đem lại lợi ích trên bình diện kinh tế. Nam kỳ sẽ tạo thành một nơi tiêu thụ cho sản phẩm kỹ nghệ của chúng ta chăng? Vâng, “cho vàng của chúng ta”, ông trả lời một cách giễu cợt. Cuối cùng, Walewski lưu ý Hội đồng Bộ trưởng về ý tưởng mà Napoléon III đã “cân nhắc kỹ”: đây không phải là “sự chuẩn bị lớn lao nhằm hoàn thành một kế hoạch chinh phục đã được quyết định dứt khoát, nhưng là một cuộc viễn chinh tương đối nhỏ mà người chỉ huy nhận những chỉ thị co giãn cho phép hành động tùy theo hoàn cảnh và, nếu các tin tức không đúng sự thật, thì chỉ giới hạn trong việc đánh chiếm Đà Nẵng để đòi thực hiện những yêu sách của chúng ta và các bảo đảm cho tương lai”. Thư của Walewski cho chúng ta biết nhiều điều. Trước hết, việc can thiệp vào Việt Nam đã được quyết định rồi, vào lúc đó. Thứ hai, chính Napoléon III đã quyết định; ông đưa vấn đề ra trước các bộ trưởng, không phải để hỏi ý kiến của họ, mà chỉ để báo cho họ biết quyết định và ý nghĩ của ông. Thứ ba, ông có vẻ không có một ý định thuần túy thuộc địa. Bởi vì các thừa sai cầu viện ông, bởi vì chiến hạm của Rigault de Genouilly lúc đó đóng ở vùng biển Trung Quốc, không xa Việt Nam, bởi vì phải làm một hành động gì đó, thế thì phải biểu dương lực lượng hải quân trước Đà Nẵng; hạ hồi thế nào sẽ tính sau. Trước mắt các bộ trưởng,“vấn đề Nam kỳ” là việc cá nhân của Hoàng đế, là liên quan đến quyền lợi của Gia Tô giáo hơn là quyền lợi thuộc địa. Vấn đề này lệ thuộc ý muốn riêng của Hoàng đế; trước ý muốn đó, họ phải nghiêng mình. Cuộc viễn chinh đã được quyết định, chỉ còn vấn đề thực hiện. Ngày 25 tháng 11 năm 1857, phó Đô đốc Rigault de Genouilly, chỉ huy trưởng các căn cứ hải quân Pháp trên các vùng biển Hoa Nam, nhận được các chỉ thị đầu tiên của Bộ trưởng. IV. CÁC CHỈ THỊ CỦA ĐÔ ĐỐC RIGAULT DE GENOUILLY Chỉ huy trưởng cuộc viễn chinh có hai mục tiêu: đòi chính phủ Việt Nam thực hiện những yêu sách về vấn đề con chiên, và lập các quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Nếu các chỉ thị cho mục tiêu đầu minh bạch và rõ ràng, thì các chỉ thị cho mục tiêu sau lại co giãn. Trung thành với ý muốn của Napoléon III, Đô đốc Hamelin chỉ đưa ra hai giải pháp mà Rigault de Genouilly sẽ lựa chọn tùy tình thế. A. Yêu sách về vấn đề con chiên “Đô đốc, Ý của Hoàng thượng là muốn chấm dứt sự đàn áp cứ tái diễn không dứt đối với con chiên ở nước Nam kỳ, và bảo đảm cho họ bằng sự che chở hữu hiệu của Pháp”[105]. Công văn của Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa gởi Đô đốc Rigault de Genouilly mở đầu như thế. Rigault được lệnh “chiếm ngay Đà Nẵng và đóng giữ vững chắc ở đó”. Công văn chỉ nói đến lý do tôn giáo của cuộc viễn chinh, các lý do khác được trình bày trong một mật thư được gởi cùng ngày bởi Bộ trưởng Ngoại giao cho đồng sự của ông ở Bộ Hải quân, với một bản sao gởi cho Rigault cùng với các biên bản của Uỷ ban Nam kỳ. Theo mật thư này[106], Rigault phải khiển trách chính phủ Việt Nam đã không tôn trọng các cam kết ký trong hiệp ước năm 1787 qua việc đàn áp những giáo sĩ thừa sai và khước từ việc thiết lập với Pháp “các quan hệ hữu nghị và thương mại”. Trong tình cảnh đó, Nước Pháp buộc phải can thiệp để “bảo đảm quyền lợi của mình và quyền của văn minh”. B. Tính co giãn của các chỉ thị về chế độ thuộc địa sẽ thiết lập tại Việt Nam Chiếm Đà Nẵng xong, Rigault nghiên cứu kỹ mọi nguồn tin cần thiết và cân nhắc giữa những kết quả quan trọng có thể đạt được và những hy sinh có thể gặp phải, những vận may có thể nắm được, để lựa chọn một trong hai giải pháp: hoặc là thiết lập chế độ bảo hộ, hoặc chỉ ký kết một hiệp ước hữu nghị và thương mại với các điều khoản đặc biệt bảo đảm an ninh tương lai cho những thừa sai. Trong cả hai trường hợp, “Hoàng thượng muốn để toàn quyền” cho Đô đốc hoặc lựa chọn hình thức bảo hộ nào đó mà ông thấy thích hợp nhất, hoặc ấn định các điều khoản cho hiệp ước sẽ ký kết với chính phủ Việt Nam, miễn là “không hy sinh các điều khoản bắt buộc phải có về phát triển thương mại và an ninh của những thừa sai của chúng ta”. Dù thế nào, vẫn phải giữ Đà Nẵng để làm bảo đảm. Có hai nhận xét về các chỉ thị này. Trước hết, chúng xác nhận điều mà Walewski đã giải thích trước Hội đồng Bộ trưởng: các mục đích của cuộc viễn chinh không được ấn định một cách chính xác, mà tùy theo tình thế và sự xét đoán của viên chỉ huy. Thứ hai, Napoléon III đã để bị lôi cuốn vào một cuộc viễn chinh mà ông không thấy rõ đoạn kết. Thật vậy, làm sao không thấy trước rằng chỉ mỗi việc chiếm đóng Đà Nẵng đã có thể kéo nước Pháp vào những hành động có tầm vóc to lớn hơn nhiều? Làm sao có thể tưởng tượng được rằng với một đoàn quân viễn chinh 1.200 người[107], người ta có thể áp đặt chế độ bảo hộ trên một dân tộc 20 triệu? Đành rằng, với một quân số như thế, Rigault có thể chiếm Đà Nẵng, nhưng việc lập chế độ bảo hộ khiến nước Pháp phải dấn thân nhiều hơn là Napoléon III nghĩ. Tất cả những điều đó cho thấy đến mức nào Chính phủ Pháp đã chịu ảnh hưởng của những khẳng định đến từ phía các thừa sai. Về điểm này, cần lưu ý rằng chính Rigault de Genouilly đã cảnh giác Bộ Ngoại giao về mối nguy hiểm của việc cả tin nơi sự tuyên truyền của các giáo sĩ ấy. Trong một thư đề ngày 24 tháng 6 năm 1857 gởi cho De Lesseps, Giám đốc Cục Chính trị, ông viết: “Ở đây, tôi có nhiều tin cho biết rằng các thừa sai tại Nam kỳ sẽ vận động tại Paris nhằm tiến hành một cuộc viễn chinh chống Vương quốc An Nam. Thói quen của những thừa sai là trình bày việc gì cũng dễ dàng, và chính bằng cách ấy họ đã đẩy ông Lapierre vào một viễn chinh mà kết quả chẳng có gì khác hơn là lố bịch. Vậy, nếu muốn làm gì về phía này, cần phải quyết định đi đến cùng, và chính phủ nên biết rằng mình không đủ lực lượng để hàng phục chính phủ Nam kỳ, không phải thiếu hải quân mà thiếu bộ binh”. Theo Rigault, ít nhất phải có “1.000 lính thủy đánh bộ, 2 đại đội pháo binh và 1 đại đội công binh để chiếm Đà Nẵng, các đồn lũy của nó và giữ tất cả cho đến khi chính phủ ở Huế đầu hàng. Hoặc phải làm như vậy, hoặc là chúng ta lao mình vào những hành động có thể không lấy gì làm vinh dự và không kết quả”. Để kết luận, Đô đốc không quên nói thêm rằng ông ta phát biểu dựa trên nhận xét tại chỗ vì chính ông cũng đã tham gia cuộc viễn chinh của Lapierre năm 1847[108]. Từ tất cả những gì trình bày ở trên, rõ ràng đối với Napoléon III ‘việc Nam kỳ’ trước hết là việc Gia Tô giáo. Tất nhiên tham vọng thuộc địa không phải không có trong đầu ông, nhưng đó không phải là mục đích chính, các ý tưởng của ông hết sức mập mờ về điểm này. Khi ban lệnh viễn chinh Đà Nẵng, ông muốn giải quyết trước hết vấn đề Gia Tô giáo đang làm ông bận tâm; vấn đề kia - thiết lập nền bảo hộ - chỉ là phụ thuộc và sẽ được giải quyết tại chỗ tùy theo tình hình. V. TÍNH CÁCH TÔN GIÁO TRONG CUỘC TIẾN CHIẾM ĐÀ NẴNG Cuộc viễn chinh Đà Nẵng vì thế mang tính cách chủ yếu là tôn giáo; đó cũng là quan điểm của Đô đốc Rigault, của Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, và của chính phủ Tây Ban Nha. Đó cũng là quan điểm chính thức của chính phủ Pháp. A. Quan điểm của Rigault de Genouilly Khi còn ở Trung Quốc, làm Chỉ huy trưởng căn cứ hải quân Pháp, Đô đốc Rigault de Genouilly đã tỏ ra nhiệt thành với chính sách ủng hộ những quyền lợi Gia Tô giáo ở Viễn Đông. Ngày 27 tháng 6 năm 1857, ông có viết thư cho Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa để trình bày ý kiến đó: “Ông Gros[109] sẽ tìm thấy nơi ông Keying những thuận lợi lớn hơn nơi bất cứ nhà thương thuyết Trung Quốc nào khác để bảo tồn quyền lợi của những thừa sai tại Trung Quốc và chắc chắn đó là một trong các quyền lợi quan trọng nhất của nước ta ở vùng này. Thật vậy, nếu trước hết các thừa sai Gia Tô người Pháp làm công việc truyền giáo, thì họ cũng truyền bá thanh danh và tiếng tăm của nước Pháp trong vùng Viễn Đông này, họ làm cho vùng này biết đến sức mạnh và sự vĩ đại của nước Pháp, danh vọng của Hoàng đế đang trị vì và mở ra cho nước chúng ta các phương tiện ảnh hưởng mà tương lai sẽ chứng minh tầm quan trọng và giá trị”[110]. Tận tụy với các phái bộ thừa sai và với quyền lợi Gia Tô giáo[111], Rigault de Genouilly đã nhiều lần kêu gọi Bộ trưởng Hải quân chú ý đến “sự đàn áp rộng lớn những giáo dân ở Bắc kỳ”, đến những thỉnh cầu của các thừa sai tại Bắc kỳ, nhất là của giám mục Retord mà ý kiến được Rigault hoàn toàn ủng hộ. Bởi thế, ngày 8 tháng 9 năm 1857, vào lúc tàu Catinat được phái tới Bắc kỳ để cứu giám mục Diaz, người Tây Ban Nha, bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án tử hình vì xâm phạm luật pháp trong xứ, ông đã viết cho Bộ trưởng: “Tình thế rất cấp bách, việc giải thoát một giám mục Gia Tô, thuộc một quốc tịch khác và đáp ứng rất tốt danh hiệu Người Bảo Vệ các Giáo dân ở Viễn Đông được dành cho Hoàng đế Napoléon III, đến nỗi tôi không do dự lập tức ra lệnh cho chiếc Catinat sẵn sàng đi đến vịnh Bắc kỳ... Tôi không biết Bá tước Gros, người chắc chắn có sứ mệnh đòi quyền bất khả xâm phạm cho các thừa sai và các con chiên Gia Tô ở Đế quốc Trung Hoa, có được trao quyền để chăm sóc các thừa sai và các giáo dân ở Nam kỳ không. Nếu chưa có thì, theo tôi, cần phải trao quyền đó cho ông ta ngay. Hoàng đế được tín đồ Gia Tô và Tin Lành đồng thanh thừa nhận là Người Bảo Hộ giáo dân Gia Tô ở vùng Viễn Đông này, cũng như Vua Louis XIV trước kia được xem là người bảo trợ giáo dân ở vùng Cận Đông”[112]. Theo Đô đốc, nước Pháp không thể khước từ địa vị ‘người bảo vệ những quyền lợi Gia Tô giáo’ và không thể trốn tránh các nghĩa vụ sinh ra từ đó: vậy phải chấm dứt các đàn áp chống lại tín đồ đạo Gia Tô - các đàn áp đã tạo nên một tình trạng mà Pháp không thể tha thứ được vì nó làm thương tổn phẩm cách và quyền lợi chính trị của Pháp - bằng cách thương thuyết với triều đình An Nam; các thương thuyết này cần phải được đi trước bằng một trận tấn công vào Đà Nẵng “vì đó là cách duy nhất để các thương thuyết được người ta nghe và được kết quả”[113]. Đô đốc Rigault tỏ ra không tán thành kế hoạch xâm chiếm Bắc kỳ do các thừa sai đề nghị; ông ta cũng không nghĩ đến việc thay triều đại đang trị vì bằng một triều đại Gia Tô giáo: theo ông, các hành động như vậy sẽ rất tai hại cho Gia Tô giáo ở toàn vùng Viễn Đông, giải pháp xác đáng cho tình hình nằm “trong một hiệp ước với Nam kỳ bảo đảm tự do của Gia Tô giáo và sinh mạng của các thừa sai người Âu, phỏng theo hiệp ước mà Bá tước Gros sắp ký kết với chính phủ Trung Quốc”. Hiệp ước đó được áp đặt bằng sức mạnh và sẽ được duy trì bằng sức mạnh; nhưng với một mục tiêu xác định như thế, sức mạnh này có thể vừa phải thôi: 1.200 hoặc 1.500 binh lính có lẽ đủ để đánh chiếm Đà Nẵng[114]. Như thế, trước khi nhận các chỉ thị đầu tiên, Rigault de Genouilly không hề nghĩ đến một kế hoạch thuộc địa hóa Việt Nam. Trong đầu của ông, cũng như của Bourboulon, Công sứ Pháp tại Macao, đây chỉ là sự bảo hộ tôn giáo chứ không phải chiếm cứ thuộc địa[115]. Và cả sau khi nhận các chỉ thị, quan điểm của ông có vẻ cũng không thay đổi mấy. Khi Bộ trưởng Hải quân báo cho ông sự tham gia của Tây Ban Nha vào cuộc viễn chinh Đà Nẵng, ông không che đậy sự bất tán thành của ông: “Theo tôi, sự trợ giúp trực tiếp của Tây Ban Nha, ví thử quan trọng đi nữa, cũng không đáng mong muốn; chỉ một lá cờ phải xuất hiện ở Nam kỳ: cờ của chúng ta. Việc liên minh sẽ làm giảm sút địa vị ‘Người Bảo Hộ Gia Tô giáo’ vốn chủ yếu và độc nhất thuộc Hoàng đế Napoléon III, và chỉ có khí giới của Hoàng đế mới được dùng để đạt được những yêu sách cho mọi con chiên dù thuộc quốc tịch nào”[116]. Hoặc là: “Nếu bàn tay mạnh mẽ của Hoàng đế bảo trợ quyền lợi của Gia Tô giáo ở đây thì, trong trường hợp đó, theo tôi, chính bàn tay nhân từ của Hoàng hậu sẽ làm dịu bớt nỗi thống khổ của những giáo hữu của chúng ta...”[117]. Ngoài ra, ông còn thú nhận, trong văn thư đề ngày 26 tháng 1 năm 1858, rằng vấn đề bảo hộ đòi hỏi được nghiên cứu kỹ càng và công việc hằng ngày ở Trung Quốc không cho phép ông bước vào việc nghiên cứu này được[118]. Trong văn thư ngày 29 tháng 1 năm 1859, ông xác nhận lại quan điểm của ông, là: “Mục đích [của cuộc viễn chinh] chính yếu là tôn giáo”[119]. B. Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa và luận cứ chính thức của Chính phủ Pháp Trong các văn thư ngày 26 tháng 2 và 25 tháng 3 năm 1857, Đô đốc Rigault tỏ ra ít tán thành sự trợ giúp của Tây Ban Nha và muốn rằng chỉ Pháp mở cuộc viễn chinh Đà Nẵng, để khỏi chia phần với Tây Ban Nha về các nhượng địa mà sau này triều đình Huế sẽ phải chấp nhận. Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa đã bác bỏ đề nghị đó. Trong một báo cáo gởi lên Napoléon III, Đô đốc Hamelin viết: “Viên tướng lãnh này, mà tôi đánh giá cao về tài quân sự, rất ít biết tiết kiệm công quỹ, và tôi tin chắc rằng ông ta sẽ không biết dè sẻn một khi được trao quyền tự kiếm lấy phương tiện, về người hay về vật chất, mà ông ta cần để hành động chống Nam kỳ. Một quyền hạn rộng rãi như thế sẽ có thể khiến ông ta vượt quá ý định của Hoàng thượng và sẽ gợi cho ông ta ý tưởng chinh phục Vương quốc An Nam bằng mọi giá”[120]. Báo cáo này đưa ra hai nhận xét. Thứ nhất, Hamelin chống một cuộc viễn chinh tốn kém, do đó chống một cuộc viễn chinh chinh phục. Thứ hai, ông ta không muốn đi quá xa trong vụ Nam kỳ và đã diễn giải các ý định của Napoléon III theo chiều hướng đó. Được giao phó trách nhiệm thực hiện ý định của Hoàng đế, ông phải được xem là biết rõ các ý định ấy. Vì vậy, quyết định liên minh với Tây Ban Nha thật có ý nghĩa lớn về điểm này: nó cho thấy rằng bận tâm tôn giáo đứng lên trên hết mọi bận tâm khác; Tây Ban Nha chỉ chống chính phủ Việt Nam vì những duyên cớ thuộc lãnh vực đó. Luận cứ do báo chí chính quyền đưa ra cũng xác nhận quan điểm ấy. Tờ Le Moniteur Universel trình bày vụ Nam kỳ như là một can thiệp nhằm đòi hỏi sự khoan dung tôn giáo và bắt buộc bồi thường những xúc phạm đối với những đại diện của Pháp[121]. “Chính phủ của Hoàng đế không thể cho phép việc các đề nghị của mình bị bác bỏ một cách khinh mạn như thế cũng như việc quan tâm ưu ái lại là nguyên nhân của đàn áp”. Khi lấy một cam kết long trọng như vậy đối với người Gia Tô, chính phủ Pháp lao mình vào cuộc phiêu lưu mà họ không đo lường được tầm mức to lớn cũng như không tiên liệu trước những hậu quả. C. Quan điểm của chính phủ Tây Ban Nha Ngày 1 tháng 12 năm 1857, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp chỉ thị cho Đại sứ của ông ở Tây Ban Nha, ông Turgot, hỏi xem chính phủ Tây Ban Nha có sẵn sàng góp sức với Pháp hay không trong mục tiêu ngăn ngừa sự tái diễn ‘những thảm họa’ giống như cái chết của giám mục Diaz, công dân Tây Ban Nha. Chính phủ Tây Ban Nha, đang có nhiều bộ binh ở Phi Luật Tân, vội vã chấp nhận đề nghị này, chẳng cần trao đổi với Pháp, trước cũng như sau cuộc viễn chinh, về cái giá mà Pháp phải trả cho sự trợ giúp của họ. Thái độ này khiến ta nhận định rằng dưới mắt chính phủ Tây Ban Nha, cuộc viễn chinh Đà Nẵng là một biểu dương lực lượng nhằm ủng hộ Gia Tô giáo mà chính Tây Ban Nha cũng là người bảo vệ hăng hái. Ghi chú sau đây của Bộ Ngoại giao xác nhận quan điểm này: “Trên nguyên tắc, chúng ta chỉ đề nghị Tây Ban Nha hợp tác vào cuộc viễn chinh bởi vì thừa sai bị sát hại là người Tây Ban Nha; mặt khác, vì lúc ấy ta không biết là cuộc viễn chinh sẽ kết thúc bằng một hiệp ước với Nam kỳ hay bằng sự chiếm cứ hẳn một phần lãnh thổ của xứ này, nên có lẽ ta đã giả thuyết rằng chính phủ Tây Ban Nha như thế là đã thỏa mãn rồi vì khí giới của họ đã mang lại vinh dự cho một cuộc viễn chinh được thực hiện trong sự hợp tác với chúng ta”[122]. Đó cũng là giải thích chính thức của Tây Ban Nha. Thật vậy, Công báo Phi Luật Tân ngày 1 tháng 10 năm 1858 công bố một bức thư gởi từ Đà Nẵng của một người Tây Ban Nha vào hàng quan trọng nhất trong cuộc viễn chinh liên minh, trong đó ta lưu ý đoạn này: “Ngài biết rằng cuộc viễn chinh Nam kỳ, đối với Tây Ban Nha, là một vấn đề thuần túy Gia Tô giáo... một chiến dịch được thực hiện với mục đích duy nhất [của Nữ hoàng chúng ta] là bảo đảm tự do truyền giáo và sinh mạng của những thừa sai nhiệt thành của Nữ Hoàng”[123]. Đại sứ Tây Ban Nha tại Paris cũng viết trong thư đề ngày 4 tháng 11 năm 1862: “Vào lúc quyết định cuộc viễn chinh này, chính phủ của Nữ hoàng chúng tôi nhắm trước mắt hai mục tiêu chính: hợp tác để góp phần trong việc bành trướng nền văn minh cùng ánh sáng Phúc âm tại Nam kỳ, đồng thời lấy làm vui mừng được trợ giúp chính phủ của Hoàng đế trong công cuộc này”[124]. Như vậy, Rigault de Genouilly lên đường đến “Nam kỳ” - nghĩa là Việt Nam - với sứ mệnh chính là bảo vệ, bằng đại bác và tàu chiến, sự truyền giáo của các thừa sai và mang ánh sáng văn minh đến cho dân tộc Việt Nam. Nhân dịp này ông thăm dò khả năng thiết lập một chế độ bảo hộ, nhưng đó chỉ là một mục tiêu hoàn toàn thứ yếu. CHƯƠNG II: MẤT NAM KỲ VÀ THỪA NHẬN GIA TÔ GIÁO Đà Nẵng bị chiếm ngày 1 tháng 9 năm 1858, nhưng cuộc viễn chinh Đà Nẵng cho thấy ngay đây là một thất bại chính trị và quân sự. Quân đội Việt Nam kháng cự quyết liệt. Huế không chịu để bị uy hiếp và thương thuyết trong các điều kiện bất lợi như vậy. Đóng đô vĩnh viễn tại địa điểm này, trên bờ biển Việt Nam, là điều không thể quan niệm được; tiến quân ra Huế thì quá bất trắc vì không đủ phương tiện và tin tức chính xác về Kinh đô; bệnh tật làm hao mòn quân đội Pháp. Thất vọng bởi những thừa sai và thức tỉnh trước tình thế, Đô đốc Rigault de Genouilly bèn xoay qua một hướng mới: nhắm đến cảng Sài Gòn ở phía Nam, cảng này bị chiếm ngày 18 tháng 2 năm 1859. Nếu cuộc viễn chinh Đà Nẵng được quyết định bởi mối bận tâm tôn giáo, thì việc chiếm Sài Gòn là do tầm quan trọng thương mại của cảng. Vì thế nó không mấy dính líu đến việc bảo vệ tín đồ Gia Tô giáo. Và việc cải thiện số phận các giáo sĩ thừa sai, lý do chính thức của vụ tấn công Đà Nẵng, được hoãn lại đến một ngày tốt đẹp hơn; tháng 3 năm 1860, quân Pháp cũng rút khỏi Đà Nẵng. Biện pháp này gặp sự chống đối của các thừa sai; họ chủ trương một kế hoạch tấn công khác và họ tức giận khi thấy mục đích khởi đầu của cuộc viễn chinh bị đẩy xuống hàng thứ yếu ngay khi miếng mồi thuộc địa vừa mới xuất hiện. Thế là bắt đầu cuộc tranh chấp thường xuyên giữa lợi ích thuộc địa và lợi ích tôn giáo, giữa chính sách thuộc địa và chính sách của những thừa sai - một cuộc tranh chấp không phải là trầm trọng và không giải quyết được, song nó cũng làm nổi bật vai trò cùng các bận tâm chính trị của những người thường quên đi việc phải trả lại cho Caesar... Hiệp ước 1862 choàng vòng hoa vinh danh các cố gắng chiếm thuộc địa đầu tiên của các đô đốc, đồng thời mang lại một quà tặng đẹp cho Giáo hội Gia Tô: quyền tự do truyền giáo và hành đạo được chính thức thừa nhận. Nhưng Hiệp ước này, kết quả của một cuộc thương thuyết gian truân và lâu dài, không làm thỏa mãn ai cả: không làm thỏa mãn Triều đình Huế, dĩ nhiên, vì họ vừa ký hành động đầu hàng đầu tiên của họ; không làm thỏa mãn các đô đốc còn mơ đến cách đánh chiếm khác; cũng không làm thỏa mãn những giáo sĩ thừa sai muốn đánh bại mọi kế hoạch hòa bình với vua Tự Đức mà họ muốn lật đổ. Chính vì phải có thái độ đối với “tên chuyên chế bạo tàn” này, “tên đao phủ giết hại con chiên” này, mà sự liên kết giữa các đại diện của Hoàng đế và các đại diện của Giáo hội đôi khi bị vẩn đục trầm trọng. Chúng ta bắt đầu bằng sự thất bại Đà Nẵng. I. THẤT BẠI CHÍNH TRỊ VÀ QUÂN SỰ TRONG CUỘC VIỄN CHINH ĐÀ NẴNG Đô đốc Rigault de Genouilly đã cảnh giác Bộ Ngoại giao phải coi chừng sự tuyên truyền của các thừa sai, thì chính ông ta, do một trớ trêu của định mệnh, lại là nạn nhân của sự tuyên truyền đó. Kinh nghiệm đáng buồn về vụ Đà Nẵng làm ông mất hết tin tưởng nơi các khẳng định của những thừa sai, và gây ra một tranh chấp nặng nề giữa ông và giám mục Pellerin. A. Đô đốc Rigault de Genouilly vỡ mộng Tất cả các thừa sai đều khuyên tấn công Đà Nẵng. Theo giám mục Retord, chính phủ Việt Nam xem cảng này như là sinh tử cho việc bảo vệ xứ sở. Để làm bằng chứng, ông đã gởi cho Công tước Kleczkowski, người được Đô đốc Rigault phái đến Bắc kỳ vào tháng 9 năm 1857 để dò la tin tức về giám mục Diaz bị bắt giữ, một báo cáo của một viên tuần vũ đã dâng lên vua Tự Đức; trong ấy viên quan cao cấp này viết: “Mới đây [người Âu] đem tàu đến Đà Nẵng, họ giả vờ xin được tự do buôn bán, nhưng thật sự đó là cách để ngấm ngầm loan truyền các sai lầm ghê tởm mà họ muốn có. Họ không mấy quan tâm đến việc buôn bán, nhưng họ muốn dựa vào các cớ quí giá đó để dễ dàng vi phạm luật pháp nước ta... Nguy hiểm nằm trong vịnh Đà Nẵng; do tầm cỡ to lớn, vịnh này cho phép tàu bè qua lại dễ dàng và, nhờ có núi bao bọc, nó là chỗ neo tàu thích hợp để tránh sóng gió...”. Sau khi nhắc lại rằng việc phòng thủ Đà Nẵng còn quan trọng hơn nữa vì căn cứ này nằm sát Kinh đô, viên quan xác nhận vị trí Đà Nẵng là ‘chìa khóa của nước ta’.[125] Đô đốc Rigault vội vàng gởi báo cáo này và các ý kiến của giám mục Retord cho Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa. Trong văn thư ngày 4 tháng 10 năm 1857, ông viết: “Giám mục Retord cũng khuyên nên tấn công và chiếm Đà Nẵng... Đà Nẵng quả là chỗ neo tàu khá an toàn cả trong mùa gió đông-bắc; và vì nó gần Kinh đô Huế, việc chiếm đóng nó sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng trên chính quyền Đông dương. Áp lực này có lẽ sẽ buộc họ chấp nhận mọi điều kiện mà chúng ta xét là vừa phải để áp đặt lên họ. Thành phố Huế cũng không phải là không thể tấn công được mặc dù đã từng được các kỹ sư Pháp thường xuyên gia tăng củng cố, nhưng muốn tấn công Huế thì ngoài bộ binh còn cần thêm một số lớn pháo hạm”[126]. Lại nữa, người Pháp lên đường đến Đà Nẵng với hy vọng rằng người Việt Nam sẽ xem họ như những người giải phóng; họ tin rằng sẽ có một phong trào như thế trong quần chúng, và chỉ cần sự có mặt của người Pháp là đủ để đạt mục đích mong muốn[127]. Những chuyện như vậy chẳng hề diễn ra. Ngay từ các ngày đầu, người Việt Nam đã tạo một khoảng trống chung quanh người Pháp; cũng không thấy xuất hiện ‘đạo quân con chiên’ mà Rigault de Genouilly được hứa hẹn. Trái lại, không có một người Gia Tô nào đến nhập vào hàng ngũ người Pháp, và các lời cam kết cùng các hứa hẹn của những thừa sai, rằng một số giáo sĩ sẽ có mặt trong đoàn viễn chinh Pháp, đã không được chứng thực tí nào[128]. Về những người Việt Nam không phải Gia Tô, “chiếm tuyệt đại đa số trong đất nước này”, G. Aubaret, sĩ quan hải quân sau này thành cánh tay mặt của Đô đốc Bonard, thấy họ “quá kỷ luật, quá gắn chặt với phong tục, vì thế họ không thể lao mình vào cánh tay của những người mà ngay từ thuở ấu thơ họ đã xem là man rợ, và đằng khác lại chỉ làm họ ghê sợ hơn là thương mến.”[129] Triều đình Huế, rất an tâm về sự trung thành của dân chúng, chỉ thấy trong các hành động của người Pháp “một sự xâm lăng bất chính, không gì có thể biện minh.”[130] Và, dù Đà Nẵng và sau đó là Sài Gòn đã bị chiếm, họ vẫn không chịu gởi đại diện toàn quyền thực sự để thương thuyết mà chỉ khôn khéo phòng thủ, tự vệ. Là một tín đồ Gia Tô thành tín và rất ngoan đạo, đồng thời cũng là người bảo vệ nhiệt thành cho Gia Tô giáo tại Việt Nam, Aubaret không thể không phê phán nghiêm khắc các thừa sai: “Một số vị thừa sai, theo chúng tôi, đã sai lầm khi kêu gọi đến sức mạnh thô bạo để bảo vệ một lý lẽ mà sức mạnh chỉ gây thiệt hại rất lớn nếu không nói rằng nó làm mất tất cả. Phải nói rõ rằng họ đã sai lầm một cách kỳ lạ về tinh thần chính trị của một dân tộc mà, dù đã sống lâu năm, họ biết khá sai lạc”[131]. Rigault không nghĩ như Aubaret rằng những thừa sai đã thành thật trong sự sai lầm của họ. Ông tin chắc rằng chính phủ Pháp và chính ông đã bị họ cố ý đánh lừa. Trong công văn ngày 29 tháng 1 năm 1859, ông viết: “Chính phủ đã bị lừa về tính cách của việc thôn tính Nam kỳ; nó được trình bày như là một việc làm rất đơn giản, nhưng nó không đơn giản tí nào cả. Người ta nói với chính phủ về những tài nguyên không hề có, về sự sẵn sàng nơi người dân nhưng kỳ thực các sự sẵn sàng ấy khác hẳn với những gì được nói trước, về một quyền uy rã rời và suy yếu nơi hàng quan lại, nhưng kỳ thực uy quyền đó lại mạnh mẽ và kiên cường, về sự thiếu vắng quân đội, nhưng kỳ thực quân chính qui lại rất đông và quân tự vệ thì gồm tất cả những người khỏe mạnh trong dân chúng. Người ta ca tụng khí hậu tốt lành, nhưng kỳ thực, để vững tin điều này, chỉ cần nhìn gương mặt hốc hác và ốm teo của những thừa sai đã đến giữa chúng ta từ khắp các nơi trong xứ. Đà Nẵng không hơn gì Hồng Kông, mà Hồng Kông đã nổi tiếng là nơi độc địa. Tóm lại, khi đọc lại báo cáo của Uỷ ban Hỗn hợp, họp tại Bộ Ngoại giao, đối chiếu với thực tế đã xảy ra cho đến ngày hôm nay, chúng ta tin chắc rằng vấn đề được bao bọc bởi những xác quyết sai lầm, và người ta đã giấu giếm mọi khó khăn thực sự. Theo tôi, rõ ràng các đương sự muốn lôi kéo chính phủ, vì biết rằng một khi đã bị lôi cuốn thì chính phủ rất khó, nếu không nói là không thể, rút lui.”[132] Như thế, đoàn quân viễn chinh Pháp sa lầy ở Đà Nẵng. Trong ý nghĩ của Rigault de Genouilly, từ nay cảng này phải là một căn cứ của Pháp. Việc cấp bách nhất là bảo vệ nó. Họ sửa lại nhiều đồn lũy cũ và xây dựng thêm các đồn lũy mới; dựng các lô cốt, các doanh trại, các đồn lũy mới và một bệnh viện 200 giường. Nhưng quân lính Pháp không chịu nổi khí hậu nhiệt đới ở Đà Nẵng. Các công việc đó trở nên không kham nổi, vì trời thì mưa, mà quân lính, trú trong lều trại, phải dầm nước ngày đêm, ngủ trong bùn, đã mắc các dịch bệnh. Sự mệt nhọc và nóng bức đã đánh quỵ những người lính. Bệnh thổ tả, bệnh kiết lỵ, bệnh hoại huyết đã gây ra nhiều nạn nhân. Đô đốc trình bày tình trạng bi đát đó cho Bộ trưởng trong văn thư ngày 4 tháng 1 năm 1859: “...Thật vậy, tôi hết sức đau đớn xác nhận với Ngài sự tồi tệ của tình trạng sức khỏe chung. Thiếu tá Levêque, Trung úy Virot, Phó Kỹ sư Delautel đều đã đi Ma Cao và có lẽ phải đưa về Pháp. Tôi không biết phải làm thế nào lấp các lỗ trống ấy. Mỗi ngày lại có nhiều người chết, và thời tiết xấu, mà các thừa sai bảo là sẽ chấm dứt vào đầu tháng 12, vẫn tiếp tục với những trận mưa dầm dề không tưởng tượng nổi. Chỉ nội sự kiện đó, Ngài cũng nhận biết được giá trị của những tin tức đang đến với tôi về mặt này, và niềm tin mà tôi phó thác cho họ về các cuộc hành quân phải thực hiện. Nhưng dù thế nào đi nữa, thưa ngài Bộ trưởng, chúng ta đang nhanh chóng tuột dốc xuống đến tình trạng bất lực hoàn toàn và đến thời điểm phải bất động tại Đà Nẵng. Mọi phương cách nhằm cải thiện tình trạng của quân sĩ và thủy thủ đoàn đều đã được sử dụng và không hiệu quả. Các y sĩ, bị vật vã bởi bệnh tật, đã đi đến kết luận rằng người Âu châu không nên làm việc gì cả trong khí hậu này, nhưng như vậy thì làm sao thiết lập được ở đây sự phòng thủ, xây dựng bệnh viện, doanh trại v.v... Đó là cái vòng luẩn quẩn khiến chúng ta phải bể đầu”[133]. Trong một công văn khác, Đô đốc cho biết con số người chết thật đáng báo động, số người được đưa vào bệnh viện cũng quá nhiều, bệnh kiết lỵ vẫn còn nghiêm trọng, binh lính vẫn bị đe dọa bởi thời tiết xấu, chỉ còn lại các sĩ quan và những binh sĩ kiên cường: thật vậy, trên 800 bộ binh chỉ còn lại nhiều nhất 500 người có thể cầm được khí giới. Nếu phải bảo đảm việc phòng vệ Đà Nẵng, thì không còn gì, hay gần như không còn gì, để mở các cuộc hành quân quan trọng[134]. Trong tình trạng như thế, một cuộc tiến quân ra Huế, như các thừa sai nóng lòng chờ đợi, rõ ràng không thể thực hiện được. Người Pháp thiếu hẳn các phương tiện vận tải lương thực và đạn dược, đường sá thì không dùng được, và với khí hậu như thế, binh lính không thể làm cuộc tiến quân lớn để tấn công một cứ điểm đã được xây thành đắp lũy theo kiểu Âu châu, cần phải có trọng pháo lớn và chỉ có thể đến được bằng đường thủy[135]. Nhưng, theo lời của các hoa tiêu Gia Tô được giám mục Retord cung cấp[136], nếu như chắc chắn các pháo hạm có thể vượt chướng ngại để đến Huế, thì cũng không chắc chúng có thể vượt được lòng sông quá cạn để tấn công các đồn lũy được phòng thủ bằng những đại bác được chế tạo theo kiểu Âu châu. Muốn cho cuộc hành quân đánh Huế được ít nhiều bảo đảm thành công, cần phải có các pháo hạm với lòng thuyền cạn và một đoàn quân ít nhất 3.000 người. Nếu không có được các phương tiện đó, thì một cuộc viễn chinh Huế là điều không thể quan niệm được, và chính đó là cái gút của vấn đề[137]. Vậy phải làm sao để ra khỏi tình thế ấy? Người Pháp đã biết có một thành phố quan trọng ở miền Nam của xứ này vừa là vựa lúa vừa là trung tâm thương mại. Đó là Sài Gòn, thành đô của vùng Nam Nam bộ, một vùng đất cực kỳ trù phú với lúa là một trong các tài nguyên chính cho thu nhập của ngân quỹ nhà vua. Và người Pháp nghĩ rằng, chiếm được Sài Gòn, là có thể chấm dứt nguồn xuất khẩu lúa và thuế, điều này giáng một đòn ác liệt cho Triều đình Việt Nam, khuyến khích Cam Bốt nổi dậy chống Việt Nam và làm cho vua Xiêm nghe tiếng đại bác của Pháp rền vang[138]. Mặt khác, Sài Gòn lại nằm trên một con sông mà tàu chiến và tàu vận tải lưu thông được. Đổ bộ lên là quân đội gặp ngay điểm tấn công, không cần di động xa và không cần mang theo túi lương thực: cuộc hành quân hoàn toàn nằm trong phạm vi sức mạnh vật chất của họ. Ngoài ra, đánh vào Sài Gòn là có thể cắt đứt ngay sự xuất hiện có thể xảy ra của quân đội Anh trong vùng hoạt động của Pháp[139]. Thế là người Pháp quyết định hướng đến thành phố ấy. Quyết định này lập tức làm nổ ra cuộc cãi vã quyết liệt giữa Đô đốc Rigault de Genouilly và giám mục Pellerin. B. Cãi vã giữa Đô đốc Rigault de Genouilly và giám mục Pellerin Phần lớn các thừa sai đều chống việc chiếm Sài Gòn. Thật vậy, vấn đề thực sự của Gia Tô giáo không nằm ở miền Nam, nơi mà dân chúng không mấy tiếp thu sự truyên truyền của các thừa sai và nơi mà họ sống tương đối dễ dàng. Vấn đề thực sự là ở miền Bắc, nghèo nàn và bị xáo trộn bởi các cuộc nổi dậy của nông dân: chính tại đây, các thừa sai mơ ước lập một vương quốc Gia Tô độc lập. Nên, theo ý họ, nếu không đánh được Kinh đô Huế, thì phải chiếm Bắc kỳ. Người Tây Ban Nha tại Phi Luật Tân đã cho thấy rõ cách nhìn của họ trên Bắc kỳ, và các giáo sĩ Dòng Đa Minh Tây Ban Nha đã công khai tuyên bố việc chiếm xứ này là mục đích duy nhất quan trọng của cuộc viễn chinh[140]. Trước đề nghị của họ, Đô đốc Rigault phản bác rằng tình thế mà quân đội Pháp đang gặp phải không cho phép nghĩ tới các cuộc tiến quân; ngoài ra khí hậu và bệnh dịch tả ở Bắc kỳ còn khó chịu đựng hơn là ở Đà Nẵng[141]. Việc viễn chinh Sài Gòn làm thất vọng các thừa sai ở Bắc kỳ là điều dễ hiểu. Điều khiến chúng ta suy nghĩ chính là thái độ của giám mục Pellerin, mà địa phận nằm ngay tại miền Nam. Là người chủ trương quyết liệt cho cuộc tấn công vào Huế, vị giám mục này đã thỉnh nguyện đánh vào Sài Gòn, khi thấy việc đánh ra Huế là không thể thực hiện được. Nhưng ngay khi cuộc viễn chinh được quyết định, giám mục lại mở một chiến dịch chống cuộc viễn chinh này và chống Đô đốc Rigault. Theo Đô đốc, giám mục Pellerin đã bị linh mục Gaëntra, thủ lãnh của những thừa sai Tây Ban Nha, dẫn dắt: “Bị lung lạc bởi linh mục Gaëntra, người vốn chỉ mơ ước Bắc kỳ, và muốn diễn hành trong chiến thắng với màu cờ Tây Ban Nha ở đó, giám mục đã công khai tuyên truyền chống các kế hoạch và các quan điểm của Chỉ huy trưởng ngay trong các phòng của sĩ quan, bằng cách tuyên bố rằng tôi đã hiểu sai các ý định của Chính phủ, rằng ông ta là người thụ thác ý định của Chính phủ và rằng tôi phải tường trình về cách hành xử của mình. Tình hình găng đến nỗi suýt nữa tôi đã ra lệnh bắt giám mục Pellerin và dẫn độ ông ta đến Hồng Kông”. Là thông ngôn của đoàn quân viễn chinh do các đồng sự của ông giới thiệu, giám mục được yêu cầu rời khỏi quân đội. Đô đốc, bất bình, đã ghi lại giai đoạn đó bằng các lời lẽ như sau: “Sau nhiều lần thảo luận về cái gọi là nhiệm vụ chính trị của ông ta, các vị đồng sự này đã thuyết phục được ông và giám mục Pellerin đã đích thân đến xin phép tôi để trở về Hồng Kông. Và, vào lúc chúng tôi lên đường đi Sài Gòn, chiếc Prégent mang thư đi Hồng Kông, mang theo vị giám mục này, là người mà lời nói và thái độ chỉ gây cho chúng tôi những lộn xộn, rắc rối, người đã xen vào mọi âm mưu và không làm gì có ích cả, vì tất cả những gì ông ta nói, tuyên bố, hứa hẹn ở đây, cũng như trước Ủy ban họp ở Paris, đối chiếu với thực tế, cả với những sự việc tầm thường nhất như tính chất của khí hậu và thời hạn của mùa mưa hiện còn đang dai dẳng, cũng đều sai, luôn luôn sai. Tôi rất tiếc đã nói thế về một người mang màu áo tu sĩ, nhưng giám mục Pellerin không biết gì về ngay cả những vùng mà ông đã sống, hoặc ông ta đã cố tình mắc phải những sai lầm mà ông xét rằng có ích cho quyền lợi của ông, hoặc có thể là cả hai lỗi lầm ấy hội lại; và, vì thế, nhất thiết không thể tin tưởng để dùng ông ta, ngay cả việc làm thông dịch viên... giám mục Pellerin không hề muốn đứng bên cạnh các công việc, mà muốn xen vào trong công việc; ông ta lấn lướt đến độ dám thịnh nộ ép buộc tôi phải chấp nhận các kế hoạch hành quân”[142]. Đô đốc kết luận: nếu việc trục xuất giám mục Pellerin được tuyên bố bởi chính quyền Việt Nam với cùng những lý do buộc tội như vậy, chắc chắn báo chí thừa sai đã la hoảng lên khắp nơi về đàn áp tôn giáo, nhưng đó là việc hằng ngày của giám mục: “Xen lẫn thường xuyên và ngu xuẩn vào các công việc chính trị, dân sự và quân sự không thuộc và không thể thuộc phận sự của họ”[143]. Biến cố Pellerin, biến cố đầu tiên của cuộc viễn chinh, chỉ là một khó khăn trong nhiều khó khăn mà Rigault de Genouilly phải đối phó. Các yêu cầu đầy lo âu của ông về việc xin tăng viện vẫn không được trả lời; ông hết sức cay đắng về việc chính phủ Pháp tỏ ra dửng dưng trong vụ Nam kỳ. Thật vậy, lúc ấy Napoléon III đã tung quân đội Pháp vào chiến dịch ở Ý; đó là thời điểm trước các chiến trận Magenta và Solférino. Thay cho tăng viện, Rigault de Genouilly nhận được tin nước Pháp đã bước vào cuộc chiến chống nước Áo cùng với các chỉ thị bảo ông cố gắng tìm giải pháp hòa bình. Bị dồn vào thế bất lực, bị Paris bỏ quên, Đô đốc xin được triệu hồi về Pháp[144]. Nhưng đội quân Pháp ở Đà Nẵng không thể nằm mãi trong tình trạng chờ đợi. Sự chờ đợi một giải pháp dứt khoát càng kéo dài thì những khó khăn càng lớn dần[145]. Với một ít lực lượng trong tay, Rigault de Genouilly quyết định chiếm tức khắc thủ phủ của miền Nam. II. CHIẾM SÀI GÒN VÀ MỞ ĐẦU CÁC CUỘC THƯƠNG THUYẾT Dù được bảo vệ bởi nhiều đồn lũy và một thành trì đẹp đẽ, cùng với nhiều chướng ngại vật mà người Việt Nam dựng lên trên sông, Sài Gòn vẫn bị chiếm ngày 17 tháng 2 năm 1859, sau vài trận chiến khá dữ dội. Để lại một đoàn quân nhỏ bé chiếm giữ Sài Gòn, Rigault de Genouilly quay trở lại Đà Nẵng với hy vọng, nhờ tăng viện đã xin, có thể đánh một đòn quyết định vào kinh đô và sẽ đến thương thuyết ngay tại cung vua. Nhưng tình thế của các đội quân Pháp vẫn bi đát như trước, và có lúc Paris đã nghĩ đến việc rút toàn bộ khỏi Việt Nam, từ bỏ mọi tham vọng thuộc địa. Nhưng phía Việt Nam lại chấp nhận ngừng chiến, có lẽ với ý nghĩ là cứ kéo dài thương thuyết thì sự mệt nhọc và kiệt sức sẽ khiến người Pháp ra đi. Và thương thuyết diễn ra cực kỳ khó khăn: thừa sai chống đối mọi nỗ lực hòa bình của người Pháp, và Triều đình Huế thì không muốn chấp nhận các nhượng bộ cho thừa sai mà họ khinh bỉ. Giữa lúc đó, vào tháng 10 năm 1859, Đô đốc Rigault de Genouilly được Đô đốc Page thay thế. Từ 1859 đến 1862, có cả thảy 3 đô đốc nối tiếp nhau làm tư lệnh đoàn quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam. Tại Bộ Hải quân và Thuộc địa cũng có sự thay đổi quan trọng: Đô đốc Hamelin nhường chỗ cho Chasseloup-Laubat, người mà tên tuổi gắn liền với sự nghiệp thuộc địa Pháp tại Nam kỳ. Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu tình hình của các đội quân Pháp và chính sách của Paris, những khó khăn trong các thương thuyết và chính sách bành trướng thuộc địa của Chasseloup-Laubat. A. Tình hình các đội quân Pháp và chính sách của Paris Người Pháp kinh ngạc về thành phố mà họ vừa chiếm đóng. Trên quan điểm thuộc địa, “Sài Gòn sẽ trở thành trung tâm thương mại to lớn ngay khi con sông mang tên nó mở cửa cho người Âu châu. Xứ này thật là đẹp, giàu có về mọi sản phẩm: gạo, bông, đường, thuốc lá, gỗ xây dựng, thứ gì cũng nhiều, và vì con sông thông thương được với đồng bằng bên trong nhờ có nhiều sông rạch, nên nó có vô số tài nguyên để xuất khẩu”[146]. Sài Gòn, vì thế, quá quan trọng không thể bỏ được; nhưng các lực lượng Pháp lại quá ít ỏi để có thể chiếm trọn cả thành lẫn phố. Người Pháp đành chỉ củng cố và chiếm giữ đồn phía Nam, sau khi phá tung thành, đốt hủy sạch tất cả những gì trong đó. Binh lính Việt Nam rút về Kỳ Hòa trong đồng bằng bao quanh Sài Gòn và cách đó 6 cây số. Dân chúng lập tức thực hiện kế hoạch vườn không nhà trống, các quan văn võ đều biến mất, những đám cháy lớn tăng nhanh chung quanh vị trí người Pháp chiếm: Sài Gòn bỏ ngỏ, không có chính quyền. Triều đình Huế không còn nhân viên chính thức ở đó nữa, nhưng uy quyền vẫn được cảm thấy qua việc bất hợp tác của dân chúng. Dù Đô đốc, nhờ số tiền lấy được trong lúc chiếm thành, đã chịu mua với giá cao nhưng thực phẩm vẫn khan hiếm. Và dù “chúng ta được bao quanh bởi các làng Gia Tô giáo, đáng lẽ họ phải tỏ ra nồng nhiệt với chúng ta. Cứ qua kết quả thực tế mà xét thì sự nồng nhiệt đó không có: lại thêm một quả quyết sai lầm quanh vụ Nam kỳ... Chính phủ này không yếu, cũng không mất tổ chức như người ta thích trình bày”[147]. Về phần thừa sai, họ chỉ làm tăng thêm sự nghi ngại nơi Đô đốc. “Từ những gì giám mục Lefèbvre đã nói cho chúng tôi về thành Sài Gòn, về các đồn lũy của nó, về các chuẩn bị quân sự, về các quan lại và tinh thần của dân chúng, tôi có thể phê phán sự hiểu biết của những thừa sai của chúng ta về những gì không thuộc lãnh vực tôn giáo. Bất cứ việc gì mà căn cứ trên những dữ kiện do các vị ấy cung cấp đều là phiêu lưu; về ảnh hưởng của họ trên con chiên, tôi hoàn toàn có quyền không tin nữa”[148]. Bị cô lập như thế trong một góc và bị đe dọa trước sự tấn công bất thần đến từ Kỳ Hòa, quân Pháp trú phòng ở Sài Gòn dù mệt vẫn phải mở các cuộc hành quân chung quanh để tự vệ và để thiết lập quan hệ với một số dân chúng vẫn kháng cự tiêu cực. Ở Đà Nẵng, tình hình suy sụp nhanh chóng. Mọi hoạt động đều bị tê liệt bởi tình trạng tệ mạt của các tàu với các nồi xúp-de sắp hỏng[149]. Dịch tả và kiết lỵ tiếp tục gây hao tổn lớn trong đội quân Pháp: chỉ từ 15 đến 26 tháng 6 gần 80 người gục ngã[150]. Bệnh tật không chừa cả các y sĩ và các bác sĩ giải phẫu, và sự thiếu hụt nhân sự của ngành y làm tăng thêm số nạn nhân. Các đại đội bộ binh, ít bị bệnh nhất, cũng chỉ còn khoảng 30 đến 35 người còn chiến đấu được; đại đội pháo binh không đếm đủ 20 binh sĩ còn đủ sức khỏe; các thủy thủ cũng tệ hại không kém gì lính bộ[151]. Sự tiếp tế lương thực luôn luôn bị thiếu. Nhưng sự thiếu than đá cho các tàu hơi nước trong tình trạng phải giữ liên hệ thường xuyên với Sài Gòn và với Hồng Kông, cũng đáng ngại không thua gì nạn đói. Thêm nữa, các tàu hơi nước này lại thiếu thợ máy. Trong công văn ngày 15 tháng 7 năm 1859, Đô đốc viết: “Ngài thấy đấy, tất cả những gì ở đây đều đang đi đến chỗ tàn lụi, cả người và đồ vật... Ngài sẽ hiểu rằng không ai có thể chỉ huy trong những điều kiện như thế này và, đằng khác, dù Bộ cần phải giải quyết nhu cầu nào đi nữa, tôi cũng không thể nhận lấy trách nhiệm về những hệ quả nghiêm trọng mà một tình trạng như thế này có thể mang đến”[152]. Tất cả các công văn của Rigault de Genouilly đều được viết với cùng một giọng báo động như vậy. Ông ta lặp lại trong mỗi công văn lời xin tăng viện của ông, bằng người, tàu và đạn dược; sự tăng viện không đến hoặc đến một cách nhỏ giọt, không đủ bù cho chỗ mất mát. Trong khi đó, đối thủ ngày càng gia tăng lực lượng và, khắp nơi, người Việt Nam tổ chức cuộc kháng chiến tích cực[153]. Mỗi ngày qua, trước các lực lượng đông đảo hơn và khả năng phòng vệ hiệu quả hơn bên phía người Việt, người Pháp cần phải có một lực lượng quan trọng hơn để bảo tồn các vị trí đã nắm và để chiếm các điểm mới. Từ nay, để tấn công Huế, phải có ít nhất 5.000 người và đội quân đồn trú Đà Nẵng cần 1.500 người, thay vì 1.000 người như trước[154]. Đồng thời, “càng đi sâu vào thực trạng của Vương quốc An Nam, càng vén lên các bức màn bí mật, những xác quyết lừa dối biến mất, không thể không thừa nhận rằng một cuộc chiến chống đất nước này khó hơn một cuộc chiến chống Thiên triều Trung Quốc. Do có nhiều giao thông đường thủy, Trung Quốc dễ bị đánh ở nhiều điểm; nhiều vùng rơi vào tình trạng vô chính phủ, một phần lực lượng phải được dùng để đàn áp nội loạn đã làm suy yếu việc cai trị trong nước. Ở Nam kỳ, tổ chức chung rất mạnh và tổ chức quân sự thì hữu hiệu”[155]. Mệnh lệnh của Paris là chỉ đánh Huế khi nắm chắc phần thắng[156]. Nhưng sự việc đã rõ rằng từ nay không thể có thắng lợi. Về mọi mặt, sự thua sút số lượng về bộ binh, thiếu tăng viện về thủy binh, không có pháo hạm nhỏ và thiếu đạn dược, không thể nghĩ đến việc tiếp tục các cuộc hành quân bằng một tấn công vào Huế[157]. Vậy phải làm gì? Cũng giống như hồi năm 1857, Napoléon III không có ý định gì rõ rệt, chỉ đề ra ba giải pháp để viên Chỉ huy trưởng tùy nghi lựa chọn: tiếp tục cuộc chiến nhắm đến việc thiết lập nền bảo hộ, chiếm đóng hạn chế, hoặc rút lui toàn bộ. Bộ trưởng Hải quân ra chỉ thị cho Rigault: “Hoàng thượng trông cậy ở kinh nghiệm và sự sáng suốt của ông để quyết định xem, với lực lượng mà ông chỉ huy, có nên theo đuổi việc thiết lập nền bảo hộ trên Vương quốc An Nam không; hay là tốt hơn chỉ nên làm áp lực trên Chính phủ đó, bằng cách chiếm đóng Đà Nẵng và các cứ điểm khác mà ông đã hoặc sẽ có thể chiếm được và bằng việc phong tỏa một hay nhiều cảng ở Nam kỳ, để đi đến một hiệp ước trên nền tảng kế hoạch đã vạch ra ngày 25 tháng 11 năm 1857; hay đành bỏ các vị trí mà chúng ta chiếm đóng và từ bỏ hẳn mưu tính rõ ràng nằm ngoài tầm các phương tiện mà ông có”[158]. Từ bỏ các vị trí? Từ bỏ hẳn cuộc viễn chinh? Rigault de Genouilly, kẻ chiến thắng ở các biển Trung Quốc, gạt qua một bên giải pháp này mà ông ta xem tương đương với thất bại. “Tôi không thể nhận trách nhiệm về một cuộc rút lui hoàn toàn như thế. Đó là một biện pháp cực kỳ quan trọng, chỉ chính phủ mới quyết định được, và về việc này tôi không có thẩm quyền. Thật vậy, không nên lầm lẫn việc rút khỏi Nam kỳ với việc nhận lấy sự sụp đổ của ảnh hưởng Pháp trên toàn vùng Viễn Đông... Tôi xin thưa với Ngài là tôi không chủ động trong việc rút khỏi Nam kỳ và tôi chờ đợi một mệnh lệnh rõ ràng của ngài Bộ trưởng để làm việc đó”[159]. Một mặt, viên Chỉ huy trưởng không thể chịu nổi ý tưởng về một thất bại nhục nhã, một mặt ông ta không thể đạt được thắng lợi cuối cùng: từ tình thế nan giải này, rõ ràng chỉ còn cách thương thuyết với Triều đình Huế là có thể cứu vãn các đội quân Pháp. Đó là giải pháp mà bây giờ Rigault nhắm tới, và đó cũng chính là điều mà những giáo sĩ thừa sai lo ngại. B. Các giáo sĩ thừa sai phản đối việc thương thuyết Với bất cứ giá nào, các thừa sai không muốn cuộc viễn chinh kết thúc bằng thương thuyết hòa bình. Điều họ muốn là một cuộc chiếm đóng không điều kiện cả nước, việc mà Đô đốc cho là không thể làm được; ông viết cho Bộ trưởng: “Tôi thấy mãn nguyện là đã cưỡng lại mọi xúi giục đẩy tôi tấn công Huế trong điều kiện thiếu lực lượng thích đáng về tàu chiến cũng như về người”[160]. Và ông thêm: “Một hiệp ước ký kết với người An Nam, dù lợi đến đâu, cũng không làm vừa ý các ngài đó, cả cuộc bảo hộ cũng không đủ cho họ; họ muốn chiếm trọn xứ sở và lật đổ triều đại. Giám mục Pellerin đã tuyên bố điều này nhiều lần và tôi cũng thấy các ý tưởng này nơi giám mục Lefèbvre, giám mục tại Sài Gòn”[161]. Để chặn đứng một thỏa hiệp có thể diễn ra giữa Pháp và Việt Nam, các thừa sai tung tin đồn khắp nước là người Pháp không chịu dàn xếp gì cả với đương triều. Họ còn đúc ra các ấn vua và loan truyền khắp nước những lời tuyên bố của một ông hoàng giả danh mà họ mang theo làm trợ lý thông dịch. Sự có mặt của ‘ông hoàng’ đó trong đám người Pháp làm Triều đình Huế hết sức lo lắng; Triều đình bèn bêu khắp nước chiếc đầu giả, cho là của ông hoàng, để dập tắt nỗi lo sợ của dân chúng. Việc khám phá ra các âm mưu đó dẫn tới nhiều khám phá khác, và chỉ đến lúc đó Rigault mới biết được những mưu mô được sử dụng, để làm hỏng mọi cố gắng thương thuyết, bởi các thừa sai, là những người ngoại quốc duy nhất biết tiếng nói địa phương để làm thông dịch trong đoàn viễn chinh và, do đó, có thể đóng luôn vai trò chính trị mà người Pháp không hay biết. Theo Đô đốc, tất cả những điều đó giải thích sự im lặng tuyệt đối của Triều đình Huế đối với người Pháp và các cố gắng phi thường của họ để kháng chiến[162]. Viên chỉ huy đoàn quân trú đóng tại Sài Gòn cũng gặp phải các khó khăn tương tự. Ông ta xác nhận: “Chúng ta sẽ ít lầm lẫn hơn, các công việc của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ đạt được kết quả mau hơn và rõ ràng hơn, nếu chúng ta có các người thông dịch không phải là những thừa sai. Họ kết tội tôi là đầy thành kiến, đầy ác ý, nhưng tôi nghĩ rằng tôi sẽ không xứng đáng với lòng tin cậy của Ngài nếu tôi không bộc bạch thẳng thắn rằng, theo tôi, những giáo sĩ hành sự ở Nam kỳ đang hy sinh quyền lợi của nước Pháp cho các tư kiến riêng của họ”[163]. Ngày 21 tháng 6 năm 1859, Triều đình Huế chấp nhận thương thuyết. Đồng thời, chính quyền Việt Nam ở Sài Gòn cũng mở đầu các cuộc đàm phán hòa bình với viên Chỉ huy trưởng đoàn quân trú phòng Pháp tại thành phố này. Theo chiến thuật thông thường của họ, ở Sài Gòn cũng như ở Đà Nẵng, các thừa sai dựng lên những chướng ngại để ngăn trở mọi liên lạc giữa hai bên. Thiếu tá Jauréguiberry bực bội: “Thưa Đô đốc, tôi thấy những người này rất muốn giải hòa, nhưng họ nhìn các thừa sai bằng đôi mắt rất ác cảm, và tôi tin rằng họ không lầm. Ngay khi những thừa sai ở đây nghi rằng tôi bắt đầu thương thuyết, các vị đó gởi cho tôi, ngay giữa đêm khuya, những báo cáo dối trá có mục đích lôi kéo tôi vào một cuộc tấn công; các vị ngăn trở những người Hoa đến tìm tôi; những người Gia Tô An Nam đi cướp bóc và đốt nhà gần khu buôn bán của người Hoa và bảo rằng do tôi sai đi; tóm lại, họ cho tôi biết rõ ràng là họ không muốn hòa bình.” Ở một đoạn khác trong công văn này, Jauréguiberry tố cáo những vụ cướp bóc và tống tiền được tiến hành nhân danh ông, bởi những người Gia Tô sống trong ngôi làng mà giám mục Lefèbvre đang ở, và dưới sự bảo vệ của đại bác từ các tàu chiến Pháp[164]. Thương thuyết kéo dài. Để làm cơ sở cho giải pháp hòa bình, phía Pháp đưa ra bốn điều kiện: bổ nhiệm một đại diện toàn quyền; tự do truyền giáo cho những thừa sai và người Gia Tô; tự do thương mại; nhượng một phần lãnh thổ để bảo đảm việc thực hiện hiệp ước[165]. Rõ ràng Rigault de Genouilly đã từ bỏ mộng thuộc địa, vì nền bảo hộ đã không được đặt ra nữa[166]. Bốn điều kiện này có vẻ không thể chấp nhận được đối với phía Việt Nam. Mất kiên nhẫn, Đô đốc tìm cách tạo một áp lực hiệu quả trên Triều đình Huế, nhưng vừa lúc đó, liên quân Anh-Pháp bị quân đội Trung Quốc đánh bại ở Peiho, Trung Quốc. Không thể cùng lúc giữ vững Đà Nẵng và Quảng Đông, khi người Anh đã giảm nhanh các đội quân đồn trú, Đô đốc thấy bắt buộc phải từ bỏ tuần tự các vị trí mà người Pháp đã chiếm được chung quanh Đà Nẵng, để cuối cùng đi đến một cuộc rút lui toàn diện. Theo viên Chỉ huy trưởng, sự thất bại ở Peiho đã quyết định toàn bộ, khiến cho việc rút quân khỏi Nam kỳ chỉ còn là vấn đề phụ thuộc. “Vả lại, chúng ta hy sinh gì ở đây? Ngài biết rằng chúng ta bị dồn vào thế bất lực hoàn toàn; không có các pháo hạm nhỏ chúng ta không thể thực hiện một hành động giá trị nào cả; tất cả lực lượng của ta phải giới hạn trong một cuộc chiếm đóng quá sức hao tổn về người và tiền của, sự chiếm đóng trong tình hình như vậy cuối cùng sẽ đưa đến tiêu diệt, bởi vì Ngài đã tuyên bố với tôi rằng Chính phủ sẽ không gởi thêm một người lính nào nữa qua Nam kỳ”[167]. Trước tình hình như vậy, người Pháp chỉ có thể tỏ ra vừa phải nơi bàn hội nghị: họ rút lại yêu cầu đòi nhượng địa và giới hạn yêu cầu đòi tự do buôn bán ở một số ít cảng[168]. Trái lại, họ cương quyết giữ yêu sách về tự do truyền giáo, luôn luôn được xem là “mục đích chính của các cuộc viễn chinh mà Pháp tiến hành ở Viễn Đông”[169]. Chính yêu sách này là chướng ngại lớn cho các thương thuyết. C. Điều khoản tôn giáo, chướng ngại lớn cho việc thương thuyết Thật vậy, khó khăn cho các nhà thương thuyết phía Pháp là không thể buộc Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận, bằng một hiệp ước, tự do nhập cảnh và tự do lưu trú của những thừa sai trên đất nước này[170]. Chính các thừa sai cũng nghĩ rằng dù Huế có bị chiếm thì vấn đề cũng không phải là giải quyết xong, nhà vua đã chuẩn bị sẵn sàng để rút sâu vào nội địa, và Triều đình đã dời kho bạc và thư khố đến đó rồi. “Không thể giải quyết vụ Nam kỳ bằng một hiệp ước, và tôi không thấy cách nào khác hơn là rút lui”, Rigault thất vọng nhận xét như vậy[171]. Thiếu tá Jauréguiberry cũng nhận xét tương tự: các điều khoản liên quan đến vấn đề tôn giáo có lợi cho những thừa sai Pháp và Tây Ban Nha làm cho người Việt Nam phẫn uất, đến nỗi các quan không dám đệ lên Chính phủ. “Hình như họ rất nghi ngại những mưu mô chính trị của những linh mục, họ than phiền về những mưu toan được gán, hoặc đúng hoặc sai, cho những vị đó; và họ không hiểu tại sao chúng ta lại muốn buộc chính quyền Nam kỳ phải tạo thuận tiện cho việc truyền bá một tôn giáo xa lạ với xứ sở này. Tôi không có một lý lẽ vững chắc nào để đưa ra, và khi phải thuyết phục các quan viên Việt Nam [về điểm này] tôi không cảm thấy giỏi hơn chính những thừa sai mà lý lẽ tốt nhất lúc nào cũng là khẩu đại bác của Pháp, nên tôi chỉ biết trả lời rằng tự do tôn giáo đã được các nước văn minh thiết lập và đòi hỏi ở khắp nơi, ngay Trung Quốc cũng đã thừa nhận”[172]. Mang trách nhiệm thương thuyết đòi tự do cho những giáo sĩ thừa sai, viên Thiếu tá Pháp không tìm ra ‘lý lẽ vững chắc’ để biện minh cho sự can thiệp nhằm ủng hộ họ! Ngày 7 tháng 9 năm 1859 thương thuyết gián đoạn. Để ‘trừng phạt’, Rigault de Genouilly tấn công các phòng tuyến mà người Việt Nam đã rút vào đó từ 8 tháng 5. Phòng tuyến bị phá tan, nhưng người Pháp đã trả giá đắt: 10 người chết, trong đó có một Trung úy bộ binh, và 40 người bị thương. Các đội quân trở về trại mệt mỏi, rã rời; ngay hôm sau bệnh nhân bị sốt chất đầy xe cứu thương[173]. Rigault giữ nguyên tình trạng cho đến ngày được thay thế bởi Phó Đô đốc Page, tháng 10 năm 1859. Ông ta đã nhiều lần yêu cầu Chính phủ Pháp cho biết rõ ý định trên hai vấn đề Trung Quốc và Nam kỳ, nhưng không được phúc đáp đầy đủ. Quan điểm riêng của ông là bỏ Đà Nẵng và bám giữ Sài Gòn, nơi mà theo ông người Anh chỉ chờ người Pháp bỏ đi là điền vào[174]. Khi lên đường đến nhiệm sở mới, Đô đốc Page nhận được lệnh từ bỏ kế hoạch tấn công Huế, rút lui toàn bộ khỏi Đà Nẵng và chọn một nơi dễ phòng thủ, Sài Gòn chẳng hạn, để có thể trụ vững với một quân số ít ỏi trong lúc chờ đợi các nhượng bộ mà Chính phủ Việt Nam có thể đề nghị[175]. Nhưng Triều đình Huế nhất quyết theo đuổi cuộc kháng chiến: một chỉ thị của vua Tự Đức kêu gọi toàn thể dân chúng dọc bờ biển lập thành lũy, xây công sự phòng thủ, “sẵn sàng dùng vũ khí tiêu diệt tham vọng của giặc Pháp”, và hứa sẽ tưởng thưởng người nào bày ra được kế sách hay để đuổi quân xâm lược[176]. Page viết: “Đâu đâu kẻ thù cũng trang bị vũ khí, Vua Tự Đức đã kêu gọi dân chúng nổi dậy chống chúng ta; tôi có thể làm gì để đánh bại y?”[177]. Viên Tư lệnh mới mở hết cuộc hành quân này đến cuộc hành quân khác, liên tiếp tấn công, nhưng quân đội của ông đã kiệt sức và mang mầm chết chóc ở bên trong. “Thần chết bay lượn quanh khắp các đồn trại; đã hơn 1.000 người (600 bộ binh và 400 thủy binh) được cắm Thánh giá rải rác trên đất nước này, và mặc dầu có những tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu kiên cường, các đội quân kiệt sức còn lại cũng nao lòng với những ý nghĩ bi thảm; càng ngày hàng ngũ chúng ta càng thưa thớt thêm”[178]. Mười tám đại đội lúc đầu tạo nên lực lượng của Rigault nay chỉ còn sáu, số quân này rất cần để chiếm Quảng Đông và Nam kỳ[179]. Cũng như người tiền nhiệm, Page không tin là có thể đạt được điều gì sáng sủa. Theo lệnh của Paris, ông cố nối lại các liên hệ với chính quyền Huế, dù vẫn biết những khó khăn đang chờ đợi mình. “Khó khăn lớn nhất (có nên nói là không vượt qua được?) trong mọi dàn xếp nằm nơi những thừa sai mà vua và tất cả quan lại đều xem như những kẻ thù không thể dung hòa được. Và tôi bắt buộc phải thú nhận rằng những điều tôi nghe từ những người Gia Tô bản xứ, và sự thú nhận của chính họ khiến tôi lo lắng về khả năng đem đến cho họ sự an toàn mà vẫn tôn trọng luật pháp của xứ này. Tôi sẽ tìm thấy chăng một mẫu thỏa hiệp vừa thỏa mãn danh dự của Hoàng đế Pháp vừa thỏa mãn chủ quyền của vua Tự Đức? Thật sự tôi không biết sao cả”[180]. Thương thuyết lại bắt đầu. Gạt qua một bên “kiểu dụng văn khó hiểu” của những thừa sai, Đô đốc quan hệ trực tiếp với các đại diện của Huế; từ đó, câu chuyện trở nên rõ ràng, chính xác và sự việc hiện ra dưới một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ, đến nỗi phía Pháp hoàn toàn hiểu được tại sao Triều đình Huế đã chống đến cùng các điều kiện liên hệ đến yêu cầu đòi tự do cho những thừa sai. Đây là giải thích mà viên Khâm sai của Huế trình bày với viên Tư lệnh Pháp: “Khi hòa bình được lập lại, Hoàng thượng sẽ gởi cho Hoàng đế Pháp và tôi sẽ gởi cho Ngài một văn thư về những lỗi lầm mà từ đó những thừa sai Gia Tô giáo Rô-ma đã dẫn đến tình trạng hiện nay. Khi mới lên ngôi, vua Tự Đức rất niềm nở với họ; ngài cũng đã ra lệnh là đối với những vi phạm nhỏ, những tội nhỏ, các quan địa phương nên rộng lượng với họ; nhưng những người Gia Tô được hướng dẫn bởi những thừa sai đã hỗn xược đến nỗi không cần biết gì đến uy quyền của các quan; họ nổi loạn công khai, tuyên bố rằng tín đồ Gia Tô không thể vâng lời các tín đồ của một tôn giáo khác; họ gây xáo trộn ở khắp nơi, họ dùng sức mạnh bắt các trẻ em, các cháu gái ra khỏi gia đình để cải đạo; chính quyền can thiệp, họ chống lại, và cứ như vậy, các thừa sai hoặc điều khiển hoặc nhân danh mình bao che các cuộc nổi loạn đó; họ lại còn xen vào các tổ chức bí mật chống vua, kể cả các tổ chức đốn mạt nhất; dưới sự ảnh hưởng như vậy, Triều đình và đất nước chúng tôi sẽ bị tiêu diệt nay mai...”[181]. Vị Khâm sai không hiểu tại sao người Pháp đến để đòi cho Gia Tô giáo được rao giảng khắp nước, đòi trong mỗi thành phố, mỗi làng đều dựng lên một nhà thờ Gia Tô[182]. Ông nói với Đô đốc Page: nếu quả đó là ý muốn của Hoàng đế Pháp, thì mọi hòa giải đều không thể có được. Ông nói thêm: mọi thảo luận đều vô ích, cả nước sẵn sàng chịu một cuộc chiến tranh diệt chủng hơn là chịu một điều kiện như thế. Trái lại, nếu người Pháp không đòi điều đó, thì hòa bình sẽ được bảo đảm[183]. Sau khi “đi khắp nước, thấy nhiều, nghe nhiều”[184], cuối cùng Đô đốc Page công nhận lý lẽ vững chắc của Chính phủ Huế; chính ông cũng bất bình trước thái độ của các thừa sai và tín đồ của họ. Thật vậy, trong lúc dân chúng hoảng hốt chạy trốn khi quân Pháp kéo đến và tổ chức tự vệ vũ trang tại những nơi tập trung dân, thì 3.000 tín đồ Gia Tô quy thuận với người Pháp và xin được đưa vào Sài Gòn[185], nơi mà Page đã dựng lên một thị chính. “Sự ngạc nhiên của tôi ra sao? Khi hôm sau các thừa sai đến tuyên bố với tôi rằng những con chiên An Nam không thể tuân theo một chính quyền ngoại đạo, đó là từ ngữ của họ. Cái gì! cũng chẳng tuân cả lệnh cảnh sát nữa sao? Dù để ngăn chặn trộm cướp, du đãng cướp bóc thành phố? Và tôi lấy làm hổ thẹn thú nhận với Ngài rằng các Hội thánh Gia Tô tại An Nam đã ngang nhiên rao giảng các nguyên tắc đó...”[186]. Thêm nữa, không một người Việt Nam Gia Tô nào ngần ngại xin gia nhập làm lính dưới cờ Pháp, ông vua Việt Nam ngoại đạo không phải là vua của họ. “Chắc bây giờ Ngài đã hiểu tại sao vua và các quan ở đây xem những thừa sai Gia Tô như những kẻ thù?”[187]. Thế nhưng Đại tá Lanzarote, Tư lệnh quân đội Tây Ban Nha, Đại diện toàn quyền của nước này để thương thuyết với Đại diện toàn quyền Pháp, vừa nhận được chỉ thị vô cùng cương quyết của Chính phủ ông ra lệnh phải đòi cho các thừa sai được tự do nhập cảnh xứ này, đòi cho họ quyền được bảo vệ trong mọi trường hợp, đòi sự tự do và công khai truyền giáo giữa dân chúng. “Cầu xin Thiên Chúa hãy vì danh dự và lương tri của Chính phủ của Hoàng đế mà chỉ cho tôi một cách gì để hòa giải tất cả những điều đó!”[188]. Rất khôn khéo, Page cố tách ra khỏi những thừa sai khi tuyên bố rõ ràng với các đại diện của Huế rằng ông ta không đến “để làm đảo lộn trật tự đã có ở Nam kỳ hoặc dùng sức mạnh áp đặt lên dân chúng một triều đình này hay khác, một tôn giáo nọ hay kia”[189]. Dù với lời tuyên bố như vậy, nỗi nghi ngờ của Chính phủ Việt Nam đối với các thừa sai đã quá sâu và nỗi lo sợ về nguy cơ hỗn loạn quá mạnh[190], nên Vua Tự Đức không thể nhượng bộ. Thương thuyết lại gián đoạn. Vấn đề không còn là tìm cách ra khỏi vụ Nam kỳ bằng một hiệp ước, mà làm cách nào thu lợi lớn nhất. Cách đó, theo Đô đốc Page, là chiếm đóng Sài Gòn và toàn tỉnh, vì dưới mắt ông đó là sự chiếm đóng tuyệt nhất, là thuộc địa đẹp nhất mà nước Pháp có thể mơ ước: “Nếu nước Pháp từ chối cái mà Thiên Chúa hình như đã ép nhận lấy, không phải là một thuộc địa, mà là một vương quốc rất giàu có, chỉ có lãi mà không có lỗ, thì tôi chỉ còn biết cúi mặt”[191]. Thương thuyết gián đoạn khiến Page được tự do hành động. Ông tuyên bố chiến tranh tái diễn, và hành động chiến tranh đầu tiên của ông là đặt thành phố Sài Gòn cùng cả tỉnh này dưới quyền cai trị của Pháp[192]. Nhưng sự việc đến đó thì tình hình Trung Quốc lại trở nên trầm trọng; các nhà ngoại giao Pháp không giải quyết nổi tình thế khó khăn ở Peiho vào tháng 6 năm 1859. Một cuộc viễn chinh mới chống Trung Quốc trở nên cần thiết, các lực lượng Pháp ở Nam kỳ được gọi để dốc toàn lực cứu viện. Page lên đường đi Trung Quốc sau khi đã long trọng tuyên bố Sài Gòn mở cửa cho người nước ngoài vào buôn bán[193]. D. Chasseloup-Laubat và việc thiết lập chế độ thuộc địa Pháp ở Nam kỳ “Dù hòa hay chiến, thì thuộc địa Sài Gòn của chúng ta đã được thiết lập”, Page tuyên bố như thế hai tuần trước khi đi Trung Quốc[194]. Về phần ông, khi đến Paris, Rigault de Genouilly cố biện hộ cho việc duy trì sự hiện diện của Pháp tại Sài Gòn, trong khi Napoléon III muốn rút lui. Thật vậy, đối với Napoléon III, trước hai khó khăn tại Trung Quốc và Nam kỳ, việc thiết lập thuộc địa Pháp tại Sài Gòn là một việc làm quá sức đối với Pháp. Theo ông, nếu phải chiếm đóng Sài Gòn, thì đó chỉ để tạo áp lực buộc Triều đình Huế chấp nhận ký hiệp ước. Khi hiệp ước được ký kết và thi hành, Pháp sẽ rút khỏi thành phố. Đó là nội dung của chỉ thị gởi cho phó Đô đốc Charner, người được triệu dụng thay thế Page: “Nếu Chính phủ An Nam chấp nhận một hiệp ước trên các căn bản do Đô đốc Page đưa ra, chúng ta phải mãn nguyện về giải pháp đó cho vấn đề Nam kỳ... Tôi nghĩ chỉ cần kêu gọi sự lưu ý của ông trên hai điểm sau đây: 1/ nội dung của khoản IV và 2/ việc rút khỏi Sài Gòn. Nếu việc rút khỏi Đà Nẵng là một cần thiết mà chúng ta bắt buộc phải làm trong mọi giả thuyết, thì đó không phải là trường hợp Sài Gòn và, trong mọi trường hợp, chúng ta chỉ rút khỏi nơi này khi mọi điều khoản của hiệp ước ký kết với Chính phủ An Nam được thực hiện đầy đủ”[195]. Nhưng tư tưởng của Napoléon III không bao giờ rõ rệt và tính do dự hình như là bệnh khó chữa của ông ta, ít ra là đối với vấn đề Nam kỳ, vì trong một chỉ thị khác, mấy tháng sau gởi cho cùng vị Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, ông đã không ngần ngại nói về “thuộc địa Sài Gòn của chúng ta” với lời lẽ như sau: “Có lẽ không hiển nhiên tí nào về việc chúng ta phải chia thuộc địa Sài Gòn với Tây Ban Nha, họ phải tìm sự đền bù cho những hy sinh mà họ đã bỏ ra tại một điểm khác ở Nam kỳ”[196]. Hình như chính sách mà Rigault khuyến cáo đã gây ảnh hưởng trên Hoàng đế, khiến càng ngày ông càng nghiêng về giải pháp chiếm đóng vĩnh viễn. Điều đó đựợc chứng minh bởi chỉ thị của Bộ trưởng Hải quân gởi cho Charner ngày 9 tháng 11 năm 1860: “Tôi muốn... rằng ông dùng những biện pháp cần thiết để củng cố uy quyền của chúng ta tại Sài Gòn mà, theo các báo cáo mới đây, hình như sự chiếm đóng của chúng ta bị người An Nam đe dọa. Như ông biết, Hoàng đế muốn giữ vị trí đó”[197]. Cảng Sài Gòn mở cửa, lập tức tàu Âu châu và ghe Trung Quốc đổ về. Nhưng tình thế của Pháp ở Sài Gòn không sáng sủa mấy. Với một lực lượng hết sức ít ỏi, khoảng 600 quân, 2 tuần hạm, 3 tiểu hạm, 3 tuần dương hạm nhỏ, 1 sà lan loại lớn, người Pháp không làm được gì khác hơn là duy trì và bảo vệ lưu thông trên sông. Trước lực lượng bé nhỏ đó, chiến thuật của người Việt Nam là gia tăng các tuyến phòng thủ và bao vây người Pháp ở Sài Gòn, biết rằng không thể đuổi họ khỏi nơi này được. Tình hình vẫn là như thế khi Chasseloup-Laubat được bổ làm Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa thay thế Đô đốc Hamelin, ngày 24 tháng 11 năm 1860. Với viên Bộ trưởng mới này, chính sách Pháp ở Việt Nam bước vào giai đoạn mới; những do dự bất nhất bấy lâu nay đã làm cho Pháp tốn hao người và của để thỏa mãn tự ái và quyền lợi tôn giáo đã bị từ khước, và được thay thế bằng một quan điểm thuộc địa rõ ràng và thực tế. Chính dưới sự điều khiển trực tiếp của vị Bộ trưởng này mà một thúc đẩy mới mẻ và cương quyết được tiến hành để thành lập một thuộc địa vĩnh viễn tại Nam kỳ. Ký xong hòa ước với Trung Quốc (25/10/1860), phó Đô đốc Charner lên đường đi Sài Gòn để tăng cường việc chiếm đóng. Ông đến đấy vào tháng 2 năm 1861, cùng với ba tiểu đoàn bộ binh, 1.200 lính thủy đánh bộ và gần cả một hạm đội mang theo vật dụng cần thiết. Liên tiếp các ngày 25, 26, 27 tháng 2, các lực lượng Pháp chiếm Kỳ Hòa, sau một trận chiến gay go[198]. Các cuộc hành quân đó, như Charner trình bày, chỉ có mục đích tránh cho Sài Gòn khỏi bị đe dọa tấn công và “đem lại không khí” cho đoàn quân trú phòng[199]. Nhưng việc chiếm Sài Gòn chưa làm vừa lòng người Pháp, vì từ tháng 12 năm 1860, Charner đã tính đến việc chiếm toàn bộ Nam kỳ, qua lời ông giải thích cho Bộ trưởng: “Nếu chúng ta muốn đứng vững ở Nam kỳ, và tạo ra ở đây một trung tâm buôn bán quan trọng, chúng ta không nên chỉ giới hạn ở việc chiếm Sài Gòn; quyền lợi của chúng ta đòi chúng ta mở rộng giao dịch trên toàn Nam bộ là xứ có các tỉnh phì nhiêu nhất và giàu có nhất của toàn Vương quốc”[200]. Phải mở rộng chiếm cứ, gạo cùng các vật phẩm buôn bán khác mới có thể đến tận tay người Pháp bằng đường sông Sài Gòn[201]. Nói cách khác, rõ ràng từ nay quyền lợi thương mại và thuộc địa đã điều khiển hành động của Pháp ở Nam kỳ. Sau Kỳ Hòa, đến lượt thành phố Mỹ Tho rơi vào tay Charner. Quân đội Việt Nam rút về Biên Hòa. Nhưng tại các vùng bị chiếm, các cuộc kháng chiến đã được tổ chức và mang tính cách vừa là một cuộc chiến nhân dân, vì được chính nông dân ủng hộ, vừa là một cuộc chiến chính thức với sự tham gia của các quan lại còn trung thành với Chính phủ Huế. Trung tâm kháng chiến Gò Công, nơi có mồ mả bên ngoại của Vua Tự Đức, được lãnh đạo bởi một chiến sĩ lừng danh, Trương Công Định, một người “thông minh, hăng hái, táo bạo, không biết mệt là gì và được thúc đẩy bởi lòng căm thù người ngoại quốc cũng như bởi lòng trung tín với chính nghĩa An Nam”[202]. Được vua quan và nông dân ủng hộ, Trương Công Định đã lãnh đạo trong nhiều năm một cuộc chiến du kích quyết liệt. Cuộc kháng chiến trở nên mối đe dọa đến nỗi, sau những cố gắng xoa dịu nông dân bằng cách hoãn thuế bị thất bại, Charner phải ban hành lệnh giới nghiêm. Trong khi đó, ở Bắc kỳ, một cuộc nổi loạn chống Triều đình vừa bùng nổ dưới sự cầm đầu của một tín đồ Gia Tô liều lĩnh tên Tạ Văn Phụng, được các thừa sai Tây Ban Nha ủng hộ. Vì không thể cùng lúc chiến đấu trên hai mặt trận Bắc và Nam nên Triều đình Huế xin điều đình với Pháp. Điều kiện đầu tiên mà Charner đòi hỏi, như là căn bản cho cuộc thương thuyết, là giao nhượng các tỉnh Sài Gòn, Mỹ Tho và Biên Hòa. Như thế là Charner vượt quá xa các đề nghị ôn hòa của Đô đốc Page và các mục tiêu công bố năm 1858. Tự do tôn giáo được đưa xuống hàng thứ yếu. Về điểm này, Chính phủ Pháp làm một nhượng bộ: thay vì đòi cho các thừa sai được quyền truyền giáo khắp nước, điều mà Triều đình Huế dứt khoát từ chối, giờ đây họ chỉ nói đến tự do hành đạo. Trong một chỉ thị gởi cho Charner, Chasseloup Laubat viết: “Cho đến bây giờ, một trong các chướng ngại mạnh nhất mà chúng ta gặp phải, đã ngăn trở việc thực hiện các kế hoạch của chúng ta, phát xuất từ việc chúng ta muốn buộc Chính phủ An Nam phải thừa nhận quyền của các thừa sai được lan tràn trên khắp nước, để rốt cuộc họ hành động chống lại các đạo luật bài trừ việc dụ người theo đạo. Tất nhiên là Pháp không thể dung thứ sự đàn áp những thừa sai khốn khổ đang tìm cách cải đạo, làm cho các dân tộc xa lạ được vào Thánh giáo của chúng ta, nhưng liệu nước Pháp có nên đi đến chỗ chiến tranh bất tận với các chính phủ không chịu chấp nhận một sự tuyên truyền phá hoại uy quyền của họ, và há chẳng phải là ta đã vượt quá mục tiêu khi cứ đòi hỏi một điều gì khác hơn là quyền tự do hành đạo cho người nước ngoài đã lập nghiệp hoặc đang đến với xứ sở này? “Thật vậy, thưa Đô đốc, đòi công nhận quyền tự do hành đạo cho người nước ngoài muốn giữ và thực hành tôn giáo của họ, khác với đòi công nhận cho những thừa sai quyền dạy dỗ cả một dân tộc, bởi vì nếu như những thừa sai này tham gia đảng phái, xen vào chính trị nội bộ, thì tất nhiên chính phủ của đất nước đã xảy ra điều như thế có quyền tuyên bố không cho phép các thừa sai đó làm thế, và cũng tất nhiên là ta chỉ có thể nhân danh văn minh để buộc họ công nhận quyền tự do hành đạo cho bất cứ ai đến nước họ và buộc họ không được đàn áp.”[203] Sự phân biệt rất rõ, nguyên tắc rất đúng, nhưng các khó khăn có thể sinh ra từ việc áp dụng nguyên tắc đó sẽ rất nhiều. Và Bộ trưởng tự hỏi: khi những linh mục giảng đạo và tìm cách cải đạo người bản xứ bằng các phương pháp trái với luật pháp của xứ đó, có thể nào biện bạch được chăng rằng họ chỉ thực hành tín ngưỡng của họ và tín ngưỡng này bảo họ, một cách nào đó, phải dụ người vào đạo? Quả thật, rõ ràng là có các khó khăn, nhưng ta sẽ giải quyết sau; ngay lúc này, vấn đề không phải là tìm một giải pháp trọn vẹn cho tất cả mọi khó khăn, mà là đặt các cơ sở đầu tiên để xây tòa kiến trúc. Chasseloup-Laubat cho rằng: “Há chẳng phải là tốt hơn nên để đến sau này sẽ giải quyết các khó khăn như thế, thay vì từ ngày đầu đụng ngay vào sự không thể thỏa hiệp được bằng việc muốn qui định sự thừa nhận một quyền mà Chính phủ An Nam không thể, như họ nói, (nếu quả tôi được thông tin đúng đắn) chấp nhận mà không thấy uy quyền của họ bị tiêu diệt... Lạy Chúa, đừng nghĩ rằng tôi muốn xem nhẹ vai trò đẹp đẽ và lớn lao của những linh mục can đảm đã dấn thân vào khổ nhục để gieo rắc lên các dân tộc dã man nhất những ân đức Gia Tô giáo. Trên trái đất, cờ Pháp là lá cờ bảo vệ nhiều nhất cho việc truyền giáo. Nhưng khi thương thuyết để ký các hiệp ước mà, rốt cuộc, cũng có lợi cho Gia Tô giáo, lẽ nào ta lại không tìm cái có thể thực hiện được và giao cho tương lai công trình phát triển những mầm mống mà chúng ta sẽ gieo trồng?”[204]. Trung thành với các ý tưởng đó, Charner đề nghị với Sứ giả Triều đình Huế công thức sau đây liên hệ đến điều khoản tôn giáo: “Việc tự do hành đạo Gia Tô sẽ được cho phép trong toàn xứ An Nam. Nếu Chính phủ An Nam có điều gì than phiền về một linh mục Âu châu nào, thì sẽ đưa ông ta ra hải cảng gần nhất để giao cho viên lãnh sự quốc gia đó, hoặc nếu không thì giao cho nhà cầm quyền Pháp”[205]. Quá yếu thế, không thể từ khước cùng lúc các yêu sách về đất đai và tôn giáo, Triều đình Huế đành phải nhượng bộ yêu sách thứ hai. Sứ giả Nguyễn Bá Nghi trình bày ý kiến của Triều đình Huế trong một thư dài gởi Charner: “Ngài nói với chúng tôi rằng những thừa sai đến xứ này để tiếp tục công trình hòa bình của giám mục vùng Adran (hay Bá Đa Lộc), và rằng chúng tôi đã bắt và xử tử họ. Những linh mục Pháp đó đã tự quyền đến truyền giáo trong nước tôi, họ đã vi phạm luật pháp nước tôi. Có lúc họ bị dân chúng bắt giữ, chúng tôi đã giải thoát và để họ về nước. Nhưng cách nay độ 15 năm, dưới triều vua Thiệu Trị, các tàu Pháp đến Đà Nẵng và đã đánh chìm một số tàu của nhà vua, điều này buộc các quan chúng tôi phải làm mọi cách để luật pháp xứ sở được thi hành... Trong lúc chiến tranh, chúng tôi đã xử tử tại thành Tây Thới một quân nhân Pháp và một số người Gia Tô vì họ ăn cắp và làm giặc, nên không thể phóng thích họ được. Chúng tôi giữ họ mà không làm họ đau khổ; chỉ sau trận Kỳ Hòa quan cai ngục mới nghĩ đến việc dùng đến biện pháp an ninh để công lý được tiến hành. “Ngài đòi tự do tôn giáo... Trên nguyên tắc, Chính phủ tôi đã có lý khi cấm dân chúng theo một tôn giáo không phải của mình. Tuy nhiên, dù rằng nhiều người dân của nước tôi đã theo tôn giáo của người Âu, nhưng nếu họ sống yên trong việc thực hành tôn giáo ấy, chúng tôi sẽ không tìm cách làm phiền họ và chúng tôi sẽ quên đi các lỗi lầm quá khứ của họ. Còn những giáo sĩ Âu châu vi phạm luật pháp, chúng tôi phải nghiêm trị; nhưng nếu hòa bình lập lại và nếu họ còn tiếp tục vi phạm luật pháp, chúng tôi sẽ chiều ý của Ngài mà dẫn họ đến các lãnh sự của Ngài. Đó là một đối đãi thượng tôn mà chúng tôi muốn cư xử với Ngài”[206]. Để làm cho Charner hiểu nhượng bộ đó của Huế lớn đến đâu, Sứ giả nhà vua đã làm sáng tỏ tính cách lỗi lầm của những người Gia Tô Việt Nam: “Các lỗi lầm mà những người Gia Tô phạm phải, đối với Chính phủ, há không phải là nguyên nhân của cuộc chiến này và há không phải họ đã làm cho người Pháp được dễ dàng vào nước này sao?”[207]. Nếu Triều đình Huế sẵn sàng thừa nhận tự do tôn giáo của tín đồ Gia Tô thì ngược lại Triều đình không thể nào chấp nhận các lối cưỡng bách của những thừa sai để có được người cải đạo. Về điểm này, Huế muốn xác định rõ ràng: “Nước An Nam theo đạo Thánh của đức Khổng Tử; và theo luật pháp trong nước, Gia Tô giáo bị cấm nhưng bây giờ, ký hiệp ước với quý quốc, thì mọi người An Nam trước kia đã theo Gia Tô giáo, nếu họ tuân theo luật pháp quốc gia, họ sẽ được tha tội; đó là ý muốn tốt đẹp của Ngài; điều đó có thể làm được. Còn những người An Nam không muốn theo Gia Tô giáo, nếu Ngài muốn ép buộc họ, điều đó chắc chắn không thể được. Vậy, về điều khoản tôn giáo hãy quyết định như thế này: người An Nam nào muốn theo Gia Tô giáo, thì theo; và người An Nam nào không muốn theo tôn giáo đó, không thể bị cưỡng ép. Đừng dùng văn từ: “Một tôn giáo được truyền bá khắp nơi” và đừng áp đặt tôn giáo bằng sức mạnh, được vậy, thì sự việc sẽ được chấp nhận và sẽ tốt đẹp mãi”[208]. Hình như điều kiện này là căn bản đối với Huế, vì người thương thuyết phía Việt Nam đã lặp lại mãi trong thư gởi cho Đô đốc Charner: “Tôn giáo là một hành vi tự ý. Muốn ép buộc một người nào theo đạo hoặc cấm đoán một người tha thiết muốn theo, tôi nghĩ đó là điều thật sự không thể làm được”[209]. Tóm lại, chỉ với điều hạn chế đó, Huế chính thức tuyên bố không chống đối tự do hành đạo của người Gia Tô[210]. Thế là Pháp được thỏa mãn về mục tiêu chính đã ấn định khi gởi Đô đốc Rigault de Genouilly đến Đà Nẵng năm 1858. Trái lại, Triều đình Việt Nam bác bỏ tất cả mọi giao nhượng lãnh thổ. Thiếu thì giờ, thiếu phương tiện để đánh Biên Hòa, Charner đành phải đóng vững ở hai tỉnh đã chiếm, lo tổ chức và tăng cường các cứ điểm đó, đồng thời hy vọng rằng với thời gian, người Việt Nam, do thất bại trong mọi cố gắng thu hồi lại các tỉnh đã mất và trở nên bất lực, cuối cùng sẽ phải cầu hòa[211]. Theo Charner, tìm cách nới rộng sự chiếm đóng ra khỏi hai tỉnh hình như không phải là biện pháp thích hợp: người Pháp rất có thể thành công, nếu dốc toàn lực để chiếm thêm đất mới, nhưng sẽ không đủ lực lượng để đóng giữ. Và, nếu bây giờ tiến tới để sau này rút lui, há chẳng phải là một điều nguy hiểm và sẽ bị dân chúng coi như một thất bại của người Pháp sao?[212] Vì thế, “củng cố vị trí hiện tại của chúng ta, giữ lại ở đó trong vài năm một lực lượng đáng kể (3.000 hoặc 4.000 người): dưới sự bảo vệ của những công sự phòng thủ được thiết lập, nhất định chúng ta có thể chế ngự xứ sở đã chiếm và tạo nên ở đó một cơ sở thuộc địa đàng hoàng”[213]. Dè dặt này không làm vừa lòng các thừa sai đang tìm cách đầu độc tình hình trong những tỉnh còn nằm dưới quyền của Chính phủ Việt Nam để lôi kéo người Pháp vào những cuộc chinh phục mới. Để chấm dứt những âm mưu đó, Charner cảnh cáo vị giám mục Sài Gòn: “Tôi không hề quên tình trạng đau buồn của những người Gia Tô ở Bà Rịa và Đồng Môn, nhưng rất tiếc là, như tôi đã trình bày với Ngài, chúng ta không thể đến giúp họ bằng một cuộc hành quân qui mô mà tình thế hiện giờ trong xứ buộc chúng ta phải hoãn lại. “Còn về sự can thiệp của ông Đội Thiết, tôi không thể và không được quyền tha thứ. Tôi yêu cầu Ngài ra lệnh cho y đừng làm việc gì mà không có lệnh chính thức của tôi, nếu không tôi buộc phải xem y là kẻ làm loạn. “Thưa Ngài, Ngài không thể không hiểu rằng ở đây chỉ có một chỉ huy quân sự để điều khiển các cuộc hành quân ở xứ này. Cuối cùng, để nói rõ hết với Ngài ý nghĩ của tôi, chính vụ Đội Thiết hướng dẫn mấy trăm tín đồ Gia Tô dùng vũ khí cướp phá ở Biên Hòa, cách đây mấy tháng, đã làm trầm trọng đến cùng độ số phận của các người Gia Tô khác trong những xứ thuộc quyền vua Tự Đức”[214]. Nguyên trạng kéo dài mãi cho đến khi Phó Đô đốc Bonard đến thay Charner với mệnh lệnh rõ rệt là chiếm cho được Biên Hòa, trung tâm cuộc kháng chiến, và tìm ở phía Đông về hướng tỉnh Bình Thuận một biên giới dễ tự vệ. Mệnh lệnh được thi hành ngay. Biên Hòa, rồi đến Vĩnh Long rơi vào tay Pháp sau các cuộc tấn công. Do các biến cố thúc đẩy, mục đích được đề nghị trước kia đã bị vượt qua quá xa và người Pháp trở thành kẻ xâm lược thay vì hiệp sĩ cứu Gia Tô giáo. Từ nay, việc lập một thuộc địa Pháp ở Nam kỳ là mối bận tâm của Chính phủ đế chế. Chasseloup-Laubat viết cho Bonard: “Tôi nhắc lại với ông ý của Hoàng thượng là chúng ta phải lập một thuộc địa ở Nam kỳ. Khi mà mọi quốc gia hàng hải đều có các thuộc địa ở Viễn Đông, nước Pháp không thể từ bỏ một vùng đã chiếm được bằng vũ khí và dư luận công chúng đã cho rằng đó là phần bù đắp mà Thiên Chúa đã dành cho nước chúng ta để đáp đền những hy sinh vô vụ lợi mà nước ta đã bỏ ra để bảo vệ nền văn minh tại phần đất này của thế giới”[215]. Tuy vị thế của Pháp ở miền Nam còn mỏng manh và phải trả giá quá đắt, mặc dầu có những thắng lợi của Charner và của Bonard, Tự Đức xin điều đình vào tháng 6 năm 1862: phe chủ hòa với Phan Thanh Giản, Trần Tiển Thành, Trương Đăng Quế, Lâm Duy Hiệp đã thắng phe chủ chiến. Sở dĩ Triều đình Huế có thái độ chủ hòa chính là vì sự nổi loạn ở miền Bắc ngày càng lan rộng. Thật vậy, trong lúc ở miền Nam, những chiến sĩ Việt Nam tỏ ra thiện xảo trong chiến thuật quân sự và đầy lòng dũng cảm bảo vệ xứ sở[216], thì ở miền Bắc, những kẻ “thừa nước đục thả câu” do Tạ Văn Phụng, một tín đồ Gia Tô, cầm đầu và được những thừa sai Tây Ban Nha ủng hộ, đã xúi giục các cuộc nổi loạn chiếm các tỉnh phía Đông Bắc bộ. Để đương đầu với loạn lạc ở miền Bắc, Tự Đức buộc phải dàn hòa ở miền Nam. Phái đoàn Việt Nam được hướng dẫn bởi Phan Thanh Giản, người lãnh đạo phái chủ hòa ở trong Triều. Thương thuyết bắt đầu từ ngày 28 tháng 5. Các cuộc thảo luận do Bonard hướng dẫn tiến triển mau chóng và chấm dứt vào ngày 3 tháng 6. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, tại Trường Thi, ở Sài Gòn, đã diễn ra sự trao đổi chữ ký sơ bộ cho Hiệp ước. III. HIỆP ƯỚC 1862: NHƯỢNG ĐẤT VÀ THỪA NHẬN GIA TÔ GIÁO Với Hiệp ước 1862, người Pháp đạt được tất cả những gì họ đòi: nhượng 3 tỉnh phía Đông Nam bộ - Sài Gòn, Mỹ Tho, Biên Hòa và Côn Đảo; thừa nhận quyền tự do truyền giáo cho các phái bộ thừa sai Gia Tô; mở một số cảng và sông Cửu Long đến tận Cam Bốt cho thương mại Pháp; bồi thường 4 triệu đô la, trả trong mười năm; Chính phủ Việt Nam phải được sự đồng ý của Pháp khi nhượng đất đai của mình cho nước khác. Tây Ban Nha thỏa mãn và rút quân khỏi Nam bộ. Nhưng ý đồ thuộc địa của Pháp, ban đầu rất mơ hồ, và được xem là thứ yếu so với các bận tâm tôn giáo, bỗng do tình thế lớn mạnh không như người ta tưởng. Hiệp ước 1862 đưa nước Pháp chiếm giữ trọn vẹn một xứ rộng lớn và phì nhiêu và đặt chân lên một trong các vương quốc mạnh nhất của vùng Viễn Đông. Đứng trên quan điểm thuộc địa, có gì thành công hơn. Trên quan điểm tôn giáo, các thừa sai lẽ ra đã reo mừng chiến thắng, vì tự do hành đạo đã được thừa nhận ở điều II: “Công dân hai nước Pháp và Tây Ban Nha có thể hành đạo Gia Tô trong nước An Nam, và công dân của nước này, bất luận ai, nếu muốn theo Gia Tô giáo thì theo và không bị ngăn trở; nhưng không được cưỡng bức ai trở thành tín đồ Gia Tô nếu người ấy không muốn”. Nhưng Hiệp ước 1862 được các giáo sĩ thừa sai đón nhận với lạnh nhạt và hoài nghi; họ muốn cái gì hơn là sự thừa nhận có tính lý thuyết quyền tự do của họ. Hiệp ước này cũng không làm vừa lòng người kế vị của Bonard, vị này không muốn giới hạn quyền cai trị của Pháp trong các tỉnh miền Đông. Phần Vua Tự Đức, vì quá đau đớn về việc mất ba tỉnh nên ông khó thừa nhận sự việc đã rồi. Tất cả đều cho thấy trước là Hiệp ước vừa ký sẽ không được bền lâu. A. Các giáo sĩ thừa sai chống Hiệp ước 1862: thư tín của Bonard “...Tôi không thể che giấu rằng, với sự từng trải của một quân nhân, những thành quả mà tôi muốn đạt được, trước hết là những thành quả của hòa bình; vì chiến tranh, dù là cần thiết và không thể thiếu trong một số trường hợp, bao giờ cũng gây ra những tàn phá. Chỉ có hòa bình mới có thể tạo dựng được một cái gì vững bền và tích cực. Các thành tích biểu của hòa bình thường ít sáng chói, nhất là ở Pháp; nhưng dù người ta có gọi tôi là kẻ bội giáo, tôi vẫn tuyên bố rằng tôi rất đỗi mãn nguyện được đệ dưới chân Hoàng thượng một thành tích biểu đẹp về một đất nước hòa bình, có tổ chức, đang trên đường thịnh vượng, hơn là một thành tích biểu về một thành trì bị chiếm cứ hoặc bị tiêu diệt...”[217]. Bức thư trên của Bonard, gởi cho Bộ trưởng Chasseloup-Laubat ngày 14 tháng 4 năm 1862, cho thấy chính sách mà tác giả bức thư muốn áp dụng ở Nam kỳ. Hiệp ước đã ký, các mục tiêu đầu tiên đã đạt, đoàn quân viễn chinh cần nghỉ ngơi, các vùng đã chiếm cần được tổ chức lại để thu những mối lợi đầu tiên. Những nhu cầu đó đòi hỏi gắt gao một chính sách hòa dịu, hòa bình, thân hữu đối với Triều đình Huế, đó là “chính sách duy nhất cho phép chúng ta lo việc tổ chức và xây dựng thịnh vượng thuộc địa mới của chúng ta”[218]. Bonard được khuyến khích trong đường hướng đó bởi Phan Thanh Giản, người thành thật chủ hòa vừa được bổ làm Tổng đốc ba tỉnh miền Nam không bị Pháp chiếm đóng. Đến Sài Gòn ngày 28/7, Phan Thanh Giản nhận được một chỉ dụ của vua Tự Đức bảo hãy triệu hồi về Kinh tất cả các lãnh tụ kháng chiến và bổ nhiệm lại các quan cũ để cai trị các vùng không bị chiếm đóng. Ông cũng còn là người phổ biến bản tuyên ngôn của Hội đồng Cơ mật nhằm công bố việc ký kết hòa bình và khuyên dân chúng các tỉnh miền Nam bỏ khí giới, giải tán lực lượng tự vệ và quay về công việc làm ăn[219]. Phan Thanh Giản duy trì được các liên hệ thân hữu với Bonard. Bonard viết: “Tôi vẫn khâm phục Phan Thanh Giản: toàn thể Nam bộ, trừ Gò Công và phụ cận, đều thi hành Hiệp ước; theo lời yêu cầu của Phan Thanh Giản và với sự chấp nhận của tôi, các lãnh tụ đều đã ra đi, nhưng Gò Công, nơi ẩn náu của tất cả những kẻ hăng say, vùng sình lầy mùa này không đi lại được, vẫn không tuân lệnh của Huế...”[220]. Dưới ảnh hưởng của Phan Thanh Giản, người cố gắng đưa Triều đình Huế vào con đường hòa bình - một hòa bình mà dân chúng miền Nam lên án, một không khí hòa dịu xuất hiện trong quan hệ giữa Sài Gòn và Huế. Trong các tháng đầu sau Hiệp ước, Vua Tự Đức cố thi hành đúng như lời ký kết, như các văn thư lúc đó của Bonard làm chứng: “Tôi đã cám ơn Chính phủ Huế về việc họ đã bảo vệ những thừa sai đến xứ họ, cũng như về việc họ trả tự do cho các con chiên bị tù và hoàn trả cho các người ấy những tài sản bị tịch thu. Cho mãi đến nay, để lập lại an ninh, mọi việc đều được Triều đình Huế thực hiện một cách trung thực; hiển nhiên công trình hòa bình này chưa phải là trọn vẹn vì chắc chắn vẫn còn nhiều chướng ngại về chi tiết sẽ hiện ra, nhưng tôi phải nói rằng tôi chỉ có thể ca ngợi những trợ giúp đã đến với tôi từ Chính phủ Tự Đức và từ các Đại diện của họ ở Nam kỳ để cho Hiệp ước được thi hành càng sớm càng tốt”[221]. Hoặc: “Tôi chỉ bán chính thức yêu cầu Sứ thần Phan Thanh Giản vui lòng gởi gắm cho Chính phủ của ông ta hãy che chở những người Pháp sống trong phần đất xứ An Nam. Vị công chức cao cấp này đã hành động như tôi muốn, và vị Thượng thư của Tự Đức đã viết cho tôi rằng ông ta đã làm dễ dàng cho chuyến đi của họ, và rằng để thi hành Hiệp ước ông đã giao trả cho họ các tài sản bị tịch thu”[222]. Những chứng cớ, do các thừa sai được thả ra khỏi ngục kể lại, xóa hết mọi nghi ngờ về sự thành thật của Triều đình Huế, về thái độ hòa giải và nhân hậu của họ đối với những đại diện của Gia Tô giáo. Bonard đã trình bày các chứng cớ đó trong một văn thư đề ngày 16 tháng 10 năm 1862: “Tôi xin gởi đến Ngài, Ngài sẽ đọc một cách thích thú, một bản sao bức thư mà tôi nhận được của viên giám đốc Thương mại và Hàng hải của nước An Nam liên quan đến việc trả tự do cho hai linh mục Materon và Charbonnier thuộc Phái bộ Truyền giáo tại Bắc Bắc kỳ. Trong thời đàn áp tôn giáo, hai giáo sĩ này bị bắt và bị đưa về Huế giam giữ; họ được phóng thích theo lệnh vua Tự Đức, sau Hòa ước, và theo lời yêu cầu của họ, họ được đưa đến Sài Gòn sau khi được tặng y phục quan lại và các vật dụng cần thiết. Ngoài ra, hai giáo sĩ còn cho tôi biết rằng Chính phủ Huế đã tự động ra lệnh xây cất nhà ở cho các thừa sai vừa đến Kinh đô và Bắc kỳ bất chấp những lời can ngăn phải lẽ của tôi. Tôi thấy cần phải gởi đến Ngài những chứng cớ mà người ta không thể phủ nhận tính xác thực về nguồn cung cấp tin tức, để cho Ngài thấy rõ các quả quyết mà một số cơ quan báo chí đăng tải lại trong những ngày vừa qua là dối trá chừng nào, các quả quyết này muốn làm người ta tin rằng, vào lúc hòa bình vừa được ký kết, thì hơn bao giờ hết các thừa sai đã gặp phải những đối xử tàn tệ, còn Chính phủ Huế thì không thành thật thi hành các điều khoản của Hiệp ước. Những xác quyết như thế chỉ có thể là của những kẻ bị xúi giục bởi các ý đồ xấu xa và có định kiến chống lại nền hòa bình đang đem vinh quang về cho các thành quả mà quân đội ta đạt được ở Nam kỳ. Chúng ta không nên gán cho các đồn đãi ấy một chút quan trọng nào[223]. Người Pháp biết các đồn đãi ấy là do các thừa sai loan ra. Cho rằng chính sách hòa bình với Tự Đức là tai hại cho quyền lợi của Gia Tô giáo, các vị này tìm mọi cách để phá tan sự hòa dịu vừa được thiết lập giữa hai phe thù nghịch. Những thư từ trao đổi giữa Bonard và Bộ trưởng Hải quân chứa đựng nhiều tin tức vô cùng quí giá về các thủ đoạn được những thừa sai sử dụng, và nhất là về tinh thần thống trị của họ. Những thư từ đó[224]tự nó đã rất hùng biện, không cần phải bình luận thêm. Trong một văn thư mật, đề ngày 24 tháng 7 năm 1862, Bonard viết: “Chính từ phía những thừa sai mới có thể phát sinh các rắc rối nghiêm trọng nhất nếu chúng ta không tự hạn chế trong việc chỉ bảo đảm cho họ sự che chở hợp lý và nếu chúng ta lấy cớ tôn giáo để ủng hộ họ trong các âm mưu chính trị nhằm lật đổ chính phủ hiện có, các âm mưu mà, khổ thay, nhiều người trong số họ đã quá nhiều lần bị lôi cuốn vào và chẳng hề từ chối. Thật là nguy hiểm nếu ủng hộ họ trong việc làm như vậy, vì như thế họ sẽ trở thành những kẻ gây loạn thực sự chứ không phải là những kẻ tử đạo. Thưa Ngài Bộ trưởng, nỗi lo ngại của tôi căn cứ trên các nhận xét sau đây: Chiến tranh Nam kỳ, không ai có thể chối cãi, sinh ra phần lớn là do những yêu cầu của các thừa sai Pháp và Tây Ban Nha, họ than phiền về những đàn áp bất chính của phía Chính phủ Huế mà họ phải chịu. Nhưng sau đây là cách qui định và tinh thần của những giáo sĩ ấy. Nam kỳ được chia thành hai giáo khu, mỗi giáo khu có một vị giám mục điều khiển; có lẽ, tôi không biết, cả hai giám mục đó đều nhận một sự lãnh đạo chung của Hội trung ương tại châu Âu, nhưng trong giáo khu mình, mỗi người gần như cứ làm điều gì mình muốn và giữ bo bo không cho người bên cạnh can dự tí nào trong địa hạt mênh mông mà mình được coi như là người lãnh đạo tinh thần. Ai cũng ôm ấp ý tưởng trở lại thời kỳ mà giám mục Bá Đa Lộc là vua thực sự của xứ An Nam, thời kỳ mà mọi việc chỉ được làm theo lời khuyên của ông ta hoặc được ông ta đồng ý. Để đạt mục đích ấy, đây là vài cách họ đã dùng đến: vị nào cho rằng các Vua nối ngôi Gia Long đã không tuân ý mình một cách đầy đủ, thì vị ấy phủ nhận tính chính thống của các Vua đó và tìm cách đưa ra một ứng viên chịu dâng cho họ, khi lật được triều đình đương kim, nhiều bảo đảm hơn để đạt đến các mục đích của họ. Cái cớ mà một số giáo sĩ trong các thừa sai đưa ra để tố cáo triều đại này tiếm ngôi là Gia Long đã chỉ định người con thứ của mình lên nối ngôi, chứ không phải người con trưởng. Các thừa sai Pháp ở Nam kỳ theo ý kiến này và liên kết với phe của người con cả của vua Gia Long. Các thừa sai ở xứ An Nam gần Huế, vùng giữa Bắc kỳ và Nam kỳ, lại đi xa hơn khi phủ nhận tính chính thống của dòng họ đang trị vì: họ cho rằng chính Gia Long là kẻ cướp ngôi và họ tìm một hậu duệ của Triều Lê mà các ông vua chỉ là vua làm vì và đã bị soán ngôi bởi một trong các vị đại thần trong triều. Tôi tin rằng các giáo sĩ dòng Đa Minh Tây Ban Nha, hăng hái và quá khích hơn những thừa sai Pháp, đã ngã theo phe này. Một người không biết có phải thật sự là con cháu nhà Lê hay không đã được nhận vào các tu viện ở Trung Quốc; sau khi hành hạ y đủ điều khổ nhục, đến độ bắt y làm kẻ gác cổng tu viện, các giáo sĩ cực đoan này biến y thành một ứng viên của ngôi vua, và tin chắc rằng một khi ý đồ thành tựu thì họ vẫn giữ được nguyên vẹn ảnh hưởng đối với y. Trong tình hình hiện nay, và theo lối nói cùng việc làm của các loại thừa sai khác nhau đó, tôi thấy hình như phần lớn những thừa sai Pháp ở vùng Nam kỳ thuộc Pháp có chiều hướng từ bỏ tham vọng chính trị và hy vọng rằng ảnh hưởng của sự chiếm đóng, hay của sự chiếm hữu, của chúng ta dù không đem lại cho họ uy quyền tuyệt đối của giám mục Bá Đa Lộc, thì cũng cho phép họ thực hiện một ưu thế khá lớn mà hình như hiện nay họ đã bằng lòng. Vì thế, với sự cương quyết, với sự thận trọng, chúng ta có thể hy vọng buộc họ phải dừng lại trong giới hạn hợp lý của ảnh hưởng mà họ mong muốn. Những thừa sai ở vùng gần Huế không chịu chấp nhận giải pháp hòa giải; một vài người tán thành yếu ớt, nhưng đa số qua lời nói và hành động đã cho thấy họ không bỏ các ý nghĩ cực đoan: vị giám mục và vài cộng tác viên thông minh nhất của ông chịu nghe lời khuyên của tôi là đừng nên hấp tấp, họ đang còn ở Nam kỳ và hứa sẽ hành động cẩn trọng khi họ trở về giáo khu sau khi hòa bình đã vững chắc. “Nhưng các phần tử hăng tiết đã rời Nam kỳ cùng với những tên cướp thực sự, làm dấu Thánh giá khi ra đi: có thể từ đó phát sinh những khó khăn trầm trọng, nếu chúng ta không hành động hết sức thận trọng trong việc che chở mà chắc chắn họ sẽ kêu cứu, với tư cách là dân Pháp hoặc tín đồ Gia Tô, khi họ dính líu vào các âm mưu chính trị, bất kể mọi lời can gián của tôi. Còn các giáo sĩ Dòng Đa Minh Tây Ban Nha, thường chiếm cứ miền cao ở Bắc kỳ, họ còn bất trị hơn nữa: hăng tiết và cuồng tín đến cực độ, một phần khá đông trong số họ xuất thân từ các băng du kích hoặc thuộc đảng của Carlos mới rời Tây Ban Nha, họ sẵn sàng mang gươm và súng với dấu Thánh giá, và đã dốc toàn tâm toàn lực vào các cuộc nổi loạn gây tai họa cho xứ Bắc kỳ. Tôi nghĩ rằng những khó khăn mà họ gây ra cho Chính phủ của Nữ hoàng Gia Tô giáo (Tây Ban Nha) buộc rằng Hiệp ước được Pháp và Tây Ban Nha ký trên cơ sở chung với Triều đình Huế phải được thực hiện riêng biệt, nếu không sẽ mất hết mọi thành quả có thể sinh ra từ một nền hòa bình không hậu ý. Tái bút: Tôi vừa nhận được tin tức mới và vội vã chuyển đến Ngài, vì thế tôi yêu cầu Ngài xem nhận xét trên là quan trọng, vì càng ngày hành động và lời nói của những thừa sai ở Nam kỳ càng cho thấy họ cố hết sức để đưa Chính phủ vào con đường tai hại mà họ đang theo, đó là lật đổ vua Tự Đức. Bất chấp những lời cảnh cáo của tôi, và mặc dù tôi khuyên họ hãy đợi quyết định của Chính phủ của Hoàng đế về việc phê chuẩn Hiệp ước hòa bình cùng những kết quả của nó, họ vẫn không ngừng gởi ra Huế các phái viên mang những ý đồ xấu xa nhất, với đầu óc đen tối nhất. Tôi phải dứt khoát không cấp thông hành cho họ ra đó cho đến khi nhận được lệnh từ Pháp; họ chẳng hề bận tâm đến việc ấy, và có lẽ Ngài sẽ nhận các khiếu nại về việc này, vì họ đi để làm Thánh chiến, bất chấp mọi lời khuyên thận trọng mà tôi không ngừng nói với họ, và họ không giấu giếm ý đồ của họ cùng với việc họ xem thường các điều khoản của Hiệp ước. Đó là một nguy hiểm mà tôi không thể không báo trước cho Ngài thật đầy đủ, vì nếu không đề phòng trước những báo cáo của các thừa sai, họ sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào để đạt mục đích của họ, bằng cách kéo Chính phủ theo họ vào con đường tai hại cho quyền lợi thật sự của nước Pháp[225]. Một tháng sau văn thư đó, Bonard nhận được của Tạ Văn Phụng (đây là tên thật của một kẻ phiêu lưu Bắc kỳ; nhưng để làm cho dân chúng tin là hậu duệ nhà Lê, y đã đổi tên, và từ đây y tên là Lê Duy Phụng) một lá thư đề ngày 26 tháng 8, trong đó “vị hậu duệ nhà Lê” này yêu cầu ông giúp đỡ và bảo vệ để chiếm Bắc kỳ: “Mới đây tôi được biết rằng Ngài đã nghe lời cầu xin của họ Nguyễn và đã chấp thuận hòa bình cho họ... Triều Nguyễn và quan lại của nó đã và sẽ luôn luôn dùng những mánh khoé giả dối trong các hiệp ước với các nước láng giềng; họ thấy rằng Ngài ở Nam kỳ, tôi ở Bắc kỳ, chúng ta sẽ đè bẹp họ bằng những chiến thắng và có thể nói rằng họ đang ở tình thế vô phương cứu chữa và không có lực lượng để đẩy lùi tai họa đến từ hai phía. Vì thế, họ đã đến gặp Ngài với các đề nghị hòa bình, che giấu bên trong các ý đồ tráo trở. Hiện giờ họ phải chiều theo tình thế, nhưng một khi thấy số thuyền Âu châu bớt đi, thì sự tàn bạo của họ Nguyễn lại bùng cháy lên và tức khắc tín đồ Gia Tô sẽ mất đi điều mà họ hết sức mong ước, và tôn giáo của chúng ta sẽ không còn được thực hành trong xứ An Nam. Tôi, người của Triều Lê, nối gót cha ông là những người đã được dạy dỗ trong Gia Tô giáo, tôi nhất quyết đánh đổ họ Nguyễn v.v...”[226]. Khi chuyển thư này đến Bonard, giám mục Tây Ban Nha Hitlario Alcazar, Khâm sai Tòa thánh ở Đông Bắc bộ, dù thấy rằng những việc làm như thế không đúng với tư cách giáo sĩ, đã xác nhận rằng “thắng lợi của những kẻ đòi khôi phục triều đại trước chắc chắn là điều tốt cho Bắc kỳ”[227]. Những lời này làm Bonard phì cười. Trời! Tên gác cổng tu viện này, “kẻ vô danh tiểu tốt chỉ muốn làm hại xứ sở” này, người ta muốn biến y thành vua ư? Bonard viết: “Người ta không hiểu được rằng các thừa sai, không ngừng nói đến gian ý của người An Nam trong mọi giao thiệp, lại hứa che chở cho một kẻ phiêu lưu mà họ tin rằng có thể làm chủ được mặc dầu y cũng là một người An Nam. Việc xen lẫn tôn giáo vào các tranh chấp chính trị là một nguy hiểm lớn, nếu chúng ta để bị lôi kéo phải ủng hộ họ trên con đường đó. Không nên trông cậy vào mấy trăm nghìn người ở Bắc kỳ nhiều hơn mấy trăm nghìn người đáng lẽ phải qui tụ quanh chúng ta ở Nam kỳ. Theo tôi, quả là một lỗi lầm lớn nhất nếu chấp nhận ủng hộ những kẻ nổi loạn ở Bắc bộ gồm các băng đảng bất trị: như thế, sẽ lôi cuốn Chính phủ vào những hy sinh vô ích về người và của mà không hy vọng đưa đến kết quả tốt đẹp nào”[228]. Vả lại, quyền lợi của Pháp nằm ở trong Nam: “Vì chúng ta đã chiếm được vùng Nam kỳ thuộc Pháp, chúng ta phải đặc biệt chăm sóc nó; nếu phải chi tiêu và sử dụng lực lượng, thì chỉ làm ở đó mới hợp lý; chính ở đó mới có thể có một kết quả lớn, cho ảnh hưởng của chúng ta ở phương Đông và cho việc lập nên một thuộc địa đẹp nhất thế giới. Vì thế, lao mình vào các tranh chấp nội bộ của xứ An Nam, tôi không ngại phải lặp lại mãi, là một biện pháp sai lầm, không đem lại lợi ích gì cả, lại dẫn đến những tổn thất đáng kể về người và của”[229]. Trả lời vị giám mục Tây Ban Nha, Bonard rất cương quyết: “Dù tôi rất quan tâm đến Gia Tô giáo, tôi không nên giấu giếm với Ngài rằng tôi không thể can thiệp gì cả vào các công việc chính trị nội bộ của Vương quốc An Nam; với họ Chính phủ của Hoàng đế đang sống hòa bình. Tôi thi hành trung thực Hiệp ước và muốn nó được thi hành như vậy. Do đó, tôi không thể trả lời gì cả cho bức thư của một kẻ phiêu lưu đang dấy loạn chống Chính phủ mà nước Pháp đang sống hòa bình với họ. Để chặn đứng mọi toan tính loại này, và để tránh cho Chính phủ của Hoàng đế chúng tôi đóng vai trò hai mặt và khiêu khích, thưa Ngài, tôi muốn nói thẳng với Ngài rằng các người dấy loạn ở Bắc kỳ không thể trông mong nơi tôi một giúp đỡ nào cả, nếu không có mệnh lệnh chính thức của Chính phủ tôi và họ đừng viết cho tôi các thư từ liên lụy như thư mà Ngài cho chuyển đến tôi, và chắc chắn tôi sẽ không trả lời”[230]. Sự có mặt của quân đội Tây Ban Nha ở Sài Gòn có thể làm trầm trọng thêm những rắc rối do những thừa sai gây ra. Tây Ban Nha, theo Hiệp ước 1862, chỉ đạt được các lợi lộc nhỏ gồm bồi thường chiến tranh và tự do truyền giáo cho những thừa sai. Họ đã bằng lòng như thế và tuyên bố không có ý định đòi chia những đất đai mà vua Tự Đức có thể nhường[231]; việc họ tham chiến bên cạnh quân đội Pháp chỉ là một biểu dương lực lượng mà vai trò người bảo vệ Gia Tô giáo của họ buộc họ phải làm. Giả sử họ thành thật trong lời nói, liệu Đại diện của họ ở Nam kỳ có thể cứ mãi dửng dưng trước các tham vọng thuộc địa của Pháp, và trước sức ép không ngừng của những thừa sai nước họ thúc đẩy họ can dự vào những rối rắm chính trị ở miền Bắc? Bonard càng thêm lo lắng khi ông ta có bằng chứng về những hoạt động ít nhiều có tính phá hoại của viên Đại diện Toàn quyền Tây Ban Nha: “Chính phủ Tây Ban Nha gặp phải những giáo sĩ còn liều lĩnh hơn những thừa sai Pháp, phải khẩn cấp tách biệt toàn bộ chính sách của chúng ta đối với Triều đình Huế khỏi chính sách của Chính phủ của Nữ hoàng Gia Tô giáo (Tây Ban Nha), nếu chúng ta không muốn bị kéo đi quá mục đích mà chúng ta có thể thử đạt được một cách hợp lý cho thuộc địa Nam kỳ của chúng ta và tránh khỏi những rắc rối to lớn. Như tôi đã loan báo, dù tôi có đưa ra những ý kiến phải lẽ, dù tôi đã làm mọi việc mà không dùng đến cưỡng chế, để bảo những thừa sai của chúng ta hãy chờ đợi đến khi tình hình lắng dịu và đến khi tôi nhận được phúc đáp về việc ký kết hòa bình cùng các chỉ thị về các hậu quả có thể sinh ra, nhiều người trong số họ vẫn lên đường ra các tỉnh thuộc Triều đình Huế. Sau khi làm mọi cố gắng vô ích để moi ra ở tôi một bức thư có khuôn dấu của tôi (đây là điều quan trọng nhất ở xứ này), họ đã tìm đến vị Đại diện Toàn quyền Tây Ban Nha, ông này đã có yếu đuối là đã trao cho họ một bức thư viết tay và mang khuôn dấu của ông. Chính do Triều đình Huế mà tôi vừa được chính thức thông báo rằng các thừa sai đó xưng là người Pháp đến gặp họ với bức thư mang khuôn dấu của Đại diện Toàn quyền của Nữ hoàng Gia Tô giáo. Ngạc nhiên vì không thấy khuôn dấu của tôi trên văn kiện quan trọng đó, viên Giám đốc Thương mại và Hàng hải của xứ An Nam nghĩ rằng, trong trường hợp này, tôi đã ủy quyền cho Đại tá Palanca, người đã tham gia việc ký kết Hiệp ước, và ông ta đã gởi cho tôi một thông báo để tôi lưu ý việc này, và cho tôi biết rằng các thừa sai ấy đã được đối xử hết sức tử tế và những con chiên bị giam giữ đã được thả và đã được trả lại những tài sản đã bị tịch thu. Bức thư của vị Toàn quyền mà Đại diện của vua Tự Đức sao trích nội dung trong thông báo mà Ngài nhận kèm đây, cho thấy phải khẩn cấp tách rời rõ ràng hành động và sự độc lập của chúng ta đối với những điều mà Đại diện Chính phủ của Nữ hoàng Gia Tô giáo yêu cầu hay đòi hỏi. Thật vậy, bức thư giới thiệu dùng làm thông hành cho các thừa sai viết như sau: Chính phủ Tây Ban Nha đã không chiếm và đã không muốn chiếm đất đai của anh em mình, hy vọng rằng Chính phủ An Nam sẽ quan tâm đến yêu cầu duy nhất của họ là sự gửi gắm các người mang thư này. Như thế, chính các linh mục tự xưng là người Pháp ấy, nếu họ không viết bức thư này, thì chắc chắn họ biết nội dung của nó, đã chấp nhận lời thỉnh cầu loại đó, thỉnh cầu có tính cách gián tiếp gièm pha những hành động của Chính phủ của Hoàng đế tại Nam kỳ và gây ác cảm của Triều đình Huế đối với nước Pháp bằng cách cho thấy sự ôn hòa giả vờ của Tây Ban Nha. Các giáo sĩ đó, như tôi đã thưa với Ngài, chỉ có mục đích duy nhất là đô hộ và, bằng mọi cách, lôi kéo Chính phủ theo họ và giúp đỡ họ trong hành động trái nghịch với quyền lợi thực sự của Pháp. Về phần Chính phủ Tây Ban Nha, họ sẽ bị lôi cuốn dù họ không muốn bởi các thừa sai của họ, vốn bất trị hơn những thừa sai của chúng ta, vào những rắc rối giống như những rắc rối mà họ vừa thoát khỏi nhờ sự trợ giúp của nước Pháp, không có sự trợ giúp ấy họ chẳng đạt được gì cả, thế mà hình như vị Toàn quyền của họ đã quên đi. Cho đến nay, với bao khó nhọc, tôi đã giải quyết được một cách đàng hoàng, không có than phiền, vấn đề tế nhị về sự hợp tác của lực lượng bé nhỏ Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Nam kỳ của chúng ta, nhưng vấn đề cấp bách là tình hình mà Hiệp ước vừa ký kết đã cho phép kết thúc phải chấm dứt càng sớm càng tốt, và chúng ta không thể còn bị cản trở nữa, trong việc phát triển thuộc địa mới của chúng ta ở Viễn Đông, bởi một sự trợ giúp hữu danh vô thực chỉ gây rắc rối cho chúng ta mà thôi. Còn về những thừa sai của chúng ta, tôi muốn Ngài cho tôi các chỉ thị rõ rệt về giới hạn trong sự bảo vệ dành cho họ ở ngoài lãnh thổ của chúng ta. Phần tôi, tôi không nghĩ rằng quyền lợi của nước Pháp nằm ở chỗ chạy theo họ trong những tuyên truyền có tính cách chính trị hơn là tôn giáo vốn đã dẫn đến những khó khăn nghiêm trọng, vì nhiều người trong số họ không nhắm điều gì khác hơn là lật đổ Chính phủ hiện hữu, Chính phủ vừa cùng chúng ta bước vào con đường hòa bình và hữu nghị, đó là con đường duy nhất có thể cho phép chúng ta chăm sóc một cách vững chắc việc tổ chức và sự thịnh vượng của thuộc địa mới của chúng ta... Thật là đáng trách khi một tham vọng quá sớm hoặc những cuồng nhiệt đến ngăn trở con đường tiến bộ thực sự trên đó chúng ta bắt đầu bước đi[232]. Bonard trở lại vấn đề trên trong hai văn thư khác, đề ngày 6 tháng 10 và 20 tháng 10. Các lo âu của ông lớn dần theo sự kiện vị Toàn quyền Tây Ban Nha đã bị những thừa sai Tây Ban Nha lôi kéo vào các vấn đề Bắc kỳ. Trong văn thư thứ nhất, ông viết: “Vị Đại diện của Huế có gởi cho Đại tá Palanca một bức thư mà Thiếu tá Hải quân Aubaret đã dịch, vì vị Toàn quyền Tây Ban Nha không có thông dịch, và tôi gởi Ngài một bản sao với tính cách tối mật. Căn cứ vào đó thì trong thư mà ông ta đã giao cho các thừa sai mang đi, Đại tá Palanca đã đi vào các chi tiết có tính cách gắn liền trách nhiệm của ông và của Chính phủ ông trong các tranh chấp nội bộ của xứ An Nam, thư ấy cũng chứa đựng những phô trương vẽ vời sức mạnh của Tây Ban Nha mà, theo tôi, là hoàn toàn không thể làm được gì ra hồn nếu chỉ làm một mình; và, sau cùng, là những hứa hẹn mơ hồ về việc giúp đỡ bằng người và bằng tàu bè cho Chính phủ An Nam. Đại tá Palaca, vị Đại diện của Nữ hoàng Tây Ban Nha, là một quân nhân ngay thẳng và trung thực, nhưng ít suy nghĩ, ít khi ông cân nhắc về hậu quả của việc làm và lời nói của mình. Dù ông rất tốt với những thừa sai, ông ta vẫn thường bị những lời phỉ báng và những lời vu cáo từ phía những linh mục, nhất là từ các linh mục Tây Ban Nha đã xen vào những rối ren chính trị của Bắc kỳ; ông ta còn nhận được những thư từ thuộc loại ấy; e rằng, dù không chia sẻ các ý tưởng của họ, nhưng do áp lực mà họ đè nặng lên ông, ông đã vô tình lôi cuốn Tây Ban Nha vào các rắc rối to lớn nhất. Vì thế, tôi nghĩ là phải khẩn khoản yêu cầu Ngài thúc đẩy nhanh chóng việc phê chuẩn Hiệp ước để chính sách của Chính phủ của Hoàng đế - được tự do hành động như hiện nay, qua đường lối mà tôi chọn - chấm dứt mọi dính líu với chính sách của các Đại diện của Tây Ban Nha, là những người mà tôi chắc chắn rằng, dưới sức ép bất tận của những thừa sai hiếu động của họ, đang tự tạo cho mình các khó khăn lớn mà họ sẽ không thể vượt qua được, trừ phi phải hy sinh thật nhiều người và của[233]. Và trong văn thư thứ hai: “Tôi nghĩ là những tin tức mà tôi đã thông báo cho Ngài trong các thư trước cho thấy cơ hội thuận tiện đã đến để tách rời chính sách của chúng ta đối với Vương quốc An Nam khỏi chính sách của Tây Ban Nha. Vị Toàn quyền Tây Ban Nha, Đại tá Palanca, là một quân nhân rất can đảm và đầy thiện chí nhưng lại nhẹ dạ; nếu chúng ta không tách rời thật sớm khỏi chính sách hơi thiếu suy nghĩ của ông, chúng ta có thể tự gây cho mình những rắc rối trầm trọng. Các cuộc gặp gỡ với các Đại diện Toàn quyền của An Nam, mà tôi đã trình cho Ngài biết, trong đó chắc có nói đến việc Tây Ban Nha nhận giúp người và tàu bè, là hoàn toàn trái ngược với bản Hiệp ước đã dành cho Hoàng đế quyền phán xét các liên minh đưa đến việc một cường quốc, khác với nước Pháp, can thiệp vào các vấn đề của An Nam. Tôi chưa nhấn mạnh đến sự hấp tấp mà Đại tá Palanca đã vấp phải khi ràng buộc Chính phủ ông bằng những lời thiếu suy nghĩ; từ những lời đó, các Đại diện An Nam đã rút ra những hậu quả tức thì, và những hậu quả đó đã làm ông Palanca sợ; nhưng tôi đã cố gắng làm cho ông ta hiểu và ông ta đã hiểu là ông ta không thể có một sáng kiến như vậy (không thể thi hành được) nếu không có sự đồng ý của Chính phủ ông...[234]. Cùng lúc, các thừa sai cũng vận động Chính phủ Pháp để khuyên đừng theo chính sách hòa bình của Bonard. Về điểm này, đây là thư gởi Bộ trưởng Ngoại giao của Bộ Truyền giáo Hải ngoại ở Paris, tố cáo “gian ý của Tự Đức” và “cái bẫy hòa bình”: “Trong số thư từ ở thùng thư chót từ Sài Gòn gởi về đây, có một bức thư mà chúng tôi nghĩ là đáng được Ngài lưu ý. Thư do Herrengt, Phó xứ ở Đông Nam kỳ viết. Vị thừa sai thân mến này đã nêu rõ gian ý của Tự Đức trong Hiệp ước hòa bình ký kết giữa ông ta và Đô đốc Bonard về khoản Gia Tô giáo, mà theo một trong những điều khoản, thì việc thực hành và truyền giáo phải được tự do trong toàn cõi An Nam. Đã nhiều tháng trôi qua kể từ ngày Hoàng đế An Nam ký cam kết ấy, thế nhưng những thừa sai trên khắp nội địa vẫn chưa gởi được tin tức cho các đồng nghiệp họ ở Sài Gòn, và các cánh cửa của các nhà lao hôi hám, nơi những con chiên bản địa bị tước hết tài sản phải sống chen chúc, vẫn chưa được mở ra. Họ vẫn ở đó, và theo các báo cáo của các nhân chứng tai nghe mắt thấy được các đồng nghiệp chúng tôi gởi đến, ăn mặc rách rưới và chịu nhiều cơ cực của đói khát và khốn khổ, một số đã phải bỏ mạng. Chưa hết, chúng tôi xin nhường lời cho chính Herrengt: Càng ngày càng rõ, hòa bình chỉ là cái bẫy của người An Nam để đạt các phương tiện đánh tan cuộc nổi loạn của Bắc kỳ; và, trong khi họ làm vài cử chỉ thân hữu (nhưng vẫn yếu ớt lắm) với người Pháp, họ tiếp tục gia tăng khắp nơi những chuẩn bị kháng chiến của họ, các cuộc ám sát, âm mưu, đánh úp, khơi dậy, v.v... vẫn hằng ngày xảy ra khắp nơi[235]. Bonard trả lời bằng cách chứng minh, với các chứng cớ rành mạch[236], rằng mục đích của những thừa sai ở Huế và ở Bắc kỳ là hoàn toàn có tính cách chính trị[237]và điều mà họ gọi là đàn áp thực ra chỉ là những hậu quả của phản ứng chính đáng của Chính phủ Huế nhằm đập tan các âm mưu lật đổ. Tất cả những điều đó “cho thấy quá rõ là phải hết sức đề phòng đối với những kêu ca chống đàn áp tôn giáo đến từ Bắc kỳ cũng như từ các tỉnh phụ cận của Huế, bởi vì đáng tiếc là trong những vùng này các cuộc nổi loạn và mưu phản đều rất thường đội lốt tôn giáo”[238]. Bộ trưởng Chasseloup-Laubat chấp nhận các ý kiến của Bonard. Trong thư viết tay ngày 26 tháng 10 năm 1862, ông ta tán thành hoàn toàn chính sách của Đô đốc Thống sứ cũng như thái độ của ông này đối với những thừa sai và người Tây Ban Nha: “Một trong những điều quan trọng nhất mà ông cho tôi biết để giữ quan hệ tốt với Huế là điều liên quan đến hành vi của những thừa sai của chúng ta. Như tôi đã nói với ông trong các chỉ thị tôi gởi khi ông lên đường, nhất là trong thư tôi viết cho Đô đốc Charner ngày 26 tháng 2 năm 1861 mà tôi có gởi cho ông một bản sao, rõ ràng là cần phải qui định những bổn phận cho những người muốn đến không phải chỉ để hành đạo mà còn để rao truyền Gia Tô giáo trên những vùng đất dưới quyền của Tự Đức. Đô đốc thân mến, chúng ta phải tách rời càng nhiều càng tốt hoạt động của chúng ta ra khỏi hoạt động của những người Tây Ban Nha trên quan điểm này, để khỏi phải gánh trách nhiệm về những hành động mà chúng ta không thể phòng ngừa được. Chúng ta còn phải giải quyết việc phân chia bồi thường chiến tranh giữa Pháp và Tây Ban Nha, nhưng một khi việc đó xong rồi, chúng ta phải ở lại một mình tại Nam kỳ và thiết lập các quan hệ với Huế trên những căn bản tốt đẹp nhất; cuối cùng, vì các dịch vụ Đông Dương của chúng ta đều dừng tại Sài Gòn, chắc chắn mọi hành khách đều dừng lại tại trạm chót này, và, như thế, dĩ nhiên ông sẽ cấp, theo yêu cầu của Chính phủ An Nam, những thông hành cho những thừa sai được báo trước kỹ càng những điều kiện họ phải tuân theo để khỏi gặp phiền phức. Cần phải cho Huế hiểu rõ là nếu có các công dân Pháp phạm tội, hay làm những hành vi bị cấm đoán trên lãnh thổ An Nam, tốt hơn hết là họ giao ngay người đó cho nhà cầm quyền Pháp để tránh mọi phản kháng, mọi rắc rối trong quan hệ với chúng ta. Khi Chính phủ Huế thấy rõ thiện chí của chúng ta trong việc tôn trọng hòa bình, và thấy rõ như thế nào chúng ta muốn ngăn chặn những khó khăn có thể sinh ra bởi sự thiếu cẩn trọng của những người đôi khi bị lòng nhiệt thành lôi kéo vào các hành vi mà Hiệp ước không hề có ý che chở, lúc đó họ sẽ đến gần với chúng ta hơn và sẽ hiểu ra rằng quyền lợi của họ nằm ở chỗ không tạo cho chúng ta những rắc rối[239]. Bộ trưởng Hải quân lại khai triển các ý nghĩ của ông trong một thư khác đề ngày 16 tháng 1 năm 1863: “Còn về các quan hệ của ông với Huế, phải