🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Giấc Mơ Vàng - Nhiều tác giả Ebooks Nhóm Zalo 60 NĂM, MỘT GIẤC MỘNG NÀY! - Phan Đăng - 60 năm, nhiều thế hệ cầu thủ đã qua đi. 60 năm, nhiều đời huấn luyện viên đã đến, đã thất bại và đã ra về. 60 năm, giấc mộng ấy dài quá. 60 năm, giấc mộng ấy cuối cùng cũng thành hiện thực. K hi đặt bút viết 2 chữ “hiện thực”, trong tôi bỗng trào dâng nhiều nỗi niềm, bởi chưa bao giờ thấy 2 chữ “hiện thực” lại có độ dài khủng khiếp, và lại khiến chúng ta vất vả đến như thế. Chung kết bóng đá nam SEA Games năm 1995 tại Thái Lan với đội chủ nhà, chúng ta không dám nghĩ đến 2 chữ “hiện thực”, vì hồi đó vào được chung kết đã là quá vẻ vang, và một đội tuyển Việt Nam mới hội nhập trở lại với làng cầu quốc tế thì không có “cửa” khi đặt bên cạnh “ông kẹ” Thái. Chung kết bóng đá nam SEA Games năm 2005, chúng ta cũng không dám nghĩ đến 2 chữ “hiện thực” vì đấy là trận chung kết mà “nghi án bán độ” ở vòng bảng đã phủ một cái bóng đen nặng nề lên tâm lý nhiều cầu thủ. Nhưng chung kết 1999 ở Brunei thì sao? Chung kết 2003 trên sân nhà thì sao? Chung kết 2009 - trận chung kết gần nhất thì sao? Khách quan mà nói, đấy là 3 trận chung kết mà chúng ta tin rằng cái “hiện thực Huy chương Vàng” đã gần mình lắm rồi. 1999 là kỳ SEA Games cuối cùng của Thế hệ Vàng Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh…, cũng là trận chung kết hiếm hoi mà dư luận Đông Nam Á đánh giá Việt Nam và Thái Lan ở thế 50-50. Nhưng rốt cuộc, đấy lại là trận chung kết chúng ta thua 2 bàn, dù trước đó hàng thủ thép không để lọt lưới bàn nào từ đầu giải. Đến chung kết 2003, vẫn là Thái Lan, và một lần hiếm hoi nữa ta được đánh giá ngang hàng. Trận chung kết ấy lại diễn ra ở sân nhà, tại chảo lửa Mỹ Đình ngay giữa lòng Hà Nội. Thế nhưng một chiếc thẻ đỏ của ta, một bàn thắng vàng ở hiệp phụ của Thái đã phá hỏng tất cả. Riêng 2009 là chung kết đầu tiên ta không gặp Thái. Đối thủ lần này chỉ là Malaysia - bại tướng của ta ở vòng bảng. Cả Đông Nam Á đều tin Việt Nam sẽ thắng. Và cả Đông Nam Á đều chờ đợi cái khoảnh khắc chiến thắng thành hình. Ai dè, một cú đá phản lưới nhà lại biến cái “hiện thực vàng” bỗng chốc vỡ tan như bong bóng. Trận chung kết ấy đau quá và oan nghiệt quá. Trận chung kết mà trong thâm tâm mình, có lẽ huấn luyện viên (HLV) Henrique Calisto - người giúp chúng ta vô địch AFF Suzuki Cup 2008 - cũng khó có thể hiểu vì sao các cầu thủ của mình lại “mất lửa” một cách khó tin đến thế. Trận chung kết ấy có những cầu thủ ôm mặt khóc rưng rức ngay trên sân rồi quay sang nhìn các đồng đội với ánh mắt đầy dò xét và nghi kỵ. Phải đến 10 năm sau… Phải đến 2019… Phải đến cái ngày mà một thế hệ cầu thủ “sạch tinh tươm” thành hình, thì chiếc Huy chương Vàng SEA Games mới trở thành hiện thực. Lần này, đường vào chung kết của chúng ta rất thuận. Và lần này, chúng ta cũng “làm gỏi” Indonesia trong 90 phút hoàn toàn trên chân. Không còn nữa những giọt nước mắt khóc hận như 2009. Không còn nữa cái cảm giác như thể “cầm vàng mà để vàng rơi” của 2003. Không còn nữa cái trạng thái nuối tiếc trong bất lực như hồi 1999. Lần này, chúng ta hoàn toàn đưa đối thủ vào trận địa của mình, đá thứ bóng đá của mình, và ấn định số phận cuộc chơi ngay từ nửa cuối hiệp 2. Chiến thắng ấy và cách thắng ấy không chỉ là chiến thắng riêng trong một trận đấu hay một giải đấu. Quan trọng hơn, nó cho thấy sự trưởng thành của một nền bóng đá sau một quá trình dài đầu tư nền tảng. 60 năm, một giấc mộng này! 60 năm, đủ dài cho một kiếp nhân sinh! Hy vọng là chúng ta không phải đợi thêm một guồng quay 60 năm nữa để nhìn thấy một chiếc Huy chương Vàng thứ 2. Hy vọng lắm, sau chiếc Huy chương Vàng đầu tiên phá “dớp”! Danh thủ Nguyễn Hồng Sơn và ký ức SEA Games 18 SEA GAMES 1995, NƠI KHỞI PHÁT GIẤC MƠ - Vũ Bảo Thắng (ghi) - “SEA Games tại Chiang Mai năm đó, không ai nghĩ đội tuyển Việt Nam lại có thể vào đến trận chung kết. Nhưng chúng tôi đã làm được nhờ tinh thần quyết tâm và một sự thay đổi bước ngoặt ít người biết...” Từ những khởi đầu gian nan… V iệt Nam đã trải qua rất nhiều năm được xem là “vùng trắng” của bóng đá khu vực. SEA Games là một cái gì đó rất xa vời, là sân chơi chúng ta chưa thể với tới. Bạn biết đấy, khoảng đầu thập niên 1990, bóng đá Việt Nam là con số không tròn trĩnh. Đội tuyển đá giải nào thua giải đó, trầy trật lắm thì hòa, còn thắng thì chỉ “năm thì mười họa”. Tư tưởng “cọ xát học hỏi” là kim chỉ nam của chúng ta mỗi khi tham dự một giải đấu khu vực. Nguyên nhân khiến nền bóng đá Việt Nam không có tiếng nói thì rất nhiều. Thời thế, tôi không thể phân tích hết được, nhưng quả thật lúc đó, đội tuyển Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi điều kiện kinh tế. Đất nước vẫn còn quá khó khăn, dù bắt đầu đổi mới nhưng mọi thứ vẫn vận hành theo kiểu bao cấp nên chế độ của tuyển thủ quốc gia cũng chẳng khá khẩm là bao so với khi khoác áo câu lạc bộ. Vậy nên những ai được triệu tập cũng chẳng mặn mà lắm. Khổ nhất là mỗi khi thi đấu quốc tế toàn phải mang tiền nhà đi, không chỉ vất vả mà còn tốn kém. Và đi rồi, ra sân đá lại chỉ chuốc lấy thất bại, thành ra mọi người ai cũng nản. Còn nhớ hồi SEA Games 1991 và 1993, hành trang của các tuyển thủ là những vali ních đầy mì gói, đồ khô và gia vị quê nhà. Nhiều người thắc mắc sao cứ phải mì gói, ra nước ngoài thiếu gì đồ ăn. Đúng là ở nước bạn đồ ăn rất sẵn, nhưng khổ nỗi sống trong nước khó khăn quá, nào đã nếm đồ Tây bao giờ, nên có được ăn cũng không sao thích ứng được. Mà, ăn mì hoài thì sức đâu đá. Vậy nên mới có chuyện 11 tuyển thủ “đào ngũ” trước thềm SEA Games 1991. Từ ngoài nhìn vào, nhiều người trách móc họ thiếu tinh thần dân tộc. Nhưng cá nhân tôi, một người sống trong hoàn cảnh đó, hoàn toàn cảm thông với họ. Năm đó, tôi là cầu thủ trẻ được gọi bổ sung sau. Ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Nhổn, trong các căn phòng dột nát là những dãy giường tầng xô lệch. Đương nhiên làm gì có điều hòa, nước nóng cũng không nốt. Hồi ấy ở nhà tắm công cộng chỉ có một bể nước, được ngăn đôi thành hai bên nam - nữ bởi bức tường cũ màu vàng phủ rêu, rất bất tiện. Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông thì lạnh cóng người. Sau mỗi buổi tập, dù người ngợm lấm lem bùn đất cũng không thể tắm lâu. Gọi là tắm cho oai, chứ thực chất chỉ dội qua loa vài ba gáo nước rồi ba chân bốn cẳng chạy về, mặc kệ còn nguyên xà phòng. Khổ sở là thế, cánh tuyển thủ chúng tôi cũng chẳng có gì để giải trí. Mấy anh em Hà Nội còn có thể về nhà, chứ những người ở xa chỉ chết dí trong phòng giữa khung cảnh đồng không mông quạnh. Điều kiện thiếu thốn đủ bề khiến việc tham dự SEA Games, lẽ ra là một vinh dự, được xem như nhiệm vụ chính trị mà mọi người ộ ự ợ ệ ụ ị ọ g phải miễn cưỡng hoàn thành. Khát khao chiến thắng là cái gì đó thật viển vông. ... đến năm bản lề 1994… Thành công bất ngờ tại SEA Games 18 tại Chiang Mai, Thái Lan năm 1995 thực sự là một kỳ tích. Và nó bắt nguồn từ Dunhill Cup cuối năm 1994. Khi ấy, điều kiện ăn ở cũng như cơ sở vật chất đã bắt đầu khá hơn. Qua nhà tài trợ Strata, chúng ta mời được HLV Tavares người Brazil về dẫn dắt đội tuyển. Thời điểm đó, được tập với HLV nước ngoài giống như một giấc mơ thành hiện thực vậy. Chúng tôi ai cũng háo hức chờ ngày lên tuyển. Trong quá trình chuẩn bị, HLV Tavares gây sốc với các bài tập rất nặng và cường độ cao - điều chúng tôi chưa bao giờ được trải nghiệm, và sau này khiến tất cả cầu thủ cũng như HLV nội phải thay đổi tư duy. Trước mỗi buổi tập, HLV Tavares thường phát cho cầu thủ mấy viên thuốc màu trắng, ông bảo: “Các cậu uống đi, thể lực lên ghê lắm, tập bao nhiêu cũng không biết mệt.” Lũ chúng tôi nào biết thuốc gì, nhưng thầy đưa thì uống. Kỳ lạ thay, đúng là không mệt thật, người cứ khỏe như vâm. Sau này mới biết, té ra HLV Tavares “chơi chiêu”. Thần dược gì đâu, chỉ là viên vitamin tổng hợp thông thường, chả có gì hơn. Ông muốn chúng tôi cởi bỏ tâm lý “sợ tập nặng” ra khỏi đầu để hoàn thành khối lượng vượt quá giới hạn bản thân. Nhờ tập luyện tốt, chúng tôi thấy khỏe lên rất nhiều. Dunhill Cup năm ấy, tuyển Việt Nam chia thành hai đội, Việt Nam 1 và Việt Nam 2. Các đối thủ toàn thuộc hàng sừng sỏ do Strata mời đến, bao gồm Housing Bank của Hàn Quốc và Bát Nhất đến từ Trung Quốc. Tôi nhớ trong đội hình Bát Nhất lúc đó có Hao Hai Dong - tiền đạo nức tiếng thời bấy giờ, thường xuyên đá chính ở tuyển Trung Quốc. Dưới sự dẫn dắt của HLV Tavares, cả hai đội Việt Nam đều lọt vào bán kết. Điều này tạo ra hiệu ứng vô cùng tích cực đối với cả thế hệ chúng tôi. Hóa ra chúng tôi hoàn toàn đủ khả năng chơi ở cường độ cao. Hóa ra chúng tôi cũng có thể đá sòng phẳng với các đối thủ cao to hơn hẳn. Rồi chúng tôi dần nhận ra hạn chế chính là ở tư tưởng, bấy lâu nay luôn tự ti, sợ hãi và không dám đặt ra mục tiêu cao. Nếu phải tìm ai đó để vinh danh, tôi nghĩ không ai khác ngoài HLV Tavares, người đặt nền móng cho những thành công sau này của đội tuyển Việt Nam. … bước ngoặt khó tin tại SEA Games 1995 Thật tiếc là kết thúc Dunhill Cup, chiến lược gia người Brazil không tiếp tục gắn bó với đội tuyển. Nhờ sự giới thiệu của Strata, HLV Karl Heinz Weigang được bổ nhiệm. Ông là người từng giúp đội tuyển Việt Nam Cộng hòa giành chức vô địch cúp Merdeka năm 1966. Dưới thời HLV Weigang, chúng tôi không còn phải tập nặng như với HLV Tavares. Tuy nhiên, phương pháp của ông cũng mang lại hiệu quả rất tích cực. Ông cũng rất tinh ý khi nhận ra nhược điểm lớn nhất của Việt Nam: thiếu kinh nghiệm thi đấu, từ đó nảy sinh tâm lý e ngại mỗi khi đối đầu với đội bóng nước ngoài. Và thế là HLV Weigang đưa chúng tôi đi tập huấn ở Đức, Áo, cùng các nước châu Âu khác. Trong chuyến tập huấn 1 tháng ở Đức, quê hương ông, tuyển Việt Nam có cơ hội thi đấu hơn 20 trận với nhiều đối thủ, từ các đội hàng đầu như Stuttgart, Bremen, Bochum cho đến những đội hạng 2, hạng 3 và cả nghiệp dư. Nhờ đó mà chất lượng đội tuyển cải thiện đáng kể, đặc biệt là thể lực và tâm lý nhập cuộc. Bước vào SEA Games 1995, chẳng ai coi đội tuyển Việt Nam ra gì. Chúng ta bị xếp vào chiếu dưới, và dự kiến sẽ sớm phải xách g g ị p ự p vali về nước khi rơi vào bảng tử thần gồm chủ nhà Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Campuchia. Vậy mà, ngay trận ra quân, Việt Nam đã đánh bại Malaysia với tỷ số 2-0 nhờ các bàn thắng của Huỳnh Quốc Cường và Võ Hoàng Bửu. Tinh thần lên cao, Việt Nam thắng tiếp Campuchia 4-0. Sau đó, Việt Nam thua chủ nhà Thái Lan 1-3, nhưng trong trận quyết định vé đi tiếp với Indonesia, Hữu Đang đã ghi bàn thắng duy nhất quý hơn vàng. Cứ sau mỗi trận, chúng tôi lại hưng phấn hơn. Kèm theo đó là sự tự tin và bản lĩnh ngày càng dày dạn. Không còn một Việt Nam yếu đuối, thay vào đó là một tập thể đầy khí thế chiến thắng. Với khí thế ấy, ở bán kết, chúng tôi đánh bại Myanmar với tỷ số 2-1. Bàn quyết định là cú vô-lê của Trần Minh Chiến, một bàn thắng không thể nào quên với tất cả người hâm mộ Việt Nam. Chiến thắng khiến cả nước Việt nức lòng. Từ Thái Lan chúng tôi cũng biết rằng, theo cách hoàn toàn tự phát, người dân trên khắp mảnh đất hình chữ S ào ra đường ăn mừng và tạo ra tiếng động bằng tất cả những gì kiếm được, từ xoong chảo đến mâm chậu. Một bầu không khí phấn khích chưa bao giờ xảy ra trước đó. Lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện hai từ “đi bão”. Lần đầu tiên chúng ta được đắm mình trong tình yêu bóng đá và cảm nhận niềm tự hào dân tộc. Tiếc rằng lực của đội tuyển Việt Nam chỉ dừng lại ở đó. Trận chung kết, chúng tôi đã không thể tạo ra điều thần kỳ trước Thái Lan. Nhưng tôi tin rằng tấm Huy chương Bạc ở SEA Games 1995 thực sự là một tiếng nổ lớn, đánh thức tiềm năng của bóng đá Việt Nam và mở ra thời kỳ rực rỡ sau đó. Nó cũng đưa Việt Nam lên một vị thế mới, từ những kẻ chiếu dưới vụt trở thành ứng viên sáng giá cho ngôi vô địch ở các giải đấu tiếp theo. Một kỳ SEA Games lịch sử, giúp người Việt khám phá ra sự tuyệt vời của bóng đá, biết rằng đội tuyển có thể khiến họ hãnh diện. Và giấc mơ về tấm Huy chương Vàng cũng được bắt đầu. Cậu bé Vàng Phạm Văn Quyến và “thế hệ về nhì” của HLV Alfred Riedl HY VỌNG, ĐỂ RỒI THẤT VỌNG - Vũ Bảo Thắng - Sau thất bại ở SEA Games 2001 Brunei - giải đấu đầu tiên sân chơi khu vực được giới hạn dành cho cầu thủ U23, Việt Nam cho ra đời thế hệ cầu thủ mới đầy tài năng như Văn Quyến, Quốc Vượng, Hữu Thắng, Huy Hoàng, Thanh Phương, Công Vinh, Thanh Bình. Sáng nhất trong số đó là thần đồng Phạm Văn Quyến của lò đào tạo Sông Lam Nghệ An. Chưa bao giờ, người hâm mộ Việt Nam hy vọng vào tấm Huy chương Vàng SEA Games như năm 2003... Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa cũng... không ăn thua! T rong tất cả các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á khởi nguồn từ cú hích Chiang Mai 1995, SEA Games 2003 trên sân nhà được cho là thời điểm tuyệt vời nhất để bóng đá lên ngôi. Còn sao nữa, đội tuyển U23 Việt Nam khi ấy nở rộ tài năng trẻ đến mức HLV Alfred Riedl còn “không biết chọn ai”. Quá nhiều ngôi sao sáng giá, thậm chí một vài người được xếp vào hàng bậc nhất khu vực. Điều này một phần vì lò đào tạo Sông Lam Nghệ An đang vào thời kỳ cực thịnh. Dường như bất cứ cầu thủ nào của họ cũng đủ sức khoác áo tuyển thủ quốc gia. Trong số này, tiền đạo Phạm Văn Quyến được kỳ vọng lớn nhất. Có thể nói sau Nguyễn Hồng Sơn của Thể Công, Quyến là tài năng lớn nhất mà bóng đá Việt Nam sản sinh ra. Cảm giác rằng Quyến có thể làm bất cứ điều gì với trái bóng, và có thể quyết định trận đấu bằng những khoảnh khắc diệu kỳ. Vòng chung kết U16 châu Á, Quyến ghi dấu với những pha lập công đẹp như mơ trước các đối thủ tầm cỡ, bao gồm cú đúp vào lưới Trung Quốc mang về thắng lợi 3-2. Vòng loại Asian Cup 2004, anh là tác giả bàn thắng làm nên chiến thắng lịch sử trước Hàn Quốc. Trên khắp đất nước hình chữ S, người ta phát cuồng vì Quyến. Và Quyến, ngoài tài năng thiên bẩm, còn có sự lì lợm để không bao giờ ngán ngại bất cứ đối thủ nào, kể cả Thái Lan. Trong mọi hoàn cảnh, Quyến luôn biết cách tạo ra sự khác biệt bằng các phẩm chất thiên tài. Bên cạnh tiền đạo được mệnh danh là “Cậu bé Vàng”, U23 Việt Nam còn sở hữu nhiều tài năng khác như thủ môn Nguyễn Thế Anh, Lê Quốc Vượng, Nguyễn Huy Hoàng, Lê Công Vinh, Phan Như Thuật (Sông Lam Nghệ An), Nguyễn Hữu Thắng (Quân khu 7), Nguyễn Tuấn Phong (Ngân hàng Đông Á), Nguyễn Minh Phương, Phan Văn Tài Em (Đồng Tâm Long An), Lê Văn Trương (Huế), Đặng Thanh Phương (Thể Công), Phan Thanh Bình (Đồng Tháp)... Cộng thêm việc được thi đấu trên sân nhà Mỹ Đình, tất cả đều tin ngày “lấy Vàng” đã đến. Quả thật, hành trình tại SEA Games 22 của thầy trò HLV Alfred Riedl diễn ra cực kỳ suôn sẻ, cho đến trận bán kết với Malaysia. Đó là trận cầu nghẹt thở khi U23 Việt Nam để đối thủ quật khởi, ghi liền 3 bàn trong vòng 14 phút, từ phút 73 đến 87. May thay, Phan Thanh Bình đã giải cứu tất cả với cú đánh đầu xuất thần phút thứ 90, đưa U23 Việt Nam vào chung kết. Sau này mỗi khi nhớ lại, cả Phạm Văn Quyến và Lê Quốc Vượng đều thừa nhận, họ đã lo sợ về một thảm họa. Malaysia đột nhiên trở nên hung dữ lạ thường và cứ lên bóng là có bàn, khiến các tuyển thủ rơi vào nỗi sợ hãi chưa từng có. Nhưng một khi đã vượt qua cửa tử, tất cả đều tin tưởng sẽ giành được tấm Huy chương Vàng. Đúng như người ta nói, những gì không thể giết chết bạn, chỉ khiến bạn mạnh mẽ hơn. Và người hâm mộ cả nước cũng tin như vậy. Trận chung kết gặp Thái Lan, sân Mỹ Đình ngập tràn sắc đỏ. Không khí lễ hội và tinh thần hăng hái cao độ của các cổ động viên đã vô tình khiến sự vắng mặt của hậu vệ trái Lê Văn Trương trở nên mờ nhạt. Người ta không nghĩ, mắt xích hàng thủ mà Văn Trương trấn giữ lại quan trọng đến mức không thể thay thế. Trước trận, ban huấn luyện U23 Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với hậu vệ Lê Đức Tuấn của Hà Nội ACB, vừa để động viên, vừa kiểm định mức độ tự tin. Vốn là con nhà nòi (bố là danh thủ Đường Sắt Việt Nam, Lê Khắc Chính), Tuấn tỏ ra rất quyết tâm và hứa làm tròn nhiệm vụ. Xong, HLV Alfred Riedl điền tên anh vào đội hình xuất phát. Trong bầu không khí hừng hực khí thế, U23 Việt Nam đã khởi đầu sung mãn. Thế nhưng đúng thời điểm chúng ta tự tin nhất và tưởng như sắp có bàn thắng, sai lầm lại xảy ra, và đúng ở vị trí mà Lê Đức Tuấn trấn giữ. Pha đỡ bóng hụt cực kỳ nghiệp dư của anh khiến đường chuyền không có gì nguy hiểm lại hóa hay, giúp tiền vệ Phichitphong băng xuống hạ gục thủ thành Thế Anh. Sốc. Choáng váng. Và nỗi sợ hãi bao trùm. U23 Việt Nam không thể chơi như cách họ vẫn chơi. Trừ một người, đó là Văn Quyến. Phút 86,“Cậu bé Vàng” đóng vai cứu tinh với cú vô-lê đập đất trong vòng cấm địa. Cả nước vỡ òa. U23 Việt Nam như từ cõi chết trở về. Giấc mơ Huy chương Vàng sống lại, vẹn nguyên, thậm chí còn lung linh hơn. Tiếc rằng thực tế lại quá tàn nhẫn. Chúng ta chỉ hạnh phúc thêm được 32 phút trước khi Nataporn Phanrit tung cú nã đại ợ p p g ạ bác ở phút 118. Lần này thì không gì có thể cứu vãn. Sự kỳ vọng lớn lao hóa thành nỗi thất vọng tột cùng. Nỗi đau Bacolod 2005 Nhưng nỗi buồn nào rồi cũng qua. 2 năm sau, SEA Games 23 tổ chức trên đất Philippines. Với những tài năng xuất chúng nay đã kinh nghiệm hơn, cộng thêm những nhân tố mới, người hâm mộ tin rằng ngày giành Vàng đã tới. Ai ngờ, Vàng vẫn không đến. Và thứ họ nhận lại vẫn là nỗi đau. Dù bóng đá Việt Nam thời đó có không ít tiêu cực, nhưng không ai có thể tưởng tượng nổi các tuyển thủ với lá cờ Tổ quốc trên ngực lại có thể bán linh hồn cho quỷ dữ. Một ngày trước trận cuối vòng bảng gặp Myanmar, Quốc Vượng đã có cuộc “họp kín” với Văn Trương, Văn Quyến, Bật Hiếu, Hải Lâm, Quốc Anh và Phước Vĩnh về một kế hoạch. Đó là “chỉ thắng 1-0”, vừa đủ để U23 Việt Nam đi tiếp, vừa mang về cho mỗi người 20-30 triệu từ dân cá độ. Vụ việc chỉ được phanh phui sau khi các cầu thủ trở về. Nhưng từ trước đó, tin đồn đã râm ran đến mức một quan chức Liên đoàn đã bỏ về từ bán kết mà không đợi đến trận chung kết với Thái Lan và tuyên bố: “Thua chắc rồi, xem làm gì nữa.” Và U23 Việt Nam thua thật. Thua đau. Thái Lan vẫn là một nỗi ám ảnh. Còn chúng ta, tự bắn vào chân mình. 7 cầu thủ tham gia màn kịch ở Bacolod đã phải trả giá bằng chính sự nghiệp của họ. Bóng đá Việt Nam mất đi những tài năng đầy triển vọng. Nhưng tệ nhất là niềm tin đổ vỡ. Những người hâm mộ đã sống trong thời khắc hào hùng của SEA Games 1995 và rơi nước mắt vì thất bại cay đắng ở SEA Games 2003 nay không còn niềm tin vào bóng đá Việt. HLV Alfred Riedl - người bị khoác lên biệt danh “Vua về nhì” - nói trong đau xót: “Các cầu thủ bán độ đã phạm một tội ác, khi nhẫn tâm phản bội lại những giá trị tốt đẹp của bóng đá. Tệ hại hơn, là phản bội lại hàng triệu cổ động viên trung thành nhất. Vì lòng tham, họ đã chà đạp lên tất cả. Tôi không ngạc nhiên khi cầu thủ yêu tiền nhưng thực sự sửng sốt khi họ dám giở trò ngay tại SEA Games.” Rồi tiền cũng chẳng để làm gì. Trong trại tạm giam, thần đồng Văn Quyến than thở qua làn nước mắt: “Tiền bây giờ không có giá trị gì cả. Em không cần giàu sang. Em sẵn sàng đánh đổi tất cả để quay lại cuộc sống xưa kia.” Tiếc là cuộc sống, và bóng đá, không tồn tại hai chữ “giá như”. “Cậu bé Vàng” cùng 6 tội đồ khác phải trả giá cho những sai lầm. Còn người hâm mộ Việt Nam, đường đến tấm Huy chương Vàng SEA Games mịt mù hơn bao giờ hết. Từ SEA Games 2007 đến 2017 MỘT THẬP KỶ CỦA NHỮNG SAI LẦM - Vũ Bảo Thắng - Một thập kỷ, 6 kỳ SEA Games liên tiếp từ 2007 đến 2017, U23 Việt Nam để lại toàn nỗi đau trong sự khát khao cháy bỏng của người hâm mộ. Chúng ta chỉ giành được 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng nhưng có đến 2 lần hạng tư và 2 lần không qua nổi vòng bảng. Điều gì đã xảy ra? Từ Riedl, Calisto đến Goetz N ăm 2007, Alfred Riedl trở lại ghế nóng lần thứ ba. VFF lựa chọn nhà cầm quân người Áo bởi sự an toàn. Dù mục tiêu chạm đỉnh chưa bao giờ thực hiện được và bị khoác biệt danh “Vua về nhì”, song ít ra ông luôn “có huy chương” trong các nhiệm kỳ trước. Cuộc hôn phối lần thứ ba giữa VFF và chiến lược gia người Áo ngay tại thời điểm đặt bút ký vốn không được sự ủng hộ của dư luận cũng như nhiều nhà chuyên môn trong nước. Nguyên nhân là HLV Alfred Riedl đã bộc lộ những hạn chế trong năng lực và gần như không phát triển được các tài năng trẻ khoác áo đội tuyển Việt Nam các cấp, trong đó có đội tuyển U23. Chưa hết, ông vẫn giữ thói quen làm việc rập khuôn, nhất quyết không để mắt tới những cầu thủ đang thi đấu ở hạng Nhất hoặc có thể hình hạn chế. HLV sinh năm 1952 thường ưu tiên dùng các cầu thủ mà ông biết rõ và không ưa thử nghiệm. Vì vậy trong các đội tuyển luôn có những vị trí bất khả xâm phạm và hiếm hoi xuất hiện nhân tố mới. Đó cũng là lý do vì sao, tài năng trẻ chơi cực ấn tượng thời điểm đó là Phạm Thành Lương không có chỗ trong đội hình U23 Việt Nam dự SEA Games 2007, bất chấp cầu thủ của Hà Nội ACB được rất nhiều người tiến cử và liên tiếp có những màn trình diễn chói sáng. Bởi vì, Thành Lương phạm cả hai điều cấm kỵ của Riedl. Thứ nhất: nhỏ con; thứ hai: đang đá hạng Nhất. Khi ấy ông không thể ngờ, chỉ 1 năm sau, Thành Lương trở thành nhân vật không thể thay thế trong sơ đồ chiến thuật của HLV Henrique Calisto, góp công lớn vào chiến tích vô địch AFF Cup 2008 của đội tuyển Việt Nam. Sự hạn chế của nhà cầm quân người Áo đã báo hiệu U23 Việt Nam không có nhiều hy vọng ở SEA Games 2007, nơi Thái Lan là nước chủ nhà. Và quả thế thật. Tại Nakhon Ratchasima năm đó, U23 Việt Nam thắng 2 (trước Malaysia và Lào), thua 1 (trước Singapore) tại vòng bảng với phong độ thiếu thuyết phục. Bước vào bán kết, U23 Việt Nam hoàn toàn mất khí thế trước Myanmar, sau đó để đối thủ đưa đến loạt đá luân lưu may rủi. Trên chấm 11m, những con người mà HLV Alfred Riedl lựa chọn đã không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả, U23 Việt Nam thua 1-3. Ngay sau trận đấu, nhà cầm quân người Áo “bị ép” viết đơn từ chức. Trận tranh Huy chương Đồng, U23 Việt Nam thi đấu dưới sự chỉ đạo của HLV phó Mai Đức Chung. Việc thay tướng giữa dòng không tạo ra sự khác biệt khi tinh thần toàn đội đã ở mức rất thấp. Chúng ta nhận thất bại thảm hại 0-5 trước Singapore, khép lại một kỳ SEA Games đáng quên. Hai năm sau, người kế nhiệm Henrique Calisto làm tốt hơn hẳn trong việc điều hành đội bóng. Chiến lược gia người Bồ đã tạo ra nhiều điểm nhấn, từ lối chơi đến sự hiệu quả. Chiến tích vô địch AFF Cup 2008 mang đến sự phấn khích lớn và người hâm mộ tin rằng cơn khát Huy chương Vàng SEA Games sẽ chấm dứt. Sự kiện đại kình địch Thái Lan bị loại ngay từ vòng bảng trong khi Việt Nam đi một mạch đến chung kết càng củng cố niềm tin đó. Vậy mà chúng ta lại thua. Thua một cách tức tưởi trước Malaysia, đội từng bị đội quân của Calisto đánh bại 3-1 ở vòng bảng. Bàn thua duy nhất là một sai lầm của trung vệ Mai Xuân Hợp. Nhưng nó cũng xuất phát từ một sai lầm khác, của thủ môn Tấn Trường. Thủ thành người Đồng Tháp đã “báo sai” tình hình chấn thương vai của mình trong pha tranh chấp trước đó với tiền đạo đối phương và tiếp tục nén đau đứng trong khung gỗ, trong khi ở bên ngoài Trần Khoa Điển đã sẵn sàng để thay thế. Chính sự cố gắng không đúng lúc của Tấn Trường đã tạo tiền đề cho pha phản lưới của Mai Xuân Hợp. Giá như khi ấy là một Khoa Điển khỏe mạnh và tập trung, mọi thứ có thể sẽ khác. Giá như Tấn Trường chịu bước ra. Giá như Calisto cương quyết. Nhưng bóng đá không có “giá như”. Và khoảnh khắc HLV Henrique Calisto “bóp cổ” cậu học trò sau khi trận chung kết khép lại là điều mà người hâm mộ không bao giờ quên, thậm chí trở thành biểu tượng đầy ám ảnh cho cả một thập kỷ chỉ sai lầm và sai lầm của bóng đá Việt. Sau này, khi mọi nỗi đau lắng xuống, một vài “người trong cuộc” còn nói rằng U23 Việt Nam hồi đó không có sự chuẩn bị tốt nhất về tinh thần cũng như thể lực cho trận chung kết. Các cuộc viếng thăm liên tục để nhắc nhở về “trách nhiệm quốc gia” của giới chức lãnh đạo khiến họ trở nên mệt mỏi và bị khớp tâm lý. Thật ra thì điều này cũng có thể hiểu được, khi chúng ta quá khao khát tấm Huy chương Vàng SEA Games. Và trong nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ, Falko Goetz được bổ nhiệm. Nhà cầm quân người Đức được ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF khi ấy giới thiệu là người có “đẳng cấp và trình độ cao nhất” trong số các HLV ngoại từng làm việc tại Việt Nam. Thế nhưng, thực tế lại khác xa. Trong triều đại ngắn ngủi của mình, HLV Falko Goetz liên tục đưa ra những quyết định khó hiểu cả về nhân sự lẫn cách xây dựng lối chơi cho U23 Việt Nam. Hệ quả là SEA Games tại Jarkarta 2011, chúng ta chật vật mới vượt qua vòng bảng và cuối cùng, chỉ cán đích ở vị trí thứ tư. Từ nghi ngờ, nhiều người đi đến khẳng định, chuyên môn của Falko Goetz có vấn đề. Giữa cơn bão chỉ trích, chiến lược gia người Đức vẫn nhận được sự ủng hộ từ Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ. Điều kỳ lạ là, một thời gian ngắn sau tuyên bố “trong bất cứ hoàn cảnh nào, Goetz vẫn được tin tưởng và không bị sa thải” của ông Nguyễn Trọng Hỷ, Falko Goetz nhận được cú điện thoại chấm dứt sớm hợp đồng khi đang hưởng không khí Giáng sinh cùng gia đình. Và nó đến từ chính... “người bạn thân” của ông, tức vị Chủ tịch VFF. Một cú bẻ kèo vô tiền khoáng hậu, chưa từng xảy ra với các đời HLV ngoại trước đó. Vẫn mắc kẹt với bài toán huấn luyện viên Chán việc thuê thầy nước ngoài, VFF quyết định chọn thầy nội. Người được tin tưởng dẫn dắt lứa cầu thủ gồm Mạc Hồng Quân, Hà Minh Tuấn, Lê Văn Thắng, Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Văn Quyết là HLV Hoàng Văn Phúc. Đó lại là một sai lầm khác, bởi dư luận và các nhà chuyên môn đều cho rằng ông Phúc thuộc mẫu người mềm tính và thiếu sự quyết liệt, sắc sảo cần có. Thực tế cho thấy những hoài nghi đã đúng. Dưới sự chỉ đạo của HLV Hoàng Văn Phúc, U23 Việt Nam rời SEA Games 2013 ngay sau vòng bảng, nơi họ chỉ thắng được 2 trận trước đối thủ yếu Brunei và Lào, nhưng thua Malaysia và Singapore. Mất niềm tin với thầy nội, VFF lại chuyển giao giấc mơ Vàng SEA Games vào tay HLV người Nhật Toshiya Miura sau đó 2 năm. Thật không may, tuy là người Nhật nhưng Miura lại không mang phong cách Nhật. Thay vì áp dụng lối đá trên nền tảng kỹ thuật phù hợp với sức vóc người Việt, hay người Á Đông nói chung, ông này có xu hướng phát triển những đường chuyền dài dựa trên các cầu thủ có thể lực tốt. Với lối đá này, không khó để giải thích cho sự đi xuống của đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Thậm chí chúng ta tệ đến mức không thể giành chiến thắng trước những đội bóng dưới cơ, những trận mà trước đây khi đối đầu, vấn đề quan tâm duy nhất của người hâm mộ là thắng với tỷ số bao nhiêu. Mặc dù kết thúc SEA Games 2015 với tấm Huy chương Đồng, khá hơn hai triều đại trước đó, song không ai coi đó là một thành công. Rồi Miura cũng phải ra đi, với dấu ấn để lại là các buổi tập cực đẹp trên sa bàn, khi ông và các cộng sự bày biện chiến địa marker vô cùng bắt mắt. Khi SEA Games trở thành lò xay HLV, cờ được đẩy đến tay Nguyễn Hữu Thắng. So với Hoàng Văn Phúc và Miura, HLV Nguyễn Hữu Thắng làm được khá nhiều việc để cải thiện bộ mặt của đội tuyển quốc gia cũng như đội tuyển U23 Việt Nam. Thế nhưng thành công vẫn không đến. Và yếu tố ngăn trở vẫn là sai lầm. Không phải một, mà tới hai sai lầm không thể tha thứ của Phí Minh Long trong trận cuối vòng bảng gặp Thái Lan tại SEA Games 2017. Rồi HLV Hữu Thắng cũng ra đi. Một vòng xoay lại bắt đầu. Người hâm mộ Việt Nam thì chán nản và tuyệt vọng. Có cảm giác rằng chúng ta sẽ không bao giờ có thể giành Huy chương Vàng mơ ước, thứ mà Thái Lan đoạt được một cách thường xuyên và rất dễ dàng. Thành tích của U22 Việt Nam trong một thập kỷ, từ 2007- 2017: • SEA Games 2007 - Nakhon Ratchasima (Thái Lan): Hạng tư • SEA Games 2009 - Vientiane (Lào): Huy chương Bạc • SEA Games 2011 - Jakarta (Indonesia): Hạng tư • SEA Games 2013 - Naypitap (Myanmar): Không qua vòng bảng • SEA Games 2015 - Singapore: Huy chương Đồng • SEA Games 2017 - Kuala Lumpur (Malaysia): Không qua vòng bảng Câu hỏi cho nhiều thế hệ VÌ SAO CHÚNG TA MÃI KHẮC KHOẢI HUY CHƯƠNG VÀNG SEA GAMES? - Nguyễn Đức Anh - 60 năm, hay 3 thập kỷ kể từ khi Việt Nam tái hội nhập với đấu trường SEA Games vào năm 1991, tấm Huy chương Vàng vẫn là một giấc mơ cháy bỏng. Ngay cả khi 2 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam tận hưởng những tháng ngày vinh quang nhất và bắt đầu mơ về World Cup, chúng ta vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh Huy chương Vàng ở “ao làng” SEA Games. Tại sao vậy? Ấn tượng đầu tiên… R oger Federer, kỷ lục gia trong những kỷ lục gia của làng banh nỉ, có lẽ cho đến hết sự nghiệp của mình vẫn ôm nuối tiếc vì chưa một lần vô địch Olympic. Mà Olympic, về tầm vóc thì chẳng thấm vào đâu so với những Grand Slams như Úc, Pháp, Mỹ mở rộng, Wimbledon hay giải đấu danh giá cuối năm ATP Finals… Nhưng danh hiệu chưa có trong tủ vẫn luôn là thứ danh hiệu đáng thèm thuồng nhất. Brazil là nền bóng đá số 1 hành tinh, là đội tuyển đầu tiên 5 lần vô địch thế giới và no nê các danh vị khác. Nhưng giống như Federer, người dân xứ sở samba vẫn khóc ròng khi cứ đến Olympic với độ tuổi U23 thì vinh quang lại quay lưng với họ. Mãi đến năm 2016, khi Olympic được tổ chức trên sân nhà - thành phố Rio, Neymar và đồng đội mới nhọc nhằn lên ngôi sau trận chiến luân lưu với người Đức. Từ đó trở đi, họ mới ngưng nói về cơn khát Thế vận hội. SEA Games với người hâm mộ Việt Nam cũng tương tự như vậy. SEA Games luôn là một giải đấu hỗn độn về khâu tổ chức, gây tranh cãi về mặt chuyên môn và lắm chê bai, nhiều dè bỉu. Bóng đá cũng chỉ là một bộ huy chương nằm trong cái quần thể “ao làng” ấy. Vậy mà cả dân tộc vẫn phải dốc sức lên một chiến dịch ráo riết săn Vàng. HLV Park Hang-seo là một con người tài năng, đó là điều không cần bàn cãi. Công lao của ông đã được khắc ghi trên rất nhiều phương diện, từ vị trí trang trọng trong cuốn biên niên sử của bóng đá nước nhà đến trái tim người hâm mộ, sau đó được “quy đổi” bằng một bản hợp đồng kỷ lục khi tái ký. Tuy nhiên, hợp đồng ấy vẫn “thòng” một điều khoản là lên ngôi số 1 ở SEA Games 30. Người hâm mộ Việt Nam có thể bay bổng mơ về World Cup - một vị thế đàng hoàng hơn, to đẹp hơn ở tầm châu lục, như một thứ sơn hào hải vị - nhưng rốt cuộc, vẫn phải đau đáu về SEA Games ao làng - dẫu chỉ là cơm ăn nước uống sát sườn. Bình thường thế đấy và cũng nhỏ nhoi thế đấy, nhưng vì cái duyên chưa đến nên nỗi khắc khoải cũng chưa bao giờ nguôi. Nỗi khắc khoải ấy được “định nghĩa” là SEA Games, bởi đây chính là đấu trường đầu tiên mà bóng đá Việt Nam để lại dấu ấn sau khi tái hòa nhập cùng khu vực. Năm 1995, Trần Minh Chiến với bàn thắng vàng loại Myanmar đã đưa đội tuyển Việt Nam vào chung kết gặp Thái Lan. Chúng ta dù thua trận chung kết đó, nhưng cả đất nước tưng bừng một niềm hân hoan thắng lợi. Bóng đá đã hồi sinh. Nhưng sự hồi sinh nào cũng đòi hỏi phải có thành quả. Càng về sau, tham vọng của một dân tộc si mê bóng đá càng lớn hơn, rõ rệt hơn, và nó cần đền đáp bằng một chiến tích gì đó cao hơn tấm Huy chương Bạc. SEA Games chính là đích ngắm, bởi dấu ấn đầu tiên. Và rồi nó trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu để đo đếm thành bại của bất cứ HLV nào đến Việt Nam. Tất cả các ông thầy nội, ngoại khi bắt tay vào cầm lái đều có những “cương lĩnh” của mình, nhưng VFF thì luôn xoáy vào một câu hỏi: có dám vô địch SEA Games? Nỗi ám ảnh qua nhiều thế hệ Chỉ riêng HLV Alfred Riedl đã 3 lần về nhì ở SEA Games (1999, 2003 và 2005), tất cả đều thua Thái Lan ở chung kết. Tính cả SEA Games 1995 (Karl Heinz Weigang dẫn dắt) thì đấy đã là lần thứ 4 Việt Nam bị người Thái “cướp” Vàng. Người ta bảo rằng khởi nguyên của căn bệnh “sợ Thái” chính là từ đó mà ra, và sau này còn đeo bám mãi các thế hệ cầu thủ Việt. Nói về thứ bệnh “di căn” này, cựu HLV Nguyễn Thành Vinh chia sẻ rằng không chỉ cầu thủ mà bản thân các HLV mỗi khi phải đối mặt với Thái Lan đều có cảm giác bất an. Bất an từ chuyên môn cho đến tinh thần. Vì ai cũng có suy nghĩ rằng họ hơn chúng ta mọi mặt, từ chuyền ban, qua người, đến tạt cánh đánh đầu, sút xa, nên tất cả chưa vào trận đã căng cứng, vào trận rồi thì cố gắng lấy cái lăn xả, dũng mãnh để hạn chế cách chơi của họ mà không còn cơ hội để chơi cách của mình… Ông Vinh bảo ngày trước, chúng ta đá với Thái còn khổ hơn bây giờ đá với Hàn, Nhật. Có một HLV hiếm hoi vượt qua được người Thái để vô địch AFF Cup, đó là Henrique Calisto. Nhưng dù cho ngự trên đỉnh vinh quang năm 2008 thì đội tuyển Việt Nam cũng lại ngã đau ở SEA Games 2009. Đấy là kỳ SEA Games trên đất Lào, được ví như sân nhà của Việt Nam. Đối thủ chung kết chỉ là U23 Malaysia, đội từng thua chúng ta 1- 3 ở vòng bảng. Các phương án ăn mừng ở cả hai quốc gia thậm chí đã được rậm rịch chuẩn bị, chỉ chờ đến giờ G… Nhưng rồi, trong một phút lóng ngóng, Mai Xuân Hợp đốt lưới nhà còn thủ môn Tấn Trường thì như bị “ma làm”, bao nhiêu mộng ước lại trôi theo dòng Mekong đi xa mãi. SEA Games là chén đắng như thế đó. 5 đận về nhì và nhiều đận khác còn bị loại sớm hơn trong tức tưởi và tủi hổ. Đấy là câu chuyện của những ông thầy tội nghiệp - Toshiya Miura hay Nguyễn Hữu Thắng. Điểm chung của họ là cùng chèo lái lứa “gà nòi” của Hoàng Anh Gia Lai do bầu Đức “nuôi” từ bé để dệt mộng trời Âu. SEA Games so với đó chỉ là mục tiêu “ngầm”. Vì thuở Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường tung hoành ở cái tuổi U19 với những trận cầu dậy sóng, người ta chắc mẩm vàng mười SEA Games là đây chứ còn đâu nữa. Nhưng cuộc chơi không đơn giản là “đếm cua trong lỗ”. Miura thất bại ở bán kết SEA Games 28 vì hàng công bỏ lỡ quá nhiều cơ hội trước Myanmar; còn Hữu Thắng, thảm hơn, dừng bước ngay sau vòng bảng SEA Games 29 vì một trận bóng mà thủ thành Minh Long “biếu” Thái Lan 2 trong 3 bàn thua. Ông Thắng từ chức ngay sau giải đấu tàn tro ấy, và không biết có phải là duyên phận hay chăng, các đội tuyển của chúng ta trải qua một bước đệm nho nhỏ dưới tay chuyên gia đóng thế Mai Đức Chung trước khi được chuyển giao cho thầy Park. Những gì diễn ra sau đó thì đã được lịch sử ghi lại bằng những trang vàng. Tuy nhiên, một cuốn sổ vàng hoàn hảo tất yếu phải có một trang vàng mang tên SEA Games. Chúng ta đã phần nào giải được cơn khát ở Đông Nam Á với hai lần đăng quang AFF Cup, trong đó lần mới nhất diễn ra đầy khí chất. Chúng ta cũng đang có nhiều thuận lợi trên hành trình đi tìm dòng nước mát lành ngoài châu lục. Nhưng bất cứ khi nào có SEA Games, câu chuyện lấy Vàng lại trỗi dậy, và cũng là lúc những ký ức buồn bã hiện về. Đôi khi chúng ta giống như con bạc khát nước. Càng thua càng “máu gỡ”. Lâu nay, người ta vẫn hay nói về chuyện các môn thể thao khác bị đối xử quá bất công so với bóng đá nam. Nhưng thường thì câu chuyện ấy chỉ xuất hiện như là thói quen “trút giận” khi bóng đá nam sớm chia tay mỗi kỳ Đại hội. Giờ thì SEA Games đầu tiên của ông Park đã chạy theo một đường ray khác hẳn vết hằn đớn đau của những người tiền nhiệm. Ông là người luôn làm rất tốt những lần đầu tiên, và lại có trong tay một đội ngũ đủ dày, đủ chất, đủ tin cậy, trong đó các trụ cột đã chinh chiến ở đủ mọi đấu trường khắc nghiệt. U22 Việt Nam nếm trải đủ các cung bậc cảm xúc thăng trầm, có sai lầm, có tỏa sáng, có lúc khó khăn tột bậc, có lúc lại thuận lợi, ung dung… Và họ đã viết tên mình lên một trang vàng mới, trang vàng đóng dấu SEA Games. NGÀY LẤY VÀNG ĐÃ ĐẾN - Dũng Phan - SEA Games 30, đội tuyển U22 Việt Nam đến Philippines với giấc mơ chinh phục tấm Huy chương Vàng mà không có “lá chắn thép” Trần Đình Trọng ở hàng phòng ngự, cũng không có được một Quang Hải sung sức nhất, lành lặn nhất. Nhưng vượt qua những khó khăn, tập thể ấy đã giành Vàng về cho Tổ quốc. Và đấy có lẽ là điều đặc biệt nhất của thế hệ này: luôn vượt qua nghịch cảnh để hiện thực hóa những giấc mơ. H ành trình của đội tuyển U22 Việt Nam ở SEA Games 30 là một hành trình không hề suôn sẻ. Trước giải đấu, cả làng bóng nhận tin sốc khi Đình Trọng chấn thương dây chằng phải nghỉ 6 tháng. Điều đó đồng nghĩa, Việt Nam chính thức mất đi thủ lĩnh nơi phòng ngự ở SEA Games 30. Giữa giải đấu, linh hồn của U22 Việt Nam - đội trưởng Nguyễn Quang Hải - sau 3.881 phút thi đấu dưới trướng HLV Park Hang-seo đã gặp chấn thương khiến anh phải bỏ dở SEA Games ngay từ vòng bảng. Sự quá tải của Quang Hải được thể hiện rõ trong số trận mà anh thi đấu trong năm 2019. Tổng cộng, anh đã thi đấu 60 trận trong tất cả các màu áo, từ mặt trận cấp đội tuyển Việt Nam, U22 Việt Nam đến câu lạc bộ Hà Nội, từ V-League, Asian Cup, đến Vòng loại World Cup, và sau đó là SEA Games. Càng trôi dần về những tháng cuối năm, phong độ của Quang Hải lại càng mờ nhạt. Thường thì bất kỳ một đội bóng nào, nếu thiếu vắng một “trái tim” như Quang Hải - không ít thì nhiều cũng sẽ khổ sở và lo ngại về hành trình đi đến chức vô địch. Vậy nhưng, U22 Việt Nam vẫn dũng cảm vượt qua, dù không có được sự góp mặt của Quả bóng Vàng 2018, lẫn ngôi sao số 1 ở hàng phòng ngự. Tuy nhiên, vấn đề nhân lực không phải là chướng ngại vật duy nhất mà lứa cầu thủ trẻ của Park Hang-seo phải đối mặt. Những ngọn núi cứ thế chất chồng lên trong các trận đấu có tính quan trọng, nhằm thử thách bản lĩnh trận mạc của những chàng trai tuổi mới đôi mươi. Trận đấu với Indonesia, chúng ta bị dẫn bàn từ sớm bởi sai lầm của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Nhưng các tuyển thủ không hề mất tinh thần, trái lại vẫn ào lên tấn công, cho đến khi có được bàn thắng gỡ hòa của Thành Chung. Để rồi, mọi xúc cảm vỡ òa trong những phút cuối cùng của trận đấu, khi Hoàng Đức ấn định tỉ số 2-1 bằng một cú sút xa đẳng cấp. Đến trận gặp Singapore, đối thủ chơi với hàng phòng ngự kín kẽ, phòng ngự khoa học. Trong tình thế bế tắc, các cầu thủ của chúng ta vẫn biết cách giải quyết trận đấu bằng một tình huống cố định. Hai trận đấu đó khiến chúng ta nhận ra điều gì đó vừa quen vừa lạ. Đó là cảm giác kỳ vọng vào một chiến thắng tưng bừng, nhưng rồi trận đấu càng trôi về cuối thì sự bế tắc càng lộ rõ. Khi đối thủ có vẻ mạnh hơn rất nhiều những thông số khô khan hay những màn trình diễn trước đó của họ, những người hâm mộ lâu năm bắt đầu có dự cảm chẳng lành. Bóng ma lại hiện về ư? Còn người Việt ta cứ buồn mãi ư? Không! Một bàn thắng - một phép màu lại xuất hiện, tuyệt mỹ, quyết đoán, và không có tiền lệ. Thứ ám ảnh xui xẻo kia bị xé toang như chính nóc lưới của đối thủ. Những sự việc lặp đi lặp lại như lời khẳng định đanh thép: ngày hôm nay đã khác hôm qua. Một trong những đỉnh núi cao nhất mà U22 Việt Nam phải chinh phục ở đấu trường Đông Nam Á, đương nhiên, bao năm qua vẫn luôn là Thái Lan. Trận đấu ở lượt cuối cùng của vòng bảng đã nêu bật lên bản lĩnh của lứa cầu thủ dưới bàn tay Park Hang-seo. Sai lầm của thủ môn Văn Toản khiến chúng ta bị dẫn trước ngay ở phút thứ 4. Sau đó, cả hàng phòng ngự sụp đổ, và tỉ số là 2-0 chỉ sau 11 phút. Một kịch bản có gì đó quen quen. Sai lầm của thủ môn, những bàn thắng chóng vánh của đối thủ. Phải, rất giống với SEA Games 29 vào năm 2017, khi ta bước đến trong niềm tin và ra về trong ê chề, với sai lầm của Phí Minh Long và quả penalty hỏng của Công Phượng. Tuy nhiên, đây không còn là một U22 Việt Nam cũ kỹ, non nớt mà ta từng biết. Đây là lứa cầu thủ của HLV Park Hang-seo, không run sợ, không sụp đổ, ngược lại còn bản lĩnh ngược dòng gỡ hòa 2-2, đá văng Thái Lan và chễm chệ ngôi đầu bảng. Văn Toản, kẻ tội đồ hôm ấy cũng không hề gục ngã, mà hóa thân thành người hùng trong trận tiếp theo ở vòng bán kết, với pha cản phá xuất sắc quả phạt đền của Campuchia. Phải công nhận, ở SEA Games 30 này, Việt Nam đã đem đến Philippines một dàn cầu thủ cực mạnh. Dù là U22, nhưng trong đó có rất nhiều tuyển thủ quốc gia chinh chiến trăm trận như Văn Hậu, Hùng Dũng… Chúng ta mạnh hơn hẳn đối thủ. Tuy vậy cũng phải khẳng định, nếu là Việt Nam của mấy năm trước, trong những tình thế tương tự, chúng ta sẽ khó lòng gỡ hòa, chứ đừng nói là chiến thắng. Nhưng đây là U22 Việt Nam của Park Hang-seo, và đó là sự khác biệt. Đây là lứa cầu thủ vàng, tràn đầy bản lĩnh để phá dớp. Nếu không phải là lứa này, thì với kiểu kỳ vọng lớn như trước nay của Việt Nam, SEA Games sẽ lại kết thúc bằng nước mắt của những cổ động viên áo đỏ. Ta đã gặp những cảnh đó rất nhiều, rất quen thuộc. 21 năm trước, Tiger Cup 1998, chúng ta thắng Thái Lan 3-0 giòn giã, và được chơi trận chung kết trên sân nhà. Cả đất nước đợi ngày mở hội, những lá cờ đỏ sao vàng đã sẵn sàng để tung bay… nhưng đáp lại, là kết cục buồn đến thê lương trong một ngày mưa tháng 8. Cái lưng của Sasi Kumar đã trở thành khái niệm được gắn liền với bi kịch của bóng đá Việt Nam trước ngưỡng cửa thiên đường. SEA Games năm 2009 tại Lào, chúng ta cũng vào chung kết. Hành trình năm đó khá giống năm 2019 này: Thái Lan bị loại từ vòng bảng, và gặp lại đối thủ mà ta từng thắng ở vòng bảng. Trước đó, Việt Nam cũng dễ dàng thắng bán kết để... anh em “đi bão”. Nhưng năm 2009 một lần nữa kết thúc với nỗi buồn thê lương từ các cầu thủ đến những cổ động viên. Để rồi vài năm sau là sự ra đi của HLV Calisto. Phải chăng đó là vận mệnh của bóng đá Việt Nam? Lận đận, lỡ làng và rồi cúi đầu bước tiếp, lòng tự nhủ: “Ngày mai trời lại sáng.” Trước trận chung kết SEA Games 30, sự giống nhau đến 90% với những gì đã xảy ra ở năm 2009 đã khiến không ít cổ động viên chột dạ. Nhưng khác với 10 năm trước, chúng ta có 5% còn lại trong tay. 5% ấy chính là tài năng cầm quân, hiểu mình, hiểu người của HLV Park Hang-seo, và bản lĩnh của lứa cầu thủ vàng mười hôm nay. Đấy là 5% quyết định cho tấm Huy chương Vàng SEA Games 30, danh hiệu đã giúp thỏa mãn cơn khát suốt 60 năm ròng rã. Một giấc mơ Vàng trở thành sự thật nhờ bản lĩnh vượt khó của các cầu thủ. Nếu không phải là lứa này, chỉ e sẽ không có được điều ấy với từng đó khó khăn? Nếu không phải là lứa này, thì làm sao chúng ta có thể hiểu được sức mạnh của chính mình? Cội nguồn sức mạnh của dân tộc phản chiếu qua hình ảnh đội bóng. Nếu không phải là lứa này, thì với kiểu kỳ vọng ám ảnh, với những ngọn núi cao đã đương đầu suốt 2 năm qua ở châu Á, ở Á vận hội, ở Asian Cup, cho đến ở SEA Games này, làm sao mà bóng đá Việt Nam vượt qua được? Nếu không phải là lứa này, thì ai đoàn kết được dân tộc Việt Nam trong thời bình? Từ Thường Châu rực lửa giữa sắc tuyết giá lạnh đến giấc mơ Vàng SEA Games 30 thành hiện thực. Đó là biểu tượng của Việt Nam thời bình, biểu tượng của niềm vui dân tộc, và đặc biệt của một Việt Nam hòa hợp. Hãy đi cùng lứa này, vì có thể họ sẽ đưa chúng ta đến những chân trời mới - nơi mà ta từng nghĩ rằng sẽ không bao giờ được đặt chân đến. BÓNG ĐÁ VIỆT NAM NAY ĐÃ KHÁC - Minh Việt - Nổi bật trong thành công chung của Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 2019 là “cú đúp” Huy chương Vàng bóng đá cả nam và nữ. Đẳng cấp của chúng ta đã được khẳng định và vị thế của bóng đá Việt Nam nay đã khác rồi. Lớn về tầm vóc 21 năm trước, chung kết Tiger Cup 1998, cái lưng của Sasi Kumar khiến sân Hàng Đẫy chết lặng. Dù thủ môn Tiến Anh đã cố bật lên và với tay hết sức cũng không thể ngăn được hậu vệ cao kều của Singapore ghi bàn bằng... lưng. Đã có một thời gian rất dài, bóng bổng luôn là cơn ác mộng của Việt Nam. Tại SEA Games 2019, Việt Nam đã biến điểm yếu thành điểm mạnh. 9/24 bàn của U22 Việt Nam ở giải này là từ đánh đầu, chiếm tỷ lệ 37,5%. 8/24 bàn được chúng ta ghi sau các tình huống cố định (phạt góc, đá phạt), nghĩa là 1/3 tổng số bàn thắng. Càng đi sâu vào giải, Việt Nam càng ghi nhiều bàn quan trọng bằng công thức đánh đầu sau tình huống cố định, hoặc là sau đường tạt. Đó là bàn gỡ 1-1 của Thành Chung trong trận gặp Indonesia, từ đó mở ra cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Đó là bàn duy nhất mang về chiến thắng trước Singapore của Đức Chinh. Đó là bàn rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2 của Tiến Linh trong trận gặp Thái Lan, bàn thắng vô cùng quan trọng ở thời điểm Việt Nam đã thua sớm 2 bàn, giúp Việt Nam kịp vực lại tinh thần để rồi giữ vững ngôi đầu bảng. Rồi 2 trong 3 bàn ở trận bán kết với Campuchia cũng xuất phát từ pha đánh đầu. Tới trận chung kết với Indonesia, Việt Nam lại một lần nữa có bàn mở tỷ số bằng công thức đá phạt đánh đầu. Biết so sánh là khập khiễng, nhưng cách chúng ta thực hiện các tình huống cố định ở SEA Games 2019 cũng nguy hiểm như… đội tuyển Anh ở World Cup 2018. 21 năm sau ký ức về cái lưng của Sasi Kumar, lần đầu tiên cổ động viên Việt Nam mới được thấy đội bóng con cưng chơi kiểu vừa có kỹ thuật, vừa có thế mạnh cơ bắp để tỳ đè đối phương như thế. Nửa đội hình chính của ông Park có chiều cao hơn 1m80, mặc dù sự thật là người Việt thấp bé thứ 4 thế giới với chiều cao trung bình chỉ là 1m64. Đó là sự lớn mạnh về tầm vóc theo đúng nghĩa đen. Mạnh về tinh thần Và quan trọng hơn, đội tuyển đó không chỉ lớn mạnh theo nghĩa đen, mà còn lớn mạnh về tầm vóc theo nghĩa bóng, nghĩa là cả tinh thần và tâm lý. 24 năm trước, chúng ta thua tức tưởi Thái Lan 0-4 trong trận chung kết SEA Games 1995. Chính trận thua đó đã gieo vào tâm lý sợ người Thái của Việt Nam suốt bao thế hệ. SEA Games 1999, Việt Nam lọt vào chung kết với thành tích không thủng lưới bàn nào nhờ hàng thủ được mệnh danh là “bức tường thép” của Đông Nam Á khi đó (gồm 3 trung vệ Đỗ Khải, Như Thuần, Mai Tiến Dũng). Thế nhưng đến trận chung kết, chúng ta vẫn dễ dàng bại trận bởi những cú sút xa kinh điển của người Thái. 4 năm sau, tại kỳ SEA Games được tổ chức trên sân nhà, tiếp tục lại là một trận chung kết với Thái. Văn Quyến khiến sân Mỹ Đình bùng nổ với bàn gỡ 1-1 ở phút bù giờ, nhưng kẻ thất bại sau cùng vẫn là chúng ta. Hai năm sau, 2005, một lần nữa người Thái ngăn không cho Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ Vàng SEA Games. Tới chung kết SEA Games 2009, ngay cả khi Thái Lan đã bị bỏ lại phía sau, thì sự yếu kém về tinh thần ở thời điểm quyết định lại khiến Việt Nam bại trận trước Malaysia, với sai lầm cá nhân của thủ môn Tấn Trường. Hay gần nhất là SEA Games 2017, cũng lại là điểm yếu tinh thần khiến chúng ta bị loại ngay từ vòng bảng sau thất bại 0-3 trước Thái Lan. Hơn 20 năm qua, đội tuyển Việt Nam luôn bị xem là yếu bóng vía, mang cái tinh thần, tâm lý sợ sệt ở những thời khắc quan trọng. Nhưng tất cả đã là quá khứ. Sự yếu đuối đó bây giờ tuyệt nhiên không còn thấy ở thế hệ cầu thủ của HLV Park Hang-seo. Chúng ta thắng ngược Indonesia khi bị thủng lưới trước. Chúng ta san bằng tỷ số 2-2 trong tình thế bị Thái Lan dẫn 2 bàn. Nếu là trước kia, có lẽ chúng ta đã vỡ trận. Suốt 2 năm qua, từ Vòng chung kết U23 châu Á, ASIAD 2018, AFF Cup 2018, cho đến Asian Cup 2019, chiến trường nào chúng ta cũng mang theo hành trang là một tinh thần bất khuất. Cũng đừng quên rằng, tại SEA Games 30 này, Việt Nam còn mất cả đội trưởng Quang Hải ngay từ vòng bảng. Nó cũng giống như việc Manchester United không có sự góp mặt của Roy Keane ở trận chung kết Champions League 1998-99, hay Ronaldo phải sớm rời sân trong trận chung kết EURO 2016 giữa Bồ Đào Nha và Pháp. Và cũng như Manchester United hay Bồ Đào Nha, chẳng hề thấy bất kỳ sự lung lạc tinh thần, dao động tâm lý nào ở các cầu thủ Việt Nam dù thiếu vắng ngôi sao số 1 Quang Hải. Vẻ đẹp của tinh thần Việt Nam còn thể hiện ở cái đầu gối đầy máu của những Văn Hậu, Trọng Hoàng trong trận chung kết. Họ đã chiến đấu quên mình. Là hình ảnh Tiến Linh ăn mừng với chiếc áo Quang Hải trên tay, để tri ân người đồng đội trên hàng công không thể ra sân vì chấn thương. Là hình ảnh cả đội Việt Nam cầm áo số 9 của Văn Toàn ăn mừng ở AFF Cup 2018... Chúng ta đang có một đội tuyển đoàn kết, mạnh mẽ, trong sáng, tâm lý vững vàng - khác quá nhiều so với những thế hệ trước đó. Đó là sự lớn mạnh về tầm vóc tinh thần. Sự trỗi dậy của một nền bóng đá Cuối cùng, dĩ nhiên đó còn là sự lớn mạnh về tầm vóc của cả một nền bóng đá. Những gì mà thầy trò ông Park thể hiện ở SEA Games 2019 là hoàn toàn vượt trội. Thái Lan có lợi thế 2 bàn từ rất sớm nhưng chẳng thể hiện được bất kỳ điều gì trong phần còn lại của trận đấu. Campuchia là chuyên gia đá sân cỏ nhân tạo, là ngựa ô ở vòng bảng, rồi cũng trở thành những kẻ ngờ nghệch khi gặp Việt Nam. Indonesia, vốn được đánh giá cao với những pha tấn công biên, nhưng ở trận chung kết, chúng ta đã dễ dàng bẻ gãy đôi cánh của họ. Thậm chí, gần như không một phút giây nào Việt Nam mang tới cho Indonesia tia hy vọng có thể gỡ được dù là 1 bàn danh dự. Suốt hành trình giải đấu, chúng ta leo lên đỉnh không phải bằng lối chơi hoa mỹ, đàn áp đối thủ, mà là nhờ sự lạnh lùng và quyết đoán, giải quyết tốt từng tình huống và đặc biệt cực giỏi trong việc phá lối chơi của đối phương. Trận chung kết là minh chứng về cách chơi đó. Cứ sau mỗi giải đấu, mỗi trận đấu, Park Hang-seo lại mang tới những sự bất ngờ bởi các miếng đánh khác nhau. Phòng ngự phản công là lối chơi xuyên suốt hành trình 2 năm qua, nhưng ở SEA Games 2019, Việt Nam còn cực giỏi ở những tình huống cố ệ ự g g g định. Hay ở Vòng loại World Cup 2022, chúng ta gây ấn tượng mạnh với những đường phất bóng dài lên phía trên của các trung vệ cho tiền đạo cắm. Ngoài ra, ông Park còn rất giỏi trong việc dùng người và tạo ra một lối chơi phù hợp với chất liệu sẵn có trong tay. Đó là cách ông biến tình huống cố định trở thành vũ khí hủy diệt mới của Việt Nam ở SEA Games 2019. Dưới sự chèo lái của vị thuyền trưởng Hàn Quốc, chúng ta đã là Á quân U23 châu Á 2018, hạng tư ASIAD 2018, vô địch AFF 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019 và giờ là nhà vô địch SEA Games 2019. Đó là sự lớn mạnh về tầm vóc của cả một nền bóng đá. Điều chúng ta cần bây giờ là tiếp tục duy trì sự tiến bộ đó, khi mà chỉ 1 tháng nữa Vòng chung kết U23 châu Á 200 sẽ khởi tranh. Đây là giải đấu mà 2 năm trước chúng ta đã vào tới trận chung kết, và nếu nằm trong 3 đội xuất sắc nhất, chúng ta sẽ có vé dự Olympic 2020. Olympic 2020, tại sao lại không nhỉ? Bởi tầm vóc của bóng đá Việt Nam giờ thực sự khác rồi… TẦM NHÌN PARK HANG-SEO VÀ NHỮNG ĐỔI THAY CHO BÓNG ĐÁ VIỆT - Đăng Huỳnh - Sau hơn 2 năm làm việc ở Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã đóng góp những thành công lớn cho bóng đá nước nhà. Phía sau mỗi mốc son ấy chính là câu chuyện về tầm nhìn phát triển bóng đá Việt Nam. Dấu ấn của thầy Park H LV Park Hang-seo chính thức ra mắt bóng đá Việt Nam ngày 10/11/2017. Trận đấu đầu tiên mà ông dẫn dắt đội tuyển Việt Nam là cuộc đối đầu với Afghanistan trên sân Mỹ Đình vào ngày 14/11/2017. Trận đấu đó, chúng ta được 1 điểm sau trận hòa 0-0 và chính thức giành vé dự Asian Cup 2019. Nhiều người đã nói vui rằng, ông Park may mắn khi mới trận đầu cầm quân đã có thành tích. Cũng vì thế mà ông luôn “son” khi bước vào những giải đấu quan trọng cùng U23 và đội tuyển quốc gia. Giải đấu chính thức đầu tiên mà ông Park cầm quân là Vòng chung kết U23 châu Á 2018. Đó là giải đấu mà ngay ở lễ nhậm chức, ông Park đã tuyên bố sẽ giúp U23 Việt Nam tạo kỳ tích. Thế nhưng, đó là phát ngôn ở thời điểm mà ai cũng nghĩ ông chỉ “nói cho vui”. Bởi U23 Việt Nam vừa thất bại ê chề tại SEA Games 2017 cùng hàng loạt những vấn đề lùm xùm ở thượng tầng VFF. Nhưng sau đó, ông Park đã cùng U23 Việt Nam tạo ra cơn địa chấn ở Thường Châu với việc giành ngôi Á quân giải U23 châu Á 2018. Đó là chiến tích mở ra một kỷ nguyên thành công. Sau đó, ông giúp U23 Việt Nam tiếp tục giành hạng tư ASIAD 18, đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2018 và lọt vào tứ kết Asian Cup 2019. Sau 2 năm nhìn lại, HLV Park Hang-seo đang là người thành công nhất trong số các HLV ngoại từng làm việc tại Việt Nam. Cho đến cuối năm 2019, đội tuyển Việt Nam đã trải qua 5 trận đấu ở Vòng loại World Cup 2022, hiện có 11 điểm và đang xếp thứ nhất. Thầy trò HLV Park Hang-seo còn 3 trận đấu nữa để quyết định tấm vé đi tiếp vào vòng loại cuối cùng. Đó là cơ hội để bóng đá Việt Nam tiến gần hơn với giấc mơ World Cup. Đặc biệt, chúng ta đã không còn coi Thái Lan như một đối trọng nữa. Nói đúng hơn thì việc lựa chọn đối thủ cũng đã ở một tầm khác cao hơn. Nhìn lại hành trình của đội tuyển Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, chúng ta đã trình diễn một diện mạo hoàn toàn mới. Đấy là điều để chúng ta hy vọng, bóng đá Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội mới ở sân chơi số 1 thế giới. Điểm nhấn đáng chú ý nhất là việc ông Park đã giúp cho bóng đá Việt Nam giành được tấm Huy chương Vàng SEA Games lần đầu tiên trong lịch sử. Đấy là chức vô địch mà ông đã từng nói rằng, trong sự nghiệp chưa trải qua một giải đấu nào khắc nghiệt như vậy. Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu chưa kết thúc. Trả lời tờ Yonhap News (Hàn Quốc) sau đó, HLV Park Hang-seo nói rằng: “Ở Đông Nam Á, chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đề ra cả ở cấp độ U23 và tuyển quốc gia, nhưng điều quan trọng đối với chúng tôi là phải duy trì được ngôi vị số một của mình. Chúng tôi có AFF Cup sẽ diễn ra vào năm sau và một kỳ SEA Games nữa trong năm 2021. Việc chúng tôi là nhà vô địch Đông Nam Á không có nghĩa là có thể tham gia vào các đấu trường thế giới chỉ sau vài năm. Chúng tôi cần có kế hoạch dài hạn để tham gia Olympic và World Cup. Tôi nghĩ điều này không hề dễ dàng.” Câu chuyện tầm nhìn HLV Park Hang-seo không chỉ mang đến những thành tích cho bóng đá Việt Nam ở các giải đấu cụ thể, điều lớn lao hơn chính là ông đã thay đổi tư duy và tầm nhìn của cả nền bóng đá qua từng giải đấu. Tất cả đều biết HLV Park Hang-seo đến Việt Nam trong vai trò là “coach” (tức là một HLV đơn thuần) dẫn dắt U23 và đội tuyển Việt Nam. Ông trực tiếp cầm quân ở các giải đấu lớn như bao HLV khác. Sau câu chuyện thành công của bóng đá Việt Nam, VFF cần nhìn nhận Park Hang-seo ở một vai trò khác: có thể biến ông thành một “manager” - được hiểu là người quản lý, điều hành và định hướng chiến lược, đường lối phát triển của cả nền bóng đá. Bởi suốt 2 năm qua, ông Park không chỉ huấn luyện mà còn đóng vai trò là người định hướng cho bóng đá Việt. Đầu tiên là câu chuyện “phá dớp” Thái Lan, HLV Park Hang-seo đã làm công tác tâm lý rất tốt cho chính các cầu thủ của mình trước, trong và sau những cuộc đối đầu. Ông muốn cả truyền thông, dư luận cũng phải ý thức được rằng “không việc gì phải sợ Thái Lan”. Sau mỗi giải đấu mà bóng đá Việt Nam có được thành công, điều ông muốn tất cả nghĩ đến là những đối thủ tầm cao như Hàn Quốc, Nhật Bản… thay vì Thái Lan. Bởi theo quan điểm của ông, người Thái cũng chỉ nên được xếp bằng phân ở khu vực, chúng ta cần chọn đối thủ đẳng cấp hơn làm động lực phấn đấu, phát triển. Cũng vì thế mà cho đến thời điểm này, HLV Park Hang-seo bất bại trước Thái Lan ở mọi giải đấu, mọi cấp độ. Đó cũng là tư duy cần thay đổi từ chính những người quản lý trong định hướng mục tiêu. Chúng ta nhắc đến World Cup như một mục tiêu lớn. Thế nhưng ông Park lại nhìn vào thực tế hơn, đó là Việt Nam chưa sẵn sàng cho mục tiêu này. Ông chỉ ra những vấn đề cụ thể, từ những hạn chế của hệ thống bóng đá Việt Nam. Câu chuyện World Cup không chỉ là mục tiêu của riêng VFF mà của cả ngành thể thao và toàn xã hội. Vấn đề này chính là ở câu chuyện tầm nhìn và chiến lược mà chúng ta dành cho bóng đá chưa đủ để sẵn sàng cho mục tiêu World Cup. Chúng ta cần hành động với những chiến lược, kế hoạch cụ thể thay vì chỉ giương cao khẩu hiệu. Sau những phân tích, ông Park chốt vấn đề: “Hãy quan tâm tới lứa U10, U12, U15, bởi họ sẽ quyết định tương lai chúng ta có được dự Olympic hay World Cup hay không.” Hãy nhớ lại câu chuyện trước thềm ASIAD 18, khi ông Park tập trung quân tại PVF và từng nói rằng, Việt Nam từ trước đến nay thiếu bộ phận ghi chép các thông số về cầu thủ, điều này khiến các HLV đi sau rất khó nắm bắt. Ông sẽ bắt đầu trực tiếp thực hiện công việc này. Cũng vì thế mà dưới thời Park Hang-seo mới có câu chuyện về “danh sách sơ bộ” có khi lên đến cả trăm cầu thủ. Ông Park đã nói rằng: “Để đánh giá tình hình các cầu thủ, chúng ta phải có số liệu - điều hiện nay đang thiếu. Cụ thể về tình hình thể lực từng cầu thủ, chấn thương và tiền sử chấn thương của cầu thủ đó. Chúng ta cũng thiếu những ghi chép về lịch sử những vị trí mà các cầu thủ từng thi đấu... Nếu không ghi chép lại thì những HLV làm việc sau đó sẽ phải làm lại từ đầu. Họ không biết các thông số về cầu thủ như thế nào. Trong thời gian làm việc ở đây, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện vấn đề này, cố gắng có đầy đủ số liệu về tình hình chấn thương, sức khỏe và thể lực cầu thủ. Từ dữ liệu đó sẽ có phương án riêng cho từng người cũng như kế hoạch tập luyện cụ thể...” Hay như câu chuyện về V-League, vấn đề lớn nhất mà ông chỉ ra là việc các câu lạc bộ vì quyền lợi thường ưu tiên cầu thủ ngoại cho các vị trí quan trọng, triệt tiêu cơ hội của cầu thủ Việt Nam, gây bất lợi cho đội tuyển quốc gia trong tương lai. Ông dẫn ra rằng, bóng đá Việt Nam chưa đạt đến tầm phát triển như châu Âu để có thể áp dụng mô hình hay so sánh. Đó là câu chuyện mang tính tầm nhìn và định hướng phát triển. Ông Park chia sẻ: “Tôi xin nói một vấn đề. Các trung vệ, tiền đạo ở các câu lạc bộ, 70-80% là cầu thủ ngoại. Sắp tới chúng ta nếu đi đá World Cup, Olympic thì không biết lấy nguồn đâu ra cho các vị trí này. Các câu lạc bộ có lý do của họ, đó là vì thành tích. Vấn đề này các câu lạc bộ, VFF và Chính phủ phải tìm ra hướng giải quyết. Một vài đội có tới 3 ngoại binh, thêm 1 cầu thủ nhập tịch là 4. Tôi từng nói vấn đề này và nhận được sự phản bác rằng các giải châu Âu còn nhiều cầu thủ ngoại hơn thế. Nhưng các bạn phải hiểu rằng, các giải bóng đá đó thuộc khối EU. Ngay như Hàn Quốc và Nhật Bản có nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, trong số 23 cầu thủ chính của Nhật Bản, chỉ 4 người đá ở trong nước, còn lại đá ở nước ngoài hết. Như Việt Nam, nếu có nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu thì đó là nguồn lực lớn nhưng chúng ta chỉ có 3 người thôi (chủ yếu dự bị - PV). Tôi lo sắp tới tiền đạo cũng như trung vệ, không có cơ hội phát triển. Phải có cơ hội cho họ...” Còn cầu thủ Việt kiều thì sao? Theo chia sẻ của HLV Park Hang seo, ông gặp khá nhiều vấn đề khi tìm hiểu những cái tên nằm trong diện theo dõi. Ông nói: “Tôi vẫn trao đổi thường xuyên với VFF về các cầu thủ Việt kiều. Họ có thực sự mong muốn mang quốc tịch Việt Nam không? Họ cần thời gian hoàn thiện. Sau khi đi Na Uy về, tôi có suy nghĩ như sau: các cầu thủ Việt kiều không nói được tiếng Việt dù có bố hoặc mẹ người Việt. Các cầu thủ đó sinh ra ở nước ngoài, không hiểu văn hóa Việt Nam, tuy có dòng máu Việt Nam nhưng suy nghĩ, thói quen là của công dân nước ngoài. Vì cách tư duy, suy nghĩ không phải của người Việt Nam, nên tôi cũng hơi nghi ngờ. Nếu ngôn ngữ bất đồng, tư duy khác biệt thì hòa nhập thế nào? Và vấn đề quan trọng ở đây là nếu họ thực sự tài năng, vượt trội hơn cầu thủ Việt Nam thì đã đành, nhưng nếu trình độ chỉ ngang ngang thì chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo.” Dù sao chiến lược gia người Hàn Quốc vẫn còn nhiều thời gian để cân nhắc, bởi bản hợp đồng gia hạn mới ký hồi đầu tháng 11 sẽ giữ ông ở lại Việt Nam thêm 3 năm nữa. Nhân nhắc đến chuyện hợp đồng, trong quá trình đàm phán gia hạn hợp đồng với VFF, ông Park không trực tiếp tham gia mà ủy quyền cho người đại diện. Đó là cách hành xử chuyên nghiệp, việc của ông là làm chuyên môn thay vì đi thương lượng. Bởi như ông chia sẻ, “tiền không phải tất cả.” Theo HLV Park Hang-seo, điều mà ông mong muốn chính là bản hợp đồng mới sẽ đưa ra được cam kết về một kế hoạch tương lai cụ thể với bóng đá Việt Nam. Giá trị cốt lõi chính là chiến lược của VFF có phù hợp với tư tưởng, tham vọng của ông hay không. Bởi với HLV Park Hang-seo, thì những gì ông đã làm được trong 2 năm qua còn giá trị hơn nhiều tiền bạc. Và với một người chuyên nghiệp, có tham vọng như ông Park, điều mà ông muốn nhìn thấy là cơ hội phát triển nghề để nâng tầm bản thân. Đấy là những vấn đề VFF cần có sự tính toán nhất định để khai thác “nguồn tài nguyên mang tên Park Hang-seo”. Ông Park rồi cũng sẽ đến một thời điểm phải chia tay cương vị HLV trưởng. Chắc chắn sẽ không có chuyện đập đi, xây lại đội tuyển như trước đây, mà phải là một sự kế thừa và phát triển. VÌ SAO HLV PARK HANG-SEO LÀ NỖI ÁM ẢNH CỦA CẢ ĐÔNG NAM Á? - Việt Cường - Sau chiến thắng đăng quang ở AFF 2018, HLV Park Hang-seo tiếp tục đưa bóng đá Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á một lần nữa với tấm Huy chương Vàng SEA Games 30. Có thể khẳng định, ở thời điểm hiện tại, bóng đá khu vực đang hoàn toàn bất lực với vị huấn luyện viên người Hàn Quốc. K hách quan mà nói, SEA Games 30 là giải đấu không hề dễ dàng với đội tuyển U22 Việt Nam nói chung và HLV Park Hang-seo nói riêng. Vì nhiều lẽ... Thứ nhất, so với đội tuyển quốc gia, lực lượng của đội U22 tất nhiên không chất lượng bằng. Ngoài vấn đề về trình độ và kinh nghiệm, các cầu thủ trẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn để thích nghi với hệ thống 3 trung vệ của HLV Park Hang-seo, vốn không được nhiều câu lạc bộ ở V-League sử dụng. Đây cũng từng là vấn đề với các đàn anh ở tuyển, nhưng sau 2 năm được ông Park rèn giũa, những Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Tiến Dũng... đã không còn bỡ ngỡ khi đứng chung trong một hệ thống mới. Với các cầu thủ trẻ như Thành Chung, Tấn Sinh hay Thanh Thịnh, Tấn Tài, thời gian là thứ mà họ vẫn còn thiếu. Thứ hai, trong hành trình đến với trận đấu cuối cùng, U22 Việt Nam đã gặp phải không ít vấn đề ngoài khả năng dự liệu của ông Park. Đầu tiên là vấn đề ở vị trí thủ môn. Bùi Tiến Dũng sai lầm trong trận đấu với Indonesia ở vòng bảng, bị thay bằng Văn Toản, để rồi chính Văn Toản lại mắc lỗi ở trận gặp Thái Lan. Bầu không khí trong đội vì thế cũng trở nên căng thẳng hơn. Khó khăn chất chồng thêm, U22 Việt Nam mất đi đội trưởng Quang Hải do dính chấn thương khi vòng bảng còn chưa kết thúc. Đây là lần đầu tiên sau hai năm, ông Park không thể đưa ra sân ngôi sao sáng nhất của mình vào một trận đấu quan trọng. Quang Hải có vai trò như thế nào với đội tuyển Việt Nam thì ai cũng biết, nên mất anh là tổn thất lớn thế nào hẳn không cần nói thêm. Thứ ba, và cũng quan trọng không kém, chúng ta cần phải thừa nhận rằng sơ đồ 3 trung vệ ưa thích của HLV Park Hang-seo đã không còn là cái gì đó quá lạ lẫm với các đối thủ trong khu vực. Ở SEA Games 30, những đội bóng đồng cân đồng hạng, từ Singapore tới Indonesia rồi Thái Lan, đều đã gây ra khá nhiều khó khăn cho chúng ta, bởi vì họ biết hệ thống của chúng ta vận hành như thế nào, đâu là điểm mạnh cần đối phó, đâu là điểm yếu cần khai thác. Đó cũng là lý do HLV Park Hang-seo, sau trận hòa nhọc nhằn 2-2 với Thái Lan ở lượt cuối vòng bảng, đã yêu cầu báo chí ngừng đưa tin về đội hình xuất phát (dự kiến) của đội U22. Ông không muốn “tạo điều kiện” để công việc của những HLV đối thủ trở nên dễ dàng hơn. “Lửa thử vàng”, đây cũng là lúc chúng ta nhìn thấy được bản lĩnh và tài năng của HLV Park Hang-seo. Ở những giải đấu trước do ông dẫn dắt, các đội tuyển của chúng ta thường chiếm được lợi thế nhờ sự chuẩn bị tốt hơn so với đối thủ. Nhưng ở SEA Games 30, đặc biệt là ở vòng bảng, gần như mọi phương án A của chúng ta đều bị phá sản. Có thể là vì đối phương đã có sự chuẩn bị tốt. Cũng có thể là vì chúng ta đã tự làm khó mình bằng những sai lầm cá nhân. Tuy nhiên, với bản lĩnh đã được trui rèn, và trên hết là với những điều chỉnh đầy hợp lý và kịp thời của HLV, Việt Nam luôn có thể lật ngược thế cờ để đạt được kết quả như mong muốn. Các trận đấu với Singapore và Indonesia là những ví dụ điển hình cho tinh thần và trí tuệ Park Hang-seo. Đó đều là những trận đấu mà Việt Nam đã gặp vô vàn khó khăn, nhất là trong thời gian đầu trận. Cách bố trí quen thuộc của ông Park, 5-4-1 khi phòng ngự và 3-4-3 khi tấn công, không phát huy được hiệu quả mong muốn trước lối chơi áp sát đầy khó chịu của đối thủ. Chúng ta bế tắc hoàn toàn trong cả hai hiệp 1 đó, thậm chí còn để Indonesia vượt lên dẫn trước. Nhưng sang hiệp 2, thế trận đã thay đổi hoàn toàn. Bằng việc tung thêm tiền đạo vào sân để đá với hai tiền đạo, điều chỉnh ở hai vị trí wing-back - hướng tấn công quan trọng của đội - và đẩy đội hình lên cao, chúng ta đã kiểm soát tốt trận đấu, để rồi có được bàn ấn định chiến thắng ở những phút cuối cùng. Với tất cả sự tôn trọng dành cho các HLV nội, vẫn phải công nhận rằng nếu ngồi trên băng ghế huấn luyện không phải là ông Park mà là một HLV nào đó người Việt Nam, thì đội U22 sẽ không thể tạo nên những cú lật ngược thế cờ ngoạn mục như thế. Trong quá khứ, đã có không biết bao nhiêu lần các đội tuyển của chúng ta gục ngã và không gượng dậy nổi sau những sai lầm như của Văn Toản hay Tiến Dũng. Ngoài vấn đề về tâm lý, ông Park còn hơn những người đồng nghiệp Việt Nam ở khả năng ứng biến, và trên hết là sự chuẩn bị. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, U22 Việt Nam sẽ không thể nào xoay chuyển liên tục cả về nhân sự và đội hình mà vẫn giữ được sự mượt mà, thậm chí còn mượt mà hơn, như thế. Và cuối cùng, chúng ta có thể khẳng định một điều: các HLV ở Đông Nam Á hiện nay vẫn chưa thể tìm ra cách hóa giải chiến thuật phòng ngự của Park Hang-seo. Đa phần các bàn thua của U22 Việt Nam ở SEA Games 30 đều xuất phát từ những sai lầm cá nhân, chứ không phải lỗi hệ thống. Trong sơ đồ 5-4-1 khi phòng ngự của U22 Việt Nam, khoảng trống để các đối thủ khai thác gần như là không có. Tấn công trung lộ thì cũng như đâm đầu vào đá, khi phía trước khung thành của U22 Việt Nam là hai tuyến phòng ngự chặt chẽ và linh hoạt, với mỗi người trong đó đều biết khi nào cần giữ vị trí, khi nào cần phải dâng lên để gây sức ép. Nếu định tấn công biên, họ sẽ vấp phải sức ép quyết liệt từ các cầu thủ chơi ở cánh. Trong thế trận ổn định, U22 luôn tạo được sự vượt trội về quân số so với 2 cầu thủ chạy cánh của đối phương, khi người chơi ở vị trí wing-back luôn có được sự hỗ trợ của ít nhất ba đồng đội, là trung vệ lệch, tiền vệ cánh và tiền vệ trung tâm lệch cánh. Để có thể hóa giải được hệ thống của ông Park, các đội bóng hoặc là phải vượt trội về mặt trình độ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Iran; hoặc là, nếu trình độ tương đương, thì phải tổ chức được những pha tấn công đủ nhanh, đủ phức tạp. Chỉ khi đó, hệ thống phòng ngự của chúng ta mới có nguy cơ bị rối loạn, và khoảng trống mới xuất hiện. Tuy nhiên, ở đẳng cấp các đội bóng Đông Nam Á hiện tại, đó là điều gần như không tưởng. Đội tuyển Thái Lan, ở Vòng loại World Cup 2022 vừa rồi, là đội bóng Đông Nam Á tiến gần nhất tới mục tiêu đánh bại Việt Nam. Nhưng ngay cả khi đã vượt qua được hệ thống của chúng ta rồi, thì họ lại không đủ sự lạnh lùng, đúng hơn là chất lượng, để tung ra đòn dứt điểm. Ông Park hoàn toàn ý thức được rằng trong thời gian tới, thách thức từ các đồng nghiệp ở Đông Nam Á chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. Trong bài trả lời phỏng vấn cho tờ Chosun của Hàn Quốc sau trận đấu cuối cùng của đội tuyển Việt Nam trong năm 2019, ông cũng đã nhắc tới chuyện Việt Nam cần phải làm mới mình, khi mà “chiến thuật của đội đã lộ rõ”. Một trong những biện pháp làm mới, theo tiết lộ của ông, là sử dụng sơ đồ có hai tiền đạo, điều mà ông đã làm ở SEA Games 30 và mang lại những kết quả tích cực. Ông Park, rõ ràng, không đứng yên khi xung quanh đều đang vận động để chống lại ông. Và cứ theo cái đà này, HLV Park Hang-seo sẽ tiếp tục là thách thức, thậm chí là nỗi ám ảnh, với phần còn lại của Đông Nam Á. 9 CUỘC HỌP BÁO VÀ 50 SẮC THÁI PARK HANG-SEO - Nhân Văn - Nếu muốn hiểu HLV Park Hang-seo, hãy đến phòng họp báo. Ở đó ta sẽ thấy một Park Hang-seo khi thì giận dữ, khi thì điềm đạm, lúc giống như đang “âm mưu” một cái gì đó, lúc chỉ đơn giản là truyền cảm hứng. Nhưng tất cả đều có mục đích, thậm chí một chiến lược hoàn chỉnh để phục vụ mục tiêu chiến thắng. Ở bất cứ đâu HLV Park Hang-seo cũng trở thành tâm điểm. Ngoài sân cỏ, các ống kính luôn theo sát ông để cố gắng không bỏ qua bất cứ hành động nào. Còn trong phòng họp báo, nhất cử nhất động và các tuyên bố của ông đều được tất cả cẩn trọng ghi lại. Ở đó, ông hiện ra là một cá tính hấp dẫn, chủ động và có khả năng điều khiển diễn biến theo ý mình. SEA Games 2019, HLV Park Hang Seo tham gia tổng cộng 9 cuộc họp báo trước và sau trận đấu ở Binan hay Rizal Memorial. Ngày 24/11, HLV Park Hang-seo cùng 4 HLV của U22 Lào, U22 Indonesia, U22 Brunei và U22 Singapore có mặt đầy đủ chuẩn bị cho cuộc họp báo trước ngày môn bóng đá nam SEA Games khởi tranh. Vậy HLV Akira Nishino của U22 Thái Lan đâu? “Tôi xin lỗi vì đến muộn do kẹt xe, trước đó tôi có cuộc họp quan trọng với cả đội”, HLV người Nhật Bản phân trần khi các HLV khác đã bắt đầu nói về sự chuẩn bị của đội nhà. 11h15 (giờ Việt Nam), cuộc họp bắt đầu. 11h20, ông Nishino mới đến. Ban tổ chức có ý chờ đợi. HLV Park Hang-seo thì không muốn thế, ông quay sang nói với ban tổ chức rằng cứ cho tiến hành cùng vẻ mặt tương đối khó chịu. Câu chuyện trở nên đáng chú ý hơn khi nhân vật chính là thuyền trưởng của Việt Nam và Thái Lan. 9 ngày trước họ còn đối đầu với nhau tại sân vận động Mỹ Đình, khi hai đội tuyển quốc gia chạm trán tại Vòng loại World Cup 2022. Chưa ai quên mâu thuẫn giữa ông Park và HLV thủ môn Sasa Todic bên phía Thái Lan quanh chuyện có hay không một sự “miệt thị ngoại hình”, còn giờ là một chút khó chịu với HLV trưởng Akira Nishino về vấn đề giờ giấc. Sau cuộc họp, HLV Akira Nishino đã gặp riêng ông Park, thay mặt trợ lý Sasa để nói lời xin lỗi. Ông Park nhận lấy thịnh tình và từ trước đó đến sau này ông đều khẳng định: “Tôi với ông Nishino quen nhau lâu rồi, chúng tôi là bạn.” Nhưng chưa hết, cuộc họp báo trước giải còn xuất hiện một chi tiết khác để chứng minh sự chủ động kiểm soát của HLV người Hàn Quốc. Do có tới 6 HLV và thời gian họp báo có hạn nên mỗi HLV chỉ trả lời 1 đến 2 câu hỏi là thời gian đã hết, ban tổ chức tuyên bố kết thúc. HLV Park Hang-seo giành lấy micro mà nói: “Thật không công bằng khi các HLV khác được nói, còn tôi thì không. Ban tổ chức nên kiểm soát số câu hỏi, cũng như thời gian bởi chúng tôi rất bận, không thể đến đây chỉ để nói một hai câu, chụp ảnh rồi ra về.” Ban tổ chức đành nhượng bộ, dù sau đó, khoảng thời gian có thêm cũng không đủ để bổ sung những thông tin đặc sắc. Sự kiểm soát ấy còn được thể hiện trước trận gặp U22 Campuchia tại bán kết. Thầy Park nói: “U22 Việt Nam cạn thể lực rồi, chỉ còn đá bằng tinh thần thôi.” Một câu nói tưởng như chân thật nhưng có lẽ đã khiến đối thủ ảo tưởng với sức mạnh của mình, để rồi nhận lấy thất bại 0-4. Ngày hôm ấy, các tuyển ậ y ạ g y y y thủ U22 Việt Nam thắng nhàn hạ, chẳng hề có dấu hiệu của cạn thể lực, còn tinh thần thì thoải mái hơn cả trận đấu gặp Indonesia hay Thái Lan. Thầy Park còn gọi riêng các phóng viên Việt Nam ra mà thắc mắc tại sao danh sách mà ông và các thành viên ban huấn luyện vừa chốt xong đã ngay lập tức xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ông lo có người trong đội tuồn thông tin ra ngoài, nhưng vì đang trong giải nên không muốn làm rùm beng. Thế rồi, ông tạm dừng thắc mắc mà chuyển sang đề nghị các phóng viên “đừng đăng danh sách đội hình U22 Việt Nam quá sớm.” Ông nhấn mạnh vào tinh thần dân tộc, vào thứ gọi là Huy chương Vàng SEA Games - một mục tiêu chung của nhiều người để gia tăng sức nặng cho lời đề nghị. Câu nói ấy tưởng chừng đơn giản và hợp lý nhưng cũng đầy tranh cãi. Người thì bảo rằng nhiệm vụ của báo chí là “săn tin”, còn thầy Park nên giải quyết từ nội bộ. Thế nhưng, đấy chỉ là thiểu số. Phần đông ủng hộ HLV người Hàn Quốc, và ông khiến chính các cơ quan báo chí truyền thông Việt Nam rơi vào trạng thái khó xử, đẩy áp lực trước trận bán kết sang một khía cạnh khác. Dẫn cứ này thể hiện khả năng ứng biến đặc biệt của HLV Park Hang-seo, khiến ông trở nên sống động và khác biệt rất nhiều so với những đời HLV trưởng các đội tuyển Việt Nam trước đây và toàn bộ những nhà cầm quân ở Đông Nam Á hiện tại. Những sự kiểm soát chưa từng có trong tiền lệ. Một ngày sau (25/11), HLV Park Hang-seo bước vào phòng họp báo ở sân vận động Binan sau khi U22 Việt Nam hạ U22 Brunei với tỷ số của 1 set tennis (6-0). Việt Nam quá mạnh nhưng HLV người Hàn Quốc thì nghĩ khác: “Chúng tôi may mắn thôi.” Ông nói tiếp: “Đây mới là trận ra quân. Tôi chưa thể hài lòng hay vui mừng điều gì. Các học trò của tôi cũng vậy. Còn nhiều trận đấu ở phía trước, chặng đường SEA Games còn dài lắm.” Bài học chiến thắng vẫn còn nguyên cách đây 2 năm, tưng bừng 3 trận đầu để rồi ngậm đắng rời giải ngay sau vòng bảng. Trong niềm hân hoan, HLV Park Hang-seo vẫn bình thản vì những nước đi đã được ông tính toán từ trước đó cả tháng trời. Mục tiêu của U22 Việt Nam là Huy chương Vàng, và cần 6 trận đấu nữa mới đi đến đích. Cất giữ niềm vui nho nhỏ để có niềm vui to lớn hơn là điều xứng đáng. Ngày 28/11, U22 Việt Nam tiếp tục hạ gục U22 Lào 6-1. Không có gì đáng nói ngoại trừ bàn thua ở phút 60 sau một tình huống cố định. “Chúng tôi đã tập luyện rất kỹ các tình huống tương tự nhưng không hiểu sao vẫn để lọt lưới. Tôi sẽ phải gặp các cầu thủ, hỏi họ và xem lại bàn thua này”, ông nói. Đây là lần hiếm hoi HLV Park Hang-seo để lộ một hành động của sự chất vấn dành cho các học trò sau hàng chục trận đã qua, nhưng từ đó, U22 Việt Nam nhận ra vị thế của mình, chí ít là trước những đối thủ bị đánh giá thấp hơn là Lào hay Brunei. Trước những đối thủ lớn hơn, không có chỗ cho sai lầm kiểu như vậy. Đến ngày 1/12, U22 Việt Nam thắng kịch tính U22 Indonesia 2- 1, nhưng sai lầm của Bùi Tiến Dũng được đưa ra mổ xẻ. HLV Park Hang-seo không thể lảng tránh những câu hỏi liên quan đến thủ môn từng là người hùng ở Vòng chung kết U23 châu Á 2018 trên đất Trung Quốc. Bằng kinh nghiệm của mình, HLV 60 tuổi bảo vệ học trò và tự biến mình thành nhân vật chính. “Tôi quan niệm mọi thứ xảy ra trên sân thì HLV luôn là người chịu trách nhiệm. Tôi không muốn nói về sai lầm của một cá nhân ở đây”, ông nói. Thế nhưng, từ đó đến cuối giải, Bùi Tiến Dũng đã mất vị trí. Văn Toản được lựa chọn là thủ thành số 1, dù cũng mắc sai sót trong trận hòa 2-2 trước người Thái. Đó có thể là kết quả từ sai lầm ậ g q của Tiến Dũng, cũng được xem là câu trả lời thật sự của thầy Park thay vì điều ông nói ra ở cuộc họp báo sau trận, để một lần nữa chứng minh, không ai là không thể thay thế trong đội hình của vị HLV người Hàn Quốc. Cũng chính từ trận đấu này, U22 Việt Nam trải qua thêm 2 trận đấu “khó thở” khác trước U22 Singapore và U22 Thái Lan. Ngày 3/12, Hà Đức Chinh ghi bàn thắng duy nhất để hạ một U22 Singapore đầy khó chịu. 2 ngày sau, U22 Việt Nam ngược dòng hòa Thái Lan sau khi bị dẫn trước hai bàn. HLV Park Hang-seo thừa nhận trận hòa U22 Thái Lan là “một trận đấu khó khăn, có lẽ là khó nhất tại vòng bảng SEA Games”. Cuối cùng, ông nhấn mạnh vào tinh thần chiến đấu: “Một lần nữa các cầu thủ của tôi đã cho thấy tinh thần chiến đấu bất khuất, không từ bỏ, không đầu hàng trước nghịch cảnh.” Nhìn lại toàn bộ SEA Games 30, 3 trận đấu cuối vòng bảng được xem là khó khăn nhất với U22 Việt Nam. 3 lần vượt qua gian nguy, 3 lần suýt hòa và thua để rồi vẫn bất bại. Từ những trận đấu đó, niềm tin dâng trào từ cầu thủ đến người hâm mộ. Khi những kẻ mạnh nhất cũng không thể hạ gục U22 Việt Nam, thì chẳng còn gì ngăn cản được tập thể này ngoài chính họ. Vượt qua kỳ phùng địch thủ Thái Lan, cửa giành Huy chương Vàng đã hiện rõ với thầy trò HLV Park Hang-seo. Cách khích lệ tinh thần dân tộc của HLV Park Hang-seo là điều không còn lạ lẫm nữa. Ông khôn ngoan và luôn đánh trúng tâm lý yêu nước, tự tôn dân tộc của người Việt Nam. Với ông, không có mục tiêu riêng, chỉ có những thứ chung nhất, đánh động vào trí não của nhiều người mới là điều lớn lao cần hướng tới. Trước trận chung kết, HLV Park Hang-seo đã nói: “Tôi muốn bay về Hà Nội cùng tuyển nữ Việt Nam với tấm Huy chương Vàng trên ngực”, và “Vì giấc mơ Huy chương Vàng 60 năm qua, tôi và các cầu thủ sẽ cố gắng hết mình để đánh bại Indonesia.” Sau chiến thắng 3-0, ông sẻ chia: “Tôi xin dành vinh quang này cho người dân Việt Nam.” Từ những lời ấy, người dân Việt Nam sẽ lại nhớ những câu nói đã trở thành kinh điển: “Tại sao chúng ta phải cúi đầu?” sau trận chung kết U23 châu Á 2018, hay “Tôi luôn nói với các cầu thủ rằng họ phải có trách nhiệm khi đang thi đấu nhờ tiền thuế của người dân Việt Nam.” Sau chức vô địch AFF Cup 2018, HLV Park Hang-seo có thêm một danh hiệu lớn cùng bóng đá Việt Nam. Không chỉ là danh hiệu, ông còn khai mở một thác nước mát lành cho cơn khát Huy chương Vàng của người dân đất Việt tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Cũng từ những thành quả ấy, tính cách của HLV Park Hang-seo được hiện rõ. Ông thông minh và khéo léo nhưng cũng đầy điên cuồng, cũng có khi thiếu tỉnh táo ở một vài thời khắc - như cách ông phải nhận thẻ đỏ trong trận chung kết SEA Games. Hơn hết thảy, ông cho thấy tình yêu thật sự với dải đất hình chữ S, một mối quan hệ vừa vặn cho đôi bên, hợp nhau đến lạ kỳ. THỦ LĨNH ĐỖ HÙNG DŨNG VÀ HÀNH TRÌNH DÀI THEO ĐUỔI THÀNH CÔNG - Cẩm Chi - Khoảng 2-3 năm trước, chẳng mấy ai biết đến cái tên Đỗ Hùng Dũng. Mỗi khi được gọi lên tuyển, anh luôn có mặt nhưng cũng thường bị... gạch tên rất nhanh. Mọi chuyện chỉ bắt đầu khác đi kể từ chiến dịch ASIAD 2018. Ở tuổi 26, Hùng Dũng đã chứng minh một ngôi sao không phải lúc nào cũng cần có xuất phát điểm ấn tượng. M ột năm qua là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong đời Hùng Dũng, bởi có quá nhiều lần đầu tiên với anh. Lần đầu tiên vô địch AFF cùng đội tuyển. Lần đầu tiên thi đấu với những đối thủ đẳng cấp tham dự World Cup. Và lần đầu tiên được quàng lên cổ tấm Huy chương Vàng SEA Games - điều mà rất nhiều thế hệ cầu thủ trước đây chỉ có thể mơ ước. Dĩ nhiên, phải nói thêm cả chuyện anh lên xe hoa, để rồi lần đầu làm cha của một cậu bé kháu khỉnh. Tiếc rằng giữa lúc gia đình bộn bề công việc như thế, anh lại không thể dành nhiều thời gian bên vợ con. Không phải Hùng Dũng không muốn, mà đơn giản, anh phải tiếp tục lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc gia. Sau chiến dịch ASIAD 2018, một lần nữa Hùng Dũng được tin cậy trở thành viện binh cho các cậu em tại sân chơi SEA Games. Như anh chia sẻ,“sau trận Vòng loại World Cup 2022, thầy Park gọi tôi lên phòng riêng, nắm chặt tay và nói lời xin lỗi, xin lỗi vì mới có con nhỏ mà bị triệu tập đi đá Sea Games”. “Nhưng thầy cũng nói, đây không phải tôi gọi mà là quốc gia gọi, Việt Nam gọi”, Dũng kể. Thế là lên đường thôi. Trong thời gian tập trung cùng đội U22 Việt Nam, Hùng Dũng không đăng một bài viết nào trên trang Facebook cá nhân của mình vì sợ bị mạng xã hội làm phân tâm trước khi giành Huy chương Vàng. Lúc nào anh cũng nghiêm túc, khắt khe với bản thân như thế. Bởi cá nhân Hùng Dũng biết mình không phải mẫu người có tư chất thiên bẩm để thành ngôi sao. Anh phải bù đắp bằng sự chuyên cần và luôn nghiêm khắc với bản thân. Nếu đối chiếu thành công hiện tại với quá khứ của Hùng Dũng, nhiều người cho rằng đó là sự tổng hòa của những nhân tố may mắn. Thật ra không phải. Không giống như nhiều đồng đội trưởng thành từ lò đào tạo Hà Nội T&T, Hùng Dũng vốn học bóng đá ở đội trẻ thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội. Sau nhiều năm bôn ba, phải đến lúc 23 tuổi, Hùng Dũng mới bắt đầu thi đấu ở đội 1, thời điểm mà những đàn em như Quang Hải, Duy Mạnh đã khẳng định tên tuổi từ lâu. Có nhiều lý do khiến Hùng Dũng thuộc mẫu cầu thủ “chậm lớn”. Ở những năm đầu sự nghiệp, anh được đánh giá là không có điểm gì nổi trội hơn bạn bè đồng trang lứa, thậm chí còn có phần thua kém đàn em. Nhưng càng đến tuổi phải chín, Hùng Dũng lại càng chơi tốt. Một năm qua, anh gần như không vắng mặt một phút nào trong những trận đấu quan trọng của đội tuyển Việt Nam. Với những giải đấu có thể chọn cầu thủ quá tuổi, Hùng Dũng luôn là lựa chọn hàng đầu của HLV Park Hang seo. Nhiều người có thể bất ngờ với sự tiến bộ của Hùng Dũng, nhưng các cầu thủ ở câu lạc bộ Hà Nội thì không. HLV Chu Đình Nghiêm từ 3 năm trước đã nói ông không hiểu vì sao Hùng Dũng lại không có suất ở tuyển với những gì anh đã thể hiện. Vượt qua cả những nhân tố về mặt chuyên môn, Hùng Dũng gây ấn tượng mạnh bởi phong cách thi đấu điềm đạm, bình tĩnh. Anh không dùng sức quá nhiều, nhưng luôn đạt hiệu quả tối đa để chơi bền bỉ suốt 90 phút. Lối đá khôn ngoan đó dường như xuất phát từ tính cách già trước tuổi của anh. Ở câu lạc bộ Hà Nội (trước đây là Hà Nội T&T), Hùng Dũng là một trong những người sau cùng được thăng lên đội 1, nhưng lại là cầu thủ đầu tiên sắm ô tô. Chiếc xe trị giá 300 triệu đồng mua cách đây 8 năm, cho đến nay vẫn được anh hào hứng kể lại như một trong những dấu mốc quan trọng nhất của cuộc đời. Không tự hào sao được, bởi lương của Hùng Dũng ở đội trẻ khi ấy chỉ có 500 ngàn đồng một tháng. Ấy vậy mà anh vẫn hùn vào hẳn 100 triệu để tậu xế hộp trước cả những người đàn anh. “Số tiền lớn đó tôi có được nhờ chức vô địch U19 quốc gia cùng đồng đội ở Hà Nội T&T”, Dũng tâm sự. “Lần đầu trong đời cầm một số tiền lớn như thế, tôi đem về đưa cho bố mẹ ngay. Bố mẹ khuyên tôi có tiền thì nên mua cái xe để đi lại cho tiện. Hồi đó 100 triệu là mua được xe máy SH rồi, cũng đang là mốt của nhiều người Hà Nội. Nhưng sau khi cân nhắc, tôi thống nhất với cả nhà là sẽ góp thêm tiền mua ô tô. Tôi không thích phô trương, nên không muốn mua SH, nó dù sao cũng chỉ là cái xe máy đẹp mà thôi. Ô tô thì khác, mình lái xe đi lại che nắng che mưa, đỡ vất vả.” Chưa đầy 20 tuổi, Hùng Dũng trở thành cầu thủ “oách” nhất đội trẻ Hà Nội T&T hồi ấy vì có ô tô đi. Dù vậy, chiếc xe chỉ là một phần rất nhỏ nói lên con người chu toàn, ưa chậm mà chắc của anh. Giai đoạn mới bén duyên với bóng đá trẻ, Hùng Dũng vẫn chuyên tâm học tập. Chẳng bao giờ anh đòi bố mẹ cho phép mình chơi sau giờ đá bóng như những cậu bé khác, bởi anh biết bóng đá là đam mê, nhưng lỡ mai này không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì sao. Vì vậy, trước khi trở thành cầu thủ giỏi, ít ra cũng phải là… học sinh giỏi trước đã. Không chỉ là trò giỏi, Hùng Dũng còn là con ngoan. Mỗi khi về nhà, không bao giờ có chuyện anh được nằm khểnh chơi. Nhà có người giúp việc, nhưng bố vẫn yêu cầu anh làm việc nhà để “không hư”. Từ rửa bát, quét nhà đến pha chè cho bố, việc gì anh cũng thạo. Khi những người bạn đồng trang lứa, rồi những cậu em đồng loạt thể hiện bản thân ở cấp độ đội tuyển, Hùng Dũng vẫn cần mẫn chơi ở câu lạc bộ và chờ đợi cơ hội. Nhưng khi cờ đến tay, anh đã nắm lấy rất nhanh. Trong hành trình chinh phục chức vô địch AFF Cup 2018 của đội tuyển Việt Nam, Hùng Dũng luôn là con bài tẩy được tung vào ở những trận cầu khốc liệt nhất. Khả năng quán xuyến khu vực trung lộ của anh khiến đối thủ phải chào thua. Trận bán kết lượt đi trên sân khách gặp đối thủ Philippines là một trong những màn trình diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Hùng Dũng. Phải đối đầu với những cầu thủ châu Âu nhập tịch được dẫn dắt bởi “phù thủy” Sven Goran-Eriksson, anh không hề nao núng, thậm chí còn khiến đối phương mệt bở hơi tai suốt 90 phút. Đến trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình, Hùng Dũng lại được tung vào sân ngay từ đầu để đảm bảo thắng lợi cho đội nhà. Với những gì đã thể hiện tại AFF Cup, Hùng Dũng tiếp tục chắc suất lên tuyển ở những giải đấu lớn tiếp theo. Trong chiến dịch Asian Cup 2019, anh là một trong số ít những cầu thủ đá chính cả 5 trận cho đội tuyển Việt Nam. Ở một giải đấu mà sự chắc chắn được đặt lên hàng đầu, Hùng Dũng luôn là tiền vệ số một trong mắt thầy Park. Ngay cả lúc được giao trọng trách đá phạt đền ở loạt đấu cân não với Jordan, Hùng Dũng cũng xuất sắc hoàn thành. Chính HLV Park Hang-seo cũng từng thừa nhận,“chưa bao giờ nghĩ rằng Hùng Dũng lại quan trọng đến thế”. Nhưng rồi các phẩm chất ưu việt, chính là “thể lực tốt để lên xuống không biết mệt, khả năng phòng ngự từ xa và hỗ trợ tấn công, lại rất hiểu những đồng đội xung quanh” như ông Park nói, khiến Hùng Dũng trở thành nhân tố không thể thiếu. Và hơn thế, còn quyết định thành công. Tại SEA Games 30, Dũng có 2 bàn thắng, bao gồm 1 pha lập công ở trận chung kết, 3 kiến tạo và 13 đường chuyền quyết định, nhiều hơn mọi đồng đội khác. Thành công của Hùng Dũng hoàn toàn không đến nhờ may mắn. Có xuất phát điểm thấp hơn nhiều ngay cả khi so sánh với những cầu thủ đàn em, thế nên anh quyết tâm bù lại bằng thái độ tập luyện chuyên cần, khoa học. Ở câu lạc bộ Hà Nội, ngay cả các ngoại binh cũng phải thán phục ý thức chăm chỉ của Hùng Dũng. Ngoài ra, anh còn nghiêm túc đến từng bữa ăn, giấc ngủ hằng ngày. Hùng Dũng là một trong số ít những cầu thủ cố tập ăn theo chế độ của cầu thủ chuyên nghiệp bao gồm mì Ý, cháo cá hồi và nước ép táo. Anh cũng uống rất nhiều sữa, dù thú nhận sữa dành cho cầu thủ rất đặc và khó uống. Sự hy sinh của Hùng Dũng đã được đền đáp nhờ những thành công trên sân cỏ, nhưng vinh quang cũng lấy đi của anh nhiều thứ. Mới chính thức làm bố chỉ hơn 1 tháng trước khi SEA Games bắt đầu, nhưng anh hiếm khi có dịp giúp vợ chăm sóc bé Gia Bảo. Những cuộc nói chuyện giữa đôi vợ chồng trẻ chủ yếu thông qua điện thoại, và trong những lần đó, Hùng Dũng cũng thường chỉ nói về… bóng đá. Nhưng những hy sinh đó cũng thật đáng giá, khi anh hoàn thành tốt vai trò thủ lĩnh trong bối cảnh Quang Hải chấn thương, trở thành động lực ở tuyến giữa và truyền cảm hứng cho những đồng đội trẻ mỗi khi lâm vào nghịch cảnh. Cuối cùng, một kết quả hoàn toàn xứng đáng, anh ngẩng cao đầu bước lên bục vinh quang với tấm băng đội trưởng để nhận chiếc Huy chương Vàng lấp lánh. “Khi Gia Bảo lớn lên, nhất định tôi sẽ kể lại câu chuyện ngày hôm nay cho bé nghe”, Hùng Dũng chia sẻ sau trận chung kết đầy cảm xúc. Câu chuyện ấy, chắc chắn không chỉ về thành công của đội tuyển, mà còn về hành trình để khẳng định bản thân của chính anh. Hùng Dũng đã đi qua chặng đường rất dài, từ một cầu thủ luôn bị lãng quên để rồi trở thành trụ cột quan trọng bậc nhất của đội tuyển quốc gia. Hành trình đó có thể mất nhiều thời gian hơn những ngôi sao khác, nhưng càng cho thấy tầm quan trọng của sự nỗ lực trong bóng đá. Hùng Dũng đang là tấm gương cho những cầu thủ trẻ khác: không cần tài năng thiên bẩm, họ vẫn có thể vươn lên nhờ vào sự chăm chỉ, cần mẫn. Chậm, nhưng chắc, chính là bí quyết để thành công. Và trong một sự liên tưởng, đây có thể là hình ảnh khái quát hành trình chinh phục SEA Games của bóng đá Việt Nam. Tuy chậm, vì chúng ta phải chờ tới 60 năm, nhưng chắc chắn, để có thể kiến tạo một kỷ nguyên vàng tiếp theo. Minh Chiến - Đức Chinh THẦY GIEO MƠ ƯỚC, TRÒ THỎA ƯỚC MƠ - Thanh Đình - 24 năm đủ để một thế hệ lớn lên, trưởng thành và hiện thực hóa giấc mơ của những người đi trước. Đó là câu chuyện về thầy trò Trần Minh Chiến và Hà Đức Chinh, một người viết ra giấc mơ và một người hoàn thành giấc mơ. 24 năm là khoảng thời gian dài, nhưng khoảnh khắc tại bán kết SEA Games 1995 sẽ không bao giờ bị lãng quên. Đó là khi Trần Minh Chiến tung cú vô-lê cháy lưới Myanmar giúp Việt Nam lần đầu tiên lọt vào chung kết. “Xử lý bóng trong không gian hẹp là bản năng mà ơn trên đã ban tặng cho tôi”, sau này Minh Chiến chia sẻ. Bóng từ chân Hồng Sơn vọt qua đầu Huỳnh Đức và rơi xuống đúng vị trí của Minh Chiến. Không cần một giây suy nghĩ, anh chờ quả bóng nảy lên rồi dứt điểm ngay. Chàng tiền đạo 22 tuổi với nụ cười rạng rỡ chạy đi trong cảm xúc vỡ òa trước khi rơi vào vòng tay đồng đội. Ở một nơi cách Chiang Mai hơn một ngàn cây số, là Việt Nam, cũng rung chuyển. Một cảm giác dâng trào hạnh phúc mà chưa một người hâm mộ nào trên mảnh đất hình chữ S từng nếm trải. Không ai có thể ngủ nổi đêm hôm đó. Tất cả đổ ra đường nhảy múa, reo hò… để khái niệm “đi bão” bắt đầu hình thành. Theo cách nói của bình luận viên Vũ Quang Huy, thì “hình ảnh chạy và ăn mừng bàn thắng của Minh Chiến cho thấy khát vọng chiến thắng, vươn lên của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế”. Thật tiếc là năm đó chúng ta không thể vô địch bởi đối thủ ở chung kết là Thái Lan. Mà Thái Lan thì, chính Minh Chiến sau này bộc bạch, thời bấy giờ chúng ta làm gì có cửa đấu tay đôi với họ. Người Thái ở đẳng cấp cao hơn hẳn, khiến mỗi khi đối đầu với họ, các cầu thủ của chúng ta luôn tim đập chân run. Nhưng thất bại tại Chiang Mai không phải điều tồi tệ nhất với Minh Chiến. Anh đã không thể tỏa sáng theo cách tương tự thêm lần nữa, bởi chỉ 1 năm sau đã phải từ giã sân cỏ vì chấn thương. Anh lỡ hẹn với tấm Huy chương Vàng, mãi mãi. Như Minh Chiến nói, tất cả cũng vì “ham đá quá”. Tại SEA Games 1995, tiền đạo của Công an Thành phố Hồ Chí Minh bị chấn thương ngay từ vòng bảng nhưng vẫn cố xin ban huấn luyện để góp mặt ở trận bán kết, nơi anh sẽ làm nên lịch sử. “Em thấy khỏe lắm, đá được thầy ơi...”, Minh Chiến nói với trợ lý HLV Dương Vũ Lâm mỗi khi được hỏi về tình trạng đầu gối. Và buổi sáng trước trận bán kết, anh đã chích thuốc giảm đau. Chính bởi khao khát ấy, Minh Chiến phải trả giá bằng cái đầu gối không thể chữa lành. Trong nỗi thất vọng tột cùng, đã có lúc chân sút từng được đánh giá là sắc bén nhất Việt Nam chỉ biết tìm quên trong ly rượu. Sau này, tình yêu cháy bỏng với trái bóng của Minh Chiến dần nguôi ngoai bằng công việc huấn luyện. Nhưng niềm tiếc nuối tấm Huy chương Vàng thì vẫn còn đó. Và rồi sau 24 năm, chàng tiền đạo năm xưa cũng được thỏa khao khát ấy, theo một cách rất đặc biệt. Người hùng của U22 Việt Nam trong chiến dịch lấy Vàng SEA Games 30 chính là cậu học trò mà Minh Chiến phát hiện và kèm cặp: tiền đạo Hà Đức Chinh. * * * … Vào một ngày đầu hè 2017, các tuyển thủ U20 Việt Nam rèn luyện thể lực dưới trời nắng gắt thủ đô. Sau chuyến tập huấn tại Nha Trang, họ sẽ tiếp tục có đợt tập huấn khác ở Đức để chuẩn bị cho Vòng chung kết World Cup U20. Trong quãng thời gian chờ đợi, các cầu thủ phải nuốt khối lượng giáo án cực nặng để nâng cao thể trạng. Nhiều người tỏ ra oải, cảm tưởng như không thể tiếp tục. Ở một góc, Đức Chinh đang nhăn nhó. Và phía sau, HLV Trần Minh Chiến vừa giữ để giúp Chinh thực hiện động tác khó, vừa động viên như một người cha cổ vũ con trai của mình: “Cố lên con! Tại sao tập bao nhiêu lần rồi mà vẫn thế?” Nghe thầy, Chinh lại cố, và vượt qua. Với Đức Chinh, cầu thủ sinh ra trong một gia đình thuần nông người dân tộc Mường, bóng đá luôn… rất mệt. Như anh kể với báo chí, tuổi thơ của anh là những ngày quần thảo với trái bóng rơm trên triền sông nắng cháy. Và mỗi khi bóng vọt xuống sông, Chinh và chúng bạn lại bơi xuống để mang nó lên, mồ hôi hòa vào làn nước. “Vui lắm, nhưng cũng mệt bở hơi tai”, Chinh nói, “có điều càng mệt, đam mê trong em lại càng lớn.” Có lẽ đam mê ấy chính là sợi dây kết nối Đức Chinh với Minh Chiến. Ở tuổi 15, Chinh tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2012 tại Cần Thơ. Mặc dù Chinh đã quá tuổi, nhưng HLV Minh Chiến vẫn nhất quyết đưa anh vào Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF. Trong một lần chia sẻ với báo chí, cựu tiền đạo hàng đầu Việt Nam nói: “Chinh rất nỗ lực và tiến bộ từng ngày để trong một thời gian ngắn đã thu hẹp khoảng cách với các đồng đội. Cộng thêm thể hình nổi trội, sức bật và kỹ năng tốt, tôi rất hy vọng Chinh sẽ là truyền nhân của mình trong tương lai.” Tuy nhiên, xét về phong cách, Đức Chinh rất khác Minh Chiến, thậm chí hơi tương phản để trở thành truyền nhân đúng nghĩa. Nếu như ông thầy nổi tiếng với sự khéo léo, linh hoạt và khả năng dứt điểm miễn chê thì cậu học trò lại mạnh về càn lướt, không ngại va chạm, còn sút bóng thì… năm ăn năm thua. Chẳng thế mà Chinh phải khoác lên mình biệt danh Chinh “gỗ”, hay Chinh “đen”, bởi chỉ toàn mang đến vận đen cho đội nhà. Liên tục bỏ lỡ cơ hội ngon ăn và hiệu suất ghi bàn giảm sút (chỉ ghi 2 bàn ở V-League 2019), Đức Chinh không những phải hứng chịu nhiều chỉ trích, mà còn dần dần mất chỗ đứng ở câu lạc bộ Đà Nẵng và cả Đội tuyển Quốc gia. Như vậy, chẳng lẽ Đức Chinh là sản phẩm thất bại của Minh Chiến? Không. Minh Chiến từng nói: “Cậu bé này rất nỗ lực để tiến bộ hằng ngày”, anh tin mình không bao giờ nhìn sai. Với các tiền đạo, đôi khi vấn đề không phải ở kỹ năng, mà là sự nhẫn nại để không ngừng cố gắng, đồng thời có niềm tin vào năng lực bản thân. Đến một lúc nào đó, các bàn thắng sẽ tự nhiên đến. Giống như Minh Chiến, Đức Chinh luôn rất lạc quan với nụ cười thường trực trên môi. Và cũng tương tự người thầy, anh luôn đầy ham muốn ra sân và tỏa sáng. Động lực không bao giờ mất đi trong con người chàng trai Phú Thọ. Anh nỗ lực tập luyện, âm thầm chờ đợi khoảnh khắc của mình. Cuối cùng thì ngày đó đã tới, chính tại đấu trường SEA Games, nơi lưu giữ khoảng thời gian vàng son của Minh Chiến. Như cựu danh thủ một thời chia sẻ, ngoài việc truyền lửa đam mê cho đám trẻ, điều anh thích nhất ở công việc huấn luyện là được chứng kiến những cậu học trò thể hiện dấu ấn của mình, kiểu thầy nào trò nấy. Trong khi các đồng đội liên tục bỏ lỡ cơ hội ở trận ra quân gặp Brunei, Chinh bỗng nhiên chính xác đến lạ kỳ. Với 4 cú dứt điểm, anh ghi 4 bàn. Không hoa mỹ như người thầy đầu tiên, nhưng sự hiệu quả thì tương tự. Sự xuất sắc của Chinh khiến HLV Park Hang-seo có thêm giải pháp mới cho hàng công U22 Việt Nam. Thay vì sử dụng luân phiên, ông quyết định kết hợp cả hai tiền đạo có trong tay, Đức Chinh và Tiến Linh. Phép cộng này đã cho ra kết quả vượt xa mọi kỳ vọng. Với riêng Chinh, khi sự tự tin được gây dựng, anh rũ bỏ hình ảnh tội đồ và vụt sáng trở thành người hùng, gánh vác giấc mơ Huy chương Vàng của đội tuyển. Anh giải cứu Việt Nam khỏi nỗi sợ hãi trước Singapore bằng bàn thắng ở phút 85, sau đó kiến tạo để Tiến Linh phá vỡ sự bế tắc trong trận bán kết gặp Campuchia. Trong khoảng thời gian còn lại, Chinh tự mình lập cú hat-trick, bao gồm cú chạm bóng đầy tinh tế ấn định tỷ số 4- 0. 8 bàn để trở thành Vua phá lưới, chưa bao giờ một tiền đạo Việt Nam sung mãn đến thế ở đấu trường SEA Games. Để đạt được thành tích ấy, Chinh chỉ cần 14 pha dứt điểm, đạt tỷ lệ chuyển đổi cơ hội thành bàn lên tới 57,1%. Trong phút chốc, người ta bỗng thấy hình ảnh hào hoa ngày nào của Minh Chiến trong cái dáng chắc nịch của Đức Chinh, dứt điểm ngọt lịm và cứ ra chân là có bàn thắng. Chinh đã chính thức trưởng thành. Bên cạnh phong cách chơi bóng tận tụy, chạy không ngừng để gây áp lực lên đối thủ và mở ra không gian cho đồng đội, anh còn có được sự chính xác, điềm tĩnh khi dứt điểm, cũng như bản lĩnh trong nghịch cảnh và luôn có khả năng tỏa sáng mỗi khi đội bóng cần. Nếu như 24 năm trước, màn ăn mừng của Minh Chiến là biểu tượng của khát vọng vươn lên, thì bây giờ, cánh tay dang rộng của Đức Chinh sau mỗi bàn thắng giống như lời khẳng định tầm vóc và vị thế của “Những chiến binh áo đỏ”. Từ quê nhà, người thầy của anh hẳn đã có thể mỉm cười. Cậu học trò ngày nào nay đã lớn, và ghi những bàn thắng quan trọng mà tay săn bàn cự phách của thập niên 1990 muốn thấy. Chưa hết, anh còn hoàn thành tâm nguyện mà người thầy vẫn luôn tiếc nuối. Về một ngày có quyền kiêu ngạo trước người Thái. Và về một ngày sở hữu tấm Huy chương Vàng SEA Games. TINH THẦN VIỆT NAM, CHIẾN BINH VIỆT NAM - Dương Đỗ Hoàng - Chưa bao giờ “Tinh thần Việt Nam” lại hiện ra rõ ràng đến thế, cảm giác như có thể sờ thấy được. Trong suốt chiến dịch săn Vàng SEA Games trên đất Philippines, các chiến binh U22 Việt Nam đã cho thấy sự dũng cảm, ý chí quật cường và khát khao chiến thắng tột cùng để vượt qua hết thảy mọi khó khăn, nghịch cảnh… “C hiến dịch săn Vàng SEA Games” dài 19 ngày trên đất Philippines - tại Binan và Manila, chứng kiến một đội tuyển U22 Việt Nam với chỉ có 20 con người[1] nhưng lại phải liên tục căng sức với lịch thi đấu mật độ quá dày, từ 2 đến 3 ngày/trận - kiểu lịch thi đấu quái dị mà theo nhiều người miêu tả, chỉ có “những giải đấu ao làng mới có thể thức giống… như vậy”. [1] U22 Việt Nam mang sang Philippines 21 cầu thủ, nhưng thủ môn Phan Văn Biểu, hiện đang thi đấu cho SHB Đà Nẵng, chỉ sắm vai thủ môn dự phòng, nên không được đăng ký trong danh sách thi đấu. Dù vậy, trong đêm chung kết, anh vẫn được nhận Huy chương Vàng. U22 Việt Nam trải qua 7 trận đấu bất khả chiến bại, trong đó có đến 6 trận thắng và chỉ hòa 1 trận duy nhất trước “kẻ thù truyền kiếp” Thái Lan với tỷ số 2-2, ghi được 24 bàn và chỉ để lọt lưới 4 bàn. Các học trò của Park Hang-seo cho thấy, họ đã quyết tâm và nỗ lực nhiều đến như thế nào, trong tình thế nhân sự luôn bị thiếu hụt vì chấn thương. Thầy Park phải luân phiên xoay vòng cầu thủ để giảm tải áp lực cho các vị trí trụ cột, dù điều đó đã ảnh hưởng không ít thì nhiều đến thành tích trên sân đấu, thậm chí ảnh hưởng đến cả mối an nguy thành bại của từng trận đấu, của cả giải đấu. Tuy vậy, xuyên suốt SEA Games 2019,“Tinh thần Việt Nam” của các chiến binh cờ đỏ sao vàng đã được kết thành sức mạnh vững chắc, không thể lay chuyển. Đó là “Tinh thần Việt Nam” của Hà Đức Chinh. Gã trai yếu đuối ngày nào từng sống trong trạng thái “e sợ dư luận” sau khi bỏ lỡ quá nhiều cơ hội ghi bàn cho tuyển Việt Nam ở chung kết lượt đi AFF Cup 2018, thậm chí còn “ủy mị” đến độ nhắn tin hỏi người quản lý của mình rằng: “Mọi người nói gì về em đấy chị?” Sống trong áp lực của dư luận suốt một thời gian dài, Chinh không thể nổ súng trong các trận đấu chính thức thuộc các cấp độ đội tuyển Việt Nam kể từ tháng 3 năm 2019 cho đến trước trận đấu với U22 Brunei. Gã trai ấy, giờ đây đã hồi sinh ngoạn mục, cháy lửa khát khao mỗi khi được thầy Park tung ra sân. Với cú poker trong trận đấu mở màn góp phần vào chiến thắng 6-0 trước U22 Brunei, Đức Chinh càng chơi càng hay, càng chơi càng tự tin, xứng đáng là một trong số những chiến binh làm nên lịch sử cho “chiến dịch săn Vàng SEA Games”. Dù chơi ở vị trí nào, trung phong duy nhất trên hàng công, hay tiền đạo cánh chịu trách nhiệm tổ chức tấn công từ mép biên, chàng trai trẻ quê Phú Thọ, đang thi đấu cho SHB Đà Nẵng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh ghi được “bàn thắng bạc” trong chiến thắng với tỷ số tối thiểu trước U22 Singapore, kết quả giúp Việt Nam tràn đầy tự tin khi bước vào trận đấu cuối cùng gặp “đại kình địch” Thái Lan. Anh cũng là người tỏa sáng rực rỡ trong chiến thắng 4-0 của U22 Việt Nam trước U22 Campuchia ở vòng bán kết: kiến tạo cho Nguyễn Tiến Linh ghi bàn thắng mở tỷ số, đánh vỡ thế trận “cực rát” của người Campuchia, rồi sau đó tự lập hat-trick cho riêng mình. Và rồi, anh ăn mừng đầy tự tin bên đường biên ngang, bằng cách lấy tay che mắt phải của mình. Với 8 bàn thắng ghi được trong suốt giải đấu, Đức Chinh thực sự đã hồi sinh, đây chính là “phiên bản hiện đại nhất của Chinh đen” - giờ là “Chinh đỏ”, vốn được nâng cấp lên từ chính thứ “Tinh thần Việt Nam” mà thầy Park đã nhắc đến rất nhiều lần trong các buổi họp báo ở SEA Games 2019. Đó là “Tinh thần Việt Nam” của Nguyễn Tiến Linh. Chàng trai từng bị hoài nghi về năng lực do dính chấn thương và “kiểu công năng kỳ dị” - thích ghi những bàn thắng khó, bàn thắng đẹp, nhưng hay bỏ lỡ những cơ hội rõ ràng. Cũng chính chàng trai ấy, đã tự mình chứng minh rằng, tương lai của anh là vị trí trung phong cắm trên hàng công của tuyển Việt Nam, mẫu tiền đạo có thể thừa kế “di sản” của những tiền bối, đàn anh trứ danh trong quá khứ như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Việt Thắng, hay gần đây nhất là Nguyễn Anh Đức… Chàng trai ấy, đã ghi cú hat-trick trong trận U22 Việt Nam thắng U22 Lào 6-1. Chàng trai ấy, là người châm mồi lửa cho trận ngược dòng vĩ đại nhất của lịch sử bóng đá Việt Nam, từ chỗ bị U22 Thái Lan dẫn trước 2 bàn, cuối cùng gỡ hòa một cách ngoạn mục. Với cú băng cắt đánh đầu rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2 cho U22 Việt Nam ở phút thứ 15 của trận đấu, Tiến Linh đã giúp các đồng đội khôi phục sự bình tĩnh và tự tin, sau đó chính anh “chốt hạ” bằng cú dứt điểm lạnh lùng trên chấm 11 mét ở phút thứ 72, kết quả là giúp chúng ta vững ngôi đầu bảng và tiễn đưa người Thái về nước sớm. Cũng chính là chàng trai ấy, đã ghi bàn thắng mở màn ở trận bán kết với U22 Campuchia, phá tan thế trận tự tin và chơi bóng “cực rát” của đối thủ, hướng U22 Việt Nam đến một cục diện cởi mở và dễ dàng hơn rất nhiều. Chàng trai ấy, dường như có chút vùng vằng khi bị thầy Park thay ra sân, dù ở thời điểm đó, anh đã bị đau và thầy Park chỉ muốn đưa anh ra nghỉ để chuẩn bị thể lực cho trận đấu chung kết. Nhưng với tinh thần của một chiến binh, Tiến Linh vốn không muốn phải sớm rời sân như thế. Và rồi, anh vẫn nghiến răng xuất hiện trong trận chung kết, đá chính cùng với Đức Chinh, duy trì hai mũi nhọn tấn công khiến người Indonesia phải dè chừng, và tạo khoảng trống cho những đồng đội từ tuyến sau băng lên ghi bàn ở những thời điểm then chốt nhất. Tiến Linh - chàng trai trẻ từng khiến cả Việt Nam xao động với cú siêu phẩm vào lưới tuyển UAE ở Vòng loại World Cup - nhưng đến SEA Games này, mới thật sự trưởng thành, để trở thành một minh chứng cho “Tinh thần Việt Nam”. Đó là “Tinh thần Việt Nam” của “người không phổi phiên bản Việt” - Nguyễn Trọng Hoàng. Khi vừa đặt chân đến sân bay Philippines, trên trang Facebook của mình, Trọng Hoàng đã đăng tấm hình với dòng status đầy ý nghĩa: “Tôi 22 tuổi, bồi hồi dự SEA Games lần cuối.” Trong tấm hình đó, Trọng Hoàng trông cũng trẻ trung như các đàn em U22, dù anh đã “30 cái xuân xanh”. Không phải tự nhiên mà Nguyễn Trọng Hoàng và Đỗ Hùng Dũng là 2 cầu thủ quá tuổi được thầy Park triệu tập tăng cường cho đội U22 tham dự SEA Games 2019. Cả hai đều có kinh nghiệm, được ưu ái gọi là “những cận vệ già”, vì đã sát cánh bên cạnh thành công của bóng đá Việt Nam suốt 2 năm vừa qua. Riêng với Trọng Hoàng, anh bổ sung thêm chất “thép”, để gia cố cho sự chắc chắn của U22 Việt Nam trong cuộc chạy marathon đến tấm Huy chương Vàng của Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Trọng Hoàng đã xuất hiện xuyên suốt chuyến hành trình của U22 Việt Nam, ở những điểm nóng nhất, máu lửa nhất. Trong trận đấu mà chúng ta bị U22 Thái Lan dẫn trước 2 bàn từ rất sớm, nhận thấy cánh phải có nguy cơ bị “toang”, thầy Park đã có điều chỉnh cực kỳ hợp lý, đó là thay Hồ Tấn Tài, kéo Trọng Hoàng - đang thi đấu trên hàng công - lùi xuống sắm vai hậu vệ cánh phải. Trọng Hoàng đã không phụ lòng HLV người Hàn Quốc, khi chơi quyết liệt và mạnh mẽ, dẹp yên hoàn toàn các đợt lên bóng tấn công của người Thái ở khu vực mình phụ trách. Từ đó, thế trận đã trở nên cân bằng hơn, và U22 Việt Nam thừa thế xông lên, lội ngược dòng để gỡ hòa ngoạn mục. Trọng Hoàng, với tầm vóc khiêm tốn (cao 1m72, trong khi hơn một nửa đội hình chính thức ở giải đấu năm nay của U22 Việt Nam cao trên 1m80), nhưng dũng khí can trường ngút tận mây xanh, chính là biểu trưng cho thứ “Tinh thần Việt Nam” mà thầy Park nói đến. Anh lăn xả trong tầm chân các cầu thủ đối phương, không ngại va chạm, trượt dài trên mặt sân cỏ nhân tạo sắc bén như… dao, sẵn sàng đổ máu, chỉ để đánh đổi chiến thắng, tấm Huy chương Vàng danh giá về cho bóng đá nước nhà. Chung kết SEA Games 2009, Trọng Hoàng là chứng nhân cay đắng cho một trận cầu kỳ lạ khi Việt Nam đánh mất tấm Huy chương Vàng vào tay Malaysia. Sống trong cảm giác day dứt suốt 10 năm, giờ đây, Trọng Hoàng đã có thể trả đủ “món nợ ân tình” với người hâm mộ và quê hương, bằng cách phát tiết “Tinh thần Việt Nam” một cách mạnh mẽ nhất. Chàng chiến binh lớn tuổi nhất của U22 Việt Nam đã viết dòng status đầy cảm xúc sau trận chung kết hôm 10/12/2019: “Cuộc đời này có được mấy lần mười năm. Thứ mà ta học được nhiều nhất là cách xin lỗi và cảm ơn. Mười năm trước Hoàng đã phải ngậm ngùi xin lỗi. Ngày hôm nay mình đã có thể sung sướng gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người. Cảm ơn thật nhiều.” Nhưng, chính những người hâm mộ cũng muốn nói với anh: “Cảm ơn anh, Trọng Hoàng!” Đó là “Tinh thần Việt Nam” của Đỗ Hùng Dũng. Chàng trai 26 tuổi quê ở Gia Lâm, với sở thích rất “trẻ con” - thích uống sữa hơn uống… bia - kể từ khi tiếp quản chiếc băng đội trưởng của Nguyễn Quang Hải (do Hải dính chấn thương, phải ngồi trên băng ghế dự bị ở các trận đấu loại trực tiếp), đã cho thấy anh là “người lớn” thật sự trong một tập thể U22 giàu khát vọng. Không cần biết đối thủ mạnh đến mức nào, đá rát ra sao, kể cả những đợt lên bóng tấn công cuồn cuộn như sóng biển, Hùng Dũng vẫn bình tĩnh giữ nhịp, cầm trịch tuyến giữa của U22 Việt Nam - như một người thuyền trưởng can trường nhưng khéo léo, lèo lái con thuyền Việt Nam vươn trên đầu ngọn sóng, sóng càng cao thì thuyền vượt lên càng cao… Đó còn là “Tinh thần Việt Nam” của thủ môn Nguyễn Văn Toản, người vượt qua áp lực vì sai lầm trong trận hòa U22 Thái Lan, để rồi càng bắt càng hay, trở thành một chốt chặn cực kỳ đáng tin cậy. Đó còn là “Tinh thần Việt Nam” của Đoàn Văn Hậu, mẫu cầu thủ tiệm cận đẳng cấp thế giới: cao to, có lối đá hiện đại, không ngại va chạm… để toàn đội hướng đến mục tiêu chung nhất là giành được chiến thắng. Đó là “Tinh thần Việt Nam” của cả những chàng trai không đóng góp được quá nhiều cho đội, vì chấn thương, như Quang Hải, Trọng Hùng, nhưng vẫn hết lòng cổ vũ từ bên ngoài đường biên… “Tinh thần Việt Nam”, đã giúp Park Hang-seo có trong tay 20 chiến binh thật sự, để làm nên chiến tích mà hàng trăm năm sau vẫn còn vang danh: tấm Huy chương Vàng SEA Games 30. NHỮNG NGƯỜI HÙNG THẦM LẶNG - An Nhiên - Những thành công của bóng đá Việt Nam dưới triều đại HLV Park Hang-seo có sự đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của các nhân vật đứng sau hậu trường. Họ thường không được nhắc đến và cũng không góp mặt trên bục nhận huy chương, nhưng nếu thiếu đi những người đàn ông này, có lẽ chặng đường đã qua của thầy Park cùng các học trò đã không trải đầy hoa hồng như thế. Từ ông trưởng phòng mẫn cán… V ới các cầu thủ Đội tuyển Quốc gia và U22, họ quen gọi ông Đoàn Anh Tuấn là “anh Tuấn” một cách thân mật hơn là nhắc đến chức danh Trưởng phòng các Đội tuyển Quốc gia của ông. Sự thân mật giữa “anh Tuấn” và các cầu thủ là điều dễ hiểu, bởi ông Tuấn luôn là người lo từng miếng ăn giấc ngủ cho họ. Còn nhớ một trận đấu tại Mỹ Đình hồi đầu năm nay vào thời điểm tiết trời Hà Nội rất lạnh, các cầu thủ hết trận còn nán lại sân cỏ để chụp hình và giao lưu với người hâm mộ. Ông Tuấn đã phải nhắc nhở,“Thôi anh em tạm thế đã, vào phòng thay đồ đi kẻo lạnh rồi ốm ra đấy.” Khi các cầu thủ rời sân, người đàn ông này còn kiểm tra lại cabin huấn luyện đội nhà để xem có ai để quên đồ hay không rồi mới vào trong. Đó là hình ảnh đã trở nên quen thuộc của ông Tuấn, một người tỉ mỉ, chu toàn và rất trách nhiệm. Ông Đoàn Anh Tuấn được xem là “sếp hậu cần” trong mỗi chuyến thi đấu xa nhà của các đội tuyển Việt Nam. Chức danh “trưởng phòng các đội tuyển” nghe thì rất oách nhưng công việc thường xuyên mà ông Tuấn vẫn làm là thông dịch cho các cầu thủ sau mỗi trận đấu, xuống tận bếp ăn khách sạn yêu cầu các món ăn phù hợp cho đội nhà, hay cả việc ôm cả 30 cuốn hộ chiếu ra sân bay sớm để làm thủ tục... Cái cách ông quán xuyến công việc chẳng khác nào một “tổng quản”. Ông Tuấn cũng thường xuyên giữ vai trò trưởng đoàn tiền trạm cho các đội tuyển trước các giải đấu lớn. Dưới thời HLV Park Hang-seo, ông luôn là người đến tìm hiểu kỹ lưỡng các địa điểm thi đấu. Từ AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 đến ASIAD, ông Tuấn đều là người “đi trước về sau”, chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu hậu cần để giúp thầy trò ông Park có được điều kiện ăn ở, tập luyện tốt nhất. Thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa, tốt nghiệp đại học Ngoại thương rồi sang học tiếp tại Quế Lâm, Trung Quốc, ông Tuấn từng là trợ lý ngôn ngữ của cựu HLV trưởng tuyển nữ quốc gia Trần Vân Phát. Ông Tuấn làm việc tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam trước khi sang giữ chức Phó phòng rồi Trưởng phòng các Đội tuyển của VFF. Không chỉ làm công việc hậu trường, mỗi trận đấu, ông Đoàn Anh Tuấn còn kiêm thêm nhiệm vụ như trợ lý ngôn ngữ thứ 2 cho HLV Park Hang-seo. Trong trận đấu ra quân SEA Games 30 với U22 Brunei, khi phát hiện cầu thủ Faiq Bolkiah của đội bạn vẫn vào sân dù không được đăng ký, người đầu tiên mà thầy Park phản ánh chính là ông Tuấn. … đến vị trưởng đoàn may mắn… Nếu nhắc đến một vị trưởng đoàn bóng đá may mắn bậc nhất của bóng đá Việt Nam, hẳn nhiều người sẽ nhắc đến ông Lưu Quang Điện Biên, vị Trưởng phòng Bóng đá Phong trào, Đào tạo và Tổ chức các thành viên VFF. Tốt nghiệp chuyên ngành Thể thao ở Nga, ông Lưu Quang Điện Biên được biết đến như vị một vị trưởng đoàn mát tay chuyên ợ ị ộ ị g y y đưa các đội tuyển trẻ đi thi đấu và thường xuyên mang về những thành công cho bóng đá Việt Nam. Từ đội U16, U18, U19 đến U22, ông Biên không chỉ giữ vai trò “tổng chỉ huy” mà còn trực tiếp xắn tay vào các vấn đề nhỏ từ nơi ăn chốn ở, chỗ tập luyện đến chất lượng sân bãi. Năm 2016, ông Lưu Quang Điện Biên được biết đến khi làm trưởng đoàn U16 Việt Nam giành ngôi Á quân Đông Nam Á. Tháng 2/2019, ông Biên là trưởng đoàn dẫn dắt U22 Việt Nam dự giải U22 Đông Nam Á. Một lần nữa ông lại cho thấy cái duyên đặc biệt của mình khi đội bóng của HLV Nguyễn Quốc Tuấn giành được vị trí thứ 3. Nên nhớ rằng đội U22 dự giải Đông Nam Á không phải với lực lượng tốt nhất. Trong đội hình hồi đầu năm, chỉ có 2 cái tên được lựa chọn vào đội hình dự SEA Games 30 là Phan Thanh Sơn và Bùi Tiến Dụng, những người cũng không có được vị trí chính thức trong đội hình của HLV Park Hang-seo. Mặc dù vậy qua giải đấu này, ê-kíp của thầy Park đã có được cái nhìn sơ bộ về các đối thủ tại SEA Games. Đến cuối năm, ông Lưu Quang Điện Biên lại là trưởng đoàn U19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của “phù thủy trắng” Philippe Troussier dự Vòng loại U19 châu Á. U19 Việt Nam đã kết thúc vòng loại với thành tích nhì bảng J với 7 điểm, cùng hiệu số +6. Thành tích này giúp U19 Việt Nam đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng các đội nhì bảng xuất sắc nhất (sau U19 Lào) và chính thức giành vé lọt vào Vòng chung kết U19 Châu Á 2020. Một nhân vật nữa cũng không thể không nhắc đến là ông Mai Anh Hoàng - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Bóng đá Phong trào & Các tổ chức thành viên VFF. Ông Mai Anh Hoàng xuất thân là dân IT và chỉ bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực bóng đá ở vai trò tình nguyện viên. Ông hiện đang là giám sát viên của AFC và thường xuyên giữ vai trò giám sát ở các giải đấu quốc tế. Ông Mai Anh Hoàng cùng ông Đoàn Anh Tuấn chính là những người được VFF cử đến Philippines để tiền trạm cho hai đội bóng đá nam và nữ trước khi tham dự SEA Games. Dù còn một vài vấn đề xuất phát từ công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp của chủ nhà Philippines nhưng hai cán bộ tiền trạm của VFF đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp đội U22 của thầy Park có được sự chuẩn bị tốt nhất. Bên cạnh đó, họ cũng đã lên tiếng kịp thời với ban tổ chức để đội tuyển nữ có được bữa ăn chất lượng hơn so với những ngày đầu đến Philippines. Sự đóng góp của các nhân vật này ít khi được nhắc đến trên mặt báo, nhưng tầm quan trọng của họ là không thể phủ nhận. Trong thành công của HLV Park Hang-seo cùng bóng đá Việt Nam còn rất nhiều người như thế. Họ cần mẫn và thầm lặng hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất để góp phần vào thành quả chung. … và các “vị tướng hậu cần” Khoảng 1 tháng trước khi thầy trò HLV Park Hang-seo di chuyển sang Philippines, VFF đã chủ động kết nối với ban tổ chức nước chủ nhà để tìm hiểu về điều kiện ăn ở, đi lại và cử cán bộ sang tiền trạm, kiểm tra điều kiện thực tế các sân thi đấu, sân tập, cũng như tính toán khoảng cách từ khách sạn tới các địa điểm thi đấu, tập luyện nhằm xây dựng lịch hoạt động hợp lý nhất cho đội tuyển. Ông Đoàn Anh Tuấn và Mai Anh Hoàng cũng đã có mặt tại Manila trước hai đội tuyển hai ngày để đảm bảo mọi công tác hậu cần cho hai đội diễn ra thuận lợi nhất. Cả ông Tuấn và ông Hoàng hiện đều là giám sát của AFC nên có kinh nghiệm, mối quan hệ cũng như hiểu rất rõ những yêu cầu cần thiết cho các đội cũng như những vấn đề ban tổ chức địa phương phải đáp ứng theo quy định quốc tế. Do các đội tuyển tham dự SEA Games không được lựa chọn khách sạn mà phải theo sự sắp xếp của nước chủ nhà, nên bộ phận hậu cần của VFF, đứng đầu là trưởng phòng Đoàn Anh Tuấn, đã chủ động trực tiếp sang Manila trước 2 ngày để làm việc với khách sạn nơi đội U22 sẽ đóng quân, hoàn tất các thủ tục check-in để đảm bảo thầy trò HLV Park Hang-seo vừa tới nơi là nhận chìa khóa lên phòng nghỉ ngơi ngay, không phải lãng phí thêm thời gian chờ đợi, đồng thời đảm bảo toàn bộ các cầu thủ và ban huấn luyện được ở cùng một tầng tại khách sạn nhằm tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt, giao tiếp. Bóng đá không phải chỉ là những người xuất hiện trên sân cỏ và những gì chúng ta thấy trên ti-vi. Những người hùng thầm lặng phía sau, lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ cho những cầu thủ của đội tuyển… cũng rất xứng đáng được nhận lời tri ân. VÀ ĐÊM ẤY, BÓNG ĐÁ VIỆT NAM LÀ VUA SEA GAMES - Hồng Nam - Nhiều năm sau, khi bóng đá Việt Nam giành được vô số chiến tích khác, to lớn và vĩ đại hơn, tin rằng tất cả vẫn không thể quên được khoảnh khắc ngày 10/12/2019. Đêm ấy, bóng đá Việt Nam là vua SEA Games. H LV Park Hang-seo bước ra từ đường hầm. Mồ hôi túa đầy trên gương mặt vị chiến lược gia 60 tuổi, một phần vì sức nóng của trận chung kết, một phần vì cơn giận sau khi bị trọng tài truất quyền chỉ đạo bằng một tấm thẻ đỏ. Trên sân, U22 Việt Nam chơi thăng hoa, đè bẹp U22 Indonesia 3 bàn không gỡ. Ngoài sân, Park Hang-seo không được thưởng thức những phút giây cuối cùng của trận chung kết, của khoảnh khắc lịch sử mà ông cùng các học trò tạo nên sau 15 ngày vắt kiệt sức lực ở Manila. Dù vậy, Park Hang-seo vẫn biết cách tận hưởng cảm giác chiến thắng theo cách của riêng ông. “Ngài ngủ gật” rút ra lá cờ Việt Nam đỏ chói, giương cao và hướng về phía hàng nghìn cổ động viên cất công tới sân Rizal Memorial. Park Hang-seo nhảy cẫng lên như một đứa trẻ. Ông đập tay lên ngực, chỉ vào lá cờ Việt Nam kiêu hãnh thêu trên áo. Sau đó, vị HLV người Hàn Quốc dẫn học trò đi một vòng cảm ơn khán giả. Lần này, Park Hang-seo không còn ngẩng cao đầu như lúc trước, mà khẽ cúi xuống đầy tôn kính trước khán giả và đại kỳ Việt Nam. Khoảnh khắc ấy, Park Hang-seo và Việt Nam như trở thành một. Không có bất cứ ranh giới nào giữa hai “thực thể” này. Đêm ấy, U22 Việt Nam vô địch SEA Games. Từ lý luận giản đơn của Park Hang-seo… Rất nhiều tranh cãi nổ ra trước ngày thầy trò Park Hang-seo lên đường. Không phải là U22 Việt Nam có đủ sức vô địch hay không, mà là cả đội có nhất thiết phải vô địch hay không. Ở thời điểm đàm phán hợp đồng với bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo từng có ý muốn tập trung cho đội tuyển quốc gia, để lại đội U22 cho trợ lý dẫn dắt. Park Hang-seo khao khát dồn sức cho Vòng loại World Cup. Không chỉ vì thành tích của đội tuyển quốc gia mới là thước đo chân thực cho một nền bóng đá, mà còn vì ở cấp độ Đông Nam Á, Việt Nam cũng không cần thiết chứng tỏ thêm điều gì. Vô địch AFF Cup, vào tứ kết Asian Cup, đứng đầu bảng Vòng loại World Cup, vào chung kết U23 châu Á, đứng hạng tư ASIAD... đó là thành tích chưa nền bóng đá Đông Nam Á nào từng có trong lịch sử, ấy vậy mà Park Hang-seo đã giúp bóng đá Việt Nam đạt được chỉ trong vòng 2 năm. Từ sau “chén đắng” đong đầy nước mắt của những Công Phượng, Minh Long, Quang Hải... tại Kuala Lumpur 2 năm trước, bóng đá Việt Nam vươn mình với tốc độ không ai dự đoán nổi. Các cầu thủ phát triển nhanh đến mức ở kỳ SEA Games này, đại hội thể thao khu vực dường như không còn vừa vặn với tầm vóc của nền bóng đá. Chúng ta đã giong buồm ra biển lớn 2 năm nay, liệu có còn nhất thiết phải quay đầu lại, mò mẫm ở giải đấu mỗi năm một luật, không theo khuôn khổ chuyên nghiệp nào? Nhưng, HLV Park Hang-seo đã thay đổi suy nghĩ. Một trợ lý của đội tuyển quốc gia từng nói rằng, ông Park khá bảo thủ, đôi khi cứng nhắc. Đứng trên cương vị đỉnh cao thành công, Park Hang- seo hoàn toàn có quyền đòi hỏi, ra điều kiện với Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Dù vậy, cuối cùng chiến lược gia người Hàn Quốc đã từ bỏ ý định giao đội U22 cho trợ lý. Ông trực tiếp nắm đội U22,“vừa xay lúa, vừa bế em”, chăm lo cho cả hai đội tuyển, không một giây ngơi nghỉ. Đến sân tập của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, không ai lạ lẫm trước hình ảnh Park Hang-seo di chuyển như con thoi giữa hai khoảng sân. Một bên là đội tuyển quốc gia, một bên là đội U22. Báo Hàn Quốc gọi Park Hang-seo là “HLV bận rộn nhất thế giới”. Ông Park dẫn dắt đội này, vẫn ngoái sang hàng rào theo dõi đội kia. Ở tuổi 60, ông chấp nhận cường độ làm việc khủng khiếp, khi cả hai đội tuyển đều có sứ mệnh cao cả. Tại sao Park Hang-seo đồng ý nắm đội U22, mặc dù như phân tích ở trên, bóng đá Việt Nam không còn cần SEA Games để chứng tỏ điều gì? “Để nói về trận chung kết, tôi từng huấn luyện cấp câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, từng đi qua nhiều giải đấu, nhưng khi dẫn dắt Việt Nam, tôi nhận thấy đây là trận chung kết rất đặc biệt. Tôi yêu Việt Nam rất nhiều, nhận được sự ủng hộ từ rất đông cổ động viên và phải có trách nhiệm giúp Việt Nam vô địch.” Người cha già lặng lẽ chia sẻ trước trận chung kết, chỉ 1 ngày trước khi U22 Việt Nam đè bẹp U22 Indonesia để kiến tạo lịch sử. Lý luận của Park Hang-seo thật giản đơn: ông yêu Việt Nam, mà nhân dân Việt Nam mong mỏi Huy chương Vàng SEA Games, nên ông có nghĩa vụ phải giành danh hiệu ấy cho bằng được. Park Hang-seo nhắc lại con số 60 năm, tính từ thời điểm 1959, khi đội tuyển miền Nam Việt Nam vô địch đại hội thể thao còn mang tên SEAP Games. 60 năm, bằng số tuổi của Park Hang-seo, cũng xấp xỉ một đời người. 60 năm, là khoảng thời gian người ta khắc khoải chờ đợi để lá cờ Việt Nam được kéo lên cao hơn hai lá cờ khác, được cử hành quốc ca sau khi trận chung kết khép lại. 13 kỳ SEA Games sau hội nhập, gần 400 cầu thủ, biết bao thế hệ đến và đi, Huy chương Vàng khu vực là “bóng ma” ám ảnh, còn lớn hơn cả AFF Cup. 5 trận chung kết đong đầy nước mắt, nỗi đau, đào sâu hố đen ký ức mà mỗi khi nhớ về, người ta lại vừa tiếc, vừa nhớ, vừa giận, vừa thương. Từ Chiang Mai với nụ cười gượng gạo của Trần Minh Chiến; Mỹ Đình với giọt nước mắt đắng cay của “thế hệ vàng” Văn Quyến, Quốc Vượng; Bacolod với những ánh mắt thẫn thờ nơi vành móng ngựa vì đại án bán độ; hay Vientiane với cái bóp cổ đầy nghi hoặc mà HLV Henrique Calisto dành cho thủ thành Bùi Tấn Trường… người hâm mộ Việt Nam đã phải chịu đựng quá lâu. HLV Park Hang-seo muốn bù đắp nỗi đau ấy, vì ông yêu con người và đất nước này. … đến cái đầu gối đầy máu của Trọng Hoàng Song, nếu vô địch chỉ để bù đắp nỗi đau thế hệ đi trước để lại, U22 Việt Nam chưa chắc có được động lực toàn vẹn để vượt qua cả núi khó khăn, từ lịch thi đấu, việc di chuyển, mặt sân đến sự suy giảm thể lực của cầu thủ. HLV Park Hang-seo nói chính ông cũng ngạc nhiên trước khả năng khắc phục khó khăn của cầu thủ. Ông có một thế hệ giỏi, chắc chắn là giỏi nhất lịch sử, bởi họ là những người luôn vươn thẳng, vượt lên nghịch cảnh của nền bóng đá đang buổi xế chiều. Những chiến binh được đào luyện trong lửa, từng trải qua rất nhiều thất bại, chắc chắn hiểu cần phải nỗ lực đến nhường nào mới được nếm dư vị thành công. Trong 20 cầu thủ Park Hang-seo mang đến SEA Games 30, có một người hiểu rõ nhất cảm giác “gục ngã trước cửa thiên đường”. Đó là Nguyễn Trọng Hoàng. Ở Ở kỳ đại hội lần thứ 25 trên đất Lào, Trọng Hoàng cùng lứa cầu thủ tài năng dưới sự chỉ đạo của “phù thủy” Calisto tiến thẳng một mạch tới trận chung kết, tái ngộ U23 Malaysia - đối thủ từng thua U23 Việt Nam tới 1-3 ở vòng bảng, mà chính Trọng Hoàng là người ghi bàn quyết định. U23 Việt Nam khi ấy ngùn ngụt khí thế vô địch, không chỉ bởi U23 Thái Lan đã văng khỏi cuộc chơi, mà còn vì lứa cầu thủ ngày ấy của Calisto quá đẹp, quá đồng đều. Thế rồi, pha đá phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp và cú đổ người quá chậm của Tấn Trường khiến giấc mộng tan vỡ. Trọng Hoàng, khi ấy mới 20 tuổi, ngồi chết lặng sau tiếng còi mãn cuộc. 10 năm sau, Trọng Hoàng được HLV Park Hang-seo trao cho “cuộc đời thứ hai” ở SEA Games. Chủ nhà Philippines chủ ý cho phép mỗi đội sử dụng 2 cầu thủ quá tuổi để bù đắp cho lứa trẻ yếu kém của bóng đá nước này, nhưng đấy cũng là thời cơ để ông Park gọi thêm trụ cột ở đội tuyển quốc gia. Trọng Hoàng có cơ hội níu lại thanh xuân, và với chứng nhân cho lần gần nhất lọt vào chung kết SEA Games trong đội hình, HLV Park Hang seo như muốn nhắn nhủ học trò: chẳng thành công nào không phải trả giá bằng máu và nước mắt. Với “cuộc đời thứ hai” ấy, Trọng Hoàng đã đổ máu thật. Đầu gối của cầu thủ mang áo số 8 đầy máu sau pha va chạm với cầu thủ U22 Campuchia ở trận bán kết. Bị phạm lỗi, bị triệt hạ, Trọng Hoàng vẫn đứng dậy, tiếp tục đi bóng, cứ ngã xuống, rồi lại đứng dậy. Hành trình 10 năm của chàng trai xứ Nghệ là vô vàn những lần đứng lên từ thất bại như thế. Để rồi ở tuổi 30, khi rất nhiều đồng niên đã giải nghệ hoặc ở bên kia sườn dốc, Trọng Hoàng đang được sống những ngày đẹp nhất sự nghiệp, sau những chương hồi chỉ toàn tiếc nuối, đớn đau. Nụ cười thoảng qua của Trọng Hoàng trong trận chung kết SEA Games sau nhiều lần bị cầu thủ U22 Indonesia đốn ngã, trông thật nhẹ nhõm, thoải mái. Trọng Hoàng mỉm cười, bởi cứ vấp ngã đi, anh sẽ lại đứng dậy. Cả một rừng cây của Park Hang-seo đều như vậy. Sóng gió SEA Games này dẫu có lớn, cũng chẳng hề hấn gì đâu, khi những bàn tay siết chặt vào nhau và chúng ta là một đội. U22 Việt Nam không coi nhẹ giải đấu nào, bởi mỗi trải nghiệm, mỗi thách thức lại là cơ hội để toàn đội trui rèn bản lĩnh, giống như từng nấc thang vươn đến đỉnh cao. Đó là tinh thần Việt Nam, không từ bỏ và phải chiến đấu đến cùng. Trước mặt là đối thủ, nhưng sau lưng là Tổ quốc và nhân dân. Tinh thần ấy lớn lao và đáng tự hào đến mức Park Hang-seo có thể hãnh diện nói với phóng viên Tân Hoa Xã rằng đó là điều cầu thủ Việt Nam có, còn cầu thủ Trung Quốc thì không. Thất bại ở SEA Games 29 giúp các cầu thủ tích lũy đủ nỗi đau, để rồi bùng cháy như ngọn lửa vĩnh hằng giữa mùa tuyết lạnh trên đất Thường Châu. Rồi nỗi đau ở Thường Châu năm ấy kết tinh lại, đưa tuyển Việt Nam tiến xa hơn nữa với chức vô địch AFF Cup và tứ kết Asian Cup. Thất bại đánh gục ý chí của thế hệ trước nhưng tôi luyện ý chí của thế hệ này thêm sắt đá, kiên cường. Chức vô địch quá thuyết phục, là minh chứng cho đẳng cấp và sức mạnh tuyệt đối, chứ không dựa dẫm vào vận may hay thời cơ nào. U22 Việt Nam thắng nốt sân chơi khu vực, để từ nay, ta chẳng còn bận lòng, vấn vương gì về nỗi ám ảnh mang tên SEA Games nữa. Phải cảm ơn những thất bại đã giúp các cầu thủ chân cứng, đá mềm. Giải quyết “ân oán” với quá khứ rồi, giờ ta giong buồm ra biển lớn thôi, hỡi Park Hang-seo cùng các cầu thủ! Toàn thể nhân dân Việt Nam đang chờ đợi điều đó. Đêm ấy, chúng ta vô địch SEA Games. Ngày mai, gió sẽ lồng lộng thổi, đưa con tàu bóng đá Việt Nam tiến thẳng châu lục với cái