🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Gen Vị Kỷ - Richard Dawkins Ebooks Nhóm Zalo BÌA GẬP Richard Dawkins Selfish Gene BÌA GẬP 1: “Cuốn sách này nên được đọc như thể nó là một viễn tưởng khoa học. Nó được viết theo cách để lôi cuốn sự tưởng tượng. Nhưng nó không phải là khoa học viễn tưởng: nó là khoa học. Cho dù có sáo rỗng hay không thì cụm từ “lạ hơn cả viễn tưởng” vẫn diễn tả một cách chính xác cảm giác của tôi về sự thật. Chúng ta là những cỗ máy sống - những phương tiện rô-bốt được lập trình một cách mù quáng để bảo tồn các phân tử vị kỷ được gọi là các gen. Đây là một sự thật vẫn đầy ngạc nhiên đối với tôi. Cho dù đã biết điều này nhiều năm nay, nhưng tôi dường như chưa bao giờ hoàn toàn quen với nó. Một trong những hy vọng của tôi là tôi có thể thành công trong việc gây ngạc nhiên với những người khác”. Richard Dawkins BÌA GẬP 2: Richard Dawkins: Nhà tập tính học người Anh, người phổ biến khoa học và lý thuyết tiến hóa, là thành viên của Royal Society, giáo sư trường Đại học Oxford, là một viện sĩ người Anh nổi tiếng nhất. Tên tuổi của ông gắn liền với những cuốn sách: Gen vị kỷ (1976), Ảo tưởng về Chúa… bán được hàng triệu bản. BÌA CUỐI: “Điều mà cuốn sách đưa ra là một cái nhìn mới về thế giới”. John Maynard Smith, Phê bình sách London, 4-18, tháng 2/1982 “Đa số mọi người đều nên đọc và có thể đọc cuốn sách này. Nó miêu tả bộ mặt mới của học thuyết tiến hóa với một kỹ năng tuyệt vời bằng phong cách mạch lạc tự nhiên”. WD. Hamilton, Science, 13/05/1977 “Richard Dawkins là một người tuyệt vời nhất trong thế hệ các nhà sinh học đang nổi lên, ông nhẹ nhàng và khéo léo bóc trần một số ảo tưởng ưa thích của các nhà sinh học xã hội về sự tiến hóa của tính vị tha…” John Maynard Smith, Phê bình sách London, 4-18, tháng 2/1982 DỰ ÁN HẠNH PHÚC The Happiness Project #27-NF Hạnh phúc luôn tồn tại xung quanh chúng ta, điều quan trọng ta phải biết nắm bắt, kéo nó về phía mình để đem lại an lành cho bản thân, cho cuộc sống! Cuốn sách này là một niềm vui nhỏ bé chúng tôi muốn dành tặng đến bạn, người đọc ạ! "Hãy nhớ rằng không có hạnh phúc trong sự sở hữu hay sự thâu nhận, mà chỉ có trong sự trao tặng. Hãy mở rộng vòng tay - Hãy chia sẻ - Hãy ghì ôm. Hạnh phúc là một loại nước hoa, mà khi bạn rưới lên những người khác, thế nào cũng có một vài giọt dính trên người bạn." Og Madino MỤC LỤC Richard Dawkins - Selfish Gene LỜI GIỚI THIỆU CHO ẤN BẢN KỶ NIỆM 30 NĂM LỜI TỰA CHO ẤN BẢN LẦN HAI LỜI GIỚI THIỆU CHO ẤN BẢN ĐẦU TIÊN LỜI TỰA CỦA ẤN BẢN ĐẦU TIÊN CHƯƠNG 1 TẠI SAO LẠI LÀ CON NGƯỜI? CHƯƠNG 2 CÁC THỂ TỰ SAO CHƯƠNG 3 VÒNG XOẮN BẤT TỬ CHƯƠNG 4 CỖ MÁY GEN CHƯƠNG 5 TÍNH HIẾU CHIẾN: TÍNH BỀN VỮNG VÀ CỖ MÁY VỊ KỶ CHƯƠNG 6 MỐI QUAN HỆ GEN - NGUỜI CHƯƠNG 7 KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH CHƯƠNG 8 CUỘC CHIẾN GIỮA CÁC THẾ HỆ CHƯƠNG 9 CUỘC CHIẾN GlỮA CÁC GIỚI TÍNH CHƯƠNG 10 ANH GIÚP ĐỠ TÔI, TÔI LỢI DỤNG ANH CHƯƠNG 11 MEM: THỂ TỰ SAO MỚI CHƯƠNG 12 NHỮNG CÁ THỂ TỐT SẼ VỀ ĐÍCH TRƯỚC CHƯƠNG 13 SỰ VƯƠN XA CỦA GEN TÀI LIỆU THAM KHẢO CÁC TRÍCH ĐOẠN PHÊ BÌNH CHÚ GIẢI LỜI GIỚI THIỆU CHO ẤN BẢN KỶ NIỆM 30 NĂM Thật dễ chịu khi nhận ra rằng tôi đã sống nửa đời mình với cuốn Gen vị kỷ, cho dù điều đó là tốt hay xấu. Nhiều năm qua, mỗi khi một trong bảy cuốn sách sau này của tôi ra đời, các nhà xuất bản đã tổ chức các chuyến đi để tôi quảng cáo sách. Bất kể đó là cuốn nào đi chăng nữa, độc giả đều phản hồi lại, với sự nhiệt tình hài lòng, sự khen ngợi lịch sự và những câu hỏi thông minh. Và sau đó họ lại xếp hàng để mua và yêu cầu tôi ký tặng cuốn… Gen vị kỷ. Điều này hơi quá cường điệu. Một vài trong số họ cũng mua những quyển sách mới và vợ tôi đã an ủi tôi bằng cách lập luận rằng những người mới biết đến một tác giả nào đó thường có xu hướng tìm lại quyển sách đầu tiên của anh ta, những người còn lại, khi đã đọc cuốn Gen vị kỷ, chắc hẳn họ sẽ tìm ra xu hướng của mình thông qua cuốn sách mới mà họ yêu thích nhất. Tôi sẽ bận tâm nhiều hơn nếu tôi có thể thừa nhận rằng cuốn Gen vị kỷ đã trở nên rất lỗi thời. Đáng tiếc (theo một khía cạnh nào đó) là tôi không thể làm điều đó. Những chi tiết đã thay đổi và những ví dụ thực tế đã đâm chồi mạnh mẽ. Nhưng với một ngoại lệ mà tôi sẽ thảo luận trong giây lát, có một phần nhỏ của cuốn sách mà tôi phải nhanh chóng đính chính lại hoặc phải xin lỗi vì nó. Arthur Cain, giáo sư môn động vật học tại Liverpool, một trong những người thầy đầy cảm hứng của tôi tại Oxford những năm 60, đã mô tả cuốn Gen vị kỷ năm 1976 là một “cuốn sách của người trẻ tuổi”. Ông ấy đã chủ tâm trích dẫn một người bình luận trong Logic và sự thật ngôn ngữ của AJ. Ayer. Sự so sánh đó đã tâng bốc tôi lên, cho dù tôi biết rằng Ayer đã phải sửa lại rất nhiều trong cuốn sách đầu tiên của ông ấy và tôi cũng khó có thể bỏ qua điểm ngụ ý của Cain rằng tôi nên làm tương tự như vậy vào thời điểm thích hợp. Hãy cho phép tôi bắt đầu bằng vài ý nghĩ về tiêu đề cuốn sách. Năm 1975, qua sự giới thiệu của bạn tôi là Desmond Morris, tôi đã đưa một phần của cuốn sách hoàn thiện cho Tom Mascher, một người có tiếng trong giới xuất bản ở London, và chúng tôi đã cùng thảo luận trong căn phòng của ông ta ở Jonathan Cape. Ông ấy thích cuốn sách nhưng không thích tiêu đề. Ông ấy nói: “Vị kỷ là một từ ‘không đắt’. Tại sao không gọi nó là Gen bất tử? Bất tử là một từ ‘đắt’, và sự bất tử của thông tin di truyền là ý trọng tâm của cuốn sách, Gen bất tử cũng có sự hấp dẫn tương tự như Gen vị kỷ” (Tôi nghĩ, không ai trong chúng tôi để ý đến tiếng vang của tác phẩm Người khổng lồ vị kỷ của Oscar Wilde). Bây giờ tôi mới nghĩ rằng Mascher có thể đã đúng. Nhiều nhà phê bình, đặc biệt là những nhà phê bình lớn tiếng, được đào tạo về mặt lý thuyết như tôi được biết, chỉ thích đọc một quyển sách dựa vào tiêu đề của nó. Điều này rất đúng với những tác phẩm như Truyền thuyết về Benjamin Bunny hay Sự suy thoái và sụp đổ của đế chế La Mã, nhưng tôi có thể thấy chắc chắn rằng bản thân tiêu đề Gen vị kỷ không cần đến ghi chú của cuốn sách, có thể đủ để diễn tả nội dung của nó. Ngày nay, một nhà xuất bản Mỹ sẽ khăng khăng đòi có sự thuyết minh trong bất kỳ trường hợp nào. Cách tốt nhất để giải thích tiêu đề này là tìm ra các điểm nhấn. Nếu bạn nhấn mạnh vào từ “vị kỷ”, bạn sẽ nghĩ rằng cuốn sách này viết về sự vị kỷ, trong khi đó, dù sao đi nữa, nó lại tập trung nhiều hơn vào tính vị tha. Từ cần phải được chú ý đến trong tiêu đề là “gen” và hãy để tôi giải thích tại sao. Tranh luận chủ yếu trong học thuyết Darwin có liên quan đến đơn vị mà nó thực chất đã chọn lọc: dạng thực thể nào đã tồn tại hoặc không tồn tại như một hệ quả của chọn lọc tự nhiên. Đơn vị đó, ít hay nhiều, cũng sẽ trở thành “ích kỷ” theo định nghĩa. Tính vị tha có thể được ưu tiên nhiều hơn ở một mức độ khác. Liệu chọn lọc tự nhiên có chọn lựa giữa các loài? Nếu vậy, chúng ta có thể kỳ vọng rằng các cá thể sinh vật sẽ hành xử một cách vị tha “vì cái tốt của loài”. Chúng có thể sẽ hạn chế tỷ lệ sinh để tránh việc tăng dân số quá mức, hoặc hạn chế hành vi săn bắt để bảo tồn nguồn thức ăn trong tương lai của loài. Đây là sự hiểu nhầm học thuyết Darwin được phổ biến rộng rãi, điều đã thúc đẩy tôi viết cuốn sách này. Hay liệu chọn lọc tự nhiên, như tôi đã nhấn mạnh ở đây, có lựa chọn giữa các gen? Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy các cá thể sinh vật hành xử một cách vị tha “vì cái tốt của các gen”, ví dụ như nuôi nấng và bảo vệ người trong dòng tộc có chung bản sao của các gen giống nhau. Đức hy sinh dòng tộc như vậy là cách duy nhất mà sự vị kỷ của gen có thể diễn giải bản thân nó thành tính vị tha của cá thể. Cuốn sách này giải thích việc này xảy ra như thế nào cùng với sự tương hỗ, một yếu tố chính sinh ra tính vị tha trong học thuyết Darwin. Giả định tôi đã từng viết lại cuốn sách này như một sự biến đổi muộn màng sang “nguyên lý vật cản” của Zahavi/Grafen. Tôi cũng sẽ dành một khoảng cho ý tưởng của Amotz Zahavi rằng sự hiến tặng mang tính vị tha có thể là một kiểu “cống tế” của dấu hiệu khống chế: hãy xem ta mạnh hơn ngươi như thế nào, ta có thể thoải mái hiến tặng cho ngươi! Hãy để tôi nhắc lại và mở rộng lý lẽ của từ “vị kỷ” trong tiêu đề. Câu hỏi quan trọng ở đây là cấp bậc nào của sự sống sẽ trở thành “vị kỷ” thật sự, và chọn lọc tự nhiên tiến hành ở mức độ nào? Loài vị kỷ? Nhóm vị kỷ? Sinh vật vị kỷ? Hệ sinh thái vị kỷ? Hầu hết những cấp bậc này đều có thể được một hoặc nhiều tác giả biện luận và giả thiết một cách không chắc chắn, nhưng tất cả chúng đều sai. Người ta cho rằng thông điệp của Darwin sẽ được tóm lược rõ ràng như một cái gì đó vị kỷ, và rằng cái gì đó hóa ra lại là gen, nhân tố được lập luận thuyết phục trong cuốn sách này. Cho dù bạn có chấp nhận nó hay không thì đó cũng là cách giải thích cho tiêu đề của cuốn sách. Tôi hy vọng có thể quan tâm đến những hiểu lầm nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng mình cũng có những sai lầm tương tự. Đặc biệt có thể tìm thấy chúng ở Chương 1, điển hình là câu “Hãy cùng giảng dạy tính rộng lượng và lòng vị tha bởi vì chúng ta là những kẻ vị kỷ bẩm sinh”. Việc giảng dạy tính rộng lượng và lòng vị tha không có gì sai, nhưng “sự vị kỷ bẩm sinh” là một điều sai lầm. Điều này chưa được nhận ra cho đến năm 1978 khi tôi bắt đầu nghĩ một cách rõ ràng về sự khác biệt giữa “các phương tiện” (thường là các sinh vật và “các thể tự sao” ngự bên trong chúng (thực tế là các gen: toàn bộ vấn đề này được lý giải trong Chương 13, chương mới được thêm vào ấn bản thứ hai). Xin hãy quên câu nói sai lầm này cùng các câu tương tự khác, và hãy thay thế nó bằng một điều gì đó trong các dòng chữ của đoạn văn này. Với những sai sót nguy hiểm trên, dễ thấy tiêu đề của cuốn sách có thể bị hiểu lầm như thế nào, và đây là một lý do tại sao mà tôi có lẽ nên sử dụng tiêu đề Gen bất tử. Tiêu đề Phương tiện vị tha là một khả năng khác. Có lẽ cái tên này sẽ là quá khó hiểu, nhưng trong tất cả các khía cạnh, nó giải quyết được sự tranh luận bề ngoài (điều gây băn khoăn kể từ Ernst Mayr đến sau này) giữa gen và sinh vật, hai đơn vị cạnh tranh với nhau trong chọn lọc tự nhiên. Ở đó, không hề có sự tranh chấp giữa chúng. Gen là đơn vị chọn lọc tự nhiên với nghĩa là thể tự sao. Sinh vật là đơn vị chọn lọc tự nhiên theo nghĩa là phương tiện. Cả hai đơn vị này đều quan trọng và không thể chê bai. Chúng đại diện cho hai thể loại hoàn toàn khác nhau và chúng ta sẽ bị nhầm lẫn một cách tuyệt vọng nếu không nhận ra được sự khác biệt. Một sự lựa chọn tốt nữa thay cho tiêu đề Gen vị kỷ có thể là Gen hợp tác. Nó có vẻ như hoàn toàn mâu thuẫn nhưng một phần trọng tâm của cuốn sách sẽ lập luận cho dạng hợp tác giữa các Gen vị kỷ. Điều này rõ ràng không có nghĩa rằng các nhóm gen sẽ phát triển thịnh vượng với sự trả giá của các thành viên hoặc của các nhóm gen khác. Thay vào đó, mỗi gen được xem là đang cố gắng đạt được tiêu chí vị kỷ của chính nó để chống lại các gen khác trong vốn gen - tập hợp các ứng cử viên cho sự sắp xếp lại trật tự giới tính trong một loài. Những gen khác này là một phần trong môi trường mà gen tồn tại, cũng như thời tiết, vật ăn thịt và con mồi, thảm thực vật hỗ trợ và các vi khuẩn đất là những thành phần của môi trường. Theo quan điểm của mỗi gen, “môi trường” gen là những gen cùng chung cơ thể với nó trong cuộc hành trình qua các thế hệ. Trong một khoảng thời gian ngắn, môi trường gen là những thành viên khác trong bộ gen. Trong khoảng thời gian dài hơn, môi trường gen là các gen khác trong vốn gen của loài. Vì vậy, chọn lọc tự nhiên coi nó là những tập hợp gen tương hỗ - thường được gọi là hợp tác - các gen được ưu tiên khi xuất hiện cùng nhau. Sự tiến hóa của “gen hợp tác” chưa bao giờ phá vỡ các quy tắc cơ bản của Gen vị kỷ. Chương 5 sẽ phát triển ý tưởng này, sử dụng sự tương đồng của một nhóm các tay chèo, và Chương 13 sẽ đưa ý tưởng đó đi xa hơn. Lúc này, chọn lọc tự nhiên của các Gen vị kỷ được cho rằng có xu hướng ưu tiên sự hợp tác giữa các gen, người ta phải thừa nhận có một số gen không làm như vậy và chúng hành động chống lại lợi ích của phần còn lại của bộ gen. Một số tác giả đã gọi chúng là các gen ngoài luồng, một số khác gọi là các gen siêu vị kỷ, trong khi có những tác giả chỉ gọi là “các Gen vị kỷ” - sự nhầm lẫn những khác biệt tinh tế giữa các gen khi hợp tác trong một sự phối hợp vị kỷ. Các ví dụ về các gen siêu vị kỷ là chúng tác động đến động lực giảm phân được miêu tả ở các trang 304-307, và các “ADN ký sinh” được đề cập đến lần đầu tiên ở trang 57-59 và được phát triển sâu hơn bởi nhiều tác giả khác nhau dưới cụm từ “ADN vị kỷ”. Việc khám phá ra những ví dụ mới và thậm chí kỳ quái của các gen siêu vị kỷ trở thành một điểm đáng lưu ý trong những năm mà cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên.[1] Gen vị kỷ đã bị phê bình vì việc nhân cách hóa sự vật và điều này cũng cần có một sự giải thích, nếu không muốn nói là một lời xin lỗi. Tôi áp dụng hai mức độ nhân cách hóa: một cho mức độ các gen và một cho mức độ các sinh vật. Sự nhân cách hóa các gen không thực sự là một vấn đề vì không một người bình thường nào nghĩ rằng các phân tử ADN lại có ý thức về nhân cách, và không một độc giả nhạy cảm nào lại quy kết sự ảo tưởng như vậy cho tác giả. Tôi đã vinh hạnh được nghe nhà sinh học phân tử vĩ đại Jacques Monod nói về sự sáng tạo trong khoa học. Tôi đã quên các câu nói chính xác của ông, nhưng đại khái là ông ấy nói rằng khi cố gắng suy nghĩ về một vấn đề hóa học, ông ấy sẽ tự hỏi rằng ông sẽ làm gì nếu ông là một electron. Peter Atkins, trong một cuốn sách rất hay của mình, Sự sáng tạo đã trở lại, đã sử dụng sự nhân cách hóa tương tự khi xem xét sự khúc xạ của một tia sáng khi đi qua một môi trường có chỉ số khúc xạ cao hơn khiến nó chậm lại. Atkins tưởng tượng rằng nó như một người cứu hộ trên bãi biển lao xuống để cứu một người đang bị chìm. Liệu người cứu hộ có nên bơi thẳng đến người đang bị chìm? Không, bởi vì anh ta có thể chạy nhanh hơn là bơi và sẽ là khôn ngoan khi gia tăng phần đất khô trong thời gian di chuyển của anh ấy. Liệu anh ta có nên chạy đến một điểm trên bờ biển đối diện với mục tiêu của mình để giảm thiểu được thời gian bơi? Tốt hơn, nhưng vẫn không phải là giải pháp tốt nhất. Sự tính toán (nếu anh ta có đủ thời gian để làm) sẽ cho người cứu hộ tìm ra một góc tối ưu, đem lại ý tưởng kết hợp giữa việc chạy nhanh và sau đó là việc bơi chậm hơn. Atkins kết luận rằng: Đó chính xác là tập tính của tia sáng khi đi qua môi hường đậm đặc hơn. Nhưng làm thế nào để tia sáng biết trước được rằng đâu là con đường ngắn nhất? Và tại sao nó cần quan tâm đến điều đó? Ông ấy phát triển những câu hỏi này thành một giải thích thú vị, lấy cảm hứng từ học thuyết lượng tử. Kiểu nhân cách hóa này không chỉ là một phương tiện mô phạm kỳ lạ. Nó còn có thể giúp cho một nhà khoa học chuyên nghiệp tìm được câu trả lời chính xác, với việc phải đối mặt với những sai lầm khó phát hiện. Trường hợp của những tính toán theo học thuyết Darwin về tính vị tha và tính vị kỷ, sự hợp tác và việc đối nghịch cũng tương tự như vậy. Người ta rất dễ đưa ra câu trả lời sai. Các gen được nhân cách hóa, nếu được thực hiện với sự cẩn trọng, thường cho thấy rằng nó là con đường ngắn nhất để cứu một nhà khoa học ủng hộ thuyết Darwin ra khỏi bùn lầy. Khi cố gắng trải nghiệm sự cẩn trọng đó, tôi đã được khích lệ bởi người tiền bối lão luyện W.D. Hamilton, một trong bốn người anh hùng được nhắc đến trong cuốn sách. Trong một bài báo năm 1972 (năm mà tôi bắt đầu viết cuốn Gen vị kỷ), Hamilton viết: Một gen được ưu tiên trong chọn lọc tự nhiên nếu tập hợp các bản sao của nó tạo nên một phần đang lớn lên trong tổng vốn gen. Chúng ta sẽ quan tâm đến các gen được cho rằng có ảnh hưởng đến tập tính xã hội của những người mang chúng. Vì vậy chúng ta hãy thử đưa ra lập luận hấp dẫn hơn bằng cách tạm thời gán các đặc tính cho sự thông minh của các gen và một sự lựa chọn tự do ở mức độ nào đó. Hãy tưởng tượng rằng một gen đang tính toán về việc tăng số lượng các bản sao của nó, và hãy tưởng tượng rằng nó có thể lựa chọn giữa… Đó chính là tinh thần đúng đắn để từ đó đọc những điều trong Gen vị kỷ. Nhân cách hóa một sinh vật có thể sẽ gặp nhiều vấn đề hơn. Điều này là do các sinh vật, không như các gen, có não bộ và do vậy chúng có thể thực sự có những động lực vị kỷ hay vị tha về một vấn đề gì đó theo ý nghĩa chủ quan mà chúng ta có thể nhận thấy. Một cuốn sách có tên là Con sư tử vị kỷ có thể thực sự gây nhầm lẫn trong khi cái tên Gen vị kỷ sẽ không tạo ra điều đó. Cũng giống như việc một người có thể đặt bản thân mình vào vị trí của một tia sáng tưởng tượng, lựa chọn một cách thông minh con đường tối ưu qua một dãy các thấu kính và lăng kính, hoặc ở vị trí của một gen tưởng tượng để lựa chọn một con đường tối ưu đi qua các thế hệ, người đó cũng có thể đặt bản thân mình vào một cá thể sư tử để tính toán một chiến lược tập tính tối ưu cho sự tồn tại lâu dài trong tương lai cho các gen của mình. Món quà đầu tiên của Hamilton tặng cho ngành sinh học là những phép tính chính xác mà một cá thể theo thuyết Darwin, chẳng hạn như một con sư tử, sẽ phải sử dụng khi thực hiện những quyết định được tính toán để tối đa hóa sự tồn tại lâu dài cho các gen của nó. Trong cuốn sách này tôi đã sử dụng sự tương đồng theo văn nói phổ thông của những tính toán đó ở hai mức độ. Ở trang 171-172 chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn từ mức độ này sang mức độ khác. Chúng ta đã xem xét các điều kiện mà theo đó một cá thể mẹ thực chất sẽ có lợi khi để một cá thể còi cọc chết đi. Bằng trực giác, chúng ta giả định rằng cá thể còi cọc nên tiếp tục đấu tranh đến phút cuối cùng, nhưng về mặt lý thuyết thì không cần thiết phải dự tính điều này. Ngay khi cá thể còi cọc trở nên quá nhỏ bé và yếu đuối đến mức khả năng sống của nó giảm xuống điểm mà lợi ích thu được qua sự đầu tư của cha mẹ nhỏ hơn một nửa khi đem cho những đứa con khác, cá thể còi cọc nên chết một cách tự hào và tự nguyện. Nó có thể đem lại lợi ích tốt nhất cho các gen của nó khi làm như vậy. Đó là tất cả mức độ tự nhận xét của bản thân cá thể. Giả thiết này không phải là cá thể còi cọc sẽ lựa chọn điều gì đem lại cho nó sự thoải mái hoặc cảm giác tốt. Đúng hơn là các cá thể trong một thế giới của thuyết Darwin được giả thiết là đang thực hiện một sự tính toán giá như cho những điều có thể là tốt nhất cho gen của chúng. Đoạn văn đặc biệt này tiếp tục làm rõ điều đó bằng việc nhanh chóng chuyển sang sự nhân cách hóa ở mức độ gen: Vậy có thể nói, một gen mà đưa ra hướng dẫn “Cơ thể, nếu ngươi quá nhỏ bé so với những cá thể đồng lứa, đừng cố gắng đấu tranh và hãy chết đi” sẽ có thể thành công trong vốn gen, bởi vì nó có 50% cơ hội có mặt trong cơ thể của các anh chị em được cứu sống và dù sao thì cơ hội sống sót của nó trong cơ thể còi cọc cũng là rất nhỏ. Và rồi đoạn văn ngay tức thì chuyển ngược lại sự nhân cách hóa của cá thể còi cọc: Có một điểm quyết định trong cuộc đời của một cá thể còi cọc. Trước khi đạt đến điểm đó, nó nên tiếp tục đấu tranh. Khi đã tới đó, nó nên từ bỏ và tốt hơn cả là để những kẻ đồng lứa hoặc cha mẹ ăn thịt nó. Tôi thực sự tin rằng hai mức độ nhân cách hóa này sẽ không gây nhầm lẫn kể cả khi đọc trong một văn cảnh hoặc toàn cảnh. Hai mức độ của “sự tính toán giá như” sẽ cho ra cùng một kết luận nếu thực hiện chúng đúng cách: trên thực tế, điều này là một tiêu chuẩn để phán xét tính đúng đắn của chúng. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng nhân cách hóa là thứ mà tôi sẽ sửa nếu cho tôi viết lại cuốn sách này bây giờ. Không viết lại cuốn sách là một việc. Không đọc nó lại là một việc khác. Chúng ta sẽ làm gì với nhận định dưới đây, từ một độc giả đến từ nước Úc? Rất thú vị, nhưng có nhiều lúc tôi ước rằng tôi đã không đọc nó… Ở một mức độ, tôi có thể chia sẻ cảm xúc của Dawkins trong việc tìm ra bằng chứng cho những quá trình phức tạp đó… Nhưng cũng lúc ấy, tôi lại oán trách Gen vị kỷ vì đã đem lại một loạt những cơn trầm cảm mà tôi phải chịu đựng trong suốt hơn một thập kỷ… Không bao giờ chắc chắn về cảm nhận tinh thần của tôi về cuộc sống, nhưng cố gắng tìm một cái gì đó sâu sắc hơn - cố gắng để tin tưởng, nhưng không hoàn toàn có thể - Tôi thấy cuốn sách đã thổi bay mọi ý tưởng mơ hồ mà tôi đã theo đuổi và ngăn cản chúng kết hợp với nhau xa hơn. Điều này đã tạo ra một sự khủng hoảng cá nhân mạnh mẽ đối với tôi trong vài năm trước. Tôi đã mô tả trước đó một vài phản ứng tương tự của các độc giả: Một nhà xuất bản nước ngoài in cuốn sách đầu tiên của tôi đã thừa nhận rằng ông ta không thể ngủ được trong ba đêm liền sau khi đọc nó, ông ấy suy tư quá nhiều về những gì đã thấy qua thông điệp lạnh lùng và ảm đạm của nó. Những người khác hỏi tôi làm thế nào có thể thức dậy vào mỗi buổi sáng. Người giáo viên từ một đất nước xa xôi viết cho tôi với ý quở trách rằng một học sinh đã tìm đến ông ấy trong nước mắt sau khi đọc cuốn sách này, bởi nó đã thuyết phục cô bé rằng cuộc sống là một sự trống rỗng và không có mục đích. Ông ta đã khuyên cô bé không đưa cuốn sách cho bất kỳ người bạn nào vì lo ngại nó sẽ đầu độc chúng cùng với chủ nghĩa bi quan mang tính hư vô (Tháo dỡ cầu vồng). Nếu có điều gì đó là đúng thì không thể có suy nghĩ ảo vọng nào có thể làm lại nó. Đó là điều đầu tiên mà tôi nói đến, nhưng điều thứ hai cũng quan trọng không kém. Như tôi đã tiếp tục viết: Giả sử rằng trên thực tế không có mục đích nào trong số phận vĩnh hằng của vũ trụ, nhưng có ai trong chúng ta thực sự trói buộc những hy vọng của cuộc đời mình vào đó? Tất nhiên là chúng ta không làm thế nếu tỉnh táo. Cuộc sống của chúng ta được đặt trong khuôn phép bởi tất cả các dạng ham muốn và nhận thức gần gũi hơn, ấm áp hơn của con người. Việc kết tội khoa học đã cướp đi sự ấm áp, điều mà khiến cho cuộc sống có ý nghĩa, là một sai lầm hoàn toàn phi lý, hoàn toàn trái ngược với cảm giác của tôi và cảm giác của những nhà khoa học tận tụy nhất. Tôi gần như bị đẩy vào sự tuyệt vọng bởi những điều mà tôi nghi ngờ sai lầm. Một khuynh hướng tương tự để truyền thông điệp này được thể hiện bởi các nhà phê bình, những người đã phủ nhận điều mà họ thấy về những ngụ ý cho sự bất đồng mang tính xã hội, chính trị hoặc kinh tế của cuốn Gen vị kỷ. Ngay sau khi bà Thatcher chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên năm 1979, người bạn Steven Rose đã viết những điều sau trên tờ New Scientist: Tôi không ám chỉ đó là Saatchi và Saatchi đã tập hợp một đội ngũ các nhà sinh học xã hội để viết các kịch bản cho Thatcher. Tôi cũng không ám chỉ rằng các nhà khoa học lỗi lạc của Oxford và Sussex đang bắt đầu tái hợp trong việc diễn giải thực tế về những sự thật đơn giản của di truyền vị kỷ mà họ đã và đang cố gắng truyền đạt đến chúng ta. Sự trùng hợp của một học thuyết đang được quan tâm và những sự kiện chính trị còn rắc rối hơn thế. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng khi lịch sử hành trình đi tìm lẽ phải của những năm 1970 được viết ra, từ luật pháp và trật tự đối với học thuyết tiền tệ vĩ mô và (mâu thuẫn hơn) đối với việc tấn công vào thiết chế độc quyền, sau đó là sự chuyển đổi về xu hướng khoa học, đơn thuần là từ mô hình chọn lọc từ nhóm sang dòng tộc trong học thuyết tiến hóa. Tất cả sẽ được coi là một phần trong làn sóng cuốn phăng những kẻ ủng hộ Thatcher và ý tưởng của họ về quyền năng tối thượng và độc tôn vĩnh viễn của con người trong tự nhiên trong thế kỷ 19. “Nhà khoa học lỗi lạc của Sussex” sau này là John Maynard Smith, người mà tôi và Steven Rose ngưỡng mộ, đã trả lời đầy cá tính trong một bức thư gửi đến tạp chí New Scientist: “Vậy thì chúng ta nên làm điều gì hay là để các đẳng thức đó lừa bịp?” Một trong những thông điệp chính của cuốn Gen vị kỷ (được củng cố bằng một bài luận của cuốn Giáo sỹ của Quỷ) là chúng ta không nên suy luận giá trị của mình từ học thuyết Darwin, trừ phi nó có biểu hiện xấu. Bộ não của chúng ta đã tiến hóa đến điểm mà ở đó chúng ta có thể nổi dậy chống lại các Gen vị kỷ của mình. Thực tế về những điều mà chúng ta có thể làm được chứng minh rất rõ ràng qua việc sử dụng thuốc tránh thai. Nguyên lý tương tự như vậy có thể và cũng sẽ đúng ở một phạm vi rộng hơn. Không giống như ấn bản thứ hai năm 1989, ấn bản kỷ niệm này không bổ sung bất cứ điều gì ngoại trừ phần giới thiệu và một số trích đoạn từ các bài phê bình được người biên tập trong cả ba lần xuất bản của tôi, Latha Menon lựa chọn. Chỉ có Latha mới có thể tiếp bước Michael Rodgers, một biên tập viên cực kỳ xuất sắc, người hoàn toàn tin tưởng rằng cuốn sách này là động lực thúc đẩy cho hướng đi trong ấn bản đầu tiên của nó. Tuy nhiên, ấn bản này đăng lại Lời mở đầu gốc của Robert Trivers - đây cũng là một nguồn cảm hứng đặc biệt cho tôi. Tôi đã đề cập đến Bill Hamilton như là một trong bốn người hùng tri thức của cuốn sách. Bob Trivers cũng vậy. Ý tưởng của ông ấy chiếm phần lớn các Chương 9, 10, 12 và toàn bộ Chương 8. Lời tựa của ông ấy không chỉ là một đoạn giới thiệu rất hay cho cuốn sách, mà đặc biệt: ông ấy đã chọn những lời văn phổ thông để thông báo cho thế giới một ý kiến mới tuyệt vời, học thuyết về sự tiến hóa của sự tự lừa gạt bản thân. Tôi rất biết ơn ông ấy đã cho phép sử dụng Lời giới thiệu gốc để làm vẻ vang thêm ấn bản kỷ niệm này. Richard Dawkins Oxford, tháng 10/2005 LỜI TỰA CHO ẤN BẢN LẦN HAI Trong nhiều năm kể từ khi cuốn Gen vị kỷ được xuất bản, thông điệp chính của nó đã trở thành chính thống trong các sách giáo khoa. Điều này hơi nghịch lý nhưng không hoàn toàn rõ ràng. Nó không phải là một trong những cuốn sách bị phê phán bởi tính cách mạng khi được xuất bản rồi sau đó đắc thắng trở lại cho đến khi kết thúc một cách chính thống đến mức mà giờ đây chúng ta tự hỏi điều gì đã khiến nó ầm ĩ đến vậy. Hoàn toàn trái ngược. Từ lúc đầu, các nhà phê bình đã phấn khởi ưu ái nó, và đây đã không phải là một cuốn sách gây tranh cãi. Danh tiếng của cuốn sách khiến cho tranh luận về nó tăng lên trong nhiều năm và cho đến tận ngày nay, khi nó được chấp nhận rộng rãi như một công trình của chủ nghĩa cực đoan cấp tiến. Nhưng trải qua cũng từng ấy năm, khi sự nổi tiếng về chủ nghĩa cực đoan của cuốn sách ngày càng gia tăng, thì nội dung thực sự của nó dường như ngày càng ít cực đoan đi và ngày càng trở thành một loại tiền tệ thông dụng. Học thuyết Gen vị kỷ của Darwin, được thể hiện dưới một dạng mà Darwin đã không lựa chọn nhưng lại là sự ứng dụng học thuyết của ông. Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ ngay lập tức nhận ra và thích thú. Trên thực tế, đây là một thành quả logic của học thuyết Darwin chính thống nhưng được diễn tả theo một hình ảnh mới. Thay vì tập trung vào cá thể sinh vật, nó sử dụng con mắt của gen theo quan niệm của tự nhiên. Đây là một cách khác để nhìn vấn đề, không phải là một học thuyết khác. Trong các trang mở đầu của cuốn Kiểu hình mở rộng, tôi đã giải thích vấn đề này sử dụng phép ẩn dụ là khối lập thể Necker. Đây là một mô hình hai chiều vẽ bằng mực trên giấy, nhưng nó được nhận thức là một khối lập thể ba chiều trong suốt. Nếu quan sát kỹ vài giây, nó sẽ thay đổi bề mặt theo một hướng khác. Tiếp tục quan sát kỹ, nó sẽ đảo ngược lại thành khối lập thể ban đầu. Cả hai khối lập thể đều có sự tương đồng với dữ liệu hai chiều trên võng mạc, vì vậy bộ não sẽ sẵn sàng chuyển đổi giữa chúng. Không một hình nào chính xác hơn hình nào. Điểm mà tôi muốn đưa ra ở đây là có hai cách để xem xét chọn lọc tự nhiên. Đó là góc độ của gen và góc độ của cá thể. Nếu được hiểu đúng thì chúng đều tương đương nhau; hai góc nhìn của cùng một sự thật. Bạn có thể chuyển đổi từ góc nhìn này sang góc nhìn khác và nó sẽ vẫn là học thuyết Darwin. Lúc này thì tôi thấy rằng phép ẩn dụ này là quá thận trọng. Thay vì đề xuất một học thuyết mới hoặc khám phá ra một sự thật mới, những đóng góp quan trọng nhất mà một nhà khoa học thường làm là khám phá ra một cách nhìn khác của những học thuyết hoặc những thực tế cũ. Mô hình lập thể Necker là sai lầm vì nó gợi ý rằng hai cách nhìn này đều tốt như nhau. Chắc chắn phép ẩn dụ đã đúng phần nào: không như các học thuyết, “các góc nhìn” có thể được phán xét bởi thực nghiệm; chúng ta không thể viện đến các tiêu chuẩn quen thuộc của mình về bằng chứng xác thực và sự giả tạo. Nhưng khả năng là một góc nhìn có thể đạt được một điều gì đó cao quý hơn một học thuyết. Nó có thể khởi đầu trong môi trường toàn những ý nghĩ, trong đó nhiều học thuyết thú vị, có thể thử nghiệm được sinh ra và những thực tế không thể tưởng tượng được bị lột trần. Phép ẩn dụ sử dụng khối lập thể Necker hoàn toàn không có điều này. Nó thu nhận ý tưởng từ một mặt của góc nhìn nhưng thất bại trong việc phán xét giá trị của ý tưởng đó. Điều chúng ta đang nói đến không phải là một mặt của góc nhìn tương đồng mà là một sự biến hình trong những trường hợp đặc biệt. Tôi đã vội vàng chối từ bất kỳ trạng thái nào cho những đóng góp khiêm nhường của mình. Tuy nhiên, vì lý do này mà tôi không muốn tạo ra sự phân biệt rõ ràng giữa khoa học và “sự phổ thông hóa” của nó. Cho đến nay, những ý tưởng chi tiết chỉ xuất hiện trong các tài liệu khoa học là một kĩ xảo khó khăn. Nó đòi hỏi sự kết hợp sâu sắc giữa ngôn ngữ và các phép ẩn dụ để biểu lộ. Nếu bạn theo đuổi sự mới mẻ của ngôn ngữ và phép ẩn dụ đủ xa, bạn có thể kết thúc với một cách nhìn mới. Và như tôi đã lập luận, một cách nhìn mới có thể có sự đóng góp riêng của nó cho khoa học. Bản thân Einstein không phải là một người phổ biến kiến thức, và tôi thường nghi ngờ rằng những phép ẩn dụ sinh động của ông ấy đã làm được nhiều hơn việc chỉ giúp đỡ chúng ta. Chẳng phải chúng cũng cho thấy sự thiên tài đầy sáng tạo của Einstein sao? Góc nhìn từ con mắt gen ở học thuyết Darwin được ẩn giấu trong các bài viết của RA. Fisher và những nhà tiên phong khác của học thuyết Darwin chính thống ở đầu những năm 30, nhưng những ẩn dụ này được WD. Hamilton và GC. Williams “giải mã” trong những năm 60. Với tôi, sự sâu sắc của họ có một phẩm chất nhìn xa trông rộng. Nhưng tôi thấy rằng họ diễn đạt quá súc tích, chưa hoàn toàn rõ ràng. Tôi không dám chắc rằng một phiên bản mở rộng và phát triển có thể đưa mọi điều trong cuộc sống vào vị trí trong trái tim cũng như bộ não. Tôi sẽ viết một cuốn sách ủng hộ cái nhìn từ con mắt của gen về sự tiến hóa. Cuốn sách này sẽ tập trung các ví dụ vào tập tính xã hội để chỉnh sửa giúp các nhà khoa học ủng hộ sự chọn lọc nhóm một cách vô thức và từ đó tán phát sự phổ biến của học thuyết Darwin. Tôi đã bắt đầu viết cuốn sách này từ năm 1972 khi việc cắt giảm điện do hậu quả của cuộc cách mạng công nghiệp đã làm gián đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của tôi. Thật không may (theo một cách hiểu nào đó), sự cố cắt điện này kết thúc chỉ sau hai chương sách, và tôi đã hoãn dự án này lại cho đến khi tôi có năm nghỉ phép vào năm 1975. Trong thời gian đó, học thuyết đã được mở rộng, đáng chú ý là được phát triển bởi John Maynard Smith và Robert Trivers. Giờ đây tôi thấy rằng nó là một trong những giai đoạn bí ẩn nhất mà từ đó các ý tưởng mới được ấp ủ. Tôi đã viết cuốn Gen vị kỷ trong một điều gì đó tương tự như một cơn sốt của sự quá khích. Khi nhà xuất bản của Đại học Oxford tiếp cận tôi để xuất bản ấn bản lần hai, họ khăng khăng với tôi rằng việc sửa lại từng trang một cách toàn diện theo kiểu truyền thống là không phù hợp. Theo quan điểm của họ, có một số cuốn sách rõ ràng được xuất bản thành một chuỗi các ấn bản, và cuốn Gen vị kỷ không nằm trong số chúng. Ấn bản đầu tiên đã vay mượn sự mới mẻ của những thời điểm mà nó được viết ra. Một luồng sinh khí của cuộc cách mạng bên ngoài đến, đó là tia sáng ban mai hạnh phúc của Wordsworth.[2] Tôi sẽ rất tiếc nếu phải thay đổi đứa con [tinh thần] vào thời điểm đó, vỗ béo nó với những thực tế mới hoặc tạo cho nó những nếp nhăn với những điều phức tạp và cẩn trọng. Vì vậy, bản sách gốc sẽ được giữ nguyên, không che giấu khiếm khuyết, các đại từ mang giới tính và tất cả những thứ khác. Các phần ghi chú ở cuối cuốn sách sẽ bao gồm những thay đổi, sự hồi đáp và sự cải tiến. Cuốn sách cũng có thêm một số chương hoàn toàn mới, đề cập tới những chủ đề mà sự mới mẻ của chúng trong thời gian đó sẽ mang theo cả tâm trạng của bình minh của cuộc cách mạng. Kết quả là Chương 12 và Chương 13 ra đời. Tôi lấy cảm hứng cho hai chương này từ hai cuốn sách về lĩnh vực mà tôi thích thú nhất trong những năm tháng đó: Cuốn Tiến hóa của sự hợp tác của Robert Axelrod, vì nó dường như tạo cho chúng ta một dạng hy vọng cho tương lai; và một cuốn của chính tôi: Kiểu hình mở rộng bởi vì đối với tôi, nó thống trị bản thân tôi những năm đó và bởi vì - cho điều mà nó đáng giá - nó có lẽ là điều tốt nhất mà tôi đã từng viết ra. Tiêu đề “Những cá thể tốt sẽ về đích trước” được mượn từ chương trình tivi Horizon của BBC mà tôi đã trình bày vào năm 1985. Nó là một bộ phim tài liệụ dài 50 phút về các hướng tiếp cận học thuyết trò chơi với sự tiến hóa của việc hợp tác, được Jeremy Taylor sản xuất. Việc làm ra bộ phim này và một bộ phim khác, Người thợ đồng hồ mù, bởi cùng một nhà sản xuất, đã khiến tôi kính phục nghề nghiệp của anh ta. Với khả năng tốt nhất của mình, những nhà sản xuất ra Horizon (một số chương trình của họ có thể được chiếu tại Mỹ, thường được đóng gói lại dưới cái tên Nova) đã biến mình thành những chuyên gia cao cấp trong chủ đề này. Chương 12 chứa đựng nhiều điều hơn là tiêu đề của nó, với kinh nghiệm làm việc của tôi với Jeremy Taylor và đội ngũ phim Horizon, và tôi biết ơn điều đó. Gần đây, tôi biết được một sự thật không thể chấp nhận được: một số nhà khoa học có thế lực có thói quen đưa tên của họ vào các ấn phẩm mà họ chẳng có đóng góp nào cả. Một số nhà khoa học có thâm niên cũng đòi hỏi có tên chung trong các bài báo trong khi tất cả những gì mà họ đã đóng góp chỉ là một chỗ ngồi, tiền tài trợ và đọc sửa bản thảo. Theo những gì mà tôi biết, toàn bộ sự nổi tiếng trong khoa học của họ có thể đã được xây nên bởi các công trình nghiên cứu của sinh viên và đồng nghiệp! Tôi không biết chúng ta có thể làm được gì trong cuộc chiến với sự không trung thực này. Có lẽ các biên tập viên của các tạp chí nên yêu cầu một bản cam kết có chữ ký của mỗi tác giả về phần đóng góp của mình. Tuy nhiên, nhân tiện đây, lý do mà tôi khơi dậy vấn đề này là để nói lên một điều trái ngược. Helena Cronin đã giúp tôi hoàn thiện rất nhiều, từng dòng, từng chữ, nhưng cô ấy nhất quyết từ chối đứng tên chung vào các phần mới của cuốn sách. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới cô ấy và tôi xin lỗi vì chỉ có lời cảm ơn ít ỏi của mình. Tôi cũng xin cảm ơn Mark Ridley, Marian Dawkins và Alan Grafen vì đã có những lời khuyên và sự phê bình mang tính xây dựng cho những phần cụ thể của cuốn sách. Tôi cũng cảm ơn Thomas Webster, Hilary McGlynn và những người khác tại nhà xuất bản trường Đại học Oxford đã vui vẻ chịu đựng sự thay đổi thất thường và trì hoãn của tôi. RICHARD DAWKINS 1989 LỜI GIỚI THIỆU CHO ẤN BẢN ĐẦU TIÊN Tinh tinh và con người có chung đến 99,5% lịch sử tiến hóa, tuy nhiên hầu hết con người đều cho rằng tinh tinh là con vật dị dạng, không có liên quan gì tới bản thân họ trong các nấc thang đá dẫn tới Thượng đế. Đối với một nhà tiến hóa học, điều này là không thể. Không tồn tại một cơ sở mang tính khách quan nào cho việc đặt loài này lên trên loài khác. Tinh tinh và con người, thằn lằn và nấm, tất cả đều cùng tiến hóa qua khoảng ba triệu năm nhờ một qui trình được gọi là chọn lọc tự nhiên. Trong mỗi loài, một vài cá thể đã để lại nhiều con cháu sống sót hơn các cá thể khác, nhờ đó mà các đặc điểm di truyền (các gen) của sự sinh sản thành công trở nên đông đảo hơn trong thế hệ sau. Đây là sự chọn lọc tự nhiên: Sự sinh sản chuyên hóa không ngẫu nhiên của các gen. Chọn lọc tự nhiên đã xây dựng nên chúng ta và cũng cần phải hiểu là chính nó đã tạo ra các đặc điểm nhận dạng của con người. Mặc dù học thuyết của Darwin về sự tiến hóa thông qua chọn lọc tự nhiên là trung tâm để nghiên cứu tập tính xã hội (đặc biệt, khi kết hợp với các học thuyết di truyền của Mendel), nhưng nó đã từng bị phớt lờ rất nhiều trên diện rộng. Toàn bộ các ngành công nghiệp đã phát triển trong khoa học xã hội đều dựa trên việc xây dựng một thế giới xã hội và tâm lý trước Darwin và Mendel. Thậm chí ngay cả trong sinh học, sự phớt lờ và sử dụng sai học thuyết của Darwin cũng xảy ra một cách đáng ngạc nhiên. Dù cho lý do của sự phát triển lạ lùng này là gì đi nữa, chúng ta cũng có bằng chứng rằng nó đang đi đến hồi kết. Công trình vĩ đại của Darwin và Mendel đã được phát triển bởi ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu, nổi bật nhất là RA. Fisher, WD. Hamilton, GC. Williams và J. Maynard Smith. Và giờ đây, lần đầu tiên, phần trọng tâm của học thuyết xã hội dựa trên nền tảng của chọn lọc tự nhiên được Richard Dawkins trình bày dưới một dạng đơn giản và mang tính phổ cập. Từng bước một, Dawkins dẫn dắt các ý chính của một công trình mới trong học thuyết xã hội: các xu hướng của tập tính vị tha và vị kỷ, định nghĩa về mặt di truyền của lợi ích bản thân, sự tiến hóa của tập tính hiếu chiến, học thuyết dòng tộc (bao gồm các mối quan hệ cha mẹ - con cái và sự tiến hóa của các loài côn trùng xã hội), học thuyết tỷ lệ giới tính, tính vị tha tương hỗ, sự lừa dối, và sự chọn lọc tự nhiên của những khác biệt giới tính. Bằng sự tự tin từ việc nắm vững học thuyết cơ bản này, Dawkins mở ra một công trình nghiên cứu mới với phong cách và sự rõ ràng đáng khâm phục. Với kiến thức rộng về sinh học, ông đã mang đến cho độc giả một văn phong hấp dẫn và phong phú. Công trình của ông khác với các công trình đã được xuất bản khác (như khi ông chỉ ra sự sai lầm của chính tôi) ở chỗ ông luôn luôn chỉ tập trung vào đối tượng chính. Dawkins cũng phải mất nhiều công sức để làm rõ ràng các suy luận logic của mình, nhờ đó mà độc giả, bằng cách sử dụng những logic được đưa ra, có thể mở rộng các lập luận (và thậm chí đối đầu với bản thân Dawkins). Bản thân chúng cũng được mở ra nhiều hướng. Ví dụ, nếu (như Dawkins lập luận) sự lừa gạt là điều cơ bản trong giao tiếp của động vật thì hẳn phải có sự chọn lọc mạnh mẽ để phát hiện ra sự lừa gạt và đến lúc đó, chọn lọc phải chọn ra một mức độ của sự tự dối mình, tạo nên một vài thực tế và động cơ vô thức không phải với ý định lừa gạt - bằng các dấu hiệu tinh tế của sự tự nhận thức - sự lừa gạt được trải nghiệm. Do vậy, quan điểm truyền thống rằng chọn lọc tự nhiên ưu tiên các hệ thần kinh tạo ra những hình ảnh chính xác của thế giới hẳn là một quan điểm ngây thơ của tiến hóa nhận thức trí tuệ. Những tiến bộ gần đây trong học thuyết xã hội đã đủ lớn mạnh để tạo ra một sự xáo trộn nhỏ trong hoạt động phản tiến hóa. Ví dụ, người ta vin vào lý do rằng trên thực tế, những tiến bộ gần đây là một phần của sự thông đồng theo chu kỳ để cản trở tiến bộ xã hội bằng cách khiến cho sự tiến bộ này có vẻ như không tưởng về mặt di truyền. Những suy nghĩ kém cỏi tương tự đã cùng tạo ra một ấn tượng rằng học thuyết xã hội của Darwin là sự tiêu khiển bên trong các ẩn dụ về mặt chính trị của nó. Điều này rất sai với sự thật. Lần đầu tiên, sự cân bằng di truyền của các giới được đưa ra một cách rõ ràng bởi Fisher và Hamilton. Học thuyết và các số liệu định lượng từ các loài côn trùng xã hội thể hiện rằng không có xu hướng di truyền nào cho thấy cha mẹ thống trị con cái của chúng (và ngược lại). Và các ý tưởng về sự đầu tư của cha mẹ và sự lựa chọn cá thể cái đã cung cấp cơ sở khách quan, không thiên vị cho quan điểm về những sự khác biệt giới tính. Đây là một tiến bộ tương đối rõ ràng so với những nỗ lực phổ biến ủng hộ cho quyền lợi và quyền lực của phụ nữ trong một đám đông vô chức năng của các cá thể đồng nhất về mặt sinh học. Một cách ngắn gọn, học thuyết xã hội của Darwin đã cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về một sự đối xứng cơ bản và logic trong các quan hệ xã hội, các quan hệ mà khi ta thấu hiểu toàn bộ sẽ tiếp sức cho những hiểu biết về mặt chính trị và cung cấp sự ủng hộ về mặt trí tuệ cho khoa học và dược lý của tâm lý học. Nó cũng sẽ cho chúng ta một hiểu biết sâu hơn về nhiều vấn đề gốc rễ mà chúng ta thiếu hụt. Robert L. Trivers Đại học Harvard, tháng 7/1976 LỜI TỰA CỦA ẤN BẢN ĐẦU TIÊN Cuốn sách này nên được đọc như thể nó là một viễn tưởng khoa học. Nó được viết theo cách để lôi cuốn sự tưởng tượng. Nhưng nó không phải là khoa học viễn tưởng: nó là khoa học. Cho dù có sáo rỗng hay không thì cụm từ “lạ hơn cả viễn tưởng” vẫn diễn tả một cách chính xác cảm giác của tôi về sự thật. Chúng ta là những cỗ máy sống - những phương tiện rô-bốt được lập trình một cách mù quáng để bảo tồn các phân tử vị kỷ được gọi là các gen. Đây là một sự thật vẫn đầy ngạc nhiên đối với tôi. Cho dù đã biết điều này nhiều năm nay, nhưng tôi dường như chưa bao giờ hoàn toàn quen với nó. Một trong những hy vọng của tôi là tôi có thể thành công trong việc gây ngạc nhiên với những người khác. Có ba độc giả tưởng tượng đã theo dõi tôi trong khi tôi viết cuốn sách này và giờ đây tôi dành tặng nó cho họ. Đầu tiên là độc giả phổ thông, một người bình thường. Vì anh ta, tôi đã tránh hầu như toàn bộ những thuật ngữ chuyên môn, và ở những chỗ bắt buộc phải sử dụng, tôi đã phải định nghĩa chúng. Giờ đây tôi tự hỏi tại sao chúng ta không lược hầu hết những thuật ngữ trong các tạp chí khoa học. Tôi đã giả sử rằng một người bình thường không có một kiến thức chuyên môn nào, nhưng tôi không giả sử rằng anh ta ngu dốt. Ai cũng có thể phổ biến khoa học nếu người đó đơn giản hóa quá mức vấn đề. Tôi đã rất vất vả để cố gắng phổ biến một số ý tưởng tinh tế và phức tạp theo ngôn ngữ không khoa học mà không mất đi điểm cốt lõi của chúng. Tôi không biết được mình đã thành công đến mức nào trong việc này, cũng như trong những tham vọng khác của tôi: cố gắng làm cho cuốn sách hấp dẫn và thú vị như tiêu đề của nó đã đưa ra. Tôi đã cảm nhận từ rất lâu rằng sinh học phải thú vị như thể một câu chuyện bí ẩn, bởi vì sinh học chính xác là một câu chuyện bí ẩn. Tôi không dám hy vọng rằng tôi đã truyền tải được nhiều hơn một phần nhỏ của sự thú vị mà bộ môn này đem lại. Độc giả tưởng tượng thứ hai của tôi là một chuyên gia. Anh ta có một tư duy phê bình khắt khe, rõ ràng trong từng hơi thở đối với những ví dụ tương đồng và hình thái tu từ của tôi. Những cụm từ ưa thích của anh ta là “ngoại trừ rằng”; “nhưng mặt khác”; và “ừm”. Tôi đã lắng nghe anh ta một cách chăm chú và thậm chí đã viết lại toàn bộ một chương vì anh ta, nhưng cuối cùng thì tôi cũng phải kể câu chuyện theo cách của tôi. Chuyên gia này sẽ vẫn không hoàn toàn hài lòng với cách các sự vật được đưa ra. Nhưng hy vọng lớn nhất của tôi là anh ta sẽ tìm thấy điều gì đó mới lạ ở đây; có lẽ là một cách mới để nhìn những ý tưởng quen thuộc; thậm chí là sự kích thích cho những ý tưởng của bản thân. Nếu đây là một nguyện vọng quá lớn, ít nhất tôi cũng có thể hy vọng rằng cuốn sách này sẽ là sự giải trí cho anh ta trên một chuyến tàu? Độc giả thứ ba mà tôi liên tưởng đến là một sinh viên, một sự chuyển tiếp từ người bình thường và một chuyên gia. Nếu người sinh viên này vẫn chưa quyết định lĩnh vực nào mà anh ta muốn trở thành chuyên gia, thì tôi hy vọng có thể khích lệ anh ta xem xét đến lĩnh vực động vật học của tôi như một sự chọn lựa tiếp theo. Có một lý do tốt để nghiên cứu về động vật học hơn là “sự hữu ích” có thể có và sự đáng yêu nói chung của các loài động vật. Lý do này là: các loài động vật chúng ta là những mảnh máy móc phức tạp và được thiết kế hoàn hảo nhất được biết đến trong vũ trụ. Đặt vấn đề như trên và nhận thấy khó có thể thấy được tại sao những người khác lại nghiên cứu những vấn đề khác! Đối với những sinh viên đã đi vào lĩnh vực động vật học, tôi hy vọng rằng cuốn sách của tôi có thể có một giá trị giáo dục nào đó. Anh ta phải xem xét toàn bộ những bài báo gốc và các cuốn sách chuyên môn mà tôi đã trích dẫn. Nếu anh ta thấy rằng các tài liệu gốc khó hiểu, có lẽ sự diễn giải không mang tính chuyên môn của tôi có thể có ích như một sự hướng dẫn và bổ sung. Rõ ràng là có những nguy hiểm trong việc cố gắng thu hút cả ba dạng độc giả khác nhau. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi hoàn toàn nhận thức được điều này, nhưng chúng dường như bị lấn át bởi những lợi thế của sự hấp dẫn. Tôi là một nhà tập tính học, và đây là một cuốn sách về tập tính học động vật. Sự ảnh hưởng từ tập tính truyền thống mà tôi đã được đào tạo là rất rõ ràng. Cụ thể là, Niko Tinbergen đã không nhận ra những ảnh hưởng sâu đậm của ông ấy lên tôi trong suốt 12 năm tôi làm việc cho ông ấy ở Oxford. Cụm từ “cỗ máy sống” là một ví dụ tiêu biểu dù rằng thực tế nó không phải là cụm từ của ông. Nhưng tập tính học gần đây đã được tiếp thêm sinh lực bởi vô vàn những ý tưởng từ các nguồn không phải là tập tính học truyền thống. Cuốn sách này được dựa trên những ý tưởng mới đó. Những người khai sinh ra chúng được đề cập đến trong những vị trí tương ứng trong cuốn sách; những nhân vật chính là GC. Williams, J. Maynard Smith, WD. Hamilton và RL. Trivers. Rất nhiều người đã gợi ý những tiêu đề khác nhau cho cuốn sách, và tôi rất biết ơn khi sử dụng chúng làm tiêu đề cho các chương: “Những vòng xoắn bất tử” của John Krebs; “Cỗ máy gen” của Desmond Morris; “Mối quan hệ gen-người” của Tim Clutton Brock và Jean Dawkins, độc lập với sự tạ lỗi với Stephen Potter. Các độc giả tưởng tượng có thể là mục tiêu cho sự mong muốn và hy vọng có thiện ý, nhưng họ không thể thực tế bằng những độc gỉả và những nhà phê bình thực sự. Tôi rất mê việc sửa lại, và Marian Dawkins đã phải nhận một số lượng bản thảo viết đi viết lại không thể đếm hết được của mỗi trang. Những kiến thức đáng kể của cô ấy về các tài liệu sinh học, những hiểu biết của cô ấy về các vấn đề lý thuyết cùng với sự động viên không ngừng nghỉ và hỗ trợ về tinh thần là rất cần thiết cho tôi. John Krebs cũng đọc toàn bộ bản thảo của cuốn sách. Ông ấy biết nhiều lĩnh vực hơn tôi, và đã rất hào phóng đưa ra những lời khuyên và gợi ý. Glenys Thomson và Walter Bodmer đã phê bình cách trình bày các vấn đề về di truyền của tôi một cách chân thành nhưng rất kiên quyết. Tôi e rằng sự sửa chữa của tôi vẫn không hoàn toàn làm hài lòng họ, nhưng tôi hy vọng rằng họ sẽ thấy được một sự cải tiến nào đó. Tôi rất biết ơn vì họ đã bỏ thời gian và kiên nhẫn đọc bản thảo. John Dawkins đã vất vả xem xét những sai sót về mặt thuật ngữ và đã đưa ra những gợi ý xây dựng tuyệt vời cho việc sử dụng từ ngữ. Tôi không thể mong đợi một “người bình thường thông minh” hơn Maxwell Stamp. Quan điểm của anh ấy trong việc phát hiện ra các lỗi thông thường trong cách viết của bản thảo đầu tiên đã giúp ích rất nhiều cho bản hoàn thiện. Những người khác cũng đã có những phê bình mang tính xây dựng ở các chương cụ thể, hoặc đưa ra những lời khuyên chuyên môn, là John Maynard Smith, Desmond Morris, Tom Maschler, Nick Blurton Jones, Sarah Kettlewell, Nick Humphrey, Tim Clutton-Brock, Louise Johnson, Christopher Graham, Geoff Parker và Robert Trivers. Pat Searle và Stepanie Verhoeven không chỉ đánh máy thuần thục mà còn động viên tôi bằng việc làm điều đó với sự thích thú. Cuối cùng, tôi muốn cảm ơn Michael Rodgers của nhà in trường Đại học Oxford, người đã làm việc ngoài nhiệm vụ của mình bên cạnh những phê bình hữu ích cho bản thảo, để chú ý tới mọi khía cạnh trong việc xuất bản quyển sách này. Richard Dawkins 1976 CHƯƠNG 1 TẠI SAO LẠI LÀ CON NGƯỜI? Sự sống thông minh ở một hành tinh sẽ được coi là trưởng thành khi nó lần đầu tiên tìm ra nguyên do cho sự tồn tại của mình. Nếu một sinh vật thượng đẳng từ vũ trụ ghé thăm Trái đất, để đánh giá trình độ nền văn minh của chúng ta, câu hỏi đầu tiên họ sẽ hỏi là: “Họ đã khám phá ra quá trình tiến hóa chưa?” Sự sống đã tồn tại trên Trái đất hơn 3.000 triệu năm mà không hiểu vì sao chúng tồn tại, trước khi một trong số chúng tìm ra lời giải đáp. Người đó chính là Darwin. Công bằng mà nói, trước Darwin đã có những hiểu biết qua loa về sự thật này, nhưng chính Darwin mới là người đầu tiên tập hợp thành một bản tổng kết logic và chặt chẽ lý do tồn tại của chúng ta. Darwin giúp chúng ta có thể đưa ra câu trả hợp lý cho câu hỏi của những đứa trẻ tò mò đã đặt ra ở đầu chương. Chúng ta cũng không còn phải viện dẫn đến những điều mê tín dị đoan khi đối mặt với các vấn đề khó giải thích như: “Cuộc sống có ý nghĩa gì không?”; “Chúng ta tồn tại vì cái gì?”; “Con người là gì?” Sau khi đặt ra câu hỏi cuối cùng trong số các câu hỏi vừa rồi, nhà động vật học nổi tiếng GG Simpson đã viết: “Tôi muốn chỉ ra rằng tất cả những cố gắng để giải đáp cho câu hỏi đó trước năm 1859[3] đều không có giá trị và nếu chúng ta lờ hẳn những quan điểm đó đi, chúng ta sẽ thấy thoải mái hơn”.[4] Ngày nay, thuyết tiến hóa đang xuất hiện nhiều nghi ngờ giống như thuyết Trái đất quay quanh Mặt trời. Nhưng nếu như giả thuyết Trái đất quay quanh Mặt trời được thấu hiểu hoàn toàn thì nhiều ẩn ý trong cuộc cách mạng của Darwin vẫn chưa được nhận thức rõ ràng, rộng rãi. Động vật học vẫn là một bộ môn nhỏ trong các trường đại học và thậm chí cả những sinh viên khi đăng ký học môn này cũng thường không nhận thức được ý nghĩa triết học sâu sắc của nó. Triết học và các bộ môn thuộc khối nhân văn hầu hết vẫn được giảng dạy như thể Darwin chưa bao giờ tồn tại. Chắc chắn rằng, điều này sẽ thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cuốn sách này được viết không phải để ủng hộ tích cực cho chủ nghĩa Darwin,[5] thay vào đó, nó sẽ ứng dụng các hệ quả của thuyết tiến hóa vào một vấn đề cụ thể, đó là xem xét bản chất sinh học của tính vị kỷ và tính vị tha. Ngoài khía cạnh học thuật, vai trò của điều này đối với con người cũng rất rõ ràng. Nó chạm đến mọi khía cạnh trong đời sống xã hội của chúng ta: tình yêu và thù hận, đấu tranh và hợp tác, cho đi và trộm cắp, lòng tham và sự hào phóng. Những khẳng định này đáng nhẽ phải được dùng làm cơ sở cho các cuốn sách: Về tính hiếu chiến[6] của Lorenz, Khế ước xã hội[7] của Ardrey và Tình yêu và thù hận[8] của Eibl-Eihesfeldt. Trong tất cả các cuốn sách này, các tác giả đã hoàn toàn sai lầm khi bàn đến các khía cạnh xã hội. Họ sai bởi vì họ đã không hình dung đúng quá trình tiến hóa. Họ đã đưa ra một giả định hoàn toàn nhầm lẫn khi cho rằng điều quan trọng trong quá trình tiến hóa đó là đặc tính tốt của loài (hay một nhóm cá thể) chứ không phải là đặc tính tốt của một cá thể (hay gen của cá thể). Điều buồn cười là Ashley Montagu[9] đã phê phán Lorenz[10]- hậu duệ của các nhà tư tưởng theo trường phái “tự nhiên, máu đỏ nanh và vuốt”[11] thế kỉ 19. Theo tôi, quan điểm của Lorenz về tiến hóa cũng giống như quan điểm của Ashley, cả hai đều gạt bỏ những hàm ý trong cụm từ nổi tiếng của Tennyson. Khác với họ, tôi cho rằng cụm từ “tự nhiên, máu đỏ nanh và vuốt” đã tổng kết súc tích những hiểu biết hiện nay của chúng ta về chọn lọc tự nhiên. Trước khi bắt đầu đưa ra lập luận của mình, tôi muốn giải thích ngắn gọn kiểu lập luận mà tôi sẽ đưa ra và những kiểu lập luận mà tôi không đề cập tới. Giả sử rằng, khi nhắc đến một người đàn ông đã từng sống lâu và giàu có trong xã hội găngxtơ ở Chicago, chúng ta có thể dự đoán phần nào kiểu tính cách của người đàn ông ấy. Chúng ta có thể nghĩ người đàn ông đó có những phẩm chất như mạnh mẽ, bắn súng nhanh và có khả năng thu hút những người bạn trung thành. Đấy có thể không phải là suy luận luôn đúng, nhưng bạn có thể đưa ra những kết luận về tính cách của người đàn ông đó nếu như bạn biết một vài điều về nơi anh ta đã tồn tại và phát triển. Tranh luận của cuốn sách này về việc con người cũng như tất cả các động vật khác, đều là những cỗ máy được hình thành nên từ bộ gen. Giống như những gã găngxtơ thành đạt ở Chicago, bộ gen của chúng ta đã sống sót, nhiều trường hợp là hàng triệu năm, trong một thế giới đầy cạnh tranh. Và như vậy, chắc chắn gen của chúng ta có những đặc tính tốt nhất định. Tôi cũng sẽ thuyết phục các bạn rằng đặc tính nổi trội để một gen có thể tồn tại trong tự nhiên đó là tính vị kỷ, vị kỷ đến mức tàn nhẫn. Tính vị kỷ của gen sẽ luôn làm tăng tính vị kỷ trong tập tính của cá thể. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ thấy có những trường hợp đặc biệt trong đó một gen chỉ có thể biểu hiện tính vị kỷ của nó tốt nhất bằng việc tăng cường một giới hạn của tính vị tha ở mức độ cá thể. Hai từ “đặc biệt” và “hữu hạn” chính là hai từ rất quan trọng trong câu trên. Mặc dù chúng ta có lẽ sẽ muốn tin vào điều ngược lại, nhưng tình yêu bao la và sự bảo vệ các loài nói chung chỉ là những khái niệm chẳng có ý nghĩa gì trong quá trình tiến hóa. Điều này đưa tôi quay trở lại điểm xuất phát, tôi muốn làm rõ những điều mà cuốn sách này không đề cập đến. Tôi không có ý định rao giảng đạo đức dựa trên quá trình tiến hóa.[12] Tôi chỉ nói về cách mà sự vật tiến hóa. Tôi cũng không đề cập đến việc con người phải cư xử thế nào cho có đạo đức. Tôi nhấn mạnh điều này, bởi vì tôi biết tôi đang ở trong tình trạng dễ bị hiểu lầm bởi những người, mà thực ra là quá nhiều, không thể phân biệt được câu nói tin rằng trường hợp đó sẽ xảy ra với một lời bao biện trường hợp đó phải là như thế này. Tôi cảm thấy rằng xã hội loài người nếu đơn thuần chỉ dựa trên quy luật vị kỷ đến tàn nhẫn của gen có thể là một xã hội đầy ô trọc mà chúng ta đang sống. Tiếc rằng, cho dù chúng ta có phàn nàn điều gì, thì sự phàn nàn đó cũng không thể làm xã hội đó biến mất. Tôi viết cuốn sách này để tạo sự hứng thú cho bạn đọc, nhưng nếu bạn có thể rút ra được bài học đạo đức nào từ đây, hãy xem nó như một lời cảnh báo. Nên nhớ rằng nếu bạn, cũng như tôi, mong muốn xây dựng một xã hội mà ở đó các cá thể hợp tác với nhau một cách rộng lượng và vô tư để hướng tới những điều tốt đẹp chung, thì bạn có thể học tập được từ sinh vật trong tự nhiên. Hãy cùng giảng dạy tính rộng lượng và lòng vị tha bởi vì chúng ta là những kẻ vị kỷ bẩm sinh. Hãy để chúng ta hiểu gen vị kỷ phụ thuộc vào điều gì, sau đó chúng ta có thể có cơ hội cải tạo nó, một điều mà chưa một loài động vật nào từng khao khát thực hiện. Như là một hệ quả của những điểm trên, chúng ta cũng nhận thấy sẽ là sai lầm khi cho rằng các tính trạng di truyền là cố định và không thể thay đổi theo định nghĩa, không may đây lại là sai lầm thường gặp. Gen của chúng ta có thể quy định tính vị kỷ, nhưng chúng ta không nhất thiết phải tuân theo quy định đó suốt cuộc đời. Thực ra việc tiếp thu lòng vị tha sẽ khó hơn một chút so với việc học chúng khi chúng ta đã có sẵn những gen quy định lòng vị tha. Khác với động vật, con người được đặc trưng bởi văn hóa và bởi những ảnh hưởng được học và được truyền đạt. Có người nói rằng văn hóa rất quan trọng và gen dù là vị kỷ hay không thì cũng không liên quan đến sự am hiểu về bản chất con người. Cũng có người sẽ không đồng ý với điều đó. Việc đồng ý hay không đồng ý đều phụ thuộc vào việc bạn đứng trên lập trường nào trong cuộc thảo luận về vấn đề “tự nhiên hay giáo dục” là nhân tố quyết định các thuộc tính con người. Điều này cũng dẫn tôi đến điều thứ hai mà cuốn sách này không đề cập đến: cuốn sách không phải là một lời biện hộ cho lập trường này hay lập trường khác trong cuộc tranh luận vai trò của tự nhiên với giáo dục. Tất nhiên, tôi có chính kiến của riêng mình, nhưng tôi sẽ không trình bày ở đây trừ một vài ngụ ý trong thảo luận về vai trò của văn hóa mà tôi sẽ trình bày ở chương cuối. Nếu gen hoàn toàn không liên quan đến sự hình thành hành vi của con người hiện đại, nếu chúng ta thực sự đặc biệt trong giới động vật trên khía cạnh này, thì ít nhất việc nghiên cứu tỷ lệ khác biệt cũng rất thú vị. Trong trường hợp loài người không phải là ngoại lệ như chúng ta thường nghĩ, chúng ta càng cần phải tìm ra quy luật tiềm ẩn trong đó. Điều thứ ba mà cuốn sách này sẽ không đề cập tới: cuốn sách sẽ không miêu tả cụ thể hành vi ứng xử của con người hoặc tập tính của bất kỳ một loài động vật cụ thể nào. Tôi sẽ chỉ sử dụng các dẫn chứng thực tế trong các ví dụ minh họa. Và tôi cũng không nói “Nếu bạn để ý đến tập tính của khỉ đầu chó[13] bạn sẽ thấy tính vị kỷ; do đó, sự thay đổi trong hành vi của con người cũng có thể là vị kỷ”. Logic trong lập luận của tôi về “gã găngxtơ Chicago” thực ra không phải như vậy, mà là con người và khỉ đầu chó đã tiến hóa nhờ chọn lọc tự nhiên. Khi bạn xem xét cách thức tác động của chọn lọc tự nhiên, bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ tiến hóa do chọn lọc tự nhiên tạo nên đều vị kỷ. Do đó, chúng ta phải lường trước được rằng khi xem xét tập tính của khỉ đầu chó, hành vi của con người hay tập tính của các loài sinh vật khác, chúng ta sẽ thấy tất cả những hành vi đó là vị kỷ. Và nếu chúng ta nhận thấy sự kỳ vọng đó không đúng, nếu chúng ta phát hiện ra hành vi ứng xử của con người thực sự đầy tính vị tha, và như vậy chúng ta sẽ đối mặt với một vài điều khó hiểu và cần được giải thích. Trước khi tiến xa hơn, chúng ta cần phải có định nghĩa rõ ràng. Một thực thể ví dụ như một con khỉ đầu chó được cho là có tính vị tha nếu nó hành động để gia tăng ích lợi của một thực thể khác trong khi lại gây tổn hại đến chính bản thân nó. Tập tính vị kỷ có tác động hoàn toàn ngược lại. “Ích lợi” ở đây được hiểu là “khả năng sống sót”, cho dù sự ảnh hưởng của nó lên sự sống và cái chết trên thực tế dường như nhỏ đến mức có thể bỏ qua. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài sự tác động vô cùng nhỏ và có vẻ bình thường lên khả năng sống sót lại có thể tạo ra một tác động mạnh lên quá trình tiến hóa, đấy chính là một trong những hệ quả đáng kinh ngạc của học thuyết Darwin hiện đại. Bởi vì có quá nhiều thời gian để cho những ảnh hưởng đó tập hợp lại. Cũng cần phải nhận ra rằng các định nghĩa trên về tính vị tha và vị kỷ chỉ đề cập đến khía cạnh tập tính, không phải cảm tính. Tôi không quan tâm đến động cơ tâm lý ở đây. Tôi sẽ không bàn luận liệu con người cư xử mang tính vị tha có phải thực sự hành động vì động cơ vị kỷ vô thức hay động cơ bí ẩn khác. Có lẽ là do các động cơ vị kỷ, cũng có lẽ không phải và có thể là động cơ nào đó mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết, nhưng trong bất cứ trường hợp nào, vấn đề đó không phải là điều cuốn sách đề cập tới. Định nghĩa tôi đưa ra chỉ liên quan đến vấn đề: liệu ảnh hưởng của một hành động có làm giảm hoặc tăng khả năng sống sót của cá thể được xem là có tính vị tha và cá thể được xem là hưởng lợi từ lòng vị tha của cá thể kia. Mô tả các tác động của hành vi lên khía cạnh sống sót lâu dài là công việc rất khó. Trên thực tế, khi chúng ta áp dụng các định nghĩa vào các hành vi cụ thể, chúng ta phải làm rõ hơn bằng từ “biểu kiến”. Một hành động vị tha biểu kiến là hành động có vẻ bề ngoài như thể nó phải làm cho “cá thể vị tha” gần như chết (tuy chỉ ở mức độ nhẹ), và cá thể tiếp nhận có khuynh hướng sống sót. Nếu nghiên cứu sâu hơn, nhiều hành động vị tha biểu kiến hóa ra lại là hành động vị kỷ đã được ngụy trang. Một lần nữa, tôi không có ý nói rằng động cơ thúc đẩy chính là tính vị kỷ đã được che đậy, nhưng tác động thực sự của hành động đó lên khả năng sống sót sẽ trái ngược với điều mà chúng ta nghĩ đến lúc ban đầu. Tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ về các tập tính vị kỷ và vị tha biểu kiến. Chúng ta khó có thể kiềm chế được thói quen suy nghĩ cảm tính khi đối mặt với chính bản thân mình, vì vậy, thay vào đó, tôi sẽ chọn ví dụ từ những động vật khác. Đầu tiên sẽ là một vài ví dụ hỗn hợp về tập tính vị kỷ ở mỗi cá thể động vật. Những con mòng biển trứng cá (Larus ridibundus) làm tổ thành các quần thể lớn, các tổ chỉ cách nhau vài chục cm. Khi con non đầu tiên mới nở, chúng nhỏ bé, không thể tự vệ và rất dễ bị nuốt chửng. Thông thường, một con mòng biển sẽ đợi khi con mòng biển láng giềng quay đi, có thể là đi bắt cá, nó sẽ chộp ngay lấy và nuốt chửng một trong số các con mòng biển non. Nhờ vậy, nó có được bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, không phải mất công đi xa bắt cá, và không phải rời tổ không được bảo vệ của nó. Một ví dụ khác được biết đến nhiều hơn là tập tính ăn thịt đồng loại rùng rợn của bọ ngựa cái (Mantis religiosa). Bọ ngựa thuộc nhóm côn trùng lớn, ăn thịt. Chúng thường ăn những côn trùng nhỏ hơn như ruồi, nhưng chúng cũng sẽ tấn công bất cứ cái gì di chuyển. Khi chúng giao phối, con đực cẩn thận tiếp cận con cái, leo lên lưng con cái và phóng tinh. Nếu con cái có cơ hội, nó sẽ ăn thịt con đực, bắt đầu bằng cách ăn đầu con đực hoặc vào lúc con đực tiếp cận hoặc ngay sau khi con đực leo lên lưng nó hay cũng có thể là lúc chúng tách nhau ra sau giao phối. Có lẽ sẽ hợp lý hơn nếu con cái đợi sau khi giao phối xong rồi mới bắt đầu ăn con đực. Nhưng việc con đực mất đầu dường như không ảnh hưởng đến quá trình giao phối. Trên thực tế, phần đầu của côn trùng chứa một số trung tâm thần kinh ức chế, vì thế có thể con cái đã giúp con đực thực hiện giao phối tốt hơn bằng cách phá hủy các trung tâm đó.[14] Nếu điều đó đúng, thì đấy chính là một lợi ích phụ. Lợi ích ban đầu của hành động này chính là nó có được một bữa ăn ngon. Từ “vị kỷ” có vẻ như không phản ánh đúng những trường hợp đặc biệt như tập tính ăn thịt đồng loại, mặc dù các trường hợp này phù hợp nhất với định nghĩa của chúng ta. Có lẽ chúng ta có thể đồng tình hơn đối với tập tính hèn nhát được ghi nhận từ loài chim cánh cụt hoàng đế[15] ở Nam Cực. Chúng luôn đứng bên bờ nước, ngập ngừng trước khi nhào xuống vì chúng sợ trở thành mồi ngon cho những con hải cẩu. Nhưng nếu một con trong số chúng nhào xuống, những con còn lại sẽ biết ngay liệu dưới nước có hải cẩu hay không. Dĩ nhiên không một con nào muốn trở thành chuột thí nghiệm,[16] vì vậy chúng đợi, và thậm chí đôi khi còn đẩy nhau xuống nước. Thông thường, tập tính vị kỷ chỉ đơn giản là từ chối chia sẻ một số nguồn tài nguyên có giá trị như thức ăn, lãnh thổ và bạn tình. Bây giờ tôi sẽ cung cấp một số ví dụ về tập tính vị tha biểu kiến. Tập tính “đốt” những kẻ cướp mật của ong thợ là công cụ bảo vệ rất hiệu quả. Nhưng những con ong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đó lại là phi đội cảm tử. Khi đốt kẻ khác, các nội quan quan trọng của chúng thường bị xé nát và những con ong sẽ chết ngay sau đó. Sứ mệnh cảm tử của chúng sẽ bảo đảm cho kho thức ăn dự trữ quan trọng của cả tổ, nhưng chính bản thân chúng không thể được hưởng những lợi ích đó. Theo định nghĩa mà chúng ta đưa ra, đấy chính là hành động mang tính vị tha. Chú ý! Chúng ta không bàn về động cơ có ý thức. Các động cơ này có thể có hoặc không hiện hữu cả ở trong ví dụ này và các ví dụ về tính vị kỷ, nhưng các động cơ đó không liên quan với các định nghĩa đã nêu. Hy sinh tính mạng của mình vì bạn rõ ràng là hành động vị tha, nhưng hành động đó cũng chỉ mang lại một chút nguy hiểm cho kẻ thực hiện mà thôi. Nhiều loài chim nhỏ sẽ kêu báo động khi chúng nhìn thấy chim săn mồi như diều hâu, nhờ đó cả đàn chim có thể lẩn trốn kịp thời. Có bằng chứng gián tiếp cho thấy rằng tiếng kêu báo động của chú chim đã đẩy nó vào tình huống nguy hiểm bởi vì tiếng kêu sẽ gây sự chú ý của chim săn mồi đối với riêng nó. Sự nguy hiểm mà chú chim gặp phải rất nhỏ, nhưng dù sao đi nữa, thoạt nhìn thì hành động của nó dường như phù hợp với định nghĩa về hành động vị tha của chúng ta. Những hành động vị tha phổ biến nhất và dễ thấy nhất ở động vật thường do những con bố mẹ, đặc biệt là con mẹ, thể hiện đối với con của chúng. Chúng có thể ủ ấm cho con non ở trong tổ bằng chính cơ thể của chúng, cho con non ăn bằng mọi giá dù có tổn hại đến chính bản thân nó, sẵn sàng mạo hiểm bảo vệ cho con non khỏi những kẻ săn mồi. Lấy một ví dụ cụ thể, nhiều loài chim làm tổ dưới đất thường thực hiện cái gọi là “màn trình diễn đánh lạc hướng” khi một loài săn mồi, chẳng hạn như cáo, tiến tới. Chim giữ tổ bố/mẹ đi khập khiễng tránh xa khỏi tổ của nó, một bên cánh xòe ra như thể bị gãy. Kẻ săn mồi phát hiện con mồi bị thương và dễ dàng bị lừa ra xa khỏi tổ có chim non. Cuối cùng khi kẻ săn mồi đã được dụ đi xa khỏi tổ, chim bố/mẹ sẽ không cần giả vờ để đánh lạc hướng nữa, tung cánh bay đi ngay trước mũi con cáo. Nó đã có thể bảo vệ con non trong tổ một cách an toàn nhưng cũng hơi mạo hiểm tính mạng mình. Tôi sẽ không cố gắng đưa ra quan điểm bằng cách kể những câu chuyện. Những ví dụ đưa ra không bao giờ là những bằng chứng chính xác cho bất cứ sự khái quát nào. Câu chuyện trên đơn giản chỉ là một ví dụ minh họa cho tập tính vị tha và vị kỷ ở mức độ cá thể. Cuốn sách này sẽ trình bày cách vận dụng định luật cơ bản mà tôi gọi là “tính vị kỷ của gen” để giải thích tập tính vị kỷ và vị tha thể hiện ở các cá thể. Nhưng trước tiên tôi phải làm sáng tỏ sự giải nghĩa nhầm lẫn đặc biệt trong cách hiểu từ vị tha, bởi vì nó được nhiều người biết đến, và thậm chí nó còn được giảng dạy rộng rãi trong trường học. Sự giải nghĩa đó dựa trên sự hiểu nhầm mà tôi đã từng đề cập đến. Người ta thường hiểu nhầm sinh vật tiến hóa để làm những việc “vì cái tốt của loài” hoặc “vì điều tốt cho nhóm cá thể”. Thực ra thì cũng dễ hiểu vì sao ý kiến đó xuất hiện trong sinh học. Phần lớn thời gian của động vật là dành cho sinh sản, nhiều hành động hy sinh bản thân thường xuất hiện trong tự nhiên là do cá thể bố mẹ thực hiện cho con non của chúng. “Duy trì nòi giống” là một uyển ngữ[17] thông dụng cho sự sinh sản, và rõ ràng đấy là hệ quả của sinh sản. Như vậy chỉ nới rộng logic một chút, chúng ta có thể suy diễn ra “chức năng” sinh sản là “để” bảo tồn loài. Từ quan điểm này chúng ta kết luận rằng: nói chung động vật sẽ hành động theo khuynh hướng duy trì nòi giống, cũng như tính vị tha dường như dành cho các thành viên trong loài, nhưng đấy chính là bước tư duy sai lầm tiếp theo. Dòng suy nghĩ này có thể được xuất hiện một cách mơ hồ trong các thuật ngữ của chủ nghĩa Darwin. Tiến hóa được thúc đẩy nhờ chọn lọc tự nhiên, và chọn lọc tự nhiên có nghĩa là sự sống sót chuyên biệt của “sự thích nghi nhất”. Nhưng chúng ta đang bàn về các cá thể, các chủng, các loài thích nghi nhất hay ở cấp độ nào? Điều đó không phải là vấn đề lớn nếu xét trên một vài mục đích khác, nhưng khi chúng ta nói về tính vị tha thì nó lại là vấn đề quan trọng. Nếu đó là loài cạnh tranh trong cái mà Darwin gọi là đấu tranh sinh tồn, thì cá thể dường như chỉ là con tốt trong cuộc cờ, sẽ bị thí khi lợi ích chung của loài cần đến nó. Hay nói một cách tôn trọng vai trò của nó hơn, một nhóm, ví dụ như một loài hoặc một quần thể trong một loài, mà các cá thể trong đó sẵn sàng hy sinh bản thân chúng cho lợi ích của nhóm, có thể sẽ ít có cơ hội bị tuyệt chủng hơn so với nhóm cạnh tranh mà các cá thể trong nhóm đặt lợi ích cá nhân của chúng lên trước. Do đó thế giới sẽ bao gồm chủ yếu các nhóm của các cá thể vì lợi ích chung. Đó chính là lý thuyết “chọn lọc nhóm” được coi là đúng từ lâu nay do các nhà sinh học không quen với những nội dung chi tiết của thuyết tiến hóa đưa ra. Bạn có thể thấy những lý thuyết đó trong cuốn sách nổi tiếng do VC Wynne Edwards[18] hoặc cuốn Khế ước xã hội của Robert Ardrey.[19] Nhưng sự chọn lọc chính thức thường được gọi là “chọn lọc cá thể”, mặc dù cá nhân tôi thích thuật ngữ “chọn lọc gen” hơn. Câu trả lời ngắn gọn của những người theo thuyết chọn lọc cá thể cho lập luận vừa mới đưa ra có lẽ như sau. Thậm chí trong nhóm các cá thể có tính vị tha, chắc chắn rằng vẫn có một nhóm nhỏ các cá thể từ chối việc hy sinh. Nếu chỉ cần có một kẻ nổi loạn vị kỷ, sẵn sàng lợi dụng tính vị tha của các cá thể còn lại, thì kẻ nổi loạn đó, theo định nghĩa, có nhiều khả năng sống sót và sinh sản hơn những kẻ khác. Những đứa con của nó có khuynh hướng được thừa hưởng những đặc điểm vị kỷ này. Sau một vài thế hệ qua chọn lọc tự nhiên, nhóm vị tha ban đầu sẽ bị thống trị bởi các cá thể mang tính vị kỷ và sẽ không khác gì so với nhóm vị kỷ. Mặc dù chúng ta công nhận rằng có thể tồn tại các nhóm vị tha thuần khiết ban đầu không có một cá thể vị kỷ nào, chúng ta cũng khó có thể thấy điều gì ngăn được các cá thể vị kỷ nhập cư vào quần thể từ các nhóm vị kỷ láng giềng, và thông qua “hôn nhân”, tính thuần khiết của quần thể vị tha sẽ bị lai tạp. Những người theo thuyết chọn lọc cá thể thừa nhận rằng các nhóm thực tế sẽ biến mất dần và rằng cho dù nhóm có tuyệt chủng hay không đều chịu sự tác động bởi tập tính của các cá thể trong nhóm đó. Thậm chí, ông ta cũng thừa nhận rằng, chỉ khi các cá thể trong nhóm có khả năng tiên đoán, thì chúng mới nhận thức được về lâu dài, lợi ích tốt nhất của chúng sẽ phụ thuộc vào việc kiềm chế lòng tham vị kỷ để ngăn chặn sự diệt vong của cả nhóm. Đã bao nhiêu lần điều này được cảnh báo cho những người lao động ở Anh trong những năm gần đây? Nhưng sự tuyệt chủng của nhóm diễn ra chậm hơn so với trận chiến giáp lá cà trong sự cạnh tranh giữa các cá thể. Thậm chí trong khi nhóm cá thể vị kỷ đó đang suy thoái một cách chậm chạp và không thể thay đổi được thì các cá thể vị kỷ vẫn phát triển thịnh vượng trong một khoảng thời gian ngắn nhờ hưởng lợi ích từ các cá thể vị tha. Công dân Anh có thể được hoặc không được ban cho khả năng tiên đoán, nhưng quá trình tiến hóa không nhìn thấy trước tương lai. Mặc dù hiện nay lý thuyết chọn lọc nhóm đã phần nào có được sự ủng hộ của các chuyên gia sinh học - những người hiểu rõ quá trình tiến hóa, nhưng lý thuyết này vẫn gặp nhiều phản đối. Khi bước chân vào trường đại học, nhiều thế hệ sinh viên kế tiếp nhau của khoa động vật học đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng lý thuyết chọn lọc nhóm không phải là quan điểm chính thống. Điều này khó có thể trách cứ các sinh viên bởi vì trong quyển Hướng dẫn giảng dạy sinh học của trường Nuffield viết cho các giáo viên trung học giảng dạy môn sinh học nâng cao ở Anh, chúng ta sẽ thấy những dòng sau: “Ở động vật bậc cao, tập tính có thể biểu hiện dưới dạng tự hy sinh cá thể để đảm bảo sự sống sót của loài”. Tác giả khuyết danh của quyển hướng dẫn này đã vô tư khẳng định về một điều vẫn còn đang tranh cãi. Theo quan điểm đó, anh ta đang ở phía những người đoạt giải Nobel. Konrad Lorenz trong tác phẩm Về tính hiếu chiến đã bàn về các chức năng “bảo tồn loài” của tập tính hiếu chiến, một trong các chức năng đó là đảm bảo chỉ có cá thể phù hợp nhất được phép phối giống. Đó cũng là điểm có giá trị nhất trong một lập luận biện chứng, nhưng quan điểm mà tôi muốn đề cập đến ở đây là ý tưởng chọn lọc nhóm đã in sâu đến nỗi Lorenz cũng như tác giả của quyển Hướng dẫn Nuffield đã không thể nhận ra lập luận của họ hoàn toàn trái ngược với học thuyết Darwin chính thống. Gần đây, tôi nghe được một ví dụ đầy thú vị tương tự trong một chương trình của kênh BBC về loài nhện châu Úc. “Chuyên gia” trong chương trình này đã quan sát thấy rằng phần lớn nhện non trở thành mồi cho những loài khác, và sau đó cô ấy kết luận: “Có lẽ đó chính là mục đích tồn tại thực sự của những chú nhện, bởi vì chỉ cần một vài con sống sót là có thể đảm bảo cho sự tồn tại của loài!” Robert Ardrey trong tác phẩm Khế ước xã hội của mình đã sử dụng lý thuyết chọn lọc nhóm để giải thích tính tổng thể của trật tự xã hội nói chung. Ông ta xem con người là một loài tách khỏi con đường đúng đắn ở động vật. Chí ít thì Ardrey cũng đã làm bài tập của mình. Quyết định đi ngược với lý thuyết chính thống là một quyết định có ý thức và như vậy ông ta đáng được tôn trọng. Có lẽ một lý do cho sự phản đối mạnh mẽ lý thuyết chọn lọc nhóm là lý thuyết này phù hợp hoàn toàn với các tư tưởng chính trị và đạo đức mà phần lớn chúng ta vẫn hiểu. Chúng ta thường cư xử vị kỷ nhưng trong những khoảnh khắc lý tưởng hóa, chúng ta lại trân trọng và ngưỡng mộ những người đặt lợi ích của người khác lên trước. Tuy nhiên, chúng ta còn hơi băn khoăn trong việc xác định phạm vi của từ “người khác”. Thông thường, chủ nghĩa vị tha trong một nhóm thường đi kèm với tính vị kỷ giữa các nhóm. Đây là nền tảng của chủ nghĩa công đoàn.[20] Ở mức độ khác, quốc gia được lợi nhất từ sự hy sinh bản thân của chúng ta, và những người trẻ tuổi sẽ hy sinh tính mạng mình cho sự chiến thắng vĩ đại của toàn thể dân tộc. Hơn thế, họ được khuyến khích tiêu diệt những cá thể khác, những người mà họ chỉ biết là công dân của một quốc gia khác (Kỳ lạ thay, lời kêu gọi các cá nhân cống hiến để nâng cao chất lượng sống trong thời bình dường như kém hiệu quả hơn lời động viên các cá nhân hy sinh cuộc sống của họ trong thời chiến). Gần đây, đã có một sự phản ứng chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa dân tộc. Thay vào đó là xu hướng cho rằng loài người trên khắp thế giới là anh em. Sự mở rộng đối tượng của lòng vị tha trong chúng ta ở những người theo chủ nghĩa nhân văn đã tạo ra một hệ quả thú vị, hệ quả này dường như một lần nữa củng cố cho quan điểm “cái tốt của loài” trong quá trình tiến hóa. Những người theo trường phái tự do chính trị, những người thường là phát ngôn viên thuyết phục nhất của “đạo đức loài”, giờ đây lại rất coi thường những người mở rộng lòng vị tha của họ đến để từ đó nó bao gồm cả việc quan tâm đến các loài khác. Nếu tôi nói rằng tôi quan tâm nhiều đến việc ngăn chặn sự săn bắn các loài cá voi lớn hơn là quan tâm đến việc cải thiện điều kiện chỗ ở cho mọi người, có lẽ tôi sẽ khiến một số bạn bè của tôi bị sốc. Thành viên trong cùng một loài dành tình cảm cho nhau đặc biệt hơn là cho các thành viên của loài khác, tình cảm đó là sâu sắc và lâu dài. Ngoại trừ trong các cuộc chiến, giết người thường bị xem là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất. Điều duy nhất bị nghiêm cấm trong văn hóa loài người là ăn thịt đồng loại (kể cả khi họ đã chết). Tuy nhiên, chúng ta có thể thưởng thức thịt của các loài khác. Nhiều người trong số chúng ta co rúm trước buổi hành hình theo pháp luật, thậm chí cả đối với những kẻ tội phạm ghê tởm nhất, trong khi chúng ta lại ủng hộ nhiệt tình việc bắn giết mà không cần phán xử đối với vật nuôi yếu đuối. Thật ra, chúng ta giết chết thành viên của các loài vô hại khác vì mục đích giải trí và vui chơi. Phôi thai người, không nhiều nhân tính hơn một con amíp, lại nhận được sự tôn trọng và bảo vệ hợp pháp của pháp luật hơn rất nhiều so với một con tinh tinh trưởng thành. Vậy mà những con tinh tinh trưởng thành lại có thể cảm nhận, suy nghĩ, và theo bằng chứng thực nghiệm gần đây, thậm chí có khả năng học một dạng ngôn ngữ của con người. Cái phôi người là đồng loại của chúng ta và điều này ngay lập tức đem lại cho nó những đặc quyền, đặc lợi. Tôi cũng không rõ liệu nguyên lý đạo đức trong “chủ nghĩa phân biệt loài”, thuật ngữ mà Richard Ryder sử dụng, có thể được đặt trên một cơ sở lý luận chính xác hơn nguyên lý đạo đức trong “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc” hay không. Điều mà tôi hiểu là nguyên lý đạo đức đó không có một cơ sở thích đáng trong tiến hóa sinh học. Tình trạng hỗn loạn trong đạo đức con người thể hiện ở trong gia đình, quốc gia, chủng tộc, giống loài hoặc tất cả các mảng đời sống khác đã vượt qua ngưỡng mà tính vị tha mong muốn. Nó được phản ánh bởi sự vượt ngưỡng của sự hỗn loạn tương ứng trong sinh học, cái ngưỡng mà tính vị tha cần có theo lý thuyết tiến hóa. Thậm chí các nhà theo chủ nghĩa chọn lọc nhóm sẽ không cảm thấy ngạc nhiên khi nhận ra các thành viên trong các nhóm cạnh tranh đối xử với nhau một cách xấu xa: theo cách thức này, giống như các công đoàn viên hoặc những người lính, các thành viên sẽ hỗ trợ cho nhóm của mình trong cuộc đấu tranh giành nguồn tài nguyên hữu hạn. Như vậy chúng ta cũng cần phải hiểu làm thế nào mà những người theo chủ nghĩa chọn lọc nhóm xác định được đâu là cấp độ quan trọng. Nếu chọn lọc diễn ra giữa các nhóm trong một loài và giữa các loài thì tại sao nó lại không diễn ra giữa các cấp độ cao hơn? Các loài tập hợp lại thành chi, chi thành bộ và các bộ thành lớp. Sư tử và linh dương đều thuộc lớp động vật có vú, cũng giống như chúng ta. Vậy thì liệu chúng ta có nên trông đợi sư tử kiềm chế ăn thịt linh dương, “vì cái tốt của lớp động vật có vú”? Chắc chắn, sư tử sẽ săn chim hoặc bò sát thay vì thú để ngăn chặn sự tuyệt chủng của lớp thú. Nếu vậy thì điều gì là cần thiết để bảo tồn toàn bộ ngành động vật có xương sống? Có vẻ như rất dễ dàng cho tôi trong việc tranh luận bằng phương pháp chứng minh phản chứng và chỉ ra những vướng mắc trong thuyết chọn lọc nhóm, nhưng sự tồn tại của tính vị tha biểu kiến ở cá thể vẫn cần phải được giải thích. Ardrey đi quá xa khi cho rằng chọn lọc nhóm là cách giải thích hợp lý duy nhất về tập tính “nhảy tưng tưng”[21] ở bầy linh dương nhảy Thomson.[22] Bước nhảy mạnh mẽ và dễ phát hiện trước mặt kẻ săn mồi là tập tính tương tự như tiếng kêu báo động của những chú chim, điểm giống nhau là ở chỗ nó dường như để cảnh báo đồng loại về mối nguy hiểm trong khi rõ ràng lại thu hút sự chú ý đối với kẻ săn mồi về phía kẻ đang nhảy nhót. Chúng ta có trách nhiệm giải thích tập tính nhảy tưng tưng của linh dương Thomson và các hiện tượng tương tự và đó cũng chính là điều mà tôi sẽ bàn đến ở các chương sau. Trước khi làm điều đó, tôi phải tranh luận để bảo vệ niềm tin của mình. Theo đó, cách tốt nhất để nghiên cứu quá trình tiến hóa là nghiên cứu về sự chọn lọc xuất hiện ở cấp độ thấp nhất trong tất cả các cấp độ. Trong lý thuyết của mình, tôi chịu ảnh hưởng rất lớn từ cuốn sách của GC. Williams, Sự thích nghi và chọn lọc tự nhiên.[23] Ý trọng tâm mà tôi sử dụng đã được A. Weismann đề cập trước đó trong học thuyết “tính liên tục của thể mầm”[24] vào giai đoạn chuyển giao của thế kỷ 20. Tôi sẽ chứng minh đơn vị cơ bản của chọn lọc không phải là “loài”, không phải là “nhóm”, thậm chí không phải là “cá thể” nếu xét một cách chi tiết. Tôi cho rằng đơn vị gen di truyền là đơn vị chọn lọc cơ bản, và như vậy đây là sản phẩm của cá nhân tôi.[25] Đối với một số nhà sinh học, điều này mới đầu nghe có vẻ như là một quan điểm cực đoan. Tôi hy vọng khi họ xem xét các ý nghĩa mà tôi trình bày về gen, họ sẽ đồng ý rằng về cơ bản đó là quan điểm chính thống ngay cả khi nó được trình bày theo một cách khác thường. Để phát triển lập luận thì cần phải có thời gian, và do đó chúng ta phải bắt đầu từ đầu, từ lúc sơ khai của sự sống. CHƯƠNG 2 CÁC THỂ TỰ SAO Khởi đầu là sự đơn giản. Giải thích một cách đầy đủ về sự hình thành vũ trụ là không hề dễ dàng, thậm chí với cả một vũ trụ đơn giản. Tôi cũng đồng ý rằng việc giải thích sự xuất hiện đột ngột, hoàn thiện của một trật tự phức tạp - sự sống hoặc một thể có khả năng tạo ra sự sống còn khó hơn rất nhiều. Học thuyết tiến hóa nhờ chọn lọc tự nhiên của Darwin sẽ làm hài lòng chúng ta vì nó chỉ cho chúng ta thấy cách thức một sự vật đơn giản có thể biến đổi thành sự vật phức tạp, cách thức những nguyên tử hỗn độn tập hợp lại thành những mô hình phức tạp hơn cho đến khi chúng tạo thành con người. Darwin đã đưa ra lời giải có tính khả thi nhất từ trước đến nay cho những vấn đề bí ẩn về sự tồn tại của chúng ta. Tôi sẽ cố gắng giải thích học thuyết vĩ đại này một cách phổ thông hơn, bắt đầu tại thời điểm trước khi sự tiến hóa diễn ra. Thuyết “Thích nghi thì sống sót” của Darwin là một trường hợp đặc biệt của định luật phổ biến hơn: ổn định thì tồn tại. Cư dân của vũ trụ là những sự vật có tính ổn định. Sự vật có tính ổn định là tập hợp những nguyên tử có đủ độ cố định hoặc phổ biến để có thể được đặt tên. Đó cũng có thể là một tập hợp duy nhất các nguyên tử đã tồn tại đủ lâu để có tên gọi, ví dụ như đỉnh Matterhorn.[26] Hoặc đó cũng có thể là một lớp các thực thể, chẳng hạn như các hạt mưa. Chúng xuất hiện với tần suất đủ lớn để có thể có một tên chung cho dù mỗi cá thể trong tập hợp thực thể đó có thời gian tồn tại ngắn ngủi. Những sự vật mà chúng ta nhìn thấy xung quanh và những thứ mà chúng ta nghĩ cần phải giải thích như những hòn đá, các dải thiên hà, các con sóng trong đại dương, dù trong phạm vi lớn hơn hay nhỏ hơn, đều là những mô hình ổn định của các nguyên tử. Những bong bóng xà phòng có xu hướng hình cầu bởi vì đó là hình dạng bền vững cho các tấm màng mỏng chứa đầy khí bên trong. Trong các con tàu ngoài vũ trụ, các giọt nước cũng bền trong trạng thái hình cầu. Nhưng trong vùng trọng lực của Trái đất, vùng bề mặt ổn định của khối nước tĩnh có dạng phẳng và nằm ngang. Các tinh thể muối có hình khối lập phương bởi đó là cách thức ổn định cho liên kết của các ion Natri và Clo. Trên hành tinh Mặt trời, những nguyên tử đơn giản nhất như hydro bị đốt nóng để hình thành nên các nguyên tử heli; bởi trong những điều kiện phổ biến của hành tinh Mặt trời, cấu tạo của heli sẽ bền vững hơn. Các dạng nguyên tử phức tạp khác đã và đang hình thành trên các vì sao trong vũ trụ, thậm chí rất sớm kể từ thời điểm ngay sau “Vụ nổ lớn”,[27] thời điểm mà theo học thuyết đương đại đã hình thành nên vũ trụ. Đó là nơi các nguyên tố trong thế giới của chúng ta đã được hình thành. Đôi lúc, khi các nguyên tử gặp nhau, chúng liên kết với nhau trong các phản ứng hóa học để tạo thành các phân tử mang ít nhiều tính ổn định hơn. Những phân tử như vậy có thể rất lớn. Một tinh thể, chẳng hạn như kim cương, có thể được coi là đơn phân tử trong trường hợp là một vật ổn định, nhưng cũng có thể được coi là một phân tử rất đơn giản bởi cấu trúc nguyên tử bên trong nó được lặp lại một cách vô hạn. Các sinh vật sống hiện nay còn có nhiều phân tử có kích thước lớn, chúng rất phức tạp và tính phức tạp đó được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Phân tử hemoglobin trong máu của chúng ta là một phân tử protein điển hình. Nó được tạo thành từ nhiều chuỗi các phân tử nhỏ hơn, axít amin, mỗi một chuỗi bao gồm hàng tá các nguyên tử sắp xếp theo một mô hình chính xác. Mỗi phân tử hemoglobin bao gồm 574 phân tử axít amin. Những phân tử axít amin này được sắp xếp trong bốn chuỗi, xoắn quanh nhau để hình thành nên cấu trúc ba chiều hình cầu của một tổ hợp phức tạp. Mô hình của một phân tử hemoglobin trông gần giống với một bụi gai rậm rạp. Thế nhưng, khác với một bụi gai thực sự, nó không phải là một mô hình tương đối lộn xộn mà là một cấu trúc bất biến xác định, lặp lại giống hệt nhau, không có một nhánh hoặc một vòng xoắn nào vượt ra ngoài vị trí; cấu trúc này lặp lại trung bình hơn sáu ngàn triệu triệu triệu lần trong một cơ thể người. Hình dạng giống hệt bụi gai của một phân tử protein như hemoglobin là hình dạng ổn định. Ở đó, giống như hai cái lò xo, hai chuỗi có cùng trình tự axít amin sẽ có khuynh hướng dừng lại ở cùng một mô hình xoắn ba chiều. Các “bụi gai” hemoglobin xuất hiện dưới các hình dáng “ưu ái” trong cơ thể người với tốc độ khoảng bốn trăm triệu triệu phân tử trong một giây và những phân tử hemoglobin khác cũng đồng thời bị tiêu hủy với tốc độ tương tự. Hemoglobin là một phân tử hiện đại, được sử dụng để minh họa cho nguyên lý các nguyên tử có khuynh hướng dừng lại ở các mô hình bền vững. Điểm liên quan ở đây là, trước khi sự sống xuất hiện trên Trái đất, một số tiến hóa sơ khai của các phân tử có thể đã xảy ra bởi các quá trình vật lý và hóa học thông thường. Chúng ta không cần thiết phải nghĩ đến ý đồ, mục đích hay định hướng tại thời điểm đó. Khi có sự góp mặt của năng lượng, nếu một nhóm các nguyên tử đạt tới một hình mẫu bền vững, nó sẽ có xu hướng tiếp tục tồn tại dưới hình thức đó. Hình thức chọn lọc tự nhiên sớm nhất chỉ đơn giản là chọn lọc các dạng ổn định và đào thải các dạng bất ổn định. Điều này không có gì huyền bí. Sự việc phải xảy ra như nó đã xác định. Tất nhiên, chúng ta không thể áp dụng nguyên xi những nguyên lý trên để giải thích sự tồn tại của các thực thể phức tạp như con người. Chúng ta cũng sẽ mất công vô ích khi lấy đúng một số lượng nguyên tử nào đó, lắc chúng lên với một số năng lượng từ bên ngoài cho đến khi chúng kết hợp với nhau thành một mô hình chính xác và rồi tạo ra một Adam![28] Bạn có thể tạo ra một phân tử bao gồm vài tá nguyên tử theo cách đó, nhưng không thể là một con người bao gồm hàng nghìn triệu triệu triệu triệu nguyên tử. Để tạo ra một con người theo cách trên, bạn sẽ phải làm việc ở phòng pha chế “cocktail” hóa sinh trong một khoảng thời gian dài đến mức toàn bộ lịch sử tồn tại của vũ trụ chỉ ngắn như trong nháy mắt. Thậm chí ngay lúc đó bạn cũng sẽ không thành công. Đây chính là điểm mà học thuyết của Darwin, ở dạng tổng quát nhất, có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề. Nó đảm nhiệm phần tiếp theo từ chỗ mà câu chuyện về sự tích tụ dần dần các phân tử dừng lại. Việc lý giải nguồn gốc sự sống mà tôi sẽ đưa ra sau đây là một sự suy đoán tất yếu, bởi rõ ràng rằng không một ai có thể có mặt để chứng kiến điều gì đã xảy ra. Cũng có nhiều học thuyết mang tính đối nghịch khác, nhưng tất cả chúng đều có những đặc điểm chung nhất định. Tôi sẽ đưa ra một sự giải thích đã được đơn giản hóa nhưng có lẽ sẽ không quá xa với thực tế.[29] Chúng ta không biết những loại vật liệu hóa học thô nào phổ biến trước khi có sự sống, nhưng khả năng hợp lý nhất có thể là nước, các khí CO2, CH4 và amoniac (NH4). Bởi ít nhất tất cả những hợp chất đơn giản này cũng được tìm thấy trên một số hành tinh khác trong Hệ Mặt trời của chúng ta. Các nhà hóa học đã thử mô phỏng các điều kiện hóa học của Trái đất lúc mới hình thành. Họ đưa những hợp chất đơn giản trên vào các bình thủy tinh và cung cấp cho nó một nguồn năng lượng, chẳng hạn như tia cực tím hoặc tia lửa điện mô phỏng nhân tạo tia chớp nguyên thủy. Sau một vài tuần, người ta đã thấy một số điều thú vị trong các bình thí nghiệm: một dạng dung dịch màu nâu nhạt bao gồm nhiều phân tử có cấu trúc phức tạp hơn so với những hóa chất được đưa vào lúc đầu. Đặc biệt, người ta đã phát hiện ra các axít amin, những viên gạch cấu trúc để tạo ra các protein, một trong hai loại phân tử sinh học tuyệt vời nhất. Trước khi các thí nghiệm này diễn ra, sự xuất hiện của các axít amin trong tự nhiên được coi là dấu hiệu của sự sống. Nếu chúng được tìm thấy trên các hành tinh, ví dụ như sao Hỏa, thì sự sống gần như là chắc chắn tồn tại ở đó. Tuy nhiên, đến giờ thì người ta hiểu rằng các axít amin chỉ ám chỉ sự có mặt của một vài loại khí đơn giản trong khí quyển, núi lửa, ánh sáng mặt trời hoặc trong điều kiện có sấm sét. Gần đây hơn, những mô phỏng trong phòng thí nghiệm về các điều kiện hóa học của Trái đất trước khi xuất hiện sự sống đã tạo ra được các hợp chất hữu cơ gọi là purin và pirimiđin.[30] Đây là những thành phần cơ bản cấu tạo nên các phân tử di truyền - ADN. Các quá trình tương tự như trên chắc hẳn đã tạo ra “dung dịch nguyên thủy”[31] mà các nhà sinh học và hóa học tin rằng chúng cấu thành nên các đại dương từ 3-4 tỷ năm trước. Những hợp chất hữu cơ này cô đặc cục bộ, có lẽ ở dạng váng khô quanh các bờ biển hoặc các hạt lơ lửng cực nhỏ. Dưới tác động của các nguồn năng lượng như tia tử ngoại từ mặt trời, chúng kết hợp với nhau thành những phân tử lớn hơn. Ngày nay, chúng ta không thể phát hiện kịp sự tồn tại tự do của những phân tử hữu cơ lớn bởi vi khuẩn và các loài sinh vật khác sẽ nhanh chóng hấp thụ hoặc phân hủy chúng. Nhưng vi khuẩn và các sinh vật khác là những kẻ đến sau; tại thời điểm đó, các phân tử hữu cơ kích thước lớn có thể trôi dạt một cách tự do trong môi trường dung dịch đặc quánh. Tại một thời điểm nào đó, một phân tử đặc biệt có thể được hình thành hoàn toàn ngẫu nhiên. Chúng ta sẽ gọi nó là thể tự sao. Có thể nó không phải là một phân tử lớn nhất hoặc phức tạp nhất, nhưng lại có đặc tính độc đáo là có khả năng tạo ra các bản sao của chính mình. Sự ngẫu nhiên này dường như rất hiếm khi xảy ra và cũng được coi là cực kỳ không có thực. Nhưng nó đã xảy ra. Trong khoảng thời gian một đời người, những điều được coi là không có thực có thể được xem là không thể xảy ra vì một mục đích cụ thể nào đó. Đó chính là nguyên do của việc bạn sẽ không bao giờ thắng được những giải thưởng lớn trong trò cá độ bóng đá. Nhưng trong dự tính của con người về một điều có thể hay không thể, chúng ta thường không quen đặt chúng trong khoảng thời gian dài hàng trăm triệu năm. Nếu bạn chơi cá độ bóng đá hằng tuần trong vòng hàng trăm triệu năm, bạn có thể sẽ thắng vài giải độc đắc. Thực ra, hình dung ra một phân tử có thể tự tạo ra các bản sao của nó không khó như người ta nghĩ ban đầu, và nó cũng chỉ xuất hiện một lần. Hãy coi thể tự sao như một cái khuôn hoặc một mẫu vật. Hãy tưởng tượng nó như một đại phân tử gồm một chuỗi rất phức tạp các phân tử có cấu trúc khác nhau. Những phân tử có cấu trúc nhỏ bé này có mặt khắp mọi nơi trong dung dịch xung quanh thể tự sao. Bây giờ, chúng ta giả sử rằng mỗi viên gạch cấu trúc có ái lực[32] với các phân tử cùng loại với nó. Như vậy, mỗi khi một viên gạch cấu trúc trong môi trường dung dịch tiến gần đến một phần của thể tự sao mà nó có ái lực, nó sẽ có xu hướng gắn vào đó. Những viên có thể tự gắn chúng lại theo cách này sẽ tự động được sắp xếp theo một trình tự bắt chước trình tự trên thể tự sao. Sau đó, chúng ta có thể dễ dàng nghĩ đến việc chúng sẽ nối với nhau để tạo thành một chuỗi ổn định như đã hình thành nên thể tự sao lúc ban đầu. Quá trình này có thể tiếp tục hết lớp này đến lớp khác. Đây là cách mà các tinh thể được hình thành. Mặt khác, hai chuỗi gốc cũng có thể tách rời nhau ra; trong trường hợp này, chúng ta sẽ có hai thể tự sao; mỗi vật sau đó có thể tạo ra nhiều bản sao của chúng. Một khả năng phức tạp hơn có thể xảy ra là: mỗi viên gạch cấu trúc không có ái lực với các vật cùng loại mà có ái lực tương tác với những loại cụ thể khác. Sau đó, thể tự sao sẽ đóng vai trò là mẫu cho một bản sao “âm bản” chứ không phải cho một bản sao giống hệt nó, bản sao này sẽ tiếp tục tạo ra một bản sao khác giống hệt với bản gốc “dương bản” ban đầu. Đối với mục đích của chúng ta, việc sao chép được tiến hành dưới hình thức “dương bản” - “âm bản” hay “dương bản” - “dương bản” không quan trọng; mặc dù cũng nên nhắc lại rằng các phân tử ADN hiện đại - tương đương với các phân tử tự tái bản đầu tiên - sử dụng phương pháp sao chép “dương bản” - “âm bản”. Điều đáng quan tâm ở đây là một dạng “ổn định” mới đột ngột xuất hiện trên thế giới. Trước đó, các phân tử đặc biệt phức tạp không phổ biến trong dung dịch, bởi mỗi loại đều phụ thuộc vào việc các phân tử cấu trúc có tình cờ nằm trong một cấu hình bền vững cụ thể nào đó hay không. Ngay khi thể tự sao xuất hiện, chắc hẳn nó đã nhanh chóng phát tán các bản sao trong khắp các đại dương cho đến khi các phân tử cấu trúc nhỏ hơn trở thành nguồn tài nguyên khan hiếm và các đại phân tử khác được tạo ra ngày càng ít hơn. Như vậy, có vẻ như chúng ta đã có một quần thể lớn với các bản sao giống hệt nhau. Nhưng bây giờ chúng ta cần phải đề cập đến một đặc tính quan trọng của bất kỳ một quá trình sao chép nào: sự không hoàn hảo. Các lỗi sẽ xuất hiện. Tôi hy vọng rằng không có lỗi in ấn nào trong quyển sách này, nhưng nếu bạn đọc một cách kỹ càng, bạn có thể tìm thấy một vài lỗi. Chúng có thể không làm sai lệch nghiêm trọng ý nghĩa của câu văn, bởi chúng là những lỗi “thế hệ đầu”. Hãy tưởng tượng vào thời điểm trước khi có máy in, những quyển sách như kinh Phúc âm[33] được chép lại bằng tay. Tất cả những người chép sách, dù có cẩn thận đến mấy, cũng không tránh khỏi mắc lỗi và một số lỗi không nằm trong số đó là sự “cải tiến” có chủ ý. Nếu chúng đều được sao chép từ một bản gốc chính, ngữ nghĩa có thể sẽ không bị sai lệch nhiều. Nhưng nếu các bản sao chép được tạo ra từ các bản sao khác, và những bản sao này cũng lại được sao chép từ các bản sao khác nữa, các lỗi mắc phải sẽ bắt đầu tích lũy lại và trở nên nghiêm trọng. Chúng ta có xu hướng đánh giá các bản sao có lỗi là không tốt, và trong trường hợp các văn bản của con người thì khó có thể đưa ra những ví dụ mà các lỗi mắc phải có thể được coi là sự “cải tiến”. Tôi cho rằng ít nhất các học giả của cuốn Septuagint[34] cũng đã bắt đầu một điều gì đó to lớn khi họ dịch nhầm nghĩa của từ “người phụ nữ trẻ” từ tiếng Do Thái thành từ “trinh nữ” trong tiếng Hy Lạp, để tạo ra lời tiên tri: “Xem kìa, một người trinh nữ cũng có thể mang thai và sinh ra một người con trai…”.[35] Dù sao đi chăng nữa, như chúng ta sẽ thấy, sự sao chép lỗi ở các thể tự sao trong sinh học có thể thực sự tạo ra sự cải tiến, và sao chép lỗi là thiết yếu đối với quá trình tiến hóa không ngừng của sự sống. Chúng ta không biết các phân tử thể tự sao ban đầu tạo ra các bản sao của chúng chính xác đến mức nào. Quá trình sao chép của các con cháu hiện tại của chúng, các phân tử ADN, có thể so sánh với quá trình sao chép có độ tin cậy cao nhất của con người. Dù vậy, đôi khi chúng cũng thường mắc lỗi, và chính điều này đã làm cho quá trình tiến hóa xảy ra. Có lẽ các thể tự sao nguyên thủy bất ổn định hơn, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào thì chúng ta cũng có thể chắc rằng các lỗi đã xuất hiện, và những lỗi này đã tích lũy lại. Khi những bản sao chép lỗi được tạo ra và sinh sôi, dung dịch nguyên thủy sẽ bị lấp đầy bởi một quần thể không phải là các bản sao giống hệt nhau mà bao gồm một vài biến thể của các phân tử tự sao, tất cả đều là “con cháu” của cùng một tổ tiên. Liệu rằng một số biến thể sẽ xuất hiện nhiều hơn so với các dạng khác? Hầu như chắc chắn là có. Một số biến thể vốn đã ổn định hơn so với các dạng khác khi được tạo thành, sẽ khó có thể bị phân hủy trở lại. Những dạng này sẽ trở nên tương đối phổ biến trong dung dịch. Đó không chỉ đơn giản là kết quả logic từ “sự tồn tại lâu dài” mà còn bởi chúng có nhiều thời gian hơn để tạo ra các bản sao. Vì thế, khi những điều khác là như nhau thì những thể tự sao có tuổi thọ cao trở nên nhiều hơn và từ đó sẽ có một xu hướng tiến hóa nghiêng về sự sống lâu hơn trong quần thể các phân tử. Nhưng một vài vấn đề khác có thể đã không tương đồng, chẳng hạn tốc độ tái bản hay còn gọi là “sự mắn đẻ”. Đây chính là một đặc tính khác của biến thể tự sao có vai trò quan trọng trong việc phát tán nó trong quần thể. Nếu những phân tử thể tự sao dạng A có thể tạo ra các bản sao của chúng trung bình một lần trong một tuần, trong khi các phân tử thể tự sao dạng B tạo ra bản sao của chúng một lần trong một giờ, thì chúng ta sẽ dễ dàng thấy rằng các phân tử dạng A sẽ sớm bị áp đảo về mặt số lượng cho dù chúng có thể “sống” lâu hơn nhiều so với các phân tử dạng B. Như vậy, lại có thể có một xu hướng tiến hóa nghiêng về phía “sự mắn đẻ” của các phân tử trong dung dịch. Đặc điểm thứ ba của các phân tử thể tự sao, những phân tử đã được lựa chọn một cách tích cực, là độ chính xác của sự tái bản. Nếu các phân tử dạng X và dạng Y có cùng tuổi thọ và tốc độ tái bản, nhưng với X, trung bình cứ mười lần tái bản thì tạo ra một lỗi, còn Y là một trăm lần, thì Y rõ ràng sẽ trở nên có ưu thế về mặt số lượng. Quân số của nhóm X trong quần thể bị mất đi không chỉ bao gồm các “con” chứa lỗi của bản thân chúng, mà còn bao gồm tất cả những thế hệ con cháu hiện tại hay tiềm năng của chúng. Nếu bạn đã biết được điều gì về quá trình tiến hóa, bạn có thể thấy được vài điều hơi trái ngược ở điểm cuối cùng. Liệu chúng ta có thể dung hòa ý tưởng giữa việc các lỗi sao chép là điều kiện tiên quyết, thiết yếu cho quá trình tiến hóa xảy ra trong khi lại đưa ra luận điểm là chọn lọc tự nhiên nghiêng về việc sao chép có độ chính xác cao? Câu trả lời là: ở một chiều hướng nào đó, cho dù tiến hóa có thể coi là một “điều tốt”, đặc biệt là vì bản thân chúng ta cũng là sản phẩm của nó, nhưng không có cái gì thực sự “muốn” tiến hóa. Tiến hóa là một điều gì đó sẽ xảy ra, dù muốn hay không, bất chấp mọi nỗ lực của các thể tự sao (ngày nay là nỗ lực của các gen) ngăn chặn nó lại. Jacques Monod[36] đã trình bày rất tốt về điểm này trong bài giảng về Herbert Spencer,[37] sau khi nhận xét một cách hài hước rằng: “Một điểm lạ lùng khác của học thuyết tiến hóa là mọi người đều nghĩ rằng họ hiểu được nó!” Trở lại với dung dịch nguyên thủy, lúc này hẳn nó đã chứa đầy những dạng ổn định của các phân tử khác nhau; ổn định ở đây có nghĩa là hoặc các phân tử riêng lẻ có thể tồn tại trong khoảng thời gian dài, hoặc chúng có thể sao chép nhanh, hoặc chúng có thể sao chép một cách chính xác. Các xu hướng tiến hóa thiên về ba dạng ổn định trên được diễn ra như sau: Nếu bạn lấy mẫu dung dịch tại hai thời điểm khác nhau, các biến thể có tuổi thọ/sức sinh sản/độ sao chép chính xác cao hơn sẽ có tỷ lệ lớn hơn trong mẫu lấy sau. Đây là những điều cơ bản mà một nhà sinh học muốn đề cập về quá trình tiến hóa khi ông ta nói về các sinh vật, và cơ chế ở đây là như nhau, đó là sự chọn lọc tự nhiên. Vậy chúng ta có nên gọi các phân tử thể tự sao ban đầu là “phân tử sống” hay không? Những ai sẽ quan tâm đến điều này? Tôi có thể nói với bạn “Darwin là người vĩ đại nhất trong lịch sử”, và bạn có thể nói: “Không, người đó là Newton”, nhưng tôi hy vọng chúng ta không phải kéo dài sự tranh cãi này. Điểm mấu chốt ở đây là không có kết luận nào về các chất bị ảnh hưởng cho dù sự tranh cãi của chúng ta được giải quyết theo những chiều hướng khác nhau. Trên thực tế, cuộc sống và những thành tựu của Newton và Darwin hoàn toàn không thay đổi cho dù chúng ta có gán cho họ cái “mác” vĩ đại hay không. Cũng tương tự như vậy, câu chuyện về các phân tử thể tự sao có thể đã xảy ra theo cách mà tôi đang đề cập đến, cho dù chúng ta có gọi chúng là “phân tử sống” hay không. Con người đã chịu nhiều dằn vặt bởi quá nhiều người trong chúng ta không thể thấu hiểu được rằng những từ ngữ đó chỉ là công cụ cho chúng ta sử dụng, và sự xuất hiện của những từ như “phân tử sống” không có nghĩa là nó nhất thiết phải liên quan đến một điều gì đó xác định trong thế giới thực. Cho dù chúng ta có coi các thể tự sao thời kỳ đầu là sự sống hay không, chúng cũng là tổ tiên của sự sống, chúng là những cha đẻ đầu tiên của chúng ta. Mắt xích quan trọng tiếp theo trong lập luận này, mắt xích mà Darwin đã nhấn mạnh, chính là sự cạnh tranh (mặc dù ông đề cập về các loài động vật và thực vật chứ không phải là các phân tử). Dung dịch nguyên thủy không đủ khả năng để “nuôi dưỡng” một số lượng vô hạn các phân tử thể tự sao. Một điểm nữa là kích thước của Trái đất có hạn, nhưng các yếu tố giới hạn khác cũng rất quan trọng. Trong bức tranh mà các thể tự sao đóng vai trò như một mẫu vật hoặc khuôn, chúng ta cho rằng chúng nằm trong một dung dịch giàu các phân tử cấu trúc nhỏ bé, cần thiết cho việc tạo ra các bản sao. Nhưng khi các thể tự sao có số lượng quá lớn, các viên gạch cấu trúc sẽ bị tận dụng hết mức khiến chúng trở thành một tài nguyên quý hiếm. Các biến thể hay các chủng khác nhau của thể tự sao phải cạnh tranh để có được nguồn tài nguyên đó. Chúng ta đã xem xét đến các yếu tố làm tăng số lượng của các loại thể tự sao được ưu ái. Bây giờ chúng ta có thể thấy rằng các biến thể ít được ưu ái hơn chắc chắn phải trở nên ít hơn do sự cạnh tranh, và cuối cùng thì nhiều “dòng phân tử” của chúng bị tuyệt chủng. Đấu tranh sinh tồn đã xảy ra giữa các biến thể của thể tự sao. Chúng không biết rằng chúng đang đấu tranh hoặc bận tâm về chuyện đó; sự đấu tranh xảy ra mà không có những cảm giác khó khăn, thực tế là không có bất cứ một cảm giác gì. Nhưng chúng đang đấu tranh, trong trường hợp này, bất cứ bản sao chép nhầm nào tạo ra một mức độ ổn định cao hơn hoặc một cách thức mới để giảm sự ổn định của các đối thủ cạnh tranh, sẽ tự động được bảo tồn và nhân lên. Quá trình cải tiến được tích lũy. Các phương thức làm tăng sự ổn định bản thân và giảm sự ổn định của đối thủ ngày càng trở nên tinh vi và hiệu quả hơn. Thậm chí một vài trong số chúng còn “khám phá” ra cách để phá hủy các phân tử của các biến thể cạnh tranh bằng con đường hóa học, và sử dụng các viên gạch cấu trúc được giải phóng để tạo ra các bản sao của chúng. Những “vật ăn thịt sơ khai” này đồng thời vừa hấp thu được thức ăn vừa loại bỏ được các đối thủ. Các thể tự sao khác có lẽ đã khám phá ra cách để tự bảo vệ chúng bằng phương thức hóa học hoặc xây dựng các bức tường vật lý bằng protein xung quanh. Có lẽ đây là cách mà các tế bào sống đầu tiên xuất hiện. Các thể tự sao không chỉ đơn thuần để tồn tại, mà còn để xây dựng cho bản thân những cấu trúc bảo vệ, các phương tiện cho sự tồn tại tiếp tục của chúng. Những thể tự sao tồn tại được là những thể tự sao đã xây dựng các cỗ máy sống[38] để bản thân chúng có thể sống được trong đó. Những cỗ máy đầu tiên có lẽ chỉ đơn thuần bao gồm một chiếc áo bảo vệ, không hơn không kém. Nhưng cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn khi các đối thủ cạnh tranh phát triển với những cỗ máy sống tốt và hiệu quả hơn. Chúng sẽ ngày một lớn hơn, tinh vi hơn, từ đó quá trình này cũng được tích lũy và cải tiến. Liệu có điểm dừng nào cho quá trình cải tiến dần dần về mặt kỹ thuật và các kỹ xảo được các thể tự sao sử dụng để đảm bảo cho sự tiếp tục tồn tại của chúng trên thế giới? Thực chất sự cải tiến này mất rất nhiều thời gian. Hàng thiên niên kỷ trôi qua đã sinh ra những cỗ máy tự bảo tồn bản thân kỳ quặc nào? Bốn tỷ năm qua, số phận của các thể tự sao thời nguyên thủy ra sao? Chúng không mất đi, nhờ vào nghệ thuật tồn tại xuất sắc của chúng trong quá khứ. Nhưng chúng ta cũng không thể tìm thấy chúng trôi nổi trong các đại dương; chúng đã từ bỏ cuộc sống của những kị sĩ tự do từ rất lâu. Giờ đây, chúng tụ tập trong những tập hợp vĩ đại, an toàn bên trong những con rô-bốt khổng lồ chậm chạp, tách biệt với thế giới bên ngoài, giao tiếp với thế giới bằng những con đường gián tiếp quanh co, tác động lên thế giới bằng việc điều khiển từ xa.[39] Chúng đang ở trong bạn và trong tôi; chúng tạo ra chúng ta, cơ thể và trí óc; và sự tồn tại của chúng là nguyên nhân sâu xa cho sự tồn tại của chúng ta. Những thể tự sao này, chúng đã đi một chặng đường dài. Và giờ đây, chúng tiếp tục đi với cái tên các gen, và chúng ta chính là các cỗ máy sống của chúng. CHƯƠNG 3 VÒNG XOẮN BẤT TỬ Chúng ta là những cỗ máy sống, nhưng “chúng ta” không chỉ có nghĩa là loài người. Nghĩa của cụm từ này bao hàm cả động vật, thực vật, vi khuẩn và vi-rút. Chúng ta rất khó có thể tính được tổng số cỗ máy sống trên trái đất; thậm chí, tổng số loài trên địa cầu này cũng vẫn là một ẩn số. Nếu chỉ ước tính riêng số loài côn trùng đang sống cũng đã khoảng ba triệu loài và số lượng cá thể côn trùng có lẽ là hàng triệu triệu triệu. Các dạng cỗ máy sống khác nhau rất đa dạng về hình dáng bên ngoài và cấu tạo nội quan. Một con bạch tuộc không có gì giống với con chuột và cả hai đều hoàn toàn khác so với một cây sồi. Tuy nhiên, các cỗ máy sống lại tương đối thống nhất về thành phần hóa học cơ bản, và đặc biệt, các thể tự sao bên trong chúng, các gen, về cơ bản là cùng một loại phân tử ở tất cả các loài trong chúng ta, từ nhóm sinh vật có kích thước nhỏ như vi khuẩn cho đến loài to lớn như voi. Tất cả chúng ta đều là những cỗ máy sống của cùng một loại thể tự sao, các phân tử được gọi là ADN[40] nhưng có rất nhiều cách thức sinh sống khác nhau trên thế giới và các thể tự sao đã xây dựng nên một loạt các cỗ máy để khai thác các cách thức đó. Một con khỉ là một cỗ máy bảo tồn các gen thích nghi với đời sống trên cây, một con cá là một cỗ máy mang gen thích nghi với đời sống dưới nước; thậm chí có cả những con sâu nhỏ bảo tồn các gen thích nghi với đời sống trong tấm đệm lót bia Đức. Cách thức hoạt động của phân tử ADN rất bí ẩn. Để đơn giản hóa, tôi đã tạo ra ấn tượng rằng các gen hiện đại, cấu tạo từ ADN, rất giống với các thể tự sao đầu tiên trong “dung dịch nguyên thủy”. Điều này không hẳn đã đúng, nhưng nếu dùng nó trong các tranh luận thì không có vấn đề gì. Thể tự sao ban đầu có thể là một loại phân tử có liên quan hoặc hoàn toàn khác với ADN. Nếu trường hợp hoàn toàn khác là đúng, chúng ta có thể nói các cỗ máy sống của thể tự sao hẳn đã bị ADN thâu tóm ở giai đoạn sau. Nếu vậy, các thể tự sao ban đầu đã bị tiêu diệt hoàn toàn vì không có dấu vết nào của chúng còn được giữ lại trong các cỗ máy sống hiện đại. Theo dòng lập luận này, AG Cairns-Smith[41] đã đưa ra một gợi ý thú vị rằng tổ tiên chúng ta, thể tự sao đầu tiên, có thể hoàn toàn không phải là các phân tử hữu cơ mà là các tinh thể khoáng vô cơ, một thành phần của sét.[42] Dù là kẻ chiếm đoạt hay không, ADN vẫn giữ vai trò không thể phủ nhận trong các cỗ máy sống, trừ phi vừa mới xuất hiện một sự soán đoạt quyền lực vào thời điểm này như tôi sẽ đề cập tới trong Chương 11. Một phân tử ADN là một chuỗi dài các đơn vị cấu trúc, các phân tử nhỏ được gọi là nucleotide.[43] Cũng giống như các phân tử protein được cấu tạo từ chuỗi các axít amin, các phân tử ADN là chuỗi các nucleotide. Một phân tử ADN có kích thước rất nhỏ và khó có thể quan sát, nhưng thông qua các phương pháp gián tiếp, người ta đã khéo léo tìm ra hình dạng chính xác của nó. Phân tử ADN bao gồm hai chuỗi nucleotide xoắn với nhau theo một trục dọc tạo thành “chuỗi xoắn kép”, “vòng xoắn bất tử”. Các đơn vị cấu tạo nên nucleotide chỉ gồm bốn loại khác nhau, tên của chúng được viết tắt là A, T, C và G. Các đơn vị này giống nhau ở tất cả các loài động vật và thực vật. Điểm khác biệt là trật tự sắp xếp chúng. Đơn vị cấu tạo G ở người không khác gì so với bất cứ đơn vị cấu tạo G nào ở ốc sên. Nhưng trình tự các đơn vị cấu tạo ở người không chỉ khác với trình tự đơn vị cấu tạo ở ốc sên mà còn khác với trình tự ở mỗi cá nhân khác mặc dù sự khác biệt này ít hơn (trừ trường hợp hai người là song sinh cùng trứng). ADN nằm bên trong cơ thể của chúng ta. Chúng không tập trung trong một khu vực riêng biệt mà được phân bố trong các tế bào tạo nên cơ thể. Cơ thể một người trưởng thành có hàng nghìn triệu triệu tế bào, và mỗi một tế bào đều chứa một bản sao hoàn chỉnh bộ ADN của cơ thể, trừ một vài ngoại lệ mà ta có thể bỏ qua. ADN có thể được xem như là một tập hợp các chỉ dẫn về cách thức xây dựng nên cơ thể, được viết bằng các chữ cái nucleotide A, T, G, C. Điều này giống như trong mỗi phòng của một tòa nhà khổng lồ có một giá sách chứa đựng các bản thiết kế kiến trúc cho toàn bộ ngôi nhà. “Giá sách” trong một tế bào được gọi là nhân. Các bản thiết kế kiến trúc bao gồm 46 tập (ở người) - số lượng này khác nhau tùy theo từng loài. “Các tập sách” được gọi là nhiễm sắc thể. Khi quan sát dưới kính hiển vi, chúng là những sợi dài và các gen nằm dọc trên các sợi nhiễm sắc thể theo trật tự. Để xác định một gen kết thúc ở đâu và gen tiếp theo khởi đầu từ điểm nào không phải là việc dễ dàng. Trên thực tế, có lẽ điều này không có nhiều ý nghĩa. May mắn là chương này sẽ cho thấy điều đó không ảnh hưởng gì đến mục đích của chúng ta. Tôi sẽ sử dụng phép ẩn dụ qua các bản thiết kế kiến trúc, kết hợp một cách tự do ngôn ngữ ẩn dụ với ngôn ngữ thực. “Tập” sẽ được sử dụng để thay thế cho nhiễm sắc thể. “Trang” tạm thời sẽ được dùng để thay thế cho gen, mặc dù sự phân chia giữa các gen không rõ ràng như sự phân chia giữa các trang trong một cuốn sách. Các ẩn dụ đó sẽ được sử dụng khá nhiều trong cuốn sách này. Cuối cùng, khi những ẩn dụ này không còn hữu dụng, tôi sẽ đưa ra những ẩn dụ khác. Nhân tiện, tôi muốn nói dĩ nhiên sẽ không có “kiến trúc sư” nào cả. Những chỉ dẫn ở ADN được tập hợp lại nhờ chọn lọc tự nhiên. Các phân tử ADN thực hiện hai công việc quan trọng. Việc thứ nhất, chúng tái bản, hay nói cách khác, chúng tự tạo các bản sao của mình. Điều đó diễn ra liên tục kể từ buổi ban đầu của sự sống, và các phân tử ADN hiện nay thực sự rất giỏi trong công việc này. Cơ thể trưởng thành của bạn được cấu tạo từ hàng nghìn triệu triệu tế bào, nhưng khi mới bắt đầu hình thành, bạn chỉ là một tế bào đơn lẻ với số vốn là một bản sao chính của các bản thiết kế kiến trúc. Tế bào này phân chia thành hai và mỗi tế bào sẽ nhận được một bản sao của các bản thiết kế. Sự phân chia kế tiếp sẽ nhân số lượng tế bào lên thành 4, 8, 16, 32 và tiếp tục thành hàng tỷ. Ở mỗi lần phân chia, các bản thiết kế ADN đều được sao chép một cách trung thực, hiếm khi có một lỗi nào. Sự sao chép là một đặc tính của ADN. Nhưng nếu ADN thực sự là tập hợp các bản thiết kế xây dựng nên cơ thể thì làm thế nào để các bản thiết kế đó được thực thi? Làm thế nào chúng được chuyển thành cấu trúc của cơ thể? Điều này dẫn tôi đến vai trò quan trọng thứ hai của chúng. ADN gián tiếp giám sát sự sản xuất từng loại phân tử protein khác nhau. Hemoglobin được đề cập đến trong chương trước chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều loại phân tử protein. Thông tin mã hóa trong phân tử ADN, viết dưới dạng bốn chữ cái nucleotide, được phiên dịch theo một cơ chế đơn giản thành một loại chữ cái khác, các đơn vị axít amin của phân tử protein. Sự tổng hợp nên các phân tử protein có lẽ rất khác so với việc hình thành nên một cơ thể, nhưng đây là bước đầu tiên trong hướng đi đó. Các phân tử protein không chỉ hình thành nên các cấu trúc vật lý của cơ thể mà chúng còn kiểm soát tất cả các quá trình hóa học bên trong tế bào, bật và tắt các quá trình một cách chọn lọc vào một thời điểm chính xác và ở những vị trí nhất định. Làm thế nào để từ các hoạt động này, cuối cùng sẽ dẫn đến sự hình thành một đứa trẻ? Đó là một câu hỏi mà các nhà phôi học phải mất hàng thập niên mà có lẽ là hàng thế kỉ để tìm ra câu trả lời. Nhưng thực tế là điều đó đang diễn ra. Các gen thực sự gián tiếp kiểm soát quá trình xây dựng cơ thể, và sự tác động hoàn toàn diễn ra theo một phương thức: đó là các đặc điểm học tập được sẽ không được di truyền. Bất kể lượng kiến thức và sự uyên bác mà bạn thu được trong suốt cuộc đời mình là bao nhiêu, sẽ không một điều gì được truyền lại cho con cái bạn thông qua di truyền. Mỗi thế hệ mới đều sẽ bắt đầu từ vạch xuất phát. Mỗi cơ thể là một phương pháp bảo tồn các gen, đảm bảo cho các gen không thay đổi. Tầm quan trọng trong tiến hóa của việc các gen kiểm soát sự phát triển phôi thể hiện ở chỗ: ít ra các gen cũng có một phần trách nhiệm đối với sự sống sót của chính chúng trong tương lai bởi vì sự sống sót của các gen phụ thuộc vào tính hiệu quả của các cơ thể mà các gen cư ngụ và trợ giúp xây dựng nên. Từ xa xưa, chọn lọc tự nhiên đã tạo nên sự sống sót chuyên hóa của các thể tự sao trôi nổi tự do trong dung dịch nguyên thủy. Giờ đây, chọn lọc tự nhiên ưu tiên các thể tự sao giỏi xây dựng các cỗ máy sống, các gen thành thạo nghệ thuật kiểm soát sự phát triển phôi. Trong quá trình này, từ trước tới nay, các thể tự sao đều không có ý thức và mục đích gì. Đó vẫn là các quá trình chọn lọc tự động xảy ra giữa các phân tử cạnh tranh dựa trên tuổi thọ, mức độ sinh sản và tính chính xác trong sao chép. Các quá trình này tác động một cách mù quáng và hiển nhiên như chúng đã luôn diễn ra trong thời xa xưa. Các gen không thể dự đoán được tương lai, chúng cũng không thể lên kế hoạch trước. Gen chỉ là gen, một số hơn như thế so với các gen khác và tất cả cũng chỉ như vậy mà thôi. Tuy nhiên, các phẩm chất quyết định tuổi thọ và mức độ sinh sản của một gen không đơn giản như chúng đã thể hiện, không phải chỉ là về mặt số lượng. Trong những năm gần đây, khoảng 600 triệu năm trước hoặc gần như vậy, các thể tự sao đã thu được nhiều thành quả đáng chú ý về công nghệ chế tạo bộ máy sống ví dụ như cơ, tim và mắt (đã được tiến hóa độc lập một vài lần). Trước đấy, khi còn là các thể tự sao, chúng đã thay đổi một cách căn bản các đặc điểm chủ yếu của phương thức sống. Điều này, chúng ta sẽ tìm hiểu trong những tranh luận tiếp theo. Điều đầu tiên có thể nhận thấy về một thể tự sao hiện đại là nó có tính quy tụ cao. Mỗi cỗ máy sống là một phương tiện vận chuyển chứa không chỉ một gen mà là hàng nghìn gen. Sự hình thành một cơ thể là một quá trình phối hợp phức tạp đến mức hầu như khó có thể phân biệt tác động của gen này so với tác động của gen khác. [44] Một gen nhất định sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến từng bộ phận khác nhau của cơ thể. Mặt khác, từng bộ phận nhất định của cơ thể cũng sẽ chịu tác động bởi nhiều gen, và sự tác động của bất kỳ gen nào cũng phụ thuộc vào sự tương tác với các gen khác. Một số gen đóng vai trò là gen kiểm soát, điều khiển hoạt động của một nhóm các gen khác. Tương tự như vậy, bất kỳ một trang nhất định nào trong bản thiết kế cũng sẽ liên quan đến nhiều phần khác nhau của tòa nhà; và mỗi trang chỉ có ý nghĩa khi được đặt trong mối tương quan với các trang khác. Sự phụ thuộc lẫn nhau hết sức phức tạp của các gen có lẽ sẽ làm cho bạn băn khoăn không hiểu vì sao chúng ta sử dụng từ “gen” trong tất cả các trường hợp. Tại sao chúng ta không sử dụng một danh từ tập hợp như “phức hợp gen”? Trong nhiều trường hợp, sự gợi ý đó thực sự rất hợp lý. Nhưng nếu chúng ta nhìn sự việc dưới một cách thức khác, thì việc xem xét phức hợp gen như là một thể được phân thành các thể tự sao hoặc gen riêng lẻ cũng vẫn có ý nghĩa. Sự phân chia này phát sinh do hiện tượng giao phối. Sinh sản hữu tính có tác dụng phối hợp và xáo trộn các gen. Điều đó có nghĩa rằng bất cứ một cơ thể riêng biệt nào cũng chỉ là một phương tiện vận chuyển tạm thời cho quá trình tổ hợp ngắn ngủi của các gen. Sự tổ hợp các gen ở bất cứ một cá thể nào có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi, nhưng bản thân các gen lại có khả năng tồn tại lâu dài. Con đường của chúng là liên tục truyền qua các thế hệ. Một gen có thể được xem là một đơn vị sống sót thông qua một lượng lớn các cơ thể riêng biệt kế tiếp nhau. Đây chính là lập luận trọng tâm sẽ được phát triển trong chương này. Nó là một lập luận mà một vài người trong số các đồng nghiệp đáng kính của tôi sẽ khăng khăng phản đối. Vì vậy mong bạn đọc thứ lỗi nếu như tôi nhắc đi nhắc lại điều này! Trước tiên, tôi cần phải giải thích ngắn gọn một số điều về giới tính. Tôi đã nói rằng các bản thiết kế cho việc xây dựng một cơ thể người được giải thích rõ ràng trong 46 tập. Thực tế thì đấy là một sự đơn giản hóa. Sự thực còn kinh ngạc hơn. 46 nhiễm sắc thể bao gồm 23 cặp nhiễm sắc thể. Chúng ta có thể nói rằng hai bộ khác nhau của 23 tập thiết kế được sắp xếp trong nhân của mỗi tế bào. Chúng được đặt tên là tập 1a và 1b, tập 2a và 2b… cho đến tập 23a và 23b. Dĩ nhiên, các số nhận dạng mà tôi dùng cho các tập và sau này là các trang, chỉ là cách đánh số ngẫu nhiên. Chúng ta nhận mỗi nhiễm sắc thể nguyên vẹn từ bố hoặc mẹ, nhiễm sắc thể này được hình thành trong tinh hoàn hoặc buồng trứng của bố hoặc mẹ. Chẳng hạn, các tập 1a, 2a, 3a… bắt nguồn từ bố, các tập 1b, 2b, 3b… có nguồn gốc từ mẹ. Mặc dù, điều này trên thực tế rất khó phân biệt nhưng trên lý thuyết, bạn có thể nhìn thấy 46 nhiễm sắc thể bằng kính hiển vi trong bất cứ tế bào nào trong cơ thể bạn và có thể nhận ra 23 nhiễm sắc thể có nguồn gốc từ bố và 23 nhiễm sắc thể bắt nguồn từ mẹ. Các cặp nhiễm sắc thể không tồn tại mãi ở dạng liên kết với nhau hoặc thậm chí là gần nhau. Vậy thì chúng được “cặp đôi” theo nghĩa gì? Chúng cặp đôi theo nghĩa mỗi tập có nguồn gốc từ cha có thể được xem là một lựa chọn trực tiếp theo từng trang tương ứng với một tập cụ thể xuất phát từ mẹ. Ví dụ, cả trang 6 của tập 13a và trang 6 của tập 13b có thể đều nói về màu mắt; có lẽ một trang nói về màu xanh nước biển trong khi trang kia đề cập đến màu nâu. Đôi khi, cả hai trang tương ứng đó lại giống hệt nhau nhưng trong các trường hợp khác như ví dụ trên về màu mắt, chúng lại khác nhau. Nếu gen đưa ra những “gợi ý” đối lập, cơ thể sẽ làm gì? Đáp án sẽ thay đổi tùy từng tình huống. Đôi khi, cách đọc này sẽ phổ biến hơn cách khác. Trong ví dụ về màu mắt vừa nêu, người trong ví dụ đó trên thực tế có màu mắt nâu. Thực ra, những chỉ dẫn hình thành màu mắt xanh nước biển đã bị lờ đi trong quá trình kiến tạo cơ thể cho dù điều này cũng sẽ không ngăn cản việc truyền các chỉ dẫn đó cho các thế hệ sau này. Một gen bị lờ đi như vậy được gọi là gen lặn. Đối ngược với gen lặn là gen trội. Gen quy định màu mắt nâu là gen trội so với gen quy định màu mắt xanh nước biển. Một người có mắt xanh nước biển chỉ khi cả hai bản sao của trang tương ứng đều nhất trí gợi ý tạo màu mắt này. Thông thường, khi cả hai gen tương ứng không tương đồng, tính trạng thể hiện sẽ là một kiểu thỏa hiệp - cơ thể được cấu tạo theo một kiểu thiết kế trung gian hoặc một cái gì đó hoàn toàn khác. Khi cả hai gen như gen màu mắt nâu và gen màu mắt xanh nước biển, là những đối thủ cạnh tranh cho cùng một vị trí trên một nhiễm sắc thể, chúng được gọi là các alen của nhau. Theo cách hiểu của chúng ta, từ alen đồng nghĩa với từ “kẻ cạnh tranh”. Hãy hình dung các tập của bản thiết kế kiến trúc như những cuốn sổ gáy lỏng mà các trang của nó có thể được tháo rời và tráo đổi. Mỗi tập 13 phải có một trang 6 nhưng lại có một vài loại trang 6 có thể xen vào giữa trang 5 và trang 7 của cuốn sổ đó. Một trang có thể quy định “mắt xanh nước biển”, trang khác có thể là “mắt nâu”; tuy nhiên cũng có thể có các phiên bản khác trong quần thể quy định màu mắt khác chẳng hạn như màu xanh lá cây. Nói chung, có lẽ có đến nửa tá các alen khác nhau nằm cùng vị trí trang 6 trên các nhiễm sắc thể 13 và được phân tán trong quần thể. Bất cứ một người nào cũng chỉ có hai tập nhiễm sắc thể 13. Do đó, anh ta có thể có tối đa hai alen trong trang 6. Giống như người có màu mắt xanh nước biển, anh ta có thể có hai bản sao của cùng một alen hoặc có thể có bất kỳ hai alen nào trong số sáu alen khác nhau sẵn có trong quần thể. Dĩ nhiên, bạn không thể đi tìm và lựa chọn, theo nghĩa đen, các gen của bạn từ một vốn gen[45] sẵn có của toàn bộ quần thể. Ở một thời điểm nhất định, tất cả các gen được bảo vệ bên trong một cỗ máy sống riêng biệt. Các gen được phân phối cho chúng ta lúc thụ thai và chúng ta hoàn toàn không thể can thiệp vào quá trình đó. Tuy nhiên, về lâu dài, toàn bộ các gen của quần thể có thể được xem là vốn gen. Cụm từ này thực ra là một thuật ngữ chuyên ngành do các nhà di truyền học đề ra. Vốn gen là một sự rút gọn đáng giá bởi vì giao phối sẽ phối trộn các gen nhưng theo một phương pháp được tổ chức cẩn thận. Cụ thể, các sự việc như tách ra, tráo đổi và chèn các trang trong cuốn sổ gáy lỏng thực sự vẫn đang tiếp tục diễn ra, chúng ta sẽ thấy ngay sau đây. Tôi đã miêu tả sự phân chia thông thường từ một tế bào thành hai tế bào mới. Mỗi một tế bào sẽ nhận một bản sao hoàn chỉnh của tất cả 46 nhiễm sắc thể. Sự phân chia tế bào thông thường đó được gọi là nguyên phân.[46] Nhưng cũng có loại phân chia tế bào khác gọi là giảm phân.[47] Giảm phân chỉ xuất hiện trong quá trình tạo ra các tế bào sinh sản: tinh trùng hoặc trứng. Tinh trùng và trứng là những tế bào rất đặc biệt trong số các tế bào của cơ thể. Chúng đặc biệt bởi thay vì chứa 46 nhiễm sắc thể, chúng chỉ chứa 23 nhiễm sắc thể. Dĩ nhiên, đó chính xác là một nửa của 46, thuận tiện cho việc chúng kết hợp với nhau trong quá trình thụ tinh hữu tính để hình thành nên cá thể mới! Giảm phân là một loại phân chia tế bào đặc biệt, chỉ diễn ra trong tinh hoàn và buồng trứng, ở đó một tế bào có bộ nhiễm sắc thể kép với đầy đủ 46 nhiễm sắc thể sẽ phân chia để hình thành các tế bào sinh sản đơn nhiễm chứa một bộ 23 nhiễm sắc thể (trong mọi ví dụ ở đây đều lấy số nhiễm sắc thể của người làm minh họa). Một tinh trùng, với 23 nhiễm sắc thể, được tạo ra nhờ quá trình phân chia giảm phân một trong số các tế bào 46 nhiễm sắc thể bình thường trong tinh hoàn. Liệu rằng một tế bào tinh trùng nhất định có thể có 23 nhiễm sắc thể nào? Điều quan trọng hơn cả, một tinh trùng không nên chỉ nhận 23 nhiễm sắc thể bất kỳ cùng loại: tinh trùng không thể chứa hai bản sao của tập 13 và không có một bản sao nào thuộc tập 17. Về lý thuyết, một cá thể có khả năng sẽ chuyển giao cho một trong số những tinh trùng của nó các nhiễm sắc thể hoàn toàn có nguồn gốc từ mẹ; đó là các tập 1b, 2b, 3b,… 23b. Trong trường hợp hy hữu này, đứa trẻ được hình thành từ tinh trùng sẽ thừa hưởng một nửa gen từ bà nội của nó và không một gen nào từ ông nội. Nhưng trên thực tế, kiểu phân phối toàn bộ nhiễm sắc thể đó không xảy ra. Sự thực còn phức tạp hơn. Nên nhớ rằng, các tập (nhiễm sắc thể) sẽ được xem như là các cuốn sổ bìa gáy rời. Trong suốt quá trình hình thành tinh trùng, các trang đơn lẻ hoặc một xấp nhiều trang được tách ra, hoán đổi với các mảnh tương ứng trên tập tương đồng khác. Vì vậy, một tế bào tinh trùng nào đó có thể tạo thành tập 1 bằng cách lấy 65 trang đầu của tập 1a đính với các trang từ 66 đến hết của tập 1b. 22 tập khác của tế bào tinh trùng này cũng có thể được hình thành theo cùng một cách thức như vậy. Do đó, mỗi tế bào tinh trùng hình thành trong một cá thể là một tế bào duy nhất, mặc dù tất cả tinh trùng đều có 23 nhiễm sắc thể được hình thành từ cùng một tập hợp 46 nhiễm sắc thể. Trứng cũng được tạo thành từ một quá trình tương tự trong các buồng trứng và cả hai đều là những tế bào duy nhất. Người ta cũng đã hiểu tương đối rõ về cơ chế thực sự của quá trình phối trộn này. Trong quá trình hình thành một tinh trùng (hoặc một trứng), nhiều mảnh nhỏ của mỗi nhiễm sắc thể bố tự tách ra và đổi chỗ với các mảnh tương ứng trên nhiễm sắc thể mẹ (Nên nhớ rằng, chúng ta đang nói về các nhiễm sắc thể có nguồn gốc từ bố mẹ của cá thể hình thành tinh trùng hay từ ông nội của đứa trẻ được hình thành do sự thụ tinh của tinh trùng đó). Quá trình hoán đổi các mảnh nhiễm sắc thể được gọi là trao đổi chéo. Đó là quá trình rất quan trọng đối với toàn bộ lập luận của cuốn sách này. Điều đó có nghĩa rằng nếu bạn dùng kính hiển vi và nhìn vào các nhiễm sắc thể của một trong những tinh trùng của chính bạn (hoặc các tế bào trứng nếu bạn là nữ), bạn sẽ thấy mình lãng phí thời gian nếu muốn nhận dạng nguồn gốc của các nhiễm sắc thể, cái nào là từ bố và cái nào là từ mẹ (Điều này đối lập tương đối rõ ràng với trường hợp của các tế bào cơ thể bình thường (xem trang 48)). Bất cứ một nhiễm sắc thể nào trong tinh trùng đều là một mảnh vải chắp vá, một thể khảm của các gen thuộc về họ nội và họ ngoại. Việc dùng hình ảnh “trang” để thay thế cho thuật ngữ gen bắt đầu không đúng ở đây. Trong một cuốn sổ bìa gáy rời, người ta có thể chèn, bỏ đi hoặc tráo đổi toàn bộ một trang nhưng không thể làm vậy với một mảnh của một trang. Tuy nhiên, phức hệ gen lại chỉ là một chuỗi dài các ký tự nucleotide, không thể tách nhỏ thành các trang riêng biệt theo một phương thức rõ ràng. Để đảm bảo an toàn, gen có các dấu hiệu đặc biệt dùng để báo hiệu điểm kết thúc thông tin của một chuỗi protein và điểm khởi đầu thông tin của chuỗi protein kế tiếp, các dấu hiệu này cũng được viết từ bốn chữ cái giống như các thông tin về protein. Ở giữa hai dấu câu đó là các hướng dẫn được mã hóa cho việc hình thành một protein. Nếu muốn, chúng ta có thể định nghĩa một gen đơn lẻ là một trình tự các chữ nucleotide nằm giữa dấu hiệu khởi đầu và kết thúc và mã hóa cho một chuỗi protein. Từ xitron[48] là đơn vị được định nghĩa theo cách đó, và một số người sử dụng từ “gen” và “xitron” thay thế lẫn nhau. Nhưng sự trao đổi chéo không tuân theo các giới hạn giữa các xitron. Sự phân tách có thể xuất hiện ở trong xitron cũng như ở giữa các xitron. Nó giống như thể các bản thiết kế kiến trúc được viết không phải lên các trang riêng biệt mà là trên 46 cuộn giấy điện báo.[49] Các xitron không có độ dài cố định. Cách duy nhất để nhận biết điểm kết thúc của một xitron và điểm bắt đầu của một xitron kế tiếp là phải đọc các dấu hiệu trên băng giấy, tìm ra dấu hiệu kết thúc và dấu hiệu khởi đầu của thông tin. Trao đổi chéo có đặc điểm là quá trình chọn các đoạn băng tương ứng từ bố và từ mẹ, cắt và trao đổi theo tỷ lệ thích hợp mà không cần biết đến điều gì được viết trên các đoạn băng. Trong nhan đề của cuốn sách, nghĩa của từ gen không phải là một xitron đơn lẻ mà là cái gì đó tinh tế hơn. Định nghĩa của tôi sẽ không hợp với khẩu vị của mọi người nhưng cũng không có định nghĩa gen nào được thừa nhận hoàn toàn. Thậm chí, nếu có những định nghĩa như vậy thì các định nghĩa đó không phải là bất khả xâm phạm. Chúng ta có thể định nghĩa một từ theo cách riêng, phục vụ cho mục đích của mình, miễn sao các định nghĩa đó rõ ràng và không mơ hồ. Định nghĩa mà tôi sẽ sử dụng có nguồn gốc từ GC. Williams.[50] Một gen được xem là một phần bất kỳ của vật liệu nhiễm sắc thể, phần này có thể tồn tại qua nhiều thế hệ và đóng vai trò là đơn vị chọn lọc tự nhiên. Theo các thuật ngữ ở chương trước, một gen là một thể tự sao có khả năng sao chép chính xác cao. Tính chính xác trong sao chép là một cách diễn đạt khác của cụm từ “sự sống lâu dài dưới dạng các bản sao” và tôi sẽ rút gọn cụm từ đó là “tuổi thọ”. Định nghĩa này cần phải được xác minh. Ở bất cứ định nghĩa nào, gen đều phải là một phần của một nhiễm sắc thể. Vấn đề ở chỗ tỷ lệ của nó như thế nào, chiếm bao nhiêu phần của cuộn giấy điện báo? Hãy tưởng tượng ra bất cứ một trình tự của các mã ký tự cạnh nhau trên băng giấy rồi liên tưởng đến trình tự ở một đơn vị di truyền. Gen có thể là một chuỗi chỉ gồm 10 chữ trong một xitron; cũng có thể là một chuỗi tám xitron. Nó cũng có thể bắt đầu và kết thúc ở giữa xitron. Gen sẽ chồng lên các đơn vị di truyền khác. Nó sẽ bao gồm các đơn vị nhỏ hơn; đồng thời, nó cũng tạo thành một phần của các đơn vị lớn hơn. Để phục vụ cho lập luận lúc này, bất kể gen ngắn hay dài thì chúng cũng là cái mà chúng ta gọi là một đơn vị di truyền. Gen chỉ là một đoạn nhiễm sắc thể, không tách biệt khỏi phần còn lại của nhiễm sắc thể dù ở bất cứ hình thức nào. Bây giờ, chủ chốt. Có lẽ, nếu đơn vị di truyền càng ngắn thì nó càng tồn tại lâu, qua nhiều thế hệ. Cụ thể hơn, đơn vị đó sẽ có khả năng càng ít bị phân tách bởi trao đổi chéo. Giả sử rằng, trung bình một nhiễm sắc thể sẽ trải qua một lần trao đổi chéo mỗi khi một trứng hoặc một tinh trùng được hình thành do phân chia giảm phân và sự trao đổi chéo đó có thể xảy ra ở bất cứ điểm nào dọc trên nhiễm sắc thể. Nếu chúng ta xem xét một đơn vị di truyền lớn hơn, chẳng hạn một phần hai chiều dài nhiễm sắc thể, thì sẽ có 50% khả năng đơn vị di truyền này bị phân chia ở mỗi lần giảm phân. Nếu đơn vị di truyền mà chúng ta cân nhắc chỉ bằng 1% chiều dài của nhiễm sắc thể, chúng ta có thể giả định rằng đơn vị đấy chỉ có 1% khả năng bị chia cắt trong bất cứ quá trình phân chia giảm phân nào. Điều này có nghĩa là đơn vị đó có thể hy vọng tồn tại trong các cá thể con cháu sau rất nhiều thế hệ. Một xitron đơn giản có lẽ nhỏ hơn 1% chiều dài nhiễm sắc thể. Thậm chí, một nhóm vài xitron cạnh nhau có thể tồn tại qua nhiều thế hệ trước khi quá trình trao đổi chéo chia cắt chúng. Tuổi thọ trung bình của một đơn vị di truyền có thể được đo bằng số lượng thế hệ, qua đó có thể chuyển thành năm. Nếu chúng ta xem toàn bộ một nhiễm sắc thể là đơn vị di truyền thì hoạt động sống của nó chỉ diễn ra trong một thế hệ. Giả sử đơn vị đó là nhiễm sắc thể số 8a được thừa hưởng từ bố của bạn. Nhiễm sắc thể này được tạo ra bên trong tinh hoàn của bố bạn ngay trước khi bạn được thai nghén. Nhiễm sắc thể đấy chưa từng tồn tại trước đó trong toàn bộ lịch sử của thế giới. Nó được hình thành nhờ quá trình xáo trộn trong giảm phân, được ghép lại nhờ sự xuất hiện cùng nhau của các đoạn nhiễm sắc thể có nguồn gốc từ ông nội và bà nội của bạn. Nhiễm sắc thể này sau đó được đặt vào một tinh trùng cụ thể và duy nhất. Tinh trùng này chỉ là một trong hàng triệu tinh trùng khác, một hạm đội lớn gồm các con tàu nhỏ và chúng cùng nhau bơi bên trong cơ thể mẹ bạn. Tinh trùng cụ thể đấy (trừ phi bạn là một trong hai anh em sinh đôi khác trứng) là tinh trùng duy nhất trong số các con tàu đã tìm thấy điểm neo đậu tại một trong những tế bào trứng trong cơ thể mẹ bạn, và đó chính là nguyên nhân vì sao bạn ra đời. Đơn vị di truyền mà chúng ta đang xem xét, nhiễm sắc thể số 8a, bắt đầu tự sao chép chính nó cùng với tất cả các nhiễm sắc thể khác. Bây giờ, nhiễm sắc thể đó tồn tại ở dạng cặp đôi trên toàn bộ cơ thể bạn, nhưng đến khi bạn bắt đầu có con, nhiễm sắc đó sẽ bị phá hủy khi bạn tạo ra trứng (hoặc tinh trùng). Các phần nhỏ của nó sẽ được trao đổi với các phần khác của nhiễm sắc thể số 8b của mẹ bạn. Ở bất kỳ tế bào sinh dục nào, một nhiễm sắc thể số 8 mới được tạo ra có thể “tốt hơn” hoặc “xấu hơn” nhiễm sắc thể số 8 cũ nhưng nó hoàn toàn khác, hoàn toàn duy nhất trừ trường hợp trùng hợp rất hiếm khi xảy ra. Như vậy, cuộc sống của một nhiễm sắc thể chỉ kéo dài trong một thế hệ. Thế còn cuộc sống của một đơn vị di truyền nhỏ hơn, chẳng hạn 1/100 chiều dài của nhiễm sắc thể số 8a của bạn thì sao? Đơn vị này cũng có nguồn gốc từ cơ thể bố của bạn, nhưng rất có thể là nó đã được hình thành từ trước đó ở thế hệ tổ tiên của bạn. Theo cách lập luận trước đây, người ta cho rằng có 99% cơ hội bố của bạn nhận đơn vị đó nguyên vẹn từ một trong hai người: ông hoặc bà của bạn. Giả sử rằng đơn vị đó đến từ bà nội của bạn. Một lần nữa, 99% cơ hội bà nội của bạn đã thừa hưởng nó nguyên vẹn từ bố hoặc mẹ của bà. Cuối cùng, nếu chúng ta lần đủ xa theo nguồn gốc của một đơn vị di truyền nhỏ, chúng ta có thể biết được người đã tạo ra đơn vị đó. Ở một giai đoạn nào đó, đơn vị này phải được tạo ra lần đầu tiên bên trong tinh hoàn hoặc trong buồng trứng của một trong số những tổ tiên của bạn. Hãy để tôi nhắc lại ý nghĩa tương đối đặc biệt của từ “sáng tạo” mà tôi sử dụng. Các tiểu đơn vị nhỏ hơn cấu tạo nên đơn vị di truyền mà chúng ta đang xem xét có thể đã xuất hiện rất lâu trước đấy. Đơn vị di truyền của chúng ta được tạo ra ở một thời điểm nhất định chỉ đúng theo nghĩa: sự sắp xếp cụ thể các tiểu đơn vị, cái mà qua đó đơn vị di truyền được tạo ra, đã không diễn ra trước thời điểm đấy. Thời điểm sáng tạo có thể xuất hiện gần đây, chẳng hạn ở một trong hai người là ông hoặc bà của bạn. Nhưng nếu chúng ta quan tâm đến các đơn vị di truyền rất nhỏ, các đơn vị này có lẽ được hình thành trong một cơ thể tổ tiên xa hơn nữa, có thể là một cơ thể tổ tiên giống linh trưởng, chưa phải là con người. Hơn nữa, đơn vị di truyền nhỏ bé bên trong bạn có thể tiếp diễn đủ xa trong tương lai, truyền nguyên vẹn sang cho con cháu của bạn. Cũng nên lưu ý rằng con cháu của một cá thể tạo thành không chỉ là một dòng tộc đơn lẻ mà còn là một dòng tộc có nhánh. Bất kể tổ tiên nào của bạn đã tạo ra một đoạn ngắn nào đó của nhiễm sắc thể số 8a thì tổ tiên ấy có lẽ còn có nhiều con cháu khác mang đoạn nhiễm sắc thể đấy, ngoài bạn. Một trong số các đơn vị di truyền của bạn có lẽ cũng xuất hiện trong anh chị em họ thế hệ thứ hai (con chú con bác ruột). Đơn vị đó cũng có thể có ở trong tôi, trong cơ thể của thủ tướng, và trong con chó của bạn, bởi vì tất cả chúng ta đều có chung một tổ tiên nếu chúng ta quay ngược thời gian đủ xa. Đơn vị nhỏ như vậy cũng có thể tình cờ được hình thành một vài lần một cách độc lập: nếu đơn vị đấy nhỏ, sự trùng lặp ngẫu nhiên không hẳn là không thể. Nhưng thậm chí, một người họ hàng gần cũng không thể có chung một nhiễm sắc thể với bạn. Đơn vị di truyền càng nhỏ, cơ hội nó tồn tại trong các cá thể khác càng nhiều và khả năng nó xuất hiện nhiều lần dưới dạng bản sao trên thế giới càng lớn. Cơ hội xuất hiện cùng nhau, thông qua trao đổi chéo, của các tiểu đơn vị tồn tại trước đây là phương thức thông thường để một đơn vị di truyền mới được hình thành. Một phương thức khác - có vai trò rất lớn trong tiến hóa cho dù phương thức đó rất hiếm gặp - được gọi là đột biến điểm. Một đột biến điểm là một lỗi tương ứng với một ký tự đơn lẻ bị in sai trong một cuốn sách. Nó hiếm khi gặp nhưng rõ ràng một đơn vị di truyền càng dài thì khả năng đơn vị di truyền đó bị thay đổi bởi đột biến ở một nơi nào đó dọc theo chiều dài của nó càng lớn. Một loại lỗi hoặc một loại đột biến hiếm gặp khác cũng gây hậu quả nghiêm trọng lâu dài được gọi là đột biến đảo đoạn. Một đoạn nhiễm sắc thể tách khỏi nhiễm sắc thể ở hai đầu, lộn ngược đầu đuôi, và tự gắn lại ở vị trí đảo ngược. Như vậy, thứ tự một số trang cần được đánh số lại. Đôi khi, các phần của nhiễm sắc thể không chỉ đảo ngược một cách đơn giản mà được gắn lại ở phần hoàn toàn khác của nhiễm sắc thể hoặc thậm chí nhập vào một nhiễm sắc thể hoàn toàn khác. Điều này tương đương với việc chuyển một loạt trang sách từ tập sách này sang tập sách khác. Vai trò của loại lỗi này là đôi khi nó có thể dẫn đến sự liên kết chặt chẽ các đoạn vật liệu di truyền mà tình cờ có thể hoạt động tốt cùng nhau, mặc dù nó luôn vô cùng nguy hiểm. Có lẽ hai xitron có tác động hữu ích chỉ khi chúng cùng xuất hiện sẽ được đặt gần nhau nhờ phương pháp đảo đoạn - chúng bổ sung hoặc hỗ trợ lẫn nhau theo một vài cách thức nhất định. Sau đó, chọn lọc tự nhiên có thể ưu tiên đơn vị di truyền mới này và nó sẽ lan rộng trong toàn bộ quần thể tương lai. Các phức hệ gen có thể đã được tái sắp xếp hoặc sửa chữa một cách rộng rãi theo phương pháp này qua nhiều năm. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất của phương thức này liên quan đến hiện tượng được gọi là sự ngụy trang. Một số loài bướm có vị khó chịu. Chúng luôn có màu sắc rực rỡ, dễ phân biệt và những loài chim đã nếm vị của những con bướm này sẽ tránh xa chúng nhờ các dấu hiệu “cảnh báo”. Lúc này, các loài bướm khác không có vị khó chịu tận dụng điều đó. Chúng bắt chước những con bướm có vị khó chịu. Chúng được sinh ra với màu sắc và hình dạng (nhưng không phải vị) trông giống như những chú bướm kia. Chúng thường xuyên đánh lừa các nhà tự nhiên học và chúng cũng lừa luôn cả những chú chim. Những con chim đã từng một lần nếm một con bướm có vị khó chịu sẽ có khuynh hướng tránh xa tất cả những con bướm trông giống với con bướm xấu số. Đấy chính là động vật giả trang và các gen quy định sự bắt chước được chọn lọc tự nhiên ưu đãi. Đó chính là phương thức mà sự bắt chước phát triển. Có nhiều loài bướm “có vị khó chịu” khác nhau và trông chúng không giống nhau chút nào. Một loài bướm ngụy trang không thể giống tất cả các loài đó: nó phải bắt chước một loài có vị khó chịu cụ thể. Nói chung, bất kỳ một loài ngụy trang nào đó đều là chuyên gia bắt chước một loài cụ thể khác. Nhưng cũng có những loài ngụy trang thể hiện sự bắt chước rất kỳ lạ. Một số cá thể trong loài đó bắt chước một loài này trong khi số khác lại bắt chước loài khác. Bất cứ một cá thể dạng trung gian nào hoặc cố gắng bắt chước cả hai loài khác nhau sớm hay muộn cũng sẽ bị ăn thịt; nhưng những cá thể trung gian như vậy sẽ không tồn tại. Cũng giống như một cá thể chỉ có thể hoặc là đực hoặc là cái, một cá thể bướm chỉ bắt chước một loài này hoặc là một loài khác. Một chú bướm có thể bắt chước loài A trong khi anh/em của nó bắt chước loài B. Có vẻ như có một gen duy nhất xác định một cá thể sẽ bắt chước hoặc loài A hoặc loài B. Nhưng làm thế nào để một gen đơn lẻ đó xác định hàng loạt tính trạng của sự bắt chước như màu sắc, hình dạng, kiểu hình chấm, nhịp bay? Câu trả lời là một gen, với nghĩa là một xitron, không thể làm điều đó. Nhưng nhờ “sự sửa đổi” tự động, vô thức do đảo đoạn và sự tái sắp xếp tình cờ các vật liệu di truyền, một nhóm lớn các gen tách biệt trước đó đã tập hợp lại với nhau thành một nhóm liên kết chặt chẽ trên một nhiễm sắc thể. Toàn bộ nhóm gen đó hoạt động như một gen đơn lẻ - trên thực tế, theo định nghĩa của chúng ta, nhóm gen đó bây giờ là một gen đơn lẻ - và nó có một “alen” mà thực ra là một nhóm gen khác. Một nhóm gen gồm có các xitron liên quan đến quá trình bắt chước loài A; nhóm gen khác liên quan đến việc bắt chước loài B. Mỗi nhóm gen này hiếm khi bị phân tách bởi quá trình trao đổi chéo đến nỗi chưa bao giờ xuất hiện một con bướm với các tính trạng trung gian trong tự nhiên nhưng điều này cũng thường xảy ra nếu một lượng lớn các cá thể bướm được sinh ra trong phòng thí nghiệm. Tôi đang sử dụng từ gen để chỉ một đơn vị di truyền đủ nhỏ để có thể tồn tại qua nhiều thế hệ và được phân tán dưới dạng các bản sao. Đấy không phải là một định nghĩa hoặc-có-hoặc-không cứng nhắc mà là một loại định nghĩa linh động giống như định nghĩa “lớn” hoặc “già”. Một đoạn nhiễm sắc thể càng có khả năng bị phân tách do trao đổi chéo hoặc thay đổi bởi đột biến ở các dạng khác nhau thì đoạn nhiễm sắc thể ấy càng không đúng với ý nghĩa của thuật ngữ gen mà tôi đang sử dụng. Một xitron hay các đơn vị lớn hơn đều có khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn trên. Hàng tá xitron có thể ở cạnh nhau trên một nhiễm sắc thể mà theo quan điểm của chúng ta, chúng đã hình thành nên một đơn vị di truyền đơn lẻ trong một thời gian dài. Nhóm gen ngụy trang ở bướm là một ví dụ tốt cho trường hợp này. Khi các xitron rời một cơ thể này và chuyển vào một cơ thể tiếp theo, khi chúng lên con tàu tinh trùng hoặc trứng cho chuyến đi sang thế hệ khác, có lẽ chúng sẽ thấy rằng con tàu nhỏ bé đó cũng mang nhiều hàng xóm quen thuộc trong chuyến hành trình trước của chúng, những người bạn thủy thủ đã bơi cùng nhau trên cùng con thuyền cũ trong cuộc phiêu lưu kéo dài từ các cơ thể tổ tiên xa xăm. Các xitron láng giềng trên cùng nhiễm sắc thể hình thành nên một đoàn đồng hành du lịch khăng khít, chúng hiếm khi bị nhỡ việc lên cùng một con tàu khi thời điểm giảm phân lại đến gần lần nữa. Nói một cách nghiêm khắc, cuốn sách này không nên gọi là Xitron ích kỷ, cũng không phải là Nhiễm sắc thể ích kỷ, mà phải gọi là Một đoạn nhiễm sắc thể lớn, hơi ích kỷ và thậm chí là một đoạn nhiễm sắc thể nhỏ nhưng ích kỷ hơn. Nói cho cùng, đây cũng không phải là một tiêu đề gây ấn tượng. Với việc định nghĩa một gen là một đoạn nhiễm sắc thể nhỏ có khả năng tồn tại qua nhiều thế hệ, tôi đặt tên cuốn sách này là Gen vị kỷ. Bây giờ, chúng ta đi đến luận điểm mà chúng ta đã để lại ở cuối Chương 1. Ở đó, chúng ta đã thấy tính vị kỷ là đặc tính phải có ở bất cứ thực thể nào xứng đáng với tên gọi là đơn vị cơ bản của chọn lọc tự nhiên. Chúng ta cũng thấy một vài người coi loài là đơn vị chọn lọc tự nhiên, một số khác thì cho rằng quần thể hoặc nhóm cá thể trong loài và dĩ nhiên có những người cho là cá thể. Tôi đã nói rằng tôi thiên về việc xem gen là đơn vị cơ bản của chọn lọc tự nhiên và do đó là đơn vị cơ bản của sự tư lợi.[51] Điều mà tôi đã thực hiện là định nghĩa gen theo một phương pháp mà tôi cho là thực sự không thể không đúng! Chọn lọc tự nhiên, ở dạng chung nhất của nó, có nghĩa là sự sống sót chuyên biệt của từng thực thể. Một vài thực thể tồn tại được và một số khác chết đi, nhưng để cái chết mang tính chọn lọc đó có tác động lên các thực thể còn lại thì cần phải thỏa mãn một điều kiện phụ nào đó. Mỗi thực thể phải tồn tại dưới dạng nhiều bản sao và ít nhất một vài thực thể phải có tiềm năng có thể sống sót - dưới dạng bản sao - trong một khoảng thời gian tiến hóa vừa đủ. Các đơn vị di truyền nhỏ bé có các đặc tính đó trong khi các cá thể nhóm và loài lại không có. Gregor Mendel[52] đã thu được thành công lớn khi chỉ ra rằng các đơn vị di truyền trên thực tế có thể được xem là các phần tử độc lập và không thể phân chia. Ngày nay, chúng ta biết rằng sự thành công đấy có phần hơi đơn giản. Thậm chí, một xitron đôi khi cũng có thể bị phân chia và bất kỳ hai gen nào trên một nhiễm sắc thể cũng không hoàn toàn độc lập. Điều mà tôi đã làm là định nghĩa một gen như một đơn vị mà ở cấp độ cao hơn, nó sẽ đạt tới mức độ lý tưởng của các hạt không thể phân chia. Gen không thể không bị phân chia nhưng gen hiếm khi bị chia nhỏ. Một gen có thể tồn tại hoặc biến mất hoàn toàn trong một cá thể bất kỳ nào đó. Nó di chuyển nguyên vẹn từ đời ông đến đời cháu, truyền thẳng qua các thế hệ trung gian mà không bị trộn lẫn với các gen khác. Nếu gen liên tục trộn với gen khác, chọn lọc tự nhiên như chúng ta hiểu lúc này sẽ không thể xảy ra. Một cách tình cờ, điều này đã được chứng minh trong thời kỳ Darwin sống và nó đã khiến cho Darwin băn khoăn rất nhiều bởi trong thời gian đó, người ta cho rằng di truyền là một quá trình hòa trộn. Khám phá của Mendel đã được công bố trước đó và nó đã có thể là cứu cánh cho Darwin nhưng thật tiếc là ông ấy chưa bao giờ biết về điều đó. Hình như không ai đọc công bố này cho đến mãi những năm sau khi cả Darwin và Mendel đều đã qua đời. Mendel có thể đã không nhận ra tầm quan trọng của phát hiện ấy. Nếu không ông ấy có lẽ đã viết thư cho Darwin. Một khía cạnh khác trong bản chất hạt của gen là gen không già; không thể nói nó chết khi mà nó đã một triệu tuổi nếu đem so với việc nó chỉ có 100 tuổi. Gen nhảy từ cơ thể này sang cơ thể khác qua các thế hệ, thao túng hết cơ thể này đến cơ thể khác theo cách của nó và cho mục đích của nó, bỏ rơi hàng loạt các cơ thể có thể chết đi trước khi chúng bị nhấn chìm trong sự già cỗi và biến mất. Các gen là những thể bất tử hoặc hơn thế, chúng được xem là các thực thể di truyền gần tiến đến mức đáng được đặt tên. Chúng ta, những cỗ máy sống sót đơn lẻ trên thế giới, có thể hy vọng sống được một vài thập niên. Nhưng các gen trên thế giới lại có tuổi thọ được tính không phải bằng thập niên mà bằng hàng nghìn và hàng triệu năm. Ở các loài sinh sản hữu tính, cá thể có kích thước quá lớn và quá tạm bợ để có thể xem là một đơn vị di truyền có ý nghĩa trong quá trình chọn lọc tự nhiên.[53] Một nhóm cá thể thậm chí còn lớn hơn nhiều. Xét về mặt di truyền, các cá thể và các nhóm cá thể giống như những đám mây trên bầu trời hoặc những cơn bão cát trong sa mạc. Chúng là những tập hợp hoặc những liên minh tạm thời. Chúng không bền vững trong quá trình tiến hóa. Quần thể có thể tồn tại lâu hơn nhưng chúng lại thường xuyên trộn lẫn với các quần thể khác và do đó làm mất đi tính đặc trưng của mình. Chúng cũng chịu tác động bởi sự thay đổi trong quá trình tiến hóa. Một quần thể chưa đủ đơn lẻ để trở thành đơn vị của chọn lọc tự nhiên, cũng không đủ bền vững và đồng nhất để được “lựa chọn” so với một quần thể khác. Một cơ thể riêng biệt dường như đủ tính riêng lẻ trong khi nó tồn tại, nhưng đáng tiếc, sự tồn tại ấy kéo dài bao lâu? Mỗi cá thể là duy nhất. Bạn không thể có được sự tiến hóa bằng cách lựa chọn trong số các thực thể với duy nhất một bản sao của mỗi thực thể! Sinh sản hữu tính không phải là sự tái bản. Giống như một quần thể bị tạp nhiễm bởi các quần thể khác, hậu thế của một cá thể sẽ bị tạp nhiễm bởi các đặc tính của cá thể giao phối với nó. Con của bạn chỉ là một nửa của bạn, cháu của bạn chỉ là một phần tư của bạn. Trong một vài thế hệ sau, điều mà bạn có thể trông đợi nhất là có một lượng lớn con cháu, mỗi đứa trong số chúng sẽ mang chỉ một phần nhỏ của bạn - một vài gen - thậm chí cả khi một vài trong số chúng có mang tên họ của bạn. Các cá thể không phải là sự vật ổn định, chúng chỉ là các thể phù du. Các nhiễm sắc thể cũng hoàn toàn bị xáo trộn, giống như các quân bài ngay sau khi chúng được chia. Nhưng chính các quân bài duy trì sự xáo bài. Các quân bài đó là các gen. Các gen không bị quá trình trao đổi chéo phá hủy, chúng chỉ thay đổi các đối tác và đi tiếp. Dĩ nhiên, chúng sẽ đi tiếp bởi đó là công việc của chúng. Chúng là các thể tự sao và chúng ta là những cỗ máy sống. Khi chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh của mình, chúng ta sẽ bị gạt sang một bên. Nhưng gen là những cư dân của thời gian trái đất: gen là mãi mãi. Giống như kim cương, gen là vĩnh cửu nhưng không hẳn tồn tại mãi theo cách thức của kim cương. Kim cương tồn tại mãi dưới dạng một tinh thể riêng biệt, một mô hình nguyên tử cố định không thay đổi. Phân tử ADN không tuân theo kiểu tồn tại vĩnh cửu như vậy. Thời gian tồn tại của bất cứ một phân tử ADN nào đều tương đối ngắn - có lẽ chỉ tính bằng tháng, chắc chắn là không dài hơn một đời người. Nhưng một phân tử ADN trên lý thuyết có thể sống dưới dạng các bản sao của chính nó trong một trăm triệu năm. Hơn nữa, giống như các thể tự sao cổ đại trong dịch nguyên thủy, các bản sao của một gen cụ thể có thể được phân bố trên toàn thế giới. Sự khác biệt giữa chúng chỉ là các phiên bản hiện đại đều được gói gọn bên trong cơ thể các cỗ máy sống. Điều mà tôi đang muốn nhấn mạnh là khả năng gần như bất tử của một gen, dưới dạng các bản sao, theo đặc tính được định nghĩa của gen. Việc định nghĩa một gen là một xitron đơn lẻ là hữu dụng với một vài mục đích nhất định; nhưng trên khía cạnh thuyết tiến hóa, định nghĩa này cần được mở rộng hơn. Mức độ mở rộng được xác định bởi mục đích định nghĩa. Chúng ta muốn chỉ ra đơn vị thực của chọn lọc tự nhiên. Muốn làm điều này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc xác định các đặc điểm cần cho một đơn vị chọn lọc tự nhiên thành công. Theo như chương trước, các đặc điểm đấy chính là tuổi thọ, mức độ sinh sản và tính chính xác khi sao chép. Vậy thì chúng ta định nghĩa một cách đơn giản rằng gen là thực thể lớn nhất, ít ra cũng có khả năng, có tất cả các đặc tính đó. Gen là một thể tự sao sống lâu, sống dưới dạng nhiều bản sao kép. Nó không hẳn là sống lâu mãi. Kể cả kim cương cũng không thể tồn tại mãi theo nghĩa đen, và thậm chí, một xitron cũng có thể bị phân ra thành hai bởi sự trao đổi chéo. Gen được xem là một phần của nhiễm sắc thể đủ ngắn để có thể tồn tại đủ lâu với vai trò là đơn vị của chọn lọc tự nhiên. Chính xác, bao lâu mới có nghĩa là “đủ lâu”? Chúng ta sẽ không có câu trả lời chặt chẽ. Đáp án sẽ tùy thuộc vào “áp lực” của chọn lọc tự nhiên khắc nghiệt đến mức nào. Nói cách khác, phụ thuộc vào đơn vị di truyền “không tốt” có thể biến mất nhanh như thế nào so với alen “tốt” của nó. Đây là vấn đề định lượng chi tiết và nó cũng sẽ thay đổi từ ví dụ này sang ví dụ khác. Đơn vị thực tế lớn nhất của chọn lọc tự nhiên - gen - sẽ thường được thấy ở khoảng nào đó trong phạm vi kích thước giữa xitron và nhiễm sắc thể. Tính bất tử tiềm ẩn của gen giúp nó trở thành ứng viên cho vị trí đơn vị cơ bản của chọn lọc tự nhiên. Nhưng bây giờ đã đến lúc tìm hiểu từ “tiềm ẩn”. Một gen có thể sống một triệu năm nhưng nhiều gen mới thậm chí không thể qua nổi thế hệ đầu tiên của chúng. Một vài gen mới phần nào thành công trong việc này nhờ may mắn nhưng chủ yếu là vì chúng có cái mà sự sống cần, và điều này có nghĩa là chúng giỏi trong việc tạo ra các cỗ máy sống. Các gen ảnh hưởng tới sự phát triển phôi của mỗi cơ thể kế tiếp mà chúng cư ngụ, khiến cho cơ thể đó có thể sống và sinh sản tốt hơn so với khi chịu sự tác động của gen cạnh tranh hay alen. Ví dụ, một gen “tốt” có thể đảm bảo sự sống sót của nó bằng cách tặng cho các cơ thể kế tiếp nhau mà nó cư ngụ đặc điểm chân dài. Đặc điểm này giúp các cơ thể trốn thoát khỏi những kẻ săn mồi. Đây chỉ là một ví dụ cụ thể, không phải là trường hợp phổ biến. Nói cho cùng, chân dài không phải lúc nào cũng là tài sản quý. Đối với chuột chũi, chân dài lại là bất lợi. Thay vì sa lầy vào các chi tiết, liệu chúng ta có thể nghĩ ra các đặc tính phổ biến mà chúng ta hy vọng sẽ tìm thấy ở tất cả các gen “tốt” (nghĩa là các gen có khả năng tồn tại lâu dài) không? Ngược lại, điều gì là đặc điểm ngay lập tức sẽ tách biệt một gen gọi là “xấu” (nghĩa là một gen chỉ tồn tại trong thời gian ngắn)? Có thể có một vài đặc điểm phổ biến như vậy nhưng có một đặc điểm liên quan cụ thể đến cuốn sách này: ở mức độ gen, đức hy sinh (lòng vị tha) phải là đặc điểm xấu và tính ích kỷ là đặc điểm tốt. Điều này chắc chắn tuân theo định nghĩa của chúng ta về tính vị tha và tính ích kỷ. Các gen cạnh tranh trực tiếp với các alen của chúng để tồn tại, bởi vì trong vốn gen, các alen của chúng là những đối thủ cạnh tranh nơi trú ngụ trên nhiễm sắc thể của các thế hệ sau. Theo định nghĩa, bất kỳ gen nào hành động theo cách thức làm tăng cơ hội sống sót của chính nó trong vốn gen, dựa trên sự hy sinh của các alen, sẽ có khuynh hướng sống sót. Bởi vậy, gen là đơn vị cơ bản của tính vị kỷ. Tôi vừa mới trình bày thông điệp chính của chương này. Nhưng tôi đã che giấu một vài điều khó giải thích và ẩn đi một số giả định. Điểm khó giải thích đầu tiên đã được đề cập một cách ngắn gọn. Tuy nhiên, các gen có thể tự do và độc lập trong hành trình của chúng qua các thế hệ, nhưng chúng thực sự không hẳn là các tác nhân tự do và độc lập trong quá trình kiểm soát sự phát triển phôi. Chúng phối hợp, tương tác với nhau theo cách thức đan xen phức tạp và với môi trường bên ngoài. Cách diễn đạt như “gen quy định tính trạng chân dài” hoặc “gen quy định tập tính hy sinh” chỉ là các hình thái diễn ngôn thuận tiện mà thôi. Điều quan trọng là phải hiểu chúng có nghĩa gì. Không có gen nào một mình nó tạo nên một cái chân, dù dài hay ngắn. Hình thành một cái chân phải là một công trình phối hợp giữa nhiều gen. Các tác động từ môi trường bên ngoài là không thể thiếu: suy cho cùng, cái chân thực sự được tạo ra từ thức ăn! Nhưng có thể có một gen đơn lẻ có khuynh hướng làm cho chân dài hơn so với khi cái chân đó chịu sự tác động của các alen khác của gen đó, với điều kiện các tác động khác là giống nhau. Tương tự, hãy nghĩ đến tác động của một loại phân bón, chẳng hạn như nitrat, lên sự sinh trưởng của lúa mì. Mọi người biết rằng cây lúa mì sinh trưởng tốt hơn khi có mặt nitrat so với lúc không có loại phân bón này. Nhưng không ai ngu ngốc tuyên bố rằng chính nitrat có thể tạo nên cây lúa mì. Hạt, đất, mặt trời, nước và các chất khoáng khác rõ ràng cũng cần thiết. Nhưng nếu tất cả các yếu tố khác được giữ cố định, và thậm chí nếu các yếu tố đó thay đổi trong một giới hạn cho phép, bón thêm phân nitrat sẽ làm cây lúa mì sinh trưởng tốt hơn. Sự ảnh hưởng của các gen đơn lẻ trong quá trình phát triển phôi thai cũng vậy. Sự phát triển của phôi được điều khiển nhờ một mạng lưới đan xen các mối liên hệ phức tạp đến mức mà tốt nhất là chúng ta không nên nghĩ sâu về nó. Không một yếu tố nào, dù là yếu tố di truyền hay yếu tố môi trường, có thể được xem như “nguyên nhân” đơn lẻ trong việc hình thành nên bất cứ một bộ phận cơ thể nào của một đứa trẻ. Tất cả các bộ phận của một đứa trẻ có một số lượng gần như vô hạn các nguyên nhân trước đó. Nhưng sự khác biệt giữa đứa bé này và đứa bé khác, ví dụ như sự khác biệt về chiều dài của chân, có thể dễ dàng tìm ra được một hoặc một vài sự khác biệt trước đấy do tác động của các yếu tố môi trường hoặc các gen. Chính những khác biệt này ảnh hưởng đến nỗ lực cạnh tranh để tồn tại; và cũng là những khác biệt do di truyền kiểm soát liên quan đến sự tiến hóa. Trong phạm vi đề cập đến một gen thì các alen của nó sẽ là những kẻ cạnh tranh không khoan nhượng, nhưng các gen khác chỉ là một phần của môi trường của gen đó, giống như nhiệt độ, thức ăn, kẻ săn mồi hoặc bạn đồng hành. Ảnh hưởng của gen tùy thuộc vào môi trường của nó và điều này cũng bao gồm cả các gen khác. Đôi khi, một gen sẽ có một biểu hiện nào đó khi có mặt một gen nhất định khác và sẽ có biểu hiện hoàn toàn khác khi có mặt tập hợp các gen đồng hành khác. Toàn bộ tập hợp của gen trong một cơ thể cấu thành một dạng nền tảng hay môi trường di truyền, thay đổi và ảnh hưởng tới các biểu hiện của bất cứ một gen cụ thể nào. Nhưng hiện tại, chúng ta dường như đang mâu thuẫn. Nếu việc hình thành một đứa bé giống như một công việc phối hợp đầy rắc rối và nếu mỗi gen cần một vài ngàn gen đồng hành để thực hiện nhiệm vụ của nó thì làm thế nào chúng ta có thể dung hòa được điều ấy với bức tranh gen không thể phân chia, nhảy như chú sơn dương bất tử từ cơ thể này sang cơ thể khác vượt qua tuổi tác: các nhân tố sống tự tư tự lợi, không bị ràng buộc và cản trở? Có phải tất cả điều này đều vô nghĩa không? Không một chút nào. Tôi có thể bị lôi cuốn một chút cùng với những đoạn văn hoa mỹ, nhưng tôi đã không nói điều gì vô nghĩa và cũng không có mâu thuẫn thực sự nào cả. Chúng ta có thể giải thích điều này bằng một ví dụ tương tự khác. Một tay chèo thuyền đơn độc không thể thắng trong cuộc đua thuyền giữa trường Oxford và Cambridge. Anh ta cần tám bạn chèo. Mỗi người là một chuyên gia, luôn luôn ngồi ở một vị trí trong thuyền - vị trí mũi, vị trí cầm trịch, vị trí lái thuyền… Chèo thuyền là một công việc phối hợp, cho dù một vài người sẽ giỏi hơn những người khác. Giả sử một huấn luyện viên phải chọn ra một đội tuyển lý tưởng từ một nhóm thí sinh, một vài người chuyên ở vị trí mũi, người khác là lái thuyền và… Giả thiết rằng người huấn luyện viên thực hiện sự sàng lọc như sau. Mỗi ngày ông ta chọn ra ba đội tuyển thử nghiệm mới bằng cách tráo đổi ngẫu nhiên các ứng viên vào các vị trí và ông ấy yêu cầu ba đội đó đua với nhau. Sau một vài tuần thực hiện, chúng ta sẽ thấy chiếc thuyền chiến thắng thường có xu hướng có cùng các tay chèo. Họ chính là những tay chèo xuất sắc. Các tay chèo khác dường như luôn xuất hiện ở nhóm chèo chậm hơn và những người này cuối cùng sẽ bị loại bỏ. Nhưng thậm chí, một tay chèo ngoại hạng đôi khi cũng có thể là thành viên của nhóm chèo chậm hoặc là vì sự yếu kém của các thành viên khác hoặc là vì sự không may, chẳng hạn một cơn gió ngược chiều thổi mạnh. Việc những người giỏi nhất có khuynh hướng ở trong thuyền chiến thắng chỉ là phép tính trung bình. Các tay chèo là các gen. Các đối thủ cạnh tranh vị trí trên thuyền là các alen có thể có khả năng chiếm giữ cùng vị trí trên một nhiễm sắc thể. Chèo thuyền nhanh tương ứng với xây dựng một cơ thể thành công trong quá trình đấu tranh để tồn tại. Cơn gió là môi trường bên ngoài. Nhóm các ứng viên chính là vốn gen. Chừng nào sự sống của một cơ thể bất kỳ vẫn còn tồn tại thì tất cả các gen của cơ thể ấy đều ở trên cùng một con thuyền. Nhiều gen tốt bị nhóm với kẻ đồng hành xấu và nhận ra mình đang ở trên cùng một cơ thể với một gen gây chết, gen này sẽ giết cơ thể ngay khi còn nhỏ. Như vậy, những gen tốt đó sẽ bị loại bỏ cùng với các gen khác. Nhưng đó chỉ là một cơ thể và các bản sao của cùng gen tốt đó tiếp tục tồn tại trong các cơ thể khác không có gen gây chết. Nhiều bản sao gen tốt đã bị chôn vùi bởi vì chúng chẳng may ở trên cùng một cơ thể với gen xấu, và nhiều gen cũng biến mất vì các trường hợp không may khác, chẳng hạn như khi cơ thể bị sét đánh. Nhưng theo định nghĩa, sự may mắn và không may xảy ra theo ngẫu nhiên và một gen mà liên tục nằm về phía thua cuộc thì không phải là không may mắn; gen đấy là gen xấu. Một trong số phẩm chất của một tay chèo giỏi là tính đồng đội, khả năng phù hợp và hợp tác với những người còn lại trong đoàn. Phẩm chất này có lẽ cũng quan trọng như cơ bắp khỏe mạnh. Như chúng ta đã thấy trong trường hợp những con bướm, chọn lọc tự nhiên có thể “sửa đổi” một phức hợp gen một cách vô thức bằng phương pháp đột biến đảo đoạn và các phương pháp dịch chuyển nhiều đoạn nhiễm sắc thể khác. Nhờ vậy, các gen hợp tác tốt với nhau sẽ được đưa vào các nhóm liên kết chặt chẽ với nhau. Nhưng cũng vẫn có trường hợp mà các gen thực tế không liên kết thành nhóm với nhau vẫn có thể được lựa chọn cùng nhau vì tính tương hỗ song phương của chúng. Một gen hợp tác tốt với các gen khác sẽ có thuận lợi nhất định. Các gen khác ở đây có nghĩa là các gen có thể xuất hiện cùng nhau trong các cơ thể tiếp theo hoặc là các gen trong toàn bộ gen còn lại của vốn gen. Ví dụ, cơ thể của một loài ăn thịt hiệu quả cần phải có một số thuộc tính phù hợp. Một vài thuộc tính trong số đó là bộ răng sắc, kiểu ruột phù hợp với chuyên tiêu hóa thịt và nhiều đặc điểm khác. Mặt khác, một loài động vật ăn cỏ hiệu quả lại cần có răng bẹt để nghiền thức ăn, ruột dài hơn nhiều và có chứa các loại chất tiêu hóa khác nhau. Trong vốn gen của động vật ăn cỏ, bất cứ gen nào trao tặng cho cơ thể sở hữu nó bộ răng sắc đều sẽ không thể thành công. Không phải vì ăn thịt được xem là một ý tưởng tồi mà vì bạn không thể ăn thịt một cách hiệu quả trừ phi bạn có đúng kiểu ruột và tất cả các thuộc tính khác của việc ăn thịt để sống. Các gen quy định kiểu răng xé thịt và sắc không phải là các gen xấu về mặt di truyền. Chúng chỉ là gen xấu ở trong vốn gen bị thống trị bởi các gen quy định những tính trạng cho việc ăn thực vật.