🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Feynman: Chuyện Thật Như Đùa Ebooks Nhóm Zalo ebook©vctvegroup 05-06-2018 Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Mục lục Lời nói đầu Lời giới thiệu Các cột mốc quan trọng Phần 1 TỪ FAR ROCKAWAY ĐẾN MIT Cậu bé sửa radio bằng suy nghĩ Những trái đậu leo Ai lấy trộm cánh cửa? Tiếng La tinh hay tiếng Ý? Luôn tìm cách thoát Sếp nghiên cứu hóa học của công ty Metaplast Phần 2 NHỮNG NĂM Ở PRINCETON “Chắc là anh đang đùa, Feynman!” Emmmmmm! Bản đồ con mèo? Những bộ óc khủng Pha màu sơn Một hộp công cụ khác lạ Những người đọc ý nghĩ Nhà khoa học nghiệp dư Phần 3 FAYNMAN, BOM VÀ QUÂN ĐỘI Những kíp nổ bị xịt Thử tập đánh hơi Los Alamos nhìn từ bên dưới Kẻ cắp, bà già gặp nhau Chú Sam không cần bạn nữa! Phần 4 TỪ CORNELL ĐẾN CALTECH, TẠT THĂM BRAZIL Giáo sư đạo mạo Có câu hỏi nào không? Tôi muốn 1 đô la của mình! Anh hỏi thẳng họ à? Những con số may mắn Lại là tay người Mỹ! Mister ngoại ngữ Tất nhiên rồi ngài Big! Những lời mời phải từ chối Phần 5 THẾ GIỚI CỦA MỘT NHÀ VẬT LÝ Anh sẽ giải phương trình Dirac chứ? Lời giải 7 phần trăm Mười ba lần Nghe như tiếng Hy Lạp! Nhưng đó là hội họa sao? Điện có phải là lửa không? Thẩm định sách bằng bìa Một sai lầm khác của Alfred Nobel Mang văn hóa đến cho các nhà Vật lý Ngộ ra ở Paris Những trạng thái khác lạ Ngụy khoa học LỜI NÓI ĐẦU Những câu chuyện trong cuốn sách này đã được thu thập không chính thức và không có hệ thống trong suốt bảy năm chơi trống rất thú vị với Feynman. Tôi tìm thấy sự hài hước trong mỗi câu chuyện, và sự kinh ngạc trong toàn bộ sưu tập: Đôi khi khó tin là từng ấy trò điên điên tuyệt vời lại có thể xảy ra trong cuộc đời của một con người. Việc một người có thể sáng tác ra nhiều trò tinh nghịch vô hại như vậy trong cuộc đời chắc hẳn phải là một nguồn cảm hứng. • Ralph Leighton Nhân lần xuất bản bìa mềm của Norton Hơn mười năm kể từ khi Feynman: Chuyện thật như đùa ra mắt bạn đọc, sự hứng thú về Richard Feynman vẫn chưa bao giờ ngưng nghỉ. Điều đó nhắc tôi về cụm từ cửa miệng, mà ông nói với đôi mắt long lanh vào những năm cuối đời “Tôi không chết đâu!” • Ralph Leighton LỜI GIỚI THIỆU Tôi hy vọng rằng những câu chuyện này không phải là những tự truyện duy nhất của Feynman. Những hồi tưởng ở đây là một bức tranh xác thực về phần lớn tính cách của ông – nhu cầu gần như bắt buộc phải giải những câu đố, tinh nghịch mà thông minh, không khoan nhượng với sự gian dối cũng như thói đạo đức giả, và tài năng của ông trong việc giành lợi thế đối với bất kỳ ai đang muốn áp đảo mình! Cuốn sách này là một tác phẩm đọc tuyệt vời: Kỳ quặc, sốc, mà vẫn nồng nhiệt và rất nhân văn. Dù sao đi nữa, cuốn sách cũng mới chỉ khắc họa bên rìa yếu tố cốt lõi của cuộc đời Feynman – đó là khoa học. Chúng ta thấy nó ở chỗ này chỗ kia, như thể vật liệu nền trong một phác thảo nào đó, nhưng chưa bao giờ như tâm điểm của cuộc đời ông, điều mà các thế hệ sinh viên và đồng nghiệp của ông đều biết. Có thể là không có cách nào tạo dựng được một chuỗi như vậy những câu chuyện sống động về chính bản thân và công việc của Feynman: thách thức và thất vọng, sự phấn khích che ủ thông thái, niềm vui sâu sắc của hiểu biết khoa học là nguồn hạnh phúc vô tận của cuộc đời ông. Tôi còn nhớ khung cảnh mỗi khi đến dự một bài giảng của Feynman thời còn là sinh viên của ông. Feynman thường đứng ở phía bục giảng mỉm cười với mọi người khi chúng tôi bước vào, gõ nhẹ những ngón tay theo một nhịp điệu phức tạp lên bề mặt màu đen của cái bàn để dụng cụ minh họa ngang nơi ông đứng. Khi những người đến muộn đã ngồi vào chỗ, ông cầm viên phấn lên và bắt đầu quay nó rất nhanh qua các ngón tay theo cách mà những tay cờ bạc chuyên nghiệp quay cái thẻ bài poke, trong khi vẫn mỉm cười hạnh phúc cứ như trong một trò vui bí mật. Sau đó – vẫn mỉm cười – Feynman nói với chúng tôi về vật lý, về các giản đồ và những phương trình của mình để giúp chúng tôi có thể chia sẻ những hiểu biết của ông. Không phải câu chuyện vui bí ẩn, mà chính vật lý đã mang đến nụ cười và ánh lóng lánh trong mắt ông. Niềm vui vật lý. Niềm vui lan tỏa. Chúng tôi thật may mắn là những người được tiếp nhận sự lan tỏa ấy. Và bây giờ, đây là cơ hội để bạn khám phá những niềm vui cuộc sống theo phong cách Feynman. • Albert R. Hibbs Thành viên cao cấp của ban kỹ thuật Phòng thí nghiệm động cơ phản lực, Học viện Công nghệ California. CÁC CỘT MỐC QUAN TRỌNG Tôi sinh năm 1918 ở thị trấn nhỏ có tên là Far Rockaway, ngay ngoại ô New York, gần biển. Tôi sống ở đó đến năm 1935, khi mười bảy tuổi. Tôi đến MIT học trong bốn năm, sau đó đến Princeton vào khoảng năm 1939. Trong thời gian ở Princeton tôi bắt đầu tham gia Dự án Manhattan, rồi cuối cùng thì chuyển đến Los Alamos vào tháng 4 năm 1943, ở đó cho đến tháng 10 hay tháng 11 năm 1946, trước khi dời về Cornell. Tôi kết hôn với Arlene năm 1941. Cô ấy qua đời năm 1946 vì bệnh lao trong lúc tôi đang ở Los Alamos. Tôi ở Cornell cho đến khoảng năm 1951. Mùa hè năm 1949 tôi thăm Brazil, năm 1951 quay lại và ở đó nửa năm, rồi chuyển về Caltech và ở hẳn đây suốt từ ngày ấy. Cuối năm 1951 tôi thăm Nhật Bản trong vài tuần, và còn quay lại lần nữa một hoặc hai năm sau đó, ngay khi vừa cưới người vợ thứ hai, Mary Lou. Vợ tôi hiện nay là Gweneth. Cô ấy là người Anh. Chúng tôi có hai con, Carl và Michelle. • R.P.F PHẦN 1 TỪ FAR ROCKAWAY ĐẾN MIT Cậu bé sửa radio bằng suy nghĩ Khi khoảng mười một hoặc mười hai tuổi, tôi lắp đặt một phòng thí nghiệm ngay trong nhà mình. Phòng thí nghiệm gồm một cái hộp chứa đồ bằng gỗ cũ kỹ, trong đó tôi đặt mấy cái giá. Tôi có một cái bếp và thường hay bỏ bơ vào để làm món khoai tây chiên kiểu Pháp. Tôi cũng có một cái bình lưu điện và một dàn đèn. Để kết nối các bóng đèn với nhau, tôi chạy ra cửa hàng năm và-mười-xu[1] mua những cái bảng điện có thể vít vào đế gỗ. Tôi nối các bóng đèn với nhau bằng những đoạn còn lại của một dây chuông. Bằng kết hợp các công tắc theo cách khác nhau – nối tiếp hay song song – tôi biết là có thể nhận được các điện áp khác nhau. Nhưng điều tôi không nhận ra là điện trở của bóng đèn phụ thuộc vào nhiệt độ của nó. Thế nên, các kết quả tính toán của tôi không trùng với những gì xảy ra trong mạch điện. Nhưng không sao, và khi các bóng đèn được mắc nối tiếp, tất cả sáng mờ mờ, chúng đều đỏ rực lên, tuyệt đẹp – thật tuyệt vời! Tôi mắc vào hệ mạch một cái cầu chì phòng khi bị đoản mạch thì cầu chì sẽ cháy. Nhưng tôi cần một cầu chì yếu hơn cái vẫn dùng cho cả ngôi nhà. Vì thế, tôi làm những cái cầu chì của mình bằng cách lấy những sợi kẽm cuốn quanh cái cầu chì cũ đã cháy. Tôi nối một bóng đèn 5 watt qua cầu chì nên khi cầu chì cháy thì điện năng từ bộ nạp điện thường trực cho bình lưu điện sẽ làm bóng đèn sáng lên. Bóng đèn này được mắc ở bảng điện đặt phía sau tờ giấy gói kẹo màu nâu (tờ giấy này sẽ đỏ lên khi có ánh sáng phía sau) – cho nên nếu có cái gì đó bị hỏng thì nhìn vào bảng điện tôi sẽ thấy ở đó có một đốm sáng lớn màu đỏ, nơi chiếc cầu chì bị cháy. Trò này rất vui! Tôi rất thích mấy cái radio. Cái đầu tiên, mà tôi có, cũ lắm rồi thuộc thời mới có radio. Tôi mua nó ở cửa hàng và thường dùng với cặp tai nghe khi nằm trên giường buổi đêm lúc sắp ngủ. Khi đi chơi khuya về, bố mẹ tôi thường vào phòng gỡ cặp tai nghe ra - và lo lắng về cái gì đó sẽ chui vào đầu tôi trong khi ngủ. Cũng khoảng thời gian đó, tôi sáng chế ra một cái chuông chống trộm. Nó rất đơn giản, chỉ gồm cục pin lớn và cái chuông được nối bằng mấy đoạn dây dẫn. Khi cánh cửa phòng tôi mở ra, nó sẽ đẩy đầu dây dẫn chạm vào pin, đóng kín mạch điện, và cái chuông reo. Một buổi tối, đi chơi khuya về, bố mẹ tôi rất nhẹ nhàng mở cửa vào phòng để tháo cái tai nghe cho tôi, rất nhẹ nhàng để không đánh thức con trai. Bất thình lình, cái chuông khác thường ấy phát ra những tiếng ồn khủng khiếp – Bong Bong Bong Bong Bong!!! Tôi nhảy bật ra khỏi giường và hét lên: “Nó kêu rồi! Nó kêu rồi!.” Tôi có một cuộn dây Ford, vốn là cuộn dây ở bộ phận đánh lửa trong ô tô. Tôi dùng nó để làm những cái chốt đánh tia lửa ở phía trên của bảng điều khiển. Tôi đặt một cái ống Raytheon RH chứa khí Argon nối giữa những cái chốt đánh lửa đó. Tia lửa điện làm cái ống sáng lên màu hồng – điều đó thật tuyệt vời! Một hôm, tôi tiếp tục làm trò với cuộn dây Ford, đục những cái lỗ trên một tờ giấy bằng tia lửa điện, và tờ giấy bị bén lửa. Chẳng mấy chốc, tôi không thể nào giữ được tờ giấy nữa vì lửa đã bén đến gần các ngón tay, nên đành thả nó vào cái thùng rác bằng kim loại có chứa rất nhiều giấy báo. Bạn biết đấy, giấy báo bén rất nhanh, nên ngọn lửa trông rất dữ ngay trong phòng. Khi đó mẹ tôi đang chơi bài với mấy người bạn ở phòng khách. Để mẹ không biết là đang có đám cháy trong phòng, tôi đóng cửa lại, rồi vớ đại một quyển tạp chí ở bên cạnh đậy lên thùng rác đặng dập bớt ngọn lửa. Khi lửa đã tắt, tôi lấy quyển tạp chí ra, nhưng bây giờ toàn bộ căn phòng bắt đầu ngập chìm trong khói. Cái thùng rác thì vẫn còn quá nóng để xử lý nên tôi dùng một cái kìm mang nó sang phía bên kia của căn phòng và giữ nó ở bên ngoài cửa sổ cho khói bay đi. Nhưng bên ngoài có gió nhẹ nên ngọn lửa bùng phát trở lại, mà lúc ấy thì cuốn tạp chí đã ở ngoài tầm với. Bởi vậy, tôi buộc phải rút cái thùng rác đang cháy vào bên trong cửa sổ để lấy quyển tạp chí, và tôi đã kịp nhận ra là cửa sổ có rèm vải - thật quá nguy hiểm! Cuối cùng, tôi cũng lấy được cuốn tạp chí và dập tắt ngọn lửa một lần nữa. Tôi giữ lại cuốn tạp chí và đổ cả thùng than đang còn cháy đỏ xuống phố, hai hay ba tầng phía dưới. Sau đó tôi ra khỏi phòng, đóng cửa lại, và nói với mẹ: “Con đi ra ngoài chơi đây.” Khói ở trong phòng từ từ thoát ra ngoài qua mấy ô cửa sổ. Tôi cũng làm mấy thứ với các động cơ điện, và đã tạo một bộ khuếch đại cho một tế bào quang điện mà tôi mua về để nó có thể làm rung một cái chuông khi tôi để tay phía trước. Tôi không được chế tạo nhiều như tôi muốn vì luôn bị mẹ lôi ra khỏi nhà để dạo chơi ở bên ngoài. Dù sao, tôi vẫn thường ở nhà hí hoáy với cái phòng thí nghiệm của mình. Tôi mua mấy cái radio ở những buổi bán đồ lặt vặt gây quỹ. Tôi không có nhiều tiền, tuy nhiên chúng không đắt lắm vì đều là đồ cũ và đã bị hỏng. Tôi mua chúng và thử sửa lại xem sao. Thông thường thì chúng bị hỏng những thứ rất đơn giản, chẳng hạn như dây nối bị lỏng, một cuộn dây bị đứt, hay bị hở ra một phần, nên tôi có thể làm cho một số tiếp tục dùng được. Và một đêm, bằng một trong các radio này tôi đã bắt được đài WACO ở Waco, Texas – một sự phấn khích ghê gớm! Với chính cái radio đèn ấy, để ở trên phòng thí nghiệm, tôi có thể nghe được một đài ở Schenectady[2]có tên là WGN. Thời gian ấy, lũ trẻ chúng tôi – hai đứa em họ, em gái tôi, và mấy đứa hàng xóm – thường ngồi ở dưới nhà nghe một chương trình có tên là Câu lạc bộ Tội phạm Eno – do nhãn hàng Eno Effervescent tài trợ - một chương trình rất đáng nghe! Thế mà, tôi phát hiện ra mình có thể nghe được chương trình đó qua đài WGN ở trên phòng thí nghiệm một giờ trước khi nó được phát sóng ở New York! Vì vậy, tôi biết trước những gì sẽ xảy ra, nên sau đó, khi tất cả chúng tôi ngồi quanh cái radio ở dưới nhà để nghe chương trình Câu lạc bộ Tội phạm Eno, tôi nói: “Các cậu thấy đấy, đã lâu chúng mình không nghe nói gì về nhân vật này hay nhân vật nọ. Tớ cá là anh ấy sẽ đến và giải quyết tình huống này.” Hai giây sau, im nào, anh ta xuất hiện! Và, tất cả bọn trẻ đều rất thích thú về điều này. Tôi đã tiên đoán vài điều khác nữa. Nhưng rồi bọn chúng nhận ra là nhất định tôi có mánh khóe nào đó. Vì thế, tôi thừa nhận là mình đã nghe chương trình đó một tiếng đồng hồ trước ở tầng trên. Bạn biết hậu quả sẽ là gì rồi. Bây giờ bọn chúng không chờ buổi phát sóng bình thường nữa. Tất cả lên ngồi trên phòng thí nghiệm của tôi trong nửa tiếng đồng hồ, với cái đài nhỏ ọ ẹ để nghe chương trình Câu lạc bộ Tội phạm Eno phát đi từ Schenectady. Thời gian đó chúng tôi sống trong một ngôi nhà lớn do ông bà tôi để lại cho các con. Ông bà không có nhiều tiền bạc ngoài ngôi nhà này. Đó là một ngôi nhà gỗ rất lớn. Tôi kéo dây điện xung quanh bên ngoài nhà, lắp ổ cắm ở tất cả các phòng để có thể nghe được mấy cái radio của tôi ở tận phòng thí nghiệm trên tầng. Tôi cũng có một cái loa, nhưng không phải là cái loa hoàn chỉnh vì thiếu mất cái vành to bên ngoài. Một hôm, trong khi đang đeo tai nghe, tôi nối chúng với cái loa và đã khám phá ra điều gì đó: khi gõ ngón tay lên cái loa tôi có thể nghe thấy tiếng gõ ở tai nghe; khi gại gại vào cái loa tôi cũng nghe được âm thanh đó ở tai nghe. Vậy là tôi đã khám phá ra rằng cái loa có thể hoạt động như một cái micrô mà thậm chí không cần một nguồn điện nào. Ở trường chúng tôi đang học về Alexander Graham Bell[3] nên tôi đã làm một minh họa về cái loa và tai nghe. Lúc đó thì tôi không biết chắc, nhưng tôi nghĩ nó là cái kiểu điện thoại đầu tiên mà ông ấy đã dùng. Thế là tôi đã có một cái micrô và tôi có thể truyền tin từ tầng trên xuống tầng dưới và ngược lại, sử dụng bộ khuếch đại của mấy cái radio mua ở hiệu đồ cũ. Joan, đứa em gái ít hơn tôi chín tuổi, lúc ấy chắc chỉ mới lên hai hay ba, rất thích nghe một phát thanh viên có tên gọi Bác Don. Ông ấy thường hát những bài hát ngắn kiểu như về “Những đứa trẻ ngoan ngoãn”, và đọc những bưu thiếp của các phụ huynh, chẳng hạn như “Mary nào đó sẽ có sinh nhật vào thứ bảy này ở số 25 đại lộ Flatbush”. Một hôm, tôi và người anh em họ Frances để Joan ngồi ở tầng dưới và bảo rằng có một chương trình đặc biệt mà em nên nghe. Sau đó, bọn tôi chạy lên trên và bắt đầu phát thanh: “Đây là Bác Don. Chúng tôi biết một bé gái nhỏ xinh xắn tên là Joan, nhà ở New Broadway; sắp đến sinh nhật của bé – không phải hôm nay, mà là ngày ấy ngày ấy. Bé thật đáng yêu.” Chúng tôi hát một bài hát ngắn và tạo ra điệu nhạc “Deedle leet deet, doodle doodle loot doot; deedle deedle leet, doodle loot doot doo”. Chúng tôi hoàn tất mọi việc, rồi xuống dưới nhà: “Chương trình thế nào? Em có thích không?” “Hay lắm,” em đáp: “Nhưng sao các anh lại đánh nhạc bằng mồm?” Một hôm, tôi nhận được một cuộc điện thoại: “Thưa, cậu có phải là Richard Feynman?” “Vâng ạ.” “Tôi gọi từ một khách sạn. Chúng tôi có cái radio bị hỏng cần sửa và nghĩ là cậu có thể giúp được.” “Nhưng cháu chỉ là một đứa trẻ,” tôi nói. “Cháu không biết làm thế nào…” “À, chúng tôi biết, dù vậy chúng tôi vẫn muốn cháu đến xem thử.” Đó là khách sạn mà dì của tôi đang điều hành, nhưng tôi đã không biết điều đó. Tôi đi đến khách sạn với một cái tuốc-nơ-vít to đùng ở túi quần sau – người ta vẫn còn kể lại chuyện đó. Vậy đấy, tôi còn nhỏ nên bất kỳ cái tuốc-nơ-vít nào nhét vào túi quần sau trông cũng rất to. Tôi đến chỗ cái radio và cố gắng sửa trong tình trạng chẳng biết gì về nó cả. May là còn có một người thợ sửa chữa vặt ở khách sạn, và một trong hai chúng tôi đã phát hiện ra cái núm vặn ở biến trở – để điều chỉnh âm thanh – bị lỏng, nên không thể làm quay cái trục. Anh ấy đi ra, gọt giũa cái gì đó rồi vặn chặt núm vặn, thế là cái radio lại làm việc. Cái radio tiếp theo, mà tôi thử sửa, thì hoàn toàn không làm việc nữa. Nhưng, hóa ra quá dễ: phích điện cắm sai. Khi công việc sửa chữa trở nên ngày càng phức tạp thì tôi cũng ngày càng khá hơn và thành thục hơn. Tôi mua một cái mili ampe kế ở New York và chuyển nó thành cái vôn kế với nhiều thang đo khác nhau bằng cách dùng những sợi dây đồng nhỏ với độ dài thích hợp (mà tôi đã tính toán). Nó không chính xác lắm, nhưng cũng đủ tốt để giúp tôi biết liệu hiệu điện thế giữa các điểm nối trong những cái radio đó có ở trong khoảng chấp nhận được không. Cuộc Đại suy thoái là lý do chính để mọi người thuê tôi sửa radio. Họ không có tiền để sửa những cái radio của mình và nghe nói cậu bé này sẽ làm với tiền công ít hơn. Vì vậy, tôi đã leo lên mái nhà để sửa những cái ăng ten, và mọi loại công việc. Tôi nhận được nhiều bài học, mỗi ngày một khó hơn. Cuối cùng, tôi nhận được một việc kiểu như chuyển cái radio dùng điện một chiều sang dùng điện xoay chiều. Thật khó loại bỏ tiếng kêu vo vo trong đoạn mạch, mà tôi đã thiết kế không được chuẩn lắm. Lẽ ra tôi không nên nhận công việc quá sức đó, nhưng tôi đã không biết trước. Có một việc thật sự thú vị. Thời gian đó tôi đang làm việc cho một cơ sở in ấn. Một người đàn ông biết cơ sở đó và biết là tôi đang muốn tìm kiếm công việc sửa chữa radio, nên ông ấy đã phái một anh chàng đến đón tôi. Rõ ràng là anh chàng này rất nghèo – xe của anh ta quá cũ nát – và chúng tôi đi đến nhà anh ấy ở một khu nghèo của thị trấn. Trên đường đi tôi hỏi: “Cái radio bị làm sao?” Anh ta bảo: “Khi tớ bật lên nó bị nhiễu, ồn lắm, một lát sau thì hết tiếng ồn và mọi thứ đều ổn, nhưng tớ không thích tiếng ồn lúc bật máy.” Tôi nghĩ thầm: “Không sao! Nếu anh ta chẳng có đồng xu nào thì cũng nên chịu chút tiếng ồn trong chốc lát chứ.” Trên đường về nhà, anh ấy luôn hỏi những thứ đại loại như: “Cậu có biết gì về radio không? Làm thế nào mà cậu biết – cậu chỉ là một nhóc con!” Anh ấy đánh giá thấp tôi quá thể, và tôi nghĩ; “Ừ mà, anh ta làm sao thế nhỉ? Hơi bị ồn.” Khi đến nơi, tôi đi lại chỗ cái radio và bật nó lên. Hơi ồn à? Lạy chúa! Không có gì đáng ngạc nhiên việc anh bạn tội nghiệp không thể chịu đựng được cái radio đồ cổ này. Nó bắt đầu gầm rú và lắc lư – Wuh buh buh buh buh – ầm hết cỡ. Sau đó nó yên lặng trở lại và làm việc rất ổn. Thế là tôi bắt đầu nghĩ: “Vì sao lại có thể như thế nhỉ?” Tôi đi đi lại lại, suy nghĩ, và nhận ra rằng một nguyên nhân có thể của hiện tượng này là các đèn điện tử được làm nóng lên không theo đúng thứ tự – nghĩa là bộ phận khuếch đại đã đủ nóng, các đèn điện tử đã sẵn sàng hoạt động nhưng lại không có nguồn nuôi nó, hoặc là mạch nuôi không chuẩn, hoặc có cái gì đó không ổn ở phần đầu – phần RF (radio frequency - tần số radio) – và do đó nó gây ra quá nhiều tiếng ồn. Và rồi cuối cùng khi mạch RF hoạt động, thì các điện áp lưới được điều chỉnh và mọi thứ trở lại bình thường. Thấy thế, anh ấy nói: “Cậu đang làm gì vậy? Cậu đến đây để sửa cái radio, thế mà cậu chỉ đi tới đi lui thôi!” Tôi đáp: “Tôi đang nghĩ!” Rồi tự nhủ: “Tốt thôi, rút các đèn địện tử ra và đảo lại thứ tự của chúng trong máy.” (nhiều radio thời đó dùng cùng loại đèn điện tử ở những vị trí khác nhau – 212, tôi nghĩ là loại đó, hoặc loại 212-A). Thế là, tôi thay đổi vòng quanh các đèn điện tử, bước về phía trước cái radio, bật nó lên, và nó im lặng như một con cừu: nó chờ cho đến khi được làm nóng lên và rồi hoạt động một cách hoàn hảo – không một tiếng ồn. Khi ai đó đánh giá thấp bạn, mà rồi bạn làm được một việc giống việc tôi sửa cái radio, thì như để bù đắp lại, thái độ của người ấy thường sẽ thay đổi một trăm phần trăm. Anh ta kiếm cho tôi nhiều việc khác và luôn kể với mọi người rằng tôi tài ba lỗi lạc như thế nào, đại loại như: “Cậu ta sửa radio bằng suy nghĩ đấy!” Toàn bộ cái ý tưởng về việc suy nghĩ để sửa một cái radio – một thằng nhỏ dừng lại và suy nghĩ, rồi tìm ra cách sửa nó như thế nào – anh ta không bao giờ nghĩ rằng điều đó là có thể. Các mạch điện ở radio ngày ấy dễ hiểu hơn rất nhiều vì tất cả đều lộ ra ngoài. Sau khi tháo vỏ máy (việc tìm đúng tuốc-nơ-vít là một vấn đề lớn), bạn sẽ thấy đây là cái điện trở, kia là cái tụ điện, chỗ này là cái này, chỗ kia là cái khác; tất cả đều có nhãn mác. Nếu sáp bị chảy ra từ cái tụ điện thì nghĩa là nó quá nóng và bạn có thể nói rằng tụ điện đã bị cháy. Nếu thấy sạm đen ở một trong những cái điện trở thì bạn cũng biết rắc rối xảy ra ở đâu. Hoặc, nếu bạn không thể phát hiện vấn đề bằng quan sát, thì có thể kiểm tra bằng vôn kế để xem liệu mạch điện có thông suốt không. Thiết bị đơn giản, mạch điện cũng không phức tạp. Điện áp trên các lưới (điện trở) luôn là một vôn rưỡi hoặc hai vôn, còn điện áp trên các bản (tụ điện) là một hoặc hai trăm vôn. Vì vậy, với tôi, không quá khó để sửa một cái radio bằng cách hiểu những gì đang xảy ra bên trong, nhận ra bộ phận nào đó có vấn đề, và sửa nó. Đôi khi cũng mất khá nhiều thời gian. Tôi còn nhớ một trường hợp đặc biệt khi tôi đã tiêu mất cả một buổi chiều để tìm một cái điện trở bị cháy. Đó là trường hợp xảy đến với một người bạn của mẹ tôi, vì vậy tôi đã có một ca mà chẳng có ai đứng sau lưng hỏi: “Cậu đang làm gì thế?.” Thay vì, câu hỏi lần này là: “Cháu có muốn một chút sữa hay ít bánh không?” Cuối cùng tôi đã sửa được nó bởi vì tôi có, và đến bây giờ vẫn có, sự kiên trì. Một khi tôi đã chấp nhận một thách đố thì tôi không thể bỏ cuộc. Nếu như người bạn của mẹ tôi nói: “Đừng bận tâm nữa, mất nhiều công sức quá,” thì chắc là tôi sẽ phát khùng bởi vì tôi muốn khuất phục thứ chết tiệt ấy, khi mà công việc đã đi xa đến mức này. Tôi không thể từ bỏ công việc sau khi đã biết được nhiều điều về nó. Tôi phải tiếp tục đến cùng để tìm cho ra bản chất của vấn đề. Đó là sự ham muốn thách đố. Nó lý giải việc tôi thích giải mã chữ tượng hình của người Maya, hay bẻ các khóa mật mã. Tôi nhớ thời trung học phổ thông, vào thời kì đầu, một anh chàng mang đến cho tôi một câu đố hình học, hoặc bài gì đó được giao ở lớp toán nâng cao của anh ta. Tôi làm một mạch cho đến khi giải xong câu đố hóc búa đó – nó làm tôi mất khoảng mười lăm hoặc hai mươi phút. Rồi trong ngày hôm ấy, các anh chàng khác lại đưa cho tôi cũng bài toán đó, và tôi đã giải cho họ trong nháy mắt. Thế là, với một người thì tôi phải làm mất hai mươi phút, trong khi có tới những năm người khác nghĩ rằng tôi là một siêu thiên tài. Nhờ vậy, tôi trở nên rất nổi tiếng. Ở trung học phổ thông, mọi câu đố mà một ai đó biết, chắc chắn đều đến tai tôi. Tôi biết tất cả các câu đố điên rồ quỷ quái nhất mà mọi người nghĩ ra. Vì thế, khi tôi ở MIT, trong một buổi khiêu vũ, một sinh viên năm cuối có cô bạn gái biết rất nhiều câu đố đã nói với cô ấy rằng tôi là một tay có hạng trong trò chơi này. Vì thế, trong buổi nhảy cô ấy đến chỗ tôi và nói: “Bọn họ nói rằng bạn là một chàng trai thông minh, vậy thì đây là một câu đố dành cho bạn: Một người đàn ông phải chẻ tám cord[4]củi…” Và tôi trả lời ngay tức thì: “Anh ta bắt đầu, cứ cách một cord, chẻ làm ba phần,” bởi vì tôi đã nghe câu đố đó rồi. Thế là cô ấy bỏ đi và sau đó trở lại với một câu đố khác, nhưng cả câu này tôi cũng đã biết. Việc ấy cứ tiếp diễn, và cuối cùng, khi buổi khiêu vũ sắp kết thúc, cô ấy lại đến với dáng vẻ như thể là lần này chắc chắn sẽ hạ gục tôi, và nói: “Một bà mẹ cùng cô con gái đi sang châu Âu…” “Cô con gái mắc bệnh dịch hạch.” Cô ấy sụp đổ hoàn toàn! Rất khó có đủ manh mối để trả lời cho câu đố này: Đó là một câu chuyện dài về bà mẹ và cô con gái dừng chân nghỉ ở một khách sạn trong hai phòng khác nhau, và ngày hôm sau bà mẹ sang phòng con gái, nhưng ở đó chẳng có ai cả, hoặc là cũng có một người nào đó, và bà hỏi: “Con gái tôi đâu?,” còn nhân viên khách sạn hỏi lại: “Con gái nào cơ?” bởi vì trong sổ đăng ký chỉ có tên bà mẹ, vân vân và vân vân, và có một bí hiểm lớn về điều gì đã xảy ra. Câu trả lời là, cô con gái bị bệnh dịch hạch, và khách sạn, vì không muốn phải đóng cửa, đã bí mật mang cô gái đi, lau dọn căn phòng, và xóa mọi chứng cứ về việc cô con gái đã từng ở đó. Đấy là một câu chuyện dài, nhưng tôi đã được nghe, nên khi cô ta vừa bắt đầu với “Một bà mẹ và con gái đi sang châu Âu”, thì vì tôi đã biết một chuyện được bắt đầu theo cách ấy rồi, thế là tôi đoán ngay, và trúng phóc luôn. Chúng tôi từng có một đội tuyển đại số ở trung học phổ thông gồm năm học sinh, và đội chúng tôi đến các trường khác để thi đấu. Chúng tôi ngồi ở một hàng ghế còn đội kia ngồi ở một hàng khác. Một giáo viên điều hành cuộc thi lấy ra một phong bì trên đó ghi hàng chữ “45 giây”. Bà ấy mở nó ra, viết đề bài lên bảng, rồi nói: “Bắt đầu!” – như vậy bạn thực sự có nhiều hơn 45 giây bởi vì khi cô giáo đang viết thì bạn đã có thể nghĩ rồi. Trò chơi bây giờ là như thế này: Bạn có một mẩu giấy và bạn có thể viết lên đó bất kỳ điều gì, bạn có thể làm bất kỳ điều gì. Cái duy nhất được xem xét là đáp số. Nếu đáp số là “Sáu cuốn sách”, bạn sẽ phải viết “6” và khoanh một vòng tròn lớn quanh nó. Nếu cái ở trong vòng tròn đúng thì bạn thắng, sai thì bạn thua. Có một điều chắc chắn: Thực tế là không thể giải bài toán theo cách đơn giản truyền thống, kiểu như đặt “A là số cuốn sách màu đỏ, B là số cuốn sách màu xanh”, nghiền, nghiền, nghiền, cho đến khi nhận được “Sáu cuốn sách”. Cách làm đó chắc sẽ ngốn của bạn năm mươi giây, bởi vì những người đặt thời gian cho các bài toán này đã giải chúng với thời gian ngắn hơn một chút. Vì thế bạn phải nghĩ: “Có cách nào để nhìn ra kết quả không?” Đôi khi bạn có thể nhìn ra nó trong chớp mắt, nhưng đôi khi bạn cũng phải nghĩ ra một cách khác để giải rồi làm các tính toán đại số nhanh nhất có thể. Đó là cách luyện tập tuyệt vời, tôi chơi ngày càng giỏi, và cuối cùng đã trở thành đội trưởng. Nhờ việc này tôi học được cách tính toán rất nhanh, và điều đó rất có ích ở trường đại học. Khi chúng tôi có một bài tập về giải tích, tôi lập tức nhìn ra cách giải và làm các phép tính - cực nhanh. Thời trung học phổ thông tôi còn làm một việc khác, đó là nghĩ ra các bài toán và định lý. Ý tôi là mỗi khi học toán tôi thường tìm một ví dụ thích hợp nào đó để áp dụng những kiến thức học được. Tôi nghĩ ra một số bài toán về tam giác vuông. Nhưng thay vì cho độ dài của hai cạnh và tìm cạnh thứ ba, tôi cho hiệu độ dài hai cạnh. Một ví dụ điển hình: Có một cột cờ và một sợi dây buông xuống từ đỉnh cột. Khi bạn giữ sợi dây thẳng đứng thì nó dài hơn cột ba feet[5] (0,9m), khi bạn kéo dây ra ngoài căng hết cỡ thì đầu dây chạm đất tại điểm cách chân cột năm feet (1,5m). Hỏi, chiều cao của cái cột là bao nhiêu? Tôi đã đưa ra một số phương trình để giải những bài toán loại như vậy, và kết quả là tôi nhận được một mối liên hệ nào đó – có lẽ là sin2 + cos2 = 1 – làm tôi nhớ đến môn lượng giác. Trước đó vài năm, có lẽ năm mười một hoặc mười hai tuổi, tôi đã đọc một cuốn sách về lượng giác mượn ở thư viện, cuốn này bây giờ không thấy nữa. Tôi chỉ nhớ là môn lượng giác nói đến các hệ thức giữa sin và cos. Thế là, tôi bắt đầu tìm kiếm tất cả các hệ thức bằng cách vẽ các tam giác và tự mình chứng minh từng hệ thức một. Tôi cũng tính sin, cos, và tang của các góc là bội của 5 độ, bắt đầu bằng sin của góc 5 độ đã biết trước, sử dụng các công thức cộng và chia đôi góc mà mình tìm ra. Vài năm sau, khi học môn lượng giác ở trường, tôi vẫn còn giữ các ghi chép của mình, và tôi thấy chứng minh của tôi thường khác với chứng minh trong sách. Đôi khi, với những hệ thức mà không biết cách đơn giản để chứng minh, tôi phải qua tất cả các bước cho đến khi hoàn tất được nó. Với các hệ thức khác, cách của tôi là thông minh nhất – chứng minh chính thống trong sách phức tạp hơn rất nhiều. Thành thử, đôi khi tôi đánh bại họ, nhưng một số trường hợp khác thì ngược lại. Khi làm việc với món lượng giác này, tôi không thích những ký hiệu sin, cos, tang, vân vân. Với tôi thì “Sin f” nhìn giống như là s nhân i nhân n nhân f! Vì thế tôi nghĩ ra một ký hiệu khác, giống như dấu căn bậc hai, nó là một chữ sigma với cánh tay kéo dài ra và để f ở dưới đó. Với tang thì đó là một chữ tau với nét ngang trên đỉnh kéo dài ra, còn với cos thì tôi tạo ra một ký hiệu kiểu như chữ gamma[6] nhưng nó nhìn cũng hơi giống dấu căn bậc hai. Với hàm ngược của sin thì cũng là chữ sigma, nhưng lật ngược từ phải sang trái, thành ra nó bắt đầu bằng một đường nằm ngang với giá trị nằm ở dưới, và tiếp theo là sigma. Đó là hàm ngược của sin, chứ Không phải sin-1f – ký hiệu này thật điên rồ! Họ viết như thế trong sách! Với tôi thì sin-1 nghĩa là nghịch đảo, 1/sin. Vì thế, những ký hiệu của tôi thuận hơn. Tôi không thích ký hiệu f(x) – với tôi nó nhìn giống như là f nhân x. Tôi cũng không thích dy/dx – bạn có xu hướng triệt tiêu hai chữ d – vì vậy tôi tạo ra một dấu khác, nó hơi giống dấu &. Với lôgarít thì đó là một chữ L lớn kéo dài sang phía phải, bên trong là cái mà bạn lấy lôgarít, và vân vân. Tôi nghĩ những ký hiệu của mình cũng đủ tốt, nếu không muốn nói là tốt hơn những ký hiệu thông thường. Nó chẳng gây ra sự khác biệt nào với ký hiệu mà bạn sử dụng. Nhưng sau này tôi phát hiện ra là nó có gây ra sự khác biệt. Một lần, khi giải thích điều gì đó cho một cậu bạn ở trung học phổ thông, tôi không để ý và bắt đầu dùng những ký hiệu của mình. Cậu ta thốt lên: “Đây là những cái quái gì vậy?” Và, tôi nhận ra là nếu muốn nói với một người nào khác thì phải dùng những ký hiệu chuẩn. Vì vậy, cuối cùng tôi cũng từ bỏ những ký hiệu của riêng mình. Tôi cũng nghĩ ra một tập các ký hiệu cho máy chữ, giống như người ta làm trong FORTRAN, nhờ thế có thể đánh máy được cả các phương trình. Tôi cũng sửa những máy chữ có những cái kẹp giấy và dây băng cao su (những băng cao su ấy không bị đứt hỏng như những cái đang có ở đây, Los Angeles), cho dù không phải là một thợ sửa chữa chuyên nghiệp; Tôi chỉ sửa để chúng làm vệc lại được. Nhưng toàn bộ việc khám phá ra chỗ hỏng hóc, và tìm ra những gì bạn phải làm để sửa nó - thật là thú vị đối với tôi, giống như một thách đố. Những trái đậu leo Mùa hè ấy, khi làm thêm ở một khách sạn do bà dì của tôi quản lí, chắc hẳn tôi phải ở tuổi mười bảy hay mười tám. Không biết số tiền kiếm được là bao nhiêu, tôi nghĩ, khoảng hai mươi hai đô la một tháng. Tôi làm xen kẽ mười một tiếng một ngày (khi trực lễ tân) và mười ba tiếng ở ngày tiếp theo, hoặc trực lễ tân hoặc dọn bàn ở nhà hàng. Trong các buổi chiều trực lễ tân, bạn phải mang sữa lên cho bà D. – một người tàn tật, và bà không bao giờ cho chúng tôi tiền boa. Thế giới này là như vậy: bạn làm việc nhiều giờ hàng ngày, nhưng chẳng nhận được gì cả. Đó là một khách sạn nghỉ dưỡng bên bờ biển ngoại ô thành phố New York. Những ông chồng thường đi làm trong thành phố và để các bà vợ ở nhà đánh bài, vì thế, bạn luôn phải mang bàn chơi bài brit ra. Rồi ban đêm, các ông chồng lại chơi pô-ke và bạn cũng phải chuẩn bị sẵn bàn cho họ, lau dọn gạt tàn thuốc lá, và vân vân. Tôi luôn ở đó cho đến khuya muộn, khoảng hai giờ sáng, nghĩa là thực sự tôi làm việc mười ba hay mười một giờ một ngày. Có những việc tôi không thích, chẳng hạn như tiền boa. Tôi nghĩ là chúng tôi nên được trả lương cao hơn và không cần phải nhận boa nữa. Nhưng khi tôi đề xuất điều này với bà chủ thì chẳng nhận gì ngoài tiếng cười nhạo. Bà ta nói với mọi người: “Richard không muốn nhận tiền boa, hee, hee, hee; nó không muốn nhận boa, ha, ha, ha.” Thế giới này đầy rẫy kẻ ngạo mạn ngu dốt mà chẳng hiểu biết gì kiểu như vậy. Có một dạo, một nhóm đàn ông đi làm từ trong thành phố về, muốn có đá ngay lâp tức để cho vào đồ uống của họ. Lần ấy anh chàng làm cùng tôi đang trực ở quầy lễ tân. Anh ta nhiều tuổi hơn tôi và lành nghề hơn nhiều. Đã có lần anh ta bảo tôi: “Nghe này, chúng ta luôn mang đá đến cho tay Ungar ấy, thế mà hắn chẳng bao giờ cho tiền boa – thậm chí một xu cũng không. Lần sau nếu bọn họ gọi đá thì cứ coi như không nghe thấy. Rồi bọn họ sẽ gọi lại, và khi bọn họ gọi thêm lần nữa thì cậu hãy nói, ‘Ồ, xin lỗi. Tôi quên mất. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng bị người ta lãng quên đấy’.” Tôi làm đúng như vậy và Ungar boa cho tôi mười lăm xu! Nhưng bây giờ, nghĩ lại chuyện đó tôi nhận ra là anh chàng phục vụ lễ tân lành nghề kia thực sự biết những gì cần làm: xui người khác lĩnh trọn nguy cơ của những rắc rối có thể xảy ra. Anh ta đẩy tôi vào công việc dạy tay đàn ông kia phải biết đưa tiền boa. Anh ta chẳng bao giờ nói gì; anh ta đẩy tôi làm việc đó! Tôi từng thu dọn bàn trong phòng ăn. Bạn phải gom tất cả những thứ còn lại trên bàn vào một cái khay ở bên cạnh, và khi khay đầy thì mang nó vào trong bếp. Rồi bạn phải lấy cái khay khác, đúng không? Bạn cần làm theo hai bước – mang cái khay cũ đi và đặt cái mới vào – nhưng tôi nghĩ: “Mình sẽ làm việc này trong một bước”. Thế là tôi thử lùa cái khay mới vào phía dưới và đồng thời kéo cái khay cũ ra, và nó trượt đi – BANG! Tất cả mọi thứ đổ xuống sàn nhà. Và tất nhiên câu hỏi khi đó là: “Cậu làm cái gì vậy? Tại sao lại bị đổ?” hừ, làm sao tôi có thể giải thích rằng mình đang thử sáng tạo ra cách mới để thay những cái khay? Trong số các món tráng miệng có loại bánh cà phê dưới có giấy lót và để lên một cái đĩa nhỏ trông rất đẹp mắt. Nhưng nếu bạn đi vào phía sau thì bạn sẽ thấy một người đàn ông được gọi là người quản bếp. Nhiệm vụ của chú ấy là chuẩn bị sẵn các món tráng miệng. Người này trước đây chắc phải là một thợ mỏ hoặc làm một công việc nặng nhọc nào đó vì chú ấy có những ngón tay rất ngắn, tròn và mập. Chú phải gỡ một chồng giấy lót được sản xuất bằng một quá trình dập, tất cả dính chặt vào nhau, và phải dùng những ngón tay mập và ngắn tách từng miếng lót ra rồi đặt lên đĩa. Khi chú ấy làm việc này, tôi luôn nghe thấy tiếng cằn nhằn: “Mấy cái giấy lót chết tiệt này!”. Tôi còn nhớ mình đã nghĩ: “Thật là tương phản – một người ngồi ở bàn ăn nhận được cái bánh xinh xắn để trên đĩa lót giấy này, trong khi quản bếp ở trong kia với các ngón tay cái mập và ngắn thì luôn miệng nói ‘mấy cái giấy lót chết tiệt!’” Đó chính là sự khác biệt giữa thế giới thực và những gì nó được nhìn thấy. Vào ngày đầu tiên làm việc ở đó, cô quản bếp đã giải thích rằng cô luôn làm bánh kẹp thịt nguội, hoặc là một thứ gì đó, cho những người làm ca khuya. Tôi nói rằng mình thích những món tráng miệng, cho nên nếu còn món nào thừa sau bữa tối thì tôi muốn được ăn. Buổi tối hôm sau, tôi phải làm ca khuya cho đến tận hai giờ sáng với đám đàn ông chơi bài pô-ke. Trong khi ngồi loanh quanh chán ốm cả người vì chẳng có việc gì làm, tôi đột nhiên nhớ ra là có món tráng miệng để ăn. Tôi đến chỗ tủ lạnh, mở ra, và đây rồi, cô ấy để lại những sáu món tráng miệng! Trong số đó có một chiếc pudding sôcôla, một miếng bánh ngọt, mấy lát đào, một ít bánh pudding gạo, một ít thạch – có mọi thứ! Tôi ngồi đó và ăn cả sáu món - thật xúc động! Hôm sau cô ấy nói với tôi: “Cô để lại cho cháu món tráng miệng….” “Tuyệt vời,” tôi đáp: “Quá tuyệt vời!” “Nhưng cô để lại cho cháu sáu món vì không biết cháu thích nhất món nào.” Và thế là từ hôm đó cô ấy luôn để lại sáu phần tráng miệng. Mỗi buổi tối tôi có sáu phần tráng miệng. Không phải khi nào cũng là sáu món khác nhau, nhưng luôn có sáu phần tráng miệng. Một lần, khi tôi đang trực lễ tân, một cô gái bỏ quên cuốn truyện ở trên bàn cạnh máy điện thoại khi đi ăn tối, thế là tôi cầm lên xem. Đó là cuốn Cuộc đời của Leonardo, và tôi không thể dừng được: Cô ấy cho mình mượn thì mình phải đọc cho hết. Tôi ngủ trong một phòng nhỏ ở phía sau khách sạn. Đã có sự không hài lòng về việc tắt đèn trong phòng khi đi ra ngoài, điều mà tôi không bao giờ nhớ. Được truyền cảm hứng từ cuốn sách về Leonardo, tôi làm một dụng cụ gồm hệ thống dây và các tải trọng - những cái chai coca-cola chứa đầy nước. Dụng cụ này sẽ hoạt động khi tôi mở cửa, làm bật sáng cái đèn công tắc giật ở trong phòng. Bạn mở cửa, hệ thống vận hành và bật đèn lên; rồi bạn đóng cửa phía sau mình, đèn tự động tắt đi. Nhưng, thành tựu thực sự của tôi thì sau này mới đến. Tôi thường thái rau ở trong bếp. Phải cắt các quả đậu leo thành từng đoạn dài khoảng hai phân rưỡi. Thông thường cách cắt như sau: một tay cầm hai quả đậu, tay kia cầm dao, và bạn ép lưỡi dao sát vào những quả đậu và vào cả ngón tay cái, cứ như sắp cắt vào tay mình. Cách cắt như vậy rất chậm. Vì thế, tôi suy nghĩ và nảy ra một ý tưởng rất hay. Tôi ngồi trên cái bàn gỗ ở bên ngoài nhà bếp, đặt vào lòng một cái tô, và kẹp một con dao rất sắc vào bàn theo hướng chếch bốn mươi lăm độ hướng ra phía ngoài. Sau đó, tôi để mỗi bên một bó đậu, rồi mỗi tay cầm một trái và đưa nó về phía mình đủ nhanh để bị lưỡi dao cắt gọn. Những đoạn đậu đã bị cắt này bay vào cái tô ở trong lòng tôi. Thế là tôi cắt hết trái này đến trái khác – chig, chig, chig, chig, chig – và ai cũng đưa đậu cho tôi cắt. Giữa lúc tôi sắp vênh mặt lên thì đột nhiên sếp đến và hỏi: “Cháu đang làm cái gì thế?” Tôi đáp: “Hãy nhìn cách cháu cắt đậu này!” Nhưng đúng lúc đó tôi đưa ngón tay vào lưỡi dao thay vì trái đậu. Máu bắn ra rơi vào tô đậu, và sếp lớn tiếng: “Nhìn xem cậu đã làm hỏng bao nhiêu đậu này! Cắt kiểu gì mà ngu thế không biết!” và vân vân. Thế là, tôi không bao giờ có thể thực thi một cải tiến nào, dù chẳng khó khăn gì – chỉ thêm một thanh chắn, hay cái gì đó. Nhưng không, chẳng còn cơ hội nào cho việc cải tiến cả. Tôi đã có một sáng kiến nữa cũng khó na ná. Chúng tôi phải thái lát khoai tây đã luộc chín để làm món salát khoai tây. Khoai tây luộc rất dính và ướt nên rất khó cầm. Tôi nghĩ về một bộ dao gắn song song với nhau vào một cái giá, bổ xuống và cắt một nhát gọn cả củ khoai. Tôi nghiền ngẫm về điều này trong thời gian dài, và cuối cùng đã nảy ra ý tưởng dùng những sợi dây thép căng trên cái giá. Thế là tôi đi ra cửa hàng năm-và-mười định mua mấy con dao hay mấy sợi dây thép, nhưng lại nhìn thấy chính xác cái dụng cụ mà tôi cần: đó là cái cắt trứng. Lần sau, đến việc thái khoai tây, tôi lấy ra cái máy cắt trứng nho nhỏ, cắt loáng một cái xong tất cả, rồi đưa lại cho đầu bếp. Đầu bếp là một người Đức, một anh chàng rất to con và là Vua nhà Bếp. Đùng đùng bước ra, cổ nổi mạch máu đỏ tía, anh ta hỏi “Đống khoai tây này là thế nào đây? Đã thái gì đâu!” Tôi đã cắt rồi, nhưng mà tất cả lại dính chặt với nhau. Anh ta hỏi: “Làm sao để tách chúng ra?” “Cho vào nước xóc lên,” tôi đề xuất. “Cho vào nước? Eaghhhhhhhhhhhh!!” Một lần khác tôi có một ý tưởng cực hay. Mỗi lần trực lễ tân, tôi thường phải trả lời điện thoại. Khi có một cuộc gọi đến thì sẽ có tiếng kêu vo vo, một cái cần nhỏ sập xuống bảng điều khiển chỉ cho bạn biết đó là đường dây nào. Một vài lần khi tôi đang phục vụ những người phụ nữ ở bàn chơi bài brit hoặc đang ngồi ở cửa vòm phía trước lúc giữa chiều (khi rất ít cuộc gọi), nghĩa là cách tổng đài một đoạn, thì bất thình lình có tín hiệu. Tôi phải chạy đến để bắt máy. Nhưng do cấu trúc của cái bàn, để đến được chỗ tổng đài bạn phải đi hơi xa, vòng ra phía sau, rồi quay lại xem cuộc gọi từ đâu đến. Điều đó làm mất thêm thời gian. Vì thế, tôi nghĩ ra một ý tưởng hay. Tôi buộc vào mỗi cái cần ở tổng đài một sợi dây mảnh, kéo căng chúng qua mặt bàn xuống dưới, rồi buộc vào mỗi đầu dây một mẩu giấy nhỏ. Sau đó, tôi để ống nói của máy điện thoại ở trên mặt bàn sao cho có thể lấy nó từ phía trước. Bây giờ, khi có cuộc gọi đến, tôi có thể biết được cái cần nào sập xuống bằng cách nhìn xem mẩu giấy nào được kéo lên. Và thế là từ phía trước tôi vẫn có thể trả lời đúng các cuộc điện thoại, tiết kiệm thời gian. Tất nhiên là tôi vẫn phải đi vòng ra phía sau để nối máy, nhưng ít nhất là đã kịp trả lời rồi. Tôi có thể nói: “Xin chờ một lát,” rồi đi vòng ra để nối máy. Tôi nghĩ đó là một hệ thống hoàn hảo. Nhưng, một hôm bà chủ đến và muốn trả lời điện thoại, song chịu, không thể hình dung ra sự thể - quá phức tạp. “Những mẩu giấy này để làm gì? Vì sao cái điện thoại lại ở phía này? Vì sao cháu không… raaaaaaaa!” Tôi đã cố gắng giải thích – đó là bà dì của tôi – rằng không có lý do gì để không làm như thế. Nhưng bạn không thể nói điều đó với một người thông minh, một người đang điều hành cả một khách sạn! Ở đây tôi nhận được một bài học: cái mới là một thứ rất khó được chấp nhận trong thế giới thực. Ai lấy trộm cánh cửa? Những hội nam sinh[7] ở MIT thường tổ chức các buổi “Trà thuốc” để lôi kéo sinh viên năm thứ nhất trở thành hội viên tương lai của mình. Vào mùa hè trước khi nhập học ở MIT, tôi được mời tham dự một buổi gặp mặt tại New York của hội Phi Beta Delta, một hội nam sinh Do Thái. Ở thời đó, nếu bạn là người Do Thái, hoặc lớn lên trong một gia đình Do Thái, thì bạn sẽ không có cơ hội nào để tham gia các hội nam sinh khác. Không ai để ý đến bạn hết. Tôi vốn không thật thiết tha với việc hội hè cùng các sinh viên Do Thái khác, và những anh chàng ở hội Phi Beta Delta thì cũng chẳng quan tâm đến việc tôi “Do Thái” đến mức độ nào. Thực ra, tôi chẳng tin gì mấy chuyện đó, và chắc chắn là cũng chẳng theo tôn giáo nào. Dù sao, mấy anh chàng ở hội nam sinh ấy cũng hỏi tôi mấy câu và cho tôi đôi lời khuyên - rằng tôi nên trả thi môn giải tích ở năm thứ nhất để không phải theo học môn đó nữa - đây hóa ra là một lời khuyên tốt. Tôi thích những hội viên hội nam sinh đã xuống New York trong buổi gặp mặt đó, nhất là hai người đã nói chuyện với tôi. Sau này, tôi trở thành bạn cùng phòng với họ. Có một hội nam sinh Do Thái khác ở MIT với tên gọi “SAM”. Ý định của họ là mời tôi đi cùng xe đến Boston và tôi có thể ở lại với họ. Tôi chấp nhận chuyến đi và đêm đầu tiên tôi nghỉ ở một phòng tầng trên. Sáng hôm sau, tôi nhìn qua cửa sổ và thấy hai anh chàng của một hội khác (mà tôi đã gặp ở New York) đang bước lên bậc thềm. Vài người của hội Sigma Alpha MU chạy ra nói chuyện với hai anh chàng này. Bọn họ thảo luận rất lâu. Tôi la lên qua cửa sổ: “Này, tôi phải đi cùng mấy anh đó đấy!” Rồi tôi chạy ào ra khỏi nhà, không hề nhận ra là họ đang phân tích, tranh luận về việc kết nạp tôi vào hội. Tôi không có chút cảm giác biết ơn nào về chuyến đi đó, hay về bất kỳ điều gì. Một năm trước đó, hội Phi Beta Delta đã suýt tan vỡ do bị chia rẽ thành hai nhóm. Một nhóm gồm những người ưa tụ hội, họ thích khiêu vũ và sau đó làm các trò vớ vẩn với mấy cái ô-tô của mình, và vân vân. Còn các anh chàng của nhóm kia thì chẳng làm gì ngoài việc học, và tất nhiên chẳng bao giờ đến các buổi khiêu vũ. Ngay trước khi tôi gia nhập hội nam sinh đó, họ đã tổ chức một đại hội và đã đạt được thỏa hiệp quan trọng. Họ sẽ đoàn kết và giúp đỡ nhau. Mỗi người phải có điểm học tập ít nhất là từng này từng kia. Nếu ai bị tụt hậu, thì những anh chàng mọt sách sẽ dạy và giúp người đó làm bài tập. Mặt khác, tất cả đều phải đến các buổi khiêu vũ. Nếu ai không biết làm thế nào để có một cuộc hẹn, thì mọi người sẽ kiếm giúp anh ta. Nếu anh chàng đó không biết khiêu vũ, họ sẽ dạy anh ta nhảy. Một nhóm dạy nhóm kia cách động não, trong khi nhóm kia dạy lại họ thuật giao tiếp. Điều đó thật tốt cho tôi vì tôi vốn yếu về xã giao. Tôi từng rụt rè đến mức đứng ngây ra khi phải đi qua đám sinh viên năm cuối đang ngồi ở bậc thềm với bạn gái để mang thư ra ngoài. Tôi không biết làm thế nào để đi qua bọn họ! Tình hình cũng không khá hơn chút nào ngay cả khi một cô gái nói: “Ồ, cậu ấy trông được đấy!” Chỉ một thời gian ngắn sau đó, mấy sinh viên năm thứ hai mang bạn gái và bạn của bạn gái họ đến dạy chúng tôi khiêu vũ. Lâu lâu sau, một trong số họ đã dạy tôi lái xe. Họ đã cố gắng rất nhiều để làm cho chúng tôi, những kẻ hàn lâm, biết giao tiếp và thư giãn. Đổi lại, chúng tôi cũng giúp họ học tốt hơn. Đó là một sự chia sẻ đẹp. Tôi có chút khó khăn trong việc hiểu, chính xác ra thì “Giao tiếp rộng” nghĩa là gì. Ít lâu sau các bài giảng của mấy anh chàng giỏi giao tiếp về cách làm quen với các cô gái, một lần khi đang ngồi ăn một mình trong nhà hàng, tôi nhìn thấy một nữ tiếp viên rất dễ thương. Với nỗ lực lớn, cuối cùng tôi cũng đủ dũng khí để mời cô ấy làm bạn trong buổi khiêu vũ tiếp theo của hội nam sinh, và cô đã nhận lời. Về nhà, trong lúc mọi người bàn tán về bạn gái ở buổi khiêu vũ tiếp theo, tôi thông báo rằng lần này tôi không cần ai giúp nữa - Tôi đã tự tìm được bạn cho mình. Tôi rất hãnh diện về điều đó. Những anh chàng lớp trên choáng váng khi phát hiện ra đối tượng của tôi là một tiếp viên nhà hàng. Họ bảo điều đó là không chấp nhận được; họ sẽ kiếm cho tôi một cô “Xứng tầm”. Họ làm tôi cảm thấy như thể mình đã nhầm lẫn, như thể tôi chưa đủ khả năng tự làm việc này. Họ quyết định kiểm soát tình huống bằng cách đi đến nhà hàng tìm cô tiếp viên, nói chuyện để cô ấy từ bỏ cuộc hẹn, và kiếm cho tôi một cô bạn khác. Họ đang cố gắng, như người ta thường nói, giáo dục “Đứa con bướng bỉnh” của mình, nhưng tôi nghĩ, họ đã lầm. Khi đó tôi chỉ là một sinh viên mới nhập trường nên không đủ tự tin để chống lại việc bọn họ đã làm hỏng cuộc hẹn của mình. Khi tôi mới gia nhập hội, bọn họ đã bắt nạt chúng tôi bằng nhiều cách. Chẳng hạn, họ bịt mắt chúng tôi, rồi mang đến một vùng quê xa giữa ngày đông rét cắt da cắt thịt và bỏ chúng tôi lại bên một cái hồ đóng băng hoang vắng. Chúng tôi ở giữa chốn đồng không mông quạnh – không nhà cửa, không có cái gì hết – và phải tự tìm đường về nhà. Chúng tôi hơi hoảng vì tất cả đều rất trẻ, và chúng tôi hầu như im lặng, trừ một cậu tên là Maurice Meyer. Bạn không thể nào ngăn anh ta pha trò linh tinh, chơi đố chữ vớ vẩn, và luôn làm ra vẻ lạc quan tếu kiểu như “Ha, ha, ha, có gì phải lo lắng đâu chứ. Thật chẳng vui sao!” Chúng tôi phát điên lên với Maurice. Anh ta luôn đi tụt lại phía sau một chút và cười nhạo mọi chuyện, trong khi những người khác đang không biết làm cách nào để thoát khỏi tình trạng hiện tại. Chúng tôi đi đến một giao lộ không xa cái hồ là mấy – vẫn chưa có nhà cửa hay cái gì cả. Giữa lúc chúng tôi đang bàn bạc xem nên đi theo hướng nào thì Maurice bắt kịp và nói: “Đi theo hướng này.” “Cậu thì biết cái quái gì, Maurice?” Chúng tôi nói với tâm trạng chán nản. “Cậu lúc nào cũng chỉ làm trò. Vì sao lại nên đi hướng này?” “Quá đơn giản: hãy nhìn những đường dây điện thoại. Nơi nào có nhiều dây hơn thì đó là hướng đi đến tổng đài.” Cái anh chàng dường như chẳng để ý đến cái gì, lại có một ý tưởng tuyệt vời! Chúng tôi đi thẳng về thành phố mà không mắc một sai lầm nào. Ngày hôm sau sẽ có cuộc đấu mudeo toàn trường giữa sinh viên năm thứ nhất và sinh viên năm thứ hai (kiểu như đấu vật và kéo co diễn ra trong bùn), thì tối muộn ở nhà chúng tôi xuất hiện một loạt sinh viên năm thứ hai - một số là người trong nhà, còn số khác đến từ bên ngoài. Bọn họ bắt cóc chúng tôi: họ muốn làm cho chúng tôi mệt mỏi vào ngày hôm sau và nhờ thế họ sẽ chiến thắng. Những sinh viên năm thứ hai dễ dàng trói chặt bọn năm dưới, ngoại trừ tôi. Tôi không muốn anh em trong nhà thấy mình là một thằng “Ẻo lả”. (Tôi chưa bao giờ chơi tốt một môn thể thao nào. Tôi luôn hoang mang khi một quả bóng quần vợt bay qua hàng rào và rơi xuống gần mình, vì tôi chưa bao giờ có thể ném nó qua hàng rào – nó thường bay chệch cả năm sáu chục độ so với hướng đáng lẽ phải bay tới). Tôi cho lần này là một tình huống mới, một môi trường mới và tôi có thể tạo ra danh tiếng mới cho mình. Vì thế, để cho mình nhìn không giống một kẻ chẳng biết đánh đấm gì, tôi đã đánh như điên theo cách tốt nhất có thể (không hề biết mình đang làm gì), và ba bốn đối thủ phải vất vả lắm mới trói được tôi. Cánh sinh viên năm thứ hai mang chúng tôi đến một ngôi nhà nằm sâu trong rừng và trói tất cả chúng tôi xuống sàn gỗ vào những cái đinh to hình chữ u. Tôi tìm mọi cách để trốn, nhưng có những sinh viên năm thứ hai canh gác, và các mưu mẹo của tôi đều không thành công. Tôi nhớ rất rõ một anh bạn trẻ mà họ e ngại trói xuống vì anh ta quá hoảng sợ: mặt tái xanh tái vàng và toàn thân run bần bật. Sau này tôi mới biết là cậu ta đến từ châu Âu – đó là những năm đầu của thập niên ba mươi – và cậu ta không thể hình dung được rằng việc tất cả bọn này bị trói xuống sàn nhà chỉ là một trò đùa. Cậu ấy biết những gì khủng khiếp đang xảy ra ở châu Âu thời kỳ đó. Anh chàng sợ nhìn thấy cảnh ấy, cậu ta quá hoảng hốt. Rạng sáng, chỉ còn ba gã năm thứ hai canh gác hai chục đứa chúng tôi, nhưng chúng tôi không biết điều đó. Mấy gã này lái những chiếc xe của họ đi ra đi vào nhiều lần làm như thể hoạt động tấp nập lắm. Chúng tôi không nhận ra là vẫn chỉ mấy cái xe ấy và mấy con người ấy. Vì thế lần đó chúng tôi đã thua.. Tình cờ, sáng hôm ấy bố mẹ tôi đến để xem cậu quý tử của ông bà học hành ra sao ở Boston, và các bạn học trong nhà đã giữ chân ông bà cho đến khi chúng tôi quay về từ vụ bắt cóc. Tôi quá nhếch nhác và bẩn thỉu do đã chống cự quyết liệt để mong trốn thoát, và do thiếu ngủ, đến nỗi bố mẹ tôi thực sự choáng váng khi nhìn thấy bộ dạng thảm hại thậm tệ của con trai mình ở MIT! Cái cổ của tôi còn bị cứng đờ, và tôi nhớ chiều hôm đó, lúc đứng xếp hàng để kiểm tra ở ROTC[8], tôi không thể nhìn thẳng được. Viên sĩ quan chỉ huy tóm lấy đầu tôi và xoay, miệng hô: “Đứng thẳng!” Tôi nhăn mặt vì đau, khi đôi vai vặn đi một góc: “Tôi không thể làm được, thưa ngài!” “Ồi, thứ lỗi cho tôi!” ông ta nói với vẻ hối hận. Dù sao thì việc chống cự lâu và quyết liệt như vậy để không bị trói đã mang lại cho tôi tiếng vang, và tôi chẳng bao giờ còn phải lo lắng về cái chuyện “Ẻo lả” nữa. Đó là một sự giải tỏa rất đáng kể. Tôi thường lắng nghe hai người cùng phòng – cả hai đều là sinh viên năm cuối – thảo luận các bài giảng về vật lý lý thuyết của họ. Một hôm, họ vò đầu bứt tai với một bài toán, mà tôi thì lại thấy khá là dễ hiểu. Vì vậy, tôi nói: “Sao các anh không dùng phương trình Baronallai?” “Cái gì cơ!” họ thốt lên. “Cậu nói về cái gì cơ?” Tôi giải thích cho họ về phương trình mà tôi muốn nói đến và cách áp dụng nó trong trường hợp này, và bài toán đã giải xong. Hóa ra đó chính là phương trình Bernoulli, nhưng vì tôi đã đọc tất cả những thứ này trong cuốn bách khoa toàn thư mà chưa hề trao đổi với ai nên không biết cách phát âm các tên riêng như thế nào cho đúng. Hai anh bạn cùng phòng của tôi cực kì phấn khởi, và từ đó trở đi họ thường thảo luận với tôi các bài tập vật lý của mình – dẫu không phải bài nào tôi cũng găp may. Dù sao, nhờ thế năm sau tôi đã tiến bộ rất nhanh khi tham dự các bài giảng về vật lý lý thuyết. Đó là một cách học rất tốt: làm bài tập của sinh viên năm trên và học cách phát âm các từ cho đúng. Vào tối thứ ba hàng tuần, tôi rất thích đến phòng khiêu vũ Raymor và Playmore - đó là hai phòng khiêu vũ thông nhau. Những người anh em trong hội nam sinh của tôi không đến những buổi khiêu vũ “Mở” này. Họ thích những buổi khiêu vũ dành riêng, ở đó bạn nhảy là các cô gái thuộc tầng lớp thượng lưu mà họ đã gặp một cách “Hợp thức”. Khi gặp một ai đó, tôi không quan tâm xem họ đến từ đâu, trình độ hay gốc gác thế nào. Thế nên tôi đến những buổi khiêu vũ này, mặc cho những người anh em cùng hội phản đối (lúc ấy tôi đã là sinh viên năm thứ ba nên họ không thể ngăn cản tôi được nữa) - và tôi đã có một thời gian rất vui vẻ. Một lần, tôi nhảy vài điệu với một cô gái, nhưng chúng tôi không nói chuyện gì nhiều. Cuối cùng cô ấy nói với tôi: “Ai nhay riiát đeppp.” Tôi không thể thực sự hiểu rõ câu nói đó – cô ấy có khó khăn trong việc phát âm – nhưng tôi nghĩ cô ấy nói là: “Anh nhảy rất đẹp.” “Cảm ơn em,” tôi đáp: “Rất hân hạnh.” Chúng tôi đến chỗ cái bàn. Bạn của cô ấy đang ngồi ở đó cùng cậu bạn nhảy của mình. Bốn chúng tôi ngồi với nhau. Một cô nghe rất khó khăn, còn cô kia thì gần như bị điếc. Khi hai cô gái trao đổi với nhau, họ làm nhiều cử chỉ qua lại rất nhanh, miệng hơi lẩm bẩm. Điều đó chẳng làm tôi bận tâm; cô ấy khiêu vũ rất đẹp và còn là một người rất dễ mến nữa. Sau vài điệu nhảy nữa, chúng tôi lại ngồi bên bàn. Có rất nhiều cử chỉ trao đổi qua lại, qua lại, qua lại, cho đến khi cô gái nói với tôi điều gì đó mà tôi luận ra là cô ấy muốn chúng tôi đưa các cô đến một khách sạn. Tôi hỏi anh chàng kia có muốn đi không. “Họ muốn chúng ta đến khách sạn đó để làm gì?” cậu ta hỏi lại. “Trời, tôi không biết. Chúng ta đâu có chuyện trò được!” Nhưng tôi chẳng cần phải biết. Chỉ là cho vui thôi, để xem cái gì sẽ đến, một cuộc phiêu lưu ấy mà! Anh chàng kia e ngại nên từ chối. Tôi đưa hai cô gái lên taxi đến khách sạn, và phát hiện ra là có một buổi khiêu vũ dành cho những người câm và điếc, tin hay không thì tùy. Tất cả họ đều là thành viên của một câu lạc bộ. Hóa ra là nhiều người trong số họ có đủ cảm nhận về giai điệu để có thể nhảy theo nhạc và vỗ tay sau mỗi bài. Hết sức, hết sức thú vị! Tôi cảm giác như thể là mình đang ở nước ngoài và không thể nói được tiếng của nước đó: Tôi có thể nói, nhưng chẳng ai hiểu. Họ nói chuyện với nhau bằng các dấu hiệu, mà tôi thì không hiểu gì! Tôi đề nghị cô bạn gái dạy cho vài dấu hiệu và tôi đã học được một ít, giống như bạn học ngoại ngữ, chỉ để cho vui thôi. Mọi người đều rất hạnh phúc và thoải mái với nhau, bày trò và mỉm cười suốt cả buổi, như thể họ chẳng có khó khăn thực sự nào trong giao tiếp với nhau. Nó giống như bất kỳ một ngôn ngữ nào khác, ngoại trừ một điều: khi làm dấu hiệu cho nhau, họ luôn quay đầu từ bên này sang bên kia. Tôi nhận ra nguyên do của việc này. Khi ai đó muốn gây chú ý hoặc ngắt lời bạn, anh ta không thể hét: “Hey, Jack!” Anh ta chỉ có thể làm dấu hiệu, và bạn không thể kịp bắt được dấu hiệu đó trừ khi bạn có thói quen luôn quay nhìn xung quanh. Họ hoàn toàn thoải mái bên nhau. Chính tôi là người có vấn đề trong việc làm thế nào để cảm thấy thoải mái. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Buổi khiêu vũ diễn ra khá lâu, và khi cuộc vui kết thúc chúng tôi đến một quán ăn. Họ đều gọi món bằng cách chỉ tay vào chúng. Tôi nhớ ai đó hỏi bằng cách ra hiệu: “Cô-đến-từ-đâu?” và cô bạn của tôi đã đánh vần “N-e-w-Y-o-r-k.” Tôi vẫn còn nhớ một anh chàng ra hiệu cho tôi “Anh bạn tốt!” – để diễn tả “Anh bạn” anh ta giơ ngón tay cái lên, rồi chạm vào một cái ve áo tưởng tượng. Đó là một phương thức hay. Mọi người ngồi quây quần, pha trò, và cuốn tôi vào thế giới của họ một cách thật ngọt ngào. Tôi muốn mua một chai sữa, nên đến chỗ anh chàng ở quầy bán hàng và đánh mồm từ “Sữa” mà không hề phát ra âm nào. Anh chàng này không hiểu gì cả. Tôi làm dấu hiệu ngụ ý “Sữa” - hai nắm tay di động giống như bạn đang vắt sữa một con bò, nhưng anh ta cũng chẳng hiểu. Tôi cố chỉ vào chỗ bảng giá sữa, thế mà anh ta vẫn cứ ngớ ra. Cuối cùng một người nào đó ở bên cạnh gọi sữa, và tôi liền chỉ vào đó. “Ồ! Sữa!” anh ta ồ lên, trong khi tôi gật đầu đồng ý. Anh ta đưa tôi chai sữa, và tôi nói: “Cảm ơn anh rất nhiều!” “Cậu đúng là Thằng trời đánh!” anh ta mỉm cười bật lại. Khi ở MIT, tôi thường thích chơi trò đố mẹo với mọi người. Một lần, ở trong lớp vẽ kỹ thuật, một anh chàng vui tính giơ cao cái thước cong (một miếng nhựa dùng để vẽ những đường cong trơn tru – quăn queo trông rất buồn cười) và nói: “Tớ tự hỏi liệu những đường cong trên cái thước này có tính chất đặc thù nào không?” Tôi nghĩ một lát rồi nói: “Chắc chắn là có. Đây là những đường cong rất đặc biệt. Để tớ chỉ cho các cậu xem.” Tôi giơ cái thước cong của mình lên và bắt đầu xoay nó chầm chậm. “Cái thước cong này được chế tạo sao cho dù các cậu quay nó kiểu nào thì tiếp tuyến tại điểm thấp nhất của mỗi đường cong vẫn luôn là một đường nằm ngang.” Mọi người trong lớp đều cầm thước của mình lên xoay ở những góc khác nhau, áp cái bút chì vào cái thước ở điểm thấp nhất, gióng theo tiếp tuyến, và phát hiện ra là, đúng thật, tiếp tuyến luôn nằm ngang. Ai cũng thích thú với “Khám phá” này – cho dù họ đều đã nghiền ngẫm kỹ một phần đáng kể môn giải tích và đã “Học” rằng đạo hàm (tiếp tuyến) tại cực tiểu (điểm thấp nhất) của bất kỳ đường cong nào đều bằng không (nằm ngang). Bọn họ không biết liên hệ mọi thứ với nhau, thậm chí không biết cả cái mình “Đã biết” là gì.. Tôi không rõ có chuyện gì với mấy người bọn họ: không học bằng cách hiểu; mà bằng một cách nào đó khác – học vẹt hay đại loại như thế. Kiến thức của họ quá mong manh! Bốn năm sau, tôi bày mẹo tương tự ở Princeton khi nói chuyện với một chuyên gia, một trợ lý của Einstein, một người chắc chắn là thường xuyên làm việc với lực hấp dẫn. Tôi ra cho anh ấy một bài toán: Anh được phóng lên trong một quả tên lửa, ở đó có một chiếc đồng hồ, và ở dưới đất cũng có một chiếc đồng hồ. Chủ định là khi anh quay trở về điểm xuất phát thì chiếc đồng hồ trên mặt đất cho thấy là đúng một giờ đã trôi qua kể từ khi anh được phóng lên. Anh muốn đi sao cho khi quay trở lại thì đồng hồ của anh chạy được càng nhiều càng tốt. Theo Einstein thì nếu anh đi lên rất cao, đồng hồ của anh sẽ chạy nhanh hơn bởi vì trong một trường hấp dẫn, một vật ở càng cao thì đồng hồ của nó chạy càng nhanh. Nhưng, vì anh chỉ có một giờ, nên muốn đi lên thật cao, thì anh phải bay thật nhanh mới kịp, mà chuyển động nhanh lại làm cho đồng hồ của anh chạy chậm lại. Thành thử anh không thể lên quá cao. Câu hỏi là, chính xác tốc độ và độ cao anh cần chọn là như thế nào để khoảng thời gian chỉ trên đồng hồ của anh là lớn nhất? Người trợ lý của Einstein đã phải mất khá khá thời gian để nhận ra rằng đáp án là chuyển động thực tế của vật chất. Nếu bạn bắn lên cao một vật nào đó theo cách thông thường sao cho thời gian cần thiết để nó bay lên và quay trở lại là một giờ, thì đó chính là chuyển động mong muốn (để đồng hồ trên đó chỉ khoảng thời gian dài nhất - ND). Đấy là nguyên lý cơ bản của lý thuyết hấp dẫn Einstein – nói rằng “Thời gian riêng” đạt giá trị cực đại với đường cong thực tế. Nhưng khi tôi đặt nguyên lí này trong ngữ cảnh cái tên lửa với chiếc đồng hồ thì anh ấy đã không nhận ra. Giống hệt như mấy bạn ở lớp vẽ kỹ thuật, nhưng lần này không phải là những sinh viên năm thứ nhất ngây ngô. Thành thử, kiểu hiểu biết mang máng này thực ra là khá phổ biến, thậm chí cả với những người học cao. Vào năm thứ ba hay năm cuối đại học, tôi thường ăn tại một nhà hàng nọ ở Boston. Tôi đến đó một mình, thường vào các buổi tối liên tiếp nhau. Mọi người ở đó biết tôi, và ngày nào cũng vẫn cùng một cô tiếp viên phục vụ bàn tôi. Tôi nhận thấy các cô tiếp viên luôn vội vã, chạy tới chạy lui. Thế là một hôm, chỉ là đùa cho vui, tôi để mười xu tiền boa của mình (mức boa bình thường thời đó), gồm hai đồng năm xu, cạnh hai cái cốc. Tôi đổ nước thật đầy vào cả hai cốc, thả vào mỗi cốc một đồng xu, lấy miếng bìa đậy lên miệng cốc rồi lật úp nó xuống mặt bàn. Sau đó tôi rút nhanh miếng bìa ra (không có tý nước nào rò ra ngoài vì không khí không thể chui vào trong cốc – miệng cốc rất khít với mặt bàn). Tôi để tiền boa trong hai cái cốc này vì biết rằng họ luôn rất vội. Nếu tiền boa là đồng mười xu bỏ trong một cốc thì cô tiếp viên đang vội dọn bàn cho vị khách kế tiếp sẽ cầm ngay cái cốc lên, nước chảy tóe ra và trò đùa kết thúc. Nhưng sau khi đã làm như vậy với cái cốc thứ nhất, ai mà biết cô ấy sẽ làm gì với cái thứ hai? Cô ấy không còn dám nhấc ngay cái thứ hai lên nữa! Khi ra về tôi nói với cô phục vụ bàn của mình: “Cẩn thận nhé, Sue. Mấy cái cốc mà chị đưa cho tôi buồn cười lắm đấy – chúng kín ở trên nhưng lại thủng ở đáy!” hôm sau tôi quay lại nhà hàng, thì một cô tiếp viên mới phục vụ bàn của tôi. Cô tiếp viên quen thuộc không còn muốn dính dáng gì với tôi nữa. “Sue rất giận anh,” cô tiếp viên mới nói. “Sau khi cô ấy cầm cái cốc đầu tiên lên thì nước chảy lênh láng khắp mọi nơi. Cô ấy đã gọi cả ông chủ ra. Họ xem xét cái cốc thứ hai một lúc, nhưng không thể tốn cả ngày trời để tìm cách xử lý nó, vì thế họ đã nhấc cái cốc này lên, và nước lại chảy ra, tràn hết xuống sàn. Bẩn thỉu quá thể, Rồi Sue bị trượt té trong vũng nước. Mọi người tức điên với anh.” Tôi cười. Cô ấy tiếp tục: “Đấy không phải trò đùa! Anh sẽ ứng xử thế nào nếu ai đó làm điều ấy với anh – anh sẽ làm gì?” “Tôi sẽ lấy một cái đĩa dùng để đựng súp, và kéo trượt cái cốc thật cẩn thận ra mép bàn, rồi cho nước chảy vào cái đĩa đó – không cần thiết phải để nước chảy xuống sàn. Sau đó tôi sẽ lấy đồng xu ra.” “Ồ, đó là một ý hay,” cô ấy nói. Tối hôm đó tôi để tiền boa dưới cái cốc dùng để uống cà phê đã được lật úp ở trên bàn. Tối hôm sau tôi lại đến và vẫn là cô phục vụ mới đó. “Anh lật úp cái cốc ở trên bàn là có ý gì vậy?” “À, tôi nghĩ là ngay cả đang rất vội, chị cũng phải quay vào bếp lấy một cái đĩa đựng súp; rồi chị kéo trượt châââââậm chậm và cẩn thận cái cốc ra mép bàn…” “Tôi đã làm như thế,” cô ấy phàn nàn: “Nhưng trong cốc làm gì có nước!” Một trò cực tinh nghịch của tôi đã diễn ra ở nhà nam sinh. Một buổi sáng, tôi tỉnh dậy rất sớm, khoảng năm giờ và không thể nào ngủ lại được. Thế là tôi rời phòng ngủ, đi xuống tầng dưới và phát hiện ra một cái biển hiệu treo trên mấy sợi dây với nội dung đại loại như “CỬA! CỬA! AI LẤY TRỘM CÁNH CỬA?” Tôi nhìn thấy người nào đó đã tháo cánh cửa ra khỏi bản lề và treo vào đó cái biển: “XIN VUI LÒNG ĐÓNG CỬA LẠI!” – loại biển báo thường được treo ở chỗ cửa đã bị tháo mất cánh. Tôi ngay lập tức định hình ý tưởng của trò này. Trong phòng ấy một anh chàng tên là Pete Bernays cùng vài người nữa thường học hành rất hăng và luôn muốn được yên tĩnh. Nếu bạn lang thang vào phòng họ tìm cái gì đó, hoặc hỏi xem họ giải bài tập như thế nào chẳng hạn, thì khi đi ra bạn luôn nghe thấy mấy anh chàng này rít lên: “Xin vui lòng đóng cửa lại!.” Rõ là, ai đó đã quá ngán chuyện này, nên đã tháo cánh cửa đi. Nhưng căn phòng này lại được thiết kế với hai cái cửa nên tôi nảy ra một ý tưởng. Tôi tháo nốt cái cửa còn lại ra khỏi bản lề, mang nó xuống dưới và giấu phía sau cái thùng đựng dầu ở tầng hầm. Rồi, tôi lặng lẽ quay lên và ngủ tiếp. Sáng ra, để không bị nghi ngờ, tôi dậy và đi xuống dưới nhà hơi muộn một chút. Những người khác đang đi loanh quanh, còn Pete và bạn cậu ấy thì rất lo lắng: những cánh cửa ở phòng của họ bị mất, mà bọn họ phải học nọ học kia, ba lô ba la. Khi tôi đi xuống cầu thang thì được hỏi: “Feynman! Có phải là cậu tháo cánh cửa không?” “Ồ, đúng đấy!” Tôi đáp. “Tớ đã tháo cánh cửa ấy. Các cậu có thể nhìn thấy những vết xước ở các ngón tay tớ đây này. Tớ bị xước do quẹt tay vào tường khi mang cánh cửa xuống tầng hầm đấy.” Bọn họ không bằng lòng với câu trả lời của tôi; thật ra, họ không tin tôi. Anh chàng tháo cánh cửa thứ nhất đã để lại quá nhiều dấu vết – những chữ viết tay trên biển báo chẳng hạn – cái mà họ có thể nhanh chóng lần ra. Ý tưởng của tôi là khi tìm ra được những người lấy cái cánh cửa đầu tiên thì mọi người hẳn sẽ nghĩ chính những người đó cũng đã lấy đi cái thứ hai. Mọi thứ diễn ra đúng như thế. Mấy tay tháo cái cánh cửa đầu tiên bị mọi người tra khảo và lên án cho đến khi, với nhiều thống khổ và cam go, cuối cùng mới thuyết phục được mọi người rằng bọn họ chỉ lấy cái cánh cửa thứ nhất thôi, có thể nói là khó mà tin được. Tôi nghe hết toàn bộ câu chuyện và thấy rất khoái chí. Cánh cửa thứ hai mất tăm trong suốt cả một tuần. Việc tìm cho ra cái cánh cửa này ngày càng trở nên quan trọng với mấy anh chàng đang gắng học hành trong căn phòng đó. Cuối cùng, để giải quyết chuyện này, trưởng nhà nam sinh nói ở bàn ăn tối: “Chúng ta phải giải quyết chuyện cái cánh cửa còn lại. Tôi không thể làm một mình, nên tôi muốn các cậu cho ý kiến để giải quyết dứt điểm chuyện này vì Pete và những người khác đang cần chỗ học.” Một cậu phát biểu ý kiến, rồi một cậu khác nữa. Lát sau, tôi đứng lên và đưa ra một đề nghị. “Được thôi,” tôi nói với một giọng châm chọc: “Chúng tôi thừa nhận là cho dù ai lấy cái cánh cửa đó thì bạn cũng rất đáng nể. Bạn thật thông minh! Chúng ta không thể phát hiện ra bạn là ai, vậy bạn ắt phải là một kiểu thiên tài. Bạn không buộc phải nói cho chúng tôi biết bạn là ai. Tất cả những gì chúng tôi muốn biết là cánh cửa đang ở đâu. Vậy thì, nếu bạn để lại ở đâu đó một tin nhắn, báo cho chúng tôi biết nơi giấu cái cánh cửa, thì chúng tôi sẽ vinh danh bạn và thừa nhận vĩnh viễn rằng bạn là một siêu nhân, rằng bạn thông minh đến nỗi có thể lấy cánh cửa ấy đi mà chúng tôi không thể phát hiện ra bạn là ai. Dù sao, lạy Chúa, hãy để lại tin nhắn ở đâu đó và chúng tôi sẽ mãi mãi biết ơn bạn vì điều ấy.” Anh chàng tiếp theo phát biểu ý kiến: “Tớ có một ý khác” cậu ta nói. “Tớ cho là, cậu, với tư cách trưởng nhà, nên yêu cầu từng người bằng lời nói danh dự với hội nam sinh hãy cho biết mình có lấy cánh cửa đi hay không.” Trưởng nhà nói: “Đó là một ý kiến rất hay. Bằng lời nói danh dự với hội nam sinh!” Thế là cậu ta đi quanh bàn và hỏi từng người một: “Jack, cậu có tháo cái cánh cửa đó không?” “Không, thưa ngài, tôi không tháo cánh cửa đó.” “Tim, cậu có tháo cánh cửa đó không?” “Không, thưa ngài! Tôi không tháo cánh cửa đó.” “Maurice. Cậu có tháo cánh cửa đó không?” “Không, tôi không tháo cánh cửa đó, thưa ngài.” “Feynman, cậu có tháo cánh cửa đó không?” “Có, tôi đã tháo cánh cửa đó.” “Dẹp trò ấy đi, Feynman; đây là chuyện nghiêm túc! Sam, cậu có tháo cánh cửa đó không…” – Đã hỏi hết lượt.. Mọi người đều rất bực mình. Chắc hẳn phải có kẻ phản bội chính hiệu trong ngôi nhà này, kẻ đã không tôn trọng lời hứa danh dự đối với hội! Đêm hôm ấy, tôi bỏ một tờ rơi có bức tranh nhỏ vẽ thùng chứa dầu và cái cánh cửa ở bên cạnh. Hôm sau, cánh cửa được tìm ra và lắp lại vào chỗ cũ. Ít lâu sau, cuối cùng, tôi đã thú nhận mình là người tháo cái cánh cửa ấy, và tôi đã bị mọi người buộc tội nói dối. Họ đâu có nhớ tôi đã nói gì. Tất cả những gì bọn họ có thể nhớ được là cái kết cục sau khi trưởng nhà đã đi một vòng quanh bàn, và đã hỏi tất cả mọi người, không ai thừa nhận đã tháo cái cánh cửa ấy. Họ nhớ ý tưởng, nhưng không nhớ từ ngữ. Người ta thường xem tôi là kẻ giả vờ, nhưng tôi luôn trung thực theo một cách nào đó – theo cách mà thường chẳng ai tin tôi! Tiếng La tinh hay tiếng Ý? Khi tôi còn nhỏ, đã từng có một đài phát thanh tiếng Ý ở Brooklyn, và tôi thường xuyên nghe đài đó. Tôi thích đắm người trong những âm thanh vang rền, giống như đang ở giữa biển khơi và những con sóng thì không cao quá. Tôi thường ngồi ở đó và nước tràn qua người, bằng tiếng ITALIA TUYỆT VỜI. Trong chương trình tiếng Ý luôn có các kiểu tình huống gia đình với những thảo luận và tranh biện giữa bà mẹ và ông bố: Giọng cao: “Nio teco tieto capeto tutto…” Giọng thấp, to: “Dro tone pala tutto!!” (với tiếng vỗ tay). Tuyệt! Nhờ thế tôi đã học được cách thể hiện tất cả những cảm xúc này: tôi có thể khóc; tôi có thể cười; đủ trò. Tiếng Ý thật đáng yêu. Có một số người Ý sống gần chỗ chúng tôi ở New York. Một lần khi tôi đang đi xe đạp thì một tài xế xe tải người Ý làm tôi khựng lại. Anh ta thò người ra khỏi xe, làm điệu bộ và hét cái gì đó, đại loại như: “Me arrucha lampe etta tiche!” Tôi cảm thấy mình như một kẻ ngớ ngẩn. Anh ta nói gì với mình nhỉ? Mình nên hét lại thế nào? Rồi, tôi hỏi một cậu bạn người Ý ở trường học, và cậu ấy bảo: “Chỉ cần nói, ‘A te! A te!’ – có nghĩa là ‘Anh cũng thế! Anh cũng thế!’” Tôi cho đó là một ý tưởng rất hay. Tôi nên đáp lại “A te! Ate!’ – tất nhiên làm cả điệu bộ nữa. Sau này, khi có thêm tự tin, tôi còn phát triển hơn nữa những khả năng của mình. Chẳng hạn như lúc đang đi xe đạp mà một quý cô nào đó lái xe lấn đường, thì tôi sẽ nói: “Puzzia a la maloche!” – cô ấy chắc chắn sẽ dạt ra! Một thằng nhóc láo lếu người Ý đã chửi rủa cô ấy với những lời thậm tệ! Cũng không phải là dễ dàng nhận ra đó là tiếng Ý rởm. Một lần, thời còn ở Princeton, trong khi tôi đang đi vào khu để xe đạp ở phòng thí nghiệm Palmer thì một người lấn đường của tôi. Thói quen của tôi luôn nhất quán: Tôi làm điệu bộ với người đó: “Orezze cab onca Miche!,” đập hai mu bàn tay vào nhau. Ở đằng xa, phía bên kia của một bãi cỏ rộng, có một bác làm vườn người Ý đang trồng mấy cái cây. Bác ấy ngừng lại, vẫy tay, và hét lên rất hạnh phúc: “Rezza ma Lia!” Tôi gọi với sang: “Ronte balta!” đáp lời chào. Bác ấy đâu có biết là tôi chẳng biết gì, và tôi không hiểu bác ấy nói gì, cũng như bác ấy không hiểu tôi nói gì. Nhưng không sao! Thật tuyệt! Mọi việc đều ổn! Dù sao, khi nghe thấy cái ngữ điệu đó người ta ngay lập tức nhận ra là tiếng Ý - có thể là tiếng vùng milan chứ không phải vùng Roma, có quan trọng gì đâu. Và bạn là một người Ý! Vậy là tuyệt rồi. Nhưng bạn phải tự tin tuyệt đối. Cứ để mọi thứ diễn ra, và sẽ không có vấn đề gì cả. Một lần, tôi từ trường đại học về nhà trong kỳ nghỉ. Đứa em gái tôi đang buồn, gần như mếu máo: hội hướng đạo sinh nữ của em tổ chức một bữa tiệc bố-và-con-gái, thế mà bố tôi lại đang trên đường đi bán những bộ đồng phục. Vì thế, tôi nói rằng tôi, một người anh trai, sẽ đưa em đi (tôi hơn em 9 tuổi nên việc này cũng không dở hơi lắm). Khi chúng tôi đến bữa tiệc, tôi ngồi trong đám những ông bố một lát, nhưng nhanh chóng thấy chán họ quá. Tất cả các ông bố mang con gái của mình đến bữa tiệc nhỏ vui vẻ này lại chỉ nói chuyện về thị trường chứng khoán. Họ không biết cách nói chuyện với chính con mình, lại càng không biết cách nói chuyện với các bạn của con mình. Trong suốt bữa tiệc, các em gái tiếp đãi chúng tôi bằng cách diễn những vở hài kịch ngắn, đọc thơ, vân vân. Rồi thật bất ngờ, chúng mang ra một thứ trông rất buồn cười, giống như cái tạp dề với một cái lỗ ở trên cùng để bạn có thể chui đầu qua. Chúng thông báo rằng bây giờ là lúc những ông bố phải làm trò vui cho chúng. Thế là mỗi ông bố phải đứng lên, chui đầu qua cái lỗ tạp dề, và nói gì đó. Một ông đọc “Mary có một chú cừu nhỏ” - và họ chẳng biết pha trò gì, tôi cũng không biết làm gì. Khi phải đứng lên, tôi nói rằng tôi sẽ đọc một bài thơ ngắn, và xin lỗi trước vì đó không phải là bài thơ tiếng Anh, dù vậy, tôi chắc là mọi người sẽ thích: A Tuzzo Lanto — Poici di pare Tanto saca tulna ti, na puta tuchi puti ti la. Runto cata chanto chanta manto chi la ti da. Yalta cara sulda mi la chata picha pino tito Bralda pe te China nana chunda lala chinda lala chunda! Ronto piti ca le, a tanto chinto quinta lalda ola tinta dalla lalta, yenta pucha lalla talta! Tôi đọc ba hoặc bốn khổ thơ như vậy, với tất cả những biểu cảm mà tôi đã nghe được từ chương trình phát thanh tiếng Ý. Bọn trẻ ồ lên, rất thích thú, cười ngặt ngẽo thật hạnh phúc. Sau khi bữa tiệc kết thúc, người phụ trách nhóm hướng đạo sinh và một giáo viên của trường đi đến và nói với tôi rằng họ đang tranh luận về bài thơ của tôi. Một trong số họ nghĩ đó là bài thơ tiếng Ý, còn người khác thì cho rằng đó là tiếng La tinh. Người giáo viên hỏi: “Ai đúng?” Tôi đáp: “Anh nên hỏi các bé gái ấy. Chúng đã ngay lập tức hiểu đó là ngôn ngữ gì.” Luôn tìm cách thoát Khi còn là sinh viên ở MIT, tôi chỉ quan tâm đến khoa học; không giỏi bất kỳ cái gì khác. Nhưng ở MIT có quy định là bạn phải tham gia một số khóa học nhân văn để có thêm “Văn hóa”. Ngoài các khóa tiếng Anh bắt buộc, còn hai môn tự chọn. Tôi nhìn lướt qua danh sách các môn học và ngay lập tức chộp được thiên văn – được xem là một môn học nhân văn! Thế là năm đó tôi đã thoát môn thiên văn. Năm sau, tôi nhìn tiếp xuống phần dưới của bản danh sách, bỏ qua văn học Pháp và những môn đại loại như thế, và tìm ra môn triết học. Đó là môn gần với khoa học nhất mà tôi có thể chọn được. Trước khi kể với các bạn những chuyện ở lớp triết học, cho phép tôi nói về lớp tiếng Anh. Chúng tôi phải viết về một số chủ đề. Chẳng hạn, Mill[9] đã viết gì đó về tự do và chúng tôi phải phê bình tác phẩm của ông. Nhưng, đáng lẽ phải bàn về tự do chính trị như Mill đã làm, tôi lại viết về tự do trong giao tiếp xã hội – về việc phải vờ vĩnh và dối trá để làm ra vẻ lịch sự, và liệu việc thường xuyên diễn cái trò vờ vĩnh ấy trong các giao tiếp có dẫn đến “Sự phá hủy cốt lõi đạo đức xã hội”. Một câu hỏi thú vị, nhưng đó không phải là câu hỏi mà người ta yêu cầu chúng tôi thảo luận. Một tiểu luận khác, mà chúng tôi phải phê bình, là “Về một mẩu phấn” của Huxley[10]. Trong tác phẩm này, tác giả mô tả làm sao mà mẩu phấn thông thường ông đang cầm trong tay lại là phế tích của xương động vật, và những lực trong lòng Trái đất đã đẩy nó lên để trở thành một phần của Vách Đá Trắng[11] như thế nào, để rồi nó được khai thác và bây giờ được sử dụng để chuyển tải các ý tưởng bằng cách viết lên bảng đen. Nhưng một lần nữa, thay vì phê bình bài tiểu luận được giao này, tôi đã viết một bài nhái có tiêu đề “Về một hạt Bụi”, mô tả làm thế nào mà các hạt bụi tạo ra màu sắc của hoàng hôn và làm ngưng tụ những hạt mưa, và vân vân. Tôi luôn là một tay bịa chuyện, luôn tìm cách tránh né. Nhưng khi chúng tôi phải viết về chủ đề Faust của Goethe[12] thì tình thế hoàn toàn vô vọng! Tác phẩm này quá dài để có thể làm ra một bản nhái, hoặc bịa ra cái gì đó. Tôi đi đi lại lại trong nhà và lẩm bẩm: “Mình không thể làm việc này. Mình dứt khoát không làm việc này. Mình sẽ không làm việc này!” Một người anh em ở nhà nam sinh của tôi nói: “Được thôi, Feynman, cậu sẽ không làm việc đó. Nhưng giáo sư sẽ nghĩ là cậu không làm bởi vì cậu không chịu làm bài tập. Cậu nên viết một bài luận về điều gì đó – cũng từng ấy chữ – và nộp cho giáo sư với ghi chú rằng cậu đơn giản là không hiểu nổi Faust, cậu không có được niềm đam mê, và do đó không thể viết một bài luận về tác phẩm này.” Thế là tôi làm theo lời khuyên đó. Tôi viết một bài luận dài: “Về những hạn Chế Của Lập Luận”. Tôi luận đàm về những phương pháp khoa học dùng để giải quyết các vấn đề, và làm sao mà các phương pháp này lại có những hạn chế: các giá trị đạo đức không thể quyết định bằng những phương pháp khoa học, hêy, hêy, hêy, và vân vân. Rồi một người anh em khác trong nhà hiến thêm lời khuyên. “Feynman,” cậu ấy nói: “Rất không ổn, nếu cậu nộp một bài luận chẳng liên quan gì đến Faust. Việc cậu nên làm là liên hệ những điều cậu viết với tác phẩm Faust.” “Thật tức cười!” tôi đáp. Nhưng những anh bạn cùng nhà khác lại nghĩ đó là ý hay. “Được rồi, được rồi!” tôi chống chế. “Tớ sẽ thử.” Và thế là tôi bổ sung thêm vào phần đã viết một đoạn khoảng nửa trang, lý sự rằng Mephistopheles[13] biểu thị lập luận còn Faust biểu thị tinh thần, và Goethe đang cố gắng chỉ ra hạn chế của lập luận. Tôi làm cho bài viết trở nên rắc rối, quấy đảo tất cả, rồi nộp cho thầy. Giáo sư yêu cầu chúng tôi từng người một đến trao đổi riêng với ông về bài luận của mình. Tôi đến găp giáo sư, dự cảm về một kết quả rất tồi. Ông ấy nói: “Phần nhập đề hay, nhưng phần nói về Faust hơi ngắn. Còn lại, rất tốt – B+”[14]. Tôi lại thoát một lần nữa! Bây giờ về lớp triết học. Thầy dạy là một giáo sư già để râu tên là Robinson, người lúc nào cũng lầm bầm. Tôi đến lớp, mà thầy thì cứ lầm bầm hoài, nên tôi chẳng hiểu một cái gì cả. Những người khác có vẻ như hiểu ông hơn, nhưng hình như họ không chú ý nghe. Tôi tình cờ có được một mũi khoan nhỏ, khoảng một phần mười sáu inch, để tiêu khiển trong thời gian trên lớp. Tôi xoay nó giữa các ngón tay và khoan những cái lỗ ở đế giày của mình hết tuần này qua tuần khác. Cuối cùng, vào một ngày cuối khóa học, giáo sư Robinson lầm bầm “Wugga mugga mugga wugga wugga…” và mọi người đều rất hứng thú. Tất cả bọn họ chuyện trò và thảo luận với nhau, nên tôi nghĩ là giáo sư đã nói điều gì đó thú vị, lạy Chúa! Tôi tự hỏi đó là điều gì? Tôi hỏi mấy người thì họ bảo: “Chúng ta phải viết một bài luận và nộp trong vòng bốn tuần.” “Bài luận về cái gì?” “Về những điều mà giáo sư đã giảng suốt cả năm qua.” Tôi bí quá. Điều duy nhất tôi đã nghe trong suốt khóa học và còn nhớ được là khoảnh khắc trào dâng “Mugga wugga dòng ý thức mugga wugga,” rồi rụp! – mọi thứ hỗn loạn trở lại. “Dòng ý thức” này làm tôi nhớ lại những câu hỏi của bố tôi nhiều năm trước đây. Ông nói: “Giả sử một số người trên hỏa tinh đến Trái đất, và những người hỏa tinh này chẳng bao giờ ngủ, mà liên tục hoạt động. Giả sử là họ không sở hữu cái hiện tượng ngớ ngẩn, gọi là ngủ, mà chúng ta vẫn có. Bởi thế họ sẽ hỏi con: ‘Cảm giác buồn ngủ là thế nào? Điều gì xảy ra khi bạn chìm vào giấc ngủ? Liệu những suy nghĩ của bạn đột ngột dừng lại, hay chúng chậm và chậm dddââââầầ nnnnnn? Thực ra thì tâm trí ngưng lại hẳn như thế nào?’” Tôi rất hứng thú. Bây giờ tôi phải trả lời câu hỏi này: dòng ý thức ngừng lại như thế nào khi bạn ngủ? Thế là tôi dành tất cả các buổi chiều của bốn tuần tiếp theo đầu tư cho bài luận của mình. Tôi buông rèm cửa phòng mình, tắt hết đèn, và đi ngủ. Và tôi quan sát xem điều gì xảy ra khi mình rơi vào giấc ngủ. Rồi buổi tối, tôi lại đi ngủ nữa. Thế nên tôi có hai lần ngủ mỗi ngày để thực hành quan sát – rất tốt! Thoạt đầu tôi nhận ra nhiều điều vụn vặt, hầu như chẳng liên quan gì đến việc chìm vào giấc ngủ. Chẳng hạn, tôi nhận thấy mình suy nghĩ rất nhiều bằng tự thoại bên trong. Tôi còn có thể tưởng tượng ra sự vật cứ như đang nhìn thấy. Rồi sau đó, khi đã mệt mỏi, tôi nhận thấy là mình có thể cùng lúc nghĩ về hai sự việc. Tôi khám phá ra điều này khi đang tự thoại bên trong về một điều gì đó,và trong khi đang làm việc ấy, tôi lại tưởng tượng vu vơ về hai sợi dây buộc vào cuối cái giường của mình, chạy qua mấy cái ròng rọc, rồi quấn quanh cái trục hình trụ đang quay, và từ từ nâng cái giường lên. Tôi không ý thức được là mình đang tưởng tượng ra những sợi dây này cho đến khi bắt đầu lo về việc một sợi dây có thể vướng vào sợi kia và chúng không thể cuộn một cách trơn tru. Nhưng, tôi nói, tiếng nói bên trong: “Ồi, sức căng của sợi dây sẽ đảm trách việc đó,” và chính điều này đã làm gián đoạn ý nghĩ đầu tiên của tôi, cũng như làm cho tôi nhận ra là mình đã đồng thời nghĩ về hai sự việc. Tôi còn nhận thấy là khi bạn đi vào giấc ngủ thì các ý nghĩ vẫn tiếp diễn, nhưng liên kết giữa chúng trở nên kém và kém logic dần. Bạn không nhận ra là chúng không liên kết với nhau một cách logic cho đến khi tự hỏi: “Cái gì làm mình nghĩ về điều đó?” và bạn cố gắng lần ngược trở lại, nhưng thường thì không thể nhớ được cái quái gì đã làm cho bạn nghĩ về điều đó. Vậy là bạn có mọi ảo giác về kết nối logic, nhưng sự thật là các ý nghĩ càng lúc càng trở nên xộc xệch cho đến khi chúng hoàn toàn không dính dáng gì đến nhau, và vượt qua trạng thái đó, bạn chìm vào giấc ngủ. Sau bốn tuần ngủ liên miên, tôi viết bài luận của mình, và giải thích những quan sát mà tôi đã thực hiện. Ở cuối của bài viết, tôi lưu ý rằng tất cả những quan sát này đã được thực hiện khi tôi theo dõi mình rơi vào giấc ngủ, và tôi không thực sự biết việc rơi vào giấc ngủ là như thế nào khi mà tôi không tự quan sát mình. Tôi kết luận bài viết với một khổ thơ tự sáng tác, nhắc về vấn đề tự hỏi bản thân này: Tôi tự hỏi tại sao. Tôi tự hỏi tại sao. Tôi tự hỏi tại sao tôi tự hỏi. Tôi tự hỏi tại sao. Tôi tự hỏi tại sao. Tôi tự hỏi tại sao tôi tự hỏi! Chúng tôi nộp các bài luận của mình. Trong buổi học tiếp theo, giáo sư đọc một trong các bài đó: “Mum bum wugga mum bum…” Tôi không thể nói được tác giả của bài luận ấy viết cái gì. Giáo sư đọc một bài khác: “Mugga wugga mum bum wugga wugga…” Tôi cũng không biết anh chàng này viết cái gì. Nhưng ở cuối bài, ông đọc: Uh wugga wuh. Uh wugga wuh. Uh wugga wugga wugga. I wugga wuh uh wugga wuh. Uh wugga wugga wugga. “À ha!” tôi nói. “Đó là bài của tôi!” Thành thật mà nói tôi không nhận ra bài của mình cho đến tận đoạn cuối. Sau khi đã viết xong bài luận, tôi vẫn rất tò mò, nên đã tiếp tục thực hành việc quan sát bản thân khi đi ngủ. Vào một buổi tối, trong khi đang có một giấc mơ, tôi đã nhận ra là mình đang quan sát bản thân trong giấc mơ đó. Tôi đã đi trọn con đường xuôi vào chính giấc ngủ! Trong phần đầu của giấc mơ, tôi ở trên nóc một đoàn tàu đang tiến đến một đường hầm. Tôi hoảng sợ, nằm bẹp xuống, và chúng tôi chui vào đường hầm – vù! Tôi nói với mình: “Vậy là bạn có thể có cảm giác sợ hãi, và bạn có thể nghe được sự thay đổi âm thanh khi chui vào đường hầm.” Tôi cũng nhận ra là mình có thể nhìn thấy màu sắc. Một số người nói rằng trong mơ bạn chỉ thấy đen và trắng, nhưng không, tôi đã có giấc mơ màu. Vào lúc này tôi đã ở bên trong một toa tàu và có thể cảm nhận được con tàu đang lắc lư. Tôi nói với mình: “Vậy là bạn có thể có những cảm giác về thăng bằng trong một giấc mơ.” Tôi bước đi đôi chút khó khăn về phía cuối toa, và tôi nhìn thấy một cái cửa sổ lớn, giống như cửa sổ ở những cửa hiệu. Phía bên kia cửa sổ - không thấy các manơcanh, mà là ba cô gái bằng xương bằng thịt trong những bộ đồ tắm, trông thật là xinh! Tôi tiếp tục đi sang toa kế bên, trong khi chân bước, tay nắm những cái dây da ở trên đầu, tôi tự nói với mình: “Hêy! Cái việc trở nên ham muốn – tình dục - sẽ thú vị đây.” Vì thế tôi nghĩ mình nên quay lại toa kia. Tôi khám phá ra là mình có thể quay lại tùy thích và đi ngược lại dọc theo con tàu – tôi có thể kiểm soát phương hướng giấc mơ của mình. Tôi quay lại toa có cái cửa sổ đặc biệt và nhìn thấy ba gã đứng tuổi đang chơi viôlông - nhưng rồi họ biến trở lại thành các cô gái! Vậy là, tôi có thể thay đổi cả chiều hướng của giấc mơ, nhưng không thật sự hoàn hảo. Tôi bắt đầu trở nên phấn khích, cả về tinh thần cũng như nhục cảm, nói những câu đại loại như: “Chà! Hoạt động rồi!” và tôi tỉnh giấc. Tôi đã có một số quan sát khác trong khi mơ. Ngoài việc luôn tự hỏi: “Có thực là mình đã có giấc mơ màu?” tôi cũng băn khoăn: “Hình ảnh mà bạn nhìn thấy trong mơ là chính xác đến mức độ nào?” Ở lần tiếp theo, tôi mơ thấy một cô gái đang nằm trong một đám cỏ cao và cô ấy có mái tóc màu đỏ. Tôi cố gắng để xem liệu mình có thể nhìn thấy từng sợi tóc không. Như bạn biết, có một khoảng nhỏ màu sắc ở chính chỗ ánh sáng mặt trời phản chiếu – hiệu ứng nhiễu xạ, tôi có thể nhìn thấy điều đó. Tôi có thể nhìn thấy mỗi sợi tóc với độ nét như bạn muốn: một cảnh mộng hoàn hảo! Một lần khác tôi có giấc mơ mà trong đó một cái đinh gim bị mắc kẹt trong khung cửa. Tôi nhìn thấy cái mũ đinh, vuốt dọc tay xuống khung cửa và cảm nhận được nó. Vậy là: “Trung khu nhìn” và “Trung khu cảm giác” của bộ não dường như là có kết nối với nhau. Sau đó tôi tự nói với mình: “Liệu chăng, chúng không nhất thiết phải kết nối với nhau?” Tôi nhìn lại vào khung cửa nhưng không thấy cái đinh đâu nữa. Tôi đưa ngón tay xuống thì lại cảm thấy cái mũ đinh! Một lần khác khi đang mơ thì tôi nghe tiếng “Cốc-cốc; cốc cốc”. Một điều gì đó đang xảy ra trong giấc mơ làm cho tiếng gõ này rất ăn nhập, nhưng không hoàn hảo – nó dường như là từ bên ngoài. Tôi nghĩ: “Chắc chắn là tiếng gõ ấy đến từ bên ngoài giấc mơ của mình, và mình đã hư cấu ra phần này của giấc mơ để ăn nhập với nó. Mình phải thức dậy và tìm xem đó là cái quái gì.” Tiếng gõ vẫn tiếp diễn. Tôi tỉnh dậy, và… Hoàn toàn im lặng. Chẳng có gì. Vậy là, không có kết nối với bên ngoài. Những người khác nói với tôi rằng họ đã từng kết nối những tiếng động bên ngoài vào trong giấc mơ của mình. Nhưng khi tôi đã có trải nghiệm này, cẩn thận “Xem xét từ nền móng”, và chắc mẩm là tiếng động đến từ bên ngoài giấc mơ, thì lại hóa ra không phải như vậy. Trong suốt thời gian thực hiện những quan sát trong giấc mơ của mình, quá trình tỉnh dậy là thật đáng sợ. Khi bạn bắt đầu tỉnh giấc, có một thời điểm bạn cảm thấy người bị cứng đơ và trói chặt xuống, hoặc là như đang nằm ở dưới rất nhiều lớp mền bông. Thật khó giải thích, nhưng có những khoảnh khắc bạn cảm giác là không thể thoát ra được; bạn không chắc là mình có thể tỉnh dậy. Vì vậy, tôi phải tự nói với mình – sau khi đã tỉnh ngủ – rằng điều đó là ngớ ngẩn. Không có căn bệnh nào mà tôi biết lại có thể làm cho một người chìm vào giấc ngủ một cách tự nhiên và rồi không thể tỉnh lại được. Bạn luôn có thể tỉnh lại. Sau khi tự nói với mình nhiều lần như vậy, tôi trở nên ngày càng ít sợ hãi hơn, và thực ra, tôi đã phát hiện ra là quá trình tỉnh giấc khá ly kỳ – có gì đó giống như khi đi tàu lượn: Sau một lát thì bạn không còn sợ nữa, và bạn bắt đầu thấy thích thú đôi chút. Bạn có thể muốn biết quá trình quan sát giấc mơ của tôi đã dừng lại như thế nào. Một buổi tối, vẫn đang mơ như thường lệ, tôi thực hành những quan sát, và tôi nhìn thấy trên bức tường trước mặt có một cái cờ đuôi nheo. Tôi trả lời hai mươi lăm lần: “Đúng, tôi đang mơ giấc mơ có màu sắc,” và rồi nhận ra là mình đã đi ngủ với một thanh đồng thau để ở dưới đầu. Tôi đưa tay ra đằng sau đầu và cảm thấy phía sau đầu mình rất mềm. Tôi nghĩ: “A-ha! Đó là lý do vì sao mình có thể thực hành các quan sát này trong giấc mơ: thanh đồng thau làm nhiễu trung khu thị giác ở vỏ não của tôi. Tất cả những gì tôi cần làm chỉ là khi ngủ gối đầu lên thanh đồng thau, và tôi có thể thực hành các quan sát này bất kỳ khi nào mình muốn. Vì thế, tôi nghĩ, mình sẽ ngừng việc quan sát ở đây, và ngủ thật sâu.” Khi tôi tỉnh giấc sau đó, không có thanh đồng, phần sau đầu cũng không mềm nữa. Tôi đã phần nào mệt mỏi với việc thực hành các quan sát này, và bộ não của tôi đã tạo ra những lý do giả tạo về việc vì sao tôi không nên làm điều đó thêm một lần nào nữa. Từ kết quả của những quan sát này, tôi bắt đầu định hình một lý thuyết nho nhỏ. Một trong những lý do tôi muốn tìm hiểu về những giấc mơ là tôi rất tò mò về việc làm thế nào bạn có thể nhìn thấy một hình ảnh, chẳng hạn hình ảnh một người, khi hai mắt bạn nhắm lại và không có gì lọt vào bên trong. Bạn có thể nói đó là những xung thần kinh ngẫu nhiên, không đều đặn, nhưng bạn không thể có được các dây thần kinh mà chúng có thể phát xung trong khi bạn đang ngủ theo những hình mẫu tinh tế một cách hoàn toàn chính xác y như khi bạn đang tỉnh táo nhìn vào cái gì đó. Thế thì làm sao mà khi đang ngủ tôi lại có thể “Nhìn” được màu sắc, thậm chí chi tiết hơn? Tôi cho rằng phải có một “Trung khu lý giải”. Khi bạn thực nhìn một vật nào đó – một người, một cái đèn, hay một bức tường – bạn không chỉ nhìn thấy những vệt màu sắc. Một cái gì đó nói cho bạn biết cái bạn đang nhìn là gì; nó phải được lý giải. Khi bạn mơ thì trung khu lý giải này vẫn đang hoạt động, nhưng quá đà. Nó nói với bạn rằng bạn đang nhìn thấy mái tóc của ai đó một cách chi tiết nhất, trong khi không phải như thế. Nó lý giải cái vớ vẩn ngẫu nhiên đi vào trong não bộ như là một hình ảnh rõ ràng. Một chuyện khác về những giấc mơ. Anh bạn tên là Deutsch của tôi có vợ xuất thân từ một gia đình các nhà phân tâm học ở Vienna. Một buổi tối, trong cuộc tranh luận dài về giấc mơ, anh ấy nói với tôi rằng những giấc mơ có ý nghĩa: có những biểu tượng trong mơ có thể lý giải bằng phương pháp phân tâm học. Tôi không tin lắm chuyện này, nhưng đêm hôm đó tôi đã có một giấc mơ lý thú: chúng tôi chơi một trò với ba quả bóng trên cái bàn bi-da – một quả màu trắng, một quả màu xanh, và một quả màu xám. Tên của trò chơi này là “Những cặp tí”. Khi chơi bạn phải gắng đưa được những quả bóng vào trong một cái túi hứng bi (cạnh bàn bi-a). Quả màu trắng và màu xanh thì dễ dàng chui vào túi, nhưng còn quả màu xám thì tôi không thể nào làm được. Tôi tỉnh dậy và giấc mơ đó rất dễ giải thích: tên của trò chơi đã hé lộ, tất nhiên, họ là các cô gái! Quả bóng màu trắng rất dễ mường tượng vì tôi có hẹn hò vụng trộm với một người phụ nữ có chồng đang làm việc thu tiền ở một quán ăn và mặc đồng phục màu trắng. Quả màu xanh cũng dễ, vì khoảng hai đêm trước tôi đã đi xem phim với một cô gái mặc bộ đồ màu xanh. Nhưng còn quả màu xám – quả màu xám là cái quái gì đây? Tôi biết nó phải là một ai đó; tôi cảm nhận thấy nó. Tình trạng giống như khi bạn cố gắng nhớ một cái tên, và bạn sắp nhớ ra rồi, nhưng lại không thể gọi ra được. Phải mất nửa ngày tôi mới nhớ ra là mình đã chia tay một cô gái mà tôi rất thích. Cô ấy đã đi Italia khoảng hai hay ba tháng trước. Đấy là một cô gái tuyệt vời, và tôi đã quyết là sẽ gặp lại khi cô trở về. Tôi không biết cô ấy có mặc đồ màu xám không, nhưng ngay khi tôi nghĩ đến cô thì hoàn toàn rõ ràng, cô chính là quả bóng màu xám. Tôi quay lại gặp anh bạn Deutsch và nói rằng anh ấy nhất định là đúng – có cái gì đó phân tích các giấc mơ. Nhưng khi nghe về giấc mơ thú vị của tôi, anh ấy bảo: “Không, cái ấy quá hoàn hảo – quá là dàn dựng từ trước. Thường thì anh phải phân tích thêm một chút.” Sếp nghiên cứu hóa học của công ty Metaplast Sau khi kết thúc việc học ở MIT, tôi muốn tìm một công việc để làm trong mùa hè. Tôi đã hai, ba lần nộp đơn đến phòng thí nghiệm Bell[15] và cũng đã đến thăm nơi đó vài lần. Bill Shockley[16] đã biết là tôi đến từ một phòng thí nghiệm ở MIT, nên lần nào cũng đưa tôi đi xem một vòng. Tôi rất thích những chuyến viếng thăm đó, nhưng chưa bao giờ được nhận vào làm việc ở đây. Tôi cũng có thư giới thiệu của các giáo sư đến hai công ty chuyên ngành. Một là công ty Bausch và Lomb, chuyên kiểm tra các tia sáng đi qua thấu kính; và một là phòng Thí nghiệm Kiểm tra Điện ở New York. Ở thời đó, thậm chí chẳng ai biết nhà vật lý là gì, và cũng chẳng có công việc nào dành cho họ ở các công ty. Các kỹ sư, tốt rồi!; nhưng các nhà vật lý - chẳng ai biết dùng họ như thế nào. Thật thú vị là ngay sau chiến tranh, tình thế đảo ngược 180 độ: ở đâu người ta cũng muốn có các nhà vật lý. Thành thử, với tư cách một nhà vật lý đi kiếm việc ở thời hậu Đại suy thoái[17]tôi đã không được đâu nhận. Cũng khoảng thời gian đó, tôi gặp một người bạn cũ trên bãi biển ở thị trấn quê hương Far Rockaway, nơi chúng tôi đã cùng lớn lên. Chúng tôi cùng đến trường ở tuổi mười một hay mười hai và đã từng là đôi bạn rất thân. Cả hai đều mê khoa học. Cậu ta có một “Phòng thí nghiệm” và tôi có một “Phòng thí nghiệm”. Chúng tôi thường cùng nhau chơi đùa và thảo luận các vấn đề. Chúng tôi hay bày trò biểu diễn ảo thuật – ảo thuật hóa học – cho lũ trẻ trong khu dân cư. Cậu bạn tôi là một cây tổ chức biểu diễn, và tôi cũng đại loại như vậy. Chúng tôi diễn trò trên một cái bàn nhỏ, mỗi đầu bàn có một cái đèn hơi Bunsen luôn luôn cháy. Ở trên hai cái đèn, chúng tôi để các miếng kính đồng hồ (các đĩa thủy tinh phẳng) phía trên có iốt, nó tạo ra hơi màu hồng rất đẹp bay lên từ hai đầu bàn trong suốt thời gian biểu diễn. Thật là tuyệt! Chúng tôi làm rất nhiều trò, chẳng hạn như biến “Rượu vang” thành nước, hoặc các thay đổi màu sắc hóa học khác. Ở màn kết, chúng tôi thường biểu diễn một trò mà chúng tôi đã nghĩ ra. Tôi (bí mật) nhúng hai bàn tay trước tiên vào thùng nước, rồi nhúng tiếp vào benzin. Sau đó, tôi “Vô tình” lướt tay qua một cái đèn Bunsen đang cháy, thế là một bàn tay của tôi bùng lên. Khi tôi vỗ hai bàn tay vào nhau, thì cả hai tay đều bùng cháy. (Tay không bị đau vì nó cháy rất nhanh và nước giữ cho nó không bị nóng lên). Rồi tôi vẫy hai bàn tay, vừa chạy vòng quanh vừa hét: “Cháy! Cháy!” làm cho bọn trẻ vô cùng thích thú. Chúng chạy ào ra khỏi phòng và đó cũng là màn kết của buổi diễn! Sau này, tôi kể lại chuyện đó cho mấy người anh em ở cùng nhà khi học đại học và họ bảo: “Bịa, cậu không thể làm được trò ấy!” (Tôi thường gặp vấn đề là phải chứng minh cho những anh bạn trẻ này điều mà họ không tin - giống như lần chúng tôi tranh luận về việc liệu có phải nước tiểu chảy được ra ngoài là do trọng lực không, và tôi đã phải chứng minh rằng không phải như vậy bằng cách chỉ cho họ thấy là bạn có thể đi tiểu ngay cả khi đang lộn đầu xuống đất. Hay là một lần, khi ai đó tuyên bố rằng nếu bạn uống aspirin[18] với coca-cola thì sẽ bị bất tỉnh nhân sự ngay lập tức. Tôi nói với bọn họ rằng theo tôi điều đó là hoàn toàn nhảm nhí, và tỏ ý sẵn sàng uống aspirin với coca cùng một lúc. Rồi họ bàn luận về cách thức uống: bạn phải uống aspirin trước coca, ngay sau coca, hay là trộn với coca. Thế là tôi uống sáu viên aspirin và ba cốc coca-cola, kế tiếp nhau. Đầu tiên tôi uống hai viên aspirin tiếp nối bằng một coca, kế đến họ hòa tan hai viên aspirin vào một coca và tôi nốc cạn, rồi sau cùng tôi uống một coca trước và hai viên aspirin sau. Mỗi lần uống, những tay ngớ ngẩn tin vào hiệu ứng “Ngất lịm” đứng vây quanh chờ để đỡ tôi, khi tôi bị ngất. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Tôi còn nhớ là tối hôm đó tôi ngủ không ngon, nên đã ra khỏi giường, làm rất nhiều tính toán, và tìm ra mấy công thức cho hàm Zeta Riemann.) “Được rồi, các cậu,” tôi nói. “Hãy đi kiếm một ít benzin.” Bọn họ đã có sẵn benzin. Tôi nhúng bàn tay vào bồn nước, rồi vào benzin, và châm lửa… Và đau không chịu được! Bạn thấy đấy, vào thời gian này, lông đã mọc trên mu bàn tay tôi, chúng đóng vai trò như những cái bấc (nến) giữ benzin lại khi nó cháy. Ở lần diễn trò trước đây, trên mu bàn tay tôi chưa hề có lông. Sau lần trình diễn thí nghiệm cho mấy người anh em trong nhà nam sinh ấy thì mu bàn tay tôi cũng chẳng còn sợi lông nào nữa. Vâng, tôi và cậu bạn nối khố gặp lại nhau trên bãi biển, và cậu ấy cho tôi biết là cậu ta có một qui trình mạ kim loại lên nhựa. Tôi nói điều đó là bất khả thi vì nhựa không dẫn điện: bạn không thể đấu mạch điện. Nhưng cậu ấy nói là có thể mạ kim mọi thứ. Tôi vẫn còn nhớ cậu ấy đã nhặt một hạt đào ở trên cát và bảo rằng cậu ta có thể mạ kim nó – cố gắng gây ấn tượng với tôi. Điều tuyệt vời là cậu ta đã dành cho tôi một công việc trong cái công ty nho nhỏ của mình nằm trên tầng thượng của một tòa nhà ở New York. Trong công ty chỉ có khoảng bốn năm người. Bố cậu ấy là người quản lý tiền và, tôi nghĩ, cũng là “Chủ tịch”. Cậu ấy là “Phó chủ tịch”. Một thành viên khác là người bán hàng. Tôi là “Sếp nghiên cứu hóa học”. Người anh của bạn tôi, một người không được thông minh cho lắm, lãnh nhiệm vụ rửa chai lọ. Chúng tôi có sáu cái bể mạ kim loại. Họ sở hữu qui trình mạ kim lên nhựa này với lược đồ như sau: Đầu tiên làm lắng đọng bạc lên vật cần mạ bằng cách kết tủa bạc từ bể bạc nitrate nhờ một tác nhân khử (giống như khi bạn mạ gương); sau đấy nhúng vật đó, với lớp bạc ở trên đóng vai trò như là một vật dẫn điện, vào bể mạ điện, thế là bạc sẽ được mạ lên vật. Vấn đề là liệu bạc có bám dính vào vật đó không? Nó không dính. Nó dễ dàng bong ra. Vì thế có một bước trung gian làm cho bạc bám dính chắc hơn vào vật cần mạ. Điều này phụ thuộc vào vật liệu. Với những thứ như nhựa tổng hợp Bakelite, loại nhựa rất quan trọng ở thời đó, thì cậu bạn tôi đã khám phá ra rằng nếu cậu ta phun cát để rửa nó trước, rồi ngâm nó nhiều giờ trong thiếc hydroxide, chất này sẽ chui vào những lỗ nhỏ li ti của Bakelite, và bạc sẽ bám giữ rất chắc trên bề mặt. Nhưng cách này chỉ hiệu quả với một vài loại nhựa, trong khi các loại nhựa mới thì lại liên tục xuất hiện, chẳng hạn như methyl methacrylate (bây giờ ta gọi là thủy tinh plexi) là thứ mà ban đầu chúng tôi không thể mạ trực tiếp được. Và cellulose acetate, một loại nhựa cực rẻ, cũng là một thứ mà ban đầu chúng tôi bó tay, tuy nhiên cuối cùng chúng tôi cũng khám phá ra rằng nếu để nó trong natri hydroxide một lúc trước khi dùng thiếc clorua, thì việc mạ rất ổn. Tôi khá thành công trong vai trò một “Nhà hóa học” của công ty. Lợi thế của tôi là anh bạn nối khố không làm một tý gì về hóa cả. Anh ta không làm thí nghiệm; mà chỉ đơn giản biết cách làm mấy thứ nhất định. Tôi tiến hành công việc bằng cách bỏ nhiều miếng nhựa khác nhau vào những cái chai rồi đổ đủ các kiểu hóa chất vào trong đó. Bằng cách thử và theo dõi sát tất cả mọi thứ, tôi đã tìm ra các cách mạ cho nhiều loại nhựa hơn so với bạn tôi đã làm trước đó. Tôi còn có thể đơn giản hóa qui trình của cậu ấy. Nhờ tìm hiểu trong sách, tôi thay đổi chất khử từ gluco sang formaldehyde, thế là có thể thu lại ngay lập tức 100 phần trăm bạc, thay vì sau đó phải thu hồi bạc còn lại trong dung dịch. Tôi cũng làm cho thiếc hydroxide hòa tan được trong nước bằng cách thêm một ít axit clohydric – điều mà tôi nhớ được từ môn hóa ở đại học. Thành ra cái việc vốn trước đây thường mất hàng giờ đồng hồ thì nay chỉ cần khoảng năm phút. Những thí nghiệm của tôi luôn bị người phụ trách bán hàng làm cho gián đoạn. Anh ta thường mang ở đâu về tấm nhựa nào đó của một khách hàng tiềm năng. Tôi đã xếp tất cả chai lọ thành hàng và đánh dấu cẩn thận thì đột nhiên: “Anh hãy dừng thí nghiệm này lại để làm một ‘việc khẩn’ cho bộ phận bán hàng!” Vì thế, rất nhiều thí nghiệm đã phải bắt đầu đi bắt đầu lại. Một lần tôi đã rơi vào tình huống vô cùng rắc rối. Một nghệ sĩ nào đó đang gắng làm một bức tranh cho trang bìa của một tạp chí về ô tô. Anh ta đã rất cẩn thận làm một cái bánh xe bằng nhựa, và không hiểu vì sao mà người bán hàng của chúng tôi lại nói với anh ta rằng chúng tôi có thể mạ mọi thứ. Thế là nghệ sĩ muốn chúng tôi mạ cái trục bánh xe sao cho nó sáng bóng như làm bằng bạc. Bánh xe được làm từ một loại nhựa mới mà chúng tôi không biết rõ lắm cách mạ nó. Thực ra, người bán hàng chưa bao giờ biết là chúng tôi có thể mạ được cái gì, thế nên anh ta cứ hứa đại mọi thứ - và đây là lần đầu lời hứa của anh ta không được thực hiện. Vì thế, để sửa nó chúng tôi phải lấy lớp bạc cũ ra, nhưng chúng tôi không thể bóc nó ra một cách dễ dàng. Tôi quyết định dùng axit nitric đặc bôi lên, nó bóc lớp bạc ra một cách ngon lành, nhưng cũng đồng thời tạo ra trên mặt nhựa các vết rỗ và những cái lỗ nhỏ. Lần ấy chúng tôi thực sự đã lâm vào tình cảnh cực kì khó khăn. Thực ra, chúng tôi đã nếm trải nhiều thí nghiệm “Cực kì khó khăn” như vậy. Những người khác trong công ty cho rằng chúng tôi nên đăng quảng cáo ở tạp chí Modern Plastic (Chất dẻo hiện đại). Một vài sản phẩm mạ kim của chúng tôi thực sự là rất đẹp. Chúng xứng đáng để đưa lên quảng cáo. Chúng tôi cũng đặt vài thứ trong cái tủ trưng bày ở phía trước để cho các khách hàng tiềm năng ngắm nghía, nhưng không ai được lấy những thứ dùng để quảng cáo hay trưng bày trong tủ để kiểm tra xem lớp mạ bám dính chắc đến mức nào. Có lẽ một số trong đó thực sự là sản phẩm tốt. Nhưng, đó là những sản phẩm được làm ra một cách đặc biệt, chứ không phải là những sản phẩm đại trà. Ngay sau khi tôi rời khỏi công ty vào cuối mùa hè để đến Princeton, họ nhận được một đơn đặt hàng khá lớn của một người muốn mạ kim loại những cái bút bằng nhựa. Bây giờ thì mọi người sẽ có thể sở hữu những cái bút bạc vừa nhẹ, vừa tiện dụng, lại vừa rẻ. Những cái bút sẽ bán hết veo, và thật thú vị khi nhìn thấy mọi người đi lại loanh quanh khắp nơi với những cái bút ấy – mà bạn biết là chúng từ đâu ra. Nhưng rất tiếc, công ty không có nhiều kinh nghiệm với loại vật liệu này - hoặc có lẽ là với chất độn dùng cho loại nhựa đó (hầu hết các loại nhựa không phải là tinh khiết; chúng có chứa “Chất độn”, mà ngày ấy chưa được kiểm soát tốt) – và mấy thứ vớ vẩn ấy có thể làm giộp bề mặt vật liệu. Khi bạn có trong tay một thứ gì đó có vết giộp nhỏ bắt đầu bong ra, bạn sẽ không thể không táy máy cái vết bong ra ấy. Vì thế ai cũng táy máy lớp mạ bong ra của cây bút. Tức thì công ty có nhiệm vụ khẩn cấp là phải sửa những cái bút này. Cậu bạn của tôi cả quyết rằng cậu ấy cần một cái kính hiển vi cỡ lớn, và vân vân. Cậu ta không biết là mình sẽ quan sát cái gì, hoặc vì sao, và công ty của cậu ấy tốn rất nhiều tiền cho nghiên cứu vớ vẩn này. Kết quả là họ gặp rắc rối lớn: họ không bao giờ giải quyết được vấn đề đó, và công ty đã phá sản, bởi vì đơn đặt hàng lớn đầu tiên của họ đã thất bại như vậy. Vài năm sau, tôi làm việc ở Los Alamos[19]. Ở đó có một anh chàng tên là Frederic de Hoffman[20]. Cậu ta là một loại khoa học gia, nhưng hơn nữa, cậu ấy còn rất giỏi công việc quản lí hành chính. Chưa được đào tạo ở trình độ cao, nhưng cậu ấy thích toán học và làm việc rất chăm chỉ. Cậu ấy cố gắng bù đắp những lỗ hổng về đào tạo bằng cách làm việc cực chăm. Sau này cậu ấy trở thành chủ tịch hay phó chủ tịch gì đó của công ty General Atomics[21] và là một nhân vật cỡ bự trong giới doanh nghiệp. Còn khi ấy cậu ta chỉ là một thanh niên đầy năng lực và nhiệt huyết với đôi mắt mở to, làm việc hết mình cho Dự án. Một hôm, chúng tôi ngồi ăn ở Fuller Lodge, và cậu ấy kể với tôi là đã làm việc ở Anh quốc trước khi đến Los Alamos. “Cậu làm công việc gì ở đó?” tôi hỏi. “Tôi làm về quy trình mạ kim loại lên nhựa. Tôi là một trong số những người làm việc ở phòng thí nghiệm.” “Công việc đó thế nào?” “Khá tốt, nhưng chúng tôi có những rắc rối của mình.” “Sao?” “Ngay khi chúng tôi bắt đầu xây dựng qui trình của mình thì có một công ty ở New York…” “Công ty nào ở New York?” “Đó là công ty Metaplast. Họ đã tiến xa hơn chúng tôi.” “Cậu có thể nói họ tiến xa như thế nào không?” “Họ quảng cáo suốt trên tạp chí Modern Plastic với trọn một trang nói về tất cả những thứ họ có thể mạ. Chúng tôi thừa nhận là họ đã vượt xa mình.” “Thế cậu có sản phẩm nào của họ không?” “Không, nhưng với những quảng cáo này thì bạn có thể nói rằng họ đã vượt trước những gì chúng tôi có thể làm được. Qui trình của chúng tôi khá tốt, nhưng thật vô ích khi cạnh trạnh với qui trình tương tự của người Mỹ.” “Các cậu có bao nhiêu nhà hóa học làm việc trong phòng thí nghiệm?” “Chúng tôi có sáu nhà hóa học.” “Thế cậu nghĩ là công ty Metaplast có bao nhiêu nhà hóa học?” “À! Chắc hẳn họ phải có một phòng hóa học thực sự!” “Cậu có thể cho tôi biết cậu hình dung thế nào về Sếp nghiên cứu hóa học của công ty Metaplast, ông ta là người như thế nào, và phòng thí nghiệm của ông ta hoạt động ra sao?” “Tôi đoán là họ phải có hai lăm hoặc năm mươi nhà hóa học, còn Sếp nghiên cứu hóa học của họ hẳn là phải có một phòng làm việc riêng – một phòng đặc biệt, với các dụng cụ thuỷ tinh. Anh biết đấy, giống như trong phim ảnh – các nhân viên liên tục vào phòng mang theo những dự án nghiên cứu đang triển khai, nhận chỉ thị của Sếp, rồi vội vàng đi ra để tăng cường nghiên cứu, mọi người cứ đi vào đi ra suốt như thế. Với hai lăm hoặc năm mươi nhà hóa học thì chúng tôi làm thế quái nào mà cạnh tranh với họ được?” “Cậu hẳn sẽ thấy thích thú và tức cười khi biết là chính lúc này cậu đang nói chuyện với Sếp nghiên cứu hóa học của công ty Metaplast đấy, và nhân viên duy nhất của anh ta là một người rửa chai lọ!” PHẦN 2 NHỮNG NĂM Ở PRINCETON “Chắc là anh đang đùa, Feynman!” Khi còn học ở MIT tôi rất yêu nơi này. Tôi nghĩ MIT là nơi tuyệt vời và tất nhiên muốn tiếp tục học sau đại học ở đó. Nhưng khi tôi đến gặp giáo sư Slater và bày tỏ với ông về ý định này, thì ông ấy nói: “Chúng tôi sẽ không cho em học ở đây.” Tôi nói: “Gì cơ ạ?” Slater hỏi: “Vì sao em nghĩ mình nên học sau đại học ở MIT?” “Bởi vì MIT là trường tốt nhất trong cả nước về khoa học.” “Em nghĩ thế à?” “Vâng.” “Đó chính là lý do vì sao em nên đến các trường khác. Em nên khám phá xem phần còn lại của thế giới là như thế nào.” Thế là, tôi quyết định đến Princeton. Lúc bấy giờ Princeton có một diện mạo tao nhã, phần nào mang dáng dấp một ngôi trường kiểu Anh. Vì vậy, mấy anh bạn trong hội nam sinh, những người đã biết tính cách bộc trực và không ưa hình thức của tôi, bắt đầu đánh tín hiệu kiểu như “Chờ cho đến khi họ nhận ra người mới đến Princeton là ai! Chờ cho đến khi họ nhìn thấy sai sót của mình!” Vì thế, tôi quyết định là phải gắng tỏ ra lịch lãm khi đến Princeton. Bố đưa tôi đến Princeton bằng xe ô tô của mình và sau khi tôi nhận xong phòng ở thì ông ra về. Chưa đầy một tiếng sau, một người đàn ông đến gặp tôi và nói: “Tôi là trưởng ký túc xá. Tôi muốn thông báo với em là Trưởng khoa sẽ tổ chức tiệc Trà vào chiều nay và ông ấy muốn tất cả các em đều có mặt. Chắc là em có thể giúp tôi nói lại điều này với bạn cùng phòng, cậu Serette.” Đó là sự khởi đầu của tôi ở “Trường” sau đại học Princeton, tất cả sinh viên sống ở đó. Nó giống như là bản sao của Oxford hay Cambridge – hoàn tất thêm bằng những giọng nói (người phụ trách ký túc xá là một giáo sư “Van hóc Pháp”). Có hẳn một người khuân vác ở tầng dưới, ai cũng có phòng đẹp, và chúng tôi luôn ăn cùng nhau trong bộ cánh hàn lâm ở một hội trường lớn với những cửa sổ kính màu. Vậy là tôi sắp đến dự Trà của Trưởng khoa ngay buổi chiều đầu tiên ở Princeton, cho dù thậm chí tôi không biết “Trà” là cái gì, hoặc vì sao! Tôi không có chút khả năng nào về giao tiếp xã hội; tôi cũng không có chút kinh nghiệm nào về những việc loại này. Tôi bước về phía cửa, ở đó Trưởng khoa Eisenhart đang chào đón các sinh viên mới: “Ồ, em Feynman”, ông nói. “Chúng tôi rất vui được đón tiếp em”. Câu nói này trấn an tôi đôi chút vì ông ấy bằng cách nào đó đã nhận ra tôi. Tôi bước vào trong thì thấy có mấy quý bà và cả mấy cô gái nữa. Tất cả đều rất trang trọng và khi tôi đang nghĩ xem nên ngồi chỗ nào, liệu có nên ngồi cạnh một cô gái không, và nên ứng xử ra sao, thì nghe thấy một giọng nói phía sau. “Anh muốn dùng trà với cream hay chanh, Feynman?” Đó là bà Eisenhar, đang rót trà. “Em muốn cả hai, cảm ơn cô,” tôi đáp trong lúc vẫn đang tìm một chỗ để ngồi, thì đột nhiên nghe thấy “He-he-he-he-he. Chắc là anh đang đùa, Feynman.” Đùa? Đùa? Mình vừa nói cái quái gì thế nhỉ? Rồi tôi cũng nhận ra điều mình đã làm. Đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi với cái lễ nghi Trà này. Về sau, khi đã ở Princeton lâu hơn, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của tiếng cười “He-he-he-he-he” ấy. Thực ra, ngay ở buổi trà đầu tiên đó, lúc ra về, tôi đã hiểu rằng nó có nghĩa là “Bạn mắc lỗi giao tiếp xã hội”. Bởi vì, lần tiếp theo tôi nghe thấy cũng tiếng cười khúc khích: “He-he-he-he-he”, của cô Eisenhart là khi một anh chàng nào đó hôn tay cô ấy lúc chào tạm biệt. Một lần khác, có lẽ khoảng một năm sau, ở một tiệc trà khác, tôi nói chuyện với giáo sư Wildt, nhà thiên văn học đã đề ra lý thuyết về các đám mây trên sao Vệ nữ. Chúng được cho là formaldehyde và ông ấy đã hình dung ra tất cả, formaldehyde ngưng đọng như thế nào, và vân vân. Điều đó cực kỳ thú vị. Chúng tôi đang nói chuyện về vấn đề này thì một phụ nữ bé nhỏ đi đến và nói: “Anh Feynman, cô Eisenhart muốn gặp anh.” “Vâng, một lát nữa…” và tôi tiếp tục nói chuyện với Wildt. Người phụ nữ bé nhỏ quay lại và nói: “Anh Feynman, cô Eisenhart muốn gặp anh.” “Vâng, Vâng!” và tôi đến chỗ cô Eisenhart đang rót trà. “Em muốn dùng cà phê hay trà, Feynman?” “Chị ấy bảo là cô muốn nói chuyện với em.” “He-he-he-he-he. Em muốn dùng cà phê hay trà, Feynman?” “Trà ạ,” tôi đáp: “Cảm ơn cô.” Lát sau, con gái của cô Eisenhart đến cùng với bạn học, và chúng tôi được giới thiệu làm quen với nhau. Toàn bộ ý tứ của “He-he-he” này là: Cô Eisenhart không hề muốn nói chuyện gì với tôi cả, cô muốn tôi qua chỗ đó dùng trà đúng lúc con gái của cô ấy đến cùng với bạn, để họ có ai đó trò chuyện. Đó là cách thức điều hành công việc. Đến thời điểm ấy thì tôi đã biết mình phải làm gì khi nghe tiếng “He-hehe-he-he.” Tôi không hỏi: “Cô ngụ ý gì, ‘he-he-he-he-he’?”; tôi đã biết “He-he-he” nghĩa là “Lỗi”, và tốt nhất là tôi nên tự tìm ra nó. Mỗi tối, chúng tôi phải mặc bộ cánh hàn lâm khi đi ăn. Tối đầu tiên, việc này làm tôi mất tự nhiên vì tôi vốn không thích trịnh trọng. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra là bộ cánh này rất tiện lợi. Mấy anh chàng vừa chơi quần vợt xong, có thể chạy vội về phòng với lấy bộ cánh hàn lâm, khoác vào người, thế là xong. Bọn họ không phải mất thời gian để thay quần áo hay tắm rửa. Thành thử bên trong bộ cánh ấy là những cánh tay trần, áo cộc tay, hay mọi thứ. Hơn nữa, có một qui ước là bạn không bao giờ giặt cái áo đó nên bạn có thể phân biệt được sinh viên năm thứ nhất với sinh viên năm hai, với sinh viên năm ba, và với một con heo! Vì bạn không bao giờ giặt cái áo hàn lâm, cũng không bao giờ chỉnh sửa nó, nên sinh viên năm thứ nhất có cái áo rất đẹp và khá sạch, nhưng khi bạn lên đến năm thứ ba thì nó không khác gì một tấm bìa các tông khoác lên vai bạn với những mảnh rách lủng lẳng trên đó. Vậy là ngay khi đến Princeton, tôi đã tham dự tiệc trà vào chiều chủ nhật rồi đi ăn tối với bộ cánh hàn lâm ở “Trường”. Nhưng, sang ngày thứ hai, việc đầu tiên tôi muốn làm là đi xem máy cyclotron. MIT đã lắp đặt một cyclotron mới khi tôi còn là sinh viên ở đó, và nó đơn giản là tuyệt đẹp. Riêng cyclotron chiếm một phòng, còn các bộ phận điều khiển thì ở phòng khác. Đó là một sản phẩm cơ khí đẹp. Toàn bộ dây dẫn chạy từ phòng điều khiển đến cyclotron được đặt trong một ống cách điện, và có một bàn toàn những nút bấm và đồng hồ đo. Nó chính là cái mà tôi muốn gọi là cyclotron mạ vàng. Lúc ấy tôi đã đọc nhiều bài báo về thí nghiệm cyclotron, nhưng không có mấy bài của MIT. Cũng có thể là họ chỉ mới bắt đầu. Trong khi đó, có rất nhiều kết quả từ các nơi như Cornell, Berkeley, và trên hết là Princeton. Thế nên, thứ tôi thực sự muốn xem, thứ tôi mong chờ được xem, chính là CYCLOTRON PRINCETON. Nó hẳn phải là một cái gì đó! Vậy nên việc đầu tiên trong ngày thứ hai, tôi đi vào tòa nhà vật lý và hỏi: “Máy cyclotron ở đâu – toà nhà nào?” “Nó ở dưới ấy, dưới tầng hầm – phía cuối hành lang.” Dưới tầng hầm? Đó là một tòa nhà cũ kỹ. Không thể có phòng nào ở tầng hầm để đặt cyclotron. Tôi xuống phía cuối sảnh, đi qua cửa, và trong mười giây tôi hiểu tại sao Princeton chính là nơi dành cho tôi – nơi tốt nhất để tôi tiếp tục học sau đại học. Dây dẫn mắc loằng ngoằng khắp nơi trong phòng. Công tắc điện thõng xuống từ mấy đường dây dẫn, nước làm mát nhỏ giọt từ mấy cái van, căn phòng ngập đồ đạc, mọi thứ mở bung ra. Khắp nơi là những cái bàn chất đầy dụng cụ; đây là nơi bừa bộn khủng khiếp nhất mà bạn đã từng nhìn thấy. Toàn bộ cyclotron được đặt ở đó trong một phòng, một phòng hỗn loạn hoàn toàn và tuyệt đối.. Căn phòng đó làm tôi nhớ đến phòng thí nghiệm của mình ở nhà. Chẳng có cái gì ở MIT đã từng nhắc tôi nhớ đến phòng thí nghiệm của mình ở nhà cả. Tôi bất chợt hiểu ra tại sao Princeton lại sản sinh ra nhiều kết quả thế. Họ làm việc với thiết bị. Họ lắp đặt thiết bị. Họ biết mọi thứ ở đâu, biết mọi thứ hoạt động như thế nào. Chẳng có kỹ sư nào bị làm phiền, ngoại trừ có thể chính anh ta cũng làm việc ở đó. Cái cyclotron này nhỏ hơn nhiều cái ở MIT, còn “Mạ vàng”? – hoàn toàn ngược lại. Khi cần chỉnh sửa buồng chân không, họ nhỏ glyptal lên, thành thử có những giọt glyptal rớt xuống sàn. Điều này thật tuyệt bởi vì họ làm việc (trực tiếp) với máy. Họ không cần ngồi ở một phòng khác và bấm nút! (Bất ngờ, đã xảy ra đám cháy trong phòng đó, do quá lộn xộn – quá nhiều dây rợ – đám cháy đã thiêu trụi cyclotron. Nhưng tốt nhất là tôi không nói về điều đó!) (Khi đến Cornell tôi đã xem cyclotron ở đó. Cái cyclotron này làm sao mà cần đến cả một căn phòng vì bề ngang của nó chỉ khoảng một yard – đường kính của toàn bộ thiết bị. Nó là cái cyclotron nhỏ nhất trên thế giới, thế mà họ thu được những kết quả kì diệu. Họ có tất cả các kiểu kỹ thuật và mẹo mực chuyên biệt. Nếu muốn thay đổi cái gì đó trong các “D” – các nửa vòng tròn hình chữ D nơi các hạt chạy vòng quanh – họ dùng tuốc nơ-vít tháo các “D” bằng tay, chỉnh sửa chúng, rồi lắp chúng lại. Ở Princeton việc này khó hơn nhiều, còn ở MIT thì người ta phải dùng một thiết bị cẩu chạy ngang trần nhà, hạ những cái móc xuống, và đó là một công việc cực nặng nhọc.) Tôi học được nhiều điều từ các trường khác nhau. MIT là một nơi rất tốt. Tôi không có ý định đánh giá thấp nó. Đơn giản là tôi yêu nơi này. MIT đã tạo dựng cho mình một tinh thần để mọi thành viên ở đó nghĩ rằng đây là nơi tuyệt vời nhất trên thế giới – theo một nghĩa nào đó, nó là trung tâm phát triển khoa học và công nghệ của Hoa Kỳ, nếu không nói là của cả thế giới. Điều đó giống như cách nhìn của người New York về thành phố New York: họ quên hết phần còn lại của đất nước. Và chừng nào bạn chưa có được cảm nhận đúng đắn về sự cân đối, thì bạn vẫn có cái cảm giác tuyệt vời của việc được đồng hành với ngôi trường ấy, sống trong ngôi trường ấy, và có được động cơ và ham muốn thăng tiến - bạn đã được lựa chọn một cách đặc biệt và thật may mắn khi được ở đó.