🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đường Bác Hồ Đi Cứu Nước Ebooks Nhóm Zalo Thông tin sách gốc Tác phẩm: Đường Bác Hồ đi cứu nước Tác giả: Nhà xuất bản: Thanh Niên Năm tác phẩm ra đời: 1975 Số trang: 365 trang (in trên khổ giấy A5) Thông tin ebook Đội ngũ đánh máy: Như Hảo, alpah8x, kzak27,silence00,tulipviet,hhongxuan. Đội ngũ soát lỗi chính tả: dtpmai189,suongdem,hhongxuan,teddy_M,Lannua2003, ngankThể loại: Văn học Sử Ngày hoàn thành: 17/10/2015 Người chế bản: Zhiqiang Nguồn sách gốc: dangtuanpr Ebook này được thực hiện theo dự án “SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG” của diễn đàn TVE 4U.ORG Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Mục lục Lời tựa ĐƯỜNG BÁC HỒ ĐI CỨU NƯỚC Hồ Chủ tịch hình ảnh dân tộc Làm bất cứ việc gì để sống và để đi Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam Sống, làm việc gian khổ để học tập và hoạt động Trong ngõ hẻm Công Poanh Ở Đại hội Tua Lời phát biểu tại đại hội Tua Gặp “con cáo già” thuộc địa Đến Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên Sáng lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Trở về Tổ quốc cách mạng LỜI KÊU GỌI [8] "Vụ án" ở Hương Cảng Trở lại đất nước Xô viết. Trên đường về nước qua Trung Quốc. Từ Vân Nam – Tĩnh Tây về Pắc Bó Bị Quốc dân đảng Trung Quốc bắt Về Tân Trào Một thời đại mới của dân tộc Lời tựa Đường Bác Hồ đi cứu nước là một tập hợp các câu chuyện về con đường Bác Hồ đi cứu nước từ khi rời bến cảng nhà rồng cho đến lúc Bác về với cây đa Tân Trào. Đến với cuốn sách bạn sẽ thấy những ngày gian khổ của Bác và các đồng chí của mình khi tìm lối thoát cho dân tộc khỏi bị áp bức. Các câu chuyện được trình bày dung dị nhưng toát lên được tinh thần của vị cha già dân tộc. Một cuốn sách lịch sử nhưng không hề khô khan, bạn sẽ phải phì cười khi biết Bác và các đồng đội của mình tìm được một chỗ ẩn náu lý tưởng trong màn sương nhưng đến khi sương tan mới biết mình đang ở giữa cánh đồng lớn. Và còn rất nhiều những cậu chuyện khác không kém phần thú vị khác chờ đón bạn khám phá. ĐƯỜNG BÁC HỒ ĐI CỨU NƯỚC “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Trích: “Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ nhất, đọc tại lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch”. Hồ Chủ tịch hình ảnh dân tộc “Bình sinh Hồ Chủ tịch là người rất giản dị, lão thực, vĩ nhân thật vĩ nhân bao giờ cũng giản dị lão thực. Đã cầu kỳ là thiếu bản lĩnh, cố làm trò để đánh lừa thiên hạ và hậu thế. Vua Nghiêu, vua Thuấn, Chúa Giê-du là những người giản dị, lão thực. Ông Lê-nin, ông Tôn Văn, thánh Găng-đi cũng là người giản dị lão thực. Bậc đại khoa hoặc đại văn hào cũng vậy. Trái lại Hít-le là một kẻ gian hung. Còn bên cạnh Hít-le, Mút xô-li-ni chỉ là một thằng hề. Xem một đôi bức ảnh Hồ Chủ tịch, có người nói mắt Người có hai con ngươi, và tin rằng vì chỗ đó, Người là một ông thánh. Làm gì có chuyện hoang đường như thế! Mắt Hồ Chủ tịch cũng như mắt mọi người sáng hơn mắt mọi người nhiều lắm đã đành, nhưng sáng hơn vì Người biết nhìn, nên nhìn thấy những cái mọi người không nhìn thấy; hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to. Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn Việt Nam nào hết. Ngót ba mươi năm bôn tẩu bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần túy, phong độ, ngôn ngữ, tính tình của người Việt Nam. Ngôn ngữ của Người phong phú, ý vị như ngôn ngữ người dân quê Việt Nam; Người khéo dùng tục ngữ, hay nói ví, thường có lối châm biếm kín đáo và thú vị. Làm thơ, Người thích lối ca dao, vì ca dao là Việt Nam cũng như núi Tràng Sơn, hồ Hoàn Kiếm hay Đồng Tháp Mười vậy. Mấy mươi năm xa cách quê hương, Người không quên mùi vị những thức ăn đặc biệt Việt Nam như cà muối, dưa chua, tương ớt, và ngày thường bây giờ, Người vẫn ưa thích những thứ ấy. Ngay sau khi về nước, gặp Tết, Người không quên mừng tuổi đồng bào hàng xóm và quà bánh cho trẻ em, tuy chỉ có mấy đồng xu nhưng cũng bọc giấy hồng đơn cẩn thận, tiêm tất. Bình sinh như thế, đứng địa vị Chủ tịch chính phủ kháng chiến kêu gọi quốc dân, Người dùng những lời nói thống thiết đi sâu vào tâm hồn Việt Nam: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng”. Lối ăn ở của Hồ Chủ tịch giản dị như thế nào, chúng ta đã từng biết. Lúc ở chiến khu, Người sống chung với anh em trong một cơ quan, làm việc, học tập, ăn ở, sinh hoạt nhất nhất như anh em. Có những lúc vì gạo thiếu hay khí hậu nặng, cần ăn ít một chút Người cũng vui vẻ chịu đựng cùng anh em. Kể ra Người có chỗ được biệt đãi: Đó là bát nước cơm mà anh Lộc, đồng chí cấp dưỡng lành nghề và thân mến của chúng tôi lúc ấy, bao giờ cũng để dành riêng cho Người từ biên giới Cao Bằng cho đến Tân Trào, trước khi về Hà Nội. Ở Hà Nội Chủ tịch Chính phủ có phòng làm việc, phòng tiếp khách, nhiều khi chủ tọa những bữa tiệc long trọng, nhưng bình thường ngày hai bữa, Chủ tịch chính phủ cùng nhân viên đều ăn chung. Nhiều lần, vì đến quá trễ, thức ăn không còn gì Hồ Chủ tịch vẫn vui cười ăn đủ mấy bát cơm thường lệ. Người vẫn thích đi bộ, tắm sông, hút thuốc lá và thỉnh thoảng uống một ly rượu thuốc trong bữa cơm. Trước đây, Người đi bộ một ngày 50 cây số là thường và có thể đi như thế ngày nọ qua ngày kia. Lúc ở Côn Minh, sáng nào Người cũng đi bộ một vòng quanh thành phố. Ở Liễu Châu, mùa đông, một hôm tướng Trương Phát Khuê đi ngựa dạo buổi sớm gặp Người tắm trên sông, Trương tướng quân lấy làm lạ một người ở phương Nam Á Châu chịu rét giỏi đến thế. Ở Cao Bằng, có lúc cơ quan đóng tại một cái suối lớn vừa ở trong hang đá chảy ra, nước trong xanh biếc dưới bóng mát của rừng cây; Hồ Chủ tịch suốt ngày làm việc ở đó với cái bàn máy đánh chữ “Hét mét” luôn luôn đi theo Người từ năm 1938 đến khi về Hà Nội. Ở rừng, Hồ Chủ tịch chủ trương tránh ăn no, không ngủ trưa và hoạt động thân thể, buổi sáng thể dục, buổi chiều làm vườn, lúc cần đi vác củi cho đồng bào. Suốt trong thời gian ở thượng du Bắc Bộ, trước cuộc khởi nghĩa, nhiều ngày Người luôn tay nắn hòn đá bầu dục, cốt để luyện gân tay và hoạt động cơ thể. Người ít ưa dùng thuốc, chỉ có lúc nào sức cơ thể chống không nổi bệnh mới dùng. Ở Hà Nội, bác sĩ Tùng, bác sĩ Cẩn chuyên lo sức khỏe của Người nhưng không mấy khi Người phiền đến. Ở Pháp, anh em buộc bác sĩ Cưu ở bên cạnh Người nhưng rồi bác sĩ làm việc văn phòng nhiều hơn thầy thuốc. Sinh hoạt chiến khu thường cực lắm, có lần suốt mấy tháng mùa mưa Hồ Chủ tịch ở trong một cái hang chật hẹp ẩm thấp, ban đêm sâu bọ ở ngoài tràn vào. Lúc ấy vì cơ sở quần chúng kém, nên phải ẩn nấp trong hang cùng, và cũng vì cơ sở quần chúng kém, nên dẫu ẩn nấp trong hang cùng mà cũng không yên, thường vẫn phải chạy “cảnh báo”. Hễ có “cảnh báo” là phải mang hết đồ đạc chạy lánh đến một chỗ an toàn hơn. Lúc ấy Hồ Chủ tịch yếu, nhưng bất kỳ đêm ngày, hễ có tin địch là mấy phút sau Người đã sẵn sang trước anh em, tay xách bàn máy đánh chữ. Lúc đến Pháp, ngay hôm gặp đầu tiên, lối ăn ở giản dị của Hồ Chủ tịch làm cho kiều bào rất cảm động. Hôm ấy, tại Bi a-rít, đại biểu kiều bào đến thăm Người, hồi hộp và sung sướng. Khách đông phòng khách không đủ ghế ngồi, giản dị Hồ Chủ tịch ngồi xuống sàn và mời mọi người ngồi thế nói chuyện. Đây không phải vị Chủ tịch chính phủ, đây là cha già của dân tộc ân cần và thân mật hỏi thăm đàn con bao năm lưu lạc ở quê người. Hồ Chủ tịch, người giản dị ấy, cũng là người lịch sự một cách thanh tao cao quí và mọi người ngoại quốc có dịp tiếp chuyện Người đều ca ngợi cái phong độ thanh tao cao quí mà họ cho là đặc sắc của phương Đông. Ở chiến khu, trong cơ quan, Hồ Chủ tịch thường mặc một bộ đồ xanh, chân đi đất; về Hà Nội, Người mặc một bộ đồ kaki, chân đi giầy vải. Nhưng sang Pháp thì Người mang giầy da và mặc một bộ đồ nỉ, cổ đứng. Ở Ba-lê có ngày Hồ Chủ tịch tiếp luôn ba bữa cơm khách, bữa sáng với bạn thân, bữa trưa với khách thường, bữa tối với khách đặc biệt, mỗi bữa có khi kéo dài ba tiếng đồng hồ, nhưng Hồ Chủ tịch thủy chung vẫn ân cần niềm nở. Hồ Chủ tịch rất vui tính, vì vốn có cái tính lạc quan của những người quyết chiến quyết thắng ngày nay và quyết tâm xây đắp đời sống tốt đẹp cho dân tộc ngày mai. Trong những bữa cơm, tiệc trà thân mật giữa nhân viên cao cấp chính phủ, Hồ Chủ tịch vui thú, nói chuyện, làm thơ, khôi hài. Một đôi khi, Người thoạt đến những buổi dạ hội tưng bừng ở nhà Hát lớn Hà Nội, các cháu thiếu nhi quây quần lại, nhưng một lát sau, Người nhẹ bước biến đi đâu mất. Người thích hoa và có kể câu chuyện ở Nga cũng như ở các nước Âu Mỹ, người ta dùng phi cơ chở các thứ hoa ở xa về để trang điểm đời sống hang ngày cả đô thị lớn. Nhưng trong vườn hoa Chủ tịch phủ, hoa ngày càng nhường chỗ cho khoai, bắp. Gần Côn Minh, có núi Tây Sơn, một thắng cảnh có tiếng; một hôm anh em muốn đi xem, Hồ Chủ tịch bảo: “Nếu tiện lắm sẽ hay; chúng ta là người cách mạng chứ không phải kẻ du lịch.” Đời sống Hồ Chủ tịch là một đời sống khắc khổ, cần lao và tranh đấu. Người lãnh tụ của một dân tộc mất nước không thể có một đời sống khác. Phải khắc khổ, cần lao và tranh đấu để mưu cầu hạnh phúc ngày mai. Có người e đời sống nghiêm khắc ấy không còn chỗ cho tình cảm. Nhưng chính Hồ Chủ tịch thường nói người cách mạng là người rất giàu tình cảm, và vì giàu tình cảm nên làm cách mạng. Người mà cả dân tộc tôn làm vị cha già của mình phải có lòng thương mênh mông xúc động đến tâm can của mọi người. Trong thời kỳ bí mật, phút mặc niệm chiến sĩ cách mạng là lúc Hồ Chủ tịch rơi nước mắt. Tại Quốc Hội Hồ Chủ tịch vừa khóc vừa ôm hôn anh Nguyễn Văn Tạo sau khi anh đọc một bài diễn văn thống thiết về Nam Bộ. Người xưa nói: Có việc phải lo, lo trước thiên hạ, có việc đáng vui vui sau thiên hạ, Hồ Chủ tịch nói một cách giản dị và thống thiết hơn: “Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon; ngủ không yên.” Câu nói đó đã bộc lộ tâm trạng Người, mối tình cảm ruột thịt bao bọc trăm họ của đại gia đình Việt Nam. Đối với người giản dị và lão thực ấy một câu nói là một việc làm và có làm thì mới nói. Giản dị và lão thực trong sự ăn ở, tính tình, trong lời nói, viết. Người cũng giản dị và lão thực trong chủ trương chính trị nữa. Dân tộc Việt Nam bây giờ muốn gì? Muốn thống nhất, độc lập, muốn no ấm, muốn biết chữ, muốn đời sống bớt tối tăm. Cho nên Hồ Chủ tịch chủ trương: đoàn kết kháng chiến, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, đời sống mới. Dân tộc Việt Nam quyết tâm và mỗi ngày tiến mạnh trên con đường sống còn sau lưng Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch thật là hiện thân của dân tộc Việt Nam và mọi người Việt Nam đều thấy mình trong Hồ Chủ tịch. Sức mạnh của Hồ Chủ tịch và sức mạnh của dân tộc Việt Nam là ở chỗ đoàn kết thống nhất ấy…” Tháng 8-1948 PHẠM VĂN ĐỒNG (Trích bài “Hồ Chủ tịch hình ảnh dân tộc”; in trong cuốn: Hồ Chủ tịch lãnh tụ của chúng ta, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, năm 1967). Làm bất cứ việc gì để sống và để đi “Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên 15 tuổi. Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, Anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Vì: Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương. Anh nhận điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì cụ còn nặng cốt cách phong kiến. Anh thấy rõ và quyết định con đường nên đi. Cụ Phan Bội Châu vào bậc chú của Anh. Cụ Phan Bội Châu muốn đưa anh và một số thanh niên sang Nhật. Nhưng Anh không đi. Anh muốn làm gì? Một vị trí thức ở Sài Gòn kể lại cho tôi: “Trong khi còn học ở trường Chasseloup-Laubat, tôi gặp một người thanh niên ở Trung Bộ vào Sài Gòn, ở nhà một người bạn. Vì cùng một lứa tuổi, cho nên chúng tôi lập tức trở nên đôi bạn thân. Tôi đưa anh đến trước tiệm cà phê của Pháp xem đèn điện, xem chiếu bóng và máy nước. Những cái đó, trước kia anh chưa hề thấy. Một hôm tôi mời anh ăn kem. Anh rất lạ. Lần đầu tiên anh mới nếm mùi kem. Sau ít hôm, anh đột nhiên hỏi tôi: “Anh Lê, anh có yêu nước không.” Tôi ngạc nhiên và đáp: “Tất nhiên là có chứ!” - Anh có thể giữ bí mật không? - Có - Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, vì như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không? - Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi? - Đây, tiền đây.- Anh bạn của tôi vừa nói vừa giơ hai bàn tay. – Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ? Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của anh, tôi đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ về cuộc phiêu lưu, tôi không có đủ can đảm để giữ lời hứa. Vài ngày sau, tôi không gặp lại anh bạn nữa. Tôi đoán là anh ta đã đi ngoại quốc. Anh ta đi bằng cách nào? Tôi không biết. Về sau, tôi chỉ biết người thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết ấy là cụ Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chủ tịch của chúng ta ngày nay. Chính ông Mai ở Hải Phòng, nhân viên cũ trên một chiếc tàu Pháp của hãng “Vận tải hợp nhất” đã cho chúng tôi biết những điều mà ông Lê không rõ. Ông Mai kể lại: Vào khoảng giữa năm 1911 hay 1912 – Tôi không nhớ đúng nữa – tôi làm việc ở phòng ăn của các sĩ quan trên tàu. Tàu chúng tôi cập bến Sài Gòn để lấy hàng và đón khách. Một buổi trưa, một người trai trẻ lên tàu. Sau một phút ngập ngừng anh ta hỏi xin việc. Chúng tôi trả lời là không có việc gì và có chăng nữa, chúng tôi cũng không có quyền nhận anh ta. Chúng tôi cười vì chàng trai có vẻ một anh học trò không phải là người lao động như chúng tôi. Chúng tôi nói nhỏ với nhau: “Một người như thế có thể làm công việc gì trên tàu?” Tôi không hiểu tại sao tôi thấy thương hại anh ta và tôi nói: “Đi theo tôi, tôi sẽ dẫn anh đến gặp chủ tàu. Có lẽ ông ta sẽ có việc cho anh làm”. Chủ tàu hỏi: “Anh có thể làm việc gì?” - Tôi có thể làm bất cứ việc gì! Chàng trai trả lời. - Được, ta sẽ lấy anh làm phụ bếp. Sáng mai anh đến đây nhận việc. Chàng trai ấy xưng tên là Ba. Vì tôi đã giúp anh ta việc nhỏ ấy, cho nên anh ta rất thân với tôi, và cũng vì anh ta rất dễ yêu nên tôi cũng rất thân với anh ấy. Việc gì tôi làm được là tôi cố làm để giúp anh ta, vì anh ta chưa biết làm gì cả. Vả lại, anh ấy có can đảm và nhẫn nại. Phụ bếp trên tàu, mỗi ngày anh ta phải làm: từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, rồi đốt lửa trong các lò. Sau đó đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt, cá, nước đá v.v… Công việc khá nặng nhọc vì dưới bếp rất nóng và trong hầm rất rét, nhất là khi vừa phải vác một bao nặng vừa leo lên những bậc thang trong khi tàu tròng trành. Xong công việc ấy, phải dọn cho bọn chủ bếp Pháp ăn. Sau đấy, nhặt rau, rửa chảo nồi và đun lò lại. Công việc kéo dài suốt ngày. Nhà bếp lo ăn cho 7, 8 trăm người cả nhân viên và hành khách. Có nhiều cái chảo bằng đồng lớn và nặng quá đến nỗi anh Ba phải kéo lê trên sàn. Và những cái nồi cao quá anh phải leo lên ghế để chùi nồi. Luôn luôn nghe tiếng: - Ba, đem nước đây! - Ba, đem chảo đi! - Ba, thêm than chỗ này, thêm than chỗ kia! Suốt ngày, anh Ba dầm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than. Người ta thấy anh Ba phải dùng hết tinh thần và sức lực để làm cho xong công việc. Và hơn nữa vì chưa quen việc, anh phải gọt xong đống củ cải và khoai tây. Anh không biết làm thế nào. Tôi dạy cho anh. Tôi còn nhớ một lần phải gọt măng tây. Đây là lần đầu tiên anh Ba thấy măng tây. Anh ta bắt đầu gọt trơ trụi, thì vừa lúc tôi đến. Tôi hối hả quẳng xuống bể tất cả măng đã gọt và tôi bầy cho anh ta phải làm như thế nào. Nhờ thế không xảy ra việc gì. Mỗi ngày, 9 giờ tối, công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi ngủ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm. Về thứ bậc anh Ba là người dưới chúng tôi, chúng tôi là những người có chức vị, còn anh Ba thì là người phụ bếp. Nhưng vì anh Ba hiểu biết - anh giúp những người bạn mù chữ của tôi viết thư về cho gia đình họ, và anh không bao giờ nói tục - vì vậy anh Ba được tất cả chúng tôi yêu mến. Một lần, dọc đường, anh Ba suýt chết đuối. Bể nổi sóng. Làn sóng to như những quả núi chồm lên đổ xuống. Hầu hết mọi người say sóng. Như mọi ngày, anh Ba đi lên đi xuống từ bếp xuống hầm. Không thể vác những rổ rau lên vai vì tàu tròng trành, anh phải buộc rổ rau vào dây sắt để kéo đi, chuyến thứ hai một ngọn sóng lớn thình lình phủ lên sàn tàu và cuốn xuống bể mọi vật trên sàn tàu. Cả những rổ rau và anh Ba nữa. Anh bị đẩy vào giữa cột buồm và dây xích, nhờ vậy mà thoát chết. Cái gì đối với anh Ba cũng mới, anh phải học tất cả. Ví dụ mới đầu anh không ăn được bánh mì và bơ. Ăn xúp thì anh dùng nỉa. Vài ngày sau tàu rời bến, có hai hành khách - hai người lính trẻ tuổi giải ngũ trở về Pháp. Tôi không hiểu tại sao hai anh này đã trở nên bạn thân của anh Ba. Họ giúp anh nhặt rau và buổi tối họ cho anh mượn những quyển sách nhỏ, dạy cho anh đọc và viết. Và anh Ba lại dạy họ học quốc ngữ và thỉnh thoảng dấm dúi cho họ một cốc cà phê. Anh nói với tôi với một vẻ ngạc nhiên: ”Anh Mai, cũng có những người Pháp tốt, anh ạ”. Hồi ấy, Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông vào làng Tây, đi tàu hạng nhất cùng với gia đình. Ông ta đưa con sang Pháp học. Trông thấy Ba, ông ta gọi anh lại và thân mật bảo: - “Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác, danh giá hơn...”. Anh Ba lễ phép cảm ơn ông Chiêu, nhưng không nói đồng ý hay không. Đến Mạc-xây, chúng tôi lĩnh lương; mỗi nhân viên Việt Nam được từ 100 đến 200 quan, thêm vào đấy tiền thưởng của hành khách. Anh Ba là phụ bếp chỉ được 10 quan. Anh ta được ít lương, nhưng anh học được nhiều chuyện mới lạ. Coi tôi là bạn thân thiết nhất, anh ta nói với tôi tất cả những điều anh trông thấy và suy nghĩ. - “Ơ! Ở Pháp cũng có người nghèo như bên ta!” Trông thấy những gái điếm làm tiền trên tàu, Ba nói với tôi: - Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta, sao thế anh Mai? Tàu điện đối với anh Ba là một chuyện kỳ lạ. Lần đầu tiên anh ta trông thấy những “cái nhà biết chạy” ấy. Cái gì cũng làm anh ta chú ý, vì cái gì đối với anh ta cũng mới cả. Luôn luôn anh ta nói: - “Lần đầu tiên, tôi mới thấy cái này…” Công việc trong ngày xong, tôi cho anh ta mượn bộ áo quần, và chúng tôi đi đến tiệm cà phê ở đường Ca-nơ-bia. Không cần phải nói, đây là lần đầu tiên anh ta vào tiệm cà phê và cũng là lần đầu tiên người Pháp gọi anh bằng “ông”. Sau những ngày đầu tiên ở Mạc-xây, anh Ba tóm tắt cảm tưởng của mình bằng mấy chữ: - Người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương. Chúng tôi đi theo tàu lên Ha-vơ-rơ (Havre) để sửa chữa. Chúng tôi được đưa sang làm việc ở một chiếc tàu khác, trở về Đông Dương. Anh Ba không muốn trở về. Ông chủ tàu đem anh về nhà. Từ đấy, tôi không được tin tức gì của anh Ba nữa… Không bao giờ tôi đoán rằng người bạn nhỏ của tôi, người phụ bếp, anh Ba ngây thơ, siêng năng và ngoan ngoãn ấy, lại trở thành Chủ tịch Chính phủ ta, người xây dựng nên nước Cộng hòa chúng ta. *** Theo địa chỉ ông Mai mách, anh Trần, người cộng tác trẻ của tôi, đến gặp ông Dân ở Nha Trang. Đấy là những điều anh Trần ghi chép: Ông Dân 62 tuổi, chủ một cửa hàng nhỏ sạch sẽ và đông khách, nhà đông con. Ông ta tiếp tôi niềm nở và kể chuyện: “Tôi có hai con trai đi Vệ quốc quân và một con gái đi cứu thương. Nhà tôi còn ba con nữa: 22, 20 và 18 tuổi, đều là đoàn viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc. Cả ba đứa đều muốn đi Vệ quốc quân. Khi nào Tổ quốc cần đến chúng nó, tôi sẵn sàng hiến con cho Tổ quốc. Có lẽ điều đó sẽ làm cho mẹ cháu buồn, nhưng đàn bà thì bao giờ chẳng thế. Tôi cũng nên nói để ông rõ là bà nhà tôi cũng là đoàn viên Phụ nữ cứu quốc. Còn tôi, thủ quỹ của Việt Minh địa phương. Cả gia đình tôi đều làm việc Nhà nước. Cả làng này đều thế. Ai cũng là Việt Minh. Việt Minh, Việt Nam, Việt Nam, Việt Minh. Không thể có Việt Nam mà không có Việt Minh”. Ông Dân có tài nói. Ông bắt chuyện này sang chuyện khác rất thần tình. Kéo ông về câu chuyện mà tôi đặc biệt chú ý không phải là dễ. Nhưng sau tôi đã thành công. - Có chứ, tôi còn nhớ anh Ba ấy. Chắc chắn tôi còn nhớ anh ta mặc dầu cách đây đã 30 năm. Tôi ở với ông chủ của tôi ở Xanh A-đơ-rét (Saint Adresse). Một ngoại ô của Ha-vơ-rơ. Một hôm, ông chủ già dẫn về một người trẻ tuổi, gầy yếu, quần áo lôi thôi nhưng có vẻ lanh lợi. Tên anh ta là Ba. Ở nước ngoài mà gặp được một người đồng hương, thì lập tức người ta dễ trở thành bạn thân. Chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi ở một biệt thự, có vườn hoa. Ông chủ già khi rảnh việc thì ở câu lạc bộ thành phố. Bà chủ thường đến nhà người con gái, vợ một nhân viên của công ty. Một bà nấu bếp, một người tốt, nếu anh ta khéo nịnh thì bà ta cho anh ăn ngon, nhưng khi bà ta cáu thì như một mụ yêu tinh. Một cô sen xinh xinh hay làm dáng, có một “bà mẹ hay ốm”- “bà mẹ ốm” chính là một chàng thủy thủ. Để đi gặp tình nhân, chị ta lừa chúng tôi luôn và nói là đi thăm mẹ ốm. Trong nhà tất cả là 6 người. Đồ đồng đánh bóng, đồ đạc lau xong, bàn ghế sạch bụi, thế là ông chủ bà chủ bằng lòng và rất tốt, luôn luôn một điều “con” hai điều “con”. Nhưng phần lớn công việc do cô sen làm. Chị ta muốn cho chóng xong để đi gặp “bà mẹ ốm”. Vì vậy chúng tôi có rất nhiều thì giờ rảnh. Anh Ba dùng thì giờ, chăm bón hoa với người làm vườn hoặc giở những tờ báo có ảnh trong tủ sách ra xem. Sau khi đến được ba ngày, anh hỏi tôi: “Anh Dân, anh có biết viết chữ quốc ngữ không? ”. Tôi hơi thẹn nhưng trả lời thành thật : “Không, tôi không biết”. Anh Ba liền giảng giải và khuyến khích tôi học. Tôi làm theo lời anh. Anh Ba cũng thế. Anh học tiếng Pháp với cô sen. Ngày nay tôi đọc được và viết được chính là nhờ anh Ba. Để trả ơn, thỉnh thoảng tôi dẫn anh Ba đi xem chiếu bóng hoặc xem xiếc. Chúng tôi ở với nhau được độ một tháng. Một buổi chiều, người chủ già đi làm về, nói với anh Ba: “Có một chuyến tàu đi vòng quanh Châu Phi. Không có khách. Chỉ có hàng hóa. Anh có muốn nhận làm bồi cho các sĩ quan trên tàu ấy không? Họ không đông lắm đâu, và đều là những người tốt, anh sẽ thấy anh không đến nỗi vất vả ở trên tàu. Đồng ý chứ?”. Anh Ba vui vẻ nhận lời. Sau tôi nói với anh: “Ba ơi, khí hậu ở Châu Phi rất nóng, nóng hơn ở bên ta. Và một chiếc thuyền chở hàng rất tròng trành, rất dễ làm cho anh say sóng. Đi như thế anh dại dột lắm: Nhất là một thân một mình, bầu bạn không có…” Anh Ba nói với tôi: “Anh không nên nói như thế. Tôi là thanh niên, tôi khỏe, tôi chịu được khổ. Và tôi muốn đi xem các nước”. Ngay hôm sau anh Ba đáp thuyền đi, anh có viết thư cho tôi hai ba lần, kể cho tôi nghe vô số chuyện, nói đến người da đen, người Ả Rập, nói đến xứ Tê nê-ri-pho, xứ Lit-bon, đến những con vẹt… Anh cũng cho biết là người nấu bếp trên tàu cũng là một đồng hương tên là Bốn…” Không để cho ông Dân nói hết câu, tôi hỏi: “Ông có biết ông Bốn ấy không?”. - Có, tôi biết. Tôi biết chắc chắn anh ta là một người ngớ ngẩn, có khi như là một người điên. Về già, anh ta trở nên khôn ngoan hơn. Anh ta làm việc như một con bò. Anh ta lĩnh được rất nhiều tiền. Nhưng mỗi lần tàu cập bến, anh ta tiêu sài trong hai ba ngày thì hết sạch số tiền kiếm được trong hai ba tháng. Chẳng bài bạc gì. Anh ta chỉ thích đi theo gái. Anh ta xấu như con quỷ. Nhưng anh ta bắt nhân tình với một cô gái nhẩy… và khi nào hết xu, chị chàng đuổi anh ra cửa. - Bây giờ anh ấy ở đâu? - Ông đến Quỳnh Lâm và hỏi Bốn sẹo thì ở đấy ai cũng biết. Bây giờ anh ta đã khôn ngoan hơn và được mọi người mến. Để kết luận cuộc phỏng vấn của tôi, tôi hỏi ông Dân: - Ông có biết anh Ba hiện nay thế nào không? - Không, tôi rất tiếc là không biết. - Ông có muốn tôi nói cho ông biết không? - Còn gì bằng nữa! - Ông quay lại xem, anh Ba ấy đây kìa. Tôi vừa nói vừa chỉ chân dung Hồ Chủ tịch treo trên bàn thờ giữa những bình hoa bình hương, đèn nến. Ông Dân quay đầu, mở to đôi mắt, há miệng gãi tai. Và ông bật lên như một cái lò xo và kêu: “Hồ Chủ tịch! Hồ Chủ tịch của chúng ta! A di đà phật! Nhưng làm sao anh biết? Anh nói thật đấy chứ? Ờ, ờ, lạ quá nhỉ. Hồ Chủ tịch là anh Ba ấy ngày xưa. Hay quá nhỉ! Tôi sẽ kể điều đó cho bà nhà tôi nghe, cho các cháu nghe. Chúng nó sẽ mừng biết mấy! Cha của chúng nó biết cụ Hồ ngày xưa…”. Tôi lại tìm đến ông Bốn. Tính tình ông Bốn hoàn toàn khác với ông Dân, và cũng không giống như anh Bốn trai trẻ mà ông Dân đã nói. Đấy là một ông già hơn 60 tuổi, hiền lành. Với một giọng nhè nhẹ, ông kể lại đời mình cho tôi nghe và những mối quan hệ giữa ông với anh Ba hồi ấy. Ông nói: “Lúc còn trẻ tôi đi vòng quanh thế giới làm nghề nấu bếp trên tàu. Tôi kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng tôi không gửi một xu nhỏ về gia đình. Tôi chạy theo một cô gái nhảy, có bao nhiêu nướng hết. Tôi đi nhiều, nhưng tôi không thấy gì, không đọc gì. Tôi hoàn toàn dốt đặc, không biết đọc chẳng biết viết. Một lần đi trên một chiếc tàu nhỏ chở hàng, tôi có người bạn là một đồng hương trẻ tuổi, tên là Ba. Sau những giờ làm việc anh Ba viết và đọc sách. Chính anh đã khuyên tôi học chữ quốc ngữ. Anh Ba có một lối thuyết phục người rất giỏi. Nhờ những lời khuyên bảo và sự giúp đỡ của anh Ba, tôi trở nên một người khá. Chiếc tàu nhỏ rời Ha-vơ-rơ. Đỗ lại ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, An Giê Ri, Tuy Ni Di và những cửa bể Đông châu Phi cho đến Công Gô. Đến đâu anh Ba cũng để ý xem xét. Mỗi lần tàu cập bến, thế nào anh Ba cũng kiếm cách đi thăm thành phố. Khi trở về, anh có những ảnh và những hộp diêm đầy túi. Anh Ba thích thu thập những thứ ấy. Đến Da-ca, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả ca-nô xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi. Cảnh tượng ấy, mọi người coi là thường. Nhưng điều đó làm cho anh Ba hết sức cảm động, anh khóc. Ngạc nhiên tôi hỏi tại sao? Anh Ba buồn rầu trả lời tôi: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là người tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”. Chiếc tàu của chúng tôi chở rượu ngon của Boóc-đô và An Giê Ri cho những thuộc địa khác. Tất cả mọi người trên tàu dùng rượu đó. Vì rượu rất nhiều. Tôi đã trông thấy nhiều thủy thủ say rượu suốt chuyến tàu. Chỉ cần dùi một lỗ nhỏ vào thùng rượu, ấn một ống cao su nhỏ vào đấy, hút thật mạnh và để đầu ống kia vào một cái chai. Và như thế tha hồ mà uống. Nhưng anh Ba không bao giờ uống rượu và khuyên tôi không nên làm như thế. Anh Ba rất tốt với mọi người và không bao giờ cãi cọ với ai. Nhưng anh Ba hơi khác thường. Mỗi ngày, anh dậy thật sớm để xem mặt trời mọc. Và trong những đêm trăng, anh hầu như không ngủ, anh đi đi, lại lại trên tàu, ngắm trời ngắm bể. Chúng tôi đậu lại ở Tê-nê-ríp-pho vào lúc hoàng hôn. Bể lặng sóng, hòn đảo giống như một cái chụp đèn khổng lồ để trên mặt bể, phía trên lóng lánh, phía dưới xanh xanh. Chỉ có thế thôi. Mà anh Ba ngây người. Anh nhắc đi nhắc lại: “Bốn, anh nhìn kìa! Đẹp quá! Hùng vĩ quá!” Đến lúc trở về Ha-vơ-rơ. Nhớ lời khuyên của anh Ba, tôi không đến thăm cô gái nhảy nữa. Tôi còn đi một vài chuyến dành được ít tiền thì tôi trở về nước, mở một cửa hàng nhỏ, và lấy vợ. Nghĩ đến tình bạn giữa chúng tôi, tôi đã đặt tên cho đứa con đầu lòng của tôi là Ba, điều đó làm cho những người chung quanh lấy làm lạ. Việc đó đã cách đây 30 năm. Ngày giờ đi chóng quá”. Ông Bốn ngừng lại. Tôi hỏi tiếp: - Thế còn ông bạn Ba của ông, sau đấy đi đâu? - Ba cũng rời chiếc tàu, nói là đi Anh. - Tại sao đi Anh. - Ba nói để học tiếng Anh. - Thế ông có được tin tức của anh Ba không? - Có, hai ba lần gì đấy, anh Ba đã kể cho tôi nghe đã gặp ở Luân Đôn một người đồng hương tên là Nam. - Ông có biết ông Nam không? - Có, hầu hết chúng tôi biết nhau, vì chúng tôi đều ở cả trong tổ chức. - Tổ chức gì? - Trước kia là một hội kín, nhưng từ khi nước ta độc lập thì công khai. Chính là công đoàn hải ngoại. - Và từ bấy đến nay, anh Ba ấy không viết thư cho ông sao? - Rất tiếc là không. Vài năm sau, nghĩa là sau đại chiến thứ nhất, thỉnh thoảng một ông bạn lại đến nhà tôi đem theo một gói to tướng sách báo và nói với tôi: “Ông Ba nhờ ông giữ hộ những thứ này, trong vài ngày một người bạn tên là X, sẽ đến lấy”. Cứ thế kéo dài trong mấy năm. Nhưng từ khi cửa hàng của tôi bị người Pháp khám xét thì không thấy anh Ba gửi nữa. Được gặp anh Ba, thì nếu mất nửa gia tài , tôi cũng vui lòng. Ông Thanh, thư ký công đoàn thủy thủ Vinh, giới thiệu tôi với ông Nam. Sau khi chào hỏi, tôi đi ngay vào câu chuyện về anh Ba. Ông Nam là một người làm bánh rán có tiếng trong thành phố. Ông ta ở trong Ban chấp hành Công đoàn cứu quốc hải ngoại. Ông có 5 người con trai, hai người đi bộ đội và hai người vào tự vệ; người con thứ 5 học ở trường Đại học Hà Nội. Cô Nam, cô gái trẻ đẹp 18 xuân xanh và con út của ông bà Nam làm cứu thương. Ông Nam kể: “Trước tôi làm việc ở tiệm ăn Các-lơ-tông, một tiệm sang có tiếng ở Luân Đôn. Người làm bếp độ 100 người đủ các hạng. Có cả người Pháp, người Anh, người Đức, người Nga, người Châu Á và tôi là người Việt Nam. Chính ông Ét-cốp-phi-e, ông vua đầu bếp, được huân chương danh dự, điều khiển nhà bếp. Về ông Ét-cốp-phi-e, có một chuyện đáng kể lại: Tài nấu bếp của ông ta, thế giới đều biết. Những chủ quán lớn nhất trên thế giới trả tiền rất nhiều để mời ông ta làm chủ bếp. Khi có những yến tiệc lớn, người ta mời ông đến làm thức ăn và điều khiển nhà bếp. Lần vua Đức sang thăm Luân Đôn, vua Anh mời ông Ét-cốp-phi-e phụ trách làm bữa tiệc, và tất nhiên với một số lương rất hậu. Ông già Ét-cốp phi-e kiêu hãnh trả lời: “Tôi người Pháp. Tôi không nấu cho kẻ thù dân tộc tôi”. - Vâng, bây giờ chúng ta nói chuyện anh Ba. Vào khoảng một năm trước đại chiến, một hôm, tôi gặp ở phòng lau chùi thìa, nỉa, một người Á đông trẻ tuổi. Tôi không để ý đến anh ấy vì tôi tưởng anh ấy là người Trung Quốc. Đến ngày thứ ba, chính anh ấy đến nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt Nam. Cố nhiên tôi rất sung sướng được gặp một người đồng hương. Từ ngày ấy, chúng tôi trở nên đôi bạn thân. - Ai đưa anh đến đây, đến nước Anh? Tôi hỏi anh Ba. - Tôi đến đây một mình để học tiếng Anh. - Hay đấy, nhưng tiếng Anh rất khó học. Đã hai năm tôi ở thành phố này mà cũng không biết hơn, ngoài hai chữ Yes và No (vâng và không). - Phải học chữ. Chúng ta sẽ cùng nhau học. - Trước khi đến đây, anh làm ở đâu? - Hôm thứ nhất, tôi nhận việc cào tuyết trong một trường học. Một công việc rất mệt nhọc. Mình mẩy tôi đầm mồ hôi mà tay chân thì rét cóng. Và cuốc được tuyết cũng rất khó khăn, vì tuyết trơn. Sau 8 giờ làm công việc này, tôi mệt lử và đói bụng. Tôi đành bỏ việc. Ông hiệu trưởng là một người tốt. Ông ấy trả cho tôi cả ngày làm việc 6 đồng và vừa nói vừa cười: “Chính thế, công việc này quá sức anh”. Hai ngày sau, tôi tìm được một việc khác. Lần này thì phải đốt lò. Từ 5 giờ sáng, một người nữa với tôi, chui xuống hầm để nhóm lửa. Suốt ngày chúng tôi đổ than thay than trong lò. Ở đây thật đáng sợ. Luôn luôn ở trong cảnh tranh tối tranh sáng. Tôi không biết người ta làm gì ở từng trên, vì không bao giờ tôi lên đấy. Người bạn tôi là một người âm thầm, có lẽ anh ta câm. Suốt hai ngày làm việc, anh ta không hề nói một tiếng. Anh vừa làm việc vừa hút thuốc. Khi nào anh ta cần tôi làm việc thì anh ta ra hiệu. Nhưng không nói một tiếng. Trong hầm hết sức nóng, ngoài trời hết sức rét, và không có đủ áo quần, tôi bị cảm. Vì vậy, tôi nghỉ việc luôn hai tuần lễ. Với số tiền để dành, tôi trả tiền phòng, tiền bơ và bánh mì, và sáu bài học chữ Anh. Khi chỉ còn sáu hào rưỡi, tôi đến sở tìm việc ở Sô-hô, và người ta đưa tôi đến đây”. Công việc làm từ 8 giờ đến 12 giờ và chiều từ 5 giờ đến 10 giờ. Hàng ngày, buổi sáng sớm và buổi chiều, anh Ba ngồi trong vườn hoa Hay-dơ (Hyde), tay cầm một quyển sách và một cái bút chì. Hàng tuần vào ngày nghỉ, anh đi học tiếng Anh với một giáo sư người Ý. Ba thường khuyên tôi nên học như Ba, nhưng tôi hết sức lười, bây giờ tôi mới tiếc. Mỗi ngày có một người dọn dẹp đồ đạc. Những người phục vụ, sau khi dọn chỗ khách ăn, phải dọn bát đĩa bỏ tất cả chén bát và thức ăn lẫn lộn vào trong một cái thang điện đưa xuống bếp. Lúc bấy giờ người dọn dẹp phải để đồ đạc riêng một bên, bát đĩa riêng một bên để người ta đem đi rửa. Khi đến lượt anh Ba, anh làm rất cẩn thận. Đáng lẽ vứt thức ăn thừa vào một cái thùng, đôi khi còn cả phần tư con gà, những miếng bít tết to tướng v.v… thì anh giữ gìn sạch sẽ và đưa lại cho nhà bếp. Chú ý đến việc này, ông già Ét cốp-phi-e hỏi anh: “Tại sao anh không quẳng thức ăn thừa vào thùng, như những người kia?”. - Không nên vứt đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy. - Ông bạn trẻ tuổi, anh nghe tôi. Ông Ét-cốp-phi-e vừa nói vừa cười và có vẻ bằng lòng. “Tạm thời anh hãy gác ý nghĩ cách mạng của anh lại một bên, và tôi sẽ dạy cho anh cách làm bếp, làm ngon và anh sẽ được nhiều tiền. Anh bằng lòng chứ?” - Và ông Ét-cốp-phi-e không để anh Ba phải rửa bát nữa mà đưa anh vào chỗ làm bánh, với một số lương cao hơn. Thật là một việc lớn xảy ra trong nhà bếp, vì chính là lần đầu tiên mà ông “vua bếp” làm như thế. Anh Ba rất giàu tình cảm. Một hôm tôi gặp anh cầm một tờ báo và chảy nước mắt. Tôi hỏi anh vì sao buồn thế. Anh đưa cho tôi tờ báo và giải thích: “Anh xem đây. Đây là tin tức ông thị trưởng Coóc (Cook), một nhà đại ái quốc Ái Nhĩ Lan. Ông ta bị bắt và bị người Anh bỏ tù. Ông ta tuyệt thực. Không những ông không ăn uống, mà còn không nói năng, không cử động nữa. Ông nằm nghiêng một phía im lìm như thế hơn 40 ngày. Da thịt và áo quần ấy thối hết. Và ông chết, chết vì Tổ quốc. Can đảm biết bao! Dũng cảm biết bao! Một dân tộc có những người như ông Coóc sẽ không bao giờ đầu hàng. Chúng ta cũng thế, chúng ta có những người can đảm như ông thị trưởng Coóc. Anh có biết chuyện cụ Tống Duy Tân không? Tôi kể cho anh nghe : Cụ Tống Duy Tân là một nhà đại trí thức, đấu tranh dũng cảm chống bọn xâm lược Pháp. Cụ bị bắt và nhốt vào trong một cái cũi để gửi đến Bộ Tổng tư lệnh Pháp. Ngồi trong cũi, Cụ vẫn làm thơ yêu nước. Khi hết giấy, cụ bẻ gẫy quản bút, lấy cật tre làm dao, và mổ bụng, cắt ruột tự tử. Trong những giấy tờ tìm thấy trong cũi, cuối những bài thơ, người ta còn đọc những chữ: “Thà chết còn hơn đầu hàng”. Tôi tôn kính tất cả những Tống Duy Tân. Tôi sung kính tất cả thị trưởng Coóc. Cái chết của họ làm cho Tổ quốc họ sống lại, lòng can đảm của họ là bất diệt.” Thế giới đại chiến bùng nổ. Người Pháp ở Luân Đôn nhận được lệnh động viên. Nhiều người khóc nhất là những người đàn bà Pháp. Người Đức bị bắt nhốt vào trại tập trung. Họ cũng khóc. Lính Anh bị đưa ra mặt trận, cha mẹ, vợ con họ đều khóc. Anh Ba đến nói với tôi: “Xin từ biệt anh Nam”. - Anh đi đâu? - Tôi đi Pháp? - Không nói chơi chứ? Nước Pháp đang có chiến tranh. Anh đến Pháp làm gì? - Tôi đi xem. Tôi sẽ viết thư cho anh. Anh Ba bắt tay tôi, chúng tôi hôn nhau. Và cứ thế anh Ba đi, không va-ly, không hành lý. Chiến tranh tiếp tục. Lính Anh bị thương trở về. Cả những người lánh nạn Bỉ cũng đến. Các công việc đều đình trệ. Lôi Gioóc (Lloyd George) lật đổ At-quit (As-quish) và lên làm thủ tướng. Số người nhà bếp của chúng tôi chỉ còn lại một nửa. Đồng vàng và đồng bạc không lưu hành ở Pháp nữa. Quân Đức đã tiến đến sông Mác-nơ (Marne). Nước Pháp bị ngạt thở vì khói lửa chiến tranh. Ở Anh, các thức ăn, thức dùng đều bị Chính phủ hạn chế. Sau hai tháng rời Luân Đôn, anh Ba viết thư cho tôi đại ý thế này: “Tôi đã gặp nhà ái quốc Phan Chu Trinh. Anh biết không? Ông bị án tử hình. Nhờ hội nhân quyền và ông Giô-rét (Zaurès) can thiệp, ông Phan được thả và sang Ba-lê. Tôi cũng gặp luật sư Phan Văn Trường và những người khác. Tôi nói với họ: Trong khi vua Duy Tân nổi dậy ở Huế, nhân dân Thái Nguyên và nhiều nơi khác khởi nghĩa, thì chúng ta cũng phải làm gì chứ?” [1] [1] Trần Dân Tiên,“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Nhà XB Sự thật, Hà Nội, năm 1975. Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam “Đức bị đánh bại, chiến tranh chấm dứt. Vua Đức trốn sang Na Uy, và ở đấy vua làm nghề xẻ gỗ. Đảng cộng sản Bôn-sê vích và Lê-nin đã lãnh đạo công nông Nga nổi dậy. Cách mạng tháng Mười thành công. Những đoàn đại biểu các nước bại trận đến Véc-xây họp Hội nghị hòa bình. Bên cạnh những đoàn đại biểu chính thức, có nhiều đoàn đại biểu thay mặt cho các dân tộc bị áp bức. Họ tới là vì nghe có mười bốn điểm của tổng thống Mỹ Uyn-sơn (Wilson). Có cả người Ái Nhĩ Lan, người Ấn Độ, người Triều Tiên, người Ả Rập, v.v… Họ đến để yêu cầu độc lập và tự do. Trong số đó, người ta thấy có ông Nguyễn Ái Quốc (tức là anh Ba). Ông liên lạc với các đoàn đại biểu Triều Tiên, Ái Nhĩ Lan và các đoàn khác. Ông Nguyễn tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước ở Ba-lê và ở các tỉnh Pháp. Với danh nghĩa của tổ chức này, ông đã đưa ra những yêu cầu ở hội nghị Véc-xây. Yêu cầu gồm có tám khoản. Những khoản chính là: - Việt Nam tự trị. - Tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do đi lại, đại xá chính trị phạm. - Quyền lợi bình đẳng giữa người Pháp và người Việt Nam. - Bãi bỏ việc bắt dân mua rượu, thuốc phiện, bãi bỏ thuế muối và sưu dịch. Những yêu cầu ấy gửi đến cho các đoàn đại biểu Đồng minh và tất cả các nghị viện của Quốc hội Pháp. Cũng nên nhắc lại là ý kiến đưa yêu cầu do ông Nguyễn đề ra nhưng là do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ, ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp. Cũng nên nhắc lại là ông Phan Chu Trinh và ông Phan Văn Trường không tán thành hoạt động của nhóm Việt Nam yêu nước, vì các ông ấy cho nhóm thanh niên là trẻ con. Dần dần công việc của hội nghị Véc-xây tiến lên thì 14 điểm của tổng thống Uyn-sơn cũng dần dần lu mờ không còn hình bóng gì nữa. Và nhân dân Trung Quốc cũng thất vọng chua chát. Để “giả ơn” Trung Quốc đã hợp tác trong chiến tranh, những cường quốc Âu Tây đã chia sẻ Trung Quốc và dâng Thanh Đảo cho Nhật Bản. Trước sự bất công cay đắng ấy, thanh niên Trung Quốc nổi dậy chống lại. Đoàn đại biểu Trung Quốc ở Hội nghị hòa bình bị gọi về. Một phong trào chống chủ nghĩa đế quốc lan rộng khắp Trung Quốc, một phong trào, vừa giải phóng dân tộc vừa cách mạng văn hóa. Đó là phong trào ngày 4 tháng 5 (1919). Được những sự thật ấy rèn luyện, ông Nguyễn hiểu rằng những lời tuyên bố tự do của những nhà nước chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật, để lừa bịp các dân tộc. Và muốn được giải phóng chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình. Những lời yêu cầu của ông Nguyễn cũng như của các đại biểu các dân tôc bị áp bức khác không có kết quả gì hết. Nhưng không thể nói những lời yêu cầu ấy là không có tác dụng, bởi vì nó đã đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc. Với số ít tiền kiếm được, ông Nguyễn sống rất nghèo khổ để có thể thuê in những bản yêu cầu ấy thành truyền đơn đem phát trong các cuộc mít tinh. Do đó, một số đông người Pháp đã hiểu thêm về Việt Nam. Ông Nguyễn phát những truyền đơn ấy cho tất cả những Việt kiều và những người Việt đi lính ở Pháp. Vì vậy mà có những vụ khám xét trong các trại lính, làm cho những người lao động và lính Việt Nam trước thờ ơ với chính trị nay cũng giác ngộ. Ông Nguyễn gửi cả những truyền đơn về Đông Dương, nhưng gửi đề tên Việt thì không đến nơi, đề tên người Pháp thì đến nơi. Bọn thực dân Pháp in truyền đơn ấy lên báo để chế giễu và yêu cầu đàn áp. Chính nhờ những tờ báo ấy mà người Việt Nam biết được toàn bản yêu cầu và từ ngày ấy phong trào cách mạng Việt Nam càng lên cao”[1]. *** “…Dạo ấy vào năm 1919, năm đầu tiên sau chiến tranh và là năm của Hội nghị hòa bình. Lúc đó tôi mới 20 tuổi. Bố mẹ tôi trước đó bắt tôi đi học Trường bảo tàng Lu-vrơ là một trường học lớn chuyên đào tạo những người khảo cổ và những người sau vào làm việc cho bảo tàng Lu-vrơ. Tôi ở với mẹ tôi ở nhà số 6 phố Đô-bi-nhi, trung tâm Pa-ri. Nhà tôi ở gác hai ăn thông sang nhà người cậu tôi ở cùng tầng gác. Cậu tôi là Giuyn Căm-bông, đại sứ của chính phủ Pháp. Cậu tôi ở hai buồng làm bàn giấy ở tầng một dưới nhà. Chiến tranh thế giới thứ nhất làm chết nhiều người. Những người thư ký giúp việc cậu tôi xong chiến tranh vẫn chưa thấy trở lại làm việc. Cậu Giuyn Căm-bông nói với mẹ tôi: - Chắc họ không đến làm nữa đâu. Chị cho cháu Giơ-nơ-vie e-vơ ở nhà giúp việc hộ tôi. Thế là tôi phải xin phép nghỉ học nhiều tháng để giúp việc thư ký cho cậu tôi. Một buổi sáng, cả nhà chưa dậy, có tiếng chuông reo ngoài cửa. Tôi chạy ra mở cửa. Tôi thấy hiện ra trên ngưỡng cửa một người châu Á, đúng hơn: một người dân Đông Dương, gầy gò, đáng mến. Người đó chào tôi và nói: - Tôi có một “bản trần tình” cần đưa cho đại sứ Căm-bông. Tôi liền mời anh ta vào nhà và vào bàn giấy của đại sứ Căm bông. Đây là một bản giấy rất đẹp, trang trí theo kiểu Am pia, mà gia đình chúng tôi hiện còn giữ nguyên như hồi năm 1919. Tôi hỏi khách: - Xin lỗi, ông cho tôi hỏi: ông là ai? - Thưa cô, tôi là Nguyễn Ái Quốc. Tôi là thợ ảnh. Tôi muốn được gặp đại sứ Căm-bông. Anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc, liền cởi một cuộn giấy buộc dây đỏ và giở ra nói: - Tôi đến đây vì tôi muốn đưa cho ngài đại sứ một “bản trần tình” của toàn thể nhân dân Đông Dương. Tôi đọc trong tập giấy thấy có một bức thư đề gửi đại sứ Căm-bông: “Thưa đại sứ Căm-bông, đại diện toàn quyền của nước Pháp tại hội nghị Véc-xây. Tôi là người đại diện cho nhân dân Đông Dương. Chúng tôi là một dân tộc đang tiến hóa. Chúng tôi đã được hiểu biết về nền văn minh của nước Ngài…” Kèm theo là một bản yêu sách quan trọng nhờ đại sứ Căm-bông chuyển đến hội nghị hòa bình Véc-xây. Bản yêu sách đó đòi trả lại tự do cho các tù chính trị Đông Dương, bãi bỏ các tòa án đặc biệt, tự do báo chí, hội họp, đi ra nước ngoài, học tập, vân vân… Cả hai bản đó đều viết bằng tay rất đẹp và thảo bằng một lời văn rất hay. Tôi nói với ông Nguyễn Ái Quốc: - Ông viết hay lắm, nhưng ông cậu tôi chưa dậy vì lúc này còn sớm quá. Ông Nguyễn Ái Quốc ăn mặc chỉnh tề nhưng quần áo hơi cũ. Ông đứng chờ cho tôi đọc xong tập giấy ông đưa rồi nói: - Vậy thì tôi để những bản này lại và nhờ cô chuyển tận tay cho đại sứ Căm-bông. - Vâng, ông cứ để đây. Ông để lại cho tôi cả địa chỉ của ông nữa, nếu có kết quả tôi sẽ trả lời ông rõ. Ông Nguyễn Ái Quốc chào tôi rất lịch sự và ra về. Khi cậu tôi dậy làm việc, tôi nói lại chuyện ông khách người Việt Nam tới. Cậu tôi bảo tôi đọc cho cậu tôi nghe “bản trần tình” của ông Nguyễn Ái Quốc. Tôi đọc xong rồi đặt lên bàn giấy của cậu tôi. Cậu tôi đọc lại một lần nữa rồi nói: - Để rồi chuyển tài liệu này cho thủ tướng Clê-măng-xô. Và cậu Căm-bông tôi đã đưa tài liệu của ông Nguyễn Ái Quốc cho Clê-măng-xô là người cùng cậu tôi và một số người khác đại diện nước Pháp dự hội nghị hòa bình Véc-xay. Vì sao ông Nguyễn Ái Quốc lúc đó lại tìm đến nhà cậu tôi để đưa bản yêu sách cho hội nghị Véc-xay? Vì đọc danh sách những đại diện toàn quyền của nước Pháp đị dự hội nghị Véc-xay hồi đó, người ta thấy: Thủ tướng Clê-măng-xô, nhà tài chính lớn Clốt-dơ, người chuyên trách chính sách nội trị Tác-đi-ơ, chủ tịch Thượng nghị viện Lê-ông Buốc-gioa và chỉ có một nhà ngoại giao duy nhất là cậu Giuyn Căm-bông của tôi. Giuyn Căm-bông đã từng làm đại sứ của Pháp ở Đức từ năm 1907 đến năm 1914. Có lẽ lúc đó ông Nguyễn Ái Quốc tin rằng đưa cho nhà ngoại giao thì công việc trôi chảy hơn là đưa cho những người không phải là nhà ngoại giao. Ít lâu sau cậu Căm-bông nói với tôi: - Thật không may cho Nguyễn Ái Quốc. Ở hội nghị người ta bàn đến nhiều nước quá rồi. Hơn nữa ở hội nghị người ta xâu xé các nước thuộc địa và tranh giành ảnh hưởng của nhau trên thế giới, ai nghĩ đến số phận những nước xa xôi ở Viễn Đông. Mà Clê-măng-xô là người không tốt. Cho nên không có kết quả gì”[2] Sống, làm việc gian khổ để học tập và hoạt động “…Một người quen ông Nguyễn ở Pa-ri đã cho chúng tôi nhiều tài liệu rất quý báu. Ông này đã nói với chúng tôi như sau: “Lúc ấy, ông Nguyễn là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì Tổ quốc; nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là Công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng. “Trong tất cả các tờ báo Pháp, chỉ có tờ “Dân chúng”, cơ quan của Đảng Xã hội Pháp đã in những lời yêu cầu của Việt Nam. Ông Nguyễn đến tòa báo Chủ nhiệm báo, ông Giăng Lông-ghê (Jean Longuer), cháu ngoại Các Mác và nghị viên của Quốc hội Pháp, đã tiếp ông. Ông Nguyễn lấy làm lạ, vì chưa bao giờ ông được ai tiếp đón thân mật như thế. Ông Lông-ghê gọi ông Nguyễn là đồng chí thân ái. Ông nói cho ông Nguyễn rõ tất cả cảm tình của ông đối với nhân dân Việt Nam. Ông khuyến khích ông Nguyễn viết bài và ông sẽ đăng lên báo “Dân chúng” để làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ những sự bất công xảy ra ở Việt Nam. Có thể nói rằng cuộc gặp gỡ ấy đã mở đường cho sự hiểu biết chính trị của ông Nguyễn. Nó cũng đã làm ông Nguyễn hiểu rõ nhân dân Pháp. Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông Nguyễn đã phải ký tên những bài báo. Nhược điểm về tri thức làm ông Nguyễn rất khó chịu. Nhất là ông Trường không viết tất cả điều ông Nguyễn muốn nói. Vì vậy, ông Nguyễn bắt tay vào việc học làm báo. Thường lui tới tòa báo “Dân chúng”, ông làm quen với những người Pháp khác trong đó có chủ bút tờ “Đời sống thợ thuyền”. Cũng như ông Lông-ghê, người chủ bút này cũng rất đáng mến. Ông bảo ông Nguyễn viết tin tức cho tờ báo của ông. Biết rằng không thể nhờ ông Trường viết mãi, ông Nguyễn nói thật là mình còn kém tiếng Pháp. Người chủ bút nói: “Điều đó không ngại; có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài, 5, 6 dòng cũng được”. Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn, xong được 6 dòng. Tin tức về Việt Nam, ông Nguyễn không thiếu, ông thiếu nhất là văn Pháp, ông Nguyễn viết làm hai bản, gửi cho tòa báo một bản giữ lại một bản. Ông hết sức vui sướng khi thấy bài viết đầu tiên của mình được đăng lên báo. Ông đọc lại bài báo đã in, so sánh và sửa những chỗ viết sai. Ông kiên nhẫn làm theo cách ấy. Khi thấy viết đã bớt sai lầm, ông chủ bút bảo ông Nguyễn: “Bây giờ anh viết dài hơn một ít, viết độ 7, 8 dòng”. Ông Nguyễn viết 7, 8 dòng. Dần dần ông Nguyễn có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn nữa. Lúc bấy giờ, người chủ bút bạn thân của ông Nguyễn khẽ bảo: “Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này hoặc từng này dòng. Không viết dài hơn”. Ông Nguyễn thấy rằng rút ngắn cũng khó như trước kia phải kéo dài. Nhưng cũng hết sức cố gắng. Và ông thành công. Ông bắt đầu vào làng báo từ đó. Về văn học, ông Nguyễn thích đọc Sếch-pia (Shakes-peare) và Đích-ken (Dickens) bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa và Huy-gô (Hugo), Dô-la (Zola) bằng tiếng Pháp, A-na-tôn Phờ-răng-xơ (Anatole France) và Lê-ông Tôn-stôi (Léon Tolstoi) có thể nói là những người đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn. Đọc những truyện ngắn của A-na-tôn Phơ-răng-xơ và của ông Lê-ông Tôn-stôi, ông Nguyễn thấy hứng thú về văn chương đơn giản và tự nhủ: “Người ta chỉ cần viết những điều gì người ta thấy và cảm, bằng cách nắm lấy màu sắc và hoạt động của sự vật, như thế thì viết cũng không khó lắm”. Truyện ngắn đầu tiên của ông Nguyễn được đăng trên báo “Nhân đạo” làm hai kỳ. Ông Nguyễn tả đời sống thợ thuyền ở Ba-lê mà cũng là đời sống của ông lúc đó. Tòa báo đã trả bài này 100 quan. Thật là một số tiền lớn lúc bấy giờ. Đó là một thành công lớn về hai mặt: văn chương và tài chính. Thành công đầu tiên này đã khuyến khích ông Nguyễn viết những truyện ngắn khác. Ngoài việc tả lại đời sống thợ thuyền Pa-ri, ông thường viết về các thuộc địa và đặc biệt là Việt Nam, vì không có một chút nào ông quên Tổ quốc mình đang bị giày xéo và đồng bào mình đang bị áp bức. Ông Nguyễn chỉ viết một quyển sách duy nhất là quyển: “Bản án kết tội chế độ thực dân Pháp”; quyển này gồm những tài liệu chống thực dân Pháp, trích trong những sách của người Pháp viết để ở quốc gia thư viện. Đầy hăng hái, ông Nguyễn viết cả một vở kịch “Rồng tre”. Đại ý vở kịch như thế này: có những cây tre thân hình quằn quẹo. Những người chơi đồ cổ lấy về đẽo gọt thành con rồng. Nó là một đồ chơi. Là con rồng nhưng thật ra chỉ là một khúc tre. Là một khúc tre, nhưng lại hãnh diện có tên và hình dáng con rồng. Tuy vậy chỉ là một quái vật vô dụng. Ông Nguyễn viết vở kịch này vào dịp vua Khải Định sang Pháp để dự triển lãm thuộc địa. Vở kịch bị chính phủ Pháp cấm, nhưng câu lạc bộ ngoại ô Ba-lê đã đem diễn, được các nhà phê bình văn nghệ khen hay. Trong thời gian ở Pa-ri, ông Nguyễn sống rất cực khổ. Để kiếm tiền, ông Nguyễn làm nghề rửa ảnh và phóng đại ảnh. Chính cụ Phan Chu Trinh đã dạy cho ông Nguyễn nghề này. Ông làm cả nghề sơn vẽ đồ cổ. Ở Ba-lê, có nhiều nhà làm đồ cổ Trung Quốc, họ làm đồ gỗ, bình phong và những vật khác bắt chước theo kiểu Trung Quốc. Họ sơn bằng sơn Nhật và vẽ hoặc viết những chữ ngoằn ngoèo giả chữ Trung quốc. Những bà quý tộc già, những người trọc phú rất ham chuộng những vật ấy không biết là đồ giả và đã mua rất đắt. Công việc sơn vẽ giả đồ cổ Trung Quốc rất dễ cho ông Nguyễn. Không may đấy chỉ là một công việc hàng mùa, mỗi năm chỉ làm vài tháng. Sự hoạt động chính trị của ông Nguyễn được cảm tình sâu sắc của những người Việt Nam yêu nước, đó là sự dĩ nhiên. Vì lần đầu tiên trong lịch sử, có một người Việt Nam tuyên bố trước toàn thế giới chủ trương giành độc lập cho dân tộc mình; lần đầu tiên trong lịch sử, có một người Việt Nam dám bóc trần những tội ác của bọn thực dân Pháp ngay ở Pa-ri và cũng chính vì vậy mà ông Nguyễn bị bọn thực dân thù ghét. Người ta rình mò ông Nguyễn. Người ta nói xấu ông, người ta tẩy chay ông. Người ta cố tình mua chuộc ông. Người ta kiếm cách dọa dẫm ông. An-be Xa-rô (Albert Sarraut) bộ trưởng Bộ thuộc địa và Pi-e Pat-qui-ê (Pierre Pasquier) toàn quyền Đông Dương mời ông Nguyễn đến nói chuyện và Tổng giám đốc cảnh sát đã thu giấy căn cước của ông Nguyễn. Suốt trong thời gian Khải Định ở lại Pháp, ông Nguyễn ngày đêm bị hai tên mật thám theo dõi không rời một bước. Ông không để ý đến những việc ấy. Mặc dầu đời sống nghèo nàn, lại bị rầy rà về chính trị, ông Nguyễn vẫn không nao núng. Một buổi mai, ông Nguyễn nấu cơm trong một cái sanh nhỏ bẳng sắt tây trên ngọn lửa đèn dầu. Với một con cá mắm hoặc một tí thịt. Ông ăn một nửa và để dành một nửa đến chiều. Có khi một miếng bánh mì với một miếng pho mát là đủ ăn cả ngày. Ông trọ ở một phòng nhỏ trong khách sạn rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ kê được một chiếc giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Chỉ thế thôi, không có gì khác. Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều đến, ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống dưới nệm cho đỡ rét. Thường thường, ông chỉ làm việc nửa ngày, làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều thì đi đến thư viện hoặc đến dự những buổi nói chuyện chính trị. Tối đến, ông đi dự mít tinh ở Pa-ri. Có rất nhiều cuộc mít tinh. Chính ở đây ông đã làm quen với những người như ông Lê-ông Bơ-lom (Leon Blum), Bơ-rác (Bracke), nhà văn Vay-ăng Cu-tuya-ri-ê (Vaillant Cuoturier), giáo sư Mác-xen Ca-sanh (Marcel Cachin), nghị viên Mác Sô-nhi-ê (Mac Saughier), bà nữ văn hào Cô-lét (Colette) v.v… Hầu hết trong những buổi mít tinh ấy, ông đều phát biểu ý kiến. Vì ông là người ngoại quốc độc nhất trong những nơi này, và vì ông có vẻ dễ mến cho nên thính giả thích nghe ông. Ông Nguyễn khéo lái những vấn đề đang thảo luận sang vấn đề thuộc địa, đặc biệt là vấn đề Việt Nam. Ví dụ: có một lần bác sĩ Cu-ê (Coue) nói về thuật thôi miên. Nhiều người phát biểu ý kiến, người này đồng ý, người kia phản đối phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên. Đến lượt ông Nguyễn ông kịch liệt phản đối thuật thôi miên. Lý do của ông: Thực dân Pháp đã thôi miên chúng tôi để đàn áp và bóc lột chúng tôi. Một lần khác, hội nghị thảo luận vấn đề Ái Nhĩ Lan và Triều Tiên. Tất nhiên những nhà diễn giải Pháp đều nghiêm khắc công kích chính sách của Anh, của Nhật và bênh vực nhân dân Ái Nhĩ Lan, nhân dân Triều Tiên. Ông Nguyễn phát biểu ý kiến: “Cũng là một dân tộc bị áp bức, tôi hoàn toàn đồng tình với những người bạn Ái Nhĩ Lan và Triều Tiên, và đồng tình với hội nghị kết án bọn thực dân Anh, Nhật. Nhưng tôi hỏi các ngài có nên kết án cả những bọn thực dân khác không? Có nên bênh vực nhân dân bị áp bức khác không? Có hay không? Tất nhiên mọi người đều trả lời có. Thế là được dịp ông Nguyễn trình bày vấn đề Việt Nam. Trong những buổi hội họp nói chuyện ở Pa-ri, người ta thảo luận đến tất cả các vấn đề. Từ thiên văn, địa lý, chính trị, văn học cho đến cách trồng cải soong và nuôi ốc sên. Trong những buổi hội họp này có tất cả các hạng người bác học, cựu bộ trưởng, nghị viên, nhà văn, thợ thuyền, người đi buôn, người già và người trẻ. Ở đây có một không khí thân mật và dân chủ, giống như ở những câu lạc bộ Zacobin (Gia cô-banh) thời Đại Cách mệnh Pháp. Ở đây người ta có thể học nhiều chuyện và nhận xét mọi người. Thật là bổ ích. Mặc dầu nghèo túng, ông Nguyễn luôn luôn vui vẻ, công kích bọn thực dân, ông luôn luôn bình tĩnh, luôn luôn đúng mực. Không bao giờ ông có một thái độ cáu kỉnh hoặc một lời quá đáng. Ông cố gắng hỏi để hiểu biết các vấn đề. Ông tham gia hội “Nghệ thuật và khoa học” và hội “Những người bạn của nghệ thuật”. Những hội này mỗi tuần tổ chức những cuộc đi thăm viện bảo tàng, nhà máy, xưởng nghệ thuật, nhà hát, v.v… Có những nhà chuyên môn giải thích các vấn đề ấy. Ông Nguyễn vào cả hội “Du lịch”, một hội đưa người ta đi thăm nước Pháp và những nước lân cận với giá tiền rất rẻ. Nhờ vậy mà ông Nguyễn đi thăm nhiều nơi ở Pháp, ở Ý, ở Thụy Sĩ, ở Đức và cả Tòa thánh Va-ti-căng. Sau mỗi chuyến đi, ông Nguyễn kể cho chúng tôi nghe cảm tưởng của ông. Thường thường ông nói nửa đùa nửa thật: “Trong những ngày nghỉ, không nên tiêu phí tiền bạc, mất thì giờ ở bãi bể để nhìn những người đàn bà đi tắm, mà nên đi dụ lịch, học hỏi được nhiều” …Ngoài những cuộc đi xem để học, ông không thích chơi bời gì khác. Không phải chỉ vì thích đi du lịch mà ông nhịn ăn nhịn tiêu. Điều đó cũng có, nhưng nhất là ông muốn biết những nước ấy tổ chức và cai trị như thế nào. Ông Nguyễn bắt đầu tổ chức, hoặc đúng hơn là bắt đầu học tổ chức”[3]. *** “…Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tôi làm thợ sửa ảnh ở Pa-ri. Hàng ngày tôi đến xưởng, chiều tối tôi tham gia các buổi họp của Đảng hoặc dự mit tinh của công nhân. Cuối ngày làm việc, tôi đọc vài trang tiểu thuyết để trau dồi tiếng Pháp và giải trí một chút. Một hôm, một người bạn cùng nghề đưa cho tôi một cuốn truyện nhỏ của Tôn-stôi. Tôi quên tên cuốn sách là gì. Từ đó đến nay, đã bốn mươi năm rồi còn gì. Song tôi rất nhớ nội dung cuốn tiểu thuyết. Đại ý như sau: Một sĩ quan quí tộc Nga trẻ tuổi có một người vợ chưa cưới rất đẹp. Tất nhiên là họ rất yêu nhau. Một hôm, trong cuộc nhảy, người vợ chưa cưới trẻ tuổi được giới thiệu với vua Nga. Vua Nga mê tít chị và bắt chị làm nhân tình của hắn. Anh sĩ quan trẻ rất đau đớn. Một bên là tình yêu với vợ chưa cưới, một bên là lòng trung quân đối với vua Nga. Rút cuộc, anh rời bỏ Xanh-pê-téc-bua và đi một nơi xa để khỏi phải nhìn vua Nga và người yêu. Từ đó rút ra kết luận: sự chỉ trích đạo đức phong kiến. Cách viết của Tôn-stôi rất giản dị, rõ ràng và dễ hiểu làm tôi rất thích. Tuổi trẻ thường bồng bột, tôi nhảy vùng dậy khỏi giường mặc dù mùa đông rất lạnh, nhất là trong căn phòng bé nhỏ của tôi lại không có lò sưởi, tôi nói to: “Viết một cuốn truyện ngắn chẳng có gì là khó. Mình cũng có thể viết được”. Ở Việt Nam chúng tôi, có câu tục ngữ “Điếc không sợ súng”. Đúng là trường hợp của tôi. Sáng dậy tôi bắt đầu viết. Mỗi ngày tôi phải viết từ năm giờ đến sáu giờ rưỡi sáng, là vì bây giờ tôi phải đi lên xưởng. Thường thường ngón tay tôi tê cóng lại. Sau một tuần lễ vất vả, tôi viết xong tác phẩm của mình, tôi mang đến tòa soạn báo “Nhân đạo” và nói với các đồng chí trong ban văn học: "Tôi rất sung sướng nếu bài viết của tôi được đăng, tùy các đồng chí đăng hay không đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi…” Các đồng chí nghĩ xem tôi vui mừng xiết bao, khi mấy ngày sau, mở xem báo buổi sáng, tôi thấy có đăng tác phẩm của tôi, tác phẩm yêu quý của tôi. Niềm vui sướng của tôi càng lớn hơn nữa, khi tòa soạn báo “Nhân đạo” giả tôi một số tiền nhuận bút 50 phờ-răng. Với số tiền đó tôi có thể sống 10 ngày không cần làm việc, tôi có thể dùng thời gian ấy để đọc sách. Hạnh phúc biết ngần nào. Nghe bài phóng sự của tôi, tôi kể những điều mắt thấy tai nghe trong khu phố tôi ở là khu phố nghèo khổ của những người thợ thuyền và những người thất nghiệp trong thành phố Pa-ri lộng lẫy giàu có. Thành công đầu tiên khuyến khích tôi viết những bài về tội ác của chính phủ Pháp ở Việt Nam và những thuộc địa khác[4]. Trong ngõ hẻm Công Poanh Nhà số 9, ngõ Công Poanh này là nhà riêng của mẹ chồng tôi. Bà cụ xây cất ngôi nhà này từ thế kỷ thứ 19. Nhà có ba cửa ra vào: một cửa chính, một cửa ngách và một cửa bước thẳng vào sân trong. Nhà nằm trong một ngõ cụt, thuộc một khu phố nghèo của Pa-ri. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, mẹ chồng tôi mở nhà trọ. Cửa vào nhà hồi đó trông xấu xí, phía dưới bằng gỗ, trên lắp kính. Trong sân có một đàn gà chạy kiếm thức ăn. Trong số những người ở trọ nhà tôi lúc bấy giờ có một người thanh niên châu Á. Mẹ chồng tôi là chủ nhà, biết rõ tên của anh thanh niên ấy. Còn tôi, tôi thấy tên anh ta rất khó đọc và khó nhớ. Chúng tôi trong nhà quen gọi anh ta là “anh Trung Quốc” vì tưởng anh là người Trung Quốc. “Anh Trung Quốc” ở tầng gác hai[5]. Buồng anh mỗi bề ba mét, nhìn xuống ngõ. Thời đó, ngõ nhà chúng tôi không có điện. Mãi đến năm 1930 mới có điện. Tối đến người ta thắp đèn dầu. Đời sống nhân dân trong ngõ nghèo khổ nhưng mọi người ăn ở với nhau rất tốt. Nhà nọ biết nhà kia, thăm hỏi nhau, giúp đỡ nhau, chơi bời với nhau thân ái, chứ không ích kỷ như xã hội bấy giờ, ai biết người nấy, ai sống chết kệ ai. “Anh Trung Quốc” ở trọ sống rất giản dị và hết sức đứng đắn. Khi nào người làm trong nhà đi vắng, mẹ chồng tôi thường sai tôi vào dọn nhà cho “anh Trung Quốc”. Những lần như thế tôi mới có dịp thấy buồng ở của anh. Buồng nhỏ, kê vẻn vẹn một cái giường, một cái bàn và một cái tủ. Trong buồng có chậu rửa mặt, nhưng vòi nước thì ở đầu cầu thang. Lò sưởi không có, mà mùa đông ở Pa-ri thì rất lạnh. Tôi nhớ rõ một lần tôi gõ cửa buồng anh để vào dọn dẹp. Anh chào tôi và bảo tôi: “Bà Giam-mô bà cứ để đấy cho tôi. Tôi không muốn phiền bà. Bà để tôi làm lấy được”. Tôi thấy anh mặc quần áo ngủ và anh đang ngồi làm việc gần cửa sổ. Cửa mở, sợ gió lùa, tôi định đóng lại thì anh ngăn: “Bà Giam-mô, bà cứ để như thế cho. Không sao cả. Xin cảm ơn bà”. Có lần tôi vào buồng anh để thay đồ trải giường cho anh thì gặp anh đang ngồi ăn cơm. Tôi thấy anh tay cầm bát cơm, tay cầm đũa. Anh nấu cơm lấy bằng cái bếp cồn để ở góc buồng. Anh chào tôi và nói: “Cảm ơn bà Giam-mô. Tốt lắm. Cảm ơn bà”. Một lần khác bước vào buồng, tôi thấy anh đang ngồi viết và thấy anh bảo: “Bà Giam-mô, bà cứ để tôi làm lấy, tôi không dám phiền bà. Cảm ơn bà”. Vải trải giường trong buồng anh do nhà trọ cung cấp và thay đổi, nhưng quần áo của anh thì anh tự giặt lấy. Anh ăn ở ngăn nắp, trật tự, không làm ầm ĩ bao giờ và mẹ chồng tôi suốt mấy năm trời anh ở trọ không hề than phiền một câu nào về anh. Gia đình tôi đều nhận xét anh là người lịch sự, biết điều, đứng đắn và là một thanh niên nước ngoài rất nghèo. Hàng ngày, anh đi làm ở đâu chúng tôi không biết rõ. Bao giờ cũng thế, anh xuống thang xem có thư từ, báo chí gì người ta gửi cho anh không, rồi anh đi cửa ngách bên để ra phố. Đi đâu về anh lại tìm thư từ, báo chí trong hộp rồi mới lên buồng. Gia đình chúng tôi hồi đó ở tầng một, cho nên hàng ngày anh đi về chúng tôi đều thấy. Có ngày cả hai buổi không trông thấy anh ra phố, chúng tôi lên buồng anh để hỏi thăm. Tôi cho rằng thời trước người ta sống có tình thương yêu đùm bọc nhau hơn thời nay ở cái đất Pa-ri này. Điều đặc biệt là tôi không thấy anh tiếp khách hay tiếp bạn bè trong buồng anh bao giờ. Bỗng một hôm “anh Trung Quốc” từ giã nhà số 9 ngõ Công Poanh của chúng tôi đi đâu chúng tôi cũng không rõ” [6]. Con đường dẫn đến chủ nghĩa Lê-nin “Ngay sau chiến tranh thế giới thứ nhất, tôi làm thuê ở Pa-ri, khi thì làm cho một cửa hàng phóng đại ảnh, khi thì vẽ “đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa” (do một xưởng của người Pháp làm ra). Hồi đó tôi thường rải truyền đơn tố cáo tội ác bọn thực dân Pháp ở Việt Nam. Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách Mạng tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính trọng Lê-nin vì Lê-nin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lê-nin viết. Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà” ấy – hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế - đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu. Hồi ấy, trong các chi bộ của đảng xã hội, người ta bàn cãi sôi nổi về vấn đề đó nên ở lại trong Quốc tế thứ hai, hay là nên tổ chức một Quốc tế thứ hai rưỡi, hoặc tham gia Quốc tế thứ ba của Lê-nin? Tôi dự rất nhiều các cuộc họp một tuần hai hoặc ba lần. Tôi chăm chú nghe những người phát biểu ý kiến. Lúc đầu, tôi không hiểu được hết. Tại sao người ta bàn cãi hăng như vậy? Với Quốc tế thứ hai, hoặc thứ hai rưỡi, hay là thứ ba, thì người ta người ta cũng đều làm được Cách mạng cả, sao lại phải cãi nhau? Và còn Quốc tế thứ nhất nữa, người ta đã làm gì với nó rồi? Điều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp – là: vậy thì cái Quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa? Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí đã trả lời. Đó là Quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lê-nin về cá vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo. Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang hỏi trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba. Trước kia, trong các cuộc họp chi bộ, tôi chỉ ngồi nghe người ta nói: tôi cảm thấy người nào cũng có lý cả, tôi khong phân biệt được ai đúng và ai sai. Nhưng từ đó tôi cũng xông vào những cuộc tranh luận. Tôi tham gia thảo luận sôi nổi. Mặc dù chưa biết đủ tiếng Pháp để nói hết ý nghĩ của mình, tôi vẫn dập mạnh những lời lẽ chống lại Lê-nin, chống lại Quốc tế thứ ba. Lý lẽ duy nhất của tôi là: Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bệnh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì? Không chỉ tham gia các cuộc họp của chi bộ mà thôi, tôi còn đến những chi bộ khác để bệnh vực lập trường “của tôi”. Ở đây tôi cần nhắc thêm rằng các đồng chí Mác-xen Ca-sanh, Vay-ăng Cu-luy-ri-ê, Mông-mút-xô và nhiều đồng chí khác đã giúp đỡ tôi hiểu biết thêm. Cuối cùng ở Đại hội thành phố Tua [7] tôi cùng các đồng chí ấy biểu quyết tán thành tham gia Quốc tế thứ ba. Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” [8]. *** “Trong một cuộc họp ở phòng họp của “Hội phổ biến kiến thức” ở Khu la-tinh, gần đường Xanh Giéc-manh, tôi lần đầu gặp anh Nguyễn Ái Quốc. Tôi nhớ rõ hồi đó thân hình anh Nguyễn Ái Quốc mảnh khảnh, tóc đen, dáng người trẻ hơn tuổi. Anh Nguyễn hơn tôi 7 tuổi nhưng trông chỉ bằng tuổi tôi. Người Việt Nam trẻ rất lâu. Con người giản dị, lịch sự, dễ mến của anh Nguyễn đã thu hút tôi ngay buổi đầu. Tôi hỏi anh tình hình nước anh. Tôi bỗng nhớ đến những lần tôi về quê ở vùng Tác-bơ, gần dãy núi Pi-rê-nê, tôi đã thấy nhiều người Việt Nam làm việc ở binh công xưởng của địa phương. Họ bị giam trong trại và bị đối xử xấu. Tôi muốn biết chuyện những người Việt Nam đó và tôi hỏi anh Nguyễn Ái Quốc vì sao họ phải sang Pháp làm. Anh Nguyễn bắt đầu kể cho tôi nghe tình hình nước anh và những hành động xấu xa của chủ nghĩa thực dân Pháp đang thống trị nhân dân anh. Đối với tôi, đấy là điều mới lạ. Vì lúc đó ở Pháp, người ta giới thiệu chính sách thuộc địa như là một công việc xuất cảng văn minh sang các nước lạc hậu. Nhờ quen biết anh Nguyễn mà tôi hiểu thêm sự thật về chủ nghĩa thực dân Pháp. Thấy anh là một người rất tốt, tôi kết bạn với anh. Chúng tôi gặp nhau luôn trong các cuộc họp. Nhất là ở phòng họp “Hội phổ biến kiến thức” là nơi anh Nguyễn hay lui tới. Anh Nguyễn và tôi lúc đó đều là Thanh niên. Hai người chúng tôi gặp nhau là nói chuyện, bàn luận rất nhiều và sôi nổi về tình hình thời sự. Chúng tôi cùng nhau nói chuyện về nước Nga Xô-viết. Hồi đó, chúng tôi đang đi quyên tiền trong các phố Pa-ri để giúp Cách mạng Nga vượt qua nạn đói, hậu quả của việc chính phủ Pháp và chính phủ các nước Đồng minh bao vây nước Nga Xô-viết. Một hôm, tan buổi họp, đi trên đường phố, anh Nguyễn nói với tôi: “Này, Giắc ơi, cách mạng Nga đang bị tiến công. Nhưng nó sẽ chiến thắng mọi kẻ thù. Tất cả chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trước khi đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng dù thế nào, chúng ta vẫn cứ đi tới. Trước khi đánh gục chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn thế giới, chúng ta còn trải qua nhiều gian truân, nhưng thắng lợi nhất định thuộc về chúng ta”. Anh Nguyễn không hề có ảo tưởng thắng dễ dàng chủ nghĩa tư bản và anh có con mắt nhìn rộng. Tất nhiên hai chúng tôi còn bàn chuyện quanh vấn đề gia nhập Quốc tế cộng sản. Chúng tôi lúc đó hơi bi quan về kết quả đại hội Đảng xã hội họp ở Xtrát-xơ-bua tháng 2-1920. Dạo ấy ở Pháp đang có phong trào bão công rất mạnh, xe lửa không chạy, quần chúng sôi sục đấu tranh. Chúng tôi băn khoăn không hiểu đại hội có tán thành gia nhập Quốc tế cộng sản không? Anh Nguyễn bảo tôi: “Không! Họ không tuyên bố gia nhập Quốc tế cộng sản đâu, nhưng có lẽ họ sẽ tuyên bố rút khỏi Đệ nhị quốc tế”. Sự việc đã diễn ra đúng như thế. Với đa số phiếu, đại hội Đảng xã hội Pháp họp ở Xtrát-xơ-bua đã quyết định rút khỏi Đệ nhị quốc tế nhưng không gia nhập Quốc tế cộng sản. Đại hội đã quyết định cử Mác-xen Ca-sanh và L.O. Phrốt-xa đi Mạc Tư Khoa để hỏi về những điều kiện gia nhập Quốc tế cộng sản. Vì lúc đó báo chí phản động đang làm ầm ĩ quanh những điều kiện gia nhập Quốc tế cộng sản, cho rằng Quốc tế cộng sản đã đặt cho các đảng muốn gia nhập những điều kiện oái oăm và nghiệp ngã, bắt các đảng phải nhận. Chúng tôi thảo luận với nhau nhiều về việc này. Chúng tôi hài lòng thấy Ca-sanh và Phrốt-xa được cử đi Mạc Tư Khoa. Anh Nguyễn thì quen biết nhiều Mác-xen Ca-sanh. Anh đã gặp Mác-xen Ca-sanh nhiều lần để giới thiệu tình hình Đông Dương. Và phải nói rằng ngay lúc còn đang theo đường lối chiến tranh đến cùng, Mác-xen Ca-sanh vẫn quan tâm đến các vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Cá tính của Mác-xen Ca-sanh là như thế. Tôi nhớ rõ, hồi đó anh Nguyễn đánh giá vai trò của Mác-xen Ca-sanh ở Mạc Tư Khoa có phần tích cực hơn nhận xét của tôi. Và anh Nguyễn đã đánh giá đúng. Chúng tôi đều nhất trí với nhau rằng Phrốt-xa là một người hoạt động chính trị chưa được tin cậy lắm (Phrốt xa về sau ra khỏi Đảng cộng sản). Nhưng Mác-xen Ca-sanh thì khác. Phải nói rằng Mác-xen Ca-sanh đã giữ một vài trò hết sức quan trọng trong việc thành lập Đảng cộng sản Pháp. Ngay khi Lê-nin tiếp Ca-sanh và Phrốt-xa ở Mạc Tư Khoa, Lê-nin cũng có nhận xét khác nhau giữa hai người, tuy cả hai lúc đó đều theo đường lối chiến tranh đến cùng của đảng xã hội. Ca-sanh là người mà cách mạng tháng Mười đã gây ấn tượng mạnh. Lê-nin trong thâm tâm tin cậy Ca-sanh và Lê-nin nhận xét đúng. Lê-nin đã nói: “Nếu Mác-xen Ca sanh hoàn toàn tán thành gia nhập quốc tế cộng sản thì sẽ kéo theo đại đa số đảng viên Đảng xã hội. Điều đó là rất quan trọng, và đảng mới đó sẽ nắm được tờ báo “Nhân đạo”, do đó ngay từ đầu sẽ nắm được những lực lượng khá quan trọng”. Lê-nin không nghe lời gièm pha của một số người tự nhận là cộng sản nói rằng Mác-xen Ca-sanh là một người “phái giữa” và không được việc gì. Tôi phải nói rằng khi tôi nói chuyện với anh Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy ý kiến anh cũng giống y như ý kiến của Lê-nin. Anh Nguyễn rất tin ở Mác-xen Ca-sanh vì anh quen biết Mác-xen Ca-sanh nhiều hơn tôi, anh có dịp gặp gỡ Mác-xen Ca-sanh luôn. Còn tôi, tôi chưa được gặp Mác-xen Ca-sanh. Thế rồi Mác-xen Ca-sanh sau chuyến đi công tác ở Mạc Tư Khoa trở về Pa-ri, Đảng xã hội tổ chức mít tinh ở rạp xiếc Pa ri để nghe đoàn đại biểu đi Nga về báo cáo. Người đến nghe nói chuyện rất đông, có tới gần một vạn, chúng tôi cùng đi dự buổi mít tinh. Không sao chen được vào bên trong. Mà đứng ở ngoài xa thì không nghe rõ vì hồi ấy chưa có hệ thống phóng thanh như ngày nay. Tôi chắc anh Nguyễn đã len vào được tới bên trong hội trường. Khi Mác-xen Ca-sanh tới, cả biển người hát vang “Quốc tế ca” và hô “Lê-nin muôn năm! Ca-sanh muôn năm! Ủy ban Xô-viết muôn năm!”. Mác xen Ca-sanh lên diễn đàn nói: “Đối với một đảng viên xã hội lâu đời như tôi từ 30 năm nay, mơ ước nhìn thấy một xã hội không có bóc lột thật là sung sướng biết chừng nào. Được tới thăm nước Nga, ở đó nhân dân lao động nắm chính quyền. Cách mạng Nga tạo ra xã hội đó đã phải trải qua nhiều đau khổ. Chúng ta là người gây ra những đau khổ đó vì rằng chính đạn đại bác Pháp, do công nhân Pháp sản xuất, do công nhân xe lửa và thủy thủ Pháp chuyên chở đang giết bộ đội của nước Cộng hòa Xô-viết Nga”. Tối hôm ấy, bài nói chuyện của Ca-sanh làm tôi hết sức phấn khởi và tôi tin tưởng ở Ca-sanh là người sẽ mở cuộc vận động gia nhập Quốc tế cộng sản. Trong các cuộc họp chính trị người ta tranh luận rất nhiều về vấn đề Quốc tế cộng sản. Tôi luôn luôn gặp anh Nguyễn ở những cuộc tranh luận đó. Bấy giờ chúng tôi hay đi họp với nhau ở mấy nơi này: phòng họp của hội phổ biến kiến thức, phòng họp Muy-Li-ê ở gần lâu đài Luých-xăm-bua, rạp chiếu bóng phố Sa-tô-đo ở quận 10, hợp tác xã Ben-lin-loa-dư ở quận 20, hợp tác xã Lê-ga-li- te ở phố Săm-bờ-rơ-ê Mơ-dơ. Tôi thấy anh Nguyễn mấy lần đứng dậy hỏi các diễn giả về chế độ thực dân và đề nghị mọi người không nên quên việc lên án chủ nghĩa thực dân. Các cuộc họp lúc đó rất sôi nổi, ai nói sai người khác đứng dậy, tranh cãi lại ngay. Anh Nguyễn có tinh thần chiến đấu hăng hái, có tinh thần cách mạng tiến công. Anh có một lối nói sư phạm, có lý có lẽ để thuyết phục mọi người. Lúc đó, anh nói tiếng Pháp giỏi. Anh có đến nhà tôi chơi. Lúc bấy giờ tôi chỉ có một căn buồng con, nghèo khổ giữa Pa-ri. Tôi nhớ rõ hồi đó anh bàn luận với tôi vấn đề đảng. Anh nói: một đảng cách mạng phải là một đảng có kỷ luật. Một khi đảng đã quyết nghị, không thể có tình trạng mỗi người làm một cách khác, mỗi người đi một nẻo. Phải kết hợp chặt chẽ hành động của Đảng viên với nghị quyết của Đảng. Hồi đó trong đảng xã hội có hiện tượng trong buổi họp đảng, bí thư đảng báo cáo mọi người thảo luận rồi ra nghị quyết, nhưng đến khi thi hành thì không có ai làm, anh Nguyễn nói đến chuyện đó và bảo tôi rằng đã đến lúc cần phải có một đảng mới, một đảng trong đó không lề lối làm việc như ở nghị viện. Chúng tôi nhận thấy tác phong, kiểu cách đấu tranh như ở nghị viện đang là cái tệ trong sinh hoạt của Đảng xã hội và chúng tôi bảo nhau phải kiên quyết đấu tranh chống lại cái tệ đó. Khi gặp nhau, hai chúng tôi còn bàn luận nhiều chuyện khác, về tình hình thời sự, về các hoạt động chính trị thời bấy giờ. Tôi thấy anh Nguyễn nói chuyện về Pôn Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê và Ray-mông Lơ-phe-vrơ mà anh đều quen biết. Và anh hỏi tôi về hai người đó. Vì tôi cũng ở trong hội cựu chiến binh với Cu-tuy-ri-ê và Lơ-phe-vrơ. Anh Nguyễn nhận xét rằng Cu tuy-ri-ê và Lơ-phe-vrơ có nhiều cảm tình với cách mạng Nga, là những người tốt. Hồi tổ chức bầu cử năm 1919, những người ra ứng cử trong tổ tôi hoạt động là Ca-sanh, Cu-tuy-ri ê, Lơ-phe-vrơ. Còn anh Nguyễn thì hoạt động ở một quận khác bên phía tả ngạn sông Sen, nhưng người ra ứng cử ở quận của anh không phải là người tốt. Tuy vậy anh Nguyễn vẫn ủng hộ cho Ca-sanh, Cu-tuy-ri-ê và Lơ-phe-vrơ. Kết quả cuộc bầu cử làm chúng tôi thất vọng vì các ứng cử viên tiến bộ không trúng cử. Bởi vì lúc bấy giờ Pháp là nước thắng trận, nhân dân tự nhủ: “Rồi thì nước Đức phải nộp tiền cho chúng ta”. Trên cái tâm trạng thắng trận ấy, người ta lợi dụng tình cảm của dân chúng và kích động chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi. Hai chúng tôi ca ngợi cuộc binh biến của thủy thủ trên tàu Pháp ở biển Hắc Hải. Anh Nguyễn tỏ ý khâm phục những thủy thủ bị đầy đi đánh cách mạng Nga đã nổi dậy chống lệnh trên và anh Nguyễn cho đấy là một việc rất có ý nghĩa. Trong thời gian hoạt động với nhau chúng tôi còn bàn luận với nhau về vấn đề văn học, nghệ thuật. Chúng tôi nói chuyện về các nhà văn Hăng-ri Bác-buýt, Rô-manh Rô-lăng. Rô-lăng lúc đầu theo thuyết bất bạo động như kiểu Găng-đi, nhưng sau thay đổi quan điểm và là một văn hào xuất sắc. Tôi biết anh Nguyễn Ái Quốc đã đọc tiểu thuyết "Lửa” của Bác-buýt. Anh nói với tôi về Bác-buýt, về Đuy-ha-men vừa viết xong cuốn "Văn minh”, về tất cả những nhà văn đẻ ra trong chiến tranh. Anh Nguyễn thấy ở đó một không khí sôi sục trong giới tri thức Pháp, gây giống cho những tư tưởng cách mạng. Tôi còn biết anh Nguyễn rất thích đọc tác phẩm của Vích-to Huy-gô và anh nói với tôi về tập thơ “Hình phạt” của Huy-gô mà anh cho là rất hay. Anh còn tranh luận với tôi về Ban-dắc nữa mà anh cũng đọc nhiều tác phẩm của ông ta. Tháng Chạp năm 1920, anh Nguyễn được cử làm đại biểu đi dự Đại hội Tua của Đảng xã hội. Tôi không được đi Đại hội. Anh Nguyễn là đại biểu Việt Nam duy nhất tại đại hội và anh đã lên án chủ nghĩa thực dân tại Đại hội, nhắc mọi người quan tâm đến tình hình của nhân dân anh, của nhân dân Đông Dương đang bị thực dân Pháp thống trị. Ngay những kẻ cơ hội chủ nghĩa cũng không thể ngăn anh nói đến việc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Tại Đại hội, anh Nguyễn đã gặp đồng chí Cla-ra Dét-kin, nữ chiến sĩ cách mạng lão thành Đức, nghị sĩ Đức, ủy viên ủy ban thường vụ Quốc tế cộng sản, được cử làm đại diện Quốc tế cộng sản đến dự đại hội Tua của Đảng xã hội Pháp. Đại hội Tua là đại hội thành lập Đảng cộng sản Pháp, đánh dấu một sự kiện hết sức quan trọng trong đời sống chính trị và phong trào cách mạng Pháp. Bây giờ nhắc đến việc thành lập Đảng cộng sản Pháp, tôi nhớ ngay đến Ca-sanh, đến Lơ phe-vrơ, đến Cu-tuy-ri-ê và phải nhớ ngay đến đồng chí Việt Nam ấy mà mọi người hoạt động cách mạng ở Pháp yêu mến, đó là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, về sau là chủ tịch Hồ Chí Minh” [9] . [1] Trần Dân Tiên,“Những mẩu truyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nhà XB Sự thật, Hà Nội, năm 1975. [2] Giơ-nơ-vi-e-vơ Ta-bu-i,“Người khách buổi sớm” Hồng Hà ghi trong tập “Bác Hồ ở Pháp”, Nhà XB Văn học, Hà Nội, năm 1970. [3] Trần Dân Tiên,“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nhà XB Sự thật, Hà Nội, năm 1975. [4] Hồ Chí Minh “Người học trò của đại văn hào L.Tôn-Stôi”, in trên Tạp chí văn học Liên-xô, ngày 19-11- 1960. [5] Người Pháp gọi số thứ tự tầng gác bắt đầu từ tầng gác thứ hai. Tầng hai, theo người Pháp, tức là tầng ba theo cách gọi của Việt Nam ta. [6] Cụ bà Giam-mô: “Trong ngõ hẻm Công Poanh”, Hồng Hà ghi, trong tập “Bác Hồ ở Pháp”, Nhà xuất bản Văn học, năm 1970. [7] Đại hội thành phố Tua: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của đảng xã hội Pháp họp tại thành phố Tua (Tour) từ ngày 25 đến 30 tháng 12 năm 1920. Ở Đại hội này, Đảng xã hội Pháp đã tách ra làm hai: Đảng cộng sản Pháp gồm số đông đảng viên theo Quốc tế thứ ba và Đảng xã hôi Pháp gồm số ít đảng viên theo Quốc tế thứ hai. Ở Đại hội Tua, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tuyên bố tán thành chủ trương thành lập Đảng cộng sản Pháp, trước hết là vì Đảng cộng sản là đảng duy nhất kiên quyết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thuộc địa. Do đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời cũng là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. [8] Bài của Hồ Chủ tịch viết cho tạp chí “Các vấn đề phương Đông” (Liên-xô) nhân dịp kỉ niệm lần thứ 90 ngày sinh Lê-nin, năm 1960, với đầu đề: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin” [9] Giắc Đuy-clô “Những ngày ở Pa-ri” Hồng Hà ghi, trong tập “Bác Hồ ở Pháp”, Nhà xuất bản Văn học, năm 1970. Ở Đại hội Tua Tháng 8-1920 Ủy ban công đoàn đỏ tỉnh tôi và tổ chức "Đoàn thanh niên công đoàn xã hội" cử tôi và hai đồng chí nữa làm đại biểu của tỉnh đi dự đại hội Đảng xã hội Pháp họp ở thành phố Tua. Cuối năm 1920, chúng tôi đi Đại hội Tua bằng xe lửa. Tới ga có anh em đồng chí ở địa phương ra đón. Ba chúng tôi ở trọ lại nhà đồng chí Bơ-véc-đi, thợ xe lửa ở Tua. Đại hội Đảng xã hội Pháp, khai mạc đúng vào dịp lễ Nô-en, ngày 25-12- 1920, tại phòng họp lớn của nhà Ma-ne ở Tua. Sau lưng đoàn chủ tịch đại hội có hai khẩu hiện lớn: “Giải phóng người lao động là nhiệm vụ của chính người lao động”,“vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Ngoài hành lang cạnh phòng họp có nơi làm việc của nhân viên Sở bưu điện để phục vụ nhà báo và các đại biểu. Ban nhạc “Tương lai nhân dân” cử bài Quốc tế ca, sau đó một ban đồng ca hát hai bài ca cách mạng khai mạc phiên đầu tiên của đại hội. Đoàn chủ tịch đại hội gồm đồng chí Mác-xen Ca-sanh cùng 6,7 đồng chí khác và chủ tịch danh dự của Đại hội là các thủy thủ Pháp làm binh biến trên biển Bắc Hải. Đại hội đã sống những giờ phút vô cùng sôi nổi. Tôi nhớ nhất lúc Phrốt-xa, tổng thư ký Đảng, đang đọc bài diễn văn thì nữ đồng chí Cla-ra Dét-kin, chiến sĩ cách mạng nổi tiếng của Đức, đại diện Quốc tế cộng sản, bước vào Đại hội bất chấp sự bao vây, ngăn cấm của cảnh sát Pháp. Một sự kiện nổi bật khác trong Đại hội là lúc đoàn chủ tịch giới thiệu Đại hội đại biểu nhân dân Đông Dương: đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Cả Đại hội đứng dậy vỗ tay như sấm ran, hoan hô nhiệt liệt người đồng chí Việt Nam có thân hình cao gầy, khuôn mặt xương xương. Tôi nhớ rõ khung cảnh hùng tráng của Đại hội khi đồng chí thay mặt đoàn chủ tịch ôm hôn đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong tiếng vỗ tay vang dậy. Hồi ấy phòng họp Đại hội chưa có những mi-crô và hệ thống phóng thanh tốt như ngày nay. Đại hội đã lắng nghe đồng chí Nguyễn Ái Quốc tố cáo sự tàn bạo do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương, tả lại nỗi thống khổ của 20 triệu người Việt Nam (thời đó người ta gọi là “người An Nam”) bị đàn áp, khủng bố, bóc lột thậm tệ dưới ách đô hộ Pháp, bị bọn thực dân dùng rượu và thuốc phiện đầu độc. Đồng chí nêu lên vấn đề phải đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Sau đó, Gông-đơ tên đoàn chủ tịch đại hội tuyên bố trước Đại hội “Toàn thể Đảng xã hội Pháp nhất trí phản đối những tội ác và sự lộng quyền của bọn tư bản ở Đông Dương”. Phải nói thêm là đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc ấy nói tiếng Pháp giỏi. Một vấn đề hết sức quan trọng được thảo luận trong Đại hội là vấn đề Đảng xã hội Pháp có gia nhập Đệ tam Quốc tế hay không? Lúc đó trong đảng có nhiều khuynh hướng, những người cùng quan điểm ngồi cạnh nhau. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc đó ngồi ở phía trái của phòng họp, nhìn từ trên đoàn chủ tịch nhìn xuống. Bàn các đại biểu xếp theo chiều dọc phòng họp chứ không xếp theo chiều ngang. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc ngồi ở dãy bàn thứ hai kể từ trái, và ngồi cạnh đồng chí Pôn Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê. Người ta đưa ra trước Đại hội nhiều kiến nghị khác nhau về vấn đề Đảng xã hội có gia nhập đệ Đệ tam Quốc tế hay không? Có kiến nghị của Ca-sanh-Phrốt-xa do “Ủy ban đệ tam Quốc tế” đưa ra, kiến nghị của “Ủy ban kháng chiến xã hội” do Lê-ông Blum và Pao-li đưa ra và kiến nghị của Brét xơ-man. Kiến nghị Ca-sanh-Phrốt-xa chủ trương hoàn toàn gia nhập Đệ tam Quốc tế, còn các kiến nghị khác thì chống lại. Đại hội tranh luận khá náo nhiệt chung quanh các kiến nghị nói trên. Cuối cùng, Đại hội bỏ phiếu để quyết định. Kiến nghị Ca-sanh-Phrốt-xa chủ trương gia nhập Đệ tam Quốc tế đã thắng với đa số phiếu. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Đệ tam Quốc tế. Những đại biểu chống việc gia nhập Đệ tam Quốc tế bèn bỏ phòng họp Đại hội, rủ nhau đi họp ở những nơi khác. Những người chủ trương gia nhập “Quốc tế cộng sản” ở lại, quyết định thành lập Đảng cộng sản Pháp và đại hội của Đảng cộng sản Pháp mới ra đời tiếp tục họp tại phòng nhà Ma-ne ở Tua. Và như thế đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng cộng sản Pháp[1]. LỜI PHÁT BIỂU TẠI ĐẠI HỘI TUA * Chủ tịch : Mời đồng chí đại biểu Đông Dương phát biểu ý kiến. (Vỗ tay). Đại biểu Đông Dương[2] : Thưa các đồng chí, lẽ ra hôm nay tôi đến đây là để cùng với các đồng chí góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới, nhưng với một nỗi đau buồn sâu sắc, tôi đến đây với tư tách là đảng viên xã hội, để phản đối bọn đế quốc đã gây ra những tội ác tày trời trên quê hương tôi. (Được lắm!). Các đồng chí điều biết rằng chủ nghĩa đế quốc Pháp đã vào Đông Dương từ nửa thế kỷ nay: vì lợi ích của nó, nó đã dùng lưỡi lê để chinh phục đất nước chúng tôi. Từ đó, chúng tôi không những bị áp bức và bóc lột một cách nhục nhã, mà còn bị hành hạ và đầu độc một cách thê thảm. Nói cho rõ hơn, chúng tôi đã bị đầu độc bằng thuốc phiện, bằng rượu, v.v… Trong vài phút, tôi không thể vạch được hết những sự tàn bạo mà bọn tư bản ăn cướp đã gây ra ở Đông Dương. Nhà tù nhiều hơn trường học và lúc nào cũng chật ních. Bất kỳ người bản xứ nào có tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng đều bị bắt và có khi bị giết mà không cần xét xử. Cái gọi là công lý Đông Dương là thế đấy! Ở xứ đó, người Việt Nam bị phân biệt đối xử, họ không có những sự bảo đảm như người Châu Âu hoặc có quốc tịch châu Âu. Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Chúng tôi không có quyền sống hoặc di du lịch ở nước ngoài; chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tắm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập. Ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi cách bắt chúng tôi hút thuốc phiện và uống rượu để đầu độc chúng tôi và làm cho chúng tôi đần độn. Người ta đã làm chết và tàn sát hàng nghìn người Việt Nam để bảo vệ những lợi ích không phải của chính họ. Thưa các đồng chí, hơn hai mươi triệu dân Việt Nam, bằng nửa số dân nước Pháp, đã bị đối xử như vậy. Ấy thế mà họ lại là những người được nước Pháp bảo hộ! (Vỗ tay). Đảng xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức (Hoan hô). Giăng Lông-ghê[3]: Tôi đã phát biểu ý kiếm để bảo vệ những người bản xứ. Đại biểu Đông Dương: Ngay khi tôi bắt đầu nói, tôi đã yêu cầu mọi người tuyệt đối im lăng…(Nhiều tiếng cười). Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc đại. Chúng tôi thấy rằng việc Đảng xã hội gia nhập Quốc tế thứ ba có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể rằng từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa. Chúng tôi rất sung sướng khi nghe tin thành lập một đoàn đại biểu thường trực nghiên cứu vấn đề Bắc Phi, và mai đây, chúng tôi sẽ vui mừng nếu Đảng phái một đồng chí của Đảng sang Đông Dương để nghiên cứu tại chỗ những vấn đề ở xứ đó, và nghiên cứu những hoạt động cần phải tiến hành… Một đại biểu phái hữu có ý kiến phản đối… Đại biểu Đông Dương: Im đi! Phái nghị viện. (Vỗ tay) Chủ tịch: Bây giờ, tất cả các đại biểu phải im! Kể cả những đại biểu không thuộc phái nghị viện! Đại biểu Đông Dương: Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái tả lẫn phái hữu, chúng tôi kêu gọi các đồng chí, hay cứu chúng tôi! ( Vỗ tay) Chủ tịch: Qua những loạt vỗ tay tán thành, đại biểu Đông Dương có thể thấy rằng toàn thể Đảng xã hội đều đứng về phía đồng chí để phản đối những tội ác của giai cấp tư sản. Lập hội liên hiệp thuộc địa Ra tờ báo “Người cùng khổ” “…Trong những buổi mít tinh, trong những buổi đi thăm hoặc du lịch, ông đã gặp những người cách mạng An-giê-ri, Tuy ni-di, Ma-rốc, Man-gat, v,v… Cùng với họ, ông tổ chức “Hội Liên hiệp thuộc địa ở Ba-lê”. Mục đích của Hội này là giải phóng những dân tộc thuộc địa. Hoạt động của hội là tuyên truyền. Họ tổ chức những buổi nói chuyện, những người dân các thuộc địa và những người Pháp có cảm tình đều đến dự. Cũng nên nhắc lại là người cảm tình đông hơn người thuộc đia. Những người này phần lớn là công chức hoặc công nhân, họ bị cảnh sát Pháp dọa đuổi ra khỏi nước Pháp nếu họ tiếp tục tham gia các cuộc hội họp. Nhiều người Pháp hết sức căm phẫn biết được những chuyện xảy ra ở các thuộc địa: rượu, thuốc phiện, hối lộ, khủng bố… Thường thường họ kêu lên: “Ô! Nhục nhã biết bao! Ô! Thật không tưởng tượng được! Tội ác thực dân tày trời!”. Để mở rộng việc tuyên truyền đến các thuộc địa, ông Nguyễn và những đồng chí của ông đã ra tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) do ông làm chủ bút, kiêm chủ nhiệm. Những người yêu nước Man-gat, An-giê-gi, Mac-ti-nich là những luật sư, thầy thuốc, nhà buôn hoặc sinh viên. Họ có công việc và gia đình họ. Họ không thể để nhiều thì giờ cho tờ báo. Mỗi người chỉ có thể góp một số tiền nhỏ và một bài báo tuần. Ông Nguyễn được mọi người đề cử ra làm cho tờ báo chạy. Vì vậy ông Nguyễn kiêm cả viết, chủ nhiệm, chủ bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc. Lúc đầu ông Nguyễn gửi bán tại những cửa hàng nhỏ. Nhưng bán không chạy lắm, vì ở Pa-ri có vô số báo, người ta không thể đọc tất cả và mua tất cả. Vì vậy, ông Nguyễn tìm ra một cách mà người Pa-ri gọi là “Lối D”. Ông đến trong những cuộc mít tinh dân chúng. Ông phát báo, leo lên diễn đàn và nói : "Các bạn thân mến! Báo “Người cùng khổ” phát không, nhưng tôi hết sức cảm ơn các bạn vui lòng quyên giúp ít nhiều để giúp chúng tôi trả tiền in. Một xu, một quan nhiều ít cũng tốt”. Những người Pháp, nhất là hạng nghèo và hạng trung thường có lòng rộng rãi. Và luôn luôn ông Nguyễn có thể thu đủ tiền để trả những khoản phí tổn về báo và đôi khi còn có dư nữa. Việc xuất bản tở “Người cùng khổ” là một vố đánh vào bọn thực dân. Lập tức có nhiều lệnh cấm không cho tờ báo đó vào các thuộc địa. Nhưng ông Nguyễn không chịu thua. Ông nhờ những thủy thủ có cảm tình chuyền báo đi các thuộc địa. Và dùng nhiều cách bí mật khác. Những người lao động Việt Nam ở Pa-ri và ở các tỉnh mặc dầu số lớn không biết đọc, cũng bí mật gửi tiền quyên cho báo. Phần lớn những sinh viên Việt Nam ở Pa-ri sợ tờ “Người cùng khổ” và ông Nguyễn, như người ta sợ thú rừng, không phải vì họ ghét – nhiều người thầm lén đọc báo “Người cùng khổ” – nhưng vì họ sợ liên lụy. Từ ngày có những yêu sách Việt Nam, rồi đến việc thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, rồi đến việc xuất bản tờ “Người cùng khổ” các sinh viên thuộc địa bị kiểm soát nghiêm ngặt. Một hôm, một người con trai của Bùi Quang Chiêu đến tòa báo, đặt lên bàn 5 quan, và nói: “quyên cho báo” rồi chạy biến ngay như bị ma đuổi. Cố nhiên, ở các thuộc địa, nhất là Đông Dương, ai đọc báo “Người cùng khổ” đều bị bắt. Mặc dầu tất cả những sự khó khăn ấy, tờ báo vẫn tiếp tục phát triển. Đó là một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức…”[4] “Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Chính phủ Pháp ra sức bóc lột, đàn áp nhân dân thuộc địa và đầy họ đi làm bia đỡ đạn trên chiến trường châu Âu. Những người dân thuộc địa đi lính cho Pháp hồi đó bị đưa đi đánh quân Đức và phải chịu nhiều khổ cực. Chiến tranh kết thúc, nhân dân các thuộc địa Pháp được giác ngộ hơn và nhiều phong trào chống thức dân Pháp đã diễn ra khắp nơi. Trong hoàn cảnh đó, những người dân thuộc địa cư trú ở Pháp đã tập hợp lại và tổ chức ra “Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa”. Hội này thu hút những người Ma-đa-gát-ca, Đa-hô-mây, Sê-nê-gan, Ghi-nê, Ăng-ti, Goa-đơ-lúp, Mác-ti-ních, Ha-i-ti, An-giê-ri, Đông Dương… Và tôi đã gặp anh Nguyễn Ái Quốc trong buổi thành lập Hội đó. Đấy là vào năm 1922 ở Pa-ri. Tôi nhớ rõ lần đầu tiền quen biết anh trong buổi họp của Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa, tôi thấy anh người gầy gò, mảnh khảnh với giọng nói nhỏ nhẹ. Anh tự giới thiệu là người Việt Nam, làm nghề thợ ảnh, đã đến ở Pa-ri trước tôi ba năm, hiện ngụ ở ngõ Công-poanh. Anh nói tiếng Pháp thạo và tiếp xúc với anh tôi thấy ngay là một người đáng mến. Trụ sở Hội của chúng tôi hồi đó ở số nhà 3 phố Mác-sê đê Pa-tri-ác-sơ. Đây là một cửa hàng nhỏ bé, cũ kỹ, có hai gian, một gian nhìn ra phố và một gian ở phía sau. Hội nghị của Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa hội họp ở trong nhà đó. Tất cả có khoảng gần 100 hội viên. Đứng đầu hội là ông Mon-néc-vin, người đảo Ăng-ti, giữ chức Tổng thư ký Hội, về sau tôi gánh trách nhiệm đó một thời gian. Tôi là người Goa đơ-lúp. Hội không tổ chức thành nhóm, tổ haychi bộ mà chỉ có hội họp chung. Đi vào trụ sở Hội, người ta qua cửa ngách bên cạnh cửa hàng. Nhưng mỗi lần có cuộc họp bao giờ chúng tôi cũng thấy cảnh sát đứng canh gác ở phía ngoài cửa trụ sở của chúng tôi và bọn mật thám Pháp đứng điểm mặt. Chúng tôi hoạt động như thế cũng không phải dễ dàng và luôn luôn có sự uy hiếp. Tôi gặp anh Nguyễn luôn trong các buổi họp của Hội. Có khi họp ở trụ sở hội, có khi chúng tôi tổ chức mít-tinh ở phòng họp của Hộ phổ biến kiến thức và phòng họp của Nhà công đoàn ở phố Ô-gút Blăng-ki. Anh Nguyễn đi họp và đi dự các buổi mít-tinh của Hội rất đều. Anh nghèo nhưng ăn mặc chỉnh tề. Hoạt động với anh tôi thấy anh là một người hăng hái đấu tranh cho việc giải phóng các dân tộc thuộc địa, không riêng dân tộc Việt Nam của anh mà tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Anh có lòng tin mãnh liệt ở thắng lợi cuối cùng và anh cho rằng muốn giải phóng dân tộc phải làm cách mạng, không có con đường nào khác. Tôi có cảm tưởng : ở anh ý nghĩ đấu tranh giải phóng dân tộc luôn luôn khắc sâu trong tâm trí anh và quán triệt suốt cuộc đời anh. Một lần nghe tin thực dân Pháp khủng bố tàn sát nhân dân ở Đa-hô-mây, tôi thấy anh căm phẫn, xúc động, đau đơn như chính việc đó xảy ra đối với nhân dân Việt Nam của anh. Anh là một con người đầy tình nhân đạo và tinh thần quốc tế. Không bao giờ thấy ở anh một nét nhỏ nào của sự ích kỷ. Và cùng hoạt động chúng tôi càng yêu thương nhau, càng thấy dân tộc thuộc địa phải đoàn kết với nhau chống kẻ thù chung. Anh đã trở thành bạn thân và tin cậy của tôi. Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa sống bằng tiền đóng góp của hội viên. Mỗi hội viên đóng cho Hội mỗi tháng ba phrăng Pháp, ngoài ra có những người hảo tâm ửng hộ tiền cho Hội. Một hôm chúng tôi, trong đó có anh Nguyễn Ái Quốc, nảy ra ý kiến táo bạo nhưng cũng đẻ ra nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết. Sau chúng tôi quyết định cứ ra báo. Chúng tôi thảo luận, đặt cho báo một cái tên: “Người cùng khổ”*. Đấy là bước phát triển mới của Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Chúng tôi phải thu xếp rất nhiều việc để ra được tờ báo. Tôi lúc đó làm nghề trạng sư ở Pa-ri, tôi hiểu pháp luật Nhà nước Pháp, cho nên anh em cử tôi làm giấy tờ xin phép ra báo. Tôi phải đến tòa án và các bàn giấy của Pháp để làm mọi thủ tục cần thiết và cuối cùng thì xin được phép ra báo “Người cùng khổ”. Hội không có nhiều tiền để ra báo. Chúng tôi giao ước với nhau khi nào có tiền thì ra báo, cứ đủ tiền thì ra, có khi nửa tháng một kỳ có khi một tháng một kỳ không nhất thiết phải ra đều kỳ. Nghĩa là báo chúng tôi không có ngân sách riêng. Chúng tôi tìm được chỗ in báo. Đấy là một nhà in tư nhỏ bé ở phố Croát-xăng. Và sung sướng biết bao, tờ báo của chúng tôi đã ra đời. Đấy là một tờ báo khổ to, tên báo bằng chữ Pháp đặt ở giữa, tên báo bằng chữ Ả-rập đặt bên trái và bên phải là tên báo bằng chữ Hán do anh Nguyễn viết. Giá báo là 25 xu một số. Địa chỉ lúc đầu của báo là nhà số 16 đường Giắc Can-lô, sau đổi về số nhà 3 phố Mác-sê đê Pa-tri-ác-sơ, nơi đóng trụ sở của Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Cách làm việc của tòa soạn báo “Người cùng khổ” rất tập thể. Chúng tôi không có ban biên tập làm việc thường xuyên vì mọi người chúng tôi đều phải sinh sống hàng ngay hoặc bận hoạt động nhiều việc khác. Mỗi kỳ ra báo, mỗi người đem bài viết của mình đến. Chúng tôi họp nhau lại, đọc chung, rồi bàn nội dung cho số sau. Sau khi đã chọn bài một cách tập thể, chúng tôi phân công người chịu trách nhiệm sắp xếp lại và lo việc xuất bản, đem bài đi nhà in chẳng hạn. Nhiều lần anh Nguyễn Ái Quốc được cử phụ trách chữa bài vở và xuất bản nhiều số báo. Anh tốt và có tinh thần tương trợ, cho nên có những lần đến lượt chúng tôi phải đi trong nom việc ra báo, nhưng thấy chúng tôi bận việc hoặc mắc chuyện gia đình, anh Nguyễn đã xung phong đi làm thay cho chúng tôi. Đấy là một người bạn tốt, dịu dàng, đáng mến, lo xa, yêu thương đồng đội, chịu khó giúp đỡ người khác. Báo “Người cùng khổ” xuất bản từ năm 1922 đến năm 1924, tất cả được 38 số. Anh Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo. Anh viết khỏe, có số viết tới hai, ba bài. Toàn bộ những bài báo của anh là Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp và là nguyện vọng giành độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa. Lời văn anh sắc bén, tư tưởng anh rõ ràng và mạnh mẽ: đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Ở nhiều số, không những anh viết bài mà anh còn vẽ tranh châm biếm nữa để đả kích chế độ thực dân. Tất cả những bài và tranh ký tên Nguyễn Ái Quốc trên báo “Người cùng khổ” mang một màu sắc đặc biệt: đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Xem và đọc những và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh. Dạo ấy, anh Nguyễn là người không có gia đình. Còn tôi thì đã lập gia đình. Tôi lúc đó có bàn giấy trạng sư ở số nhà 10b, phố Po Roay-an, Pa-ri, và cả gia đình tôi ở đấy. Anh Nguyễn thường lại chơi thăm gia đình tôi. Chúng tôi coi anh như người thân trong nhà và nhiều lần giữ anh lại ăn cơm. Anh giản dị, tự nhiên, vui tính. Anh gọi vợ tôi: “Bà chị của tôi”. Anh gọi con gái tôi, E-li-an, là: “cháu”. Anh ăn uống ít và tôi có cảm tưởng anh là một người không đòi hỏi gì nhiều trong sinh hoạt. Một hôm anh đưa đến nhà tặng gia đình tôi một cái chiêng bằng đồng đường kính chừng 50 xăng-ti-mét và một lư hương cũng bằng đồng. Những vật kỷ niệm quý giá đó tôi để ở nhà. Nhưng năm 1927 tôi về Goa-đơ-lúp, mười ba năm sau mới trở sang Pa-ri thì những vật đó đã mất. Tôi rất tiếc. Cả nhà tôi đều hết sức quý mên anh Nguyễn. Duy có điều chúng tôi không bao giờ thấy anh nói chuyện về gia đình, làng mạc quê hương của anh. Chúng tôi cũng tránh hỏi vì biết anh là một người hoạt động cách mạng, đời sống luôn luôn bị uy hiếp, có thể bị bắt bớ bất cứ lúc nào. Bỗng một hôm, vào năm 1923, anh Nguyễn đến nhà chúng tôi và nói bằng một giọng lưu luyến: - Hôm nay tôi đến chào anh chị. Tôi sẽ đi xa một thời gian và không có dịp được gặp anh chị nữa. Xin chào anh chị và cháu ở lại mạnh khỏe và anh cho tôi gửi lời chào các đồng chí trong Hội liên hiệp…”[5] “…Tháng bảy năm 1922, tôi vừa đi Nam Mỹ về, thì gặp một đồng chí người Pháp phụ trách công đoàn đưa cho xem mấy tờ báo “Người cùng khổ” do ông Nguyễn Ái Quốc làm. Tôi đọc mê man, ngốn ngấu, người rần rật như có lửa đốt bên trong. Đọc xong liền vùng chạy đi tìm anh em mình đọc nghe chung. Cả lũ chúng tôi ai cũng ứa hai hàng nước mắt. Những bài báo ngắn gọn sao lại có thể khuấy động tâm hồn, tâm hồn của người mất nước, của người lao động khổ bị áp bức, bóc lột đến như thế. Những bài báo đọc lên thúc người ta hành động. Nhưng chúng tôi không hiểu nên hành động như thế nào. Chợt nảy ra ý đi tìm ông Nguyễn Ái Quốc. Anh em bàn nhau rồi cử tôi đi. Trước đây, riêng tôi đã định đi tìm ông Nguyễn nhưng không hiểu địa chỉ, cứ sợ về Pa-ri như chim chích vào rừng. Làm này anh em cứ đi, lại nắm chắc lấy tờ báo “Người cùng khổ” tôi hăng lắm, không sợ gì cả, hăm hở lên đường ngay. Hình như ở Pa-ri, ông Nguyễn Ái Quốc đã biết chúng tôi sẽ đến tìm và có ông thì chẳng ngại cái gì nữa. Ngồi xe lửa đi. Mười một giờ trưa tới Pa-ri. Ở ga xuống, gặp bất kỳ ai là người da vàng tôi cũng chìa địa chỉ tờ bào “Người cùng khổ” ra hỏi đường. Tôi nghĩ người da vàng là người thuộc địa, người thuộc địa ở Pa-ri không ít thì nhiều cũng biết báo “Người cùng khổ”. Quả nhiên, nhiều người chỉ đường cho tôi. Tôi lần đến đường Mác-sê đê Pa-tơ-ri-ác-sơ (Marché des Patriarches) ở quận 6. Phố này cổ. Tòa báo “Người cùng khổ” ở phố này, trước cái chợ bán các thứ nhì nhằng. Ngoài cửa tòa báo có một hòm thư dán cái đầu đề nho nhỏ của tờ báo. Tòa báo ở tầng dưới cùng, chỉ có hai gian vừa phải. Hai người Bắc Phi đang hí húi làm việc, xé phong bì, viết lách, dập xóa. Hai người niềm nở mời tôi ngồi chờ rồi tiếp tục làm việc. Tôi nghe thỉnh thoảng họ lại hỏi nhau bằng tiếng Pháp:” Cái này đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã xem chưa?”. “Cái này đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã duyệt rồi?”… Xem ý rất kính đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Ngồi đợi, tôi đưa mắt nhìn tòa báo. Một cái bàn gỗ dài, mộc mạc, trên mặt bày la liệt từng chồng báo các cứ tiếng: Anh, Pháp, Đức… Mấy cái ghế. Và một bản đồ thế giới khổ lớn treo trên trường. Tôi nhẹ nhàng đi lại gần xem. Ở chỗ Việt Nam, vết tay người và nét bút chì đã làm cho màu xỉn và bóng lại. Có người thường xuyên đứng suy nghĩ về dải đất này đây? Bất giác tôi cũng đứng lặng một hồi, Việt Nam xa Pa-ri quá. Đồng bào mình bây giờ ra sao? Chờ mãi, chờ mãi. Đến năm giờ chiều, hai người Bắc Phi báo cho tôi biết hôm nay đồng chí Nguyễn Ái Quốc không đến tòa báo và cho tôi địa chỉ của đồng chí ở phố Gô-bơ-lanh (Rue de Gobelins) quận 13, cách tòa báo khoảng hơn một cây số. Gô-bơ-lanh có nghĩa là tấm thảm. Phố này thời xưa có lẽ dệt thảm. Bây giờ thì những người bình thường ở. Tôi đến phố Gô-bơ-lanh, tìm tới nhà số 6, leo lên tầng hai. Tôi hồi hộp lắm. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người như thế nào và đồng chí sẽ đối xử với tôi ra sao? Tôi giơ tay giõ cửa. Có tiếng giầy lại gần và cửa mở. Một người trạc ba mươi, ba mươi hai gì đó, cao gầy, trắng trẻo đứng trước mặt tôi tươi cười: - Anh tìm ai? (Lúc ấy tôi còn trẻ lắm, chưa hai mươi). - Tôi tìm… ông Nguyễn Ái Quốc! - Tôi đây! Mời anh vào! Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang đứng trước mặt tôi, đang tươi cười thân mật mở rộng cửa mời tôi vào đây ạ! Tôi nhớ lúc ấy tôi đứng sững lại giây lát, để nhìn kỹ thêm đồng chí Nguyễn Ái Quốc xem người ra mở cửa lúc chưa tự giới thiệu và người bây giờ vẫn là một hay là hai. Vẫn là một, vẫn dáng người cao, dong dỏng gầy trong bộ quần áo dạ đen cũ và đặc biệt đôi mắt, đôi mắt to, sáng lạ lùng ấy. Tôi theo đồng chí Nguyễn Ái Quốc vào nhà, thoải mái tự nhiên ngay, không rụt rè nữa. Ở góc buồng kê một cái bàn. Rất nhiều sách, báo, tạp chí. Cạnh đó là một cái giường sắt và một cái tủ đứng nho nhỏ. Vẻn vẹn có thể. Nhưng căn buồng sạch sẽ, sáng sủa, thân mật khác thường. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc hỏi, quê tôi ở đâu, đến có việc gì…, tàu biển bao lâu đi một chuyến, có vất vả không, sinh hoạt thế nào. Lúc ấy, tôi mới biết đồng chí trước cũng là công nhân làm tàu. Thảo nào nói đúng tiếng trong nghề của mình. Đồng chí đi đã lắm, phần lớn những nơi tôi tới đồng chí đều thông tỏ cả. Đồng chí không giới thiệu ra đâu những nghe cách hỏi thăm cái phố, cái sá, là đủ rõ. Đặc biệt đồng chí rất để ý đến đời sống của nhân dân các nước ấy. Rồi chúng tôi nói sang chuyện đất nước. Biết tôi ra đi ở Sài Gòn, đồng chí hỏi tôi rất lâu về Sài Gòn, chợ bến Thành, bến tàu, anh em khuân vác, xe thồ mộ,… Đôi mắt trầm ngâm, đồng chí hỏi tôi tỉ mỉ từng cái nhỏ và nghe chăm chú. Chuyện trò thân mật, thời gian đi nhanh quá, một loáng đã chín giờ tối. Tôi phải cáo từ ra về. Đồng chí hẹn tôi tháng sau, chủ nhật, đến nữa. Tôi về nhà trọ nằm nghĩ mãi. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tiếng tăm như thế mà giản dị, khiêm tốn, thân mật vô cùng. Gặp đồng chí, tôi cũng thêm kính phục và cảm động. Những người đi biển chúng tôi rất quí người chỉ huy giỏi và hiểu giá trị người chỉ huy giỏi. Gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy tin đồng chí một cách đặc biệt, như chưa bao giờ tôi tin ai như thế. Với đồng chí Nguyễn Ái Quốc thì vào giông và bão cũng không ngại. Đồng chí có sức hấp dẫn lạ thường. Ai đã gặp đồng chí là cứ muốn gặp mãi. Muốn được ở bên đồng chí mãi. Tám giờ sáng hôm sau tôi lại đến. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chờ tôi, vẫn bộ quần áo dạ đen xuềnh xoàng hôm qua để dắt tôi đi chơi Pa-ri. Chúng tôi ra phố, đi vòng vèo qua rất nhiều đường, qua cái phố Mông-giờ (Monges) dài lắm, chúng tôi kéo bộ miết. Tôi để ý thấy đôi giầy của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cũ, là loạt đế rất cao, có cổ để đi bộ lâu mòn, lâu hỏng. Vừa đi vừa nói chuyện, độ gần một giờ sau, đồng chí dắt tôi vào phòng triển lãm hội họa. Thú thật lúc đó còn trẻ tôi không hiểu hội họa nên cũng không thích lắm. Nhưng đi với đồng chí Nguyễn Ái Quốc là thú rồi. Phòng triển lãm bày đến mấy trăm bức kỳ họa và rất đông người xem. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc quen nhiều lắm. Luôn luôn thấy có người lại bắt tay và gật đầu chào đồng chí. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc xem tranh rất lâu, rất kỹ, ngắm từng bức với bình phẩm với các bạn Pháp lúc đó cùng xem với đồng chí. Những lời bình phẩm tỏ ra đồng chí rất hiểu văn hóa Pháp, rất sành nghệ thuật. Các bạn Pháp gật gù rồi trao đổi ý kiến với đồng chí. Tôi đứng nghe, thấy hay, cũng đâm ra chú ý ngắm tranh hơn. Tôi nhớ có bức tranh của đồng chí Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê, đồng chí Nguyễn Ái Quốc xem đi xem lại mãi. Mấy năm sau này, tôi về Pa-ri làm thợ in ở xưởng của lão tư bản Đăng gông, xưởng này in cho báo “Nhân đạo” và báo “Việt Nam hồn”, tôi vẫn thường gặp đồng chí Cu-tuy-ri-ê. Thật là một người tri thức. Hiểu rộng, khiêm tốn, vui vẻ, hết sức quan tâm đến các nước thuộc địa. Lúc ấy tôi mới biết đồng chí Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Cu-tuy-ri-ê là bạn thân của nhau. Xem hai tiếng đồng hồ, đến mười một giờ trưa. Điện Păng-tê-ông ở ngay trước phòng triển lãm. Chúng tôi tạt vào một lát rồi ra. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đưa tôi đến phố Đê Các-mơ (Des Carmes) vào một hiệu ăn của một người Hoa kiều gọi cơm. Bữa ấy có nước nắm và thịt bò xào với giá. Lâu ngày mới ăn món quê hương, ngon quá. Ăn xong lại kéo bộ về. Đến nhà, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trải chiếu xuống sàn, lấy sách báo sắp làm hai cái gối rồi cùng tôi nằm nghỉ trưa. Tôi được hiểu rõ về công việc làm ăn của đồng chí. Sáng thì đồng chí đi vẽ khoán cho một xưởng truyền thần, có vẽ mới có tiền, do đó đời sống của đồng chí tàm tạm thôi, có phần còn gieo neo hơn cả chúng tôi là những công nhân có lương tháng đàng hoàng. Nhưng đồng chí vẫn để dành tiền để in sách và đưa vào báo “Người cùng khổ”. Chiều thì đồng chí làm việc ở tòa báo, viết bài, sửa bài. Đồng chí còn viết cho nhiều báo và tạp chí khác như “Nhân đạo”,“Đời sống công nhân…”. Nhân viên tòa báo đều là những người thuộc địa hoạt động cách mạng đến làm thêm sau giờ làm việc của mình. Hèn nào tôi chẳng thấy tòa báo có người gác cổng và người đánh máy. Tối thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi dự các cuộc nói chuyện có tranh luận về các vấn đề triết học, kinh tế, chính trị, xã hội, văn nghệ… ở các câu lạc bộ hoặc đến thư viện quốc gia đọc sách. Ngoài ra, còn đi họp ở chi bộ đường phố của Đảng cộng sản Pháp. Bận như thế nhưng chủ nhật nào đồng chí cũng đi dạo chơi và xem triển lãm hội họa và bảo tàng Lu-vơ-rơ. Đồng chí rất thuộc Pa-ri, nhất là rất thông thạo khu ngoại ô, nơi nhà máy và công nhân ở. Vùng ngoại ô này liên kết lại thành một vòng, người Pháp gọi là “vòng đai đỏ”, vì ở đó chịu ảnh hưởng của Đảng cộng sản Pháp. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc thường hoạt động, đi lại tiếp xúc với công nhân ở đây. Khoảng gần chiều, tôi cần ra tầu về Lơ Ha-vơ-rơ. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc căn dặn tôi rất nhiều, tôi nhớ nhất và thầm thía nhất câu: “Cần luôn luôn nhớ làm nhiệm vụ của người dần mất nước. Anh em nên thương yêu nhau, vui vẻ, đoàn kết với nhau. Đoàn kết với công nhân Pháp, nhân dân Pháp và các nước thuộc địa. Chúng ta đều là những người nghèo khổ bị áp bức, bóc lột như nhau…” Về Lơ Ha-vơ-rơ, anh em xúm lại hỏi. Tôi nhất nhất kể lại hết, không sót cái gì. Anh em phấn khởi lắm. Từ đó theo lời đồng chí Nguyễn Ái Quốc, anh em bí mật chuyền báo về nước, về đến những nơi có Việt kiều ở, như Tân Đảo, đảo Rê-uy-ni ông,v.v… Anh em quyên tiền ủng hộ báo “Người cùng khổ” và mua báo “Người cùng khổ”,“Nhân đạo”, tạp chí “Bôn-sơ vích”, đưa hàng trăm tờ về nước. Có lần đi Mác-ti-ních, tôi đưa cả ba anh người Mác-ti-ních trốn mật thám lậu vé về nước. Cái gì chứ cái món bí mật chuyền báo, đưa người, anh em thủy thủ chúng tôi làm dễ thôi. Năm 1923, tháng tư, tàu của tôi lại cập bến Lơ Ha-vơ-rơ. Tôi lại nhảy về Pa-ri tìm đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Sau lần gặp đầu, đi biển cứ nhớ hoài. Lúc bấy giờ, phong trào công nhân Pháp vẫn sôi nổi, vẫn tiếp tục làn sóng từ 1919, 1920. Vùng Lơ Ha-vơ-rơ có hàng vạn công nhân bãi công hàng tháng và có xung đột đổ máu với cảnh sát. Ở nước ta, đế quốc Pháp đang đẩy mạnh bóc lột, bần cùng hóa nhân dân ta. Nạn vỡ đê và đói xảy ra liên tiếp. Đồng bào đói rách, phá sản phải bán mình cho chúng nó. Đi phu cao su ở Nam Kỳ và Tân Thế Giới. Trong khi đó, tàu của nó cứ kìn kìn hết chuyến này đến chuyến khác chở gạo của ta sang Pháp. Chúng tôi thấy thế xót ruột, xót gan. Người mình chết đói, gạo mình nó nẫng đi. Chúng tôi đinh ninh phải nói các cái đó với đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nói với đồng chí mới hả. Tôi đến phố Gô-bơ-lanh nhưng đồng chí Nguyễn Ái Quốc không có nhà. Tôi chạy ra tòa báo. Đồng chí đang nói chuyện với một người da đen lạ mặt. Thấy tôi đồng chí tươi cười bắt tay và giới thiệu với tôi đồng chí Xai-go (Seigho) người Tây Phi đang nói chuyện với đồng chí. Câu đầu tiên tôi nói là báo cho đồng chí biết rằng báo “Người cùng khổ” vẫn được anh em chuyển nhiều và đều đặn về. Đồng chí nghe thấy thế vui mừng lộ rõ trên mặt. Đồng chí dặn “cố gắng làm cho anh em quyết tâm hơn nữa”. Rồi đồng chí dẫn tôi về nhà, hỏi thăm sức khỏe của tôi và anh em làm tàu ở Lơ Ha vơ-rơ và lọi hỏi thăm tình hình các nơi chúng tôi mới đi qua và tình hình trong nước. Thái độ ân cần tha thiết như một người anh cả. Lúc nghe kể chuyện tàu Pháp chở gạo sang mà dân ta chết đói, đồng chí ngồi lặng một lúc không nói. Lần này tôi mới biết bên cạnh buồng đồng chí Nguyễn Ái Quốc là buồng ông luật sư Phan Văn Trường. Đâu ông Trường nhượng đồng chí Nguyễn Ái Quốc thuê lại căn buồng này. Ông Trường là một nhà trí thức yêu nước, cũng muốn tìm hiểu chủ nghĩa cộng sản nhưng ông thiên về sách vở, khác với đồng chí Nguyễn Ái Quốc là một nhà lý luận đồng thời là một người hoạt động thực tiễn đi sâu vào anh em lao động. Tôi có dịp gặp ông Trường. Ông ta rất khâm phục đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Ông nói với tôi: “An-be Xa-rô, nguyên toàn quyền Đông Dương, một hôm gọi anh Nguyễn Ái Quốc đến. Nó giơ bàn tay rồi nghiến chặt răng riết chặt lại xoay một vồng ra ý bóp nát và bảo anh “Nước Pháp có đủ sức mạnh trừng trị những kẻ chống đối”. Mặc nó dọa, anh Nguyễn Ái Quốc vẫn hoạt động, vẫn chống lại. Nó bèn quay sang mua chuộc vuốt ve anh thì anh độp vào mặt nó: “Tôi không cần “ơn huệ”, tôi tự đi làm cũng đủ sống; tôi không cần gì hết, tôi chỉ đòi độc lập cho dân tộc Việt Nam”. An-be Xa-rô, cái tên thét ra lửa ấy, bị bẽ mặt, ức lắm, nhưng phải chịu. Bên cạnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc là nhân dân các nước thuộc địa, nhất là nhân dân Pháp và Đảng cộng sản Pháp, nó dám đụng vào đồng chí Nguyễn Ái Quốc à? Tàu đi biển luôn, một dạo tôi chưa đến Pa-ri, thì thỉnh thoảng viết thư đến đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Một lần tôi viết thư hỏi đồng chí: “Tôi đọc sách thấy hay nói ông Mác, tôi chưa hiểu, xin giải thích cho tôi biết”. Tôi nhận được ngay thơ trả lời, không những nó rõ cho Mác là ai mà còn giải thích tỷ mỉ chủ nghĩa Mác và khuyên tôi chịu khó xem. Từ đó tôi đọc sách Mác. Chữ gì không hiểu thì mò từ điển. Vẫn chưa hiểu thì viết thư hỏi đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tháng 6 năm 1924 Đảng cộng sản Pháp giới thiệu đồng chí Nguyễn Ái Quốc ra ứng cử tại Hạ nghị viện Pháp cùng các nhà lãnh tụ của đảng Ca-sanh, Cu-tuy-ri-ê. Báo chí đăng danh sách ứng cử ấy, các đầu phố có dán danh sách ấy. Chúng tôi đọc thấy sướng lắm, cứ đến ngã ba có dán danh sách ứng cử của đảng cộng sản là y rằng đứng lại xem. Đọc thấy tên Nguyễn Ái Quốc mà tưởng như đọc thấy tên vô sản ta, nhân dân ta; thấy tên Việt Nam trên bảng danh sách. Đưa đồng chí Nguyễn Ái Quốc ra ứng cử, Đảng cộng sản cốt nói rằng giai cấp công nhân Pháp đoàn kết với giai cấp công nhân ở thuộc địa đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản. Vào quốc hội tư bản là lợi dụng chỗ để vạch mặt chúng chứ không phải mục đích. Lần ấy Đảng cộng sản ra sức tranh cử độc lập lần đầu và được những một triệu hai mươi vạn phiếu trong số năm triệu phiếu. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc không phải là người Pháp tất nhiên không thể vào Quốc hội Pháp” [6]. [1] Ra-un Lác-sè,“ở Đại hội Tua” Hồng Hà ghi trong tập “Bác Hồ ở Pháp”, Nhà xuất bản Văn học, năm 1970. * Trích: biên bản tốc ký của Đại hội về lời phát biểu tại Đại hội Tua của Hồ Chủ tịch, trong tập “Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội” Nhà xuất bản Sự thật, năm 1970. [2] Đại biểu Đông Dương: tức Hồ Chủ tịch. [3] Giăng Lông-ghê: một lãnh tụ phái hữu của Đảng xã hội Pháp lúc bấy giờ. [4] Trần Dân Tiên,“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, năm 1975. * tờ báo này do Bác làm chủ bút kiêm chủ nhiệm. [5] Luật sư Mác Clanh-vin Blông-cua,“Người bạn tốt của các dân tộc thuộc địa” – Hồng Hà ghi trong tập “Bác Hồ ở Pháp”, nhà xuất bản Văn học, năm 1970. [6] Bùi Lâm,“Gặp Bác ở Pa-ri”, trong tập “Bác Hồ”, Nhà xuất bản Văn học, năm 1960. Gặp “con cáo già” thuộc địa “Hồi đó Bác trọ nhờ nhà luật sư Phan Văn Trường ở Pa-ri. Buổi sáng thì đi làm nghề tô ảnh phóng đại để lấy tiền ăn. Buổi chiều thì hoạt động cách mạng. Chính phủ Pháp cho hai tên mật thám đêm ngày theo dõi Bác. Chính phủ Pháp lúc đó do Poanh-ca-rê cầm đầu. Y là một người cực kỳ phản động. Chính y đã chủ trương đánh cách mạng Nga. Khi quân sự đã thất bại, y chủ trương tẩy chay kinh tế Nga. Trong một cuộc tổng tuyển cử hạ nghị viện Pháp, y đã cho dán khắp cả nước bức vẽ tuyên truyền chống cộng, dưới nhan đề là “Bôn-sơ-vích hai hàm răng ngậm dao”. Trong bức vẽ thì phía sau là những ngôi nhà đang cháy ngùn ngụt ; phía trước là một người “Bôn-sơ-vích”, mặt mũi rất dữ tợn, miệng ngậm một cái dao đẫm máu, tay xách cái đầu của một người đàn bà… Vài năm sau, chính Poanh-ca-rê đã chủ trương chiếm đóng khu hầm mỏ Rua của nước Đức. Đảng cộng sản Pháp đập lại Poanh-ca-rê một vố cũng khá nặng. Số là Poanh-ca-rê trong khi đến thăm một nghĩa địa có hàng nghìn mộ lính Pháp, thì Poanh-ca-rê nhăn răng cười. Đảng Pháp lấy được bức ảnh đó, cho in ra hàng triệu tấm, dưới nhan đề “Poincarré qui rit” (nghĩa là Poanh-ca-rê nó cười) và bán khắp nước Pháp. Bức ảnh đó đã gây nên một phong trào sôi nổi chống Poanh-ca-rê. Một buổi trưa đi làm về, bà già giữ nhà đưa cho Bác một bức thư. Quái! Xưa nay Bác chưa hề nhận thư gửi đến địa chỉ này. Vì đề phòng mật thám, thừ từ anh em cho tin tức hoặc bàn công việc đều gửi đến các nhà bạn quen của Bác. Mở thư ra xem, thì ra của quan thượng tư thuộc địa mời Bác đến gặp. Cách vài hôm sau, Bác đi gặp y. Trong phòng khách của bộ thuộc địa, một bầy người Pháp “tai to mặt lớn” đang lô nhô chờ đến phiên mình được “quan thượng thư” gọi vào. Nhưng Bác không phải chờ, vừa đến thì liền có ông già mang xiềng bằng bạc (người truyền đạt ở các cơ quan cấp cao) mời vào ngay. Một gian phòng rộng rãi và lộng lẫy, trưng bầy đầy những đồ xưa vật quý mang từ thuộc địa về. Quan thượng thư, đầu hói như quả bưởi, một mắt mang kính trắng,“uy phong lẫm lẫm” ngồi chẵm chọe bên một cái bàn rất rộng và chất đầy giấy tờ. Thấy Bác vào, ông ta đứng dậy bắt tay và mời ngồi một cách lễ độ giả dối. Hai người ngồi đối mặt nhau. Một người thì đại biểu chế độ đế quốc thực dân Pháp đang áp bức bóc lột Việt Nam. Một người là tượng trưng của nhân dân Việt Nam đang bị Pháp đô hộ một cách tàn nhẫn. Y thì nắm trong tay cả quyền bính kinh tế, chính trị, quân sự, cảnh sát, tòa án, trại giam… ở các thuộc địa Pháp. Bác là một trong 50 triệu người thuộc địa bị bọn thực dân Pháp bắt làm nô lệ. Y có quyền bắt giải Bác về Việt Nam, gán cho tội tuyên truyền cộng sản, rồi đưa lên máy chém (Triều đình Việt Nam đã vâng lệnh Pháp mà xử án Bác vắng mặt). Bác thì chỉ dựa vào lực lượng của chính nghĩa và cảm tình của giai cấp công nhân Pháp, nhất là công nhân Pa-ri. Hai giai cấp, hai chế độ ngồi đối mặt nhau. Thế nhưng Bác cảm thấy ông ta sợ Bác, vì sợ cách mạng; và đoán biết rằng ông ta cũng cảm thấy Bác không sợ ông ta, vì cách mạng không sợ cái chế độ do ông ta đại biểu. Thượng thư thuộc địa mắt thì nhìn Bác chằm chằm, tay thì vẽ trên bàn, miệng thì nói như phun ra lửa. Y nói đại ý như sau: “Hiện nay có những kẻ ngông cuồng hoạt động ở Pháp. Họ liên lạc với bọn Bôn-sơ-vích ở Nga. Từ Nga họ liên lạc với Quảng Đông. Và từ Quảng Đông họ liên lạc với Việt Nam. Chính phủ Pháp biết rõ hết những dây liên lạc đó ! Họ âm mưu phá rối trật tự trị an ở Đông Dương và chống đối lại nhà nước bảo hộ. Nước mẹ Đại Pháp rất khoan hồng, nhưng sẽ không tha thứ những kẻ gây rối loạn… Nước mẹ Đại Pháp đủ sức để bẻ gãy họ, như thế này…” Nói đến đó, y vẻ mặt hầm hầm, hai tai nắm lại và làm như đang bẻ những vật gì rất cứng rắn – những người cách mạng Việt Nam… Bác cứ giữ thái độ ung dung, cứ mỉm cười, để mặc y nói. Cái mỉm cười trước những lời đe dọa làm cho thượng thư thuộc địa càng bực dọc, càng sợ. Khi ông ta tạm dứt lời. Bác hỏi: “Ngài nói xong rồi chứ?” Là một nhà chính trị cáo già, ông ta đổi giọng và nói một cách ôn tồn: “Tôi rất thích những thanh niên có chí khí như ông. Có chí khí là tốt, nhưng còn phải “thức thời” mới ngoan. Ồ này! Khi nào ông có cần gì tôi thì tôi luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ ông. Từ nay, chúng ta quen biết nhau, ông không nên khách sáo…” Bác nói: “Cảm ơn ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập… Kính ngài ở lại, tôi xin phép về”. Trên đường về, ngồi trong xe điện dưới hầm (mê-tơ-rô) Bác cười trong bụng: “Con cáo già thuộc địa đã đoán trúng ý định của mình!” [1] Đến Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên “Cách mạng tháng Mười vĩ đại có một sức lôi cuốn kỳ diệu vô cùng. Từ khi nghe tin cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công. Bác liền có ý định đi Nga, mặc dù lúc đó chưa hiểu hết ý nghĩa cực kỳ to lớn của cuộc cách mạng ấy. Hồi đó, đi Nga là một việc rất khó khăn và nguy hiểm. Sau khi Hồng quân đã đánh lui bộ độ của 14 nước đế quốc và dẹp xong bọn phản động trong nước, thì Nga lại bị các nước đế quốc bao vây chặt chẽ. Có những người như nhà thơ Pháp là đồng chí Ray-mông Lơ-phe-vơ-rơ cùng mấy anh em công nhân đã mạo hiểm bí mật đi Nga, lúc về đã bị đắm thuyền chết ở biển Ban Tích. Nhiều người khác đi gần đến Nga, thì bị bọn phản động quốc tế bắt và thủ tiêu… Nguy hiểm thì không sợ. Nhưng làm thế nào để giải quyết các khó khăn. Trước hết, làm thế nào để vượt được đoạn đường từ Pa-ri đến biên giới cho khỏi bị mật thám Pháp bắt lại? Làm thế nào để xuyên qua nước Đức và nước Ba Lan?... Ngày thường gần gũi anh em công nhân, Bác biết họ rất khảng khái. Vài ví dụ: - Trong một cuộc mít-tinh ở Pa-ri, nhằm quyên góp giúp Nga đang bị đói kém và bệnh hoạn, người diễn thuyết là bà Sơ vơ-rin, đồng chí Ca-sanh và đồng chí V. Cu-tuy-ri-ê. Khi nghe nói đến lạc quyên, thì trăm người như một, trong túi có bao nhiêu trút ra quyên hết, không ai đếm xem mình quyên ít hay là nhiều. Đó là một biểu hiện đồng tình vô sản quốc tế rất cao quý! - Một đồng chí thợ già tên là N. làm ở nhà máy điện thường cùng Bác đi dự cuộc mít-tinh. Một hôm khi cùng nhau từ cuộc hội họp đi về, đồng chí N. thủ thỉ nói với Bác: “Chú này! Mình không vợ không con, bao giờ mình “nhắm mắt”, mình để số tiền đó giúp chú làm cách mạng…” Nay muốn đi Nga, thì chỉ có một cách là nhờ anh em công nhân giúp. Ý định như vậy rồi, Bác tìm làm quen với anh em công nhân xe lửa. Sau nhiều ngày tìm kiếm, thăm dò, Bác đến gặp đồng chí X. làm ở đầu máy xe lửa đi Pa-ri - Bá-linh. Nghe nói Bác muốn đi Nga, đồng chí X. vui vẻ nhận giúp ngay. Đồng chí X. nói : “Được, chúng tôi sẽ giấu đồng chí ở một chỗ trên xe, bố mật thám cũng chẳng tìm ra được! Nhưng xe chúng tôi chỉ đi đến Bá-linh thôi…” Nheo mắt lại nghĩ ngợi một lát, rồi đồng chí X. nói tiếp: “Không sao! Tôi sẽ bàn với anh em công nhân xe lửa Đức giúp cho đồng chí…” Thế là bước đầu đã thành công. Nhưng khó khăn vẫn còn không ít. Làm thế nào để bỏ rơi bọn mật thám ngày đêm theo mình như bóng theo hình ? Anh em công nhân Đức có thể giúp, nhưng công nhân Ba Lan sẽ sẵn sàng giúp mình chăng ? Và ai sẽ phụ trách tờ báo Pa-ri-a ? Các đồng chí Á Phi người thì giúp bài, kẻ thì giúp tiền làm báo, nhưng cần có người không có gia đình bận bịu như mình để phụ trách mọi việc như đi góp tiền, đi giục bài, bí mật gửi báo đến các thuộc địa, bán báo để tuyên truyền ngay ở Pa-ri… Thật là “ngổn ngang trăm mối bên lòng!” Quanh quẩn mấy tháng, kế hoạch chưa xong, thì một hôm được Trung ương Đảng Cộng sản Pháp gọi đến và báo:”Đồng chí sẽ được đi dự Đại hội lần thứ năm của Quốc tế cộng sản, với danh nghĩa là đại biểu dân tộc thuộc địa”. Tin mừng đó làm cho Bác sung sướng ngất trời! Bọn mật thám nắm vững “quy luật” hoạt động của Bác. Sáng đi làm công. Chiều đến thư viện. Tối dự mít-tinh. Khuya về nhà ngủ… Bác cũng nắm vững “quy luật” hoạt động của chúng: Chúng chỉ theo Bác từ nhà trọ đến chỗ làm việc, đến chỗ xem sách, đến nơi hội họp. Sau đó, tin chắc rằng Bác chẳng đi đâu mất, chúng về nhà chúng để vui thú gia đình. Hôm đó, hai tay đút túi. Bác ung dung lên xe “buýt” đi tham gia một cuộc mít-tinh ở ngoại ô Pa-ri. Độ nửa giờ sau, Bác lặng lẽ đi quanh về ga xe lửa. Một đồng chí tin cẩn đã chờ sẵn ở đó, trao cho Bác một vé xe lửa hạng nhất (vì hạng nhất chỉ có những khách sang trọng, ít bị tình nghi) và một cái va-ly con… Bác cố trấn tĩnh, nhưng đến khi xe lửa qua khỏi biên giới Pháp – Đức, trong ngực mới hết phập phồng. Chắc chắn bọn mật thám phụ trách gác Bác sẽ được quan thượng thư thuộc địa “thưởng” cho một mẻ nên thân! Mà chính quan thượng thư cũng tức mình đến “ung thư phát bối”. Khi đi qua địa phận Đức bị quân Pháp chiếm đóng thì thấy lại những cảnh tượng thực dân. Đối với người Đức, bọn quân phiệt Pháp ở đây cũng vênh váo lên mặt, làm mưa làm gió, y như bọn Pháp ở nước ta…Có mấy người thương binh Pháp lên nhầm toa xe hạng nhất, liền bị một tên quan sáu Pháp khua ba toong đuổi xuống xe… Tuy sau chiến tranh đã sáu năm, ở Bá-linh vẫn đói kém dữ (có lẽ ở các nơi khác cũng vậy). Người nào cũng có vẻ xanh xao vàng vọt ! Nạn lạm phát giấy bạc thật là kinh khủng, sớm một giá khác, chiều một giá khác. Đưa giấy bạc mua một tờ báo thì số giấy bạc chập nhau lại, rộng hơn tờ báo! Cả gia tài Bác chỉ vẻn vẹn non 1000 phơ-răng, vậy mà tính ra tiền Đức, Bác đã trở thành người giàu bạc triệu! Bác đến Nga vào mùa đông. Mọi vật đều bị tuyết phủ trắng xóa như một thế giới bằng bạc, có ngày rét đến 42 độ dưới 0. Đại hội Quốc tế cộng sản hoãn chưa khai, vì Lê-nin còn ốm nặng. Hôm 21 tháng giêng 1924, một cơn gió thảm mưa sầu đã chấn động toàn thể nhân dân Nga, cũng như nhân dân lao động và dân tộc bị áp bức cả thế giới: Lê-nin – người thầy, người bạn, người đồng chí yêu kính của chúng ta mất rồi! Cuối tháng 8-1918, trong lúc đến nói chuyện ở một cuộc mít-tinh của công nhân nhà máy tại thành phố Pê-téc-bua (nay là Lê-nin Gờ-rát) Lê-nin bị một tên phản động bắn bị thương nặng. Từ đó về sau Lê-nin thường bị yếu, nhưng vẫn cố gắng làm việc đến hơi thở cuối cùng. Nghe tin buồn đó, nhiều người òa lên khóc, Bác cũng khóc. Kể sao cho xiết tình thương tiếc không bờ bến của những người lao động đối với người thầy cách mạng vĩ đại ấy! Biến thương xót thành hành động; Lê-nin mất nhưng ngọn cờ chủ nghĩa Lê-nin có đảng Bôn-sơ-vích anh dũng nắm vững và có hàng triệu người cộng sản khắp thế giới giương cao. Để tỏ tình đoàn kết chặt chẽ và nhiệt liệu ủng hộ Đảng của Lê-nin ; hơn 24 vạn công nhân Nga lúc đó xin gia nhập Đảng.” [2] * * * “…Mát-xcơ-va tháng giêng năm 1924. Giữa mùa đông nước Nga, khí trời lạnh dưới 40 độ. Lê-nin vừa mất được mấy hôm. Sáng hôm ấy tại phòng chúng tôi, phòng số 8 khách sạn LUX có tiếng gõ cửa nhẹ. Một thanh niên rất gầy gò, đầu đội mũ cát-két, mình mặc chiếc áo mỏng manh mùa thu, tay xách một va-li bé tí, bước vào và nói: - Tôi là Nguyễn Ái Quốc, người Việt Nam, vừa ở Pa-ri đến. Tôi đến thì Lê-nin vừa mất – Nói đến đây người thanh niên ngừng lại, lau nước mắt. – Bây giờ tôi muốn đến viếng linh cữu Lê-nin… - Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng chí mặc mỏng manh như thế không chịu được rét Nga đâu. Đồng chí hãy chờ đến ngày mai, khi có quần áo ấm hãy đi… Ái Quốc thở dài, không trả lời ngồi uống nước chè với chúng tôi, rồi trở về phòng mình. Chúng tôi cho rằng :”Thế là đồng chí ấy chịu nghe chúng mình rồi”. Ngoài trời tuyết tạm ngừng rơi, lạnh như cắt ruột. Trước nhà Công đoàn nơi để linh cữu Lê-nin, dòng người im lặng và dài vô tận đứng chờ, hầu như không nhúc nhích được bước nào. Rét quá! Ngoài đường có từng đống lửa để nhân dân sưởi đỡ rét. Tiếng máy truyền thanh buồn bã nói về Lê-nin, vị lãnh tụ vừa quá cố… Tiết trời hôm nay hình như cũng chia buồn với lòng người. Khoảng 10 giờ đêm, có tiếng gõ cửa nhẹ. Tôi bước ra mở cửa, trước mặt tôi là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, vẫn trong bộ quần áo mỏng manh, đầu đội cát-két. Mặt đồng chí xanh xám, ngón tay, mũi và tai thâm tím vì giá rét. - Tôi vừa đi viếng Lê-nin về - Ái Quốc vừa nói vừa run cầm cập – Tôi không thể chờ đến ngày mai để viếng Người bạn vĩ đại nhất của nhân dân các nước thuộc địa… Đồng chí có nước chè uống không?... “Tôi luôn luôn nhớ mãi hình ảnh ấy, biểu hiện cho ý chí của con người luôn luôn kiên quyết đấu tranh chống thực dân, vì tự do và hạnh phúc của dân tộc. Sau đó chúng tôi trở thành bạn thân, cũng làm việc với nhau nhiều. Cái gì tiêu biểu nhất ở con người Hồ Chí Minh? Là tính khiên tốn lạ thường và ý chí phấn đấu và học hỏi vô cùng mạnh mẽ… Trong câu chuyện đồng chí Hồ thường nói: “Chỗ của tôi là ở Việt Nam, nơi mà các đồng chí và đồng bào tôi đang chiến đấu…” Chúng tôi thường cùng nhau nhắc lại những chuyện về nước Pháp, về Pa-ri… Chúng tôi thường nhắc đến cái “chợ trời” ở Pa-ri, tiếng Pháp gọi là “cái chợ rận”, đó là nơi mà những người cùng khổ ở Pa-ri mang bán từ tấm áo rách, đến cái xe đạp cũ, cái bàn, cái ghế gãy chân. Ở đây cũng là nơi mà hàng nghìn người vì đấu tranh cho tự do, cơm áo của nhân dân mà phải trốn tránh, những người mà pháp luật - “chính quốc” cũng như bọn quan lại, địa chủ trong nước họ đang tìm bắt, họ đang sống trong cảnh cực kỳ nghèo nàn, không thể tả được. Nhưng họ vẫn quyết tâm phấn đấu không ngừng. Đồng chí Hồ Chính Minh ngay từ đầu đã hiểu cách mạng tháng Mười, hiểu Lê-nin và ảnh hưởng to lớn của cách mạng ấy, của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đối với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Ở Pháp, tôi được quen khá nhiều người Đông Dương hoạt động chính trị, nhưng hình ảnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc luôn luôn nổi bật bởi sự khiêm tốn, ham học và phấn đấu. Theo tôi, đồng chí Hồ Chí Minh là người đã giúp cho phong trào vô sản thế giới và phong trào giải phóng dân tộc nhiều tài liệu đầy đủ nhất về tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương và phong trào đấu tranh của nhân dân Đông Dương[3]. * * * “Mát-xcơ-va tháng ba… Con tàu băng qua vùng nông thôn phủ tuyết. Tuyết trắng muốt trên cây, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Thỉnh thoảng nhìn một ngôi nhà, tuyết lấp gần kín một xe ngựa kéo. Tôi chỉ có một anh bạn cùng ngồi tàu. Anh đọc sách say sưa. Anh chẳng có vẻ gì là người Nga. Anh bất ngờ hỏi tôi : - Xpít-ki I-ét (tiếng Nga – anh có diêm không ?) Anh dùng tiếng Nga nói chuyện với tôi, một thứ tiếng Nga còn…thô sơ. Tôi trả lời “có” bằng tiếng Pháp. Người bạn cùng đi của tôi liền thôi nói tiếng Nga và nói tiếng Pháp rất thạo. Tôi hỏi anh ở đâu đến. - Tôi là người Việt Nam – bị Pháp cai trị, học sinh trường đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va. Tôi tên là Nguyễn Ái Quốc. Tôi tự giới thiệu và tôi nảy ý muốn phỏng vấn anh, một cuộc phỏng vấn không định trước. Tôi ngỏ ý với anh. Anh nhìn tôi, cười và gật đầu. Anh mảnh khảnh, da rám nắng, mắt đen lánh, tóc mượt. - Anh kể cho nghe về đời học sinh được không? - Được. Anh bắt đầu kể và cho tôi biết anh là cộng sản. Trước khi ghi tên học trường đại học Phương Đông, hai năm trước đây anh làm đủ mọi nghề tại Pa-ri: Bán diêm, bán báo, đánh giầy, làm các nghề linh tinh. - Trong nước, tôi lao động ở nông thôn, tôi rời Tổ quốc tôi cách đây ba năm [4]. - Trước đây tôi có đọc một tờ báo phát hành sang nước tôi, một vài tờ có tính chống đối. Ở Việt Nam, có những người lính lê dương do Poăng-ca-rê (Poincaré) [5] gửi sang để cải huấn. Những người lính lê dương này đọc đủ thứ. Họ là những kẻ chống đối về bản chất. Họ cho tôi đọc các báo Pháp. Vì thế tôi nảy ra ý muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao và tôi đã tới Pa-ri. Khi trường đại học Phương Đông ở Mát xcơ-va mở, tôi bèn xin học. - Trường có đông học sinh không? - Tất cả có 1025 người học thuộc 62 xứ thuộc địa trong đó có 150 gái, 895 vào đảng cộng sản. Trong số 1025 người học 547 là nông dân, khoảng 300 là công nhân, còn là trí thức tư sản. - Anh nghĩ thế nào về sáng kiến Bôn-sơ-vích này? - Tôi rất phấn khởi đối với sáng kiến này. Tôi đã đọc nhiều tuyên bố ủng hộ và đoàn kết của những người chống đối nhưng không người nào đem lại cho chúng tôi một sự giúp đỡ thiết thực để thoát khỏi chế độ nô lệ mà những “người đi gieo rắc văn minh” đang giam hãm chúng tôi. Tôi cho rằng sáng kiến này sẽ đem lại những kết quả rất tốt. Nhiều người đã hiểu tình trạng kém cỏi của chúng tôi nhưng chưa có ai, trừ những người làm cách mạng Nga, chỉ cho chúng tôi con đường đi đến giải phóng. Ở Ba-cu, năm 1921, lần đầu tiên trong lịch sự của giai cấp vô sản, đã họp một đại hội của các dân tộc phương Đông và chính Lê-nin, đồng chí I-lít-sơ[6] thân mến của chúng tôi đã nêu lên những đề án và hướng dẫn chúng tôi đi những bước đầu đề làm cho chúng tôi có khả năng cùng tiến bước với giai cấp vô sản thế giới. Đồng chí Việt Nam nói rất hào hứng, nhanh và thạo tiếng Pháp. Một tay đồng chí phải băng. - Tay anh làm sao thế? - Không sao, anh trả lời. Tôi mang vòng hoa của học sinh viếng Lê-nin, vì thế hai ngón tay tôi bị tê cóng. - Các anh có bao nhiêu giáo sư ? Chương trình học có những môn gì? - Chúng tôi có 150 giáo sư dạy các môn: khoa học xã hội, duy vật lịch sử, lịch sử phong trào công nhân, khoa học tự nhiên, lịch sử cách mạng, kinh tế chính trị học v.v… Trường đại học có một phòng chiếu bóng, một thư viện 47.000 cuốn sách. Mỗi dân tộc có một thư viện riêng gồm sách, báo, tạp chí. Nên biết là chúng tôi thuộc 62 dân tộc mà đoàn kết với nhau như anh em ruột thịt. Người học tự viết lấy báo hàng tuần. Chúng tôi có một nhà an dưỡng ở Cơ-ri-mê và hai nhà nghỉ hè, một trong hai nhà đó trước cách mạng là lâu đài của một quận công. Anh thanh niên Việt Nam vừa cười vừa nói với tôi: anh hãy hình dung là ở trên đỉnh ngọn tháp của lâu đài, gần con quạ, biểu tượng của đế chế, phấp phới là cờ đỏ và ở trong phòng khách thay vào ngài quận công, là những người nông dân Triều Tiên, Ác-mê-ni nô đùa với nhau. - Ai nấu cho các anh ăn? Tôi hỏi người đồng chí và người bạn cùng chuyến tàu. Anh vẫn còn cười vì vẫn còn nghĩ đến những người Triều Tiên nô đùa trong phòng khách của quận công. - Chúng tôi thay phiên nhau làm bếp. Chúng tôi cũng thay phiên nhau làm ở thư viện, ở câu lạc bộ, giặt giũ. Chúng tôi tổ chức thành công xã [7]. “Công xã” họp một tuần một lần để thảo luận chính trị, và tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, giải trí. Những sự sai phạm sẽ do một “tòa án” do công xã bầu ra thấy cần thiết, xét xử. - Khi học xong, anh dự định làm gì? - Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ quốc tôi để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi. Ở bên chúng tôi có nhiều việc phải làm lắm. Chúng tôi chẳng có quyền gì cả, trừ quyền đóng thuế cho “mẫu quốc” Pháp, cho bọn chủ bản xứ. Sự việc nổi bật nhất như thế này: chúng tôi là những người bị đô hộ, như đồng chí biết, chúng tôi là những dân tộc “hạ đẳng”, và vì thế chúng tôi không có quyền ứng cử, bầu cử. Ở nước Nga, ở cái nước của những người dã man – giai cấp tư sản dân chủ gọi các đồng chí Nga như thế - chúng tôi có đầy đủ những quyền như công nhân Nga. Thật vậy, những đại biểu của chúng tôi do Xô-viết của chúng tôi bầu ra theo đúng kỳ hạn, đã cùng hội họp với các đại biểu công, nông, binh. Đó, anh đã thấy rõ sự đối xử khác nhau của chế độ dân chủ tư sản và chế độ dân chủ công nhân đối với chúng tôi! Người bạn nói chuyện với tôi ngừng nói. Anh nhìn thẳng trước mặt anh, như để đo khoảng cách giữa hai loại dân chủ, rồi anh tiếp tục: - Chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa. Những người “khai hóa” các nước chúng tôi để chúng tôi tự do. Nhưng chúng tôi tiếp tục đi theo con đường Cách mạng tháng Mười đã vạch ra, chúng tôi sẽ vận dụng vào thực tiễn những bài học đã học được. Các đồng chí của tôi làm việc phấn khởi, tin tưởng, nghiêm túc. Nhiều người còn rất trẻ đã có một trình độ Mác-xít ít có thể tưởng tượng là có thể có được vào tuổi đó. Chúng tôi hiểu rõ là chúng tôi có trách nhiệm rất nặng nề, và tương lại của các dân tộc thuộc địa tùy thuộc vào sự tuyên truyền và tinh thần hy sinh của chúng tôi. Người đồng chí Việt Nam của tôi, dân thuộc địa của Poăng ca-rê, nói tiếp: - Ở Phương Đông, từ Xy-ri đến Triều Tiên – tôi chỉ nói các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, có một diện tích rộng mênh mông với hơn 1.200 triệu dân. Cả vùng rộng lớn này nằm dưới ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc tư bản chủ nghĩa. Các dân tộc ở đó không bao giờ có thể ngẩng đầu lên được nếu không gắn bó với giai cấp vô sản thế giới. Những nghị quyết của phái xã hội dân chủ tỏ cảm tình dù nồng nhiệt đến đâu cũng không có sức nặng. Việc thành lập trường đại học Bôn-sơ-vích đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử các dân tộc thuộc địa ở Phương Đông, và nhà trường đã dạy chúng tôi nguyên lý đấu tranh giai cấp, đã đặt mối liên hệ giữa chúng tôi với các dân tộc phương Tây, trang bị cho chúng tôi – những người nô lệ, khả năng hoạt động chặt chẽ. - Khí hậu nước Nga thế nào, có cực lắm không? - Có… Tôi chưa quen tuy đã ở hai năm. Nhưng không sao, tôi sẽ khắc phục được. Chúng tôi còn nói chuyện với nhau thêm một lúc thì người bạn Việt Nam xuống một ga nhỏ. Anh bắt tay tôi và nói: - Tôi đi thăm một công xã nông nghiệp. Thôi chào anh. Tôi thấy anh choàng chiếc áo khoác ngoài quấn chăn vào người, bước lên một chiếc xe ba ngựa kéo rồi biến sau quả đồi, như bị biển tuyết bạc óng ánh lấp đi. Con tàu chuyển bánh, băng qua cánh đồng.[8] * * * “…Nguyễn Ái Quốc cũng là người thường đến xem triển lãm. Người đã có quan hệ với chúng tôi từ trước khi mở triển lãm này. Quê hương của Người là Việt Nam ngày nay. Người biết thông thạo ngôn ngữ của những nước lớn ở Châu Âu, và khi thảo luận Người có cách nói rất sinh động. Người am hiểu những trào lưu nghệ thuật Tây Âu và mỉm cười để lộ rằng ở Pa-ri, Người cũng có vẽ chút ít. Người nói một cách rất tinh tế về những tác phẩm mà người đã xem và trước hết về những nghệ sĩ đã mạnh dạn phơi trần sự thật xã hội và kêu