🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đống Rác Cũ – Trọn Bộ
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
TẬP MỘT
§1. Một ngôi nhà của một người
§2. Con bò lạc
§3. Cu-li cút-kít
§4. Ma-ri
§5. Lại một nghề nữa không có ghi ở trong lòng minh tinh §6. Mặc cả với con cái của một người đã dày công tu nhân tích đức
§7. Một cuộc diễn kịch: ngoài sân khấu và trong hậu trường §8. Tin bất thường
§9. Những mặt bất thường
§10. Việc bất thường
§11. Vỡ lòng
TẬP HAI
§1. Một gia đình Hà Nội
§2. Gió lọt
§3. Xuống chó
§4. Anh hùng mạt lộ
§5. Một bậc thầy
§6. Lại một bậc thầy
§7. Động rừng
§8. TYL
§9. Bồi dưỡng tư tưởng
§10. Nỗi lòng
§11. Một việc đã rồi
§12. Nhà con...
§13. Chồng chị, chồng tôi
§14. Thưa rằng
§15. Em với chị
§16. Cha mẹ với con
§17. Bệnh viện với bệnh nhân
§18. Tôn giáo với kẻ có tội
§19. Khoa học với sự sống chết
§20. Sở Mật thám với những việc phải thám
§21. Thần Công lý với người chết oan
§22. Để kết thúc
TẬP BA
§1. Bà Hàn và ông Hàn
§2. Mười năm về trước
§3. Hàng về
§4. Một con ma còn sống
§5. Cha ốm nặng về ngay
§6. Đường danh
§7. Thử lửa
§8. Chuyến tàu vét
§9. Những cái thối cứu được cái thơm §10. Quen mui thấy mùi đánh mãi
§11. Anh Xi
§12. Thế thì ai là kẻ có tội
§13. Vợ con
§14. Khi gương đã soi
TẬP BỐN
§1. Vấn đề đồn điền
§2. Xuy-dan
§3. Một người quản lý tốt nhất
§4. Nợ nước thù nhà
§5. Đầu voi đuôi chuột
§6. Cuộc giao tranh
§7. Trận quyết liệt
§8. Khao thất bại
§9. Những ngày đầu trong cuộc kinh doanh §10. Mại bản cậu
§11. Người học trò đắc đạo
§12. Để được giáp riêng mặt rồng
§13. Cuộc cạnh tranh
§14. Tai bay vạ gió
§15. Vinh dự cái con rồng
§16. Giá bà cụ còn sống
§17. Chiếc xe xuống dốc
§18. Dốc còn sâu
§19. Một cuộc gặp gỡ tình cờ
§20. Để đi cho nhẹ nhàng
§21. Trong những giờ phút sắp lên tiên CHÚ THÍCH
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
N
I
MỘT NGÔI NHÀ CỦA MỘT NGƯỜI
gôi nhà này bè bè, thô thô như một anh chàng to ngang mà lùn. Đó là tại khi xây dựng, không có kiểu vẽ trước? Hay tại
toán thợ nề quê mùa nào đó, muốn khoe là tay cừ mỹ thuật? Họ đem nhồi nhét, trộn hổ lốn vào trong tác phẩm cỏn con này tất cả những cái họ đã nhìn qua loa thấy ở nhà kiểu Tàu, ở nhà kiểu Tây làm theo thời trung cổ, thời hiện đại? Hay tại tiền khoán nhà thì to mà tài thợ thì nhỏ? Cho nên để nuốt món đó cho khỏi hóc, họ đành liều lĩnh, phóng tay làm cho cái nhà trở thành không ra lối lăng gì.
Thôi mặc kệ. Ta tìm hiểu làm gì cái điều không lợi cho ta ấy? Nhà này dù đẹp, dù khéo, dù xinh, hay lố lăng, kệch cỡm, lòe loẹt, thì nó cũng là một sự kiện đã rồi.
Nhà có hai tầng. Tầng gác dẹt đen đét như bụng người nhịn đói. Vì ở phía trước, có chừa ra một cái sân rộng. Ở hai tường hai bên, trên bộ của chóp sơn xanh, có đắp một cái gờ dài. Gờ là mặt hổ phù dang hai chân trước. Mặt hổ phù có đủ cả mắt, mũi, miệng, răng, râu. Chân hổ phù có năm móng cong và nhọn. Mặt, mũi, miệng, răng, râu và móng, đều bôi đen, vàng, đỏ, nâu, trắng, tím. Mình hổ phù trổ vây mặt nguyệt, nhỏ li ti, mỗi mặt nguyệt tô một màu sặc sỡ khác nhau. Xin nói thêm, cửa đây là cửa chớp giả, mà ngay thời Dân chủ cộng hòa này, ta còn trông thấy ở nhiều nhà trong thị xã Hải Dương. Không mở được vì nó đắp bằng vữa. Nhưng ở cửa chớp thật bằng gỗ, hàng răng lắp vào khung thế nào, thì ở cửa chớp giả này, cũng y hệt như thế. Lại có
đủ cả từng ấy chiếc bản lề, cũng đắp bằng vữa, nhuộm đúng màu sắt. Phía trước mặt tầng dưới, dưới ba cái mái cong, nổi lên những dòng ngói ống kiểu tàu sơn tím, có ba cửa tò vò, nhưng lại xây bịt kín. Lèo cửa bộ giữa chạy nho sóc, hai bộ bên chạy qua điệp. Để lên gác, một cái thang cuốn xây áp vào tường, gồm chừng hai chục bậc. Thang có mái, là một con rồng uốn tròn, đứng bằng mười chân, dính vào bậc, tức là tay vịn. Ba mặt sân gác có ba hàng bao lơn, mỗi cái bao lơn nặn hình con tiện, mỗi con tiện sơn một màu khác nhau. Ở một góc sân gác, dựng một cái giàn xây, với hàng xà ngang xi-măng xếp đều tăm tắp, như kiểu giàn dây leo ở công viên các thành phố. Mái gác trát nhân bằng vữa màu gạch. Trên đường bờ chính giữa, gắn một chiếc đồng hồ giả, kim ngắn chỉ thẳng lên con số 12, nhưng kim dài nằm ngang với con số 3. Những con số đều viết chữ La-mã. Trên đỉnh đồng hồ, có nhoi lên cái cổ nậm rượu, dưới thắt cổ bồng, trên phình ra, rồi thon dần. Dọc đường bờ, bên phải và bên trái cái đồng hồ, đi bát tiên bằng xi-măng. Và ở hai đầu, hai con phượng ngậm cuốn thư, uốn quặt cái đuôi lại.
Phía mặt gác trông ra sân, có ba bộ cửa. Hai bên tả hữu, là lối cửa bức bàn, cánh nào phần trên cũng là đường triện triết chi lá giát, và phần dưới, bịt kín, trổ bốn thứ cây mai, lan, cúc, trúc. Tôi quên không nói là nhà này không làm bằng tí gỗ nào, dù là các cánh cửa, toàn là xi-măng và vữa thôi. Chỉ trừ có cái cửa giữa gác, vì cần cho ánh sáng lọt vào trong, nên là kính. Cả một mặt kính lắp sau bức diềm y môn vữa màu đỏ. Tuy mưa nắng lâu ngày đã làm kính hơi mờ đi, nhưng ở ngoài trông vào vẫn rõ. Rõ là rỗng trơ. Trên sàn, không bày bàn ghế, tủ sập. Và trên tường, không treo hoành phi, câu đối. Chỉ có mỗi một cái. Cái này là tấm truyền thần bán thân một người bằng sơn màu. Tấm truyền thần dựng kín cả mặt tường hậu. Xin mở một dấu ngoặc để than
thở vài câu về cái công trình thuộc về mỹ thuật này. Nhất định tấm truyền thân đây không phải là vẽ. Thời này, muốn truyền ai, nhất là những người giàu, thích hệt ảnh màu, thì mấy ông thợ vẽ lười vẽ đã phát minh ra một cách làm việc, vừa đỡ tốn công, vừa giống in như ảnh. Có gì đâu. Các ông nhận ảnh của khách hàng, đem chụp lại vào kính, rồi phóng cho to ra. Quần áo và các thứ trang trí, ai muốn thế nào, các ông cho được như thế tuốt. Vì đã có sẵn những mẫu cũ. Chỉ cần khách trả một món tiền ngang với giá trị những thứ làm tăng giá trị con người vẽ. Còn cái mặt, đáng lẽ truyền khó và lâu nhất mới giống thì các ông có ở ảnh rồi. Chỉ còn việc lấy thuốc màu, tô cho nước da hồng, cho đôi môi đỏ. Rồi phết một lượt quang dầu lên trên. Thế là chu. Giống ảnh không chê được! Và bền cố hỉ!
Bức truyền thần bày trong nhà này là chân dung một ông. Thường thì các ông đi mượn vẽ hay bắt bẻ người thợ vẽ đã vẽ không giống mình trong ảnh mà mình thuê phóng, chứ không bao giờ quan tâm đến việc ảnh có giống mình hiện tại, tức là lúc mình đến đưa nó cho người ta vẽ hay không. Bởi vì bao giờ các ông cũng chọn cái ảnh đã chụp bất cứ vào năm nào, miễn là nó đẹp nhất. Nghĩa là nó phải đáp ứng đủ ba tiêu chuẩn: mặt mũi trắng béo, quần áo bảnh chọe, và đáng điệu oai vệ. Nếu khi chụp, người thợ ảnh đã có thói quen về một thứ mỹ thuật nào đó, biết xóa hết trong kính đã rửa những nét nhăn nheo trên mặt, để khi in ra giấy, cái mặt ấy được chỉnh lý, cải biên nhiều nhiều, cho xinh đẹp nhiều nhiều, thì khi ngắm ảnh, khách hàng càng khen nhiều nhiều.
Cái ông trong tấm truyền thần này, mặt ngửa lên. Rõ rằng là người tự hào hơn cả một người có cái gì đáng tự hào. Vẻ mặt tự hào của ông này lại đi đến mức độ có thể gọi là vênh váo. Ông ta đã dùng một vật trang trí nhân tạo, làm cảnh cho đôi mắt, để
mình được ngờ là học giả. Đó là cặp kính trắng tròn, lớn, gọng đồi mồi. Ria ông ta cũng làm cảnh cho miệng ông. Vật trang trí này tuy thiên nhiên, nhưng không khỏi không được đặt vào đó công lao động sáng tạo. Nó đen nhánh, hai bên đối nhau. Đầu ria hướng phía nhân trung thì rậm và to, nhưng đuôi ria quẫy ra phía cạnh mép thì cắt nhọn hoắt và uốn vểnh lên. Thuở này, gọi kiểu râu này là râu Tây, dù nó mọc trên môi bất cứ người nước nào. Đáng lẽ một nạm râu chổi sể còn phải đâm thẳng từ cằm ông ta xuống nữa mới hợp lý. Nhưng Tây cạo nó đi, thì ông ta cũng cạo nó đi. Cho nên đôi môi mỏng và cái cằm lẹm của ông, vì phải theo thời, mà không được ngụy trang. Tóc ông ta cũng đen như râu. Rẽ giữa. Hai bên chải lật hai múi, gồ và cong như hai cái cổng tò vò.
Tóm lại, ông này, mặt phình và nhẵn như mặt một cậu con trai, nhưng lại lạc vào đó hai con nong nóc ở trên mép. Khó lòng mà đoán được ông ta bao nhiêu tuổi.
Ông ta mặc Âu phục. À, ra nếu ông ta để râu cằm, thì làm sao ta nhìn thấy được cái cổ cồn là bóng lộn và cái ca-vát màu cánh trà, gài vào sơ mi bằng chiếc ghim có đầu bằng hạt ngọc xanh. Ở lỗ khuyết ve áo len màu tím, có đeo lủng lẳng cái vuốt hổ trắng bịt vàng, lòng thòng một cái dây vàng, chui vào miệng cái túi con ở áo ngực bên phải. Đây là dây đồng hồ. Để người ngoài hiểu ngầm rằng nó thả vào trong túi một chiếc đồng hồ quả quýt, và tất nhiên, cũng bằng vàng. Trên ngực này của áo ông ta đeo hai cái để ai cũng phải chú ý. Một cái hình chữ nhật, ngang độ hai đốt, dọc độ ba đốt ngón tay, màu kem, giữa là một dòng năm chữ nho, tô đỏ, đủ cả nét rất rõ. Đó là tấm bài ngà. Và năm chữ là Hàn lâm viện đãi chiếu. Cạnh thẻ ngà, là cái mà thời ấy gọi là mền-đay. Mền-đay này là thứ có miếng vải sọc xanh và vàng, đeo toòng teng một cái đầu rồng ngoác mồm bằng kim khí. Đó là tấm An-
nam long bội tinh của vua ban.
Vậy thì, ái chà chà! Nhà này là nhà của một vị rất danh giá và rất đáng kính trọng. Vì có quan tước và có công với triều đình. Nhưng chắc chắn lão ta không là quan thật. Vì mặc Tây, chứ không vận phẩm phục. Vả lại, cái Hàm đãi chiếu là thứ hàm hạng bét, mà ngay một chức quan hạng bét cũng được đối ngay với một hàm cao hơn nhiều. Các bạn muốn biết lão ta là ai làm nghề ngỗng gì, xin đọc những chữ đề ở dưới bức truyền thần:
Monsieur TRAN ĐUC THUA
dit ALBERT THUA
Medecin annamite brevete de la Chine
Journaliste Concessionnaire Amateur
Membre de la Chambre des Representants du peuple du Tonkin Han lam vien Dai chieu
Decore du Dragon d’Annam
Decede le 20 du 2e mois de la 12e annee
du regne Bao Đai
Vậy đây là một nhà cứu dân độ thế, một nhà doanh nghiệp, một tay ngôn luận, một nghị sĩ, đã đội nhiều ơn mưa móc. Và cái biệt thự này là cố cư của ông ta. Xin nhận rằng người thật đúng thế thật. Nhưng nhà không phải là cố cư. Vì tôi quên chưa nói nhà này không ở được. Nó chỉ có tầng gác là rỗng, còn tầng dưới thì lèn đặc những đất thó. Và tôi cũng quên, không nói ngay từ trên kia, là nhà này bé thôi, chỉ rộng có một thước mốt, dài hai thước, và cao một thước hai. Nó xây ở giữa đồng.
Vậy nó là cái mả?
Phải. Mả ông Trần Đức Thừa, tức An-be Thừa, thầy thuốc An nam đỗ bằng của nước Trung Hoa, nhà báo, chủ đồn điền, chủ tàu thủy, nghị viên viện Nhân dân đại biểu Bắc kỳ, Hàn lâm viện
đãi chiếu, thưởng thụ An-nam long bội tinh, tạ thế ngày 20 tháng thứ 2 năm thứ 12 triều vua Bảo Đại. Dịch theo minh tinh bằng tiếng Pháp trên kia là như thế.
Mả ông An-be Thừa nằm giữa một khu năm sào, vuông vắn, xung quanh bao vây bằng tường gạch cao ba thước. Có cái cổng xây mái kiểu mái nhà táng. Dưới mái, đắp một dòng chữ Pháp, gần giống với những chữ: CIMETIÈRE DE FAMILLE. Nghĩa là nghĩa trang gia đình. Hẳn là yết thị cho người ngoài đừng chôn ẩu xị vào đó. Bên niên hiệu, đề Long phi Đinh sửu niên. Bên lạc khoản ghi Thế nghị Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân Thái thường tự khanh. Tuần phủ chi sự Lê Văn Bản bái văn.
Đôi câu đối này, một vế ý nói Nghị trường vắng tiếng từ nay, những tư tưởng nhân đạo, những trang báo nảy lửa đã vang động đến cửu trùng, đổi nắng hạn thành mưa Âu móc Á. Một vế ý nói âm phủ muốn chừng thiếu thầy thuốc giỏi, hai mươi năm xây dụng cơ đồ, làm giàu cho nhà, cho nước, nêu tấm gương sáng về Pháp - Nam thân thiện.
Câu đối là thứ văn chương xa xỉ phẩm để thù tạc. Khen ngợi người chết không biết cãi và không biết ngượng, câu đối được mặc sức nói huênh hoang. Huống hồ chữ nghĩa của một vị đại khoa, nghĩ ra để “lạy và than” người “bạn thân” đã khuất, thì phần văn chương nhất định được coi là cần thiết hơn sự thật.
- Sung sướng quá! sống ở nhà đẹp, chết ở nhà cũng đẹp! Người thèm tiền nói thế. Nhưng người thèm ruộng thì mỉa: - Chỗ này còn chôn được khối người họ Trần mới chật hết đất!
*
* *
Nhưng nghĩa trang này đã chôn thêm ai đâu? Từ Bảo Đại thập
nhị niên tới nay, Cũng mới chỉ có thon lỏn có mỗi một ngôi trong khu vực mênh mông này.
Thế thì người trong gia đình ấy đâu? Không có ai, hay chưa có ai chết? Chưa có ai chết, hay đã có người chết mà chôn ở chỗ khác? Cái đó khó lòng mà đoán được. Lý do thế nào, chốc nữa ta sẽ rõ. Còn như trong gia đình có những ai thì ta có thể biết được một cách tương đối đúng. Tương đối thôi.
Ngày ông An-be Thừa chết không kể một nghìn cáo phó in giấy riêng, bay như bươm bướm ra khắp bốn phương trong nước, báo tin buồn cho các cụ, các quan, các ông, các bà, thân bằng cố hữu, còn có cáo phó thuê đăng trên tất cả các báo hằng ngày ở Hà thành. Thì những hôm cữu còn quàn trong nhà, ngày đầu tiên, lần lượt có ba người con trai, trạc mười lăm mười sáu tuổi trở lại, đến nhận là con ông và xin mũ gậy. Ngày hôm thứ hai, buổi sáng, một thiếu phụ, mặt mũi hiền lành, dắt đứa con độ lên hai tuổi đến, xin cho cả hai mẹ con được mặc đại tang. Vì bà ta nói cả bà lẫn con đều là con ông An-be. Không ai hiểu là tại làm sao. Lại đến buổi chiều, một bà độ ngót bốn mươi, vừa đến cổng, đã bù lu bù loa lên: “Ới anh ơi là anh ơi, anh đi đâu anh bỏ tôi!”. Rồi ngồi xổm bên quan tài, quệt nước mũi vào gót chân, bà ta tự giới thiệu: “Tôi là ma-đam An-be Thừa!”
Và vân vân.
Tất cả những nhân vật tự xưng là vợ, là con ông Thừa, hẳn là vợ con phi pháp, đều chưa một lần nào gặp những người gọi là vợ, là con hợp pháp của ông. Họ cũng chưa một lần nào gặp mặt nhau. Cho nên tất cả cùng làm cho nhau ngơ ngác. Và, sau khi họ cãi nhau không đến nỗi kịch liệt lắm, thì những người lạ mặt bị một thứ tiếng the thé dọa kiện đền danh giá, mắng chửi cho thêm vài câu, và bị đuổi đi hết.
Song, có một bà thân hình gầy đét đến, không làm ai ngơ ngác tí nào, còn làm cho nhiều người e ngại nữa. Bà này tóc đã hoa râm, chân đi tập tễnh. Đôi mắt đau có che bằng mảnh the thâm, rủ từ khăn xuống kín một nửa mặt. Bà mặc cái váy cũn cỡn và cái áo dài nâu bỏ xóng tràng. Bà đến nhà ông An-be vào lúc năm giờ sáng, trước lễ chuyển cữu hai giờ đồng hồ. Vừa đến cổng, bà đã nước mắt ròng ròng. Bà không chào hỏi ai, đi thẳng tuột vào chỗ thờ, vắt miếng the che mắt lên khăn để nhìn cho rõ, rồi ôm áo quan vật vã khóc: “Thầy thằng Mão ơi!”. Bà kể lể là giận nhưng vẫn thương. Đến khi thấy đông người đứng quanh, bà chuyển những lời tâm sự với người chết sang những lời xói móc người sống. Đứng cạnh bà là một người thanh niên lẹm cằm, tức là Mão, con bà. Tóc Mão để sù, bồng lên. Mặt Mão đầy nốt trứng cá. Tay Mão đút trong túi quần, hình như thủ một cái gì đó, hung hăng nhìn mọi người. Rõ rằng là Mão đứng đó để yểm hộ cho mẹ, sẵn sàng ứng chiến với ai dám gây sự với mẹ hoặc với mình.
Bà này là vợ cưới lần thứ nhất của ông Thừa. Và Mão là con thứ nhất còn sống của ông ta. Song, họ chỉ là vợ cái con cột trên lý luận thôi. Thực tế, họ đã bị ông Thừa ruồng bỏ từ lâu. Muốn dứt khoát với những người mà ông coi như chướng ngại vật, cản trở hạnh phúc của ông, ông nhờ pháp luật vịn vào cớ vợ hư, con đốn, để ly dị vợ và từ con. Không có chứng cớ rõ rằng, pháp luật đành chịu bất lực. Vì vậy, ông phải tự lực đuổi hai mẹ con Mão ra khỏi nhà.
Từ hơn hai chục năm nay, ông Thừa ở với người vợ khác. Người này là Tây lai - chứ không phải đầm lai, vì không mặc đầm - tên là Ma-ri. Ma-ri đã lần lượt đẻ ở nhà ông tám lần, nhưng còn lại hai trai và ba gái, năm nay con út đã mười lăm tuổi. Cả năm cô cậu đều đặt tên Tây hết. Hai trai là Pôn Thừa, và Giăng Thừa. Ba gái là Rô-da-lin Thừa, Ma-gơ-rít Thừa và Ca-mê-li-a Thừa. Cả
năm cô cậu đều học trường Tây, trường Lít-xê. Đến năm ba tiểu thư choai choai, thu hút được nhiều bạn trai, thì bọn bạn gái của Pôn và Giăng xui các cô đặt biệt hiệu Việt Nam. Rô-da-lin lấy tên là Bạch Hường, Ma-gơ-rít là Kim Cúc, Ca-mê-li-a là Trà Mi. Người ngoài, những kẻ hiếu sự, thường đem việc ông Thừa đặt tên Tây cho con, có dính tiếng Thừa vào sau tên tiếng Tây, để đánh năm cái dấu hỏi khá lớn. Họ thì thầm rằng tại sao không có đứa nào lấy họ Trần, và đứa nào cũng “thừa”. Ý họ tán rằng những đứa con này đều là con thừa, do Tây đúc cốt. Ông Thừa chỉ làm việc tráng men thôi. Rất hả hê về dư luận này, bà mẹ Mão thêm một ý kiến đanh thép. Bà vin vào tiêu chuẩn cụ thể là máu mủ ông Thừa thì phải lẹm cằm. Bà tựa vào cái thứ kinh nghiệm chủ nghĩa ấy để gây chiến tranh lạnh với bà Ma-ri. Cho đến năm bọn con của người Tây lai lớn lộc ngộc, đứa nào cũng ngỗ nghịch, hung hăng, thì bà đâm hoảng, đành ngậm miệng mà vĩnh viễn chịu cái tai nạn xâm lăng. Bây giờ, nghe tin ông Thừa chết, bà mới đến nhà ông, để khóc ông một tiếng. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận. Dù sao cũng ăn ở cho phải đạo làm vợ.
Mão là con trai, nên cứng hơn mẹ. Hắn không chịu nước ức. Thỉnh thoảng hắn đón đường, gặp bố, để vòi tiền. Nhưng thấy hắn lêu lổng, hư đốn quá, không bao giờ ông Thừa thí cho một xu. Hắn dọa giết Ma-ri, giết lũ con riêng của ông và giết ông. Ông sợ quá, phải đi trình cẩm.
Không hiểu vì sao lần này ông Thừa ốm, Mão lại biết tin. Hắn nhân lúc nhà vắng người, lọt vào được với ông. Hắn bắt ông chia của. Nhưng ông còn đủ sức để chửi hắn và đuổi hắn ra khỏi ngoài, ông ra lệnh cho gia nhân từ nay phải cấm cửa hắn. Nếu hắn cứ xồng xộc vào, thì lập tức phải đi báo đội sếp. Ông lại bắt Pôn và Giăng luôn luôn ở cạnh ông để canh cho ông.
Từ hôm Mão đến, ông Thừa bực mình, đâm ra ốm nặng thêm. Bà Ma-ri không dám dùng đơn của đốc-tờ Pi-ca là bác sĩ của gia đình nữa, mà mời ông thầy Cắm-xềnh ở Quảng Đông mới sang, để xem mạch bốc thuốc cho ông. Rồi cả bác sĩ Tây, bác sĩ Ta, lẫn ông lang Tàu, ông lang Ta, đều cam đoan rằng bệnh ông không can gì, chỉ vì ông nghĩ ngại phiền uất, nên có vẻ nặng mà thôi. Bà Ma-ri đến cả điện ở nhà cô Bé Tý Hàng Bạc để cầu và xin thẻ. Ngài dạy bản mệnh vững. Bà càng yên lòng.
Song, ông Thừa chết, chết một cách đột ngột. Hôm ấy bà Ma-ri đi lễ, Pôn và Giăng đã không nghe lời bố mà canh cho bố, lại nghe lời bạn gái nó rủ đi đánh cá ngựa. Thế là Mão lọt được vào trong nhà. Hắn vào buồng ông Thừa, khóa trái cửa lại. Hắn ở đấy độ mười phút rồi ra. Nhưng vừa mới đến cổng, bất thình lình, hắn gặp bà Ma-ri về. Biết là có sự chẳng lành, bà hô hoán lên, sai người bắt Mão lại, nhốt hắn vào nhà ô tô.
Lúc bấy giờ, trên giường bệnh, ông An-be đang phì phò thở rốc. Chân tay ông co quắp, mặt mũi ông nhăn nhó. Trông y như người đương dùng hết sức lực để đánh nhau. Bà Ma-ri lay gọi, nhưng ông bất tỉnh. Bà bật đèn lên, thấy chăn đệm xô lệch và miệng ông méo xệch, môi dưới lại rơm rớm máu. Ông không cựa được và cũng không nói được. Rồi độ năm phút sau, chân tay vẫn co quắp, mặt vẫn nhăn nhó, miệng vẫn méo xệch, ông lịm dần. Bà Ma-ri bật ra tiếng khóc. Từ giờ phút này, ông là người thiên cổ, là bạn trăm năm của bà có một phần năm thời gian.
Nghi là Mão giết ông An-be, song bà Ma-ri vẫn giữ được nghị lực. Tuy một mặt bà lo tang lễ sao cho xứng đáng, tuy một mặt bà định trình tòa khám nghiệm tử thi của chồng, nhưng bà không quên sai các con bà lục soát nhiều lần rất kỹ trong buồng, để tìm chùm chìa khóa két. Song, cuộc khám nghiệm không tìm
ra dấu vết khả nghi. Trên da thịt không có một thương tích. Trong máu không có một chất gì có thể ngờ là thuốc độc. Không có hiện tượng để kết luận rằng đây là vụ giết người, tự sát hay bức tử. “Sở dĩ ở môi dưới của người chết có tí máu, là vì trước khi thở hơi cuối cùng, trong một trường hợp nào đó, và vì một lý do nào đó, ví dụ vì lý do tắt thở bất ngờ và trong trường hợp người ốm đã mê man loạn óc, thì có thể là tự mình mím miệng để chính răng cửa của mình cắn vào thịt. Chỗ sây sát của môi là do răng gây nên. Bề ngang bề dọc của vết thương và bề ngang bề dọc của răng đã được đo và khớp với nhau rất đúng”.
Vì vậy, việc ông An-be Thừa chết, theo biên bản của tòa, không phải là một vụ án bí mật có thể viết thành truyện trinh thám ly kỳ. Vả lại, bà Ma-ri cũng mong nó như thế thôi. Để khỏi gây ra dư luận, để khỏi mấy ông nhà báo đến điều tra, phỏng vấn, và dọa phóng đại để làm tiền. Lôi thôi và phiền phức lắm.
Nhưng khi tìm khắp buồng, thì bà vẫn không thấy chùm chìa khóa. Việc mất trộm này mới là hệ trọng! Bà đoán chắc rằng Mão đã cố cướp chùm chìa khóa ở trong túi áo ông An-be. Mà ông thì nhất định chống giữ. Cho nên môi ông mới mím chặt, mặt ông mới nhăn nhó và chân tay ông mới co quắp. Chùm chìa khóa ấy, ông vẫn bảo với bà là phải để ông giữ. Ông sợ giao cho bà thì, chiều nuông lũ con, bà mở két, lấy tiền cho chúng nó tiêu xài, vung phí hết.
Mất chùm chìa khóa là mất cả. Tiền ở trong két, chúc thư, văn tự cũng ở trong két. Không thể nào những thứ này lại lọt vào tay Mão. Nhưng, trong lúc ông An-be vừa nằm xuống, tang gia bối rối, thì bà là chủ nhà, càng phải bình tĩnh. Bà đã giam Mão lại một nơi rồi. Thế là yên trí. Người còn ở trong nhà, thì chìa khóa chưa thể ra ngoài. Mai kia, đòn hội chợ của nhà săng-tan sẽ giúp
bà lấy lại được. Bây giờ, bà phải để hết tâm lo lắng ma chay cho ông. Kẻo thiên hạ người ta trông vào.
Nhưng bà Ma-ri có được để hết tâm trí vào việc lo lắng ma chay cho ông An-be đâu. Chốc chốc lại một vợ, chốc chốc lại một con của ông đến khóc lóc, xin khăn áo, xin mũ gậy. Bà đã cương quyết được với bọn này, thì thình lình bà mẹ của Mão tới. Và cũng không hiểu là làm thế nào, cũng lúc này, Mão ra thoát nhà xe, chạy đến chỗ thờ, đứng cạnh mẹ hắn.
Nhìn thấy Mão, bà Ma-ri không lo hắn sinh sự, đánh hay giết người, bằng lo hắn mang chùm chìa khóa ra khỏi nhà. Bà sai Pôn và Giăng phải cởi áo sô, bỏ mũ nùn rơm ra, cố sống cố chết, lấy lại cho kỳ được. Pôn và Giăng rình khởi thế công. Mão cũng ngầm giữ thế thủ. Lúc nào tay hắn cũng thu thu trong túi quần, hình như sẵn sàng rút khí giới ra để nghênh chiến.
Từ lúc bà mẹ Mão thấy có con đứng cạnh, thì bà được vững tâm. Bà không kể lể, nói cạnh nói khóe bà Ma-ri nữa. Bà có thể để không cần làm chiến tranh lạnh. Và bà Ma-ri cũng muốn gây ra chiến tranh nóng, để trong lúc loạn xạ, hai con bà có dịp xông vào Mão, cố cướp lại chùm chìa khóa. Bà bỏ mũ mấn, cởi áo sô bằng vải màn, và tụt cái quần chúc bâu xổ gấu. Bà búi tóc ngược lên, gài cho thật chặt.
Khi hai bên đối phương đã tự nguyện tự giác đánh nhau, thì chiến tranh dễ bùng nổ thôi. Bắt đầu là những lời lăng mạ trực tiếp. Bà mẹ Mão chửi bà Ma-ri là con đĩ lang ben. Bà Ma-ri chửi bà mẹ Mão là con nhà thổ. Hai bà cùng đổ lẫn tội cho nhau là cướp chồng của mình. Thế là giai đoạn quân sự kế tục giai đoạn chính trị ngay. Chiến tranh được dàn ra hai trận tuyến. Một trận tuyến là hai bà. Ở đây, có những tiếng soàn soạt vải bị xé. Trên thực tế, hai bà không ai cầm khí giới, nên không có việc đổ máu. Nhưng
trên lý luận, tai người ngoài có nghe thấy những tiếng khí và tiếng máu. Kịch liệt hơn là ở trận tuyến bọn thanh niên. Pôn và Giăng có lợi thế, là đứng hẳn lên trên mặt áo quan cho cao. Hai anh em nhảy vào Mão. Vật lộn khá lâu. Cuối cùng, vì biết một mình không địch nổi với hai đứa, Mão làm kế thoát thân. Hắn không dùng tay để chống với Pôn và Giăng, mà dùng tay để thọc vào túi quần. Ai cũng tưởng hắn rút dao ra đâm. Chẳng hóa ra hắn rút chùm chìa khóa, rồi quăng ra thật xa. Tiếng loẻng xoẻng như reo. Có lẽ cả bà Ma-ri lẫn các con của bà cũng như reo ở trong bụng. Tức thì, cả ba người bỏ địch đấy, chạy đến góc nhà vồ lấy chùm chìa khóa. Bà mẹ Mão vừa thở, vừa ngồi vấn lại khăn. Còn Mão thì đứng sát lưng vào tường để giữ thế thủ, rồi đút tọt một cái gì cầm ở trong tay vào miệng. Pôn đâm nghi, chạy lại phía Mão. Bất thình lình, một vật nữa ở tay Mão rơi xuống đất. Mão vội vàng cúi xuống nhặt, và lại đút tỏm vào miệng. Vật ấy, mọi người đã trông thấy, nó nhỏ như hạt ngô, cũng màu vàng như màu ngô, nhưng óng ánh. Pôn ôm lấy Mão. Giăng bóp cổ Mão. Cuộc xô xát lại tiếp diễn.
*
* *
Trong nhà trong ồn ào là thế, nhưng vì cửa đóng kín, lại cách nhà ngoài một cái sân dài, nên khách khứa tịnh không ai nghe thấy tiếng gì. Các cụ tuần, cụ án, các quan phủ, quan huyện các quan nghị, quan hàn, vốn quan liêu đã đành, cho đến các ông chủ thầu, chủ báo, nhà văn, các ông lang, các bạn bè ông An-be, các bạn bè bà Ma-ri, các bạn bè của Pôn, của Giăng, các bạn bè của Rô-da-lin, của Ma-gơ-rít và của Ca-mê-li-a không ai biết gì hết. Rô-da-lin và Ma-gơ-rít, vì lớn tuổi và thạo đời, được cắt vào việc tiếp khách. Hai cô vẫn đánh phấn, bôi son, chải tóc bóng nhẫy như ngày thường. Hai cô còn thấy mình đẹp hơn ngày thường, vì
mặc toàn đồ trắng bằng voan, chứ không bằng vải màn như mẹ. Quần áo trắng làm nổi nước da trắng những phấn. Lắm lúc soi mình vào gương, hai cô hãnh diện và tự hào, thấy mình không khác gì những cô đầm khoác tay người yêu vào nhà thờ làm lễ cưới. Hai cô gióng giả người nhà pha nước, lấy thuốc lá, lấy trầu, như những cô gái đảm đương và quán xuyến.
Khách đứng hoặc ngồi thành từng bọn, theo nghề nghiệp của họ. Khách quý được mời vào buồng đặc biệt. Họ nói chuyện với nhau về nghề nghiệp, về sinh hoạt hàng ngày. Ít người nhắc đến ông An-be. Nhiều người nhắc đến việc làm ăn, đến canh mạt chược hoặc chầu hát tối hôm trước. Ít người để ý đến kẻ khác giới của mình. Nhưng nhiều người giới nam để ý đến những người giới nữ, nhất là đến hai chị em cô Rô-da-lin và Ma-gơ-rít nhí nhảnh. Nhà văn Thanh Xuân đã nhân dịp này, tặng được hai Nàng Thơ một bài cú Đường luật, mà ông làm đã lâu, nhưng chưa đưa tận tay. Cụ án Trần cũng quên tuổi mình mà nói giỡn rất lâu với hai cô, như với bạn.
Song, tuy hai cô tiếp khách văn có vẻ niềm nở, chu đáo, mà không phải trong bụng không có điều gì băn khoăn. Hai cô biết là trong nhà có con mẹ nhà thổ và thằng du côn, thì thế nào, cũng xảy ra chuyện lôi thôi, không khéo thì có án mạng. Nhưng nếu hai cô chỉ băn khoăn về việc này, thì tất nhiên thỉnh thoảng phải lắng tai hoặc để mắt vào phía trong. Hai cô chỉ lắng tai và để mắt ra phía ngoài cổng. Cho đến bảy giờ kém bảy phút, một chiếc xe cao su đỗ xịch ở hè, một người Pháp bụng tròn, khệ nệ chống ba toong đi vào, thì hai cô mới mừng rỡ. Hai cô đon đả đón, nhoẻn miệng, nhún cẳng, bắt tay và mời vào. Đây là trạng sư Rô-măng, ân nhân của gia đình, được ông An-be bao để thầu tất cả các việc thuộc về pháp luật của ông. Người Pháp vào buồng khách đặc biệt. Tất cả tiếng ồn ào bằng ngôn ngữ Việt Nam đều im lặng.
Dân thuộc địa đứng cả dậy để tỏ lòng kính trọng quan bảo hộ. Người da trắng được đưa đến ngồi cùng bàn với các quan cụ da vàng. Cô Ma-ga-rít giới thiệu từng vị. Cô cũng kéo ghế ngồi ở đó và sai người mở rượu bia.
Cô Rô-da-lin ở nhà ngoài. Cô vẫn chưa hết băn khoăn, chốc chốc cô lại nhìn ra cổng. Đám ma cha cô có một người Pháp đi đưa, đã là giá trị lắm rồi. Nhưng cô chưa thỏa mãn. Gia đình quen thân với rất nhiều quý quan. Những vị này đã nhận được cáo phó cả rồi. Thế nào ông đốc tờ Pi-a, bác sĩ riêng của nhà, chẳng đến. Thế nào ông cẩm mật thám Pha-lăng-xô chẳng đến. Song, cô mong nhất một người Pháp nữa, đã hẹn là thế nào cũng đến. Người này là một công chức trẻ ở sở Lục Lộ, người bạn cởi mở đầu tiên trong đời con gái của cô. Đưa cha đến chỗ ở cuối cùng, cô buồn lắm. Có chàng cùng đi, thì cô vui. Vắng chàng trong lúc này, cô chịu sao nổi trống trải gấp đôi ở trong lòng. Cô mong từng phút từng giây. Có chiếc xe nhà sơn màu cánh dán nào sắp tới, cô cũng hồi hộp. Thấy không phải người mình mong đợi, cô lại thở dài, bụng trách ngầm ai lỗi hẹn.
Song, ý trung nhân của Rô-da-lin không lỗi hẹn. Người Pháp thầy cãi đến được hơn ba phút, thì người Pháp Lục lộ đến. Cô gái mừng rơn, chạy ra, nói cười rối rít. Miệng chúm chím, cô đi song song với bạn thân ái, đưa hắn vào trong buồng đặc biệt. Rồi cô sực nhớ rằng trong nhà trong đương có chuyện rắc rối, không khéo thì phải hoãn giờ chuyển cữu. Sai lời là phụ lòng quý khách. Nghĩ vậy, cô vội vàng bỏ bạn, chạy vào. Cô định dọa dẫm mọi người ở trong nhà là có hai ông Tây đến đưa đám, thì đúng bảy giờ, thế nào cũng phải chuyển cữu. Để người trên phải chờ đợi, là bất nhã.
Lúc ấy là bảy giờ kém một phút. Cô Rô-da-lin gõ cửa mạnh để
gọi, nhưng ở phía trong, không có tiếng trả lời. Cô sốt cả lòng cả ruột. Phen này thì mất hết sĩ diện. Từ ngoài cổng đi vào người chủ hiệu đòn đám ma, đã lừng lững dẫn hai mươi phu đòn đương tiến vào. Cô giơ cổ tay, nhìn chiếc đồng hồ vàng nhỏ xíu: kém ba giây nữa là đúng bảy giờ. Ruột cô như mớ bòng bong. Rồi kém hai giây, một giây nữa. Rồi đúng bảy giờ. Cô thở dài đánh thượt. Bỗng tiếng khóa kêu lạch xạch: hai cánh cửa mở toang. Hai lá màn đen từ từ kéo cao lên, như màn sân khấu. Lửa nến trong buồng tối lấp lánh như sao. Người mặc trắng đứng lố nhố, nhưng im phăng phắc. Thật là không ngờ. Cô Rô-da-lin hởi lòng hởi dạ.
*
* *
Nguyên là ban nãy, Mão bị Pôn ôm và Giăng bóp cổ, thì hắn đau và nghẹt thở. Hắn phải há miệng lè lưỡi. Cái vật ngậm ở trong suýt nữa rơi xuống đất. Thì may làm sao, một giọng ồm ồm của người chú họ ông Thừa, vẫn gọi là cụ điều Hai, nói to:
- Thôi! Đôi bên! Không được đánh nhau nữa! Đến giờ chuyển cữu rồi!
Quả vậy, cụ vừa dứt lời, thì chiếc đồng hồ trẩm cầm treo ở tường đã ngân nga buông bốn hồi đàn véo von, báo một vòng của kim lớn đã trọn. Rồi tiếng chuông thứ nhất của bảy giờ bắt đầu điểm.
Pôn và Giăng buông Mão ra. Mặt còn hầm hầm, nhưng nhanh thoăn thoát, hai người đội nùn rơm, mặc áo sô, cầm chiếc gậy tang, đứng trước gương để buộc cái thắt lưng bện bằng bẹ chuối cho tề chỉnh.
Trong khi ấy không để lỡ dịp tốt, Mão trợn mắt, nhăn mặt, cố nuốt chửng ba lần cho hết những thứ hắn đã bỏ vào miệng.
Bà Ma-ri cũng đã chải xong cho bộ tóc xõa xuống vai. Bà buộc dải áo, rồi trùm lên đầu cái mũ mấn. Không ai nhìn thấy mặt bà bị sây sát.
Mọi người chuẩn bị xong thì đồng hồ đánh dứt tiếng thứ bảy. Cụ Hai giơ cao cánh tay cầm cuốn Thọ Mai gia lễ, giao hẹn:
- Im lặng nhé!
Vừa nói, cụ vừa vặn khóa, rồi mở rộng hai cánh cửa.
Sự im lặng làm tăng vẻ tôn nghiêm. Ở nhà ngoài, trong giờ phút thiêng liêng, cũng không có một tiếng động.
Thấy phu đòn tiến vào, bà Ma-ri nhắc khẽ các con bưng miệng và cúi mặt. Bất đồ, lúc ấy, bà thấy áo bà lấm, vì ban nãy bà đã vứt vội nó xuống nền gạch để đánh nhau. Sợ mất sĩ diện, bà nhanh trí khôn, vội vàng nằm ềnh xuống đất, lăn lộn cạnh quan tài, cho áo lấm thêm. Các bà bạn thân ở nhà ngoài chạy vào, phải khuyên giải khéo lắm, bà mới chịu lánh ra. Người ta phủi cho bà và ôm lưng bà để dìu đỡ cho bà khỏi ngã.
Cữu trùm vải thâm có điểm những chấm trắng như hình giọt lệ, được bốn mươi cánh tay khỏe mạnh của hai mươi người lực lưỡng bắt vào. Người nào cũng mặc quần đen, áo dài đen, đội nón đen. Pôn và Giăng đứng sau, còng xuống, trông thê thảm như người quá buồn phiền, không đủ sức đứng cho lưng thẳng, tay phải bưng miệng, tay trái chống gậy. Phía dưới hai con trai, bà Ma-ri ôm ngục, vai rung lên. Sát với bà, ba cô con gái đứng ngang hàng. Ba cái mũ mấn nhọn đầu và ba bộ áo voan mỏng tang, trắng muốt, bay bay dưới làn gió của chiếc quạt trần, đẹp như ba cô văn công đóng vai cào trắng sắp nhảy múa. Đứng hàng dưới, là họ hàng ông Thừa, toàn là đàn bà, đếm vừa đúng chục người, cũng mũ mấn trắng, áo dài trắng.
Từ lúc làm lễ phát khốc, các bà này là những người khóc to nhất, và kể lể thảm thiết nhất.
Cụ điều Hai thay mặt hiếu chủ, ra nhà ngoài, xin lỗi quan khách, là vì bà Ma-ri quá thương ông An-be, nên giờ chuyển cữu chậm mất ba phút.
*
* *
Viết đến đây, tác giả cần dành một vài dòng để ghi công cụ hai Điều trong mấy ngày hôm nay.
Ông chủ hiệu đòn đám ma chẳng qua là vì tiền mà làm cho rước xách được trọng thể, đẹp mắt. Nhưng cụ Hai thì khác. Là máu mủ trong nhà, cụ chỉ lấy tình mà giúp cho nghi lễ đám tang được đúng như đám những nhà đại gia. Đặc biệt là cụ lại có nhiều sáng kiến. Trong những ngày cữu còn tạm quàn ở nhà, thì mỗi lần có ai đến phúng viếng, cụ bắt điểm một tiếng trống cái đánh thùng để làm hiệu báo. Thế là quanh quan tài, nam đứng một bên, nữ ngồi một bên, vọ con ông Thừa đã tập họp đông đủ, tiếng khóc nổi lên như ri để đón khách. Không rõ những ai khóc, vì mặt bà Ma-ri và ba cô lấp sau mũ mấn, và hai cậu Pôn và Giăng thì còng lưng, cúi đầu và bưng miệng. Kèn trống nổi lên, lanh lảnh và rộn ràng. Khách lễ một lễ, ngần ấy cái đầu trắng cũng thụp cả xuống đất. Khách lễ một lễ nữa, vợ con ông Thừa lại đáp lại. Theo lời cụ Điều, bất kể khách sang hay hèn, bà Ma-ri và các con chỉ còn tỏ chữ nghĩa chữ hiếu bằng cách thay chồng và cha, không dám nhận một lễ nào của ai. Rồi khách khom lung vái người chết ở giữa và vái những người sống ở hai bên, vái mấy vái, bà và các con bà phải tạ ngần ấy vái.
Cứ nhìn những mũ áo trắng lôm lốp dưới ánh vàng của mấy chục ngọn nến, lại nghe tiếng khóc xót thương người quá cố, thì
dù là những bạn ông Thừa, hay bạn bà Ma-ri, hay cả bạn các cô, các cậu, lúc thường chơi với nhau hay cợt nhả đến mấy, thì lúc này cũng phải hết sức lễ độ với chủ, có khi thấy cảnh thê thảm, uy nghiêm, còn rợn cả người là đằng khác.
Bởi thế, buổi tối cuối cùng, cậu Pôn có một cô bạn đến chia buồn. Vì không muốn người yếu bóng vía bị xúc động, cậu rủ cô lên buồng riêng ở trên gác. Bỗng nghe tiếng trống tùng báo có khách đến, cậu lúng túng suýt không xuống kịp để đáp lễ. Vì cậu đương ngồi trên đùi cô bạn, và cô này, nghe tiếng trống, lại cứ trêu cậu, miệng cười sằng sặc, hai tay ghì giữ cậu lại, không cho cậu đi. Cậu phải vừa lạy van, vừa quẫy mãi, mới đánh tháo được. Cái áo sô bằng vải màn mỏng, vì giằng co, rách soạt mất một miếng ở vạt sau.
Nghi lễ đã tề chỉnh, ông chủ nhà đòn trịnh trọng đến trước hai cậu Pôn và Giăng cùng bà Ma-ri. Ông cầm mũ ở tay, nói mấy lời xin phép cho ông được làm việc. Đứng trước linh sàng, ông chắp tay, vái dài hai vái, rồi móc túi lấy chiếc còi bằng sắt tây, để vào miệng, ông huýt hai tiếng ngắn đều nhau, rồi tiếng thứ ba, kéo dài. Tức thì, như làm động tác thể dục, quan tài được nâng cao, theo nhịp của những tiếng tuýt tuýt lừ lừ tiến ra sân, đến nhà ngoài.
Ở đây, khách đã đứng giạt sang hai bên, nghiêm chỉnh. Ai có mũ thì cầm ở tay. Ai không bận tay cầm thuốc lá để hút thì chắp lại. Ít người nhìn xuống quan tài để tưởng tượng đến người chết nằm ở trong. Nhưng nhiều người nhìn qua ba chiếc mũ voan thấp thoáng. Xem những con mắt huyền có chú ý đến nét mặt buồn rầu của mình hay không.
Quan tài được đặt trong chiếc xe mui luyện sơn đen, kéo bằng bốn ngựa. Ngựa cũng trùm vải đen. Hai người giong xe cũng mặc
đồ đen. Họ đội thứ mũ riêng, mũ hai sừng, như kiểu mũ đô đốc thủy quân, cũng màu đen.
Ông chủ đòn cũng mặc như đô đốc. Cũng đen từ chân đến đầu. Ông to lớn. Mép ông để một cục ria, kiểu Hoa-kỳ. Áo lông là thứ lễ phục riêng, vạt trước ngắn, vạt sau dài đến gói, như đuôi tôm. Khuy đóng kiểu chàng mạng bằng xa-tanh. Lon cũng bằng xa tanh. Hai vai đeo hai cái ngù quan binh. Đầu đội mũ hai sừng. Chân đi ủng cao đến bọng. Lúc nào ông cũng dính cái còi ở mồm, và giơ cái gậy chỉ huy lên cao để ra lệnh.
Đám ma mà muốn tổ chức nửa ta nửa Tây, cho đẹp mắt như kiểu đám ma ông An-be, thì phi ông chủ hiệu này, không ai làm được giỏi hơn, Làm nghề nghiệp mà ông cho là phúc đức đã hơn mười năm, ông không hề cạnh tranh một cách ti tiện với đồng nghiệp, ông không bẩn thỉu như họ, thông đồng với các thầy thuốc, để biết tin bệnh nhân, hoặc lễ lạc các viên chức phòng sinh tử giá thú ở sở Đốc lý, để biết hôm ấy có những đám nào chết, ông cũng không cần cho người do thám những nhà có người già ốm. Và ông cũng không thèm nói xấu để dìm dập nhà khác. Hữu xạ tự nhiên hương. Chính một lần muốn phản ông, nhà Quảng Thiện, khi giong xe không từ nghĩa trang về, đã cho ngựa lồng vào ngựa của ông đương kéo một xe tang. Nhưng ông đã đối phó được nguy hiểm. Xe không đổ, quan tài không văng xuống đất. Chỉ có ít người đi đưa đám yếu bóng vía, chạy toán loạn một lúc thôi.
Đám ma ông An-be được ông sắp xếp rất trật tự. Câu đối bằng lượt, bằng vóc, bằng nhiễu, bằng cẩm châu, bằng đũi tây, màu trắng màu đen, màu tím, màu lam, cái nào đẹp và của người danh giá mới được rước đi. Còn những cái xấu, cái bằng vải chúc bâu và cát bá, cái của người thường đưa đến phúng, thì để ở nhà.
Đội kèn bú-dích vui vẻ và hùng tráng thì thổi La-mắc, Ma-đơ lông trước long đình. Phường nhạc của rạp Quảng Lạc hòa những bài Vương cô nương toán mệnh, Ngọc mỹ nhân, Xuân nữ véo von, thì kèm kiệu linh sa. Kiệu linh sa sơn son thếp vàng hai mươi bốn người mặc áo ni đỏ khênh, trong bày bức truyền thần ông Thừa bằng sơn màu. Tức là bức rồi sau này để ở mả ông đó. Bức ấy được người thợ vẽ làm rất nhanh, chỉ có hai mươi bốn giờ là xong. Bộ bát âm đi điệu Lâm khốc thê thảm và điệu Lưu thủy Bình bán nhịp nhàng, thì rước cữu, cho tăng vẻ vừa sầu não vừa uy nghi.
Ông chủ đòn lại khéo xếp đặt chỗ rất hợp cho các cụ quan viên đi rước nến. Hai chục cụ, cụ nào cũng râu ria cẩn thận, trông rất đạo mạo, đi hàng đôi trước linh sa. Các cụ đội mũ tế bằng vải trắng, mặc áo thung trắng, cố nhiên là quần trắng và dận giày Chí Long. Mỗi cụ bưng khuỳnh trước ngực một cây nến đồng, bước thong thả như tiến tước lúc tế. Ai không tường là làng cử các cụ chức sắc kỳ mục ra đưa đám quan Hàn Nghị. Nhưng không phải. Khi đến đầu cầu sông Cái, quan tài chuyển từ xe ngựa lên ô tô để về quê, thì các câu đối, câu nào của khách phúng được xếp riêng vào một cuộn, giao cho cụ điều Hai, còn câu thuê ở hiệu đối trướng nào, được cuộn riêng vào cuộn ấy, để ông chủ đòn nhận trả hộ. Lúc này, các cụ quan viên cũng biến đâu mất hết. Người ta chỉ còn thấy hai chục ông già, mặt mũi chân tay đen chùi chũi, đầu trần, chân giẫm đất, đương vén ống quần đùi nâu đến bẹn, đứng tồ tồ ngay ở dệ đê. Ông nào cũng cắp ở nách đôi giày Chí Long, cầm ở tay một cuộn nào áo thụng trắng, nào quần trắng, nào mũ tế trắng đã xếp bẹt lại, và chiếc nến đồng có cắm ở đầu một ống nhỏ cuộn bằng giấy bìa màu trắng, trông như hệt cây nến. Tất cả các thứ này trả lại ông chủ đòn. Ông này khám cẩn thận từng thứ, để xem có cái nào hư rách, thì mắng và
trừ tiền.
Và ông cũng trả tiền luôn một thể mười người đàn bà khóc mướn mà ông thuê cho đám tang, để giả là có đông họ hàng.
Về việc này, ta nên phục tài nhà nghề của ông. Vì ông đã khéo chọn được những người rất tận tâm. Từ hôm làm lễ phát khốc, luôn mấy ngày liền, lúc nào họ cũng tỏ ra mẫn cán. Họ khóc không biết mệt, khóc giỏi nhất, kể lê thảm thiết hơn cả vợ con người chết. Đi đám này, họ hãnh diện là nếu không có họ, thì không thành đám ma.
Họ cũng là những người lắm điều nhất. Thế mà sau khi nhận khăn áo họ trả lại, ông chủ nhà đòn điều đình với họ ổn thỏa ngay, ông chỉ chi cho họ tiền khóc khoán. Còn tiền thưởng, ông bảo họ xin cụ hai Điều. Họ bằng lòng, vì họ bảo nhau là đối với ông, bận này còn bận khác.
Nhưng cụ Điều hẹn họ về nhà hãy hay. Vì cụ đương cuống lên về việc đưa tiền phong bao cho những người xúm xít xung quanh cụ.
Lệ đưa phong bao để tiễn tiền xe cho người đi đưa đám, thì từ xua đến giờ, ở Hà Nội, chưa có đám ma nào dám làm. Có thể nói ở nước Nam này, lần này là lần đầu tiên, đám ma An-nam có phong bao. Bà Ma-ri đã bắt chước kiểu hào phóng ấy ở đám cụ Thoóng, chủ hãng Tài-fú-dzin ở Hải Phòng. Mỗi phong, bà gói hai tờ giấy một đồng và ba điếu thuốc lá. Cụ hai Điều đưa tiền phong bao cho những người đi đưa đám. Cụ đưa cả cho những người đứng xem, và những người qua đường. Cụ làm thế để tránh tiếng ma chê cưới trách.
Sau đám ma linh đình này, cụ hai Điều, tính phác phí tổn. Cụ giật nảy mình, thấy rằng món tiền ấy có thể chôn được bốn
người mà không kém sang trọng. Cụ nghiệm nhiều lần rằng quan viên Hà Nội, khôn làm giàu thật, nhưng vẫn dại tiêu tiền. Vì vậy, cụ nhất định xin với bà Ma-ri cho cụ được trả ơn quan Hàn lần cuối cùng, là trông nom việc xây mộ cho quan. Cụ lại nói với bà là nên tậu thêm ruộng ở xung quanh để xây tường cho kín đáo. Lăng - cụ dùng tiếng lăng - một người có quan tước, phải cho có bề thế hẳn hoi. Cụ đã chọn trong các câu đối, thấy rằng câu của cụ Tuần Nghè Lê Văn Bản hay nhất, chí tình nhất. Cụ giảng cho bà Ma-ri nghe, và nói rằng định khắc câu ấy ở cổng. Cụ xin cả việc cáng đáng cỗ bàn mời mọc làng nước. Bà Ma-ri tin cụ, thôi thì sẩy cha còn chú, nên khoán cả những công việc ở quê nhà cho cụ. Kết quả là cái cimetière de famille này được thành lập. Và cũng kết quả là cụ hai Điều tậu thêm được hai mẫu ruộng riêng cho cụ.
*
* *
Năm 1939, sở Mật thám tỉnh xin công sứ bắt các làng mở rộng đường cho ô tô của chúng vào được để bắt hội kín. Việc này được duyệt y. Sở Lục lộ phụ trách cắm đường và bắt dân đắp. Con đường vào làng ông An-be Thừa lại đi đúng qua mả của ông, Huyện sức cho dân, ai có phần mộ chôn ở mặt đường sắp làm, đều phải chạy đi hết.
Mả ông An-be Thừa, đến ngày cuối hạn, cũng không cất. Có phải vợ con ông ương ngạnh với lệnh trên không? Không phải. Họ chỉ ương ngạnh với nhau thôi. Bà Ma-ri theo đúng đạo tam tòng, nói rằng phu tử tòng tử. Nhưng các con bà đều giở luân lý và luật pháp ra để đùn cho nhau trách nhiệm phải tiêu tiền. Mấy cô con gái đều đã có chồng, lấy nê là nữ nhân ngoại tộc. Giăng đi vắng, sang Pháp học luật khoa để về nước làm quan. Nhưng mãi hắn chưa đỗ tú tài. Lại có tin là hắn lấy vợ đầm. Vì học luật, nên
hắn thạo luật. Hắn viết thư trả lời Pôn rằng chiếu Hoàng việt tân luật, mục chia gia tài, bao giờ người con cả cũng được riêng một phần hương hỏa lấy trước đi, rồi còn đâu mới chia đều cho các đầu con. Thế thì hắn không có bổn phận phải đóng góp vào việc cất mộ. Nhưng Pôn không chịu. Pôn vin một lý do khiến ai nấy cứng họng: hắn là dân Tây, không nhận bố An-nam. Vả lại vợ hắn đi đạo, không theo tục lệ bên đời.
Thế là ông An-be Thừa cứ nằm khểnh một mình ở mả.
Đến hôm làm đường sát tới nơi, làng mới nói lần cuối cùng với cụ hai Điều. Nhưng cụ cười khẩy một tiếng ngắn và vẫn đáp:
- Kệ! Việc gì đến tôi!
Sau hết, mộ ông An-be Thừa cũng được chạy đi chỗ khác. Vợ con họ hàng của ông không cáng đáng, thì người dưng nước lã cáng đáng. Tuần làng phải bắt tay vào việc này.
Họ làm không kèn không trống ồn ào như ngày họ chôn ông. Họ làm lặng lẽ như đã cất làm phúc những mả vô thừa nhận khác.
H
II
CON BÒ LẠC
ồi mà con đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn mới nối thêm đoạn lên đến đồn Na Sầm, thì ở đồn Đồng Đăng, ga Đồng
Đăng chưa như bây giờ. Nhà ga nhỏ. Chỉ có hai người làm việc. Một người là sếp ga. Một người là phu kíp.
Ta cần biết một ít về ông sếp ga Đồng Đăng hồi ấy. Vì, dù đây không phải là chuyện ông ta, nhưng không phải ông ta không dính dáng gì đến tiểu thuyết này.
Ông ta tên là Nguyễn Văn Sơ, người Hải Dương, năm ấy độ ngoài bốn mươi tuổi. Làm việc ở mạn ngược, nước độc, đất lại chưa yên, vì luôn luôn Tây còn phải đánh dẹp toán quân ông Đề Thám, cho nên ông Sơ chỉ đi có một mình, để vợ con ở nhà. Nhà ga có ba gian. Một gian đầu là buồng giấy, chỗ bán vé. Gian giữa để hành khách đợi mua vé. Còn một gian đầu bên kia, là chỗ ở của ông sếp.
Hằng ngày công việc cũng nhàn. Chỉ có hai chuyến xe ngược, hai chuyến xe xuôi. Bất thường lắm mới có chuyến chở hàng đi qua, gọi là tàu vít. Mỗi ngày dây lắt nhắt ra bốn lượt, thật sự ông sếp ga chỉ phải làm việc mất độ một tiếng đồng hồ. Vì vậy, ông ký Sơ có nhiều thì giờ rỗi. Ngoài lúc đi lại giao du với các thầy cai, ngài đội, quan quản ở trên đồn, hoặc với ông chủ nhà dây, tức là nhà bưu điện, vả họ cũng hay đến với ông để nhờ tán số tử vi, ông còn có hai cái thú. Một là bóc trước báo hằng ngày ở Hà Nội gửi lên bằng xe lửa, nếu bác phu trạm chưa đến ga để nhận mang
về phân phát cho độc giả mua năm. Ở nơi quá tĩnh mịch, cái thèm biết thời sự và nghêu ngao ngâm thơ trở nên một bệnh nghiện. Cái thứ thứ hai là đi bắn. Bác Thoan người ở bên phố, có chiếc súng kíp. Lần nào bác đi săn cũng rủ ông cùng đi. Thỉnh thoảng, ông lại mượn súng của bác để vào rừng một mình.
Có một hôm ông mang súng đi một mình. Bỗng trong một khoảng rậm rạp, ông gặp một toán ba thằng thổ phỉ, trói giải một người. Ông sợ quá. Nhưng tránh chúng không kịp. Chúng trông thấy ông rồi. Về phía bọn kia, chúng cũng không kịp tránh ông. Chúng sợ ông, vì ông có súng. Chúng chỉ có dao và mác. Hai bên thế tất phải đương đầu với nhau, ông nạp đạn, bắn một phát chỉ thiên. Ba tên kẻ cướp chạy tán loạn. Ông bắn theo một phát nữa. Nhưng không trúng. Người bị nạn được ông cởi trói. Hắn nói thứ tiếng gì mà ông không hiểu. Nếu phải tiếng Thổ, thì ông có biết lõm bõm. Hẳn là tiếng Tàu.
Người Trung Hoa vẫn vừa nói vừa ra hiệu. Thấy hắn có vẻ lương thiện, ông đoán đây là một tay nhà giàu bị bắt cóc để phải chuộc mạng bằng tiền.
Tuy không giết chết chim muông nhưng cứu sống được một người, ông ký Sơ rất sung sướng. Hắn với ông ngôn ngữ bất đồng, líu lo líu lường, chẳng ai hiểu ai, nhưng ông cũng biết hắn là người được ông cải tử hoàn sinh, thì hẳn hắn nói những câu để cảm tạ ông. Ông dẫn hắn ra khỏi rừng, đưa hắn về nhà, cho uống nước, nghỉ ngơi một lát, rồi trỏ cho hắn lối về cửa ải Nam Quan. Hắn chắp hai tay, vái ông lia lịa, rồi nói một thôi một hồi nữa. Để làm như hiểu, ông cười cười vỗ vai hắn mấy lượt, rồi bắt tay hắn.
Việc cứu người Tàu bị thổ phỉ bắt cóc này, ông sếp ga kể lại cho vợ chồng anh phu kíp nghe. Bởi vì ông ăn cơm trọ nhà anh ta. Vợ chồng anh này cũng người Hải Dương, cho nên ông lấy làm thân.
Về phía anh phu kíp, vì việc không liên quan đến anh, nên anh nghe thoáng qua thôi. Rồi ngày tháng trôi, chuyện nào cũng thành cũ, ông ký Sơ vẫn làm những việc hằng ngày, bán vé, thu vé, giơ cờ hiệu cho tàu đứng, huýt còi cho tàu chạy, bóc xem trộm nhật trình và mượn súng đi bắn. Ông quên dần việc nghĩa cử của ông.
Vì nhàn rỗi, lại ở lâu ngày trên chỗ nước độc, ông Sơ cũng có nhiều thì giờ để ốm nữa. Giữa trưa mùa hè hẳn hoi, nắng như đốt lửa, nóng như nấu, như nung, mà đứng thu vé ở cửa, ông vẫn tùm hum cái khăn bịt và xù xù cái ba-đờ-xuy. Hành khách trên các toa đương nhễ nhại mồ hôi, khi nhìn xuống, thấy ông ăn mặc trái khoáy thì chỉ trỏ, và nhăn răng cười với nhau. Họ không biết ông đương lên cơn sốt rét, run bần bật.
Ông ký Sơ ốm ngã nước, không có thuốc uống, nên đâm ra kiết lỵ. Cơm cháo không ăn được. Một ngày một đêm, ông đi đến năm sáu chục lần, rồi đến trăm lần. Trước ông còn làm việc gượng, sau mệt quá, ông phải nhờ anh phu kíp làm thay hộ. Đến khi tay chân ông chỉ còn cái da bọc cái xương, và được người Tây cắt vé nhìn thấy, ông mới được phép về nhà thương Hà Nội để chữa.
Ga Đồng Đăng vắng sếp, anh phu kíp được tạm quyền.
Anh phu kíp tên là gì, người ngoài không biết. Thấy ông sếp ga gọi anh là bác Kíp, người ta cũng theo thói thông thường, gọi nhau bằng chức vị, cũng gọi anh là bác Kíp. Chả ai tò mò hỏi tên thật của anh làm gì.
Từ ngày anh lên quyền sếp ga, anh được gọi là ông hoặc thầy sếp quyền, ký quyền.
Anh ta trạc ngoài hai mươi tuổi. To lớn khỏe mạnh. Trông người thì ra dáng quê mùa, nhưng muốn chừng đáo để lắm.
Ngay hôm mới đến Đồng Đăng, anh ta đã khoe với mọi người rằng anh là viên chức nhà ga kia. Anh làm phu kíp chẳng qua là tạm bợ. Chứ đọ sức học, thì anh đáng làm thông ký như ai, hay ít ra, cũng làm cai chào mào đi Tây, chứ không kém.
Anh cũng như mọi anh phu kíp khác, chỉ dám đi lại với những người ngang hàng, như phu trạm, lính đồn. Anh chen chèo với cả ông chủ nhà dây, với các cai đội, chủ hiệu. Những người bốc nên giàu có, như tay Chánh Cù, tay đội Trí, khét tiếng về buôn lậu, anh cũng mon men làm quen. Anh nói tiếng Tây giả cầy, hoặc chêm tiếng bồi vào câu chuyện với cả những người không biết tiếng Tây. Anh coi thường ông sếp Sơ, cho là sống lâu lên lão làng, chứ so chữ nghĩa với anh, chưa chắc mèo nào đã cắn nổi mỉu nào. Anh tự ví như lưỡi gươm sắc, chưa được dùng đúng, nên bây giờ tạm phải chém ruồi.
Anh kể với ông Sơ tại sao anh đi làm phu kíp, mà lại lên tận Đồng Đăng này.
Trước kia anh có đi học ở trường Pháp Việt đến lớp ba. Vì cả tổng chỉ có một trường sơ đẳng. Anh học nữa thì thày hết chữ, nên anh bỏ học. Nhà có ít ruộng, nhưng anh cũng không thích làm. Làm ruộng vất vả, may lắm mới đủ ăn. Anh chỉ muốn kiếm việc ở Hà Nội. Ở Hà Nội, cái gì cũng sẵn. Người Hà Nội sung sướng, ai cũng đẹp. Tuy Hà Nội người khôn của khó, nhưng hễ tháo vát thì sống được, gặp may thì phong lưu, gặp vận thì giàu, cũng chưa biết chừng.
Anh có một người dì họ làm nghề lấy Tây. Tên người này, khi ở nhà, thì là cái Ĩnh con. Nhưng bây giờ, năm thì được gọi là bà Xà-phòng, năm thì được gọi là cô Đội. Chắc là trong những thời gian này, cô ở được anh Tây chủ hiệu Xà-phòng bao, hoặc lấy anh đội lính Tây, hoặc đội sếp nào đó. Cái ngày anh phu kíp nhờ
dì kiếm việc hộ, là ngày mà người ấy được gọi là bà Đốc. Bà Đốc về làng chuyến này, trông ra phết lắm. Không kể cổ, tai, tay, ngộn lên những hột vàng, hoa vàng, nhân ba-dê vàng, mà ai cũng biết tỏng là đồ Mỹ-ký, thì bà Đốc dận giày da mũi nhọn, chứ không lệt sệt đôi dép Nhật Bản rơm, mặc quần lĩnh hoa thâm, áo the trơn trắng tà viền đăng-ten, vấn tóc trần, lõng thõng cái đuôi gà giả chấm vai, và đội cái nón dừa bọc vải chúc bâu, rủ một hàng diêm chun xuống chung quanh. Hắn lại hay cười, để khoe hàm răng văn minh mới cạo. Thấy cô ở sang trọng hơn trước, lại khoe với mọi người là “nhà tôi bây giờ là ông Đốc”, người làng biết là hắn khá, đã lên chức. Hạng này không khéo thì sau cũng có tàn có tán như cô Tư Hồng không biết chừng. Quả thế. Hắn về quê để tìm một người kéo xe nhà cho hắn, cơm nuôi, không công. Hắn dỗ dành là: “Chỉ kéo tôi đi chơi mát mỗi chiều một vài giờ, chứ không kéo ông ấy đâu. Ông ấy có xe bình bịch”.
Anh phu kíp đã lớn và đã có vợ con. Mẹ ghẻ anh thấy anh không làm nghề ngỗng gì chỉ ăn hại, nên không ngày nào không nhiếc móc anh. Bà ta xui bố anh bắt vợ chồng anh ra ở riêng. Bởi vậy, muốn đẩy anh đi, bố anh khuyên anh bằng những lý do rất chính đáng.
- Tao ức một nỗi cai Tăng cũng đi dẹp giặc như tao, kể công hắn không bằng công tao, nhưng chỉ vì hắn nhanh mồm nhanh miệng, khéo luồn lọt mà hắn được ra làm tri huyện. Còn tao, giặc yên tao không được lên lon cai, về làng, chịu là anh bếp quèn suốt đời. Mà ở làng, ở nước, bao giờ nghèo hèn cũng khổ nhục. Mấy lần mày phải đi phu, bị đàn anh ức hiếp, đánh chửi, mày cũng sáng mắt ra rồi đấy. Bây giờ nhà nước đương cần người sang Tây để dẹp giặc Đức dã man cho Mẫu quốc. Tao tưởng không còn dịp nào tốt cho mày như dịp này. Người ta nghe tin bắt lính thì trốn như trạch, đến nỗi hương lý phải lùng bắt. Vậy
mày tình nguyện mà ứng mộ đi chào mào. Chắc rằng cái tâm đó, nhà nước sẽ thấu. Mày có lương để nhà cho vợ mày ăn. Chúng mày không phải bám vào cái khố rách của bố. Rồi sang bên ấy, mày hết sức trung thành, can đảm, lập được công to, thì thế nào mày cũng được ra làm quan như cai Tăng. Mày giàu sang. Vợ con mày sung sướng. Tao cũng được thơm lây.
Nhưng anh phu kíp không nghe bố. Vì anh nhát. Anh sợ sang Tây thì chết bỏ mạng ở bên ấy.
Song, không lẽ anh làm khổ bố mãi, anh toan liều nhận đi làm với người vợ Tây. Nhưng bố anh cáu với anh, vì anh không nghe lời ông, nên lại nghĩ những lý do để ngăn anh:
- Giấy rách phải giữ lấy lề. Tao chả gì cũng đóng lon bếp. Mày lại biết chữ, đã chết đói đâu mà chực đi kéo xe cho con đĩ!
Sợ bố, anh nhờ người vợ Tây kiếm hộ việc khác. Dì thương cháu mồ côi mẹ, sểnh mẹ bú dì, hắn mặc cả với anh là phải tạ ba tháng lương đầu,“vì ông ấy cũng phải đi nói với người ta”. Bất cần biết người ta với người ngô là ai, anh xin vâng. Hắn gật đầu: “Được, để dì bảo chú một tiếng. Me-xừ Giô-dệp Phăng-đi thần thế, và hay làm ơn cho người, chẳng lẽ vợ nói mà không đắt!”.
Hơn một tháng sau, cô Ĩnh con đánh giấy về gọi cháu đi làm. Nói chống là làm ga. Từ đó, người làng mới rõ me-xừ Giô-dệp Phăng-đi là thứ đốc gì. Hắn là đốc công nhà máy xe lửa.
Anh thanh niên đương khát khao được dịp bỏ nhà, nay có việc, mà chắc chắn là làm bàn giấy ở Hà Nội, thì mừng rơn. Nhưng gặp dì nói rõ, anh mới ngã ngửa ra, là anh đi làm phu kíp, mà lên tận ga Đồng Đăng này. Dì anh dỗ rằng Đồng Đăng gần Hà Nội, nước lành, công việc phu kíp phải người có chữ nghĩa mới làm nổi. Hắn khuyên anh không nên bỏ lỡ dịp hiếm có mà phụ lòng tử tế
của me-xừ Giô-dệp Phăng-đi. Nếu anh khéo chiều chuộng quan trên, nốt-xê được tư bồồng[1]luôn, thì sẽ ăn lên, dần dần thăng làm sếp kíp.
Không lẽ lại quay về làng thì xấu hổ, anh thanh niên đành lên Đồng Đăng làm phu kíp. Để giữ trọn cái tiếng là ra Hà Nội làm ga.
Anh phu kíp được ông sếp Sơ là người nhiều tuổi, đứng đắn, hiền lành và tử tế, nên dễ chịu lắm. Công việc của anh rất nhẹ nhàng, nhẹ nhàng hơn cả công việc của ông sếp. Hằng ngày, mỗi khi tàu sắp tới, anh mới phải cầm cờ, cầm pháo ra xem xét đường sắt, nhìn lại đầu ghi. Tàu qua, anh sai vợ quét qua loa cái nền ga cho khỏi rác. Về xơ-vit[2], ông sếp chả nói được anh chỗ nào. Rồi thì buồn, cho nên những hôm biết chắc chắn không có công tôn[3] Tây lên, anh xui ông ký Sơ cứ đi bắn xa, công việc đã có anh làm hộ đâu vào đấy.
Mấy lần đầu thì đâu vào đấy thật. Nhưng những lần sau, thế nào hành khách cũng ỉ eo. Người phàn nàn thầy ký trả lầm, thiếu mất một hào. Trình thầy ngay lúc ấy, thì thầy bảo chốc nữa, vì còn đương bận phát vé. Đến chốc nữa, vào kêu, thì thầy đổ lầm lẫn là ở mình, thầy không biết. Người ca kiết rằng thầy ký có khối xu lẻ, cất trong ngăn kéo, thế mà trả lại tiền thừa, thầy nói là không đủ, chịu của người này một xu, của người kia hai xu, chả biết bao giờ mới đòi được. Cho nên mỗi bận ông sếp ga đi vắng, thì y như đến buổi chiều, anh phu kíp nhà ta phì phèo thuốc lá, nét mặt hớn hở như một người phát tài. Anh ta thích thứ thuốc mê-li-a bọc bằng giấy bóng đỏ, vì mua gói nào cũng được thêm cái ảnh đầm cởi truồng.
Dư luận về anh phu kíp đến tai ông sếp Sơ. Ông không dám cả tin anh nữa.
Anh ta đến Đồng Đăng, có đem vợ con đi theo. Đứa con gái sáu
tháng trông rất kháu. Nó lành như cục đất. Bú no xong, là nằm cười toét mồm một mình, rồi một lúc, ngủ khì. Ông sếp nhớ con, nên yêu nó lắm. Ngày nào, ăn xong cơm ông cũng gần nó một lúc. Ông khen nó giống mẹ nó.
Thật thế, chị Kíp không đẹp cũng không xấu. Con gái nhà quê mà như thế thì là có duyên đấy. Chị hiền lành, thật thà. Chỉ phải cái tội ít nói, mà ăn nói thì cộc lốc, cục cằn. Thấy lương chồng có sáu đồng một tháng không đủ, chị buôn bán thêm cặp vào. Chị mở hàng nước và quà bánh ở ngay trước cửa ga. Mỗi tháng lời lãi kiếm thêm được hai, ba đồng.
Đáng lẽ một gia đình hai vợ chồng trẻ và một đứa con thơ thì êm hòa, vui vẻ lắm mới phải. Nhưng đằng này, trái lại, anh chị lục đục với nhau luôn. Hai người hay cãi nhau nhất là về việc anh chồng mê đánh bạc ở sòng, vợ can bảo thế nào cũng không nổi. Hôm thua, chồng về cáu kỉnh với vợ con. Hôm được cũng không yên chuyện. Anh ta có tiền thì chè chén ở đâu, mồm sặc mùi rượu, về cũng gây sự với vợ.
Ông sếp Sơ ở xa gia đình nên nhớ vợ nhớ con. Nay nhìn thấy một người xử với vợ con như vậy, ông càng nhớ vợ con mình và thương vợ con người, ông muốn gia đình anh Kíp được yên ấm để nỗi quạnh hiu trong lòng ông được vợi đôi chút. Cho nên ông lấy tình thân là người cùng tỉnh, khuyên bảo anh. Vì anh Kíp chỉ bằng tuổi con ông Sơ, lại sợ ông là người trên, tư nốt-xê anh, cho nên anh ngồi im lặng, chẳng nói chẳng rằng. Vả ông ngọt ngào, giảng giải hết lẽ:
- Tôi vẫn biết là chị ấy ăn nói vụng về, nhưng phốt[4]là phốt ở anh nhiều hơn. Sòng bạc có phải là chỗ cho mình kiếm tiền đâu. Nhà nước mở ra nó để lấy hồ thay cho thuế, vì trên này người thưa, ruộng ít. Cho nên ở các tỉnh miền ngược, chỗ nào có đông
người là có sòng. Tôi ví dụ anh đánh bốn mươi tiếng bạc, hai mươi tiếng thua, còn hai mươi tiếng được. Thế thì anh có lấy lại hòa vốn không? Không. Anh chỉ còn mười chín đồng. Bởi vì mỗi đồng bạc được giam, anh phải trừ ngoém mất năm xu hồ. Cờ bạc là bác thằng bần. Cần tiền đánh bạc thì đi vay chày, vay cối, ăn bớt ăn xới của công, hoặc lấy cắp tiền ăn của vợ con. Chỉ kẻ dại dột mới đâm đầu vào sòng, để rồi xỏ chân vào cùm. Ta có học, là phông-xon-ne[5] nhà nước, đàn đúm làm gì với những kẻ dại dột cho mang tiếng?
Y như ông bị sếp đi guốc vào trong bụng, anh Kíp có tật giật mình. Anh buộc chỉ cổ tay, thề rằng hễ ông còn nghe nói anh vào sòng nữa, thì anh cứ xin làm kiếp chó ăn cứt.
Ông Sơ thấy lời mình có công hiệu thì mừng lắm. Ông bày cho chị Kíp cách buôn bán có lời hơn, để anh Kíp khỏi sốt ruột về chuyện túng tiền mà quay lại sòng, hòng dậy hóa. Sẵn xe lửa đó, ông bảo chị nhờ mua lên những thứ ở trên này hiếm, là muối và thuốc lào. Để đem vào các bản đổi lấy thóc lúa, gà vịt, mật ong, v.v…
Thấy vợ làm được đồng ra đồng vào, anh Kíp biết ơn và quý mến ông Sơ. Một hôm, vui miệng, anh nói:
- Thú thực với cụ, ngày trước, cháu mê đố chữ, có phải là mong có một hai đồng bạc để tiêu vặt đâu. Cháu chỉ muốn kiếm ngay một cái vốn khá để theo gót ông chánh Cừ, Ông đội Tri. Làm cái khoản ấy, phát tài lắm, cụ ạ. Rồi bị thua tháy mãi, cháu bực mình, mới lập tâm kiếm tiền bằng cách khác. Cháu định dò đích xác được chuyến buôn lậu nào là cháu đi báo để lĩnh thưởng. Có món hỏa hồng to này mới tính đến chuyện to được. Thấy của thiên hạ, cháu cứ ngốt lên, cụ ạ.
Muốn anh Kíp đừng có thì giờ bỏ không để nghĩ đến làm bậy,
ông Sơ lại tập cho anh thói quen giống mình, là bắt nghiện nhật trình, ông nói:
- Thích cái này thì tự khắc mất hết những cái thích khác. Ý ông muốn nói là văn chương, thời sự, đăng trong tờ báo.
Anh Kíp chiều ông Sơ, nhưng ngày nào cũng đọc báo mà anh không thấy được mở mang trí tuệ. Là vì động cầm đến nó, y như rằng anh buồn ngủ díp mắt lại. Thấy chồng đặt báo lên bụng, ngáy pho pho, vợ anh cằn nhằn:
- Xem nhật trình bằng mắt, chứ xem bằng rốn, thì chó cũng làm được.
Ông sếp ga cười:
- Thà ngủ cho béo mắt còn hơn đi đánh đeo với bạn xấu. Thế mới biết, đối với ai, tờ báo cũng có ích.
Có một lần, anh Kíp bộc lộ về lối đọc báo của anh:
- Chả giấu giếm gì cụ. Cháu không xem được những bài dài, cụ ạ. Cháu cũng biết rằng văn chương, ý tứ cao xa thâm thúy thật, nhưng cháu thấy buồn lắm. Cháu nể cụ thì cháu cầm tờ báo, chứ sự thực, cháu chỉ xem những quảng cáo.
- Thì cũng tốt chứ sao. Để biết ở Hà Nội hàng nào bán ở đâu, khi mình về, đi mua, đỡ phải tìm. Trong một tờ báo, mục nào chả có ích.
Anh Kíp lắc đầu:
- Hàng nào à? Bán ở đâu à? Toàn thuốc lậu với tiêm la, cụ ạ. Cháu thuộc lòng hết cả. Ai lại một tờ báo bốn trang, mà đến hai trang rưỡi là quảng cáo. To nhỏ 17 cái quảng cáo, thì 15 cái là thuốc. Mà trong 15 quảng cáo thuốc, 13 cái bán thuốc chữa bệnh phong tình, 2 cái bán thuốc cai nha phiến! Bất cứ hôm nào rỗi, cụ
mở ra mà đếm, không đúng thế, cháu cứ đi đằng đầu! Ông sếp Sơ khuyến khích:
- Anh thuộc lòng những quảng cáo cũng được. Hễ chán quảng cáo, anh phải đọc sang mục khác.
Anh Kíp cho là có lý, song vẫn nói:
- Nhưng buồn lắm cụ ạ. Cháu chỉ ngại hay đọc nhật trình thì dễ ngã nước.
Ông Sơ không hiểu, hỏi, thì anh giảng:
- Tại dễ ngủ.
Một hôm, ông Sơ đi bắn một mình đến tối chưa về, anh Kíp chờ cơm mãi, mới nói đùa với vợ:
- Dễ thường cụ cứu được một chú bị Tàu bắt cóc nữa, hay lại bị thổ phỉ nó bắt cóc sang Tàu rồi.
Chị Kíp gắt:
- Ỉa vào mồm thầy cái đĩ nói càn!
Lúc ông sếp ăn cơm, ông kể chuyện vì sao ông về chậm:
- Tôi về sớm, nhưng tại lúc lội qua suối, chân tôi vấp phải một cái gì răn rắn, tròn tròn, đương trồi ở dưới nước. Tôi cúi lấy lên xem, thì ra là cái đầu lâu.
Anh Kíp trợn tròn mắt:
- Ô! Thế thì may cho ông chánh Cừ nhỉ.
Sở dĩ anh Kíp biết ngay đầu lâu này là của bố chánh Cừ, là vì từ sáng đến giờ, Đồng Đăng đồn ầm lên về việc mả bố lão này bị quật và mất cái hoa. Người ta biết cả người đào là đội Trí. Vì hai tay buôn lậu này vốn vẫn hiềm khích với nhau, ít lâu nay vốn
triệt nhau ra mặt. Ông sếp gật đầu:
- Còn của ai vào đấy nữa. Cho nên tôi mách cho ông chánh Cừ đi mà tìm về.
Chị Kíp gật gật:
- Phúc ông ta mà được cụ thấy hộ, chứ không, nó trôi mãi về xuôi, thì nhà ấy chỉ có mà lụn bại.
- Ông ta có mời tôi ở lại ăn cơm, nhưng tôi không ở. Tôi sợ về chậm, anh chị chờ.
Anh Kíp im lăng một lát, rồi tặc lưỡi:
- Đồ chó đá! Thế mà chỉ mời được bữa cơm.
- Thì cũng là tình cờ, chứ mình có định bụng giúp người ta đâu mà kể là ơn huệ?
Anh Kíp hút thuốc lào. Bỗng anh sực nghĩ ra một ý. Anh vội vàng dựng điếu, ngồi xổm lên trước mặt ông Sơ:
- Cháu tiếc rằng cháu không vớ được việc này. Phải tay cháu ấy à, thế nào cháu cũng xoay cho lời tiền ra cháu mới bảo. Mà cháu ăn cả của nhà chánh Cừ lẫn nhà đội Trí, chứ không tha. Hoài của, cụ vứt đi mất toi một trăm bạc. Hai thằng cùng đểu, cho một vố cũng đáng đời.
Rồi anh bày cái mưu của anh:
- Cháu như cụ, thì cháu cột cái đầu lâu lại, dúi nó vào trong bụi, để giấu đi đã. Rồi cháu đánh tiếng bảo chánh Cừ đến nhờ cụ bấm cho một quẻ độn.
Ông sếp cười:
- Tôi có biết bấm độn đâu?
- Có ai dám ngờ người thạo tử vi mà lại không biết bấm độn
không nào? Cụ lấy cho đủ ba chục bạc. Nếu không đủ, cụ dọa rằng quẻ không ứng. Lúc ấy, cụ hãy thắp hương, suỵt soạt khấn khứa, giả vờ nói hươu nói vượn một lúc, mới bảo đến nơi là hiện nay vong linh ông cụ đương bị ngâm dưới nước về hướng đông nam, hay tây bắc gì đó.
Anh chép miệng tiếc món hoạnh tài:
- Cụ không thạo cái món giả vờ, chứ cháu mà lòe ai, thì cứ y như thật, đố ai dám ngờ.
Chị Kíp ôm con vào lòng, dấm dẳn nói với nó:
- Thế là thầy mày mới được có ba chục. Những một trăm kia mà, đĩ nhỉ.
Anh Kíp quay sang vợ:
- Phải rồi. Thế tao hãy hỏi mày, khi chánh Cừ tìm được đầu lâu bố rồi, nó có đi trình Châu không, và có kiện thằng đào mả là đội Trí hay không? Hẳn không đời nào nó cam tâm mà ngồi yên. Thế là, cụ ạ, cháu xoay đến đội Trí. Thằng này mà nghe tiếng cháu bấm độn giỏi, tất thế nào cũng mò đến tìm cháu. Nếu nó không tìm cháu, thì cháu tìm nó. Cháu sẽ bảo cho nó biết số nó tháng này có hạn quan tụng lớn. Cháu dọa nó, những là sạt nghiệp với tù tội, cho nó mất vía lên, mới vẽ cho cách gỡ, là cúng giải hạn được, vì có sao gì, sao gì đó cứu mệnh. Cháu khoét cho đủ năm mươi đồng. Cháu mua lăng nhăng mấy cái mũ giấy, mấy con ngựa giấy, rồi ê a cúng dềnh dàng độ một giờ đồng hồ thôi.
Ông sếp Sơ cười:
- Thế là biết tử vi thì biết cả bấm độn lẫn làm thầy cúng! Ngộ chánh Cừ cứ kiện, quan xử đội Trí thưa thì làm sao?
Anh Kíp cau mặt, vênh váo đập tay vào áo mình:
- Thì tiền thấy bỏ túi rồi, sống chết mặc bay chứ? Nó có trách, thì cháu đổ là tại nó không thành tâm. Phải sửa lễ khác để cúng thêm. Lại moi được chục bạc nữa, không biết chừng. Nhưng nói thế thôi, chứ lấy tiền cũng nên lấy cho có nhân, có nghĩa. Chánh Cừ mà muốn kiện đội Trí, thì thế nào cũng phải nhờ cháu bấm hộ xem, nếu có thật được mới dám đưa đơn. Vì anh kiện là kiện tình nghi, kiện vu vơ, không có tang chứng. Nó mạnh thầy, quật lại thì anh bỏ đời. Chánh Cừ đã tin cháu độn hay, chắc phải tin mãi. Lúc này, cháu khuyên nó là dĩ hòa vi quý, không nên khuấy nước để béo cò, chỉ tổ nhờn mõm ông quan. Cháu nói rõ là số nó không được kiện, dù có lên đến thống sứ, toàn quyền, quyết là đơn cũng phải bỏ đi. Ngay như nếu quan Châu Đồng Đăng có xui nó kiện, xử cho nó được hẳn hoi, nhưng rồi việc lên đến tỉnh, thế nào tòa đệ nhị cấp cũng xử hòa. Cương quyết rằng số như thế, giời cũng không có phép gì thay đổi được. Chẳng lẽ chánh Cừ khôn sặc gạch, lại kiệt lõ đít, mà không tin thầy bấm độn giỏi, lại nghe người khác xúc xiểm để mất thêm tiền à?
Chị Kíp cười:
- Thầy mày làm giàu nhanh thật. Nhưng vẫn còn thiếu hai mươi đồng.
Anh Kíp mắng:
- Hai mươi đồng mà lấy ngay nữa thì rõ rằng mình là con người tham lam, bú dù ạ. Nhưng hãy hỏi từ đó mà đi, chánh Cừ là một, đội Trí là hai, mỗi bận anh đi hàng, anh có khỏi nhờ tôi bấm cho một quẻ xem chuyến ấy có trót lọt hay không đã? Thế là mỗi lần cháu nói liều một câu, lại không lại bằng mấy tháng phải bẻ ghi không, cụ nhỉ.
Thấy anh Kíp là người khôn ngoan, nhưng lắm thủ đoạn, cho nên về Hà Nội chữa bệnh, ông sếp Sơ không lo anh làm không
chạy việc bằng lo anh làm bậy.
Thật vậy, bây giờ “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” để mà e dè, sợ sệt, lại được người ta gọi là ông hoặc thầy sếp quyền, ký quyền, anh Kíp tha hồ làm tướng ở ga Đồng Đăng. Lại xì xào những tiếng hành khách phàn nàn nhà ga trả thiếu tiền lẻ. Luôn luôn báo hằng ngày giao cho nhà bưu điện chậm trễ. Có tờ rách cả băng đề tên người mua. Có tờ gấp tám như cũ, nhưng lại gấp trái, tên báo vào trong. Buồng ở của ông sếp Sơ trở thành nơi tụ tập của ông sếp quyền với các bạn hữu đến khuya. Dầu tây của công chưa cuối tháng đã hết. Có một lần, người ta bắt gặp cái Múi, con gái đội Trí gửi một cái hòm vào buồng ấy, và hình như nó ngủ ở đó suốt đêm, để sáng hôm sau xuôi sớm xuống Hà Nội. Chuyến tàu đến Lạng Sơn bị lính đoan khám, thấy hòm ấy có hai đáy, đáy dưới chứa mấy bánh nhựa. Nhưng không biết là của người nào, vì hòm để ở giữa toa không ai nhận. Lại một lần nữa, có tiếng the thé cãi nhau, trong buồng sếp ga. Người ta lắng tai nghe, thì rõ rằng một người là cái Múi, một người là cái Châu, con nhà Vạn Lợi. Tối hôm ấy, cái Châu vào sòng, thua xóc đĩa, hết cả tiền, thì gặp thầy sếp quyền đưa về ga. Chẳng may, hai người chạm trán cái Múi ở đó. Đôi bên ghen nhau, cãi nhau, chửi nhau ỏm tỏi. Thiên hạ còn đồn rằng cái Múi đã có mang với thày sếp quyền và sắp lấy lẽ thầy ta.
Còn thầy sếp quyền thì độ này có vẻ phởn phơ lắm. Trong túi lúc nào cũng có một gói thuốc lá Mê-li-a đỏ, và hàng chục ảnh đầm cởi truồng.
Nhưng cô sếp quyền thì buồn thiu buồn thỉu, đã ít nói, càng thêm ít nói. Hai mắt cô trũng sâu và thâm quầng như mắt những người thức nhiều và khóc nhiều. Thỉnh thoảng, trên mặt cô lại tím lên một vết lằn, như vết thương do cái gậy đánh mạnh.
*
* *
Một hôm, có một người Trung Hoa vào ga Đồng Đăng hỏi ông sếp. Người ấy đưa cho anh Kíp một chiếc phong bì lớn, rồi đi ngay về phía Nam Quan.
Anh Kíp bóc phong bì. Thì lạ quá, anh không hiểu là cái gì. Một tờ giấy dày, rộng, ngoài những dòng chữ, có in cái khung rất đẹp. Dấu lớn và nhỏ hình vuông đóng đỏ lòe. Có vẻ là một tấm bằng. Nhưng bằng ở đâu phát và phát cho ai, mà không in một bên chữ Pháp, một bên chữ nho như mọi cái, mà lại toàn in chữ nho! Ba tờ giấy hoa tiên hẹp khổ, màu đỏ, màu xanh, màu vàng, viết đặc những chữ nho, nhỏ lắt tắt, bằng bút lông.
Anh ngợ quá. Xong việc, anh khóa cửa ga, đem chiếc phong bì sang phố, để nhờ người giảng hộ xem nó là cái gì.
Mấy người lõm bõm biết chữ xúm nhau lại, vừa đọc vừa đoán chữ, vừa đoán vừa tán nghĩa.
Bức thư trong giấy hoa tiên như sau này:
Túc hạ nhã giám.
Từ ngày tôi được túc hạ cứu thoát tay bọn côn đồ, lòng tôi cảm bội vô hạn, tiếc vì túc hạ là người An-nam, tôi là người Trung Hoa, không biết tiếng của nhau, cho nên không thể nói chuyện với nhau được.
Tôi là một văn quan. Hôm ấy có vài người bạn rủ tôi vào rừng săn bắn. Tôi theo họ đi. Nhưng chẳng may, đến một nơi rậm rạp, tôi bị lạc. Tôi gọi to các bạn, không thấy trả lời. Vì không nhớ lối nên đi nhầm sang địa hạt bên quý quốc. Chính ở chỗ này mà tôi bị nạn. Và cũng chính nhân dịp này mà tôi được may mắn gặp túc hạ cải tử hoàn sinh. Viết đến đây, sực tôi lấy làm phiền. Nước tôi vì chính
quyền chưa ổn định, nên sinh ra những kẻ bất lương, đón người ở chỗ vắng để cướp của, hoặc bắt cóc để vòi tiền chuộc. Nhưng chính quyền của nước Đại-Pháp ở Đông Dương đã ổn định từ lâu, há rừng Việt Nam lại vẫn là sào huyệt dung thân cho bọn thổ phỉ được hay sao?
Tôi không biết lấy gì đền cái ơn cứu sống của túc hạ cho xứng đáng. Hôm ấy, tôi muốn biết quý danh, nhưng không làm thế nào cho túc hạ hiểu được. May mà túc hạ đưa tôi về quý thự, nên tôi biết túc hạ là trạm trưởng trạm hỏa xa Đồng Đăng. Muốn tạ tấm lòng hào hiệp của túc hạ, tôi nghĩ rằng nếu tôi gửi tặng tiền bạc của nước tôi, thì dù nhiều bao nhiêu đi nữa, hoặc tặng phẩm hàm của nước tôi, thì dù quý bao nhiêu đi nữa, nhưng đối với một người An-nam, bây giờ chịu dưới quyền bảo hộ của người Pháp, những thứ ấy đều là không có giá trị. Cho nên tôi đã mạn phép túc hạ mà kính dâng túc hạ một tấm bằng làm thuốc, gọi là vật kỷ niệm nhỏ mọn để đền ơn. Tấm bằng này, đối với túc hạ, có thể bị coi như một tờ giấy bỏ đi, nếu túc hạ không biết lợi dụng nó. Nhưng ở nước tôi, để được tấm bằng này, thì một người, nếu không cố gắng công phu học hành vài năm, tất cũng phải mua mất bốn mươi đồng Chính phủ mới cấp cho. Tấm bằng này sẽ là một chứng thực về nghề nghiệp để làm sinh kế. Ở Việt Nam hiện nay, tuy người Pháp có mở trường dạy y học Thái Tây, nhưng lòng người còn tin thuốc bắc của Trung Hoa không phải đã mất. Cho nên một tấm bằng làm thuốc của nước tôi tặng túc hạ, vẫn có thể giúp nhiều cho túc hạ trong việc mưu sinh. Tôi muốn vật kỷ niệm cho ân nhân của tôi phải có thực ích. Tôi mong túc hạ hiểu cho, mà coi tấm bằng này là một vật giá trị. Ở vào thời buổi khó khăn, người khôn ngoan phải xoay xỏa nhiều mưu kế mới sống nổi. Tôi tiếc vì không biết quý tính cao danh, cho nên phải để trống tên. Cúi xin túc hạ tha lỗi mà điền mấy chữ vào đó hộ.
Tôi viết thư này đã dài, nhưng chưa thể nói hết những ý muốn
nói. Tôi xin thưa trước với túc hạ vài câu. Là một ngày kia, túc hạ có dời gót ngọc đến thăm tiện quốc, thì mời túc hạ hạ cố quá bộ đến tệ xá, cho tiện nội được chiêm ngưỡng dung nhan. Và sau này, nếu bên quý quốc có ai cần đến bằng làm thuốc nữa, thì túc hạ thương lượng giá cả với người ấy. Còn như đối với tôi, túc hạ chỉ cần gửi lại cho một hiện vật tương đương với ba mươi đồng bạc của Đông Dương đương lưu hành mà thôi. Tôi rất lấy làm hân hạnh được tiếp tục đền ơn túc hạ mãi mãi.
Song, cũng vì muốn báo đáp cái nghĩa nặng ân sâu của túc hạ, mà tôi phải thành thực lưu ý túc hạ những điều sau này. Là các Chính phủ của chúng tôi thường không được vững bền lâu dài, số phận còn mất như quả chín trên cây. Mà thân thế của tiện chức, chẳng qua cũng cùng cảnh phù du như thân thế của Chính phủ. Thế thì chỉ trong thời kỳ kẻ chịu ơn này còn ở trong Chính phủ đương trị vì, thì các bằng cấp phát hành mới có giá trị. Cho nên tôi mong rằng túc hạ nên lợi dụng cơ hội ngắn ngủi và hiếm có này mà tiêu thụ nốt cho cái số 24 tấm bằng còn lại.
Mấy lời tâm phúc thô thiển, ngửa trông túc hạ lượng xét.
Sau bức thư là một dòng đề năm Dân quốc, tháng, ngày. Rồi ký tên TỐNG BỘI ĐÌNH. Bên cạnh tên, có ghi chức tước và địa chỉ.
Nghe xong bức thư, thầy ký quyền ngắm nghía tấm bằng, nhưng bằng đôi mắt hờ hững thôi. Thầy cũng chẳng quan tâm đến những lời lẽ văn hoa trong thư. Bởi vì nó chả lợi gì cho thầy. Đây là người ta gửi cho ông sếp Sơ. Thầy gấp các giấy má rồi về nhà, định bụng bao giờ ông Sơ lên làm việc, thì đưa trả ông ta. Ông ta là người tử tế, thầy phải ăn ở tử tế lại.
Nhưng ông Sơ không bao giờ trở lại Đồng Đăng nữa. Thần Chết đã đem ông đi rồi. Cái bằng làm thuốc giả dối và bức thư của người quan văn con buôn, thầy sếp quyền cho là không cần giữ
làm gì, mới cuộn lại, gài lên mái tranh.
Phải, nó có ích cho thầy sao bằng cái giường khung, đôi chiếu hoa và cái chăn chiên, cùng mấy bộ quần áo rét của ông Sơ bỏ lại trong buồng. Thầy dọn tất cả những thứ ấy, đem về nhà dùng.
Không bao lâu, ga Đồng Đăng có ông sếp Thìn bổ lên, thay ông Sơ.
Ông sếp quyền lại trở về địa vị cũ, là anh phu kíp quèn. Được gọi là ông sếp, thầy ký, được nghe “Thưa thầy phát cho con cái vé, thầy cho con lĩnh cái vé” quen tai đi rồi, anh khó chịu với ông sếp Thìn. Tuổi ông này, không bằng tuổi ông Sơ, mà hay gọi anh xách mé là anh Kíp, thỉnh thoảng lắm mới bác Kíp, xừ Kíp.
Đôi khi xét nét cả với đời tư của anh, ông Thìn lên mặt người trên mà cự anh. Anh cho như vậy ông ta làm mất tự do.
Thế là lòng tự ái làm anh hay hục hặc với ông ta. Có một lần, anh bảo hẳn ông ta:
- Cũng là kiếp nô lệ làm đầy tớ thằng Tây cả, chứ vu chẳng hơn moa đâu mà làm bộ[6].
Buồn nản quá, anh Kíp muốn xin đổi đi ga khác.
Độ này, anh còn bị dồn dập những đau khổ. Con bé con nhà anh ngoan ngoãn là thế, mà lăn đùng ra chết. Nó không hay quặt quẹo, nhưng hễ động ốm là bạo bệnh. Nó chỉ đau bụng có một đêm thôi. Anh thì chớm sốt rét. Rồi có lẽ vì trời nóng quá, anh bị bệnh thiên trụy, đi khạng nạng như người thọt. May làm sao, có người mách cho thuốc hay mà dễ kiếm, nên không tốn tiền, anh khỏi được bệnh. Nhưng qua được nguy hiểm này, anh mắc đến bệnh kiết lỵ.
Đã từ lâu, chị Kíp không muốn cho chồng ở Đồng Đăng nữa.
Nhiều cái tai hại lắm rồi. Đất không lành thì cò không đậu. Cho nên, lại nhân dịp chị sắp ở cữ, vợ chồng bàn nhau nên xin đổi về xuôi.
Vì dò biết ông Thìn định tống anh lên Na Sầm, anh nhất quyết phen này làm cho ông biết tay. Anh cho chị về tìm được dì Đốc, kè nhè với dì nói với me-xừ Giô-dệp Phăng-đi cho anh về Hà Nội.
Chị Kíp tìm mãi, chẳng thấy dì ở nhà cũ. Chú Giô-dệp Phăng-đi đã cút về Tây từ bao giờ rồi. Chị phải hỏi thăm mãi mới gặp dì. Thì ra con người làm dâu ngoại quốc lành nghề này không chịu một ngày nào thất nghiệp bạn trăm năm. Hắn được chuyển ngay từ lòng người đốc công sang lòng người sếp văn phòng, cũng ở sở xe lửa. Người được nâng khăn sửa túi mới tên là Phi-lô-mát, gọi là quan sếp chánh.
Bà sếp chánh nhận một lạng cao hổ cốt của cháu, rồi gật đầu: - Được, để bà lớn trình với ông lớn cho.
Hai tuần sau, anh Kíp nhận được giấy đổi về Hà Nội. Anh trả thù được ông Thìn. Hả lắm! Anh nói với bạn hữu:
- Về Hà Nội thì làm cạnh Tây, việc bận và khó đấy. Nhưng thà Tây nó chửi, nó đánh, còn không nhục bằng An-nam nó nói một câu!
Hôm dọn nhà, anh sực nhìn thấy chiếc phong bì gài trên mái tranh. Anh tính cho nó vào bếp lửa. Nhưng anh tiếc công gìn giữ mấy tháng nay. Song, mang nó đi thì được ích gì? Anh ngắm nghía tấm bằng một lát, rồi tặc lưỡi bảo với vạ:
- Tội đếch gì mà vứt đi! Chả gì cũng để treo cho đẹp nhà. Vợ anh cau mặt:
- Của mình chó đâu mà đẹp!
Lời nói như xui anh chiếm của kẻ khác làm của mình. Anh mượn bút mục, rải phẳng tấm bằng, nắn nót, điền vào chỗ trống, ba chữ: TRẦN ĐỨC THỪA.
Anh Thừa đem con bò lạc về Hà Nội.
III
CU-LI CÚT-KÍT
A
nh Thừa được ở ga Hà Nội. Tên sếp chánh Phi-lô-mát cho anh vào làm trong văn phòng tên sếp phó, là Tu-nô. Nó rộng cho anh nghỉ hai hôm, để thuê nhà của xong, mới đến nhận việc.
Anh vừa mừng vừa lo. Thế là tránh được cái tên là phu kíp. Nhưng chữ nghĩa ít, anh biết làm ăn thế nào? Bà lớn sếp chánh khuyên anh đừng thuê nhà ở đâu cho xa và đắt tiền. Bà bảo sẽ dùng quyền, bắt bà sếp phó cho anh ở một gian trong bếp nhà bà ấy. Nhà gạch, có đèn điện, có nước máy, sang trọng lắm. Anh cảm ơn Trời Phật phù hộ người dì anh lấy chồng làm to, cho anh hưởng sung sướng lây! Bây giờ anh được gần dì, có việc gì, dì che chở cho. Vả lại anh ở ngay trong nhà quan thầy, người ngoài trông vào, ai chẳng phải nể.
Hôm đầu tiên, anh ăn mặc thật chững chạc: khăn xếp, quần là, áo cổ cồn, giày tây. Anh sắm cả cái tay áo giả bằng vải tây thâm để lồng vào cánh tay, phòng khi ngồi viết khỏi hại áo. Anh hăm hở đến sở rất sớm. Anh đứng chờ ở hành lang. Mãi đến chín giờ, quan sếp phó mới ra bàn giấy. Nó đi khệnh khạng, phải chống bằng ba-toong. Anh chào nó và xưng tên, nó hiểu ngay, gật đầu, vẫy anh đi theo.
Anh vào buồng, hồi hộp, đứng nhìn quanh. Cả cái buồng rộng, đặt có một cái bàn lớn ở giữa. Trên mặt bàn, xếp từng chồng giấy má. Sau bàn, bày một cái ghế dựa. Anh đương suy nghĩ xem
mình ngồi ở chỗ nào, thì Tu-nô trỏ phía cuối tường, vừa giơ tay lên, hạ tay xuống, để làm hiệu, vùa nói lơ lớ:
- Kéo, kéo mạnh. Biết?
Anh biết. Thì ra chán ngán quá, anh làm việc kéo quạt.
Một lát, có người thư ký vào. Tu-nô nhìn anh và nói với người ấy. Người ấy gật đầu, thông ngôn lại cho anh nghe:
- Phải quét tước lau chùi buồng này cho sạch sẽ. Kéo quạt. Đi việc vặt. Đấy công việc có vậy. Làm cho chu đáo. Ông ấy bảo thế.
Anh cúi đầu:
- Vâng ạ.
Anh nhìn thấy hình của anh in trắng lôm lốp ở kính cửa như một thầy ký. Lố quá! Anh thở dài khẽ và nghĩ thầm: “Thế này thì làm phu kíp còn oai hơn. Không ngờ bây giờ mình lại làm việc của thằng nhỏ”.
Lúc Tu-nô cúi mặt xuống bàn, anh mới dám ngắm nó. Nó không có vẻ là Tây thật. Hình như Tây lai thì phải. Nhưng sao nó không nói tiếng ta. Anh không thể đoán được nó bao nhiêu tuổi. Lúc nó cúi xuống, thì trông già. Nhưng khi nó ngẩng lên thì lại trẻ. Má, môi và cằm nó xám những chân râu quai nón. Thế thì nó hai mươi, ba mươi hay bốn mươi? Có thể là nó hiền lành, chứ không hung hăng, ác tợn như lũ Tây cắt vé râu cáo. Bọn này là Tây thật, nên không thương gì người An-nam. Chúng đến toa nào là toa ấy hành khách len lét. Thế mà hơi một tí là chúng quát tháo, tát, đá người ta. Thằng này là người lai, khi đối xử với An nam, ít ra nó phải nghĩ đến mẹ nó.
Bỗng đương làm việc, Tu-nô nhăn mặt, xuýt xoa, hai tay ôm chỗ nào, vì lấp bàn, anh không rõ. Anh vội vàng kéo mạnh quạt
và trông đi chỗ khác.
Hẳn trong người nó có cái gì làm nó đau đớn. Cái nhọt hay vết thương? Phải rồi, anh nhớ ra. Nó đi phải chống ba-toong. Thế thì có lẽ nó bị thương ở chiến trường, bắn nhau với quân Đức.
Quả bàng cửa kêu lạch xạch. Cánh mở ra. Một người đầm nhỏ nhắn vào, tay cầm một gói gì, đi thẳng đến Tu-nô.
Anh nghe hai người nói với nhau, toàn là mày tao. Anh đoán người này không phải viên chức đến bàn công việc. Nếu phải người trên kẻ dưới, họ lễ phép với nhau, gọi nhau bằng vu, chứ không bằng tuy, toa[7] như thế này.
Một lát, người đầm nhìn anh, hất hàm, nói bằng tiếng ta rất sõi:
- Cho nghỉ một lát. Ra ngoài kia. Đóng cửa lại. Không cho ai vào. Nói là quan sếp phó bận, không tiếp.
Anh Thừa cúi đầu để tỏ ý vâng lệnh một cách lễ phép, đi rón rén ra cửa, đứng ở hành lang. Sao có lắm việc làm anh phải suy nghĩ thế? Người đầm này không thể không là lai. Tóc đen. Mắt đen. Chỉ bộ lông mi dài, cong và nước da trắng có chấm tàn hương là khác ta. Hắn mặc đồ ta, đố ai bảo là đầm. Hắn mặc đầm, người ta bảo An-nam giả đầm. Có lẽ vì hắn An-nam quá, nên có nói tiếng Tây cũng chẳng ai nghe. Đúng là hắn chỉ độ hai mươi tuổi, chứ không nhiều. Trông hắn khá xinh. Thịt lẳn, chắc, có vẻ mát rượi. Hắn vào đây làm gì? Hắn là gì mà vào đây? Sao hai người ở trong buồng với nhau lại đuổi mình ra, và cấm người vào. Hay là…
Anh đương nghĩ dở dang thì cánh cửa mở. Người đầm đi ra. Anh cúi đầu chào và để ý nhìn. Tóc hắn không rũ rượi. Váy hắn không xộc xệch như cái Múi hôm gặp anh lần đầu tiên ở buồng
ga đi ra.
Tay hắn vẫn cầm cái bọc. Đến trước mặt anh, hắn hất hàm: - Tên là Thừa phải không?
Anh đáp:
- Thưa bà lớn, vâng ạ.
- Mai dọn đến bếp nhà tôi mà ở. Biết nhà chưa?
- Bẩm chưa.
- Ở phía kia, cứ hỏi nhà ông sếp phó hay ông Tu-nô, hiểu chưa? Chưa biết tôi là ai à? Bà Tu-nô đây.
Anh giật mình đánh thót. Nhưng khi thấy đôi mắt sáng của hắn nhìn anh chớp chớp mấy cái, và hắn mỉm cười, anh đỡ sợ hãi, được nhẹ nhõm cả đầu óc.
Anh chắp tay:
- Thưa bà lớn, vâng ạ.
Người đầm lai hất ngón tay cái vào trong:
- Ông ấy ốm, không chịu được nóng. Vào mà kéo quạt. Làm việc cho tốt.
Nói xong, hắn thoăn thoắt bước đi. Anh Thừa muốn hỏi hắn một vài câu về bệnh tật quan ông cho ra tình thày trò, nhưng không kịp. Anh đành ngậm miệng đi vào. Anh lại móc cái đầu dây thừng quạt vào ngón chân cái, tựa lưng vào tường cho vững, rồi co cẳng để đạp cho khỏe. Dây quạt chạy trên bánh xe rít dầu, kêu cút kít như người nghiến răng.
Buổi tối hôm ấy, anh Thừa lại chụp khăn, mặc áo dài và dận giày tây cho đàng hoàng để đến thăm dì.
Bà lớn sếp chánh có nhà, nhưng ông lớn còn đi la mát.
Anh nói cho dì biết về công việc hàng ngày của anh. Anh hỏi về quan thày của anh.
- Ông ấy là người lai, nhưng mà tốt lắm, chứ không bạc tình như quân Tây lai khác, ông ấy biết tiếng ta, nhưng ít khi nói. Ông ấy bảo chỉ nghe hiểu, chứ không nói được nhiều. Vì thuở bé, ông ấy vào trường, ở lẫn ngay với con Tây.
Anh hỏi Tu-nô bị đau gì. Dì anh nhăn mặt, lắc đầu:
- Cũng tại ông ấy thôi. Bệnh này khó nói lắm. Chữa mãi không khỏi.
Anh khoe đã gặp bà sếp phó, được bà bảo đến ở buồng dưới bếp. Người dì gật đầu:
- Rồi mỗi tháng, anh nên đưa bà ấy hai đồng, cũng như tiền thuê nhà và tiền điện nước. Ở như vậy mà chỉ tốn như vậy là hời lắm. Có hơn là thuê cái nhà gianh lụp sụp, thắp đèn dầu tối mù, và phải đi gánh nước xa hay không?
Thấy mình bị nạn sĩ diện của cái bà lớn hợm hĩnh rởm, anh thở dài:
- Tôi tưởng bà ấy cho ở nhờ. Lương có sáu đồng, mà nhà ở mất hai đồng!
Người vợ Tây cười:
- Là bà lớn tính hộ anh như vậy, còn tùy anh nói chuyện với bà ấy. Bà ấy là đầm, dễ chả lấy tiền thuê nhà của anh đâu mà lo. Ấy là bà lớn muốn anh ăn ở cho ra con người biết điều…
- Cứ như tôi thì tôi tính thế này. Tôi đi làm, có lương đã đành, nhưng không đủ ăn. Nhà tôi lại không buôn bán, được đồng ra đồng vào như ở trên Đồng Đăng. Nay mai nó lại nằm nơi. Cho
nên tôi định nói với bà ấy cho nó làm những việc lặt vặt trong nhà, như quét tước cái bàn cái ghế, giặt giũ cái quần, cái áo cho bà ấy, rồi tháng tháng, bà ấy chi cho thế nào cũng được, miễn là có thêm đồng nào quý đồng ấy. Hay là bà ấy nuôi hẳn nhà tôi làm con sen. Hẳn là cơm nước cho ông ấy đã có bồi bếp, nhà tôi làm chẳng nổi, nhưng cơm nước cho bà ấy, thì nó làm được.
Bà sếp chánh bĩu môi, lắc đầu:
- Không được đâu. Bà ấy không mượn đâu. Gì bà ấy cũng làm lấy tuốt. Cơm cho ông ấy, bà cũng thổi đấy. Anh tính lương có ba chục một tháng, ăn uống, may mặc, phấn son, hà tiện lắm mới đủ, để thỉnh thoảng còn tiêu khiển bằng cây bài lá bạc, thì tiền đâu mà dám thuê người.
Anh Thừa ngạc nhiên hỏi:
- Bà ấy làm ở đâu. Tôi tưởng là đầm thì được lương cao lắm? Bà sếp chánh không đáp. Một lát, bà nói giọng đay: - Đầm! Đầm xu bốn!
Rồi bà giảng:
- Cũng mới ăn mặc đầm, vì ông ấy bắt thế.
Anh Thừa ngạc nhiên. Có lẽ bà này chẳng qua cũng như dì anh, cho một thằng Tây thuê thân thể lấy mỗi tháng ba chục. Nhưng vì bà ta trẻ và đẹp, nên Tu-nô bắt mặc đầm để nhìn cho thích. Quần áo ta không hợp với mắt người Tây, anh suy đến dì anh, nhiều tuổi hơn, xấu hơn, lại ăn mặc ta, chắc giá thuê chỉ hai chục một tháng.
Hẳn người dì biết anh nghĩ gì.
Hắn đánh trống lảng bằng vài câu khuyên bảo lối người trên:
- Nên tu chí mà làm ăn. Quan sếp phó tốt lắm. Bà ấy tốt lắm. Rồi nhờ vả người ta còn nhiều. Đừng giai gái, cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện, thuốc sái. Hà Nội là đất ăn chơi. Anh mà hư thì mang tiếng bà lớn đấy.
Không muốn nghe thêm bài luân lý, anh đứng dậy, xin về. Người dì gật đầu:
- Được. Nhưng bà lớn dặn một điều, anh cần nhớ. Là anh đừng năng đi lại thăm bà lớn. Nếu cùng bất đắc dĩ phải đến, thì anh nên đến vào lúc ông lớn có nhà, mà ăn mặc xoàng thôi nhé.
Rồi phải giảng rõ cho anh khỏi băn khoăn, hắn nhoẻn miệng:
- Vì sợ ông lớn nghi, anh có hiểu không? Tây người ta có biết đâu ai là họ hàng, máu mủ? Người ta cứ thấy có đàn ông trẻ đến với vợ người ta vào những lúc người ta không có nhà, thì thế nào người ta cũng cho là nhân ngãi. Có lần cô Bé Tý cho em ruột của mình ngủ nhờ một tối, mà hôm sau mất việc đấy! Em ruột thật chứ có phải em ruột giả đâu! Mà là cô Bé Tý đấy nhé!
Anh Thừa không lấy những lời dọa dẫm dân chúng bằng người vợ Tây nổi tiếng ấy làm sợ. Anh sực nghĩ đến bà Tu-nô, sàn sàn tuổi anh, lại cho anh ở chung nhà. Có đáng ngại hay không.
* * *
Không đáng ngại tý nào.
Tu-nô ở nhà công của sở xây cho viên chức Pháp. Nhà có hai tầng, mỗi tầng hai buồng. Theo chế độ chung, ai độc thân thì ở một buồng. Ai có gia đình thì ở hai buồng. Có gia đình nghĩa là có vợ Pháp. Ăn ở với người đàn bà bản xứ chỉ được coi là chứa tạm bợ bên cạnh mình một công cụ mua vui, không được kể là một người, thì không là có gia đình. Dù là cấp cao, cũng chỉ được một buồng.
Hai buồng tầng dưới nhà này có hai người ở. Đáng lẽ Tu-nô cũng chỉ được một buồng, vì người đàn bà của nó, tuy là lai, nhưng hai đứa không phải là vợ chồng cưới xin hợp pháp hẳn hoi. Song, nó láu cá. Nó bảo người ấy ăn mặc đầm để có hình thức là dân Mẫu quốc, cho nó có tiêu chuẩn chiếm hai buồng. Nó được ở cả hai buồng trên gác nhà này.
Sở dĩ anh Thừa biết được điều ấy, là vì sau này, hỏi dò la về bà chủ, các bạn nói cho anh nghe như vậy.
Hai người Tây ở tầng dưới chỉ dùng buồng làm chỗ ngủ. Không hiểu họ ăn ở đâu. Có thể là họ ăn chung bếp với những bạn độc thân của họ ở nhà khác. Có thể là họ ăn ghép với một người nào có gia đình. Cũng có thể là họ ăn tháng ở ô-ten. Nhiều tối, đến tận khuya, họ mới về. Nhiều tối, họ dắt gái về, nô đùa với nhau đến tận khuya.
Cách căn nhà chính một cái sân hẹp, là nhà phụ bốn gian. Một gian có bếp lò xây. Hai gian giữa bỏ không. Gian cuối ngăn đôi. Một ngăn có vòi nước ở trong chắc để rửa ráy, tắm giặt. Một ngăn là chuồng tiêu. Hai gian giữa, hẳn một gian là buồng cho bồi ở, một gian là buồng cho bếp ở. Vì cả ba người ở nhà trên không nuôi bồi bếp, nên hai gian đều bỏ không. Anh Thừa dọn đến buồng thứ ba.
Sở dĩ anh ở gần một công cụ mua vui, mà người thuê thuộc vào hạng có tính đa nghi, nhưng không đáng ngại tý nào, là vì một người ở trên cao, một người ở dưới thấp, không trông thấy nhau được. Người đàn bà ấy, không xuống sân bao giờ. Cửa ra sân vì là cửa sau, nên khóa. Cửa ra đường ở phía trước. Vả lại không ai dùng đến gian buồng bếp, cạnh chỗ anh ở. Chắc là bà Tu-nô thổi nấu giặt giũ ngay ở trên gác, và bà kiêm cả chức bếp, bồi cho chồng.
Cho nên, từ hôm đi làm đến bây giờ, sở dĩ anh Thừa đã nhớ được mặt người đầm lai, là vì ngày nào hắn cũng đến buồng giấy sếp phó một lần, vào khoảng từ mười giờ đến mười giờ rưỡi sáng. Cũng như lần đầu tiên anh thấy hắn, lần nào hắn cũng cầm một bọc nhỏ, và nói chuyện với Tu-nô những gì, rồi bảo anh ra ngoài một lát.
Công việc của anh tuy nhàn, anh lại được ở nhờ nhà không mất tiền thuê, nhưng nghĩ đến đời mình về lâu về dài, anh không khỏi không có điều oán thán.
Một là kéo quạt, lau bàn ghế, cửa rả, thì một thằng bé con làm cũng nổi, chứ không phải người đương sức trai mà lại biết chữ như anh. Mỗi ngày, mọi người ở sở có bảy tiếng đồng hồ, sáng từ bảy đến mười một giờ, chiều từ hai đến năm giờ. Nhưng anh phải có mặt trong buồng giấy ít ra là mười tiếng. Là vì buổi sáng, Tu nô dậy muộn, đến chín giờ, chín giờ hơn nó mới sang làm việc. Và ngồi cho đến mười hai giờ. Buổi trưa, nó ngủ. Bốn giờ nó mới tới, ngồi cho đến bảy giờ tối. Hôm bận, nó ngồi muộn hơn.
Người khác hết giờ thì về. Nhưng anh, không lẽ chủ còn đó, đã bỏ đi. Anh không dám đến muộn như nó. Cứ chuông làm việc là anh đã ở sẵn trong buồng giấy rồi.
Mà kéo quạt là một công việc rất dễ chán. Sức anh khỏe, phải làm việc nhẹ, cho nên sốt ruột lắm. Không thể kéo mạnh được. Kéo mạnh thì cái quạt giật gió phình phịch, không đẹp mắt, không êm tai. Mà lại chóng đứt dây. Cho nên anh dễ mỏi, hay buồn ngủ. Anh luôn luôn phải đổi thế, lúc đứng tựa vào tường, lúc ngồi phệt xuống đất, lúc kéo bằng tay, lúc đạp bằng chân, mà nhiều lúc hai mắt cứ díp lại.
Thằng Tu-nô lại chẳng bao giờ nói chuyện với anh. Chắc nó cho là anh không biết tiếng Tây, mà nó thì chỉ nghe được, chứ
không nói được tiếng ta. Giả thử nó cứ nói với anh bằng những tiếng dễ dễ, thì anh cũng hiểu. Rồi được học nghe, học nói cho quen tai quen miệng. Anh chỉ mong lúc vợ nó đến, hoặc lúc người thư ký ở buồng bên cạnh sang, để cảnh có hoạt động, có tiếng nói, cho đỡ lặng buồn, và để tập nghe tiếng Tây.
Điều oán thán thứ hai của anh, là anh thấy giá trị của anh nó còm, nó thụt đi dần. Buổi đầu, ở làng bước ra, anh tưởng được làm bàn giấy. Không ngờ là lên Đồng Đăng làm phu kíp. Những người chữ nghĩa chỉ bằng anh, như ông Sơ, ông Thìn, thì được là hạng thầy. Còn anh, người ta chỉ gọi bằng anh, trọng lắm thì bằng bác, là cùng. Có lúc ông Thìn nể không ra nể, khinh không ra khinh, gọi anh bằng cái tiếng giữa anh, giữa bác là xừ. Nhưng mà, thôi thì anh cũng được, bác cũng được, mà xừ cũng được, không đến nỗi nào đâu. Bây giờ, làm ở đây, anh bị gọi là cu-li, cu li cút-kít. Thằng Tây nó gọi: “Ê! Cu-li!”. Thật là nhục. Đã là cu-li thì không đáng là hạng anh, hạng bác, hạng xừ như làm phu kíp. Mà là hạng thằng! Đúng thế, cu-li chỉ là thằng. Người ta mày tao với cu-li. Mấy người thư ký thấy anh lớn tuổi, không nỡ mày tao như với bọn bé con kéo quạt khác, song, vì cu-li không đáng được gọi bằng anh, cho nên muốn bảo anh điều gì, họ toàn nói trống không. Nhiều lúc, thấy lũ bé con cãi nhau, chửi nhau, hoặc phải mắng, phải đánh, anh vừa nhục, vừa tủi, vừa bực.
Anh dồn tất cả những oán thán trên kia vào một người, là dì anh. Anh nghĩ mà giận. Cho nên, nói chuyện với vợ, anh không gọi là dì ấy, bà ấy, mà đốp phăng ngay là con mẹ, hoặc con mụ. Anh thấy rằng con mụ nó đểu quá. Cho là nó lấy Tây thì có thế lực, anh nhờ nó xin việc. Tưởng việc gì, chả hóa ra là đi làm phu kíp tại Đồng Đăng. Việc thế mà nó nhẫn tâm ăn lễ của anh ba tháng lương! Rồi bây giờ nó nhận của anh một lạng cao hổ cốt, tưởng chạy được chỗ tốt hơn, nào ngờ đâu là làm thằng cu-li cút-
kít! Thế mà nó toan sĩ diện với vợ thằng sếp phó, làm anh suýt mất mỗi tháng hai đồng bạc nhà! Nó còn dở thối, tự xưng là bà lớn! Bà lớn với bà bé gì! Bà lớn mà không dám tiếp cháu ở trong nhà, trong lúc ông lớn đi vắng! Chẳng qua nó chỉ là con giăng há, bán trôn nuôi miệng, nay thằng này, mai thằng khác, cho nên thằng Tây nó mới sinh nghi. Anh không lạ gì màu mẽ bà lớn sếp chánh nữa rồi! Lần sau, gặp khó khăn mà anh còn nhờ nó, dễ thường nó xếp cho anh một chân giặt quần trong hầu bọn nó, cơm nuôi, không công chắc!
Anh Thừa đã làm quen với vài người làm bồi, làm bếp cho những Tây khác của sở.
Anh thấy họ, người thì tám đồng, người thì mười đồng lương một tháng, nhưng tháng nào cũng phát tài, ăn bớt được của chủ có khi đến ba bốn đồng. Xong việc, họ diện giày giôn, quần ống sớ, áo sa hoa, lên cao lâu ăn phở, miệng phì phèo điếu thuốc lá, phởn phơ như những ngày anh ở Đồng Đăng, bán vé hộ cho ông sếp Sơ. Bây giờ kéo quạt, lương ba cọc ba đồng, anh không thể hy vọng gì hơn được. Tháng sau, vợ anh sắp ở cữ, anh đành muối mặt cho về quê nhờ người dì ghẻ vậy.
Hôm cuối tháng, sắp ngày phát lương, Tu-nô gọi anh đến gần, hỏi nhỏ anh về gia đình và số lương anh lĩnh ở Đồng Đăng. Anh ngạc nhiên quá. Nó nói bằng tiếng ta rất sõi, không lơ lớ như hôm anh mới đến. Thôi đúng là thằng này thạo tiếng ta, nhưng giấu. Thấy nó tử tế mà hỏi thăm cho đậm tình thầy trò, anh chắp tay lễ phép:
- Thưa quan lớn, con có vợ sắp đẻ. Lương con sáu đồng một tháng.
Nó trợn mắt:
- Nhưng mày là cu-li cút-kít, ba đồng thôi!
Như nghe tiếng sét, anh lặng đi. Một lát, mới nói được:
- Thưa quan lớn, con biết tiếng Tây. Quan lớn cho làm loong toong[8].
Nó bĩu môi, nhún vai:
- Sở không thiếu loong-toong.
Nó gãi cằm, rồi hất hàm ra hiệu cho anh về chỗ kéo quạt: - Được, tao xét.
Hôm sau, muốn chừng để thử thách anh, Tu-nô sai anh một việc. Nó viết mấy chữ vào tờ giấy, đưa anh một chục bạc, dặn anh đến hiệu bào chế Mông-tét, phố Tràng Tiền, và mang thuốc về cho nó.
Anh cắm cổ đi cho thật mau để định về cho thật mau. Nhưng đến nơi, anh rất sốt ruột, vì phải chờ đợi lâu, người bán hàng mới xem giấy của anh và giềnh giàng mãi mới trao anh thuốc. Người ấy dặn:
- Anh nói với ông ấy là thứ thuốc này sắp hết, ông ấy nên mua để giữ lại, kẻo hiệu bán cho người khác mất.
Được dịp để tò mò, anh hỏi:
- Đây là thuốc chữa gì, hả ông?
Người ấy đáp bằng hai tiếng cộc lốc:
- Sa đì!
Anh bật cười. Hèn nào Tu-nô đi khạng nạng! Nhưng quái, không biết nó bị từ bao giờ, mà gần một tháng nay, anh vẫn thấy nó chống ba-toong. Thế thì nó phải tốn lắm tiền thuốc rồi. Ngày ở Đồng Đăng, anh cũng đau như nó. Nhưng may quá, chữa khỏi
ngay, chẳng mất một xu thuốc. Có nên mách nó cách chữa không? Nó có thèm chữa bằng thứ thuốc không mất tiền không? Nó có tin thuốc mình mách là hay không? Nhất là hỏi nó có tiện không? Hay là hỏi thì làm nó xấu hổ? Rồi anh nghĩ: “Phúc tinh ở ngay cạnh mày, mà mày không biết, thì cho chết, con ạ!”.
Anh đem thuốc về cho Tu-nô và nhắc lại lời người bán hàng dặn nói. Tu-nô bĩu môi:
- Nó muốn thuốc chạy thì nó lòe là sắp hết. Ai mua thuốc quen nó chả lừa thế. Tao tốn mấy trăm bạc với nó rồi!
Nói đoạn, thằng Tây lại tháo thắt lưng, để trên bàn, rồi cởi hết khuy quần ra, vạch ngay trước mặt anh Thừa cái bộ phận mà loài người phải che giấu ở trong quần. Nó cầm, nó ngắm tự do như ở chỗ không người, như không có anh. Thừa đứng lù lù ngay ở cạnh. Nó đếm xỉa gì đến anh, dù anh biết nhìn, biết nghĩ?
Anh Thừa vụt thấy mình rất nhục nhã. Nó khinh An-nam đến thế là cùng. Anh quay mặt đi, cho chính nó phải ngượng ngập. Nhưng thằng Tây lại không nhìn anh. Nó mải nhìn xuống chỗ đau của nó. Rồi nhăn nhó, tặc tặc lưỡi. Anh Thừa cáu quá, nhắc lại trong óc câu anh nghĩ ban nãy cho hả: “Phúc tinh ở ngay cạnh mày mà mày không biết, thì cho chết, con ạ!”.
Anh liếc nhìn, cái bìu của nó sưng to, căng tròn như quả bóng, đỏ hon hỏn. “Mày mà không là Tây, ông chỉ cầm cái thước này vụt vào đấy cho một cái là bỏ đời!”.
Nghĩ vậy, anh đi xuống chỗ kéo quạt.
Tu-nô loay hoay với thuốc, với chỗ đau một lúc, rồi nó mặc quần, gài khuy, thắt lưng. Nó lại cúi xuống bàn làm việc.
Anh căm giận thằng Tây lai. Anh càng căm giận con mụ dì của anh, nói rằng quan sếp phó tốt lắm. Tây nào không đểu giả, thô
bỉ. Tây nào không khinh An-nam. Tây nào trong bụng không coi An-nam như súc vật. Nhưng khổ cho anh, anh chỉ là thằng cu-li kéo quạt, lương tháng sáu đồng. Không nhẫn nhục mà sống bám vào nó thì đói. Còn nói gì đến trả thù?
Bỗng anh sực nghĩ ra. Anh trả thù nó được. Anh phải trả thù nó. Đợi đến lúc Tu-nô xếp giấy má, sắp về, anh đến gần nó, nói:
- Thưa quan lớn, quan lớn bị bệnh này đã lâu mà con không biết. Con có cách chữa, cam đoan với quan lớn là khỏi được và khỏi ngay.
Tu-nô nhìn anh, cau mặt:
- Thuốc gì? Tao tốn nhiều tiền thuốc rồi, mày có biết không?
- Vâng, nếu thuốc không hay thì quan lớn mất bao nhiêu tiền cũng không khỏi. Mà thuốc hay thì mất ít cũng khỏi ngay.
- Thuốc mày là thuốc gì, thuốc tàu hay thuốc tây? - Thuốc An-nam.
Anh Thừa vừa nói, vừa như hãnh diện. Nhưng thằng Tây lai nhún vai, bĩu môi, hỏi:
- Thuốc An-nam?
Thấy nó tỏ vẻ khinh bỉ, anh đáp to cho nó sợ:
- Vâng, nhất định hay hơn cả thuốc tàu và thuốc tây. - Mày nhạo tao? Sao mày dám chắc thế?
- Là vì trước kia ở Đồng Đăng, con đã bị như quan lớn và con đã uống thuốc ấy.
- Mày khỏi?
- Vâng.
- Khỏi ngay?
- Vâng.
Thằng Tây cười mỉa mai:
- Thế thì lạ thật!
Anh Thừa nói bằng giọng tự ái:
- Vâng, quan lớn cứ thử dùng. Không lạ đâu.
- Mày biết thứ thuốc ấy?
- Vâng.
- Mất bao nhiêu tiền?
Anh Thừa suy nghĩ. Không phải để tính toán giá thuốc mà tính toán giá của cái tội nó khinh anh.
Một lát, anh đáp:
- Độ một trăm bạc.
Thằng Tây lai ngồi yên. Có lẽ nó cũng tính toán. Nó gật gù: - Một trăm? Không nhiều. Nếu khỏi.
Thấy nó bắt đầu xiêu lòng, anh Thừa quả quyết:
- Nhất định khỏi. Không khỏi, quan lớn đòi tiền lại. - Được, mày lấy thuốc cho tao, mày cần gì?
- Con cần tiền và nghỉ vài ngày.
- Được. Mấy ngày? Đi xa hay gần?
Anh nói liền:
- Đi Đồng Đăng.
- Được, tao cho giấy, mày ngồi toa hạng ba. Năm ngày có đủ
không?
- Đủ.
- Mày lấy bao nhiêu tiền?
- Thuốc không phải của con. Mà mua thì phải tiền ngay, đưa tất cả một lúc.
- Cả một trăm?
- Vâng.
- Được, tao đưa mày. Nếu khỏi, tao không tiếc tiền. Tao phải vay ba tháng lương để chữa bệnh này rồi. Một trăm bạc không là mấy.
Nó đưa tiền cho anh Thừa. Anh sung sướng vì móc nổi của thằng tự phụ một món tiền lớn. “Thằng ngu ngốc là thằng đáng khinh”. Anh nhìn nó như chửi vào mặt nó câu ấy, rồi chào nó. Bỗng nó gọi anh lại. Nó vẫy anh đứng gần, giơ ngón tay trỏ vào mặt anh:
- Tao cấm mày mách với ai là tao đã nói với mày bằng tiếng An-nam, nghe chưa?
Anh lộn ruột, lặng thinh, không đáp.
Hôm sau, anh Thừa nghỉ việc. Anh không phải lên tận Đồng Đăng mới kiếm được thuốc. Anh sắm quần áo tây cho anh, và đôi khuyên vàng cho vợ anh. Hai người về nhà quê chơi.
Ngày hôm thứ năm, anh sửa soạn ra Hà Nội. Anh dặn vợ là nếu đẻ con trai, thì đặt tên là Mão. Nếu đẻ con gái, thì nói với ông nội đặt tên cho. Rồi anh cầm con dao, đến cây gạo đầu đình, lấy ra một mảnh vỏ, to hơn bàn tay, gói vào tờ giấy, để mang đi.
Thuốc chữa bệnh thiên trụy cho chủ anh chỉ có thế. Đáng lẽ
cạo qua một lần muội ở vỏ, rồi cứa vài nhát, để đun với nước cho dễ ngấm, anh phải làm văn hoa hơn, để ngụy trang vị thuốc, bịt mắt thằng Tây lai. Anh băm vỏ gạo cho thật nhỏ, rồi nấu với thịt bò phi hành mỡ cho thơm, thành món xúp.
Anh hỏi Tu-nô ăn cơm tối vào lúc mấy giờ. Nó đáp: - Tám giờ.
Đúng giờ ấy, thấy chủ đã ở trên gác, anh bưng xúp lên. Khói bốc, tỏa một mùi thơm ngào ngạt.
Bất đồ, lúc anh vừa thò cổ lên gác, thì quan sếp phó của anh đương ngồi xổm ở gần thang, hì hục giã cái chày vào cái lon. Một mâm cơm bày trên bàn, có hai bát đũa, bày thon lỏn một đĩa rau muống và một đĩa đậu phụ rim.
Tu-nô vội vàng đứng dậy để che cho khuất. Mặt nó đỏ gay. Nó quắc mắt nhìn anh. Chính anh cũng ngượng không kém gì nó. Anh vẫn tưởng nó ăn cơm tây, mới nấu cho nó món xúp thịt. Nào ngờ nó hốc rau muống, muối vừng, đậu phụ. Hèn nào nó không nuôi bếp. Xúp của anh thật là vô duyên, vì nhỡ tàu.
Tu-nô đỡ liễn thuốc bằng một tay. Anh nói:
- Quan lớn xơi món xúp cho nóng.
Bất đồ, còn một tay, thằng Tây lại giơ thẳng cánh, tát anh đánh đốp.
- Ai cho phép mày tò mò lên đây! Tò mò! Con lợn!
Bị đánh thình lình, anh đinh tai, nảy đom đóm mắt, loạng choạng, khuỵu ngã lăn xuống, hàm răng vập vào cạnh bậc lim. Máu chảy ra ngoài môi. Anh đau điếng, định nói, thì thấy hơi thều thào khó thành tiếng. Anh sờ tay vào miệng. Thì ra anh gãy cái răng nanh.
Thằng Tây lai vẫn không nguôi giận, lại quát đuổi anh. Anh sợ, vội vàng chạy xuống. Anh biết rằng bị đòn không phải vì anh đã tò mò liếc nhìn vợ nó, mà chính là vì đã tò mò liếc nhìn mâm cơm nó ăn.
Hôm sau, buổi làm việc, anh không hỏi thăm bệnh nó ra sao. Nó cũng không hỏi thăm anh đau đớn ra sao.
Nhưng hôm sau nữa, Tu-nô gặp anh, nó cười hớn hở giơ tay ra bắt:
- Tao cám ơn mày, thuốc của mày tốt lắm, ngon lắm, bùi lắm. Tao đi, không phải chống gậy. Bìu nhỏ lại nhiều và bớt đỏ nhiều. Mày lấy thuốc nữa cho tao.
“Tao còn phải trả thù!”. Nghĩ thế, anh đáp:
- Xin quan lớn một trăm bạc nữa.
- Thế trăm bạc trước được có ngần ấy thuốc thôi à? - Vâng.
- Được, tao không tiếc.
Rồi ôn tồn, nó hỏi:
- Thuốc của mày hay thật, nhưng sao đắt tiền thế, mỗi lần phải mất những một trăm?
Thấy nó đã đau xót, anh Thừa hả giận, đáp:
- Vâng, thuốc hay thì tất đắt. Con không biết có những vị gì, chỉ thấy ông lang đưa thêm một gói mùn vàng. Ông ấy nói mùn nhỏ như bụi, sợ trộn ngay với thuốc thì rơi đi mất. Ông ấy gói riêng, giao tận tay cho con. Thuốc đắt tiền vì có vàng, ông ấy bảo vàng có tinh chất hút mủ thiên trụy.
Thằng Tây lai ngẩn ra suy nghĩ, rồi làm như hiểu, nó gật gật:
- Có lẽ.
Năm hôm sau, anh Thừa lại nấu xúp vỏ cây gạo cho chủ ăn. Lần này, anh không dại, để gãy thêm cái răng nữa. Anh đứng dưới sân, gọi bà đầm xuống mà bưng lên.
Con mụ lai lúc này mặc quần lụa trắng và áo cánh cộc tay. Hắn chạy xuống, hắn nhìn anh bằng con mắt hiền dịu, rồi lắc đầu, mỉm cười:
- Tội nghiệp anh.
Hắn giơ hai cánh tay trắng như bột để đỡ liễn xúp, nói nhẹ nhàng:
- Cảm ơn nhé.
Anh thấy hắn không kịp mặc quần thâm – quần trắng là thứ quần mặc ngủ - anh thấy da hắn trắng, ngực mông phây phẩy, mà rạo rực cả người. Anh nhìn theo hắn. Lúc sắp quành ra cửa trước, hắn quay lại anh, mỉm cười và khẽ gật đầu. Anh đánh bạo, cũng cười và gật đầu.
“Không trách thằng chồng nghi cũng phải!”. Nghĩ vậy, anh thở một cái dài. Hai hôm sau, Tu-nô khoe với anh:
- Tao khỏi rồi. Cảm ơn mày. Có phải uống thêm thuốc không? - Tùy quan lớn. Muốn khỏi dứt thì cứ uống thêm.
- Mày mách cho tao chỗ lấy thuốc, để sau này, lỡ ra mày không làm ở đây, thì tao nhờ người khác đi hộ.
Anh Thừa cho là bây giờ không cần giấu giếm chủ, mới khoe: - Thuốc của con làm đấy.
Tu-nô tròn đôi mắt, giơ cả hai tay ôm lấy vai anh rung một hồi:
- Cảm ơn! Cảm ơn! Tốt! Tốt! Tốt!
Anh vui vẻ:
- Sở dĩ con nói dối là lên tận Đồng Đăng, vì con biết rằng nếu nói thật là thuốc của con, thì không bao giờ quan lớn tin là hay mà cho chữa.
Nó cười rất giòn, gật lia lịa:
- Đúng, đúng thế. Vì cái gì của An-nam cũng tồi. Mày học môn thuốc ấy ở đâu?
Sực nhớ đến cái bằng làm thuốc của ông Sơ, anh đáp: - Con học ở bên Tàu, đã có bằng.
- Tốt lắm. Cho tao xem bằng. Tao giúp mày không phải kéo quạt nữa.
Anh Thừa về nhà, lấy tấm bằng đưa cho Tu-nô xem. Nó nhìn một lát, rồi bĩu môi:
- Bằng này, tao biết, chùi đít không đáng. Tao đã ở bên Quảng Tây mãi. Tao thấy đứa nào cũng có. Chính phủ này đã đổ từ hai năm nay rồi, mày có biết không? Lúc sắp đổ, nó đem bán rao ở khắp phố Quế Lâm.
Anh Thừa như bị kiến bò trong gáy.
Anh nhớ đến lời lẽ văn hoa trong thư người quan văn con buôn. Thế này thì chưa chắc người gửi thư đã là quan văn thật. Nó là một tên bịp bợm, một thứ thổ phỉ kiểu khác.
Thấy anh Thừa có vẻ nghĩ ngợi, Tu-nô hỏi:
- Mày có biết nhiều thuốc không?
Anh đáp:
- Nhiều.
- Có hay không?
- Hay.
- Thế thì mày đợi gì mà không mở hiệu thuốc, lại làm cu-li cút kít một tháng sáu đồng. Tháng này, mày đã thu nổi hai trăm bạc lãi.
Được hả hê vì trả mối thù, anh Thừa cười sung sướng. Tu-nô tiếp:
- Mà thuốc mày hay thật, mày cần phải dựa gì vào tờ giấy giả dối này.
Một lát, bỗng nó nghiêm nét mặt:
- Thế thì tao biết. Mày không học thuốc ở bên Tàu ngày nào. Mày bịp tao. Thuốc của mày không có mùn vàng. Mày lấy không của tao hai trăm bạc! Đồ khốn nạn!
Rồi mặt thằng Tây lai tía dần. Nó nhìn anh, chòng chọc nhìn anh. Bỗng nó quát:
- An-nam ăn cắp! Giống nòi nhơ bẩn! Cút đi kéo quạt!
Anh Thừa không ngờ cái nòi vô ơn nó trở mặt như trở bàn tay. Anh sợ nó đánh, vội vàng tránh xa nó.
- Từ tháng sau, sở chỉ cho mày ba đồng lương. Không bằng lòng thì bước! Tao khỏi rồi, không nóng nữa. Tao không cần quạt!
E
IV
MA-RI
m khổ với nó mấy tháng trời đấy, mình ạ. Mình chữa nó khỏi, thật là phúc cho em. Bệnh hoạn như thế, mà nó có tha
em đâu. Sau em sợ lây, phải lấy mồm thay. Cực hơn nữa, là độ ấy lâu ngày không biết đàn ông, em đứng trên gác, trông thấy mình ở dưới ngon quá, em ghét lạ!
- Ghét thế nào?
- Tại sao mình chỉ trò chuyện với vợ mình?
Anh Thừa nhếch mép cười, để lộ chiếc răng vàng óng ánh: - Em sếp phó ạ…
- Không, gọi tên của em cơ!
- Thế thì gọi là gì?
- Là em Ma-ri của mình!
Nói đoạn Ma-ri lắc tay anh Thừa, nũng nịu hỏi:
- Thế hôm nay mình có trò chuyện với em không, hay cũng như cái hôm nào ấy?
Muốn cho tiểu thuyết này khỏi đứt quãng từ chỗ anh Thừa chắp tay thưa bẩm với bà lớn sếp phó, đến chỗ anh say sưa “trò chuyện” với Ma-ri, ta nên quay ngược lại thời gian từ mấy tháng trước.
Tu-nô khỏi bệnh. Vài hôm sau, nó phải đưa một đoàn kỹ sư từ Pháp mới sang, vào Vinh nghiên cứu đoạn từ Vinh đến Đông Hà
để đặt nốt quãng đường sắt cho liền Hà Nội - Đà Nẵng.
Được chủ đi vắng, anh Thừa lén nghỉ ở nhà. Anh nằm vắt tay lên trán, suy nghĩ đến đời anh. Anh như nhìn thấy trước mắt những bạn bồi bếp mới của anh, họ rủng rỉnh có tiền, thỉnh thoáng thết anh cốc xê-cấu. Anh nhớ lại thái độ và hành động của thằng Tây lai đối với anh. Không lẽ anh cứ làm cu-li kéo quạt suốt đời. Anh hối hận vì đã trót nói liều “thà thằng Tây nó chửi, nó đánh còn không nhục bằng An-nam nó nói một câu”. Bực với ông Thìn thì anh tưởng thế. Chứ bây giờ anh mới rõ. Kẻ làm cho anh nhục là thằng Tây nó phát lương cho anh. Cái làm cho anh nhục, là cái nghèo không có tiền, phải chịu hèn đi làm đầy tớ. Cha anh ở làng vì nghèo, nên hèn, anh cũng phải khổ vì bị nhục lây. Cha anh ước ao anh được sang giàu. Ở đời này, có ai dám khinh người giàu. Nhưng anh làm gì để giàu, cho kẻ khác trọng? Cha anh muốn anh dẹp giặc để lập công. Nhưng anh nhát, sợ chết. Thằng Tu-nô khuyên anh làm thuốc, vì nó tưởng anh biết thuốc. Nhưng sự thực anh có biết gì đâu?
Anh Thừa vùng ngồi dậy, lấy tấm bằng nhận chằng mở rộng ra trước mặt để ngắm. Anh đặt mồi thuốc lào vào điếu, châm lửa. Anh vừa hút, vừa chăm chắm nhìn ba chữ tên của anh. Anh nghĩ đến lời khuyên của người tự xưng là văn quan. Hắn nói đúng. Thời buổi này khó khăn thật. Anh không phải người ngu đần. Vậy anh có nên lợi dụng cái bằng vô giá trị này để xoay xở mà sống hay không?
Chợt ở buồng cạnh có tiếng hát véo von giọng sa mạc, làm anh đứt mối suy nghĩ.
Mấy lời moa xu-hết a-mua,
Xăng-tê thì cứ túa-dua phe-bồng.
Anh lắng tai. Rõ rằng là tiếng bà sếp phó:
Ác-dăng giàu cẩm Đờ-mông,
Hon-nơ mắm-xốt cái ông Bảy xồm.
Anh tủm tỉm cười một mình. Tiếng hát to hơn trước: Đơ nu đơ phận phăm om,
Cu-xoong cái kiếp chồng Phăng-xe, vợ A-na-mít, xăng tăng tí ti vài tháng, mà ôm hận sầu![9]
Tiếng kim như rót vào tai. Anh Thừa sực nhớ đến hình ảnh người đầm lai trẻ này, trắng nõn, phây phây, đã một lần nhìn anh bằng con mắt dịu dàng, và cười với anh bằng cái miệng tươi tắn. Người ấy không xuống bếp bao giờ. Bây giờ chồng đi vắng, lại đến bên anh để hát, là có ý gì? Cô Bé Ty còn thế nữa là! Vậy có nên bắt lời không? Anh cố moi óc để nhớ cho đủ hai câu mà bây giờ anh quên biến đi mất. Hai câu ấy như hệ cảnh của anh và người ôm hận sầu, có bốn tiếng kín cổng cao tường. Giá mà anh nhớ hết, anh quyết hát trả lời. Nhưng anh nghĩ trái lại. Chẳng rõ là con mụ biết có người ở bên này, nên hát trêu, hay vì không biết có người nghe thấy, mà hát chơi một mình? Anh tưởng tượng đến bà chủ anh, lúc vào bàn giấy của chồng, qua mặt anh thì nhìn thẳng, đáp tiếng chào của anh, thì khẽ gật, và nếu có nói với anh, thì chỉ trống không. Anh vẫn trông trộm. Lần nào cũng vậy. Thôi, chớ có vuốt râu hùm mà oan gia! Anh bèn đằng hắng. Anh cho cách đánh tiếng bâng quơ này là khôn ngoan. Vì nó có hai ý nghĩa. Một là có tôi nghe đây, cứ hát đi. Hai là có tôi nghe đấy, đừng hát nữa.
Ai muốn hiểu thế nào, tùy ý.
- Anh Thừa có nhà đấy à?
Người đầm lại hỏi thế, rồi cười khanh khách một mình. - Thưa vâng ạ.
Anh vừa nói xong, bỗng anh sửng sốt. Ma-ri đã hiện ra trước cửa buồng anh, thoang thoảng mùi nước hoa và mùi phấn thơm phưng phức.
Từ thuở bé, chưa bao giờ mắt anh được trông thấy một thứ tươi đẹp và khêu gợi như thế này. Không khác ảnh Mê-li-a một tí nào, mà lại là người thật! Tấm mình cá trê ấy mặc bộ đồ ngủ bằng nhiễu tây, đen nhánh. Áo may chét vào lườn, hở cổ, hở cánh tay, trắng nõn. Quần may chét vào mông, không hở chỗ nào, nhưng hình như chả chỗ nào là không hở. Tóc không búi, lòa xòa rũ xuống hai vai. Trông y như người vừa mới nằm dậy, hoặc sắp đi nằm.
Anh Thừa như lạc trí, không biết hai tay nên làm cái cử chỉ gì cho đúng việc của nó lúc này. Giá phải là Múi hay Châu trên Đồng Đăng nhỉ! Nhưng đây là bà vợ ông chủ. Anh luống cuống, cuốn cái bằng lại. Nhưng Ma-ri xông đến, giật lấy, mở ra xem.
- Cái gì thế này?
Anh toan giật lại, cho hai tay đụng chạm vào nhau, để tiến từ cái đụng chạm nhỏ và nhanh dần sang cái đụng chạm lớn và lâu hơn. Nhưng anh không dám.
- Thưa, cái bằng làm thuốc của tôi ạ.
Chưa dám tiến bằng cử chỉ, thì anh tiến bằng lời nói. Anh đã không dùng tiếng bẩm bà lớn và không xưng là con.
Lúc này, không phải lúc nên tự hạ. Biết đâu, cô đầm lai lại chẳng muốn nâng anh lên ngang hàng!
Ma-ri đứng yên mấy phút như để chờ đợi một cái gì. Anh cũng
đứng yên để chờ đợi một dịp mà tiến. Ma-ri nhìn anh. Anh cũng nhìn Ma-ri. Tình trong như đã. Nhưng không ai khơi ngòi. Ma-ri mới hỏi thăm anh về gia đình. Thấy anh đáp là vợ anh về quê để đẻ, anh ở một mình, hắn cười:
- Thế thì buồn nhỉ!
Rồi hắn nói hết chuyện nọ đến chuyện kia. Anh cũng khoe những điều anh biết, để tỏ ra mình là thạo đời.
Sau hết, Ma-ri thở dài, chào anh, rồi đi ra. Nhưng đến cửa, bỗng hắn quay lại:
- À, anh Thừa! Tôi sực nhớ ra điều này. Phải thì anh nghe. Không phải thì anh bỏ ngoài tai nhé.
- Vâng.
Đôi mắt anh đắm đuối nhìn hắn.
- Chẳng giấu gì anh, tôi chơi một bát họ một nghìn. Mỗi tháng đóng bốn chục. Hôm nay là ngày nhà cái đến thu, nhưng hôm qua tôi quên khuấy đi mất, không bảo ông ấy để tiền ở nhà. Anh vừa mới có hai trăm, chắc chưa tiêu hết, anh cho tôi giật lửa bốn chục, vài hôm nữa ông ấy về, tôi sẽ trả anh, có được không?
Máu sĩ diện làm anh Thừa đáp nhanh nhẩu:
- Tưởng bao nhiêu, chứ bốn chục có là mấy. Bao giờ bà cho lại cũng được.
Anh mở hòm, đếm tiền.
Trong khi chờ, Ma-ri lại véo von khẽ:
- Đơ nu đơ phận phăm om.
Cu-xoong cái kiếp chồng Phăng-xe, vợ A-na-mít, xăng-tăng tí ti vài tháng mà ôm hận sầu.
Hát xong, hắn cười ngặt nghẽo. Rồi thêm:
- Vợ mê-tít[10] mới đúng, anh nhỉ!
Hắn nhắc đi nhắc lại:
- Mê-tít, mê-tít! Anh hiểu không?
Anh Thừa gật gật:
- Vâng, vâng tôi hiểu, tôi hiểu.
Nhưng hình như người đầm lai thấy anh chẳng hiểu gì cả. Hắn giơ tay:
- Thôi, cảm ơn anh nhé.
Anh nắm vào tay hắn. Nóng hôi hổi, hay mát rười rượi? Hắn cầm tay anh thật chặt, rung mấy cái, rồi buông ra, vừa tủm tỉm, vừa thong thả lắc đầu:
- Còn nhút nhát lắm!
Nói đoạn hắn đi.
Anh Thừa đứng một mình, bâng khuâng. Rõ rằng là người tiếc món ăn ngon kề đến tận miệng mà không biết ăn.
Một lúc, lại hồn, anh thở dài. Anh nằm sóng soài trên giường, ôn lại cái phút thần tiên vừa qua. Thật là đồng tiền của anh làm anh được hưởng cảnh sung sướng.
Bốn hôm sau, Tu-nô về. Anh Thừa lại đi làm việc. Đến gần cuối buổi, nó gọi anh, hất hàm hỏi:
- Thế nào, mày muốn lĩnh lương ba đồng hay sáu đồng? Anh cười cười:
- Xin quan lớn sáu đồng.
- Được, sáu đồng, nhưng mà…
Nó im để nhìn anh, rồi cũng cười cười, nó nói nhỏ: - Mày bảo vợ mày đến với tao.
Anh Thừa tức điên ruột. Anh không lẽ phép nữa:
- Tôi không làm thế.
Nó nhún vai, mắng:
- Dại như chó!
Anh im lặng. Nó cũng im lặng. Bỗng nó trừng trừng vào mặt anh:
- À, vợ mày về quê. Mày sống một mình ở đây. Thế thì mấy hôm tao đi vắng, thế nào mày cũng ngủ với vợ tao! Đồ khốn nạn!
Nói xong nó hầm hầm cầm cái thước kẻ cạnh đồng, vụt túi bụi vào mặt anh:
- Bước! Bước! Mày không được ở trong sở này một phút!
Anh Thừa vừa giơ hai tay ra đỡ đòn, vừa chạy. Nó đuổi theo anh đến tận hành lang, rồi vào, đóng sầm cửa lại.
Bị đòn oan, anh tức quá. Anh biết không thể làm với cái thằng có máu điên này mãi được. Phải bỏ việc thôi, về chỗ ở, anh dọn dẹp đồ đạc vào hòm. Anh nhớ đến món tiền con mụ vay anh. Phải lên gác để đòi. Nhưng suy đi tính lại, anh không dám đến với vợ nó, trong lúc vắng nó. Máu ghen nó lại nổi lên, thì nó bắn anh chứ không tha. Vả lại, dù là đòi nợ thì việc ấy cũng đủ làm tang chứng rằng anh đã gặp riêng vợ nó. Anh nghĩ lại. Không biết thật vợ nó vay anh, hay chính nó xui vợ nó làm thế, để rồi sinh sự đuổi anh, quỵt nợ. Anh muốn sự thực là nó lừa anh, để được đổ cho nó là thằng ăn cắp. Nó bảo anh là ăn cắp. Nhưng chính nó mới là thằng ăn cắp. Đã vậy, anh không thèm đòi nợ, để khắc sâu vào trong lòng, tin rằng lũ Tây là đồ ăn cắp.