🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đọc Kim Dung tìm hiểu Văn hóa Trung Quốc
Ebooks
Nhóm Zalo
Table of Contents
Tựa
Lời người viết
BA TẤC SEN VÀNG
Lời mở đầu
Lịch sử
Hình dáng
Các kiểu chân
Bàn chân và tính dục
Cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ
Kết luận
Tài liệu tham khảo
ĐÔNG Y
Lịch sử
Phương pháp và biện chứng của y thuật Trung Hoa Kết luận
CUỘC KHỞI NGHĨA LẬT ĐỔ TRIỀU NGUYÊN
Lời nói đầu
Sơ lược về triều đại Nguyên – Mông
Tình thế cuối triều Nguyên
Những cuộc nổi dậy
Phương Quốc Trân
Hàn Sơn Đồng, Lưu Phúc Thông
Từ Thọ Huy và Trương Sĩ Thành
Trần Hữu Lượng
Chu Nguyên Chương
Ỷ Thiên Đồ Long Ký, tiểu thuyết và lịch sử
Tổng kết
Tài liệu tham khảo
MINH GIÁO
Minh Giáo: Bái Hỏa giáo hay Mani Giáo?
Minh Giáo theo Kim Dung
Kết luận
Tài liệu tham khảo
QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT
Những hình tướng của Quan Thế Âm bồ tát
Tài liệu tham khảo
LINH CHI
Kỹ nghệ trồng Linh Chi
NHÂN SÂM
Lịch sử
Nhân sâm theo Đông y
Nhân sâm tại Âu Mỹ
Sâm Hoa Kỳ
Kỹ nghệ trồng sâm hiện nay
Các loại sâm
Các tính năng của nhân sâm
Tài liệu tham khảo
RƯỢU
Lịch sử
Các loại rượu Trung Hoa
Các loại đồ đựng và uống rượu
Rượu thuốc
TRÀ TÀU VÀ ẤM NGHI HƯNG
Lời mở đầu
Trà Tàu
Lịch sử
Dược tính của trà
Các loại trà
Sản xuất trà
Ấm Nghi Hưng
Đặc điểm của ấm Nghi Hưng
Ấm Nghi Hưng theo thời gian
Trà cụ
Cách dùng ấm
Cách pha trà
Kết luận
Tài liệu tham khảo
VĂN PHÒNG TỨ BẢO: BÚT, NGHIÊN, GIẤY, MỰC Bút
Nghiên
Giấy
Mực
Phụ thuộc
Kết luận
Sách tham khảo
THƯ, HỌA
Thư pháp
Họa
Tài liệu tham khảo
CHÙA THIẾU LÂM VÀ VÕ THUẬT TRUNG HOA Võ là gì?
Võ thuật Trung Hoa, hình thành và phát triển Lịch sử
Võ thuật Trung Hoa như thế nào?
Bắc phái – Nam phái
Nội gia – Ngoại gia
Ngạnh công – Nhuyễn công
Chùa Thiếu Lâm
Có bao nhiêu ngôi chùa Thiếu Lâm? Võ Việt Nam?
Tài liệu tham khảo
THÁI CỰC QUYỀN
BẢO KIẾM
Lời mở đầu
Bảo kiếm và tiểu thuyết võ hiệp
Lịch sử
Phương pháp
Kết luận
Tài liệu tham khảo
ĐỌC KIM DUNG
TÌM HIỂU VĂN HÓA TRUNG QUỐC
Tác giả: Nguyễn Duy Chính
Nhà Xuất bản Trẻ 02/2002
Số trang: 448
Chia sẽ ebook : http://downloadsachmienphi.com/
Tham gia cộng đồng chia sẽ sách :
Fanpage : https://www.facebook.com/downloadsachfree Cộng đồng Google : http://bit.ly/downloadsach
Lời người viết
Đã từ lâu tôi theo lời khuyên của nhà văn quá cố Nguyễn Hiến Lê là khi không biết về vấn đề gì thì nghiên cứu và viết về đề tài đó cũng như học sinh ngữ bằng cách dịch văn chương. Phương pháp đó quả thật hữu hiệu vì chỉ có viết về một đề tài, người ta mới chịu bỏ công tìm kiếm tài liệu, cân nhắc, so sánh để sắp xếp ý tứ. Có như vậy, sự hiểu biết về đề tài đó mới tương đối có chiều sâu. Lẽ dĩ nhiên, khi nghiên cứu về bất cứ một vấn đề gì thì chúng ta cũng bị giới hạn bởi chính cáisở học và hoàn cảnh của mỗi người, dù nỗ lực thế nào, chúng ta cũng chỉ biết được một phần rất nhỏ, và cái học đó bị lệ thuộc vào cái kiến thức của người khác chứ không mấy khi là do kinh nghiệm từng trải của chính mình.
Cách đây hai mươi năm, tôi đã định bụng sẽ dành một khoảng thời gian lớn để làm một số công việc mình thích. Đó là dịch lại toàn bộ truyện của Kim Dung theo ấn bản sau cùng của ông để cống hiến cho độc giả Việt Nam một áng văn chương đã một thời làm say mê nhiều thanh niên nam nữ. Thế nhưng khi bắt tay vào việc thì lại thấy cái sở học của mình hết sức ít ỏi, không phải chỉ vì cái vốn Hán văn nghèo nàn mà chính vì cái biết về Trung Hoa còn quá thô thiển. Thế hệ mà tôi sinh ra và lớn lên dường như không được mọc rễ trong một cái nôi văn hoá nào nên tình trạng kiến thức của mình ở vào thế “chân không đến đất, cật không đến trời”, dở dở ương ương, Tây cũng không đến đâu mà Tàu cũng chữ tác đánh chữ tộ. Có lẽ không phải chỉ cá nhân tôi mà nhiều người khác cũng ở vào hoàn cảnh tương tự, cái biết nào cũng lem nhem mà không cái gì biết cho rành.
Truyện Kim Dung nếu nhìn về phương diện tình tiết và kết cấu, chúng ta có cái cảm phục riêng. Ông đã dựng truyện và giải kết một cách tài tình. Điều đó không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng, bên cạnh đó, truyện Kim Dung lại còn giống như một pho bách khoa bao gồm nhiều tiết mục văn hóa mà những ai muốn tìm hiểu đều phải mất nhiều thời gian và công phu. Những chi tiết ông đề cập tưởng như dễ dàng nhưng lùng kiếm trong kho tàng văn hóa Trung Hoa chúng ta tại thấy một chiều sâu hết sức đáng kể. Từ cầm kì thi họa, đến nho y lý số, võ thuật, khí công, cả một nền triết học bao quát và phong phú nằm ẩn tàng trong ba mươisáu cuốn sách, mà mỗi chương, mỗi dòng người đọc nếu tìm hiểu đến lại bị dẫn đi từ đầu dây này sang mối nhợ khác. Đó là một tập đại thành của văn học và triết học, sử học khiến cho người nghiên cứu như đi vào một mê lọ, một khu rừng um tùm. Để dàn dựng cho công trình đọc và dịch Kim Dung, tôi phải đi ngược lại tìm hiểu cáisinh mệnh nằm xuyên suốt chiều dài lịch sử, đối chiếu các nguồn văn minh đã dung nhập trong kho tàng văn hóa của họ mà gần như dù có bỏ hết đời chúng ta cũng chỉ mới biết qua trên mặt bì phu.
Người ta vẫn thường nói văn hóa Trung nguyên là một sự tổng hợp của tam giáo: Nho – Thích – Lão. Thế nhưng mỗi một nhánh lại chia ra biết bao nhiêu nhánh nhỏ. Riêng Lão giáo hay đạo giáo, khởi nguyên đã phức tạp mà bàng môn, chi lưu lại thật nhiều. Từ thuyết âm dương, ngũ hành đẻ ra một bản đồ mù mịt bao gồm đủ cả nho y lý số, rồi phong tục tập quán của cả một xã hội với những thần tích không sách vở nào mô tả đủ. Cái phong hóa đó thấm sâu vào đời sống, đâm chồi nẩy lộc thành thiên hình vạn trạng khiến cho dù chúng ta nghiên cứu về một ngành nào cũng phải biết qua. Thế nhưng, quan trọng hơn cả là cái vỏ ngày càng dày, càng thêm nhiều tình tiết mà xa rời dần cái gốc. Cho nên, dịch Kim Dung không chưa đủ, chúng tôi lại muốn làm cả công việc bổ sung và giải thích những chi tiết quan trọng nhất mà độc giả muốn biết thêm; nhất là một người Việt Nam như tôi, muốn biết đằng sau đó người Trung Hoa nghĩ gì, và tạ i sao họ lại suy nghĩ như thế.
Để chuẩn bị cho công trình dịch thuật, chúng tôi cố gắng làm một số biên khảo tiên khởi về một số điểm chính mà trong khi trà dư tửu hậu chúng ta thường nhắc đến. Những bài viết ngắn này mong sẽ làm sáng tỏ thêm một vài điều mà giới hạn của thể loại tiểu thuyết không cho chúng ta biết, hoặc giả Kim Dung đã hàm ý cho rằng phàm hễ là người Trung Hoa thì ai ai cũng biết cả rồi, nhưng người Việt mình thì lại chỉ biết một cách mơ hồ. Điều đó cũng dễ hiểu vì mình chỉ đọc ké văn chương của một dân tộc khác nên vấn đề làm thế nào để thưởng ngoạn cho trọn vẹn hơn là việc của mình chứ đâu phải của người.
Loạt bài này bao gồm nhiều đề tài được viết như những nghiên cứu nho nhỏ – do một người hoàn toàn dốt về vấn đề mình đang viết – cốt để làm sáng tỏ những điểm thắc mắc trong khi dịch.
Chúng tôi dự định là sẽ dùng những bài viết trong những phụ đính, như một kẻ rong chơi, lâu lâu dừng lại ngắm một bông hoa dại, quan sát một con chim, cánh bướm trên đường, để làm câu chuyện thêm hứng thú. Những đề tài đó có thể ở đủ loại từ võ thuật và các môn phái Trung Hoa, đến y học, tôn giáo, bang hội, tổ chức hành chánh, hệ thống cung đình, và cả những chi tiết lịch sử mà Kim Dung dùng làm bối cảnh cho tiểu thuyết. Có những đề tài lớn nhưng cũng có những đề tài nhỏ, nhưng lại quan trọng cốt để đọc Kim Dung thú vị hơn. Có những đề tài thiết thực cho đời sống thì cũng có những đề tài chỉ cốt mua vui. Tuy nhiên, dù lớn hay nhỏ, chúng tôi cũng cố đi theo nhung tiêu chuẩn khách quan, và nhất là dựa theo tài liệu nào khả tín chứ không dựa trên những sách vở ngụy tạo. Chúng tôi cũng không làm công việc phóng đại một nền văn minh mà chỉ cố làm công việc “thuật nhi bất tác” (thuật lại chứ không chế tác), không thêm mắm thêm muối cho câu chuyện thêm ly kỳ. Có lẽ đó cũng là một cách tôn trọng tác giả Kim Dung và độc giả.
Thế nhưng, như đã trình bày ở trên, những nghiên cứu này có mục đích mua vui nhiều hơn, và chỉ hết sức khái lược, có thể đóng góp ít nhiều cho những người không biết chứ không phải dành cho người chuyên môn. Nó lại hoàn toàn có tính sách vở chứ không do kinh nghiệm bản thân và nhấn mạnh vào việc làm sáng tỏ một số chi tiết mà khi đọc tiểu thuyết Kim Dung chúng ta gặp phải. Đó cũng là mục tiêu đầu tiên và cuối cùng của người viết những bài này.
Sau cùng, tập sách này có lẽ cũng chưa ấn hành ngay lúc này được nếu không có sự quan tâm tận tình của Nhà xuất bản Trẻ và của một số bằng hữu thân yêu, đặc biệt là của các anh Lê Đình Thuyên, Nguyễn Trọng Tiến, Lê Anh Dũng và Trần Văn Chánh. Mỗi người bằng cách riêng của mình đã giúp cho tập sách sớm được ra đời, nhân đây tôi xin trân trọng ghi nhận lòng biết ơn thật chân thành.
Nguyễn Duy Chính
BA TẤC SEN VÀNG
Lời mở đầu
Mới đây tiểu bang California đã thông qua một đạo luật cho phép người đàn bà được quyền cho con bú nơi công cộng. Thế nhưng nhiều luật gia vẫn lên tiếng chỉ trích là đạo luật đã xóa đi một nét đặc thù của nền văn minh, nền văn minh Tây phương mà chúng ta đang thấy.
Cứ theo những tài liệu về nghệ thuật và văn hóa, người Âu Châu đã chiêm ngưỡng cái đẹp thân thể từ rất lâu, nhất là bộ ngực người đàn bà. Những pho tượng cổ của Hi Lạp cho thấy là nét đẹp mà họ tôn sùng hai ngàn năm trước đến nay vẫn còn được nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên, khi đối chiếu với những dân tộc khác, sự chiêm ngưỡng bộ ngực – để rồi trở thành một thứ cấm kỵ như ngày nay – không mấy phổ thông. Chỉ có 13 trong số 190 dân tộc trên thế giới coi hai trái đào là biểu tượng của dục tính. Chín trong số 13 dân tộc này trọng bộ ngực to, hai dân tộc thích loại vú mướp (pendulous) và hai dân tộc còn lại thì thích bộ ngực vểnh lên. (Kathleen Kelleher, It’s Legal, So Why Isn’t it Accepted? The Strangest Speccies, LA Times 28/7/97). Tuy nhiên, tại nhiều nơi, dù có coi bộ ngực đàn bà là gợi cảm thì cũng vẫn không coi việc cho con bú nơi công cộng là vấn đề vì đó là một bản năng của con người vốn dĩ nguyên thủy là một động vật hữu nhũ. Hơn thế nữa, quan niệm thẩm mỹ và tính dục đổi thay rất nhiều, theo thời đại, theo địa phương. Có nơi coi khuôn mặt là quan trọng, vùng khác lại để ý đến cặp đùi, bàn tay, vòng eo, cổ hay vai. Sự khác biệt về quan niệm đưa đến những dị biệt về văn hóa, cách ứng xử, đối đãi của mỗi dân tộc. Nơi này che đậy thì nơi khác lại phô bày. Cái cấm kỵ ở khu vực này không hẳn đã quan trọng đối với địa phương khác.
Ngay tại Việt Nam, tại nhiều vùng quê miền Bắc cách đây không lâu cũng không coi việc lõa thể là cấm kỵ. Trong một số Hoài Bão Quê Hương của hội cựu SVQGHC gần đây, một cựu sinh viên đã kể rằng khi ông đi dạy học tại một vùng quê miền Bắc, học trò (đã trưởng thành) khỏa thân đứng tắm một cách bình thản và ngạc nhiên khi thấy ông thầy của mình tắm mà lại mặc quần. Trong bài này, chúng tôi đề cập đến một quan niệm về thẩm mỹ và tính dục rất khác biệt với chúng ta và đã ảnh hưởng đến nhiều biến chuyển lịch sử, trực tiếp hay gián tiếp.
Ở bên Tàu, suốt trong hơn một nghìn năm – mãi tới sau thời Dân Quốc mới thôi – lại coi bàn chân phụ nữ là nơi kín đáo và gợi dục nhất trên cơ thể. Một người đàn ông khi đã nắm được chân người đàn bà là coi như hoàn toàn chinh phục và một người đàn bà cho người đàn ông coi bàn chân là đã sẵn sàng hiến dâng tất cả những gì còn lại. Cái cấm kỵ đó quan trọng đến nỗi ngay trong những bức tranh thuộc về Xuân Cung Đồ (tranh vẽ trai gái ái ân), người đàn bà cũng không mấy khi để lộ hai bàn chân cho dù hoàn toàn lõa thể. Quan niệm về tính dục đó đã biến thái để trở thành một phong tục tàn ác là tục dùng băng vải bó bàn chân cho nhỏ lại mà cho tới ngày nay vẫn không hiếm những nhà trí thức Trung Hoa bị ám ảnh bởi quan niệm đó.
Trong truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung, Trương Vô Kỵ cù gan bàn chân Triệu Mẫn trong một hầm tối để bức bách nàng thả chàng ra. Thế nhưng, ngoài ý nghĩa cụ thể của câu chuyện, còn một nghĩa bóng là một khi cho đàn ông nắm chân, người đàn bà coi như đã thất thân với nam nhân. Từ đó tình yêu nảy nở và cũng là cái động lực khiến nàng Quận chúa phải bỏ cha, bỏ anh để đi theo một tên “đại ma đầu”, kẻ thù của triều đình và của chính dân tộc Mông Cổ.
Vài chục năm trước, thỉnh thoảng người ta còn gặp trong những khu đông Hoa kiều những bà già có đôi bàn chân nhỏ, đi hài thêu, bước từng bước nặng nhọc, khó khăn và thường phải có người nâng dắt. Đó là những phụ nữ Trung Hoa theo tục lệ bó chân, một quan niệm thẩm mỹ cổ điển mà sau này đã bị nhiều người đả kích.
Một điều lạ là nhiều học giả Trung Hoa lại lên tiếng bênh vực, coi như đó là một nét đặc thù hơn là một thái độ áp bức. Lâm Ngữ Đường cho là việc bó chân cũng không khác gì tục lệ thắt eo của Tây Phương thời Trung Cổ, vũ ballet trên đầu ngón chân hay mốt đi giày cao gót hiện đại, vì bản chất của tục lệ này là mỹ thuật và tính dục, hình thái tự nhiên mà đàn bà muốn được đàn ông chiều chuộng và tán thưởng. Ông còn đi xa hơn để biện minh rằng bó chân tuy có đau nhưng cũng không đến nỗi ngất xỉu như người Tây Phương thắt lưng ong. (Lin Yutang, My
Country and My People, Halcyon House, 1938, trang 167).
Lý Lạp Ông thì nhận định là ba tấc sen vàng (tức bàn chân nhỏ do tục bó chân) đặt trên mặt đất tính ra diện tích đế và trọng lực cũng không khác gì hơn một đôi chân bình thường đi giày cao gót của phụ nữ tân thời.
Tôi đã quan sát một đôi chân ba tấc nếu không đi giày cao gót và một đôi chân bốn, năm tấc đi giày cao gót nếu đứng trên cùng một địa điểm, thì chân ba tấc xem ra còn lớn hơn chân bốn, năm tấc.
Tục lệ này đã trở nên lỗi thời từ khi chế độ Dân Quốc được thành lập và đến khoảng thập niên ba mươi thì không còn ai theo nữa. Tuy nhiên trong suốt một ngàn năm, cái quan niệm mà người ta cho là đẹp ấy đã dày vò hàng trăm triệu người từ khi còn là một đứa trẻ thơ ba bốn tuổi kéo dài đến suốt cuộc đời. Đó là chưa kể không biết bao nhiêu người không chịu nổi đau đớn và nhiều nỗi thống khổ có trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến việc bó chân. Trong cuốn China, A New History, John King Fairbank, một học giả lỗi lạc chuyên về Trung Hoa (mới mất không lâu) cho biết là trong thời gian gia đình ông sống ở Bắc Kinh đầu thập niên 1930, việc đàn bà bó chân là một trong ba hiện tượng đặc thù của nước Tàu. Những nhà truyền giáo ước tính khoảng 10% nữ nhi yểu vong vì không chịu nổi đau đớn hay bị các chứng bệnh liên quan đến việc bó chân mà chết. (Fairbank, John King, China, A New History,The Belknap Press of Harvard University Press, London 1992 trang 175). Cái đau đớn thân thể chỉ là một trong những hậu quả của tục lệ kỳ quái này vì còn nhiều ảnh hưởng tâm lý, xã hội khác chưa mấy ai để tâm tới, nhất là ảnh hưởng kinh tế và sản xuất khi một phần lớn dân số bị hạn chế năng lực để trở thành những ký sinh hoàn toàn lệ thuộc vào người khác. Tuy có một số học giả chống đối tục lệ này, phần lớn vẫn chấp nhận, lắm khi còn biện hộ như chúng ta đã thấy, hoặc lặng thinh không đề cập tới. Thành thử, nhìn lại lịch sử Trung Hoa trong vài trăm năm qua, những nỗi nhục nhã của dân tộc này có ít nhiều liên quan đến những hủ tục, mà tục bó chân là một.
Người Tàu đã coi những dân tộc khác không biết làm cho chân nhỏ lại là những dân tộc kém văn minh, cũng như người mình trước đây chê cười ai không nhuộm răng là “răng trắng như răng bò”. Thật đúng là “cái đẹp của con cóc đực là con cóc cái”.
Lịch sử
Theo sử sách Trung Hoa thì đời xưa đàn bà mang giày có mũi nhọn là vì đôi giày được coi như một loại vũ khí tự vệ. Trên những bích họa tại đền chùa, các sách Chu Lễ, Sử Ký, Hán Thư đều có dấu tích của giày mũi nhọn (lợi lý). Từ đời Tần Hán trở về sau, vì đàn ông ưa chuộng nữ nhân yểu điệu, thanh tú nên thiên hạ đều coi mình hạc xương mai là đẹp. Nhạc Phủ (thơ của vợ Tiêu Trọng Khanh đời Hán) có câu: Tiêm tiêm tác tế bộ, Tinh diệu thế vô song (Uyển chuyển đi những bước chân nhỏ nhắn, quả thực thế gian không có gì dịu dàng bằng) cho thấy là đời xưa người ta chuộng đàn bà mảnh khảnh.
Còn về hai chữ “sen vàng” (kim liên) thì đầu tiên xuất hiện trong Đông Hôn Hầu của Nam Tế khi mô tả bước chân của Phan Phi là “mỗi bước đi lại thành ra một đóa sen vàng”. Thế nhưng từ việc chuộng bàn chân nhỏ nhắn một cách tự nhiên biến thành tục bó chân thì sử sách cho rằng chỉ bắt đầu từ đời Nam Đường Lý Hậu Chủ (Lý Dục). Trong nghiên cứu về giày và vớ của phụ nữ (Phụ Nữ Hài Miệt Khảo), Dư Hoài chép là: Hậu Chủ có người cung phi tên là Yểu Nương, người xinh đẹp thanh tú, giỏi việc ca múa. Hậu Chủ cho làm những đóa sen vàng cao sáu thước, treo những đồ quí giá, buộc dải lụa để cho nàng dùng vải bó chân, múa trên những bông hoa trông chẳng khác gì múa trên mây. Nhiều người bắt chước sau thành tục bó chân.
Tục bó chân từ trong cung cấm sau truyền ra ngoài, trước tiên là ca kỹ, vũ nữ, rồi đến cả những khuê nữ con các đại gia dần dần lan rộng khắp dân gian. Đến đời nhà Minh, sách Khuê Môn Nữ Nhi Kinh coi việc bó chân là một trong những điều răn dạy con gái. Nữ Nhi Kinh viết là: Quan trọng là việc bó chân cho con, chẳng những cong cong đẹp như cánh cung, lại không lo chạy rong ra ngoài ngõ, chẳng cần phải lấy dây mới buộc được. Việc bó chân từ đó được coi như một tập tục không thể không có cho một cô gái con nhà đứng đắn.
Hình dáng
Bàn chân bó nhìn ngang trông giống như hình chiếc cung nên vì thế còn gọi là “cung túc”, dân gian gọi là chân nhỏ còn kẻ văn nhân thì gọi là “đóa sen vàng” (kim liên). Theo truyền thống, bàn chân phải nhỏ chừng ba tấc – tức khoảng 12 phân tây – là vừa nhưng càng nhỏ thì càng đẹp. Bàn chân chỉ chừa ngón cái, khum khum cong lên, mu bàn chân gồ lên vì những ngón chân bị kéo lại, có tên là “lang đầu” (núm cau). Ngón chân quặp vào dưới lòng bàn chân, biến thành như hình cái trứng nên gọi là “áp đản lựu”. Nếu nhìn từ dưới gan bàn chân thì thấy bàn chân có hình tam giác, gót chân tròn, phải chịu sức nặng của toàn thân vì phần đầu hoàn toàn tàn phế không còn sử dụng được đụng đến sẽ đau nhói. Mỗi khi đi đâu người đàn bà phải hoàn toàn đi bằng gót chân và người phải đứng thẳng, mông ưỡn về phía sau, không có thể uyển chuyển được, gót chân chạm đất nặng nề, khó nhọc. Mỗi bước chỉ đi được chừng ba, bốn tấc, cũng không đứng yên được mà chốc chốc phải đi tới hay lui một vài bước, nghiêng ngả cho đỡ đau, nếu không có người nâng thì sẽ ngã khuỵu xuống. Tây Sương Ký đã mô tả là “mỗi bước đi đều khiến người ta thương cảm, như cành liễu rủ trước gió”.
Thoạt đầu khi mới có tục bó chân thường khởi sự khi còn là một thiếu nữ trẻ tuổi, người ta dùng vải quấn chặt nên chân thường sưng lên, rất đau đớn. Khi đó chân cũng đã lớn, khó có ai bóp lại cho nhỏ để thành một bàn chân ba tấc được. Về sau, khi tập tục này đã phổ biến, người mẹ bó chân cho con ngay từ khi còn nhỏ, và chia thành hai loại, bó sớm và bó trễ.
Bó sớm, còn gọi là bó chậm (mạn triền) thường là tại những gia đình giàu có, ngay từ ba, bốn tuổi. Người mẹ lấy vải quấn các ngón chân và đi giày chặt cho con hằng đêm, càng lớn lên càng thắt cho chặt thêm, thân thể có tăng trưởng nhưng bàn chân thì giữ nguyên. Trừ ngón chân cái, những ngón khác dần dần quặp vào lòng bàn chân, hay bị thoái hóa không lớn mà thun lại bằng hạt đậu. Mu bàn chân không giãn bề ngang nên u lên, khiến cả bàn chân thuôn thuôn như hình trái cau (lang đầu), tổng cộng không quá ba tấc (khoảng 12 phân tây). Loại chân nhỏ này được gọi là Dương Châu cước, bó từ khoảng bốn tuổi đến năm tám tuổi thì hoàn tất. Những cô gái bị bó chân quá sớm thường không phát triển bình thường, hay quặt quẹo đau yếu luôn, và thường chết yểu. Nếu có thọ thì dung mạo cũng rầu rĩ, không tươi vui.
Bó gấp, hay bó nhanh (cấp triền hay khoái khỏa) thường là con nhà nghèo, phải làm việc, cha mẹ cũng không có thì giờ bó chân cho con từ nhỏ, nên mãi tới tám, chín tuổi, có khi mười bốn, mười lăm không chừng mới bắt đầu bó chân. Theo cách này, người ta chọn ngày lành, tháng tốt (?), mẹ không nỡ bó chân con nên thường nhờ những bà già có kinh nghiệm, rồi người lớn xúm vào giữ chặt đứa nhỏ, rồi người ta thật nhanh nhẹn bẻ gẫy bốn ngón cho gập vào lòng bàn chân. Sau đó dùng dây vải quấn chặt, kéo xuống gót chân xiết lại. Tiếp theo, người ta sẽ uốn cho mu bàn chân cong lên thành hình chữ kỷ, chẳng khác gì uốn một thân cây. Công việc này chỉ làm một lần là xong và cứ để như vậy chứ không uốn từ từ như cách thứ nhất. Cứ hai ba ngày người ta lại tháo băng ra, dùng nước nóng rửa sạch máu mủ, rắc hương liên tán (một loại thuốc bột để bớt mùi hôi) rồi lại quấn chặt. Thời gian từ lúc bắt đầu cho tới khi bàn chân biến dạng không còn hồi phục được nữa khoảng ba tháng, các vết thương cũng liền da nhưng phải khoảng nửa năm sau thì đứa trẻ mới được đi lại. Tuy thời gian có ngắn hơn nhưng phương pháp này làm cho nạn nhân đau đớn hơn nhiều. Vì bó chân khi đứa trẻ đã khá lớn nên cũng ít trường hợp bị chết yểu và sau này vẫn còn làm được công việc nặng nhọc. Phụ nữ vùng Thiểm Tây, Sơn Đông áp dụng cách này và vẫn còn có thể mang vác nặng vượt qua núi, có người còn luyện võ. Thế nhưng khuyết điểm là “lang đầu” quá lớn, mu bàn chân không tròn trịa vì dấu gãy xương vẫn còn nên không được ưa chuộng như cách thứ nhất. Bàn chân cũng chỉ có thể giữ được khoảng 4, 5 tấc thứ không thể nào đạt mức lý tưởng là 3 tấc sen vàng. Cách này cũng làm cho nạn nhân bị đau nhức nhiều hơn khi về già, nhất là những ngày âm u.
Khi đã bó chân rồi, muốn cho giữ nguyên hình trạng, người đàn bà Trung Hoa không chỉ dùng những đôi giày được chế tạo riêng cho họ mà phải có thêm một số phương tiện phụ thuộc. Đễ giữ cho bàn chân không trở lại hay biến dạng, họ phải dùng một mảnh vải dài chừng sáu thước, bề ngang khoảng hai tấc, màu xanh đậm để quấn chân. Màu xanh là màu để cho vết máu khỏi hiện rõ. Chỉ khi đã về già, chân không còn chảy máu mới dùng màu trắng. Mỗi người tối thiểu phải có khoảng ba sợi như thế hầu giặt giũ, thay đổi hàng ngày. Bên ngoài lớp vải bó
là các loại vớ rồi ngoài cùng mới đến giày. Đôi giày có tên là cung hài vì hình tượng của lớp đáy trông giống hình cánh cung. Giày có nhiều loại, hình dáng, phẩm chất khác nhau nhưng nói chung thì có những loại sau đây:
Tú hài: là loại giày thêu thùa rất mỹ thuật, kỹ lưỡng thường dùng cho con gái trong lễ cưới hay để phụ nữ mang khi có khách đến thăm, có loại gọi là “mã khẩu tuyến hài” hoặc “nguyệt lượng môn hài” thường thêu hoa, thêu hình ngọc như ý. Mũi giày nhọn như mỏ chim, có đính những hạt ngọc trai, tú cầu hoặc thêu hình nhụy hoa. Đế giày cứng thường là bằng gỗ nhưng gót mềm lót bằng nhiều lớp vải. Bên trong gót giày có một mảnh gỗ hình giống như chiếc mũ đạo sĩ nên còn được gọi là “đạo sĩ quan”. Loại giày này để hết trọng lực vào gót chân, ngón chân không bị tì vào đất nên ít đau.
Tiện hài: là loại giày thường dùng hàng ngày (tiện là tiện lợi) bằng vải, đế mềm, có loại thêu hoa, có loại chỉ để trần.
Thụy hài: là loại giày đàn bà mang khi đi ngủ để ngừa chân nếu để không sẽ giãn ra nên gọi là giày ngủ (thụy hài). Giày ngủ chỉ có một lớp vải ít khi thêu thùa trang sức, hình dáng cũng gần như tiện hài.
Ngoài giày vớ, người đàn bà Tàu còn dùng một số dụng cụ phụ thuộc để độn chân và trợ giúp khi di chuyển, khi đi trời mưa …
Các kiểu chân
Người Trung Hoa môn gì cũng thích phân biệt chi li. Đối với đôi chân của người đàn bà họ lại càng vẽ vời. Bàn chân bó được chia làm ba loại, thượng trung hạ, mỗi loại lại chia làm ba cấp, có tên như sau: thần phẩm, diệu phẩm, tiên phẩm (thượng), trân phẩm, thanh phẩm, diễm phẩm (trung) và dật phẩm, phàm phẩm, ưng phẩm (hạ). Sau đây chúng tôi chỉ mô tả một vài loại chính:
Hồng lăng cước: hình củ ấu, đầu chân thuôn nhọn là loại tiêu chuẩn và được ưa chuộng nhất.
Tống tử cước: hình cái bánh giò (loại bánh có bốn góc) nhưng mu bàn chân thuôn đuột, không gồ lên hình chữ kỷ, kém loại trên một bực.
Man ngư cước: đầu chân không được nhọn, hình bầu bầu giống hình con cá sộp, kém một bực nữa.
Văn minh cước: là loại về sau cuối thời Mãn Thanh đặt tên cho những người trước bó chân sau cởi ra không tiếp tục nữa. Còn có tên là bán lãm cước (hình nửa cái giỏ), ngón chân quặp vào, đầu chân uốn về phía sau.
Quài tử cước: lúc bó chân cũng làm nhanh rồi sau lại cởi ra nên hình dạng méo mó, hình xấu xí, khiến chân đi như người què.
Đoàn mộc cước: cũng thuộc loại chân trước bó sau cởi ra, ngón chân duỗi ra được nhưng mu bàn chân bị gãy, nên có tên là chân hình khúc củi.
Ngoài ra còn phải kể đến một loại chân bó giả, làm bằng gỗ đẽo như hình chân phụ nữ, là của phường tuồng nam giả nữ (đích thực là một loại cà khêu ngắn để họ đi).
Bàn chân và tính dục
Người Trung Hoa coi bàn chân của phụ nữ là bộ phận tối gợi cảm và kín đáo, là biểu trưng của nữ tính và là vùng khích động nam nhân nhiều hơn cả. Nhiều bức tranh trong Xuân cung thư hay Phòng trung thuật mô tả người đàn bà hoàn toàn lõa thể nhưng hai bàn chân vẫn bó. Bàn chân không những là nơi kín đáo mà còn là vùng cấm kỵ nữa. Cùng lắm nghệ nhân chỉ vẽ đến người đàn bà đang tháo băng chân. Bàn chân còn là nơi gợi cảm và việc vuốt ve, hôn hít bàn chân là những động tác tiền giao hoan.
Khi một nam nhân được làm quen với một thiếu nữ, được mời ăn thường giả vờ để rơi đũa, hay rơi khăn rồi nhân dịp đó đụng vào bàn chân người đối tượng. Đó là cách để thử xem ý trung nhân có thuận tình chăng. Người đàn ông có thể vô tình đụng vào mông, vào ngực người đàn bà nhưng việc đụng vào chân không thể xem là một hành vi sơ xuất.
Một số tác giả Trung Hoa cho rằng việc bó chân có ảnh hưởng đến việc phát triển bộ phận sinh thực khí của người đàn bà, nhất là gò âm môn (mons veneris) và phản xạ co thắt của âm đạo. Cô Hồng Minh (1857-1928), một học giả cận đại còn khẳng định là người đàn bà nào bàn chân càng nhỏ thì những nếp gấp của âm thần càng kỳ diệu. Người ta giải thích là vì bị bó chân, người đàn bà Trung Hoa đi lại khó khăn nên âm đạo bị thắt lại, cũng giống như người ta tập co thắt các cơ vòng của bộ phận sinh dục sau khi sinh nở. Tuy nhiên, những nghiên cứu y học tân tiến đã hoàn toàn phủ nhận giả thuyết này và cho đó chỉ là sự tưởng tượng của người Tàu. Một số khác thì lại cho rằng việc bó chân là một hậu quả của lễ giáo, muốn giới hạn việc di chuyển của phụ nữ, và cũng chứng tỏ vai trò thấp kém của nữ giới trong xã hội phong kiến và là một hậu quả của văn hóa Khổng Mạnh.
Việc che đậy và sùng bái bàn chân (foot fetish) không phải chỉ có ở Trung Hoa mà xuất hiện tại nhiều dân tộc – chẳng hạn như người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ và người Mông Cổ vùng Siberia, có thể cởi trần những ngày nóng, nhưng lại không phô bày đôi bàn chân cho ai ngoại trừ người chồng. Thế nhưng việc coi bàn chân là một biểu tượng tính dục là một cảm nhận đặc thù của người Tàu và họ cho rằng người nước ngoài không thể nào hưởng được cái khoái cảm đó nếu không ý thức được như họ. Nhiều giáo sĩ đã nghe con chiên xưng tội là “trong lòng dậy lên ý nghĩ đen tối khi nhìn vào bàn chân người đàn bà”.(Seagrave, Sterling The Soong Dynasty, Harper & Row 1985 trang 159). Cũng nên biết thêm là tại Trung Hoa, chỉ có người khách gia (hakka, tức người Hẹ) là dân tộc duy nhất chống lại và không theo tục lệ này. Người khách gia là một dân tộc di cư từ miền bắc xuống vào khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt hiệt, có đầu óc cải cách, độc lập mà hiện nay chúng ta có thể kể như Đặng Tiểu Bình, Lý Quang Diệu, Lý Đăng Huy, Lý Bằng, Vương Vĩnh Khánh …
Trong những kỹ viện và chốn ăn chơi, việc dùng những đôi hài của kỹ nữ làm trò đánh đố, làm ly đựng rượu, và làm vật trợ hứng cho nam nhân thường xảy ra. Lý Lạp Ông đưa ra 48 cách đàn ông dùng bàn chân phụ nữ để tìm vui trong đó đủ cả ngũ giác (28 cách dùng tay, 6 cách dùng miệng, 4 cách dùng chân, 2 cách dùng vai, 4 cách dùng thân thể).
(Lại Kỳ, Trung Quốc Cổ Đại Tính Tàn Hại, Hạ Hỉ Văn Hóa Công Ty Đài Bắc 1995, trang 70). Khi tìm cách giải thích hoặc biện minh cho tục bó chân, nhiều tác giả đã lý luận rằng người Trung Hoa rất thích dùng biểu tượng, dùng một vật này để chỉ một ý nghĩa khác. Việc chúc tụng chẳng hạn, người ta dùng con dơi (biển bức) để thay cho chữ phúc (âm tương đồng giữa bức và phúc), dùng trái đào tượng trưng cho sự trường thọ (ăn đào sống lâu theo truyền thuyết bàn đào của bà Tây Vương Mẫu), hay trái lựu để mong đông con trai (đa tử, lắm hột) … Người Tàu lại hay kiêng cữ những điềm gở, dù rằng đôi khi rất mơ hồ. Số nhà, số xe họ kỵ số bốn (tứ, đồng âm với tử là chết). Cách đây không lâu, báo chí đã đăng tải một bệnh viện ở Los Angeles bán không được vì có số nhà đọc lên nghe như bốn chữ “thập tử nhất sinh” (1413). Thời cổ, những tiếng kim liên (sen vàng), tân nguyệt (trăng non), kim hoa (hoa vàng) … dùng để chỉ bộ phận sinh thực của nữ giới (chữ liên đồng âm với chữ lân hay liên là đáng yêu, đáng thương), cũng như con cá tượng trưng cho dương cụ của nam giới. Thành thử một bức tranh vẽ cá đùa giỡn một bông hoa sen còn có ý nghĩa nam nữ hợp hoan. Cho nên bốn chữ “ba tấc sen vàng (tam thốn kim liên)” có ý nghĩa ẩn dụ, cũng như khi nghiên cứu diện tướng, nhiều
người cho rằng mũi (đàn ông) và miệng (phụ nữ) với tính dục có tương quan. Vì thế khi uốn bàn chân cho thành hình tam giác hay gọi là đóa sen vàng, người Trung Hoa muốn ám chỉ sự liên quan giữa bàn chân và bộ phận sinh thực khí. Cũng có thể đó chỉ là một cách giải thích vì người ta hay thêm thắt cho li kỳ, đặt ra một số huyền thoại để cắt nghĩa một việc mà chính họ cũng không hiểu rõ.
Cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ
Không phải người Trung Hoa không có ý thức về vai trò và ảnh hưởng của tục bó chân đối với văn hóa, chính trị, kinh tế nước Tàu. Chính một nho sĩ đời Minh đã đưa ra một “quốc sách” là dạy cho những dân tộc Hung Nô phương Bắc tục bó chân để cho họ bị mê mệt về đóa sen vàng của chính họ mà khỏi xâm lăng nước Tàu. Tuy nhiên, trong lịch sử cũng không hiếm người phản kháng lại tục lệ kỳ quái này, nhất là đời Thanh. Chính triều đình cũng nghiêm cấm việc bó chân. Vào Thuận Trị nguyên niên, Hiếu Trang hoàng hậu ra lệnh chém đầu những thiếu nữ nào bó chân, không cho nhập cung, năm thứ hai lại ra lệnh mọi người dân không được bó chân cho con. Tới Khang Hi nguyên niên, nhà vua lại ra một đạo dụ khác cấm nữa, nếu ai vi phạm thì cha mẹ và gia trưởng đều bị tội. Năm Đạo Quang 18, triều đình lại ra lệnh cấm chỉ một lần nữa. Từ Hi thái hậu cũng hạ chỉ “Mãn Hán có thể lấy nhau, cấm phụ nữ bó chân”. Năm Quang Tự 20, tổng đốc Tứ Xuyên cũng phổ biến một đạo dụ có tên là “Khuyến Giới Triền Túc Dụ”.
Tuy nhiên, dân chúng vẫn lén lút bó chân cho con và tìm cách ẩn lậu. Có người cho rằng đó cũng là một hình thức phản kháng tiêu cực của người Hán chống lại người Mãn Thanh. Công khai vận động chống đối thì có năm người:
Lý Nhữ Trân đời Gia Khánh viết Kính Hoa Lục, chủ trương nam nữ bình đẳng, coi việc bó chân là một thảm hình không gì ác độc hơn.
Cung Tự Trân đỗ tiến sĩ đời Đạo Quang làm thơ chống đối việc bó chân, ca tụng việc lấy được vợ có bàn chân bình thường.
Hồng Tú Toàn là lãnh tụ Thái Bình Thiên Quốc xưng đế ở miền Nam Trung Hoa, tuyên bố nam nữ bình đẳng, đàn bà cũng được đi thi. Khi kéo quân đến Giang Ninh liền ra lệnh cho dân chúng không được bó chân, ai vi lệnh sẽ bị chém đầu. Từ đó về sau nhân dân vùng Quế Việt hơn một nửa không còn theo hủ tục này nữa.
Tây Côn Hùng Tử, người đất Thục đời Đồng Trị viết cuốn Lạc Thế tổng cộng 130.000 chữ cũng bài xích tục bó chân, mà chính gia đình ông tự làm trước. Ba người con gái của ông đều không theo tục này.
Trịnh Quan Ứng người đất Quang Thời viết cuốn Thịnh Thế Nguy Phương, đả kích những hủ tục và hô hào duy tân. Trong thiên Nữ Giáo ông viết: “Trên khắp năm châu không dân tộc nào như Trung Quốc. Phàm đã là cha mẹ ai cũng thương con, vậy mà trẻ mới 4, 5 tuổi cho chí 7, 8 tuổi lại đem ra hành hạ áp bức coi đó làm vui. Thật khốn khổ cho người nào sinh ra làm phận nữ nhi Trung Quốc.”
Sau cuộc chiến tranh Trung Nhật, phong trào cải cách ngày càng lan rộng, việc vận động để chân tự nhiên ngày càng lên cao. Năm Quang Tự thứ 22, Khang Hữu Vi sáng lập hội không bó chân ở Quảng Châu, vừa mới đầu đã có hàng vạn hội viên. Năm Quang Tự thứ 23, Lương Khải Siêu viết Biến Pháp Thông Luận trong chương Luận Nữ Học có một đoạn viết là: “Hủy thân thể người khác, làm cho người khác máu đổ thịt rơi để thỏa mãn cái thích của mình, sao gọi là học? Còn bó chân một ngày thì việc nữ học chưa có thể thành được. Sức của một ông vua (nói về việc vua Khang Hi ra lệnh cấm bó chân) không thể thay đổi cái mù quáng của số đông dân chúng, cái đầu cứng của kẻ đàn ông, không mềm bằng cái chân của người phụ nữ.”
Sau đó, nơi nào cũng có hội để chân tự nhiên (Thiên Túc Hội), các thành thị lớn lại có Tổng hội, nông thôn thì có phân hội. Các hội viên tất cả ước định với nhau sẽ không bó chân con cái mình, và cũng không lấy gái bó chân. Vận động này tới cuối đời Quang Tự đã lên tới cao điểm. Tới thời Dân quốc, hầu hết các nơi đều không còn hủ tục này.
Kết luận
Cho đến bây giờ, tục bó chân của người Tàu vẫn được nhìn dưới nhiều quan điểm khác nhau. Dù bênh hay chống, chúng ta cũng thấy là tục lệ này đã ảnh hưởng rất lớn đến dân tộc Trung Hoa trong một thời gian dài. Ngoài ảnh hưởng xã hội, kinh tế, nó còn mang nhiều hiện tượng tiêu cực trên cả mặt chính trị. Tuy nhiên, xét tục bó chân của người Trung Hoa trong một tiến trình lịch sử dài thì người ta thấy rằng thoạt tiên nó mang ý nghĩa và quan niệm về sắc đẹp, nhưng về sau lại được gán thêm cái nghĩa văn minh Hán tộc, dùng để biện biệt với các dân tộc man di, mọi rợ khác không có tục này. Đến thời nhà Thanh, tục bó chân lại còn có một ý nghĩa đối kháng ngấm ngầm với triều đình, coi đó là một hành vi bất khuất hưng Hán, bài Mãn.
Một điều đáng để ý là hình như nền văn minh Hán tộc đã khiến cho người ta có máu “sa đích”, thích chứng kiến hay hưởng thụ những hành vi tàn ác. Phụ nữ đã bị coi như một món đồ chơi, không được coi như bình đẳng với nam giới. Nhiều trẻ gái vừa sinh ra đời đã bị bóp mũi hay trấn nước cho chết, và hiện nay, với chính sách chỉ được phép sinh một đứa con, tục lệ này càng thêm lan rộng. Tỉ lệ chênh lệch nam nữ ở bên Tàu nay nhiều nơi lên tới 100/120 (100 nam, 120 nữ). Vào thời xưa, việc mua bán, trao đổi phụ nữ rất phổ thông và nhiều phú gia đã nạp hàng chục thiếu nữ làm tì thiếp. Họ lại còn có quan niệm cho rằng phá tân một người con gái là một việc may mắn và nhiều thương nhân đã bỏ tiền mua trinh tiết để giải hạn hay lấy hên. Thế nhưng, không phải chỉ ở Trung Hoa mà tại nhiều nơi cũng có những tục lệ xâm phạm đến thân thể người đàn bà, chẳng hạn như tại một số quốc gia Bắc Phi đến nay vẫn còn duy trì tục cắt âm hạch (clitoridotomy) cho con gái. Trong suốt một nghìn năm, cái quan niệm về thẩm mỹ và tính dục của người Tàu đã khiến cho không biết bao nhiêu máu và nước mắt phải âm thầm đổ ra, thật là một thảm kịch của một dân tộc vốn vẫn coi mình là tâm điểm của thế giới, và là đỉnh cao của văn minh. Để kết luận, chúng tôi lược dịch lời tự thuật của một phụ nữ Trung Hoa trong tác phẩm Chinese Footbinding: The History Of A Curious Erotic Custom của Howard L. Levy, một tác phẩm mà nhiều người cho rằng đây là một Kinsey Report của Trung Hoa (New York, Walton Book 1966 từ trang 224 đến trang 227):
Tôi ra đời tại một huyện ở miền tây tỉnh Hồ Nam, vào cuối triều Mãn Thanh. Theo tục lệ, tôi phải bó chân khi lên bảy. Từng chứng kiến nỗi khốn khổ của những người chị em họ, nên tôi rất sợ. Mùa thu năm đó, thảm họa đã giáng xuống đầu tôi. Một hôm, mẹ tôi bảo: con đã bảy tuổi rồi, vừa đúng tuổi để bó chân. Để lâu hơn nữa, chân con cứng lại càng đau nhiều. Đáng ra mẹ đã bó chân cho con từ mùa xuân nhưng vì con yếu quá nên phải đợi tới bây giờ. Con cái các nhà khác đã bó chân xong cả rồi. Sáng mai mình bắt đầu nhưng mẹ sẽ làm cho con nhè nhẹ để con ít đau, vì con gái nhà ai cũng phải qua cái cảnh khổ này.
Sau đó mẹ tôi cho tôi ăn trái cây và cho tôi xem một đôi giày có đầu nhọn như mỏ phượng, an ủi tôi với những lời: Chỉ có người bó chân mới đi vừa đôi giày đẹp đẽ này thôi. Nếu không chân con to như chân voi, người ta cười con và con sẽ xấu hổ lắm.
Tôi thấy yên tâm, và lòng ham muốn được đẹp đẽ khiến tôi cương quyết, cả đêm không ngủ được.
Sáng hôm sau, khi tôi trở dậy, mẹ tôi đã sẵn sàng mọi thứ. Mẹ tôi để tôi ngồi trên một cái ghế đẩu ngay cạnh giường. Mẹ tôi xỏ chỉ một cây kim gài lên tóc tôi, tán một miếng phèn (alum) xếp cùng với vải bó chân và một đôi hài thêu hoa. Sau đó bà đóng cửa phòng lại. Đầu tiên mẹ tôi ngâm châm tôi vào nước ấm, lau sạch, và cắt các móng chân tôi bằng một cái kéo nhỏ. Bà để chân phải tôi vào hai bàn tay và chà xát theo chiều lòng bàn chân. Bà cũng rắc phèn tán vào những kẽ ngón. Bà cho tôi cầm một quản bút theo niềm tin là có thế sau này chân tôi mới thuôn nhọn như ngòi bút.
Bà lấy một dải vài dài chừng một thước tây, ngang độ hai phân rưỡi, nắm chặt chân tôi bẻ quặt bốn ngón chân nhỏ xuống phía gan bàn chân, cột lại với nhau rồi quấn từ gót chân lên mu bàn chân, đi trở xuống. Quấn như thế năm vòng rồi bà lấy chỉ khâu lại. Để cho khỏi lỏng, bà nhồi bông vào dưới bàn chân bên đầu ngón chân.
Chân trái cũng được làm y như thế rồi bà ấn chân tôi vào đôi hài hoa, vốn dĩ đã hơi nhỏ hơn chân tôi. Đầu mũi hài được thêu như hình hạt lúa. Một giây vải đính vào đôi hài buộc xuống gót
chân tôi cho khỏi tuột.
Mẹ tôi bảo tôi xuống giường bước đi bảo là nếu không đi thì chân sau này sẽ thành tật. Chân tôi vừa chạm đất, tôi hầu như tê bại, phải thử mấy lần mới đi được nhưng những đầu ngón chân đau thật là đau.
Đêm đó hai chân tôi sưng vù và nóng hừng hực. Ngoài việc tập đi, tôi chỉ ngồi trên giường. Mỗi tuần mẹ tôi lại bó lại cho tôi một lần, mỗi ngày chặt thêm một chút khiến tôi càng lúc càng hãi hùng. Tôi lắm khi phải trốn sang hàng xóm để tránh việc bó chân. Nếu tôi nới lỏng ra, mẹ tôi mắng tôi là không muốn làm đẹp.
Sau khoảng nửa năm, những ngón chân tôi đã quặp vào gan bàn chân và đầu mũi thêm nhọn dần. Một năm sau ngón chân tôi đã chết hẳn và bắt đầu thối. Những cục chai cũng đóng và một thời gian lâu chân tôi không thấy khá hơn. Mẹ tôi tháo băng chân và dùng dao lạng bớt những cục chai và lấy kim khều những nhân trong đó. Tôi sợ lắm nhưng không dãy được vì mẹ tôi nắm rất chặt.
Năm tôi chín tuổi, cha tôi hứa gả tôi cho một nhà hàng xóm họ Triệu và tôi phảisang đó hầu hạ việc nhà, tập làm dâu. Mẹ chồng tôi bó chân còn chặt hơn mẹ tôi, nói là chân tôi chưa đủ tiêu chuẩn. Nếu tôi khóc thì bà ta đánh đập rất tàn nhẫn và nếu nới ra, thì đánh cho thâm tím khắp người mới thôi. Chân tôi tương đối có da thịt nên mẹ chồng tôi nói là phải làm cho sưng tấy lên mới có kết quả. Tôi phải ngâm chân vào một loại thuốc và mỗi lần ngâm xong chân rất đau. Nhìn xuống tôi thấy các ngón chân, trừ ngón cái, đều sưng húp và bắt đầu rữa. Mỗi khi tháo băng tôi phải lấy tay dần cho lỏng ra vì băng dính đầy máu mủ. Mỗi lần lột băng ra, máu lại chảy ròng ròng. Tôi đau thấu tâm can, người run bần bật vì xúc động.
Mẹ chồng tôi đã không thương lại còn nhét gạch vào để cho chân mau thối. Tôi khóc lóc bà cũng mặc kệ. Cứ cách một ngày, bà lại quấn lại cho chặt thêm và giày cũng chật thêm. Cạnh giày cứng và tôi phải ấn mạnh mới cho chân vào được. Tôi phải đi quanh sân, và ráng sống tuy đau đớn không sao tả xiết. Gia đình tôi chỉ trung lưu nên tôi vẫn phải kéo nước, giã gạo.
Đến mùa đông, chân tôi càng đau đớn nhiều. Đêm đêm tôi cố co chân lên cho ấm nhưng chỉ càng thêm đau. Khí hậu thay đổi làm một ngón chân tôi bị rụng và thịt thối đi khiến chân tôi thành nhọn như đọt măng, cong lên như củ ấu. Mu bàn chân gồ lên còn bốn ngón chân teo lại bằng hạt đậu quặp hẳn vào gan bàn chân, chỉ cách gót chân một quãng ngắn. Lòng bàn chân hũm vào khiến tôi có thể xếp vài đồng tiền vẫn còn lọt. Chân tôi chỉ có ba tấc, bà con, bạn bè ai cũng ngợi khen, không ai biết đến bao nhiêu máu và lệ đã đổ ra để được như thế.
Chồng tôi vui lắm vì tôi có bàn chân nhỏ nhưng đã qua đời hai năm trước. Của cải phân tán hết nên ngày nay tôi phải lang thang đi kiếm việc. Tôi thèm muốn được như người ta không bị bó chân. Nếu tôisinh muộn độ mươi năm, tôi đã không phải khổ sở như thế này. Giữa người bó chân với người không thật cách biệt một trời một vực.
Tài liệu tham khảo
Anh ngữ
Lin Yutang, My country and my people, Halcyon House, New York 1938.
R.H. Van Gulik, Sexual Life in Ancient China, Barnes & Nobles Books, New York, 1996.
Huard Pierre, Wong Ming, Oriental Methods of Mental and Physical Fitness: The Complete Book of Meditation, Kinesitherapy, and Martial Arts in China, India, and Japan (translated by Donald N. Smith) Funk & Wagnalls, New York 1977. Chu, Valentin, The Yin-Yang Butterfly, Jeremy P. Tarcher/Putnam Book, New York, 1994.
Tài liệu Internet
Hoa ngữ
Lại Kỳ, Trung Quốc Cổ Đại Tính Tàn Hại, Hạ Hỉ Văn Hóa Công Ty Đài Bắc, 1995. Từ Dịch Sơn, Tam Thốn Kim Liên Tung Hoành Đàm, Lịch Sử Nguyệt San, 2/1997.
ĐÔNG Y
Cho đến gần đây, ở các nước Âu Mỹ người ta vẫn nghĩ rằng chỉ có Tây y là có căn bản khoa học và có giá trị, những phương pháp chữa trị khác đều bị hạn chế, không đáng tin cậy. Thế nhưng những khủng hoảng về y tế mới đây, cả trên việc chữa chạy một số bệnh trầm kha lẫn phí tổn điều trị đã khiến cho người ta phải xét lại nhiều quan điểm, trong đó có cả việc chấp nhận một số phương pháp luân chuyển (alternative medicine) để phụ với y thuật qui ước (conventional medicine). Tuy nhiên, bên cạnh những phương pháp chữa bệnh tương đối thô sơ và một số hình thức ngoại khoa mà hiệu quả còn đang trong vòng nghiên cứu của nhiều bộ môn dân gian, những y gia Âu Mỹ đang tìm hiểu và đánh giá lại y học Trung Hoa, vì đây không phải chỉ giản dị là một ngành thảo dược y (herbal medicine), dùng một số cây cỏ trong thiên nhiên để chữa bệnh thuần túy do kinh nghiệm cổ truyền như người ta thường thấy trong một số bộ lạc thiểu số.
Y học Trung Hoa có một quá trình lâu dài, có cơ sở lý luận và có cách thức điều trị, bao gồm cả phương (toa thuốc) lẫn pháp (cách lý luận). Nhiều đặc điểm và quan niệm y khoa của Trung Hoa được xem là rất tiến bộ, về cả phép chữa lẫn cách bào chế thuốc. Đông y cho rằng trị bệnh phải trị từ lúc bệnh chưa phát, mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ có những nét đặc thù và vì thế thuốc men liều lượng phải gia giảm tùy từng người, tùy từng lúc, và đối với mỗi con bệnh, người thầy thuốc phải đưa ra một chiến lược khác nhau, uyển chuyển linh động, lúc tiến lúc thoái, khi kinh khi quyền chẳng khác gì một viên tướng ngoài mặt trận. Người thầy thuốc lại không hành xử như một nghề chuyên môn, mà thường phải nắm vững tình trạng sinh hoạt và tâm tính bệnh nhân, nhiều khi phải ở chung với gia chủ một thời gian trước khi đưa ra một biện pháp chữa trị. Biện pháp đó có thể bao gồm nhiều cách thức, đổi cách ăn uống, tập luyện thân thể, quan niệm sống. Nhiều danh y vốn dĩ là đạo sĩ, tinh thông nhiều ngành bao gồm tam giáo cửu lưu. Hoa Đà, một danh y đời Tam quốc cũng là người sáng tạo ra Ngũ Cầm Hí, một phương pháp tập luyện dựa theo động tác của năm loài vật. Mỗi thang thuốc là một tổng hợp cân đối dùng để điều chỉnh lại những mất thăng bằng, giúp cho con bệnh có đủ sức để đối kháng lại ngoại tà chứ không thay thế con bệnh làm nhiệm vụ phòng chống bệnh. Những quan niệm âm dương, khí huyết, tạng phủ, kinh lạc… không phải chỉ là một mớ tín niệm mơ hồ mà nhiều phần đã được kiểm chứng một cách khoa học.
Một trong những vấn nạn lớn khi người Âu Tây nghiên cứu về y thuật Trung Hoa là họ muốn coi y học như một ngành riêng mà quên rằng quan niệm chữa bệnh bắt nguồn và tồn tại theo đời sống. Đối với cổ nhân, chữa bệnh chỉ là một giai đoạn, giai đoạn bất đắc dĩ sau cùng phải thực hiện khi mọi phương thức khác đã thất bại. Để làm sao khỏe mạnh, người ta đã phải thông hiểu nhiều bộ môn khác, từ ẩm thực, đến dưỡng sinh, khí công, đạo dẫn, thổ nạp. Đó là chưa kể một số bàng môn khác, tuy không trực tiếp liên quan đến sức khỏe nhưng lại giúp cho con người sống đạt quan hơn như mệnh lý, phong thủy, thiên văn, lịch số. Tất cả các môn đó đều từ một nguồn, từ một quan điểm mà người ta cho là mọi thứ trong trời đất đều cùng một thể và nếu như nhất pháp thông, thì vạn pháp thông. Chính đó là tâm điểm nở ra thành nền văn minh Trung Hoa. Trong bài này, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ biên khảo rất thô thiển, nhằm trình bày một số dữ kiện hơn là đi vào lý luận của Đông y.
Lịch sử
Y học Trung Hoa được hình thành do kinh nghiệm chữa bệnh trong nhiều ngàn năm, bao gồm cả các loại thuốc dân gian lẫn phương pháp lý luận. Sách vở về đông y tổng cộng từ trước đến nay có đến 6.000 quyển, chép đầy đủ cả phòng bệnh, chữa bệnh. Ngoài việc dùng thuốc, đông y còn bao gồm cả châm cứu, xoa bóp, đạo dẫn (hô hấp, thổ nạp, khí công) và những phương pháp ngoại khoa. Các loại dược vật cũng thật phong phú, trong các loại sách bản thảo chép có khoảng 2.500 loại khác nhau và cho tới nay nhiều học giả, y sĩ vẫn tiếp tục nghiên cứu để kết hợp cả đông y lẫn tây y hình thành một khoa học tân đông y, tân đông dược.
Cứ theo các học giả về Trung Hoa, ngay từ thời thượng cổ, con người khi đấu tranh để sống còn đã phải đối phó với những thiên tai, rắn độc, thú dữ và phải quan tâm đến việc phòng và trị bệnh. Thời kỳ đồ đá, người ta dùng những dụng cụ nhọn để mổ những mụn nhọt, khởi đầu cho phương pháp châm thích. Đến khi tìm ra lửa, dùng hơi nóng, để sưởi ấm, xoa bóp và làm giảm đau khởi đầu cho phương pháp ngải cứu và thôi nã. Những hiện tượng đó phát triển tự nhiên không phải ở một nơi mà hầu như ở bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Chữa bệnh và dùng thuốc phát triển tự nhiên theo con người. Chính vì liên hệ trực tiếp đến đời sống, y dược có những điều kiện, ảnh hưởng và hạn chế, theo hoàn cảnh xã hội, chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa của mỗi thời đại.
Theo sử Tàu, thời viễn cổ, vì nhu cầu sinh tồn, con người phải làm “tổ” trên cây để tránh mưa nắng, gió bão và thú dữ. Sau đó, vì khí hậu và nóng lạnh, di chuyển xuống hang động thiên nhiên, và biết cách dùng da thú hay vỏ cây để che thân. Tới khi nhân loại biết tập hợp thành bầy, việc sinh sống có tổ chức hơn, nên tìm cách làm nhà để ở. Theo Họa Sách trong Thương Quân Thư thì “vào thời vua Thần Nông, đàn ông trồng tỉa để kiếm đồ ăn, đàn bà dệt vải để làm quần áo”. Thời kỳ đó, việc làm sao có thể sống còn là điều quan trọng hơn hết.
Ở thời kỳ hái lượm, con người đi tìm thức ăn bằng cách thử các loại thảo mộc, thực và động vật. Từ những kinh nghiệm thực tế, họ biết được loại nào độc, loại nào không, loại nào ăn được, loại nào không ăn được. Cũng như những loài thú khác, con người còn có bản năng biết tìm đến những loại thực phẩm thiên nhiên để trị bệnh và từ đó tích lũy thành kiến thức về thuốc men. Trong Tu Vụ Huấn, sách Hoài Nam Tử có chép: Vua Thần Nông nếm trăm loại cây cỏ để xem tư vị ra sao, uống các loại nước suối xem ngọt đắng thế nào, để cho dân biết cái nào nên, cái nào tránh. Lẽ dĩ nhiên chuyện này không phải thực mà chỉ để giải thích về quá trình kinh nghiệm mà người ta nghĩ là thời thượng cổ, cách duy nhất để tìm hiểu dược tính là dùng thử xem hậu quả ra sao.
Khi xã hội chuyển từ thời hái lượm sang thời kỳ bộ tộc, con người biết hợp quần thành nhóm, có tôn ti trên dưới, biết sản xuất vật chất một cách hệ thống hơn, của cải ngày một nhiều, sinh hoạt văn hóa cũng theo đó mà dồi dào. Y học vì thế cũng tiến bộ. Theo những tài liệu viết bằng lối chữ cổ viết trên mai rùa và xương thú (giáp cốt văn) đào được ở Hồ Nam vào năm 1899, đời Quang Tự nhà Thanh, thì ngay từ thời Ân Thương người ta đã biết nhiều loại bệnh chẳng hạn như đau đầu, đau tai, đau mắt, đau mũi, đau răng. Xem một số chữ tượng hình có thể hiểu được là thời đó người ta đã có một số ý niệm về bệnh chứng. Tuy nhiên, cũng như những xã hội thái sơ khác, người đời đó cho rằng bệnh tật là do ma quỉ làm nên việc chữa bệnh luôn luôn gắn liền với thần quyền, thể hiện bằng cầu cúng, trừ tà, bắt ma, y học với tôn giáo cũng khó phân biệt, và thời đó thầy thuốc với các pháp sư, đồng cốt là một. Người ta cho rằng chữ shaman ngày nay dùng để chỉ các thầy pháp trong những bộ lạc chính là từ chữ phạn sramana để chỉ giai cấp tăng lữ, sau chuyển sang Hán ngữ thành sa môn. Thời kỳ đó, những pháp sư cũng là những người đi tiên phong về khoa học và y thuật, sau này thành tầng lớp đạo sĩ.
Tới thời Xuân Thu Chiến Quốc, xã hội Trung Hoa đã chuyển sang thời kỳ phong kiến. Vào thời kỳ này nhiều mặt sinh hoạt và tư tưởng đã tiến bộ rõ rệt. Chính trị, văn hóa, kinh tế biến đổi hẳn. Từ việc sử dụng mai rùa, phiến đá, da thú để ghi chép, người Trung Hoa đã biết dùng thanh tre, thanh gỗ và lụa để viết. Nhiều tài liệu có liên quan đến y thuật đã được các nhà khảo cổ tìm thấy trong thời gian gần đây. Trong những khai quật năm 1972, 73, 74 ở Cam Túc và nhất là tại đồi Mã Vương, Trường Sa, tỉnh Hồ Nam người ta đào được hơn 600 thanh tre và gỗ,
trên đó không những ghi chép một số bệnh tật mà còn khoảng một trăm vị thuốc, cùng nhiều phương pháp chữa bệnh bao gồm cả châm (accupunture) và cứu (moxibustion). Đặc biệt nhất, trong hai trăm thanh có ghi một số lý luận của Đông Y, viết theo cùng một phong cách như Hoàng Đế Nội Kinh và Ngoại Kinh. Ngoài ra, y thuật cũng có những bước ngoặt mới. Theo lịch sử, thời đó những thầy thuốc đã thành một nghề chuyên môn, chia ra nhiều ngành như nội khoa, phụ khoa, trẻ con, ngũ quan và cả thú y nữa. Y thuật lại cũng có nhiều phương pháp gồm cả châm cứu, thảo mộc, và mạch lý. Thời Chiến Quốc, Biển Thước nước Tề đã nghiên cứu và lý luận về kinh mạch. Cũng thời đó, thầy thuốc tách ra thành một tầng lớp riêng, và đã phản đối phương thức trị bệnh của bọn vu thuật (đồng cốt, pháp sư) coi đó là tà môn không đúng đắn. Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, Biển Thước Thương Công Liệt Truyện thì có sáu chứng, nếu phạm vào thì lương y cũng không thể trị được, trong đó “tin đồng cốt không tin thầy thuốc” là một loại, tỏ ra rằng ngay từ thời bấy giờ người ta đã muốn tách rời y thuật và phương thuật.
(Theo nhiều tài liệu khác nhau ghi chép về Biển Thước, nhân vật này xuất hiện tại nhiều nơi. Cái tên sau cùng Tần Việt Nhân là tác giả Nạn Kinh. Vì thế người ta cho rằng Biển Thước không phải là một người mà là nhiều nhân vật khác nhau trong một thời gian dài khoảng 400 năm.)
Vì chưng kinh nghiệm ngày một thêm nhiều, nên thời Chiến Quốc, các y gia đã tổng kết lại, mượn danh Hoàng Đế, soạn thành sách “Nội Kinh” bao gồm mười tám quyển, gồm phần “Tố Vấn” chín quyển, và “Linh Khu” chín quyển. Đây là bộ sách thuốc đầu tiên của Trung Hoa, trong đó có đủ cả giải phẫu, sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán, và trị liệu. Những nguyên tắc được xiển thuật trong sách này đến nay vẫn còn là căn bản cho những ai muốn nghiên cứu về Đông y. Bộ sách cũng đưa ra nhiều quan điểm rất hợp lý và khoa học, chẳng hạn tương quan giữa con người và thiên nhiên, sự biến chuyển của môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. Vì bệnh tật với thời tiết, khí hậu có liên hệ chặt chẽ, nên mỗi địa phương, mỗi hoàn cảnh cần những phương pháp trị liệu khác nhau. Sách cũng nhấn mạnh vào việc trị bệnh từ khi chưa phát (trị vị bệnh, trị bệnh tất cầu ư bản) và khẳng định một nguyên tắc độc đáo là bệnh bị coi là bất khả trị là do chưa biết rõ căn bệnh như thế nào, hoặc người thầy thuốc chưa có đầy đủ kinh nghiệm, hiểu biết đồng thời cũng phản đối trị bệnh bằng hình thức mê tín, thiếu cơ sở.
“Nội Kinh” có từ bao giờ cho đến nay vẫn còn là điều tranh cãi. Một thuyết cho là một sản phẩm tổng kết kinh nghiệm của y gia kéo dài nhiều thế kỷ bắt đầu từ thời Chiến Quốc tới thời Tây Hán thì hoàn thành. Tuy nhiên, cũng như nhiều sách vở các ngành khác, y thư đều không còn nguyên bản mà đời nào cũng có người thêm thắt, san nhuận. Để cho thêm mức khả tín, nhiều phương sĩ không tự mình viết một quyển sách riêng mà sửa đổi và thêm vào sách cũ những quan điểm của mình, thác danh là của tiền nhân. Vì chưng không phải do một người làm nên lý thuyết trong cũng có chỗ mâu thuẫn, nhưng đại để đều là những diễn dịch từ triết học âm dương, ngũ hành mà ra.
Âm dương, ngũ hành là một học thuyết giải thích tự nhiên, nhằm phi bác quan điểm quỉ thần, làm cơ sở cho việc phát triển của y học trong một mức độ nào đó. Thế nhưng phương pháp lý luận đó chưa hoàn toàn giải thích được mọi vấn đề nên vì thế y học cũng bị giới hạn theo. Học thuyết này xuất phát từ quan niệm Thiên Nhân Hợp Nhất, coi con người là một vũ trụ thu nhỏ, cái gì trời có thì người cũng có, áp dụng và suy diễn trong nhiều ngành mà chúng ta thấy nhan nhản trong thiên văn, phong thủy, tướng thuật, tử vi, tử bình… Người ta lý luận “đầu tượng trời nên tròn, chân tượng đất nên vuông, trời có nhật nguyệt, người có hai mắt, trời có bốn mùa, người có tứ chi. Trời có mùa đông, mùa hạ, người có hàn nhiệt, trời có tinh tú, người có răng xương …” Ngoài ra, Nội Kinh cũng đem cả những hiện tượng xã hội để giải thích y học, chẳng hạn như phân nội tạng ra quí tiện, dùng quân, thần, tương, tướng để mô tả các cơ năng, tạng tâm là quân (vua), đản trung là thần (bầy tôi), can là tướng (quan võ), phế là tương (quan văn). Nếu trên có minh chúa thì bên dưới yên ổn, thiên hạ xương thịnh. Việc chữa bệnh chủ yếu là tái tạo quân bình, bổ chỗ bất túc, tả chỗ hữu dư v.v… đều rút ra từ quan điểm hình nhi thượng học và xã hội học của Nho gia.
Sau Nội Kinh, nhiều tác phẩm khác cũng do tập hợp những kinh nghiệm cũ và bổ túc bằng những đóng góp mới mà thành. Đó là Bản Thảo Kinh, Thương Hàn Luận, và Kim Quĩ Yếu Lược, cộng với Nội Kinh được coi là bốn bộ kinh điển của y gia.
Bản Thảo Kinh tên nguyên thủy là Thần Nông Bản Thảo Kinh, được hình thành vào khoảng
cuối đời Đông Hán, là của người sau thác danh họ Thần Nông sáng tác. Tác phẩm này tập hợp những kinh nghiệm về dược vật từ đời Hán trở về trước, tất cả 365 loại, trong đó thực vật chiếm đa số (252 vị), kế là động vật (67 vị) và sau cùng là khoáng thạch (46 vị) và có thể coi là cuốn sách về dược học đầu tiên của Trung Hoa. Dược thảo được chia làm ba loại, thượng đẳng, trung đẳng và hạ đẳng. Thượng đẳng là những loại thuốc ích khí, dùng lâu không có hại gồm 120 vị. Trung đẳng là những vị thuốc bổ gồm 120 vị. Hạ đẳng là thuốc chữa bệnh gồm 125 vị. Những món thuốc bắc thông thường đến nay vẫn còn dùng chẳng hạn như đại hoàng để thông tiện, lôi hoàn để sát trùng, hoàng liên dùng trị bệnh kiết lỵ, đương qui để điều kinh, thường sơn để trị sốt rét … đều có chép trong bộ sách này.
Người ta thấy rằng ngay từ đời Hán người Tàu đã có những nhận định chính xác về nhiều loại dược vật, và cũng có những kinh nghiệm phong phú về việc sử dụng những loại thuốc đó. Hoa Đà đời Hán đã biết dùng những loại ma túy trong mổ xẻ, châm chích mụn nhọt trong những môn ngoại khoa. Trong một ngôi mộ đời Hán tại gò Mã Vương, Trường Sa (Hồ Nam) người ta đã đào được những loại dược vật đã bào chế tinh vi chứng tỏ ngay từ hơn hai nghìn năm trước người Tàu đã biết dùng thuốc để giữ cho thực phẩm khỏi hủ nát. Tuy nhiên, trong Bản Thảo Kinh, cũng như bất cứ sách vở nào của Trung Hoa còn truyền lại đều không thiếu những thêm thắt của bọn phương, thuật sĩ cho ly kỳ, dùng vào những mục tiêu không thiết thực, chẳng hạn thuốc chống thối thì dùng để ướp xác, thuốc bổ dùng vào việc phục vụ khoái lạc hay trường sinh.
Thương Hàn Luận và Kim Quĩ Yếu Lược, trước đây là cùng chung một bộ sách có tên là Thương Hàn Tạp Bệnh Luận do Trương Cơ (Trọng Cảnh) hồi cuối đời Đông Hán sáng tác. Cuốn sách tổng kết kinh nghiệm trị bệnh, phòng bệnh, các lý luận y khoa thêm kinh nghiệm định bệnh (lâm sàng) về thương hàn và tạp bệnh. Sách này đưa ra biện chứng định và chữa bệnh là một tác phẩm quan trọng trong tiến trình phát triển của Trung y, chuyển từ một bộ môn chỉ dùng kinh nghiệm sang một khoa học lý luận có phương pháp. Người ta thấy rằng tương quan giữa văn hóa và y khoa rất mật thiết. Rất nhiều hệ luận và kết quả của tư tưởng được đem vào y học.
Ngoài bốn bộ sách cổ nêu trên, trên phương diện thảo dược học, đời nhà Lương có Đào Hoằng Cảnh chỉnh đốn lại Thần Nông Bản Thảo Kinh, tu đính thành bộ Danh Y Biệt Lục. Bộ sách này tăng số lượng dược thảo lên tới 730 vị nghĩa là gần gấp đôi bộ Bản Thảo Kinh. Cả hai được gộp lại thành bộ Bản Thảo Kinh Tập Chú là bộ sách Trung dược đầu tiên có thêm lời bình của y gia. Từ đó trở đi, bản thảo ngày càng thêm nhiều, đời Đường có Tân Tu Bản Thảo do triều đình tập trung các danh y lại soạn thành năm 659 và sau được in ra để sử dụng trên toàn quốc. Đó là bộ sách thuốc đầu tiên do chính quyền ban hành, cũng là bộ dược khoa từ điển đầu tiên của thế giới.
Từ đời Đường tới đời Minh, về dược học, tại Trung Hoa có bốn lần tu bổ và thêm thắt do nhiều người thực hiện và bốn lần tu đính do công sức cá nhân. Tập thể thì có Tân Tu Bản Thảo (Đường), Thục Bản Thảo (Ngũ Đại), Khai Bảo Tân Bình Định Bản Thảo, Khai Bảo Trùng Định Bản Thảo (Tống) Gia Hữu Bổ Chú Bản Thảo (Tống). Về phần cá nhân có Bản Thảo Thập Di do Trần Tàng Khí đời Đường soạn, Nhật Hoa Tử Chư Gia Bản Thảo do một người không rõ tính danh đời Tống soạn, Kinh Sử Chứng Loại Bị Cấp Bản Thảo do Đường Thận Huy đời Tống soạn, và Bản Thảo Diễn Nghĩa do Khấu Tông Thích đời Tống soạn. Ngoài việc càng ngày càng thêm những dược vật mới, cách dùng cũng mỗi lúc một phong phú hơn, việc bào chế cũng thêm đa dạng.
Đến đời Minh, một nhà dược thảo học vĩ đại của Trung Hoa là Lý Thời Trân hoàn thành một công trình to lớn chưa từng có. Ông đã tổng kết tất cả những sách vở cũ, đem tất cả những điều thực dụng, đích thân lên núi tìm kiếm những dược thảo mới, hỏi nông dân, ngư dân, tiều phu, những nhà trồng thuốc, và các thầy lang dân dã để thu thập kinh nghiệm, tìm hiểu sự sinh trưởng, cách sao tẩm, cách dùng tất cả các loại từ thân, rễ, củ, lá, hoa, các loại động vật đem về giải phẫu quan sát, so sánh các loại khoáng vật và cách bào chế. Ông cũng tìm hiểu cách trồng tỉa, chế luyện, đọc hơn 800 cuốn sách thuốc, miệt mài trong hai mươi bảy năm viết thành bộ Bản Thảo Cương Mục, bao gồm 1892 dược phẩm đồng thời đưa ra những cơ sở cho phân loại thực vật. Có thể nói ông là một trong những thực vật gia đầu tiên làm việc có phương pháp
khoa học.
Sau khi Bản Thảo Cương Mục ra đời, những dược thảo và y gia Trung Hoa tiếp tục nghiên cứu và tăng bổ thêm nhiều vị thuốc mới. Đời Thanh, Triệu Học Mẫn sáng tác Bản Thảo Cương Mục Thập Di, thu tàng 716 loại dược vật, phần lớn là những vị mà Bản Thảo Cương Mục chưa hề đề cập đến. Đây là những loại thuốc dân gian thường dùng như vạn niên thanh, nha đản tử, thái tử sâm, đông trùng hạ thảo… là bộ sách rất thực dụng trong quần chúng.
Về sách vở viết về các phương thuốc (formulas) Thương Hàn Tạp Bệnh Luận gom góp nhiều thang thuốc được coi như “phương thư chi tổ”. Đời Đường có Thiên Kim Yếu Phương, Thiên Kim Dực Phương và Ngoại Đài Bí Yếu, đời Tống có Thái Bình Thánh Huệ Phương, đời Minh có Phổ Huệ Phương đều là những sách viết về những thang thuốc tương đối phức tạp. Giản dị thì có Thái Bình Huệ Dân và Tễ Cục Phương, Tễ Sinh Phương đời Tống, tuy không có nhiều thang thuốc nhưng dùng vào việc trực tiếp quan sát để chẩn bệnh (lâm sàng) rất tiện lợi. Đời Thanh có Xuyên Nhã Nội Ngoại Biên của Triệu Học Mẫn sưu tập rất nhiều những phương thuốc dân gian của các thầy lang vườn (linh y) rất đáng quí. Sách vở về Đông y hiện nay đa số là sách chép các thang thuốc, và qua mỗi đời lại thêm nhiều phương thuốc mới, do những thầy lang thu thập mà thành là một kho tàng kinh nghiệm rất quan trọng.
Về nguyên do bệnh, triệu chứng và chẩn đoán, người xưa cũng gom góp được nhiều cả kinh nghiệm lẫn suy luận. Đời Tấn có Vương Thúc Hòa viết Mạch Kinh, kế thừa cơ sở Nạn Kinh (tương truyền do Tần Việt Nhân tức Biển Thước soạn ra), chia mạch ra làm 24 loại, lại tổng kết toàn bộ ý nghĩa của các loại chẩn. Các danh y đời sau như Cao Dương Sinh, Thôi Tử Hư, Lý Thời Trân, Lý Sĩ Tài… cũng bổ túc và đóng góp thêm về mạch học. Đời Tùy có Sào Nguyên Phương soạn bộ Chư Bệnh Nguyên Hầu Luận, chép hơn 1700 loại bệnh tật, kỹ lưỡng chi li các triệu chứng đủ cả về bệnh truyền nhiễm, bệnh ký sinh, mẫn tính phản ứng… có so sánh và phê bình từng loại một. Đời Tống có Trần Vô Trạch viết Tam Nhân Cực Nhất Bệnh Chứng Phương Luận, đưa ra ba loại nguyên nhân sinh bệnh tật là nguyên nhân từ bên ngoài (ngoại nhân), nguyên nhân từ bên trong (nội nhân) và không do bên ngoài hay bên trong. Tuy họ Trần chia ra làm ba loại nguyên nhân nhưng thực ra cũng đều là nguyên nhân từ bên ngoài cả.
Về phương pháp xem lưỡi để coi bệnh (thiệt chẩn) phát triển tương đối trễ, chỉ mới bắt đầu từ đời Nguyên. Thời đó tuy đã có sách bàn về chẩn đoán lưỡi nhưng chưa thành thục. Cho đến khi các thuyết về ôn bệnh học phát triển, việc xem lưỡi mới trở thành quan trọng và ngày càng thêm kinh nghiệm góp vào. Sang đời Thanh, Diệp Thiên Sĩ viết Ôn Nhiệt Luận, trong đó tổng kết các phương pháp xem lưỡi, đã được Vương Mạnh Anh nhận định là “phương pháp vừa tinh (kỹ lưỡng) vừa tường (rõ ràng)”.
Về châm cứu học thì ngày nay còn bộ Châm Cứu Giáp Ất Kinh là kỳ cựu nhất, do Hoàng Phủ Mật đời Tấn theo những luận thuật về kinh lạc, huyệt vị, và phương pháp châm trong Nội Kinh, sửa đổi lại và thêm thắt những kiến thức của đời đó mà soạn thành. Đời Tống, Vương Duy Nhất tổng hợp lại tất cả những học thuật trong sách vở của người đi trước về châm cứu, thêm kinh nghiệm của chính mình, soạn thành cuốn Đồng Nhân Thự Huyệt Châm Cứu Đồ Kinh. Cuốn này thống nhất tất cả những khác biệt của mọi phái, kế thừa công trình của Hoàng Phủ Mật, là một công trình đáng kể trong ngành châm cứu học. Họ Vương cũng đúc hai người bằng đồng (đồng nhân), trên có ghi những huyệt đạo và khởi thủy phương pháp huấn luyện cho ngành này một cách có qui tắc. Đời nhà Nguyên, Hoạt Bá Nhân theo thực tế mà nhận ra rằng hai mạch nhâm đốc trong kỳ kinh bát mạch có những huyệt riêng, nên xếp đồng đẳng với 12 kinh kia, viết thành cuốn Thập Tứ Kinh Phát Huy. Ngày nay người ta vẫn gọi Thập Tứ Kinh chính là khởi đầu từ lúc này. Thời Minh, Dương Kế Châu, tập hợp tất cả những công trình từ trước, thêm kinh nghiệm trị liệu của chính mình viết thành bộ Châm Cứu Đại Thành. Bộ này nội dung hết sức phong phú, quả thực đáng gọi là đại thành và là một bộ sách tham khảo quí giá cho đời sau.
Về phương diện ngoại khoa, cứ như sử sách, cuối đời Đông Hán, Hoa Đà đã sử dụng thuốc gây mê toàn thân để khoét mụn nhọt, mổ bụng, là tài liệu về phẫu thuật sớm nhất của nhân loại. Hoa Đà là một y gia lỗi lạc, ông có sự hiểu biết toàn diện, bao gồm cả châm cứu, dược vật, chẩn đoán lâm sàng lẫn phương pháp tập luyện cơ thể. Thành tựu lớn nhất của ông thuộc phạm vi ngoại khoa, nhưng sách vở ông soạn bị hủy hết nên không còn lưu truyền. Bộ Trung Tàng Kinh của Hoa Đà hiện lưu truyền là tài liệu người đời sau thác danh ông chứ không phải
thật.
Về phương diện ngoại thương, các phương thuốc cổ nhất còn có được là những toa thuốc của Lưu Quyên Tử do Cung Khánh Tuyên thu thập được. Sưu tập này bao gồm nhiều loại thuốc rịt vết thương (kim sang), mụn nhọt, ngứa ngáy và các loại thuốc trị bệnh ngoài da, cầm máu, giảm đau, giải độc… dùng hoàng liên, hùng hoàng, thủy ngân là những vị dùng để tiêu độc, giảm sưng được chế thành cao dán chỗ đau. Đời nhà Đường, Lận đạo nhân soạn quyển Lý Thương Tục Đoạn Bí Phương là cuốn sách chuyên khoa trị gãy xương cổ nhất của Trung Quốc. Trong sách chỉ phương pháp để làm liền xương bị gãy, có ghi cả các hoạt động của từng loại khớp xương. Đời Nguyên, Nguy Diệc Lâm soạn cuốn Thế Y Đắc Hiệu Phương, tổng kết tất cả các kinh nghiệm chữa ngoại thương, có cả phép trị gãy xương sống, so với những quốc gia khác đi trước cả năm sáu trăm năm. Đời Minh có Trần Thực Công viết Ngoại Khoa Chính Tông, đời Thanh có Vương Hồng Tự viết Ngoại Khoa Toàn Sinh Tập, một bên chủ trương ngoại trị, một bên chủ trương nội trị là hai phái chính yếu của Trung y trong ngoại khoa, đều có ảnh hưởng sâu rộng trong giới làm thuốc.
Về sản phụ khoa, Kim Quĩ Yếu Lược đã có ba thiên đề cập đến chửa đẻ, sản hậu và các chứng tạp bệnh của phụ nữ. Đến đời Đường, Tôn Tư Mạc lại càng đặt nặng phụ khoa, trong Thiên Kim Yếu Phương, phụ nhân phương đứng vào hàng đầu mặc dù không phải là sách chuyên về đàn bà. Cho đến nay sách chuyên môn về phụ khoa còn tồn tại có Cao Ân soạn quyển Kinh Hiệu Sản Bảo là xưa nhất, nhưng ảnh hưởng sâu rộng hơn cả lại là bộ Phụ Nhân Đại Toàn Lương Phương của Trần Tự Minh đời Tống. Bộ này tổng hợp tất cả sách vở viết về phụ khoa từ trước, là một bộ sách chuyên môn có phương pháp và đầy đủ. Đời Minh có Vương Khải Đường viết Nữ Khoa Chứng Trị Chuẩn Thằng và Thông Hành viết Tế Âm Cương Mục, Vạn Mật Trai viết Vạn Thị Nữ Khoa, rồi đời Thanh lại có Phó Sơn soạn Phó Thanh Chủ Nữ Khoa đóng góp rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho cả bốn phương diện kinh (lý luận), đới (bệnh đàn bà), thai (mang bầu), sản (sinh nở).
Về bệnh trẻ con (nhi khoa), thời Đường Tống còn lưu truyền đến nay là bộ Lô Tín Kinh, nhưng ảnh hưởng quan trọng lại là Tiểu Nhi Dược Chứng Chân Quyết của Tiền Ất và Tiểu Nhi Đậu Chẩn Phương Luận của Trần Văn Trung (Tống). Về thuốc men thì trước kia người ta chủ trương dùng những liều nhẹ (nhu nhuận) để chữa trẻ con nhưng về sau thì nhiều y gia lại chủ trương dùng thuốc ấm và bổ (ôn bổ) để trợ lực cho bệnh nhân đối kháng với bệnh tật. Về các loại thang thuốc (phương trị) thì thế kỷ thứ 16 về trước đã biết phương pháp tiếp chủng ngừa bệnh đậu mùa (tương tự việc chủng đậu của Tây y). Đối với bốn chứng chẩn, đậu, kinh, cam là bốn loại bệnh thông thường của trẻ con, việc chẩn đoán và trị liệu đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm qua nhiều triều đại. Đời Minh có Vạn Mật Trai, đời Thanh có Hạ Vũ Chú, Trần Phục Chính, Trang Tại Điền tất cả đều dày công nghiên cứu và phát huy những chứng bệnh của trẻ em.
Lược qua như thế chúng ta thấy y học của Trung Hoa tích lũy do kinh nghiệm, dần dần thoát ra được những phương pháp mê tín, thần quyền. Càng về sau, y gia càng có thêm những phát huy mới, đời nào cũng có những nhân tài nên Đông y mỗi lúc một thêm phong phú. Thời cổ, do nhu cầu sinh hoạt và hoàn cảnh thiên nhiên, người ta đặt nặng trị liệu và phương dược ngoại thương nên những thành tựu ban đầu chú trọng về chữa trị bên ngoài. Ta thấy có Hoa Đà và Thương Hàn Luận của Trương Trọng Cảnh đời Hán, đời Nguyên thì có Thế Y Đắc Hiệu Phương của Nguy Diệc Lâm, đời Minh có Ôn Dịch Luận của Ngô Hựu Khả đều là y học chữa trị những chứng bệnh thông thường mà quần chúng mắc phải.
Về phương diện phát triển, thoạt đầu y học và vu thuật (chữa bệnh theo lối trừ tà) chen lẫn với nhau. Thời đó, giới vu hích (tức pháp sư, đồng cốt) dùng bùa chú, cúng tế và tà thuật, là giai cấp được coi trọng nên thường xen lẫn pháp thuật với một số thuốc men, trị bệnh cho người. Chính y gia cũng bị ảnh hưởng của bọn thầy pháp nên y thuật thời đó cũng mang một số dấu vết của đồng cốt. Tuy nhiên càng ngày hai bên càng tách rời và những thầy thuốc chân chính như Biển Thước, Trương Trọng Cảnh đều chống lại bọn vu hích, không chấp nhận chữa bệnh bằng thần quyền. Xã hội càng phát triển, vị thế của y thuật càng lên cao.
Trong Hán Thư, Nghệ Văn Chí, y học được gọi là phương kỹ (một kỹ thuật), chia làm bốn loại gồm y kinh loại (phép lý giải và cơ sở luận đoán), kinh phương loại (các thang thuốc, dược
thảo), phòng trung loại (phép giao tiếp nam nữ, thuật phòng the), và thần tiên loại (phương pháp luyện đan, tu tiên, thuốc trường sinh). Hai loại đầu là y học nhưng hai loại sau mang tính chất huyền môn, phần lớn do bọn phương sĩ bịa đặt và phóng đại, nhiều khi tưởng tượng ra mà chưa được chứng nghiệm. Kiến thức và kinh nghiệm y dược được dùng vào việc tìm thuốc trường sinh, nên bên cạnh y dược học, lại thêm những phái luyện đan tu tiên, bào chế các loại dược vật và sinh ra nhiều môn ra khỏi hẳn ý nghĩa của y khoa. Trong lịch sử y học, các y gia chân chính luôn luôn phải đối phó với giới thuật sĩ, và chính vì sự cạnh tranh này mà hai bên đều cố gắng tìm tòi và sách vở về y thuật, phương thuật càng ngày càng nhiều. Chẳng hạn như trong dược vật học, Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân cũng đã phê phán các loại thảo mộc do giới luyện đan tu tiên như Cát Hồng, Đào Hoằng Cảnh đưa vào, đem khoa học phân tích và loại trừ những loại thuốc men tà môn khiến cho ngành dược thảo của Trung Hoa có màu sắc khoa học hơn.
Về phương diện lý luận, khi văn hóa Trung Hoa xoay quanh thuyết thiên nhân tương dữ, một số nho gia, đạo gia và phương sĩ đem luật âm dương ngũ hành vào dùng giải thích cơ thể con người khiến cho y học mất tính chất thực nghiệm mà trở thành thuần lý, lại mang tính chất thần bí, huyền hoặc. Nội Kinh đem trộn lẫn với hình nhi thượng học của Đổng Trọng Thư khiến cho y học bị trói buộc trong mớ lý luận tối mù không tìm ra lối thoát. Phải đến đời Đông Hán, nhà y học trứ danh Trương Trọng Cảnh trong tác phẩm Thương Hàn Tạp Bệnh Luận mới căn cứ trên kinh lạc, tạng phủ và kinh nghiệm chữa trị, chẩn đoán của ông phá vỡ được những lý giải huyền học vốn dĩ làm bế tắc y khoa Trung Hoa. Có thể nói, đây là một cuộc cách mạng lớn vì cho đến thời kỳ này, người ta vẫn tin rằng thuyết âm dương ngũ hành là một loại thánh thư mặc khải từ trời cao, một chìa khóa có thể mở được mọi loại cánh cửa nếu chịu suy ngẫm cho đến nơi đến chốn.
Một điều đáng nói là không phải riêng y khoa, nhiều ngành học khác cũng không ra ngoài thông lệ là trừu tượng hóa mà quên đi phần thực nghiệm nên đi quá trớn. Cụ thể nhất, học thuyết ngũ vận lục khí (gọi tắt là vận khí học thuyết), tin tưởng rằng có thể tính toán, ngày giờ, can chi để suy diễn ra nguyên nhân và phương pháp trị liệu bệnh tật, đến nay vẫn còn được nhiều người tin theo, coi như một trình độ cao của y học, dùng hình nhi thượng học để tìm đáp số cho hình nhi hạ. Những y gia có quan điểm khoa học hơn đều chống lại phương pháp này. Đời Minh ta thấy có Mục Trọng Thuần coi thuyết ngũ vận lục khí là hoang đường, không phải con đường chính đáng của y gia, những người nổi tiếng như Tần Việt Nhân (Biển Thước), Trương Trọng Cảnh, Hoa Đà đều không nói gì đến số học.
Về dược học, từ đời Tống trở về sau, có nhiều học phái, học thuật chẳng hạn như Lưu Hà Gian (Hoàn Tố) chủ trương “Lục Khí đều do Hỏa hóa thành”, “Ngũ Chí đi đến cực độ đều sinh Hỏa” nên khi dùng thuốc lấy các vị có tính mát, tính hàn làm chủ, là đại biểu cho hàn lương phái, Trương Tử Hòa thì đề xướng “Đuổi được tà thì an được chính”, trị bệnh chủ trương làm sao ra mồ hôi, nôn, hay đại tiểu tiện là chủ yếu là đại biểu của công hạ phái, Lý Đông Viên thì đề xuất “Thổ là mẹ của muôn loài”, trị bệnh lấy bổ tì vị là căn bản, là đại biểu cho bổ tì phái, Chu Đan Khê (Chấn Hanh) cho là “con người thường thừa dương mà thiếu âm” nên trị bệnh lấy tư âm làm chính, đại biểu cho tư âm phái. Đó là bốn phái chính trong việc chữa trị, người ta gọi là Tứ đại gia.
Nói chung thì cả bốn phái đều có chỗ đặc sắc riêng, cho rằng “toa thuốc cũ không chữa được bệnh mới (cổ phương bất năng trị kim bệnh)”, nên đưa ra được nhiều cách giải thích khác nhau khiến cho y học thêm phong phú. Chẳng hạn như hàn lương phái đã thay thế phương pháp trước đây trị cảm mạo từ tân ôn chuyển sang các vị tân lương là một chuyển biến quan trọng và thay đổi quan niệm về các chứng ôn bệnh, và phương pháp nhận bệnh cũng thêm độc đáo. Bổ tì về sau biến thành ôn bổ phái, những danh y như Triệu Dưỡng Quỳ, Trương Cảnh Nhạc đã đưa mệnh môn học thuyết, là cơ sở chính yếu về lý luận tạng phủ của y học Trung Hoa.
Phong khí học thuật đó ngày thêm phát triển, thêm tiến bộ. Đời Minh, Ngô Hựu Khả đưa ra lý thuyết là nguyên nhân của bệnh truyền nhiễm là do một loại khí có tên là “lệ khí”, không thuộc vào những loại cũ như phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa mà người xưa đã phân loại. Bệnh thuộc về loại này xâm nhập do miệng và mũi, không do bì phu (da dẻ) mà vào. Đó cũng là một nhận thức mới mẻ so với thời trước, gần với Tây y hơn. Đời Thanh, Vương Thanh Nhiệm lại coi
trọng việc giải phẫu, viết bộ Y Lâm Cải Thác, đính chính lại những sai lầm của sách cũ về mặt mổ xẻ, đưa ra lý luận mới về các chứng ung sang, ứ huyết. Hai quan điểm đó tuy chỉ mới khái quát nhưng quả là một đóng góp có giá trị về phương diện thực tiễn cho khoa Đông y.
Tuy nhiên, vì khoa học tự nhiên chưa phát triển, chưa có những phương tiện để nghiên cứu sâu xa hơn nên đông y bị ngừng lại tại đây mà không tiến vào khoa vi trùng học hay cơ thể học như Tây y được. Ngoài ra, chưa ai nghĩ đến y tế đại chúng và những vấn đề mang tính chất xã hội cũng không được nghiên cứu đến nơi đến chốn, khoa dinh dưỡng cũng chỉ hoàn toàn khái niệm chứ không cụ thể. Tuy Lý Đông Viên có nhận định là việc ăn uống đói no thất thường có ảnh hưởng đến tì vị, nhất là làm việc quá độ sẽ gây ra nội thương, nhưng cũng chỉ đi đến kết luận “thổ là mẹ của vạn vật” (tì thuộc thổ), nên chữa các bệnh lao dịch phải dùng thuốc bổ tì, chứ không đưa ra những phương pháp ăn uống hay sinh hoạt nào sâu xa hơn, vẫn chỉ nằm trong một mớ lý luận trừu tượng, không thiết thực.
Còn “tư âm học thuyết” của Chu Đan Khê tuy trên phương diện y học là tập hợp các sở trường của cả Lưu Khả Gian, Lý Đông Viên nhưng lối lý luận “dương động âm tĩnh, con người dương thường có thừa mà âm không đủ” là mượn lối lý luận của Chu Hi trong hình nhi thượng học của Tống nho, nghĩa là cũng như nhiều ngành khác chỉ tưởng tượng mà không so sánh đối chiếu với thực tế, nhất là hoàn toàn không dựa trên phương pháp thống kê xã hội để hỗ trợ cho quan điểm của mình. Đó cũng là một khuyết điểm chung của nhiều ngành Đông phương học, thuần suy diễn mà thiếu hẳn phần thực nghiệm, thích đưa ra những khẳng định mà không đưa ra cơ sở nào để bảo chứng. Những ai nghiên cứu về phong thủy, tướng thuật, tử vi, tử bình đều thấy điểm này.
Chu Hi cho rằng thái cực là lý, có trước khi khí sinh ra, nên thái cực sinh âm dương, một động một tĩnh, tuần hoàn không ngừng, rồi từ đó sinh sinh hóa hóa ra ngũ hành, vạn vật. Chu Đan Khê soạn bộ Cách Chí Dư Luận cũng do quan điểm này mà ra. Chu Đan Khê còn còn đem hiện tượng “âm hư dương kháng” trong y học để suy rộng ra xã hội, cho là lý luận “chủ hỏa” trong Nội Kinh cũng không khác gì quan điểm “ngũ tính cảm động” của phái lý học, “âm đạo hư” trong Nội Kinh cũng giống như “dưỡng âm” trong Lễ Ký. Nếu như con người phải hành động có chừng mực (động giai trúng tiết) thì cũng đó cũng là theo đạo “trung dung” của Khổng Tử. Ông chủ trương tu tâm dưỡng tính, không nên “tương hỏa” nghĩa là vọng động, lại phải đem quan điểm “an thiên mệnh” áp dụng vào y học. Quan điểm này cũng có điểm hay gần giống như quan điểm sống cho phù hợp với thiên nhiên ngày nay, nhưng cũng đôi khi đi vào chỗ hủ, câu nệ và cứng nhắc.
Từ đó trở đi, một thành phần y gia mới xưng là Nho y, là những người học hành thất chí, không thành đạt chuyển sang làm nghề thuốc (bất vi lương tướng, tiện vi lương y), đem phương pháp lý luận và nguyên tắc của nhà nho vào y khoa. Chính vì thế mà một số nhà nghiên cứu đã lên tiếng chỉ trích, vì những thầy thuốc nửa mùa này hoàn toàn không có kinh nghiệm chữa bệnh mà chỉ hoàn toàn thuần túy lý luận mà thôi. Những người này lại đem quan điểm từ chương vào y học, nghĩa là tôn Nội Kinh và Thương Hàn Luận lên thành những “thánh kinh hiền truyền” coi đó là những chân lý tuyệt đối phải theo, không dám thay đổi một chữ một nét. Thành ra những gì gọi là thay đổi hay mới mẻ đều bị lên án là “ly kinh phản đạo” hay “dị đoan tà thuyết”, và chính từ đó làm cản trở bước tiến của y thuật Trung Hoa. Không cứ gì ngành thuốc, nhiều ngành khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự và một đám hủ nho luôn luôn chống đối những gì khác với lối suy nghĩ của họ. Cái tệ nạn “duy ngã độc tôn” ấy không phải chỉ có ở Trung Hoa mà cho đến nay ở đâu cũng có người vẫn không chấp nhận một lối suy nghĩ khác với suy nghĩ của mình. Cho nên mặc dầu Tống nho đóng góp nhiều công lao cho việc xiển dương tư tưởng Nho gia, hậu thế vẫn lên án họ và những người theo đường lối của họ vì thái độ câu nệ và bài xích đó.
Chính vì sự phức tạp của nhiều môn phái và đường hướng trong y thuật Trung Hoa, hậu nhân cần phải phân biệt và tìm hiểu thêm, ấn chứng với tân học cũng như loại trừ những “cặn bã”, phần lớn không do kinh nghiệm và y án cụ thể mà chỉ thuần túy do lý luận mà ra. Mỗi môn phái đều có chỗ độc đáo, nhưng không môn phái nào giải quyết được mọi vấn đề và những người có quan niệm chín chắn bao giờ cũng tham bác nhiều phương pháp khác nhau cũng như phải dựa theo số liệu và khảo sát của phương pháp khoa học. Phái hàn lương cho ta phương pháp trị
ngoại cảm, phái công hạ có những phương pháp trị cấp tính về đường ruột, mệnh môn học thuyết và thận âm thận dương, có thể áp dụng trong việc định bệnh liên quan đến các tuyến biến dưỡng và nội tiết.
Cho đến nay, phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng một sự dung hợp hai đường lối Tây y và Đông y có thể đem lại những kết quả tốt. Một số thảo mộc dùng trong Đông y nay cũng đã thịnh hành ở Tây phương và nhiều môn như châm cứu, chỉ áp (ấn huyệt bằng ngón tay) đã được công nhận như những phương pháp trị liệu bổ túc. Một số hình thức dưỡng sinh của Đông phương như nhập định (meditation), khí công, án ma (xoa bóp), Thái Cực Quyền… cũng được nhiều y gia nghiên cứu tìm tác dụng tích cực của những môn này trong sinh hoạt hàng ngày, để ngừa hay trị bệnh. Ngược lại, Đông y cũng áp dụng những phương pháp đo lường, máy móc thử nghiệm mà Tây y vẫn dùng vào việc khám nghiệm để gia tăng hiệu năng và sự chính xác. Nhiều ngành trước đây phải đòi hỏi một thời gian thực hành lâu để có kinh nghiệm như thiệt chẩn (xem bệnh bằng lưỡi), thiết chẩn (xem mạch bằng cổ tay) đã được đo lường bằng máy móc và đem lại kết quả chính xác hơn lối cũ. Một số ngành mới tuy khởi nguyên từ Đông y nhưng lại được khai triển và phát huy bằng kỹ thuật Tây phương như nhĩ châm (auriculotherapy), tức phương pháp châm vào các huyệt ở tai để trị bệnh. Châm cứu (acu moxatherapy) cũng được dùng để trị một số bệnh sau khi được chẩn đoán bằng phương pháp Tây y. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó và làm thế nào khai thác sao cho kết quả nhiều nhất bằng phương tiện ít nhất vẫn là một vấn đề, vì thực tế mỗi người phải tự tìm lấy con đường cho chính mình hơn là tuân theo những qui luật bất biến.
Trong những năm gần đây, tại Hoa Kỳ, một số đông người Mỹ đã quan tâm đến những phương pháp của Đông phương và dùng vào việc trị bệnh luân chuyển (alternative medicine) bên cạnh những phương pháp trị liệu của Tây y. Người Việt chúng ta dẫu sao cũng bị ảnh hưởng nhiều của văn hóa Trung Hoa nên việc dung nạp không mấy khó khăn và thường gia đình nào cũng phối hợp cả thuốc tây và thuốc nam, thuốc bắc, cả nội khoa lẫn ngoại khoa, nhất là trong việc phòng và trị bệnh thông thường.
Phương pháp và biện chứng của y thuật Trung Hoa
Đông y bao gồm cả hai phần thực nghiệm lẫn lý luận. Thực nghiệm do kinh nghiệm mà có, còn lý luận do suy đoán mà nên. Cơ sở lý luận bao gồm âm dương, ngũ hành, khí huyết tân dịch, kinh lạc, tạng phủ…, xiển thuật kết cấu cơ thể và tổ chức của con người, nhận định công năng của mỗi bộ phận, tìm hiểu nguyên nhân rồi đề ra một phương thức chữa trị. Cho nên Đông y bao gồm pháp (phép tắc trị bệnh) và phương (toa thuốc chữa), tùy từng y gia, có người chuyên về phép tắc, có người chỉ đặt nặng về phương, nghĩa là sưu tầm một số toa thuốc nhất định, ai đau bệnh gì thì dùng toa đó, và cũng có người phối hợp cả hai. Căn bản việc định bệnh bao gồm tứ chẩn (bốn phép chẩn bệnh), bát cương (tám cách biện luận), phân khí huyết, tạng phủ, bệnh tà, nội ngoại. Về phương, có các cách bào chế và phối hợp thuốc men, gia giảm loại này loại khác để đưa ra toa thuốc chữa từng loại bệnh. Giản thuật những phương pháp trên như sau:
Âm dương ngũ hành: Âm dương ngũ hành là nguyên tắc mà người xưa dùng để phân loại và nhận định thiên nhiên, dùng làm cơ sở để suy luận trong Đông y. Đối với cơ thể con người, âm dương được dùng để phân khí huyết, tạng phủ, ngũ hành tương ứng với ngũ tạng và lẽ tương sinh tương khắc dùng giải thích liên quan giữa bộ phận này với bộ phận khác. Về bệnh lý, âm dương phân bệnh ra hàn nhiệt, hư thực, và lẽ ngũ hành sinh khắc được dùng để giải thích bệnh này liên quan đến bệnh kia, và luôn cả giải thích các loại dược vật để chữa bệnh.
Khí huyết tân dịch: là bốn loại lưu chất hoạt động trong cơ thể. Về phương diện lý luận, y gia Trung Hoa đưa ra lý luận về sự sinh thành của các loại và nếu như thất điệu sẽ đưa đến bệnh tật.
Tạng phủ: bao gồm ngũ tạng và lục phủ. Ngũ tạng gồm tâm, can, tì, phế, thận còn lục phủ là đảm, vị, đại trường, tiểu trường, bàng quang và tam tiêu.
Kinh lạc: là hệ thống liên lạc giữa các cơ quan trong cơ thể con người, từ trong ra ngoài, gân, da, thịt, xương để thành một khối thống nhất. Lý luận kinh lạc đưa ra các nguyên lý và tuần hoàn các lộ tuyến, công năng và tác dụng, và các chứng bệnh thể hiện do các bế tắc của kinh lạc.
Nguyên nhân bệnh tật: chỉ các nguyên nhân gây ra bệnh mà Trung y đề ra bao gồm cả nguyên lý và nguyên nhân của bệnh tật. Về nguyên lý, y học Trung Hoa nhấn mạnh vào việc quân bình âm dương, coi việc tăng cường sức mạnh nội tại để chống lại ngoại tà là việc hết sức quan trọng. Trong khi Tây y chủ trương dùng thuốc để trợ lực con bệnh, hoặc thay thế con bệnh chống với vi trùng, thì Đông y chủ trương làm mạnh con bệnh để tự mình chống lại bệnh. Dĩ chính tại nội, tà bất khả can (nếu chính ở bên trong thì tà không thể xâm nhập) hay tà chi sở thấu, kỳ khí tất hư (nếu như tà có thể đến ắt là khí đã hỏng). Phương pháp làm tăng cường hệ thống miễn nhiễm hiện nay cũng đã được Tây y đề cao và đang được nghiên cứu trong việc chống lại bệnh ung thư.
Tứ chẩn: là những phương pháp của y gia dùng để chẩn đoán bệnh (lâm sàng) gồm có vọng (inspectio, nhìn), văn (ausculatio et olfactio, ngửi và nghe), vấn (interrogatio, hỏi) và thiết (palpatio, bắt mạch bằng tay hay nhìn lưỡi). Những phương pháp này không được sắp xếp một cách khoa học vì bị hạn chế bởi thời đại và tiến bộ trong các ngành khác nên phần lớn do kinh nghiệm và trực quan của y gia. Tuy nhiên, trong bốn phép vọng quan vấn thiết, mạch chẩn (bắt mạch) và thiệt chẩn (nhìn lưỡi) là những phương pháp hết sức tinh tế, và ngoài việc coi bệnh do trực tiếp ghi nhận, còn một phần lý luận biện chứng rất phức tạp.
Bát cương biện chứng: chủ yếu của bát cương biện chứng bao gồm phân biệt âm dương, biểu lý (bên ngoài, bên trong), hàn nhiệt, hư thực. Âm dương là tổng cương, còn biểu, nhiệt, thực là các chứng dương, còn lý, hàn, hư là các chứng âm. Y gia dùng biểu lý để xem bệnh nặng nhẹ, dùng hàn nhiệt để xem tình trạng, còn hư thực để xem chính tà xem mạnh yếu thế nào.
Khí huyết biện chứng: là phương pháp xem bệnh thuộc khí hay thuộc huyết để biết là khí hư hay huyết hư, khí trệ hay huyết ứ, huyết nhiệt … ngõ hầu xem bệnh sẽ biến chuyển ra sao mà tìm cách chữa.
Tạng phủ biện chứng: Người thầy thuốc căn cứ trên nhận định và chẩn đoán con bệnh bao gồm đặc điểm và tương quan giữa các bộ phận, xem bệnh tình sẽ biến hóa ra sao, xem xét âm dương, khí huyết rồi đưa ra phương pháp chữa trị. Bệnh tà biện chứng: Căn cứ vào hiện tượng con bệnh, những đặc điểm mà phân ra ngoại tà (bệnh từ ngoài xâm nhập) hay thể nội (bệnh từ trong cơ thể mà ra) rồi từ đó đưa ra một đường lối tổng quát để chữa bệnh.
Ngoại cảm nhiệt bệnh biện chứng: Là phương pháp trị những bệnh mà ngày xưa người ta cho là do tà khí xâm nhập, chẳng hạn như cảm mạo, ôn dịch. Về các chứng này y gia sử dụng thương hàn học thuyết và lục kinh biện chứng cùng vệ khí và doanh huyết để chữa.
Trị tắc và trị pháp: Trị tắc là nguyên tắc chữa bệnh lấy từ quan điểm “trị bệnh tất cầu ư bản (chữa bệnh phải chữa ở gốc)” để xem bệnh hoãn hay cấp (đến chậm hay đến mau), chính tà thịnh suy ra sao, âm dương cường nhược thế nào để dùng một trong những cách thức cấp trị, hoãn trị, khử tà, phù chính, điều chỉnh âm dương mà áp dụng. Trị pháp là phép cụ thể dùng trị bệnh, áp dụng ngay cho người bệnh để thực hiện những nguyên tắc mà người thầy thuốc đưa ra chẳng hạn như hãn (sudatio, làm chảy mồ hôi), thổ (vomitio), tả (purgatio), thanh (làm mát cơ thể), hòa (composio), ôn (tepefactio), bổ (suppletio), tiêu (dispulsio), khai khiếu, trấn nạp…
Để có cái nhìn rõ ràng về y thuật của người Trung Hoa, chúng ta cần biết qua một vài khái niệm:
Quan niệm chỉnh thể: Có người cho là quan niệm chỉnh thể của Đông phương rất cao siêu, có người lại cho rằng quá đơn sơ và ấu trĩ. Quan niệm đó bao gồm hai phần:
Trong cùng một con người, có hai phần âm dương và chính từ những cơ bản của tính chất âm dương, mà phân ra thành trên dưới, trong ngoài, biểu lý. Cũng do âm dương mà phân các bộ phận trong con người thành tạng và phủ, khí và huyết… Tất cả sự vận động trong con người không ngoài các nguyên lý tương sinh tương thừa của âm dương, ngũ hành mà ra. Cho nên hiểu được thuyết âm dương ngũ hành là có thể đoán định được sự vận hành của cơ thể. Cái lẽ âm dương tiêu trưởng, khí huyết sinh hóa đó đều do sự mâu thuẫn đối đãi mà hình thành, nếu như không đúng cách sẽ đưa đến sự phá hoại và sinh ra bệnh tật. Thành thử âm dương thất điệu, huyết khí bất hòa là căn nguyên của mọi chứng bệnh.
Về phương diện tương quan giữa con người và thiên nhiên, con người với trời đất tuy khác biệt nhưng vẫn cùng một thể, con người phải sống thuận theo lẽ tự nhiên và tùy theo hoàn cảnh mà thay đổi cho hợp với tiết điệu của vạn vật. Con người được coi như một tiểu vũ trụ trong đó bao gồm mọi hình tướng mà vũ trụ hiển hiện. Chính vì cá nhân là một tiểu thiên địa nên tự nó có những cơ năng điều chỉnh một khi bị lệch lạc. Y sư là người giúp cho sự tái lập quân bình ấy được mau chóng và đúng đắn hơn, nhưng chính bản thân con bệnh là yếu tố tích cực nhất để chữa bệnh. Người thầy thuốc hoàn toàn không có khả năng cải tử hoàn sinh nếu bệnh nhân đã mất đi cơ năng phục hồi.
Biện chứng trị liệu: là phương thức suy luận cụ thể khi gặp con bệnh, bao gồm hai phần, phần lý luận (biện chứng) và phần áp dụng những suy luận đó trong phương pháp chữa trị (thi trị). Biện chứng là tiền đề của thi trị, còn thi trị là mục đích tối hậu của biện chứng. Tứ chẩn là phương pháp đi tìm các yếu tố để luận đoán, tức sưu tầm dữ kiện, sau đó dùng bát cương, tạng phủ, và nguyên nhân gây ra bệnh để phân định rồi theo những cách thức tương ứng mà chữa trị. Tuy nhiên như đã nói ở trên, thuốc men chỉ là một phần của việc trị liệu. Trên nguyên tắc trị bệnh từ khi chưa có bệnh, một đời sống lành mạnh làm giảm thiểu tối đa những mầm bệnh là phương thuốc hay nhất. Ăn uống, dưỡng sinh, thể dục, và sinh hoạt tinh thần đều là những phương thuốc để ngăn ngừa bệnh tật. Chính vì thế mà việc dùng thuốc, đau đâu chữa đó được coi là bá đạo nghĩa là hạ sách trong việc
trị bệnh, đứng sau đế đạo (trị bệnh từ lúc chưa bệnh nghĩa là sống hợp với lẽ tự nhiên, ăn uống sinh hoạt cho phải phép) và vương đạo (trị bệnh bằng cách dùng thuốc tái lập quân bình).
Kết luận
Khi tìm hiểu về Đông phương, hầu như bất cứ ngành nào cũng có những phần thật cao, nhưng cũng không hiếm những điều thật thấp. Chính vì thế một sự lựa chọn và cân nhắc là điều cần thiết, vì ở đâu cũng có nhiều góc cạnh khác nhau mà tùy theo mỗi người, chúng ta có cảm quan riêng về ngành đó. Y thuật cũng vậy, một phần được nghiên cứu và lưu truyền bằng những huyền thoại, mà người ta nghĩ rằng do những siêu nhân để lại, bằng kinh nghiệm hay bằng trước thuật, nhưng mặt khác lại có rất nhiều phương thuốc, chữa mẹo, bằng lá lảu của dân gian, do những thầy lang vườn sưu tầm, lại cộng thêm những ngoại khoa, pháp thuật, có khi cả một chút tâm lý học giản dị mà người ta gọi là chữa mẹo. Thành ra, khi nghiên cứu về phương thức trị và chữa bệnh, ngừa bệnh, hầu như chúng ta bị rơi vào một mê lộ trùng điệp giữa khen và chê, giữa bênh và chống.
Trước đây trong ngành y khoa lại không có một chương trình huấn luyện có cơ sở, mà tùy theo cái cơ duyên mỗi người. Người vì thất bại trên đường khoa cử nên xoay sang làm thuốc, người khác có một vài phương thuốc gia truyền nên tiếng lành đồn xa, nhiều người đến nhờ cậy và nghiễm nhiên thành một ông lang. Chính cái thực tế đó đã khiến cho những nhà khoa học phương Tây vốn trọng những cơ bản trường ốc không khỏi nghi ngờ về giá trị của những khoa học Đông phương. Ngay chính người Tàu trong một giai đoạn mà họ bị choáng mắt trước nền văn minh vật chất và sức mạnh của súng đạn cũng phủ nhận nền y học truyền thống và phương pháp cổ điển. Thời Dân Quốc, chính quyền Trung Hoa đã ban hành một đạo luật bãi bỏ việc dùng thuốc bắc trên toàn quốc nhưng phải thu hồi vì họ chưa có một hệ thống và mạng lưới y tế hoàn chỉnh cho mọi người. Đối với Âu Tây, người ta không quan tâm tới những gì ngoài thế giới của chính họ. Chỉ mới gần đây, khi một số nhà nghiên cứu đi tìm những căn nguyên khoa học của Á châu mới ý thức rằng đây là một trong những nền văn minh có chiều sâu mà trước đây người ta chỉ nhận định một cách hời hợt bề ngoài.
Hơn một trăm năm trước, khi Tây phương tìm ra được vi trùng là đầu mối của nhiều chứng bệnh truyền nhiễm, họ đã tin tưởng rằng khoa vi trùng học (bacteriology) sẽ là chìa khóa mở được nhiều, nếu không nói là mọi cánh cửa trong việc chống lại bệnh tật. Quả thực nhiều bệnh dịch trước đây là mối đe dọa lớn cho nhân loại nay gần như hoàn toàn biến mất, nhiều bệnh hiểm nghèo cũng đã hoàn toàn kiểm soát được trong những quốc gia có một hệ thống vệ sinh và y khoa khả quan. Những con số thống kê về y tế đại chúng đã chứng minh điều đó. Số tử vong của trẻ em sơ sinh tụt hẳn đi, và đời sống con người cũng kéo dài ra nhiều. Quan niệm “thất thập cổ lai hi” không còn đúng vì tuổi thọ trung bình đã kéo dài trên 70 tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên việc loại trừ tất cả mọi bệnh tật vẫn còn là một niềm mơ ước, vì tuy một số căn bệnh không còn đe dọa con người thì một số chứng khác – không do vi trùng gây ra mà do đời sống con người mất quân bình – lại có nguy cơ nảy nở nhanh trong một số khu vực. Trong khi tại những quốc gia nghèo đói, tình trạng thiếu dinh dưỡng (undernutrition) đã đưa đến nhiều bệnh suy nhược như lao phổi, còi xương, chậm lớn, đần độn … thì tại những quốc gia giàu có những căn bệnh liên quan đến việc thất điệu và dinh dưỡng không đúng cách (malnutrition) như ung thư, tim mạch, tiểu đường… lại gia tăng. Tuy những tiến bộ y khoa hiện đại có làm chậm lại một số triệu chứng và kéo dài sự hấp hối cho một số bệnh nhân nhưng đó chưa phải là câu trả lời đích thực nếu mục tiêu cuộc đời phải là sống vui, sống mạnh. Trong tác phẩm Y Khoa Trong Khủng Hoảng Của Thời Đại Chúng Ta (Medicine In The Crisis Of Our Times), bác sĩ Arthur Jores đã thấy rằng Tây y phải bó tay và “nhiều trường hợp chỉ giữ cho con bệnh khỏi chết mà không phục hồi sức khỏe cho họ và đó là nguyên nhân chính của những bệnh kinh niên (In many cases medical science prevents the patient from dying without restoring him to health. It is thus a primary cause of chronic illness)”. Cuộc chiến chống bệnh tật chuyển hướng từ những bệnh truyền nhiễm sang những bệnh do sự rối loạn của hệ thống sinh lý và tim mạch, mà sự chuyển hướng này đã gây ra sự tốn phí nhiều hơn, và sự thành công mỗi lúc một mơ hồ. Ngoài những nguyên do kinh tế và tài chánh, việc quay về với một số phương pháp chữa trị, cũng phần nào do sự thất vọng hay tuyệt vọng của bệnh nhân trong phương pháp y khoa hiện đại. Đó là chưa kể nhiều chứng vẫn bị coi là có thể trị nhưng không thể chữa (treatable but incurable, nghĩa là dùng thuốc có thể giúp cho người bệnh sống còn nhưng không trị được dứt hẳn) lại có thể chữa lành bằng những phương pháp được mệnh danh là “không chính thống
(unconventional)”. Chắc chắn không ai trong chúng ta phủ nhận những đóng góp và tiến bộ hết sức vĩ đại của Tây y trong một trăm năm qua, nhưng không phải vì thế mà không nhìn lại nhiều vấn đề, nhất là trong một thời kỳ mà nhiều thành tựu to lớn của Tây phương đang bị thách đố, trong đó có cả những vấn đề xã hội, kinh tế hay chính trị.
Phải nói là Đông y đã tạo được những sắc thái hết sức độc đáo trong cả lý luận về cơ năng con người, biến hóa của bệnh lý, và cách chẩn đoán bệnh tật, phương pháp trị liệu. Mà đó không phải chỉ riêng y khoa, nhiều ngành khác người Trung Hoa cũng đã có những kho tàng hết sức phong phú mà mãi gần đây người Âu châu mới khám phá ra được. Càng ngày người ta càng tìm ra được những tài liệu khoa học rất sớm ở Trung Hoa và hiện nay nhiều học giả đang tìm cách giải thích tại sao một nền văn minh bề thế như vậy bỗng dưng đứng chựng lại trong nhiều ngàn năm. Những ai nghiên cứu về Trung Hoa không thể không để ý tới bộ sách vĩ đại về khoa học và văn minh do Viện Nghiên Cứu Needham liên tục ấn hành từ gần 50 năm qua (The Science and Civilisation in China, Cambridge University Press) để nghiên cứu chuyên về những khoa học mà người Tàu đã phát triển. Tất cả học thuật và văn minh của người Trung Hoa xoay quanh học thuyết âm dương, ngũ hành biến hóa và học thuyết này lại không ra ngoài quan niệm thiên địa vạn vật đồng nhất thể, thiên nhân tương dữ. Người phương Đông coi cá nhân là một phần của vũ trụ, của thiên nhiên nên việc sống hòa hợp với thiên nhiên là chân lý tối hậu của đời sống. Việc tìm hiểu về y học Đông phương sẽ giúp cho chúng ta mở một cánh cửa mới nhìn con người như một thực thể toàn diện hơn là chia cắt cơ thể thành những mảnh mún li ti. Khi tách rời một bộ môn thành một khoa học riêng rẽ để phán đoán, người Tây phương không khỏi có cái nhìn cục bộ và phiến diện. Người ta vẫn nghĩ rằng khi nghiên cứu về Trung Hoa thì trọng tâm phải nghiên cứu là Nho giáo và các học thuyết chính trị. Thực ra, căn bản chính yếu của cả nền văn minh Hán tộc nằm trong hệ thống Đạo giáo (Taoism) vì từ đó nảy sinh ra tất cả mọi chi lưu, từ cao tới thấp, từ trong đến ngoài. Đời sống người Tàu đi rất gần với những sinh hoạt và tập tục bắt nguồn từ Đạo giáo mà dù ở đâu, giai cấp nào họ cũng vẫn áp dụng một cách nghiêm túc. Đó là những chỉ dấu họ dùng làm cái áo lót mình, gắn chặt với đời sống riêng của họ dẫu rằng cái tên đã đổi hẳn vì nhu cầu sinh tồn và vươn lên.
Ngày hôm nay, chúng ta cần có một quan điểm dung hợp Đông Tây, áp dụng sự tiến bộ to lớn của Tây Y để chữa trị những bệnh tật liên quan đến vi trùng, mổ xẻ nhưng cũng đừng quên cái ảo diệu của Đông phương trong việc tạo một đời sống quân bình, và trị bệnh từ khi chưa có bệnh. Chúng ta cần đánh giá một cách sáng suốt những kinh nghiệm và biện chứng trong Đông y, đồng thời biết gạn đục khơi trong, tìm ra được những gì còn thực dụng để khai triển đồng thời cũng loại trừ những suy luận có tính chất thuần lý, dựa vào một số tín điều của hình nhi thượng học, mà quên rằng bất cứ ngành nào cũng có những giới hạn riêng của nó. Trong một thế giới đa nguyên ngày hôm nay, trong bất cứ một bộ môn nào, kể cả những khu vực lấy tín niệm làm nền tảng như tôn giáo cũng phải tái thẩm định nhiều vấn đề, huống chi một bộ môn mang màu sắc được coi là khoa học và thực nghiệm như y khoa. Cho đến giờ phút này, con người càng ngày càng đi sâu vào những tổng hợp mới, trong đó đời sống được coi là một mô hình đa phương dung chứa nhiều quan niệm, nhiều nguồn văn hóa, nhiều xu thế, lắm khi hoàn toàn đối nghịch nữa. Những quan điểm cứng nhắc, bất biến không những bị xem là lỗi thời mà còn khó có thể được chấp nhận trong một xã hội văn minh.
Tháng 12/1998
CUỘC KHỞI NGHĨA LẬT ĐỔ TRIỀU NGUYÊN
Lời nói đầu
Kim Dung viết ba truyện dài liên tiếp bắt đầu từ Xạ Điêu Anh Hùng Truyện, tiếp theo là Thần Điêu Hiệp Lữ và sau cùng là Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Xạ Điêu Anh Hùng Truyện có bối cảnh là cuối đời nhà Tống, Thần Điêu Hiệp Lữ là giai đoạn người Trung Hoa chống lại nạn Bắc xâm, chủ yếu là việc thủ thành Tương Dương và Ỷ Thiên Đồ Long Ký viết về cuối đời Nguyên trong thời kỳ những thế lực tôn giáo lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ nhà Nguyên. Cả ba bộ truyện đã kéo dài hơn một trăm năm từ đầu chí cuối triều đại của người Mông Cổ hình thành một đế quốc được coi là vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, bao trùm một khu vực địa dư từ Á sang Âu.
Bài viết này vẽ lại bức tranh lịch sử của thời kỳ đó, nhấn mạnh vào giai đoạn cuối đời Nguyên để nhằm làm sáng tỏ một số câu hỏi liên quan đến lịch sử ngõ hầu tạo một khoảng cách giữa thực tế và tiểu thuyết hầu cho chúng ta cái nhìn chính xác hơn về cuộc diện Trung Hoa vào cuối thế kỷ 14.
Một tác giả Hoa Kỳ bảo rằng người Trung Hoa (và cả người Việt Nam nữa chăng?) nhìn lịch sử của họ chẳng khác gì một người già cả nhìn lại thuở thanh xuân. Cái quá khứ xa xăm kia bao giờ cũng sống động, huy hoàng và mỗi lần kể lại, người ta lại tô điểm cho nó thêm rực rỡ, phóng đại và sẵn sàng bóp méo nhiều chi tiết (History in China is like an old man’s memory. The distant past is often more vivid than the present, and its stories are polished, exaggerated and distorted by many tellings.” Clayre, Alasdair: The Heart of The Dragon, Dragonbook ApS 1984 p. 32). Chính vì thế việc phân tích và lựa chọn tài liệu là một việc khó khăn và rất khó nhìn vấn đề cho trung thực và khách quan. Tóm tắt một giai đoạn nhiễu nhương và nhiều biến cố trong mươi trang giấy một cách chính xác là điều gần như không thể làm được, nhất là mỗi sử gia lại nhìn dưới một góc cạnh khác nhau. Thành thử chúng tôi chỉ chọn lựa những chi tiết nào có thể đóng góp một cái nhìn lịch sử, bổ túc cho bản dịch bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký mà thôi chứ không có ý định viết thành một biên khảo về một giai đoạn phức tạp của Trung Hoa.
Một trong những vấn đề mà bất cứ ai đọc về tình trạng cuối đời Nguyên đều khó tìm ra manh mối vì chúng ta thấy có nhiều cuộc nổi dậy tại nhiều vùng, mỗi người cát cứ một phương. Họ có liên hệ với nhau không? Phải chăng cùng trong một tổ chức như Kim Dung miêu tả? Trong những người đó ai hơn ai, người nào chỉ huy người nào? Thực tế, đây đều là những nhóm độc lập, mặc dầu khi cần thiết họ vẫn liên minh với nhau để tồn tại. Có những nhóm dựa vào sức mạnh tôn giáo và thần quyền vận động quần chúng bằng lối tuyên truyền mê tín, có nhóm thì dựa vào lòng hoài vọng tiền triều nhân danh khôi phục nhà Tống, cũng có nhóm lại chỉ vì đói khó quá mà đi ăn cướp sau lớn dần thành một lực lượng quân sự. So sánh giai đoạn này với cuộc nội chiến ở Trung Hoa thời Dân Quốc đầu thế kỷ 20 sau khi nhà Thanh bị lật đổ, chúng ta thấy có nhiều điểm tương đồng. Phải chăng lịch sử cũng chỉ là những lập lại trên những qui mô khác nhau nhưng bản chất cũng chỉ là một cuộc đuổi hươu tranh đỉnh?
Nếu thoát hẳn ra khỏi những chi tiết sống động mà Kim Dung đã vẽ nên trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký, chúng ta có thể rút tỉa được một số bài học về chính trị và quân sự, và có cái nhìn chính xác hơn về một triều đại ngã xuống và một triều đại mới vươn lên.
Sơ lược về triều đại Nguyên – Mông
Người Mông Cổ cai trị nước Tàu gần đúng một trăm năm, từ năm 1271 đến năm 1368. Trước đó, nhà Tống là một triều đại bị nhiều sử gia coi là hèn yếu nhất trong lịch sử Trung Hoa, tuy có một số thành tựu về văn học và nghệ thuật nhưng luôn luôn bị những tiểu quốc chung quanh uy hiếp, phải triều cống cho lân bang để được yên. Cũng chính triều đại này đã đem quân sang đánh nước ta hai lần nhưng lần nào cũng bị đại bại. Lý Thường Kiệt, danh tướng đời Lý còn đem quân sang tận Ung Châu (1076) rồi lại rút về.
Ngay từ đầu thế kỷ thứ 11, Tống triều hàng năm đã phải “cống” cho nước Liêu mười vạn lượng bạc (100.000) và hai chục vạn (200.000) tấm lụa nhưng kể từ năm 1042 thì tăng lên thành hai mươi vạn (200.000) lượng bạc và ba chục vạn (300.000) cây lụa để họ khỏi đem quân quấy phá biên thùy phía Bắc.
Năm 1126, người Nữ Chân (tức nước Kim) tiến đánh kinh đô Khai Phong, hai cha con vua Huy Tông và hơn 3.000 tông thất bị bắt và chín năm sau nhà vua chết trong ngục (1135). Một nửa nước Tàu bị chiếm đóng, nhà Tống phải thiên đô xuống Hàng Châu và triều đình chỉ còn kiểm soát miền nam sông Hoài trở xuống, sử gọi là Nam Tống. Mỗi năm nhà Tống phải “triều cống” một số tiền rất lớn cho người Nữ Chân. Một danh tướng là Nhạc Phi nhiều lần cố đem quân khôi phục lại những đất bị mất vào tay người Kim nhưng không thành công.
Thành thử, trong khoảng một thế kỷ rưỡi, người Trung Hoa hết nhượng bộ cho người Khiết Đan (Liêu) lại triều cống cho người Nữ Chân (Kim) và sau cùng thì bị người Mông Cổ chiếm đóng.
Ngay từ thời thượng cổ, những dân tộc phía bắc đã là một mối đe dọa lớn cho người Trung Hoa. Những bộ lạc phía bắc là giống dân du mục, sống bằng chăn nuôi rất thiện chiến. Mỗi khi đói kém, họ tràn xuống miền nam quấy phá và cướp bóc lương thực. Người du mục sinh sống trên lưng ngựa ngay từ khi còn nhỏ nên khi trưởng thành nam cũng như nữ đều thiện nghệ về cung tên, quen với chém giết vì đó là sinh hoạt gần như tự nhiên để sinh tồn. Không những họ tàn nhẫn với người Tàu ở phương nam mà cũng luôn luôn tranh giành giữa bộ lạc này với bộ lạc khác, đánh lẫn nhau để cướp gia súc, đàn bà, tài vật. Thành thử một khi họ liên kết được với nhau thì trở thành một sức mạnh khủng khiếp.
Sức mạnh chủ yếu của họ trong chiến đấu là sự di động. Ngựa miền mạc bắc tuy nhỏ con nhưng dai sức, chạy rất nhanh (Giống ngựa sa mạc tuy không hùng tráng như giống ngựa Ả Rập nhưng lại thích hợp cho chiến đấu. Ở vùng Ferghana tại Tân Cương (Turkestan) có một giống ngựa chạy rất nhanh, bờm dài đuôi rậm. Giống ngựa này sống trên núi rất khó bắt, có đặc tính là khi chạy nhanh toát mồ hôi thì cổ ngựa nhểu ra những giọt máu, trong bộ Anh Hùng Xạ Điêu có nhắc đến gọi là Hãn Huyết Bảo Câu. Thần tích ly kỳ về giống ngựa này vẫn được truyền tụng, coi như một loại thần mã hiện ra từ sông hồ. Người Mông Cổ thường dẫn ngựa cái tới thả những nơi có loài này xuất hiện trong những đêm trăng để gây giống. Tới gần đây những khoa học gia đã tìm ra nguyên nhân của việc xuất hãn huyết này. Nguyên là có một loài ký sinh trùng (con ghẻ) sống bám dưới làn da và trong bờm ngựa tiết ra một loại độc tố làm mỏng những thành huyết quản. Khi ngựa chạy nhanh, nhiệt độ trong cơ thể dâng cao khiến cho những mạch máu nhỏ bị vỡ. Tuy nhiên việc đổ máu không làm cho ngựa bị thương tổn bao nhiêu, ngược lại còn cho giống bảo mã này một thần kỳ. (Hope W. Rathbun: Echoes of Chinese History, Magic Horses of Ferghana, Charles E. Tuttle Co. Japan 1967, p. 32). Mỗi chiến sĩ thường đem theo hai ba con ngựa và đi bộ để dưỡng sức, chỉ khi nào tới gần quân địch mới nhảy lên xông thẳng vào trận địa. Vũ khí chính yếu của họ là cung tên, họ có thể vừa phi ngựa vừa bắn cung bách phát bách trúng. Theo sách vở, mỗi kỵ binh Mông Cổ thường mang hai loại cung, một loại bắn gần và một loại để bắn xa (có thể tới 300 mét). Túi đựng của họ mang được đến 60 mũi tên, có loại bắn thủng được áo giáp, có loại khi bắn ra có tiếng rít dùng để truyền tín hiệu. Quân sĩ của họ lại rất có kỷ luật và nhạy bén trong chiến trận. Đời Đường người Khiết Đan thành lập nước Liêu, mặc dù chỉ bao gồm độ mươi bộ tộc, dân số chỉ độ non một triệu nhưng cũng đã khiến cho người Trung Hoa điêu đứng. Cũng ở phía bắc, người Nữ Chân (tức Mãn Châu) tuy luôn luôn bất hòa với người Khiết Đan nhưng lại cũng đe dọa nước Tàu. Người Nữ Chân lại có trình độ kỹ thuật quân sự khá cao, biết sử dụng những loại chiến xa và súng bắn đá nên đã tiến đánh
những thành thị của Tống triều ở miền bắc một cách dễ dàng.
Tới cuối thế kỷ thứ 12, khí hậu miền quan ngoại trở nên khắc nghiệt. Nhiều vùng bị hạn hán lâu năm khiến cho các thảo nguyên bị khô cháy, thiếu thực phẩm cho những bầy gia súc. Để sinh tồn họ chỉ còn nước nhòm ngó cái kho thực phẩm ở phương nam và người khai thác được cơ hội là Thành Cát Tư Hãn (Chinggis hay Ghengis Khan 1162-1227) một nhân vật nổi danh trong lịch sử thế giới.
Thành Cát Tư Hãn là một con người khát máu, thích chém giết và chinh phục. Ông ta đã từng tuyên bố rằng “Nỗi vui sướng nhất của con người là đánh bại được kẻ thù, săn đuổi họ, cướp tài vật, chứng kiến thân nhân họ khóc than, cưỡi ngựa của họ và đoạt lấy vợ con họ làm tài sản của mình” (Time & Life Books: What Life Was Like in the Land of the Dragon (Imperial China 960- 1368) 1998 trang 112). Sau khi thống trị được nhiều bộ lạc gồm nhiều sắc dân khác nhau, Thành Cát Tư Hãn xây dựng một đội quân tinh nhuệ và trở thành một lãnh tụ. Năm 1206, các bộ tộc tôn ông ta lên làm Đại Hãn (Universal Ruler) nghĩa là chúa tể của các bộ lạc khác. Thành Cát Tư Hãn liền tổ chức lại lực lượng, thay vì để cho mỗi bộ lạc theo cơ chế riêng, ông tập trung lại thành một quân đội duy nhất theo hệ thống thập phân, cứ mỗi 1.000 kỵ sĩ thành một đơn vị, người chỉ huy được cha truyền con nối và chỉ tuân hành quyền lực duy nhất của Đại Hãn mà thôi.
Ngoài việc khai thác được sở trường của mình là sự di động nhanh và kỹ thuật chiến đấu, Thành Cát Tư Hãn còn thiện nghệ trong việc điều quân, áp dụng được binh pháp một cách tài tình, kể cả ba mặt giáp công, trá bại, trá tẩu và biết liên minh đúng lúc với kẻ thù. Ông ta cũng biết sử dụng nội gián (espionage and intelligence) để thu lượm tin tức trước khi tấn công.
Thành Cát Tư Hãn cũng qui định lại pháp chế, chữ viết và tỏ ra là một người có tài tổ chức, lấy kỷ luật sắt và nghiêm hình để cai trị. Ông tự chỉ huy một đoàn thân binh chừng một vạn người là những binh lính có khả năng nhất tuyển chọn trong các bộ lạc.
Sau khi củng cố thực lực rồi, Thành Cát Tư Hãn sai người chiêu hàng các bộ lạc, ai thần phục thì được yên còn nếu chống lại sẽ bị tàn sát không thương tiếc. Chỉ trong hai năm 1212-1213 có đến hơn chín mươi thành bị san thành bình địa. Khi họ chiếm kinh đô nước Kim của người Nữ Chân năm 1215, thành phố này bị đốt cháy đến hơn một tháng mới hết. Năm 1218, một đoàn thương nhân người Hồi được Thành Cát Tư Hãn bảo hộ bị cướp tại nước Khwarizm (Hoa Thích Tử Mô) dẫn đến việc quân Mông Cổ tiến vào Trung Đông rồi tràn qua tận Đông Âu. Trong ba năm nhiều triệu người bị tàn sát, kể cả đàn bà con trẻ, thậm chí cả súc vật cũng bị giết sạch. Chính chiến dịch này đã làm cho người Mông Cổ nổi tiếng về sự dã man và những nơi nào kháng cự lại họ sẽ bị tiêu diệt không thương tiếc. Hai người con trai thứ hai và thứ ba của Thành Cát Tư Hãn là Chagatai và Ogedei chỉ huy đoàn quân này và quân đội đem về những bao đầy tai người làm chứng tích chiến thắng. Sau khi hạ thành Nishapur, bao nhiêu cư dân đều bị giết sạch, đầu của họ được chất thành ba đống, đàn ông, đàn bà, trẻ con. Các sử gia đã tổng kết cuộc viễn chinh này là 700.000 trong thành Merv, 1.600.000 người tại Heart và 1.747.000 người tại Nishapur (Time&Life Books, The Mongol Conquests, Time Frame AD (1200-1300) 1989 tr. 20).
Chỉ trong gần 20 năm cho tới khi Thành Cát Tư Hãn chết (1227), đế quốc Mông Cổ đã bành trướng gần khắp châu Á suốt từ Mãn Châu đến tận Trung Đông.
Khi Thành Cát Tư Hãn đột ngột từ trần, những người con ông ta tranh nhau ngôi vị nhưng sau cùng, người thứ ba là Oa Khoát Đài (Ogodei) đánh bại những người khác và trở thành Đại Hãn.
Oa Khoát Đài tiến đánh phần còn lại của nước Kim tràn xuống phương Nam cũng như bành trướng qua phía Tây, chiếm cả Moscow, Kiev và Đông Âu. Tuy người Mông Cổ lúc đó chỉ độ 1,5 triệu, họ trở thành sức mạnh vô địch vì biết sáp nhập những đạo quân của các bộ lạc hay dân tộc khác dưới quyền chỉ huy của họ. Họ khai thác được những ưu điểm của đối phương trong đó phải kể các chiến xa của người Nữ Chân và thủy quân của người Hán, sử dụng những võ khí mới thu được làm phương tiện tấn công. Trong những lần tiến đánh nước ta, người Mông Cổ đã dùng những chiến thuyền của nhà Tống.
Trong khi những cận thần muốn du mục hóa người Hán, biến miền Bắc nước Tàu thành đồng
cỏ cho gia súc thì vị tể tướng của Oa Khoát Đài là Gia Luật Sở Tài (Yelu Qucai, gốc hoàng tộc Khiết Đan) đã khuyên ông ta theo đuổi một chính sách văn minh hơn. Đó là đánh thuế nông dân bằng vàng bạc, lụa là, thóc lúa. Những sắc dân du mục theo đạo Hồi ở vùng Trung Á được giao nhiệm vụ thu thuế và chính vì thế họ bị cả người Hoa lẫn người Mông Cổ ghét bỏ.
Tuy nhiên phải đến khi cháu nội của Thành Cát Tư Hãn là Hốt Tất Liệt (Khubilai) lên ngôi thì đế quốc Nguyên Mông mới phát triển đến cực điểm. Hốt Tất Liệt thiên đô từ Karakorum ở Mông Cổ về Bắc Kinh, khi đó có tên là Đại Đô và đến năm 1271, ông ta đổi quốc hiệu là Nguyên, tổ chức triều đình theo nghi thức nhà Tống.
Trước đây, sông lạch miền Nam Trung Hoa vẫn là những chiến lũy thiên nhiên ngăn chặn bước chân của đoàn kỵ binh Mông Cổ nhưng sau khi chiếm được miền Bắc, họ đã để tâm xây dựng một đội chiến thuyền. Năm 1268 họ vây hãm thành Tương Dương (Xiangyang), một thành phố ở Hồ Bắc, cửa ngõ huyết mạch xuống miền hạ lưu sông Dương Tử. Cuộc công hãm kéo dài đến năm năm, sử dụng hàng ngàn thuyền bè và hàng vạn binh sĩ. Các chuyên viên hải quân người Hán, Triều Tiên, Nữ Chân, Hồi Hột và Ba Tư được điều động vào việc chế tạo các loại chiến thuyền. Kỹ sư người Muslim chế tạo những súng bắn đá có thể ném những tảng đá nặng hàng trăm pounds. Hai bên đều phải dựa vào thuyền bè để chuyên chở quân nhu, thực phẩm và tiếp liệu.
Về phía nhà Tống, vấn đề chỉ huy tương đối lỏng lẻo. Nhà vua lúc đó còn nhỏ tuổi và các đại thần mỗi người một ý, không thống nhất. Sau khi quân Mông Cổ vượt qua được Trường giang, bà Thái Hậu xuống chiếu Cần vương và khắp nơi nhân dân nổi lên hưởng ứng. Thế nhưng người Mông Cổ lại sử dụng chiến thuật tàn sát thị uy giết sạch những thị trấn nào chống trả lại họ nên sau cùng triều đình phải đầu hàng để tránh đổ máu (Khi tấn công vào Chương Châu, quân Mông Cổ giết đến mấy trăm ngàn người trong thành, chỉ còn sống sót khoảng 400. Xác người chất lên cao đến cả chục mét trong khoảng đất một mẫu tây (Time & Life Books: What Life Was Like in the Land of the Dragon (Imperial China 960-1368) 1998 tr. 102). Những tôn thất nhà Tống chạy về vùng duyên hải cố gắng chống trả thêm được ba năm nhưng tới năm 1279 thì bị hoàn toàn tiêu diệt.
Tới thời kỳ này, tuy người Mông Cổ cai trị một khu vực rất rộng lớn nhưng họ không còn thống nhất là một đế quốc mà đã chia thành nhiều khu vực dưới quyền của những hoàng thân quốc thích mỗi khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa vùng bị cai trị và họ thường đánh lẫn nhau. Ở phía tây, họ hội nhập với văn minh Hồi giáo (Islam) của người Thổ (Turkish) hay Thiên chúa giáo (Christanity) trong khi đế quốc phía đông thì những nền văn minh bản xứ của Khổng, Phật, Lão… có ưu thế.
Mặc dầu người Mông Cổ không muốn bị đồng hóa vào văn minh Hán tộc và đưa ra nhiều luật lệ khắt khe để trấn áp và phân chia giữa người thống trị và kẻ bị trị, họ vẫn tiêm nhiễm nếp sống có văn hóa và văn minh của người Trung Hoa. Nhiều định chế cai trị và sinh hoạt của Trung Hoa được bắt chước kể cả hệ thống thi cử, điển chế mặc dầu vẫn ưu đãi người Mông Cổ và rất khắt khe với người bản xứ.
Về chính sách, người Mông Cổ phân chia dân chúng ra thành mười giai cấp với bốn thứ bậc chính. Người Mông Cổ có vị trí cao nhất, kế đến là các dân tộc ở ngoài đất Trung Hoa, chủ yếu là các vùng quan ngoại phía bắc được gọi là sắc mục như Hồi (Uighurs), Thổ (Turks), Tạng (Tibetans), Tây Hạ (Tanguts), Ba Tư (Persians)…, dưới nữa là Hán nhân tức những người cũng mới bị chinh phục nhưng ở phương bắc nước Tàu như Khiết Đan (Khitans) hay Nữ Chân (Jurchens). Hạng thấp nhất là khu vực người Hán chính gốc của nhà Nam Tống được gọi là Nam nhân (Giới nho sĩ được xếp vào hàng thứ chín, dưới gái đĩ (thứ 8), trên ăn mày (thứ 10), Louise Levathes: When China Ruled the Seas, Simon & Schuster, New York 1994 tr. 49). Các giai cấp này bị đối xử phân biệt, thuế má và luật lệ thi hành cũng khác, Nam nhân hầu như rất ít được bổ nhiệm vào những chức vụ hành chánh. Họ cũng bị cấm đoán nhiều thứ và nếu phạm tội thì sẽ bị những hình phạt rất khắt khe. Người Hán không được quyền lấy người Mông Cổ làm vợ nhưng người Mông Cổ thì có quyền nạp thiếp người Hán. Thành thử, người Hán càng căm thù bọn dị tộc kém văn minh, dã man, ăn uống nhồm nhoàm, người hôi hám dơ bẩn đang cai trị trên đầu trên cổ họ. Trong một cuộc chiến mà kẻ thắng trận có trình độ kém cỏi hơn kẻ bại trận, hiện tượng nghịch hành cũng là chuyện bình thường. (Người Mông Cổ vẫn giữ thói
quen ăn uống của dân du mục, ăn thịt uống máu tươi và ít dùng bát đũa. Họ còn kiêng cữ việc tắm gội – bắt nguồn từ việc thiếu nước trong sinh hoạt trên sa mạc và cho rằng mặt nước phản ảnh bầu trời, là một hình ảnh thiêng liêng nên tắm gội sẽ làm dơ bẩn Thượng Đế. Họ quan niệm mùi thân thể có liên quan đến linh hồn, càng nặng mùi thì bản thể càng mạnh. Quần áo họ không bao giờ thay mặc đến nát mủn ra thì thôi. Trong khi di hành, họ cắt thịt để dưới yên ngựa và miếng thịt được nhồi như thế sẽ chín trong khi chạy. Họ nấu ăn bằng cách đó cho khỏi mất thì giờ. (Jacques Brosse: 100.000 years of daily life, A Visual History, Golden Press NY 1961 tr. 82)
Tình thế cuối triều Nguyên
Một trong những đặc tính của triều Nguyên là tuy họ cai trị rất tàn ác nhưng lại rất cởi mở và bao dung trong việc đối xử với các tôn giáo. Trong khi ở Âu Châu có những cuộc thánh chiến rồi tiếp theo là thanh trừng dị giáo (inquisition), chém giết người khác đạo rất đẫm máu thì triều đại của người Mông Cổ lại ưu đãi mọi hàng giáo phẩm từ các đạo sĩ tới sư sãi, lạt ma, và cả những người Thiên Chúa giáo mới truyền qua. Các tu sĩ được miễn sai dịch (corvee) và có nhiều đặc quyền. Tuy nhà Nguyên có đôi khi liên minh với một tôn giáo này để tiến đánh một tôn giáo khác nhưng vì lý do quân sự và bành trướng hơn là sự bất đồng về tín ngưỡng. (Năm 1258, Hulegu, em trai của Nguyên chúa Mông Kha (Mongke) đem quân đánh thành Baghdad được sự yểm trợ tích cực của người Thiên Chúa giáo vì họ vốn có tư thù với người Muslim)
Triều Nguyên cũng tin dùng người ngoại quốc hơn người Hán và phần lớn các chức vụ hành chánh quan trọng ở trong tay người Mông Cổ và những sắc dân miền Tây Vực. Trong triều có cả những người Âu Châu làm quan, và Marco Polo một người Ý đã ở trong triều của Hốt Tất Liệt 17 năm. Cuốn ký sự Những chuyến du hành của Marco Polo (The Travels of Marco Polo) xuất bản tại Nuremberg năm 1477 đã mang tiếng vang rất lớn tại Âu Châu về sự huy hoàng của miền Đông Á.
Về tôn giáo, nhà vua đã chuyển hướng từ sùng bái Thiền Tông Trung Hoa sang Mật Tông Tây Tạng vì Mật Tông có nhiều lễ nghi, cầu cúng và tăng lữ Tây Tạng cũng quen thuộc hơn với việc can dự vào triều chính. Hoàng hậu Chabi rất mộ đạo và đứa con đầu đã mang tên Tây Tạng là Dorji. Các lạt ma Tây Tạng trở nên lộng quyền, khai quật cả các lăng tẩm tiền triều để tìm châu báu. Còn người Hồi Tây Vực (Muslim) thì lại càng tệ hại hơn, ngoài việc thu tóm hết tài nguyên và độc quyền nhiều ngành buôn bán, họ còn đóng vai trò thu thuế cho triều đình nên người Hán coi họ là những hung thần ác sát. Cuộc sống mỗi lúc một thêm áp bức nhất là những năm sau cùng của nhà Nguyên khi chi phí mỗi lúc một gia tăng, thuế má mỗi lúc một nặng, để có đủ tiền triều đình phải ra lệnh cho in thêm tiền giấy và vì thế nạn lạm phát càng cao. Những cuộc viễn chinh đánh Nhật Bản, Java, Đại Việt, Chiêm Thành càng làm cho quốc khố trống rỗng và chính đó là giai đoạn suy tàn của đế quốc Nguyên Mông.
Khi Hốt Tất Liệt (Kubilai) từ trần năm 1294, cháu nội ông ta Temur Oljeitu lên nối ngôi (Nguyên Thành Tông). Đến khi Oljeitu chết năm 1307, tình thế trở nên bất ổn. Trong 26 năm từ 1307 đến 1333 có đến bảy đời vua, luôn luôn có những tranh giành quyền lực, ám sát, tiêu diệt lẫn nhau giữa các phe phái. Đến khi Toghan Temur (Nguyên Huệ Tông) lên ngôi năm 1333, lúc ấy mới 13 tuổi thì quyền hành vào trong tay viên thái sư Ba Diên, một người đưa ra nhiều điều luật rất hà khắc để phân biệt Hán – Mông, chẳng hạn như cấm người Hán mang vũ khí và ra chỉ thị tiêu diệt năm họ lớn nhất của Hán tộc tính ra là đại đa số người Trung Hoa (Giai đoạn này được mô tả trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký khi Thường Ngộ Xuân dẫn Trương Vô Kỵ đi đến Hồ Điệp Cốc gặp Y Tiên Hồ Thanh Ngưu). Huệ Tông làm vua cả thảy 33 năm nhưng không còn mạnh như những đời trước. Sau nhiều năm không chinh chiến, khả năng quân sự của họ suy giảm, lại thêm mất mùa dịch tễ tại nhiều nơi khiến cho lòng người càng thêm oán giận. Theo sử sách, dân số Trung Hoa trước khi người Mông Cổ cai trị vào khoảng 100 triệu thì đến cuối đời Nguyên chỉ còn chừng 60 đến 80 triệu người (Time & Life Books: What Life Was Like in the Land of the Dragon (Imperial China 960-1368) 1998 trang 113). Trong khi nhà vua chỉ ham mê tửu sắc và tin dùng bọn Lạt Ma Tây Tạng, quyền hành dần dần lọt vào tay những tướng lãnh.
Để chống lại với những cuộc nổi dậy, nhà Nguyên cho phép những người có thế lực tại các địa phương được tổ chức quân đội riêng để bảo vệ cho mình. Theo những tài liệu mới đây, có đến hai mươi cuộc khởi nghĩa lớn trên toàn quốc. Tuy những đội quân địa phương này giúp triều đình trấn áp được những sứ quân cát cứ nhưng cũng khiến cho triều đình suy yếu đi nhiều và thế lực của những thân vương càng gia tăng. Trong vùng đất Hoài ở miền bắc Trung Hoa, Chaghan Temur, một địa chủ thuộc sắc tộc Hồi Uighur đã trở nên lẫy lừng vì có công đánh dẹp nhiều vụ nổi dậy và trở thành một thân vương quyền uy (John W. Dardess: The Transformations of Messianic Revolt and the Founding of the Ming Dynasty, The Journal of Asian Studies V. XXIX, No. 3, May 1970 tr. 549). Năm 1362, Chaghan bị một hàng tướng mưu sát. (Đây
chính là người mà Kim Dung gọi là Nhữ Dương Vương Sát Hãn Đặc Mục Nhĩ, cha của nàng quận chúa xinh đẹp Mẫn Mẫn Đặc Mục Nhĩ Triệu Mẫn (xin xem thêm ở dưới).
Những cuộc nổi dậy
Phương Quốc Trân
Cuối đời Nguyên tình hình chính trị suy đồi, dân chúng bị áp bức lại thêm kinh tế thất bại, mất mùa đói kém liên miên nên đâu đâu cũng có những cuộc nổi dậy. Năm Chí Chính thứ ba (1343) Chu Quang Khanh ở Quảng Châu nổi lên. Năm Chí Chính thứ 8 (1348) Phương Quốc Trân ở Hào Châu (nay thuộc Lâm Hải, Triết Giang) làm loạn kết tụ những người cùng khổ ở ven biển đi ăn cướp các thuyền buôn. Quan hành tỉnh Triết Giang là Đóa Nhi Chỉ Ban đem quân đánh đuổi tuy lúc đầu có thắng thế nhưng sau lại thua luôn, từ đó Phương Quốc Trân làm chủ một giải dọc theo bờ bể. Đến năm 1451, triều đình sai Bột La Thiếp Mộc Nhi chinh phạt bị Phương Quốc Trân dùng hỏa công khiến quân Mông Cổ bị chết đuối đến quá nửa, Bột La Thiếp Mộc Nhi bị bắt sống. Các nơi khác cũng nổi lên theo khiến triều đình không sao dẹp hết được phải ra chiếu chiêu dụ. Anh em Phương Quốc Trân nghe lời ra hàng được phong làm Định Hải Úy. Họ Phương hàng rồi lại phản, cứ thế mấy lần, triều đình cũng không sao có thể trừ được. Thế lực của Phương Quốc Trân mỗi lúc một to, quan chức được phong cũng càng ngày càng lớn. Đến năm Chí Chính thứ 16 (1456) y lên đến chức Vạn Hộ Hầu, đến năm sau lên Giang Triết hành tỉnh tham tri chính sự. Tuy y nhận quan tước nhà Nguyên nhưng trên thực tế là một sứ quân lãnh chúa một vùng Khánh Nguyên, Ôn, Đài.
Hàn Sơn Đồng, Lưu Phúc Thông
Đời Nguyên các tôn giáo được ưu đãi, các Lạt Ma Tây Vực càng được trọng vọng, dâm loạn cung vi tại triều đình, ở trong dân chúng thành loạn Bạch Liên Giáo. Sở dĩ gọi là Bạch Liên giáo vì bắt nguồn từ Bạch Liên Xã trong Phật giáo, Tịnh Độ tông do cao tăng đời Tấn là Tuệ Viễn thành lập nhưng khi truyền trong dân gian trở thành một chi phái tôn giáo nhiều mê tín. Hàn Sơn Đồng người Vĩnh Bình vốn là giáo đồ Bạch Liên giáo chiêu tập dân chúng, năm Chí Chính nguyên niên (1440) tuyên ngôn khẩu hiệu “Phật Di Lặc xuống trần, Minh chúa ra đời” (Di Lặc Phật giáng thế, Minh chúa đương xuất) không khác gì khẩu hiệu “Trời xanh đã chết, Trời vàng hiện ra” (Thương thiên dĩ tử, Hoàng thiên đương lập) của giặc Hoàng Cân đời Hán mạt. Hàn Sơn Đồng tự xưng là cháu tám đời vua Tống Huy Tông sau được thêm những nhóm khác của Lưu Phúc Thông, Đỗ Tuân Đạo, La Văn Tố kết hợp.
Thời đó đúng vào lúc Giả Lỗ (Toghto) đang đắp đê chống lụt sông Hoàng Hà, Lưu Phúc Thông liền bí mật sai người tạc một pho tượng đá một mắt, chôn sẵn ở Hoàng Lăng Cương, rồi phao ngôn rằng: “Tượng đá một mắt đừng chê, Đào sông thiên hạ tứ bề nổi lên” (Thạch nhân nhất chích nhãn, Khiêu động Hoàng Hà thiên hạ phản). Khi phu phen đào thấy tượng đá này lòng người trở nên dao động nên họ Lưu bèn giết trâu đen, ngựa trắng bí mật liên lạc với Hàn Sơn Đồng khởi sự.
Tuy nhiên việc bại lộ, Hàn Sơn Đồng bị huyện quan phát giác đem quân bắt được. Vợ Hàn là Dương thị cùng con là Hàn Lâm Nhi chạy thoát. Lưu Phúc Thông bèn tập hợp đồng đảng đánh vào Dĩnh Châu (nay thuộc An Huy) rồi chia binh ra đánh các nơi, thanh thế rất lớn, quân có đến hơn mười vạn người. Đỗ Tuân Đạo được phong làm mưu sĩ (1451). Quân của y đều chít khăn đỏ nên còn gọi là Hồng quân, hay Hương quân. Quân Nguyên ra sức đánh dẹp mà không xong. Nhân dịp Lưu Phúc Thông nổi lên, Lý Nhị ở Tiêu Huyện, Quách Tử Hưng ở Hào Châu cũng nổi lên theo. Quân Nguyên đem đại binh đến đánh bị thua to. Năm 1455, Lưu Phúc Thông tìm được con trai của Hàn Sơn Đồng là Hàn Lâm Nhi tôn lên làm hoàng đế, đặt đế hiệu là Tiểu Minh Vương, đóng đô ở Hào Châu quốc hiệu là Tống, là năm Long Phượng nguyên niên. Mẹ Dương thị được tôn làm Thái Hậu, Đỗ Tuân Đạo, Thịnh Văn Úc làm Thừa Tướng còn Lưu Phúc Thông và La Văn Tố làm Bình Chương Chính Sự. Thế nhưng chẳng bao lâu vì thấy Đỗ Tuân Đạo chuyên quyền, Lưu Phúc Thông bèn giết đi tự mình làm Thừa Tướng.
Từ Thọ Huy và Trương Sĩ Thành
Cùng thời gian Lưu Phúc Thông và Lý Nhị, Quách Tử Hưng nổi lên còn có Từ Thọ Huy. Từ Thọ Huy tên thực là Trinh vốn làm nghề buôn vải, thường qua lại đất Kỳ Châu. Thời đó có Bành Oánh Ngọc, Nghê Văn Tuấn, Trâu Phổ Thắng thấy Thọ Huy tướng mạo khôi ngô, cho rằng có tướng phi thường nên suy tôn lên làm minh chủ, khởi binh chống lại Nguyên triều. Năm Chí Chính thứ 11 đời Nguyên Huệ Tông, Từ Thọ Huy xưng đế, quốc hiệu là Thiên Hoàn, phong Trâu Phổ Thắng làm Thái Sư. Từ Thọ Huy tuy chiếm được một khu vực rộng lớn nhưng không đủ tài để cai quản bộ thuộc thành thử đến năm Chí Chính 20 thì bị một bộ tướng là Trần Hữu Lượng giết chết.
Trương Sĩ Thành người đất Thái Châu, cùng hai em Sĩ Đức, Sĩ Tín làm nghề buôn muối, tính tình hào sảng rộng rãi nên được nhiều người quí mến. Thời đó phu phen bị hà hiếp nhưng không có ai lãnh đạo, Sĩ Thành bèn kêu gọi đứng lên được mọi người bầu làm minh chủ chiếm lấy các thành Thái Châu, Hưng Hóa. Năm Chí Chính thứ 13 tự xưng là Thành Vương, đặt quốc hiệu Đại Chu, niên hiệu Thiên Hựu.
Thanh thế Trương Sĩ Thành càng lúc càng lớn, vua nhà Nguyên phải sai Thoát Thoát Thiếp Mộc Nhi đem đại quân đến đánh. Tuy nhiên khi Trương Sĩ Thành kiệt lực sắp đầu hàng thì Nguyên Huệ Tông nghe lời dèm pha phái Thoát Thoát đem quân xuống Vân Nam nên họ Trương mới thoát nạn. Tới thời kỳ đó, nhóm Hồng Cân của Lưu Phúc Thông đã hùng cứ chiếm đóng nhiều vùng rộng lớn ở miền Bắc, Trương Sĩ Thành bèn thừa thế quân Nguyên phải lo đánh nhau với những thế lực đó bèn xua quân tiến chiếm vùng Giang Nam. Chiếm được Giang Nam rồi, Trương Sĩ Thành trở nên sa đọa, ham mê tửu sắc. Bộ tướng của Lưu Phúc Thông là Chu Nguyên Chương thấy họ Trương trải rộng bèn đem quân tấn công, bắt được em trai Trương Sĩ Thành là Trương Sĩ Đức. Năm 1357 (Chí Chính thứ 17) Trương Sĩ Thành ra hàng nhà Nguyên, đem quân tấn công giết được Lưu Phúc Thông, đuổi được Hàn Lâm Nhi.
Năm Chí Chính thứ 23 (1363), Trương Sĩ Thành đòi được phong làm Ngô Vương nhưng triều đình không thuận, y liền tự lập một cõi, phong cho em Sĩ Tín làm thừa tướng, tin dùng bọn văn nhân. Chu Nguyên Chương khi đó đã trừ được Trần Hữu Lượng rồi liền sai Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân đem hai mươi vạn quân tấn công, các tướng của Trương Sĩ Thành lần lượt đầu hàng Chu Nguyên Chương. Quân Minh vây đánh Bình Giang, dùng đại pháo bắn vào, Trương Sĩ Tín tử trận, Trương Sĩ Thành phải tự sát.
Trần Hữu Lượng
Ngoài Chu Nguyên Chương, có lẽ Trần Hữu Lượng là người đáng được để ý nhất. Trần Hữu Lượng có thể nói là nhân vật số hai trong tất cả những cuộc nổi dậy cuối đời Nguyên tranh giành ngôi vị bá chủ với Minh Thái Tổ. Một điểm đáng nói khác là theo Đại Việt sử ký bản kỷ thì Trần Hữu Lượng chính là con trai của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc (con trai thứ năm vua Trần Thái Tông) sang hàng Nguyên nhưng không có gì làm chắc chắn nên Khâm Định Việt Sử đã bác bỏ chuyện này. (Ngô Tất Tố, Văn Học Đời Trần, Khai Trí, 1960 tr. 124. Chính người viết năm 1980 đã đem chuyện này ra chất vấn Tiến Sĩ John W. Dardess, giáo sư sử học đại học Lawrence, Kansas, một chuyên viên nghiên cứu về triều đại Nguyên-Minh thì ông cho biết ông chưa từng nghe nói đến. Gần đây sử gia Trần Quốc Vượng cũng đã làm một hệ phổ của Trần Ích Tắc nhưng không thấy nói gì đến việc này. Do đó chi tiết này không thể coi là đáng tin cậy. Một vấn đề được đặt ra là họ Trần nguyên thủy là tên một tiểu quốc (nước Trần) và từ đó biến thành họ, không phải chỉ xuất hiện ở một vùng mà trải dài theo duyên hải từ nam Trung Hoa sang bắc Việt Nam. Do đó nhiều người cho rằng rất có thể cùng một nguồn gốc ở một thời kỳ xa xăm nhưng sau này không có liên hệ gì với nhau nữa).
Theo sử Tàu, Trần Hữu Lượng là con một nhà thuyền chài, lúc nhỏ ham học nên khá giỏi văn chương, có hồi đã làm một chân nha lại trong huyện. Khi Từ Thọ Huy khởi binh, Lượng gia nhập binh đội của Nghê Văn Tuấn, lập được nhiều chiến công, lên đến lãnh binh Nguyên Soái. Lúc đó Nghê Văn Tuấn quyền hành khuynh loát cả Từ Thọ Huy có ý muốn giết chủ để tự mình lên làm vua. Thọ Huy phải chạy trốn vào trong quân của Trần Hữu Lượng, Hữu Lượng liền nhân cơ hội đó hộ giá đem quân tấn công Nghê Văn Tuấn cứu Từ Thọ Huy nên được thăng lên Bình Chương Chính Sự.
Về sau Trần Hữu Lượng đem quân phá được An Khánh, rồi qua sông chiếm luôn Long Hưng, Thụy Châu, Cát An, Thiệu Võ trở thành thế lực mạnh nhất vùng nam sông Dương Tử. Khi đó lãnh địa của Trần Hữu Lượng đã sát với khu vực của Chu Nguyên Chương nên đang lúc y phải phòng ngự quân Nguyên, Chu Nguyên Chương liền sai Thường Ngộ Xuân tấn công lấy mất đất Trì Châu, hai bên trở thành thế nước lửa. Từ khi thanh thế trở nên lừng lẫy, Trần Hữu Lượng có ý muốn trừ khử Từ Thọ Huy để tự mình lên làm vua. Năm Chí Chính thứ 20, Trần Hữu Lượng giết Từ Thọ Huy lên ngôi hoàng đế đổi quốc hiệu là Hán, cải niên hiệu thành Đại Nghĩa nguyên niên. Tuy nhiên các bộ hạ của Từ Thọ Huy không phục nên đều bỏ đi cả thành thử Trần Hữu Lượng bị Chu Nguyên Chương đánh thua mấy trận liền. Năm Đại Nghĩa thứ tư (1363), hai bên đại chiến tại hồ Bà Dương, Trần Hữu Lượng thua to bị trúng tên chết trên sông Cửu Giang, con là Trần Lý kế vị năm sau thì về hàng Chu Nguyên Chương.
Chu Nguyên Chương
Nhân vật đã thu hoạch được thắng lợi sau cùng để lập nên một triều đại mới là Chu Nguyên Chương. Chu Nguyên Chương tuổi trẻ nghèo khổ, học hành rất ít nhưng là con người tính toán, nhìn xa trông rộng. Cha mẹ mất sớm, Chu phải vào chùa cạo đầu làm sư sống qua ngày. Cứ theo dã sử, ông là người xấu xí, mặt lưỡi cày, đầy nốt ruồi. Tuy nhiên theo dung mạo mà họa gia trong triều vẽ thì cũng rất oai nghi, có lẽ khi lên ngôi ăn uống đầy đủ, đầy đủ uy quyền tướng mạo cũng vì thế mà biến đổi.
Chu Nguyên Chương nhìn thấy thế cục khó lòng có thể khởi binh ở miền Bắc nên tìm đường gây thanh thế ở miền Nam sông Dương Tử. Về sau được Liêu Vĩnh Trung và Du Thông Hải ở Sào Hồ giúp đỡ nên tìm được đường xuôi nam. Chu Nguyên Chương chiếm được mấy thành nghiêm cấm sĩ tốt không được cướp bóc như những nhóm khác nên đi đến đâu cũng được dân chúng đón rước rất là nồng hậu. Năm Chí Chính thứ 16 (1356), Chu Nguyên Chương chiếm Kim Lăng, đổi thành phủ Ứng Thiên bề ngoài thần phục Lưu Phúc Thông và Hàn Lâm Nhi, coi mình là thần tử nhà Tống nên được phong là Ngô Quốc Công. Kể từ đây, Chu Nguyên Chương có hai bộ mặt, bên ngoài coi như là một bộ tướng của Hoàng Đế nhà Tống (Hàn Lâm Nhi) nhưng thực tế họ Chu có toàn quyền hành động như một sứ quân. Về sau Chu Nguyên Chương sai Từ Đạt, Đặng Dũ, Thường Ngộ Xuân các tướng đem quân chiếm các nơi, mở rộng địa bàn hoạt động.
Khi đó, các nơi chung quanh Chu Nguyên Chương có Trần Hữu Lượng xưng Hán Đế ở đất Giang Sở, Trương Sĩ Thành xưng Chu Đế ở Đông Ngô, Minh Ngọc Trân xưng Hạ Đế ở Ba Thục ba mặt nhòm vào, tình thế thật là nguy hiểm. Tuy nhiên dưới trướng họ Chu có những mưu sĩ giỏi như Lý Thiện Lương, Lưu Cơ, Tống Liêm, bên ngoài lại có những tướng tài như Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân, Dặng Dũ… nên dần dần bình định được những sứ quân chung quanh. Đến thời kỳ này, Chu Nguyên Chương tự cảm thấy mình đã đủ sức thống nhất Trung Hoa nên sai người lật thuyền giết chết Hàn Lâm Nhi (con của Hàn Sơn Đồng, vua nhà Tống) vào tháng giêng năm 1366 và sau đó không còn nhân danh triều đình bù nhìn này để ra lệnh nữa. (Hàn Lâm Nhi làm vua 11 năm chứ không phải chỉ mới lên vài tháng thì bị giết như trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký).
Trần Hữu Lượng bị diệt từ năm 1364, kế đến là Trương Sĩ Thành bị giết năm 1367, và Phương Quốc Trân đầu hàng cuối năm đó. Sau khi đã dẹp được những đối thủ đáng ngại nhất, Chu Nguyên Chương mở những chiến dịch lớn để tấn công lên miền bắc và đồng thời bình định nốt những nơi lẻ tẻ ở miền nam.
Năm Chí Chính thứ 27 (1367), Chu Nguyên Chương phong Từ Đạt làm Chinh Lỗ đại tướng quân, Thường Ngộ Xuân làm phó tướng đem hai mươi nhăm vạn quân tiến lên đánh vào kinh đô nhà Nguyên, lại phái một bộ phận khác tiêu diệt đám tàn quân của Phương Quốc Trân và những dư đảng của các nhóm khác còn sót tại Vân Nam, Hồ Quảng. Chủ trương của Chu Nguyên Chương là lấy Sơn Đông trước để ngăn chặn đường tiến của quân Mông Cổ, đồng thời chiếm lấy Hà Nam để chặn tiếp viện rồi sau lấy Đồng Quan ba mặt cùng tiến về Đại Đô.
Ngày 23 tháng giêng năm 1368, Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng Đế đặt quốc hiệu là Minh, niên hiệu Hồng Võ. Những ai không tán thành việc lên ngôi của ông ta về sau đều bị giết cả. Về việc đặt quốc hiệu là Minh, nhiều sử gia đã cho rằng họ Chu muốn khẳng định sự hiện diện của Minh Giáo trong quá trình nổi dậy nhưng cho tới nay cũng vẫn chỉ là một giả thuyết. Tôn giáo, kể cả các nhóm Di Lặc Tông, Bạch Liên Giáo, Minh Giáo có thể có ít nhiều đứng sau lưng những vụ khởi nghĩa nhưng không phải là một lực lượng duy nhất. Kim Dung có lẽ đã mượn lý luận này của Ngô Hàm (Wu Han), một sử gia nổi tiếng của Hoa Lục khi bắt đầu viết bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký năm 1961. (Ngô Hàm (Wu Han): Ming-chiao yu Ta-Ming ti-quo (Minh giáo dữ Đại Minh đế quốc) Tu-shih cha-chi (Peking, 1961), dẫn theo John W. Dardess trong The Transformations of Messianic Revolt and the Founding of the Ming Dynasty (The Journal of Asia Studies, V. XXIX, No. 3, May 1970)
Đến tháng 10 năm 1368, vua nhà Nguyên cùng quần thần bỏ chạy ra mạc bắc và Chu Nguyên Chương tiến quân vào kinh đô. Từ một người cùng đinh nghèo khổ có lúc phải làm “sãi chùa quét lá đa”, ông đã lên ngôi một cách vẻ vang ở tuổi 40 và lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, một đoàn quân do một lãnh tụ từ miền nam sông Dương Tử đã tiến lên đuổi được người Mông
Cổ ra ngoài biên ải. Ở vào thời buổi này chúng ta không thấy được sự huy hoàng đó nhưng nếu nhớ lại rằng miền Bắc đó đã nằm trong tay người Thát Đát 432 năm qua các triều đại Liêu, Kim, Nguyên thì mới thấy rằng đó là một thắng lợi rất to lớn của giống dân nông nghiệp đối với giống dân du mục, phá tan cái huyền thoại sức mạnh của những kỵ sĩ từ sa mạc.
Trong những năm kế tiếp, một mặt Chu Nguyên Chương tiêu diệt tất cả những mầm nội loạn có thể có, mặt khác đưa ra một chính sách đồng hóa qui mô, tiêu diệt bằng võ lực, cai trị bằng nghiêm luật và loại trừ những tổ chức tôn giáo trong đó kể cả những tổ chức trước đây đã ủng hộ ông ta.
Ỷ Thiên Đồ Long Ký, tiểu thuyết và lịch sử
Nhiều người đọc xong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký đã chắc lưỡi than thầm Trương Vô Kỵ đã để cho Chu Nguyên Chương lừa một cách dễ dàng, và xem ra công cuộc đấu tranh lật đổ triều Nguyên cũng không có gì khó khăn lắm. Thực tế, ngay từ năm 1340 thì đã bắt đầu có những cuộc nổi dậy và riêng Chu Nguyên Chương, ông ta phải chiến đấu liên tục gần hai mươi năm mới thành công trong việc đuổi được người Mông Cổ ra khỏi Trung Hoa.
Thắng lợi của Chu Nguyên Chương có những yếu tố khách quan không thể phủ nhận được và phải nói rằng họ Chu là người có chí khí hơn tất cả những sứ quân khác. Trong khi hầu như tất cả mọi người một khi có chút thành tựu đều xưng đế, xưng vương, Chu Nguyên Chương đã nghe theo lời khuyên của Chu Thăng để áp dụng ba điều:
Thứ nhất là xây dựng một căn cứ địa thật vững chắc (cao trúc tường) là Kim Lăng, một nơi hiểm yếu, ngoài đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ để làm nơi đóng đô. Thứ hai là tích trữ lương thảo (quảng tích lương), khai khẩn đất đai khuyến khích canh nông để làm kế lâu dài. Trong khi những người khác chủ trương đánh cướp các nhà giàu để lấy tiền của nuôi quân, Chu Nguyên Chương dùng kế tổ chức quần chúng, phát triển lực lượng làm kế sâu rễ bền gốc.
Thứ ba là đừng vội vàng xưng vương (hoãn xưng vương) nghĩa là không tạo cho mình thành một cái gai trong mắt người Mông Cổ cũng như sự đố kỵ với các nhóm khác. Trong khi ta thấy Lưu Phúc Thông lập Hàn Lâm Nhi lên làm vua (dù danh nghĩa kế thừa Tống triều), Từ Thọ Huy lập triều đại Thiên Hoàn, Trần Hữu Lượng lập nên nhà Hán, Minh Ngọc Trân lập nên nhà Hạ… thì Chu Thăng khuyên Chu Nguyên Chương tiếp tục danh nghĩa thần tử nhà Tống, dùng niên hiệu Long Phượng để mang chính nghĩa về cho mình.
Như thế ta thấy Chu Nguyên Chương là người biết ẩn nhẫn, có chí lớn đã đành mà cũng nhìn xa trông rộng khác hẳn với đám thảo khấu khác tự mãn với nhất khoảnh giang sơn có được trong tay để rồi đi vào chỗ kiêu căng, xa xỉ và khinh địch.
Một nhân vật thứ hai chúng ta cũng phải để ý đến là cha của Quận Chúa Triệu Mẫn, người con gái Mông Cổ xinh đẹp lắm mưu nhiều kế sau trở thành vợ cả (?) của Trương Vô Kỵ Nhữ Dương Vương Sát Hãn Đặc Mục Nhĩ. Đặc Mục Nhĩ là phiên âm của chữ Temur, vốn là một họ gốc Hồi (Uighur) ở mạn Bắc Tân Cương. Chaghan Temur tự là Diên Thụy còn được gọi dưới tên Sát Hãn Thiếp Mộc Nhi, ông tằng tổ theo quân Mông Cổ đến vùng Hà Nam, sống tại vùng Trẩm Khâu, cha là Lương Vương A Lỗ Đài. Năm Chí Chính thứ 12 (1352) đem quân đánh với giặc Hồng Cân được phong làm Đạt Lỗ Hoa Xích phủ Nhữ Ninh (tuần phủ) trấn áp đẫm máu những cuộc nổi dậy ở Hà Nam, Thiểm Tây, Sơn Tây. Năm Chí Chính 19 (1359), Chaghan đem quân vây Biện Lương đuổi được Hàn Lâm Nhi, Lưu Phúc Thông phải bỏ chạy ra An Phong. Năm 1361, Chaghan đem quân tấn công Sơn Đông, chiêu hàng được bọn Điền Phong Vương Sĩ Thành rồi công hãm Quan Châu, Đông Xương, Đông Bình, Tế Ninh, Tế Nam, được thăng lên Trung Thư Bình Chương Chính Sự. Năm 1362, ông ta bị bọn hàng tướng Điền Phong Vương Sĩ Thành giết chết. Quyền bính giao lại cho đứa con nuôi (vốn là cháu gọi bằng cậu) là Koko Temur (Khố Khố Đặc Mục Nhĩ). (Có nơi lại chép là đứa trẻ người Hán tên thật là Vương Bảo Bảo được ông nhận làm con nuôi nhưng đích thực là cháu gọi bằng cậu. Bản thân Saghan Temur cũng là người miền Uighur nên đôi chỗ chép lầm ông là người Hán mà thực ra Hán nhân ở đây là những dân tộc miền Bắc Trung Hoa theo phân loại của triều Nguyên như Khiết Đan, Nữ Chân, Hồi Hột… chứ không phải người Tàu. Trung Quốc Lịch Sử Từ Điển (Trương Tác Hiểu chủ biên, Văn Hóa Nghệ Thuật, Bắc Kinh 1991 tr. 1619).
Người thứ hai trong gia đình quí tộc này là Koko Temur mà Nguyên Sử dịch ra là Khoáng Khuếch Thiếp Mộc Nhi, Hán danh Vương Bảo Bảo, tức anh trai của Triệu Mẫn trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Như trên đã nói, theo chính sử, người này là cháu gọi Nhữ Dương Vương bằng cậu, cũng là một nhân vật rất đặc biệt. Sách chép rằng y được Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương coi là đệ nhất kỳ nhân mà một trong ba mối hận trong đời ông ta là không bắt được Vương Bảo Bảo. Trong công cuộc đánh dẹp những vụ nổi dậy, Vương Bảo Bảo lập được rất nhiều công lao, lẫy lừng còn hơn cả Sát Hãn. Tuy nhiên đến cuối đời Nguyên vì những tranh chấp quyền bính
trong triều đình, chính người Mông Cổ tự làm cho họ suy yếu vì các thân vương đánh giết lẫn nhau. Vương Bảo Bảo một mình lo đánh đông dẹp bắc, tiêu diệt rất nhiều nhân vật quan trọng của nghĩa quân được thăng lên đến Hà Nam Vương, thống lĩnh toàn bộ binh quyền nhưng vì bị một số bộ tướng làm phản nên quân Nguyên thua to, Vương Bảo Bảo phải dẫn mười tám kỵ binh thân tín chạy về mạc bắc (Trung Quốc Lịch Sử từ điển trang 568). Cái tên Vương Bảo Bảo không những đi vào lịch sử mà còn được truyền tụng dân gian như một kỳ nhân (Có một câu tục ngữ đại ý thách thức những ai huênh hoang là có giỏi thì ra sa mạc bắt Vương Bảo Bảo) và về sau khi người Mông Cổ bị đuổi ra khỏi đất Trung Hoa rồi, y vẫn còn là một mối đe dọa mãi chưa dứt. Chu Nguyên Chương đã nhiều lần dụ hàng nhưng Vương Bảo Bảo không chịu, còn giết sứ giả. Theo Minh Thực Lục, Chu Nguyên Chương đã bảy lần viết thư rất thống thiết, hai lần sai người tâm phúc của Vương Bảo Bảo đã về hàng sang chiêu dụ nhưng không thành công. Vương Bảo Bảo chết năm 1375.
Thế còn Triệu Mẫn, nàng quận chúa Mông Cổ vừa xinh đẹp, vừa khôn ngoan, chỉ huy một tập thể cao thủ đông đảo, em gái của Vương Bảo Bảo, nhân vật có thể nói là vai chính thứ nhì trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký là ai?
Theo sử sách, Khoáng Khuếch Thiếp Mộc Nhi có hai người em, em trai là Thoát Nhân Thiếp Mộc Nhi, em gái là Vương Thị. Thoát Nhân theo anh đánh trận còn cô em gái thì tuổi còn nhỏ, sống quanh quẩn trong vùng Trẩm Khâu, Hà Nam hoặc với ông nội là A Lỗ Đài ở Biện Lương. Sau khi quân Minh chiếm được Hà Nam rồi, cô ta sống bình thường như một người dân. Chính vì thái độ kiêu hùng của Khoáng Khuếch, Minh Thái Tổ cũng kính trọng lây thân quyến nên định cưới Vương Thị cho con trai thứ hai của ông ta là Tần Vương Chu Sảng. Tuy nhiên cô em gái của Khoáng Khuếch cũng quật cường, lấy cớ là còn đang để tang cha nên cự tuyệt lời cầu hôn, sau Minh Thái Tổ phải nhờ Lễ Bộ Thượng Thư Đào Khải đứng ra chủ hôn, chính thức lập Vương Thị làm Tần Vương Vương Phi. Thời kỳ đó chính là giai đoạn mà Khoáng Khuếch đã đại bại binh lực tan tác và Chu Nguyên Chương muốn tỏ một cử chỉ hòa hiếu để dụ hàng nhưng đã không thành công. Khi Chu Sảng từ trần, Vương Thị tuẫn tiết chết theo chồng. Sau khi anh chết rồi, em trai Vương Bảo Bảo là Thoát Nhân vẫn tiếp tục theo phò Nguyên chúa, đánh nhau với quân Minh chẳng may bị bắt rồi bị giết.
Tổng kết
Xét những cuộc nổi dậy trong những năm cuối triều Nguyên chúng ta thấy tuần tự có ba xu hướng chính:
Đầu tiên là những anh hùng thảo khấu từ các bang hội bí mật, các nhóm lục lâm nổi lên, vừa có tính chất thảo dã, vừa có tính cách anh hùng kiểu Lương Sơn Bạc muốn cát cứ một phương. Đại diện cho thành phần này là Phương Quốc Trân vốn dĩ là một tay buôn muối lậu và là giặc bể. Tuy cũng thành công trong một số mặt nào đó, họ vẫn không thoát được tính chất giặc cỏ để rồi đi đến chỗ thiếu kỷ luật tàn sát lẫn nhau nên bị quân Nguyên tiêu diệt.
Kế đó là những tổ chức tôn giáo phát nguồn từ một số chi lưu của Phật giáo như Bạch Liên giáo, và nhất là nhóm chít khăn đỏ (Hồng Cân). Cứ theo sử sách thời kỳ đó nhiều tôn giáo cùng hiện diện trên đất Trung Hoa và ảnh hưởng của những tôn giáo từ Trung Đông rất đáng kể. Chính sự pha trộn nhiều màu sắc khác nhau, ta thấy cùng một lúc có mặt cả Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Bái hỏa giáo (tức Minh giáo), Phật giáo Mật tông, Lạt ma giáo… và tín ngưỡng bản xứ như Lão giáo, Khổng giáo hoạt động cùng một lúc trên đất Trung Hoa. Trong thực hành, những tôn giáo này đều ít nhiều có tính mê hoặc và một số thủ lãnh cũng biết khai thác mặt tích cực của tôn giáo đối với quần chúng bằng cách tung ra những sấm vĩ, tiên tri, tự cho mình là đại diện thần linh để dễ bề chiêu dụ bách tính.
Mặc dù đã có lúc những thế lực tôn giáo trở nên mãnh liệt nhưng chung qui vẫn chỉ thành những sứ quân, một mặt chống lại nhà Nguyên nhưng mặt khác vẫn tìm cách tiêu diệt lẫn nhau.
Sau cùng chỉ có Chu Nguyên Chương là người có đầu óc hơn cả, nhìn được thế cục một cách rõ ràng, biết liên minh và khai thác thời cơ đúng lúc nên đã là người đạt được thắng lợi. Lúc đầu họ Chu đã dựa vào thế của Hàn Lâm Nhi ở mạn bắc làm phiên dậu cho mình khỏi bị quân Nguyên trực tiếp tấn công, dồn hết nỗ lực để tiêu diệt những thành phần yếu hơn ở miền nam sông Dương Tử. Chu Nguyên Chương diệt được Trần Hữu Lượng rồi bình Trương Sĩ Thành, hàng phục Phương Quốc Trân trở thành chủ nhân ông một nửa Trung Hoa màu mỡ.
Tới khi đã chắc chắn có được ưu điểu thiên thời địa lợi rồi, họ Chu liền tiêu diệt nốt kẻ đồng minh sau cùng là Hàn Lâm Nhi, đồng thời tiến hành một phương sách đoạn tuyệt với những thế lực mà ông ta cho rằng mê tín dị đoan, có thể trở thành những mầm họa sau này. Những tôn giáo trước đây tưởng rằng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong triều đại mới cũng đều lần lượt bị tiêu diệt trong đó có cả Phật giáo là nơi ông ta xuất thân. Đứng trên nhãn quan phân tích lịch sử đó, chúng ta không còn thấy Chu Nguyên Chương là một kẻ đáng ghét như đã bị bẻ quặt qua ngòi bút của Kim Dung.
Khi nghiên cứu về thời đại này, các sử gia Âu Mỹ phân tích những nguyên nhân gần và xa bao gồm các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa đã đưa đến những cuộc nổi dậy thì những sử gia Trung Hoa lại chú trong nhiều đến chi tiết cá nhân, coi mỗi người là một biến cố riêng biệt. Riêng tại lục địa, dưới nhãn quan duy vật biện chứng và giai cấp đấu tranh, các sử gia Trung Quốc lại nhấn mạnh đến tính chất quần chúng, gán cho những vụ nổi dậy chiêu bài nông dân khởi nghĩa và cố làm nổi bật một số nhân vật mà họ coi là tiêu biểu. Bành Oánh Ngọc (tức Bành hòa thượng) được miêu tả như một nhân vật chuyên đi tìm chân chúa để thúc giục nổi dậy, từ việc ủng hộ Chu Tử Vượng lập nên Di Lặc Giáo đến việc vận động giúp Từ Thọ Huy, sử dụng tôn giáo pha lẫn thần quyền để khích động quần chúng. Tuy nhiên họ cũng không thể nào phủ nhận được sự đóng góp to lớn của thành phần trí thức, điển hình là Lưu Cơ (Bá Ôn), Chu Thăng và chính nhờ những người đọc sách này mà Chu Nguyên Chương đã thành công.
Về cá nhân Chu Nguyên Chương ông ta là người rất biết đại thể nên đã xây dựng những mẫu mực thật căn bản. Trong khi những người khác lo củng cố đế vị, Chu Nguyên Chương lại để tâm vào việc xây dựng một bộ máy hành chánh, thiết lập qui mô luật lệ cho có lớp lang ngõ hầu tạo cho mình một tổ chức có thực lực để về sau không rơi vào vết xe đổ của Tống triều đã đành mà còn thực hiện những gì mà đế quốc Nguyên Mông chưa hoàn tất. Phải nói rằng đúng như những chính trị gia đã nhận định, một người lãnh tụ phải biết được chữ “nhẫn”, vừa có nghĩa đen là nhẫn nại, nhẫn nhục mà còn cả nghĩa bóng là tàn nhẫn mới có thể đi đến thành công. Họ
Chu quả đã có cả hai đặc tính đó.
Ba mươi năm sau khi Chu Nguyên Chương lên ngôi, con trai thứ của ông ta là Chu Lệ, tức vua Thành Tổ (Vĩnh Lạc) nhà Minh đã sai Trương Phụ đem quân sang chiếm nước ta. Chính sách cai trị hà khắc của người Tàu đã châm ngòi cho những cuộc nổi dậy tuy nhỏ hơn nhưng cũng đã phần nào lập lại những gì đã xảy ra ở Trung Hoa một nửa thế kỷ trước. Không biết Lê Lợi có nghiên cứu về sử Tàu không nhưng những gì ông ta làm không khác Chu Nguyên Chương bao nhiêu, từ việc lập Trần Cảo lên làm vua để mượn danh nghĩa nhà Trần đến việc giết hại công thần khi đã lên ngôi. Phải chăng nước Nam ta là một cái bóng phản ảnh những gì thay đổi tại Trung Hoa trong một qui mô mới ở một thời điểm khác?
4/01
Tài liệu tham khảo
Brosse, Jacques: 100.000 years of daily life, A Visual History, Golden Press NY 1961.
Clayre, Alasdair: The Heart of The Dragon, Dragonbook ApS 1984.
Dardess, John W.: The Transformations of Messianic Revolt and the Founding of the Ming Dynasty, The Journal of Asian Studies V. XXIX, No. 3, May 1970.
Diệp Lão Sư: Trung Quốc Lịch Sử, Bảo Thành văn hóa, Đài Bắc 1986.
Ebrey, Patricia Buckley: Cambridge Illustrated History: China, Cambridge University Press 1996.
Gernet, Jacques: A History of Chinese Civilization (Le Monde Chinois, Paris 1972 translated by J. R. Foster), Cambridge University Press, New York 1986. Grousset, Rene: The Rise and Splendour of the Chinese Empire, Barnes & Noble Book, Inc. 1992
Khưu Thụ Lâm: Trung Quốc Lịch Sử Cố Sự (Nguyên triều), Thiếu Niên Nhi Đồng xb xã, Bắc Kinh 1986.
Lê Kiệt: Minh Sử, Hải Kiều, Hong Kong 1962.
Lê Đông Phương: Tế Thuyết Minh Triều, Văn Tinh tùng san 1966 (A Detailed History of Ming by Orient Lee, Book World Co. Ltd.).
Lê Đông Phương: Tế Thuyết Nguyên Triều, Truyện Ký văn học xã, Đài Bắc 1976. Louise Levathes: When China Ruled the Seas, Simon & Schuster, New York 1994. Ngô Tất Tố: Văn Học Đời Trần, Khai Trí, 1960 (Đại Nam in lại, California USA). Phan Khoang: Trung Quốc Sử Cương, Đại Nam, Calif. tái bản (không đề năm). Rathbun, Hope W.: Echoes of Chinese History, Charles E. Tuttle Co. Japan 1967. Time & Life Books, The Mongol Conquests, Time Frame AD 1200-1300 1989. Trần Trí Bình: Trung Hoa Thông Sử (V. 8: Nguyên Sử), Lê Minh văn hóa sự nghiệp công ty, Đài Bắc 1978.
Trương Tác Hiểu (chủ biên): Trung Quốc Lịch Sử Từ Điển, Văn Hóa Nghệ Thuật, Bắc Kinh 1991.
MINH GIÁO
Hình như ai trong chúng ta khi đọc Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung (được Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch ra Việt ngữ dưới nhan đề Cô gái Đồ Long) đều tự hỏi Minh giáo có thực hay không, những bang phái, giáo hội đã sinh hoạt và ảnh hưởng thế nào trong xã hội. Theo bộ tiểu thuyết kiếm hiệp này, Minh giáo là một tôn giáo được tổ chức chặt chẽ và qui mô, đứng đầu phe tà và đã từng nhiều lần đụng độ với phe chính phái. Sự xuất hiện của họ thật kỳ bí và như một tấm màn dần dần vé lên, mỗi lúc lại cho chúng ta biết thêm một số chi tiết về hoạt động, về tổ chức cũng như về giáo qui của họ. Trong sử sách, Minh giáo cũng được nhắc đến, tuy không phong phú như những tôn giáo khác, nhưng cũng đại biểu cho một hệ thống tư tưởng, cái hệ thống nhị nguyên không những phổ biến trong nhiều cơ sở triết học của thế giới, mà lại cũng dễ dàng được quần chúng chấp nhận hơn vì phân biệt trắng đen, thiện ác, có những tiêu chuẩn nhất định không mơ hồ như hệ thống nhất nguyên. Nhìn theo quan điểm xã hội, hệ thống tư tưởng của Minh giáo lại tương đồng với Tây phương và trong một thời gian khá dài, những cơ sở đó tranh huy với những tôn giáo khác, tuy trên bình diện triết học không áo diệu bằng Phật học hay Lão học, nhưng về phương diện tổ chức, Minh giáo có tính quần chúng hơn và phát triển cũng có qui củ hơn. Chỉ về sau này, khi Nho giáo được đưa lên thành hệ thống học thuật làm thước đo cho khả năng của kẻ sĩ, đẩy lùi các tôn giáo khác ra khỏi quan trường, Minh giáo mới suy yếu và dần dần biến mất. Trong phạm vi bài này, chúng tôi sẽ đối chiếu những chi tiết mà Kim Dung đưa ra trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký với Minh giáo trong sách vở để nhìn lại một vấn đề luôn luôn hiện hữu trong suốt lịch sử Trung Hoa: vai trò của tôn giáo trong các cuộc nổi dậy.
Minh Giáo: Bái Hỏa giáo hay Mani Giáo?
Khi nói tới Ba Tư (tức Iran ngày nay), chúng ta vẫn hình dung đó là một xứ mà mình vẫn gọi là “nghìn lẻ một đêm” với những truyện thần kỳ thật phong phú. Có lẽ ít ai biết rằng ở vào những thế kỷ đầu Công Nguyên, khu vực Trung Đông cũng đã có nhiều giao tiếp với Trung Hoa trên nhiều mặt, và tôn giáo chính của họ khi đó cũng khác hẳn với thế giới Muslim chúng ta thấy ngày nay. Đã có những triều đại thân cận với nước Tàu đến nỗi khi họ bị xâm chiếm, họ chạy qua cầu cứu và nhờ viện binh để quay về “phục quốc”, chẳng khác gì những Lê Chiêu Thống, Trần Thiêm Bình ở nước ta. Đời nhà Đường, vì gốc tích của họ cũng mang giòng máu ngoại vực, việc trao đổi văn hóa giữa các dân tộc vùng Trung Đông và Hán tộc cũng được dễ dàng. Sự phát triển và thịnh trị của thời kỳ này cũng nhờ vào chính sách tương đối khai phóng thuở ấy. Không những khoa học, kỹ thuật, các loại sản phẩm công nghiệp được trao đổi, mà tôn giáo cũng từ bên ngoài du nhập vào Trung thổ rất nhiều.
Thời kỳ đó, phía Tây Trung Hoa có một dân tộc tương đối phát triển là Thổ Phồn, tổ tiên của dân tộc Tây Tạng ngày nay, là một chi lưu của người Khương. Khi vua Đường Thái Tông lên ngôi (626 Tây Lịch), vua nước Thổ Phồn là Tùng Tán Hãn Bố giao hiếu với Trung Hoa, được vua nhà Đường gả Văn Thành Công Chúa cho (641 TL). Sử sách chép rằng Công Chúa mang theo một đoàn tùy tùng rất lớn đến hơn năm ngàn năm trăm người, lại không biết bao nhiêu là sản vật, gia súc, tư trang, hàng hóa. Từ đó những vương tôn công tử nước Thổ Phồn sang Trường An du học mở đầu cho một thời kỳ giao lưu văn hóa giữa Trung thổ và các nước phía Tây. Chính thời này, các phát kiến của Trung Hoa như chế tạo nông cụ, dệt vải, nuôi tằm, xây cất, làm giấy, đồ gốm, luyện kim, lịch toán, y học… truyền ra bên ngoài và ngược lại nhiều kỹ thuật từ các nước Trung Đông cũng truyền vào nước Tàu. (Dư Tử Lựu, Nguồn Gốc Con Rồng – Long Đích Căn, Thương Vụ Ấn Thư Quán, Hongkong 1985, tr. 176)
Về tôn giáo, việc truyền bá từ bên ngoài vào Trung Hoa đã có từ lâu. Ngay thời Nam Bắc Triều, một tôn giáo từ Ba Tư có tên là Bái Hỏa Giáo (Zoroastrianism) được truyền vào Trung Quốc. Tôn giáo này do một người Ba Tư tên là Zarathushtra – nguyên nghĩa là con lạc đà già – thành lập từ thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên tại Đại Hạ (nay ở biên giới Apganixtan). Người ta gọi họ là Majus hay Mazdeans. Giáo đồ của tôn giáo này lấy kinh của Ba Tư là A Duy Tư Đà (Avesta Gatha) làm kinh điển (Kinh này gồm những bài hát trong đó dạy những điều luân lý. Người viết nghĩ rằng những bài hát Tiểu Siêu hát trên Quang Minh Đính và trên thuyền trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký có lẽ Kim Dung rút ra từ kinh này), chủ trương phân ra làm hai bên thiện ác, nhị nguyên. Theo họ, việc gì quang minh, lửa, thanh tĩnh, sáng tạo, sự sống thuộc về thiện đoan. Còn hắc ám, ác, dơ bẩn, phá hoại, chết thuộc về ác đoan. Con người được tự do chọn lựa để làm điều thiện hay điều ác. Khi chết đi sẽ được Thượng đế (tức Ahura Mazda) phán xét, ai qua được thì lên thiên đường, người nào không qua thì xuống địa ngục. Vì thế khi còn sống mọi người phải làm lành, lánh dữ, bỏ chỗ tối mà tìm chỗ sáng. Châm ngôn đạo đức của họ là nghĩ điều lành, nói điều lành, làm điều lành. Họ có một nghi thức riêng để lễ “thánh hỏa” dưới quyền chủ tế của một “majus”. Tôn giáo này có thời là quốc giáo của Ba Tư trong triều đại Sasanian.
Đạo Bái Hỏa truyền vào bắc Trung Hoa từ năm 516-519 theo phái đoàn của người Ba Tư. Đến đời Tùy, họ được thành lập ở Trường An những khu vực riêng để hành đạo. Ngoài việc trao đổi các sứ thần giữa hai bên, các thương nhân Ba Tư cũng sang Trung Hoa buôn bán. Hiện nay, tại Quảng Châu, Tuyền Châu, Dương Châu và Trường An, Lạc Dương vẫn còn nhiều dấu tích của người Ba Tư thời đó.
Năm 621, tiên từ (shrine) đầu tiên được xây dựng cho người “hồ” ở kinh đô và đến năm 631 thì một tu sĩ (Magi) được vào làm quan trong triều. Đến năm 652, khi người Muslim từ Ả Rập (Islam) sang xâm chiếm Ba Tư, họ bị đánh đuổi, một phần chạy sang phía tây nước Ấn (nay còn lại ở Bombay được gọi là Parsees có nghĩa là người Persian) nhưng một số lớn chạy sang Trung Hoa, khi đó vào đời nhà Đường. Vua cuối cùng của triều đại Sasanian là Yazdegird đệ tam (Yazdagard III) cầu viện vua Đường Thái Tông để đem quân khôi phục đất nước. Tuy nhiên, nhà Đường từ chối và họ đành phải sống lưu vong với dân chúng vùng Tân Cương ở Trung Á nhưng lại bị thổ dân phản bội. Gần đây, khi khai quật một số địa điểm vùng Tây An, người ta đã tìm thấy một số tiền làm bằng bạc của Ba Tư thời kỳ này, nhiều mộ chí bằng cả hai
thứ tiếng Ba Tư và chữ Hán. (Dư Tử Lựu, tr. 183)
Nhà Đường tiếp tục bảo vệ con của Yazdegird là Peroz (Firuz) và cho phép họ được xây cất đền thờ và tiếp tục hành đạo. Peroz vẫn được công nhận là vua nước Ba Tư và được phong một chức võ quan tại triều. Ông ta chết ở Trường An và con là Narseh được tập tước vương. Narseh cố gắng đem quân Tàu về lấy lại nước nhưng thất bại và những người thuộc triều đại Sasanian định cư tại Trung Hoa trong khoảng 200 năm. Một số tiểu quốc được hình thành nằm giữa biên giới Ba Tư và Trung Hoa không theo đạo Hồi, độc lập đã tồn tại trong nhiều năm và nhiều phái bộ, sứ thần đã đến kinh đô nhà Đường trong khoảng từ 713 đến 755. Những cư dân của các tiểu quốc này trở thành những người buôn ngọc, phù thủy, thợ thủ công và thương nhân. Họ xây dựng bốn, năm tiên từ (thánh đường), tại Trường An, hai, ba tiên từ tại Lạc Dương, một tại Khai Phong và nhiều nơi khác như Dương Châu, Đôn Hoàng, Thái Nguyên… Họ cũng di cư đến nhiều nơi khác, có người tới tận Hải Nam và vùng nước ta nhưng không biết rồi ra sao.
Đến năm 845, nhà Tống tiêu diệt các tôn giáo và bài xích tất cả các tôn giáo từ nước ngoài, nhất là đạo Phật và Bái Hỏa giáo cũng bị tiêu diệt. Vì họ coi lửa là đại biểu của quang minh (sáng sủa), nên việc thờ phụng “lửa thần” (thánh hỏa) là nghi lễ chính yếu. Người Trung Hoa gọi tôn giáo này dưới nhiều tên như Tiên giáo, Hỏa tiên giáo, Bái hỏa giáo, Ba Tư giáo… Bái hỏa giáo đến đời Nguyên hay Minh thì không còn ai biết đến. Theo sách vở, Bái hỏa giáo là một tôn giáo chỉ thu hẹp trong phạm vi chủng tộc và không chủ trương bành trướng hay chiêu dụ người ta theo đạo. Kinh điển của họ không được dịch sang tiếng Tàu và có lẽ người Tàu cũng không ai đổi qua theo đạo này. Tuy nhiên, họ cũng đem lại một số ảnh hưởng, vì đời Đường là triều đại mở cửa nên nhiều kỹ thuật mới được du nhập, nhiều sắc thái văn hóa được đón nhận trong sinh hoạt hàng ngày.
Một tôn giáo khác cũng truyền từ Ba Tư là Ma Ni giáo (tức Manichaeism, do Mani người Ba Tư sáng lập vào thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên). Ma Ni giáo kết hợp nhị nguyên luận của hỏa tiên giáo, đồng thời dung hợp nhiều tôn giáo trong đó có một số tư tưởng của Phật giáo và Ki tô giáo mà thành. Ma ni giáo được gọi là tôn giáo của ánh sáng (Religion of Light) và truyền vào Trung Hoa qua nhiều sự tích ly kỳ. Cho đến giờ phút này, người ta vẫn chưa rõ Mani là tên người hay là một cách xưng hô tôn quí. Nghĩa của chữ này cũng không rõ ràng, theo cổ ngữ Hi Lạp thì là skeuos và homilia, nhưng hình như nguyên thủy lại bắt nguồn từ tiếng Babylonian Aramaic có nghĩa là Vua của Ánh Sáng.
Mani sinh ra tại Baghdad, khoảng thế kỷ thứ 3, dưới thời mà người Ba Tư làm chủ cả khu vực Mesopotamia, ngày nay là Iraq. Cha ông hình như là người Mandaeans. Sau khi đi lang thang trong vài năm, sống đời khổ hạnh để suy tưởng về giáo lý, năm 242 (có chỗ chép rõ là ngày 20 tháng 3) ông được mặc khải và tự cho mình là một nhà tiên tri, lập nên một giáo phái mới. “Cũng như Phật Thích Ca đến Ấn Độ, Zoroaster với Ba Tư, hay chúa Jesus đến miền Tây, thời kỳ này thiên sứ đến với ta, tức Mani, đến với vùng Babylonia”. Đó là lời tuyên bố của ông và tự cho mình là một tông đồ của Thượng đế. Ông lại đi lên Bactria ở miền tây bắc Ấn Độ, và nghiên cứu thêm về Phật giáo. Ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của các tư tưởng Gnostic (một chi phái của Thiên Chúa giáo thời kỳ sơ khai, bị coi như tà giáo). Đến năm 241, ông quay về Ba Tư sau khi vua Shapur đệ nhất lên ngôi, là người dung chứa các tôn giáo. Ông bắt đầu truyền giáo, dung hợp cả Gnosticism, Zoroastrianism, Christianity, Buddhism, Lão giáo và những tôn giáo địa phương tại Ba Tư. Trong suốt thời vua Shapur, ông được tự do truyền giáo và hoạt động trong khối giáo đồ của mình. Thế nhưng khi vua Bahram đệ nhất lên ngôi, người giáo đồ Bái hỏa coi Mani là thù nghịch. Mani bị cầm tù và bị đóng đinh, xác bị bêu tại cổng thành để răn đe những người theo ông. Những tín đồ của đạo Mani cũng bị tàn sát không thương tiếc. Theo sử sách ông chết khoảng 276-277 sau Công Nguyên. Tôn giáo của ông truyền sang tận Bắc Phi, Nam Âu châu và Trung Hoa.
Tư tưởng chính yếu của đạo Manichaeism là nhị nguyên đối đãi và mục tiêu của con người là làm sao giải thoát được bằng cách khai mở luồng ánh sáng vốn bị vật chất giam hãm. Có hai đẳng cấp trong giáo phái này, đẳng cấp tu sĩ là thành phần được “thiên khải”, và “giáo đồ” là đại số quần chúng phục vụ cho thành phần được Thượng Đế lựa chọn. Tu sĩ sống độc thân, khắc kỷ, chỉ lo đi truyền giáo và học đạo. Những tu sĩ chắc chắn sẽ được giải thoát ngay khi chết vì họ đã được ân sủng của minh tôn. Giáo đồ có quyền lập gia đình nhưng phải chăm lo
phục vụ các trưởng lão, và khi chết đi sẽ được tái sinh làm tu sĩ. Chính đạo này, dưới cái tên Ma ni giáo, Minh tôn giáo hay Minh giáo đã ảnh hưởng quan trọng trong sinh hoạt xã hội của Trung Hoa trong một thời gian khá dài, hơn hẳn những tôn giáo khác cũng xuất xứ từ Ba Tư.
Ma ni giáo truyền vào Trung Thổ khoảng năm 694 đời nhà Đường, mặc dù đạo này có một số ảnh hưởng đến Lão giáo từ trước đó. Năm 694 cuốn Nhị Tông Kinh (Erzongjing) bộ kinh chính yếu của họ được đem vào nước Tàu. Theo Minh Sử viết vào thế kỷ thứ 17, một mục sư vào truyền giáo dưới thời vua Cao Tông (650-683) nhưng nhiều học giả không đồng ý mà chỉ công nhận là năm 719 có một đại trưởng lão của họ từ Tokharistan đến mà thôi. Năm 732, trong một chỉ dụ của nhà Đường có nhắc tới họ đi truyền tà giáo mang danh nghĩa một tông phái của đạo Phật. Tuy nhiên vì đây là một tôn giáo của người Hồ nên triều đình không cấm chỉ miễn là họ giới hạn việc sinh hoạt trong những dân tộc thiểu số. Năm 745, người Hồi Hột (Uighur) kiến tạo một vương quốc rộng lớn, kéo dài từ sông Ili (Y lê) đến tận sông Hoàng Hà. Một trong những tiểu vương (khans) theo đạo Ma ni năm 762 và Ma ni giáo trở thành quốc giáo của Tân Cương. Tới lúc đó, một số lớn người Hồi (Uighurs) đã cải đạo theo đạo Ma ni và sau khi họ giúp nhà Đường chống lại loạn An Lộc Sơn, một số đông người Hán cũng theo. Họ có thể đã xây cất nhiều đền đài từ trước nhưng sách vở chỉ chắc chắn là có một đền Ma ni – dưới tên Hán tự là Đại Vân Quang Minh (Dayun huangming) được thành lập tại Trường An năm 768. Khoảng năm 771, tại các vùng Kinh, Dương, Hồng (Nam Xương), Việt (Thiệu Hưng) cũng có đền Ma ni và đầu thế kỷ thứ 9, tại Lạc Dương, Thái Nguyên đã có những đền thờ của họ được xây cất. Như vậy xét về mặt địa lý, giáo phái này bành trướng từ miền Tây Trung Hoa lan sang tận miền đông, sát bờ biển. Nhà Đường tương đối khoan dung hơn người La Mã khi họ bách hại người Thiên Chúa giáo và người Ma ni giáo vào thế kỷ thứ tư sau Công Nguyên.
Đến năm 842-843, khi dân tộc Hồi suy yếu vì bị người Kirghiz đánh bại, triều đình lại bắt đầu một chính sách bài giáo, đặc biệt là những tôn giáo từ bên ngoài truyền vào Trung thổ nhất là Phật giáo. Ma ni giáo cũng bị càn quét, đền đài bị phá hủy, của cải bị tịch thu, kinh sách bị đốt. Tại Trường An, hơn 70 nữ tu Ma ni bị giết. Từ đó họ phải lui vào bóng tối, hoạt động âm thầm và biến thành một đoàn thể bí mật. Họ chia ra thành nhiều chi phái, dưới nhiều tên khác nhau và cũng hoạt động trong những khu vực hay hình thái khác nhau. Chi lưu mạnh nhất có tên là Minh Giáo, tôn Trương Giác đời Đông Hán làm giáo tổ, còn thờ Ma Ni làm thần Quang Minh. Chính đây là tôn giáo mà Kim Dung đã huyền thoại hóa trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long ký thành Minh Giáo, một đoàn thể vừa mang màu sắc bang hội, vừa có thêm một số nghi lễ thần bí, đứng đầu phe hắc đạo.
Giáo nghĩa của họ chủ yếu là phân biệt hai đằng thiện ác, sáng tối, dùng thuyết tam tế phân biệt ba cõi quá khứ, hiện tại, tương lai làm nền tảng, và tin tưởng rằng quang minh rốt ráo sẽ chiến thắng hôn ám. Giáo đồ Minh giáo mặc đồ trắng, sống giản dị, cần kiệm, ăn chay, không uống rượu, người chết thì để trần truồng đem bỏ ngoài sa mạc cho chim ăn, không thờ tổ tiên, thần, Phật mà chỉ lễ bái mặt trời, mặt trăng. Tổ chức trong giáo phái này rất nghiêm mật, trưởng lão của họ gọi là hành giả, giáo đồ chia thành thị giả, thính giả, cô bà, trai tỉ… Họ truyền bá mạnh tại các vùng Hoài Nam, Mân, Triết, Cám (Giang Tây). Về sau họ hợp nhất với Di Lặc giáo, Bạch Liên giáo. Minh giáo phát triển mạnh khoảng thế kỷ thứ 11 sau Công Nguyên. Theo Al-Beruni, một sử gia Ả Rập thì “đa số người Hồi, người Trung Hoa và Tây Tạng ở vùng Tây Vực, cả một số người Ấn Độ cũng theo đạo Mani”. Những kinh điển và tài liệu người ta tìm được ở Turfan gần đây phù hợp với những nhận định đó. Thời kỳ này Minh giáo đã bành trướng mạnh và trở thành một tôn giáo có thế lực.
Qua đời Ngũ Đại, Tống, Nguyên họ khởi nghĩa nhiều lần, đặc biệt là cuộc nổi dậy Mẫu Ất thời kỳ cuối của nhà Lương, hay Phương Lạp đời Tống (1120-1122). Cuộc khởi nghĩa quan trọng nhất mà họ tham gia có lẽ là cuộc nổi dậy chống lại người Mông Cổ vào thế kỷ thứ 14, lập nên triều đại nhà Minh, mặc dầu nhiều học giả không cho rằng nhà Minh có liên quan đến Minh giáo.
Hiện nay, đền thờ duy nhất của người Mani còn sót lại trên thế giới ở tại Quan Châu (Phúc Kiến), vùng duyên hải Trung Hoa trong đó có khắc nổi tượng Ma Ni dưới danh hiệu Quang Minh Phật (Buddha of Light). Có lẽ vì tên Mani tương đồng với Thích Ca Mâu Ni nên nhiều người đã lầm lẫn giữa hai tên này. Tuy nhiên hình tượng khác hẳn hình tượng của Phật giáo.
Trên đầu có một vòng hào quang, với hai chùm tóc chảy từ đầu xuống vai. Hình tượng mặc áo trắng và theo tự tích khắc ở đó thì ngôi đền này do một giáo đồ kiến lập năm 1340. Tài liệu ngày nay người ta kiếm được để nghiên cứu về đạo Mani được gọi là Turfan (Turpan), là những kinh điển mà các khảo cổ gia người Đức đào được ở Đôn Hoàng (Dunhuang) vào khoảng 1902- 1914. Trong số các tự tích tìm thấy có cả những đoạn mà từ lâu nay bị mất trong thánh kinh của họ, cả những văn chương viết bằng tiếng Pahlavi, Saghdian, Thổ Phồn và tiếng Hán. Một số tài liệu khác về đạo Ma ni thì kiếm thấy ở Ai Cập năm 1933 và trong những sách vở bài xích đạo Ma Ni do người đạo Thiên Chúa, Muslim hay Bái Hỏa viết.
Thi nhân Bạch Cư Dị đã từng viết một bức thư thay mặt vua nhà Đường trả lời cho vua nước Hồi khi họ xin triều đình Trung Hoa bảo vệ những người theo đạo Mani. Julia Ching nhận định là vấn đề của đạo Mani là họ vay mượn từ các tôn giáo khác khiến cho đối với các dân tộc Cận Đông thì họ giống như Thiên Chúa hay Do Thái giáo, trong khi đối với các dân tộc Viễn Đông thì họ lại giống như Phật giáo. Chính Mani cũng coi Jesus là đấng tiên tri của người Do thái, Zoroaster là đấng tiên tri của người Ba Tư, còn Phật Thích Ca là đấng tiên tri của người Ấn Độ. Và khi ông tổng hợp được nhiều tôn giáo trong đạo của mình, ông ta tin rằng “Giáo hội của ta ưu việt hơn các giáo hội đã có từ trước, và những tôn giáo trước đây chỉ phổ biến tại một số quốc gia hay thành thị, còn Giáo hội của ta sẽ lan truyền đến khắp mọi thành phố, và lời giao rảng của ta sẽ đến khắp thế gian.” (Julia Ching, Chinese Religions tr. 174)
Một trong những đặc tính của các tôn giáo ở Trung Hoa là những tổ chức này không hoàn toàn mang tính chất tôn giáo mà luôn luôn pha thêm một số hình thức thế tục trên phương diện xã hội hay chính trị. Tôn giáo cũng không có một vị trí quyền lực cao cấp như tại Tây phương. Tuy có một số thời kỳ, nước Tàu có những Quốc Sư nhưng những vị cao tăng đó không thể nào sánh được với thế lực của những giáo hoàng hay giáo chủ ở Âu Châu hay Trung Đông. Minh giáo hình thành vào đời Đường là giai đoạn văn hóa tương đối khai phóng nên được chấp nhận dễ dàng cũng như Phật giáo nhưng đến triều Minh, Thanh, khi Nho giáo đã có một vị trí độc tôn, các tôn giáo có nguồn gốc từ bên ngoài không còn được coi trọng nữa. Chính vì thế, cũng như nhiều tôn giáo khác, Minh giáo dần dần tàn lụi.
Trên thực tế, Minh giáo là một tôn giáo rất khắt khe. Những tu sĩ của họ phải sống một đời sống khắc kỷ và giữ mình nghiêm nhặt. Theo kinh điển của giáo phái này, những người được Thượng đế lựa chọn (Primates Manichaeorum) có một đời sống khổ hạnh và phải luôn luôn di hành, không được ở yên một chỗ. Họ không được quyền có tài sản, không ăn thịt, uống rượu, và trấn áp mọi dục tình. Họ cũng không có quyền có nghề nghiệp, buôn bán, hay học những ma thuật hoặc nghiên cứu tôn giáo ngoài chính tôn giáo của họ. Nhiệm vụ chính yếu của họ là kìm giữ và đóng kín ba cửa ải – miệng, tay và ngực (oris, manuum, sinus). Để giữ miệng, họ không được nói năng độc địa, không ăn uống các chất độc hại. Thịt gia súc sẽ khởi động ma vương trong cơ thể con người, vì thế họ chỉ được ăn rau cỏ và trái cây. Để giữ gìn cho bàn tay khỏi ô uế, họ không được sát sinh, bẻ cây hái trái. Để giữ gìn cho trái tim được trong sáng, họ không được nghĩ ngợi bậy bạ chẳng hạn như nghĩ những điều không trong sạch hay trái với giáo lý của đạo Mani. Họ cũng không được lập gia đình vì coi rằng sự truyền chủng là một hành động kéo dài sự tăm tối, và loài người sinh sản chính là vì bị Thượng đế trừng phạt. Chính vì khó khăn như thế nên số người được ở trong hàng giáo phẩm rất hiếm hoi.
Minh Giáo theo Kim Dung
Không biết rằng vô tình hay cố ý, Kim Dung đã cố tình pha trộn giữa Bái hỏa giáo và Ma ni giáo. Mặc dù hai tôn giáo này có những điểm chung, sử sách không nói rằng Ma ni giáo cũng coi lửa làm biểu tượng của quang minh như Bái hỏa giáo. Do đó Minh giáo qua Kim Dung là một tổ chức được tiểu thuyết hóa, ít tôn giáo mà nhiều tính chất bang hội. Chính vì thế chúng ta thấy Minh giáo được tổ chức chặt chẽ nhưng lại dựa trên những liên kết thế tục hơn là thần quyền. Từ một đoàn thể bí mật, Minh giáo đã nhanh chóng biến mình để thành một đảng cách mạng. Chúng ta có thể nói rằng Minh giáo của thời Mạt Nguyên có nhiều điểm tương đồng với Thiên địa hội đời Thanh sơ hay Thái Bình Thiên quốc đời Thanh mạt và hoàn toàn khác hẳn những tôn giáo sẵn có ở Trung Hoa, tiêu biểu là Phật giáo hay Lão giáo. Ngay từ sau chương giới thiệu câu chuyện, Kim Dung đã cho xuất hiện nhiều nhân vật liên quan đến tà giáo nhưng không đề cập đến nguyên ủy ngọn ngành của họ. Một Ân Tố Tố nữ cải nam trang cố tình làm cho phái Thiếu Lâm tưởng Trương Thúy Sơn là thủ phạm vụ giết người ở Long Môn tiêu cục, một Tạ Tốn thần oai lẫm lẫm khi đến Vương Bàn Sơn đảo cướp thanh đao Đồ Long. Rồi những nhân vật hạng nhì như Thường Kim Bằng hay Bạch Qui Thọ cũng có võ công hơn người khi dương đao lập uy. Hết việc nọ tới việc kia, cho tới khi hai vợ chồng Trương Thúy Sơn – Ân Tố Tố tự sát, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ tà phái được tổ chức như thế nào. Tấm màn bí mật đầu tiên được vén lên là khi Trương Tam Phong cứu Thường Ngộ Xuân khi người này bị quân Mông Cổ truy kích trên sông Hán Thủy:
… Đại hán đó ở tạisàn thuyền khấu đầu nói:
- Lão đạo gia cứu mạng cho tiểu nhân, Thường Ngộ Xuân này xin rập đầu bái tạ. Trương Tam Phong đưa tay đỡ dậy, nói:
- Thường anh hùng không cần phải dùng đại lễ.
Vừa nắm tay y, thấy bàn tay lạnh như băng, hơi kinh hoảng, vội hỏi:
- Phải chăng Thường anh hùng đã bị nội thuơng?
Thường Ngộ Xuân nói:
- Tiểu nhân từ Tín Dương hộ tống tiểu chủ xuôi Nam, giữa đường bốn lần tiếp chiến với bọn ưng trảo của Thát Đát đuổi theo, trên ngực và sau lưng bị một phiên tăng đánh trúng hai chưởng.
Trương Tam Phong cầm cổ tay, thấy mạch nhảy rất yếu, vội cởi áo y ra để xem vết thương, lại càng kinh hãi, thấy chỗ trúng chưởng sưng vù lên cả tấc, không phải là nhẹ, giá như người khác chắc không chịu nổi. Người này chạy trốn hàng ngàn dặm, lại còn phải chống trả cường địch, quả là anh hùng. Thấy vậy ông liền khuyên y đừng nói năng nhiều, chỉ ở trong khoang tĩnh dưỡng.
Cô bé gái tuổi chừng lên mười, quần áo cũ kỹ, hai chân không mang giày dép, tuy con nhà thuyền chài nghèo khổ, nhung mặt mày xinh xắn, thể nào sau này cũng thành một mỹ nhân, chỉ ngồisụt sùi gạt nước mắt.
Trương Tam Phong thấy cô bé đáng thương, hỏi:
- Cô nương, tên cô là gì?
Cô gái đáp:
- Cháu họ Chu, tên là Chu Chỉ Nhược.
Trương Tam Phong nghĩ thầm: “Con nhà thuyền chài mà sao đặt tên thật hay” nên hỏi tiếp: - Thế nhà cháu ở đâu? Trong nhà còn những ai? Để ta gọi đò đưa cháu về. Chu Chỉ Nhược gạt lệ đáp:
- Chỉ có hai cha con cháu sống với nhau trên thuyền thôi… chứ không có ai khác. Trương Tam Phong ớ một tiếng, nghĩ thầm: “Cô gái này nhà tan người mất, lại bé bỏng quá, làm thế nào bây giờ đây?”
Thường Ngộ Xuân nói:
- Lão đạo gia võ công cao cường, từ xưa tới nay, tiểu nhân chưa thấy ai như thế bao giờ, xin vô phép hỏi pháp hiệu của ngài là gì?
Trương Tam Phong cười:
- Lão là Trương Tam Phong.
Thường Ngộ Xuân “A!”lên một tiếng, vội nhỏm dậy, lớn tiếng:
- Hoá ra lão đạo gia là Trương Chân Nhân của núi Võ Đương, thảo nào thần công cái thế, Thường Ngộ Xuân hôm nay may mắn được gặp tiên trưởng.
Trương Tam Phong mỉm cười:
- Lão đạo bất quá sống hơn vài năm, có gì là tiên với lại không tiên. Xin Thường anh hùng mau nằm xuống, đừng làm động đến vết thương.
Ông thấy Thường Ngộ Xuân khẳng khái hào sảng, ăn nói ào ào, cảm thấy mến y vô cùng, nhưng nghĩ đến y là người trong ma giáo, nên không muốn nói chuyện nhiều, liền nhạt nhẽo: - Ngươi bị thuơng không phải là nhẹ, chớ nên nói nhiều.
Trương Tam Phong tính tình khoáng đạt, đối với chính tà hai đường, vốn không quá thiên kiến. Trước đây ông đã từng nói với Trương Thúy Sơn:
- Hai chữ chính tà, thật khó phân biệt. Đệ tử trong chính phái mà có tâm thuật bất chính, thì cũng là tà đồ; còn trong tà phái có người nhất tâm hướng thiện, thì cũng là chính nhân quân tử. Lại còn nói giáo chủ Thiên Ưng giáo là Ân Thiên Chính tuy tính tình nóng nảy, hành sự khác người, nhưng cũng là kẻ quang minh lỗi lạc, có thể kết làm bạn được. Thế nhưng từ khi Trương Thúy Sơn tự vẫn mà chết, ông thương đứa học trò yêu, đối với Thiên Ưng giáo hết sức căm giận, tự nhủ đệ tử thứ ba Du Đại Nham cả đời tàn phế, đệ tử thứ năm Trương Thúy Sơn thân tử danh liệt, cũng do Thiên Ưng giáo mà ra. Tuy nén lòng không đi kiếm Ân Thiên Chính hỏi tội phục thù, nhưng dù bụng dạ có rộng rãi đến đâu, hai chữ “tà ma” càng lúc càng thấy ghét bỏ. Kẻ tên gọi Chu Tử Vượng kia (tức cấp trên của Thường Ngộ Xuân) chính là đại đệ tử của Di Lặc Tông trong Minh giáo, năm trước khởi sự tại Viễn Châu đất Giang Tây, tự lập làm đế, lấy quốc hiệu là Chu, chẳng bao lâu bị quân Nguyên tiêu diệt, còn Chu Tử Vượng bị bắt chém đầu. Di Lặc Tông và Thiên Ưng giáo tuy không cùng một phái nhưng đều là chi lưu của Minh giáo, có liên hệ với nhau rất sâu xa. Khi Chu Tử Vượng khởi sự, Ân Thiên Chính có thanh viện tại Triết Giang. Trương Tam Phong hôm nay cứu Thường Ngộ Xuân, chỉ vì nhất thời lòng hiệp nghĩa khích động, và lúc đầu cũng không biết y thuộc Minh giáo, nên không lấy gì hợp với bản nguyện. Canh hai đêm đó thuyền đến Thái Bình điếm. Trương Tam Phong bảo thuyền phu rời thị trấn đến một cái bến ở xa. Người lái đò lên chợ mua đồ ăn, nấu cơm, bày trên thuyền nào thịt gà, thịt heo, cá, rau cả thảy đến bốn bát lớn. Trương Tam Phong bảo Thường Ngộ Xuân và Chu Chỉ Nhược ăn trước, còn tự mình đút cho Trương Vô Kỵ ăn. Thường Ngộ Xuân hỏi nguyên do, Trương Tam Phong nói là y bị hàn độc xâm nhập tạng phủ, đã điểm huyệt đạo các nơi, tạm thời chưa nguy đến tính mệnh. Trương Vô Kỵ tủi thân, nghẹn ngào không nuốt nổi miếng cơm xuống họng. Trương Tam Phong lại gặng đút nữa, y lắc đầu, không chịu ăn.
Chu Chỉ Nhược đón lấy chén cơm trong tay Trương Tam Phong, nói:
- Đạo trưởng ăn trước đi, để cháu bón cơm cho vị tiểu tướng công này.
Trương Vô Kỵ nói:
- Ta no rồi, không muốn ăn nữa.
Chu Chỉ Nhược nói:
- Tiểu tướng công, nếu anh không ăn, lão đạo trưởng trong lòng không vui, ăn cơm không nổi, chẳng hóa ra cũng bị đói ư?
Trương Vô Kỵ nghĩ quả không sai, nên khi Chu Chỉ Nhược đưa cơm tới miệng vội há mồm ăn. Chu Chỉ Nhược gỡ hết xương cá, xương gà, mỗi miếng cơm lại rưới thêm tí nước thịt, Trương Vô Kỵ ăn thấy thật ngon miệng, hết cả một bát lớn.
Trương Tam Phong trong lòng thấy an ủi, nghĩ thầm: “Vô Kỵ số khổ, từ bé cha mẹ chết sớm, lại
bị bệnh nặng. Nếu được người con gái có ý tứ thế này chăm sóc quả thật là hay”. Thường Ngộ Xuân không đụng tới thịt cá, chỉ ăn sạch bát rau, tuy đang trọng thương, nhưng cũng ăn hết bốn bát cơm trắng. Trương Tam Phong không kiêng thịt, thấy y ăn uống thật hào sảng, nên khuyên y ăn tí thị gà.
Thường Ngộ Xuân nói:
- Trương chân nhân, tiểu nhân thờ Bồ Tát nên không ăn mặn.
Trương Tam Phong “A” một tiếng:
- Ồ lão đạo quên.
Lúc đó mới nhớ là người trong ma giáo qui củ rất nghiêm, không ăn mặn, từ đời Đường tới giờ, đều thế cả. Cuối thời Bắc Tống, đại thủ lãnh của Minh giáo là Phương Lạp khởi sự tại Triết Đông, đương thời quan cũng như dân gọi họ là “đạo ăn chay thờ ma”. Ăn chay và phụng thờ ma vương là hai qui luật lớn của ma giáo, đã truyền từ mấy trăm năm nay. Đời nhà Tống, quan phủ chém giết ma giáo rất ngặt, người trong võ lâm cũng coi họ chẳng ra gì, vì thế giáo đồ hành sự cực kỳ ẩn bí, tuy ăn chay nhưng đối với người ngoài phải giả xưng là thờ Phật, bái Bồ Tát, không dám tiết lộ thân phận của mình.
Thường Ngộ Xuân nói:
- Trương chân nhân, ngài có ơn cứu mệnh đối với tôi, lại đã biết rõ lai lịch rồi, nên không dám giấu giếm. Tiểu nhân là người trong Minh giáo, phụng sự Minh tôn. Triều đình quan phủ đối với chúng tôi mười phần căm ghét, người hiệp nghĩa trong các danh môn chính phái cũng coi nhẹ chúng tôi, thậm chí đến bọn đốt nhà cướp của, giết người không gớm tay trong hắc đạo cũng gọi chúng tôi là yêu ma quỉ quái. Lão nhân gia đã biết rõ lai lịch của chúng tôi mà vẫn ra tay tương cứu, cái ân đức đó, quả thực tôi không biết lấy gì báo đáp.
Trương Tam Phong cũng đã từng nghe qua về lai lịch của ma giáo, biết ma giáo phụng thờ đại ma vương tên là Ma Ni, người trong tôn giáo gọi là Minh Tôn. Tôn giáo này đến trung thổ từ đời Nguyên Hòa, Hiến Tông nhà Đường, khi đó gọi là Ma Ni giáo lại còn gọi là Đại Vân Quang Minh giáo, giáo đồ tự xưng Minh giáo nhưng người ngoài gọi họ là Ma giáo.” (Ỷ Thiên Đồ Long ký, tr. 415-418)
Thế nhưng Minh giáo cũng còn rất mơ hồ, chưa thấy những liên kết với nhau. Khi sáu đại môn phái – Thiếu Lâm, Võ Đương, Hoa Sơn, Không Động, Nga Mi, Côn Luân – tiến hành cuộc trường chinh vây đánh thẳng vào trung khu của Minh giáo là Quang Minh Đính, Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn phái Nga Mi mới tiết lộ qua về tổ chức của Minh giáo:
Chỉ nghe Diệt Tuyệt sư thái quát lên: “Dập tắt yêu hỏa, diệt hết ma hỏa”. Bà ta ngừng lại một lát nói tiếp:
- Ma giáo lấy hỏa làm thánh, tôn hỏa làm thần. Từ khi giáo chủ đời thứ ba mươi ba của Ma giáo là Dương Đính Thiên chết đi, họ không có giáo chủ. Tả hữu Quang Minh sứ giả, bốn đại Hộ giáo Pháp vương, Ngũ Tán Nhân, lại thêm chưởng kỳ sứ Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, người nào cũng nhòm ngó chức vị giáo chủ, tranh đoạt tàn sát lẫn nhau, nên giữa đường ma giáo trở nên suy yếu. Lúc này lại là lúc sáu chính đại môn phái hưng vượng, âu cũng là cái số của yêu tà phải bị tiêu diệt. Nếu như ma giáo không có tranh chấp bên trong, muốn trừ đám yêu nghiệt này không phải là dễ.
Trương Vô Kỵ từ nhỏ đã nghe đến ma giáo, cũng biết mẹ chàng có liên quan xa gần đến ma giáo, nên mỗi khi hỏi gặng thêm, cha mẹ đều không vui, hỏi nghĩa phụ thì hoặc ông ta lặng thinh xuất thần, rồi bỗng dưng nổi giận, thành ra ma giáo thực sự là gì, thủy chung vẫn không biết rõ. Về sau chàng lại thấy thái sư phụ Trương Tam Phong đối với ma giáo ghét bỏ cùng cực, mỗi khi nhắc đến luôn luôn căn dặn, không bao giờ được kết giao với giáo đồ của họ. Thế nhưng khi Trương Vô Kỵ gặp những người như Hồ Thanh Ngưu, Vương Nạn Cô, Thường Ngộ Xuân, Từ Đạt, Chu Nguyên Chương đều là người của ma giáo, nhưng đều khẳng khái trượng nghĩa, chưa hẳn đã chỉ là ác nhân, có điều hành sự ngụy bí, người ngoài khó mà đo lường được. Tới lúc này khi nghe Diệt Tuyệt sư thái nói tới ma giáo, nên chàng cố hết sức tập trung để nghe cho kỹ.
Diệt Tuyệt sư thái nói tiếp:
- Các đời giáo chủ ma giáo đều lấy “Thánh Hỏa Lệnh” làm tín vật truyền từ đời nọ sang đời kia, thế nhưng đến tay đời giáo chủ thứ ba mươi mốt, trời đoạt hồn phách làm sao, không hiểu thế nào đánh mất thánh hỏa lệnh, nên hai đời ba mươi hai và ba mươi ba có quyền mà không có lệnh, hai chức giáo chủ đó cũng hơi miễn cưỡng. Dương Đính Thiên chết bất ngờ, chẳng biết do trúng độc hay do người nào ám toán, không kịp chỉ định người kế thừa. Trong ma giáo những đại ma đầu có bản sự không phải là ít, những người đủ tư cách để làm giáo chủ ít ra cũng năm, sáu người, ta không phục người, người chẳng phục ta, nội bộ hoá thành đại loạn. Cho đến lúc này, họ cũng chưa suy định được giáo chủ. Kẻ mà chúng ta gặp ngày hôm nay, cũng trong những người muốn làm giáo chủ. Y là một trong bốn hộ giáo pháp vương, Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu.
Đám đệ tử chưa ai nghe nói tới cái tên Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu, nên đều lặng yên không nói gì.
Diệt Tuyệt sư thái nói tiếp:
- Tên này từ trước chưa bước chân vào Trung Nguyên, hành sự của bọn ma giáo lại kín đáo, nên gã này tuy võ công cao cường mà không mấy ai biết đến tên tuổi. Thế nhưng Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính, Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn hai tên đó hẳn các ngươi đã nghe qua rồi?
Trương Vô Kỵ thấy rung động trong lòng, Châu Nhi cũng “A” lên một tiếng nhỏ. Ân Thiên Chính và Tạ Tốn danh tiếng vang dội, trong võ lâm không ai không biết. Tĩnh Huyền hỏi: - Sư phụ, hai người đó cũng ở trong ma giáo ư?
Diệt Tuyệt sư thái nói:
- Hừ, đâu phải chỉ “cũng ở trong ma giáo” mà thôi? “Ma Giáo Tứ Vương, Tử Bạch Kim Thanh”. Tử Sam Long Vương, Bạch Mi Ưng Vương, Kim Mao Sư Vương, Thanh Dực Bức Vương, đó là tứ vương trong ma giáo. Thanh Dực đứng hàng cuối cùng, thân thủ như thế nào, hôm nay tất cả đều trông thấy rồi. Như thế Tử Sam, Bạch Mi, Kim Mao chỉ tưởng tượng cũng đủ biết ra sao. Kim Mao Sư Vương táng tâm phát điên, hai mươi năm trước hành động rồ dại, đột nhiên giết người vô tội, sau không biết đi đâu mất, thành một đại bí mật trong võ lâm. Ân Thiên Chính không có khả năng lên được chức giáo chủ ma giáo, bực tức bỏ ra sáng lập Thiên Ưng giáo, tự mình làm giáo chủ một phe cho hả dạ. Ta vẫn tưởng Thiên Ưng giáo đã quay lưng với ma giáo rồi, đối với Quang Minh Đính thế thành nước lửa, nào ngờ khi Quang Minh Đính gặp nguy nan, lại chạy đến cầu cứu Thiên Ưng giáo.”(Ỷ Thiên Đồ Long ký tr. 684-5)
Và sau cùng, Minh giáo được tường thuật do chính người của giáo phái này là Bố Đại hòa thượng Thuyết Bất Đắc:
Thuyết Bất Đắc nói:
- Tiểu huynh đệ, Minh giáo chúng tôi nguyên từ nước Ba Tư, truyền tới Trung Thổ từ đời Đường. Đương thời gọi là Tiên giáo. Vua nhà Đường cho xây chùa Đại Vân Quang Minh tại các nơi, chính là tự viện của Minh giáo. Giáo nghĩa của chúng tôi là làm điều thiện, trừ điều ác, mọi người đều bình đẳng, nếu như có vàng bạc tiền tài, thì đem cứu giúp người nghèo khổ, không được ăn thịt, uống rượu, chỉ thờ Minh Tôn. Minh Tôn tức là thần lửa, mà cũng là thiện thần. Chỉ hiềm là đời nào tham quan ô lại cũng áp bức chúng tôi, anh em trong Minh giáo không chịu nổi, thỉnh thoảng lại nổi lên chống lại. Từ đời Phương Lạp, Phương giáo chủ đời Bắc Tống đến giờ, không biết đã bao nhiêu lần.
Trương Vô Kỵ đã nghe qua tên tuổi của Phương Lạp, biết ông ta ở vào đời Tuyên Hòa, một trong Tứ Đại Khấu, cùng với Tống Giang, Vương Khánh, Điền Hổ nổi danh, nên nói: - Hóa ra Phương Lạp là giáo chủ của quí giáo?
Thuyết Bất Đắc nói:
- Chính thế. Đến đời Nam Tống thời Kiến Viêm, có giáo chủ Vương Tông Thạch tại Tín Châu khởi sự, thời Thiệu Hưng có giáo chủ Dư Ngũ Bà tại Cù Châu khởi sự, đời Lý Tông, năm Thiệu Định có giáo chủ Trương Tam Thương tại một dải Giang Tây, Quảng Đông khởi sự. Chỉ vì bản giáo xưa nay luôn luôn chống lại triều đình, quan phủ nên triều đình gọi chúng tôi là “ma giáo”, càng cấm đoán nghiêm nhặt hơn. Chúng tôi muốn sống còn, hành sự không khỏi kín đáo, lạ lùng,
để tránh tai mắt quan quân. Chính đại môn phái đối với chúng tôi tích oán thành thù hận, thế hai bên ghét nhau như nước với lửa. Đương nhiên, trong số giáo chúng của bản giáo, cũng đôi khi có những kẻ không tự kiềm chế, làm những trò không phải, ỷ mình có võ công, giết người vô tội cũng có, gian dâm cướp bóc cũng có, đem cái tiếng tăm của bản giáo đổ xuống sông xuống…” (Ỷ Thiên Đồ Long ký, tr. 757-758)
Tuy nhiên, một cách chính thức phải kể đến đoạn mà Kim Dung thác danh một cuốn sách của Dương Tiêu soạn ra để viết về lịch sử của Minh giáo:
Hai người nói chuyện một lát, Trương Vô Kỵ thuận tay cầm một cuốn sách trên bàn của Dương Tiêu lên, thấy trên bìa có viết bảy chữ tựa đề “Minh Giáo Lưu Truyền Trung Thổ Ký”, bên dưới có một hàng chữ nhỏ “Đệ Tử Quang Minh Tả Sứ Dương Tiêu cung soạn”. Trương Vô Kỵ nói: - Dương tả sứ, ông văn võ toàn tài, thật là rường cột của bản giáo.
Dương Tiêu chắp tay:
- Đa tạ giáo chủ khen ngợi.
Trương Vô Kỵ mở sách ra, thấy viết bằng chữ nhỏ theo lối khải, mọi việc đều dẫn chứng sách vở rõ ràng. Trong sách kể lại minh bạch, Minh giáo nguyên từ nước Ba Tư, tên thật là Ma Ni giáo, truyền vào Trung thổ từ Diên Tải nguyên niên, đời Đường Võ Hậu. Thời đó người Ba Tư tên là Phí Đa Diên mang bộ Tam Tông Kinh của Minh giáo đến triều, là lần đầu tiên người Trung Quốc biết đến bộ kinh này. Ngày 29 tháng 6 năm thứ ba đời Đại Lịch nhà Đường, chùa Minh giáo Đại Vân Quang Minh được xây cất tại Lạc Dương, Trường An. Sau đó tại các thị trấn lớn như Thái Nguyên, Kinh Châu, Dương Châu, Hồng Châu, Việt Châu cũng đều có Đại Vân Quang Minh tự. Tới năm Hội Xương thứ ba, triều đình ra lệnh giết giáo đồ, thế lực Minh giáo đại suy. Từ đó về sau, Minh giáo trở thành một tôn giáo bí mật, phạm cấm, đời nào cũng bị quan phủ truy lùng giết chóc. Để có thể sinh tồn, người trong Minh giáo không thể không hành sự ngụy bí, để rồi chữ Ma trong Ma Ni bị đổi thành Ma, đồng nghĩa với tà ma, người ngoài gọi là ma giáo.
Trương Vô Kỵ đọc đến đoạn này, không khỏi thở dài, nói:
- Dương tả sứ, giáo chỉ của bản giáo nguyên là làm điều thiện, trừ điều ác, cùng với đạo Phật chẳng khác bao nhiêu, vậy mà từ đời Đường đến giờ, đời nào sao cũng bị giết hại thảm họa? Dương Tiêu nói:
- Người trong Thích đạo tuy nói phổ độ chúng sinh, nhưng tăng chúng xuất gia đều cố giữ thanh tu, không để ý đến chuyện đời. Đạo gia cũng thế. Còn bản giáo tụ tập lương dân, bất luận ai gặp nguy nan khốn khổ thì mọi giáo chúng đều ra tay giúp đỡ. Quan phủ áp bức dân lành, có đời nào ít đâu? Có vùng nào ít đâu? Nếu có người nào bị quan phủ ức hiếp, oan khuất, bản giáo liền đứng ra chống lại.
Trương Vô Kỵ gật đầu:
- Chỉ khi nào triều đình, quan lại không còn áp bức dân lành, thổ hào ác bá không còn hoành hành vô phép tắc, đến lúc ấy bản giáo mới có thể hưng vượng được.
Dương Tiêu vỗ bàn đứng dậy, lớn tiếng nói:
- Lời của giáo chủ quả thật nói lên được tôn chỉ gốc rễ của bản giáo.
Trương Vô Kỵ nói:
- Dương tả sứ, ông xem có một ngày nào được như thế chăng?
Dương Tiêu trầm ngâm một hồi lâu rồi nói:
- Cũng chỉ mong được một ngày như thế. Phương Lạp, Phương giáo chủ của bản giáo đời Tống khởisự cũng chỉ vì muốn quan lại không áp bức dân lành mà thôi.
Y lật quyển sách chỉ vào đoạn chép về giáo chủ Minh giáo Phương Lạp tại Chiết Đông nổi lên, chấn động thiên hạ. Trương Vô Kỵ đọc xong trầm ngâm, gập sách lại nói:
- Đại trượng phu cố nhiên phải như thế. Tuy Phương giáo chủ tuẫn nạn, thân vong nhưng cũng làm nên một sự nghiệp thật là oanh liệt.
Hai người cùng một lòng, không nói mà nhiệt huyết nổi lên bừng bừng.
Dương Tiêu lại nói:
- Bản giáo đời nào cũng bị nghiêm cấm, thế nhưng thủy chung vẫn đứng được mà không sụp đổ. Năm Thiệu Hưng thứ tư đời Nam Tống có một viên quan tên là Vương Cư Chính gửi lên hoàng đế một đạo tấu chương, nói về việc của bản giáo, giáo chủ có thể xem qua.
Nói rồi lật cuốn sách đến đoạn sao lục tấu chương của Vương Cư Chính. Trương Vô Kỵ đọc thấy trong đó viết như sau:
“Thần thấy hai huyện Chiết Châu có tục ăn rau phụng thờ ma vương. Trước đời Phương Lạp, pháp cấm còn lỏng, mà việc tôn thờ ma quỉ chưa đến nỗi mạnh. Phương Lạp chết rồi, pháp cấm càng nghiêm, nhưng việc thờ ma lại càng mạnh không trừ nổi… Thần nghe nói rằng kẻ thờ ma mỗi làng mỗi xóm có một hai tên kiệt hiệt, gọi là ma đầu, xem hết các tên họ trong thôn, đều có thề thốt gia nhập ma đảng. Kẻ thờ ma không ăn thịt. Một nhà có chuyện gì, tất cả đồng đảng đều đến giúp đỡ. Vì chưng chúng không ăn thịt nên giảm chi tiêu, mà giảm chi tiêu nên dễ đầy đủ. Cùng một đảng nên thân lẫn nhau, thân lẫn nhau nên có chuyện gì dễ giúp nhau…”
Trương Vô Kỵ đọc đến đây nói:
- Gã Vương Cư Chính này tuy là cừu địch nhưng quả biết rằng giáo chúng trong bản giáo sống tiết kiệm, giản phác, tương thân tương ái.
Chàng lại đọc tiếp đoạn sau của tấu chương:
“… vì thế thần cố theo đạo của tiên vương để làm cho dân tương thân, tương hữu, tương trợ. Cốt sống đạm bạc, dạy dân tiết kiệm, khuyến khích lối sống giản dị. Nay làm kẻ dẫn dắt nhân dân, nên không thể không lấy đó làm cách trị dân. Thế nhưng những ma đầu đã trộm cái cách của triều đình để khuyến dụ dân chúng rồi, nên người người đều ca tụng đạo ma, đi trợ giúp tà thuyết. Dân ngu không biết gì cả, nghe lời ma, thờ đạo ma, dễ đủ ăn, dễ trợ giúp, thành ra những gì ma đầu nói ra đều tin, tất cả đều theo về với chúng. Thành ra pháp cấm càng nghiêm, thì lại càng không thắng được những điều cấm.”
Chàng đọc đến đây, quay đầu nói với Dương Tiêu:
- Dương tả sứ, cái câu “pháp cấm dũ nghiêm, nhi dũ bất khả thắng cấm” chính là rõ ràng nói lên việc bản giáo được lòng dân chúng.”(Ỷ Thiên Đồ Long ký tr. 1016-1018) Thế nhưng khi tìm hiểu về Minh giáo trong khung cảnh thực tế xã hội Trung Hoa, chúng ta thấy rằng Kim Dung đã không đơn thuần chỉ dựa vào tài liệu và sử sách. Minh giáo trong Ỷ Thiên Đồ Long ký là một kết hợp giữa một giáo phái với một bang hội, một tổ chức mà những giáo đồ không chỉ có chung một đức tin. Chính cái tinh thần tương thân tương trợ, một kỷ luật nội bộ, những qui tắc và thứ bậc đã tạo cho Minh giáo thành một tổ chức có thực lực chính trị vì họ đã huy động được một hậu thuẫn quần chúng. Minh giáo của Kim Dung dưới thời mạt Nguyên đó và Thiên địa hội trong thời Thanh sơ có nhiều điểm tương đồng, ít nhất trong vai trò chính trị của nó là một tổ chức đối kháng với triều đình. Cả hai đều có ý định khôi phục lại giang sơn đang bị người bên ngoài thống trị. Tuy nhiên, Kim Dung không chỉ biến giáo phái này thành một tổ chức ái quốc, ông còn muốn đặt Minh giáo như một trong ba nguồn văn hóa chính yếu tạo nên cái gọi là văn minh Trung nguyên trong thời kỳ đó, đại diện cho một khuynh hướng võ thuật – võ công Tây vực, có xuất xứ từ Ba Tư với nền văn minh Trung Đông làm nền tảng. Văn minh Tây vực đó là một trong ba nền văn minh làm thành thế đỉnh túc cho Hán tộc bao gồm văn minh Trung nguyên, đại diện là quan niệm âm dương trong Dịch lý với Trương Tam Phong và phái Võ Đương, văn minh Thiên Trúc, với Phật học làm nền tảng mà chùa Thiếu Lâm là đại biểu.
Trương Vô Kỵ được coi như một tập đại thành của ba nền văn minh khi chàng có căn bản là Cửu Dương Thần Công phát xuất từ một vị cao tăng của Thiếu Lâm, lại được học Càn Khôn Đại Na Di và võ công trong Thánh Hoả Lệnh của Minh Giáo, cũng như Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm của Trương Tam Phong.
Kết luận
Tại Trung Hoa, tôn giáo không dựa trên tín niệm như tại Âu Châu, cũng như tổ chức thường rất rời rạc. Nhiều đoàn thể kết hợp bằng nhiều mẫu số, địa phương, sắc tộc, tương trợ, nghi thức tế lễ, giáo điều, ý thức hợp quần, và cả những mô thức sinh hoạt chung. Những bang hội, hiệp hội, môn phái, giáo phái… được kết hợp không khác nhau bao nhiêu. Riêng Minh giáo, tổ chức này không còn thuần túy như đạo Mani nguyên thủy mà đã bị đồng hóa với những tôn giáo có sẵn để trở thành một tổ chức quần chúng, ít phần tôn giáo nhưng nhiều phần thế tục.
Hiện nay, giáo đồ của đạo Bái Hỏa chỉ còn chừng hai trăm nghìn, nhiều nhất là tại Ấn Độ (100.000) và Iran (60.000). Riêng ở Bắc Mỹ Châu có chừng 15.000 và hàng năm có những buổi lễ, nhất là vào khoảng tháng 8, 9 kỷ niệm ngày sinh của Zraathustra. Họ sống một đời sống trong sạch và hiền hòa, tôn trọng những giáo nghĩa cổ kính (khôn ngoan, lẽ phải, đạo đức, bác ái, toàn thiện, bất tử và thiêng liêng), yêu thiên nhiên. (Gale Elaine: Zoroastrian Phaith Celebrates New Year, Los Angeles Times, B – 1,3 August, 26.2000)
Trong lịch sử, người ta đã thấy nhiều nhóm giáo phái biến hình thành một lực lượng nổi dậy, chẳng hạn như giặc Khăn Vàng thời Tam Quốc, Bạch Liên giáo đời Minh, Thiên Địa Hội đời Thanh. Có lẽ chính vì thế, những người cầm quyền tại Trung Hoa luôn luôn nhìn tôn giáo bằng một con mắt ít thiện cảm, nhất là những tôn giáo có khả năng điều động tín đồ thành một phong trào. Thiên Địa Hội đời sơ Thanh, Thái Bình Thiên Quốc thời Thanh mạt, loạn Quyền Phỉ thời đầu thế kỷ, hay Thanh Bang thời Dân Quốc đều là những tổ chức bán chính trị, bán tôn giáo có ảnh hưởng rất mạnh đến vận mệnh của một triều đại.
Tài liệu tham khảo
Ching, Julia: Chinese Religions, Orbis Books, New York 1993.
Trung Quốc Văn Hóa Sử Đại Từ Điển (2nd. Ed), Dương Kim Đỉnh chủ biên, Viễn Lưu, Đài Bắc 1990.
Bishop, Peter và M. Darton: The Encyclopedia Of World Faiths, An Illustrated Survey Of The World’s Living Religions, Facts On File Publications New York, 1988. The Cambridge Encyclopedia of China, Brian Hook, Ed. Cambridge University Press, 2nd Ed. 1991.
Gernet Jacques: A History of Chinese Civilization (nguyên tác Le monde Chinois, J. R. Foster dịch sang Anh ngữ Cambridge University Press NY 1986)
Encyclopedia Britanica, 15th Edition 1982 Vol. 11 & 19
Vương Gia Phượng, Lý Quang Chân, When West Meets East (International Sinology and Sinologists) – Đương Tây Phương Ngộ Kiến Đông Phương, Sinorama Magazine, Taiwan 1991
Mao Bội Kỳ, Lý Trạch Phụng, Tuế Nguyệt Hà Sơn, Trung Hoa Thư Cục, Hongkong 1988.
Dư Tử Lưu, Long Đích Căn, Thương Vụ Ấn Thư Quán, Hongkong 1985.
QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT
Ngày 25 tháng 12 năm 1972, như thường lệ là một ngày lễ, một ngày mà dù thuộc tôn giáo nào người ta cũng thấy lòng ấm lại để đón mừng Chúa Giáng Sinh, mang đến cho mỗi người một niềm tin và một niềm hi vọng mới.
Hôm đó, trời mưa nhỏ hạt, không phải mưa bụi làm mát mặt của miền Bắc, cũng không phải mưa rào đổ ào xuống rồi ngừng lại của miền Nam. Trời mưa rỉ rả, cái mưa mà người ta vẫn thường gọi là “mưa thối đất” kéo dài ngày này sang ngày khác, không một giây phút nhìn thấy ánh mặt trời. Cũng may, đến khoảng 9, 10 giờ sáng thì tạnh mưa, mặc dầu mây đen vẫn còn nhiều và gió vẫn chưa giảm hẳn.
Đâu đó có tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng về và trên đường phố từng đoàn người kéo nhau đi lễ. Tôi lái xe ra Mỹ Khê, một bãi biển ở bên kia bờ sông, cách thành phố chỉ vài cây số. Mùa rét, không ai xuống tắm, và dọc theo bờ cát chỉ có những cái quán chơ vơ, nơi buôn bán cho du khách trong dịp hè, nay bỏ trống.
Tôi ngồi trên một ngọn đồi nhỏ, đốt một điếu thuốc nhìn ra biển, nghe gió và sóng để nỗi buồn xa nhà ngấm sâu vào từng thớ thịt. Những rặng thông và phi lao ngả nghiêng theo cơn gió, những đợt sóng ỳ ào vọng lên như để xác định thêm cái yếu đuối và bé nhỏ của con người trước thiên nhiên.
Đến gần trưa, tôi toan lên xe quay về thành phố. Nhìn qua bên kia đường trên một ngọn đồi nằm cô độc một ngôi nhà lớn. Đó là một cô nhi viện cũng nằm trong quản hạt của Ty Xã Hội Đà Nẵng, do một cơ quan tôn giáo quản trị.
Tôi để xe dưới chân đồi, lách qua một cái cửa gỗ rồi trèo những bậc xi măng đi lên. Ngày lễ nên không thấy ai làm việc trong văn phòng. Tôi men theo một hành lang nhỏ đến một căn nhà khác, khu nuôi trẻ sơ sinh. Qua khung cửa kính tôi thấy ba bốn dãy nôi, mỗi chiếc đặt một đứa trẻ, có đủ loại màu da, đen, nâu, trắng, vàng, trai lẫn gái. Những đứa trẻ nằm quơ chân, múa tay trong cái thế giới của riêng mình.
Ngồi ngay giữa phòng là một thiếu nữ, có lẽ còn trẻ lắm, đang bế một em bé cho bú sữa bằng một cái bình nhỏ. Làn tóc mượt và dài của cô được vắt qua một bên vai. Thấy tôi, cô ngửng lên, chớp mắt như thẹn thùng rồi lại cúi xuống với đứa bé. Cô nâng niu, vuốt ve, vò những sợi tóc quăn tít, mỉm cười với đôi mắt to đen như để truyền chút tình thương cho đứa hài nhi xấu số. Đứa trẻ một tay ôm ngang, tay kia quơ quơ vói sợi dây chuyền có lủng lẳng một cây thánh giá nhỏ xíu đeo trên cổ người con gái. Nhìn nghiêng, hàng lông mi của cô cong vút, cái mũi thẳng và đôi môi hơi cong hé ra một nụ cười hàm tiếu. Trong ánh sáng mờ mờ tôi có cảm tưởng đã gặp hình ảnh đó trong những bức tranh tôn giáo. Thiếu nữ chăm chú cho đứa trẻ ăn cười đùa, vỗ về nó một lát trước khi để trở lại chỗ nằm. Lần lượt hết đứa này qua đứa khác, cùng một cách, cùng một điệu, hình như với đứa nào cô đem cả cái tâm tình của một người mẹ trẻ trao cho đứa con thơ.
Khung cảnh đó nhiều năm qua vẫn gắn liền với hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát ngự trị trong lòng tôi. Phải chăng đó là một trong muôn vàn sắc tướng của ngài đến với thế gian này trong vai trò của một người nữ cán sự xã hội, nhỏ một giọt nước cam lồ xoa dịu một chút nào đó nỗi thống khổ của chúng sinh. Tôi vẫn nghĩ rằng hôm đó là một ngày lễ Noel đẹp hơn cả mà tôi được hưởng.
Quan Thế Âm nguyên là một bồ tát (Bodhisattva) nói về một người đang tiến đến trạng thái giác ngộ (on the path to awakening) và vì thế có thể dùng để chỉ chư Phật trong tương lai, hay ngay cả Phật Thích Ca khi ngài chưa thành đạo, trong kiếp sau cùng trước khi liễu đạo hay những tiền kiếp của ngài. Chính vì bồ tát là một hình thái trung gian giữa chúng sinh và chư Phật còn ở lại thế gian chưa nhập niết bàn, người ta thường không tạc tượng, vẽ tranh các bồ tát trong trạng thái nhập định (Samadhi) mà trong những tư thế năng động hơn.
Theo kinh điển và truyền thuyết Phật giáo Đại Thừa thì trong vô số các bị bồ tát có 4 vị là quan trọng nhất gồm có Văn Thù (Manjusri), Phổ Hiền (Samantabhadra), Địa Tạng (Ksitigarbaha) và Quan Âm (Avalokitesvara). Bốn vị bồ tát đó có liên hệ rất sâu xa với chúng sinh ở cõi ta bà và khi truyền vào Trung nguyên, bốn vị bồ tát này cư ngụ nơi bốn đại danh sơn
của Trung Hoa là Ngũ Đài, Nga Mi, Phổ Đà và Cửu Hoa.
Ngũ Đài Sơn ở tỉnh Sơn Tây là đạo trường của Văn Thù bồ tát, núi Nga Mi ở tỉnh Tứ Xuyên là đạo trường của Phổ Hiền bồ tát, Cửu Hoa sơn thuộc tỉnh An Huy là đạo trường của Địa Tạng Vương bồ tát còn Nam Hải Phổ Đà sơn tỉnh Triết Giang là đạo trường của Quan Thế Âm bồ tát.
Quan Thế Âm hay Quan Thế Âm bồ tát được đề cập đến trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, gọi tắt là kinh Pháp Hoa hay Liên Hoa (Saddharma Pundarika Sutra hay Lotus Sutra), phẩm thứ 25. Trong kinh này, một vị bồ tát tên là Avalokitesvara, cũng còn gọi là Quan Thế Âm, Quán Tự Tại, Quan Thế Tự Tại, hay dịch âm là A Bà Lô Cát Để Xá Bà La là vị bồ tát đứng ở phía bên trái của Phật A Di Đà. Kinh Liên Hoa được Tam Tạng pháp sư Cưu Ma La Thập (Cumarajiva) dịch ra Hán văn vào năm 406 và nhiều học giả cho rằng chính từ bản dịch này mà Quan Thế Âm bồ tát đã trở thành một nữ thần vì bảy trong số ba mươi ba pháp tướng của Quan Âm là hình dáng một người đàn bà. Thích Trí Tịnh dịch ra tiếng Việt nguyên văn như sau:
1. Lúc bấy giờ ngài Vô-Tận-Ý bồ tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo bày vai hữu, chắp tay hướng Phật mà bạch rằng: “Thế Tôn! Ngài Quán Thế Âm bồ tát do nhân duyên gì mà tên Quan Thế Âm?”
Phật bảo ngài Vô Tận Ý bồ tát: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe Quan Thế Âm bồ tát này một lòng xưng danh. Quan Thế Âm bồ tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, đều được giải thoát.
Nếu có người trì danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát này dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy được, vì do sức uy thần của bồ tát này được như vậy. Nếu bị nước lớn làm trôi, xưng danh hiệu bồ tát này liền được chỗ cạn. Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sinh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, các thứ báu, vào trong biển lớn, giả sử gió lớn thổi ghe thuyền của kia trôi tắp nơi nước quỉ La Sát, trong khi ấy nếu có nhẫn đến một người xưng danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát, thời các người đó đều được thoát khỏi nạn quỉ La Sát. Do nhân duyên đó mà tên gọi Quan Thế Âm.
2. Nếu lại có người sắp sẽ bị hại, xưng danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát, thời dao gậy của người cầm liền gãy từng khúc, người ấy được thoát khỏi. Nếu quỉ dạ xoa cùng La Sát đầy trong cõi tam thiêu đại thiên muốn đến hại người, nghe xưng hiệu Quan Thế Âm bồ tát, thời các quỉ dữ đó còn không có thế dùng mắt dữ mà nhìn người, huống chi làm hại được.
Dầu lại có người hoặc có tội, hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát thảy đều đứt rã, liền được thoát khỏi. Nếu kẻ oán tặc đầy trong cõi tam thiên đại thiên, có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu trải qua nơi đường hiểm trở, trong đó có một người xướng rằng: “Các thiện nam tử! Chớ nên sợ sệt, các ông nên phải một lòng xưng danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát, vị bồ tát đó hay đem pháp vô úy thí cho chúng sinh, các ông nếu xưng danh hiệu thờisẽ được thoát khỏi oán tặc này”.
Các người buôn nghe rồi, đều lên tiếng xưng rằng: “Nam mô Quan Thế Âm bồ tát!” vì xưng danh hiệu bồ tát nên liền được thoát khỏi.
Vô Tận Ý! Quan Thế Âm bồ tát sức uy thần cao lớn như thế.
3. Nếu có chúng sinh nào nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quan Thế Âm bồ tát, liền được ly dục. Nếu người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Quan Thế Âm bồ tát, liền được lìa lòng giận.
Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Quan Thế Âm bồ tát liền được lìa ngu si. Vô Tận Ý! Quan Thế Âm bồ tát có những sức uy thần lớn, nhiều lợi ích như thế, cho nên chúng sinh thường phải một lòng tưởng nhớ.
Nếu có người nữ, giả sử muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dàng Quan Thế Âm bồ tát, liền sinh con trai phúc đức trí tuệ; giả sử muốn cần con gái, bèn sinh con gái có tướng xinh đẹp, trước đã trồng phúc đức, mọi người đều kính mến.
Vô Tận Ý! Quan Thế Âm bồ tát có sức thần như thế.
4. Nếu có chúng sinh cung kính lễ lạy Quan Thế Âm bồ tát, thời phúc đức chẳng luôn mất. Cho nên chúng sinh đều phải thụ trì danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát.
Vô Tận Ý! nếu có người thụ trì danh tự của sáu mươi hai ức hằng hà sa bồ tát lại trọn đời cúng dàng đồ ăn thức uống y phục, giường nằm thuốc thang. Ý ông nghĩ sao? Công đức của người thiện nam tử, thiện nữ nhân đó có nhiều chăng?
Vô Tận Ý thưa: “Bạch Thế Tôn! Rất nhiều”. Phật nói: “Nếu lại có người thụ trì danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát, nhẫn đến một thời lễ lạy cúng dàng, thời phúc của hai người đó bằng nhau không khác, trong trăm nghìn muôn ức kiếp không thể cùng tận.
Vô Tận Ý! Thụ trì danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát được vô lượng vô biên phúc đức lợi ích như thế”.
5. Ngài Vô Tận Ý bạch Phật rằng: “Thế Tôn, Quan Thế Âm bồ tát dạo đi trong cõi ta bà như thế nào? Sức phương tiện việc đó thế nào?”.
Phật bảo Vô Tận Ý bồ tát: Thiện nam tử! Nếu có chúng sinh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật được độ thoát thời Quan Thế Âm bồ tát liền hiện thân Phật mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân duyên giác được độ thoát, liền hiện thân duyên giác mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân thanh văn được độ thoát, liền hiện thân thanh văn mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân phạm vương được độ thoát, liền hiện thân phạm vương mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân đế thích được độ thoát, liền hiện thân đế thích mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân tự tại thiên được độ thoát, liền hiện thân tự tại thiên mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân đại tự tại thiên được độ thoát, liền hiện thân đại tự tại thiên mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân thiên đại tướng quân được độ thoát, liền hiện thân thiên đại tướng quân mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân tỳ sa môn được độ thoát, liền hiện thân tỳ sa môn mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân tiểu vương được độ thoát, liền hiện thân tiểu vương mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân trưởng giả được độ thoát, liền hiện thân trưởng giả mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân cư sĩ được độ thoát, liền hiện thân cư sĩ mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân tể quan được độ thoát, liền hiện thân tể quan mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân bà la môn được độ thoát, liền hiện thân bà la môn mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân tỷ khiêu, tỷ khiêu ni, ưu bà tắc, ưu bà di được độ thoát, liền hiện thân tỷ khiêu, tỷ khiêu ni, ưu bà tắc, ưu bà di mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân phụ nữ của trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn được độ thoát, liền hiện thân phụ nữ mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân đồng nam, đồng nữ được độ thoát, liền hiện thân đồng nam, đồng nữ mà vì đó nói pháp.
Người đáng dùng thân Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la dà, nhân cùng phi nhân được độ thoát, liều đều hiện ra mà vì đó nói pháp. Người đáng dùng thân Chấp Kim Cang thần được độ thoát, liền hiện Chấp Kim Cang thần mà vì đó nói pháp.
Vô Tận Ý! Quan Thế Âm bồ tát do thành tựu công đức như thế, dùng các thân hình, dạo đi trong các cõi nước để độ thoát chúng sinh, cho nên các ông phải một lòng cúng dàng Quan Thế Âm bồ tát.
Quan Thế Âm Đại bồ tát đó ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban sự vô úy, cho nên cõi ta bà này đều gọi Ngài là vị Thí Vô Úy”.
(Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, in lần thứ 6, chùa Khánh Anh Paris, tr. 507-514). Theo sách vở Quan Thế Âm là một vị bồ tát, được định nghĩa là người “trên cầu giác ngộ, dưới hóa chúng sinh”. Thích Nhất Hạnh định nghĩa Quan Âm là “người có thể lắng nghe và thông cảm được âm thanh của thế gian, tiếng kêu của khổ não”. Ông cũng giải thích thêm là
lắng nghe không phải là phán xét, phê bình, kết án hay đánh giá mà chỉ với một mục tiêu duy nhất là giúp con người bớt đau khổ. Thông cảm là sự quan tâm sâu xa về nỗi đau khổ của người khác để cho họ được thư thái hơn mặc dầu không có nghĩa là phải chịu sự đau khổ thay thế cho họ cũng như một y sĩ làm cho bệnh nhân bớt đau đớn nhưng không cần phải thí nghiệm cái đau đớn đó cho chính mình.
Phép tu bằng cách lắng nghe và thông cảm đó gọi là “nhĩ căn viên thông”, nghĩa là nghe bất cứ điều gì đều thu vào tâm, nhưng không nghe bằng cái tâm phân biệt, cái thức phân biệt mà bằng như lai tạng, bằng cái thanh tĩnh tính.
Cứ theo kinh điển, Quan Thế Âm nguyên là người con trưởng của một vị vua tại Ấn Độ, tên là Bất Tuân, cùng với cha và em theo Phật Thích Ca tu hành, sau được cải danh, vua cha thành Phật A Di Đà (Amitabha), còn hai người con là hai vị bồ tát, một người là Quan Thế Âm (Avalokitesvara), một người là Đại Thế Chí (Mahasthamaprapta), ba cha con gọi là Tây Phương Tam Thánh. Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Bất Tuân được Phật Thích Ca đặt tên đó mà vì “chúng sinh nếu khổ não gọi tên ngài, bồ tát tức thời thấy được tiếng nói, đều được giải thoát, nên gọi là Quan Thế Âm” (Khổ não chúng sinh, nhất tâm xưng danh. Bồ tát tức thời quán kỳ âm thanh, giai đắc giải thoát, dĩ thị danh Quan Thế Âm). Cũng có khi Phật Quan Âm được miêu tả như là vị Phật đưa thuyền cứu độ để đưa các linh hồn về nơi Tây Phương cực lạc (Tịnh Độ) là nơi chúng sinh được đi đầu thai kiếp khác cho đến bao giờ giác ngộ thành Phật thì thôi.
Khi nói đến Quan Thế Âm bồ tát, người ta nghĩ ngay đến một vị thần pháp lực vô biên, biến hóa vô cùng. Theo lịch sử, Phật giáo truyền vào Trung Hoa đến đời Đường vì tên của Đường Thái Tông có chữ “thế” (Lý Thế Dân) nên dân chúng kiêng, giản hóa thành Quan Âm.
Phật Quan Âm được kể lại dưới nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả đều nói lên đức tính hi sinh và nhẫn nhịn. Cũng có khi Phật Quan Âm xuất hiện như một bồ tát quyền phép, có khả năng hàng phục được yêu ma như trong Tây Du Ký. Ở Việt Nam, Quan Âm gắn liền với Thị Kính, một người con gái bị nhiều oan khiên trong đời sống còn tại thế cũng như khi đã xuất gia tu hành. Câu chuyện đó được diễn lại dưới hình thức thi ca cũng như trong những vở chèo cổ. Ở Trung Hoa, hiện thân của Phật Quan Âm là công chúa Diệu Thiện tuy bị vua cha đày đọa nhưng không oán hờn, vẫn chấp nhận mọi hi sinh để đi đến giải thoát.
Tiểu sử của Phật Quan Âm có rất nhiều, mỗi nơi một khác, được tạo dựng theo từng khung cảnh và tập quán, trong chính sử cũng có mà dã sử cũng có. Mỗi quốc gia lại có những truyền thuyết riêng nhưng đều nhấn mạnh đến đức hi sinh và nhẫn nhục của bồ tát trước khi thành đạo. Sách Nam Chiếu Dã Sử của Hồ Úy Giao chép:
Tại núi Điểm Thương, ngọn Ngũ Đài Phong có một cái hang gọi là Dương Khê là nơi Quan Âm đạisĩ nhốt quỉ La Sát. Về sau người ta xây chùa nơi đó gọi là La Sát Các.
Khi nghiên cứu về những bức bích họa và Phật tượng tìm thấy tại Đôn Hoàng, có rất nhiều hình tượng Phật Quan Âm nhưng tất cả đều là đàn ông, trên mép có một bộ ria. Các sách Pháp Uyển Chu Lâm và Thái Bình Quảng Ký cũng viết là Phật Quan Âm là đàn ông. Trong kinh Phật chép Quan Âm là Phật của quá khứ đã thành chính quả muôn lượng kiếp trước có hiệu là Chính Pháp Quang Minh Như Lai. Kinh Hoa Nghiêm nói rõ hơn là “khi đến núi Phổ Đà, thấy trong rừng nham thạch kim cương có một người đàn ông dũng mãnh ở giữa, chung quanh là chư đại bồ tát nghe giảng pháp”. Tuy nhiên Phật kinh cũng chép là để phổ độ chúng sinh, Phật Quan Âm đã biến hóa ra nhiều loại hình tướng khác nhau nên dù dưới hình thức nào cũng không phải là mâu thuẫn với kinh điển. Chính vì thế, trong các chùa chiền, miếu mạo hiện nay, người ta thấy có rất nhiều pháp tướng khác nhau như Lục Diện Quan Âm, Thất Diện Quan Âm, và cả đến Tam Thập Tam Diện Quan Âm như trong kinh Pháp Hoa mô tả. Riêng ở nước ta, pho tượng Quan Âm nổi tiếng nhất có lẽ là Phật Bà Nghìn Mắt Nghìn Tay tạc vào thế kỷ thứ 17 hiện để tại chùa Bút Tháp, Bắc Ninh. Như thế hình tướng một người đàn bà đứng trên tòa sen, tay cầm nhành dương liễu hay bình nước cam lồ cũng là một trong những biến tướng của Quan Âm mà thôi.
Thế nhưng do đâu, vì đâu và thời kỳ nào từ một người đàn ông biến thành một người đàn bà vẫn là một đề tài mà nhiều nhà nghiên cứu còn đang tìm hiểu. Từ thế kỷ thứ 5 trở về trước, Quan Thế Âm bồ tát luôn luôn được miêu tả như một người đàn ông với hình dáng rất thanh tú. Trong các hang động ở Long Môn, Lạc Dương (Hồ Nam) nơi có nhiều thánh tích Phật giáo
có 22 tượng Quan Âm được tạc trong khoảng 500 đến 540 nhưng từ khoảng 650 đến 690 thì có đến 44 tượng Quan Âm chứng tỏ càng ngày người ta càng nghiêng về việc thờ cúng ảnh tượng của Phật A Di Đà và Quan Âm để xin được cứu độ và ban phát ân phúc. Viện Bảo Tàng Anh Quốc hiện nay còn tàng trữ một pho tượng Quan Thế Âm bồ tát tạc từ thời Lục Triều (550-577) dưới hình dáng một người đàn ông. Thế nhưng từ thế kỷ thứ 8 trở đi thì Quan Thế Âm bồ tát được miêu tả như một người đàn bà. Theo nhà sử học Trung Hoa Lý Bách Dược chuyên nghiên cứu về thời kỳ nhà Đường bên Tàu, viết trong Bắc Tề Thư, vào thời Nam Bắc Triều, vua Tề Võ Thành bị bệnh, nằm mơ thấy Quan Thế Âm trong hình dáng một người đàn bà đẹp. Việc nhà vua nằm mơ đó không biết thực hư thế nào nhưng trước đời Đường, trong những bức họa của dân gian thì Quan Âm bồ tát đã được vẽ thành hình một người đàn bà rồi. Từ giữa đến cuối thế kỷ thứ 9 trở về sau, tại Trung Hoa Quan Thế Âm bồ tát hoàn toàn được miêu tả dưới hình dáng một người đàn bà cho tới ngày nay.
Giải thích thông thường nhất là đạo Phật truyền vào Trung Hoa đã bị biến dạng, không còn như nguyên thủy, và ít nhiều pha trộn với những hình tượng tôn giáo bản xứ, trong đó lý thuyết âm dương được thêm vào, và bên cạnh chư Phật trong nam thân, có một vị Phật trong nữ thân đứng song song. Có lẽ vì người ta thấy Phật A Di Đà quá cao siêu, nên việc tiếp xúc trở nên úy kị và khó đối thoại nên tín đồ đã xây dựng nên một vị bồ tát có thể làm trung gian để truyền đạt, với những hình thức gần gũi hơn, kể cả xuất xứ, ngôn ngữ thể hiện cái thân cận mà con người thường đến với người mẹ của mình mỗi khi cần tâm sự hay nương tựa.
Âu Dương Phi trong Chư Thần Truyền Kỳ, mục Quan Thế Âm, giai đoạn phát triển của Phật giáo dưới thời Nam Bắc Triều đã phát sinh ra một tầng lớp nữ giới tu hành (tì khưu ni và ưu bà di) kể cả quần chúng và giới quí tộc đã phát sinh ra một vị Phật trong nữ thân mang danh hiệu Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát và từ đó, vị Phật vốn dĩ là con trưởng của một vị vua Ấn Độ kia không còn mấy ai biết đến. Quan Thế Âm bồ tát đã thay thế hình ảnh bà Tây Vương Mẫu trong thần thoại để trở thành một vị thần độ trì dưới nhiều hình thức, kể cả độ cho người muốn cầu con hay cầu tài.
Một thuyết khác cũng đáng quan tâm là Phật Quan Âm được hình thành trong giai đoạn mà nhiều tôn giáo được truyền vào Trung Nguyên trong đó có cả những tôn giáo của Trung Đông thời kỳ Hán Đường, một giai đoạn mà nhiều nền văn minh và văn hóa được chấp nhận sinh hoạt song song. Trong thời kỳ đó, quan niệm tôn giáo chưa có ý phân biệt một cách chặt chẽ, mà hầu như bất cứ quan điểm nào thích hợp với nhu cầu của đại chúng đều được chấp nhận và áp dụng. Trong thời kỳ đầu, Phật giáo du nhập vào Trung Hoa và Việt Nam như một tư tưởng triết học và được dung hóa với những quan điểm văn hóa đã có sẵn thường chỉ lưu hành trong giới quí tộc và trí thức. Tuy nhiên khi Phật giáo truyền xuống những tầng lớp quần chúng khác, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác từ Trung Đông và Âu Châu đã biến thể theo nhu cầu và quan điểm của người dân cho gần gũi hơn với sinh hoạt hàng ngày. Có lẽ vì thế mà đến nay Quan Âm thường được ghi chép trong những sách vở thuộc loại huyền thoại (mythology) về những vị thần được thờ cúng trong dân gian. (Nếu đứng trên góc cạnh đó, những nữ thần khác ở nước ta như bà chúa Liễu Hạnh, Bà Đen, Bà Chúa Xứ núi Sam, Thiên Hậu nương nương… hay những hiện tượng gọi là “phép lạ” của những tôn giáo khác được hiện thân dưới hình dạng một người đàn bà ở Lourdres, Fatima, La Vang… cũng cùng có chung một mẫu số).
Những sinh hoạt đó đã pha trộn giữa hình thái đa thần của người thời sơ khai với các cơ sở triết học của tôn giáo từ bên ngoài, và vì thế, một hình tượng Quan Âm được hình thành vừa như một bồ tát cứu độ, vừa là một vị thần phù trợ, lại là một đối tượng để người đời cầu xin mỗi khi có sự không toại ý. Biểu tượng đó rất có thể đã vay mượn ít nhiều từ Đức Bà Maria của Thiên Chúa giáo, cũng được du nhập cùng thời kỳ này. Sandy Boucher trong tác phẩm Discovering Kwan Yin, Buddhist Goddess of Compassion đã nhận định là “nét tương tự của bà (Quan Âm) với Đức Mẹ, nhất là tà áo dài trắng, đến từ ảnh hưởng của những tín đồ Thiên Chúa giáo đầu tiên đến Trung Hoa mang theo pho tượng của mẹ đồng trinh”.
Lẽ dĩ nhiên, nhiều người giải thích rằng Quan Thế Âm bồ tát có quyền năng biến thành nhiều hình tướng khác nhau và việc hóa thân thành một người đàn bà cũng không có gì lạ nhưng việc quần chúng chọn một hình tượng một người đàn bà thánh thiện và từ bi có những nguyên ủy văn hóa hơn chỉ là tôn giáo. Người Trung Hoa vốn chủ trương mọi vật đều có hai mặt âm
dương, và chính những tôn giáo cố hữu của họ trong truyền thuyết cũng có sự đối đãi đó và rất có thể một hình ảnh Tây Vương Mẫu của Đạo giáo cũng ảnh hưởng nhiều đến việc xây dựng một hình ảnh Quan Âm. Chính vì thế Quan Thế Âm bồ tát đã trở thành một vị nữ thần (goddess) có quyền ban ân phát phúc và chính cái quyền năng đó được người ta biết đến nhiều hơn, phù hợp với nhu cầu bình thường là có một đấng thiêng liêng để đòi hỏi một đặc ân, dễ thân cận hơn chủ trương của nhà Phật “tự độ, tự đốt đuốc lên mà đi” chính yếu dựa vào công phu tu tập của chính mình chứ không ai có thể giúp mình giải thoát, hay quan niệm của Nho gia “quỉ thần kính nhi viễn chi”, lấy việc tu thân làm gốc.
Và chính từ đó, hình ảnh Quan Thế Âm bồ tát được biến chuyển theo thời gian và không gian. Đến thế kỷ thứ 12, truyền thuyết về công chúa Diệu Thiện (Miao Shan) sống vào khoảng 700 trước Công nguyên được truyền tụng để làm nền tảng cho Phật Bà Quan Âm càng củng cố quan điểm Quan Thế Âm bồ tát là một nữ thần. Người ta cũng tin rằng nơi núi Phổ Đà – nằm trong quần đảo Chu San tại vùng biển Triết Giang trở thành một thánh địa vì người ta bảo rằng công chúa Diệu Thiện đã tu ở đây chín năm và khi liễu đạo rồi trở thành một vị thần cứu giúp những người lâm nạn ngoài biển khơi. Chính vì thế, Quan Thế Âm bồ tát dưới danh hiệu Mã Tổ đã trở thành vị thần hộ mạng của những người làm nghề chài lưới. Núi Phổ Đà trở thành một địa điểm hành hương của một số đông tín đồ từ những nơi xa xôi như Mãn Châu, Mông Cổ, Tây Tạng và trên một hòn đảo nhỏ đã có lúc có tới hơn một trăm ngôi chùa, với hàng ngàn sư sãi. Người ta cũng truyền tụng sự hiện thân của Quan Thế Âm bồ tát tại những vùng biển chung quanh và nhiều phép lạ được thực hiện.
Những hình tướng của Quan Thế Âm bồ tát
Quan Thế Âm bồ tát vốn được coi như một hình ảnh của Phật A Di Đà nên nhiều hình tượng Quan Âm có một hình tượng Phật A Di Đà ngay trên mũ. Thông thường nhất, hình ảnh Quan Âm là một người đàn bà áo trắng tha thướt, đứng trên tòa sen, tay cầm một bông sen hay bình nước cam lồ. Cũng có khi Quan Âm được miêu tả với hai đứa trẻ ở bên cạnh (Thiện Tài đồng tử và Long Vương nữ) và từ hình ảnh đó, Quan Âm được coi như một nữ thần để cầu xin con cái. Bốn chữ “Quan Âm tống tử” thường được viết hay khắc trên những tặng phẩm để chúc tụng những gia đình hiếm hoi. Tuy nhiên, Quan Thế Âm bồ tát còn được gọi dưới nhiều danh xưng khác như Cứu Khổ Cứu Nạn, Đại Từ Đại Bi, Thiên Thủ Thiên Nhãn, Nam Hải Bồ Tát, Bạch Y Đại Sĩ… Quan Thế Âm bồ tát được thờ phụng tại nhiều quốc gia dưới nhiều tên khác nhau như Kannon, Kanzeon (Nhật Bản), Guanyin, Guanshiyin (Trung Hoa), Spyan-ras-gzigs (Tây Tạng), Nidubarusheckchi (Mông Cổ) và Quan Âm (Việt Nam). Mỗi quốc gia lại tạc hình tượng Quan Âm theo văn hóa và y phục riêng của họ (Cũng như hình ảnh bà Maria và Chúa Hài Đồng đã được Việt Hóa mặc y phục và hình dáng của người Việt Nam. Báo Thời Luận trong số đặc biệt về ngày Giáng Sinh năm 2000 có đăng một bức tranh của Phạm Hoàng vẽ bà Maria mặc áo tứ thân rất đẹp và nếu bảo rằng đây là tranh vẽ Phật Quan Âm thì cũng không sai). Những hình ảnh đó đã được lưu lại dưới hình thức bích họa, phù điêu, mạn đà la, tượng, tháp… Hình ảnh đầu tiên ở Ấn Độ có thể đã mô phỏng theo hình ảnh Brahma, đấng sáng tạo trong đạo Bà La Môn hoặc thần Siva. Tại Tây Tạng, người ta tin rằng Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Phật Quan Âm.
Ở Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, Quan Thế Âm bồ tát có 33 hình tướng (đúng ra có rất nhiều hình tướng nhưng chỉ có 33 hình tướng được đặt tên) tượng trưng cho sự biến hóa thần thông và tùy theo cảnh ngộ mà thay đổi. Louis Frédéric trong Buddhism: Flammarion Iconographic Guides có chụp lại 33 hình tướng đó với những tên sau đây:
1. Dương Liễu Quan Âm
2. Long Đầu Quan Âm
3. Trì Kinh Quan Âm
4. Viên Quang Quan Âm
5. Du Hí Quan Âm
6. Bạch Y Quan Âm
7. Liên Ngọa Quan Âm
8. Lung Kiến Quan Âm
9. Thí Lạc Quan Âm
10. Ngư Lạm Quan Âm
11. Đức Vương Quan Âm
12. Thủy Nguyệt Quan Âm
13. Nhất Diệp Quan Âm
14. Thanh Đầu Quan Âm
15. Uy Đức Quan Âm
16. Diên Mệnh Quan Âm
17. Chúng Thực Quan Âm
18. Nham Hộ Quan Âm
19. Năng Tĩnh Quan Âm
20. A Nậu Quan Âm
21. A Ma Quan Âm
22. Diệp Y Quan Âm
23. Lưu Ly Quan Âm
24. Đa Chúng Tôn Quan Âm
25. Cáp Lị Quan Âm
26. Lục Thời Quan Âm
27. Phổ Bi Quan Âm
28. Mã Lang Phụ Quan Âm
29. Hợp Chưởng Quan Âm
30. Nhất Như Quan Âm
31. Bất Nhị Quan Âm
32. Trì Liên Quan Âm
33. Sái Thủy Quan Âm
Thực tế, ba mươi ba hình tướng đó cũng không nhất định và mỗi nơi có những thay đổi ít nhiều cũng như ý nghĩa của mỗi hình tướng cũng không đồng nhất. Một quan điểm chung là vì Quan Thế Âm bồ tát thay đổi tùy theo thời gian, không gian và thích ứng với hoàn cảnh, những thay đổi có thể nói là vô tận và ở nước ta thường nói đến Phật Bà Nghìn Mắt Nghìn Tay cũng để chỉ sự biến hóa thần thông của Quan Âm. Phật Quan Âm khi được tạc theo hình tượng nghìn mắt nghìn tay thì thường là có 42 cánh tay, mỗi tay cầm một món pháp bảo như thiền trượng, cung tên, mặt trăng, bông sen, đám mây, kinh Phật, bình bát, chuông… và hai tay chắp lại, hai tay bắt ấn.
Người ta cũng hay nhắc đến Quan Âm với 11 đầu (thường tạc trên mũ của Quan Âm) để nhắc đến những đức tính của ngài khi phải chiến thắng tham dục ngõ hầu đạt tới được cảnh giới Niết Bàn và năng lực giúp đỡ chúng sinh giải thoát.
Nói tóm lại, Quan Thế Âm bồ tát thể hiện lòng Bi (karuna) cho nên người ta còn gọi Phật Quan Âm là bậc Đại Bi (mahakarunika), cùng với Bát Nhã (prajna) là hai dạng của Phật tính. Quan Thế Âm bồ tát cũng thể hiện nguyện lực của Phật A Di Đà và với lòng từ bi vô lượng thể hiện sức mạnh huyền diệu cứu giúp mọi chúng sinh quán tưởng đến ngài khi gặp hiểm nguy (Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách: Từ Điển Phật Học, Nxb Thuận Hóa 1999 tr. 346). Hình ảnh Quan Âm tuy có ít nhiều khác với quan điểm nguyên thủy của Phật giáo và gần gũi với những thần linh hơn nhưng qua những chau chuốt của con người, từ những sự tích về đức kiên trinh, nhẫn nhục, bao dung, hỉ xả Phật Quan Âm cũng như nhiều nữ thần khác của nhân loại đã thể hiện một triết lý sống rất cao đẹp mà Phật giáo luôn luôn hoằng dương.
“… Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của đất. Dù người ta có đổ và rải lên đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hoa hương, nước ngọt và sữa thơm, hoặc người ta có đổ lên đất những thức hôi hám và dơ dáy như máu mủ, nước tiểu, đàm dãi và phân rác thì đất cũng tiếp nhận những thứ ấy một cách rất thản nhiên, không vướng mắc tự hào và cũng không oán hờn hay tủi nhục. Tại sao? Tại vì đất là địa đại, có dung tích rộng lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa. Nếu tâm con rộng lớn vô lượng như đất thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức, và những thứ ấy sẽ không thể làm cho con buồn tủi và khổ đau.
Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của nước. Dù người ta có đổ xuống nước những chất thơm tho đẹp đẽ hoặc giặt rửa trong nước những thứ dơ bẩn và hôi hám, thì cũng không phải vì thế mà nước bị vướng mắc, tự hào hoặc cảm thấy oán hờn và tủi nhục. Tại sao? Tại vì nước là thủy đại, có dung tích rộng lớn, có khả năng lưu chuyển, có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả những gì đã tiếp nhận. Nếu tâm con rộng lớn, bao la, vô lượng như nước, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức, và những thứ ấy sẽ không thể làm cho con buồn tủi và khổ đau.
Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của lửa. Lửa có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ, dù là những cái xấu xa dơ bẩn, mà lửa vẫn không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ và chán chường. Tại sao? Tại vì lửa là hỏa đại, có dung tích rộng lớn, có khả năng thiêu đốt và chuyển hóa tất cả những gì người ta đem tới. Nếu tâm con không kỳ thị, không vướng mắc, con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức, và những thứ ấy sẽ không thể nào làm xáo trộn được hạnh phúc và bình an trong con.
Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của gió. Gió có thể tiếp nhận, thổi đi và chuyển hóa mọi mùi hương, dù thơm, dù thối, mà không bị vướng mắc, tự hào, hoặc buồn khổ hay tủi nhục. Vì sao? Vì gió là phong đại, có dung tích rộng lớn, có khả năng di động phi thường. Nếu tâm con rộng lớn, nếu tâm con có khả năng chuyển hóa và di động thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức mà những kẻ khác trút lên con, và những thứ ấy sẽ không thể nào làm xáo trộn được sự bình an và hạnh phúc trong con được”. (Nhất Hạnh: Sự tích Quan Âm Thị Kính, Lá Bối 1997 tr.87-89).
Viết ngày lễ Giáng Sinh 2000
Tài liệu tham khảo
Việt Ngữ
Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách: Từ Điển Phật Học, Nxb Thuận Hóa 1999. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam: Từ Điển Phật Học Hán Việt, Nxb Khoa Học Xã Hội 1998.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: chùa Khánh Anh Paris
Nhất Hạnh thiền sư: Sự Tích Quan Âm Hương Tích (The Bodhisattva On The Fragrant Mountain), Lá Bối 1997.
Nhất Hạnh thiền sư: Sự Tích Quan Âm Thị Kính, Lá Bối 1997
Quan Âm diễn ca (Nam Hải Quan Âm hay truyện Phật Bà Chùa Hương) Kim Ấn Quán 1998
Quán Thế Âm Bồ Tát, Kim Ấn Quán 1994 (ấn tống)
Thiều Chửu chú giải: Truyện Quán Âm Thị Kính, An Tiêm Paris 1995 (in theo bản Saigon 1965)
Anh Ngữ
Arts and Handicrafts of Viet Nam, Nxb Thế Giới, 1992
Blofeld, John: Bodhisattva of Compassion, The Mystical Tradition of Kuan Yin, Shambhala Boston 1988
Boucher, Sandy: Discovering Kwan Yin, Buddhist Goddess of Compassion, Beacon Press 1999
Fairbank, John K. and Reischauer: East Asia, The Great Tradition, Houghton Mifflin Co. 2nd Ed. 1960
Frédéric, Louis: Buddhism: Flammarion Iconographic Guides, Flammarion, Paris New York 1995 Grimal Pierre: Larousse World Mythology, Prometheus Press 1965
Huntington, Madge: A Traveler’s Guide to Chinese History, Henry Holt and Co. 1986
Palmer, Martin (Jay Ramsay, Man-Ho Kwok): Kuan Yin, Myths and Prophecies of the Chinese Goddess of Compassion, Thorsons 1995
Thích Nhất Hạnh: The heart of the Buddha’s teaching, Parallex Press, Berkeley, California 1998
Williams, C.A.S.: Outlines of Chinese Symbolism & Art Motives, Dover Publications, Inc. New York 1976
Hoa Ngữ
Âu Dương Phi: Chư Thần Truyền Kỳ, Tân Triều Xã, Đài Bắc 1991
Chử Vân pháp sư: Nam Hải Phổ Đà Sơn truyền kỳ dị văn lục, Hưng Á, Đài Loan 1993
Hiểu Vân Đạo Sư: Quan Âm Viên Hành, Nguyên Tuyền Xuất Bản Xã, Đài Bắc (bản ấn tống, không đề năm)
Phạm Kiều: Thế Giới Tứ Đại Tông Giáo Tam Bách Đề, Trung Quốc Quảng Bá Điện Thị Xuất Bản Xã, Bắc Kinh 1991
Trung Quốc Văn Hóa Sử Đại Từ Điển, Viễn Lưu, Đài Bắc 1987.
LINH CHI
Ngoại sử chép rằng trong một tiệc tân niên đãi các sứ thần ngoại quốc, Từ Hi Thái Hậu nhà Thanh đã tổ chức một bữa ăn gồm tổng cộng 365 món, kéo dài bảy ngày đêm, mỗi ngày có một món đặc biệt. Bảy món cho bảy ngày là Linh Chi, tượng tinh, sơn dương trùng, chuột bạch bao tử, óc khỉ, trứng công, và nhũ trư (heo sữa). Bữa tiệc kéo dài từ sáng mồng một đến mồng bảy tháng giêng. Những món ăn đãi thực khách dĩ nhiên là cầu kỳ không phải chỉ vì bào chế công phu mà còn cả tìm tòi, săn bắt hay nuôi dưỡng rất kỹ lưỡng. Thế nhưng Linh Chi là cái gì mà được đưa lên hàng đầu trong danh sách của thực đơn 365 món? Phải chăng đó là những cái nấm màu đen sì, bóng nhẫy mà chúng ta vẫn thấy người ta để hàng rổ trong các tiệm thuốc bắc? Lẽ đâu Linh Chi lại dễ dàng đến thế.
Không, chính loại nấm đó tên gọi Linh Chi, là dược thảo đứng đầu trong Thần Nông Bản Thảo Kinh. Bản Thảo Kinh tên nguyên thủy là Thần Nông Bản Thảo Kinh, được hình thành vào khoảng cuối đời Đông Hán, là của người sau thác danh họ Thần Nông sáng tác.
Tác phẩm này tập hợp những kinh nghiệm về dược vật từ đời Hán trở về trước, tất cả 365 loại, trong đó thực vật chiếm đa số (252 vị), kế là động vật (67 vị) và sau cùng là khoáng thạch (46 vị) và có thể coi là cuốn sách về dược học đầu tiên của Trung Hoa. Cuốn kinh này chia các vị thuốc ra làm ba loại, thượng, trung và hạ phẩm. Linh Chi là dược loại đứng đầu của thượng phẩm, trên cả nhân sâm, là một dược thảo được xem là kỳ diệu, có rất nhiều hiệu năng, dùng lâu không hại, có thể giúp người ta diên niên trường thọ. Thời trước chỉ có vua chúa và vương hầu biết tới chứ người bình dân thì chỉ nghe mà không mấy khi được gặp.
Cây nấm đó còn mang nhiều huyền thoại còn lạ lùng hơn cả nhân sâm. Người ta bảo rằng nấm này chỉ mọc tại những khu rừng hoang vu, vào thời điểm nhất định, mà không phải là người có duyên phận lớn thì không gặp được. Những khối ngọc tạc theo hình chiếc nấm này gọi là ngọc như ý, tượng trưng cho sống lâu, ta thấy nơi tay các tiên ông trong tranh cổ.
Linh Chi đã được biết từ nhiều ngàn năm trước. Tần Thủy Hoàng muốn kiếm những cây nấm này nên sai đạo sĩ Từ Phúc đem 1.500 đồng nam, 1.500 đồng nữ dong thuyền ra Đông Hải tìm thuốc trường sinh. Phái đoàn đó ra đi mà không thấy trở về, không biết vì mất tích ngoài biển cả hay vì không kiếm ra nên sợ không dám về phục mệnh. Có thuyết cho rằng họ đã định cư trên quần đảo Phù Tang và là tổ tiên của người Nhật hiện nay.
Trong lịch sử không biết bao nhiêu người đã tìm cách gây giống và trồng loại nấm này nhưng đều thất bại. Mãi tới năm 1971, hai nhà bác học người Nhật tên là Yukio Naoi và Zenzaburo Kasai, giáo sư của phân khoa nông nghiệp, đại học Kyoto mới thành công trong việc gây giống và người ta mới sản xuất được vị thuốc này một cách qui mô. Từ đó Linh Chi được trồng và sử dụng trong việc bào chế chứ không chỉ là huyền thoại. Hiện nay, thế giới hàng năm sản xuất vào khoảng 4.300 tấn, trong đó riêng Trung Hoa trồng khoảng 3.000 tấn còn lại là các quốc gia Đại Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Sri Lanka. Nhật Bản tuy tìm ra cách trồng nhưng nay chỉ sản xuất khoảng 500 tấn mỗi năm, đứng sau Trung Hoa. Kỹ nghệ trồng Linh Chi ngày càng phát triển, và tại Việt Nam nhiều nhà nông nghiệp học cũng đã nghiên cứu và thiết lập một trại trồng và bào chế Linh Chi ở Sài Gòn từ năm 1987.
Linh Chi, viết theo kiểu phiên âm Trung Hoa Lingzhi hay Lingchih, tên Nhật reishi, tên khoa học ganoderma lucidum, là một loại nấm thuộc họ đa khổng (polyporaceae), thường mọc trên những cây mục. Thời xưa người ta chỉ có thể tìm thấy nấm trong rừng, trên những núi cao chứ không cách gì gây giống được. Có sách lại nói là Linh Chi chỉ tìm thấy ở phía tây núi Thái Hàng. Chính vì thế mà cây nấm này càng mang nhiều truyện thần kỳ. Trong truyện Bạch Xà tinh, Linh Chi có tác dụng cải tử hoàn sinh, làm cho người chết có thể sống lại được. Vì chưng người ta còn gọi là Linh Chi thảo nên nhiều tác giả đã cho rằng đây là một loại cây cỏ. Thực ra, như trên đã nói, Linh Chi là một loại nấm.
Trong thiên nhiên, nấm này thường chỉ có nơi rừng rậm, ít ánh sáng và độ ẩm cao. Những cây thường có Linh Chi là cây mận, dẻ (pasania), và guercus serrata. Tuy nhiên trong hàng vạn cây già, chỉ có độ hai ba cây có Linh Chi. Vì thế nấm này rất hiếm trong dạng thiên nhiên. Hơn
thế nữa, nấm tìm được thường không mấy khi nguyên vẹn mà hay bị sâu bọ cắn nát. Vỏ ngoài của Linh Chi rất cứng, nên việc nẩy mầm càng thêm khó khăn và việc tìm được cây nấm trở thành huyền thoại. Khi may mắn kiếm được, người ta thường phải dấu cả người thân và coi như một gia bảo. Mỗi khi kiếm được loại nấm này, cả vùng đó mở hội ăn mừng và lập tức loại dược thảo quí dược này được đem tiến cung. Linh Chi càng huyền bí khi người ta còn đặt cho nó cái tên vạn niên Linh Chi, cho rằng ai ăn được nó sẽ trường sinh bất tử.
Tuy nhiên phần chúng ta nhìn thấy ở cây nấm chỉ là bộ phận nổi, vì chính cây nấm là phần nằm ngầm trong thớ gỗ, có tên khuẩn ti thể (mycelium), là những đường dây chằng chịt, giống như rễ cây có nhiệm vụ hút chất bổ nuôi thân. Và khi nào điều kiện còn thuận tiện, phần ngầm này tiếp tục phát triển và nẩy ra những cánh nấm. Những cây nấm này là một bộ phận tái biến chế (recyclers) quan trọng trong thiên nhiên vì nó làm gia tăng tiến trình hủ nát của thảo mộc, góp một phần quan trọng vào môi trường chúng ta đang sống. Những cây cỏ sẽ biến thành mùn nuôi sống các cây khác. Không có những cây nấm, thế giới sẽ chỉ là một bãi rác khổng lồ, chất đầy những vật liệu chết, mà phải mất một thời gian rất lâu mới tiêu đi được.
Linh Chi có nhiều hình dạng khác biệt, có cái hình nấm nhưng mũ nấm không tròn mà nhăn nheo, có thứ giống như trái thận, có thứ lại hình giống như sừng hươu. Theo Thần Nông Bản Thảo có 6 loại Linh Chi, mỗi loại có một công năng đặc biệt. Thanh chi (xanh) vị toan bình, giúp cho mắt sáng, bổ can khí, giúp cho an thần, nhân thứ, dùng lâu sẽ thân thể nhẹ nhàng, thoải mái. Xích chi (đỏ), vị đắng, chủ vị, ích tâm khí, tăng trí tuệ. Hắc chi (đen) ích thận khí, khiến cho đầu óc tinh tường. Bạch chi (trắng) ích phế khí, làm cho trí nhớ dai. Hoàng chi (vàng) ích tì khí, an thần, trung hòa. Tử chi (tím đỏ) bảo thần, ích tinh, làm cứng gân cốt, da tươi đẹp. Cả sáu loại đều có công năng giúp người ta thân thể khinh linh, tiêu sái, trẻ mãi không già, trường thọ.
Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân viết là “dùng lâu, người nhẹ nhàng, không già, sống lâu như thần tiên”. Nói chung, Linh Chi bổ đủ ngũ tạng, nhưng mỗi loại bổ một khác. Tuy nhiên những biện biệt trong Thần Nông Bản Thảo xem ra chỉ thuần lý, dựa trên ngũ hành, ngũ sắc để luận hơn là được thử nghiệm thực tế. Màu xanh thuộc mộc, chủ can nên thanh chi bổ gan, màu trắng thuộc kim, chủ phế nên bạch chi bổ phổi, màu đen thuộc thủy, chủ thận nên bổ thận, màu vàng thuộc thổ, chủ tì vị nên bổ tì. Những tác dụng và hậu quả đều do đó hệ luận đó mà ra.
Gần đây khi tìm được cách gây giống, những khoa học gia Nhật Bản chứng minh được rằng những cây nấm màu sắc khác nhau không phải vì khác loại mà chỉ vì môi trường và điều kiện sinh hoạt khác nhau. Thay đổi điều kiện người ta có thể có được đủ sáu loại từ cùng một giống.
Kỹ nghệ trồng Linh Chi
Tiến trình nẩy mầm của Linh Chi mọc hoang và do người trồng không khác gì nhau. Linh Chi không thể nào trưởng thành nếu không có những điều kiện tối ưu gần với điều kiện thiên nhiên ở những nơi tìm thấy giống nấm này. Linh Chi mọc hoang thường phẩm chất không được tốt mấy vì không phải ở đâu cũng có những điều kiện môi sinh lý tưởng. Hơn nữa, Linh Chi hoang lại hay bị các loại bệnh tật nên thường ít khi nguyên vẹn. Người ta trồng Linh Chi thường theo ba phương pháp chính: cấy trên các khúc gỗ, cấy trong chai lọ hay ống nghiệm, và cấy trong bồn lớn. Trong ba mươi năm qua, nhiều cuộc thí nghiệm đã được tiến hành để tìm xem phương pháp nào hiệu quả nhất và gặt hái được loại phẩm chất tốt hơn cả. Theo những kết quả thu lượm được, việc trồng Linh Chi trên thân cây có kết quả nhất. Tuy nhiên, ngoài việc chọn gỗ, nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng nhiều đến phẩm chất của cây nấm, đó là: giống đã chọn (strain), phương pháp cấy (method of cultivation), mùa thu hoạch (harvest time) và cách bào chế (treatment).
Chọn giống: Có nhiều loại giống trong việc trồng nấm nhưng bao gồm ba loại chính GYN, GYK và GYG. Mỗi loại giống, tai nấm (pileus) lại có nhiều màu sắc, mỗi màu có công dụng bổ ích khác nhau. Loại GYN có đủ năm màu, đỏ, xanh, đen, vàng, trắng trong khi loại GYK chỉ có màu vàng nhạt và GYG có màu trắng ngà.
Phương pháp trồng: Người ta thấy là tác dụng y học của Linh Chi nằm trong lớp bào tử (hymenium) nên loại nấm nào cho nhiều bào tử là loại nấm tốt. Để đạt được kết quả đó, nhiều nguyên tắc phải tôn trọng chẳng hạn như phải trồng bằng gỗ khúc (wood logs), trong những điều kiện nảy nở thiên nhiên (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, thán khí, gió và vi khuẩn trong mùn). Một trong những nguyên tắc quan trọng là phải làm sao cho cây nấm càng gần thực tế càng tốt chứ không quá nhân tạo. Ở Nhật người ta dùng loại gỗ sồi (oak) tên là Kashi và Kunugi còn ở Việt Nam thì dùng cây cao su. Người Nhật đã tìm ra một phương pháp tương đối hoàn hảo, gọi là phương pháp MIKEI, là phương pháp trồng Linh Chi đỏ thông dụng nhất. Phương pháp này do gia đình họ Mayasumi, một gia đình đã có quá trình chuyên về trồng nấm trong hơn một trăm năm qua, thực hiện. Người ta tháp một mảnh Linh Chi vào cây gỗ, sau đó đem cả khúc gỗ vào trong nhà kính, được kiểm soát tinh vi bằng máy móc để giữ cho mọi điều kiện nảy mầm luôn luôn tối hảo.
Thu hoạch đúng mùa: mọi loại thực vật đều có một cao điểm để thu hoạch, là thời kỳ tập trung cao độ mọi năng lực, theo lý luận Đông phương là đầy đủ tinh khí thần. Thời kỳ này là thời kỳ thu hoạch thích hợp nhất, và cũng chính là lợi điểm của việc trồng Linh Chi vì người ta có thể tính toán được thời khắc. Chỉ có những cây nấm tốt nhất, hình trái thận mới được thu hoạch.
Bào chế đúng cách: Linh Chi có khả năng chống lại bệnh tật cao hơn cả khi được dùng tươi, và đó là lợi ích mà người ta muốn khai thác. Vì thế, việc bào chế để Linh Chi giữ được công năng đó là một điều cần thiết. Để cho khỏi mục nát, nhà trồng tỉa phải sấy khô nhưng phương pháp sấy, tàng trữ và bảo trì phải được thi hành đúng cách. Phương pháp mới nhất là hấp Linh Chi bằng nhiệt độ thấp (80°C) trong ba tới bốn giờ cho bốc hết hơi nước còn trong cây nấm. Sau đó nấm được xay thành bột và ninh trong nước để rút hết tinh túy ra. Nước cốt đó lại được đun sôi ít nhất ba lần và dùng phương pháp chân không để sấy khô, làm thành viên hay đóng chai.
Công dụng của Linh Chi: Theo giáo sư Hiroshi Hikino, một bác học chuyên về dược thảo thì Linh Chi là một trong những vị thuốc bổ quan trọng nhất trong Đông y. Các thầy thuốc đã dùng Linh Chi trong các chứng mệt mỏi, suy nhược, tiểu đường, các chứng bệnh về gan, và nhiều chứng thuộc hệ thống đề kháng của cơ thể. Theo Lý Thời Trân trong Bản Thảo Cương Mục thì Linh Chi có tác dụng bổ tâm khí, chữa các chứng nhói ngực. Hiện nay, Linh Chi được dùng để giảm áp huyết, kích thích sự làm việc của gan, tẩy máu, và giúp cơ thể chống lại các chứng lao lực quá độ. Trong một mức độ nào đó, Linh Chi có tác dụng giải độc trong cơ thể.
Ngoài ra Linh Chi còn được dùng để chữa bệnh mất ngủ, lở dạ dày, tê thấp, suyễn, sưng cổ họng. Người ta cũng không thấy có phản ứng phụ hay tác dụng xấu nào khi dùng lâu. Người Trung Hoa hiện nay còn dùng Linh Chi để cho da mặt thêm mịn, có lẽ là do các chất hormone
trong loại nấm này. Nhiều y gia Nhật Bản lại dùng Linh Chi trong các loại thuốc trị rụng tóc. Vì tác dụng bổ khí và làm tăng hệ thống miễn nhiễm của cơ thể, người ta còn dùng Linh Chi để phụ với các loại thuốc trị ung thư. Bác sĩ Fukumi Morishige, một chuyên gia giải phẫu tim đang nghiên cứu công dụng của Linh Chi trong việc trị bệnh ung thư tại viện Linus Pauling Institute of Science & Medicine, Hoa Kỳ, cho biết là dùng Linh Chi chung với sinh tố C liều lượng lớn (megadose) có tác dụng mạnh hơn vì sinh tố C giúp cho việc hấp thụ dược tính của Linh Chi. Nhiều trường hợp chữa lành hay thuyên giảm bệnh đã được bác sĩ Morishige trình bày trên các tập san y học. Những công dụng của Linh Chi vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, dùng đơn lẻ hay dùng chung với các loại dược thảo khác. Hầu như Linh Chi có thể dùng để chữa rất nhiều chứng bệnh khác nhau nên người ta đã đặt cho cái tên nấm trường sinh.
Ở Trung Hoa, Linh Chi được trồng chính yếu tại mười khu vực, bao gồm vùng ngoại ô Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Thiết Kim, và An Huy. Người Tàu thường trồng nấm trong bao vinyl để sản xuất qui mô, cho số lượng nhiều. Họ cũng còn theo phương pháp trồng trên gỗ của Nhật nhưng không thông dụng lắm. Trên thế giới, người Trung Hoa vẫn là sắc dân chủ yếu tiêu thụ các sản phẩm về Linh Chi. Hiện nay trên thị trường có bán đủ loại từ nấm nguyên dạng đến bột, capsule, hay gói trà, hoặc ngâm trong rượu. Ngoài ra họ còn dùng Linh Chi trong các loại thức ăn.
Trong vòng năm mươi năm qua, con người đã tìm ra được những loại thuốc có sức đề kháng cao với vi trùng từ một số cây nấm hay mốc trong đó có những loại trụ sinh đầu tiên như penicilin, tetracycline, aureomycin. Kỹ nghệ trồng nấm cung cấp cho chúng ta một số thực phẩm dồi dào chất đạm và sinh tố. Việc trồng nấm để làm thuốc cũng ngày càng tinh vi. Chính nhờ đó người ta đã phục hồi lại được một vị thuốc mà chỉ hai mươi năm trước còn là huyền thoại vì chỉ nghe mà không mấy ai được thấy bao giờ.
Tháng 12.1998
NHÂN SÂM
Ngày xưa, có một tiều phu sống ở ven rừng với một đứa con còn nhỏ. Mỗi ngày, khi vào rừng đốn củi, người cha để cho đưa bé một nắm cơm để ăn. Thế nhưng không hiểu vì sao, tuy ăn uống đạm bạc như vậy mà đưa trẻ rất hồng hào khỏe mạnh. Người cha mới hỏi đứa trẻ hàng ngày ăn uống những gì thì đứa trẻ nói là cơm của nó hôm nào cũng bị khỉ trong rừng đến cướp mất. Gã tiều phu sinh nghi, nên một hôm đứng rình thì thấy quả nhiên cơm của đứa nhỏ bị khỉ lấy đi thật. Thế nhưng một lúc sau lại có một đứa trẻ bụ bẫm ở đâu không biết đến chơi với nó. Người cha liền đưa cho con một sợi chỉ đỏ và dặn con khi đứa trẻ ra về thì buộc vào tay nó. Đứa trẻ làm theo lời cha và người cha đi lần theo sợi dây thì gặp một loại cây có là hình năm cánh, có quả màu đỏ. Ông ta đào lên được một cái củ trông giống như người. Chính cái củ này mỗi ngày hiện ra đến chơi với thằng bé và truyền cái sinh lực của nó cho đứa trẻ. Đó là truyền thuyết về củ sâm theo truyện cổ tích.
Nhân sâm là một loại củ, có vị hơi ngọt, mùi hăng hăng, một vị thuốc mà công năng của nó còn rất nhiều quan điểm trái ngược, mâu thuẫn nhau. Ở Á châu, sâm được coi là dược thảo đứng đầu trong các vị thuốc bổ (sâm nhung quế phụ). Mang một củ sâm trong túi đối với người Tàu còn có ý mang lại nhiều may mắn. Nhiều sự tích li kỳ về cây sâm được truyền tụng. Thế nhưng Tây y thì lại cho rằng chẳng qua sâm chỉ làm tăng khí lực như nhiều loại thực phẩm ta dùng hàng ngày. Nhiều khoa học gia lại nghi ngờ coi những công năng của sâm được phóng đại, một thứ ảo giác mà thôi. Cả hai bên đều có những luận cứ xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình, và tin hay không là tùy mỗi người. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có hàng triệu người dùng và kỹ nghệ trồng sâm, biến chế sâm, mậu dịch liên quan đến sâm hàng năm lên hàng tỉ bạc. Do đó, dưới khía cạnh y tế hay kinh tế, sâm vẫn có một chỗ đứng quan trọng.
Lịch sử
Cây nhân sâm mà người Trung Hoa sử dụng mang đầy tính chất huyền thoại bắt nguồn từ những vùng rừng núi Mãn Châu (Manchuria). Nhân sâm được tìm thấy và dùng như một loại dược vật là từ dãy núi Trường Bạch, tỉnh Cát Lâm. Ba tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh, Hắc Long Giang có những rừng tùng (cedar), là khu vực thích hợp cho những cây sâm mọc hoang. Thành thử, người ta vẫn gọi nơi đây là Vành Đai Sâm của nước Tàu.
Vùng này có những dãy núi cao bao quanh nên hàng ngàn năm không bị ảnh hưởng bởi dòng văn minh và sinh hoạt chính trị của Trung Nguyên. Chính nhờ thế mà từ ngàn xưa tới khi họ chinh phục được Trung Hoa lập ra nhà Thanh, Mãn Châu vẫn là những bộ lạc và tiểu quốc độc lập, chủng tộc riêng, văn hóa riêng. Những truyện thần kỳ về cây sâm được truyền vào nước Tàu đều có tính huyền bí, là những linh dược trên núi cao, cũng như linh chi (một loại nấm) chỉ mọc đâu đó trên núi Thái Hàng. Khi củ sâm được mang vào bán tại Trung Thổ, nó là một loại dược vật được coi là hết sức kỳ diệu. Người ta đặt ra những huyền thoại, khi thì cho sâm là linh khí của thổ thần, khi thì cho là kết tụ tinh hoa của trời đất. Chính vì linh thiêng như thế, và nhất là nhiều củ sâm già có hình dáng, tay chân như một con người nên được gọi là nhân sâm.
Những người đi hái sâm ở bên Tàu coi công việc của mình như một thứ nghi thức tôn giáo. Họ cho rằng cây sâm có thể biến đi nếu không gặp đúng người đúng lúc, và người hái sâm phải giữ mình cho trong sạch, coi công việc mình làm như một hành vi cứu nhân độ thế. Việc hái sâm cũng mang nhiều tính chất kỳ bí chẳng khác gì việc ngậm ngải tìm trầm ở miền Trung nước ta.
Thần thoại Trung Hoa kể rằng thần núi có thể mở một khai lộ dưới lòng đất cho cây sâm chạy trốn, hoặc biến thành vô tung, vô ảnh để kẻ tham lam không thấy được. Thần sâm cũng có thể biến thành mãnh hổ nhảy ra vồ những kẻ dung phu, chỉ biết cầu lợi.
Vào thế kỷ thứ 13, 14 người ta đi tìm sâm vào lúc trời nhá nhem tối vì tin rằng cây sâm tỏa ra một vùng hào quang. Thế nhưng người tìm sâm phải hết sức yên lặng vì chỉ một tiếng động nhỏ, cây sâm cũng khép lá và ánh sáng tắt đi. Cho nên người ta thường bắn tên vào những nơi phát quang để làm dấu và sáng hôm sau quay lại tìm sâm.
Đến thời nhà Thanh, triều đình ra lệnh cấm không cho tự do đi tìm sâm mà phải tập họp thành từng đội, có quan quân canh gác, có đạo sĩ làm lễ tế cáo trước khi tiến vào rừng. Những người thợ chuyên môn đó được gọi là chim trĩ xanh vì họ mặc áo ngắn màu lam, chân bó xà cạp.
Vào mùa xuân, khi một đội viên tìm ra một cây sâm, y phải lấy gậy đập mạnh xuống đất, đứng yên nhìn thẳng vào cây sâm rồi kêu lên cho đồng bọn chung quanh chạy tới. Khi nghe tiếng kêu, mọi người phải ngưng việc tìm sâm mà tập hợp lại để cùng nhau cầu khấn trời đất và sơn thần. Khi lễ chấm dứt, họ buộc một giải đỏ vào nơi cây sâm để mùa thu sẽ quay lại đào.
Mùa thu đi đào sâm lúc nào phải do các đạo sĩ xem ngày giờ tốt. Lễ vật được bày ra, hương đốt lên và quây vùng bằng những mảnh vải đỏ buộc vào thân cây chung quanh. Đào sâm phải dùng xẻng làm bằng sừng hươu vì kim loại sẽ làm tiêu hao khí lực của dược vật. Những sợi rễ nhỏ cũng không được làm đứt. Thành thử người thợ phải bới đất chung quanh, đổ nước vào cho đất thật mềm, rửa từ từ cho bao giờ trơ củ ra. Khi đào xong lại tế lễ, rửa thật sạch, gói lại kèm theo tên người tìm thấy rồi chuyển giao cho quan quân canh giữ. Những củ sâm già, quí được cho ngay lên xe có binh sĩ áp tống đem về cung giao cho Ngự Y Viện bào chế.
Trước kia củ sâm là tài sản của người tìm được. Thế nhưng từ năm 1715, một đạo dụ coi sâm là tài sản quốc gia, thuộc quyền thiên tử. Tất cả phải giao lại cho quan quân chuyển về cung phân loại và định giá. Triều đình độc quyền khai thác và phân phối cho tới khi nhà Thanh bị lật đổ.