🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Độc Hành - Những Khám Phá Giá Trị Và Kỳ Lạ Trên Con Đường Tơ Lụa Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn https://thuviensach.vn Nguyễn Hoàng Bảo ĐỘC HÀNH Những khám phá giá trị và kỳ lạ trên Con đường tơ lụa https://thuviensach.vn Thương tặng cho những người bạn đồng hành qua từng chuyến đi của tôi. Những người bạn trong nước cũng như nước ngoài. Chính họ đã cổ vũ cho tôi hoàn thành quyển sách du ký đầu tay về chặng đường rong ruổi đơn độc của mình. Giống như suy nghĩ của bất kỳ một lữ khách nào phá khám những vùng đất mới, dù có gian nan vất vả nhưng phía trước mỗi hành trình sẽ là những con đường thẳng tắp, thênh thang, ngập tràn hoa thơm cỏ lạ… Lời tựa Bạn đã từng thấy đâu đó hình ảnh đoàn người cùng lạc đà thồ những kiện hàng nhẫn nại vượt biển cát mênh mông được thể hiện qua thơ, tranh ảnh, những câu chuyện thần thoại, những vở diễn trên sân khấu hay kịch bản điện ảnh chưa? Đó chính là sự biểu trưng hoàn hảo cho con đường huyền thoại xa xưa. Sau hai tháng dọc theo Con đường tơ lụa, tôi đã có những trải nghiệm đáng nhớ trong đời. Từ Kuwait, Iran của “vùng đất lửa” Trung Đông đến những đất nước gần như biệt lập ở Trung Á như Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và hàng loạt các điểm đến xa xôi mà đoàn thương nhân năm xưa đã phải trải qua với biết bao nhiêu câu chuyện huyền bí, ly kỳ. Và tôi, cũng trên Con đường tơ lụa năm nào, đã lang thang qua bao nhiêu làng mạc, thị trấn heo hút không bóng người, tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc cổ có tuổi đời hàng trăm thậm chí hàng ngàn năm, may mắn tham dự những lễ hội truyền thống của địa phương, được đắm mình với cuộc sống cư dân bản địa ở Trung Đông hay khắp các nẻo đường Trung Á. Quyển sách ra đời sau chuyến đi mười tháng, trong đó có bốn tháng tôi phải miệt mài vẫy bút để lưu lại những kỷ niệm tuyệt vời trong hành trình ấy. Quyển sách không viết theo kiểu tư liệu nghiên cứu lịch sử mà là quyển sách về du ký. Hành trình của chuyến đi sẽ được đúc kết thành những câu chuyện thông qua cảm xúc, nhận định về các vùng đất nằm trên vành đai Con đường tơ lụa. Tuy nhiên lịch sử lại là yếu tố quan trọng tạo nên sự biến đổi về văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán, kiến trúc và kể cả con người từng chịu ảnh hưởng bởi con đường giao thương cổ này và tôi đã sử dụng một số tư liệu lịch sử để người đọc dễ dàng hình dung hơn. Thông tin lịch sử được tôi ghi chép lại trong quá trình trò chuyện cùng các nhân vật, những tài liệu thu thập trên internet và những so sánh, nhận định và nhận xét mang tính chủ quan. Nếu các bạn chưa có dịp đặt chân trên Con đường tơ lụa, hãy tìm một điểm tựa và cùng tôi phiêu lưu qua những trang sách này. Ở đó, có những câu chuyện trải nghiệm về cuộc sống con người, về vùng đất qua nhiều đổi thay từ những thăng trầm của lịch sử và trên hết là những thử thách của bản thân trong suốt hành trình khám phá đơn độc. Những câu chuyện du ký của một lữ https://thuviensach.vn khách Việt đi tìm dấu vết lạc đà trên Con đường tơ lụa lẫy lừng trong quá khứ. https://thuviensach.vn Chương 1. Đi tìm dấu vết lạc đà Những người học kinh tế như tôi thì cụm từ Con đường tơ lụa không hề xa lạ. Đó chính là hệ thống chằng chịt những con đường mòn cổ như một tấm mạng nhện khổng lồ từ phương Đông sang phương Tây, nối kết những thành phố sầm uất trong khu vực. Trước đây, thương nhân người Hoa sử dụng con đường này để vận chuyển các loại hàng hóa ra nước ngoài, những nơi có nhu cầu về sản phẩm tơ lụa xuất xứ từ Trung Quốc rất lớn. Hệ thống con đường này có lúc trải dài đến tận châu Âu hay ngược về phương Đông đến Nhật Bản và Triều Tiên. Hiện nay cũng chưa có ai biết chính xác con đường có tổng chiều dài là bao nhiêu, chỉ biết ước lượng vào khoảng 7.000 km. Hệ thống con đường nghìn năm tuổi băng qua những sa mạc rộng lớn, những dãy núi cao hiểm trở, những làng mạc heo hút để đến những vùng đất xa xôi mà vào thời đó một số vùng trên thế giới còn chưa được biết đến. Lịch sử con đường cũng có nhiều gút mắc cùng với sự biến đổi của thế giới qua nhiều giai đoạn khác nhau. Những dấu tích còn lại trên đó đã minh chứng cho sự vĩ đại có một không hai của hệ thống con đường thương mại này. Đã trải qua hàng trăm năm, kể từ khi con đường dần bị lãng quên từ những năm thuộc thế kỷ XIV sau Công nguyên, nó giờ đây vẫn chỉ là những hồi ức mong manh, mơ hồ đối với những lữ khách muốn tận mắt thấy những dấu vết ít ỏi, rải rác trên một khu vực rộng lớn ở châu Á, châu Âu và cả châu Phi hẻo lánh. Tôi đã có rất nhiều suy nghĩ khi lên kế hoạch cho hành trình khám phá hệ thống Con đường tơ lụa này. Bao nhiêu thời gian là đủ cho cuộc phiêu lưu? Tôi sẽ phải qua bao nhiêu thành phố, bao nhiêu quốc gia để có thể khái quát một phần về nó trong hành trình khám phá của mình? Hiện có bốn mươi quốc gia liên quan đến Con đường tơ lụa trên bộ ở khắp lục địa Á Âu và một phần Phi châu rộng lớn cùng các thành phố hình thành và phát triển dọc trên con đường. Chính những thành phố ấy là chứng tích quan trọng, nơi đoàn thương nhân dừng chân trao đổi hàng hóa, vật phẩm, gia súc trong hành trình đến tận trời Tây. Từ Tây An ở Trung Quốc đến Samarkand ở Uzbekistan, từ Jeddah ở Ả Rập đến Venice ở Ý, các thành phố này đã trở thành những trung tâm giao thương quan trọng không chỉ hàng ngàn năm trước mà cho đến tận ngày hôm nay. Con đường tơ lụa đã tạo ra một bước ngoặt lớn lao cho sự tồn tại và phát triển của những thành phố giờ là một phần không thể chối cãi của lịch sử thế giới. Đã trải qua hàng ngàn năm, những minh chứng cổ xưa vẫn tồn tại và được bảo tồn qua các công trình kiến trúc về tôn giáo, văn hóa ở khắp mọi nơi. Chính các công trình này đã thu hút rất nhiều các nhà nghiên cứu, học giả, nhà thần học, triết học và tôi, một người theo chủ nghĩa xê dịch tìm đến để hiểu hơn sự vận động biến đổi trên Con đường tơ lụa nức danh này. Đó chính là phần hồn còn lại của con đường sau khoảng thời gian dài bị lãng quên bởi sự phát https://thuviensach.vn triển của xã hội loài người. Tôi thật sự bối rối vì những thông tin ban đầu của Con đường tơ lụa làm mình không biết khởi hành từ đâu. Có quá nhiều thứ hay ho để khám phá, tìm hiểu. Nếu tôi đi hết tất cả các nước trên hệ thống con đường này thì có lẽ đến cả đời cũng chưa mong hiểu hết. Tôi e rằng nếu mình chủ quan lựa chọn một số nước nhất định trên cung đường thì có thể sẽ bỏ qua những nơi khác quan trọng hơn hay có ảnh hưởng đến lịch sử của con đường làm cho cách nhìn của tôi về nó trở nên phiến diện. Đắn đo, suy nghĩ và rồi quyết định. Trung Á và Trung Đông là nơi tôi nghĩ đến đầu tiên bởi nét văn hóa Hồi giáo lâu đời ở khu vực này luôn cuốn hút với sự độc đáo, huyền bí và cuộc xâm chiếm Trung Á, Ba Tư của đế chế Mông Cổ vào thế kỷ XIII như dấu mốc lịch sử ảnh hưởng đến sự tồn vong của Con đường tơ lụa vĩ đại trong quá khứ. Vậy là hành trình của tôi xuất phát từ vùng đất Lưỡng Hà ở Trung Đông, lang thang qua Trung Á có vẻ là sự lựa chọn ngược với con đường của các bậc tiền nhân năm xưa. Nhưng sự chọn lựa không giống ai này liệu có thể mang lại cho hành trình tìm dấu vết lạc đà của tôi nhiều điều thú vị, nhiều sự bất ngờ hơn chăng? https://thuviensach.vn Chương 2. Con đường tơ lụa từ quá khứ Trên thực tế, Con đường tơ lụa là một thuật ngữ được sử dụng gần đây vì bản thân hệ thống con đường này trong quá khứ không có tên cụ thể. Vào giữa thế kỷ XIX, nhà địa chất học người Đức, Baron Ferdinand Von Richthofen (1833-1905), cùng với đoàn thám hiểm Eulenburg khám phá những vùng đất ở Srilanka, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và cả đảo Java từ những năm 1860 đến 1868. Trong chuyến đi này ông đã từng tiếp cận hệ thống Con đường tơ lụa trước đây. Nhiều năm sau đó, khi ông xuất bản những quyển sách, tài liệu về địa lý, bản đồ, kinh tế học, dân tộc học thì ông đã dùng thuật ngữ “Seidenstraße” hay “Seidenstraßen” tức có nghĩa là “Con đường tơ lụa.” Gọi là con đường tơ lụa cũng bởi tơ lụa là sản phẩm đặc trưng, phổ biến trên con đường từ Trung Quốc. https://thuviensach.vn Bản đồ về Con đường tơ lụa ở thành phố cổ Khiva, Uzbekistan Ngược dòng lịch sử, Con đường tơ lụa dần định hình từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Kế tục triều đại nhà Tần, nhà Hán được xem là một trong những triều đại cai trị thành công trong lịch sử Trung Quốc từ năm 202 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên. Những năm đầu lập nước, nhà Hán gặp phải sự khó khăn khi bị các bộ tộc du mục người Hung Nô ở khu vực Trung Á quấy nhiễu. Vua Hán Vũ Đế thời đó ra chiếu chỉ lệnh cho Trương Khiên đi về phương Tây tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước lân bang để chống lại đội quân Hung Nô hùng mạnh. Trải https://thuviensach.vn qua nhiều gian khổ, Trương Khiên đã không hoàn thành sứ mệnh trong việc tìm kiếm đồng minh với nhà Hán. Tuy nhiên khi trở về thành Trường An cùng đoàn tùy tùng, ông đã mang theo nhiều sản vật mà triều đình rất quan tâm. Trong những tài liệu kể về hành trình của mình, ông đã ghi chép thông tin cẩn thận về những vùng miền nơi ông đi qua từ con người, văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán đến các sản vật địa phương. Nhờ đó những tuyến đường nhỏ trước đây đã được kết nối lại với nhau, nhiều tuyến mới được khai phá và an toàn hơn do được sự bảo vệ của triều đình thời ấy. Trong lần đến Trung Quốc cách đây sáu năm, tôi có dịp đến thăm vùng đất Tô Châu trứ danh về lụa tơ tằm. Lúc ấy, tôi tham quan nhà máy sản xuất lụa nổi tiếng của vùng đất tương truyền lắm mỹ nữ thời phong kiến và được nghe giới thiệu nghề gia truyền độc đáo tận từ thời cổ đại. Người Trung Quốc rất đỗi tự hào vì tơ lụa được xem là bí quyết của họ có từ hàng ngàn năm. Họ kể rằng, vào năm 2640 trước Công nguyên, hoàng hậu Xi Ling Shi vợ của vua Huang Ti khi đó mới 14 tuổi là người đầu tiên đã tình cờ phát hiện ra tơ tằm. Câu chuyện được truyền tụng trong dân gian Trung Quốc rằng: “Một hôm hoàng hậu ngồi uống trà dưới gốc cây dâu, tình cờ một con kén rơi vào tách trà và bắt đầu tan ra trong tách trà nóng. Bà bị cuốn hút ngay bởi một đầu sợi bé tí thấp thoáng hiện ra. Từ điểm bắt đầu ấy có thể kéo ra một thứ sợi mảnh, đẹp, óng ánh mà sau đó được gọi là tơ. Sau khi tấu trình với nhà vua, bà bắt đầu hướng dẫn người dân những vùng lân cận trồng dâu, nuôi tằm, chế tạo ra dụng cụ ươm tơ và dệt lụa. Từ đó bà trở thành Bà Tổ tơ lụa trong truyền thuyết dân gian của người Trung Quốc.” Không rõ giai thoại đó có thật hay không, nhưng chắc chắn rằng từ trước Công nguyên Trung Quốc là quốc gia sản xuất một lượng lớn lụa tơ tằm cung cấp cho thế giới. Vì thế người ta thường gọi Trung Quốc là “vùng đất của tơ tằm.” Người Trung Quốc xưa kia đã nhận ra giá trị của thứ vật liệu tuyệt đẹp do mình làm ra nên họ đã giữ bí mật với thế giới được gần 30 thế kỷ. Những lữ khách bị kiểm soát gắt gao tại các khu vực biên giới. Bất cứ ai cố gắng lấy trộm trứng, kén hoặc tằm mang ra khỏi Trung Quốc đều bị xử tử ngay lập tức. Dưới hình phạt bằng cái chết, bí mật nghề trồng dâu nuôi tằm đã được giữ nguyên vẹn gần ba ngàn năm. Nhưng bí mật này không giữ được khi triều đình Trung Quốc gả công chúa cho hoàng tử Khotan xứ Tây Tạng vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Công chúa chỉ thuận lời về nhà chồng khi cho nàng mang theo những tấm tơ lụa mượt mà yêu thích. Lệnh cấm nghiêm ngặt cuối cùng bị phá vỡ tạo cơ hội cho thế giới biết đến một trong những sản phẩm làm đẹp cho con người đến tận ngày hôm nay. Lúc đầu, tơ lụa chỉ phục vụ cho tầng lớp vua chúa, quý tộc trong xã hội Trung Quốc. Theo thời gian, loại hàng hóa này dần dần mở rộng ra toàn bộ nền văn hóa Trung Quốc cả về mặt địa lý và xã hội. Khi Trương Khiên trở về nước, cùng với việc ông tìm kiếm ra những khu đô thị mới https://thuviensach.vn sầm uất ở phương Tây trên hệ thống Con đường tơ lụa, các thương nhân người Trung Quốc bắt đầu nghĩ đến việc vận chuyển tơ lụa sang những nước khác trên chính con đường ông đã trải qua. Cùng với việc những bí mật về nghề tơ lụa không còn được giữ kín, những mặt hàng này bắt đầu len lỏi khắp châu Á. Do đặc tính mịn màng, vẻ đẹp lộng lẫy, tơ lụa nhanh chóng trở thành một thứ hàng xa xỉ ở những vùng mà thương gia Trung Quốc có thể tới được. Nhu cầu về thứ lụa đẹp lạ kỳ này, rốt cuộc đã tạo ra con đường thương mại huyền thoại mà tên của nó gắn liền với thứ hàng hóa có giá trị thượng hạng thời bấy giờ. Tơ lụa quý giá được chuyên chở bằng lạc đà đến phương Tây, và các thương nhân sẽ mang vàng, bạc, len dạ... về phương Đông. Thời điểm này, tơ lụa được xem là thứ hàng hóa quý hơn cả vàng, và cũng chính con đường vận chuyển này đã tạo thêm giá trị cho loại hàng hóa đặc biệt chỉ được biết đến ở Trung Quốc ra thế giới. Sản phẩm tơ lụa của Trung Quốc bắt đầu từ những nơi có điều kiện thổ nhưỡng trồng dâu nuôi tằm thuận lợi ở phía Nam sông Trường Giang, tức là khu vực Phúc Châu, Hàng Châu, Tô Châu ngày nay, và được vận chuyển lên Bắc Kinh theo con kênh đào cổ Kinh Hàn Đại Vận Hà được xây dựng từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Từ đó, tơ lụa tiếp tục được các thương nhân vận chuyển lên kinh đô Trường An, chạy dọc qua hành lang Hà Tây và lòng chảo Tarim của Tân Cương Trung Quốc, vượt qua nóc nhà thế giới Pamir hùng vĩ để đến các quốc gia Trung Á Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan rồi tiếp tục xuống khu vực các nước Trung Đông là thị trường thương mại trọng điểm lúc bấy giờ thuộc Afghanistan, Syria, Iran, Iraq ngày nay. Từ đây hàng hóa được chuyên chở bằng đường bộ lên Thổ Nhĩ Kỳ hoặc dọc theo địa Trung Hải để đến phía bán đảo Sinai của Ai Cập và rồi đến Ý. Hàng hóa được vận chuyển ngoài mặt hàng chính là tơ lụa ra, thương nhân Trung Quốc còn mua bán những mặt hàng truyền thống khác như gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ và những loại trà trứ danh. Ở La Mã và Syria có pha lê; còn len dạ, đá quý, san hô, hổ phách thì của Tây Á... cũng được trao đổi mua bán trên hệ thống con đường này. Đóng vai trò quan trọng trong việc làm trung gian trao đổi là các thương nhân Ba Tư và sau này là Ả Rập. Thông qua họ, hàng hóa từ Trung Quốc được đưa đi khắp nơi và ngược lại nhiều mặt hàng mới lạ cũng được nhập trở lại Trung Quốc. Bởi thế, trong quá trình tìm hiểu về Trung Đông, tôi đã từng mơ ước lạc bước trong văn hóa Ba Tư để được hiện diện qua những khu chợ sầm uất mà người dân nơi đây gọi là bazzar có niên đại hàng ngàn năm tuổi. Một trong những khu chợ ấy vẫn còn tồn tại để minh chứng nơi đây là đầu mối quan trọng của đoàn thương nhân đến từ phương Đông dừng chân mua bán trao đổi trước khi hàng hóa tiếp tục được vận chuyển đến phương Tây. Con đường tơ lụa trên bộ thịnh đạt nhất dưới triều nhà Đường (618-907). Kinh đô Trường An rộn rịp cảnh mua bán sầm uất, cảnh đi lại của thương gia và sứ thần các nước. Hình ảnh các đoàn “thương nhân lạc đà” khua chuông rồng rắn đi trên sa mạc được khắc họa trong các công trình https://thuviensach.vn kiến trúc, trên các bức bích họa cổ, được ghi nhận trong thơ ca đương thời như một mốc son lịch sử của nhân loại. Tuy nhiên, đến khoảng thế kỷ XIII thì nó dần dần bị Con đường tơ lụa trên biển thay thế. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này, một được cho là xuất phát từ nội tại của lịch sử Trung Quốc và hai là do những yếu tố khách quan bên ngoài. Khi nhà Minh nắm quyền (1368- 1644), triều đình đã đề ra một số luật lệ mới. Đánh thuế cao đối với những hàng hóa giao thương bằng đường bộ gây khó khăn việc tìm kiếm lợi nhuận của các thương nhân. Thời kỳ này, kỹ thuật đóng tàu của Trung Quốc cũng đạt đến một trình độ tương đối thịnh đạt cho phép vận chuyển những tuyến đường dài hơn với thời gian ngắn hơn đường bộ. Vì thế việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ được các thương nhân Trung Quốc chuyển dần sang đường thủy. Nếu như trước kia kinh đô Trường An tấp nập các thương nhân thì lúc bấy giờ việc giao thương lại tập trung ở các thành phố phía Nam Trung Quốc như Quảng Châu, Dương Châu cho những cuộc hành trình trên biển qua Nhật Bản, Triều Tiên, xuôi xuống Đông Nam Á, đến Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Thương cảng Hội An cũng là điểm dừng quan trọng trên tuyến hải trình vượt biển này. Mặt khác, vào thời kỳ này đế quốc hùng mạnh Byzantine đã chiếm cứ một vùng rộng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn cản sự giao thương mua bán từ Tây sang Đông của các thương nhân cùng với dịch bệnh lan truyền, cướp bóc liều lĩnh ở những khu vực hẻo lánh làm cho Con đường tơ lụa dần suy yếu vào thế kỷ XIV. Tồn tại trong lịch sử khoảng 17 đến 18 thế kỷ, những gì mà Con đường tơ lụa đã đem lại cho văn minh nhân loại là không thể kể hết được. Đó là việc đưa văn hóa dân tộc của các quốc gia tiếp xúc với nhau, tạo điều kiện trao đổi và giao lưu giữa chúng. Trên thực tế, để đàm phán thành công, các thương gia đã phải học ngôn ngữ và phong tục của những nước họ đi qua. Tương tác văn hóa là một phần quan trọng trong trao đổi vật chất. Hơn nữa, nhiều lữ khách mạo hiểm lên đường để tham gia vào quá trình trao đổi tri thức và văn hóa diễn ra tại các thành phố dọc theo tuyến đường này. Những kiến thức về khoa học, công nghệ hay ngay cả bí quyết sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của từng vùng đã được chia sẻ, và bằng cách này, ngôn ngữ, nghệ thuật, văn hóa và tôn giáo cũng dần phát triển và ảnh hưởng lẫn nhau. Theo Con đường tơ lụa, các kỹ thuật sản xuất tiên tiến của nước ngoài như kỹ thuật làm giấy, in ấn, sản xuất len dạ, chế biến rượu, kỹ thuật canh tác cùng nhiều lĩnh vực học thuật khác như thiên văn học, lịch học, chiêm tinh học từ Ấn Độ, chữ số Ả Rập và phép tính thập phân cũng vào Trung Quốc rồi từ đấy lại tỏa đi các quốc gia khác... Ví như trong nghệ thuật âm nhạc, vũ khúc mang âm hưởng Tây Vực cũng được người dân rất ưa chuộng, có những thời kỳ âm nhạc Tây Vực trở nên hết sức thịnh hành trong các buổi tiệc tùng của quan lại và vua chúa phong kiến ở Trung Quốc. Ngày nay đó vẫn là một trong những di sản văn hóa quý báu của nền văn minh Hoa Hạ. https://thuviensach.vn Nói về vấn đề tôn giáo trên Con đường tơ lụa. Theo đó, các tuyến đường cũng là cầu nối trong việc phổ biến tôn giáo trên khắp lục địa Á Âu. Tôi cho rằng Phật giáo là một ví dụ điển hình. Các tác phẩm nghệ thuật khắc họa đậm nét Phật giáo và những ngôi chùa, đền thờ được tìm thấy ở những nơi cách nhau rất xa như Bamiyan ở Afghanistan, núi Wutai ở Trung Quốc, và Borobudur ở Indonesia. Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Hỏa giáo cũng đã lan truyền theo dòng chảy lịch sử của con đường. Về sau này, Ấn Độ giáo và Hồi giáo còn được du nhập vào Indonesia và Malaysia do các thương gia đến từ Ấn Độ và Ả Rập trên Con đường tơ lụa trên biển. Có một điều đặc biệt, Phật giáo sau khi từ cái nôi của văn minh Ấn Độ, qua Con đường tơ lụa truyền vào Trung Hoa, ngay lập tức đã trở thành một sản phẩm tinh thần mang đậm màu sắc của nền văn hóa Hán. Người Trung Quốc với tư duy tôn giáo rộng mở đã nhanh chóng đón nhận học thuyết về cái Khổ của Đức Thích Ca Mâu Ni từ đó sáng tạo phát triển thành rất nhiều tông phái và giáo phái khác nhau. Tinh thần Trung Hoa đã thổi vào tôn giáo này một luồng sinh khí mới làm cho Phật giáo trở nên đầy sức hấp dẫn và có một sức sống lạ kỳ, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, vẫn là tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất ở khu vực châu Á. Mặc dù sản sinh từ Ấn Độ, nhưng chính Trung Quốc mới là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng Phật giáo và cùng với đó là cả một sự huy hoàng trong nghệ thuật kiến trúc đền chùa, hang động, điêu khắc, tạc tượng... mà các di tích đồ sộ ấy vẫn còn rải rác ở khu vực Tân Cương ngày nay. Tôi khá băn khoăn về hành trình khám phá Con đường tơ lụa của mình vì lượng thông tin quá ít ỏi. Không khéo tôi có thể lạc bước đâu đó nơi thâm sơn cùng cốc trên dãy Pamir chót vót vì không tìm được phương tiện di chuyển phù hợp. Thông tin đường đi nước bước chủ yếu ở Trung Á, có chăng chỉ có một vài quyển sách tư vấn du lịch cho cung đường này nhưng cũng quá hiếm hoi. Lonely Planet1 thì gộp thông tin du lịch cho bảy quốc gia Trung Á lại trong một cuốn duy nhất. Điều này cũng nói lên nhu cầu của các lữ khách đến vùng này cực kỳ thưa thớt. Ngày đi đã gần kề, nhưng thông tin về Con đường tơ lụa vẫn ít ỏi như lá mùa thu, có lẽ những gì còn lại bây giờ chỉ là những dấu vết mờ ảo mà tôi phải tự mày mò. Thôi đành vậy. Phía trước mỗi hành trình dài luôn là những con đường thênh thang, rộng lớn và nhiều cơ hội ở các ngã rẽ kia mà! 1. Một trong những nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới. https://thuviensach.vn Chương 3. Kuwait vàng son Khắc Anh, cô học trò cũ đang làm việc ở sân bay Dubai cho lời khuyên khi biết tôi có ý định đặt chân đến Kuwait. “Thầy đừng đi, đất nước Kuwait nhỏ xíu à thầy, không có gì tham quan hết nếu so với Dubai hay Doha. Chi phí sinh hoạt ở đó thì đắt đỏ như mấy nước Bắc Âu. Thầy đi vào lúc tháng lễ Ramadan2 nên phải nhịn ăn vào ban ngày vất vả lắm. Em đã từng qua đó vào tháng trước nhưng nỗi thất vọng lớn nhất là người dân ở đây không thân thiện. Ngay cả khi em tiếp xúc và làm việc với những người Kuwait ở đây thì thường họ tỏ ra rất trịch thượng, cái gì cũng muốn được phục vụ ưu tiên!” - cô nàng nhắn tin cho tôi qua facebook như thế. Khi đó, tôi cũng nghi ngờ ít nhiều về những điều phàn nàn từ Khắc Anh. Tôi chỉ nghĩ đơn giản: Kuwait là quốc gia một thời có chiến tranh với Iraq, họ được các nước trên thế giới ủng hộ như một nước yếu dưới sự đe dọa của một nước lớn thì hà cớ gì họ lại hành xử như vậy. Họ đã quên thế giới coi họ là nạn nhân và chịu nhiều thiệt hại nếu không có sự can thiệp của Mỹ ở vùng Vịnh hay sao? Hay những luật lệ Hồi giáo khắt khe khiến người Kuwait tỏ ra khó gần chăng? Đất nước của NGƯỜI lao động nhập cư Chiếc máy bay Cebu Pacific có đến hai phần ba là người Philippines qua Kuwait để làm việc. Không những ở sân bay Kuwait tràn ngập lao động từ Philippines mà tôi chứng kiến họ còn áp đảo ở các sân bay Trung Đông khác như Doha, Dubai hay từng tốp đông lên đến hàng trăm người chờ làm thủ tục ở sân bay Kuala Lumpur. Họ đi từng nhóm, khá trật tự theo các công ty xuất khẩu lao động được phân biệt qua màu áo đồng phục khác nhau. Rõ ràng Philippines đang chuyên nghiệp hóa trong thị trường lao động nhập cư. Trên đấu trường cạnh tranh này, công nhân Philippines có lợi thế là họ nói tiếng Anh tốt, được đào tạo bài bản hơn công nhân từ các nước như Bangladesh, Srilanka, Indonesia, Trung Quốc và kể cả Việt Nam. Người Philippines còn có tiếng là hiền lành, ít xảy ra các cuộc đánh đấm, nhậu nhẹt hay quấy rối ở nước ngoài. Có cả một bộ máy hành chính xung quanh họ. Bộ phận quản lý việc làm ở nước ngoài của Philippines giúp tìm kiếm việc làm ở các nước khác, khuyến khích họ đi xuất khẩu lao động. Rodrigo, anh bạn trẻ ngồi kề bên tôi trong chuyến bay nói rằng: “Ở Philippines có rất nhiều công ty xuất khẩu lao động uy tín, có giấy phép hẳn hoi. Họ tiến hành tập huấn, đào tạo nghề cho công nhân trước khi lên đường làm việc. Họ trích phần trăm tiền lương trong những tháng đầu của chúng tôi để huấn luyện cho thành thục. Cụ thể sáu tháng cho vũ công, bốn tháng cho thuyền viên, hai đến ba tuần cho người giúp việc hay chính tôi đã học kỹ thuật điện trong ba tháng trước https://thuviensach.vn khi lên đường.” Còn nhớ có lần tôi tham dự một buổi hội thảo với nội dung đề cập đến những thách thức của thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam so với một số quốc gia Đông Nam Á thì ngoài việc đào tạo những kỹ năng cho người lao động đã nói ở trên còn có nguyên nhân ở tầm vĩ mô khác. Trong hội nghị, một số ý kiến tham luận từ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho rằng chính phủ Philippines đã hỗ trợ và định hướng cho người lao động khi có nhu cầu làm việc ở nước ngoài. Các trung tâm phát triển kỹ năng và giáo dục kỹ thuật thường mở các lớp đào tạo miễn phí về gò hàn, lái xe tải hạng nặng, giúp việc gia đình, ngoại ngữ và các kỹ năng khác. Ngoài ra, họ còn đẩy mạnh việc quảng bá cho người lao động bằng cách đặt quan hệ ngoại giao khắp thế giới để giới thiệu và chăm lo cho các công nhân ở nước ngoài. Những người đem hoặc gửi tiền về nước chẳng những không phải trả thuế thu nhập mà còn được cung cấp những thiết bị và dụng cụ giá rẻ giúp họ sản xuất hay kinh doanh quy mô nhỏ. Với mức độ khuyến khích đó, ngành công nghiệp đã phát triển để kết nối công nhân với việc làm và cạnh tranh với thị trường lao động các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam. Quả thật sân bay ở Kuwait không hoành tráng, lộng lẫy như Doha hay Dubai, nhưng mức sống của người dân lại rất cao. Là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới, nền kinh tế Kuwait phụ thuộc chủ yếu vào ngành công nghiệp này. Tài nguyên dầu mỏ đã biến Kuwait thành một trong những nước giàu có nhất trên bán đảo Ả Rập và là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất vùng Vịnh từ những năm 50 của thế kỷ trước. Sự lớn mạnh về kinh tế dẫn đến việc thu hút ngày càng nhiều lao động nhập cư và người nước ngoài, chủ yếu thuộc các nước đang phát triển ở châu Á. Nhu cầu thuê lao động nước ngoài đặc biệt là lao động chân tay, nặng nhọc ngoài trời, giúp việc nhà hay công nhân điện như anh chàng Rodrigo là rất lớn. Hiện nay, trung bình cứ một người dân Kuwait bản xứ cần đến ba lao động làm thuê nước ngoài. Kể cả giới văn phòng trong các công ty hàng không cũng được thuê bằng người nước ngoài để chi phí trả lương sẽ giảm hơn phần nửa khi sử dụng nhân lực cùng trình độ trong nước. Người dân Kuwait hầu như không trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chủ yếu làm công chức nhà nước hoặc làm việc trong các tổ chức xã hội hay tôn giáo. Họ tham gia gián tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua Luật Bảo trợ của Kuwait. Tỷ dụ, người nước ngoài muốn sản xuất, kinh doanh trên đất Kuwait đều phải thông qua một hợp đồng với một người có quốc tịch Kuwait có đăng ký sản xuất, kinh doanh. Pháp nhân Kuwait này đứng tên trước pháp luật Kuwait để thương nhân nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh theo một tỷ lệ hoa hồng thỏa thuận giữa đôi bên. Người chủ pháp nhân Kuwait có thể không cần quan tâm đến việc sản xuất, kinh doanh, thuê mướn lao động nước ngoài… Họ sẽ đứng ngoài cuộc nếu như doanh nghiệp nước ngoài do họ bảo trợ trả lệ phí hoa hồng đầy đủ, đúng hạn. Và trường hợp doanh nghiệp tuyển dụng Rodrigo https://thuviensach.vn tôi nghĩ cũng thế. Một lao động nhập cư ở Kuwait Câu chuyện của anh chàng Philippines 24 tuổi Rodrigo cũng không khác gì những câu chuyện của hàng triệu người Việt Nam đang sống nơi đất khách. Tôi nhớ đến những trường hợp tương tự khi bắt gặp trên hành trình khám phá của mình trước đây. Những gia đình người Việt sống lênh đênh trên biển Hồ ở Xiêm Riệp3, một gia đình trí thức khác di cư trước năm 1975 sống ở Quận 13 của Paris hoa lệ kinh doanh món Phở Việt làm say đắm thực khách khắp nơi hay một bạn du học sinh trẻ tranh thủ thời gian cuối tuần làm móng ở Maryland để trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Mỹ, ngay cả cô học trò Khắc Anh của tôi cũng phải xa quê để làm việc cho một hãng hàng không nước ngoài với mức lương lên đến hơn 1.200 đô-la một tháng, số tiền không dễ gì kiếm được khi còn ở Việt Nam. Rất nhiều hoàn cảnh người Việt xa xứ xuất phát từ những nguyên nhân và mục đích khác nhau nhưng điểm chung cũng vì cuộc sống cơm áo gạo tiền, họ phải tạm https://thuviensach.vn xa quê hương để mưu sinh, cầu thực mà trong lòng lúc nào cũng quay quắt nơi chôn nhau cắt rốn. Và hành trình tôi cất bước hôm nay cũng thuộc hành trình của cuộc mưu sinh vĩ đại cách đây ngàn năm đến những miền đất hứa. Nhịn ăn trong tháng lễ Ramadan Tôi nhanh chóng bước vào khu vực dành cho khách du lịch xin visa tại cửa khẩu. Từ đầu năm 2015, Kuwait đã cho phép công dân Việt Nam mua visa tại sân bay với giá ba Kuwaiti dinar4 cho một lần nhập cảnh với thời gian lưu trú ba tháng. Một số khách du lịch chủ yếu là khách phương Tây cũng tập trung ở khu vực này để làm thủ tục. Nếu không có chuyện xin visa tại cửa khẩu thì tôi quên mất câu chuyện thiếu thân thiện của người Kuwait như lời Khắc Anh nói. Số là, khi đến sân bay vào thời điểm ăn trưa, tôi chìa cho nhân viên ở đây quyển hộ chiếu và một số giấy tờ cần thiết để làm thủ tục mua visa nhập cảnh. Anh chàng thấp béo, khuôn mặt đậm chất Trung Đông hỏi tôi là người nước nào mà không thèm nhìn đến quyển hộ chiếu trước mặt. Tôi nói mình đến từ Việt Nam và được phép mua visa tại cửa khẩu. Anh chàng chất vấn lại là ai bảo tôi là người Việt Nam thì được quyền mua visa tại đây, thông tin đó tôi lấy ở đâu. Tôi cũng hơi bối rối về câu hỏi này vì thông tin trên mạng bảo thế và một số người bạn tôi gần đây từng quá cảnh ở Kuwait cũng cho tôi biết về việc người Việt được mua visa tại cửa khẩu. Tôi bình tĩnh đưa mắt quanh và thấy ngay trước quầy có đặt một tờ giấy liệt kê danh sách các quốc gia được phép làm thủ tục mua visa tại cửa khẩu do chính họ phát hành. Tôi nhanh trí chỉ ngay cho anh chàng là thông tin sờ sờ trước mắt anh đấy. Anh chàng chẳng thèm đoái hoài mà vẫn nhồm nhoàm miếng bánh biscuit. Tôi đỏ mặt tía tai trước thái độ làm việc thiếu thân thiện này. Chắc chắn anh chàng không phải là dân nhập cư, anh ta là người Kuwait hẳn hoi. Như vậy cô học trò Khắc Anh đã nói đúng. Kiểu cách làm việc thiếu tôn trọng, trịch thượng giống như lối nhà giàu thì không cần khách. Quả nếu như không có tấm vé rẻ bèo ba đô-la từ Manila do giá dầu gần như chạm đáy thì có thể tôi đã không chọn Kuwait là nơi xuất phát cho chuyến đi để đời của mình. Oái, mà cũng lạ, sao anh ta lại được phép ăn vào ban ngày nhỉ, khi đang là những ngày đầu của tháng Ramadan ở xứ Hồi giáo này. Tôi nghĩ hay quốc gia này luật lệ không nghiêm? Sau đó, tôi có nhắn tin thắc mắc với Khắc Anh qua facebook thì cô trò bảo: “Thầy ơi, giới trẻ nhà giàu Kuwait vào tháng Ramadan thì họ ra nước ngoài để ăn chơi vì trong nước luật lệ Hồi giáo rất nghiêm. Họ thường đến Dubai để hưởng thụ, thậm chí đi bar, uống rượu, nhảy đầm thâu đêm suốt sáng. Còn những người Kuwait ở trong nước nếu muốn ăn thì cũng phải rất kín đáo. Anh chàng ở sân bay làm việc theo cách khinh khỉnh ấy là vì họ biết luật và né luật, còn khách du lịch như thầy thì phải thật chú ý nếu không muốn bị cảnh sát phạt vì vi phạm luật lễ Ramadan nhé!” Một Kuwait bắt đầu lạ lùng đối với tôi… https://thuviensach.vn Thời tiết Kuwait khá oi bức khi nhiệt kế trên chiếc điện thoại luôn hiển thị dao động ở những con số 44 đến 45 độ C. Một kiểu thời tiết hãi hùng hơn nhiều so với mảnh đất miền Trung của Việt Nam khi bị cơn gió Lào hoành hành vào những tháng hè. Xuống sân bay tầm hai giờ chiều, thời điểm nóng rát nhất trong ngày, kiểu thời tiết sa mạc ngột ngạt ở Trung Đông dường như đã hút hết năng lượng của tôi sau một chuyến bay dài mệt mỏi. Kuwait là một trong những đất nước có diện tích nhỏ nhất trên thế giới với toàn bộ lãnh thổ nằm trọn trong sa mạc Ả Rập và phần phía đông giáp với vịnh Ba Tư. Cái nóng của sa mạc cùng với những cơn gió từ biển thổi vào đất liền làm cho người lạ không quen với kiểu thời tiết khắc nghiệt này dễ bị kiệt sức vì say nắng. Buổi chiều đầu tiên tôi trốn nóng trong một khách sạn ba sao sát biển mà không có sự lựa chọn nào khác. Anh chàng Babu người Ấn đang giới thiệu về thành phố Kuwait. Tôi quen với Babu, anh chàng tài xế taxi người Ấn Độ đưa tôi từ sân bay về khách sạn, và hẹn anh ta hôm sau đến đón tôi tham quan một số nơi ở Kuwait. Thành phố vẫn trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của cảnh sát khi cách đó hai hôm, thánh đường Hồi giáo Imam Al-Sadeq ở trung tâm thủ đô vừa bị nhóm khủng bố IS tấn công làm 27 người thiệt mạng và ít nhất 227 dân thường bị thương. Một con số thiệt hại khủng khiếp cho quốc gia Trung Đông ít dân này. Một số khu vực thành phố vẫn bị lệnh phong tỏa nên tôi quyết định không lang thang một mình như thường lệ. Babu cũng là một lao động nhập cư, có vợ và hai con. Anh chàng đã làm việc ở Kuwait được bốn năm và vợ con vẫn còn ở quê nhà. https://thuviensach.vn Khu thánh đường Hồi giáo Imam Al-Sadeq vẫn còn niêm phong của cảnh sát sau hai ngày bị tấn công khủng bố. Tôi vẫn còn ấm ức chuyện ăn uống của anh chàng Kuwait hôm qua và hỏi Babu rằng anh ta hay tôi có phải thực hiện luật lệ của Ramadan không? Anh ta cười xòa và giải thích như có phần động viên tôi: - Giờ là tháng Ramadan nên không được ăn uống vào ban ngày đâu anh bạn. Anh có thể ăn uống trong phòng và đừng để cho người khác thấy. - Thế anh cũng theo đạo Hồi à? – Tôi thắc mắc hỏi. https://thuviensach.vn - Không, tôi đạo Hindu nhưng cũng phải tuân thủ theo quy định đạo Hồi ở đây, nhập gia tùy tục mà! – Babu giải thích. Thế đã rõ, tôi phải theo Babu cho lành nhưng đầu óc vẫn luôn nghĩ ngợi những điều không nghiêm ở một số bộ phận người Kuwait không theo những lời răn trong kinh thánh đạo Hồi. Trước khi lên đường tôi cũng đã tìm hiểu về tháng Ramadan của người Hồi giáo. Đây là tháng thứ chín trong lịch âm Ả Rập, so với dương lịch thì ngắn hơn 11 ngày. Vì thế mặc dù tháng Ramadan luôn cố định theo lịch của họ nhưng so với dương lịch sẽ thay đổi theo từng năm. Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc những quy định như không để bất cứ thứ gì vào miệng như không ăn, không uống, không hút thuốc và cả không quan hệ tình dục vào ban ngày, cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Việc nhịn ăn trong tháng lễ Ramadan, theo người Hồi giáo, nhằm giúp người theo đạo cảm thông với những người nghèo đói hoặc những tín đồ đồng đạo khác. Tìm hiểu về triết lý Hồi giáo thì tôi được biết thêm rằng hầu hết các tín đồ tin tưởng hành động nhịn ăn nhằm luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, để thuận lợi cho việc lên thiên đàng sau này. Một thánh đường Hồi giáo sáng đèn trong tháng lễ Ramadan. Các nước Ả Rập đa phần nằm trên những vùng sa mạc rộng lớn có thời tiết nóng và khô nhưng suốt những giờ ban ngày họ không được động đến một giọt nước nào. Đây đúng là một sự rèn luyện ý chí kiên cường cho những tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Người Hồi giáo cũng thực hiện nghiêm túc những quy định này bởi tháng Ramadan là điều thứ tư trong năm tín điều bắt buộc của người Hồi: một là tuyên đọc câu Kalimah Sahadah; hai là thực hiện lễ nguyện Salah tức là cầu nguyện một ngày năm lần vào các buổi bình minh, buổi trưa, buổi xế trưa, buổi chiều https://thuviensach.vn và buổi tối; ba là bố thí; bốn là thực hiện tháng Ramadan; và điều cuối cùng là hành hương về thánh địa Mecca. Tôi đến Kuwait vào lúc tháng Ramadan bước vào những ngày cuối của mức độ một, tức là từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 10 hay những ngày God’s Mercy tức ngày cầu nguyện để nhận được sự nhân từ của Allah. Từ ngày thứ 11 đến 20 là những ngày God’s Forgiveness được hiểu là ngày xóa tội của Allah. Từ ngày thứ 20 đến 30 của Ramadan là Salvation from Hellfire được coi là những ngày cầu nguyện để tránh phải xuống địa ngục. Như vậy, theo lịch trình, có thể tôi sẽ có trọn vẹn tháng Ramadan ở Iran, Turkmenistan và Uzbekistan của người Hồi giáo, một trải nghiệm “đau khổ” cho những người ngoại đạo như tôi. Ba ngọn tháp biểu tượng của một Kuwait vàng son. Babu lái xe theo hướng đại lộ chính tiến ra khu vực trung tâm thành phố. Các công trình kiến trúc cao tầng dần xuất hiện trong lớp bụi mờ ảo từ sa mạc. Phố xá thênh thang rộng rãi. Hai bên đường là những lối đi dành cho người đi bộ được trồng hàng cây chà là thẳng tắp. Loài cây biểu tượng của các nước Ả Rập này không có nhiều tán lá để làm dịu bớt thời tiết oi bức ở Trung Đông, nhưng lại là loại cây thích hợp cho thổ nhưỡng sa mạc khô cằn. Sau bốn đến năm năm thì cây cho quả, thứ quả ngọt gắt, dẻo dẻo, bùi bùi như mứt được xem là thứ thực phẩm khoái khẩu không thể thiếu được ở các chợ gia vị xứ Ả Rập. Babu chỉ cho tôi ba ngọn tháp cao được xem là biểu tượng của Kuwait. Thì ra đây là công trình tòa tháp Kuwait nổi tiếng được giới thiệu trên quyển tạp chí của hãng Cebu Pacific mà tôi vừa xem qua vào ngày hôm trước. Tòa tháp lớn nhất cao tới 187 mét gồm hai quả cầu nằm xếp chồng lên nhau. Quả cầu phía trên, nhỏ hơn, là một nhà hàng tự phục vụ. Từ nơi này, cứ mỗi nửa giờ, khách tham quan có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Kuwait và vịnh Ba Tư. Quả cầu thứ hai phía dưới lớn hơn gồm bán cầu trên là ba nhà hàng và bán cầu dưới là bồn chứa 3.785.411,78 lít nước. Tòa tháp thứ hai là một quả cầu cũng chứa lượng dung tích nước tương tự như quả cầu của tòa tháp một được dùng để phục vụ cho thủ đô. Tòa tháp thứ ba là tòa tháp điện lực, giúp rọi sáng hai tòa tháp kia và lắp đặt thêm hệ thống https://thuviensach.vn đèn pha bao quanh chân tháp. Babu bảo tôi nên trở lại khám phá tháp Kuwait vào ban đêm vì ba ngọn tháp sẽ được trang trí lung linh bằng hiệu ứng ánh sáng hiện đại nhiều màu sắc và xem người dân Kuwait vui chơi giải trí như thế nào vào những buổi tối. Babu lý giải rằng xã hội Kuwait ngày càng hiện đại, các trò chơi dân gian biến mất thay thế bằng các phương tiện giải trí hiện đại hơn. Khi hoàng hôn xuống, bên cạnh tháp Kuwait là những nhà hàng sang trọng sáng rực những biển hiệu nhiều màu của các loại đèn neon và khu vực công cộng được chính phủ đầu tư cho người dân vui chơi miễn phí, trong đó phần lớn là những lao động nhập cư như Babu. – Anh ở Kuwait bao lâu? – Babu hỏi tôi. – Mai tôi sẽ bay qua Iran – Tôi đáp. – Sao anh đi gấp vậy? Kuwait không tốt à? – Babu hỏi dồn. Tôi hơi lúng túng vì câu hỏi của anh chàng người Ấn. Thật sự, Kuwait cũng không có quá nhiều điều cho tôi lưu luyến vì tuy có khác Việt Nam nhưng đường phố, kiến trúc và cả văn hóa Hồi thì tôi không còn xa lạ có chăng là cuộc sống của những người di cư buồn bã như Babu hay Rodrigo. Nhưng tôi cũng cố trả lời anh ta theo kiểu xã giao. – Không, vì kế hoạch của tôi chủ yếu là tham quan Iran. Babu nhăn trán có vẻ như thất vọng vì chuyến cưỡi ngựa xem hoa của tôi ở Kuwait. Có thể anh chàng nghĩ rằng nhiều khách du lịch đến đây và ở lâu hơn sẽ giúp anh ta có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người. Thấy Babu im lặng nên tôi chủ động bắt chuyện: – Thế Kuwait có gì hay không Babu hay chỉ phố xá thế này? – Kuwait rất đắt đỏ nếu vui chơi ăn uống trong các nhà hàng đặc sản. Nếu anh muốn tham dự lễ hội thì hai ngày nữa là đến lễ Al-Qarqiaan. Lễ hội sẽ diễn ra ba ngày, đó là vào những đêm thứ mười ba, mười bốn và mười lăm của tháng Ramadan. Anh sẽ thấy rất nhiều trẻ em đi lang thang quanh các khu phố. Chúng sẽ hát vang và cầu nguyện Đấng tối cao Allah hãy bảo vệ trẻ em trong những khu nhà mà chúng ghé thăm. Các bà mẹ sẽ cho chúng kẹo và các loại hạt để thay lời cảm ơn trước sự chúc phúc của chúng. Nếu như các con tôi ở đây, chắc chắn chúng sẽ thích lễ hội này! – Babu chùng giọng ở câu cuối làm tôi cũng chạnh lòng. Một mảnh đời mưu sinh khốn khó giữa phố xá vàng son ở Kuwait. Xa xa, ẩn hiện một công trình kiến trúc với chiều cao nổi bật trong rừng các tòa nhà chọc trời ở thủ đô Kuwait. Tòa tháp ốp kính vàng màu đồng như quyển sách được uốn cong hé lộ những mảng tường trắng được thiết kế hoa văn rất độc đáo. Kiến trúc làm tôi gợi nhớ đến quyển kinh https://thuviensach.vn Koran của người Hồi giáo. Khi mới hoàn thành, đây là tòa tháp cao nhất Kuwait và được xem là công trình cao thứ 15 trên thế giới. Không còn bàn cãi khi tài nguyên dầu hỏa dồi dào đã làm cho các nước ở Trung Đông mạnh dạn trong việc chinh phục độ cao bằng các tòa nhà hiện đại. Còn nhớ tòa nhà Taipei 101 ở Đài Loan cao 509 mét khi khánh thành là tòa nhà cao nhất thế giới chưa được bao lâu thì đã nhường lại vị trí này cho tòa tháp Buji Khalifa ở Dubai cao 828 mét. Cuộc chiến độ cao chắc chắn sẽ không dừng lại khi những dự án tòa nhà chọc trời trên thế giới vẫn đang tiếp tục triển khai, chủ yếu là sự cạnh tranh tầm cao của Trung Quốc và các quốc gia dầu mỏ ở Trung Đông. Kuwait giờ đây là những con phố khang trang, những tòa tháp cao tầng hiện đại, những chiếc xe ô tô thể thao mui trần bóng lộn xuất hiện trên phố ngày càng nhiều. Nhưng tôi lại thương cảm đến số phận của những người nhập cư, đồng cảm với những tập tục tôn giáo truyền thống dường như chỉ là lớp son phấn bề ngoài. Đằng sau sự hào nhoáng của phố xá, sự khắt khe của luật lệ còn cho thấy một đất nước Trung Đông đang dần thay đổi về mọi mặt, giống như một nước Nhật đã chấp nhận hy sinh một phần bản sắc truyền thống để đổi lấy sự phát triển về kinh tế sau Thế chiến II. Nhưng người Nhật lại đi lên từ sự hoang tàn, không có tài nguyên, thiên tai luôn rình rập chỉ có tinh thần bền bỉ, sự chịu khó và đồng lòng là thứ vũ khí siêu hạng cho nước Nhật vươn lên về kinh tế. Còn Kuwait thì dường như được Thượng Đế ưu đãi hơn nhiều khi vùng đất từng là nền văn minh Lưỡng Hà lại sở hữu kho báu vàng đen khổng lồ mặc sức mà khai thác và hưởng thụ. Từng cơn gió biển càng lúc càng nhặt hơn như thử sức chịu đựng của lữ khách. Tôi chủ động nhờ Babu thả tôi xuống một trung tâm thương mại nào đó để trốn cái nóng ngày càng rát bỏng. Tôi tìm một góc khuất để lấy chai nước lọc 500ml rồi uống trong tích tắc, uống như chưa bao giờ được uống. Bỗng thấy mình như vừa thoát khỏi sa mạc mênh mông cát và tìm được một ốc đảo xanh rờn. Tôi lại nhớ đến hành trình năm xưa của những đoàn người nhẫn nại. Họ di chuyển hàng tháng trời băng qua các sa mạc khô cằn để đến những vùng đất mới cho quá trình sinh nhai của mình. Con đường tơ lụa có lẽ là cuộc mưu sinh vất vả nhất của người xưa trong quá trình làm giàu và vươn lên trong cuộc sống. Bỡ ngỡ Kuwait Kuwait là một quốc gia Trung Đông có diện tích thuộc hàng nhỏ nhất trên thế giới. Tên nước trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “Pháo đài được xây dựng gần nước.” Đất nước nằm bên bờ vịnh Ba Tư thuộc phạm vi của nền văn minh Lưỡng Hà vang dội trong quá khứ. Chính vì thế, Kuwait được biết đến là một đất nước giàu có không chỉ nhờ vào trữ lượng vàng đen mà còn vì chứa đựng những yếu tố văn hóa truyền thống cổ xưa. Kuwait luôn gìn giữ mối liên kết chặt chẽ với https://thuviensach.vn quá khứ và chính phủ nước này rất tự hào vì đã bảo tồn được các di tích lịch sử song song với việc gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật và văn hóa hiện đại. Đằng sau những kiến trúc hào nhoáng ở Kuwait là cả một bề dày văn hóa được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nền văn hóa Kuwait bao gồm nhiều hình thức nghệ thuật và diễn đạt khác nhau. Một nét nổi bật tượng trưng cho các xu hướng sáng tạo của Kuwait chính là hệ thống kiến trúc đa dạng, có thể thấy ở khắp nơi tại Kuwait, từ trung tâm thành phố với các tòa lâu đài hướng biển và các tòa nhà văn phòng của chính phủ cho đến những khu vực ngoại ô. Nét đặc trưng của kiến trúc nơi này thể hiện hầu hết mọi mặt trong đời sống văn hóa của Kuwait: đó là sự pha trộn giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa khiêm nhường và khoa trương. 1. Visa Việt Nam cùng công dân của 33 quốc gia/vùng lãnh thổ như: Ai-len, Andorra, Áo, Ba Lan, Bỉ, Brunei, Bồ Đào Nha, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Hy Lạp, Iceland, Luxembourg, Malaysia, Monaco, Na Uy, New Zealand, Nhật Bản, Pháp, Phần Lan, San Marino, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Úc, Vương Quốc Anh, Vatican và Ý đủ điều kiện được cấp visa tại các cửa khẩu bằng đường hàng không và đường bộ. Với lệ phí ba Kuwaiti dinar bạn sẽ được cấp visa du lịch trong ba tháng cho một lần nhập cảnh. Nếu lưu trú quá thời hạn, khi làm thủ tục xuất cảnh bạn sẽ bị phạt hai Kuwaiti dinar mỗi ngày. 2. Phương tiện di chuyển Từ Việt Nam, hiện tại chưa có đường bay trực tiếp đến Kuwait. Bạn có thể tìm vé máy bay nối tuyến sang các nước Đông Nam Á khác trước khi đến Kuwait. Một số hãng hàng không ở Đông Nam Á có đường bay đến Kuwait như: Cebu Pacific, Malaysia Airlines, Singapore Airlines, Thai Airways hoặc bạn có thể sử dụng một số hãng hàng không Trung Đông và châu Á khác như: Jet Airways, Etihad Airways, Qatar Airways, Emirates Airlines, Turkish Airlines hay hãng hàng không quốc gia Kuwait Airways cũng có một số đường bay tới châu Âu, châu Á, châu Phi, Trung Đông và các quốc gia Đông Nam Á. Nếu bạn cần một visa lúc đến sân bay, bạn không đi đến sảnh nhập cảnh ngay, mà phải tìm kiếm khu vực “cấp visa tại chỗ” đối diện với sảnh Dasman. 3. Khách sạn Vì mức sống khá cao nên ở Kuwait rất ít dịch vụ dành cho khách du lịch bụi. Khách sạn tiêu chuẩn ở đây đa phần từ ba sao trở lên. Bạn có thể giữ phòng qua một số trang web đặt phòng trực tuyến như Agoda.com hay Booking.com. Phòng ở khách sạn ba sao có giá thấp nhất là 50 đô-la https://thuviensach.vn Mỹ cho một đêm. Muốn đặt được giá này bạn phải giữ chỗ sớm. Đa phần các khách sạn tiêu chuẩn ba sao đều gần khu trung tâm, gần hệ thống xe điện ngầm đều cáo giá trung bình từ 70 đến 100 đô-la. Phòng ở được trang bị khá tiện nghi và sạch sẽ. Chăn, gối, ga gường đều được bọc ni lông tươm tất và thơm phức. Một số khách sạn trang bị máy giặt, bàn là, bếp nấu ăn giành cho khách. Nếu bạn đi vào tháng chay Ramadan thì khách sạn sẽ không cung cấp bữa ăn sáng cho khách. 4. Ẩm thực Nằm trong khu vực Trung Đông, văn hóa ẩm thực Kuwait bị ảnh hưởng bởi Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ và các món ăn vùng Địa Trung Hải. Món ăn truyền thống nổi tiếng của Kuwait là món cơm trộn machboos, một đặc sản được chế biến với thành phần chính là gạo masmati được nấu chín, ướp với các gia vị Trung Đông cùng thịt gà, thịt cừu, cá, trứng hay các loại rau. Vì là quốc gia Hồi giáo nên Kuwait cấm giết mổ, ăn uống, nhập khẩu, lưu thông, mua bán thịt heo; cấm các sản phẩm có nguồn gốc hoặc được chế biến từ thịt heo dù là lượng rất nhỏ; cấm đồ uống có cồn. Trong các buổi tiệc, nước hoa quả, nước ngọt được thay thế cho rượu bia. Tuy nhiên với lợi thế nằm trên vịnh Ba Tư, ẩm thực Kuwait rất xem trọng nguồn thực phẩm từ biển. Vì thế, hải sản, đặc biệt là cá, đóng vai trò rất quan trọng trong chế độ ăn uống của Kuwait. Khách du lịch nên thưởng thức loại cá đặc trưng của địa phương như hamour, safi hay sobaity thường được các nhà hàng chế biến bằng cách nướng, rán và ăn kèm với cơm biryani. Bánh mì tròn truyền thống của Kuwait được gọi là khubz. Đó là loại bánh mì dẹt được nướng trong những lò nướng đặc biệt. Người Kuwait rất thích dùng khubz chấm với nước mắm mahyawa trong các bữa ăn ở gia đình. Ngoài ra, ở Kuwait có rất nhiều món ăn châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Trung Hoa do các đầu bếp quốc tế chế biến. 5. Một số lưu ý khác về tôn giáo, văn hóa Kuwait tuân theo quy định của luật Hồi giáo Shariya và quy định Halal của Liên minh Hồi giáo thế giới. Những hành vi báng bổ, phỉ báng Thánh Allah, Tiên tri Muhammad, Kinh Koran của người Hồi giáo, hay phá hoại nhà thờ, nơi linh thiêng đều bị kết tội rất nặng. Cấm nhập khẩu các sản phẩm văn hóa trái với quy định của đạo Hồi như: văn hóa phẩm đồi trụy, văn hóa phẩm thuộc các tôn giáo khác, có nội dung chống lại thuần phong mỹ tục truyền thống đạo Hồi, các loại tượng Chúa, tượng Phật… https://thuviensach.vn Thời gian làm việc thông thường ở Kuwait bắt đầu từ 8 giờ sáng (trong tháng chay Ramadan có thể từ 9 giờ) kết thúc khoảng hai giờ chiều và bắt đầu ăn trưa (đây là bữa ăn chính). Thứ Sáu là ngày linh thiêng của đất nước này, cơ quan nhà nước và các công ty nghỉ làm việc. Thứ Bảy là ngày cuối tuần của Kuwait và mọi hoạt động của tuần mới sẽ bắt đầu vào Chủ Nhật. Trong tháng Ramadan, người Kuwait cũng thực hiện việc kiêng khem như tất cả người Hồi giáo trên thế giới. Trong thời gian này các cửa hàng ăn đều đóng cửa vào ban ngày, bất kỳ hoạt động sát sinh nào cũng bị cho là tội lỗi và không được phép thực hiện. Vào lúc hoàng hôn, các gia đình người Kuwait và bạn bè tụ tập nhau để mừng lễ Iftar cho việc kết thúc thời điểm ăn chay trong ngày. Các lễ hội thường kéo dài suốt đêm. Nhìn chung, trong thời gian lễ Ramadan, mọi hoạt động diễn ra chậm hơn bình thường. Người Kuwait không phải là không hiếu khách (sau khi tôi có dịp tiếp xúc nhiều người dân Kuwait hơn) tuy nhiên điều quan trọng là phải cư xử theo chuẩn mực văn hóa của họ. Trong xã hội Kuwait, phụ nữ đóng vai trò quan trọng hơn so với phụ nữ các quốc gia Hồi giáo khác, có nhiều người làm việc tại các cơ quan nhà nước hay các công ty. Đàn ông Kuwait giữ kín thông tin nữ giới trong gia đình, dòng tộc. Người ngoài không nên đặt câu hỏi về vợ và những người phụ nữ trong gia đình họ. 6. Các điểm tham quan Bạn có thể tham quan một số địa điểm nổi bật khi đến Kuwait như: tháp Kuwait, nhà thờ Hồi giáo (Grand Mosque), tháp Giải Phóng (Liberation Tower), tòa Tháp Al Hamra, cung điện Seif, bảo tàng quốc gia Kuwait, cung điện Bayan, chợ Mubarakeya, trung tâm trưng bày của Công ty dầu hỏa Kuwait (KOC)… để có thể chiêm ngưỡng một Kuwait vàng son. 2. Đây là tên gọi tháng thứ 9 của âm lịch Ả Rập. Tháng Ramadan theo dương lịch thay đổi từng năm, không có ngày thống nhất. Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc... nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng (kể cả không sinh hoạt tình dục), nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày – cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn mà thôi. 3. Một tỉnh thuộc tây bắc Campuchia. 4. Đồng Dinar, đơn vị tiền tệ của Kuwait https://thuviensach.vn Chương 4. Tâm hồn Ba Tư Hình ảnh đất nước Ba Tư huyền thoại luôn xuất hiện trong những giấc mơ đẹp đẽ của tôi từ thuở mới biết chạy chiếc xe đạp quanh quẩn trong xóm. Khi đó, nhà tôi có chiếc tivi 14 inch nhỏ xíu hoạt động nhờ vào chiếc bình ắc quy trên chiếc xe Daihatsu của ba tôi vì thời điểm đó điện thường xuyên bị cắt. Những lúc tối trời, những bộ phim hoạt hình về tấm thảm bay làm lũ con nít chúng tôi dán mắt vào màn hình không rời. Tôi ước một lần nào đó được bay trên tấm thảm thần của anh chàng Alađin ở xứ Ba Tư thần thoại. Lớn lên chút tôi mới biết cái xứ Ba Tư ngày xưa chính là Iran, một quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông mà thế giới nhắc đến như một lò thuốc súng với đầy rẫy thông tin về hạt nhân, chiến tranh, nạn phân biệt đối xử giới tính, hay khó nghe hơn là vấn đề về nhân quyền. Bây giờ, khi muốn lưu lạc về những vùng đất trên Con đường tơ lụa huyền thoại thì những thông tin về Iran lại mở ra cho tôi nhiều điều thú vị bất ngờ. Sự thú vị từ vùng đất Ba Tư được ẩn sâu vào những yếu tố văn hóa từ vật chất cho đến tinh thần. Tôi đã thử một việc mà từ trước đến nay không đời nào nghĩ tới vì luôn cho mình thuộc người theo chủ nghĩa vô thần, không mê tín là xem bói về chuyến đi của mình ngay trên vùng đất Ba Tư kỳ diệu. Và tôi đã nhận diện ra một tâm hồn Ba Tư rất đỗi thân thương… Iran có an toàn không? Một số bạn bè thân khi biết tôi đi Iran đều hỏi câu ấy. Thật sự rất khó trả lời vì tôi đã đặt chân đến Iran đâu mà biết. Nhưng qua thông tin từ những người đi trước và quá trình gửi e-mail cho các lữ khách đi trước qua Tripadvisor thì tôi hoàn toàn tự tin cho quyết định của mình. Từng lang thang nhiều nơi trên thế giới, quyết định đến đâu đó tôi cũng tìm hiểu thông tin cho thật kỹ nhất là các quốc gia được mệnh danh là bất ổn, khủng bố hay tình trạng an ninh xã hội kém. Khi đã có được những thông tin cần thiết từ các bạn đồng hành đã và đang ở đấy thì cứ thế mà lên đường. Phần còn lại do chính bản thân mình định đoạt. Tôi thường nghĩ, an toàn hay không phụ thuộc chính kỹ năng sống của mỗi người. Cho dù bạn đến một quốc gia có tiếng là ít tội phạm như New Zealand hay Thụy Sĩ thì bạn cũng sẽ không tránh khỏi những hiểm nguy nếu không tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Ví như mặc dù là trai tráng nhưng tôi luôn không đi quá khuya vào chỗ vắng người, không mang theo quá nhiều tiền mặt và sử dụng thẻ khi thanh toán, không bắt chuyện với những người lạ, phải có óc quan sát và đặt niềm tin vào trực quan của mình. Với những kinh nghiệm vặt ấy, tôi giảm thiểu tối đa những nguy hiểm mà người đi du lịch bụi thường gặp. Iran cũng không ngoại lệ. Một đất nước luôn tạo ra cho nhiều người niềm hoài https://thuviensach.vn nghi về nó. Nào là một quốc gia Hồi giáo với những luật lệ khắc nghiệt, nằm trong khu vực bất ổn nhất trên thế giới khi có đường biên giới giáp với Iraq, Afghanistan và Syria, hay luôn có sự hiềm khích với phương Tây trong chương trình vũ khí hạt nhân. Tóm lại Iran được nhắc như trung tâm của lò thuốc súng ở Trung Đông. Những tin tức truyền thông từ phương Tây, những phát biểu cứng rắn của những nhà cầm quyền Iran luôn tạo ra một khoảng cách nhất định giữa họ và phần còn lại của thế giới. Thật sự nhắc đến Iran, người Việt đều luôn e ngại đến sự an toàn. Mặc dù, Iran luôn chào đón khách du lịch trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nhưng thật sự đến giờ chưa có các công ty lữ hành nào tại Việt Nam mạnh dạn khai thác các sản phẩm du lịch đến Iran. Cũng dễ hiểu vì người Việt luôn đề cao tính an toàn khi đi du lịch. Một đất nước có quá nhiều “tai tiếng” không thể là sự lựa chọn cho du khách Việt ít nhất trong giai đoạn này. Sự “tai tiếng” này trước khi đi tôi cũng không nghĩ mình sẽ là người có một phần trách nhiệm. Khám phá qua nhiều quốc gia ở năm châu lục khác nhau nhưng sau khi tôi trở về từ hành trình Con đường tơ lụa thì tôi nghĩ mình cần phải có trách nhiệm giải oan cho sự “tai tiếng” ấy. Vì sao? Bởi chính người Iran đã cho tôi có một cảm nhận khác về cuộc sống, về văn hóa, về tôn giáo và về con người ít nhất những nơi tôi đã đi qua trên đất nước này. Hành trình trải nghiệm của tôi đã có ý nghĩa hơn rất nhiều và không cần đợi đến khi ghi lời kết cho quyển sách này tôi cũng có thể khẳng định “Iran là đất nước an toàn nhất mà tôi biết!” Hãy khoan vội tin cũng như phản bác khi bạn chưa đọc hết những ngày trải nghiệm tuyệt vời của tôi ở Iran ngay sau những con chữ này nhé. Những câu chuyện lượm lặt ở Tehran Câu chuyện thứ nhất: Đừng nghĩ chỉ có Singapore là sạch sẽ https://thuviensach.vn Đường phố Iran sạch sẽ, thoáng đãng. Đường phố Iran sạch tươm là điều tôi cảm nhận đầu tiên khi đến thủ đô Tehran. Hai bên đường được trồng rất nhiều cây xanh để lấy bóng mát ở xứ Trung Đông thừa thãi sa mạc này. Tôi từng có cảm tình với Singapore bởi đây là đất nước gần gũi Việt Nam mà ai cũng biết đến vì môi trường xanh sạch đẹp. Phúc lợi ở Singapore cũng được chính phủ quan tâm bằng việc cung cấp nước uống công cộng ở một số nơi trong thành phố. Tuy nhiên, điều “lạ lẫm” này còn được Iran thực hiện tốt hơn nhiều. Cũng nói thêm, việc chính quyền cung cấp nước miễn phí cho người dân là một trong những điều tôi không tưởng tượng về Iran trước khi lên đường. Thành phố mặc dù nhiều khói bụi do các phương tiện vận chuyển, hoặc bão cát từ sa mạc thổi vào nhưng đường sá vẫn rất sạch sẽ, thùng rác được trang bị khắp mọi nơi. Tôi để ý thấy cứ khoảng 50 mét là có một thùng rác công cộng và một máy nước nóng lạnh bằng inox để cung cấp cho người dân. Cánh tài xế taxi, khách vãng lai đi đường, những học sinh trong giờ tan tầm đều có thể sử dụng hệ thống nước máy tiện lợi này. Mùa đông người dân có thể sử dụng nước nóng, còn những ngày hè nóng ran thì các máy nước công cộng này sẽ cung cấp dòng nước mát lạnh cho họ. Quả thật, đây là một đất nước đáng ngưỡng mộ khi người dân được quan tâm từ những điều thiết yếu nhất. Câu chuyện thứ hai: Giá xăng dầu rẻ hơn nước lọc Iran là một trong số những quốc gia có trữ lượng dầu hỏa lớn thứ tư trên thế giới và nằm trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Điều này không có gì khó khăn để lý giải vì sao giá xăng dầu ở đây rẻ hơn nước lọc. Chi phí bình quân cho một lít xăng ở Iran khoảng 7.000 rial, tức khoảng 5.200 đồng Việt Nam, rẻ hơn giá chai nước khoáng một lít có thương hiệu được bày bán https://thuviensach.vn trong siêu thị Việt. Những ngày ở Tehran, tôi thường xuyên sử dụng các phương tiện công cộng kể cả taxi có chi phí rất rẻ để thăm thú các nơi trong thành phố. Vì giá xăng dầu rẻ nên cánh tài xế taxi chỉ đưa ra mức giá thương lượng với khách cho đoạn đường đi dựa vào công sức của họ chứ không lệ thuộc quá nhiều vào chi phí xăng dầu. Nhiều năm chịu lệnh trừng phạt của quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi, Iran đã chứng kiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu của nước này đang cạn kiệt. Tình hình ngân sách bi đát, chính phủ đã phải cắt giảm trợ cấp giá xăng dầu kể từ năm 2010. Tuy vậy, đến nay, Iran vẫn luôn là một trong mười quốc gia có giá cả xăng dầu rẻ nhất trên thế giới bởi các chương trình trợ giá cho người dân. Thu nhập trung bình 14 đô-la Mỹ cho một ngày trong đó người Iran mất khoảng 2,54% thu nhập hàng ngày để đổ một lít xăng. Câu chuyện thứ ba: Tehran đa sắc Như đã nói, tôi có dịp rảo quanh thủ đô bằng nhiều phương tiện giao thông công cộng khác nhau từ xe buýt, taxi, xe điện ngầm để ngắm phố xá hay đến sứ quán để hoàn tất thủ tục visa cho chặng đường tiếp theo ở Trung Á. Những chuyến đi từ khu Nam, nơi nhà nghỉ tôi tọa lạc, đến khu Bắc cho thấy Tehran là một thành phố được quy hoạch khá bài bản và phóng khoáng. Tehran không có những kiến trúc cao tầng hoành tráng mà mang dáng vẻ của một thành phố lao động bình dân. Thành phố thủ phủ này rộng lớn và đông dân nhất nước với 14 triệu người, chủ yếu là giới trẻ. Tôi có dịp trải nghiệm bằng xe buýt trên đại lộ Fali Qasr (trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979 được gọi là đại lộ Bahlawi theo tên của quốc vương Iran thời ấy), chạy suốt từ cực Nam đến cực Bắc thành phố. Người Tehran tự hào cho rằng đây là đường phố dài nhất cả vùng Trung Đông. https://thuviensach.vn Tehran như một đô thị bình dân với nhiều tòa nhà màu sữa trông cổ điển. Bắt đầu từ khu trung tâm mang dáng dấp rõ nét kiểu kiến trúc đô thị châu Âu cổ. Đó là những cao ốc màu sữa, tất cả đều có dạng hộp diêm. Đặc điểm kiến trúc này có nguồn gốc từ ảnh hưởng của đế quốc Anh thế kỷ XIX, khi NasruDeen Shah, một quan cai trị có tiếng của thời đại Gajari, đã đưa kiến trúc phương Tây xâm nhập vào Iran. Thành phố gây cho tôi cảm giác ngạc nhiên vì tính đa dạng mà mỗi khu vực lại mang một sắc thái riêng. Phía Bắc thành phố khác với phía Nam, cũng chẳng giống phía Đông và hoàn toàn khác biệt với phía Tây. Từ xa xưa, khu Nam đã là trung tâm thương mại của Tehran. Hiện nay, trong các chính sách mở rộng đô thị, khu Bắc đang cạnh tranh với khu Nam về vị trí trung tâm của hoạt động kinh doanh, thương mại và các dự án mới. Khu trung tâm tập trung các quảng trường, cơ quan bộ, bảo tàng, cao ốc văn phòng và khách sạn. Thế mạnh và bản sắc thật sự của Tehran thể hiện ở khu Nam và khu Bắc thành phố. Ở khu Nam Tehran có những viện bảo tàng danh giá nhất đất nước như Bảo tàng Quốc gia Iran, Bảo tàng Quốc gia về các báu vật và Dinh Jalsatan, một pháo đài được xây dựng từ thời đại Safawi, nhưng đến thời NasruDeen Shah đã biến thành một lâu đài theo kiểu kiến trúc phương Tây. Việc xây dựng này cũng tương tự với các trào lưu mở rộng đô thị của các thành phố đông dân ở châu Á, điển hình là khu bờ đông, bờ tây ngăn cách bởi con sông Hoàng Phố ở Thượng Hải hay chính sách mở rộng khu đô thị Thủ Thiêm để giảm áp lực khu trung tâm hiện hữu ở Sài Gòn. Một bến xe buýt công cộng với kiến trúc độc đáo ở khu Bắc thành phố. https://thuviensach.vn Chỉ với khoảng một giờ chạy xe từ phía Nam, qua trung tâm lên phía Bắc Tehran, tôi cảm thấy như mình đang đi qua những thành phố khác nhau ở Iran. Ở khu Bắc cũng tập trung các đại sứ quán nước ngoài nằm trong những khu phố với nhiều kiểu dinh thự biệt lập dưới những tán cây cổ thụ xum xuê. Khu Bắc cũng tập trung các trung tâm thương mại tràn ngập hàng hóa của châu Âu, châu Mỹ mà nghe nói vài ba chục năm trước vẫn là thôn quê vắng vẻ, nay trở thành những mảnh đất vàng đắt giá nhất thủ đô. Kề bên khu Bắc, dưới chân núi Al-Bourz là những quần thể du lịch xây dựng theo kiểu làng quê Thụy Sĩ. Nhiều tiệm ăn thanh lịch và những quán bar thơ mộng rải rác trên sườn núi. Các siêu thị ở đây bán đủ loại hàng hóa sang trọng, từ quần áo đến đồ điện, đồ trang trí nội thất cao cấp, kể cả những mặt hàng Ba Tư truyền thống. Cư dân của khu Bắc thủ đô là tầng lớp khoa học kỹ thuật Iran, các thương gia giàu có, các nhà kinh doanh tư nhân, kỹ sư tiếng tăm, bác sỹ tài ba, nhà văn nổi tiếng, các diễn viên điện ảnh giàu sụ… Họ thường có dịp sang châu Âu, châu Mỹ và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh để du lịch hay mua sắm những hàng hóa xa xỉ, đắt tiền. Tôi có dịp tản bộ để tìm đại sứ quán Uzbekistan tọa lạc tại khu vực này để phát hiện thêm một Tehran duyên dáng khác. Đó là hình ảnh các nữ sinh đến trường với khuôn mặt trang điểm kỹ lưỡng, trang phục hợp thời với quần jean, áo khoác lửng, những đôi giày bốt sang trọng, những cặp kính mát đắt tiền và khăn choàng đầu sặc sỡ. Tôi không thấy nhiều phụ nữ với trang phục chador truyền thống của người Hồi giáo Iran ở khu bắc thành phố này. Đúng là một thủ đô đa sắc trong một quốc gia kỳ diệu. https://thuviensach.vn Tháp truyền hình là biểu tượng của một Tehran hiện đại Câu chuyện thứ tư: Thành phố như những khu chợ trời Tuy không đông đúc, ngột ngạt như thủ đô Bangkok của Thái Lan hay Jakarta ở Indonesia, Tehran cũng có hơn hai triệu chiếc ô tô đang dần quá tải với hệ thống đường sá của thành phố trong những năm gần đây. Tôi thấy không khác Việt Nam là bao khi lái xe ở Tehran là một thử thách sinh tử vì các phương tiện giao thông cứ chạy lung tung, không xin đường, cũng không giảm tốc độ khi qua những giao lộ lớn hay trong các con hẻm nhỏ đông dân cư. Chỉ có khác là họ không bóp còi tán loạn khi lưu thông như ở xứ mình. Tôi đã từng hú vía khi phải tránh những https://thuviensach.vn thanh niên trẻ tuổi phóng bạt mạng trên chiếc xe gắn máy phân khối lớn lên tận lề đường dành cho người đi bộ đang tấp nập qua lại trên phố. Tai nạn giao thông ở Iran vào loại cao nhất thế giới như lời thừa nhận của anh tài xế lái taxi. Nguy cơ tai nạn tập trung cao ở Tehran, nhất là khu phía Bắc, bởi có nhiều đường dốc khúc khuỷu bao quanh các ngọn đồi. Tôi từng can thiệp vào cách điều khiển xe của tài xế khi chạy trên đường thì nhận được câu trả lời trơn tuột: “Đây là cách lái xe ở Iran. Chúng tôi quen như thế rồi.” Sau cách mạng Hồi giáo, chính quyền Tehran đã thực hiện thu phí những ô tô đi vào khu trung tâm thành phố. Hàng trăm đường mới đã được xây dựng trong nội ô, đường tàu điện ngầm cũng được đưa vào sử dụng từ hơn 10 năm trước với sức chở hơn nửa triệu lượt khách mỗi ngày, tuy nhiên chưa cải thiện được bao nhiêu tình trạng ách tắc giao thông nan giải ở thành phố đông dân cư này. Đa phần ô tô riêng ở Tehran có thể được dùng để chở khách lấy tiền mà không cần giấy phép hoặc một thủ tục đặc biệt nào. Buổi chiều hoặc ban đêm có thể thấy những xe hơi sang trọng của tư nhân được dùng làm taxi. Ở đây, việc này không vi phạm pháp luật, chủ xe không bị một ràng buộc nào và cũng không phải nộp thuế thu nhập dùng xe riêng làm taxi như lời tài xế giải thích cho mức giá hời khi khách di chuyển bằng các loại xe này. Giống như một số nước Hồi giáo Trung Đông khác, hệ thống xe buýt và xe điện ngầm ở Tehran thường chia hai khu vực riêng biệt cho đàn ông và phụ nữ. Tuy nhiên, phần lớn những nơi công cộng khác như rạp chiếu phim, quán giải khát, nhà hàng, đa phần các giảng đường đại học… đều không tách biệt nam nữ. Bazzar (chợ) là nét văn hóa đặc trưng ở Iran từ thời xa xưa. Tehran là thủ đô có nhiều khu bazzar sầm uất nhất cả nước, kể cả khu vực Trung Đông rộng lớn. Đối diện khu hostel của tôi là một bazzar với bảng hiệu lớn phía trước ghi hai dòng chữ Iran và tiếng Anh “khu chợ phụ tùng ô tô lớn nhất Trung Đông.” Rõ ràng, đây là khu vực của các chợ đầu mối ở thủ đô, nơi có truyền thống tập trung nhiều loại hàng hóa rồi tỏa ra tứ xứ. Cách đó không xa là khu chợ Grand Bazzar của Tehran, được xem là trung tâm thương mại của thủ đô. Đây là khu chợ lâu đời nhất và lớn nhất Tehran. Hiện nay, trong chợ còn nhiều công trình xây dựng và những bức tường tới 400 năm tuổi. Nhưng phần lớn kiến trúc ở đây mới hình thành trong vòng 200 năm trở lại. Người ta ước tính thành phố này chiếm tới 30% tổng số lưu lượng thương mại của cả nước. Các thương gia xuất thảm cho nước ngoài có nguồn vốn bằng ngoại tệ mạnh. Họ như những chủ ngân hàng, có thể cho vay lấy lãi và là một thế lực quan trọng có tầm ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế, https://thuviensach.vn chính trị của đất nước. Một góc khu chợ gia vị ngoài trời ở Grand Bazzar. Đối với du khách thì Grand Bazaar là một mê cung với các khu phố ngóc ngách dọc ngang chằng chịt, chẳng khác nào hệ thống mạng nhện khổng lồ na ná như khu Chợ Lớn ở Sài Gòn. Chợ chia thành nhiều phố ngành hàng, mỗi phố dành riêng cho một ngành hàng riêng biệt. Có phố bán thảm, phố bán vàng, bạc và đồ trang sức bằng đồng. Đồ gia dụng được chiếm trên một con phố lớn. Phố khác là quần áo, nước hoa và hàng thủ công truyền thống. Có cả một phố riêng cho quần áo nhái nhãn mác của những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Tuy phong phú về hàng hóa nhưng nếu không có người bản xứ biết ngoại ngữ hướng dẫn thì khách du lịch và người nước ngoài chỉ có thể ngắm các cửa hàng mà không mua được gì vì tại đây chỉ có một ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Farsi. Đôi lần tôi cũng gặp một số thanh niên Iran trẻ tuổi gợi chuyện bằng tiếng Anh cốt để giới thiệu cho một cửa hàng bán thảm trong chợ. Một điều dễ thấy nữa là các sạp hàng đều không ghi giá bán. Không riêng gì tại Grand Bazaar mà các siêu thị, cửa hàng lớn nhỏ tại Tehran nói chung đều không ghi giá các mặt hàng. Tôi phải rút kinh nghiệm nhiều lần mới có thể hiểu rõ cách tính toán và giao tiếp thương mại của người Iran. Tỷ dụ như khi được hỏi giá, chủ cửa hàng đa phần nói giá bằng đơn vị toman chứ không dùng đơn vị rial. Vì hiện nay mệnh giá đồng rial khá nhỏ nên trong giao dịch người dân thường dùng đơn vị tính là toman để rút gọn theo nguyên tắc một toman bằng 10 rial5. Phải đến ngày cuối cùng ở Tehran, tôi mới có thể thuần thục chuyển đổi khi người Iran nói 20.000 cho một món hàng nào đó có nghĩa là tôi phải thanh toán 200.000 rial cho họ. https://thuviensach.vn Giới thương nhân cầu nguyện trong một thánh đường Hồi giáo ở Grand Bazzar. Giữa khu chợ là một giáo đường kèm theo một dinh quản lý để hoàn thiện triết lý văn hóa và kiến trúc “có chợ thì phải có giáo đường và dinh thự.” Các thương gia đều tập hợp trong giáo đường vào giờ cầu kinh hằng ngày. Xong việc cầu kinh, họ thường ngồi lại đàm đạo những việc cùng lưu tâm. Họ thường phối hợp với nhau trong mọi chuyện, kể cả việc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Trong khung cảnh những chuyển biến lớn lao của đất nước cả về kinh tế và chính trị, nhiều thương gia ở chợ cũng đã chuyển lĩnh vực hoạt động. Một số người chuyển qua đầu tư địa ốc. Một số khác sang ngành đồ điện tử hay điện gia dụng của các thương hiệu nổi tiếng châu Á. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy những khó khăn mà giới thương gia của chợ đang phải đối phó https://thuviensach.vn và sự suy giảm địa vị kinh tế - xã hội của tầng lớp này. Mặt khác, đây cũng là dấu hiệu có sự chuyển đổi tư tưởng vốn rất cố hữu của họ. Do tình trạng kinh tế suy giảm và ngành du lịch mất nhiều khách, thương gia ở Grand Bazzar không thể bám mãi vào ngành hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống vốn giá thành rất cao. Ngày nay, cuộc “tấn công” của hàng Trung Quốc giá rẻ chất lượng thấp đã biến khu thương mại truyền thống lịch sử này thành một chợ bình dân. Phần lớn hàng thủ công Iran đã bị thay thế bằng hàng Trung Quốc. Một thương gia ở chợ nói với tôi: “Tôi làm thế nào được khi mọi người đều thích rẻ. Không thể bán hàng Iran được nữa. Có lẽ anh bạn chỉ nhìn thấy chúng trong các bảo tàng mà thôi.” Tôi xem Tehran là thành phố như những khu chợ trời đầy thú vị. Câu chuyện sau cùng: Người con gái Iran Ngày cuối cùng ở Tehran, vừa bước chân ra khỏi ga xe điện ngầm tôi bắt gặp một cô gái Iran với đôi mắt đen huyền, mê hoặc bởi hàng mi cong vút đặc trưng của Trung Đông. Cô ấy khoác trên người bộ trang phục đen truyền thống của phụ nữ Hồi giáo, không che mặt nên để lộ nụ cười rất duyên. Cô thỏ thẻ bằng tiếng Anh khá rành rọt: – Anh muốn tìm trạm xe lửa phải không? Theo quán tính, tôi giật mình và nhìn vào mắt cô ấy. Tôi vốn thích ngắm những đôi mắt thuần Trung Đông không cần phải mascara như một số cô nàng châu Á khác. Rồi tôi tự nhủ: “Tại sao cô ấy biết mình đang tìm trạm xe lửa nhỉ?” Tôi chợt nhớ thì ra trước khi bước chân ra khỏi nhà ga, tôi có hỏi thăm anh chàng bảo vệ đường đến trạm xe lửa gần đấy. Có lẽ cô nàng này nghe lỏm và cố tình đợi tôi ở cửa ra. Hiểu được mọi chuyện, tôi gật đầu trả lời: – Yes! – Anh có thể đợi em chút xíu, em đang đợi người bạn đến đón, khoảng năm phút thôi. Chúng em đến sẽ dẫn anh đến trạm xe lửa ở gần đây. Tôi sững sờ về lời đề nghị giúp đỡ dễ thương từ cô gái mà cứ ngỡ những luật lệ Hồi giáo khắt khe sẽ làm cho người phụ nữ “giữ kẽ” hơn với nam giới, đặc biệt là người lạ. Chúng tôi bắt đầu rôm rả và hỏi thăm nhau một số thông tin cá nhân, về chuyến du lịch của tôi đến đất nước cô ấy rồi cô say sưa kể về chuyến du lịch lần đầu ra nước ngoài của mình đến Hàn Quốc vào mùa thu năm ngoái. https://thuviensach.vn Vài phút sau đó, một anh chàng cao to diện mạo giống người Nam Á hơn là người Iran bước đến. Họ dẫn tôi hướng về phía trạm xe lửa dưới cái nóng hầm hập của những ngày hè ở Tehran. Từ trạm xe điện ngầm đến ga xe lửa với quãng đường khá xa nhưng cuộc nói chuyện của chúng tôi dường như rút ngắn khi nào không hay. Họ đưa tôi đến quầy bán vé và giúp hỏi thông tin để mua vé lên Tabriz. Tuy nhiên, phòng vé chỉ bán những vé vào giờ chót, còn nếu đi vào ngày hôm sau như dự định của tôi thì phải đến các công ty du lịch để mua. Họ sốt sắng hỏi thông tin để tiếp tục tìm công ty du lịch ở gần đó. Tôi mua được một vé giường nằm khá tốt trên tàu vì được cô gái phiên dịch giúp. Trước khi chia tay, tôi đề nghị chụp chung một tấm ảnh lưu niệm với họ và tất nhiên nhận lại cái gật đầu không chút do dự từ cô gái. Sự nhiệt tình của đôi bạn trẻ Iran không dừng lại ở đó. Họ quyết đưa tôi về lại khách sạn khi cho rằng tôi sẽ bị lạc mất khi tự tìm đường về mặc dù họ có chỉ dẫn tường tận như thế nào đi nữa. Chúng tôi lại quay về nhà ga xe điện ngầm. Lần này cô nàng không vào khu vực dành cho nữ giới mà đứng cùng tôi trò chuyện cho đến những trạm xe điện cuối cùng. – Mai em nghỉ phép. Nếu anh muốn, em sẽ đưa anh đi lòng vòng Tehran bằng bất cứ phương tiện nào anh thích: xe buýt, xe điện, xe gắn máy hay thậm chí xe đạp – Cô nàng nhìn tôi bẽn lẽn. Tôi bất ngờ nhưng cũng cố gắng nhìn anh bạn trai cao to sẽ có thái độ như thế nào trước lời đề nghị của cô bạn gái. Anh ta nở một nụ cười thân thiện, nháy mắt với cô bạn gái như cả hai đã thỏa thuận sẵn sàng tiếp một lữ khách phương xa. Tôi chết trân vì thái độ quá duyên này nhưng chưa biết phải trả lời sao vì hành trình đã lên lịch từ trước. Tôi lại tự suy diễn. Giá như tôi có nhiều thời gian hơn ở Tehran. Giá như ngày mai tôi không phải làm visa Uzbekistan. Hay... hay giá như tôi có thể thay đổi kế hoạch khám phá Con đường tơ lụa của mình… Nhưng rồi tôi cũng không thể có đáp án cho nhiều cái “giá như” ấy. Thế là tôi đành phải từ chối và không quên xin địa chỉ e-mail để gửi cho cô ấy và người bạn trai tấm hình kỷ niệm. Trong suốt chuyến đi dọc theo Con đường tơ lụa, không ít lần tôi nhận được sự chào đón thân thiện, giúp đỡ nhiệt tình của người dân bản địa chứ không phải họ chỉ tò mò về sự lạ lẫm của du khách nước ngoài. Một cậu trai chỉ biết tiếng Anh bập bõm bán rau củ ngoài chợ sẵn sàng chở tôi ra bến xe khách cách đó cả chục ki-lô-mét bằng chính chiếc xe ô tô cà tàng mưu sinh của gia đình. Một chủ tiệm bánh dúi cho tôi một vài chiếc bánh ăn dọc đường khi biết tôi là khách du lịch đến từ Việt Nam. Một gia đình Iran kể lể chuyện của họ một cách say sưa với một vị khách hoàn toàn xa lạ. Một nhân viên ở ngân hàng trong giờ làm việc sẵn sàng xin sếp tạm nghỉ để hướng dẫn bằng được tôi tới nơi của sứ quán Uzbekistan ở Tehran… Có thể xã hội Iran ngày càng hiện đại, người theo đạo Hồi cởi mở và cần được thế giới quan tâm, chia sẻ nhiều hơn?! Phiên chợ Ba Tư ở Tabriz https://thuviensach.vn Iran có nhiều khu chợ, bởi đây là những điểm dừng chân quan trọng trên vùng đất Ba Tư nhộn nhịp, giàu có xưa kia. Từng đoàn thương nhân từ phương Đông trải qua hàng nghìn ki-lô-mét, vượt qua bao nhiêu núi cao hiểm trở, những sa mạc rộng lớn để đến với những phiên chợ Ba Tư sầm uất từ hàng ngàn năm trước. Hầu như thành phố nào cũng có những bazzar khổng lồ với vô số các mặt hàng được bày bán bên trong. Tôi rất háo hức để đến với phiên chợ Ba Tư truyền thống ở thành phố biên ải Tabriz vì đây là ngôi chợ xuất hiện cùng thời với Con đường tơ lụa. Tabriz là thành phố lớn thứ tư ở Iran và là thủ phủ của tỉnh Đông Azerbaijan nằm ở phía Bắc Iran. Tabriz là cửa ngõ quan trọng trên Con đường tơ lụa khi vào đất nước Ba Tư nên nơi đây từ lâu đã hình thành những khu chợ có quy mô bậc nhất thế giới thời bấy giờ. Từng đoàn lạc đà sau khi vượt một chặng đường dài gian khổ, chúng mang hàng hóa từ phương Đông chủ yếu là lụa là, gốm sứ, đá quý, lâm sản để mua bán, trao đổi lấy vàng bạc, len dạ, pha lê, rượu từ phương Tây. Hàng hóa sẽ được tập kết ở các caravanserai, nơi trọ của các đoàn thương nhân sau hành trình dài. Tại đây, họ sẽ ăn uống, vui chơi và tự thưởng cho mình những cuộc vui thâu đêm suốt sáng trước khi mang vật phẩm, vàng bạc trở về phương Đông. Các thương nhân Ba Tư là đầu mối trung gian để vận chuyển hàng hóa tiếp tục đi về La Mã, Phi châu, nơi tầng lớp quý tộc rất thích các mặt hàng tơ lụa từ Trung Quốc. Tabriz là ngôi chợ đầu mối giao thương nhộn nhịp vào thời bấy giờ. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các thương gia từ khắp nơi trên thế giới đổ về, chợ Tabriz được xây dựng rất bề thế, có kiến trúc mái vòm kiên cố và lộng lẫy. Nơi đây cũng được chia thành các khu chợ nhỏ theo các mặt hàng riêng biệt. Chợ Tabriz có hơn 20 khu chợ nhỏ như thế: chợ Amir chuyên về mặt hàng vàng bạc và đồ trang sức, chợ Mozzafarieh chuyên về thảm Ba Tư, chợ gia súc, chợ giày dép, chợ gia vị, chợ thuộc da, chợ vải vóc… Những khu chợ này tạo thành một mê cung rộng lớn trên phạm vi hơn bảy ki-lô-mét vuông. https://thuviensach.vn Khu chợ vàng Amir tấp nập kẻ mua người bán. Tôi dành trọn vẹn một ngày để lang thang mọi ngóc ngách của một phiên chợ Ba Tư ở thế kỷ XXI. Vì là dịp lễ Ramadan nên một số cửa hiệu đóng cửa, phần lớn các cửa hiệu còn lại đến tận trưa mới mở. Bắt đầu từ cổng chính, khứu giác dẫn tôi đến khu vực chợ gia vị sực nức mùi hương. Trong các phiên chợ Trung Đông, gia vị là mặt hàng quan trọng luôn được bày bán ở những lối trung tâm và được trang trí đẹp mắt. Gia vị được phân chia theo từng màu, từng loại riêng biệt, xếp thẳng hàng và được người bán vun cao có ngọn chóp như những kim tự tháp Ai Cập. Nếu như ở Việt Nam ẩm thực tuân theo hai nguyên lý là Âm dương phối triển và Ngũ hành tương sinh thì người Iran nhìn việc ăn uống dưới ba góc độ triết học, y học và văn hóa. Các thầy https://thuviensach.vn thuốc và triết gia xem thức ăn, thức uống là hai yếu tố quan trọng duy trì sự sống của con người. Sự nhìn nhận này đã trải qua hàng nghìn năm làm cho người Iran luôn tạo một thói quen thích tự nấu ăn ở nhà hơn là thưởng thức ở các nhà hàng. Bên cạnh việc chủ động chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe, họ có thể chủ động tạo ra những bí quyết riêng của từng món ăn trong gia đình và những bí quyết này sẽ được truyền từ đời này sang đời khác như một thứ di sản văn hóa quý giá. Tôi tần ngần trước khu vực cửa hàng bán thực phẩm khô với vô vàn các loại chà là, trà, các loại hạt, nhục đậu khấu, bánh kẹo, mứt… Mật tứa ra từ các loại mứt không chỉ quyến rũ loài ong mà còn có thể kích thích vị giác của bất cứ người nào dù họ không hảo ngọt. Ông chủ cửa hàng nhìn tôi cười thân thiện. Ông đưa cho tôi nếm thử một mẩu mứt được làm từ cánh hoa hồng mà không quên lời giải thích: “Người Iran thích dùng những loại thực phẩm chua chua ngọt ngọt để tâm hồn thanh tịnh hơn.” Sau khi mua một ít chà là khô và món mứt hoa hồng khoái khẩu, ông chủ tốt bụng còn dúi thêm vào tay tôi một vài viên kẹo bọc đường. Ông ra hiệu cho tôi chụp cho ông một vài kiểu ảnh lưu niệm tại cửa hàng. Việc người bán hàng thân thiện và thích chụp ảnh khác xa những gì tôi gặp khi lang thang chụp choẹt trong các khu Medina6 ở Ma Rốc. Một cửa hàng bán các loại hạt đặc trưng xứ Ba Tư xưa. Thật sự chợ Tabriz rộng hơn tôi tưởng với nhiều ngõ ngách đan xen như một mê cung không lối thoát. Hàng hóa được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ khác hẳn với những khu chợ châu Á khác mà tôi từng đặt chân đến. Không khí ở chợ giữa trưa có phần huyên náo bởi âm thanh của kẻ bán người mua í ới chào mời, trả giá. Nhiều phụ nữ Iran trong trang phục đen truyền thống, che mặt đủng đỉnh lướt qua bỏ lại sau lưng đôi mắt biết nói và mùi hương thơm phức của nước hoa. Tôi đang loay hoay tìm lối vào khu chợ bán thảm Ba Tư Mozzafarieh thì có https://thuviensach.vn một ông cụ trạc 70 tuổi kéo tay tôi lại. Ông đưa cho tôi xem một bưu thiếp với hình ảnh về ngôi chợ nổi tiếng này. Ông già chỉ lên trần nhà và ra hiệu ở đây không là gì so với kiến trúc bề thế ở bên trong. Ông nắm tay tôi và nhanh nhẹn len qua dòng người đông đúc và ra dấu sẽ dẫn tôi đến khu chợ Mozzafarieh. Thật sự, tôi không quá ngạc nhiên với kiểu nhiệt tình của người Iran như những ngày đầu đặt chân đến đất nước này bởi đã nhiều lần tôi được giúp đỡ nồng hậu như thế. Tuy nhiên, sự tận tình của ông già bán hàng tạp hóa làm cho tôi đi theo như một người bị thôi miên cho đến khi sực nhớ không biết giữa tôi và ông có thật sự hiểu nhau hay không do bất đồng ngôn ngữ. Những tấm thảm Ba Tư sặc sỡ đủ mọi kích cỡ. Trước mắt tôi hiển hiện không gian rộng lớn của khu chợ thảm Ba Tư như trong tiềm thức lúc nhỏ. Mái vòm cao với nhiều họa tiết được điêu khắc tinh tế. Khu vực này vừa được trùng tu nên trông có vẻ mới hơn so với khu chợ gia vị tôi vừa đi qua. Tôi chưa thấy ở đâu mà trưng bày nhiều thảm như ở đây. Thảm lớn, thảm nhỏ đủ mọi kích cỡ và hoa văn khác nhau được treo phủ khắp các cửa hàng. Những cuộn thảm khổng lồ được dựng sát hai bên lối đi trong lòng chợ rộng chừng bốn mét, một số khác chất đống trong những ki ốt hoặc đang được vận chuyển bởi các loại xe đẩy thô sơ hòa cùng dòng người rời khỏi chợ để vận chuyển khắp các tỉnh thành ở Iran. Đây đúng là không khí nhộn nhịp của một phiên chợ Ba Tư đầy màu sắc mà tôi từng thả hồn khi nghe bài hát kinh điển In a Persian Market của nhạc sĩ người Anh Albert W.Ketelbey. Mải mê ngắm nhìn và tưởng tượng nên tôi đã quên khuấy ông già đã biến mất từ lúc nào mà tôi chưa kịp gửi lời cảm ơn. Thoạt nhìn không gian này, tôi nhớ đến những mẩu truyện dân gian nhuốm màu thần thoại https://thuviensach.vn trong tập truyện Nghìn lẻ một đêm đã đọc đến thuộc làu khi còn nhỏ. Lớn lên một chút bắt đầu làm quen với nhiều loại hình nghệ thuật khác như phim ảnh, nhạc kịch, hội họa thì những câu chuyện ấy càng lôi cuốn tôi hơn. Cách dẫn chuyện cuốn hút tạo sự tò mò cho người đọc của Nghìn lẻ một đêm đôi khi còn được tôi áp dụng trong công việc giảng dạy của mình. Cứ đưa lên cao trào rồi dừng lại để thôi thúc người học phải tự tìm hiểu hoặc mong chờ cho phần tiếp theo. Tôi đọc đi đọc lại các tác phẩm Alibaba và bốn mươi tên cướp, Nhà buôn và thần linh hay Alađin và cây đèn thần với tấm thảm bay Ba Tư kỳ diệu. Những câu chuyện ấy luôn xuất hiện không gian nhộn nhịp của các khu chợ Ba Tư với những đoàn lạc đà đầy ắp hàng hóa trên lưng. Những tấm thảm Ba Tư được nhắc đến nhiều như một thứ văn hóa không chỉ của riêng người Iran mà còn lan sang cả vùng Trung Đông hay châu Á rộng lớn. Nếu như Trung Quốc có bí kíp sản xuất lụa tơ tằm thì người Ba Tư cũng có những bí truyền riêng không kém cho nghề dệt thảm độc đáo của mình. Năm 1949, tại thung lũng Pazyryk thuộc dãy núi Altai ở Siberia, các nhà khảo cổ đã tìm được bức thảm Ba Tư thế hệ đầu tiên có tên là Pazyryk. Các nhà khoa học kiểm tra carbon phóng xạ cho thấy thảm Pazyryk được dệt vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Những họa tiết hoa văn trên thảm giúp con người ghi nhận về lịch sử lâu đời cũng như trình độ dệt thảm của người Ba Tư cổ. Qua hơn 2.500 năm lịch sử, nghề sản xuất thảm được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một bảo vật của quốc gia. Ở Iran, mỗi vùng miền sẽ có nhu cầu sở thích khác nhau về các loại thảm vì vậy sản phẩm thảm Ba Tư ngày càng phong phú và đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng. Thảm được dùng phổ biến trong các gia đình của Iran từ thành thị đến nông thôn, từ người giàu đến người nghèo, từ tầng lớp thượng lưu hay những người lao động phổ thông, từ khu vực phía Bắc lạnh giá vào mùa đông đến những sa mạc nóng bức ở phía Nam vào mùa hè. Mỗi nhà đều có ít nhất đôi ba tấm thảm Ba Tư để lót sàn và trang trí. Vì thế, nghề làm thảm cổ truyền độc đáo ở Fars và Kashan đã được vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, Tabriz vẫn là đầu mối giao thương quan trọng trong và ngoài nước nên hầu hết các sản phẩm thảm ở Iran đều có mặt ở khu chợ cổ này. Thấy tôi đứng như bị thôi miên trước một tấm thảm Ba Tư thể hiện hình ảnh từng đoàn lạc đà dưới ánh hoàng hôn trên những đụn cát dài, ông già người Iran với bộ râu quai nón bạc phơ dài hơn gang tay kéo tôi vào cửa hàng hỏi chuyện. – Cậu từ đâu đến? – Dạ, từ Việt Nam. – Việt Nam số một, số một – Ông già trố mắt, vỗ vai tôi bốp bốp kèm theo nụ cười sảng khoái. https://thuviensach.vn Nói rồi ông chỉ cho tôi một tấm thảm có kích cỡ nhỏ treo ở góc trái cửa hàng. Tấm thảm mô tả hình ảnh của một con nai có bộ sừng bệ vệ đang đeo lá cờ Iran trên lưng và chân nó bị thương bởi bầy sói rất đông ở phía sau. Bầy sói hung tợn với máu me đầy miệng nhưng vẫn lộ ra những hàm răng sắc nhọn đang rượt đuổi chú nai đơn độc. Trên lưng bầy sói là hình ảnh lá cờ của Mỹ. Ông già muốn cho tôi thấy sự ví von đầy chủ đích. Con nai to lớn nhưng đơn độc đó là Iran, bầy sói đó chính là phương Tây và Mỹ. Có thể đây là góc nhìn thiển cận của một người Iran nhưng cũng cho thấy sự bất đồng hiện tại và không có tiếng nói chung giữa Iran và phương Tây. Ông già vừa nói vừa cười vang thành tiếng: Việt Nam thắng Mỹ, Iran cũng thắng Mỹ đấy! “Quái lạ!” – tôi nhủ thầm – “Không lẽ người Việt Nam chỉ có giỏi đánh đấm thôi sao? Còn nhiều thứ hay ho về Việt Nam sao họ không nhắc đến?” Thật sự tôi đi du lịch nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người bản địa, khi giới thiệu mình là người Việt Nam thì đa phần họ chỉ biết đất nước qua cuộc chiến với Mỹ. Rất ít người nước ngoài có thể biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới. Thậm chí, một số còn tỏ ra thương cảm, nhìn tôi ái ngại vì cứ ngỡ Việt Nam rất nghèo đói, chiến tranh liên miên. Đôi lần tôi còn ứa nước mắt khi nghe những câu động viên kiểu như “Mày ổn chứ?!” hay “Người Việt Nam mà cũng đi du lịch đến xứ này à?” Thật ra, lúc đầu tôi cũng có phần ấm ức nhưng rồi riết quen. Khi đó, tôi chỉ có thể nói rằng: “Việt Nam đang phát triển kinh tế mạnh mẽ và hội nhập với thế giới. Đất nước tao rất thanh bình có nhiều danh lam thắng cảnh được xếp vào hàng kỳ quan đấy.” Còn lần này, vì có thiện cảm với người Iran nên tôi tỏ vẻ đồng tình, gật đầu lia lịa. – Bác đã đến Việt Nam chưa ạ? – Chưa, chưa bao giờ - Ông già lắc đầu nguầy nguậy. – Vậy bác nên đến Việt Nam đi, Việt Nam cũng đẹp và bình yên như Iran vậy đó. Tôi và ông già cùng cười như đã đạt được thỏa thuận xã giao là ông sẽ đến tham quan Việt Nam trong một tương lai gần. Ông mời tôi dùng tách trà nóng thoang thoảng mùi hương hoa hồng rồi tiện tay lấy một bức tranh cỡ nhỏ làm ví dụ, chậm rãi giới thiệu cho tôi về các sản phẩm thảm Ba Tư đầy tự hào của người Iran. Ông bảo để dệt một tấm thảm Ba Tư có giá trị cần hai yếu tố đó là nguyên liệu để dệt và người nghệ nhân làm nên tấm thảm đó. Theo đó, len, lụa, cotton là những chất liệu được ưu tiêu hàng đầu để dệt lên những tấm thảm. Phần màu nhuộm được sử dụng hoàn toàn từ các loại hạt, hoa quả, thân cây, vỏ cây, rễ cây hay những nguyên liệu thiên nhiên khác nhau và tuyệt đối https://thuviensach.vn không sử dụng hóa chất. Đây là nguyên nhân chính giúp tuổi thọ của một tấm thảm Ba Tư kéo dài hàng trăm năm mà không bị xỉn màu hay hư hỏng. Để tấm thảm sinh động và có hồn thì phải nhờ vào công của người nghệ nhân tạo ra tác phẩm ấy. Quá trình làm ra một tấm thảm chính là sự thể hiện tính kiên nhẫn của những người thợ dệt thảm. Để dệt được một tấm thảm đòi hỏi sự kiên nhẫn của người thợ bởi trong từng cen ti mét vuông là hàng triệu mũi dệt rất tinh tế. Để có được những tấm thảm đẹp, tinh xảo, thợ thủ công cần phải phân loại các sợi chỉ theo từng màu sắc trong số hàng trăm nhóm màu khác nhau. Tôi xin phép ông được đưa tay sờ vào tấm thảm mà tôi tạm gọi là bức “Con đường tơ lụa” khá lớn được treo ngay trung tâm cửa hàng vừa tầm mắt với khách. Lớp nhung mịn màng, êm ái, đường nét uyển chuyển như một bức tranh lụa hơn là một tấm thảm dệt. Tôi xuýt xoa và dùng tay ra dấu “số một” để bày tỏ sự ngưỡng mộ các tác phẩm nghệ thuật của xứ Ba Tư. Ông cho tôi biết thêm để tạo ra tấm thảm trang trí trong phòng khách có diện tích khoảng chừng ba mét vuông nghệ nhân phải dệt gần hai tuần với hàng triệu triệu mũi kim. Tấm thảm này không quá nhiều màu sắc như những tấm khác mô tả những buổi tiệc xa hoa của các bậc Đế vương hay những câu chuyện thần thoại cổ xưa. Bức tranh ấy có nhiều hoa văn và được thể hiện bằng lối tiểu họa đặc trưng của nghệ thuật Ba Tư thời xưa nên giá cả của nó cũng đắt hơn gấp nhiều lần. Ông chỉ cho tôi một tấm thảm treo tường có chiều dài 2,4 mét và chiều ngang 1,6 mét thể hiện câu chuyện thần thoại của các ông hoàng bà chúa của xứ Ba Tư có tổng cộng đến 68 màu. Ông nói, bức này được dệt mất hai tháng và có giá 15.000 euro. Một cái giá mà ông cho rằng sẽ không cao nếu khách hàng hiểu đúng giá trị thật sự của nó. Thấy tôi vẫn mân mê bức “Con đường tơ lụa”, ông già bảo rằng bức này sẽ rẻ hơn nhiều do ít màu sắc nhưng lại là bức có nguồn gốc chính từ Tabriz. Ông nói thảm Ba Tư ngày nay rất nhiều chủng loại nên khi mua cũng phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ từ đâu, xem độ tinh xảo và tính duy nhất của sản phẩm. Nếu khách hàng ham rẻ thì có thể vớ lấy một sản phẩm thảm Ba Tư không chính gốc mà là loại sản xuất hàng loạt bằng máy từ Trung Quốc tuồn tràn lan vào Iran trong thời gian gần đây. – Cậu có lấy tấm này thì tôi để giá đặc biệt cho? – Giá bao nhiêu vậy ông? - Tôi háo hức hỏi. – Một nghìn euro thôi, giảm 20% rồi đấy vì cậu đến từ Việt Nam. Tôi hốt hoảng nhưng cũng cố trấn tĩnh tinh thần để nở nụ cười ngường ngượng vì biết chắc rằng những sản phẩm đắt đỏ này thậm chí giảm giá còn 20 hay 30% thì tôi cũng không dám mơ được sở hữu chúng. https://thuviensach.vn – Dạ, con đi du lịch bụi nên không có nhiều tiền ông ạ. – À, vậy sao? - Ông già chau mày hỏi. – Hành lý của con chỉ là cái ba lô đeo sau lưng nên không thể mang vác gì hơn – Tôi cố giải thích thêm. Ông già dường như hiểu ra mọi chuyện và mời tôi uống thêm ngụm trà còn dang dở trước khi bận rộn đón một gia đình địa phương cũng đang tìm những tấm thảm Ba Tư độc đáo của cửa hàng. Rời cửa hàng, tôi lần vào bên trong để cố chiêm ngưỡng bằng hết những thảm Ba Tư sặc sỡ ở khu chợ di sản này. Chúng như những tác phẩm nghệ thuật sống động khi người thưởng lãm sờ vào bề mặt mịn như nhung nai, ngửi được mùi thơm của len dạ và hồi ức những câu chuyện truyền thuyết xa xưa. Mỗi tấm thảm thể hiện một điển tích khác nhau và sự tâm huyết của người nghệ nhân Ba Tư gửi gắm vào. Tôi say mê chúng suốt cả một buổi chiều cho đến khi bên tai văng vẳng hành khúc vội vã của Albert W.Ketelbey. Hình như những đoàn lạc đà hối hả rung chuông từ phương Đông đã đến Tabriz để trốn chạy ánh hoàng hôn đuổi dần phía sau. Hành trình xuôi về một nửa của thế giới Từ Tabriz, tôi xuôi về miền Trung Iran để chạm mặt cố đô Esfahan. Đến ga xe lửa thì không còn vé khởi hành trong ngày hôm đó nên tôi đành mua vé về lại Tehran rồi nối tuyến đến Esfahan bằng hãng xe Hamsafar. Ở Iran, ngoài xe lửa là phương tiện vận chuyển đường dài còn có rất nhiều hãng xe buýt đi khắp nơi trong đất nước. Nối các tỉnh thành phố lớn tạo thành mạng lưới giao thông khá hữu hiệu cho người dân và cũng tiện cho khách du lịch nước ngoài. Tôi thường mua vé xe lửa cho những tuyến lộ trình vào ban đêm để tiết kiệm thêm chi phí ngủ và việc vận chuyển đêm sẽ an toàn hơn là lựa chọn xe buýt. Còn như di chuyển giữa các thành phố vào ban ngày tôi lại ưu ái cho xe buýt để được ngắm cảnh, dừng lại bên đường và chụp ảnh khi cần. Iran có rất nhiều hãng xe buýt chất lượng cao chạy những tuyến đường dài như Phương Trang, Mai Linh hay Thành Bưởi ở Việt Nam. Chất lượng cũng có hai loại để cho khách hàng chọn lựa. Loại chất lượng cao dạng thường và loại VIP. Tất cả xe đều là những xe có chất lượng tốt, máy điều hòa được mở suốt, hệ thống ghế bật tiện nghi cho khách nghỉ ngơi, ghế được bọc nệm nhung hoặc da rất êm ái. Nếu mua vé VIP, ghế ngồi rộng rãi hơn loại xe thường và chắn chắn vé cũng sẽ đắt hơn. Tôi mua một vé từ Tehran đến Esfahan loại thường là 270.000 rial trong đi đó loại VIP là 350.000 rial. Giá cả được niêm yết trên bảng trước mỗi nhà xe ở bên trong khu vực bến rất tiện lợi cho hành khách so sánh và lựa chọn. https://thuviensach.vn Sau 6 giờ đồng hồ tôi đã có mặt ở Esfahan, nơi được xem là một nửa của thế gian. Tôi gọi thế xuất phát từ câu thành ngữ cửa miệng của người Ba Tư xưa kia “Esfahān nesf-e jahān ast” có nghĩa “Esfahan là một nửa thế giới” khi người dân tự hào nói về sự vĩ đại của thủ đô mình thời ấy. Không ai biết chính xác Esfahan trở thành một khu đô thị từ khi nào. Nhưng lịch sử của Iran ghi nhận rằng Esfahan đã hai lần được chọn làm thủ đô của Iran. Lần đầu tiên là dưới triều đại nhà Đại Seljuk (1037-1192) khi người Turkmen thuộc Thổ Nhĩ Kỳ bành trướng Iran. Lần thứ hai là dưới triều đại Safavid (1501-1736) khi Esfahan trở thành một kinh đô cực thịnh, huy hoàng với rất nhiều đền đài, cung điện, các kiến trúc tôn giáo bề thế, các quảng trường mênh mông, các khu chợ sầm uất cùng các đại lộ rộng lớn được lót đá tăm tắp. Tôi tản bộ về hướng khu vực thánh đường Hồi giáo Jamed trong một khu bazzar sầm uất. Tương tự như các khu chợ ở khắp Iran, chúng được bao bọc bởi các dãy hành lang có mái vòm và trưng bày nhiều loại hàng hóa khác nhau từ thực phẩm đến các mặt hàng nhu yếu phẩm sử dụng hằng ngày. Nhìn những khu chợ như thế này mới thấy những đổi thay đã len lỏi trong đời sống xã hội ở một quốc gia sệt tôn giáo truyền thống như Iran. Một xã hội với những luật lệ bất nhất dần dần không còn hiện hữu rõ nét. Có thể tình trạng “cấm nhưng vẫn bán” đã trở thành phổ biến tại Iran. Mọi thứ bị cấm đoán vẫn có thể tìm kiếm dễ dàng ở khu chợ này. Từ cấm sử dụng ăngten thu vệ tinh trực tiếp, đến cấm một số loại phim ảnh, băng đĩa nhạc, sách báo và những ấn phẩm “đen.” Một số loại trang phục hở hang, kiểu cách lòe loẹt cũng nằm trong danh sách cấm đoán này. Tuy nhiên, có những bộ phim bị kiểm duyệt hoặc bị cấm nhưng vẫn thấy bày bán tại các chợ Iran, có thể dễ dàng mua được nguyên bản, không hề bị cắt xén. Các loại nhạc phương Tây như rap, jazz, hip hop cũng chính thức bị cấm, nhưng chính các loại nhạc này lại được thanh niên Iran nghe nhiều nhất trong xe hơi mỗi đêm họ lượn lờ trên đường phố. Hiện nay Iran là một trong những quốc gia có người sử dụng internet nhiều nhất ở khu vực Trung Đông nên việc cấm đoán cũng rất khó mà kiểm soát được. Rất nhiều người Iran biết cách vượt qua các “bức tường lửa” của chính quyền, nhưng họ chủ yếu quan tâm tới các website âm nhạc, phim ảnh và sách báo chứ không phải là vấn đề chính trị đối lập. Tôi dừng lại trước một xe đẩy bày bán những quả táo tròn đỏ mọng ở đầu khu chợ hướng về phía cổng của thánh đường Jameh. – “Salam!” – Một cụ ông mực thước với đôi mắt sáng, vầng trán cao, mặc trên người chiếc áo sơ mi nhạt màu nhưng rất phẳng phiu. Ông nở nụ cười phúc hậu chào tôi bằng kiểu chào quen thuộc của người Iran. https://thuviensach.vn – “Salam!” – Tôi cúi đầu chào lại. – Cháu từ đâu đến? – Ông hỏi tiếp. – Dạ, từ Việt Nam, Sài Gòn ạ! - Tôi cố giải thích luôn về nơi mà tôi đang sinh sống. Tôi thường sử dụng địa danh Sài Gòn trong những chuyến du lịch bụi bởi lẽ người nước ngoài quen sử dụng tên gọi này hơn là thành phố Hồ Chí Minh. – Thành phố Hồ Chí Minh phải không cháu? – Ông già cười hiền và nháy mắt với tôi. Tôi thật ngạc nhiên vì một người Iran ở một thành phố xa xôi thế này mà họ nhắc đến tên thành phố, quê hương của mình như họ đã hiểu rất rõ về lịch sử Việt Nam hay chí ít đã từng qua Việt Nam du lịch hay làm việc trước đây vậy. – Dạ đúng ạ. – Cháu thăm đền Jameh chưa? – Ông già hỏi tôi và tiện thể chỉ tay về phía ngôi đền. – Có ạ, cháu định mua vài quả táo rồi vào thăm ngay. – Mua đi cháu, loại táo ngon nhất ở Esfahan này đấy! Ông già chọn được túi táo khá to ước chừng hai cân. Ông nói đây là loại trái cây gia đình rất thích nên ông mua để ăn dần trong tuần. Tôi thì chỉ cần mua một vài quả để lót dạ tạm trong ngày vì tôi lười mang nặng và trái cây ở Iran cũng được mua bán khá phổ biến trong tháng lễ Ramadan. Ông dẫn tôi không theo lối cổng chính mà đi dọc theo phía bên phải để đi vào cổng nhỏ ở phía sau, nơi người dân địa phương thường đi vào trong đền thờ Jamed để làm lễ. – Sao ông nói tiếng Anh tốt thế? – Tôi tò mò hỏi. – À, trước đây tôi là giáo viên dạy tiếng Anh ở Esfahan, giờ về hưu hơn 15 năm rồi. – Ông đã từng qua Việt Nam chưa? – Chưa bao giờ – Ông lắc đầu, cười hiền. – Vậy sao ông biết thành phố Hồ Chí Minh có tên là Sài Gòn trước kia? - Tôi hỏi để giải đáp cho những ngạc nhiên thú vị về kiến thức của ông đối với Việt Nam. – Khi dạy học, tôi cũng có nghiên cứu về lịch sử của một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và cuộc chiến tranh Việt Nam trước năm 1975 – Ông từ tốn trả lời và ra dấu cho tôi https://thuviensach.vn ngồi xuống khu vực bệ đá có mái che ở trước cổng đền để tránh cái nóng như thiêu khi mặt trời đã ở trên đỉnh đầu. Tôi nghĩ bụng đây là một may mắn hiếm có khi tôi có dịp tìm hiểu rõ hơn về tôn giáo và lịch sử Iran thông qua ông. – Jameh là ngôi đền thiêng ở Esfahan phải không ông? – Tôi bắt đầu hỏi dồn. – Đúng thế. Nếu như khách du lịch và người dân thường đến quảng trường Naghsh’e Jahan để tham quan hoặc sinh hoạt gia đình thì Jameh là nơi hành lễ thật sự của tín đồ người Ba Tư chúng tôi. – Hiện nay sao không gọi là người Iran thay vì là người Ba Tư ông nhỉ? – Tôi thắc mắc hỏi vì tôi thấy ông và nhiều người Iran thường hay sử dụng chữ Persian tức người Ba Tư hơn là người Iran khi nói về họ. – Chúng tôi luôn xem mình là người Ba Tư với lịch sử hàng nghìn năm trước. Toàn bộ các đế chế Babylon, Akkadians, Assyria, Sumer, Hitites, Bactrians, Scythia, Parthia, Elamites kể cả Ai Cập, Ethiopia... trước khi bị người La Mã xâm chiếm đều là lãnh thổ thuộc về đế quốc Ba Tư chúng tôi. Chúng tôi về cơ bản thống nhất toàn bộ Trung Á trong đó bao gồm rất nhiều nền văn hóa khác nhau, các vương quốc, đế quốc và các bộ tộc. Ba Tư trở thành đế quốc lớn nhất trong lịch sử cổ đại nhất là dưới thời Cyrus Đại Đế từ những năm 559 trước Công nguyên. Ba Tư khi đó bao trùm khoảng 8 triệu ki-lô-mét vuông và trở thành nơi mà nhiều người nước ngoài muốn đến để tìm hiểu lịch sử về đất nước Ba Tư xưa kia. https://thuviensach.vn Kiến trúc mái vòm bên trong thánh đường Jameh. Trước khi chia tay, tôi và ông hỏi tên của nhau. Ông tên là Naris. Đôi mắt hằn vết thời gian tít lại khi nhận tờ giấy bạc 1.000 đồng Việt Nam mới coóng mà tôi trao tặng. Ông nói đây là món quà quý giá vì đúng với sở thích sưu tầm tiền khắp nơi trên thế giới của ông. Ông hy vọng một ngày nào đó sẽ đến thăm Sài Gòn, thăm Việt Nam nơi có rất nhiều điểm tương đồng với đất nước Iran. Ông chỉ tôi lối đi tắt phía sau của nhà thờ không quên cái vỗ vai nhè nhẹ. Tôi nghĩ có thể đây là cử chỉ động viên một lữ khách đơn độc trên hành trình khám phá hay là nỗi đồng cảm cho người Việt Nam có điều gì đó giông giống như người Ba Tư. https://thuviensach.vn Buổi trưa, trời Esfahan trong xanh không một gợn mây. Thỉnh thoảng vài ba ngọn gió lẻ loi thổi ngược làm những chiếc khăn trùm đầu của người phụ nữ Iran phơ phất nhẹ giữa những con phố nhỏ vắng vẻ ở Esfahan. Cuộc sống ở một nửa thế gian bình yên đến kỳ lạ. Cách Jameh chỉ một vài dãy phố là quảng trường Naghsh’e Jahan. Từ thời Shah Abbas đệ nhất (1571-1629), Naghsh’e Jahan được xây dựng theo khối vuông hình chữ nhật với chiều dài 500 mét và chiều rộng là 165 mét. Một diện tích rất rộng đủ để nó trở thành quảng trường có chu vi bờ tường khép kín lớn thứ hai thế giới cho đến ngày hôm nay sau Thiên An Môn ở Trung Quốc, gấp hai lần quảng trường Đỏ ở Nga và lớn gấp bảy lần quảng trường Mark tại Venice của Ý. Điểm nhấn trong khu vực quảng trường là bốn công trình kiến trúc nổi bật thời Safavid theo bốn phía: phía Đông là nhà nhờ Hồi giáo hoàng gia Sheikh Lotfollah, phía Tây là cung điện Ali Qapu, phía Nam là nhà thờ Hồi giáo dòng Shiite Shah, phía Bắc của quảng trường là khu bazzar Esfahan rộng lớn. Bốn công trình cũng nói lên sự gắn kết bốn thế lực trong xã hội Ba Tư ngày trước: giới thần quyền, chính quyền, dân quyền và giới thương nhân, một thế lực mạnh có thể chi phối đời sống xã hội Iran thời bấy giờ. Cả bốn công trình được gắn kết với hệ thống những dãy caravanserai từng là nơi các đoàn thương nhân dừng chân bốc dỡ hàng hóa, nghỉ ngơi mà ngày nay trở thành khu chợ chuyên bán những mặt hàng thủ công mỹ nghệ cho khách du lịch. Đi dọc hành lang hình vòm của các caravanserai tôi quan sát có hàng trăm cửa hiệu san sát bán những mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo đặc trưng của xứ Ba Tư xưa. Có thể nói không nơi nào mà nhiều mặt hàng mỹ nghệ như ở đây. Tôi nghĩ đùa, Esfahan có thể là một nửa thế giới về các mặt hàng lưu niệm ấy chứ! Ali, một anh bạn Iran vừa quen, dẫn tôi đến một cửa hàng ở phía Bắc của quảng trường, cạnh khu chợ Esfahan khi biết tôi muốn tìm hiểu về các mặt hàng truyền thống của xứ Ba Tư. Đó là cửa hiệu của gia đình Ali bán ở khu chợ này trên 50 năm với các mặt hàng mỹ nghệ do chính họ làm ra được truyền từ đời này sang đời khác. Phía trước cửa hàng là những món hàng nhiều màu sắc, kiểu dáng lạ được trưng bày trong các tủ kính. Phía sau là một xưởng sản xuất tại chỗ có khoảng mười mấy nhân công đang thao tác. Một tách trà nóng được mang ra như nét văn hóa tiếp khách quen thuộc của người Iran. Ali giới thiệu cho tôi nghe về nguồn gốc nghề gốm Iran khi tôi buộc miệng hỏi chúng có khác gì so với gốm sứ nổi tiếng của Trung Quốc. Ali cho rằng gốm sứ có lịch sử cách đây hơn 10.000 năm trong khi một vài mẫu vật được tìm thấy ở dãy núi Zagros của Iran có hơn 8.000 năm tuổi. Ali đưa cho tôi xem một đĩa cạn lòng được trang trí hoa văn đối xứng, chính giữa là cảnh tiệc tùng của hoàng gia Ba Tư ngày xưa được vẽ tay rất tinh xảo. Anh ta giới thiệu đây sản phẩm loại Sultanabad, một trong hai hình thức gốm sứ truyền thống của Iran (loại còn lại là Lajvardina), được tạo tác không giống bất kỳ một sản phẩm nào khác ở Iran. Nếu tôi tìm được sản phẩm nào tương tự thì chắc chắn đó là hàng giả được sản xuất https://thuviensach.vn hàng loạt ở đâu đó ngoài Iran. Mỗi nghệ nhân Iran sáng tác theo cảm hứng và sự điêu luyện riêng. Các tác phẩm đều gắn liền với những thần thoại, văn hóa tín ngưỡng hay các công trình kiến trúc nổi bật ở Esfahan. Ali còn lấy tay cọ sát bề mặt của các hoa văn để minh chứng cho việc các màu sắc được sử dụng tô vẽ trên sản phẩm được làm bằng những nguyên liệu tự nhiên và không dễ phai màu theo thời gian. Anh chàng giới thiệu thêm cho tôi loại hình điêu khắc trên gỗ độc đáo của người Iran là khatam. Một vài tác phẩm ở đây do chính anh ta làm trong những lúc vắng khách. Khatam là nghệ thuật khảm độc đáo của người Ba Tư có hàng trăm năm. https://thuviensach.vn Ali đang tạo tác một sản phẩm lưu niệm bằng kim loại. Ở triều đại Safavid, nghệ thuật khảm trên các vật liệu đã đạt đến một trình độ cao. Người Iran khảm trên đá, trên kim loại và đặc biệt là trên gỗ. Từ các công trình kiến trúc đồ sộ của các mái vòm nhà thờ Hồi giáo đến các hoa văn cầu kỳ trên những mảng tường của cung điện hoàng gia; từ hình viền tinh tế li ti được khảm trên hộp đựng kinh Koran đến các hộp đựng các trang sức quý giá hay những khung tranh cổ đều do nghệ thuật khatam tạo tác. Vật liệu được khảm cũng rất phong phú và đa dạng từ ngà voi, xương lạc đà, kim loại quý đến các loại gỗ quý được khảm lên các vật dụng trang trí nội ngoại thất từ nhỏ đến lớn khác nhau. Quy trình tạo ra một tác phẩm khatam cũng khá phức tạp. Nghệ nhân phải chọn lựa chủ thể để khảm trang trí lên trên đó. Những chủ thể đó bản thân đã là một vật trang trí có giá trị. Việc khảm lên chủ thể càng tôn vinh sự độc đáo có một không hai cho chủ thể đó. Sau đó, nghệ nhân sẽ vẽ phác thảo những bức tranh theo các câu chuyện thần thoại, các điển tích lịch sử, chân dung nổi tiếng hay phong cảnh thiên nhiên lên chủ thể. Đây là bước sáng tạo đầu tiên rất quan trọng để tác phẩm của người Ba Tư không nhầm lẫn với các loại hình khảm trang trí ở các quốc gia khác. Bức tranh càng nhiều chi tiết thì càng có giá trị bởi nó sẽ gây khó khăn cho người nghệ nhân ở giai đoạn sau. Giai đoạn quan trọng nhất tạo ra phần hồn cho tác phẩm là người nghệ nhân sử dụng các miếng trang trí được mài giũa từ vàng, bạc, đồng thau, nhôm hay đá quý, xương động vật, thủy tinh. Mỗi cen ti mét có thể khảm lên từ 100 đến 150 miếng kim loại bằng loại keo đặc biệt. Ali cho biết, bộ hộp gỗ nhỏ năm cái kích cỡ bề mặt khảm từ 100 đến 500 cen ti mét vuông mà Ali thực hiện gần một tháng trời. Tác phẩm càng nhiều chi tiết, thời gian thực hiện càng lâu và giá trị càng cao. Có thể nói, nếu như từ thời Cảnh Thái nhà Minh (1450-1457) ở Trung Quốc rất thịnh hành đồ mỹ nghệ bằng đồng được khảm sứ độc đáo còn gọi là Cảnh Thái Lam thì ở xứ Ba Tư lại sáng tạo nghệ thuật khảm khatam độc đáo không kém. Bởi ngoài sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mẩn của nghệ nhân, sản phẩm còn lưu giữ những câu chuyện quá khứ đậm nét văn hóa và tôn giáo Ba Tư mãi tận sau này. https://thuviensach.vn Một số sản phẩm lưu niệm độc đáo của người Ba Tư Ali bảo tôi đợi anh ta vài phút để tặng tôi một món quà kỷ niệm. Đó chính là tấm danh thiếp bằng đồng thau với mặt sau được khảm lên một vài viên đá màu vàng cam tạo thành dòng chữ Salam rất độc đáo. Một món quà có một không hai nhưng trên hết là sự hiếu khách quen thuộc của người Iran. Chào Ali bằng chính tiếng địa phương, tôi tiếp tục dạo bước theo dòng người đang thưa dần trong khu vực hành lang hình vòm của quảng trường Naghsh’e Jahan. Tôi đã có một ngày no nê về văn hóa Ba Tư qua những món hàng lưu niệm độc đáo ngay chính quê hương của chúng. https://thuviensach.vn Lúc này, một số cửa hàng lưu niệm cũng bắt đầu đóng cửa khi những tia nắng yếu ớt cuối cùng ở quảng trường chỉ còn vương trên các kiến trúc hình củ hành của nhà thờ Sheikh Lotfollah. Bên ngoài nhộn nhịp hơn bởi trên bờ cỏ hắt nắng là những gia đình Iran đang vui vẻ, nói chuyện rôm rả với nhau. Một số gia đình còn chuẩn bị ăn uống khi thời khắc Ramadan trong ngày sắp kết thúc. Đám con nít cùng nô đùa té nước lẫn nhau xung quanh khu vực hồ nước trung tâm bây giờ đã được thắp sáng bằng những ngọn đèn nhiều màu sắc. Thật thiếu sót nếu tôi bỏ qua những cây cầu cổ ở cố đô Esfahan. Đó chính là một nửa thế giới khi tôi đặt câu hỏi cho anh chàng Ali vì sao Esfahan lại được ưu ái gọi như thế. Những cây cầu bắc qua con sông chính Zayanderud chảy qua thành phố được xem là những kiến trúc tuyệt vời tô điểm cho Esfahan thêm phần lãng mạn và trữ tình. Cầu ở Esfahan đa phần được xây dựng từ triều đại Sasanian từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên, sau đó được trùng tu vào thế kỷ thứ X và XI bởi các triều đại Buyids và Seljuk. Chiếc cầu đầu tiên có tên là Shahrestan nằm phía Đông của thành phố từng nối giữa ngôi làng cùng tên ở bờ Bắc và những cánh đồng trồng lúa thẳng tắp ở bờ Nam. Chiếc cầu hiện nay chủ yếu dành cho người dân đi bộ nhưng không ai nhớ đến ý nghĩa lịch sử của cây cầu này. Chiếc thứ hai là Marnan được xây dựng từ năm 1599. Chiếc cầu thứ ba là Siosepol được xây dựng năm 1632. Chiếc cầu thứ tư là Khaju, cây cầu nổi tiếng nhất Esfahan được xây dựng từ năm 1650. Cầu Joui với 147 mét chiều dài là chiếc cầu cổ độc đáo được xây dựng khoảng thế kỷ XVII. Tôi không còn nhiều thời gian để tham quan hết thảy năm cây cầu nên chỉ đi dọc bờ sông Zayanderud để đến được cây cầu diễm lệ nhất, cầu Pol-e Khaju. Cũng xin nói thêm “Pol” trong tiếng Ba Tư cổ có nghĩa là “cầu nối.” Cầu Khaju được xây dựng dưới thời của Shah Abbas Đệ nhị. Cầu dài hơn 130 mét, rộng tầm 12 mét có tất cả 14 mái vòm và hai tầng. Tầng hai được xây dựng dốc vòng cung có lối đi bộ hai bên, phần đường trung tâm dành cho ngựa và xe. Giữa cầu có cấu trúc mái hiên được trang trí bằng gạch được điêu khắc bởi những bức tranh nghệ thuật độc đáo. Đây là nơi các Shah (vua) ngồi ngắm nhìn dòng sông Zayanderud cuồn cuộn bên dưới. Vào thời kỳ Safavid, các môn thể thao phát triển thì đây cũng là nơi mà triều đình tổ chức các cuộc đua thuyền truyền thống với sự hiện diện của Shah và các quan lại trên cây cầu Khaju lịch sử này. Tôi đi dọc dòng sông cạn trơ đáy, văng vẳng tiếng quạ đuổi nhau về tổ khiến khung cảnh càng trở nên u tịch. Có thể hạn hán và việc điều khiển dòng chảy ở các đập làm cho nước sông không còn cuồn cuộn như hàng chục năm nước. Một bạn trẻ người Iran bảo rằng, chính quyền thành phố sẽ mở đập nước vào tuần sau, có nghĩa thời điểm này sẽ không có tấm ảnh đẹp lung linh soi bóng của Khaju khi hoàng hôn buông xuống, như các bưu thiếp được bày bán khắp quảng trường Esfahan. Nhưng bù lại, tôi vẫn thấy lâng lâng như say khi thấy khoảnh khắc quả cầu lửa lọt thỏm https://thuviensach.vn trong các ô vòm của Khaju rồi chìm dần trong nền trời tím thẫm. Cây cầu hò hẹn Khaju ở Esfahan. Hệ thống đèn vàng được thiết kế làm nổi bật những khối kiến trúc đối xứng độc đáo của cầu Khaju. Khi chúng được thắp lên cũng là thời khắc các bạn trẻ Iran đi từng tốp lên cầu, ngồi dọc hai bên thành cầu để hóng gió, trò chuyện. Cũng có không ít những đôi uyên ương trẻ chọn Khaju để hẹn hò. Khaju giờ đây lại mang một trọng trách đáng yêu hơn khi trở thành một chiếc cầu nối cho tâm hồn của đôi lứa. Tôi cũng cố nán lại để tìm một cảm giác riêng khi lang thang độc bước khắp nơi. Đó chính là thời khắc quý giá của mỗi hành trình. Nó giúp tôi nghĩ lại về chính mình và những người thân như khi tôi đang trên đỉnh Phousi ngắm Luang Prabang thơ mộng năm nào, khoảnh khắc thả hồn trên sa mạc trắng huyền ảo của Ai Cập lúc chiều buông hay nằm dài trên triền cỏ xanh rờn ở Mông Cổ… Còn lần này, tôi lại cố tìm một ánh mắt, một nụ cười, một dáng hình ở một nửa của thế gian. Linh hồn Ba Tư hiện hữu ở Shiraz Tôi không còn ngạc nhiên lắm về đường phố vắng vẻ ở Iran vào buổi sáng sớm, Shiraz cũng không ngoại lệ. Nhưng đến gần 7 giờ sáng mà đường phố vẫn lặng như tờ giống Sài Gòn ngày https://thuviensach.vn mùng một Tết thì tôi bắt đầu cảm thấy là lạ. Dù vẫn còn trong những ngày Ramadan cao điểm nhưng không đến nỗi buổi sáng chỉ có tiếng hót của lũ chim văng vẳng đâu đó ở những khu vườn Ba Tư xanh xanh trong sương sớm. Hay đây là thành phố được mệnh danh là thi ca nên không gian lãng đãng của nó nói lên điều đó? Giờ này, đường phố không có một xe buýt công cộng nào xuôi ngược chỉ có vài chiếc xe gắn máy vụt nhanh trên phố. Tôi vội hỏi ông chủ nhà trọ thì biết rằng cả ngày hôm nay thành phố sẽ dừng tất cả các hoạt động để người dân tham gia buổi biểu tình phản đối Israel và ủng hộ người anh em Palestine trên các đường phố chính của Shiraz. Ông ấy còn thông tin cho tôi là chính quyền Shiraz sẽ tổ chức ở quảng trường trung tâm của thành phố, người dân và khách du lịch đều có thể tham gia. Hiện tại, đám đông đã tập trung từ rất sớm ở khu vực quảng trường chỉ cách khách sạn khoảng 200 mét. Thì ra đây là lý do làm cho Shiraz hôm nay vắng bóng người một cách lạ thường. Tôi cũng muốn tìm hiểu và tận mắt chứng kiến mối quan hệ không hữu hảo giữa Iran và Israel trong suốt những thập kỷ vừa qua. Cũng xin nhắc đến vấn đề đổi hộ chiếu của tôi trước khi kể về cuộc biểu tình chống Israel và Mỹ ở Shiraz. Số là, khi bắt đầu lên kế hoạch khám phá Con đường tơ lụa từ Trung Đông, tôi đã có thông tin về việc Iran và một số quốc gia Ả Rập khác sẽ không cấp visa dành cho khách du lịch vào nước của họ nếu đã có visa Israel trong hộ chiếu. Tôi đã phải thay nhanh quyển hộ chiếu của mình vì tấm visa Israel nằm ngay những trang đầu tiên trong chuyến đi vào mùa xuân năm trước. Sự thù địch giữa Israel và Iran cũng như thế giới Ả Rập theo đạo Hồi xuất phát từ những quan điểm bất đồng về tôn giáo, lãnh thổ và an ninh khu vực. Mọi việc bắt nguồn từ sau thế chiến thứ hai, người Anh đã thông báo ý định rút lui khỏi lãnh thổ ủy trị Palestine của mình. Đại hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đề xuất việc phân chia Palestine thành hai nhà nước, một nhà nước Ả Rập và một nhà nước Do Thái, với Jerusalem sẽ thuộc quyền quản lý của Liên Hiệp Quốc. Đa số người Do Thái tại Palestine chấp nhận đề xuất này, trong khi đa số người Ả Rập tại Palestine phản đối nó. Người Ả Rập hoàn toàn bác bỏ ý tưởng về một nhà nước Do Thái tại Palestine. Bạo lực giữa cộng đồng Ả Rập và Do Thái nổ ra hầu như sau đó ngay lập tức. Tới cuối thời kỳ ủy trị của Anh, người Do Thái dự định tuyên bố thành lập một nhà nước riêng rẽ, một động thái mà người Ả Rập quyết tâm ngăn chặn. Năm 1948, những lực lượng Anh cuối cùng rời khỏi Palestine, và người Do Thái, dưới sự chỉ đạo của David Ben Gurion, đã tuyên bố thành lập nhà nước Israel theo kế hoạch phân chia. Tuy nhiên, ngay sau việc tuyên bố thành lập Israel, các lực lượng Ai Cập, Syria, Iraq, Jordan, và Li Băng tấn công nhà nước mới ra đời từ mọi hướng. Trong một cuộc chiến liều lĩnh và đẫm máu bởi việc sử dụng nhiều loại vũ khí và những chiến thuật mưu mô, Israel cuối cùng đã đẩy lùi các lực lượng thù địch, và sau đó tiến quân chiếm một số vùng lãnh thổ vốn được quy định dành riêng cho người Ả Rập. Cho đến ngày nay, sự thù địch giữa Israel và thế giới Hồi giáo Ả Rập trong đó có https://thuviensach.vn Iran đã biến Trung Đông thành lò thuốc súng luôn trong tình trạng chực chờ bùng phát. Phụ nữ Shiraz trong trang phục truyền thống tham gia cuộc biểu tình. https://thuviensach.vn Một bé gái tham gia biểu tình ở Shiraz. Đến gần 8 giờ sáng, tất cả dòng người đã tập trung vào khu vực quảng trường trung tâm với hàng loạt các biểu ngữ, cờ xí rợp trời. Các đội kèn trống cũng đã phát lên những âm thanh cổ động inh ỏi. Shiraz hôm nay như một ngày hội thật sự chứ không thuần là cuộc biểu tình tranh giành quyền lợi hay chính trị đa phần kích động như một số nơi khác trên thế giới mà tôi từng chứng kiến. Người dân từ mọi thành phần xã hội kể cả những người già, phụ nữ, trẻ em, những vị đại diện sắc tộc hay tôn giáo đều mặc trang phục truyền thống đứng ngồi trật tự dọc hai bên những tuyến đường chính. Biểu ngữ được giăng kín dọc các tuyến phố với nội dung ủng hộ tinh thần quật cường của người Palestine trước Israel hay người Iran luôn ủng hộ người Palestine https://thuviensach.vn trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Xe cảnh sát bắt đầu hụ còi và dẫn đầu đoàn biểu tình chầm chậm di chuyển trên các trục đường chính. Từng đoàn người tay cầm cờ Iran cùng bức chân dung giáo chủ Ruhollah Khomeini, người sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, hô vang khẩu hiệu phản đối Israel trong việc đàn áp người Palestine hay việc trả lại ngôi đền thiêng trong thành Jerusalem cho người Hồi giáo anh em của họ. Đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu đến đâu thì người dân hai bên đường đồng thanh ủng hộ đến đó. Họ hòa vào đám đông tạo thành dòng người dài như vô tận. Tôi không cảm giác lo lắng về an ninh bởi trên gương mặt của người dân cho thấy đây là cuộc biểu tình ôn hòa. Họ giăng băng rôn, biểu ngữ, cổ động bằng trống kèn, hình ảnh lãnh tụ, quốc kỳ và bằng chính niềm tin của họ. Rất nhiều thùng quyên góp được chính quyền thành phố đặt sẵn dọc các tuyến phố để dân chúng thể hiện sự giúp đỡ hay ủng hộ người Palestine bằng các hoạt động vật chất thiết thực hơn. Một người dân tham gia biểu tình nói với tôi rằng, thế giới chỉ biết họ là nước sở hữu hạt nhân, đất nước an ninh luôn bất ổn, đất nước bất bình đẳng giới nhưng thế giới chưa biết một Iran rất nhân văn bằng việc ủng hộ từ vật chất đến tinh thần với những nước láng giềng hay những người đồng đạo chưa từng quen biết với họ. Hình ảnh những cụ già trên chiếc xe lăn, các em bé được bố mẹ động viên bỏ những tờ bạc vào thùng quyên góp một cách hoàn toàn tự nguyện, không gò bó, ép buộc hay những lời kêu gọi sáo rỗng của giới chính quyền. Những tia nước được bắn thẳng vào dòng người biểu tình làm tôi giật thót mình tưởng như đang bị trấn áp. Nhưng tôi đã lầm. Nước tung tóe vào đám đông đến đâu thì tiếng reo hò phấn khích của người dân rền vang đến đấy. Họ đang được tắm mát bởi những vòi nước được ban tổ chức chuẩn bị chu đáo để làm dịu đi thời tiết mùa hè oi bức trên đường phố. Shiraz biểu tình cũng rất thơ như danh xưng của thành phố mà tôi từng được biết. Nếu như không có cuộc biểu tình ban sáng thì Shiraz đúng là một thành phố êm đềm và thơ mộng của Iran. Thành phố giúp người ta liên tưởng đến những hình ảnh lãng mạn trong những đoạn thi ca bất hủ. Chính nơi đây là quê hương của Hafez, một nhà thơ lớn của Ba Tư thời Trung cổ. Nếu như ở ta có Kiều của đại thi hào Nguyễn Du thì ở xứ Ba Tư này có Divan của Hafez, một tập thơ về tình yêu, về men say, về vẻ đẹp của đất trời, về hoa hồng và cả loài họa mi bé bỏng. Ngay cả trong một thế hệ người Iran hiện đại, trong mỗi gia đình đều sở hữu hai cuốn sách quý đó là cuốn kinh Koran và tập thơ đầy quyến rũ của Hafez như là những báu vật giúp người Iran hướng về cội nguồn của văn hóa, truyền thống và tôn giáo. Ba Tư xưa có nhiều nhà thơ nổi danh trên thế giới, nhưng chỉ có Hafez gieo vào lòng người những hình ảnh dân gian gần gũi, đề cập tới mọi khía cạnh của đời sống xã hội từ ngàn năm và vẫn giữ cho đến ngày nay. https://thuviensach.vn Lăng mộ của Hafez. Hôm sau, tôi dành thời gian để đến công trình kiến trúc độc đáo ở Shiraz, đó là lăng mộ Hafez và tiện thể bói thơ Hafez để thử thời vận mà ông chủ nhà trọ đã tư vấn. Khu quần thể lăng mộ Hafez được thiết kế như một khu vườn Ba Tư ngập ánh nắng, cây cối, hoa cỏ được cắt tỉa cẩn thận và du dương tiếng chim ca quen thuộc. Hafez sinh năm 1321 và mất năm 1390 ngay trên quê hương Shiraz – cũng chính là nguồn cảm hứng thi ca của ông. Ông mồ côi cha từ nhỏ nhưng tinh thần hiếu học đã giúp ông trở thành một trong những người hiếm có đương thời học thuộc lòng kinh Koran (Hafez) mà từ đó trở thành bút danh của mình. Sống trong thời kỳ loạn lạc của lịch sử Iran ở thế kỷ XIV, Hafez từng nhiều lần được các vị hoàng đế trong và ngoài Ba Tư mời làm thi bá và đọc kinh Koran cho triều đình nhưng ông đã từ chối vì không muốn rời xa Shiraz. Đến năm 1773, hoàng đế Karim Khan đã cảm những vần thơ quyến rũ của Hafez nên cho xây dựng lại phần mộ bằng cẩm thạch trên nền của phần mộ cổ để tưởng nhớ nhà thơ. Chính Karim đã biến thành phố thi nhân này trở thành kinh đô hùng mạnh của đế chế Ba Tư trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi của mình từ năm 1750 đến năm 1779. Sau này, một số công trình của lăng như mái vòm bát giác được xây dựng năm 1935, do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Sáng nay, có rất nhiều đoàn học sinh của thành phố đến râm ran đọc những vần thơ bên trong khuôn viên khu lăng mộ của Hafez. Việc học này rất có hiệu quả bởi cảm nhận được những hình ảnh quen thuộc được nhắc trong tập thơ của ông. Có thể nói, người Iran ngày nay xem Hafez như là vị thánh thi của dân tộc. Tôi được một bạn trẻ Iran dẫn vào trong khu nhà điều hành của khu di tích khi biết tôi có nguyện vọng tìm hiểu về loại hình dân gian bói bằng thơ Hafez. Cũng giống như hình thức bói https://thuviensach.vn Kiều ở miền Bắc nước ta, bói thơ Hafez để đoán việc quá khứ và tương lai. Quẻ bói có thể soi cho ta thấy tương lai có thể xảy ra như thế nào hoặc quẻ bói không phải là một cái gì tiền định bất biến và không thể thay đổi mà chỉ là lời cảnh báo để ta suy nghĩ và xét lại những gì đã làm và sắp sửa làm. Đối với người dân ở Iran, việc bói thơ Hafez thường vào dịp lễ lạt, năm mới hay vào tháng chay Ramadan. Vẫn phong cách hiếu khách khi gặp người nước ngoài, họ vui vẻ gieo cho tôi một quẻ. Quẻ bói về chuyến đi khám phá đang diễn ra tôi cho là hợp lý nhất. Họ yêu cầu tôi suy ngẫm về chuyến đi đó, những gì liên quan đến hành trình của mình. Họ bảo tôi lật một trang thơ của Hafez. Về cách thức, quyển sách bói thường gồm hai phần, một trang là bản nguyên gốc thơ của Hafer, bên kia là trang giải nghĩa và bình phẩm. Nếu như ở ta, trang Kiều bằng chữ Nôm không phải người Việt nào cũng hiểu rõ nghĩa, hay nếu là một trang thơ dịch thì cũng cần có người bình phẩm để giải bói cho người đi xem thì bói thơ Hafez cũng thế. Người dân có thể nằm lòng những đoạn thơ cổ dân gian này nhưng để giải thích tương ứng với cuộc sống ngày nay thì cần có người bình phẩm. Họ giải thích cho tôi bằng trang thơ giải nghĩa bên cạnh. Họ bảo chuyến đi của tôi sẽ có nhiều bất ngờ, có nhiều niềm vui nhưng sẽ gặp chút trục trặc ở những chặng đường cuối. Họ còn nói rằng, số tôi luôn được quý nhân giúp đỡ, mặc dù sẽ khó khăn nhưng cũng dễ dàng vượt qua những trở ngại trên đường. Tôi không bao giờ xem bói vì không tin vào những lời bói toán có phần mê tín, không căn cứ khoa học nhưng lần này lại khác khi hành trình đơn độc của mình không có gì là không thể và nhất là đang xem những quẻ bói ngay trong khuôn viên phần mộ của thi nhân lỗi lạc như Hafez. Sau khi rời khỏi căn phòng bói thơ tôi mới ấm ức vì không tiện thể xủ quẻ luôn về duyên phận. Đã qua rất nhiều chuyến đi mà tôi vẫn đơn độc một mình. Lần này cơ hội vàng trước mắt mà lại quên. Chắc cũng là tùy duyên mà thôi. Dòng người viếng mộ Hafez ngày một đông đúc hơn, những người dân địa phương vẫn ngồi tụ thành từng nhóm đọc những câu thơ của Hafez một cách say sưa quên cả tiếng họa mi vẫn đang hót giữa khu vườn ngập trong hương thơm của hoa hồng. Như thể thơ ca chính là phần linh hồn Ba Tư hiện hữu trong mỗi người Iran ngày nay vậy. Cách Shiraz 70 km về phía Đông Bắc, tôi cố gắng tranh thủ buổi chiều đi bằng xe buýt địa phương để khám phá cố đô Persepolis lừng lẫy một thời của đế quốc Ba Tư cổ đại. Không thể không đến đây vì người Iran ngày nay vẫn xem đây là kinh thành vĩ đại nhất của họ. Để hoàn tất một thủ đô Persepolis bề thế với các cung điện, dinh thự, sảnh đường, phải mất một thời gian dài và trải qua nhiều đời vua. Persepolis được cho đã khởi công từ những năm đầu của triều đại Darius Đại Đế (năm 521 - năm 486 trước Công nguyên) với mục đích xây dựng một cung điện mùa hè ngay chính quê hương của ông. Công trình đồ sộ này tiếp tục xây dựng dưới thời của Cyrus Đại Đế (năm 485 - năm 465 trước Công nguyên) và kéo dài đến tận triều đại Artaxerxes https://thuviensach.vn Đại Đế (năm 464 - năm 424 trước Công nguyên) mới cơ bản hoàn thành. Dưới sự trị vì của hoàng đế Cyrus Đại Đế, đế chế Ba Tư phát triển hưng thịnh. Ông không những mở rộng lãnh thổ bằng ý chí, mà còn tạo uy thế cho vương quốc qua các công trình xây dựng hoành tráng như một số công trình chính của Persepolis hoàn thành chủ yếu dưới triều đại của ông. Cung điện Apadana là công trình lộng lẫy nhất của Persepolis. Cung điện có chiều rộng theo hướng Đông Tây là 300 mét và chiều dài theo hướng Nam Bắc là 460 mét. Cung điện được bắt đầu xây dựng vào năm 515 trước Công nguyên và hoàn tất sau 30 năm, là nơi các vị vua Ba Tư tổ chức hội họp và đón tiếp sứ thần các nước. Theo mô hình được mô phỏng lại của các nhà khoa học, nơi đây từng được gọi là Bách Trụ Cung, tức cung điện có 100 cây cột đá khổng lồ được điêu khắc cực kỳ tinh xảo thể hiện quyền uy của xứ Ba Tư thời đó. Bách Trụ Cung vẫn còn khá nguyên vẹn sau hàng ngàn năm. Persepolis còn có những công trình phụ cận mang tầm vóc vĩ đại không thua gì Apadana. Cầu thang lớn có tay vịn được đẽo từ những tảng đá nguyên khối và cũng là cổng vào trong cung điện. Ngay cổng vào hiện vẫn còn sót lại một vài cổng trụ bằng đá, bên trên có chạm khắc hình các con vật. Chúng là biểu trưng cho sức mạnh và sự thịnh vượng của Persepolis. Từng đường nét chạm khắc hài hòa, sinh động đã phô diễn tài năng của những thợ thủ công Ba Tư cổ đại. Persepolis không chỉ là công trình phục vụ cho vương triều lúc bấy giờ, mà còn là một kiệt tác kiến trúc, thể hiện qua những cột đá được chạm khắc tinh xảo. Những cột đá cao ngạo nghễ khiến người ta liên tưởng đến ngôi đền Parthenon ở Hy Lạp, nhưng nếu tinh mắt sẽ thấy dáng dấp hình ảnh của những cây cọ đặc trưng ở vùng đất Ba Tư. Trên đỉnh các cột đá là hình ảnh của những con vật như bò tót biểu hiện sức mạnh của đế chế Ba Tư. Tôi từng đứng tần ngần trước https://thuviensach.vn các công trình bằng đá tinh xảo tại một số nơi trên thế giới như đền Angkor Thom với nụ cười Bayon bí ẩn, lâu đài mỹ miều Taj Mahad của một vị vua xây tặng cho thiếp của mình ở Ấn Độ nhưng chỉ có Persepolis đã cho tôi thấy được phần hồn thông qua những tác phẩm kiến trúc đồ sộ của công trình. Linh hồn Ba Tư vẫn hiện diện đâu đây trên những di tích còn sót lại dù đã trải qua hàng ngàn năm với nhiều biến cố lịch sử. Những điêu khắc độc đáo của Persepolis. Ngoài những cột trụ đá cao tầm 20 mét được xem là một phần di tích còn sót lại của cổng giao tế ở cung điện, Persepolis vẫn còn giữ lại những bức tường được chạm khắc vô số hình ảnh. Chúng vừa là tác phẩm nghệ thuật, vừa là bức tranh sống động về cuộc sống của vương triều Ba Tư cổ đại. Hằng năm, Persepolis đều có tổ chức nghi lễ cúng tế thần linh, họ cầu cho vương quốc thịnh vượng, dân chúng ấm no hạnh phúc. Ở Persepolis còn diễn ra một số lễ hội mang tính chất cộng đồng như lễ mừng năm mới. Vì thế, nơi đây còn được xem là cố đô của tâm linh người Ba Tư cổ. https://thuviensach.vn Các di tích chứng tỏ một Persepolis hùng mạnh trong quá khứ. Thời hoàng kim của đế chế Ba Tư rồi cũng đến hồi kết thúc, cố đô Persepolis cũng cùng chung số phận. Vào năm 332 trước Công nguyên, Hoàng đế Alexander của xứ Macedonia đã xâm chiếm Persepolis. Tương truyền, ông cho phóng hỏa đốt thành phố như một hành động mang ý nghĩa phá hủy quyền lực của Ba Tư. Toàn bộ tài sản quý giá của Persepolis được Alexander vơ vét chất trên hàng nghìn con la và lạc đà mang về tận Macedonia. Thành phố lộng lẫy giờ chỉ còn là một phế tích với những phiến đá khổng lồ được xếp thành vòng tường thành bao quanh, những cột đá cẩm thạch, hay những bức phù điêu được chạm khắc tinh xảo hàng ngàn năm không lay chuyển. Tuy nhiên, dù thời hoàng kim của Persepolis đã qua, nhưng những giá trị văn hóa cũng như kiến trúc của cố đô vẫn chiếm vị trí quan trọng trong lòng nhiều người, đặc biệt là người dân Iran. Tôi đã đến Shiraz để cảm về phần hồn của người Ba Tư xưa kia và ngay cả hiện tại. Vùng đất thánh Mashhad Tôi từng đặt câu hỏi vì sao người Iran đa phần lại theo dòng Hồi giáo Shia trong khi trên thế giới có đến 90% lại theo dòng hồi giáo Sunni. Có điều gì đặc biệt giữa hai dòng này trong đạo Hồi, một tôn giáo chỉ đứng hàng thứ hai trên thế giới sau Kitô và hiện là tôn giáo phát triển nhanh nhất. Người Hồi giáo Iran theo dòng Shia có tạo nên sự khác biệt gì trong tính cách, văn hóa, tín ngưỡng của người Iran hay không? Trước khi đến Mashhad tôi không có cơ hội để giải đáp những thắc mắc này. Tôi hy vọng thành phố linh thiêng Mashhad cho tôi những đáp án trước khi https://thuviensach.vn tiến về vùng đất Trung Á kỳ bí. Đối với người Iran, được đến thành phố linh thiêng Mashhad hành lễ được xem là một thỏa nguyện trong cuộc đời của họ. Khi đó họ sẽ trở thành Mashti, một tín đồ chân chính của Hồi giáo. Điều này tương tự với những tín đồ Hồi giáo khắp nơi trên thế giới một lần đến được thánh địa Mecca ở Ả Rập Xê Út, nơi được xem là thực hiện điều răn dạy cuối cùng trong năm điều cần làm của người Hồi để trở thành một Haji thực thụ. Biểu tượng quyển kinh Koran ở thành phố linh thiêng Mashhad. Không chỉ người Hồi giáo Iran theo dòng Shia mong muốn đến Mashhad, mà nơi đây trở thành nơi hành hương chính của những tín đồ khắp khu vực Trung Á, Tây Á và cả Nam Á. Hằng năm, các tín đồ khắp nơi trên thế giới hành hương về thánh địa Mashhad khiến cho thành phố ngày một đông đúc hơn và trở thành thành phố lớn thứ hai thế giới sau thủ đô Tehran. Thành phố nằm ở Đông Bắc, sát biên giới với Turkmenistan và Afghanistan. Nơi đây cũng là điểm dừng chân trên Con đường tơ lụa nổi tiếng khi đoàn thương nhân tiến vào đất nước Ba Tư xưa. Tôi được Kamran, ông là một hướng dẫn viên tiếng Anh kiêm luôn chủ nhà cho thuê dịch vụ homestay, gợi ý cho tôi cách đến đại thánh đường Imam Reza, thánh địa hành hương chính của tín đồ Hồi giáo Iran ở Mashhad. Có thể nói thánh đường Reza là nơi duy nhất trên thế giới dành cho những tín đồ Hồi giáo cầu nguyện nhưng cũng mở rộng cửa đón những du khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu. Mà hầu như trên khắp đất nước Iran, họ mở rộng cửa đón những du khách hay người ngoại đạo vào bên trong thánh đường nghe các tín đồ đọc kinh cầu nguyện. Không ít lần tôi đã được vào tận khu vực giáo đường hành lễ của người Hồi giáo Iran ở Shiraz, Yazd, Esfahan hay thủ đô Tehran như những tín đồ thực thụ. https://thuviensach.vn Mashhad là thành phố biên giới nên ngoài việc đến hành hương của các tín đồ, nơi đây còn nhộn nhịp như là nơi giao thương hàng hóa của Iran và khu vực Trung Á. Đường phố tập nập các phương tiện giao thông công cộng đưa du khách đến khu vực trung tâm nơi tọa lạc quần thể thánh đường Imam Reza rộng lớn. Từ Homestay Vali của Kamran tôi bắt xe buýt đến khu vực trung tâm thánh đường Imam Reza thay vì sử dụng hệ thống xe điện ngầm gần đấy. Tôi muốn cảm nhận quang cảnh nhộn nhịp của thành phố biên ải Mashhad. Tất cả các con đường đều hướng về trái tim của thành phố, đó chính là đại thánh đường Riza. Kamran nói với tôi vào mùa hành hương chính mọi ngả đường đến Riza đều bị phong tỏa để dành riêng cho các tín đồ hành hương. Các khách sạn xung quanh thì không còn một phòng trống mặc dù giá phòng lên đến hàng trăm đô-la cho một đêm. Những khách sạn có ban-công nhìn vào đại thánh đường thì chỉ dành cho giới nhà giàu Iran hoặc tài phiệt Ả Rập khi chịu bỏ ra hàng nghìn đô-la để thuê một phòng đẹp. Hơn 15 phút, tôi đã có mặt tại cổng chính của thánh đường. Dòng người tấp nập ra vào khu vực cổng chính, phụ nữ thì khoác bộ chador đen tuyền từ đầu đến chân còn cánh đàn ông thì khoác lên người bộ đồ lễ truyền thống màu trắng. Đây là trang phục được chính quyền yêu cầu những người theo đạo mặc khi bước chân vào khu vực hành lễ của Imam Reza. Đối với khách du lịch thì ăn mặc kín đáo, lịch sự, riêng phụ nữ phải có khăn trùm đầu để che mái tóc của mình. Tôi được Yaser, anh chàng có hàm râu quai nón đặc trưng của Iran, hướng dẫn gửi hành lý trước khi vào bên trong thánh đường Imam Reza. Tất cả máy ảnh, túi xách được yêu cầu gửi bên ngoài. Thấy tôi có vẻ thất vọng vì buộc phải gửi máy ảnh, cách duy nhất để tôi có thể ghi lại những hình ảnh đẹp về những nơi mình đi qua, Yaser rất tâm lý bảo rằng: “Anh vẫn có thể chụp ảnh bằng điện thoại di động. Đừng quá lo lắng!” Yaser dẫn tôi vào bên trong thánh đường Hồi giáo rộng nhất thế giới với những tòa tháp hình chóp được dát vàng sáng rực ẩn hiện sau những vòng thành. Yaser để tôi ngó nghiêng mọi thứ rồi chậm rãi kể về Imam Reza khi chúng tôi đang đứng trước một sân lễ rộng như một sân bóng đá ngoài trời. – Chúng ta đang đứng trước một trong bảy sân hành lễ bao quanh ngôi đền chính. Tổng diện tích của Imam Reza gần 600.000 mét vuông, là nhà thờ lớn nhất thế giới về diện tích và thứ hai thế giới về sức chứa sau thánh địa Mecca của Ả Rập Xê Út. Toàn bộ khu phức hợp của Imam Reza bao gồm nhà thờ Hồi giáo Goharshad, một viện bảo tàng, thư viện, bốn chủng viện, một nghĩa trang, trường Đại học Khoa học Razavi Hồi giáo, một phòng ăn cho khách hành hương, phòng cầu nguyện rộng lớn, và các tòa nhà khác. Nếu muốn tham quan hết các công trình ở đây chắc chúng ta mất ít nhất ba ngày. Yaser hóm hỉnh kết câu nói khi biết chắc rằng một khách du https://thuviensach.vn lịch ngoại đạo thuần túy như tôi sẽ không bao giờ có nhiều thời gian đến thế. – Vậy hôm nay anh sẽ đưa tôi đi tham quan ở đâu Yaser? – À, tôi sẽ hướng dẫn anh tham quan bảo tàng, khu thánh đường chính của Goharshad và phòng cầu nguyện bằng thủy tinh độc đáo nhất của Imam Reza. Yaser giới thiệu anh ta là giảng viên thần học thuộc trường Đại học Khoa học Razavi Hồi giáo, nằm trong khuôn viên rộng lớn của Imam Reza. Ngoài việc giảng dạy, Yaser kiêm luôn công việc hướng dẫn cho các đoàn du khách nước ngoài bằng tiếng Anh. – Sức chứa của Imam Reza là bao nhiêu người vậy Yaser? – Tôi hỏi Yaser trong khi đang bước theo Yaser vào khu vực bảo tàng của Imam Reza. – Đây là bức ảnh chụp vào dịp Imam Reza đón khách hành hương nhiều nhất vào năm 2010, sức chứa có thể lên đến một triệu người cùng lúc – Yaser chỉ tay lên bức ảnh cỡ lớn được treo trang trọng ngay lối đi chính. Một năm, trung bình chúng tôi đón tiếp khoảng 20 triệu khách du lịch hành hương khắp nơi trên thế giới. Bất kể mùa đông hay mùa hè, mùa xuân hay mùa thu lượng khách đến thăm viếng không ngại về vấn đề thời tiết. Những cuộn thảm Ba Tư được chất đống ngoài hành lang được sử dụng cho các tín đồ cầu nguyện vào mùa đông. – Reza có thể chìm trong tuyết. Nói rồi Yaser đi bước lên tầng một và bắt đầu kể cho tôi nghe về Imam Reza, một trong mười hai vị Imam đáng kính của người Hồi giáo theo dòng Shia ở Iran. – Ở Iran, dòng Hồi giáo Shia được chia làm nhiều nhánh, nhưng nhánh Mười hai Imam là có đông tín đồ nhất. Trong đó, những tín đồ như chúng tôi thường chỉ tưởng niệm ba vị Imam: vị Imam đầu tiên Ali, vị Imam thứ ba Husain và vị Imam thứ tám Reza. Imam Reza cũng là vị duy nhất trong số mười hai Imam qua đời ở Iran và được an táng tại thành Mashhad này. Chính điều này đã khiến Mashhad trở thành thành phố linh thiêng của người Hồi giáo dòng Shia ở Iran và khắp Trung Đông đến tận Nam Á và Trung Á. – Như vậy giáo phái Mười hai Imam có khác gì so với các giáo phái khác thuộc dòng Shia? – Tôi thắc mắc. – Tín đồ như chúng tôi tin rằng sau khi ngôn sứ Muhammad qua đời, sự dẫn đắt tinh thần cho các tín đồ được thực hiện bởi mười hai ngôn sứ kế tục còn gọi là mười hai Imam. Imam ở đây có nghĩa là bậc thánh hay người dẫn lối - Yaser từ tốn giải thích. https://thuviensach.vn – Đây có phải cũng là căn nguyên khác biệt của triết lý của những người theo dòng đạo Hồi Sunni và Shia? - Tôi tiếp tục chất vấn Yaser. – Đây là một câu chuyện dài về niềm tin tôn giáo. Mặc dù người theo đạo Hồi nói chung rất tôn kính nhà tiên tri Muhammad và những điều răn dạy trong kinh Koran nhưng vẫn có một số bất đồng trong việc những người đủ tư cách để dẫn dắt tín đồ cho những tư tưởng của Hồi giáo. Mọi bất đồng bắt đầu từ năm 632 sau Công nguyên, nhà tiên tri Muhammad đã qua đời đột ngột mà không chỉ định ai là người kế nhiệm của mình. Abu Bakr, cha của một trong những người vợ của Muhammad đã trở thành Caliph7 của người theo đạo Hồi. Ông đã cho viết những lời khai sáng của Muhammad thành kinh Koran và hoàn thành nó vào năm 650. Abu Bakr được sự ủng hộ của người Sunni, trong khi đó người Shiite lại tin rằng Abu không phải là người kế nhiệm chính thức mà phải là người khác, con rể của Muhhammad cũng đồng thời là người em họ có huyết thống với nhà tiên tri tên là Ali. Chỉ bởi vì mâu thuẫn này mà hai dòng Sunni và Shia đã dần tách biệt khỏi nhau cho tới ngày nay. Hiện cách ăn mặc hay cách tu tập cũng khác nhau. Cuộc chiến này lên tới đỉnh điểm khi năm 656 những người ủng hộ Shia đã giết chết giáo chủ đời thứ ba còn sau đó thì những người Sunni đã giết chết con trai của Ali là Husain, tức vị Imam thứ ba mà người Shia tại Iran rất tôn kính. Hằng năm, ở Iran tổ chức lễ hội Ashura vào ngày thứ 10 của tháng Moharram theo lịch Hồi giáo. Lễ được tổ chức khắp nơi ở Iran. Vào những ngày này, các tín đồ kể cả người dân hay nhân viên công sở đều mặc toàn y phục đen để tưởng nhớ vị lãnh tụ tinh thần tử vì đạo Imam Husain – Yaser giải thích cặn kẽ cho tôi như đang giảng dạy về dòng chảy Hồi giáo trong một lớp học chính quy của anh ta. Mặc dù, Yaser là một tín đồ Hồi giáo ngoan đạo của dòng Shia nhưng cách giải thích của anh ta vẫn đứng trung lập để những người ngoại đạo dễ hình dung một cách khách quan về một chủ đề tôn giáo luôn là lĩnh vực nhạy cảm. Nhưng nếu để ý, anh ta đã rất khéo léo trong việc thu hút và lôi cuốn người khác nhằm khẳng định niềm tin tôn giáo chủ quan của mình một cách trung dung hơn. – Anh nhắc đến vấn đề tử vì đạo, vậy tinh thần này đã có từ thời các vị Imam đúng không Yaser? – Đúng thế. Hành động tử vì đạo của mười hai vị Imam có ảnh hưởng lớn đến tinh thần hy sinh quên mình của những tín đồ Hồi giáo Iran. Vì vậy, nếu có dịp tham dự lễ hội này, bạn sẽ thấy một số tín đồ Hồi giáo tự nguyện chịu đau khổ, cực hình bằng việc đi chân trần qua than đỏ, tự dùng kiếm xuyên qua da thịt để chia sẻ nỗi đau hy sinh mà mười hai vị Imam đã trải qua – Yaser khẳng định với tôi và bất ngờ hỏi lại khi tôi vẫn còn mãi say sưa, há hốc mồm với màn độc diễn của anh chàng như một bài thuyết trình gốc rễ về tôn giáo. – Thế anh theo tôn giáo nào? https://thuviensach.vn – À, à… tôi không theo tôn giáo nào cả? – Tôi ấp úng trả lời vì biết như thế sẽ gây một sự khó hiểu cho người đối diện. Đặc biệt ở một nơi mà niềm tin tôn giáo là bất diệt, là căn nguyên cho mọi sự sinh tồn trong cuộc sống đối với những quốc gia Hồi giáo như Iran. Đôi khi, họ còn xem trọng đấng tối cao hơn cả những người thân ruột thịt trong gia đình. – Là sao? Tôi không hiểu. Không ai trên thế giới này mà không tin vào một đấng tối cao? – Yaser ngạc nhiên và nhìn tôi chằm chằm như thể anh ta đang kiểm chứng một người không có niềm tin tôn giáo thì sẽ có diện mạo khác lạ như thế nào vậy. – Thật sự ở Việt Nam cũng có nhiều tôn giáo như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo và một số đông người dân không theo tôn giáo tuy nhiên mọi người vẫn có tục thờ cúng tổ tiên. Đối với người Việt, phong tục thờ cúng tổ tiên gần như trở thành một thứ tín ngưỡng, không gia đình nào không có bàn thờ tổ tiên trong nhà, nhưng không phải là một tôn giáo mà là do lòng thành kính của người Việt Nam chúng tôi đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ. Đây là một tín ngưỡng rất quan trọng và không thể thiếu trong phong tục của Việt Nam. – Tôi cố giải thích trong khi Yaser cứ tròn xoe mắt vì ngạc nhiên. – Thế … thế những người theo Hồi giáo hay Thiên Chúa Giáo ở Việt Nam vẫn có tục thờ tổ tiên à? – Đúng vậy Yaser. Đây là nét văn hóa riêng của người Việt chúng tôi. Riêng tôi nghĩ tôn giáo nào cũng tốt, cũng hướng con người đến cái thiện. Mọi quan điểm bất đồng cũng chỉ do con người mà ra, không xuất phát từ những điều tốt đẹp từ trong kinh Phật hay Koran chẳng hạn. Yaser cũng đồng ý với tôi về vấn đề này. Sau đó, anh chàng tiếp tục giới thiệu những phòng trưng bày những hiện vật quý hiếm trong bảo tàng cũng như những ngôi mộ của những vị giáo sĩ đáng kính được trưng bày rất trang trọng. Đa phần những hiện vật đều làm bằng vàng, bạc cùng vô số các loại đá quý ở xứ Ba Tư lắm tiền nhiều của từ thời xưa. Chúng tôi tiếp tục đến thánh đường Goharshad, khu vực cầu nguyện chính của các tín đồ Hồi giáo Iran khi đến Mashhad. Hàng ngàn tín đồ ngồi trải dài phía trước sân dẫn vào tận bên trong thánh đường chính. Yaser nói rằng vào dịp tháng chay Ramadan, người Hồi giáo khắp nơi đổ về Mashhad để cầu kinh. Họ tin rằng, được gần mộ Imam Reza, tức là họ đang gần với đức tin Hồi giáo. Reza sẽ phù hộ cho cuộc sống của họ ấm no, hạnh phúc. Ngay cả các cặp đôi cưới nhau, được cầu nguyện trước sự chứng giám của Reza thì hạnh phúc của họ sẽ trường tồn mãi mãi. Ngay khi chết đi, họ mơ được chôn cất trong nghĩa trang thuộc thánh đường Imam Reza giúp họ được cận kề với giáo chủ, với đức tin của họ. Điều này giống như đức tin của người Ấn về con sông Hằng linh thiêng. Họ cũng có niềm tin được trầm mình trong dòng sông Mẹ từ lúc mới https://thuviensach.vn chào đời đến khi lập gia đình và chết đi để linh hồn được siêu thoát lên thiên đàng. Sau khi dẫn tôi đến khu nhà nguyện được trang trí bằng hàng triệu miếng thủy tinh hình thoi bé bằng đốt lóng tay dát trên tường như một cung điện lộng lẫy, Yaser nói rằng anh ấy sẽ dành cho tôi một bất ngờ trước khi chia tay. Đó là những món quà vô cùng đặc biệt dành cho lữ khách đến từ một đất nước anh chưa từng tiếp xúc trước đây. Xấp bưu thiếp về Imam Reza mà Yaser nói rằng đây là phần đền bù cho tôi vì nguyên tắc không được chụp ảnh về Imam Reza. Một quyển sách giới thiệu về lịch sử của thánh đường Imam Reza và một miếng ấn nhỏ có khắc tên vị giáo chủ Imam Reza đáng kính. Đây là những món quà quý giá mà sẽ khiến tôi tìm hiểu nhiều hơn về thế giới tâm linh mà Yaser đã giảng dạy cho tôi về Reza. Kinh Koran lại vang lên khắp thánh đường. Yaser tiễn tôi ra tận cửa khi ánh hoàng hôn bắt đầu thấp thoáng trên các mái vòm. Anh ta chào tạm biệt không quên chúc tôi thượng lộ bình an cho những chặng đường tiếp theo. Yaser trấn an: “Ngay cả trong cuộc chiến đẫm máu Iran-Iraq thì Mashhad và người dân ở đây không hề hấn gì vì có Imam Reza che chở, nên khi anh đến đây chắc chắn cũng sẽ được giáo chủ chúng tôi sẽ phù hộ cho anh lên đường may mắn và bình yên!” Tôi cảm ơn những người bạn Iran nhiệt tình dễ mến. Chợt tôi nghĩ những lời chúc của anh có liên quan gì đến những quý nhân phù hộ cho tôi trong suốt hành trình còn lại như lời của quẻ bói thơ Hafez ở Shiraz không. Imam Reza bỗng lung linh, rực rỡ hơn về đêm khi những sợi đèn nhiều màu bắt đầu chớp tắt liên hồi như những dãy ngân hà dài vô tận. Cơn gió mát hiếm hoi thổi từ ngoài vào hất tung tấm màn che cửa màu ghi ở khu nhà trọ Homestay Vali. Mashhad hôm nay lạ lùng, thời tiết dịu hẳn, bầu trời như cao hơn với hàng triệu triệu vì sao lấp lánh trong đêm. “Ông Tổ xê dịch” chắc làm điều này để khiến tôi phải lưu luyến vùng đất thiêng của người Ba Tư đây mà. Xin chào Iran Nhắc đến Iran là nhắc đến những câu chuyện nhuốm màu thần thoại Ba Tư được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Trước đây Iran có tên gọi là Ba Tư, là một quốc gia nằm ở phía Tây Nam châu Á bao quanh bởi núi và sa mạc. Phía đông Iran được hình thành bởi các lưu vực sa mạc không có người ở và các hồ muối. Phía bắc giáp với biển Caspian và phía nam tiếp giáp với vịnh Ba Tư và Oman rộng lớn. Với vị trí đặc biệt này, Iran cũng là đất nước nằm trong nền văn minh Lưỡng Hà rực rỡ. Iran cũng như lịch sử của chính nó đã kế thừa những dấu ấn cổ xưa nhất của nhân loại. Qua nhiều năm, các nền văn hóa có ảnh hưởng khác nhau tới văn hóa của người Iran. Các cư dân từ khắp nơi trên thế giới đã đi du lịch qua tuyến đường thương mại lịch sử gọi là Con đường tơ lụa với sự đa https://thuviensach.vn dạng và vinh quang của các đế quốc lớn. Đến thăm Iran là đến với cái nôi văn hóa độc đáo. Tự hào với ba thiên niên kỷ ghi lại lịch sử, Iran được kế thừa một sự hoang tàn với các lối kiến trúc riêng biệt và sáng tạo. Những tòa thánh đường được chạm khắc tinh xảo, những bảo tàng với hàng nghìn hiện vật quý, những lâu đài nguy nga tráng lệ, những quảng trường rộng lớn cùng với thiên nhiên tươi đẹp là điểm thu hút hàng triệu khách du lịch đến với Iran mỗi năm. Iran là một trong những đất nước hiếm hoi ở Trung Đông sở hữu khối di sản văn hóa đồ sộ của nhân loại. Có thể nói, đất nước Iran rất thích hợp đối với khách du lịch bụi mặc dù hơi khó khăn liên quan đến việc cấp visa cho họ khi họ đã từng du lịch ở một số quốc gia vướng yếu tố chính trị. Ví dụ mối quan hệ không hữu hảo giữa Israel và Iran khiến cho du khách sẽ không được nhận visa du lịch của nước này nếu trong hộ chiếu đã có visa của nước kia. Một số thông tin không được kiểm chứng rằng nếu một du khách Việt Nam đi du lịch Iran thì sẽ khó mà được duyệt visa khi đi du lịch Mỹ. Tuy nhiên, với cảnh quan thiên nhiên đa dạng theo từng mùa, địa hình phong phú, khối di sản đồ sộ, ẩm thực độc đáo cùng kiểu Hồi giáo thân thiện khiến bạn phải đến thăm ngay đất nước thuộc một trong những cái nôi văn minh của loài người cách đây hơn sáu thiên niên kỷ. Visa Iran Xin visa ở Việt Nam: bạn có thể nộp hồ sơ theo yêu cầu của Đại sứ quán Iran tại Việt Nam theo địa chỉ 54 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua số điện thoại +84.4.3823.2068; số fax +84.4.3823.2120; hộp thư điện tử [email protected]. Hồ sơ sẽ được duyệt trong bảy ngày làm việc. Bạn sẽ nhận được visa Iran, nhập cảnh một lần với mục đích du lịch trong 30 ngày. Nên lưu ý nếu bạn đã từng có visa Israel trong hộ chiếu thì đại sứ quán Iran sẽ không cấp visa cho bạn. Xin visa tại cửa khẩu: bạn không cần phải xin visa ở Việt Nam trước khi đi du lịch đến Iran. Iran đang áp dụng chính sách cấp visa tại sân bay đối với công dân Việt Nam khi đi du lịch bằng đường hàng không. Bạn sẽ nhận được visa 15 ngày với mục đích du lịch khi bạn nhập cảnh các sân bay quốc tế như: sân bay Imam Khomeini hoặc Mehrabad ở Tehran, sân bay Mashhad, sân bay Shiraz, sân bay Tabriz hoặc sân bay ở Isfahan. Bạn cần chuẩn bị hộ chiếu bản chính còn hạn trong 6 tháng và 1 bản sao, 2 ảnh 3*4, đặt phòng khách sạn, lịch trình tham quan Iran và phí visa 40 euro. Ăn mặc ở Iran https://thuviensach.vn Là một quốc gia hồi giáo, Iran cũng khuyến cáo khách du lịch trong cách ăn mặc để tránh ảnh hưởng đến tôn giáo của họ. Nam giới tránh mặc quần soóc và những hoa văn họa tiết, ký hiệu, câu chữ có ý nghĩa xúc phạm, dung tục. Nữ giới nên có khăn che tóc khi đi ra phố, những khu vực công cộng hay vào tham quan các thánh đường Hồi giáo. Bạn nên mặc quần hoặc váy dài đến gót cũng như có thể mặc quần jeans hoặc kaki để thuận tiện cho việc tham quan, khám phá của mình. Truy cập internet ở Iran Iran có hệ thống thông tin liên lạc được đầu tư rất tốt và lớn nhất khu vực Trung Đông. Hầu như tất cả các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng được trang bị internet và wifi tốc độ cao. Bạn có thể mua sim điện thoại ở sân bay để gọi nội hạt trong những ngày tham quan ở Iran hoặc sử dụng skype để điện thoại về gia đình hoặc bạn bè ở Việt Nam. Tuy nhiên, bạn hãy cẩn thận khi sử dụng thuê bao roaming8 vì cước phí sẽ rất cao. Mạng xã hội facebook ở Iran cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt do cấm vận. Bạn nên nhờ nhân viên ở khách sạn tư vấn cài thêm một số phần mềm để có thể sử dụng facebook dễ dàng. Ẩm thực Iran Ẩm thực Iran chịu ảnh hưởng của khá nhiều nền văn hóa như Trung Đông, Trung Á, Nga và châu Âu, vì thế có nhiều loại thức ăn đồ uống đa sắc, đa vị. Một đặc điểm chung của ẩm thực Iran là trong các món ăn thường trộn lẫn nhiều nguyên liệu khác nhau, thường thấy nổi bật là rau, củ, hạt quả với nghệ, quế, ngò, diếp, mộc qua, óc chó, lựu, nho, táo, mận khô, chanh, ớt chuông, cà chua, lá cải bắp, lá nho, đậu ván, bí ngô, bí đao, cà rốt, dưa chuột và hành. Người dân rất thích ăn rau ghém nên cũng có nhiều thứ xà lách xanh trộn dầu ô liu, nước chanh, muối, hạt tiêu và tỏi. Có hai món rất phù hợp với người Việt Nam là món cơm nàng hương nấu từ gạo thơm berenj và món thịt nướng kebab. Đây cũng là những món ăn chính có mặt trong mọi bữa ăn ở Iran. Không giống như một số nước Trung Đông và Trung Á khác, Iran có hơn 40 loại bánh mì từ màu nhạt đến màu đậm nhất. Đây cũng là món ăn được bày bán nhiều nhất trên đường phố Iran. Nếu bạn thấy nơi nào xếp hàng dài ngoài phố, đó chắc chắn là một tiệm bánh mì nổi tiếng cho ra lò những ổ bánh ngon và thơm lừng nhất. Iran cũng có rất nhiều loại trái cây để du khách thưởng thức như dưa hấu, dưa lê, nho, táo, mận, đào… nên bạn không sợ đói khi không hợp khẩu vị Trung Đông. Đừng quên hỏi món thịt nướng kebab khi vào nhà hàng nhé. Bạn sẽ nghiện nó như tôi đấy. Thời gian tốt nhất để ghé thăm Iran https://thuviensach.vn Thời tiết và khí hậu ở Iran đa dạng theo từng mùa. Mùa xuân thì ấm áp, mùa hè rất nóng, mùa thu mát mẻ nhưng hơi ẩm ướt và mùa đông thì cực kỳ lạnh đặc biệt khu vực phía bắc. Vì thế bạn có thể dễ dàng lựa chọn thời gian phù hợp để du lịch Iran. Đối với người Việt Nam thì thời gian thích hợp nhất và tốt nhất để bạn khám phá Iran là từ giữa tháng Ba đến tháng Sáu và cuối tháng Chín đến đầu tháng Mười Một. Thời gian này thời tiết khá đẹp, không lạnh, ấm áp và cuối tháng Ba lại là dịp năm mới của người Iran nên có nhiều lễ hội địa phương. Còn nếu bạn muốn tìm hiểu về tháng Ramadan của Iran thì hãy đến đây vào tầm tháng Tám. Đây là tháng ăn kiêng của người Hồi Giáo Iran, nhiều người không thích du lịch Iran trong khoảng thời gian này, thế nhưng nó lại là một trải nghiệm thú vị và đôi khi bạn vẫn có thể tìm nhiều nhà hàng phục vụ du khách nước ngoài từ bình minh cho đến tận nửa đêm. Những hoạt động không thể bỏ qua khi đến Iran Nằm trong khu vực của nền văn minh Lưỡng Hà nên Iran sở hữu nhiều công trình kiến trúc có từ hàng ngàn năm lịch sử. Bên cạnh đó, Iran – trước kia là Đế quốc Ba Tư hùng mạnh – là điểm đến trên Con đường tơ lụa từ phương Đông nên sở hữu nhiều di sản vô giá. Hiện nay, Iran có tổng cộng 19 di sản văn hóa do Unesco công nhận và một vài trong số đó là các di sản thuộc hệ thống Con đường tơ lụa cổ. Nếu là người yêu thích văn hóa và các công trình cổ, bạn có thể khám phá Iran theo lộ trình của những di sản nổi tiếng này. Nếu bạn yêu thích các loại hình du lịch mạo hiểm thì tham gia một số hoạt động leo núi vào mùa hè và trượt tuyết vào mùa đông. Damavand, Alam Kooh, Sahand và Sabalan nằm trong số những đỉnh núi cao, hùng vĩ nằm phía bắc của Iran thu hút nhiều khách du lịch mạo hiểm mỗi năm. Khám phá đời sống của người dân ở những thành phố, thị trấn cổ có tuổi đời hàng ngàn năm như ngôi làng trong hốc đá Kandovan nằm ở tỉnh đông Azerbaijan, ngôi làng Abyaned ở Esfahan, ngôi làng Kharanagh ở Yazd… Ở nhà dân và tìm hiểu văn hóa ẩm thực của Iran. Trò chuyện với người bản địa. Tìm hiểu các ngôi chợ ở Iran. Khách sạn ở Iran Là một khách du lịch bụi nên đôi khi bạn chỉ cần chỗ ngủ không quá rộng, tiết kiệm, sạch sẽ, gần với các khu chợ, các điểm tham quan, kết nối wifi thông suốt, có nhà bếp nấu ăn. Chỉ vậy thôi thì các hostel ở Iran sẽ phục vụ tốt cho những ngày tham quan khám phá của bạn. Chi phí khoảng 10-15 đô-la Mỹ cho một giường trong hostel tùy theo thành phố. Nếu bạn ở Yard và https://thuviensach.vn Esfahan thì chi phí rẻ hơn đôi chút. Tôi cũng khuyên bạn ở nhà dân. Ví dụ ở thành phố Mashhad, bạn có thể ở chung với người dân địa phương, chi phí khoảng 10 đô-la Mỹ, nếu ăn sáng bạn phải trả thêm hai đô-la, ăn tối là năm đô-la khi bạn không có thời gian để nấu nướng. Chủ nhà sẵn sàng đi chợ để bạn nấu những món ăn Việt Nam và cùng thưởng thức với chủ nhà. Ngoài ra, đến Iran, nếu có điều kiện hãy lưu trú tại các khách sạn cổ đã tồn tại hàng trăm năm, là nơi nghỉ ngơi của các thương nhân nước ngoài buôn bán qua Con đường tơ lụa. Sự cổ kính, phức hợp của các caravanserai sẽ tạo cho bạn cảm giác thích thú như mình đang được trở về thời kỳ quá khứ xa xưa của đế chế Ba Tư. Nếu bạn đi từ Tehran đến Mashhad có thể lưu trú hệ thống này trải dài đến 105 km nằm ở phía đông của thành phố Shahrood. Mua sắm ở Iran Ở Tehran và các thành phố khác của Iran đều có các khu chợ rộng lớn vừa bán sỉ vừa bán lẻ rất nhiều các mặt hàng địa phương hấp dẫn khách du lịch nước ngoài. Tại đây du khách có thể mua từ những thứ quý giá như vàng, đá quý, ngọc trai, thảm Ba Tư truyền thống, đồng hồ các loại cho đến hương liệu, thực phẩm, vải sợi, quần áo, giày dép, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng đồng được tạo tác bằng tay tinh xảo… Nếu là người thích mua sắm khi đi du lịch thì Iran là thiên đường cho bạn lựa chọn. Bạn có thể dành thời gian tham quan mua sắm tại bazzar khi ở Tehran, Esfahan, Tabriz, Mashhad hay Shiraz cả ngày mà không chán. Bạn hãy mua hàng lưu niệm ở cố đô Esfahan và một tấm thảm Ba Tư ở Tabriz nhé! Giá phương tiện vận chuyển rẻ Là một trong những quốc gia trong tổ chức xuất khẩu dầu hỏa OPEC có trữ lượng dầu hỏa đứng hàng đầu trên thế giới nên chi phí phương tiện vận chuyển ở Iran khá rẻ. Bạn nên chọn đi xe buýt chất lượng cao từ thành phố này sang thành phố khác hay có thể sử dụng taxi khi di chuyển nếu như trên tuyến đường đó không có phương tiện vận chuyển khác. Giá taxi du khách có thể thương lượng trực tiếp với tài xế với chi phí chỉ bằng 1/3 so với ở Việt Nam. Không thể hiện công khai tình cảm nơi công cộng Các cặp vợ chồng, các đôi tình nhân xin vui lòng lưu ý vấn đề này ở quốc gia Hồi giáo khu vực Trung Đông. Không giống như phương Tây, người Iran không thể hiện tình cảm nơi công cộng. Bắt tay https://thuviensach.vn Nếu là đàn ông, bạn nên tránh chủ động bắt tay với phụ nữ mà bạn chưa quen biết hoặc người phụ nữ nào không phải là người thân trong gia đình hoặc bạn bè của mình. Chỉ cần một lời chào đơn giản khi gặp mặt và chia tay bằng tiếng địa phương Salam. Tương tự như vậy, nếu bạn là phụ nữ, bạn cũng tránh bắt tay với những người đàn ông không liên quan đến mình. Người Iran rất hiếu khách Người dân Iran rất hiếu khách đặc biệt khi biết bạn đến từ Việt Nam. Mặc dù là một quốc gia Hồi giáo, nhưng bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những nụ cười thân thiện trên phố. Bạn sẽ được giúp đỡ tận tình khi có yêu cầu, thậm chí họ còn mời bạn những bữa ăn truyền thống địa phương hoặc mời lại nhà họ chơi. Đặc biệt, bạn cũng có thể sử dụng lưu trú hình thức couchsurfing để có thể tìm hiểu, tiếp cận với đời sống của người bản địa. Người Iran thân thiện nên chắc chắn bạn sẽ được tiếp đãi một cách nhiệt tình khi ở nhà họ. Nếu bạn đi trên phố, khi biết là khách du lịch họ sẵn sàng mời bạn ăn uống thậm chí họ có thể giành phần trả tiền trong một nhà hàng, đây được xem như một cử chỉ hiếu khách của họ đối với du khách. An toàn Bất cứ thành phố nào trên thế giới cũng có những vấn đề về an ninh trật tự riêng. Vì thế khi đi du lịch bạn cần trang bị một số kỹ năng nhất định đặc biệt là việc đi du lịch tự túc một mình. Tuy nhiên ở Iran, lực lượng cảnh sát an ninh ở khắp mọi nơi và được quản lý bởi hệ thống camera an ninh chặt chẽ. Hầu hết ở những khu vực đông người qua lại đều gắn thiết bị theo dõi để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Bạn sẽ thoải mái chụp ảnh Không giống như một số nước Hồi giáo khác như Ma Rốc hay một số ở Trung Á, người Iran rất thích chụp ảnh. Bạn sẽ thoải mái tác nghiệp mọi lúc mọi nơi trừ một vài chỗ thuộc cơ quan chính quyền, cảnh sát, trong xe điện ngầm... Thậm chí, phụ nữ Iran cũng sẽ vui vẻ chủ động mời bạn chụp hình chung. Tuy nhiên có một số trường hợp bạn bị cấm chụp ảnh như: chụp phụ nữ Hồi giáo khi họ chưa cho phép, trong ga xe điện ngầm hay khu vực sân bay… Các điểm tham quan nổi bật Cùng với Iraq, đông Syria và đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, một phần Iran ngày nay là vùng đất của nền văn minh Lưỡng Hà xưa kia đã ghi dấu ấn rất lớn trong sự phát triển của nhân loại. Đất nước Iran cũng nằm trên Con đường tơ lụa nổi tiếng vận chuyển hàng hóa từ phương Đông sang phương Tây. Vì thế ngày nay, Iran sở hữu những công trình vĩ đại, những di chỉ khảo cổ, những https://thuviensach.vn lâu đài nguy nga tráng lệ, những quảng trường rộng lớn và những nhà thờ Hồi giáo có kiến trúc độc đáo cùng với văn hóa Ba Tư từ nghìn năm trước. Chính những yếu tố này đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại và được chính phủ Iran bảo tồn hoàn hảo. Các di sản thế giới minh chứng cho một đất nước Ba Tư giàu bản sắc như: quảng trường Naghsh-I Jahan ở Esfahan, cố đô Persepolis, khu phức hợp cổ Tchogha Zanbil, địa điểm khảo cổ học cổ đại Takht-E Soleyman, thành phố cổ Bam, cố đô Pasargadae, lăng Oljaytu tại Soltaniyeh, khu khảo cổ Bisotun, quần thể nhà thờ của người Armenia, công trình thủy lực lịch sử tại Shushtar, quần thể khu chợ lịch sử Tabriz, Sheikh Safi al-din Khanegah và quần thể lăng mộ tại Ardabil, vườn Ba Tư, lăng mộ Gonbad-e Qâbus, thánh đường Jameh của Esfahan, cung điện Golestan, phế tích Shahr-i Sokhta, cảnh quan văn hóa ở Mayland và thành phố cổ Susa. Nào! Hãy đến Iran... Salam Iran... Xin chào Iran! 5. Rial là đơn vị tiền tệ chính thức của Iran. Một rial bằng 100 dinar, tuy nhiên đồng rial ngày nay có giá trị quá thấp nên phần lẻ của rial không còn được dùng trong kế toán. Trên thực tế, ngày nay người Iran sử dụng đơn vị toman có giá trị tương đương 10 rial. (Theo Wiki) 6. Medina hiểu đơn giản là khu phố cổ có tường thành bao quanh. Ở Ma Rốc và các quốc gia Trung Đông, mỗi thành phố đều hình thành những khu Medina từ hàng trăm đến hàng nghìn năm trước. Đây là nơi sinh sống, làm việc, các khu chợ trao đổi mua bán các sản vật địa phương, những làng nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo được hình thành trong khu vực này và được chia ra theo từng khu vực như khu chạm khắc gỗ, khu thuộc da, hàng mã, đồ đồng... 7. Caliph, hay Khalip có nghĩa là “người kế tục”, được xem là “người kế tục Muhammad” để làm thủ lĩnh chính trị và tinh thần của các tín đồ Hồi giáo. 8. Tức dịch vụ Chuyển vùng quốc tế (CVQT/Roaming), dịch vụ cho phép khách hàng dùng chính thẻ SIM và số thuê bao di động của mình để liên lạc khi đang di chuyển ở các quốc gia khác. https://thuviensach.vn Chương 5. Turkmenistan khép mình với thế giới Điều lạ lẫm đầu tiên khi tôi đến đất nước này là đâu đâu cũng có ảnh chân dung của vị Tổng thống đương nhiệm được treo trang trọng ở cửa khẩu, sân bay, khách sạn, siêu thị, trường học, công ty và kể cả trong khoang hành khách trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Turkmenistan Airlines. Mỗi ngày, các tờ báo địa phương đều đưa tin và bài viết về hoạt động của vị Tổng thống này không quên kèm theo những hình ảnh của ngài ở trang bìa. Mỗi bìa báo biên tập hình ảnh của ngài khác nhau. Tôi thấy khi ngài dưới hình ảnh như một dũng tướng với trang phục thời trung cổ đang cưỡi con chiến mã Akhal-Teke9, khi thì trong một bộ veston đỏm dáng đang thao thao bất tuyệt trên nghị trường, khi đang thành kính làm lễ ở một nhà thờ Hồi giáo, khi vận trang phục bác sỹ thảo luận về chuyên môn trong bệnh viện cùng các đồng nghiệp, khi thì mặc thường phục bế trên tay một đứa trẻ nhỏ lem luốc… Tôi thắc mắc với Eziz, anh chàng tài xế chở tôi từ thủ đô Ashgabat đến “cổng địa ngục” Derweze, về chuyện này. Anh ta cười gượng gạo và buông một câu trả lời ngắn gọn: “Đất nước chúng tôi lạ lùng như vậy đó!” Trên đường đến Mary Cửa khẩu Serhetabat thuộc thị trấn Sarakhs rất ít khách du lịch. Hầu hết hành khách qua lại cửa khẩu là những người Iran hoặc Turk với mục đích làm việc hoặc mua bán. Tôi nhanh chóng làm thủ tục hải quan bên phía Iran sau khi bộ phận an ninh kiểm soát máy ảnh và thẻ nhớ. Họ kiểm tra xem những bức ảnh chụp có vi phạm đến công tác an ninh, bí mật quốc gia hay những ấn phẩm “đen” không được phép truyền bá. Từ khu vực kiểm soát hải quan bên Iran qua đến bên phần của Turkmenistan khá xa nên ở đây chính phủ hai nước đầu tư những chuyến xe buýt trung chuyển cho du khách khi không muốn đi bộ với hành lý của mình. Giá tiền cho đoạn đường 5 km giữa hai biên giới là 100.000 rial, bằng với số tiền tôi trả chi phí cho chuyến taxi ghép từ Mashhad đến Sarakhs. Cổng chào với dòng chữ to Welcome to Turkmenistan đã hiện ra trước mắt. Tôi định lấy chiếc máy ảnh chụp vội vài tấm ảnh ở khu vực biên giới nhưng chợt nhớ đây là một trong những điều cấm kị của chính phủ nên thôi. Chân dung Tổng thống đương nhiệm được treo trang trọng ở cổng biên giới làm tôi liên tưởng đến hình ảnh của một đất nước thời Xô Viết trước đây. Đã hơn 24 năm kể từ khi Liên Xô tan rã, Turkmenistan đã qua hai đời Tổng thống với nhiều sự thay đổi đáng kể về kinh tế, bằng chứng là việc giao thương hàng hóa ở các cửa khẩu tấp nập hơn mặc dù đây không phải là cửa khẩu quốc tế chính bằng đường bộ nối liền giữa Iran và Turkmenistan. https://thuviensach.vn Tôi gặp lại Bastien, anh bạn người Thụy Sỹ ở chung nhà trọ Homestay Vali vào ngày đầu tiên ở Mashhad, đang đợi xin visa cùng một số người Iran và người Turk đứng nhốn nháo ở khu vực nhập cảnh. Không xa là những túi đồ lỉnh kỉnh của Bastien được tháo ra khỏi yên xe đạp để dễ dàng cho nhân viên kiểm tra an ninh. Có thể anh chàng đã nghỉ một đêm ở thị trấn biên giới Sarakhs trước khi đến khu vực cửa khẩu vào sáng nay. – Chào Bastien, lại gặp anh ở đây? – Tôi chủ động mở lời khi anh ấy đang loay hoay sắp xếp lại một số giấy tờ trong chiếc bìa nhựa nhăn nhúm. – Xin chào! – Anh ta cười tít mắt khi gặp tôi và hài hước chào tôi bằng cái giọng tiếng Việt lơ lớ mà tôi đã dạy anh ta hôm trước. – Anh đợi ở đây lâu chưa? – Gần hai tiếng rồi. – Anh có thư mời không? – Có chứ, nhưng dường như họ rất ít làm thủ tục cho những khách du lịch xe đạp như tôi. Họ cứ lóng ngóng và hỏi tôi đủ điều. – Họ hỏi gì anh? – Địa chỉ khách sạn, số điện thoại công ty gửi thư mời, lịch trình tham quan, tùm lum thứ nữa… - Anh ta hóm hỉnh trả lời. – Tôi nghĩ ở đây chắc ít khách du lịch đi qua cửa khẩu này nên họ chưa quen thôi. – Anh bạn nộp 12 đô-la chưa? – Lệ phí visa hả Bastien? – Không, anh qua quầy ngân hàng kế bên để nộp 10 đô-la lệ phí nhập cảnh cùng hai đô phí ngân hàng gì gì đó rồi qua đây nộp hồ sơ. Nhớ kèm giấy nộp tiền ấy nhé! – Bastien tư vấn cặn kẽ cho tôi và chỉ tay sang quầy bên cạnh có năm sáu người Iran đang chen chúc nhau trước ô cửa sổ bé tí. – Ồ, cảm ơn Bastien. Tôi nhanh chóng bước qua quầy bên cạnh đóng tiền như lời Bastien nói. Chỉ có hai nhân viên https://thuviensach.vn làm, không có máy vi tính và họ viết biên lai nhận tiền bằng tay. Một anh chàng nhân viên đưa cho tôi một liên biên nhận được sao bằng giấy các-bon (giấy than), nói tiếng Nga đủ để tôi đoán là hãy tiếp tục nộp qua bàn bên cạnh để xin visa. Ôi, giống Việt Nam mười hay mười lăm năm trước khi mà các cơ quan nhà nước còn sử dụng giấy các-bon để giữa hai biên lai bán hàng. Gần đến trưa, dòng người vào làm thủ tục nhập cảnh có phần đông hơn buổi sáng. Quầy làm visa kiêm luôn việc đóng dấu nhập cảnh chỉ có hai nhân viên phục vụ cho đám đông đã lên đến vài chục mà nhìn trang phục cũng nhận thấy họ là những lao động qua lại biên giới hằng ngày. Một anh chàng hải quan béo bụng và một cô nàng hải quan dáng dong dỏng cao được phân chia công việc khá rõ ràng. Cô nhân viên chịu trách nhiệm làm thủ tục cho những khách chủ yếu là thương mại hoặc việc làm. Anh chàng kia phụ trách cho những du khách nước ngoài xin visa tại cửa khẩu. Anh chàng béo bụng mân mê bộ hồ sơ của tôi và một vài biker khác gần cả giờ đồng hồ, hết gọi điện rồi xì xầm với cô dong dỏng cao bên cạnh. Cuối cùng, anh chàng nhìn lên đồng hồ và bảo tôi: “Một giờ chiều qua quầy bên cạnh đóng tiền và lại đây nhận visa.” Quái gì thế, sao lại là một giờ chiều khi bây giờ mới là mười một giờ rưỡi. Một số anh chàng người Iran nói đến giờ ăn cơm trưa nên đầu giờ chiều họ mới quay lại làm việc. Tôi thật sự thất vọng vì phải chờ đợi khi mà bụng dạ biểu tình liên hồi vì sáng giờ chưa có gì bỏ bụng và khu vực này lại không có nổi một cái ghế ngồi dành cho khách. Rõ đây là cách thức “phục vụ” của một quốc gia theo kiểu bao cấp, quan liêu đặc trưng của thời kỳ Xô Viết cũng tương tự như việc tôi ngồi cúm núm ở cái hành lang nhỏ hẹp để chờ nộp đơn xin visa Uzbekistan ở Tehran vào hai tuần trước. Thế rồi tôi cũng nhận được visa Turkmenistan nền màu xanh lá với biểu tượng hình bát giác bên góc trái, bên trong là hình trăng khuyết với những ngôi sao nhũ kim tuyến độc đáo. Cầm “báu vật” trên tay, tôi quên đi những mệt mỏi và cơn đói làm mờ cả mắt. Vậy là tôi đã chính thức đặt chân vào đất nước cửa ngõ của Trung Á, một trong những nước bí hiểm đối với khách du lịch vừa làm tôi một phen khổ sở. Đất nước Turkmenistan sở hữu vùng sa mạc Karakum rộng lớn, vậy mà có gần 1.400 địa điểm lưu lại dấu tích cổ xưa. Trong đó phần lớn đều gần với dãy núi cao, khu vực sông ngòi vùng giáp biên giới đều liên quan mật thiết đến hệ thống Con đường tơ lụa cách đây hàng ngàn năm. Con đường đã đem đến cho vùng đất này nhiều của cải nhưng cũng dẫn theo cả những đội binh xâm lược hùng mạnh tới, hủy hoại sự phồn vinh, thịnh vượng, gây chết chóc tai ương bởi các cuộc chiến tranh liên miên. Cộng thêm trận động đất lớn năm 1948 đã san bằng thủ đô Ashgabat, những kiến trúc cổ đại còn giữ được đến ngày nay thật sự không dễ chút nào. Đoạn đường từ Serhetabat đến Mary băng qua sa mạc Karakum gồ ghề đất đá. Thi thoảng mới có một chiếc xe tải ngược chiều làm hất tung lớp bụi dầy mù mịt. Hai bên đường cảnh vật không https://thuviensach.vn