🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đỗ Nương Nương Báo Oán Ebooks Nhóm Zalo Đỗ nương nương báo oán Hồ Biểu Chánh Chia sẽ ebook : http://downloadsachmienphi.com/ Tham gia cộng đồng chia sẽ sách : Fanpage : https://www.facebook.com/downloadsachfree Cộng đồng Google : http://bit.ly/downloadsach Mục lục Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 (chương kết) Tiểu thuyết gia Nam Bộ có nhiều tác phẩm nhất nước. Hồ Biểu Chánh (1885-1958), cũng được đưa vào sách Kỷ lục Việt Nam bởi vì cụ đã sáng tác một khối lượng lớn tác phẩm bao gồm 64 tiểu thuyết, 12 truyện ngắn, 12 vở kịch kể cả tuồng hát, 5 tập thơ, 8 tập ký, 28 tập biên khảo phê bình, một số truyện dịch và phóng tác. Trước khi cụ mất, năm 1957 có tới gần 10 cuốn tiểu thuyết của cụ được xuất bản và năm cụ qua đời lại có thêm một tác phẩm được in có tên “Lừng lẫy hào khí”. Tất cả tác phẩm của cụ khi xuất bản đều ghi nơi cư ngụ, có nghĩa là nơi cụ sáng tác nên ta thấy cụ có mặt gần như ở khắp các tỉnh Nam Bộ. Cuốn tiểu thuyết đầu tay có tựa đề “Ai làm được” ở Cà Mau, nơi cụ ngồi ghế quận trưởng nhưng phải tới 10 năm sau cụ mới cho xuất bản. Cụ xứng danh là một tiểu thuyết gia có tầm cỡ. Thế nhưng, cụ lại là một nhà quản lý hành chính. Thuở nhỏ cụ học chữ Nho trường làng rồi chữ Pháp trường Tây. Sau đó, cụ thi đậu Tri huyện rồi thăng lên Tri phủ, làm Đốc phủ sứ, có lúc làm việc ở Tòa bố Gia Định, văn phòng Thống đốc Nam Kỳ làm Nghị viên Sài Gòn, Chánh văn phòng của Chính phủ thời Nguyễn Văn Thinh chóng vánh. Khi ông này tự tử thì cụ từ bỏ hẳn cuộc đời công chức (1946). Cụ Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở tỉnh Gò Công. Cụ đã từng làm quận trưởng ở nhiều quận, huyện thuộc các tỉnh Nam Bộ nên có nhiều cơ hội và điều kiện gần gũi người dân lao động, nông dân nghèo khổ bị nhiều tầng áp bức bóc lột vì cụ là một nhà Nho có Tây học, tuy là quan chức nhưng cụ sống thanh bạch, liêm chính quan tâm tới cuộc sống nghèo khổ (như lao động, tá điền), bị người giàu có, địa chủ cậy thế ỷ quyền hiếp đáp. Sách của cụ sáng tác bán rất chạy vì được mọi thành phần trong xã hội ưa thích. Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan từng nhận xét về cụ: “Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh lại là những tiểu thuyết có tính chất bình dân, bình dân cả từ nhân vật ông chọn đến những lời văn ông viết nữa. Hạng người ông tả là hạng tiểu công chức, tiểu phú hào hay hạng thuyền thợ, hạng dân quê.” Văn chương chữ nghĩa của Hồ Biểu Chánh câu chữ hết sức giản dị, đơn sơ, mộc mạc đến nỗi người đọc có cảm giác cụ viết như nói, kiểu nói bình dân của dân Nam Bộ xưa, nặng về mô tả điệu bộ, cử chỉ, phong cách của nhân vật. Một hội thảo khoa học về Hồ Biểu Chánh được Ban Tuyên huấn Tiền Giang tổ chức thu hút tới 30 tham luận của các giáo sư, nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Tiến sĩ Lê Ngọc Trà cho rằng: “Cái độc đáo và giá trị nhất của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không phải ở chỗ nó mô tả phong tục hay tuyên truyền đạo lý mà ở chỗ nó mô tả phong tục, kết hợp tư tưởng là chủ nghĩa hiện thực…, văn học dễ biến thành dân tộc học. Ông nói chuyện đạo lý đi kèm với chuyện đời, kể lại những chuyện đời khác nhau có thể là không gắn gì với các biến động chính trị, kinh tế và xã hội nhưng lại gắn với đời người, lại là nội dung của cuộc sống hằng ngày”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thạch viết: “Trên nửa thế kỷ trước, Hồ Biểu Chánh đã phác họa được bức tranh hiện thực về kiếp sống người bần cố nông dưới chế độ thực dân nửa phong kiến ở một vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông đã dựng lại cảnh sống vất vả, cực nhọc đói cơm, rách áo, bị đàn áp nhục mạ… của người nông dân nghèo”. Nhà nghiên cứu Trịnh Hoàng Mai viết: “Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh bước cuối cùng bao giờ cũng trở về nhà sau một thời gian ba chìm bảy nổi. Nói rộng ra, cái thiện bao giờ cũng thắng. Đó là niềm mơ ước về một xã hội công bằng, một đạo lý, hơn nữa một niềm tin…” Cụ Hồ Biểu Chánh từ lúc nghỉ hưu tới ngày qua đời ở với 8 người con cùng sống trong ngôi nhà cạnh con đường nay được mang tên cụ thuộc quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Ở quận Gò Vấp, trong An Tất Viên, ngôi mộ của cụ đẹp và sạch được treo rất nhiều giò phong lan, chậu cảnh. Trên mộ có khắc 8 tựa đề tiểu thuyết của cụ và hai bên hông có tên 8 cuốn nữa. Dưới chân cụ có câu: “Treo tranh chìm nổi, nhắc chuyện xa gần”. Bên cạnh mộ cụ ông là mộ cụ bà. Nơi đây không xa với ngôi chùa và nghĩa trang nghệ sĩ thành phố, nhà lưu niệm của nhà thơ Nguyễn Bính Hồ Biểu Chánh Đỗ nương nương báo oán Chương 1 BĨ-THỚI TUẦN-HUỜN Trái đất vần xây, tối rồi kế sáng, sáng rồi tối lại. Nước sông luân-chuyển, hết ròng rồi lớn, lớn rồi lại ròng. Việc nhà hễ hết thạnh rồi tới suy cũng như vận nước hễ mất trị thì phải loạn. Đó là định-luật dĩ-nhiên xưa nay thường-lệ mà Đông Tây cũng thường-lệ. Thử lật Việt-Nam Quốc-Sử mà xem, chúng ta sẽ nhận thấy rõ-ràng cuộc thạnh-trị với cuộc loạn ly cứ tiếp mà diễn ra hoài hoài. Nếu người cầm-quyền hẫng-hờ để thất chánh thì tự-nhiên rối rắm khắp mọi nơi. Nếu muốn non-nước được thanh-bình thì phải nhờ bực anh-hùng chí-sĩ có đại đức đại tài, thâu-phục dân tâm, hướng-dẫn quần-chúng, mới có thể đánh dẹp trong ngoài mà xây dựng an-ninh lại bá-tánh. Kìa như thuở xưa, sau một cơn bị trị kéo dài đến trót một ngàn năm, nước non nghiêng-ngửa, quốc-hồn lu-lờ, dân-chúng khóc than, cỏ cây khô héo. Trong thời-gian đau khổ ấy tuy có Trưng Nữ Vương, có Bà Tiệu-Ẩu, có Lý Nam-Đế, có Triệu Việt-Vương có Mai Hắc-Đế, có Khúc-Thừa Dũ lần-lượt nổi lên quyết ra tay bình-định sơn-hà và đem chủ-quyền quốc-gia về cho dân-tộc. Rất tiếc thay các đứng tiền-nhơn ấy có hào-khí chói-lòa, có hùng-tâm mãnh-liệt, nhưng chưa phải là người lật ngược thời-cuộc, bởi vậy công-nghiệp không thành-tựu được hoàn-toàn, chỉ lưu lại danh thơm chí cả cho hậu nhơn sùng-bái muôn đời mà thôi. Mãi đến thế-kỷ thứ 10, mới có Ngô-Quyền xuất-hiện, quét sạch ở trong, đánh dẹp ở ngoài, xây nền quốc-gia tự-chủ cho Việt-Nam rạng-rỡ ở góc trời Đông-Á. Non nước được hưởng thanh bình có 5 năm rồi Ngô-Vương lại băng. Người sau nối nghiệp lại không đủ tài đủ đức, để cho thất chánh đi, nên mới sanh phản loạn Thập-Nhị Sứ-Quân, làm lung-tung một lúc. May có Đinh Tiên-Hoàng ra đời bình-loạn trấn-an, lập ra nhà Đinh, sau liên-tiếp truyền ngôi quốc-vương cho các nhà Tiền Lê, nhà Lý rồi qua nhà Trần. Đến thế-kỷ 13, nhà Trần gặp nạn ngoại-xâm, Nguơn-Triều bên Trung-Quốc, ỷ binh đông tướng mạnh nên toan nuốt luôn đất nước Việt-Nam. Chẳng dè bên ta, trên vua hiền-đức, dưới tướng hùng-cường, lại thêm muôn dân nhứt tâm, nhứt trí, đoàn-kết cùng nhau quyết đổ máu phơi xương để bảo-vệ sơn-hà, bởi vậy binh tướng của Nguơn-Triều luôn luôn đại-bại, phải cầu hòa cho khỏi bị tiêu-diệt. Trong đời chẳng có vật chi trường-tồn vĩnh-viễn được. Đá lâu năm phải hao mòn, sắt lâu năm phải mục sét. Tinh-thần lâu năm cũng phải suy giảm, đạo-đức lâu năm cũng phải lu mờ. Trước kia đời nhà Lý là đời thạnh-trị nhưng giữ ngôi vua được 215 năm rồi phải sang lại cho nhà Trần. Mà đời nhà Trần là đời vừa xán-lạng vừa hùng-cường, song trị-vì được 175 năm rồi cũng bị nhà Hồ soán đoạt. Nhà Minh, bên Trung-Quốc, mượn cớ soán đoạt nầy mới xua binh qua đánh dẹp họ Hồ rồi chiếm trị cả đất nước Việt-Nam trót 13 năm. Thấy cha con Hồ-Quí-Ly vì tham quyền cố-vị để cho ngoại-bang cướp mất chủ-quyền quốc gia, người Việt-Nam từ trẻ chí già, từ bực sĩ-phu cho đến hàng dân-giả, ai ai cũng phẫn-uất, quyết hy-sinh tánh mạng đặng cứu nước, cứu dân. Nghe ông Lê-Lợi phất cờ mộ nghĩa ở Lam Sơn, người trong nước thảy đều hưởng ứng. Trong 10 năm chinh-chiến, ban đầu sức kém nên thất bại, nhưng nhờ đem tinh-thần cứu quốc cao vòi vọi mà đấu với lòng cướp giựt thấp hèn của giặc, bởi vậy tướng-sĩ ta lần-lần đánh rã quân xâm-lăng, đuổi chúng chạy về Tàu, tôn Lê Thái-Tổ lên ngôi báu, rồi bố-cáo cuộc bình Ngô đạt định. Miêu-Duệ của Lê Thái-Tổ tiếp nối trị-vì được 99 năm rồi bị quyền thần Mạc-Đăng-Dung cướp ngôi, may nhờ có hai trung-thần là ông Nguyễn-Kim với rể là ông Trịnh-Kiểm cứu giá đưa con của vua Lê Chiêu-Tôn qua Cam-Châu thuộc xứ Lèo, tôn lên làm vua rồi rước về Thanh-Hóa để chiêu binh mãi mã đánh dẹp họ Mạc. Từ đó nhà Lê đóng đô ở Thanh-Hóa, nhà Mạc đóng đô ở Thăng-Long. Trong nước có tới hai vua, hai triều, lòng dân phải chia rẽ, người phò Lê, kẻ phò Mạc, Nam Bắc cứ đánh nhau trót 65 năm, dân gian hết sức đồ-khổ. Mãi đến năm 1592, Trịnh-Tùng con của Trịnh-Kiểm mới đánh bắt được vua Mạc-Mậu-Hiệp mà giết rồi gom hết đất nước đem về một mối đưới quyền thống- trị của vua Lê. Nhưng đã dứt cái nạn một nước hai vua rồi thì tới cái họa một triều hai chúa nữa. Tuy nhà Lê đã thống nhứt sơn-hà song quyền-bính tại triều đều ở trong tay Trịnh-Tùng cả. Ông Nguyễn Hoàng là con ông Nguyễn-Kim tức là cậu của Trịnh-Tùng trước kia đã được vào trấn đất Thuận-Hóa, chừng thấy Trịnh-Tùng lộng quyền xưng chúa, ông e quyền thần ám-hại nên ông không chịu ra Bắc chầu vua nhà Lê nữa, thành thử gây phân tranh. Chúa Trịnh chiếm cứ cả miền Bắc vô tới Linh-Giang, còn chúa Nguyễn thống-trị miền Nam từ Linh-Giang vô Quảng Nam. Trong khoảng 45 năm, chúa Trịnh với chúa Nguyễn phải đánh nhau đến bảy lần, gây tai hại cho đất Hà-Tĩnh và đất Quảng-Bình không biết bao nhiêu, lại làm tổn-hao sanh-mạng của nhơn dân không kể xiết. Tuy luôn luôn phải lo chống với chúa Trịnh ở phía Bắc, song chúa Nguyễn cũng chăm nom mở rộng bờ cõi ở phia Nam, lần lần chiếm hết đất Chiêm-thành từ Quảng-Nam vô Bình-Thuận rồi phân huyện, phân phủ mà cai-trị. Đến giữa thế-kỷ 18, tất cả vùng đất Nam-Việt bây giờ cũng thuộc luôn về chúa Nguyễn thống-trị nữa. Cuộc nam-tiến của các đời chúa Nguyễn được thành-công rất vẻ-vang chỉ nhờ sức cố-gắng của thần-dân từ tỉnh Quảng-Bình trở vô mà thôi. Từ Hà-Tỉnh trở ra Bắc, nhơn-dân là phe đảng của chúa Trịnh, nghịch hẳn với chúa Nguyễn nên không có tham-dự cuộc nam-tiến rực-rỡ đó. Đến năm 1765 chúa Nguyễn Võ-Vương mất. Quyền thần Trương-phước-Loan đổi tờ di-chiếu lập người con thứ 16 của Võ-Vương lên ngôi Chúa gọi là Định-Vương. Vả Định-Vương mới được 12 tuổi nên Phước-Loan đoạt hết quyền-hành tác oai tác phước, tham-lam, khắc-khổ, làm nhiều điều tàn ác, khiến cho cả nước quan dân thảy đều oán ghét. Ở đất Tây-Sơn, thuộc vùng Qui-Nhơn bây giờ, có ba anh em Nguyễn-Nhạc, Nguyễn-Lữ và Nguyễn-Huệ, vốn là miêu-duệ của một chiến-sĩ gốc ở Nghệ-An, trước kia theo Chúa Trịnh mà đánh giặc, bị tướng-sĩ của chúa Nguyễn bắt làm tù binh rồi đem về quản-thúc tại Qui-nhơn. Ba anh em Nhạc lóng nghe ở Thuận-Hóa Nguyễn-Triều thất chánh, lòng dân ly-tán, hết kể cang thường, biết rồi đây thế nào cũng phải rối loạn khắp nơi. Nhạc mới hiệp với hai em mà chiêu mộ dân nghèo đặng huấn-luyện cho thành quân-sĩ để đánh giặc. Được người ta theo càng ngày càng thêm đông, Nhạc mới phân đội ngũ, lập trại đồn rồi kéo nhau ra đánh lấy thành Qui-Nhơn, lần lượt chiếm cả phần đất từ Bình-Thuận ra giáp Quảng Nam. Ngoài Bắc Chúa Trịnh-Sâm thấy Nguyễn-Triều đương bối-rối, trong bị quyền thần ngang ngược, ngoài bị giặc Tây-Sơn hùng-hào. Chúa Trịnh thừa dịp may bèn sai Đại-tướng Hoàng Ngũ-Phúc đem thủy-bộ hơn ba muôn binh vào chiếm đất Bố-Chánh (Quảng-Bình) rồi lấy luôn đô-thành Phú-Xuân (Huế) mà bắt hết quần-thần của Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Định-Vương thấy tình-hình nguy-ngập, trong bị binh Tây-Sơn đánh ra, ngoài bị binh Chúa Trịnh tràn vào, mới nhóm quần-thần mà định kế đối-phó. Đình-thần bèn phân ra một tốp thì hộ-giá đưa Chúa Nguyễn cùng cung-quyến vào Quảng-Nam lánh nạn, còn một tốp thì đề binh khiển tướng bắt giam gian thần Trương-Phước-Loan đem nạp cho Hoàng-Ngũ Phúc mà cầu hòa. Tướng Trịnh giết Trương-Phước-Loan, nhưng cũng đánh tan binh Nguyễn rồi vào chiếm kinh-thành Phú Xuân. Chúa Nguyễn Định-Vương vào Quảng-Nam rồi nghe lời khuyên của đình-thần mới lập Nguyễn Phước-Dương là con của cố thế-tử Nguyễn-Phước-Hiền lên ngôi Đông-Cung, chuyên lo sắp-đặt cuộc chống-cự với giặc. Chẳng bao lâu, Định-Vương nghe tin trong thì Tây-Sơn, ngoài thì tướng Trịnh, cả hai đều xua binh đánh ụp Quảng-Nam. Đình-thần bèn khuyên Định-Vương xuống thuyền cùng với cháu là Nguyễn-Phước-Ánh (sau là Gia-Long) vốn là con của người anh thứ hai cho quan hộ-giá đưa vào đất Gia-Định mà lánh nạn để Đông-Cung Dương với chư tướng ở lại Quảng-Nam lo mưu trừ giặc. Và lúc Tây-sơn mới khởi binh dấy loạn ở Qui-Nhơn thì triều-đình đã có ban chiếu cho chư-trấn trong đất Gia-Định dạy phải đem binh ra đàng ngoài mà dẹp loạn. Ông Tống-Phước-Hiệp đương ngồi chức Lưu-Trấn Long-Hồ (Long-Hồ là Vĩnh-Long bây giờ) tiếp được chiếu của Chúa Nguyễn, ông hăng-hái gom binh các trấn, rần-rộ kéo ra Bình-Thuận quyết nghinh địch. Cuộc chiêu binh tuyển tướng nầy làm xao-xuyến, náo-động cả vùng Gia-Định là lãnh-thổ xứ Nam-Việt ngày nay. Những người trai-tráng tuy không được biết rõ tình-hình chung trong nước rắc-rối thế nào, song nghe nói có giặc thì ai cũng nô-nức toan-tính ra sức đẹp loạn, trị-an, đặng lập công-danh với đất nước. Hồ Biểu Chánh Đỗ nương nương báo oán Chương 2 BA GIỒNG ANH-KIỆT Vùng Nam-Việt mà hồi trước người ta gọi là Gia-Định, phía Tây nằm nhằm vàm sông Cửu Long. Vì đất thấp-thỏi, sình lầy nên nước sông Cửu-Long từ trên nguồn đổ xuống tới đây thì tràn ngập, rồi phải quanh-co theo chỗ thấp để tìm đường mà chạy ra biển. Tại địa-thế như vậy nên sông Cửu-Long tới đây mới phân ra hai ngả chánh: Tiền-Giang và Hậu Giang. Mỗi ngã còn kềm vô số rạch ngòi, lớn nhỏ chung nhau rút nhau đưa ra Nam-Hải. Tuy miền Tây xứ Nam-Việt đất sình lầy song có nhiều chỗ ở giữa đồng thấp-thỏi đó rải-rác lại nổi lên mấy giồng cát cao-ráo không bao giờ nước ngập tới. Vì vậy nên xưa nay nhơn-dân thường tụ-tập cất nhà trên mấy giồng thành thử giồng nào cũng trù-mật, đông-đảo thạnh vượng. Trong tỉnh Mỹ-Tho bây giờ hai phía có giồng: 1)-phía Tân-Hiệp; 2)-phía Bình-Đại. Phía Tân-Hiệp gồm tới ba cái giồng nằm gần nhau. Ấy là gịồng Trấn-Định tại Tân-Hiệp Củ-Chi, giồng Cánh-Én nằm tại ranh tỉnh Tân-An, giồng Thuộc-Nhiêu nằm dài theo qnan-lộ Trung Lương xuống Cai-Lậy. Trong đất Nam-Việt, các giồng đều có dân-cư đông. Vì vậy nên mỗi giồng đều có sự tích riêng, lại nảy sanh một vài nhơn-vật có danh nêu vào lịch-sử trong khoảng hai thế-kỷ sau nầy. Mà giồng nào cũng không có danh bằng ba cái giồng nầy. Sử có ghi chép ba giồng nầy gọi là vùng „Tam Phụ”. Thường nhơn nói nôm-na thì gọi là xứ “Ba Giồng”. Nhơn-dân Ba Giồng bình thường thì già trẻ đều cậm-cụi làm ruộng làm rẫy, song họ âm-thầm ung-đúc một hào-khí mạnh-mẽ vô cùng, Hằng ngày họ ngó ra cánh đồng Tháp Mười tịch-mịch minh-mông nằm phía sau giồng rồi họ rèn tập chí-hướng cũng viễn-vông quảng-đại như quaug-cảnh họ quen thấy đó. Trong lúc quan Lưu-Thú Long-Hồ là Tống-Phước-Hiệp gom binh tuyển tướng đi bình loạn Tây-Sơn thì ở giồng Thuộc-Nhiêu có một người tên là Đỗ-Thanh-Nhân giàu-có rân-rát hơn hết trong vùng. Người học văn vừa đủ dùng, nhưng võ-nghệ thì có danh lắm. Năm nầy Thanh-Nhân mới có 42 tuổi, khí-lực cường-tráng, tánh nết thẳng ngay, dám nói dám làm, không kiêng không vị. Vợ hiền mới mất cách hai năm trước, để lại cho người một đứa con gái tên là Đỗ-Thanh-Xuân, năm nay mới 17 tuổi, nhưng mà hình vóc cao-lớn vậm-vỡ, dường như gái 20 tuổi. Thanh-Xuân giống cha, tiếng nói rổn rảng, bộ đi gọn-gàng, tâm-chí cang-cường, tánh ý cương quyết. Tuy là phận gái song ít ưa vá may nấu nướng, lại ham tập cung kiếm, đao thương, chơi thì thích chạy nhảy nhậm lẹ như con trai, làm thì chịu xốc vác mạnh-mẽ như người lớn. Thanh-Nhân không có con trai mà dòm thấy tâm-chí với tánh-tình của Thanh-Xuân như vậy thì trong bụng mừng thầm. Người nghĩ trai hay gái cũng vậy, miễn có tài có chí là hơn, bởi vậy khi Thanh-Xuân được 15 tuổi rồi thì người bắt đầu dạy con tập võ-nghệ, tập côn, tập quyền, tập cung, tập kiếm, tập đủ ban hết. Đến nay Thanh Xuân giỏi nhứt là cái tài bắn tên với tài phi kiếm không ai bì kịp. Từ khi Thanh-Nhân thất ngẫu, người buồn nên thường hay giao du đặng khuây lãng. Người giao trâu bò, ruộng rẫy cho gia-dịch chăm nom. Người khuyên con ở nhà cứ luyện tập võ-nghệ hằng ngày, khi thì lên Biên-Trấn, khi thì qua Long-Hồ kiếm người có tài có chí mà kết bạn. Mỗi lần người đi chơi, người vắng mặt đến cả tháng. Mà hễ trở về thì người thường rước về đôi ba người bạn để cùng nhau, hoặc bàn luận cổ kim, hoặc tập duyệt võ-nghệ. Thanh-Nhân có sẵn cơm tiền nên quen tánh hào phóng. Trong vùng Ba Giồng ai bị hoạn-nạn nếu người hay thì nguời giúp đỡ luôn luôn. Còn những người nào lớn tuổi thông hiểu việc đời thì người hay mời đến nhà đãi ăn uống đặng đàm-luận chơi cho rộng thêm kiến-thức. Cách cư xử của người như vậy khiến cho mọi người trong xứ Ba Giồng, từ già chí trẻ ai cũng cảm mến. Lần nầy Thanh-Nhân đi chơi bên Long-Hồ về nhà, người có rước về hai người khách. Ấy là ông Nhiêu-học Trần-Minh-Giám, một nhà nho-học lỗi-lạc tuổi đã 60 mà trí vẫn còn sáng-suốt, với cậu Lê-Văn-Quân, một võ-sĩ mạnh-mẽ, tuổi lối 40, máu nóng đương đầy đủ. Thanh-Xuân hay cha về vội-vã ra cửa tiếp mừng. Thanh-Nhân giới-thiệu con cho hai ông khách biết rồi kêu gia-dịch biểu làm vịt làm gà mà đãi khách. Trong lúc chủ khách ngồi ăn cơm chiều thì Thanh-Xuân ra vô chăm-nom mà nhắc người nhà rội thịt[1] và châm rượu. Thanh-Nhân kêu con lại mà nói: “Con đã trộng tuổi rồi, võ thì con đã lão luyện được vài nghề, còn văn thì con chưa hề biết tới. Vì vậy nên cha rước ông Nhiêu về đây đặng dạy cho con biết sử kinh, biết đạo làm người đối với cha mẹ, với anh em, với vua chúa, với thầy bạn, với đất nước, với quần-chúng. Vậy con phải bái ông Nhiêu đây và kỉnh ông là bực sư-phụ của con. Kể từ ngày mai ông sẽ bắt đầu dạy con học chữ. Con phải cố-gắng chẳng nên tưởng văn nhu-nhược mà chê bai. Làm tướng, dầu nam dầu nữ cũng vậy, có võ mà cũng phải có văn đặng gồm đủ cang nhu mới khỏi thiếu sót, chớ có võ mà không có văn thì hay bạo-ngược, còn có văn mà không có võ thì thường yếu-ớt”. Thanh-Xuân bái ông Nhiêu Giám. Thanh-Nhân nói tiếp: “Còn anh Lê-Văn-Quân đây cha rước anh về đặng coi nếu có thể được thì anh chỉ giùm cho các anh trai trẻ trong vùng luyện tập võ-nghệ. Con phải kính theo hàng thúc bá. Sáng mai con dượt võ thử cho anh xem đặng có chỗ nào sơ-siển thì anh chỉ giùm cho con”. Thanh-Xuân cũng bái Lê-Văn-Quân y theo lời cha dạy. Ăn cơm rồi chủ khách mới bàn tới thời-cuộc. Theo tin-tức lóng nghe bên Long-Hồ thì cả ba người đều hay bọn Nguyễn-Nhạc khởi binh Tây-Sơn đánh lấy thành Qui-Nhơn rồi thừa thắng chúng hoành-hành cả một vùng từ Bình-Thuận ra Quảng-Ngãi. Còn phía Bắc thì binh tướng của Chúa Trịnh đã xâm phạm đất Bố-Chánh (Quảng-Bình) và đương hăm-dọa kinh-thành Thuận-Hóa. Ông Tống-Phước-Hiệp tom góp binh các trấn trong Gia-Định được hơn 5.000 người đã khởi-hành gần nửa tháng rồi, quyết ra đàng ngoài dẹp loạn Tây-Sơn và nếu Triều đình cần dùng thì sẽ đi thẳng ra Phú-Xuân tiếp viện với binh Triều mà đánh với Chúa Trịnh. Thanh-Nhân cũng như hai người khách chỉ nghe có bấy nhiêu đó mà thôi, chớ chưa hay Chúa Nguyễn đã bỏ ngôi mà vào Quảng-Nam với cung quyến, và binh tướng Trịnh đã chiếm kinh thành Phú-Xuân rồi. Tuy vậy mà nhắc tin-tức được nghe đó rồi thì Thanh-Nhân nói: “Đường từ Huế vô đây xa-xôi cách trở. Tin-tức mình nghe đó có lẽ đã cũ cả tháng rồi. Hiện nay tình-hình thế nào mình không thể biết được. Theo ý tôi thì tôi sợ e tình-hình càng thêm nguy-ngập chớ không thể êm-dịu đâu. Tôi sợ nguy-ngập là vì tôi nghĩ từ Quảng-Ngãi vô Bình-Thuận chỗ nào cũng có quan quân trấn-thủ. Tại sao bọn Tây-Sơn chiếm được hết cả vùng như vậy? Có lẽ binh Tây-Sơn đông và mạnh hơn binh trấn-thủ bội phần, chúng nó đã phá tan binh triều rồi, nên chúng nó mới hoành hành, đoạt thành, chiếm đất được. Nếu thiệt thế lực của Tây-sơn mạnh-mẽ như vậy thì chắc gì quan Lưu-Thú của mình với 5.000 sĩ-tốt mà thắng Tây-Sơn cho nổi”. Lê-Văn-Quân nói: “Việc đó tôi hiệp ý với anh. Tôi cũng sợ binh của mình ra đánh đàng ngoài khó thành-công được”. Ông Nhiêu Giám nói: “Hai chú trẻ tuổi mà sao hai chú lại nhút-nhát quá vậy ? Phàm đánh giặc mà thắng được là nhờ chiến-lược của tướng chỉ-huy, nhứt là nhờ tinh-thần chiến-đấu của binh-sĩ chớ đâu phải nhờ binh đông. Huống chi binh Tây-Sơn là binh ô hợp, còn binh của Triều-đình là binh có huấn-luyện, có kỷ-luật. Huống chi Tống Lưu-Thú là người lão-thông binh-pháp, ngài cầm binh thì vững-vàng, hai chú khỏi lo thất-bại”. Quân lắc đầu cãi lại: - Chúng tôi lo-ngại không phải vô cớ đâu ông Nhiêu. Binh Gia-Định lão rồi, lại mấy năm nay ăn chơi không có ra trận, tôi sợ tinh-thần chiến-dấu mất hết. Hơn nữa, phải kéo đi đường bộ ra tới đàng ngoài, tướng-sĩ đều mỏi-mệt. Dầu quan Lưu-Thú có giỏi cho mấy đi nữa, dùng binh mệt mà đánh với binh khỏe chắc gì mà thắng được. - Kéo binh đi đường xa có lẽ quan Lưu-Thú biết phép mà dưỡng sức cho sĩ-tốt chớ. Trời mát thì đi, trời nắng với ban đêm thì cho nghỉ, mỗi ngày đi một khoảng đường vừa sức vậy thôi. Đi đúng theo binh-pháp dạy thì tướng-sĩ có mệt mỏi đâu. - Còn lương-thực nữa, làm sao mà tiếp-tế cho đầy đủ ? - Cầm binh tự nhiên phải tổ-chức cơm gạo và thuốc men cho sĩ-tốt trước rồi chớ. Có lẽ trước khi khởi-hành, quan Lưu-Thú đã có sắp đặt cho thuyền chở cơm gạo, mắm muối ra Phước-Hải, Cù-My mà chực sẵn để tiếp-tế dọc đường cho binh-lính khỏi đói chớ. Làm tướng mà không biết lo quân-nhu với quân-y thì ai dám giao binh-đội cho mình chỉ-huy. Thanh-Nhân đợi hai người bàn cãi với nhau xong rồi, người mới chen vô mà hỏi: “Ví như binh Tây-Sơn thừa thắng kéo ra chiếm luôn Quảng-Nam rồi chận đèo Hải-Vân, còn phía ngoài thì binh Trịnh vào tới Thuận-Hóa, hai đầu đánh dồn lại, gặp trường-hợp như vậy Chúa Nguyễn với Triều-đình làm sao mà thoát thân ?”. Ông Nhiêu Giám đáp: - Còn đường biển. - Triều-đình có thủy-quân hay không ? - Chắc phải có chớ. - Ví như Chúa Trịnh hoặc bọn Tây-Sơn có thủy-quân họ chận đường thì làm sao ? - Thì đánh. - Dầu chiến-thắng đi nữa, rồi đi đâu? Từ Quảng-Ngãi trở về, Tây-Sơn đã chiếm hết rồi. - Vô thẳng trong nầy đặng nhờ đạo binh của Tống Lưu-Thú tiếp-ứng. Thanh-Nhân ngồì suy-nghĩ một hồi rồi mới nói: - Tôi thấy nguy… Nguy to. Mà tôi sợ rồi đây đất Gia-Định của mình cũng không yên được. Ví như Chúa Trịnh cậy oai-quyền của vua Nhà Lê mà chiêu-dụ bọn Tây-Sơn, binh trong với binh ngoài liên-hiệp mà đánh ép lại. Chúa Nguyễn chỉ còn cái nước cờ vào đất Gia-Định rồi nhứt diện chiêu binh mộ tướng tổ-chức cuộc phòng-thủ đàng trong, nhứt diện lập kế làm cho Tây Sơn với chúa Trịnh nghịch nhau, đánh nhau đặng hai đàng đều giảm sức rồi mình thừa cơ đem binh tinh-nhuệ trở ra đàng ngoài mà khắc-phục Thuận-Hóa. Nước cờ đã nguy lắm rồi. Tôi thấy bây giờ chỉ còn cái nước xuất tướng và bền chí săn-sóc mấy con chốt rồi lần lượt ủi nó tới mà phá bên địch thì mới có thể giải nguy được. Ông Nhiêu Giám với Lê-Văn-Quân đồng khen Thanh-Nhân có mưu-lược, có khiếu đại-Thần, có tài an dân giúp nước. Được khen, Thanh-Nhân đắc chí mới nói tiếp: “Đó là việc tôi đoán thử nghe chơi. Có chi chắc chắn đâu mà hai ông khen. Nhưng mà có một điều tôi dám nói quả-quyết là mặc dầu thời-cuộc day trở thế nào, vùng Gia-Định nầy cũng không an-ổn được. Ví như Chúa Nguyễn thất Thuận Hóa chạy vào đây hiệu-triệu dân chúng cần-vương và tổ-chức lực-lượng để nghinh địch, chúng ta là phận râu mày lại ông cha ta nhờ nhà Nguyển mà khai-thác được đất Gia-Định, không lẽ chúng ta đành khoanh tay ngồi ngó để cho Chúa ta phải tiêu-vong. Ví như mạng Trời khiến Tây-Sơn hoặc Chúa Trịnh dứt nhà Nguyễn thì chúng ta chọn người tài đức của ta mà phò rồi mượn cớ báo thù cho chúa Nguyễn mà phấn khởi hào-khí của muôn dân: tổ-chức cơ-sở tự-trị cho đất Gia-Định. Chúng ta phải làm sao mà gìn-giữ đất nước của ông cha ta đã dày công khai thác, chớ không lẽ chúng ta cúi đầu cong lưng bái phục chúa Trịnh hay là Tây-Sơn và đem dâng cho họ hưởng sự-nghiệp của ông cha ta xây-dựng. Không thể được… Không bao giờ tôi chịu cái thói rày đây mai đó. Tôi thậm ghét cái thứ chong-chóng tùy theo chiều gió mà quây. Thà là tôi xưng vương trong đất Gia-Định, rồi tôi chinh phạt Tây-Sơn với họ Trịnh, chớ tôi không chịu yểm cựu nghinh tân. Dầu họ có ban quyền cao tước trọng mà dụ tôi đi nữa, tôi cũng không thèm. Tôi nói thiệt, thà đánh với kẻ thù mà chết, chớ tôi không chịu phản chủ đặng sống”. Ông Nhiêu Giám cười mà nói: “Chú nầy nuôi chí hướng vĩ-đại quá. Mà nghĩ cũng phải, nếu loạn-ly không còn tôi chúa gì nữa, thì ai cũng như nấy, ai mạnh thì hơn. Nếu mình có tài có đức mình đánh dẹp được cái lũ kiến chòm ong thì mình làm vua, can gì phải phục-tùng kẻ khác”. Thanh-Nhân nói: “Nếu muốn mưu đại-sự cần phải đắc nhơn-tâm. Vậy để tôi dọ ý người trong vùng nầy coi họ nghĩ thế nào, rồi mình sẽ liệu lượng. Đất Ba Giồng dân-cư đông-đảo, hạng người cường-tráng từ 20 tới 40 tuổi, kể cũng quá 500. Nếu số người hiệp ý đồng-tâm với mình, thì mình huấn luyện mà gây thành một lực-lượng, tuy không mạnh lắm, song cũng đủ cho mình bắt đầu hoạt-động rồi lần lần bành trướng ra cho lớn được. Bữa nay mùng 10, để tôi viết tờ rồi sai người đi khắp ba cái giồng mời mấy ông trí-thức với hết thảy anh em cường-tráng buổi chiều rằm tựu lại nhà tôi ăn uống một bữa và luôn dịp bàn luận mà quyết-định thái-độ để đối phó với thời-cuộc. Tôi sẽ làm trâu làm bò mà đãi anh em một bữa đăng nói chuyện chơi. Tôi mời chắc anh em không nỡ từ”. Thanh-Nhân biểu gia-dịch dọn chỗ cho khách nghỉ rồi cậm-cụi ngồi viết tờ mời dự tiệc, viết luôn ba bổn đặng để cho mỗi giồng một bổn. Sáng bữa sau, Thanh-Nhân cho kêu ba người trộng tuổi ở trong xóm lại giao cho mỗi người một tờ mời tiệc bữa rằm, dặn mỗi người đi một giồng trình tờ cho mấy ông chủ xóm xem và cậy mấy ông truyền giùm lời mời lại cho hạng trí-thức với hạng cường-tráng nhớ ngày rằm đến ăn uống rồi chung lo việc nước. Ba người lãnh tờ đi rồi, Thanh-Nhân kêu con thay y-phục ra võ-trường tập-dượt cho khách xem. Thanh-Xuân vưng lời cha, mặc áo chẹt quần vắn, vác cung thương đao kiếm ra võ-trường, tướng-mạo dạn-dĩ mạnh-mẽ, không sụt-sè ái-ngại chi hết. Lê-Văn-Quân với ông Nhiêu Giám ra võ-trường thấy một cái sân bằng phẳng, rộng lớn minh mông, dầu năm bảy trăm ngươi tựu lại đó cũng không chật. Hai người trầm-trồ khen ngợi Thanh-Nhân khéo sắp-đặt võ-trường để duyệt binh-đội cũng được, chớ không phải để tập võ nghệ mà thôi. Thanh-Xuân ra dượt một đường quyền rồi tiếp đi luôn một đường roi không có chỗ nào cho Lê-Văn-Quân chê được. Đi thêm một đường song kiếm nữa, bộ Thanh-Xuân chẳng khác nào như phụng múa, tấn thối lẹ-làng như chớp nháng, lưỡi kiếm lại qua vùn-vụt không thấy kịp. Chừng gần rồi vừa múa vừa phóng liên-tiếp hai ngọn kiếm vào cái bia dựng xa hơn 100 thước thì hai cây kiếm đều ghim ngay hường tâm hết cả hai. Lê-Văn-Quân và ông Nhiêu Giám khen nức-nở, khen tài con rồi khen cha khéo tập rèn. Thanh-Nhân biểu con dượt bắn luôn. Thanh-Xuân cầm cây cung với 5 mũi tên. Thanh-Nhân chỉ cây chuối cách xa lối 300 thước biểu con dượt bắn luôn. Thanh-Xuân không cần đứng mà nhắm, cứ đi qua đi lại hễ đứng lại thì ráp tên bắn liền, mà cả 5 cây tên đều ghim vào mình cây chuối không trật một phát nào hết. Lê-Văn-Quân thất kinh bước lại khen Thanh-Xuân: “Tài của nương-nương đáng làm thầy thiên-hạ. Võ-nghệ như vầy thì còn ai dám xưng thầy cho nương-nương thọ giáo”. Mấy bữa rồi Lê-Văn-Quân gặp Thanh-Nhân, nói chuyện cùng nhau thì biết Nhân là một võ-sĩ, nhưng không hiểu tài-nghệ đến bực nào. Nay thấy tài của Thanh-Xuân rồi mới biết Thanh Nhân không phải là tay tầm thường, bởi vậy anh ta kiêng nể cả cha con, không dám khoe võ nghệ nữa. Thanh-Nhân hiểu ý nên không mời Quân tập dượt, muốn để êm đặng sau cậy Quân thay thế mà tập võ cho hạng thanh-niên trong giồng. Buổi chiều ông Nhiêu Giám bắt đầu dạy Thanh-Xuân học chữ. Ba người cầm tờ đi mời dự tiệc lần-lượt trở về nói rằng các ông chủ xóm đều hứa sẽ điểm mục mà chuyển đạt lời mời và chắc bữa rằm hết thảy đều đến không ai từ chối. [1] Cho thêm thịt Hồ Biểu Chánh Đỗ nương nương báo oán Chương 3 NGHĨA-HIỆP ĐỒNG-CHÍ Vì Thanh-Nhân có sai gia-dịch đi cậy mượn nên những người trai-tráng trong giồng Thuộc Nhiêu, từ bữa 12 đã tề-tựu lại nhà Thanh-Nhân đông đến bốn năm mươi, ai cũng vui lòng tiếp giúp sắp đặt đặng chiều rằm đãi tiệc. Trong nhà có lúa đầy lẫm. Trâu bò heo cũng sẵn có nhiều, khỏi lo đi mua. Người ta bèn phân nhau ra nhiều tốp, mỗi tốp lãnh phận-sự riêng, tốp xay lúa, tốp giã gạo, tốp giã nếp, tốp bửa củi, tốp đặt rượu[1], tốp vô đồng tát đìa chận lung mà bắt cá lớn, tốp ngồi thuyền ra Tiền-Giang lưới tôm cá sông, tốp ở nhà cưa ván đóng bàn ngang bàn dọc tại võ-trường, là chỗ dọn tiệc, vì nhà tuy lớn, song không đủ chỗ mà đãi đến bốn năm trăm khách. Người ta làm rần-rộ trong ba ngày thì đồ ăn uống đã hoàn-bị, cuộc sắp-đặt cũng đã xong-xuôi. Sớm mơi rằm bầu trời thanh bạch, gió chướng lai-rai, mọi người thơ-thới trong lòng nên lộ ra ngoài mặt hởn-hở. Người ta bắt đầu giết trâu bò heo trước đặng có thịt sẵn cho tốp trong bếp liệu chừng mà xào nấu cho kịp lúc mặt trời xế bóng thì mở tiệc. Đến trưa, mấy ông có học-thức với các ông Chủ xóm lần-lượt tới trước rồi hạng bình-dân trong ba giồng tốp năm người, tốp 10 người, tiếp-tục kéo tới không ngớt. Chủ xóm với học-thức chỉ có vài ba chục ông nên Thanh-Nhân tiếp mời vào nhà ngồi uống nước, còn hạng bình-dân thì đông nên ngồi chơi ngoài võ-trường hoặc giụm năm giụm bảy trong vườn mà nói chuyện. Thanh-Nhân giới-thiệu ông Nhiêu-Giám với ông bạn Lê-Văn-Quân cho mấy chủ xóm và học thức biết, rồi liền thuật cho mấy ông nghe những tin-tức về cuộc rắc-rối ở đàng ngoài. Ngài nói: “Tôi đi thăm anh em bên Long-Hồ, tôi mới hay một việc quan-hệ lắm. Người ta nói ở Qui Nhơn có bọn Tây-Sơn dấy loạn, kéo binh trong núi ra đánh lấy thành rồi chiếm hết một vùng từ Bình-Thuận ra Quảng-Ngãi. Đã vậy mà Chúa-Trịnh ngoài Bắc còn đề binh khiển tướng vào đánh Thuận-Hóa nữa. Chúa Nguyễn lưỡng diện thọ địch có lẽ bối-rối nên sai người đệ chiếu vào dạy quan Lưu-Thú Long-Hồ gom binh Gia-Định đem ra Bình-Thuận dẹp loạn Tây-Sơn để cho binh Triều có đủ toàn-lực mà chống với Chúa Trịnh đặng giữ vững Thuận-Hóa. Quan Lưu Thú Long-Hồ đã đem 5.000 binh Gia-Định ra đàng ngoài mà tiếp viện rồi. Tôi hay tin có bấy nhiêu đó mà tin ấy có lẽ đã cũ lắm. Mấy ông có nghe tin nào khác nữa hay không ?” Mấy ông khách nhìn nhau ngơ-ngáo vì không có một ông nào hay chuyện rắc-rối đó. Rồi đó mấy ông bàn-luận với nhau tưng-bừng, người đoán Triều-đình chắc phải nguy to, người sợ binh Gia-Định ít quá dẹp loạn Tây-Sơn không nổi, có người lại nói “Lũy Thầy” lập ở Quảng Bình vững-vàng. Trịnh đánh đã bảy lần rồi không lần nào phá nổi, bây giờ có tài phép gì qua ải đó được mà vào Thuận-Hóa nên phải lo. Thanh-Nhân cứ ngồi nghe mấy ông bàn cãi không nói thêm nữa, không tỏ ý riêng của mình, vì tính khêu-gợi cho lòng nguời náo-nức mà thôi để thủng-thẳng rồi sẽ chỉ chỗ nguy-nan, sẽ nói đường chơn-chánh cho người ta biết sao là phải, sao là quấy đặng người ta oán ghét cái quấy và dám chết với cái phải. Đến xế anh em mấy giồng đã tựu đến đủ mặt rồi, Thanh-Nhân cậy người đếm thử thì số khách được tới 470. Thanh-Nhân dạy dọn rượu thịt ra rồi mời khách lớn nhỏ nhập tiệc. Chủ nhà ngồi bàn giữa với ông Nhiêu Giám, anh Lê-Văn-Quân, mấy ông chủ xóm và mấy ông có học-thức, còn bao nhiêu thì ngồi các bàn chung-quanh. Chủ khách ăn uống vui cười. Vì xưa nay chưa hề có một tiệc nào đông-đảo như vầy, lại hạng bình-dân được mời khoản-đãi bởi vậy ai cũng nghi Thanh-Nhân muốn tính việc gì đây. Người ta có ý trông coi chủ nhà nói làm sao, mà chủ nhà cứ đi mỗi bàn chăm-nom nhắc lấy thêm rượu, ân-cần đãi khách, không chịu nói chi hết. Mấy ông có học thức, đã biết tâm-chí của Thanh-Nhân, nên định chắc vì có việc giặc-giã ở đàng ngoài mới có tiệc nầy. Muốn ghẹo chủ nhà nên lúc ăn uống mấy ông còn đem việc đó ra mà bàn nữa. Một ông nói lãnh-thổ của quốc-gia chẳng khác nào thân-thể của con người. Trong thân thể của con người nếu có đau một chỗ nào như nhức đầu hay đau bụng hay gãy tay chẳng hạn thì cả thân-thể đều chịu ảnh-hưởng nên bần-thần bể-nghể chung. Trong nước ta hiện-thời, ở đàng ngoài loạn-ly rối-rấm, nhưng ở đàng trong thì bình-tịnh an-ninh. Tuy vậy mà đất Gia Định nầy đã bắt đầu chịu ảnh-hưởng rồi. Quan Lưu-Thú Long-Hồ phải đem binh đàng trong ra ngoài mà tiếp-viện, đó là một bằng-cớ hiển-nhiên, hễ đau răng thì nhức cả đầu, hễ đau bụng thì mặt nhăn-nhó. Hiện giặc-giã đàng ngoài chưa can-hệ đến đàng trong, nhưng ai dám đoán chắc ngày mai đàng trong cũng vẫn được yên tịnh, không xôn-xao biến-động. Người có tâm-chí phải suy nghĩ xa, phải lo-liệu trước, không nên để nước ngập tới trôn rồi mới nhảy, sợ nhảy không kịp sẽ bị nước chụp mà phải chết chìm. Người ta khiêu-khích tới như vậy mà Thanh-Nhân cũng cứ lặng thinh dường như người ích-kỷ cứ lo cho có tiền đầy rương, có lúa đầy lẫm đặng ăn chơi ngỏa-nguê, không thèm kể việc vua, việc nước. Mãi đến chiều, Thanh-Nhân dòm thấy khách lớn nhỏ đều ăn uống no đủ rồi, người mới đứng dậy đi lại giữa sân mà la lớn lên:“Có một việc quan-hệ lắm, lẳng lặng nghe tôi nói”. Ai nấy đều nín hết. Mấy tốp ngồi ngoài xa sợ nghe không rõ, nên kéo nhau lại đứng cho gần, thành thử khách chen-chúc đứng bao quanh Thanh-Nhân, bao cả mấy chục ông tai mắt ngồi bàn giữa. Thanh-Nhân đợi đâu đó đứng yên-tịnh rồi mới cất tiếng lên nói lớn: “Trước hết tôi muốn cho anh em lớn nhỏ trong đất Ba Giồng nầy hay: nước nhà đang bị một tai họa lớn lắm… Có giặc rồi… Giặc to-tát, giặc thực-sự, chớ không phải giặc chòm, giặc nhóm.” Nghe nói hai tiếng “có giặc” ai nấy đều xúc-động, nên lẳng-lặng lóng nghe. Thanh-Nhân thấy cách báo-cáo đột-ngột của mình đã có hiệu-quả, mới chậm-rãi nói tiếp: “Vì hay trong nước có giặc nên mới qui-tụ anh em lớn nhỏ ở đất Ba Giồng mà nói cho anh em hay rồi hỏi coi nước nhà bị họa giặc-giã, chúng ta là con dân của đất nước, chúng ta phải làm sao cho đáng mặt râu mày. Ấy vậy, cuộc tiệc tôi mở ra hôm nay đây không phải là cuộc vui chơi, Ấy là cuộc hội-hiệp để bàn-luận rồi chung lo giữ nhà cứu nước. Tin giặc-giã tôi mới nói cho anh em biết đó là tin chắc-chắn chớ không phải lời đồn huyễn. Tôi qua Long-Hồ tôi nghe rõ-ràng: cách hơn một tháng nay Triều-đình có cho quan Lưu-Thú của ta hay, bọn cường-khấu qui-tụ nhơn-dân tại Tây-Sơn mà luyện tập phân thành đội ngũ rồi kéo ra đánh úp đoạt thành Qui Nhơn. Quan quân khiếp sợ bỏ chạy hết. Chúng thừa thế mạnh mới tung-hoành chiếm hết đất đai cả một vùng từ Bình-Thuận trở ra Khánh-Hòa, Phú-Yên, Bình-Định, Quảng-Ngãi. Mà đó là tin cũ nghe hôm tháng trước, không biết bữa nay giặc Tây-Sơn đã tràn ra Quảng-Nam hoặc đã tới Thuận-Hóa hay chưa. Lại còn nguy hơn nữa là đồng thời Tây-Sơn hoành-hành ở phía Nam thì chúa Trịnh huy-động binh phía Bắc vào đánh chiếm đất Bố-Chánh, cách kinh-thành Huế không bao xa. Bữa nay chúng đã lấy Huế hay chưa ? … Chưa biết được. Tôi chỉ biết quan Lưu Thú Long-Hồ đã dem 5.000 binh Gia-Định ra đàng ngoài đặng chống với Tây-Sơn. Chống nổi hay không ? Cũng chưa biết được. ... Ví như binh Chúa Trịnh, hoặc binh Tây-Sơn đánh chiếm kinh-thành Huế rồi, Chúa Nguyễn với đình-thần làm sao ?... Thoát khỏi hay là bị giặc bắt ?... Như thoát được thì chạy đi đâu ?... Còn sống hay là chết mất? Còn quan Lưu-Thú Long-Hồ đem binh Gia-Định ra đàng ngoài mà tiếp-ứng, đạo binh có thắng hay là bại ? ... Như bại rồi làm sao ?... Thanh-Nhân liếc thấy mọi người đều hồi-hộp, lơ-lửng, thì ngừng lại để cho người ta suy nghĩ. Cách một chút rồi nói tiếp: “Hồi nãy ăn uống đàm-luận tôi lóng nghe có một ông ngồi chung bàn với tôi nói rằng: lãnh-thổ của quốc-gia chẳng khác nào thân-thể của con người. Về con nguời nếu có một bộ-phận nào bị bịnh thì cả thân-thể đều bể-nghể. Còn về quốc-gia nếu có một vùng nào bị hại thì luôn cả nước đều rúng động. Lời luận đó thiệt là đúng-đắn. Chúng ta tựu-hội nhau đây, từ mấy ông trộng tuổi xuống tới các anh em cường-tráng, chúng ta đồng sanh-trưởng trong vùng Ba Giồng nầy. Thuở nay chúng ta đồng ăn hột gạo Ba Giồng, đồng uống dòng nước Tiền-Giang mà sống. Chúng ta chịu chung một ánh nắng, hấp chung một ngọn gió, bởi vậy tâm-chí của chúng ta như nhau. Thuở nay non nước thăng-bình, chúng ta chung hưởng sung-sướng. Bây giờ quốc gia nguy biến, chúng ta phải hiệp lực chung lo, chúng ta phải liệu lẽ nào cho đáng mặt nam-nhi, rực-rỡ đất Ba Giồng, cho khỏi tan-nát công-nghíệp của ông cha, cho được hãnh-diện với nước non, với nòi giống. Nhưng truớc khi muốn làm ra thứ bánh gì cần phải có bột đường thích-hợp với thứ bánh đó thì ăn mới ngon. Trước khi cất nhà lầu, cần phải có nền cho vững, cột cho lớn, đá gạch cho đủ thì nhà mới chắc. Trước khi muốn lo việc lớn, tôi cần phải biết ruột, gan, đầu óc của người chung lo. Vậy tôi xin mấy anh lớn với mấy em nhỏ để cho tôi hỏi ít câu đặng tôi hiểu tâm-chí của anh em rồi tôi sẽ bày tỏ ý-kiến của tôi về sự thời-cuộc biến chuyển. Tôi xin anh em lớn nhỏ bình-tĩnh lóng nghe. Tôi hỏi câu nào thì suy nghĩ cho kỹ-lưởng rồi trả lời theo câu đó, trả lời cho rõ-ràng, cho thành-thật đừng vị tôi mà cũng đừng sợ ai. Đây tôi xin hỏi anh em: “Ví như đạo binh Gia-Định, quan Lưu-Thú Long-Hồ đem ra đàng ngoài bị binh Tây-Sơn đánh bại phải tiêu tan hết. Anh em nghe sự thất-bại đó anh em buồn hay không ?” Cả thảy bốn phía đồng la lớn:“Buồn lắm ! Buồn lắm !” Thanh-Nhân gặc đầu và nói: “Tôi xin hỏi liếp: Ví như vua quan hiệu-triệu dân chúng tình nguyện nhập ngũ đặng lập một đạo binh khác đi đánh giặc mà báo thù cho đạo binh trước, anh em dám chịu ra đi lính hay không ?” Đầu nầy nói: “Dám”. Đầu nọ nói: “Tôi tình-nguyện xin làm lính đặng báo thù cho anh em Gia-Định không cần đợi quan trên kêu gọi.” Thanh-Nhân nói: “Bây giờ tôi hỏi qua trường-hợp khác. Xin anh em lóng nghe rồi tỏ ý-kiến cho tôi biết: Ví như Chúa Nguyễn với Triều-đình ở Thuận-Hóa bị Tây-Sơn, hoặc bị Chúa Trịnh đánh bại, nên phải phân-tán kiếm đường mà trốn cho khỏi bị giặc bắt, anh em nghe như vậy anh em buồn hay không ?” Phần đông đáp:“Buồn lắm”. Cũng có nhiều người la lớn: “Buồn mà giận nữa”. Thanh-Nhân hỏi: “Buồn hoặc giận rồi làm sao ?”. Có người đáp: “Phải rủ nhau đi tìm Chúa mà phò !”. Người khác nói tiếp: “Chừng tìm được Chúa thì xin Chúa lập binh đội khác đặng mình chen vào hàng ngũ mà đánh giặc báo thù”. Thanh-Nhân hỏi:“Ví như Chúa bị giặc bắt giết rồi thì làm sao ?”. Hạng bình-dân ngó nhau sắc mặt bối-rối như bị bít đường không còn ngã mà đi nên lặng thinh không trả lời được. Ở bàn giữa, một ông trí-thức, tóc bạc hoa râm, đứng dậy mà đáp lớn: “Nếu rủi-ro bị đại họa đến thế thì chúng ta chọn người có tài đức tôn lên làm đầu rồi chúng ta xúm nhau tá-trợ đặng quét sạch quân giặc mà đem an-ninh lại cho dân nước”. Thanh-Nhân hỏi thêm: “Nếu Tây-Sơn hoặc Chúa Trịnh hãm hại Chúa mình thì mình qui thuận với Tây-Sơn hoặc với Chúa Trịnh đặng thong-thả làm ăn, như vậy không được hay sao?” Cả thảy la ó vang rân: “Không được ! Không được ! Thà chết chớ không chịu đầu giặc đâu ! Trở mặt đổi lòng xấu lắm ! Vong ân bội nghĩa Trời hại còn gì !” Một ông nho học đứng lên nói: “Thánh-hiền có dạy: Làm người ở đời phải giữ lòng tín-thành, phải tập tánh trung trực, phải sát thân để thành nhân, phải xả sanh nhi thủ nghĩa. Trước kia ông cha ta nhờ cậy oai quyền của Chúa Nguyễn nên mới được vào đất Gia-Định mà khai cơ lập nghiệp, rồi để lại cho con cháu được no ấm an vui, Chúng ta được an-cư lạc-nghiệp như vầy, chúng ta không phép quên ơn của tổ-tiên, quên nghĩa của Chúa Nguyễn. Tổ-tiên ta mất, ta đặt bàn thờ để tưởng-niệm truy ân. Nếu vua chúa ta thọ hại, có lẽ nào ta đành cúi đầu tùng-phục chủ mới mà quên nghĩa cũ cho được. Ta phải gìn-giữ sự-nghiệp của ông cha, đó là truy ân. Ta phải tưởng niệm hơn nữa, ta phải xem người hại vua chúa ta là kẻ thù chung, đó là đáp nghĩa. Dầu Tây-Sơn hay là Chúa Trịnh ban vàng bạc, hoặc ban tước mà dụ ta thì ta cũng không thèm. Phải làm như vậy mới trúng chánh-đạo”. Bốn phía đều la lớn:“Làm theo chánh đạo đó ! Làm theo chánh-đạo”. Thanh-Nhân đứng ngó vòng hết bốn phía, lấy làm toại chí, nên chúm chím cười, rồi đợi bình tĩnh lại mới nói tiếp: “Thuở nay tôi vẫn biết anh em lớn nhỏ ở đất Ba Giồng nầy thảy đều có tâm-hồn cao quí và có chí khí hào-hiệp. Nhờ có dịp hội hiệp nầy anh em mới biểu-lộ tâm-hồn và chí-khí rõ-ràng. Vậy tôi tỏ lời khen ngợi anh em mà tôi cũng nghiêng mình bái phục tâm hồn với chí-khí đó nữa. Bây giờ tôi xin nhắc lại cho anh em nhớ những câu tôi đem ra mà hỏi anh em hồi nãy đều là lời ví-dụ, đều là việc tưởng-tượng, tôi hỏi phòng hờ để thăm dọ tình ý anh em mà thôi, chớ chưa phải là việc đã xảy ra rồi. Chúng ta chưa có tin-tức nên không biết đạo binh Gia định của ta ra đàng ngoài thắng bại lẽ nào, cũng không biết Chúa ta có nguy-nan hay không, cũng không hiểu Tây-Sơn với Chúa Trịnh mạnh hay yếu. Nếu binh Gia-Định của ta phía trong và binh Triều-đình phía ngoài, cả hai đều chiến thắng hết, thì đó là sự may-mắn của nước nhà. Ngặt theo tin tức đã chắc-chắn chì Tây-Sơn đã chiếm đất đai ra tới Quảng-Ngãi, còn binh Trịnh thì đi vào đất Bố-Chánh rồi, tức thị thế lực hai đầu đều mạnh-mẽ. Thuận-Hóa ở giữa bị hai đầu dồn ép, tôi coi khó giữ vững lắm. Bởi vậy cho nên lôi sợ cái may ít quá còn cái rủi thì thiệt nhiều, nên tôi lo ngại hết sức. Mà dầu may dầu rủi, hễ giặc-giã thì tai-hại chung cho cả nước. Tuy giặc ở đàng ngoài song nó cũng ảnh-hưởng vô tới đàng trong, đã có ảnh-hưởng rồi, mà không biết chừng nó sẽ tràn lan vô đất Gia-Định của chúng ta nữa. Vậy chúng ta nên tính trước, nên đề phòng, đặng khi hữu-sự thì chúng ta sẵn-sàng mà đối-phó cho khỏi rộn-ràng, khỏi lính-quýnh. Làm việc gì cũng vậy, khó là lúc ban đầu, lúc gầy dựng. Hễ gầy dựng được rồi thì nó sẽ mở rộng mau lẹ, nó sẽ bành-trướng dễ dàng. Ở vùng Ba Giồng của chúng ta đây bực lão-thành đã được mấy chục người còn hạng cường-tráng kể đến gần 500. Nếu các ông lão thành chịu giúp trí, giúp tinh thần, còn các anh em cường tráng chịu giúp sức giúp hăng-hái, chúng ta lập một hội đồng-chí chuyên lo an dân cứu quốc. Hội mới thành-lập mà có tới năm sáu trăm nhơn-viên không phải là nhỏ. Hội lập rồi những người xa gần hễ họ có tâm-chí thì họ sẽ tìm đến mà xin gia-nhập. Vậy tôi xin hỏi mấy ông lão-thành với các anh em cường-tráng, vậy chớ có sẵn lòng hiệp với tôi mà lập một hội lấy hiệu “Ba Giồng Đồng-Chí Hội” với tôn-chỉ an dân cứu quốc hay không ?” Từ già chí trẻ thảy đều bằng lòng hết. Thanh-Nhân nói: “Lập hội như vầy người ta thường đặt hương-án kỉnh cáo Thiên Địa rồi các nhơn-viên đứng mà thề. Tôi đã biết tâm-chí nhiệt thành với tánh-tình nghĩa-hiệp của các anh em nên tôi không cần bày thề-thốt. Bực anh-hùng nghĩa-sĩ một lời hứa đủ làm tin mà chết sống với nhau, không ai chạy chối mà phải thề. Nhưng hội thì phải có một người làm đầu để chỉ-huy, giữ kỷ-luật và thông tin-tức. Vậy xin anh em hãy chọn cử một vị Chánh Hội-Trưởng và cử luôn một vị Phó Hội-Trưởng để thay thế cho Chánh Hội-Truởng khi ông nầy vắng mặt”. Anh em bàn tính vời nhau rồi đồng cử Đỗ-Thanh-Nhân làm Chánh Hội Trưởng. Thanh-Nhân từ chối không dược nên phải nhận chức. Người nài xin phải cử một người trộng tuổi trong hạng học-thức hoặc chủ xóm làm Phó Hội-Trưởng. Mấy ông khiêm-nhượng không dám lãnh chức đó rồi tiến-dẫn ông Nhiêu Trần-Minh-Giám là Phó Hội-Trưởng. Mấy ông hứa sẽ tận tâm giúp cho hội với chức Hội-viên vậy thôi. Thanh-Nhân với Minh-Giám tỏ lời cám ơn anh em sẵn lòng tín-nhiệm và hứa sẽ hoạt-động làm cho “Ba Giồng Đồng-Chí Hội” được rạng-rỡ thinh-danh, Thanh-Nhân nói: “Hội của chúng ta lập với tôn-chỉ an dân giúp nước. Hiện nay ở đàng ngoài có giặc-giã làm cho dân xao-xuyến, nước nguy nan. Muốn đạt được mục-đích, hội ta cần phải một mặt bố-đức để an dân và một mặt dụng võ để cứu nước. Bố đức tôi xin giao cho ông Phó Hội-Trưởng lo liệu. Phần tôi thì tôi chuyên lo rèn tập võ-nghệ cho nhơn-viên để phòng khi hữu-sự thì có sẵn tài lực mà nâng đỡ quốc-gia. Hạng nhơn viên cường-tráng từ 20 đến 40 tuổi đều phải tập luyện võ-nghệ, hiểu biết chiến-lược hết thảy. Nhơn-viên thì đông lại ở tới ba cái giồng. Một võ-trường của tôi đây không đủ cho anh em tập luyện. Tôi xin mấy ông chủ xóm kiếm chỗ rộng-rãi bằng thẳng mà mở thêm mỗi giồng cho được đôi ba võ-trường để mỗi ngày anh em đi tập cho gần. Anh bạn của tôi là anh Lê-văn-Quân đây là một võ-sư có danh lớn. Tôi sẽ cậy anh dạy anh em tập. Tôi cũng sẽ giúp với anh mà chỉ cho anh em. Thiệt hai người cũng chưa đủ. Để thủng thẳng rồi tôi kiếm rước thầy võ thêm. Mỗi giồng phải có ba thầy mới đủ mà lập hằng ngày cho nhơn viên được”. Mấy ông chủ xóm nói lập võ-trường nhỏ nhỏ thì không thiếu gì đất, muốn lập mấy chỗ cũng được. Điều cần yếu là phải có người dạy. Nhơn-viên trẻ tuổi nghe nói sẽ lập trường đặng tập võ thì ai cũng hăng-hái nói rằng hiện giờ trong mỗi giồng đều có một hai người biết võ-nghệ chút đỉnh. Vậy mấy người ấy bắt đầu tập liền cho nhơn-viên được, tập cho biết tấn thối rồi sẽ cậy thầy hay phân miếng, chỉ thế thêm cho rành. Lê-Văn-Quân nói tập võ đây là tập võ đặng đánh giặc, chớ không phải tập võ để biểu-diễn chơi. Vậy tập quyền cần phải chăm nom làm cho gân cốt dẻo dai, sức khỏe sung túc. Phải tập chạy mau, tập nhảy cao, tập trở lẹ, đặng khi xáp trận huy-động cho gọn-gàng. Thanh-Nhân nói tập dùng binh-khí thì nên tập bắn tên, tập phóng lao, tập dùng chĩa ba, đại đao, đoản đao cho thành-thục. Thanh-Nhân hứa sẽ đặt cho thợ rèn, thợ mộc tạo mấy thứ binh khi ấy cho nhiều để phát cho nhơn-viên các giồng giữ mà tập luyện. Ông nhiêu Trần-Minh-Giám nói: “Chiến-sĩ cần phải có sức khỏe, phải biết võ-nghệ, phải thông chiến lược phải hiểu binh-pháp. Nhưng can-đảm là bí-quyết của sự chiến-thắng. Vậy cần tập rèn võ-nghệ mà cũng cần huấn-luyện tinh-thần, mười người có tinh-thần mạnh mẽ có tâm-chí cương-quyết có thể đánh bại cả trăm người nhút-nhát. Vậy mấy ông chủ xóm với mấy ông có học-thức nên giúp mà huấn-luyện đầy đủ cả hai mặt võ-nghệ và tinh thần thì có thể dám chiến với 5.000 binh ô-hợp không có huấn-luyện, không biết kỷ-luât”. Trẻ già bàn luận cùng nhau đến tối, trăng rằm đã lên cao rồi mới giải tán mà về. Sáng bữa sau, Thanh-Nhân cùng với ông Nhiêu Giám và Lê-Văn-Quân đi viếng mấy giồng. Đi tới đâu mấy ông học thức cũng hăng-hái tiếp rước rồi hiệp nhau lựa chỗ làm trường tập võ chọn người huấn-luyện cho nhơn-viên liền. Sự hăng-hái của hai ông Chánh, Phó Hội-Trưởng gây ra một phong-trào háo chiến bồng-bột sôi-nổi ở đất Ba Giồng. Hạng thanh-niên cường tráng ban ngày thì làm ruộng, làm vườn, mà hễ chiều mát thì rần rộ tựu lại võ-trường tập chạy, tập nhảy. Cách chẳng bao lâu tôn chỉ của Hội Ba Giồng Đồng-Chí đã đồn ra khắp xóm xa làng gần. Có nhiều trai-tráng ái mộ trí ý của hội nên đến xin ghi tên nhập hộị. Trong ba tháng, số nhơn-viên đã lên gần một ngàn, và trong số đó có nhiều văn-nhơn, cũng có nhiều võ-sĩ ở xa, có người ở Long-Hồ, có người ở tận trên Đồng-Nai và Phan-Trấn cũng tìm tới mà xin gia nhập đặng góp sức. Bên văn thì được năm người: Phạm-Háo-Nghĩa, Lê-Thứ-Tiên, Dương-Trung-Cự, Huỳnh-Hiên- Hà, Triệu-Bá-Vạn. Còn bên võ thì được tám người: Võ-Nhàn, Nguyễn-Lượng, Trần-Hạo, Cao Liêm, Lý-Thiện, Phan-Đình-Trụ, Lưu-Bạch-Khuê và Thái-Hồng-Tâm mỗi người đều đủ tài rèn tập võ-nghệ cho nhơn-viên được. Thanh-Nhân phân phát văn-nhơn và võ-sĩ ở mỗi giồng đôi ba người đặng văn thì huấn-luyện tinh-thần, còn võ thì rèn-tập chiến đấu. Thanh-Nhân lại cậy ít người trộng tuổi mà lanh-lợi, người qua Long-Hồ, Sa-Đéc, kẻ lên Phan Trấn, Đồng-Nai thám dọ tình-hình, lóng nghe tin tức đặng về thông báo cho hội biết. Tuy Thanh-Nhân mừng thấy Hội Ba Giồng Đồng-Chí bành-trướng mạnh-mẽ và mau lẹ khiến cho người phải bận trí cả đêm ngày, song người cũng không quên nhắc-nhở con tập võ học văn, bởi vậy Đỗ-Thanh-Xuân càng luyện càng thêm hay, làm cho mấy võ-sĩ mới thấy nàng tập dượt ai cũng bái-phục. Thấy tài-nghệ của con đủ biết tài-nghệ của cha, nhờ vậy mà Thanh-Nhân được tất cả hội viên khâm-phục, người mới cũng như người cũ. [1] nấu rượu Hồ Biểu Chánh Đỗ nương nương báo oán Chương 4 ĐÔNG-SƠN CỨU QUỐC Đỗ-Thanh-Nhân đã có tài, có chí, có thế-lực, mà còn làm Chánh Hội-Trưởng cho “Ba Giồng Đồng-Chí Hội”, người có thêm oai-quyền nữa, bởi vậy hễ ra lịnh thì cả thảy nhơn-viên trong hội, bây giờ kể đến số ngàn, ai ai cũng phải tuân theo mà làm, không dám cãi lẽ, mà cũng không dám giảng-giải. Trần-Minh-Giám là một nhà nho học hoạt bát, có mưu có trí, lại có nhiều sáng-kiến hay. Ông phụ-trách với Thanh-Nhân, ông tận tâm tiếp giúp, ông lại có tài coi người không sai. Được đàm-luận với văn-nhơn võ-sĩ ở xa mới đến xin nhập hội, trong vài ngày thì ông đã biết rõ tánh tình của mỗi người, ông cho Thanh-Nhân biết Võ-Nhàn tuy trẻ tuổi, song có đởm-lược, lại có dạ trung-thành, có tánh chánh-trực. Ông cho Võ-Nhàn hơn Lê-Văn-Quân xa, người ấy nên đại dụng. Thanh-Nhân nghe lời mới phân võ-sĩ cho đi ở đủ ba giồng đặng rèn tập võ-nghệ cho hội-viên. Người định: Võ Nhàn, Nguyễn-Lượng, Trần-Hạo với Cao-Liêm phải ở giồng Thuộc-Nhiêu, vì giồng nầy có tới bốn võ-trường. Giồng Trấn-Định có ba võ-trường nên giao cho Lê-Văn-Quân, Lý-Thiện với Phan-Đình-Trụ tập luyện. Còn giồng Cánh-Én nhỏ, lại ít dân, nên lập có hai võ trường, thì giao cho Lưu-Bạch-Khuê với Thái-Hồng-Tâm chăm-nom. Văn-nhơn cũng chia đi mấy giồng đặng huấn-luyện tinh-thần. Thuộc-Nhiêu đã có Chánh, Phó Hội-Trưởng nên phụ thêm Phạm-Háo-Nghĩa mà thôi. Lê-Thứ-Tiên với Dương-Trung-Cự thì đi Trấn-Định, còn Huỳnh-Thiên-Hộ với Triệu-Bá-Vạn thì đi Cánh Én. Tuy cắt phần cho mỗi người như vậy song vài ba ngày thì có Thanh-Nhân cỡi ngựa đến viếng một lần. Vì ở trên sốt-sắng chăm-nom nên ở dưới tập luyện hẳn-hòi, không dám bê-trễ. Trong mấy tháng thì đã thấy đất Ba Giồng tạo sẵn cả ngàn người có thể làm chiến-sĩ ra trận vững-vàng, vừa có tinh-thần chiến-đấu thiệt cao, vừa hiểu binh-pháp công thủ rành-rẽ. Về binh-khí thì mọi người đều biết đùng đoản đao cả thảy, nhưng có tập riêng hai trăm người chuyên-môn bắn tên với một trăm người phóng lao. Một bữa có người lên Phan-Yên Trấn dọ-thám trở về cho hay rằng Chúa Nguyễn Định-Vương đã dùng thuyền do đường biển vào tới Sài-gòn hôm đầu tháng. Chúa đem theo có một hoàng tử lối 13 tuổi, có bốn quan với một chục lính thị-vệ hộ giá mà thôi. Hiện giờ Chúa ở trong thành Sài-gòn có quan Trấn phò-trì, nhưng binh Phan-Trấn bị tuyển đi tùng-chinh với quan Lưu Thú Long-Hồ hết nhiều, bây giờ trong thành còn lại ít chục lính canh tuần cầm chừng vậy thôi. Thanh-Nhân với Minh-Giám nghe báo như vậy thì kinh-tâm biết Thuận-Hóa đã thất thủ, binh Triều đã tiêu tan, nên Chúa mới vượt biển vào Nam lánh nạn. Thanh-Nhân liền sai người đi mời các võ-sĩ, các chủ xóm và các người có học-thức đến nhóm đặng nghị-sự. Tối lại các người ấy đều đến đủ mặt. Thanh-Nhân đem tin mới nghe mà nói lại cho cử-tọa biết, rồi đề-nghị chọn lối 500 người cường-tráng đã được huấn-luyện thành-thục, phân làm đội ngũ rồi đem vô thành Sài-gòn xin hộ-giá Định-Vương. Các võ-sĩ đều hiệp ý đồng tình, nói rằng hội lập với mục-đích an dân cứu nước, đây là một dịp tốt cho hội đạt được mục-đích rất vẻ-vang. Minh-Giám không ngăn cản, nhưng ông dè-dặt, ông khuyên phải sắp-đặt cho kỹ-lưỡng, vì đi xuất binh lần đầu cần phải thận-trọng, không nên hốt-tốc. Ông xin để cho ông lên Phan-Trấn quan-sát tình-hình và hỏi thăm lin-lức lại cho chắc-chắn. Ở nhà cứ tuyển binh cử tướng cho sẵn, tập luyện thêm cho tinh-tấn, nhưng phải chờ ông về rồi sẽ đem binh đi. Thanh-Nhân biết Minh-Giám là người vừa cẩn-thận, vừa sáng-suốt, nên chấp-thuận đề-nghị của ông, cho dọn một chiếc thuyền rồi khuya sai người đưa ông đi. Thanh Nhân ở nhà cùng với Võ-Nhàn và Lê-Văn-Quân đi đến các võ-trường chọn lựa những người trai trẻ mạnh-mẽ, tập luyện đã thành-thục, lập sổ biên tên 450 người, rồi chọn thêm 50 người giỏi nữa cho đủ số 500. Người nào được chọn rồi thì giao cho võ-sĩ huấn-luyện đặc-biệt thêm nữa, ung-đúc cho thành 500 binh tinh-nhuệ, có linh-thần mạnh-mẽ, có can-đảm đầy đủ, dám xung-phong hãm trận đặng làm rực rỡ cho đất Ba Giồng. Số binh 450 thì phân làm ba đội, mỗi đội 150 người, Thanh-Nhân định: - Võ-Nhàn chỉ huy đội thứ nhứt với Trần-Hạo phụ-trách; - Lê-Văn-Quân chỉ-huy đội thứ nhì với Phan-Đình Trụ phụ-trách; - Lưu-Bạch-Khuê chỉ-huy đội thứ ba với Thái-Hồng-Tâm phụ-trách. Còn 50 binh bắn cung tên thì giao cho Nguyễn-Lượng chỉ huy. Nguyễn-Lượng đi tiên-phong. Đội thứ Nhứt là trung-quân có Thanh-Nhân theo nắm quyền Tổng chỉ-huy. Đội thứ nhì làm tả-dực. Đội thứ ba làm hữu-dực. Còn bao nhiêu hội-viên khác thì giao cho Cao-Liêm với Lý-Thiện phân thành đội ngũ làm binh trừ bị, nếu có cách dùng sẽ cho hay đặng đưa lên tiếp-viện. Bên phe văn thì định Phạm-Háo-Nghĩa với Lê-Thứ-Tiên theo Tổng Chỉ-huy làm Tham-tá quân sự. Còn Dương-Trung-Cự, Huỳnh-Thiên-Hà và Triệu-Bá-Vạn thì lãnh phận-sự tiếp lương-thực. Mấy ông chủ xóm lãnh qui-tụ gạo và nuối mắm lại, phải kiếm thuyền cho sẵn dặng vận-tải binh-lính và lương-thực. Công việc sắp đặt xong rồi. Những người được cắt đi lên Sài-gòn phò Chúa Nguyễn thảy đều vui lòng hăng-hái muốn đi liền. Nhưng ông Minh-Giám bặt tin, trông hết sức không thấy ông trở về nói coi tình-hình thể nào đặng có dấy binh. Thanh-Nhân nóng-nảy mà chờ đến nửa tháng cũng chưa thấy Minh-Giám về, mới cậy một ông già bơi xuồng đi kiếm, ông già đi biệt gần 10 bữa nữa. Ở nhà ai cũng bôn-chôn lo-ngại không hiểu đường sá trắc-trở thế nào mà ai đi cũng biệt mất, không về được. Có ngưòi xúi Thanh-Nhân chở binh đi càn, không cần đợi ông Minh-Giám. Thanh-Nhân lưỡng lự không chịu đi, một là biết ông Minh-Giám thận-trọng, nếu ông không về chắc là có việc gì rắc-rối xảy ra, hai nữa mới xuất binh lần đầu phải có mục-đích rõ-rệt, hễ đi thì phải thành công rõ-ràng cho người Ba Giồng khỏi thất vọng. Một đêm, ông Minh-Giám về tới một lượt với ông già đi ngựa. Thanh-Nhân, Phạm-Háo-Nghĩa với Võ-Nhàn nghe ông Minh-Giám về thì lật đật mở cửa tiếp ông mà hỏi liền coi ông lên Phan Trấn ở làm chi lâu quá để anh em ở nhà trông đợi muốn mòn hơi. Minh-Giám vô nhà chưa kịp ngồi, thì nói: “Nguy rồi ! Nguy to ! Tôi lên tới Sài-gòn ở ít bữa được nghe tin-tức chắc-chắn rồi tôi sửa soạn trở về. Kế nghe thêm tin khác đồn đãi rằng đại binh Tây-Sơn đi đường biển đã vào cửa Cần-Giờ rồi. Thiệt quả quan quân trong thành xao-xuyến mà thường-dân ở ngoài cũng lo sợ nên nhiều người bỏ nhà cửa, dắt vợ con đi trốn. Nghe thấy như vậy, tôi phải rán ở lại mà xem cho rõ tình-hình thế nào đặng lo mưu thiết kế mà cứu Chúa giải nguy”. Thanh-Nhân nóng-nảy liền hỏi: - Phải có Chúa vào Sài-gòn thiệt hay không ? Ông gồi đây, ngồi thuật rõ công chuyện cho anh em tôi nghe. - Có Chúa Định-Vương vô thiệt, vô đã gần hai tháng rồi. - Có binh đội theo hộ-giá đông hay không ? - Không có binh theo. Đi vô với một chiếc thuyền mà thôi, bởi vậy khi mới vô tới thì giấu, không dám cho dân ngoài thành biết. Tôi lên tới Sài-gòn, tôi kiếm mấy ông già đặng làm quen mà hỏi thăm. Mấy ông nói Chúa vô hồi nào không ai biết được. May trong thành có một ông đội lâu lâu hay ra ngoài kiếm chỗ ăn nhậu chơi. Nhờ ông đội đó khi quá chén rồi, ông vui miệng nói lậu ra nên gần hai tháng nay người ta mới được biết Thuận-Hóa thất thủ, bị binh Chúa Trịnh chiếm. Chúa Nguyễn phải ra Quảng-Nam lánh nạn. Binh Tây-Sơn trong Quảng-Ngãi kéo ra tới ranh Quảng-Nam mà binh Trịnh cũng vô tới đèo Hải-Vân rồi nữa, Chúa sợ bị kẹt mới xuống một chiếc thuyền chạy vào đây, chỉ đem theo có mười tên lính thị-vệ với một người là Hoàng Tử Nguyễn-Phước-Ánh mới 13 tuổi, hai ông quan võ, một ông tên Trương-Hậu, một ông tên Hồ-Văn-Lân và hai ông quan văn, một ông tên Lê-Đại-Chí, một ông tên Hà-Khâm. Tuy nghe rõ như vậy, biết binh triều ngoài Thuận-Hóa đã tan rã rồi, song chưa biết đạo binh Gia-Định của mình thắng bại lẽ nào. Chúa đã vào đây, sao đạo binh mình không trở về mà hộ giá. Tôi tính ráng ở lại vài bữa nữa đặng hỏi thăm chuyện đó. - Nếu nghe chắc có chúa vô Sài gòn thiệt thì ông về cho hay liền, đặng tôi đem binh hộ-giá chớ ở lại làm chi ? - Không được. Tôi muốn biết coi đạo binh Gia-Định còn hay cũng đã tan rã như binh triều. Nghe binh Tây-Sơn ra tới Quảng-Nam, tôi sợ binh mình đã rã rồi, nên chúng mới thong-thả mà tung-hoành như vậy. Nếu đạo binh của Gia-Định không còn mà Chúa đã vào đây, thì cho khỏi Tây-Sơn cử đại binh tràn vào chiếm đất và bắt Chúa. Binh Ba Gồng mới được năm bảy trăm hoặc một ngàn, dầu anh-dõng cho mấy đi nữa nếu phải chiến với cả muôn binh Tây-Sơn, thì hộ giá đã không thành-công, mà mình còn bị hại nữa. Muốn làm đại-sự, phải xem thời thế. Nếu chắc nên mới làm chớ thấy hư mà làm liều, thì ai gọi là tài trí. - Cám ơn ông. Ông dạy tôi một bài học khôn quí giá lắm. Tôi quen tánh háo thắng nên không nghĩ kịp. Mà ông ở lại ông nghe người ta đồn binh Tây-Sơn vào, vậy mà có vào thiệt hay không ? - Có vào rồi. - Nếu vậy thì đạo binh của cụ Lưu-Thú Long-Hồ tiêu-tan rồi. - Không ai biết được. Nghe binh Tây-Sơn sắp vào lại thấy trong thành xôn-xao tôi về không được. Mà về làm gì ? Đem binh của mình chống nổi với đại binh của Tây-Sơn hay sao ? Rất đổi với 5.000 binh Gia-Định mà quan Lưu-Thú Long-Hồ không ngăn chúng được, binh Ba Giồng ít quá, đem lên thì đút thịt cho cọp chớ lợi ích gì. Nghĩ như vậy tôi nấn-ná ở lại Sài-gòn có ý muốn xem coi mấy quan hộ-giá của Chúa họ sắp-đặt hệ-thống phòng-thủ thế nào và lực-lượng của Tây-sơn mạnh hay yếu. Một buổi sớm mai, người ta nói rùm quan quân đã rút đi hết bỏ thành trống trơn. Thường-dân áp nhau vào kho xúc lúa đem về ăn. Tôi theo họ vô thành, thiệt quả không còn ai hết, quân lính cũng không có một người ở lại giữ mấy kho. - Tiền bạc lúa gạo đều bỏ hết hay sao ? - Bỏ hết. - Chúa đi ngả nào ? - Các quan hộ giá đưa đi ban dêm không ai hay, nên không biết đi đâu. - Phải tôi hay kịp, tôi đem binh lên nghinh-giá đưa về đây thì xong quá. - Đất Ba Giồng không có đồn lũy thành-trì, làm sao ngăn giặc được mà rước về đây? Đem thịt về nhà đặng nhử hay sao ? Tôi có nghĩ tới việc đó, nhưng thấy có chỗ bất lợi nên tôi không dám thực-hành. Thành bỏ ngày trước thì qua ngày sau thuyền của Tây-Sơn nối đuôi vào cặp bến. Thiên-hạ đi coi dập-dều. Tôi xen với thiên-hạ xuống bến coi chơi. Tôi đếm cả thảy 25 chiếc thuyền, có 5 chiếc thiệt lớn, còn bao nhiêu thì vừa vừa chớ không lớn lắm. - Tới 25 chiếc thuyền chắc họ chở tới bốn năm ngàn binh. - Không có đông dữ vậy. Tôi coi cả thảy chừng một ngàn, hoặc một ngàn hai là nhiều, chớ không có nhiều hơn, bởi vì có nhiều chiếc thuyền trống-trơn, không có binh-lính. - Nếu vậy thì mình đánh được. - Phải. Tôi thấy có thể đánh được. Nếu mình toàn-thắng, mình khắc-phục được thành Sài Gòn, mình tìm Chúa mà nghinh-giá thì oai-danh lừng-lẫy, chừng đó mình có đủ phương-tiện mà chiêu tập tướng-sĩ cả đất Gia-Định để cử-đồ đại-sự. - Hay lắm ! Hay lắm ! Ở nhà tôi đã chọn 500 binh hùng-tráng tinh-nhuệ, phân làm ba đại-đội với một tiểu-đội cung tên. Đội ngũ đã sắp rồi, chỉ-huy đã định xong, lương thuyền đã có sẵn. Ngày mai khởi-hành liền cũng được. - Khoan ! Để tôi nói rõ tình-thế của giặc cho ông biết rồi chúng ta sẽ định mưu công phá. Tôi ở trển mấy bữa rày, tôi dọ chắc Nguyễn-Lữ, là em Chúa Tây-Sơn Nguyễn-Nhạc cầm binh xâm lăng Gia-Định. Đến đây Lữ hay thành Sài-gòn bỏ trống, liền cho đổ bộ năm sáu trăm binh vào chiếm thành-trì. Lữ cũng lên thành mà ở. Số binh còn lại, tôi coi cũng lối năm sáu trăm, thì ở dưới thuyền mà canh giữ. Từ bến đi lên thành thì xa xa. - Vậy thì mình phân binh vài đại đội đánh đốt thuyền, còn vài đại-đội phục-kích chận đánh binh trên thành ra tiếp-viện, làm như vậy chắc sẽ thắng. - Tôi cũng nghĩ như ông vậy. Nhưng tôi có ý chờ xem coi chúng chiếm thành rồi chúng có phân binh đi tìm bắt Chúa hay không. Té ra bữa sau chúng êm ru đến trưa thấy binh-lính xúc lúa trên kho vác xuống dưới thuyền, không đề phòng chi hết. Chừng đó tôi mới hiểu Tây-Sơn thấy quan Lưu-Thú Long-Hồ huy-động toàn-lực đem ra đàng ngoài, chúng chắc Gia-Định không còn binh-lính gì nữa mà phòng-bị. Chúng mới đem chừng một ngàn binh vào chiếm thành mà đoạt lương-thực vậy thôi, nên chúng không thèm truy-tầm Chúa ta, cần lo xúc lúa mà chở về. Tôi nhận thấy rõ-ràng binh-đội Tây-Sơn vào đây cố tâm đoạt bạc tiền lúa gạo chớ không có tinh-thần chiến-đấu. Chúng hẫng-hờ lắm, bởi vậy tôi bươn-bả trở về cho mấy ông hay đặng đem binh hùng-tráng, cương-quyết của mình lên mà tấn công thình-linh chắc sẽ toàn thắng. Thanh-Nhân day lại cậy Phạm-Háo-Nghĩa viết giấy cho mấy ông chủ xóm xin dọn lương thuyền cho sẵn đặng ngày mai tấn binh. Minh-Giám cản mà nói: “Không được. Xuất binh phải có cờ hiệu, lại phải chọn ngày tốt kỉnh- cáo Thiên Địa, làm lễ tế cờ rồi mới khởi-hành. Sáng mai nhằm ngày mùng 5 không tốt. Vậy nên dời qua mùng 6 rồi sẽ tấn binh. Triển lại một ngày thì có đủ thì-giờ may cờ cho mỗi đội. Còn muốn chắc thắng thì nên đem thêm binh, thêm chừng 300 để ở sau làm binh trừ-bị đặng nếu cần dùng thì binh ấy sẽ xông vào tiếp hoặc mình dùng để làm nghi binh hò hét và hồi trống trợ oai”. Mấy người bàn tính với nhau nghĩ vì mình chống với Tây-Sơn thì nên lấy hiệu Đông-Sơn. Còn binh Ba Giồng là binh tình-nguyện an dân cứu nước, chớ không phải binh của Triều-đình, bởi vậy cờ hiệu nên đề chữ “Đông-Sơn nghĩa binh”. Về việc thêm binh dự-phòng, thì lập một đại đội thứ tư, cũng 150 người, giao cho một mình Lý Thiện chỉ-huy, để Cao-Liêm ở nhà phòng-thủ Ba Giồng với số binh còn lại. Cũng thêm 150 binh bắn tên và cũmg giao luôn cho Nguyễn-Lượng điều khiển. Sáng bữa sau, người lo may cờ hiệu, người đi truyền rao cho mấy chủ xóm với các chỉ-huy đặng sắp-đặt trước cho hoàn-bị, sớm mơi mùng 6 các đội phải dẫn binh tề-tựu tại bến Trấn Định làm lễ tế cờ rồi khởi-hành. Lại có lịnh dặn các chủ xóm và các chỉ-huy ở giồng Trấn-Định phải coi gom tàu dừa với tàu cau khô mà chở theo một vài thuyền đầy, để dùng thử kế hỏa công. Khuya mùng 6, tướng-sĩ các đội đều thức dậy sớm nấu cơn ăn no rồi tảng-sáng phát cờ gióng trống kéo nhau ra bến Trấn-Định. Tổng Chỉ-huy Đỗ-Thanh-Nhân với Tham-Mưu Trưởng Trần Minh-Giám với Đỗ-Thanh-Xuân đã tới trước từ hồi khuya, ba người đến duyệt binh đội, thấy cờ xí trang-hoàng, tướng-sĩ lẫm-liệt, binh-khí cụ bị, lương thực đầy đủ thì đắc-chí, dùng lời cứng-cỏi mà nâng cao tinh-thần cho chiến tướng. Trâu heo tế Thiên Địa, người ta xẻ mà phân phát cho các đội rồi đánh trống kéo binh xuống thuyền mà đi. Đỗ-Thanh-Xuân ra đây tiễn-hành tướng-sĩ, đứng ngó theo cho tới đoàn thuyền khuất dạng rồi mới trở về. Nước lớn đầy sông, thuyền đi một dọc gần 40 chiếc, cờ phất hùng-vĩ tướng-sĩ hân-hoan, mới xuất binh mà lớn nhỏ đều tươi cười dường như đã thắng trận khải-hoàn, đó là một bằng-cớ mọi người đều cương-quyết tranh hùng, đều chắc chắn sẽ chiến-thắng nên vui mà hy-sinh để an dân cứu nước, để làm cho nức danh nổi tiếng Ba Giồng, để làm cho rực-rỡ hào-khí Gia-Định. Nhờ gió thuận nước xuôi nên mới nửa chiều thì đoàn thuyền Đông-Sơn đã tới Chợ Đệm. Tổng Chỉ-huy ra lịnh phải đậu hết lại cho chiến-sĩ nấu cơm ăn. Thanh-Nhân với Minh-Giám lên bờ rồi sai người đi kêu Chỉ-huy trưởng các đội tựu lại mà nghe huấn lịnh. Bộ Tham-Mưu đã viết huấn-lịnh rành-rẽ trước rồi. Chừng các Chỉ-huy trưởng nhóm đủ mặt, Thanh-Nhân mới đọc: 1.- Ăn cơm rồi phải đợi mặt trời lặn, các thuyền chở chiến-sĩ và chở tàu cau, tàu dừa sẽ nhổ sào đi vô vàm Rạch Ong, còn các thuyền chở lương-thực thì đậu tại đây đợi sáng mai rồi sẽ vô sau; 2.- Tới Rạch Ong phải đậu lại chờ trăng lặn sẽ cho chiến-sĩ lên bờ, sắp hàng ngũ riêng từ đội. Lẳng-lặng không được nói chuyện; 3.- Đội thứ nhì, dưới quyền chỉ-huy của tướng Lê-Văn-Quân, mỗi chiến-sĩ giắt đoản đao vào lưng, ôm một bó lá dừa, lá cau khô và lặng-lẽ bò qua Bến Nghé, chỗ đoàn thuyền Tây-Sơn đậu; 4.- Tướng Nguyễn-Lượng giao 80 binh thiện xạ cung tên cho tướng Phan-Đình-Trụ chỉ huy, dẫn theo đội binh thứ nhì của tướng Lê-Văn-Quân mà trợ chiến; 5.- Đội thứ ba, dưới quyền chỉ-huy của tướng Lưu-Bạch-Khuê kéo qua ẩn núp ngoài thành Sài gòn, núp phía Tây Bắc, hễ thấy ở Bến Nghé phát hỏa, binh trong thành kéo ra tiếp viện thì chờ binh ấy ra khỏi cửa rồi ứng lên hò hét xung-phong vào thành mà chiếm đoạt và bắt hết quan quân trong thành; 6.- Đội thứ nhứt, dưới quyền chỉ-huy của tướng Võ-Nhàn, ẩn núp dọc theo đường từ cửa thành xuống mé sông Bến Nghé. Tướng Nguyễn-Lượng dẫn 120 binh thiện-xạ cung lên theo tiếp ứng với đội thứ nhứt chận đánh binh trong thành ra, hoặc xuống bến tiếp đội thứ nhì, nếu binh giặc kháng-cự mạnh-mẽ; 7.- Đổi thứ tư, dưới quyền chỉ-huy của tướng Lý-Thiện, theo sau đội thứ nhứt nhưng không tham-chiến, cứ án binh đợi lịnh của Tổng Chỉ-Huy xử-dụng[1]; 8.- Tướng Trần-Hạo theo sát cánh Tổng Chỉ-Huy để liên-lạc với các đội mà truyền lịnh gấp; 9.- Đội thứ nhì hễ tới bến rồi thì phóng hỏa đốt thuyền. Hễ binh giặc dưới thuyền huy động thì đội cung tên bắn xả xuống. Nếu binh giặc lên bờ được thì đội thứ nhì với đội cung tên phân nhau: tốp xung-phong chận đánh, tốp phóng hỏa đốt hết thuyền; nếu cần thì Tổng Chỉ-Huy sẽ sai đội thứ tư ứng tiếp; 10.-Đội thứ nhứt và đội thứ ba, hễ không thấy dưới bến phát hỏa thì coi chừng hành-động đã dạy trong 2 khoản 5 và 6; 11.-Từ cấp chỉ-huy xuống binh lính cả thảy đều phải hăng-hái chiến-đấu. Gặp giặc nếu không có lịnh dạy mà thối lui thì bị xử trảm: 12.-Ai không tuân y theo các huấn lịnh nầy cũng bi xử trảm. Đọc dứt rồi, Thanh-Nhân hỏi các tướng-lãnh có ai muốn bàn cãi khoản nào hay không. Không ai dám cãi nên Thanh-Nhân dạy ai về đội nấy mà truyền lịnh lại cho sĩ-tốt biết. Ăn cơm xong rồi thì mặt trời cũmg vừa chen lặn. Các thuyền chở chiến-sĩ nhổ sào đi trước. Mấy thuyền chở bổi[2] để dùng đánh hỏa-công tiếp-tục theo sau. Đoàn thuyền vô tới xóm Bình-Đông thì đã tối lâu rồi nhưng trăng mùng 6 lờ-mờ nên thủy-thủ thấy mà chèo-chống. Thuyền đi từ-từ, chiến-sĩ im-lìm, xóm nhà ở hai bên rạch không ai hay gì hết. Đi tới vàm Rạch Ong, thuyền đậu một dọc dựa mé rạch cho chiến-sĩ ôm binh khí lên bờ mà sắp thành đội ngũ, rồi ngồi êm mà đợi trăng lặn sẽ lén tiến đến mục-tiêu đã chỉ trong huấn-lịnh. Binh tướng Tây-Sơn vào chiếm thành Sài-gòn thong-thả như đi chơi. Mấy bữa rồi không thấy một tên lính. Mở kho xúc lúa vác xuống thuyền, nhơn dân không dám nói tiếng gì. Thấy tình cảnh như vậy thì khinh rẻ người Gia-Định nên chức việc lòi thói hống-hách, còn binh-sĩ thì có ý ơ-hờ, không lo sợ việc chi hết. Sẵn có lúa nhiều, mấy bữa rồi phải xúc đem xuống thuyền hàng ngày mà chưa hết. Chiều bữa đó cũng như chiều mấy bữa trước, binh-sĩ ở dưới thuyền ăn cơm no rồi nằm phơi bụng hát lý nghe chơi cho vui. Thuyền đậu sát mé sông, nước lớn chảy vô lờ-đờ, Ngọn gió phát lai rai, ánh trăng lu chấp-chóa, binh-sĩ nằm chơi một hồi rồi ngủ hết. Lúc trăng chen lặn, tư bề im-lìm, chỉ nghe trong xóm là có tiếng chó sủa từng hồi xen với tiếng gà gáy từng chập. Trong các thuyền binh lính đương ngon giấc, người ngồi canh nhắm mắt thả hồn đi chơi. Thình-lình mỗi chiếc thuyền đều có năm bảy người vào nhảy xuống nổi lửa đốt buồm cháy tưng-bừng. Trên mé sông lại có nhiều người đứng la hét vang rân. Binh lính Tây-Sơn giựt mình mở mắt thấy lửa cháy thuyền, lại nghe tiếng la vang thì mất vía mất hồn, một phần nhào xuống sông mà lội, một phần sợ quá cử động không được, nên đứng trơ trơ để cho chúng trói. Quan quân trong thành thấy dưới bến lửa cháy đỏ trời, biết có nguy biến, nên mở cửa thành dẫn vài trăm binh ra tiếp cứu. Tốp lính nầy đi được một khúc đường thì bị đội binh thứ nhứt của Võ-Nhàn phục-kích sẵn nên xông ra chém giết làm cho quân-đội Tây-Sơn điên-đảo, một phần bị thương nằm than khóc, một phần tìm đường mà chạy đặng thoát thân. Trong lúc ấy đội thứ ba của Lưu-Bạch-Khuê, núp phía Tây-Bắc, ó lên kéo vào thành rượt bắt quan quân còn sót trong thành, nhưng chỉ bắt được có 7 tên lính mà thôi, còn bao nhiêu thì họ mở cửa hướng Bắc mà chạy hết. Trời tối lại đường sá không quen, nên theo họ không kịp mà bắt. Thanh-Nhân với Minh-Giám thấy binh Đông-Sơn thắng lợi toàn-diện thì vui lòng thỏa chí vô cùng. Thanh-Nhân biểu Minh-Giám với Võ-Nhàn vào thành tiếp với Lưu-Bạch-Khuê tìm bắt tướng soái Tây-Sơn, còn mình với Trần-Hạo gom đội thứ nhứt dắt xuống mé sông quan sát tình-hình, để cho Nguyễn-Lượng cùng đội binh cung tiễn kiếm chiến-sĩ bị thương, bất luận bên nào, cứ cõng hết vào thành đặng kêu lương-y cho thuốc. Xuống tới bến, Thanh-Nhân thấy nhiều chiếc thuyền còn đương cháy, Phan-Đình-Trụ cùng đội cung tiễn gom giữ tù-binh bắt được cả trăm, còn Lê-Văn-Quân thì đương lăng-xăng kêu gọi binh bổn đội gom lại một chỗ đặng kiểm-điểm. [1]Nay viết là sử dụng [2] vật dễ cháy để mồi lửa như rơm, lá khô ... thí dụ: dồn bổi đốt nhà Hồ Biểu Chánh Đỗ nương nương báo oán Chương 5 THÀNH-TÂM NGHINH GIÁ Thanh-Nhân ngợi khen Lê-Văn-Quân, Phan-Đình-Trụ, cùng tất cả tướng-sĩ vì nhờ phóng hỏa đốt thuyền được thành-công nên mới mở đường cho các đội khác được toàn thắng. Thanh-Nhân dạy[1] Đình-Trụ đem hết thương-binh với tù-binh vào thành, dạy Lê-Văn-Quân coi cứu chữa mấy chiếc thuyền còn cháy, đợi sáng rồi sẽ nhập thành. Thanh-Nhân cùng Trần Hạo đi quan-sát đủ các chiến-địa, đến gần sáng mới vô thành đặng hội-hiệp với Tham-Mưu Trưởng và các tướng lãnh cầm quyền chỉ-huy. Quan-sát trong thành thì Tây-Sơn xúc lúa chưa hết, kho tiền vẫn còn nguyên. Minh-Giám đề nghị: - Xuất tiền trong kho mua trâu heo mà khao thưởng tướng-sĩ, mua thuốc và đòi lương-y vào thành để chăm-nom, cứu thương; - Cho Dương-Trung-Cự với Huỳnh-Thiên-Hà đưa đoàn thuyền và lương-thực trở về Ba Giồng đặng báo tin đại thắng cho các chủ xóm với phụ-huynh các chiến-sĩ hay; - Kiểm-điểm cả hai bên coi mỗi bên bị thương bao nhiêu, bị tử-trận bao nhiêu; - Tra-vấn tù-binh coi tướng-soái Tây-Sơn là ai, trốn chạy ngã nào; - Phân binh từ toán nhỏ đi tìm bắt tướng-sĩ Tây-Sơn chạy trốn; - Sai người thám-dọ coi Chúa Nguyễn Định Vương lánh-nạn ở chỗ nào đặng đem binh nghinh giá về thành rồi bố-cáo khắp đất Gia-Định về sự Nghĩa-binh Đông-Sơn an dân cứu nước được thành-công rực-rỡ. Thanh-Nhân chấp-thuận các điều và giao cho Phạm-Háo-Nghĩa bên văn với Võ-Nhàn bên Võ lãnh thi-hành đề-nghị của Tham-Mưu Trưởng. Những thân-hào và trí-thức trong Phan-Yên Trấn hay nghĩa-binh Đông-Sơn đã đánh dẹp được bọn Tây-Sơn, khắc-phục được thành Sài-gòn thì đem rượu thịt đến khao quân và cung-hạ tướng lãnh có công an dân cứu nước. Lá cờ có đề chữ “Đông-Sơn Nghĩa-Binh” treo trước cửa thành gió thổi phất phơ có vẻ vừa xinh tươi, vừa hùng-dõng. Người thệ tâm phụng-sự thần công-lý, quyết chí tận tụy với công ích, dầu làm việc gì cũng do lương-tri, do chánh-đạo, không mưu lợi cầu danh cho mình, chỉ lo làm phương tiện chung, lo xây hạnh-phúc chung, bởi vậy hành-sự rất dễ-dàng mà cũng mau-lẹ. Võ-Nhàn với Phạm-Háo-Nghĩa thuộc về hạng người đó, bởi vậy làm việc rất mau lẹ, mới lãnh huấn-thị của Thanh-Nhân hồi sớm mơi thì buổi chiều vào trước mặt Tổng Chỉ-Huy Thanh Nhân mà tường-thuật các việc của bề trên dạy điều-tra và thi-hành. Võ-Nhàn nói trước về phận-sự của mình: - Đã khoản-đãi tuớng-sĩ hồi trưa rồi; - Số người tử trận: bên Đông-Sơn không có người nào. Còn bên Tây-Sơn chết 5 người, được chôn cất tử tế. Số người nhảy xuống sông không biết có ai chết đuối hay không, sớm quá nên chưa thấy thây nổi lên mặt nước; - Số người bị thương: bên Tây-Sơn đếm tới 65 nguời, có vài người nặng. Còn bên Đông-Sơn có 4 người bị thương, song vết thương sơ sài không đáng kể; - Đã có rước lương-y và mua thuốc để trị bịnh cho thương binh rồi; - Số tù-binh bắt được cộng hết tới 123 người; - Kiểm-điểm số binh Đông-Sơn còn đủ hết, không thiếu một người nào; - Đã có cắt binh đi khám xét các làng trong vùng đề tìm bắt quan quân Tây-Sơn ẩn trú; - Đã có sai người đi thám dọ tin-tức Chúa Nguyễn Định-Vương và các quan hộ-giá; - Trong 25 chiếc thuyền của Tây-Sơn có 3 chiếc mở đỏi chèo đi nên vượt khỏi. Còn 22 chiếc bị đốt, có 6 chiếc chìm, 7 chiếc cháy sơ-sài có lẽ sửa lại mà dùng được và 9 chiếc cháy nhiều chưa chìm, nhưng hết dùng. Lúa chở xuống thuyền rồi đều bị cháy. Phạm-Háo-Nghĩa tiếp và nói: - Đoàn thuyền Ba Giồng đã trở về hết. Có bản thông-cáo cho Nương-nương và các chủ xóm hay nghĩa-binh Đông-Sơn toàn thắng nên thành-công mỹ-mãn. - Tra-vấn tù binh nên được biết Nguyễn-Lữ là em của Nguyễn-Nhạc và anh của Nguyễn-Huệ, cầm quyền chủ soái đem một ngàn binh vào chiếm thành Sài-gòn và lấy lúa cho thuyền chở về Qui-Nhơn đặng tiếp tế binh Tây-Sơn; - Khi binh Đông-Sơn xông vào cửa trước thì Nguyễn-Lữ với chừng một trăm lính mở cửa sau tẩu thoát, không biết chạy hướng nào; - Đạo binh Gia-Định dưới quyền chỉ-huy của quan Lưu-Thú Long-Hồ, chiến thắng lần lần ra tới Phú-yên. Cách mấy tháng trước mắc mưu của Nguyễn-Nhạc nên không đề phòng, mới bị Nguyễn-Huệ đánh bại. Hiện giờ binh Gia-Định tản lạc trong vùng Phú-Yên với Khánh-Hòa, không còn lực-lượng mạnh-mẽ nữa, bởi vậy Nhạc mới thừa hư mà sai Lữ vào chiếm đất Gia Định đặng lấy lúa gạo nuôi binh. Được biết tin lức nầy Minh-Giám nói với Thanh-Nhân: “Tin nầy quan-hệ lắm. Thế-lực của Tây Sơn mạnh-mẽ rồi. Chúng nó lại bắt đầu dòm ngó đất Gia-Định, quyết chiếm đặng thâu lúa gạo. Nguyễn-Lữ chạy vuột, chi cho khỏi nó về Qui-Nhơn thông tin. Rồi đây Tây-Sơn chắc sẽ cử đại binh vào đánh Gia-Định, trước báo thù, sau chiếm đất. Vậy chúng ta phải mau mau tìm cho được Chúa Định-Vương rước về đặng cậy oai-tín của Ngài mà hiệu-triệu đại chúng phải ứng nghĩa cần-vương, đặng tổ chức quân-đội cho đông, cho mạnh, sửa thành-lũy cho chắc-chắn, lập thêm đồn cho nhiều, ngữ mấy chỗ yếu hiểm mà ngăn giặc. Nếu hẳng-hờ giải-đãi, sợ e chẳng khỏi tai-hại.” Thanh-Nhân châu mày, gặc đầu, và biểu Háo-Nghĩa với Võ-Nhàn sai thêm người đi dọ-dẫm mà tìm cho được Chúa Định-Vương. Trong mấy ngày sau, mỗi ngày người ta có bắt giải về thành năm bảy tên quân Tây-Sơn trốn ở trong xóm, trong làng. Những quân bị bắt mới cũng như tốp 123 tù-binh cũ, người nào cũng sợ bị giết nên quì lạy khóc-lóc cầu xin tha-thứ và cho đầu hàng để nhập-ngũ làm binh Đông-Sơn. Thanh-Nhân bổn tánh chánh-trực, trung-thành, thấy giặc xin hàng đầu đặng trở mặt đánh với Tây-Sơn thì bất-bình nên không chịu nhận vào hàng-ngũ quân-đội Đông-Sơn. Nghĩ vì thâu nhận đồ phản-bội, ai mạnh thì chúng nó bợ-đỡ xin theo, bữa nay Đông-Sơn mạnh chúng nó xin theo mình, ngày mai Tây-Sơn mạnh còn mình suy, chúng nó cũng sẽ bỏ mình mà theo Tây-Sơn lại, Thanh-Nhân dạy Võ-Nhàn dùng tù-binh làm nhơn-công đặng bồi thành đấp lũy mà thôi, chớ không nên cho vào hàng ngũ quân-đội. Thiệt người ta gia-công tìm kiếm rất kỹ-lưỡng nhưng chỉ bắt được có mấy chục tên tiểu-tốt như vậy mà thôi, còn chủ soái Tây-Sơn là Nguyễn-Lữ vuột đi mất tìm không gặp được. Tuy hồi thế-kỷ 18 chưa có báo chí, chưa có vô-tuyến truyền-thanh, nhưng mà cái tin nghĩa binh Đông-Sơn đại phá Tây-Sơn, đốt tiêu mấy chục chiến thuyền, đánh tan đại binh, khắc phục thành lũy, nhờ cách truyền-khẩu mà khắp cả đất Gia-Định, từ Đồng-Nai, Bến-Nghé xuống Tiền, Hậu lưỡng giang, đâu đâu người ta cũng hay hết thảy. Nghĩa binh Đông-Sơn được thinh-danh lừng-lẫy làm cho hạng thanh-niên gần xa đều kỉnh-ái, nên rủ nhau đến tình nguyện xin nhập hàng-ngũ đặng góp sức vào công cuộc giúp nước cứu dân. Với hạng thanh-niên thành-tâm thiện-chí nầy thì Thanh-Nhân lấy làm vui lòng mà thâu-nhận. Bao nhiêu người tới xin nhập đội ngũ đều cho hết vì sẵn có tiền, có lúa đầy kho, đầy lẫm, thiếu thốn gì mà lo. Thanh-Nhân mơ-ước binh Đông-Sơn lên cho được một muôn đặng đại-chiến với Tây-Sơn một lần cho chúng nó biết hùng-tâm hào-khí của người tắm gội với dòng nước ở sông Cửu-Long, trưởng thành nhờ hột gạo trắng ở đất Gia-Địinh. Một bữa, Phạm-Háo-Nghĩa báo tin cho Thanh-Nhân với Minh-Giám hay rằng người ta tìm gặp Chúa Định-Vương ẩn-trú trong chùa ở trên núi Châu-Thới với một hoàng-tử và 4 đại-thần. Hỏi đi hỏi lại chắc chắn rồi. Thanh-Nhân với Minh-Giám mới tổ-chức cuộc nghinh-giá. Vì Thanh-Nhân không thông lễ-nghi theo triều-đình nên đem theo hai nhà văn học là Trần Minh-Giám với Phạm-Háo-Nghĩa đặng nhắc chừng cho khỏi thất lễ. Lại muốn cho cuộc nghinh giá có vẻ oai-nghiêm, nên dạy hai tướng Lê-Văn-Quân với Võ-Nhàn theo đặng hộ-giá. Mỗi tướng chỉ-huy 200 binh hùng tráng, mặc nhung-phục một sắc và thượng hai cây cờ “Đông-Sơn Nghĩa-Binh” thiệt lớn. Đội binh của Võ Nhàn đi trước trương cờ giống trống, kế đó là hai cái kiệu trải nhung màu vàng. Thanh-Nhân, Minh-Giám và Háo-Nghĩa mặc áo tràng đi tiếp theo rồi đội binh Lê-Văn-Quân đi hậu tập, cũng có cờ trống. Nghi-tiết sắp-đặt xong rồi mới sai một toán lính đi trước bày thuyền chực sẵn đặng rước đoàn nghinh-giá qua sông Bến-Nghé. Đến nửa đêm, đoàn nghinh-giá mới khởi-hành, tính đi chừng đó đặng tảng sáng lên tới núi Châu-Thới rồi về cho khỏi tối. Đi nhằm đêm 16 nên trăng tỏ gần như ban ngày, bởi vậy chẳng có điều chi trở-ngại. Thiệt trời vừa sáng thì đoàn nghinh-giá đã tới chưn núi. Thanh-Nhân dạy binh-sĩ và phu khiêng kiệu ở đó mà chờ. Thanh-Nhân sửa khăn áo tề chỉnh rồi đi lên chùa với Minh-Giám, Háo-Nghĩa, Võ-Nhàn và Lê-Văn-Quân. Định-Vương, Hoàng-Tử Nguyễn-Phước-Ánh với bốn quan hộ-giá đã thức dậy rồi. Ông Thủ-tự trụ-trì tại chùa thấy năm người khách lạ lên sân thì lật-đật bước ra hỏi đi lên chùa có việc chi. Thanh-Nhân đáp: “Chúng tôi là tướng lãnh chỉ-huy đạo nghĩa-binh Đông-Sơn đóng tại thành Sài-gòn. Chúng tôi mới hay Chúa Nguyễn lánh nạn ở chùa nầy nên lật-đật đem binh nghinh-giá về thành. Vậy ông làm ơn tâu giùm với Hoàng-thượng cho phép chúng tôi vào bái-yết”. Thủ-tự biểu đứng ngoài mà chờ để ông vào tâu giùm cho. Ông Thủ-tự đi một hồi thì có một người sầm-sầm ra hỏi:“Mấy người có việc chi mà xin bái-yết Hoàng-thượng?” Thanh-Nhân nói lại y như đã nói với ông Thủ-tự hồi nãy. Người ấy đứng nhắm-nhía từng người rồi hỏi: “Mấy người nói mấy người thuộc đạo binh Đông-Sơn đương đóng tại thành Sài gòn, nghe nói Hoàng-Thượng ở đây nên đến nghinh-giá. Binh Đông-Sơn là binh gì? Ở đâu ?” Thanh-Nhân đáp: - Tôi xin bái-yết Hoàng-Thượng rồi tôi sẽ tâu rõ cho Hoàng-Thượng nghe. - Không được. Ông phải nói cho tôi hiểu đặng tôi xét coi nếu đáng cho ông bái yết thì tôi sẽ tâu với Hoàng Thượng. Có phải ai muốn bái yết Hoàng-Thượng cũng được hết đâu. - Khó dữ vậy hay sao ? Xin lỗi ông vậy chớ ông là ai mà tôi có lòng tốt nghe vua mắc nạn tôi đem binh nghinh-giá về tôi phò mà ông lại ngăn cản không cho tôi bái-yết vua ? - Tôi là Hà-Khâm, một vị đại-thần tại Triều, tôi theo hộ-giá Hoàng-Thượng. - Ông nói ông là đại-thần tại Triều. Bây giờ tại Châu-Thới có lẽ ông hết đại-thần rồi chớ, phải hôn ? Còn hộ giá sao ông đưa Hoàng-Thượng lên chùa nầy làm chi ? Ông vào tâu với Hoàng Thượng đi. Ông nói có Đỗ Thanh-Nhân, Tổng Chỉ-Huy đạo nghĩa-binh Đông-Sơn, ngày mùng 6 đã phá tan đạo binh Tây-Sơn của Nguyễn-Lữ, đốt cháy tiêu 20 chiếc thuyền của giặc, khắc phục thành Sài-gòn lại. Nay Nghe Hoàng-Thượng lánh nạn ở đây, nên đem binh nghinh-giá về thành đặng phò-tá. Ông vào tâu như vậy đi. Như Hoàng-Thượng không bằng lòng nói chuyện với tôi thì Hoàng-Thượng chịu khó bước ra cửa nói một tiếng cho tôi biết rồi tôi về. Tôi không muốn thấy một người khác á-quyền vua chúa đặng làm mưa làm gió, hống-hách thiên-hạ, vua chúa không hay gì hết. Vì cái thói đó mà hư hại nhiều lắm rồi. Sao không chịu bỏ, cứ làm hoài vậy ? Quan hộ-giá Hà-Khâm giận đỏ mặt, ngặt lời của Thanh-Nhân xuyên-tạc mà quạu-quọ cứng-cỏi quá làm cho ông khiếp sợ, không dám tự cao tự trọng nưa. Minh-Giám muốn hòa đặng chung lo đại-sự, bởi vậy ông lật-đật mấy lời nhỏ nhẹ là yêu cầu: “Quan Hộ-giá phò chúa tự-nhịên ngài phải dè-dặt, gạn hỏi kỹ-lưỡng. Chúng tôi đây là bọn ngoại thần, ngài chưa biết nên ngài dụ-dự vậy là phải. Bây giờ ngài biết rồi, vậy xin ngài tâu giùm với Hoàng-Thượng an lòng để cho chúng tôi nghinh-giá trở về thành đặng trong ngoài hiệp-lực, trên dưới đồng-tâm, chung lo mưu định kế quét sạch xóm kiến chòm ong, khuông phò giang-san xã tác”. Lời nhỏ-nhẹ ấy giúp cho quan Hộ-giá có đường lùi bước khỏi mất danh-dự oai-quyền, bởi vậy ông xây lưng trở vô chùa, vừa đi vừa nói:“Ở đó mà chờ, để ta vô tâu giùm cho”. Minh-Giám ngó Thanh-Nhân mà cười và nói nhỏ-nhỏ: “Ông nóng-nảy quá. Phải nhẫn nhịn một chút chớ. Lưỡi mềm nên còn hoài, răng cứng nên phải gãy, ông quên hay sao ? Mình muốn làm việc lớn cho thành-công thì phải êm dịu, mềm-dẻo mà mua lòng thiên-hạ mới được”. Thanh-Nhân nói: “Thà là chúng ta dắt nhau trở về Ba Giồng làm ruộng lấy lúa mà nuôi nhau, vui hơn là chung-chạ với giống người bất tài mà phách lối quá, tôi bực mình chịu không nổi”. Võ-Nhàn nói:“Tôi đồng ý với Đỗ đại-nhơn...” Võ-Nhàn nói chưa dứt lời thì có một người khác trong chùa hăm-hở bước ra nói lớn: “Cho phép mấy người vào”. Mấy anh em vào chùa. Thanh-Nhân đi trước bốn người kia tiếp nối theo sau. Chùa cất trên núi, lợp mái tranh, lúm-túm chật-hẹp. Thanh-Nhân thấy một người trai lối 22 tuổi với một cậu nhỏ lối 13 tuổi đương ngồi trên một bộ ván, có bốn người trộng tuổi đứng hai bên. Thanh-Nhân chắc hai người trai trẻ đó là Chúa với Hoàng-Tử nên xâm-vâm đi ngay lại đứng trước mặt. Một trong bốn người đứng hai bên bộ ván nói lớn:“Quì xuống rồi sẽ tâu”. Thanh-Nhân không thèm kể, đứng chấp tay xá mà thôi. Mấy người đứng sau cũng làm y như vậy. Thiệt người trai trộng tuổi ngồi trên ván đó là Chúa Định-Vương. Chúa ngó Thanh-Nhân mà hỏi: “Ngươi xưng ngươi là Đỗ-Thanh-Nhân đem nghĩa-binh Đông-Sơn đánh tan binh Tây-Sơn của Nguyễn-Lữ, đoạt thành Sài-gòn lại rồi tìm ta mà nghinh-giá, phải vậy hay không ?”. - Tâu Hoàng-Thượng, phải. - Đông-Sơn nằm về phía nào ? - Tâu Hoàng-Thượng, ở vùng Ba Giồng, theo mé sông lớn gọi là Tiền-Giang. - Sao mà lập nghĩa-binh như vậy ? - Vì hay quan Lưu-Thú Long-Hồ cử binh Gia-Định đem ra ngoài dẹp giặc Tây-Sơn. Anh em chúng tôi tập luyện hạng trai trẻ đất Ba Giồng mà tạo thành đội ngũ phòng khi giúp nước cứu dân. Chúng tôi hay Tây-Sơn chiếm Sài-gòn mới đem binh nghĩa-dõng lên mà đánh. - Ngươi làm quan ngồi chức chi mà được lập binh nghĩa-dõng ? - Tâu Hoàng-Thượng, cả thảy bọn tôi đều là dân thường, không có ai làm quan. - Kỳ dữ hôn ! Binh của ngươi được bao nhiêu ? - Một ngàn. - Có một ngàn mà đánh bại Tây-Sơn được sao ? - Hôm đánh Tây-Sơn tôi đem có 800. Nhờ tôi dụng kế nên được toàn thắng. - Ngươi bắt được Nguyễn-Lữ hay không ? - Tâu Hoàng-Thượng, không được. Vì binh ít quá, phân nửa đánh đốt thuyền, phân nửa xung phong hãm thành, không đủ binh mà chận hết các cửa thành, bởi vậy Lữ mới thoát chạy khỏi. - Lữ thất bại, nếu Tây-Sơn sai Huệ cử đại binh vô đánh báo thù, Đông-Sơn có một ngàn binh thì nhà ngươi làm sao mà chống cho nổi ? - Tâu Hoàng-Thượng, xuất trận thường nhờ thao-lược của tướng và nhờ dõng-cảm của binh nên chiến-thắng, chớ không phải nhờ binh đông. Tướng-sĩ có tinh-thần chiến-đấu mạnh-mẽ, 10 người có thể chống 100 người. - Nguyễn-Huệ là một kiện-tướng, trí tài gồm đủ, chẳng nên khinh-thường. Nếu có binh đông hơn mình, nó thắng càng dễ dàng. Minh-Giám thấy Thanh-Nhân cùng lý đứng ngơ-ngáo, nên bước tới mà nói giúp: - Tâu Hoàng-Thượng, Đông-Sơn nghĩa-sĩ đánh Tây-Sơn đại-bại làm cho hùng-tâm của người Gia-Định bừng dậy. Mới 10 bữa rày mà thanh-niên cường-tráng nườm-nượp tới xin ghi tên nhập đội ngũ hơn 400 rồi. Nếu Hoàng-Thượng về thành truyền hịch hiệu-triệu quần-chúng cứu quốc cần-vương, chắc-chắn người ta sẽ rần-rần kéo tới tình-nguyện đi lính. Hoàng Thượng muốn mấy muôn binh cũng sẽ có đủ. - Người Gia-Định ở xa Triều-Đình quá, chắc gì họ sẵn lòng kỉnh ái nhà vua. - Tâu Hoàng-Thượng, dân Gia-Định trung-thành mà thêm nghĩa-dõng nữa Định-Vương suy-nghĩ nuột chút rồi nói: “Thôi, các ngươi xuống núi mà chờ, để ta bàn tính lại coi rồi ta sẽ phán đoán”. Mấy người cúi đầu xá Định-Vương với Hoàng-Tử mà lui ra, không thèm ngó bốn quan hộ giá. Thanh-Nhân dắt bốn bạn đồng chí đi luôn xuống núi, thấy tướng-sĩ đương lui-cui nấu cơm thì cười mà nói:“Ừ, cứ nấu cơm ăn cho no mà chờ. Không biết chừng trưa hoặc tối mới về được”. Lê-Văn-Quân nói: “Chúa còn trẻ tuổi quá nhưng nói chuyện đàng hoàng chớ không phải phách lối như mấy cha kia”. Thanh-Nhân nói: “Cha Hà-Khâm phách-lối bị tôi hạ rồi xuôi cò, hết dám hó-hé nữa”. Háo-Nghĩa nói:“Họ là cận-thần, họ ỷ vua chúa yêu nên họ hống-hách”. Võ-Nhàn ưa làm ít ưa nói, nhưng cũng phải xen vài tiếng:“Ngán quá !”, rồi bỏ đi xem quân-sĩ nấu cơm. Cơm nấu chín rồi, một người vào nhà lá gần đó mượn chén đũa đem ra để cho người bề trên ăn, còn binh-lính không có chén thì xé lá chuối đựng cơm rồi bốc tay mà ăn với muối, vì đói bụng phải ăn cho no mà sống, nên không cần ăn theo bực đài-các, phải có đũa ngà chén kiểu, phải có thịt nướng, cá chiên. Chờ đến xế mới có một người trên chùa xuống dạy sửa-soạn, đặng một lát nữa Chúa xuống mà về thành. Người ấy thấy hai cái kiệu thì bước lại mà xem rồi nói: “Có hai cái kiệu thì Hoàng-Thượng với Đức Ông ngồi được rồi. Cha chả còn bốn quan hộ-giá đi bằng cái gì ?”. Thanh-Nhân trợn mắt nói: “Đi bằng cặp giò cũng như chúng tôi đây vậy. Các quan không có giò hay sao ?”. Nói rồi xây lưng đi coi cho Võ-Nhàn với Lê-Văn-Quân dàn binh tề-chỉnh, cờ trống sẵn-sàng. Minh-Giám muốn làm dịu bớt mấy lời gay-gắt của Thanh-Nhân nên bước lại nói với người trên chùa sai xuống: “Chúng tôi nghinh giá không dè có các quan mà sắp-đặt. Lại xứ nầy không có xe, cũng không có ngựa, thôi thì phải rán đi bộ với nhau chớ biết làm sao. Đời giặc-giã phải chiu cực một chút”. Người ấy cười mà đáp: - Chớ sao ? Chạy giặc là còn muốn làm hơi đài-các sao được. Có hai kiệu cho Chúa với Đức Ông ngồi, đó là quí lắm rồi. Tôi tưởng có ngựa nên tôi hỏi cho biết vậy thôi. Nếu không có thì đi bộ. Vậy chớ hôm chạy lên đây lại đi cái gì. - Hôm đó ai đưa lên dây ? - Có ai đâu. - Vậy chớ quan Trấn-thủ thành Sài-gòn ổng không đưa đi hay sao ? - Không. Ổng chỉ đường cho chúng tôi hộ giá đi trước. Ổng nói để ổng ở lại chống giữ chừng nào thành mất rồi ổng sẽ theo sau. - Hứ ! Ổng nói gạt cho Hoàng-Thượng đi rồi ổng trốn đi ngã khác, bởi vì người ta nói đêm đó trong thành trốn đi hết. Đến sáng thì thành trống trơn không còn một tên lính. Có ai chống giữ gì đâu . - Vậy à ! Té ra ổng sợ đi theo Hoàng-Thượng rồi bị họa chung, nên ổng nói dối đặng bét đi ngã khác. Làm quan như vậy xấu-hổ quá. - Nghe nói ở đây gần Trấn-Biên, sao mấy quan Hộ-giá không phò Hoàng-Thượng đi thẳng lên đó đặng có quan quân gìn-giữ ? - Trên chùa cũng có nói cho chúng tôi biết Trấn-Biên ở dựa sông Đồng-Nai, mé bên kia. Nhưng chúng tôi sợ binh Tây-Sơn chiếm Phan-Trấn rồi kéo lên đánh luôn Biên-Trấn nữa, nên ẩn-trú trên núi nầy yên hơn. - Ông cũng là quan Hộ-giá phải hôn ? - Phải. Hộ-giá bốn ông: Hai văn hai võ. Tôi với ông Hà-Khâm là văn. Tôi tên là Lê-Đại-Chí. Ông Hà-Khâm là người ra hỏi mấy ông hồi sớm mơi đó. Còn hai quan võ là ông Trương-Hậu với ông Hồ-Văn-Lân. Hai người nói chuyện tới đó thì thấy Chúa với Hoàng-Tử xuống núi, ba quan hộ-giá theo sau. Thanh-Nhân ra dấu dạy Võ-Nhàn với Lê-Văn-Quân gióng trống phất cờ, rồi cùng với Minh Giám chực tiếp Chúa. Chúa khoát tay biểu ngừng trống, nói nên đi êm, chớ không nên trống phách tưng-bừng. Thanh-Nhân với Minh-Giám thỉnh Chúa với Hoàng-Tử lên kiệu, rồi ra lịnh cho tiền-đội khởi hành. Bốn quan hộ giá chia nhau đi hai bên cái kiệu, mỗi bên một võ một văn. Thanh-Nhân, Minh-Giám với Háo-Nghĩa đi phía sau kiệu mà gìn-giữ. Lìa vùng sơn-cước với quang-cảnh chứa-chan thú-vị, trên nhành chim kêu cheo-chét, bên đường nai nhảy lăng-xăng, rồi tới đất Linh-Chiểu cao thấp dốc liên-miên trải qua rừng tịch mịch. Đầu nầy cặp vượn hú-hí chuyền con đặng chào khách, xa kìa bầy thỏ thảnh-thơi kiếm có mà ăn trưa. Bức tranh thiên-nhiên nó đẹp-đẽ, nó an-tịnh vô cùng, tại sao loài người không chịu thưởng-thức cho khỏe trí vui lòng, để đi tìm chỗ chộn-rộn lợi danh rồi sanh đấu-tranh thù oán. Qua khỏi sông Bến-Nghé trời đã nửa chiều. Bóng tà-dương chói mấy cụm vườn trong xóm mù xa, nước Ngư-Chữ ngập mấy khoảnh ruộng cho lúa tươi tốt. Thanh-Nhân kêu dặn Võ-Nhàn đi săn bước đặng nhập thành trước tối cho Chúa nghỉ-ngơi. Vì có lời của Minh-Giám dặn trước, Nguyễn-Lượng với Thứ-Tiên đã cắt người canh chừng, bởi vậy đoàn nghinh-giá đương qua sông Bến-Nghé trong thành đã hay. Tướng-sĩ sắp hàng đặng hầu đón từ ngoài cửa vô trong sân, làm cho lễ tiếp giá ra vẻ trang-nghiêm long-trọng. Mặt trời vừa chen lặn thì đoàn nghinh-giá cũng vừa tới. Trong thành nổi trống tưng-bừng, nhơn-dân đón xem náo-nức. Kiệu vào sân, Chúa Định-vương với Hoàng-Tử Ánh bước xuống, đứng ngó binh-đội dàn hầu, hàng ngũ chỉnh-tề, tướng-mạo hùng-tráng, Chúa gặc đầu mà cười, sắc mặt vui tươi biểu-lộ tấm lòng yên-ổn. Thanh-Nhân với Minh-Giám mời Chúa vào dinh cho văn-nhơn võ-tướng Đông-Sơn bái-yết. Rồi đó lễ nghinh-giá mới chung-tất, trên an lòng, dưới phỉ chí. [1]sai Hồ Biểu Chánh Đỗ nương nương báo oán Chương 6 ĐỖ NƯƠNG-NƯƠNG DIỄN VÕ Bữa sau, nhằm một buổi sớm mai tưng bừng sáng-lạng, ngọn gió phớt qua mát-mẻ, mặt trời giọi nắng dịu-dàng, cỏ cây tươi cười, cảnh vật phơi màu xinh đẹp. Lê-Văn-Quân, Võ-Nhàn cùng vài anh em võ-sĩ khác đương đứng trong diễn-võ-trường chỉ cho mấy trăm thanh-niên mới nhập-ngũ luyện tập tấn thối chạy nhảy cho gọn-gàng. Hai quan Hộ-giá võ-biền là Trương-Hậu với Hồ-Văn-Lân đắt nhau đi dạo, tới võ-trường thấy binh-lính tập-dượt thì đứng lại xem chơi. Trương-Hậu nói: “Giặc đã nổi tứ-tung mà mới bắt đầu tập lính thì chừng nào mới ra trận”. Hồ-Văn-Lân cười và nói: “Tập trễ mà có tập thì còn hơn có thì-giờ mà không thèm tập gì hết”. Hai người trao đổi ý-kiến có mấy câu rồi dắt nhau đi xuống mé sông, muốn xem coi thiệt có thuyền Tây-Sơn bị đốt hay là người ta nói dối. Trong lúc ấy Thanh-Nhân đương ngồi nghe ông Minh-Giám đọc lại tờ hịch hiệu-triệu quần chúng cứu quốc cần-vương của ông mới đặt thử hồi khuya. Thanh-Nhân nghe rồi, cho lời-lẽ tha-thiết như vậy có thể cảm-xúc lòng dân, nên khuyên ông Minh-Giám đem trình cho Chúa xem rồi gởi đi các Trấn dạy sao lại mà bố-cáo trong các làng xóm. Minh-Giám lắc đầu nói: “Đưa ngay cho Chúa coi, thế không tiện. Chúa có hai quan Hộ-giá văn biền. Mình phải do hai ông ấy trước, cậy tâu với Chúa giùm cho mình thì mới khỏi trắc-trở. Nếu mình làm mà không thèm kể hai ông ấy, họ giận họ kẻ vạch rồi hư việc hết.” Thanh-Nhân trợn mắt đứng dậy nói: - Trời ơi ! Mình làm việc nầy là làm cho chúa chớ có làm cho mình đâu. Mình có lợi ích gì là phải cúi-lòn bợ-đỡ nhứt là bợ thằng cha Hà-Khâm phách lối hôm qua đó, tôi không thể bợ được. - Ông đừng nóng chớ. Muốn làm việc lớn, phải mềm dẻo, phải tùy tục, phải biết tâm-lý, phải thuận nhơn-tình. Ông là người cang-trực, ông không chịu làm như vậy thì để tôi làm cho. Ông ngó lơ, đừng thèm nói gì hết. Duy có thành-công là đáng kể. Làm cách nào cũng được, miễn thành-công thi thôi. - Phải chịu nhục nhã mới được thành-công cũng nên chịu nữa hay sao ? - Có gì đâu mà nhục. Gây tình hòa-nhã đặng chung lo việc lớn, có phải dua nịnh đặng vinh thân phì-gia đâu là sợ nhục. - Theo tôi, dầu phải thí thân mà làm cho tròn đại-nghĩa tôi cũng không do-dự, chớ chịu cho người hống-hách, dầu được làm vua làm chúa đi nữa, tôi cũng không thèm. - Ông nên nhớ: cái thùng trống gõ nó kêu lớn. Hạng ngu dại nó mới làm phách dọa nạt thiên hạ. Lợi-dụng cái ngu dại của họ mà làm nên việc, ấy là mưu-trí chớ có khiếp-nhược đâu mà sợ nhục. - Ông làm sao thì làm, tôi không muốn biết. Thanh-Nhân đứng dậy bỏ đi ra ngoài. Minh-Giám cười chúm-chím, xếp cái nảo tờ hịch mà để vào túi, rồi cũng đi, tính đi kiếm hai ông Lê-Đại-Chí với Hà-Khâm mà nói chuyện. Với cặp mắt sáng suốt khôn-ngoan của ông sẵn có, ông nhận thấy ông sẽ xỏ mũi hai vị đại thần dễ như trở bàn tay. Đại-Chí thì ông đã có dịp nói chuyện với người rồi. Người đó ôn-hòa, khiêm-nhượng, biết phân phải quấy, biết xét an nguy. Với người đó muốn bàn tính việc gì cũng được. Còn Hà-Khâm phách-lối là tại quen thói khi nhơn ngạo vật, ham tự-trọng tự-tôn, muốn làm oai đã bị Thanh-Nhân hạ rồi, bây giờ ông nhỏ nhẹ kéo giùm cái oai của người lên lại, thì chắc mình muốn việc gì cũng được hết. Minh-Giám lại chỗ ngụ của các quan Hộ-Giá mà kiếm Hà-Khâm với Đại-Chí. Đại-Chí đáp lễ rồi hỏi: - Tây-Sơn chiếm thành chúng nó có lấy tiền lấy lúa hay không vậy ông ? - Có một lẫm lúa lưng hết phân nửa. Cái lẫm đầu ngoài đó. Có lẽ chúng nó đã xúc mà đem xuống thuyền được mớ nhấm rồi. Còn kho tiền thì thấy còn y nguyên, chắc chúng nó chưa lấy kịp. Hôm nghĩa-binh Đông-Sơn khắc-phục thành trì rồi, thì ông Tổng Chỉ-Huy dạy để lẫm lúa lưng kia cho binh lính xay mà ăn, còn nấy lẫm còn nguyên với kho tiền giao cho ông Háo-Nghĩa gìn-giữ nên ông niêm hết. Hai ngài muốn xem thì tôi kêu ông Háo-Nghĩa lại mở niêm cho mà xem. - Không, không. Hỏi cho biết vậy thôi, chớ xem làm chi. Bỏ thành Tây-Sơn chiếm, tôi kể chắc lúa gạo bạc tiền đã về tay Tây-Sơn hết rồi. Binh-sĩ Đông-Sơn chiến-thắng dành lại được đó là cái may. Nhờ cái may đó nên bây giờ mới có lúa mà nuôi binh-sĩ và nuôi luôn chúng ta nữa. Theo lẽ thì nhờ binh-sĩ mới giữ kho liền lại được. Ông Tổng Chỉ-Huy nên xuất ra một mớ mà khao thưỏng những người có công. - Hôm trước cũng có người nói như ngài vậy nhưng ông Tổng Chỉ-Huy không chịu, ông nói rằng tiền thuộc của nhà nước, còn lính đã gọi là nghĩa-binh thì không nên kể công-lao. Bởi vậy chỉ cho phép xuất chút đỉnh để mua thuốc-men mà cứu thương-binh và mua trâu heo mà khoản-đãi tướng-sĩ một bữa vậy thôi. Hà-Khâm nói: “Bạc tiền của nhà nước, nếu muốn xuất phát phải có phép Triều-Đình cho mới được. Làm ngang bị chết chém chớ phải chơi sao”. Minh-Giám cười và nói: - Thưa ngài, ngài nói một chút đó đủ thấy ngài có cái khiếu đại-thần rõ ràng. Phải thông-suốt và biết giữ-gìn quốc-vận như vậy mới có thể thăng cực-phẩm Triều-Đình được chớ. Tôi rất tiếc người Gia-Định ở chốn hẻo-lánh, xa Triều-Đình, nên học kém quá. Hôm nay vì quốc-nạn khiến cho Chúa-Thượng phải mông-trần vào đến đây, việc ấy tuy là rủi cho Triều-Đình, song thiệt là may cho thần-dân Gia-Định. Cơ-hội nầy chúng tôi mới được chiêm-ngưỡng thánh thể long nhan và được gần-gũi với đại-thần mà tập tư-cách rường-cột của nước nhà và học nhiệm vụ cha mẹ của dân-chúng. Không lẽ tôi dám mơ-ước quốc-nạn kéo cho dài, nhưng về phương diện giáo-hóa, nếu mấy ngài có dịp ở lâu lâu trong nầy, đó là phước lớn của dân Gia-định. - Ở lâu sao được. Hết loạn Chúa phải hồi-loan trở về Kinh-thành. Trong nầy có quan Trấn. Mấy ông phải lo giáo-hóa dân chớ. - Cao lắm vói không tới ! Xa lắm ngó không thấy ! Hà-Khâm cười lớn mà nói:“Vậy à ?. . . Tại mấy ngài đó quên chữ “Thần-dân” chớ có gì đâu”. Minh-Giám nhận thấy cái thuật của mình đã có hiệu-quả, dua bợ chút đỉnh thì Hà-Khâm đã vui-vẻ, phỉ chí hài lòng. Ông ta mới sấn tới và thân mật hỏi: “Có một việc làm cho tôi bối rối quá. Tôi tính yêu-cầu hai ngài dạy giùm, nhưng không biết hai ngài có vui lòng mà chỉ-giáo hay không, nên tôi dụ dự không dám nói” Hà-Khâm mau-mắn hỏi: - Ông có việc chi ? Ông cứ nói ngay ra rồi anh em ta dạy giùm cho. Có sao đâu mà ngại. - Câu chuyện quan hệ nên cần phải nói cho rẽ-ròi. Vậy xin mời hai ngài vô nhà ngồi rồi tôi sẽ bày tỏ, không lẽ nói ngoài đường. - Vậy thì vô nhà, vô dây ! Hà-Khâm cùng với hai người kia đi vào phòng của các quan Hộ-Giá. Đợi ngồi yên rồi Minh Giám mới nói: “Bẩm hai ngài, vì nghe đàng ngoài ly-loạn, quốc-gia nguy-nan, tôi với ông Đỗ Thanh-Nhân nóng lòng mới hội-hiệp anh em đồng-chí ở đất Ba Giồng mà lập thành đạo nghĩa binh Đông-Sơn để cứu dân cứu nước. Hôm nọ hay Tây-Sơn hống-hách, đem binh vào tới đây mà truy Chúa đoạt thành. Lòng ái-quốc cần vương của anh em lớn nhỏ đều trạo-trực, nên đồng cử Thanh-Nhân làm Tổng Chỉ-Huy và cử tôi làm Tham-Mưu-Trưởng rồi đem nhau lên đánh với Tây-Sơn. Nhờ hùng dõng của tướng-sĩ mà nhứt là nhờ hồng-phúc của Hoàng-Thượng nên chúng tôi được thắng trận rất vẻ-vang. Khắc phục thành-trì rồi, chúng tôi sai người đi dọ-dẫm khắp nơi mà tìm Chúa. Hay Chúa ẩn-trú trên núi Châu-Thới, ông Thanh-Nhân với tôi lật-đật đem binh lên nghinh-giá và nghinh luôn đình-thần về thành. Chiều hôm qua làm việc đại-nghĩa vuông tròn rồi, chúng tôi suy nghĩ lại mới thấy nhiệm-vụ của chúng tôi to-tát quá. Lực-lượng không có bao nhiêu, binh vừa hơn một ngàn, tướng chưa dược tới một chục, mà dám bạo gan rước Chúa-Thượng với đình-thần về mà hộ-vệ. Ví như Tây-Sơn bị thua, chúng tức giận, chúng đem toàn thế-lực trở vào đánh báo thù, dầu chúng tôi có tài có trí đến bực nào, có gan có mật đến bao lớn đi nữa, một chống với hai chục thì làm sao mà thắng cho nổi. Đêm hồi hôm tôi với ông Thanh-Nhân lo quá, ngủ không được. Không phải chúng tôi sợ chết. Dám lập nghĩa-binh để dẹp giặc mà còn sợ chết nỗi gì ? Chết vì đại-nghĩa, chết cho tròn phận-sự nam-nhi, cái chết như vậy quí giá lắm, chớ có phải rẻ đâu mà sợ. Chúng tôi lập Đông-Sơn nghĩa-binh có ý chống ngay với Tây-Sơn cường-khấu, chúng tôi cương-quyết ăn thua với họ cho đến cùng, dầu cho chúng tôi phải chết hết, chúng tôi cũng vui lòng. Ngặt chúng tôi chết hết rồi còn ai mà phò Hoàng Thượng với đình-thần. Quân các Trấn đã đi theo quan Lưu-Thú Long-Hồ ra đàng ngoài hết, còn lực-lượng nào đâu cho Hoàng-Thượng với đình-thần nương dựa. Chúng tôi đương thắc mắc về việc đó quá, tính hết sức mà không ra kế. Hai ngài làm quan Triều-Đình mưu đầy trí đủ, tôi yêu-cầu hai ngài làm ơn chỉ giùm đường cho chúng tôi đi. Xin hai ngài đừng lo cho phận chúng tôi. Dầu phải đi con đường nguy-hiểm thế nào, chúng tôi cũng không nệ, miễn là chúng tôi gìn-giữ cho Hoàng-Thượng với Hộ-Giá an-ổn thì thôi”. Hà-Khâm châu mày, bối-rối, không biết phải tính lẽ nào mà giải nguy. Ông ngó Lê-Đại-Chí dường như muốn hỏi ý-kiến. Đại-Chí nói: “Nghe lời ông nói nãy giờ tôi cảm-động hết sức. Nước có loạn mới biết được trung-thành. Người Gia-Định xa-xuôi, thuở nay không được hưởng nhờ giáo hóa của Triều đình. Thế mà ông với ông Thanh-Nhân cùng tướng-sĩ đều biết liều thân phò vua cứu nước như vậy thì quí không biết chừng nào. Thiệt trước tình-thế hiện-tại mấy ông lo là phải lắm. Lo cho Chúa an nước vững, chớ không phải sợ chết. Tâm-chí như vậy đáng kính mến. . . Ông hỏi chúng tôi có cách nào mà giải nguy bây giờ ... Đông-Sơn nghĩa-binh ít quá. Binh mấy Trấn đã gom đi hết, nếu Tây-Sơn đem đại-binh vô đánh thì phải chịu chết, chớ có quân lính đâu mà đánh. Đã vậy mà xứ nầy không có núi cao rừng lớn, có chỗ nào kín đâu mà phò Chúa đến đó đặng ẩn-trú. Ở lang-bang trong làng trong xóm, giặc sẽ tìm bắt dễ-dàng. Tôi thấy khó thiệt”. Hà-Khâm nói: “Hễ mình nghe Tây-Sơn sắp tới thì mình phò Chứa đi trước, đi cho xa, chúng có biết đi đâu nên theo mà bắt được”. Minh-Giám nghe đủ hai vị Hộ-Giá nói rồi thì hiệu cả hai đều vô mưu, muốn hống-hách lại chơi, nên hỏi: “Nếu nghe Tây-Sơn vô gần tới tự-nhiên chúng tôi phải lựa chỗ hẻo-lánh kín-đáo rồi sai người phò Chúa với đình-thần đến đó để ở cho yên, đặng chúng tôi thong-thả mà chết sống với giặc cho chúng nó biết đất Gia-Định không phải là vô nhơn mà hống-hách. Chúng tôi đã tự quyết phải tử chiến với Tây-Sơn, cho chúng nó biết hào khí đất Gia-Định. Nhưng muốn chiến đấu cho đắc-lực, cần phải mộ binh thêm, được nhiều chừng nào càng tốt chừng nấy. Nếu chúng nó đông hơn chúng tôi chừng 5 mà thôi, nghĩa là chúng nó năm, chúng tôi một, thì chúng tôi sẽ thắng được. Hồi khuya ông Thanh-Nhân với tôi quết-định phải mộ binh thêm mà đánh. Ngặt chúng tôi không phải là quan nên không có quyền kêu gọi dân-chúng nhập ngũ đặng cứu quốc. Chúng tôi muốn yêu-cầu hai ngài tâu giùm với Hoàng-Thuợng gởi tờ hịch cho các Trấn hiệu triệu quần-chúng đi lính đặng giúp nước cứu dân. Lời của Hoàng-Thượng hiệu-triệu mới có đủ oai-linh... Hồi khuya tôi có viết thử nảo tờ hịch đây. Tôi xin hai ngài đọc thử coi được hay không. Như không được, xin hai ngài thảo giùm tờ khác đặng dâng lên cho Hoàng-Thượng xem rồi tôi sẽ chép lại mà sai người đem các Trấn”. Minh-Giám rút nảo tờ hịch trong túi ra mà trao cho Hà-Khâm. Hà-Khâm đọc rồi gặc đầu và trao qua cho Đại-Chí, không bình-phẩm chi hết. Đại-Chí xem tờ hịch rồi nói với Hà-Khâm: “Theo ý tôi, tờ hịch đặt như vầy văn-từ tao-nhã, ý-tứ hùng-hào, lý-lẽ minh-chánh, để vậy mà gởi đi liền được, cần gì phải sửa hoặc thảo tờ khác. Lại đời ly-loạn cần đánh mạnh, chớ cần gì văn hay. Quan lớn nghĩ sao ?”. Hà-Khâm nói: “Tôi cũng đồng ý. Vậy thì chúng ta đưa liền ông Minh-Giám vào yết-kiến Hoàng Thượng, tâu cho ngài biết rõ tình-hình, rồi xin ngài phê lờ hịch đặng đệ đến các trấn cho gấp”. Minh-Giám thấy công chuyện tiến-hành y như ý muốn mà mình không bị khinh rẻ chút nào thì đắc chí đi theo hai quan Hộ-Giá. Đến trước mặt Định-Vương, Đại-Chí tâu: “Hôm qua Hoàng-Thượng tiếp Đỗ Thanh-Nhân với mấy tướng Đông-Sơn trên chùa. Hoàng-Thượng nghe nghĩa-binh ít quá nên sợ Nguyễn-Huệ cử đại-binh vào đây, Đông-Sơn khó mà chống nổi. Mấy lời của Hoàng-Thượng phán đó làm cho mấy người chỉ-huy nghĩa-binh vừa cương-quyết mà cũng vừa lo-ngại, cương-quyết sẽ chết sống với Tây-Sơn chớ không nhượng-bộ, nhưng lo-ngại về sự binh ít, mình một người phải đánh tới một hai chục người, tự-nhiên phải nguy. Tướng-sĩ Đông-Sơn quyết tử-chiến đặng làm cho rực-rỡ thinh-danh Gia-Định trung-nghĩa, ngặt nghĩa-binh chết hết rồi còn ai phò Hoàng Thượng với đình-thần. Binh các Trấn đều theo cụ Tống-Phước-Hiệp ra đàng ngoài, không còn mà chiêu-tập lại được. Thanh-Nhân với Minh-Giám tính mộ binh nghĩa-dõng thêm cho có đủ lực-lượng để trừ giặc mà cứu vua giúp nước. Bây giờ chỉ còn kế đó mà thôi! Hai người mới thảo tờ hịch như vầy đây đến dâng cho Hoàng-Thượng xem rồi gởi đi các Trấn kêu gọi lòng ái quốc của thần-dân và hiệu-triệu quần-chúng mau mau đến hiệp-lực với nghĩa-binh Đông-Sơn đặng phò vua cứu nước. Đại-Chí dâng nảo tờ hịch của Minh-Giám cho Chúa xem. Hà-Khâm tâu tiếp: “Lúc nguy mà thấy lòng người Gia-Định trung-thành dõng-cảm, thế thì vào đây Hoàng-Thượng được địa-lợi mà còn thêm nhơn-hòa nữa”. Minh-Giám nghe lời bợ-đỡ nhà vua thì cười thầm, nhưng bợ đặng giúp mình nên việc thì mình có lợi chớ không phải hại mà phiền. Định-Vương xem tờ hịch rồi thì dạy Minh-Giám mời Thanh-Nhân vào cho ngài phủ-ủy. Minh-Giám ra rồi, Định-Vương nói với hai quan Hộ-Giá: “Nghĩa-Binh Đông-Sơn có hai người làm đầu tánh tình ta coi khác nhau xa quá. Minh-Giám hòa-nhã, thận-trọng, khiêm-nhượng; còn Thanh-Nhân táo-bạo, cang-cường. Một văn-nhơn một võ-sĩ mà hiệp-tác với nhau được, cái đó thiệt là lạ. Mà nghĩa-binh họ cũng biết chọn người. Minh-Giám nho-nhã thì cử làm Tham-Mưu để thiết kế bày mưu, còn Thanh-Nhân ngang-tàng thì cử làm Chỉ-Huy để cầm binh phá trận. Có cang mà cũng phải có nhu như vậy mới được. Đương lúc Triều-đình cần dùng người phò-tá, không nên lừa-lọc thái quà mà thất nhơn-tâm. Ai có lòng thì cứ dùng rồi sau tùy công-lao mà ban thưởng” Minh-Giám dắt Thanh-Nhân bước vào bái-kiến, Định-Vương nói: “Trong khi nước nhà nguy ngập, anh em Đông-Sơn vì đại-nghĩa xướng ra lo cuộc cần-vương cứu quốc. Ta lấy làm cảm động. Ta cảm ơn và ngợi khen hai người với tất cả tường-sĩ lớn nhỏ. Hai người chuyển-đạt lời của ta lại cho các đội biết. Hiện giờ Triều-đình dật-lạc, nên không ban thưởng cho anh em được. Tuy vậy mà Triều-đình không bao giờ vong ơn đâu. Vậy anh em lớn nhỏ cứ tận-lực, tận tâm mà tá-trợ, chừng đại-định rồi, Triều-đình sẽ tùy công-lao mà ban quyền-tước xứng-đáng”. Định-Vương trao tờ hịch cho Thanh-Nhân mà nói tiếp: “Cứ chép tờ hịch nầy mà gởi đi khắp nơi. Hễ có ai đến xin đầu quân thì tập luyện liền đặng chừng hữu-sự thì có binh mà dùng”. Minh-Giám nói: “Hễ tờ hịch bố-cáo ít bữa rồi thì tôi sẽ đi tới các Trấn đặng vận-động chiêu-mộ binh-sĩ”. Định-Vương ân cần phủ ủy hai người rồi dạy hãy rán xây đắp đồn lũy và tuyển-mộ binh tướng thêm cho gắp. Thanh-Nhân với Minh-Giám bái-tạ Định-Vương lui ra mà về dinh. Minh-Giám nói: “Ông thấy cái thuật của tôi hay chưa ? Mềm dịu một chút thì việc gì cũng xuôi thuận hết”. Minh-Giám kêu Háo-Nghĩa mà đưa tờ hịch và cậy qui-tụ anh em văn-sĩ mượn chép lại nhiều bổn và chép cho mau. Nội buổi chiều đó thì đã có người đem hịch đi các Trấn, tại trước cửa thành, tại võ-trường và tại chỗ nhóm chợ đều có dán lời hịch đủ hết. Trong vài ngày sau những trai-tráng bắt đầu rải-rác đến xin ghi tên làm lính, mỗi ngày có năm bảy người tới luôn luôn. Lê-Thứ-Tiên lãnh thâu nhận lính mới, hễ vô sổ bộ rồi thì giao cho Trần-Hạo coi việc luyện lập. Một buổi sớm mai, Thứ-Tiên ra cửa thành thâu nhận mấy người xin đi lính, bỗng thấy Đỗ Thanh-Xuân xâm xâm đi tới, vai mang cung tên, lưng đai song kiếm, y-phục gọn gàng cũng như một cậu trai. Phía sau lại có một đám người đi theo, rồi tới một bầy trâu nữa. Thứ-Tiên lấy làm lạ nên đứng lại cửa mà chờ, có ý muốn biết coi có việc chi quan-hệ mà Đỗ Nương-nương phải lên tới trên nầy. Chừng Thanh-Xuân đi tới, Thứ-Tiên thi lễ mà hỏi: “Nương nương lên có việc chi vậy ?” Thanh-Xuân đáp: “Bà con ở Ba Giồng hay nghĩa-binh Đông-Sơn mới xuất trận lần đầu mà được thắng lợi rất vẻ-vang nên nhóm nhau bàn tính, rồi cử người thay mặt cho mỗi giồng mà cậy tôi dắt lên đây đặng tỏ lời chúc mừng tướng-sĩ”. Thứ-Tiên gặc đầu và nói: “Vậy xin Nương-nương đứng đây chờ một chút. Để tôi vô thưa cho Tổng Chỉ-Huy với Tham-Mưu Trưởng hay”. Thứ-Tiên xây lưng đi liền. Bộ Chỉ-Huy với Tham-Mưu ở chung một cái nhà phía trong xa, ngoài cửa đi vô đó phải đi ngang trước Hoàng-cung, chỗ Định-Vương ở với Hoàng-tử Ánh, và đi ngang qua dinh của mấy quan Hộ-giá nữa. Thanh-Nhân đương ngồi bàn việc lập đồn dài theo mé sông Bến-Nghé xuống tới Nhà-Bè, bàn với Minh-Giám, Háo-Nghĩa, Võ-Nhàn và Nguyễn-Lượng. Thình-lình Thứ-Tiên vào báo tin có Đỗ-Thanh-Xuân dắt thân hào đất Ba Giồng lên chúc mừng tướng-sĩ Đông-Sơn toàn thắng, cả thảy còn đứng bước cửa thành chờ lịnh. Minh-Giám nghe nói như vậy thi vui mừng, không chờ lịnh Đỗ-Thanh-Nhân, vội-vã bảo Thứ Tiên: “Cho vô đây, vô liền, người trong Hội “Ba Giồng Đồng-Chí” chớ phải ai xa lạ hay sao nên phải ở ngoài chờ lịnh”. Thứ-Tiên lật-đật trở ra với Võ-Nhàn. Thanh-Nhân ngừng việc bàn cãi, bước ra trước cửa đứng chờ con với khách Ba Giồng. Mấy người kia cũng đi theo chung-quanh. Bốn quan hộ-giá đương đứng trước dinh mà chơi, thấy Thứ-Tiên vô ra lăng-xăng, rồi lại thấy bộ Chỉ-Huy với Bộ Tham-Mưu ra dứng phía cửa thành, không hiểu có việc chi, nên men men lại đó hỏi thăm. Mấy ông nghe nói có con của Thanh-Nhân dắt thân-hào đất Ba Giồng lên chúc mừng thì đứng luôn tại đó xem chơi. Thứ-Tiên với Võ-Nhàn ra cửa tiếp khách, dạy buộc 6 con trâu ngoài thành, còn khách thì đi theo vô Bộ Chỉ-Huy. Thanh-Xuân đi đầu, tướng mạo lẫm-liệt, oai-nghiêm, bình-tĩnh, mặt không có vẻ bợ-ngợ chút nào. Sáu người già đi tiếp theo nàng, rồi phía sau có 20 người thanh-niên vậm-vỡ, hâm-hở. Võ Nhàn với Thứ-Tiên đi kềm hai bên. Đi tới trước mặt Thanh-Nhân cả thảy đều chấp tay nghiêng mình mà xá chung ba xá, rồi Thanh-Xuân bước tới mà nói: “Thưa cha, đồng-chí ở Ba Giồng hay tin Nghĩa-binh Đông-Sơn đánh Tây-Sơn đại bại thì già trẻ đều mừng. Mỗi giồng phái một vị chủ xóm với một vị học-thức thay mặt cho người trong giồng và cậy con dắt 6 đại-biểu lên đây đặng tỏ lời ngợi khen và chúc mừng cho cả thảy chiến-sĩ Đông-Sơn. Mỗi giồng lại còn gởi theo hai con trâu để hiến cho tướng-sĩ ăn thịt chơi một bữa đặng tướng-sĩ nhận thấy tấm lòng thân-ái của hàng phụ-huynh luôn luôn tưởng-niệm can-đảm hy-sinh của con em trong công cuộc đại-nghĩa giúp vua cứu nước”. Thanh-Xuân nói dứt lời rồi đứng tránh qua một bên để cho 6 người già bước tới cho giáp mặt với Thanh-Nhân và Minh-Giám. Một ông học-thức thuộc giồng Thuộc-Nhiêu, nhơn-danh cho đoàn đại-biểu mà tỏ lời chúc mừng y như lời Thanh-Xuân đã nói đó. Thanh-Nhân với Minh Giám tiếp nhau mà tạ ơn và hứa chắc nghĩa-binh Đông-Sơn luôn luôn nêu cao danh-dự cho đất Ba Giồng và giữ vững chánh-khí cho người Gia-Định. Thanh-Nhân hỏi còn mấy người trai đứng sau đó lên đây tính nói chuyện chi. Thanh-Xuân nói hai chục người đó ở Cái-Bè đến hỏi thăm phải làm sao đặng nhập theo nghĩa-binh Đông-Sơn. Sẵn có dịp đi đây nên chở theo giao cho cha định-đoạt. Thanh-Xuân dắt cha lại tiếp chuyện với nhóm thanh niên ấy. Thanh-Nhân thấy người nào cũng hùng-tráng thì rất hài-lòng, tỏ lời khen háo-nghĩa, gặp nước loạn biết nhiệm-vụ nam-nhi. Minh-Giám giao mấy chục người trai cho Thứ-Tiên ghi tên nhập ngũ, dặn Võ-Nhàn thâu-nhận mấy con trâu của Ba Giồng hiến để đãi tướng-sĩ rồi cùng với Thanh-Nhân mời phái-bộ vô nhà uống nước nói chuyện chơi. Nãy giờ mấy quan Hộ-giá đứng ngó Thanh-Xuân trân trân, không biết trai hay gái. Mà con gái sao mang cung đai kiếm đi hùng-hào tự-đắc như vậy. Chừng Thanh-Nhân dắt khách vô nhà, Hồ-Văn-Lân là Hộ-giá về võ-biền thấy Nguyễn-Lượng còn lục-thục ở sau, mới nắm tay áo kéo mà hỏi: - Con của Đỗ Chỉ-Huy đó trai hay là gái ? - Gái. - Ủa ? Gái sao mặc y-phục gọn-gàng như con trai, đi ra mang cung kiếm tùm-lùm, đi đứng chẫm-hẩm, tiếng nói rang-rảng vậy ? - Tại Đỗ Chỉ-Huy không có con trai, ổng có chút gái, ổng nuôi dạy như trai, cho luyện tập võ nghệ, nên tướng-mạo mới ra như vậy. - Võ rành hay không ? - Học dủ ban hết, nhưng thiện nghệ nhứt có hai môn: xạ tiễn với phi kiếm, bá phát bá trúng. Ở đâu thì tôi không biết, chớ ở đất Gia-Định nầy không có ai dám thi hai môn ấy với nương nương. - Có chồng hay chưa vậy ? - Chưa. Mới 17 tuổi. - Mới 17 tuổi, sao mà vóc to dữ vậy ? - Nhờ tập dượt hàng ngày nên nở gân nở cốt. Hồ-Văn-Lân bỏ Nguyễn-Lượng trở về dinh thấy mấy quan Hộ-giá còn đứng nói chuyện Đỗ Thanh-Xuân, mới đem câu chuyện Nguyễn-Lượng hỏi hồi nãy mà thuật lại cho mấy bạn nghe. Các quan nghị luận về nghề xạ-tiễn và phi-kiếm của Thanh-Xuân, ông thì trầm-trồ khen, ông thì không tin con gái mà có tài xuất-chúng được, kẻ hỏi đi, người cãi lại, gây ra một cuộc náo nhiệt trước dinh. Định-Vương nghe cãi mới biểu Hoàng-tử ra đòi các quan vào đặng hỏi coi có việc chi mà xao xuyến như vậy. Các quan tâu cho Chúa hay có 6 nhà thân hào ở đất Ba Giồng lên chúc mừng nghĩa-binh Đông Sơn thắng Tây-Sơn, lại có dắt theo 6 con trâu để khao thưởng chiến-sĩ tận tâm cứu dân giúp nước. Các quan cũng tâu luôn về sự con gái của Thanh-Nhân cầm đầu phái bộ ấy và có dắt theo 20 thanh-niên cường tráng lên xin nhập-ngũ tùng-quân. Hồ-Văn-Lân còn tâu nàng ấy mới 17 tuổi mà cao lớn vậm-vỡ, mang cung đai kiếm, tướng mạo phi phàm, oai-phong lẫm-liệt, thiện nghệ về môn xạ tiễn và phi kiếm, không ai dám sánh. Định-Vương phán: “Người Ba Giồng trung-thành vời quốc-gia, với vua chúa, ta cũng nên trưởng-chí cho người, huống chi vì quốc-nạn ta phải mông-trần, ta nên gây thiện-cảm với dân, cần gì cố-chấp lễ-nghi triều-đình nữa. Vậy hãy đi nói cho Thanh-Nhân hay, ta cho phép mấy người Ba Giồng bái-kiến đặng ta an-ủi lòng người và dạy dắt hết lại đây cho ta nói chuyện”. Lê-Đại-Chí liền đi lại Bộ Chỉ-Huy truyền lịnh cho Thanh-Nhân hay. Thanh-Nhân với Minh-Giám lấy làm cảm xúc không dè Chúa hạ-cố đến hạng thôn-phu, bởi vậy biểu mấy nhà thân-hào sửa khăn áo rồi dắt đi lại Hoàng-Cung yết Chúa, Đại-Chí nài Thanh Xuân cùng đi luôn theo nữa, nói rằng Hoàng-Thượng nghe ái-nữ của Độ Chỉ-Huy võ-nghệ siêu quần nên có ý muốn biết mặt. Đến Hoàng-Cung. Thanh-Nhân với Minh-Giám đưa sáu thân-hào vào bái-yết Chúa. Thanh Xuân đứng phía sau. Định-Vương ngó Thanh-Xuân trân trân. Ngài khen ngợi lòng trọng-nghĩa của dân đất Ba Giồng, khuyên thân-hào về nói lại cho mọi người biết, ngài chiếu cố đặc biệt những người giúp nước cứu dân trong cơn ly-loạn và chừng non nước thăng-bình rồi ngài sẽ ban thưởng những người có công với quốc-gia. Định-Vương hỏi thăm qua võ-nghệ của Thanh Xuân, Thanh-Nhân tâu rằng lúc rảnh-rang có dạy con cho biết chút đỉnh vậy thôi, phận gái liễu bồ làm sao dám sánh với tài trai cho kịp. Hồ-Văn-Lân nghe Nguyễn-Lượng khoe-khoang hồi nãy, có ý muốn xem thử tài xạ-tiễn và phi kiếm của Thanh-Xuân coi có quả như lời người ta nói hay không, nên tâu: “Đỗ Chỉ-Huy khiêm nhượng chớ người ta nói Đỗ Nương-nương xạ tiễn với phi-kiếm bá phát bá trúng, trong đất Gia-Định không ai dám bì. Vậy xin Hoàng-Thượng nhơn dịp Nương-nương lên đây, Hoàng Thượng nên hạ lịnh cho Nương-nương chiều nay diễn võ đặng khuyến-khích tướng-sĩ hăng hái tập luyện. Đó là một việc tốt, không lẽ Đỗ Chỉ-Huy không vui lòng để cho con giục lòng tường-sĩ”. Định-Vương hỏi Thanh-Nhân có vui lòng biểu con diễn võ cho tướng-sĩ xem hay không. Thanh Nhân bằng lòng và hứa xế mát sẽ cho con đến võ-trường mà biểu diễn. Mọi người mới bái Chúa lui ra. Cái tin Đỗ Nương-nương diễn võ đồn khắp trong thành ngoài chợ làm cho tướng-sĩ cũng như thường dân thảy đều náo-nức, trông cho mau tới xế mát đặng xem tài của Nương-nương. Thanh-Nhân dặn Võ-Nhàn sai quân đi kiếm đốn hai cây chuối mà cắm sẵn trong võ-trtròng đặng làm bia cho Thanh-Xuân bắn tên và phóng kiếm. Mặt trời vừa xế bóng thì tướng-sĩ với bình-dân đã kéo nhau từng tốp đến võ-trường đứng chung-quanh sân chật hết. Võ-sĩ Ba Giồng đã từng xem Thanh-Xuân luyện tập mà càng xem càng thấy cái hay, bởi vậy xem hoài không nhàm chán nên bữa nay đều có đến đủ mặt. Bốn quan Hộ-giá phò Hoàng-Tử Ánh đi xem. Mấy ông đi lại võ trường một lượt với cha con Đỗ Chỉ-Huy và sáu vị thân hào Ba Giồng. Công chúng thấy Đỗ-Thanh-Xuân bước vô sân, sắc mặt hiên-ngang, tướng-mạo hùng-dõng, không khớp sợ, không sụt-sè, thì xầm-xì ngợi khen, kính nể. Hồ Biểu Chánh Đỗ nương nương báo oán Chương 7 ĐÔNG-CUNG DƯƠNG GIEO HỌA Thanh-Xuân thủng-thẳng mở cung tên, cặp kiếm để tại một góc sân, rồi day lại ngó cha đương đứng với Hoàng-tử và các quan Hộ-giá. Thanh-Nhân khoát tay ra lịnh cho con khởi cuộc biểu-diễn. Thanh-Xuân mạnh dạn đi ra giữa sân, đứng ngó bốn phía rồi bái tổ đi một đường quyền đẹp như phụng múa, tấn lẹ-làng như chớp nhoáng, thối vững chắc như vách thành, không có điểm nào sống-sít mà chê dược. Hà-Khâm với Đại-Chí xin diễn thêm một đường nữa, Thanh-Xuân vưng lời tập một thiệu khác càng hay thêm, làm cho khán-giả thảy đều mê-mết. Tập quyền rồi tập dượt đoản côn và đại đao. Lê-Đại-Chí là người thành thiệt, nên công-nhận tập thứ nào cũng thành-thục, không có chỗ chê. Bây giờ mới tới phi-kiếm và xạ tiễn. Võ-Nhàn đã có dạy trồng hai cây chuối, một cây cách hơn 100 thước, còn một cây xa lối 300 thước. Thanh-Xuân cầm song kiếm dượt một hồi xem ngoạn mục rồi đương múa mà tình-cờ phóng hai cây kiếm liên-tiếp, cả hai cây đều ghim vào thân cây chuối cách nhau không tới nửa gang. Tướng-sĩ phục tài quá, không thể nín nữa được nên đồng óng tiếng khen hay. Thanh-Xuân vẫn bình-tĩnh như thường, lấy cây cung cầm tay, đeo ống tên sau lưng, rồi đi qua đi lại trong sân. Tình cờ vừa đi vừa rút tên lấp vào cung mà bắn cây chuối xa hơn 300 thước. Bắn không cần nhắm đích, bắn như vậy 5 lần, 5 mũi tên đều ghim vào cây chuối, xê-xích với nhau chừng một phân. Công-chúng rộ lên khen một lần nữa. Võ-Nhàn bước ra sân hỏi tứ phía coi có ai muốn bắn tên hoặc phi kiếm thử hay không. Bốn phía đều nín êm, không ai dám kình nghề với Thanh-Xuân. Công-chúng mới ó lên la lớn:“Đỗ Nương-nương vô-địch ! Đỗ Nương-nương vô-dịch”. Cuộc biểu-diễn chấm dứt. Thanh-Xuân lại rút hai cây kiếm với 5 mũi tên rồi cùng cha với Hoàng-Tử và các quan trở về. Tướng-sĩ đi theo sau cả ngàn hoan-hô vang dội. Ăn cơm chiều rồi, Minh-Giám với Võ-Nhàn đưa Thanh-Xuân cùng sáu thân-hào xuống thuyền mà về Ba Giồng. Đỗ Nương-nương đã về ba Giồng mấy bữa rồi mà cuộc diễn võ của nàng vẫn còn được người ta bàn-tán luôn luôn. Người cảm mến hơn hết là Hoàng-Tử Nguyễn Phước-Ánh, cảm thấy phận gái mà luyện tập dày công, mến tài phi-phàm về môn bắn cung phóng kiếm. Về Hoàng-Cung, Hoàng-Tử thuật cuộc diễn võ cho Định-Vựơng nghe, ngài tán tụng tài của Đỗ Nương-nương không ngớt, nói rằng nàng đó ra trận giết tướng địch dễ như trở bàn tay, lẹ như nháy con mắt. Lê-Đại-Chí với Hồ-Văn-Lân nói chuyện với nhau lại mơ ước Định-Vương nạp Đỗ-Thanh-Xuân vào cung, làm như vậy nhà vua có nhơn-tài phò-trợ tận tâm, mà thần dân Gia-Định cũng sẽ phơi gan cứu quốc. Hai người mơ-ước nhưng không dám nói ra vì nhận thấy Hà-Khâm với Trương-Hậu bắt đầu đề-nghị cử-chỉ của Đỗ-Thanh-Nhân có ẩn ý gì nên mới qui tụ tướng-sĩ đến cả ngàn ở đất Ba Giồng, thật có lòng cứu nước phò vua hay là thừa loạn tính xưng vương Gia-Định. Đặt hiệu nghĩa binh Đông-Sơn thì đã ló mòi soán-đoạt, muốn phản Triều-đình cũng như bọn Tây-Sơn ngoài Qui-Nhơn. Vậy phải lưu tâm ngó chừng, không nên tin lắm. Định-Vương nghe lời châm chích như vậy trong lòng phát nghi, thầm nghĩ Thanh-Nhân đánh bại Tây-Sơn nghinh-giá về thành rồi thì lật-đật lo hiệu-triệu dân-chúng nhập ngũ đầu quân rồi lại cho con diễn võ dương oai đặng làm cho thiên-hạ khiếp sợ. Cử-chỉ ấy có thể là sự biểu-lộ tấm lòng thành thiệt quyết phò vua giúp nước mà cũng có thể là những mưu-kế gian hùng sắp đặt để mượn oai tín của nhà vua mà bành-trướng thế-lực thâu-phục nhơn-tâm để đoạt sơn-hà tranh vương-bá. Quả thiệt ngay hay là phải nghi gian ? Lẽ ngay với lẽ gian đồng nhau, không thể phân biệt được, bởi vậy Định-Vương lưỡng-lự không dám tin là cũng chưa dám nghi. Giữa lúc Định-Vương nghe lời sàm-tấu không phân chơn giả được, nên lo-ngại đêm ngày, thì Thanh-Nhân không dè miệng lằn lưỡi mối[1] bày chuyện làm cho ly-gián quân thần, nên cứ hăng-hái tập tướng mộ binh, để gây cho được một lực lượng hùng cường đủ sức phá giặc. Một buổi sớm mai, tướng-sĩ đương luyện-tập tại võ-trường, có một nên quân thú lại đồn Cá Trê, ngoài Nhà Bè, hào-hển chạy về báo tin hồi gần sáng có lối 10 chiếc thuyền lớn nhỏ chở binh lúc-ngúc ở ngoài cửa Cần-Giờ từ từ đi vô. Tướng Lê-Văn-Quân thủ đồn Cá Trê, triệt lại hỏi binh của ai, chở đi đâu. Người ta trả lời rằng binh tướng phò Đông-Cung vào Gia-Định hiệp với Hoàng-Thượng. Ông Quân không tin, buộc phải đậu lại mà chờ lịnh, nếu cãi lời thì trên đồn bắn xả. Ông Quân dạy phải chạy về thành báo tin cho Tổng Chỉ-Huy hay vì không biết phải binh Tây-Sơn giả mạo hay không. Thanh-Nhân hay tin trọng-hệ như vầy liền dạy đánh trống gom binh-tướng vào thành, sai Nguyễn-Lượng chọn 100 binh cung nỏ lập tức đem ra đồn Cá Trê tiếp với Lê-Văn-Quân rồi đại binh sẽ theo sau liền. Binh-sĩ nghe báo-động lật-đật nai nịt gọn gàng, lấy binh-khí cầm tay đặng chờ tướng lãnh phân đội ngũ thì sẵn sàng đặng nghinh địch. Trong Hoàng-Cung thấy xao-xuyến, Định-Vương sai Hà-Văn-Lân lại Bộ Chỉ-Huy hỏi coi có việc chi. Minh-Giám theo Hồ-Văn-Lân lại Hoàng-Cung tâu cho Chúa hay có cả chục chiếc thuyền chở binh vào tới Nhà Bè. Đồn chận lại tra vấn thì dưới thuyền nói rằng binh-sĩ phò Đông-Cung vào Gia-Định tìm Chúa. Không biết thiệt giả lẽ nào nên Tổng Chỉ-Huy sắp đặt phân binh nghinh địch. Định-Vương nói trước khi ngài xuống thuyền vào Nam, ngài có phong người cháu là Nguyễn Phước-Dương làm Đông-Cung và dạy ở lại Quảng-Nam đặng hiệp với các quan lo mưu dẹp giặc. Vậy có lẽ thiệt Đông-Cung Dương đem binh vào Gia-Định, chớ không phải nói dối. Minh-Giám tâu rằng bọn Tây-Sơn có thể mạo xưng binh của Đông-Cung đặng vào thành. Nếu mình tin lời để cho chúng thâm-nhập thì mắc mưu của chúng. Định-Vương phái Hồ-Văn-Lân theo Thanh-Nhân ra Nhà Bè xem-xét, nếu quả thiệt có Đông-Cung Dương rồi sẽ cho vào. Minh-Giám với Hồ-Văn-Lân trở lại Bộ Chỉ-Huy mà chuyển đạt ý của Chúa cho Thanh-Nhân biết. Thanh-Nhân định kéo ba đại-đội gồm 500 binh mà đi với Hà-Văn-Lân, còn số binh dư, kể đến cả ngàn thì giao cho Võ-Nhàn với Minh-Giám điều khiển mà thủ-thành và phò giá. Binh tướng rần-rộ mở cửa thành ra đi, mọi người đều hăng-hái, cương quyết chiến-đấu, không nhút-nhát lo sợ chút nào. Ra tới đồn Cá Trê, Thanh-Nhân thấy chiến-thuyền đậu một dọc dựa mé sông, đếm hơn 10 chiếc, có binh cung nỏ của Nguyễn-Lượng đã ra tới trước, nên dàn ngay một đạo chiến-thuyền mà gìn-giữ, không cho binh lạ đổ bộ công đồn. Thanh-Nhân ra lịnh dừng binh, dàn đội ngũ gây thành mặt trận rồi cùng với Hồ-Văn-Lân đi lại mé sông tỏ lời xin Đông-Cung yết kiến. Đông-Cung Dương ở trong chiếc thuyền thứ ba, bước ra đứng trước mũi. Hồ-Văn-Lân nhìn xem quả thiệt Đông-Cung. không còn nghi-ngờ gì nữa, mới bàn tính với Thanh-Nhân đặng cho đoàn thuyền vào sông Bến Nghé. Thanh-Nhân chịu cho Đông-Cung tấn binh nhưng dặn tới Bến-Nghé thì Đông-Cung nhập thành, còn tướng-sĩ phải ở ngoài chờ lịnh, không được vào thành liền. Đoàn chiến-thuyền của Đông-Cung kéo neo mà đi, Thanh-Nhân đi với Nguyễn-Lượng cũng rút binh trở về. Đi dọc đường Hồ-Văn-Lân mới cắt nghĩa cho Thanh-Nhân hiểu Nguyễn-Phước Dương là cháu kêu Định-Vương bằng chú, cũng như Hoàng-tử Ánh. Khi chạy ra Quảng-Nam, Định-Vương chấp thuận lời của đình-thần tâu, nên phong Dương làm Đông-Cung và giao quyền điều khiển binh-đội cùng tướng lãnh mà chống với giặc, rồi Định-Vương mới xuống thuyền vào Nam. Có lẽ Đông-Cung Dương liệu thế chống không nổi nên mới chở binh theo mà vào đây. Thanh-Nhân vui mừng mà nói: “Binh của tôi bây giờ đã được vài ngàn rồi. Nếu binh của Đông Cung có tới vài ngàn nữa, hai đạo binh chung sức thành một lực-lượng khá mạnh. Dầu Tây-Sơn đem 10 ngàn binh vào đánh với ta không dễ gì mà thắng ta nổi. Nhưng không biết Đông-Cung có tướng cao-tài, có binh thiện-chiến, binh tướng có tinh-thần chiến-đấu mạnh-mẽ hay không. Nếu đạo binh của Đông-Cung không háo-chiến, không cảm-tử, thì dầu được mấy ngàn cũng vô ích”. Hồ-Văn-Lân nói: “Khi Chúa-Thượng cùng cung quyến ra Quảng-Nam thì chỉ có vài toán quân nhỏ hộ-tống mà thôi. Binh của Triều-đình với các tướng lãnh đều ở lại đặng giữ-gìn Thuận Hóa. Không biết binh Đông-Cung đem vào đây là binh Triều hay là binh mới chiêu mộ ở vùng Quảng-Nam. Để Đông-Cung vào yết kiến Hoàng-Thượng rồi sẽ biết”. Binh rút về tới Bến-Nghé, Thanh-Nhân dàn ra dọc theo mé sông dạy Nguyễn-Lượng với các tướng điều khiển, dặn hễ thuyền tới thì để cho Đông-Cung với các quan tùy-tùng lên bờ đặng vào thành, còn binh-sĩ thì để ở dưới thuyền, đừng cho đổ bộ. Sắp đặt xong rồi, Thanh-Nhân với Hồ-Văn-Lân vào thành yết kiến Định-Vương và tâu mọi việc cho Chúa nghe. Định-Vương hay Đông-Cung vào, lại có binh theo, thì lộ sắc vui mừng. Ngài chấp thuận hễ thuyền vô tới thì cho Đông-Cung Dương vào với bộ-hạ nhập thành, còn binh-sĩ thì tạm để dưới thuyền rồi sẽ liệu mà xử-dụng[2] tùy số nhiều-hay ít. Thanh-Nhân dạy Võ-Nhàn ra bến hiệp với Nguyễn-Lượng mà điều-khiển mấy đội ở ngoài thành. Minh-Giám muốn cho Đông-Cung nhập thành, thấy nghĩa-binh Đông-Sơn hùng-tráng, chỉnh-tề, mới dạy chư-tướng gom hết số binh còn lại trong thành, mọi người đều phải nai-nịt như xuất trận và phải có binh-khí tùy thân cho sẵn-sàng. Gần nửa chiều, đoàn thuyền của Đông-Cung mới tới bến. Đông-Cung lên bờ với năm, sáu thuộc tướng. Thanh-Nhân, Minh-Giám với Trương-Hậu, Hà-Khâm chực sẵn tại bến mà tiếp rước đặng đưa vào thành. Đông-Cung thấy binh Đông-Sơn dàn dọc theo mé sông, tưởng Định-Vương dạy dàn binh nghinh tiếp nên ngó mà cười. Đến cửa thành thấy cờ có đề bốn chữ “Nghĩa-binh Đông-Sơn” thì lấy làm kỳ. Chừng nhập thành lại thấy binh đông cả ngàn, hàng-ngũ chỉnh-tề, bộ tướng hùng-vĩ. Đưa đến Hoàng-Cung, Thanh-Nhân với Minh-Giám để cho Trương-Hậu với Hà-Khâm đem Đông-Cung vào yết-kiến Định-Vương, hai người dắt nhau về Bộ Chỉ-huy mà nghỉ. Ban tối, Hồ-Văn-Lân lại Bộ Chỉ-huy cho Thanh-Nhân với Minh-Giám hay rằng, số binh dưới thuyền được ba ngàn. Binh ấy là binh của Lý-Tài, chư-tướng cũng vậy, chớ Đông-Cung không có gì hết. Lý-Tài là Người khách Trung-Hoa, cựu tướng của nhà Minh. Khi nhà Thanh dứt nhà Minh, Lý-Tài bèn trốn qua ở vùng Bình-Định, Quảng-Ngãi. Chừng Tây-Sơn dấy loạn, anh ta hàng-phục Tây-Sơn và kéo phe đảng ra đánh Quảng-Nam. Sau nầy anh ta phản Tây-Sơn đem hết bổn bộ binh theo phò Đông-Cung vào đây. Thanh-Nhân châu mày hỏi: - Tại sao ông được biết rõ như vậy ? - Hồi chiều Đông-Cung tỏ thiệt với Hoàng-Thượng, có tôi ở đó, nên tôi mới hiểu chớ. - Nếu vậy thì có Lý-Tài vào đây ? - Năm người theo Đông-Cung mà nhập thành hồi chiều, người lớn tuổi hơn hết đi khít một bên Đông-Cung đó là Lý-Tài. Còn bốn người kia là thuộc tướng của anh ta. - Binh tướng như vậy, nay ở bên nây, mai nhảy qua theo bên kia, phản bội không chừng, thì lào sao mà dám tin cậy. - Bởi vậy tôi mới lật-đật cho ông hay. Mà còn việc nầy nữa: Từ hồi chiều, Đông-Cung với Lý Tài rúng ép quá nên Định-Vương đã nhường ngôi cho Đông-Cung, ngài lãnh ngôi Thái-Thượng Hoàng, cũng thư ông hàm, không có quyền-hành chi hết. Lý-Tài với bộ-tướng tôn Đông-Cung Dương lên ngôi Chúa, xưng hiệu Tân-Chánh Vương liền. Tân-Chánh Vương cử Lý-Tài làm Đại Nguyên-Soái. Còn 4 bộ-tướng của Lý-Tài thì được phong chức Chưởng-Cơ. Bọn Lý-Tài nài xin cho có chức tước đặng đủ oai quyền mà bắt dân đi lính, lập thành binh đội để đem ra ngoài đánh dẹp Tây-Sơn mà khắc phục kinh-thành Thuận-Hóa. Minh-Giám chắc lưỡi mà than: “Chí lớn quá ! Nhưng chắc thành-công được hay không ? Tôi sợ không lấy nhơn-nghĩa mà khuyến-dụ dân, lại dùng cường-quyền mà rúng ép dân, làm cho lòng dân đã không cảm mến mà còn oán thù, thì khó mà nên việc lớn được. Đương lúc non sông xao-xuyến, quốc-gia nguy nan, lòng người phân-vân, việc nước rắc-rối, nếu muốn bình-định sơn-hà đặt an bá-tánh, điều cần là phải chinh-phục nhơn tâm. Mà muốn chinh-phục nhơn-tâm thì phải vừa có tài vừa có đức, vừa mạnh-mẽ, vừa khôn-ngoan đức tài đi đôi, mạnh khôn gồm đủ, làm cho thiên-hạ kính-mến quí trọng, họ hăng-hái qui-phục, thành tâm phò-trì thì mới mong cử đồ đại-sự. Bọn Lý-Tài ở ngoài kia, cũng như bọn Huỳnh-Tấn với Dương-Ngạn-Địch ở trong nầy hồi trước, là bọn người Tàu mất nước, trốn qua xin tá-túc với Chúa ta. Bình-thường chúng dùng gian dối làm kế sinh nhai, khi ly-loạn chúng theo ngụy-tặc đặng cướp giựt. Chúng không có tài, không có đức. Dân ta không phải chung một chủng-tộc với chúng, thế thì làm sao mà chúng chinh phục được nhơn-tâm. Nước ta không phải là quê-hương của chúng, chắc gì chúng thành thiệt yêu thương đất nước nầy nên gắng công bình-định cho quốc thới dân an. Chúng thấy nước đục vội-vã thả câu. Thả bên phía Tây-Sơn kiếm chút đỉnh cá rồi, có vốn chúng mới xây qua phía bên nây tưởng có lẽ sẽ câu được cá lớn. Chúng theo phò Đông-Cung chắc chắn chúng cầu danh xạ lợi, chớ đâu phải chúng quyết cứu dân giúp nước. Lý-Tài đòi cho được chức đại Nguyên-Soái còn bộ-hạ của nó đều được chức Chưởng-Cơ, bấy nhiêu đó đủ thấy chí hướng của bọn đó rồi. Còn tính dùng oai-quyền đặng ép buộc dân chúng phải cầm gươm đao mà theo mình, làm như vậy thiệt là thất sách, thất sách nặng, đã vô-ích mà sợ còn gây họa nữa. Đông-Cung lên ngôi Tân-Chánh Vương không thấy cái họa đó hay sao ?” Hồ-Văn-Lân thở dài mà đáp: - Có lẽ không thấy. Mà chánh Tân-Chánh Vương phong quyền tước cho chúng nó đó chớ ai... - Còn Chúa Định-Vương, sao Chúa không cản ? - Ngài đã chịu lãnh ngôi Thái-Thượng Hoàng, còn quyền-hành gì đâu mà cản được. Huống chi về quân sự thì từ khi còn ở Quảng-Nam Chúa đã giao hết cho Đông-Cung chấp-chưởng. Bây giờ Chúa có quyền đâu mà can-thìệp. Minh-Giám chắc lưỡi lắc đầu mà nói: “Hư rồi ! ... Hư hết !... Còn gì mà mong tính đại-cuộc, mong được thành-công”. Thanh-Nhân ngồi êm mà nghe hai người nói chuyện, nhưng trong lòng hừng-hực chịu không nổi, nên bực hỏi lớn: “Lý-Tài làm Đại Nguyên-Soái còn tôi đây làm cái gì ? Tôi làm lính cho nó hay sao ?”. Hai người kia lặng thinh. Thanh-Nhân nói tiếp: “Tôi biết có Chúa Định-Vương mà thôi, chớ tôi không biết có Đông-Cung hay Tây-Cung nào hết. Ai muốn làm Tân-Chánh Vương, ai muốn làm đại Nguyên-Soái thì đi chỗ khác mà làm. Thành nầy trước kia Tây-Sơn đã chiếm-cứ. Nghĩa-binh Đông-Sơn đoạt lại được thì nghĩa-binh Đông-Sơn làm chủ . Nếu Đông-Sơn rước Chúa Định-Vương về đây, ấy là vì Đông Sơn nghĩ tình tôi chúa, nên cho Chúa tạm-trú cho an-thân vậy thôi. Chúa chịu nhượng ngôi, nhượng quyền cho người khác cái đó tự ý Chúa. Đông-Sơn không phép cản, còn nếu Chúa muốn nhượng luôn thành-trì nầy nữa, thì cái đó không thể được vì Chúa không có quyền giao thành của Đông-Sơn cho người khác. Ai muốn tranh thành nầy thì phải chiến cho bại nghĩa binh Đông-Sơn rồi mới đoạt thành mà ở. Ông Hồ làm ơn về tâu cho Chúa Định-Vương biết rằng tôi thành tâm phò Chúa, chết sống không màng, nhưng ngoài Chúa ra thì tôi không cần biết ai khác. Tôi không thèm biết Tân-Chánh Vương hay Đại Nguyên-Soái nào hết”. Thanh-Nhân nói dứt lời liền bước ra ngoài kêu Trần-Hạo mà dạy phải cắt người lập tức đi ra các đồn gom nghĩa-binh về thành hết, về nội trong đêm nay, bỏ đồn trống không cần giữ nưa. Hồ-Văn-Lân thành-thật mến tài đức của các tướng chỉ-huy nghĩa-binh Đông-Sơn, nghe Thanh Nhân nói cương-quyết quá thi châu mày lo-ngại. Chừng Thanh-Nhân ra ngoài rồi, Hồ Hộ-giá mới nói với Minh-Giám: - Theo lời Đỗ Chỉ-Huy nói đó, tôi sợ không tránh khỏi xung đột. - Ổng nòi trúng lý, chớ có phải nói ngang tàng đâu. Nếu cần phải xung-đột thì thối-thác sao được. Tướng-sĩ Đông-Sơn bao giờ chịu để cho ai lấn-lướt. - Nếu xung-đột thì nguy to, ông nghĩ coi: Bên Tây-Sơn ba anh em Nhạc, Lữ, Huệ đều một lòng một dạ, trên dạy dưới vâng, không chống cự cãi lẽ. Bên mình, binh Đông-Sơn quyết đánh dẹp Tây-Sơn, bây giờ Đông-Cung đem binh Lý-Tài vào đây cũng nói quyết đánh dẹp Tây-Sơn. Chưa thấy giặc mà Đông-Sơn với Lý-Tài ghìm nhau, đánh nhau, cả hai đều giảm sức hết, rồi chừng Tây-Sơn vào còn sức đâu mà chống cự. Mình xung-đột với nhau, bấy nhiêu đó đủ cho Tây-Sơn thắng-lợi, còn đủ cho mình chết hết. Ông không thấy hay sao ? - Tôi thấy lắm chớ. Nhưng chết thì chịu chớ biết làm sao bây giờ. Ông muốn khỏi chết thì ông phải tâu rõ tình hình cho Chúa Định-Vương biết mà sửa chữa. Nếu Chúa không chịu hòa-giải thì Chúa cũng phải nguy với mình. - Nghĩa-binh Đông-Sơn chịu nhượng-bộ một chút có lẽ êm được. - Nghĩa-binh Đông-Sơn vì nghĩa-vụ công-dân, vì danh-dự xứ sở, nên hiệp nhau lập thành lực lượng đề cứu dâu giúp nước. Vì nghĩa-vụ, nhứt là vì danh-dự đó không bao giờ nghĩa-binh chịu nhượng bộ đâu. Thà chết chớ chịu quật-hạ người khác sao được. Ông về cắt nghĩa rõ cho Hoàng-Thượng nghe. Chúng tôi đã quyết-định làm đầu con gà, chớ không chịu làm đít con trâu. - Để về tôi tâu thử, coi Hoàng-Thượng liệu lẽ nào. Hồ-Văn-Lân đứng đậy từ Minh-Giám mà về. Cách một hồi, Thanh-Nhân ở ngoài bước vô nói với Minh-Giám: - Tôi đã ra lịnh gom hết binh tướng các đồn về lập tức, về nội đêm nay phải chiến với bọn nầy cho chúng nó biết mặt Đông-Sơn. - Nghe ông Hồ-Văn-Lân nói chuyện hồi nãy, tôi đã nhận thấy Chúa Định-Vương nhu-nhược, quen để cho tả hữu cướp quyền, còn Đông-Cung Dương thiếu sáng-suốt nên tín-nhiệm một tướng cướp ngoại bang đến nỗi giao tất cả binh-quyền cho nó làm không biết. Nếu Lý-Tài bình loạn Tây-Sơn được, ai dám chắc nó không thừa oai thế mà tiếm vị đoạt ngôi. Nếu Lý-Tài không chống nổi với Tây-Sơn, tôi sợ e Chúa phải chịu họa chung với nó. Tôi cũng nhận thấy ông Hồ Văn-Lân bất mãn về sự Chúa thối-vị và nhường ngôi cho Tân-Chánh Vương, mà ông cũng bất bình về sự Tân-Chánh Vương lật-đật phong quyền tước cho bọn Lý-Tài, không quan-sát tình hình cho châu-đáo. Có lẽ Tân-Chánh Vương thấy Lý-Tài có mấy ngàn binh nên mau mau níu nó mà nương dựa. Đương chơi-vơi giữa dòng, gặp thứ gì cũng quơ níu, không cần chọn lựa. Lại chuyện truyền ngôi phong tướng chắc đã sắp đặt trước rồi mới vào đây. Tôi thấy đại họa sắp tới trong một ngày gần đây. Nếu mình qui-phục họ thì mình sẽ chết chung với họ, chết mà không danh-dự chi hết. Theo tôi thì mình nên ly tán trước thì tốt hơn. - Tôi đã có nói hồi nãy, tôi không qui phục ai hết. Tôi sẽ đánh. Tôi đã sắp-đặt rồi. Sáng mai tôi tâu cho Chúa Định-Vương biết, tôi không nhìn nhận Chúa nào khác, tôi không chịu ở dưới quyền người nào khác, tôi sẽ đuổi Tân-Chánh Vương với bộ-hạ ra khỏi thành của tôi. Nếu muốn có chỗ dung thân thì đi kiếm Tây-Sơn mà đánh rồi chiếm đất đoạt thành mà ở. Tôi không bằng lòng cho ở trong thành của tôi. Nếu quyết ở đây thì phải đánh nghĩa-binh Đông- Sơn cho tiêu-tan hết rồi đoạt thành mà ở. - Tôi có dặn ông Hồ-Văn-Lân về chuyển đạt ý của chúng ta y như lời ông nói nãy giờ đó, tâu ngay cho Chúa Định-Vương biết trước, đừng giấu chi hết. Đợi coi Chúa xử trí lẽ nào rồi sẽ hay. - Chúa xuôi-xị mà xử giống gì. Theo tôi thì phải nói bọn đó đi chỗ khác. Nếu chúng chống cự thì đánh đuổi. - Tôi hiệp ý với ông về sự cương-quyết kháng cự. Đông-Sơn phải đưa tay trợn mắt là vì tới đây người ta không thèm kể tới Đông-Sơn, đoạt ngôi phong tướng tự-do coi như đất nước của họ, thành-trì của họ, chúng ta là trâu ngựa của họ nên họ muốn làm gì thì họ làm. Chúng ta phải trợn mắt đập bàn cho họ kinh tâm, hết dám khinh-thị nhơn-dân Gia-Định, nghĩa-sĩ Ba Giồng nữa vậy thôi. Tuy tôi đã có dặn ông Hồ-Văn-Lân tâu cho Chúa Định-Vương biết rằng chúng ta bất bình nên quyết chống cự, tuy ông đã có sắp-đặt hệ-thống để khai chiến, tuy sáng mai vào chầu Chúa Định-Vương, dầu có mặt Tân-Chánh Vương với bọn Lý-Tài, ông cứ kháng cự không cho nhập thành, nếu phải chiến đấu, Đông-Sơn cũng không nhượng bộ, song phải đợi coi Chúa Định-Vương với Tân-Chánh Vương xử trí cách nào rồi tôi sẽ liệu chước hòa-giải, cho khỏi chiến đấu. - Hòa giải rồi bọn mình phải làm tay sai cho chú khách Lý-Tài đó hay sao ? - Không mà. Làm tay sai sao được. Mình phải cao hơn, ít nữa cũng tương-đương với Lý-Tài chớ. Ông khỏi lo, để đó mặc tôi liệu cho. Tôi phải đòi quyền tổng Chỉ-Huy về mình, binh-đội của Lý-Tài mình được xử dụng. Nếu họ không chịu, họ định hai đạo binh riêng biệt, ai chỉ-huy binh nấy, không ai dưới quyền ai thì tôi làm bộ bất mãn, rồi giận nên bỏ hết, rút nghĩa-binh Đông-Sơn trở về Ba Giồng an-dưỡng nhuệ-khí và biệt-lập căn-cứ mà chờ vận hội xuôi thuận sẽ diệu-võ dương-oai, phất cờ hồi trống, kéo ra chiến-trường thâu-hoạch đại nghiệp. - Không đánh, lại trở về Ba Giồng, thì còn gì thinh-danh ? Người ta sẽ chê nghĩa-binh Đông Sơn khiếp nhược, ai thèm kính mến phục-tùng mình nữa ? - Ông là võ-tướng, ông chỉ tập cái “cang” mà thôi, ông không chịu học, cái “nhu”. Muốn ra mặt vĩ-nhơn phải gồm đủ “cang” với “nhu” mới gây đại nghiệp đuợc. Gặp lúc cứng thì phải cứng khừ[3], gặp hồi phải mềm thì mềm-mỏng. Đó là đạo của người quân-tử. Ông đừng tưởng tôi sợ thua nên không dám chiến với lính của Lý-Tài. Mình hai ngàn, chúng nó ba ngàn, nhưng mình có tinh-thần mạnh, mình có thể nào thua được mà tôi sợ. Nhưng tôi không muốn chiến với Lý Tài, lại tính rút nghĩa-binh của mình về Ba Giồng, ấy là vì tôi nhận thấy chìến-đấu, dầu mình thắng mình cũng phạm đại-nghĩa, hạng sĩ-phu có kiến-thức họ sẽ chê cười mình rồi thinh danh nghĩa-binh của mình sẽ bị lem-ố. Còn rút binh về Ba Giồng, mình có lợi nhiều, ấy là tránh khỏi chết chung với hạng người bất tài, vô trí, mù quáng, nhu-nhược, đúc tinh-thần đặng chờ cơ-hội mà cử đồ đại-sự. - Tại sao đánh mà phạm đại-nghĩa ? - Đông-Cung Dương là cháu kêu Chúa Định-Vương bằng chú, nghĩa là cũng thuộc dòng tôn thất. Định-Vương đã lập ông Hoàng Dương làm Đông-Cung thì bây giờ cũng có quyền nhường ngôi Chúa cho Đông-Cung. Còn ông Hoàng Dương đã làm Đông-Cung, bây giờ được Chúa truyền ngôi, thì ngài tức-vị xưng là Tân-Chánh Vương. Truyền ngôi với nối ngôi đều hợp-pháp, chớ có phải soán-đoạt hay sao mà mình bất-bình, không chịu tùng-phục Tân-Chánh Vương. Còn Tân-Chánh Vương đã nắm quyền làm Chúa, thì tự-nhiên ngài đủ điều kiện mà tuyển tướng phong quan đặng lập Triều-đình. Ngài cử Lý-Tài làm Soái và phong chức cho các bộ-tướng của Lý-Tài, việc ngài làm thì hợp-pháp, có chỗ nào sái đâu mà mình trách được. Nếu mình chống với Tân-Chánh Vương mà khai chiến với bọn Lý-Tài, thì mình mang tiếng phản bội với Chúa và phiến-loạn trong nước. Té ra Đông-Sơn của mình đây cũng như Tây-Sơn ngoài kia, hai nhóm đều là cường-khấu như nhau. Dầu mình chiến với Lý-Tài mà thắng thì danh nghĩa cũng yếu mất, mình cũng là hạng người tranh quyền cướp lợi, làm sao được thiên hạ mến yêu kính-phục nữa. Mục-đích của nghĩa-binh Đông-Sơn là “cứu dân giúp nước”. Nhờ cái mục-đích cao quí đó, nên thiên-hạ mới phục-tùng. Nếu mình bỏ chánh-nghĩa, thì nhơn-lâm ly-tán, nghĩa-binh sẽ rời-rã. Thà là mình bước về Ba Giồng mà tu-dưỡng tinh-thần với nhuệ-khí để cho binh Tây Sơn vào, Lý-Tài nó chiến với Tây-Sơn thử coi. Ở ngoài kia không chống nổi mới chạy vào đây. Bây giờ có tài phép nào mà thắng được. Tôi đoán chắc trong một ngày gần đây Tây-Sơn sẽ quét sạch đạo binh của Lý-Tài, dầu có chúng ta ở đó, chúng ta cũng không thể cứu nổi. Vậy chúng ta nên lui bước mà gây thêm lực-lượng cho đầy đủ, kiến-trúc căn-cứ cho vững chắc rồi ngồi xem thời-cuộc. Lưỡng hổ tranh-đấu tắc hữu nhứt thương. Hai bên đánh nhau phải có một bên thắng một bên bại. Phần thắng chắc về Tây-Sơn rồi. Hễ thắng thì chúng nó ơ-hờ. Mình thừa thế đánh một trận thì thành-công mỹ-mãn. Mình làm chủ tình-hình vì hai bên đều yếu hết. - Ví như Lý-Tài thắng rồi liệu làm sao ? - Cái đó không chắc. Nhưng gặp trường-hợp như vậy thì mình chờ xem, chờ như Lý-Tài hại dân hay hiếp Chúa thì mình cậy cớ đó mà phất cờ nghĩa-binh diệt-trừ tàn bạo, muôn dân đều theo, dầu một trăm thằng Lý-Tài cũng không cự với mình nổi. Mình xuất binh hữu danh, chánh-nghĩa, khỏi mang tiếng phản-bội hay phiến-loạn. - Được… May có ông cắt nghĩa, tôi mới thấy chỗ quấy phải, dại khôn. Nếu không có ông tôi nóng, tôi làm liều thì phải mang tiếng mà còn hư việc nữa. - Nếu bây giờ mình đánh với Lý-Tài, dầu mình thắng nó đi nữa, chừng Tây-Sơn vào mình chắc thắng luôn Tây-Sơn hay không ? Không chắc. Như mình thua, thành mất, binh tan, thì dễ gì mà gây lực-lượng lại được. - Mưu của ông thiệt cao. Tôi sẽ làm theo. - Mai ông khởi đầu chống-cự đi, rồi tôi liệu mà hòa giải. Bàn luận rồi hai người mới phân tay đi nghỉ. Bữa sau, vừa tảng sáng, mấy tướng thủ đồn ngoài vào trình diện với Bộ Chỉ-Huy và cho hay lính các đồn đã rút về đủ hết. Thanh-Nhân với Minh-Giám căn dặn chư tướng phải cẩn-mật đề-phòng, hễ thấy binh dưới thuyền toan đổ-bộ công thành thì đâu đó phải sẵn-sàng đối-phó, đối-phó chớp-nháng và mạnh-mẽ. Mặt trời mọc một lát thì Hồ-Văn-Lân cho hay chúa Thái-Thượng Hoàng đòi Thanh-Nhân với Minh-Giám đến Hoàng-Cung nghị-sự. Minh-Giám hỏi có tâu trước cho Chúa biết ý định của tướng-sĩ Đông-Sơn rồi hay chưa. Hồ-Văn-Lân nói hồi hôm về đã có tâu rành-rẽ rồi, lúc tâu có Tân-Chánh Vương ngồi đó. Hai chúa hay nghĩa-binh Đông-Sơn bất bình về sự truyền ngôi phong tướng thì lộ sắc lo-ngại. Hai Chúa bối rối muốn tìm chước để vỗ-về mọi người, làm cho trong ấm ngoài êm, trên dưới một lòng một trí mà chung lo việc lớn. Không hiểu hai Chúa định chước thế nào mà sáng nay đã triệu hai ông lãnh-đạo nghĩa-binh Đông-Sơn. Thanh-Nhân với Minh-Giám sửa áo bịt khăn đi theo Hồ-Văn-Lân. Có mấy tướng Đông-Sơn đứng ngoài sân lóng-nhóng dòm chừng chờ hiệu-lịnh đăng lập tức huy-động. Thanh-Nhân với Minh-Giám mạnh mẽ bước vào Hoàng-Cung bái-yết hai Chúa. Thái-Thượng Hoàng nói với Tân-Chánh Vương: “Hai ông đây là Tổng Chỉ-Huy và Tham-Mưu Trưởng cầm đầu đạo nghĩa-binh Đông-Sơn. Đạo binh nầy có công lớn với Trièu-đình vì đã phá tan đạo binh của Nguyễn-Lữ, đốt hết chiến thuyền của giặc, khắc phục được thành-trì rồi nghinh-giá trở về thành mà phò tá”. Thái-Thượng Hoàng day qua nói với hai lãnh-tụ Đông-Sơn: “Ta công nhận hai người có công lớn với Triều-đình. Hôm nọ ta có hứa chừng sơn-hà bình-định rồi ta sẽ phong tước gia quyền cho xứng đáng. Hôm nay Tân-Chánh Vương là cháu ta, đem binh vào đây thành lập căn-cứ rồi tấn-công Tây Sơn. Ta nhường ngôi Chúa cho Tân-Chánh Vương để rộng quyền tổ-chức binh-bị. Sao ta nghe nghĩa-binh Đông-Sơn lại tỏ ý bất bình, không chịu phục-tùng Tân-Chánh Vương, cũng không chịu cho binh triều nhập thành, có phải vậy hay không ? Thanh-Nhân đáp: “Tâu Hoàng-Thượng, thiệt quả có như vậy. Anh em nghĩa-binh Đông-Sơn đánh đuổi Tây-Sơn mà đoạt lại thành nầy nên họ mới nói thành nầy là thành riêng của họ, phải để riêng cho họ gìn-giữ, không được cho kẻ khác chen vào. Còn nghĩa-binh Đông-Sơn nghinh giá Hoàng-Thượng về thành mà phò-tá thì chỉ biết một mình Hoàng-Thượng mà thôi, chớ không cần biết ai nữa. Anh em đều cương quyết chống giữ thành-trì. Binh dưới thuyền nếu muốn đoạt thành thì phải đánh bại nghĩa-binh Đông-Sơn rồi mới chiếm thành được”. Thái-Thượng Hoàng nói: “Nếu đánh nhau thì thành nồi da xáo thịt, gà một chuồng lại đá nhau, không đoàn-kết mà còn thù-hềm, thì làm sao chống với giặc Tây-Sơn cho nổi”. Thanh-Nhân đáp: “Tâu Hoàng-Thượng, đất Gia-Định rộng lớn gồm nhiều trấn khác chớ không phải có một trấn nầy. Nếu binh của Tân-Chánh Vương thành-thiệt muốn có một căn cứ đặng đánh với Tây-Sơn thì lên thủ Trấn-Biên mà ngăn đường bộ hoặc ra thủ Thất Kỳ Giang mà ngăn đường biển, hễ Tây-Sơn vào thì chận đánh liền. Ở Phan-Trấn đã có nghĩa-binh Đông-Sơn giữ rồi, cầm gì mà phải tranh dành ở đây nữa”. Tân-Chánh Vương nói: “Sái-gòn là thủ-đô đất Gia-Định. Chúa vào thì phải ở đây chớ đi đóng binh trấn khác sao được”. Thanh-Nhân cương-quyết nói: “Ở đây thì phải xung-đột. Nghĩa-binh Đông-Sơn nhứt định không chịu chung chạ với đạo binh nào khác, mà cũng không chịu tùng quyền người không phải là tướng lãnh của họ, nhứt là người ấy không thuộc một chưởng-tộc với họ”. Tân-Chánh Vương cười mà hỏi: “Họ không bằng lòng cho Lý-Tài làm Đại Nguyên-Soái phải hôn ? Họ quấy lắm. Lý-Tài là một cựu đại-tướng của Trung-Quốc, lão-luyện về cách điều binh khiển tướng, võ-nghệ cao, kinh-nghiệm nhiều. Người đó đáng làm Nguyên-Soái, vì vậy nên ta mới chọn mà giao binh-quyền. Nếu họ không biết nên không chịu tùng-phục Lý-Tài thì họ chọn người của họ mà cử làm Nguyên-Soái chỉ-huy họ, có khó gì đâu. Hai đạo binh có hai Nguyên-Soái riêng, bên nào điều khiển binh bên nấy cũng dược”. Minh-Giám thấy Thái-Thượng Hoàng lo ngại, sợ hai đạo binh xung đột rồi lại thấy Tân-Chánh Vương hòa-nhã, muốn nhượng-bộ cho êm, đã chịu cho Đông-Sơn cử một Nguyên-Soái riêng, không tùng quyền với Lý-Tài, như vậy thì thinh-danh của nghĩa-binh Đông-Sơn vẹn toàn, hào khí của đất nước Gia-Định rực-rỡ. Được hãnh diện với bọn Lý-Tài rồi, ông nghĩ không nên khiêu-khích quá mà làm mất ý bề trên, ông mới tính dung-hòa để vừa lòng Chúa, mà cũng để bước tránh tai-họa, ông mới chen vô tâu với Tân-Chánh Vương: “Nghĩa-binh Đông-Sơn của chúng tôi lập ra với mục-đích cứu dân giúp nước. Chúng tôi hăng-hái làm nghĩa-vụ để đạt cho được mục-đích đó không màng lợi-lộc, không ham tước-quyền. Nay Hoàng-Thượng tỏ ý muốn cho nghĩa-binh Đông-Sơn cử một vị Nguyên-Soái để điều-khiển cũng như đạo binh của Hoàng Thượng. Đã mang cái danh nghĩa-binh, tướng-sĩ lớn nhỏ yêu nhau, kính nhau cũng như anh em một nhà, hễ hữu sự thì bàn tính với nhau, không cần Nguyên-Soái. Không có Nguyên-Soái mà chúng tôi cũng đã chiến-thắng được, không đợi phải mang chức tước rổn-rảng mới thắng trận. Hồi nãy Hoàng-Thượng nói: Phan-Trấn là thủ-đô của dất Gia-Định. Làm Chúa phải ngự thủ-đô. Binh tướng Triều-đình phải luôn luôn một bên Chúa. Hoàng-Thượng phán như vậy là hợp lý. Không dám trái ý Hoàng-Thượng, nếu phản-kháng té ra phản Chúa, vì vậy chỉ vì cớ đó mà thôi, chúng tôi phải ép bụng, dâng thành Sài-gòn của chúng tôi để Hoàng-Thượng làm căn-cứ, chúng tôi sẽ rút về đất Ba Giồng rồì tản-mác lo làm ruộng, câu cá mà nuôi sống…” Thái-Thượng Hoàng nghe nói như vậy bèn chận hỏi: - Giải-tán nghĩa-binh Đông-Sơn, rồi chừng có giặc mới làm sao ? - Tâu Hoàng-Thượng, có khó gì đâu. Tướng-sĩ đã luyện-tập rồi, hễ hữu-sự thì tướng-sĩ ôm nhung y, cầm binh-khí ra đi liền, có sao đâu mà sợ. - Thành nầy rộng lớn. Vậy hai đạo binh ở hết trong thành được, cần gì phải dời một đạo về Ba Giồng. - Tôi thấy ở chung không tiện. Hai đạo binh đối diện với nhau, tướng bất đồng chưởng, binh bất đồng tâm. Hai đạo binh như vậy ở chung một chỗ tự-nhiên phải xung-đột, dầu làm thế nào cũng không tránh khỏi. Mình với mình xung-đột thì lợi cho bên địch, còn hại cho bên mình. Vậy nên chúng tôi vì nước nhà nhà tránh sự xung-đột đó, chớ không có ý chi khác”. Tân-Chánh Vương không thấy nổi mưu-mô sâu-sắc của Minh-Giám, nghe xin rút nghĩa-binh Đông-Sơn về Ba Giồng thì mừng nên nói: “Ông tính như vậy thì vẹn-toàn. Nghĩa-binh hễ cần dùng thì tựu họp, hết cần dùng thì giải tán. Duy có binh chánh-qui mới ở thường-xuyên”. Minh-Giám chúm-chím cười mà đáp: “Vậy chúng tôi nghiêng mình từ-biệt hai Chúa đặng ra sắp đặt rút binh đi cho sớm”. Minh-Giám với Thanh-Nhân bái hai Chúa mà lui ra. Lê-Đại-Chí đứng chực ngoài cửa thấy Minh-Giám đi ra thì theo mà ra sân rồi níu ông đứng lại mà nòi nhỏ: “Ông ác quá ! Ông kiếm bề thoát thân, còn ông bỏ bọn tôi cho chúng làm thịt hay sao ?” Mình-Giám châu mày dụ dự một chút rồi đáp: - Vì sợ ở đây rồi mang tiếng loạn-thần tặc-tử, nên chúng tôi phải dời nghĩa-binh Đông-Sơn đi chỗ khác, chớ có mưu-kế gì đâu. Từ nay hai chúa với đình-thần có sẵn binh triều hộ-vệ, dưới quyền thống-lãnh của Đại Nguyên-Soái là một cựu đại-tướng của Trung-Hoa lão-luyện binh pháp thì mấy ông còn lo sợ nỗi gì ? - Lão-luyện binh-pháp sao lại bỏ chiến-địa mà vào đây ? - Việc đó ông bạn hỏi Chúa Tân-Chánh Vương, chớ tôi có biết đâu mà hỏi tôi. Chúng tôi phải sắp đặt đặng cho nghĩa-binh đi gấp. Vậy nhơn dịp gặp nhau đây, chúng tôi có lời cáo-biệt ông. Xin ông nói giùm lại với ông Hồ-Văn-Lân, chúng tôi cũng có gởi lời chào ông. Có lẽ chúng ta cũng còn dịp khác gặp nhau nữa.