🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đêm Giới Nghiêm
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
epub©vctvegroup 08-11-2017
https://thuviensach.vn
Để tưởng nhớ những chàng trai đã ra đi không trở về Dâng tặng Ngoại và cha mẹ của tôi, Hameeda Paveen và G.A.Peer -----★-----
https://thuviensach.vn
“Con người bị mắc kẹt trong lịch sử và lịch sử bị mắc kẹt trong con người.”
• Những ghi chép của người con trai bản xứ, - James Baldwin
“Cái thành phố, nơi không tin tức nào có thể đến được, lúc này hiện ra mồn một trong đêm giới nghiêm của nó đến nỗi thứ tồi tệ nhất cũng trở nên xác thực: Từ cầu Zero, một cái bóng bị rượt đuổi bởi ánh đèn pha đang bỏ chạy để đi tìm thân xác của nó.” • Đất nước không có
bưu điện, - Agha Shahid Ali
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
Phần Một Ký Ức
https://thuviensach.vn
1
Mong manh xứ sở thần tiên
○ ○ ○
Tôi sinh ra vào mùa đông ở Kashmir. Làng tôi nằm trên rìa một rặng núi ở vùng phía nam của Anantnag. Bao quanh những ngôi nhà được đắp bằng bùn và gạch là những cánh đồng lúa xanh mướt vào đầu hè và vàng ươm khi thu đến. Vào mùa đông, tuyết trượt chầm chậm từ trên mái nhà của chúng tôi rồi đổ uỵch xuống mặt cỏ. Tôi và đứa em trai cùng đắp những thằng người tuyết với đôi mắt làm bằng những mẩu than vụn. Và khi mẹ bận rộn với việc nội trợ và Ngoại đi ra ngoài, chúng tôi phóng lên mái nhà, bẻ mấy cục nước đá trên đó, trộn chúng với hỗn hợp sữa và đường ăn cắp ở nhà bếp rồi cùng ăn món kem tự chế của mình. Bọn tôi thường đi trượt tuyết trên sườn đồi, nhìn xuống làng mình hoặc chơi cricket trên một cái hồ đóng băng. Chúng tôi cũng liều, vì chơi như thế có thể bị Ngoại, cũng là hiệu trưởng của trường tôi, mắng mỏ hoặc đánh đòn. Nếu bắt gặp chúng tôi chơi cricket vào mùa đông, ông sẽ bộc lộ chủ trương chú trọng sách vở hơn là cricket bằng tiếng quát tháo khiếp đảm: “Cái lũ ăn hại!” Nghe tiếng quát quen thuộc của ông, mấy đứa chơi cricket tản ra và lẩn đi mất. Không chỉ lũ cháu ngoại mà tất cả trẻ con trong làng đều sợ ông thầy hiệu trưởng như lính sợ quân luật.
Những chiều mùa đông, Ngoại và mấy người hàng xóm ngồi trước những cửa tiệm và sưởi ấm bằng kangris, một loại bình giữ lửa tiện dụng, rồi tán gẫu, hoặc nói chuyện tuyết rơi sẽ ảnh hưởng thế nào đến vụ mù tạt vào mùa xuân. Sau khi thầy tu báo giờ triệu tập cuộc lễ chiều, họ rời các cửa tiệm để về nhà, cho đàn gia súc ăn, cầu nguyện ở đền thờ trong làng, rồi quay lại mấy cửa tiệm đó để trò chuyện tiếp.
https://thuviensach.vn
Mùa xuân là mùa của những đồng cỏ và sườn núi xanh mơn mởn, của tuyết hồng và những thảm hoa mù tạt vàng trải rộng trên những cánh đồng bao quanh làng chúng tôi. Trên đài phát thanh Kashmir, người ta phát những bài hát bằng tiếng Kashmir ca ngợi những đóa hoa trên đồng cỏ và các chú sơn ca đậu trên cành liễu. Bài hát yêu thích nhất của tôi kết thúc bằng điệp khúc: “Và bầy sơn ca hát với những đóa hoa rằng: đất đai của chúng ta là một khu vườn!” Khi chúng tôi phải thu hoạch vụ mùa, hàng xóm và bạn bè sẽ cử người đến giúp và đến lượt họ, chúng tôi sẽ giúp lại. Bạn không bao giờ cần một lời đề nghị trịnh trọng trước đó nhiều tuần lễ. Lúc nào cũng sẽ có người đến giúp bạn.
Trong vụ mùa, giáo sĩ Akhoon, người không chịu tin là Neil Armstrong đã đặt chân lên mặt trăng, than phiền về lượng người đi lễ thưa thớt ở đền thờ của làng. Tôi phải cố nén cười khi dân làng vì nôn nóng quay về với việc trồng trọt, đã giả vờ ho trong lúc cầu nguyện để cho ông ấy kết thúc nhanh hơn. Ông thỏa hiệp bằng cách đọc những đoạn kinh Koran ngắn hơn. Sau đó trong ngày, ông sẽ trở lại đồng ruộng để thu tiền cúng của mùa, cũng là tiền công của ông cho việc dẫn dắt các cuộc cầu nguyện trong đền thờ.
Vào mùa hè, sau khi thu hoạch mù tạt chúng tôi gieo mạ. Những ngày trong tuần, trước khi đến trường tôi và đứa em mang mấy ấm samovar đựng trà kahwa[1], thoang thoảng mùi nghệ tây, quả hạnh và quế cho những người làm công ở cánh đồng nhà mình. Cuối tuần, tôi phụ khiêng các bao đựng hạt giống đến vườn ươm. Mẹ, các dì và những người phụ nữ khác, từng hàng, khom lưng trên những cánh đồng tốt tươi, gieo trồng và ca hát.
Ngoại canh chừng gã nông dân thuê đất cạnh đồng nhà tôi. Mỗi khi thấy gã đi về hướng đồng nhà mình, Ngoại lại quay sang bảo tôi: “Này, con thấy ai không?” “Con thấy con Vện[2] ạ.” Tôi đáp. Và chúng tôi cười phá lên. Vóc người thấp, dẻo dai với khuôn mặt nhăn nhúm, gã Vện chuyên đầu têu những chuyện dẫn đến cãi vã, như tháo nước sang đồng của hắn hay dùng xẻng cào đất ruộng nhà chúng tôi để làm mảnh ruộng thuê của hắn rộng thêm vài phân.
Gã Vện, Ngoại và tất cả dân làng đều lo lắng về tiết mây và những trận mưa. Mưa không đúng lúc có thể làm hỏng mùa màng. Người ta nói, nếu có
https://thuviensach.vn
mây ở đường chân trời phía bắc thì sẽ có mưa. Và vào khoảng xế chiều, nếu thấy những vệt đỏ trên bầu trời, họ sẽ nói, “Chắc có một vụ giết người ở đâu đó. Nếu ai đó bị giết, bầu trời sẽ chuyển sang sắc đỏ.”
Đến mùa thu, chỉ trong vài tuần trà kahwa là lúa đã được đập xong. Thóc được chứa trong những vựa gỗ và mấy đụn rơm cứ cao dần lên như những trái núi nhỏ, xung quanh là mấy đứa trẻ con chơi trò trốn tìm. Táo trong vườn sẽ được hái, phân loại và đóng vào những chiếc thùng mỏng bằng ván liễu rồi bán cho lái thương. Bởi lũ trẻ trong làng hay ăn trộm táo, tôi và đứa em trai phải thay phiên nhau canh chừng sau khi đi học về. Rất ít đứa dám trộm trong vườn chúng tôi, bởi bọn nó sợ Ngoại. “Nếu hôm nay chúng ăn trộm táo thì ngày mai chúng sẽ ăn cướp ngân hàng. Mấy thằng bé này lớn lên sẽ giống như thằng Janak Singh,” Ngoại nói vậy. Nhiều năm trước, gã Janak Singh ở làng bên đã giết một người bảo vệ trong lúc cướp ngân hàng. Gã bị bắt và lãnh án mười bốn năm tù. Trước và sau vụ đó không có ai trong vùng chúng tôi giết người cả.
Trên đường từ nhà đến trường trong những buổi trưa, giữa những năm tám mươi, tôi thường nhìn chằm chằm vào ngôi nhà mái lợp rạ của gã Janak Singh qua cửa sổ xe buýt như thể nếu nhìn nó thêm lần nữa thì có thể khám phá thêm vài điều bí mật. Nhà tôi, một hình hộp chữ nhật ba tầng xây bằng gạch đỏ và gỗ đánh véc-ni, mái lợp tôn, chỉ cách đường cái chừng một dặm. Tôi sẽ đứng trên bậc cửa và nhìn xe buýt chở khách du lịch chạy ngang qua. Đám xe buýt sặc sỡ chở khách tham quan từ những thành phố xa xôi như Bombay, Calcutta và Delhi và cả rất nhiều angrez – từ dùng để chỉ người Anh và từ duy nhất chúng tôi dùng để chỉ người phương Tây. Các angrez rất thú vị. Một số để tóc rất dài và một số cạo trọc. Họ chạy những chiếc mô tô to đùng và có khi còn cởi trần nữa. Chúng tôi vẫy tay với họ và họ vẫy tay lại. Tôi đã hỏi một người hàng xóm làm trong khách sạn, “Sao người angrez đi du lịch còn chúng ta thì không?” “Bởi vì họ là angrez còn chúng ta thì không,” ông nói. Nhưng tôi cũng đoán ra được lý do. Họ phải đi du lịch để được nhìn thấy Kashmir chứ.
Cha mua cho tôi một cuốn từ điển truyện tranh của Mỹ, loại sách dạy từ vựng qua những truyện Siêu nhân, Người dơi và Robin và Tia chớp. Tôi
https://thuviensach.vn
thường đọc nó dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu và nghĩ, nếu Tia Chớp sống ở Kashmir, chúng tôi có thể nhờ anh ta sửa nguồn điện chập chờn của nhà mình. Tôi thích đọc truyện tranh hơn mớ sách Ngoại muốn tôi đọc cho tinh thông. Người ta đã thêm thắt những câu chuyện mới vào tuyển tập các huyền thoại của xứ Ba Tư và Kashmir mà tôi đã được nghe kể bởi bà ngoại và ông giúp việc Akram của chúng tôi – những huyền thoại đại loại như chuyện cổ tích về tình yêu của chàng Farhad dành cho nàng Shirin. Ông Akram luôn bắt đầu câu chuyện bằng cách kể, “Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa ở Iran, có một hoàng hậu xinh đẹp tuyệt trần tên là Shirin...” Chàng điêu khắc trẻ Farhad đã phải lòng Shirin và cứ quanh quẩn gần bên, tìm kiếm một ánh mắt của nàng. Thời gian trôi qua, Shirin bắt đầu thấy thích chàng. Chồng nàng là vua Khusro nổi cơn thịnh nộ và các quan tham mưu của vua dâng lên một kế sách nhằm trừ khử chàng: nàng Shirin sẽ thuộc về chàng nếu chàng có thể đào một con kênh từ ngọn núi Behistun xa xôi đến cung điện. Shirin nói với Farhad về nhiệm vụ bất khả thi này và chàng tình nhân nghệ-sĩ đến ngọn núi với cái mai đào đất của mình. Farhad đã quần quật làm việc một mình nhiều năm trời, đẽo núi đá, gào tên người mình yêu và tạc khuôn mặt nàng Shirin vào vách đá dọc theo con kênh.
Khi con kênh sắp sửa hoàn thành, vua Khusro rất lo lắng khi nghĩ đến việc phải giữ lời hứa và để vợ mình lấy một người đàn ông khác, một phó thường dân. Những quan tham mưu của vua đã hiến kế: họ đưa một mụ già tới ngọn núi để báo với Farhad rằng nàng Shirin đã chết.
Điều này sẽ bẻ gãy quyết tâm của Farhad và làm chàng bỏ dở việc đào kênh. Farhad đang quần quật làm việc thì một mụ già đến, khóc lóc, nghẹn ngào không nói nên lời. “Sao bà lại khóc?” chàng hỏi. “Ta khóc thương một sắc đẹp đã chết,” mụ nói. “Và ta khóc thương con, chàng trai dũng cảm ạ!” “Khóc thương con ư?” Farhad ngạc nhiên hỏi. “Con đã xẻ núi, chàng trai dũng cảm! Nhưng người con yêu, nàng Shirin xinh đẹp đã chết rồi!” Farhad đã tự đánh gục mình bằng chiếc mai và ngã xuống, tiếng gào cuối cùng của chàng vang rền qua những ngọn núi: Shirin nàng ơi!
Gia đình tôi ăn tối cùng nhau trong gian bếp đồng thời là phòng khách, cùng ngồi quanh một tấm thảm dài màu vàng trải trên sàn, dọc đường biên
https://thuviensach.vn
của nó là những dòng thơ tiếng Farsi[3] và Urdu[4] được viết bằng mực đen ca ngợi vẻ đẹp của lòng hiếu khách. Bữa tối thường bắt đầu với cảnh ông ngoại dựa lưng vào chiếc đệm ở giữa phòng và quay sang mẹ tôi: “Hama à, có vẻ như hôm nay mẹ con sẽ bỏ đói chúng ta đấy.” Bà ngoại sẽ ngừng bập bập cái ống tẩu[5] và nói, “Tôi đang nghĩ đến những lời cầu nguyện buổi tối. Nhưng thôi, để tôi cho ông ăn trước đã.” Rồi bà sẽ thong thả đến bên chiếc ghế gỗ của bà ở gần lò sưởi, bên trên là chén đĩa bằng đồng tráng thiếc đặt trên nhiều kệ khác nhau. Mẹ sẽ bỏ bộ kim đan hay mớ bài vở học trò của mẹ xuống và nhanh chóng đến sắp xếp chén đĩa gần chỗ “ngai vàng” của bà. Tôi sẽ cho nước vào vại và lấy riêng một chậu để rửa tay. “Gọi đám con gái đi,” mẹ sẽ nói thế và tôi sẽ chạy lên lầu gọi các dì xuống ăn tối.
Hai người dì trẻ – Tasleema và Rubeena – sống cùng chúng tôi, những dì khác đã có chồng nhưng thường xuyên ghé thăm cùng chồng và con họ. Dì Tasleema như con mọt sách, lúc nào cũng cắm đầu vào những cuốn sách hóa học và động vật học dày cộp hoặc chuẩn bị mấy bài thuyết trình cho nhóm tranh luận ở trường đại học và còn tập các điệu bộ bằng tay trước gương. Dì Rubeena không quan tâm lắm đến sách vở nhưng đặc biệt thích những cuốn tạp chí phụ nữ, truyện trinh thám và những bài hát Bollywood luôn được mở nho nhỏ trong chiếc máy thu thanh được đặt có tính toán bên cạnh dì để được tắt thật nhanh nếu dì nghe có tiếng ai đó đi lên lầu.
Chúng tôi sẽ ngồi thành vòng tròn xung quanh ông ngoại và cùng ăn. Hầu hết những lần chúng tôi nấu thịt, ông cắt một phần của mình rồi để vào dĩa của tôi và kêu dì Tasleema mang một ly sữa cho ông Akram, người hẳn mệt mỏi sau một ngày dài làm việc trong vườn hay ngoài đồng.
Vào buổi sáng, chúng tôi sẽ tụ tập quanh chiếc ấm samovar đựng hồng trà mằn mặn và sau đó ông ngoại và mẹ sẽ đi dạy, còn các dì, em trai tôi và tôi đi học. Trường tôi là một tòa nhà gỗ xập xệ trong thị trấn nhỏ cạnh Mattan, được đặt là Lyceum. Ngày thứ bảy đồng nghĩa với các bài vấn đáp, các cuộc thảo luận và thi viết luận. Một lần tôi giành được giải nhất – phần thưởng là ba cây bút chì than và hai cuốn tập được gói trong giấy hồng – cho bài viết về những mối nguy của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hiroshima và Nagasaki rồi mấy trái bom có tên kỳ lạ – Thằng Bé[6] và Ông Mập[7] –
https://thuviensach.vn
chỉ là những cái tên được học thuộc lòng cho một kỳ kiểm tra. Tôi quan tâm hơn đến việc tập chạy xe đạp, chơi cricket cho đội của trường và chộp lấy phần bánh fireen (một loại bánh pút-đinh ngọt làm bằng hạnh nhân, nho khô, sữa và bột hòn, trên mặt là những hạt anh túc, được dùng vào lúc nghỉ ngơi trong những buổi cầu nguyện thâu đêm ở đền thờ trước lễ Eid) hoặc cố kéo dài thời gian ăn uống trước bình minh trong kỳ lễ Ramadan[8].
Chúng tôi thức dậy trước bình minh rất lâu trong thời gian diễn ra lễ Ramadan. Bà ngoại và mẹ hâm nóng thức ăn và món trà mặn truyền thống. Ông ngoại đọc kinh Koran, còn Wajahat em trai tôi và tôi ngáp vắn ngáp dài cho đến lúc ăn. Chúng tôi ăn nhanh để khỏi phải ngưng bữa khi nghe gọi cầu kinh. Chúng tôi thường cắn thêm vài miếng sau khi nghe azaan, tiếng nhắc nhở cầu nguyện, rồi ngó ra cửa sổ bếp và quay lại nói, “Ta không thể thấy được lông cánh tay nếu không có ánh sáng nhân tạo.” Câu thành ngữ này có từ xa xưa khi chưa có đồng hồ. Người ta xác định rạng đông bằng cách nhìn vào cánh tay mình. Nếu họ có thể thấy được lông cánh tay, thì họ biết đó là thời điểm rạng đông và ngừng ăn. Dù đã có những chiếc đồng hồ điện tử của Nhật, truyền thống này vẫn có ích khi bạn đang cố nuốt thêm một ít trà và ăn thêm một miếng gì đó. Ông ngoại, một người ăn rất ít, sẽ nhắc nhở chúng tôi mục đích của việc nhịn ăn: “Để hiểu thế nào là đói và học cách cư xử tử tế với người nghèo.”
Đến cuối kỳ lễ Ramanda, việc nói về ý nghĩa của sự nhịn ăn thưa dần, tôi và em trai càng thêm háo hức về lễ Eid. Vào tối ngày hai mươi chín, mọi người tràn trề hy vọng tìm kiếm trên bầu trời một mảnh trăng non bàng bạc báo hiệu thời gian nhịn ăn đã qua. Nhưng vầng mặt trời màu cam dường như còn do dự sau những đỉnh núi nhấp nhô, như thể nó đang bị cầm tù trong đêm. Tất cả trẻ con trong làng sẽ đứng trong sân nhà chúng tôi nhìn chăm chú về phía đường chân trời khi nó chuyển dần từ sắc đỏ sang cam rồi sang xanh thẫm. Chúng tôi nhìn và hét toáng lên với nhau, “Mày thấy nó chưa?” “Chưa.” Ngay sau đó chúng tôi sẽ chạy lên cầu thang nhà mình, tiếp tục cuộc tìm kiếm qua những ô cửa sổ. Tiếng hò hét của bọn tôi ngày càng lớn khi bọn tôi chạy từ tầng một lên tầng hai rồi đến tầng ba. Nếu vầng trăng lưỡi liềm vẫn còn lẩn khuất, tôi và thằng em sẽ vọt xuống nhà bếp, nơi ông
https://thuviensach.vn
ngoại đang dò hết đài này đài khác, hy vọng nghe được một tin về việc mảnh trăng lưỡi liềm xuất hiện.
Trong suốt lễ Eid, sáng nào mẹ cũng pha trà kahwa. Em trai và tôi đi theo cha và ông ngoại ra khoảng đất trống trên sườn núi nhìn xuống ngôi làng thấp thoáng những cây óc chó, khoảng đất đó được dùng làm Eidgah – nơi hành lễ một năm hai lần của làng dành cho những dịp cầu nguyện của lễ Eid và được đánh dấu bằng một cái bục vòng cung đặt ở góc hướng tây, nơi vị Imam[9] dẫn dắt lễ cầu nguyện và thuyết giảng. Chúng tôi gặp bà con và bạn bè trên đường đi. Ai cũng mặc đồ mới và cười hết cỡ. Chúng tôi ngồi thành những dãy dài trên những chiếc chiếu đay được mang đến từ đền thờ của mình. Những lần cầu nguyện chỉ kéo dài vài phút, nhưng theo sau là một bài thuyết giảng dài. Năm nào ông giáo sĩ cũng giảng bài đó và tôi với đám bạn đều tìm cách chuồn ra ngoài. Cha mẹ, bà con và hàng xóm cho chúng tôi tiền để mua đồ chơi và bánh quy.
Đám trai tráng trong làng sẽ mướn một xe buýt để đến rạp xinê Thiên Đường ở thị trấn Anantnag cạnh bên và xem bộ phim mới nhất của Bollywood[10]. Tôi không được phép đi theo họ, nhưng khi họ quay về, tôi mê mẩn nghe kể lại từng chi tiết của bộ phim. Tôi liên tưởng các phim của họ với những khuôn mặt trên các biển quảng cáo phim. Những tấm bạt phủ đầy các màu đỏ vàng, lục và nâu, được treo lên các cây cột điện dọc theo đường làng hay lên chiếc tonga, loại xe ngựa kéo, rồi được chở vòng chiếc loa qua quanh làng mỗi tuần một lần trong lúc người phát thanh đứng bên cạnh người đánh xe ngựa, gọi là tonga wallah, thông báo qua chiếc loa về bộ phim mới đầy kịch tính. Mỗi poster đều được chắp ghép những cảnh lâm li cao độ: một anh hùng vận áo sơ mi xanh lá và quần tây xanh dương đang giận dữ, lăm lăm trong tay khẩu súng lục, trên mặt máu chảy thành dòng; một phụ nữ vận tấm sari[11] đỏ bị trói vào cột bằng dây chão, tóc tai rũ rượi và gương mặt thì hoang mang; một tên côn đồ với bộ ria mép bóng bẩy, mặc com-lê vàng, miệng ngậm tẩu hoặc cười đểu giả.
Tôi làm bài tập vào hầu hết buổi tối. Một tối nọ tôi bị xao nhãng bởi giai điệu một bài hát Bollywood vọng sang từ nhà hàng xóm. Tôi cắm mặt vào quyển vở, nhưng tiếng nhạc làm người tôi bồn chồn, không yên. Tôi cố
https://thuviensach.vn
tập trung vào những bài toán cộng nhưng không ra được đáp án đúng. Ông ngoại bạt tai tôi và bỏ ra khỏi phòng. Đứa học trò nào cũng bị vài gậy hay bạt tay vì tội không làm bài tập đàng hoàng. Ngoại đã cố gắng không để tiếng nhạc vang lên trong nhà tôi, bất kỳ cái gì ông cho rằng không thuộc về đạo Hồi đều bị cấm. Cách diễn giải cứng nhắc của đạo Hồi cho rằng âm nhạc – ngoại trừ ở đám cưới – là phi Hồi giáo. Mohammed Iqbal[12], nhà thơ viết tiếng Urdu vĩ đại và triết gia của tổ tiên người Kashmir, học triết ở Munich, chịu ảnh hưởng của Nietzsche, tuyên truyền thứ lý tưởng về giới trẻ đạo Hồi tựa như siêu nhân, lại được chào đón. Những nữ diễn viên Bollywood nhảy múa quanh các thân cây, hát những bài ca ngợi tình yêu và khát vọng có thể đưa đến một sự tụt dốc và tệ hơn nữa: một đức tin bị mềm yếu. Có một lần tôi không đứng đầu lớp và phải trốn dưới gầm giường của cha tôi để thoát một trận đòn. “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi,” Ngoại rất thích nói như vậy. Ông bỏ hai tiếng đồng hồ mỗi tối để dạy tôi học, kiểm tra bài tập của tôi, mỉm cười khi hài lòng và la mắng khi thất vọng. Ngoại muốn tôi giống như người học trò xuất sắc nhất của ông: cha tôi.
Vào cuối những năm 1960, khi đang dạy tại một trường cấp ba ở làng bên, Ngoại để ý đến một cậu học trò lớp tám. Ahmad thông minh nhất trường và cũng nghèo nhất trường – một cậu bé mồ côi được nuôi bởi anh chị họ, cậu bé mặc toàn quần áo cũ thùng thình và mang dép dùng trong nhà tắm thay vì mang giày. Ngoại cảm thấy nếu được giáo dục tốt và được sự hỗ trợ của gia đình, Ahmad có thể tiến xa và ông thường nói với bà ngoại về cậu. “Đi nói chuyện với gia đình nó đi. Chúng ta có thể hỗ trợ nó,” bà nói với người chồng trẻ của mình. Và thế là ông trở thành thầy kèm cặp kiêm người cha không chính thức của cậu bé Ahmad.
Ahmad dạy ở một trường tư thục trong khi học đại học. Sau khi tốt nghiệp anh làm giáo viên cấp ba, giống như ngoại tôi. Rồi một số bạn bè của Ngoại gợi ý ông nên gả Ahmad cho cô con gái lớn nhất của ông là cô Hameeda, người cũng đã tốt nghiệp đại học và trở thành cô giáo. Ahmad và Hameeda quen biết nhau từ thời đi học. Họ ưng thuận lời mai mối và lấy nhau. Một năm sau, Ahmad vượt qua kỳ tuyển chọn khắc nghiệt vào ngành
https://thuviensach.vn
hành chính dân sự của Kashmir và được bổ nhiệm làm thẩm phán. Và rồi tôi, đứa con trai đầu lòng của họ, ra đời vào mùa xuân năm 1977. Công việc ở những thị trấn khác nhau trên khắp Kashmir làm ông gần như vắng nhà suốt.
Vào những năm tám mươi, hầu như tối thứ bảy nào trong thời thơ ấu của tôi cũng có một chiếc xe jeep hiệu Willys chạy về làng tôi ở phía nam Kashmir. Nó sẽ chạy theo con đường trông như một dải ruy băng màu đen ngăn cánh đồng lúa bát ngát với cánh đồng mù tạt trong một thung lũng nhỏ được trấn giữ bởi dãy Himalaya linh thiêng. Những ngôi nhà hai, ba tầng bằng gạch và bùn có mái lợp tôn và rạ hướng mặt ra đường. Hầu hết được xây bằng gạch trần và dù một số được sơn phết sáng sủa, bụi thời gian đã phủ một màu nâu sẫm lên những cánh cửa sổ và cửa đi làm bằng gỗ thô sơ. Cứ ba nhà thì có một nhà sửa gian tầng trệt thành cửa tiệm. Dân làng ngồi trên bục gỗ trước các cửa tiệm, nói chuyện chính trị và các trận cricket, vẫy tay mỗi khi có xe jeep chạy qua. Một người đàn ông không cao lắm khoảng ba mươi tuổi, hầu như lúc nào cũng mặc vét, thắt cà vạt cùng màu và mang giày hiệu Bata, sẽ giơ tay phải của ông ta lên chào. Ông có đôi mắt sâu màu nâu thẫm, chiếc mũi dọc dừa, hai má hồng đầy đặn và một cái bụng bắt đầu phệ. Chiếc Willys sẽ từ từ dừng lại ở bãi đất của làng, cách không xa lắm biển chỉ đường màu xanh dương và xanh lá cây viết tên làng chúng tôi: SEER, cây số 0.
Cha sẽ bước ra khỏi chiếc xe jeep, đi ngang qua tiệm rau và tiệm thuốc tây để đến chỗ chúng tôi. Những người ở trước các cửa tiệm sẽ nói, “Ngài Sahib đã về.” Họ đứng dậy, đồng thanh chào rồi bắt tay chào mừng ông về nhà. Người đầu tiên cha bắt tay là Ngoại, người hẳn sẽ đỏ ửng mặt vì hãnh diện. Tôi sẽ chạy về phía cha và vơ lấy chồng sách báo và hồ sơ văn phòng ông đang mang. Ông sẽ ngồi xuống góc thường lệ của mình trong phòng khách, nhìn ra đường. Tôi sẽ chạy đến tiệm bánh mì gần hiệu thuốc tây để mua bánh mì mới ra lò. Mẹ sẽ mang ra một ấm samovar đang sôi đựng noon chai, một loại hồng trà mặn của Kashmir.
Cha kể cho tôi nghe những câu chuyện trong sách báo và khuyến khích tôi đọc các tạp chí tin tức, trả lời những câu hỏi của tôi trong lúc uống vài
https://thuviensach.vn
tách trà. Trong một lần như vậy, ông nói là ông muốn tôi tham gia vào bộ máy hành chính dân sự của Ấn Độ khi tôi lớn. Đó là một kỳ sát hạch chuyên nghiệp khó hơn kỳ thi vào hệ thống hành chính của tỉnh Kashmir, nghĩa là sẽ dẫn đến một vị trí cao hơn vị trí của cha tôi hiện tại. “Cha không có được nguồn lực và thời gian như con,” mẹ nói. Cha bắt đầu chuẩn bị cho tôi, đem về cho tôi những cuốn sách dành cho trẻ con, viết về chính trị, lịch sử và văn chương Anh, như cuốn Các câu chuyện của Shakespeare của hai chị em Charles và Mary Lamb hay cuốn Một trăm cuộc đời vĩ đại. Chúng tôi sẽ cùng đọc với nhau mỗi khi cha về nhà. Một trong những vị anh hùng của ông là Abraham Lincoln và ông kể rất nhiều về việc Lincoln đã đọc sách dưới ánh nến và bằng sự chăm chỉ cùng với tính trung thực, đã trở thành tổng thống của nước Mỹ như thế nào. Trong vòng vài năm, chúng tôi đã chuyển sang đọc Othello, Hamlet và Người lái buôn thành Venice vào những ngày chủ nhật. Mặc dù cuộc sống hoàn toàn yên bình, tôi đã bắt đầu có một cảm giác mơ hồ về nền chính trị hỗn loạn ở Kashmir. Năm 1986 Ấn Độ và Pakistan thi đấu với nhau trong trận chung kết của giải cricket tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Vào ngày diễn ra trận đấu, không khí trên chuyến xe buýt tôi đi từ trường về nhà rất sôi động. Đàn ông, đàn bà, trẻ em – một số đứng ở lối đi, số khác ngồi trên ghế – tụm lại quanh mấy chiếc radio, rướn người lên lắng nghe từng lời bình luận. Đội Pakistan đang rượt đuổi tỉ số với đội Ấn Độ và số lượng banh họ được đánh đang giảm đi nhanh chóng. Tôi đứng trong cái góc đằng sau ghế tài xế và để ý bác tài đạp chân ga mạnh hơn và liên tục bỏ tay ra khỏi vôlăng để tăng núm âm lượng chiếc đài bán dẫn trên bảng điều khiển xe. Mọi người đều muốn về nhà để kịp xem phiên cuối của trận đấu. Mỗi lần Javed Miandad, cầu thủ đánh banh của đội Pakistan, bỏ lỡ một trái, cả xe buýt bùng nổ trong những câu chửi rủa. Mỗi lần anh ta đánh trúng banh và ghi điểm, chúng tôi thét lớn phấn khích.
Chiếc xe buýt dừng lại ở một cái chợ bé xíu gần nhà tôi. Những đám đông phấn khích đang tụ tập ở hiệu thuốc và tiệm thịt. Trận đấu đang đến hồi kết thúc. Ông già hàng thịt Abu đang bặm môi. Tôi vọt thật nhanh về nhà để bỏ cặp. Trong phòng khách nhà tôi, ông, các dì và mẹ ngồi quây xung quanh cái radio. Trên chiếc chiếu cầu nguyện bà ngoại ngồi hướng về
https://thuviensach.vn
Mecca[13], cầu viện một sự giúp đỡ siêu nhiên cho đội Pakistan. Tôi phóng ra ngoài và nghe bình luận viên nói, “Đội Pakistan cần ba đợt chạy trong một đường banh để thắng trận này. Chetah Sharma sẽ đánh banh cho Javed Miandad từ đầu bên kia sân.” Đám đông im bặt, căng thẳng. Tay Abu rũ xuống hai bên người. “Không có cơ may nào. Không có một cơ may nào!” Ông chộp lấy cái radio của mình rồi đập nó xuống đường. Chúng tôi nhìn những mảnh vỡ văng tung tóe, rồi tụ tập lại quanh cái radio của ông dược sĩ. Chetah Sharma, người giao banh đội Ấn Độ sắp sửa giao trái banh quyết định của trận đấu cho Miandad, cầu thủ đánh banh đội Pakistan. Bình luận viên nói với chúng tôi là Miandad đang lướt nhìn quanh sân, cân nhắc xem sẽ đánh banh đi đâu khi nó bay đến chỗ anh. Rồi anh ta cúi đầu về hướng tây, hướng Mecca, cầu nguyện. Anh ngẩng đầu lên và đối mặt Sharma, người đang chạy về phía tam trụ môn[14]. Sharma đến gần tam trụ môn và trước mặt anh là gương mặt căng thẳng của Miandad. Cả cầu trường im phăng phắc. Sharma ném trái banh. Đó là một cú ném hết tốc lực. Miandad vung gậy. Hầu như mọi người đều lùi lại một bước và chờ đợi. Im lặng. Ông Amin kéo tay áo sơ mi lên tận khuỷu, ông Abu tiếp tục cắn môi mình và tôi đấm nắm tay phải vào lòng bàn tay trái. Bình luận viên hét lên, “Sáu điểm rồi[15]! Đội Pakistan đã giành chiến thắng. Họ đã ghi được hơn mức cần thiết ba điểm.” Người ta ôm nhau, nhảy vòng quanh, gào hét trong tiếng pháo nổ giòn giã.
Kashmir là tiểu vương quốc lớn nhất trong số khoảng năm trăm tiểu vương quốc[16]thuộc chủ quyền của thực dân Anh cho đến năm 1947. Người đạo Hồi chiếm đa số nhưng Kashmir chịu sự cai trị của maharaja [17] Hari Singh theo đạo Hindu, còn nhà lãnh đạo nổi tiếng Sheikh Mohammned Abdullah lại thích Ấn Độ hơn Pakistan và thích một Kashmir độc lập đối với cả hai nước kia hơn. Khi Ấn Độ bị chia cắt bạo liệt vào năm 1947, cả Singh và Sheikh Abdullah đều do dự trước việc quyết định số phận của Kashmir. Tuy nhiên vào tháng mười năm 1947, các thành viên bộ lạc ở biên giới tây bắc Pakistan, được sự hỗ trợ của quân đội Pakistan, đã chiếm được Kashmir, buộc họ phải chọn lựa. Singh quyết định theo Ấn Độ và Sheikh Abdullah, bạn của vị thủ tướng mới của Ấn Độ Nehru, đã ủng hộ ông. Tháng giêng
https://thuviensach.vn
năm 1949, cuộc chiến tạm dừng sau khi Liên Hiệp Quốc can thiệp. Liên Hiệp Quốc ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý cho người Kashmir để họ quyết định thuộc về nước nào và lập ra một đường ranh giới ngừng bắn. Ranh giới này vẫn chia Kashmir thành hai phần đất thuộc quyền kiểm soát của Pakistan và Ấn Độ và bây giờ được biết đến với cái tên Đường Kiểm Soát[18].
Hiệp định sáp nhập mà ông hoàng Hari Singh đã ký với Ấn Độ vào tháng mười năm 1947 đem lại cho Kashmir một quyền tự trị mạnh mẽ. Ấn Độ chỉ kiểm soát việc quốc phòng, đối ngoại và hạ tầng viễn thông. Kashmir có hiến pháp và cờ riêng và người đứng đầu chính phủ địa phương được gọi là tổng thống và thủ tướng. Dần dần sự tự trị này biến mất. Năm 1953, Ấn Độ bỏ tù Sheikh Abdullah, thủ tướng của Kashmir lúc bấy giờ, sau khi ông này thi hành triệt để việc cải cách đất đai và có một bài diễn văn gợi ý đến khả năng một Kashmir độc lập. Trong suốt những thập kỷ sau đó, Ấn Độ thiết lập những nhà lãnh đạo bù nhìn để làm suy yếu tính hợp pháp của một Kashmir tự trị, làm ngơ trước quyền lợi dân chủ của người dân Kashmir. Seikh bị cầm tù trong khoảng mười bảy năm. Khi được thả, ông ký một thỏa ước với chính phủ Ấn Độ, theo đó từ bỏ yêu cầu trưng cầu dân ý mà Liên Hiệp Quốc đã đề nghị. Sheikh đã sống quãng đời còn lại của mình trong quyền lực và quãng thời gian đó (cũng là thời thơ ấu của tôi) tương đối yên bình. Năm 1987, năm năm sau cái chết của Sheikh, chính phủ Ấn Độ tổ chức những cuộc bầu cử tiểu bang gian lận, bắt bớ những ứng cử viên đối lập và khủng bố những người chống đối.
Mùa hè năm 1988, một năm sau những cuộc bầu cử lộn xộn – khi tôi mười một tuổi – cha gửi tôi vào một trường nội trú do nhà nước trợ cấp ở Aishmuqam, một thị trấn nhỏ cách làng tôi năm dặm. Tôi chơi thể thao rất tệ nên dùng những khoảng thời gian yên lành ở trong thư viện để đọc Stevenson, Dickens, Kipling và Defoe. Tôi gặp cha ngày càng ít khi ông thuyên chuyển sang Srinaga, thủ đô của Kashmir. Nhưng khi ở nhà cùng nhau, chúng tôi lại ngồi vào chỗ thường lệ của mình và cha lại dạy tôi về thơ ca. Cha sẽ đọc một vài trích đoạn trong một bài thơ rồi nói, “Nếu con giải
https://thuviensach.vn
thích được ý nghĩa thì con sẽ được hai rupee.” Đó là một số tiền khá nặng túi và tôi đã hết sức cố gắng.
Vào tháng mười hai năm 1989 tôi trở về nhà trong kỳ nghỉ đông, hy vọng được ở bên cha trong mùa đông ở Srinaga. Một tuần sau, một nhóm thanh niên Kashmir có vũ trang, cầm đầu bởi chàng trai hai mươi mốt tuổi Yasin Malik, bắt cóc con gái của vị bộ trưởng Bộ Nội vụ liên bang Ấn Độ. Malik và các đồng chí của mình đòi thả những người bạn đang bị cầm tù của họ. Sau nhiều lần thương lượng, chính phủ Ấn Độ đã bằng lòng. Dân chúng hò reo cổ vũ cho những chàng du kích trẻ.
Yasin Malik, người cầm đầu nghĩa quân của Mặt trận Giải phóng Jammu và Kashmir, là một trong những người bỏ phiếu bị bắt và tra tấn sau cuộc bầu cử lộn xộn năm 1987. Sự chống đối nền cai trị của Ấn Độ và cách họ đối đãi với người dân Kashmir bùng nổ như một ngọn núi lửa. Những du kích trẻ tuổi, dẫn đầu bởi Malik và bạn bè của anh, thách thức Ấn Độ và được xem như những người anh hùng – hầu hết họ được huấn luyện ở các trại của Pakistan trong thời kỳ đầu năm 1988 và cuối năm 1989 và cũng chính họ lại bí mật huấn luyện thêm nhiều quân ngay trong lòng Kashmir. Trong vòng hai tháng tiếp theo, chính phủ Ấn Độ đáp trả không thương xót. Hàng trăm người bị giết và bị bắt sau khi những toán lính Ấn Độ xả súng vào những người biểu tình Kashmir ủng hộ độc lập. Đó là tháng giêng năm 1990. Khi đó tôi mười ba tuổi.
Cuộc chiến tranh thời niên thiếu của tôi đã bắt đầu. Lúc này tôi không thể nhớ những sự kiện khởi đầu. Tôi không thể nhớ ai đã kể cho tôi nghe về chữ aazadi, tức tự do, ai đã kể cho tôi nghe về nghĩa quân, ai đã bảo tôi rằng chiến tranh đã bắt đầu. Tôi không thể nhớ chính xác ngày tháng, tên người, nơi chốn, những hình ảnh loan báo về cuộc chiến – một cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Dần dần tôi nhìn trở lại và cố bóc tách mình khỏi ký ức về cái giây phút đã làm thay đổi con người tôi đã và sẽ là. Đêm 20 tháng giêng năm 1990 là một đêm dài buồn thảm. Trước bữa tối, gia đình tôi tụ họp lại quanh chiếc radio như thường lệ để nghe tin tức từ đài BBC Thế giới. Hai ngày trước, Jagmohan, một quan chức người Ấn có tiếng ghét dân Hồi giáo, đã được chỉ định làm thống đốc bang Jammu và Kashmir. Ông ta đã ra lệnh
https://thuviensach.vn
nghiền nát mầm mống nổi loạn. Suốt đêm 19 tháng giêng, lính bán quân đội Ấn Độ đã đạp tung những cánh cửa ở Srinagar và lôi cổ các thanh niên ra ngoài. Đến sáng mấy trăm người đã bị bắt, lệnh giới nghiêm được thực thi. Hàng vạn dân Kashmir tuôn ra đường hô to những khẩu hiệu đòi độc lập khỏi Ấn Độ.
Một cuộc biểu tình bắt đầu ở khu vực phía nam Srinagar nơi cha mẹ tôi đang sống, đi qua Lal Chowk, trung tâm thành phố và qua Maisuma, một quận lân cận, rồi hướng về đền thờ thánh Sufi ở trước đó vài dặm. Khi những người biểu tình băng qua cây cầu gỗ Gawkadal xiêu vẹo của quận Maisuma thì lực lượng bán quân đội Ấn Độ, tức Lực lượng cảnh sát Dự bị Trung tâm, xả súng. Hơn năm mươi người đã bị giết. Đó là cuộc thảm sát đầu tiên ở thung lũng Kashmir. Khi tin tức lan truyền, tất cả chúng tôi đều nức nở. Vụ thảm sát xảy ra cách văn phòng cha tôi vài trăm mét. Mẹ tôi chắc chắn ông sẽ được an toàn. “Cha con sẽ không đi làm vào một ngày căng thẳng như thế. Ông ấy sẽ ổn thôi mà,” bà nói. “Và nó sẽ không bao giờ đến gần một đám diễu hành,” Ngoại nói thêm. Nhưng không có cách nào giúp chúng tôi nhận được một sự đảm bảo từ phía cha bằng việc được nghe giọng nói của ông trong vài phút: trong làng tôi không có một chiếc điện thoại nào. Ngoại bước ra ra sân, những người hàng xóm của chúng tôi cũng đi ra ngoài. Chúng tôi nhìn nhau. Không ai nói gì nhiều. Khuya hôm đó, nằm trên giường tôi hình dung về cuộc thảm sát ở Srinagar.
Các buổi sáng ở Srinagar rộn ràng mọi hoạt động. Tôi thức dậy sau tiếng khua khoắng của vật dụng nhà bếp, tiếng mấy con gà chạy vòng quanh sân sau khi được Ngoại thả ra khỏi chuồng, tiếng mấy người hàng xóm lùa đàn gia súc của họ ra đồng cỏ trên sườn núi, tiếng trò chuyện và bước chân rộn ràng của những người đàn bà đi trên đường từ rừng trở về làng, khiêng những bó thông và vân sam về làm gỗ, tiếng còi liên hồi của chiếc xe buýt đầu tiên rời khỏi làng giục giã hành khách, giọng của phát thanh viên phát ra đều đều từ chiếc radio màu đen hiệu Phillip đặt trên thành cửa sổ bếp nhà tôi.
Buổi sáng hôm ấy, làng xóm yên tĩnh một cách bất thường. Ông thợ làm bánh Hasan cạnh nhà tôi thường tếu táo đùa trong khi chúng tôi chờ ông
https://thuviensach.vn
ấy nướng bánh iawasa nóng hổi, lần này ủ rũ và hậm hực trong khi đập những khoanh bột nhồi. Ông nhìn trừng trừng ngọn lửa đang hé ra ngoài lò nướng, quay lại tôi và nói, “Bọn sát nhân đó sẽ bị thiêu cháy trong ngọn lửa chói chang hơn cả ngọn lửa này. Tối hôm qua bác đã khóc khi nghe tin đó từ radio.”
Các cửa tiệm không mở cửa và những chiếc xe buýt không rời khỏi làng. Không có cách nào để liên lạc với cha. Như hầu hết dân Kashmir, chúng tôi và bạn bè phụ thuộc vào cái điện thoại công cộng ở bưu điện quận trong thị trấn Anantnag gần bên. Nhưng bưu điện bị đóng cửa vì cuộc nổi loạn. Dân làng đứng xung quanh đó kể đi kể lại việc họ đã nghe tin trên radio thế nào. Tôi cảm thấy một nỗi giận dữ lan tỏa khắp người. Một chàng trai trẻ hô khẩu hiệu: Hum Kya Chahte? Aazadi! (Chúng tôi muốn gì ư? Tự do!) Anh lặp lại và chúng tôi nhắc lại theo anh: Chúng tôi muốn gì ư? Tự do!
Cuộc biểu tình dần dần có đà. Những giọng nói ban đầu còn yếu và do dự đã trở nên mạnh mẽ và vững vàng. Đám đông bắt đầu một cuộc tuần hành dài, chậm rãi nhưng đầy nhiệt huyết theo con đường chính của làng. Những người phụ nữ trẻ, già xuất hiện bên các ô cửa sổ. Những khẩu hiệu mới được ứng tác và dùng ngay. Một thanh niên giơ tay về nhóm phụ nữ đang ở vòi nước công cộng quan sát đám rước, hét lên: “Những bà mẹ của chúng ta đòi gì?” Đám đông đáp: Aazadi! Anh ta lặp lại: “Những người chị của chúng ta đòi gì?” Đám đông đáp: Aazadi! Thấy nóng người, tôi bước lên phía trước, chỗ đám bạn của mình để nhập vào nhóm dẫn đầu cuộc tuần hành. Có một ông đang cõng đứa con trai nhỏ của ông ta trên vai thét to: “Con cái của chúng ta đòi gì?” Aazadi!
Đến tháng Hai năm 1990 Kashmir đã mờ mịt trong đỉnh điểm cuộc nổi dậy chống lại Ấn Độ. Tối nào chúng tôi cũng nghe tin tức về những cuộc biểu tình và số người chết ngày một nhiều hơn trên đài BBC Thế giới. Biểu tình theo sau giết chóc và giết chóc theo sau biểu tình. Tin tức từ Srinagar cho hay hàng trăm ngàn người dân đã tuần hành để cầu nguyện cho nền độc lập ở đền thờ thánh bảo hộ Nooruddin Rishi của Kashmir trong một thị trấn cách Srinagar khoảng một giờ đồng hồ. Trên khắp vùng Kashmir, những
https://thuviensach.vn
cuộc tuần hành tương tự đến các đền thờ thánh Sufi nổ ra. Một ngày nọ, tôi tham gia vào một đoàn tuần hành đến ngôi đền của vị thánh Sufi, Zain Shah Sahib, rất được tôn sùng tại vùng Aishmuqam gần trường tôi. Vài thanh niên dẫn đầu đoàn chúng tôi khoác những tấm vải liệm trắng. Họ như bị thôi miên, xoay mòng mòng như những giáo sĩ, hát những bài hát yêu chuộng độc lập. Tôi đi phía sau, lặp lại lời họ trong nỗi băn khoăn tận cùng. Đàn ông, đàn bà và trẻ em đứng trên lề đường mời chúng tôi thức ăn, nước giải khát, ném những cánh hoa và cả bánh shireen – những viên tròn màu trắng làm bằng gạo và đường nấu – lên người chúng tôi, một kiểu hành lễ chỉ diễn ra trong đền thờ và các đám cưới.
Bản thân đám đông đó là một mớ hỗn tạp đủ loại người. Những tay thầu khoán đem theo uýt-ki trong can xăng, ông luật sư nghiêm nghị chờ những người đi đường chào hỏi mình, ông thợ may luôn mua vui cho đám thanh niên rỗi việc trong tiệm của mình bằng những mẩu chuyện phóng đại trong lúc đạp máy may, ông dược sĩ lúc nào cũng ngủ gật sau quầy tính tiền, ông già ranh ma hay khoác lác về mối quen biết với các nghị sĩ ở Delhi, anh chàng tân cử nhân thất nghiệp tự bổ nhiệm mình làm bình luận viên tiếng Anh cho các trận đấu cricket của đội làng, người phục hưng tôn giáo dòng Salaf bán giày nhựa và ông đan giỏ Cộng sản có bộ ria kiểu Stalin cùng sánh bước với nhau, tiếng hô của họ hòa vào tiếng hô kêu gọi tự do vang rền. Giữa những cái đụng chạm thân thể, cái bắt tay, các ánh mắt giao nhau trong sự quả quyết và xác tín, sự giao hòa của hàng ngàn giọng nói, tôi đã không còn là một cậu bé mọt sách nhút nhát, khúm núm trước niềm kỳ vọng của gia đình. Tôi không còn sợ bị la mắng nữa. Tôi cảm thấy mình là một phần của một điều gì đó lớn hơn thế rất nhiều. Tôi để cho mình bay cùng đám đông. Aazadi! Suốt mùa đông đó, hầu hết những người Kashmir đều là những chàng Farhad, sẵn sàng đẽo núi vì nàng Shirin của mình: nàng tự do!
Biểu ngữ “Chiến đấu đến khi chiến thắng” được giăng khắp nơi ở Kashmir, được viết song song với một câu khẩu hiệu khác: tự quyết là quyền từ khi sinh ra của chúng ta! Dường như chính phủ Ấn Độ đã triển khai hàng trăm ngàn lính để đè bẹp cuộc nổi dậy. Gần như mỗi ngày, binh lính tuần tra làng chúng tôi theo lối vừa hung hăng vừa lo lắng, những ngón tay chúng
https://thuviensach.vn
đặt sát cò của các khẩu súng máy tự động và bán tự động. Các doanh trại quân đội và bán quân đội mọc lên ở hầu hết làng xóm và thị trấn. Việc cha về thăm nhà vào những ngày cuối tuần ngày càng trở nên khó khăn hơn. Ông đã thôi đi lại bằng xe công vì nó làm ông bị chú ý. Chuyến đi từ văn phòng cha ở Srinagar về làng tôi, từng là một chuyến đi hai giờ thú vị, đã trở thành một việc nguy hiểm đến tính mạng. Hầu như lần nào về nhà ông cũng mất khoảng năm tiếng đồng hồ. Nếu vào một ngày may mắn thì chuyến xe buýt của ông chỉ bị chặn lại mười lăm phút một lần và ở mỗi trạm kiểm soát quân đội, ông và những hành khách khác sẽ bị xếp hàng một, cầm chứng minh thư và bất cứ cái gì khác mà họ mang theo. Sau khi bị lục soát cả người, cha sẽ cuốc bộ tiếp nửa dặm và lại nối đuôi xếp hàng chờ xe buýt đến. Có những ngày, ông đã thoát chết trong gang tấc.
Cha làm việc trong một khu văn phòng phức hợp thời thuộc địa to như lâu đài cách Lal Chowk, trung tâm thành phố và Maisuma, khu vực gần kề và quê của nhà lãnh đạo phe JKLF[19] Yasin Malik vài phút đi xe. Những trận đấu súng giữa quân du kích JKLF và binh lính Ấn Độ và những trái lựu đạn nổ gần các boongke và toán tuần tra của quân dự bị, xảy ra như cơm bữa bên cạnh văn phòng của cha.
Một buổi trưa ông bước ra khỏi khu văn phòng cùng vài đồng nghiệp, một nhóm công chức trung niên bận vét và cà vạt, tay ôm những tập hồ sơ văn phòng. Họ băng qua một đồn kiểm soát quân sự trước cửa văn phòng và bắt đầu đi về hướng Lal Chowk để đón xe buýt về nhà. Đột nhiên, những người trông cửa hàng hai bên đường nhảy ra khỏi quầy, kéo cửa sập xuống và bắt đầu chạy. Những tràng súng nổ dồn dập vang lên trong những ngõ hẻm đằng sau văn phòng, những tiếng nổ lớn vọng đến từ phía Lal Chowk. Khi chiếc xe buýt chở hành khách cháy ngùn ngụt lao trên đường, cha và các đồng nghiệp đang túm tụm sau những chiếc cột khổng lồ bằng gạch đá của cổng văn phòng, chờ dứt tiếng súng.
Một tiếng quát lạnh lùng từ ngoài đường làm họ giật bắn người. “Giơ tay lên!” Một nhóm lính bán quân đội Ấn Độ giận dữ đứng bên kia con đường hẹp, chĩa súng vào nhóm của cha. Một số cảnh sát đứng gác khu văn
https://thuviensach.vn
phòng xông đến và gào lên với bọn lính, “Đừng bắn! Họ là nhân viên văn phòng chính phủ! Họ làm việc ở đây!”
Một tuần sau, cha và một người bạn đang đi bộ về hướng Lal Chowk sau giờ làm việc thì một trái lựu đạn nổ bên kia đường. Họ muốn chạy nhanh về lại văn phòng nhưng tiếng súng đạn rần trời có vẻ như vang lên từ mọi phía. Cha và bạn ông chạy về phía quầy bán nước trên vỉa hè. Người bạn của ông trượt chân và mắc vào miệng cống, cha lôi ông ta lên và họ núp trong tiệm nước, dưới mấy cái bàn gỗ. Họ nằm trên nền đất bùn lầy, bụi bặm một lúc lâu.
Mùa đông đó cũng là lúc tôi bắt đầu học chính trị. Ban đầu là những cụm từ viết tắt: JKLF (Mặt trận Giải phóng Jammu và Kashmir), JKSLF (Mặt trận Sinh viên Giải phóng Jammu và Kashmir), BSF (Lực lượng Bảo an Biên giới), CRPF (Lực lượng Cảnh sát Dự bị Trung tâm). Tôi đã học những cụm từ mới: lục soát, đàn áp, boongke, tìm kiếm, chứng minh thư, bắt bớ và tra tấn. Cũng trong mùa đông đó, những chuyến xe buýt đông nghẹt thanh niên Kashmir chạy về các thị trấn biên giới rồi băng qua phía Pakistan và khu vực Kashmir thuộc quyền Pakistan để đưa họ tham gia những cuộc huấn luyện vũ trang. Trở về, họ là những chiến sĩ mang theo những khẩu Kalashnikov, lựu đạn, súng máy hạng nhẹ và súng bắn hỏa tiễn do phía Pakistan cung cấp.
Đám bạn bè tôi bàn tán về cuốn tiểu thuyết Pahadoon Ka Beta, kể về một thiếu niên Afghanistan chiến đấu chống lại quân Nga. Tôi muốn đọc nó và đã cùng với một đứa em họ tìm được một bản copy vào cuối kỳ nghỉ đông. Đó là một cuốn sách mỏng bìa mềm, tấm bìa xanh in hình một cậu bé cầm súng. Nội dung giống như một truyện kinh dị của Frederick Forsyth[20]. Ali, nhân vật chính trẻ măng trong đó, vừa là James Bond vừa là Rambo. Có vẻ cậu ta đã phá hủy hàng trăm chiếc xe tăng của Nga, thực hiện các phi vụ gián điệp trong lòng nước Nga và thậm chí đã giải cứu cha cậu khỏi một nhà tù của Nga. Danh tiếng và sức hút của cậu có vẻ nằm trong sự lãng mạn hóa người lính vào thời điểm hầu hết những người trẻ tuổi ở Kashmir đều muốn trở thành lính du kích hoặc quen biết một người như vậy.
https://thuviensach.vn
Và có một bộ phim ai cũng muốn xem: Sư tử sa mạc của nhà làm phim người Mỹ gốc Ả Rập Mustafa Akkad. Cha đã mua một cái tivi đen trắng nhưng chúng tôi không có đầu video. Một người hàng xóm của tôi có và con trai ông hứa sẽ cho tôi xem phim Sư tử sa mạc nếu tôi có thể tìm được một bản chép của bộ phim. Tôi đã không thể tìm được. Nhưng có một ngày tôi nghe mấy người đàn ông ngồi trước cửa tiệm gần nhà tôi nói về nó. Rashid, ông tài xế xe buýt thường chở khách đi từ Anantnag đến Srinagar, nói đã được xem Sư tử sa mạc nhiều năm trước.
Ông ấy đã xem nó ở rạp Regal Talkies ở Lal Chowk. Ông thuật lại câu chuyện về Omar Mukhtar, người lãnh tụ già của một bộ tộc Libăng đã chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của quân đội Ý của Mussolini cho đến khi bị bắt và bị treo cổ. “Ông cao to, đẹp trai và có bộ râu quai nón trắng như cước,” ông Rashid tả về Mukhtar, do Anthony Quinn đóng. “Sau khi quân Ý bắt được ông, tên chỉ huy người Ý yêu cầu ông thu xếp cho lính mình đầu hàng. Omar Mukhtar tuy già và bị xích nhưng nói với tên tướng Ý rằng họ sẽ không bao giờ đầu hàng, rằng người Ý không có quyền sang Libăng và không đất nước nào có quyền chiếm đóng một đất nước khác. Quân Ý đã treo cổ ông.”
Những cuộc trò chuyện huyên náo trước cửa tiệm sẽ dừng lại đột ngột mỗi khi chúng tôi thấy một toán lính hay một đoàn xe tải và xe bọc thép đi qua. Dường như chính phủ Ấn Độ đã triển khai hàng trăm ngàn lính để nghiền nát cuộc nổi loạn. Từ sáng đến tối lính tuần tra khắp con đường làng chúng tôi. Chúng đi thành những hàng dài suốt hai bên đường trong quân phục và giáp chống đạn, ngón tay tì sát cò súng. Một số tên vác những ống súng to dùng để bắn đạn cối. Mỗi lần chúng tôi thấy một tên lính vác súng cối, sẽ có ai đó kể chuyện quân lính dùng súng cối đốt nhà sau khi chúng bị nghĩa quân tấn công như thế nào. Ông Rashid còn kể chuyện một thị trấn tên là Handwara, gần biên giới, đã bị đốt bởi quân đội Ấn Độ. “Chúng nó ném thuốc súng lên những ngôi nhà rồi nã đạn cối vào, cả một thị trấn bị đốt trụi trong vòng một giờ.”
Nhiều doanh trại quân quân đội và bán quân đội mọc lên gần như trong khắp các làng xóm và thị trấn. Gần làng tôi cũng có một trại: những bao cát
https://thuviensach.vn
chèn cửa sổ và cửa đi, những cuộn dây thép gai rào quanh ranh giới của trại, những chai rượu cạn treo lủng lẳng trên hàng rào thép gai và những tên lính mặt đằng đằng sát khí đứng trong các boongke cát dọc theo hàng rào ôm chặt mấy khẩu súng máy của chúng. Mọi người đi bộ và xe hơi phải dừng cách doanh trại một trăm mét, dân chúng phải giơ tay lên và nối đuôi nhau đi đến một boongke để bọn lính rà soát người họ và kiểm tra chứng minh thư. Không một nông dân, chủ tiệm, hay thợ thủ công nào có giấy tờ chính thức ngoại trừ có thể có một thẻ khẩu phần thực phẩm có đề địa chỉ và tên các thành viên gia đình. Chỉ vài người như cha hay ông ngoại tôi, những người làm việc cho chính phủ địa phương, là có chứng minh thư của tiểu bang.
Trường tôi đã đóng cửa nghỉ đông cho đến tháng ba. Tôi mua một cái chứng minh thư ở tiệm văn hóa phẩm trong vùng. Ông chủ tiệm đã mua một đống thẻ từ gã lái thương trong thị trấn Anantnag lân cận. Gã khoác lác rằng các chứng minh thư gã bán là hiệu quả nhất đối với bọn lính. Người ta nói chứng minh thư của Ấn Độ có hình quốc huy Ấn Độ: một cái trụ với bốn con sư tử ở bốn bên, một bánh xe và một cặp bò đực dưới bệ của nó. Tôi đem chứng minh thư của mình cho tòa án địa phương ký và đóng dấu và sẽ lập tức lôi nó ra khi nào tôi bị bọn lính chặn lại trên đường hoặc khi đi bộ qua một trong vô số trạm kiểm soát của chúng. Nó đã trở thành một phần của tôi.
Trong đền thờ của chúng tôi, sau những lần cầu nguyện và trước khi hát bài darood – một lời khấn ca ngợi nhà tiên tri Muhammad – dân chúng tự ý phát biểu và hô to những câu khẩu hiệu aazadi. Riêng tôi cầu xin Thượng Đế ban sự tự do cho chúng tôi vào năm tới. Nhưng đồng thời cũng có những giây phút bông lông: một ngày nọ một thanh niên làng chúng tôi làm việc ở Srinagar có một bài phát biểu tại đền thờ. Anh ta giành lấy micro rồi hét lên bằng tiếng Ả Rập, “Kabiran kabira!” Câu khẩu hiệu có nghĩa là “Ai là người vĩ đại nhất?” Nhưng không ai hiểu gì cả. Không ai trong số chúng tôi nói tiếng Ả Rập. Anh ta hét lên lại và một lần nữa chỉ có sự im lặng – rồi mấy thằng choai choai ngồi hàng cuối, cái đám ngồi ghế hạng chót của lòng tin, bắt đầu phá lên cười. Ngượng ngùng, anh thanh niên giải thích lẽ ra
https://thuviensach.vn
chúng tôi phải hô to, “Allah o Akbar! (Thượng Đế vĩ đại nhất) để đáp lại câu khẩu hiệu. Rồi anh lại hét lớn, “Kabiran kabira!” Anh đã được đáp lễ bằng một câu do dự, sượng sùng “Allah o Akbar.” Trong khoảng một năm sau đó, chúng tôi cứ trêu anh mãi.
https://thuviensach.vn
2
Những khúc ca cho Tự do
○ ○ ○
Mùa đông năm 1989-90 là mùa đông dài và nhiều sự kiện nhất ở Kashmir, có ảnh hưởng đến tận bây giờ. Tháng giêng và tháng hai năm 1990 đã làm thay đổi sâu sắc Kashmir. Ngày đầu tiên đến trường, tôi bị choáng bởi số ghế trống. Năm bạn học người Kashmir gốc Hindu và đám Pandit,[21] đã vắng mặt. Tôi chết lặng. “Tụi nó đã bỏ đi rồi,” đứa nào đó nói. Lời nói đó nổ tung như một chất phóng xạ, làm sáng lòa những bức tường vôi trắng của lớp học, chiếc bảng trống trơn và mấy mặt bàn bằng gỗ đánh véc-ni, chỗ mấy đứa vắng mặt và những đứa có mặt đã khắc tên viết tắt của chúng thành hình những con số gợi mở, điệu đà. Mắt chúng tôi dán chặt vào những cái ghế trống suốt một lúc lâu.
Song song với việc tiêu diệt hàng trăm người Hồi giáo ủng hộ Ấn Độ, từ những nhà hoạt động chính trị đến những tên mật thám của tình báo Ấn Độ, quân kháng chiến đã giết hại hàng trăm người Pandit vì những cái cớ tương tự hay chẳng vì một lý do nào cả. Cuộc bắt giết đã làm những người Pandit hoảng sợ và hàng ngàn người, kể cả những bạn bè cùng lớp của tôi và gia đình bọn nó, đã rời bỏ thung lũng từ trước tháng ba năm 1990 để đến Jammu, Delhi và nhiều thành phố, thị trấn khác ở Ấn Độ.
Chiến tranh là đề tài của mọi cuộc chuyện trò. Trong những giờ ăn trưa, tôi và đám bạn kể cho nhau nghe những câu chuyện về chiến sự. Chúng tôi bắt đầu vẽ bản đồ của Kashmir lên tập vở mình và sơn lên tường của trường những dòng khẩu hiệu như Chiến đấu đến khi thắng và Tự quyết là quyền từ khi sinh ra của chúng ta. Asif, thằng con trai cùng lớp tôi có đôi mắt to đen, mái tóc quăn bất cần đời rất được đám con gái ái mộ, kể chuyện nó đã từng
https://thuviensach.vn
thấy một người theo quân khởi nghĩa. “Tao đã thấy một anh đi gần trạm xe buýt. Anh ấy mặc quân phục màu xanh lá cây và đeo một cái bảng tên ghi: JKLF! Và anh ấy mang một đôi giày thể thao xanh dương đẹp lắm.” “Giày Force 10 hả?” Tôi hỏi Asif. Force 10 là hiệu giày chạy bộ nổi tiếng của một công ty Ấn Độ. “Không! Không! Hiệu Warrior! Warrior là hiệu Trung Quốc! Nó tốt hơn Force 10 rất nhiều.” Asif bắt đầu mỉm cười và kể với tôi là kiểu tóc của quân du kích giống như tóc nó vậy: những mớ tóc dài và quăn. Tôi thầm hy vọng, ít nhất có một người chỉ huy quân du kích có mái tóc thẳng, ngắn, lỉa xỉa và bóng dợn giống tóc tôi.
Chuyện hấp dẫn nhất là về khẩu súng trường kỳ diệu Kalashnikov. Được chế tạo tại Nga, một món quà của Pakistan, nó được biết đến như có phép thuật nhiệm màu hơn cả cây đèn thần của Aladdin. Tôi nhớ lần đứng ngoài phòng ăn sau bữa trưa và tham gia vào một cuộc tranh cãi nhỏ về khẩu Kalashnikov. “Nó nhỏ như một bàn tay và bắn được hai trăm viên đạn,” Shabnam anh họ tôi, lớn hơn chúng tôi một tuổi, nói. “Không phải! Nó dài như cây gậy cricket và bắn được năm mươi viên một phút,” Pervez bạn cùng phòng với tôi, cái thằng mà làng của nó là thành trì chính của quân JKLF, cãi lại. “Anh tao sờ vào một cây Kalashnikov rồi, anh ấy nói nó rất nhẹ. Đúng, nó dài như cây gậy cricket vậy. Anh nói với mẹ tao là anh muốn trở thành nghĩa quân. Mẹ tao khóc, còn cha tao tát anh ấy,” thằng Showket nhỏ hơn chúng tôi vài tuổi nói.
Pervez kể với tôi là nhiều nghĩa quân trong làng nó mặc những bộ quân phục xanh lá cây rất đẹp. Một buổi trưa chúng tôi đang ở trong sân đá banh thì một chiến sĩ đi ngang qua. Ngay cả ông thầy kênh kiệu chuyên trông chừng các trò chơi của chúng tôi cũng đi lại, cười và bắt tay anh ấy. Được khuyến khích, chúng tôi bu lại xung quanh anh. “Cho tụi em xem súng của anh được không?” thằng Pervez hỏi. Nó là tiền đạo trung tâm, mặt mày rạng rỡ trong bộ đồ thể dục màu xanh lam. Anh cởi chiếc áo pheran thùng thình, một tấm vải bằng len tựa như áo khoác, rồi cho chúng tôi xem súng của mình. “Bọn anh gọi nó là Kalashnikov, còn bọn Ấn Độ gọi nó là AK-47,” người nghĩa quân nói. Chúng tôi sướng tê người và đồng loạt vỗ tay thích
https://thuviensach.vn
thú. Từ đó trở đi tất cả bọn tôi đều đeo gậy cricket bên trong tấm pheran của mình, một kiểu bắt chước, một sự chuẩn bị.
Sáng hôm sau trước buổi tập trung dưới cờ, mấy anh lớp trên dặn chúng tôi không hát quốc ca Ấn Độ: “Chúng ta là người Kashmir và bây giờ chúng ta đang chiến đấu giành độc lập. Chúng ta không thể tiếp tục hát những bài hát Ấn Độ, cho dù thầy hiệu trưởng muốn chúng ta làm vậy.” Trong buổi tập trung, đám học sinh không chịu hát quốc ca Ấn Độ. Những thầy cô giáo, vốn bình thường sẽ cho chúng tôi ăn đòn vì không vâng lời, lại giữ im lặng. Không ai đe dọa đuổi học chúng tôi. Họ hiểu rằng thế giới của chúng tôi đã thay đổi và các quy tắc cai quản nó cũng vậy. Ông hiệu trưởng của trường, một vị lùn, hói đầu, người vùng Rajasthan, từng đề xuất với mọi người liệu pháp cười lại không hề cười chút nào. “Nếu các em không muốn hát, chúng tôi không thể ép buộc các em được. Việc hát một bài hát sẽ không có ý nghĩa gì nếu các em không tin vào ca từ của nó,” ông nói nghiêm nghị.
Bên ngoài thế giới bé nhỏ của chúng tôi, có biết bao trận bắn nhau vô hạn định giữa binh lính Ấn và quân khởi nghĩa, biết bao lựu đạn được ném ra và biết bao bãi mìn đã nổ – chết chóc, sợ hãi và sự giận dữ bao trùm Kashmir. Cho đến mùa hè năm 1990, hàng ngàn thanh niên Kashmir đã băng qua Đường Kiểm Soát để được huấn luyện vũ trang ở bên phần đất Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Pakistan. Khi là nghĩa quân trở về, họ thành những anh hùng – dân chúng muốn được nói chuyện với họ, chạm vào họ, nghe chuyện của họ và mời họ ăn tiệc. Một số lượng nhiều hơn được huấn luyện tại những vườn cây và đồng cỏ địa phương, vì vậy họ có biệt danh là dâu tây, hoặc mục đồng. Giống như hầu hết bọn con trai, tôi cũng muốn đến với họ. Chúng tôi thèm khát được chiến đấu và hy sinh cho nền độc lập như thèm khát nụ hôn đầu đời trên đôi môi tuổi mới lớn.
Vào mùa thu năm 1991, khi mười bốn tuổi, tôi cùng với bốn thằng bạn đi bộ từ ký túc xá đến một ngôi làng gần bên để tìm các du kích quân. Chúng tôi thấy một nhóm người trẻ tuổi mặc đồ dã chiến, khoác trên vai súng có lưỡi lê, đi đến từ bên kia đường. Họ cao lớn và trông như những người đàn ông phong độ nhất. Chúng tôi sững sờ nhìn họ. Cái phù hiệu trắng trên đồng phục lính màu xanh lá của họ ghi: JKLF. Đứng trong bộ đồng
https://thuviensach.vn
phục trường màu trắng và xám, tôi buột miệng, “Tụi em muốn đi theo mấy anh.” Người chỉ huy, một thanh niên dong dỏng cao, râu ria lởm chởm, bật cười. “Về nhà và lớn lên đi đã, mấy cậu nhóc!” Tôi tức lắm. “Nếu anh không muốn đem tụi em theo, thì tụi em sẽ theo HM.” Hizbul Mujahideen là một nhóm nghĩa quân mới thành lập, một đối thủ về ý thức hệ với nhóm JKLF bởi họ ủng hộ sự sáp nhập của Kashmir vào Pakistan. Những du kích quân phá lên cười. Chúng tôi tiếp tục năn nỉ cho đến khi họ bỏ đi.
Chúng tôi rầu rĩ quay về ký túc xá để bàn bạc về một cách gia nhập dễ hơn. Chúng tôi có thể nói chuyện với nhóm Mặt trận Sinh viên Giải phóng (SLF), một phe cánh sinh viên của nhóm JKLF. Một số du kích quân của nhóm JKLF và SLF đã bắt đầu đến ở trong ký túc xá của chúng tôi. Họ sẽ cùng chúng tôi chơi một trận bóng chuyền, bỏ súng bừa bãi trên thảm cỏ cạnh sân bóng. Hoặc họ sẽ ngồi trong hiên ký túc lau chùi những khẩu Kalashmikov trong khi tôi bỏ đi để vào lớp. Một nhóm nhỏ những người hiếu kỳ sẽ từ từ đông dần lên xung quanh họ. Một anh trong số họ, chắc chưa tròn mười tám tuổi, đã cho tôi cầm một khẩu Kalashnikov. Tôi cảm nhận được cái nòng thép lạnh lẽo, rà mấy ngón tay của tôi theo ổ đạn hình trái chuối, rồi làm dáng với cái báng nhôm ghì chặt vào vai phải của mình. Một cảm giác tuyệt trần! Nhưng sau đó một phút anh ấy lấy lại nó và bảo tôi đi chỗ khác chơi.
Một trong những người chỉ huy là người cùng làng với tôi. Ông cao khoảng một mét tám mươi ba, vai rộng và tóc quăn. Người đàn ông vui tính này có ba đứa con gái và từng là thợ ống nước trong các khách sạn của một khu resort tên là Pahalgam. Dân làng gọi ông là Tonga vì nhìn ông cao như một cỗ xe ngựa kéo. Ông hay cợt đùa dễ thương và những câu chuyện về các cuộc phiêu lưu của ông thường được kể lại trước mấy cửa tiệm trong làng. Trong mùa du lịch ở Pahalgam, ông nhiều việc kinh khủng. Ông sẽ nhởn nhơ với mấy ống dẫn nước rồi lắp vài cái máng chặn để ngăn nước chảy vào phòng khách sạn. Những ông chủ khách sạn đang tuyệt vọng sẽ phải trả cho ông ấy một khoản tiền xứng đáng để sửa chúng. Nhưng sau mùa đông năm 1990 khách du lịch không còn đến Kashmir nữa, các khách sạn đóng cửa và ông Tonga gia nhập JKLF. Lần nào gặp tôi, ông cũng hỏi thăm
https://thuviensach.vn
gia đình tôi và dặn tôi chăm chỉ học hành. “Chú sẽ hỏi các thầy cô của con xem con học hành ra sao.” Và “Cho chú gởi lời thăm ngài Sahib và ông hiệu trưởng nhé.”
Nhưng tôi và đám bạn bè mình vẫn còn đang mơ đến việc làm thế nào để được huấn luyện vũ trang. Cứ cách một ngày lại có những nhóm thiếu niên đi sang những trại huấn luyện ở Pakistan. Chúng tôi cần một ít tiền để mua vé xe buýt đi đến các thị trấn biên giới, cần quần áo mùa đông và những đôi giày tốt cho cuộc hành trình, mà nhiều khả năng sẽ có, xuyên qua những đỉnh núi phủ đầy tuyết. Nhưng trên hết chúng tôi cần một người chỉ huy quân du kích, một người không quen biết gia đình chúng tôi, cho chúng tôi gia nhập vào một nhóm để đi về biên giới.
Một ngày nọ, giờ hình học của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng gõ cửa. Thầy tôi đi ra ngoài rồi trở lại, nói rằng chú tôi đến. Là một giám đốc ngân hàng trạc ba mươi, chú Bashir là biểu tượng về thời trang của tôi và đứa em. Tôi ngưỡng mộ những cái quần jean rộng thùng thình, những chiếc sơ mi sọc carô của chú và mái tóc bóng mượt chải hất ra sau giống tóc của tài tử John Travolta trong phim Grease và âm sắc bí ẩn khi nói tiếng Anh mà chú học lóm từ mấy ông bạn người Đức.
Tôi hét lên một tiếng mừng rỡ rồi chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Chú mang theo một cái túi và tôi nhanh nhẩu xung phong xách nó. “Nó là bữa trưa của mình đấy! Mẹ con làm món thịt gà cho chú cháu mình.” Chú choàng một tay qua vai tôi. “Thôi mình về phòng con rồi ăn đi.” Cái ý nghĩ về món thịt gà mẹ nấu sau những bữa cơm với đậu độc chiếm cái thực đơn ký túc xá làm tôi vui mừng khôn xiết.
Ngoại trừ hai cái giường, hai kệ sách nhỏ và hai tủ âm tường đựng quần áo thì phòng của tôi nhỏ xíu và trống trơn. Tôi trải một tấm vải cotton lên giường và chúng tôi bắt đầu ăn. Chú tôi ăn vài miếng thì dừng lại để nhìn tôi ăn ngấu nghiến thịt gà.
Tôi nhún vai. “Con đói mà.”
Chú cười to, nhưng dường như có cái gì đó không ổn.
“Ở nhà bình thường hết phải không chú?” tôi hỏi.
“Ừ, tất cả đều ổn.”
https://thuviensach.vn
Chúng tôi tiếp tục ăn, rồi tôi lại hỏi, “Sao hôm nay chú không đến ngân hàng?”
“Không có gì hết! Tối qua, lúc đang nói chuyện với cha con, thì tự nhiên chú nghĩ là chú nên đến cứu con khỏi món đậu.”
Sau bữa trưa chúng tôi đi bộ xung quanh sân trường rồi ngồi xuống cạnh một thảm hoa hồng, nói về chuyện học hành của tôi. Chú nói rằng cha tôi mơ ước một ngày được thấy tôi làm việc trong văn phòng hành chính. “Cha con đã vất vả phấn đấu để lên được vị trí hiện nay. Ông ấy nuôi nhiều kỳ vọng với con lắm đấy. Chú biết con sẽ làm gia đình hãnh diện,” chú nói. “Chú đã gặp thầy hiệu trưởng và ông hết lời khen ngợi con.”
Tôi lắc đầu.
Chú nhìn chăm chú các dãy nhà của ngôi trường một lúc lâu. “Con sẽ học xong trong hai năm nữa thì phải.”
“Dạ, năm 1993.”
“Con biết gì không? Con phải đi đến Delhi.” Rồi chú tiếp tục vẽ lên bức tranh lãng mạn về những trường cao đẳng và đại học ở New Delhi. “Con sẽ có một khoảng thời gian tuyệt vời ở đó. Tối qua cha con và chú đã bàn về chuyện đó.”
Tôi lắc đầu. Ừ. Cũng có thể. “Ngoại khỏe không chú?” tôi hỏi thăm Ngoại.
“Ông đang già đi mỗi ngày. Và ông nhớ con lắm. Con nên về thăm nhà vài ngày. Ông sẽ mừng lắm đấy.”
Tôi nhanh chóng thu xếp mấy giỏ đồ của mình và không lâu sau thì chúng tôi đi bộ đến trạm xe buýt gần nhất. Một hàng chữ màu mè nguệch ngoạc trên bức tường của ngôi nhà gần đó đề: CHIẾN TRANH CHO ĐẾN KHI CHIẾN THẮNG – JKLF.
“Thì ra đó là cái nhóm mà con muốn gia nhập,” chú mỉm cười. “Nhóm JKLF ạ? Con ấy ạ?” Tôi chối bay chối biến.
Chú chầm chậm lắc đầu. “Chúng ta biết cả rồi mà,” rồi chú nói với tôi về cuộc họp mặt đang chờ tôi ở nhà.
Xe buýt chạy ngang qua các ngôi làng ngăn cách nhau bởi những khoảng ruộng trống và các đụn rơm, gần như vàng thẫm đi trong ánh nắng
https://thuviensach.vn
của mùa thu. Chúng tôi vượt qua một cây cầu cũ kỹ vắt ngang con suối chảy xiết về hướng làng tôi. Tôi thấy đỉnh núi quen thuộc của làng mình và con kênh có từ ngày xưa chảy men theo. Trước khi dọn đến trường mình, tôi hiếm khi rời làng trừ những lần thỉnh thoảng ghé Anantnag hay Srinagar. Khi tôi đi xa dù chỉ một ngày, lúc về tôi sẽ háo hức tìm kiếm hình ảnh của một dấu mốc: túp lều mái ốp ván nằm trên triền dốc của làng. Tôi đã nhìn thấy lại nó.
Xe dừng lại ở bãi đất trống của làng. Chú tôi đi tiếp về làng bên, nơi chú đang sống. Tôi hơi khựng người lại, lo ngại cuộc gặp gỡ ở nhà. Đứng ở trạm xe buýt, tôi nhìn bao quát ngôi nhà mình – có cửa sổ xanh lá cây, và xếp thành hàng với năm ngôi nhà khác bên phải con đường. Ông hàng thịt Abu lúc nào cũng nói chuyện cricket đang chặt thịt cừu; dược sĩ lùn nhưng chắc người Amin, luôn đội mũ lưỡi trai kiểu Ailen đang đứng bên ngoài tiệm của mình; ông thợ may Kaisar chuyên chiêu đãi đám con trai trong làng những câu chuyện tục tĩu đang còng lưng bên cái máy may; ông thợ làm bánh Hasan nổi tiếng lém lỉnh ngồi đằng sau một chồng bánh trông như bánh mì vòng rắc hạt mè; lão Saifuddin anh họ của bà ngoại tôi, người ngồi trong tiệm mình nhưng để ý đến mọi động tĩnh và canh chừng chặt chẽ mọi hoạt động của láng giềng, đang quan sát những người trên xe buýt bước xuống; đám con trai hay chơi cricket với tôi tụ tập quanh tiệm văn phòng phẩm gần sạp rau củ và mấy người đàn ông đứng tuổi ngồi trước mấy cửa tiệm trống kế bên hiệu thuốc của ông Amin đang trò chuyện với nhau.
Cảm giác hệt như đứng trên một sân khấu quen thuộc, đối diện những khán giả quen thuộc. Tôi la lên chào hỏi những người ở phía đằng xa con đường và bắt tay những người ở dọc dãy cửa tiệm bên này đường. Vì đang lo lắng cho cuộc gặp tại nhà, tôi chào hỏi mọi người hơi quá kỹ lưỡng: ông thợ bánh, ông hiệu thuốc, ông hàng thịt, ông thợ may và sau cùng, một bước phóng sang đường để ôm ông Saifuddin và lập lại bài diễn văn:
“Assalamualikum! Ông có khỏe không ạ?”
“Valikumsalam! Ông vui lắm. Ông khỏe lắm. Con khỏe chứ?” “Con vui lắm. Con khỏe ạ.”
“Con mới về à?”
https://thuviensach.vn
“Dạ. Con vừa xuống xe buýt.”
“Chuyện học hành thế nào?”
“Học hành tốt ạ.”
“Con có chăm học không?”
“Dạ có, chăm lắm ạ.”
“Con phải học thật chăm, cho tương lai đó.”
“Dạ. Cảm ơn ông.”
“Chuyện làm ăn thế nào?”
“Cảm ơn Thượng Đế! Nó cũng tốt ạ.”
“Mọi người trong nhà khỏe chứ?”
“Họ khỏe ạ. Hôm nào ông đến uống trà nhé.”
Khi tôi về đến nhà, Ngoại bắt tôi ngồi bên cạnh ông. Cha đang trên đường từ chỗ làm ở Srinagar về nhà. Chú, bà ngoại và mẹ ngồi thành nửa vòng tròn xung quanh chúng tôi. Tôi im lặng, không chắc mình phải nói gì. “Cho con xin một tách trà được không ạ?” tôi thử hỏi. Mẹ đã rót cho tôi một tách từ ấm samovar. Tôi lần theo những bông hoa màu hồng được chạm nổi trên nền sứ trắng giữa những ngụm trà. Ngoại quay sang mẹ. “Hama à, con có nhớ ngày đầu tiên nó đi học không?”
Mẹ nhìn lên với nụ cười gượng gạo. “Dạ có! Con mặc cho nó áo sơ mi trắng, quần soóc xám và cà vạt đỏ.
Rồi cha dẫn nó theo.” Ngoại dường như đang nhìn đăm chiêu vào thời xa xăm nào đó trong một giây thật dài, rồi khẽ cười và nói với tôi, “Ông thả con ở trường con rồi đi dạy bên trường ông. Con đã khóc lóc la hét đến nỗi một tiếng đồng hồ sau, cô giáo con đem con đến văn phòng của ông.”
“Hầu hết trẻ con đều khóc mà,” tôi nói.
Rồi ông lặp lại câu chuyện được kể suốt là việc tôi bị ảnh hưởng bởi truyện tranh Siêu nhân như thế nào, khi một lần tôi đã nhảy từ cửa sổ tầng một xuống. Thằng em tôi phụ tôi cột tấm pheran lại như cái áo choàng. Tôi đã bị gãy tay phải. Cái kiểu dẫn dắt từ từ đến câu hỏi thực sự làm cho tôi bực bội. Tôi đang nghĩ đến việc bỏ ra ngoài. Họ có thể thấy điều đó.
Mẹ nhìn tôi không nói gì. Ông ngoại chăm chú nhìn tôi với đôi mắt xanh biếc ngân ngấn nước. “Con nghĩ làm sao mà lão già này có thể chịu
https://thuviensach.vn
đựng nổi cái chết của con?” ông nói. Lời của ông đập vào tôi như một cơn mưa rào lạnh buốt sáng mùa đông.
Tôi không có gì để nói và nhìn chằm chằm xuống thảm. Tôi tưởng tượng ra cảnh mình nằm chết trên một tấm ván gỗ trong bãi cỏ nhà mình, xung quanh là những người hàng xóm và họ hàng. Mẹ tôi đã ngất xỉu và người nào đó đang vẩy nước vào mặt bà. Cha đang giữ khư khư tấm ván, vùi đầu trong đôi tay mình, hai vai ông run lên. “Con không sống lâu trong một cuộc chiến tranh đâu, con trai ạ.” Lời của Ngoại mang tôi về thực tại. Đôi mắt ông đẫm lệ.
Giọng thầy muezzin vọng từ loa đền thờ kêu gọi các tín đồ đến buổi lễ chiều. Mẹ sửa sang khăn che đầu đang vấn sơ sài, còn ông ngoại đứng dậy để đi lễ. “Hãy nghĩ đến cha con! Ông ấy đang đi tuốt từ Srinagar về chỉ vì lo lắng cho con. Chỉ có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra trên đường đi,” mẹ nói.
“Con sẽ để ý mấy chiếc xe buýt,” tôi nói và đi ra ngoài.
Tôi nói chuyện với mấy người đàn ông trong làng được một giờ đồng hồ thì cha xuống xe buýt, mặc một trong những bộ vét xanh dương của ông và ôm một chồng sách. Tất cả chúng tôi đứng dậy như một phản xạ, tôi chạy ào đến, lấy mấy cuốn sách và chồng hồ sơ của ông. Những lời chào hỏi đồng thanh theo sau. “Anh khỏe không?” “Mọi việc ở thành phố thế nào?” “Hy vọng cuộc hành trình bình an. Xa lộ đã trở nên quá nguy hiểm rồi.” Cha có vẻ mệt mỏi nhưng điềm tĩnh.
Về đến nhà, chúng tôi lại ngồi vào chỗ thường lệ của mình và một tuần trà nữa theo sau. Cha sắp xếp lại đống sách và cầm lên một bài bình luận về kinh Koran viết bằng tiếng Anh. “Con phải đọc nó. Con sẽ hiểu về tôn giáo và trau giồi vốn tiếng Anh của con. Con cũng phải đọc Kinh thánh, nó rất có ích cho những kỹ năng ngôn ngữ của con.” Cha đi thành vòng tròn, kể chuyện về Ishmael và Isaac[22]. “Con phải có sự cho phép của cha mẹ ngay cả nếu con muốn làm người chỉ huy của JKLF,” giọng ông hơi nghiêm túc. Bằng cách nào đó ông nói ra khá bình thản.
“Con biết,” tôi đáp.
https://thuviensach.vn
“Đặc biệt là khi con mới mười bốn tuổi.” Ông mỉm cười. “Còn bốn năm nữa mới đến tuổi bầu cử.”
Tôi không nói gì.
Ông nhìn thẳng vào tôi và nói, “Cha sẽ không cản con.” Tôi không thể giấu được nỗi kinh ngạc của mình.
“Cha sẽ không cản con,” ông lặp lại. “Nhưng có lẽ con nên đọc và suy nghĩ về điều đó thêm vài năm nữa và rồi hãy tự quyết định. Khi đó cha sẽ không khuyên con nên hay không nên gia nhập vào nhóm nào.” Tôi gật gù đồng ý.
“Theo những gì cha được đọc, cha có thể nói với con rằng bất kỳ sự vận động để giành độc lập của quốc gia nào cũng đều mất một thời gian rất dài. Ấn Độ đã mất nhiều thập kỷ để giành tự do từ thực dân Anh. Người Tây Tạng vẫn đang đòi độc lập từ Trung Quốc trong hơn ba mươi năm qua. Czechoslovakia lúc này đã giành được tự do từ tay chế độ độc tài và ngay cả việc đó cũng mất một thời gian dài.”
Cha tiếp tục tranh luận rằng những cuộc nổi dậy đó là những công việc dài lâu do các nhà trí thức lãnh đạo. “Nehru và Gandhi học luật ở Anh và đều là những nhà văn rất tài giỏi. Con đã thấy sách của họ trong thư viện của chúng ta. Václav Havel là một nhà văn rất lớn. Vị Dalai Lama[23] cũng đọc rất nhiều và có thể dạy cho mọi người biết bao điều. Không ai trong số họ dùng súng nhưng họ đã thay đổi cả lịch sử. Nếu con muốn làm một điều gì đó cho Kashmir, cha nghĩ con nên đọc sách.”
Tôi ở lại lớp học. Nhưng cuộc xung đột đã trở nên dữ dội hơn. Nỗi sợ hãi và sự hỗn loạn bao trùm Kashmir. Gần như mỗi người đều quen biết một ai đó đã gia nhập nghĩa quân hoặc bị bắt, tra tấn hay đánh đập bởi các nhóm vũ trang. Các ông bố ước ao họ có con gái thay vì con trai. Những người con trai bị giết hàng ngày. Các bà mẹ thì cầu nguyện cho sự an toàn của con gái họ. Người ta khiếp đảm những tiếng gõ cửa vào ban đêm. Đàn ông và đàn bà ban ngày rời khỏi nhà để đi làm, không chắc là họ sẽ được trở về hay không. Hàng bao nhiêu ngàn người đã không trở về đấy thôi. Các nghĩa trang bắt đầu mọc lên như nấm ở khắp nơi và những tòa nhà bị thiêu rụi như những vết sẹo chằng chịt để lại trên bộ mặt các khu chợ. Người ta dường
https://thuviensach.vn
như lúc nào cũng nói đến biên giới và việc vượt biên. Nó đã trở thành một nỗi ám ảnh, một sự hiện hữu vô hình.
Trường lớp thì lặng lẽ, trần tục. Bữa sáng. Học. Bữa trưa. Học. Đá banh. Cricket. Bài tập về nhà. Những du kích quân đôi khi tạm trú trong ký túc xá của trường tôi và thỉnh thoảng chơi banh cùng với chúng tôi. Sự quen thuộc, bằng cách nào đó, đã tước mất một phần hào quang của họ.
Shabnam, anh họ tôi, là một trong những tuyển thủ hay nhất trong đội bóng chuyền của trường. Tôi bắt đầu những buổi học chơi bóng chuyền với anh, dành nhiều thời gian hơn để hoàn thiện những cú phát bóng và đập bóng. Anh Shabnam đã học chơi cricket và bóng chuyền từ người anh lớn Tarig, người vừa học xong cao đẳng. Mỗi lần tôi đến thăm họ và ông bác Rahman, tôi lại thấy Tarig chơi cricket trên một bãi rộng mênh mông gần nhà họ, còn Shabnam thì ngồi coi bên lề.
Cha tôi rất gắn bó với bác Rahman, người anh họ lớn tuổi nhất, người đã nuôi dạy ông sau khi cha mẹ ông chết. Bác Rahman từng là cảnh sát. Người cao, da ngăm và đôi mắt to đen, bác thường kể về thời gian dài làm vệ sĩ cho Sheikh Abdullah[24]. Bác đã ủi bộ đồng phục cảnh sát của mình phẳng phiu và đánh đôi ủng cảnh sát cho đến khi chúng bóng loáng. Gần đây bác đã về hưu và trong những ngày làm thường dân, bác diện bộ com-lê hai túi và đội chiếc mũ gắn đuôi seo như Sheikh Abdullah từng đội. “Con nên làm một người giỏi toàn diện. Giỏi nhất trong lớp và giỏi nhất trong sân bóng,” ông dặn dò tôi như vậy.
Thỉnh thoảng bác lại ra sân cỏ để xem anh Tariq chơi. “Thằng Tariq nếu mặc đồ cảnh sát sẽ đẹp lắm,” bác thường nói. Anh Tariq đã tốt nghiệp cử nhân toán và hóa học, nhưng anh thiên về thể thao hơn. Anh cho rằng tôi là con mọt sách và anh mua vui bằng cách hỏi tôi những câu hú họa: Có bao nhiêu phi hành gia trên tàu vũ trụ Apollo 13? F-16 là gì? Biểu tượng của axít sunfuríc là gì? Tôi biết hết mọi câu trả lời. Shabham không mấy quan tâm đến những điều đó, nhưng anh sẽ tìm cách dạy tôi vài điều về cricket và bóng chuyền.
Nhờ sự giúp đỡ của Shabham, tôi đã huênh hoang hơn một tí trên sân bóng chuyền. Một ngày cuối thu trước một trận đấu, tôi thấy Shabham đi ra
https://thuviensach.vn
khỏi ký túc xá với mấy cái túi. Anh đi lặng lẽ và có một miền tối tăm bên trong đôi mắt của anh. “Có chuyện gì vậy anh?” tôi hỏi.
Anh buông túi xuống bãi cỏ, gương mặt anh xanh xao. “Tariq đã vượt biên rồi!”
Tôi biết rằng vượt qua biên giới để trở thành du kích quân đồng nghĩa với việc bị giết. Shabnam về quê. Vài ngày sau đó tôi đến thăm bác gái và bác trai của mình. Anh Tariq đã ra đi đột ngột mà không nói gì với bất kỳ ai. Bác Rahman đang rít liên tục ống tẩu của mình. Ông có vẻ đã già hẳn đi chỉ trong vài ngày. Bác gái tôi đang bị sốc và cố đối phó với điều này bằng cách lăng xăng với những việc dọn dẹp không cần thiết như xếp đi xếp lại chén, đĩa trên kệ bếp, chạy ra sửa sang quần áo phơi trên dây ngoài sân, rồi lại biến đi lần nữa để mua đường trong khi đường đã có sẵn ở nhà. Bác Rahman lặng lẽ nhìn bà rồi bật ra một tiếng cười nhỏ nghe như tiếng thét chứa đựng tất cả tình yêu và nỗi đau của ông. Tôi cố kìm nước mắt. Bác bập ống tẩu thêm lần nữa. “Khi bác còn trong ngành cảnh sát, không ai dưới quyền của bác dám không tuân lệnh. Con trai bác đã vượt biên mà thậm chí không nói gì với bác.” Dòng nước mắt tuôn ra và chảy xuống gương mặt nhăn nheo, xù xì của bác. Tôi chưa thấy bác khóc bao giờ.
Không lâu sau một người liên quan đến tổ chức mà Tariq gia nhập nhắn tin cho gia đình rằng anh ấy đã vượt qua biên giới và đang ở thủ đô Muzaffarabad, thuộc quyền kiểm soát của Kashmir, nơi điều hành phần lớn trại huấn luyện vũ trang cho dân Kashmir. Nhưng không ai có thể chắc chắn về điều đó và cũng không có cách nào để xác nhận là Tariq đã thật sự vượt biên an toàn.
Ở trường, Shabnam hy vọng anh Tariq an toàn và mong mỏi chờ đợi sự trở về của anh trai. Trong phòng trọ của mình, Shabnam nghe đài sada-e – Hurriyat (Tiếng nói tự do) phát sóng từ Muzaffarabad. Mỗi tối, đài phát thanh của những người ly khai lại phát một chương trình ca nhạc đại chúng xen kẽ với những lời tuyên truyền và những tin nhắn của thính giả. Khi một chiến sĩ đang được huấn luyện muốn báo cho gia đình biết tình hình của mình, anh ta sẽ yêu cầu một bài hát và gửi kèm một tin nhắn với nó. Những mẩu tin nhắn đại loại như: “Tahir Mir ở Soura, Srinagar, yêu thích chương
https://thuviensach.vn
trình và yêu cầu bài hát này được phát.” Gia đình và bà con của anh ta sẽ nghe thấy lời nhắn và biết là anh đang an toàn.
Shabnam và tôi đang cùng ngồi trên băng ghế bên ngoài ký túc xá. Anh lấy cái radio màu đen hiệu Phillips của mình ra và chúng tôi lắng nghe những bài hát cùng những lời nhắn. Những người dẫn chương trình vốn nổi tiếng về tài hùng biện trên cả tuyệt vời. Một người dẫn chương trình, tự gọi mình là Malik, tiên đoán rằng Kashmir sẽ giành độc lập trong vòng một tuần và ông ấy sẽ đi du lịch qua biên giới vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát đến phần Kashmir do Ấn Độ kiểm soát và uống trà kahwa ở khách sạn Jehagir, một khách sạn đồ sộ ở Srinagar vào thứ sáu tới.
Shabnam và tôi đều căng thẳng mỗi khi nghe chương trình. Chúng tôi nghe những mẩu tin nhắn và chờ đợi những cái tên quen thuộc. Nhiều tháng ròng, không có cái tin nào của Tariq. Ngày ngày Shabnam ngóng chờ tin của anh trai mình, ngày ngày anh mong chờ tin tức và gạt bỏ những tin đồn: “Tariq đã bị bắt ở biên giới.” “Có người nói là anh ta đã bị giết trên đường quay về.” “Một thằng ở Pulwama khi trở về đã gặp anh ta ở trại huấn luyện.” Mỗi lần có ai đó trở về sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, Shabnam hoặc một người anh em họ khác của tôi lại đến thăm gia đình họ để dò la tin tức của Tariq. Lời truyền miệng là nguồn tin tức duy nhất.
Một ngày nọ sau bữa tối, Shabnam đang nằm trên giường, ôm radio như ôm gối và đang lắng nghe chương trình. Tôi đang nói chuyện với bạn cùng phòng của anh ấy. Những bài hát như thường lệ được phát: “Những cô con gái của Srinagar! Hỡi những cô gái dũng cảm của Srinagar!” Một vài phút dành cho tin nhắn và một bài hát khác được phát: “Thức dậy đi! Buổi sáng đã lên rồi! Máu của những liệt sĩ đã đỏ rực! Những lá cờ chiến thắng đang tung bay! Thức dậy đi! Buổi sáng đã lên rồi!” Giọng của những người dẫn chương trình gióng lên những cái tên và địa chỉ như đang đọc kinh, trong khi tôi tiếp tục nói chuyện. Rồi bỗng có một tiếng động lớn làm hoảng hồn tôi và bạn cùng phòng của Shabnam. Shabnam đã nhảy khỏi giường và đứng cách đó vài mét, vẫn ôm radio trong tay trái. “Tariq đó! Tariq đó! Basharat ơi, anh ấy thực sự còn sống! Đài nói là, ‘Tariq Peer ở Salia, Islamabad thích chương trình và yêu cầu bài hát này.’”
https://thuviensach.vn
Khoảng một năm sau khi vượt biên, Tariq trở về nhà. Bạn bè, người thân và láng giềng đổ dồn về ngôi nhà ọp ẹp của bác Rahman. Tôi thậm chí không tìm được một chỗ để cởi giày. Hiên nhà và hành lang đã trở thành một đống ngổn ngang đủ giày xăng đan, dép lê và giày thể thao đủ màu. Tôi bước vào một gian phòng rộng, tường màu xanh lá cây. Tấm thảm dệt hoa mới tinh được trải ra. Đàn ông, đàn bà và trẻ con ngồi dựa vào những tấm nệm dọc theo tường. Shabnam xách một cái ấm samovar bằng đồng bọc thiếc sáng choang, rót trà kahwa vào mấy tách sứ đặt trước mặt các vị khách, một đứa con trai khác xách một cái giỏ đan bằng liễu gai mời khách ăn bánh mì vòng. Hàng trăm cặp mắt nhìn chăm chú vào một gương mặt duy nhất: Tariq. Anh ngồi trên một cái đệm bọc nhung, loại dành cho những chú rể Kashmir. “Mubarak Chuv! Mubarak Chuv!” (Xin chúc mừng! Xin chúc mừng!) vị khách mới nào cũng hô lên như thế khi vừa đến cổng. “Shukr Khodayus, Sahee Salamat Vot!” (Cảm ơn Thượng Đế! Anh đã trở về bình an.) Đàn ông bắt tay anh rồi ôm lấy anh. Phụ nữ thì ghì chặt anh và hôn lấy hôn để lên trán anh. “Miyon Nabi Thayinay Vaarey!” (Cầu xin đấng tối cao bảo vệ con!)
Bác Rahman ngồi sát bên Tariq. Có vẻ bác đã chấp nhận cái sự thật khó nuốt là Tariq đã trở thành một người nghĩa quân đang đương đầu với mối nguy hiểm vô ngần. Tôi đến bên Tariq và ôm anh. “Mày đã cao hẳn lên rồi!” anh nói. Tôi mỉm cười. “Anh thì ốm đi!” tôi đáp. Khuôn mặt tròn của anh có vẻ hốc hác. Anh đã cắt mái tóc quăn dài của mình ngắn như tóc của một người lính, nhưng đôi mắt to đen của anh vẫn lấp lánh nét thân thuộc. Anh trông thật gọn gàng trong bộ pajamas trắng kiểu kurta[25], gần giống như một chú rể. Tôi thơ thẩn nhìn sang “cô dâu” chết người của anh, khẩu Kalashnikov được giấu dưới chiếc áo khoác thể thao dày màu xanh lá đặt bên cạnh anh. Bên ngoài, đám thiếu niên trong làng căng tai và mắt canh chừng những dấu hiệu của đám xe quân đội. Gia đình anh lo ngại lính quân đội có thể vào càn nếu một tên mật thám cho chúng biết việc anh Tariq về thăm nhà.
Người con trai chinh chiến nói. Người cha cảnh sát về hưu lắng nghe, cả phòng đầy nghẹt người cũng vậy, họ lắng nghe như thể Tariq là Marco
https://thuviensach.vn
Polo mang đến tin tức của một thế giới mới. Anh kể cho chúng tôi nghe về cuộc hành trình đến Pakistan và lần trở về. Anh và bạn bè đã đón xe buýt đến Srinagar. Một người dẫn đường của nhóm nghĩa quân đợi họ tại trạm xe buýt đông đúc Batamaloo ở phía nam Srinagar. Ở đó họ lên một chiếc xe buýt để đi về thị trấn Baramulla ở phía bắc Srinagar. Chuyến xe đông nghẹt nhân viên trên đường đi làm về. Tài xế mở nhạc Bollywood, còn hành khách chuyện trò về phong trào đấu tranh. Một vài hành khách có vẻ nhận ra Tariq và bạn bè là những chàng trai sắp sửa vượt biên giới và mỉm cười với họ. Không hề có một trạm kiểm soát hay toán tuần tra quân đội nào. Những chàng trai đã ở lại Baramulla một đêm trong nhà một người lạ cùng với hai nhóm thanh niên nữa cũng muốn vượt biên giới. Sáng hôm sau, cả ba nhóm lên một chiếc xe buýt đi đến Kupwara, thị trấn gần Đường Kiểm Soát nhất. Người soát vé đã không lấy tiền vé của họ. Kupwara ngập tràn những thanh niên đến từ mọi vùng của Kashmir chờ vượt qua biên giới.
Tariq và bạn bè anh được giới thiệu với một người sẽ đưa họ vượt qua dãy núi. Những người như anh ta được xem như người dẫn đường. Họ thường là dân địa phương của những bản làng biên giới, biết rất rõ địa hình ở đó. Mang giày cao su hiệu Duck Back, đeo balô chứa đầy quần áo và thức ăn, họ rời Kupwara trong một chiếc xe tải. Đến tối, họ đã đến được làng Trehgam, cách Đường Kiểm Soát vài dặm. Họ chờ trong một nơi ẩn náu cho đến khi đêm xuống. Trong bóng đêm, họ lần theo người dẫn đường. Họ leo lên các vách đá, trườn qua những boongke của các toán quân Ấn Độ, rồi lại leo lên lần nữa suốt cả đêm. Người dẫn đường đã dặn họ không đốt thuốc lá hay bỏ lại rác. Thuốc lá có thể mời gọi hỏa lực nếu bị ống nhòm của một tên lính phát hiện, giấy gói bánh quy trong rừng có thể bóc trần lộ trình của họ. Họ nắm tay nhau và bước đi trong yên lặng. Đến rạng đông, họ ẩn mình trong những bụi rậm, đằng sau rặng vân sam và thông mọc trên núi tạo thành đường biên giới. Họ ở yên một chỗ trong ngày hôm đó, nơm nớp lo sợ bị các toán tuần tra Ấn Độ phát hiện. Đêm xuống. Họ lại trèo đèo lội suối cho đến tận trạm kiểm soát cuối cùng của quân Ấn. Trời vẫn còn tối khi họ trườn bò bên dưới trạm canh gác của quân Ấn và sang đến trạm của Pakistan phía bên kia. Ngày hôm sau Tariq đã ở Muzaffarabad. Anh được đưa đến
https://thuviensach.vn
một trại huấn luyện vũ trang do quân đội Pakistan điều hành. Trong sáu tháng anh tập sử dụng các loại vũ khí nhỏ, mìn và súng chống tăng. Tariq đi quanh quẩn ở Pakistan trong vài tháng, đợi đến lượt của mình trước khi trở lại nhà một năm sau. “Họ có phim Ấn Độ ở đó,” anh nói. “Tôi đã xem vài phim rồi. Và ở đó còn bán băng cát xét có tất cả bài hát mới.” “Thật chứ, ở Pakistan ư?” ai đó hỏi. “Anh đã xem phim nào chưa?” một người khác hỏi. Shabnam và tôi nhìn nhau rồi mỉm cười. Vài phút sau, một người hỏi thăm về cuộc hành trình ngược lại băng ngang vùng núi ở biên giới. Tariq nói, “Tuyết đang tan nhưng vẫn còn nhiều lắm.” Anh đã bạo dạn hơn khi trở về. Mỗi du kích quân trong nhóm của anh đeo một túi đầy đạn và một khẩu Kalashnikov. Quãng đường đi mất ba ngày. Những túi đạn rất nặng. “Ai mệt thì làm cho nhẹ túi đi. Chúng tôi chôn mấy gói thực phẩm và những ổ đạn trong tuyết.” Kể từ cuộc hành trình đến Pakistan của anh một năm trước, đã có hàng ngàn chàng trai như Tariq vượt qua băng tuyết như thế. Trên đường đi anh đã thấy bằng chứng những cuộc đụng độ của quân họ với các toán tuần tra biên giới của Ấn Độ: những bộ xương người nằm dưới những cây vân sam, một đôi giày nằm cạnh một hòn đá. Họ suýt bị giết khi chạm mặt với một nhóm các chàng trai đang vượt biên từ phía Srinagar sang. Nhóm kia mặc thứ đồ dã chiến đang thịnh hành trong nghĩa quân ngày ấy. Tariq và nhóm của anh tưởng họ là bọn lính Ấn Độ. Người dẫn đường của họ huýt sáo, một kiểu mật mã cho biết là họ cùng phe. Người dẫn đường bên Sri Lanka đáp lại, các chàng trai bắt tay nhau và đi tiếp. Tariq và bạn của anh đã có một trận đụng độ với quân dự bị ở gần thị trấn biên giới Kupwara. “Ba người trong nhóm tôi đã bị giết,” anh kể. “Một trong số họ là người ở Kupwara. Chỉ còn nửa tiếng nữa là anh ấy về đến nhà rồi!” Tâm trạng mọi người thay đổi và gian phòng tràn ngập những lời khích lệ: “Sự sống và cái chết thuộc quyền định đoạt của Thượng Đế tối cao.” “Những người chết vì chân lý luôn sống mãi.” “Tạ ơn Thượng Đế! Con đã về nhà an toàn.” “Đấng tối cao của ta sẽ bảo vệ con!” Một viên đạn xoáy vào chân Tariq, xé toạc một lỗ trên quần anh. Một lát sau, Shabnam chỉ cho tôi xem cái quần đó.
https://thuviensach.vn
Khách khứa tiếp tục kéo đến, trong số họ có một phụ nữ hốc hác mang một chiếc pheran chùng thêu hoa. Bà đứng cách Tariq vài mét, nhìn anh chằm chặp một lúc lâu. Anh đứng dậy khỏi ghế mình và ôm bà. Bà ở làng bên cạnh. Con trai bà đã vượt biên để đi huấn luyện vũ trang. Bà nghe kể lại là anh ấy đã chết trên đường quay về. Những gia đình có con trai chết trong lúc băng qua Đường Kiểm Soát, nơi xác họ phải nằm lại mãi mãi, tổ chức một tang lễ vắng mặt. Người ta cầu nguyện trong tang lễ với một quan tài rỗng hoặc không cần quan tài. Người phụ nữ này đã có một tang lễ như vậy cho con trai bà, nhưng bà đã không thể chấp nhận được hung tin về cái chết của anh ấy. Bà ngồi xuống trước mặt Tariq, cầm tay anh: “Tariq, con yêu quý, con trai ta ơi, người ta nói với ta là nó đã tử nạn tại biên giới!” Gian phòng chùng xuống trong im lặng, mọi ánh mắt đổ dồn lên khuôn mặt tang thương, buồn bã của bà. “Trái tim ta không đồng tình. Tariq ơi, con yêu quý ơi, hãy nói với ta là họ đang dối trá. Nói với ta là con đã gặp đóa hồng của ta! Con cũng đã ở đó mà. Con hẳn đã thấy đóa hồng của ta!”
Tariq ôm chặt bà. “Dạ, con thấy anh ấy. Anh đang chờ đợi để quay về. Anh đang chờ đến lượt mình.”
Tôi không chắc là anh nói thật với bà hay không, nhưng bà hôn lên trán anh thêm nhiều lần nữa và òa khóc. “Con trai ta sẽ trở về nhà.” Những chuyến thăm nhà của nghĩa quân rất ngắn ngủi. Anh Tariq sẽ về thăm cha mẹ mình một hay hai lần một tháng nhưng những lần ghé thăm của anh luôn vội vã và lén lút. Anh sống trong những nơi ẩn náu cùng với quân du kích, cùng họ sắp xếp kế hoạch tấn công các đoàn xe quân sự và các doanh trại của quân Ấn. Dù đã thấy những lính du kích tầm tuổi anh đi lại làng và thậm chí chuẩn bị tấn công một đoàn xe quân sự gần nhà tôi, tôi vẫn không thể hình dung anh Tariq trong một trận chiến, xả súng, quăng lựu đạn, làm nổ tung một quả mìn và giết chóc như thế nào. Nhưng đó là cuộc đời anh đã chọn. Và bọn lính Ấn đang lùng tìm anh. Bọn chúng thường gõ cửa nhà bác Rahman, lục soát để tìm anh, đánh đập bác Rahman và hai người anh của anh và bắt bác Rahman hoặc kêu gọi Tariq đầu hàng hoặc sẽ phải chết vào cái ngày bọn chúng tìm thấy anh.
https://thuviensach.vn
Tôi nhìn thấy anh Tariq lần cuối vào tháng tám năm 1992, cách nhà bác tôi vài trăm mét, trên một bình nguyên được dùng làm địa điểm cho những cuộc hành lễ Eid và trở thành sân cricket trong thời gian còn lại.
Ngày 14 và 15 tháng tám là ngày Độc lập của Pakistan và Ấn Độ. Nghĩa quân Pakistan đã tổ chức diễu hành chào mừng vào ngày 14 tháng tám và một ngày sau đó, ngày Độc lập của Ấn Độ được công bố là Ngày đen. Vào ngày 15 tháng tám, giao thông ngừng lại, cửa tiệm đóng cửa, trường học nghỉ, quân Ấn tăng cường kiểm tra chứng minh thư và cuộc sống đóng băng. Tuy vậy ở Srinagar, những chính trị gia ủng hộ Ấn Độ – những người đã lập ra chính quyền tiểu bang, tập họp những người ủng hộ họ và buộc các trường công lập gom các nhóm học sinh vào một sân cricket bị canh giữ bởi hàng trăm quân dự bị Ấn Độ. Rồi những chính trị gia này kéo cờ Ấn Độ lên. Bên ngoài sân vận động, đường phố vắng tanh.
Vào ngày 14 tháng tám năm 1992, Shabnam và tôi xem những lính du kích khác mừng lễ Độc lập Pakistan trong một sân cricket. Hàng ngàn người đã tụ tập lại xem cảnh tượng này. Chúng tôi len lỏi qua đám đông để lên hàng đầu xem cho rõ. Các lãnh tụ kháng chiến đọc những bài diễn văn đầy nhiệt huyết cổ vũ cho phe Pakistan và giương cao những biểu ngữ đòi ly khai. Chúng tôi chăm chú nhìn quân kháng chiến trong quân phục xanh lá cây, tay ôm súng. Họ biểu diễn những pha chiến đấu và hát theo tiếng vỗ tay của khán giả. Một lãnh tụ kháng chiến giương cao cờ Pakistan sau mỗi bài hát. Lính của ông bắn súng chỉ thiên. Rồi ai đó báo tin rằng toán tuần tra quân sự đang đến gần làng và thế là cuộc tụ họp lập tức bốc hơi.
Một năm sau lần tôi nhìn thấy anh Tariq trong nhóm tuần hành, bọn lính đã không còn gõ cửa nhà cha mẹ của anh nữa. Chúng đã giết anh trong một trận càn qua nơi ẩn náu của anh.
https://thuviensach.vn
3
Những dặm đường đăng đẵng
○ ○ ○
Cuộc chiến đã làm thay đổi ý nghĩa của từ khoảng cách. Tôi rời trường để về nhà gần như vào mỗi cuối tuần. Con đường làng như một dải lụa màu đen uốn lượn qua những đồng lúa và mù tạt, rặng liễu, cây phong Iran uy nghi hay cây chinar chạy dọc con suối chảy róc rách và những ngôi nhà nằm túm tụm trong vài ngôi làng nhỏ. Nhưng một chuyến đi sáu tiếng đồng hồ trên chiếc xe buýt địa phương thì thật nguy hiểm. Các xe tải quân sự và bán quân sự chạy trên cùng một con đường, chở hàng tiếp tế giữa vô số doanh trại hoặc đi càn quét trong các làng mạc. Quân du kích ẩn náu trong cánh đồng gần đường cái sẽ nổ súng vào các đoàn xe quân sự hoặc kích nổ mìn được chôn trên đường. Để trả đũa những đợt tấn công như vậy, bọn lính sẽ nã đạn vào mọi hướng và đánh đập bất kỳ ai chúng tóm được.
Một hôm cuối tuần trên đường về nhà, tôi đứng ở giữa lối đi trên xe buýt, gần bác tài xế. Xe buýt của người Kashmir giống như những quán cà phê ồn ào. Hầu hết mọi người đều quen biết nhau. Những giọng nói đủ mọi âm tầng tràn ngập cả xe. Bác tài mở một bài hát Bollywood và những lời hát sầu muộn vang lên trong mớ âm thanh hỗn độn đó. Đi được một dặm, một chiếc xe tải bán quân sự vượt mặt chiếc xe buýt của chúng tôi và lởn vởn ngay phía trước. Những người trong xe hạ giọng và bác tài tắt nhạc. Bọn lính thấy rằng, chạy gần một chiếc xe buýt dân sự sẽ ngăn quân du kích tấn công chúng. Nỗi lo lắng bao trùm cả xe. Bác tài bắt đầu sốt sắng cầu nguyện: “Lạy Chúa, tôi có ba đứa con nhỏ, xin ngài hôm nay đừng biến chúng thành con côi. Xin hãy đưa chúng con về nhà an toàn.” Xe chúng tôi chạy trong im lặng và hồi hộp chờ đợi. Rồi những giây phút đó cũng qua đi
https://thuviensach.vn
và chiếc xe tải bán quân sự tăng tốc. Bác tài giảm tốc độ để gia tăng khoảng cách. Khi chúng tôi ở trong địa phận làng Siligam, nằm giữa đoạn đường từ trường về nhà, thì tôi nghe một tiếng nổ lớn. Bác tài đạp thắng và chúng tôi thấy ở đằng xa chiếc xe tải bán quân sự chệch ra khỏi đường rồi dừng lại trên đồng. Tôi nghe hàng loạt tiếng súng bắn chặn – tiếng nhẹ là của những khẩu Kalashnikov, tiếng giòn là tiếng bắn trả của tiểu liên. Bác tài vòng xe và phóng hết tốc độ về hướng ngược lại. Mọi người trên xe đều cúi rạp xuống phía dưới ghế.
Tôi ngồi dưới sàn, nắm chặt một chiếc ghế. Tiếng gầm gừ của máy xe át cả tiếng súng đạn. Tôi nghĩ đến những phần cơ thể tôi có thể trúng đạn. Tôi ước ao trong tuyệt vọng là nó không phải khuôn mặt, đầu, hay cánh tay phải của mình. Tôi bỗng ý thức mãnh liệt về cơ thể mình. Tôi cảm nhận được cột sống đang căng cứng, cái cổ trống trải và đôi chân đang tê rần. Một viên đạn sẽ làm phần nào đau nhất? Tôi vùi đầu mình vào giữa hai đầu gối và nhắm mắt lại.
Chúng tôi đang chạy ra xa khỏi trận chiến. Tôi bắt đầu liệt kê những loại súng có thể bắn trúng chúng tôi. Có vẻ như chúng tôi đã ra ngoài tầm ngắm của AK-47 và tiểu liên cạc bin, nhưng một cây súng trường tự lên đạn, một khẩu súng máy tiểu liên hay trung liên hay súng cối 51 li có thể dễ dàng bắn trúng chúng tôi. Một lát sau, bác tài dừng xe lại. Tôi đứng bật dậy theo quán tính. Hai người đàn ông ôm lấy bác tài xế. “Anh đã cứu mạng chúng tôi,” một người khác nói, rồi bắt tay bác. Một ông già bật khóc. Một người phụ nữ vỗ lưng ông an ủi. Tôi cười với mọi người xung quanh. Chúng tôi bước xuống xe và uống nước ở dòng suối bên đường. Bác tài và một người đàn ông khác thì hút thuốc lá.
Chúng tôi vừa lên xe và bắt đầu chạy về hướng bãi đậu xe buýt ở làng Aishmuqam gần trường tôi, thì một đoàn xe tải bán quân đội chạy sầm sập về hướng chúng tôi. Đoàn xe dừng lại và chúng tôi cũng vậy. Đám lính có vũ trang lượn lờ quanh chiếc xe buýt và một viên sĩ quan của lực lượng bán quân đội ra lệnh cho chúng tôi xuống xe. Chúng tôi đứng thành hàng một trên đường. Tôi đứng gần cửa xe nhất và là người đầu tiên đi xuống. Tôi đang mặc đồng phục của trường và đeo balô đi học. Tên sĩ quan giơ cao
https://thuviensach.vn
khẩu súng như giơ cây ba ton. Tôi chờ hắn bắn. Mắt tôi không thể rời khỏi mắt hắn. Rồi hắn hạ súng xuống và đẩy tôi bằng tay kia. Tôi biết hắn sẽ bắn tôi. Nhưng hắn túm lấy một cánh tay tôi và thét lên, “Mày học ở cái trường gần trại bọn tao. Tao thấy mày đi ngang qua hàng ngày. Bây giờ thì biến khỏi đây ngay.” Hắn cho chiếc xe buýt và mọi người trên đó đi. Khi chúng tôi về đến bãi đậu xe, một đám đông đã tụ tập lại.
Hai tiếng sau, một chiếc xe buýt khác lại về đến và ông tài xế kể với tôi, “May cho chú mày là không có tên lính nào bị giết ở bãi mìn. Bây giờ đường đã thông, nhưng chúng bắt đầu mở một cuộc đàn áp ở các làng xung quanh.” Mười lăm phút sau, chúng tôi đi ngang qua nơi mìn phát nổ. Tôi không thấy một tên lính hay một chiếc xe quân đội nào. Chỉ có những cây dương liễu dọc hai bên đường, cánh đồng lúa, những mái tôn của một ngôi làng nằm bên kia đồng và một cái hố rộng bên góc phải của con đường bị lõm xuống sau vụ nổ. Ở các ngôi làng chúng tôi chạy ngang qua, những cửa tiệm đều đóng cửa và những con đường vắng bóng người, ngoại trừ các toán tuần tra của lính bán quân đội. May mắn là chúng đã cho xe chúng tôi qua.
Vài tuần sau tôi lại về nhà. Cuối tuần, chúng tôi chờ cha về thăm nhà từ văn phòng của ông ở Srinagar, nơi bị hư hại nặng nề vì bạo loạn. Hàng ngày chúng tôi nghe đài BBC Thế giới báo cáo về con số người chết ở đó. Cái giọng trang nghiêm của Yusuf Jameel, phóng viên đài BBC tại Srinagar, vang lên trong radio của chúng tôi hàng đêm: “Tôi nghe thấy tiếng súng.” Tiếng đạn réo chết người sẽ vang lên trên radio trong vài giây và giọng cam chịu của Jameel theo sau: “Lại một xác người vô danh nữa được tìm thấy trên sông Jhelum ở Srinagar.”
Xế trưa hôm đó, mẹ sai tôi đi mua sườn cừu để bà nấu bữa tối cho cha. Tôi bước ra khỏi nhà và nhìn thấy ông họ của mẹ, ông Saifuddin tóc trắng phau, đang ngồi bên quầy rau của mình và nhìn rà soát khu chợ. Ông không mua bán gì nhiều nhưng biết mọi việc diễn ra trong làng, vì ông dành hầu hết thời gian dòm ngó xem ai đi đâu và hỏi chuyện không ngớt. Ông vẫy tôi lại và hỏi, “Hôm nay là thứ bảy đấy! Sahib có về nhà không?”
“Dạ có, bố cháu sắp về tới rồi,” tôi đáp.
https://thuviensach.vn
“Ông chỉ hỏi vì vẫn chưa thấy ông Hiệu trưởng (tức ông tôi) đến tiệm thịt. Ông ấy hay mua thịt vào tầm giờ này ngày thứ bảy. Ông đang thắc mắc, không biết mọi chuyện có bình thường không. Đây là thời khắc nguy hiểm mà.”
Tôi đảm bảo với ông là Ngoại đang bận rộn với mấy việc lặt vặt và tôi đang đi mua thịt. Tôi đi về hướng ông hàng thịt thì mấy người đàn ông tụ tập gần hiệu thuốc tây và tiệm may gọi to. “Cuộc phỏng vấn sao rồi?”
“À! Như mọi lần. Ông ấy chưa thấy Ngoại cháu đi mua thịt,” tôi nói. Mọi người cười phá lên. Ông hàng thịt Abu nhìn về hướng chúng tôi, mỉm cười. “Làng này sẽ chẳng được như thế này nếu không có ông Saifuddin. Ít nhất thì ông ấy cũng hỏi thăm mọi người.” Ông bắt đầu chặt sườn cừu cho tôi, đồng thời chỉ tôi những phần thịt mà Ngoại sẽ đòi. Và nói: “Thầy Hiệu trưởng chắc là đi thăm vườn táo. Hay là thăm đồng?” “Không ạ, ông cháu ở nhà, sửa mấy thứ đồ điện.”
Rồi tôi để ý một nhóm thanh niên mang súng đứng gần trạm xe buýt. Tonga, người đàn ông JKLF cao lớn ở làng tôi, đứng cùng với họ. Mấy thằng con trai trong làng đã bắt đầu gọi anh ta là Rambo, nhưng những người lớn tuổi vẫn gọi anh là Tonga. Một nhóm nhỏ dân làng đang tụ tập quanh Tonga và tranh cãi về cái gì đó. Ông Abu và tôi nhìn nhau. “Có Trời mới biết Tonga đang tính chuyện gì,” ông thở dài. Tôi chạy đến để tìm hiểu. Tonga và quân của anh ta đang bàn việc tấn công một đoàn xe tuần tra của Ấn Độ sẽ đi ngang qua làng chúng tôi. Dân làng đang cố thuyết phục anh đừng làm điều đó. Họ gọi anh bằng tên thật. “Mohiuddin Sahib, con là con trai của chúng ta, con là dân làng ta. Con phải dừng cuộc tấn công này lại.” “Mohiuddin Sahib, con biết bọn lính sẽ làm gì sau khi bị tấn công mà. Con muốn làng của con bị thiêu trụi sao?” “Con đã quên là nhà chúng ta còn có con gái sao? Chẳng lẽ con muốn bọn lính xông vào nhà chúng ta? Trời đất quỷ thần ơi, đây là làng của con mà!”
Tonga đứng tách khỏi những đồng chí đang ủ rũ của mình để thanh minh với dân làng. “Tôi biết! Tôi biết! Tôi đem mẹ tôi ra thề là tôi không thể làm được gì cả. Mỗi lần cấp trên của tôi dự tính một hành động nào ở làng
https://thuviensach.vn
này, tôi đều đấu tranh với họ. Chẳng lẽ tôi không biết sao? Bà mẹ già của tôi sống ở đây, ba đứa con gái của tôi sống ở đây.”
Ông thợ làm bánh Hasan cầm lấy tay Tonga. “Làm ơn đi! Con hãy làm điều gì đó đi!”
Ông Abu chêm vào. “Mohiuddin con ơi, làm ơn đi! Con có thể cứu vớt làng này. Làm ơn đi!”
Ngay cả ông lão Saifuddin cũng rời khỏi chỗ của mình và đi lại. “Mohiuddin Sahib, anh là con trai ta. Rahet, mẹ của anh, giống như chị ta vậy. Hãy nhớ lấy điều đó! Và hãy nhìn râu tóc bạc phơ của ta đây! Ta sẽ chạy đi đâu?”
Tonga cầm lấy tay ông lão. “Ông giống như cha của con vậy và con như con trai của ông. Nhưng con không thể ngăn được chuyện này hôm nay. Ông hãy làm ơn đóng cửa tiệm và đi đi! Làm ơn đi, chúng ta không có nhiều thì giờ đâu.”
Dân làng đành bỏ cuộc. Những người chủ tiệm kéo cửa sập xuống. Tôi chạy về nhà. “Mẹ ơi, người JKLF đang ở ngoài kia. Họ chuẩn bị tấn công một đoàn hộ tống,” tôi la lên. “Anh Tonga cũng ở đấy, nhưng anh ấy không thể ngăn được cấp trên. Chúng ta phải chạy đi thôi.” Mọi người đều hốt hoảng. Mẹ tôi xắn tay áo pheran và yêu cầu mọi người trật tự. Bà đang là giáo viên trung học và mọi người đều nghe bà. Bà giấu nữ trang của các dì để trong nhà tôi. Ngoại xách chiếc túi đựng các bằng cấp của gia đình, các giấy tờ nghiệp vụ, tiền bạc và sổ tiết kiệm. Chúng tôi đã sẵn sàng bỏ đi qua cánh cửa dẫn ra ruộng rau sau nhà. Rồi mẹ nói, “Còn đống sách thì sao đây?” Chúng tôi nhìn nhau.
Cha tôi đã xây dựng thư viện của mình trong nhiều năm trời. Mỗi cuốn sách đều có tên cha và số hiệu của sách ở trang đầu trong nét chữ nguệch ngoạc của cha hay nét chữ nắn nót hơn của mẹ. Tôi đã ngồi nhiều giờ dài trong thư viện của cha. Nhiều sách bìa cứng của những nhà văn Nga vĩ đại, của Nhà xuất bản Nhân Dân được bán trong những cửa hàng sách lưu động của Đảng Cộng sản Ấn Độ, nhiều cuốn sách mỏng bìa mềm của những tiểu thuyết gia người Mỹ và châu Âu, và cả sách của những nhà văn vĩ đại viết bằng tiếng Urdu như Premchand, Manto, Ghalib, Iqbal và Faiz. Và cả những
https://thuviensach.vn
sách về lịch sử, luật, sách chú giải về tôn giáo và chính trị ở Nam Á. Những cuốn sách đẹp nhất của cha tôi là bộ Tác phẩm toàn tập của William Shakespeare – một bộ sưu tập bìa bọc da, với những trang sách mạ vàng. Sách của cha là sách của một người tự học, những cuốn sách đã tạo nên con người ông, giúp ông gây dựng cuộc đời mình. Chúng làm cho ông nổi bật lên khi ông bàn luận về thời cuộc và những tư tưởng chỉ có một vài người trong thế giới của chúng tôi có thể bàn tới được. Việc sờ những gáy sách, rà ngón tay mình theo đường chữ, cảm nhận sự mịn màng của những trang giấy bên trong và bị mê hoặc bởi những câu chuyện đã làm cho tôi cảm thấy gần cha hơn và thấy mình chia sẻ được mối liên hệ của ông với một thế giới huyền diệu.
Nhưng không thể làm gì hơn, chúng tôi đành phải bỏ những cuốn sách này lại. Chúng tôi bước ra sân sau. Bà ngoại cứ nhìn hoài về hướng ngôi nhà. “Sahib chắc sẽ về bất kỳ lúc nào,” bà lặp đi lặp lại. Mặt trời đang chìm dần trên bầu trời và chúng tôi mong cha sẽ về vào bất cứ giây phút nào. “Thượng Đế sẽ che chở anh ấy. Mẹ không thể làm được gì bằng cách đứng nhìn,” mẹ thét lên với bà và cài chặt khóa.
Những người hàng xóm của chúng tôi đang đứng trong bãi cỏ nhà họ với vài ba chiếc túi. Yusuf và mấy đứa con trai ông, Manzoor, Khalid và Asif, cũng ở đó. “Bây giờ chúng ta còn nhìn gì nữa!” Ngoại gầm lên và chúng tôi bắt đầu đi. Ông Amin dược sĩ đi cùng với gia đình, ông Abu hàng thịt cũng ở đó với vợ và mấy đứa con trai. Phía trước một chút, tôi thấy ông thợ may cộc cằn Kaisar, đang giúp cha mình đi đến nơi an toàn. Và lão nông Gul Khan, người nhắc nhở việc cầu kinh, đang cõng cháu ngoại của mình trên vai. Không lâu sau, chuyến đi bộ của chúng tôi trở thành một cuộc chạy bộ. Tôi hy vọng cha sẽ nghe tin về vụ tấn công và tránh xa nơi này. Tôi hy vọng không ai bị giết trong cuộc tấn công và bọn lính không đốt nhà chúng tôi. Tôi nghĩ đến một số vật thân thương nhất của mình: mấy cuốn sách, cái tivi trắng đen, cái radio hiệu Sony và chiếc máy ảnh Polaroid.
Làng chúng tôi vắng người nhanh chóng, hầu như mọi người đều chạy về hướng Numbul, ngôi làng kề bên. Ngôi làng chạy ngang qua ruộng lúa và con suối Lidder của chúng tôi. Dòng nước suối màu ngọc bích chảy ào ạt
https://thuviensach.vn
qua những cánh đồng, sủi bọt trên những hòn đá. Đám cỏ dại mọc ven suối, những cây dương liễu đong đưa và đồng lúa đang chín vàng. Những ngọn núi đứng sừng sững như chứng nhân. Trên bầu trời xanh, đám quạ và diều hâu đang chao lượn. Dửng dưng. Chúng tiếp tục với mùa màng của chúng.
Chúng tôi đến cách dòng Lidder khoảng nửa cây số thì tiếng đạn đầu tiên vang lên. Ông Yusuf cố chạy nhanh hơn. Ông ngoại tôi dừng lại, còn ông Gul Khan thì nằm úp bụng xuống đồng, ôm chặt đứa cháu ngoại. Tôi muốn phá lên cười khi nhìn thấy ông Yusuf vừa chạy vừa lấy tay trái che gò má của mình như thể nó có thể ngăn được đạn. Cứ vài giây chúng tôi lại nghe tiếng đạn lốp bốp. Những khẩu Kalashnikov của nghĩa quân có tiếng khác với những cây súng máy và súng trường của bọn lính. Manxoor, con trai ông Yusuf, cố phân biệt tiếng súng nào là của bên nào. “Hiện giờ phe quân đội đang bắn trả. Nghĩa quân có vẻ đã ngừng bắn.” Ông bố thường ngày rất bình tĩnh tát vào mặt đứa con.
Tiếng súng vẫn nổ khi chúng tôi đến Numbul. Tất cả cánh cửa đều mở toang chào đón. Tôi không biết chúng tôi đã ùa vào nhà nào. Gia đình tôi được đưa vào một căn phòng. Dân của làng tôi đã ở sẵn trong đó, ngồi im lặng dọc các bức tường, tay cầm những tách trà đã vơi phân nửa. Khi gia đình tôi theo ông ngoại vào trong phòng, hai thanh niên đứng dậy nhường chỗ cho ông và bà, một thanh niên khác lấy tấm nệm mà anh ta đang dựa vào đặt sát tường cho ông. “Đây không phải là lúc khách sáo,” ông từ chối. Tiếp theo là trà. Không ai nói gì nhiều. Chúng tôi lắng nghe tiếng súng văng vẳng.
Sau một lúc, ông ngoại và vài người đàn ông khác bước ra ngoài. Tôi theo sau. Chúng tôi đứng nhìn về hướng làng mình. Tất cả những gì tôi có thể thấy là những ngọn cây xa xa, vài tháp nhà thờ và ngọn núi của làng. Không ai nói ra nhưng mỗi chúng tôi đều đang tìm kiếm phía chân trời những ngọn lửa và đọn khói. Thuốc súng không cần nhiều thời gian để đốt trụi một ngôi làng. Nhưng tôi không nhìn thấy khói mà chỉ thấy một bầu trời đang tối dần.
Tôi tưởng tượng cảnh người ta chặn một chiếc xe buýt địa phương ở làng bên, báo cho tài xế biết về vụ tấn công và cho nó quay ngược lại. Tôi
https://thuviensach.vn
tưởng tượng cha đang ôm chồng báo và hồ sơ văn phòng, rời khỏi xe buýt và tá túc ở nhà một người quen. Nhưng tôi không thể bỏ qua những ý nghĩ về việc chiếc xe buýt của cha đang chạy về hướng làng chúng tôi hoặc đang bị kẹt giữa các làn đạn. Lần đầu tiên tôi hiểu được trọn vẹn việc ông phải trải qua những cuộc hành trình nguy hiểm hết tuần này sang tuần khác để gặp chúng tôi như thế nào.
Tiếng súng im bặt sau một lúc. Gia đình tôi ở lại Numbul đêm hôm đó. Sáng hôm sau chúng tôi quay về làng trong nỗi bất an và hồi hộp. Chúng tôi đi bộ rất nhanh và chỉ dừng lại để chào hỏi người quen và nhìn về hướng các ngôi nhà trong làng hòng tìm dấu vết của trận chiến đấu tối qua.
Chúng tôi dừng lại đột ngột khi về đến sân sau nhà mình. Ông bà ngoại, mẹ, em trai tôi, các dì và tôi chết đứng trong một giây, nhìn trâng trâng ngôi nhà không hề suy suyển, giống như là chúng tôi đã phát hiện ra một vầng trăng non. Tôi chạy vù vào sân sau. Cha đang đứng trên hàng hiên. “Cha đã nghe tin đó trên đường về và ở lại Islamabad, chỗ ông Mohammad Amin,” ông bình thản nói.
Tôi lắc lắc tay ông. “Nhưng cha có sao không?”
Cha mỉm cười. “Khỏe! Bọn cha ổn mà.”
Ngoại kể lại cho cha chi tiết cuộc tháo chạy và việc chúng tôi ở lại Numbul. Tôi cũng tham gia và kể lại việc thấy nghĩa quân trên đường và cuộc nói chuyện của dân làng với anh Tonga. Thằng em trai tôi cũng không thể im lặng. “Cha ơi, anh Basharat đã khóc lúc nhà mình ở bên Numbul.” Cha nhìn đi nơi khác, giả vờ không nghe nó nói. “Thôi vào nhà đi!” ông nói.
Chúng tôi đi vòng vòng, kiểm tra từng phòng hướng mặt ra đường cái xem có dấu hiệu hư hại nào không. Vài viên đạn còn dính trên trần căn phòng của cha và vài viên nữa găm vào bức tường phòng khách xoay ra đường. Ông ngoại dùng kềm lôi mấy vỏ đạn ra. Chúng tôi nhìn chúng trong vài giây rồi quăng đi.
Đến xế trưa, cha ngồi trong cái góc thường lệ của mình trong phòng khách, cùng vài cuốn sách và một ấm samovar đựng trà nóng bên cạnh. Hai anh em tôi ngồi đối diện cha. Thỉnh thoảng, một người bạn hay một người bà con sẽ ghé qua và những câu chuyện của tối qua lại được thuật lại. Giữa
https://thuviensach.vn
những lần kể này, cha sẽ đọc một hay hai trích đoạn thơ Urdu hoặc một đoạn Shakespeare rồi quay sang hai anh em tôi, nói: “Đứa nào giải nghĩa được đoạn này sẽ được năm rupee.”
https://thuviensach.vn
4
Boongke hóa
○ ○ ○
Trong vòng vài tháng sau đó, đã có vô số cuộc đàn áp xảy ra trong làng tôi và những làng lân cận.
Thêm nhiều doanh trại quân đội Ấn Độ được dựng lên ở Kashmir. Những chiếc xe quân đội, lính có vũ trang, những khẩu súng máy ló ra khỏi các boongke bằng bao cát ở khắp nơi. Chết chóc và sự sợ hãi đã thường trực, như việc đi học hay chơi cricket hay bóng đá. Có những lúc chúng tôi đã quên mất cuộc chiến tranh ở quanh mình. Có những lúc chúng tôi không thể.
Mùa hè năm 1992, dì tôi có thai và mẹ thường xuyên lo lắng về một cuộc tấn công của quân đội hay một trận càn vào làng. “Chúng ta sẽ làm sao nếu có chuyện gì xảy ra đây?” mẹ lẩm bẩm. Một buổi trưa tháng sáu, những cơn đau đẻ bắt đầu hành hạ dì tôi. Chồng dì, chú Bashir (ông chú có cái giọng nói tiếng Anh bí ẩn), ông ngoại và mẹ bàn việc đưa dì đến một bệnh viện ở Anantnag.
Nhưng có một cuộc bãi công, hoặc là một cuộc chống đối bằng cách đóng hết cửa tiệm ngày hôm ấy để phản đối điều gì đó – một sự kiện rất thường xảy ra trong những ngày đó. Những cửa tiệm đều đóng cửa và không có một phương tiện vận chuyển nào đi lại. Mấy đứa con trai hàng xóm chơi cricket với một trái bóng quần vợt trên đường. Không có cách nào để đến bệnh viện ngoại trừ cách thuyết phục một trong hai ông tài xế trong làng chở dì tôi đến đó. Ngoại tìm được Dilawa Khan, một trong hai ông tài xế. Chú Bashir, mẹ và Ngoại cùng hộ tống dì tôi đến bệnh viện. Khi họ chuẩn bị đi, một người quen đi chiếc scooter đến và bảo họ đợi.
https://thuviensach.vn
Nghĩa quân đã tấn công một đoàn xe tải của quân đội gần bệnh viện ở Anantnag và một trận bắn nhau gay gắt đang diễn ra. Dì tôi đang đau quằn quại. Mẹ tìm cách xoa dịu dì. Chú Bashir hồi hộp đi ra đi vào. Ngoại thì cầu nguyện.
Sau một lúc, chúng tôi không thể chờ thêm nữa. Mẹ và chú cùng ngồi với dì ở ghế sau taxi. Ngoại ngồi ở ghế trước. Dilawar, người tài xế cao, đầu hói, ngồi sau tay lái, nghiêm nghị và quả quyết. Ông nổ máy xe và quay sang Ngoại. “Thầy Hiệu trưởng ơi, con bé cũng là con gái tôi. Cho dù bọn chúng có đem xe tăng ra, tôi cũng quyết đưa nó đến bệnh viện.” Các cầu thủ cricket đã dừng cuộc chơi và đứng bên chiếc xe. Hầu hết mọi người trong làng đã tập trung lại để tiễn họ. Bọn trẻ con cố chen đến gần cửa sổ xe và nhìn dì ấy. Những người đàn bà với tay vào trong để vỗ đầu và cầm tay dì. Những người đàn ông la lối, nhắc họ nhanh chân lên và phải dũng cảm và kiên nhẫn. Chiếc xe chạy đi. Hàng loạt những cánh tay giơ lên và những giọng nói đồng thanh hòa thành lời cầu nguyện: Miyon Khoday Thaeyinav Salamat! Miyon Nabi Kariney Raecchih! (Cầu xin thánh Allah giữ gìn cho con được bình an! Cầu xin đấng tiên tri Mohammad canh chừng con!)
Ba tiếng sau, ông Dilawar tấp xe vào bên ngoài nhà chúng tôi. “Một thằng con trai!” ông ấy la lớn.
Tôi bắt tay ông. “Dì con có khỏe không ạ?”
“Khỏe, khỏe, nó khỏe. Ta đã lái rất nhanh. Đến những trạm kiểm soát, ta gọi tất cả bọn lính là ‘Đức ngài’ và nói với bọn chúng là đứa con gái ta sắp sinh đến nơi rồi. Suy cho cùng, chúng cũng là con người mà thôi. Chúng ta đến đó vừa kịp lúc.” Tôi cảm ơn ông và ông mỉm cười. “Dì cháu giống như con ruột của ta vậy. Thằng bé thật kháu khỉnh!” Chúng tôi đặt tên nó là Murtaza – người dũng cảm.
Vài tháng sau, vào một ngày mùa thu, tôi đi cùng với vài người bạn trong một chợ nhỏ gần nhà. Một tên quân cảnh bước vào và chúng tôi lần tay vào túi để lấy chứng minh thư. Một tên lính dừng lại bên cạnh bạn nghĩa là bạn sẽ có rắc rối. Bạn sẽ bị kiểm tra chứng minh thư, hoặc bị đánh đập, hoặc ghé thăm doanh trại quân đội gần nhất. Hay đơn giản là hắn có thể ra
https://thuviensach.vn
lệnh cho bạn vác một cái bao đựng hàng tiếp tế đến trại của hắn. Binh lính ép buộc thường dân làm việc cho chúng là chuyện thường ngày. Tên lính đi về phía chúng tôi chỉ để hỏi mua mấy cục pin cho radio của hắn. Tôi chỉ hắn đến tiệm của ông Bashir Lala, anh họ xa của mẹ tôi, một người đàn ông tốt tính khá nổi tiếng trong dòng họ về tính nhút nhát. Chúng tôi hay mua vui trong sự bối rối của ông.
Một ngày nọ ông Bashir đi thăm họ hàng ở Anantnag. Dân địa phương thường gọi Anantnag bằng cái tên từ ngày xưa của nó, Islamabad. Bọn lính sẽ đánh đập bất cứ ai dùng cái tên Islamabad, bởi nó cũng là tên thủ đô của Pakistan. Ông Bashir luôn nhắc nhở mình phải nói Anantnag mà không nói Islamabad nếu có một tên lính hỏi ông đi đâu. Xe buýt của ông bị bắt dừng lại tại một trạm kiểm soát ngoài thị trấn và một tên lính hỏi, “Ông đang đi đâu đó?”
Ông Bashir quên mất câu trả lời mình đã tập dượt trước. “Islamabad.” Cây ba ton của tên lính vụt vào tay trái ông đau điếng và ông Bashir thét lên, “Anantnag, thưa ông! Anantnag, không phải Islamabad.”
Người ta đồn ông Bashir đã đón chiếc xe buýt kế về nhà và không thăm viếng cả Anantnag lẫn Islamabad hàng mấy tháng sau đó.
Tên lính muốn mua mấy cục pin bước đến tiệm ông Bashir. Tôi thấy ông Bashir đứng dậy khỏi chiếc ghế gỗ của mình và đi về chỗ những bậc thang dẫn đến tiệm, run lẩy bẩy và tuôn mồ hôi đầm đìa. Ông hỏi tên lính, “Thưa ông! Tôi đã làm gì ạ? Xin đừng tin mấy thằng ngốc này, chúng nó không có chuyện gì khác để làm ngoài việc chọc ghẹo tôi. Tôi bằng tuổi cha chúng, mà chúng vẫn hù dọa tôi. Tôi chỉ là một chủ tiệm nhỏ bé.” Tên lính phá lên cười và hỏi mua pin. Ông Bashir lóng ngóng lục lọi mấy kệ trong tiệm, không tìm thấy gì và lại xin lỗi. “Ông nên bán pin ở đây,” tên lính nói. Ông Bashir hỏi, “Hiệu gì thưa ông?”
Tên lính đi tiếp sang tiệm khác. Ông Bashir dõi theo cả toán lính cho đến khi chúng đi mất. Chỉ khi ấy ông mới dám hét lớn: “Đồ con lợn! Tụi mày dám giỡn mặt với tao! Đồ con chó!” Ông ấy tiếp tục la hét chúng tôi. Rồi ông vùi đầu mình giữa hai đầu gối, che bằng hai bàn tay và òa khóc. “Sao tụi mày lại đối xử với tao như vậy? Tim tao có vấn đề, mấy cây súng
https://thuviensach.vn
làm tao sợ chết khiếp. Đúng, tao là thằng hèn. Tao không muốn chết. Tao có hai đứa con gái. Tao phải gả chúng nó trước khi tao chết.” Ông ôm cái đầu hói tròn trịa của mình và khóc. “Mày cũng vậy nữa! Mà mày là con trai của chị tao,” ông ấy nói, nhìn thẳng vào mắt tôi.
Không lâu sau, tôi đã hiểu hơn về nỗi khiếp sợ của ông. Một buổi tối mùa đông nọ, tôi và thằng Wajahat đang xem bộ phim Ba chàng ngự lâm pháo thủ. Dù là chiến tranh hay hòa bình, người ta cũng không thể để vuột mất cơ hội xem một bộ phim như thế. Truyền hình Pakistan chiếu vô số bộ phim Hollywood cổ điển. Chiếc tivi của chúng tôi thu tín hiệu kém, nên thằng Wajahat và tôi phải tốn hàng mấy tiếng điều chỉnh ăng ten. Tôi sẽ vác cái ăng ten trên một cọc gỗ từ mái nhà xuống bãi cỏ sân trước, qua chuồng bò và xoay nó từ từ. Thằng Wajahat sẽ chạy không kịp thở giữa phòng khách và chỗ tôi làm để báo cáo tiến trình. Thỉnh thoảng cái tivi sẽ bắt được hình ảnh, nhưng âm thanh sẽ bặt vì nhiễu. Thỉnh thoảng chúng tôi có thể bắt rõ âm thanh và những con người sẽ hiện lên màn hình như trong phim âm bản. Rốt cuộc chúng tôi cũng sẽ dò được trúng chỗ cho cái ăng ten và hình ảnh, âm thanh sẽ cùng song hành.
Tôi vặn âm thanh xuống mức nhỏ nhất, thắp một ngọn đèn và hạ hết màn xuống để tránh mọi sự chú ý. Bên ngoài, đêm giới nghiêm vẫn nằm im thin thít như một người đàn ông đang chờ đợi cuộc tập kích. Ba chàng ngự lâm chiến đấu, nô đùa, mua vua cho chúng tôi một lúc. Bỗng tiếng ầm ầm của những chiếc xe tải quân đội bên ngoài xua đi những trận đấu kiếm. Chúng tôi tắt tivi và nhìn he hé qua màn cửa. Ánh đèn pha của chiếc tải thắp sáng con đường vắng và những ngôi nhà xung quanh. Sau khi đoàn xe quân sự đi qua, chỉ còn lại sự im lặng và vầng trăng đăm chiêu tựa mình vào những đám mây.
Buổi sáng đến đột ngột bằng một câu thông báo thật to qua cái loa công cộng của đền thờ: “Asalam-u-alikum! Đây là thông báo khẩn. Quân đội đã bao vây làng. Tất cả đàn ông, thanh thiếu niên phải tập trung trong bãi cỏ ở sân bệnh viện trước sáu giờ. Sẽ có một cuộc trấn áp. Từng căn nhà sẽ bị lục soát. Đàn bà có thể ở nhà.” Ông Gul Khan, lão nông sống trong một cái lán bằng gạch gần đền thờ và là người nhắc nhở việc cầu nguyện, lặp đi lặp lại
https://thuviensach.vn
thông báo đó vài lần. Chỉ vài người hưởng ứng lời nhắc cầu nguyện buổi sáng sớm của ông. Nhưng lời thông báo về cuộc càn quét đã mang đến cho ông một thứ quyền lực mới. Chỉ trong vài phút, cả nhà tôi đã có mặt tại gian bếp. Sau một bữa sáng nhanh gọn, Ngoại, cha, tôi và đứa em bước ra ngoài đường. Những nhóm nhỏ đàn ông và thanh thiếu niên trong làng xóm đã đứng sẵn ở trước cửa mấy cửa tiệm gần đó.
Không lâu sau, mẹ và các dì sẽ mở hết cửa tất cả gian phòng và tủ bếp cho bọn lính lùng sục quân khởi nghĩa, súng, hoặc đạn dược. Ở Kashmir vẫn thường xảy ra chuyện bọn lính giở trò xấu với đàn bà con gái trong những trận càn quét. Nhưng chúng tôi đã không thể làm được gì.
Một nhóm nhỏ những khuôn mặt mắt nhắm mắt mở bắt đầu di chuyển qua những cái chợ rỗng không về hướng khu bệnh viện. Vầng mặt trời nhợt nhạt, giấu mình sau những ngọn núi, chạm khẽ vào mấy nóc nhà lợp tôn. Chúng tôi đi trong màn sáng tù mù qua các cửa tiệm đìu hiu, giữa những hàng lính đội nón cối kim loại ánh màu xanh lá đang ôm chặt những khẩu súng trường và súng máy. Tôi do dự đi theo cha. Mấy tên lính quát tháo chúng tôi bước nhanh hơn. Chúng tôi phục tùng. Một nhóm khác kêu chúng tôi đưa chứng minh thư ra và giơ tay lên. Trong vòng vài giây đã có một hàng người dài nối đuôi nhau trước cổng bệnh viện. Hai hàng tay giơ lên, cánh tay phải nắm chặt chứng minh thư cao hơn cánh tay trái để không vài xentimét. Không có một nét nào riêng để phân biệt giữa tay của một nông dân và một ông thẩm phán, mà chỉ có chuyện người này đứng sau người khác.
Tôi đi vào bên trong khu bệnh viện, nơi có hàng trăm người đang ngồi dưới cái sàn trống trơn lạnh lẽo. Cha, Ngoại, tôi và em trai ngồi chung với một nhóm những người hàng xóm. Một viên sĩ quan quân đội ra lệnh cho khách ghé thăm bệnh nhân đứng vào một nhóm cách xa dân làng. Dân làng được lệnh đi hàng một ngang qua một xe quân sự. Từng người được yêu cầu dừng lại tại cửa sổ xe và đưa mặt cho một gã mukhbir bịt mặt xem. Mukhbir là từ để chỉ một người Kashmir đã trở thành kẻ chỉ điểm nghĩa quân và những người ủng hộ họ.
https://thuviensach.vn
Một số tên mukhbir vốn là nghĩa quân đã bị tra khảo đến khuất phục. Một số khác tình nguyện làm vì tiền. Một số khác gia nhập những toán vũ trang để trả thù việc nghĩa quân đã giết thành viên nào đó trong gia đình họ. Cách đây khá lâu, nghĩa quân đã đem một tên bị tình nghi là chỉ điểm đến con kênh chạy dài theo chân ngọn núi nằm sừng sững che chắn làng chúng tôi và bắn hắn. Họ ném gã đàn ông bị thương xuống kênh và bỏ hắn lại cho đến chết. May mắn thay, gã đàn ông bị thương, hóa ra là tên lang thang ở làng bên trước đây là học sinh của ngoại tôi đã sống sót. Hai viên đạn trúng vào cổ hắn nhưng dòng nước lạnh của con kênh đã làm máu của hắn đông lại và cứu hắn.
Trong những giờ tiếp theo chúng tôi bị bắt xếp thành hàng một và đi ngang qua tên mukhbir. Nếu tên chỉ điểm giơ tay lên, bọn lính sẽ nện người bị tình nghi rồi đem anh ta đi thẩm vấn. Đến lượt tôi. Tim tôi đập thình thịch, nhưng tôi cố không tỏ ra hồi hộp. Tên mukhbir đợi một giây và bảo tôi đi tiếp. Nhưng Manzoor, thằng con trai mười sáu tuổi của người hàng xóm chúng tôi, thì bị đem đi thẩm vấn. Cha nó từng làm quản lý khách sạn ở một khu du lịch gần đó. Sau khi trận chiến nổ ra, du khách đã ngừng đến Kashmir và người ta phải đóng cửa khách sạn. Cha nó sửa sang gian phòng tầng trệt nhà nó và mở tiệm bán rau. Thằng Manzoor đi học, nhưng vào những ngày liên tục xảy ra bãi công chống lại việc bắt bớ, phóng hỏa, hay giết chóc người bị giam giữ của bọn lính, nó nán lại cửa tiệm trong khi trường vẫn đóng cửa. Nó là một thằng choai choai nói nhiều và thích đàn đúm. Thỉnh thoảng, nghĩa quân đi ngang qua tiệm, sẽ mua gì đó hoặc đơn giản là ngồi lại và nói chuyện. Thằng Manzoor rất khoái được chú ý và được nói chuyện với những người chỉ huy. Lính quân đội có vẻ đã nghe về việc nghĩa quân từng ghé lại tiệm nó.
Tôi quay về chỗ của mình trên bãi cỏ, cạnh cha và Ngoại đang an ủi người cha quẫn trí của thằng Manzoor. Rồi hai tên lính đi về hướng chúng tôi. “Ở đây có ai tên là Basharat Peer không? Nó là học sinh lớp chín.” Chúng biết trường tôi. Tôi đứng dậy. “Đi theo tụi tao,” một tên nói. “Nhưng... tôi là học sinh mà,” tôi thử phản đối. “Tụi tao biết. Tụi tao chỉ cần mày nhận mặt một người,” tên lính nói cụt lủn. Họ đi về trung tâm thẩm
https://thuviensach.vn
vấn, trước kia từng là nhà ở cho bác sĩ. Tôi đi theo họ, không quay đầu lại để xem cha và ông ngoại phản ứng thế nào. Chúng đưa tôi đi vào trong một tòa nhà ba phòng. Tôi đã nhiều lần đến đó gặp một người bạn của gia đình làm bác sĩ. Tôi bị bắt ngồi trong một phòng chứa đồ và bọn lính dập cửa lại sau lưng tôi.
Căn phòng trống và chỉ có một cửa sổ duy nhất quay mặt về hướng ngọn núi của làng. Tôi đứng gần cửa sổ và nhìn chằm chằm vào cửa đi. Nó là một cái cửa gỗ tầm thường, được sơn màu xanh nhạt theo quy định dành cho những tòa nhà của bệnh viện. Tôi nhìn chằm chằm vào cánh cửa rồi nhìn đồng hồ trên tay mình. Tôi quay sang phía cửa sổ và nhìn ngọn núi, nhìn những cây thông đứng trong ánh sáng rực rỡ của bình minh, nhìn con đường mòn gồ ghề uốn lượn theo sườn núi dẫn xuống con kênh, nhìn những túp lều cũ chơ vơ nằm trong khoảng đất trống bên cạnh con kênh. Tôi lại nhìn đồng hồ và quay về hướng cửa. Cánh cửa gỗ vẫn bất động. Tôi ngồi xuống sàn và nhìn chằm chằm vào cánh cửa, đầu óc hơi tê dại. Việc dự đoán về nội dung cuộc thẩm vấn còn tệ hơn chính cuộc thẩm vấn.
Tiếng than khóc và kêu la từ mấy phòng bên cạnh làm tôi giật mình. Tôi liên tục nghe những từ: Khodayo Bachaav! (Cứu con, Thượng Đế ơi!) và Nahin Pata sir! (Tôi không biết, thưa ông!) Chúng đang tra tấn những người đàn ông và thiếu niên bị đưa đi sau khi tên mukhbir chỉ mặt họ. Tôi nghĩ đến thằng Manzoor. Cái thân mảnh khảnh của nó làm sao có thể chịu đựng được bất kỳ cái gì kia chứ? Tôi nghĩ đến đứa con trai trong trường mà chúng muốn tôi nhận mặt. Tôi lẩm nhẩm tất cả lời cầu nguyện mà tôi biết. Cái cửa vẫn im lìm. Tôi nhìn cái sàn dơ bẩn và đợi. Những tiếng kêu rú lại tiếp tục giữa những khoảng yên lặng ngắn ngủi.
Khoảng hai giờ sau, cửa mở bật ra. Hai tên lính đứng chĩa súng vào tôi. Tôi đứng dậy. Tôi bị tê cứng người, sợ hãi, chăm chăm nhìn vào mặt bọn chúng. Nhưng chúng không đánh tôi. Một trong hai tên bắt đầu tra hỏi. “Mày tên gì?”
“Basharat, thưa ông!”
“Nguyên tên họ?”
“Basharat Ahmad Peer, thưa ông!”
https://thuviensach.vn
“Tên cha?”
“Gulam Ahmad Peer, thưa ông!”
“Ông ta làm gì?”
“Nhân viên chính phủ, thưa ông!” Rồi tôi nhanh nhẩu nói thêm vào để gia tăng hiệu quả, hy vọng nó có thể giúp chút gì, “nhân viên Phòng Dịch vụ Hành chính của Kashmir, thưa ông!”
Hắn có vẻ như không nghe thấy tôi. “Mày sống ở đâu trong làng?” “Ở cuối đường, thưa ông! Kế bên tiệm thuốc tây.”
Tôi tiếp tục nhìn hắn rồi nhìn thật nhanh sang tên lính kia. Nhưng những gương mặt vô cảm và lạnh lùng của chúng không tiết lộ điều gì. Đột nhiên: “Mày theo nhóm nào? JKLF hay HM?”
“Không theo ai hết, thưa ông! Tôi là học sinh.”
Hắn dừng lại và nhìn tôi. “Đứa nào cũng nói mình là học sinh.” “Có bao nhiêu đứa bạn mày theo tụi đó?”
“Không có đứa bạn nào của tôi, thưa ông! Tất cả tụi nó là học sinh.” Tôi lấy thẻ học sinh trong túi áo sơ mi của mình ra và trình nó. Hắn đọc lướt, lật qua lật lại và trả cho tôi. “Vũ khí đâu?”
“Tôi không có vũ khí, thưa ông! Tôi là học sinh.”
“Thôi nào, nói cho tụi tao nghe. Mày biết là tụi tao có những cách khác để tìm ra mà.”
“Tôi biết, thưa ông! Nhưng tôi chỉ là một học sinh.” Tôi năn nỉ. “Nghĩ kỹ hơn đi. Tao sẽ quay lại trong vài phút,” tên thẩm vấn nói, rồi bỏ đi.
Tên lính kia đứng đó im lặng. Tôi cố gắng thuyết phục hắn rằng tôi chỉ là một học sinh. “Nói với ông sĩ quan khi ông ta quay lại,” hắn nói và giữ nguyên thái độ im lặng đáng sợ của mình. Sau một hồi, gã thẩm vấn quay lại và hỏi lại những câu đã hỏi. Tôi chỉ có đúng một câu trả lời:
“Tôi là học sinh.”
“Thôi được rồi,” hắn nói, “tao biết mày là học sinh.” Hắn có vẻ đã dịu đi một tí. Hắn hỏi về một học sinh trong trường tôi, cái đứa vẫn còn tên trong danh sách nhưng ít khi đến trường. Nó là thằng Pervez, bạn chí cốt của tôi ở trường, một giọng ca Bollywood dở tệ, tiền vệ trụ của đội đá banh, một
https://thuviensach.vn
thằng con trai có đôi má hồng và mặc đồ thể thao màu xanh dương. Tôi nhanh nhảu trả lời và cho biết tên ba nó, nghề nghiệp và tên làng của họ. Tôi cũng nói thêm là nó có bà con ở làng chúng tôi. Thằng Pervez đang thăm bà con và đã bị bắt trong đợt càn quét này. Chúng muốn kiểm tra chứng minh thư của nó. Gã thẩm vấn nhìn tôi trong một giây và nói, “Thôi được rồi! Mày có thể đi.”
Tôi cảm ơn hắn rồi đi ra khỏi kho chứa đồ. Tôi có thể cảm thấy hàng trăm đôi mắt tò mò, thông cảm nhìn vào khuôn mặt mình. Tôi trở nên rất ý thức về bản thân, bước đi thận trọng và cố gắng mỉm cười. Cha và Ngoại đứng dậy và bước về phía tôi. Tôi ôm lấy họ. “Bọn chúng có đánh con không, ngài Tổng tư lệnh?” Cha cố pha trò. Mắt của Ngoại ươn ướt, ông choàng một cánh tay qua vai tôi và không nói gì cả. Sau một lúc nữa, thằng Manzoor xuất hiện, đi khập khiễng. Lát sau, khi đợt càn quét chấm dứt, bạn bè của tôi đều được thả. Thằng Pervez đi cà nhắc đến chỗ tôi. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Tôi rủ nó về nhà tôi. Nó nói: “Tao phải đi về nhà. Cảm ơn nhé! Mày đã cứu tao hôm nay.” Tôi nhìn nó đi. Cái áo sơ mi carô màu quế dần biến mất trong đám đông.
Tôi không bao giờ thấy nó nữa. Vài năm sau, tôi nghe nói nó đã gia nhập nhóm JKLF và bị giết trong một trận đọ súng.
Ngày hôm ấy qua đi bằng các cuộc viếng thăm chóng vánh nhà những người đàn ông và thanh thiếu niên đã bị bắt. Khắp người thằng Manzoor đầy vết bầm tím do bị đánh đập nhiều lần. Cha nó cấm tuyệt nó không được bám trụ tại tiệm tạp hóa. Ở nhà, gia đình tôi nói về dấu vết ria mép và râu quai nón đã bắt đầu xuất hiện trên mặt tôi. Bọn lính đặc biệt nghi ngờ người có bất kỳ loại râu ria nào trên mặt. Một số đàn ông lớn tuổi trong làng – kể cả cha của Manzoor – trước đây từng nhuộm tóc cho đen, nay đã ngừng việc đó. Tóc muối tiêu làm bạn ít bị nghi ngờ hơn. “Một tí râu quai nón không có lợi cho con,” cha nói với tôi. “Con phải cạo râu.” Ông ngoại cười mỉm. Mẹ thì cười phá lên. Tôi cảm thấy xấu hổ. Cha đem bộ dao cạo của ông ra. “Đi nào. Cha sẽ dạy con làm. Dễ lắm.” Tôi vẫn luôn xem cha cạo râu. Tôi đứng trước gương của nhà tắm, ông đứng gần tôi. Tôi tấp nước vào mặt và bỏ một ít kem cạo râu hiệu Old Spice của ông lên một bàn chải. “Xoay bàn chải
https://thuviensach.vn
chậm chậm thành vòng tròn trên da,” cha nói. Trong chốc lát mặt tôi biến mất trong đám bọt trắng. Cả gia đình đang xem tôi. Cha đưa tôi dao cạo của ông. “Kéo nó chậm thôi. Đừng ấn mạnh, nếu không con sẽ cắt vào mặt mình.” Tôi đã cạo được râu.
https://thuviensach.vn
5
Chuyến tàu tốc hành đi Shalimar
○ ○ ○
Một buổi trưa mùa xuân năm 1992, tôi nhìn thấy một đoàn xe quân sự chạy trên con đường mòn bụi mù dẫn từ trường tôi đến làng Aishmuqam. Tôi bước vội về hướng rặng liễu và bạch dương gần hàng rào kẽm của trường để nhìn cho rõ hơn. Đoàn xe tải thắng két lại ngay tại cổng trường tôi. Bọn lính xông vào trường. Khu nhà này thuộc quyền sở hữu của Trung tâm Nghiên cứu Địa chất của Ấn Độ, nhưng họ đã đóng cửa các văn phòng ngay sau khi cuộc chiến bắt đầu và trường chúng tôi đã thuê lại một vài tòa nhà. Trong vòng vài giờ, chúng đã dỡ hết đồ trên xe tải và biến khu nhà thành một doanh trại quân đội.
Vài ngày sau, chúng xây những vọng gác và boongke cát dọc theo hàng rào của trường. Những họng súng máy và gương mặt lạnh lùng của binh lính nhìn trừng trừng ra ngoài từ những lỗ châu mai hình chữ nhật của các boongke, được chắn bằng lưới kim loại hòng làm chệch hướng những quả lựu đạn có khả năng sẽ được ném vào. Không lâu sau chúng tôi có những luật lệ phải tuân theo. Nhiều phần thuộc khu vực trường, kể cả một nửa tòa nhà chính, trở thành khu cấm địa. Chúng tôi phải mang theo chứng minh thư và trình ra mỗi khi ra vào trường. Một tấm biểu ra lệnh người ra vào phải trình giấy tờ được dựng lên gần trạm kiểm soát ngay cổng trường. Khách phải viết tên, địa chỉ và những thông tin khác của họ vào một bảng đăng ký và chỉ được vào bên trong trường sau khi bị bọn lính lục soát thân thể.
Đám lính không bao giờ làm phiền chúng tôi. Chúng tôi đến lớp học, chơi đá banh và cricket và trong phần sân của mình, chuyện trò về đề tài mọi người đều đang bàn tán ở Kashmir: chiến tranh. Chúng tôi giả vờ thờ ơ với
https://thuviensach.vn
chính trị nếu có một tên lính nào đó hỏi chuyện. Bọn lính bắt đầu công việc “thống trị theo khu vực”, tức là tuần tra con đường đi ngang qua trường và ra đi thật sớm vào buổi sáng để thực hiện những cuộc càn quét ở những làng lân cận. Trong vài tuần lễ, tôi và bạn bè cùng trường bắt đầu quen dần với hình ảnh đoàn xe tải quân đội quay về sau những trận càn quét và đàn áp những người bị tình nghi là quân khởi nghĩa. Những thanh niên bị trói bằng thừng được đưa vào các tòa nhà của trường thuộc phần đất quân đội chiếm đóng. Tối tối trong phòng mình, chúng tôi sẽ nghe thấy tiếng kêu la của những tù nhân bị tra tấn. Những đám học sinh sẽ tụ họp lại bên ngoài, suy diễn về các hình thức tra tấn mà những người hàng xóm mặc quân phục của chúng tôi đang hứng chịu. Chúng tôi bàn đến việc giúp đỡ các tù nhân chạy trốn nhưng không có cả phương tiện lẫn ý chí để thực hiện.
Cái doanh trại quân sự và những chiến dịch của nó là một lời mời mọc sự tấn công của quân du kích. Chúng tôi chờ đợi một điều quá hiển nhiên. Bọn lính bảo các thầy cô cấm chúng tôi ra khỏi ký túc xá sau khi mặt trời lặn.
Một buổi tối, sau bữa ăn, tôi ngồi trong phòng mình nói chuyện với anh Shabnam, bạn chung phòng với tôi. Điện mất và tôi đốt nến. Một tiếng nổ bất thình lình vang lên! Một tiếng nữa! Những tràng đạn liên tục, dồn dập. “Súng Kalashnikov!” tôi hét lên. Rồi hàng loạt tiếng bắn trả lớn hơn của những khẩu súng máy hạng nhẹ đặt trong những boongke dọc theo đường biên của trường. “Nhóm LMG!” Tôi thổi tắt nến và chúng tôi ngồi xổm bên dưới thành cửa sổ. Chúng tôi nghe đủ loại tiếng súng. Đó là một bầu không khí mạo hiểm, ly kỳ. Nhưng vài phút sau trận đấu súng trở nên vô cùng căng thẳng và sự phấn khích hạ xuống thành nỗi sợ hãi. Anh Shabnam lẩm nhẩm kinh Koran mà hầu hết người Hồi giáo cầu nguyện trong lúc đối mặt với nguy hiểm. Tôi đọc đi đọc lại những lời kinh tôi biết như là “Aaya-ul Kursi”, hay Bài xướng của Ngai vàng: “Thánh Allah! Không có Thượng đế, chỉ có Ngài – một sinh thể tự sinh, bất diệt. Cả giấc ngủ lẫn giấc điệp mơ màng đều không thể chế ngự Ngài. Ngài là vạn vật, trên thiên đường lẫn trên mặt đất. Ngai vàng của Ngài trải rộng khắp thiên đường và trên mặt
https://thuviensach.vn
đất. Và Ngài đang canh giữ không mệt mỏi cho chúng con. Vì Ngài là đấng Tối cao.”
Mắt chúng tôi bị hút về phía cửa sổ. Một dãy nhà nho nhỏ tường trắng mái xanh lá cây nơi bọn con gái đang ở, cùng cái sân cricket rộng thênh thang của chúng tôi và những cây đào, bạch dương tạo thành một kiểu ranh giới giữa chúng tôi, cái gara buýt của trường dựng bằng mấy tấm amiăng, một cái lưới trắng giăng trên sân bóng chuyền và những ngọn núi xa xa đang lấp lánh trong một thứ ánh sáng trắng đáng yêu. Thứ âm nhạc thô ráp của tiếng súng tiếp tục phát ra. Một tiếng bùm vang lên và một vầng mặt trời sẽ xuất hiện, bùng nổ trong ánh sáng chói lòa. Tôi đứng như đang mơ cạnh cửa sổ và chăm chú nhìn lên bầu trời: một ngàn vầng mặt trời nho nhỏ dường như vừa bừng nở.
Vụ tấn công vào trường đã làm gia đình tôi hoảng hốt. Họ thu xếp cho tôi rời khỏi ký túc xá và đi học về hàng ngày. Mẹ nói sẽ đem tôi sang trường của thằng Wajahat ở Anantnag, nhưng ở đó cũng không an toàn hơn bao nhiêu. Và hầu hết các trường đều đóng cửa suốt. Có ngày thì đóng cửa để phản đối những vụ bắt bớ hay giết hại những người bị bắt trong một khu thẩm vấn, có ngày thì đóng cửa vì một vụ bắn nhau hoặc một cuộc đàn áp. Các nhóm tuần tra tiếp tục lập trại trong những tòa nhà của trường học, trong khi quân kháng chiến thiêu trụi nhiều tòa nhà khác họ sợ là sẽ bị biến thành doanh trại quân đội. Việc đi học vô cùng nguy hiểm. Một ngày nọ Wajahat suýt chết. Nó và thằng bạn đang chơi trò rồng rắn lên mây ở dãy ghế chót của lớp Toán thì nghe tiếng súng. Những loạt đạn được bắn trong cái chợ gần trường. Giáo viên quyết định tiếp tục bài học và mười phút sau thì dạy xong. Một số học sinh sợ sệt, một số khác thì phấn khích khi nghe tiếng súng bắn. Sau hai tiếng ngừng bắn, bọn nó được phép rời khỏi trường và ngôi trường đã bị đóng cửa hôm đó.
Cổng trường được mở và lũ học sinh xô đẩy tranh nhau ra ngoài chỉ để thấy một chiếc xe tăng của quân đội Ấn Độ lù lù trước mặt. Binh lính xua lũ học sinh đi chỗ khác. Thằng Wajahat và mấy đứa bạn nó chạy xuyên qua cái chợ trống, hướng về trạm xe buýt cách đó khoảng một dặm. Những tên lính căng thẳng tuần tra khu vực đó. Thằng Wajahat đến được một gian hàng
https://thuviensach.vn
giày dép do một người bạn của cha tôi quản lý, người mà ai cũng gọi là Ông Chúc May Mắn. Nó nghe một tiếng động cơ lạ lùng và khi quay lại thì thấy một chiếc xe tăng đang chạy lừ lừ phía sau nó. Một mình trên đường và sợ hãi, nó bắt đầu bước nhanh hơn, nhưng chiếc tăng vẫn chạy song song với nó. Họng súng xe tăng xoay vòng vòng, chĩa thẳng vào thằng bé rồi xoay hướng khác. “Em tưởng bọn lính sẽ nã đạn vào em. Rồi em thấy một khẩu súng máy gắn trên chiếc tăng và nghĩ chắc bọn chúng sẽ bắn em,” thằng Wajahat kể với tôi. Chiếc tăng dừng lại và thằng bé cũng dừng lại. Tên chỉ huy của chiếc tăng gào vào mặt nó, “Chạy đi! Hay là mày muốn chết?” Nó chạy.
Các bậc phụ huynh muốn đưa bọn trẻ ra khỏi vùng Kashmir. Những người giàu gửi con cái của họ sang châu Âu và Bắc Mỹ, còn tầng lớp trung lưu và thấp hơn thì chọn các trường cao đẳng và đại học trong những thị trấn và thành phố của Ấn Độ. Hầu hết sinh viên học những trường y và trường đào tạo kỹ sư. Vật lý, hóa học và hóa sinh là những ngành phổ biến. Vào tháng tám năm 1993, khi tôi đã vượt qua kỳ thi lớp mười, Ngoại đưa tôi đến trường Đại học Hồi giáo Aligarh, cách Delhi ba tiếng. Tôi phải học vật lý, toán và hóa trong vòng hai năm tại một phân viện của trường đại học, rồi học liên thông lên trường cao đẳng ở đó và tốt nghiệp ngành xã hội học, ngành sẽ tạo được ấn tượng tốt trong kỳ thi vào khối hành chính dân sự. Em trai tôi sẽ theo học trong hai năm nữa. Khi tôi đi với Ngoại, các thành viên gia đình, bà con và lối xóm đứng bên ngoài để tiễn đưa. Chúng tôi đi tới chỗ taxi với một chiếc vali màu be hiệu VIP. Tôi không cảm thấy buồn bã hay bồn chồn. Tôi không biết bao lâu nữa mới được trở về nhà. Mỗi một lần ra đi từ bấy đến nay của tôi đều là sự tiếp nối của giây phút đó.
Chiếc xe buýt của bang chạy khó khăn trên con đường cao tốc hẹp nằm dọc vách núi nhìn xuống những hẽm sâu, nối liền Kashmir với đồng bằng Ấn Độ. Khoảng giữa chuyến hành trình, chiếc xe buýt dừng lại ăn trưa ở một cái chợ trên đường cao tốc. Ở đó có những tiệm bán đồ ăn nhanh được gọi là khách sạn và mang những cái tên lạ lùng. Khách sạn Hindu, khách sạn Sikh, khách sạn Hồi Giáo. Chúng tôi ăn tại khách sạn Hồi Giáo. Sau một ngày hành trình, chúng tôi đến được ga xe lửa gần nhất ở Jammu. Tôi chưa
https://thuviensach.vn
đi xe lửa bao giờ. Vầng mặt trời màu cam đang lặn xuống cánh đồng hoang khi chúng tôi bước vào trong ga xe lửa xây bằng gạch đỏ. Những người khuân vác mặc áo ka ki, quần tây và những bộ áo liền quần màu đỏ vây lấy chúng tôi. Những sân ga đầy nghẹt người – đám thanh niên phấn khích, những người đàn bà sồn sồn trang điểm thật dày, các ông chồng của họ tay xách nách mang và những người bà con đi tiễn họ. Những người bán hàng rong với những bình trà và cà phê âm ấm chạy về phía mọi khách hàng tiềm năng và la to Chai garam!, tức trà nóng. Một giọng mũi nói thứ tiếng Anh bồi léo nhéo qua loa xe lửa, rằng họ hối tiếc về sự bất tiện gây ra cho hành khách do chuyến xe lửa bị dời lại mười tiếng đồng hồ. Mười tiếng đồng hồ!
Chiếc xe lửa màu huyết dụ vào ga và chúng tôi lên toa của mình. Ngoại nói cho tôi biết, những toa có máy điều hòa là đắt tiền nhất và chỉ những người giàu mới có khả năng đi, rồi đến những toa hạng nhất ít đắt tiền hơn, rồi đến hạng giường nằm là loại chúng tôi chọn. Toa giường nằm giống như một cái lò nướng, đông lúc nhúc. Mỗi ngăn của toa có ba giường ngủ ở một bên và hai cái nữa bên kia lối đi. Chúng tôi nhận chỗ đã đặt sẵn và vài phút sau, tôi bắt đầu cuộc hành trình bằng xe lửa đầu tiên của mình.
Tôi cảm thấy bứt rứt, lóng ngóng và ý thức về sự mù tịt của mình về những việc đơn giản như đóng một cái cửa sổ xe lửa hoặc mở một cái giường xếp. Thời tiết thật tàn bạo: nóng nực và ẩm ướt. Mặt tôi nóng bừng bừng, còn chiếc áo sơ mi ướt sũng mồ hôi dán chặt vào lưng tôi. Môi của Ngoại khô đến nỗi tôi có thể thấy được một lớp muối trên đó. Cái nóng trở nên dễ chịu hơn một chút khi chuyến tàu tốc hành đi Shalimar rời trạm. “Mày có thể uống trà trên xe lửa và cái tách sẽ không lắc,” có lần một người bạn đã nói với tôi. Tôi đã uống và đúng là nó không lắc.
Sau vài giờ hành trình, khi tàu Tốc hành Shalimar đến địa phận Punjab thì hai tên lính bước vào toa của chúng tôi. Cũng như tôi, hai tên lính này đã trải qua chuyến đi dài mười hai tiếng qua những ngọn núi cao để đến ga xe lửa ở Jammu. Phía trước chúng tôi là chuyến xe lửa mười hai tiếng đến Delhi. Bọn lính mỉm cười và thả túi của chúng trên lối đi. “Anh có thể làm ơn nhường cho chúng tôi một chỗ không?” một tên trong bọn hỏi một người đàn ông trung niên đang đọc báo. “Chúng tôi đang trở về nhà sau một năm ở
https://thuviensach.vn
Kashmir và không đặt chỗ trước.” Người đàn ông không nhúc nhích. Tên lính lặp lại lời yêu cầu và khi tôi ngọ nguậy trong trên ghế của mình thì một hành khách khác chỉ xuống cái sàn dơ bẩn và nói, “Anh có thể ngồi đây.” Tôi choáng váng. Ngoại và tôi nhìn nhau. Không như người dân ở Kashmir, những hành khách người Bắc Ấn không có lý do gì để sợ bọn lính: họ sai khiến chúng và đám lính phục tùng họ.
Một lúc sau người soát vé đến. Ông ta mặc sơ mi trắng, áo khoác đen và quần tây và cái bảng tên bằng thép gần túi áo khoác có tên của ông và hàng chữ: Kiểm soát vé thông hành. “Các người làm gì ở đây?” ông ta nạt mấy tên lính. “Các toa khác không còn chỗ, thưa ông. Ông làm ơn xếp chỗ cho chúng tôi ở đâu đó,” chúng năn nỉ. Ông yêu cầu hai tên lính đó ra khỏi toa và bước ra ngoài. Chúng đi theo ông. Vài phút sau chúng quay lại và ngồi bệt xuống sàn. “Ông ta tính mày bao nhiêu tiền?” người nào đó hỏi. “Năm mươi rupee mỗi đứa,” một tên lính nói. Mấy ông khách cười to và tán gẫu về nạn tham nhũng. “Đây chính là Ấn Độ” người đàn ông cầm tờ báo tuyên bố.
Chúng tôi đến Delhi vào buổi sáng và đến xế trưa thì sẽ đến thị trấn nhỏ bé Aligarh. Tôi ngắm những cụm nhà trông giống như khu ổ chuột, những khu công nghiệp xám xịt, những cánh đồng bát ngát trống trơ, rồi những khu ổ chuột thật sự và những ngôi làng nơi những người đàn bà mặc sari đang phơi đống gạch bùn dưới nắng mặt trời cạnh đường ray xe lửa. Hai tiếng rưỡi sau, chúng tôi bước ra khỏi nhà ga xe lửa xây bằng gạch đỏ ở Aligarh. Bên ngoài trạm không có một chiếc taxi hay xe buýt địa phương nào, ngoại trừ hàng trăm chiếc xe kéo được đạp bởi những người đàn ông hốc hác. Ngoại do dự khi được một người chở đi như vậy, nhưng thời tiết nóng quá sức để có thể đi bộ hai dặm đến trường đại học. Chúng tôi thấy có lỗi khi được chở đi bởi một người đàn ông nghèo khổ đang cố hết sức gánh khối lượng của hai hành khách và mấy túi đồ. “Nơi này nghèo đói khủng khiếp quá,” Ngoại nói vậy. Ông trả cho người đạp xe kéo đó gấp đôi số tiền công.
Chúng tôi đã gặp một số sinh viên người Kashmir và được họ giúp làm thủ tục đăng ký ở trường đại học. Trường bị quá tải và không còn phòng
https://thuviensach.vn
trong các ký túc xá. Những người bạn mới Kashmir đã đưa tôi về phòng trọ của họ trong ký túc xá và nhường cho tôi ít chỗ. Tôi cùng với một người bạn tiễn Ngoại ra ga vào ngày hôm sau. Tôi thấy buồn khi nhìn ông đi nhưng đồng thời cũng háo hức khi được ở một chỗ mới với những bạn bè mới. Tôi đã khởi đầu khá tốt bằng việc bách bộ bên ngoài khu vực trạm xe lửa cùng với một người bạn và ra rạp xem một bộ phim của Bollywood.
Ngày học đầu tiên, tôi đi về phía tòa nhà của trường mang theo sách vở và những kỳ vọng. Ngài Syed Ahmad Khan đã sáng lập trường đại học này năm 1920 để mang lại nền giáo dục hiện đại cho người Hồi giáo. Nó từng được biết đến như Đại học Oxford của phương Đông. Nhưng nó đã tuột dốc trong những thời kỳ khó khăn và đang hấp hối như hầu hết các trường đại học cấp tỉnh ở Ấn Độ. Không có aazadi thực sự nào trong cảnh nghèo khổ của Kashmir. Bối cảnh chính trị của trường đại học càng làm cho mọi việc tệ hơn: Nó là một trong những học viện đầu tiên của người Hồi giáo Ấn Độ và sự lo lắng cũng như nỗi thất vọng về vị trí của họ trong lòng Ấn Độ thì đã quá rõ ràng. Tôi đã nghe về sự căng thẳng và bạo lực giữa các giáo phái ở miền Bắc Ấn, nhưng chuyện đó vẫn chỉ là một khái niệm trừu tượng xa xôi.
Vào tháng mười hai năm 1992, khoảng một năm trước khi tôi vào học trường của mình ở Aligarh, một băng đảng Hindu quá khích đã phá hủy đền thờ Babri Masjid ở Ayodhya, cách Aligarh vài trăm cây số. Phe Hindu cánh hữu do Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm đầu, đã tranh cãi rằng ngôi đền đó đã được xây dựng trên nền bị phá sập của một ngôi đền cổ kính. Họ muốn xây một thánh đường Ram trên chính nền đất của cái đền thờ đã bị phá hủy. Vụ phá hủy đã châm ngòi cho cuộc bạo động tôn giáo trên khắp Ấn Độ và hàng ngàn người đã bị giết. Hilal, một người bạn Kashmir ở trường mới của tôi, đã chứng kiến cuộc bạo động đó. Hai ngày sau vụ phá hủy ngôi đền thời trung cổ, Hilal và mười học sinh người Kashmir khác lên chuyến xe lửa đi từ Aligarh đến Delhi, nơi họ dự định đón một chiếc xe buýt về Kashmir. Những karsevak, tức những nhà hoạt động chính trị Hindu cánh hữu đã phá hủy ngôi đền ở Ayodhya, cũng đi cùng chuyến xe lửa. Họ đeo những dải băng buộc đầu màu vàng nghệ theo quy định và mang theo những chiếc xà beng sơn vàng nghệ, đinh ba và mấy con dao găm.
https://thuviensach.vn
Các karsevak hỏi những sinh viên tên và nơi cư ngụ của họ. “Phần lớn sinh viên nói tên thật và nói mình là dân Kashmir,” Hilal kể với tôi. Rồi nó thấy nhóm những tên karsevak điên cuồng gọi bọn nó là những tên khủng bố Hồi giáo người Kashmir và tấn công bọn nó bằng xà beng và dao găm. Hilal nghe những tiếng gào thét và nhận ra bọn karsevak đang đẩy những học sinh bị thương ra khỏi đoàn xe lửa đang chạy. Một nhóm karsevak đến gần nó và hỏi tên. Họ của nó là Bhat, cái họ phổ biến đối với cả người Hồi giáo lẫn Ấn Độ giáo ở Kashmir. “Tôi là người theo đạo Hindu. Tên tôi là Praveen Bhat. Tên của ba tôi là Badrinath Bhat,” Hilal nói dối. Nó sợ bọn chúng kiểm tra chứng minh thư hoặc tệ hơn, bắt nó tuột quần xuống để bọn chúng xem nó có da quy đầu hay không. Dân Hồi giáo được cắt da quy đầu, dân Ấn Độ giáo thì không. May mắn thay, cái nhóm có vẻ đang vội vã đó đã để cho nó đi. Nó đã muốn phóng ngay xuống tàu ở ga kế nhưng lại nhìn thấy một nhóm người đang rượt theo Rafiq Sofi, một sinh viên ngành hóa chưa tốt nghiệp. Hilal cầu mong cho bạn bè của nó ở những toa khác sống sót.
Chuyến xe lửa đến Delhi hai tiếng sau đó. Hilal cùng một đứa con trai nữa đợi những người khác bên ngoài ga Delhi. Chúng gặp được một số người, nhưng rất nhiều người đã mất tích. Sau này, Hilal được biết là bạn của nó và một người bạn đang học lớp chín, tên là Farhat Razak, đã bị đâm cho đến chết. Xác của cậu này được tìm thấy trên đoạn đường ray gần sở cảnh sát. Một học sinh khác, Javed Andrabi, thì mất tích trong một tháng trời. Các bản tin về một thi thể không được nhận dạng trên đường ray xe lửa gần một thị trấn cách Aligarh nửa dặm đã lan đến trường đại học. Những người thu gom và chôn xác cậu ta đã giữ lại cái quần tây. Nhãn hiệu của hãng thợ may trên chiếc quần tây cho biết tên người thợ may của gia đình Andrabi và tên một thị trấn ở Kashmir. Anh trai của Andrabi đã có thể xác nhận người chết chính là em trai mình.
Bất chấp sự bất an và nỗi tuyệt vọng ở đất nước Ấn Độ, vốn đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Hindu giáo, hầu hết bạn Ấn Độ theo đạo Hồi của tôi là những người mang trong lòng chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ. Chúng không đồng tình với tôi và những học sinh người Kashmir ý tưởng về một Kashmir độc lập. Bọn nó sợ rằng sự ly khai của một Kashmir
https://thuviensach.vn
gồm phần lớn dân Hồi giáo ra khỏi Ấn Độ sẽ làm cho cuộc sống những người Hồi giáo ở Ấn Độ ngày càng tệ hại hơn. Mỗi khi tivi trong phòng chúng tôi chiếu cricket, những thằng bạn người Ấn đạo Hồi của tôi lại hò reo, ca hát và ủng hộ cho đội Ấn Độ. Những đứa Kashmir thì cổ vũ cho đội Sri Lanka hay Pakistan, hay bất cứ đội nào là đối thủ của đội Ấn Độ.
Nhưng những nhịp điệu của thời học sinh và những rối bời, rồi cả khao khát của thời tuổi trẻ đã giữ cho chúng tôi bận rộn. Sau hai năm cuối của trường trung học, tôi vào trường cao đắng vào tháng Tám năm 1995 để học chính trị, xã hội học và văn chương Anh. Trường cao đẳng gần như không dung dưỡng cảm hứng. Không giáo viên nào buồn liên hệ giáo trình học với những biến động chính trị và xã hội ở bên ngoài.
Tôi thích những lớp văn chương hơn. Người thầy dạy chúng tôi về Hemingway nói bằng thứ tiếng pha trộn giữa tiếng Hindi và tiếng Anh, thứ tiếng thằng Hilal nói cho tôi biết là Hinglish. Rất ít sinh viên đến lớp và trong số đó những đứa có khả năng nói hoặc viết một câu tiếng Anh hoàn chỉnh lại càng ít hơn. Những chính trị gia sinh viên vênh váo đi vòng quanh trường với đám tay sai mang những súng lục được chế tạo ở nông thôn. Cứ cách một tuần lại có những trận bắn nhau trong sân trường và thành viên của băng nhóm này sẽ dần nhừ tử thành viên của băng nhóm khác. Khi những chính trị gia sinh viên không ẩu đả với nhau, chúng nó lại muốn giấc mơ đó trở thành hiện thực trên chính trường Ấn Độ.
Những đứa tôi chơi hầu hết là sinh viên người Kashmir. Chúng tôi chia sẻ với nhau những kinh nghiệm về chiến tranh ở quê nhà. Một thằng sống ở Srinagar kể về việc học chơi bài bridge và cờ tướng trong những ngày đêm giới nghiêm. Một thằng sống ở một thị trấn phía bắc Kashmir kể chuyện trốn trong kho hàng mấy tiếng đồng hồ cùng với gia đình trong khi bọn lính Ấn vây ráp. Một đứa nào đó nói về nỗi chán chường của việc phải ở trong nhà sau khi mặt trời lặn, chuyện này lại nhắc một đứa nào đó về các mệnh lệnh của những toán lính Ấn, là ai bước ra khỏi nhà vào buổi tối phải cầm theo đèn pin hay đuốc và thế là nó lại nhắc những đứa khác về những vụ giết nhầm người vào buổi tối khi những toán tuần tra tưởng lầm họ là quân kháng chiến. Một đứa nào đó kể chuyện về một người đàn ông điên hay đi
https://thuviensach.vn
lòng vòng trong thị trấn của ông ta vào ban đêm và đã bị một toán tuần tra bắn chết. Trong những cuộc điện thoại về nhà và những chuyến thăm nhà trong các kỳ nghỉ hè và nghỉ đông, chúng tôi còn nghe và nhìn thấy nhiều thảm cảnh hơn nữa. Một trong những ngày ấy, trong một chuyến đến thăm nhà một người bạn ở thị trấn Bijibehara lân cận, tôi đã dừng lại gần một nghĩa trang, nơi chôn cất không biết bao nhiêu người biểu tình bị giết sau khi lực lượng bán quân đội nã đạn vào một cuộc diễu hành. Tuổi khắc trên bia mộ của hầu hết những người đã chết là mười tám.
Tôi nghe thấy âm vang Kashmir trong những trang sách của Hemingway, Orwell, Dostoyevsky và Turgenev, trong số những nhà văn tôi đọc. Tôi quay về với Hemingway và bắt đầu đọc lại Giã từ vũ khí. Ông viết về một cuộc chiến tranh xa xăm như thế mà tôi lại nhìn thấy Kashmir trong từng câu chữ của ông. Người kể trong truyện của Hemingway, Frederick Henry, một tài xế Mỹ lái xe cứu thương cho người Ý, nói về hỏa lực như thế này: “Tôi không thể thấy những khẩu súng nhưng rõ ràng chúng đang bắn thẳng về phía chúng tôi.” Nó nhắc tôi cái ngày tôi phải trốn chạy sang làng bên cùng với gia đình sau khi nghĩa quân tấn công những toán lính quân đội trong khu vực làng chúng tôi. Sau đó trong cuốn tiểu thuyết, khi nữ y tá người Anh Catherine Barkley nói với Henry rằng vị hôn phu của cô đã bị nổ tan xác và tiểu đội của anh ấy đã đưa cho cô cây gậy bọc da mà anh đã mang theo, tôi nghĩ đến việc những nhóm nghĩa quân ở Kashmir đã gửi bản sao của kinh Koran cho gia đình của các nghĩa quân bị giết.
Khi tôi tình cờ bắt gặp một bản sao cũ cuốn Suy tôn xứ Catalan của George Orwell qua sự pha trộn giữa cá nhân và con người chính trị, giữa những chi tiết nhỏ và những ý tưởng lớn, qua kiểu văn xuôi rời rạc nhưng đầy khí chất của tác giả, trong tôi lại dấy lên nỗi ám ảnh. Suy tôn xứ Catalan làm gợi nhớ trong tôi biết bao ký ức về Kashmir và làm cho tôi tin rằng một ngày nào đó việc viết một tác phẩm tương tự về cuộc chiến của riêng tôi là có thể. Tôi nhìn thấy những bức tường của các thị trấn Kashmir khi đọc những trang viết của Orwell về Barcelona trong giai đoạn nổi dậy chống phát xít năm 1936: “Những bức áp phích về cuộc cách mạng có mặt khắp nơi, rực cháy trên các bức tường trong những màu xanh, màu đỏ trong vắt,
https://thuviensach.vn
làm mấy mẩu quảng cáo còn sót lại trông như những vết bẩn của bùn đất.” Tôi nghe những bài hát phát ra từ loa của đền thờ địa phương khi đọc đến đoạn: “Dọc theo Ramblas[26], huyết mạch trung tâm của thị trấn, nơi những đám đông ào ạt đến và đi như mắc cửi, mấy cái loa phóng thanh phát rộn ràng những bài hát cách mạng suốt cả ngày và cho đến tận khuya.”
Khi ông viết, “Phần nhiều tôi không hiểu được và về nhiều mặt tôi không thích chút nào, nhưng ngay lập tức tôi nhận ra đó là tình huống đáng để tôi chiến đấu vì nó.” Tôi cảm thấy ông đang nói hộ sự quan tâm của tôi với cuộc nổi dậy của người Kashmir như nỗi sốt sắng của thằng con trai mới lớn, sự quan tâm dựa trên những sự thật thuộc về cảm tính nhiều hơn là những học thuyết chính trị và kiến thức về lịch sử.
Tôi cũng nhìn thấy những ô cửa sổ hiểu biết tương tự mở ra khi đọc Lữ đoàn kỵ binh đỏ của Isaac Babel. Và khi đọc về sự mất tích và vụ án mạng của chính Babel, tôi lại nghĩ đến những vụ bắt bớ và ám sát trong khi bị giam giữ của hàng ngàn thanh niên ở Kashmir. Khi đọc ký sự của John Steinbeck về những nông dân du canh du cư trong Chùm nho phẫn nộ, tôi nhìn thấy những doanh trại của quân đội Ấn chiếm dụng những vườn trái cây và những cánh đồng lúa quanh làng tôi ở Kashmir. Ít lâu sau, những bài luận của James Baldwin gợi cho tôi nhớ đến những ghetto của người Hồi giáo Ấn Độ và những tầng lớp thấp hơn.
Tôi muốn viết như vậy về Kashmir nhưng tôi lại giữ ý nghĩ đó cho riêng mình. Tôi sẽ không trở thành công chức như gia đình tôi mong muốn. Thị trấn Aligarh không đủ sức thu hút tôi. Tôi đã thấy tin tức về những cuộc giới thiệu sách, các liên hoan phim và hội thảo về sân khấu trên các tờ báo của Delhi. Thằng Wajahat em trai tôi đang học văn học Đức và tâm lý học ở một trường đại học ở Delhi. Tôi gọi cho mẹ và kể cho bà nghe sự miễn cưỡng của tôi khi chuẩn bị cho kỳ thi vào khối hành chính dân sự. Những cuộc tranh cãi và tranh luận diễn ra trong nhiều tháng. Chúng tôi đã đạt được một sự thỏa thuận. Tôi có thể học làm luật sư, chuẩn bị cho ngành hành chính dân sự và viết lách trong thời gian rảnh rỗi.
Cuối cùng tôi vào khoa luật của trường Đại học Delhi. Đó là một cách để tôi được sống ở Delhi và được khám phá những đường hướng mới trong
https://thuviensach.vn
việc viết lách.
https://thuviensach.vn
6
Một phen hú vía
○ ○ ○
Ngày đầu tiên ở Delhi, tôi đã đi bộ xuyên qua cung điện Connaught với mái vòm hình tròn trang nhã, ngay trung tâm thành phố. Tôi thấy choáng ngợp. Những tòa nhà dường như quá to, những con đường quá náo nhiệt. Đó là một ngày tháng sáu cháy khô, không có gió, không một bóng râm. Mấy chiếc xe buýt động cơ diesel phả khói mù mịt. Nhưng tôi có một cảm giác tự do, cảm giác rằng tôi có thể dạy cho bản thân mình những gì cần học hỏi. Tôi trải qua gần như nguyên năm thứ nhất của mình trong trường luật, đọc văn chương và báo chí. Delhi có hằng hà sa số thư viện và một chợ sách cũ tuyệt vời vào chủ nhật hàng tuần. Vào giữa năm 2000 tôi rời trường luật và tìm được công việc đầu tiên với một website tin tức. Sau tuần đầu tiên đi làm, với một số bài học có được từ các biên tập viên, tôi được gửi đi phụ trách tin bài ở Delhi. Tôi cố gắng, rồi thất bại, rồi lại cố gắng và bắt đầu học cách tồn tại như một phóng viên.
Công việc phóng viên yêu cầu tôi phải đến nhiều nơi của thành phố. Tôi đang mất dần sự kiên nhẫn với những chuyến xe buýt đông nghẹt ở Delhi. Sau khi nhận được tấm séc tiền lương đầu tiên, tôi mua một chiếc xe gắn máy cũ từ một đồng nghiệp. “Cậu phải nhanh chân lên. Tin tức luôn nóng hổi,” biên tập viên tin tức của tôi sẽ hét lên như thế. Sống ở Delhi là phải chạy nhanh hơn những người khác. Tôi thường nghĩ đến Ruskin Bond khi tôi dừng xe ở một cột đèn giao thông. “Ở Delhi hoặc bạn là người đầu tiên, hoặc bạn bị lạc,” Bond đã viết. Tôi không muốn bị lạc. Khi đèn giao thông chuyển sang màu xanh lá cây, tôi nhả thắng, xoắn tay ga đến mức tối đa và vọt lên trước đám đông.
https://thuviensach.vn
Tôi sống trên gác xép của một nhà ở phía nam Delhi, cách văn phòng tôi một dặm. Sau giờ làm việc, khi không đọc sách, tôi cùng đám bạn bè tụ tập ở một trường đại học gần căn phòng tôi thuê. Trường này đã và vẫn đang là một trong số vài nơi được chấp nhận về mặt chính trị ở New Delhi. Cảnh sát Delhi qua thời gian đã tạo nên tiếng tăm về những cuộc đụng độ giả với những kẻ khủng bố người Kashmir. Tôi đã hiểu tại sao tôi được gửi đến một trường đại học Hồi giáo sa sút và tạm bợ mà không phải một trường cao đẳng ở Delhi.
Dần dần tôi cũng thích Delhi. Tôi cũng bắt đầu hiểu những góc cạnh của một Ấn Độ muôn màu muôn vẻ đang hiện hữu, những góc cạnh tôi thích và quan tâm đến, những góc cạnh không giống thứ quyền lực quân sự tôi đã nhìn thấy ở Kashmir. Ấn Độ đã mở cửa nền kinh tế vào đầu những năm 1990. Những kênh truyền hình phát sóng suốt ngày đêm và số lượng các loại tạp chí tăng lên. Những phát thanh viên và phóng viên trẻ hỏi nạn nhân của các thảm kịch những câu hỏi đại loại như: “Vậy cảm giác đó như thế nào?” bằng giọng bắt chước kiểu phát âm của người Mỹ. Thủ đô của Ấn Độ vừa mới được đổ hàng đống tiền bắt đầu hãnh diện khoa trương bản thân bằng những đêm nhạc DJ đặc biệt và những khu mua sắm phô bày các phòng trưng bày hàng Levi và những cửa hàng Nokia. Hàng ngàn chiếc Toyota đưa đón những người điều hành đêm tại các văn phòng BPO[27] ngoại thành, trong số họ có thằng bạn cùng phòng với tôi, xuất thân từ một thị trấn nhỏ phía nam Ấn Độ và đã được dặn phải vứt bỏ cái tên Ấn Độ của nó. Nó sẽ kể cho tôi nghe công việc của nó rồi bắt đầu nhái những cuộc gọi của mình như thật: “Xin chào! Tôi là Jack Smith gọi từ JCPenny!”
Nước Ấn Độ cũ và kết cấu quyền lực của nó không biến mất. Nhiều sinh viên đến từ những ngôi làng và thị trấn nhỏ sống cuộc đời khổ hạnh và chuẩn bị cho kỳ thi “dân sự” – kỳ thi tuyển vào ngành hành chính dân sự ở Ấn Độ. Họ vùi đầu vào những cuốn sách luyện thi và giáo khoa trong bốn, năm, thậm chí sáu năm, bồi bổ bằng loại rượu rum rẻ tiền Old Monk, trừng trừng ngó lên trần nhà trắng toát của những căn phòng tù túng và mơ đến cảnh ngồi trên ghế của một viên chức hành chính quận, vây quanh bởi những vệ sĩ, tay sai, tài xế khúm núm chực chờ nhất cử nhất động của họ,
https://thuviensach.vn