🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Dạy Con Theo Lối Mới Ebooks Nhóm Zalo https://thuviensach.vn Tên sách : DẠY CON THEO LỐI MỚI Tác giả : NGUYỄN HIẾN-LÊ Nhà xuất bản : SAIGON Năm xuất bản : 1958 ------------------------ Nguồn sách : Sadec (TVE4U) Đánh máy : Vân Anh, Đức Tùng Kiểm tra chính tả : Ngô Thanh Tùng, Kim Thoa, Lã Thị Phương Thúy, Nguyễn Ngọc Linh Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 25/09/2018 https://thuviensach.vn Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE 4U.ORG Cảm ơn tác giả NGUYỄN HIẾN-LÊ và nhà xuất bản SAIGON đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. https://thuviensach.vn MỤC LỤC TỰA PHẦN THỨ NHỨT : THỜI MỚI GIÁO DỤC MỚI CHƯƠNG I : CẦN ĐẶT LẠI VẤN-ĐỀ 1. Hoàn-cảnh đã thay đổi 2. Phải thay đổi phương-pháp dạy trẻ CHƯƠNG II : CHÚNG TA MUỐN CÁI GÌ ? QUYỀN-LỰC CỦA TA TỚI ĐÂU ? 1. Mục-đích của giáo-dục 2. Quyền lực của chúng ta có hạn CHƯƠNG III : TRẺ KHÔNG PHẢI CHỈ SỐNG BẰNG SỮA MÀ CÒN SỐNG BẰNG TÌNH YÊU 1. Sinh tố « tình yêu » 2. Không gì thay thế được gia-đình 3. Ảnh-hưởng và sức mạnh của tình yêu 4. Khi trẻ thiếu tình yêu PHẦN THỨ NHÌ : VẤN ĐỀ KỶ LUẬT CHƯƠNG I : TỰ DO TRONG KỶ LUẬT 1. Tự do và kỷ luật 2. Quan niệm tự do trong giáo dục của Tolstoi CHƯƠNG II : KỶ LUẬT PHẢI XÂY DỰNG TRÊN NHỮNG QUY TẮC NÀO 1. Tuân theo luật sinh-lý và tâm-lý của trẻ 2. Tùy theo cá tính của trẻ 3. Giải phóng trẻ lần-lần https://thuviensach.vn 4. Để ý nhận xét phản ứng của trẻ 5. Thỉnh thoảng đừng can-thiệp, mà để trẻ tự do CHƯƠNG III : NHỮNG CÁCH ĐỂ GIÚP TRẺ GIỮ KỶ-LUẬT 1. Phải đổi một sự bó-buộc riêng thành một luật-lệ chung 2. Để trẻ tự lựa lấy cái « muốn làm » và cái « phải làm » 3. Đừng nên cấm trẻ những cái gì ? 4. Ra rất ít lệnh 5. Nhắc lại nhiều lần mệnh-lệnh và coi cho trẻ thi-hành thành thói quen 6. Chân uy-quyền thì không cần nghiêm-khắc CHƯƠNG IV : THƯỞNG PHẠT 1. Vấn-đề thưởng phạt không giản-dị như ta tưởng 2. Thưởng 3. Phạt 4. Lời khuyên cuối cùng CHƯƠNG V : KHÔNG-KHÍ TRONG GIA-ĐÌNH 1. Không-khí trong gia-đình là cần nhất 2. Dạy-dỗ là làm gương 3. Không-khí của thời-đại PHẦN THỨ BA : NHỮNG TẬT CỦA TRẺ CHƯƠNG I : TRẺ BÚ NGÓN TAY 1. Những điều nên nhớ khi đọc chương nầy và những chương sau 2. Tật bú ngón tay CHƯƠNG II : TRẺ Ở DƠ 1. Chơi dơ https://thuviensach.vn 2. Ở dơ. Đừng bắt trẻ ở sạch quá sớm 3. Nguyên nhân tật ở dơ : về sinh-lý – về tâm-lý 4. Đừng tin bác-sĩ Victor Pauchet CHƯƠNG III : TRẺ BIẾNG ĂN 1. Một vấn đề gay-go trong nhiều gia-đình 2. Biếng ăn có khi là luật tự nhiên 3. Trẻ có bản năng tự lựa thức ăn CHƯƠNG IV : TRẺ SỢ 1. Sợ hãi là một phản ứng tự nhiên 2. Trẻ sợ nước, sợ té, sợ đau… 3. Trẻ sợ tối, sợ cha mẹ không về nhà 4. Truyện rùng rợn 5. Cha mẹ không phải là ông kẹ CHƯƠNG V : TRẺ GHEN TỊ 1. Ghen là một tánh xấu nhưng tự nhiên 2. Hình thức của tánh ghen trong tuổi thơ 3. Cách trị CHƯƠNG VI : TRẺ BƯỚNG-BỈNH, GIẬN-DỮ 1. Nhu cầu khuếch trương bản ngã và những hình thức của nó 2. Khi trẻ bướng 3. Khi trẻ nổi cơn giận CHƯƠNG VII : TRẺ NÓI DỐI 1. Tánh nói dối do xã hội tập cho trẻ 2. Tới tuổi nào, trẻ mới phân-biệt được chân, giả ? 3. Trẻ vô tình nói sai sự thực https://thuviensach.vn 4. Trẻ cố ý nói dối 5. Trẻ đáng tin tới mực nào ? CHƯƠNG VIII : TRẺ ĂN CẮP 1. Một lối xử tội chớp nhoáng (Phải thận trọng khi phạt trẻ) 2. Tới tuổi nào, trẻ mới có ý-niệm về quyền sở hữu 3. Dưới chín tuổi, chỉ nên khoan hồng 4. Ăn cắp vì thiếu tình thương 5. Ăn cắp để trả thù hoặc để bù một nỗi bất công 6. Ăn cắp để tự phạt mình 7. Những nguyên nhân khác CHƯƠNG IX : TRẺ LÀM BIẾNG 1. Rất ít khi trẻ làm biếng, mà nhiều khi cha mẹ làm biếng xét trẻ 2. Đừng quá chú ý đến những điểm ông thầy cho mà vội trách trẻ làm biếng CHƯƠNG X : VÀI CÁCH DẠY 1. Cách dạy con của một bà mẹ hiền 2. Những câu chuyện nho nhỏ về cách dạy trẻ CHƯƠNG XI : DẠY CHA MẸ TRƯỚC HẾT 1. Muốn dạy con, ta phải tự huấn luyện trong bốn thời kỳ trước khi trẻ ra đời 2. Cha mẹ phải đoàn kết. Trường hợp cha mẹ ly dị nhau 3. Trẻ hư là tại cha mẹ KẾT PHỤ LỤC : VẤN ĐỀ ĐÁNH TRẺ https://thuviensach.vn NGUYỄN HIẾN-LÊ DẠY CON THEO LỐI MỚI « Tuổi thơ là hy vọng độc nhất còn lại của nhân loại ». Arnold Gesell https://thuviensach.vn TỰA Sau bản Tuyên-ngôn độc-lập của Huê-kỳ (1776) và bản Tuyên-ngôn nhân-quyền của Pháp (1789), người ta đã tưởng nhân loại bắt đầu bước vào một kỷ-nguyên mới, kỷ-nguyên Tự do, Bình đẳng và Bác ái. Nhưng từ đó đến nay đã gần hai thế-kỷ, kỷ-nguyên mới đó vẫn chưa thấy hé màn, và bây giờ không ai nhắc tới nó nữa mà chỉ nói đến kỷ-nguyên Nguyên-tử, một kỷ nguyên mà hai trái bom nổ ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945 đã hứa hẹn cho nhân loại rất nhiều. Cái kỷ-nguyên trong đó chúng ta đương sống quả thực là nguyên-tử ! Đại-chiến thứ nhất mà bốn chục năm trước người ta tưởng là chiến-tranh cuối cùng của nhân loại, đã tàn khốc một cách kinh khủng, nhưng so với đại-chiến thứ nhì chỉ là một trò đấm đá của con nít bên cạnh một cuộc đấu võ của các lực-sĩ « hạng nặng ». Và không ai dám tưởng tượng, mà cũng không ai có thể tưởng-tượng được nếu có đại chiến thứ ba thì đại chiến nầy so với đại chiến thứ nhì sẽ ra sao. Nhân sinh kỷ-hà ! Rán quên đi, bạn ạ ! Chúng ta bất lực, hoàn toàn bất lực. Vả lại còn có điều đáng cho ta nghĩ tới hơn. Nghệ-thuật chiến tranh dù tiến mạnh tới bực nào cũng không làm cho ta tởm bằng cái nghệ-thuật độc-tài. Vài ngàn trái bom làm tiêu diệt cả nhân loại trong nháy mắt, kể cũng đáng ghê thật, nhưng ai nấy đều chết thì là hết, có gì mà lo buồn ? Chứ hành-động của một bọn bắt hàng chục hàng trăm triệu người phải theo đường lối của mình, chẳng kể phải trái, hễ không phục tòng thì đầy, thì chém, thì bắn, thì cho vào lò thiêu, vào phòng điện… những hành-động đó mới thực đáng kinh. Chiến-tranh chỉ giết người, chính sách độc tài mới làm con người thành nô lệ. Mà nghệ-thuật độc tài từ đầu thế kỷ đến nay, tiến một cách mãnh liệt phi thường, đến nỗi Tần Thủy Hoàng có sống lại mà coi bọn phát-xít « trị » dân, tất cũng phải xanh mặt và than : « Ôi ! hậu sinh khả úy ». Hitler, Mussolini đã chết, nhưng cái nòi độc tài đâu đã tuyệt hẳn ? Từ đông qua tây, biết bao người vẫn lăm lăm nắm cơ-hội để nối gót hai hung thần ấy. Chính đó mới là mối nguy của nhân loại. Dù da trắng hay da vàng, da đen hay da đỏ, chúng ta đều có thể nhất đán thành nô https://thuviensach.vn lệ hết, có tai mà không dám nghe, có miệng mà không dám nói, và cứ phải nhẫn-nhục cúi đầu, vâng vâng dạ dạ để một nhóm người sai khiến. Trước cái nguy đó, nhiều nhà tư tưởng tỏ vẻ thúc thủ, và chỉ còn trông mong ở thế hệ sau tức như ông Arnold Gesell, là một. Nhà bác học nổi danh ở Huê Kỳ, chuyên tâm nghiên cứu trẻ em ấy đã viết trong bài tựa cuốn Infan from 5 to 10 : « Tuổi thơ là hy-vọng độc nhất còn lại cho nhân loại ». Ông cho rằng muốn có một chế độ thực sự tự do và dân chủ thì phải sửa đổi nền giáo dục trước hết. Không phải cứ tuyên ngôn tự do mà nhân loại được tự do ; cũng không phải cứ san phẳng giai cấp mà nhân loại được bình đẳng ; cũng không phải cứ hô hào bác ái mà nhận loại bác ái. Con người có được dạy dỗ, đào-tạo ngay từ hồi nhỏ theo những phương-pháp tự do, bình-đẳng bác ái, có được thấm nhuần không khí tự do, bình đẳng, bác ái trong ít nhất là năm ba thế hệ liên tiếp rồi mới có thể hành động theo quy tắc tự do, bình đẳng bác ái được. Nghĩa là vấn đề giáo dục quan trọng nhất. Ta không thể mong con ta thành những người chỉ huy trọng tự do, bình đẳng, bác ái nếu ta dùng phương pháp độc đoán để nhồi nặn chúng, bắt chúng hoan hô những kẻ chúng khinh bỉ, và ngày ngày tụng những lời thù oán và gây hấn. Mà phương-pháp giáo-dục cổ điển của Á Đông cũng như Âu Tây là phương-pháp độc đoán đó. Tôi không phủ-nhận thiện-chí của người xưa, nhưng cái lối uốn nắn trẻ theo một mẫu-mực mà người lớn đã định trước, không gây được hạnh-phúc cho nhân loại. Từ đầu thế-kỷ, nhiều nhà giáo, nhà tâm-lý ở Âu-Mỹ đã bỏ phương-pháp đó, tự thích nghi với trẻ, chứ không bắt trẻ phải thích nghi với mình nữa. Muốn thích-nghi với chúng, họ tìm hiểu sinh-lý và tâm-lý của chúng. Họ dò dẫm từng bước, và gần đây ông Arnold Gesell sau nhiều năm chung sức nghiên-cứu với bạn bè, đã tìm được ít nhiều luật phát triển của trẻ. Những luật đó, được các nhà giáo-dục Âu Mỹ dùng làm cơ-sở cho phương-pháp giáo-dục mới, mà người ta gọi là phương pháp « thuận phát » (développementalisme). Theo phương pháp nầy, nhà giáo dục không được độc đoán như hồi xưa, cũng không được cho trẻ phóng túng muốn làm gì thì làm như J.J. Rousseau, Léon Tolstoi, đã chủ trương, mà phải tùy theo luật phát-triển về sinh-lý và tâm-lý của trẻ để https://thuviensach.vn hướng dẫn chúng, sửa chữa chúng, giúp chúng thành những người biết tự trọng và trọng kẻ khác. Tóm lại, giáo dục ngày nay không phải chỉ là vấn-đề luân-lý nữa – nếu chỉ là vấn-đề luân-lý thì một tập Gia huấn ca của Nguyễn-Trãi hay một bài Trị gia cách ngôn của Chu bá Lư là đủ dùng rồi – mà là một vấn đề tâm-lý ; và các bậc cha mẹ cùng thầy dạy phải tìm hiểu trẻ về mọi phương-diện, tìm hiểu bằng cách nhận xét, đọc sách, thí nghiệm. Tôi soạn cuốn nầy và cuốn Tìm hiểu con chúng ta chính là để giúp độc giả trong công việc tìm hiểu ấy. Khu vực mênh-mông, không thể nào đi khắp được, cho nên ở đây tôi chỉ nghiên-cứu ít điểm căn bản mà chúng ta phải hiểu rõ để cải thiện cách dạy trẻ, rồi, trong cuốn sau, sẽ tóm-tắt những phương-pháp mà các tâm-lý gia dùng để dò xét trẻ và những kết quả của công cuộc dò xét ấy. Khoa giáo-dục rất khó-khăn và phức-tạp. Không có ai dám tự hào là nắm được bí quyết ; cũng không có phương-pháp nào gọi là hoàn toàn. Xét cho cùng thì ở đời không có lý thuyết nào hoàn toàn được, vì nếu nhận là hoàn toàn tức thị là không tiến nữa, mà có ai dám nghĩ rằng từ nay đến khi bị tiêu diệt, nhân loại đứng hoài một chỗ trong một khu vực nào đó không ? Chẳng qua lý-thuyết nào cũng chỉ để cứu cái tệ của một thời thôi. Vậy phương-pháp « thuận phát » mới được khai sanh đây tất nhiên không thể hoàn toàn, và nhiều lời khuyên trong cuốn nầy không thể là những quy tắc bất di bất dịch. Bạn chỉ nên coi nó như những lời dẫn dụ, đừng theo đúng nghĩa từng chữ một. Bạn phải có tinh-thần thí-nghiệm lại và phê-phán. Bản phải tự nhủ : « Người phương Tây đã thí-nghiệm và thấy kết-quả đó ; thử xem ở nước mình đúng hay không ? ». Bạn lại nên nhớ rằng về giáo dục, có khi quy-tắc tốt mà thất bại vì vấn-đề người dạy vẫn là quan-trọng hơn hết. Không sáng suốt, không kiên nhẫn, không biết thích-nghi thì phương pháp hoàn thiện cũng là vô dụng. Có nhớ hai điều đó thì đọc cuốn sách nầy mới có ích. Saigon, ngày 11-4-1958 https://thuviensach.vn PHẦN THỨ NHỨT : THỜI MỚI GIÁO DỤC MỚI Giáo dục ngày nay không phải chỉ là vấn đề luân lý nữa. https://thuviensach.vn CHƯƠNG I : CẦN ĐẶT LẠI VẤN-ĐỀ 1. Hoàn-cảnh đã thay đổi Năm sáu ông bạn học cũ, tuổi đều gần ngũ tuần, họp mặt nhau trong một ngày xuân, sau nhiều năm xa cách. Người ta nhắc lại chuyện xưa, hỏi thăm về công-việc làm ăn và gia-cảnh của nhau, rồi lần-lần câu chuyện chuyển về vấn-đề dạy con. Hầu hết đều phàn-nàn trẻ bây giờ khó dạy quá. Một ông bảo : « Thằng con trai lớn của tôi làm biếng học, chỉ đi chơi suốt ngày. Tôi mắng hoài nó không chừa, mới rồi giận quá phải đánh. Tôi bạt tai nó cái thứ nhất, nó cúi xuống chịu. Tới cái thứ nhì nó đưa tay lên đỡ. Tới cái thứ ba, nhìn vào mắt nó, thấy nó không còn phải là con mình nữa. Thôi, đành chịu. Tôi nhớ lại thời xưa, cũng vào cái tuổi nó, có lần bị anh tôi quất cả chục roi, mà cứ nghiến răng chịu, không dám oán hận. Bị đòn xong, còn phải khoanh tay xin lỗi anh tôi nữa chứ. Bây giờ thì phải « hàng » cái ông tướng ấy ». Ông vừa nói câu cuối vừa ngó chung quanh xem có trẻ nào nghe được không. Một ông khác chua-chát hơn : « Anh mới « hàng » đây, chứ tôi thì mấy năm trước, từ khi thằng Hợp của tôi 13, 14 tuổi, tôi đã không dám động gì tới nó nữa. Mỗi tháng đưa tiền học và tiền tiêu vặt cho cậu cả, rồi hỏi qua loa về sự học của nó, còn thì mặc, nó muốn làm gì thì làm. Nó suốt ngày họp bạn và mỗi tuần đi xem chớp bóng không biết mấy lần ». Ông thứ ba chen vào : « Cũng có những đứa siêng học, nhưng ta phải nhận là tình của chúng đối với cha mẹ bây giờ nhạt lắm. Chúng chỉ bắt cha mẹ phải có bổn-phận này, bổn-phận khác mà quên hẳn cái tình cha con đi. Tôi biết một bà cụ nọ đã gần tám chục tuổi, mà vẫn phải lọ-mọ làm lụng để kiếm tiền nuôi người con út. Cậu ta đã hai mươi lăm tuổi, đã đậu tú-tài, làm việc được một năm, rồi chê lương ít, đời không có tương lai, xin thôi việc, đăng tên vào đại-học và cụ già mỗi tháng phải ki-cóp, gởi hai ngàn đồng nuôi cậu con, để rồi gặp ai cũng phàn-nàn : Tôi sắp tới thời phải xuống lỗ rồi https://thuviensach.vn mà nó không biết thương tôi, bắt tôi phải nuôi nó hoài. Nó kiếm được nhiều tiền thì nó ăn nhiều, vợ nó, con nó ăn nhiều, chứ ích gì cho ai đâu ? »… Câu chuyện kéo dài trên một giờ với cái giọng chán chường đó. Người ta đem đủ các tội đổ lên đầu thanh niên mà không chịu tìm kiếm nguyên nhân ở đâu. Nguyên-nhân là gia-đình Việt-Nam đã thay đổi và đời sống chúng ta đã thay đổi. Cách đây bốn chục năm, chế-độ đại gia-đình chưa bị lung-lay : ba bốn đời ở chung với nhau, người cha hoặc ông nội nắm cả kinh-tế và quyền chỉ-huy, trên ra lệnh thì dưới phải nghe, kẻ nào bướng-bỉnh cãi lại thì bị cả nhà, cả họ trị tội mà xã-hội cũng không dung thứ. Quan-niệm về thiện và ác rất giản-dị : cái gì được người trên khen, khuyên làm thì là thiện, cái gì người trên chê, cấm làm thì là ác. Đã vậy chủ gia-đình phần nhiều lúc nào cũng có mặt ở trong nhà, nhận xét từng hành-vi, cử chỉ của trẻ : trẻ được uốn nắn hằng ngày, mà không chịu nhiều ảnh-hưởng ở ngoài, cho nên dễ dạy. Khoảng mười năm sau cuộc đại-chiến thứ nhất, một số thanh-niên ở thành thị, một phần vì chịu ảnh-hưởng của văn-hóa Âu Tây, một phần vì có cơ hội sống ở ngoài đại gia-đình (đi học hoặc đi làm ở xa) bắt đầu thấy không-khí trong đại gia-đình hơi khó thở. Rồi nhóm Phong Hóa, Ngày Nay hô-hào trong báo-chí và tiểu-thuyết sự thoát-ly đại gia-đình. Tiếng chuông tuy có vang, cũng chỉ vang trong giới tân-học, và phải đợi đến cuộc đại chiến vừa rồi gia-đình Việt-Nam mới thay-đổi mạnh từ thành-thị đến thôn quê. Trong cuộc chiến đấu với thực dân Pháp, biết bao thanh-niên đã đặt Tổ quốc trên Gia-đình, đã thấy quyền hồi xưa của cha mẹ đối với con cái là không hợp thời, có khi không hợp lý nữa. Họ nhận xét rồi phê bình, chỉ trích. Họ uất-hận khi thấy người lớn theo địch hoặc chỉ bo-bo tìm mọi cách duy-trì tư lợi. Như vậy thì làm sao một số cha mẹ chẳng mất uy tín đi được ? Tất-nhiên, hồi xưa, tổ-tiên ta cũng đã nhiều lần chiến-đấu với ngoại xâm, và cũng có những người chỉ biết nắng chiều nào che chiều nấy ; nhưng cơ sở của đại gia-đình còn vững-vàng mà số thanh niên phản-đối cha mẹ vì chính kiến rất ít, nên uy-tín của người lớn không bị thương tổn nhiều. Ngày nay thì https://thuviensach.vn khác hẳn : trong mười gia-đình chắc-chắn có sáu, bảy gia-đình mà chính kiến của cha con, vợ chồng anh em đối chọi hẳn nhau. Lại thêm, trẻ chịu ảnh-hưởng của gia-đình ít, mà chịu ảnh hưởng ở ngoài thì nhiều. Ở thành-thị, người cha thường chỉ gặp con trong bữa cơm, và mười người có lẽ không được một người bỏ ra mỗi tối một giờ chơi với con và săn-sóc sự giáo-dục của chúng. Thành-thử cái bổn-phận dạy con hồi xưa thuộc về người cha, ngày nay chuyển qua người mẹ. Mẹ lựa trường cho con, mẹ tiếp-xúc với cô giáo của con, mẹ coi bài vở cho con, mẹ ký tên học bạ của con… còn cha, năm thì mười họa có mở tập của con ra coi thì gắt um lên : « Học hành như vậy hả ? Chỉ tại má mầy hết. Không biết dạy con. Tao còn lo kiếm tiền nuôi tụi bay chứ thì giờ đâu ? ». Mà ta phải nhận rằng ít người mẹ có đủ thì giờ và khả năng để dạy trẻ và nhiều bà cho rằng con có chỗ ăn chỗ học là bổn phận của mình đã tròn. Trong khi đó trẻ chịu biết bao ảnh-hưởng khác : ảnh-hưởng của bạn-bè, của xã-hội, nhất là của báo chí, hát bóng và truyền thanh, truyền hình. Tóm lại, vì uy tín của cha mẹ giảm đi, vì sự săn-sóc của cha mẹ không kỹ-lưỡng, vì trẻ chịu nhiều ảnh-hưởng ở ngoài hơn là trong gia-đình, nên trẻ thời nầy mang cái tiếng là khó dạy. 2. Phải thay đổi phương-pháp dạy trẻ Sự thực, chúng có khó dạy không ? Tôi tin rằng không. Không phải chúng khó dạy, mà tại chúng ta không biết dạy chúng. Tình-thế đã thay đổi, hoàn-cảnh đã thay đổi, tâm hồn chúng đã thay đổi, mà cứ bo-bo giữ quan niệm cũ của ta, cứ muốn uốn nắn chúng theo mẫu-mực thời xưa, cứ bắt chúng phải nén những ý-nghĩ, tình-cảm của chúng mà theo ta, phục tùng ta một cách triệt-để thụ động, thì tất-nhiên ta phải thất bại. Cho nên ta cần xét lại vấn-đề gia-đình giáo-dục. Tôi biết, sẽ có nhiều bạn phản-đối bảo : « Chúng tôi phải « hàng » chúng tới bực đó rồi ; ông còn muốn chúng tôi « quy thuận » chúng nữa sao ? ». https://thuviensach.vn Thưa bạn, dạy con sao lại nói đến chuyện « hàng ». Ta nên bỏ tiếng đó đi, chỉ nên xét hạnh phúc của chúng và tương lai của xã hội. Mà trong nửa thế kỷ nay, hàng ngàn nhà bác học và giáo dục ở khắp thế giới, chuyên tâm nghiên cứu trẻ em, đều nhận rằng phải thay thế cách dạy trẻ, phải thuận theo sinh-lý, tâm lý và cá tính của chúng mà hướng-dẫn, sửa đổi chúng, chứ không thể nhồi chúng vào một cái khuôn đã định trước được. Điều đó, trong cuốn Thế hệ ngày mai, tôi đã đứng về phương-diện trường học mà xét ; trong cuốn này, tôi sẽ xét thêm về phương-diện gia-đình. https://thuviensach.vn CHƯƠNG II : CHÚNG TA MUỐN CÁI GÌ ? QUYỀN-LỰC CỦA TA TỚI ĐÂU ? 1. Mục-đích của giáo-dục Trước hết chúng ta phải tự hỏi : « Ta muốn cái gì ? ». Trả lời được câu hỏi đó là định được mục-đích cho giáo dục. Phải vạch rõ mục-đích rồi mới xét tới phương-pháp và phương-tiện. Hồi xưa, các cụ theo quan niệm của Khổng giáo, cho cá-nhân, gia-tộc, quốc-gia, thiên-hạ như bốn cái khoen móc vào nhau ; hơn nữa, như bốn vòng tròn đồng tâm mà vòng nhỏ nhất là cá-nhân, vòng lớn nhất là thiên-hạ. Câu của Khổng Tử đáp Tề Cảnh công khi ông nầy hỏi về chính-trị : « Vua theo đạo vua, bầy tôi theo đạo bầy tôi, cha theo đạo cha, con theo đạo con » (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử) ; nhất là câu về quẻ Gia-nhân trong kinh Dịch : « Cha theo đạo cha, con theo đạo con, anh theo đạo anh, em theo đạo em, chồng theo đạo chồng, vợ theo đạo vợ mà gia-đạo chánh, chánh gia-đạo thì thiên hạ định » (Phụ phụ, tử tử, huynh huynh, đệ đệ, phu phu, phụ phụ, nhi gia đạo chánh, chánh gia nhi thiên hạ định hỹ), đều có ý cho gia-tộc là một cơ quan của quốc-gia, có tính-cách chính-trị. Gia-đình đã là một tiểu tổ chính-trị thì cá nhân tức là một cán bộ chính trị có nhiệm vụ giữ trật tự trong xã hội, cho nên Chu tử mới nói : « Cha con yêu nhau, gốc là việc công ». Dưới một chế độ như vậy, cá nhân tất phải chịu uốn nắn, nhồi nặn theo một kiểu mẫu đã định sẵn, không thể được tự do phát triển. Đã đành, nhà cầm quyền hồi xưa cũng lo hạnh phúc cho cá nhân, nhưng cho rằng hạnh phúc đó nằm trong hạnh phúc của quốc gia, và cá nhân phải hy sinh hạnh phúc của mình cho hạnh phúc của đoàn thể. Nền giáo dục đó là nền giáo dục một chiều, giáo dục con người vì gia đình, vì xã hội chứ không phải vì con người. Chẳng những phương Đông chúng ta mà hết thảy các nước ở phương Tây cũng đã trải qua giai đoạn ấy, https://thuviensach.vn cũng đàn áp cá tính cùng nhu cầu của trẻ để bắt chúng sống theo đường lối của ta. Nhưng từ khi Jean Jacques Rousseau viết cuốn Emile (thế kỷ 18), Pestalozzi, người Thụy Sĩ viết cuốn Comment Gertrude instruit ses enfants, Léon Tolstoi sáng lập lớp học tự do, quan niệm cũ đã bị chỉ trích kịch liệt, và trên nửa thế kỷ nay, các nhà tân giáo dục như John Dewwey (Mỹ) Helen Parkhust và Wasburn (Mỹ), Montessori (Ý), Decroly (Bỉ), Froebel (Đức), Clarapède (Thụy-sĩ), Adolphe Ferrière (Thụy-sĩ), Alfred Binet (Pháp), Freinet (Pháp)… đã thực hành một phương pháp mới, dựng trên quy tắc nầy : « Cá-tính của trẻ em là thiêng-liêng ; nhu cầu của trẻ phải là nền tảng cho chế-độ giáo dục » 1 ; và mục-đích của giáo-dục là dựa theo những luật phát triển về sinh lý và tâm lý của trẻ để hướng dẫn chúng, dự bị cho chúng vào đời, hầu làm cho « mỗi người trở nên một vật sung sướng cho chính mình và cho đồng loại » 2. Quan niệm đó, tôi đã trình bày kỹ trong cuốn Thế hệ ngày mai, ở đây xin miễn xét lại. 2. Quyền lực của chúng ta có hạn - Ta không thể uốn-nắn trẻ ra sao tùy ý. - Ta không thể tránh hết những sự xung đột giữa trẻ và ta. - Ta không thể đi ngược những luật tự nhiên. - Ta không thể làm trái với bẩm chất và cá tính của mỗi trẻ. Đã vạch mục-đích rồi, đã biết ta muốn cái gì rồi, lại phải biết ta không làm được cái gì nữa. Những vị cha mẹ quá nghiêm khắc luôn luôn phàn nàn về con cái, là những người trông cậy nhiều quá ở giáo dục và không thấy được giới hạn quyền lực của mình. Khổng Tử, một trong những nhà mô phạm và nhà tâm lý sâu sắc nhất cổ kim, đã có lần thất vọng phải nhận rằng không thể sửa đổi tính tình hạng hạ ngu được 3vì họ mê muội, không thấy điều phải, hoặc thấy mà không làm. Quan niệm đó hơi bi quan. Theo tôi, hạng đó vẫn có thể giáo hóa được, nhưng tới một mức nào thôi, và phải tốn rất nhiều công phu. https://thuviensach.vn Hạng trung nhân trở lên, dễ chịu ảnh hưởng của giáo-dục hơn ; tuy nhiên, cũng không phải như một cục đất, một thanh sắt, muốn nặn, đập theo mẫu nào cũng được. Cả những trẻ em ngoan ngoãn nhất, dễ bảo nhất, cũng phản ứng với giáo dục bằng cách nầy hay cách khác. Lại thêm, hai thế hệ già và trẻ – tức thế hệ của cha mẹ, thầy học với thế hệ của con cái, học sinh – thường tương phản nhau về tính-tình, tư tưởng, do đó phát sinh những sự xung đột mà bực cha mẹ sáng suốt phải giải quyết một cách khéo léo, chứ không được bi quan, thất vọng, hoặc nhất định cương quyết ngăn cản mọi phản ứng. Luật xung-đột đó rất tự nhiên, dù muốn hay không, ta cũng phải nhận nó và quyền lực của ta trong sự dạy trẻ do đó giảm đi một phần nữa. Một mặt khác, những luật phát triển về sinh-lý và tâm lý của trẻ cũng phải được tuân theo. Chẳng hạn về sinh lý, trẻ tới tuổi dậy thì, trai cũng như gái, thay đổi rất mau, mà tính tình chúng cũng khác trước : chúng sinh ra làm biếng, hoặc gắt gỏng, mơ mộng, bướng bỉnh, ít nói, dễ vui, dễ buồn… Nếu ta không chịu nhận những biến đổi rất tự-nhiên, bình-thường đó, mà rầy la trẻ, bắt chúng phải luôn luôn như ý muốn chúng ta thì kết quả tất tai hại, một là chúng oán ta, hai là chúng hóa chán đời, tủi phận. Trí khôn của trẻ cũng phát triển theo những luật gần như nhất định : tám tuổi mới biết học tính và hiểu được ba lần bốn là mười hai (tôi nói những trẻ thông minh trung bình), lần lần biết lý luận một cách cụ thể ; mười một, mười hai tuổi mới bắt đầu quan niệm được những cái trừu tượng, mới hiểu thế nào là lòng nhân từ, công bằng… ; nếu ta bắt chúng mới chín tuổi, đã phải hiểu một bài toán về tỉ lệ ngược hoặc phân biệt nhân với nghĩa thì chính ta ngu độn chứ không phải là trẻ ngu độn. Vậy muốn dạy trẻ, ta phải tùy theo sự phát triển của chúng. Không những thế, ta còn phải tùy theo bẩm chất và cá tính của mỗi em. Tôi xin cử một thí dụ để bạn thấy sự hiểu biết trẻ quan trọng ra sao. Ai cũng nhận thấy rằng có những trẻ mới sinh ra đã ốm yếu, cân chỉ được trên 2 kí-lô, xương, bắp thịt ngực đều nhỏ. Những em đó, dù được săn https://thuviensach.vn sóc, tẩm bổ tới bực nào thì lớn lên cũng không sao lực lưỡng được. Trái lại, một hạng trẻ khác, mới sanh đã nặng gần bốn kí lô, ngực nở, xương to. Hạng trẻ đó sau tất thành những lực sĩ, mặc dầu sự doanh dưỡng không được hoàn hảo. Ngoài ra, còn một hạng trẻ thứ ba hồi nhỏ cũng ốm yếu như hạng trẻ thứ nhất, song tới tuổi dậy thì, chúng phát triển rất mau, to lớn, cao vọt lên, chỉ trong ít năm, theo kịp hạng thứ nhì. Vì không hiểu tiết điệu đặc biệt của các hạng trẻ, mà biết bao cha mẹ lo lắng khi thấy trẻ làm biếng ăn, và cố tìm mọi cách ép trẻ ăn cho kỳ được. Ở Âu-Mỹ, người ta đã làm thống kê và thấy 80% trẻ trong các gia đình phong lưu đều biếng ăn, mà hầu hết đều bị người lớn mỗi bữa mỗi nhồi cho đủ một lượng thức ăn nhất định. Họ tưởng rằng con họ ốm yếu vì ăn ít, và nếu không bắt chúng ăn thì chúng sẽ đau, có biết đâu rằng càng ép chúng, chúng càng sợ ăn, bộ tiêu hóa của chúng càng dễ bị bệnh, còn như cứ để chúng tự do ăn uống đừng làm ngược lại với tiết điệu phát triển tự nhiên của chúng, thì chúng lại mạnh khỏe. Nuôi trẻ, ta phải theo bẩm chất của mỗi đứa mà dạy trẻ thì cũng vậy. Ta không thể bắt con ta mười tuổi phải ngồi lớp nhất vì thấy con một ông bạn mười một tuổi đã đậu tiểu học. Ta cũng không thể bắt con ta phải học y khoa vì lẽ trong nhà ta đã ba đời làm thầy thuốc. Tóm lại, ta phải tùy theo trẻ mà hướng dẫn, uốn nắn, chứ đừng bắt trẻ phải theo ý muốn của ta ; phải nhớ rằng trẻ tuy là giọt máu của ta thật đấy, nhưng không phải là ta, mà trẻ con lại cũng không phải là người lớn. Muốn vậy ta phải hiểu những luật phát triển chung của tuổi thơ và hiểu bẩm chất cùng tính tình riêng của mỗi trẻ. Vấn đề đó rất quan trọng và rất phức tạp, cho nên tôi sẽ nghiên cứu riêng trong cuốn Tìm hiểu con chúng ta và chỉ xét trong cuốn nầy những quy tắc chính về gia đình giáo dục và những cách sửa vài tật thông thường nhất của trẻ em. Nhưng trước khi qua chương sau, tôi xin nhắc lại những điểm cốt yếu tôi vừa mới bàn : - dạy trẻ là hướng dẫn trẻ, dự bị cho chúng vào đời, để mưu hạnh phúc cho chúng và xã hội. https://thuviensach.vn - ảnh hưởng của giáo dục không phải là vô biên : ta chỉ có thể sửa đổi trẻ tới một mực nào thôi, và trong khi giáo hóa, ta không thể đi ngược những luật tự nhiên về sinh lý, không thể làm trái với bẩm chất và cá tính của mỗi trẻ : mà cũng không thể tránh hết những sự xung đột giữa trẻ và ta được. https://thuviensach.vn CHƯƠNG III : TRẺ KHÔNG PHẢI CHỈ SỐNG BẰNG SỮA MÀ CÒN SỐNG BẰNG TÌNH YÊU 1. Sinh tố « tình yêu » Rose Vincent và Roger Mucchielli, trong cuốn Comment connaître votre enfant, nói trẻ có ba nhu cầu cốt yếu : nhu cầu được yêu, nhu cầu được yên ổn và nhu cầu tự bảo-vệ. Theo tôi, tự bảo vệ là một bản năng chứ không phải là một nhu cầu ; và trẻ chỉ có mỗi một nhu cầu là được yên ổn sống để phát triển một cách đầy đủ. Nhưng muốn được yên ổn sống, trẻ phải có cảm tưởng là được người lớn yêu mến nâng niu. Rốt cuộc nhu cầu được yên ổn và nhu cầu được yêu chỉ là một. Các nhà nghiên cứu về nhi đồng giáo dục gần đây đã phát minh điều rất quan trọng nầy là trẻ không phải chỉ sống bằng sữa mà còn bằng tình yêu. Những công việc của Spitz ở Nữu ước, của Bowlby ở Luân Đôn, của bà Audry ở Ba Lê đều chứng tỏ rằng tình âu yếm cần thiết cho sự phát triển của trẻ, như một sinh tố. Thiếu tình đó, trẻ ăn uống không tiêu, chậm lớn, kém thông minh, dễ bị bịnh và tử suất của chúng (tức số trung bình cứ 100 trẻ thì có bao nhiêu trẻ chết) cũng tăng lên nhiều. Nhờ nhận xét đó, người ta mới hiểu hiện-trạng lạ lùng nầy là các trẻ dưỡng bệnh lâu trong các nhà thương, mặc dù được đủ tiện nghi, đủ thuốc thang, mà vẫn èo ọt, ốm yếu hơn những trẻ dưỡng bệnh tại nhà. Trong một nhà hộ-sinh kiểu mẫu nọ ở Mỹ, người ta nuôi một nhóm trẻ mới sanh với những điều kiện cực kỳ hoàn hảo và theo đúng những quy tắc vệ sinh. Người ta cho chúng sống cách biệt nhau, để tránh vi trùng. Các nữ điều dưỡng chỉ được rờ mó chúng khi nào thực cần thiết, như khi thay đồ, tắm rửa, cho bú. Thức ăn được tính toán kỹ lưỡng tùy theo nhu cầu của mỗi trẻ, bệnh tật được đề phòng và điều trị bằng những phương pháp tối tân. Vậy mà những trẻ đó không lên cân nhiều, không mạnh khỏe bằng những trẻ ở ngoài, sống trong những gia đình thiếu thốn, tại những xóm tối tăm, bẩn thỉu. Các y sĩ không hiểu tại sao, sau ra công nhận xét, thí nghiệm trong một https://thuviensach.vn thời gian mới thấy rằng nguyên nhân chỉ do những trẻ đó thiếu sinh tố tình yêu. Tức thì, trên mỗi cái nôi, người ta treo một tấm thẻ với hàng chữ : Mỗi ngày phải âu yếm trẻ một giờ. Từ đó, các nữ điều dưỡng được quyền bồng bế, hôn hít, nựng chúng, chuyện trò, chơi đùa với chúng. Kết quả hoàn toàn thay đổi : trẻ bú nhiều hơn, mau lớn, vui vẻ và tinh anh hơn. Bác sĩ Spitz đã quay một phim rất bổ ích cho các bà mẹ về các cách cho trẻ bú : lúc thì người mẹ miễn cưỡng cho bú, lúc thì quạo quọ, lúc lại lo lắng hoặc chán chường. Có khi mới cho bú thì giật ra một cách vội vàng, có khi cứ cho bú một chút lại bắt trẻ ngưng… Những thái độ đó đều ảnh hưởng lớn tới trẻ : trẻ kém bú, mất sức, xuống cân, tiêu hóa xấu, ụa, mửa… Óc của chúng chưa hiểu được gì đâu, nhưng từng thớ thịt, từng mạch máu, từng sợi gân của chúng đều cảm thấy rõ ràng rằng người ta không yêu chúng, chúng không được yên ổn ; trọn cơ thể chúng khổ sở, mà màu mơn mởn trên má chúng lần lần phai, nụ cười hồn nhiên trên môi chúng lần lần biến mất. Cô Anna Freud cũng ghi chép minh bạch những kết-quả trong các nhà dưỡng nhi. Cô bảo : Cách thức nuôi trẻ trong các nhà đó có lợi cho trẻ trong năm tháng đầu : trẻ ít bệnh, mau lớn hơn trẻ trong những gia-đình thợ thuyền. Nhưng từ tháng thứ sáu trở đi thì trẻ thua kém hẳn trẻ ở ngoài, kém tinh nhanh, hoạt động. Qua năm thứ nhì, trẻ chậm nói hơn. Về tư cách thì lớn lên chúng có bề ngoài lễ-phép, đàng hoàng, nhưng dù được dạy dỗ tận tâm tới bực nào, chúng cũng là hạng mất gốc, không hơn hạng trẻ thiếu giáo dục là mấy. 2. Không gì thay thế được gia-đình Trong những nhà dưỡng nhi đó, trẻ không phải là hoàn toàn thiếu sinh tố tình yêu, vì cũng có những nữ điều dưỡng, những bà phước yêu trẻ như con đẻ ; nhưng trẻ vẫn âm-thầm nhận thấy mình không phải là con của ai cả ; chúng vẫn khát khao cái không khí gia đình mà cái không khí đó, không có gì thay thế nổi. https://thuviensach.vn Trong tạp chí Sélection du Reader’s Digest, số tháng hai năm 1957, Morton Hunt sau khi phỏng vấn hàng chục nhà chuyên môn về vấn đề thanh niên, viết một bài để kết-luận rằng loài người chưa tìm ra được một cơ quan giáo-dục nào để thay thế gia đình. Trường học, giáo đường, trại thanh niên… đều có ích lợi, nhưng trong sự đào tạo tư cách thì gia đình vẫn giữ vai quan trọng nhất. Ông bảo : « Các tâm lý gia đều nhận rằng chính trong năm đầu, trẻ mới sanh, tùy không khí trong gia đình mà khuynh hướng yêu người của trẻ được nẩy nở hay bị tiêu diệt. Nếu chúng được luôn luôn âu yếm, đói được ăn, buồn được an ủi, thì lòng tin cậy và yêu mến người khác của chúng phát triển dần dần… Chính vì yêu cha mẹ mà chúng nghe lời, tập những đức mà cha mẹ dạy chúng. Không một công cuộc, một nhà chuyên môn nào thay thế được tình yêu đó ». Rồi ông đưa ra một chứng cớ : « Trong đại chiến vừa rồi. Chính phủ Anh tản cư hàng ngàn trẻ con ở Luân Đôn về miền quê để tránh bom đạn, cho chúng sống trong những đoàn thể và săn sóc chúng rất chu đáo. Người ta nhận thấy chúng tập được nhiều đức ; dễ tuân lệnh trên, biết chiều đãi kẻ khác, có tinh thần bằng hữu ; nhưng những đức đó không ăn sâu trong tâm hồn chúng, chỉ như lớp sơn bề ngoài và chỉ ít lâu sau khi ra khỏi đoàn thể là mất gần hết ». 3. Ảnh-hưởng và sức mạnh của tình yêu Tình yêu có ảnh hưởng mạnh mẽ lạ lùng, đến nỗi tiếng nói của trái tim có thể át được tiếng nói của huyết thống. Người ta kể chuyện một thiếu phụ Thụy sĩ nọ sanh đôi và một trong hai đứa bé bị đánh tráo mà bà không hay. Sáu năm sau, hai bà mẹ mới nhận thấy sự thực, đổi con cho nhau nhưng không bao giờ quên được chúng, vẫn thương chúng hơn con thiệt của mình. Một bà luôn-luôn nhớ lại nét mặt, hình bóng của đứa con giả, bảo nó giống chồng bà như đúc. Còn bà kia thì nói : « Tôi thấy gần đứa con trước (tức đứa con giả) hơn. Tính nó giống tính https://thuviensach.vn tôi và các em trai tôi hồi nhỏ : cũng nhanh nhẹn thích bạn-bè, hay gây lộn. Tới hình dáng, nước da, cặp mắt nó cũng giống tôi nữa ». Mà sự thực gần đúng như vậy, chứ không phải hai bà mẹ đó hoàn-toàn tưởng tượng đâu. Tình yêu thay đổi trẻ từ tính tình đến hình dáng : cả tâm hồn và cơ thể của chúng như tiêm nhiễm hình ảnh người đã nuôi chúng và âu yếm chúng. Ta chẳng thấy nhiều trẻ giống vú già nuôi chúng hơn là giống mẹ chúng đó ư ? Câu chuyện dưới đây, xảy ra độ mười năm nay còn chứng thực điều đó một cách rõ ràng hơn nữa. Một nhà tu hành Ấn-Độ một hôm gặp trong rừng hai đứa bé gái, một đứa khoảng 2 tuổi một đứa khoảng 8 tuổi. Chắc cha mẹ chúng đã bỏ chúng hoặc lạc chúng và chúng được một con chó sói cái cho bú. Chúng sống y như loài thú rừng. Ông động lòng, đem về nhà nuôi. Từ đó, chúng khổ sở vô cùng. Đứa nhỏ không sao tập đi được và chỉ một năm sau ủ rũ rồi chết. Đứa lớn kéo dài đời sống khốn nạn thêm được chín năm, mà chỉ học nói được bốn mươi sáu tiếng thôi. Trẻ con, trung bình sanh được năm, sáu tháng rồi mới nhận được mẹ. Khi chúng đã nhận được mẹ rồi thì hình ảnh của mẹ chúng – hay người cho chúng bú trong năm sáu tháng đó – không khi nào phai mờ trong trí não chúng nữa. 4. Khi trẻ thiếu tình yêu Sự thiếu tình yêu của mẹ tai hại cho trẻ vô cùng. Bác sĩ Jenny Aubry ở Trung-tâm thiếu nhi quốc-tế tại Longchamp nói rằng trong cái khoảng trẻ được 5 đến 15 tháng, nếu thiếu sự săn-sóc của người mẹ một thời gian khá lâu, thì hại cho trẻ cũng bằng trẻ bị bịnh kinh niên mỗi ngày mỗi nặng vậy. Dù nuôi nấng, săn sóc mà không yêu chúng hoặc để cho chúng có cảm tưởng rằng chúng không được ta âu yếm, thì cái hại cũng rất lớn. Một bà mẹ tối nào cũng hôn con trước khi cho con đi ngủ một hôm vì lo lắng hay đau yếu, quên lệ đó. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ cho trẻ buồn hoặc giận dỗi rồi. Một lần chưa sao, nếu mười, mười lăm lần như vậy, là trẻ bắt https://thuviensach.vn đầu có mặc cảm bị ghét bỏ, và tính tình thay đổi hẳn : hóa xấu tính, bướng bỉnh, làm biếng, nói dối, ăn cắp, ghen ghét anh chị em, rồi oán lây tới cả mọi người. Gần đây các bác-sĩ đã nghiên-cứu những trẻ mà cha mẹ bắt thôi bú một cách quá đột ngột. Chúng đều có cảm-tưởng bị xa mẹ, mặc dầu mẹ chúng vẫn săn-sóc chúng, vì chúng mất cái vui được bú, được nằm trong lòng người mẹ, được gần cái hơi người mẹ. Những trẻ đó thường bị bệnh tiêu hóa, mà từ trước người ta cứ tưởng rằng vì chúng chưa quen với cháo, với bột : sự thực thì một phần lớn do chúng buồn rầu tưởng rằng mẹ chúng bỏ bê chúng. Ở trên, tôi đã nói trẻ cảm được bằng tất cả những thớ thịt trước khi chúng hiểu biết. Cảm tưởng đó rất mãnh liệt. Khi một đứa trẻ tưởng rằng ta không yêu nó nữa, thì ta có tìm mọi cách để giảng-giải rằng ta vẫn yêu chúng, cũng là vô ích. Thành-thử đối với trẻ, ta càng phải giữ ý hơn là đối với người lớn, nhất là khi chúng ta khó tưởng-tượng được nỗi buồn rầu, đau khổ của trẻ âm thầm tới bực nào. M. Sylvestre trong một bài đăng ở tạp chí Constellation, số tháng tám năm 1952, kể chuyện một em gái ở miền Ba-lê có tính làm đỏm, mượn của một bà cô một cây kim gài nhận hột xoàn, để đeo trong dịp làm lễ ban thánh thể lần đầu, rồi vô ý đánh rớt đâu mất. Bà cô tỏ vẻ không quan-tâm tới sự đánh mất đó, nhưng cha mẹ em rầy la em dữ, bắt em phải thường. Luôn trong bốn năm, em can-đảm chịu mọi thiếu thốn, không nhận quà No-en, không nhận xe máy của cha định mua cho, nhịn đi coi hát bóng, đi du lịch, nhịn cả ăn mặc, để dành từng đồng một để mua cây kim gài khác thường lại bà cô. Bà cô thấy vậy, rầy : « Cháu điên hả ? Tội nghiệp, chịu nhịn mọi thứ trong bốn năm như vậy ? Thực là gàn ! ». Em bé òa lên khóc, rồi cầm cây kim gài ra về. Cha mẹ em khen em lắm. Nhưng đêm đó, em lén mở cửa đi, ra bờ sông, gieo mình xuống nước, sau khi để lại cho cha mẹ hàng chữ nầy : « Đời sống vô nghĩa quá ! Ba má hiểu cho con chứ ? ». https://thuviensach.vn Cuối chuyện đó, tác giả trách em đã lầm lộn một sự rủi ro, một sự hiểu lầm với đời sống. Ý ông cho rằng cha mẹ em chỉ muốn dạy em đừng làm đỏm, cho nên để em mua cây kim gài khác trả bà cô, chứ không có lòng nào bắt em phải chịu khổ. Vâng, đúng như vậy, nhưng bài học đó cũng quá nghiêm-khắc, mà lòng của cha mẹ em thực cũng là sắt đá. Cũng trong bài đó, ông M. Sylvestre còn kể vài chuyện tự tử khác nữa. Một em trai 13 tuổi, tự tử bằng súng lục sau khi để lại bức thư nầy cho cha : « Thưa ba, xin ba đừng buồn vì cái chết của con. Con tự tử vì con muốn chết. Ba đừng tìm hiểu tại sao. Đây là di chúc của con : con không muốn cho một vật nào của con về tay em Marius hết : con ghét nó vô cùng, ghét tận đáy lòng. Ba đừng khóc con. Con chết đi là sướng ». Một em gái mười ba tuổi ở Grenoble, vui-vẻ đi chợ với mẹ, rồi bị mẹ rầy một cách nhục-nhã trước mặt một người hàng xóm, tủi thân, nhảy xuống sông Isère tự tử. Toàn là do những nguyên nhân mà người lớn chúng ta cho là « con nít » hết, nhưng sự thực là thế đấy, và nhiều tâm-lý gia Pháp đã lo ngại khi thấy số trẻ em tự-tử mỗi năm một tăng : năm 1949, sáu mươi tám em dưới hai chục tuổi ; năm 1950, một trăm em ; năm 1951, một trăm ba mươi bốn em. Ấy là không kể nhiều vụ trẻ em tự trầm mà người ta khai là chết rủi-ro, để khỏi làm buồn lòng cha mẹ. Lại nên nhớ thêm rằng, cứ một vụ tự-tử mà chết, phải tính ba hoặc bốn vụ tự-tử hụt. Ở nước ta, tôi không được rõ người ta có làm thống kê về những vụ đó không, nhưng cứ chỗ tôi biết thì trong mười gia-đình có lẽ chỉ được một gia đình mà con cái không hề tủi thân, oán cha mẹ. Mà cái đập kiên-cố nhất để ngăn làn sóng tự-tử của trẻ là tình thương của ta. Chúng ta thường bảo : « Cái tuổi thơ đó, vô tư vô lự ». Lời đó rất sai. Tuổi thiếu niên chính là cái tuổi thấy đau khổ thấm-thía nhất, dễ thất vọng, chán đời nhất ; và sự bất công, sự quá nghiêm-khắc của cha mẹ là nguyên nhân chán đời thường thấy nhất. Mà bất công và quá nghiêm-khắc đều là không yêu trẻ hoặc không biết cách yêu trẻ. https://thuviensach.vn Sự thực nhiều khi bi thảm thật, và ta không có quyền tự bịt mắt để khỏi thấy, vì dù là uốn một cành cây, đập một thỏi sắt, ta cũng còn phải để ý đến sức phản ứng của nó, huống-hồ là dạy trẻ. Tuy nhiên, để ý đến phản ứng không có nghĩa là phóng nhiệm, bỏ hết cả kỷ-luật. Trong phần sau, tôi sẽ xét về vấn-đề kỷ-luật. https://thuviensach.vn PHẦN THỨ NHÌ : VẤN ĐỀ KỶ LUẬT « Chỉ có cách tuân theo thiên-nhiên mới sai khiến được thiên-nhiên ». Francis Bacon https://thuviensach.vn CHƯƠNG I : TỰ DO TRONG KỶ LUẬT 1. Tự do và kỷ luật - Không có tự-do hoàn toàn. - Người ta cần có cảm giác tự do hơn là tự do. - Trẻ phải được tự do phát triển theo luật thiên nhiên. Bàn về giáo-dục thì phải xét vấn-đề kỷ luật, mà muốn xét vấn-đề kỷ luật thì phải định-nghĩa thế nào là tự-do. Tôi không muốn bước vào địa hạt chính-trị, trong đó vấn-đề tự-do đã làm phí biết bao giấy mực, và làm đổ biết bao máu : nhiều nước dân chủ đã tự phong cho mình cái mỹ-hiệu là thành-trì của tự-do, mặc dầu những dân nghèo của họ, tức 90 phần 100 dân số hay hơn nữa, bị bó buộc đủ thứ chỉ vì cái tội nghèo ; mà những nước độc tài lại càng lớn tiếng hô-hào dân chúng chiến-đấu cho tự-do, và để có đủ sức mạnh chiến-đấu, dân chúng phải hy sinh tất cả những tự-do căn bản của con người. Ở đây, tôi chỉ đứng trong phạm-vi giáo-dục, và nhắc bạn ba điều căn-bản bạn cần nhớ kỹ về quan niệm tự-do mỗi khi dạy trẻ. Điều thứ nhất : Con người không khi nào được tự-do hoàn toàn, muốn làm gì thì làm. Luôn-luôn hành-vi của ta bị hạn-chế, do những luật thiên-nhiên, những luật xã-hội hoặc năng lực của bản thân ta. Có khi ta tự cho là được tự-do, mà sự thực ta bị lệ thuộc mà không biết ; tức như tâm trạng các ông bù nhìn, tự đắc về uy quyền của họ khi họ quên những sợi dây nó giật họ ; hoặc như tâm trạng một anh nghiện rượu, không nghe lời cấm đoán của bác sĩ, tưởng như vậy là muốn làm gì thì làm, có ngờ đâu rằng mình chỉ là nô lệ của ma men. Vậy sự tự-do có tính-cách từng phần và rất tương đối. Cho nên trẻ đi chưa vững mà đòi tập xe máy, và ta cũng cho trẻ tập để tôn trọng tự-do của trẻ thì hành động của ta hoàn toàn vô ý thức. Điều thứ nhì : Quan niệm về tự-do tuy phức-tạp, mập-mờ, song cảm giác tự-do thì rõ rệt và giữ một địa-vị quan trọng trong đời sống chúng ta. Loài người tìm cảm-giác tự-do hơn là sự tự do, và không phải trình độ https://thuviensach.vn tự-do của ta tăng mà cảm giác đó cũng tăng theo đâu. Nhiều thanh niên sống trong những gia đình nghiêm-khắc mà không thấy rằng mình bị câu thúc, cho tới khi uy-quyền của gia-đình bớt đè nặng, họ mới oán trách cha mẹ. Nhu cầu cảm-giác tự-do đó, khéo áp-dụng thì kết-quả rất thần hiệu, ngay cả với người lớn. Trong đại chiến vừa rồi, chính phủ Mỹ muốn tiết kiệm số thịt ăn trong dân-gian để gởi qua giúp các nước đồng minh. Chính phủ phải làm sao cho các bà nội-trợ đừng bỏ phí những miếng thịt mà từ trước họ chê là không ngon và không thèm mua. Người ta thí-nghiệm hai cách : - Cách thứ nhất là cho nhiều nhà hùng biện diễn thuyết, dùng phim chiếu bóng, hình tô màu để chứng-minh một cách toán-học cho các bà nội trợ thấy rằng những miếng thịt ấy chẳng những rẻ, bổ mà dùng nó còn là tỏ lòng ái quốc, giúp nhà cầm quyền một cách đắc-lực để thắng bọn độc-tài Hitler và Mussolini. Các bà nội-trợ chăm-chú nghe một cách rất lễ-phép nhưng vẫn không bỏ tập-quán cũ, vì vẫn nghi ngờ, có cảm-tưởng là bị hạn chế, cấm-đoán một cách gián tiếp. - Cách thứ nhì hiệu-quả hơn gấp mười. Người ta không tốn công chứng minh, mà chỉ trình-bày vấn-đề để các bà tự giải-quyết với nhau. Ai cũng có quyền đưa ý-kiến ; nhân-viên của chính-phủ chỉ giữ một địa-vị cố vấn, chứ không xen vô, đưa ý-kiến của mình ra. Như vậy các bà có cảm tưởng là mình được tự-do, vui-vẻ bàn bạc với nhau và hiểu rằng trong vấn-đề đó, các bà phải quyết-định lấy, và các bà đã quyết định theo ý muốn của chính-phủ. Đối với trẻ cũng vậy, ta phải cho chúng có cảm-giác rằng chúng được tự-do, thì chúng sẽ sung-sướng và dễ bảo. Chẳng hạn, ta muốn cho chúng đừng làm ồn, để ta ngủ thì ta đừng nạt : « Đứa nào làm ồn, mất giấc ngủ của ba thì bị mười roi », mà bảo chúng như vầy : « Các con không buồn ngủ, không thích ngủ trưa, phải không ? Ba để các con tự do chơi. Nhưng ba lại buồn ngủ và cần phải ngủ, vì đêm ba thức khuya đọc sách. Nếu các con chơi mà ồn quá thì ba ngủ không được, mà nếu ba bắt các con đi ngủ để nhà cửa yên ổn cho ba ngủ được, thì các con không được chơi. Chúng ta phải làm https://thuviensach.vn sao bây giờ cho các con vẫn được chơi mà ba vẫn ngủ được ? ». Như vậy, tất nhiên chúng sẽ thấy ngay giải-pháp, tự đặt kỷ-luật rồi giữ đúng kỷ-luật đó. Điều thứ ba : Muốn có cảm-giác tự-do thì mỗi trẻ phải được phát triển theo đúng luật thiên nhiên và giữ được cá tánh của nó. Tuổi lên ba lên bốn là tuổi ham chạy nhảy mà ta bắt trẻ phải khoanh tay dựa cột nghe người lớn nói chuyện Nghiêu Thuấn, Khổng Tử, Mạnh Tử hàng giờ, thì trẻ tất nhiên thấy khó chịu, bực bội. Hoặc trẻ không thích văn chương, chỉ thích máy móc, mà ta bắt chúng phải chuyên tâm luyện văn thì chúng rất khổ sở, một là ỳ ra, hai là hóa giả-dối, và không được chút kết-quả gì. Đó là điểm mà tân giáo-dục khác cựu giáo-dục. Hồi xưa, người ta có quan niệm « xã-hội » về kỷ-luật, uốn nắn trẻ theo những quy-điều, mẫu-mực của xã-hội, mà không cần biết phản ứng ở trẻ ra sao. Ngày nay, người ta có quan-niệm khoa học, tìm hiểu sinh-lý và tâm-lý của trẻ mà hướng chúng, rồi tùy sự phát triển của chúng mà bớt sự hướng dẫn đó đi, để chúng lần-lần tự hành-động lấy, tự lãnh lấy trách-nhiệm. Ngày xưa, dạy dỗ là rập khuôn ; ngày nay, dạy dỗ là giải-phóng lần lần. 2. Quan niệm tự do trong giáo dục của Tolstoi Nhưng giải phóng không có nghĩa là phóng-nhiệm như J.J. Rousseau và L. Tolstoi đã chủ-trương. Cách đây gần đúng một thế-kỷ, Tolstoi mở trong điền của ông một trường để dạy con nông dân, và sáng lập một nguyệt san giáo khoa để đả đảo chế-độ giáo-dục đương thời. Ông viết : « Từ xưa đến nay, bất kỳ dân tộc nào cũng nhận trẻ em là ngây thơ, trong sạch, là hiện thân của cái thiện, cái chân, cái mỹ. Chúng sinh ra đã hoàn toàn rồi… Không ai có quyền bắt chúng phải nhận một nền giáo-dục nào cả. Giáo dục theo quan niệm ngày nay là uốn nắn con người theo một kiểu đã định trước. Quan niệm đó đã không có kết quả, không thể thực-hiện được mà còn phi pháp… Không ai có quyền đào luyện ai. Tôi phủ nhận quyền đó. Trường học và văn-minh chỉ làm trẻ hư thôi… Phải để cho trẻ giữ tánh tự nhiên của chúng, phải để cho chúng tự đào tạo lấy chúng. Cá nhân có quyền tự do phát https://thuviensach.vn triển, và ta phải để cho học sinh tùy ý, muốn học cái gì thì học, khi nào thích thì học, không thích thì thôi ». Lớp học của ông chỉ là một nơi cho trẻ em tụ họp, chơi với nhau, và khi chúng hỏi, ông thầy mới giảng. Ngay như học đọc, học viết, học tính cũng không phải là cần thiết và bó buộc. Ông cho trẻ muốn làm gì thì làm : đóng bàn, cuốc đất, trồng cây, nuôi súc vật… để chúng phát triển tất cả thiên-tư của chúng. Lạ nhất là một văn-sĩ như ông, lại chủ trương cho học-sinh diễn tả tư-tưởng cách nào cũng được, không bắt lỗi ngữ pháp, không buộc phải theo những quy tắc hành văn, nhất là không phải thuộc lòng những bài kiểu mẫu. Trong lịch trình tư tưởng của nhân loại, muốn đả đảo một chế độ cũ, các nhà lý thuyết bao giờ cũng hăng hái, tiến quá cái mức tự nhiên, rồi lần lần tình-hình ổn định lại, tư-tưởng được trung hòa. Rousseau và Tolstoi đều đã quá khích, đưa ra một cực đoan mới để thay thế một cực đoan cũ. Cả hai đều nhận thấy nhu cầu tự do của trẻ mà không biết rằng trẻ cũng có nhu cầu câu-thúc nữa. Trẻ yếu ớt, cần sự che chở. Nếu ngay từ hồi trẻ mới sanh, ta theo quan niệm của Rousseau và Tolsoi, cho trẻ tự do muốn làm gì thì làm, thì chắc chắn là mười đứa không nuôi được một. Cả khi chúng lớn lên cũng vậy, chúng tò-mò muốn đốt xăng ở trong một căn nhà lá chẳng hạn mà ta không ngăn cản chúng, thì hại cho chúng và cho chúng ta biết bao. Cho nên sự câu thúc là cần thiết : nó che chở cho trẻ, mà cũng che-chở xã-hội. Theo nhiều tâm lý gia, thì trẻ cảm thấy ngấm ngầm sự cần thiết đó. Nếu ta không cấm đoán chúng, để chúng hoàn-toàn tự do, thì chúng thấy hoang mang, khổ sở, như bị ta bỏ bê rồi chúng sợ. André Berge trong cuốn La liberté dans l’éducation (Edition du Scarabée) kể chuyện một em tám chín tuổi nọ, nằng-nặc đòi cha mẹ cho đi học một mình, khỏi có người dắt, tới khi đi được một mình thì hoảng-hốt, và sau thú thực : « Tự do, nó làm tôi sợ quá » Một em khác, lớn tuổi hơn, cũng chỉ mơ ước tự-do mà khi được qua ngoại quốc một mình để họp với bạn trong một đoàn thể, thì mếu máo trách mẹ : « Má thật nhẫn-tâm mới để cho con đi một mình như vậy ! ». Mà người lớn https://thuviensach.vn chúng ta có hơn gì chúng đâu ? Biết bao công chức phàn nàn rằng làm trong chính-phủ lương ít mà bó buộc, chỉ muốn « thoát ly » càng sớm càng hay. Nhưng sau ba chục năm sống cái đời mà họ cho là bó buộc và lương ít đó, tới tuổi được về hưu, được « thoát ly », thì họ nằng nặc xin ở lại vài năm nữa, xin không được thì oán trách nào là bất công, nào là không kể công lao của họ… Loài người, như vậy, cả bạn, cả tôi nữa, đều đầy những mâu thuẫn. Vả lại, trẻ dù ngang tàng, phá phách đến đâu cũng nhận thấy rằng không có kỷ-luật không thể sống được. Ông Aichborn ở Vienne (kinh-đô Áo) đã làm một thí-nghiệm cực kỳ táo-bạo. Người ta giao cho ông trị một tụi trẻ du côn khét tiếng trong châu thành, hầu hết mắc những tội ăn cắp, hành-hung. Ông cho chúng sống chung trong những trại lính, muốn làm gì thì làm, muốn phá phách tới bực nào tùy ý. Ông phái vài người lại để xem xét chúng, mà không được ngăn cản chúng trong bất kỳ một việc gì. Ôi thôi ! Các ông quỷ sứ đó được thể, tha hồ tung hoành, chửi nhau, đập phá, làm dơ một cách không thể tưởng tượng được. Nhưng chỉ trong ít bữa, chúng bắt đầu thấy chán, thấy trong phòng đầy những vật dơ, không sao ở được. Người ta không hề trách chúng một lời, lại vui vẻ tặng chúng những phòng mới, sạch sẽ, đủ tiện nghi. Lần này, chúng tự đặt ra kỷ-luật, tự cấm-đoán nhau và đứa nào cũng rất ngoan, giữ kỷ-luật răm-rắp. Vậy quan-niệm của Tolstoi sai. Ta không thể cho trẻ hoàn toàn tự do được. Ta tôn trọng tự do của chúng, nhưng phải khéo léo câu thúc chúng. Bà Maria Montessori, một trong những nhà đặt cơ-sở cho nền tân giáo-dục hiểu rõ điều ấy, cho nên một mặt hô-hào phải để trẻ được tự-do, một mặt lại bảo : « Ông thầy đã ra lệnh, thì học-trò phải nghe, nếu mới đầu cần phải phạt chúng, thì cũng cứ phạt ». Bà có tự mâu thuẫn không ? Không. Vào trong những trường học áp dụng đúng phương pháp của bà, ta thấy trẻ em vui-vẻ nhận kỷ-luật. Các em trong lớp mẫu-giáo muốn làm gì thì làm : vẽ, nặn, xỏ chuỗi, xếp nhà… nhưng không được phá đồ đạc, hoặc ngăn cản trò chơi của bạn. Người ta không bảo chúng : « Đây chỗ ngồi của em đây. Ngồi đó, không được nhúc nhích, không được nói chuyện nghe không ? Khi nào cô hỏi mới được đáp. https://thuviensach.vn Không nghe lời thì bị phạt ». Người ta cho chúng tự-do đi đi lại lại để lấy đồ chơi, được hỏi cô hay hỏi bạn, nhưng không được làm ồn. Nếu em nào không giữ kỷ-luật, thì cô giáo nhắc nhở một cách nghiêm : « Em Bình, nói nho nhỏ chứ » – « Em Đoan chơi rồi, phải sắp đồ chơi lại, cất vào chỗ cũ ; làm ngay đi ». Như vậy trẻ có cảm-giác được tự-do – mà chúng được tự-do thật – nhưng tự-do đó là tự-do trong kỷ-luật, và kỷ-luật đó dựng trên sự hoạt động và trật-tự. Đối với trẻ em lớn hơn cũng vậy : hoàn toàn câu-thúc không được mà hoàn toàn thả lỏng thì sự huấn-hỗ cùng không có kết quả. Bác-sĩ Kurt Lewin đã thí-nghiệm với học sinh một trường thực-nghiệp, trai và gái, mà ông chia ra làm ba bọn : - Bọn thứ nhất bị điều khiển bằng uy-quyền : một người lớn ra lệnh cho trẻ và trẻ phải làm đúng vì kỷ-luật rất nghiêm. - Bọn thứ nhì được điều-khiển một cách « dân chủ ». Một người chỉ huy chia công-việc, bảo trẻ cách làm, rồi để trẻ thực-hành, quyết định lấy, giữ trật-tự lấy. - Bọn thứ ba được hoàn-toàn tự-do. Nghĩa là không có người cầm đầu. Trẻ muốn làm cách nào thì làm, muốn làm lúc nào tùy ý. Sau bác sĩ thay đổi ba bọn đó và người chỉ-huy. Chẳng hạn cho bọn thứ nhất được tự-do, bắt bọn thứ nhì phải theo kỷ-luật nghiêm-khắc, đưa người chỉ huy bọn thứ nhì xuống chỉ-huy bọn thứ ba… ; như vậy để biết chắc rằng kết-quả không chịu ảnh-hưởng của cá-tính người chỉ huy hoặc cá-tính các học sinh. Bác-sĩ thấy bọn thứ nhất mới đầu tiến rất nhanh, làm được nhiều việc hơn hết, nhưng sau có chuyện bất bình và người ta phải đuổi vài trò ra khỏi bọn. Khi vắng mặt người chỉ-huy thì lớp học thành một cái chợ. Bọn « dân chủ » trái lại, mới đầu tiến hơi chậm, nhưng lần lần sức làm việc tăng lên, hơn bọn trên. Chúng biết hợp tác với nhau, không có chuyện https://thuviensach.vn bất bình xảy ra và khi người chỉ-huy vắng mặt thì chúng vẫn làm việc, vẫn giữ trật-tự. Chúng lại hãnh diện được tự chỉ huy lấy, được ở trong cái nhóm của chúng. Còn bọn thứ ba thì kết-quả thật tai hại, không làm được việc gì, lớp học luôn-luôn như có cuộc mổ bò. 4 Vậy trong sự giáo-dục, các tâm-lý gia ngày nay đều khuyên ta trung dung, vừa tôn trọng tự-do của trẻ, vừa tập cho chúng tự chủ. Nghiêm-khắc quá như hồi xưa thì trẻ quá sợ-sệt, mất cả chí khí ; mà phóng-nhiệm quá như tại nhiều trường bên Mỹ hiện nay thì học sinh thành chúa tể trong lớp, không chịu gắng sức, chỉ tìm mọi cách để giỡn, phá. 5 https://thuviensach.vn CHƯƠNG II : KỶ LUẬT PHẢI XÂY DỰNG TRÊN NHỮNG QUY-TẮC NÀO Trẻ phải theo kỷ-luật của ta. Lẽ đó rất giản dị, minh bạch, nhưng khi thực hành mới thấy khó, và tân giáo dục với cựu giáo dục chỉ khác nhau ở cách thức thực hành mà thôi. Mà bàn đến cách thực-hành thì trước hết phải giải quyết được vấn đề căn bản nầy : Kỷ-luật phải xây dựng trên quy-tắc nào để trẻ được phát triển điều hòa và tự-nhiên ? Theo tôi có năm quy tắc mà tôi sẽ lần-lượt trình bày dưới đây. 1. Tuân theo luật sinh-lý và tâm-lý của trẻ Như ở chương trên tôi đã nói, quy-tắc thứ nhất là phải theo luật sinh lý và tâm lý của trẻ em. Những luật đó không thể tóm-tắt trong một chương được, sẽ được xét riêng trong cuốn sau, cuốn Tìm hiểu con chúng ta 6. Ở đây tôi chỉ xin kể một vài trường-hợp làm thí-dụ. Sách nào cũng khuyên ta phải tập cho trẻ ăn đúng bữa, không được ăn vặt, để bao tử chúng được nghỉ-ngơi, dễ tiêu hóa. Điều đó rất hợp lý. Nhưng trong trường hợp trẻ mất ăn (anorexie), hoặc bị chứng nào đó về bộ tiêu hóa thì ta phải theo luật thiên-nhiên, không được ép chúng, cứ để chúng muốn bú lúc nào thì bú, muốn ăn cái gì thì ăn. Dù chúng đòi ăn rất nhiều kẹo cũng cứ cho chúng tùy thích. Có lẽ cơ-thể chúng thiếu chất đường đấy, được thỏa mãn rồi chúng sẽ thôi. Trẻ khoảng sáu tuổi, đương ngoan-ngoãn, đột-nhiên trải qua một thời kỳ rất bướng-bỉnh, ta bảo cái gì, chúng cũng cãi nhất định là không nghe. Dublineau trong cuốn Les grandes crises l’enfance bảo rằng những cuộc trở chứng đó rất tự-nhiên, trẻ bình-thường nào cũng có. Chúng tới một giai đoạn mới trong sự phát-triển, thấy những năng lực mới của mình và muốn thử nó nên đổi tính như vậy. Một bà bạn tôi không hiểu luật thiên nhiên đó, rầy đứa trẻ suốt ngày, đánh đập nó nữa, rồi gặp ai cũng phàn-nàn rằng : « Nó https://thuviensach.vn hư quá thôi, ai lại mới bấy nhiêu tuổi mà nó cãi tôi nhoen-nhoẻn. Nhà thật là vô phúc… ». Bị hành-hạ, đứa trẻ càng bực tức, càng tỏ vẻ cứng đầu, và không-khí trong nhà càng khó thở. Tôi giảng cho bà đó hay luật trở chứng của trẻ và khuyên bà đừng buồn, cứ ôn-tồn với nó, cởi mở cho nó một chút, để nó thấy năng-lực của nó tăng tiến, thì nó sẽ vui-vẻ ngoan-ngoãn trở lại ngay. Bà ta nghe tôi và sáu tháng sau cơ hồ như bà không còn nhớ gì những cảnh mà trước kia bà cho là « đứt ruột » nữa. 2. Tùy theo cá tính của trẻ Ta lại phải tùy theo cá tính của mỗi trẻ. Mỗi trẻ một khác, ta không thể đặt kỷ-luật chung cho các trẻ được. Mua giày ta còn phải lựa cho hợp với chân của trẻ, thì tại sao dạy chúng ta lại không theo tính tình của chúng ? Người ta thường trách trường-học, giáo đường, là đặt những kỷ-luật chung cho hàng ngàn, hàng vạn thanh-niên mà không kể gì tới sự sai biệt về tính tình của các hạng trẻ. Những cơ quan đó không thể làm khác được : nhưng trong gia-đình mà dạy trẻ cũng như dạy lính trong trại, thì rất vô ý-thức. Đúng 9 giờ tối, đứa nào cũng phải đi ngủ. Phải như vậy tiện cho chúng ta lắm. Nhưng, đứa bẩm chất ngủ nhiều thì mới tám giờ đã gục lên gục xuống ; còn đứa bẩm chất ít ngủ, sẽ trằn trọc, hóa nghĩ vơ vẩn vì sợ đêm. Cư xử với một đứa đa cảm, dễ mủi lòng mà cũng nghiêm khắc như với những đứa lì, thì những đứa trên tất thấy đau khổ, có thể sinh ra oán hận cha mẹ và chán đời nữa. Bạn e rằng không công bình chăng ? Tôi thì trái lại, cho rằng thế mới là công-bình. Sự công-bình rất tế nhị, không thể diễn thành một đẳng thức, như một đẳng-thức đại số được. A là con ta, B cũng là con ta, vậy A = B ; và hễ bắt A phải chịu hình phạt nào cũng bắt B phải chịu hình phạt đó. Không, con người không phải là con số. Vô-lý nhất là thái-độ của những người cha thấy một đứa con học được, giỏi toán, thi đậu, bắt những đứa khác cũng phải giỏi toán và thi đậu, không được thì mỉa mai, đay nghiến, chửi rủa, thậm chí trút cả tội lỗi lên đầu người mẹ. Chính tôi đã nghe thấy một nhà trí-thức nọ chua-chát nói với khách trước mặt vợ và con : « Thằng nhỏ nầy học giỏi mới thực là con tôi ; còn https://thuviensach.vn những đứa kia, ngu dốt, làm biếng, là con của mẹ nó, chứ không phải con tôi ! ». 3. Giải phóng trẻ lần-lần Con bọ hung cái, gần tới kỳ sinh đẻ, suốt ngày bay đi kiếm phân trâu, bò hoặc ngựa, đem về hang, vo lại thành một cục tròn, lớn bằng hột gà, cứng, nhẵn bóng, nhưng khuyết một lỗ nhỏ ở đầu. Công việc đó tốn biết bao công phu ! Bạn thử tưởng-tượng chân nó nhỏ như vậy, chở biết bao lần mới được đủ phân, rồi nó nặn cách nào, vo cách nào mà thành hình tròn như vậy ? Tới kỳ, nó đẻ trứng vào lỗ khuyết, rồi lấp lại. Công việc làm mẹ của nó thế là xong. Ít lâu sau, trứng nở. Bọ hung con, ăn lần lần cho hết cục phân thì đủ sức lớn, rồi bay ra khỏi hang, kiếm ăn lấy. Nó không biết mẹ nó là ai, mẹ nó cũng không hề biết nó, mặc dầu mấy tháng trước đã tận tụy lo cho nó đủ điều kiện để phát triển cho đến lúc trưởng-thành. Loài chim tiến hơn một bực. Gà mái chẳng hạn, đẻ trứng rồi kiên nhẫn ấp cho trứng nở, tận tụy nuôi cho con lớn. Cảnh nó úm con, nó dắt con đi kiếm ăn, cục cục, nhớn nhác tìm những con lạc đàn, nhất là cảnh nó can đảm chống với diều hâu để che chở cho bầy con, đã làm cho chúng ta cảm động. Nhưng khi gà con đã đủ sức kiếm ăn một mình, thì gà mẹ không nhận ra gà con nữa, gà con cũng không nhớ gà mẹ nữa ; chúng tranh nhau, mổ nhau nữa là khác. Loài có vú lại tiến hơn một bực, và người ta thấy những con vượn ôm con hàng giờ, mặt như mếu, khi con nó chết. Nhưng khi khỉ con đã lớn, thoát ly cha mẹ rồi, thì mẹ con khỉ cũng không nhớ gì nhau nữa. Đó là một luật của tạo hóa. Cha mẹ chỉ thương con khi con cần được che chở, nuôi nấng. Khi con lớn, tình thương hóa vô dụng và tự-nhiên hết. Loài người thì khác : tình cha con, tình mẹ con còn hoài. Dù con cái đã ở riêng, dù cha mẹ đã khuất, mà lòng thương nhớ vẫn không nguôi. Và cái uy-quyền của cha mẹ với con tuy mỗi ngày mỗi giảm nhưng không khi nào mất hẳn. https://thuviensach.vn Tuy nhiên, bực cha mẹ sáng-suốt phải hiểu rằng sở dĩ ta có uy-quyền đó, sở dĩ trẻ nhận uy-quyền đó, vì trẻ cần được ta che chở, hướng-dẫn để phát-triển chứ không phải vì lẽ ta sinh ra chúng mà bắt gì chúng cũng phải nghe. Mục đích cuối cùng của giáo-dục là giải-thoát. Đó không phải chỉ là một quan-niệm ; đó là một luật thiên-nhiên. Kỷ-luật đặt ra phải để dìu-dắt trẻ, dự-bị cho chúng tự giải-thoát lần lần cho đến khi tự giải-thoát được hẳn. Hồi trẻ mới sanh, ta để trẻ bú, ngủ, cử-động theo những luật sinh-lý. Khi chúng đã bắt đầu có trí khôn – hai ba tuổi – ta mới khuyên bảo chúng, áp-dụng kỷ-luật để dắt dẫn chúng. Chúng càng lớn, năng lực càng tăng, thì ta càng phải cởi mở cho chúng, để chúng được tự-do thêm. Tới tuổi dạy thì, kỷ-luật nên nhẹ hơn chút nữa để cá tính của chúng có thể nẩy nở được và khi chúng đã thành nhân thì ta chỉ có bổn-phận, chỉ có quyền khuyên bảo chúng mà thôi. Bà Anna W.M. Wolf trong cuốn Vos enfants et vous nói cha mẹ dạy con thì phải biết « cắt cuống rốn ». Lời đó thực chí lý. Cách độc nhất để giữ hoài lòng yêu quý của con là cho chúng bay khi chúng đã đủ lông, đủ cánh. Biết bao bi-kịch trong gia đình xảy ra vì người mẹ ích-kỷ, cứ cột con với vạt áo mình hoài mặc dù chúng đã có vợ có con. Họ làm tủi nhục cho con họ. Tôi ghét những bà mắng những cậu trai đã lớn : « À, mày tưởng mầy đủ lông đủ cánh rồi, không cần tới mẹ mày nữa hả ? Thôi đi đâu thì đi, bước ra khỏi nhà này đi ». Họ không phải những người mẹ, vì người mẹ phải giúp cho con mau « đủ lông đủ cánh », phải mừng khi thấy chúng « đủ lông đủ cánh », và phải tập cho chúng « bay nhẩy » khi chúng đã « đủ lông đủ cánh ». 4. Để ý nhận xét phản ứng của trẻ Trẻ phản ứng lại uy quyền của ta bằng hai cách, tùy hoàn cảnh, tùy thái độ của ta, nhất là tùy tính tình của chúng. Cách thứ nhất là phản động. Có nhiều trẻ, mà người lớn cũng vậy, khi bực mình thì cằn-nhằn nhưng rồi cũng theo lệnh người trên. Tôi biết một thanh niên nọ siêng năng lanh lẹn thành thử song thân cậu sai cậu hoài, còn anh cậu biếng-nhác vụng-về thì được yên thân. Một hôm, thân phụ cậu sai https://thuviensach.vn cậu một việc. Cậu đương đọc sách, bực mình, ngồi ỳ ra, rồi ngâm lớn câu : « Xảo giả đa ưu, chuyết giả nhàn ». Thân phụ cậu nghe được, cười rồi bỏ qua. Nhưng mười phút sau, cậu cũng bỏ sách đứng dậy miễn cưỡng làm việc đó. Cậu thuộc vào hạng phản-động miệng, dễ thương nhất. Một hạng khác bướng bỉnh, cãi lại ta, nhất định không làm. Gặp trường hợp đó, ta phải bình tĩnh, xét lại hành động của ta, và ta sẽ thấy phần nhiều lỗi về ta : ta hoặc bất công, hoặc vụng-về, hoặc quên những luật tự nhiên nó chi phối tính tình của trẻ. Bực mình cho ta nhất là hạng trẻ, bảo cái gì cũng « dạ dạ » mà chẳng làm cái gì cả. Bề ngoài chúng như phiến đá lạnh lùng, không thể nào lay chuyển được, nhưng trong thâm tâm, có lẽ chúng không được bình-tĩnh đâu. Chúng mâu thuẫn với bản thân, hành-động có khi như tự phản mình ; cho nên dù bực mình ta cũng phải thương chúng và thay đổi thái-độ với chúng. Không nhất-định là trẻ chỉ phản-động khi nào uy-quyền của ta quá nghiêm ; cả những khi ta rất thương chúng, ngọt ngào với chúng, chúng cũng có thể tỏ vẻ bất-mãn, cau-có, vì chúng cảm thấy rằng lòng thương của ta có mục-đích là bắt chúng lệ-thuộc ta hoài, không cho chúng tự-chủ. Hễ thấy chúng như vậy, ta phải nhớ ngay lời khuyên cắt « cuống rốn » của Anna W.M. Wolf ở trên. Cách phản ứng thứ nhì của trẻ là tỏ vẻ ngoan-ngoãn lạ lùng. Cha mẹ ít người để ý tới cách đó, không ngờ rằng một thái độ nhu-thuận cũng là phản ứng, mà chính cách phản ứng đó mới đáng cho ta lo nhất. Một là trẻ giả-dối, ngoài mặt thì hiếu đễ mà trong lòng nuôi những ý bất chính ; hai là trẻ mất cả cá-tính, sau này ra đời, chỉ biết cong lưng phục tùng mọi uy-quyền không biết phán đoán, chỉ trích gì nữa : « Xếp bảo vậy thì tất nhiên vậy là đúng ». Người ta thường nói : « Muốn biết làm chủ, thì trước hết phải biết tuân lệnh ». Lời đó quá đáng. Người chỉ biết tuân lệnh bề trên, thì làm sao chỉ huy kẻ dưới được ? Thời xưa, đức nhu-thuận có lẽ là đức ích nhất cho xã hội, bây giờ chúng ta cần đức tự chủ hơn, và câu trên phải đổi ra : « Muốn làm chủ kẻ khác thì trước hết phải biết tự chủ ». Dạy trẻ là hướng dẫn, dự bị https://thuviensach.vn cho trẻ thoát ly ta. Mà chúng làm sao thoát-ly ta được, nếu ta bắt chúng một mực nhu thuận. Cho nên gặp những trẻ hiền như cục bột, bảo sao nghe vậy, ta phải khuyến-khích chúng bày tỏ ý riêng, bàn bạc với ta. Đối với người lớn cũng vậy. Một ông bạn tôi cưới một thiếu nữ quen đời trưởng giả, nhưng nhu mì. Ông muốn cải hóa vợ, người vợ nghe ông răm-rắp, trong hai năm sống chung không cãi ông một lời. Một lần nọ, người vợ thấy thái độ của chồng mỗi ngày một thêm khó chịu, phản động lại, bảo : « Gia đình tôi như vậy, tôi quen sống như vậy, tôi tầm thường như vậy, không thể hơn được ; đã lỡ cưới tôi rồi thì rán mà chịu, đừng gắt gỏng nữa, không ích lợi gì đâu ». Bạn thử đoán phán ứng của ông chồng đó ra sao ? Ông đã không phẫn nộ, mà còn cười : « Hai năm nay mới được nghe mình nói một câu chí lý. Mình đã có tinh-thần tự lập rồi đó ». Bà vợ đã đáng khen mà ông chồng còn đáng khen hơn. Bà vợ đã tỏ ra rằng mình không phải là một khúc gỗ, và ông chồng cũng hiểu rằng dạy vợ không phải là đẽo một khúc gỗ. 5. Thỉnh thoảng đừng can-thiệp, mà để trẻ tự do Sau cùng, ta phải thỉnh thoảng đừng can thiệp vào hành động của trẻ, để cho chúng được tự do. Ta phải biết can thiệp tùy lúc. Việc nhỏ không đáng can thiệp thì đừng can thiệp ; can thiệp mà không có kết quả thì cũng đừng can thiệp. Cách đây nửa thế kỷ, ở Pháp, người ta đã thí-nghiệm và thấy mỗi người có một lối làm việc riêng. Người ta bảo hơn ba chục thanh-niên bóp một quả bơm cao su cho tới khi nào mệt thì thôi. Không khí trong quả bơm ấy đẩy một cột thủy ngân mà trên mặt có một miếng bấc nối với một cây ở đầu có gắn ngòi viết, ngòi viết này chạm vào một ống ghi quay đều đều. Khi bóp mạnh quả bơm, cột thủy ngân lên vọt, miếng bấc và ngòi viết cũng lên theo, thành thử ngòi viết vẽ trên ống ghi một đường cong hướng lên ; khi đã mệt, sức bóp yếu đi, cột thủy ngân xuống và ngòi viết vẽ một đường cong hướng xuống. Mỗi người bóp quả bơm cao-su và mỗi người có một đường cong trên ống ghi. Lạ thay, trong mấy chục đường cong của mấy chục thanh-niên thí nghiệm, không đường cong nào giống đường cong nào : đường thì lên rất https://thuviensach.vn mau, xuống cũng rất mau, đường thì lên xuống từ từ, đường thì lên một chút rồi ngừng, rồi mới lên nữa… Và người ta kết luận rằng mỗi người có một lối dùng sức, một lối làm việc. Về tinh-thần cũng vậy, mỗi người cũng có một cách làm việc riêng : người thì ưa suy nghĩ vào buổi sáng, kẻ thì buổi tối, người thì làm việc luôn một hơi, kẻ thì làm một chút lại nghỉ. Dù phương-pháp làm việc của ta có hợp lý đến mấy đi nữa, mà không hợp với tính-tình, thể chất của trẻ, thì ta cũng không thể bắt nó theo ta được ; mà càng can thiệp thì kết quả càng tai hại. Nhất là trong khi chúng chơi với bạn, ta nên để chúng tự tổ chức lấy. Tất nhiên ta phải coi chừng nếu chúng còn nhỏ, nhưng đừng tỏ thái-độ chỉ-huy mà làm mất hết hứng-thú của chúng. Không những vậy, cả trong việc học, thỉnh-thoảng ta cũng phải để cho chúng xả hơi, được tự do làm gì thì làm. Ông André Berge trong cuốn La liberté dans l’éducation đã chép lại hai câu thơ sau nầy của một em nhỏ tám tuổi : « C’est notre cahier de brouillons Nous y faisons tout ce que nous voulons ». (Đây là tập bài nháp của chúng ta Chúng ta muốn làm gì trong đó thì làm.) Chính người lớn cũng muốn có một « tập bài nháp », khỏi phải trình cho người trên coi, khỏi phải nhận những lời chê bai, chỉ trích, huống hồ là trẻ em bị bó buộc suốt ngày. Nhiều khi, chính vì được xả hơi trong một thời gian mà trẻ hóa ra dễ bảo, biết tuân kỷ luật. Tại các tân học đường bên Pháp, người ta nhận thấy nhiều em ở nhà bị bó buộc quá, hóa bướng bỉnh, khi mới tới trường được tự do, vẽ luôn trong mấy tuần lễ, nào mèo, nào chó, nào xe hơi, tàu biển, nguệch ngoạc đầy tập nầy tới tập khác, vẽ chán rồi mới bắt đầu học, và học rất siêng năng tấn tới. https://thuviensach.vn Cũng ở Pháp, người ta dắt một em nhỏ hỗn láo, lầm lì, nói dối, ăn cắp, thôi thì đủ tật, tới một viên y sĩ chuyên trị bệnh thần kinh. Ông nầy đoán được rằng em ở nhà bị kiềm chế quá, nên phản động bằng cách đó, bèn dỗ dành, hỏi chuyện em, cho em tin cậy ở ông, sau cùng em xổ ra một hơi những lời cực kỳ tục tĩu, thổ lộ hết bao nỗi uất ức ; từ đó tâm hồn em dịu xuống và bao nhiêu tật cũ lần-lần giảm đi rất nhiều. Vậy hễ nén quá thì phải cho xả hơi 7. Đó cũng là một luật tự nhiên nữa. https://thuviensach.vn CHƯƠNG III : NHỮNG CÁCH ĐỂ GIÚP TRẺ GIỮ KỶ-LUẬT 1. Phải đổi một sự bó-buộc riêng thành một luật-lệ chung Có kỷ-luật là có sự bó-buộc. Mà sự bó-buộc, không nhiều thì ít, luôn luôn làm mất cảm-giác tự-do của trẻ ; cho nên ta phải khéo-léo, đừng làm thương-tổn lòng tự ái của chúng một cách vô ích, như vậy cũng là một cách giúp chúng biết tuân lệnh mà vẫn vui-vẻ. Một tâm-lý chung là trẻ khi đã biết suy nghĩ, không chịu lệ thuộc ý muốn của một cá nhân khác, nhưng rất sẵn-sàng tuân những lệ-luật chung. Người lớn chúng ta cũng vậy. Trong rạp chiếu bóng, khi ta thấy trên màn bạc hàng chữ rất quạu : « Cấm hút thuốc », thì ta liệng ngay điếu thuốc xuống đất, mà không bực mình ; trái lại, nếu một khán-giả nào ngồi bên cạnh rất lễ-phép bảo ta : « Xin ông vui lòng đừng hút thuốc nữa, tôi không chịu được khói thuốc », thì ta xấu hổ lắm, có thể bỏ rạp hát mà đi ra liền và oán kẻ đó là bất lịch sự ! Có lẽ một phần vì tâm-lý đó, mà nhiều trẻ ở nhà rất hung dữ, tới lớp học lại rất ngoan. Đã đành, không-khí nhà trường vẫn trang-nghiêm hơn, mà thầy giáo, cô giáo ít khi cưng học-trò như cha mẹ cưng con ; nhưng nguyên do cũng tại trẻ cho rằng lệnh của cha mẹ chỉ thi hành riêng với chúng, còn lệnh của thầy dạy thi hành chung cho hết thảy. Ở nhà ta nhắc chúng ba bốn lần : « Chín giờ rồi, tới lúc đi ngủ rồi con » ; chúng vẫn giỡn với trẻ hàng xóm ở trước cửa, đã chịu về đâu ; vậy mà cứ bảy giờ sáng và hai giờ chiều thì chúng răm-rắp tới trường, chỉ sợ trễ giờ, thày phạt. Cho nên khi ta muốn bắt chúng theo một lệnh gì thì rán làm sao cho lệnh đó thành một luật chung trong gia-đình. Chẳng hạn ta quyết định trẻ nhỏ 8 giờ tối đi ngủ, 6 giờ sáng dậy, trẻ lớn 9 giờ tối đi ngủ, 6 giờ dậy ; và người lớn đi ngủ trễ hơn, nhưng sáu giờ cũng phải dậy. Luật đó ta đặt ra và ta phải theo trước hết ; như vậy trẻ thấy sự bó-buộc đó là chung, là tự-nhiên, và vui-vẻ theo. https://thuviensach.vn Khi chúng đã hơi lớn, ta lại nên cho chúng có cảm giác rằng những luật-lệ mà chúng phải theo là do chúng thảo luận và quyết định. Trong hai cuốn Tổ chức công việc theo khoa học và Tổ chức gia đình tôi đã giới thiệu gia-đình Gilbreth một kỹ-sư Mỹ. Tôi không cần nhắc lại tấm gương cần mẫn, tổ chức, đoàn kết, hy sinh của hai ông bà, chỉ xin kể cách hai ông bà đặt kỷ luật cho các con ra sao. Ông lập một hội nghị gia-đình họp vào chiều mỗi thứ bảy và mỗi khi có việc bất thường. Ông làm chủ-tịch, ngồi một đầu bàn, bà làm phó chủ tịch ngồi đối diện với ông ; và hết thảy những trẻ từ bốn năm tuổi trở lên đều làm hội viên. Cứ cuối mỗi tuần, ông hội họp đông đủ, cùng nhau thảo luận chương trình làm việc và chi tiêu trong tuần tới, rồi phân công với nhau. Ông đặt vấn đề rồi cho trẻ góp ý kiến, cùng nhau giải quyết công việc nào nên hoãn lại, công việc nào cần phải làm ngay, làm vào những ngày giờ nào, giao cho ai, món chi tiêu nào có thể bỏ, món nào phải giữ, các con cần mua sắm thêm gì không… Chương trình nghỉ mát mỗi năm cũng được đem ra bàn cãi thân mật. Nhờ vậy mà trẻ đã không ganh tị nhau còn thương yêu nhau, đoàn kết với nhau, cùng góp sức gây sự thịnh-vượng cho gia-đình ; và ông bà chỉ phải mướn mỗi một người bếp, còn những việc lặt-vặt trong nhà do trẻ vui vẻ làm lấy hết. Cảm động nhất là hồi ông mới mất, bà phải làm kỹ-sư thay chồng nuôi con và phải qua châu Âu trong một thời gian lâu. Bà họp các con lại kể tình trạng gia-đình rồi yêu cầu chúng tiếp tay bà giải quyết vấn đề nầy : một là chúng phải xa cách nhau, đứa thì đi ở nhờ bà cô, đứa ở nhờ ông chú, đứa về với bà ngoại ; hay là ở chung với nhau mà tự cai quản lấy nhau. Chúng hết thảy là mười một đứa, đứa lớn nhất mới mười tám tuổi, đứa nhỏ nhất hai tuổi. Mấy đứa lớn quyết-định ở với nhau và cam-đoan với mẹ sẽ trông nom các em chu đáo như khi có mẹ ở nhà. Bà bằng lòng, nhưng khi lên đường, vẫn không được yên tâm lắm. Bóng bà vừa khuất ở đầu đường, thì mười một đứa sụt-sùi trở vào nhà, lập ngay một hội-nghị để phân công với nhau và lập quỹ chi tiêu, rồi đồng lòng tiết kiệm, dành dụm một số tiền để khi mẹ về giao lại cho mẹ. Dạy con như vậy mới là đạt được mục-đích. https://thuviensach.vn 2. Để trẻ tự lựa lấy cái « muốn làm » và cái « phải làm » Câu chuyện dưới đây do ông C. Seelmann kể trong cuốn Comment préparer les écoliers à la vie (nhà xuất bản Aubanel ở Avignon) cũng chứng thực rằng để cho trẻ quyết-định lấy, tự lựa lấy cái « muốn làm » và cái « phải làm », thường có lợi cho trẻ và cả cho ta. Một em nọ rất dở về toán, học không có kết-quả. Thầy giáo bảo em : « Trò giỏi thể-thao, luận văn cũng khá, lại siêng tưới cây cho trường. Vậy là trò can-đảm, cần mẫn chịu suy nghĩ. Trò có muốn tập ít « thể thao » về toán không ? Thầy sẵn lòng chỉ cho ». Đứa nhỏ suy-nghĩ một chút rồi rụt-rè vâng. Biết nó còn do-dự, thầy giáo nói thêm : « Bây giờ trò còn chưa sẵn-sàng. Không sao. Khi nào trò quyết định rồi thì cho thầy hay ». Một tuần sau, nó lại thưa với thầy xin học thêm toán. Thầy vui-vẻ tuyên-bố với cả lớp : « Trò Pierre dở toán, nhưng có ý gắng học. Vậy mỗi ngày, sau buổi học chiều, thầy vui lòng giảng thêm cho trò ấy năm phút nữa. Nếu có trò nào muốn học thêm, thì cứ ở lại ». Kết-quả ra sao, chắc bạn đã đoán được. Ông giáo đó hành động khéo léo để trẻ tự quyết định lấy, lại biết thư thư cho nó. Nhiều cha mẹ ra một lệnh không vui gì cho con mà lại bắt nó làm ngay theo ý muốn của mình ; thành thử làm mất cảm-giác tự-do của nó đến hai lần. Ta nên tính trước và để cho nó có thì giờ suy nghĩ, sắp đặt công việc, chẳng hạn, ta bảo : « Mỗi ngày con phải tưới hai chục gốc cây đó, mỗi gốc nửa thùng, chỉ mất độ mươi, mười lăm phút thôi. Tùy ý con đấy, tưới sáng, chiều hay tối cũng được ». Như vậy đã tránh được cho nó khỏi bực mình phải làm ngay một việc không hứng thú ; mà lại tập cho nó có sáng kiến, quyết định lấy, tự lãnh trách-nhiệm. 3. Đừng nên cấm trẻ những cái gì ? Vài ông bạn nghĩ đến vấn-đề kỷ-luật thường hỏi tôi : « Nên cấm nhặt trẻ chạy rầm-rầm trong nhà, phá phách đồ-đạc, gây lộn vớn nhau, nhõng nhẽo, nhè-nhè khi có khách-khứa không ? Hay nên khoan-hồng với chúng tới một mức nào đó ? ». https://thuviensach.vn Tôi đáp : « Việc gì đã cấm thì cấm hẳn, chứ đừng lúc cấm lúc không. Không gì thất sách trong sự giáo-dục bằng thay đổi thái-độ rất thường đến nỗi trẻ không biết ta muốn gì nữa : chẳng hạn khi ta quạu lên thì mới gọi một tiếng chúng chưa kịp thưa, đã nổi cơn thịnh nộ, quất lấy quất để, mà khi vui thì chúng ăn nói thô-tục, vô lễ cũng chỉ cười. Ta nên lập bảng ghi những hành-vi phải ngăn cấm, và sắp theo thứ tự quan trọng. Ta bắt chúng phải theo đúng ít điều quan trọng nhất, ví-dụ đập phá đồ đạc, làm rầm-rầm khi có khách, hoặc trong giờ nghỉ trưa, còn những điều khác thì chỉ khuyên bảo, nhắc nhở thôi ». Những trẻ bình-thường, không tật bệnh thì bao giờ cũng táy máy, nghịch-ngợm, hay phá. Chân nhỏ xíu mà xỏ vào đôi dép người lớn mà lết lẹt quẹt trong nhà ; chơi xong rồi bầy bừa ra không thu xếp lại ; nằm bệt xuống đất ; chui vào trong xó moi những đồ bụi bặm ra coi ; vầy nước nghịch bùn ; chân tay dơ dáy mà chùi ngay vào áo trắng tinh… trẻ nào cũng vậy hết. Chúng nghịch-ngợm vì muốn thử những khả-năng của chúng, luyện ngũ quan để tìm hiểu các vật ở chung quanh, chúng dơ-dáy vì chưa có cái quan niệm về sạch sẽ và chưa hiểu thế nào là vệ-sinh. Nhất-thiết cấm đoán chúng những điều đó, bắt chúng phải luôn luôn hiền và sạch như cục bột, tức là làm trái những luật thiên-nhiên và làm cho chúng khổ sở lắm. Một em gái nọ mới đi học, về nhà chỉ muốn bắt chước làm cô giáo, nhưng không dám, sợ cha mẹ rầy. Một hôm, tôi rủ em lại nhà tôi chơi trọn một ngày, em đưa ngay điều-kiện : « Vâng, cháu lại nhà bác ở lại ba ngày cũng được nữa nhưng bác phải cho cháu đi giày cao gót làm cô giáo nhé ? ». Tôi mỉm cười : « Được, bác sẵn-sàng cho ». Tới nhà tôi, nó mừng rơn, xỏ ngay chân vào đôi dép của nhà tôi, cầm cây thước trong tay, rồi lẹp-kẹp đi hết nhà trong tới nhà ngoài, vẻ mặt hân-hoan, hãnh diện lạ thường. Chỉ một lúc nó chán rồi thôi. Hỏi nó đi dép cao gót thấy ra sao, nó đáp : « Khó đi mà đau chân quá, bác ạ ». Khi trẻ tinh-nghịch vô hại như vậy thì không nên cấm. Thái-độ của bà mẹ trong câu chuyện dưới đây thực là vô lý. Bà bắt cậu con trai phải quấn khăn vào cổ trong bữa cơm. Một hôm, một đứa bạn gái https://thuviensach.vn của nó nhỏ hơn nó, thấy vậy, chế giễu nó : « Ê, ê, bây lớn mà còn buộc khăn vào cổ ». Nó mắc cỡ, bữa sau năn-nỉ má nó cho nó bỏ khăn, và hứa không làm dơ quần áo. Nó mắc cỡ cũng phải – vì nó đã 7 tuổi – mà sự đòi hỏi của nó rất chính-đáng. Như bạn và tôi thì chúng ta vui-vẻ cho nó thử liền, khuyến-khích nó, chỉ bảo cách ăn làm sao cho sạch-sẽ ; nếu thử nhiều lần mà không được, thì ta sẽ ngọt-ngào bảo nó : « Con thấy không, con vẫn chưa quen, dơ cả quần áo, mất công giặt ; thôi con quàng khăn vào đi, rồi khi nào con ăn mà không đổ vãi nữa, ba má sẽ cho bỏ khăn ». Tất-nhiên, lúc đó nó vui vẻ nhận lại kỷ-luật của ta ngay và uy quyền của ta không bị thương tổn chút nào. Bà mẹ đó không hành-động như vậy, có lẽ tự nhủ : « À, vậy đó, nó sợ con bạn nó mà muốn phản-đối lại mình đây. Không được ! », rồi nổi cơn thịnh-nộ lên, mắng chửi nó, nhất định không cho nó bỏ khăn. Nó giận-dỗi, bỏ ăn, bỏ cả đi học. Tôi phải khuyên bà, giảng giải cho bà hiểu rằng mục-đích của bà là giữ cho quần áo nó khỏi dơ, mà có hai cách để đạt mục đích đó : một là quàng khăn, hai là rán ăn uống cho khỏi vãi, rớt ; cách sau hơn cách trước, thì tại sao lại không cho nó thử. Còn sự nó mắc cỡ với bạn là do lòng tự ái của nó, ta phải trọng lòng tự ái đó mà lợi dụng trong sự giáo-dục chứ ? Sao không bảo nó : « Ừ, má hiểu con lớn rồi mà cứ quàng khăn hoài coi cũng kỳ, má cho con bỏ khăn, nhưng phải rán ăn cho sạch-sẽ, không thì má bắt đeo lại đấy nhé ». 4. Ra rất ít lệnh Muốn cho trẻ nhớ lệnh của ta thì phải ra rất ít lệnh. Khi con mới tới trường lần đầu, cha mẹ nào cũng có thói khuyên chúng cả chục điều. Cha thì : « Tới trường phải lễ phép, nghe không con, chứ đừng như ở nhà nhé ? – (Thú vị chưa ?) – Gặp thầy thì phải chào nhé ?… Mà gặp thầy lớp khác cũng phải chào nhé ? Ngồi trong lớp đừng nói chuyện nhé ? Chăm chú nghe lời thầy dạy nhé ?… » Mẹ thì : « Coi chừng xe nghe không con ? Đói bụng thì lấy gói bánh ra ăn nhé ? Mà đợi giờ ra chơi rồi mới ăn nhé ? Đừng chơi dơ nhé ? Đừng bắt chước những đứa mất dạy, ăn nói thô tục nhé ? Phải nhường bạn nhé ? Đứa nào ăn hiếp con thì vô méc thầy nhé ? » (!) Một đứa nhỏ mới https://thuviensach.vn năm, sáu tuổi làm sao nhớ hết được những lời gia huấn đó chứ ? Tới Phật kia mà cũng chỉ cấm chúng ta có năm điều, thì tại sao ta lại bắt trẻ nhớ hàng tràng những huấn lệnh như vậy ? Bạn thử kể hết những điều bạn bắt trẻ theo, xem có tới số trăm không ? Tôi sợ hơn nữa. Tôi khen người cha nọ khi tiễn con ra bến tàu ngày cậu xuất dương du học, chỉ khuyên cậu mỗi một câu : « Làm gì thì làm, phải giữ lấy nhân cách ! ». Chứ không như các ông cha khác, rán nhồi vào óc con cả chục điều : Phải siêng học nầy, phải cần kiệm nầy, mỗi tuần gởi thư về nhà một lần, đừng nghe lời bạn rủ rê, phải lựa bạn mà chơi, mỗi tuần đi coi hát một lần thôi, chi tiêu món gì phải biên vào sổ, nghỉ hè thì lại nhà ông cậu mà ở, đừng nhẩy đầm và đừng mê đầm v.v… 5. Nhắc lại nhiều lần mệnh-lệnh và coi cho trẻ thi-hành thành thói-quen Vậy phải ra thật ít mệnh-lệnh, nhưng phải giảng kỹ cho trẻ hiểu rõ, và phải nhắc đi nhắc lại cho chúng nhớ. Bà Anna W.M. Wolf, trong cuốn tôi đã dẫn, bảo phải nhắc ít nhất là mười lần. Tôi thấy lời đó không quá đáng, mà còn muốn nói thêm : « Nhắc đi nhắc lại mười lần chưa đủ, phải đích thân trông nom cho trẻ làm nhiều lần, để trẻ quen đi nữa ». Chẳng hạn, nhà nào có thang gác mà cha mẹ chẳng dặn con cả trăm lần, chứ đừng nói là chục lần nữa : « Không được xuống thang một mình, nghe không ? Té bể đầu đấy ». Nhưng luôn luôn cũng vẫn thấy trẻ té thang. Tại sao vậy ? Một là chúng nhớ lời ta nhưng không quan-niệm được sự nguy hiểm mà ta muốn tránh cho chúng. Hai là chúng thích xuống thang để có một cảm giác mới, nên trong lúc đó, quên hẳn lời ta đi. Gặp trường ấy, tôi tưởng không gì bằng tập cho chúng bò xuống lần lần từng bực (nếu thang không dốc quá) và bò giật lùi, để khỏi té. Coi chừng như vậy cho chúng năm, mười lần, thì khỏi phải dặn chúng, mà chúng cũng không té nữa. Khi trẻ ra đường cũng vậy. Nhắc hoài phải coi chừng xe chỉ là vô ích ; sao không dắt chúng đi rồi chỉ cho chúng trước khi đặt chân xuống đường thì phải làm sao, khi qua đường thì phải làm sao, tới ngã ba hay ngã tư thì phải làm sao… Tóm lại, ta phải tập cho chúng có thói quen đi đường, chứ không được bắt chúng thuộc cách thức đi đường, rồi để mặc chúng. https://thuviensach.vn 6. Chân uy-quyền thì không cần nghiêm-khắc Sau cùng, tôi xin nhắc bạn điều nầy : chân uy-quyền không cần phải nghiêm-khắc, và khi quá nghiêm-khắc thì uy-quyền lung lay rồi đấy. Bạn nào đã lớn tuổi mà đã học trường Bưởi ở Hà-nội, chắc còn nhớ cụ S. một giáo-sư toán. Lớp học của cụ luôn luôn im phăng-phắc, có thể nghe được tiếng ruồi bay. Nhiều ông bạn tôi, gần tới giờ toán của cụ, mặt xám xanh như sắp bị Công-an Pháp tra khảo, và hết thảy học sinh Trung-học ở Hà-nội thời đó, chỉ nghe tên cụ cũng đủ lắc đầu le lưỡi. Tướng mạo, giọng nói của cụ đã ghê, mà cách phạt của cụ còn ghê hơn nữa : những định lý hình-học và số-học phải thuộc lầu-lầu theo thứ-tự, không được quên một chữ, nếu không thì « dê-rô » và « công-xinh ». Nhưng hễ đã qua lớp của cụ rồi, thì không một học-sinh nào, cả những học-trò « ruột » của cụ, cũng không muốn gặp mặt cụ. Trái lại, cụ Dương-quảng-Hàm dạy Pháp-văn và Việt-văn thì rất dễ dãi, bước vào lớp là luôn mỉm cười một cách rất hồn nhiên, và trong hai năm học cụ, tôi không nhớ cụ có phạt một học-sinh nào không. Là vì học-sinh nào cũng rất ngoan, trong giờ của cụ. Cả những cậu nghịch-ngợm nhất cũng chăm chú nghe lời cụ giảng. Cụ không cần phải la hét mà cũng chẳng cần phải lấy lòng học-trò như nhiều giáo-sư ngày nay. Hình như học-sinh có cảm tưởng rằng nếu phá cụ trong khi cụ dạy thì sẽ hóa ra vô giáo dục mất. Nhân cách của cụ cao, học-thức của cụ rộng, đó uy-quyền của cụ chỉ ở đó. Khi con còn nhỏ thì cha mẹ nào cũng sẵn có uy-quyền đối với con ; nhưng khi chúng lớn lên thì tôi tưởng nhiều cha mẹ cũng nên xét gương của hai giáo-sư đó mỗi khi muốn tỏ uy quyền với chúng. https://thuviensach.vn CHƯƠNG IV : THƯỞNG PHẠT 1. Vấn-đề thưởng phạt không giản-dị như ta tưởng Một số nhà giáo-dục cấm chúng ta không được thưởng trẻ, nhất là thưởng tiền ; mà cũng không được phạt trẻ, nhất là phạt roi. Họ bảo : « Thưởng trẻ là tập cho chúng có óc đổi chác, thương mại : « Hễ con làm xong việc nầy thì ba má phải cho con cái đó » ; mà, đánh trẻ có khác gì coi chúng như thú vật, làm chúng mất cả nhân cách và nhiễm cái tinh thần nô lệ, chỉ làm việc vì sợ hình phạt. Không, như vật không gọi là giáo-dục ; giáo dục thì phải tập cho trẻ yêu cái Thiện, cái Chân, cái Mỹ vì cái Thiện, cái Chân cái Mỹ, chứ không phải vì ham danh lợi hoặc vì sợ hình phạt ». Vâng lý-tưởng đó cao đẹp lắm. Nhưng tôi không hiểu tại sao các nước không chịu bỏ những giải thưởng văn chương, khoa học đi, nhất là giải thưởng Nobel. Các nhà luật học hoặc văn-hào vào hạng Einstein, Tagore… biết yêu cái Thiện, cái Chân, cái Mỹ hơn ai hết, thì cần gì phải khuyến-khích họ bằng một cái băng đỏ, băng xanh và một tấm chi phiếu dù là cả chục triệu đồng ? Mà sao không bỏ luôn cả hình đi nữa ? Bọn người lớn chúng ta, biết thế nào là thiện là ác, là phải là trái, là tốt là xấu, thì chỉ cần nhắc nhở nhau một chút, là chúng ta biết phục thiện, rồi cải thiện ; chứ cần gì phải nhốt nhau vào khám cho mất cái nhân cách của nhau đi, phải không bạn ? Không, vấn-đề không đơn giản như vậy, không phải chỉ có việc tuyên bố nên thưởng phạt hay không mà là xong được. Còn phải tùy theo tính-tình của trẻ, tùy theo tội lỗi, hoàn cảnh, nhất là cách thưởng và phạt nữa. 2. Thưởng Ai đã dạy trẻ tất nhận thấy rằng chính-sách thưởng phạt nhiều khi nếu không phải là cần thiết thì ít nhất cũng có lợi. Tuy nhiên, ta nên nhớ điều nầy : hiệu nghiệm của nó không bền và càng dùng nó thường thì hiệu nghiệm càng kém. https://thuviensach.vn Tôi không ưa cái lối thưởng tiền : trẻ dưới mười một mười hai tuổi không cần dùng tiền ; còn trên tuổi đó, thì mỗi tháng hoặc mỗi tuần, ta nên cho chúng một số tiền vừa phải để chúng tập sử dụng lấy. Tuy-nhiên, nhiều gia-đình như gia-đình Gilbreth mà tôi đã giới thiệu với bạn, vẫn dùng phương-pháp đó mà trẻ vẫn ngoan : ông sai một cậu sơn hàng rào, nếu làm cẩn thận và xong đúng kỳ hạn thì ông trả công. Đó cũng là một cách tập cho trẻ hiểu giá trị của tiền. Nhưng cũng còn tùy tính tình của trẻ : nếu có tiền mà chúng tiêu bậy thì tôi tưởng cách đó có hại hơn là lợi. Tôi cũng không ưa cái lối hứa với trẻ : « Ráng học đi, nếu cuối năm thi đậu thì ba thưởng cái xe Suzuki ». Lời hứa đó cũng kích thích trẻ được, nhưng tôi chắc là không lâu, vì tôi không tin rằng một đứa trẻ bình thường, có thể gắng sức hoài suốt năm chỉ vì mong tới cuối năm được cái xe máy dầu, hoặc được đi nghỉ mát Đà-lạt, hoặc được bộ quần áo mới. Vả lại, khi trẻ đã mười lăm, mười sáu tuổi, thì nhiều đứa chỉ mỉm cười khi nghe mẹ hứa như vậy. Hình như chúng tự nhủ : « Ba má muốn « mua » mình đây… để xem có mua mình được không ? ». Cho nên nếu bạn muốn áp-dụng chính sách « mua chuộc » đó, thì cũng phải tùy trẻ và cũng phải cẩn-thận lắm mới được. Theo tôi cứ khuyên bảo chúng, đừng hứa gì cả, rồi khi chúng làm xong thì thưởng cho chúng một vật gì mà chúng thích, như để chung vui với chúng và tỏ cho chúng thấy rằng ta đã hiểu sự gắng sức của chúng. Khi chúng còn nhỏ, muốn kích-thích chúng làm nhanh lên, hoặc cẩn thận hơn, thì tôi tưởng một lời như vầy, vô hại : « Nếu con làm mau lên, thì được ra bến tàu chơi với ba má » ; hoặc : « Con viết cho đẹp, thì được ra sân chơi với em Bích-Thủy, không thì ba bắt viết lại, hết chơi ». 3. Phạt Trước khi phạt phải xét : - Trẻ thực có lỗi không ? - Tại sao chúng mắc lỗi ? - Ta có lỗi không ? - Hình phạt về xác thịt. https://thuviensach.vn - Những hình phạt nên tránh Thưởng dễ, phạt mới khó, vì nếu ta lầm lỗi trong sự phạt thì ảnh-hưởng có thể tai hại ; cho nên trước khi phạt, phải tìm hiểu trẻ, phải tự hỏi : - Trẻ thực có lỗi không ? : Tôi lấy một thí-dụ thường xảy ra trong mọi gia-đình. Một em nhỏ chơi ở nơi nào đó, trong nhà. Má gọi, không thấy em thưa. Gọi nữa, và giọng đã hơi gắt. Cũng vẫn im. Lại gọi nữa, lần nầy thì vang cả nhà. Em nhỏ lúc bấy giờ mới « dạ », nhưng vẫn chùng-chình, chưa chạy lại. Thế là ầm cả làng xóm lên. Người ta mắng nó là lì, là không nghe lời, là bướng-bỉnh… Nhưng thực ra nó có lỗi không ? Chưa chắc. Có thể rằng nó mải mê với đồ chơi quá mà không nghe thấy thật. Mà những trẻ như vậy thường giỏi tập trung tư-tưởng, cần-mẫn, thông-minh ; mắng nó chẳng là oan ư ? - Tại sao trẻ mắc lỗi ? : Lỗi tuy là đáng kể, nhưng không bằng nguyên nhân của lỗi ; và ta trị là trị cái nguyên-nhân chứ không phải cái lỗi. Trẻ học hành đã không tiến mà còn lùi, không thuộc bài, không làm bài. Tại sao ? Tại nó có bệnh mà mình không hay ? Tại nó tới tuổi dậy thì ? Tại nó không mến ông giáo mới ? Tại ông giáo giảng, nó không hiểu… Có cả chục nguyên-nhân, phải tìm ra nguyên-nhân trong hoàn cảnh của nó rồi mới biết cách trị được, chứ không thể cứ thấy trẻ xuống hạng trong lớp là rầy nó ngu, làm biếng, rồi phạt nó không được ăn tráng miệng, chủ nhật không được đi chơi v.v… - Trẻ có lỗi, nhưng còn ta, ta có lỗi không ?! : Trẻ ăn cắp một cây viết chì màu của bạn. « Tội đó thì không tha thứ được a ! ». Nhưng còn cái tội của cha lấy đồ trong kho của hãng về sửa cái phòng tắm, cái hàng rào ; và cái tội của mẹ nhét vội vào « sắc » số tiền mà cô bán hàng thối dư ; và hàng chục hàng trăm tội như vậy mà cả cha lẫn mẹ cứ hoan-hỉ, hãnh diện mắc phải trước mắt trẻ mỗi ngày ; thì lại tha-thứ được, phải không bạn ? Khi đã tự xét như vậy mà biết chắc rằng trẻ hoàn-toàn phải chịu trách nhiệm – trường-hợp nầy rất hiếm, luôn luôn, không ít thì nhiều, ta cũng chịu một phần trách nhiệm với chúng – thì cũng chưa nên phạt vội, mà rán giảng https://thuviensach.vn cho chúng hiểu rồi nhận lỗi. Chúng ăn năn thì thôi. Nếu tái phạm hai ba lần thì mới phạt. Khi bắt buộc phải phạt, thì nên giữ thái-độ bình-tĩnh, đừng phùng mang, trợn mắt, dựng tóc, nghiến răng như ông Trương-Phi, vì lẽ như vậy thì lần sau chúng chỉ tìm cách tránh ông Trương-Phi, chứ không tránh lỗi, rồi hoặc là chúng oán ta, hai là chúng hóa ra giả dối, đê tiện. Bà Rose Vincent và ông R. Mucchielli trong cuốn Comment connaître votre enfant kể chuyện một người cha phạt con rồi khóc, đau-đớn bảo con : « Tại sao con hành-động như vậy để ba phải phạt con ? Nếu con ngoan thì cha con mình có phải vui biết bao không ? ». Đứa con cũng khóc. Trẻ đâu phải tàn-nhẫn và vô tình ? Nếu cha mẹ không vô tình, thì tôi tưởng con cái cũng không thể vô tình được. Tuy-nhiên, dù ta hiền từ đến đâu đi nữa, dù ta tự chủ đến bực nào đi nữa, thì cũng có những lúc ta phải giận dữ vì hành vi của trẻ. Những lúc đó, có bạt tai chúng một cái, hoặc quất cho chúng một roi, thì cũng không phải là có tội gì cả. Tất nhiên tránh được thì vẫn hay ; nhưng chẳng tránh được thì cũng là có ích cho trẻ : chúng sẽ hiểu rằng sự kiên-nhẫn của ta có giới hạn, và ở đời có những sự bất bình chính đáng. Một bà bạn tôi, ít học, dạy con theo lối cổ, không hiểu rằng trẻ có những thời kỳ trở chứng, hóa bướng bỉnh, vô lễ ; nên quá nghiêm khắc với một đứa con gái 12 tuổi, rầy la nó suốt ngày. Một lần nó uất hận quá, thốt ra một lời rủa : « Người đâu mà cay nghiệt như vậy ? Má chết đi ! Cầu Trời cho má chết đi ! ». Ông bạn tôi nghe thấy vậy, bạt tai cho nó một cái, mặc dầu vẫn nhận rằng lỗi không hoàn-toàn ở nó, rồi đợi khi nó hết cơn khùng, mới giảng giải cho nó. Theo tôi, thái-độ đó là phải ; như vậy còn hơn là không đánh mà tỏ vẻ ghét nó, gớm nó, không thèm nói với nó trong năm sáu ngày liền để nó phải khè gấp trăm gấp nghìn. Nếu trẻ bình-thường, nghĩa là không có bịnh thần-kinh thì một vài cái bạt tai một năm, trong những trường-hợp đích-đáng hồi chúng dưới mười ba, mười bốn tuổi, sẽ không làm cho chúng oán ta và chán đời đâu. Em nhỏ đó năm nay đã mười lăm tuổi, sắp thi Trung-học đệ nhất cấp. Mới đây tôi nhắc lại chuyện cũ, hỏi em : « Cháu còn nhớ mấy năm trước, cháu rủa má cháu chết đi, và bị ba cháu bạt https://thuviensach.vn tai không ? » Nó cười cười cúi mặt xuống đáp : « Lâu quá rồi, làm sao cháu nhớ được ? Bác chỉ được cái hay hỏi ! ». Những nhà giáo-dục lý-thuyết bảo : « Nhất-định phải cấm ngặt những hình-phạt về xác thịt trong sự giáo-dục ». Tôi hoan nghênh quy tắc đó lắm, vì lúc này đây tôi còn rờn rợn khi nhớ tới cái dùi trống của cụ Ch. tới cái thước kẻ bảng dày ba phân, rộng một tấc, dài hai thước của cụ T. ở trường Yên Phụ cách đây trên ba chục năm ; nhưng xin bạn cho phép tôi ngờ rằng chính những nhà giáo-dục đó thế nào cũng đã bạt tai các cậu các cô trong nhà vài chục lần. Người ta cấm ngặt chẳng qua chỉ là để tránh sự thái quá. 8 Trong vấn-đề giáo-dục, ngoài quy-tắc trung dung và tùy thời – nghĩa là tùy hoàn cảnh, tùy trẻ – không có quy-tắc nào là bất di bất dịch cả. Cho nên ở một chương trên tôi khuyên bạn nên thận-trọng để ý đến sự phản ứng của trẻ, đừng để cho chúng uất hận, mà ở đây tội lại bảo hình-phạt về xác thịt không phải là luôn-luôn có hại. Chủ ý của tôi trước sau là một : tránh những cực đoan. Nhưng vẫn có những hình-phạt không nên áp-dụng ; chẳng hạn : - bắt trẻ phải nhịn cơm, cách này tàn-nhẫn quá. - bắt trẻ phải xin lỗi người khác trước mặt mọi người, một khi chúng đã lớn và có lòng tự ái. Ta chỉ nên bảo trẻ : « Con hành-động như vậy là có lỗi với bạn (hay với anh), mà khi mình đã nhận thấy lỗi của mình thì nên xin lỗi người ta. Con suy-nghĩ đi, rồi chiều nay, hoặc mai, mốt, con lại giảng giải với bạn con ». Tôi lại khuyên bạn không nên phạt trẻ vì có đứa khác méc nó. Cái nghề tình báo để phụng sự tổ-quốc là một nghề đáng trọng ; nhưng khi không phải vì tổ-quốc mà làm tình-báo viên, thì lại chẳng đẹp chút nào cả. Vả lại, trong nhà có độ bảy tám đứa trẻ mà nghe hết cả những lời chúng méc nhau, thì lộn-xộn lắm. Cho nên ta phải cho trẻ biết rằng ta chỉ phạt chúng khi thấy chúng có lỗi, chứ không khi nào ta nghe lời méc. Chúng méc nhau ta đã ghét rồi, thì có lý nào lại bắt chúng tố cáo lẫn nhau nữa ? Bắt không được thì phạt cả bọn. Thái-độ đó tôi cho không phải là https://thuviensach.vn thái-độ người trên. Có khác gì bọn thực-dân Pháp hồi trước, nghi một làng nào chứa chấp các nhà cách-mạng, thì tàn sát dân cả làng đó không ? 4. Lời khuyên cuối cùng Sau cùng, còn một lời khuyên nữa, mà tôi dụng tâm để lại cuối chương nầy. Nó rất vắn tắt : Xin bạn đọc đi đọc lại bài Làm cha nên nhớ trong cuốn Đắc nhân tâm : bí quyết của thành công của Dale Carnegie, trang 262-264. https://thuviensach.vn CHƯƠNG V : KHÔNG-KHÍ TRONG GIA-ĐÌNH 1. Không-khí trong gia-đình là cần nhất Tôi đã nói thưởng và phạt, dù khéo dùng, hiệu nghiệm cũng không bền. Nó chỉ như chích một mũi sinh-tố B12 hay một mũi Pénécilline thôi. Chính không-khí trong gia-đình mới quan trọng nhất. Tất cả các nhà giáo-dục, dù tân hay cựu, đều nhận như vậy. Nhiệm-vụ giáo-dục của cha mẹ không phải là chỉ dạy luân-lý cho con, rồi thưởng và phạt. Chính những hành-vi, thái độ của ta trong gia-đình, trong xã-hội mới gây nên một không khí nó làm cho trẻ dễ ngoan hay dễ hư. Trẻ còn nhỏ, ta bảo cái gì cũng nghe, phục ta như thần thánh ; lớn lên, khi đã biết suy nghĩ, chúng không hoàn toàn tin những lý thuyết, quy-tắc của ta nữa, mà dò xét hành-động của ta để rút một bài học. Thấy cha mẹ suốt ngày làm việc, lương thiện và ngay thẳng, thì chúng cũng mắc cỡ hoặc ngường-ngượng mỗi khi chúng không làm tròn bổn-phận ; thấy cha mẹ chỉ đầu cơ và hối lộ mà giàu có thì chúng cũng lần lần cho kẻ cần lao liêm khiết là dại dột. Tôi không bảo rằng hễ cha mẹ hiền lương thì con cái đều hiền lương, cha mẹ gian ác thì con cái cũng gian ác hết, vì luật di-truyền rất phức tạp, mà ảnh-hưởng của giáo-dục có giới hạn ; nhưng tôi cũng nghĩ như bà Vérine, người sáng lập Trường cha mẹ 9ở Pháp, rằng không có một phương pháp giáo-dục nào, dù hoàn hảo tới đâu, mà hiệu nghiệm bằng đích thân mình làm gương cho trẻ. Đức-dục của trẻ do sự đồng-hóa mà tiến từng bực một, chứ không do những lời giảng về luân-lý. Hồi nhỏ chúng đồng-hóa với cha mẹ, những người chúng phục nhất và yêu nhất. Lớn lên chút nữa, chúng đồng hóa với ông thầy nào có tư-cách nhất. Rồi chúng đồng-hóa với những danh-nhân đương thời hoặc thời trước. Lý-tưởng của chúng thường thay đổi : lúc chúng muốn làm một ông giáo, lúc lại muốn làm một danh-tướng, một văn-sĩ ; tới tuổi thành nhân có lẽ chúng chỉ thành một thư-ký hoặc một nhà buôn tầm thường, nhưng đức dục https://thuviensach.vn của chúng đã chịu ảnh hưởng không nhiều thì ít của tất cả những tấm gương chúng đã soi. Vì vậy mà tư cách của cha mẹ và của ông thầy là quan trọng nhất ; và tiểu-sử danh-nhân viết một cách hấp dẫn là những sách bổ ích nhất cho thanh niên. 10 2. Dạy-dỗ là làm gương Ai cũng bảo dân tộc Mỹ là một dân tộc thực tế, vật chất, chỉ biết quý đồng đô-la, xe hơi và nhà lầu. Có lẽ như vậy thật. Nhưng một số nhà giáo dục của họ cũng rất trọng những giá trị tinh-thần. Bà Anna W.M. Wolf, giúp việc mười hai năm cho Hội nghiên-cứu trẻ em của Mỹ (Child study association of America), khuyên ta như vầy : « Thế nào là một « gia-đình tốt » ? Tôi xin nói ngay rằng, không phải như mọi người tưởng, hễ gia-đình nào có được nhiều thắng lợi trong đời, là gia-đình đó tốt đâu. Người ta thường nghe nói : « Tôi muốn cho con tôi có đủ thắng lợi trong đời ! ». Những thắng lợi đó không phải là thắng lợi ; mà trái lại, là những bất lợi. Xin bạn tin chắc như vậy. Những cái gì người ta tạo được bằng của cải một cách dễ dàng quá, như : âm nhạc, sách đẹp, du lịch, lớp học lộng lẫy, đều đã được đánh giá quá cao. Những vui thích đó ví sao được với một nền giáo-dục chắc-chắn, nó cho ta đủ nghị lực chịu những thất-bại trong đời một cách vui vẻ, và sẵn lòng lãnh trách-nhiệm mà nhìn thẳng vào đời. Tất nhiên, ta phải rán hết sức cho con cái chúng ta được khỏe mạnh, nhưng sức mạnh tinh-thần vẫn là quan trọng hơn hết. Không phải là cứ áp-dụng một chính-sách giáo-dục đặc-biệt bằng những phương-pháp giáo khoa tân kỳ, mà con chúng ta nên người đâu. Không, chỉ cần cái không-khí trong gia-đình thôi. Mà không-khí đó tùy thuộc, trước hết, tính tình của cha mẹ, cách sống của họ, lý-tưởng của họ, và đức kiên-nhẫn của họ để thực hành được lý-tưởng đó. « Khi chúng ta xét kỹ những gia-đình sung sướng – tôi muốn nói những gia-đình mà con cái vui-vẻ, hoạt-động, tự-nhiên, không gây lộn nhau dữ dội mà cũng không có những tật khó trị – thì chúng ta thấy cái gì ? Chúng ta https://thuviensach.vn thấy rằng trong những gia-đình đó người ta dùng hình-phạt một cách vừa phải, luôn luôn công bằng, và rất ít khi người ta thuyết-giáo ». « Rất ít khi người ta thuyết-giáo », lời đó rất đúng. Không bao giờ người ta mắng trẻ : « Sao mầy không coi gương thằng Phước, con chú Tư đó ? Nó sanh sau mầy một năm, chú thím ấy lại nghèo, không có tiền cho nó học thêm Anh văn, Pháp văn gì hết ; mà mầy thấy đó không, nó thi đậu Tú Tài rồi đấy, làm rạng rỡ cho cha mẹ. Còn mầy, hai năm rớt Trung-học đệ nhất cấp rồi, đã ngu dốt lại làm biếng. Mầy nghĩ sao hử ? ». Nó nghĩ sao ư ? Nó nghĩ rằng cha mẹ nó làm nhục nó, và đã vậy thì nó càng ì ra, cho cha mẹ nó thêm tức, chứ sao nữa ? Thành thử người ta muốn cho nó noi gương em nó, mà nó hóa ra oán ghét cha mẹ, rồi oán ghét luôn cả tấm gương sáng đó. Nhất là không khi nào người ta bảo trẻ : « Hồi xưa ba đâu có được sung-sướng như con ; đâu có xe Vespa để đi học, mưa cũng như nắng, mỗi ngày phải cuốc bộ tám chín cây số ; đâu có được đủ quần áo giày dép như con, mùa đông thì co-ro trong cái áo vải đụp, chân đi đất, ăn uống thì làm gì có bơ sữa, nước cam, nước đá ; tiền mua sách cũng không có, nói gì đến đi học tư… vậy mà ba học năm nào cũng nhất, môn nào cũng không nhứt thì nhì. Con sung-sướng quá, con ạ ; mà sung-sướng quá thì hỏng… ». Cha thuyết vậy, mẹ lại chêm một câu : « Livret scolaire của ba con, má còn giữ đấy, con lấy mà coi, trong tủ đứng ở phòng giấy ấy, ngăn dưới, bên tay mặt, con ạ ». Làm cho cậu con oán luôn cả cái tủ đứng đó nữa. Trẻ ngày nay không chắc hư hơn trẻ hồi xưa ; nhưng chúng được trông nhiều hơn, nghe nhiều hơn, đọc nhiều hơn, tất nhiên chúng có dịp suy-nghĩ, so-sánh, và không chịu tin những lời thuyết giáo suông của ta nữa. Chúng phán-đoán, chỉ trích ta, nếu không ra mặt thì cũng ngấm ngầm. Điều đó có lẽ cũng đáng buồn thật, nhưng sự thực như vậy. Chỉ hành-động của ta mới làm cho chúng phục ; còn như cái việc thuyết giáo, thì ai mà chả làm được ? Vậy muốn dạy trẻ thì phải đích thân mình làm gương cho chúng. Tôi nói rõ thêm : phải lấy những hành vi hiện tại của mình làm gương cho chúng. Muốn chúng siêng học ư ? Đừng nói năng gì cả, cứ lẳng lặng tới giờ làm việc, và làm cho cẩn thận. Muốn chúng ngay thẳng ư ? Thì đừng gian https://thuviensach.vn lận, đừng lường gạt, đừng ăn cắp, đừng để chúng phải vơ-vẩn nghĩ : « Lương ba có tám ngàn một tháng, tiêu pha trong nhà sợ không đủ, làm sao mà có tiền sắm hai cái xe hơi, một cái non trăm ngàn, một cái trên hay trăm ngàn, trong một thời-gian ba năm làm việc nhỉ ? Ấy là chưa kể bao nhiêu đồ cổ trong tủ kính ở phòng khách, đáng giá cả trăm ngàn, rồi hộp hột soàn của má cũng đáng giá cả mấy trăm ngàn nữa. Lại sắp tậu thêm một biệt thự non triệu nữa ? ». Ông R. Dottrens trong cuốn Nos enfants à l'école viết : « Dạy-dỗ là làm gương ». - Đó là quy-tắc sơ-đẳng nhất trong luân-lý thông-thường. - Chỉ muốn dùng uy-quyền để bắt trẻ tập những thói quen, những đức hạnh mà chính ta không có, thì khác gì mò trăng đáy giếng. Chơi cái trò đó hại lắm, ta có thể mất lòng tin cậy và lòng kính trọng của trẻ. - Và làm sao lại tưởng-tượng được rằng ta có thể đặt trước lương tâm trẻ một lý-tưởng để hướng-dẫn ý chí và hoạt động của trẻ, nếu chính ta, ta không hành động đúng như lý-tưởng đó ? - Khi tất cả các thanh-niên có thể tôn kính nghiêng mình trước tấm gương của cha mẹ, thì cái khủng-hoảng gia-đình giáo-dục và tình-trạng hỗn loạn của bọn trẻ đã gần tới lúc cáo chung. - Làm sao cho con chúng ta có thể khoe chúng ta với bạn chúng bằng giọng tự-đắc như vầy : « Ba tao, mầy biết không, « số dách » à ! Còn má tao, thì thực là « quá xá », bồ ơi ! ». Như vậy không phải là chúng ta đã diệt được hết những khuyết điểm cùng tật xấu đâu, mà chỉ có nghĩa là chúng ta đã giữ kỷ-luật và gắng sức để cho chúng theo. - Và ngày nào mà hết thảy các học sinh cũng có thể khoe với bạn về thầy học của mình như vậy, thì vấn-đề giáo-dục, vấn-đề sư-phạm không còn gì phải bàn cãi nhiều nữa. Từ trước, người ta phải nghĩ phương-pháp nầy, phương-pháp khác chỉ là để vá-víu những khuyết-điểm của ông thầy thôi, ông thầy mà có đức hạnh, có lương-tâm thì dù dạy sai quy-tắc, kết-quả cũng vẫn tốt. https://thuviensach.vn 3. Không-khí của thời-đại Nhưng gia-đình chỉ là một điểm nhỏ trong xã hội, và xét không-khí trong gia-đình thì cũng phải xét không-khí của thời-đại nữa. Nhiều người lo lắng, nghĩ : « Ở trong nhà mình, trẻ được hút cái không khí lương-thiện, mà hễ ra khỏi nhà – một ngày chúng ra khỏi nhà tới mấy giờ ? – thì chúng phải hút cái không-khí của thời-đại, cứ một mặt xây dựng, một mặt tàn phá, thì làm sao có kết quả được ? Mà sức tàn phá mạnh biết bao ! Nó lan tràn cả vào trong gia-đình. Mở nhật-báo ra coi, có ngày nào là không có vài vụ hiếp dâm, cướp bóc, bịp bợm, hối lộ ? Rồi hát bóng, rồi tiểu thuyết ! Ngay cả một số tư-thục nữa ! Rồi cả một số sách giáo-khoa khuyến khích lối « học tủ » nữa ! Kể làm sao hết những ảnh hưởng tai hại đó ? ». Nghĩ như vậy là chỉ xét cái mặt ngoài của thời-đại. Bao giờ cũng thế, sau một thời loạn, tất có những vẩn đục trong xã hội, và phải đợi một thời gian rồi bùn cát mới lắng dần xuống được. Nhưng chiến-tranh chẳng kích thích riêng gì bọn tiểu-nhân, số tiểu-nhân trụy lạc tăng thêm nhiều, thì trái lại hạng quân tử cũng tiến đức thêm lên nhiều. Bạn chẳng thấy đó ư ? Những người chí khí cao thường được gọi là « người Chiến-quốc », mà thời Chiến quốc chính là thời loạn nhất của Trung-hoa. Thời Lê mạt của ta cũng là thời cực suy mà bên cạnh hạng xu thời, có biết bao anh-hùng và liệt nữ ! Rõ-ràng nhất là gần đây, hồi Pháp mới chiếm xong nước ta, cứ một kẻ bán nước, thì có hàng ngàn hàng vạn người vui vẻ hy-sinh cho chính nghĩa, hoặc quyết đổ máu với quân thù, hoặc ẩn nhẫn chờ thời cơ, bắt cả gia-đình phải nghèo khổ chứ không chịu hợp tác với chúng. Không. Không có thời nào mà « luân thường đảo ngược » cả. Những giá trị luân-lý không bao giờ thay đổi. Bùn vẩn lên thì ta thấy nước đục, nhưng nó lắng xuống thì nước lại trong, trước sau nước vẫn không thay đổi. Trên mười năm nay, tôi ít khi ra khỏi nhà, chỉ được tiếp xúc với một số người cầm bút và một số thanh-niên. Nhiều người chê hạng cầm bút hồi nầy là xu thời, còn thanh-niên thì trụy-lạc. Cũng có những kẻ như vậy thật ; nhưng tôi cũng thấy những nhà văn và học-giả bỏ những công-việc nhàn nhã có thể kiếm được vạn rưởi mỗi tháng, để soạn những bộ sách tốn công https://thuviensach.vn mấy năm, mặc dầu họ biết rằng viết xong, đem bán chẳng ai mua, mà xuất bản lấy thì không tiền ; tôi lại thấy nhiều thanh-niên nhịn ăn sáng để mua sách đọc, tìm được cuốn sách nào mới thì mừng như tìm được mỏ vàng, giấu nó đi, sợ có người mua mất rồi đợi tới cuối tháng có tiền là chạy ngay tới tiệm, moi cuốn sách ra, hí-hửng đưa cho người bán hàng, bảo gói lại. Đầu cuốn nầy tôi đã kể chuyện một cụ già non tám chục tuổi mà còn rán kiếm tiền nuôi con ăn học ; còn những công-chức hạ cấp, những công nhân bỏ ba phần tư số lương vào sự học của các con, thì xóm nào cũng có.Cứ xét hạng trung lưu trở xuống, ta sẽ thấy những đức kiên-nhẫn, hy-sinh, trong sạch và nhân từ vẫn được tôn-trọng, có lẽ được tôn-trọng hơn thời tiền chiến nữa. Đã lâu lắm tôi chưa được đọc câu nào lý thú bằng câu nầy của bà Dale Carnegie trong cuốn Luyện tinh-thần : « Bất kỳ ngó về phía nào, nếu ta đừng để cho lòng bi-quan làm mờ mắt ta, ta sẽ thấy biết bao điều chứng tỏ lòng tốt dễ thương, đại-lượng lạ lùng của người khác ». Rõ là lời của một người từng trải và đạt quan. Vậy khi dạy trẻ, ta cần chỉ cho chúng hiểu rằng cái bề mặt phô trương trên các tờ báo, các màn ảnh, các nẻo đường không phải là chân tướng của thời đại đâu ; và khi trẻ đã có dịp nhận-xét so sánh thì tất thấy đâu là đẹp, đâu là xấu. https://thuviensach.vn PHẦN THỨ BA : NHỮNG TẬT CỦA TRẺ https://thuviensach.vn CHƯƠNG I : TRẺ BÚ NGÓN TAY 1. Những điều nên nhớ khi đọc chương nầy và những chương sau Có lẽ nhiều đoạn trong chương nầy và những chương sau sẽ làm cho bạn hoang-mang. Chính tôi trong khi đọc những sách mới nhất của người Âu, Mỹ viết về nhi-đồng giáo-dục để tìm tài-liệu viết những chương đó, cũng đã có cái tâm-sự của bà mẹ Tăng Sâm. Tăng-Sâm là một môn-đệ của Khổng-Tử, chẳng những được người đương thời trọng là hiền, mà tới Khổng-Tử cũng mến là có đức. Ông cung kính, đôn-hậu, thành-thực, tín cẩn. Khi Khổng-Tử mất, ông nối gót, mở trường dạy học ở nước Lỗ, soạn cuốn Đại-học để giải diễn lời của thầy, truyền được đạo cho Tử Tư, tức Khổng Cấp, cháu đích tôn của Khổng-Tử, tác giả cuốn Trung Dung ; rồi Tử Tư lại truyền đạo cho Mạnh Tử. Tóm lại, ông có công với đạo Khổng, cũng như thánh Pierre có công với đạo Ki-Tô, ở tư cách, cho nên được hậu thế khen là học cao mà chắc-chắn, làm được những điều thánh hiền cho là khó. Tăng-Sâm lại rất trọng đạo hiếu. Ông cho hiếu đễ là cái gốc của đạo nhân và bảo : « Hiếu có ba bậc ; bậc cao là làm tôn trọng cha mẹ, bực trung là không làm nhục cha mẹ, bực thấp là có thể nuôi được cha mẹ ». 11 Một người hiền như vậy có khi nào giết người để nhục đến cha mẹ được không ? Quyết nhiên là không. Bà mẹ của Tăng-Sâm hiểu con lắm, cho nên khi có người hốt-hoảng lại cho cụ hay Tăng-Sâm đã giết người, cụ mỉm cười lắc đầu : « Không có chuyện đó đâu, người ta đồn bậy đấy », rồi thản-nhiên ngồi dệt. Một lúc sau, lại có người chạy và báo tin đó, cụ vẫn không tin, nhưng trong lòng đã thấy không yên. Tới lần thứ ba thì cụ vội vàng bỏ khung cửi, tìm đường trốn. Sau mới rõ thực sự là kẻ giết người trùng tên và họ với Tăng-Sâm. Từ trước, tôi vẫn tin những phương-pháp nuôi con, dạy con xuất-bản ở nước ta trong hai chục năm trở lại đây, do những bác-sĩ, những nhà mô phạm viết. Chẳng hạn tôi cho những quy-tắc : bắt con ngủ phải đúng giờ, https://thuviensach.vn cho chúng bú cũng đúng giờ, cấm chúng bú tay, cấm chúng nói bậy, nghiêm trị tật nói dối, tật ăn cắp ngay từ hồi chúng một hai tuổi… là bất di bất dịch. Cho nên lần đầu tiên, đọc cuốn Vos enfans et vous của Anna W.M. Wolf trong đó tác giả đả phá những quy-tắc trên, thì tôi tự nghĩ : « Bà nầy nói bậy. Người Mỹ thường có những tư-tưởng mới quá, nhất là trong vấn đề giáo dục, chưa thể tin được ». Ít lâu sau, đọc những tác phẩm Les défauts de l'enfant và Education familiale của André Berge, thấy vị bác-sĩ Pháp nầy cũng chủ-trương như bà Wolf, tôi đã đâm ra suy nghĩ. Rồi tôi tìm kiếm thêm những cuốn Pour comprendre nos enfants, mettons nous à leur place của bác sĩ Beverrly, người Mỹ ; cuốn Comment soigner et éduquer son enfant của bác sĩ Benjamin Spock, cũng người Mỹ, một cuốn đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, đã bán được ba triệu bản, được các bực cha mẹ ở khắp thế giới tin cậy ; và cuốn Psychologie de l'enfant de la naissance à l'adolescence của nhà xuất bản Bourrrelier, do trên một chục tâm lý gia, giáo dục gia hợp lực biên soạn. Đọc xong những cuốn đó thì lòng tin những quy-tắc bất dịch trên kia đã lung lay. Hàng chục nhà bác học đã nghiên cứu hàng vạn trẻ em ở khắp nơi mà đều kết luận như nhau thì làm sao tôi có thể ngờ họ được nữa ? Nhưng « tận tín thư » vốn là không nên, mà áp-dụng đúng những quy tắc của họ vào sự giáo dục trẻ em Việt thì lại càng không nên. Chẳng hạn, khi họ bảo trẻ còn nhỏ mà đứng về phương diện luân lý, chứ không đứng về phương diện sinh-lý để xét trẻ, là vô ý-thức và bất công thì ta có thể tin được. Dưới ba bốn tuổi, trẻ chưa có quan niệm gì về thiện ác, ta không thể bắt chúng chịu trách nhiệm về hành động của chúng. Mắng chúng hoài là có đủ các tật, nào nói dối, làm biếng, nào ăn tham, tàn nhẫn… rồi đánh phạt chúng, ghét chúng, thì oan cho chúng, và làm cho chúng dễ hóa ra có tội lỗi thật. Ta xét chúng ra sao thì chúng thành như vậy. Cheteaubriand đã nói trong tập Mémoires d'Outre-tombe : « Hồi nhỏ tôi thấy như thích làm tất cả những cái ác mà người ta chờ đợi ở tôi ». Nhưng khi bác-sĩ Gilbert Robin bảo : « Trẻ không có tật xấu, tại người ta đã vụng dạy chúng hoặc tại chúng đau » thì tôi ngờ rằng tác giả đã lạc https://thuviensach.vn quan quá, đã chủ-trương thuyết « tính thiện » của Rousseau, và quên mất những ảnh hưởng nhiều khi tai hại của di-truyền. Một điều nữa tôi xin độc-giả lưu ý tới là tâm-trạng trẻ tùy theo xã-hội trong đó chúng sống. Chẳng hạn tôi thấy phần đông trẻ con Âu-Mỹ tinh khôn hơn, phóng túng hơn, mẫn cảm hơn và do đó dễ có mặc cảm hơn trẻ con Việt ; mà ngay ở nước mình, trẻ con trong giới phong lưu ở thành thị cũng không chất phác như trẻ con nông dân. Cho nên những phương-pháp giáo-dục ở Âu-Mỹ không nên áp-dụng đúng ở nước mình. Tóm lại, khi đọc chương nầy và những cương sau về nguyên-nhân và cách sửa những tật của trẻ, theo quan niệm tân giáo dục, bạn nên nhớ hai điều nầy : - các nhà giáo-dục Âu Mỹ hiện nay vì hăng-hái đả phá phương-pháp cũ, nên có thể cực-đoan. - hoàn cảnh của nước mình khác hoàn cảnh của Âu, Mỹ. Dưới đây, tôi xin xét trước những tật không quan trọng mấy, gần như hoàn toàn do sinh lý, tức tật bú ngón tay, tật ở dơ, tật biếng ăn, tật sợ sệt. 2. Tật bú ngón tay Từ trước, người ta cho tật bú ngón tay là một tật xấu phải trừng-trị một cách nghiêm-khắc. Người ta ghê tởm cau mày, nổi giận, và nghĩ tới những hậu quả tai hại của thói đó mà chẳng một ai biết chắc chắn hậu quả đó ra sao. Gần đây người ta đã nghiên-cứu thói bú ngón tay của trẻ và nghiên-cứu luôn cả bản-năng bú của những loài có vú khi chúng còn nhỏ ; và phần-đông công-nhận rằng nguyên-nhân thói bú ngón tay là do nhu cầu bú của trẻ không được thỏa mãn. Ông David Levy, người Mỹ chuyên môn về vấn đề đó thấy rằng những trẻ cứ ba giờ được bú một lần thì bú ngón tay ít hơn những trẻ bốn giờ mới được bú một lần ; và những trẻ bú hai mươi phút đã xong bữa vì lỗ ở núm vú cao-su lớn quá, thì luôn luôn bú ngón tay nhiều hơn https://thuviensach.vn những trẻ bú hơn hai mươi phút mới xong bữa. Ông lại nuôi một bầy chó con, không cho chúng bú mẹ, mà bắt phải uống sữa do ông đổ vào mõm. Ngay từ những ngày đầu, những con chó đó mắc ngay tật bú và liếm ; chúng liếm chân chúng tới rụng hết lông. Ngoài nguyên-nhân đó hình như còn một nguyên nhân nữa : trẻ không được âu yếm, vuốt ve cũng bú ngón tay nhiều hơn. Dưới một tuổi, trẻ nào cũng có nhu cầu bú ngón tay hoặc đưa một cái gì vào miệng để nút. Chúng thấy sung sướng lạ, nếu nhu cầu đó được thỏa mãn. Miệng của chúng không phải chỉ để ăn, mà còn là một cơ quan gây khoái cảm ; cho nên gặp cái gì chúng cũng đưa lên miệng, cũng bú, cũng cạp, khó mà ngăn cấm chúng được. Lớn lên thì khoái cảm đó bớt đi, và chúng lần lần tự nhiên bỏ tật bú ngón tay. Vậy bú ngón tay không phải là một tật. Nó là một nhu cầu của trẻ khi chúng một tuổi ; chỉ khi nào trẻ năm, sáu tuổi mà còn bú ngón tay thì mới là một tật. Ta không nên ngăn cấm nhu-cầu đó, mà trái lại phải làm thỏa-mãn nó, cũng như phải thỏa mãn nhu cầu ăn, ngủ của chúng. Nhu cầu đó ở mỗi trẻ một khác : đứa nhiều, đứa ít ; nhưng xét chung thì những trẻ nuôi theo lối cổ, nghĩa là được mẹ cho bú liền mỗi khi chúng đòi ; rất ít khi có thói bú ngón tay. Do những nhận xét trên, các nhà bác-học rút ra được bài học dưới đây : - Cho trẻ bú tùy thích một thời-gian lâu lâu trong mỗi bữa bú. Nếu như vậy rồi mà trẻ vẫn bú ngón tay thì thu ngắn khoảng thời-gian giữa hai bữa bú lại, chẳng hạn trước bốn giờ mới cho bú một lần, bây giờ ba giờ cho bú một lần. Bà Anna W.M. Wolf còn bảo rằng cho trẻ bú theo lối cổ, mỗi khi chúng đòi, chớ không đợi đúng giờ, có lẽ là cách hay hơn cả. - Đừng hối trẻ trong khi chúng bú. Đợi chúng chán rồi mới rút núm vú ra. Bữa ăn của trẻ, cũng như của người lớn, không phải là một việc làm cho mau xong. Trẻ bú mà vui thích bao nhiêu thì tiêu hóa càng dễ bấy nhiêu. Đừng bắt trẻ thôi bú sớm quá ; nên nhớ rằng nhiều đứa tám hay mười tháng, chưa có thể thôi bú được. Và nên để chúng thôi bú từ từ, đừng ép chúng. https://thuviensach.vn - Khi sữa ra mau quá, chúng no rồi mà chưa thỏa nhu cầu bú, thì chúng dễ sinh ra bú ngon tay. Thấy vậy, ta phải thay núm vú cao-su, đục lỗ nhỏ hơn, để sữa ra chậm hơn mà chúng được bú thỏa-thuê. Nếu theo đúng như trên mà chúng vẫn còn bú ngón tay thì đành dùng đầu vú cao su cho chúng ngậm vậy, miễn là đầu vú đó phải sạch. Cách đó không có hại gì cho trẻ cả, mà còn có lợi ở chỗ, lớn lên trẻ dễ bỏ thói bú đầu vú cao su hơn là bỏ thói bú ngón tay. - Điều quan-trọng nhất là đừng rầy la, nghiêm cấm chúng, mà chúng có thể hóa khổ sở. Trung bình cứ ba đứa có một đứa bú ngón tay không nhiều thì ít. Phần đông tới hồi hai hay ba tuổi chúng sẽ tự nhiên bỏ thói đó, chẳng cần đợi ta răn bảo, vì lúc ấy chúng bú không thấy thích nữa. Nhưng cũng có đứa năm sáu tuổi thỉnh-thoảng còn bú ngón tay trước khi ngủ, hay mỗi khi mệt mỏi, bất bình điều gì. Đó cũng là chuyện thường, không đáng cho ta lo. Nhiều người ngại rằng để trẻ bú ngón tay thì khi mọc răng sữa, răng hàm trên sẽ vêu ra, mà răng hàm dưới nghiên vô trong. Nhưng theo ý kiến phần đông các nha y thì điều đó vô hại : khi lớp răng sau mọc thay lớp răng sữa, những tật đó sẽ mất, mà lúc đó trẻ đã sáu tuổi, không còn bú ngón tay nữa, hoặc chỉ bú rất ít thôi. https://thuviensach.vn CHƯƠNG II : TRẺ Ở DƠ « Kẻ nào thấy ở trong nhà mình những đứa trẻ đầy đất cát nhẩy nhót, té lăn rồi la khóc là kẻ ấy sung sướng ». Cổ thư Ấn-Độ 1. Chơi dơ Cha mẹ ai không muốn cho con sạch sẽ như những con búp-bế, nhưng trẻ bình thường thì không bao giờ ở sạch cả. Một hai tuổi, chúng chưa phân biệt được thế nào là dơ, là sạch ; lớn lên chút nữa, chúng phân biệt mà chưa hiểu được sự quan-trọng của tánh ở sạch. Chúng thích lê-la dưới đất, nghịch bùn, nghịch cát, chui vào những xó-xỉnh bụi-bậm để khám phá thế-giới ở chung quanh. Luật tự nhiên như vậy. Cấm chúng là ngăn cản chúng phát triển ; mà rầy la chúng hoài là « ở dơ như heo » thì chúng đã chẳng chừa, lại còn tức mình, ở dơ hơn nữa. Ông Beverly kể chuyện một bác-sĩ nọ lại thăm một trường học. Gần cuối giờ chơi, mười lăm đứa trẻ vừa đá banh xong, sắp hàng để vô lớp. Đứa nào đứa nấy quần áo dơ-dáy, mặt mày lem-luốc, mồ hôi nhễ nhãi, đưa bàn tay đầy đất cát quệt đại lên mặt. Cô giáo có vẻ hơi ngượng, rầy chúng là bẩn thỉu. Có hai đứa khác, cũng học một lớp, ăn mặc rất sang-trọng, sạch-sẽ. Hạng đó là hạng công-tử bột, nhút-nhát, không trẻ nào thèm chơi với. Bác-sĩ chỉ hai đứa đó, hỏi cô giáo : « Còn hai em nầy, cô thấy ra sao ? ». Cô đáp : « Dễ thương lắm ! ». Bác-sĩ mỉm cười bảo : « Tôi chắc chúng không sung sướng bằng những đứa kia, và có thể có bệnh được ». Quả thực, khi khám xong, ông thấy hai đứa đó đều đái dầm và tinh-thần không bình thường. Bà Anna W.M. Wolf cũng nhận xét như vậy và còn đi xa hơn nữa. Bà bảo ta phải khuyến-khích trẻ lê-la dưới đất. Khi chúng còn nhỏ thì tất nhiên phải có người coi chừng, đừng để chúng đưa những cây kim vào miệng ; còn đất cát thì mặc chúng, cứ tha hồ cho chúng vầy. Trước mỗi bữa ăn, tắm rửa cho chúng là đủ rồi ; ai sợ đất cát, vi-trùng quá thì đừng nên có con. https://thuviensach.vn Bạn thấy lời khuyên đó có trái hẳn với những lời của các bác-sĩ trong các sách dạy nuôi trẻ từ trước tới nay không ? Bà Wolf muốn trở về cách nuôi trẻ theo lối cổ. Có lẽ bà nói cũng hơi quá ; nhưng tôi nghĩ từ khi thuyết vi-trùng của Pasteur ra đời, lợi tất nhiên là vô cùng rồi, mà hại cũng không phải là nhỏ. Người ta sợ vi-trùng quá, hơi một chút là đề phòng – tôi biết một bà đốc-phủ nọ mỗi ngày rửa tay bằng xà-bông cả chục lần, hễ mó vào một vật gì xong là phải rửa liền, đến nỗi ông chồng phải gắt : « Bà rửa hoài như vậy, không sợ thối tay sao ? » – thành thử sức chống cự của cơ-thể suy đi, ta dễ đau ốm. Chịu thiệt thòi nhất là bọn trẻ con trong các nhà phong lưu : chúng không được biết cái thú nghịch đất cát nữa. 2. Ở dơ. Đừng bắt trẻ ở sạch quá sớm Ở dơ còn một hình-thức nữa là tiểu đại ngay trong quần hay trong giường. Về điểm nầy chúng ta cần phải xét kỹ ; và từ đây trở xuống tới cuối chương tôi xin dùng tiếng ở-dơ để chỉ riêng hình-thức đó, nhất là tật đái dầm. Ai cũng nghĩ rằng trẻ sớm ở sạch bao nhiêu thì càng ngoan bấy nhiêu, càng thông-minh bấy nhiêu, cho nên người ta rất nghiêm-khắc với trẻ về điều đó, bắt chúng tập ở sạch ngay từ khi chúng mới được một hai tháng. Tôi nói người ta đó là muốn chỉ hạng trung lưu trở lên, chớ không nói hạng nông dân, chưa chịu ảnh hưởng âu mỹ nhiều và chưa biết sợ nước tiểu của trẻ như chúng mình. Ban ngày cứ chốc chốc người ta lại bồng trẻ ra, xi chúng ; và ban đêm, chúng đương ngủ say, cũng đánh thức chúng dậy, bắt chúng phải đi tiểu cho kỳ được. Thấy chúng ở dơ thì người ta nhăn mặc rầy chúng, dọa chúng, có khi đánh đập chúng nữa. Người ta không hiểu rằng tập cho chúng quá sớm, đã chẳng có lợi mà còn tội-nghiệp cho chúng. Phải để cho chúng phát-triển lần-lần theo luật tạo hóa. Hồi mới được một tháng, chúng chưa biết gì cả, chỉ oe oe lên khi chúng tiểu trong giấc ngủ. Dần-dần chúng tiểu mỗi lần một nhiều hơn, và cách https://thuviensach.vn quãng xa hơn. Một tuổi, chúng mới bắt đầu sai khiến được ruột và bàng-quang, lúc đó mới nên tập cho chúng ở sạch. Khi được mười tám tháng, một đứa trẻ bình thường có thể ở sạch được rồi. Nếu chúng mắc lỗi vì mải chơi, thì chỉ bảo chúng : « Con không ngoan rồi đấy ; con đã lớn, muốn đi ngoài thì cho ba má hay chứ, như vậy dơ quần, con thấy không ? » rồi thay quần áo cho chúng, mà không nhắc tới nữa. Nếu bạn nào cho như vậy là khoan hồng quá, thì xin nghe câu chuyện dưới đây : Một bà mẹ kỹ tính khoe với bạn bè rằng đứa con gái của bà mới mười một tháng đã ở sạch. Hai năm sau, đứa trẻ đó lên ba, tỏ vẻ kinh-khủng mỗi khi phải đi cầu. Hồi bốn tuổi, nó bị bịnh bón ghê gớm ; mỗi lần phải gắng sức, nó la, khóc, và người ta thường phải cho nó uống thuốc xổ. Bác-sĩ nghiên-cứu trường-hợp của nó, thấy nguyên do tại bà mẹ quá nghiêm, rầy nó là « hôi thối », « ghê tởm », « không biết mắc cỡ », mỗi khi nó ở dơ. Một lần bà liệng một con chó con ra ngoài đồng, vì nó ỉa bậy trong nhà. Từ hôm đó đứa nhỏ sợ, cho sự bài tiết là nhơ nhuốc, và rán nhịn, lâu thành bệnh bón. Bà Wolf đã nói : « Ai sợ đất cát, vi trùng quá thì đừng nên có con ». Bà có thể thêm : « Ai sợ cứt đái của trẻ quá thì lại càng đừng nên có con ». 3. Nguyên nhân tật ở dơ : về sinh-lý – về tâm-lý Nếu trên ba tuổi mà trẻ vẫn thường ở dơ, thì ta phải tìm nguyên-nhân. Có những nguyên-nhân về sinh-lý và tâm-lý : - Về sinh-lý có thể thần-kinh của trẻ không được bình-thường ; trong trường-hợp đó trẻ thường vụng về, yếu đuối, lúc vui lúc buồn. Cũng có khi hạch ở trước cuống họng, hay hạch ở dưới óc bất túc, không điều hòa. Cũng có thể do vi-trùng colibacille ở trong ruột. 12 https://thuviensach.vn - Về tâm-lý, nguyên-nhân rất nhiều, vì tâm lý loài người thực rắc rối. Dưới đây, tôi chỉ xin kể vài nguyên nhân chính ; bạn nào muốn khảo-cứu thêm, nên đọc bài diễn-giảng L'énurésie của bác-sĩ André Berge đọc ở Trường cha mẹ tại Ba-Lê. Những cảm súc mạnh như sợ-sệt khi nghe kể chuyện ma hoặc coi một phim rùng-rợn có thể làm cho trẻ ở dơ. Có khi vui quá cũng là một nguyên nhân, như một đứa trẻ nọ cứ đêm trước khi đi nghỉ mát là làm ướt giường. Trường hợp đó có lẽ cũng thuộc về sinh lý vì sinh lý và tâm-lý vẫn có liên quan với nhau. Nhiều trẻ đái dầm để cho cha mẹ phải chú ý tới mình. Ông Adler kể chuyện một đứa nhỏ nọ mười một tuổi làm bộ ho gà, rồi cố ý làm ướt giường để cha mẹ nó săn-sóc nó, mà bớt gây lộn với nhau. Một đứa khác mồ côi mẹ hồi sáu tuổi rưỡi. Hai năm sau cha nó tục huyền, thì nó bắt đầu ở dơ trở lại. Nhưng chỉ ở dơ khi nó ở với cha nó thôi, còn khi nào về nhà bà ngoại thì nó rất sạch, vì bà ngoại nó săn-sóc nó gần như má nó còn không cần dùng tới cái thuật ở dơ để bắt người ta chú ý tới nó nữa. Ghen với em có lẽ là nguyên-nhân thường xảy ra nhất. Cha mẹ bao giờ cũng săn-sóc những đứa mới sanh hơn là đứa lớn. Đứa nầy thấy vậy vừa tức vừa tiếc cái thời được mẹ bồng-bế, ôm ấp, cho rằng em nhỏ đã cướp mất tình yêu của mẹ, rồi muốn làm ra bé trở lại để được cha mẹ nâng niu. Tâm-lý của em Marcel Z trong câu chuyện dưới đây thật lạ-lùng. Khi đứa em gái của nó mới sanh, nó chưa ghen gì hết. Nhưng ít tháng sau, ngày mà nó phải nhường phòng cho em qua nằm phòng khác thì nó bắt đầu đái dầm. Người ta đưa nó tới bác-sĩ André Berge. Ông nầy dùng thuật tâm phân, hỏi han nó, để nó kể lại những kỷ niệm cũ. Nó có vẻ không phàn-nàn gì về cái phòng mới của nó cả. Phòng nầy không rộng, không sáng bằng phòng cũ, nhưng « tường dán giấy hoa mới hơn ». Nó nhắc đi nhắc lại mấy tiếng « tường dán giấy hoa mới hơn », hình như để cố tin lời an-ủi đó của cha mẹ nó. Nhưng nó vẫn chưa tin được, vì sau nó lại bảo : « Ba má sơn lại phòng https://thuviensach.vn cũ cho em bé nằm ». Vậy là nó đã phẫn uất ngầm mà cả người lớn lẫn chính nó không hay. Mãi mười năm sau, bệnh đái dầm của nó mới hết, mà hết một cách đột ngột. Nó về nhà quê chơi với gia-đình nó và ít đứa bạn. Một hôm một đứa bạn từ biệt cha mẹ nó để về trước, thành thử có một phòng trống, nó xin dọn đồ qua phòng đó để ở. Chỉ còn ít bữa nữa nó cũng về thành, như vậy có lợi gì nhiều cho nó đâu mà lại làm phiền cho người nhà. Nhưng cha mẹ nó cũng chiều lòng và ngay từ đêm hôm đó bệnh cũ tuyệt hẳn. Có lẽ nó đã cảm thấy lờ-mờ rằng cha mẹ nó chiều nó như vậy là để chuộc sự bất công với nó mười năm trước. Nhưng tâm-lý nầy mới khó hiểu : có khi ở dơ đối với trẻ là một cách để tự phạt. Một đứa nhỏ nọ được cha mẹ cho nằm cái giường tốt đẹp của anh nó trong khi anh nó dưỡng bệnh ở nhà thương ; và từ đó đêm nào nó cũng làm ướt giường. Chắc-chắn là trong tâm tâm, nó như ân-hận rằng đã mong cho anh nó đi nằm nhà thương để được chiếm giường của anh nó, và nó phải làm ra bẩn thỉu để bị rầy, bị phạt, thì lương tâm nó mới được yên. Tôi xin thú thực với bạn rằng từ trước tôi không hề ngờ có những nguyên nhân về tâm lý kỳ-dị như vậy ; và hiện nay tôi còn muốn tin rằng trẻ Việt-Nam khác trẻ em Âu Mỹ. Nhưng dù sao những nhận xét kể trên cũng đáng cho ta suy nghĩ để tìm hiểu thêm trẻ con, một thế giới bí mật mà không một người nào có thể tự hào rằng đã khám phá được mọi uẩn khúc. 4. Đừng tin bác-sĩ Victor Pauchet Sau cùng, tôi xin khuyên bạn một điều nữa là đừng cho sự bài tiết đúng giờ mỗi ngày là điều kiện không thể thiếu của sức khỏe. Tôi nhớ hồi hai mươi lăm tuổi, đọc chương về bệnh bón trong cuốn Le chemin du bonheur của Bác-sĩ Victor Pauchet mà đâm hoảng. Tôi nghĩ đến những tỉ tỉ vi trùng ở trong ruột non ruột già nó sinh sôi nẩy nở với tốc độ nguyên tử mỗi khi tôi chậm đi cầu độ nửa ngày, rồi tưởng tượng ra đủ các thứ bệnh, và phải vội vàng lập ngay một chương trình vệ sinh đúng như https://thuviensach.vn Victor Pauchet đã chỉ : cũng một li đầy nước lạnh mỗi buổi sáng trước khi bước xuống sàn, cũng phải nửa giờ thể-dục mỗi ngày, nhất là vận động bắp thịt ở bụng – mà bụng tôi từ xưa tới nay có hồi nào bự đâu chứ – rồi cũng cữ cà-phê, cữ đồ nóng, ăn rất nhiều trái cây và rau… Nhưng sau sáu tháng, thấy mười phần bệnh không bớt được một, tôi đâm nghi ngờ bác-sĩ Pauchet. Tôi suy nghĩ, kinh nghiệm thấy nhiều người bón kinh niên mà vẫn mạnh, vẫn sống lâu, và tự nhủ : « Miễn mạnh thì thôi, đừng quan tâm tới sự bài tiết cho lắm ». Mới rồi đọc Beverly 13, tôi mừng đã gặp một bác-sĩ tri-kỷ. Ông bảo cơ thể chúng ta mỗi người một khác ; hễ đặt một một quy tắc chung cho mọi người là không hiểu chút gì về sinh lý. Có người bài tiết 24 giờ một lần, có người 18 giờ một lần, có người 32 giờ một lần, hoặc hơn nữa. Mỗi người lại có lúc thế nầy, lúc thế khác. Vậy ta không thể bắt trẻ phải như cái đồng hồ, cứ đúng giờ thì gõ chuông. Bắt chúng nín hơi, rặn tới đỏ mặt tía tai, rồi lại đè chúng ra bơm mỗi ngày, tội nghiệp chúng quá ! Một đứa trẻ bị mẹ hành hạ như vậy – bà ta là tín đồ của Pauchet – mà hóa sợ đi cầu như sợ bị thọc tiết, sau hóa ra bướng-bỉnh, quạu cọ, sợ sệt, oán thù, lúc nào cũng đau khổ chán chường. Pauchet nếu còn sống đọc đoạn đó của Beverly, chắc chắn sẽ bảo : « Đúng rồi. Tại nó bón ». https://thuviensach.vn CHƯƠNG III : TRẺ BIẾNG ĂN 1. Một vấn đề gay-go trong nhiều gia-đình Ăn là một lạc thú của loài người. Thú đó ở trẻ lại càng mạnh vì chúng chưa cảm được những hạnh-phúc cao cả về tinh-thần như người lớn. Vậy mà vấn-đề ăn của trẻ lại là vấn-đề làm cho hầu hết mọi gia-đình lo-lắng nhiều hơn cả, nhất là trong những gia-đình phong-lưu. Người ta tin rằng cứ mỗi ngày ba hay bốn bữa, tới đúng những giờ nào đó, mà trẻ không ăn đủ bấy nhiêu chén cơm, bấy nhiêu thức ăn, để cho có đủ bấy nhiêu ca-lô-ri, thì trẻ sẽ đau ốm. Và người ta sợ lắm. Người ta tìm đủ cách, làm đủ trò để dỗ trẻ : « Cưng, rán ăn đi cưng, chóng ngoan, không má giận, nào há miệng ra nào. Thôi má không thèm may áo tốt, không thèm mua búp-bế cho con nữa. Con búp-bế ở tiệm gì đường Tự-Do ấy, chị vú nhỉ ? đẹp quá. Con thích nó không ?… ». Có khi ba làm trò cười, trổ hết tài cho bé thích, bé cười và nhanh như cắt, chị vú thừa cơ đút ngay vào miệng bé một thìa cơm. Bé đành ngậm miệng lại, nhưng cứ ngậm bung búng hoài, không chịu nuốt. Ba má lắc đầu, thở dài ; giận quá, người ta phải đánh ; nó sợ, rán nuốt, mà nuốt không được, phải phun ra, bắn cả vào mặt mọi người. Người ta lo lắng dắt nó tới ba bốn ông bác-sĩ. Ông nào cũng thấy nó không có bệnh gì cả, nhưng cũng kê một toa gồm những thuốc bổ gan, bổ bao tử, bổ huyết… mà cũng vô hiệu vì nguyên nhân không phải ở đó. 2. Biếng ăn có khi là luật tự nhiên Tất nhiên cũng có nhiều trẻ biếng ăn vì có bệnh (vì thiếu sinh tố, hoặc vì hạch thượng thận, hạch ở trước cuống họng, phát-triển không điều hòa…) ; trường-hợp đó dễ nhận được lắm : trẻ xanh xao, không vui vẻ, hoạt động. Nhưng những trẻ vẫn chơi, ngủ như thường mà biếng ăn thì nguyên do chỉ tại trời sinh chúng vậy. Một lỗi lầm rất lớn của chúng ta là tin rằng trẻ nào cũng phải như nhau, phải đúng với cái « mẫu » trẻ mà ta đặt ra : tới tuổi đó thì phải ăn bấy nhiêu, https://thuviensach.vn ngủ bấy nhiêu, cân nặng bấy nhiêu… Luật tạo-hóa không máy-móc như vậy. Đã đành trẻ nào cũng theo luật sinh-lý, tâm lý chung, nhưng trong cái đại đồng đó, có không biết bao nhiêu là tiểu dị và mỗi trẻ là một thế giới riêng, không giống với một trẻ nào khác. Cả những anh em sinh đôi cũng khác nhau xa, trừ trường hợp hai đứa đều do một trứng mà ra. 14 Ở một chương trên tôi đã nói trẻ có thể chia làm ba hạng : hạng bẩm sinh ốm yếu, xương nhỏ, bắp thịt nhỏ, ăn ít, chậm lớn, tẩm bổ tới mấy cũng không sao mạnh bằng một hạng nữa mới sanh ra đã lực-lưỡng, ngực lớn, nặng cân, ăn nhiều, ngủ nhiều ; còn hạng thứ ba thì hồi nhỏ cũng mảnh khảnh như hạng thứ nhất, cũng ăn ít, gầy còm, nhưng tới tuổi dậy-thì bỗng nhiên thay đổi hẳn, chỉ trong ít năm, theo kịp hạng thứ nhì. Người ta đã nhận thấy rằng 80% trẻ em trong gia-đình phong lưu thuộc về hạng thứ ba đó. Chúng đều biếng ăn, cứ để mặc chúng thì lớn lên chúng cũng lực-lưỡng. Nhưng người ta cứ ép chúng ăn. Càng ép, chúng càng sợ ăn và kết-quả càng tai hại. Người ta đã thí-nghiệm về loài chó, cho chúng một miếng thịt ; chúng lại gần và tức thì cơ-quan tiêu hóa của chúng hoạt-động rất mạnh, nước miếng, nước vị toan, nước lá lách, nước mật đều tiết ra, bao tử và ruột đều vận-động. Trong khi chúng đương ăn, nếu ta giật miếng thịt lại, đuổi chúng đi, thì những hoạt-động sinh-lý kể trên ngưng liền, phải đợi một vài giờ sau mới trở lại như cũ. Loài người cũng vậy, mà còn khó quên cảm xúc hơn loài vật ; cho nên đương ăn có điều gì bất bình thì chẳng những bữa đó, mà có khi hai ba bữa sau nữa, ta ăn mất ngon đi. Câu « Trời đánh cũng tránh bữa ăn » của ta thực thâm-thúy. Thế mà ta ép trẻ ăn, dọa nạt nó nữa thì có vô lý không chứ ? Làm sao chúng không ụa mửa, rồi sinh chứng mất ăn, chứng đau bao tử ? Vậy nếu trẻ đã không muốn ăn thì cho nó thôi, đừng cố đút cho nó nữa. Ta cứ theo nhu cầu tự-nhiên của nó. Những khi chúng đau mới mạnh, chưa https://thuviensach.vn thèm ăn, cũng đừng nóng lòng bắt chúng ăn nhiều để mau lại sức. Chúng ăn ít mà vui thích thì cũng đủ bồi bổ cơ thể dần dần rồi. Ông André Berge, trong cuốn Education Familiale khuyên ta dùng những thuật để lừa trẻ, bắt chúng ăn thêm. Chẳng hạn một đứa nhỏ nọ ngán món xúp mà các y sĩ bảo là đại bổ, cần-thiết cho sức khỏe. Ba má nó dỗ dành đủ cách mà vô hiệu. Sau bà mẹ vuốt ve chiếc bánh mì nướng, bẻ vài miếng bảo nó : « Con ngó nầy, những con vịt con đây nè. Liệng nó xuống hồ đi ». Cái hồ đó là chén xúp. Đứa nhỏ thích, ngó « vịt » nổi, rồi ngoan-ngoãn để « vịt » chui vào miệng : « Mau mau con ; thêm ít nước nữa để vịt lội chứ ! ». Thế là một thìa xúp nữa theo « vịt » vô bao tử. Thuật đó lâu-lâu dùng một lần thì cũng được ; nhưng theo tôi không có lợi gì cho trẻ bao nhiêu, vì nếu cơ thể của chúng đòi ăn, thì ta chẳng phải dùng tới thuật. Lời khuyên của bác-sĩ Benjamin Spock đáng theo hơn. Ông bảo khi trẻ biếng ăn thì cứ tự-nhiên, đừng ép buộc cũng đừng khuyến-khích. Chúng nhè ra, ta cũng đừng tỏ vẻ buồn, mà chúng ăn thêm được một miếng thì cũng đừng lộ vẻ vui. Chỉ trong ít lâu, ta quen đi không để ý đến sự biếng ăn của chúng, và khi chúng thấy không ai ép chúng ăn nữa thì tự-nhiên sẽ thấy thèm ăn. Trong khoảng thời gian đó, ta cứ dọn món ăn cho chúng như thường ; chừng nửa giờ sau, nếu chúng không ăn thì cất đi. Nhưng nhất định thản nhiên, đừng bực mình ; vì nhiều trẻ nhất là hạng sáu tuổi có tánh ăn hiếp người lớn, khi thấy ta giận-dữ, chúng đã chẳng sợ, còn làm già để ta phải chịu thua. Bạn nên nhớ mới đầu dọn những món mà chúng thích nhất, đừng bao giờ dọn những món chúng ghét, như vậy trong hai tuần ; khi chúng đã bắt đầu thấy thích ăn rồi, thì lần-lần thay những món khác. Và dọn cho chúng ít ít thôi, chẳng hạn chúng ăn được một chén đầy thì chỉ dọn lưng chén để chúng thấy thèm. Khi chúng ăn hết, đừng vội hỏi : « Con muốn ăn thêm không ? » ; đợi khi nào chúng đòi mới cho thêm. https://thuviensach.vn Đừng dỗ chúng hễ ăn hết thì kể một truyện cổ tích cho nghe, hoặc khều ông trăng xuống cho chơi, hoặc cho một cái kẹo, một miếng xúc-cù-là. 3. Trẻ có bản năng tự lựa thức ăn Nhiều khi trẻ khó tính nhất-định không ăn những món mà ta cho là bổ, là cần thiết cho sức khỏe. Đưa món xúp bò, chúng lắc ; món trứng chiên, chúng cũng lắc ; đậu cũng không ăn, cá cũng không. Gặp trường-hợp đó ta phải xét nguyên nhân. Nếu chúng bướng-bỉnh, muốn chống lại ta thì ta cứ thản-nhiên, dẹp món ăn đi. Nếu chúng ngán những món đó thật, chỉ ăn rau muống hoặc cà hàng tuần, hàng tháng, thì ta cũng mặc, đừng lo gì cả vì trẻ có bản năng tự lựa những thức ăn cần thiết cho cơ thể. Bác-sĩ Clara Davis ở dưỡng-đường Cleveland (Ohio) mấy năm trường đã làm một thí-nghiệm rất lý-thú về cách trẻ tự chọn thức ăn. Ông không lựa những trẻ hai ba tuổi trở lên, sợ chúng đã có thói quen ăn thức nầy, ghét thức kia mà thí-nghiệm sẽ sai. Ông nhận xét ba đứa từ tám đến mười tháng trước kia chỉ bú sữa mẹ. Cứ tới mỗi bữa một nữ điều dưỡng dọn bảy, tám đĩa chứa nhiều món ăn khác nhau ; rau, bánh mì, sữa, nước lã, nước trái cây… Cô nữ điều dưỡng chỉ có mỗi một việc là đợi em nào đòi món nào thì đưa cho nó món đó rồi ghi vào sổ. Chẳng hạn em bé tám tháng đưa tay với đĩa củ cải đỏ, cô đút cho em một muỗng củ cải đỏ rồi đứng đợi ; nếu nó đòi món đó nữa thì lại đưa nữa, nếu đòi món khác thì đưa món khác. Kết-quả, người ta phát giác được ba điều quan-trọng nầy : 1) Những em được tự do lựa lấy thức ăn thì phát triển rất điều-hòa, không mập quá mà cũng không ốm. 2) Sau một thời gian, những em đó tự lựa được đủ những món có những chất bổ cần thiết cho cơ-thể. 3) Có bữa chúng ăn nhiều, có bữa ăn ít, không nhất-định gì cả. https://thuviensach.vn Một em ăn rau luôn trong nhiều bữa rồi thôi, ăn toàn bánh mì. Ít bữa sau lại đổi ý, ăn toàn củ cải đỏ. Thành thử sau mỗi bữa em có dư chất bổ của rau, hay bánh hay củ-cải đỏ, vì mỗi bữa em ăn mỗi món đó nhiều gấp bốn người lớn. Nhưng em vẫn tiêu hóa được, không đau bụng, không ụa mửa, không tháo dạ. Có bữa em uống gần hết một lít sữa, có bữa nhìn đến sữa là quay mặt đi. Một em khác, ăn xong một bữa bình-thường rồi, còn nuốt thêm được sáu hột gà luộc nữa ! Lần khác em ăn được bốn trái chuối một lúc. Một em nữa, ăn thịt bò theo cách dưới đây : mới đầu ăn một số bình thường, rồi mỗi bữa mỗi tăng, tới khi ăn gấp bốn số bình-thường ; em ngưng lại ở mức đó trong nhiều ngày, sau cùng giảm lần-lần đi. Như vậy là cơ thể em đòi hỏi chất bổ của thịt bò, đến khi có đủ rồi thì thôi. Nhiều bác-sĩ khác làm lại thí nghiệm đó với các trẻ lớn hơn. Kết quả đều như nhau. Đặc biệt nhất là một em bị chứng đẹn, chậm lớn, đòi uống hoài dầu cá thu ; em đã tự tìm được thứ thuốc hiệu-nghiệm nhất để tự chữa bệnh. Một điều đáng ghi nữa là em nào cũng thích bữa ăn, vui-vẻ, khỏe mạnh, suốt trong sáu tháng thí-nghiệm. Chúng phát triển rất điều-hòa, tập được thói tự ăn lấy, và dạy cho ta được nhiều bài học. Bài học thứ nhất là trẻ khôn hơn ta trong sự lựa món ăn cần thiết, vì chỉ có cơ-thể chúng mới biết được thiếu những chất nào, dư những chất nào. Bài học thứ nhì là đừng lo sợ gì cả khi thấy chúng chỉ ăn toàn một món trong nhiều bữa. Nếu chúng thích cá thì cứ cho chúng ăn cá. Nhiều vị bác học bảo một đứa trẻ nặng bao nhiêu kí-lô thì mỗi ngày cần phải ăn bấy nhiêu chất bổ nầy, bấy nhiêu chất bổ nọ ; nhưng người ta quên rằng cả triệu năm trước, tổ tiên ta chỉ ăn uống theo bản năng, chứ có theo khoa-học đâu. Mà loài vật cũng vậy. Mỗi loài sâu biết tự kiếm lấy thứ lá thích-hợp với nó : tầm chỉ ăn lá dâu, mà sâu mặt nưa chỉ ăn lá cây mặt nưa. Chim cũng vậy, mà bò, dê, ngựa… cũng vậy. Đã đành biết được những chất cần cho cơ-thể vẫn là điều có ích, vì nhờ đó ta có thể tìm những món bổ ích để trẻ lựa ; nhưng ta https://thuviensach.vn